Ngày 10-09-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:23 10/09/2019

33. Một người biết mình quá tội nghiệp thì không cậy vào mình, mà ngưỡng vọng vào Thiên Chúa là Đấng mà họ yêu mến nhất.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------------

http://www.vietcatholic.net

https:www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:30 10/09/2019
11. GIANG TRẠM NUÔI TRÂU

Giang Trạm rất là bủn xủn, trâu của hắn ta nuôi hể lúc nào cần thêm cỏ thì hắn ta cũng đều tự mình đi đóng cửa nhà kho lại.

Một lần nọ, trâu quá đói nên người chăn trâu đến hắn ta xin cỏ, hắn ta suy nghĩ rất lâu mới nói:

- “Thôi được, cho nó ăn một bó cỏ vậy”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 11:

Con trâu to đùng đùng mà chỉ cho ăn một bó cỏ để sống thì Giang Trạm qủa là tên không những hà tiện mà còn độc ác.

Không ai nuôi bò mà lại muốn cho bò gầy ốm nhưng luôn muốn nó mập béo; không ai nuôi vịt gà mà lại muốn cho nó chết tiệt nhưng muốn cho nó ngày càng béo hơn…

Có người Ki-tô hữu giàu có nọ cầm năm ngàn đồng bạc đến dâng cúng cho nhà thờ và với giọng “đạo đức” nói với cha sở: “Dâng nhiều Chúa cũng biết, dâng ít Chúa cũng biết, chỉ cần lòng thành là được rồi.” những người này muốn mua thiên đàng với giá năm ngàn đồng thì làm sao vào được thiên đàng chứ ?

Cửa Nước Trời cũng sẽ là cửa “tự động” như các cánh cửa hiện đại ngày nay, nó sẽ mở lớn với người có tâm hồn quảng đại với tha nhân, và nó sẽ trở nên chật hẹp cho những người có tâm hồn hà tiện với mọi người, nhưng nguy hiểm hơn nó sẽ đóng kín mít với những người không có lòng nhân.

Cửa thiên đàng mà đóng lại thì đúng là một bất hạnh vĩnh viễn của người Ki-tô hữu vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.net

https:www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 24 C thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:44 10/09/2019
Chúa Nhật 24 THƯỜNG NIÊN. C
(Lc 15: 1-32)
HỐI CẢI


Cùng ngồi ăn uống đồng bàn,
Với người tội lỗi, dối gian ở đời.
Nhóm người biệt phái được mời,
Muộn phiền lẩm bẩm, đôi lời trách than.
Dụ ngôn Chúa dậy đừng van,
Một con chiên lạc, miên man trong rừng.
Chủ chiên tìm được vui mừng,
Trên vai vác nó, tưng bừng hát ca.
Quét nhà tìm bạc văng ra,
Tới khi tìm thấy, cả nhà chung vui.
Một người tội lỗi chôn vùi,
Tìm đường hối cải, ngậm ngùi ăn năn.
Thứ tha xóa hết tội căn,
Thiên thần đón tiếp, ghi danh Nước Trời.
Đứa con phung phá một thời,
Ăn chơi xa xỉ, một đời bê tha.
Cô đơn đói khát nhớ nhà,
Trở về sám hối, thứ tha tội đời.
Cha già rộng lượng cao vời,
Yêu thương con cái, rạng ngời tình cha.

Sự hối cải trở về luôn là mẫu gương đẹp. Trở về mang niềm vui đến cho nhiều người. Trở lại là dứt bỏ con đường cũ và bỏ lại sau lưng quá khứ lỗi lầm. Câu truyện người con phung phá trở về là câu truyện rất dễ thương. Hình ảnh người cha nhân hiền chạy ra ôm con làm ai cũng cảm động. Cha sẵn sàng tha thứ lỗi lầm, không phải bảy lần mà tha tất cả. Lời lẽ sám hối của người con: Lạy cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa. Như thế là đủ, con không cần nói thêm, cha đã hiểu và đã thứ tha cho con.

Người cha đối xử cách rất nhân từ và yêu thương đối với người em trở về. Trong khi người anh lớn lại hơi khó chịu vì sự so sánh và ghen tương. Anh cả ở nhà chu toàn bổn phận và không hề trái lệnh cha. Anh giống như những người Biệt phái giữ trọn lề luật, nhưng thiếu sự yêu thương tha thứ. Lề luật và bổn phận làm anh ra khô cằn, tính toán, rồi sinh ra khó chịu và ghen tức với em mình.

Mỗi người chúng ta chia xẻ tâm sự với người anh cả. Chúng ta vẫn tự hào, chúng ta chu toàn mọi bổn phận người con Chúa như thường tham dự thánh lễ Chúa Nhật, lãnh nhận các Bí tích hằng năm, giữ các giới răn và giữ đạo cả đời. Chúng ta đã thực hành tất cả các giới luật, nhưng lại thiếu đi cốt cõi là sự yêu thương tha thứ. Đôi khi chúng ta so đo và ghen tị với những ân huệ của người khác. Người cha yêu thương cả hai anh em, mặc dầu thái độ không đẹp của con cả. Người cha đã ra năn nỉ người con cả và xin anh vào nhà. Cha sợ con bị mất lòng.

Chúa đến để kêu gọi người tội lỗi, chứ không phải người công chính. Chúng ta là những người tội lỗi. Chúng ta cần trở về với tình yêu của Chúa. Truyện kể: Một bà mẹ có đứa con trai đi theo bạn bè xấu và bỏ bê việc thờ lễ. Bà mẹ lo lắng nhiều cho con. Bà tìm mọi cách để cảm hóa cậu nhưng vô hiệu. Vào một Chúa Nhật, thay vì dục con đi lễ, bà nhờ con chuyển gói quà cho một gia đình ở phố bên cạnh. Bà hứa sẽ không rầy rà con nữa. Để khỏi phải nghe mẹ giảng dạy, cậu nhận lời mẹ. Cậu đến nhà theo địa chỉ và bước vào nhà, cậu bỡ ngỡ nhìn một bà già đau ốm còn da bọc xương, cùng với ba cháu nhỏ rách rưới đang khóc lóc vì đói. Cậu vội đưa quà và bước ra. Bà cụ thều thào nói: Cậu ơi, cậu chưa thể đi ngay được. Cậu là ơn Chúa quan phòng và là tình thương của Chúa gởi đến gia đình tôi. Xin Chúa trả ơn cho cậu. Người thanh niên bị cảm xúc mạnh. Ngày hôm sau, không ai nhắc, cậu đã trở lại với gói quà giúp đỡ do chính tiền của mình. Sau đó, anh đã thay đổi cuộc đời. Lòng nhân hậu của hai bà mẹ đã cảm hóa anh.

Lạy Chúa, Chúa luôn giang rộng cánh tay đón chờ chúng con trở về. Về với lòng nhân hậu của Chúa, chúng con sẽ tìm thấy nguồn an vui đích thực.

THỨ HAI, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
(Lc 7, 1-10).
CỨU CHỮA


Vài người kỳ lão van xin,
Thầy ơi cứu chữa, đoái nhìn bệnh nhân.
Sĩ quan cầu cứu người thân,
Nguy cơ sắp chết, rất cần Thầy thương.
Chúa đi theo bước lên đường,
Báo người thân cận, đón đường nài van.
Chúng tôi không dám phiền than,
Nhà tôi không xứng, chuyển van lời mời,
Lạy Thầy, xin phán một lời,
Bệnh tình đầy tớ, sẽ rời mau thôi.
Có nhiều quân lính của tôi,
Sẵn sàng tuân lệnh, lên đồi xuống non.
Niềm tin mạnh mẽ vuông tròn,
Chúa khen viên chức, sắt son tấm lòng.
Xin ơn lành mạnh cầu mong,
Về nhà đầy tớ, cận vong phục hồi.

THỨ BA, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
(Lc 7, 11-17).
CHỖI DẬY


Con trai quí nhất qua đời,
Cảm thương mẹ góa, một thời đơn côi.
Đám đông chia xẻ khúc nhôi,
Mẹ con xa cách, hỡi ôi thảm sầu.
Cuộc đời muôn nỗi bể dâu
Động lòng thương xót, cầu bầu thi ân.
Người khiêng đứng lại dừng chân,
Quan tài, Chúa chạm, người thân sống còn.
Thương đau khóc lóc mỏi mòn
Chúa truyền chỗi dậy, trao con mẹ hiền.
Bà con lối xóm mọi miền,
Ngợi khen Con Chúa, ngạc nhiên vô cùng.
Tiên tri xuất hiện trong vùng,
Viếng thăm dân tộc, bao dung tấm lòng.
Loài người chờ đợi khát mong,
Chứng nhân phép lạ, dõi dòng loan tin.

THỨ TƯ, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
(Lc 7, 31-35).
SO SÁNH


Người đời lắm chuyện ai ơi,
Ở sao cho khéo, thói đời dèm pha.
Ngồi xem so sánh gần xa,
Đua đòi bắt bẻ, gây ra lỗi lầm.
Trẻ em đường phố thành tâm,
Đùa vui thối sáo, âm thầm chẳng theo.
Bi ai ngâm giọng phường chèo,
Chẳng ai than khóc, sầu gieo trong lòng.
Gio-an Tẩy Giả tinh trong,
Không ăn không uống, theo dòng tà ma.
Con Người ăn uống vui ca,
Mê ăn tham uống, xấu xa tội đời.
Bạn bè tội lỗi đầy vơi,
Ghen tương xét đoán, gây lời dối gian.
Thành tâm suy gẫm nài van,
Nhận ra dấu chỉ, ơn ban bởi trời.

THỨ NĂM, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
(Lc 7, 36-50).
YÊU MẾN


Ngỏ lời mời Chúa vào nhà,
Một người Biệt Phái, mặn mà đón đưa.
Lạ thay phụ nữ vô bừa,
Mang bình bạch ngọc, đổ thừa xức chân.
Bà ta nức nở tới gần,
Quì bên cạnh Chúa, hôn chân khóc ròng.
Gia đình Biệt Phái bên trong,
Vấn vương tự hỏi, trong lòng nghĩ sao.
Tiên tri thấu tỏ trên cao,
Người này phạm tội, biết bao lỗi lầm.
Đôi lời gợi ý thâm tâm,
Nợ nhiều, nợ ít, tha cầm sạch trơn.
Ai thương ông chủ nhiều hơn,
Tha nhiều món nợ, mang ơn bội phần.
Chúa thương tha tội gian trần,
Yêu nhiều tha hết, hồng ân diệu vời.

THỨ SÁU, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
(Lc 8, 1-3).
NHÂN CHỨNG


Ra đi rao giảng Tin mừng,
Cùng đoàn môn đệ, vào từng làng quê.
Chúa thương giảng dậy chẳng nề,
Đơn sơ nghèo khó, cận kề yêu thương.
Nhiều người theo Chúa trên đường,
Tin Mừng Nước Chúa, muôn phương đón chào.
Người giầu, kẻ khó, khát khao,
Tông đồ môn đệ, truyền rao chí tình.
Đàn ông, phụ nữ, hết mình,
Đi làm nhân chứng, tâm linh rạng ngời.
Hân hoan sánh bước vào đời,
Chia phần của cải, cho người khó khăn.
Dù bao gian khó cản ngăn,
Hăng say nhiệt huyết, xả lăn rao truyền.
Nguồn thiêng ân phúc tinh tuyền,
Yêu thương liên kết, thề nguyền tin yêu.

THỨ BẢY, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
(Lc 8, 4-15).
GIEO GIỐNG


Dụ ngôn gieo giống đức tin,
Người gieo hạt giống, mắt nhìn khắp nơi.
Tay vung gieo hạt vào đời,
Vệ đường rơi rớt, chim trời mổ nhanh.
Hạt rơi đá sỏi bộ hành,
Héo đi nhanh chóng, không thành chồi non.
Bụi gai rơi hạt bé con,
Um tùm bóp nghẹt, héo hon nắng ngày.
Hạt rơi đất tốt mọc ngay,
Sinh hoa kết trái, mong thay ơn trời.
Đức tin hạt giống mọi thời,
Gieo lòng nhân thế, mỗi người lắng nghe.
Nghe rồi quên lãng hội hè,
Vui lòng đón nhận, nào dè tháo lui.
Tâm hồn thiện hảo mài dùi,
Lắng nghe Lời Chúa, an vui tâm hồn.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh Lễ an táng vị Đại Ân Nhân của Giáo Hội Việt Nam - Đức Hồng Y Roger Etchegaray
Đặng Tự Do
18:30 10/09/2019
Lúc 10g sáng thứ Hai, 9 tháng Chín, thánh lễ an táng Đức Hồng Y Roger Etchegarayđã được cử hành tại nhà thờ chính tòa Đức Bà Bayonne, thuộc giáo phận Basque là giáo phận sinh quán của ngài.

Đức Hồng Y Dominique Mamberti, Chủ tịch Tối Cao Pháp viện của Tòa Thánh, đại diện cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong đám tang này được cử hành tại quê hương của Đức Hồng Y Etchegaray. Năm 2017, Đức Hồng Y đã quyết định rời Rôma về sống trong một viện dưỡng lão quê hương ở Cambo-Les-Bains.

Trong đoàn đồng tế chúng tôi thấy có các vị Hồng Y khác như Đức Hồng Y Peter Turkson, tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản, Đức Hồng Y Jean-Pierre Ricard và Đức Hồng Y Philippe Barbarin, và đông đảo các Giám Mục Pháp.

Tiểu sử Đức Hồng Y Etchegaray

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đầu thánh lễ, Đức Cha Marc Marie Aillet, là Tổng Giám Mục Bayonne đã đọc tiểu sử của Đức Hồng Y Etchegaray .

Đức Hồng Y Roger Etchegaray là một viên chức lâu năm của Vatican và là đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng được phái đến một số nơi chịu nhiều thương tích và đầy thách đố nhất trên thế giới, đã qua đời tại Pháp vào ngày 4 tháng 9, thọ 96 tuổi.

Đức Hồng Y người Pháp đã là người xây dựng các nhịp cầu không mệt mỏi. Bên cạnh đó, ngài cũng đóng vai trò quan trọng trong các mối quan hệ đại kết, bao gồm cả với Đức Thượng Phụ Chính Thống Alexy II của Mạc Tư Khoa, và trong các cuộc đối thoại liên tôn. Ngài là một trong những người tổ chức chính của Ngày cầu nguyện đầu tiên vì hòa bình ở Assisi năm 1986, nơi đã đưa 160 nhà lãnh đạo tôn giáo đến với nhau tại thời điểm những căng thẳng của thế giới liên tục gia tăng đến mức đã có những lo ngại chiến tranh hạt nhân.

Nhưng nổi bật hơn cả là những nỗ lực của ngài kéo dài trong hai thập kỷ với tư cách là nhà đàm phán xuất sắc của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài được gửi đến Trung Đông để tìm kiếm hòa bình, gặp gỡ nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein với hy vọng tránh chiến tranh năm 2003, đến quốc gia cộng sản Cuba để gặp Fidel Castro, giám sát các tiến trình sau cuộc diệt chủng ở Rwanda và khuyến khích Li Băng xây dựng lại sau 16 năm nội chiến.

Đức Thánh Cha Phanxicô, đang viếng thăm Mozambique ngày 4 tháng 9, đã bày tỏ nỗi buồn sau khi nghe tin tức về cái chết của Đức Hồng Y.

Đức Hồng Y “đã ảnh hưởng sâu sắc đến hành trình” của Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội ở Pháp, Đức Thánh Cha đã viết như trên trong một bức điện chia buồn do Vatican công bố vào ngày 05 tháng Chín.

Đức Giáo Hoàng viết tiếp: “Tôi có nhiều kỷ niệm đẹp với con người có đức tin sâu sắc này,” là người được coi trọng đáng kể và lắng nghe như một vị cố vấn, “đặc biệt trong những tình huống nhạy cảm đối với đời sống của Giáo Hội trong các phần khác nhau của thế giới.”

Sinh ngày 25 tháng 9 năm 1922, tại Espelette, Pháp, cậu Etchegaray đã theo học tại Rôma trước và sau khi được thụ phong linh mục vào năm 1947. Ngài đã từng phục vụ tại Giáo phận Bayonne, bên Pháp, làm thư ký cho giám mục, giám đốc cơ quan từ thiện giáo phận và là người đứng đầu Công Giáo Tiến hành Pháp.

Ngài tham dự Công đồng Vatican II với tư cách là một chuyên gia trong Hội Đồng Giám Mục Pháp. Trong thời gian diễn ra Công Đồng, ngài đã tổ chức một nhóm các Giám Mục quốc tế không chính thức gồm khoảng 20 Giám Mục – trong đó có cả vị Giáo Hoàng tương lai là Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục - để xem xét sâu hơn về một số vấn đề nhất định và tìm ra các phương pháp phối hợp tốt hơn.

Sau khi Công Đồng kết thúc, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục khuyến khích Đức Hồng Y tổ chức một cách nào đó để các giám mục Âu châu có thể hợp tác với nhau. Nỗ lực của ngài đã xây dựng nên sự khởi đầu của những gì sau này sẽ trở thành Hội đồng Giám mục Âu Châu trong đó ngài là vị chủ tịch tiên khởi trong nhiệm kỳ 1971-1979. Đức Hồng Y Etchegaray đã được bầu làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp vào năm 1975 và đảm nhận liên tục hai nhiệm kỳ cho đến năm 1981.

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá Paris vào năm 1969 và, chưa đầy hai năm sau, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục Marseille - một thành phố cảng có một trong cộng đồng Hồi giáo lớn nhất ở châu Âu vào thời đó, cùng với các cộng đồng lớn của người Do Thái, Hy Lạp và Armenia.

Ngài nói với tờ Quan Sát Viên Rôma, vào năm 2014, rằng thi hành chức vụ chủ chăn trong một giáo phận đa dạng như vậy đã là “một trường học tốt cho tôi” trong việc mời gọi những người thuộc các tôn giáo khác gặp gỡ chứ không phải là xung đột.

Sau khi tấn phong Hồng Y cho ngài trong công nghị tấn phong đầu tiên của mình với tư cách là Giáo Hoàng vào năm 1979, Đức Gioan Phaolô II đã yêu cầu Đức Hồng Y đến Rôma vào năm 1984 để lãnh đạo Ủy ban Công lý và Hòa bình và Hội đồng Giáo Hoàng “Cor Unum”, là cơ quan điều phối các hoạt động cứu trợ của Vatican. Vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan ngay lập tức cho ngài biết các vấn đề đại kết là ưu tiên hàng đầu và đã phái ngài thực hiện nhiều chuyến đi đến Thổ Nhĩ Kỳ, Mạc Tư Khoa, Canterbury và Geneva.

Đức Gioan Phaolô II đã gửi ngài đến Rwanda ngay sau khi kết thúc cuộc diệt chủng năm 1994 khiến 800,000 người thiệt mạng khi những kẻ cực đoan người Hồi giáo sát hại những người Tutsi và Hutus ôn hòa.

Là một nhân chứng mắt thấy tai nghe trước những hậu quả thê thảm của cuộc diệt chủng này, Đức Hồng Y nói rằng các vụ thảm sát này “không chút nghi ngờ nào là một trong những sự kiện bi thảm nhất trong lịch sử hiện đại”. Ngài thường xuyên trở lại đó trong những năm tiếp theo, lưu ý rằng cả một thập kỷ sau đó, hòa giải vẫn còn “một đồi Canvê đầy các vết thương vẫn còn mưng mủ” khi nhìn thấy những người sống sót phải sống chung với “một cộng đồng những tên đao phủ.”

Đức Hồng Y đã cử hành thánh lễ nửa đêm Giáng sinh tại Havana năm 1988 và gặp gỡ Fidel Castro trong nhiều cuộc nói chuyện. Ngài cũng là vị Hồng Y Công Giáo đầu tiên đến thăm nước Trung Quốc cộng sản. Bắt đầu từ năm 1980, ngài không bao giờ viếng thăm quốc gia này trong tư cách là một nhà ngoại giao, nhưng “trong tư cách cá nhân” để nói chuyện với các quan chức Trung Quốc và ghé thăm các chủng viện do Hiệp hội Công Giáo Yêu nước kiểm soát.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phái ngài đến Li Băng năm 1985 và năm 1991, và ngài nói rằng mình bị choáng ngợp bởi sự tàn phá kinh hoàng của cuộc nội chiến tại đó. Ngài chuyển đạt mong muốn của Đức Giáo Hoàng là quốc gia này cần phải là một tấm gương cho thế giới về sự sống chung hòa bình giữa các nền văn hóa và các tôn giáo.

Năm 1989, ngài được Thánh Giáo Hoàng Ba Lan cử sang Việt Nam để tìm cách khai thông những bế tắc tại đây. Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh nhận định rằng “Chuyến đi lịch sử đã thành công.” Cụ thể, vị Tổng Giám Mục Huế, ở Trung phần Việt Nam, cho biết nhà cầm quyền và toàn thể dân Chúa tại Việt Nam yêu mến ngài. “Sứ mạng của ngài đã trở thành chiếc cầu lịch sử đưa Việt Nam đến với thế giới Công Giáo trên lộ trình mỗi lúc một thông thoáng hơn và mở rộng đến ngày hôm nay.”

Trong tư cách là “sứ giả của Đức Thánh Cha,” Đức Hồng Y đã đến Giêrusalem vào năm 2002 để tìm kiếm một dấu chấm hết cho một bế tắc giữa Israel và Palestine tại Nhà thờ Giáng Sinh ở Bethlehem. Ngài đã nhiều lần đến các địa điểm tại Thánh địa để gặp gỡ các nhà lãnh đạo, để đích thân thực hiện mong muốn hòa bình của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở đó.

Đức Hồng Y Etchegaray đã tới Iraq một tháng trước cuộc xâm lược do Hoa Kỳ lãnh đạo vào năm 2003. Ngài gặp gỡ Sadam Hussein trong một tiếng rưỡi đồng hồ. Đức Hồng Y đã đưa cho nhà lãnh đạo Iraq một lá thư riêng của Đức Gioan Phaolô II, trong mong muốn làm mọi thứ có thể được để giúp ngăn chặn một cuộc chiến. Ngài cho biết trong cuộc gặp gỡ này, ngài có thể nghe thấy âm thanh phát ra khi Hussein bấm vào chuỗi hạt cầu nguyện của ông ta trong cuộc họp.

Ngài được bầu làm chủ tịch ủy ban trung ương giám sát việc tổ chức Đại Năm Thánh 2000 và, và với tư cách là chủ tịch Hội Đồng Công lý và Hòa bình, ngài chịu trách nhiệm về việc ban hành các tài liệu mang tính bước ngoặt của Vatican về nạn phân biệt chủng tộc, nợ quốc tế và tình trạng vô gia cư trên thế giới.

Năm 2005, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã phê chuẩn việc đề cử Đức Hồng Y làm Phó Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, là một trách vụ mà ngài đã giữ cho đến khi xin được nghỉ vào năm 2017, ở tuổi 94.

Đức Hồng Y bị gãy xương hông sau khi một phụ nữ bị tâm thần lao vào Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, lúc ấy 82 tuổi, khi đoàn đồng tế tiến lên bàn thờ trong thánh lễ đêm Giáng sinh năm 2009. Đức Giáo Hoàng không hề hấn gì, nhưng Đức Hồng Y đã lãnh đủ và bắt buộc phải thay khớp háng toàn phần.

Bài giảng của Đức Hồng Y Dominique Mamberti

Đức Hồng Y Mamberti bắt đầu bài giảng của mình với những lời này của Đức Hồng Y Etchegaray được viết vào những ngày cuối đời của ngài: “Lạy Chúa, là Thiên Chúa thật và là người thật, Chúa là chìa khóa mà con luôn mang theo trong tay con để hướng dẫn con tại thời điểm cái chết con. Một ngày nào đó, xin mở cho con cánh cửa đôi dẫn đến nước Người, nơi Thiên Chúa và con người sẽ sống cùng nhau, trong sự tươi mát của buổi bình minh Sáng thế”

“Những lời này đem lại ý nghĩa cho cuộc sống nhất định, trong đó Chúa Kitô là chìa khóa,” Đức Hồng Y Mamberti giải thích. Đó là một cuộc đời hướng đến ngày gặp gỡ với Chúa của mình, một ngày mà ngài đã hằng khao khát khôn nguôi.

Đức Hồng Y Chủ tịch Tối Cao Pháp viện của Tòa Thánh nhận xét rằng từ thời thơ ấu ở quê hướng Basque cho đến suốt thời gian phục vụ trong ngành ngoại giao Tòa Thánh với Đức Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Etchegaray luôn cho thấy mình là con người của “Tám Mối Phúc Thật”, đã được đề cập trong bài Tin Mừng vừa được đọc trong thánh lễ.

“Phúc cho ai có lòng khó khăn” - Đức Hồng Y Roger Etchegaray để cho Chúa Kitô chiếm hữu toàn bộ con người của mình, ngài sống nghèo khó thanh bần, ít chú ý đến phúc lợi bản thân, nhưng luôn để cho Chúa thành chìa khóa cho cuộc sống của mình, như chính ngài đã viết. Chính mối quan hệ mật thiết của ngài với Chúa Kitô đã hướng dẫn ngài qua các chức vụ khác nhau và mê hoặc ngài đến mức ngài thực sự trở thành người tôi tớ cho mọi người, cống hiến cả đời cho các sứ mạng khó khăn của Giáo Hội.

“Phúc cho ai khóc lóc, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được yên ủi vậy” – “Chỉ có đôi mắt đã khóc mới có thể hiểu được những điều nào đó,” Đức Hồng Y Etchegaray đã nói như thế, và ngài đã khóc rất nhiều lần cho những khổ đau của thế giới, cho những tình huống bi thảm, thường không thể tưởng tượng nổi. Chính vì thế ngài luôn muốn chia sẻ những đau khổ của những người đau khổ, hiểu được nỗi thống khổ của họ, và góp phần vào việc cứu trợ của họ.

“Phúc cho ai làm cho người hòa thuận, phúc cho ai chịu khốn nạn vì đạo ngay” Việc tìm kiếm công lý cho người nghèo và người yếu thế là cam kết hàng ngày của Đức Hồng Y với Đức Gioan Phaolô II, đặc biệt là trong tư cách nhà lãnh đạo Ủy ban Công lý và Hòa bình và Hội đồng Giáo Hoàng “Cor Unum” nơi ngài phát hiện ra rất nhiều đau khổ của con người và các quốc gia. Ngài xin các nước giàu tha nợ cho các nước nghèo vì nợ mẹ đẻ nợ con khiến thu nhập của nhiều quốc gia không đủ trạ nợ quốc tế.

“Phúc thay ai xót thương” - Thông qua vô số các cuộc hành trình của mình, Đức Hồng Y đã có mối quan tâm chính này: làm sao lập lại hòa bình và hòa giải giữa các chủng tộc và giữa các dân nước. Chính trong ý nghĩa này ngài thực sự là một con người của tình huynh đệ phổ quát.

Đức Hồng Y Mamberti cũng trích dẫn những lời của cố Hồng Y về tình yêu vô điều kiện dành cho Giáo Hội, và giải thích rằng những lời này có một ý nghĩa đặc biệt tại những thời điểm khó khăn trong đời sống của Giáo Hội. Đức Hồng Y Etchegaray thường hỏi những người thăm viếng ngài “Anh chị có yêu mến Giáo Hội này không?”

Đức Hồng Y Mamberti kết luận bằng cách trích dẫn bài đọc thứ Nhất từ Sách Khôn Ngoan: “Những ai trông cậy vào Người, sẽ am tường sự thật; những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn.”

Nhà sử học Philippe Levillain, thay mặt Viện hàn lâm khoa học chính trị và đạo đức, đã lên tiếng ca ngợi những đóng góp của Đức Hồng Y cho một thế giới tốt hơn và huynh đệ hơn.

Cuối cùng, Đức Cha Jean-Marc Aveline, người sẽ đảm nhận nhiệm vụ tổng giám mục của Marseille vào ngày Chúa Nhật 15 Tháng Chín, nói về ký ức của ngài với Đức Hồng Y Etchegaray, là giám mục của mình khi ngài còn là một chủng sinh.


Source:Vatican News
 
Đức Thánh Cha tạ ơn Đức Mẹ
Thanh Quảng sdb
18:07 10/09/2019
Đức Thánh Cha tạ ơn Đức Mẹ

Khi vừa trở về Rôma sau một cuộc Tông du bận rộn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tới Đền thờ Đức Bà Cả quì trước bàn thờ Mẹ để tạ ơn Mẹ trước những hồng ân và thành công của chuyến tông du lần thứ 31 dài 6 ngày tới ba quốc gia Mozambique, Madagascar và Mauritius.
ĐTC dâng một bó bông lên trước bàn thờ Đức Bà bầu cử Dân thành Roma gọi là “Maria Salus Populi Romani”, Ngài quý lặng cầu nguyện tạ ơn… Sau đó ra xe về Vatican trở lại với công việc và nghỉ ngơi…
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Người Việt Còn Thương Nhau Không ?
Hà Minh Thảo
16:58 10/09/2019
Năm 2016, cô giáo Trần Thị Lam, Trường Phổ thông Trung học chuyên Hà Tĩnh đã cho phổ biến bài ‘Ðất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh ?’.Thật vậy, trong thời gian hai tháng qua với vụ đương đầu tại bãi Tư Chính và trong tháng mười tới đây, cuộc gặp gỡ giữa hai ông Donald Trump và Nguyễn Phú Trọng có đem lại Dân Quyền cho đồng bào trong nước không ? Do đó, toàn dân Việt Nam ước mong người Mỹ gốc Việt yêu cầu Chính quyền Hoa Kỳ can thiệp hầu người dân Việt góp ý để xây dựng Ðất Nước và tham gia Bầu và Ưùng cử để tuyển chọn nhân tài đức điều hành Quốc sự.

I.- ÐỐI ÐẦU TẠI BÃI TƯ CHÍNH.

Sau khi thất bại trong việc cho Hà Nội một bài học vô cùng dã man đối với thường dân Việt tay không năm 1979, Trung cộng đã chấp thuận cho Việt Nam cộng sản tái lập bang giao năm 1990. Từ đó, hai nước anh em cộng sản hợp tác gây nên cái gọi là Phương châm 16 chữ vàng (Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và 4 tốt (Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt).

Thế rồi, lợi dụng hỏa lực mạnh hơn, ngày 03.07.2019, Trung cộng đưa tàu thăm dò ‘Hải Dương Địa chất 8’ (Haiyang Dizhi 8) vào gần Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Đi theo bảo vệ tàu này còn có ba tàu hải giám Tàu được vệ tinh phát hiện, đặc biệt là tàu hải giám trên 10.000 tấn ký hiệu 3901 và tàu dân quân biển Qiong Sansah Yu001. Do đó, sự kiện này đã tạo ra một cuộc đối đầu giữa các tàu của lực lượng hải cảnh Việt và Trung cộng trong thời gian qua vẫn đang tiếp diễn. Tại đây, một công ty Nga tên Rosneft đang thực thi việc thăm dò dầu khí tại Lô 06.1 của Việt Nam chiếu hợp đồng ký với Việt Nam. Công ty này thuê giàn khoan Hakuryu-5 của Công ty Khoan thăm dò Nhật Bản (JDC) hoạt động từ ngày 15.05.2019. Trrước đây, năm 2014, Trung cộng cũng đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền lãnh hải quần đảo Hoàng Sa, đã gây nên những cuộc biểu tình đông đảo của đồng bào khắp Việt Nam và đã bị cộng phỉ sai công an côn đồ đàn áp dã man. Bởi thế, lần này, đồng bào đã ký Kiến nghị gởi đến Quốc hội ‘đảng cử dân bầu’ (mời xem dưới đây).

Ngày 25.07.2019, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lặp lại lần thứ 3 rằng Việt Nam ‘kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền’ và đã trao công hàm phản đối cho phía Tàu về hoạt động bất hợp pháp của Hải Dương Địa chất 8. Đây được xem là phản ứng mạnh nhất từ trước đến nay từ phía Việt Nam liên quan đến những vụ xung đột căng thẳng với Tàu trên Biển Đông. Trong thời gian đó, từ ngày 10.07.2019, chủ tịch quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân đã có những ngày thăm viếng thích thú tại Bắc Kinh và thảo luận với các lãnh đạo Tàu và Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nhà nước Nguyễn Phú Trọng thì hoàn toàn không có lời nào. Do đó, đàn em đã hành động…

Nhân dịp dự Lễ Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng nhân dân Trung cộng, do Đại sứ quán Tàu ở Việt Nam tổ chức, Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam tuyên bố : « Vun đắp cho tình hữu nghị bền lâu không chỉ là tâm nguyện của nhân dân và quân đội Việt Nam và Trung Quốc mà còn là tâm nguyện, khát vọng của thế giới văn minh ngày nay ». Cử chỉ đã khuấy động dư luận trên mạng xã hội Việt ngữ : « Đó chỉ là tâm nguyện của chúng mày – lũ hèn nhát, bán nước – chứ không phải của nhân dân ». Từ đó, trong Quân đội này, chúng ta có thể nghĩ đến nhiều các tướng tá khác.

Ngày 19.07.2019, khi bình luận về phát biểu của ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Tàu, bà Thu Hằng nêu rõ, đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt và Tàu đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với Tàu ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu họ chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Chiều 25.07.2019, bà Hằng lập lại lời tuyên bố đó.

Chiều ngày 07.08.2019, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đã ngưng hoạt động khảo sát và rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ, exclusive economic zone) và thềm lục địa Việt Nam. Nhưng, ngày 13.08.2019, chúng đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Ngày 22.08.2019, bà Hằng lại yêu cầu Tàu cộng chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như khu vực.

Ngày 29.08.2019, với tư cách là các quốc gia ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS, United Nations Convention on the Law of the Sea), Vuơng quốc Anh, Cộng hòa Pháp và Cộng hòa Liên bang Đức đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về tình trạng căng thẳng ở Biển Đông và kêu gọi các bên thực hiện những biện pháp làm giảm sự căng thẳng đó và góp phần duy trì, thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực. Ba nước nhấn mạnh về ‘mối quan tâm đối với việc áp dụng một cách phổ quát’ văn bản này. Đặc biệt là việc tôn trọng phán quyết ngày 12.07.2016 của Tòa án Trọng tài Quốc tế La Haye. Theo đó, việc Bắc Kinh căn cứ vào bản đồ 9 đoạn* để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc với hầu hết Biển Đông là ‘không có cơ sở về mặt pháp lý’.

* [bản đồ 9 đoạn còn được là Hình Lưỡi Boø, chiếm ¾ diện tích 3.447.000 cây số vuông Biển Ðông].

Lập tức, hôm 30.08.2019, khi họp báo, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Tàu, Cảnh Sảng khẳng định tình hình tại Biển Đông vẫn ‘ổn định’ và đang được ‘cải thiện’ nhờ họ và các đối tác ASEAN ‘phối hợp nỗ lực’ giải quyết bất đồng. Bắc Kinh kêu gọi Anh, Pháp, Đức nên ‘khách quan hơn’ về Biển Đông.

Ngày 01.09.2019, qua thư điện tử, bà Hằng viết : « Việt Nam kêu gọi các nước tham gia vào việc làm giảm căng thẳng, bảo đảm an ninh và tự do lưu thông tại vùng biển này. Biển Đông có tầm quan trọng đối với các nước bên trong và bên ngoài khu vực, trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, an toàn, tự do lưu thông hàng không và hàng hải. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng làm việc với các nước và cộng đồng quốc tế để duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực ».

Văn phòng Quốc hội không tiếp dân

Ngày 30.07.2019, khi sự kiện Trung Quốc điều tàu thăm dò dầu khí Hải Dương 8 tới khu vực phía bắc Bãi Tư Chính mà chính quyền im lặng, bản Tuyên Bố Biển Đông đã ra đời với chữ ký của hơn một ngàn tổ chức xã hội dân sự và cá nhân. Trong đó có năm yêu cầu mà các nhân sĩ trí thức trong nước muốn ‘gửi gắm’ đến Nhà nước Việt Nam như sau:

1. Tăng cường nội lực của đất nước làm chỗ dựa cho an ninh quốc phòng, thực hiện kế sách giữ nước của Đức Thánh Trần Hưng Đạo: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Làm tất cả những gì có lợi cho mối đoàn kết dân tộc trong và ngoài nước; thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết và những điều được qui định trong Hiến pháp Việt Nam. Trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, sửa các luật phản dân chủ như: luật đất đai, luật báo chí, luật an ninh mạng, ban hành luật lập hội, luật biểu tình... Tiến tới một Nhà nước Việt Nam có thể chế dân chủ pháp quyền phổ quát. Nâng cao sức chiến đấu và lòng trung thành bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân của Quân đội, đặc biệt là Hải quân, Cảnh sát biển.

2. Trong các mối quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ kinh tế thương mại, phải hết sức cẩn trọng, đề cao cảnh giác, đặt quyền lợi quốc gia trên hết.

3. Khẩn trương đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Mỹ và các nước tôn trọng luật pháp quốc tế và hiện không cưỡng chiếm đất đai biển đảo của Việt Nam nhằm bảo vệ tổ quốc một cách hiệu quả.

4. Lên tiếng tố cáo trước Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính, Vũng Mây… vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS). Khẩn trương chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc ra các Toà án Quốc tế thích hợp.

5. Thông tin thường xuyên và kịp thời diễn biến tình hình biển Đông cho toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới, tranh thủ sự đồng thuận của công luận cho cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Mặt khác, Nhà nước Việt Nam không được ngăn cản quyền công khai bày tỏ một cách ôn hoà lòng yêu nước, ý chí bảo vệ Tổ quốc của người dân Việt Nam.

Ngày 08.08.2019, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, đại diện Nhóm lập quyền dân ký tên trên bản Tuyên bố cho RFA biết: « Sáng nay tôi được anh em ủy nhiệm viết một thư ký tên thay mặt anh em đưa đến Quốc hội một bản tuyên bố có hơn 1.000 chữ ký của dân để cho Quốc hội biết những suy nghĩ, những tình cảm, những mong muốn của người dân hiện nay, mà họ lại muốn nhắm mắt bịt tai thì tôi cũng không hiểu họ là cái ‘giống người’ gì trên thế gian này và của dân tộc này. Đó là cái làm chúng tôi rất là đau xót ».

Nhà báo Sương Quỳnh không ngạc nhiên khi Quốc hội đóng cửa không tiếp dân vì đây không phải lần đầu. Bà nói: « Đấy là cách hành xử của họ từ xưa đến nay. Trước đây cũng có một vài lần họ tiếp nhưng gần như họ đều tìm cách từ chối nhận các văn bản kiến nghị của mình. »

Việc kiện Tàu ra tòa quốc tế do bị xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của mình, Việt Nam rất quan ngại, dù theo giới chuyên viên công pháp thì Việt Nam có rất nhiều hy vọng thắng kiện, vì hai lý do :

1.- Tòa án quốc tế thiếu cơ chế thực thi phán quyết. Do phán quyết không có hiệu lực cưỡng hành nên ngày 17.07.2019, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Tàu Cảnh Sảng, đã yêu cầu Việt cộng ‘nghiêm túc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Tàu đối với các vùng lãnh hải liên quan và không có bất kỳ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình’.

Phi Luật Tân đã kiện năm 2013 và thắng kiện năm 2016. Nhưng phán quyết không có hiệu lực cưỡng hành nên ngày 17.07.2019, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Tàu Cảnh Sảng, đã yêu cầu Việt cộng ‘nghiêm túc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Tàu đối với các vùng lãnh hải liên quan và không có bất kỳ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình’.

2.- lo sợ phản ứng trả đũa mạnh mẽ của đàn anh Trung Quốc, như kiểu ‘cho bài học’ như năm 1979 với hỏa lực hùng hậu hơn nhiều.

Mỹ ũng hộ Việt cộng. Hai tướng không quân Mỹ David Goldfein, Tư lệnh Không quân, và Charles Brown, Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, đã đến Hà nội và trong cuộc gặp với báo chí ngày 18.08.2019, Goldfein nhấn mạnh cam kết của Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và phản đối các hành động của Trung Quốc : « Tôi nhấn mạnh lại tuyên bố rất mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đưa ra. Đó là chúng tôi phản đối mạnh mẽ các hoạt động gây ảnh hưởng và thách thức những quyền lợi chính đáng cũng như chủ quyền Việt Nam trong khu vực. Chúng tôi hoàn toàn cam kết ủng hộ hoạt động hợp tác, đảm bảo quyền lợi hai nước ». Hay thật ‘lòng tốt của quý Quốc đối với nhà nước cộng sản’.

Rất tiếc, cách đây 45 năm, tháng 01/1974, khi đó chúng tôi vừa rời tuần dương hạm HQ.16 Lý Thường Kiệt, tên H. (hèn) Kissinger đã vi phạm Hiệp ước Paris để giúp Trung cộng đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng hòa. Hỏa lực HQ.16 đã nhận chìm hai chiến hạm Tàu đỏ. Ðiều đáng tiếc khác là nhà nước Mỹ có nhận thức trò đu giây giữa Hoa Thạnh Ðốn và Bắc Kinh của Hà Nội không ?

Ngày 03.09.2019, Tàu cẩu Lam Kình lắp đặt giàn khoan dầu Tàu cộng đã chỉ còn cách Việt Nam 30 hải lý. Ðây là chiếc tàu cẩu lớn nhất thế giới và hoạt động được ở khu vực nước sâu, thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Tàu, có năng lực nâng hạ các thiết bị đặc biệt nặng và các giàn khoan dầu. Tàu đã tham gia nhiều dự án, bao gồm các việc lắp đặt một số giàn khoan dầu lớn nhất thế giới, đặt đường dẫn dầu cũng như lắp đặt các cấu trúc ngoài khơi. Xuất hành từ Trạm Giang (Zhan Jiang) ngày 05.08.2019, Lam Kình tiến về phía nam và vào bờ biển Việt Nam từ ngày 01.09.2019, cách đảo Lý Sơn 30 hải lý về phía nam. Nơi đây là khu vực có các lô dầu 119, 120, và ở phía nam là lô dầu 118, nơi có dự án Cá Voi Xanh mà Việt Nam hợp tác với tập đoàn dầu khí Exxon Mobil (Hoa Kỳ).

Chính sách ‘Quốc Phòng Ba Không’ có hiệu lực từ ngày 01.01.2019 :

Nguyên tắc 1. Không tham gia các liên minh quân sự. Việt Nam chủ yếu tạo ra một kẽ hở ngay bên trong nguyên tắc này. Mục đích cuối cùng của Hà Nội là tránh công khai nói đến các quan hệ quân sự như là một sự thỏa thuận theo đó Việt Nam có thể hỗ trợ một quốc gia khác nếu họ bị tấn công và ngược lại.

Nguyên tắc 2. Không đi theo bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác. Rất khó để luồn lách và là yếu tố chính giải thích sự ngập ngừng, miễn cưỡng của Việt Nam hợp tác quốc phòng toàn diện với Hoa Kỳ.

Nguyên tắc 3. Không có căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. hoàn toàn không đúng với việc Liên Xô (trước đây) và Nga sử dụng căn cứ hải quân chiến lược ở Biển Đông, đặt tại Vịnh Cam Ranh trong giai đoạn 1978 đến 2002.

Về đánh đấm Tàu – Việt. Nhiều tin tức, dựa theo các nguồn ngoại quốc, cho biết : Ngày 15.08.2019, chiến tàu 016 Quang Trung đã từ Cam Ranh đến Bãi Tư Chính để thẩm lượng tình hình. Ðây là tàu tối tân mua của Nga và thủ thủy đoàn được huấn luyện tại Nga. Có tin, tàu này đã đụng tàu khảo sát Hải Dương 8 ít nhất 10 lần, nhưng rồi cũng sớm trở vêà căn cứ. Trước đây, năm 1988, tại Trường Sa, các lính việt cộng đã được lịnh không nổ súng chống lại tàu cộng.

Hiện nay, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Nhà nước Tàu, có 3 vấn đề quan trọng cần giải quyết là thương chiến với Mỹ, khủng hoảng Hồng Kông và tranh chấp tại Bãi Tu Chính, ông sẽ thanh toán vụ nảo trước nhất?

II. – HIỆP ƯỚC DẪN ÐỘ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc vừa phê chuẩn một Hiệp ước dẫn độ với Việt Nam được ký kết từ năm 2015, theo hãng tin thông tấn Xinhua của nhà nước Trung Quốc. Cơ quan lập pháp Bắc Kinh thông qua Quyết định hôm 26.08.2019 để phê chuẩn hiệp ước gồm 22 điều khoản, trong đó có các vấn đề như nghĩa vụ dẫn độ, tội phạm đủ điều kiện dẫn độ, quy định từ chối dẫn độ và giải quyết tranh chấp. Báo China Daily trước đó cũng cho biết Tàu cộng đã ‘mở rộng hợp tác pháp lý quốc tế’ bằng việc thông qua các hiệp ước dẫn độ với Việt Nam và Sri Lanka.

Theo Xinhua, Trung cộng và Việt cộng khởi sự thảo luận Hiệp ước dẫn độ từ tháng 10/2013 và hai quốc gia cộng sản láng giềng đã ký Hiệp định này vào ngày 07.04.2015 tại Bắc Kinh. Về phía Việt Nam, hiện tại chính quyền chưa có thông báo nào về vấn đề này.

Trong thời gian gần đây, dự luật dẫn độ Việt-Trung gây nhiều lo ngại trong công luận, thô,h tín viên đài Á châu Tự do (RFI) đặt câu hỏi với Luật sư Đặng Đình Mạnh (TP Hồ Chí Minh). Theo Luật sư, điểm đặc biệt đáng lo ngại của luật này là có thể khiến chính quyền Việt Nam gia tăng vi phạm các quy định về nhân quyền quốc tế, khi trả về Trung Quốc những người ‘tị nạn chính trị’, chạy trốn khỏi Hoa lục, do các đàn áp chính trị, tôn giáo hay sắc tộc. Luật sư cũng khẩn thiết lưu ý tình trạng Việt Nam ‘khước từ một phần chủ quyền quốc gia’, khi trả về Tàu những công dân Tàu phạm luật Việt Nam trên đất Việt Nam. Ông nhấn mạnh đến một điều căn bản khiến ‘luật dẫn độ’ ở Việt Nam, nếu được thông qua, sẽ đi ngược lại xu thế tiến bộ chung. Đó là Bộ Luật Hình sự ‘hết sức khe khắt’ của Việt Nam (và Tàu) khiến cho hiệp ước dẫn độ càng làm tăng thêm tính hà khắc của Bộ Luật Hình Sự, hạn chế quyền thể hiện quan điểm, quyền của mỗi công dân được tham gia vào các công việc chung của đất nước.

Gần đây, theo Bộ Công an Việt Nam, nhiều tin tức về các vụ triệt phá vụ đánh bạc, cá cược trên mạng, với sự tham gia của người Tàu ‘lớn nhất từ trước đến nay’ ở Hải Phòng, bắt giữ hơn 380 người. Hàng trăm nghi can Tàu bị cáo buộc đã ‘tham gia điều hành các website tổ chức cho công dân họ đánh bạc trực tuyến’. Các nghi can này được dẫn độ về Tàu xét xử ?

III. NGUYỄN PHÚ TRỌNG ÐẾN MỸ.

Ngày 27.02.2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng công du Hoa Kỳ trong năm này để tiếp tục trao đổi về những biện pháp tăng cường quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước. Ban đầu, cuộc thăm viếng được dự trù vào tháng 5/2019, nhưng do Nguyễn Phú Trọng lâm trọng bịnh và ngày nay, thêm vào đó, Tàu cộng đã tạo ra sự kiện Bãi Tư Chính, khi ngang nhiên đem tàu thăm dò dầu khí vào khu vực này khiến, nếu chuyến đi có thể thực hiện được thì cũng chỉ có thể sớm nhứt là vào tháng 10/2019. Do đó, tình hình đã khác hẳn, kéo theo cán cân đàm phán Việt – Mỹ đã nghiêng hẳn về phía Mỹ, xét trên phương diện ‘ai cần ai hơn’ vào lúc này?

Vấn đề đặt ra với Nguyễn Phú Trọng hiện thời là trong khi ông ta vẫn tuyệt đối ‘cấm khẩu’ về vụ tàu Hải Dương 8 và giới quan chức cấp dưới của ông cũng ‘bắt chước như vậy’, ông phải gấp rút thời gian để lôi kéo nhà nước Mỹ tham gia bảo vệ không chỉ vùng biển mà cả vùng trời Việt Nam ở Biển Đông.

Cuối tháng 4/2019, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã đến Hoa Thạnh Ðốn để gặp Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ David Hale, và nói: « Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau ». Như vậy, điều quan trọng đặt ra ở đây là : Hoa Kỳ phải chấp nhận ‘thể chế chính trị Việt Nam vẫn là độc đảng cộng sản ?’. Nói một cách khác là nước Việt Nam thuộc quyền sở hữu của cộng đảng Việt, chứ không thuộc quyền Toàn Dân Việt Nam. Người Việt trong và ngoài nước chấp nhận điều đó ?

Hiện nay, trong giới người Mỹ gốc Việt, đã có nhiều nhân vật đề nghị thảo luận về các hành động đối với Nguyễn Phú Trọng : phản đối hay đối thoại ? Nhưng, đối với phía Mỹ, chúng ta có hành động nào nếu họ đồng ý với điều kiện chấp nhận ‘thể chế chính trị của nhau’.

Ngày 02.11.1963, thi hành lệnh Hoa Kỳ, người Việt (?) đã giết Tổng thống dân cử Ngô Ðình Diệm và người em Ngô Ðình Nhu để ngày nay, chính người Mỹ chấp nhận Nguyễn Phú Trọng tự cử để đàn áp tiếp người dân tài đức, phi đảng viên không được phục vụ Ðất Nước và Ðồng bào. Danh dự và tốt đẹp nhỉ !

Trong thời chiến Mỹ-Cộng, đôi bên đều dùng tất cả sự tàn bạo để tàn phá Quê hương Việt và đem lại sự nghèo đói cho người dân vô tội. Nhưng cộng nô đã thắng vì sự phản tuyên truyền do chính người Mỹ tạo ra :

- không chính nghĩa khi phô trương một đạo quân giàu mạnh viễn chinh đến đánh phá dân một nước nghèo như hình ảnh một kẻ Mạnh đàn áp người Yếu ;

- lương cao của lính Mỹ so với người Việt gây ra khủng hoảng kinh tế và xã hội như chính Tổng thống Ngô Ðình Diệm đã tiên đoán trước.

Thời điểm 30.04.1975, Ðại sứ Mỹ cuốn cờ chạy, người Việt chạy theo để xây dựng đất nước Cờ Hoa. Tại đây, chúng tôi chỉ ghi nhận một sự thật lịch sử, hiển nhiên vì trách nhiệm đối với con em. Nhưng đừng quên, chúng ta vẫn có trách nhiệm đối với nơi ‘chôn nhau cắt rún’. Nơi đó, các chuyên viên và người yêu nước ở lại phục vụ bị từ khước vì không ‘hồng hơn chuyên’. Những gì chính giới Mỹ hứa sự cải thiện Nhân Quyền cho người dân Việt không thu được bao nhiêu kết quả.

Nhân dịp mùa bầu cử năm 2020 tại Hoa kỳ, khi viết những dòng chữ này, chúng tôi ước mong người Mỹ gốc Việt sử dụng lá phiếu để vận động Hành pháp và Lập pháp để người Việt quốc nội có cơ hội ‘tay cầm lá phiếu tự do’

hầu chọn người tài đức điều hành quốc sự, không để Việt Nam rơi vào tay Trung cộng. Tại sao Người Mỹ lên án Venezuela tổ chức ‘bầu cử gian lận’, nhưng lại im lặng khi không có tổ chức cho người dân bầu cử ở Việt Nam ?

Hà Minh Thảo

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Nhà nguyện tân trang cần được làm phép lại không?
Nguyễn Trọng Đa
08:28 10/09/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con hiểu rằng một nhà thờ (nhà thờ chánh tòa và nhà thờ giáo xứ) phải được cung hiến vì mục đích là nhà thờ phượng của dân Chúa. Thưa cha, việc cung hiến có được áp dụng cho nhà nguyện không? Chúng con đã có được một loạt vật phẩm thánh mới cho nhà nguyện chủng viện: bàn thờ, giảng đài và thánh giá. Ngoài ra còn có sửa chữa nhà tạm và tân trang cung thánh. Chúng con dự định sẽ thánh hiến bàn thờ. Chúng con phát hiện ra rằng trước đây nhà thờ này đã không được làm phép hoặc cung hiến. Vì bàn thờ sẽ phải được thánh hiến, liệu chúng con có cần cung hiến toàn bộ cấu trúc không? Nhà nguyện cử hành Thánh lễ mỗi ngày cho các chủng sinh và một nhóm đông tín hữu: ân nhân và người dân xung quanh chủng viện. Ngày Chúa Nhật, có hai Thánh lễ được cử hành cho các tín hữu, và nhà nguyện đầy người. - G. A., Iligan, Philippines.


Đáp: Chắc ở đây chúng ta đang xử lý trường hợp của một nhà nguyện. Bộ Giáo luật quy định như sau:

“Ðiều 1223: Danh từ Nhà nguyện được hiểu là một nơi được Bản Quyền ban phép dành vào việc phụng thờ Thiên Chúa, vì ích lợi của một cộng đoàn hay một nhóm giáo dân lui tới đó và, với sự đồng ý của Bề Trên có thẩm quyền, các giáo dân khác cũng có thể lui tới.

“Ðiều 1224: §1. Bản Quyền chỉ được cho phép lập nhà nguyện sau khi đã đích thân hay nhờ người khác đến thị sát nơi muốn dành làm nhà nguyện, và thấy nơi ấy xứng đáng.

“§2. Khi đã xin được phép rồi, nhà nguyện không được xử dụng vào công việc phàm tục nữa, nếu không có phép của chính Bản Quyền ấy.

“Ðiều 1225: Trong nhà nguyện đã thiết lập hợp lệ, có thể cử hành mọi nghi lễ phụng vụ, trừ những gì mà giáo luật hay chỉ thị của Bản Quyền địa phương hạn chế, hay trái với quy luật phụng vụ.

“Ðiều 1229: Nên làm phép nhà nguyện và phòng nguyện riêng theo nghi thức đã định trong sách phụng vụ; và phải dành riêng vào việc phụng tự, tránh xử dụng vào bất cứ công việc thường khác trong nhà.” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh)

Do đó, theo Điều 1229, thật là phù hợp để làm phép toàn bộ nhà nguyện và các vật phẩm phụng vụ của nó. Việc này có thể được thực hiện theo các quy chế được tìm thấy trong Sách Phụng Vụ Rôma, Sách Các Phép và Sách Nghi Thức Giám Mục.

Tuy nhiên, vì nhà nguyện cũng được sử dụng cho các tín hữu, nó thuộc quyền của Giám Mục để chỉ định nó như một nhà thờ và cung hiến nó. Chắc chắn đó sẽ là một nhà thờ, mà các tín hữu không đến thường xuyên, ngoại trừ trong các buổi lễ trọng công khai, nhưng khả năng này là được tiên liệu. Trong trường hợp này, các Điều sau đây có thể được áp dụng:

“Ðiều 1214: Danh từ nhà thờ được hiểu là một tòa nhà thánh dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, và mọi tín hữu có quyền đến đó để làm việc thờ phượng Chúa, nhất là phụng tự công.

“Ðiều 1215: §1. Nhà thờ chỉ được xây cất khi có sự đồng ý minh thị bằng giấy tờ của Giám Mục giáo phận.

“§2. Giám Mục giáo phận chỉ nên ban phép sau khi đã tham khảo ý kiến Hội Ðồng Linh Mục và các linh mục quản đốc các nhà thờ kế cận, và Ngài xét thấy rằng nhà thờ mới sẽ sinh ích cho các linh hồn, cũng như không lo thiếu phương tiện xây cất nhà thờ và những sự cần thiết khác cho việc phượng tự.

“§3. Các dòng tu, dù đã được Giám Mục giáo phận đồng ý cho lập tu việc trong giáo phận, cũng còn phải có sự đồng ý của Ngài trước khi xây nhà thờ trong một địa điểm chắc chắn và xác định.

“1216: Khi xây và sửa nhà thờ, ngoài việc hỏi ý các nhà chuyên môn, cần phải tuân giữ những nguyên tắc và những quy luật của phụng vụ và nghệ thuật thánh nữa.

“Ðiều 1217: §1. Khi đã hoàn tất việc xây cất, nhà thờ mới phải được cung hiến hay làm phép theo quy luật phụng vụ thánh càng sớm càng tốt.

“§2. Các nhà thờ, đặc biệt nhà thờ chính tòa và nhà thờ giáo xứ, phải được cung hiến với nghi lễ trọng thể.

“Ðiều 1218: Mỗi nhà thờ phải mang một tước hiệu riêng, và một khi đã cung hiến, không thể thay đổi tước hiệu nữa.

“Ðiều 1219: Trong nhà thờ đã cung hiến hay làm phép hợp lệ, có thể cử hành tất cả các sinh hoạt phụng tự, nhưng phải tôn trọng các quyền lợi của giáo xứ.

“Ðiều 1220: §1. Những người có trách nhiệm coi sóc nhà thờ phải lo giữ nhà thờ sạch sẽ và trang nghiêm, xứng đáng là nhà của Chúa, cùng ngăn cản tất cả những gì nghịch với sự thánh thiện của nơi ấy.

“§2. Ðể giữ gìn các đồ vật thánh và quý giá, cần phải xử dụng những phương tiện bảo trì thường lệ và những biện pháp an ninh thích hợp.

“Ðiều 1221: Việc lui tới nhà thờ trong giờ cử hành phụng tự phải được tự do và miễn phí.” (Bản dịch, như trên).

Dường như trong trường hợp ban đọc nói ra, số lượng tín hữu đến nhà thờ ấy là được bảo đảm đủ. Tuy nhiên, để chỉ định nhà nguyện chủng viện là một nhà thờ, nó sẽ phải nhận một tước hiệu dứt khoát theo các quy chế, vốn ngoài Điều 2018 ở trên, còn phải tính đến Nghi thức Cung Hiến một nhà thờ (4), và Sách Nghi Thức Giám Mục, số 865. Tước hiệu được trao cho nhà thờ vào thời điểm cung hiến với một sắc lệnh của Giám Mục.

Để làm rõ thêm các quy chế này và giải quyết một số tình huống mục vụ mới, Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí Tích đã ban hành một thông báo, "Omnis ecclesia titulum" vào ngày 10-2-1999, "Liên quan đến việc đặt tên thánh bổn mạng cho các giáo phận và giáo xứ". Tài liệu viết:

"1. Mỗi nhà thờ phải có một tước hiệu được chỉ định trong một buổi phụng vụ, hoặc lễ cung hiến hoặc làm phép.

"2. Trong tước hiệu, các nhà thờ có thể dùng danh thánh Ba Ngôi Cực thánh; Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, được gợi ra dưới một mầu nhiệm cuộc đời Ngài hay dưới thánh danh của Ngài như đã sử dụng trong phụng vụ; Chúa Thánh Thần; Đức Trinh Nữ Maria dưới một tước hiệu đã có trong phụng vụ; các thiên thần, hay một vị Chân phước hay vị Thánh có tên trong Sổ Các Thánh Rôma.

"3. Có lẽ nên chỉ có một tước hiệu cho một nhà thờ, trừ khi nó được bắt nguồn từ các Thánh được ghi tên chung trong một Lịch phụng vụ riêng.

"4. Bất kỳ vị Chân phước nào, mà việc kính nhớ Ngài chưa được ghi trong Lịch giáo phận hợp pháp, thì không thể được chọn làm tước hiệu của một nhà thờ, mà không có đặc miễn của Tòa Thánh.

"5. Một khi tước hiệu đã được đặt trong việc cung hiến một nhà thờ, tước hiệu này không thể được thay đổi (Giáo luật Điều 1218), trừ khi, vì các lý do nghiêm trọng, nó được cho phép rõ ràng bởi một đặc miễn của Tòa Thánh.

"6. Tuy nhiên, nếu một tước hiệu đã được chỉ định như một phần của việc làm phép nhà thờ, theo Ordo Benedictionis Ecclesiae (nghi thức làm phép nhà thờ), nó có thể được thay đổi bởi Giám mục giáo phận (xem điều luật 381, 1) vì một lý do nghiêm trọng, và với tất cả các yếu tố được xem xét hợp lệ.

"7. Tên của một giáo xứ thường có thể giống với tước hiệu của nhà thờ giáo xứ.

"8. Là vị trung gian hoặc đấng bầu chữa trước mặt Thiên Chúa, thánh bổn mạng là con người được tạo thành, chẳng hạn Đức Trinh Nữ Maria, các Thiên thần, một vị Thánh hay Chân phước. Vì cùng một lý do, Ba Ngôi Chí Thánh và mỗi Ngôi luôn bị loại ra như là vị bổn mạng.

"9. Vị bổn mạng phải được chọn lựa bởi hàng giáo sĩ và tín hữu, và sự lựa chọn của họ phải được chấp thuận bởi giáo quyền có thẩm quyền. Để cho việc đặt tên có thể mang lại hiệu quả phụng vụ, sự chọn lựa và tán thành cần phải có sự xác nhận của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, và sự xác nhận được ban hành bởi sắc lệnh của Thánh Bộ này.

"10. Thánh bảo mạng của một địa điểm được phân biệt với tước hiệu của một nhà thờ; hai cái có thể là giống nhau, nhưng không nhất thiết là như vậy.

"11. Khi một giáo xứ mới được xây dựng thay cho một số giáo xứ hủy bỏ, giáo xứ mới có thể có nhà thờ riêng, vốn giữ lại tước hiệu hiện tại, trừ khi đó là một tòa nhà mới xây. Hơn nữa, các nhà thờ của các giáo xứ hủy bỏ, bất cứ khi nào các giáo xứ này được coi là 'đồng giáo xứ' (co-parish), vẫn giữ các tước hiệu riêng của họ.

"12. Nếu một số giáo xứ được kết hợp với nhau để thành một giáo xứ mới, thì vì lý do mục vụ, được phép thiết lập một tước hiệu mới khác với tước hiệu của nhà thờ giáo xứ ".

Nghi thức cung hiến của một nhà thờ có lẽ bắt nguồn từ thời Hoàng đế Constantine (272-337) khi các Kitô hữu nhận được sự tự do thờ phượng. Trong nhiều thế kỷ, nó bao gồm buổi cử hành Thánh lễ trọng thể lần đầu tiên. Ở giai đoạn sau, có thêm nghi thức đặt các thánh tích. Hạt nhân của nghi thức hiện tại với các việc xức dầu khác nhau bắt nguồn từ thời Trung Cổ. (Zenit.org 10-9-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/when-an-oratory-is-refurbished/
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thiên Nhiên
Vũ Đình Huyến Lm.
21:57 10/09/2019
THIÊN NHIÊN
Ảnh của Vũ Đình Huyến, Lm. (CRM)

Thiên nhiên qùa tặng từ trời
Mở đôi mắt hưởng tuyệt vời Chúa ban.
(bt)
 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha chiếm trọn cảm tình người Mauritius khi khen ngợi xã hội của họ dân chủ, hài hòa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:37 10/09/2019
Ban chiều ngày thứ Hai 9 tháng Chín, lúc 16:25, Đức Thánh Cha đến cầu nguyện tại Đền thờ Chân phước Jacques-Desire Laval, vị tông đồ truyền giáo cho người Mauritus.

Ba mươi phút sau đó, Đức Thánh Cha viếng thăm xã giao tổng thống Barlen Vyapoory tại dinh tổng thống.

Sau cuộc gặp gỡ kéo dài trong 20’, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với thủ tướng Pravind Jugnauth cũng trong dinh tổng thống

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Mauritius theo thể chế dân chủ cộng hòa đa đảng, trong đó Tổng thống là người đứng đầu nhà nước và Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ được hỗ trợ bởi một Hội đồng Bộ trưởng.

Hiến pháp Mauritius được ban hành ngày 12 tháng 3 năm 1968, và được sửa đổi ngày 12 tháng 3 năm 1992. Tổng thống do Quốc hội bầu, nhiệm kì 5 năm; Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm và có trách nhiệm trước Quốc hội.

Tổng thống hiện nay là Ông Paramasivum Pillay Vyapoory, thường được gọi tắt là Barlen Vyapoory. Ông đảm nhận chức vụ này một cách tạm thời sau khi nữ tổng thống Ameenah Gurib từ chức sau các tai tiếng về tài chính. Ông Barlen Vyapoory là một tín hữu Ấn Giáo.

Thủ tướng Mauritius là Ông Pravind Jugnauth, cũng một tín hữu Ấn Giáo, nhậm chức từ ngày 23 tháng Giêng, 2017. Ông cũng đồng thời là Bộ trưởng Tài Chính.

Quốc hội Mauritius gồm 66 thành viên, trong đó 62 thành viên được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kì 5 năm, 4 thành viên còn lại do Ban bầu cử chỉ định cho những đảng không thành công trong cuộc tranh cử để các dân tộc ít người có người đại diện.

Chế độ bầu cử ở Mauritius là chế độ phổ thông đầu phiếu. Công dân từ 18 tuổi trở lên được phép bầu cử.

Lúc 17:40, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo chính phủ, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn trong dinh tổng thống.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:

Thưa Tổng thống,

Thủ tướng

Quý thành viên Chính phủ và Ngoại giao đoàn,

Quý vị đại diện của xã hội dân sự, các tôn giáo

Thưa quý vị,

Tôi xin gửi lời chào thân ái tới các vị trong chính quyền Mauritius và tôi cảm ơn các vị vì lời mời đến thăm nước Cộng hòa này của các bạn. Tôi cảm ơn Thủ tướng đã có những lời chào thân ái và cùng với Tổng thống đã đón tiếp tôi nồng nhiệt. Tôi xin chào các thành viên Chính phủ, các đại diện của xã hội dân sự và ngoại giao đoàn. Tôi cũng ghi nhận sự hiện diện của đại diện các hệ phái Kitô và các tôn giáo khác ở Mauritius, và tôi cảm ơn các vị rất nhiều.

Nhờ chuyến viếng thăm ngắn ngủi này, tôi rất vui được gặp gỡ dân tộc của các bạn, nổi danh không chỉ về sự đa dạng văn hóa, sắc tộc và tôn giáo, nhưng trên hết về vẻ đẹp nảy sinh từ khả năng nhận biết, tôn trọng và hài hòa những khác biệt hiện có trong viễn tượng một đề án chung. Điều này tóm lược lịch sử của dân tộc các bạn, được hình thành từ sự du nhập những người di cư đến từ các chân trời và lục địa khác nhau, những người mang đến đây truyền thống, văn hóa và tôn giáo của riêng họ, và dần dần học cách trở nên phong phú từ những khác biệt của người khác, và học cách chung sống với nhau cũng như phấn đấu để xây dựng một xã hội dấn thân cho thiện ích chung.

Về khía cạnh này, các bạn thủ đắc một tiếng nói đầy thẩm quyền, một tiếng nói đã được chứng thực trong cuộc sống. Đó là tiếng nói nhắc nhở chúng ta rằng hòa bình lâu dài có thể đạt được khi chúng ta khởi đi từ xác tín rằng “sự đa dạng là một điều tuyệt vời khi nó có thể tham gia không ngừng vào tiến trình hòa giải và đóng dấu một loại giao ước văn hóa dẫn đến 'sự đa dạng hài hòa' (Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 230). Điều này lại trở thành nền tảng và cơ hội để xây dựng sự hiệp thông thật sự trong đại gia đình nhân loại, mà không thấy cần phải gạt ai ra ngoài lề, không cần loại trừ ai hoặc từ khước bất cứ ai.

DNA của dân tộc các bạn lưu giữ ký ức về những phong trào di cư đã mang các vị tổ tiên của các bạn đến với hòn đảo này và khiến họ cởi mở với những khác biệt, tích hợp và đề cao những khác biệt ấy vì thiện ích của tất cả mọi người. Vì lý do đó, tôi khuyến khích các bạn, trong niềm trung thành với nguồn gốc của mình, hãy chấp nhận thách thức chào đón và bảo vệ những người di dân ngày nay đang tìm kiếm công ăn việc làm, và nhiều người trong số họ đang tìm kiếm một điều kiện sống tốt hơn cho gia đình mình. Xin hãy nỗ lực để chào đón họ, theo gương của tổ tiên các bạn, là những người đã chào đón nhau. Xin hãy trở thành những nhân vật chính và những người bảo vệ một nền văn hóa gặp gỡ thực sự cho phép người di cư (và tất cả mọi người) được tôn trọng về phẩm giá và quyền lợi của họ.

Khi nhớ lại lịch sử gần đây của dân tộc các bạn, tôi muốn đóng góp tích cực cho truyền thống dân chủ đã biến Mauritius trở thành thiên đường của hòa bình. Tôi bày tỏ hy vọng rằng nghệ thuật dân chủ sống động này có thể được trau giồi và phát triển, đặc biệt là bằng cách chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử. “Đời sống chính trị đích thực, dựa trên luật pháp và trên các mối quan hệ thẳng thắn và công bằng giữa các cá nhân được canh tân bất cứ khi nào chúng ta tin tưởng rằng mọi người nam nữ và mọi thế hệ đều hứa hẹn những năng lượng tương tác mới, trí tuệ, văn hóa và tinh thần” (Thông điệp Ngày hòa bình thế giới, ngày 1 tháng Giêng năm 2019). Cầu xin cho những người dấn thân trong cuộc sống chính trị của Cộng hòa Mauritius là những tấm gương sáng cho những người nam nữ đang tin tưởng vào các bạn, và đặc biệt là những người trẻ tuổi. Qua hành vi và quyết tâm của các bạn chống lại tất cả các hình thức tham nhũng, các bạn có thể chứng minh tầm quan trọng trong dấn thân của mình đối với thiện ích chung, và luôn xứng đáng với sự tin tưởng của đồng bào.

Kể từ khi được độc lập, đất nước của các bạn đã trải qua một sự phát triển kinh tế ổn định, chắc chắn đó là một lý do để vui mừng, nhưng cũng phải cảnh giác. Trong bối cảnh hiện nay, dường như sự tăng trưởng về kinh tế không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, nhưng bởi một số cơ chế và quy trình, nó thậm chí có thể gạt sang một bên một số người nhất định, đặc biệt là giới trẻ. Đó là lý do tại sao tôi muốn khích lệ các bạn thúc đẩy một chính sách kinh tế tập trung vào con người, và dựa trên quan điểm phân chia tốt hơn thu nhập xã hội, tạo công ăn việc làm và nâng đỡ người nghèo (xem Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 204). Tôi khuyến khích các bạn đừng chiều theo cám dỗ của một mô hình kinh tế ngẫu tượng, trong đó người ta thấy cần phải hy sinh nhiều sinh mạng con người trên bàn thờ đầu cơ và duy lợi nhuận, đồng thời chỉ chú ý vào những lợi thế ngắn hạn bất kể những phương hại trong việc bảo vệ người nghèo, môi trường và các tài nguyên của nó. Điều này liên quan đến việc tiến lên với một đường lối tích cực, như Đức Hồng Y Piat đã viết nhân kỷ niệm 50 năm ngày độc lập của Mauritius, trong đó bao gồm các hoạt động cho một sự hoán cải sinh thái toàn diện. Sự hoán cải đó không chỉ tìm cách tránh các hiện tượng khí hậu kinh hoàng hoặc các thảm họa thiên nhiên trầm trọng, mà còn thúc đẩy sự thay đổi trong cách chúng ta sống, để sự tăng trưởng kinh tế có thể thực sự mang lại lợi ích cho mọi người, đồng thời không có nguy cơ gây ra thảm họa sinh thái hoặc các khủng hoảng xã hội nghiêm trọng.

Thưa quý vị, tôi muốn bày tỏ sự đánh giá cao của mình đối với cách thức các tôn giáo khác nhau tại Mauritius này vừa tôn trọng bản sắc cụ thể của mình, vừa biết cộng tác với nhau để góp phần hòa hợp xã hội và nâng cao giá trị siêu việt của sự sống chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa giản lược hóa. Và tôi bày tỏ mong muốn một lần nữa là người Công Giáo ở Mauritius hãy tiếp tục tham gia vào cuộc đối thoại hiệu quả đã ghi dấu ấn sâu sắc trên lịch sử của dân tộc. Cám ơn chứng tá của anh chị em.

Một lần nữa, tôi cảm ơn các bạn đã chào đón tôi thật nồng nhiệt. Tôi cầu xin Chúa chúc lành cho dân tộc của các bạn và mọi nỗ lực của các bạn đối với sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa, văn minh và truyền thống tôn giáo khác nhau trong việc thúc đẩy một xã hội công bằng, một xã hội không quên những người trẻ và, trên hết, là những người dễ bị tổn thương nhất. Xin tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa tiếp tục đồng hành cùng anh chị em và bảo vệ anh chị em!

Sau cuộc gặp gỡ tại dinh tổng thống, lúc 18:45 đã diễn ra lễ nghi từ biệt tại sân bay Port Louis

Lúc 7 giờ tối, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng máy bay để quay lại Antananarivo, Madagascar.

Lúc 8 giờ tối, Đức Thánh Cha đã về đến sân bay Antananarivo.
 
Đức Thánh Cha về đến Rôma, tông du thành công vượt bậc
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:54 10/09/2019
Với chuyến viếng thăm Mauritius, Đức Thánh Cha đã kết thúc chuyến tông du thứ 31 bên ngoài Italia. Đây cũng là chuyến tông du thứ 6 của ngài trong năm nay và là chuyến tông du thứ 4 đến lục địa Phi Châu.

Sáng thứ Ba 10 tháng Chín, lúc 9 giờ sáng đã có lễ nghi từ biệt Madagascar tại sân bay Antananarivo.

Lúc 9:20, Đức Thánh Cha đã khởi hành về Rôma.

Như thường lệ, trên chuyến bay trở về từ Rôma, Đức Thánh Cha đã có một cuộc họp báo dành cho các ký giả về nhiều đề tài khác nhau.

Khi chúng tôi thực hiện chương trình này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã về đến sân bay quân sự Ciampino của Rôma vào lúc 7 giờ tối cùng ngày.