Ngày 09-09-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:45 09/09/2019

32. Khiêm tốn là nắm chặt chìa khóa thiên quốc. (Thánh John Berchmans)



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------------

http://www.vietcatholic.net

https:www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:03 09/09/2019
10. DƯỚI DĨA CÓ XÌ DẦU

Ở đất Ngô có người tên là Quy Liêm Tuyền, trong nhà rất giàu có nhưng lại rất keo kiết.

Mỗi lần mùa hè đến, vì để tiết kiệm củi nên thường đem nước tắm bỏ dười ánh mặt trời để nắng chiếu nóng rồi sau đó mới tắm, người này sống tuổi đã rất cao mà cũng chưa dám ăn một miếng thịt.

Một hôm, có người bên nhà vợ đến, thực ra không có cách gì để tránh nên mới lấy trong tay áo ra năm đồng tiền kêu người đi đến hàng thịt chín mua vài miếng thịt. Quá nhạt, không có xì dầu, tự mình lấy một đồng đi mua xì dầu, vừa mới nếm thì chê xì dầu không ngon nên lấy tiền lại và về nhà.

Khách thấy ông ta trở về tay không thì hỏi xì dầu đâu, Quy Liêm Tuyền chỉ cái dĩa còn chút dầu dưới đáy nói:

- “Chút mặn ấy đủ để cho mấy miếng thịt rồi”.

Lại có một lần, đám trẻ con nhìn thấy người bán kẹo nên khóc lớn đòi mua. Bà ngoại ra lệnh cho Quy Liêm Tuyền lấy nửa ký gạo đi đổi kẹo.

Quy Liêm Tuyền sau khi nhìn thấy thì đem gạo đi qua đổi và lấy về một chiếc kẹo, tự mình bẻ và ăn thử một miếng, sau đó lại bẻ thêm một miếng nữa bỏ vào trong miệng của con trai và nói:

- “Mùi vì chẳng qua là như thế mà thôi.”

Và lập tức đem kẹo trả lại cho người bán kẹo và lấy tiền trở về nhà.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 10:

Con người ta nếu còn chút “tâm hồn” thì không đến nỗi keo kiệt như thế, ít nữa là chơi đẹp với bè bạn và thơm thảo với con cái, chứ ai lại tệ hại như thế bao giờ.

Thiên Chúa chưa hề keo kiệt với chúng ta bao giờ, vậy mà có người hết sức keo kiệt hà tiện với anh em chị em của mình. Thiên Chúa cũng chưa bao giờ cho chúng ta “mút” cái kẹo để rồi lấy lại, nhưng có người Ki-tô hữu cho anh em chị em vay mượn một đồng nhưng lấy tiền lời thì gấp năm gấp mười…

Keo kiệt hà tiện không những là một tội trong bảy mối tội đầu, nhưng còn là một thứ bệnh nan y bất trị của những người chỉ biết bo bo coi tiền coi bạc hơn cả tình cảm của tha nhân, ngay cả đời này họ cũng không đáng được người ca tụng, thì thử hỏi đời sau được chúc phúc sao ? Đúng là giấc mơ hão huyền.

Một chút dầu dưới dĩa thì không thể nào chấm được mấy miếng thịt, cũng vậy làm việc thiện ít hơn cái hà tiện keo kiệt thì nhất định sẽ không bước tới được cổng thiên đàng!

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https:www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Thánh lễ tại Port-Louis, Mauritius
Vũ Văn An
06:09 09/09/2019
Hôm nay, ngày 9 tháng 9, cũng là ngày kính Chân Phúc Jacques Désiré Laval, thường được gọi là Tông Đồ của Mauritius, Đức Phanxicọ đã đến Tượng Đài Nữ Vương Hoà Bình tại Thủ Đô Port-Louis của Mauritius, trong chuyến thăm một ngày, để cử hành Thánh Lễ sau cùng của chuyến viếng thăm ba nước Mozambique, Madagascar và Mauritius. Trong Thánh Lễ này, ngài đã giảng bài giảng sau đây:


Ở đây, trước bàn thờ dâng kính Đức Maria Nữ vương Hòa bình, trên ngọn núi này từ đó chúng ta có thể nhìn thấy thành phố và biển phía xa, chúng ta là một phần của đám đông lớn lao, một biển mặt người đến từ Mauritius và các hòn đảo khác của khu vực Ấn Độ Dương này để nghe Chúa Giêsu giảng về Bát Phúc. Chúng ta đã đến để nghe cùng một lời ban sự sống mà ngày nay, cũng như hai ngàn năm trước, có sức mạnh và ngọn lửa có khả năng sưởi ấm những trái tim lạnh giá nhất. Cùng nhau chúng ta có thể nói với Chúa: Chúng con tin vào Chúa, và với ánh sáng đức tin và từng nhịp đập của trái tim chúng con, chúng con biết sự thật trong các lời lẽ của tiên tri Isaia: Hãy công bố hòa bình và sự cứu rỗi, hãy mang tin mừng... rằng Thiên Chúa chúng ta đang trị vì.

Các Mối Phúc “giống như thẻ căn cước của Kitô hữu. Vì vậy, nếu có ai hỏi: ‘Người ta phải làm gì để trở thành một Kitô hữu tốt?’ câu trả lời đã rõ ràng. Chúng ta phải làm, mỗi người theo cách riêng của chúng ta, những gì Chúa Giêsu đã nói với chúng ta trong Bài giảng trên Núi. Trong Các Mối Phúc, chúng ta tìm thấy một bức chân dung của Thầy Chí Thánh, mà chúng ta được kêu gọi để phản ảnh trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta (Gaudete et Exsultate, 63). Với vị “tông đồ của người Mauritius”, Chân phước Jacques-Désiré Laval, người rất được tôn kính ở những vùng đất này, cũng thế. Tình yêu dành cho Chúa Kitô và người nghèo đã đánh dấu cuộc đời ngài đến nỗi ngài không thể quan niệm được một cách rao giảng Tin Mừng “xa cách và được khử trùng”. Ngài biết rằng việc truyền giảng Tin Mừng đòi hỏi phải trở thành mọi sự cho mọi người (x. 1Cr 9: 19-22), và vì vậy ngài đã học ngôn ngữ của những nô lệ vừa được giải phóng và dạy cho họ Tin mừng cứu rỗi bằng ngôn ngữ đơn giản. Ngài đã có thể tập hợp các tín hữu, đào tạo họ đảm nhiệm sứ mệnh và thiết lập các cộng đồng Kitô giáo nhỏ trong các khu phố, thị trấn và các làng mạc lân cận: các cộng đồng nhỏ, nhiều trong số đó đã phát sinh ra các giáo xứ ngày nay. Sự lo lắng mục vụ của ngài đã giành được sự tin tưởng của người nghèo và người bị ruồng bỏ, và làm họ trở thành những người đầu tiên đến với nhau và tìm giải pháp giải quyết các đau khổ của họ.

Qua việc vươn tay ra truyền giáo và tình yêu của mình, Cha Laval đã đem lại cho Giáo hội Mauritius một tuổi trẻ mới, một sự sống mới, mà hôm nay chúng ta được yêu cầu mang chúng tiến lên.

Chúng ta cần phát huy đà đẩy truyền giáo này, bởi vì, với tư cách là Giáo hội của Chúa Kitô, rất có thể xảy ra việc chúng ta sa cơn cám dỗ để mất nhiệt tình truyền giáo bằng cách nương tựa vào những an toàn thế gian vốn từ từ nhưng chắc chắn không chỉ tác động đến sứ mệnh mà còn thực sự cản trở nó và ngăn không cho nó lôi kéo mọi người lại với nhau (x. Evangelii Gaudium, 26). Đà đẩy truyền giáo luôn có khuôn mặt trẻ trung và tăng sức sống. Vì chính người trẻ, bằng sinh khí và sự đại lượng của họ, có thể mang đến cho nó vẻ đẹp và sự tươi mát của tuổi trẻ, khi họ thách thức cộng đồng Kitô giáo đổi mới và thúc giục chúng ta lao vút đi theo những hướng mới mẻ (x. Christus Vivit, 37).

Điều đó không luôn dễ dàng. Nó có nghĩa phải học cách thừa nhận sự hiện diện của người trẻ và dành chỗ cho họ trong cộng đồng và trong xã hội của chúng ta.

Đó là một điều khó nói, nhưng, bất chấp sự tăng trưởng kinh tế mà đất nước anh chị em từng biết trong những thập niên gần đây, chính người trẻ đang phải chịu đựng nhiều nhất. Họ phải chịu cảnh thất nghiệp, một điều không chỉ tạo ra sự không chắc chắn về tương lai mà còn ngăn họ tin rằng họ đóng một phần quan trọng trong lịch sử chung của anh chị em. Sự không chắc chắn về tương lai khiến họ cảm thấy họ đang ở bên lề xã hội; nó khiến họ dễ bị tổn thương và bất lực trước những hình thức nô lệ mới trong thế kỷ hai mươi mốt này. Những người trẻ của chúng ta là sứ mệnh quan trọng hàng đầu của chúng ta! Chúng ta phải mời họ tìm hạnh phúc của họ trong Chúa Giêsu; không phải bằng cách nói chuyện với họ một cách xa cách hay từ xa, mà bằng cách học cách dành chỗ cho họ, “học ngôn ngữ của họ”, lắng nghe các câu chuyện của họ, dành thời gian với họ và làm họ cảm thấy họ cũng được Chúa chúc phúc. Chúng ta đừng tự tước mất khuôn mặt trẻ trung của Giáo hội và của xã hội. Chúng ta đừng cho phép những kẻ buôn bán trong chết chóc cướp đi những thành quả đầu tiên của lãnh thổ này!

Cha Laval nói với những người trẻ của chúng ta, và tất cả những người, giống như họ, cảm thấy không có tiếng nói, chỉ đơn thuần sống qua ngày, hãy tiếp nhận lời tuyên bố của Isaia: Hỡi các ngươi, các hoang tàn của Giêrusalem, hãy cùng nhau cất lên lời ca; vì Chúa đã đang an ủi dân Người, Người đã đang cứu chuộc Giêrusalem!” (Is 52: 9). Cho dù chúng ta có thể cảm thấy choáng ngợp và bị mắc kẹt, nhưng niềm hy vọng của chúng ta vào Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tiến đến một niềm xác tín mới mẻ vào chiến thắng của Thiên Chúa, không chỉ ở bên kia lịch sử mà còn ở bên trong sợi chỉ giấu ẩn của mọi “lịch sử” nhỏ bé vốn đan xen và thuyết phục chúng ta về chiến thắng của Đấng đã ban vương quốc cho chúng ta.

Sống thông điệp Tin Mừng có nghĩa là chúng ta không thể tiếp tục hy vọng rằng mọi sự xung quanh chúng ta sẽ hoàn hảo, vì quá thường xuyên lòng thèm khát quyền lực và lợi ích trần tục luôn hoạt động chống lại chúng ta. Thánh Gioan Phaolô II nhận định rằng: Một xã hội bị tha hóa nếu các hình thức tổ chức xã hội, sản xuất và tiêu thụ của nó làm cho nó khó khăn hơn trong việc tự hiến bản thân và thiết lập tình liên đới giữa mọi người” (CentesimusAnnus, 41c). Trong một xã hội như vậy, việc sống các Mối Phúc trở nên khó khăn: mọi nỗ lực làm như vậy sẽ bị xem là tiêu cực, bị coi là nghi ngờ và gặp phải sự chế giễu (xem Gaudete et Exsultate, 91). Điều này đúng, nhưng chúng ta không được để mình nhường bước cho chán nản.

Dưới chân ngọn núi này, ngọn núi mà ngày nay tôi muốn trở thành Núi Bát Phúc, chúng ta cũng phải khám phá lại một lần nữa lời mời gọi của Chúa Kitô để được có phúc. Chỉ những Kitô hữu hân hoan mới thức tỉnh nơi người khác lòng mong muốn bước theo con đường này. Hạn từ “chúc phúc” có nghĩa là “hạnh phúc”. Nó trở thành một từ đồng nghĩa với “thánh thiện”, vì nó diễn tả sự kiện này: những người trung thành với Thiên Chúa và với lời của Người, bằng cách tự hiến, sẽ có được hạnh phúc thực sự (x. Ibid., 64).

Khi chúng ta nghe thấy sự chẩn đoán đầy đe dọa rằng “các con số của chúng ta đang giảm dần”, chúng ta nên quan tâm không quá nhiều đến sự suy giảm của phương thức tận hiến này hoặc phương thức tận hiến nọ trong Giáo hội, nhưng đến việc thiếu những người nam nữ muốn trải nghiệm hạnh phúc trên con đường thánh thiện. Chúng ta nên quan tâm đến việc thiếu những người nam nữ biết để trái tim mình bùng cháy với những thông điệp đẹp đẽ và giải thoát nhất. Thật vậy, “nếu có bất cứ điều gì làm phiền chúng ta cách chính đáng và gây rắc rối cho lương tâm của chúng ta, thì đó là sự kiện rất nhiều anh chị em của chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình bạn với Chúa Giêsu Kitô, không có một cộng đồng đức tin để hỗ trợ họ, không có ý nghĩa và một mục tiêu trong cuộc sống” (Evangelii Gaudium, 49).

Khi những người trẻ tuổi thấy dự án cuộc sống Kitô hữu đang được thực hiện với niềm vui, điều này kích thích và khuyến khích họ. Họ cũng cảm thấy ý muốn được nói, bằng rất nhiều hạn từ: “Tôi cũng muốn leo Ngọn Núi Bát Phúc này; tôi cũng muốn gặp ánh mắt của Chúa Giêsu và học từ Người con đường dẫn đến niềm vui thật sự”.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện cho các cộng đồng của chúng ta, để họ có thể làm chứng cho niềm vui của đời sống Kitô hữu và thấy sự nở rộ của lời kêu gọi nên thánh trong nhiều hình thức sống đa dạng mà Chúa Thánh Thần vốn đề xuất cho chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Người cho giáo phận này và cho mọi người đã nỗ lực để đến đây ngày hôm nay. Chân phúc Laval, người có thánh tích mà chúng ta tôn kính, cũng trải qua những giây phút thất vọng và khó khăn với cộng đồng Kitô giáo, nhưng cuối cùng, Chúa đã chiến thắng trong lòng ngài. Vì ngài đã đặt niềm tín thác của ngài vào sức mạnh của Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện để cùng một sức mạnh đó có thể chạm đến trái tim của nhiều người nam nữ của lãnh thổ này, và cả trái tim của chúng ta nữa, để sự mới mẻ của nó luôn có khả năng làm mới cuộc sống của chúng ta và cộng đồng của chúng ta (x. Ibid., 11). Chúng ta đừng quên rằng Đấng kêu gọi một cách mạnh mẽ, Đấng xây dựng Giáo hội, là chính Chúa Thánh Thần.

Bức tượng Đức Mẹ, Người Mẹ bảo vệ và đồng hành với chúng ta, nhắc nhở chúng ta rằng chính Mẹ được gọi là “Đấng diễm phúc”. Chúng ta hãy xin ngài cho ta ơn biết cởi mở với Chúa Thánh Thần. Đức Mẹ đã trải qua một nỗi buồn đâm thấu trái tim ngài như một lưỡi gươm, và vượt qua ngưỡng cửa tang chế khi ngài chứng kiến cái chết của Con mình. Xin ngài lãnh nhận cho chúng ta niềm vui kiên trì không bao giờ chùn bước hoặc phai tàn. Niềm vui không ngừng dẫn chúng ta đến việc trải nghiệm và tuyên xưng rằng “Đấng tối cao đã làm những điều vĩ đại, và danh Người là thánh”.
 
Các Giám mục Phi Luật Tân tuyên bố: bãi bỏ hôn nhân đồng giới là củng cố sự thánh thiện và ổn định của hôn nhân”
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
07:41 09/09/2019
"Với quyết định không hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, các thẩm phán của chúng tôi đã khẳng định điều gì là đúng, là tái khẳng định hình thức hôn nhân tự nhiên và đạo đức. Việc hủy bỏ hôn nhân đồng giới là củng cố sự thánh thiện và ổn định của hôn nhân tại Phi Luật Tân”, Giám mục Ruperto Santos, người đứng đầu giáo phận Balanga nói với Agenzia Fides. Ngài hoan nghênh quyết định của tòa án bác bỏ đơn kiện gây tranh cãi để tìm cách hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

Tòa án Tối cao, trong phán quyết vào ngày 3 tháng 9, đã bác bỏ điều mà nó mô tả là một kiến nghị "chưa trưởng thành" để tìm cách hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Một số giám mục Phi Luật Tân đã can thiệp sau khi bản án nhắc lại rằng các mối quan hệ đồng giới không thể được hợp pháp hóa bằng một cuộc hôn nhân, tôn giáo hay dân sự. Giám mục Arturo Bastes thuộc giáo phận Sorsogon, đã mô tả nỗ lực này là "vô đạo đức", ca ngợi Tòa án Tối cao đã bảo vệ "bản chất thực sự của hôn nhân". Giám Mục Phụ Tá của Manila là Đức cha Broderick Pabillo gọi phán quyết của tòa là "sự phát triển tốt cho đất nước". Cuộc chiến chống lại hôn nhân đồng giới sẽ nằm trong cơ quan lập pháp. "Tôi hy vọng các nhà lập pháp sẽ tăng sức mạnh để củng cố các gia đình thay vì làm suy yếu nó". Bà Mary Jane Castillo, một lãnh đạo Công Giáo, nói với Fides: "Bản án của Tòa án tối cao là đáng khen ngợi. Hôn nhân luôn luôn là giữa một người nam và một người nữ, theo luật tự nhiên. Và luật pháp của Phi Luật Tân tuân theo quy định đó".

Nguồn: Agenzia Fides
 
Phán Quyết Của Chánh Án Weinberg Về Kháng Cáo Của Đức Hồng Y Pell: ‘Các trở ngại chắc chắn’ chống kết án
Vũ Văn An
18:44 09/09/2019
Nhánh đầu tiên của thử nghiệm M - Có ‘các trở ngại chắc chắn’ nào để kết án không?

664 Các đệ trình kết thúc của ông Richter được hỗ trợ bởi một bài thuyết trình bằng PowerPoint được chuẩn bị chi tiết và phức tạp, trước bồi thẩm đoàn. Những điểm được đưa ra trong bài thuyết trình đó phần lớn được nhắc lại trong lý lẽ bằng văn bản trước Tòa án này, mặc dù đã giảm từ 17 ‘trở ngại chắc chắn’ đối với bản kết án xuống còn 13.

665 Tôi sẽ trình bầy từng trở ngại một này, và bao gồm điều tôi coi như một bản tóm tắt hữu lý và công bằng câu trả lời của công tố.

(1) Cách định thời gian trong câu chuyện của người khiếu nại là điều ‘không thể có’ [190]

666 Kể từ lúc người khiếu nại lần đầu tiên nói chuyện với cảnh sát vào năm 2015, ông ta đã kiên quyết rằng cả hai biến cố thứ nhất và thứ hai đều diễn ra trong cùng một năm ca đoàn. Thoạt đầu, ông ta nói lầm rằng năm đó là năm 1997. Tuy nhiên, khi được Thám tử Reed, người đã thực hiện các điều tra riêng của mình, cho ý kiến, ông ta đã sửa lại năm đó là năm 1996.

667 Tại phiên tòa, người khiếu nại lặp đi lặp lại rằng ông ta không có ‘nghi ngờ nhỏ nhất nào’rằng cả hai biến cố xảy ra trước Giáng sinh năm 1996. Để cho rõ ràng, bằng chứng của anh ta như sau:

ÔNG RICHTER: Và vì vậy, tâm trí ông đã bị cuốn vào những ngày sai lầm và đã điều chỉnh lại tâm trí của ông, bây giờ ông - và ông đã nói với bồi thẩm đoàn - rằng những biến cố này diễn ra vào nửa cuối năm 1996, có phải thế không?

NGƯỜI KHIẾU NẠI: Đúng.

ÔNG RICHTER: Và ông không một chút nghi ngờ nhỏ nào về điều đó?

NGƯỜI KHIẾU NẠI: Không.

...

ÔNG RICHTER: Tôi đã nói với ông và ông đã nói với chúng tôi rằng điều tốt nhất ông có thể tái dựng sau khi các lầm lỗi của ông được chỉ ra cho ông bởi Trung sĩ Reed - ký ức tốt nhất và bằng chứng tốt nhất ông có thể đưa ra là cả hai biến cố này đều xảy ra vào năm 1996?

NGƯỜI KHIẾU NẠI: Đúng.

668 Bằng chứng của người khiếu nại là cả hai biến cố diễn ra ngay sau khi đương đơn đã đọc, hoặc cử hành, Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật, mặc dù đôi khi, ông ta dao động phần nào về vấn đề đó. Bản ghi chép đọc như sau:

ÔNG RICHTER: Các biến cố, vâng, vụ bị cáo buộc là hiếp dâm bằng miệng và sau đó là bóp bộ phận sinh dục. Trong cả hai dịp này, trình thuật của ông luôn luôn là sau khi Thánh lễ Chúa Nhật được Tổng Giám mục Pell cử hành; có đúng thế không?

NGƯỜI KHIẾU NẠI: Ông ấy đã có mặt trong Thánh lễ Chúa Nhật, đúng.

ÔNG RICHTER: Hãy coi, ông ấy đã cử hành Thánh lễ Chúa Nhật; đó có phải luôn là bằng chứng trước đây của ông không? Rằng ông ấy đọc thánh lễ?

NGƯỜI KHIẾU NẠI: Đúng, ông ấy đọc Thánh lễ.

...

ÔNG RICHTER: Tôi có thể duyệt lại với ông không – việc này được giả thiết đã xảy ra ngay sau khi Thánh lễ được đọc bởi Tổng Giám mục Pell. Chính xác?

NGƯỜI KHIẾU NẠI: Chính xác.

669 Ký ức của người khiếu nại là biến cố thứ hai xảy ra ‘hơn một tháng’ sau biến cố thứ nhất.

ÔNG RICHTER: Bao lâu sau các biến cố mà ông vừa mô tả là biến cố tiếp theo này?

NGƯỜI KHIẾU NẠI: Tôi có thể nói hơn một tháng.

670 Ông Richter đã mời bồi thẩm đoàn kết luận rằng một khó khăn lớn với trình thuật của người khiếu nại xuất phát từ sự kiện, cuối cùng đã được xác lập ngoài mọi nghi ngờ, rằng đương đơn chỉ đọc hai Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật tại Nhà thờ Chính tòa vào năm 1996. Thành thử, theo trình thuật của người khiếu nại, ngày 15 và ngày 22 tháng 12 năm đó là hai ngày duy nhất mà một trong hai biến cố có thể xảy ra.

671 Việc đương đơn nói hoặc cử hành Thánh lễ long trọng vào Chúa Nhật vào hai ngày trong năm 1996 chỉ trở nên hiển nhiên rõ ràng khi vào tháng 9 năm 2018, sau phiên tòa đầu tiên, và trước phiên thứ hai, cuốn nhật ký của Connor đột nhiên trở nên có sẵn để sử dụng. Như đã chỉ ra trước đây, cuốn nhật ký đó đã xử lý tỉ mỉ các ngày vào năm 1996, trong đó tất cả các Thánh lễ đã được cử hành tại Nhà thờ Chính tòa, ngoại trừ các ngày 3, 10 và 17 tháng 11. Vào những ngày đó, rõ ràng đương đơn đã cử hành Thánh lễ Chúa Nhật ở nơi khác.

672 Portelli đã đưa ra bằng chứng này:

ÔNG RICHTER: Thưa đức ông, đức ông được bổ nhiệm làm chưởng nghi cho Đức Tổng Giám Mục Pell, tôi nghĩ đó là vào tháng 9 năm 96, và việc bổ nhiệm này đã tạo ra một mối liên hệ đặc biệt giữa đức ông và Đức Tổng Giám Mục theo nghĩa đức ông có nhiệm vụ đặc biệt liên quan đến ngài?

PORTELLI: Vâng.

ÔNG RICHTER: Và một trong các nhiệm vụ đó, à, các nhiệm vụ của đức ông trong căn bản có tính phụng vụ và các nhiệm vụ có tính cách lễ nghi liên quan đến ngài?

PORTELLI: Vâng, và một số vấn đề khác nữa.

ÔNG RICHTER: Tôi đã hỏi đức ông về ký ức của đức ông về hai lần đầu tiên mà Đức Tổng Giám Mục đọc Thánh lễ Chúa Nhật tại St Patrick trong năm 1996. Điều tôi muốn đưa đức ông đến là thế này. Có nhiều lý do tốt để đức ông nhớ lại những điều đó bởi vì năm 1996 là năm mà sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục tại St Patrick về phương diện các Thánh lễ Chúa Nhật rất hạn chế và đó là - -?

PORTELLI: Cho đến khi, vâng.

ÔNG RICHTER: Vâng, và nó bị hạn chế bởi vì khi được bổ nhiệm Tổng Giám mục, ngài đã có các cam kết khác mà ngài đã nhận trước khi được bổ nhiệm?

PORTELLI: Vâng, ngài đã có.

ÔNG RICHTER: Và ngài đã giữ các cam kết ấy tại các giáo xứ khác và những cam kết này đều quan trọng đối với ngài như đức ông có thể nói?

PORTELLI: Vâng. Vâng.

ÔNG RICHTER: Đức ông tháp tùng ngài vào những dịp đó?

PORTELLI: Tôi đã tháp tùng.

ÔNG RICHTER: Vâng, đức ông sẽ lái xe đưa ngài đến đó và nếu bồi thẩm đoàn có thể nhìn vào bảng 7. .. chúng ta có một hồ sơ về ai đã đọc Thánh Lễ và điều này sẽ được đưa ra làm bằng chứng bởi một nhân chứng tiếp sau đây, giữa tháng Bảy và tháng Mười Một, ngoại trừ ba lần khi người viết nhật ký vắng mặt, nhưng tôi có thể hỏi đức ông điều này không, là ngoại trừ các cam kết khác đã có, hãy cho là, vào tháng 11, vào ngày 3 tháng 11, đức ông có nhớ dịp Đức Tổng Giám Mục đọc Thánh lễ cho huynh đoàn ngành đua, như đã xẩy ra, tại Nhà thờ St Francis ở Melbourne không?

PORTELLI: Có, có.

ÔNG RICHTER: Đó là một biến cố thường niên dành cho huynh đoàn ngành đua, và nó có sự tham gia của tất cả các loại nài ngựa, huấn luyện viên, điều một số người gọi là kết nối và giống như thế?

PORTELLI: Đúng vậy.

ÔNG RICHTER: Và đó là một biến cố lớn. Có đúng không?

PORTELLI: Đúng, đúng.

ÔNG RICHTER: Hơi giống như lễ khai mạc năm luật pháp. Đức ông có thấy điều đó không?

PORTELLI: Thấy.

ÔNG RICHTER: Và sau đó có tiệc trà buổi sáng?

PORTELLI: Đúng.

QUAN TÒA: Sau tiệc trà buổi sáng là điều gì?

ÔNG RICHTER: Xin lỗi, huynh đoàn kỹ nghệ đua, sẽ có - - -?

PORTELLI: Tôi tin rằng trà đã ở đâu đó.

ÔNG RICHTER: Vâng, sẽ có Thánh Lễ được đọc, và sau Thánh lễ sẽ có yến tiệc?

PORTELLI: Vâng.

ÔNG RICHTER: Tất nhiên là không có rượu?

PORTELLI: Vào sáng Chúa Nhật?

ÔNG RICHTER: Vâng. Tôi không - Đức ông đã trả lời điều đó. Nhưng có yến tiệc về đồ uống, thức ăn dùng với đồ uống (canapé) và tương tự?

PORTELLI: Vâng. Vâng.

ÔNG RICHTER: Trường hợp đặc biệt đó, Thánh lễ đặc biệt đó bắt đầu lúc 9 giờ sáng?

PORTELLI: Vâng.

ÔNG RICHTER Và Thánh lễ sẽ diễn tiến cho đến khi, à, cho đến 10 giờ hay sau đó nữa?

PORTELLI: Ít nhất 10 giờ, vâng.

ÔNG RICHTER: Và sau đó có sự tập hợp của huynh đoàn ngành đua và có những lời giới thiệu và thảo luận với Đức Tổng Giám Mục các loại?

PORTELLI: Vâng, vâng.

673 Tại một số điểm trong phiên tòa, ông Gibson cổ động khả thể này:biến cố đầu tiên có thể xảy ra vào Chúa Nhật ngày 3 tháng 11 năm 1996, thay vì vào một trong hai ngày tháng 12 do ông Richter đưa ra. Dĩ nhiên, ngày đó trong tháng 11, là Chúa Nhật mà đương đơn đã cử hành Thánh lễ cho huynh đoàn ngành đua. Lý thuyết mà ông Gibson đưa ra là đương đơn đã có thời gian để đi từ Nhà thờ St Francis, trong thành phố, đến Nhà thờ Chính tòa, và vẫn có thể cử hành Thánh lễ trọng thể 11:00 giờ sáng hôm đó. Phù hợp với lý thuyết này, sau đó ngài có thể đã thực hiện các hành vi phạm tội khác nhau được cho là đã xảy ra trong phòng áo của các Linh mục. Điều đó, ngược lại, đã cho phép biến cố thứ hai xảy ra một tháng sau đó, vào ngày 15 hoặc 22 tháng 12 năm 1996. Điều này sẽ cho phép trình thuật của người khiếu nại ăn khớp với dòng thời gian hợp lý.

674 Lý thuyết đặc thù của công tố đó cuối cùng đã bị bác bỏ. Vào thời điểm thẩm phán xét xử trao nhiệm vụ cho bồi thẩm đoàn, người ta nói chung đã chấp nhận rằng Nhà thờ Chính tòa đã được tân trang cho đến ngày 23 tháng 11 năm 1996. Trong những tháng dẫn đến ngày đó, Thánh lễ trọng thể chỉ được cử hành tại Hội trường Knox. Thành thử, biến cố đầu tiên đơn giản không thể xảy ra vào ngày 3 tháng 11 năm 1996.

675 Các mục trên tờ Kairos cũng nói rõ ràng rằng đương đơn lần đầu tiên cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa, với tư cách Tổng Giám mục, vào ngày 23 tháng 11 năm 1996. Đó là một buổi tối thứ Bảy. Bài báo trên tờ Kairos đề cập đến một Nhà thờ chính tòa chật cứng, chỉ còn có chỗ đứng mà thôi, khi Đức Tổng Giám Mục mới cử hành Thánh lễ để tôn vinh Chúa Kitô Vua.

676 Hơn nữa, biên bản cuộc họp của Ủy ban Kêu gọi Mừng Bách Chu niên Nhà thờ Chính tòa ngày 6 tháng 11 năm 1996 đã được đệ trình. Người ta đã lưu ý rằng các công trình tân trang dự kiến sẽ được hoàn thành trước ngày 23 tháng 11 năm 1996, mặc dù một số nhiệm vụ nhỏ có thể vẫn được thực hiện sau ngày đó.

677 Dưới ánh sáng của toàn bộ bằng chứng gắn bó này, hầu như không ngạc nhiên cho lắm khi đến lúc thẩm phán xét xử trao nhiệm vụ cho bồi thẩm đoàn, thì không còn bất cứ gợi ý thực tiễn nào rằng biến cố đầu tiên có thể xảy ra vào Chúa Nhật ngày 3 tháng 11 năm 1996. Điều đó có nghĩa: những ngày duy nhất có thể có để hành vi phạm tội, được mô tả liên quan đến biến cố đó, có thể xảy ra là 15 và 22 tháng 12 năm 1996, như bên bào chữa đã lập luận suốt phiên tòa.

678 Sự chấp nhận cuối cùng rằng đó là những ngày duy nhất trong đó biến cố đầu tiên có thể xảy ra trên thực tế là một thay đổi quan trọng và khá nền tảng, đối với cung cách qua đó, lý lẽ công tố cuối cùng đã được đưa ra cho bồi thẩm đoàn. Vì những lý do mà ông Richter đã khai triển trong diễn từ kết thúc của mình trước bồi thẩm đoàn, và tôi sẽ trở lại với nó, thật ít đáng ngạc nhiên khi bên bào chữa đã chiến đấu kiên cường trong suốt phiên tòa để những ngày đó được ấn định là các ngày duy nhất trong đó biến cố đầu tiên có thể hình dung được đã xảy ra.

Câu trả lời của công tố - cách định thời gian trong trình thuật của người khiếu nại không phải là không thể

679 Một khi đã trở nên rõ ràng là biến cố đầu tiên, nếu nó có xảy ra, phải xảy ra vào ngày 15 hoặc 22 tháng 12 năm 1996, nhất thiết có hệ luận này là biến cố thứ hai, nếu nó xảy ra, để phù hợp với trình thuật của người khiếu nại, phải đã diễn ra vào khoảng đầu năm 1997.

680 Công tố cuối cùng ấn định Chúa Nhật ngày 23 tháng 2 năm 1997 làm ngày đó. Rất có thể, đó là vì đây là ngày Chúa Nhật tiếp theo sau ngày 22 tháng 12 năm 1996 mà đương đơn đã tham dự Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật tại Nhà thờ Chính tòa. Nhật ký của Connor, mà cả hai bên dường như chấp nhận là đáng tin cậy, đã ghi lại rằng đương đơn đã chủ trì Thánh lễ đó, mặc dù đã không cử hành nó. Theo nghĩa này, đương đơn có thể được cho là đã ‘can dự’ vào Thánh lễ trọng thể vào ngày hôm đó.

681 Ông Gibson đã mời bồi thẩm đoàn nhận thấy rằng người khiếu nại, mặc dù đã hoàn toàn nhầm lẫn khi khăng khăng cho rằng cả hai biến cố thứ nhất và thứ hai đã xảy ra trong ‘cùng một năm ca đoàn’, tuy vậy vẫn là một nhân chứng thuyết phục, có bằng chứng đáng tin và đáng dựa vào, và dựa vào bằng chứng đó, họ có thể hành động một cách an toàn. Ông đệ trình rằng người khiếu nại có thể đã sai về lúc các hành vi phạm tội này được thực hiện, nhưng không về những gì đã thực sự xảy ra.

Kỳ tới: (2) Không thể có việc đương đơn đã ở trong phòng áo của các Linh mục trong vòng ít phút sau khi kết thúc Thánh lễ
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự, và ngoại giao đoàn Mauritius
J.B. Đặng Minh An dịch
21:13 09/09/2019

Chiều ngày thứ Hai 9 tháng Chín, lúc 16:25, Đức Thánh Cha đến cầu nguyện tại Đền thờ Chân phước Jacques-Desire Laval, vị tông đồ truyền giáo cho người Mauritus.

Ba mươi phút sau đó, Đức Thánh Cha viếng thăm xã giao tổng thống Barlen Vyapoory tại dinh tổng thống.

Sau cuộc gặp gỡ kéo dài trong 20’, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với thủ tướng Pravind Jugnauth cũng trong dinh tổng thống

Lúc 17:40, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo chính phủ, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn trong dinh tổng thống.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:


Thưa Tổng thống,
Thủ tướng
Quý thành viên Chính phủ và Ngoại giao đoàn,
Quý vị đại diện của xã hội dân sự, các tôn giáo
Thưa quý vị,


Tôi xin gửi lời chào thân ái tới các vị trong chính quyền Mauritius và tôi cảm ơn các vị vì lời mời đến thăm nước Cộng hòa này của các bạn. Tôi cảm ơn Thủ tướng đã có những lời chào thân ái và cùng với Tổng thống đã đón tiếp tôi nồng nhiệt. Tôi xin chào các thành viên Chính phủ, các đại diện của xã hội dân sự và ngoại giao đoàn. Tôi cũng ghi nhận sự hiện diện của đại diện các hệ phái Kitô và các tôn giáo khác ở Mauritius, và tôi cảm ơn các vị rất nhiều.

Nhờ chuyến viếng thăm ngắn ngủi này, tôi rất vui được gặp gỡ dân tộc của các bạn, nổi danh không chỉ về sự đa dạng văn hóa, sắc tộc và tôn giáo, nhưng trên hết về vẻ đẹp nảy sinh từ khả năng nhận biết, tôn trọng và hài hòa những khác biệt hiện có trong viễn tượng một đề án chung. Điều này tóm lược lịch sử của dân tộc các bạn, được hình thành từ sự du nhập những người di cư đến từ các chân trời và lục địa khác nhau, những người mang đến đây truyền thống, văn hóa và tôn giáo của riêng họ, và dần dần học cách trở nên phong phú từ những khác biệt của người khác, và học cách chung sống với nhau cũng như phấn đấu để xây dựng một xã hội dấn thân cho thiện ích chung.

Về khía cạnh này, các bạn thủ đắc một tiếng nói đầy thẩm quyền, một tiếng nói đã được chứng thực trong cuộc sống. Đó là tiếng nói nhắc nhở chúng ta rằng hòa bình lâu dài có thể đạt được khi chúng ta khởi đi từ xác tín rằng “sự đa dạng là một điều tuyệt vời khi nó có thể tham gia không ngừng vào tiến trình hòa giải và đóng dấu một loại giao ước văn hóa dẫn đến 'sự đa dạng hài hòa' (Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 230). Điều này lại trở thành nền tảng và cơ hội để xây dựng sự hiệp thông thật sự trong đại gia đình nhân loại, mà không thấy cần phải gạt ai ra ngoài lề, không cần loại trừ ai hoặc từ khước bất cứ ai.

DNA của dân tộc các bạn lưu giữ ký ức về những phong trào di cư đã mang các vị tổ tiên của các bạn đến với hòn đảo này và khiến họ cởi mở với những khác biệt, tích hợp và đề cao những khác biệt ấy vì thiện ích của tất cả mọi người. Vì lý do đó, tôi khuyến khích các bạn, trong niềm trung thành với nguồn gốc của mình, hãy chấp nhận thách thức chào đón và bảo vệ những người di dân ngày nay đang tìm kiếm công ăn việc làm, và nhiều người trong số họ đang tìm kiếm một điều kiện sống tốt hơn cho gia đình mình. Xin hãy nỗ lực để chào đón họ, theo gương của tổ tiên các bạn, là những người đã chào đón nhau. Xin hãy trở thành những nhân vật chính và những người bảo vệ một nền văn hóa gặp gỡ thực sự cho phép người di cư (và tất cả mọi người) được tôn trọng về phẩm giá và quyền lợi của họ.

Khi nhớ lại lịch sử gần đây của dân tộc các bạn, tôi muốn đóng góp tích cực cho truyền thống dân chủ đã biến Mauritius trở thành thiên đường của hòa bình. Tôi bày tỏ hy vọng rằng nghệ thuật dân chủ sống động này có thể được trau giồi và phát triển, đặc biệt là bằng cách chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử. “Đời sống chính trị đích thực, dựa trên luật pháp và trên các mối quan hệ thẳng thắn và công bằng giữa các cá nhân được canh tân bất cứ khi nào chúng ta tin tưởng rằng mọi người nam nữ và mọi thế hệ đều hứa hẹn những năng lượng tương tác mới, trí tuệ, văn hóa và tinh thần” (Thông điệp Ngày hòa bình thế giới, ngày 1 tháng Giêng năm 2019). Cầu xin cho những người dấn thân trong cuộc sống chính trị của Cộng hòa Mauritius là những tấm gương sáng cho những người nam nữ đang tin tưởng vào các bạn, và đặc biệt là những người trẻ tuổi. Qua hành vi và quyết tâm của các bạn chống lại tất cả các hình thức tham nhũng, các bạn có thể chứng minh tầm quan trọng trong dấn thân của mình đối với thiện ích chung, và luôn xứng đáng với sự tin tưởng của đồng bào.

Kể từ khi được độc lập, đất nước của các bạn đã trải qua một sự phát triển kinh tế ổn định, chắc chắn đó là một lý do để vui mừng, nhưng cũng phải cảnh giác. Trong bối cảnh hiện nay, dường như sự tăng trưởng về kinh tế không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, nhưng bởi một số cơ chế và quy trình, nó thậm chí có thể gạt sang một bên một số người nhất định, đặc biệt là giới trẻ. Đó là lý do tại sao tôi muốn khích lệ các bạn thúc đẩy một chính sách kinh tế tập trung vào con người, và dựa trên quan điểm phân chia tốt hơn thu nhập xã hội, tạo công ăn việc làm và nâng đỡ người nghèo (xem Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 204). Tôi khuyến khích các bạn đừng chiều theo cám dỗ của một mô hình kinh tế ngẫu tượng, trong đó người ta thấy cần phải hy sinh nhiều sinh mạng con người trên bàn thờ đầu cơ và duy lợi nhuận, đồng thời chỉ chú ý vào những lợi thế ngắn hạn bất kể những phương hại trong việc bảo vệ người nghèo, môi trường và các tài nguyên của nó. Điều này liên quan đến việc tiến lên với một đường lối tích cực, như Đức Hồng Y Piat đã viết nhân kỷ niệm 50 năm ngày độc lập của Mauritius, trong đó bao gồm các hoạt động cho một sự hoán cải sinh thái toàn diện. Sự hoán cải đó không chỉ tìm cách tránh các hiện tượng khí hậu kinh hoàng hoặc các thảm họa thiên nhiên trầm trọng, mà còn thúc đẩy sự thay đổi trong cách chúng ta sống, để sự tăng trưởng kinh tế có thể thực sự mang lại lợi ích cho mọi người, đồng thời không có nguy cơ gây ra thảm họa sinh thái hoặc các khủng hoảng xã hội nghiêm trọng.

Thưa quý vị, tôi muốn bày tỏ sự đánh giá cao của mình đối với cách thức các tôn giáo khác nhau tại Mauritius này vừa tôn trọng bản sắc cụ thể của mình, vừa biết cộng tác với nhau để góp phần hòa hợp xã hội và nâng cao giá trị siêu việt của sự sống chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa giản lược hóa. Và tôi bày tỏ mong muốn một lần nữa là người Công Giáo ở Mauritius hãy tiếp tục tham gia vào cuộc đối thoại hiệu quả đã ghi dấu ấn sâu sắc trên lịch sử của dân tộc. Cám ơn chứng tá của anh chị em.

Một lần nữa, tôi cảm ơn các bạn đã chào đón tôi thật nồng nhiệt. Tôi cầu xin Chúa chúc lành cho dân tộc của các bạn và mọi nỗ lực của các bạn đối với sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa, văn minh và truyền thống tôn giáo khác nhau trong việc thúc đẩy một xã hội công bằng, một xã hội không quên những người trẻ và, trên hết, là những người dễ bị tổn thương nhất. Xin tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa tiếp tục đồng hành cùng anh chị em và bảo vệ anh chị em!


Source:Vatican News
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tổng Giáo Phận Sài Gòn Khai Giảng Năm Học Giáo Lý
Gioan Lê Quang Vinh
08:00 09/09/2019
Chúa Nhật đầu tháng 9 là ngày khai giảng năm học mới các lớp Đào Tạo Giáo Lý Viên của Ban Giáo Lý Tổng Giáo phận Sàigòn và khai giảng Giáo lý của nhiều giáo xứ trong Tổng Giáo phận.

Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận, một trong năm cơ sở đào tạo giáo lý viên, rộn ràng khai giảng năm học mới, đồng thời cấp chứng chỉ cho các bạn đã hoàn thành các năm học. Hiện diện trong Lễ khai giảng có Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Trường Ban Giáo Lý Tổng Giáo phận kiêm Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ, cô Madalena Phạm thị Thúy, Giám học, quý Cha trong ban giảng huấn và hơn ba trăm anh chị em giáo lý viên – học viên tại cơ sở.

Xem Hình

Cô Giám học Madalena trình bày chủ đề của năm học 2019 - 2020 là “Chúa Kitô muốn bạn sống vá sống dồi dào”. Cô cho thấy con số học viên tại cơ sở Trung Tâm Mục Vụ năm ngoái và năm nay có sự chênh lệch vì các bạn giáo lý viên ở các giáo xứ gần cơ sở Tân Hương chuyển về học ở đó.

Trong huấn từ đầu năm học, Cha Phêrô, Trưởng Ban Giáo lý Tổng Giáo phận, nhắc các bạn giáo lý viênnhớ một số ý Đức Thánh Cha muốn nói với các bạn trẻ trong Tông huấn Christus Vivit: “Các con thật quý giá. Đừng để ý thức hệ nào lợi dụng các con. Cũng đừng để ai ca tụng các con khiến các con thành hoang tưởng”. Ngài cũng nhắc nhở GLV rằng nhận biết Chúa là món quà vô giá, và được đem Chúa đến cho người khác cũng là món quà vô giá.

Cao điểm của buồi khai giảng năm học mới là Thánh Lễ cầu nguyện cho năm học mới. Cha Chủ tế Phêrô nhắc nhở rằng chúng ta đã thường xuyên được dồi dào ơn Chúa, nên năm học mới chỉ xin Chúa cho chúng ta biểt mở rộng lòng ra. Cha cũng nhắc nhở mọi người về sự khôn ngoan mà các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay nói đến. Khôn ngoan là biết cậy dựa vào Chúa, nương tựa vào Ngài và tìm trú ẩn nơi Ngài. Khôn ngoan là biết bỏ hết mọi sự mà theo Chúa Giêsu.

Cha Phêrô cũng nhắc lại cho các bạn giáo lý viênchủ đề Đại Hội Giáo Lỷ Toàn Quốc vừa qua là Hiệp Thông (hiệp thông với Chúa, hiệp thông với Giáo Hội và hiệp thông với mọi người. Chương trình đào tạo giáo lý viên và chương trình của bộ Giáo lý Hiệp Thông của Tổng giáo phận cũng theo ba cấp độ hiệp thông ấy.

Thông báocủa Ban Mục Vụ Giáo Lý Tổng Giáo phận Sàigòn về việc đào tạo giáo lý viên khóa 12 năm học 2019 – 2020 cho biết như sau:

“Chương trình Đào tạo GLV nhằm đào tạo những người có khả năng thi hành tác vụ huấn giáo nhân danh Hội Thánh, theo 3 chiều kích: hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông với Hội Thánh và hiệp thông với mọi người.

Chương trình đào tạo căn bản được xây dựng theo mô hình HIỆP THÔNG, qua các giai đoạn:

Giai đoạn 1 (Cấp I): huấn luyện & củng cố tương quan cá vị với Thiên Chúa. Ba giảng khoá chính trợ giúp cho giai đoạn này: Nhân bản; Tín lý; Linh đạo-Kinh nguyện.

Giai đoạn 2 (Cấp II): huấn luyện & củng cố tương quan với Giáo Hội, nhờ tìm hiểu các khoá: Lịch sử Cứu độ; Lịch sử Giáo hội; Phụng vụ Bí tích.

Giai đoạn 3 (Cấp III): huấn luyện & củng cố tương quan trong xã hội, hướng đến việc dấn thấn phục vụ & làm chứng. Ba giảng khoá cột trụ: Công Đồng Vatican II; Dẫn vào các Tôn giáo; Luân lý”.

Xin Chúa ban cho quý Cha, quý vị hữu trách, giáo lý viên và các em học viên một năm học mới tràn đầy Thánh Thần Tình Yêu, để việc dạy Giáo lý đạt được “mục đích tối hậu là làm cho con người không những được tiếp xúc, mà còn được thông hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô” như Hội Thánh chỉ dạy.

Gioan Lê Quang Vinh
 
Cảm nghĩ và hình ảnh kỷ niệm 5 năm hội Bảo Trợ Gia Đình Đa Minh Garland, TX
Vũ Trung Thành & Trần Mạnh Trác
14:52 09/09/2019
Xem hình ảnh

Chiều Chúa Nhật ngày 08 tháng 9 năm 2019, Hội Bảo Trợ Gia Đình Đa Minh đã có một buổi họp mặt thật vui tươi và sống động tại nhà các Sơ Dòng Đa Minh/Garland (Dominican Sisters, 2934 Landershine Ln, Garland, TX 75044, phone# 972-530-5068)

Thực tế đây là buổi họp mặt truyền thống lần thứ 2 hàng năm và cũng là dịp để mừng lễ bổn mạng Đức Mẹ La Vang của Gia Đình Đa Minh. Đặc biệt hơn nữa, lần họp mặt này cũng là để kỷ niệm 5 năm thành lập hội Bảo Trợ Gia Đình Đa Minh, 5 năm với biết bao nhiệt tình, nhiệt huyết của các Anh Chị Em trong Ban Điều Hành cộng với sự hưởng ứng tích cực của các thành viên và dưới sự hướng dẫn của Sơ Cố Vấn Teresa Minh Châu. Từ số hội viên ít ỏi chỉ có vài người khi thành lập, đến nay số hội viên đã lên được gần 400.



Gia đình Đa Minh đã đem đến những kết quả khả quan, cụ thể:

Gia đình Đa Minh là sợi dây liên lạc, kết nối các thành phần dân Chúa để cùng cầu nguyện và chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, như Mẹ Thánh Teresa Calcuta đã nói: cầu nguyện đề có đức tin, có đức tin để có lòng mến, có lòng mến để đem lại sự yêu thương, và có yêu thương để dấn thân phục vụ đến mọi người quanh ta, nhất là những người cùng khổ, ốm đau, bệnh hoạn không nơi nương tựa.

Gia đình Đa Minh đã và đang là cánh tay nối dài đến các Anh Chị Em cần được sự giúp đỡ ở Việt Nam, cụ thể là 4 công việc từ thiện thường xuyện mỗi năm là: (1) Viện Dưỡng Lão Tình Thương Suối Tiên để nuôi dưỡng các bà lão neo đơn sắp chết, (2) Mái Ấm Martino để nuôi dưỡng mẹ con cuả các cô gái lỡ lầm không giá thú, (3) Công việc mục vụ tại Viện Ung Bướu Saigon cho các bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và thân quyến đi nuôi bệnh, (4) giúp các chương trình phục vụ các anh chị em dân tộc ở Kon Chro (Kontum)

Nhưng còn hơn thế nữa, số tiền quyên góp cũng đã được sử dụng cho các công việc mục vụ và trao học bổng cho các học sinh nghèo hiếu học(5) ở Miền Tây, (6) sửa chữa nhà ở và cấp học bổng cho những nhóm người Việt thiểu số ở Campuchia, (7) cung cấp những bữa cơm Thánh Martino giá rẻ cho giới di dân lao động ở Bình Dương mà phần nhiều đã bỏ đạo hay lơ là công việc đạo đức, (8) giúp các em tập sinh có ơn gọi đi tu cuả hội dòng Đa Minh Tam Hiệp và (9) giúp các Sơ già yếu đã về hưu.

Nhờ sự trợ giúp đó và nhờ vào tinh thần dấn thân phục vụ cuả Quý Sơ dòng Đa Minh, nhiều người đã nhận biết Chúa, và năm vừa qua những người dân tộc thiểu số đã xây dựng được 2 giáo điểm để giáo dân quy tụ và hiệp dâng Thánh Lễ.

Ôi! công trình của Chúa thật tuyệt vời và cao quý.

Nói chung kết quả hoạt động của các Sơ với sự góp phần của Gia đình Đa Minh Garland đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, cho thấy rằng con đường bảo trợ của Gia đình Đa Minh đang đi đúng hướng.

Trở lại buổi họp mặt tối Chuá Nhật nói trên, Sơ cố vấn của Gia Đình Đa Minh đã cáo lỗi về địa điểm họp mặt là nhà dòng chật chội và thiếu tiện nghi và muốn các hội viện góp ý có nên thuê một điạ điểm bên ngoài cho được thoải mái hơn không? Nhưng tất cả thành viên đã đồng thanh giữ như hiện nay, và hoan hỉ chấp nhận sự chật chội cuả nhà dòng vì nơi đây đúng nghĩa là một mái ấm gia đình của mọi người.

Sau những báo cáo về tài chánh, và sau khi ông chủ biên giới thiệu bản tin Gia đình Đa Minh số 7 với nhiều nội dung phong phú, là một bữa ăn thắm tình gia đình do các Anh Chị Em thiện nguyện nấu nướng ủng hộ, hoàn toàn do tự nguyện, xuất tiền túi riêng để phục vụ và khoản đãi, hoàn toàn không sử dụng bất cứ gì trong quỹ cuả Gia Đình Đa Minh. Dù không phải là sơn hào hải vị nhưng thực đơn đã vô cùng phong phú với nhiều món ăn hấp dẫn và bắt mắt, với nhiều món tráng miệng thật ngon, bổ, nhớ đời cùng những tiếng cười rôm rả, hàn huyên đượm tình yêu thương đoàn kết và mong gặp lại nhau trong lần họp mặt tới, (lần thứ nhất hàng năm, vào dịp Giáng Sinh và Tết.)
 
Định hướng đảo tạo Linh Mục trong bối cảnh hiện nay
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
23:36 09/09/2019
(Bài chia sẻ trong lễ khai giảng năm học 2019-2020)

Trước hết, con xin kính chào quý Đức Cha, quý Cha, quý Anh em,

Sau hơn 4 tháng tu nghiệp ở Rôma như được nạp thêm năng lượng, nay con trở lại tiếp tục công việc ở Chủng Viện. Con ý thức việc Đức Cha Phaolô và Ban Đào tạo cử con đi học với mục đích là để giúp cho chương trình đào tạo của Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê được tốt hơn. Nhân dịp khai giảng năm học mới, con xin chia sẻ một số điều mà con lĩnh hội từ khóa huấn luyện này:

Trước hết, xin nói đến bối cảnh của khóa học: Giáo Hội hoàn vũ đang đối diện với cuộc khủng hoảng niền tin do các vụ bê bối và lạm dụng tính dục của giáo sỹ xảy ra nhiều nơi trên thế giới.

Ý thức về tầm quan trọng của sứ vụ đào tạo linh mục trong bối cảnh hiện nay với những thay đổi và thách đố mới, hằng năm Bộ Truyền Giáo kết hợp với một số Bộ, Nghành liên quan của Tòa Thánh tổ chức hai khóa học:

Khóa I từ tháng 10 đến cuối tháng 12 cho các nhà đào tạo và giáo sư, với mục đích giúp học viên cập nhật kiến thức theo chuyên nghành như Thần Học, Kinh Thánh, hay Triết Học v.v… và học hỏi về phương pháp sư phạm giúp họ thi hành tốt hơn sứ vụ giảng dạy ở Chủng Viện.

Khóa II từ tháng 02 đến tháng 6 cho các Giám Đốc, Phó Giám đốc Chủng Viện và Tiền Chủng viện thuộc Miền truyền giáo. Khóa học này giúp cho học viên biết tổ chức chương trình đào tạo trong Chủng Viện: từ cơ cấu, định hướng, nội dung, phương pháp và các giai đoạn huấn luyện theo yêu cầu của Ratio mới mà Bộ Giáo Sỹ vừa ban hành.

Mỗi khóa không quá 30 người. Khóa học mà con tham dự có 25 linh mục, trong đó 16 vị đến từ Châu Phi, 8 vị đến Châu Á và 1 vị đến từ Châu Mỹ Latinh.

Nội dung khóa học được dàn trải trong 4 tháng, nên không thể trình bày hết ở đây, con chỉ xin giới thiệu một số điểm quan trọng:

I. Về nội dung khóa học

1) Trước hết là về đường hướng đào tạo linh mục: khóa học giúp tổ chức chương đào tạo theo định hướng của Ratio mới: theo đó, Tòa Thánh yêu cầu chúng ta cần tránh lối huấn luyện một chiều như chỉ lo huấn luyện tri thức, hay quá chú trọng đến việc huấn luyện tu đức, hoặc lối huấn luyện duy kỷ năng chỉ chạy theo hoạt động mục vụ bên ngoài. Đặc biệt tránh lối huấn luyện linh mục như những công chức của một cơ quan, hay như một thứ nghề nghiệp.

Trở thành linh mục là một sự dấn thân toàn bộ con người cho một ơn gọi, một cuộc sống và một sứ vụ cao cả, nên việc đào tạo linh mục phải là một tiến trình huấn luyện toàn vẹn, tiệm tiến và thống nhất từ thời gian, nội dung, nhân sự cũng như cơ cấu tổ chức.

Xin giải thích ba khái niệm này: tính toàn vẹn, tiệm tiến và thống nhất:

* Huấn luyện phải bảo đảm tính toàn vẹn: đào tạo linh mục là đào tạo các ứng sinh biến đổi và trưởng thành toàn vẹn về các phương diện nhân bản, tu đức, tri thức, mục vụ. Mỗi phương diện đều quan trọng trong suốt hành trình huấn luyện, kể cả khi đã là linh mục. Nên không được xem nhẹ một phương diện nào và tránh nguy cơ quá nhấn mạnh một phương diện, để không rơi vào lối đào tạo duy tu đức, duy tri thức hay duy hoạt động...

* Huấn luyện là tuân theo từng giai đoạn tiệm tiến

Công cuộc đào tạo linh mục là một tiến trình dài với các giai đoạn trước, trong và sau Chủng Viện. Mỗi giai đoạn có những nét đặc trưng riêng. Cần tránh sự lẫn lộn, chồng chéo, hay đốt giai đoạn. Chẳng hạn, giai đoạn ở Tiền Chủng Viện sẽ khác với giai đoạn ở Đại Chủng Viện. Ratio mới hướng dẫn chúng ta huấn luyện theo từng giai đoạn: Giai đoạn triết học là giai đoạn đào tạo người môn đệ Chúa Kitô, bước theo Người (sequela Christi); Giai đoạn thần học: đào tạo nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là Tôi Tớ và là Mục Tử; Giai đoạn tập vụ (hay tổng hợp ơn gọi) là giai đoạn học hỏi mục vụ, thực tập sứ vụ phó tế và linh mục. Vì thế, mỗi năm, mỗi giai đoạn phải có những mục tiêu, những chủ đề riêng cho việc huấn luyện theo một tiến trình.

* Huấn luyện phải có tính thống nhất

Chương trình huấn luyện không phải là sáng kiến cá nhân, nhưng phải theo đường hướng, giáo huấn của Giáo Hội. Đây là nền tảng bảo đảm cho tính thống nhất và chính thống của chương trình đào tạo linh mục. Quan điểm giáo dục của mỗi nhà đào tạo phải dựa trên nền tảng này.

Tóm lại, việc huấn luyện linh mục ở Chủng Viện phải mang tính toàn vẹn, liên ngành và đa diện thì mới phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.

2) Điểm thứ hai, một số chủ đề quan trọng được nghiên cứu trong khóa học như: những quy định về việc tiếp nhận các ứng sinh vào Đại Chủng Viện và tiến chức linh mục cho các ứng sinh theo đòi hỏi của Giáo Luật hiện hành. Tòa Thánh yêu cầu không được tiếp nhận và truyền chức linh mục một cách bừa bãi và dễ dàng. Nguyên tắc: Không vì thiếu linh mục mà truyền chức ẩu. Vì hậu quả khôn lường! Nếu một ứng sinh mà Ban Đào Tạo nhận xét không thì Giám Mục không được truyền chức cho họ.

Việc đồng hành và lượng giá từng chủng sinh cần được thực hiện một cách bài bản, đầy đủ và liên tục; Việc phân định cá nhân, phân định cộng đoàn và phân định mục vụ cần được nghiên cứu và áp dụng trong môi trường đào tạo để giúp các nhà đào tạo và các chủng sinh trở thành những người có khả năng phân định khi thi hành sứ vụ.

Khóa học cũng nghiên cứu về việc sử dụng hiểu biết tâm lý để giúp các chủng sinh trưởng thành về nhân cách, tính tình, tình cảm, tương quan liên vị và cách hành xử phù hợp với sứ vụ linh mục.

Về nhân sự ở Chủng Viện, Tòa Thánh yêu cầu các nhà đào tạo phải có những phẩm chất cần thiết, đời sống gương mẫu và có sự hiểu biết chuyên môn, được huấn luyện để trở thành nhà đào tạo. Đối với các giáo sư dạy các chuyên môn Triết – Thần trong Chủng Viện phải có học vị thích hợp, ít là bằng cử nhân (Master).

Bộ Giáo Sỹ khuyến khích Chủng Viện mời các chuyên viên y tế, sư phạm, nghệ thuật, hành chính, sinh thái và tâm lý v.v... nên mời các nữ chuyên viên, các nữ tu tham gia vào công cuộc đào tạo linh mục theo khả năng và chuyên môn của họ. Ở Việt Nam, chúng ta đang thiếu về điểm này. Văn hóa phong kiến vẫn còn thống trị trong cách nghĩ và lối tổ chức ở ngoài đời cũng như trong đạo, nên vai trò phụ nữ ít được đón nhận. Nhiều Chủng Viện chưa dám mời nữ tu, nữ giáo dân vào dạy hay tư vấn, có chăng chỉ lo nấu nướng. Nên họ ít có cơ hội để đóng góp theo chuyên môn của họ. Tòa Thánh mong muốn phụ nữ có một vai trò đặc thù quan trọng và cần thiết trong đào tạo linh mục (x. Ratio s. 150).

Một số chủ đề mang tính thời cũng được học hỏi: vấn đề đồng tính và cách giải quyết đối với những ứng sinh có liên hệ: Theo hướng dẫn của Tòa Thánh, ứng sinh có khuynh hướng đồng tính, người đã thực hành đồng tính hay người cổ võ văn hóa “gay” thì không được tiếp nhận vào Chủng Viện và tiến chức linh mục. Rồi những trường hợp tâm bệnh như rối loạn nhân cách, tính tình bất ổn, chứng nghiện rượu cũng phải rất cẩn trọng để xét cho vào Chủng Viện hay tiến chức.

Vấn đề lạm dụng quyền, lạm dụng lương tâm và lạm dụng tính dục của giáo sỹ và việc bảo vệ trẻ em và những người dễ bị tổn thương cũng là chủ đề thời sự được nghiên cứu: thực trạng và hướng giải quyết hiện nay của Giáo Hội. Tòa Thánh đã thiết lập hành lang pháp lý để bảo vệ các trẻ em và các nạn nhân trong Tự Sắc “VOS ESTIS LUX MUNDI” mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô ký ngày 07/5/2019, tài liệu này là đúc kết của cuộc hội thảo của Tòa Thánh vào cuối tháng 02 năm 2019. Trong đó quy định những quyền và nghĩa vụ phải trình báo, quyền được bảo vệ và giữ bí mật, bổn phận phải chăm sóc mục vụ như thế nào cho các nạn nhân nếu có lạm dụng xảy ra. Điều đó cho thấy Giáo Hội trung ưng hiện nay đang lo bảo vệ các nạn nhân, trong khi nhiều Giáo Hội địa phương thì lo bảo vệ cơ chế mình.

Vấn đề quản trị tài sản và tài chính trong Chủng Viện cũng được nghiên cứu để canh tân theo sự cải cách hiện nay của Tòa Thánh. Theo đó, việc quản lý tài chính phải được thực hiện theo 3 nguyên tắc: 1) Phải có tính chuyên nghiệp; 2) Tính minh bạch và tập thể; 3) Và theo tinh thần Tin Mừng.

Lối quản trị tài chính trong Giáo Hội Việt Nam thường chỉ giao cho một người, người nắm tiền là người có quyền quyết định mọi sự, nhiều lúc tùy tiện trong việc sử dụng tiền bạc, hằng năm lại không có báo cáo rõ ràng cho những người liên quan biết như Giáo Luật quy định.

Nếu việc quản trị tài chính được thực hiện theo sự canh tân này sẽ tạo niềm tin, đảm bảo sự công bằng và làm chứng cho sự thật Tin Mừng qua việc sử dụng tiền của Giáo Hội cách minh bạch, khoa học và đúng mục đích. Chủng Viện quản trị và huấn luyện chủng sinh theo định hướng này để sau này khi thi hành sứ vụ linh mục, họ trở thành những quản gia trung tín và thanh liêm.

Ngoài ra, khóa học cũng đề cập đến vấn đề: như linh hướng, truyền thông và truyền giáo trong thế giới phẳng. Khóa học cũng tạo cơ hội để các tham dự viên chia sẻ những nghiệm đào tạo và học hỏi lẫn nhau về cách tổ chức, điều hành và giải quyết các vấn đề trong Chủng Viện.

II. Về tinh thần và phương pháp huấn luyện ở Chủng Viện

Tòa Thánh mong muốn các Chủng Viện áp dụng mô hình và phương pháp mà Đức Thánh Cha Phanxicô đang thực hiện dựa trên nền tảng thần học về một “Giáo Hội như là Dân cùng nhau tiến bước” (una Chiesa come un popolo in cammino). Việc huấn luyện là sự kiện thuộc Giáo Hội học mà Chủng Viện là nôi để sống và thể hiện mô hình Giáo Hội hiệp thông theo hình tròn: Nghĩa là làm sao tạo được tinh thần và phương pháp làm việc chung với nhau nơi Ban Đào tạo theo các nguyên tắc: hiệp thông, huynh đệ thần bí, tham dự, đối thoại, cộng tác, tính công nghị và tính tập đoàn để cùng phân định, cùng quyết định theo sự khôn ngoan của Thánh Thần (comunione, fraternità mistica – partecipazione – dialogo – corresponsabilità, collegialità - sinodalità). Sứ vụ đào tạo là công trình chung, nếu tạo được bầu khí này ở Chủng Viện, thì sẽ tránh được lối đào tạo “mỗi người một kiểu,” thiếu tính thống nhất và phối hợp, thiếu lắng nghe và đối thoại. Như thế, việc đào tạo sẽ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực hơn. Các chủng sinh cũng như các nhà đào tạo cùng nhau học hỏi và cộng tác với nhau theo mô hình và tinh thần này.

III. Những nguyên tắc căn bản cho việc đạo tạo linh mục ở Chủng Viện

Việc huấn luyện linh mục là một nghệ thuật của các nghệ thuật. Người huấn luyện phải có sự hiểu biết về huấn luyện, biết phương pháp huấn luyện và có chiến lược huấn luyện.

Xin chia sẻ 5 nguyên tắc huấn luyện linh mục:

1) Huấn luyện là hướng tới giá trị hơn là cấm đoán. Mục tiêu huấn luyện là giúp ứng sinh biến đổi. Nếu không biến đổi là không có kết quả. Mà con người chỉ biến đổi nhờ sống các giá trị. Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: đừng huấn luyện theo kiểu cảnh sát!

2) Huấn luyện là hướng tới sự siêu việt và tuyệt đối. Theo đó, huấn luyện là hướng tới Thiên Chúa, yêu mến Người trên hết mọi sự và hiến thân cho Người. Huấn luyện là giúp ứng sinh trở thành “người của Thiên Chúa.”

3) Huấn luyện cũng là giúp thụ huấn sinh biết yêu mến Giáo Hội và phục vụ người khác. Ơn gọi linh mục ở trong Giáo Hội và cho người khác, chứ không phải cho mình. Nên việc huấn luyện đích thực là giúp ứng sinh trở thành một người biết yêu mến Giáo Hội và phục vụ tha nhân, nhất là những người nghèo. Linh mục là “người của Giáo Hội.”

4) Huấn luyện bao gồm mọi phạm vi, không chỉ ở phạm vi chính thức (formal) mà cả phạm vị không chính thức (informal). Nghĩa là không chỉ huấn luyện trong môi trường nghiêm túc, như ở lớp học, nhà thờ, nhưng ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực, như thể thao, âm nhạc, hoạt động văn hóa, lao động chân tay, nơi sân cỏ, tại bàn ăn, ngoài đường, khi giao tiếp, đi dã ngoại, khi nghỉ hè… tất cả đều được nhìn như là phương tiện và cơ hội để giáo dục.

5) Huấn luyện phải theo nguyên tắc bao gồm (inclusive) và loại bỏ não trạng loại trừ (exclusive). Nghĩa là lối tiếp cận huấn luyện một con người bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai; bao gồm những khả năng, tiềm năng và cả những yếu đuối, giới hạn và những tổn thương của họ. Nguyên tắc này có thể áp dụng cho nhiều lãnh vực như nghiên cứu, mục vụ, tổ chức và lượng giá... Nó mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội. Còn lối loại trừ thì ngày nay đã lỗi thời và không nên áp dụng trong giáo dục.

Trên đây là những điểm chính yếu mà con tóm tắt và chia sẻ. Hy vọng chúng sẽ gợi hứng và giúp cho chương trình đào tạo linh mục của chúng ta được phù hợp hơn với đòi hỏi hiện nay của Tòa Thánh.

Nhân dịp này, con xin trân trọng cảm ơn quý Đức Cha, quý Cha giáo đã tín nhiệm, giúp đỡ và cộng tác với con. Tôi xin gửi tới tất cả anh em chủng sinh lời cầu chúc tốt đẹp nhất. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta trong năm học mới này!

CV Thánh Phanxicô Xaviê - Vinh
http://nguoinguphu.blogspot.com
 
Văn Hóa
Hãy nên như trẻ nhỏ
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
23:17 09/09/2019
Khi những chiếc đèn lồng xanh đỏ lung linh trong các quán xá bên đường và những tiếng trống lân thì thùng vang lên báo hiệu một mùa Trung thu nữa lại đến, ước mơ được trở lại tuổi thơ như một chút chấm phá tràn về trong kí ức lãng đãng của mỗi người.

Ai trong đời chả có đôi lần từng mong ước cho thời gian quay trở lại. Không phải chỉ vì tiếc nuối mà đôi khi chỉ vì muốn nhìn lại chính mình thuở ấy với nụ cười hồn nhiên và ánh mắt ngây thơ trong sáng.

Nhớ lắm những đêm nằm trên chiếc chõng tre trước sân nhà ngửa mặt ngắm nhìn một bầu trời đầy sao lấp lánh và ước mơ mình có thể vươn tay chạm vào. Nhớ những đêm trăng nằm nghe mẹ kể chuyện và ngủ thiếp đi với chị Hằng Nga xinh đẹp, chú thỏ ngọc trắng muốt và chú cuội hay nói dối phải ngồi dưới gốc đa “để trâu ăn lúa gọi cha ời ời” ...

Nhưng rồi ai cũng phải lớn lên và khi người ta lớn, cái tôi cũng lớn lên theo. Nó như những giọt mưa thấm dần và lan tỏa thành niềm kiêu hãnh của riêng mỗi người. Người ta không còn nhìn đời với cặp mắt vô tư và nhận ra cuộc sống không phải lúc nào cũng êm trôi đơn giản. Không phải lúc nào nhìn lên thì trời cũng trong xanh, nhìn xuống thì đất vẫn nở hoa rực rỡ. Có những lúc trời quang mây tạnh và có những lúc trời đen mây phủ cả vầng trăng dù đó là tiết đêm rằm tháng Tám.

Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào." Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng. (Mc 10, 13-16)

Trái ngược với quan niệm coi khinh trẻ em (do chúng chưa biết lề luật) của người Do Thái. Đức Giê-su đã tỏ thái độ bực mình khi các Tông đồ ngăn cản không cho các trẻ em đến với Ngài và đã dạy cho các ông bài học nhớ đời: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”.

Ngoài việc giáo huấn cho các môn đệ về sự chân thành, đơn sơ cần có. Đức Giê-Su còn chỉ dẫn cho chúng ta cách đối nhân xử thế với tâm hồn trẻ thơ để được vào Nước Trời: sống thành thật, ngay thẳng: không gian tham, hối lộ; chớ vu oan, giá họa; không cướp của, giết người…

Ở một trình thuật khác khi trả lời cho câu hỏi “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” của các môn đệ, Ngài đã nhấn mạnh "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời”. (Mt 18, 3-4).

Chúng ta thường hiểu “trở nên như trẻ nhỏ” là phải hồn nhiên, ngây thơ và trong trắng. Nhưng cái cây đã lớn rồi thì không thể nào non trẻ lại, con người đã lớn thì không thể trở về với tuổi thơ. Lứa tuổi đã trải qua nhiều “sân, si, hỉ, nộ, ái, ố” thì không thể nào lột xác như con rắn để trở nên hồn nhiên, ngây thơ và trong trắng như trẻ em được.

Trở nên như trẻ nhỏ là luôn sống tốt trong mối quan hệ giữa người với người theo chiều kích xã hội. Trẻ em không thể tự mình đón nhận sự sống, nhưng từ những người khác, nhất là những người thân yêu. Trẻ em hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi ông bà cha mẹ, luôn vâng lời mà không cần băn khoăn suy nghĩ xem tại sao.

Sâu xa hơn là quan hệ giữa con người và Thiên Chúa. Trở nên như trẻ nhỏ là sống ơn gọi làm con của Thiên Chúa vì chúng ta đã được thanh tẩy trong máu của Chúa Giê-su qua cái chết thập giá của Ngài. Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của con người mới sống đơn sơ, phó thác trong cánh tay quan phòng của Thiên Chúa.

Trở nên như trẻ nhỏ còn là sống bản chất hiền lành, thật thà vốn có trong cõi lòng chúng ta giống như Đức Giê-su luôn mời gọi: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, dù chúng ta là ai, ở độ tuổi nào và có chức vụ gì.

“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người sinh ra bản tính ban đầu vốn thiện và tốt lành, khi lớn lên bị nhiễm những thói quen do hoàn cảnh môi trường xã hội nên mất dần bản tính ấy. Vì thế cần phải chuyên cần tu sửa bản thân để duy trì bản tính thiện của trẻ thơ có sẵn trong ta để có thể đón nhận cuộc sống trường sinh đích thực.

Nước Thiên Chúa dành cho những ai có tâm hồn đơn sơ không suy tư tính toán, đồng thời khiêm hạ tự biết mình tùy thuộc vào Thiên Chúa và các mối liên quan hỗ tương với người khác. Khó có thể được đón nhận vào Nước Trời nếu thiếu niềm tin nơi Thiên Chúa và không cùng tương tác, chia sẻ với tha nhân.

Thế nhưng con người vốn dĩ yếu đuối, bất toàn nên chúng ta hãy cứ vui sống đơn sơ phó thác như trẻ nhỏ và đi hết cuộc đời này trong cánh tay quan phòng của Thiên Chúa.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giê-su, Chúa đã mặc khải Nước Trời cho những người đơn sơ, bé nhỏ và luôn mời gọi chúng con sống “hiền lành và khiêm nhường”. Xin cho chúng con luôn trở thành tấm gương sáng cho trẻ em noi theo và học được những bài học đơn sơ, phó thác giống các em để luôn vững tin trên hành trình tiến bước vào Nước Trời chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa. Amen.
 
VietCatholic TV
Chưa từng thấy trong 30 năm qua: Thánh lễ hơn một triệu người tại Madagascar
Giáo Hội Năm Châu
19:13 09/09/2019
Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 8 tháng Chín, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ tại cánh đồng giáo phận Soamandrakizay.

Đây là thánh lễ Chúa Nhật thứ 23 mùa quanh năm, trong đó Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.

“Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu người đó rằng: 'Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi'.

“Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Phúc Âm cho chúng ta biết “đoàn lũ đông đảo dân chúng đi theo Chúa Giêsu” (Lc 14:25). Như vô số người tụ tập dọc theo lộ trình của Ngài, anh chị em cũng đã đến đây rất đông để nhận được thông điệp của Người và tiến bước theo bước chân Người. Nhưng anh chị em cũng biết rằng theo Chúa Giêsu không phải là dễ dàng. Hôm nay, Tin mừng của Thánh Luca nhắc nhở chúng ta rằng sự dấn thân ấy có những đòi hỏi cam go như thế nào.

Chúng ta nên nhận ra rằng Thánh Luca đưa ra những đòi hỏi đó trong trình thuật nói về việc Chúa Giêsu khởi hành lên Giêrusalem. Vị Thánh Sử bắt đầu với câu chuyện ngụ ngôn về bữa tiệc mà mọi người được mời, đặc biệt là những người bị ruồng bỏ sống lang thang trên đường phố, nơi quảng trường và ở ngã tư đường. Và ngài kết luận với ba “dụ ngôn về lòng thương xót”, trong đó một bữa tiệc mừng được tổ chức khi tìm lại được những gì đã mất, sau đó một người dường như chết được chào đón với niềm vui và sống lại với khả năng bắt đầu cho một khởi đầu mới. Đối với chúng ta, là các Kitô hữu, những hy sinh của chúng ta chỉ có ý nghĩa trong ánh sáng của cử hành hân hoan được gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô.

Yêu cầu đầu tiên của Chúa Giêsu liên quan đến các mối quan hệ gia đình. Cuộc sống mới mà Chúa đưa ra cho chúng ta dường như thật ngỡ ngàng và bất công một cách tai tiếng đối với những người nghĩ rằng việc vào vương quốc thiên đàng chỉ có thể bị giới hạn hoặc hạn chế trong mối quan hệ huyết thống hoặc trong vòng các thành viên của một nhóm, một gia tộc hoặc một nền văn hóa cụ thể. Khi “gia đình” trở thành tiêu chí quyết định những gì chúng ta xem là đúng là tốt, thì chung cuộc là chúng ta biện minh và thậm chí “thánh hiến” các thực hành dẫn đến thứ văn hóa đặc ân và loại trừ: thiên vị, ô dù và một hệ quả không thể tránh khỏi là tham nhũng. Thầy Chí Thánh yêu cầu chúng ta nhìn vượt lên điều này. Ngài nói rất rõ về điều đó: bất cứ ai không có khả năng nhìn thấy những người khác như anh em hay chị em của mình, hay không thể hiện được sự nhạy cảm đối với cuộc sống và hoàn cảnh của họ bất kể xuất xứ gia đình, văn hóa hay giai tầng xã hội của họ đều “không xứng làm môn đệ Ta” (Lc 14:26). Tình yêu dâng hiến của Ngài là một ân sủng nhưng không, được dành cho tất cả mọi người và hướng đến tất cả mọi người.

Yêu cầu thứ hai của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy việc theo Ngài khó đến mức nào nếu chúng ta tìm cách xác định nước thiên đàng bằng các chương trình nghị sự cá nhân hoặc sự gắn bó của chúng ta vào một ý thức hệ lạm dụng danh thánh Thiên Chúa hay tôn giáo để biện minh cho các hành vi bạo lực, phân cách và thậm chí giết người, lưu đày, khủng bố và gạt ra ngoài lề. Yêu cầu này khuyến khích chúng ta đừng làm tan loãng hay thu hẹp thông điệp Tin Mừng, nhưng thay vào đó kiến tạo lịch sử trong tình huynh đệ và tình đoàn kết, hoàn toàn tôn trọng trái đất và các quà tặng của trái đất, đối kháng triệt để với bất kỳ hình thức bóc lột nào. Nó khuyến khích chúng ta thực hành coi “đối thoại là con đường; hợp tác lẫn nhau là quy tắc ứng xử; hiểu biết lẫn nhau là phương pháp và tiêu chuẩn” (Tài liệu về Tình Huynh Đệ Nhaân Loại, Abu Dhabi, ngày 4 tháng 2 năm 2019). Và không bị cám dỗ bởi những lời dạy phủ nhận rằng lúa mì và cỏ lùng không thể cùng nhau phát triển cho đến khi Thầy trở lại để thu hoạch (x. Mt 13: 24-30).

Cuối cùng, thật khó khăn để chia sẻ cuộc sống mới mà Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta liên tục bị thúc đẩy để tự biện minh, bởi vì chúng ta nghĩ rằng mọi thứ phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực và nguồn lực của chúng ta! Hoặc, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất, khi cuộc đua tích lũy tài sản trở nên ngột ngạt và áp đảo, thì điều này chỉ làm tăng sự ích kỷ của chúng ta và khiến chúng ta sẵn sàng sử dụng các phương tiện vô đạo đức. Yêu cầu của Chúa Giêsu là chúng ta khám phá lại làm sao để biết ơn và nhận ra rằng cuộc sống và tài năng của chúng ta là kết quả của một ân sủng chứ không phải là do thành tựu cá nhân (x. Tông huấn Mừng rỡ Hân hoan, 55), đó là một ân sủng được Thiên Chúa tác thành thông qua sự tương tác thầm lặng của rất nhiều người mà chúng ta sẽ chỉ biết tên trên nước thiên đàng.

Với ba yêu cầu này, Chúa muốn chuẩn bị các môn đệ của Người cho việc đón mừng vương quốc của Thiên Chúa và giải thoát họ khỏi chướng ngại vật nghiêm trọng, mà tối hậu, là một trong những hình thức nô lệ tồi tệ nhất: đó là chỉ sống vì chính mình. Đó là sự cám dỗ để trở lại vũ trụ nhỏ bé của chúng ta, và chung cuộc chỉ để lại một không gian nhỏ nhoi cho những người khác. Người nghèo không còn bước vào bên trong, chúng ta không còn nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa, chúng ta không còn tận hưởng những niềm vui yên tĩnh trong tình yêu của Người, chúng ta không còn háo hức để làm điều thiện ... Nhiều người, bằng cách đóng chặt cõi lòng như thế, có thể cảm nhận “sự an toàn bề ngoài”, tuy nhiên họ rơi vào tình trạng cay đắng, buồn rầu và thiếu sức sống. Đây không phải là cách để sống một cuộc sống viên mãn và đúng phẩm giá; đó không phải là ý muốn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, cũng không phải là sự sống trong Thánh Linh có nguồn gốc từ trái tim của Chúa Kitô phục sinh (x. Niềm Vui Phúc Âm, 2).

Với những đòi hỏi này, Chúa, trên đường hướng về Giêrusalem, yêu cầu chúng ta nâng tầm nhìn, điều chỉnh các thứ tự ưu tiên của chúng ta và trên hết, dành chỗ cho Chúa trở thành trung tâm và các trục tham chiếu trong cuộc đời chúng ta.

Nhìn xung quanh, chúng ta có thể thấy biết bao những người nam nữ, thanh niên và trẻ em đang đau khổ và quẫn bách! Đây không phải là một phần của kế hoạch của Thiên Chúa. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta một cách khẩn thiết biết bao hãy tận diệt thói quy hướng vào chính mình, chủ nghĩa cá nhân và niềm tự hào của chúng ta! Như thế, chúng ta mới có thể để cho tinh thần huynh đệ chiến thắng – đó là tinh thần được nảy sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu qua của Chúa Giêsu Kitô, là tinh thần trong đó chúng ta được sinh ra như gia đình của Chúa - và trong đó mọi người có thể cảm thấy được yêu thương, cảm thông, chấp nhận và nhân phẩm của mình được đánh giá cao. “ Đối mặt với sự khinh miệt phẩm giá con người, chúng ta thường khoang tay đứng nhìn hoặc giơ hai tay lên cao như là một dấu chỉ thất vọng trước sức mạnh tàn nhẫn của cái ác. Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta không thể đứng khoanh tay thờ ơ, hoặc vươn tay ra trong bất lực. Là các tín hữu, chúng ta phải chìa bàn tay ra, như Chúa Giêsu đã làm với chúng ta “ (Bài giảng cho Ngày Thế giới của người nghèo, 18 Tháng 11 2018).

Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe mời gọi chúng ta một lần nữa, hãy dám thực hiện bước nhảy vọt định tính này và chọn lựa sự khôn ngoan không dính bén của cải cá nhân này làm cơ sở cho công bằng xã hội và cho cuộc sống cá nhân của chúng ta. Cùng nhau, chúng ta có thể chống lại tất cả những hình thức thờ ngẫu tượng khiến chúng ta chỉ nghĩ về những bảo đảm an ninh phù phiếm như quyền lực, sự nghiệp, tiền bạc và việc tìm kiếm vinh quang của con người.

Những đòi hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra trước chúng ta không còn là gánh nặng nữa ngay khi chúng ta bắt đầu nếm trải niềm vui của cuộc sống mới mà chính Ngài đặt ra trước chúng ta. Đó là niềm vui nảy sinh khi biết rằng Ngài là người đầu tiên tìm kiếm chúng ta ở ngã tư đường, ngay cả khi chúng ta lạc lối như con chiên lạc hay đứa con hoang đàng. Cầu xin cho hiện thực khiêm nhường này truyền cảm hứng cho chúng ta dám đón nhận những thử thách lớn lao và ban cho anh chị em niềm khát khao biến đất nước xinh đẹp của mình thành nơi mà Tin Mừng trở thành sự sống, và nơi cuộc sống là vì vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy dấn thân và thực hiện kế hoạch của Chúa cho chúng ta.

Buổi chiều, lúc 15:10, Đức Thánh Cha đã thăm “Cộng đồng Những Người Bạn Tốt” Akamasoa. Cộng đồng này đã được Cha Pedro Opeka, một người đồng hương Á Căn Đình với Đức Giáo Hoàng, thành lập trong nỗ lực chống nghèo đói tại quốc gia nghèo nhất nhì thế giới này.

Lúc 16 giờ Đức Thánh Cha đã cùng cầu nguyện với các công nhân xây dựng tại Mahatzana.

 
ĐTC khuyên các linh mục, tu sĩ Madagascar đừng trở thành chuyên gia tâm linh, buôn thần bán thánh
Giáo Hội Năm Châu
23:21 09/09/2019
Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 8 tháng Chín, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ tại cánh đồng giáo Soamandrakizay. Vào buổi chiều Đức Thánh Cha đã thăm “Cộng đồng Những Người Bạn Tốt” Akamasoa. Và lúc 16 giờ Đức Thánh Cha đã cùng cầu nguyện với các công nhân xây dựng tại Mahatzana.

Hơn một giờ sau đó, lúc 17:10 Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các linh mục, tu sĩ và chủng sinh tại trường đại học Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Trong bài chia sẻ với các các linh mục, tu sĩ và chủng sinh, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi cảm ơn anh chị em vì sự chào đón nồng nhiệt. Trước hết tôi muốn được gởi lời chào đến tất cả các linh mục và những người sống đời thánh hiến không thể ở bên chúng ta hôm nay vì sức khỏe kém, tuổi cao hoặc những lý do khác.

Tôi kết thúc chuyến thăm Madagascar ở đây với anh chị em. Khi chứng kiến niềm vui của anh chị em và nghĩ về mọi thứ khác mà tôi đã thấy trong thời gian ngắn ngủi trên đảo của anh chị em, trái tim tôi vang vọng những lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng của Thánh Luca. Tràn đầy niềm vui, Ngài thốt lên rằng: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Lc 10:21). Niềm vui của tôi đã được củng cố bởi những chứng từ của anh chị em, vì ngay cả những điều anh chị em thấy là vấn đề thì đó cũng là dấu chỉ của một Giáo Hội sống động, năng động và phấn đấu mỗi ngày để trở thành dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa.

Điều này khiến chúng ta phải nhớ đến với lòng biết ơn tất cả những người trong những năm qua đã không sợ gắn bó cuộc sống của họ với Chúa Giêsu Kitô và vương quốc của Người. Hôm nay anh chị em cũng chia sẻ di sản của các vị ấy. Tôi nghĩ đến những linh mục, tu sĩ Dòng Vinh Sơn, Dòng Tên, Dòng Chị em Thánh Joseph Cluny, Dòng Anh em các trường Công Giáo, Dòng truyền giáo Đức Mẹ La Salette và rất nhiều giám mục, linh mục và các tu sĩ nam nữ khác. Tôi cũng nghĩ đến nhiều giáo dân là những người đã giữ cho ngọn lửa đức tin ở vùng đất này mãi cháy sáng trong những ngày tháng bách hại khó khăn khi nhiều nhà truyền giáo và các linh mục, tu sĩ phải ra đi. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng bí tích rửa tội của chúng ta là bí tích lớn đầu tiên ghi dấu và thánh hiến chúng ta như con cái của Chúa. Mọi thứ khác là một diễn đạt và biểu hiện của tình yêu đầu tiên, mà chúng ta liên tục được kêu gọi để canh tân.

Những lời của Tin Mừng mà tôi trích dẫn ở trên là một phần trong lời cầu nguyện tán tụng của Chúa khi Ngài chào đón bảy mươi hai môn đệ trở về sau sứ mệnh của họ. Như anh chị em, những môn đệ này đã chấp nhận thách thức trong việc trở thành một Giáo Hội “tiến ra”. Các ngài trở về với những túi đầy, để chia sẻ mọi thứ mà họ đã thấy và đã nghe. Anh chị em cũng dám tiến ra, và anh chị em đã chấp nhận thử thách mang ánh sáng Tin Mừng đến các phần khác nhau của hòn đảo này.

Tôi biết rằng nhiều anh chị em phải sống trong những điều kiện khó khăn và thiếu các dịch vụ thiết yếu như nước, điện, đường xá và phương tiện liên lạc, hay các nguồn tài chính cần thiết cho cuộc sống và hoạt động mục vụ của anh chị em. Không ít anh chị em cảm thấy gánh nặng của những người hoạt động tông đồ và ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe của mình. Tuy nhiên, anh chị em đã chọn đứng bên cạnh người dân của mình, ở lại giữa họ. Tôi cảm ơn anh chị em vì điều này. Tôi cảm ơn anh chị em vì chứng tá chọn lựa ở lại và không biến ơn gọi của mình thành một “viên đá lót đường cho một cuộc sống tốt hơn”. Anh chị em vẫn ở lại với nhận thức, như Nữ Tu [Suzanne Marianne Raharisoa] đã nói, “trước tất cả những khó khăn và nhược điểm của chúng ta, chúng ta vẫn hoàn toàn dấn thân cho sứ mệnh truyền giáo vĩ đại”. Những người tận hiến, theo nghĩa rộng của thuật ngữ này, là những người nam nữ đã học được cách giữ cho mình gần gũi trái tim Chúa và trái tim dân tộc mình.

Khi đón các môn đệ trở về và lắng nghe niềm vui của họ, Chúa Giêsu ngay lập tức ca ngợi và chúc tụng Cha trên trời. Điều này làm cho chúng ta thấy một cái gì đó rất cơ bản trong ơn gọi của chúng ta. Chúng ta là những người nam nữ ngợi khen chúc tụng Chúa. Những người tận hiến có thể nhận ra và chỉ ra sự hiện diện của Thiên Chúa bất cứ nơi nào họ sống. Hơn thế nữa, họ có thể nương náu trong sự hiện diện của Ngài vì họ đã học được cách thưởng thức, tận hưởng và chia sẻ sự hiện diện đó.

Trong lời chúc tụng, chúng ta khám phá vẻ đẹp của bản sắc của chúng ta như là một phần của một dân tộc. Việc ngợi khen chúc tụng giải phóng các môn đệ tử khỏi nỗi ám ảnh về “những gì phải được thực hiện”; nó phục hồi nhiệt tình truyền giáo của chúng ta và ước muốn ở lại giữa dân mình. Tán tụng ca khen giúp chúng ta tinh chỉnh các “tiêu chí” mà chúng ta đưa ra để xem xét chính mình và những người khác, cũng như tất cả các dự án truyền giáo của chúng ta. Bằng cách này, nó giữ chúng ta khỏi đánh mất “hương vị” phúc âm của mình.

Chúng ta thường rơi vào cám dỗ lãng phí thời gian của mình để nói về “thành công” và “thất bại”, tính chất “hữu dụng” của những gì chúng ta đang làm hay “ảnh hưởng” mà chúng ta có thể gây nên. Chung cuộc, những cuộc thảo luận như thế chiếm trọn thời gian và, không hiếm khi, làm cho chúng ta, giống như các bại tướng, mơ về những dự án tông đồ rộng lớn, được lên kế hoạch tỉ mỉ. Cuối cùng, chúng ta phủ nhận lịch sử của chính mình - và lịch sử của dân tộc mình - một lịch sử thật vinh quang vì đó là lịch sử của hy sinh, hy vọng, đấu tranh hàng ngày, một cuộc sống trung thành với công việc, mệt mỏi như có thể xảy ra (x. Niềm Vui Phúc Âm, 96).

Khi ngợi khen tán tụng Chúa, chúng ta học cách không trở thành “mê sảng”, biến phương tiện thành cùng đích, hay những điều không cần thiết thành tối quan trọng. Chúng ta giành được tự do để bắt đầu quá trình chứ không phải là tìm cách lấp đầy chỗ trống (x ibid., 233), tự do thúc đẩy bất cứ điều gì mang lại sự tăng trưởng, phát triển và sinh hoa trái cho dân Chúa, thay vì tự phụ trên những “thu hoạch” mục vụ dễ dàng và chóng vánh, nhưng không bền. Phần lớn cuộc sống của chúng ta, niềm vui của chúng ta và kết quả truyền giáo của chúng ta phải được thực hiện với lời mời gọi tán tụng ngợi khen của Chúa Giêsu. Romano Guardini, một người khôn ngoan và thánh thiện, thường nói: “Ai tôn thờ Thiên Chúa trong sâu thẳm trong trái tim mình thì sống trong sự thật qua những hành động cụ thể của mình, bất cứ khi nào có thể. Người ấy vẫn có thể bị nhầm lẫn về nhiều thứ, vẫn có thể bị choáng ngợp và kinh hoàng vì tất cả các quan tâm của mình, nhưng khi tất cả đã được nói và làm, cuộc sống của người ấy vẫn được dựa trên một nền tảng vững chắc” (R. Guardini, Glaubenserkenntnis, Mainz, 3rd ed., 1997, tr. 17).

Bảy mươi hai môn đệ nhận ra rằng sự thành công trong sứ mệnh của họ phụ thuộc vào việc sứ mạng ấy được thực hiện “nhân danh Chúa Giêsu”. Đó là điều làm họ ngạc nhiên. Nó không liên quan gì đến những nhân đức, tên tuổi hay chức tước của họ. Không cần phải tuyên truyền về chính mình; không phải là danh tiếng hay viễn kiến của họ đã khuấy động và cứu rỗi người khác. Niềm vui của các môn đệ được nảy sinh từ xác tín của các ngài rằng các vị đã hành động nhân danh Chúa, chia sẻ trong kế hoạch của Người và tham gia vào cuộc đời của Người, đó là những điều mà các ngài yêu thích đến mức muốn chia sẻ với những người khác.

Thật thú vị khi thấy Chúa Giêsu tổng kết công việc của các môn đệ bằng cách nói về chiến thắng trước sức mạnh của Satan, một sức mạnh mà chúng ta, không bao giờ có thể vượt qua, nếu không nhân danh Chúa Giêsu! Mỗi người trong chúng ta đều có thể làm chứng cho những trận chiến.. không thiếu những lần chiến bại. Trong tất cả những tình huống mà anh chị em đề cập khi anh chị em nói về những nỗ lực truyền giáo của mình, anh chị em chiến đấu với trận chiến tương tự nhân danh Chúa Giêsu. Nhân danh Ngài, anh chị em chiến thắng sự dữ bất cứ khi nào anh chị em dạy mọi người ca ngợi Cha chúng ta trên trời, hay chỉ đơn giản là dạy Kinh Thánh và giáo lý, hay thăm viếng người bệnh và mang đến cho họ niềm an ủi. Nhân danh Chúa Giêsu, anh chị em chiến thắng bất cứ khi nào anh chị em cho một đứa trẻ cái gì đó để ăn, hoặc cứu một người mẹ khỏi tuyệt vọng khi phải cô đơn đối diện với mọi thứ, hay cung cấp công việc cho một người cha gia đình. Trận chiến được chiến thắng bất cứ khi nào anh chị em vượt qua sự ngu dốt bằng cách cung cấp một nền giáo dục. Anh chị em mang đến cho người dân sự hiện diện của Chúa bất cứ khi nào ai trong anh chị em giúp thể hiện sự tôn trọng đối với tất cả các thụ tạo, trong trật tự xứng hợp và sự hoàn hảo của chúng và ngăn chặn việc lạm dụng hoặc khai thác. Đó là dấu hiệu chiến thắng của Chúa mỗi khi anh chị em trồng cây hoặc giúp mang lại nguồn nước uống cho một gia đình. Thật là một dấu hiệu tuyệt vời của chiến thắng trước cái ác, bất cứ khi nào anh chị em làm việc để giúp hàng ngàn người khôi phục được sức khỏe tốt!

Hãy tiếp tục chiến đấu những trận chiến này, nhưng luôn luôn cầu nguyện và ngợi khen.

Cũng có những trận chiến mà chúng ta chiến đấu trong chính mình. Thiên Chúa có thể phá hỏng ảnh hưởng của tinh thần ma quỷ, là điều rất thường gợi lên trong chúng ta “một mối quan tâm quá mức đến tự do cá nhân và sự thư giãn, dẫn chúng ta đến chỗ thấy công việc của mình chỉ như một phần phụ trong cuộc sống chứ không phải là một phần trong chính bản sắc của chúng ta. Trong khi đó, đời sống tinh thần bị đồng hoá với một vài cuộc linh thao có thể cung cấp một chút ủi an nhất định, nhưng không khuyến khích nổi cuộc gặp gỡ với những người khác, dấn thân với thế giới hay một niềm đam mê truyền giáo” (Niềm Vui Phúc Âm, 78). Kết quả là, thay vì là những người nam nữ ngợi khen chúc tụng, chúng ta trở thành các “chuyên gia tâm linh”. Chúng ta hãy đánh bại tinh thần ma quỷ ngay trên địa giới của chính nó. Bất cứ khi nào nó bảo chúng ta đặt niềm tin vào an ninh tài chính, những không gian quyền lực và vinh quang con người, chúng ta hãy đáp lại bằng trách nhiệm truyền giáo và sự thanh bần, là những điều truyền cảm hứng cho chúng ta cống hiến cuộc đời mình cho sứ vụ (x. thd., 76). Chúng ta đừng cho phép mình bị cướp mất niềm vui truyền giáo!

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu ngợi khen Cha vì đã tiết lộ những điều này với những “kẻ bé mọn”. Chúng ta thực sự là những kẻ bé mọn, vì niềm vui của chúng ta, hạnh phúc của chúng ta, được tìm thấy một cách chính xác trong mặc khải của Người mà những người đơn sơ bé mọn có thể “nghe thấy và nhìn thấy” trong khi những gì những bậc thông minh, tiên tri, vua chúa quan quyền không thể nghe, không thể thấy. Chính là vì Chúa hiện diện nơi những người đau khổ và bị thương tích, những người đói khát công lý, và những ai có lòng xót thương (x. Mt 5: 3-12; Lc 6: 20-23). Hạnh phúc thay anh chị em, hạnh phúc thay một Giáo Hội của người nghèo và cho người nghèo, một Giáo Hội thấm đẫm hương thơm của Chúa, một Giáo Hội sống trong hân hoan bằng cách rao giảng Tin mừng cho những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, và cho những người gần gũi nhất với trái tim Chúa.

Xin hãy truyền đạt đến cộng đồng của anh chị em tình cảm của tôi và sự gần gũi của tôi, những lời cầu nguyện của tôi và phước lành của tôi. Giờ đây tôi ban phép lành cho anh chị em nhân danh Chúa, tôi xin anh chị em nghĩ về cộng đồng và nơi truyền giáo của anh chị em, để Chúa có thể tiếp tục nói về những điều thiện hảo cho tất cả mọi người, dù họ ở bất cứ nơi đâu. Cầu xin cho anh chị em có thể tiếp tục là một dấu chỉ cho sự hiện diện sống động của Chúa ở giữa chúng ta!

Đừng quên cầu nguyện cho tôi và yêu cầu những người khác cũng làm như vậy! Cảm ơn anh chị em!

Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha đã về nghỉ ngơi tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

Theo chương trình, ngày thứ Hai, lúc 7:30 sáng, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng máy bay đến phi trường Port Louis của Mauritius. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha chưa chính thức từ giã Madagascar. Sau khi thăm Mauritius, Đức Thánh Cha sẽ trở lại đây vào buổi tối.
 
Đức Thánh Cha duyệt hàng quân danh dự Mauritius giữa tiếng hoan hô vang dội
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:05 09/09/2019
Lúc 7:30 sáng thứ Hai 9 tháng Chín, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng máy bay từ phi trường quốc tế Antananarivo để bay đến phi trường Port Louis. Sau 2 giờ 10’ bay, Đức Thánh Cha đã đến sân bay Port Louis vào lúc 10:40.

Xin lưu ý với quý vị và anh chị em là Port Louis đi trước Antananarivo một giờ.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là nghi thức chào đón Đức Thánh Cha

Nhân đây, Lan Vy xin giới thiệu vài nét về quốc gia Mauritius.

Mauritius là một hòn đảo ở phía nam Ấn Độ Dương có diện tích 2,040 km2, tức là xấp xỉ diện tích Sàigòn. Hòn đảo này nằm cách Madagascar 800km về phía Đông. Có nguồn gốc từ núi lửa, Mauritius có một cao nguyên trung tâm cao khoảng 400 mét so với mực nước biển. Núi nằm rải rác trên đảo, rừng nhiệt đới và thực vật là những yếu tố khác làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên của hòn đảo.

Dân cư trên đảo hầu hết là người gốc Ấn Độ, kế đến là những người di cư từ Madagascar, Mozambique và Sénegal. Tiếng nói chính thức là tiếng Creole, có nguồn gốc từ tiếng Pháp, pha trộn với thổ ngữ và tiếng Anh.

Những người châu Âu đầu tiên đến thăm Mauritius là người Bồ Đào Nha vào đầu thế kỷ XVI, rất có thể là vào năm 1510. Người Hà Lan định cư trên đảo vào năm 1598 đã đặt tên cho hòn đảo này là Mauritius theo tên Hoàng tử Maurice của triều đại Nassau.

Người Hà Lan đã đưa cây mía và giống nai từ đảo Java đến đây trước khi bỏ đi vào năm 1710, vì họ đã tìm thấy một nơi định cư tốt hơn nhiều: là Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.

Khoảng năm năm sau, vào năm 1715, người Pháp đã chiếm đảo này, đổi tên thành “Isle de France”.

Năm 1810, người Anh đã chiếm đóng Mauritius và chính thức được Pháp nhượng lại theo hiệp ước “Traiti de Paris” năm 1814. Hầu hết những người định cư Pháp, vẫn ở trên đảo và được phép giữ các phong tục, tôn giáo và luật pháp của họ .

Vài năm sau, vào năm 1835, người Anh đã bãi bỏ chế độ nô lệ và điều này dẫn đến việc nhập khẩu những người lao động Ấn Độ để có công nhân làm việc trên các cánh đồng mía. Cuối cùng, họ đã định cư ở Mauritius và con cháu của họ ngày nay chiếm phần lớn dân số trên đảo.

Mauritius giành được độc lập vào ngày 12 tháng 3 năm 1968 và thông qua hiến pháp dựa trên hệ thống nghị viện của Anh. Những năm đầu tiên rất khó khăn nhưng sau hơn 15 năm lên kế hoạch và làm việc chăm chỉ, Mauritius đã đạt được sự ổn định về kinh tế và chính trị.
 
Câu hỏi của Đức Thánh Cha: Liệu một mục tử chân chính có thể tỉnh bơ trước những bất công không?
Giáo Hội Năm Châu
16:30 09/09/2019
Sau cuộc gặp gỡ với tổng thống, các nhà lãnh đạo trong chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại dinh tổng thống, lúc 11:15, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ và đọc kinh chung trong tu viện các nữ tu dòng Carmêlô Nhặt Phép.

Vào buổi chiều lúc 16 giờ, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các giám mục Madagascar tại nhà thờ chính tòa Thánh Giuse Andohalo.

Nhân đây, chúng tôi xin được giới thiệu vài nét về Giáo Hội tại Madagascar.

Theo Niên Giám Thống Kê 2017 của Tòa Thánh, Madagascar có 23,572,000 dân trong đó 34.47% sống trong các đô thị và 65.53% sống trong các vùng nông thôn hẻo lánh.

Số người Công Giáo đã được Rửa Tội là 7,934,000, tức là 34.90%.

Đạo Thánh Chúa đến được vùng này nhờ các nhà truyền giáo, nổi bật là David Jones (7/1796 – 1/5/1841), một người xứ Welsh. Ông có công dịch Kinh Thánh sang tiếng Madagascar cùng với ông David Griffiths. Năm 1820, ông đặt chân đến Antananarivo và bắt đầu công cuộc truyền bá Tin Mừng tại đây cho đến khi bị Nữ hoàng Ranavalona trục xuất vào năm 1835. Vào thời điểm đó, ông đã thiết lập được 37 trường học, với 44 giáo viên và 2309 học sinh. Họ là những mầm mống Tin Mừng cho quốc gia này. Sau khi bị trục xuất, ông rút về Mauritius nơi ông qua đời vì sốt rét ngã nước vào ngày 1 tháng 5, 1841.

Đạo Thánh Chúa bị cấm cách cho đến năm 1883, khi người Pháp chiếm được quốc gia này.

Giáo Hội tại Madagascar hiện có 4 tổng giáo phận và 18 giáo phận. Anh chị em giáo dân sinh hoạt trong 423 giáo xứ, dưới sự coi sóc của 1,654 linh mục. Bên cạnh đó, còn có 4,778 nữ tu.

Do 65.53% sống trong các vùng nông thôn hẻo lánh, Giáo Hội Madagascar có 8,805 cứ điểm truyền giáo nơi điều kiện làm việc của các linh mục và các nhà truyền giáo hết sức chông gai.

Giáo Hội tại Madagascar sở hữu 23 bệnh viện và 29 nhà chăm sóc cho những người già, trẻ mồ côi và những người khuyết tật.

Madagascar có quan hệ ngoại giao đầy đủ ở mức Sứ Thần Tòa Thánh vào ngày 23 tháng Chín, 1960.

Sứ Thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Paolo Rocco Gualtieri, 58 tuổi, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm từ ngày 13 tháng Tư, 2015.

Trong diễn từ với các Giám Mục, Đức Thánh Cha nói:

Các chư huynh Giám mục thân mến,

Cảm ơn Đức Hồng Y [Désiré Tsarahazana], vì những lời chào mừng của ngài nhân danh tất cả các anh em của ngài. Tôi đánh giá cao mong muốn chỉ ra cho thấy sứ mệnh mà chúng ta đã thực hiện nên diễn ra như thế nào giữa những mâu thuẫn: một vùng đất giàu có nhưng nghèo đói lại lan rộng; một nền văn hóa và trí tuệ từ tổ tiên tôn trọng cuộc sống và phẩm giá của con người, nhưng cũng lại có sự hiện diện của bất bình đẳng và tham nhũng. Nhiệm vụ của một người mục tử trong hoàn cảnh như vậy thật không dễ dàng.

“Hãy là những người gieo rắc hòa bình và hy vọng”. Chủ đề được chọn cho chuyến thăm của tôi có thể đóng vai trò là tiếng vang vọng của sứ vụ mà chúng ta đã được giao phó. Trong thực tế, chúng ta là những người gieo giống và những người làm như thế với niềm hy vọng; chúng ta làm điều đó dựa trên nỗ lực của bản thân và dấn thân cá nhân, nhưng cũng biết rằng cần có nhiều yếu tố khác kết hợp để làm cho hạt giống bén rễ, phát triển và cuối cùng cho nhiều ngũ cốc. Người gieo giống có thể mệt mỏi và lo lắng, nhưng anh ta không bỏ cuộc và ngừng gieo, càng không đốt cháy cánh đồng của mình khi mọi thứ không diễn ra tốt đẹp. Anh ta biết cách chờ đợi, tin tưởng, và nhận ra những hạn chế của mình khi gieo hạt. Anh ta không bao giờ ngừng yêu thương cánh đồng được giao phó cho mình chăm sóc. Ngay cả khi bị cám dỗ, anh ta không từ bỏ nó hoặc để lại cho người khác.

Người gieo giống biết mảnh đất của mình, anh ta “chạm vào” nó, “cảm nhận” được nó và chuẩn bị cho nó có thể sinh hoa kết quả tốt nhất. Chúng ta, các giám mục, giống như người gieo giống, được kêu gọi gieo rắc hạt giống đức tin và hy vọng trên trái đất này. Để làm như vậy, chúng ta cần phải phát triển “cảm thức về mùi vị” có thể cho phép chúng ta nhận ra rõ ràng hơn bất cứ điều gì là thỏa hiệp, là gây cản trở hoặc gây thiệt hại cho việc gieo giống. Vì lý do này, “mục tử của Giáo Hội, có tính đến sự đóng góp của các ngành khoa học khác nhau, có quyền đưa ra ý kiến về tất cả những gì ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, vì nhiệm vụ loan báo Tin Mừng hàm ý và đòi hỏi việc phát triển tích hợp của mỗi con người. Không còn có thể tuyên bố rằng tôn giáo chỉ nên được giới hạn trong phạm vi riêng tư và chỉ tồn tại nhằm chuẩn bị cho các linh hồn được lên thiên đàng. Chúng ta biết rằng Chúa cũng muốn con cái mình được hạnh phúc ngay trong cõi đời này, mặc dù họ được mời gọi hướng đến sự viên mãn trong cõi vĩnh hằng, vì Chúa đã tạo ra tất cả mọi thứ “cho chúng ta hưởng dùng” (1 Tim 6:17), và cho sự hân hoan của mọi người. Điều này dẫn đến hệ quả là việc hoán cải Kitô giáo đòi hỏi phải xem xét lại đặc biệt những lĩnh vực và khía cạnh của cuộc sống “liên quan đến trật tự xã hội và việc theo đuổi thiện ích chung”. Do đó, không ai có quyền đòi hỏi tôn giáo phải lui vào đời sống nội tâm của cuộc sống cá nhân, và không được có quyền ảnh hưởng đến đời sống xã hội và quốc gia, và tính hợp lý của các tổ chức dân sự, cũng như không có quyền đưa ra ý kiến về các sự kiện ảnh hưởng đến xã hội” (Niềm Vui Phúc Âm, 182-183).

Tôi biết rằng anh em có nhiều lý do để quan tâm và, trong số những lo lắng này, anh em ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ phẩm giá của những anh chị em của mình, những người đang cố gắng xây dựng một quốc gia đoàn kết và thịnh vượng hơn, với các thể chế vững chắc và ổn định. Một mục tử xứng đáng với danh hiệu đó có thể cứ thờ ơ trước những thách thức mà đồng bào của mình thuộc tất cả các giai tầng xã hội, và tôn giáo phải đối mặt được không? Một mục tử với trái tim của Chúa Giêsu có thể tỉnh bơ với cuộc sống được giao phó cho mình chăm sóc được không?

Chiều kích tiên tri trong sứ mạng của Giáo Hội, luôn luôn và ở mọi nơi, đòi hỏi sự phân định, nói chung, là không dễ dàng chút nào. Về vấn đề này, hợp tác thận trọng và độc lập giữa Giáo Hội và nhà nước vẫn luôn là một thách đố liên tục, vì luôn luôn có một nguy cơ thông đồng, đặc biệt là nếu chúng ta mất đi “niềm say mê Tin Mừng”. Bằng cách chăm chú lắng nghe những gì Thánh Linh tiếp tục nói với các Giáo Hội (x. Rev 2: 7), chúng ta có thể thoát khỏi những cạm bẫy để Tin Mừng có thể tự do lên men, để có một sự hợp tác hiệu quả với xã hội dân sự trong việc theo đuổi thiện ích chung. Các dấu chỉ của sự phân định như thế phải cho thấy rằng việc loan báo Tin Mừng thể hiện mối quan tâm đối với tất cả các hình thức nghèo đói, không chỉ “bảo đảm dinh dưỡng hay ‘thực phẩm đàng hoàng’ cho tất cả mọi người, nhưng cả cho ‘phúc lợi trần thế và sự thịnh vượng nói chung’ của họ. Điều này có nghĩa là người dân phải được giáo dục, được tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe và trên hết là có công ăn việc làm, thông qua lao động tự do, sáng tạo, có sự tham gia và hỗ trợ lẫn nhau mà qua đó con người thể hiện và nâng cao phẩm giá của cuộc sống. Một đồng lương xứng đáng cho phép họ có quyền có được đầy đủ tất cả các hàng hóa khác được dành cho việc sử dụng chung của chúng ta” (Niềm Vui Phúc Âm, 192).

Bảo vệ con người là một khía cạnh khác trong trách nhiệm mục vụ của chúng ta. Để trở thành mục tử theo tấm lòng của Chúa, chúng ta phải là người đầu tiên chọn rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. “Không có chỗ cho sự nghi ngờ hoặc cho những lời giải thích biện minh cho việc mà làm suy yếu một thông điệp quá rõ ràng là: Ngày nay và luôn luôn, ‘người nghèo là những người ưu tiên nhận được Tin Mừng’, và thực tế là Tin Mừng được rao giảng tự do cho họ như một dấu chỉ của vương quốc mà Chúa Giêsu đến để thiết lập. Chúng ta phải tuyên bố, quyết liệt chứ không mơ hồ, rằng có một mối liên kết không thể tách rời giữa đức tin của chúng ta và người nghèo. Cầu xin cho chúng ta đừng bao giờ bỏ rơi họ” (thd., 48). Nói cách khác, chúng ta có một nghĩa vụ đặc biệt là bảo vệ và gần gũi với người nghèo, người yếu thế, trẻ em và những người dễ bị tổn thương nhất, cũng như các nạn nhân của bóc lột và lạm dụng.

Cánh đồng rộng lớn này không chỉ được dọn sạch và cày xới bởi Thánh Linh tiên tri; nó cũng chờ hạt giống được gieo với sự kiên nhẫn của các Kitô hữu, với nhận thức rằng chúng ta không thể kiểm soát hay chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình. Một mục tử, là người gieo giống, sẽ không cố gắng kiểm soát mọi chi tiết. Vị ấy sẽ để lại nhiều chỗ cho những sáng kiến mới, để mọi thứ trưởng thành theo thời gian tốt đẹp riêng của chúng, và không áp đặt mọi thứ vào một khuôn mẫu. Ngài sẽ không đòi hỏi nhiều hơn những gì là hợp lý, hay khinh miệt những kết quả ít ỏi. Sự trung thành với Tin Mừng này cũng khiến chúng ta trở thành những mục tử gần gũi với dân Chúa, bắt đầu từ các linh mục anh em - những người anh em thân thiết nhất của chúng ta - những người nên là đối tượng cho sự chăm sóc đặc biệt của chúng ta.

Cách đây không lâu, tôi đã chia sẻ với các giám mục người Ý mối quan tâm của tôi là phải làm sao để các linh mục của chúng ta có thể nhìn thấy nơi giám mục của họ một người anh trai và một người cha khuyến khích họ và hỗ trợ họ trên hành trình của mình (x. Diễn từ tại Hội nghị Thường niên các Giám mục Ý, 20 tháng 5 năm 2019). Đó là tình phụ tử thiêng liêng; nó linh hứng cho một giám mục không bỏ các linh mục mình mồ côi, mà vẫn gần gũi với họ, không chỉ bằng cách luôn sẵn sàng tiếp nhận họ, mà còn bằng cách tìm kiếm họ và hỗ trợ họ khi gặp khó khăn. Giữa những niềm vui và thách thức trong sứ vụ của họ, các linh mục phải thấy nơi anh em những người cha luôn ở bên họ, sẵn sàng khuyến khích họ và hỗ trợ, đánh giá cao công việc của họ và hướng dẫn sự phát triển của họ. Công Đồng Vaticanô II đã đề cập cụ thể về điểm này như sau: “Các Giám mục phải thể hiện tình cảm đặc biệt đối với các linh mục của mình, là những người góp phần vào nhiệm vụ và mối quan tâm của các ngài và tận hiến đời mình hàng ngày cùng với các ngài với một lòng nhiệt thành tuyệt vời. Các ngài nên xem các linh mục như con trai và anh em bè bạn. Các ngài luôn phải sẵn sàng để lắng nghe họ, trong một bầu không khí tin cậy lẫn nhau, và do đó tạo điều kiện cho công việc mục vụ của toàn giáo phận” (Sắc lệnh Christus Dominus, 16).

Nghĩa vụ trần thế cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn chờ đợi kết quả của các quá trình; vào thời điểm thu hoạch, người nông dân cũng đánh giá phẩm chất các công nhân của mình. Là mục tử, anh em có một nhiệm vụ khẩn cấp là đồng hành và phân định, đặc biệt liên quan đến ơn gọi đời sống thánh hiến và chức tư tế, là một trong những điều cơ bản để bảo đảm tính xác thực của những ơn gọi đó. Mùa gặt rất dồi dào và Chúa – Đấng chỉ muốn có những người thợ thực sự - không bị giới hạn trong những cách thế Ngài mời gọi những người trẻ tuổi dâng hiến một món quà quảng đại là cuộc sống của họ. Việc đào tạo các ứng cử viên cho chức tư tế và đời sống thánh hiến một cách đúng đắn là để bảo đảm sự trưởng thành của họ và sự thanh luyện ý định của họ. Về vấn đề này, và theo tinh thần Tông Huấn Mừng rỡ Hân hoan, tôi muốn nhấn mạnh rằng lời mời gọi cơ bản, mà không có nó những thứ khác không có lý do gì để tồn tại, là lời mời gọi nên thánh và rằng “thánh thiện là bộ mặt hấp dẫn nhất của Giáo Hội” (số 9). Tôi đánh giá cao những nỗ lực của anh em nhằm bảo đảm sự hình thành những người thợ gặt chân chính và thánh thiện cho mùa gặt dồi dào đang chờ đợi chúng ta trên cánh đồng của Chúa.

Nỗ lực này cũng phải mở rộng đến thế giới rộng lớn các tín hữu giáo dân. Họ cũng được phái ra thu hoạch, cũng được mời gọi thả lưới và dành thời gian để hoạt động tông đồ, mà “trong tất cả các khía cạnh phong phú, được thực hiện cả trong Giáo Hội và trên thế giới” (Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân Apostolicam Actuositatem, 9). Trong tất cả các chiều kích, các vấn nạn và các tình huống đa dạng của nó, thế giới là một khu vực cụ thể của các hoạt động tông đồ giáo dân nơi người tín hữu được mời gọi, với lòng quảng đại và tinh thần trách nhiệm, mang đến men Tin mừng. Vì lý do này, tôi bày tỏ sự đánh giá cao của tôi đối với tất cả những sáng kiến mà anh em đã thực hiện với tư cách là mục tử để đào tạo cho anh chị em giáo dân, và không để họ cô đơn trong sứ mệnh trở thành muối của trái đất và ánh sáng của thế giới. Bằng cách này, họ có thể đóng góp vào sự biến đổi của xã hội và đời sống của Giáo Hội ở Madagascar.

Các anh em thân mến, trách nhiệm to lớn này đối với cánh đồng của Chúa phải thách thức chúng ta mở rộng trái tim và tâm trí của chúng ta và xua đuổi nỗi sợ hãi cũng như cám dỗ muốn rút lui vào chính mình và tự cắt đứt với người khác. Đối thoại huynh đệ giữa các anh em, việc chia sẻ những ân sủng và sự hợp tác giữa các Giáo Hội Đặc Thù của Ấn Độ Dương tiêu biểu cho một con đường hy vọng. Sự tương đồng của những thách thức mục vụ mà anh em gặp phải, như bảo vệ môi trường theo tinh thần Kitô giáo, hoặc vấn đề nhập cư, kêu gọi suy tư chia sẻ và phối hợp hành động trên quy mô lớn để đưa ra các phương pháp hiệu quả.

Để kết luận, tôi muốn chào hỏi một cách đặc biệt, thông qua anh em, tất cả những linh mục và những tu sĩ nam nữ già cả hay đang đau yếu. Tôi xin anh em truyền đạt cho họ tình cảm của tôi và sự bảo đảm những lời cầu nguyện của tôi cho họ, và chăm sóc họ với lòng từ ái và củng cố họ trong sứ mệnh tốt đẹp của họ là cầu nguyện cho Giáo Hội.

Có hai người phụ nữ phù hộ cho nhà thờ chính tòa này. Nhà nguyện ngay bên cạnh giữ gìn hài cốt của Chân phước Victoire Rasoamanarivo, là người đã có thể làm biết bao việc lành phúc đức, cũng như bảo vệ và truyền bá đức tin trong những thời điểm khó khăn. Ngoài ra còn có bức tượng Đức Trinh Nữ Maria, với cánh tay, vươn ra thung lũng và những ngọn đồi, dường như muốn ôm ấp mọi thứ. Chúng ta hãy cầu xin hai người phụ nữ này luôn mở rộng trái tim của chúng ta, để dạy cho chúng ta lòng từ mẫu mà những phụ nữ, như chính Chúa, cảm nhận đối với những người bị lãng quên trong cõi đời này và giúp chúng ta gieo hạt giống hy vọng.

Như một dấu chỉ khích lệ chân thành không ngừng của tôi, giờ đây tôi ban phép lành cho anh em, và gởi phép lành này đến tất cả các giáo phận của anh em.

Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi và yêu cầu những người khác cũng làm như vậy!

Sau cuộc gặp gỡ này, lúc 17:10, Đức Thánh Cha đã viếng mộ Chân phước Victoire Rasoamanarivo (1848 – 21/8/1894) là người đã tận hiến đời mình chăm sóc cho những người nghèo và những người bất hạnh. Ngài đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong Chân Phước vào ngày 30 tháng Tư, 1989.
 
Thánh Lễ tại tượng đài Đức Mẹ, Nữ vương Hòa bình Mauritius
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:39 09/09/2019
Như chúng tôi đã đưa tin lúc 7:30 sáng, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng máy bay từ phi trường quốc tế Antananarivo để bay đến phi trường Port Louis. Sau 2 giờ 10’ bay, Đức Thánh Cha đã đến sân bay Port Louis vào lúc 10:40. Tại đây đã diễn ra nghi thức chào đón Đức Thánh Cha (Port Louis đi trước Antananarivo một giờ).

Lúc 12:15 trưa, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ tại tượng đài Đức Mẹ, Nữ vương Hòa bình

Giáo Hội tại Mauritius

Đạo Thánh Chúa đến với hòn đảo này cùng với người Pháp vào năm 1715. 22 năm sau đó, Giáo Hội chính thức có các định chế tại đây.

Với diện tích chỉ xấp xỉ, chưa bằng được Sàigòn, Mauritius có một giáo phận, là giáo phận Port Louis; và một miền Giám Quản Tông Tòa là Rodrigues.

Giáo phận Port Louis là một giáo phận trực thuộc thẳng Tòa Thánh. Ngày 6 tháng Sáu, 1837, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô thứ 14 đã thành lập miền Giám Quản Tông Tòa Mauritius và bổ nhiệm Đức Cha Edward Bede Slater dòng Salêsiêng làm Giám Mục tiên khởi. Đến ngày 7 tháng 12, năm 1847, Đức Giáo Hoàng Piô thứ Chín đã nâng lên hàng giáo phận và đổi tên là giáo phận Port Louis như ngày nay. Vị cai quản giáo phận Port Louis hiện nay là Đức Hồng Y Maurice Evenor Piat.

Đức Hồng Y sinh ngày 19 tháng Bẩy năm 1941. Ngài được thụ phong linh mục ngày 2 tháng 8, 1970 và được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm Giám Mục Phó Port Louis vào ngày 21 tháng Giêng, 1991. Khi Đức Hồng Y Jean Margéot về hưu, ngài thay thế ngài làm Giám Mục Port Louis vào ngày 15 tháng Hai, 1993.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng ngài lên hàng Hồng Y vào ngày 19 tháng Mười Một, 2016.

Theo Niên Giám Thống Kê 2017, Giáo phận Port Louis có 327,600 tín hữu Công Giáo trên tổng số 1,260,000 dân, tức là chiếm tỷ lệ 26%. Anh chị em tín hữu sinh hoạt trong 36 giáo xứ, do 91 linh mục coi sóc, trong đó có 46 linh mục triều và 45 linh mục dòng. Bên cạnh đó, còn có 117 nữ tu và 70 nam tu sĩ không có chức linh mục.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thảo Ly xin được nói thêm về Miền Giám Quản Tông Tòa Rodrigues

Ngày 31 tháng 10, 2002, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập miền Giám Quản Tông Tòa Rodrigues, được tách ra từ giáo phận Port Louis, và giao cho Đức Cha Alain Harel làm Giám Mục tiên khởi.

Lý do tách ra là vì Rodrigues là một hòn đảo về phía Đông Mauritius với diện tích 108km2, nơi dân số gần như toàn tòng Công Giáo.

Đức Cha Alain Harel sinh ngày 24 tháng Sáu, 1950. Ngài được thụ phong linh mục tại giáo phận Port Louis vào ngày 3 tháng Chín, 1978 và được bổ nhiệm Giám Mục vào ngày 31 tháng Mười, 2002.

Theo Niên Giám Thống Kê 2017, miền Giám Quản Tông Tòa Rodrigues có 38,714 tín hữu Công Giáo trên tổng số 42,396 dân, tức là chiếm tỷ lệ 91.3%. Trên đảo Rodrigues hiện nay có 5 giáo xứ, do 4 linh mục triều và một linh mục dòng coi sóc, cùng với 12 nữ tu và 2 thầy chưa chịu chức linh mục.

Bài giảng Thánh Lễ

Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha nói:

Ở đây, trước bàn thờ dâng kính Đức Maria Nữ vương Hòa bình, trên ngọn núi này từ đó chúng ta có thể nhìn thấy thành phố và biển phía xa, chúng ta là một phần của đám đông lớn lao, một biển mặt người đến từ Mauritius và các hòn đảo khác của khu vực Ấn Độ Dương này để nghe Chúa Giêsu giảng về Bát Phúc. Chúng ta đã đến để nghe cùng một lời ban sự sống mà ngày nay, cũng như hai ngàn năm trước, có sức mạnh và ngọn lửa có khả năng sưởi ấm những trái tim lạnh giá nhất. Cùng nhau chúng ta có thể nói với Chúa: Chúng con tin vào Chúa, và với ánh sáng đức tin và từng nhịp đập của trái tim chúng con, chúng con biết sự thật trong các lời lẽ của tiên tri Isaia: Hãy công bố hòa bình và sự cứu rỗi, hãy mang tin mừng... rằng Thiên Chúa chúng ta đang trị vì.

Các Mối Phúc “giống như thẻ căn cước của Kitô hữu. Vì vậy, nếu có ai hỏi: ‘Người ta phải làm gì để trở thành một Kitô hữu tốt?’ câu trả lời đã rõ ràng. Chúng ta phải làm, mỗi người theo cách riêng của chúng ta, những gì Chúa Giêsu đã nói với chúng ta trong Bài giảng trên Núi. Trong Các Mối Phúc, chúng ta tìm thấy một bức chân dung của Thầy Chí Thánh, mà chúng ta được kêu gọi để phản ảnh trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta (Gaudete et Exsultate, 63). Với vị “tông đồ của người Mauritius”, Chân phước Jacques-Désiré Laval, người rất được tôn kính ở những vùng đất này, cũng thế. Tình yêu dành cho Chúa Kitô và người nghèo đã đánh dấu cuộc đời ngài đến nỗi ngài không thể quan niệm được một cách rao giảng Tin Mừng “xa cách và được khử trùng”. Ngài biết rằng việc truyền giảng Tin Mừng đòi hỏi phải trở thành mọi sự cho mọi người (x. 1Cr 9: 19-22), và vì vậy ngài đã học ngôn ngữ của những nô lệ vừa được giải phóng và dạy cho họ Tin mừng cứu rỗi bằng ngôn ngữ đơn giản. Ngài đã có thể tập hợp các tín hữu, đào tạo họ đảm nhiệm sứ mệnh và thiết lập các cộng đồng Kitô giáo nhỏ trong các khu phố, thị trấn và các làng mạc lân cận: các cộng đồng nhỏ, nhiều trong số đó đã phát sinh ra các giáo xứ ngày nay. Sự lo lắng mục vụ của ngài đã giành được sự tin tưởng của người nghèo và người bị ruồng bỏ, và làm họ trở thành những người đầu tiên đến với nhau và tìm giải pháp giải quyết các đau khổ của họ.

Qua việc vươn tay ra truyền giáo và tình yêu của mình, Cha Laval đã đem lại cho Giáo hội Mauritius một tuổi trẻ mới, một sự sống mới, mà hôm nay chúng ta được yêu cầu mang chúng tiến lên.

Chúng ta cần phát huy đà đẩy truyền giáo này, bởi vì, với tư cách là Giáo hội của Chúa Kitô, rất có thể xảy ra việc chúng ta sa cơn cám dỗ để mất nhiệt tình truyền giáo bằng cách nương tựa vào những an toàn thế gian vốn từ từ nhưng chắc chắn không chỉ tác động đến sứ mệnh mà còn thực sự cản trở nó và ngăn không cho nó lôi kéo mọi người lại với nhau (x. Evangelii Gaudium, 26). Đà đẩy truyền giáo luôn có khuôn mặt trẻ trung và tăng sức sống. Vì chính người trẻ, bằng sinh khí và sự đại lượng của họ, có thể mang đến cho nó vẻ đẹp và sự tươi mát của tuổi trẻ, khi họ thách thức cộng đồng Kitô giáo đổi mới và thúc giục chúng ta lao vút đi theo những hướng mới mẻ (x. Christus Vivit, 37).

Điều đó không luôn dễ dàng. Nó có nghĩa phải học cách thừa nhận sự hiện diện của người trẻ và dành chỗ cho họ trong cộng đồng và trong xã hội của chúng ta.

Đó là một điều khó nói, nhưng, bất chấp sự tăng trưởng kinh tế mà đất nước anh chị em từng biết trong những thập niên gần đây, chính người trẻ đang phải chịu đựng nhiều nhất. Họ phải chịu cảnh thất nghiệp, một điều không chỉ tạo ra sự không chắc chắn về tương lai mà còn ngăn họ tin rằng họ đóng một phần quan trọng trong lịch sử chung của anh chị em. Sự không chắc chắn về tương lai khiến họ cảm thấy họ đang ở bên lề xã hội; nó khiến họ dễ bị tổn thương và bất lực trước những hình thức nô lệ mới trong thế kỷ hai mươi mốt này. Những người trẻ của chúng ta là sứ mệnh quan trọng hàng đầu của chúng ta! Chúng ta phải mời họ tìm hạnh phúc của họ trong Chúa Giêsu; không phải bằng cách nói chuyện với họ một cách xa cách hay từ xa, mà bằng cách học cách dành chỗ cho họ, “học ngôn ngữ của họ”, lắng nghe các câu chuyện của họ, dành thời gian với họ và làm họ cảm thấy họ cũng được Chúa chúc phúc. Chúng ta đừng tự tước mất khuôn mặt trẻ trung của Giáo hội và của xã hội. Chúng ta đừng cho phép những kẻ buôn bán trong chết chóc cướp đi những thành quả đầu tiên của lãnh thổ này!

Cha Laval nói với những người trẻ của chúng ta, và tất cả những người, giống như họ, cảm thấy không có tiếng nói, chỉ đơn thuần sống qua ngày, hãy tiếp nhận lời tuyên bố của Isaia: Hỡi các ngươi, các hoang tàn của Giêrusalem, hãy cùng nhau cất lên lời ca; vì Chúa đã đang an ủi dân Người, Người đã đang cứu chuộc Giêrusalem!” (Is 52: 9). Cho dù chúng ta có thể cảm thấy choáng ngợp và bị mắc kẹt, nhưng niềm hy vọng của chúng ta vào Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tiến đến một niềm xác tín mới mẻ vào chiến thắng của Thiên Chúa, không chỉ ở bên kia lịch sử mà còn ở bên trong sợi chỉ giấu ẩn của mọi “lịch sử” nhỏ bé vốn đan xen và thuyết phục chúng ta về chiến thắng của Đấng đã ban vương quốc cho chúng ta.

Sống thông điệp Tin Mừng có nghĩa là chúng ta không thể tiếp tục hy vọng rằng mọi sự xung quanh chúng ta sẽ hoàn hảo, vì quá thường xuyên lòng thèm khát quyền lực và lợi ích trần tục luôn hoạt động chống lại chúng ta. Thánh Gioan Phaolô II nhận định rằng: Một xã hội bị tha hóa nếu các hình thức tổ chức xã hội, sản xuất và tiêu thụ của nó làm cho nó khó khăn hơn trong việc tự hiến bản thân và thiết lập tình liên đới giữa mọi người” (CentesimusAnnus, 41c). Trong một xã hội như vậy, việc sống các Mối Phúc trở nên khó khăn: mọi nỗ lực làm như vậy sẽ bị xem là tiêu cực, bị coi là nghi ngờ và gặp phải sự chế giễu (xem Gaudete et Exsultate, 91). Điều này đúng, nhưng chúng ta không được để mình nhường bước cho chán nản.

Dưới chân ngọn núi này, ngọn núi mà ngày nay tôi muốn trở thành Núi Bát Phúc, chúng ta cũng phải khám phá lại một lần nữa lời mời gọi của Chúa Kitô để được có phúc. Chỉ những Kitô hữu hân hoan mới thức tỉnh nơi người khác lòng mong muốn bước theo con đường này. Hạn từ “chúc phúc” có nghĩa là “hạnh phúc”. Nó trở thành một từ đồng nghĩa với “thánh thiện”, vì nó diễn tả sự kiện này: những người trung thành với Thiên Chúa và với lời của Người, bằng cách tự hiến, sẽ có được hạnh phúc thực sự (x. Ibid., 64).

Khi chúng ta nghe thấy sự chẩn đoán đầy đe dọa rằng “các con số của chúng ta đang giảm dần”, chúng ta nên quan tâm không quá nhiều đến sự suy giảm của phương thức tận hiến này hoặc phương thức tận hiến nọ trong Giáo hội, nhưng đến việc thiếu những người nam nữ muốn trải nghiệm hạnh phúc trên con đường thánh thiện. Chúng ta nên quan tâm đến việc thiếu những người nam nữ biết để trái tim mình bùng cháy với những thông điệp đẹp đẽ và giải thoát nhất. Thật vậy, “nếu có bất cứ điều gì làm phiền chúng ta cách chính đáng và gây rắc rối cho lương tâm của chúng ta, thì đó là sự kiện rất nhiều anh chị em của chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình bạn với Chúa Giêsu Kitô, không có một cộng đồng đức tin để hỗ trợ họ, không có ý nghĩa và một mục tiêu trong cuộc sống” (Evangelii Gaudium, 49).

Khi những người trẻ tuổi thấy dự án cuộc sống Kitô hữu đang được thực hiện với niềm vui, điều này kích thích và khuyến khích họ. Họ cũng cảm thấy ý muốn được nói, bằng rất nhiều hạn từ: “Tôi cũng muốn leo Ngọn Núi Bát Phúc này; tôi cũng muốn gặp ánh mắt của Chúa Giêsu và học từ Người con đường dẫn đến niềm vui thật sự”.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện cho các cộng đồng của chúng ta, để họ có thể làm chứng cho niềm vui của đời sống Kitô hữu và thấy sự nở rộ của lời kêu gọi nên thánh trong nhiều hình thức sống đa dạng mà Chúa Thánh Thần vốn đề xuất cho chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Người cho giáo phận này và cho mọi người đã nỗ lực để đến đây ngày hôm nay. Chân phúc Laval, người có thánh tích mà chúng ta tôn kính, cũng trải qua những giây phút thất vọng và khó khăn với cộng đồng Kitô giáo, nhưng cuối cùng, Chúa đã chiến thắng trong lòng ngài. Vì ngài đã đặt niềm tín thác của ngài vào sức mạnh của Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện để cùng một sức mạnh đó có thể chạm đến trái tim của nhiều người nam nữ của lãnh thổ này, và cả trái tim của chúng ta nữa, để sự mới mẻ của nó luôn có khả năng làm mới cuộc sống của chúng ta và cộng đồng của chúng ta (x. Ibid., 11). Chúng ta đừng quên rằng Đấng kêu gọi một cách mạnh mẽ, Đấng xây dựng Giáo hội, là chính Chúa Thánh Thần.

Bức tượng Đức Mẹ, Người Mẹ bảo vệ và đồng hành với chúng ta, nhắc nhở chúng ta rằng chính Mẹ được gọi là “Đấng diễm phúc”. Chúng ta hãy xin ngài cho ta ơn biết cởi mở với Chúa Thánh Thần. Đức Mẹ đã trải qua một nỗi buồn đâm thấu trái tim ngài như một lưỡi gươm, và vượt qua ngưỡng cửa tang chế khi ngài chứng kiến cái chết của Con mình. Xin ngài lãnh nhận cho chúng ta niềm vui kiên trì không bao giờ chùn bước hoặc phai tàn. Niềm vui không ngừng dẫn chúng ta đến việc trải nghiệm và tuyên xưng rằng “Đấng tối cao đã làm những điều vĩ đại, và danh Người là thánh”.

Sau Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các Giám Mục thành viên của Liên Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ Dương.