Ngày 05-09-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thiên Chúa Yêu Thương Và Đợi Chờ
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:08 05/09/2016
Thiên Chúa Yêu Thương Và Đợi Chờ

Suy Niệm Chúa Nhật XXIV Thường Niên - C

(Lc 15, 1-32)

Chúng ta đang tiến gần đến giai đoạn cuối của của Năm Thánh Lòng Thương Xót, ba dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay làm nổi bật hình ảnh ba chiều về Lòng Thương Xót Chúa: Lòng thương xót của Thiên Chúa là vô cùng vô tận; Chúa thương xót hết mọi loài; Chúa hành động vì xót thương.

Dụ ngôn : "Con chiên lạc" (x. Lc 15, 4-7); " Đồng bạc bị đánh mất" (x. Lc 15, 8-10); cụ thể hơn cả là dụ ngôn "Tình phụ tử " (x. Lc 15, 11-32) thể hiện niềm vui viên mãn tràn đầy. Nếu như hai dụ ngôn trước nói về sự vui mừng hay chung vui, thì dụ ngôn "Tình phụ tử là phải ăn tiệc và vui mừng". Vì đồng bạc vô tình bị đánh mất, con chiên lạc có thể cố gắng tìm thấy đàn của mình, và người mất chiên cũng có thể tìm lại được chiên, nhưng không một trường hợp nào hồi tâm trở về với chính mình. Nên người tội lỗi trở về, Chúa Cha khao tiệc ăn mừng. Chúng ta không thể vui mừng sao được, khi có Thiên Chúa là Cha, Đấng Giầu Lòng Thương Xót, rất mực yêu thương chúng ta như thế.

Cả thiên đàng vui mừng khi ta tội lỗi trở về cùng Chúa

Người cha mất con, ngày ngày ngóng chờ con trở về là hình ảnh của Thiên Chúa là Cha luôn cháy lửa tình yêu đối với nhân loại, cha ôm con vào lòng, không đơn giản chỉ là tội nhân, nhưng là kẻ có tội biết ăn năn : "Tôi sẽ trỗi dậy và trở về với cha tôi" (Lc 15,18). Vì thế, cuộc gặp gỡ giữa người cha và người con, khơi dậy sự trở về trong ân sủng của người con, cuộc gặp gỡ này mang dấu ấn của vòng tay cha và sự hoán cải của người con tìm thấy được tình yêu trìu mến của cha.

Cha Marko I. Rupknik S.I tác giả Logo của Năm Thánh Lòng Thương Xót họa vẽ Chúa Giêsu đang vác con người lầm lạc trên vai, là một minh hoạ tuyệt vời về lòng thương xót Chúa.

Lòng Thương Xót đã trở nên người, mặt Chúa và mặt người giống hệt nhau. Khi vác con người trên vai, Thiên Chúa và con người hướng về nhau, đến nỗi có chung một con mắt. Như thế, Thiên Chúa nhìn con người bằng chính mắt con người, để cảm thông, yêu thương và hoán cải con người. Từ nay con người nhìn vũ trụ vạn vật bằng đôi mắt của Thiên Chúa, mà hiểu được Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa, để sống trong vũ trụ theo chương trình ban đầu của Thiên Chúa là đem lại hạnh phúc cho con người.

Con người bỏ Chúa ra đi, lầm đường lạc lối, đi vào ngõ cụt, bị thương tích. Thiên Chúa vẫn yêu thương mang về. Logo Năm Thánh diễn tả, Chúa tay chân vẫn còn mang thương tích vì bị con người đóng đinh. Nhưng Chúa không quan tâm đến vết thương đau đớn của chính mình, vẫn vội vã, chân thấp chân cao đi tìm con người. Tìm được rồi, Chúa không lên án lỗi lầm, Chúa vác con người trên vai mang về mở tiệc ăn mừng. Đó là tình yêu thương vô biên, yêu thương đến tha thứ những phản bội, yêu thương đến quên mình, dám chết vì người mình yêu. Lòng Thương Xót của Chúa thật vô biên, không ai hiểu thấu, không lý luận nào có thể cắt nghĩa được.

Có người nghi ngờ về lòng thương xót ấy nên mới nói : Tôi tội lỗi lắm, vào xưng tội, cho dù cha có tha, không biết Chúa có tha cho tôi không ?

Xin thưa : Để lãnh ơn tha thứ, cần phải có tội, và cho dù tội có đỏ như son Chúa vẫn tha thứ, vì Chúa là Đấng tha thứ không biết mệt mỏi. Thứ tha là việc của Chúa, lỗi lầm là của con người chúng ta. Con người tha cho nhau còn nhớ lại. Thiên Chúa tha thứ là xóa sạch tội khiên. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên: nếu xưng tội xong lại phạm, hãy đến tòa giải tội để lĩnh ơn tha thứ. Xin bật mí, ấn tín tòa giải tội luôn được cha giải tội trân trọng giữ gìn, nghe xong quên luôn là việc các cha phải làm.

Có người còn hỏi : Khi ta phạm tội, ta xin Chúa tha thứ, Ngài thứ tha, vậy cần gì phải đến xưng tội với cha cho mất thời gian và thêm phiền toái ?

Quả thật, sau khi phạm tội chúng ta thật lòng hối cải ăn năn tội cách trọn thì đã được Thiên Chúa tha thứ rồi, nhưng nếu ta không đến tòa giải tội, ta không lĩnh nhận được cách trực tiếp ơn tha thứ ấy. Cũng như người con thứ bỏ nhà ra đi, cha anh ở nhà đã sắm cho anh nhẫn vàng, áo đẹp và giầy sang, những thứ đó là của anh, nhưng nếu anh không về thì anh chưa nhận được trực tiếp.

Tìm lại chính mình và trở về với tha nhân

Người con trưởng tuy ở hằng ở cùng cha, nhưng anh đã đánh mất chính mình, tự nhận mình là kẻ làm tôi "con đã làm tôi cha" (Lc 15,29), đánh mất em, em mình mà anh gọi là "thằng con con của cha kia" (Lc 15,30). Và giờ đây anh ta tố cáo cha đã không bao giờ cho anh một con dê con để mừng lễ với bạn bè. Tội nghiệp người cha! Một đứa con bỏ nhà, đứa kia thì lại đã không bao giờ gần gũi cha thực sự! Ông đã mất cả hai thằng con. Cái khổ đau của người cha giống nỗi khổ đau của Thiên Chúa, khi chúng ta rời xa, hay bởi vì chúng ta ở xa hoặc vì chúng ta ở gần nhưng lại không gần. Người anh cả cũng cần phải trở về. Những người công chính, những người tin rằng mình công chính cũng cần lòng thương xót.

Đạo của chúng ta không phải là đạo ghen tị, được thua mà là đạo của tình thương. Chúng ta buồn vì anh em thành công, được ưu đãi hơn mình, tìm cách hạ bệ, thậm trí đối xử với đồng loại, cả đồng đạo, tệ hơn nữa là coi cha mẹ, anh em ruột thịt mình như kẻ thù, không bằng người dưng nước lã. Lúc ấy cần phải sám hối trở về với chính mình và anh em.

Vậy, hãy trở về với Chúa bằng lòng thống hối ăn năn, lao mình vào vòng tay của Chúa, để cho tình thương lân tuất của Chúa làm ta hồi sinh.

Lạy Mẹ Maria, người mẹ khoan nhân, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin giúp đỡ chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:34 05/09/2016
11. DÙNG TRÍ TUỆ ĐÁNH HOÀNG ĐẾ.
Một hôm, người yêu thích xướng ca thời ngũ đại là hậu Đường Trang Tôn Lý Tồn Húc đang coi diễn viên tập tuồng trong cung, đột nhiên ông ta la lớn:
- “Lý thiên hạ, Lý thiên hạ, mày ở đâu ?”
Lúc này, diễn viên Kính Tân Ma tát cho ông ta một cái vào má, hoàng đế luống cuống, quan viên văn võ và các diễn viên thất sắc kinh ngạc, nhất loạt nhảy lên chất vấn Kính Tân Ma.
Kính Tân Ma trả lời:
- “Người cai trị thiên hạ thì chỉ có một người, cớ gì mà phải gọi thêm người khác, không lẽ có hai người cai trị thiên hạ sao ?”
Hoàng đế đổi giận làm vui, ban thưởng cho ông ta.
(Ngũ đại sử ký)

Suy tư 11:
Chỉ một tội nhục mạ nhà vua thôi thì cũng đã bị tru di tam tộc, huống gì là tát tai nhà vua ? Nhưng một lời giải thích chí lý cũng làm cho nhà vua nguôi giận lại còn ban thưởng nữa.
Thiên Chúa là vua trên các vua, chúa trên các chúa, lòng nhân từ của Ngài cũng vượt xa trên mọi nhân từ của nhân loại, cho nên Ngài chính là vua nhân từ trên mọi nhân từ.
Ngài nhân từ khi chúng ta nhục mạ Ngài bằng những tội lỗi của chúng ta; Ngài nhân từ khi chúng ta hằng ngày tái diễn việc đóng đinh Con Một Ngài trên thập giá bằng những đam mê xác thịt và những thói hư tật xấu của chúng ta. Lòng nhân từ của Ngài được thể hiện rõ ràng nhất nơi bí tích Giải Tội khi chúng ta thành tâm sám hối làm hòa với Ngài và với anh chị em.
Thiên Chúa là cha của chúng ta, Ngài đã nhân từ như thế với chúng ta là những tội nhân. Còn chúng ta thì sao, chúng ta có nhân từ với những người xúc phạm đến chúng ta không ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:36 05/09/2016

33. Người vâng lời vì khiêm tốn thì không có việc gì khó; người vì lương thiện thì không có chuyện khổ.

(Thánh Leo Magnus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video ĐTC tiếp kiến 40 ngàn người thiện nguyện và bác ái ngày 3/9/2016
VietCatholic Network
19:03 05/09/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong buổi tiếp kiến chung đặc biệt sáng thứ bẩy, 3-9-2016 tại Quảng trường Thánh Phêrô, dành cho 40 ngàn người từ các nơi về Roma tham dự Ngày Năm Thánh những người thiện nguyện và hoạt động bác ái với cao điểm là lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta lúc 10 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật 4-9-2016. ĐTC kêu gọi các tín hữu thực thi cụ thể lòng bác ái từ bi và ngài khích lệ những người thiện nguyện và bác ái là những người làm cho Giáo Hội được tín nhiệm. ĐTC đã bày tỏ lập trường trên đây qua bài huấn dụ, Ngài đã giải thích ý nghĩa từ “bài ca đức ái” của thánh Phaolô trong đoạn 13 của thư thứ I gửi tín hữu thành Corinto, nhất là câu thứ 8 về “Tình yêu không bao giờ chấm dứt”. ĐTC đã huấn dụ như sau:

“Giáo huấn này phải được chúng ta xác tín không lay chuyển: tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ thiếu trong đời sống chúng ta và lịch sử thế giới. Đó là một tình yêu vẫn luôn trẻ trung, tích cực, năng động... Thánh Phaolô dạy rằng ”nếu tôi không có tình yêu thì tôi không là gì (v.2). Hễ chúng ta càng để cho mình can dự vào tình yêu này thì cuộc sống của chúng ta càng được tái sinh”.

ĐTC cũng cảnh giác rằng ”Giáo Hội không bao giờ được phép hành động như thầy tư tế và thầy Levi đứng trước người bị cướp đánh và để nằm nửa sống nửa chết trên đất (Xc Lc 10,25-36). Không thể ngoảnh mặt nhìn đi nơi khác để khỏi thấy bao nhiêu hình thức nghèo đói đòi lòng từ bi thương xót. Hành động như thế không xứng đáng với Giáo Hội và với một Kitô hữu, đó là một hành động tỗi lỗi; ”bỏ qua bên kia đường” và coi mình được lương tâm ổn định chỉ vì chúng ta đã cầu nguyện, đã đi nhà thờ rồi!”.

ĐTC cũng nhắc lại rằng ”Tôi không bao giờ mệt mỏi khi nói rằng lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng đẹp, nhưng là một hành động cụ thể; và cả lòng từ bi của con người không có thực chất cho đến khi nó được biểu lộ cụ thể trong đời sống thường nhật. Lời cảnh giác của thánh Gioan vẫn luôn có giá trị: ‘Hỡi các con, chúng ta đừng yêu mến bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng những hành động cụ thể và trong sự thật” (1 Ga 3,18).

Tiếp đến Đức Thánh Cha khích lệ những người thiện nguyện và hoạt động bác ái, ĐTC nói: “Trong số những thực tại quí giá nhất của Giáo Hội, chính là anh chị hằng ngày, thường là trong âm thầm, kín đáo, anh chị em mang lại cho lòng từ bi thương xót một hình dạng và cụ thể hữu hình. Anh chị em biểu lộ ước muốn trong số những ước vọng đẹp nhất của tâm hồn con người, đó là ước muốn làm cho một người đau khổ cảm thấy họ được yêu mến.. Uy tín của Giáo Hội có sức thuyết phục cũng nhờ việc phục vụ của anh chị em dành cho những trẻ em bị bỏ rơi, các bệnh nhân, người nghèo đói không lương thực và việc làm, người già, người vô gia cư, các tù nhân, những người tị nạn và nhập cư, những người bị thiên tai.. Tóm lại, bất kỳ nơi nào có lời yêu cầu xin cứu giúp, tại đó có chứng tá tích cực và vô vị lợi của anh chị em. Anh chị em làm cho luật của Chúa Kitô trở nên hữu hình, luật mang đỡ gánh nặng cho nhau .

ĐTC nhắn nhủ thêm rằng: “Anh chị em hãy luôn hài lòng và đầy vui tươi vì việc phục vụ của mình, nhưng đừng bao giờ biến nó thành lý do để tự phụ, khiến cho mình nghĩ mình tốt đẹp hơn người khác. Trái lại, hoạt động từ bi thương xót của anh chị em phải khiêm tốn và là một sự kéo dài Chúa Kitô một cách hùng hồn, Đấng tiếp tục cúi mình và chăm sóc những người đau khổ”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC cũng vui mừng nhắc đến Mẹ Têrêsa Calcutta được phong thánh vào Chúa Nhật này và nhận định rằng:

“Chúng ta từ bi thương xót của Mẹ Têrêsa thời nay được thâm vào cho vô số đoàn ngũ những người nam nữ đã làm cho tình yêu của Chúa Kitô trở nên hữu hình qua đời sống thánh thiện của họ. Chúng ta hãy noi gương họ, và cầu xin để chúng ta trở thành những dụng cụ khiêm hạ trong tay Chúa, hầu thoa dịu đau khổ của thế giới và mang lại vui tươi và hy vọng phục sinh”.

Tưởng cũng nên nhắc lại là : Trong một giờ rưỡi trước khi ĐTC tiến vào Quảng trường thánh Phêrô, hàng chục ngàn người thiện nguyện đã sinh hoạt, nghe những bài thánh ca và nghe chứng từ của nhiều người hoạt động trong lãnh vực từ thiện bác ái, các nạn nhân chiến tranh và xung đột ở Siria và Palestine, các nhân viên cứu hỏa, cảnh sát, và nhân viên bảo vệ dân chúng, đã cứu giúp các nạn nhân động đất ở miền Trung Italia những ngày vừa qua, một gia đình dấn thân trong tổ chức Unitalsi chuyên giúp đỡ các bệnh nhân đi hành hương tại Lộ Đức và các Đền Thánh khác.

Hiện diện và trình bày trong dịp này cũng có nhiều nghệ sĩ như danh ca Kelly Joyce và và nghệ sĩ U-sha U-thup của Ấn độ, đã quen biết Mẹ Têrêsa trong 40 năm trời.

Khi ĐTC đến Quảng trường, có hai chứng từ được trình bày lên Ngài và nói người, đặc biệt là chứng từ của nữ tu Sally người Ấn độ, thuộc dòng Thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa, phục vụ tại thành phố Aden, bên Yemen, nơi có 4 nữ tu bi quân khủng bố sát hại hồi tháng 3 năm nay, khi chúng tấn công vào nhà dưỡng lão nơi các chị phục vụ.
 
Ước muốn chưa thành sự thật của Mẹ Têrêsa: Phục vụ người nghèo ở Trung Quốc
Chân Phương
22:01 05/09/2016
Mong muốn chưa thành sự của Mẹ Têrêsa: Phục vụ người nghèo ở Trung Quốc

Có một thực tế mà ít người biết là: đến gần cuối đời, Mẹ Têrêsa đã đến Trung Quốc ba lần để thành lập nhà dòng của Mẹ ở đó, nhưng thật đáng buồn là những nỗ lực của Mẹ đều thất bại vì mối quan hệ ngoại giao không mấy tốt đẹp giữa Trung Quốc và Tòa Thánh.

Cha John Worthley - người đã sống và giảng dạy ở Trung Quốc trong nhiều năm và tháp tùng Mẹ Têrêsa trong cả ba chuyến đi ấy nói rằng: "Mẹ Têrêsa luôn ấp ủ ước mơ muốn phục vụ người dân Trung Quốc, và sau khi đã đưa các chị em nữ tu đến khắp thế giới - bao gồm Nga, Hoa Kỳ và các nước Hồi giáo - thì Trung Quốc đã trở thành điểm đến mà Mẹ luôn ưu tư ".

"Thật vậy, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đề nghị Mẹ dành những năm cuối đời để làm cầu nối của tình yêu thương và hòa giải giữa Trung Quốc với Giáo Hội Hoàn Vũ", Cha Worthley nói tại một hội thảo chuyên đề về Mẹ Têrêsa được tổ chức hôm 2 tháng 9 tại Rôma.

Theo Cha Worthley: "Việc hòa giải giữa Trung Quốc và Giáo Hội Hoàn Vũ có thể sẽ không còn xa vời. Tôi rất hy vọng điều đó sẽ sớm xảy ra. Đã có rất nhiều cuộc đàm phán tốt đẹp và cả hai bên đang tiến gần đến việc sẵn sàng".

Vị linh mục này thừa nhận rằng vẫn còn rất nhiều trở ngại để cải thiện quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung Quốc. Ngài cho biết là có nhiều người nghĩ rằng "đừng ngây thơ mong đợi nó sẽ xảy ra ngay lập tức", tuy nhiên ngài cũng nhận định là nó sẽ sớm xảy ra "chỉ vì sự hy sinh của Mẹ Têrêsa".

Mẹ Têrêsa "muốn được ở với người nghèo trên toàn thế giới" nhưng đặc biệt là ở Trung Quốc, ngài nói.

Vào buổi khởi đầu thành lập Dòng Thừa Sai Bác Ái và nhận được sự cho phép lãnh đạo các chị em nữ tu, Mẹ đã nói rằng: "sự hy sinh sẽ là điều làm nên thành công của Dòng Thừa Sai Bác Ái".

Một tuần sau, vị linh mục đã hướng dẫn Mẹ phần thủ tục thành lập dòng chẳng may qua đời, và "Mẹ coi đó là một sự hy sinh", Cha Worthley giải thích.

"Ngài đã nói chuyện với Mẹ về Trung Quốc, và có lẽ đó là những gì khởi đầu cho sự quan tâm của Mẹ về quốc gia này".

Mẹ Têrêsa đến thăm Trung Quốc lần đầu vào năm 1986 và sau đó một lần nữa vào năm 1993. Lần cuối cùng Mẹ đến thăm là vào Tháng Giêng năm 1994. Một hiệp định đã đạt được là cho phép bốn chị em nữ tu của Mẹ Têrêsa có thể phục vụ tại một Trung tâm Chăm sóc mới dành cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và người cao tuổi tại đảo Hải Nam, một tỉnh của Trung Quốc.

Nhưng khi Mẹ vừa đến Hồng Kông quá cảnh trước khi bay đến đảo Hải Nam thì Mẹ nhận được thông báo không được phép nhập cảnh nữa. "Mẹ rất đau lòng. Đó là điều khó khăn nhất đối với Mẹ", Cha Worthley kể lại.

"Mẹ đã rất tin chắc trong chuyện này. Chúng tôi tập trung tại Hồng Kông và cầu nguyện hàng giờ liền trong khi chờ đợi kết quả khiếu nại. Sự hy sinh lần thứ ba này và cũng là lần khó khăn nhất của Mẹ là hòa giải, chấp nhận tình thế như vậy và rời đi".

"Chúng tôi đã hứa với Mẹ rằng chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực cho đến khi việc đó thành sự", Cha Worthley nói.

Hồi Tháng 5 vừa qua, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin nói rằng mối quan hệ với Trung Quốc đại lục "đã và đang là một phần của con đường xa tắp với những giai đoạn khác nhau. Con đường này chưa biết được hồi kết và chúng tôi sẽ hoàn thành nó theo thánh ý Chúa".

Trong một bài phát biểu hôm 27 tháng 8 tại Chủng viện giáo phận Pordenone bên Ý, Đức Hồng Y Parolin đánh giá chuyện này là tích cực: "Ngày nay, hơn bao giờ hết, đang có nhiều hy vọng và mong đợi về những bước tiến triển mới và một thời kỳ mới cho mối quan hệ giữa Toà Thánh và Trung Quốc, vì lợi ích không chỉ đối với những người Công Giáo tại quê hương của Khổng Tử mà còn đối với toàn thể đất nước vốn tự hào là một trong số những nền văn minh vĩ đại nhất địa cầu".

Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh rằng việc theo đuổi mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc - bao gồm cả quan hệ ngoại giao - không phải là một nỗ lực để thành công kiểu "trần thế".

"Chúng tôi suy tư và theo đuổi vì lợi ích của người Công Giáo Trung Quốc, vì lợi ích của người dân Trung Quốc, vì sự hoà hợp của toàn xã hội, và vì mưu cầu hoà bình cho thế giới".

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã thể hiện mối quan tâm lớn lao trong việc khôi phục quan hệ với Trung Quốc đại lục, đây không còn là điều phải che đậy, một trong những ước ao của ngài là có một chuyến viếng thăm Bắc Kinh.

Dưới thời Tập Cận Bình, quan hệ giữa Tòa Thánh với Trung Quốc đại lục được cải thiện thêm ở mức độ ngoại giao. Đáng chú ý là Đức Giáo Hoàng Phanxicô trở thành vị giáo hoàng đầu tiên được phép bay qua không phận của nước này trong chuyến tông du Nam Hàn và Philippines.

Cha Worthley cho biết Giáo Hội tại Trung Quốc đang phát triển mạnh. "Khi bạn có đất nước với một tỷ rưỡi người, sẽ không mất nhiều công sức để làm cho nó trở thành khu vực rộng lớn nhất của Giáo Hội Công Giáo toàn thế giới". "Các nhà thờ với đầy người trẻ và các gia đình... nó phát triển đáng kinh ngạc". (CNA)

Chân Phương
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Nam Định - Hội chợ Hè 2016
Giáo xứ Nam Định
13:10 05/09/2016
GIÁO XỨ NAM ĐỊNH – HỘI CHỢ HÈ 2016

Thứ bảy, ngày 03 tháng 9 năm 2016. Được sự quan tâm của cha xứ Giuse Maria Vũ Thanh Cảnh, cha phó Phanxico, giáo xứ Nam Định đã tổ chức Thánh lễ tạ ơn – tổng kết và hội chợ hè 2016, đồng thời khai giảng năm học mới 2016-2017 cho các em thiếu nhi.

Xem Hình

Sau ba tháng hè với biết bao chương trình hoạt động dành cho các em thiếu nhi, đặc biệt sự tham gia nhiệt tình của hầu hết các em thiếu nhi trong giáo xứ. Từ số thánh lễ dành cho thiếu nhi được tăng lên, đến các lớp học kỹ năng như lớp đàn, nhạc, ngoại ngữ,… Tất cả đã mang đến cho các em một mùa hè bổ ích, từ đó đời sống đức tin của các em được lớn lên cũng như trang bị hành trang cho các em trong năm học mới.

Vào lúc 18h, cha xứ Giuse Maria Vũ Thanh Cảnh đã chủ sự thánh lễ tại quảng trường Nữ Vương Hòa Bình – giáo xứ Nam Định. Thánh lễ hôm nay không chỉ có cộng đoàn và các em thiếu nhi trong giáo xứ Nam Định, mà thánh lễ còn có sự tham dự của các bạn thiếu nhi của những giáo xứ lân cận như: Phú Ốc, Tường Loan, Trình Xuyên, Khoái Đồng và Phong Lộc thuộc giáo phận Bùi Chu. Ngoài ra còn có sự hiện diện của rất đông các bạn thiếu nhi tôn giáo bạn trong thành phố Nam Định, những bạn thiếu nhi này đã được các bạn thiếu nhi trong giáo xứ Nam Định thân thiết mời qua những tấm phiếu của hội chợ để niềm vui của mọi người được nhân lên.

Trong thánh lễ cha xứ Giuse Maria đã mời gọi cộng đoàn, đặc biệt là các bạn thiếu nhi nhìn lại mùa hè đã qua với biết bao ơn lành của Thiên Chúa ban cho qua những kết quả thu được. Từ đó ngài mời các các bạn thiếu nhi cất lời tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời xin Chúa thánh hóa và chúc phúc cho năm học sắp tới.

Kết thúc thánh lễ, là chương trình tổng kết năm học cũ. Trong dịp này, cha xứ Giuse Maria, cha Phó Phanxico đã biểu dương và động viên, phát thưởng cho những em thiếu nhi có thành tích xuất sắc trong việc học giáo lý cũng như học văn hóa.

Tiếp đến cha xứ Giuse Maria đã tuyên bố khai giảng năm học mới, và cầu chúc cho các em thiếu nhi có một năm học thành công, đạt nhiều kết quả tốt hơn nữa.

Sau phần khai giảng năm học mới, cha xứ Giuse Maria và cha phó Phanxico đã cắt băng các gian hàng của hội chợ. Hội chợ năm nay quy tụ gần 20 gian hàng đến từ các hội đoàn trong giáo xứ, với những mặt hàng thiết yếu dành cho việc học tập và vui chơi của các em, ngoài ra còn có những gian hàng ẩm thực để các em được thưởng thức. Các bạn thiếu nhi sẽ dùng những tấm phiếu mà mình có được nhờ siêng năng tham dự thánh lễ và viếng Thánh Thể trong suốt mùa hè để mua những món hàng trên.

Hội khép lại với phần bốc thăm may mắn dành cho tất cả các em thiếu nhi và những người tham dự hội chợ. Những phần quà giá trị và ý nghĩa đã lần lượt được trao cho những người có số may mắn.

Đây thực sự là một ngày ý nghĩa và vui mừng của các em thiếu nhi, để qua đó các em cố gắng nhiều hơn trong năm học mới này.
 
CĐCGVN Sydney Tổ Chức Chức Dạ Tiệc Father’s Day
Diệp Hải Dung
08:01 05/09/2016
CĐCGVN Sydney Tổ Chức Chức Dạ Tiệc Father’s Day Tối Chúa Nhật 04/09/2016 Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney tổ chức Đêm Dạ Tiệc chủ đề “Bố Tôi” nhân ngày Father’s Day tại nhà hàng Crystal Palace Canley Heights Sydney với mục đích bảo tồn nên văn hoá Việt Nam và cũng để gây quỹ tu bổ bảo trì Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney.

Xem Hình

Trước khi khai mạc đêm dạ tiệc, 2 Mc Minh Châu và Kiên Giang ngỏ lời mời tất cả mọi người cùng hát chung nhạc phẩm Tình Cha sáng tác của Y Vân với sự phụ diễn của các bạn trẻ và nghi thức Chào cờ Úc-Việt rất trang nghiêm.

Sau đó anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney lên ngỏ lời chào mừng quý Quan Khách và tất cả mọi người, nêu lên ý nghĩa tổ chức đêm Dạ Tiệc hôm nay mừng ngày Father’s Day nhớ ơn người Cha. Kế tiếp Cha Tuyên Úy Trưởng Bùi Sơn Lâm ngỏ lời chào mừng mọi người và đồng thời qúy Cha tặng quà lưu niệm cho những người làm Bố và chúc lành. Chương trình Văn Nghệ bắt đầu với những tiết mục rất ý nghĩa nói về người Cha do 3 Liên Đoàn trẻ Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh, Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo cùng phối hợp trình diễn với những tiết mục Ca, Vũ, Hoạt Cảnh nói về tình người Cha rất ngoạn mục và đặc sắc.

Ngoài ra còn có sự đóng góp đặc biệt của nữ ca sĩ Sơn Ca với những nhạc phẩm bất hủ Gạo Trắng Trăng Thanh, Khúc Ca Ngày Mùa, Tiếng Sông Hương v..v..

Trước khi kết thúc buổi dạ tiệc, anh Trần Hồng Phước Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, và tất cả mọi người đã đến tham dự đêm văn nghệ dạ tiệc Bố Tôi nhân ngày Father’s Day. Đặc biệt cám ơn nữ Ca sĩ Sơn Ca đã nhận lời mời bay từ phương xa đến đây để giúp cho phần văn nghệ thêm phong phú và đặc sắc.

Diệp Hải Dung.
 
Phỏng Vấn Cha Đa Minh Trần Xuân Thảo Về Chương Trình Tác Viên Tin Mừng
Nữ Tu Maria Minh Du
23:57 05/09/2016
Nt. Maria Minh Du: Con xin kính chào Cha, thưa Cha, chúng con đã nghe nói nhiều về chương trình Tác Viên Tin Mừng từ lâu. Xin cha cho độc giả VietCatholic biết đây là chương trình gì, được gợi hứng từ đâu và do ai khởi xướng và ý nghĩa tên gọi này ạ ?

Lm. Đa Minh Trần Xuân Thảo: Xin cám ơn Sr. Minh Du đã có nhã ý giới thiệu chương trình Tác Viên TM của giáo phận Xuân Lộc. Quả thật đây chỉ là chương trình nhỏ nhằm giúp giáo dân thực hiện sứ vụ sai đi mà Chúa đã mời gọi các Tông Đồ tham gia vào chương trình cứu độ của Ngài. Vậy tôi xin lần lượt trả lời một số điểm mà Sơ đã nêu ra nhé:

Thứ nhất, đây là chương trình gì ? Chương trình này nhằm giúp các giáo dân biết cách đọc và suy chiêm Lời Chúa theo Lectio Divina của Giáo Hội, nhưng với cách thức đơn sơ, dễ hiểu và có những điểm thực hành thực tế thiết thực cho lối sống đạo thường ngày. Vì thế hầu như ai cũng có thể học hỏi và thi hành được. Khi đã thấm nhuần Lời Chúa người Tín Hữu sẽ sống làm chứng cho Lời bằng chính cuộc đời của mình và nếu được họ sẽ sẵn sàng lên đường Loan Báo Tin Vui về Chúa. Có thể nói đây không chỉ là chương trình học hỏi, nhưng chính là chương trình sống chứng Nhân Lời Chúa bằng cả cuộc sống va bằng việc dấn thân ra đi Loan Báo Tin Mừng.

Thứ hai, được gợi hứng từ đâu ? Tôi còn nhớ năm 2002 khi Đức Cha Phalo Maria Nguyễn Minh Nhật giao tôi nhiệm vụ Trưởng Ban Loan Báo Tin Mừng. Tôi rất băn khoăn không biết sẽ phải làm gì và bắt đầu từ đâu ? Thế rồi Tôi đã cầu nguyện và đi tham khảo với một số Cha có nhiệt huyết tông đồ và khôn ngoan trong đó có cha Nguyễn Hữu Lai Dòng Tên. Cuối cùng chúng tôi đã thống nhất với nhau là như xưa Chúa đã qui tụ các tông đồ và đào tạo họ trở thành các chứng nhân Lời Chúa và ra đi rao giảng Tin Mừng thì nay chúng ta cũng phải làm vậy thôi. Cũng may thay ! Cha Lai đang có chương trình các lớp sống đạo vì thế tôi cũng xin Ngài giúp cho các lớp đào tạo Tác Viên Tin Mừng cho công cuộc Loan Báo Tin Mừng của giáo phận Xuân Lộc. Các cha Dòng Tên bước đầu đã giúp chúng tôi các lớp học hỏi này song song với những bổ sung khác cho công tác tông đồ này

Thứ ba, Ý nghĩa tên gọi này ? Tác Viên Tin Mừng là người cảm nhận được nỗi trăn trở của Chúa : Ta sẽ sai ai đi đây ? Ai sẽ đi cho chúng ta ? nên ngoan ngoãn thưa với Chúa : Dạ con đây, xin hãy sai con đi rồi tích cực sống và Loan Báo Tin Mừng. Đây là định nghĩa về các Tác Viên Tin Mừng.

Nt. Maria Minh Du: Như vậy chương trình huấn luyện các Tác viên Tin Mừng được diễn tiến và sắp xếp ra sao ? Xin Cha chia sẻ cho chúng con được rõ ạ ? Những thành phần nào được tham gia khóa học này, thưa Cha ?

Lm. Đa Minh Trần Xuân Thảo: Chương trình này được tiến hành đều đặn từ năm 2004 đến nay bình quân mỗi năm là 7 khóa với thời gian học hỏi 2 tuần liền tại GX Hà Nội- Hố Nai, Gp. Xuân Lộc. Thường khởi sự vào Chúa Nhật thứ nhất (đầu tháng) đến Chúa Nhật giữa tháng. Mỗi năm sẽ mở từ Tháng Tư đến hết tháng 11. Các khóa này sẽ diễn ra tại trung tâm Loan Báo Tin Mừng của giáo phận, ngoài ra cũng còn có những khóa học tại xứ hay tại giáo hạt hoặc tại Giáo Phận của các Tác Viên. Nguyên tắc là mọi người tín hữu có thể và có quyền học. Tuy nhiên tốt nhất là tuổi từ 16 trở lên và có trình độ từ lớp 9 trở nên vì cần có thể đọc và chia sẻ Lời Chúa. Tuy nhiên cũng có chương trình cho những anh chị em Dân Tộc, nhưng phải được các giảng viên giúp đỡ một cách đặc biệt.

Nt. Maria Minh Du: Thưa Cha, tính đến thời điểm này, chương trình Tác viên Tin Mừng đã huấn luyện được bao nhiêu khóa ? và khoảng được bao nhiêu người chính thức trở thành Thừa tác viên Tin Mừng rồi ạ ?

Lm. Đa Minh Trần Xuân Thảo: Tính đến thời điểm này chúng tôi có được cả gần trăm khóa rồi. Con số học hỏi thì lớn nhưng để trở thành Tác Viên Tin Mừng hoạt động thì hãy còn khiêm tốn lắm vì trong các khóa này có cả các tu sĩ cũng học hỏi. Như tôi được biết thì đã có gần 3.000 tu sĩ đã qua các khóa này. Đàng khác, để thành các Tác Viên Tin Mừng thì còn phải qua nhiều lớp chuyên sâu hay các Lớp Dấn Thân Loan Báo Tin Mừng và được sai đi. Đàng khác tôi thử hỏi : là nhà sơ có bao nhiêu Sơ ? Sơ có chịu khai không nào ? Cười

Nt. Maria Minh Du: ( cười) Xin Cha chia sẻ cho chúng con những điều được và mất của những năm tháng cha đồng hành với chương trình Tác viên Tin Mừng ạ.

Lm. Đa Minh Trần Xuân Thảo : : Sau nhiều năm đồng hành với Anh Chị Em Tác Viên Tin Mừng trong khắp các giáo phận, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì anh chị em giáo dân rất nhiệt thành trong công tác tông đồ sai đi này. Họ sẵn sàng hy sinh cuộc sống để mở mang nước Chúa, họ khao khát như các Tông đồ xưa để đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Có những người đã đạt kết qua cao ngoài sự tưởng tượng của chúng ta. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mà chương trình cũng chưa được như lòng chúng ta mong ước như: thiếu sự nâng đỡ của những người có trách nhiệm, thiếu những kiến thức căn bản trong việc Loan Báo Tin Mừng. Bởi hiện nay chúng ta chưa có trường lớp nào đào tạo thần học giáo dân, hoặc nâng cao giáo lý cho các tông đồ giáo dân và rất nhiều vấn đề khác nên công cuộc Loan Báo Tin Mừng của GHVN vẫn còn giậm chân tại chỗ ..v.v

Nt. Maria Minh Du: Thưa Cha, là người tổ chức nhiều năm nay khóa học này và đứng trên cương vị Trưởng ban Loan báo Tin Mừng TGP. Saigon, chương trình Tác viên Tin Mừng có thể dễ dàng nhân rộng ra nhiều nơi không ạ ? Nếu được sẽ bắt đầu thế nào ?

Lm. Đa Minh Trần Xuân Thảo : Việc tổ chức các khóa học hỏi Lời Chúa này tuy có khó khăn thật, nhưng với ơn Chúa cùng với thiện chí trong việc Loan Báo Tin Mừng, tôi tin chắc chúng ta có thể nhân rộng mô hình này. Vì thực tế đây là nhu cầu thiết thực của Giáo Hội VN, đồng thời Giáo Hội VN cũng như nhiều giáo dân đang thao thức về công việc Loan Báo Tin Mừng sau bao năm trì trệ. Với tính cách là người được các Bề Trên trao phó, và cảm nghiệm nhiệt tình của người giáo dân trong Tổng Giáo Phận Sài Gòn, tôi tin là trong tương lai phong trào học Hỏi Lời Chúa và sống Lời Chúa để Loan Báo Tin Mừng sẽ rất phát triển. Để được vậy các UBLBTM cấp giáo phận phải bắt tay vào việc đào tạo giáo dân ngay. Chúng tôi xin hết lòng ủng hộ và sẵn sàng tiếp tay với các UBLBTM cấp giáo phận.

Nt. Maria Minh Du: Trước khi dứt lời Cha có ước vọng nào muốn gời đến các độc giả không ạ ?

Lm. Đaminh Trần Xuân Thảo: Tôi xin gởi đến quý Đài và Quí độc giả lời chân thành cám ơn của anh chị em trong UBLBTM ; đồng thời gởi đến Quí Vị Hữu Trách và Anh Chị Em Giáo dân một vài tâm huyết như sau:

• Đối với các Vị Hữu Trách : Xin hãy mở các lớp Thần Học, Giáo Lý cho giáo dân vì thực sự họ đang cần được trưởng thành trong sứ vụ của mình cũng như cần những kiến thức tối thiểu để ra đi và chia sẻ với mọi người

• Đối với anh chi em Giáo Dân : xin hãy tham gia vào sứ vụ cao cả này bằng cả tinh thần lẫn vật chất. Hãy trả ơn cho Cha Ông chúng ta bằng chính việc loan báo Đức Tin sống động mà họ đã để lại cho chúng ta.

VietCatholic chúng con xin chân thành cảm ơn Cha với những chia sẻ thiết thực và hữu ích về chương trình Tác viên Tin Mừng. Nguyện xin Thiên Chúa luôn chúc lành cho Cha và các khóa TácViên Tin Mừng sẽ được nhân rộng đến nhiều nơi khác.
 
Văn Hóa
Me Têrêsa Calcutta : Một đời Hiến Dâng và Phục Vụ
Đinh Văn Tiến Hùng
21:45 05/09/2016
Mẹ TERESA CALCUTTA
Một Đời Hiến Dâng & Phục Vụ

*Đại Lễ Phong Hiển Thánh :

Sáng Chúa Nhật 4/9/16, tại công trường Thánh Phê-rô, trong khung cảnh tưng bừng hân hoan hàng trăm ngàn tín đồ từ muôn phương đổ về mừng Đại Lễ Phong Thánh Mẹ Teresa Calcutta do Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự.
Tham dự Đại lễ với sự hiện diện của nhiều đại diện nguyên thủ quóc gia, các tổ chức đạo đời, cùng các Chi Dòng Thừa Sai Bác Ái khắp nơi trên thế giới- Đặc biệt có mặt Thủ tướng Ân Độ nơi Mẹ nhập quốc tịch để truyền giáo và Thủ tướng Albani quê hương Mẹ sinh trưởng.
Hình Mẹ nhân từ nổi bật trên cao lễ đài. Đức Thánh Cha, các Hồng Y, Thượng Phụ, Tổng Giám Mục, Giám Mục …trang trọng thành kính tiến ra lễ đài mở đầu nghi lễ Tuyên Thánh Mẹ Teresa với ‘ Khúc hát Trời Xanh (Cantico Delle Creature) ca tụng vinh quang Thiên Chúa đến muôn đời.

-Ôi Mẹ ! Tấm thân nhỏ bé hành động phi thường,
Cả cuộc đời dâng hiến để phục vụ yêu thương,
Mẹ là Vĩ nhân Sứ giả Lòng Chúa Thương Xót,
Của người cùng khổ xã hội vứt bỏ bên đường.

Nhìn gương Mẹ thấy mình hèn mọn tầm thường,
Cả cuộc đời luôn đeo đuổi danh lợi vấn vương,
Để mang được gì khi buông hai tay nằm xuống,
Xin Mẹ dìu dắt con đừng lạc lối Thiên đường.

*Sơ lược Tiểu sử :

“ Theo truyền thống tôi là người Albani. Theo quốc tịch tôi là người Ấn Độ. Theo đức tin tôi là một nữ tu Công Giáo. Theo ơn gọi tôi thuộc về thế gian. Theo con tim tôi thuộc về Trái Tim Chúa Giê-su. “

- 1910 : Sinh tại Skopje, Albani, với tên Agnes Gonxha Bojaxhiu, sang truyền giáo mang quốc tịch Ấn Độ.
- 1928 : Gia nhập Dòng Trinh Nữ Maria tức Tu Hội
Loreto, Ái Nhĩ Lan đổi tên là Maria Teresa.
- 1929 : Đến Calcutta dạy tại trường Trung Học Thánh Mẫu.
- 1937 : Khấn trọn đời.
- 1948 : Bắt đầu phục vụ người nghèo khổ với chiếc áo Sari trắng viền xanh.
- 1950 : Sáng lập Dòng Truyền Giáo Bác Ái.
- 1962 : Nhận giải thưởng Nhân Bản Padma Shri.
- 1963 : Lập Tu Hội Anh Em Thừa Sai Bác Ái.
- 1971 : ĐGH Phao-lô Đệ Lục trao tặng Mẹ giải Hòa Bình Giáo Hoàng Gioan 23.
- 1976 : Thành lập Nhánh Dòng Nữ Tu Chiêm Niệm.
- 1979 : Nhận giải Nobel Hòa Bình.
- 1984 : Lập Hội Linh Mục Thừa Sai Bác Ái.
- 1985 : Nhận Huy Chương Tự Do cao quí nhất Hoa Kỳ, do Tổng Thống Ronald Reagan trao tặng.
- 1990 : Tuyên bố từ chức vì sức khỏe, nhưng được tái đắc cử.
- 91-95: Thăm Việt Nam 5 lần để trao đổi với chính quyền về việc thành lập Chi Dòng, nhưng không đạt kết quả.
- 1996 : Trở thành Công Dân Danh Dự Hoa Kỳ.
- 1997 : Từ chức Bề Trên Dòng Bác Ái.
- 1997 : Ngay 5/9 từ trần tại Calcutta và chính phủ Ấn Độ tổ chức trọng thể nghi lễ Quốc Táng ghi nhớ công ơn Mẹ.
- 2003 : ĐGH Gioan Phao-lô II phong Chân Phước cho Mẹ.
- 2016 : ĐGH Phanxicô phong Mẹ lên hàng Hiển Thánh.
= Ngày nay Dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ thành lập đã có 610 cơ sở trên 123 quốc gia với 5300 đệ tử nam nữ
cùng trên 100 ngàn tình nguyện viên từ ái hăng say trong việc giúp đỡ người nghèo, bệnh tật, tù nhân, trẻ mồ côi,
người vô gia cư, người hấp hối… bị xã hội bỏ rơi.

*Tâm niệm Đời sống : Một Lối Sống Đơn Giản - Một Tâm Hồn Tuyệt Vời.

-Kết quả của im lặng là CẦU NGUYỆN.
-Kết quả của cầu nguyện là ĐỨC TIN.
-Kết quả của đức tin là TÌNH YÊU.
-Kết quả của tình yêu là PHỤC VỤ.
-Kết quả của phục vụ là BÌNH AN.

+ CẦU NGUYỆN :
Chính Chúa đã dạy chúng ta cầu nguyện qua Kinh Lạy Cha
“Lạy Cha chúng tôi ở trên trời….”
( Mt.6: 5- 13 )

Cầu nguyện để tâm hồn con lắng đọng,
Cho con được sống gần Chúa nhiều hơn,
Để dâng lời cảm tạ Chúa ban ơn,
Cho con cùng tha nhân mình phục vụ.

+ ĐỨC TIN :
“Những gì các ngươi làm cho anh em bé nhỏ của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta.
Và những gì các ngươi đã không làm cho anh em bé nhỏ của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta.”
( Mt.25 : 40- 45 )
Đức Tin không hành động, Đức Tin chết,
Xin cho con tuân giữ lời Chúa truyền,
Bao người nghèo đói, bệnh tật triền miên,
Con nhận diện tha nhân là chính Chúa.

+ TÌNH YÊU :
“Thiên Chúa thương yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết,
nhưng được sống muôn đời.”
( Mt.3 : 16 )
Tình yêu Chúa cao vời trên Thập Giá,
Nhưng thế nhân giả điếc làm ngơ,
Kẻ nghèo khổ, già yếu…bị chối từ,
Cho con biết giang đôi tay đón nhận.

+ PHỤC VỤ :
“Vậy nếu Ta là Thày là Chúa, mà còn rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng phải rửa chân cho nhau.
Ta đã nêu gương cho các ngươi, ngõ hầu như Ta đã làm cho các ngươi thế nào, các ngươi cũng phải làm như vậy.”
( Yn.13 : 14- 15 )

Phục vụ đừng nên tính bằng con số,
Mỗi việc làm phải mang đến yêu thương,
Đừng nghĩ rằng ta phải cho thật nhiều,
Có Tình yêu đặt vào mới ân phúc.

+ BÌNH AN :
“Sáng danh Thiên Chúa trên trời – Bình an dưới thế cho người thiện tâm.”
( Lc.2 : 14 )
Bình an cho nhân thế như Lời Chúa,
Chỉ đến với những ai có thiện tâm,
‘Biết quên mình là gặp lại bản thân,
Chính lúc chết là muôn đời vui sống’

+ Ôi Mẹ Thánh Tê-rê-sa,
Đời sống đơn giản lại là Vĩ Nhân,
Danh thơm tỏa sáng xa gần,
Tông Đồ Thiên Chúa, thế trần kính yêu,
Con luôn ghi nhớ những điều,
Giáo huấn Mẹ dạy sớm chiều noi theo.

*Những Giáo Huấn Đơn Sơ Lại Tuyệt Vời :

-Lạy Chúa Giê-su ! Xin giải thoát con khỏi ao ước được nổi tiếng.
-Tôi chỉ sợ một điều là tiền bạc. Sự tham lam ham mê tiền bạc là động lực khiến Giu-đa bán Chúa.
-Hãy dành thì giờ sống bác ái ! Đó là chìa khóa mở cửa Thiên Đàng.
-Càng có ít, chúng ta càng cho nhiều ! Mới nghe có vẻ vô lý, nhưng đó là Chân lý của Tình yêu.
-Sự thánh thiện không hệ tại ở việc phi thường, mà là chấp nhận những gì Chúa gửi đến cho chúng ta với Nụ Cười.
-Căn bệnh hiểm nghèo nhất của Tây phương hiện nay, không phải là bệnh cùi hay ho lao, nó là bệnh bị khước từ, bị ghét bỏ và không được chăm sóc.
-Sự đói khát ngày nay rộng lớn hơn, đó là sự đói khát Tình thương.
-Nếu bạn cùng cầu nguyện, bạn sẽ cùng với nhau và yêu thương nhau như Chúa yêu thương mỗi người chúng ta.
-Không có tinh thần hy sinh, không có đời sống cầu nguyện, không có chân thành xám hối, chúng ta không thể gánh vác công việc của mình.
-Nếu chúng ta thực sự muốn thế giới được hòa bình, hãy bắt đầu thương yêu nhau ngay từ trong gia đình.
-Yêu thương thì không hạch sách, và bác ái không phải là bố thí.
-Giết một hài nhi để sống theo ý muốn, đó là điều vô cùng hèn hạ.
-Không phải bao nhiêu công việc chúng ta làm, nhưng là bao nhiêu lòng thương mến mà chúng ta đặt vào mỗi công việc.
-Dĩ vãng thì đã qua, mà tương lai thì chưa đến, chúng ta phải sống mỗi ngày như đó là ngày cuối cùng của đời sống chúng ta.
-Khi đến giờ chết, chúng ta không bị xét xử theo những công việc tốt mà chúng ta đã làm nhiều hay ít, hay số bằng cấp chúng ta đạt được trong đời sống. Nhưng chúng ta sẽ bị xét xử theo lòng bác ái mà chúng ta đã thể hiện khi còn sống………..
( Trích theo nội dung tác phẩm ‘ Mother Teresa a Simple Path ‘ của Lucinda Vardey )

*Kinh Cầu Nguyện Thánh Teresa Calcutta :
” Lạy Chúa Giêsu !
Xin đổ vào linh hồn con tràn ngập tinh thần và tình yêu của Ngài.
Xin làm thấm nhuần và sở hữu con hoàn toàn để cả cuộc đời con là ánh sáng của Ngài.
Xin chiếu sáng con và ở trong con để mỗi linh hồn con giao tiếp có thể cảm nhận sự hiện hữu của Ngài trong linh hồn con.
Xin để các linh hồn nhìn lên và không còn thấy con nữa mà chỉ thấy Chúa Giêsu.
Xin ở lại với con và con sẽ bắt đầu tỏa sáng như Ngài tỏa sáng, tỏa sáng để thành ánh sáng cho người khác- Amen ! “

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thác Chảy Trong Lành
Vũ Đình Huyến, Lm (CMC)
20:51 05/09/2016
THÁC CHẢY TRONG LÀNH
Ảnh của Vũ đình Huyến, Lm. (CMC)
Thác tuôn chảy nước trong lành
Lung linh như ước vọng xanh tháng ngày.
(Trích thơ của Trầm Thiên Thu)
 
VietCatholic TV
Thánh Lễ Tuyên Thánh Cho Mẹ Têrêsa Thành Calcutta - Nghi Thức Tuyên Thánh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:35 05/09/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Quý vị và anh chị em đang theo dõi Lễ Tuyên Thánh cho Mẹ Têrêsa thành Calcutta diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô vào sáng Chúa Nhật 4 tháng 9, tức là Chúa Nhật thứ 23 mùa Thường Niên.

Bây giờ là gần 10h sáng. Chúng tôi ghi nhận hàng trăm ngàn tín hữu đang đứng chật quảng trường Thánh Phêrô để tham dự thánh lễ long trọng này.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trên khán đài danh dự dành cho các nhà lãnh đạo các quốc gia, chúng tôi ghi nhận có sự hiện diện của thủ tướng Ấn Độ là ông Narendra Modi. Ông Modi từng là lãnh tụ của đảng Ấn Giáo cực đoan Bharatiya Janata trước khi trở thành thủ tướng Ấn Độ vào ngày 26 tháng 5 năm 2014. Trong vòng 2 năm qua, Giáo Hội tại Ấn gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng do chính sách kỳ thị tôn giáo của ông Modi. Sự hiện diện của ông trong thánh lễ này thật là có ý nghĩa. Nó cho thấy ngay cả những người cực đoan nhất cũng không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của Mẹ Têrêsa cho xã hội Ấn Độ. Mong rằng sự hiện diện hôm nay của ông có thể đi xa hơn để trở thành một dấu chỉ tích cực của sự cảm thông giữa người Công Giáo và người Ấn Giáo.

Mẹ Têrêsa là người Ấn Độ về mặt quốc tịch. Tuy nhiên, về mặt huyết thống, mẹ là người Albania. Do đó, trên khán đài danh dự, chúng tôi thấy cũng có một phái đoàn của Albania do thủ tướng Edi Rama dẫn đầu.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đoàn đồng tế gồm Đức Thánh Cha, các vị Hồng Y, các vị Thượng Phụ của Công Giáo nghi lễ Đông phương, các Tổng Giám Mục, Giám Mục trong giáo triều Rôma và các vị thuộc Ấn Độ và Albania đang tiến ra lễ đài.

Trong khi đó, ca đoàn Sistina của Tòa Thánh hát bài “Cantico delle creature”, nghĩa là “Khúc hát Trời xanh”. Trời xanh tường thuật vinh quang Chúa. Vinh quang Chúa tồn tại đến muôn muôn đời. Alleluia. Nào toàn thể địa cầu hãy hát lên mừng Chúa. Alleluia. Toàn thể triều thần thiên quốc hãy tán dương Ngài. Alleluia.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Giờ đây Đức Thánh Cha làm dấu bắt đầu thánh lễ.

Nhân danh Cha và con và Thánh Thần.

Rồi Đức Thánh Cha gởi lời chào Phụng Vụ đến cộng đoàn.

Cộng đoàn đang cùng hát bài Veni, Creator Spiritus – Thánh Thần Hãy Xin Ngự Đến xin Ngài soi sáng và gìn giữ Hội Thánh trong quyết định quan trọng sắp diễn ra.

Sau khi cộng đoàn kết thúc kinh cầu xin Chúa Thánh Thần. Đức Hồng Y Angelo Amato là Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh và các cáo thỉnh viên trong các vụ án phong thánh tiến lên trước Đức Thánh Cha.

Đức Hồng Y nói:

Trọng Kính Đức Thánh Cha,

Giáo Hội Mẹ Thánh tha thiết khẩn xin Đức Thánh Cha ghi vào sổ bộ các Thánh Chân Phước Têrêsa thành Calcutta để ngài có thể được kêu cầu như thế bởi tất cả các tín hữu Kitô.

Kính thưa quý vị và anh chị em.

Giờ đây, Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh đọc tiểu sử Mẹ Têrêsa trước Đức Thánh Cha và cộng đoàn.

Têrêsa Calcutta, nhủ danh Gonxha Bojaxhiu Agnes, sinh tại Skopje, Albania, ngày 26 Tháng Tám năm 1910, là người con thứ năm và cũng là con út của ông bà Nikola và Drane Bojaxhiu. Cô đã được rửa tội vào ngày hôm sau và được rước lễ lần đầu khi lên năm tuổi rưỡi. Từ thời điểm đó trở đi, tâm hồn cô tràn ngập tình yêu dành cho các linh hồn.

Năm 1928, với mong muốn được phục vụ như là một nhà truyền giáo, cô bước vào Tu hội Chị em Loreto ở Ireland. Năm 1929, cô đến Ấn Độ, và khấn lần đầu vào tháng 5 năm 1931 và khấn trọn vào tháng Năm năm 1937. Trong suốt hai mươi năm sau đó, cô đã giảng dạy ở Ấn Độ, và được nhiều người biết đến vì lòng bác ái, lòng nhiệt thành, sự tận tâm và sự vui tươi.

Ngày 10 tháng 9 năm 1946, cô nhận được từ Chúa Giêsu lời mời gọi “để lại tất cả mọi thứ phía sau và phục vụ Ngài nơi những người nghèo nhất trong số những người nghèo”. Năm 1948, cô nhận được sự cho phép của Giáo Hội để bắt đầu sứ vụ tông đồ của mình trong các khu ổ chuột của thành phố Calcutta. Dòng Thừa Sai Bác Ái đã trở thành một Tu Hội của giáo phận vào ngày 07 tháng 10 năm 1950, và đã được nâng lên thành một Tu Hội giáo hoàng vào ngày 1 tháng 2 năm 1965. Đặc sủng riêng của Tu Hội là để thỏa mãn cơn khát vô hạn của Chúa Giêsu đối với tình yêu và đối với các linh hồn bằng cách hoạt động cho sự cứu rỗi và sự thánh thiện của những người nghèo nhất trong những người nghèo.

Để mở rộng sứ mệnh tình yêu này, Mẹ Têrêsa đã mở thêm các nhánh khác bao gồm dòng các Tu huynh Thừa Sai Bác Ái, vào năm 1963, dòng các nữ tu sĩ chiêm niệm vào năm 1976, dòng các Tu huynh chiêm niệm (1979), và dòng các Cha Thừa Sai Bác Ái vào năm 1984, cũng như các Hiệp hội các cộng tác viên, Hiệp hội các cộng sự viên đồng lao cộng khổ, và phong trào Corpus Christi cho các linh mục.

Tại thời điểm Mẹ Têrêsa qua đời vào ngày 05 tháng Chín năm 1997, dòng có đến 3,842 chị em làm việc tại 594 nhà ở tại 120 quốc gia. Mặc dù, phải chịu đựng một kinh nghiệm đau đớn của bóng tối nội tâm, Mẹ Têrêsa đã đi khắp mọi nơi, có liên quan, như Đức Maria trong trình thuật Thăm Viếng [bà Elizabeth], để truyền bá tình yêu của Chúa Giêsu trên khắp thế giới. Do đó, Mẹ đã trở thành một biểu tượng của dịu dàng và tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, đặc biệt là đối với những người không được yêu thương, bị khước từ và bỏ rơi. Từ trên Thiên Đàng, Mẹ tiếp tục “thắp lên một ánh sáng cho những người sống trong bóng tối trên trái đất này.”

Sau phần đọc tiểu sử, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha toàn năng nhờ Chúa Giêsu Kitô và nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ và tất cả các Thánh xin Ngài đoái thương nâng đỡ quyết định long trọng chúng ta sắp thực hiện.

Giờ đây, cộng đoàn cùng quỳ gối hát kinh cầu các Thánh bằng tiếng La tinh, khiêm tốn cầu xin các thánh nam nữ trợ giúp Hội Thánh trong quyết định quan trọng sắp diễn ra.

Xin Chúa thương xót chúng con

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con

Xin Chúa thương xót chúng con

Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời.

Đáp: Cầu cho chúng con

Các Thánh Thiên Thần cùng các Thánh Tổng lãnh Thiên Thần.

Thánh Gioan Baotixita.

Thánh Thánh Giuse.

Thánh Phêrô.

Thánh Phaolô.

Thánh Anrê.

Thánh Giacôbê.

Thánh Gioan.

Thánh Tôma.

Thánh Giacôbê.

Thánh Philípphê.

Thánh Batôlômêô.

Thánh Matthêô.

Thánh Ximong.

Thánh Tađêô.

Thánh Mátthia.

Thánh Banabê.

Các Thánh Tông đồ cùng các Thánh Sử.

Thánh Nữ Maria Mađalêna.

Thánh Stêphanô

Thánh Ignatiô thành Antiôkia

Thánh Laurensô

Thánh Perpetua và Thánh Felicity

Thánh Anê

Thánh Grêgôriô

Thánh Augustionô

Thánh Athanasiô

Thánh Basilô

Thánh Martinô.

Thánh Biển Đức

Thánh Phanxicô và Thánh Đôminicô

Thánh Phanxicô Xaviê

Thánh Gioan Maria Vianney

Thánh Nữ Catherine thành Siena.

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu

Các thánh nam cùng các thánh nữ

Kết thúc kinh cầu các thánh Đức Thánh Cha dâng lời nguyện:

Lạy Chúa, chúng con xin Chúa đoái thương nhận lời cầu của dân Ngài để việc phụng thờ của chúng con làm đẹp lòng Chúa và cho Giáo Hội được thêm phát triển. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Giờ đây, Đức Thánh Cha long trọng đọc công thức phong thánh.

Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, để phát huy đức tin Công Giáo và củng cố đời sống Kitô hữu, với quyền lực của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô và của riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đã tham khảo ý kiến của nhiều Chư huynh Giám mục, tôi quyết định tuyên bố Chân Phước:

Têrêsa thành Calcutta

là Thánh và được ghi vào sổ bộ các Thánh và truyền rằng ngài được tôn kính như vậy bởi toàn thể Giáo Hội.

Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen

Kính thưa quý vị và anh chị em

Cộng đoàn cùng vỗ tay reo mừng trước lời công bố của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thánh tích của Mẹ Têrêsa đang được rước lên trên bàn thờ.

Trong khi đó ca đoàn cùng hát bài Iubilate Deo, nghĩa là Mừng vui trong Chúa với những lời sau:

Hãy tán tụng Chúa, Hãy hát lên mừng Chúa.

Ca vang niềm hân hoan lên tới Chúa, hỡi bạn ơi; lời tán tụng thật là phù hợp với những trái tim trung thành. Hãy hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát vang lên, với tất cả khả năng của bạn.

Chúa nhìn đến những ai kính sợ ngài, những ai hy vọng nơi tình yêu Ngài, cứu linh hồn họ khỏi hư nát, gìn giữ họ qua cơn đói kém.

Trong Ngài trái tim chúng ta nhảy mừng. Chúng ta tin tưởng vào danh thánh Ngài. Xin tình yêu Chúa tuôn đổ trên chúng con, Lạy Chúa, chúng con đặt mọi hy vọng nơi Ngài.

Đức Hồng Y Angelo Amato tiến lên trước Đức Thánh Cha và nói:

Trọng kính Đức Thánh Cha, nhân danh Hội Thánh con cảm ơn Đức Thánh Cha đã công bố điều này và khiêm tốn thỉnh cầu ngài truyền rằng một tông thư liên quan đến hành động phong Thánh này được thảo ra.

Đức Thánh Cha bày tỏ sự đồng thuận.

Thánh lễ được tiếp tục với kinh Vinh Danh.

Sau khi cộng đoàn vừa dứt Kinh Vinh Danh, Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện.

Chúng ta hãy cầu nguyện. Lạy Chúa Toàn Năng xin cho chúng con luôn luôn biết uốn nắn ý muốn của chúng con theo thánh ý Chúa và chân thành phụng sự vương quốc Chúa. Nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Chúa, Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
 
Thánh Lễ Tuyên Thánh Cho Mẹ Têrêsa Thành Calcutta – Phụng Vụ Lời Chúa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:19 05/09/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Bài Ðọc I: Kn 9, 13-18
“Ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? Hay ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn? Vì những ý tưởng của loài hay chết thì mập mờ, và những dự định của chúng tôi đều không chắc chắn. Vì xác hay hư nát làm cho linh hồn ra nặng nề, và nhà bụi đất làm cho lý trí hay lo lắng nhiều điều ra nặng nề.
Chúng tôi ước lượng cách khó khăn các việc dưới đất, và khó nhọc tìm thấy những sự trước mắt. Còn những sự trên trời, nào ai khám phá ra được? Ai hiểu thấu Thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, và không sai Thánh Thần Chúa từ trời cao xuống. Như thế, mọi đường lối những kẻ ở dưới đất được sửa lại ngay thẳng, và loài người học biết những sự đẹp lòng Chúa.
Vì, lạy Chúa, những ai sống đẹp lòng Chúa từ ban đầu, thì được ơn cứu độ nhờ sự khôn ngoan.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 89, 3-4. 5-6. 12-13. 14 và 17

Ðáp: Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia (c. 1).
Xướng: 1) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến cho con người trở về bụi đất, Ngài phán: “Hãy trở về gốc, hỡi con người”. - Ðáp.
2) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô. - Ðáp.
3) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. - Ðáp.
4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Plm 9b-10. 12-17
“Con hãy tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho Philêmon.
Con thân mến, Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô, cha nài xin con cho Ônêsimô, đứa con cha đã sinh ra trong xiềng xích.
Cha trao nó lại cho con. Phần con, con hãy đón nhận nó như ruột thịt của cha. Cha cũng muốn giữ nó lại để thay con mà giúp đỡ cha trong lúc cha bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý con, nên cha không muốn làm gì, để việc nghĩa con làm là một việc tự ý, chớ không vì ép buộc. Vì biết đâu nó xa con một thời gian để rồi con sẽ tiếp nhận muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với cha, huống chi là đối với con, về phần xác cũng như trong Chúa. Vậy nếu con nhận cha là bạn hữu, thì xin con hãy đón nhận nó như chính mình cha vậy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. - Alleluia.


Phúc Âm: Lc 14, 25-33
“Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.
“Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu người đó rằng: 'Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi'.
“Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Ai có thể dò thấu ý định Chúa?" (Kn 9:13). Câu hỏi này từ Sách Khôn Ngoan mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ nhất cho thấy rằng cuộc sống của chúng ta là một mầu nhiệm, và chúng ta không có chìa khóa để hiểu nó. Luôn có hai nhân vật chính trong lịch sử: Thiên Chúa và con người. Nhiệm vụ của chúng ta là nhận ra tiếng Chúa gọi và sau đó làm theo thánh ý Ngài. Nhưng để làm theo thánh ý Chúa, chúng ta phải tự hỏi mình, "Thánh ý của Thiên Chúa là gì trong cuộc sống của tôi?"

Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong cùng một đoạn văn của Sách Khôn Ngoan: "Con người được dạy những gì đẹp lòng Ngài" (Kn 9:18). Để khẳng định đâu là lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta phải tự hỏi mình và thấu hiểu những gì đẹp lòng Thiên Chúa. Trong nhiều trường hợp các tiên tri đã công bố những gì là đẹp lòng Thiên Chúa. Thông điệp của các ngài tìm thấy một tổng hợp tuyệt vời trong những lời này "Ta muốn lòng thương xót chứ không cần hy tế" (Hs 6: 6; Mt 09:13). Thiên Chúa hài lòng trước mỗi hành động của lòng thương xót, bởi vì nơi những anh chị em mà chúng ta nâng đỡ, chúng ta nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa mà không ai có thể nhìn thấy (xem Ga 1:18). Mỗi lần chúng ta cúi xuống trên các nhu cầu của anh chị em chúng ta, chúng ta mang đến cho Đức Giêsu một cái gì đó để ăn và để uống; chúng ta ăn mặc cho, chúng ta giúp đỡ, và chúng ta ghé thăm Con Thiên Chúa (x Mt 25:40).

Vì thế, chúng ta được kêu gọi để chuyển dịch thành những hành động cụ thể những gì chúng ta kêu cầu trong kinh nguyện và tuyên xưng trong đức tin. Không có gì có thể thay thế cho lòng bác ái: những ai cúi xuống phục vụ người khác, cho dù chưa hề quen biết, là những người yêu mến Thiên Chúa (x 1 Ga 3: 16-18; Gc 2: 14-18). Đời sống người Kitô hữu, tuy nhiên, không chỉ đơn thuần là mở rộng bàn tay cho tha nhân trong lúc cần thiết. Nếu nó chỉ như thế thôi, chắc chắn, nó có thể là một biểu hiện đáng yêu của tình liên đới nhân loại trong đó trao ban những phúc lợi trước mắt, nhưng nó là không sinh sôi nẩy nở vì thiếu rễ. Trái lại, nghĩa vụ Chúa trao phó cho chúng ta, là ơn gọi thực thi bác ái trong đó mỗi người môn đệ Chúa Kitô đặt toàn bộ cuộc sống của mình phục vụ Người, để có thể thăng tiến mỗi ngày trong tình yêu.

Chúng ta nghe trong bài Tin Mừng, "Đoàn lũ đông đảo cùng đi với Chúa Giêsu" (Lc 14:25). Ngày hôm nay đây, "đoàn lũ đông đảo" này được nhìn thấy nơi đông đảo các thiện nguyện viên đã đến với nhau trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Anh chị em là đoàn lũ đông đảo đi theo Thầy, và là những người biến tình yêu cụ thể của Ngài thành hữu hình nơi mỗi người. Tôi lặp lại với anh chị em những lời của Thánh Tông Đồ Phaolô: “Tôi rất vui mừng và lấy làm an ủi, khi thấy đức bác ái của anh, bởi vì, thưa anh, anh đã làm cho lòng trí mọi người trong dân thánh được phấn khởi.” (Philem 1: 7). Biết bao trái tim đã được an ủi bởi các thiện nguyện viên! Biết bao bàn tay đã được họ nắm lấy; bao nhiêu nước mắt họ đã lau khô; bao nhiêu tình yêu đã được đổ ra trong những việc phục vụ âm thầm, khiêm tốn và vị tha! Sự phục vụ đáng khen ngợi này mang lại tiếng nói cho đức tin và thể hiện lòng thương xót của Chúa Cha, là Đấng đến gần những người quẫn bách.

Theo Chúa Giêsu là một công việc nghiêm túc, và, đồng thời, tràn đầy niềm vui; nó đòi hỏi một sự can đảm và táo bạo nhất định để nhận ra Thầy chí thánh nơi những người nghèo nhất trong những người nghèo và trao ban chính mình trong việc phục vụ họ. Để làm như vậy, các thiện nguyện viên, những người vì lòng yêu mến Chúa Giêsu mà phục vụ người nghèo và những người thiếu thốn, không mong đợi bất kỳ lời tri ân hay sự hồi đáp nào; thay vào đó họ từ bỏ tất cả vì họ đã phát hiện ra tình yêu đích thực. Như Chúa đã đến gặp tôi và đã cúi xuống với thân phận tôi trong giờ phút quẫn bách, tôi cũng đi gặp Ngài, cúi xuống trước những người đã mất đức tin hoặc những người sống như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu; cúi xuống trước những người trẻ không còn lý tưởng cũng chẳng còn tin vào những giá trị nào, trước những gia đình đang trong cuộc khủng hoảng, trước những người bệnh tật và những ai chịu cảnh tù tội, trước những người tị nạn và di dân, trước những kẻ yếu đuối và vô phương tự vệ thể lý cũng như tinh thần, trước những trẻ em bị bỏ rơi, trước những người cao niên trơ trọi một mình. Bất cứ nơi nào có người cầu xin một bàn tay giúp đỡ để có thể đứng dậy được, chỗ đó phải có sự hiện diện của chúng ta - và sự hiện diện của Giáo Hội để nâng đỡ và trao ban hy vọng.

Mẹ Têrêsa, trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống mình, là một thiết bị phân phối quảng đại lòng thương xót của Thiên Chúa, trao ban chính mình cho tất cả mọi người thông qua sự chào đón và bảo vệ sự sống con người nơi những thai nhi chưa chào đời và nơi những người bị bỏ rơi và bị loại ra ngoài lề xã hội. Mẹ dấn thân bảo vệ sự sống, không ngừng tuyên bố rằng “những thai nhi chưa chào đời là những người yếu nhất, nhỏ nhất, dễ bị tổn thương nhất”. Mẹ cúi xuống trước những người không ai đoái hoài, bỏ mặc chết rũ trên lề đường, nhìn thấy nơi họ phẩm giá Thiên Chúa ban cho họ; Mẹ cất cao tiếng nói buộc các các cường quốc trên thế giới này phải lắng nghe, để họ có thể nhận ra lỗi lầm của mình vì cảnh bần cùng họ đã tạo ra. Đối với Mẹ Têrêsa, lòng thương xót là "muối" mang lại hương vị cho công việc của Mẹ, là "ánh sáng" chiếu tỏa trong bóng tối chập chùng trong đó rất nhiều người đã không còn nước mắt để đổ ra vì nghèo đói và đau khổ.

Nhiệm vụ của Mẹ nơi những vùng ngoại vi đô thị và hiện sinh ngày hôm nay vẫn còn là một chứng tá hùng hồn cho chúng ta về sự gần gũi của Thiên Chúa với những người nghèo nhất trong những người nghèo. Hôm nay, tôi giao lại biểu tượng này của phái nữ và đời sống thánh hiến cho toàn thế giới của các thiện nguyện viên: cầu xin Mẹ là mô hình của sự thánh thiện cho anh chị em! Xin cho người lao động không biết mệt mỏi này của lòng thương xót giúp chúng ta ngày càng hiểu rằng tiêu chí duy nhất trong mọi hành động của chúng ta là tình yêu nhưng không, không vì ý thức hệ và hay nghĩa vụ nào, được trao ban miễn phí cho tất cả mọi người không phân biệt ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc hay tôn giáo. Mẹ Teresa thích nói câu này: "Có lẽ tôi không nói được ngôn ngữ của họ, nhưng tôi có thể mỉm cười". Chúng ta hãy mang theo nụ cười của Mẹ trong trái tim chúng ta và trao ban nó cho những người chúng ta gặp gỡ trên đường đời, đặc biệt là những người đau khổ. Bằng cách này, chúng ta sẽ mở ra những cơ hội hân hoan và hy vọng cho nhiều anh chị em chúng ta những người đang chán nản và đang cần được cảm thông và xoa dịu.

Bản dịch của J.B. Đặng Minh An