Ngày 08-09-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tình Yêu Trong Dáng Đứng Thập Giá
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
08:42 08/09/2019
Chúa Nhật 23 TN C – 2019

Trên trang báo mạng Tiền Phong - Thứ Sáu, 3/9/2010, có đăng bài : LẤY CHỒNG CÓ “H”[1]. Một chuyện tình có thể định nghĩa: mang “dáng đứng thập giá” !

Đó là câu chuyện cảm động đầy tính nhân văn nếu không nói là “rất Tin Mừng”, kể lại cuộc hôn nhân và dấn thân xây dựng cuộc sống gia đình của anh T.V.P và chị N.T.Đ. ở Kiên Giang. Anh T.V.P sau một thời bươn chải phóng túng ở Sài Gòn, đã vướng vào xì ke và mang lấy căn bệnh thế kỷ HIV. Khi biết được thông tin buồn bã nầy từ giấy xét nghiệm của người yêu, chi N.T.Đ đã bình tĩnh và quyết định : “Mình cưới nhau liền đi”, để, theo chị, chỉ có tình yêu gắn bó nầy mới hy vọng cứu anh. Sau bao nhiêu cay đắng, nhọc nhằn, hy sinh và khổ ải, vượt qua bao nhiêu chống đối dèm pha của những người thân và bạn bè, tình yêu của chị dành cho anh đã vực anh từ nổi thất vọng lênh láng với cái chết cận kề, trở thành con người đầy hy vọng và sống có ý nghĩa….

Trong nhãn quan Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể nói được rằng chị NTĐ đã chấp nhận “đi con đường Thập Giá của Đức Kitô” để phục sinh niềm tin và sự sống cho người chồng từ bóng tối của buồn nản thất vọng. Và như thế, phải chăng Thập giá của tình yêu đã trổ hoa !

Thật ra, những “câu chuyện tình” như thế không phải mới trong lịch sử nhân loại, ít ra là từ ngày có một Đấng “vì tình yêu vác thập giá lên đồi Sọ và chịu đóng đinh trên đó”; và cũng là Đấng đã từng tuyên bố cách dứt khoát về con đường dành cho những ai muốn bước theo Ngài: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được… Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,27).

Như vậy, thật rõ ràng, hai động tác “từ bỏ” và “vác thập giá” như hai điều kiện tiên quyết để “theo Đức Kitô” và trở nên “môn đệ của Người”.

Cứ tưởng rằng khi đề xuất “con đường” trông “ngược đời” và chẳng mấy hấp dẫn như thế, sẽ chẳng có “con ma nào” hưởng ứng (Điển hình như câu chuyện ‘Người thanh niên giàu có’ – Mt 19,16-22). Thế nhưng, chàng thuế vụ Lêvi đã bỏ “bàn thu thuế đầy ắp tiền”; một loạt mấy tay dân chài xứ Galilê đã bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ cha mẹ, vợ con, nhà cửa; tay trọc phú Gia-kê tuyên bố đổi đời…; cô gái điếm Mađalêna quay lưng lại với quá khứ tội lỗi…; vâng, tất cả theo Ngài hoặc lên đường chọn sống kiếp “lưu linh lạc địa” đầy bấp bênh, nghèo khó…hoặc hoán cải để trở nên một con người mới của liêm chính, khó nghèo.

Và câu chuyện “theo Ngài” và “vác thập giá” đâu dừng ngang tại đó mà được viết tiếp bằng những chứng từ oai hùng nhưng cũng đầy bi tráng : Phêrô bị đóng đinh ngược đầu tại Rôma, Giacôbê bị ném đá chết tại Giêrusalem, Batôlômêô bị lột da và chém đầu tại Ba Tư…

Trong nhật ký 2000 năm của Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập ghi đầy những chứng tá “từ bỏ” và “vác thập giá” đi theo Đức Kitô với vô vàn “hạnh các Thánh” Tử đạo, Đồng trinh, Hiển tu, Mục tử…

- Để giữ được sự trong sạch của Tin Mừng “Tám Mối”, cô bé Maria Goretti mới 12 tuổi đã chấp nhận lãnh đủ “vết đau thập giá” của 14 nhát dao oan nghiệt.

- Để chiếu toả “tình yêu hy sinh” nơi ngục tù ngập tràn hận thù ghen ghét, linh mục Maximilien Kolbe sẵn sàng “chết thay” cho một bạn tù !

- Để “đáp trả tình yêu cho Chúa Giêsu”, chàng thanh niên tân tòng Anrê Phú Yên quyết chấp nhận “lấy mạng sống đáp đền mạng sống”…

Phải chăng cái thế giới đầy ắp những “rỗ cá ương”, những “thúng bột trơ lỳ”, những “vùng bóng tối”… của tội lỗi, dục vọng, vô cảm, hận thù, ghen ghét, ích kỷ…luôn cần và rất cần những “hạt muối”, “viên men”, “ánh lửa” là những con người dám “theo Đức Kitô” và “vác thập giá” như thế !

Mặc cho thế gian một mực cho rằng : theo chân Giêsu và đi nẻo thập giá đó là điên dại, những người mang danh Kitô hữu luôn xác tín như Thánh Tông Đồ Phaolô : “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.” (1 Cr 17,22-24).

Điều xác tín của Thánh Phaolô về sự khôn ngoan “lạ đời” của Thiên Chúa (là chính “Đức Kitô bị đóng đinh”) lại là điều mà từ xa xưa trong mạc khải Cựu ước, tác giả sách Khôn Ngoan cũng đã xác nhận, như chúng ta vừa nghe trong Bài đọc 1 :“Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? Hay ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn?”

Tuy nhiên, sách Khôn ngoan củng cảnh báo rằng : “Vì những ý tưởng của loài hay chết thì mập mờ, và những dự định của chúng tôi đều không chắc chắn. Vì xác hay hư nát làm cho linh hồn ra nặng nề, và nhà bụi đất làm cho lý trí hay lo lắng nhiều điều ra nặng nề.”.

Điều nầy làm chúng ta chợt nhớ đến “sự cố” Phêrô bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời, khi vị Tông đồ trưởng nầy can ngăn “con đường thập giá” của Chúa :

“Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người." (Mt 16,23). Phải chăng, đó cũng chính là tư tưởng “chủ bại”, chấp nhận “thua nửa trận chiến” mà Chúa Giêsu phần nào đã ngụ ý trong hai dụ ngôn về “xây tháp” và “ra trận” !

Chính vì thế, đời sống Kitô hữu luôn đỏi hỏi tỉnh thức trong khiêm hạ, nguyện cầu, và nhất là, luôn cần sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, điều mà hôm nay sách Khôn Ngoan ân cần nhắc nhở : “Ai hiểu thấu Thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, và không sai Thánh Thần Chúa từ trời cao xuống.”.

Trong ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hành vi “từ bỏ” và “vác thập giá” chính là “cuộc chiến đấu liên lỉ trên con đường nên thánh”; và “chiến thắng của Kitô giáo luôn là một thập giá, nhưng thập giá ấy đồng thời là ngọn cờ chiến thắng, được ta mang vác với một tình yêu dịu hiền, bất khuất chống lại những tấn công của ma quỷ” (Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ, số 162-163)

Trương Đình Hiền

[1] Chí Nhân – Nguyễn Thành. “Lấy chồng có ‘H’. Nguồn : Báo Thanh niên Online. Link :

https://www.tienphong.vn/gioi-tre/lay-chong-co-h-511580.tpo
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn từ của Đức Thánh Cha trước các Giám Mục Madagascar và đại diện các Giáo Hội Kitô anh em
J.B. Đặng Minh An dịch
00:48 08/09/2019
Lúc 4 giờ chiều ngày thứ Bẩy 7 tháng Chín, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với Hội Đồng Giám Mục Madagascar và đại diện các Giáo Hội Kitô anh em tại nhà thờ chính tòa Andohalo. Hội Đồng Giám Mục Madagascar gồm các Giám mục của 5 tổng giáo phận và 17 giáo phận trong nước, được thành lập năm 1965, và là thành viên của Hội Đồng Giám Mục Phi châu, gọi tắt là SECAM.

Sau lời chào mừng của Đức Hồng Y Désiré Tsarahazana, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Madagascar, Đức Thánh Cha đã trình bày diễn từ sau:


Các chư huynh Giám mục thân mến,

Cảm ơn Đức Hồng Y [Désiré Tsarahazana], vì những lời chào mừng của ngài nhân danh tất cả các anh em của ngài. Tôi đánh giá cao mong muốn chỉ ra cho thấy sứ mệnh mà chúng ta đã thực hiện nên diễn ra như thế nào giữa những mâu thuẫn: một vùng đất giàu có nhưng nghèo đói lại lan rộng; một nền văn hóa và trí tuệ từ tổ tiên tôn trọng cuộc sống và phẩm giá của con người, nhưng cũng lại có sự hiện diện của bất bình đẳng và tham nhũng. Nhiệm vụ của một người mục tử trong hoàn cảnh như vậy thật không dễ dàng.

“Hãy là những người gieo rắc hòa bình và hy vọng”. Chủ đề được chọn cho chuyến thăm của tôi có thể đóng vai trò là tiếng vang vọng của sứ vụ mà chúng ta đã được giao phó. Trong thực tế, chúng ta là những người gieo giống và những người làm như thế với niềm hy vọng; chúng ta làm điều đó dựa trên nỗ lực của bản thân và dấn thân cá nhân, nhưng cũng biết rằng cần có nhiều yếu tố khác kết hợp để làm cho hạt giống bén rễ, phát triển và cuối cùng cho nhiều ngũ cốc. Người gieo giống có thể mệt mỏi và lo lắng, nhưng anh ta không bỏ cuộc và ngừng gieo, càng không đốt cháy cánh đồng của mình khi mọi thứ không diễn ra tốt đẹp. Anh ta biết cách chờ đợi, tin tưởng, và nhận ra những hạn chế của mình khi gieo hạt. Anh ta không bao giờ ngừng yêu thương cánh đồng được giao phó cho mình chăm sóc. Ngay cả khi bị cám dỗ, anh ta không từ bỏ nó hoặc để lại cho người khác.

Người gieo giống biết mảnh đất của mình, anh ta “chạm vào” nó, “cảm nhận” được nó và chuẩn bị cho nó có thể sinh hoa kết quả tốt nhất. Chúng ta, các giám mục, giống như người gieo giống, được kêu gọi gieo rắc hạt giống đức tin và hy vọng trên trái đất này. Để làm như vậy, chúng ta cần phải phát triển “cảm thức về mùi vị” có thể cho phép chúng ta nhận ra rõ ràng hơn bất cứ điều gì là thỏa hiệp, là gây cản trở hoặc gây thiệt hại cho việc gieo giống. Vì lý do này, “mục tử của Giáo Hội, có tính đến sự đóng góp của các ngành khoa học khác nhau, có quyền đưa ra ý kiến về tất cả những gì ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, vì nhiệm vụ loan báo Tin Mừng hàm ý và đòi hỏi việc phát triển tích hợp của mỗi con người. Không còn có thể tuyên bố rằng tôn giáo chỉ nên được giới hạn trong phạm vi riêng tư và chỉ tồn tại nhằm chuẩn bị cho các linh hồn được lên thiên đàng. Chúng ta biết rằng Chúa cũng muốn con cái mình được hạnh phúc ngay trong cõi đời này, mặc dù họ được mời gọi hướng đến sự viên mãn trong cõi vĩnh hằng, vì Chúa đã tạo ra tất cả mọi thứ “cho chúng ta hưởng dùng” (1 Tim 6:17), và cho sự hân hoan của mọi người. Điều này dẫn đến hệ quả là việc hoán cải Kitô giáo đòi hỏi phải xem xét lại đặc biệt những lĩnh vực và khía cạnh của cuộc sống “liên quan đến trật tự xã hội và việc theo đuổi thiện ích chung”. Do đó, không ai có quyền đòi hỏi tôn giáo phải lui vào đời sống nội tâm của cuộc sống cá nhân, và không được có quyền ảnh hưởng đến đời sống xã hội và quốc gia, và tính hợp lý của các tổ chức dân sự, cũng như không có quyền đưa ra ý kiến về các sự kiện ảnh hưởng đến xã hội” (Niềm Vui Phúc Âm, 182-183).

Tôi biết rằng anh em có nhiều lý do để quan tâm và, trong số những lo lắng này, anh em ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ phẩm giá của những anh chị em của mình, những người đang cố gắng xây dựng một quốc gia đoàn kết và thịnh vượng hơn, với các thể chế vững chắc và ổn định. Một mục tử xứng đáng với danh hiệu đó có thể cứ thờ ơ trước những thách thức mà đồng bào của mình thuộc tất cả các giai tầng xã hội, và tôn giáo phải đối mặt được không? Một mục tử với trái tim của Chúa Giêsu có thể tỉnh bơ với cuộc sống được giao phó cho mình chăm sóc được không?

Chiều kích tiên tri trong sứ mạng của Giáo Hội, luôn luôn và ở mọi nơi, đòi hỏi sự phân định, nói chung, là không dễ dàng chút nào. Về vấn đề này, hợp tác thận trọng và độc lập giữa Giáo Hội và nhà nước vẫn luôn là một thách đố liên tục, vì luôn luôn có một nguy cơ thông đồng, đặc biệt là nếu chúng ta mất đi “niềm say mê Tin Mừng”. Bằng cách chăm chú lắng nghe những gì Thánh Linh tiếp tục nói với các Giáo Hội (x. Rev 2: 7), chúng ta có thể thoát khỏi những cạm bẫy để Tin Mừng có thể tự do lên men, để có một sự hợp tác hiệu quả với xã hội dân sự trong việc theo đuổi thiện ích chung. Các dấu chỉ của sự phân định như thế phải cho thấy rằng việc loan báo Tin Mừng thể hiện mối quan tâm đối với tất cả các hình thức nghèo đói, không chỉ “bảo đảm dinh dưỡng hay ‘thực phẩm đàng hoàng’ cho tất cả mọi người, nhưng cả cho ‘phúc lợi trần thế và sự thịnh vượng nói chung’ của họ. Điều này có nghĩa là người dân phải được giáo dục, được tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe và trên hết là có công ăn việc làm, thông qua lao động tự do, sáng tạo, có sự tham gia và hỗ trợ lẫn nhau mà qua đó con người thể hiện và nâng cao phẩm giá của cuộc sống. Một đồng lương xứng đáng cho phép họ có quyền có được đầy đủ tất cả các hàng hóa khác được dành cho việc sử dụng chung của chúng ta” (Niềm Vui Phúc Âm, 192).

Bảo vệ con người là một khía cạnh khác trong trách nhiệm mục vụ của chúng ta. Để trở thành mục tử theo tấm lòng của Chúa, chúng ta phải là người đầu tiên chọn rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. “Không có chỗ cho sự nghi ngờ hoặc cho những lời giải thích biện minh cho việc mà làm suy yếu một thông điệp quá rõ ràng là: Ngày nay và luôn luôn, ‘người nghèo là những người ưu tiên nhận được Tin Mừng’, và thực tế là Tin Mừng được rao giảng tự do cho họ như một dấu chỉ của vương quốc mà Chúa Giêsu đến để thiết lập. Chúng ta phải tuyên bố, quyết liệt chứ không mơ hồ, rằng có một mối liên kết không thể tách rời giữa đức tin của chúng ta và người nghèo. Cầu xin cho chúng ta đừng bao giờ bỏ rơi họ” (thd., 48). Nói cách khác, chúng ta có một nghĩa vụ đặc biệt là bảo vệ và gần gũi với người nghèo, người yếu thế, trẻ em và những người dễ bị tổn thương nhất, cũng như các nạn nhân của bóc lột và lạm dụng.

Cánh đồng rộng lớn này không chỉ được dọn sạch và cày xới bởi Thánh Linh tiên tri; nó cũng chờ hạt giống được gieo với sự kiên nhẫn của các Kitô hữu, với nhận thức rằng chúng ta không thể kiểm soát hay chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình. Một mục tử, là người gieo giống, sẽ không cố gắng kiểm soát mọi chi tiết. Vị ấy sẽ để lại nhiều chỗ cho những sáng kiến mới, để mọi thứ trưởng thành theo thời gian tốt đẹp riêng của chúng, và không áp đặt mọi thứ vào một khuôn mẫu. Ngài sẽ không đòi hỏi nhiều hơn những gì là hợp lý, hay khinh miệt những kết quả ít ỏi. Sự trung thành với Tin Mừng này cũng khiến chúng ta trở thành những mục tử gần gũi với dân Chúa, bắt đầu từ các linh mục anh em - những người anh em thân thiết nhất của chúng ta - những người nên là đối tượng cho sự chăm sóc đặc biệt của chúng ta.

Cách đây không lâu, tôi đã chia sẻ với các giám mục người Ý mối quan tâm của tôi là phải làm sao để các linh mục của chúng ta có thể nhìn thấy nơi giám mục của họ một người anh trai và một người cha khuyến khích họ và hỗ trợ họ trên hành trình của mình (x. Diễn từ tại Hội nghị Thường niên các Giám mục Ý, 20 tháng 5 năm 2019). Đó là tình phụ tử thiêng liêng; nó linh hứng cho một giám mục không bỏ các linh mục mình mồ côi, mà vẫn gần gũi với họ, không chỉ bằng cách luôn sẵn sàng tiếp nhận họ, mà còn bằng cách tìm kiếm họ và hỗ trợ họ khi gặp khó khăn. Giữa những niềm vui và thách thức trong sứ vụ của họ, các linh mục phải thấy nơi anh em những người cha luôn ở bên họ, sẵn sàng khuyến khích họ và hỗ trợ, đánh giá cao công việc của họ và hướng dẫn sự phát triển của họ. Công Đồng Vaticanô II đã đề cập cụ thể về điểm này như sau: “Các Giám mục phải thể hiện tình cảm đặc biệt đối với các linh mục của mình, là những người góp phần vào nhiệm vụ và mối quan tâm của các ngài và tận hiến đời mình hàng ngày cùng với các ngài với một lòng nhiệt thành tuyệt vời. Các ngài nên xem các linh mục như con trai và anh em bè bạn. Các ngài luôn phải sẵn sàng để lắng nghe họ, trong một bầu không khí tin cậy lẫn nhau, và do đó tạo điều kiện cho công việc mục vụ của toàn giáo phận” (Sắc lệnh Christus Dominus, 16).

Nghĩa vụ trần thế cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn chờ đợi kết quả của các quá trình; vào thời điểm thu hoạch, người nông dân cũng đánh giá phẩm chất các công nhân của mình. Là mục tử, anh em có một nhiệm vụ khẩn cấp là đồng hành và phân định, đặc biệt liên quan đến ơn gọi đời sống thánh hiến và chức tư tế, là một trong những điều cơ bản để bảo đảm tính xác thực của những ơn gọi đó. Mùa gặt rất dồi dào và Chúa – Đấng chỉ muốn có những người thợ thực sự - không bị giới hạn trong những cách thế Ngài mời gọi những người trẻ tuổi dâng hiến một món quà quảng đại là cuộc sống của họ. Việc đào tạo các ứng cử viên cho chức tư tế và đời sống thánh hiến một cách đúng đắn là để bảo đảm sự trưởng thành của họ và sự thanh luyện ý định của họ. Về vấn đề này, và theo tinh thần Tông Huấn Mừng rỡ Hân hoan, tôi muốn nhấn mạnh rằng lời mời gọi cơ bản, mà không có nó những thứ khác không có lý do gì để tồn tại, là lời mời gọi nên thánh và rằng “thánh thiện là bộ mặt hấp dẫn nhất của Giáo Hội” (số 9). Tôi đánh giá cao những nỗ lực của anh em nhằm bảo đảm sự hình thành những người thợ gặt chân chính và thánh thiện cho mùa gặt dồi dào đang chờ đợi chúng ta trên cánh đồng của Chúa.

Nỗ lực này cũng phải mở rộng đến thế giới rộng lớn các tín hữu giáo dân. Họ cũng được phái ra thu hoạch, cũng được mời gọi thả lưới và dành thời gian để hoạt động tông đồ, mà “trong tất cả các khía cạnh phong phú, được thực hiện cả trong Giáo Hội và trên thế giới” (Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân Apostolicam Actuositatem, 9). Trong tất cả các chiều kích, các vấn nạn và các tình huống đa dạng của nó, thế giới là một khu vực cụ thể của các hoạt động tông đồ giáo dân nơi người tín hữu được mời gọi, với lòng quảng đại và tinh thần trách nhiệm, mang đến men Tin mừng. Vì lý do này, tôi bày tỏ sự đánh giá cao của tôi đối với tất cả những sáng kiến mà anh em đã thực hiện với tư cách là mục tử để đào tạo cho anh chị em giáo dân, và không để họ cô đơn trong sứ mệnh trở thành muối của trái đất và ánh sáng của thế giới. Bằng cách này, họ có thể đóng góp vào sự biến đổi của xã hội và đời sống của Giáo Hội ở Madagascar.

Các anh em thân mến, trách nhiệm to lớn này đối với cánh đồng của Chúa phải thách thức chúng ta mở rộng trái tim và tâm trí của chúng ta và xua đuổi nỗi sợ hãi cũng như cám dỗ muốn rút lui vào chính mình và tự cắt đứt với người khác. Đối thoại huynh đệ giữa các anh em, việc chia sẻ những ân sủng và sự hợp tác giữa các Giáo Hội Đặc Thù của Ấn Độ Dương tiêu biểu cho một con đường hy vọng. Sự tương đồng của những thách thức mục vụ mà anh em gặp phải, như bảo vệ môi trường theo tinh thần Kitô giáo, hoặc vấn đề nhập cư, kêu gọi suy tư chia sẻ và phối hợp hành động trên quy mô lớn để đưa ra các phương pháp hiệu quả.

Để kết luận, tôi muốn chào hỏi một cách đặc biệt, thông qua anh em, tất cả những linh mục và những tu sĩ nam nữ già cả hay đang đau yếu. Tôi xin anh em truyền đạt cho họ tình cảm của tôi và sự bảo đảm những lời cầu nguyện của tôi cho họ, và chăm sóc họ với lòng từ ái và củng cố họ trong sứ mệnh tốt đẹp của họ là cầu nguyện cho Giáo Hội.

Có hai người phụ nữ phù hộ cho nhà thờ chính tòa này. Nhà nguyện ngay bên cạnh giữ gìn hài cốt của Chân phước Victoire Rasoamanarivo, là người đã có thể làm biết bao việc lành phúc đức, cũng như bảo vệ và truyền bá đức tin trong những thời điểm khó khăn. Ngoài ra còn có bức tượng Đức Trinh Nữ Maria, với cánh tay, vươn ra thung lũng và những ngọn đồi, dường như muốn ôm ấp mọi thứ. Chúng ta hãy cầu xin hai người phụ nữ này luôn mở rộng trái tim của chúng ta, để dạy cho chúng ta lòng từ mẫu mà những phụ nữ, như chính Chúa, cảm nhận đối với những người bị lãng quên trong cõi đời này và giúp chúng ta gieo hạt giống hy vọng.

Như một dấu chỉ khích lệ chân thành không ngừng của tôi, giờ đây tôi ban phép lành cho anh em, và gởi phép lành này đến tất cả các giáo phận của anh em.

Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi và yêu cầu những người khác cũng làm như vậy!


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ với một triệu người tại cánh đồng Soamandrakizay, Madagascar
J.B. Đặng Minh An dịch
05:14 08/09/2019
Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 8 tháng Chín, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ tại cánh đồng Soamandrakizay. Theo tin sơ khởi của báo chí địa phương, đã có ít nhất một triệu người tham dự thánh lễ này.

Đây là thánh lễ Chúa Nhật thứ 23 mùa quanh năm, trong đó Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


Phúc Âm cho chúng ta biết “đoàn lũ đông đảo dân chúng đi theo Chúa Giêsu” (Lc 14:25). Như vô số người tụ tập dọc theo lộ trình của Ngài, anh chị em cũng đã đến đây rất đông để nhận được thông điệp của Người và tiến bước theo bước chân Người. Nhưng anh chị em cũng biết rằng theo Chúa Giêsu không phải là dễ dàng. Hôm nay, Tin mừng của Thánh Luca nhắc nhở chúng ta rằng sự dấn thân ấy có những đòi hỏi cam go như thế nào.

Chúng ta nên nhận ra rằng Thánh Luca đưa ra những đòi hỏi đó trong trình thuật nói về việc Chúa Giêsu khởi hành lên Giêrusalem. Vị Thánh Sử bắt đầu với câu chuyện ngụ ngôn về bữa tiệc mà mọi người được mời, đặc biệt là những người bị ruồng bỏ sống lang thang trên đường phố, nơi quảng trường và ở ngã tư đường. Và ngài kết luận với ba “dụ ngôn về lòng thương xót”, trong đó một bữa tiệc mừng được tổ chức khi tìm lại được những gì đã mất, sau đó một người dường như chết được chào đón với niềm vui và sống lại với khả năng bắt đầu cho một khởi đầu mới. Đối với chúng ta, là các Kitô hữu, những hy sinh của chúng ta chỉ có ý nghĩa trong ánh sáng của cử hành hân hoan được gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô.

Yêu cầu đầu tiên của Chúa Giêsu liên quan đến các mối quan hệ gia đình. Cuộc sống mới mà Chúa đưa ra cho chúng ta dường như thật ngỡ ngàng và bất công một cách tai tiếng đối với những người nghĩ rằng việc vào vương quốc thiên đàng chỉ có thể bị giới hạn hoặc hạn chế trong mối quan hệ huyết thống hoặc trong vòng các thành viên của một nhóm, một gia tộc hoặc một nền văn hóa cụ thể. Khi “gia đình” trở thành tiêu chí quyết định những gì chúng ta xem là đúng là tốt, thì chung cuộc là chúng ta biện minh và thậm chí “thánh hiến” các thực hành dẫn đến thứ văn hóa đặc ân và loại trừ: thiên vị, ô dù và một hệ quả không thể tránh khỏi là tham nhũng. Thầy Chí Thánh yêu cầu chúng ta nhìn vượt lên điều này. Ngài nói rất rõ về điều đó: bất cứ ai không có khả năng nhìn thấy những người khác như anh em hay chị em của mình, hay không thể hiện được sự nhạy cảm đối với cuộc sống và hoàn cảnh của họ bất kể xuất xứ gia đình, văn hóa hay giai tầng xã hội của họ đều “không xứng làm môn đệ Ta” (Lc 14:26). Tình yêu dâng hiến của Ngài là một ân sủng nhưng không, được dành cho tất cả mọi người và hướng đến tất cả mọi người.

Yêu cầu thứ hai của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy việc theo Ngài khó đến mức nào nếu chúng ta tìm cách xác định nước thiên đàng bằng các chương trình nghị sự cá nhân hoặc sự gắn bó của chúng ta vào một ý thức hệ lạm dụng danh thánh Thiên Chúa hay tôn giáo để biện minh cho các hành vi bạo lực, phân cách và thậm chí giết người, lưu đày, khủng bố và gạt ra ngoài lề. Yêu cầu này khuyến khích chúng ta đừng làm tan loãng hay thu hẹp thông điệp Tin Mừng, nhưng thay vào đó kiến tạo lịch sử trong tình huynh đệ và tình đoàn kết, hoàn toàn tôn trọng trái đất và các quà tặng của trái đất, đối kháng triệt để với bất kỳ hình thức bóc lột nào. Nó khuyến khích chúng ta thực hành coi “đối thoại là con đường; hợp tác lẫn nhau là quy tắc ứng xử; hiểu biết lẫn nhau là phương pháp và tiêu chuẩn” (Tài liệu về Tình Huynh Đệ Nhaân Loại, Abu Dhabi, ngày 4 tháng 2 năm 2019). Và không bị cám dỗ bởi những lời dạy phủ nhận rằng lúa mì và cỏ lùng không thể cùng nhau phát triển cho đến khi Thầy trở lại để thu hoạch (x. Mt 13: 24-30).

Cuối cùng, thật khó khăn để chia sẻ cuộc sống mới mà Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta liên tục bị thúc đẩy để tự biện minh, bởi vì chúng ta nghĩ rằng mọi thứ phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực và nguồn lực của chúng ta! Hoặc, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất, khi cuộc đua tích lũy tài sản trở nên ngột ngạt và áp đảo, thì điều này chỉ làm tăng sự ích kỷ của chúng ta và khiến chúng ta sẵn sàng sử dụng các phương tiện vô đạo đức. Yêu cầu của Chúa Giêsu là chúng ta khám phá lại làm sao để biết ơn và nhận ra rằng cuộc sống và tài năng của chúng ta là kết quả của một ân sủng chứ không phải là do thành tựu cá nhân (x. Tông huấn Mừng rỡ Hân hoan, 55), đó là một ân sủng được Thiên Chúa tác thành thông qua sự tương tác thầm lặng của rất nhiều người mà chúng ta sẽ chỉ biết tên trên nước thiên đàng.

Với ba yêu cầu này, Chúa muốn chuẩn bị các môn đệ của Người cho việc đón mừng vương quốc của Thiên Chúa và giải thoát họ khỏi chướng ngại vật nghiêm trọng, mà tối hậu, là một trong những hình thức nô lệ tồi tệ nhất: đó là chỉ sống vì chính mình. Đó là sự cám dỗ để trở lại vũ trụ nhỏ bé của chúng ta, và chung cuộc chỉ để lại một không gian nhỏ nhoi cho những người khác. Người nghèo không còn bước vào bên trong, chúng ta không còn nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa, chúng ta không còn tận hưởng những niềm vui yên tĩnh trong tình yêu của Người, chúng ta không còn háo hức để làm điều thiện. .. Nhiều người, bằng cách đóng chặt cõi lòng như thế, có thể cảm nhận “sự an toàn bề ngoài”, tuy nhiên họ rơi vào tình trạng cay đắng, buồn rầu và thiếu sức sống. Đây không phải là cách để sống một cuộc sống viên mãn và đúng phẩm giá; đó không phải là ý muốn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, cũng không phải là sự sống trong Thánh Linh có nguồn gốc từ trái tim của Chúa Kitô phục sinh (x. Niềm Vui Phúc Âm, 2).

Với những đòi hỏi này, Chúa, trên đường hướng về Giêrusalem, yêu cầu chúng ta nâng tầm nhìn, điều chỉnh các thứ tự ưu tiên của chúng ta và trên hết, dành chỗ cho Chúa trở thành trung tâm và các trục tham chiếu trong cuộc đời chúng ta.

Nhìn xung quanh, chúng ta có thể thấy biết bao những người nam nữ, thanh niên và trẻ em đang đau khổ và quẫn bách! Đây không phải là một phần của kế hoạch của Thiên Chúa. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta một cách khẩn thiết biết bao hãy tận diệt thói quy hướng vào chính mình, chủ nghĩa cá nhân và niềm tự hào của chúng ta! Như thế, chúng ta mới có thể để cho tinh thần huynh đệ chiến thắng – đó là tinh thần được nảy sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu qua của Chúa Giêsu Kitô, là tinh thần trong đó chúng ta được sinh ra như gia đình của Chúa - và trong đó mọi người có thể cảm thấy được yêu thương, cảm thông, chấp nhận và nhân phẩm của mình được đánh giá cao. “ Đối mặt với sự khinh miệt phẩm giá con người, chúng ta thường khoang tay đứng nhìn hoặc giơ hai tay lên cao như là một dấu chỉ thất vọng trước sức mạnh tàn nhẫn của cái ác. Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta không thể đứng khoanh tay thờ ơ, hoặc vươn tay ra trong bất lực. Là các tín hữu, chúng ta phải chìa bàn tay ra, như Chúa Giêsu đã làm với chúng ta “ (Bài giảng cho Ngày Thế giới của người nghèo, 18 Tháng 11 2018).

Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe mời gọi chúng ta một lần nữa, hãy dám thực hiện bước nhảy vọt định tính này và chọn lựa sự khôn ngoan không dính bén của cải cá nhân này làm cơ sở cho công bằng xã hội và cho cuộc sống cá nhân của chúng ta. Cùng nhau, chúng ta có thể chống lại tất cả những hình thức thờ ngẫu tượng khiến chúng ta chỉ nghĩ về những bảo đảm an ninh phù phiếm như quyền lực, sự nghiệp, tiền bạc và việc tìm kiếm vinh quang của con người.

Những đòi hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra trước chúng ta không còn là gánh nặng nữa ngay khi chúng ta bắt đầu nếm trải niềm vui của cuộc sống mới mà chính Ngài đặt ra trước chúng ta. Đó là niềm vui nảy sinh khi biết rằng Ngài là người đầu tiên tìm kiếm chúng ta ở ngã tư đường, ngay cả khi chúng ta lạc lối như con chiên lạc hay đứa con hoang đàng. Cầu xin cho hiện thực khiêm nhường này truyền cảm hứng cho chúng ta dám đón nhận những thử thách lớn lao và ban cho anh chị em niềm khát khao biến đất nước xinh đẹp của mình thành nơi mà Tin Mừng trở thành sự sống, và nơi cuộc sống là vì vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy dấn thân và thực hiện kế hoạch của Chúa cho chúng ta.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin tại cánh đồng Soamandrakizay, Madagascar
J.B. Đặng Minh An dịch
05:56 08/09/2019
Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 8 tháng Chín, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ tại cánh đồng Soamandrakizay. Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin. Trong diễn từ trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, khi kết thúc buổi lễ này, tôi xin gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em!

Từ thâm tâm, tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Razanakolona vì những lời tốt đẹp của ngài, và cùng với ngài, là các anh em giám mục khác, các linh mục, những người sống đời tận hiến, các cặp vợ chồng và gia đình của họ, các giáo lý viên và tất cả các tín hữu.

Nhân dịp này tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Tổng thống Cộng hòa và chính quyền dân sự của quốc gia này vì sự chào đón quảng đại dành cho tôi, cũng như tất cả những người đã đóng góp theo nhiều cách khác nhau cho kết quả thành công của chuyến viếng thăm này. Xin Chúa ân thưởng cho anh chị em và chúc phúc cho tất cả mọi người, nhờ lời cầu bầu của Chân phước Raphaël Louis Rafiresa, mà thánh tích của ngài được cất giữ gần bàn thờ này, và Chân phước Victoire Rasoamanarivo.

Và giờ đây, chúng ta hãy hướng lời cầu nguyện lên Đức Trinh Nữ trong ngày kính nhớ Sinh Nhật Mẹ, rạng đông của ơn cứu rỗi cho nhân loại. Xin Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội, là Đấng mà anh chị em yêu thương và tôn kính như Mẹ và Đấng bảo trợ của anh chị em, luôn đồng hành cùng Madagascar trong hòa bình và hy vọng.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha với các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh Madagascar
J.B. Đặng Minh An dịch
16:51 08/09/2019


Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc chuyến viếng thăm Madagascar với cuộc gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Đại học Tổng Lãnh Thiên Thần Micae tối ngày Chúa Nhật 8 tháng 9 năm 2019. Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi cảm ơn anh chị em vì sự chào đón nồng nhiệt. Trước hết tôi muốn được gởi lời chào đến tất cả các linh mục và những người sống đời thánh hiến không thể ở bên chúng ta hôm nay vì sức khỏe kém, tuổi cao hoặc những lý do khác.

Tôi kết thúc chuyến thăm Madagascar ở đây với anh chị em. Khi chứng kiến niềm vui của anh chị em và nghĩ về mọi thứ khác mà tôi đã thấy trong thời gian ngắn ngủi trên đảo của anh chị em, trái tim tôi vang vọng những lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng của Thánh Luca. Tràn đầy niềm vui, Ngài thốt lên rằng: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Lc 10:21). Niềm vui của tôi đã được củng cố bởi những chứng từ của anh chị em, vì ngay cả những điều anh chị em thấy là vấn đề thì đó cũng là dấu chỉ của một Giáo Hội sống động, năng động và phấn đấu mỗi ngày để trở thành dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa.

Điều này khiến chúng ta phải nhớ đến với lòng biết ơn tất cả những người trong những năm qua đã không sợ gắn bó cuộc sống của họ với Chúa Giêsu Kitô và vương quốc của Người. Hôm nay anh chị em cũng chia sẻ di sản của các vị ấy. Tôi nghĩ đến những linh mục, tu sĩ Dòng Vinh Sơn, Dòng Tên, Dòng Chị em Thánh Joseph Cluny, Dòng Anh em các trường Công Giáo, Dòng truyền giáo Đức Mẹ La Salette và rất nhiều giám mục, linh mục và các tu sĩ nam nữ khác. Tôi cũng nghĩ đến nhiều giáo dân là những người đã giữ cho ngọn lửa đức tin ở vùng đất này mãi cháy sáng trong những ngày tháng bách hại khó khăn khi nhiều nhà truyền giáo và các linh mục, tu sĩ phải ra đi. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng bí tích rửa tội của chúng ta là bí tích lớn đầu tiên ghi dấu và thánh hiến chúng ta như con cái của Chúa. Mọi thứ khác là một diễn đạt và biểu hiện của tình yêu đầu tiên, mà chúng ta liên tục được kêu gọi để canh tân.

Những lời của Tin Mừng mà tôi trích dẫn ở trên là một phần trong lời cầu nguyện tán tụng của Chúa khi Ngài chào đón bảy mươi hai môn đệ trở về sau sứ mệnh của họ. Như anh chị em, những môn đệ này đã chấp nhận thách thức trong việc trở thành một Giáo Hội “tiến ra”. Các ngài trở về với những túi đầy, để chia sẻ mọi thứ mà họ đã thấy và đã nghe. Anh chị em cũng dám tiến ra, và anh chị em đã chấp nhận thử thách mang ánh sáng Tin Mừng đến các phần khác nhau của hòn đảo này.

Tôi biết rằng nhiều anh chị em phải sống trong những điều kiện khó khăn và thiếu các dịch vụ thiết yếu như nước, điện, đường xá và phương tiện liên lạc, hay các nguồn tài chính cần thiết cho cuộc sống và hoạt động mục vụ của anh chị em. Không ít anh chị em cảm thấy gánh nặng của những người hoạt động tông đồ và ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe của mình. Tuy nhiên, anh chị em đã chọn đứng bên cạnh người dân của mình, ở lại giữa họ. Tôi cảm ơn anh chị em vì điều này. Tôi cảm ơn anh chị em vì chứng tá chọn lựa ở lại và không biến ơn gọi của mình thành một “viên đá lót đường cho một cuộc sống tốt hơn”. Anh chị em vẫn ở lại với nhận thức, như Nữ Tu [Suzanne Marianne Raharisoa] đã nói, “trước tất cả những khó khăn và nhược điểm của chúng ta, chúng ta vẫn hoàn toàn dấn thân cho sứ mệnh truyền giáo vĩ đại”. Những người tận hiến, theo nghĩa rộng của thuật ngữ này, là những người nam nữ đã học được cách giữ cho mình gần gũi trái tim Chúa và trái tim dân tộc mình.

Khi đón các môn đệ trở về và lắng nghe niềm vui của họ, Chúa Giêsu ngay lập tức ca ngợi và chúc tụng Cha trên trời. Điều này làm cho chúng ta thấy một cái gì đó rất cơ bản trong ơn gọi của chúng ta. Chúng ta là những người nam nữ ngợi khen chúc tụng Chúa. Những người tận hiến có thể nhận ra và chỉ ra sự hiện diện của Thiên Chúa bất cứ nơi nào họ sống. Hơn thế nữa, họ có thể nương náu trong sự hiện diện của Ngài vì họ đã học được cách thưởng thức, tận hưởng và chia sẻ sự hiện diện đó.

Trong lời chúc tụng, chúng ta khám phá vẻ đẹp của bản sắc của chúng ta như là một phần của một dân tộc. Việc ngợi khen chúc tụng giải phóng các môn đệ tử khỏi nỗi ám ảnh về “những gì phải được thực hiện”; nó phục hồi nhiệt tình truyền giáo của chúng ta và ước muốn ở lại giữa dân mình. Tán tụng ca khen giúp chúng ta tinh chỉnh các “tiêu chí” mà chúng ta đưa ra để xem xét chính mình và những người khác, cũng như tất cả các dự án truyền giáo của chúng ta. Bằng cách này, nó giữ chúng ta khỏi đánh mất “hương vị” phúc âm của mình.

Chúng ta thường rơi vào cám dỗ lãng phí thời gian của mình để nói về “thành công” và “thất bại”, tính chất “hữu dụng” của những gì chúng ta đang làm hay “ảnh hưởng” mà chúng ta có thể gây nên. Chung cuộc, những cuộc thảo luận như thế chiếm trọn thời gian và, không hiếm khi, làm cho chúng ta, giống như các bại tướng, mơ về những dự án tông đồ rộng lớn, được lên kế hoạch tỉ mỉ. Cuối cùng, chúng ta phủ nhận lịch sử của chính mình - và lịch sử của dân tộc mình - một lịch sử thật vinh quang vì đó là lịch sử của hy sinh, hy vọng, đấu tranh hàng ngày, một cuộc sống trung thành với công việc, mệt mỏi như có thể xảy ra (x. Niềm Vui Phúc Âm, 96).

Khi ngợi khen tán tụng Chúa, chúng ta học cách không trở thành “mê sảng”, biến phương tiện thành cùng đích, hay những điều không cần thiết thành tối quan trọng. Chúng ta giành được tự do để bắt đầu quá trình chứ không phải là tìm cách lấp đầy chỗ trống (x ibid., 233), tự do thúc đẩy bất cứ điều gì mang lại sự tăng trưởng, phát triển và sinh hoa trái cho dân Chúa, thay vì tự phụ trên những “thu hoạch” mục vụ dễ dàng và chóng vánh, nhưng không bền. Phần lớn cuộc sống của chúng ta, niềm vui của chúng ta và kết quả truyền giáo của chúng ta phải được thực hiện với lời mời gọi tán tụng ngợi khen của Chúa Giêsu. Romano Guardini, một người khôn ngoan và thánh thiện, thường nói: “Ai tôn thờ Thiên Chúa trong sâu thẳm trong trái tim mình thì sống trong sự thật qua những hành động cụ thể của mình, bất cứ khi nào có thể. Người ấy vẫn có thể bị nhầm lẫn về nhiều thứ, vẫn có thể bị choáng ngợp và kinh hoàng vì tất cả các quan tâm của mình, nhưng khi tất cả đã được nói và làm, cuộc sống của người ấy vẫn được dựa trên một nền tảng vững chắc” (R. Guardini, Glaubenserkenntnis, Mainz, 3rd ed., 1997, tr. 17).

Bảy mươi hai môn đệ nhận ra rằng sự thành công trong sứ mệnh của họ phụ thuộc vào việc sứ mạng ấy được thực hiện “nhân danh Chúa Giêsu”. Đó là điều làm họ ngạc nhiên. Nó không liên quan gì đến những nhân đức, tên tuổi hay chức tước của họ. Không cần phải tuyên truyền về chính mình; không phải là danh tiếng hay viễn kiến của họ đã khuấy động và cứu rỗi người khác. Niềm vui của các môn đệ được nảy sinh từ xác tín của các ngài rằng các vị đã hành động nhân danh Chúa, chia sẻ trong kế hoạch của Người và tham gia vào cuộc đời của Người, đó là những điều mà các ngài yêu thích đến mức muốn chia sẻ với những người khác.

Thật thú vị khi thấy Chúa Giêsu tổng kết công việc của các môn đệ bằng cách nói về chiến thắng trước sức mạnh của Satan, một sức mạnh mà chúng ta, không bao giờ có thể vượt qua, nếu không nhân danh Chúa Giêsu! Mỗi người trong chúng ta đều có thể làm chứng cho những trận chiến.. không thiếu những lần chiến bại. Trong tất cả những tình huống mà anh chị em đề cập khi anh chị em nói về những nỗ lực truyền giáo của mình, anh chị em chiến đấu với trận chiến tương tự nhân danh Chúa Giêsu. Nhân danh Ngài, anh chị em chiến thắng sự dữ bất cứ khi nào anh chị em dạy mọi người ca ngợi Cha chúng ta trên trời, hay chỉ đơn giản là dạy Kinh Thánh và giáo lý, hay thăm viếng người bệnh và mang đến cho họ niềm an ủi. Nhân danh Chúa Giêsu, anh chị em chiến thắng bất cứ khi nào anh chị em cho một đứa trẻ cái gì đó để ăn, hoặc cứu một người mẹ khỏi tuyệt vọng khi phải cô đơn đối diện với mọi thứ, hay cung cấp công việc cho một người cha gia đình. Trận chiến được chiến thắng bất cứ khi nào anh chị em vượt qua sự ngu dốt bằng cách cung cấp một nền giáo dục. Anh chị em mang đến cho người dân sự hiện diện của Chúa bất cứ khi nào ai trong anh chị em giúp thể hiện sự tôn trọng đối với tất cả các thụ tạo, trong trật tự xứng hợp và sự hoàn hảo của chúng và ngăn chặn việc lạm dụng hoặc khai thác. Đó là dấu hiệu chiến thắng của Chúa mỗi khi anh chị em trồng cây hoặc giúp mang lại nguồn nước uống cho một gia đình. Thật là một dấu hiệu tuyệt vời của chiến thắng trước cái ác, bất cứ khi nào anh chị em làm việc để giúp hàng ngàn người khôi phục được sức khỏe tốt!

Hãy tiếp tục chiến đấu những trận chiến này, nhưng luôn luôn cầu nguyện và ngợi khen.

Cũng có những trận chiến mà chúng ta chiến đấu trong chính mình. Thiên Chúa có thể phá hỏng ảnh hưởng của tinh thần ma quỷ, là điều rất thường gợi lên trong chúng ta “một mối quan tâm quá mức đến tự do cá nhân và sự thư giãn, dẫn chúng ta đến chỗ thấy công việc của mình chỉ như một phần phụ trong cuộc sống chứ không phải là một phần trong chính bản sắc của chúng ta. Trong khi đó, đời sống tinh thần bị đồng hoá với một vài cuộc linh thao có thể cung cấp một chút ủi an nhất định, nhưng không khuyến khích nổi cuộc gặp gỡ với những người khác, dấn thân với thế giới hay một niềm đam mê truyền giáo” (Niềm Vui Phúc Âm, 78). Kết quả là, thay vì là những người nam nữ ngợi khen chúc tụng, chúng ta trở thành các “chuyên gia tâm linh”. Chúng ta hãy đánh bại tinh thần ma quỷ ngay trên địa giới của chính nó. Bất cứ khi nào nó bảo chúng ta đặt niềm tin vào an ninh tài chính, những không gian quyền lực và vinh quang con người, chúng ta hãy đáp lại bằng trách nhiệm truyền giáo và sự thanh bần, là những điều truyền cảm hứng cho chúng ta cống hiến cuộc đời mình cho sứ vụ (x. thd., 76). Chúng ta đừng cho phép mình bị cướp mất niềm vui truyền giáo!

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu ngợi khen Cha vì đã tiết lộ những điều này với những “kẻ bé mọn”. Chúng ta thực sự là những kẻ bé mọn, vì niềm vui của chúng ta, hạnh phúc của chúng ta, được tìm thấy một cách chính xác trong mặc khải của Người mà những người đơn sơ bé mọn có thể “nghe thấy và nhìn thấy” trong khi những gì những bậc thông minh, tiên tri, vua chúa quan quyền không thể nghe, không thể thấy. Chính là vì Chúa hiện diện nơi những người đau khổ và bị thương tích, những người đói khát công lý, và những ai có lòng xót thương (x. Mt 5: 3-12; Lc 6: 20-23). Hạnh phúc thay anh chị em, hạnh phúc thay một Giáo Hội của người nghèo và cho người nghèo, một Giáo Hội thấm đẫm hương thơm của Chúa, một Giáo Hội sống trong hân hoan bằng cách rao giảng Tin mừng cho những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, và cho những người gần gũi nhất với trái tim Chúa.

Xin hãy truyền đạt đến cộng đồng của anh chị em tình cảm của tôi và sự gần gũi của tôi, những lời cầu nguyện của tôi và phước lành của tôi. Giờ đây tôi ban phép lành cho anh chị em nhân danh Chúa, tôi xin anh chị em nghĩ về cộng đồng và nơi truyền giáo của anh chị em, để Chúa có thể tiếp tục nói về những điều thiện hảo cho tất cả mọi người, dù họ ở bất cứ nơi đâu. Cầu xin cho anh chị em có thể tiếp tục là một dấu chỉ cho sự hiện diện sống động của Chúa ở giữa chúng ta!

Đừng quên cầu nguyện cho tôi và yêu cầu những người khác cũng làm như vậy! Cảm ơn anh chị em!


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng bổn mạng ca đoàn Lêgiô Mariae
Nguyễn Trọng Đa
08:54 08/09/2019
“Con người chúng ta sinh ra không chỉ là để sống, để ăn mặc, đi tu hay lập gia đình, mà sinh ra là để đón nhận lời hứa và đem ơn cứu độ cho muôn người”.

Trên đây là lời chia sẻ của Lm Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, trong Thánh lễ mừng kính Sinh Nhật Đức Maria – bổn mạng của ca đoàn Lêgiô Mariae giáo xứ Vĩnh Hòa, diễn ra lúc 17g30 thứ Bảy ngày 07.09.2019, do ngài chủ sự.

Xem Hình

Tham dự trong Thánh lễ, ngoài các thành viên trong ca đoàn Lêgiô Mariae còn có quí vị khách mời cùng đông đảo cộng đoàn dân Chúa trong giáo xứ cùng đến hiệp dâng.

Trong phần giảng lễ, Lm Gioakim chia sẻ: Theo lẽ thông thường, khi chúng ta đến mừng sinh nhật một người nào đó thì chúng ta thường mang theo một món qùađể chúc mừng. Hôm nay, chúng ta đến tham dự Thánh lễ mừng Sinh Nhật Đức Maria, cộng đoàn chúng ta có chung một món quà duy nhất là hãy vui mừng ca tụng và tung hô Mẹ. Bởi vì, Mẹ là mẹ Thiên Chúa, Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn từ khi còn nằm trong cung lòng mẹ để làm trung gian trong chương trình cứu độ nhân loại. Vì vậy, con người chúng ta sinh ra không chỉ là để sống, để ăn mặc, đi tu hay lập gia đình, mà sinh ra để đón nhận lời hứa và đem ơn cứu độ đến cho muôn người. Như vậy, đối với người Kitô hữu chúng ta có hai lần sinh ra, lần thứ nhất là sinh ra từ trong lòng người mẹ và mang dáng dấp tội tổ tông truyền, lần thứ hai là khi chúng ta Rửa tội và được làm con Thiên Chúa. Vì thế, mỗi người chúng ta sinh ra là để đón nhận ơn cứu độ và loan truyền lời hứa đến cho muôn người.

Sau bài giảng, Lm chủ tế trao Bằng Bổ nhiệm cho ông Đaminh Đinh Đồng Lộc, Đoàn trưởng, anh Giuse Ngô Hồng Phước, Ca trưởng, và chị Maria Đàm Thị Bích Lệ, Thủ quỹ ca đoàn Lêgiô Mariae nhiệm kì 2020 – 2024 ngay trước thềm cung thánh.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Đaminh Đinh Đồng Lộc, thay mặt ca đoàn lên ngỏ lời cảm ơn Lm chánh xứ cùng mọi thành phần dân Chúa đã đến cầu nguyện và hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng, và bó hoa tươi thắm gói ghém tâm tình cảm mến và lòng biết ơn vị mục tử đã tận tình chăm sóc đàn chiên giáo xứ được vị đại diện dâng lên trong tiếng pháo tay giòn giã của cộng đoàn. Đáp từ, thay mặt cộng đoàn phụng vụ, Lm Gioakim cảm ơn và chúc mừng bổn mạng ca đoàn và gia đình các ca viên được tràn đầy hồng ân Thiên Chúa, cảm ơn người thân trong gia đìnhđã tạo điều kiện để cho các anh chị có thời gianđi tập hát trong Thánh lễ sáng lúc 5g00 và 17g30 thứ Hai hàng tuần. Ngoài ra, ca đoàn phụ trách hát lễ lúc 16g00 chiều Chúa Nhật tuần I trong tháng.

Thánh lễ khép lại lúc 18g30. Sau Thánh lễ, Lm chủ tế cùng cộng đoàn tiến ra trước Linh Đài Đức Mẹ đọc một kinh Lạy Cha, mười kinh Kính Mừng cầu nguyện cho ca đoàn và giáo xứ luôn được bình an.

Được biết, ca đoàn Lêgiô Mariae hiện nay có 18 ca viên đến từ trong và ngoài giáo xứ Vĩnh Hòa, ca đoàn đã chọn ngày Sinh Nhật Đức Mẹ làm quan thầy, và đây cũng là năm đầu tiên ca đoàn tổ chức mừng bổn mạng.
 
Phụ tỉnh Salêdiêng miền Bắc Việt Nam
Văn Hào SDB
18:30 08/09/2019
Phụ tỉnh Salêdiêng miền Bắc Việt Nam

Phụ tỉnh Salêdiêng miền Bắc Việt Nam chính thức khởi đầu với Thánh lễ tại lúc 10:30 sáng ngày 7/9/2019 tại Nhà thờ Giáo xứ Thánh Phêrô ở Vạn Phúc (Hà Nội ) do cha Giuse Nguyễn Văn Quang (Giám tỉnh Việt Nam - Mông Cổ) chủ tế và 40 linh mục Salesian đồng tế với sự tham dự của một số các thành viên trong gia đình Salesian (như quí sơ Dòng Con Cái Đức Mẹ Phù hộ FMA, các Công tác viên Salesian và hai Chí nguyện viên Don Bosco VDB). Cha Toma Aquinas TRẦN Quốc Tuấn (cha xứ giáo xứ Vạn Phúc) là cha phụ tỉnh với nhiệm kỳ 3 năm, ngoài ra, một ban có vấn cũng ngài cũng được công bố trong dịp này.

Đây là phụ tỉnh thứ hai của tỉnh dòng Việt nam gồm phụ tỉnh Mông Cổ và nay là phụ tỉnh Miền Bắc Việt Nam. Phụ tỉnh chính thức được Bề trên cả châu phê vào thứ Bảy 07/09/2019. Cha Bề Trên Cả đã chính thức phê chuẩn việc thiết lập Phụ tỉnh miền Bắc, với sự đồng thuận của Ban Tổng Cố vấn của Ngài vào tháng Sáu vừa qua.

Phụ tỉnh Salêdiêng miền Bắc Việt Nam


Theo tài liệu do cha Trần Văn Hào SDB cho hay thì phụ tỉnh miền Bắc Việt Nam hiện có 10 cộng đoàn, trải dài từ Hà Tĩnh đến vùng biên giới phía Bắc, gồm các cộng đoàn sau: Kỳ Anh (Hà tĩnh); Quảng Nạp (Phát Diệm); Dương A (Bùi Chu); Trại Gạo (Thái bình); Cát Đàm (Thái Bình); Đức Ninh (Hưng Yên – Thái Bình); Vạn Phúc (Hà nội); Hoà An (Bắc Ninh); Ngạn Sơn (Lạng Sơn) và Lào Cai (Hưng Hoá).

Trong số 10 cộng đoàn (communities) nêu trên, chỉ có 3 cộng đoàn đã được chính thức thiết lập theo giáo luật (canonically erected) và mỗi cộng đoàn đó phải có ít nhất 4 hội viên đã tuyên khấn trọn đời, đó là cộng thể Cát Đàm, cộng thể Kỳ Anh và cộng thể Hoà An. Trong Tỉnh dòng Việt nam (VIE), anh em đã thống nhất cách gọi ‘Cộng thể’ đối với những cộng đoàn như thế. Còn những cộng đoàn khác chưa đủ con số hội viên khấn trọn (4 SDB) như giáo luật đòi hỏi, anh em dùng cách gọi là ‘cộng đoàn’, cho dù hạn từ theo giáo luật hoặc theo Hiến luật vẫn chỉ có 1 từ ngữ duy nhất, là ‘Community’ (communauté hay communitá). Đây là hướng dẫn chính thức từ văn phòng trung ương của Cha Bề Trên cả tại Rôma.

Cha Bề trên miền Á Châu và một vài hội viên của Phụ tỉnh


Cộng đoàn Lào Cai còn có thêm một Hiện diện (Salesian Presence) trực thuộc, đó là Hiện diện ‘Hương Tran’ (Hưng Hoá) và cộng đoàn Hoà An có thêm một vệ tinh kèm theo, đó là Hiện diện Nông Vụ (Hà nội – Bắc Ninh).

Tổng số anh em SDB tại Phụ tỉnh miền Bắc hiện nay là 44 hội viên, trong đó có 11 Sư huynh Salêdiêng.

Trong văn thư phê chuẩn việc thiết lập Phụ tỉnh miền Bắc Việt Nam, Cha Bề Trên Cả nói tới 3 lý do:

+ Vì khoảng cách địa lý khá xa xôi giữa các cộng đoàn tại miền bắc đối với trụ sở của tỉnh dòng tại miền nam, việc thiết lập phụ tỉnh sẽ giúp cho việc sinh động và cai quản trong tỉnh dòng được thuận lợi hơn.

+ Để phục vụ cho nhu cầu mục vụ tại các giáo phận tại miền Bắc.

+ Để tiếp cận các thanh thiếu thiếu niên nghèo khổ và bị bỏ rơi tại những vùng ven xa xôi (peripheries) ở miền bắc theo sứ mệnh Salêdiêng, đạt được hiệu quả tốt hơn hơn.

Trên toàn thế giới, hiện nay dòng Salêdiêng có tất cả 10 Phụ tỉnh. Riêng trong miền Đông Á – Châu Đại Dương (EAO) đã có tới 5 (hoặc 6) Phụ tỉnh, đó là các phụ tỉnh Thái Bình Dương ( Pacific delegation) với 30 hội viên, gồm có Tân Tây Lan, đảo quốc Fiji và đảo quốc Samoa; phụ tỉnh Pakistan với 12 hội viên; phụ tỉnh Mongolia với 12 hội viên; phụ tỉnh Cambodia với 23 hội viên và phụ tỉnh miền bắc Việt Nam với 44 hội viên.

Theo cắt nghĩa từ trung ương, các Phụ tỉnh (delegation) không phải là những đơn vị hành chính độc lập như các Tỉnh dòng (province) hay các Á tỉnh (vice- province), nên các phụ tỉnh không có ký hiệu riêng (như tỉnh dòng Việt nam có ký hiệu VIE, tỉnh dòng bắc Phi luật tân có ký hiệu FIN, Á tỉnh Papua New Guinea – đảo Solomon có ký hiệu PGS…). Các phụ tỉnh cũng không có thánh hiệu (hay thánh Bổn mạng). Mỗi phụ tỉnh đều có quy chế riêng tương hợp với hiên trạng đặc thù của phụ tỉnh đó. Quy chế này sẽ do tỉnh dòng đề xuất và được cha Bề Trên cả chuẩn nhận.

Cha Bề Trên Phụ tỉnh tiên khởi (hay từ ngữ theo Hiến luật là ‘Delegate/ Delegato – Uỷ viên) của Phụ tỉnh miền Bắc Việt Nam là cha Tôma Aquinô Trần Quốc Tuấn, SDB. Ngài được Cha Bề Trên cả bổ nhiệm với nhiệm kỳ 3 năm.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tài liệu năm 2014 về Linh Hứng của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh , Phần II: chứng từ Cựu Ước II
Vũ Văn An
18:04 08/09/2019
2.3 Các sách lịch sử

70. Việc trình bày lịch sử Israel, như được các sách Kinh Thánh đề cập, đặc biệt là những cuốn sách "lịch sử" (Giôsuê, Thủ Lãnh, 1-2 Samuen, 1-2 Vua, 1-2 Sử Biên, Étra, Nơkhemi; 1-2 Macabê), không tạo thành một phép chép sử theo nghĩa hiện đại, hiểu như một ghi chép các sự kiện trong quá khứ theo thứ tự thời gian (chronique), càng khách quan càng tốt. Bất cứ nỗ lực giải thích nào đối với các câu chuyện lịch sử trong Kinh thánh theo quan điểm như vậy sẽ gặp nguy cơ đọc các bản văn một cách xa lạ đối với ý hướng của chúng, và không thu thập được đầy đủ ý nghĩa của chúng.

Việc trình bày của Kinh Thánh về lịch sử phát triển hài hòa trên nền tảng của thần học về sáng thế, nghĩa là, như đã được trình bầy trong các trang đầu tiên của Kinh thánh (xem số 67 ở trên), bao lâu lịch sử cho phép ta làm chứng cho kinh nghiệm về Thiên Chúa, và trong điều này cho thấy rằng chính Người hành động bằng cách cứu con người bên trong chính lịch sử (xem Gs 24). Do đó, phép chép sử của Kinh Thánh tìm cách cho thấy rằng ý chí cứu độ của Thiên Chúa có ý nghĩa hoàn toàn được sắp đặt vì lợi ích của nhân loại.

Các trình thuật lịch sử của Kinh Thánh không chỉ cho thấy các biến cố tích cực của lịch sử. Trái lại, chúng còn cho thấy, giữa các biến cố mâu thuẫn của con người, Thiên Chúa biểu lộ ý định không ngừng của Người ra sao để thể hiện việc cứu rỗi nhân loại. Theo cách này, lịch sử Kinh thánh (xem Tl 6:36; 2 Sm 22:28) mặc khải Người như "Vị cứu tinh".



Mặt khác, sự thân mật của Thiên Chúa với con người, do các câu chuyện Kinh Thánh chứng thực, được trình bày như một lịch sử giao ước, bắt đầu là giao ước với Nôê, vì toàn nhân loại, tiếp theo là các giao ước có liên quan đến lịch sử Israel. Giao ước, mà Thiên Chúa cung ứng cho dân của Người, trong con người của Ápraham, và sau đó là giao ước được long trọng ký với Israel tại Núi Sinai, liên tục bị người dân vi phạm xuyên suốt lịch sử của họ, đến nỗi đặc điểm dứt khoát của nó duy nhất nối kết với việc trung thành với chính Thiên Chúa.

Do đó, chương trình thần học của phép chép sử Kinh thánh có thể được định nghĩa trước hết như là thần - học theo nghĩa đen của từ ngữ - diễn ngôn về Thiên Chúa, tìm cách biểu lộ sự trung tín của Thiên Chúa trong tương quan của Người với con người. Điều này được xác nhận trong việc loan báo một giao ước mới trong Grm 31: 31. Đó là giao ước của Thiên Chúa, Đấng, suốt trong lịch sử, đã dẫn dắt dân Người đến sự cứu rỗi bên cạnh Người và với Người.

2.4 Các sách tiên tri

71. Lời tiên tri trong Kinh Thánh chứng thực một cách đáng chú ý đặc biệt đối với việc Thiên Chúa tự mặc khải Người ra, vì lời nhân bản của các Tiên tri hoàn toàn trùng khớp với Lời của Thiên Chúa: "Chúa phán như thế" là một công thức điển hình của lối văn chương này. Đặc điểm chủ yếu của việc mặc khải này là nó can thiệp vào giữa lịch sử con người, các biến cố mà niên đại có thể kiểm chứng được, trong những lời lẽ được ngỏ cùng các nhân vật cụ thể, được nói ra bởi các tác nhân nhân bản mà tên, nguồn gốc và thời đại thường được biết đến. Kế sách vĩnh cửu của Thiên Chúa trong việc thiết lập với nhân loại một giao ước tình yêu (xem Dei Verbum 2) được các Tiên tri hiểu biết (xem Am 3: 7), và được các ngài công bố cho Israel và mọi quốc gia, để sự thật chân chính của Thiên Chúa và của lịch sử được biểu lộ cho mọi người.

Một số đặc điểm đặc trưng có thể được ấn định bên trong các lời lẽ tiên tri, rất phong phú và là các dấu chỉ sự khôn ngoan vô hạn của Thiên Chúa. Các đặc điểm này làm ta có thể vẽ ra khuôn mặt của Thiên Chúa chân thật và đóng góp vào sự gắn bó nhất trí của đức tin.

a. Thiên Chúa trung thành

Các tiên tri tiếp nối nhau trong lịch sử, theo lời hứa của Chúa: "Ta sẽ khiến một tiên tri trỗi dậy giữa anh em của chúng, một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt lời nói của Ta vào miệng nó và nó sẽ nói với họ tất cả những điều Ta sẽ truyền cho nó"(Đnl 18:18). Trong một sự kế tục tiên tri, đặc sủng của Môsê (xem Đnl 18:15) được truyền đến những người, đến lượt họ, trở thành chứng nhân cho lòng trung tín của Thiên Chúa đối với giao ước của Người (xem Is 38:18-19; 49:7), chứng nhân cho lòng nhân từ trải dài qua hàng ngàn thế hệ (xem Xh 34:7, Đnl 5:10; 7:9; Grm 32:18). Thiên Chúa là nguồn gốc của phận người, người Cha mà từ đó sự sống phát sinh, không từ bỏ (xem Is 41:17, Hs 11:8) không quên các tạo vật của Người (xem Is 44:21; 54:10; Grm 31:20): "Một người phụ nữ có thể nào quên đứa con của mình không, không còn sự dịu dàng âu yếm đứa con trai của lòng dạ mình nữa không? Ngay cả khi người mẹ ấy quên nó đi nữa, Ta cũng sẽ không quên con" (Is 49:15).



Các Tiên tri, được Chúa không mệt mỏi gửi đến (xem, Grm 7:13.25; 11:7; 25:3-4, v.v.), là tiếng nói, có thẩm quyền, nhắc nhớ sự hiện diện vĩnh viễn của Thiên Chúa đích thực trong lịch sử nhân loại đầy những điều bất ngờ (xem Is 41:10; 43:5; Grm 30:11). Các ngài tuyên bố: "Ngài sẽ bày tỏ lòng thành tín cho Giacóp, và tình thương cho Ápraham, như đã thề với tổ phụ chúng con từ thuở trước" (Mk 7:20).

Do đó, sự thật của Chúa có thể so sánh với sự thật của Núi Đá (xem Is 26:4), hoàn toàn đáng tin cậy (xem Đnl 32,4); Đấng kiên định với các lời nói của mình, sẽ giữ vững (xem Is 7:9), mà không sợ bị mất (xem Hs 14:10).

b. Thiên Chúa công chính

72. Khi tự mặc khải, Thiên Chúa trung thành đòi sự trung thành, Thiên Chúa thánh thiện đòi người tham dự vào giao ước của Người phải nên thánh, như chính Người là Đấng thánh (xem Lv 19:2), Thiên Chúa công chính yêu cầu mỗi người bước đi trên con đường được lề luật vẽ lối (xem Đnl 6:25). Trong quá trình lịch sử, các Tiên tri là những người người loan báo công lý hoàn hảo, nền công lý được Thiên Chúa thực hiện (xem Is 30:18; 45:21, Grm 9:3; 12:1, Xp 3:5) và Người yêu cầu con người đem ra thực hành (xem Is 1:17p; 5:7; 26:2; Edkz 18:5-18, Am 5:24). Không những các ngài trình bầy các chỉ thị của Chúa, bằng cách mang lại ý nghĩa cho chúng, mà các ngài còn can đảm tố cáo mọi thứ đi chệch ra ngoài con đường sự thiện, bất luận là cá nhân hay quốc gia. Bằng cách này, các ngài kêu gọi phải hoán cải, đe dọa một hình phạt chính đáng cho những tội ác đã phạm và công bố thảm họa không thể tránh cho những người, trong sự đồi trụy của họ, không muốn lắng nghe những lời cảnh báo của Thiên Chúa (xem Is 30:12). 14: Grm 6:19; 7:13-15).

Chính ở đây, sự thật của lời tiên tri được biểu lộ, đối lập với sự an ủi dễ dàng của các tiên tri giả - những người không quan tâm đến các đòi hỏi đạo đức chính đáng của Lề Luật - công bố hòa bình, ngay lúc mối đe dọa của thanh gươm công lý đang bay lượn (xem Grm 6:14; 23:17; Edk 13:10), lừa dối dân bằng những lời hứa hão huyền (xem Is 9:14-15; Grm 27:14; 29:8-9; Am 9:10, Dcr 10:2), và do đó làm lợi cho sự bền bỉ của gian ác. "Các ngôn sứ có trước tôi và ông từ ngàn xưa đã tuyên sấm về nhiều xứ sở và vương quốc hùng mạnh, là sẽ có chiến tranh, tai ương và ôn dịch" (Grm 28: 8): Do đó, Lời chân chính của Chúa khẳng định rằng sự gian ác của thế gian được tiết lộ trong lịch sử bởi Thiên Chúa công chính, đặc biệt bởi sự đau khổ liên hệ với các biện pháp chế tài mà Người áp đặt. Do đó, việc vượt qua sự sỉ nhục và cái chết được các tiên tri giải thích như một thứ kỷ luật cần thiết để tạo điều kiện cho việc nhìn nhận tội lỗi (x. Grm 2:19) và sự chuẩn bị khiêm tốn của hối nhân để chờ đợi ơn tha thứ (x. Ge 2:12-14).

c. Thiên Chúa thương xót

73. Phần lớn các văn chương tiên tri chấp nhận một giọng điệu đe dọa, chẳng hạn như lời của Giôna nói với Ninivê (xem Gn 3: 4), hoặc công bố bất hạnh "chống lại mọi xác thịt" (Edk 21:9), tuyên bố không những sự sụp đổ của vương quốc Israel (x. Grm 5,31, Hs 10:15; Am 8:2), nhưng đàng khác, cũng gợi lên ngày tận cùng của thế giới (xem Grm 4:23-26; 45:4, Edk: 7:2-6, Đn 8:17). Viễn cảnh thảm khốc này có thể dẫn ta nghĩ đến việc cho rằng Chúa không trung thành với lời hứa của Người: "Lúc đó, tôi nói, 'À! Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa tôi, quả thực, Ngài đã đánh lừa dân này và cả Giêrusalem nữa khi nói rằng: 'các ngươi sẽ có hòa bình trong khi lưỡi kiếm đã kề tận cổ họng' (Grm 4:10); " Nào đâu tình thương nồng nhiệt và hùng khí dũng mãnh! nào đâu những rạo rực của lòng Ngài? Chẳng lẽ Ngài không còn động lòng thương con nữa?” (Is 63:15).

Với lời than thở đã trở thành lời cầu nguyện của một dân tộc lưu vong này, tiếng nói của các vị tiên tri, những vị công bố sự an ủi cho Israel (xem Is 40:1) đáp lại rằng: Điều có thể hiểu như một biến cố cuối cùng được quyền năng của Đấng Tạo Dựng biến đổi thành một khởi đầu mới (xem Grm 31:22; Edk 37:1tt., Hs 2:16-17). Điều rõ ràng là một thất bại đã trở thành nền tảng của một thực tại kỳ diệu, vì tội lỗi, kẻ đã tạo ra thảm họa, dứt khoát được tha thứ bởi lòng thương xót của Chúa Cha (xem Grm 31:34; Edk 16:63, Hs 14:5; Mk 7:19).

Một số tiên tri công bố một bước ngoặt triệt để trong lịch sử Israel (xem Grm 30:3.18; 31:23; Edk 16:53, Ge 4:1; Am 9:14, Xp 3:20) và trong lịch sử thế giới, vì các ngài tiên đoán trời mới và đất mới (xem Is 65:17; 66:22, Grm 31: 22). Biến cố Thiên Chúa tha thứ, đi kèm với vô số những ơn thiêng liêng chưa từng nghe thấy (xem Grm 31:33-34; Edk 36:27, Hs 2:21-22; Ge 3:1-2), và làm cho hiển thị bởi sự phục hồi toàn dân cách phi thường, được tái lập dưới các hình thức định chế hoàn hảo (xem Is 54:1-3; 62:1-3, Grm 30:18-21, Hs 14:5-9), vì công bố khác đi, sự xuất hiện của chiều kích dứt khoát trong lịch sử không thể dự đoán hoặc tưởng tượng bởi tâm trí con người: "Bây giờ - Chúa nói qua Isaia - Ta làm cho ngươi nghe thấy những điều mới lạ, bí mật, chưa được ngươi biết. Chính bây giờ chúng được tạo ra chứ không cách đây lâu; trước ngày đó, ngươi đã không nghe thấy chúng; vì vậy ngươi không thể nói, 'có, tôi đã biết chúng!” (Is 48:6-7). Chúa mặc khải, qua trung gian các Tiên tri, các dự án của Người, vô cùng vượt trội so với những gì các tạo vật có thể quan niệm (xem Is 55:8-9); và chính nhờ việc biểu lộ hữu hiệu của ân sủng, mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta biết đến sự hoàn hảo của chân lý Người, làm cho ý nghĩa của lịch sử nên hoàn hảo.

Lời hứa hẹn này đúng sự thật vì nó đã tự thực hiện (xem Đnl 18:22; Is 14:24; 45:23; 48:3; Grm 1:12; 28:9): "Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó "(Is 55:10-11). Từ biến cố độc đáo và định vị trong lịch sử phát sinh ra một giao ước vĩnh cửu (xem Is 55:3; Grm 32:40; Edk 16:60). Từ đó tuôn ra lời ca ngợi, hiệu quả cuối cùng của ơn cứu rỗi "Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con hiển dương Chúa, con tạ ơn Danh Chúa, vì Chúa đã thực hiện các dự án và kỳ công, chắc chắn và bền vững từ lâu đời” (Is 25:1).

Những người tin vào Chúa Kitô sẽ nhận ra rằng họ là "con cái" của các tiên tri và của lời hứa (xem Cv 3:25), những người nhận được lời an ủi cứu rỗi (Cv 13:26): trong Lễ Vượt qua của Chúa Giêsu, khi thờ lạy Người, họ sẽ thấy sự biểu lộ trọn vẹn lòng trung tín của Thiên Chúa, Đấng công chính và hay thương xót.

2.5 Các Thánh vịnh

74. Những lời cầu nguyện của các Thánh vịnh giả thiết và phát biểu một sự thật thiết yếu về Thiên Chúa và ơn cứu rỗi: Thiên Chúa không phải là một nguyên lý tuyệt đối vô ngã, nhưng là một người biết lắng nghe và đáp lại. Mọi người Israel đều biết rằng họ có thể hướng về Người trong mọi tình huống của cuộc hiện sinh: trong niềm vui và trong nỗi đau. Thiên Chúa tự mặc khải Người ra như một Thiên Chúa hiện diện (xem Xh 3:14), Đấng biết người đang cầu nguyện và dành cho họ một sự quan tâm thực sự và nhưng không.

Trong số các đặc điểm khác nhau được các Thánh vịnh gán cho Thiên Chúa, chúng ta giữ lại hai: Thiên Chúa tự mặc khải Người như (a) Đấng toàn năng và bảo vệ, và (b) Thiên Chúa của công chính sẽ biến kẻ tội lỗi thành người công chính. Do đó, Thiên Chúa luôn xuất hiện như một Đấng cứu rỗi con người.

a. Thiên Chúa toàn năng: Thánh vịnh 46

Sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa được mô tả như một mô hình trong Thánh vịnh 46, và trong một câu: "Người ở cùng chúng ta, Chúa tể vũ trụ" (Tv 46:8.12). Thọat đầu, ở giữa và ở cuối Thánh vịnh, sự hiện diện của Thiên Chúa đã được nhấn mạnh - Thiên Chúa là "cho chúng ta" (Tv 46:2) và "với chúng ta" (Tv 46: 8.12). Người thống trị thiên nhiên bằng sức mạnh của Người (Tv 46:2.7), Người bảo vệ Israel và tạo ra hòa bình (x. Tv 46:8-12).

Quyền năng của Thiên Chúa thống trị thiên nhiên: Thiên Chúa là Đấng tạo dựng

Đối đầu với những xáo trộn của vũ trụ, dân của giao ước vẫn thanh thản: "Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta. Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo. Nên dầu cho địa cầu chuyển động, núi đồi có sập xuống biển sâu, dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục, núi đồi có lảo đảo khi thuỷ triều dâng, ta cũng chẳng sợ gì” (Tv 46,2-4). Thiên Chúa thống trị các sức mạnh của hỗn mang. Và ngay cả khi những sức mạnh này làm suy yếu sự ổn định của Zion, thành thánh cũng "không thể lay chuyển" (Tv 46:6a), vì "Chúa đứng đó" (Ps 46:6a), và "khi buổi mai tái sinh, Chúa giúp nó"(Tv 46:6b).



Quyền năng của Thiên Chúa bảo vệ dân Người và tạo ra hòa bình: Thiên Chúa là vị cứu tinh

Lời khẳng định "Ngài ở cùng chúng ta, Chúa tể vũ trụ" xuất hiện như một lời đáp lại tiếng kêu đau khổ của những người bị bao vây bởi kẻ thù: "Dám xin Ngài đứng lên phù giúp, lấy tình thương cứu chuộc dân Ngài" (Tv 44:27). Thiên Chúa được tuyên xưng là "nơi ẩn náu, là sức mạnh" (Tv 46,2) và "thành lũy" (Tv 46:8.12) để minh họa quyền năng Người dùng bảo vệ các tín hữu tập trung tại Zion. Tất cả được mời gọi nhìn nhận Người: "Hãy đến và xem các hành vi của Chúa" (Tv 46:9). Sau đó, Thánh vịnh cho biết rõ những hành vi này là gì: "Người chấm dứt chiến tranh trên toàn cõi thế, cung tên bẻ gẫy, gươm giáo đập tan, còn khiên thuẫn thì quăng vào lửa” (Tv 46:10). Chính Chúa nói với các tín hữu: "Dừng tay lại : Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa! Ta thống trị muôn dân, thống trị địa cầu"(Tv 46:11). Những kẻ thù phải ngừng chiến đấu, nhìn nhận Chúa và sự uy nghi phổ quát của Người, Đấng đang thống trị mọi quốc gia và cả trái đất. Sự can thiệp mạnh mẽ của Thiên Chúa ủng hộ Zion mang một ý nghĩa phổ quát: Người mang lại hòa bình không những cho kinh thành Thiên Chúa (câu 5), mà còn cho mọi quốc gia, cho tất cả trái đất (xem câu 11).

b. Thiên Chúa của công lý: Thánh vịnh 51

75. Trong Thánh vịnh 51, việc xưng tội được kết hợp với lời khẩn cầu. Điểm nhấn căn bản của Thánh vịnh - được nhấn mạnh ở giữa phần thứ nhất và phần thứ hai của bản văn - liên quan đến công lý của Thiên Chúa: " Như vậy, Ngài thật công bằng khi tuyên án, liêm chính khi xét xử” (Tv 51 , 6); "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa Cứu độ của con, hãy giải thoát con khỏi dòng máu đổ, và miệng lưỡi con sẽ tung hô công lý của Ngài" (Tv 51,16, xem câu 21). Công lý cứu độ của Thiên Chúa hoạt động trong con người tội lỗi, không những bằng cách vô hiệu hóa các lỗi lầm của họ và thanh tẩy họ, mà còn bằng cách công chính hóa và biến đổi họ. Tất cả hành động này của Thiên Chúa công chính xuất phát từ tình yêu của Người, Đấng là trung tín và hay thương xót.

Thiên Chúa của công lý yêu người tội lỗi

Thiên Chúa, được thúc đẩy bởi tình yêu của Người, công chính hóa các tội nhân. Thánh vịnh bắt đầu bằng lời khẩn cầu: " Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm” (Tv 51:3). Người cầu nguyện cầu khẩn tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Hạn từ đầu tiên, "tình yêu" (hesed), là một trong những thuật ngữ căn bản - rất thường gặp trong Cựu Ước, đặc biệt trong các Thánh vịnh – của nền thần học Thánh vịnh và giao ước: nó chỉ thái độ của Thiên Chúa, một thái độ ngụ ý lòng tốt, sự hào phóng, lòng trung thành của Người với người cầu nguyện.

Trong các Thánh vịnh, tình yêu này thường được trình bầy như thể đó là một nhân vị: "Lòng thành tín và yêu thương của Ngài sẽ giữ gìn con mãi" (Tv 40:12). Thiên Chúa gửi nó xuống từ thiên đàng (xem Tv 57:4; xem 61:8; 85:11; 89:15) để nó đồng hành với tín hữu, đi theo họ như một người bạn (Tv 23:6), bảo bọc (xem Tv 32:10) và làm họ thỏa thuê (Tv 90:14). Tình yêu của Thiên Chúa quan trọng hơn chính sự sống: "tình yêu của Ngài giá trị hơn sự sống" (Tv 63:4; Tv 42:9; 62:13). Tình yêu của Thiên Chúa sẽ không bị lấy khỏi người tội lỗi, bất chấp tội lỗi của họ (xem Tv 77:9), vì Thiên Chúa yêu họ như một người cha. Tình yêu này sẽ khêu gợi công lý của Thiên Chúa - biện minh cho tội nhân.

Hạn từ thứ hai - lòng thương xót (rehem - xem Tv 40:12; 69:17, v.v.) thường được tìm thấy trong bối cảnh sám hối (xem Tv 25:6; 79:8), và thường được sử dụng ở số nhiều (rahamim). Nó gợi lên "lòng dạ" người mẹ, biểu tượng nguyên mẫu của tình yêu bản năng và triệt để. Thiên Chúa được trình bày như gắn bó với con người nhân bản, thậm chí hơn cả một người mẹ gắn bó với chính con trai của mình (Is 49:15). Đây là lý do tại sao Thánh vịnh gia tuyên bố: " Phần Ngài, muôn lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và sự thật” (Tv 86:15).

Trong thực tế, hai thuật ngữ, theo một cách nào đó, vì mô tả hai phương thức của tình yêu Thiên Chúa (cha và mẹ), nên rất gần gũi nhau: "Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời” (Tv. 25:6, xem 103:13). Thiên Chúa yêu con người - ngay cả khi họ là một tội nhân - giống như một người mẹ yêu con trai mình, bằng một tình yêu không phải là thành quả của công đức, nhưng hoàn toàn nhưng không, một tình yêu tạo thành một yêu cầu nội thẳm của trái tim. Đồng thời; Thiên Chúa yêu con người như một người cha, bằng một tình yêu rộng lượng và trung tín. Hai chiều kích trong tình yêu của Thiên Chúa, được phần đầu của Thánh vịnh 51 nhắc nhớ, đại diện cho hai hệ luận của công lý Người, mang lại lợi ích cho tội nhân. Thiên Chúa, Đấng yêu thương và hay thương xót (Tv 51:3.20) đồng thời là một Thiên Chúa phán xét (Tv 51:6.16).

Công lý của Thiên Chúa "công chính hóa", nghĩa là biến đổi tội nhân thành người công chính (Tv 51:6.16)

76. Tự hướng về tội nhân, Thiên Chúa thiết lập với họ một mối quan hệ năng động và sâu sắc, thuộc trật tự công lý. Diễn trình này tự triển khai trong một số giai đoạn:

-lòng cảm thương hay yêu thương thương xót: "Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con” (Tv 51:3). Chính động từ "trở nên nhân từ - hanan" (Tv 4:2; 6:3, v.v.) đã được sử dụng ở đây, chỉ sự lắng lo đầy nhân từ của đấng tối cao đối với bề tôi của mình. Người nổi loạn chống lại Thiên Chúa và người trở nên gớm ghiếc dưới mắt Người xin được tìm thấy lòng cảm thương của Người. Nó sẽ cứu họ khỏi sự khốn cùng sâu xa nhất của nó, đó là tội lỗi.

-Giáo huấn nội tâm: " Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật, dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan"(Tv 51: 8). Thiên Chúa hành động trong lương tâm của tội nhân, vốn bị tối tăm bởi tội lỗi, và đặt trong đó ánh sáng của sự thật, khiến phải thừa nhận tội lỗi và sự rạng sáng của đức khôn ngoan Người, mở mắt để thấy tác phong ngay chính.

-Phán quyết của ân sủng, điều đem lại tha thứ. Tội nhân, bị giam hãm dưới sự thống trị của tội lỗi, nhìn nhận: "Ngài thật công bằng khi tuyên án, liêm chính khi xét xử" (Tv 51: 6). Tiếp theo các lời kêu cầu của họ: "xóa", "rửa", "thanh tẩy" (câu 3-4, được lặp lại trong các câu 9 và 11), là một niềm hy vọng mạnh mẽ: " Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm" (Tv 51:11). Được giải thoát khỏi sự hiện diện đầy ám ảnh của tội lỗi, họ khẩn cầu: "Xin cho con được nghe tiếng reo mừng hoan hỷ” (Tv 51:10, xem Is 66:14).

-Tạo vật mới: tội nhân kêu cầu Thiên Chúa ban một sáng tạo mới - " Lạy Thiên Chúa của con, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng” (Tv 51:12). Sau lời kêu cầu thiết yếu này, người cầu nguyện ba lần khẩn cầu để nhận được một tinh thần: một tinh thần "được đổi mới"; sự hiện diện của " thần khí thánh của Ngài"; một "tinh thần quảng đại" (cc.12.13.14). Họ kêu cầu một sự đổi mới nội tâm và vĩnh viễn, mà vì nó sự hiện diện của Thần Trí Thiên Chúa, từ đó "niềm vui được cứu rỗi" phát sinh (Tv 51:14) có tính quyết định.

-Khuyến khích làm chứng: được đổi mới bởi Thiên Chúa, con người muốn thông đạt niềm hy vọng của chính mình cho những người cần đến nó: "đường lối Ngài, con sẽ dạy cho những người tội lỗi" (Tv 51:15). Trên hết, họ muốn mang đến cho những người này sự khôn ngoan đã được Thiên Chúa dạy dỗ họ ở bên trong.

- Mở cửa bước vào niềm vui và ca ngợi: hối nhân đã được đổi mới trong nội tâm cảm thấy tràn ngập niềm vui, và muốn bày tỏ điều đó trong lời ca ngợi của mình: "Con sẽ tung hô Ngài công chính. Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 51:16-17, xem Tv 35:28; 71:24).

Trong những câu cuối cùng, song đối giữa "công lý của Ngài" và "ngợi khen Ngài" giúp ta kết luận rằng Thiên Chúa, trong đức công lý của Người, không làm ta sợ hãi; trái lại, chính Thiên Chúa – Đấng vốn có cả tình yêu của người cha và tình yêu của người mẹ - là "nguyên nhân" duy nhất thực hiện việc công chính hóa người có tội, nghĩa là sáng tạo hạnh phúc mới cho họ, giải thoát họ khỏi sự áp bức của tội lỗi.

Kỳ sau: Diễm Ca và các Sách Khôn ngoan
 
Văn Hóa
Câu chuyện truyền giáo : Hòa Lan mùa tựu trướng
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
20:36 08/09/2019
HÒA LAN –MÙA TỰU TRƯỜNG

Mấy ngày qua trên các con đường chính ở Hòa Lan từ nông thôn đến thành phố nơi chúng tôi quan sát đều thấy có những tấm bảng ghi rằng: “De scholen zijn weer begonnen” (tạm dịch năm học mới lại bắt đầu), và chúng tôi có gọi phone về Việt Nam hỏi thăm các cháu chuẩn bị năm học mới thế nàonhưng trong lòng cảm thấy xốn xang và tự nhiên nhớ đến mẫu chuyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh- từng học ở trường La-San, Huế mà miên man nghĩ về thuở ấu thơ: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường”.

Bản thân đã bước qua cái tuổi học trò lâu rồi, đã từng là nhà đào tạo và đầu đã hai thứ tóc rồi nhưng mỗi khi bắt đầu năm học mới dù ở đâu vẫn cảm thấy tiếc nuối về khoảng thời gian cắp sách đến trường bên bè bạn với những trò chơi và những bài học vỡ lòng ngày nào khiến mình như sống lại những ký ức tuổi thơ. Ai cũng có những quá khứ dù đôi lúc gợi lại quá khứ có thế làm chúng ta buồn, hận vì không được như ý mình muốn nhưng chính những quá khứ vui buồn ấy có thể giúp chúng ta sống đúng với con người thật của chúng ta hơn.

Những ngày qua cũng có một anh em linh mục cùng Dòng đang làm việc tại vùng truyền giáo mới ở Miến Điện đến thăm trước khi về Roma tham gia khóa học Mục Vụ Kinh Thánh. Linh mục này khi còn là sinh viên Triết học tại Sào Gòn, chúng tôi từng phục trách. Rồi khi đi thực tập ở Argentina trước khi chịu chức linh mục ở đó chúng tôi cũng có liên lạc với nhau. Sau khi hoàn thành khóa học và thực tập mục vụ, người anh em này được phong chức linh mục tại Argentina và chúng tôi cũng là người đến tham dự và mặc áo lễ cho tân chức. Nghi thức phong chức thật đơn sơ nhưng ấm cúng của vùng Nam Mỹ và năm ấy người anh em này nhận bài sai đi giúp những người thổ dân Mapuche giáp với nước Chile.

Sau khi chúng tôi nhận bài sai qua Hòa Lan làm việc với người nói tiếng Tây Ban Nha, cha Tuyên sau đó cũng nhận bài sai đến Miến Điện là một vùng truyền giáo mới của Dòng do Đức Hồng Y Miến Điện mời Dòng Ngôi Lời đảm trách. Người anh em này cũng tham hảo ý kiến của chúng tôi trước khi lên đường nhận sứ vụ vì anh em Truyền giáo của chúng tôi không bao giờ nói tiếng “no” khi được bề trên sai đi. Và sau hơn 1 năm lăn lộn ở mặt trận truyền giáo mới, cha Tuyên được gởi đi tu học khóa mục vụ Kinh Thánh tại Roma để khi trở về có thể giúp cho anh chị em nơi mình làm việc đón nhận Lời Chúa cách hữu hiệu.

Chúng tôi đã đưa người anh em này đến một số gia đình thân quen cũng như một số cơ sở của Dòng tại Hòa Lan, nhất là Nhà Mẹ ở Steyl- nơi Đấng Sáng Lập Arnold Janssen đã lập Dòng cách đây gần 150 năm. Một số người đồng hương cũng yêu quí công việc truyền giáo nên cũng có ít quà cho người anh em này làm lộ phí để khi trở về giúp những người cùng khổ bên xứ Miến Điện. Cha Tuyên cũng tâm sự rằng dù Miến Điện đã có dân chủ nhưng vì lực lượng quân đội vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh nên chính phủ không thể làm được gì và người dân Miến Điện đến giờ vẫn còn sống trong cơ cực giống như người Việt Nam sau biến cố 1975. Những người mới nhìn cha Tuyên không ai dám tin rằng đó là linh mục vì tính cách rất phóng khoáng, hút thuốc và uống rượu cũng khá nhưng ít ai biết rằng cha Tuyên từng là một “đại ca” bụi đời nhưng nay trở thành linh mục truyền giáo.

Sau khi tiễn cha Tuyên ra phi trường để đi Roma tham dự khóa học, chúng tôi cũng vội vã đón xe lửa đến nhà Emmaus ở Helvoirt để tham dự khóa thường huấn về lãnh đạo trong thế giới đa văn hóa do một linh mục tiến sĩ về phân tâm học người Úc hiện đang làm việc tại Roma hướng dẫn. Khóa thường huấn này kéo dài từ thứ Hai đến thứ Năm cũng trùng vào năm học mới nên cái cảm giác trở lại thời cắp sách đến trường tự nhiên khiến chúng tôi thấy thú vị dù những người tham dự đều là các linh mục. Chúng tôi thường tham dự những khóa thường huấn ở nhiều nơi trên thế giới và sau mỗi hóa học ấy tự nhiên mình nhận ra con người của mình và biết chấp nhận người khác nhiều hơn, nhất là chúng ta đang sống trong một môi trường đa văn hóa, đa chủng tộc. Những người làm lãnh đạo trong một công ty nhà nước hay tư nhân thường chỉ làm việc với các thư ký hay những người đồng sự và đều có luật lệ, phép tắc nên ai sai hay phá vỡ qui tắc sẽ bị chế tài. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo tôn giáo phải làm việc với tất cả mọi người và không có quyền chế tài ai cả. Chúng tôi từng có kinh nghiệm sống trong cộng đồng đa văn hóa ở Nam Mỹ, và nay ở Âu châu. Nếu mình không thích ứng và học hỏi từ nền van hóa khác thì mình dễ bị rơi vào sự ích ỷ, độc tài và thiếu khoan dung. Người lãnh đạo tôn giáo phải là người linh động, mềm dẻo, cương trực nhưng khoan dung. Vì là con người nên nhiều khi rất bực tức và muốn phản ửng thật mạnh trước một điều bất bình nào đó nhưng nghĩ lại lời mời gọi của Chúa Giêsu khiến mình cần bình tâm lại: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng" (Mt 11,29-30).

Một bức ảnh khá dễ thương về bữa tiệc ly hiện đại giữa Chúa Giêsu và các trẻ em đường phố do nghệ sĩ Joey Velasco họa lại là những trẻ em thật ngoài đời tại các khu ổ chuột Phi Luật Tân có tuổi các em từ 4-14 tuổi. Tác giả họa lại hình ảnh bữa tiệc ly và Chúa Giêsu là người chia sẻ với những em bé hồn nhiên ấy và mong muốn có thêm những bàn tay rộng mở để ôm ấp và xoa dịu những tâm hồn thơ trẻ đang phải vất vưởng trên các đường phố.Người lãnh đạo cũng có cái tâm như Chúa.

Trong khóa thường huấn này, chúng tôi cũng có bài trắc nghiệm tâm lý để xem mình có gì thay đổi không giống như mỗi lần đi tái khám bác sĩ sẽ xem bịnh tình mình thuyên giảm thế nào. Quả thực theo chỉ số trắc nghiệm, chúng tôi có nhiều thay đổi qua năm tháng và dĩ nhiên thay đổi lần này là thay đổi theo hướng tích cực từ một người nóng tính và háu thắng nay trở thành người bình tĩnh và hòa bình.

Làm người lãnh đạo trong lĩnh vực tôn giáo cần phải có một bản lĩnh phi thường và nhất là phải biết lắng nghe chứ đừng kiêu căng tự tại cho mình là hiểu biết tất cả rồi lấn áp ý kiến người khác, nhất là người yếu thế hơn mình.Chúng tôi cũng chia sẻ những vấn đề mục vụ nóng bỏng mà chúng tôi đã từng trải qua cũng như đang thực hiện.Mỗi quốc gia đều có những sở trường, sở đoản của riêng mình nên chúng ta không được phép áp đặt và cho cái của mình là tốt, còn của người khác là không ra gì. Ngồi tâm sự với một anh em linh mục người Hòa Lan đáng bậc cha chú từng làm việc ở Phi Luật Tân hơn 40 năm, sau đó về Roma làm việc trong văn phòng Tổng quyền. Chúng tôi có đưa ra những thắc mắc về đường hướng mục vụ giáo xứ ở Hòa Lan vì có nhiều điều mình cảm thấy sốc vì cái gì cũng đều cho là tương đối. Người anhem này giải thích rằng giáo hội ở Hòa Lan dù thiếu vắng linh mục nhưng không mấy đặt trọng tâm vào linh mục như là người chủ, là người đứng đầu vì giáo dân ở đây đã trưởng thành và họ có thể làm tất cả ngoại trừ dâng lễ mà thôi. Nghe câu trả lời từ chính miệng người anh em linh mục cùng Dòng người bản xứ mà cảm thấy sốc hơn vì có nhiều điểm mục vụ mà chúng tôi đang cần phải xác mình rõ ràng trước khi trả lời cho những giáo dân nói tiếng Tây Ban Nha để họ không bị lẫn lộn khi trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

Nhà tu đức Thomas Merton người Mỹ đã từng nói: “Không ai là một hòn đảo”. Sống là sống với, sống cùng và sống cho người khác.Mẹ Têrêsa Calcutta cũng từng nói với các nữ tu của mình: “You can do what I cannot do. I can do what you cannot do. Together we can do great things.” (Bạn có thể làm những gì tôi không thể.Tôi có thể làm những gì bạn không thể.Chúng ta cùng nhau có thể làm được những điều trọng đại). Sống trong cộng đoàn nhà tu, sống trong một thế giới đại đồng ngày nay không ai có thể nói một mình tôi có thể làm tất cả nhưng nếu mọi người cùng chung nhau làm việc, biết lắng nghe, nhường nhịn nhau thì bất cứ chuyện gì chúng ta cũng có thể làm được.Làm lãnh đạo trong các cộng đoàn tu sĩ không phải dễ nhưng để trở thành một người lãnh đạo tốt và được mọi người yêu quí thì càng khó hơn.

Hôm qua chúng tôi có cử hành phép chuẩn hôn phối cho đôi bạn trẻ mà cô dâu là gốc Việt và chú rễ là người Pháp. Ở bên này giới trẻ chịu đám cưới trong nhà thờ là tương đối hiếm vì họ sợ là nếu có chuyện gì phải lo gỡ rối thì phiền phức lắm nên nhiều bạn trẻ đã chấp nhận sống chung với nhau và nếu không hợp nhau thì đường ai nấy đi dễ dàng hơn. Đám cưới này vừa là hôn nhân khác đạo vừa là hôn nhân khác văn hóa vì cô dâu là người gốc Việt và chú rễ là người Pháp và người tham dự đến từ các nước nói tiếng Pháp, tiếng Hòa Lan, tiếng Đức và tiếng Việt. Bởi thể, cô dâu chú rễ nhờ chúng tôi dâng thánh lễ song ngữ Anh-Việt để mọi người có thể hiểu hơn. Mọi người đều rất vui vì cô dâu chú rễ rất đẹp đôi và nhất là người mẹ cô dâu cảm thấy an ủi khi con gái mình được bước vào ngôi thánh đường để được Chúa chúc phúc theo đúng nguyện vọng của bà.

Hôm nay chúng tôi cử hành thánh lễ Chúa Nhật XXIII thường niên nhưng lại trùng ngày sinh nhật Đức Mẹ, và cũng là ngày thành lập Dòng Ngôi Lời. Chúng tôi cử hành thánh lễ bằng tiếng Papiamento cho cộng đồng người Antilian và ca đoàn đã cùng chúng tôi hát bài “Lời Mẹ Nhắn Nhủ” của nhạc sỹ Lê Huy như là lời tâm sự của những người con với Mẹ trong ngày vui của Mẹ mình. Dù giọng hát lơ lớ không rõ lời của những người dân cựu thuộc địa của Hòa Lan hát về Mẹ, họ cảm thấy melody của bài hát đi vào lòng người và cùng vỗ tay chúc mừng sinh nhật Mẹ và sinh nhật của Dòng truyền giáo Ngôi Lời. Happy birthday Mẹ Maria của chúng con. Xin Mẹ giúp chúng con biết thực thi lời Mẹ dạy để thế giới này ngày một tốt hơn và anh em truyền giáo Ngôi Lời chúng con luôn chu toàn trách nhiệm và sứ vụ của mình được giao phó.

Hòa Lan,08 tháng 09năm 2019- lễ Sinh nhật Đức Mẹ,

Kỷ niệm 144 năm ngày thành lập Dòng Ngôi Lời

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đơn Lẻ /Lonely
Robert Helfman
22:03 08/09/2019
ĐƠN LẺ/LONELY
Ảnh của Robert Helfman

Hiền lành, có bạn có đôi
So đo tính toán, đơn côi một mình
(bt)
 
VietCatholic TV
Diễn từ của Đức Thánh Cha với chính quyền, ngoại giao đoàn và các đại diện xã hội dân sự Madagascar
Giáo Hội Năm Châu
19:28 08/09/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 9:30 sáng, Thứ Bảy ngày 7 tháng Chín, Đức Thánh Cha đã thăm xã giao tổng thống tại dinh Iavoloha.

Tại đây đã có các nghi thức đón tiếp. Nhân dịp này xin được nói thêm về lịch sử cận đại của Madagascar.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một con tàu Bồ Đào Nha đã nhìn thấy hòn đảo và đi dọc theo bờ biển vào năm 1500. Diogo Dias đã nhìn thấy hòn đảo sau khi con tàu của ông tách khỏi một hạm đội đang trên đường đến Ấn Độ. Ông đặt tên cho hòn đảo là São Lourenco, vì hôm đó là ngày lễ kính Thánh Lôrensô, và tiếp tục việc buôn bán với người dân trên đảo. Phát hiện của người Bồ Đào Nha lan sang Pháp và Anh, và cả hai nước đổ xô thiết lập các khu định cư trên đảo.

Năm 1794, vua Andrianampoinimerina đã tìm cách hợp nhất các bộ lạc khác nhau ở Madagascar, tạo thành một vương quốc duy nhất. Ông thành lập Vương quốc Merina. Đến năm 1810, ông được con trai của mình là Vua Radama Đệ Nhất kế vị. Nhà vua mở rộng vương quốc Merina trên các hòn đảo chính, đặc biệt là đảo Betsimisaraka và các đảo khác ở phía nam. Vua Radama I hoan nghênh và kết bạn với các nước lớn ở Âu châu và yêu cầu họ hỗ trợ trong việc hiện đại hóa vương quốc và tiếp tục các cuộc chinh phạt của ông. Nhờ thế, các nhà truyền giáo, dẫn đầu bởi David Jones, đã đưa được Kitô Giáo và bảng chữ cái La Mã vào Madagascar.

Sau khi vua Radama qua đời vào năm 1828, Nữ hoàng Ranavalona, vợ của Radama I, đã lên ngôi. Là một tín hữu Hồi Giáo nhiệt thành, bà cương quyết chống lại Kitô Giáo và năm 1835 bà buộc các nhà truyền giáo rời khỏi Madagascar.

Năm 1883, người Pháp tấn công Madagascar. Sau gần 3 năm chiến tranh, Madagascar đã trở thành một xứ bảo hộ của Pháp trước khi trở thành thuộc địa vào năm 1895. Chế độ quân chủ đã bị bãi bỏ và tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính thức.

Sau thế chiến thứ Hai, năm 1958, người Pháp đã bầu một tổng thống mới, Charles De Gaulle. Tổng thống ngay lập tức trao trả độc lập cho Madagascar.

Người dân Madagascar phải mất một thập kỷ nữa để rũ bỏ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân, và năm 1975, Tổng thống Didier Ratsiraka được bầu lên. Chẳng may, ông đã đưa Madagascar đi trên con đường sai lầm nghiêm trọng là chạy theo chủ nghĩa xã hội, với một kết thúc bi đát vào năm 1993, sau hai năm biểu tình bạo lực: Kinh tế Madagascar hoàn toàn bị phá sản.

Kể từ đó, Madagascar đã trải qua những cuộc chính biến liên tục. Vào tháng 12 năm 2013, người dân Madagascar cuối cùng đã có cơ hội bầu một tổng thống mới, là Ông Hery Rajaonarimampianina. Cuộc bầu cử diễn ra trong hòa bình, nhưng mãi đến nay, Madagascar vẫn chưa thoát khỏi tình trạng ảm đạm về kinh tế.

Madagascar là một nước cộng hòa đa đảng dân chủ, trong đó tổng thống do dân bầu với nhiệm kỳ 5 năm. Tổng thống sau đó chỉ định một thủ tướng, là người giới thiệu các ứng viên bộ trưởng lên tổng thống để hình thành nội các. Tổng thống hiện nay là Ông Andry Nirina Rajoelina, sinh ngày 30 tháng Năm, 1974, đảm nhận chức vụ này từ ngày 19 tháng Giêng năm nay. Cả ông và vợ là Mialy Rajoelina đều là người Công Giáo và đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp khi ngài vừa được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Thủ tướng hiện nay là Ông Christian Ntsay. Ông đã được cựu tổng thống Hery Rajaonarimampianina mời vào chức vụ này từ ngày 6 tháng Sáu, 2018 và được tân tổng thống lưu nhiệm.

Thượng viện gồm 63 ghế trong đó 42 vị được các Hội Đồng Địa Phương bầu lên và 21 vị do tổng thống chỉ định.

Hạ viện gồm 151 ghế trong đó 127 vị do dân bầu và số còn lại do các Hội Đồng Địa Phương bầu lên.

Trong diễn từ trước các nhà lãnh đạo trong chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha nói:

Thưa Tổng thống,

Thưa Thủ tướng

Các Thành viên của Chính phủ và Ngoại giao đoàn,

Qúy Nhà Cầm Quyền,

Đại diện các tôn giáo khác nhau và của xã hội dân sự,

Thưa quý bà và qúy ông,

Tôi gửi lời chào thân ái tới Tổng thống Cộng hòa Madagascar. Tôi cảm ơn ngài, thưa Tổng thống, vì lời mời tốt đẹp của ngài đến thăm đất nước xinh đẹp này, và vì những lời chào mừng của ngài. Tôi cũng xin chào Ngài Thủ tướng, các thành viên của Chính phủ và Ngoại giao đoàn và các đại diện của xã hội dân sự. Tôi cũng gửi lời chào huynh đệ đến các Giám mục và các thành viên của Giáo Hội Công Giáo, và đến các đại diện của các tín phái Kitô giáo khác và của các tôn giáo khác. Tôi bày tỏ lòng biết ơn của tôi đến tất cả những người và định chế đã làm cho chuyến thăm này thành khả hữu, và đặc biệt là người dân Madagascar, những người đã chào đón chúng tôi với lòng hiếu khách đầy ấn tượng.

Trong Lời nói đầu của Hiến pháp Cộng hòa của qúy vị, qúy vị muốn lưu giữ như của thánh thiêng một trong những giá trị căn bản của nền văn hóa Madagascar: fihavanana, một hạn từ gợi lên tinh thần chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau và liên đới. Nó cũng gợi lên tầm quan trọng của gia đình, tình bạn và thiện chí giữa con người và với thiên nhiên. Nó tiết lộ “linh hồn” của dân tộc qúy vị, bản sắc riêng biệt của nó vốn làm nó có khả năng đối đầu với những vấn đề và khó khăn khác nhau mà nó phải đối đầu hàng ngày một cách can đảm và đầy hy sinh. Nếu chúng ta phải công nhận, quý trọng và đánh giá cao vùng đất diễm phúc này vì vẻ đẹp và tài nguyên thiên nhiên vô giá của nó, thì chúng ta cũng phải làm điều y như thế với “linh hồn” này, một linh hồn, như Cha Antoine de Padoue Rahajarizafy, SJ, đã nhận sét một cách đúng đắn, đã cho qúy vị sức mạnh để tiếp tục ôm lấy “aina”, sự sống.

Kể từ khi quốc gia của qúy vị giành được độc lập, nó vốn khao khát sự ổn định và hòa bình, qua một diễn trình luân phiên dân chủ hữu hiệu, một diễn trình biết tôn trọng tính bổ sung của nhiều phong cách và tầm nhìn. Điều này chứng tỏ rằng “chính trị là một phương tiện chủ yếu để xây dựng cộng đồng và định chế nhân bản” (Thông điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới 2019, ngày 1 tháng 1 năm 2019), khi nó được thực hành như một phương tiện phục vụ xã hội như một toàn thể. Rõ ràng, chức vụ chính trị và trách nhiệm chính trị đại diện cho một thách thức không ngừng đối với những người được giao sứ mệnh phục vụ và bảo vệ đồng bào của họ, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất và tạo điều kiện cho sự phát triển có giá trị và công chính với sự can dự của mọi tác nhân trong xã hội dân sự. Như Thánh Phaolô VI đã lưu ý, sự phát triển của một quốc gia “không thể bị giới hạn ở mức tăng trưởng kinh tế mà thôi. Để được chân chính, nó phải có tính toàn diện; nó phải cổ vũ sự phát triển của mỗi con người và của toàn bộ con người” (Populorum Progressio, 14).

Về phương diện này, tôi khuyến khích qúy vị đấu tranh một cách mạnh mẽ và đầy quyết tâm chống lại mọi hình thức tham nhũng và đầu cơ cố hữu vốn làm gia tăng sự chênh lệch xã hội, và đối mặt với những tình huống bất ổn và loại trừ vốn luôn tạo ra các điều kiện nghèo đói vô nhân đạo. Ở đây chúng ta thấy sự cần thiết phải thiết lập các cơ cấu trung gian khác nhau có thể bảo đảm việc phân chia thu nhập tốt hơn và một sự phát triển toàn diện mọi con người, đặc biệt là những người nghèo nhất. Sự phát triển này không thể bị giới hạn ở các cơ cấu trợ giúp xã hội có tổ chức, mà còn đòi hỏi sự thừa nhận các chủ thể của luật pháp được kêu gọi tham dự đầy đủ vào việc xây dựng tương lai của họ (xem Evangelii Gaudium, 204-205).

Chúng ta cũng đã nhận ra rằng chúng ta không thể nói tới sự phát triển toàn diện mà không cho thấy sự quan tâm và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Điều này kêu gọi không những việc tìm tòi các phương cách để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn tìm tòi các “giải pháp toàn diện biết quan tâm đến các tương tác trong chính các hệ thống tự nhiên và với các hệ thống xã hội. Chúng ta đang đối đầu không phải với hai cuộc khủng hoảng riêng biệt, một khủng hoảng môi trường và khủng hoảng kia có tính xã hội, mà là với một cuộc khủng hoảng phức tạp, vừa có tính xã hội vừa có tính môi trường (Laudato Si’, 139).

Hòn đảo Madagascar đáng yêu của qúy vị rất phong phú về tính đa dạng sinh học thực vật và động vật, tuy nhiên, kho tàng này đang đặc biệt bị đe dọa bởi nạn phá rừng quá mức, mà một số người được hưởng lợi nhờ đó. Sự suy thoái của tính đa dạng sinh học đó làm tổn hại đến tương lai của đất nước và trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Như qúy vị đã thấy, những khu rừng cuối cùng bị đe dọa bởi những vụ cháy rừng, săn trộm, việc chặt phá những khu rừng có giá trị. Tính đa dạng sinh học thực vật và động vật đang bị đe dọa bởi buôn lậu và xuất khẩu bất hợp pháp. Tuy nhiên, điều cũng đúng là, đối với các dân tộc liên hệ, một số hoạt động gây hại cho môi trường hiện đang bảo đảm sự sống còn của họ. Vì vậy, điều quan trọng là tạo ra việc làm và các hoạt động phát sinh thu nhập, đồng thời bảo vệ môi trường và giúp người ta thoát cảnh nghèo đói. Tắt một điều, không thể có cách tiếp cận sinh thái đích thực hoặc các nỗ lực hữu hiệu để bảo vệ môi trường nếu không đạt được một nền công bằng xã hội có khả năng tôn trọng quyền được phân phối chung của cải của trái đất, không những của thế hệ hiện nay, mà của cả các thế hệ sắp tới.

Về phương diện này, mọi người có phận sự phải can dự vào, kể cả cộng đồng quốc tế, mà nhiều thành viên của nó hiện có mặt ở đây ngày hôm nay. Phải thừa nhận rằng viện trợ được các tổ chức quốc tế cung cấp cho sự phát triển của đất nước là rất lớn, và cho thấy sự cởi mở của Madagascar đối với thế giới rộng lớn hơn. Tuy nhiên, sự cởi mở này có thể có nguy cơ biến thành “một nền văn hóa cầm bằng phổ quát” chỉ biết khinh miệt, khuất phục và đàn áp gia tài văn hóa của các dân tộc cá thể. Một việc hoàn cầu hóa kinh tế, mà các hạn chế của nó ngày càng hiển nhiên, không nên dẫn đến sự độc dạng văn hóa. Nếu chúng ta tham gia vào một diễn trình biết tôn trọng các giá trị và cách sống của địa phương và hoài mong của người dân, chúng ta sẽ bảo đảm rằng viện trợ do cộng đồng quốc tế cung cấp sẽ không phải là sự bảo đảm duy nhất cho sự phát triển của đất nước. Người dân sẽ dần dần chịu trách nhiệm và trở thành nghệ nhân tạo ra tương lai cho chính mình.

Đó là lý do tại sao chúng ta nên chứng tỏ sự quan tâm và tôn trọng đặc biệt đối với xã hội dân sự địa phương. Khi hỗ trợ các sáng kiến và hành động của nó, tiếng nói của những người không có tiếng nói sẽ được lắng nghe, cùng với sự hòa hợp đa dạng và thậm chí bất đồng của cộng đồng quốc gia trong nỗ lực đạt được sự thống nhất. Tôi mời qúy vị tưởng tượng ra con đường này, trên đó không ai bị gạt sang một bên, hoặc bị bỏ lại một mình hoặc trở nên bị di hại.

Là một Giáo hội, chúng tôi muốn bắt chước thái độ đối thoại của người đồng công dân của qúy vị, Chân phước Victoire Rasoamanarivo, người mà Thánh Gioan Phaolô II đã phong chân phước trong chuyến viếng thăm của ngài ở đây ba mươi năm trước. Chứng tá tình yêu của bà đối với lãnh thổ này và các truyền thống của nó, việc phục vụ người nghèo của bà như một dấu chỉ đức tin của bà vào Chúa Giêsu Kitô, cho chúng ta thấy con đường mà chúng ta cũng được mời gọi bước theo.

Thưa Tổng thống, thưa quý bà và qúy ông, tôi muốn tái khẳng định lòng mong muốn và sự sẵn sàng của Giáo Hội Công Giáo ở Madagascar, trong cuộc đối thoại liên tục với các Kitô hữu của các tín phái khác, những người theo các tôn giáo khác nhau và tất cả các thành phần của xã hội dân sự, để đóng góp vào bình minh của một tình huynh đệ thực sự luôn luôn coi trọng fihavanana. Bằng cách này, một sự phát triển con người toàn diện có thể được cổ vũ, để không có ai còn bị loại trừ.

Với niềm hy vọng đó, tôi xin Thiên Chúa chúc phúc cho Madagascar và những người sống ở đây, giữ cho hòn đảo đáng yêu của qúy vị được bình an và đầy chào đón, và làm cho nó thịnh vượng và hạnh phúc!
 
Cuộc gặp gỡ cảm động giữa Đức Thánh Cha và hàng trăm ngàn bạn trẻ Madagascar
Giáo Hội Năm Châu
17:39 08/09/2019
Sinh hoạt sau cùng của Đức Thánh Cha Phanxicô là Đêm Canh Thức với giới trẻ trẻ tại cánh đồng Soamandrakizay diễn ra vào lúc 18 giờ thứ Bẩy 7 tháng Chín.

Trong khi quý vị và anh chị em theo dõi các sinh hoạt, chúng tôi xin được giới thiệu vài nét về Tổng giáo phận Antananarivo là nơi diễn ra các hoạt động của Đức Thánh Cha trong chuyến tông du thứ 31 bên ngoài Italia, và cũng là chuyến tông du thứ Tư của ngài đến Đại Lục Phi Châu (sau Uganda, Kenya and Cộng Hòa Trung Phi vào năm 2015, Ai Cập 2017 và Morocco 30-31/3/2019).

Ngay trong thời gian Đạo Thánh Chúa còn bị cấm cách, năm 1841, Đức Thánh Cha Grêgôriô thứ 16 đã thiết lập Miền Truyền Giáo Madagascar. Năm 1848, Đức Thánh Cha Piô thứ Chín nâng lên hàng Phủ Doãn Tông Tòa. Thánh Piô X nâng lên hàng giáo phận và đặt tên là giáo phận Tananarive và năm 1913. Ngày 14 tháng Chín, 1955, Đức Thánh Cha Piô thứ 12 nâng lên hàng tổng giáo phận. Cuối cùng, ngày 28 tháng 10, 1989, sau khi thay đổi các địa giới, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết lập tổng giáo phận Antananarivo như hiện nay.

Theo Niên Giám Thống Kê 2017 của Tòa Thánh, tổng giáo phận Antananarivo có 1,830,875 người Công Giáo trong tổng số 3,864,120 dân, tức là 47.4% dân số. Anh chị em tín hữu Công Giáo sinh hoạt trong 87 giáo xứ, dưới sự coi sóc của 394 linh mục, trong đó có 181 triều và 213 linh mục dòng. Bên cạnh đó còn có 1,715 nữ tu và 1,065 nam tu sĩ không có chức linh mục.

Trong diễn từ với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha nói:

Cha cảm ơn các con, vì những lời chào mừng của các con. Cũng xin cảm ơn các con, các người trẻ thân mến, những người đã đến từ mọi nơi của hòn đảo xinh đẹp này, bất chấp nhiều cố gắng và khó khăn mà điều này đã gây ra cho nhiều người các con. Tuy nhiên, các con đang ở đây! Điều đó làm cho Cha hạnh phúc hơn khi cùng các con tham dự buổi canh thức cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã mời chúng ta tới. Cảm ơn các con vì những bài hát và điệu múa truyền thống mà các con đã biểu diễn với sự nhiệt tình như vậy. Mọi người nói với Cha trước về niềm vui và sự nhiệt tình đáng chú ý của các con, và họ không sai!

Cảm ơn các con, Rova Sitraka và Vavy Elyssa, vì đã chia sẻ với mỗi chúng ta quá trình tìm kiếm, đầy hy vọng và thách thức, đã đưa các con đến đây hôm nay. Thật tốt biết bao khi gặp hai người trẻ tuổi với một đức tin sống động, một niềm tin đang tiến bước! Chúa Giêsu luôn để trái tim chúng ta bồn chồn; Người chỉ đường cho chúng ta và khiến chúng Cha tiến bước. Các môn đệ của Chúa Giêsu, nếu muốn lớn lên trong tình bạn, không được đứng yên, phàn nàn hoặc nhìn vào bên trong. Họ cần phải di chuyển, hành động, cam kết, vì biết chắc chắn rằng Chúa đang hỗ trợ và đồng hành với họ.

Đó là lý do tại sao Cha thích nghĩ về mọi người trẻ như một người tìm kiếm. Các con có nhớ câu hỏi đầu tiên Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ của Người bên bờ sông Giócđan không? “Các con tìm kiếm gì?” (Ga 1:38). Chúa biết rằng chúng ta đang tìm kiếm “niềm hạnh phúc mà vì nó chúng ta đã được dựng nên”, và là niềm hạnh phúc “thế giới sẽ không thể lấy khỏi chúng ta” (Gaudete et Exsultate, 1; 177). Mỗi người biểu lộ điều đó cách khác nhau, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, tất cả các con đều đang tìm kiếm hạnh phúc mà không ai có thể lấy khỏi chúng ta” (x. Ibid., 177).

Này Rova, Con nói với chúng ta rằng trong trái tim con, con muốn đến thăm tù nhân từ lâu. Con bắt đầu bằng cách giúp đỡ một linh mục trong thừa tác vụ của ngài, và dần dần, con ngày càng tham gia nhiều hơn, đến độ điều này trở thành sứ mệnh bản thân của con. Con nhận ra rằng cuộc sống của con là một sứ mệnh. Được phát sinh từ đức tin, việc tìm kiếm này giúp làm cho thế giới nơi chúng ta sống trở thành tốt hơn, phù hợp hơn với Tin Mừng. Những gì các con đã làm cho người khác cũng biến đổi các con; nó thay đổi cách nhìn và đánh giá con người của các con. Nó làm cho các con thành người công bằng và nhạy cảm hơn. Các con đã hiểu và khám phá ra rằng Chúa là một phần của cuộc đời các con: Người ban cho các con một hạnh phúc mà thế giới không thể lấy mất khỏi các con.

Trong sứ mệnh của mình, các con đã học được cách ngừng dán nhãn hiệu lên mọi người và thay vào đó gọi họ bằng tên, như Chúa làm với chúng ta. Người không gọi chúng ta bằng tội lỗi, lỗi lầm, thiếu sót, giới hạn của chúng ta, nhưng bằng tên của chúng ta; mỗi chúng ta đều quý giá trong mắt Người. Ma quỷ cũng biết tên của chúng ta, nhưng nó thích gọi chúng ta bằng cách liên tục nhắc nhở chúng ta về tội lỗi và lỗi lầm của chúng ta; bằng cách này, nó làm cho chúng ta cảm thấy rằng dù chúng ta có làm bao nhiêu, không có gì có thể thay đổi, mọi thứ sẽ vẫn như cũ. Chúa không có bất cứ điều gì như thế. Chúa luôn nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta quý giá như thế nào trong mắt của Người và Người giao phó cho chúng ta một sứ mệnh.

Các con đã học được cách nhìn thấy sự khác biệt của mỗi người, nhưng cả lịch sử ẩn phía sau mỗi khuôn mặt nữa. Các con đã từ bỏ những lời chỉ trích nhanh chóng và dễ dãi luôn làm tê liệt chúng ta, và các con đã học được điều gì đó mà, đối với nhiều người, phải mất nhiều năm để khám phá. Các con nhận ra rằng một số lớn những người ở trong tù, họ ở đó không phải vì họ xấu, mà vì họ đã thực hiện những lựa chọn tồi. Họ đã đi sai đường và họ nhận ra điều đó, nhưng bây giờ họ mong muốn có một khởi đầu mới.

Điều này nhắc nhở chúng ta về một trong những món quà đẹp nhất mà tình bạn của chúng ta với Chúa Giêsu có thể cung ứng cho chúng ta: “Người ở trong các con, Người ở bên các con và Người không bao giờ bỏ rơi các con. Tuy nhiên, dù các con có đi lang thang bao xa, Người luôn ở đó, Đấng Phục sinh. Người gọi các con và Người chờ các con quay lại với Người và bắt đầu lại một lần nữa” (Christus Vivit, 2), và Người giao phó cho các con một sứ mệnh. Hôm nay Người yêu cầu tất cả chúng ta khám phá và ăn mừng món quà đó.

Cũng từ kinh nghiệm bản thân, chúng ta đều biết rằng mọi người có thể “đi lạc hướng” và chạy theo những ảo tưởng rù quyến luôn hứa hẹn những gì xem ra là niềm vui nhanh chóng, dễ dãi và tức thời, nhưng cuối cùng chỉ khiến trái tim, giấc mơ và tâm hồn chúng ta bị mắc kẹt giữa đường. Khi chúng ta còn trẻ, những ảo tưởng này quyến rũ chúng ta bằng những lời hứa hẹn mà sau cùng chỉ làm chúng ta chết đứng; chúng lấy đi sức sống và niềm vui của chúng ta; chúng để chúng ta lệ thuộc và cay đắng, bị mắc kẹt trong một ngõ cụt.

Về việc trở nên cay đắng... Có lẽ không phải vậy, nhưng có một rủi ro mà các con có thể bắt đầu nghĩ tới: “Đó là cách mà mọi thứ vốn hiện hữu... không có gì sẽ thay đổi và không ai có thể thay đổi dù một điều duy nhất”. Đặc biệt khi các con thiếu những điều cần thiết căn bản để sống qua ngày hoặc theo đuổi việc học, hoặc khi các con nhận ra rằng không có việc làm, sự ổn định và bất công xã hội, tương lai của các con bị chặn đứng... và sau đó bị cám dỗ bỏ cuộc.

Chúa là người đầu tiên nói với các con không! Đó không phải là con đường để đi. Người đang sống và Người cũng muốn các con được sống. Người muốn các con chia sẻ mọi tài năng và đặc sủng của các con, mọi giấc mơ và tài năng của các con (xem ibid., 1). Chúa gọi mỗi chúng ta bằng tên và nói: Hãy Theo Cha! Người không kêu gọi chúng ta chạy theo ảo ảnh nhưng trở thành môn đệ truyền giáo ở đây và lúc này. Người là người đầu tiên bác bỏ tất cả những giọng nói sẽ ru ngủ các con, khiến các con trở nên thụ động, tê liệt và lãnh đạm, và do đó ngăn các con tìm kiếm những chân trời mới. Với Chúa Giêsu, luôn có những chân trời mới để tìm kiếm. Người muốn thay đổi chúng ta và biến cuộc sống của chúng ta thành một sứ mệnh. Nhưng Người nói với chúng ta đừng sợ bẩn tay.

Qua các con, tương lai sẽ đến Madagascar và đến với Giáo hội. Chúa là người đầu tiên tin tưởng nơi các con, nhưng Người cũng yêu cầu các con tin tưởng vào chính mình và các kỹ năng và khả năng của chính các con, những điều có rất nhiều. Người yêu cầu các con khuyến khích nhau và cùng Người viết một trang đẹp đẽ nhất trong cuộc đời các con, bác bỏ sự lãnh đạm và, giống như Rova, cung ứng một câu trả lời Kitô giáo cho nhiều vấn đề mà các con đang gặp phải. Chúa kêu gọi chúng ta trở thành những người xây dựng tương lai (x. Ibid., 174). Người kêu gọi các con đóng góp như chỉ các con mới có thể đóng góp, bằng niềm vui và sự tươi mới trong đức tin của các con. Cha muốn mỗi các con tự hỏi: Chúa Giêsu có thể tin tưởng vào tôi không?

Chúa không tìm kiếm những nhà thám hiểm đơn độc. Người giao cho chúng ta một sứ mệnh, đúng, nhưng Người không sai chúng Cha đơn độc ra ngoài chiến tuyến.

Vavy Elyssa đã đưa ra điểm này rất hay. Không thể là một môn đệ truyền giáo một mình được. Chúng ta cần những người khác để trải nghiệm và chia sẻ tình yêu và niềm tín thác mà Chúa đã chỉ cho chúng ta thấy. Một cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Giêsu là điều chủ yếu, không chỉ đơn giản như các cá nhân mà còn trong cộng đồng. Chắc chắn, chúng ta có thể tự mình hoàn thành những điều tuyệt vời, nhưng cùng nhau chúng ta có thể mơ ước và thực hiện những điều chưa mơ tưởng tới! Vavy nói điều này cách độc đáo: chúng ta được mời gọi tìm khuôn mặt của Chúa Giêsu nơi khuôn mặt của người khác. Bằng cách cử hành đức tin trong gia đình của chúng ta, bằng cách tạo ra mối liên kết huynh đệ, bằng cách tham dự vào cuộc sống của nhóm hoặc phong trào và bằng cách khuyến khích nhau cùng nhau thắp sáng đường mòn trong tình liên đới. Nhờ cách này, chúng ta có thể học cách biện phân những nẻo đường mà Chúa đang mời chúng ta chọn, những chân trời mà Người đang chuẩn bị cho các con! Đừng bao giờ rút lui khỏi người khác, hoặc muốn đi một mình! Đây là một trong những cơn cám dỗ tồi tệ nhất có thể có.

Trong cộng đồng, chúng ta có thể học cách nhận ra những phép lạ nhỏ bé hàng ngày, như tất cả những điều giúp chúng ta thoáng nhìn thấy việc bước chân theo và yêu mến Chúa Giêsu đẹp đẽ nhường bao. Thông thường, thì một cách khiêm tốn hơn, như trong trường hợp cha mẹ của con, Vavy ạ. Mặc dù họ phát xuất từ các nhóm dân tộc khác nhau, mỗi nhóm có phong tục và truyền thống riêng, tình yêu lẫn nhau của họ đã cho phép họ vượt qua những thử thách và bất đồng. Họ chỉ cho các con một con đường đẹp đẽ để bước đi. Một con đường được xác nhận mỗi lần họ cho hoa quả trái đất để dâng lên bàn thờ. Chúng ta cần những nhân chứng này xiết bao! Hoặc như dì của con hoặc các giáo lý viên và linh mục từng đồng hành và hỗ trợ họ khi họ lớn lên trong đức tin. Tất cả những điều này đã giúp đỡ và khuyến khích các con, và dẫn đến việc các con nói “xin vâng”. Tất cả chúng ta đều quan trọng và cần thiết, và không ai có thể nói, “tôi không cần anh”, hay, “anh không phải là một phần của kế hoạch yêu thương này vốn là giấc mơ của Chúa Cha khi Người dựng nên chúng ta”.

Các bạn trẻ thân mến, chúng ta là một gia đình lớn, và vì vậy chúng ta có thể học được rằng chúng ta có một người Mẹ: quan thầy của Madagascar, Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria. Cha luôn luôn có ấn tượng trước quyết tâm khi Mẹ Maria, lúc còn trẻ, nói lời “xin vâng”. Sự quyết tâm khi ngài nói với thiên thần: “Hãy để việc đó được thực hiện cho tôi”. Ngài còn lâu mới nói: “Vâng, nhưng hãy để xem sự việc sẽ ra sao”. Mẹ Maria không thể tưởng tượng được việc nói rằng: “Hãy để xem sự việc sẽ ra sao”. Ngài đơn giản thưa “xin vâng”. Đó là tiếng “xin vâng” của tất cả những người sẵn lòng cam kết và chấp nhận rủi ro, sẵn sàng đánh cuộc mọi sự, không có sự bảo đảm nào ngoại trừ niềm tin chắc chắn khi biết họ là người mang một lời hứa. Người phụ nữ trẻ đó bây giờ là Người Mẹ trông chừng con cái mình khi chúng bước đi trong đời, thường xuyên mệt mỏi và thiếu thốn, nhưng luôn lo lắng rằng ánh sáng hy vọng sẽ không bị dập tắt. Đó là những gì chúng ta mong muốn cho Madagascar, cho mỗi các con và bạn bè của các con: rằng ánh sáng của hy vọng không bị dập tắt. Mẹ của chúng ta đang nhìn vào cuộc tụ họp lớn lao của người trẻ này, những người yêu mến ngài và tìm kiếm ngài trong sự thinh lặng của trái tim họ, bất chấp sự ồn ào của thế giới và những huyên náo và sao lãng của cuộc hành trình. Họ cầu nguyện với ngài rằng niềm hy vọng của họ sẽ không bao giờ bị dập tắt (x. Christus Vivit, 44-48).

Cha giao phó cuộc sống của mỗi các con và cuộc sống của gia đình và bạn bè của các con cho Mẹ Maria. Xin cho các con đừng bao giờ thiếu ánh sáng hy vọng, và xin cho Madagascar ngày càng trở thành vùng đất mà Chúa hằng mơ ước. Xin Đức Mẹ đồng hành cùng các con và bảo vệ các con luôn mãi.

Và, xin đừng quên cầu nguyện cho Cha.

 
Đức Thánh Cha trong buổi đọc Kinh giờ Ba với các các nữ tu dòng Carmêlô Nhặt Phép
Giáo Hội Năm Châu
18:01 08/09/2019
Sau cuộc gặp gỡ với tổng thống, các nhà lãnh đạo trong chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại dinh tổng thống, lúc 11:15, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ và đọc kinh chung trong tu viện các nữ tu dòng Carmêlô Nhặt Phép.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:

Tôi cảm ơn tất cả các Chị, đã rời khỏi đời sống viện tu trong giây lát để thể hiện sự hiệp thông với tôi và với cuộc sống và sứ mệnh của toàn Giáo hội, đặc biệt là Giáo hội ở Madagascar. Tôi rất biết ơn về sự hiện diện của các chị, vì lòng trung thành của các chị và nhân chứng rạng rỡ cho Chúa Giêsu Kitô mà các chị đưa ra cho cộng đồng.

Ở đất nước này, có thể có nghèo đói, nhưng cũng có sự giàu có lớn! Ở đây, chúng ta tìm thấy một kho báu tuyệt vời về vẻ đẹp tự nhiên, con người và tâm linh. Các chị cũng vậy, các chị em thân mến, hãy chia sẻ vẻ đẹp của Madagascar, dân tộc và Giáo hội của đất nước này, vì đó là vẻ đẹp của Chúa Kitô làm sáng lên khuôn mặt và cuộc sống của các chị. Thật vậy, nhờ có các chị, Giáo hội ở Madagascar còn đẹp hơn trong mắt Chúa và trong mắt cả thế giới nữa.

Sau đó, Đức Thánh Cha chia sẻ về bài đọc ngắn trích từ sách Các Vua quyển thứ nhất (2,2b-3), đó là “lòng can đảm”, và ngài nói rằng để theo Chúa, chúng ta luôn cần có một tí can đảm. Nhưng Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng Chúa làm công việc nặng nhọc nhất và chúng ta phải có can đảm để cho Người làm.

Tiếp đến Đức Thánh Cha kể về một hình ảnh đã giúp ngài rất nhiều trong đời sống linh mục cũng như đời sống đức tin. Đó là câu chuyện của hai nữ tu, một già một trẻ. Một buổi chiều, sau khi cầu nguyện, họ đi đến nhà cơm và sơ cao niên hầu như không thể đi được. Sơ trẻ tìm cách giúp cho sơ già, nhưng sơ này không chịu, còn la lên, “đừng đụng vào kẻo tôi té”. Nhưng sơ trẻ vẫn cứ đi với sơ già với nụ cười trên môi. Khi đến nhà cơm, sơ trẻ tcố giúp sơ già ngồi xuống ghé, sơ già lại la lên, “đừng, đừng, nó làm tôi đau, làm tôi đau chỗ này…”, nhưng cuối cùng sơ già đã ngồi xuống ghế. Sơ trẻ còn giúp chuẩn bị thức ăn cho sơ già. Sơ trẻ đó là thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu.

Câu chuyện cho thấy cần có tinh thần nào để sống đời sống cộng đoàn. Lòng bác ái trong những việc nhỏ nhặt cũng như việc to lớn. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng mọi nữ tu đều tìm con đường hoàn thiện nhưng sự hoàn thiện nằm trong những cử chỉ nhỏ của tình yêu được thực hiện với nhân đức vâng lời. Đức Thánh Cha cũng mời gọi có can đảm để làm những cử chỉ nhỏ, can đảm tin rằng Thiên Chúa vui lòng về sự bé nhỏ của tôi và Người sẽ cứu độ thế giới bắt đầu bằng những cử chỉ nhỏ của tình yêu, của từ bỏ chính mình.

Đức Thánh Cha kể tiếp: Một buổi chiều, khi Thánh Têrêsa đi từ nhà nguyện đến nhà cơm, chị nghe tiếng nhạc từ bên ngoài và nghĩ chắc là có lễ hội, nhảy múa. Chị nghĩ đến lễ hội có những người trẻ vui chơi nhảy múa, có lẽ lễ hội gia đình … hay đám cưới, sinh nhật… Có lẽ chị nghĩ ở đó thật vui nhưng ngay lập tức, chị thưa với Chúa rằng sẽ không bao giờ đổi một cử chỉ nào đối với sơ già kia để lấy lễ hội trần gian. Điều này làm cho chị cảm thấy hạnh phúc hơn tất cả những điệu múa ngoài đời.

Qua câu chuyện này, Đức Thánh Cha khuyên các nữ tu khi bị tư tưởng trần gian xâm chiếm hãy biết phân định với bề trên, với hội đồng, với chị em để những ý nghĩ nghĩ thế gian không xâm nhập vào đan viện. Khi những tư tưởng trần gian đến, hãy đóng cửa và nghĩ đến những hành động nhỏ của tình yêu.

Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng mỗi tu sĩ phải chiến đấu để thắng tinh thần thế gian, thắng tội lõi, thắng ma quỷ. Nhưng ma quỷ chưa bỏ cuộc, chúng “trở lại và lợi hại hơn xưa”! Chúng là những con quỷ học thức và khó ngăn ngừa hơn, vì khó phát hiện ra chúng. Chúng không muốn bị khám phá ra vì thế nó hóa trang dưới bộ áo quý phái. Ngài khuyên các tu sĩ nếu thấy có điều gì không ổn, cần nói ngay, bày tỏ ngay. Evà đã không thưa với Chúa ngay khi bị con rắn dụ dỗ… Hãy nói ngay khi có điều gì đó làm các chị em không còn cảm thấy bình an thanh thản. Và để bảo vệ chúng ta khỏi tinh thần thế tục, khỏi ma quỷ, cần có tình bác ái, cần cầu nguyện. Bác ái để xin lời khuyên đúng lúc, cầu nguyện để xin Chúa giúp nhận ra mưu mô ma quỷ.

Thánh Têrêsa khi cảm thấy có điều không ổn trong tâm hồn liền thưa với về trên … dù bề trên không cảm tình với chị. Và Đức Thánh Cha khuyên các tu sĩ nhìn thấy Chúa Giêsu nói qua bề trên.

Và cuối cùng, Đức Thánh Cha làm chứng rằng thánh Têrêsa đã đồng hành với ngài trên mỗi bước đường, đã dạy ngài bước đi. Đức Thánh Cha nói: “Đôi khi tôi hơi bực mình và đuổi ngài đi. Đôi khi tôi lắng nghe ngài; đôi khi những đau khổ khiến tôi không nghe ngài chăm chú… Nhưng ngài là người bạn trung thành. Vì vậy, tôi không muốn nói lý thuyết suống với chị em, tôi đã nói với chị em về kinh nghiệm của tôi với một vị thánh và nói với chị em điều một vị thành có thể làm và con đường để nên thánh.

Hãy tiến bước! Và can đảm!
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, 9/9/2019: ĐTC Phanxicô là chứng tá hy vọng cho Phi châu
VietCatholic Network
22:49 08/09/2019


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Đức Hồng Y Parolin nói: Đức Thánh Cha Phanxicô là chứng tá hy vọng cho Phi châu.

2- Đức Thánh Cha đã đến thủ đô Maputo của Mozambique.

3- Đức Thánh Cha gặp các Giám mục, Tu sĩ và Giáo lý viên tại Mozambique.

4- Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ tại sân vận động Zimpeto ở Mozambique.

5- Đức Thánh Cha thăm bệnh viện Zimpeto chuyên chữa trị bệnh SIDA.

6- Đức Thánh Cha Phanxicô đến Antananarivo, thủ đô của Madagascar.

7- Đức Thánh Cha đề cao nhân đức vâng lời với các nữ tu ở Madagascar.

8- Đức Thánh Cha thăm nước Cộng hòa Maurice.

9- Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Tổng Thống Pháp với lãnh đạo Giáo hội Pháp.

10- Thông điệp của các Giám mục Hoa Kỳ kỷ niệm 100 năm Chương trình Tái thiết Xã hội.

11- Giới thiệu Thánh Ca: Tình Hồng Dâng Hiến.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết: