Ngày 06-09-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 07/09: Chiếc thuyền của ông Si-mon Phê-rô - Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
01:39 06/09/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca

Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.

Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ, Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:12 06/09/2023

22. Người không thanh sạch, trên thực tế, so với ma quỷ trong hỏa ngục thì xấu xa hơn.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:17 06/09/2023
42. CẤM MẶT TRĂNG CHIẾU SÁNG

Lúc cuối đời Đường Chiêu Tông, Phượng Tường tiết độ sứ Lý Mậu Chân ra lệnh chỉ có phủ của ông ta độc quyền bán đèn dầu, tất cả lợi nhuận đều tăng cường cho lương ăn và sinh hoạt phí của quân đội, nhưng đèn dầu không bán được bởi vì dân chúng chuyển qua dùng đuốc cây thông.

Lý Mậu Chân ra lệnh cấm dùng đuốc cây thông, nghệ nhân Trương Đình Phan yêu cầu gặp Lý Mậu Chân, dùng khẩu khí trào lộng cười nói:

- “Chỉ có ngài mới cấm dân chúng dùng đuốc cây thông e rằng không thể được bởi vì trên trời còn có trăng sáng đấy, tôi đề nghị ngài cũng nên ra lệnh cấm luôn mặt trăng chiếu sáng”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 42:

Làm việc gì, dù có lợi cho người khác thì cũng phải suy nghĩ trước sau, bởi vì có lắm lúc lợi cho người này nhưng lại hại cho người kia. Độc quyền bán đèn dầu để đem lợi tức nuôi quân là việc làm tốt của cấp trên, nhưng cấm dân dùng tất cả phương tiện khác để chiếu sáng thì quả là hà khắc và độc tài…

Đức Chúa Giê-su không dành độc quyền Nước Trời cho một số người, nhưng Ngài muốn tất cả mọi người đều được Nước Trời làm của mình; Giáo Hội cũng không dành Nước Trời cho riêng mình, nhưng Giáo Hội theo mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su cũng muốn cả nhân loại vào Nước Trời hưởng hạnh phúc đời đời.

Nhà thờ là nơi giáo dân đến thờ phượng Thiên Chúa tại trần gian, và có thể nói là thiên đàng giữa đời và rộng mở cho tất cả mọi người –đặc biệt là giáo dân trong giáo xứ- đến để tìm thêm sự an ủi và sức mạnh trong cuộc sống của mình, thế nhưng có một vài người Ki-tô hữu giành nhà thờ độc quyền cho mình, họ không muốn người khác đến nhà thờ làm việc công đức, họ nhăn nhó phê bình người này cắm hoa xấu người kia không biết việc để làm, và thế là họ đi nói xấu người này người nọ để độc quyền tác oai tác quái nơi nhà thờ và có khi làm khó dễ ngừơi khác đến chầu Mình Thánh Chúa trong ngày…

Độc quyền và độc đáo thì không giống nhau, đừng độc quyền “chiếm” nhà thờ, nhưng nên độc đáo “sáng kiến” để cho có nhiều người đến nhà thờ nhiều hơn, như thế là có lợi cả đôi đường vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Món nợ tình thương
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
13:50 06/09/2023

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – A
(Mt 18, 15-20)
Món nợ tình thương

Nói đến “Nợ”, người ta thường nghĩ ngay đến nợ nần nhơ nợ tiền, nợ bạc, nợ ngân hàng, nợ vật chất, nợ đời, nợ ơn, nợ tình, nợ người, nợ Trời…

Thánh Phaolô hôm nay nói đến món “nợ tình thương” : "Anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau" (Rm 13, 8). Thì ra chúng ta phải mắc nợ nhau về tình mến. Nghĩa là nợ tiền nợ bạc, nợ vật chất ai thì trả cho xong. Nhưng hãy mắc nợ nhau về tình thương, về đức ái. Sống không có tình yêu, không có lòng nhân ái, thì dù có nhà lầu, xe hơi, tiện nghi, vật chất dư dả, chúng ta vẫn cảm thấy không hạnh phúc và vui vẻ. Tình yêu làm cho chúng ta được hạnh phúc thật. Tình yêu là cốt lõi của Kitô giáo. Chúng ta hãy yêu thương nhau.

Lời Chúa hôm nay từ Cựu Ước đến Tân Ước giúp chúng ta hiểu món nợ này. Chúa bảo chúng ta như nói với Êzêkiel : cứ đóng vai trò người lính canh; cứ loan báo sứ điệp của Chúa. Êzêkiel không muốn làm công việc này. Ông thấy dân Israel đã hư đốn không muốn nghe và giữ Luật Chúa nữa. Và tai ương giáng họa trên dân tộc bất trung ấy không thể nào tránh nổi. Nhưng Chúa bảo ông vì tình thương và bác ái cứ đứng trên vọng gác, cứ loan báo Lời Chúa cho mọi người. Nghe hay không thì tùy họ (x.Ed 33,7-9).

Tin Mừng nói về Thiên Chúa đầy ắp tình thương, với tấm lòng của Cha trên trời, của người mục tử đau xót vì thấy đàn chiên 100 con nay lạc mất một. Tự nhiên người mục tử ấy lo lắng và sốt sắng đi tìm con chiên lạc. Người mục tử diễn tả phần nào tấm lòng của Cha trên trời muốn đi tìm tội nhân trở lại: Người sai chúng ta đến với người anh em phạm tội. Họ như một con chiên lạc, lỗi lầm. Chúa đòi hỏi chúng ta phải xử với người anh em bằng tình thương, phải chấp nhận vất vả vì người anh em kia, phải êm ái kiên nhẫn và tế nhị. Bài Tin Mừng này thật phong phú. Chúa nói đến chúng ta và với chúng ta hơn là về người anh em lỗi phạm (x. Mt 18,15-20).

Đến đây chúng ta mới hiểu chữ "món nợ" mà Thánh Phaolô nói : chúng ta đừng mắc nợ ai gì cả, mọi sự công bằng phải chu toàn với mọi người. Cả khi đã làm trọn mọi phận sự công bình rồi, chúng ta vẫn còn nợ mọi người tình bác ái. Và món nợ này chẳng bao giờ có thể trả xong. Vì sao vậy?

Thánh Tông đồ đã nói: vì có bác ái mới giữ trọn Lề luật. “Luật dạy: không tà dâm, không giết người, không tham của người v.v...” Nhưng họ quên điều quan trọng : phải giữ những điều ấy để thương yêu anh em. Bác ái phải là động lực, là khởi hứng của công bình. Nên chúng ta phải có lòng bác ái. Chúng ta phải cư xử với nhau theo tình bác ái. Đối với thánh Phaolô, tình yêu không phải là một sự trao đổi kinh tế, tiền bạc, không phải là một sự chiếm hữu ích kỷ, cũng không phải là một sự tìm kiếm mình nơi người khác, nhưng là một tình yêu vô vị lợi, có trách nhiệm và hoàn toàn vì người khác, kể cả hiến mạng vì người mình yêu. Tình yêu đó bắt nguồn và luôn dựa trên chính Thiên Chúa là Tình Yêu mà Đức Giêsu đã thể hiện trên thập giá.

Tình yêu gắn liền với việc tuân giữ lề luật, sống có trách nhiệm và biết tôn trọng hạnh phúc của người khác cụ thể như : “Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13, 9-10).

Nói cho cùng. Lỗi những điều răn này là lỗi đức ái nghiêm trọng. Thấy người khác thành công mình phải mừng cho họ chứ đừng có ghen tỵ và tìm cách đạp đổ. Thấy người khác gặp đau khổ thì không lấy làm vui mừng nhưng là nâng đỡ ủi an họ. Vẻ đẹp và tính cao thượng của người Kitô hữu là ở đó.

Đối với Phaolô, đức ái là điều chính yếu của đời sống Kitô hữu. Trong một lá thư khác, thánh Phaolô quả quyết:

“Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các Thiên thần đi nữa, mà không có đức mến thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi có được ơn nói tiên tri và biết hết được mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả tài đức đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì cả. Giả như tôi có đem hết cả gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu chết, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13, 1-3).

Sau cùng, chúng ta cùng hãy đọc lại lời của Thánh tông đồ Phaolô và nguyên lý sống của Chúa Giêsu, để rồi xin Chúa giúp chúng ta biết nhìn lại chính mình: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”.

Mong sao mỗi người chúng ta đừng mang món nợ gì khác, ngoài món nợ duy nhất cần nợ trong đời. Đó là bác ái yêu thương. Món nợ tương thân tương ái này có giá trị trên mọi nẻo đường, và đặc biệt luôn mang ý nghĩa nền tảng và quan trọng. Vậy, chúng ta hãy sống và mắc món nợ duy nhất trong đời là : “Món nợ tình thương, tương thân tương ái”.

 
Sửa lỗi cho nhau
Lm. Thái Nguyên
13:57 06/09/2023


SỬA LỖI CHO NHAU
Chúa Nhật 23 Thường Niên năm A : Mt 18, 15-20

Suy niệm

Như người mục tử đi tìm con chiên lạc, Thiên Chúa cũng không bỏ rơi bất cứ ai, mà còn quan tâm chăm sóc từng tín hữu, cho dù nhỏ bé nhất và không đáng kể gì (Mt 18,10-14). Mỗi con người có một giá trị vô song, bởi vì tất cả đều được dựng nên cho Thiên Chúa và đã được cứu chuộc nhờ cuộc thương khó của Đức Kitô. Họ đang nằm trong tiến trình hoàn thành chính mình theo dự định của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Chính trong nguồn cội phát xuất từ Thiên Chúa, mà không một ai được phép nói là tôi không cần phải quan tâm đến người khác. Trái lại, chúng ta buộc phải quan tâm đến người anh chị em của mình, nhất là những người đang sa lạc. Chúng ta không được phép tránh né họ vì ích kỷ, lười biếng hay sợ hãi, hoặc bi quan về kết quả. Cũng không được tự hào mình là người công chính và khinh khi người tội lỗi.

Là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu tha thiết quy tụ mọi người lại quanh Ngài để làm thành một cộng đoàn tín hữu và huynh đệ. Ngài kêu gọi họ sống với nhau và cùng nhau thi hành sứ mạng (Mt 4,18-25). Chắc chắn Ngài không muốn các thành viên trong cộng đoàn theo giám sát nhau hoặc phân loại con người theo bậc thang giá trị luân lý, nhưng giúp nhau sống ơn gọi Kitô hữu và trở thành những chứng nhân sống động. Trong tinh thần hiệp thông, những cách thức mà Đức Giêsu đề nghị đều nhằm diễn tả đức ái, vì “Cha của anh em... không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14).

Đây là bổn phận chăm sóc anh em về mặt thiêng liêng, nhất là những người trong cùng một cộng đoàn, một giáo xứ. Giúp đỡ một người anh em đang gặp khó khăn; chìa tay ra cho một người chị em đang rơi vào nguy hiểm; an ủi nâng đỡ một người đang buồn sầu thất vọng; khích lệ và tạo điều kiện cho những anh chị em yếu kém về vật chất cũng như tinh thần, v.v... Tất cả đều là đòi hỏi của tình yêu, là một sự trung thành với công trình của Đức Giêsu. Cùng là anh em con một Cha trên trời, nên chúng ta phải sống tình liên đới và chịu trách nhiệm về nhau.

Trong đời sống cộng đoàn, không mấy ai không vấp váp lỗi lầm. Nhưng việc nhận lỗi và sửa lỗi lại là điều khó khăn, bởi vì tâm lý chung của mọi người là “thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới.” (Mt 7, 3). Léon Tolstoi cũng đã nói:“Mọi người đều nghĩ đến chuyện thay đổi nhân loại, nhưng không ai nghĩ đến chuyện thay đổi chính mình”. Khuynh hướng tự mãn khiến ta dễ thấy lỗi của người khác hơn là lỗi của mình. Vì vậy, để tránh đi sâu vào lầm lạc, ta cần nhờ người khác chỉ ra lầm lỗi của mình.

Việc sửa lỗi mà Chúa Giêsu dạy, không được tùy nghi xử sự theo cảm tính, nhưng phải tiến hành theo những cấp độ khác nhau. Trước tiên, việc sửa lỗi mang tính cách riêng tư, thân tình, với sự kín đáo và tôn trọng. Đừng làm ra vẻ người trên sửa lỗi người dưới, hoặc tỏ ra mình hoàn hảo, nhưng tạo sự cảm thông và đặt mình trong tình trạng của người kia. Nếu người sai lỗi cứ bướng bỉnh, cố chấp, nên đem theo vài người nữa, không phải để gây áp lực, nhưng để cho thấy tính khách quan. Nếu họ vẫn không nghe thì phải đưa ra cộng đoàn. Nếu họ cũng không nghe cộng đoàn, thì phải chấp nhận thái độ tự cô lập của họ.

Điều ta cần nhớ là tâm hồn người lầm lỗi rất mong manh, có thể vừa tự ái vừa mặc cảm; vừa tự ti vừa tự tôn; tỏ ra mạnh mẽ bên ngoài nhưng lại rất yếu đuối bên trong, nhất là những người trẻ thường hay tự hào và ảo tưởng về mình. Một lời nói không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ; một thái độ vô tình sẽ khơi thêm hố cách ngăn. Cần tế nhị, nhẹ nhàng để tạo cảm giác an toàn, với bầu khí cởi mở và tín nhiệm. Việc sửa lỗi có ba giai đoạn, nhưng có khi phải nhiều lần, nhiều lượt. Phải kiên trì với những phương án khác nhau để phù hợp cho từng đối tượng và hoàn cảnh.

Dù sao, việc sửa lỗi người khác cũng phải đi liền với việc sửa mình: nghĩa là duyệt xét lại tâm tình, ý hướng và phương cách của mình cho chân chính và phù hợp, tránh những thái độ chủ quan và thiển cận, kẻo tạo nên mâu thuẫn và đối nghịch. Có khi người khác không sửa lỗi vì chính tôi đã không sửa mình. Sự đổi mới nơi bản thân tôi luôn có sức thuyết phục và thúc đẩy sự đổi mới nơi anh chị em tôi.

Đức Giêsu phục sinh đã cho Giáo hội dưới quyền thánh Phêrô được quyền tháo cởi và ràng buộc (Mt16,19b;Ga20,23), nghĩa là quyền quyết định về những phần tử của mình trong mọi trường hợp, nhưng chắc chắn Ngài không hề đặt giới hạn cho sự tha thứ, và bao giờ cũng là sự mở đường. Cần có sự cầu nguyện của cộng đoàn để cho ai đó đã sa cơ lỡ bước vẫn luôn có cơ hội để trở về với Chúa và anh chị em.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Chúa là một nghệ nhân thật tuyệt vời,
muốn làm nên những tuyệt tác đẹp ngời,
là cuộc đời của mỗi người chúng con,
nhưng nếu không uốn nắn và cắt tỉa,
con mãi là cây hoa dại bên đường,
sống tầm thường không tỏa được sắc hương,
Làm người ai cũng muốn mình sống tốt đẹp,
nét đẹp đơn sơ hiền lành và khiêm nhượng,
nét đẹp yêu thương và cho đi cao thượng
nét đẹp chân thành và trong sáng hiền lương,
nét đẹp hy sinh và dấn thân phục vụ,
để con mỗi ngày nên giống Chúa Giê-su.
Chấp nhận cắt tỉa sẽ làm con đau đớn;
chấp nhận lỗi lầm khiến con phải đớn đau;
chấp nhận sửa lỗi càng làm con khốn khổ,
nhưng qua đó con thấy mình được triển nở,
vì đã vượt qua những lối sống mê mờ,
không còn hững hờ và thái độ ngu ngơ.
Con thấy vui khi mình được sửa lỗi,
vì còn có cơ hội để đổi đời,
làm cho cuộc sống mỗi ngày thêm mới,
thêm an vui và ích lợi cho đời,
là hình ảnh của Chúa khắp mọi nơi,
và quanh con mọi người được thơ thới.
Xin cho con một tâm hồn thanh thản,
nhìn mọi người với ánh mắt lạc quan,
và luôn sống tình thân giữa cộng đoàn,
dù có những đa đoan và chua chát,
nhưng chỉ cần con biết sống hòa chan,
là tâm con được bình an trong Chúa. Amen.

 
Cuộc đánh bắt kỳ diệu
Lm. Minh Anh
14:30 06/09/2023

CUỘC ĐÁNH BẮT KỲ DIỆU
“Họ bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới!”.

Rừng Bắc Âu, Bắc Mỹ nổi tiếng với “Chồn Ermine” tuyệt đẹp; bộ lông của nó trắng như tuyết. Ermine bảo vệ ‘áo’ mình bất cứ giá nào. Tận dụng bản năng này, thợ săn không bẫy; thay vào đó, tìm chỗ ở của Ermine. Họ bôi bẩn lối vào ổ của chúng; sau đó, thả đàn chó để săn đuổi. Những con vật sợ hãi chạy ‘về nhà’, nhưng không vào, vì sợ bẩn! Thay vì để lấm lem chiếc áo trắng tinh của mình, Ermine nộp mạng để gìn giữ sự thanh khiết.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay không nói đến kiểu đánh bắt độc đáo loài Ermine xinh đẹp, nhưng nói đến các ‘cuộc đánh bắt kỳ diệu’ của Thiên Chúa trong lịch sử. Những cú đánh bắt này cho thấy, “Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ!” như Thánh Vịnh đáp ca tán dương.

Thư Côlôssê nói đến ‘cuộc đánh bắt kỳ diệu’ lớn lao nhất từ tạo thiên lập địa; qua đó, Thiên Chúa đã biểu dương ơn cứu độ và lòng thương xót của Ngài khi “Giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái!”. Câu chuyện ‘đánh bắt’ của Tin Mừng hôm nay xoay quanh Chúa Giêsu và Phêrô, một người đã chứng kiến những điều lạ lùng từ nhân vật ‘huyền bí’ có tên “Giêsu” mới xuất hiện. Ông đã chứng kiến mẹ vợ mình được Ngài nâng lên; các bệnh nhân và nhiều người quỷ ám được chữa lành. Để sau đó, “Giêsu” này bước xuống thuyền ông, xin ông chống ra xa để đánh cá. Ông đã vâng lời và đã bắt được rất nhiều cá, nhiều “đến nỗi hầu như rách cả lưới!”.

Đó là cú đánh bắt thần kỳ trong đời các ngư phủ miền Galilê, nhưng điều thần kỳ không phải là ‘cá’, nhưng là ‘những người đánh cá’ vốn đã bị đánh bắt! Phép lạ không ‘thuộc về vật chất’, nhưng ‘hoàn toàn tinh thần’; Giêsu đã giúp họ không trở thành nạn nhân của chán nản khi đối mặt với thất bại, nhưng trở nên tuyệt vời khi họ để mình ‘bị đánh bắt’ và trở nên những ngư phủ sẽ đi khắp thế giới ‘vung chài’ đánh bắt các linh hồn.

Vậy thì điều gì đã dẫn đến cú đánh bắt ngoạn mục mang tính cứu độ này? ‘Cứu độ!’, vì đó là mục đích của mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể. Những con người này đã để Đấng Cứu Độ bước xuống thuyền mình; ngoan nguỳ chèo ra chỗ nước sâu, thả lưới. Cũng thế, Ngài yêu cầu bạn và tôi đón Ngài vào thuyền đời mình, giữ Ngài ‘đủ lâu’, đi với Ngài ‘đủ xa’, đến những vùng biển mới đầy bất ngờ! Hãy đón Ngài, đừng để Ngài lớ ngớ! Hãy nhớ, Ngài giỏi ‘đi trên nước!’; hãy ‘cột chân’ Ngài bằng ‘dây yêu mến’ và đừng quên tỏ ra háo hức, tập thích thú lắng nghe câu chuyện dài ‘Nghìn lẻ một đêm’ Ngài sẽ kể!

Anh Chị em,

“Họ bắt được rất nhiều cá!”. Sẽ không có ‘cuộc đánh bắt kỳ diệu’ nào nếu bạn và tôi không để Giêsu bước xuống lòng thuyền đời mình và mạnh dạn chèo ra xa bờ! Bờ của những tính toán hơn thiệt, bờ của những suy nghĩ tục hoá. Và sẽ là cú đánh bắt Chúa Giêsu mong đợi nhất, tuyệt vời nhất, trước nhất, là cuộc đánh bắt linh hồn bạn và tôi! “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là người tội lỗi!”. Bạn và tôi hãy để mình ‘bị đánh bắt’ theo cách này; và Ngài cũng sẽ nói với chúng ta, “Đừng sợ!”. Những lời an ủi này của Ngài tất yếu cũng cần được đáp lại khi bạn và tôi “bỏ hết mọi sự mà theo Ngài!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, sẽ không có cú đánh bắt nào nếu Chúa sẩy mất linh hồn con! Chúa cứ bước xuống lòng thuyền con, con sẽ làm tất cả những gì Chúa muốn, hôm nay và mỗi ngày!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tình huynh đệ
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
22:10 06/09/2023

CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN NĂM A : Mt 18,15-20

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi cho nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.
Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.
“Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, thì sẽ có Thầy ở đấy, giữa họ
”.


TÌNH HUYNH ĐỆ

Trong quyển sách “Truyền thống các vị ẩn tu” (khoảng thế kỷ thứ 4) có thuật lại câu chuyện thế này:
Ngày kia, khi Đức Giám Mục Amôlas đến thăm mục vụ một làng nọ, dân chúng đã bày tỏ với ngài lòng bất mãn tột độ của họ đối với một vị ẩn tu trên núi, vì nghe đâu ông có đem theo một phụ nữ để chung sống với mình. Từ dạo ấy, vị ẩn tu không ngớt là đối tượng để dân làng đàm tiếu, lên án, chỉ trích. Họ xúm quanh Đức Giám Mục và thưa ngài rằng: “Hôm nay Đức Cha đã đến đây thì xin chấm dứt ngay lập tức tình trạng sa đọa bê bối gây nhiều gương xấu của vị ẩn tu trên núi kia”. Sau khi nghe những lời kết án gay gắt của dân làng, Đức Giám Mục quyết định leo lên núi. Ngài đi đầu, dân làng lũ lượt nối gót theo sau. Thấy đám đông kéo đến túp lều của mình, vị ẩn tu hoảng sợ và cấp tốc bảo người phụ nữ chui vào trốn trong một chiếc thùng rỗng. Đức Giám Mục là người đầu tiên đến trước túp lều, và cũng là người đầu tiên bước vào bên trong. Đưa mắt nhìn chung quanh, ngài hiểu ngay sự việc. Ung dung, ngài đi thẳng đến ngồi trên chiếc thùng gỗ để nghỉ chân, rồi bình thản khoát tay gọi dân làng vào mà bảo: “Các ngươi hãy vào mà lục xét túp lều để tìm người phụ nữ đi”. Khi họ không tìm đâu ra bóng dáng người đàn bà, ngài mới nói: “Bây giờ các ngươi hãy quỳ xuống xin lỗi Thiên Chúa vì đã nói xấu vô cớ vị ẩn tu này”. Nhưng sau đó, khi mọi người đã lục tục kéo nhau xuống núi, Đức Giám Mục Amôlas tiến gần vị ẩn tu, nắm chặt hai bàn tay ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào đôi mắt xấu hổ và chậm rãi nói: “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn!”

1. Tình huynh đệ, động lực việc sửa lỗi cho nhau.

Đoạn Tin Mừng hôm nay, mà câu chuyện trên là một minh họa, rút tự Diễn từ thứ bốn trong kết cấu của Mt: “Những huấn thị về đời sống cộng đoàn”. Ngay từ đầu, Đức Giê-su tỏ ra rất thực tế: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội…”. Giáo hội không phải là một tập thể gồm những kẻ “trong sạch”, “thánh thiện” nhưng gồm những “tội nhân”. Vì nói cho đúng, Giáo hội là một bệnh viện chữa trị linh hồn. Đức Giê-su đã sáng suốt thấy trước rằng “Ki-tô hữu không tốt hơn những người khác”, như đôi lúc thiên hạ bảo. Giáo hội được làm nên với những kẻ mỏng dòn y như xã hội phàm tục. Đức Giê-su có mơ tưởng một Giáo hội chẳng có vấn đề đâu! Người sắp cho một thủ tục để chúng ta cố gắng giải quyết các khó khăn sẽ nẩy sinh một lúc nào đó trong bất cứ nhóm người nào.

Thật thế, điều Đức Giê-su nói đây có thể đem áp dụng vào mọi môi trường sống của chúng ta: gia đình, tổ nhóm, hiệp hội, bằng hữu, đồng nghiệp… Biết bao tranh chấp, căng thẳng, chống đối trong các cộng đoàn này! Đôi lúc, ngay từ đầu, tất cả xem ra đơn giản và hòa hợp. Nhưng về lâu về dài, nhiệt tình giảm xuống, nhóm gặp nguy cơ giải thể, nếu chẳng có ai quan tâm chuyện cố kết, thông hiệp. Không nhóm người nào thoát khỏi tội lỗi, khỏi thảm cảnh chia rẽ… ngay cả Giáo hội!

Vậy nếu anh em trót phạm tội thì phải làm sao? “Đi sửa lỗi nó… hai người với nhau… cho nó thấy lỗi… nếu nó chịu nghe… tức người anh em đã được chinh phục”. Qua những tiếng dập dồn này, ta nhận ra ngay bầu khí Đức Giê-su muốn đặt chúng ta vào. Bầu khí yêu thương chứ không phê phán. Tiếc thay, luôn có khối “người hành hiệp” xen mình vào mọi chuyện và sẵn sàng “lên lớp thiên hạ”, trong một thái độ phê bình triệt để. Sẽ là bóp méo tư tưởng Đức Giê-su khi có khuynh hướng “kết án”, “hành hạ” tội nhân. Cả Tin Mừng đều cho ta thấy ngược lại hết. Văn mạch trực tiếp của “Bài giảng về Giáo hội” này chỉ nói đến tế nhị và thương xót đối với “anh em”. Ngay trước văn bản đọc hôm nay, Đức Giê-su đã kể dụ ngôn con chiên lạc: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh bỉ một ai… Hãy như người mục tử, sau khi lạc mất một con chiên, đã ra đi tìm nó… Cha anh em trên trời cũng không muốn một ai phải hư mất…” (x. Mt 18,10.14). Và ngay sau bản văn bàn về việc sửa lỗi này, Đức Giê-su sẽ yêu cầu Phê-rô “tha thứ 70 lần 7” (x. 18,21-22), rồi sẽ lên án thái độ của “tên đầy tớ bất nhân” không biết tha nợ cho đồng liêu mình (x. 18,23-35).

Như thế, phải can thiệp trong một bầu khí hoàn toàn yêu thương. Chỉ có quyền nhận xét một anh em nếu yêu mến anh em đó! Tất cả Tin Mừng la lớn với chúng ta rằng Đức Giê-su đã luôn nhân từ với kẻ tội lỗi và Người muốn đấy phải là giải pháp cho cuộc tranh chấp. Khi ai đó chinh phục được người anh em, thì trời xuống trên trái đất! Ôi, giải pháp vui biết chừng nào!

“Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh” (tức cộng đoàn). Đức Giê-su tiến dần với tế nhị và tâm lý biết bao! Trước tiên là mặt đối mặt trong kín đáo, để cái xấu được vô danh ngằn nào có thể, và để tội nhân giữ được tiếng tốt lẫn danh dự mình, như tấm gương của Đức Giám Mục Amôlas trên đây… sau đó, nại đến vài anh em khác là để tránh phê phán chủ quan, lầm lẫn trong đánh giá, và cũng để có nhiều người thì tìm được những lý lẽ đủ sức thuyết phục hơn nữa. Phải làm tất cả để tránh hấp tấp và tùy tiện.

Chỉ sau khi cạn hết mọi hình thức khuyên nhủ ấy, người ta mới phải dứt điểm một cách đau đớn là “kể nó như người thu thuế hay người ngoại”. Kiểu nói này khiến ta khó chịu, đặc biệt vì xuất phát từ Đấng được gọi là “bạn của người thu thuế và tội lỗi” (Mt 11,19). Lời kết án này sở dĩ cứng cỏi vì muốn cho thấy ta đã thử hết cách để cứu người anh em. Thậm chí có thể bảo chính người anh em đã tự ý trục xuất mình khỏi cộng đoàn vì những từ chối liên tiếp. Anh ta đã ba phen đẩy lùi bàn tay chìa ra cho mình. Sau khi đã kiên nhẫn cho anh mọi cơ hội, cộng đoàn thừa nhận mình bất lực đối với anh em này. Nhưng phải thêm rằng, dẫu trong trường hợp tối hậu ấy, ta cũng không được miễn bổn phận yêu mến tội nhân… vì ta vẫn phải yêu mến “ngay cả kẻ thù” mà! (x. Mt 5,43-48). Thánh Phao-lô, trong bài đọc hai, đã nhắc nhở chúng ta như thế: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”, một món nợ không bao giờ trả nổi (Rm 13,8).

2. Tình huynh đệ, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa.

Nhưng Đức Giê-su chẳng bao giờ là một nhà luân lý, một nhà nhân bản, một hiền nhân quân tử không thôi. Các lời khuyên chúng ta đã nghe cho tới đây đều là những nguyên tắc tâm lý cơ bản, có giá trị cho mọi liên hệ con người. Nhưng giờ đây Đức Giê-su thêm một khía cạnh “thần học”: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Qua câu nói này, Người mạc khải một mầu nhiệm giấu ẩn: Thiên Chúa hiện diện trong cố gắng cứu vãn một người anh em. Trời liên can đến những gì xảy ra trên đất. Ki-tô hữu bắt Thiên Chúa phải liên lụy. Giữa “đất” và “trời”, giữa “thời gian” và “vĩnh cửu” có tương ứng! Trách nhiệm biết chừng nào!

Vì Thiên Chúa không muốn con chiên nào bị lạc, nên việc sửa lỗi anh em trở nên một con đường của chính lòng Trời thương xót. Hiển nhiên, có lắm kẻ chỉ khám phá ra “ơn tha thứ của Thiên Chúa” (trên trời) khi khám phá thấy nhiều anh em (dưới đất) biết vận dụng trong cách cư xử của mình cùng một thái độ yêu thương-giải cứu. Vai trò “ràng buộc và tháo cởi”, mà Đức Giê-su đã đích thân ban cho Phê-rô mấy ngày trước (x. Mt 16,19), nay cũng được ủy cho toàn thể cộng đoàn, trong cùng những lời lẽ (x. Mt 18,18). Giáo hội có là nơi thương xót, là chốn tình yêu, là cộng đoàn trong đó ai nấy chịu trách nhiệm đối với nhau không? Thường thì chúng ta lơi lỏng, bất quan tâm đến đức tin của người khác. Đây là một vấn đề thời sự nóng bỏng… Biết bao con cái rời bỏ đức tin của cha mẹ ! Biết bao anh em xem ra chọn con đường đào ngũ khỏi cộng đoàn !

Có nên thất vọng không? Nhất là khi đã nỗ lực giúp anh em tội nhân trung tín với ơn gọi Ki-tô hữu của mình mà chả “thấy” kết quả? Không! Vì Đức Giê-su nói tiếp, Giáo hội đâu phải là một xã hội như bao xã hội khác! Cộng đoàn đức tin đó không lệ thuộc các nỗ lực của phàm nhân, vốn có thể thất bại, cho bằng lệ thuộc Cha trên trời: “Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho”.

Đức Giê-su yêu cầu chúng ta hãy tin vào sự hữu hiệu (ẩn giấu trên trời, các phương tiện phàm nhân thông thường không sao thấy) của lời cầu nguyện. Cầu nguyện như thế chẳng phải là lười nhác, vì ta trước đó đã thử tất cả. Nhưng nó là phương sách cuối cùng, mà Đức Giê-su bảo ta hãy tin là có hiệu lực. “Điều không thể đối với con người thì có thể đối với Thiên Chúa” (x. Mt 17,20; 19,26; Lc 1,37). Mơ mộng điên rồ? Ảo tưởng phi thực? Không! Lạc quan đến độ tin rằng chẳng một con người nào, một hoàn cảnh nào là mãi mãi không thể cứu vãn (x. 1Cr 8,11), đấy thật là một bí quyết tuyệt diệu. “Người anh em này đã được Chúa Ki-tô chết cho…”, làm sao có thể thất vọng về họ chứ? Xin nhớ lại câu chuyện thánh Têrêxa Hài Đồng, khi còn trẻ, đã quyết tâm cầu nguyện (kèm với hy sinh) cho tên sát nhân Henri Pranzini vốn cứng đầu mãi tới lúc bước lên máy chém, nhưng cuối cùng đã ăn năn trở lại và xin xưng tội với cha tuyên úy nhà tù.

“Vì ở đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, thì sẽ có Thầy ở đấy, ở giữa họ”. Giáo hội, cộng đoàn các tội nhân như mọi con người khác, không phải là một xã hội như bao xã hội khác: Đức Giê-su phục sinh, với tất cả thần lực của Người, đang ở giữa những ai tụ họp vì danh Người. Sự hiện diện của Người phải khuyến khích chúng ta nỗ lực sửa lỗi và hòa giải giữa anh em trong cộng đoàn Giáo hội. Hay ngược lại, nỗ lực sửa lỗi và hòa giải với nhau là dấu chỉ có Đức Ki-tô hiện diện giữa cộng đoàn.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: chuyến tông du Mông Cổ
Vũ Văn An
14:34 06/09/2023
Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, sáng thứ tư, ngày6 tháng 9, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói về chuyến tông du mới đây của ngài tại Mông Cổ. Sau đây là nội dung bài nói chuyện của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp, có tham chiếu bản tiếng Pháp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Tôi từ Mông Cổ trở về hôm thứ Hai. Tôi muốn bày tỏ việc đánh giá cao của tôi đối với những người đồng hành với tôi trong chuyến viếng thăm của tôi bằng lời cầu nguyện, và nhắc lại lòng biết ơn của tôi đối với chính quyền, những người đã long trọng chào đón tôi: đặc biệt là Ngài Tổng thống Khürelsükh, và cả cựu Tổng thống Enkhbayer, người đã trao cho tôi lời mời chính thức đến thăm đất nước. Tôi nghĩ lại với niềm vui về Giáo hội địa phương và người dân Mông Cổ: một dân tộc cao quý và khôn ngoan, đã cho tôi thấy sự ấm áp và tình cảm sâu sắc. Hôm nay tôi muốn đưa anh chị em đến tâm điểm của cuộc hành trình này.

Người ta có thể hỏi: tại sao Đức Giáo Hoàng lại đi xa đến thăm một đàn chiên nhỏ tín hữu? Bởi vì chính ở đó, cách xa ánh đèn sân khấu, chúng ta thường tìm thấy những dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng không nhìn vào vẻ bề ngoài mà nhìn vào trái tim, như chúng ta đã nghe trong đoạn văn của tiên tri Samuen (x. 1Sm 16:7). Chúa không tìm kiếm sân khấu chính, nhưng tìm kiếm trái tim đơn sơ của những ai khao khát Người và yêu mến Người mà không phô trương, không muốn vượt lên trên những người khác. Và tôi đã có cuộc gặp gỡ ở Mông Cổ, một Giáo hội khiêm tốn và một Giáo hội vui tươi, ở trong trái tim của Thiên Chúa, và tôi có thể làm chứng cho niềm vui của họ khi thấy mình cũng ở trung tâm của Giáo hội trong ít ngày.

Cộng đồng đó có một lịch sử cảm động. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, nó phát sinh từ lòng nhiệt thành tông đồ – điều mà chúng ta đang suy gẫm lúc này – của một số nhà truyền giáo, say mê bởi Tin Mừng, đã đến đất nước mà họ không hề biết cách đây khoảng ba mươi năm. Họ đã học ngôn ngữ này – một điều không hề dễ dàng – và, mặc dù đến từ các quốc gia khác nhau, đã mang lại sức sống cho một cộng đồng đoàn kết và thực sự Công Giáo. Thật vậy, đây chính là ý nghĩa của chữ “Công Giáo”, có nghĩa là “phổ quát”. Nhưng không phải tính phổ quát đồng nhất hóa, mà là tính phổ quát hội nhập văn hóa, đó là tính phổ quát được hội nhập văn hóa. Đó là tính Công Giáo: một tính phổ quát được nhập thân, “hội nhập văn hóa”, đón nhận những điều tốt đẹp ở nơi nó hiện hữu và phục vụ những người mà nó cùng chung sống. Đây là cách Giáo hội sống: làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu một cách hiền lành, bằng cuộc sống trước lời nói, hạnh phúc với sự phong phú đích thực của nó: phục vụ Chúa và anh em.

Đây là cách mà Giáo hội non trẻ đó đã được sinh ra: trong tinh thần bác ái, là chứng tá đức tin tốt nhất. Vào cuối chuyến viếng thăm, tôi đã vui mừng làm phép lành và khai trương “Nhà Lòng Thương Xót”, công trình từ thiện đầu tiên được thành lập ở Mông Cổ như một biểu thức nói lên tất cả các thành phần của Giáo hội địa phương. Một ngôi nhà vốn là danh thiếp của những Kitô hữu đó, nhưng lại yêu cầu một trong các cộng đồng của chúng ta trở thành ngôi nhà của lòng thương xót: nghĩa là một nơi rộng mở, một nơi chào đón, nơi mà những đau khổ của mỗi người có thể bước vào mà không xấu hổ khi tiếp xúc với lòng thương xót của Chúa, vốn nâng cao và chữa lành. Đây là chứng tá của Giáo hội Mông Cổ, với các nhà truyền giáo từ nhiều quốc gia khác nhau, những người cảm thấy hòa hợp với người dân, vui vẻ phục vụ họ và khám phá vẻ đẹp vốn có ở đó. Bởi vì những nhà truyền giáo này không đi cải đạo; đây không phải là ngũ tuần. Họ đến sống ở đó giống như người Mông Cổ, nói ngôn ngữ của họ, ngôn ngữ của dân tộc đó, mang những giá trị của dân tộc đó và rao giảng Tin Mừng theo phong cách Mông Cổ, bằng những lời nói của Mông Cổ. Họ ra đi và được “hội nhập văn hóa”: họ tiếp nhận nền văn hóa Mông Cổ để loan báo Tin Mừng trong nền văn hóa đó.

Tôi đã có thể khám phá ra một chút vẻ đẹp này, cũng nhờ gặp gỡ một số người, nghe những câu chuyện của họ, đánh giá cao việc nghiên cứu tôn giáo của họ. Theo nghĩa này, tôi biết ơn cuộc gặp gỡ liên tôn và đại kết vào Chúa Nhật tuần trước. Mông Cổ có một truyền thống Phật giáo vĩ đại, với nhiều người sống theo tôn giáo của họ trong im lặng một cách chân thành và triệt để, thông qua lòng vị tha và đấu tranh chống lại những đam mê của mình. Chúng ta hãy nghĩ xem biết bao hạt giống tốt lành làm cho khu vườn thế giới nảy nở trong bóng tối, trong khi chúng ta thường chỉ nghe thấy tiếng cây đổ! Và mọi người, cả chúng ta nữa, cũng thích tai tiếng: “Nhưng hãy nhìn xem, một cái cây đổ đã gây ra tiếng động thật dã man làm sao!” – “Nhưng bạn không thấy khu rừng đang phát triển mỗi ngày sao?”, bởi vì sự phát triển luôn âm thầm. Điều có tính quyết định là phải biết cách nhìn và nhận ra điều tốt. Tuy nhiên, thông thường, chúng ta chỉ đánh giá cao người khác ở mức độ họ phù hợp với ý tưởng của chúng ta, thay vào đó chúng ta phải thấy điều tốt đó. Và vì lý do này, điều quan trọng, như người dân Mông Cổ nghĩ, là hướng cái nhìn của chúng ta lên trên, hướng tới ánh sáng của sự thiện. Chỉ bằng cách này, bắt đầu từ việc thừa nhận điều tốt đẹp, thì tương lai chung mới được xây dựng; chỉ bằng cách coi trọng người khác, chúng ta mới có thể giúp họ tiến bộ.

Tôi đang ở ngay trung tâm châu Á và điều này đã giúp tôi rất nhiều. Thật tốt khi bước vào cuộc đối thoại với lục địa rộng lớn này, thu thập những thông điệp của nó, biết sự khôn ngoan của nó, cách nhìn sự vật của nó, nắm lấy thời gian và không gian. Thật tốt cho tôi khi được gặp người dân Mông Cổ, những người trân trọng cội nguồn và truyền thống của mình, tôn trọng người già và sống hòa hợp với môi trường: họ là một dân tộc chiêm ngưỡng bầu trời và cảm nhận hơi thở của tạo hóa. Nghĩ về những khoảng không gian vô tận và im lặng của người Mông Cổ, chúng ta hãy để mình được khuấy động bởi nhu cầu mở rộng tầm nhìn của mình: mở rộng tầm nhìn, nhìn cao và thấp, nhìn và đừng trở thành tù nhân của những điều tầm thường. Chúng ta hãy mở rộng ranh giới của cái nhìn của mình, để chúng ta có thể nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi người khác và có khả năng mở rộng các chân trời của mình, và chúng ta cũng hãy mở rộng trái tim mình; chúng ta cần làm cho trái tim mình lớn lên và mở rộng để hiểu biết, gần gũi với mọi người và mọi nền văn minh. Cảm ơn anh chị em.
 
Người Công Giáo Việt Nam tới Mông Cổ gặp Đức Thánh Cha, xin ngài viếng thăm
Đặng Tự Do
17:34 06/09/2023


Thông tấn xã Reuters có bài tường thuật nhan đề “Vietnamese Catholics travel to Mongolia to see pope, ask him to visit”, nghĩa là “Người Công Giáo Việt Nam tới Mông Cổ gặp Đức Thánh Cha, xin ngài viếng thăm”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Mai Anh đến từ Việt Nam chờ đợi bên ngoài Nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô vào ngày Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp gỡ các giám mục, linh mục, nhà truyền giáo, tu sĩ và nhân viên mục vụ tại nhà thờ chính tòa, trong chuyến tông du của ngài ở Ulan Bator, Mông Cổ ngày 2 tháng 9 năm 2023.

Những người Công Giáo Việt Nam đã bay hàng ngàn dặm để gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Mông Cổ đã có một thông điệp gửi đến Đức Thánh Cha: Họ cũng muốn ngài đến thăm đất nước do cộng sản điều hành.

“Hãy đến thăm Việt Nam, thưa Đức Thánh Cha,” một số người trong nhóm hét lên khi Đức Thánh Cha được lái xe golf đi ngang qua đám đông khoảng 2.000 người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau trong khuôn viên nhà thờ Công Giáo ở Ulan Bator hôm thứ Bảy.

Việt Nam cắt đứt quan hệ với Vatican sau khi cộng sản chiếm lấy đất nước thống nhất vào cuối Chiến tranh Việt Nam năm 1975. Khi đó, chính quyền coi Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam đã quá thân thiết với cường quốc thực dân cũ là Pháp.

“Tôi thấy ngài ở rất gần, rất gần. Vì vậy, tôi thực sự muốn khóc khi nhìn thấy ngài”, Cindy Pham đến từ Sàigòn cho biết. “Ngay khi nhìn thấy ngài, lần đầu tiên tôi đến cổng, tôi đã chạy, chạy rất nhiều để được gặp lại ngài”.

Viễn cảnh về chuyến thăm của Giáo hoàng tới Việt Nam, tưởng chừng như không thể, đã trở nên thực tế hơn vào tháng trước khi Vatican và Hà Nội đồng ý có Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Hà Nội.

Đó là một bước tiến trong nhiều năm để có thể dẫn tới quan hệ ngoại giao đầy đủ. Nó được công bố vào ngày 27 tháng 7 khi Đức Thánh Cha tiếp đón Chủ tịch Võ Văn Thưởng tại Vatican.

“Tôi thực sự hy vọng rằng Đức Thánh Cha sẽ đến thăm Việt Nam trong thời gian ngắn sắp tới,” cô nói, khi đề cập đến hy vọng nảy sinh từ chuyến thăm Vatican của nhà lãnh đạo Việt Nam.

Maria Võ, hướng dẫn viên du lịch gốc Việt hiện sống ở Phi Luật Tân, hết sức phấn khích khi Đức Phanxicô vẫy tay chào từ chiếc xe golf đang di chuyển.

“Tôi không thể nói cho bạn cảm xúc của tôi lúc này, bởi vì tôi rất hạnh phúc,” cô nói khi gặp Đức Thánh Cha lần đầu tiên. “Người dân Việt Nam chúng tôi yêu mến ngài và đang chờ đợi ngài đến thăm chúng tôi tại Việt Nam.”


Source:Reuters
 
Đức Thánh Cha lên tiếng chỉ trích ‘ý thức hệ’ đối với Thượng Hội đồng
Đặng Tự Do
17:35 06/09/2023


Trong một cuộc họp với các nhà báo trên chuyến bay trở về từ Mông Cổ vào ngày 4 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ trích ảnh hưởng của các ý thức hệ đối với Giáo hội và cho rằng những lo ngại về Thượng hội đồng về Tính đồng nghị phản ánh những áp lực ý thức hệ không lành mạnh như vậy.

Đức Thánh Cha nói với các phóng viên: “Trong Thượng Hội đồng, không có chỗ cho ý thức hệ”. Ngài kể lại rằng ngài đã nói chuyện với một nữ tu dòng Carmêlô, là người đã bày tỏ lo ngại rằng Thượng hội đồng sẽ thay đổi tín lý Công Giáo. Ngài nói, những mối quan tâm như vậy có nguồn gốc từ ý thức hệ.

Đức Thánh Cha nói: “Luôn luôn, khi một người muốn tách ra khỏi con đường hiệp thông với Giáo hội, điều luôn kéo người ấy ra xa là ý thức hệ”. Không trực tiếp giải quyết những lo ngại về những thay đổi tiềm tàng trong giáo huấn của Giáo hội, ngài nhấn mạnh rằng Thượng hội đồng sẽ không thay đổi giáo lý Công Giáo.

Vấn đề, Đức Giáo Hoàng giải thích là “‘giáo lý’ trong dấu ngoặc kép”. Ngài ví sự hiểu biết đó về giáo lý như “nước cất không có mùi vị và không phải là giáo lý Công Giáo chân chính

Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng ngài đã chọc giận người Ukraine bằng bài phát biểu ngày 25 tháng 8 với khán giả là giới trẻ Nga, khi ngài ca ngợi sự lãnh đạo của các sa hoàng thế kỷ 18. Nhưng ngài nói rằng những bình luận của ngài đã bị đưa ra khỏi bối cảnh bởi những người cho rằng ngài đang bảo vệ việc Liên Xô sáp nhập lãnh thổ Ukraine.

“Tôi không nghĩ đến chủ nghĩa đế quốc khi nói điều đó,” Đức Thánh Cha nói với các phóng viên.

“Có lẽ đó không phải là cách diễn đạt tốt nhất,” Đức Giáo Hoàng thừa nhận, “Nhưng khi nói về nước Nga vĩ đại, tôi không nghĩ nhiều về mặt địa lý mà là về mặt văn hóa”.

Ở đây, Đức Thánh Cha đã tố cáo “các chủ nghĩa đế quốc muốn áp đặt ý thức hệ của họ,” và nói thêm rằng “khi văn hóa bị chắt lọc và biến thành ý thức hệ, đó là chất độc”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về Trung Quốc – quốc gia mà chính phủ đã từ chối cấp phép cho các giám mục Công Giáo tới Mông Cổ trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha – Đức Thánh Cha nói: “Mối quan hệ với Trung Quốc rất tôn trọng, rất tôn trọng”.

Bảo vệ thỏa thuận bí mật của Vatican với chế độ Trung Quốc, Đức Thánh Cha nói: “Các kênh rất cởi mở. Về việc bổ nhiệm các giám mục, có một ủy ban đã làm việc với chính phủ Trung Quốc và Vatican trong một thời gian dài”.

Năm năm đã trôi qua kể từ khi thỏa thuận của Vatican với Trung Quốc được ký kết, và hàng chục giáo phận Trung Quốc vẫn không có giám mục Công Giáo. Vào tháng 7, khi ông Thẩm Bân được bổ nhiệm ở Thượng Hải, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2021, một giám mục mới đảm nhận vai trò lãnh đạo một giáo phận Trung Quốc. Và vị giám mục đó đã được bổ nhiệm mà không có sự chấp thuận của Vatican – khiến Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, nói rằng động thái này “dường như coi thường tinh thần đối thoại và cộng tác đã được thiết lập giữa Vatican và phía Trung Quốc trong nhiều năm qua”.

Trong những nhận xét khác trong phiên hỏi đáp, Đức Thánh Cha Phanxicô lặp lại sự lên án thường được bày tỏ của ngài đối với “việc chiêu dụ tín đồ”, nói rằng: “Điều quan trọng là việc truyền giáo không được coi là việc chiêu mộ đạo.”


Source:Catholic World News
 
Hiệu trưởng Đại Học Notre Dame: Đạo Công Giáo đang bị dập tắt ở Nicaragua
Đặng Tự Do
17:36 06/09/2023


John I. Jenkins, hiệu trưởng Đại học Notre Dame, nói “Nỗ lực của Ortega nhằm dập tắt đạo Công Giáo ở Nicaragua đáng bị thế giới lên án ở quy mô lớn hơn và lớn hơn nhiều”.

Sau khi đóng cửa Đại học Trung Mỹ (một trường Đại Học của Dòng Tên và là một trường đại học tư thục được thành lập năm 1960), trục xuất cộng đồng linh mục Dòng Tên khỏi nơi ở riêng của họ gần trường đại học ở Managua và tịch thu tài sản của trường đại học vào thứ Tư, ngày 23 tháng 8, chính quyền Nicaragua đã cấm toàn bộ Dòng Tên không được hoạt động ở đất nước này và ra lệnh tịch thu toàn bộ tài sản nhà Dòng, và cáo buộc các vị không tuân thủ việc báo cáo thuế.

Việc Daniel Ortega bịt miệng những tiếng nói bất đồng chính kiến ở Nicaragua đã nhắm vào Giáo Hội Công Giáo một cách có hệ thống trong ít nhất 5 năm nay.

Nhưng Dòng Tên không phải là dòng tu đầu tiên bị cấm ở Nicaragua. Năm ngoái, Dòng Thừa Sai Bác Ái đã bị trục xuất khỏi đất nước. Chế độ của Ortega cáo buộc rằng các Nhà truyền giáo của Dòng Thừa Sai Bác Ái không được “Bộ Gia Đình công nhận để hoạt động như một trung tâm vườn ươm cho sự phát triển tuổi thơ, nhà cho trẻ em gái và nhà cho người già,” cũng như “họ không có giấy phép hoạt động từ Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Một số nhà chức trách Mỹ đang bắt đầu lên tiếng phản đối chế độ của Ortega. John I. Jenkins, hiệu trưởng Đại học Notre Dame, đã đăng một bài báo dài trên tờ Washington Post. Trong đó, Jenkins đã nói một cách đúng đắn rằng “Nỗ lực của Ortega nhằm dập tắt đạo Công Giáo ở Nicaragua đáng bị thế giới lên án ở quy mô lớn hơn và lớn hơn nhiều”.

Để chứng minh cho tuyên bố của mình, Jenkins đề cập đến ấn bản mới nhất của loạt báo cáo về Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua của luật sư và nhà nghiên cứu dân quyền đang sống lưu vong Martha Patricia Molina. Báo cáo ghi nhận 529 vụ tấn công trong 5 năm qua – chỉ riêng trong năm nay, tính đến thời điểm hiện tại đã có 90 vụ. Giáo hội đang bị tấn công một cách có hệ thống vì đây là “pháo đài độc lập cuối cùng còn sót lại ở Nicaragua”.

Molina giải thích, chế độ này “đã chiếm được các phương tiện truyền thông, các thể chế, các đảng phái chính trị và các tổ chức phi chính phủ. Vì vậy, không gian duy nhất còn lại là Giáo Hội.”

Cô cho biết chính phủ “có ý định xóa bỏ hoàn toàn Giáo hội, để tiếng nói tiên tri của phúc âm không được người dân Nicaragua lắng nghe”.

Trong bài viết của mình, Jenkins cũng nói rằng “với tư cách là hiệu trưởng của một trường đại học Công Giáo, tôi đặc biệt mong muốn tập hợp các nhà lãnh đạo trường đại học để phản đối cuộc đàn áp này. Nhưng các nhà lãnh đạo từ mọi tầng lớp nên lên án Ortega bằng những lời lẽ gay gắt nhất. Chế độ của ông ta nên bị cô lập như một kẻ bị quốc tế ruồng bỏ vì cố gắng 'làm biến mất' đạo Công Giáo, quyền tự do thờ phượng và quyền tự do ngôn luận.”


Source:Aleteia
 
Vatican tổ chức Thánh lễ phong chân phước cho gia đình Ulma
Thanh Quảng sdb
20:19 06/09/2023
Vatican tổ chức Thánh lễ phong chân phước cho gia đình Ulma

Vatican cho biết tất cả chín thành viên đều được coi là tử đạo, kể cả đứa con còn trong bào thai.

(Aleteia - Carol Glatz)

Với Thánh lễ phong chân phước cho gia đình Ulma sẽ diễn ra vào ngày 10 tháng 9, Vatican nhấn mạnh rằng tất cả chín thành viên của gia đình Ba Lan này đều được coi là những vị tử đạo, kể cả đứa trẻ chưa được sinh ra.

Vào tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận sự tử đạo của cả gia đình vì đã che chở cho một gia đình Do Thái trong Thế chiến thứ hai. Józef và Wiktoria Ulma cùng bảy đứa con của họ, bao gồm cả đứa trẻ mà bà đang mang thai trong bụng, đã bị Đức Quốc xã giết chết cùng với tám người Do Thái mà họ đã nhận nuôi. Việc công nhận sự tử đạo đã mở đường cho cả chín thành viên của gia đình Ulma được phong chân phước.

Tuy nhiên, với một số bản tin nói rằng việc phong chân phước lần này sẽ đánh dấu lần đầu tiên một thai nhi hoặc trẻ chưa sơ sinh sẽ được phong chân phước, Bộ Phong thánh đã đưa ra một văn bản làm rõ vấn đề này vào ngày 5 tháng 9 vừa qua.

Wiktoria Ulma đang ở giai đoạn cuối của thai kỳ với đứa con thứ bảy khi bà bị giết, bức thư có chữ ký của bộ trưởng thánh bộ, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, và thư ký Đức Tổng Giám Mục Fabio Fabene.

"Đứa trẻ này được sinh ra vào thời điểm người mẹ tử đạo", cơ quan này nói và cho biết thêm rằng đứa trẻ này là một trong bảy người con cũng được phúc tử đạo. "Thật ra, với sự tử đạo của cha mẹ, thai nhi đã nhận được rửa tội bằng máu."

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy: “Giáo Hội luôn xác tín chắc chắn rằng những ai chịu chết vì đức tin mà chưa lãnh nhận phép rửa thì sẽ được rửa tội bằng cái chết của họ cho và với Chúa Kitô. Phép rửa bằng máu này, giống như ước muốn đối với phép rửa, mang lại hoa quả của phép rửa mà không phải là một bí tích.”

Đức Hồng Y đã đề cập trong các cuộc phỏng vấn trước đó rằng đứa trẻ rõ ràng được coi là một vị tử đạo; một trường hợp tương tự, ĐHY nói với đài Vatican vào ngày 30 tháng 8, vụ thảm sát các Thánh Anh Hài – những trẻ thơ bị hành quyết theo lệnh của Vua Herod – cũng là những vị tử đạo Kitô giáo.

ĐHY nói: “Ngay cả đứa trẻ này, khi được tìm thấy trong ngôi mộ chung sau vụ tàn sát, cũng được coi là xứng đáng được tử vì đạo”, đề cập đến lời kể của những người chứng kiến thi thể thì đầu và ngực của đứa trẻ đã nhô ra khỏi lòng người mẹ.

Đức Hồng Y Semeraro sẽ chủ sự Thánh lễ phong chân phước cho gia đình Ulma vào ngày 10 tháng 9 tại Markowa, Ba Lan.

Những người con lần lượt được sinh ra từ năm 1900 và 1912, Józef và Wiktoria là những thành viên rất tích cực trong cộng đoàn giáo xứ.

Cư dân Do Thái đã bị hành quyết trong nước bắt đầu từ năm 1942. Gia đình Ulmas đã che chở cho tám người Do Thái, những người đã trốn thoát khỏi một ngôi làng gần đó, tại trang trại của họ ở Markowa cả một năm rưỡi, mặc dù làm như vậy họ sẽ bị trừng phạt bằng cái chết.

Cảnh sát Đức phát hiện ra các thành viên gia đình Do Thái đang ẩn náu trong trang trại và bắn chết họ; sau đó họ giết gia đình này “vì lòng căm thù đức tin” tất cả chín thành viên của gia đình Ulma đều bị chết vào ngày 24 tháng 3 năm 1944.

Yad Vashem đã công nhận Józef và Wiktoria Ulma là Những người công chính ở vào năm 1995.
 
VietCatholic TV
Tướng công an Nga nổ tung trong điệp vụ táo bạo của nữ biệt kích Ukraine. Zelenskiy thị sát Bakhmut
VietCatholic Media
03:08 06/09/2023


1. Tướng công an Nga bị nổ tung trong điệp vụ táo bạo của nữ biệt kích Ukraine

Hai ký giả Ellie Doughty và Will Stewart của tờ The Sun có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “PHONE BLAST Putin’s general blown up after being ‘handed exploding mobile phone in assassination attempt by Ukraine Secret Service’”, nghĩa là “Vụ nổ điện thoại Tướng của Putin bị nổ tung sau khi bị Mật vụ Ukraine giao cho chiếc điện thoại phát nổ trong vụ ám sát.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tướng Nga bị thương nặng sau khi được mật vụ Ukraine trao cho 'điện thoại phát nổ'

Yury Afanasevskii, 64 tuổi, bị thương trong bệnh viện cùng với con trai ông ta sau vụ nổ tại nhà ông ở Luhansk.

Các nguồn tin Nga đang đổ lỗi cho cơ quan mật vụ SBU của Ukraine sau khi chất nổ được cho là đã được cài bên trong chiếc điện thoại di động được đưa cho ông ta.

Một người phụ nữ bị tình nghi giao cho tướng FSB một thiết bị nổ đang bị điều tra vì tội cố ý giết người.

Ủy ban Điều tra Nga cho biết cô đã đưa cho vị Tướng Nga “một chiếc điện thoại di động có thiết bị nổ được kích hoạt sau khi điện thoại được bật lên”.

Họ nói thêm: “Kẻ tấn công đã bị giam giữ, y thị đã cúi đầu nhận tội”.

Các nhà điều tra đã “thẩm vấn nhiều người” và “thu giữ các đối tượng có liên quan đến” vụ nổ.

Afanasevskii từng là nhà lãnh đạo cơ quan hải quan ở khu vực Luhansk của Ukraine, nơi lực lượng của Putin sáp nhập vào năm 2014 và năm ngoái tuyên bố sáp nhập vào Nga.

Vợ của quan chức FSB cũng bị thương trong vụ nổ.

Một tuyên bố từ Ủy ban cho biết: “Người đàn ông và con trai ông ta đã bị chấn thương ở nhiều nơi. Họ hiện đang ở trong một cơ sở y tế.”

Viên Tướng của Putin này trước đó từng bị Anh, Liên Hiệp Âu Châu, Canada, Thụy Sĩ và Nhật Bản trừng phạt.

Ông ta được cho là cũng có những tài sản ở Quần đảo Virgin thuộc Anh.

2. Bộ trưởng Quốc phòng Nga không biết làm toán cộng theo đúng nghĩa đen

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Defense Chief's Math Doesn't Add Up—Literally”, nghĩa là “Bộ trưởng Quốc phòng Nga không biết làm toán cộng theo đúng nghĩa đen.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga hôm thứ Hai đã nhầm lẫn khi tính toán số lượng xe tăng Ukraine bị lực lượng Nga phá hủy trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Phát biểu với các phóng viên ở Sochi hôm thứ Hai, ông Sergei Shoigu cho biết Ukraine đã chịu tổn thất nặng nề trong cuộc phản công, và lực lượng Nga phá hủy nhiều xe tăng trong một ngày. Nhưng ông đã tính toán sai tổng số xe tăng mà lực lượng của mình đưa ra.

Cuộc phản công nhằm giành lại lãnh thổ của Ukraine hiện đã bước sang tháng thứ tư, với các cuộc đụng độ đặc biệt nặng nề diễn ra dọc theo chiến tuyến ở khu vực Donetsk và Zaporizhzhia.

Shoigu nói: “Hôm qua, trong một cuộc tấn công nghiêm trọng theo hướng Robotyne, Ukraine đã mất sáu xe tăng. Ở một hướng khác, tại Bakhmut, quân ta đã khéo léo tiêu diệt thêm 6 xe tăng bằng các máy bay không người lái mới. Như thế, chỉ riêng trong ngày hôm qua đã có 11 xe tăng Ukraine bị phá hủy”.

Hãng thông tấn nhà nước Nga Interfax đã chỉnh sửa tuyên bố của Shoigu để loại trừ việc nhầm lẫn 6 cộng 6 thành 11 của Bộ Quốc Phòng. Interfax dẫn lời anh ta nói rằng theo hướng Bakhmut, “người của chúng tôi đã khéo léo phá hủy nhiều phương tiện”.

Tuy nhiên, hãng thông tấn RIA Novosti không nhanh nhạy như thế nên đã dẫn lời Shoigu một cách chính xác.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Shoigu hôm thứ Hai cho biết Nga đã phá hủy 7 máy bay không người lái của hải quân Ukraine chỉ trong 5 ngày qua.

Bộ trưởng Quốc phòng cho biết: “Chỉ trong tuần trước, bảy chiếc trong số này đã bị phá hủy - thậm chí không phải trong một tuần, chỉ trong năm ngày thôi”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc thực hiện một đường lối tích cực hơn trong cuộc chiến chống Ukraine, sa thải và thay thế Shoigu, cũng như vị tướng hàng đầu của đất nước, Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov.

Bloomberg, trích dẫn các nguồn tin giấu tên quen thuộc với tình hình, đưa tin vào ngày 20 tháng 8 rằng những người theo đường lối an ninh cứng rắn muốn hai người này bị thay thế như một phần của sự thay đổi hướng tới việc giải quyết cuộc chiến.

Shoigu và Gerasimov hồi đầu năm nay đã bị cố lãnh đạo Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin buộc tội “phản quốc” vì không cung cấp đủ đạn dược và hỗ trợ cho các chiến binh của mình khi họ chỉ huy chiến dịch chiếm thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine.

Prigozhin kêu gọi họ từ chức khi ông hành quân tới Mạc Tư Khoa trong cuộc nổi dậy vào ngày 24 tháng 6.

Không có dấu hiệu nào cho thấy Putin sẽ loại Shoigu hoặc Gerasimov khỏi chức vụ của họ.

3. Tổng thống Zelenskiy thăm quân đội ở thị trấn phía đông Bakhmut

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đến thăm quân đội đang dẫn đầu cuộc phản công nhằm vào thị trấn Bakhmut phía đông đang bị chiến tranh tàn phá, Kyiv cho biết.

Phủ tổng thống cho biết: “Trong khuôn khổ chuyến công tác tới khu vực Donetsk, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đến thăm các lữ đoàn chiến đấu đang tiến hành các hoạt động tấn công ở khu vực Bakhmut”. AFP cho biết thêm rằng Zelenskiy đã “nghe báo cáo về tình hình hoạt động” ở mặt trận phía đông.

Bakhmut, một thị trấn công nghiệp từng là nơi sinh sống của khoảng 70.000 người, đã bị lực lượng Nga chiếm giữ vào mùa hè này sau nhiều tháng giao tranh tàn khốc. Quân đội Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công ác liệt xung quanh các sườn của thị trấn, giờ chỉ còn là đống đổ nát.

Zelenskiy đã gặp các chỉ huy quân đội trong khu vực đó và thảo luận về “các vấn đề cũng như nhu cầu của các đơn vị” bao gồm “việc cung cấp đạn pháo, hỏa tiễn cho các hệ thống phòng không tiền tuyến”.

4. Sáng thứ Tư, Nga không kích vào Thủ đô Kyiv. Tất cả các hỏa tiễn đều bị đánh chặn

Đối phương đã tấn công Kyiv bằng hỏa tiễn hành trình và đạn đạo vào rạng sáng thứ Tư, ngày 6 tháng 9. Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết như trên

“Một cuộc tấn công hỏa tiễn khác của đối phương vào một thành phố yên bình nhằm mục đích giết chết dân thường và phá hủy cơ sở hạ tầng. Và một lần nữa, cuộc tấn công không đơn giản mà kết hợp. Theo thông tin sơ bộ, máy bay chiến lược Tu-95MS của Nga đã phóng hỏa tiễn hành trình từ khu vực Saratov. Đồng thời, các hỏa tiễn thuộc loại khác, có thể là hỏa tiễn đạn đạo, đã được phóng vào Kyiv từ nhiều hướng khác”, báo cáo cho biết.

Đại Tá Yurii Ihnat cũng cho biết Không quân Ukraine đã tiến hành 11 cuộc tấn công vào các khu vực tập trung quân nhân, vũ khí và thiết bị quân sự của Nga và 2 cuộc tấn công vào hệ thống hỏa tiễn phòng không của đối phương trong 24 giờ qua.

Ông cho biết, trong 24 giờ qua, quân xâm lược đã thực hiện 40 cuộc không kích và thực hiện 51 cuộc tấn công bằng các hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt nhằm vào các vị trí của quân đội Ukraine và khu vực đông dân cư.

Trong 24 giờ qua, 560 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 9 xe tăng, 7 xe thiết giáp, 38 hệ thống pháo, 6 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, một hệ thống phòng không, và 26 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 5 Tháng Chín, 265680 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 315 chiến đấu cơ, 316 trực thăng, 4.489 xe tăng, 4.512 máy bay không người lái cấp chiến thuật và tác chiến, 8.670 xe thiết giáp, 1.447 hỏa tiễn hành trình, 5.649 hệ thống pháo, 19 tàu chiến, 747 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 8.175 xe chuyển quân và nhiên liệu, 504 hệ thống phòng không, cùng 851 thiết bị chuyên dụng.

5. Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak chỉ trích tuyên bố tào lao của Putin

Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak đã mô tả những tuyên bố vô căn cứ của Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến di sản Do Thái của Volodymyr Zelenskiyy là một nỗ lực “để biện minh cho tội ác hàng loạt chống lại công dân của một quốc gia khác bằng một lời nói dối quái dị”.

Putin đã cáo buộc trước đó rằng: “Các nhà quản lý phương Tây đã đặt một nhà lãnh đạo Ukraine hiện đại - một người Do Thái, có nguồn gốc Do Thái. Và do đó, theo tôi, họ dường như đang che đậy bản chất phản nhân loại vốn là nền tảng... của nhà nước Ukraine hiện đại.”

Và điều này làm cho toàn bộ tình hình trở nên vô cùng kinh tởm, trong đó một dân tộc Do Thái đang che đậy việc tôn vinh Chủ nghĩa Quốc xã và che đậy những kẻ đã lãnh đạo nạn diệt chủng ở Ukraine cùng một lúc - và đây là sự tiêu diệt một triệu rưỡi người.

Đây không phải là lần đầu tiên Putin cố gắng liên kết chính phủ được bầu cử dân chủ của Ukraine hiện đại với vụ sát hại hàng loạt người Do Thái Ukraine trong Thế chiến thứ hai bởi Đức Quốc xã xâm lược Ukraine thuộc Liên Xô và những người cộng tác địa phương của họ.

6. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga công kích Úc Đại Lợi

Nga cho rằng Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái của Úc Đại Lợi để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga và Úc Đại Lợi ngày càng bị lôi kéo vào cuộc xung đột.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết: “Hóa ra, máy bay không người lái của Úc thực sự được sử dụng để tấn công các mục tiêu ở Nga”. Cô đang trả lời câu hỏi về một báo cáo trên tờ Sydney Morning Herald tuần trước rằng Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái của Úc để tấn công một phi trường ở thành phố Kursk của Nga.

Zakharova cáo buộc chính phủ Úc Đại Lợi “nhiệt tình đóng góp cho chiến dịch chống Nga do Washington chỉ đạo” trong khi cố gắng che giấu dư luận “những tình huống khó chịu cho thấy Úc Đại Lợi ngày càng bị lôi kéo vào cuộc xung đột ở Ukraine”, Reuters đưa tin.

7. Nga không có đồng minh trong chiến tranh Ukraine, xếp xòng truyền hình nhà nước thừa nhận

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Has No Allies in Ukraine War, State TV Boss Admits”, nghĩa là “Nga không có đồng minh trong chiến tranh Ukraine, xếp xòng truyền hình nhà nước thừa nhận.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Một nhà tuyên truyền hàng đầu của Điện Cẩm Linh thừa nhận trên truyền hình nhà nước rằng Nga không có đồng minh trong cuộc chiến do Tổng thống Vladimir Putin phát động ở Ukraine.

Margarita Simonyan, tổng biên tập của tổ chức truyền thông nhà nước Nga Russia Today, gọi tắt là RT, đã đưa ra bình luận trên một chương trình truyền hình nhà nước. Một đoạn trích được đăng trên X, trước đây là Twitter, bởi Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine.

“Nhà tuyên truyền người Nga Simonyan phàn nàn rằng không có đồng minh nào của Nga cung cấp vũ khí, cử binh lính hay giúp đỡ Nga bằng bất kỳ cách nào khác. Cô ấy nhắc nhớ rằng Nga đã thua trong cuộc chiến duy nhất mà họ phải tự mình chiến đấu”, Gerashchenko viết hôm thứ Hai trong một bài đăng cùng với video.

“Simonyan cũng nhắc lại một trong những huyền thoại phổ biến nhất của Nga rằng chính Liên Xô đã giành chiến thắng trong Thế chiến thứ hai. Niềm tin này là một trong những trụ cột mà Nga xây dựng bản sắc của mình dựa trên đó.”

Simonyan cho biết Nga đang tiến hành “cuộc chiến tranh khó khăn nhất… gay gắt nhất và nói chung là chưa từng có trong lịch sử của chúng ta”

“Đây là cuộc chiến cam go nhất và khó khăn nhất vì đây là cuộc chiến đầu tiên trong lịch sử của chúng ta mà chúng ta không có đồng minh nào cả”. Cách nói của cô ta đã phá vỡ đường lối của Điện Cẩm Linh rằng cuộc chiến ở Ukraine là một “hoạt động quân sự đặc biệt”.

Điện Cẩm Linh đã áp dụng thuật ngữ “hoạt động quân sự đặc biệt” kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022. Kể từ đó, một số người đã đi chệch khỏi đường lối đó, bao gồm cả đồng minh của Putin và nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh, Vladimir Solovyov, trong một chương trình phát sóng vào tháng 11 năm ngoái.

Việc lẫn lộn giữa hai từ ngữ “cuộc chiến” và “hoạt động quân sự đặc biệt” đã diễn ra bất chấp việc các công dân Nga bị kết án vì gọi cuộc tấn công của Putin vào Ukraine là một “cuộc chiến” hoặc một “cuộc xâm lược” theo luật được thông qua vào tháng 3 năm 2022 nhằm trấn áp những người bất đồng chính kiến. Bản thân, Putin cũng ít nhất một lần dùng từ “cuộc chiến”.

Simonyan cho rằng cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine còn khó khăn hơn đối với Nga so với Thế chiến thứ nhất hoặc Thế chiến thứ hai vì nước này hiện thiếu đồng minh.

“Trong cái thường được gọi là Thế chiến thứ nhất, chúng ta cũng đã chiến đấu cùng nhau. Cùng với Anh, Pháp, Mỹ. Và trong Chiến tranh thế giới thứ hai với số lượng quốc gia khổng lồ như vậy, với một thế giới hùng mạnh đầu tiên như vậy, chúng ta đã cùng nhau đánh bại, đánh bại và kết liễu chủ nghĩa phát xít ghê tởm đó,” cô ta nói.

“Và bây giờ tất cả họ đều chống lại chúng ta. Từng người trong số họ. Họ không còn ngại ngùng khi thừa nhận rằng đây không còn là cuộc chiến giữa Ukraine và Nga nữa”, Simonyan nói.

Nhà lãnh đạo kênh RT nhà nước sau đó cho biết Nga có “một đồng minh trong cuộc chiến này, đó là Belarus”.

Simonyan nói: “Nhưng thật khó để gọi đó là đồng minh, bởi vì đó là chính chúng ta”.

Simonyan cho biết Nga có các nước thân thiện là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, vì “đây là những quốc gia không lên án chúng tôi”.

“Đây là những quốc gia mong đợi chúng ta giành chiến thắng, nhưng họ không cử công dân của họ ra chiến trường, họ không gửi vũ khí cho chúng ta, họ không ngồi một chỗ và tranh cãi về việc có bao nhiêu xe tăng Leopard, F-16, HIMARS, và tất cả những thứ còn lại họ sẽ cho chúng ta. Hãy gọi nó theo cách này, họ đang quan sát một cách thuận lợi,” cô ta nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

8. Cơ hội Nội chiến Hoa Kỳ được thảo luận trên truyền hình Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “U.S. Civil War Chances Discussed on Russian TV”, nghĩa là “Cơ hội Nội chiến Hoa Kỳ được thảo luận trên truyền hình Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Các nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh trên đài truyền hình nhà nước Nga cho rằng tình hình bất ổn chính trị ở Mỹ cho thấy Hoa Kỳ đang phải đối mặt với một cuộc nội chiến.

Chương trình buổi tối của Vladimir Solovyov thường xuyên lên án Mỹ vì ủng hộ Ukraine và tập hôm thứ Hai cũng không khác. Lần này, chủ đề thảo luận là bối cảnh của cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa và cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Chương trình đã phát một đoạn clip về ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa và cựu đại sứ Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, trong đó cô ấy thảo luận về giới hạn độ tuổi và nhiệm kỳ đối với các nhà lập pháp trên chương trình Face the Nation của CBS, đề cập đến việc Thượng nghị sĩ Mitch McConnell “bị đóng băng trên bục phát biểu” và Tổng thống Joe Biden làm những điều ngớ ngẩn.

“Đối phương của chúng ta đang theo dõi tất cả những điều này,” cô nói trong đoạn ghi âm, khiến Solovyov trả lời, “Có một vấn đề khác Nikki - cả thế giới hiện là đối phương của bạn vì cách bạn tiến hành hoạt động chính trị của mình.”

Nhà phân tích chính trị Andrey Sidorov đã chen vào và nói rằng Nikki không phải là nguyên thủ quốc gia và đề cập đến một nhân vật được các chuyên gia Điện Cẩm Linh yêu thích là “Tổng thống Trump vĩnh cửu”, trước khi Solovyov nói rằng bất cứ ai chiến thắng vào năm 2024 “sẽ chiến đấu chống lại chúng ta”.

Sidorov than thở về việc “không còn Dana Rohrabachers ở nước Mỹ ngày nay nữa,” ám chỉ cựu nghị sĩ Đảng Cộng hòa, người là “quan chức được bầu duy nhất không có kế hoạch chống lại chúng ta”, mô tả quan điểm thân Nga của Rohrabacher.

Nhưng Sidorov dường như được khuyến khích về lập trường của Vivek Ramaswamy đối với Nga, với việc ứng cử viên Đảng Cộng hòa năm 2024 đã đề nghị nhượng lãnh thổ Ukraine cho Putin để phá vỡ liên minh Nga-Trung.

Solovyov nói rằng sự hỗn loạn trong chiến dịch tranh cử báo hiệu rằng “Mỹ đang bên bờ vực của một cuộc nội chiến” và rằng nếu “họ cứng rắn với Trump, ai biết được nó sẽ kết thúc như thế nào”, ám chỉ những rắc rối pháp lý của cựu tổng thống.

Sidorov không đồng tình với sự so sánh của Solovyov về cuộc nội chiến và nói rằng ngay cả khi Trump nhận được sự ủng hộ cao, cũng không có bất kỳ cuộc biểu tình lớn nào.

Một chuyên gia khác, Dmitry Drobnitsky đề cập đến tình trạng bất ổn trước đây ở Mỹ và trường hợp của Kyle Rittenhouse, người được xóa tội giết người sau khi anh ta tuyên bố tự vệ trong vụ bắn chết hai người đàn ông trong các cuộc biểu tình chủng tộc ở Kenosha, Wisconsin, ba năm trước.

Drobnitsky nói: “Nếu một dân quân da đen xuất hiện với vũ khí của họ, ngay cả Vệ binh Quốc gia cũng không thể ngăn chặn được nó, “mọi thứ sẽ được quyết định bằng một cuộc nội chiến.”

Điều này khiến Solovyov phải thốt lên, “Đúng, tốt lắm, nói hay lắm!” trước khi thêm vào cuộc nói chuyện, “và chúng ta sẽ giúp đỡ.”
 
Giờ G ở Bakhmut: Hai Sư Đoàn Dù Nga đã kiệt quệ. Nga thừa nhận đã di tản chiến thuật ở Zaporizhzhia
VietCatholic Media
17:30 06/09/2023


1. Quân Ukraine có thể bất ngờ tái chiếm thành phố Bakhmut

Tư lệnh Lực lượng Lục quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine, Đại tướng Oleksandr Syrskyi và các chỉ huy lực lượng Dù và Biệt Động Quân tại thành phố Bakhmut đã thảo luận cùng với Tổng thống Zelenskiy về tình hình hiện tại trên chiến trường, lên kế hoạch hành động tiếp theo và thông qua các quyết định quan trọng.

Theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, từ ngày 25 tháng 7, các lực lượng Ukraine đã chiếm được các cao điểm chiến lược quan trọng nhìn ra Klishchiivka, cho phép các cuộc tấn công bằng pháo binh liên tục vào chính Bakhmut, cũng như giải phóng nửa phía tây của khu định cư. Các nguồn tin Ukraine khẳng định điều này đã “bẫy” lực lượng Nga trong thành phố một cách hiệu quả, vì bất kỳ nỗ lực nào rút lui hoặc tăng viện sẽ phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng pháo binh từ Klishchiivka.

Lữ đoàn bộ binh cơ giới hóa số 57, thuộc Tập đoàn quân vũ khí tổng hợp số 5 của Nga và tiểu đoàn hình sự “Storm-Z” gồm các tù nhân Nga chịu không nên đã rút khỏi vị trí.

Để giữ thể diện, Bộ Quốc Phòng Nga đã tung các lực lượng Dù đã xuống cấp của Nga, bao gồm cả Sư đoàn Dù cận vệ 76, Sư đoàn Dù cận vệ 106 và hai lữ đoàn Dù biệt lập đã được triển khai tới khu vực Bakhmut. Lực lượng Nga đã cố phát động một cuộc tấn công không thành công nhằm vào Ivanivske và hai bên sườn phía bắc và phía nam của thành phố.

Tất cả các đơn vị Dù nêu trên hầu như không còn bao nhiêu người sống sót. Thành ra, các quan sát viên dự đoán rằng Ukraine có thể tấn công giải phóng thành phố Bakhmut, dứt điểm mặt trận này để lấy quân bổ sung cho mặt trận phía Nam.

Tuy nhiên, các nguồn thạo tin tại Hoa Kỳ cho rằng có lẽ các chỉ huy vẫn để nguyên tình hình như hiện nay để tiếp tục tiêu diệt các khí tài chiến tranh và sinh lực của quân xâm lược. Lý do là vì quân Nga vẫn còn một quân số khá đông ở các khu vực lân cận.

Cũng có ý kiến cho rằng, quân Ukraine sẽ bất ngờ tấn công giải phóng thành phố Soledar trước khi dứt điểm chiến trường Bakhmut.

Tướng Oleksandr Syrskyi cho biết:

“Tôi đã đến thăm các đơn vị bộ binh xung kích và các Lữ Đoàn Dù và thảo luận về tình hình hiện tại trên mặt trận với các chỉ huy. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho các hành động tiếp theo và thông qua các quyết định quan trọng”, Syrskyi nói.

Ngoài ra, Syrskyi còn trao giải thưởng cho các quân nhân và bày tỏ lòng biết ơn vì thành tích mẫu mực của họ.

Syrskyi nhấn mạnh: “Chúng tôi đang tiến về phía trước, tiêu diệt đối phương và trang thiết bị của chúng, giành lại quyền kiểm soát vùng đất của chúng ta”.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư mùng 6 tháng Chín, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong 24 giờ qua, 610 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 8 xe tăng, 12 xe thiết giáp, 36 hệ thống pháo, một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, một hệ thống phòng không và 15 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 6 Tháng Chín, Lực lượng phòng vệ Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 266.290 quân nhân Nga. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 315 chiến đấu cơ, 316 máy bay trực thăng, 4.497 xe tăng, 4.519 máy bay không người lái, 8.682 xe thiết giáp, 1.447 hỏa tiễn hành trình, 5.685 hệ thống pháo, 19 tàu chiến, 748 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 8.190 xe chuyển quân và nhiên liệu, 505 hệ thống phòng không, cùng 852 thiết bị chuyên dụng.

2. Mỹ cảnh báo Kim Chính Ân rằng Triều Tiên sẽ “phải trả giá” nếu cung cấp vũ khí cho Nga sử dụng ở Ukraine, đồng thời cho rằng các cuộc đàm phán vũ khí giữa hai nước đang tiến triển tích cực.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc rằng việc cung cấp vũ khí cho Nga “sẽ không có tác dụng tốt đối với Triều Tiên và họ sẽ phải trả giá đắt cho điều này trong cộng đồng quốc tế”.

Điện Cẩm Linh hôm thứ Ba cho biết họ “không có gì để nói” về tuyên bố của các quan chức Mỹ rằng ông Kim dự định tới Nga trong tháng này để gặp Tổng thống Vladimir Putin và thảo luận về việc cung cấp vũ khí cho Mạc Tư Khoa.

Ông Kim hy vọng các cuộc thảo luận về vũ khí sẽ tiếp tục, Sullivan cho biết, kể cả ở cấp lãnh đạo và “thậm chí có thể là trực tiếp”.

3. Lính Ukraine nói xe Bradley do Mỹ sản xuất mang lại sự bảo vệ tốt hơn trên “đường tới địa ngục”

T0408 từng là tuyến đường nông thôn dẫn về phía nam một cách hòa bình qua những cánh đồng rộng mở ở vùng Zaporizhzhia phía nam Ukraine, từ Orikhiv qua Robotyne và đến Tokmak.

Giờ đây, các quân nhân thuộc Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine đã đổi tên nó thành “con đường dẫn đến địa ngục” và bức tranh họ vẽ là ngày tận thế: bầu trời “đen tối với máy bay không người lái”, pháo binh và các cuộc oanh tạc liên tục trên không, và những cánh đồng màu mỡ một thời đầy rẫy mìn của Nga, các chiến hào và hầm đào khiến mọi bước tiến về phía nam hầu như không thể thực hiện được.

Tuy nhiên, sự tiến bộ về phía nam chính xác là điều mà những người lính Ukraine đang tìm kiếm. Điều khiển các Xe chiến đấu Bradley do Mỹ sản xuất, họ đi trên con đường mà họ tin rằng cũng là con đường dẫn đến chiến thắng của Ukraine.

Phần lớn đã được khẳng định về tầm quan trọng chiến lược của Robotyne đối với cuộc phản công kéo dài ba tháng ở miền Nam Ukraine. Nhưng việc chiếm được nó đã khiến người Nga phẫn nộ hơn nữa, các binh sĩ thuộc Lữ đoàn 47 cho biết.

Những gì còn sót lại của thị trấn 500 người trước chiến tranh vẫn tiếp tục bị tàn phá cả ngày lẫn đêm. Không chỉ bằng pháo binh và các cuộc oanh tạc trên không, mà dữ dội nhất là bằng máy bay không người lái. Và sau một tháng chiến đấu, thị trấn mà họ chiếm được vào cuối tháng 8 chỉ còn lại rất ít đến nỗi binh lính Ukraine không thể tin vào những gì họ tìm thấy: thường dân vẫn đang co rúm trong tầng hầm của họ.

Sau khi bộ binh bảo họ thu dọn đồ đạc, họ lao vào xe Bradleys dưới hỏa lực liên tục. Trong một khu rừng gần đó, quân đội Ukraine đã khiêng những người đàn ông và phụ nữ chủ yếu là người già, đói khát và bẩn thỉu sau một tháng ở dưới lòng đất, trong thời điểm giao tranh tồi tệ nhất.

Các chiến binh nói rằng nếu không có Bradleys, sẽ không ai sống sót. Họ tự hào cho CNN xem một số đòn tấn công trực tiếp của pháo binh vào xe bọc thép do Mỹ sản xuất và liên tục ca ngợi.

Karatsupa cho biết nhược điểm duy nhất của chúng là âm thanh huýt sáo đặc biệt, có thể nghe thấy từ xa hàng dặm. Ông nói thêm, điều này có một mặt tích cực trong việc gieo rắc nỗi sợ hãi cho người Nga và trấn an bộ binh Ukraine ở tiền tuyến, những người biết hỏa lực đang đến. Nhưng không có phương tiện nào, dù đáng chú ý đến đâu, lại hoàn toàn bất khả xâm phạm.

4. Putin tuyệt vọng đang 'tranh giành sự giúp đỡ' từ Kim Chính Ân

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Desperate Putin 'Scrambling for Help' From Kim Jong Un: Ret. U.S. General”, nghĩa là “Tướng Mỹ hồi hưu cho rằng Putin tuyệt vọng đang ‘tranh giành sự giúp đỡ’ từ Kim Chính Ân”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Tờ New York Times hôm thứ Hai dẫn lời các quan chức Mỹ và các quan chức khác cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân đang lên kế hoạch gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tháng này để thảo luận về việc cung cấp thêm vũ khí cho Mạc Tư Khoa để tấn công Ukraine.

Theo báo cáo, ông Putin đang hy vọng nhận được thêm đạn pháo và hỏa tiễn chống tăng từ ông Kim, trong khi Triều Tiên đang tìm kiếm hệ thống vệ tinh cải tiến và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ông Kim cũng được cho là đang “tìm kiếm viện trợ lương thực cho đất nước nghèo khó của mình”.

Tuy nhiên, loại vũ khí mà Triều Tiên cung cấp có thể sẽ không có “ý nghĩa lớn” trong cuộc chiến của Putin ở Ukraine, theo Tướng quân đội đã nghỉ hưu Mark Hertling, người đã nói chuyện với Jim Acosta của CNN sau đó trong ngày.

“Bạn đã mở màn phần này và nói rằng đây là hai trong số những đối thủ lớn nhất của Washington,” Hertling nói với Acosta trong The Situation Room hôm thứ Hai. “Họ cũng là hai nhà lãnh đạo tuyệt vọng của các quốc gia bị coi thường nhất thế giới.”

Hertling nói thêm: “Điều này sẽ tạo ra rất nhiều sự chú ý. Nó cho thấy ông Putin đang cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Mạc Tư Khoa đã bị cô lập khỏi phần lớn thế giới kể từ khi phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, nhờ các lệnh trừng phạt được Mỹ và các đồng minh phương Tây khác hậu thuẫn cũng đã cung cấp viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ đô la cho Kyiv. Putin có lúc dường như đã tìm được một người bạn ở Trung Quốc, mặc dù có vẻ như liên minh lỏng lẻo này đã mất đi sức mạnh.

Kể từ khi phát động cuộc phản công vào tháng 6, Ukraine cũng đã dần dần chiếm lại các khu định cư bị Nga tạm chiếm dọc tiền tuyến, trong khi Điện Cẩm Linh phải giải quyết thêm các vấn đề về tinh thần của quân đội Mạc Tư Khoa.

Thiếu tướng quân đội đã nghỉ hưu James A. “Spider” Marks, người đã tham gia cùng Hertling trên CNN cho biết: “Nga hiện đang ở trong tình thế tuyệt vọng”.

Marks nói: “Việc bổ sung vũ khí từ Triều Tiên đến Nga không có gì đáng ngạc nhiên cả”. “Họ có chung loại hệ thống vũ khí và cỡ nòng. Vì vậy, nó là một điểm cộng hưởng ngay lập tức. Nhưng một lần nữa, điều này sẽ không làm thay đổi về mặt chiến lược kết quả của cuộc chiến ở Ukraine.”

Hertling nói thêm rằng vũ khí trong kho dự trữ của ông Kim “là đạn pháo cỡ lớn, không phải vũ khí chính xác, không phải loại mà bạn có thể chĩa và bắn trúng mục tiêu trong phạm vi 10 feet hoặc 10 mét”.

Hertling nói: “Có rất nhiều về số lượng. Bây giờ, số lượng có ý nghĩa riêng, đừng hiểu sai ý tôi. Nhưng chúng tôi đã chứng kiến các lực lượng Ukraine sử dụng vũ khí chính xác với hiệu quả tuyệt vời và họ đã hạ gục rất nhiều khẩu pháo của Nga. Nó đang lật ngược tình thế trong cuộc phản pháo.”

Ông nói: “Cá nhân tôi không nghĩ từ góc độ quân sự rằng điều này sẽ có ý nghĩa lớn… đối với cuộc chiến ở Ukraine”.

5. Nga tấn công vào cảng ngũ cốc của Ukraine trên sông Danube

Thông tấn xã AFP cho biết: Sau sự sụp đổ của thỏa thuận cho phép vận chuyển ngũ cốc từ các cảng Hắc Hải, Nga đã tăng cường tấn công vào các khu vực phía nam Odesa và Mykolaiv của Ukraine, nơi có các cảng và cơ sở hạ tầng quan trọng cho nông nghiệp xuất khẩu.

Lực lượng Ukraine đã bắn hạ 17 máy bay không người lái của Nga trên khu vực Odesa qua đêm vào thứ Hai.

Tổng thống Rumani Klaus Iohannis hôm thứ Ba cho biết các cuộc tấn công đã diễn ra “rất, rất gần” với biên giới đất nước ông.

Bucharest đã lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng sông Danube của Ukraine.

6. Nga báo cáo cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Bryansk

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hệ thống phòng không của họ đã tiêu diệt một máy bay không người lái ngay trước nửa đêm ngày thứ Ba bước sang ngày thứ Tư trên khu vực Bryansk, giáp biên giới Ukraine.

Alexander Bogomaz, thống đốc vùng Bryansk, cho biết không có thiệt hại hoặc thương vong.

Trong khi đó, Thị trưởng Mạc Tư Khoa Sergey Sobyanin báo cáo rằng các máy bay không người lái của Ukraine tấn công vào Thủ đô Nga vào sáng thứ Tư đã bị bắn hạ và gây ra một số thiệt hại ở ngoại ô phía Nam Mạc Tư Khoa.

Thị trưởng Mạc Tư Khoa cho biết: “Hôm nay, lực lượng phòng không đã ngăn chặn một nỗ lực khác nhằm điều khiển máy bay không người lái tới Mạc Tư Khoa. Không có thương vong. Tuy nhiên, có một số thiệt hại vật chất đã được ghi nhận”.

7. Cuba vạch trần đường dây buôn người của Nga để tuyển quân

Những kẻ buôn người nhắm vào công dân Cuba để tuyển mộ họ cho cuộc chiến của Mạc Tư Khoa chống lại Ukraine. Chính phủ Cuba đã vạch trần một hoạt động buôn người của Nga được sử dụng để lôi kéo người Cuba tham gia cuộc chiến chống Ukraine, chính quyền Cuba thông báo hôm thứ Hai. Mặc dù là một đồng minh của Liên Xô trước đây, chính quyền Cuba đã mạnh mẽ lên án động thái này.

Bộ Nội vụ Cuba đã phát hiện và đang nỗ lực vô hiệu hóa và triệt phá một mạng lưới buôn người hoạt động từ Nga nhằm đưa các công dân Cuba sống ở đó và thậm chí một số người từ Cuba vào lực lượng quân sự tham gia các hoạt động chiến tranh ở Ukraine. Bộ Ngoại giao cho biết hôm thứ Hai.

Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodríguez cho biết trên X (trước đây là Twitter) rằng chính quyền đang thực hiện các hành động pháp lý chống lại những kẻ buôn người.

Cuba lên án hoạt động tuyển dụng, nhấn mạnh rằng đất nước này “không tham gia vào cuộc xung đột chiến tranh ở Ukraine” và rằng họ không muốn bị coi là “đồng lõa trong những hành động này”.

Nga và Cuba có chung lịch sử chủ nghĩa cộng sản và từng là đồng minh trong lịch sử. Vào tháng 7, Cuba bị chỉ trích vì cáo buộc nhận lệnh từ Nga, sau khi nước này kịch liệt phản đối một số từ ngữ lên án Nga trong tuyên bố chung giữa Liên Hiệp Âu Châu và Mỹ Latinh về hành động gây hấn của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Điện Cẩm Linh đang nỗ lực tuyển mộ tân binh, nâng tuổi nhập ngũ lên 30 tuổi vào tháng 7.

8. Quan chức Nga thừa nhận 'rút lui chiến thuật' khỏi phía Nam Robotyne giữa lúc Kyiv giành được thắng lợi

Các lực lượng Nga đã từ bỏ Robotyne, một thị trấn quan trọng ở mặt trận Zaporizhzhia phía nam Ukraine, và các khu vực lân cận, một quan chức do Điện Cẩm Linh bổ nhiệm thông báo trên truyền hình nhà nước.

Yevgeny Balitsky, nhà lãnh đạo chính quyền do Mạc Tư Khoa cài đặt ở khu vực Zaporizhzhia bị tạm chiếm một phần, cho biết trong buổi phát sóng chương trình truyền hình nhà nước Nga Solovyov Live rằng quân đội Nga đã rút khỏi khu vực vì lý do chiến thuật.

Cuộc phản công nhằm giành lại lãnh thổ của Ukraine hiện đã bước sang tháng thứ tư, với các cuộc đụng độ đặc biệt nặng nề diễn ra dọc theo chiến tuyến ở khu vực Donetsk và Zaporizhzhia. Đoạn phim định vị ngày 5 tháng 9 cho thấy lực lượng của Kyiv đã tiến về phía nam Robotyne và dọc theo các tuyến phòng thủ của Nga trong khu vực.

“Quân đội Nga đã từ bỏ—từ bỏ về mặt chiến thuật—khu định cư này vì việc ở trên một bề mặt trống trải không có cách nào để phòng thủ hoàn toàn… nói chung là không có ý nghĩa gì. Vì vậy, quân đội Nga đã rút lui”, hãng tin RBC của Nga dẫn lời Balitsky nói.

Vào ngày 29 tháng 8, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar thông báo rằng lực lượng của Kyiv đã chiếm lại Robotyne và đang cố gắng tiến xa hơn.

“Robotyne đã được giải phóng,” cô nói trong buổi phát sóng quốc gia vào thời điểm đó, Ukrainska Pravda đưa tin.

“Ở phía nam, chúng tôi đang tiến hành một cuộc tấn công. Đây là mặt trận tấn công chính của chúng tôi. Ở các tỉnh Zaporizhzhia và Kherson, đối phương đang ở thế phòng thủ”, Maliar nói thêm. “Quân của chúng tôi đang di chuyển về phía đông nam Robotyne và phía nam Mala Tokmachka.”

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết hôm thứ Ba rằng đoạn phim định vị được đăng vào ngày 5 tháng 9 cho thấy lực lượng Nga tấn công các vị trí của Ukraine ở phía tây bắc và phía tây Robotyne, cho thấy lực lượng Ukraine đã tiến vào khu vực quanh khu định cư mà lực lượng Nga trước đây tuyên bố kiểm soát.

“Đoạn phim định vị địa lý bổ sung được đăng vào ngày 5 tháng 9 cho thấy lực lượng Ukraine cũng đã tiến về phía nam Robotyne và phía tây bắc Verbove (cách Robotyne khoảng 10 km về phía đông)”, tổ chức nghiên cứu cho biết. “Bằng chứng định vị địa lý về lực lượng Ukraine ở phía tây bắc Verbove cho thấy lực lượng Ukraine đang tiến dọc theo tuyến công sự của Nga chạy vào khu định cư.”

Các nhà phân tích tình báo nguồn mở, gọi tắt là OSINT, hôm thứ Ba cũng báo cáo rằng lực lượng của Kyiv đã mở rộng lỗ hổng trong “Phòng tuyến Surovikin”— là tuyến phòng thủ chính của Nga gần Robotyne.

GeoConfirmed, một tài khoản OSINT trên X, trước đây là Twitter, cho biết hôm thứ Hai rằng lực lượng của Kyiv có khả năng đã tiếp cận hệ thống chiến hào “Surovikin Line” sát làng Verbove, gần Robotyne.

Cái gọi là “Tuyến Surovikin” dùng để chỉ các tuyến phòng thủ ở Ukraine được xây dựng dưới sự chỉ huy của Tướng Sergei Surovikin, cựu chỉ huy các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.

9. Quan chức Tòa Bạch Ốc: Cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Nga cho thấy các biện pháp trừng phạt đã tấn công vào hệ thống quốc phòng của Mạc Tư Khoa

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng các cuộc thảo luận giữa Triều Tiên và Nga về một thỏa thuận tiềm năng cho phép Bình Nhưỡng cung cấp hỗ trợ quân sự cho việc Mạc Tư Khoa xâm chiếm Ukraine là bằng chứng cho thấy các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga đã thành công trong việc thu hẹp cơ sở công nghiệp quốc phòng của nước này.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng và chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các cam kết công khai là không được cung cấp vũ khí cho Nga mà cuối cùng sẽ giết chết người Ukraine. Theo thời gian, chúng tôi không thấy họ tích cực cung cấp số lượng lớn đạn dược hoặc năng lực quân sự khác cho Nga để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine”, ông Sullivan nói trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Ba.

“Tôi không thể đoán trước cho các bạn điều gì sẽ xảy ra khi kết thúc chuyện này, tôi chỉ có thể nói rằng các cuộc thảo luận đã tiến triển tích cực và người Nga đã đưa chúng vào cường độ ngày càng tăng, thể hiện qua thực tế là Bộ trưởng Quốc phòng của họ (Sergei Shoigu) - anh chàng số một của họ trong cơ quan quốc phòng của Putin – thực sự đã lên máy bay và bay tới Bình Nhưỡng để cố gắng thúc đẩy việc này”, ông nói.

Cố vấn an ninh quốc gia cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã thảo luận về khả năng Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga “trong một thời gian” và có thể trong tương lai gần những cuộc thảo luận đó sẽ chứng kiến sự tham gia của ông Kim Chính Ân của Triều Tiên vào “các cuộc thảo luận ở cấp lãnh đạo, thậm chí có thể là các cuộc thảo luận trực tiếp ở cấp lãnh đạo.”

“Chúng tôi cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt, các biện pháp trừng phạt có mục tiêu cụ thể, nhằm cố gắng phá vỡ mọi nỗ lực sử dụng Triều Tiên làm đường dẫn hoặc nguồn cung cấp vũ khí cho Nga; Gần đây chúng tôi đã làm như vậy vào giữa tháng 8 và chúng tôi đã tiếp tục truyền đạt điều đó một cách riêng tư cũng như công khai tới Triều Tiên và yêu cầu các đồng minh và đối tác cũng làm như vậy”, Sullivan nói. “Quan điểm của chúng tôi là họ nên tuân thủ các cam kết đã tuyên bố công khai rằng họ sẽ không cung cấp những vũ khí này.”

10. Nhóm lính đánh thuê Nga Wagner sắp bị Anh tuyên bố là tổ chức khủng bố, khi các bộ trưởng Anh lên án vai trò “tàn phá” của nhóm này trên toàn thế giới.

Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps nhóm công ty quân sự tư nhân Wagner đã đóng vai trò nổi bật trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga kể từ khi được thành lập vào tháng 2 năm 2022.

Quyết định này của Vương Quốc Anh có nghĩa là, sau khi được thông qua, việc trở thành thành viên hoặc hỗ trợ Tập đoàn Wagner là bất hợp pháp. Tài sản của Wagner cũng có thể được phân loại là tài sản khủng bố và bị tịch thu. Một số hành vi phạm tội theo lệnh có thể bị phạt tới 14 năm tù.

Ông Grant Shapps nói: Về cơ bản, điều đó có nghĩa là bạn không còn có thể hoặc sẽ không thể trở thành thành viên của nhóm đó ở Vương quốc Anh nữa vì họ sẽ bị coi là một tổ chức khủng bố nên bạn sẽ không thể thuộc về nhóm đó, bạn sẽ không thể sử dụng phù hiệu hoặc logo của họ.

Chúng tôi đã thấy cách Wagner hoạt động. Rõ ràng là chúng ta đã thấy tác động tàn khốc mà họ đã hoặc đang cố gắng gây ra ở Ukraine, nhưng họ cũng hoạt động ở Phi Châu hoặc khắp vùng Sahel.

Và chúng tôi không muốn thấy tổ chức đó ở đây. Dự luật của chúng tôi có nghĩa là điều đó sẽ trở thành bất hợp pháp một khi quốc hội thông qua.

11. Blinken thăm Kyiv trong bối cảnh Ukraine phản công thắng lợi

Các cơ quan truyền thông đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã đến Kyiv vào sáng thứ Tư. Chuyến thăm không báo trước là chuyến thăm đầu tiên của Blinken tới thủ đô Ukraine trong một năm qua.

Reuters đưa tin Blinken sẽ ở thành phố này trong hai ngày và dự kiến sẽ công bố gói hỗ trợ mới của Mỹ trị giá hơn 1 tỷ USD. Ông dự kiến sẽ gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Bộ Trưởng Ngoại Giao Ukraine Dmytro Kuleba.

Diễn biến này xảy ra ngay sau khi Zelenskiy sa thải bộ trưởng quốc phòng của ông trong tuần này trong bối cảnh một số vụ bê bối tham nhũng liên quan đến mua sắm quân sự, và khi cuộc phản công của quân đội Ukraine tiếp tục diễn ra ở phía đông nam đất nước.

Truyền thông Mỹ thường xuyên dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên chỉ trích cuộc phản công là quá chậm và được lên kế hoạch kém, điều này khiến các quan chức Ukraine khó chịu.

Một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng Blinken muốn có được đánh giá trực tiếp về cuộc phản công trong chuyến đi.

Quan chức này nói: “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là chúng tôi nhận được đánh giá thực sự từ chính người Ukraine”. “Chúng tôi muốn xem, nghe xem họ dự định thúc đẩy như thế nào trong những tuần tới.”

12. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Triều Tiên ngừng đàm phán vũ khí với Nga sau khi có thông tin về cuộc gặp sắp tới

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel hôm thứ Ba thừa nhận rằng các cuộc đàm phán vũ khí giữa Nga và Triều Tiên “đang tiến triển tích cực” sau khi có thông tin cho rằng Chủ tịch Kim Chính Ân sẽ gặp Tổng thống Vladimir Putin ở Nga.

“Như tất cả các bạn đã biết, một số bạn đã báo cáo rằng vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tới Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên để cố gắng thuyết phục Bình Nhưỡng bán đạn pháo cho Nga và chúng tôi có thông tin rằng ông Kim Chính Ân mong đợi các cuộc thảo luận này sẽ diễn ra, sẽ tiếp tục, bao gồm cả sự tham gia ngoại giao cấp lãnh đạo ở Nga,” Patel nói.

Ông nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên ngừng đàm phán vũ khí với Nga và tuân thủ cam kết công khai mà Bình Nhưỡng đã đưa ra là không cung cấp hoặc bán vũ khí cho Nga”.

Patel nói rằng điều đáng chú ý là Nga “đã buộc phải tìm kiếm khắp thế giới trong tuyệt vọng” những loại vũ khí có thể sử dụng trong chiến tranh ở Ukraine vì các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong khi đó, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài Chuẩn Tướng Pat Ryder hôm thứ Ba cho biết Bộ Quốc phòng cũng đang thúc giục Triều Tiên kiềm chế bán đạn dược và vũ khí cho Nga “điều này sẽ kéo dài cuộc xung đột này một cách không cần thiết”.

“Liên quan đến các báo cáo về một cuộc gặp tiềm năng giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Putin, tôi không có bất cứ điều gì cụ thể để cung cấp về một cuộc gặp tiềm năng, và tôi cũng sẽ không suy đoán về thời điểm một cuộc gặp như vậy có thể diễn ra hay không,” Ryder nói, đề cập đến các báo cáo rằng Kim Chính Ân của Triều Tiên sẽ đến thăm Putin ở Nga.

Ông nói: “Bạn đã nghe Tòa Bạch Ốc nói về thực tế rằng Kim Chính Ân đang tìm cách tiếp tục hợp tác ngoại giao với Nga sau chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Nga, nơi Nga đang tìm cách mua đạn pháo từ Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên”..

Ryder lưu ý rằng “việc mua bán như vậy sẽ vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và nó sẽ kéo dài sự đau khổ không đáng có của thường dân Ukraine, những người bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine”.

13. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Năm học mới của Nga đã bắt đầu với chương trình giảng dạy mới kết hợp cả kỹ năng quân sự và quan điểm của Điện Cẩm Linh về lịch sử Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin đích thân tổ chức buổi học mở với 30 học sinh trong ngày đầu tiên của học kỳ. Các chủ đề trong kỳ thi lịch sử quốc gia cập nhật bao gồm việc thống nhất Crimea với Nga và 'Chiến dịch quân sự đặc biệt' ở Ukraine.

Quốc hội Nga đã thông qua chương trình giảng dạy vào năm ngoái. Một phần, “Những điều cơ bản về an toàn cuộc sống”, hướng tới học sinh cuối cấp và bao gồm phần huấn luyện quân sự cơ bản. Điều này sẽ bao gồm việc sử dụng Kalashnikov, sử dụng lựu đạn cầm tay, các hoạt động của máy bay không người lái máy bay không người lái và sơ cứu trên chiến trường. Học sinh cũng có thể được các cựu chiến binh trở về từ chiến trường Ukraine đến thăm.

Chương trình giảng dạy mới phục vụ ba mục tiêu: truyền bá cho học sinh lý do cơ bản của Điện Cẩm Linh về 'Chiến dịch quân sự đặc biệt', truyền cho học sinh tư duy võ thuật và giảm thời gian đào tạo để huy động và triển khai về sau.

Việc triển khai các hoạt động của máy bay không người lái cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của chúng trên chiến trường và những bài học rút ra về các hệ thống này trực tiếp từ cuộc xung đột ở Ukraine.
 
Tin vui: Thế giới ca ngợi lòng yêu mến Đức Thánh Cha của người Việt Nam bôn ba sang tận Mông Cổ
VietCatholic Media
17:33 06/09/2023


1. Người Công Giáo Việt Nam tới Mông Cổ gặp Đức Thánh Cha, xin ngài viếng thăm

Thông tấn xã Reuters có bài tường thuật nhan đề “Vietnamese Catholics travel to Mongolia to see pope, ask him to visit”, nghĩa là “Người Công Giáo Việt Nam tới Mông Cổ gặp Đức Thánh Cha, xin ngài viếng thăm”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Mai Anh đến từ Việt Nam chờ đợi bên ngoài Nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô vào ngày Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp gỡ các giám mục, linh mục, nhà truyền giáo, tu sĩ và nhân viên mục vụ tại nhà thờ chính tòa, trong chuyến tông du của ngài ở Ulan Bator, Mông Cổ ngày 2 tháng 9 năm 2023.

Những người Công Giáo Việt Nam đã bay hàng ngàn dặm để gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Mông Cổ đã có một thông điệp gửi đến Đức Thánh Cha: Họ cũng muốn ngài đến thăm đất nước do cộng sản điều hành.

“Hãy đến thăm Việt Nam, thưa Đức Thánh Cha,” một số người trong nhóm hét lên khi Đức Thánh Cha được lái xe golf đi ngang qua đám đông khoảng 2.000 người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau trong khuôn viên nhà thờ Công Giáo ở Ulan Bator hôm thứ Bảy.

Việt Nam cắt đứt quan hệ với Vatican sau khi cộng sản chiếm lấy đất nước thống nhất vào cuối Chiến tranh Việt Nam năm 1975. Khi đó, chính quyền coi Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam đã quá thân thiết với cường quốc thực dân cũ là Pháp.

“Tôi thấy ngài ở rất gần, rất gần. Vì vậy, tôi thực sự muốn khóc khi nhìn thấy ngài”, Cindy Pham đến từ Sàigòn cho biết. “Ngay khi nhìn thấy ngài, lần đầu tiên tôi đến cổng, tôi đã chạy, chạy rất nhiều để được gặp lại ngài”.

Viễn cảnh về chuyến thăm của Giáo hoàng tới Việt Nam, tưởng chừng như không thể, đã trở nên thực tế hơn vào tháng trước khi Vatican và Hà Nội đồng ý có Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Hà Nội.

Đó là một bước tiến trong nhiều năm để có thể dẫn tới quan hệ ngoại giao đầy đủ. Nó được công bố vào ngày 27 tháng 7 khi Đức Thánh Cha tiếp đón Chủ tịch Võ Văn Thưởng tại Vatican.

“Tôi thực sự hy vọng rằng Đức Thánh Cha sẽ đến thăm Việt Nam trong thời gian ngắn sắp tới,” cô nói, khi đề cập đến hy vọng nảy sinh từ chuyến thăm Vatican của nhà lãnh đạo Việt Nam.

Maria Võ, hướng dẫn viên du lịch gốc Việt hiện sống ở Phi Luật Tân, hết sức phấn khích khi Đức Phanxicô vẫy tay chào từ chiếc xe golf đang di chuyển.

“Tôi không thể nói cho bạn cảm xúc của tôi lúc này, bởi vì tôi rất hạnh phúc,” cô nói khi gặp Đức Thánh Cha lần đầu tiên. “Người dân Việt Nam chúng tôi yêu mến ngài và đang chờ đợi ngài đến thăm chúng tôi tại Việt Nam.”


Source:Reuters

2. Đức Thánh Cha lên tiếng chỉ trích ‘ý thức hệ’ đối với Thượng Hội đồng

Trong một cuộc họp với các nhà báo trên chuyến bay trở về từ Mông Cổ vào ngày 4 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ trích ảnh hưởng của các ý thức hệ đối với Giáo hội và cho rằng những lo ngại về Thượng hội đồng về Tính đồng nghị phản ánh những áp lực ý thức hệ không lành mạnh như vậy.

Đức Thánh Cha nói với các phóng viên: “Trong Thượng Hội đồng, không có chỗ cho ý thức hệ”. Ngài kể lại rằng ngài đã nói chuyện với một nữ tu dòng Carmêlô, là người đã bày tỏ lo ngại rằng Thượng hội đồng sẽ thay đổi tín lý Công Giáo. Ngài nói, những mối quan tâm như vậy có nguồn gốc từ ý thức hệ.

Đức Thánh Cha nói: “Luôn luôn, khi một người muốn tách ra khỏi con đường hiệp thông với Giáo hội, điều luôn kéo người ấy ra xa là ý thức hệ”. Không trực tiếp giải quyết những lo ngại về những thay đổi tiềm tàng trong giáo huấn của Giáo hội, ngài nhấn mạnh rằng Thượng hội đồng sẽ không thay đổi giáo lý Công Giáo.

Vấn đề, Đức Giáo Hoàng giải thích là “‘giáo lý’ trong dấu ngoặc kép”. Ngài ví sự hiểu biết đó về giáo lý như “nước cất không có mùi vị và không phải là giáo lý Công Giáo chân chính

Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng ngài đã chọc giận người Ukraine bằng bài phát biểu ngày 25 tháng 8 với khán giả là giới trẻ Nga, khi ngài ca ngợi sự lãnh đạo của các sa hoàng thế kỷ 18. Nhưng ngài nói rằng những bình luận của ngài đã bị đưa ra khỏi bối cảnh bởi những người cho rằng ngài đang bảo vệ việc Liên Xô sáp nhập lãnh thổ Ukraine.

“Tôi không nghĩ đến chủ nghĩa đế quốc khi nói điều đó,” Đức Thánh Cha nói với các phóng viên.

“Có lẽ đó không phải là cách diễn đạt tốt nhất,” Đức Giáo Hoàng thừa nhận, “Nhưng khi nói về nước Nga vĩ đại, tôi không nghĩ nhiều về mặt địa lý mà là về mặt văn hóa”.

Ở đây, Đức Thánh Cha đã tố cáo “các chủ nghĩa đế quốc muốn áp đặt ý thức hệ của họ,” và nói thêm rằng “khi văn hóa bị chắt lọc và biến thành ý thức hệ, đó là chất độc”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về Trung Quốc – quốc gia mà chính phủ đã từ chối cấp phép cho các giám mục Công Giáo tới Mông Cổ trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha – Đức Thánh Cha nói: “Mối quan hệ với Trung Quốc rất tôn trọng, rất tôn trọng”.

Bảo vệ thỏa thuận bí mật của Vatican với chế độ Trung Quốc, Đức Thánh Cha nói: “Các kênh rất cởi mở. Về việc bổ nhiệm các giám mục, có một ủy ban đã làm việc với chính phủ Trung Quốc và Vatican trong một thời gian dài”.

Năm năm đã trôi qua kể từ khi thỏa thuận của Vatican với Trung Quốc được ký kết, và hàng chục giáo phận Trung Quốc vẫn không có giám mục Công Giáo. Vào tháng 7, khi ông Thẩm Bân được bổ nhiệm ở Thượng Hải, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2021, một giám mục mới đảm nhận vai trò lãnh đạo một giáo phận Trung Quốc. Và vị giám mục đó đã được bổ nhiệm mà không có sự chấp thuận của Vatican – khiến Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, nói rằng động thái này “dường như coi thường tinh thần đối thoại và cộng tác đã được thiết lập giữa Vatican và phía Trung Quốc trong nhiều năm qua”.

Trong những nhận xét khác trong phiên hỏi đáp, Đức Thánh Cha Phanxicô lặp lại sự lên án thường được bày tỏ của ngài đối với “việc chiêu dụ tín đồ”, nói rằng: “Điều quan trọng là việc truyền giáo không được coi là việc chiêu mộ đạo.”


Source:Catholic World News

3. Hiệu trưởng Đại Học Notre Dame: “Đạo Công Giáo đang bị dập tắt ở Nicaragua”

John I. Jenkins, hiệu trưởng Đại học Notre Dame, nói “Nỗ lực của Ortega nhằm dập tắt đạo Công Giáo ở Nicaragua đáng bị thế giới lên án ở quy mô lớn hơn và lớn hơn nhiều”.

Sau khi đóng cửa Đại học Trung Mỹ (một trường Đại Học của Dòng Tên và là một trường đại học tư thục được thành lập năm 1960), trục xuất cộng đồng linh mục Dòng Tên khỏi nơi ở riêng của họ gần trường đại học ở Managua và tịch thu tài sản của trường đại học vào thứ Tư, ngày 23 tháng 8, chính quyền Nicaragua đã cấm toàn bộ Dòng Tên không được hoạt động ở đất nước này và ra lệnh tịch thu toàn bộ tài sản nhà Dòng, và cáo buộc các vị không tuân thủ việc báo cáo thuế.

Việc Daniel Ortega bịt miệng những tiếng nói bất đồng chính kiến ở Nicaragua đã nhắm vào Giáo Hội Công Giáo một cách có hệ thống trong ít nhất 5 năm nay.

Nhưng Dòng Tên không phải là dòng tu đầu tiên bị cấm ở Nicaragua. Năm ngoái, Dòng Thừa Sai Bác Ái đã bị trục xuất khỏi đất nước. Chế độ của Ortega cáo buộc rằng các Nhà truyền giáo của Dòng Thừa Sai Bác Ái không được “Bộ Gia Đình công nhận để hoạt động như một trung tâm vườn ươm cho sự phát triển tuổi thơ, nhà cho trẻ em gái và nhà cho người già,” cũng như “họ không có giấy phép hoạt động từ Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Một số nhà chức trách Mỹ đang bắt đầu lên tiếng phản đối chế độ của Ortega. John I. Jenkins, hiệu trưởng Đại học Notre Dame, đã đăng một bài báo dài trên tờ Washington Post. Trong đó, Jenkins đã nói một cách đúng đắn rằng “Nỗ lực của Ortega nhằm dập tắt đạo Công Giáo ở Nicaragua đáng bị thế giới lên án ở quy mô lớn hơn và lớn hơn nhiều”.

Để chứng minh cho tuyên bố của mình, Jenkins đề cập đến ấn bản mới nhất của loạt báo cáo về Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua của luật sư và nhà nghiên cứu dân quyền đang sống lưu vong Martha Patricia Molina. Báo cáo ghi nhận 529 vụ tấn công trong 5 năm qua – chỉ riêng trong năm nay, tính đến thời điểm hiện tại đã có 90 vụ. Giáo hội đang bị tấn công một cách có hệ thống vì đây là “pháo đài độc lập cuối cùng còn sót lại ở Nicaragua”.

Molina giải thích, chế độ này “đã chiếm được các phương tiện truyền thông, các thể chế, các đảng phái chính trị và các tổ chức phi chính phủ. Vì vậy, không gian duy nhất còn lại là Giáo Hội.”

Cô cho biết chính phủ “có ý định xóa bỏ hoàn toàn Giáo hội, để tiếng nói tiên tri của phúc âm không được người dân Nicaragua lắng nghe”.

Trong bài viết của mình, Jenkins cũng nói rằng “với tư cách là hiệu trưởng của một trường đại học Công Giáo, tôi đặc biệt mong muốn tập hợp các nhà lãnh đạo trường đại học để phản đối cuộc đàn áp này. Nhưng các nhà lãnh đạo từ mọi tầng lớp nên lên án Ortega bằng những lời lẽ gay gắt nhất. Chế độ của ông ta nên bị cô lập như một kẻ bị quốc tế ruồng bỏ vì cố gắng 'làm biến mất' đạo Công Giáo, quyền tự do thờ phượng và quyền tự do ngôn luận.”


Source:Aleteia