Ngày 04-09-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:28 04/09/2024

26. Cầu nguyện là con đường tắt toàn vẹn.

(Thánh Ignatius of Loyola)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:34 04/09/2024
51. NHIỀU CÁCH NHẬN BẠN THÂN

Ngải Tử và người bạn cùng sánh vai đi trên đường.

Một cái kiệu đi đến qua trước mặt, người bạn nói:

- “Người trong kiệu là người thân của tôi, chúng ta núp bên đường để tránh ông ta xuống kiệu chào hỏi.”

Hai người núp bên đường không lâu, thì lại có người ngồi xe đến đi ngang trước mặt, người bạn ấy lại nói với Ngải Tử:

- “Đó là người bạn của tôi, chúng ta núp chút nữa để anh ta khỏi xuống xe hàn huyên.”

Trên đường đi, người bạn vẫn cứ dùng câu ấy để nói, phía trước tiến lại một người đang đùa với rắn, rồi lại đi đến một người biết làm ma thuật, họ mặc áo quần chỗ rách chỗ vá không ra dáng gì cả.

Ngải Tử cũng kéo người bạn sát bên đường, nói:

- “Đây là người thân của tôi, và đó là bạn của tôi, chúng ta núp chút xíu đã !”

Người bạn hỏi:

- “Ông làm gì mà có nhiều người thân và bạn bè nghèo mạt thế?”

Ngải Tử trả lời:

- “Người giàu, người quyền quý đều bị ông nhận cả rồi, thì tôi còn cách gì nhận được nữa?”

(Ngải Tử hậu ngữ)

Suy tư 51:

Có người thấy người giàu sang quyền quý thì nhận làm bạn, dù rằng không quen biết; có người thấy người nghèo thì không nhận làm bạn bè, dù rằng đã quen biết thân thiết rất lâu…

Giàu sang phú quý là tiêu chuẩn để nhận bạn bè thân quen của người ham danh lợi phù vân, cho nên những người này thường có thái độ hồ hởi bên ngoài đến mức gượng gạo, nhưng trong lòng thì lắm âm mưu và nịnh hót; nghèo hèn là cái “tội” lớn nhất của người nghèo, bởi vì cái “tội” ấy mà họ bị bà con xa lánh, khinh bỉ và hiếp đáp…

Trên đời này không có gì cao quý cho bằng ân sủng của Thiên Chúa, cũng không có ai giàu sang cho bằng Thiên Chúa, vậy mà trên thế giới có rất ít người đến với Ngài, rất ít người nhận Ngài là người quen biết thân thiết của mình, kể cả những người Ki-tô hữu, đó là một bất công của con người dành cho Thiên Chúa, cái bất công này sẽ được Thiên Chúa đòi lại khi chúng ta từ giả cuộc đời này…

Thấy người giàu sang quyền quý mà nhận làm bạn khi trong lòng đầy những mưu tính chiếm đoạt, là một hành vi bất chính và không công đạo, nhưng không nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng mà mình cần phải biết trong cuộc sống thì lại càng khốn nạn hơn, bởi vì Ngài chính là căn nguyên của mọi sự trên thế gian này…

Tôi là người Ki-tô “chính hiệu”, nghĩa là tôi luôn tham dự thánh lễ, siêng năng tham dự các bí tích, thế nhưng trong cuộc sống thường ngày có những lúc tôi vẫn cứ đem Thiên Chúa ra so sánh với người giàu có thế gian: ai là người giàu có hơn, khi tôi vì sợ mất lòng người giàu có mà không tham dự thánh lễ ngày chúa nhật…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 05/09: Ấn tượng khó phai với lần đầu gặp gỡ Đức Kitô – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
01:53 04/09/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.

Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ, Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

Đó là lời Chúa
 
Niềm vui có Chúa
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
06:47 04/09/2024
SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXII – B
(Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23)
Niềm vui có Chúa

"Niềm vui có Chúa". Hỏi : Niềm vui có Chúa đến từ nơi nao? Thưa : Chúa là nguồn vui, có Chúa sẽ có niềm vui ngập tràn. Theo Thánh Phaolô, niềm vui này "xuất phát từ mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô, từ sức mạnh phục sinh của Người". Đức Thánh Cha Phanxicô thì nói : "Niềm vui Kitô giáo đến từ chính Thiên Chúa". Đức Cố Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khẳng định : Niềm vui đến từ đức tin : "Tôi được yêu mến. Tôi có một vai trò trong lịch sử. Tôi được đón nhận, được yêu thương".

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta niềm vui của dân Israel, niềm vui của kẻ điếc người câm, nay cả hai kẻ nghe được, người nói được. Vui quá !

Niềm vui cho dân Israel

thấy cảnh cùng cực của dân Chúa thời Cựu Ước khi phải đi đầy, lâm vào cảnh nước mất nhà tan, quê hương bị ngoại bang chiếm đóng, phần lớn dân chúng bị bắt đem đi phục dịch và nô dịch cho đế quốc xâm lược, thời gian lưu đày dường như muốn kéo dài đến vô tận. Bỗng ngôn sứ Isaia loan báo về triều đại của Thiên Chúa ngự trị. Mọi người sẽ sống hạnh phúc trong vương quốc của Người; nơi đó người câm nói được, kẻ điếc nghe được, người què nhảy nhót… mọi người rạo rực niềm vui.

Đến thời Chúa Giêsu, vùng Tia tới sion, bao kẻ mù què, câm điếc được chữa lành, họ tràn nghiệp niềm vui.

Tóm lại : có Chúa sẽ có niềm vui, Chúa là niềm vui cho dân Chúa.

Niềm vui cho dân Israel

Trong lúc dân Israel thời Isaia đang ở trong tình trạng bi đát. Quê hương bị ngoại bang chiếm đóng. Phần lớn dân chúng bị bắt đem đi phục dịch và nô dịch cho đế quốc xâm lược. Thời gian lưu đày dường như muốn kéo dài đến vô tận.

Đang lúc lối tận, đường cùng, quẫn bách như thế, những lời lẽ dịu dàng của Thiên Chúa phán qua miệng Isaia mang đến cho dân Chúa đang bị xao xuyến trong cảnh lưu đày lòng tràn ngập niềm vui : "Can đảm lên, đừng sợ ! Này đây Thiên Chúa các người đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các người" (Is 35, 4). Chúa sai ông đến với những kẻ lòng đang "hốt hoảng" và bảo họ: hãy phấn khởi lên, đừng sợ; này Chúa đang đến trả oán (kẻ cường bạo); nhưng với dân của Israel thì đó là thời gian cứu độ. Mắt kẻ mù sẽ mở, tai kẻ điếc sẽ thông, lưỡi người câm sẽ nói; và nước sẽ phun trong sa mạc.

Thật ủi an biết bao, bởi dân Chúa cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, mình là đối tượng của lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Lòng thương xót ấy nay thể hiện cụ thể nơi lời nói cũng như việc làm của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người.

Niềm vui cho con người thời Chúa Giêsu

"Effatà - Hãy mở ra"(Mc 7, 34). Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa Cha tình yêu, đến để hoàn tất lời hứa, mang lại niềm vui cho con người. Lời Chúa Giêsu hô to sau hơi thở dài trước mặt người câm điếc, với bàn tay đưa ra đụng vào tai và lưỡi anh ấy, "tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng"(Mc 7, 37). Ta đặt mình vào địa vị của những người được Chúa Giêsu chưa mới thấy được họ vui biết chừng nào.

Từ việc chữa lành người câm điếc "mở ra" cho cho thế giới chúng ta một sự khởi đầu với các quan năng nghe Lời Chúa và cất lời ca tụng những điều kỳ diệu của Chúa. Chúa đã làm người để con người bị câm điếc bên trong do tội lỗi có khả năng nghe tiếng Chúa, tiếng của tình yêu nói với con tim, và dạy con người học nói thứ ngôn ngữ của tình yêu, và thông truyền cho nhau những công trình tốt đẹp Chúa đã làm trong niềm vui ơn cứu độ.

Thế giới đang cần niềm vui của Chúa

Ngày nay nhiều người mất khả năng nghe lời Chúa và tiếng nói của đồng loại. Có người mất khả năng nói ngôn ngữ của tình yêu, hòa bình và xây dựng với chính mình cũng như tha nhân. Có người mù không nhìn thấy những điều kỳ diệu của Đấng Sáng Tạo mà ca tụng Chúa, cũng như không thấy được sự tốt đẹp nơi tha nhân. Đời chẳng mấy vui.

Isaia loan báo, sẽ đến ngày Thiên Chúa đến đem lại niềm vui khi mở mắt người mù, mở tai người điếc, cho người què đi được và người câm nói được. Tin Mừng cho thấy, Chúa Giêsu đã thực hiện lời Isaia tiên báo năm xưa là chữa lành cho người câm điếc để anh nghe và nói được. Hành động Chúa kéo anh ta ra khỏi đám đông hỗn độn gồm cả dân ngoại lẫn dân Do Thái để anh thuộc về Chúa chứ không còn thuộc về loài người nữa. Chúa Giêsu đặt tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh chứng tỏ Chúa không chỉ đụng chạm đến tai, đến miệng của anh, mà Chúa còn chạm đến trọn con người, gồm trái tim và tâm hồn anh nữa. Chúa Giêsu không chỉ chữa anh khỏi câm, ngọng, Chúa còn mở tai, mở mắt tâm hồn để anh có thể nhận ra Người là Thiên Chúa quyền năng và lắng nghe Lời của Chúa.

Ngày nay, có quá nhiều tiếng ồn bên ngoài và cả bên trong ta, như âm thanh của tiền bạc, danh vọng và các thú vui, làm giảm khả năng nghe, nhìn và nói về Thiên Chúa, lời Chúa không thấm vào tâm hồn chúng ta được khiến chúng ta mất vui. Nhiều người mất khả năng lắng nghe nhau bởi họ không muốn nghe người khác hay họ nói nhiều hơn nghe. Nguy hiểm hơn là tình trạng câm điếc trong tâm hồn đang xảy ra nơi chúng ta, khiến ta không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, không nhìn thấy những việc tốt đẹp Chúa làm trong đời ta. Có người điếc vì làm ngơ trước lời kêu cứu của anh chị em đang gặp khổ đau. Có người câm vì sợ hãi không dám nói lên sự thật và không dám bênh vực sự thật. Có nhiều người vì quyền lợi, địa vị hoặc vì một thứ bổng lộc nào đó của xã hội, mà chấp nhận biến mình thành kẻ câm, điếc hoặc mù lòa. Thế giới thiếu vắng niềm vui.

Lạy Chúa, xin đến chạm vào tai, môi miệng và mắt con, để con nghe được tiếng Chúa, thấy được tha nhân và ca tụng Chúa đến muôn thủa muôn đời. Amen.
 
Bắt đầu lại
Lm. Minh Anh
17:57 04/09/2024
BẮT ĐẦU LẠI
“Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả!”; “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá!”.

“Kẻ nào vấp ngã trên đường đi, dù có tiến về phía trước ‘ít đến đâu’, thì cũng luôn ‘tiến gần hơn một chút đến đích’ của cuộc hành trình; nhưng kẻ nào chạy ra khỏi đường đi, ‘càng chạy thì càng xa đích’ của cuộc hành trình!” - Tôma Aquinô.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cho thấy, biết bao lần, chúng ta “vấp ngã trên đường đi” hay “không bắt được gì cả” khi thất vọng và cay đắng - hai hạt giống nguy hiểm - dâng trào. Chúa Giêsu đã làm gì? Ngài chọn leo lên thuyền của chúng ta, để bạn và tôi có thể ‘bắt đầu lại’.

Leo lên thuyền! Lạ thay, Chúa Giêsu muốn công bố Tin Vui từ đó. Chính chiếc thuyền trống rỗng đó - biểu tượng cho sự bất lực của chúng ta - đã trở thành “cathedra” của Chúa Giêsu. Đó là ngai toà, bục giảng mà Ngài công bố Lời Hằng Sống! Và đây là điều Chúa Giêsu thích làm: leo lên thuyền cuộc đời mỗi người khi chúng ta chẳng có gì để dâng cho Ngài. Ngài leo lên con thuyền trống trơn đó để lấp đầy nó bằng sự hiện diện của Ngài; sử dụng sự nghèo khó của chúng ta để công bố sự giàu có của Ngài; sử dụng những đau khổ của chúng ta để công bố lòng thương xót của Ngài. Cũng từ đó, nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, chúng ta ‘bắt đầu lại’.

Với Chúa Giêsu, chúng ta chèo ngược trên sóng biển cuộc đời mà không sợ hãi, không đầu hàng thất vọng khi không bắt được gì, và không từ bỏ khi nói rằng, “không còn gì có thể làm được nữa!”. Trong cuộc sống cá nhân cũng như cuộc sống Giáo Hội và xã hội, luôn có một điều gì đó đẹp đẽ và hấp dẫn để thực hiện. Bạn có thể ‘bắt đầu lại!’. Chúa luôn mời gọi chúng ta đứng dậy vì chính Ngài sẽ ‘mở ra những khả năng mới’.

“Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá!”. Trên con thuyền cuộc đời mỗi người, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta để ‘cuộc sống mình’ cho Ngài tự do sử dụng, Ngài sẽ chỉ cho mỗi người biết Ngài muốn hướng dẫn cuộc sống của chúng ta đến đâu, hầu nó có thể trở nên hữu ích giữa một xã hội ngày càng xa cách Tin Mừng và rất cần Tin Mừng. “Chèo ra chỗ nước sâu!”. Đề xuất này đầy cảm hứng đang khi chúng ta chỉ muốn ‘hạnh phúc’ sống chung với nỗi sợ của mình và những muốn thoát khỏi chúng vì e rằng, “người ta sẽ nói gì?”.

Anh Chị em,

“Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá!”. Chúa Giêsu phát lệnh “Ra khơi!”. Đừng tìm cách ở lại bên bờ của một thế giới đang sống mà quy về mình quá mức. Đừng lần thần trong ‘cảng ích kỷ’ nhưng chèo ra chỗ nước sâu, lao ra những chân trời ngoại vi. Trực chỉ những chân trời mới chính xác là những chân trời xa hơn những chân trời hạn chế cuộc sống thường ngày tầm thường của bạn với thất vọng và cay đắng khi xem ra “không bắt được gì!”. Hành trình qua biển đời phải đưa chúng ta đến bến cảng trên miền đất hứa, đích đến của nó là thiên đàng; nhưng hành trình đó cũng không thể tách rời công việc của con người - của bạn, của tôi - khỏi việc phục vụ tha nhân trên con thuyền Giáo Hội và xã hội; ở đó, chúng ta ‘bắt đầu lại’ mỗi ngày.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con mãn nguyện với những con cá quèn của ao đầm. Xin bước lên thuyền đời con, để hôm nay, con ‘bắt đầu lại’, ra chỗ nước sâu, lưới ‘cá lớn!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Nay Trên Hè Phố
Nguyễn Trung Tây
19:57 04/09/2024
Lm Nguyễn Trung Tây:
Thánh Ca - Nay Trên Hè Phố

https://www.youtube.com/watch?v=1e0tR-1lp0U

Sáng nay làm lễ, đọc bài Phúc Âm Đức Giêsu gọi những người ngư phủ bên Bờ Biển Hồ, nghĩ tới EM, những người một thời sống với THẢO MA, những người một thời sống và làm việc ở LẦU XANH...

Nay, con cực nhọc ngược xuôi,
Lề hè phố đôi chân mốc đen bước vội.
Chuyện một thời con đi buôn "muối".
Hàng trắng, thuốc lắc, thuốc E!
Một tay con hít, một tay con gói...
Chúa đứng gọi bên đường biên giới...
Con trắng tay... Con bỏ nghề.

Xưa, ngư phủ Biển Hồ chài cá kiếm sống,
Nay, con lang thang phố phường,
Kiếm tìm những tờ giấy thiên hạ gọi tiền,
Cũng vẫn những tờ giấy, cùng kích thước, cùng sắc mầu, cùng mệnh giá,
nhưng giờ không còn ướp đẫm mùi hương!
Nhờ Lòng Chúa Thương Xót.
Giờ con giản dị bà ba...
Mặt phụ nữ hai mươi không son phấn, đẫm mồ hôi. Mặt trời nhiệt đới đốt cháy tóc, nhuộm đen làn da.
Hồn thanh thản nhẹ nhàng.
Bình dị! Hạnh phúc! Rộn ràng đan nối những bước chân bán hàng rong.

Lời Nguyện: Lạy Ngài! Xin cho con thấy!
 
Hãy mở ra ! Epphata
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
23:08 04/09/2024
HÃY MỞ RA! (Chúa Nhật XXIII TN B)

Với căn tính xã hội, con người là hữu thể trong tương quan liên vị. Tôi chỉ thực sự là tôi trong tương quan với một ai đó. Chính vì thế sự tương quan liên vị là một nhu cầu sinh tồn của con người. Sự tương quan này được thể hiện rõ nét qua sự tiếp xúc. Một trong những cách thế để tiếp xúc hữu hiệu với tha nhân là đối thoại tức là nghe và nói. Thật bất hạnh cho những ai thiếu hay mất khả năng nói và nghe. Thoạt sinh ra mà bị câm điếc thì đúng là kém may mắn. Dân gian truyền miệng rằng hễ một người câm, không nói được thì trời cho điếc luôn để khỏi uất ức, tức tối khi nghe những lời không hay về mình mà không phản bác lại được. Thế nhưng y học thì cho thấy ngược lại: chính vì bị điếc nên người ta mới bị câm. Vì không nghe được nên con người không thể tập nói. Trẻ nói được là nhờ bắt chước, lặp lại những gì đã nghe.

Bài Tin mừng Chúa Nhật XXIII TN B tường thuật chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người câm điếc mà dịch chính xác hơn là điếc và ngọng. Đây là một trong những dấu chỉ của thời Thiên Sai mà Thánh kinh đã loan báo. Mất đi khả năng nghe và nói xét về thể lý là một khốn khổ và bất hạnh. Thế nhưng sự bất hạnh và khốn khổ ấy dường như chỉ hạn hẹp ở đương sự và có chăng là nơi vài người thân thích. Tuy nhiên nếu xét về bệnh điếc, câm hay ngọng về tinh thần thì sự khốn khổ và bất hạnh nó di hại cho nhiều người và hậu quả cũng khó mà khắc phục. Dù hai lãnh vực thể lý và tinh thần tuy khác nhau nhưng có sự trùng hợp đó là do bởi điếc (không nghe được, không chịu nghe, nghe không rõ, không đúng, không chính xác) nên người ta đâm ra điếc hay ngọng là không nói được hay nói không được những điều cần nói, nên nói và phải nói. Ở đây chúng ta đặc biệt phân tích về căn bệnh tinh thần. Với các bài Thánh Kinh được trích đọc trong Chúa Nhật XXIII TN B này, chúng ta có thể tìm ra một vài nguyên nhân chính của căn bệnh câm điếc.

1.Thiên Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách thế, tuy nhiên cách thế thông thường mà Người phán dạy chúng ta là qua con người mà đa số là những người phận nhỏ. Đọc lịch sử thánh, chúng ta nhận ra điều này: ngoài những dấu lạ điềm thiêng thì “thuở xưa, nhiều lần và nhiều cách Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1). Con Thiên Chúa đã làm người trong thân phận nghèo hèn, ngay hoàn cảnh chào đời đến thời gian khôn lớn. Chúa Giêsu đã chọn gọi mười hai người cộng tác đặt làm tông đồ để rao giảng Lời Thiên Chúa vốn là những người thấp cổ, bé phận.

Thánh Giacôbê Tông đồ qua bài đọc thứ hai cảnh tỉnh ta về cái lề thói thích thiên tư, gần gũi với những người sang giàu. Đây là một trong những nguyên cớ khiến ta bị điếc về tâm linh. Rất nhiều nhà lãnh đạo quốc gia hay tôn giáo vẫn có nghe nhưng họ thường nghe lời từ những người thuộc quyền thân cận. Và thế là nhiều khi có nghe cũng như không. Để khỏi bị điếc, tức là để nghe đúng, nghe chính xác thì không gì hơn là biết cúi xuống, gần dân, gần những người thấp cổ, bé phận, gần những người nghèo khổ lầm than.

2.Vẫn có đó nhiều người nghe rõ, nghe đúng, nhưng làm như không nghe, không biết. Biểu hiện nơi những người này là không dám nói, có nói thì nói không đúng hoặc nói kiểu nói ngọng. Bài đọc thứ nhất cho ta chìa khoá tìm ra nguyên nhân của căn bệnh này đó là sự sợ hãi, thiếu can đảm. Thiên Chúa truyền cho ngôn sứ Isaia: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ!”. Đức cố Gioan Phaolô II đã khai mở triều đại Giáo hoàng của Ngài với đoàn tín hữu bằng chính lời của Chúa Kitô: “Các con đừng sợ!” Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, không ít lần Chúa Kitô nhắn nhủ các môn đệ rằng “hãy can đảm lên, đừng sợ!” khi phải rao giảng chân lý. Và sau khi từ cõi chết sống lại thì hai từ “đừng sợ” vẫn được Người lặp đi lặp lại nhiều lần.

Sợ khổ, sợ bị thua thiệt, sợ bị bách hại…là những cái sợ khiến nhiều người hành xữ như chẳng thấy, chẳng nghe và họ đã không dám mở miệng bảo vệ công lý, rao truyền chân lý, nhất là không dám tố giác tội lỗi, cách riêng tội lỗi của những người đang nắm trong tay quyền cao, chức trọng. Ngoài ra cũng cần kể đến một vài nguyên cớ khiến người ta dù có nghe đúng hoặc thấy rõ mà vẫn sợ không dám nói. Có thể vì có tật thì giật mình hoặc há miệng thì sợ mắc quai. Có thể do lầm lỗi hay khiếm khuyết nào đó của ta khiến ta thấy ngượng miệng khi phải nói điều gì đó phải nói. Dễ dàng thông cảm với người còn chút tự trọng và chút liêm sỉ, ngại ngần lấy cái rác trong mắt tha nhân khi mà cái xà nhà đang ở trong mắt mình. Cũng cần kể đến những trường hợp “ăn xôi chùa, ngọng miệng”. Tệ nạn cũng là quốc nạn của nhiều nước hiện nay là tham nhũng – hối lộ. Hậu quả kéo theo là những vị hữu trách “nói không được”, những điều cần nói hoặc phải nói theo bổn phận và trách nhiệm của mình.

“Ephata: Hãy mở ra!” Không chỉ hãy mở tai, mở mắt để thấy và để nghe hiện trạng của đất nước, của xã hội, của giáo hội mà con phải mở lòng ra để biết cảm thông với tha nhân trong sự liên đới trách nhiệm. Vẫn còn quá nhiều vị lãnh đạo ngoài xã hội vẫn chưa chu toàn chức vụ “công bộc” của nhân dân và vẫn còn một số mục tử chưa xứng là tôi tớ của đoàn Dân Thiên Chúa trong trách vụ làm “sứ ngôn”.

Dù khuyết tật về thể lý, nhưng người câm vẫn có thể nói bằng thái độ, cử chỉ hay bằng văn tự. Là Kitô hữu, chúng ta đã được Chúa Kitô thông chia nhiệm vụ ngôn sứ. Nếu vì lẽ gì đó mà chúng ta vẫn chưa can đảm lên tiếng hoặc có nói mà như không nói, vì chỉ nói chung chung, một kiểu nói ở đâu cũng đúng, nói lúc nào cũng chẳng sai mà lại chẳng nhắm cho ai cả, thì chúng ta chưa hẳn thực sự là con người và chắc chắn không thể nào là con cái Chúa chính danh, đúng phận. Chính vì thế Chúa Kitô vẫn đang mãi phán truyền lớn tiếng: EPHATA!: HÃY MỞ RA!

Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng kêu gọi quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới chống lại chủ nghĩa cực đoan, thúc đẩy lòng khoan dung
Vũ Văn An
00:14 04/09/2024

Elise Ann Allen của Crux, ngày 4 tháng 9 năm 2024, tường trình rằng Đức Giáo Hoàng kêu gọi quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới chống lại chủ nghĩa cực đoan, thúc đẩy lòng khoan dung.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Giáo hoàng Francis có cuộc gặp riêng tại cung điện tổng thống Istana Negara ở Jakarta vào ngày 4 tháng 9 năm 2024. (Nguồn: Vatican Media.)


Thực vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bắt đầu chuyến thăm kéo dài ba ngày tới Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, với lời kêu gọi rõ ràng là chống lại chủ nghĩa cực đoan và thúc đẩy lòng khoan dung liên tôn và phát triển xã hội.

“Cũng giống như đại dương là yếu tố tự nhiên thống nhất tất cả các đảo của Indonesia, sự tôn trọng lẫn nhau đối với các đặc điểm văn hóa, dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo cụ thể của tất cả các nhóm hiện diện tại Indonesia là nền tảng không thể thiếu và thống nhất giúp người dân Indonesia trở thành một dân tộc đoàn kết và tự hào”, ngài nói trong bài phát biểu ngày 4 tháng 9 trước các nhà chức trách quốc gia.

Ngài đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo dân sự và đoàn ngoại giao sau khi có cuộc gặp riêng với Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Cung điện Tổng thống Istana Merkeda, đánh dấu sự tham gia công khai đầu tiên trong hành trình của ngài.

Mặc dù có bầu không khí khoan dung chung, nhưng vẫn tồn tại những nhóm cực đoan ở Indonesia và có lo ngại rằng chủ nghĩa chính thống đang gia tăng ở một số khu vực của đất nước.

Vào đầu tháng 8, chính quyền đã bắt giữ ba nghi phạm có quan hệ với một nhóm Hồi giáo cực đoan có tên là Daulah Islamiyah với cáo buộc rằng họ đang âm mưu đánh bom hai nhà thờ Công Giáo ở Đông Java. Vào tháng 5, một đám đông Hồi giáo ở một khu phố ngay bên ngoài Jakarta đã tấn công một nhóm sinh viên Công Giáo đang cầu nguyện kinh mân côi trong một ngôi nhà riêng.

Mặc dù chính quyền cho biết cả hai vụ việc đều không liên quan đến chuyến thăm của giáo hoàng, nhưng chúng vẫn minh họa cho những gì một số Kitô hữu ở Indonesia mô tả là một mô hình đe dọa đáng lo ngại.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang ở Jakarta trong khuôn khổ chuyến thăm rộng lớn hơn từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9 tới Châu Á và Châu Đại Dương. Ngài sẽ ở lại thành phố này cho đến ngày 6 tháng 9, khi ngài bay đến Port Moresby ở Papua New Guinea.

Indonesia là quốc gia lớn thứ tư thế giới, với dân số 275.5 triệu người, thuộc khoảng 1,330 nhóm dân tộc khác nhau. Khoảng 87 phần trăm người Indonesia theo đạo Hồi. Chỉ có 10 phần trăm dân số theo Ki-tô giáo, trong khi người Công Giáo chỉ chiếm 3.1 phần trăm dân số.

Hôm thứ Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ ra khẩu hiệu quốc gia của Indonesia, Bhinneka tunggal ika, có nghĩa là "nhiều nhưng một", nói rằng Indonesia là một "bức tranh ghép tuyệt đẹp" trong đó mỗi viên gạch đều có giá trị và không thể thay thế.

"Sự hòa hợp trong đa dạng đạt được khi các quan điểm cụ thể tính đến nhu cầu chung của tất cả mọi người và khi mỗi nhóm dân tộc và giáo phái hành động theo tinh thần anh em, theo đuổi mục tiêu cao cả là phục vụ lợi ích của tất cả mọi người", ngài nói.

Ngài cho biết chính cảm thức liên đới và hợp tác chung giúp xác định các giải pháp hiệu quả cho các vấn đề trong khi tránh những tương phản và xung đột đáng lo ngại.

“Sự cân bằng khôn ngoan và tinh tế này, giữa sự đa dạng của các nền văn hóa và các tầm nhìn ý thức hệ khác nhau, và các lý tưởng củng cố sự thống nhất, phải được liên tục bảo vệ chống lại sự mất cân bằng”, ngài nói.

Đức Phanxicô nói rằng việc duy trì sự cân bằng này là trách nhiệm của tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là những người tham gia vào đời sống chính trị.

Các chính trị gia, ngài nói, “nên phấn đấu hướng tới sự hòa hợp, công bằng, tôn trọng các quyền cơ bản của con người, phát triển bền vững, đoàn kết và theo đuổi hòa bình, cả trong xã hội và với các dân tộc và quốc gia khác”.

Để đảm bảo sự chung sống hòa bình và hài hòa và tránh “sự mất cân bằng và đau khổ vẫn tồn tại ở một số khu vực của đất nước”, Giáo Hội Công Giáo, ngài nói, muốn tăng cường đối thoại liên tôn.

Bằng cách đó, những định kiến có thể bị xóa bỏ và bầu không khí tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau có thể phát triển”, ngài nói.

“Điều này là không thể thiếu để đáp ứng những thách thức chung, bao gồm cả việc chống lại chủ nghĩa cực đoan và sự không khoan dung, thông qua việc bóp méo tôn giáo để cố gắng áp đặt quan điểm của họ bằng cách sử dụng sự lừa dối và bạo lực”, ngài nói, đồng thời nói rằng sự gần gũi thúc đẩy “tình anh em giữa các quốc gia”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh mong muốn của Giáo Hội Công Giáo là tăng cường hợp tác với các tổ chức công và xã hội dân sự để đảm bảo "một cấu trúc xã hội cân bằng hơn và đảm bảo phân phối hỗ trợ xã hội hiệu quả và công bằng hơn".

Ngài đã viện dẫn Hiến pháp năm 1945 của Indonesia, trong đó hai lần trong phần mở đầu đề cập đến Thiên Chúa và nhu cầu được Người ban phước cho đất nước, và ngài lưu ý rằng những dòng mở đầu của luật hiến pháp cơ bản của Indonesia cũng hai lần đề cập đến công lý xã hội như là nền tảng cho trật tự quốc tế và là lợi ích cho toàn thể dân chúng.

"Do đó, sự thống nhất trong đa dạng, công lý xã hội và phước lành của Thiên Chúa là những nguyên tắc cơ bản nhằm truyền cảm hứng và hướng dẫn trật tự xã hội", ngài nói, và viện dẫn chủ đề của chuyến thăm Indonesia của ngài, “Đức tin, Tình huynh đệ, Lòng trắc ẩn”, nói rằng những điều này là cần thiết trong một thế giới mà một số khuynh hướng “cản trở sự phát triển của tình huynh đệ phổ quát”.

Để đạt được mục đích này, tuy không chuyên biệt, ngài chỉ ra những xung đột hoàn cầu đang diễn ra, mà ngài cho biết thường là do “thiếu sự tôn trọng lẫn nhau, ham muốn không khoan nhượng để cho lợi ích riêng, lập trường riêng hoặc câu chuyện lịch sử riêng của mình thắng thế bằng mọi giá, ngay cả khi điều này dẫn đến đau khổ vô tận cho toàn bộ cộng đồng và dẫn đến chiến tranh và đổ máu”.

“Đôi khi căng thẳng bạo lực nảy sinh trong các quốc gia vì những người nắm quyền muốn thống nhất mọi thứ, áp đặt tầm nhìn của họ ngay cả trong những vấn đề lẽ ra phải để cho các cá nhân hoặc nhóm liên quan tự quyết định”, ngài nói.

Đức Phanxicô cũng lên án những gì ngài cho là thiếu “cam kết thực sự và hướng tới tương lai để thực hiện các nguyên tắc công lý xã hội”.

“Kết quả là, một bộ phận đáng kể nhân loại bị bỏ lại bên lề, không có phương tiện để huện hữu một cách đàng hoàng và không có sự bảo vệ chống lại sự mất cân bằng xã hội nghiêm trọng và ngày càng gia tăng gây ra các cuộc xung đột cấp tính”, ngài nói, và ca ngợi tỷ lệ sinh cao của đất nước.

“Tiếp tục như thế này, đây là tấm gương cho các quốc gia khác”, ngài nói.

Ở một số nơi, Thiên Chúa bị hạ thấp và bị loại bỏ, Đức Giáo Hoàng nói, trong khi ở những nơi khác, Thiên Chúa được tôn vinh nhưng “đáng buồn là bị thao túng để kích động chia rẽ và gia tăng hận thù thay vì thúc đẩy hòa bình, hiệp thông, đối thoại, tôn trọng, hợp tác và tình anh em”.

“Trước những thách thức nêu trên, thật đáng khích lệ khi triết lý chỉ đạo tổ chức Nhà nước Indonesia vừa cân bằng vừa khôn ngoan”, ngài nói, và trích dẫn từ bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến thăm năm 1989 của ngài.

“Khi thừa nhận sự hiện diện của sự đa dạng hợp pháp, tôn trọng các quyền con người và chính trị của mọi công dân, và khuyến khích sự phát triển của sự thống nhất quốc gia dựa trên sự khoan dung và tôn trọng người khác, quý vị đã đặt nền tảng cho xã hội công bằng và hòa bình mà mọi người dân Indonesia đều mong muốn và mong muốn truyền lại cho con cháu mình”, ngài nói.

Ngay cả khi những nguyên tắc này không phải lúc nào cũng được thực hiện, “chúng vẫn có giá trị và đáng tin cậy” và đóng vai trò là “ngọn hải đăng soi sáng con đường cần đi và cảnh báo về những sai lầm nguy hiểm nhất cần tránh”, ngài nói.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết thúc bài phát biểu bằng cách bày tỏ hy vọng kêu gọi các nhà chức trách quốc gia làm việc vì hòa bình, mà ngài cho biết cũng là công việc của công lý.

“Sự hòa hợp đạt được khi chúng ta cam kết không chỉ vì lợi ích và tầm nhìn của riêng mình, mà còn vì lợi ích của tất cả mọi người, xây dựng cầu nối, thúc đẩy các thỏa thuận và sự hợp tác, hợp lực để đánh bại mọi hình thức đau khổ về đạo đức, kinh tế và xã hội, và thúc đẩy hòa bình và sự hòa hợp”, ngài nói.

Sau cuộc gặp với các nhà chức trách quốc gia, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ có cuộc gặp riêng với các tu sĩ Dòng Tên đang phục vụ tại Indonesia trước khi gặp các giám mục, giáo sĩ và thành viên của các cộng đồng tôn giáo đang phục vụ tại quốc gia này, cùng những người trẻ tuổi tham gia vào tổ chức Scholas Occurentes.

Vào thứ năm, ngài sẽ có cuộc gặp liên tôn tại Đền thờ Hồi giáo Istiqlal ở Jakarta – nằm ngay đối diện với Nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, và được kết nối với nhà thờ bằng một đường hầm ngầm có tên là “Đường hầm Hữu nghị” – và ký một tuyên bố chung với các nhà lãnh đạo liên tôn khác.
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Tổng thống, các nhà lãnh đạo chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn
J.B. Đặng Minh An dịch
04:31 04/09/2024
Thưa ngài Tổng thống,

Kính thưa các cơ quan chức năng,

Thưa các Đức Hồng Y,

Thưa các Ngài,

Kính gửi: Các vị đại diện của các cộng đồng tôn giáo

và của nhiều tôn giáo khác nhau,

Kính gửi các vị đại diện của xã hội dân sự,

Các thành viên của ngoại giao đoàn!

Tôi chân thành cảm ơn ngài Tổng thống đã nồng nhiệt mời tôi đến thăm đất nước ngài và những lời chào nồng nhiệt của ngài. Tôi xin gửi đến ngài Tổng thống đắc cử lời chúc tốt đẹp nhất cho một thời gian phục vụ hiệu quả cho Indonesia, một quần đảo rộng lớn với hàng ngàn hòn đảo được bao quanh bởi đại dương nối liền Á Châu với Châu Đại Dương.

Chúng ta gần như có thể nói rằng, cũng giống như đại dương là yếu tố tự nhiên thống nhất tất cả các đảo của Indonesia, sự tôn trọng lẫn nhau đối với các đặc điểm văn hóa, dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo cụ thể của tất cả các nhóm hiện diện ở Indonesia là nền tảng không thể thiếu và thống nhất khiến người Indonesia trở thành một dân tộc đoàn kết và tự hào.

Khẩu hiệu quốc gia của các bạn Bhinneka tunggal ika (Đoàn kết trong Đa dạng, nghĩa đen là Nhiều nhưng là Một) nắm bắt tốt thực tế đa diện này của những con người đa dạng đoàn kết chặt chẽ trong một quốc gia. Nó cũng cho thấy rằng, cũng giống như sự đa dạng sinh học tuyệt vời hiện diện trong quần đảo này là nguồn gốc của sự giàu có và lộng lẫy, những khác biệt cụ thể của các bạn cũng góp phần tạo nên một bức tranh ghép tuyệt đẹp, trong đó mỗi viên gạch là một yếu tố không thể thay thế trong việc tạo ra một tác phẩm độc đáo và quý giá tuyệt vời. Đây là kho báu của các bạn, sự giàu có lớn nhất của các bạn.

Sự hòa hợp trong đa dạng đạt được khi các quan điểm cụ thể tính đến các nhu cầu chung của tất cả mọi người và khi mỗi nhóm dân tộc và giáo phái tôn giáo hành động theo tinh thần huynh đệ, theo đuổi mục tiêu cao cả là phục vụ lợi ích của tất cả mọi người. Nhận thức về việc tham gia vào một lịch sử chung, trong đó sự đoàn kết là thiết yếu và mọi người đều đóng góp, giúp xác định các giải pháp đúng đắn, tránh sự bực bội của những sự tương phản và biến sự đối lập thành sự hợp tác hiệu quả.

Sự cân bằng khôn ngoan và tinh tế này, giữa sự đa dạng của các nền văn hóa và các tầm nhìn ý thức hệ khác nhau, và các lý tưởng củng cố sự thống nhất, phải được liên tục bảo vệ chống lại sự mất cân bằng. Đây là một công trình thủ công, tôi nhắc lại, một công trình thủ công được giao phó cho tất cả mọi người, nhưng theo cách đặc biệt cho những người trong đời sống chính trị, những người nên phấn đấu hướng tới sự hòa hợp, công bằng, tôn trọng các quyền cơ bản của con người, phát triển bền vững, đoàn kết và theo đuổi hòa bình, cả trong xã hội và với các dân tộc và quốc gia khác. Từ đó xuất hiện sự vĩ đại của chính trị. Một người đàn ông khôn ngoan đã từng nói rằng chính trị là hình thức bác ái cao nhất. Điều này thật đẹp.

Để thúc đẩy sự hòa hợp hòa bình và hiệu quả, bảo đảm hòa bình và đoàn kết các nỗ lực xóa bỏ sự mất cân bằng và đau khổ vẫn còn tồn tại ở một số khu vực, Giáo hội mong muốn tăng cường đối thoại liên tôn. Theo cách này, các định kiến có thể bị xóa bỏ và bầu không khí tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau có thể phát triển. Điều này là không thể thiếu để đáp ứng các thách thức chung, bao gồm cả việc chống lại chủ nghĩa cực đoan và sự bất khoan dung, thông qua những bóp méo tôn giáo, cố gắng áp đặt quan điểm của họ bằng cách sử dụng sự lừa dối và bạo lực. Trái lại, sự gần gũi, lắng nghe ý kiến của người khác, tạo ra một quốc gia huynh đệ. Đây là một điều rất, rất đẹp.

Giáo Hội Công Giáo phục vụ lợi ích chung và mong muốn tăng cường hợp tác với các tổ chức công và các tác nhân khác trong xã hội dân sự, nhưng không bao giờ chiêu dụ tín đồ và luôn tôn trọng đức tin của mọi người. Giáo hội mong muốn khuyến khích hình thành một cấu trúc xã hội cân bằng hơn và bảo đảm phân phối hỗ trợ xã hội hiệu quả và công bằng.

Về vấn đề này, tôi muốn nhắc đến Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1945 của các bạn, trong đó có những hiểu biết sâu sắc có giá trị về con đường mà một nước Indonesia dân chủ và độc lập đã lựa chọn. Đây là một lịch sử rất đẹp. Đọc nó, chúng ta có thể thấy rằng đó là sự lựa chọn của mọi người.

Hai lần trong vài dòng, Lời nói đầu đề cập đến Chúa toàn năng và nhu cầu ban phước lành của Người xuống cho quốc gia mới thành lập Indonesia. Tương tự như vậy, những dòng mở đầu của luật hiến pháp cơ bản của các bạn đề cập đến công lý xã hội hai lần: như nền tảng mong muốn cho trật tự quốc tế và như một trong những mục tiêu chính cần đạt được vì lợi ích của toàn thể người dân Indonesia.

Sự thống nhất trong đa dạng, công lý xã hội và phước lành của Chúa do đó là những nguyên tắc cơ bản nhằm truyền cảm hứng và hướng dẫn trật tự xã hội. Chúng có thể được ví như một cấu trúc hỗ trợ, nền tảng vững chắc để xây dựng ngôi nhà. Làm sao chúng ta có thể không nhận ra rằng những nguyên tắc này rất phù hợp với phương châm của chuyến thăm Indonesia của tôi: Đức tin, Tình anh em, Lòng trắc ẩn?

Tuy nhiên, thật không may, chúng ta thấy trong thế giới ngày nay một số khuynh hướng cản trở sự phát triển của tình huynh đệ phổ quát (xem Thông điệp Fratelli Tutti, 9). Ở nhiều vùng khác nhau, chúng ta thấy sự xuất hiện của các cuộc xung đột bạo lực, thường là kết quả của việc thiếu tôn trọng lẫn nhau, của mong muốn bất khoan nhượng để mưu lợi ích riêng, lập trường riêng hoặc làm sao để câu chuyện lịch sử riêng của mình thắng thế bằng mọi giá, ngay cả khi điều này dẫn đến đau khổ vô tận cho toàn bộ cộng đồng và dẫn đến chiến tranh và đổ máu nhiều.

Đôi khi căng thẳng bạo lực nảy sinh trong một quốc gia vì những người nắm quyền muốn thống nhất mọi thứ, áp đặt tầm nhìn của họ ngay cả trong những vấn đề vốn nên được để cho cá nhân hoặc các nhóm tự quyết định.

Hơn nữa, bất chấp những tuyên bố về những chính sách gây ấn tượng, vẫn còn thiếu cam kết thực sự và hướng tới tương lai để thực hiện các nguyên tắc công lý xã hội. Kết quả là, một bộ phận đáng kể nhân loại bị bỏ lại bên lề, không có phương tiện để tồn tại một cách đàng hoàng và không có biện pháp phòng vệ trước sự mất cân bằng xã hội nghiêm trọng và ngày càng gia tăng gây ra các cuộc xung đột cấp tính. Điều này thường được giải quyết như thế nào? Bằng các luật lệ phò sự chết, tức là bằng cách hạn chế sinh nở, hạn chế sự giàu có lớn nhất mà một quốc gia có thể có, đó là sự chào đời trong quốc gia đó. Trong khi đó, quốc gia của các bạn có những gia đình có ba, bốn và năm đứa con. Điều này được thấy ở độ tuổi trung bình của quốc gia. Hãy tiếp tục như thế này. Đây là một ví dụ cho tất cả các quốc gia. Có vẻ buồn cười khi có lẽ một số gia đình thích nuôi mèo hoặc chó nhỏ, chứ không phải con cái, nhưng điều này không đúng.

Trong những bối cảnh khác, mọi người tin rằng họ có thể hoặc nên bỏ qua nhu cầu tìm kiếm phước lành của Chúa, coi đó là điều thừa thãi đối với con người và xã hội dân sự. Thay vào đó, họ thúc đẩy những nỗ lực của riêng mình, nhưng điều này thường khiến họ gặp phải sự thất vọng và thất bại. Tuy nhiên, có những lúc đức tin vào Chúa liên tục được đặt lên hàng đầu, nhưng đáng buồn thay lại bị thao túng để kích động chia rẽ và hận thù thay vì thúc đẩy hòa bình, hiệp thông, đối thoại, tôn trọng, hợp tác và tình anh em để xây dựng đất nước.

Thưa anh chị em, trước những thách thức nêu trên, thật đáng khích lệ khi triết lý chỉ đạo tổ chức Nhà nước Indonesia vừa cân bằng vừa sáng suốt. Về vấn đề này, tôi xin trích dẫn lời của Thánh Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm cung điện này năm 1989. Trong số những điều khác, ngài đã nói: “Khi thừa nhận sự hiện diện của sự đa dạng hợp pháp, tôn trọng các quyền con người và chính trị của mọi công dân, và khuyến khích sự phát triển của sự thống nhất quốc gia dựa trên sự khoan dung và tôn trọng người khác, anh chị em đã đặt nền móng cho xã hội công bằng và hòa bình mà mọi người dân Indonesia mong muốn cho chính mình và mong muốn để lại cho con cháu mình” (Diễn văn gửi Tổng thống Cộng hòa Indonesia và các nhà chức trách, Jakarta, ngày 9 tháng 10 năm 1989).

Nếu đôi khi trong quá khứ, các nguyên tắc nêu trên không phải lúc nào cũng được thực hiện, thì chúng vẫn có giá trị và đáng tin cậy, giống như ngọn hải đăng soi sáng con đường cần đi và cảnh báo những sai lầm nguy hiểm nhất cần tránh.

Thưa Tổng thống, Thưa quý ông, quý bà,

Tôi hy vọng rằng mọi người, trong cuộc sống hàng ngày của mình, sẽ có thể lấy cảm hứng từ những nguyên tắc này và thực hiện chúng khi thực hiện nhiệm vụ của mình, vì opus justitiae pax, hòa bình là công việc của công lý. Sự hòa hợp đạt được khi chúng ta cam kết không chỉ vì lợi ích và tầm nhìn của riêng mình, mà còn vì lợi ích của tất cả mọi người, xây dựng cầu nối, thúc đẩy các thỏa thuận và sự hợp tác, hợp lực để đánh bại mọi hình thức đau khổ về đạo đức, kinh tế và xã hội, và thúc đẩy hòa bình và sự hòa hợp.

Anh chị em thân mến, hãy tiếp tục con đường của mình, con đường thật đẹp và công bằng. Và bây giờ tôi cầu xin một phước lành cho tất cả mọi người: Xin Chúa ban phước cho Indonesia hòa bình, cho một tương lai tràn đầy hy vọng. Xin Chúa ban phước cho tất cả mọi người!


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Nguyên văn Bài Diễn văn của Đức Thánh Cha với nhà cầm quyền Indonesia và ngoại giao đoàn
Vũ Văn An
04:47 04/09/2024

Nguyên văn Bài Diễn văn của Đức Thánh Cha với nhà cầm quyền Indonesia và ngoại giao đoàn


Tại Sảnh Phủ Tổng thống “Istana Negara” (Jakarta, Indonesia)
Thứ tư, ngày 4 tháng 9 năm 2024


Sau đây là nguyên văn Bài Diễn văn của Đức Phanxicô với nhà cầm quyền Indonesia và ngoại giao đoàn dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Thưa ngài Tổng thống,
Thưa Quý Thẩm quyền,
Quý Hồng Y,
Quý Giám Mục,
Quý Đại diện các cộng đồng tôn giáo, và các tôn giáo đa dạng,
Quý Đại diện các xã hội dân sự,
Quý thành viên của Ngoại giao đoàn!

Tôi chân thành cảm ơn Ngài Tổng thống vì lời mời nồng nhiệt đến thăm đất nước này cũng như những lời chào mừng nồng nhiệt của Ngài. Tôi gửi tới Tổng thống đắc cử lời chúc chân thành nhất của tôi cho một thời kỳ phục vụ hữu hiệu Indonesia, một quần đảo rộng lớn gồm hàng ngàn hòn đảo bao quanh bởi biển khơi nối liền Châu Á với Châu Đại Dương.

Chúng ta gần như có thể nói rằng, giống như đại dương là yếu tố tự nhiên gắn kết tất cả các hòn đảo của Indonesia, sự tôn trọng lẫn nhau đối với các đặc điểm văn hóa, sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo chuyên biệt của tất cả các nhóm người tạo nên Indonesia là cơ cấu liên kết thiết yếu làm cho người dân Indonesia đoàn kết và tự hào.

Khẩu hiệu quốc gia của quý vị "Bhinneka tunggal ika" ("Thống nhất trong đa dạng", nghĩa đen là "Nhiều, nhưng một") thể hiện rõ ràng thực tại nhiều mặt này của các dân tộc khác nhau đoàn kết vững chắc trong một Quốc gia. Và nó cũng cho thấy rằng, giống như sự đa dạng sinh học to lớn hiện diện ở quần đảo này là nguồn gốc của sự phong phú và huy hoàng, tương tự như vậy, những khác biệt chuyên biệt cũng góp phần tạo nên một bức tranh khảm tráng lệ, trong đó mỗi viên ngói là một yếu tố không thể thay thế để tạo nên một tác phẩm độc đáo và quý giá.. Và đây là kho báu của quý vị, nó là tài sản lớn nhất của quý vị

Sự hòa hợp trong đa dạng đạt được khi mỗi tầm nhìn chuyên biệt đều tính đến những nhu cầu chung và khi mỗi nhóm sắc tộc và tôn giáo hành động trong tinh thần huynh đệ, theo đuổi mục đích cao cả là phục vụ thiện ích của mọi người. Ý thức tham gia vào một lịch sử chung, trong đó mọi người đều đóng góp riêng và trong đó tình liên đới của mỗi phần đối với tổng thể là nền tảng, giúp xác định các giải pháp đúng đắn, tránh làm trầm trọng thêm các xung đột và biến sự chống đối thành sự cộng tác hiệu quả.

Sự cân bằng khôn ngoan và tinh tế này, giữa tính đa dạng của các nền văn hóa và các tầm nhìn ý thức hệ khác nhau và các lý tưởng củng cố sự hiệp nhất, phải được liên tục bảo vệ khỏi bất cứ sự mất cân bằng nào. Tôi xin nhắc lại, đó là một nghề thủ công được giao phó cho mọi người, nhưng đặc biệt là đối với hành động được thực hiện bởi chính trị, khi nó đặt ra mục tiêu hài hòa, công bằng, tôn trọng các quyền cơ bản của con người, phát triển bền vững, liên đới và mưu cầu hoà bình trong xã hội cũng như với các dân tộc và quốc gia khác. Và do đó có sự vĩ đại của chính trị. Một nhà thông thái đã nói rằng chính trị là hình thức bác ái cao nhất. Điều này thật đẹp.

Để thúc đẩy sự hòa hợp hòa bình và mang tính xây dựng, nhằm bảo đảm hòa bình và đoàn kết các cố gắng nhằm đánh bại sự mất cân bằng và đau khổ vẫn còn dai dẳng ở một số khu vực, Giáo hội mong muốn tăng cường đối thoại liên tôn. Bằng cách này, những thành kiến sẽ bị loại bỏ và một bầu không khí tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau có thể phát triển. Điều này cần thiết để giải quyết những thách thức chung, bao gồm cả thách thức chống lại chủ nghĩa cực đoan và sự không khoan dung, vốn – bằng cách bóp méo tôn giáo – cố gắng tự áp đặt bằng cách lừa dối và bạo lực. Thay vào đó là sự gần gũi, lắng nghe ý kiến của người khác, điều này tạo nên tình anh em của một Dân tộc. Và đây là một điều rất đẹp, rất đẹp.

Giáo Hội Công Giáo đặt mình vào việc phục vụ công ích và mong muốn tăng cường sự hợp tác với các tổ chức công cộng và các chủ thể khác của xã hội dân sự, nhưng không bao giờ bằng cách chiêu mộ đạo, không bao giờ; tôn trọng đức tin của mỗi người. Và với điều này, nó khuyến khích hình thành một cơ cấu xã hội cân bằng hơn và đảm bảo phân phối trợ giúp xã hội hiệu quả và công bằng hơn.

Bây giờ cho phép tôi tham khảo Lời mở đầu Hiến pháp năm 1945 của quý vị, trong đó đưa ra những những tầm nhìn thông sáng có giá trị về hướng đi mà Indonesia dân chủ và độc lập đã chọn. Và đây là một câu chuyện rất hay; khi đọc nó, người ta thấy rằng đó là sự lựa chọn của mọi người.

Hai lần chỉ trong vài dòng Lời mở đầu đề cập đến Thiên Chúa toàn năng và sự cần thiết phải được Người ban phúc lành cho Quốc gia Indonesia non trẻ. Tương tự như vậy, bản văn mở đầu Luật Hiến pháp Cơ bản của quý vị đề cập đến công bằng xã hội ở hai nơi, hy vọng rằng một trật tự quốc tế dựa trên nó sẽ được thiết lập, được coi là một trong những mục tiêu chính cần đạt được vì lợi ích của toàn thể người dân Indonesia.

Do đó, sự thống nhất trong đa dạng, công bằng xã hội, phúc lành thần thiêng là những nguyên tắc cơ bản, nhằm truyền cảm hứng và hướng dẫn trật tự xã hội. Chúng giống như cấu trúc hỗ trợ, nền tảng vững chắc trên đó căn nhà được xây dựng. Và làm sao chúng ta có thể không nhận thấy những nguyên tắc này rất phù hợp với phương châm trong chuyến viếng thăm Indonesia của tôi: “Đức tin, tình huynh đệ, lòng trắc ẩn”?

Tuy nhiên, đáng tiếc là trong thế giới hiện nay có một số khuynh hướng cản trở sự phát triển tình huynh đệ phổ quát (xem Thông điệp Fratelli tutti, 9). Ở nhiều khu vực khác nhau, chúng ta thấy sự xuất hiện của các xung đột bạo lực, thường là kết quả của sự thiếu tôn trọng lẫn nhau, của mong muốn không khoan dung nhằm làm cho lợi ích, lập trường hoặc câu chuyện lịch sử cục bộ của mình chiếm ưu thế bằng mọi giá, ngay cả khi điều này dẫn đến đau khổ vô tận cho toàn bộ cộng đồng và dẫn đến những cuộc chiến tranh đẫm máu thực sự.

Đôi khi căng thẳng bạo lực phát triển trong các quốc gia, vì lý do những người nắm quyền muốn tiêu chuẩn hóa mọi thứ, áp đặt tầm nhìn của riêng họ ngay cả trong những vấn đề lẽ ra phải để các cá nhân hoặc nhóm tự chủ.

Mặt khác, bất chấp những tuyên bố có tính lập trình đầy thuyết phục, vẫn còn nhiều tình huống thiếu cam kết hiệu quả và có tầm nhìn xa để xây dựng công bằng xã hội. Kết quả là, một bộ phận đáng kể nhân loại bị bỏ lại bên lề, không có phương tiện để hiện hữu xứng đáng và không có khả năng tự vệ để đối mặt với những mất cân bằng xã hội nghiêm trọng và ngày càng gia tăng, gây ra những xung đột gay gắt. Và việc này được giải quyết như thế nào? Với luật tử, tức là hạn chế sinh sản, hạn chế của cải lớn nhất mà một quốc gia có được, đó là sinh sản. Trong khi đó, đất nước của quý vị có những gia đình có ba, bốn, năm người con. Và điều này có thể được nhìn thấy ở độ tuổi trung bình của đất nước. Xin quý vị tiếp tục tiến lên như thế. Đó là một điển hình cho tất cả các nước. Có lẽ điều này thật buồn cười khi một số gia đình thích nuôi một con mèo, một con chó hơn là một đứa trẻ. Điều này không đúng.

Tuy nhiên, trong những bối cảnh khác, người ta tin rằng người ta có thể hoặc phải bỏ qua việc tìm kiếm phúc lành của Thiên Chúa, cho rằng điều đó là thừa đối với con người và đối với xã hội dân sự, những điều cần được thúc đẩy bằng nỗ lực của chính họ, nhưng khi làm như vậy, họ thường gặp phải sự thất vọng và thất bại. Ngược lại, có những trường hợp trong đó đức tin vào Thiên Chúa liên tục được đặt lên hàng đầu, nhưng đáng tiếc thường bị thao túng và phục vụ không phải để xây dựng hòa bình, hiệp thông, đối thoại, tôn trọng, hợp tác, tình huynh đệ, để xây dựng đất nước, mà để gây chia rẽ và hận thù.

Thưa các anh chị em, khi đối mặt với những bóng tối này, thật khích lệ khi quan sát triết lý hướng dẫn việc tổ chức nhà nước Indonesia thể hiện sự khôn ngoan và cân bằng như thế nào. Về vấn đề này, tôi lấy làm của riêng mình những lời đã được Thánh Gioan Phaolô II tuyên bố, chính tại Cung điện này, nhân chuyến viếng thăm của ngài vào năm 1989. Trong số những điều khác, ngài nói: “Khi thừa nhận sự hiện diện của sự đa dạng hợp pháp, trong việc tôn trọng quyền con người và lợi ích chính trị của mọi công dân và trong việc thúc đẩy sự phát triển đoàn kết dân tộc dựa trên sự khoan dung và tôn trọng người khác, các bạn đặt nền móng cho một xã hội công bằng và hòa bình mà tất cả người dân Indonesia mong muốn cho bản thân họ và họ muốn truyền lại cho con cái họ" (Bài phát biểu gửi tới Tổng thống Cộng hòa Indonesia và Chính quyền, Jakarta, ngày 9 tháng 10 năm 1989).

Nếu đôi khi trong quá khứ, những nguyên tắc nêu trên không phải lúc nào cũng được thực thi, nhưng chúng vẫn có giá trị và đáng tin cậy, như ngọn hải đăng chỉ đường và cảnh báo những sai lầm nguy hiểm nhất cần phải tránh.

Thưa ngài Tổng thống, thưa quý bà và quý ông

Tôi hy vọng rằng mọi người, trong hành động hàng ngày của mình, sẽ có thể rút ra được nguồn cảm hứng từ những nguyên tắc này và làm cho chúng trở nên hữu hiệu trong việc thực hiện bình thường các nhiệm vụ tương ứng của mình, bởi vì opus justitiae pax, hòa bình là hoa quả của công lý. Trên thực tế, sự hòa hợp đạt được khi mọi người cam kết không chỉ vì lợi ích và tầm nhìn của riêng mình mà còn vì lợi ích của tất cả mọi người, xây dựng những cầu nối, khuyến khích các thỏa thuận và hiệp lực, hợp tác với mục đích đánh bại mọi hình thức đạo đức, kinh tế, xã hội khốn cùng và thúc đẩy hòa bình và hòa hợp.

Anh chị em thân mến, hãy tiếp tục con đường của anh chị em, một con đường thật đẹp và thật đúng đắn. Và vì thế tôi cầu xin phúc lành đến cho tất cả mọi người: Xin Chúa chúc lành cho Indonesia hòa bình, vì một tương lai tràn đầy hy vọng. Xin Chúa ban phước lành cho tất cả quý vị!
 
Báo chí Jakarta viết về chuyến thăm của Đức Phanxicô tại Indonesia
Vũ Văn An
14:56 04/09/2024

Nói chung, báo chí Jakarta viết rất ngắn về các hoạt động của Đức Phanxicô tại Indonesia. Những bài tương đối dài, họ trích đăng các hãng thông tấn ngoại quốc như A.P. Tuy nhiên, những gì họ viết về ngài khá tích cực.



Tờ Jakarta Globe chẳng hạn khi thuật lại cuộc gặp gỡ giữa ngài và nhà cầm quyền Indonesia, đã trích đăng bài tường thuật của Hãng tin A.P. Riêng họ, trước khi Đức Phanxicô tới Jakarta, họ viết về thái độ của Tổng thống Jokowi đối với chuyến viếng thăm và đức khiêm nhường của Đức Phanxicô khi quyết định cư trú tại tòa sứ thần Tòa Thánh thay vì ở khách sạn 5 sao và dùng chiếc Toyota như người dân thường của Đất Nước.

Tổng thống Jokowi: Chào đón ngài tới Indonesia, thưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Ngày 3 tháng 9, 2024, Bella Evangelista Mikaputri của Jakarta Globe tường thuật rằng Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo, người sẽ gặp Đức Giáo Hoàng, bày tỏ một thông điệp nghênh đón nồng nàn tới nhà lãnh đạo Công Giáo.

Ông nói tại phức hợp Dinh Tổng Thống, trong khi xứ sở ông đã thực hiện mọi chuẩn bị cần thiết cho chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng: “Nhân danh nhân dân Indonesia, tôi nồng nàn nghênh đón và bày tỏ lòng biết ơn của tôi về chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Indonesia”.

Ông cũng vừa tổ chức phiên họp cuối cùng về chuyến viếng thăm.

Jokowi cho biết thêm chuyến thăm Jakarta của Đức Giáo Hoàng khởi đầu đã được lên kế hoạch mấy năm trước, nhưng phải trì hoãn vì đại dịch Covid-19. Ông nói thêm, “Đây sẽ là chuyến viếng thăm lịch sử”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn ở chỗ khiêm nhường tại Jakarta

Thomas Rizal của tờ này, ngày 3 tháng 9, 2024, viết như thế.

Thực vậy, Đức Phanxicô đã thể hiện sự khiêm nhường của mình trong chuyến thăm Indonesia khi chọn lưu trú tại tòa sứ thần Vatican ở Jakarta thay vì một khách sạn năm sao.

Đức Giáo Hoàng sẽ dành bốn ngày ba đêm, từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 9, tại Indonesia trong khuôn khổ chuyến công du kéo dài 12 ngày tại Châu Á - Thái Bình Dương.

"Ngài sẽ lưu trú tại Đại sứ quán Vatican ở Indonesia, trong khi đoàn tùy tùng của ngài sẽ lưu trú tại khách sạn", Đức Tổng Giám Mục Jakarta, Hồng Y Ignatius Suharyo, xác nhận vào thứ Hai.

Ngoài việc từ chối lưu trú tại khách sạn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn không sử dụng xe hơi sang trọng trong thời gian ở Indonesia. Thay vào đó, ngài đã chọn một chiếc Toyota Innova, một loại xe mà người Indonesia thường sử dụng.

"Chiếc xe dân dụng mà Đức Giáo Hoàng sử dụng là Toyota Innova Zenix", Ignasius Jonan, Chủ tịch Ủy ban về chuyến thăm Indonesia của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho biết tại Nhà thờ chính tòa Jakarta vào thứ Hai.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng yêu cầu các biện pháp an ninh cho chuyến thăm của ngài phải được thực hiện đơn giản. Tính đến thứ Ba, không có biện pháp an ninh bổ sung nào được triển khai xung quanh Đại sứ quán Vatican tại Jakarta, nơi Đức Giáo Hoàng sẽ lưu trú.

Đức Giáo Hoàng tới Jakarta, đi xe ngồi cạnh tài xế

Thomas Rizal tường thuật rất vắn tắt lúc Đức Giáo Hoàng đặt chân xuống phi trường quốc tế Jakarta, nhưng không quên nhấn mạnh một chi tiết nhỏ: ngài ngồi xe cạnh tài xế tới tòa Sứ thần Tòa thánh. Ông viết:

Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa mới đến Indonesia khi ngài khởi hành chuyến đi Jakarta.

Chiếc máy bay chở nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo đã hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Soekarno-Hatta vào thứ Ba lúc 11:26 sáng. Đức Giáo Hoàng đã thực hiện chuyến bay kéo dài hơn 13 giờ đến Indonesia. Ngay khi ngài bước xuống khỏi máy bay trên xe lăn vào khoảng 11:40 sáng.

Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Tôn giáo Yaqut Cholil Qoumas, Tổng giám mục Jakarta Ignatius Hồng Y Suharyo và Đại sứ Vatican Mgr Pierro Pioppo, cùng những người khác, đã có mặt tại sân bay để chào đón Đức Giáo Hoàng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người luôn tươi cười, đã ngay lập tức được lái xe đưa đến Đại sứ quán Vatican ở Jakarta. Ngài ngồi ngay cạnh tài xế. Đức Giáo Hoàng đã trở thành tiêu đề trên các mặt báo vì ủng hộ việc lưu trú khiêm tốn tại đại sứ quán thay vì khách sạn năm sao.

Đây sẽ là lần thứ ba Indonesia tổ chức một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng. Năm 1970, Tổng thống Soeharto khi đó đã chào đón Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đến thăm. Indonesia cũng đã có chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô II vào năm 1989.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Indonesia từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 9. Ngài sẽ gặp Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo vào thứ Tư. Chương trình nghị sự của ngài cũng bao gồm các chuyến thăm Nhà thờ chính tòa Jakarta và Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal. Ngài cũng sẽ chủ trì một thánh lễ tại sân vận động Gelora Bung Karno vào thứ Năm.

Chuyến thăm của ngài bao gồm chủ đề "Đức tin, Tình anh em, Lòng trắc ẩn".

Indonesia sẽ là quốc gia thứ 66 mà Đức Giáo Hoàng Francis đến thăm kể từ khi ngài nhậm chức vào năm 2013. Ngài sẽ dừng chân tại Papua New Guinea, Timor Leste và Singapore sau chuyến đi Jakarta trước khi bay trở về Rome vào ngày 13 tháng 9.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô ca ngợi việc chuyển quyền trơn tru từ Jokowi tới Prabowo

Bella Evanglista Mikaputri, khi tường thuật cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và nhà cầm quyền Indonesia tại Dinh Tổng Thống, đã chỉ lưu ý tới một điểm: ca ngợi mô thức chuyển quyền giữa cựu và tân tổng thống Indonesia. Ông viết:

Đức Giáo Hoàng Phanxicô bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo, người đã giới thiệu người kế nhiệm của mình, Prabowo Subianto, với Đức Giáo Hoàng đang có chuyến thăm trong cuộc gặp tại Cung điện Nhà nước vào thứ Tư.

Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi, người có mặt tại cuộc gặp, cho biết Đức Giáo Hoàng mô tả cử chỉ này là một "truyền thống cao quý" mà trong đó nhà lãnh đạo đương nhiệm giới thiệu người kế nhiệm của mình với các vị khách nước ngoài của mình trong mọi dịp, báo hiệu một sự chuyển giao quyền lực suông sẻ và hòa bình.

Trong thời điểm đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi lời chào nồng nhiệt đến Tổng thống đắc cử Prabowo, người sẽ nhậm chức vào tháng tới.

"Tôi muốn gửi lời chào nồng nhiệt đến tổng thống đắc cử vì sự phục vụ của ngài sẽ mang lại thành quả cho Indonesia", Đức Giáo Hoàng nói.

"Đây là một quốc gia quần đảo rộng lớn bao gồm hàng nghìn hòn đảo được bao quanh bởi vùng biển nối liền Châu Á và Châu Đại Dương", nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo hoàn cầu cho biết.

Prabowo đã đăng cuộc gặp của mình với Đức Giáo Hoàng trên tài khoản mạng xã hội của mình vào cuối ngày hôm đó.

"Chào mừng đến Indonesia, Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Indonesia được ban phước với sự đa dạng và cuộc sống hòa hợp. Bhinneka Tunggal Ika ['Thống nhất trong đa dạng'],” Prabowo nói, đề cập đến phương châm của Indonesia.
 
BUỔI HỌP VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, NGƯỜI ĐƯỢC THÁNH HIẾN, CHỦNG SINH VÀ GIÁO LÝ VIÊN INDONESIA: BÀI NÓI CHUYỆN CỦA Đức Thánh Cha
Vũ Văn An
19:23 04/09/2024

Tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời (Jakarta, Indonesia), Thứ tư, ngày 4 tháng 9 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tới gặp gỡ hàng giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Indonesia. Sau khi lắng nghe một số chứng từ, Đức Thánh Cha đã lên tiếng, và ngài yêu cầu giáo lý viên vừa kết thúc ở lại bên cạnh ngài một lát. Ngài nói:

Với sự hiện diện của các bạn ở đây trước mặt mọi người, tôi muốn nói đôi điều. Các giáo lý viên đưa Giáo hội tiến lên phía trước. Họ là những người tiến lên trước, tiếp theo là các nữ tu, rồi đến các linh mục và giám mục. Nhưng các giáo lý viên ở tuyến đầu, họ là động lực thúc đẩy Giáo hội.

Trong một trong những chuyến đi của tôi đến Châu Phi, Tổng thống của một quốc gia đã nói với tôi rằng ông đã được cha mình, một giáo lý viên, rửa tội. Đức tin được truyền lại trong gia đình và bằng phương ngữ. Các giáo lý viên, cùng với các bà mẹ và bà ngoại, truyền lại đức tin. Tôi rất biết ơn tất cả các giáo lý viên: họ rất tốt, rất tốt! Cảm ơn anh chị em!

_________________________________________



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Có các Hồng Y, giám mục, linh mục, nữ tu, giáo dân và trẻ em, nhưng tất cả chúng ta đều là anh chị em. Các tước hiệu của giáo hoàng, Hồng Y và giám mục không quan trọng bằng, tất cả chúng ta đều là anh chị em. Mỗi người đều có nhiệm vụ riêng của mình là phát triển dân Chúa.

Tôi chào tất cả những người hiện diện, Đức Hồng Y, các Giám mục, linh mục, phó tế, nam nữ thánh hiến, chủng sinh và giáo lý viên. Tôi cảm ơn Chủ tịch Hội đồng Giám mục về những lời của ngài, cũng như những anh chị em đã chia sẻ chứng từ của họ với chúng ta.

Như anh chị em đã biết, phương châm được chọn cho Chuyến tông du này là Đức tin, Tình huynh đệ, Lòng cảm thương. Tôi nghĩ rằng đây là ba nhân đức thể hiện tốt cả hành trình của anh chị em với tư cách là một Giáo hội và tính cách của anh chị em với tư cách là một dân tộc, những người đa dạng về sắc tộc và văn hóa. Đồng thời, anh chị em được đặc trưng bởi một sự phấn đấu bẩm sinh cho sự thống nhất và chung sống hòa bình, như được chứng minh bởi các nguyên tắc truyền thống của Pancasila. Bây giờ tôi muốn suy gẫm với anh chị em về ba hạn từ này.

Đầu tiên là đức tin. Indonesia là một quốc gia lớn, với nhiều tài nguyên thiên nhiên, về thực vật và động vật hoang dã, nguồn năng lượng, nguyên liệu thô, v.v. Nếu nhìn bề ngoài, sự giàu có lớn như vậy có thể là lý do để kiêu hãnh hoặc ngạo mạn, nhưng khi được xem xét với một tâm trí và trái tim rộng mở, sự giàu có này thay vào đó có thể là lời nhắc nhở của Chúa, về sự hiện diện của Người trong vũ trụ và trong cuộc sống của chúng ta, như Kinh thánh dạy chúng ta (xem Sáng thế 1; Sir 42:15; 43:33). Thật vậy, chính Chúa là Đấng ban tặng tất cả những điều này. Không một tấc đất nào của lãnh thổ Indonesia kỳ diệu, cũng không một khoảnh khắc nào trong cuộc sống của hàng triệu cư dân nơi đây không phải là món quà của Chúa, là dấu hiệu của tình yêu thương vô điều kiện và vĩnh cửu của Người như một Người Cha. Nhìn vào tất cả những gì chúng ta đã được ban tặng bằng đôi mắt khiêm nhường của trẻ thơ giúp chúng ta tin tưởng, nhận ra mình nhỏ bé và được yêu thương (x. Tv 8), và vun đắp tình cảm biết ơn và trách nhiệm.

Agnes đã nói về điều này khi mời gọi chúng ta sống mối quan hệ của mình với tạo vật và với anh chị em của chúng ta, đặc biệt là những người thiếu thốn nhất, thông qua lối sống cá nhân và cộng đồng được đánh dấu bằng sự tôn trọng, lịch sự và nhân đạo, cùng với sự tỉnh táo và lòng bác ái của thánh Phanxicô.

Sau đức tin, hạn từ thứ hai trong phương châm là tình huynh đệ. Một nhà thơ thế kỷ XX đã sử dụng một cách diễn đạt rất đẹp để mô tả thái độ này. Bà viết rằng anh chị em có nghĩa là yêu thương nhau bằng cách nhận ra nhau “khác biệt như hai giọt nước” (W. Szymborska, “Nulla due volte accade”, trong La gioia di scrivere. Tutte le poesie (1945-2009), Milano 2009, 45). Thật đẹp! Cách diễn đạt đó đã nắm bắt được điều đó một cách hoàn hảo. Không có hai giọt nước nào giống hệt nhau, cũng như hai anh chị em ruột hay anh chị em ruột, ngay cả cặp song sinh cũng không hoàn toàn giống hệt nhau. Sống tình huynh đệ, nghĩa là chào đón nhau, nhìn nhận nhau là bình đẳng trong sự đa dạng.

Đây cũng là một giá trị mà Giáo hội Indonesia trân trọng và được thể hiện qua sự cởi mở mà anh chị em giải quyết các thực tại bên trong và bên ngoài khác nhau gặp phải trên bình diện văn hóa, dân tộc, xã hội và tôn giáo. Đặc biệt, Giáo hội địa phương của anh chị em coi trọng sự đóng góp của tất cả mọi người và hào phóng hỗ trợ trong mọi hoàn cảnh. Điều này, anh chị em ơi, rất quan trọng, vì việc loan báo Tin Mừng không có nghĩa là áp đặt đức tin của chúng ta, đặt đức tin đối lập với đức tin của người khác, hoặc cải đạo, mà có nghĩa là trao tặng và chia sẻ niềm vui gặp gỡ Chúa Kitô (x. 1 Pr 3:15-17), luôn luôn với sự tôn trọng lớn lao và tình cảm huynh đệ đối với mọi người. Tôi mời gọi anh chị em luôn luôn cởi mở và thân thiện với tất cả mọi người - tôi thích cách diễn đạt "tay trong tay" như Cha Maxi đã nói - các tiên tri của sự hiệp thông, trong một thế giới mà xu hướng chia rẽ, áp đặt và khiêu khích lẫn nhau dường như không ngừng gia tăng (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 67). Về điểm này, tôi muốn nói với anh chị em một điều: anh chị em có biết ai là người gây chia rẽ nhất trên thế giới không? Người chia rẽ vĩ đại, người luôn chia rẽ, nhưng chính Chúa Giêsu là Đấng hiệp nhất. Chính ma quỷ là kẻ chia rẽ, vì vậy hãy cẩn thận!

Như Sơ Rina đã nhắc nhở chúng ta, điều quan trọng là phải cố gắng tiếp cận mọi người. Về vấn đề này, hy vọng rằng không chỉ các văn bản của lời Chúa mà cả các giáo lý của Giáo hội sẽ được dịch sang tiếng Bahasa Indonesia để có thể tiếp cận được với nhiều người nhất có thể. Nicholas cũng chỉ ra nhu cầu tiếp cận mọi người, mô tả sứ mệnh của người dạy giáo lý bằng hình ảnh một “cây cầu” hiệp nhất. Điều này khiến tôi ấn tượng và khiến tôi nghĩ đến một viễn cảnh tuyệt vời ở quần đảo Indonesia rộng lớn với hàng nghìn “cây cầu trái tim” hiệp nhất tất cả các hòn đảo, và thậm chí còn hơn thế nữa là hàng triệu “cây cầu” như vậy hiệp nhất tất cả mọi người sống ở đó! Một hình ảnh đẹp khác về tình huynh đệ sẽ là một tấm thảm khổng lồ gồm những sợi chỉ tình yêu vượt biển, vượt qua các rào cản và ôm trọn mọi sự đa dạng, khiến mọi người “trở thành một trái tim và một tâm hồn” (x. Công vụ 4:32). Đó là ngôn ngữ của trái tim, đừng quên điều này!

Bây giờ chúng ta đến với hạn từ thứ ba: lòng cảm thương, có liên quan rất chặt chẽ với tình huynh đệ. Lòng cảm thương có nghĩa là đau khổ cùng người khác, chia sẻ cảm xúc: đó là một hạn từ đẹp đẽ! Chúng ta biết rằng lòng cảm thương không hệ ở việc bố thí cho những anh chị em túng thiếu, nhìn xuống họ từ sự an toàn và thành công của chính mình. Ngược lại, lòng cảm thương hệ ở việc xích lại gần nhau, loại bỏ mọi thứ có thể ngăn cản chúng ta cúi xuống chạm vào những người đang nằm trên mặt đất và do đó mang lại cho họ hy vọng (x. Fratelli Tutti, 70). Điều này là thiết yếu: chạm vào sự nghèo đói. Khi nghe xưng tội, tôi luôn hỏi người lớn, "Bạn có bố thí không?" và họ thường trả lời, "Có" vì họ là những người tốt. Nhưng câu hỏi thứ hai là, "Khi bố thí, bạn có chạm vào tay người ăn xin không? Bạn có nhìn vào mắt họ không? Hay bạn ném đồng xu vào họ từ xa để không chạm vào họ?" Đây là điều mà tất cả chúng ta phải học: lòng cảm thương có nghĩa là đau khổ, đồng hành với những người đang đau khổ trong cảm xúc của họ và ôm lấy họ, đồng hành với họ. Hơn nữa, điều đó có nghĩa là ôm trọn những ước mơ và khát vọng tự do và công lý của họ, chăm sóc họ, hỗ trợ họ trong khi cũng lôi kéo những người khác vào, mở rộng “mạng lưới” và ranh giới để tạo ra động lực to lớn của lòng bác ái (xem ibid., 203). Điều này không có nghĩa là trở thành một người cộng sản, mà có nghĩa là bác ái, có nghĩa là tình yêu.

Có những người sợ lòng cảm thương vì họ coi đó là điểm yếu, họ nghĩ rằng đau khổ cùng người khác là điểm yếu. Thay vào đó, họ ủng hộ, như thể đó là một đức tính, sự khôn ngoan của những người phục vụ lợi ích của riêng họ bằng cách giữ khoảng cách với mọi người, không để bản thân bị “chạm” bởi bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai, do đó nghĩ rằng họ sáng suốt và tự do hơn trong việc đạt được mục tiêu của mình.

Tôi buồn bã nhớ lại một người rất giàu có ở Buenos Aires, người có thói quen lấy đi, và lấy đi, ngày càng nhiều tiền. Ông ấy đã chết và để lại một khoản thừa kế khổng lồ. Mọi người nói đùa rằng, “Anh chàng tội nghiệp, người ta không thể đóng quan tài!” Ông ấy muốn lấy tất cả mọi thứ nhưng ông ấy không lấy gì cả. Điều này có thể khiến chúng ta bật cười, nhưng đừng quên rằng ma quỷ luôn đi vào qua những chiếc túi! Việc coi của cải như một bảo đảm là một cách nhìn nhận thực tại không đúng. Điều duy trì thế giới không phải là những tính toán về lợi ích cá nhân, thường dẫn đến việc phá hủy tạo vật và chia rẽ cộng đồng, mà là việc cung cấp lòng bác ái cho người khác. Đây chính là điều thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước: lòng bác ái cho đi chính mình. Lòng cảm thương không làm lu mờ viễn cảnh thực sự của cuộc sống. Ngược lại, nó khiến chúng ta nhìn mọi thứ tốt hơn, dưới ánh sáng của tình yêu, và chúng ta nhìn mọi thứ rõ ràng hơn bằng con mắt của trái tim. Tôi muốn nhắc lại, hãy cẩn thận và đừng quên rằng ma quỷ đi vào qua những chiếc túi!

Kiến trúc của lối vào chính của Nhà thờ này, với trọng tâm là Đức Mẹ Maria, tóm tắt rất rõ những gì chúng ta đã nói. Ở trung tâm của mái vòm nhọn là một cây cột có tượng Đức Trinh Nữ Maria. Do đó, điều này cho chúng ta thấy rằng Mẹ Thiên Chúa trên hết là một hình mẫu của đức tin, nhưng ngài cũng tượng trưng cho việc hỗ trợ toàn bộ tòa nhà của Giáo hội thông qua lời "xin vâng" khiêm nhường của ngài đối với kế hoạch của Thiên Chúa (x. Lc 1:38). Tuy nhiên, cây cột tượng trưng cho Chúa Kitô và người phụ nữ khiêm nhường đứng trên cây cột đó dường như mang theo mình sức nặng của toàn bộ tòa nhà, như thể muốn nói rằng cuối cùng, sức lao động và sự khéo léo của con người không thể tự nâng đỡ chính nó. Do đó, Đức Maria xuất hiện như một hình ảnh của tình huynh đệ, một cử chỉ chào đón ở giữa lối vào chính dành cho tất cả những ai muốn bước vào. Mẹ là người mẹ đón tiếp chúng ta. Cuối cùng, Mẹ cũng là biểu tượng của lòng cảm thương, luôn dõi theo và bảo vệ dân Chúa, những người, với niềm vui và nỗi buồn, lao động và hy vọng, tụ họp trong nhà Chúa Cha. Mẹ là người mẹ của lòng cảm thương.

Anh chị em thân mến, Tôi muốn kết thúc những suy tư này bằng cách nhắc lại những gì Thánh Gioan Phaolô II đã nói khi phát biểu trước các Giám mục, giáo sĩ và những người thánh hiến trong chuyến viếng thăm của ngài tại đây cách đây vài thập niên. Trích dẫn câu thơ sau từ Thánh vịnh, “Laetentur insulae multae – và muôn đảo vui mừng” (Tv 96:1), ngài mời gọi những người lắng nghe hãy thực hành bằng cách “làm chứng cho niềm vui Phục sinh và hy sinh mạng sống để ngay cả những hòn đảo xa xôi nhất cũng có thể ‘vui mừng’ khi nghe Tin Mừng, mà anh chị em là những nhà rao giảng, giáo viên và chứng nhân đích thực” (Cuộc họp với các Giám mục, Giáo sĩ và Tu sĩ Indonesia, Jakarta, ngày 10 tháng 10 năm 1989).

Tôi cũng nhắc lại lời khuyên này và tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục sứ mệnh của mình bằng cách mạnh mẽ trong đức tin, cởi mở với tất cả mọi người trong tình huynh đệ và gần gũi nhau trong lòng cảm thương. Mạnh mẽ, cởi mở và gần gũi, với sức mạnh của đức tin. Cởi mở để chào đón mọi người! Tôi rất ấn tượng với dụ ngôn trong Tin Mừng, khi khách dự tiệc cưới không muốn đến, Chúa đã làm gì? Người có trở nên cay đắng không? Không, Người sai các đầy tớ của mình đi và bảo họ đến ngã tư đường và đưa mọi người vào trong. Với phong cách rất đẹp này trong tâm trí, hãy tiến lên với tình huynh đệ, với lòng cảm thương và với sự hiệp nhất. Tôi nghĩ về nhiều hòn đảo ở đây, rất nhiều hòn đảo, và Chúa nói với những người tốt, với anh chị em, "tất cả mọi người, tất cả mọi người". Thật vậy, Chúa nói, "tốt và xấu", tất cả mọi người! Tôi cũng xin nhắc lại lời khuyên này và khuyến khích anh chị em tiếp tục sứ mệnh của mình, mạnh mẽ trong đức tin, cởi mở với tất cả mọi người trong tình huynh đệ và gần gũi với người khác trong lòng cảm thương. Đức tin, tình huynh đệ và lòng cảm thương. Tôi để lại cho anh chị em ba hạn từ này, và anh chị em có thể suy nghĩ về chúng sau. Đức tin, tình huynh đệ và lòng cảm thương. Tôi chúc lành cho anh chị em và cảm ơn anh chị em vì nhiều điều tốt đẹp mà anh chị em làm mỗi ngày trên tất cả những hòn đảo xinh đẹp này! Tôi sẽ cầu nguyện cho anh chị em và tôi xin anh chị em, làm ơn, hãy cầu nguyện cho tôi. Hãy cẩn thận về một điều: cầu nguyện cho, không phải chống lại! Cảm ơn anh chị em.
 
Đức Giáo Hoàng kêu gọi giáo sĩ, tu sĩ Indonesia thúc đẩy sự cởi mở, hòa nhập
Vũ Văn An
20:14 04/09/2024

Elise Ann Allen của tạp chí mạng CruxNow, ngày 4 tháng 9 năm 2024, tường trình rằng Đức Giáo Hoàng kêu gọi giáo sĩ, tu sĩ Indonesia thúc đẩy sự cởi mở, hòa nhập.



Thực vậy, tại một đất nước nổi tiếng với sự đa dạng sắc tộc và nơi những khó khăn xã hội như nghèo đói và tham nhũng là hiện thực hàng ngày, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh tầm quan trọng đối với các mục tử và nhà truyền giáo của Giáo hội là phải cởi mở và ưu tiên những người bị thiệt thòi.

Phát biểu với các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên, Đức Giáo Hoàng cho biết phương châm của chuyến thăm Indonesia, “đức tin, tình anh em, lòng cảm thương”, thể hiện cả “hành trình của anh chị em với tư cách là một Giáo hội và tính cách của anh chị em với tư cách là một dân tộc, những người đa dạng về sắc tộc và văn hóa”.

Ngài đã gặp giám mục và giáo sĩ, những người phục vụ khoảng 8.3 triệu người Công Giáo của Indonesia, tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời ở Jakarta.

“Đồng thời, anh chị em được đặc trưng bởi một nỗ lực bẩm sinh hướng tới sự thống nhất và chung sống hòa bình”, ngài nói.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang ở Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, như một phần của chuyến thăm rộng lớn hơn từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9 tới Đông Nam Á và Châu Đại Dương.

Trong một cuộc họp với các nhà chức trách dân sự và nhà ngoại giao Indonesia vào đầu ngày hôm đó, Đức Phanxicô đã ca ngợi sự đa dạng văn hóa và sắc tộc phong phú của đất nước này, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị thúc đẩy lòng khoan dung và chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Trong lời chào mừng Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại cuộc gặp gỡ với các giáo sĩ, Đức Giám Mục Antonius Subianto Bunjamin của Bandung và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Indonesia (KWI) cho biết sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng "mang lại hy vọng không chỉ cho cộng đồng Công Giáo Indonesia... mà còn cho quốc gia Indonesia đa dạng bao gồm khoảng 1,300 nhóm dân tộc và dân tộc".

Indonesia có 37 Giáo phận và 1 Giáo hạt Quân đội, ngài cho biết, và bày tỏ hy vọng rằng sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng tại quốc gia này sẽ "củng cố đức tin của chúng ta để sống theo lệnh truyền của Chúa và giáo lý của Giáo hội nhằm xây dựng tình huynh đệ thực sự, được thể hiện thông qua thái độ cảm thương, đặc biệt là đối với những người ở vùng ngoại vi của xã hội".

Trước bài phát biểu của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lắng nghe bốn lời chứng từ một linh mục, một nữ tu và hai giáo lý viên.

Cha Maxi Un Bria, chủ tịch Liên đoàn Linh mục Giáo phận Indonesia (UNINDO), gọi sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng là một “phước lành” cho các mục tử của giáo hội khi họ tìm cách “cùng nhau bước đi, cùng nhau phục vụ các tín hữu của tất cả các nhà thờ địa phương tại Indonesia”.

Sơ Rina Rosalina, một Nữ tu Truyền giáo Clare Nghèo của Bí tích Thánh Thể, nhấn mạnh đến nhu cầu truyền giáo không chỉ trong các cộng đồng địa phương mà còn trên toàn thế giới, và yêu cầu dịch tốt hơn các tài liệu và văn bản của Đức Giáo Hoàng.

“Bất chấp những nỗ lực của các Giám mục của chúng con, việc dịch thuật có thể mất nhiều thời gian và ngay cả khi hoàn thành, việc phê duyệt các bản dịch đó vẫn mất thời gian ở Rome. Chúng con vẫn đang chờ đợi để có thể đọc một số giáo lý của ngài bằng tiếng Indonesia bản địa của chúng con”, bà nói.

Tiếng Indonesia là ngôn ngữ Nam Đảo và là ngôn ngữ chính thức của Indonesia.

“Chúng con xin trình bày điều này với Đức Thánh Cha, để chúng con ở đất nước xa xôi này có thể hiệp nhất hoàn hảo hơn và hòa hợp với Giáo hội hoàn vũ, cùng nhau bước đi trong tính đồng nghị,” Sơ Rosalina nói.

Agnes Natalia, giáo viên tại Trường tiểu học Saint Ursula ở Jakarta; giáo lý viên tại Giáo xứ Saint Mary the Virgin Queen, đã nêu bật thừa tác vụ của nhà thờ đối với người nghèo và người khuyết tật, trong khi Nikolas Wijaya, giáo viên Công Giáo tại Trường trung học phổ thông Regina Pacis ở Bogor và là thành viên của Ủy ban Giáo lý tại Giáo phận Bogor, đã nhấn mạnh đến nhu cầu xây dựng “những cây cầu” trong xã hội.

“Là những giáo lý viên, chúng con có thể là những cây cầu kết nối nhiều người, truyền cảm hứng cho họ xây dựng những cây cầu khác, để thông qua những cây cầu đối thoại khác nhau, chúng con luôn có thể trình bày khuôn mặt của Chúa Kitô bằng đức tin, tình huynh đệ và lòng trắc ẩn,” ông nói.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống hòa hợp với tạo vật và với nhau, đặc biệt là những người nghèo và thiếu thốn.

Ngài nhấn mạnh đến nhu cầu về "một lối sống cá nhân và cộng đồng được đánh dấu bằng sự tôn trọng, lịch sự và nhân đạo, cùng với sự tỉnh táo và lòng bác ái của Thánh Phanxicô".

Suy gẫm về ý nghĩa của tình huynh đệ nhân loại, ngài trích dẫn nhà thơ người Ba Lan Wisława Szymborska, nói rằng trở thành anh chị em có nghĩa là yêu thương trong khi nhận ra nhau "khác biệt như hai giọt nước".

"Không có hai giọt nước nào giống nhau, cũng như hai anh em trai hay chị em gái, ngay cả cặp song sinh cũng không hoàn toàn giống hệt nhau. Do đó, sống trong tình huynh đệ có nghĩa là chào đón nhau, công nhận nhau là bình đẳng trong sự đa dạng,” ngài nói.

Giáo Hội Công Giáo tại Indonesia phải được đặc trưng bởi thái độ cởi mở ở các bình diện văn hóa, dân tộc, xã hội và tôn giáo, ngài nói.

Đức Phanxicô tập chú vào vai trò truyền giáo của Giáo hội, nói rằng làm chứng cho Tinn Mừng “không có nghĩa là áp đặt đức tin của chúng ta hoặc đặt nó đối lập với đức tin của người khác,” mà đúng hơn là bao gồm việc chia sẻ niềm vui của việc biết Chúa Kitô, “luôn luôn với sự tôn trọng lớn lao và tình cảm anh em đối với mọi người.”

“Tôi mời gọi anh chị em luôn luôn cởi mở và thân thiện với tất cả mọi người – ‘tay trong tay,’ như Cha Maxi đã nói – các tiên tri của sự hiệp thông, trong một thế giới mà xu hướng chia rẽ, áp đặt và khiêu khích lẫn nhau dường như không ngừng gia tăng,” ngài nói.

Ngài đồng tình với mong muốn của Sơ Rosalina là có các văn bản của Giáo hội và giáo quyền dễ tiếp cận hơn bằng ngôn ngữ địa phương, nói rằng, “hy vọng rằng không chỉ các văn bản của lời Chúa mà cả các giáo huấn của Giáo hội sẽ được dịch sang tiếng Indonesia để có thể tiếp cận được với càng nhiều người càng tốt.”

Quay lại hình ảnh của Wijaya về những giáo lý viên đóng vai trò là cầu nối giữa các cộng đồng, Đức Giáo Hoàng cho biết sứ mệnh của một giáo lý viên là đoàn kết và thúc giục các mục tử xây dựng “‘những cây cầu của trái tim’ đoàn kết tất cả các hòn đảo, và thậm chí là hàng triệu ‘cây cầu’ như vậy đoàn kết tất cả những người sống ở đó!”

Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng cảm thương, nói rằng nó không chỉ bao gồm việc cho tiền người nghèo trong khi “nhìn xuống họ từ ‘tháp’ an ninh và thành công của chính chúng ta”.

“Ngược lại, nó bao gồm việc kéo chúng ta lại gần nhau, loại bỏ mọi thứ có thể ngăn cản chúng ta cúi xuống chạm vào những người đang nằm dưới đất, nâng họ lên và mang lại cho họ hy vọng”, ngài nói.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết lòng cảm thương có nghĩa là ôm lấy những người túng thiếu, hỗ trợ họ và thúc đẩy công lý, đồng thời cũng “mở rộng ‘mạng lưới’ và ranh giới để tạo ra động lực to lớn của lòng bác ái”.

Đức Phanxicô lưu ý rằng một số người sợ phải cảm thương vì họ coi đó là sự yếu đuối, thích "sự khôn ngoan của những người phục vụ lợi ích của riêng họ bằng cách giữ khoảng cách với mọi người, không để bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai 'chạm' đến mình, do đó nghĩ rằng họ sáng suốt và tự do hơn trong việc đạt được mục tiêu của mình".

"Đây là cách nhìn nhận thực tại không đúng", ngài nói, "Điều duy trì thế giới không phải là những tính toán về lợi ích cá nhân, thường dẫn đến việc phá hủy tạo vật và chia rẽ cộng đồng, mà là việc cung cấp lòng bác ái cho người khác".

Ngài nói, lòng cảm thương "không làm lu mờ tầm nhìn thực sự của cuộc sống. Ngược lại, nó khiến chúng ta nhìn mọi thứ tốt hơn, dưới ánh sáng của tình yêu".

Ngài trích dẫn một bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến thăm năm 1989, mời những người nghe câu thánh vịnh, "hãy để nhiều hòn đảo vui mừng", hãy đưa nó vào thực hành bằng cách "làm chứng cho niềm vui Phục sinh và hy sinh mạng sống của mình để ngay cả những hòn đảo xa nhất cũng có thể 'vui mừng' khi nghe Tin Mừng, mà các bạn là những nhà thuyết giáo, giáo viên và chứng nhân đích thực".

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết thúc bài phát biểu của mình bằng lời cảm ơn các giáo sĩ và tu sĩ Indonesia vì công việc của họ, và khuyến khích họ “tiếp tục sứ mệnh của mình bằng cách mạnh mẽ trong đức tin, cởi mở với mọi người trong tình huynh đệ và gần gũi nhau trong lòng cả thương”.
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
HĐMV Miền Đông Nam Hoa Kỳ Tỉnh tâm
Phêrô Nguyễn Thành Danh
07:17 04/09/2024
Xem Hình


Khoá Tĩnh Huấn HĐMV Miền Đông Nam Hoa Kỳ (16-18/8/2024)

Khoá Tĩnh Huấn kỳ I dành cho Liên Hội Đồng Mục Vụ Công Giáo Việt Nam Miền Đông Nam Hoa Kỳ đã được tổ chức từ chiều 16 đến 18 tháng 8 năm 2024 tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam St. Petersburg, Florida.

Tham dự Khoá Tĩnh Huấn có cha Giuse Nguyễn Thanh Châu, Chánh xứ Giáo xứ Thánh Philípphê Phan Văn Minh Orlando, Florida, Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Hoa Kỳ, cha Phanxicô Xaviê Trần Quốc Tuấn, Chánh xứ Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Atlanta, Georgia, Phó Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Hoa Kỳ, cha Giuse Nguyễn Vũ Việt, Chánh xứ Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Saint Petersburg, Florida, Chủ Tịch Miền Đông Nam Hoa Kỳ, cha Matthêu Nguyễn Khắc Hy, cha giảng phòng cho khoá và có hơn 110 tham dự viên trong Hội Đồng Mục Vụ từ các Cộng Đoàn, Giáo Đoàn và Giáo Xứ thuộc 5 Tiểu bang về tham dự (North Carolina, South Carolina, Tennessee, Georgia và Florida).

Chương Trình Tĩnh Huấn đã được khai mạc với Thánh Lễ chiều thứ Sáu lúc 6 giờ chiều do Cha Giuse Nguyễn Thanh Châu chủ tế và quý cha đồng tế. Sau Thánh lễ, Ban Tổ Chức mời quý cha và mọi người đến hội trường để dùng bữa ăn tối. Tiếp đến là giờ Chầu Thánh Thể tại Nhà Thờ lúc 7:30. Sau cùng là phần chào đón và giới thiệu các Cộng đoàn, Giáo Đoàn, Giáo Xứ và các thành viên tham dự Khoá trước khi kết thúc chương trình ngày thứ Sáu.

Bước qua ngày thứ Bảy là ngày chính của chương trình Tĩnh Huấn, Cha Giảng Phòng đã trình bày cho Liên Hội Đồng Mục Vụ về 4 đề tài:

1. Vai trò Hội Đồng Mục Vụ trong Giáo xứ
2. Được kêu gọi để phục vụ
3. Kỹ năng Lãnh đạo trong Phục vụ
4. Phục vụ, dấu chỉ đức tin

Sau phần trình bày của cha giảng phòng, cha Giuse Nguyễn Vũ Việt, Chủ Tịch Miền Đông Nam đã mời quý chức chia ra làm 5 nhóm đến các lớp học để chia sẻ, học hỏi và thảo luận về những câu hỏi đã được gợi ý. Và sau đó mọi người trở lại phòng họp chung để cùng lắng nghe mỗi vị đại diện tóm lược lại phần chia sẻ của nhóm mình. Đồng thời tất cả những câu hỏi của quý chức đưa ra cũng được cha giảng phòng trả lời thoả đáng. Sau khi phần trình bày của cha giảng phòng, mỗi Giáo Xứ, cộng đoàn cũng được mời lên để giới thiệu những sinh họat cũng như hình ảnh của mình.

Đúng 5:30 chiều thứ Bảy Ban Tổ Chức mời gọi mọi người về lại nhà thờ để cùng nhau tâm tình cầu nguyện với Chúa trong giờ Chầu Thánh Thể và cùng tham dự Thánh Lễ sau đó. Trong phần cuối bài giảng của Thánh Lễ, thật cảm động khi cha giảng phòng muốn cộng đoàn tri ân quý chức trong Hội Đồng Mục Vụ, cha đã mời tất cả quý chức tham dự khoá tĩnh huấn đứng lên, và cha xin tất cả cộng đoàn tham dự Thánh Lễ, đại diện cho những người có mặt cũng như không có mặt của tất cả những cộng đoàn Giáo Xứ, nổ cho quý chức một tràng pháo tay thật lớn như là một lời cảm ơn vì quý chức là những người âm thầm đứng đàng sau, luôn hy sinh chuẩn bị cho những buổi Lễ, những giờ kinh, những buổi học hỏi và tất cả những sinh hoạt trong giáo xứ với mực đích không gì hơn là để mọi người cùng nhau tìm kiếm được sự sống đời đời với Thiên Chúa. Cha cũng nhắc nhớ "ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn. chúng ta đừng quên nhau khi chúng ta đi tìm kiếm sự sống đời đời."

Sau Thánh Lễ, mọi người được mời trở lại Hội Trường để dùng bữa ăn tối và chung vui phần Văn Nghệ do Ca Đoàn Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời phụ trách. Trước khi bắt đầu chương trình văn nghệ, anh Phương trong Ban Tổ Chức đã phân phát cho mỗi thành viên tham dự Khoá một cái ly làm quà kỷ niệm với Logo Khoá Tĩnh Huấn Hội Đồng Mục Vụ Miền Đông Nam Hoa Kỳ do anh Nguyễn-Võ Quảng đảm trách giúp. Và sau khi mọi người dùng xong bữa ăn tối, ca đoàn đã bắt đầu chương trình văn nghệ bỏ túi thật vui tươi, hào hứng và sinh động rất thú vị. Chương trình văn nghệ được mọi người tham gia đóng góp thật phong phú và hấp dẫn. Buổi văn nghệ đã chấm dứt lúc 10 giờ đêm để kết thúc chương trình ngày thứ Bảy.

Sáng Chúa nhật sau Thánh lễ 7:30, buổi picnic tổ chức tại Port De Soto, Pinellas Bayway South, Tierra Verde thật vui vẻ và tuyệt vời. Và mọi người đã chia tay với đầy cảm xúc, lưu luyến và hẹn gặp lại nhau trong Khoá Tĩnh Huấn Hội Đồng Mục Vụ Miền Đông Nam kỳ II.

Lời sau cùng, chúng con là những tham dự viên của Khoá Tĩnh Huần Hội Đồng Mục Vụ Miền Đông Nam Hoa Kỳ kỳ I. Trước hết, chúng con xin cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Khoá Tĩnh Huấn thật tốt đẹp. Chúng con xin chân thành cảm ơn Cha Giuse Nguyễn Thanh Châu và cha Phanxicô Trần Quốc Tuấn, Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Hoa Kỳ, cha Giuse Nguyễn Vũ Việt, Chủ Tịch Miền Đông Nam và cũng là cha Chánh Xứ Giáo Xứ Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam St. Petersburg và cha Matthew Nguyễn Khắc Hy, cha giảng phòng cho Khoá, đã tạo cơ hội cho chúng con có được Khoá Tĩnh Huấn rất hữu ích. Chúng con cùng nhau họp mặt, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và đặc biệt hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đồng trách nhiệm với cha xứ để phục vụ giáo xứ.

Cảm ơn 3 anh trong Ban Tổ Chức (anh Nguyễn Phương, anh Nguyễn-Võ Quảng, và anh Nguyễn Thành Danh), quý cộng đoàn giáo xứ CTTĐVN St. Petersburg đã cộng tác giúp trong việc tổ chức Khoá Tĩnh Huấn thật chu đáo, quá niềm nở cởi mở để mang đến một kết quả thành công mỹ mãn tuyệt vời trên cả những gì mọi người mong ước.

Chúng tôi chân thành cảm ơn anh Mai Văn Toàn, chủ tịch giáo xứ Thánh Philípphê Phan Văn Minh đã giúp gửi bài, hình ảnh và góp ý trong bài tường thuật này.

Trên hết mọi sự chúng ta cùng cảm tạ Thiên Chúa và cảm ơn nhau. Nguyện xin Chúa tiếp tục chúc lành và ban nhiều Hồng Ân xuống cho chúng ta để chúng ta cùng nhau tìm kiếm sự khôn ngoan, để sự khôn ngoan dẫn chúng ta đến sự sống đời đời với Thiên Chúa như lời cha giảng phòng đã chia sẻ trong bài giảng.

St. Petersburg, Florida ngày 16-18/8/2024


More photos link

Bốn video chia sẻ hữu ích cho Hội Đồng Mục Vụ trong Cuộc Tĩnh Huấn HĐMV Miền Đông Nam 16-18/08/2024 tại Gx. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, St. Peterburg
P1: https://youtu.be/_oyD7AWNCbM
P2: https://youtu.be/ieeT0dQwEwY
P3: https://youtu.be/WQWVs_5U96Y
P4: https://youtu.be/xpOKDyQbDyU
 
VietCatholic TV
Phóng sự đặc biệt: Lễ Nghi Quốc Khách chào đón Đức Thánh Cha tại dinh Tổng thống Indonesia
VietCatholic Media
02:34 04/09/2024
 
Bước ngoặt: Mỹ bật đèn xanh ATACMS, Nga thua chắc. Phát hiện bệ phóng Skyfall. Tội ác mới của Putin
VietCatholic Media
03:19 04/09/2024


1. Ukraine sắp hoàn tất với Hoa Kỳ thỏa thuận cho phép sử dụng hỏa tiễn tầm xa trên đất Nga

Washington sắp đạt được thỏa thuận trong đó họ sẽ cung cấp cho Kyiv các hỏa tiễn hành trình tầm xa có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga

Reuters dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết Hỏa tiễn không đối đất tầm xa, gọi tắt là JASSM, sẽ là một phần của gói vũ khí dự kiến được công bố vào mùa thu năm nay, trong khi chờ quyết định cuối cùng.

Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy Quân đội Hoa Kỳ tại Âu Châu, người đã nhiều lần kêu gọi Washington cam kết cung cấp vũ khí tầm xa cho Kyiv, hoan nghênh viễn cảnh cung cấp hỏa tiễn cho Ukraine, nhưng chỉ ra rằng đã có quá nhiều sự chậm trễ.

Ông nói với tờ Newsweek rằng: “Tôi rất vui vì họ đang cân nhắc điều này, nhưng nó làm nổi bật sự thất bại hoàn toàn trong việc cung cấp những khả năng này cách đây hơn hai năm”.

Phiên bản hỏa tiễn AGM-158A có tầm bắn 330 dặm hay 530 km, trong khi phiên bản AGM-158B có tầm bắn 575 dặm hay 925 km, có khả năng đặt các khu vực tập trung và kho tiếp tế của Nga cách xa tiền tuyến vào tầm tấn công của lực lượng Ukraine.

Politico đưa tin vào tháng 8 rằng chính quyền Tổng thống Biden “sẵn sàng” cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đó là những hỏa tiễn nặng 2400 pound hay 1090 kg mang đầu đạn nặng 1.000 pound hay 454 kg và có thể vươn tới 30 căn cứ không quân của Nga, một số trong đó được sử dụng để tấn công Ukraine.

JASSM chỉ được tích hợp vào máy bay do Hoa Kỳ thiết kế và Ukraine sẽ vận hành F-16, có thể mang theo hai hỏa tiễn hành trình. Các nỗ lực cũng đang được tiến hành để làm cho hỏa tiễn có thể hoạt động với các chiến đấu cơ thời Liên Xô mà Ukraine sử dụng.

Washington đã miễn cưỡng cung cấp cho Ukraine vũ khí có thể tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga vì sợ leo thang xung đột. Việc chuyển giao JASSM sẽ gây thêm áp lực buộc Hoa Kỳ phải dỡ bỏ hầu hết các hạn chế về việc sử dụng vũ khí của mình trong cuộc xung đột, một nhân viên quốc hội giấu tên nói với Reuters.

Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí, phương tiện và thiết bị lớn nhất cho Ukraine, bao gồm máy bay F-16 thông qua các nước thứ ba, xe tăng Abrams, hỏa tiễn hành trình và hệ thống phòng không Patriot.

Một số thành viên Quốc hội và những chính trị gia khác đã cáo buộc chính quyền Tổng thống Biden quá chậm trễ trong việc trao cho Kyiv những gì họ cần để đánh bại Nga.

“Chúng ta đã chờ đợi điều gì?” Hodges nói. “Tại sao chính quyền lại ra quyết định chậm chạp, khi họ lẽ ra phải hành động nhanh hơn, để cung cấp các năng lực khác nhau giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến, cần phải kịp thời để có hiệu quả thực sự?”

Ông nói thêm: “Sự tự kiềm chế không thể lay chuyển của chúng ta do quá sợ hãi trước sự leo thang của Nga sẽ làm tổn hại đến uy tín của Hoa Kỳ tại Âu Châu”.

[Newsweek: Ukraine Closes in on Long-Range JASSM Missile Deal With US]

2. Ảnh vệ tinh cho thấy địa điểm bí mật phóng hỏa tiễn hạt nhân 'Skyfall' của Putin

Trong hội nghị an ninh toàn cầu ở Prague, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nhận định rằng “không có giải pháp thay thế” nào cho việc Ukraine chiến thắng Nga và Vladimir Putin.”

Cô phát biểu tại hội nghị GLOBSEC 2024 ở Prague rằng “tất cả chúng ta” đều thua nếu Mạc Tư Khoa giành chiến thắng.

Cô cho biết những người không ủng hộ đầy đủ chiến thắng của Ukraine “không hiểu được tình hình nguy hiểm như thế nào”.

Giải thích thêm về nhận định này của nữ Thủ tướng Đan Mạch, tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Cái chết ập đến một ngày nào đó: Ảnh vệ tinh cho thấy địa điểm bí mật phóng hỏa tiễn hạt nhân 'Skyfall' của Putin mà Vlad tự hào là 'bất khả chiến bại với tầm bắn không giới hạn'“.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hình ảnh vệ tinh dường như cho thấy địa điểm phóng hỏa tiễn hạt nhân tuyệt mật 'Skyfall' hay “Trời sập”, đáng sợ của Vladimir Putin đã được tiết lộ.

Bạo chúa người Nga đã khoe khoang rằng hỏa tiễn hành trình hạt nhân 9M370 Burevestnik là “bất khả chiến bại” và có tầm bắn gần như không giới hạn, khiến nó trở thành một trong những vũ khí mạnh nhất trong kho vũ khí của Nga.

Hai nhà nghiên cứu Hoa Kỳ tuyên bố hôm Thứ Hai, 02 Tháng Chín, rằng họ đã phát hiện ra địa điểm triển khai vũ khí mà NATO gọi là “SSC-X-9 Skyfall” ở Vologoda, Nga.

Planet Labs, một công ty vệ tinh thương mại, cho biết một công trường xây dựng đang được sử dụng làm nơi ẩn náu cho loại vũ khí này. Ảnh chụp trên không cho thấy một căn cứ lớn, cách Mạc Tư Khoa 295 dặm hay 475 km về phía bắc, được biết đến với hai tên - Vologda-20 và Chebsara.

Các nhà nghiên cứu cho biết trong hình ảnh có thể thấy năm công sự chứa đầu đạn hạt nhân cùng với các vị trí phóng. Decker Eveleth, một nhà phân tích của tổ chức nghiên cứu và phân tích CNA, cho biết chín bệ phóng gần đó cũng đang được xây dựng.

Ông đã nghiên cứu các hình ảnh vệ tinh và cho biết mỗi bệ phóng được đặt cạnh một bờ đất cao để bảo vệ chúng khỏi nguy cơ bị tấn công. Decker cho biết địa điểm này có khả năng đang được sử dụng “cho một hệ thống hỏa tiễn cố định lớn”.

Ông nói thêm rằng Điện Cẩm Linh hiện chỉ được cho là đang phát triển vũ khí hạt nhân Skyfall.Vũ khí Skyfall được coi rộng rãi là “siêu vũ khí” trong kho vũ khí đáng sợ của Putin.

Một đánh giá tình báo của Hoa Kỳ vào năm 2019 cho biết tàu Burevestnik chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể sẵn sàng triển khai trong sáu năm nữa - nghĩa là nó có thể được sử dụng vào năm 2025.

Putin đã gọi đây là “một loại vũ khí hoàn toàn mới” với “tầm bắn không giới hạn và khả năng cơ động không giới hạn”.

Burevestnik là hỏa tiễn hành trình tàng hình bay thấp được cho là không thể phát hiện bởi các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn hiện có của phương Tây. Hỏa tiễn này cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân đến bất cứ nơi nào trên thế giới.

Burevestnik - có nghĩa là “chim bão” trong tiếng Nga - được giới chức quân sự Hoa Kỳ mô tả vào năm 2021 là “vũ khí độc đáo có khả năng tấn công liên lục địa”.

Nó được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân, trong khi lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ tích hợp bên trong được cho là có tầm bắn xa hơn nhiều so với bất kỳ hỏa tiễn hành trình phi đạn đạo nào trước đây.

Về mặt lý thuyết, lõi năng lượng hạt nhân có thể cho phép nó bay vòng quanh thế giới nhiều lần trước khi chạm tới mục tiêu.

Nó cũng có thể bay theo đường thẳng ở độ cao cực thấp, khiến nó trở nên “vô hình” khi bay dưới tầm phát hiện của hầu hết các hệ thống phát hiện hỏa tiễn.

Đầu đạn này là một phần trong kho vũ khí đáng sợ của Putin, gồm 6.000 đầu đạn hạt nhân và các loại vũ khí siêu hạng khác. Nga còn được biết đến với kho vũ khí nhiệt áp đáng sợ có thể triển khai một loạt đầu đạn nổ nhiên liệu-không khí mạnh đến mức có thể “làm tan chảy” quân đội đối phương.

Mối đe dọa tiềm tàng về việc Putin sử dụng vũ khí hạt nhân đã liên tục xảy ra kể từ khi nhà độc tài này phát động cuộc xâm lược Ukraine hơn hai năm trước.

Ông ta liên tục cảnh báo phương Tây về kho vũ khí hủy diệt của mình và đe dọa sẽ sử dụng chúng nếu chiến tranh vượt ra ngoài phạm vi Nga và Ukraine.

Trong những tuần gần đây, giao tranh xuyên biên giới đã chứng kiến Ukraine chiếm ưu thế với cuộc tấn công xuyên biên giới bất ngờ vào Kursk.

Những cảnh quay gây ấn tượng mạnh vào hôm Thứ Sáu, 30 Tháng Tám,, cho thấy khoảnh khắc cuộc phản công của Nga bị Ukraine ngăn chặn khi một phần nhỏ xe tăng của Putin sống sót trước thất bại thảm hại.

Chỉ có 4 trong số 17 xe thiết giáp bị điều động tới tiền tuyến ở Donetsk thoát khỏi cuộc tấn công của máy bay điều khiển từ xa kamikaze.

Các cảnh quay khác cho thấy cảnh những người lính Nga cố gắng trốn thoát ở thị trấn Kostyantynivka gần đó khi các phi công chiến đấu Ukraine tiêu diệt họ.

Nga đang nỗ lực hết sức để giành lại thế thượng phong ở Ukraine sau khi lực lượng của Zelenskiy tiến vào lãnh thổ của đối phương vào ngày 6 tháng 8.

Cách Donetsk vài trăm km tại Kursk, Kyiv đã phát động một cuộc tấn công qua biên giới từ khu vực Sumy.

Chiến dịch máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã không ngừng làm suy yếu lực lượng và vũ khí của Putin trong khoảng hai năm rưỡi.

Chiến dịch này đã thành công trong việc ngăn chặn lực lượng Nga, phá hủy các kho dầu quan trọng và nguồn cung cấp quân sự, phá hủy các cây cầu quan trọng, phá hủy tàu hải quân và máy bay cũng như tiêu diệt bộ binh.

[The Sun: DIE ANOTHER DAY Satellite pics show secret launch site of Putin’s ‘Skyfall’ nuke that Vlad boasts is ‘invincible with unlimited range’]

3. Reuters đưa tin: Nhà máy lọc dầu Mạc Tư Khoa tạm dừng hoạt động sau cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa quy mô lớn của Ukraine

Hôm Thứ Ba, 03 Tháng Chín, Reuters đưa tin, trích dẫn nguồn tin tại Nga, rằng nhà máy lọc dầu Moscow của Gazprom Neft đã ngừng hoạt động tại đơn vị lọc dầu Euro+ của nhà máy sau một vụ hỏa hoạn do một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa quy mô lớn của Ukraine vào khu vực này vào hôm Chúa Nhật, 01 Tháng Chín.

Hàng chục máy bay điều khiển từ xa được cho là đã nhắm vào một số khu vực của Nga vào đêm ngày 1 tháng 9, bao gồm cả Mạc Tư Khoa.

Theo Thị trưởng Mạc Tư Khoa Sobyanin, một máy bay điều khiển từ xa được cho là đã bị phá hủy gần Nhà máy lọc dầu Mạc Tư Khoa. Một trong những tòa nhà của nhà máy lọc dầu đã bị hư hại trong một vụ hỏa hoạn sau vụ tấn công, theo hãng thông tấn Ria Novosti của Nga.

Các nguồn tin cho Reuters biết rằng đơn vị Euro+ chiếm khoảng 50 phần trăm công suất lọc dầu của nhà máy. Các nguồn tin cũng tuyên bố rằng đơn vị này chỉ có thể hoạt động trở lại trong sau khi việc sửa chữa hoàn tất.

Theo Reuters, năm ngoái, nhà máy ở ngoại ô Moscow này đã giải quyết 11,6 triệu tấn dầu thô. Hiện vẫn chưa rõ mức độ thiệt hại được báo cáo đối với nhà máy sẽ ảnh hưởng đến khả năng lọc dầu như thế nào.

Quân đội Ukraine cũng thường xuyên nhắm vào các kho dầu của Nga nhằm mục đích giảm thiểu tiềm lực quân sự của Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

[Kyiv Independent: Moscow oil refinery suspends unit's operations following large-scale Ukrainian drone attack, Reuters reports]

4. Phần Lan đề xuất cấm hầu hết công dân Nga mua bất động sản

Hôm Thứ Ba, 03 Tháng Chín, chính phủ Phần Lan đã đề xuất cấm hầu hết công dân Nga mua bất động sản tại nước này để bảo đảm an ninh quốc gia, Reuters đưa tin, trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen.

Mối quan hệ giữa Phần Lan và Nga đã xấu đi kể từ khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Để đáp trả cuộc chiến, Phần Lan đã gia nhập NATO vào tháng 4 năm 2023, mở rộng biên giới NATO-Nga thêm khoảng 1.340 km.

Lệnh cấm được đề xuất sẽ không áp dụng đối với công dân có hai quốc tịch hoặc người Nga thường trú tại Phần Lan hoặc các quốc gia khác thuộc Liên minh Âu Châu. Các hạn chế này phải được tham vấn chuyên gia trước khi bỏ phiếu tại quốc hội.

Hakkanen cho biết: “Các quy định này nhằm mục đích ngăn chặn những ảnh hưởng thù địch có thể xảy ra đối với Phần Lan”.

Hakkanen cho biết Phần Lan đang theo dõi khoảng 3.500 bất động sản liên quan đến chủ sở hữu người Nga.

Theo Reuters, Helsinki đã nỗ lực hạn chế việc công dân Nga mua bất động sản gần các cơ sở chiến lược, chặn ba giao dịch vào tháng 10 năm ngoái và ba giao dịch khác vào Tháng Giêng năm 2024.

Năm 2023, Phần Lan đã đóng cửa tất cả các trạm kiểm soát ở biên giới với Nga và cáo buộc Mạc Tư Khoa lợi dụng vấn đề di cư bằng cách khuyến khích người di cư từ các quốc gia như Syria và Somalia vượt biên giới, một lời khẳng định mà Điện Cẩm Linh phủ nhận.

Helsinki tin rằng Mạc Tư Khoa đang thúc đẩy các cuộc giao tranh này để trả đũa việc Phần Lan gia nhập NATO, tổ chức ủng hộ Ukraine chống lại cuộc chiến vô cớ của Nga.

[Kyiv Independent: Finland proposes banning most Russian citizens from buying real estate]

5. Putin nói rằng 'Các thành viên trẻ trong gia đình' của ông nói tiếng Hoa

Tờ Newsweek cho biết, trong một diễn biến gây ngỡ ngàng cho người Nga, Putin tuyên bố hôm thứ Hai rằng “các thành viên trẻ trong gia đình” của ông đều nói thông thạo tiếng Quan Thoại.

“Một số thành viên trong gia đình tôi, những đứa trẻ, cũng nói tiếng Hoa—chúng nói tiếng này rất trôi chảy,” Putin nói với học sinh tại một trường trung học ở Kyzyl, thủ đô của Cộng hòa Tuva, cách Mạc Tư Khoa khoảng 4500 km về phía đông. Theo Điện Cẩm Linh, trường này cung cấp chương trình giảng dạy bằng cả tiếng Nga và tiếng Tuva.

Nhà lãnh đạo 71 tuổi có hai cô con gái—Maria Vorontsova và Katerina Tikhonova—với người vợ đầu Lyudmila Shkrebneva, người mà ông đã ly hôn vào năm 2014. Cả hai cô con gái của ông đều nói được tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp, và ông có ít nhất ba đứa cháu, theo như truyền thông Nga đưa tin. Rất hiếm khi nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh thảo luận về cuộc sống cá nhân của mình trước công chúng.

Putin cũng được cho là cha của hai cậu con trai mà ông ta có với Alina Kabaeva, một cựu vận động viên thể dục dụng cụ Olympic và là người tình của ông, đã sinh vào năm 2015 và 2019, theo truyền thông Thụy Sĩ. Cả Putin và Điện Cẩm Linh đều chưa xác nhận về những đứa con nhỏ cũng như mối quan hệ với Kabaeva.

“Đệ nhất phu nhân Nga” và “Đệ nhất phu nhân bí mật” hiếm khi xuất hiện trước công chúng, nhưng vào tháng 4 năm 2022, Đệ nhất phu nhân bí mật đã xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra hai tháng trước đó. Kabaeva đã tham dự buổi tập của một lễ hội thể dục nhịp điệu dành cho thiếu nhi ở Mạc Tư Khoa.

Putin không nêu rõ thành viên nào trong gia đình ông nói tiếng Quan Thoại, ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi thứ hai trên thế giới với 1,1 tỷ người nói. Ông đề cập đến tầm quan trọng của việc học ngôn ngữ này theo quan điểm kinh tế của Nga trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng phát triển với Trung Quốc, một đồng minh của nước này.

“Bây giờ chúng ta ngày càng quan tâm đến tiếng Hoa. Tại sao? Bởi vì có rất nhiều mối liên hệ! Kinh doanh đang phát triển, rất nhiều đối tác đang xuất hiện giữa Nga và Trung Quốc. Chúng ta đã có kim ngạch thương mại là 230 tỷ đô la và khối lượng đang tăng lên”, ông nói với các học sinh.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào tháng 5, nhà lãnh đạo Nga cho biết đất nước này đang “tích cực mở rộng” mạng lưới hướng dẫn tiếng Hoa của mình. “Hiện tại, có khoảng 90.000 người đang học tiếng Hoa tại các trường học và trường đại học”, ông nói, trong khi hơn 80.000 người đang học tiếng Nga tại Trung Quốc.

Ông nói thêm: “Khi sự hợp tác giữa các quốc gia của chúng ta mở rộng, các doanh nghiệp và nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau đều cần những chuyên gia có kiến thức cần thiết và thông thạo các ngôn ngữ tương ứng”.

Nga và Trung Quốc đã tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” vào tháng 2 năm 2022 khi Putin đến thăm Bắc Kinh chỉ vài ngày trước khi ông phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Các quốc gia phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu, đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế của Nga để nhắm vào cỗ máy chiến tranh của nước này.

Cư dân mạng Trung Quốc phần lớn phản ứng thờ ơ với phát biểu của tổng thống Nga. Một người tuyên bố “chúng tôi chỉ muốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia văn minh” trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine. Một người khác nói rằng đây chỉ là hành động tán tỉnh của Putin, nhằm giành được nhiều trái tim và khối óc hơn ở Trung Quốc.

Trong khi đó, Putin nhắc nhở sinh viên ở Kyzyl rằng họ nên học tiếng Anh, ngôn ngữ được nói nhiều nhất trên thế giới với 1,5 tỷ người nói và chính ông cũng nói tốt tiếng này. Ông cho biết “ngôn ngữ tuyệt vời” này đã “mang lại cho nhân loại rất nhiều” trong việc “kết hợp kiến thức và đoàn kết mọi người trong lĩnh vực văn hóa”.

[Newsweek: Putin Says His 'Young Family Members' Speak Chinese]

6. Ukraine cho biết hơn 50 người thiệt mạng trong cuộc tấn công tàn bạo của Nga vào bệnh viện,

Tối Thứ Ba, 03 Tháng Chín, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết lực lượng Nga đã tấn công các tòa nhà, bao gồm một bệnh viện, bằng hai hỏa tiễn đạn đạo ở thành phố Poltava vào buổi sáng cùng ngày.

“Một trong những tòa nhà của Viện Truyền thông đã bị phá hủy một phần. Một tòa nhà bệnh viện gần đó cũng bị trúng đạn. Mọi người thấy mình nằm dưới đống đổ nát. Nhiều người đã được cứu... Thật không may, nhiều người đã tử vong”, Zelenskiy nói trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Thứ Ba, 03 Tháng Chín.

Văn phòng công tố cho biết tính đến đầu giờ tối thứ Ba, 51 người được xác nhận đã tử vong và hơn 200 người bị thương.

“Nga đang lấy đi thứ quý giá nhất của chúng ta — đó là sự sống. Chúng ta sẽ không bao giờ quên điều này,” Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska nói.

Tổng thống cho biết thêm rằng có thể còn nhiều người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Hoạt động cấp cứu vẫn đang được tiến hành.

Viện Truyền thông Poltava — một trường đại học quân sự đào tạo sĩ quan — đã đăng hình ảnh nến tang trên trang Facebook của mình, không đưa ra tuyên bố nào. Zelenskiy cho biết một cuộc điều tra sẽ được tiến hành để hiểu cách thức vụ tấn công có thể xảy ra và giết chết nhiều người như vậy.

Truyền thông Nga và một nghị sĩ Ukraine, cựu thành viên ủy ban quốc phòng của quốc hội, đưa tin rằng, tại thời điểm xảy ra cuộc tấn công, các học viên đã được một đơn vị chỉ huy địa phương tập hợp lại thành đội hình.

Đội hình là cuộc tập hợp của những người lính, thường diễn ra ngoài trời, trong các buổi thông báo, lễ trao giải hoặc các thông báo khác của tổ chức.

Những người quan sát tại hiện trường đã phản bác lại phiên bản sự kiện đó. Roman Punin, một nhà báo người Ukraine, người đã gia nhập quân đội vào tháng 7 và đang học tại trường đại học cho biết trong một bài đăng trực tuyến rằng không có cuộc tập hợp nào cả.

“Như chúng ta đã biết, không có đội hình lính nào trước cuộc tấn công. Các sinh viên đang chạy đến nơi trú ẩn khi cuộc tấn công xảy ra,” Dmytro Lazutkin, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine nói với một chương trình gây quỹ truyền hình Ukraine.

Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Ihor Klymenko cho biết viện này nằm không xa các tòa nhà dân cư. Các vụ nổ đã làm vỡ cửa sổ của nhiều tòa nhà dân cư và làm hỏng mặt tiền. Cảnh sát đang tiến hành kiểm tra từng nhà để bảo đảm không còn thương vong nào nữa.

“Lực lượng cấp cứu đã khống chế được đám cháy và đang tiếp tục dọn dẹp đống đổ nát. Nhờ vào công tác nhanh chóng và phối hợp, 25 người đã được cứu, 11 người trong số họ đã được kéo ra khỏi đống đổ nát. Tất cả các nạn nhân đều được chuyển ngay đến bác sĩ để được hỗ trợ y tế”, Klymenko cho biết.

[Politico: Russia kills over 50 in huge strike that hit hospital, Ukraine says]

7. Máy bay điều khiển từ xa của Ukraine phun 'Thermite nóng chảy' vào các vị trí của Nga

Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một máy bay điều khiển từ xa của Ukraine rải chất lỏng có lửa vào các vị trí của Nga, mạng xã hội về chiến tranh của Ukraine đưa tin.

“Miền Đông Ukraine, một máy bay điều khiển từ xa của Ukraine thả chất nhiệt nhôm nóng chảy xuống một hàng cây do Nga chiếm giữ, khiến nó bốc cháy”, người dùng OSINT Technical,, chia sẻ đoạn phim được nhiều tài khoản Telegram của Ukraine đăng tải thông tin cập nhật về tình hình chiến sự, cho biết.

Theo Science Channel, Thermite, tiếng Việt gọi là chất nhiệt nhôm, là hỗn hợp của nhôm và gỉ sét, đạt tới nhiệt độ hơn 4.000 độ F khi đốt cháy—nóng gấp đôi dung nham nóng chảy—. Trung tâm Quân sự Ukraine báo cáo rằng chất nhiệt nhôm có khả năng đốt cháy lớp giáp của xe cộ.

Quân đội Kyiv thường xuyên chia sẻ các cảnh quay chiến đấu bằng máy bay điều khiển từ xa cho thấy các cuộc đụng độ ở tiền tuyến trong cuộc chiến toàn diện đang diễn ra, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Các kênh Telegram của Ukraine cho biết cảnh quay chiến đấu được quay tại khu vực Donetsk, miền đông Ukraine, nơi lực lượng Nga đang tập trung tiến quân về phía thành phố Pokrovsk - một trung tâm hậu cần quan trọng của lực lượng Ukraine.

Quân đội Nga đã nỗ lực chiếm giữ các khu vực Donetsk và Luhansk - được gọi chung là Donbas - kể từ khi Nga xâm lược miền Đông Ukraine lần đầu tiên vào năm 2014.

War Translated, một dự án độc lập dịch tài liệu chiến tranh, cho biết máy bay điều khiển từ xa này thuộc đơn vị Dịch vụ Y tế của Tiểu đoàn Cơ giới số 2, Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân Ukraine.”

“Một máy bay điều khiển từ xa FPV có đầu đạn nhiệt nhôm đang phá hủy các vị trí của Nga trên một trong các mặt trận”, ông viết.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết trong bài phân tích mới nhất về cuộc xung đột ở Ukraine cho biết các lực lượng Nga gần đây đã tiến về hướng Pokrovsk trong bối cảnh các hoạt động tấn công liên tục diễn ra trong khu vực.

Nhóm nghiên cứu này cho biết: “Các cảnh quay định vị địa lý được công bố vào ngày 1 tháng 9 cho thấy lực lượng Nga gần đây đã tiến về phía tây Mykhailivka và vào trung tâm Dolynivka (cả hai đều ở phía đông nam Pokrovsk), và ISW đánh giá rằng lực lượng Nga có khả năng đã chiếm giữ được các ngôi làng này”.

Tuần trước, ISW cho biết Mạc Tư Khoa đang “thực hiện hai nỗ lực chiến thuật tức thời” như một phần của chiến dịch đang diễn ra nhằm chiếm thành phố.

Nhóm nghiên cứu này cho biết: “Bộ chỉ huy quân sự Nga có thể coi cả hai nỗ lực chiến thuật này là điều kiện tiên quyết mong muốn để tiến hành một nỗ lực tấn công mạnh mẽ hơn vào chính Pokrovsk”.

Forbes đưa tin vào ngày 30 tháng 8 rằng Ukraine đã triển khai Lữ đoàn Kara-Dag, gồm khoảng 2.000 binh sĩ, để bảo vệ Pokrovsk, trong bối cảnh Nga đang tiến vào khu vực.

[Newsweek: Ukrainian Drone Showers Russian Positions With 'Molten Thermite': Video]

8. Tòa án Nga tuyên án 20 năm tù cho một binh sĩ Ukraine bị bắt ở Crimea bị tạm chiếm

Một tòa án tại thành phố Rostov-on-Don của Nga vào ngày 3 tháng 9 đã tuyên án 20 năm tù đối với binh sĩ Ukraine Oleksandr Lyubas, người được tường trình đã bị bắt khi đang cố gắng đổ bộ vào Crimea bị tạm chiếm vào cuối năm 2023.

Theo Văn phòng Tổng công tố Nga, Lyubas là thành viên của một nhóm nhỏ binh lính Ukraine cố gắng tiến hành chiến dịch đổ bộ lên bán đảo và đã bị bắt trong quá trình này.

Lyubas bị buộc tội vượt biên trái phép, buôn lậu vũ khí và chuẩn bị thực hiện hành động khủng bố.

Trong tuyên bố tại tòa, Lyubas phủ nhận mình là tội phạm hoặc khủng bố.

“Tôi chỉ có tội vì là một người lính của đất nước nơi tôi sinh ra, sống và là công dân, trong quá trình động viên, tôi được gọi vào quân đội và thực hiện lệnh của chỉ huy. Tôi không bao giờ có ý định gây hại cho dân thường của Nga.”

Lyubas nói thêm rằng theo luật pháp quốc tế, anh ấy nên được coi là tù nhân chiến tranh và được hưởng các biện pháp bảo vệ pháp lý liên quan.

Hàng chục binh lính Ukraine phải ra hầu tòa ở Nga.

Nga không cung cấp quyền tiếp cận minh bạch vào hệ thống pháp luật của mình, và các tổ chức nhân quyền quốc tế từ lâu đã nêu chi tiết tình trạng lạm dụng tràn lan trong các nhà tù, cũng như việc sử dụng tra tấn để ép cung.

Nga cũng thường xuyên sử dụng cáo buộc hỗ trợ hoặc lên kế hoạch “khủng bố” như một biện pháp đàn áp mọi sự bất đồng chính kiến chống lại chế độ.

[Kyiv Independent: Russian court sentences Ukrainian soldier captured in occupied Crimea to 20 years in prison]

9. Trung Quốc phản ứng sau khi Nga tuyên bố có ý định thay đổi chính sách chiến tranh hạt nhân

Hôm Thứ Ba, 03 Tháng Chín, Trung Quốc tái khẳng định rằng không nên sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi Nga, đồng minh của nước này, cảnh báo rằng họ có ý định thay đổi chính sách về loại vũ khí này vì những gì họ cho là sự leo thang chiến tranh của phương Tây ở Ukraine.

“Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định rằng không thể sử dụng vũ khí hạt nhân, cũng như không thể tiến hành chiến tranh hạt nhân”, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh. Bà đang trả lời các bình luận của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov.

Hôm Chúa Nhật, Ryabkov nói với hãng thông tấn nhà nước Nga Tass rằng Điện Cẩm Linh có “ý định rõ ràng” về việc thay đổi học thuyết hạt nhân của nước này, đồng thời cho biết quyết định này có liên quan đến sự leo thang của “kẻ thù” phương Tây trong cuộc xung đột Ukraine.

Theo Reuters, học thuyết hạt nhân hiện tại năm 2020 của Nga quy định rằng họ có thể sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình trong trường hợp bị đối phương tấn công hạt nhân hoặc bị tấn công thông thường nhưng đe dọa sự tồn tại của nhà nước. Tuy nhiên, Ryabkov không nói rõ khi nào học thuyết hạt nhân cập nhật sẽ sẵn sàng.

Mao Ninh nói thêm: “Trong hoàn cảnh hiện tại, tất cả các bên nên giữ bình tĩnh và kiềm chế, cùng nhau thúc đẩy giảm leo thang và giảm thiểu rủi ro chiến lược thông qua đối thoại và tham vấn”.

Mao Ninh đề cập rằng năm quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân—Trung Quốc, Pháp, Nga, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ—đã ban hành tuyên bố chung về việc ngăn chặn chiến tranh hạt nhân vào ngày 3 Tháng Giêng năm 2022, một tháng trước khi Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Năm quốc gia này được công nhận chính thức là sở hữu vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, được gọi là NPT. Bốn quốc gia khác—Ấn Độ, Israel, Pakistan và Bắc Hàn—cũng được biết đến đang sở hữu vũ khí hạt nhân.

“Chúng tôi khẳng định rằng không thể giành chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân và không bao giờ được phép tiến hành chiến tranh”, theo tuyên bố chung.

Tài liệu này cũng nhấn mạnh rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ gây ra hậu quả sâu rộng, do đó chúng “phải phục vụ mục đích phòng thủ, ngăn chặn xâm lược và ngăn ngừa chiến tranh”.

Vào tháng 6, Putin đã cảnh báo về khả năng đất nước ông sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Nếu hành động của ai đó đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, chúng tôi cho rằng có thể sử dụng mọi biện pháp có thể”, ông nói. “Điều này không nên được coi nhẹ, hay hời hợt”.

Cuộc phản công của Ukraine vào Kursk, lần đầu tiên lãnh thổ Nga bị chiếm giữ kể từ Thế chiến II, đã gây ra một số lo ngại do những bình luận của Putin. Cuộc tấn công của Kyiv cũng khiến Mạc Tư Khoa cáo buộc Ukraine cố gắng tấn công một nhà máy điện hạt nhân.

Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm ước tính rằng tính đến Tháng Giêng năm nay, Nga duy trì kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với 4.380 đầu đạn được triển khai hoặc lưu trữ. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp và Anh có lần lượt 3.708, 500, 290 và 225 đầu đạn hạt nhân.

[Newsweek: China Reacts After Russia Says It Intends To Change Nuclear War Policy]

10. Ukraine chấp thuận việc sử dụng xe thiết giáp chở quân Khorunzhyi tự chế cho mục đích quân sự

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Ba, 03 Tháng Chín, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết Bộ Quốc phòng đã chấp thuận việc sử dụng xe thiết giáp chở quân Khorunzhyi do Ukraine sản xuất cho mục đích quân sự.

Khorunzhy là phiên bản hiện đại hóa của xe thiết giáp chở quân BTR-60 của Liên Xô. Được trang bị động cơ diesel mạnh hơn, xe có thể đạt tốc độ lên tới 80 km/h.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết, do có thiết kế thân xe khác biệt, Khorunzhyi thuận tiện hơn cho việc đổ quân. Thân xe được làm bằng thép Phần Lan, giúp cải thiện khả năng bảo vệ đạn đạo của xe, và lớp giáp phía trước có thể chịu được các phát bắn từ súng máy cỡ lớn từ khoảng cách 10 mét.

Xe được trang bị hệ thống điện tử hiện đại, camera giám sát video, hệ thống điều hòa không khí và máy phát điện tự động cho phép xe hoạt động khi tắt động cơ. Xe cũng có mô-đun chiến đấu với súng máy 14,5 ly hoặc pháo 113 ly.

Khorunzhyi có thể được sản xuất theo sáu biến thể, bao gồm xe thiết giáp chở quân dùng để vận chuyển quân lính, di tản chiến trường, xe sửa chữa, xe chỉ huy và pháo tự hành.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết tính đến đầu tháng 6, hơn 110 mẫu xe quân sự do Ukraine và nước ngoài sản xuất đã được chấp thuận sử dụng tại Ukraine. Một phần ba số xe được báo cáo là sản xuất trong nước trong khi phần còn lại được sản xuất tại hơn 20 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Đức, Thụy Điển và Ý.

[Kyiv Independent: Ukraine approves homemade Khorunzhyi armored personnel carrier for military use]

11. 2 người thiệt mạng, bao gồm một bé trai 8 tuổi trong vụ tấn công của Nga vào Zaporizhzhia

Hôm Thứ Ba, 03 Tháng Chín, Thống đốc tỉnh Zaporizhzhia Ivan Fedorov đưa tin, Mạc Tư Khoa đã phát động một cuộc tấn công vào thành phố Zaporizhzhia vào đêm ngày 2 tháng 9, khiến hai người thiệt mạng, trong đó có một bé trai 8 tuổi, và làm hai người khác bị thương.

Vụ tấn công xảy ra vào khoảng 11 giờ tối giờ địa phương, đã phá hủy một phần một tòa nhà trong thành phố, Fedorov cho biết. Một phụ nữ 38 tuổi và một bé trai 8 tuổi đã thiệt mạng trong vụ tấn công.

Sóng nổ, cũng như các mảnh vỡ, cũng gây thiệt hại cho các tòa nhà gần đó. Một người đàn ông 43 tuổi và một bé gái 12 tuổi cũng bị thương trong vụ tấn công.

Fedorov cho biết bé gái 12 tuổi hiện đang được chăm sóc đặc biệt.

Zaporizhzhia, một thành phố có dân số khoảng 710.000 người, nằm ở phía đông nam Ukraine. Zaporizhzhia thường xuyên phải hứng chịu các cuộc tấn công của Nga do nằm gần tiền tuyến.

Trong suốt ngày 2 tháng 9, các cộng đồng ở Tỉnh Zaporizhzhia đã bị tấn công 313 lần bởi máy bay Nga.

[Kyiv Independent: 2 killed, including 8-year-old boy in Russian attack on Zaporizhzhia]

12. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến việc Nga ép các học sinh và sinh viên phải học quân sự.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Khi năm học mới bắt đầu trên khắp nước Nga, nhà nước Nga đang giới thiệu và tài trợ cho một môn đào tạo quân sự mới. Môn này là một phần của chương trình mới có tên là Nền tảng an ninh và quốc phòng của Tổ quốc dành cho những người từ 15 đến 18 tuổi. Khóa học có 11 phần, yêu cầu 68 giờ giảng dạy. Khóa học sẽ bao gồm nhiều chủ đề bao gồm chiến đấu vũ trang kết hợp và làm quen với vũ khí nhỏ. Khóa học nhằm mục đích “hình thành các giá trị, tiếp thu kiến thức và kỹ năng bảo đảm sự sẵn sàng để thực hiện nghĩa vụ hiến định là bảo vệ Nhà nước”.

Chương trình này tìm cách tạo ra và có khả năng sẽ dẫn đến một xã hội quân sự hóa và tập trung vào an ninh hơn. Chiến lược thanh niên mới được chính phủ phê duyệt vào tháng 8 năm 2024 nhằm mục đích nâng cao uy tín của nghĩa vụ quân sự, truyền bá lòng yêu nước và trách nhiệm nghĩa vụ công dân, nhưng chủ yếu là chuẩn bị cho thanh thiếu niên trong độ tuổi trước khi nhập ngũ về mặt tinh thần và thể chất để thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Ngoài ra còn có sự gia tăng về số lượng trại hè dành cho trẻ em tham gia vào nhiều hoạt động quân sự khác nhau. Chiến lược lưu ý rằng trong 30 năm qua, các giá trị của thanh thiếu niên đã chuyển từ chủ nghĩa tập thể sang chủ nghĩa cá nhân và từ chủ nghĩa quốc gia sang chủ nghĩa thế giới. Chiến lược này tuyên bố rằng chủ nghĩa bành trướng về mặt ý thức hệ của các đối thủ địa chính trị của Nga đã dẫn đến sự suy yếu của các giá trị truyền thống và sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân. Chiến lược mới nhằm đảo ngược quá trình đó, với việc quân sự hóa thanh thiếu niên như một phần không thể thiếu của quá trình này.
 
Sỉ nhục mới cho Putin: Zelenskiy tuyên bố chiếm đóng Kursk vô thời hạn. Cải tổ chính phủ tại Kyiv
VietCatholic Media
17:52 04/09/2024


1. Sỉ nhục mới cho Putin: Tổng thống Zelenskiy tuyên bố Ukraine có kế hoạch chiếm đóng 'vô thời hạn' các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của tỉnh Kursk

Ukraine đang có kế hoạch chiếm giữ “vô thời hạn” các vùng lãnh thổ bị chiếm giữ ở Tỉnh Kursk của Nga khi cố gắng buộc Putin phải ngồi vào bàn đàm phán, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một cuộc phỏng vấn với NBC News phát sóng vào ngày 3 tháng 9.

Ông mô tả hoạt động Kursk là một trong những “giai đoạn chấm dứt chiến tranh”, nói rằng nó liên quan đến hội nghị thượng đỉnh hòa bình thứ hai của Ukraine. “Hiện tại, chúng tôi cần nó”, ông nói, ám chỉ đến các vùng lãnh thổ bị chiếm giữ ở Nga.

Khi cuộc tấn công của Kyiv vào Tỉnh Kursk bước sang tuần thứ tư, Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi cho biết vào ngày 30 tháng 8 rằng Ukraine được cho là đã kiểm soát hơn 1.299 km2 và 102 thị trấn.

Quân đội Ukraine cũng được cho là đã bắt giữ hơn 600 tù nhân người Nga.

“Chúng tôi không cần đất đai của họ. Chúng tôi không muốn mang lối sống Ukraine của chúng tôi đến đó,” Zelenskiy nói trong cuộc phỏng vấn.

Tổng thống Ukraine tái khẳng định rằng các vùng lãnh thổ chiếm được trong chiến dịch Kursk đang diễn ra là một phần trong “kế hoạch chiến thắng” của Kyiv, mà ông muốn trình lên Hoa Kỳ vào tháng 9.

Zelenskiy cho biết vào cuối tháng 8 rằng các vấn đề khác bao gồm sự tham gia của Ukraine vào cơ sở hạ tầng an ninh toàn cầu, gây sức ép buộc Nga chấm dứt chiến tranh thông qua các biện pháp ngoại giao và khía cạnh kinh tế, mà không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào.

Zelenskiy từ chối trả lời liệu Ukraine có dự định chiếm thêm lãnh thổ của Nga hay không.

Mạc Tư Khoa đã tái triển khai khoảng 30.000 quân từ các khu vực khác về hướng Kursk, “và con số này đang tăng lên”, Syrskyi cho biết vào ngày 27 tháng 8. Đồng thời, Nga đã triển khai các đơn vị sẵn sàng chiến đấu nhất của mình đến khu vực Pokrovsk, nơi đã diễn ra giao tranh ác liệt trong nhiều tháng.

[Kyiv Independent: Ukraine plans to 'indefinitely' hold Kursk Oblast's seized territories, Zelensky says]

2. Quốc gia NATO điều động chiến đấu cơ trong cuộc tấn công của Nga vào Lviv

Ba Lan đã phải điều máy bay để bảo vệ không phận của mình vào hôm Thứ Tư, 04 Tháng Chín, khi hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa của Nga nhắm vào thành phố Lviv ở phía tây Ukraine.

Không quân Ba Lan cho biết trong một tuyên bố rằng các máy bay này được phóng đi khi Nga tiến hành các cuộc không kích vào lãnh thổ phía tây Ukraine.

Warsaw đã buộc phải điều động chiến đấu cơ của mình nhiều lần trong suốt cuộc chiến như một phần của các biện pháp bảo vệ không phận của mình trong các cuộc tấn công hỏa tiễn quy mô lớn của Nga vào Ukraine. Ba Lan đã nói rằng các hỏa tiễn của Nga bắn vào miền tây Ukraine đã xâm nhập không phận của mình nhiều lần. Mạc Tư Khoa đã nói rằng các cuộc xâm nhập như thế là vô tình.

“Đây lại là một đêm vô cùng căng thẳng đối với toàn bộ hệ thống phòng không của Ba Lan do hoạt động được quan sát thấy của máy bay tầm xa của Nga”.

“Hoạt động tăng cường gần đây nhất của không quân tầm xa Nga được ghi nhận vào đêm ngày 1 đến ngày 2 tháng 9 năm nay.”

Tuyên bố cho biết thêm: “Chúng tôi đã kích hoạt mọi thủ tục cần thiết để bảo đảm an toàn cho không phận Ba Lan và liên tục theo dõi tình hình”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết cuộc tấn công của Nga vào Lviv đã giết chết ít nhất năm người. Hơn 30 người khác cũng được cho là đã bị thương.

Một bé gái 14 tuổi nằm trong số các nạn nhân, thống đốc khu vực Maksym Kozytskyi cho biết trên kênh Telegram của mình. Thị trưởng thành phố Lviv Andriy Sadovyi cho biết 35 người đang được hỗ trợ y tế sau các cuộc tấn công.

Các quan chức Nga chưa bình luận về các cuộc không kích mới nhất ở Ukraine. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để xin bình luận.

Ba Lan từ lâu đã đề xuất bắn hạ hỏa tiễn của Nga trên bầu trời Ukraine, mặc dù Oleg Tyapkin, nhà lãnh đạo bộ phận Âu Châu tại Bộ Ngoại giao Nga, đã cảnh báo vào tháng trước rằng Nga sẽ đáp trả nếu thành viên NATO này cố gắng làm như vậy.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bác bỏ đề xuất này vì lo ngại việc này sẽ làm leo thang cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski trả lời tờ Financial Times trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Ba rằng Ba Lan và các nước khác có chung đường biên giới với Ukraine có “nhiệm vụ” bắn hạ hỏa tiễn của Nga trước khi chúng xâm phạm không phận của họ, bất chấp sự phản đối của NATO.

Sikorski cho biết: “Việc trở thành thành viên NATO không có nghĩa là bỏ qua trách nhiệm của mỗi quốc gia trong việc bảo vệ không phận của mình mà đó là nghĩa vụ theo hiến pháp của chúng tôi”.

“Cá nhân tôi cho rằng khi hỏa tiễn của đối phương đang tiến vào không phận của chúng tôi, thì việc tấn công chúng là hành động tự vệ chính đáng, bởi vì một khi chúng bay vào không phận của chúng tôi, nguy cơ các mảnh vỡ gây thương vong cho ai đó là rất lớn.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã phản ứng trước cuộc tấn công của Nga vào Lviv. Ông nói: “Hỏa tiễn Nga nhắm vào thành phố và người dân của chúng tôi”.

“Cuộc không kích ở Lviv đã giết chết năm người, trong đó có một bé gái 14 tuổi. Tôi xin chia buồn với gia đình và người thân của các nạn nhân. Hơn 30 người bị thương”, ông nói. “Các tòa nhà dân cư, trường học và cơ sở y tế thông thường trong thành phố đã bị hư hại”.

Zelenskiy cho biết mỗi đối tác của Ukraine giúp đỡ đất nước đang bị chiến tranh tàn phá này bằng cách cung cấp hệ thống phòng không “là những người bảo vệ sự sống thực sự”.

“Bất kỳ ai thuyết phục các đối tác cung cấp cho Ukraine nhiều khả năng tầm xa hơn, cho phép chúng ta phản ứng công bằng với khủng bố, đang nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố của Nga vào các thành phố của Ukraine”, ông nói trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Thứ Tư, 04 Tháng Chín. “Khủng bố phải bị ngăn chặn”.

Zelenskiy từ lâu cũng đã kêu gọi các đồng minh phương Tây của Ukraine cho phép quân đội của ông sử dụng vũ khí của họ để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

Ông phát biểu hôm thứ Ba rằng: “Chúng tôi tiếp tục làm việc với tất cả các đối tác để bảo đảm sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho quốc phòng của chúng ta, đặc biệt là các giải pháp tầm xa có thể phá hủy một phần đáng kể hỏa tiễn đạn đạo của Nga trước khi chúng được phóng”.

“Đây là một trong những vấn đề then chốt của cuộc chiến này. Vấn đề về khả năng tầm xa của chúng ta và sự chấp thuận cần thiết từ các đối tác của chúng ta, cũng như đạn pháo và hỏa tiễn tầm xa mà chúng ta có thể sử dụng, là rất quan trọng.

“Các cuộc tấn công của Nga sẽ trở nên bất khả thi nếu chúng ta có khả năng phá hủy các bãi phóng hỏa tiễn, phi trường quân sự và trung tâm hậu cần của kẻ xâm lược tại nơi chúng tọa lạc.”

[Newsweek: NATO Nation Scrambles Aircraft During Russian Attack on Lviv]

3. Lời xin lỗi không chân thành của Mông Cổ sau khi không bắt giữ Putin

Đó là thông điệp từ chính phủ Mông Cổ sau khi nước này không thực hiện được lệnh bắt giữ quốc tế đối với Putin khi ông hạ cánh xuống nước này trong chuyến thăm chính thức.

Trong một tuyên bố gửi tới POLITICO hôm thứ Ba, phát ngôn nhân của chính phủ Mông Cổ cho biết đất nước này đang rơi vào tình trạng phụ thuộc vào năng lượng, khiến việc còng tay Putin theo lệnh của Tòa án Hình sự Quốc tế về tội ác chiến tranh ở Ukraine trở nên khó khăn.

“Mông Cổ nhập khẩu 95% sản phẩm dầu mỏ và hơn 20% điện từ khu vực lân cận của chúng tôi, nơi trước đây đã bị gián đoạn vì lý do kỹ thuật. Nguồn cung cấp này rất quan trọng để bảo đảm sự tồn tại của chúng tôi và người dân của chúng tôi”, phát ngôn nhân cho biết.

Phát ngôn nhân cho biết thêm: “Mông Cổ luôn duy trì chính sách trung lập trong mọi quan hệ ngoại giao, điều này đã được thể hiện trong các tuyên bố đã lưu trữ của chúng tôi cho đến nay”.

Mông Cổ, một quốc gia rộng lớn với 3,3 triệu dân, nằm ở một vị trí địa lý khó xử, nằm giữa hai siêu cường quốc Nga và Trung Quốc. Nước này đã đi trên dây ngoại giao để tránh bị xa lánh bởi bất kỳ nước láng giềng nào mà nước này có mối quan hệ lịch sử và kinh tế sâu rộng. Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine không làm thay đổi phép tính đó đối với chính phủ ở Ulaanbaatar, thủ đô Mông Cổ.

Tuy nhiên, Mông Cổ là thành viên của ICC, nơi đã ban hành lệnh bắt giữ quốc tế đối với Putin vào tháng 3 năm ngoái vì tội ác chiến tranh liên quan đến việc trục xuất và chuyển giao trẻ em từ các khu vực bị tạm chiếm của Ukraine sang Nga.

Bất kỳ thành viên ICC nào cũng phải hành động theo lệnh của tòa án, nhưng Mông Cổ đã không làm như vậy. Một chuyên gia pháp lý trước đây đã nói với POLITICO rằng Mông Cổ có khả năng sẽ phải đối mặt với việc truy tố vì không hành động.

Liên minh Âu Châu, Ukraine và các tổ chức nhân quyền quốc tế như Tổ chức Ân xá Quốc tế trước đây đã thúc giục Mông Cổ thực hiện nghĩa vụ của mình.

Heorhii Tykhii, phát ngôn nhân của Bộ ngoại giao Ukraine, gọi việc Mông Cổ không bắt giữ Putin là “một đòn nặng nề đối với ICC và hệ thống tư pháp hình sự quốc tế”.

“Mông Cổ đã cho phép tên tội phạm bị truy tố trốn tránh công lý, do đó phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh của hắn. Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác để bảo đảm rằng điều này sẽ gây hậu quả cho Ulaanbaatar,” Tykhii nói thêm.

Trong chuyến thăm, Putin đã mời Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khürelsükh tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS của các nền kinh tế mới nổi sẽ diễn ra tại Nga vào tháng 10.

Phát ngôn nhân của chính phủ Mông Cổ cũng nói thêm rằng chuyến thăm của Putin phù hợp với tiền lệ lịch sử là các nguyên thủ quốc gia cùng nhau kỷ niệm ngày chiến thắng của quân đội Liên Xô và Mông Cổ trước Nhật Bản trong Trận Khalkhin Gol năm 1939.

[Politico: Sorry not sorry, says Mongolia after failure to arrest Putin]

4. Các nhà khoa học Nga được yêu cầu phát triển phương pháp chữa trị lão hóa

Mỗi ngày nhà độc tài Vladimir Putin còn sống trên cõi đời này có cả ngàn người Ukraine và Nga phải chết trong cuộc xâm lược của ông ta. Bên cạnh đó, còn có không ít người chết vì đói, khát và bệnh tật vì các cường quốc thay vì viện trợ cho họ và đầu tư vào nghiên cứu y khoa đã phải hành dành mỗi năm hàng trăm tỷ cho chiến tranh.

Do đó, đối với nhiều người, thật là hãi hùng khi nghe thông tấn xã TASS của Nga loan tin rằng nhà độc tài Vladimir Putin đang yêu cầu các nhà khoa học Nga nghiên cứu các phương pháp điều trị có thể kéo dài tuổi thọ của ông ta.

Trong sắc lệnh do chính Vladimir Putin ký và được công bố hôm Thứ Hai, 02 Tháng Chín, nhà độc tài tuyên bố ông đang phát động cuộc nghiên cứu thuốc trường thọ nhằm mục đích “cứu sống 175.000 người” vào năm 2030.

Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố rằng một trong những mục tiêu của ông trong nhiệm kỳ tổng thống thứ năm là tăng tuổi thọ trung bình của người dân lên 78 tuổi vào năm 2030 và lên 81 tuổi vào năm 2036, bao gồm cả việc “tăng nhanh tuổi thọ trung bình khỏe mạnh”.

Vào tháng 7, Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang Nga, gọi tắt là Rosstat, đã công bố dữ liệu cho thấy tuổi thọ trung bình ở Nga đã giảm từ tháng 7 năm 2023 đến tháng 6 năm 2024 và là 73,24 tuổi - tương đương với năm 2017.

Bộ Khoa học và Phát triển sáng tạo về chăm sóc sức khỏe thuộc Bộ Y tế Nga đã gửi một lá thư tới các viện nghiên cứu của Nga vào tháng 6, yêu cầu các bác sĩ khẩn trương đưa ra các đề xuất nhằm giúp bảo vệ sức khỏe cho công dân Nga, các hãng tin độc lập của Nga là Meduza và Sistema đưa tin vào hôm Thứ Ba, 03 Tháng Chín.

Các cơ quan truyền thông có được một bản sao của bức thư cho biết các bác sĩ được yêu cầu làm việc để phát triển các sản phẩm y tế “nhằm mục đích giảm gánh nặng lão hóa tế bào” bằng cách “nâng cao tuổi sinh học bằng nhiều phương pháp khác nhau”.

Các ví dụ về tình trạng này bao gồm chứng teo cơ, dẫn đến mất cơ do lão hóa; suy nhược cơ thể ở người già, là tình trạng suy nhược cơ thể nói chung liên quan đến tuổi già; và loãng xương, hay rối loạn hệ thống xương.

Bức thư cũng yêu cầu các bác sĩ làm việc để phát triển “các công nghệ thần kinh mới và các sản phẩm y tế liên quan nhằm mục đích, trong số những mục đích khác, là ngăn ngừa và phát triển các rối loạn nhận thức và cảm giác” cũng như “các phương pháp điều chỉnh hệ thống miễn dịch dựa trên các chỉ số quan trọng đã xác định được trong quá trình lão hóa”.

Bức thư cho biết các bác sĩ Nga cũng nên nỗ lực phát triển “các phương pháp công nghệ y tế mới bao gồm cả thiết bị y tế dựa trên công nghệ in sinh học”.

Phó thủ tướng Nga, Tatyana Golikova, cho biết vào tháng 5 rằng “xu hướng nhân khẩu học của những năm gần đây đang tạo ra những thách thức mới cho chăm sóc sức khỏe”. Bà cho biết trọng tâm chính của Nga hiện nay là phát triển “các lĩnh vực công nghệ y tế tiên tiến” nhằm tăng tuổi thọ của người dân.

Một bác sĩ người Nga nhận được lá thư vào tháng 6 cho biết họ rất ngạc nhiên khi các bác sĩ được yêu cầu làm việc theo các đề xuất một cách khẩn cấp như vậy.

“Chúng tôi được yêu cầu gửi gấp tất cả các diễn biến của mình, và bức thư đã đến, hãy nói là hôm nay, nhưng mọi thứ phải được gửi đi vào hôm qua. Thành thật mà nói, đây là lần đầu tiên trong đời tôi gặp phải điều này - thông thường bất kỳ dự án quốc gia hoặc chương trình mục tiêu liên bang nào cũng được tiến hành trước bằng một loạt các cuộc họp với sự tham gia của nhiều chuyên gia khác nhau, và một số loại thảo luận công khai”, vị bác sĩ cho biết.

Một nguồn tin thân cận với Điện Cẩm Linh chia sẻ với các cơ quan truyền thông rằng chính phủ không có đủ kinh phí cho một dự án có quy mô như thế này.

“Tất cả các nghiên cứu hiện đại được thảo luận trong dự án quốc gia đều khá tốn kém - đòi hỏi rất nhiều tiền và chi phí. Việc phát triển các loại thuốc mới tốn hàng tỷ đô la, không có dự án quốc gia nào có thể giải quyết được, đặc biệt là hiện nay”, nguồn tin cho biết. “Tôi không nghĩ họ có thể nhanh chóng đưa ra bất cứ điều gì có ý nghĩa”.

Mikhail Kovalchuk, một nhà vật lý và là thành viên của một nhóm tinh hoa thân cận với Putin, được cho là đã vận động hành lang cho dự án. Putin “phát cuồng về cuộc sống vĩnh hằng và 'bộ gen của Nga'“, một nguồn tin từ Điện Cẩm Linh cho biết.

[Newsweek: Russian Scientists Told to Develop Cure for Aging: Reports]

5. Xe thiết giáp Trung Quốc xuất hiện trên đường phố Nga

Một xe thiết giáp chiến thuật được cho là do Trung Quốc sản xuất đã được phát hiện trên đường phố Mạc Tư Khoa khi Nga tăng cường an ninh trong nước.

Thủ đô nước Nga đã tăng cường các biện pháp an ninh sau các cuộc biểu tình phản đối cuộc xâm lược Ukraine của nhà độc tài Vladimir Putin và vụ tấn công khủng bố ngày 22 tháng 3 của Nhà nước Hồi giáo Khorasan khiến 145 người thiệt mạng tại địa điểm tổ chức âm nhạc Crocus City Hall.

Avtobusy y Vobbechle, tờ báo thường đưa tin về giao thông công cộng, đã viết rằng chiếc xe quân sự này đã được bộ phận an ninh chịu trách nhiệm về hệ thống tàu điện ngầm của thủ đô Nga mua. Bài đăng có kèm theo ảnh một chiếc xe chiến thuật màu đen có gắn logo của dịch vụ tàu điện ngầm thủ đô Nga.

Tsargrad, một cơ quan truyền thông ủng hộ Điện Cẩm Linh, đưa tin rằng loại xe địa hình này được ghi danh là “thiết bị dân sự đặc biệt” và mang một loại biển số dành riêng cho máy kéo.

Militarnyi, một cơ quan truyền thông chuyên đưa tin tức quân sự của Ukraine, đã xác định loại xe thiết giáp “chống khủng bố” này là xe Đông Phong EQ2091XFB.

Chiếc xe này được sản xuất bởi Đông Phong một công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc tại tỉnh Hồ Bắc. Mức giá dao động từ 130.000 đến 270.000 đô la, tùy thuộc vào các tùy chọn.

Militarnyi đưa tin rằng đơn vị trong ảnh được trang bị tháp pháo bọc thép có thể chứa súng máy. Chiếc xe nặng chín tấn này có thể chịu được hỏa lực từ súng trường tấn công AK-47, Tsargrad đưa tin.

Chiếc xe thiết giáp này của Trung Quốc này sẽ tăng cường cho đội xe của lực lượng an ninh Mạc Tư Khoa bao gồm xe thiết giáp Z-STS “Akhmat” và RIDA “Buran”.

Vào tháng 4 năm 2023, chính quyền trung ương đã trao cho Mạc Tư Khoa thẩm quyền thực hiện các hoạt động an ninh trên toàn hệ thống tàu điện ngầm, phối hợp với lực lượng vệ binh quốc gia - một trách nhiệm trước đây thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải.

Kể từ khi tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Nga đã tăng cường hợp tác với Trung Quốc trên mặt trận quân sự và ngoại giao.

Nền kinh tế biệt lập của Mạc Tư Khoa cũng phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại với Bắc Kinh. Dữ liệu hải quan chính thức cho thấy xuất khẩu xe hơi của Trung Quốc nói riêng đã tăng vọt 593 phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Hoa Kỳ và các đồng minh đã cáo buộc Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa và công nghệ có mục đích sử dụng kép sang Nga, mang lại lợi ích cho nỗ lực chiến tranh của Nga tại Ukraine, mặc dù Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc này.

Tuy nhiên, thương mại Bắc Kinh-Mạc Tư Khoa đã tăng trưởng chậm lại trong năm nay trong bối cảnh mối đe dọa về lệnh trừng phạt thứ cấp của Hoa Kỳ, khi các thương nhân Nga phàn nàn rằng có tới 98 phần trăm các ngân hàng Trung Quốc hiện đang từ chối các giao dịch xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ Trung Quốc.

[Newsweek: Chinese Armored Car Shows Up on Russian Streets]

6. Kyiv đình chỉ chức vụ lãnh đạo lực lượng điều khiển từ xa trong bối cảnh có các cáo buộc phản quốc và quan hệ với Nga

Theo Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, Tổng Tư Lệnh Ukraine, Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, đã đình chỉ chức vụ của Roman Hladkyi, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Hệ thống điều khiển từ xa.

Bộ Tổng tham mưu đã làm rõ rằng Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, sẽ tiến hành một cuộc điều tra đặc biệt đối với Hladkyi, người được bổ nhiệm vào vị trí này vào cuối tháng 8. Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia, Tình báo và Quốc phòng của Verkhovna Rada, trước đó đã yêu cầu một cuộc điều tra như vậy.

Ngay sau khi việc bổ nhiệm Hladkyi được công khai, thông tin bắt đầu lan truyền rằng trước đây ông từng bị tình nghi phản quốc và tham nhũng, và vợ ông có hộ chiếu Nga. Quân nhân Ukraine đã bày tỏ sự phẫn nộ trên mạng xã hội.

Ukrinform cũng đưa tin rằng con gái của Hladkyi đã tham gia các cuộc thi bơi lội cho Câu lạc bộ thể thao trung ương của Quân đội Nga. Ngoài ra, theo kênh truyền hình TSN, các cơ quan tình báo Nga đã cố gắng tuyển dụng chính Hladkyi.

Để phản hồi lại các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đưa tin về việc bổ nhiệm mới của Hladkyi, Quân đội Ukraine tuyên bố rằng Hladkyi là một sĩ quan có nhiều kinh nghiệm, được đào tạo quân sự có liên quan và có nhiều đóng góp quan trọng trong các vị trí lãnh đạo trong AFU. Bao gồm việc giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên hợp từ năm 2020 đến năm 2023 và sau đó là Phó Tư lệnh Lực lượng Liên hợp của Quân Ukraine.

SBU lưu ý rằng họ đã không tiến hành kiểm tra lý lịch của Hladkyi trước khi bổ nhiệm ông, vì luật pháp không yêu cầu phải kiểm tra như vậy đối với các vị trí như thế này. Tuy nhiên, Hladkyi đã được thẩm tra vào năm 2020 liên quan đến việc ông có thể tiếp cận bí mật nhà nước hay không. Tướng Syrsky cũng tuyên bố rằng cơ quan an ninh không có mối quan ngại nào về ông vào thời điểm ông được bổ nhiệm.

7. Một số bộ trưởng Ukraine nộp đơn từ chức trong bối cảnh có tin đồn về việc cải tổ chính phủ

Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Alexander Kamyshin, Bộ trưởng Tư pháp Denys Maliuska, Bộ trưởng Sinh thái Ruslan Strilets, Phó Thủ tướng phụ trách Hội nhập Âu Châu và Euro-Đại Tây Dương Olha Stefanishyna, và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tái hòa nhập Iryna Vereshchuk đã đệ đơn từ chức lên quốc hội Ukraine.

Chủ tịch Quốc Hội Ruslan Stefanchuk cho biết như trên hôm Thứ Tư, 04 Tháng Chín.

Vitalii Koval, nhà lãnh đạo Quỹ Tài sản Nhà nước Ukraine cũng đã nộp đơn từ chức sau chín tháng tại nhiệm.

Theo Stefanchuk, quốc hội Ukraine sẽ xem xét đơn từ chức của các quan chức “tại một trong những phiên họp toàn thể tiếp theo”.

Lý do từ chức không được nêu rõ. Tin tức này xuất hiện sau nhiều tháng có báo cáo về khả năng thay thế một số bộ trưởng Ukraine.

Nhà lãnh đạo đảng Người phục vụ nhân dân David Arakhamia cho biết cuộc cải tổ sẽ ảnh hưởng đến hơn một nửa số nhân viên của chính phủ.

“Ngày mai là ngày sa thải, ngày kia là ngày bổ nhiệm”, ông nói thêm.

Maliuska đã giữ chức bộ trưởng kể từ tháng 8 năm 2019, ngay sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy bắt đầu nhiệm kỳ. Cựu giám đốc công ty hỏa xa nhà nước Ukrzaliznytsia, Kamyshin, được bổ nhiệm làm bộ trưởng vào tháng 11 năm 2023. Strilets đã giữ chức từ tháng 4 năm 2022.

Stefanishyna giữ chức Phó Thủ tướng phụ trách Hội nhập Âu Châu và Euro-Đại Tây Dương kể từ tháng 6 năm 2020.

Vereshchuk giữ chức Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Tái hòa nhập các Lãnh thổ tạm thời bị tạm chiếm kể từ năm 2021.

Đầu tháng 7, tờ Ukrainska Pravda dẫn nguồn tin từ nhóm tổng thống cho biết Zelenskiy đang cân nhắc cách chức Thủ tướng Denys Shmyhal, người đã tại nhiệm từ năm 2020.

Theo nguồn tin của hãng tin này, những người có khả năng thay thế Shmyhal bao gồm Yulia Svyridenko, phó thủ tướng thứ nhất kiêm bộ trưởng phát triển kinh tế, hoặc Oleksiy Chernyshov, giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí khổng lồ Naftogaz của Ukraine.

Vào tháng 3, Zelenskiy cho biết người dân Ukraine có thể mong đợi nhiều cuộc cải tổ chính phủ hơn trong tương lai, sau sự thay đổi trong nhóm thân cận của ông.

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Phó Thủ tướng Tái thiết Oleksandr Kubrakov và Bộ trưởng Nông nghiệp Mykola Solskyi sau đó đã bị cách chức vào tháng 5.

[Kyiv Independent: Several Ukrainian ministers submit resignations amid reports of government reshuffle]

8. Nhà lập pháp cho biết Kuleba từ chức, cải tổ 'đã được mong đợi từ lâu trước thời điểm khó khăn' đối với Ukraine

Một nhà lập pháp cao cấp nói với tờ Kyiv Independent vào ngày 4 tháng 9 rằng việc Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba từ chức và một cuộc cải tổ lớn trong chính phủ đã được “dự đoán từ lâu” trước vài tháng khó khăn sắp tới của Ukraine.

“Đây là một sự thay đổi lớn. Người ta đã dự đoán điều này từ khá lâu rồi”, Oleksandr Merezhko, đại biểu quốc hội Ukraine và là chủ tịch ủy ban đối ngoại của quốc hội cho biết.

“Trước mắt chúng ta là thời kỳ khó khăn, mùa thu và mùa đông khó khăn. Có lẽ sự thay đổi này có liên quan đến giai đoạn thách thức mới đối với Ukraine.”

Chủ tịch Quốc hội Ukraine Ruslan Stefanchuk trước đó vào ngày 4 tháng 9 đã báo cáo rằng Kuleba đã nộp đơn từ chức.

Phát ngôn nhân nói thêm rằng đơn từ chức của Kuleba sẽ được “xem xét tại một trong những cuộc họp toàn thể sắp tới” nhưng không nêu rõ ngày cụ thể.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi một số bộ trưởng cao cấp khác nộp đơn từ chức vào ngày hôm trước — Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Alexander Kamyshin, Bộ trưởng Tư pháp Denys Maliuska, Bộ trưởng Sinh thái Ruslan Strilets, Phó Thủ tướng phụ trách Hội nhập Âu Châu và Euro-Đại Tây Dương Olha Stefanishyna, và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tái hòa nhập Iryna Vereshchuk.

Vitalii Koval, nhà lãnh đạo Quỹ Tài sản Nhà nước Ukraine, gọi tắt là SPFU, cũng đã nộp đơn từ chức sau chín tháng tại nhiệm.

Lý do từ chức không được nêu rõ. Tin tức này xuất hiện sau nhiều tháng có báo cáo về khả năng thay thế một số bộ trưởng Ukraine.

Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh Nga gia tăng các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào các thành phố trên khắp Ukraine trong những tuần gần đây và cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng.

Cuộc không kích lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào Ukraine diễn ra vào ngày 26 tháng 8, khi Nga bắn hơn 230 hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa và một lần nữa nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng, gây thêm áp lực cho lưới điện của nước này khi mùa thu và mùa đông đang đến gần.

Vào ngày 3 tháng 9, người ta xác nhận rằng nhà lãnh đạo công ty lưới điện nhà nước Ukrenergo của Ukraine, Volodymyr Kudrytskyi, đã bị cách chức vào ngày 2 tháng 9.

Việc sa thải ông diễn ra sau nhiều ngày đồn đoán về tương lai của ông tại công ty, khi truyền thông Ukraine đưa tin ông đang phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải vì không bảo vệ được các cơ sở năng lượng trong bối cảnh các cuộc tấn công ngày càng dữ dội của Nga.

Vài ngày gần đây là thời gian đặc biệt chết chóc ở Ukraine khi Nga tiến hành các cuộc tấn công hỏa tiễn tàn khốc trong ba ngày liên tiếp.

Ít nhất bảy thường dân đã thiệt mạng và 47 người bị thương tại Lviv vào sáng sớm ngày 4 tháng 9. Thống đốc Tỉnh Lviv Maksym Kozytskyi và Thị trưởng Andrii Sadovyi cho biết trong số những người thương vong có trẻ em.

Lực lượng Nga đã phóng hai hỏa tiễn đạn đạo vào thành phố Poltava vào ngày 3 tháng 9, khiến ít nhất 53 người thiệt mạng và gần 300 người bị thương.

Viện Truyền thông Quân sự và một cơ sở y tế lân cận đã bị tấn công. Tòa nhà của cơ sở giáo dục đã bị phá hủy một phần, theo Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

Vào sáng sớm ngày 2 tháng 9, nhiều đợt nổ đã được nghe thấy ở Kyiv khi hệ thống phòng không chặn được hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo trong một cuộc tấn công khác vào thủ đô. Ba người đã bị thương.

[Kyiv Independent: Kuleba resignation, reshuffle 'expected long ago ahead of difficult times' for Ukraine, lawmaker says]

9. Zelenskiy sa thải một trong những trợ lý hàng đầu của mình, Rostyslav Shurma

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã cách chức Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Rostyslav Shurma vào ngày 3 tháng 9.

Quyết định này được công bố trên trang web chính thức của Văn phòng Tổng thống.

Việc sa thải Shurma diễn ra trước một cuộc cải tổ nội các rộng lớn hơn sau khi năm bộ trưởng Ukraine và nhà lãnh đạo Quỹ Tài sản Nhà nước Ukraine đã nộp đơn từ chức vào đầu ngày.

Trong bài phát biểu buổi tối Thứ Ba, 03 Tháng Chín, Tổng thống Zelenskiy cho biết các thể chế của Ukraine “phải được thành lập” vào mùa thu năm nay, “để Ukraine đạt được mọi kết quả mà chúng ta cần”.

“Để làm được điều này, chúng ta phải tăng cường một số lĩnh vực trong chính phủ và các quyết định về nhân sự đã được chuẩn bị. Văn phòng cũng sẽ có những thay đổi”, tổng thống nói mà không nêu rõ lý do sa thải Shurma.

Shurma được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng Tổng thống vào năm 2021 và phụ trách lĩnh vực kinh tế.

Sau cuộc điều tra của dự án báo chí Bihus.info được công bố vào tháng 8 năm 2023, Shurma xác nhận rằng công ty của anh trai ông đã nhận tiền từ chính phủ Ukraine để xây dựng các nhà máy điện mặt trời tại các vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm như một phần của khoản trợ cấp năng lượng tái tạo trong cuộc xâm lược toàn diện. Ông phủ nhận các cáo buộc sai trái.

Theo cuộc điều tra, Oleh Shurma, anh trai của Rostyslav Shurma, đồng sở hữu KD Energy và Renewable Energy của Zaporizhzhia. Một số công ty như vậy có nhà máy điện ở các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm vẫn tiếp tục nhận được khoản thanh toán theo chương trình “thuế quan xanh” sau khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, cuộc điều tra cho biết.

[Kyiv Independent: Zelensky dismisses one of his top aides, Rostyslav Shurma]

10. Thị trưởng Lviv xác nhận một gia đình thiệt mạng trong cuộc không kích của Nga, bao gồm ba cô con gái

Hôm Thứ Tư, 04 Tháng Chín, Thống đốc khu vực Lviv cho biết cuộc tấn công của Nga vào thành phố Lviv, phía tây Ukraine đã giết chết bảy người, trong đó có 3 trẻ em, và làm bị thương ít nhất 47 người khác.

Vụ tấn công xảy ra một ngày sau khi hỏa tiễn tấn công thành phố Poltava ở miền trung đất nước, đây là một trong những cuộc ném bom chết chóc nhất trong cuộc xâm lược của Nga đã kéo dài sang năm thứ ba.

“Chúng tôi đã mất bảy người vì những kẻ xâm lược đêm qua, trong đó có ba trẻ em. Đây là một thảm kịch khủng khiếp”, thống đốc khu vực, Maksym Kozytskyi, cho biết, đồng thời “gửi lời chia buồn đến gia đình những người đã mất đêm thứ Ba rạng sáng thứ Tư”.

Theo thị trưởng thành phố Andriy Sadovyi, ba anh chị em và mẹ của họ nằm trong số nạn nhân của cuộc tấn công.

“Sau vụ tấn công hôm nay, chỉ còn một người đàn ông sống sót trong bức ảnh này. Vợ của Evgeny và ba cô con gái của họ—Yarina, Daria và Emilia—đã bị giết tại nhà riêng của họ. Yarina Bazilevich, 21 tuổi, làm việc tại văn phòng của chúng tôi, “Lviv — Thủ đô Thanh niên Âu Châu 2025,” Sadovyi cho biết.

“Tại trung tâm Âu Châu, Nga đang tiêu diệt người Ukraine, xóa sổ toàn bộ gia đình. Người Nga đang giết chết con cái chúng ta, tương lai của chúng ta. Tôi không tìm được lời nào để an ủi Cha cháu. Hôm nay, tất cả chúng tôi đều sát cánh cùng với bạn,” thị trưởng nói thêm.

Có báo cáo cho biết năm máy bay ném bom Tu-95MS của Nga cất cánh từ phi trường Olenya xuất hiện sau 2 giờ sáng, báo hiệu cuộc tấn công hỏa tiễn lớn sắp xảy ra vào sáng sớm.

Vụ nổ mạnh đầu tiên được báo cáo tại Lviv vào khoảng 5 giờ sáng, gây ra thiệt hại đáng kể, làm vỡ cửa sổ và gây ra hỏa hoạn tại khu vực Hỏa xa của thành phố. Các dịch vụ khẩn cấp đã nhanh chóng phản ứng để dập tắt đám cháy và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng.

“Hơn 50 ngôi nhà ở trung tâm thành phố bị hư hại, 35 người bị thương. 2 cơ sở y tế và 2 trường học cũng bị hư hại”.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy lên án những gì ông gọi là “các cuộc tấn công khủng bố của Nga vào các thành phố của Ukraine”.

Ông cũng nhắc lại lời kêu gọi các đối tác phương Tây cung cấp cho Ukraine vũ khí tầm xa để “đáp trả công bằng” các cuộc tấn công.

Thành phố Lviv ở phía tây phần lớn đã tránh được những hậu quả tồi tệ nhất của cuộc chiến trong suốt hai năm rưỡi chiến tranh, nhưng tuần trước, các cuộc không kích của Nga đã nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của thành phố, gây ra tình trạng mất điện, theo các quan chức.

Các khu vực khác cũng phải đối mặt với mối đe dọa hỏa tiễn. Không quân Ukraine báo cáo một mục tiêu tốc độ cao di chuyển từ Hắc Hải về phía khu vực Odessa, nhưng tính đến thời điểm công bố, không có thêm thương vong nào được báo cáo bên ngoài Lviv.

11. Lực lượng Nga tấn công tòa nhà trường đại học ở Sumy

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Tư, 04 Tháng Chín, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết ít nhất một người đã bị thương sau khi một cuộc không kích của Nga làm hư hại một tòa nhà của trường đại học ở thành phố Sumy, phía đông bắc nước này.

Diễn biến này xảy ra vào chiều Thứ Ba, 03 Tháng Chín. Cô cho biết lực lượng Nga có thể đã sử dụng bom dẫn đường KAB trong cuộc tấn công này.

“Tất cả các dịch vụ cần thiết đều có mặt và làm việc tại hiện trường”

Một số vụ nổ khác đã được báo cáo ở Sumy sau vụ tấn công vào tòa nhà trường đại học.

Hiện tại chưa có thêm thông tin chi tiết nào.

Người dân ở Tỉnh Sumy phải chịu đựng những cuộc tấn công hàng ngày vào khu vực này.

Vào ngày 1 tháng 9, quân đội Nga đã tấn công một trung tâm phục hồi chức năng xã hội và tâm lý cho trẻ em và một trại trẻ mồ côi ở Sumy. 18 thường dân bị thương, trong đó có sáu trẻ em.

Tỉnh Sumy giáp các tỉnh Bryansk, Kursk và Belgorod của Nga.

Cho đến nay, khoảng 21.000 cư dân đã được di tản khỏi Tỉnh Sumy, trong đó có 5.000 trẻ em.

[Kyiv Independent: Russian forces strike university building in Sumy]
 
Diễn từ gây tiếng vang của ĐTC trước Tổng thống Indonesia, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn
VietCatholic Media
17:57 04/09/2024

Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 17:15 chiều Thứ Hai, 2 tháng 9, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng máy bay từ Sân bay quốc tế Fiumicino đến Jakarta

Lúc 11:30 sáng thứ Ba 3 tháng 9, ngài đã đến Sân bay quốc tế Jakarta Soekarno-Hatta.

Trong ngày thứ Tư, 4 tháng 9, lúc 9:30 sáng đã có lễ nghi chào đón bên ngoài Dinh Tổng thống Istana Merdeka.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ xã giao với tổng thống Joko Widodo tại Dinh Tổng thống Istana Merdeka.

Lúc 10:35, ngài có cuộc gặp gỡ với các cơ quan chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Hội trường Dinh Tổng thống Istana Negara

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:

Thưa ngài Tổng thống,

Kính thưa các cơ quan chức năng,

Thưa các Đức Hồng Y,

Thưa các Ngài,

Kính gửi: Các vị đại diện của các cộng đồng tôn giáo

và của nhiều tôn giáo khác nhau,

Kính gửi các vị đại diện của xã hội dân sự,

Các thành viên của ngoại giao đoàn!

Tôi chân thành cảm ơn ngài Tổng thống đã nồng nhiệt mời tôi đến thăm đất nước ngài và những lời chào nồng nhiệt của ngài. Tôi xin gửi đến ngài Tổng thống đắc cử lời chúc tốt đẹp nhất cho một thời gian phục vụ hiệu quả cho Indonesia, một quần đảo rộng lớn với hàng ngàn hòn đảo được bao quanh bởi đại dương nối liền Á Châu với Châu Đại Dương.

Chúng ta gần như có thể nói rằng, cũng giống như đại dương là yếu tố tự nhiên thống nhất tất cả các đảo của Indonesia, sự tôn trọng lẫn nhau đối với các đặc điểm văn hóa, dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo cụ thể của tất cả các nhóm hiện diện ở Indonesia là nền tảng không thể thiếu và thống nhất khiến người Indonesia trở thành một dân tộc đoàn kết và tự hào.

Khẩu hiệu quốc gia của các bạn Bhinneka tunggal ika (Đoàn kết trong Đa dạng, nghĩa đen là Nhiều nhưng là Một) nắm bắt tốt thực tế đa diện này của những con người đa dạng đoàn kết chặt chẽ trong một quốc gia. Nó cũng cho thấy rằng, cũng giống như sự đa dạng sinh học tuyệt vời hiện diện trong quần đảo này là nguồn gốc của sự giàu có và lộng lẫy, những khác biệt cụ thể của các bạn cũng góp phần tạo nên một bức tranh ghép tuyệt đẹp, trong đó mỗi viên gạch là một yếu tố không thể thay thế trong việc tạo ra một tác phẩm độc đáo và quý giá tuyệt vời. Đây là kho báu của các bạn, sự giàu có lớn nhất của các bạn.

Sự hòa hợp trong đa dạng đạt được khi các quan điểm cụ thể tính đến các nhu cầu chung của tất cả mọi người và khi mỗi nhóm dân tộc và giáo phái tôn giáo hành động theo tinh thần huynh đệ, theo đuổi mục tiêu cao cả là phục vụ lợi ích của tất cả mọi người. Nhận thức về việc tham gia vào một lịch sử chung, trong đó sự đoàn kết là thiết yếu và mọi người đều đóng góp, giúp xác định các giải pháp đúng đắn, tránh sự bực bội của những sự tương phản và biến sự đối lập thành sự hợp tác hiệu quả.

Sự cân bằng khôn ngoan và tinh tế này, giữa sự đa dạng của các nền văn hóa và các tầm nhìn ý thức hệ khác nhau, và các lý tưởng củng cố sự thống nhất, phải được liên tục bảo vệ chống lại sự mất cân bằng. Đây là một công trình thủ công, tôi nhắc lại, một công trình thủ công được giao phó cho tất cả mọi người, nhưng theo cách đặc biệt cho những người trong đời sống chính trị, những người nên phấn đấu hướng tới sự hòa hợp, công bằng, tôn trọng các quyền cơ bản của con người, phát triển bền vững, đoàn kết và theo đuổi hòa bình, cả trong xã hội và với các dân tộc và quốc gia khác. Từ đó xuất hiện sự vĩ đại của chính trị. Một người đàn ông khôn ngoan đã từng nói rằng chính trị là hình thức bác ái cao nhất. Điều này thật đẹp.

Để thúc đẩy sự hòa hợp hòa bình và hiệu quả, bảo đảm hòa bình và đoàn kết các nỗ lực xóa bỏ sự mất cân bằng và đau khổ vẫn còn tồn tại ở một số khu vực, Giáo hội mong muốn tăng cường đối thoại liên tôn. Theo cách này, các định kiến có thể bị xóa bỏ và bầu không khí tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau có thể phát triển. Điều này là không thể thiếu để đáp ứng các thách thức chung, bao gồm cả việc chống lại chủ nghĩa cực đoan và sự bất khoan dung, thông qua những bóp méo tôn giáo, cố gắng áp đặt quan điểm của họ bằng cách sử dụng sự lừa dối và bạo lực. Trái lại, sự gần gũi, lắng nghe ý kiến của người khác, tạo ra một quốc gia huynh đệ. Đây là một điều rất, rất đẹp.

Giáo Hội Công Giáo phục vụ lợi ích chung và mong muốn tăng cường hợp tác với các tổ chức công và các tác nhân khác trong xã hội dân sự, nhưng không bao giờ chiêu dụ tín đồ và luôn tôn trọng đức tin của mọi người. Giáo hội mong muốn khuyến khích hình thành một cấu trúc xã hội cân bằng hơn và bảo đảm phân phối hỗ trợ xã hội hiệu quả và công bằng.

Về vấn đề này, tôi muốn nhắc đến Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1945 của các bạn, trong đó có những hiểu biết sâu sắc có giá trị về con đường mà một nước Indonesia dân chủ và độc lập đã lựa chọn. Đây là một lịch sử rất đẹp. Đọc nó, chúng ta có thể thấy rằng đó là sự lựa chọn của mọi người.

Hai lần trong vài dòng, Lời nói đầu đề cập đến Chúa toàn năng và nhu cầu ban phước lành của Người xuống cho quốc gia mới thành lập Indonesia. Tương tự như vậy, những dòng mở đầu của luật hiến pháp cơ bản của các bạn đề cập đến công lý xã hội hai lần: như nền tảng mong muốn cho trật tự quốc tế và như một trong những mục tiêu chính cần đạt được vì lợi ích của toàn thể người dân Indonesia.

Sự thống nhất trong đa dạng, công lý xã hội và phước lành của Chúa do đó là những nguyên tắc cơ bản nhằm truyền cảm hứng và hướng dẫn trật tự xã hội. Chúng có thể được ví như một cấu trúc hỗ trợ, nền tảng vững chắc để xây dựng ngôi nhà. Làm sao chúng ta có thể không nhận ra rằng những nguyên tắc này rất phù hợp với phương châm của chuyến thăm Indonesia của tôi: Đức tin, Tình anh em, Lòng trắc ẩn?

Tuy nhiên, thật không may, chúng ta thấy trong thế giới ngày nay một số khuynh hướng cản trở sự phát triển của tình huynh đệ phổ quát (xem Thông điệp Fratelli Tutti, 9). Ở nhiều vùng khác nhau, chúng ta thấy sự xuất hiện của các cuộc xung đột bạo lực, thường là kết quả của việc thiếu tôn trọng lẫn nhau, của mong muốn bất khoan nhượng để mưu lợi ích riêng, lập trường riêng hoặc làm sao để câu chuyện lịch sử riêng của mình thắng thế bằng mọi giá, ngay cả khi điều này dẫn đến đau khổ vô tận cho toàn bộ cộng đồng và dẫn đến chiến tranh và đổ máu nhiều.

Đôi khi căng thẳng bạo lực nảy sinh trong một quốc gia vì những người nắm quyền muốn thống nhất mọi thứ, áp đặt tầm nhìn của họ ngay cả trong những vấn đề vốn nên được để cho cá nhân hoặc các nhóm tự quyết định.

Hơn nữa, bất chấp những tuyên bố về những chính sách gây ấn tượng, vẫn còn thiếu cam kết thực sự và hướng tới tương lai để thực hiện các nguyên tắc công lý xã hội. Kết quả là, một bộ phận đáng kể nhân loại bị bỏ lại bên lề, không có phương tiện để tồn tại một cách đàng hoàng và không có biện pháp phòng vệ trước sự mất cân bằng xã hội nghiêm trọng và ngày càng gia tăng gây ra các cuộc xung đột cấp tính. Điều này thường được giải quyết như thế nào? Bằng các luật lệ phò sự chết, tức là bằng cách hạn chế sinh nở, hạn chế sự giàu có lớn nhất mà một quốc gia có thể có, đó là sự chào đời trong quốc gia đó. Trong khi đó, quốc gia của các bạn có những gia đình có ba, bốn và năm đứa con. Điều này được thấy ở độ tuổi trung bình của quốc gia. Hãy tiếp tục như thế này. Đây là một ví dụ cho tất cả các quốc gia. Có vẻ buồn cười khi có lẽ một số gia đình thích nuôi mèo hoặc chó nhỏ, chứ không phải con cái, nhưng điều này không đúng.

Trong những bối cảnh khác, mọi người tin rằng họ có thể hoặc nên bỏ qua nhu cầu tìm kiếm phước lành của Chúa, coi đó là điều thừa thãi đối với con người và xã hội dân sự. Thay vào đó, họ thúc đẩy những nỗ lực của riêng mình, nhưng điều này thường khiến họ gặp phải sự thất vọng và thất bại. Tuy nhiên, có những lúc đức tin vào Chúa liên tục được đặt lên hàng đầu, nhưng đáng buồn thay lại bị thao túng để kích động chia rẽ và hận thù thay vì thúc đẩy hòa bình, hiệp thông, đối thoại, tôn trọng, hợp tác và tình anh em để xây dựng đất nước.

Thưa anh chị em, trước những thách thức nêu trên, thật đáng khích lệ khi triết lý chỉ đạo tổ chức Nhà nước Indonesia vừa cân bằng vừa sáng suốt. Về vấn đề này, tôi xin trích dẫn lời của Thánh Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm cung điện này năm 1989. Trong số những điều khác, ngài đã nói: “Khi thừa nhận sự hiện diện của sự đa dạng hợp pháp, tôn trọng các quyền con người và chính trị của mọi công dân, và khuyến khích sự phát triển của sự thống nhất quốc gia dựa trên sự khoan dung và tôn trọng người khác, anh chị em đã đặt nền móng cho xã hội công bằng và hòa bình mà mọi người dân Indonesia mong muốn cho chính mình và mong muốn để lại cho con cháu mình” (Diễn văn gửi Tổng thống Cộng hòa Indonesia và các nhà chức trách, Jakarta, ngày 9 tháng 10 năm 1989).

Nếu đôi khi trong quá khứ, các nguyên tắc nêu trên không phải lúc nào cũng được thực hiện, thì chúng vẫn có giá trị và đáng tin cậy, giống như ngọn hải đăng soi sáng con đường cần đi và cảnh báo những sai lầm nguy hiểm nhất cần tránh.

Thưa Tổng thống, Thưa quý ông, quý bà,

Tôi hy vọng rằng mọi người, trong cuộc sống hàng ngày của mình, sẽ có thể lấy cảm hứng từ những nguyên tắc này và thực hiện chúng khi thực hiện nhiệm vụ của mình, vì opus justitiae pax, hòa bình là công việc của công lý. Sự hòa hợp đạt được khi chúng ta cam kết không chỉ vì lợi ích và tầm nhìn của riêng mình, mà còn vì lợi ích của tất cả mọi người, xây dựng cầu nối, thúc đẩy các thỏa thuận và sự hợp tác, hợp lực để đánh bại mọi hình thức đau khổ về đạo đức, kinh tế và xã hội, và thúc đẩy hòa bình và sự hòa hợp.

Anh chị em thân mến, hãy tiếp tục con đường của mình, con đường thật đẹp và công bằng. Và bây giờ tôi cầu xin một phước lành cho tất cả mọi người: Xin Chúa ban phước cho Indonesia hòa bình, cho một tương lai tràn đầy hy vọng. Xin Chúa ban phước cho tất cả mọi người!


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana