Ngày 09-09-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 10/09: Phân định Xem quả biết cây - Lm Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
03:06 09/09/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.

“Tại sao anh em gọi Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’, mà anh em không làm điều Thầy dạy?

“Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai. Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc. Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.”

Đó là lời Chúa
 
Tôi tồi tội, Chúa thương tìm
Lm. Nguyễn Xuân Trường
04:48 09/09/2022

TÔI TỒI TỘI, CHÚA THƯƠNG TÌM

Phúc Âm tuần này Chúa kể tới 3 dụ ngôn: Con chiên lạc, đồng bạc mất, con mất dạy. Ba dụ ngôn đều chung một sứ điệp: dù cho con người tội lỗi lầm lạc lìa xa Chúa, thì Chúa vẫn một lòng yêu thương đi tìm về. Tìm thấy rồi thì vui quá trời.

1. Tôi tồi tội. Con người ai cũng có tội. Khổ một nỗi, nhiều khi ta lại cứ tưởng người khác mới tội, còn tôi ngon lành. Những người Pha-ri-sêu và kinh sư thời Chúa Giêsu cũng tưởng vậy, nên mới xầm xì chê trách Chúa: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Thế nên, Chúa mới kể cho họ nghe 3 dụ ngôn: Chiên lạc, bạc mất, con xa. Con thứ lìa xa, con cả ở nhà cũng chả ra gì. Cả hai đều mất dạy. Hóa ra ai cũng tội cả.

2. Chúa thương tìm. Con người tội lỗi lìa xa Chúa. Phúc đức thay, tình thương Chúa luôn lớn hơn tội lỗi con người. Dù tội lỗi lầm lạc đến đâu thì tội nhân vẫn là con Chúa, Chúa vẫn thương đi tìm. Tại sao phải tìm? Tìm là vì tiếc xót, tiếc đứt ruột. Tiếc hàm ý người ta yêu quí, gắn bó với thứ bị mất. Chúa yêu thương, gắn bó với chúng ta là con của Ngài, nên khi ta lạc mất thì Chúa tiếc xót lắm, Ngài phải đi tìm cho bằng được. Chúa thương, Chúa tiếc, Chúa tìm con người.

Cả 3 dụ ngôn: tìm chiên, tìm tiền, tìm con đều kết thúc bằng niềm vui dạt dào khi tìm thấy điều đã mất. Niềm vui không chỉ của riêng chủ nhân, mà còn là niềm vui chung cùng bạn bè lối xóm. Và khi Chúa tìm thấy người lầm lạc sám hối trở về thì niềm vui tràn ngập cả trời với đất. Thế nên, hãy để Chúa tìm ta về với Ngài hưởng niềm vui, hãy tạo dựng niềm vui bằng cách không trách móc, nhưng cùng Chúa đi tìm tội nhân lầm lạc trở về. Dẫu cho đời điên đảo lầm lỗi thế nào đi nữa, thì nhờ lòng thương xót, cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao. Amen.
 
Không sợ sai lầm
Lm. Minh Anh
04:52 09/09/2022

KHÔNG SỢ SAI LẦM
“Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm!”.

Một người bạn nói với mục sư Adoniram Judson rằng, một bài báo đã ví anh như một số tông đồ. Judson trả lời, “Tôi không muốn giống Phaolô hay bất kỳ ai khác. Tôi muốn giống Chúa Kitô! Tôi chỉ muốn theo Ngài, uống Thánh Linh của Ngài, đặt chân tôi vào dấu chân Ngài, sống lời Ngài, và dạy lời Ngài mà ‘không sợ sai lầm’. Ồ, tôi muốn giống Chúa Kitô thôi!”

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi muốn giống Chúa Kitô thôi!”. Phải chăng đây cũng là ý chí kiên định của Phaolô khi ngài quyết tâm đánh đổi tất cả để nên giống Chúa Kitô, có Chúa Kitô, và muốn muôn dân biết Chúa Kitô, “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm!”. Uống Thánh Linh của Chúa Kitô, sống lời Ngài, Phaolô can đảm bôn tẩu, rong ruổi, loan báo Tin Mừng Đức Kitô mà ‘không sợ sai lầm’.

Thế nhưng, với chúng ta, phải bắt đầu từ đâu? Phải rao giảng làm sao mà ‘không sợ sai lầm?’. Như Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, coi “mọi sự như rác rưởi trước mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô”; trước hết, chúng ta phải được nung nấu bởi tình yêu của Chúa Kitô, hiểu biết Ngài nhờ quyền năng của Thánh Thần. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sẽ giải thích điều này rõ hơn; Ngài nói, “Người mù có thể dắt người mù được sao?”. Nghĩa là, trước tiên, tông đồ phải là người biết thật rõ, thấy thật rõ, mình đang đi đâu, trên con đường nào, và sẽ dẫn đến đâu? Là một người chỉ đường, rao giảng Chúa Kitô, chúng ta cần xác tín, ngoài con đường Giêsu, không có con đường nào khác! Ngài là Đấng đến từ Chúa Cha, nên Ngài biết rõ đường. Hãy suy gẫm về tầm quan trọng và vị trí trung tâm của Chúa Kitô đối với hành trình tiến về Nhà Cha của chính chúng ta và của những người chúng ta sẽ hướng dẫn mà ‘không sợ sai lầm!’.

Thứ đến, là người dẫn đưa người khác đến với Chúa, chúng ta cần có ‘một lo lắng’ nào đó; không phải sợ hãi, nhưng thực sự là không thể coi thường! Trước trách vụ lớn lao và cấp bách đó, cách khôn ngoan nhất là chúng ta dựa vào Giáo Hội. Chúa Giêsu không chỉ thiết lập Giáo Hội để tiếp tục sự dạy dỗ của Ngài, nhưng còn ban cho Giáo Hội ân sủng Thánh Thần để gìn giữ Giáo Hội khỏi sai lầm. Chúng ta không cậy mình, nhưng biết rằng, tôi không hề lẻ loi. Sự tự tin của chúng ta cần bắt nguồn từ sự hiểu biết rằng, chúng ta đang ở trong Giáo Hội, hợp nhất với Giáo Hội và thực hành giáo huấn của Giáo Hội.

Học tập là một ‘tiến trình thường huấn’ kéo dài suốt đời; vậy mà, chúng ta hay coi thường, không cần đào sâu cho mình những hiểu biết đức tin. Vì thế, tuy không sợ sai lầm, nhưng việc giảng dạy của chúng ta thường chỉ dừng lại ở cấp Rước Chúa lần đầu hoặc Thêm Sức! Tại sao, vì chúng ta tự mãn, chúng ta không biết mình ‘nghèo’, nên những người chúng ta dạy dỗ không bao giờ ‘giàu’; và như thế, không ít người lớn chỉ được chúng ta đào tạo với những gì đủ cho một đứa trẻ! Vậy hãy học biết Chúa Kitô mỗi ngày, đào sâu đức tin, suy tư, nghiên cứu, chiêm ngắm những mầu nhiệm của Ngài; đồng thời, cho phép ân điển Thánh Thần biến đổi cuộc sống chúng ta mỗi ngày. Được như thế, chúng ta mới có thể nâng cao đời sống đức tin, làm nóng sốt hồn tông đồ nơi chính mình và nơi những người chúng ta hướng dẫn mà ‘không sợ sai lầm’.

Anh Chị em,

“Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm!”. Chớ gì mỗi người chúng ta có chung một thao thức như Phaolô! Vậy mà, chúng ta chỉ có thể rao giảng Chúa Kitô, giúp đỡ và dạy dỗ người khác đến với Ngài bằng chính những gì chúng ta đã học biết và nhận được từ Ngài. Ngài là vị Thầy, Hướng Đạo thông thái, Đức Hôn Phu tuyệt vời của Hiền Thê Giáo Hội vốn là người mẹ khôn ngoan nhất của chúng ta. Ngài còn là Thầy Thuốc đa khoa có thể chữa lành sự mù loà, đánh bại mọi tội lỗi, băng bó mọi thương tích, nâng đỡ bao yếu đuối và lấp đầy những nông nổi của chúng ta. Được như thế, chúng ta có thể dẫn dắt người khác mà ‘không sợ sai lầm!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin hạ thấp dãy núi tự mãn nơi con, cho con biết mình ‘nghèo’; xin dạy con mỗi ngày trên đầu gối Giáo Hội. Từ đó, con làm cho anh chị em con ‘giàu’ mà ‘không sợ sai lầm!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tìm kiếm, cảm hóa và chết thay
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
07:13 09/09/2022


Những phần tử xấu, đặc biệt là những người thu thuế và tội lỗi tại Do Thái ngày xưa, là thành phần thường bị xã hội khinh dể, chê trách, lên án, ghét bỏ, loại trừ…

Trong khi đó, Chúa Giê-su tỏ ra gần gũi, thân thiện và niềm nở đón tiếp họ nên họ thường tìm đến với Ngài, khiến những người tự cho mình là đạo đức như các Pha-ri-sêu và kinh sư tỏ ra khó chịu nên xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.”

Đối với Chúa Giê-su, mỗi người đều có giá trị rất cao nên cần phải được trân trọng và yêu thương. Dù con người có đắm chìm trong lầm lạc và tội lỗi, Thiên Chúa cũng không bỏ rơi, không hủy diệt họ, nhưng tìm mọi cách đưa họ trở về đàng lành.

Dụ ngôn người đi tìm chiên lạc trong Tin mừng Luca (Lc 15, 4-7) chứng tỏ điều đó:

Người chăn chiên tốt hết lòng yêu thương, quý mến từng con trong đàn, bất kể đó là chiên tốt hay chiên xấu, mập hay gầy, khoẻ mạnh hay đau bệnh. Và khi phát hiện ra một con chiên lạc đàn, anh ta bôn ba, tất tả kiếm tìm cho bằng được con chiên lạc với bất cứ giá nào... Một khi đã tìm thấy, anh vác chiên lên vai, mừng vui hớn hở trở về, kêu mời bà con làng xóm đến chia mừng với anh.

Qua dụ ngôn trên đây, Chúa Giê-su tỏ cho thấy Thiên Chúa xem mỗi người chúng ta là báu vật vô giá, nên nếu có bất kỳ ai “lạc mất”, thì Ngài phải tìm về cho bằng được.

Tìm kiếm, cảm hoá và chết thay

Phương cách xử trí của Thiên Chúa đối với tội nhân gồm ba việc chính là tìm kiếm, cảm hoá và chết thay.

Tìm kiếm: Thay vì trừng trị hoặc trừ khử các tội nhân như các tòa án khắp nơi thường làm, Thiên Chúa Ngôi Hai đã rời bỏ ngai trời vinh hiển, vượt qua khoảng cách gần như vô tận giữa trời và đất, hạ mình xuống thế, trở nên người phàm để đi tìm kiếm từng người trong nhóm họ.

Cảm hoá: Thay vì tống giam các tội nhân vào ngục, bắt họ mang gông cùm xiềng xích để đền tội, Chúa Giê-su tôn trọng và quý mến tội nhân, tìm nhiều cách hoán cải họ; có khi Ngài còn đến ở lại trong nhà người tội lỗi, cùng ăn uống đồng bạn với họ, trở nên bạn bè của họ, nhằm lấy tình bạn mà cảm hóa họ trở về (Luca 15,2).

Chết thay: Thay vì kết liễu mạng sống của các tội nhân ác nghiệt, bắt họ phải đền nợ máu họ đã gây ra như các tòa án nhân loại thường làm, Chúa Giê-su đã đổ máu châu báu của mình ra để chết thay cho họ, để rửa sạch họ khỏi muôn vàn tội lỗi và cho họ được sống đời đời.

Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân, ngay cả những tội nhân bầm dập, khốn cùng nhất, đã được Chúa Giê-su khẳng định trong Tin mừng Mat-thêu: “Cây lau bị giập, Ngài không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Ngài đưa công lý đến toàn thắng” (Mt 12, 20).

Lạy Chúa Giê-su,

Hôm xưa, Chúa đã rong ruổi tìm kiếm từng con chiên lạc để vác chiên về. Hôm nay, tiếp tục sự nghiệp đó, Chúa dùng bí tích Thánh tẩy để tháp nhập chúng con vào Thân Mình Chúa, cho chúng con trở thành chi thể sống động trong Thân thể Chúa, để cùng đồng hành với Chúa trên hành trình tìm kiếm và đưa về đàn nhiều con chiên lạc trong thôn xóm chúng con.

Xin cho chúng con trở nên đôi chân của Chúa, rảo bước không mệt mỏi trên vạn nẻo đường đời, để tìm kiếm và đưa về những anh em lạc xa đường Chúa.

Xin cho chúng con trở nên đôi vai của Chúa để làm chỗ dựa tinh thần cho những con người lâm cảnh khốn cùng đang cần một chỗ tựa nương. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Đón Nhận Lòng Thương Xót – Trao Ban Lòng Xót Thương
Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương
15:55 09/09/2022
Đón Nhận Lòng Thương Xót – Trao Ban Lòng Xót Thương

(Giảng lễ Chúa nhật 24 thường niên C – Lc 15, 1-32)

Thiên Chúa là Đấng luôn thương xót:

Nơi bài đọc I, ngày hôm nay, đáng lý ra là Thiên Chúa đánh phạt Dân Is-ra-en vì tội bất phục tùng, vì tội cứng đầu cứng cổ, vì tội ‘ngoại tình’ bằng việc thờ ngẫu tượng, cụ thể là thờ bò vàng thay vì thờ phượng Thiên Chúa, Đấng giải thoát họ, thế nhưng, vì lời chuyển cầu đầy khiêm tốn của Mô-sê đã làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa. “Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập? Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng : Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.” Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.” (Xh 32, 11.13-14). Quả thật, lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của con người. Dẫu con người có bất trung, dẫu con người có phạm tội lần này lượt nọ, nhưng Lòng Thương xót của Thiên Chúa phủ lấp và tha thứ tất cả. Đúng như Thánh Vịnh đã cất lên: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103, 8).

Đức Giê-su, chứng nhân lòng thương xót của Thiên Chúa:

Nơi bài đọc II, Thánh Phaolô đã cảm nghiệm ra sự bất trung, sự láo xược và oai vệ của ngài khi đi bắt bớ đạo Chúa Giê-su, thánh nhân đã bị ngã ngựa trên đường Đa-mas. Cú ngã ngựa này đã đánh thức và biến đổi con người hung hăng và kiêu ngạo nơi Phaolô trở thành con người khiêm tốn và nhiệt thành loan báo Tin Mừng. Nói đúng hơn, Thánh Phaolô đã cảm nhận ra điều chắc chắn là nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su đã thu hút và chinh phục con người ‘đầy kênh kệ và kiêu căng’ của chính mình. Nhờ đó, chính Phao lô đã được thôi thúc trở nên chứng nhân cho lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người. Cũng từ biến cố đó, Thánh nhân đã phải thốt lên: Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin mừng, không loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa; nơi khác, Thánh nhân đã nói: Tình yêu Đức Ki-tô thúc bách tôi để lên đường loan báo tình thương của Chúa.

Nơi bài Tin Mừng, lòng thương xót của Thiên Chúa được cụ thể hoá nơi cung cách sống của Đức Giê-su Ki-tô. Sau khi lãnh nhận phép rửa của Ông Gioan Tẩy Giả tại sống Giodan, Đức Giê-su đã công khai ra đi loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Ngài hiện diện ở đâu là thi ân giáng phúc tới đó. Ngài giảng dạy Lời Chúa cho muôn dân. Không những thế, Ngài còn thi thố nhiều phép lạ để nói lên cho mọi người rằng Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ câm nói được, kẻ què được đi, kẻ mù được nhìn thấy, kẻ bệnh hoạn tật nguyền được chữa lành và ngay cả kẻ chết cũng được sống lại. Cụ thể hôm nay, ngang qua bài Tin mừng, Chúa Giê-su đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa bằng việc tiếp xúc, gặp gỡ và đón nhận những người thu thuế và tội lỗi. Một sự gặp gỡ mang lại bình an và cứu sống. Vì mục đích của Đức Giê-su, Con Thiên Chúa xuống thế làm người là để tìm kiếm những gì đã mất, những người tội lỗi hơn là người công chính. Đức Giê-su đến để tìm kiếm và quy tụ hơn là loại trừ và ghen ghét. Có thể, những người Pha-ri-sêu rất ghét thái độ và lối sống của Đức Giê-su. Nhưng họ không biết rằng Đức Giê-su hiện diện nơi trần gian này là để tìm kiếm và cứu vớt những người tội lỗi. Ngang qua 3 dụ ngôn: con chiên bị mất, đồng bạc bị đánh mất và người cha nhân hậu, Đức Giê-su muốn chứng minh cho những người Pha-ri-sêu nói riêng và mỗi chúng ta nói chung về lòng thương xót của Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước ngang qua hình ảnh người cha nhân hậu chờ đón đứa con tội lỗi trở về; luôn luôn đi tìm những người tội lỗi ngang qua dụ ngôn con chiên bị mất và đồng tiền bị đánh mất. Thật vậy, vì yêu nên Đức Giê-su không tính toán thiệt thân. Vì yêu nên Ngài không ngần ngại nhưng sẵn sàng can đảm vượt qua những khó khăn và chông gai để tìm cho con chiên bị lạc, (con chiên bị lạc đó là những người tội lỗi.). Lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su vượt mọi thời gian và mọi nơi chốn. Ngài không ngừng giảng dạy và đi đây đi đó để rao truyền lòng thương xót của Thiên Chúa cho nhân loại. Lòng thương xót tột đỉnh nơi Đức Giê-su là sẵn sàng chết cho người mình yêu.

Mỗi chúng ta được mời gọi trở nên chứng nhân của lòng thương xót:

Chúng ta không thể gặp gỡ và đón nhận lòng thương xót Chúa mà chúng ta không trao ban. Nói cách khác, chúng ta là những tội nhân được Thiên Chúa xót thương, được Thiên Chúa tha thứ và chúc phúc, đến lượt mình, chúng ta cũng cố gắng trở nên dễ thương với anh chị em đồng loại. Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu xin Chúa tha nợ cho chúng ta, đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải tha nợ cho những kẻ mắc nợ với chúng ta. Hơn nữa, không chỉ dừng lại ở việc tha nợ, chúng ta được mời gọi hãy ra đi để trao ban cho anh chị em, đặc biệt cho những người già cả neo đơn, bệnh hoạn tật nguyền, đói nghèo và khổ đau những nghĩa cử yêu thương, nụ cười, cái bắt tay, lời hỏi thăm và nếu được có những món quà vật chất dù nhỏ bé đơn sơ nhưng thấm đượm tình Chúa và tình người.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Người Cha nhân hậu
Lm. Thái Nguyên
16:08 09/09/2022


NGƯỜI CHA NHÂN HẬU

Chúa Nhật 24 Thường Niên năm C: Lc 15,1-32

Suy niệm

Bài đọc Cựu Ước cho chúng ta biết ngay sau khi Thiên Chúa ký kết Giao ước với dân Israel, thì họ đã vi phạm Giao ước, bằng cách đúc tượng một con bê vàng và thờ lạy nó. Sự bất trung của dân khiến Thiên Chúa giận dữ muốn tiêu diệt họ và làm nên một dân mới. Nhưng Môsê van xin, và Thiên Chúa đã tha thứ cho họ (x. Xh 32,7-11.13-14)

Bài Tin Mừng tiếp tục cho ta thấy một Thiên Chúa giàu lòng thương xót trước sự sa lạc và vô tâm của con người, được diễn tả qua 3 dụ ngôn.

Dụ ngôn 1 diễn tả Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi như người mục tử tốt lành, sẵn sàng để chín mươi chín con chiên lại để đi tìm cho bằng được con chiên lạc mất. Khi tìm thấy rồi mừng rỡ khoác chiên trên vai.

Dụ ngôn 2 diễn tả Thiên Chúa yêu thương kẻ lầm lỡ, như người đàn bà cần mẫn, đốt đèn kiếm cho được đồng bạc đánh rơi. Khi tìm thấy đồng bạc rồi, bà liền mời chị em bạn bè đến chia vui.

Hai dụ ngôn trên đều nhắm đến dụ ngôn thứ 3 nhằm diễn tả Thiên Chúa là người Cha nhân hậu, vô cùng vui mừng khi một tội nhân sa lạc trở về với Ngài. Phải chăng tất cả chúng ta đều là những đồng bạc đã từng bị mất, những con chiên đã từng đi lạc, và những đứa con đã từng đi hoang. Nhờ lòng thương xót của Chúa mà chúng ta đã được tìm lại.

Thiên Chúa là Cha nhân hậu đồng thời cũng là Đấng nhúng nhường và tôn trọng tự do của con người: sẵn lòng chia gia sản theo đòi hỏi của con và chấp nhận để con bỏ nhà ra đi. Ngài như thể thu mình lại để nhường chỗ cho con người. Không phải chỉ con người mới cởi giày trước Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa cũng cởi giày trước mầu nhiệm con người, vì lòng con người cũng là phần đất thiêng thánh.

Thiên Chúa là Cha nhân hậu cũng là Đấng luôn chờ đợi và tha thứ: Ngài vẫn hướng về đứa con và nuôi hy vọng ngày con trở về. Ngay khi con về còn ở đàng xa, Cha đã thấy con, nhận ra con, và chạy đến ôm chầm lấy con. Ngài không thất vọng, dù không đi tìm con như tìm con chiên lạc, nhưng không thúc ép người con phải hoán cải, mà chỉ biết ngóng trông, đợi chờ. Tội người con thứ thật quá lớn, nhưng tình thương của Cha còn lớn hơn tội của anh. Cha thương anh vì anh đã lầm lỡ; không chấp nhất anh vì tội cũng đã làm anh phải khốn khổ rồi. Người cha như không cần nghe con mình xin lỗi, vì sự trở về của anh đã là lời thống hối ăn năn. Tuy người con thứ trở về cũng chỉ vì gặp bước đường cùng chứ chẳng phải vì thương mến Cha, nhưng điều quan trọng là anh đã về nhà và đang sống trong vòng tay Cha.

Thiên Chúa là Cha nhân hậu cũng là Đấng luôn tỏ ra hoan hỉ và vui mừng, bày tiệc linh đình khi thấy con quay về đường ngay nẻo chính. Ngài là người Cha luôn hào phóng, sẵn sàng phung phí tài sản cho con đi hoang, rồi lại phung phí khi con trở về, chẳng nghĩ đến mình phải mất, chỉ nghĩ đến con cần phải được. Đó cũng là Thiên Chúa từng đau khổ với con người, vì con người và cho con người. Ngài đau nỗi đau của con người khi họ cố tình lìa xa Cha để chạy theo các thần tượng.

Tiếc thay, người con cả xem ra còn tệ hơn người người con thứ. Anh ta sống như người làm công, không yêu cha, không hiểu cha, nên phản kháng quyết liệt trước lối hành xử quá bao dung của cha đối với đứa em. Cha đã chạy ra đón người con thứ về nhà thì cũng đi ra năn nỉ người con cả vào nhà. Người cha không muốn mất đứa con nào. Mỗi con người đều có giá trị vô song trước mặt Thiên Chúa. Ngài đã tạo nên từng con người với tất cả sự phong phú để làm nên nhân vị con người ấy. Ngài hỗ trợ cho con người ấy phát triển đến mức tối đa, để cuộc đời người ấy thành một tác phẩm cho Ngài và cho đồng loại.

Bài Tin Mừng cho ta nhận biết hạnh phúc lớn nhất không phải là tài sản vật chất, mà nhận ra mình có chỗ trong trái tim Chúa. Chúa yêu thương ta dù ta hư hỏng, bất trung. Chúa yêu ta không phải vì ta ngoan ngoãn, hay giỏi giang được việc, nhưng vì mình là con cái.

Trở về với Chúa đòi ta dang tay đón lấy người anh em. Trong tương quan hòa hợp với Chúa với mọi người, ta mới thực sự là chính mình, không còn ảo tưởng như người con thứ, không còn ghen ghét như người anh cả, để sống an vui và hạnh phúc trong gia đình Thiên Chúa. Ôi đẹp thay mối tình vô cùng cao cả của Thiên Chúa là người Cha nhân hậu, để chúng ta cùng chúc tụng và cảm tạ đến muôn đời.

Cầu nguyện

Lạy Cha là Thiên Chúa của tình yêu!

dù con đã sa lạc và lầm lỡ,

nhưng Cha vẫn luôn nâng đỡ thứ tha,

con cảm thấy bước chân Cha vội vã,

khi đón đứa con sa ngã trở về.

Cha chẳng nề khi thân con ô uế,

choàng tay ôm với tình thương tràn trề,

như thuở ban đầu con từng được yêu quí,

mà vì bất hiếu con đã bỏ ra đi.

Cha chẳng để ý gì tội con phạm,

lại vui mừng làm tiệc đám linh đình,

thật sung sướng tràn đầy tình cha con,

chẳng có gì làm sứt mẻ hao mòn.

Tình thương Cha chẳng thể nào sánh ví,

thế mà lại có những lần con ganh tị,

khi có người trong sa lạc trở về,

con lại tìm mọi cách để khinh chê,

không đón nhận vì sợ mình lép vế,

con quên mình đã về từ tội lệ.

Cha yêu con chỉ vì con là con,

cho dẫu con ngoan hiền hay hư hỏng,

vì thế mà tình Cha luôn thi thố,

để mỗi người có chỗ trong tim Cha,

Xem ra con cũng như người anh cả,

ở trong nhà nhưng lòng vẫn lạc xa,

chưa hiểu nổi mối tình Cha sâu thẳm,

chỉ nhắm đến công bằng và hợp lý,

khiến mất đi lòng bao dung nhân hậu,

chẳng lạ gì mà đời con thô lậu.

Xin cho con một trái tim cháy sáng,

để biết sống tình yêu Cha vô hạn,

luôn ứng xử nhẹ nhàng và thanh thoát,

tạo an bình và hạnh phúc hòa chan. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:59 09/09/2022

55. Phân phát một tình thân thiện vì yêu Chúa thì đủ đền bù các tội lỗi; hóa ra là Đức Chúa Giê-su thích trợ giúp chúng ta trong âm thầm.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:00 09/09/2022
93. KHÍ PHÁCH KIÊN CƯỜNG CỦA CON BA BA.

Con rái cá nhảy vào trong nước để kiếm thức ăn thì gặp một con cá vàng, bèn nuốt nó một cái vào bụng, nhưng không thể giải được cơn đói, nó lại bơi về phía trước và gặp một con ba ba, nhìn thấy thịt rìa mai ba ba non mềm thơm béo thì rất hả dạ, nói:

- “Cái thứ này đủ cung ứng cho ta bữa ăn thịnh soạn.”

Bèn nhảy đến vồ nó nuốt xuống, răng nó đụng phải cái mai ba ba, và trong lúc vội vàng khó mà nuốt xuống.

Rái cá bất giác rất kinh ngạc ngờ vực nói thầm:

- “Vừa mới ăn cái thứ kia, văn thái rực rỡ, nghi biểu phi phàm, nhìn kỷ thì hình như một thư sinh, lại không có xương, nhưng vẫn còn hơn con ba ba thúi này, vẫn là có chút khí phách kiên cường”.

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 93:

Con rái cá ăn được con cá vàng dễ dàng, vì cá vàng không có gì để tự vệ.

Ma quỷ cũng dễ dàng “xơi tái” những người Ki-tô hữu mạnh về tiền bạc vật chất, nhưng đời sống tâm linh thì yếu xìu không có khí phách của con cái Chúa, mà khí phách của người Ki-tô hữu chính là sự khôn ngoan của Thánh Thần và sự khiêm tốn của Đức Mẹ Ma-ri-a. Khí phách này càng được phát triển hơn nữa khi họ -người Ki-tô hữu- biết thực hành Lời Chúa và yêu mến rước Đức Chúa Giê-su Thánh Thể.

Thánh Phê-rô tông đồ cảnh cáo chúng ta rằng: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé”.

Rảo quanh tức là chực chờ, đợi chúng ta sơ hở là “xơi tái” ngay, nhưng dù cho sư tử, cọp beo hay là con rái cá thì cũng phải ê răng trước cái mai cứng của con ba ba. Cũng vậy, ma quỷ cũng sẽ ê răng (có khi gãy răng nữa) khi tấn công những người Ki-tô hữu luôn trang bị áo giáp là Lời Chúa và Thánh Thể cho linh hồn mình.

Người Ki-tô hữu có khí phách thì dễ biết lắm: họ không xúi giục, chửi bới nói xấu người khác để thỏa lòng ích kỷ và kiêu ngạo của mình, nhưng họ luôn đồng cảm với tha nhân, chia sẻ niềm vui với người vui và phân ưu san sẻ nổi buồn với người buồn...

Bởi vì đó chính là niềm hạnh phúc của họ, niềm vui của người làm con Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần Sống Một Câu Lời Chúa (CN 24 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:02 09/09/2022
CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 15, 1-32

“Trên trời ai nấy sẽ vui mừng, vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”




A
nh chị em thân mến,

Thành kiến của con người đã làm cho bạn và tôi xa cách người anh em chị em của mình, và qua những hành động ấy, mà chúng ta cũng từ từ xa cách Thiên Chúa trong cuộc sống đời thường của mình.

Đức Chúa Giê-su đến để cứu và chữa lành, nên Ngài đã đồng bàn ăn cơm với những người nghèo và những người mà các kinh sư và biệt phái cho là tội lỗi, nhưng đối với Ngài thì họ chính là những người rất cần được xót thương.

Trước hết, người cần được xót thương là bạn và tôi, bởi vì tuy chúng ta là người Ki-tô hữu nhưng lòng dạ thì mẫu mã chẳng khác chi các kinh sư và biệt phái đã khiển trách Đức Chúa Giê-su, vì Ngài đã cùng ăn cùng uống với những người thu thuế, khi đã chỉ trích như thế thì tất nhiên là họ cũng coi khinh những người thu thuế và đĩ điếm.

Chúng ta là những người cần được Đức Chúa Giê-su chữa lành và xót thương, vì chúng ta cũng đã nhiều lần khinh dễ và lên án những người anh em chị em bất hạnh, khi họ vì không có gì ăn nên đã lấy cắp một củ khoai của người bán hàng trong chợ; khi bạn và tôi lên án một lỗi nho nhỏ của anh chị em, là vì để che giấu những việc xấu xa của chúng ta đã làm còn hơn anh em gấp nhiều lần mà bạn và tôi đã phạm nhưng không ai biết…

Chúng ta đã lên tiếng trách cứ phê phán người anh em đã ngồi ăn với những người ma cô đĩ điếm bên lề đường, nhưng chúng ta lại ngồi với gái hạng sang trong nhà hàng máy lạnh kín đáo; họ là những người có khi vì bác ái mà đồng hành với những người được coi là tội lỗi, nhưng chúng ta cùng ăn với gái hạng sang là vì để thỏa mãn dục vọng của mình. Đức Chúa Giês-u đã không ngần ngại đi tìm kiếm cứu chữa những tâm hồn đau thương thất vọng, để những con người tội lỗi ấy trở thành những con người mới. Nhưng chính bạn và tôi lại xa lánh họ, cho nên chúng ta cần được Thiên Chúa xót thương hơn những người ấy, vì bạn và tôi đã như những người biệt phái trách cứ Đức Chúa Giê-su …

Hạnh phúc cho những người được Đức Chúa Giê-su chữa lành, vì chính họ đã được tình yêu thần thánh chạm đến.

Con chiên lạc đã trở nên giá trị sau khi được Đức Chúa Giê-su tìm thấy và vác trên vai trở về nhà. Chính điều này đã làm cho người Pha-ri-siêu và các kinh sư bực mình hơn nữa, bởi vì chính họ là những người tự cho mình là thánh thiện trỗi vượt trên mọi người, nên họ đã chướng tai gai mắt khi Đức Chúa Giê-su đứng về phía những người bị xã hội bỏ rơi.

Một con chiên lạc và một đồng bạc bị mất là hình ảnh của người anh chị em hôm qua, hôm nay và ngày mai mà tôi đang sỉ vả khinh chê và lên án là phường tội lỗi; khi lên án người anh em chị em là người tội lỗi, là chúng ta đã làm quan tòa tiếm quyền của Thiên Chúa để luận tội tha nhân mà không biết rằng, chính mình cũng đã có nhiều lần sa ngã và có khi sa ngã còn tệ hại hơn họ nhiều.

Anh chị em thân mến,

Ma quỷ sẽ cười vui thắng lợi khi chúng ta phê phán anh em chị em của mình, bởi vì đó chính là một trong những động cơ thúc đẩy anh em chị em xa dần Thiên Chúa và xa cộng đoàn giáo xứ của họ.

Không ai là không có tội, không ai là không sa ngã chí ít là một lần trong cuộc sống, không ai là không có tâm hồn hối hận sau khi sa ngã phạm tội, nhưng chính chúng ta là những người Ki-tô hữu có trách nhiệm một phần trong việc sa ngã của họ, đó là khi chúng ta sống không đúng với lời của Đức Chúa Giê-su dạy, do đó mà chúng ta phải có bổn phận –trong tình liên đới- đi tìm và giúp đỡ những anh chị em đang bị xã hội tục hóa, mà sống như không có Thiên Chúa trong cuộc đời của họ, nhất là những người đang bị xã hội lên án…

Đức Chúa Giê-su đã đến thế gian để tìm kiếm và cứu chữa những người tội lỗi, trong đó có cả chúng ta, cho nên khi được chữa lành thì chúng ta lại có bổn phận đi tìm và dẫn dắt những anh chị em bất hạnh, những người bị đối xử bất công, bị xã hội quên lãng và đang xa dần Thiên Chúa là tình yêu, mời họ trở về với Thiên Chúa là Cha rất yêu thương họ…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đo lường từ bên trong
Lm. Minh Anh
21:39 09/09/2022

ĐO LƯỜNG TỪ BÊN TRONG
“Không cây nào tốt mà sinh quả xấu, chẳng cây nào xấu mà sinh quả tốt!”.

Một nhà giáo dục nói, “Cuộc sống của chúng ta là những cánh đồng đầy cỏ dại; chúng không thể sản xuất dâu tây! Chúng ta có thể cắt cỏ, nhưng chỉ ngần ấy nỗ lực, sẽ không bao giờ tạo ra những quả dâu tây có thể chấp nhận được. Nếu thực sự muốn có loại quả đó, phải đào sâu hơn. Phải cày xới toàn bộ cánh đồng và bắt đầu lại với những cây mới!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như những quả dâu tây đáng mong đợi, Lời Chúa hôm nay nói đến những phẩm chất đáng mong đợi nơi một môn đệ chân chính. Sự tốt lành của người môn đệ không chỉ đo lường bằng những hành vi bên ngoài nhưng được ‘đo lường từ bên trong’. Chúa Giêsu nói, “Không cây nào tốt mà sinh quả xấu, chẳng cây nào xấu mà sinh quả tốt!”.

“Mỗi cây có thể nói lên chính nó bằng quả của mình!”, và “Lời nói của một người tuôn ra từ những gì lấp đầy trái tim người ấy!”. Hành vi ‘tốt thường xuyên’ của người môn đệ là dấu của một nội tâm lành mạnh, đó là một hành vi được ‘đo lường từ bên trong’. Bạn và tôi cần tập trung vào chiều sâu tâm hồn; nếu điều đó tốt, phần còn lại sẽ tự lo. Một thước đo khác là ‘cách nghe!’. “Nghe” bao gồm lắng nghe, hiểu, chấp nhận và thẩm thấu vào cuộc sống lời dạy và tầm nhìn của Thầy; hành vi tốt sau đó tự nhiên sẽ diễn ra ở mức độ rất dễ dàng. Ai áp dụng lời Chúa Giêsu vào cuộc sống, người ấy như kẻ xây nhà trên đá; lũ về, nhà vững! Trái lại, ai lắng nghe nhưng “không đem ra thực hành”, thì như người xây nhà trên cát; lũ về, nhà sập! Chúa Giêsu từng nói, “Không phải những ai nói, ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, là được vào Nước Trời!”.

Dụ ngôn xây nhà trên đá cần đọc trong bối cảnh Giáo Hội sơ khai, nơi mà vào thời bắt bớ, một số người vẫn đứng vững, vì đức tin của họ đã bám rễ sâu; đang khi những người khác đã bỏ đi ngay từ dấu hiệu đầu tiên của áp bức. Ngày nay, cả khi không có sự công khai bắt bớ Kitô giáo, Kitô hữu vẫn sống trong một thời đại bị đe doạ nghiêm trọng. Không có nền tảng vững chắc, chúng ta rất dễ bị cuốn vào cơn lốc vật chất, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa khoái lạc và thuyết tương đối. Sự hấp dẫn của ‘các ngẫu tượng’ vốn được nhiều người say mê sẽ tác hại hơn, dù là ngấm ngầm, so với các cuộc tấn công thẳng vào đức tin, vốn được ‘đo lường từ bên trong’. Thư Côrintô hôm nay cảnh báo, “Anh em hãy xa lánh sự thờ lạy các ngẫu tượng!”.

Một lưu ý khác! Đôi khi, chúng ta sống trong sự an toàn sai lầm khi mọi thứ xem ra tốt đẹp. Khi không có các cám dỗ và thử thách lớn; hoặc có chăng, không đáng kể, chúng ta tự thuyết phục mình, tôi đang ở trên một nền tảng vững chắc. Coi chừng! Tôi có thể bị ru ngủ khi nghĩ rằng, tinh thần của tôi mạnh mẽ. Phải cẩn thận và hết sức khách quan, đây có thể là bảo mật giả!

Anh Chị em,

“Không cây nào tốt mà sinh quả xấu, chẳng cây nào xấu mà sinh quả tốt!”. Thiên Chúa gieo vào linh hồn chúng ta một điều gì đó còn quý hơn giống dâu tây gấp bội, đó là Thánh Thần. Thánh Thần ban đủ sức mạnh để chúng ta “cày xới toàn bộ cánh đồng” tận chỗ thâm sâu nhất, hầu biến nó thành một khu vườn hứa hẹn. Mỗi ngày, Lời Chúa và Mình Chúa như sương sa tưới mát khu vườn; chúng ta đem Lời ra thực hành, thẩm thấu vào từng giây phút của ngày sống; đương nhiên, kết quả không chỉ là những quả dâu tây có thể chấp nhận được, nhưng là những quả dâu tuyệt vời của Thánh Thần; đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tiết độ. Vậy, hãy không ngừng chăm sóc mảnh đất tâm hồn, can đảm nhổ cỏ dại, nhặt sỏi đá mỗi ngày; nếu cần, tìm đến Bí Tích Giải Tội! Từ đó, đón nhận cách bình an mọi biến cố buồn vui, những đổi thay chẳng mấy vừa ý, những điều khó chịu từ người thân. Tâm hồn bạn và tôi sẽ rất bình an, một bình an được ‘đo lường từ bên trong’, vốn sẽ toả ra một nhân cách rạng rỡ bên ngoài. Đó là phẩm chất thật của người môn đệ mà Chúa Giêsu chờ đợi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con muốn sẵn sàng cho ‘ngày lũ về’, đừng để con ngủ mê trong cảm giác an toàn giả tạo. Giúp con “cày xới toàn bộ cánh đồng” hầu có một mùa dâu như Chúa mong!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tượng Đức Mẹ Fatima bị đánh cắp được tìm thấy ngay trước Sinh Nhật Đức Mẹ
Đặng Tự Do
17:01 09/09/2022


Những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt anh chị em giáo dân sau khi tượng Đức Mẹ Fatima bị đánh cắp từ nhà thờ Công Giáo ở New Jersey được tìm thấy

Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt của các giáo dân tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Anrê Tông đồ ở Gibbsboro, New Jersey, khi họ nhìn thấy Cha Sở của họ mang vào nhà nguyện chầu thánh thể bức tượng Đức Mẹ Fatima yêu dấu của giáo xứ. Diễn biến này xảy ra vào hôm thứ Tư 7 tháng 9, hơn một tuần sau khi bức tượng bị đánh cắp.

Đức Ông Louis Marucci, Cha Sở nhà thờ nói với CNA ngày 7 tháng 9. “Tôi có thể nghe thấy tiếng khóc của mọi người khi họ rơi nước mắt, và khi nhìn lại biến cố này tôi nghĩ rằng đức tin của con người thực sự chỉ là một trải nghiệm đẹp đẽ”.

Sau khi bức tượng bị đánh cắp vào ngày 30 tháng 8, Cha Marucci nói rằng ngài đang cầu nguyện xin cho bức tượng được trả lại trước ngày 8 tháng 9: Lễ Sinh Nhật của Đức Trinh nữ Maria, ngày mà giáo xứ luôn tổ chức một buổi cầu nguyện từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn để tôn vinh Đức Maria.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng với khung thời gian ngắn như thế xem ra cảnh sát không thể tìm ra kẻ trộm và thu hồi bức tượng.

Nhưng, vào sáng ngày 7 tháng 9, một thám tử cảnh sát đã gọi điện cho ngài và nói với ngài: “Tôi muốn cha biết rằng tượng Đức Mẹ đang trở về nhà”.

“Đó là cụm từ mà anh ấy đã sử dụng,” Cha Marucci nói, “và tôi thực sự cảm động vì điều đó.”

Cảnh sát Gibbsboro ngày 7 tháng 9 thông báo rằng Robert Adelman 64 tuổi ở Woodbury, cách Gibbsboro khoảng 15 dặm, đã bị bắt và bị buộc tội trộm cắp và sẽ phải ra hầu tòa. Cảnh sát không có thông tin chi tiết nào khác về động cơ của anh ta hoặc ngày ra tòa trong tương lai.

Cha Marucci khen ngợi cảnh sát đã nỗ lực tìm kiếm nghi phạm.

Ngài cũng nói rằng hệ thống an ninh và camera của giáo xứ là công cụ để ghi lại cảnh quay khi nghi phạm thực hiện hành vi đó.

Cha Marucci đã ghi công cho khoản trợ cấp 50.000 đô la do Bộ An ninh Nội địa trao cho giáo xứ sau khi ngài nộp đơn xin trợ cấp để nâng cấp công nghệ vài năm trước.

Cha Marucci nói: “Tôi thực sự khuyên mọi nhà thờ nên nộp đơn để được trợ cấp. Thật không may, các nhà thờ đang trở thành mục tiêu cho các hoạt động khủng bố.”

Các nhà thờ Công Giáo đã trở thành mục tiêu của hàng chục vụ tấn công trên toàn quốc trong những năm gần đây - nhưng đặc biệt là trong những tháng gần đây, kể từ khi có tin Roe kiện Wade, sẽ bị lật nhào.

Cha Marucci cho biết bức tượng Đức Mẹ Fatima đến từ Bồ Đào Nha và là một trong bốn bản sao còn tồn tại. Ngài cho biết bức tượng cao 3,5 foot mang ý nghĩa biểu tượng và tâm linh vô cùng to lớn. Ngài nói rằng vương miện của bức tượng bao gồm một bản sao của viên đạn được đặt trong bức tượng Đức Mẹ Fatima nguyên bản ở Bồ Đào Nha. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặt viên đạn vào vương miện của bức tượng gốc vào dịp kỷ niệm một năm ngày 13 tháng 5 năm 1981, là ngày xảy ra âm mưu ám sát ngài.

Cha Marucci nói rằng các viên chức cảnh sát tham gia vào cuộc điều tra đã tham dự Thánh lễ 8 giờ sáng ngày 8 tháng 9. Trong thánh lễ đó, ngài đã làm phép bức tượng.
Source:Catholic News Agency
 
Điện văn chia buồn của Tòa Thánh trước biến cố Nữ Hoàng Anh băng hà
Đặng Tự Do
17:02 09/09/2022


Hôm thứ Năm 8 tháng 9, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố bức điện sau của Đức Thánh Cha gởi cho Thái Tử Charles, nay là Quốc Vương của Anh, trước biến cố Nữ Hoàng Anh băng hà.

Thưa Quốc Vương Charles Đệ Tam

Cung điện Buckingham

London


Vô cùng đau buồn khi biết về cái chết của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, tôi xin gửi lời chia buồn chân thành đến Bệ hạ, các thành viên của Hoàng gia, Nhân dân Vương quốc Anh và Khối thịnh vượng chung.

Tôi tham gia cùng tất cả những ai thương tiếc sự mất mát của bà, cầu nguyện cho sự yên nghỉ vĩnh hằng của Nữ hoàng quá cố, và tỏ lòng thành kính đối với cuộc đời phục vụ không mệt mỏi của bà vì lợi ích của Quốc gia và Khối thịnh vượng chung, tấm gương tận tụy với nghĩa vụ, chứng nhân kiên định của bà về đức tin nơi Chúa Giêsu và niềm hy vọng vững chắc của bà vào những lời hứa của Ngài.

Tôi phó dâng linh hồn cao quý của bà cho lòng nhân từ nhân hậu của Cha Trêm Trời của chúng ta, và tôi cam đoan với Bệ hạ về những lời cầu nguyện của tôi xin Thiên Chúa Toàn năng nâng đỡ bệ hạ với ân sủng không ngừng của Ngài khi bây giờ bệ hạ đảm nhận trách nhiệm cao cả của mình với tư cách là Quốc Vương. Khi bạn và tất cả những ai trân trọng tưởng nhớ người mẹ quá cố của mình, tôi cầu xin muôn vàn các phước lành thiêng liêng như một bảo chứng về sự an ủi và sức mạnh trong Chúa.

Từ Vatican, ngày 8 tháng 9 năm 2022

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô
 
Trung tâm mua sắm ở Philippines trưng bày hơn 50 hình ảnh của Đức Mẹ để kỷ niệm ngày Sinh Nhật Mẹ
Đặng Tự Do
17:04 09/09/2022


Trung tâm mua sắm lớn lâu đời nhất ở Phi Luật Tân đã trưng bày hơn 50 ảnh tượng về Đức Mẹ để kỷ niệm ngày Sinh Nhật của Đức Trinh nữ Maria.

Triển lãm “Salamat Maria: Tưởng nhớ ngày sinh của Mẹ yêu dấu” đã được khánh thành vào ngày 1 tháng 9 và mở cửa cho đến ngày 10 tháng 9 tại Ali Mall ở Thành phố Quezon.

Người quản lý bất động sản Ali Mall Aileen Ibay cho biết trong một tuyên bố ngày 7 tháng 9: “Cùng với đối tác của chúng tôi là những người sùng kính Đức Mẹ, chúng tôi mở cuộc triển lãm này để thể hiện tình yêu của cộng đồng chúng ta đối với Đức Maria trong dịp kỷ niệm sinh nhật của Mẹ”.

“Mục đích của chúng tôi là củng cố đức tin nhiệt thành của những người đi mua sắm và khơi dậy lòng sùng kính đối với Đức Trinh Nữ Maria,” Ibay nói.

Cha Diogo D'Souza, chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở thành phố Quezon, khai mạc và chúc lành cho cuộc triển lãm.

Ibay lưu ý rằng vào ngày 8 tháng 9, một ngày nghỉ làm việc ở Phi Luật Tân, các thánh lễ đã được lên kế hoạch tại các nhà nguyện của các trung tâm mua sắm Gateway Mall, Ali Mall, và Agricultural Plaza.

Trong số những ảnh tượng được trưng bày trong triển lãm có Nuestra Señora De Las Flores, rất được tôn kính ở tỉnh Oriental Mindoro; bức tượng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Malabón; và bức tượng Đức Mẹ phù hộ những người bị bỏ rơi ở Manila.
Source:Catholic News Agency
 
Chủ trương phá thai cực đoan của Biden
Vũ Văn An
19:52 09/09/2022

Đối với các động thái gần như điên cuồng của Joe Biden nhằm đẩy mạnh nghị trình phò phá thai của ông sau khi Tối cao Pháp việc lật ngược phán quyết Roe v. Wade từng sát hại 60 triệu mạng sống vô tội chưa kịp nhìn thấy ánh sáng mặt trời, Michael Warsaw, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành của Mạng lưới Công Giáo Hoàn cầu EWTN, và là nhà xuất bản của tạp chí National Catholic Register, cho rằng chủ trương phá thai của Biden chỉ có thể xếp vào loại cực đoan.



Gần đây, ngày càng có nhiều sự bất mãn trong phong trào phò phá thai đối với những gì họ mô tả là cách tiếp cận “ôn hòa” của Tổng thống Joe Biden đối với vấn đề phá thai sau phán quyết Dobbs v. Jackson Women’s Health của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Thành thật mà nói, nhiều thập niên đã trôi qua kể từ ngày Biden được coi là “ôn hòa” dù rất xa về chính sách phá thai, nhưng chủ nghĩa cực đoan phá thai gần đây của ông thì không ai có thể phủ nhận được.

Vị Tổng thống Công Giáo thứ hai của Hoa Kỳ, cách nào đó, đã khăng khăng giữ một lập trường hoàn toàn không nhất quán cho rằng ông có thể dung hòa đức tin Công Giáo của ông, một đức tin vốn dạy rằng phá thai luôn là sai trái về mặt đạo đức và là một tội trọng, với chủ trương không nao núng của ông đối với việc phá thai không hạn chế, do người đóng thuế tài trợ.

Một tuần sau khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông đã đảo ngược Chính sách Thành phố Mexico, tức chính sách cấm liên bang tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ thực hiện phá thai. Động thái này báo trước nỗ lực kiên quyết của chính quyền nhằm cổ vũ phá thai bằng bất cứ phương tiện nào cần thiết.

Đối đầu với đa số bảo thủ 6-3 tại Tối cao Pháp viện, Biden và các đồng minh trong quốc hội của ông biết rằng nhiều tiểu bang sẽ tìm cách thông qua đạo luật phò sự sống và thách thức phán quyết Roe v. Wade. Đáp lại, các đồng minh của Biden ủng hộ cả việc chấm dứt tình trạng cản trở việc thông qua một đạo luật ở nghị viện (filibuster), một điều sẽ làm mất quyền của đảng thiểu số lẫn việc chồng đống (stacking) Tòa án Tối cao, tức động thái bổ sung thêm ghế cho tòa án và nâng cán cân có lợi cho các thẩm phán cấp tiến. May mắn thay, cả hai nỗ lực đều bị đình trệ khi các thượng nghị sĩ Joe Manchin, Dân chủ Tây Virginia, Và Kyrsten Sinema, Dân chủ-Arizona, cùng với mọi thượng nghị sĩ Cộng hòa phản đối chúng.

Không nản lòng, Tổng thống Biden đã tấn công Tu chính án Hyde, một tu chính án, trong hơn 40 năm, vốn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng. Tu chính án cấm liên bang tài trợ cho hoạt động phá thai ngoại trừ một số trường hợp được chọn và rất hiếm. Bản thân Biden đã ủng hộ nó trong 39 năm cho đến lúc vận động để được đảng Dân chủ đề cử tranh chức Tổng thống, ông đã thay đổi ý kiến và tuyên bố phản đối tu chính án Hyde. Ông đã cố gắng loại trừ tu chính án này trong ngân sách đề xuất đầu tiên của mình cho các Dịch vụ Y tế và Nhân bản.

Rất may, Quốc hội đã từ chối thông qua dự luật tài trợ mà không bao gồm nó, và tu chính án Hyde vẫn là luật của Hoa Kỳ.

Vào tháng 4, Tổng thống Biden đã bãi bỏ quy luật lương tâm thời Trump bảo vệ nhân viên y tế khỏi bị ép buộc tham gia vào các thủ tục như phá thai hoặc phẫu thuật chuyển giới có thể vi phạm lương tâm của họ. Động thái này là một cuộc tấn công vô lương tâm đối với tự do tôn giáo.

Vào ngày 2 tháng 5, tạp chí Politico đã lấy được một bản sao bị rò rỉ của một dự thảo ý kiến trong vụ Dobbs, tiết lộ phán quyết của tòa án về việc lật ngược vụ Roe v. Wade. Đáp lại bản dự thảo bị rò rỉ, các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội đã đề xuất một cuộc bỏ phiếu về cái gọi là Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ (WHPA), một dự luật sẽ tiến xa đến việc “luật lệ hóa phán quyết Roe”. là Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ sẽ công nhận hợp pháp quyền phá thai cho đến khi sinh và cấm các hạn chế của tiểu bang đối với việc phá thai. Đây là đạo luật phá thai triệt để nhất từng nhận được một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội.

Rất may, trong khi Tổng thống Biden công khai ủng hộ là Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ, nó đã không thể vượt qua được sự phản đối của Thượng viện vào ngày 11 tháng 5. Sau sự kiện này, Tổng thống Biden tuyên bố chính phủ của ông sẽ “tiếp tục khám phá các biện pháp và công cụ theo ý của chúng tôi” để “bảo vệ quyền tiếp cận việc chăm sóc sinh sản của phụ nữ."

Trong khi đó, trong vài tháng gần đây, bạo lực đối với các nhà thờ và trung tâm mang thai phò sinh gia tăng. “Mùa hè thịnh nộ” được tuyên bố bởi Women’s March ủng hộ phá thai đã dẫn đến việc các nơi thờ tự, đặc biệt là các nhà thờ Công Giáo bị xúc phạm. Các trung tâm mang thai phò sinh cung cấp sự hỗ trợ và chăm sóc rất cần thiết cho phụ nữ mang thai ngoài ý muốn cũng đã bị phá hoại và đốt cháy. Các nhóm như Ruth Sent Us và Jane’s Revenge đã nhận trách nhiệm đối với các vụ tấn công và tổ chức các cuộc biểu tình tại nhà của các thẩm phán Tối cao Pháp viện.

Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland của chính phủ Biden hầu như không quan tâm đến việc thực thi luật pháp, vốn đe dọa phạt tiền hoặc bỏ tù đối với bất cứ người nào, “với mục đích gây ảnh hưởng đến bất cứ thẩm phán, bồi thẩm viên, nhân chứng hoặc viên chức tòa án nào, khi thực hiện nhiệm vụ của họ, các cuộc biểu tình hoặc diễn hành trong hoặc gần một tòa nhà có tòa án Hoa Kỳ, hoặc trong hoặc gần tòa nhà hoặc tư dinh do thẩm phán, bồi thẩm, nhân chứng hoặc viên chức tòa án đó chiếm giữ hoặc sử dụng." Luật pháp rất rõ ràng: Garland làm ngơ nhiệm vụ của mình.

Và vị Tổng thống Công Giáo của chúng ta ở đâu trong thời gian đó? Vào ngày phán quyết Roe bị lật đổ, ông nói, “Tôi kêu gọi mọi người, bất kể họ quan tâm đến quyết định này sâu xa như thế nào, hãy giữ cho tất cả các cuộc biểu tình được hòa bình. Hòa bình, Hòa bình, Hòa bình. Không đe dọa. Bạo lực không bao giờ có thể chấp nhận được”. Mặc dù tình cảm thì đúng, nhưng việc Biden không hành động và không quan tâm đến bạo lực tiếp diễn và các cuộc biểu tình bất hợp pháp thật đáng kinh hãi.

Kỷ lục áp đảo về những vận động phò phá thai cực đoan này đòi phải có phản ứng. Thánh Ambrôsiô ngày nay ở đâu? Sau Thảm sát Têsalônica vào thế kỷ thứ tư, Giám mục Ambrôsiô của Milan cấm Hoàng đế Thêôđôsiô vào nhà thờ chính tòa và không được rước Chúa Giêsu Thánh Thể cho đến khi ông ăn năn.

Tại bang Delaware, quê hương của ông, Biden thường xuyên tham dự Thánh lễ, nhưng Giám mục William Koenig đã không bình luận cụ thể về việc Biden tiếp tục rước lễ ngoại trừ nói rằng “chắc chắn ngài sẽ sẵn sàng trò chuyện trong tương lai với ông ấy”.

Hồng Y Wilton Gregory, tổng giám mục của Washington, đã nhấn mạnh rằng ngài "sẽ không thay đổi" việc cho phép Biden rước lễ trong tổng giáo phận của ngài, mặc dù ngài nói rằng "tổng thống không chứng tỏ giáo huấn Công Giáo" khi Biden công khai không cho rằng sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai.

Đâu là lời kêu gọi ăn năn từ những vị giám mục này? Viên chức dân cử có quyền lực nhất trong nước, một người Công Giáo, rõ ràng đang vi phạm Điều 915, tức điều nói rằng những ai “cố chấp kiên trì trong tội trọng rõ ràng sẽ không được rước lễ.” Thế nhưng, nhiều vị giám mục vẫn từ chối việc dù chỉ nhẹ nhàng quở trách Tổng thống Biden vì chủ trương phá thai trâng tráo của ông ta. Sự rụt rè minh nhiên khiến bạn sững sờ và thật không may, nó hết sức phổ biến.

Tuy nhiên, rất may, sự rụt rè như vậy không phải là phổ quát. Sau khi Biden ban hành lệnh hành pháp về việc tiếp cận phá thai, Đức Tổng Giám Mục William Lori của Baltimore, người đứng đầu Ủy ban về các hoạt động phò sinh của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cho biết, “Thật là đáng lo ngại và bi thảm khi Tổng thống Biden lại lựa chọn sử dụng quyền lực của mình với tư cách là tổng thống của Hoa Kỳ để cổ vũ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phá thai ở đất nước của ông, tìm mọi cách có thể để bác bỏ các nhân quyền và dân quyền căn bản nhất của những đứa trẻ chưa sinh tức quyền sống. ”

“Lệnh hành pháp của tổng thống chỉ tìm cách tạo điều kiện cho việc tiêu diệt những con người không có khả năng tự vệ, không có tiếng nói.” Đức Tổng Giám Mục Lori tiếp tục, "Tôi khẩn cầu tổng thống từ bỏ con đường dẫn đến chết chóc và hủy diệt này và chọn sự sống."

Trong một cuộc phỏng vấn vài ngày sau đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, “Hãy để [Biden] nói chuyện với mục tử của ông ấy về sự bất nhất” làm người Công Giáo và cổ vũ việc phá thai.

Căn cứ vào chủ nghĩa cực đoan của Đảng Dân chủ đối với việc phá thai, rất khó có sác suất một "phản ứng mục vụ", vốn không sửa chữa được các chính trị gia Công Giáo đi ngược lại với giáo huấn của Giáo hội (một con đường mà một số giám mục và Hồng Y nổi tiếng của Hoa Kỳ đã cổ vũ) sẽ có tác dụng cụ thể nào đối với những mạng sống chưa sinh.

Trong thời hậu phán quyết Dobbs, chúng ta cần nhiều giám mục can đảm hơn, những người mạnh dạn lên tiếng cho chính nghĩa sự sống. Chúng ta cần nhiều giám mục hơn, những người không ngại đối đầu với sự gian ác của các chính trị gia Công Giáo ở mọi cấp chính quyền, những người che đậy một cách khuyển nho việc vận động phá thai của họ như là lòng trắc ẩn. Chúng ta cần nhiều giám mục hơn, những người quan tâm đến sự cứu rỗi của các linh hồn, những người kiên định rao giảng sự thật, và những người không xin lỗi vì đã tích cực chống lại tệ nạn nghiêm trọng đó là phá thai.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo dân VN miền Đông Hoa Kỳ hành hương Đức Mẹ Lô Đức tại Emmitsburg, Maryland
Vọng Sinh
16:14 09/09/2022
Giáo dân VN miền Đông Hoa Kỳ hành hương Đức Mẹ Lô Đức tại Emmitsburg, Maryland

Đại dịch Covid-19 hai năm vừa qua đã cướp đi bao điều quý gía của con người. Đoàn con cái Miền Đông của Mẹ cũng không ngoài số phận. Hai năm dài con cái Mẹ không thể về kính viếng Mẹ như bao nhiêu năm trước. Mỗi năm vào đầu tháng chín, cuối tuần Lễ Lao động, cái nắng hạ đã dịu lại, như nhường chỗ cho mùa thu đang tới. Mùa thu, mùa của êm ái, dịu dàng, của an bình như giòng suối thanh thản mát trong, cho lòng người no thỏa những cơn khát... Đoàn con cái Miền Đông lại tìm về bên Mẹ, tìm về Giòng Suối Ơn Lành nơi Mẹ là Suối nguồn tuôn chảy; về bên Mẹ mong kín múc cho no thỏa niềm khát khao Cậy Tin Yêu mến.

Sau hai năm xa vắng, tuần vừa qua, thứ bảy ngày 3/9/2022, Đoàn con cái Miền Đông lại được diễm phúc trở về bên Mẹ, Trung Tâm Hành Hương Mẹ Lộ-Đức, National Shrine Grotto of Our Lady of Lourdes, Emmitsburg MD. Đây là lần Hành Hương thứ 41 kể từ lần đầu tiên năm 1980, không kể 2 năm đại dịch 2020, 2021.

Khoảng trước 8:00 sáng, các chuyên viên âm thanh, sân khấu đã có mặt để chuẩn bị ráp đặt hệ thống âm thanh và dựng sân khấu. Trở lại Hành Hương Mẹ Lộ-Đức sau 2 năm đại dịch, năm nay do sáng kiến của Cha Chủ Tịch Miền Phêrô Trịnh Minh Quân, trước khi rước kiệu, sẽ có “Giờ Thánh Mẫu Ca - Hát Ngợi Ca Mẹ Maria”.

Khoảng 10:00 sáng, khách hành hương đã đến khá tấp nập, các đơn vị giáo xứ, giáo đoàn với bảng hịệu đang từng đoàn xe bus thả người xuống sân trước Tượng đài Mẹ. Tới 11:00 sáng, bầu khí sân trước Tượng đài Mẹ thật tưng bừng nhộn nhịp. Trong Nhà Nguyện, các Cha đã bắt đầu ban bí tích hoà giải. Phía trước nhà nguyện, sân khấu, âm thanh, ban nhạc, ca sỹ, ca đoàn tổng hợp đã sẵn sàng cho Giờ Thánh Mẫu Ca.

Đúng 11:00 sáng, Giờ Thánh Mẫu Ca được Cha Chủ Tịch Miền khai mạc với lời nguyện cầu xin Mẹ Thánh Maria phù giúp đoàn con luôn sống xứng đáng là con Chúa, là chứng nhân tin mừng giữa đời. Ca đoàn tổng hợp mở đầu với ca khúc: Maria Trinh Vương đã đưa cộng đoàn hướng lòng lên Mẹ với lòng yêu mến, xin Mẹ giơ tay ban hồng ân tràn đầy.

Lần đầu tiên suốt 41 năm hành hương Miền, “Giờ Thánh Mẫu Ca - Hát Ngợi Ca Mẹ Maria” được thực hiện như một chương trình ca nhạc ngoài trời, với sân khấu tưng bừng, âm thanh sôi động, nhưng vẫn lồng trong bầu khí thánh thiêng của ngày hành hương Miền, với những ca khúc quen thuộc từ lâu, nói lên lòng yêu mến Mẹ Maria của đoàn con Dân Việt: Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ hiển vinh; Ave Maria con dâng lời chào Mẹ; Trên con đường về quê mà vắng bóng Mẹ... đã gợi lên lòng yêu mến thiết tha dâng Mẹ Maria...

Coi Video: Giờ Thánh Mẫu Ca – Hát Ngợi Ca Mẹ Maria.



Ngày hành hương năm nay như được ơn riêng của Chúa và Mẹ ban, thời tiết thật đẹp, không mưa, không nóng...cũng như xưa trong sa-mạc, Chúa cho cột mây che phủ ban ngày...hôm nay những đám mây cũng từ đâu kéo tới che nắng cho đoàn con Miền Đông suốt Giờ Thánh Mẫu Ca, để mọi người hân hoan hát ca kính mừng Mẹ. Giờ Thánh Mẫu Ca kết thúc lúc 12:40 để chuẩn bị rước kiệu lúc 1:00 trưa.

Đúng 1:00 trưa, đoàn rước đã hàng lối chỉnh tề theo từng đơn vị giáo xứ, hội đoàn. Kiệu Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được nối tiếp với các hội đoàn, Ca đoàn tổng hợp cùng đi trong đoàn rước, cất cao những bài ca ngợi Thánh Mẫu Maria; sau đoàn tung hoa, Kiệu Thánh Tượng Mẹ Fatima được long trọng cung nghinh và cuối cùng là Quý Cha đồng tế.

Đoàn rước tiến vào khu vực cử hành Thánh Lễ cạnh hang đá. Kiệu Thánh Tượng Mẹ Fatima được đặt bên sân cỏ đối diện hang đá, và phần dâng hoa được bắt đầu. Cộng đoàn cùng hiệp lòng dâng lên Mẹ những bông hoa lòng yêu mến tha thiết kêu xin Mẹ. Xưa nay chưa từng nghe nói có ai chạy đến kêu cầu, mà Mẹ chẳng đoái thương nhậm lời! Xin Mẹ phù giúp đoàn con cái Miền Đông, giữa cuộc sống vật chất như đang giết chết Đức Tin, luôn giữ vững niềm Tin Cậy Mến, noi gương cha ông, các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam, sống chứng nhân Tin Mừng giữa đời.

Thánh Lễ do Cha Chủ Tịch Miền Phêrô Trịnh Minh Quân chủ tế cùng với Quý Cha đồng tế. Phần giảng thuyết do Cha Giuse Đặng Quốc An, Cha sở Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington VA, đã nhắc nhở: Niềm tin phó thác cho Chúa như Mẹ Maria, luôn thưa tiếng “Xin Vâng” như Mẹ; và đó sẽ là Hạnh Phúc hôm nay và đời đời cho mỗi người chúng ta.

Coi Video: Rước Kiệu - Dâng Hoa - Thánh Lễ



Cuối Lễ, Ông Đinh Văn Chính, chủ tịch Giáo dân đã có lời cám ơn tới mọi thành phần dân Chúa đã tích cực đóng góp cho ngày hành hương được kết qủa tốt đẹp. Cha Chủ Tịch Miền Phêrô Trịnh Minh Quân có đôi lời với cộng đoàn dân Chúa, kêu mời các bạn trẻ tham dự Đại hội Tìm Hiểu Ơn Gọi The Call V từ 8:00 sáng tới 5:00 chiều, ngày 5/11/2022, tại St Helena Church, Philadelphia PA; với mục đích hướng dẫn người trẻ hăng say tìm ra ơn gọi đặc biệt và duy nhất mà Chúa dành riêng cho mỗi người, để sống một cuộc sống đầy ý nghĩa, hạnh phúc đẹp lòng Chúa và mưu ích cho phần rỗi các linh hồn. Liên lạc Rev. Peter Quan Trinh, email: TheCallEmail@gmail.com, Tel (267) 226-7099. Đặc biệt thông báo Đại Hội Thánh Ca Giáng Sinh Miền Đông lần 3 sẽ được tổ chức vào Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng, ngày 04 tháng 12 năm 2022 tại Philadelphia PA. Xin mời các Ca đoàn trong Miền cùng tham gia để tạo bầu khí yêu mến Thánh ca, nhất là trong dịp Giáng Sinh này.

Thánh Lễ kết thúc lúc 3:30 chiều.

Mọi người ra về trong niềm vui an bình, như vừa được uống no thỏa từ nguồn suối n thiêng tuôn chảy. Hẹn lại gặp nhau trong ngày Hành Hương Miền năm tới, Thứ Bảy ngày 02, tháng 9, năm 2023.

Arlington, VA Ngày 04.9.2022. Vọng Sinh.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh giá trị đời sống
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:08 09/09/2022
Hình ảnh giá trị đời sống

Ai cũng đề cao qúi trọng gía trị.

Nơi một đồ vật thể gía trị được nhanh chóng đánh gía bằng tiền bạc, như chiếc xe hơi gía vài chục ngàn, hay vài ngàn… Điều này nói lên gía trị của chiếc xe. Và bằng tiền có thể mua tậu được chiếc xe đó.

Nhưng có những đồ đạc vật thể yêu mến qúi trọng không thể thay thế, hay mua được bằng tiền bạc. Không phải gía trị của vật thể gía mua bán nhiều ít bao nhiêu. Nhưng là gía trị tinh thần gói ẩn trong đó.

Cô Vân đi hành hương, lúc về quên chiếc nhẫn nhỏ bằng vàng ở khách sạn. Về đến nhà thấy không còn chiếc nhẫn, cô thẫn thờ tiếc xót. Sốt ruột cô gọi điện thoại nhờ hỏi bên khách sạn nơi phòng đã trú ngụ, để mong tìm kiếm xin lại chiếc nhẫn bỏ quên bằng mọi gía.

May cho cô. Khách sạn theo chỉ dẫn đã tìm lại được đúng chiếc nhẫn cô để quên trong phòng. Nhận lại được, cô rỡ mừng rỡ hạnh phúc khôn tả. Vì tìm lại được chiếc nhẫn gía trị qúy báu. Cô cho biết chiếc nhẫn theo thời gía không bao nhiêu tiền. Điều này cô không màng tới.

Nhưng điều cô quan tâm gắn bó tới gía trị chiếc nhẫn, vì đó là món qùa tặng của mẹ cho cô, mà bây giờ bà đã qua đời. Đó là chiếc nhẫn kỷ niệm, chiếc nhẫn tình yêu mến mẹ cô dành cho đời cô. Mỗi khi nhìn, đeo chiếc nhẫn đó, cô nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ mình, đến tình mẫu tử.

Cô yêu mến qúi trọng giá trị chiếc nhẫn. Vì món qùa tặng này ẩn hiện hình ảnh người mẹ.

Còn con người có giá trị thế nào? Có thể đánh giá bằng tiền bạc mua bán được không?

Xưa nay không thể mua con người bằng tiền bạc được, dù vẫn có những trường hợp người khác muốn nhận một em bé làm con nuôi,và thỏa thuận trả cho gia đình ruột thịt của em một số tiền... Nhưng thân thể hình hài sự sống em bé không là gía trị hệ tại nơi số tiền trả đó. Em là một con người,. Thân xác sự sống của em có gía trị linh thiêng qúi báu cao cả klhông có gì có thể so sánh được, mà Đấng Tạo Hóa ban cho đời em. Không có gì có thể thay thế cho sự sống linh thiêng của em được.

Người con trai thứ hai bỏ nhà ra đi sống đời tội lỗi ăn chơi phung phí hoang đàng, như dụ ngôn Chúa Giêu Kitô kể trong phúc âm thuật lại ( Lc 15,1-32). Hết tiền sinh sống, anh ta lâm cảnh đói khát bơ vơ hoang mang. Anh thấy mình không còn gì, như không có gía trị gì nữa! Qúa mắc ở xấu hổ. Nhưng hoàn cảnh bó buộc, nên đành trở về nhà để cầu xin sao có miếng ăn no đủ cho khỏi bị chết đói giữa đường…

Nhưng người cha sinh thành ra anh không nhìn qúa khứ hoang đàng đưa đến cảnh nghèo túng đói khát, thân thể tiều tụy của con mình, hầu như làm cho bị mất gía trị nhân phẩm con người. Trái lại, ông vẫn nhìn nhận gía trị của con mình. Với ông giá trị con mình vẫn luôn tồn tại, cho dù cuộc sống bề ngoài sa đoạ tội lỗi, đói rách nghèo khổ của con mình thế nào đi chăng nữa.

Người cha không nói lời gì. Nhưng tâm hồn ông xúc động thổn thức. Ông chạy đến ôm hôn người con mình, sai cho người đi lấy quần áo tốt đẹp mặc cho, trao vào tay chiếc nhẫn tình yêu niềm vui mừng cha con, và còn tổ chức bữa ăn thịnh soạn ăn mừng.

Những cử chỉ này của người cha nhân hậu là hình ảnh không chỉ nói lên niềm vui hạnh phúc, cùng lòng nhân hậu thương xót. Nhưng còn sâu xa hơn nữa: Ông nhìn nhận ra gía trị cao đẹp qúi báu của người con là tài sản linh thiêng cao qúi. Không có gì có thể thay thế, hay đánh đổ tàn phá làm mất đi giá trị cao qúi linh thiêng đó được.

Người cha giầu lòng nhân hậu thương cảm với con mình là hình ảnh tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Ngài không chối từ bỏ rơi ai. Ngài luôn công nhận bảo vệ gía trị của con người, cho dù họ có nếp sống tội lỗi xa lìa hay chối bỏ Ngài, và hằng mong chờ họ trở về với Ngài.

Con người có kinh nghiệm sống sâu xa, vật chất là phương tiện sinh sống. Nó không là tất cả. Nó không làm nên giá trị con người. Nhưng chính con người làm ra nó, và khoác cho nó một gía trị tương đối trong đổi chác mua bán để phục vụ đời sống.

Thánh Phaolô nói lên niềm tin tưởng xác tín: “ Không phải của ăn vật chất làm cho chúng ta có gía trị trước mặt Thiên Chúa.” ( 1 cr 8,8).

Giá trị của con người không thể đem ra so sánh được bằng tiền bạc, hay vật thể đổ chác được. Giá trị con người linh thiêng cao qúi bao la sâu thẳm không có cùng tận.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Ukraine dồn dập tin vui: Chỉ 3 ngày đã tiến 50km. Tổng thống loan báo Balakliia hoàn toàn giải phóng
VietCatholic Media
03:08 09/09/2022


1. Tổng thống Zelensky tuyên bố quân đội nước này đã chiếm lại thành phố quan trọng Balakliia từ tay Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố binh sĩ của đất nước ông đã chiếm lại thành phố Balakliia quan trọng của Kharkiv.

Ông Zelensky đã cho biết như trên trong diễn văn gởi quốc dân đồng bào tối thứ Năm sau khi đài truyền hình trung ương Ukraine phát đi hình ảnh những người lính Ukraine đứng trên một tòa nhà ở Balakliia, cùng với lá cờ Ukraine. Một người lính nói:

“Thưa Tổng thống, thưa Tổng tư lệnh, thành phố Balakliia của vùng Kharkiv đã nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi. Mệnh lệnh đã được thực hiện. Quân đội đã rút lui”.

Một lá cờ Nga bị giật xuống và bị đạp dưới chân của ba người lính.

Ông Zelensky nói “mọi thứ đã về đúng vị trí của nó.”

“Lá cờ Ukraine ở thành phố Ukraine tự do, dưới bầu trời Ukraine tự do”

2. Kyiv cho biết quân đội Ukraine xuyên thủng hàng phòng thủ của Nga hơn 30 dặm trong cuộc tấn công

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Army Penetrates Russian Defenses by Over 30 Miles in Offensive—Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết quân đội Ukraine xuyên thủng hàng phòng thủ của Nga hơn 30 dặm trong cuộc tấn công”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quân đội Ukraine đã tiến sâu 50 km hay 31 dặm vào lãnh thổ do Nga chiếm đóng trước đây gần Kharkiv, theo thông báo từ Chuẩn tướng Oleksiy Gromov, đại diện của Bộ Tổng tham mưu Ukraine.

Chuẩn tướng Gromov tuyên bố các lực lượng Ukraine đã chiếm lại “700 km vuông hay 435 dặm vuông” kể từ khi cuộc tấn công của họ vào mặt trận Kharkiv, ở miền bắc Ukraine, bắt đầu vào cuối ngày thứ Ba 6 tháng 9. Ông nói thêm rằng “hơn 20 khu định cư đã được giải phóng” là kết quả của hoạt động này.

Đây là một chiến thắng lớn đối với quân đội Ukraine, lực lượng hiện đang có những bước tiến trong việc chống lại quân xâm lược Nga trên một số mặt trận.

Các vị trí của Nga đã bị tấn công ở miền nam Ukraine xung quanh Kherson, và ở miền bắc gần Kharkiv, cũng như khu vực phía đông Donbas. Trong những tuần đầu của cuộc chiến, các lực lượng của Điện Cẩm Linh đã thực hiện một nỗ lực không thành công để chiếm Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine.

Trong một cuộc họp báo trước truyền thông do Đài Truyền hình Quân đội Ukraine đăng tải trên YouTube, Gromov cho biết: “Hiện tại, quân đội đã tiến sâu vào hệ thống phòng thủ của đối phương tới độ sâu 50 km. Hoạt động tấn công đang diễn ra tại một số khu định cư. Trong quá trình hoạt động tích cực trên hướng Kharkiv, hơn 20 khu định cư đã được giải phóng”.

“Tổng diện tích lãnh thổ được trao trả cho Ukraine kiểm soát theo hướng Kharkiv và Yuzhno-Buz là hơn 700 km vuông.”

Gromov từ chối liệt kê các khu định cư được tái chiếm khi được hỏi, thay vào đó nhắc lại rằng Ukraine đã có “thành công trên một số hướng.”

Hôm thứ Tư, một tác phẩm chung của Valeriy Zaluzhnyi, người đứng đầu Lực lượng vũ trang Ukraine và nghị sĩ Mykhailo Zabrodskyi đã được xuất bản, cho rằng Ukraine có thể chiếm lại bán đảo Crimea vào năm 2023.

Nga chiếm và sáp nhập Crimea vào năm 2014 sau khi Cách mạng Maidan ở Ukraine loại bỏ chính phủ có thiện cảm với Nga của Viktor Yanukovych.

Zaluzhnyi và Zabrodskyi cho biết: “Nếu chúng ta coi chiến dịch năm 2023 là một bước ngoặt, thì để xem xét, chúng ta cần quay lại định nghĩa về trọng tâm đối với Liên bang Nga trong cuộc chiến này. Rốt cuộc, chỉ một ảnh hưởng có hiệu quả quyết liệt đối với trọng tâm của kẻ thù mới có thể dẫn đến những thay đổi trong tiến trình chiến tranh.”

“Với điều kiện một trọng tâm như vậy được xác định là quyền kiểm soát bán đảo Crimea, thì việc lập kế hoạch cho năm 2023 phải bảo đảm một chiến dịch hoặc một loạt các hoạt động nhằm chiếm bán đảo này.”

Sau đó vào tối thứ Tư, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã phát biểu về cuộc tấn công của Ukraine trong các bài phát biểu hàng đêm của ông với quốc gia, nói rằng “tuần này chúng ta có tin tốt từ khu vực Kharkiv” và nói thêm rằng “mọi người dân đều cảm thấy tự hào về các chiến binh của chúng ta”.

Tình báo quân đội Ukraine đã công bố những gì họ tuyên bố là cuộc gọi giữa một người lính Nga và vợ của anh ta hôm thứ Ba, thừa nhận thiệt hại nặng nề kể từ khi cuộc phản công của Ukraine bắt đầu đối với Kherson.

Sau một tràng dài những tiếng chửi thề, người lính nói với vợ: “Tụi anh đã có 300 người bị thương ở đây. Chúng đã gài bẫy bọn anh. Bên cạnh bọn anh là những cậu bé đến từ Belogorsk, thuộc Lữ đoàn 165. Mảnh đạn văng khắp nơi, khi hỏa tiễn của chúng nó bắn trúng xe tăng. Nhiều người bị thương vì không có chiến hào hay bất cứ thứ gì.”

Newsweek đã liên hệ với các bộ quốc phòng Nga và Ukraine để đưa ra bình luận.

3. Tổng Tham Mưu Trưởng Ukraine thừa nhận Ukraine đã tấn công Crimea bằng hỏa tiễn

Ukraine công nhận trách nhiệm trong các cuộc tấn công hỏa tiễn vào các căn cứ quân sự của Nga ở Crimea. Quân đội Ukraine đã lần đầu tiên thừa nhận rằng họ đã thực hiện các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn nhằm vào các căn cứ quân sự của Nga ở Crimea.

Ukraine đã thực hiện cuộc pháo kích nhằm vào căn cứ không quân Saky ở Crimea vào ngày 9/8, theo một bài báo của Tổng tư lệnh Ukraine Valeriy Zaluzhniy và Mykhaylo Zabrodskiy, Phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Quốc phòng và Tình báo quốc gia.

Bản báo cáo được xuất bản vào ngày 7 tháng 9 bởi hãng thông tấn Ukrinform của nhà nước.

Cuộc tấn công vào Saky đã phá hủy ít nhất 9 máy bay quân sự, bao gồm máy bay chiến đấu Su-30SM và máy bay ném bom Su-24M. Người đứng đầu Crimea do Nga bổ nhiệm vào thời điểm đó cho biết một người đã thiệt mạng. Một số tòa nhà trên căn cứ có thể chứa đạn dược cũng đã bị phá hủy.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố vào thời điểm đó rằng vụ nổ kho đạn hàng không đã gây ra vụ nổ, nhưng không nói rõ ai hoặc cái gì đã kích hoạt vụ nổ.

Các quan chức Ukraine đã tránh công khai tuyên bố trách nhiệm, nhưng các quan chức Ukraine không nêu danh tính đã nói với truyền thông Mỹ rằng các lực lượng vũ trang của họ chịu trách nhiệm cho các vụ nổ và các nhà phân tích cho biết hình ảnh vệ tinh cho thấy có khả năng là một cuộc tấn công của lực lượng Ukraine.

Bài báo ca ngợi là “thành công” những nỗ lực của các lực lượng vũ trang Ukraine trong những tuần gần đây nhằm “chuyển lửa” tới lãnh thổ Crimea, nơi bị Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014 và đã từng thực hiện các cuộc tấn công vào Ukraine.

“Chúng ta đang nói về một loạt các cuộc tấn công hỏa tiễn thành công vào các căn cứ không quân ở Crimea của đối phương, trước hết là tại sân bay Saky,” Zaluzhniy và Zabrodskiy cho biết trong bài báo.

Họ nói thêm rằng nhiệm vụ của quân đội Ukraine vào năm 2023 “là làm cho những cảm giác này trở nên sắc nét hơn, tự nhiên hơn và khá hữu hình đối với người Nga và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng khác”.

Zaluzhniy và Zabrodskiy nói rằng các quan chức và người dân Nga sẵn sàng ủng hộ cuộc chiến một phần vì đây là một cuộc xung đột “xa” không đe dọa tính mạng của họ.

Họ nói rằng cuộc tấn công vào Crimea là một ví dụ điển hình.

Họ nói: “Nhờ khoảng cách này, người dân Nga không thực sự đau đớn, vì không nắm bắt được những mất mát, thất bại và quan trọng nhất là cái giá phải trả của cuộc chiến này.

Các tác giả nói thêm rằng Ukraine không quá cần số lượng cũng như phẩm chất vũ khí từ các đồng minh phương Tây cho bằng các vũ khí có tầm bắn xa hơn để Ukraine có thể đưa tác động của cuộc chiến đến gần Nga hơn.

Mỹ đã cung cấp cho Kyiv các hệ thống hỏa tiễn tầm xa tinh vi với điều kiện Ukraine không được sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga.

4. Người Ukraine đã đánh chìm tàu Nga chỉ trong một tuần sau cuộc tập trận của Mỹ về bệ phóng hỏa tiễn

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukrainians Sank Russian Ship Week After U.S. Training on Missile Launcher”, nghĩa là “Người Ukraine đã đánh chìm tàu Nga chỉ trong một tuần sau cuộc tập trận của Mỹ về bệ phóng hỏa tiễn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, những người được cho là đã đánh chìm một tàu chiến của Nga vào tháng 6 bằng vũ khí do phương Tây cung cấp, đã được đào tạo bởi Mỹ và các đồng minh chỉ một hoặc hai tuần trước đó

Trong khi phát biểu tại Hội nghị Tin tức Quốc phòng hôm thứ Tư, Tiến sĩ William LaPlante, Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng Mỹ nói rằng Ukraine đã được một đồng minh của Mỹ tặng hỏa tiễn chống hạm Harpoon mà ông không nói rõ. Gói viện trợ trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine mà Ngũ Giác Đài công bố ngày 15/6 bao gồm hai hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon. Hồi tháng 5, Reuters đưa tin rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng thông báo rằng Đan Mạch đã đồng ý cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn Harpoon và một bệ phóng.

Defense News đưa tin rằng LaPlante cho biết các bệ phóng hỏa tiễn trên tàu đã được đưa ra khỏi tàu của đồng minh và được sửa đổi để chúng có thể được bắn từ một chiếc xe tải.

Ông nói: “Chúng tôi đã đưa những người Ukraine đến để huấn luyện vào cuối tuần trong Ngày Lễ Tưởng niệm ở Hoa Kỳ, và trong tuần sau đó hai tàu Nga đã bị đánh chìm,” ông nói. Ngày Tưởng niệm của Hoa Kỳ năm nay rơi vào ngày 30/5.

Vũ khí do phương Tây cung cấp đã trở thành một yếu tố được nhắc đến rộng rãi trong cuộc chiến đang diễn ra của Ukraine với Nga, kéo dài hơn sáu tháng. Chẳng hạn, các quan chức Ukraine và Mỹ đã nhiều lần ca ngợi việc sử dụng Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao, gọi tắt là HIMARS, do Mỹ cung cấp để chống lại Nga.

Báo Defense News xác định con tàu mà Ukraine dùng hỏa tiễn Harpoon đánh chìm là tàu kéo của hải quân Nga Vasiliy Bekh. Vào giữa tháng 6, Ukraine cho biết họ đã tấn công và hạ gục tàu Nga khi nó đang hướng đến Đảo Rắn ở Hắc Hải. Hải quân Ukraine cho biết tàu Nga đã chở binh sĩ, vũ khí và đạn dược đến hòn đảo khi nó bị trúng hai hỏa tiễn Harpoon.

Cuối tháng đó, Ukraine tuyên bố chiếm lại Đảo Rắn từ Nga, mặc dù Mạc Tư Khoa nói rằng họ rút lui như một “cử chỉ thiện chí”. Ghi nhận việc Nga phải kết thúc việc chiếm đóng Đảo Rắn, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết trong cuộc họp báo ngày 1/7 rằng “Người Ukraine đã rất thành công trong việc gây áp lực đáng kể lên người Nga, bao gồm cả việc sử dụng các hỏa tiễn Harpoon mà họ mới có được để tấn công một tàu tiếp tế.”

Newsweek đã liên hệ với các bộ quốc phòng của Nga và Ukraine để đưa ra bình luận.

5. Bộ trưởng Kinh tế Estonia kêu gọi thống nhất quan điểm và hành động về năng lượng khi Putin tiếp tục đe dọa tấn công kinh tế

Bộ trưởng Kinh tế Estonia đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thống nhất trước cuộc họp khẩn cấp hôm thứ Sáu của các Bộ trưởng Năng lượng Liên minh Âu Châu tại Brussels.

Riina Sikkut, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Cơ sở hạ tầng Estonia nói với các phóng viên rằng khối 27 quốc gia phải đoàn kết để đối phó với mối đe dọa của Nga và đối phó với những thay đổi trên thị trường năng lượng.

Sikkut nói, “Các quốc gia dân chủ đoàn kết trong thời kỳ khó khăn chống lại Nga là vũ khí mà Putin không bao giờ có thể sánh được. Thách thức đối với Âu Châu là phải đoàn kết, tìm ra giải pháp để giảm nhu cầu năng lượng, hạn chế các nguồn năng lượng của Nga và thực sự từ bỏ việc sử dụng năng lượng của Nga càng nhanh càng tốt. Chúng ta có bản lĩnh chính trị, nếu có sự đoàn kết, thống nhất thì chúng ta sẽ sống sót qua mùa đông khắc nghiệt này”.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen, đã đề xuất một kế hoạch toàn Liên Hiệp Âu Châu vào thứ Tư để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng. Điều này liên quan đến giới hạn giá khí đốt của Nga. Tổng thống Nga Putin nói rằng Mạc Tư Khoa sẽ phản ứng bằng cách ngừng cung cấp hoàn toàn cho Âu Châu.

6. Thụy Sĩ sẽ tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với NATO và Liên Hiệp Âu Châu vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine

Thụy Sĩ cho biết họ sẽ tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với NATO và Liên minh Âu Châu để tăng cường “khả năng phòng thủ” của mình sau khi Putin phát động cuộc chiến ở Ukraine, trong khi vẫn duy trì thái độ trung lập truyền thống trong cuộc khủng hoảng.

Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư rằng chính phủ đã quyết định tập trung vào chính sách an ninh và quốc phòng của đất nước “nhất quán hơn trước đây theo hướng hợp tác quốc tế”.

Hội đồng cho biết, cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy mối đe dọa ngày càng tăng do thông tin sai lệch, tấn công mạng, hoạt động bí mật và xung đột vũ trang.

Hội đồng nói thêm: “Cuộc chiến cũng đã tạo ra một động lực mới trong hợp tác an ninh và quốc phòng.

Nước này sẽ tìm cách tăng cường tham gia các cuộc tập trận chung với NATO và tham gia các đội triển khai nhanh của Liên Hiệp Âu Châu cho các hoạt động cứu hộ và di tản.

Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ cũng cho biết họ quyết định hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của đất nước bằng cách “kết hợp các bài học kinh nghiệm” từ cuộc chiến ở Ukraine.

7. Quân đội Ukraine sẽ chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến chống lại Nga trong suốt mùa đông

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Army Will Have Upper Hand Against Russia Throughout Winter—Analyst”, nghĩa là “Nhà phân tích cho rằng quân đội Ukraine sẽ chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến chống lại Nga trong suốt mùa đông.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Khi Ukraine tiếp tục phản công chống lại Nga trong một cuộc chiến tiêu hao, một nhà phân tích cho rằng quân đội của Mạc Tư Khoa sẽ gặp bất lợi khi cuộc giao tranh bắt đầu vào mùa đông.

Kyrylo Mykhailov, người thuộc nhóm điều tra nguồn mở Conflict Intelligence Team hay Đội tình báo xung đột, nói với một phương tiện truyền thông Ukraine rằng việc chặn âm thanh các cuộc gọi điện thoại giữa quân đội Nga cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng trang bị mùa đông thích hợp cho các lực lượng tình nguyện mà Mạc Tư Khoa đã huy động.

Ông nói rằng các hoạt động chiến đấu khó khăn hơn trong mùa đông nhưng các lực lượng vũ trang Ukraine đang nhận được thiết bị có thể đối phó với điều kiện lạnh hơn từ “cả các đối tác quốc tế và dân thường Ukraine.” Điều này sẽ mang lại cho họ một “lợi thế nhất định” trước các lực lượng của Nga.

Các quan chức phương Tây nói rằng Ukraine đã đạt được những thành tựu về mặt chiến thuật trong cuộc phản công nhưng có thể sẽ có một trận chiến lâu dài và cam go trong những tháng tới. Trong khi đó, có triển vọng cần phải tạm dừng chiến đấu trong thời tiết xấu nhất.

“Đương nhiên, một số hỗ trợ sẽ đến từ các tình nguyện viên Nga, nhưng chúng ta phải nhận ra rằng sự tiếp tế của họ nhỏ hơn nhiều so với quân Ukraine và không thể cung cấp đầy đủ cho quân đội của họ”, Mykhailov nói với hãng tin New Voice of Ukraine.

“Tôi không nghĩ rằng quân đội Nga có thể giải quyết vấn đề này đủ nhanh”, ông nói thêm.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

New Voice of Ukraine, trích dẫn các nguồn tin tình báo Ukraine, nhận định rằng cuộc chiến sẽ bước vào giai đoạn quyết định vào mùa thu, nhưng giao tranh có thể sẽ tiếp diễn trong suốt mùa đông.

“Có một câu nói cổ: Rừng là trung tính - thời tiết cũng vậy. Cả Nga và Ukraine đều có kinh nghiệm về các hoạt động thời tiết lạnh giá,” tướng Úc đã nghỉ hưu Mick Ryan nói với Newsweek.

Ông nói: “Nó thay đổi thời gian mọi người có thể hoạt động trong điều kiện cơ động xuyên quốc gia, mở rộng và hoạt động của các máy bay không người lái và máy bay trực thăng cũng như một số cảm biến,” ông nói vào tháng trước.

Ryan nhấn mạnh rằng, “Nó sẽ phụ thuộc vào cách mỗi bên có thể giải quyết những hạn chế này và khai thác tác động của thời tiết lên đối thủ của họ như thế nào. Cho đến nay, người Ukraine đã chứng tỏ óc sáng tạo nhiều hơn trong cuộc chiến này. Tôi hy vọng điều này sẽ tiếp tục trong mùa đông.”

Ryan, tác giả cuốn “War Transformed: The Future of the Great Century Competition”, nghĩa là “Chiến tranh đã chuyển hóa” cho biết: “Mặc dù viện trợ quân sự nước ngoài cung cấp cho đến nay chắc chắn sẽ giúp ích cho Ukraine, nhưng nó cần tiếp tục và thực sự được gia tăng về số lượng, đặc biệt là về bom đạn.”

Cuộc phản công của Ukraine tập trung xung quanh khu vực Kherson mà Nga đã chiếm giữ
 
Lạ lùng: Trộm dùng cây thánh giá đột nhập trường Công Giáo, rồi kính cẩn đặt thánh giá lên bàn
VietCatholic Media
05:14 09/09/2022


1. Trộm đột nhập trường Công Giáo bằng cách dùng cây thánh giá

Sau khi dùng cây thánh giá để phá cửa sổ, người ta có thể thấy người đàn ông rón rén đặt thánh giá Chúa Kitô ở vị trí kính cẩn.

Video về vụ đột nhập gần đây tại một trường Công Giáo ở Los Angeles cho thấy kẻ phá hoại đập cửa sổ bằng cây thánh giá để vào được bên trong. Trong khi nghi phạm vẫn chưa được xác định, cảnh sát cho rằng anh ta có thể có liên quan đến một số vụ trộm khác ở các trường học.

Đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh đột nhập vào trường Thánh Gertrude ở Bell Gardens vào ngày 19 tháng 8. Nguồn cấp dữ liệu camera an ninh bắt đầu sau khi kính bị đập vỡ. Có thể thấy tên trộm đang trèo qua cửa số, tay vẫn cầm cây thánh giá mà hắn dùng để đập kính.

Khi vào bên trong, người đàn ông - người có vẻ ngoài nghèo khó với chiếc áo sơ mi bẩn và rách - dành một chút thời gian trong căn phòng mà anh ta bước vào trước khi tiến sâu hơn vào tòa nhà. Tuy nhiên, điều thú vị là anh ta có vẻ miễn cưỡng bỏ cây thánh giá sang một bên. Sau khi sử dụng cây thánh giá như một chiếc xà beng tạm thời để đột nhập, người đàn ông đã dành những giây phút quý giá để cố gắng tìm cho cây thánh giá một vị trí xứng đáng.

Đầu tiên, anh ta đặt cây thánh giá xuống bàn, nhưng sau đó anh ấy di chuyển cây thánh giá để đặt trên bàn. Khi anh ta bắt đầu quay về phía cửa, cây thánh giá trượt khỏi vị trí này, nhưng người đàn ông quay lại chụp cây thánh giá và rón rén đặt lên bàn một lần nữa trước khi anh ta thoát ra khỏi khung hình.

Video đầy phức tạp dẫn đến một số câu hỏi thú vị. Phải chăng người đàn ông này có đức tin và ngay cả trong lúc tuyệt vọng, anh ta vẫn có thể nhận ra sự thánh khiết của hình ảnh Chúa Kitô? Việc đột nhập vào một không gian Công Giáo có khiến anh ta cảm thấy an toàn bằng cách nào đó không?

Chúng tôi yêu cầu Cha Patrick Briscoe, OP, nhà thần học và cựu tổng biên tập Aleteia, cho biết ý kiến về chuỗi sự kiện kỳ lạ:

Cha Patrick Briscoe thuộc Dòng Đa Minh cho biết: “Sử dụng một hình ảnh linh thiêng cho mục đích bất chính là một sự phạm thánh. Tuy nhiên, chúng ta không biết trạng thái tâm trí của anh ta, và nên hy vọng rằng sự tôn kính của anh ta đối với cây thánh giá là một dấu hiệu cho thấy sự tôn kínnh của anh ấy.”

Các nhà chức trách nói rằng họ vẫn không biết người đàn ông này có thể là ai, nhưng trong báo cáo từ Fox 11 nêu trên, viên chức được phỏng vấn có vẻ tự tin rằng đoạn phim có thể giúp xác định anh ta dựa trên hình xăm của anh ta. Họ cũng đang điều tra xem liệu người đàn ông đó có liên quan đến một số vụ đột nhập các trường học khác hay không.
Source:Aleteia

2. Vụ đâm chém ở Canada khiến 10 người thiệt mạng và 15 người bị thương ở Saskatchewan

Đức Tổng Giám Mục Donald Bolen của tổng giáo phận Regina đã lên tiếng bày tỏ nỗi buồn trước một vụ đâm chém nghiêm trọng khiến 10 người thiệt mạng và 15 người bị thương ở Saskatchewan. Ngài phó thác linh hồn những người đã chết trong tay Chúa và cầu xin ơn an ủi cho những người mất người thân, cũng như ơn chữa lành cho những người bị thương.

Một cuộc truy lùng đang được tiến hành ở miền tây Canada vào đêm Chúa Nhật khi cảnh sát ráo riết truy lùng hai người đàn ông bị tình nghi trong một loạt vụ đâm chém khiến 10 người thiệt mạng và ít nhất 15 người khác bị thương.

Phần lớn các cuộc tấn công nhắm vào cư dân của James Smith Cree Nation, một cộng đồng bản địa gồm 3.400 người, với những trường hợp bị thương khác được báo cáo ở làng lân cận Weldon, phía đông bắc Saskatoon.

Các vụ tấn công ở tỉnh Saskatchewan đã gây chấn động cả nước. Thủ tướng Justin Trudeau đã mô tả chúng là “khủng khiếp và đau lòng. Tôi đang nghĩ đến những người đã mất một người thân yêu và những người bị thương. “

Trudeau cho biết chính phủ của ông đã liên lạc trực tiếp với ban lãnh đạo cộng đồng James Smith Cree Nation và sẵn sàng hỗ trợ, đồng thời nói thêm: “Những kẻ chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công ghê tởm ngày nay phải được đưa ra công lý đầy đủ.”

Rhonda Blackmore, trợ lý ủy viên của Cảnh sát Núi Hoàng gia Canada (RCMP) ở Saskatchewan, nói với các phóng viên vào tối Chúa Nhật rằng cảnh sát tin rằng một số nạn nhân đã bị tấn công và những người khác bị tấn công ngẫu nhiên.

Cô nói: “Thật là kinh khủng những gì đã xảy ra ở tỉnh của chúng tôi ngày hôm nay.

Cảnh sát xác định Damien và Myles Sanderson là hai nghi phạm trong vụ giết người. Damien năm nay 31 tuổi, cao 170cm, nặng 70kg với tóc đen và mắt nâu.

Myles 30 tuổi, cao 185cm và nặng 108kg, với tóc nâu và mắt nâu.

Blackmore cho biết mối quan hệ giữa các nghi phạm là không rõ ràng. Cô ấy nói rằng vẫn chưa có động cơ nào - nhưng những người đàn ông được cho là có vũ khí và nguy hiểm.

Bobby Cameron, người đứng đầu Liên đoàn các quốc gia bản địa có chủ quyền (FSIN), đại diện cho các nhóm Quốc gia thứ nhất ở Saskatchewan, cho rằng các vụ tấn công có thể liên quan đến ma túy “Trái tim của chúng tôi tan nát vì tất cả những người bị ảnh hưởng. Đây là sự tàn phá mà chúng ta phải đối mặt khi các loại thuốc bất hợp pháp có hại xâm nhập vào cộng đồng của chúng ta”.
Source:The Guardian

3. Canh tân doanh trại Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ

Thêm một bước tiến trong tiến trình canh tân doanh trại của đoàn Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ tại Vatican: Đức Thánh Cha đã phê chuẩn quy luật điều hành công việc này.

Doanh trại hiện nay của Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ ở Vatican được kiến thiết hồi thế kỷ XIX, nay đã cũ kỹ và có nhiều vấn đề như cách âm, ẩm ướt. Ngoài ra, trại binh này trở nên quá chật chội vì quân số được tăng từ 115 lên 135 người với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha. Doanh trại mới sẽ gia tăng thêm 60% diện tích và tiêu thụ năng lượng 55% ít hơn.

Phí tổn cho công trình tu bổ này vào khoảng 50 triệu quan Thụy Sĩ, tương đương với hơn 50 triệu Euro, theo hối đoái hiện nay, trong đó có năm triệu quan được dành cho doanh trại tạm thời, trong thời gian tu bổ doanh trại hiện thời, sẽ do Quốc gia thành Vatican tài trợ, cùng với chi phí quản trị và các phí tổn khác. 45 triệu quan còn lại sẽ do các tư nhân và Ngân Quỹ tu bổ doanh trại tài trợ.

Hôm 03 tháng Chín vừa qua, Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc vụ khanh Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha đã chấp thuận quy luật, theo đó một Ủy ban kiểm soát do Đức Hồng Y Parolin làm chủ tịch có nhiệm vụ phối hợp các giai đoạn đề ra dự án công trình, giám sát tài chánh phù hợp luật lệ Vatican và các nghĩa vụ quốc tế.

Đức Thánh Cha đã phê chuẩn quy luật ngày 22 tháng Tám vừa qua, và văn kiện này được phổ biến dưới dạng Phúc chiếu, với chữ ký ngày 02 tháng Chín của Đức Hồng Y Parolin. Quy luật gồm ba điều khoản:

Thứ nhất là về thẩm quyền của Ủy ban là kiểm soát. Ủy ban này được thành lập theo thỏa thuận giữa Phủ Quốc vụ khanh và Ngân Quỹ canh tân doanh trại Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ tại Vatican, với mục đích phối hợp việc đề ra dự án, giám sát tài chánh.

Thứ hai là thành phần của Ủy ban. Ngoài Đức Hồng Y Quốc vụ khanh làm chủ tịch, còn có các thành viên khác đương nhiên theo luật, đó là vị Phó Phụ tá Quốc vụ khanh và một số chức sắc Tòa Thánh, như Tổng thư ký Phủ Thống đốc Vatican, Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh, gọi tắt là Apsa, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ các đền đài lịch sử và nghệ thuật của Tòa Thánh, v.v. Ngoài ra, Ủy ban có thể mời đại diện các tổ chức khác, tham dự nhưng không có quyền bỏ phiếu.

Khoản thứ ba nói về thủ tục hoạt động của Ủy ban. Ủy ban có trụ sở tại Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Theo chương trình nguyên thủy, việc khởi công tân trang doanh trại sẽ bắt đầu vào năm tới, 2023 và dự kiến sẽ hoàn thành trong bốn năm, tức là vào năm 2027, trùng vào dịp kỷ niệm 500 năm vụ cướp phá thành Rôma: 147 Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã hy sinh tính mạng để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clemente Đệ Thất cai quản Giáo Hội từ năm 1523 đến 1534. Tuy nhiên vì Năm Thánh 2025 sắp tới, có nhiều tín hữu hành hương đến Rôma, nên công trình tái thiết doanh trại sẽ bắt đầu sớm nhất là vào năm 2026.
 
Putin tê tái: Ukraine đánh quá nhanh, chạy không kịp, Trung Tướng Nga bị bắt sống ở mặt trận Kharkiv
VietCatholic Media
16:40 09/09/2022


1. Ukraine đánh quá nhanh, chạy không kịp, Trung Tướng Nga bị bắt sống tại mặt trận Kharkiv.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Báo cáo cho thấy Tư lệnh quân đội xâm lược hàng đầu của Nga bị Ukraine bắt giữ.” Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Các phương tiện truyền thông Ukraine và những người sử dụng mạng xã hội đã đưa ra các đồn đoán rằng một chỉ huy hàng đầu của Nga đã bị bắt khi cuộc phản công của Kyiv chống lại các lực lượng của Mạc Tư Khoa đang tăng tốc.

Các hình ảnh và video được chia sẻ trên Twitter và Telegram cho thấy Trung tướng Andrei Sychevoi đang quỳ trên đầu gối giữa một nhóm quân nhân Nga bị còng tay. Một người dùng mạng xã hội nói rằng họ bị bắt ở gần Balakliya, thuộc vùng Kharkiv.

Nhiều người ghi nhận sự giống nhau của một trong những người đàn ông bị bắt với những hình ảnh khác của Sychevoi.

Nexta TV đã tweet một bức ảnh chụp màn hình vị tướng được tường trình bị bắt, bên cạnh hình ảnh trước đó của Sychevoi trong trang phục đại lễ của ông ta.

“Có vẻ như Lực lượng vũ trang Ukraine đã bắt giữ không phải một 'trung tướng' thông thường, mà là chỉ huy của Tập Đoàn Quân 'phía Tây', Trung Tướng Andrey Sychevoi”.

Tạp chí Lviv đã tweet một đoạn clip mà họ nói là hình ảnh của một nhóm quân nhân Nga sau khi họ bị bắt giữ, với thông điệp, “Thời gian sẽ trả lời nếu đó là Tướng Andrei Sychevoi hay không.”

“Điều tôi thấy hấp dẫn là 6 binh sĩ Ukraine vây quanh anh ta và nhìn anh ta như thể anh ta là một con cá lớn, và cách anh ta nhìn ra xa máy ảnh [sau cùng thì anh ta cũng đã đầu hàng]”.

Nhà phân tích quân sự Rob Lee đã tweet “Các kênh Telegram của Nga đã cho biết Trung tướng Sychevoi, Tư lệnh Tập Đoàn Quân 'phía Tây', là người chịu trách nhiệm về khu vực này.”

Trên quân phục của người đàn ông được tường trình là Sychevoi có hai ngôi sao mà các trung tướng Nga đeo. Hai ngôi sao cũng được hiển thị trên vai của bộ lễ phục mà ông ta đang mặc trong những hình ảnh được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội.

“Nổi bật sự giống nhau, phải không?” Người dùng Twitter Nordic Arctic Fox Operative đã viết, người cũng đã tweet một hình ảnh kết hợp giữa vị tướng bị bắt và Sychevoi trong trang phục của anh ta.

Vụ bắt giữ vẫn chưa được chính thức xác nhận và Newsweek đã liên hệ với các lực lượng vũ trang Ukraine và Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

Nếu được xác minh, đây sẽ là một thành tựu đáng kể cho Ukraine mặc dù những người dùng mạng xã hội khác đã tranh cãi không biết người bị bắt có thực sự là Sychevoi hay một vị tướng nào khác.

Nhà phân tích tình báo nguồn mở Oliver Alexander nằm trong số một số người đã ghi nhận có sự khác biệt về đường viền tóc và nốt ruồi trên khuôn mặt giữa Trung Tướng Sychevoi và người tù binh.

Cũng có vẻ nghi ngờ về vai trò hiện tại của Sychevoi. Khi bị Liên minh Âu Châu trừng phạt vào ngày 28 tháng 2, ông ta là chỉ huy của Đội quân cận vệ số 8 thuộc Quân khu phía Nam.

Nhưng vào tháng 6, Đội Tình báo Xung đột cho biết theo các nguồn tin của họ, Sychevoi, người từng là tư lệnh của Quân đoàn 8, đã đảm nhận vị trí Tư lệnh Tập Đoàn Quân phía Tây.

Nhà phân tích Lee trích dẫn một kênh Telegram của Nga cho biết trong một tweet tiếp theo rằng ông ta dường như đã bị thay thế “một tháng trước”.

Nhóm Hiến Chương Nhân quyền 97 cho biết Sychevoi, 53 tuổi, đã giữ cấp bậc hiện tại của mình kể từ năm 2019, là “tội phạm chiến tranh cấp cao nhất”, và là kẻ “ra lệnh trong cuộc chiến chống Ukraine”.

2. Mỹ gửi cho Ukraine thêm đạn HIMARS sau cuộc tấn công vào 400 mục tiêu của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “U.S. Sending Ukraine More HIMARS Alyo After Strikes on 400 Russian Targets”, nghĩa là “Mỹ gửi cho Ukraine thêm đạn HIMARS sau cuộc tấn công vào 400 mục tiêu của Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Mỹ đang gửi cho Ukraine nhiều đạn dược hơn cho Hệ thống hỏa tiễn cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, là loại vũ khí do Mỹ cung cấp mà một tướng hàng đầu của Mỹ cho biết đã được sử dụng để tấn công hơn 400 mục tiêu của Nga trong cuộc chiến đang diễn ra.

Đạn HIMARS nằm trong gói hỗ trợ an ninh Ukraine trị giá 675 triệu USD mới được công bố hôm thứ Năm. Cũng trong ngày thứ Năm, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, nói với các phóng viên tại Căn cứ Không quân Ramstein ở miền nam nước Đức rằng Ukraine đang đạt được “những lợi ích thực sự và có thể đo lường được” trong việc sử dụng HIMARS.

“Ví dụ, người Ukraine đã tấn công hơn 400 mục tiêu bằng HIMARS và chúng đã gây ra hậu quả tàn khốc,” Tướng Milley nói, theo báo cáo của Reuters.

Cho đến nay, Mỹ đã gửi cho Ukraine 16 hệ thống HIMARS, và các hệ thống này đã thu hút được sự chú ý rộng rãi trong những tháng gần đây khi các quan chức của cả hai nước đều loan báo về tính hiệu quả của chúng đối với Nga. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên vào tháng 7 rằng Ukraine đã sử dụng HIMARS để tiêu diệt hơn 100 mục tiêu “giá trị cao” của Nga. Nhận xét của Milley hôm thứ Năm cho thấy Ukraine đã tiếp tục sử dụng vũ khí chống lại Nga trong một cuộc chiến kéo dài hơn sáu tháng.

Ngoài đạn HIMARS, gói hỗ trợ an ninh mới của Hoa Kỳ bao gồm 4 Pháo 105ly và 36.000 viên đạn pháo 105ly, hỏa tiễn chống bức xạ tốc độ cao, 100 xe đa dụng cơ động cao bọc thép và 1.000 viên đạn 155ly hệ thống mìn chống thiết giáp từ xa, theo một thông cáo của Bộ Quốc phòng. Vũ khí cỡ nhỏ và đạn dược cỡ nhỏ, hệ thống chống thiết giáp, súng phóng lựu, xe điều trị y tế bọc thép và thiết bị nhìn đêm cũng đang được gửi tới Ukraine.

Thông cáo cho biết, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến của Nga vào ngày 24 tháng 2, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 14,5 tỷ USD cho Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã cảm ơn Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III về khoản viện trợ mới trên Twitter hôm thứ Năm.

Việc phân bổ thêm hỏa tiễn HIMARS cho Ukraine có thể đặc biệt quan trọng sau khi Đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu Mark Cancian dự đoán với Newsweek vào tháng 8 rằng nguồn cung hỏa tiễn HIMARS do Mỹ cung cấp cho Ukraine có thể cạn kiệt trong vòng 3 hoặc 4 tháng tới.

Cancian, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Ba đến bốn tháng là một dự đoán khá hoang đường, nhưng tôi không nghĩ đó là điều điên rồ. Một số người đã ước tính một tháng hoặc lâu hơn một chút. Tôi không nghĩ họ đang bắn chúng nhanh như vậy.”

Ông nói thêm rằng có thể đến thời điểm Mỹ sẽ phải cắt giảm số lượng hỏa tiễn gửi tới Ukraine vì nguồn cung sẽ cạn kiệt, và điều này có thể dẫn đến một loạt cuộc thảo luận trong Ngũ Giác Đài.”

“Quân đội có thể sẽ muốn nắm giữ nhiều hơn nữa; Các quan chức dân sự có thể sẽ muốn thả nhiều hơn, và họ sẽ đi đến một số thỏa thuận về mức độ rủi ro có thể chấp nhận được,” ông nói.

Thông cáo của Bộ Quốc phòng nêu rõ Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác để cung cấp cho Ukraine “những khả năng chính”.

Newsweek đã liên hệ với các bộ quốc phòng của Nga và Ukraine để đưa ra bình luận.

3. Hỏa tiễn Hellfire của Mỹ hướng tới Ukraine trong bối cảnh cuộc tấn công vào Kherson

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “American Hellfire Missiles Heading to Ukraine Amid Push Into Kherson”, nghĩa là “ Hỏa tiễn Hellfire của Mỹ đang hướng tới Ukraine trong bối cảnh cuộc tấn công vào Kherson”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các hỏa tiễn Hellfire do Mỹ sản xuất đang được Na Uy gửi tới Ukraine trong bối cảnh lực lượng vũ trang của nước này đang đẩy mạnh công cuộc tái chiếm thành phố Kherson và toàn vùng Kherson bị Nga chiếm đóng.

“Na Uy sẽ tặng hỏa tiễn Hellfire cho Ukraine. Khoản quyên góp bao gồm khoảng 160 hỏa tiễn, bệ phóng và đơn vị dẫn đường. Ukraine cũng sẽ nhận được thiết bị nhìn ban đêm được lấy từ kho của Lực lượng Vũ trang”, Bộ Quốc phòng Na Uy cho biết hôm thứ Năm trong một tuyên bố.

Hỏa tiễn Hellfire của Na Uy do công ty Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Khoản quyên góp của quốc gia trong vùng Scandinavia được đưa ra trong bối cảnh Lực lượng vũ trang Ukraine đang chiến đấu với quân đội Nga trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát vùng Kherson. Người Nga đã chiếm đóng khu vực này ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc tấn công quân sự vào Ukraine vào cuối tháng Hai.

Phát biểu với các phóng viên trong tuần này, Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Pat Ryder cho biết Ukraine đã “tiếp tục các hoạt động tấn công” ở khu vực Kherson và “tiếp tục thực hiện một số hoạt động phản công” rất thành công.

“Chúng tôi biết rằng họ đã chiếm lại một số thị trấn,” Ryder nói.

Trong một tuyên bố về hỏa tiễn Hellfire được tặng cho Ukraine, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Na Uy Bjørn Arild Gram cho biết, “Đây là vũ khí mà Ukraine đã yêu cầu, và nó sẽ tỏ ra hữu ích trong cuộc chiến chống lại lực lượng xâm lược của Nga. Hỏa tiễn dễ vận hành và có thể được sử dụng để chống lại cả các mục tiêu trên bộ và trên biển “.

Gram nói thêm, “Cho đến nay, chúng tôi và các đồng minh của chúng tôi đã tài trợ các hệ thống và thiết bị quân sự từ nguồn dự trữ của chúng tôi. Trong tương lai, chúng tôi sẽ cần hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp quốc phòng để duy trì việc cung cấp thiết bị quân sự cần thiết cho Ukraine. Điều này cũng sẽ bảo đảm rằng Ukraine nhận được nhiều thiết bị hiện đại và hiệu quả hơn”.

Phát biểu với Newsweek vào tháng 8, Peter Rutland, giáo sư Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Á-Âu tại Đại học Wesleyan, nói rằng “việc chiếm lại lãnh thổ bị chiếm đóng của tỉnh Kherson ở bờ tây của Dnepro sẽ là một chiến thắng lớn về tâm lý và chính trị đối với Kyiv. “

“Thành phố Kherson là thủ phủ duy nhất đã rơi vào tay Nga. Nó cũng sẽ khiến người Nga khó phát động một cuộc tấn công chiếm Odesa hơn nhiều,” Rutland nói.

Hôm thứ Tư, đơn vị Tình báo Quốc phòng Ukraine thuộc Bộ Quốc phòng nước này đã đăng đoạn băng ghi âm cuộc gọi giữa một thành viên quân đội Nga và vợ của anh ta. Người ta nghe thấy người đàn ông thảo luận về Kherson và nói, “Tất cả các cây cầu đều bị phá hủy. Bọn anh đang ở đây hoàn toàn hoang mang.”

Ngoài hỏa tiễn Hellfire, Mỹ còn cung cấp cho lực lượng Ukraine HIMARS hay Hệ thống hỏa tiễn cơ động cao, đã chứng tỏ hiệu quả trong cuộc chiến chống lại người Nga.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Ukraine để đưa ra bình luận.

4. Giám đốc CIA: Cuộc chiến của Vladimir Putin đã bộc lộ sự yếu kém của quân đội Nga.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Giám đốc CIA: Cuộc chiến của Vladimir Putin đã bộc lộ sự yếu kém của quân đội Nga”. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Giám đốc CIA Bill Burns nói rằng cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin đã làm nổi bật những nhược điểm của quân đội Nga.

Burns nói với một hội nghị an ninh mạng ở Washington, DC, hôm thứ Năm rằng “thật khó để xem thành tích chiến tranh - thành tích của Putin - như bất cứ điều gì khác hơn là một thất bại cho đến nay”.

Ông nói: “Cuộc chiến không chỉ bộc lộ nhược điểm của quân đội Nga mà còn có những thiệt hại lâu dài đối với nền kinh tế Nga và các thế hệ người Nga do hậu quả của việc này”.

“Tôi nghĩ rằng Nga sẽ phải trả một cái giá rất đắt trong một thời gian dài”, ông nói thêm, theo CNN. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

Biến cố này diễn ra khi Ukraine đã tuyên bố thành công trong một cuộc phản công ở miền nam đất nước và ở khu vực Kharkiv.

Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu hàng đêm hôm thứ Năm rằng trong tuần trước, Ukraine đã chiếm lại hơn 1.000 km vuông lãnh thổ, gần bằng diện tích của Thành phố New York, bao gồm cả các vùng nước và “giải phóng hàng chục khu định cư. “

Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak đã tweet rằng những thành quả đạt được ở Kharkiv cho thấy họ có khả năng “chiếm lại các vùng lãnh thổ của mình” và quân đội Nga “phải rút lui”.

Ông nói thêm rằng cuộc phản công cũng cho thấy Ukraine có thể “sử dụng hiệu quả các vũ khí hiện đại của phương Tây.”

Hôm thứ Năm, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao do Mỹ cung cấp, đã được sử dụng để tấn công hơn 400 mục tiêu của Nga cho đến nay.

Tầm bắn và tốc độ của HIMARS, với 16 chiếc mà Mỹ đã gửi cho Ukraine, đã cho phép lực lượng của nước này tấn công các kho đạn và sở chỉ huy của Nga. Milley thông báo rằng nhiều đạn dược hơn sẽ là một phần của gói hỗ trợ an ninh mới nhất trị giá 675 triệu USD.

Thiếu tướng Úc đã nghỉ hưu Mick Ryan cho biết ông đồng ý với đánh giá của Burns vì chiến lược của Putin dựa trên những giả định “rất thiếu sót”. Putin có lẽ cho rằng “người Ukraine sẽ không chiến đấu, rằng Ukraine không phải là một quốc gia thực sự; và rằng phương Tây sẽ không can thiệp hoặc sẽ không làm như vậy một cách dứt khoát. “

Ryan nói với Newsweek: “Vì quân đội lập kế hoạch dựa trên những điều này, họ đã sai lầm với cơ cấu lực lượng của mình,” Ryan nói với Newsweek, đề cập đến việc thiếu hậu cần, hỗ trợ trên không và ưu thế trên không.

“Họ đã cố gắng thực hiện một cuộc tiến công đa hướng vô cùng mạo hiểm.”

“ Lý do điều này quan trọng là vì tư duy chiến lược hiệu quả và khả năng lãnh đạo chiến lược quan trọng hơn sự xuất sắc về chiến thuật,” ông nói thêm.

5. Các quan chức Nga âm mưu lật đổ Putin bị cảnh sát triệu tập

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Các quan chức Nga âm mưu lật đổ Putin bị cảnh sát triệu tập”. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Một số quan chức Nga đã kêu gọi Duma Quốc gia của nước này cách chức Tổng thống Vladimir Putin với tội danh phản quốc. Họ cho biết gần đây họ đã bị cảnh sát triệu tập vì “làm mất uy tín” của chính phủ Nga.

Nikita Yurefev, phó chủ tịch thành phố Smolninskoe ở St.Petersburg, và Dmitry Palyuga, một phó chủ tịch thành phố khác của cùng khu vực, cả hai đều chia sẻ ảnh chụp màn hình tin nhắn văn bản từ sở cảnh sát số 76 của thành phố.

Theo tin nhắn, hai vị này đã được lệnh trình diện tại một đồn cảnh sát nằm trên phố Mytninskaya ở St.Petersburg vào lúc 9 giờ sáng ngày thứ Bẩy theo giờ địa phương.

Họ được thông báo rằng mục đích của lệnh triệu tập là để soạn thảo một nghị định thư về hành vi vi phạm hành chính theo một luật mới nghiêm ngặt nhằm triệt hạ những bất đồng chính kiến liên quan đến cuộc chiến chống Ukraine.

Theo cảnh sát, Yurefev và Palyuga đã bị cáo buộc thực hiện các hành động nhằm làm mất uy tín của chính phủ Nga.

Biến cố này xảy ra sau khi Yurefev đăng một dòng tweet vào hôm thứ Tư, viết rằng Hội đồng thành phố Smolninskoye “đã gửi đề xuất tới Duma Quốc gia yêu cầu cách chức Putin khỏi chức vụ dựa trên cáo buộc phản quốc cao độ”, Newsweek đưa tin trước đó.

Cáo buộc phản quốc liên quan trực tiếp đến cuộc xâm lược quy mô toàn diện của Nga vào Ukraine, được Putin mô tả là “hoạt động quân sự đặc biệt”.

“Quyết định bắt đầu Chiến dịch quân sự đặc biệt của ông ấy đã dẫn đến 1) cái chết của quân nhân Nga, 2) các vấn đề trong nền kinh tế Nga, 3) sự mở rộng của NATO (biên giới với NATO đã tăng gấp đôi!”, Dòng tweet của Yurefev viết.

“Ukraine đang quân sự hóa và đã nhận được số vũ khí trị giá 38 tỷ USD để chống lại Nga. Tất cả những điều này là hậu quả của quyết định bắt đầu Chiến dịch Quân sự Đặc biệt. Hành động của Putin là mối đe dọa đối với an ninh của Nga. Ông ta nên bị sa thải! Được thông qua tại một cuộc họp của Hội đồng thành phố Smolninskoye”

Yurefev nói rằng dự thảo quyết định đề xuất với Duma Quốc gia đã được Palyuga giới thiệu và được sáu đại biểu khác ký. Hai người cho biết đề xuất được đa số đại biểu có mặt ủng hộ.

Palyuga nói với hãng thông tấn độc lập tiếng Nga MediaZona rằng tất cả bảy cấp phó của thành phố Smolninskoye đã được triệu tập.

Lời kêu gọi nói rằng trong quá trình chiến tranh, những công dân Nga “trẻ trung khoẻ mạnh” đang chết dần và nền kinh tế Nga đang bị ảnh hưởng.

Ngay sau khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, các đại biểu của chính quyền Smolninskoye đã kêu gọi ông Putin “ngừng đổ máu, ngay lập tức rút quân đội Nga khỏi lãnh thổ Ukraine và từ chức”.

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, Nga đã buộc tội nhiều quan chức và thậm chí cả binh sĩ của mình là “làm mất uy tín” của các lực lượng vũ trang và chính phủ của đất nước.

Quốc hội Nga đã thông qua đạo luật vào tháng 3, áp dụng án tù lên đến 15 năm vì cố ý tung tin “giả” liên quan đến các lực lượng vũ trang của đất nước. Điện Cẩm Linh đã sử dụng luật này để đàn áp những người phản bác câu chuyện của Putin về cuộc chiến.

Nga đưa ra Điều 207.3 quy định rằng “phổ biến công khai thông tin sai lệch có chủ ý về việc sử dụng các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga” có thể bị phạt tiền và các án tù lên đến 3, 5, 10 hoặc 15 năm.

Điều 280.3 cũng được đưa ra, trong đó quy định rằng “các hành động công khai nhằm làm mất uy tín việc sử dụng các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga” có thể bị phạt tiền và các án tù ba năm hoặc năm năm, tùy thuộc vào mức độ gây thiệt hại của hành vi phạm tội. được coi là.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.
 
Hi Hữu: Tượng Mẹ Fatima bị đánh cắp được tìm thấy ngay trước Lễ Sinh Nhật Mẹ. Nữ Hoàng Anh băng hà
VietCatholic Media
16:57 09/09/2022


1. Những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt anh chị em giáo dân sau khi tượng Đức Mẹ Fatima bị đánh cắp từ nhà thờ Công Giáo ở New Jersey được tìm thấy

Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt của các giáo dân tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Anrê Tông đồ ở Gibbsboro, New Jersey, khi họ nhìn thấy Cha Sở của họ mang vào nhà nguyện chầu thánh thể bức tượng Đức Mẹ Fatima yêu dấu của giáo xứ. Diễn biến này xảy ra vào hôm thứ Tư 7 tháng 9, hơn một tuần sau khi bức tượng bị đánh cắp.

Đức Ông Louis Marucci, Cha Sở nhà thờ nói với CNA ngày 7 tháng 9. “Tôi có thể nghe thấy tiếng khóc của mọi người khi họ rơi nước mắt, và khi nhìn lại biến cố này tôi nghĩ rằng đức tin của con người thực sự chỉ là một trải nghiệm đẹp đẽ”.

Sau khi bức tượng bị đánh cắp vào ngày 30 tháng 8, Cha Marucci nói rằng ngài đang cầu nguyện xin cho bức tượng được trả lại trước ngày 8 tháng 9: Lễ Sinh Nhật của Đức Trinh nữ Maria, ngày mà giáo xứ luôn tổ chức một buổi cầu nguyện từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn để tôn vinh Đức Maria.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng với khung thời gian ngắn như thế xem ra cảnh sát không thể tìm ra kẻ trộm và thu hồi bức tượng.

Nhưng, vào sáng ngày 7 tháng 9, một thám tử cảnh sát đã gọi điện cho ngài và nói với ngài: “Tôi muốn cha biết rằng tượng Đức Mẹ đang trở về nhà”.

“Đó là cụm từ mà anh ấy đã sử dụng,” Cha Marucci nói, “và tôi thực sự cảm động vì điều đó.”

Cảnh sát Gibbsboro ngày 7 tháng 9 thông báo rằng Robert Adelman 64 tuổi ở Woodbury, cách Gibbsboro khoảng 15 dặm, đã bị bắt và bị buộc tội trộm cắp và sẽ phải ra hầu tòa. Cảnh sát không có thông tin chi tiết nào khác về động cơ của anh ta hoặc ngày ra tòa trong tương lai.

Cha Marucci khen ngợi cảnh sát đã nỗ lực tìm kiếm nghi phạm.

Ngài cũng nói rằng hệ thống an ninh và camera của giáo xứ là công cụ để ghi lại cảnh quay khi nghi phạm thực hiện hành vi đó.

Cha Marucci đã ghi công cho khoản trợ cấp 50.000 đô la do Bộ An ninh Nội địa trao cho giáo xứ sau khi ngài nộp đơn xin trợ cấp để nâng cấp công nghệ vài năm trước.

Cha Marucci nói: “Tôi thực sự khuyên mọi nhà thờ nên nộp đơn để được trợ cấp. Thật không may, các nhà thờ đang trở thành mục tiêu cho các hoạt động khủng bố.”

Các nhà thờ Công Giáo đã trở thành mục tiêu của hàng chục vụ tấn công trên toàn quốc trong những năm gần đây - nhưng đặc biệt là trong những tháng gần đây, kể từ khi có tin Roe kiện Wade, sẽ bị lật nhào.

Cha Marucci cho biết bức tượng Đức Mẹ Fatima đến từ Bồ Đào Nha và là một trong bốn bản sao còn tồn tại. Ngài cho biết bức tượng cao 3,5 foot mang ý nghĩa biểu tượng và tâm linh vô cùng to lớn. Ngài nói rằng vương miện của bức tượng bao gồm một bản sao của viên đạn được đặt trong bức tượng Đức Mẹ Fatima nguyên bản ở Bồ Đào Nha. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặt viên đạn vào vương miện của bức tượng gốc vào dịp kỷ niệm một năm ngày 13 tháng 5 năm 1981, là ngày xảy ra âm mưu ám sát ngài.

Cha Marucci nói rằng các viên chức cảnh sát tham gia vào cuộc điều tra đã tham dự Thánh lễ 8 giờ sáng ngày 8 tháng 9. Trong thánh lễ đó, ngài đã làm phép bức tượng.
Source:Catholic News Agency

2. Điện văn chia buồn của Tòa Thánh trước biến cố Nữ Hoàng Anh băng hà

Hôm thứ Năm 8 tháng 9, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố bức điện sau của Đức Thánh Cha gởi cho Thái Tử Charles, nay là Quốc Vương của Anh, trước biến cố Nữ Hoàng Anh băng hà.

Thưa Quốc Vương Charles Đệ Tam

Cung điện Buckingham

London

Vô cùng đau buồn khi biết về cái chết của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, tôi xin gửi lời chia buồn chân thành đến Bệ hạ, các thành viên của Hoàng gia, Nhân dân Vương quốc Anh và Khối thịnh vượng chung.

Tôi tham gia cùng tất cả những ai thương tiếc sự mất mát của bà, cầu nguyện cho sự yên nghỉ vĩnh hằng của Nữ hoàng quá cố, và tỏ lòng thành kính đối với cuộc đời phục vụ không mệt mỏi của bà vì lợi ích của Quốc gia và Khối thịnh vượng chung, tấm gương tận tụy với nghĩa vụ, chứng nhân kiên định của bà về đức tin nơi Chúa Giêsu và niềm hy vọng vững chắc của bà vào những lời hứa của Ngài.

Tôi phó dâng linh hồn cao quý của bà cho lòng nhân từ nhân hậu của Cha Trêm Trời của chúng ta, và tôi cam đoan với Bệ hạ về những lời cầu nguyện của tôi xin Thiên Chúa Toàn năng nâng đỡ bệ hạ với ân sủng không ngừng của Ngài khi bây giờ bệ hạ đảm nhận trách nhiệm cao cả của mình với tư cách là Quốc Vương. Khi bạn và tất cả những ai trân trọng tưởng nhớ người mẹ quá cố của mình, tôi cầu xin muôn vàn các phước lành thiêng liêng như một bảo chứng về sự an ủi và sức mạnh trong Chúa.

Từ Vatican, ngày 8 tháng 9 năm 2022

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô

3. Trung tâm mua sắm ở Philippines trưng bày hơn 50 hình ảnh của Đức Mẹ để kỷ niệm ngày Sinh Nhật Mẹ

Trung tâm mua sắm lớn lâu đời nhất ở Phi Luật Tân đã trưng bày hơn 50 ảnh tượng về Đức Mẹ để kỷ niệm ngày Sinh Nhật của Đức Trinh nữ Maria.

Triển lãm “Salamat Maria: Tưởng nhớ ngày sinh của Mẹ yêu dấu” đã được khánh thành vào ngày 1 tháng 9 và mở cửa cho đến ngày 10 tháng 9 tại Ali Mall ở Thành phố Quezon.

Người quản lý bất động sản Ali Mall Aileen Ibay cho biết trong một tuyên bố ngày 7 tháng 9: “Cùng với đối tác của chúng tôi là những người sùng kính Đức Mẹ, chúng tôi mở cuộc triển lãm này để thể hiện tình yêu của cộng đồng chúng ta đối với Đức Maria trong dịp kỷ niệm sinh nhật của Mẹ”.

“Mục đích của chúng tôi là củng cố đức tin nhiệt thành của những người đi mua sắm và khơi dậy lòng sùng kính đối với Đức Trinh Nữ Maria,” Ibay nói.

Cha Diogo D'Souza, chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở thành phố Quezon, khai mạc và chúc lành cho cuộc triển lãm.

Ibay lưu ý rằng vào ngày 8 tháng 9, một ngày nghỉ làm việc ở Phi Luật Tân, các thánh lễ đã được lên kế hoạch tại các nhà nguyện của các trung tâm mua sắm Gateway Mall, Ali Mall, và Agricultural Plaza.

Trong số những ảnh tượng được trưng bày trong triển lãm có Nuestra Señora De Las Flores, rất được tôn kính ở tỉnh Oriental Mindoro; bức tượng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Malabón; và bức tượng Đức Mẹ phù hộ những người bị bỏ rơi ở Manila.


Source:Catholic News Agency

4. Đức Tổng Giám Mục Wojciech Polak, Giáo chủ Công Giáo Ba Lan, bày tỏ lo âu vì con số chủng sinh tại nước này tiếp tục giảm sút.

Đức Cha Polak, Tổng giám mục giáo phận Gniezno là giáo phận đầu tiên tại Ba Lan, tuyên bố như trên trong bài giảng thánh lễ, hôm 07 tháng Chín vừa qua, để khai mạc khóa họp thứ 58 của Hội đồng các vị Giám đốc Đại chủng viện và Học viện của các dòng tu Ba Lan, nhóm họp trong ba ngày tại Zakopane. Ngài nhắc lại lời Đức Thánh Cha Phanxicô theo đó, các môn đệ theo Chúa Kitô không phải là những siêu nhân, không đòi phải làm những việc ngoại thường, vượt quá khả năng của con người. Họ không nhắm đến những thành quả mau lẹ và dễ dàng, không phải là những anh hùng thỉnh thoảng, nhưng là những chứng nhân của Chúa mỗi ngày.

Đức Tổng Giám Mục Polak cũng nhắc nhở rằng trong số những đặc điểm của người môn đệ Chúa Kitô là tinh thần vô vị lợi, khiêm tốn, có tinh thần cởi mở, không theo thành kiến, và nghiêm túc.

Trong bối cảnh trên đây, Đức Giáo chủ Ba Lan nhắc đến “Chương trình đào tạo cơ bản” mới tại nước này, về việc đào tạo các linh mục, xác định những giai đoạn trong tiến trình huấn luyện các chủng sinh, trong đó có nhấn mạnh tới thái độ đức tin đối với Tin mừng, hoán cải, từ bỏ mình và những gì làm cho con tim bị ràng buộc, kể cả những quan niệm và những gì mình cho là chắc chắn. Giai đoạn đầu tiên trong việc đào tạo là kiểm chứng ý hướng theo Chúa Giêsu.