Ngày 13-09-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 14/09: Thiên Chúa ban cho chúng ta tất cả những gì Ngài có - Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
05:39 13/09/2022

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô rằng: "Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời.

"Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ".

Đó là lời Chúa
 
Cửa Sổ hoặc Tấm Gương
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
06:37 13/09/2022

Cửa Sổ hoặc Tấm Gương
CN 25 C

Chúa Giêsu kể dụ ngôn người quản lý bất lương và kết luận: “Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”. Đây là một nhận định thực tế. Làm ăn ở đời người ta nhìn vào mối lợi, từ đó khôn khéo tính toán phương tiện để thực hiện. Còn con cái sự sáng thì khôn ngoan vì luôn hướng về Thiên Chúa và để Ngài làm chủ đời mình.

1. Khôn Khéo Con Cái Đời Này

Chúa không khen hành động bất trung, không khen tội gian lận của người quản gia bất lương, nhưng Chúa khen tài khéo léo, tính toán, cách xoay xở của anh ta khi chủ cho thôi việc. Lời khen là dán cho cái lanh trí, có phương pháp hành động chứ không phải là cổ võ sự bất lương.

Khôn khéo tựa như sự tinh khôn trong những việc làm của người quản lý bất lương biết hành động ngay không đợi chờ, biết sử dụng tiền bạc của cải để mua lấy bạn bè.

- Khéo khi ăn cắp tài sản của chủ mà không bị phát hiện, đến khi có người tố cáo, chủ mới đuổi việc.
- Khéo vì anh ta biết giới hạn của mình: cuốc đất không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.
- Khéo vì biết xoay xở, tận dụng chút quyền quản lý cuối cùng để có một chút bảo đảm cho tương lai. Gọi các con nợ của chủ đến làm văn tự lại: 100 thùng dầu ô-liu, viết lại 50 thôi; 1.000 thùng lúa viết lại 800 thôi... hai bên cùng có lợi mà.
- Khéo khi biết lo xa: liệu sao để khi mất chức thì có người tiếp đón, khi về hưu non thì đã có của dư của để, có nhà cao cửa rộng, có vườn tược...
- Khôn khéo của người quản gia không đồng nghĩa là một “bảo hiểm” đời sống anh ta mua được. Anh thất thế nên lấy gian dối mua ơn nghĩa, liệu người ta có biết ơn không? Lịch sử chứng minh nhiều con người độc ác trong các thể chế độc tài, cuối đời bị thất sủng, tìm cách quay về với nhân dân, thì dân nhân có đón tiếp họ không?

Hình ảnh của người quản lý khôn khéo bất lương này đầy dẫy trong xã hội hôm nay khi mà tham nhũng đã trở nên “quốc nạn”. Việt Nam đang điêu đứng vì quốc nạn tham nhũng... Người ta “hy sinh đời bố để củng cố đời con”, có chút địa vị quyền lực thì lo thu ven cho cá nhân, tham ô, móc ngoặc. Sợ bị bại lộ, sợ bị tố cáo, sợ bị cách chức, sợ bị “về hưu non”, nên khôn khéo mua lấy bằng cấp, mua đất xây biệt thự, lập trang trại, mở sân sau... Người ta tìm mọi cách để có tiền của, có địa vị, có quyền lực, bất chấp tiếng nói lương tâm.

Nhìn vào thực trạng xã hội hôm nay sẽ thấy người đời thường chạy theo tiền bạc, của cải, địa vị, chức quyền. Trong cuộc chạy đua đó, con người đã để cho tiền của làm chủ đời sống của họ, hướng dẫn và quy định cả cách sống và tâm tình của họ. Khi đó, Thiên Chúa, lương tâm, nhân cách bị gạt ra khỏi tâm hồn họ. Tiền của, danh vọng là thần tượng và họ làm bất cứ việc gì dù trái với lương tâm, với luân thường đạo lý, với công bình bác ái miễn là càng ngày họ càng giàu có càng thăng chức. Lòng tham không bao giờ thỏa mãn. Tham vọng của con người không bao giờ cùng.

Các ngôn sứ thời Cựu ước vẫn thường chỉ trích những thói tham lam, lọc lừa và nặng lời kết án những người giàu bất công, áp bức, khinh dễ kẻ nghèo. Vào thế kỷ VIII tcn, Israel sống thời kỳ thịnh vượng dưới triều Giêrôbôam II. Do sự phồn thịnh ấy mà người ta sinh hư đốn: bon chen, tham lam, tranh giành tiền bạc của cải bằng đủ mọi hình thức bất công: giàu hiếp đáp nghèo, dùng tiền mua lương tâm, địa vị; người giàu chỉ biết ích kỷ hưởng thụ mặc cho dân nghèo đói rách cơ cực... Ngôn sứ Amos kịch liệt lên án. Ông quả xứng danh là nhà ngôn sứ của sự công bằng. Bản cáo trạng của vị ngôn sứ đối với những người quyền thế, giàu sang bất công vẫn luôn vang vọng và có hiệu lực cho mọi thế hệ.

2. Khôn Ngoan Con Cái Chúa

-Khôn ngoan của con cái sự sáng là luôn hướng về Thiên Chúa và để Ngài làm chủ đời mình. Tiền bạc của cải không là điểm tựa. Vật chất không là cứu cánh mà chỉ là phương tiện. Con cái sự sáng vừa say mê cuộc đời này vừa say mê vĩnh cửu. Giữa cái mau qua họ tìm gặp vĩnh cửu, họ làm việc vui chơi như mọi người, nhưng họ luôn để Thiên Chúa đi vào toàn bộ cuộc đời họ.
- Con cái ánh sáng khôn ngoan sống chân thật và tín trung. Chân thật trong lời nói, trong tư tưởng, trong hành động; thực tâm thật tình trong cư xử; thật hiếu hạnh trong gia đình; thật tín nghĩa ngoài xã hội; thực trung thành trong niềm tin. Trung tín sống đức tin, trung tín trong lời hứa, có tinh thần trách nhiệm cao, trung tín trong việc nhỏ cho đến việc lớn. Trung tín với lời hứa Bí Tích đã lãnh nhận. Người chân thật là người trung tín với Thiên Chúa và anh em mình. Bởi vì Thiên Chúa là sự thật, và “chỉ có sự thật mới giải thoát anh em”.
- Khôn ngoan của con cái Chúa là khôn ngoan Thập Giá: “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp kiếm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1, 22-25). Chúa Giêsu đã khẳng định: “Không ai có thể làm tôi hai chủ. Hắn sẽ ghét chủ này mà thương chủ kia, hay để ý đến chủ này mà thương chủ nọ”. Không thể phụng sự hai chủ như nhau, trong cùng một lúc. Chúng ta tự hỏi chủ nào đang thống lĩnh đời tôi? Ước gì tôi luôn tự do, chọn lựa làm tôi trung cho Chúa mà thôi.

3. Cửa Sổ hoặc Tấm Gương

Một người Do thái giàu có nhưng rất keo kiệt đến gặp một vị giáo trưởng để xin một lời hướng dẫn cho cuộc sống của mình. Vị giáo trưởng đưa anh ta đến bên cửa sổ và hỏi:
- “Ông hãy nhìn qua cửa sổ và cho tôi biết ông thấy gì”.
Không một chút do dự, người giàu có trả lời:
- “Tôi thấy nhiều người đi qua đi lại”.
Sau đó vị giáo trưởng bảo người giàu có quay mặt vào trong nhà và nhìn vào một tấm gương treo trên tường. Rồi ông cũng đặt câu hỏi tương tự:
- “Nào, bây giờ thì ông thấy gì trong tấm gương?”
Người giàu có liền trả lời:
- “Dĩ nhiên tôi chỉ thấy tôi.”
Bấy giờ vị giáo trưởng mới rút ra một bài học. Ông nói:
- “Này nhé, tấm gương soi mặt được làm bằng kính. Kính được phủ ở phía sau bằng một lớp bạc mỏng. Bao lâu lớp bạc mỏng còn dính chặt đằng sau tấm kính thì nhìn vào đó ông sẽ không còn thấy người nào khác nữa mà chỉ thấy có mình ông thôi. Trái lại khi nhìn qua tấm kính trong suốt ở cửa sổ ông đã thấy được những người khác, thấy được cảnh vật...”.

Nếu tấm kính linh hồn bị lòng tham lam, ích kỷ như lớp bạc mỏng phủ lấp thì ta sẽ chỉ thấy có bản thân mình. Chỉ mình ta mới đáng kính đáng trọng, chỉ mình ta là trung tâm để mọi người phục vụ. Tâm hồn con người khi trong suốt không bị che chắn bởi tham, sân, si, sẽ nhìn thấy mọi người là anh em, nhìn thấy những điều hay, những điều tốt, những gì đáng quý, đáng mến nơi tha nhân. Tâm hồn trong sáng đó nhờ biết mỗi ngày soi vào Chúa Kitô, sống theo lời dạy của Ngài.

Sự khôn ngoan đích thực đúng như lời Thánh Phaolô trong thư gởi Timôthê: “Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ” (1Tm 6,18).

Của cải vật chất chỉ là việc nhỏ sánh với việc lớn là Nước Trời. Biết sử dụng tiền của tạm bợ cách tốt đẹp, chúng ta sẽ được trao phó của cải vĩnh cửu trên trời.
Tiền của có thể trở thành phương tiện giúp đạt tới đích là Nước Trời, nhưng cũng có nguy cơ đẩy người ta ra xa Chúa để tìm kiếm những sự thuộc thế gian. Do đó, điều quan trọng là phải biết sử dụng tiền của như phương thế đạt Nước Trời. Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải khôn ngoan chọn lựa dứt khoát, không có thái độ lưng chừng hoặc bắt cá hai tay. Người bắt cá hai tay bao giờ cũng là kẻ thua thiệt nhất.

Lạy Chúa, con chỉ là người quản lý trong đời. Sự sống của con đâu thuộc về con. Con chỉ quản lý để sử dụng theo ý Chúa thôi.

- Chúa ban cho con sự sống với biết bao ân huệ, tài năng, sức khoẻ, con không sử dụng đúng, con là quản ký kém cỏi.
- Khi con không chia sẻ, cảm thông, vật chất miếng ăn, manh áo, tinh thần như nụ cười, sự hiểu biết cho đồng loại, con là quản lý xấu xa.
- Khi con sử dụng các ân huệ Chúa ban, sức khoẻ, tài năng để phạm tội, con là quản lý bất trung.

Con muốn làm người biết quản lý đời mình.
Con đâu muốn mất hạnh phúc khi làm quản lý xấu xa.
Con muốn là người quản lý trung thành như tháp chuông thức dậy mỗi sáng.
Con muốn là quản lý tài ba, nhưng con yếu đuối. Con muốn quản lý đời con theo ý Chúa, nhưng con yếu lòng. Trong cái vụng về của con, xin Chúa ban ơn.
Con đi về đâu khi chiều tà xế bóng nếu con là quản lý bất trung?
Con có thể đã là quản lý phung phí cuộc sống ân sủng Chúa ban như người quản gia kia. Con cũng có thể bồn chồn lo lắng tương lai vì không biết đi về đâu như người quản gia kia. Ôi, lạy Chúa, xin cho con ném lại những bất trung con phạm như lời kinh sám hối. Xin cho con ném lại những bất chính con làm như Giakêu: “…Nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8).
Ông Giakêu đã được nghe: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông…” (Lc 19,5).

Xin cho con cũng nghe được Chúa nói với con như thế.
Những hành vi quản lý bất trung con phạm, con xin ném lại như tấm lòng ăn năn đền tội của con. (trích: Dụ ngôn trong Phúc âm, tập 3, trang 62-63).

Lạy Chúa, xin cho con biết chọn Chúa là đối tượng duy nhất của lòng trí con. Amen.
 
Làm chủ hay làm đầy tớ tiền bạc ?
Lm. Đan Vinh
06:41 13/09/2022

CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN C
Am 8,4-7; 1 Tm 2,1-8; Lc 16,1-13
LÀM CHỦ HAY LÀM ĐẦY TỚ TIỀN BẠC?

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 16,1-13
(1) Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng : “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông anh này đã phung phí của cải nhà ông. (2) Ông mới gọi anh ta đến mà bảo : “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh. Vì từ nay anh không được làm quản gia nữa”. (3) Người quản gia liền nghĩ bụng : Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cắt chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. (4) Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !”. (5) Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?”(6) Người ấy đáp : “Một trăm thùng dầu Ô-liu”. Anh ta bảo : “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. (7) Rồi anh ta hỏi người khác : “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp : “Một ngàn thùng lúa” Anh ta bảo : “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”. (8) Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. (9) Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. (10) Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tin trong việc lớn. Ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. (11) Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? (12) Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? (13) Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ. Vì hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia. Hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”.

2. Ý CHÍNH : Bài Tin mừng hôm nay dạy các môn đệ phải khôn ngoan, biết nhìn xa để chuẩn bị cho tương lai sau này. Đức Giê-su kể câu chuyện về một quản gia bất lương, đã lợi dụng những giờ phút cuối khi đang còn giữ chức quản lý, để làm ơn cho các con nợ của chủ bằng cách hạ thấp số nợ của họ xuống, với hy vọng sau này sau khi anh bị mất việc thì họ sẽ đền ơn đón anh về nhà họ. Cuối cùng Chúa dạy phải dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi giờ chết đến bị mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp vào chốn an nghỉ đời đời.

3. CHÚ THÍCH :
- C 1-4 : + Một nhà phú hộ kia có một người quản gia : Theo luật Do thái thì người quản gia không phải thuộc hạng tôi tớ được trả lương. Anh ta có quyền thay mặt chủ lo liệu mọi sự. Trường hợp viên quản gia làm thất thoát tiền bạc của chủ, luật pháp cũng không có biện pháp nào bắt anh ta phải hoàn lại của cải đã bị thất thoát. Hình phạt cùng lắm chỉ là sa thải, kèm theo bị mất uy tín mà thôi. Sau khi nhận được giấy sa thải, người quản gia sẽ phải tính sổ sách, liệt kê tài sản. Trong thời gian này, người quản gia vẫn là đại diện cho chủ, và được hành động nhân danh chủ. Trong bài dụ ngôn, việc người quản gia đã phung phí tài sản của chủ để gây thiện cảm với các con nợ tức làm lợi cho mình. Có thể nói anh ta đã "mượn đầu heo nấu cháo" ! Nhưng anh cũng là người khôn khéo biết lợi dụng thời gian ngắn đang còn tại chức để làm ơn cho các con nợ của chủ, hầu đến khi bị chủ cách chức thì anh hy vọng họ sẽ đền ơn giúp lại anh.
- C 5-7 : + Một trăm thùng dầu : Thùng dầu là đơn vị chứa khoảng từ 21 đến 45 lít. + Một ngàn thùng lúa : Thùng lúa hay giạ lúa, một đơn vị có số lượng lớn gấp 10 lần thùng dầu nói trên.
- C 8-10 : + Ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo : Đức Giê-su khen việc biết chuẩn bị cho tương lai của anh quản gia là hành động khôn khéo. + Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại : Con cái đời này ám chỉ những kẻ thuộc về thế gian. Con cái ánh sáng là những người thuộc về Nước Trời. Con cái thế gian thường bén nhậy trong việc tìm kiếm tiền bạc vật chất, đang khi con cái Nước Trời lại thường khờ dại, không biết xử dụng ơn Chúa để lo cho mình được hưởng ơn cứu độ. + Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè : Người quản gia đã hành động khôn khéo. Còn các môn đệ là con cái sự sáng, cũng phải dùng tiền bạc mà mua lấy bạn hữu. Tiền của bất chính trong câu này không có nghĩa là có nguồn gốc bất chính như trộm cắp gian tham, nhưng bất chính vì tiền bạc thường làm cho người ta ra hư hỏng. Hãy sử dụng nó để giúp đỡ người nghèo, tức là biến nó trở thành đồng tiền có giá trị ở đời sau. + Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn : Tiền của là một vật để trắc nghiệm lòng trung tín. Ở đây Đức Giê-su dạy môn đệ phải trung thành trong việc nhỏ là sử dụng tiền bạc, để biến đồng tiền ấy trở thành của cải chân thật có giá trị lớn lao ở đời sau (x. Mt 25,21; Lc 19,17).
- C 11-13 : + Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ : Đức Giê-su nhân cách hóa tiền bạc vật chất vì nó có thể sai khiến người ta như một tà thần. Kiểu nói “làm tôi” ở đây mang ý nghĩa “lụy phục”, “phượng thờ”, làm cho tiền của trở thành tà thần đối nghịch với Thiên Chúa. Vì thế Đức Giê-su đòi các môn đệ phải dứt khoát chọn tôn thờ một mình Thiên Chúa thay vì vừa tôn thờ Thiên Chúa lại vừa tôn thờ tiền của.

4. CÂU HỎI :
1) Tại sao người quản gia bị đánh giá là bất lương?
2) Đức Giê-su muốn các môn đệ của Người noi gương khôn khéo của người quản gia kia thế nào?
3) Khi nói : “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè”, phải chăng Đức Giê-su dạy các tín hữu dùng tiền lừa đảo trộm cắp hay tham nhũng để giúp đỡ kẻ nghèo?
4) Khi nào tiên bạc trở thành ông chủ? Ta phải làm gì để biến nó nên đầy tớ của ta?
5) Tiền bạc sẽ đem lại hậu quả thế nào một khi trở thành ông chủ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13b).

2. CÂU CHUYỆN :

1) CHỈ MUA ĐƯỢC BẰNG LOẠI “TIỀN CHO ĐI” MÀ THÔI :
Một người kia suốt đời chỉ biết thu gom tiền bạc chứ không chịu chi ra, nên ông ta ngày một giàu thêm. Rồi một hôm ông ta bị đau nặng sắp chết. Trước khi nhắm mắt, ông cho gọi vợ con lại bên giường và trăn trối như sau : “Khi tôi chết, bà nó hãy đem tất cả số vàng tôi đã dành dụm bấy lâu bỏ vào trong quan tài cho tôi, vì tôi sẽ cần dùng tới nó trong thế giới bên kia”. Sau khi ông ta chết, vợ ông đã làm y như lời trăn trối của ông. Trên đường về thế giới bên kia phải đi ngang qua một cái chợ, ông nhà giàu ghé vào xem và thấy người ta mua bán nhiều thứ rất ngon, giống như các chợ dưới trần gian. Ông ta chỉ vào một ký thịt bò tươi và hỏi cô bán hàng giá bao nhiêu. Cô ta trả lời : “Giá một đồng”. Ông nghĩ bụng : “Rẻ thật !”. Ông lại quay sang hỏi nhiều món hàng khác đang bày bán chung quanh, và vật gì giá cũng chỉ một đồng. Ông nhẩm tính với số tiền mang theo khi chết ông sẽ có thể sống sung sướng trong cả ngàn năm nữa. Nhưng đến khi trả tiền để lấy hàng, ông nhà giàu bỡ ngỡ khi người bán không chịu nhận đồng tiền của ông. Cô ta nói với ông rằng : “Ở đây chỉ xài loại “tiền cho đi” mà thôi ! Còn tiền của ông là loại “tiền thu vào”, không có giá trị thanh toán !” Bấy giờ ông nhà giàu rất buồn rầu và thất vọng, vì tiền của bấy lâu nay ky cóp giờ chẳng còn chút giá trị nào cả ! Qua câu chuyện trên, chúng ta rút ra bài học này : Chỉ những “đồng tiền cho đi” mới là “đồng tiền để dành” có giá trị thanh toán ở đời sau và mới thực sự đem lại hạnh phúc đời đời cho ta.

2) MẠNH THƯỜNG QUÂN DÙNG TIỀN BẠC MUA NGHĨA :
MẠNH THƯỜNG QUÂN nhà giàu có, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Hoan sang đất Tiết đòi nợ, lúc sắp đi, Phùng Hoan hỏi:
- Tiền nợ thu được có định mua gì về không?
Mạnh Thường Quân nói:
- Ngươi xem trong nhà ta còn thiếu thứ gì thì mua.
Khi đến đất Tiết, Phùng Hoan cho gọi dân làng lại bảo rằng:
- Các ngươi công nợ bao nhiêu, Thường Quân đều cho cả. Rồi đem văn tự ra đốt sạch.
Lúc về, Phùng Hoan thưa với Mạnh Thường Quân:
- Nhà tướng công châu báu đầy kho, chó ngựa đầy chuồng, người đẹp đầy nhà, không còn thiếu thứ gì nữa. Chỉ còn thiếu một cái "nghĩa", tôi trộm phép vì tướng công đã mua về.
Mạnh Thường Quân nghe thấy nói thế, cũng không hỏi gì đến tiền nữa.
Sau Mạnh Thường Quân phải bãi quan về ở đất Tiết, dân đất Tiết nhớ đến ơn xưa ra đón rước đầy đường. Thường Quân bấy giờ mới ngoảnh lại bảo Phùng Hoan rằng:
- Trước tiên sinh vì tôi mua "nghĩa " nghĩa ấy ngày nay tôi mới trông thấy.

3) KHÁC BIỆT GIỮA HAI LOẠI KÍNH :
Một lần kia có một người giàu có nhưng keo kiệt đến gặp vị giáo trưởng của ông và xin giáo trưởng ban phép lành cho ông. Vị giáo trưởng đón tiếp ông nhà giàu một cách thân thiện và đưa vào phòng khách. Rồi giáo trưởng dẫn ông đến cửa sổ nhìn xuống đường phố và nói : “Ông hãy nhìn ra kia và nói cho tôi biết ông thấy gì”.
“Tôi thấy người ta đi qua, đi lại”, ông nhà giàu đáp.
Rồi giáo trưởng đem ông ta ra khỏi cửa sổ, dẫn ông ta đến trước một tấm gương to và nói : “Ông hãy nhìn vào tấm gương này và ông thấy gì”.
“Tôi thấy chính tôi”, ông nhà giàu đáp.
“Thế đấy, ông bạn, hãy để tôi giải thích ý nghĩa điều ấy cho ông. Cửa sổ làm bằng kính cũng giống như tấm gương này. Tuy nhiên, kính của tấm gương có tráng lên một lớp bạc tượng trưng cho đồng tiền. Khi ông nhìn qua kính thường, ông thấy người khác. Nhưng khi ông tráng bạc, ông không còn thấy người khác nữa mà chỉ thấy chính mình. Khi ông chỉ quan tâm đến tiền bạc, ông không còn thấy người khác nữa mà chỉ còn nhìn thấy bản thân mình”.

4) THÀ BỊ CHỘT MỘT MẮT CÒN HƠN MẤT TIỀN CHỮA TRỊ :
Bác sĩ A.J. Gordon kể: ngày nọ, có một ông nhà giầu keo kiệt đến khám mắt. Sau khi khám, bác sĩ cho biết ông ta phải chữa trị cả hai mắt, nếu không muốn bị mù. Ông ta liền hỏi :
- Giá chữa trị mỗi con mắt là bao nhiêu?
- Là 100 đôla. Bác sĩ trả lời.
Nghe vậy, ông nhà giầu thừ người ra suy nghĩ một lúc. Sau đó ông ta nói với bác sĩ : "Tôi chỉ yêu cầu bác sĩ chữa cho tôi một mắt với giá 100 đôla thôi. Vì tôi nghĩ : chỉ cần còn một mắt cũng có thể thấy đường đi và đếm được tiền rồi. Còn chữa hai mắt phải tốn tới 200 đôla là quá nhiều !

3. SUY NIỆM:

1) GIÁ TRỊ CỦA TIỀN BẠC :
Có người đã phát biểu về giá trị tương đối của đồng tiền như sau : “Tiền bạc có thể mua vỏ bọc ngoài của các sự vật nhưng không thể mua được điều cốt lõi của chúng được. Nó có thể đem đến cho bạn thức ăn nhưng không đem đến sự ngon miệng; có thể mang thuốc men nhưng không phải mang sức khỏe, mang sự quen biết nhưng không mang bạn bè, mang tôi tớ giúp việc nhà nhưng không phải là lòng trung tín, mang đến những ngày đầy lạc thú xác thịt nhưng không phải là sự bình an và hạnh phúc”. (Henrik Ibsen)

2) CẦN BIẾT KHÔN NGOAN SỬ DỤNG TIỀN BẠC :
Nhìn vào thế giới ngày nay, chúng ta cũng thấy còn đầy dẫy những bất công : Có những người giầu có lối sống hưởng thụ xa hoa hoang phí đang khi nhiều người nghèo ăn không đủ no, mặc không đủ ấm và còn thiếu tất cả những nhu cầu tối thiểu. Sở dĩ có sự giàu nghèo bất công như vậy một phần là do hoàn cảnh xã hội tạo ra, nhưng chủ yếu là do lòng tham của con người, khi mà người giàu chỉ biết ích kỷ để tìm lo cho bản thân, mà không biết nghĩ đến những người nghèo đói bất hạnh ở ngay bên cạnh mình. Qua dụ ngôn về người quản gia bất lương trong Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su muốn các môn đệ và các tín hữu chúng ta cũng phải có thái độ khôn ngoan để biết nhìn xa và có những hành động phù hợp có lợi cho tương lai của mình sau này.

3) CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ĐỐI VỚI TIỀN BẠC? :
- Biến đồng tiền thu vào thành đồng tiền cho đi : Nên nhớ rằng : Chỉ khi biết quảng đại ban phát của cải cho những kẻ thiếu thốn, chúng ta mới thực là những người quản gia trung tín và khôn ngoan biết làm theo ý chủ. Chỉ khi biết coi tiền của là phương tiện phục vụ tha nhân, chúng ta mới chứng tỏ mình là tôi trung của Thiên Chúa. Các Rabbi Do thái có câu này : “Kẻ giàu giúp kẻ nghèo ở đời này, nhưng kẻ nghèo sẽ giúp kẻ giàu ở đời sau”.
- Chọn làm chủ thay vì đầy tớ đồng tiền : Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình : Tôi hiện đang làm chủ hay đang làm đầy tớ cho đồng tiền?
Tôi sẽ là chủ đồng tiền nếu dám chia sẻ số tiền mình đang có cho người khác, dám cho vay mượn theo đức công bình, dám trả lại cho chủ của khi phát hiện ra đồng tiền mình đang chiếm giữ không phải của mình. Nhất là khi bị mất cắp, tôi sẽ không quá đau buồn như kẻ mất hồn, đến nỗi chẳng còn thiết tha làm bất cứ việc gì khác !
Tôi sẽ là đầy tớ đồng tiền nếu năng nghĩ đến nó, thích mang ra nhìn ngắm và đếm đi đếm lại nhiều lần trong ngày; Năng đề cập đến tiền bạc trong câu chuyện và đề cao sức mạnh vạn năng của nó; Có thái độ tôn trọng đồng tiền hơn mọi thứ có giá trị khác; Sẵn sàng làm bất cứ việc gì dù vi phạm luật pháp hoặc bất công và bất nghĩa… miễn sao có nhiều tiền cho đầy túi tham.

4. THẢO LUẬN :
Bạn cần làm gì để tiền bạc trở thành đầy tớ phục vụ cách đắc lực cho các nhu cầu chính đáng của bạn và của tha nhân?

5. NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con biết qui hướng trọn cuộc sống về cho Thiên Chúa, từ việc nhỏ đến việc lớn. Xin giúp chúng con dứt khoát nói “không” với bất cứ cám dỗ nào xúi giục chúng con tìm kiếm những đồng tiền bất chính, để chúng con xứng đáng trở thành những môn đệ thực sự của Chúa : luôn sống theo Lời Chúa dạy và mãi mãi thuộc về Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:14 13/09/2022

59. Tình yêu là việc lớn, là bảo vật vô giá có thể làm nhẹ đi những trách nhiệm nặng nề, và chịu đựng được mọi thứ gian khổ.

(sách Gương Đức Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:15 13/09/2022
97. ĐÁM MÈO LÊN KINH THÀNH

Dã thú cũng có thể thi hành một nền chính trị nhân từ khiến cho tất cả các loài dã thú đều được bình đẳng tự do, mọi người an cư lạc nghiệp. Duy chỉ có loài mèo là chết đói, không có gì để ăn.

Một hôm, lũ mèo vội vội vàng vàng cáo từ loài dã thú, trên danh thiếp đề: cung kính cáo từ để lên kinh thành.

Các dã thú hỏi:

- “Tại sao lại lên kinh thành?”

Mèo nói:

- “Chúng ta phân tán cư ngụ khắp nơi, không thể có đủ thực phẩm, cho nên phải đi vào kinh thành để xin cái gì ăn”.

Có con thú nói:

- “Viện hàn lâm Bắc Kinh lương mỗi tháng bất quá chỉ có bốn lạng bạc, các anh đi trước thì làm sao được cái để ăn chứ?”

Loài mèo trả lời:

- “Chúng tôi nghe nói kinh thành là nơi tập họp của những người vót nhọn đầu óc để luồn lọt, nên có rất nhiều loài chuột muốn đến đó”.

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 97:

Từ quốc gia
này đến quốc gia nọ, từ quê lên tỉnh hoặc từ địa phương này đi qua địa phương khác để sinh sống làm ăn, người ta gọi đó là di dân.

Thời nay, có rất nhiều người từ miền quê lên tỉnh để làm ăn, có nhiều thanh niên nam nữ lên từ quê lên tỉnh để học hành và làm việc. Có những người lên kinh thành để thành đạt, và có người lên kinh thành để rồi thân bại danh liệt, bởi vì đời sống ở kinh thành không đơn giản mộc mạc như ở thôn quê.

Có những người Ki-tô hữu khi ở thôn quê thì đạo đức thánh thiện, dự thánh lễ mỗi ngày, nhưng khi lên kinh thành thì càng ngày càng xa nhà thờ, xa Chúa xa Mẹ; có những người Ki-tô hữu khi ở quê thì lễ phép, ăn nói thành thật, nhưng khi lên kinh thành sinh sống làm ăn thì ăn nói đốp chát lươn lẹo, và có khi quên mất mình là người Ki-tô hữu. Bởi vì kinh thành như một võ đài mà chúng ta phải chiến đấu từng giây phút, muốn thắng thì phải giữ cái tâm thật bình tĩnh, cái óc thật tĩnh táo.

Người khác ra đi để tồn tại hoặc ra đi để thân bại danh liệt khó mà biết được, nhưng người Ki-tô hữu ra đi dù đi lên kinh thành hoặc đi ra ngoại quốc để sinh sống, cũng đều mang trên mình một sứ mạng là làm chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su ngay trong cuộc sống di dân của mình: Hiệp nhất, yêu thương và phục vụ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phỏng vấn Đức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh trước chuyến Tông du của ĐTC tới Kazakhstan từ 13-15/9/2022
Thanh Quảng sdb
00:22 13/09/2022
Phỏng vấn Đức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh trước chuyến Tông du của ĐTC tới Kazakhstan từ 13-15/9/2022.

Vào đêm trước Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Kazakhstan, Đức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh đã nhìn vào cuộc chiến ở Ukraine với hy vọng cuộc Hội ngộ các vị lãnh đạo các tôn giáo thế giới, mà Đức Thánh Cha tham dự, có thể là cơ hội để gặp gỡ và đối thoại trong mối tương quan ngoại giao, đặc biệt hiệu giữa Tòa thánh và Kazakhstan.

(Tin Vatican - Massimiliano Menichetti)

Mọi sự đã sẵn sàng cho chuyến Tông du thứ 38 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Điểm đến là Kazakhstan để tham dự Đại hội lần thứ VII của các nhà lãnh đạo các tôn giáo thế giới. Bối cảnh thế giới của sự kiện này là cuộc chiến đầy bi thương đang diễn ra ở Ukraine và nhiều cuộc xung đột khác trên thế giới.

Một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh “Truyền Tin” hôm Chủ Nhật tại Quảng trường Thánh Phêrô đã xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho những người dân đang chịu đau khổ vì chiến tranh ở Ukraine. ĐTC cũng cảm ơn những người đã sửa soạn chuẩn bị cho cuộc Tông du của ngài tới Kazakhstan thuộc Liên Xô cũ, nơi triệu tập Hội nghị tại thủ đô Nur-Sultan.

Dân chúng của quốc gia Kazakhstan phần đa là người Hồi giáo, chỉ có một cộng đồng Công Giáo thiểu số đang trông chờ cuộc thăm viếng của ĐTC với niềm hy vọng… Cuộc thăm viếng kéo dài ba ngày với năm bài diễn văn mà ĐTC sẽ đọc.

Trước giờ khởi hành của Đức Thánh Cha vào thứ Ba, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin đã chia sẻ với Đài Vatican về các chủ đề khác nhau của chuyến Tông du.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Parolin, xin Đức Hồng Y cho biết mục đích của chuyến tông du này?

- Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Kazakhstan, trong những ngày 13-15 tháng 9, để tham dự Đại hội Thế giới của các nhà Lãnh đạo các tôn giáo lần thứ 7, theo lời mời của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev nước Cộng hòaKazakhstan.

- Đây là những Ngày Cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới, do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã triệu tập tại Assisi vào ngày 24 tháng 1 năm 2002, để nói lên những đóng góp tích cực của các tôn giáo khác nhau qua việc đối thoại, hòa hợp và hòa giải giữa các các dân tộc. Phương châm của chuyến tông du này của Đức Thánh Cha phản ánh chủ đề này, "Sứ giả của Hòa bình và Hiệp nhất," đúng như logo, có hình một con chim bồ câu với cành ô liu. Mục đích của chuyến tông du của Đức Thánh Cha thật rõ ràng.

- ĐTC nói: Tôi muốn lưu ý rằng Bản dự thảo cuối cùng của Đại hội đặc biệt nhấn mạnh đến "Tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và cùng nhau chung sống", được ký bởi Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Giáo Trưởng Ahmad Al-Tayyeb, Grand Imam của Al- Azhar, ở Abu Dhabi vào ngày 4 tháng 2 năm 2019.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Hòa bình và sự hiệp nhất được nhấn mạnh trong logo của chuyến tông du… Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine cũng như nhiều cuộc xung đột ở nhiều nơi trên thế giới vẫn tiếp diễn làm cho nhiều người cho rằng thế giới ngày nay không thể tránh khỏi chiến tranh, vậy Đức Hồng Y nghĩ có con đường nào khác cho tương lai không?

- Chiến tranh là một sự kiện không thể tránh! Nó bắt nguồn từ trái tim con người, được thúc đẩy bởi tham vọng, kiêu căng và ham hố, như các Giáo phụ đã từng nói! Một trái tim như vậy là một trái tim chai cứng, không thể mở lòng ra cho tha nhân!

- Chiến tranh có thể thắng vượt được bằng cảm thông, tránh buộc tội và đe dọa nhau cũng như đừng làm mất niềm tin nơi nhau. Thật không may, ngày nay khả năng lắng nghe và cảm thông với nhau đã bị suy giảm ở mọi khía cạnh!

- Do đó, tôi hy vọng rằng Đại hội ở Kazakhstan sẽ là cơ hội để cảm thông và đối thoại. Trích lời của Đức Piô XII, đó là những chìa khóa thành công của đối thoại khi chúng ta biết đối thoại trong thiện chí và tôn trọng quyền lợi của nhau.

Hỏi: Xin Đức Hồng Y cho hay qua ba thập niên vừa rồi việc ngoại giao giữa Kazakhstan và Tòa thánh tiến triển ra sao?

- Quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Cộng hòa Kazakhstan có thể được tóm vào hai danh từ: thường xuyên và hiệu quả. Tòa Thánh luôn tham dự tích cực tất cả các Đại hội, với một Phái đoàn cấp cao, dẫn đầu bởi một Đức Hồng Y và lần này là Đức Thánh Cha.

- Kazakhstan là quốc gia Trung Á đầu tiên ký Hiệp định song phương với Tòa thánh vào năm 1998. Đây cũng là quốc gia Trung Á đầu tiên được Đức Thánh Giáo Hoàng John Paul II đến thăm vào tháng 9 năm 2001.

- Tòa thánh và Kazakhstan tiếp tục làm việc cùng nhau. Điều này được thể hiện qua chuyến thăm Vatican vừa qua của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao H.E. Mukhtar Tileuberdi, Biên bản cuộc làm việc được ký kết giữa Trung tâm Y tế Đại học Kazakhstan và Bệnh viện Nhi Bambino Gesù; cũng là Biên bản Ghi nhớ giữa Viện Nghiên cứu Phương Đông R.B. Suleimenov và Thư viện Vatican.

- Năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhân dịp này, chuyến thăm của ĐTC Phanxicô, cho chúng ta hy vọng sẽ có một Thỏa thuận bổ sung về việc cấp thị thực và cho phép các nhà truyền giáo nước ngoài đang phục vụ tại Kazakhstan được cư trú.

Hỏi: Thưa ĐHY Giáo Hội Công Giáo địa phương rất nhỏ bé và khiêm tốn, ĐHY thấy chuyến thăm lịch sử này của ĐTC sẽ mang lại tia hy vọng gì?

- Chuyến thăm của Giáo hoàng tới Kazakhstan bao gồm những khoảnh khắc riêng tư cho cộng đồng Công Giáo địa phương, chẳng hạn như cử hành Thánh lễ tại Quảng trường và cuộc gặp gỡ với các giám mục, giáo sĩ, và tu sĩ, chủng sinh và những người làm công tác mục vụ, tại Nhà thờ Chính tòa Mẹ Phù Hộ ở Thủ đô Nur-Sultan.

- Giáo Hội Công Giáo được đánh giá cao và đại diện cho một nhóm nhỏ nhưng rất quan trọng, trong một bối cảnh tôn giáo-văn hóa đa dạng. Giáo hội địa phương chắc chắn sẽ cảm thấy được khích lệ bởi sự hiện diện và khích lệ của Đức Giáo Hoàng để đổi mới chính mình trong đức tin, hy vọng và tình bác ái.

- Giáo hội sẽ tiếp tục sứ mệnh làm chứng, theo gương của các nhân chứng đức tin trong quá khư, chẳng hạn như các Chân phước Linh mục Władysław Bukowiński, Alexis Zaryckyj và Chân phước Giám mục Mykyta Budka. Họ có thể đóng góp với các tôn giáo khác để xây dựng một xã hội thống nhất, hài hòa và hòa bình.
 
Giống đức Gioan Phaolô II, Đức Phanxicô thăm Kazakhstan giữa lúc có chiến tranh
Vũ Văn An
01:23 13/09/2022

Ngày mai, 13 tháng 9, Đức Phanxicô sẽ lên đường qua Kazakhstan để thăm viếng nước đa số theo Hồi giáo này và đồng thời tham dự Đại Hội Lần thứ 7 Các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo Thế giới và Truyền thống.

Theo hãng tin A.P. hôm Chúa nhật vừa qua, Đức Phanxicô đã yêu cầu công chúng tụ tập ở Công trường Nhà thờ Thánh Phêrô cầu nguyện cho chuyến “hành hương hòa bình” của ngài tại Kazakhstan để gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo hoàn cầu. Ngài nói, “Đây sẽ là dịp gặp gỡ rất nhiều các đại diện tôn giáo và đối thoại như anh em, được cổ vũ bởi ước muốn hòa bình chung, hòa bình mà thế giới chúng ta rất khát khao”.



Theo chương trình trước đây, trong cuộc tông du lần này, ngài sẽ gặp Thượng Phụ giáo chủ Chính thống Nga Kirill tại Kazakhstan. Nhưng vị giáo chủ Nga đã thông báo sẽ không tham dự Đại hội liên tôn lần này. Thành thử theo John Allen, Đức Phanxicô sẽ thấy 3 ghế trống tại Đại hội Liên tôn Kazakhstan. Ghế trống thứ nhất lẽ dĩ nhiên của Thượng phụ Kirill. Hai ghế trống kia là của Chủ tịch Trung quốc Tập Cẩn Bình, người sẽ có mặt tại Kazakhstan vào hôm thứ tư 14 tháng 9, và của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người không dự tính đích thân tới Kazakstan vào dịp này, nhưng sự hiện diện ảo của ông tại đó vào dịp này khá lớn.

Về phương diện chính thức, chuyến tông du Kazakhstan là để tham dự đại hội các nhà lãnh đạo tôn giáo hoàn cầu. Tuy nhiên, ngay từ đầu, chuyến tông du đã được các nhà quan sát coi như một nỗ lực ngoại giao của Đức Phanxicô giữa lúc có cuộc khủng hoảng hoàn cầu do vụ Nga xâm lược Ukraine gây ra. Nằm giữa Trung hoa và Nga, Kazakhstan xem ra là diễn đàn tự nhiên để Đức Giáo Hoàng cổ vũ đối thoại giữa các thế lực chính.

Tuy nhiên, mỗi nhân vật trong số ba nhân vật mà người ta cho là ngài đang cố gắng tiếp cận trong chuyến đi, ít nhất một cách gián tiếp, đều có lý do để tránh né lời mời.

Người đầu tiên là thượng phụ Kirill; có lẽ vị này không hứng thú khi phải đối mặt với những câu hỏi về sự ủng hộ không ngừng nghỉ của mình đối với cuộc chiến ở Ukraine, lập trường đã được chứng minh là gây chia rẽ ngay giữa một số giáo sĩ của chính mình. Hơn nữa, nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga có thể vẫn còn nhức nhối sau lời khiển trách của Đức Phanxicô vào tháng 3, khi ngài cảnh báo Kirill không nên làm “cậu bé giúp lễ cho Putin”.

Đây thực sự là lần thứ hai hội nghị thượng đỉnh Giáo hoàng / Thượng phụ bị đổ vỡ, sau khi Vatican tuyên bố rút khỏi cuộc gặp từng dự trù sẽ diễn ra ở Giêrusalem vào tháng Sáu. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết các cố vấn ngoại giao của ngài cảm thấy một cuộc gặp gỡ như vậy "có thể tạo ra nhiều bối rối", có lẽ vì nó sẽ không thể phù hợp với một cử chỉ liên đới với Ukraine.

Ông Tập có thể tự hỏi tại sao các trợ lý của ông lại lên lịch cho chuyến đi Kazakhstan vào cùng thời điểm giáo hoàng sẽ ở đó, vì chắc chắn việc này sẽ khiến người ta đặt câu hỏi về việc liệu hai người có sẽ trực diện gặp nhau hay không, và, nếu không, thì tại sao không.

Hiện tại, điều này dường như đặc biệt không có khả năng xảy ra. Trong một cuộc họp báo với các phóng viên hôm thứ Sáu, một phát ngôn viên của Vatican đã né tránh câu hỏi, chỉ nói rằng hiện tại “không có thay đổi nào đối với chương trình” cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng và ông không có thêm bất cứ điều gì để bổ sung.

Ông Tập không những có thể sẽ do dự đối với việc bị thu hút vào một cuộc thảo luận về quan điểm có phần nước đôi của Trung Quốc đối với cuộc xung đột Ukraine, ông cũng có thể không muốn đối mặt với các câu hỏi về thỏa thuận gây tranh cãi của Trung Quốc với Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo, hiện đang cần được tái tục, đặc biệt là với phiên tòa xét xử Hồng Y Joseph Quân vào ngày 19-23 tháng 9 tại Hồng Kông sẽ bắt đầu chỉ vài ngày sau khi Giáo hoàng lưu lại Kazakhstan.

Đức Hồng Y Zen 90 tuổi và 4 bị cáo khác phải đối mặt với các cáo buộc theo luật an ninh quốc gia của Trung Quốc liên quan đến việc họ ủng hộ các cuộc biểu tình phò dân chủ vào năm 2019.

Thật khó để tưởng tượng Ông Tập có thể gặp Đức Giáo Hoàng mà không cần phải đưa ra một số lời giải thích về những cáo buộc chống Đức Hồng Y Quân và các chính sách rộng lớn hơn của Trung Quốc về tự do tôn giáo, đó là một cuộc trò chuyện mà ông có thể không muốn có, ít nhất là trước công chúng, với cuộc vận động của ông cho nhiệm kỳ thứ ba chưa từng thấy đang ló dạng tại đại hội đảng vào tháng tới.

Về phần Putin, ông ấy không bao giờ dự định tham dự biến cố ở Kazakhstan, nhưng sự hiện diện của ông ấy vẫn sẽ được cảm nhận, vì dù sao, Nga và Kazakhstan có chung đường biên giới dài 5,000 dặm, và đây sẽ là nơi Đức Giáo Hoàng gần nhất đối với lãnh thổ Nga.

Sự dè dặt của Đức Phanxicô trước tình thế này được chứng tỏ qua việc máy bay của ngài sẽ không bay qua không phận của cả Ukraine lẫn Nga, vốn là đường bay ngắn nhất, mà phải bay ngang qua Croatia, Bosnia-Herzegovina, Serbia và Montenegro, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia và Azerbaijan dài hơn. Do đó, ngài mất dịp gửi thông điệp từ trên không cho cả Zelenski lẫn Putin.

Điều đáng lưu ý nữa, theo cả John Allen lẫn Elise Ann Allen cũng của tạp chí CruxNow, là thời điểm của chuyến tông du Kazakhstan: Lần Đức Gioan Phaolô II đến thăm Kazakhstan là lúc Tòa Tháp Đôi của New York mới bị phá sập trước đó 10 ngày, do khủng bố gây ra và cuộc chiến chống khủng bố sắp bắt đầu.

Vào thời điểm đó, các công dân Kazakhstan vẫn đang vật lộn với cách xây dựng một xã hội mới trong thời kỳ hậu Xô Viết và căng thẳng với Hồi giáo đang ở mức cao nhất mọi thời ở quốc gia đa số là người Hồi giáo, nơi các Kitô hữu là một thiểu số nhỏ.

Trong các bài phát biểu và bài giảng của mình trong suốt chuyến thăm, Đức Gioan-Phaolô II đã khuyến khích những người vừa tỉnh mộng từ sự tan rã của Liên bang Xô Viết, và ngài cũng gửi một thông điệp rõ ràng về lòng khoan dung, ca ngợi quốc gia Trung Á là một nơi hòa hợp, nơi các tôn giáo khác nhau đã có thể làm việc cùng nhau trong việc xây dựng một thế giới không có bạo lực.

Hai năm sau, vào năm 2003, Đại hội đầu tiên của các nhà lãnh đạo các tôn giáo thế giới và truyền thống đã được phát động bởi cựu Tổng thống Nursultan Abishuly Nazarbayev - một chính trị gia Liên Xô và Kazakhstan, người từng là tổng thống đầu tiên của Kazakhstan từ khi độc lập vào năm 1991 cho đến khi ông chính thức từ chức vào năm 2019 - trong nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ bền chặt hơn giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau của Kazakhstan và làm sáng tỏ lịch sử liên tôn giáo độc đáo của đất nước.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã sẵn sàng đến Kazakhstan vào hôm thứ Ba để dự đại hội lần thứ bảy, nhận thấy mình đang ở trong một tình huống bất ổn tương tự trong khu vực, khi, bằng nhiều cách khác nhau, đất nước này đang vướng vào cuộc chiến Ukraine-Nga, xung đột bạo lực nhất của khu vực kể từ sau Thế Chiến thứ hai.

Cuộc chiến nổ ra sau cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 của Nga vào Ukraine, cho đến nay đã khiến khoảng 12 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và cướp đi sinh mạng của hàng nghìn dân thường, bao gồm cả trẻ em. Khoảng bảy triệu người được cho là phải di dời nội bộ do giao tranh, trong khi ước tính khoảng năm triệu người đã phải chạy sang các nước láng giềng trong khi bom vẫn tiếp tục tàn phá nhà cửa và thành phố của họ.

Đức Phanxicô sẽ ở Kazakhstan từ ngày 13 đến 15 tháng 9 để tham gia đại hội và gặp gỡ với các nhà lãnh đạo đức tin khác đang có mặt, và với các thành viên của cộng đồng Công Giáo nhỏ của đất nước. Nó sẽ đánh dấu chuyến tông du nước ngoài thứ 38 của ngài kể từ khi nhậm chức vào tháng 3 năm 2013.

Phái đoàn của Vatican tới đại hội, trước đây, do một Hồng Y dẫn đầu; tuy nhiên, năm nay, người dẫn đầu sẽ là chính Đức Giáo Hoàng. Sự kiện diễn ra theo thông lệ tại Cung điện Hòa bình của Nur-Sultan; tuy nhiên, năm nay sẽ có 108 đoàn tham dự, và do số lượng đại biểu đông nên đại hội đã được dời về Dinh Độc Lập để phù hợp với số lượng lớn hơn.

Với bối cảnh địa chính trị mà chuyến thăm của Giáo hoàng đang diễn ra, hòa bình và đối thoại huynh đệ có thể sẽ là những chủ đề chính làm nền tảng cho nhiều thông điệp và bài phát biểu của ngài.

Lịch sử của sự đa dạng và liên đới

Kazakhstan là một trong những quốc gia lớn nhất ở Trung Á, với dân số 19 triệu người bao gồm khoảng 150 dân tộc. Khoảng 70% người Kazak theo đạo Hồi và khoảng 26% là Kitô hữu, nhiều người trong số họ thuộc truyền thống Chính thống giáo Nga và Công Giáo Hy Lạp.

Sự hiện diện của Kitô giáo ở Kazakhstan ngày càng tăng trong thế kỷ 19, khi số lượng lớn người Ba Lan, người Bỉ, người Ukraine và người Nga bị các sa hoàng Nga trục xuất đến đó. Số lượng của họ ngày càng tăng trong cuộc đàn áp tôn giáo của Joseph Stalin, người, dưới thời Liên Xô, đã gửi hàng trăm nghìn Kitô hữu đến các trại lao động trong những năm 30 và 40.

Nhiều người trong số các Kitô hữu này đã được các gia đình Hồi giáo ở Kazakhstan thu nhận, làm dấy lên một cảm thức liên đới và đánh giá cao rất tự nhiên, một cảm thức vẫn còn cho đến ngày nay.

Bản thân những người Công Giáo, chiếm khoảng 1% dân số hiện tại, đã có mặt ở Kazakhstan từ thế kỷ thứ hai, khi các tù nhân chiến tranh Rôma bị người Ba Tư lưu đày ở đó, có nghĩa là họ cũng có thể đến đó với tư cách là các tù nhân.

Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Giáo Hội Công Giáo được khôi phục ở Kazakhstan và các tín hữu bắt đầu thờ phượng công khai. Tuy nhiên, một số lượng lớn những người bị trục xuất đã trở về quê hương và đất nước của họ, với ít nhất bốn triệu người di cư vào thời hậu Xô Viết, khiến dân số Kitô giáo ở Kazakhstan ngày càng giảm.

Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện nhất quán và liên hệ giữa các tôn giáo nhìn chung rất tốt. Trên thực tế, Hội đồng Giám mục Trung Á, được thành lập vào năm 2021 và trong đó Kazakhstan là một phần, đã phát triển và bao gồm một số quốc gia châu Á.

Sống bên cạnh chiến tranh

Theo Ann Allen, cuộc chiến ở Ukraine là một chủ đề không thể tránh khỏi đối với Đức Giáo Hoàng khi ngài ở Kazakhstan.

Về thái độ của người Kazakhstan đối với cuộc chiến này, Giám đốc Caritas Kazakhstan, Cha Guido Trezzani, nói với các nhà báo trong một cuộc họp trực tuyến vào tuần trước rằng Kazakhstan quả có mối quan ngại, nhưng “bạn không cảm thấy xung đột” một cách trực tiếp, và không hề có “các nỗ lực gây hấn, biểu tình, gây hấn bằng lời nói của bên này chống lại bên kia.”

Cha nói, các nhà lãnh đạo của đất nước muốn đóng một vai trò ngoại giao lớn hơn ở Trung Á, vì vậy “có xu hướng trung lập. Vì vậy, không có cuộc biểu tình hoặc suy nghĩ về chiến tranh hoặc xung đột trong nước. "

Mặc dù không có bất cứ căng thẳng công khai nào giữa người gốc Nga và người Ukraine ở Kazakhstan, Đức Giám Mục Adelio Dell’Oro của Karaganda, trong cuộc họp bàn tròn trực tuyến của các phương tiện truyền thông ngày 8 tháng 9, đã mô tả tình hình là “tế nhị”.

Mặc dù không có dấu hiệu rõ ràng về xung đột bên trong Kazakhstan, Đức Cha Dell’Oro cho biết sự hiện diện của cả người Nga và người Ukraine, cũng như sự phụ thuộc kinh tế của Kazakhstan vào cả hai, đã tạo ra một mức độ khó chịu nhất định.

Ngài cho biết, ở bình diện chính trị, các nhà lãnh đạo đôi khi đã phá vỡ sự trung lập của họ. Như Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, chẳng hạn, trong một bài phát biểu vào tháng 3 đã công khai từ chối công nhận các nước cộng hòa độc lập Luhansk và Donetsk mà ông Putin đã tuyên bố ở miền đông Ukraine.

Ngài nói: “Đây là tình huống tế nhị mà Kazakhstan đang sống”, và cho biết hầu hết mọi người “đang đau khổ” do chiến tranh, về mặt xã hội và kinh tế, nhưng họ không chống lại chính người dân Nga.

Đức Cha Dell’Oro cho biết ngài rất buồn vì quyết định không tham dự hội nghị của Thượng phụ Kirill. Ngài tỏ ý tin tưởng rằng quyết định này “gây ra sự bối rối” cho cộng đồng Chính thống giáo Nga và các nhà tổ chức đại hội.

Ngài nói, một cuộc gặp giữa Thượng phụ Kirill và Đức Giáo Hoàng Phanxicô ở bên lề hội nghị “sẽ rất đáng chú ý,” và sẽ giúp “làm rõ những đóng góp nào đã được các cộng đồng khác nhau có thể đóng góp cho hòa bình trên thế giới”. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng vẫn sẽ "rất quan trọng để mở ra các tiến trình hòa bình trên toàn thế giới, nơi có xung đột, đặc biệt là ở Ukraine."
 
Những lời cuối cùng của nữ tu truyền giáo người Ý bị khủng bố Hồi Giáo sát hại ở Mozambique
Đặng Tự Do
05:43 13/09/2022


Sơ Maria De Coppi, một nữ tu truyền giáo dòng Comboni, đã bị những kẻ khủng bố Hồi giáo sát hại hôm thứ Ba tại Mozambique, nơi sơ đã phục vụ như một nhà truyền giáo trong gần 60 năm.

Sơ Maria de Coppi, 83 tuổi, đã bị bắn chết trong vụ tấn công vào đêm 6 tháng 9 ở Chipene.

Trong cuộc tấn công vào nhà dòng kéo dài năm giờ, những kẻ khủng bố đã lục soát và đốt phá nhà thờ, trường học, trung tâm y tế, nhà ở, thư viện và xe cộ của nhà dòng.

“Họ đã phá hủy mọi thứ,” Đức Cha Alberto Vera của Nacala nói với tổ chức bác ái Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ.

“Những kẻ tấn công đã phá nhà tạm và phá hoại một phần của cung thánh, tìm kiếm bất cứ thứ gì chúng có thể tìm thấy - có thể là tiền”.

Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi cho biết, “Vào ngày 6 tháng 9, do hậu quả của các cuộc tấn công khủng bố, sáu công dân bị chặt đầu, ba người bị bắt cóc, sáu kẻ khủng bố bị bắt và hàng chục ngôi nhà bị đốt cháy ở các huyện Erati và Memba, tỉnh Nampula.”

Những kẻ khủng bố đang chạy trốn trước cuộc lùng bắt của các binh sĩ từ Mozambique, Rwanda và Cộng đồng Phát triển Nam Phi.

Cứ điểm truyền giáo Chipene bao gồm hai linh mục truyền giáo người Ý, là Cha Lorenzo Barro và Loris Vignadel, và ít nhất ba nữ tu người nước ngoài: hai người Ý và một người Tây Ban Nha. Tất cả, trừ Sơ Maria, đều sống sót sau cuộc tấn công.

Theo tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, trường nội trú của giáo điểm đã di tản toàn bộ 35 học sinh nam và 45 học sinh nữ.

Tổ chức bác ái của giáo hoàng báo cáo, “Theo báo cáo của các nhân chứng… những kẻ khủng bố đã đến tu viện của các nữ tu và buộc họ phải ra đi. Các nữ tu khác đã chạy trốn cùng với các học sinh, nhưng Sơ Maria, đang chuẩn bị ra khỏi nhà, chợt nghĩ đến những em nhỏ có thể vẫn còn ở trong nhà và quay trở lại. Đó là lúc họ bắn sơ ấy”.

Theo Corriere del Veneto, Sơ Maria đã để lại một tin nhắn cho cháu gái của mình, Gabriella Bottani, không lâu trước khi sơ qua đời.

Trong tin nhắn, nữ tu giải thích với cháu gái rằng tình hình trở nên phức tạp vì “nhóm mà họ gọi là al-Shabaab, quân nổi dậy, đang đến rất gần”.

“Vào thứ Sáu, họ đã tấn công một địa điểm trong giáo xứ của dì, và có vẻ như hôm qua một nhóm đã vào đây, và họ đang ở rất gần. Có vẻ như họ được trang bị vũ khí; họ đã bắt cóc một vài người rồi; họ đã giết người. Bất cứ nơi nào chúng đi qua, chúng đều thực hiện các vụ thảm sát”, nữ tu Maria giải thích.

Sau đó sơ ấy nói rằng “tất cả những người ở đây đang chạy trốn. Hôm nay, một Cha đã nói với dì rằng các cô gái từ trường nội trú nên trở về nhà và bốn người có nguyện vọng gia nhập dòng các nữ tu Comboni cũng nên quay trở lại Nampula vì quá nguy hiểm. “

“Tình hình thật đáng buồn, rất đáng buồn,” nhà truyền giáo nói tiếp tục. “Tất cả mọi người ngủ ngoài trời trong rừng, giữa những cây cỏ; có những người đã đến các thị trấn Alua, Mazua và các trung tâm nơi họ được bảo vệ nhiều hơn một chút. Nhưng nhiều người vẫn đang ngủ bên ngoài, trong rừng. Thật đáng buồn,” sơ than thở.

Sơ Maria lặp đi lặp lại nhiều lần rằng đó là “một tình huống rất đáng buồn” và “mọi người đều đang muốn trốn thoát: y tá, linh mục, tất cả mọi người”.

“Họ đang bắn ở đây. Chúng ta sẽ gặp nhau trên thiên đường. Họ đang đốt nhà. Nếu cháu không còn tin tức từ dì nữa, dì sẽ nhân cơ hội này để xin lỗi về những thiếu sót của mình và nói với cháu rằng dì yêu cháu rất nhiều. Hãy nhớ đến dì trong lời cầu nguyện,” Sơ Maria nói.

“Dì đã tha thứ cho những kẻ sẽ giết dì,” dì nói. “Cháu hãy làm tương tự như thế. Một cái ôm từ dì”.
Source:National Catholic Register
 
Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ kỷ niệm 60 năm khai mạc Công Đồng Vatican II
Đặng Tự Do
05:44 13/09/2022


Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào ngày 11 tháng 10 để đánh dấu 60 năm ngày khai mạc Công đồng Vatican II.

Ngày này cũng đánh dấu ngày lễ của Thánh Gioan XXIII, vị giáo hoàng đã khai mạc Công đồng năm 1962, và là người được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh trong năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng.

Đức Thánh Cha Phanxicô là người ủng hộ mạnh mẽ việc thực hiện những thay đổi được kêu gọi trong Công đồng Vatican II, phù hợp với tầm nhìn của ngài về một Giáo hội gần gũi với người dân.

Một trong những đóng góp chính của Công đồng Vatican II chính là cố gắng vượt qua sự phân cách giữa thần học và mục vụ, giữa đức tin và sự sống.

Cũng trong lịch làm việc của Đức Giáo Hoàng từ tháng 9 đến tháng 11, có Thánh lễ tuyên thánh cho hai vị chân phước, và Thánh lễ tưởng niệm các Hồng Y và giám mục đã qua đời trong năm qua.

Trong những năm trước, Đức Giáo Hoàng thường cử hành Lễ các đẳng linh hồn tại một nghĩa trang. Đó là một tập tục mà ngài sẽ không tiếp tục trong năm nay. Tòa thánh Vatican chưa nêu rõ lý do thay đổi, vì Đức Thánh Cha Phanxicô đang cố gắng thu hẹp các nghĩa vụ công cộng của mình do chứng đau đầu gối tái phát.
Source:Rome Report
 
Đài Loan tiếp xúc với Vatican giữa tin đồn Đức Giáo Hoàng và Tập Cận Bình có thể gặp nhau tại Kazakhstan
Đặng Tự Do
05:45 13/09/2022


Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết họ đang duy trì liên hệ chặt chẽ với Tòa Thánh, trong bối cảnh có tin đồn về một cuộc gặp có thể xảy ra giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Kazakhstan.

Đã có suy đoán rằng ông Tập và Đức Thánh Cha Phanxicô, cả hai sẽ đến thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan vào ngày 14 tháng 9, có thể tổ chức các cuộc đàm phán có thể mở đường cho việc thiết lập quan hệ chính thức giữa Bắc Kinh và Vatican.

Khi được yêu cầu bình luận, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Đài Loan Âu Giang An (Joanne Ou, 歐江安) nói với các phóng viên rằng Bộ đang giữ một “kênh liên lạc thông suốt với Vatican.”

Cô nói thêm rằng Trung Hoa Dân Quốc, tên chính thức của Đài Loan, đã duy trì hợp tác chặt chẽ với Tòa Thánh kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1942.

“Đài Loan luôn chú ý đến bất kỳ cuộc gặp có thể xảy ra nào giữa các nhà lãnh đạo của các đồng minh ngoại giao và các quan chức cấp cao của Trung Quốc,” Cô Âu nói.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Kazakhstan trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ở nước này từ ngày 13 đến 15 tháng 9 để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên tôn thế giới.

Cả Bắc Kinh và Vatican đều không bình luận gì về cuộc gặp gỡ đang được đồn đoán.

Tòa Thánh là một trong 14 thực thể có chủ quyền duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ với Đài Loan, nhưng quan hệ của Vatican với Bắc Kinh đã ấm dần lên dưới sự lãnh đạo của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Năm 2018, Bắc Kinh và Vatican đã đạt được một thỏa thuận liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục Trung Quốc, dự kiến sẽ được gia hạn lần thứ hai vào tháng tới.

Chính sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh đòi buộc Vatican phải cắt đứt quan hệ với Đài Bắc là điều kiện tiên quyết để thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tuy nhiên, Cô Âu cho biết mối quan hệ của Đài Loan với Vatican vẫn bền chặt và ổn định, lưu ý rằng Cựu Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân (Chen Chien-jen, 陳建仁) đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào Chúa Nhật tại một thánh lễ ở quảng trường Thánh Phêrô.

Cựu Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân hiện đang ở Thành phố Vatican sau khi tham dự lễ phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I với tư cách là đại diện của Tổng thống Thái Anh Văn.
Source:The Standard
 
California chặn việc buộc các bác sĩ Kitô Hữu hỗ trợ các vụ tự tử
Đặng Tự Do
17:37 13/09/2022


Một tòa án quận liên bang ở California đã ra phán quyết rằng các bác sĩ phản đối việc hỗ trợ tự tử vì lý do tôn giáo hoặc đạo đức không bị buộc phải tham gia vào thủ tục này.

California hợp pháp hóa việc tự tử do bác sĩ hỗ trợ và sau đó đã thông qua dự luật yêu cầu các bác sĩ phản đối hỗ trợ tự tử phải “ghi lại” yêu cầu của bệnh nhân và chuyển người muốn tự tử đến một bác sĩ khác.

Cùng với việc chuyển hồ sơ bệnh nhân cho bác sĩ khác, bác sĩ phản đối sẽ phải “giáo dục” cho bệnh nhân về thuốc và các thủ thuật có thể giúp giải quyết các nỗ lực tự sát.

Trước đây, California yêu cầu rằng người muốn tự tử phải thông báo yêu cầu của mình trong hai dịp khác nhau, cách nhau tối thiểu là 15 ngày.

Đạo luật, được gọi là Dự luật Thượng viện California 380 và có hiệu lực vào tháng Giêng, đã cắt ngắn thời gian giữa hai lần thông báo này xuống còn 48 giờ.

Các luật sư của Hiệp hội Y khoa và Nha khoa Kitô giáo và Tiến sĩ Leslee Cochrane, một bác sĩ chăm sóc sức khỏe tốt, đã tìm cách ngăn chặn việc thực thi luật trong khi họ đệ trình một vụ kiện hồi tháng Hai về dự luật này.

“Khách hàng của chúng tôi tìm cách sống bằng niềm tin vào thực hành y tế của họ, và điều đó bao gồm việc đánh giá cao mọi mạng sống con người được giao phó cho sự chăm sóc của họ.”

Kevin Theriot, cố vấn cấp cao của công ty luật vì lợi ích công cộng Alliance Defending Freedom, gọi tắt là ADF, nói trong một tuyên bố.

Theo quan điểm của tòa án, việc yêu cầu bác sĩ ghi lại yêu cầu của bệnh nhân về bản chất là yêu cầu một bác sĩ phản đối phải “tham gia” vào quy trình.

Vào năm 2018, Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng các trung tâm trợ giúp mang thai ở California phải cung cấp thông tin về các nhà cung cấp dịch vụ phá thai.

Ông Theriot cho biết phán quyết của tòa án quận phản ánh quyết định của tòa án cấp cao năm 2018.

Theo quan điểm của tòa án quận, việc yêu cầu các bác sĩ “ghi lại” yêu cầu của bệnh nhân có nghĩa là “các nhà cung cấp không muốn tham gia bị buộc phải tham gia vào Đạo luật, mặc dù họ phản đối việc hỗ trợ tự tử.”

Luật sư Christy Hirsch của ADF nói với The Washington Times rằng “khi bạn buộc các bác sĩ phải lựa chọn giữa vi phạm lương tâm của họ hoặc rời bỏ việc hành nghề y, điều này chắc chắn không có lợi cho bất kỳ ai.”

Qua email, văn phòng Bộ trưởng Tư pháp California Ron Bonta cho biết, “Chúng tôi đang xem xét phán quyết của Tòa Án.”
Source:Washington Times
 
Caritas Ukraine chuẩn bị cho mùa đông thời chiến khắc nghiệt
Đặng Tự Do
17:38 13/09/2022


Caritas Ukraine giúp đỡ nơi trú ẩn cho những người phải di dời trước khi mùa lạnh bắt đầu.

Người đứng đầu một trong những cơ quan cứu trợ lớn của Ukraine có tầm nhìn về những gì sẽ cần thiết khi chiến tranh ở đất nước của cô ấy kết thúc. Nhưng hiện tại, một trong những nhiệm vụ cấp bách hơn cả là chuẩn bị cho một mùa đông khắc nghiệt đối với nhiều người.

Tetiana Stawnychy, chủ tịch Caritas Ukraine cho biết: “Mọi người hiện đang rất lo ngại về mùa lạnh đang đến nhanh chóng”. Stawnychy cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng trong khi cô và các nhân viên của mình đang tiếp tục đáp ứng nhu cầu liên tục của hàng triệu người phải di dời khỏi nhà của họ, họ đang tiến hành chuẩn bị cho một mùa đông thời chiến.

Mùa đông thường lạnh giá của Ukraine năm nay được quan tâm nhiều hơn vì rất nhiều cơ sở hạ tầng của nước này đã bị hư hại hoặc phá hủy, đặt ra những thách thức đối với việc cung cấp và phân phối năng lượng. Đã có nhiều báo cáo về việc người dân tích trữ củi hoặc mua bếp đốt củi.

Điều phối viên Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tại Ukraine, Denise Brown, cho biết vào cuối tháng 8 rằng cô ấy không tin rằng các cộng đồng dễ bị tổn thương ở phía đông và phía nam Ukraine sẽ có những gì họ cần để sống sót trong mùa đông tới.

6 tháng kể từ khi Nga bắt đầu cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “phi hạt nhân hóa” Ukraine, gần 18 triệu người, chiếm khoảng 40% tổng dân số của đất nước, cần đến viện trợ nhân đạo.

Nhiều người già đang sống trong những ngôi nhà bị hư hỏng, và việc không được tiếp cận với khí đốt hoặc điện ở nhiều nơi ở phía đông “có thể là vấn đề sinh tử” nếu mọi người không thể sưởi ấm cho ngôi nhà của họ, Brown cho biết trong một tuyên bố.

Về kế hoạch của Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cho mùa đông, Brown giải thích, “chúng tôi sẽ phải làm việc khác... chúng tôi chỉ có thể giả định rằng” những người bị mắc kẹt trong một cuộc chiến “không có những gì cần thiết để vượt qua” mùa đông “bắt đầu sớm và kéo dài.”

“Nga đã tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng kể từ tháng 2, bao gồm các nhà máy lọc dầu và các nhà máy điện. Họ cũng thật tàn bạo khi nhắm vào cơ sở hạ tầng khí đốt hoặc các cơ sở sản xuất khí đốt. Ukraine đang chuẩn bị các bộ dụng cụ khẩn cấp có thể phục vụ tới 200.000 người, bao gồm nồi hơi di động, thiết bị sưởi di động và máy phát điện diesel.”

Caritas Ukraine, một phần của tổ chức nhân đạo và phát triển quốc tế của Giáo Hội Công Giáo, có 37 trung tâm trên khắp đất nước và mạng lưới 448 giáo xứ Công Giáo Đông phương Ukraine, qua đó Caritas có thể cung cấp các phản ứng địa phương và hỗ trợ thêm. Khoảng 1.300 người đang thực hiện công việc, trong đó có nhiều người trước đây là người nhận sự giúp đỡ của Caritas và sau khi ổn định, đã trở lại Caritas để tham gia sứ mệnh với tư cách là tình nguyện viên hoặc nhân viên. Ngoài việc cung cấp thực phẩm, thuốc men, vệ sinh, tiếp cận nước uống, hỗ trợ tâm lý và các hoạt động khác, các trung tâm Caritas đang làm việc để bảo đảm mọi người có đủ chỗ ở và được sưởi ấm trong mùa đông.

Stawnychy nói với Aleteia: “Ở những khu vực có nhà cửa bị hư hại và không còn xung đột nữa, chúng tôi đang tiến hành các bước khắc phục sớm - sửa chữa nhẹ,” Stawnychy nói với Aleteia khoảng sáu tháng sau khi bắt đầu cuộc xâm lược lớn của Nga. “Mục tiêu chính của chúng tôi trong vài tháng tới là tập trung sự chú ý vào những ngôi nhà có thể được sửa chữa nhanh chóng - để thu hút nhiều người trở lại nhà của họ nhất có thể trước mùa đông. Điều này sẽ bao gồm việc sửa chữa các cửa sổ hoặc cửa ra vào bị hỏng, những công việc sửa chữa đơn giản có thể hoàn thành vào đầu mùa đông.”

Bà nói rằng mọi người vẫn đang di tản ra khỏi các khu vực do Nga chiếm đóng ở Ukraine và các khu vực đang có giao tranh lớn. Bà nói thêm rằng chính phủ Ukraine đang yêu cầu người dân cũng di tản khỏi các khu vực có cơ sở hạ tầng bị hư hại do giao tranh đến mức chính phủ không thể bảo đảm nhiệt, nước và điện trong những tháng mùa đông.

“Mọi người tin rằng chiến tranh chắc chắn sẽ kết thúc,” cô nói. “Họ có hy vọng và họ có niềm tin rằng nó sẽ kết thúc. Tất cả các cuộc chiến tranh phải đến hồi kết thúc. Trong khi chờ đợi bạn tiếp tục cầu nguyện, bạn tiếp tục làm việc. Vào mùa hè, một trong những đồng nghiệp của chúng tôi ở nước ngoài đã hỏi tôi rằng chúng tôi tiếp tục tiến bước như thế nào, và tôi đã sử dụng cụm từ 'hy vọng trong hành động.' Vì vậy, bạn tiếp tục tiến bước bởi vì bạn có hy vọng, và bạn hành động trong hy vọng đó. Bạn hành động trong hy vọng và niềm tin”.
Source:Aleteia
 
Đức Thánh Cha diễn từ cho chính quyền dân sự ở Kazakhstan: Hãy dung hòa quá khứ và hiện tại
Thanh Quảng sdb
18:49 13/09/2022
Đức Thánh Cha diễn từ cho chính quyền dân sự ở Kazakhstan: 'Hãy dung hòa quá khứ và hiện tại'

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn ở Kazakhstan, kêu gọi họ tìm kiếm sự hài hòa, như họ đã từng làm trong lịch sử và truyền thống, để hòa bình và nền dân chủ được trường tồn trong đất nước.

(Tin Vatican - Francesca Merlo)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Kazakhstan hôm thứ Ba (13/9/2022) bắt đầu chuyến Tông du thứ 38 của ngài. Gặp gỡ các nhà chức trách, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn vào chiều cùng ngày tại thủ đô Nur-Sultan, Đức Thánh Cha đã mở "lời chào thân ái" đến với tất cả mọi người, trước những nghĩa cử đón tiếp "thân tình" dành cho ngài như là "một người hành hương hòa bình và tìm kiếm đối thoại và đoàn kết".

Đức Thánh Cha đã khởi đầu bằng nhấn mạnh đến tính cấp thiết mà thế giới chúng ta đang cần cho hòa bình, để "khôi phục lại sự hài hòa của nó". ĐTC ứng dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc Kazakhstan, là đàn dombra, một trong những nhạc cụ quan trọng nhất của đất nước, làm ví dụ cho điều này.

Nhạc cụ Dombra
Nhạc cụ Dombra của người Kazakhstan

Nhạc cụ Dombra đã có từ thời Trung cổ, dombra đã đồng hành với dân tộc quí vị qua nhiều thế kỷ, việc ngâm thơ sagas và thơ ca liên kết quá khứ với hiện tại. "Như một biểu tượng của sự liên tục trong sự đa dạng", Đức Thánh Cha Phanxicô nói, "nhịp điệu của nó đi kèm với ký ức của đất nước của các bạn; do đó, nó như một lời nhắc nhở tầm quan trọng, trong bối cảnh những thay đổi nhanh chóng về kinh tế và xã hội ngày nay, quí vị đừng bỏ qua những mối liên kết, nối kết chúng ta lại trong cuộc sống với những người đã đi trước chúng ta ".

Đức Thánh Cha lưu ý rằng ký ức về Kazakhstan lưu giữ "một lịch sử huy hoàng về văn hóa, nhân loại và đau khổ". ĐTC nhắc nhớ lại những trại tù và những vụ trục xuất hàng loạt đã xảy ra trong lịch sử của đất nước, và thực tế là "người Kazakhstan không để mình trở thành tù nhân của những bất công này: ký ức về cuộc sống ẩn dật của mình dẫn đến mối quan tâm sâu sắc về việc hòa nhập".

ĐTC tiếp: “Ước mong hồi ức về những đau khổ và thử thách mà cha ông các bạn đã hứng chịu là một phần không thể thiếu trong hành trình hướng tới tương lai, truyền đạt cảm hứng cho các bạn khiến các bạn dành ưu tiên tuyệt đối cho phẩm giá con người, phẩm giá của mọi người nam nữ, và cho mọi nhóm dân, xã hội và tôn giáo.”

Trở lại hình ảnh của cây đàn dombra, Đức Thánh Cha lưu ý rằng nó được chơi bằng hai sợi dây đàn. Hai sợi dây song song có thể tượng trưng cho sự hòa hợp giữa mùa đông giá băng và mùa hè thiêu đốt của Kazakhstan, giữa các thành phố hiện đại và lịch sử, và "trên hết chúng ta có thể nghe thấy 'nốt nhạc' của hai tâm hồn, châu Á và châu Âu, nói nên cái sứ mệnh liên kết "vĩnh viễn của hai châu lục''.

550 dân tộc và hơn 80 ngôn ngữ hiện diện cùng chung sống trên vùng đất, với lịch sử đa dạng và truyền thống văn hóa và tôn giáo, khiến Kazakhstan trở thành "một phòng thí nghiệm đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo độc đáo, làm nên ơn gọi đặc biệt, đó là một quốc gia của sự gặp gỡ".

Sự đóng góp của các tôn giáo

Với suy nghĩ này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới sự hiện diện của tổ tiên của quốc gia này "đã lưu tâm đến tầm quan trọng và tính cấp thiết của khía cạnh gặp gỡ này, mà các tôn giáo kêu gọi đóng góp công sức mình". ĐTC nói thêm, nền tự do tôn giáo nói nên "một nếp sống tốt đẹp nhất của sự chung sống hài hòa".

Đức Thánh Cha tiếp tục nói tới con đường "Kazakhstan" du mục tới nền tự do và độc lập.

“Tôi muốn bày tỏ sự trân trọng của tôi trước những giá trị của cuộc sống mà quí quốc đã thể hiện qua việc bãi bỏ án tử, vì cái quyền hy vọng của con người”.

Hạt giống hy vọng

Trong những tháng gần đây, một quá trình dân chủ hóa đã được bắt đầu ở đất nước này, "tăng cường quyền lực cho các Nghị viện và chính quyền địa phương, qua sự chia sẻ quyền lực". Đức Thánh Cha cho biết đây là một quá trình đẹp, nhưng đòi hỏi nhiều cố gắng và kiên trì hướng tới cùng đích mà không thối lui.

Đức Thánh Cha cho biết vị trí chính trị của Kazakhstan như một ngã tư, "mà đất nước quí vị nắm giữ vai trò giúp giảm thiểu đi các trường hợp xung đột".

"Suy nghĩ đặc biệt đến sự cam kết toàn cầu đối với nền hòa bình, tôi bày tỏ sự đánh giá cao việc quí quốc quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân và nỗ lực phát triển các chính sách năng lượng và môi trường tập trung vào việc cắt giảm việc xử dụng nhiên liệu carbon và đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch, đã được cuộc Triển lãm Quốc tế tổ chức tại đây cách đây 5 năm trước đây đề xướng”.

ĐTC nhấn mạnh, điều này cùng với những cam kết đối thoại liên tôn giáo là hạt giống hy vọng được gieo vào mảnh đất chung của nhân loại. "Chúng ta phải gieo trồng những hạt giống đó vì lợi ích của các thế hệ mai sau, vì người trẻ, những người mà mong muốn của họ phải được xem xét cách nghiêm túc khi chúng ta đưa ra quyết định gây ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai".

Để kết thúc bài diễn văn của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn tất cả những người hiện diện trước tấm lòng hiếu khách của họ và cám ơn mọi người về cơ hội dùng những ngày này để các nhà lãnh đạo của nhiều tôn giáo được đối thoại huynh đệ với nhau.

ĐTC nói “Đối với các bạn, những người có trách nhiệm chính vì lợi ích chung, và với tất cả mọi người công dân của đất nước này, tôi bày tỏ niềm vui khi được hiện diện nơi đây và đồng hành với quí vị trong tâm tình cầu nguyện và thiện tâm cùng nhau xây dựng một tương lai thịnh vượng và hài hòa cho đất nước này thành một Quốc gia tuyệt vời."
 
Đức Phanxicô đã tới Kazakhstan, nhắc đến Trung Quốc và cuộc chiến tranh vô nghĩa tại Ukraine
Vũ Văn An
22:03 13/09/2022

Theo tin VaticanNews, máy bay của Đức Giáo Hoàng đã đáp xuống phi trường quốc tế Nur-Sultan Nazarbayev lúc 1.27 chiều giờ địa phương ngày 13 tháng 9, 2022. Ngài được nghinh đón tới quốc gia Trung Á này bởi một phái đoàn các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo, trong đó, có Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev.



Cuộc viếng thăm đầu tiên của Đức Giáo Hoàng tại đây là tới dinh tổng thống, nơi ngài gặp gỡ các nhà cầm quyền, viên chức chính phủ và ngoại giao đoàn. Theo VaticanNews, mục đích chuyến tông du lần này của Đức Phanxicô là tham dự Đại hội lần thứ 7 của Các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo Thế giới và Truyền thống. Ngài tham dự buổi khai mạc của Đại hội vào sáng thứ ba và sẽ chào hỏi các tham dự viên Đại hội xuất phát từ khoảng 100 quốc gia. Sự hiện diện của ngài chắc chắn nâng cao khuôn mạo của Đại hội. Giáo sư Azza Karam, Tổng thư ký của Các Tôn giáo Vì Hòa bình, nhận định rằng “Đức Giáo Hoàng được coi như một nhà lãnh đạo tôn giáo nói lên các trách nhiệm tinh thần và thậm chí giải thích rõ điều cần thiết phải làm để hàn gắn các cộng đồng và ngăn chặn tranh chấp. Do đó, vai trò của ngài sẽ tiếp tục vạch rõ đường lối làm thế nào và tại sao phải giải quyết và ngăn chặn các tranh chấp, bao gồm việc sống hòa bình hơn với nhau như những người có đức tin”.

Sự hiện diện của ngài cũng là một khích lệ lớn lao cho cộng đồng Công Giáo nhỏ bé của đất nước. Cha Ruslan Rakhimberlinov, giám đốc chủng viện Công Giáo ở Karaganda, cho biết cộng đồng địa phương cảm thấy diễm phúc được chào đón Đức Thánh Cha tới xứ sở mình. Ngài nói, “đối với chúng tôi, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Kazakhstan là một cơ hội cho cộng đồng Công Giáo nhỏ bé của chúng tôi ở đây, “đoàn chiên nhỏ bé” của chúng tôi, nhận được một thúc đẩy”.

Hậu cảnh Trung Quốc và chiến tranh Ukraine

Về mặt chính thức là như thế, nhưng ở hậu cảnh của chuyến đi, hình ảnh bang giao với Trung Hoa và cuộc chiến tranh tại Ukraine hết sức đậm nét trong tâm trí Đức Phanxicô. Thực vậy, theo hãng tin CNA, trên chuyến máy bay chở ngài tới Kazakhstan, Đức Phanxicô nói với các nhà báo tháp tùng ngài rằng “tôi luôn sẵn sàng tới Trung Hoa”, mặc dù ngài xác nhận cho đến nay, không “có tin tức gì mới” về đồ đoán là ngài sẽ gặp Tập Cẩn Bình.

Hãng tin A.P. thì cho chạy hàng tít lớn: “chiến tranh của Nga tại Ukraine, tấm phông cho chuyến viếng thăm Kazakh của Đức Giáo Hoàng”. Còn Tạp chí CruxNow, thì cho chạy hàng tít “Đức Giáo Hoàng tới Kazakhstan lên án cuộc xâm lăng Ukraine ‘vô nghĩa, đầy thảm họa’”.

Thực vậy, CruxNow tường trình rằng khi tới Kazakhstan vào hôm thứ ba, Đức Phanxicô đã lên tiếng lên án cuộc chiến tranh tại Ukraine và nói với các nhà lãnh đạo nước này rằng vì địa điểm và thành phần sắc tộc và tôn giáo đa dạng của xứ sở, Kazakhstan đóng một vai trò độc đáo trong việc cổ vũ hòa bình trong vùng.

Ngài cũng ca ngợi sự chung sống hòa hợp của các cộng đồng đa dạng của Kazakhstan và ca ngợi sự cam kết của đất nước trong việc giải trừ hạt nhân và bảo vệ môi trường, cũng như quyết định của chính quyền Kazakhstan vào năm ngoái về việc bãi bỏ án tử hình.

Phát biểu trước các nhà chức trách dân sự và ngoại giao đoàn ở Kazakhstan, trong bài phát biểu ngày 13 tháng 9, Đức Giáo Hoàng cho biết ngài đến thăm đất nước “như một người hành hương hòa bình, tìm kiếm đối thoại và đoàn kết”.

Ngài nói, Kazakhstan đại diện cho “một ngã tư địa chính trị quan trọng” và do đó, nó có “một vai trò căn bản trong việc giảm thiểu các trường hợp xung đột”.

Đức Phanxicô nhắc lại biến cố vị tiền nhiệm của ngài, Đức Gioan Phaolô II, đến thăm vào năm 2001, chỉ vài ngày sau vụ khủng bố 11/9 bi thảm ở Hoa Kỳ. Ngài nói, giờ đây, “Tôi đến thăm qúy vị giữa lúc có cuộc chiến vô nghĩa và bi thảm nổ ra với cuộc xâm lược Ukraine”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết ngài đến “để lặp lại lời cầu xin của tất cả những ai kêu gọi hòa bình, vốn là con đường thiết yếu để thế giới hoàn cầu hóa của chúng ta phát triển.”

Trong bài phát biểu trước các nhà chức trách, vốn là bài phát biểu chính thức đầu tiên của ngài trong chuyến đi, Đức Phanxicô nhấn mạnh sự cần thiết phải “mở rộng các nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy đối thoại và gặp gỡ”.

“Ngày nay vấn đề của một người là vấn đề của mọi người, và những người nắm quyền lực lớn hơn trên thế giới có trách nhiệm lớn hơn đối với những người khác, đặc biệt là những quốc gia dễ xảy ra bất ổn và xung đột nhất”, ngài nói thế và nhấn mạnh, “Điều này nên là mối quan tâm của chúng ta chứ không phải lợi ích cá nhân của chúng ta”.

Đức Phanxicô nói rằng bây giờ là lúc “ngừng gia tăng các tranh chấp và củng cố các khối đối lập”. Ngài nói rằng nhu cầu cấp thiết hiện nay là các nhà lãnh đạo “ở bình diện quốc tế, phải giúp các dân tộc phát triển trong sự hiểu biết và đối thoại lẫn nhau”.

Đề cập đến “tinh thần Helsinki”, tức Hiệp định lịch sử Helsinki năm 1975 về an ninh và hợp tác ở châu Âu, ngài cho biết các nhà lãnh đạo thế giới phải thể hiện quyết tâm “tăng cường chủ nghĩa đa phương, xây dựng một thế giới hòa bình và ổn định hơn, nghĩ tới các thế hệ tương lai.”

Để điều này xảy ra, ngài nói, “điều cần thiết là hiểu nhau, kiên nhẫn và đối thoại với mọi người. Tôi nhắc lại: với mọi người”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nêu bật lịch sử phức tạp của Kazakhstan, đặc biệt là trong thời kỳ Liên Xô, nhắc lại việc đất nước này là nơi đày ải các tù nhân và người bị giam giữ, những người thường bị đưa đến làm việc trong các trại lao động ở Kazakhstan.

Như thế, ngài nói, Kazakhstan “bao gồm một lịch sử huy hoàng của văn hóa, nhân tính và đau khổ. Làm thế nào chúng ta có thể không nhớ lại, cách riêng, các trại tù và các vụ trục xuất hàng loạt vốn lên chứng cớ cho việc áp bức không biết bao con người, trong các thành phố và thảo nguyên vô biên của những vùng đất này?"

Tuy nhiên, ngài nói, người Kazakhstan đã vượt qua lịch sử này. "Ký ức sống hẻo lánh của qúy vị đã dẫn đến mối quan tâm sâu sắc về việc hòa nhập."

Ngài yêu cầu điều này: ký ức về những di dời lớn lao và những đau khổ mà con người phải chịu đựng sẽ là “một phần không thể thiếu trong hành trình của qúy vị hướng tới tương lai, truyền cảm hứng để qúy vị dành ưu tiên tuyệt đối cho phẩm giá con người, phẩm giá của mọi người đàn ông và đàn bà, và của mọi dân tộc, mọi nhóm xã hội và tôn giáo.”

Đức Phanxicô tập trung phần lớn bài phát biểu của ngài vào hình ảnh dombra, một nhạc cụ giống như đàn guitar truyền thống của người Kazakhstan được làm bằng gỗ và hai dây. Ngài nói, hai dây là biểu tượng cho vai trò của Kazakhstan như một “cầu nối giữa châu Âu và châu Á”.

Chúng cũng như một lời nhắc nhở rằng “sự hòa hợp lớn lên và trưởng thành trong việc cùng sống với nhau, trong sự thống nhất hợp xướng dẫn đến một đời sống xã hội 'giao hưởng'", một đời sống mà ngài cho là một hình ảnh đặc biệt xúc động đối với 550 nhóm sắc tộc và 80 ngôn ngữ khác nhau hiện diện trong quốc gia.

Trong bối cảnh này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nói về tầm quan trọng của tự do tôn giáo, được bảo đảm bởi hiến pháp Kazakhstan; ngài nói rằng một nền thế tục lành mạnh sẽ “thừa nhận vai trò quan trọng và không thể thiếu của tôn giáo và chống lại các hình thức của chủ nghĩa cực đoan muốn làm biến dạng nó”.

Ngài nói, hình thức thế tục này là “điều kiện thiết yếu để mỗi công dân được đối xử bình đẳng. Tự do tôn giáo đại diện cho máng chuyển tốt nhất của việc chung sống dân sự. "

Ngài cũng nói về nền dân chủ và quá trình dân chủ hóa của Kazakhstan, vốn đôi khi huyên náo khi cho rằng dân chủ như một hệ thống “tạo thành hình thức phù hợp nhất để diễn dịch quyền lực thành việc phục vụ toàn thể nhân dân chứ không chỉ một số ít người”.

Ngài nói, việc Kazakhstan theo đuổi nền dân chủ lớn hơn, nhằm “tăng cường các năng quyền của Nghị viện và chính quyền địa phương và nói chung là sự phân phối quyền lực lớn hơn”, là một “quá trình xứng đáng và đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực, “mà không thoái lui”.

“Dân chủ và hiện đại hóa ở mọi nơi không phải chỉ là những mỹ từ; chúng phải được thể hiện trong việc phục vụ mọi người một cách cụ thể ”, ngài nói thế và cho biết điều này ngụ ý “một ‘nền chính trị tốt’, phát sinh từ việc lắng nghe mọi người và đáp ứng các nhu cầu chính đáng của họ,” cũng như sự tham gia thường xuyên vào xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức nhân đạo, và quan tâm đặc biệt đến người lao động, thanh niên và những người dễ bị tổn thương nhất.

Ngài nói, “phong thái chính trị thực sự dân chủ” này là đáp ứng hữu hiệu nhất đối với các trường hợp chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa dân túy vốn đe dọa đến sự ổn định và phúc lợi của các dân tộc. ”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng ca ngợi Kazakhstan vì đã thông qua dự luật bãi bỏ án tử hình vào năm ngoái, cũng như những nỗ lực bảo vệ môi trường và cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân.

Nhận định rằng Tòa thánh và Kazakhstan sắp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, ngài bảo đảm với các nhà lãnh đạo rằng người Công Giáo mong muốn “tiếp tục làm chứng cho tinh thần cởi mở và đối thoại tôn trọng vốn làm nổi bật lãnh thổ này”.

Đức Phanxicô kết thúc bài diễn văn bằng lời cảm ơn sự chào đón của các nhà chức trách, và cầu xin Thiên Chúa ban phước cho “ơn gọi hòa bình và hiệp nhất phù hợp với Kazakhstan, đất nước của sự gặp gỡ”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thiếu Nhi Thánh Thể Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang Melbourne vui Trung Thu 2022
Trần Văn Minh gửi
15:15 13/09/2022
Thiếu Nhi Thánh Thể Vui Trung Thu - Album 2, 11/9/22
HÌNH ẢNH: THIẾU NHI THÁNH THỂ VUI TẾT TRUNG THU - ALBUM 2, 4.00PM | 11/9/2022
Kính gửi đến quý ông bà anh chị em thêm một số hình ảnh Đêm Hội Trung Thu của các em Thiếu Nhi Thánh Thể tại Trung tâm do anh photographer Nam Võ của Ban Truyền Thông thực hiện.
Hình ảnh: Nam Võ - BTT
Xem hình
 
Đan Viện Thánh Mẫu Chău Sơn Sacramento CA Mừng Bổn Mạng năm 2022.
Lê Quang Uyên
15:57 13/09/2022
Đan Viện Thánh Mẫu Chău Sơn Sacramento CA Mừng Bổn Mạng năm 2022.

Sacramento CA: Sau 3 năm tạm dừng mọi sinh hoạt của cộng đoàn Gia Đình Châu Sơn Hoa Kỳ tại Sacramento California vì đại dịch Covid-19. Năm nay tình hình dịch bệnh đã được ổn định trên toàn thế giới. Cho nên, Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Sacramento đã long trọng tổ chức Lễ Mừng Bổn Mạng của Đan Viện Lễ Đức Mẹ Hồn Xac Lên Trời, vào 2 ngày thứ Bảy 10 tháng 9 đến ngày Chúa Nhật 11 tháng 9 năm 2022.

Xem Hình

Nhân dịp nầy cũng là kỷ niệm 21 năm Đan Viện hoạt động tại Hoa Kỳ và 17 năm thành lập Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Sacramento California và Gia đình Châu Sơn Hoa Kỳ. Đồng thời, đặc biệt kỷ niệm 25 năm ngày thụ phong Linh Mục (lễ Ngân Khánh) của Đức Viện Phụ Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương Lâm Đồng Việt Nam, Đức Viện Phụ Dominic Savio Trần Thiết Hùng O.cist, ngoài ra cũng mừng Cha giảng phòng cho đại hội năm nay Cha Matthêu Nguyễn Khắc Hy cũng cùng kỷ niệm 25 năm Linh Mục của Cha với Đức Viện Phụ, thật là niềm vui của Đan Viện và cộng đoàn Gia Đình Châu Sơn Hoa Kỳ trong sự trùng hợp thú vị nầy, Tạ Ơn Chúa !.

Thứ Bảy, 10/9/2022 từ sáng sớm cộng đoàn Gia Đình Châu Sơn khắp mọi nơi đã lần lược kéo nhau về nhà Mẹ Đan Viện bằng mọi phương tiện khác nhau và các miền khác nhau có người từ xa xôi Boston Massachusetts, Houston Texas, Florida, Portland Oregon, 2 miền Bắc và Nam California, và nhiều miền khác nữa, mọi người vui vẽ chào đón nhau cũng quý Cha quý Thầy Đan Viện và anh em bạn bè quen biết nhau từ nhiều năm trước nhưng vì dịch Covid nên không gặp nhau được, riêng thời tiết thì thật thuận hòa với nhiệt độ trong hai ngày Đại Hội chỉ trên dưới 80 độ F so với những ngày vừa qua trên 100 độ F.

Chương Trình trong 2 ngày Đại Hội được tuần tự như sau:

1- Thứ Bảy ngày 10 tháng 9 năm 2022. Tại Hội Trường Lòng Thương Xót đã có Nghi Thức chào đón và Khai Mạc do Cha Bề Trên Đan Viện Liô Nguyễn Văn Tiên O.cist. giới thiệu với quý Đức Viện Phụ quý Cha, quý tu sĩ Nam Nữ và cộng đoàn gia đình Châu Sơn về chương trình 2 ngày Đại Hội quan trọng của Đan Viện.

Vào lúc 6 giờ chiều Thánh Lễ Mừng Bổn Mạng Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời do Đức Viện Phụ Dominic Savio Trần Thiết Hùng O.cist. chủ tế, cùng đồng tế có Đức nguyên Viện Phụ Ephrem Trịnh Văn Đức, quý Cha của Đan Viện, quý Cha khách, ngoài ra, tham dự còn có quý Thầy của Đan viện, quý Sơ Hội Dòng Nữ Xitô tại Hoa Kỳ, quý Sơ các Hội Dòng Mến Thánh Giá đang hoạt động tại Hoa Kỳ.

Sau Thánh Lễ có cung nghinh kiệu Đức Mẹ Hồn Xã Lên Trrời về trung tâm sinh hoạt cuả Đan Viện và sau đó cộng đoàn ăn cơm tối và chương trình văn nghệ gíup vui.

2- Chúa Nhật ngày 11 tháng 9 năm 2022 có buổi hội thảo do Cha Matthêu Nguyễn Khắc Hy, Giám Đốc Đại Chủng Viện Xuân Bích tại San Antonio Texas hướng dần vào lúc 9 giờ sáng tại hội trường Lòng Thương Xót với chủ đề: “NGƯỜI YÊU THƯƠNG HỌ ĐẾN CÙNG” (Jn 13:1).

Sau khi chấm dứt hội thảo là phần báo cáo sinh hoạt và xây dựng cơ sở của Đan Viện trong đó có chương trình xây dựng hội trường mới để quý cộng đoàn hằng năm đến dự Đại Hội có nơi nghỉ ngơi dầy đủ tiện nghi hơn, hy vọng nhờ qua sự đống góp giúp đở với lòng hảo tâm của quý hội viên, hội trường sẽ hoàn tất vào lúc trước đại hội trong năm đến.

Phần quan trọng nhất trong 2 ngày đại hội là Thánh Lễ Đại Trào bế mạc đại hội lúc 10 giờ sáng do Đức Giám Mục Jaime Soto Giám Mục Địa Phận Sacramento CA chủ tế, cùng đồng tế có Đức Viện Phụ Dominic Savio Trần Thiết Hùng, O.cist. Đức nguyên Viện Phụ Ephrem Trinh Văn Đức S.Cist. Đức Viện Phụ Thomas X. Davis Đan Viện Xitô New Clever CA, là một vị đại ân nhân đã giúp đỡ rất nhiều trong việc mở mang cơ sở Đan Viện hiện nay, ngoài ra cùng đồng tế còn có các Cha của Đan Viện, Cha Matthêu Nguyễn Khác Hy và các Cha Khách. Tham dự Thánh Lễ còn có quý sơ thuộc Đan Viện Nữ Dòng Xitô Hoa Kỳ cùng các Sơ các Hội Dòng Mến Thánh Gía v.v… và khá đông quý cộng đoàn Gia Đình Chân Sơn quy tụ về tham dự ước chừng khoảng trên 1000 hội viên ngồi kín cả hội trường.

Trước khi vào Thánh Lễ Cha Bề Trên Đan Viện ngỏ lời chào mừng Đức Giám Mục, quý Đức Viện Phụ, quý Cha, quý Thầy Sáu, quý cộng đoàn hội viên khấp mọi nơi về tham dự.

Trước khi Đức Giám Mục chủ tế ban phép lành kết thúc Thánh Lễ, cũng nhân dịp kỷ niệm 25 năm thụ phong linh mục Đức Viện Phụ Dominic Savio Trần Thiết Hùng. Cha Liô Nguyễn Văn Tiên Bề Trên Đan Viện đã ngỏ lời chúc mừng Đức Viện Phụ trong ngày vui trọng đại nầy.

Tiếp theo, Đức Viện Phụ đã có lời cám ơn Đức Giám Mục, quý Đức Viện Phụ, quý Cha và cộng

đoàn gia đình Châu Sơn, đặc biệt đối với ông bà cố của Viện Phụ tuy nay nhị vị đã về cùng Chúa, tất cả xin được cùng một tấm lòng tri ân và tạ ơn Chúa đã gìn giữ Đức Viện Phụ trong quảng đời dài dấn thân theo Chúa từ lúc chỉ mới 10 tuổi, và 25 năm ân phúc Linh Mục. Trong lời chia sẻ Đức Viện Phụ cũng không quên nhắc đến để tri ân Đức nguyên Viện Phụ tiền nhiệm Phanxicô Phan Bảo Luyện, ngài là vị đã đề xướng và đồng hành trong công trình xây dựng Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Sacramento hiện nay.

Kết thúc Thánh Lễ Cha Bề Trên Liô Nguyễn Văn Tiên đã ngỏ lời cám ơn Đức Giám Mục, quý Đức Viện Phụ, Cha gỉảng phòng, quý Cha, quý Sơ các Hội Dòng cùng toàn thể cộng đoàn gia đình Châu Sơn khắp mọi nơi đã quy tụ về hai ngày để tham dự đại hội. Cuối Thánh Lễ kính mời tất cả ở lại cùng Đan Viện để dùng tiệc mừng và văn nghệ giúp vui.

Đại Hội kết thúc lúc 2 giờ chiều, mọi người ra về trong tâm tình tạ ơn và được hưởng nhiều ơn ích thiêng liêng qua bàn tay từ ái của Mẹ Hồn Xác Lên Trời ân ban, và cùng hẹn gặp nhau ngày nầy năm sau 2023./.

Lê Quang Uyên

Portland OR
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh suy tôn Thập gía Chúa Giesu
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
20:38 13/09/2022
Hình ảnh suy tôn Thập gía Chúa Giesu

Nhân loại từ hơn hai năm nay sống trong khủng hoảng chao đảo. Vì bệnh đại dịch Covid 19 lây lan truyền nhiễm đe dọa sức khoẻ đời sống con người.

Thời sự lúc này cảnh chiến tranh bên Ukraina đang xảy ra đe đạo khốc liệt đời sống con người, nền hoà bình thế giới trở nên mong manh, đời sống kinh tế khủng hoảng đình trệ…

Và còn thêm tình trạng biến đổi khí hậu, làm cho trái đất nóng lên, hạn hán lũ lụt…khiến đời sống bị đe dọa thêm nữa.

Những cảnh tiêu cực chao đao đảo, khốn khó đau khổ đó là những bước đường “thập gía giăng ngang lối cuộc đời” con người.

Trong đời sống mỗi người đều có thập gía đau khổ. Nhưng không mấy ai muốn nói về thập gía đau khổ. Con người ai cũng mến chuộng mong muốn sự bình an xuôi chẩy hạnh thông cho đời sống mình.

Hầu như nơi mỗi người, từ khi biết nhìn nhận suy nghĩ, đều đã có lần thắc mắc về ý nghĩa của thập gía. Thập gía ẩn hiện trong đời sống. Thập gía có nhiều bộ mặt khác nhau. Thập gía gắn liền trong đời sống dưới nhiều hình thức trong nhiều giai đoạn đời sống.

Người Công Giáo tôn thờ suy tôn thập gía Chúa Giêsu. Thập gía Chúa Giêsu là Logo biểu hiệu của đức tin người Công Giáo.

Thánh Phaolô đã viết nói lên tâm tư của mình về thập gía với niềm xác tín: “ Thật thế, lời rao giảng về thập gía là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại lại sức mạnh của Thiên Chúa.” ( 1 cr 1, 18)

Nhưng đâu là hình ảnh ý nghĩa thập gía Chúa Giêsu?

Trong dòng lịch sử Giáo Hội Công Giáo, ngày 13.09.335 ngôi đền thờ ở Giêrusalem xây trên phần mộ an táng Chúa Giêsu ngày xưa, được khánh thành để suy tôn Thập gía Chúa Giêsu.

Ngày 13.09. cũng là ngày tìm thấy Thập gía Chúa Giêsu đã vác ra pháp trường chịu tử hình. Và ngày 14.09. cây Thập gía Chúa Giêsu Kitô được dựng dương cao trong ngôi đền thờ ở Jerusalem để cho toàn dân chiêm ngưỡng suy tôn.

Từ thế kỷ thứ 05. bên Konstantinopel, rồi thế kỷ thứ 07. bên Roma mừng ngày lễ suy tôn Thập gía Chúa Giêsu.

Khi nói đến dâng nâng một vật gì lên cao, ta nghĩ ngay đến vật đó đã bị hạ nằm xuống dưới mặt đất, và được cất dựng lên khỏi mặt đất.

Kinh nghiệm cảm nghiệm này, con người chúng ta hầu như cũng đều đã có, khi tinh thần hay thân xác mệt mỏi yếu đau, ta ngồi nằm xuống ghế, xuống tận mặt đất nền nhà. Và lúc bừng tỉnh khoan khoái trong người ngồi bật đứng dậy lên cao.

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng trước khi được Thiên Chúa Cha nâng lên cao, ngài đã bị hạ xuống từ trời cao xuống trần gian làm người với những đau khổ yếu hèn của một con người. Và sau cùng bị vật nằm đóng đinh trên thập gía cho tới chết. Vào thời Chúa Giêsu cách đây hai ngàn năm thập gía là nhục hình cho người bị kết án, như người Do Thái “ coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.”( 1 cor 1, 23)

Chúa Giêsu đã bằng lòng chấp nhận khổ hình thập gía thay cho mọi tội lỗi. Vì thế ngài đã có thể giaỉ thoát con người tội lỗi khỏi hình phạt sự chết.

Sự chết của Chúa Giêsu trên thập gía trở thành nơi chốn của vinh quang. Thập gía là dấu chỉ của chết chóc đã trở thành biểu tượng của sự sống.

Thập gía trong đời sống con người chúng ta không vì được Chúa Giêsu cứu độ khỏi hình phạt sự chết mà không còn nữa. Trái lại, thập gía gắn liền trong đời sống mỗi người. Vì thế, trong dân gian có câu nói: “Mỗi người đều có thập gía riêng phải vác!”. Nhưng niềm tin nói cho biết, đàng sau những đau khổ thập gía đó có niềm hy vọng sự sống mới vươn lên.

Phải, hầu như ai cũng đều có kinh nghiệm, đời sống con người chúng ta không dừng lại nơi chặng đau khổ, khó khăn thập gía. Nhưng trái lại con đường đời sống tiếp tục đi tới phía trước.

Thiên Chúa, Đấng tạo thành sự sống, nuôi dưỡng đời sống con người, không để cho đời sống bị lún xuống chìm sâu. Nhưng Ngài muốn cứu độ giải thoát khỏi tội lỗi hình phạt. Điều này thể hiện nơi Chúa Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa, đã vác thập gía và chịu chết trên đó mang trao tặng sức lực và niềm hy vọng cho con người sống trong đau khổ bệnh tật yếu hèn, trong bơ vơ chao đảo…phải vác thập gía lần bước đi trong đời sống.

Mừng kính suy tôn thập giá Chúa Giêsu cùng suy tư về ý nghĩa thập gía muốn nói lên tâm tình Chúa Giêsu ở giữa chúng ta trong đời sống.

Qua cảm nghiệm cùng kinh nghiệm về thập gía Chúa Giêsu cùng của mỗi người, chúng ta nhận ra đời sống con người có hai chiều mặt khác nhau, cũng tựa như một tấm huy chương có hai mặt. Hai chiều mặt khắc ghi trong đời sống. Con người chúng ta không thể chỉ mừng vui, và cũng không thể chỉ vác thập gía chịu đựng đau khổ.

Chính vì thế, hằng ngày hay vào ngày Chúa Nhật chúng ta tụ họp dâng thánh lễ mừng kính mầu nhiệm đức tin vào Đấng đã cùng với con người vác thập gía, và không để con người cô đơn lạc lõng trong lúc vui cũng như khi gặp đau khổ vác thập gía.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Quá tốt: Tuyệt vọng, chỉ huy Nga ở Kherson ra lệnh cho binh sĩ ngưng bắn, điều đình xin đầu hàng
VietCatholic Media
03:22 13/09/2022


1. Tin tức quá tốt lành: Quân đội Nga ở Kherson tuyệt vọng liên lạc với quân Ukraine xin đầu hàng

Trong cuộc họp báo sáng thứ Ba 13 tháng 9, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine đã cho các ký giả nghe một đoạn đối thoại bị đánh chặn trong đó một người lính trong vùng Kherson đang khóc lóc với cha mình vì hoàn cảnh tuyệt vọng. Anh ta tỏ ra rất sợ chết trong bối cảnh cạn kiệt lương thực và bị pháo kích dữ dội. Trong khi đó, một quan chức chính phủ Ukraine cho biết các đơn vị của Liên bang Nga ở khu vực Kherson đang tìm cách đàm phán để đầu hàng với quân đội Ukraine đang tiến công.

Nataliya Humeniuk, phát ngôn viên của Bộ Chỉ huy Tác chiến phía Nam của Ukraine, cho biết các lực lượng Nga ở phía đông bắc của đất nước còn có đường tháo chạy về phía biên giới, nhưng ở phía Nam tình hình của họ xem ra bi thảm hơn vì họ hầu như đã bị bao vây hoàn toàn. “Họ đang tìm cách liên lạc với các đơn vị của chúng tôi để tiến hành đàm phán về khả năng trao đổi vũ khí và đầu hàng dưới sự bảo trợ của luật nhân đạo quốc tế.”

Phát biểu của Humeniuk được đưa ra trong cuộc phỏng vấn trên kênh Espresso Television đánh dấu sự xác nhận chính thức đầu tiên của Kyiv về các cuộc đàm phán có thể xảy ra giữa quân đội Ukraine đang tiến quân ở khu vực Kherson với các đơn vị Nga muốn đầu hàng.

Nhiều bản tin Ukraine hôm thứ Bảy chỉ ra rằng các cuộc đàm phán có thể đang diễn ra giữa quân đội Nga tại thị trấn Vovchansk, một thị trấn đầu mối đường sắt của vùng Kharkiv gần biên giới Nga, và các đơn vị quân Ukraine đang tiến công từ phía nam. Vào ngày Chúa Nhật, các phương tiện truyền thông đã xuất hiện những hình ảnh về Lực lượng Vũ trang Ukraine đứng trước tòa nhà hội đồng thị trấn Vovchansk, cùng với báo cáo rằng quân đội Liên bang Nga đã bỏ chạy.

Bộ Quốc phòng Nga hôm Chúa Nhật thừa nhận rằng do một cuộc tấn công mạnh mẽ của Ukraine, quân đội Nga sẽ được “tái triển khai” tới khu vực Donbas, nhưng tuyên bố đây là một chiến lược có chủ đích chứ không phải là một thất bại quân sự. Các nguồn tin khác liên quan đến Điện Cẩm Linh khẳng định việc rút quân diễn ra thuận lợi và các đơn vị Nga không đầu hàng, mà đang xây dựng một tuyến phòng thủ mới dọc theo sông Oskil. Ngược lại, các phương tiện truyền thông độc lập của Ukraine đã đưa tin về một cuộc di tản điên cuồng của các đơn vị Nga với tình trạng tắc đường nghiêm trọng và hàng chục phương tiện chiến đấu và kho đạn dược bị bỏ rơi.

Trên các mạng xã hội, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine khẳng định các binh sĩ Ukraine đã được yêu cầu đối xử tử tế với tù hàng binh địch, không ngược đãi đánh đập họ, tuân thủ công ước Geneva về tù binh chiến tranh để giữ tình hòa hiếu giữa hai nước. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng công bố một đường giây nóng để các đơn vị và các cá nhân binh sĩ Nga liên lạc với họ. Các binh sĩ Liên bang Nga sẽ được yêu cầu hạ vũ khí xuống, và di chuyển đến một vị trí được quy định. Sáu đó, họ sẽ được di chuyển đến nơi an toàn. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhấn mạnh rằng họ sẽ được an toàn về tính mạng và được đối xử đúng phẩm giá theo các quy định của luật pháp quốc tế mà Ukraine đã ký kết.

2. Chính phủ Ukraine cho biết đang cạn kiệt các trại giam để chứa quân Nga ra đầu hàng đồng loạt khi binh sĩ Ukraine tiếp tục giải phóng các thị trấn ở vùng Kharkiv và Donbas

Trong bản báo cáo sáng thứ Ba 13 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân đội Ukraine đã chiếm lại một vùng lãnh thổ rộng lớn trong ngày thứ Hai, tiến sát biên giới phía đông bắc ở một số nơi, và tuyên bố đã bắt được nhiều binh sĩ Nga như một phần của cuộc tiến công chớp nhoáng buộc Mạc Tư Khoa phải rút lui vội vàng.

Một phát ngôn viên của tình báo quân đội Ukraine cho biết quân đội Nga đã đầu hàng ngay lập tức vì “họ hiểu tình hình của mình là vô vọng”. Một cố vấn của Tổng thống Ukraine cho biết có quá nhiều tù nhân chiến tranh đến nỗi đất nước đang cạn kiệt các trại giam để chứa họ.

Khi những lá cờ Ukraine màu xanh và vàng bay phấp phới trên các thị trấn mới được giải phóng, quân đội Ukraine cho biết họ đã giải phóng hơn 20 khu định cư trong 24 giờ của ngày thứ Hai 12 tháng 9. Theo Bộ Quốc phòng Anh, trong những ngày gần đây, lực lượng của Kyiv đã chiếm được lãnh thổ có diện tích ít nhất gấp đôi diện tích London và vùng ngoại ô rộng lớn.

Sau nhiều tháng giằng dai trên chiến trường, động lực đã nâng cao tinh thần của người Ukraine và gây ra những lời chỉ trích gay gắt của công chúng Nga về cuộc chiến của Tổng thống Nga Putin.

Oleh Syniehubov, thống đốc khu vực đông bắc Kharkiv cho biết: “Ở một số khu vực tiền tuyến, quân phòng thủ của chúng tôi đã đến biên giới quốc gia với Liên bang Nga. Cuối tuần qua, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội sẽ được điều động từ hai khu vực ở Kharkiv để tái phối trí ở khu vực phía đông Donetsk.

Đã có những báo cáo về sự hỗn loạn khi quân đội Nga rút quân.

“Người Nga đã ở đây vào buổi sáng. Sau đó vào buổi trưa, họ đột nhiên la hét dữ dội và bắt đầu bỏ chạy, bỏ lại xe tăng và xe bọc thép”, Dmytro Hrushchenko, một cư dân của Zaliznychne, một thị trấn nhỏ gần chiến tuyến phía đông, nói với Sky News.

Video do quân đội Ukraine quay cho thấy các binh sĩ giơ cao lá cờ Ukraine trên các tòa nhà bị hư hại do chiến sự. Trong một cảnh quay, một binh sĩ Ukraine đã dùng lá cờ Nga bị giật xuống để lau ủng của mình. Các video khác cho thấy người Ukraine đang kiểm tra đống đổ nát của các phương tiện quân sự Nga, bao gồm cả xe tăng.

Các quan chức quân đội Ukraine cho biết, các nỗ lực giải giáp mìn đang được tiến hành tại các khu vực bị chiếm lại, cùng với việc tìm kiếm bất kỳ binh lính nào còn sót lại của Nga.

Vẫn chưa rõ liệu các cuộc phản công của Ukraine có thể báo hiệu bước ngoặt của cuộc chiến hay không, nhưng hiếm khi có một cú xoay chuyển tình thế lớn và đột ngột như vậy. Các chuyên gia quân sự nói với Sky News rằng chỉ trong vòng có mấy ngày tình thế đã thay đổi sâu sắc.

Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovich cho biết số tù nhân Nga đông đảo này sẽ được đổi lấy các binh sĩ Ukraine và các chiến binh tình nguyện nước ngoài đang bị Mạc Tư Khoa giam giữ. Phát ngôn viên tình báo quân sự Andrey Yusov cho biết số quân bị bắt bao gồm một số lượng “đáng kể” các sĩ quan Nga.

Thứ trưởng Nội vụ Ukraine cáo buộc các lực lượng chạy trốn của Nga đã đốt các tài liệu chính thức và giấu các thi thể nhằm che đậy các hành vi vi phạm nhân quyền tại các khu vực mà họ kiểm soát cho đến tuần trước.

Không khí tưng bừng đang diễn ra trên khắp mọi miền đất nước.

3. Putin đối mặt với phản ứng dữ dội từ các đồng minh của ông ta liên quan đến cuộc rút lui được đánh giá là 'Thất bại kinh hoàng'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Faces Backlash From Russian Bloggers Amid Retreat: 'Horrible Failure'“, nghĩa là “Putin đối mặt với phản ứng dữ dội từ các đồng minh của ông ta liên quan đến cuộc rút lui được đánh giá là 'Thất bại kinh hoàng'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các blogger ủng hộ Điện Cẩm Linh trong bối cảnh quân đội của ông ta “thất bại khủng khiếp” ở Ukraine.

Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, sử dụng quân đội khổng lồ của mình để đưa ông ta đến một chiến thắng nhanh chóng. Tuy nhiên, Ukraine kháng cự quyết liệt với một nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ hơn mong đợi, được hỗ trợ bởi viện trợ từ các đồng minh bao gồm Hoa Kỳ. Trong những ngày gần đây, Ukraine đã tăng cường các hoạt động phản công trên lãnh thổ do Nga chiếm đóng, cho phép Kyiv thu được nhiều thành tựu sau hơn sáu tháng kể từ cuộc xung đột.

Ukraine đã tiến hành một cuộc phản công bất ngờ ở các khu vực xung quanh Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của đất nước. Trong những ngày gần đây, các lực lượng Ukraine đã giành quyền kiểm soát các thành phố quan trọng như Izyum và Kupyansk, buộc các binh sĩ Nga phải rút lui khi các chuyên gia nhận thấy Ukraine đang tăng tốc phản công.

Bất chấp sự lên án trên toàn thế giới vì quân đội Nga bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và thiếu lý lẽ biện minh cho chiến tranh, nhiều người ở Nga đã tập hợp lại xung quanh Putin. Tuy nhiên, những chiến thắng này của Ukraine đã chứng kiến một số blogger cứng rắn ủng hộ Nga, những người trong nhiều tháng cổ vũ cho cuộc xâm lược của nhà lãnh đạo Nga, đã quay 180 độ, phản đối ông ta.

Những blogger thân Nga này, một số có hàng triệu người theo dõi, từ lâu đã đóng vai trò truyền bá tuyên truyền ủng hộ chiến tranh của Điện Cẩm Linh, nhưng hiện đang chỉ trích Putin về những tổn thất, nói rằng ông nên dồn nhiều nguồn lực hơn vào cuộc chiến.

Một blogger, Peter Lundstrem, đã chỉ trích Putin vì đã kỷ niệm Ngày Thành phố, một ngày lễ tôn vinh sự thành lập của Mạc Tư Khoa, trong bối cảnh đang xảy ra những thất bại ở Ukraine. Anh ta cáo buộc Putin vì đã tổ chức kỳ nghỉ lễ trong khi các binh sĩ Nga “KHÔNG có máy chụp ảnh nhiệt, KHÔNG có áo chống đạn, KHÔNG có thiết bị trinh sát, KHÔNG có liên lạc an toàn, KHÔNG có đủ trực thăng, KHÔNG có bộ sơ cứu”.

“Ông đang kỷ niệm một ngày lễ hàng tỷ bạc. Đối với ông cái gì mới là quan trọng? Một thất bại khủng khiếp như thế này không quan trọng à?” anh viết trong một bài đăng trên Telegram.

Một blogger thân Nga khác, Yuri Podolyaka, thừa nhận trên Telegram rằng tổn thất là “lớn” và “không thể bỏ qua”, mô tả thứ Bảy là “ngày khó khăn nhất của cuộc chiến này.”

“Câu hỏi quan trọng nhất là, tiếp theo chuyện gì sẽ xảy ra? Chưa ai có câu trả lời. Bởi vì những người biết rành rẽ về sự thất bại hiện tại ở khu vực Kharkiv hiểu rõ rằng đó là kết quả của thực tế là cho đến nay nhiều người trong Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cố gắng không nhận thấy những vấn đề được xác định trong những tháng đầu tiên của Chiến tranh” Podolyaka viết.

Một số blog đã nhắm thẳng vào Bộ Quốc phòng của Putin. Bộ Quốc phòng Nga cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích từ các blogger thân Nga về việc họ đề cập đến các tổn thất, trong đó các blogger cáo buộc các quan chức quốc phòng Nga không chuẩn bị trước về thành công của Ukraine trong cuộc phản công Kharkiv. Một blog, được gọi là “Military Informant”, đã công kích Bộ Quốc phòng Nga vì “sự im lặng chết người”.

“Tất cả những điều này trông giống như một sự tự cô lập có ý thức khỏi thực tế, như thể nếu bạn giữ im lặng về tình hình từ khán đài cao, thì người dân sẽ không biết gì cả. Nhưng dân chúng đã biết mọi thứ từ lâu trước khi cuộc họp báo tiếp theo bắt đầu.”

Một blog khác trên Telegram có tiêu đề “Rybar” cho biết: “Nhưng hãy thẳng thắn rằng: bây giờ không phải là lúc bạn có thể im lặng và không nói bất cứ điều gì. Bây giờ không phải là thời điểm mà bạn có thể tạo ra một khoảng trống thông tin và làm việc với một số loại phương tiện kết hợp, đưa thông tin đến người dân với liều lượng và nội dung đã được nhào nặn theo ý muốn.”

Trong khi đó, Igor Girkin, một cựu chỉ huy quân ly khai thân Nga ở Ukraine, hôm thứ Bảy viết rằng Ukraine đã “thắng rồi” và quân đội của Putin nên tập trung vào việc bảo toàn quân của mình.

Ông viết: “Trong trận chiến giành thế chủ động kẻ thù đã chiến thắng. Bây giờ chúng ta nên nói về việc ngăn chặn Lực lượng vũ trang Ukraine bao vây và phá hủy các đội hình lớn của quân đội chúng ta”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

4. Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Nga nhận định Ukraine 'làm nhục' Putin khi người Nga chạy trốn trong cuộc rút lui

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine 'Humiliating' Putin as Russians Flee in Retreat: Former Ambassador”, nghĩa là “Cựu đại sứ nhận định Ukraine 'làm nhục' Putin khi người Nga chạy trốn trong cuộc rút lui”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cựu đại sứ Mỹ tại Nga, Michael McFaul, nói rằng quân đội Ukraine đang “làm nhục” Tổng thống Nga Vladimir Putin khi các quan chức Ukraine cho biết hôm Chúa Nhật rằng họ đã tiến sâu đến 30 dặm từ giới tuyến với quân Nga trong khu vực Kharkiv.

Trong một bài đăng trên Telegram hôm Chúa Nhật, Tư lệnh quân đội Ukraine, Tướng Valeriy Zaluzhnyi, nói rằng quân đội của ông đã giành lại 3.000 km vuông lãnh thổ từ tay người Nga kể từ đầu tháng và tại khu vực Kharkiv, họ đã tiến sâu hơn 50 km — hoặc khoảng 30 dặm — từ giới tuyến với quân Putin.

“Các chiến binh Ukraine đang làm bẽ mặt Putin và các tướng lĩnh của ông ấy,” McFaul đã tweet vào hôm Chúa Nhật.

Khi các lực lượng Ukraine nỗ lực giành lại lãnh thổ ở các khu vực Kharkiv và Kherson, các quan chức Ukraine đã nói rằng các binh lính trong quân đội Nga đang đào ngũ hàng loạt.

Anton Gerashchenko, một cố vấn tại Bộ Nội vụ Ukraine, cho biết hôm Chúa Nhật rằng một số binh sĩ Nga đã “bỏ chạy quá nhanh đến mức bỏ lại một nửa trang thiết bị của mình”. Quân đội Ukraine tuần trước cũng cho biết Nga đang sử dụng trực thăng ở khu vực Kherson để xác định vị trí của các đào binh.

Trong một cuộc phỏng vấn trên CNN hôm thứ Bảy, Đại tá Không quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Cedric Leighton cho biết “học thuyết Liên Xô” trong quân đội Nga đang “làm mất tinh thần” quân đội của họ.

“Nếu bạn không nhận được lệnh từ phía trên, bạn sẽ không làm gì cả. Và điều đó làm cho những người lính trong chiến hào mất tinh thần. Và thực tế là họ không thực sự biết rằng họ đang chiến đấu cho một lý tưởng nào đó hoặc một điều gì đó vĩ đại hơn chính họ, điều đó tạo ra sự khác biệt thực sự trong trường hợp cụ thể này,” anh nói.

Các quan chức tình báo Ukraine đã công bố đoạn băng ghi âm hôm thứ Ba về những gì họ nói là cuộc gọi bị chặn của một binh sĩ Nga nói với vợ anh ta về những tổn thất mà Nga đã phải gánh chịu ở khu vực Kherson.

“Tụi anh đã có 300 người bị thương ở đây. Chúng đã gài bẫy bọn anh. Bên cạnh bọn anh là những cậu bé đến từ Belogorsk, thuộc Lữ đoàn 165. Mảnh đạn văng khắp nơi, khi hỏa tiễn của chúng nó bắn trúng xe tăng. Nhiều người bị thương vì không có chiến hào hay bất cứ thứ gì.”

Một cựu binh Mỹ, hiện đang sống ở Ukraine và làm việc để huấn luyện các lực lượng Ukraine, gần đây nói với Newsweek rằng anh ta tin rằng Ukraine sẽ cố gắng tránh các cuộc giao tranh trong thành phố mà Nga đã chiếm đóng, vì các cuộc giao tranh như thế sẽ “rất đẫm máu”.

“Chiến đấu trong đô thị rất đẫm máu,” người cựu chiến binh, tên Erik, nói. “Có rất nhiều thương vong, bất kể bạn được huấn luyện tốt như thế nào.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

5. Cựu lãnh đạo quân Nga nhận định Nga đã đại bại, Ukraine đã chiến thắng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Sees 'Major Defeat,' Ukraine Has 'Already Won': Ex-Military Leader”, nghĩa là “Cựu lãnh đạo quân Nga nhận ra Nga đã đại bại, Ukraine đã chiến thắng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh

Igor Girkin, người Nga, nguyên là tổng chỉ huy các lực lượng ly khai thân Nga ở Ukraine, hôm thứ Bảy cho biết quân đội Ukraine đã “chiến thắng” trong cuộc chiến chống lại Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành cuộc xâm lược vào quốc gia Đông Âu vào ngày 24 tháng 2 và vấp phải nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ từ Ukraine, được hỗ trợ bởi viện trợ quân sự từ các đồng minh. Mặc dù có quy mô quân đội khổng lồ, nhưng Mạc Tư Khoa đã không đạt được bất kỳ mục tiêu lớn nào. Các lực lượng Ukraine đã tiến hành các cuộc phản công trong những ngày gần đây ở Kherson và khu vực Kharkiv trong nỗ lực giành lại lãnh thổ.

Hôm thứ Bảy, quân đội Ukraine đã đạt được những tiến bộ đáng kể gần Kharkiv, thành phố lớn thứ hai ở Ukraine - buộc Nga phải rút lui khỏi các thành phố quan trọng bao gồm Izium và Kupyansk, theo Đài Âu Châu Tự do.

Girkin, người cũng được gọi là Igor Strelkov, từ lâu đã được coi là một người theo đường lối cứng rắn chống Ukraine. Tuy nhiên, ông thừa nhận chiến thắng của Ukraine trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Bảy.

Ông viết rằng Nga đã phải chịu một “thất bại lớn” ở Kharkiv trong bối cảnh các báo cáo rằng quân đội Nga đã bỏ chạy khỏi Kupyansk, nơi đóng vai trò là trung tâm hậu cần và đường sắt chính cho Điện Cẩm Linh kể từ khi chiếm được thành phố này vào tháng Hai. Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Bảy cho biết việc Ukraine chiếm lại thành phố này đã giáng một “đòn mạnh” vào Nga.

Girkin nói thêm rằng bởi vì Ukraine đã “chiến thắng”, Nga bây giờ nên tập trung vào việc bảo toàn quân đội của mình.

Ông nhận định rằng: “Trên thực tế, giờ đây, phía chúng ta chỉ có thể nói về chiến lược làm sao ngăn chặn được sự xâm nhập sâu hơn nữa và sự leo thang của một thất bại trong cuộc chiến này. Mặc dù, nhìn chung, tình hình đã phát triển quá nhanh. Trong trận chiến giành thế chủ động, kẻ thù đã chiến thắng. Bây giờ chúng ta nên nói về việc ngăn chặn Lực lượng vũ trang Ukraine bao vây và phá hủy các đội hình lớn của quân đội chúng ta”.

Chiến thắng của Ukraine ở Kupyansk và Izium diễn ra chỉ một ngày sau khi Girkin nói rằng quân đội Nga chỉ có một hoặc hai ngày để mở các cuộc phản công nhằm vào Ukraine ở Izium hoặc đối mặt với thất bại.

Ông ta nhận định vào hôm thứ Sáu rằng: “Vấn đề đặt ra về thời điểm phản công rất gay gắt: nếu địch cố thủ được ở những vị trí đã chiếm được, kéo pháo và phòng không đến đó, thì các đơn vị ta sẽ vô cùng khó khăn để đánh trả lại hắn…. Nếu có một cuộc phản công như thế, là điều không chắc đã xảy ra do quân số cực kỳ thấp, đặc biệt là bộ binh.”

Vào sáng thứ Bảy, các lực lượng Nga cũng đã tháo chạy khỏi Izium. Thứ trưởng thứ nhất của Bộ Thông tin của Cộng hòa Nhân Dân Donetsk do Nga cài đặt, Danylo Bezsonov, đã cho biết như trên và mô tả tình hình là “tồi tệ”.

Các quan chức quốc phòng Anh cho biết cuộc phản công Kharkiv có thể khiến Nga bất ngờ. Sau khi phát động cuộc phản công hôm thứ Ba, các lực lượng Ukraine đã tiến hơn 30 dặm vào lãnh thổ do Nga nắm giữ trước đó. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một bài phát biểu tối thứ Sáu rằng các lực lượng Ukraine “đã giải phóng và kiểm soát hơn 30 khu định cư” ở khu vực Kharkiv.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

6. Ukraine cho biết một quân Ukraine đang tiến 'hàng chục ki-lô-mét' ở miền Nam

Trong bản báo cáo hôm Chúa Nhật 11 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Quân đội Ukraine dọc theo chiến tuyến phía nam ở một số khu vực đang tiến hàng chục km vào lãnh thổ bị quân đội Nga chiếm giữ khi bắt đầu cuộc xâm lược.

Nataliya Humenyuk, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy miền Nam quân đội Ukraine nói với truyền thông địa phương: “Quân đội của chúng tôi đang tiến dọc theo tiền tuyến phía nam trong nhiều đoạn khác nhau, từ hai đến vài chục km.”

Các lực lượng Ukraine đang tiếp tục tiến sâu vào các khu vực do Nga chiếm đóng trong khu vực Kharkiv ở phía đông bắc của đất nước. Do đà tiến quá nhanh của quân Ukraine, Trung đoàn súng trường cơ giới số 202 của Nga, nằm trong vùng Kharkiv, đã bị bỏ rơi, và chạy tán loạn vào khu rừng gần đó. Đơn vị của họ bị bỏ lại mà không có chỉ huy và thông tin liên lạc.

Cục tình báo tuyên bố rằng một số binh sĩ Nga đã “gọi điện cho người thân với yêu cầu liên hệ với chỉ huy và tìm ra nơi họ nên đi tiếp theo. Một số người trong số họ yêu cầu vợ liên hệ với đường dây nóng của Bộ Quốc phòng Nga và Hội Hồng Thập Tự với yêu cầu đưa họ ra khỏi lãnh thổ Ukraine”

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các binh sĩ Nga này hầu hết đã ra đầu hàng.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng nhắc lại một tuyên bố trước đó của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine rằng “Lữ đoàn Dù 237 của Liên bang Nga đã ngừng tồn tại do tất cả các quân nhân đều chết hoặc bị thương và bị bắt làm tù binh”.

Cuối cùng, Cô Nataliya Humenyuk cho biết thêm: “Trong lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của vùng Kherson, trong khu vực định cư Babenkivka, kẻ thù đã phải triển khai trực thăng và vũ khí để tìm kiếm những kẻ đào ngũ và đưa họ trở lại vị trí chiến đấu. Ngoài ra, qua ngã Kalanchak, theo hướng Crimea tạm thời bị chiếm đóng, hàng dài các binh sĩ Nga không vũ trang đang bỏ chạy đã được ghi nhận.” Kalanchak cũng nằm trong vùng Kherson, nơi hiện đang diễn ra cuộc phản công của Ukraine.

7. Zelenskiy nói Mùa đông khắc nghiệt sẽ quyết định số phận của nền độc lập Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Zelensky Says Harsh Winter Will Determine Fate of Ukrainian Independence”, nghĩa là “Zelenskiy Nói Mùa Đông Khắc Nghiệt Sẽ Quyết Định Số Phận Của Nền Độc Lập Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nga bắt đầu cuộc chiến xâm lược Ukraine vào cuối mùa đông đầu năm nay. Giờ đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng số phận của đất nước ông nằm ở những gì đã xảy ra trong những tháng mùa đông khắc nghiệt tiếp theo.

Zelenskiy trong bài phát biểu tối hôm thứ Bảy cho biết ba tháng mùa đông khó khăn cuối cùng sẽ quyết định tương lai của Ukraine sau hơn 30 năm độc lập khỏi sự kìm kẹp của cộng sản Liên Xô hiện đã không còn tồn tại.

“Đây là mùa đông khó khăn nhất đối với toàn thế giới. Nga đang làm mọi thứ trong 90 ngày của mùa đông này để phá vỡ sự phản kháng của Ukraine, sự phản kháng của Âu Châu và sự phản kháng của thế giới. Bởi vì đây là điều mà Nga hy vọng, đây là lập luận cuối cùng của họ”

“Còn 90 ngày phía trước, sẽ quyết định hơn 30 năm độc lập của Ukraine. 90 ngày sẽ quyết định hơn tất cả những năm tồn tại của Liên minh Âu Châu. Mùa đông sẽ quyết định tương lai của chúng ta”.

Zelenskiy đặc biệt kêu gọi các đồng minh của quốc gia mình nỗ lực hết sức trong việc cung cấp hệ thống phòng không chống lại các cuộc tấn công của Nga vào các doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng cung cấp nguồn sưởi ấm cho người dân Ukraine. Ông nói, “Chúng tôi có thể làm để sau 90 ngày này, con đường dẫn đến chiến thắng của chúng tôi sẽ trở nên rõ ràng hơn.”

“ Các mục tiêu của hỏa tiễn Nga có thể và sẽ là các doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng cung cấp nhiệt và điện cho con người. Chúng tôi đã xuất khẩu điện sang các nước láng giềng, giúp thay thế các nguồn năng lượng bẩn của Nga và chúng tôi có thể dễ dàng tăng xuất khẩu lên ít nhất 2,5 gigawatt, và sau đó thậm chí nhiều hơn nữa... Nhưng để điều này xảy ra, quân đội Nga cần phải rút khỏi lãnh thổ của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia. Đó là mối quan tâm cơ bản của Âu Châu bây giờ, vào thời điểm này trước mùa đông. “

Nga bắt đầu xây dựng quân đội dọc theo biên giới phía bắc và phía tây của Ukraine vào cuối tháng Giêng, và họ bắt đầu tấn công Ukraine vào ngày 24 tháng 2. Kể từ đó, đã có thương vong nặng nề cho cả hai bên. Điều đó bao gồm dân thường Ukraine, các chiến binh nước ngoài, quân đội Ukraine và hơn 52.000 người Nga.”

Nga không vượt qua được Kyiv, Lviv và Odesa, nhưng họ đã chiếm đóng nhiều vùng ở phía đông Ukraine. Nga đã chiếm phần lớn vùng Donbas, bao gồm Luhansk, Severodonetsk, Donetsk và Mariupol. Họ đã chiếm bán đảo Crimea vào năm 2014.

Nga cũng đã chiếm đóng các thành phố lớn phía nam Kherson và Melitopol, tiến dần về phía Odesa và khu vực tây nam Transnistria gần biên giới Moldova.

Tuy nhiên, Ukraine đã bắt đầu các cuộc phản công của mình với nỗ lực giành lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Zelenskiy đã tuyên bố rằng Ukraine cũng sẽ lấy lại Crimea.
 
Lời cuối của nữ tu Ý bị khủng bố Hồi Giáo sát hại. Đức Thánh Cha có thể gặp họ Tập, phản ứng của Đài Loan
VietCatholic Media
05:41 13/09/2022


1. Những lời cuối cùng của nữ tu truyền giáo người Ý bị khủng bố Hồi Giáo sát hại ở Mozambique

Sơ Maria De Coppi, một nữ tu truyền giáo dòng Comboni, đã bị những kẻ khủng bố Hồi giáo sát hại hôm thứ Ba tại Mozambique, nơi sơ đã phục vụ như một nhà truyền giáo trong gần 60 năm.

Sơ Maria de Coppi, 83 tuổi, đã bị bắn chết trong vụ tấn công vào đêm 6 tháng 9 ở Chipene.

Trong cuộc tấn công vào nhà dòng kéo dài năm giờ, những kẻ khủng bố đã lục soát và đốt phá nhà thờ, trường học, trung tâm y tế, nhà ở, thư viện và xe cộ của nhà dòng.

“Họ đã phá hủy mọi thứ,” Đức Cha Alberto Vera của Nacala nói với tổ chức bác ái Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ.

“Những kẻ tấn công đã phá nhà tạm và phá hoại một phần của cung thánh, tìm kiếm bất cứ thứ gì chúng có thể tìm thấy - có thể là tiền”.

Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi cho biết, “Vào ngày 6 tháng 9, do hậu quả của các cuộc tấn công khủng bố, sáu công dân bị chặt đầu, ba người bị bắt cóc, sáu kẻ khủng bố bị bắt và hàng chục ngôi nhà bị đốt cháy ở các huyện Erati và Memba, tỉnh Nampula.”

Những kẻ khủng bố đang chạy trốn trước cuộc lùng bắt của các binh sĩ từ Mozambique, Rwanda và Cộng đồng Phát triển Nam Phi.

Cứ điểm truyền giáo Chipene bao gồm hai linh mục truyền giáo người Ý, là Cha Lorenzo Barro và Loris Vignadel, và ít nhất ba nữ tu người nước ngoài: hai người Ý và một người Tây Ban Nha. Tất cả, trừ Sơ Maria, đều sống sót sau cuộc tấn công.

Theo tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, trường nội trú của giáo điểm đã di tản toàn bộ 35 học sinh nam và 45 học sinh nữ.

Tổ chức bác ái của giáo hoàng báo cáo, “Theo báo cáo của các nhân chứng… những kẻ khủng bố đã đến tu viện của các nữ tu và buộc họ phải ra đi. Các nữ tu khác đã chạy trốn cùng với các học sinh, nhưng Sơ Maria, đang chuẩn bị ra khỏi nhà, chợt nghĩ đến những em nhỏ có thể vẫn còn ở trong nhà và quay trở lại. Đó là lúc họ bắn sơ ấy”.

Theo Corriere del Veneto, Sơ Maria đã để lại một tin nhắn cho cháu gái của mình, Gabriella Bottani, không lâu trước khi sơ qua đời.

Trong tin nhắn, nữ tu giải thích với cháu gái rằng tình hình trở nên phức tạp vì “nhóm mà họ gọi là al-Shabaab, quân nổi dậy, đang đến rất gần”.

“Vào thứ Sáu, họ đã tấn công một địa điểm trong giáo xứ của dì, và có vẻ như hôm qua một nhóm đã vào đây, và họ đang ở rất gần. Có vẻ như họ được trang bị vũ khí; họ đã bắt cóc một vài người rồi; họ đã giết người. Bất cứ nơi nào chúng đi qua, chúng đều thực hiện các vụ thảm sát”, nữ tu Maria giải thích.

Sau đó sơ ấy nói rằng “tất cả những người ở đây đang chạy trốn. Hôm nay, một Cha đã nói với dì rằng các cô gái từ trường nội trú nên trở về nhà và bốn người có nguyện vọng gia nhập dòng các nữ tu Comboni cũng nên quay trở lại Nampula vì quá nguy hiểm. “

“Tình hình thật đáng buồn, rất đáng buồn,” nhà truyền giáo nói tiếp tục. “Tất cả mọi người ngủ ngoài trời trong rừng, giữa những cây cỏ; có những người đã đến các thị trấn Alua, Mazua và các trung tâm nơi họ được bảo vệ nhiều hơn một chút. Nhưng nhiều người vẫn đang ngủ bên ngoài, trong rừng. Thật đáng buồn,” sơ than thở.

Sơ Maria lặp đi lặp lại nhiều lần rằng đó là “một tình huống rất đáng buồn” và “mọi người đều đang muốn trốn thoát: y tá, linh mục, tất cả mọi người”.

“Họ đang bắn ở đây. Chúng ta sẽ gặp nhau trên thiên đường. Họ đang đốt nhà. Nếu cháu không còn tin tức từ dì nữa, dì sẽ nhân cơ hội này để xin lỗi về những thiếu sót của mình và nói với cháu rằng dì yêu cháu rất nhiều. Hãy nhớ đến dì trong lời cầu nguyện,” Sơ Maria nói.

“Dì đã tha thứ cho những kẻ sẽ giết dì,” dì nói. “Cháu hãy làm tương tự như thế. Một cái ôm từ dì”.
Source:National Catholic Register

2. Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ kỷ niệm 60 năm khai mạc Công Đồng Vatican II

Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào ngày 11 tháng 10 để đánh dấu 60 năm ngày khai mạc Công đồng Vatican II.

Ngày này cũng đánh dấu ngày lễ của Thánh Gioan XXIII, vị giáo hoàng đã khai mạc Công đồng năm 1962, và là người được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh trong năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng.

Đức Thánh Cha Phanxicô là người ủng hộ mạnh mẽ việc thực hiện những thay đổi được kêu gọi trong Công đồng Vatican II, phù hợp với tầm nhìn của ngài về một Giáo hội gần gũi với người dân.

Một trong những đóng góp chính của Công đồng Vatican II chính là cố gắng vượt qua sự phân cách giữa thần học và mục vụ, giữa đức tin và sự sống.

Cũng trong lịch làm việc của Đức Giáo Hoàng từ tháng 9 đến tháng 11, có Thánh lễ tuyên thánh cho hai vị chân phước, và Thánh lễ tưởng niệm các Hồng Y và giám mục đã qua đời trong năm qua.

Trong những năm trước, Đức Giáo Hoàng thường cử hành Lễ các đẳng linh hồn tại một nghĩa trang. Đó là một tập tục mà ngài sẽ không tiếp tục trong năm nay. Tòa thánh Vatican chưa nêu rõ lý do thay đổi, vì Đức Thánh Cha Phanxicô đang cố gắng thu hẹp các nghĩa vụ công cộng của mình do chứng đau đầu gối tái phát.
Source:Rome Report

3. Đài Loan tiếp xúc với Vatican giữa tin đồn Đức Giáo Hoàng và Tập Cận Bình có thể gặp nhau tại Kazakhstan

Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết họ đang duy trì liên hệ chặt chẽ với Tòa Thánh, trong bối cảnh có tin đồn về một cuộc gặp có thể xảy ra giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Kazakhstan.

Đã có suy đoán rằng ông Tập và Đức Thánh Cha Phanxicô, cả hai sẽ đến thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan vào ngày 14 tháng 9, có thể tổ chức các cuộc đàm phán có thể mở đường cho việc thiết lập quan hệ chính thức giữa Bắc Kinh và Vatican.

Khi được yêu cầu bình luận, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Đài Loan Âu Giang An (Joanne Ou, 歐江安) nói với các phóng viên rằng Bộ đang giữ một “kênh liên lạc thông suốt với Vatican.”

Cô nói thêm rằng Trung Hoa Dân Quốc, tên chính thức của Đài Loan, đã duy trì hợp tác chặt chẽ với Tòa Thánh kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1942.

“Đài Loan luôn chú ý đến bất kỳ cuộc gặp có thể xảy ra nào giữa các nhà lãnh đạo của các đồng minh ngoại giao và các quan chức cấp cao của Trung Quốc,” Cô Âu nói.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Kazakhstan trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ở nước này từ ngày 13 đến 15 tháng 9 để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên tôn thế giới.

Cả Bắc Kinh và Vatican đều không bình luận gì về cuộc gặp gỡ đang được đồn đoán.

Tòa Thánh là một trong 14 thực thể có chủ quyền duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ với Đài Loan, nhưng quan hệ của Vatican với Bắc Kinh đã ấm dần lên dưới sự lãnh đạo của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Năm 2018, Bắc Kinh và Vatican đã đạt được một thỏa thuận liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục Trung Quốc, dự kiến sẽ được gia hạn lần thứ hai vào tháng tới.

Chính sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh đòi buộc Vatican phải cắt đứt quan hệ với Đài Bắc là điều kiện tiên quyết để thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tuy nhiên, Cô Âu cho biết mối quan hệ của Đài Loan với Vatican vẫn bền chặt và ổn định, lưu ý rằng Cựu Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân (Chen Chien-jen, 陳建仁) đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào Chúa Nhật tại một thánh lễ ở quảng trường Thánh Phêrô.

Cựu Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân hiện đang ở Thành phố Vatican sau khi tham dự lễ phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I với tư cách là đại diện của Tổng thống Thái Anh Văn.
Source:The Standard
 
Giải phóng hoàn toàn Kharviv, Ukraine kéo pháo vượt sông Siverskiy đánh sang Donbas. Nga chạy tiếp
VietCatholic Media
16:13 13/09/2022


1. Ukraine vượt sông Siverskiy Donets chiếm lại thị trấn Svyatohirsk ở miền đông Donetsk

Trong một dấu hiệu khác về cuộc phản công của Ukraine đang diễn ra ở phía đông, các hình ảnh và video định vị địa lý cho thấy các đơn vị Ukraine đã vượt sông Siverskiy Donets để giành quyền kiểm soát thị trấn Svyatohirsk ở vùng Donetsk.

Một hình ảnh định vị địa lý cho thấy tòa nhà hành chính bị hư hại trong thị trấn với lá cờ Ukraine được treo phía trên lối vào. Những hình ảnh khác cho thấy những người lính Ukraine trên đường phố của thị trấn. Người Ukraine đã giữ vững bờ nam của con sông trong khu vực này trong cuộc tấn công của Nga.

Tại sao điều này lại quan trọng: Việc đánh chiếm Svyatohirsk sẽ làm phức tạp thêm bất kỳ nỗ lực rút lui nào của các lực lượng còn lại của Nga và các lực lượng do Nga hậu thuẫn trong khu vực.

Một số đơn vị dân quân của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng vẫn tiếp tục bám trụ tại thị trấn Lyman, nhưng bất kỳ cuộc rút lui nào về phía đông sẽ rất khó khăn nếu các cuộc tiến công của Ukraine tiếp tục diễn ra.

2. Người Nga bỏ lại những kho đạn khổng lồ khi rút lui

Một cựu Tướng Nga là ông Igor Girkin viết trên Telegram rằng Điện Cẩm Linh nên ngừng than phiền NATO cung cấp các khí tài chiến tranh cho Kyiv vì chính quân Putin cũng đang cung cấp cho quân Ukraine những khí tài chiến tranh khi bỏ lại các kho đạn khổng lồ, xe tăng, thiết giáp và hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russians Leave Behind Huge Arsenals of Ammunition While Retreating”, nghĩa là “Người Nga bỏ lại kho đạn khổng lồ khi rút lui”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quân đội Mỹ đang bỏ lại các kho vũ khí khổng lồ trong khi rút lui trong bối cảnh Ukraine phản công, theo các bức ảnh được Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, chia sẻ.

Các hình ảnh do dịch vụ báo chí của SBU đăng trên Telegram và Twitter, cho thấy các xe cộ bị bỏ lại và những thứ dường như là các hộp đạn dược và thiết bị trong một kho vũ khí ở Izyum, vùng Kharkiv.

Quân đội Nga đã rút lui khỏi các khu vực Izyum và Balakliya vào cuối tuần qua để “tập hợp lại”, theo Bộ Quốc phòng Nga. Izyum là một căn cứ chính của lực lượng Nga ở khu vực Kharkiv.

SBU cho biết: “Những kẻ xâm lược Nga, dưới áp lực của các binh sĩ Ukraine, đang chạy trốn hốt hoảng đến mức đang bỏ lại toàn bộ kho vũ khí đạn dược. Chúng tôi biết phải làm gì với chúng và chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng chúng cho mục đích đã định, là chống lại kẻ thù.”

Anton Gerashchenko, một cố vấn tại Bộ Nội vụ Ukraine, cũng cho biết hôm Chúa Nhật rằng các binh sĩ Nga đang bỏ chạy quá nhanh trong bối cảnh Kyiv phản công tới mức họ đang bỏ lại “một nửa trang thiết bị của mình”.

Gerashchenko đã chia sẻ một video trên Twitter mà anh ấy nói cho thấy một chiếc xe tăng Nga bị bỏ rơi ở Izyum.

Ông viết: “Hôm nay quân đội của chúng tôi đã chấp nhận việc Nga cho mượn nguồn cung cấp cho thuê tại Izyum. Tất nhiên đó là một câu nói đùa. Các binh sĩ Nga bỏ chạy quá nhanh, họ bỏ lại một nửa số trang thiết bị của mình.”

Đoạn phim do một tình nguyện viên Mỹ thực hiện ở Kharkiv và được chia sẻ với Newsweek hôm Chúa Nhật, cũng cho thấy hàng loạt xe tăng Nga bị bỏ rơi trong khu vực.

Chỉ huy quân đội Ukraine, Tướng Valeriy Zaluzhnyi, hôm Chúa Nhật cho biết quân đội của ông đã giành lại 3.000 km vuông lãnh thổ từ tay người Nga kể từ đầu tháng 9 khi một cuộc phản công bất ngờ vào Kharkiv bắt đầu.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một đánh giá hôm thứ Hai rằng sự tin tưởng của quân đội Nga đối với giới lãnh đạo của họ đang xấu đi trong bối cảnh Ukraine tăng cường phản công.

Bộ này tweet: “Trước những tiến bộ của Ukraine, Nga có thể đã ra lệnh rút quân khỏi toàn bộ khu vực Kharkiv bị chiếm đóng ở phía tây sông Oskil”.

“Những thành công nhanh chóng của Ukraine có ý nghĩa quan trọng đối với thiết kế hoạt động tổng thể của Nga. Bộ Quốc Phòng Anh cho biết thêm, phần lớn lực lượng Nga ở Ukraine có khả năng bị buộc phải ưu tiên cho các hành động phòng thủ khẩn cấp. Niềm tin vốn đã hạn chế của các binh sĩ bị triển khai đến Ukraine vào giới lãnh đạo quân sự cấp cao của Nga sẽ xấu đi nhiều hơn nữa”.

Trong khi đó, Alexander Khodakovsky, một chỉ huy được điện Cẩm Linh hậu thuẫn và là cựu lãnh đạo chính trị của Cộng hòa Nhân dân Donetsk, gọi tắt là DPR, tự xưng ở miền đông Ukraine, đưa ra một đánh giá ảm đạm hiếm hoi về hiệu suất của Nga trong cuộc chiến đang diễn ra, nói rằng ông “chán nản” trước cách thế cuộc chiến diễn ra

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

3. Tướng Marchenko cho biết các lực lượng Ukraine đã tiến thêm 12 km vào lãnh thổ do Nga nắm giữ ở miền nam Ukraine

Trong ngày 12 tháng 9, các lực lượng Ukraine đã tiến sâu thêm 12 km vào lãnh thổ do Nga nắm giữ ở miền nam Ukraine và tái chiếm hơn 500 km vuông quê hương của họ.

Thiếu tướng Lực lượng vũ trang Ukraine Dmytro Marchenko đã nói điều này với kênh truyền hình Suspilne.

Theo ông, nhờ Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam của Ukraine lập kế hoạch thành công, quân đội Ukraine đã giải phóng 13 khu định cư ở các khu vực phía Nam bị chiếm đóng.

“Hơn 1.800 binh sĩ Nga, hai máy bay và hai trực thăng đã bị tiêu diệt trong hai tuần qua. Hơn 120 xe tăng, hơn 130 hệ thống pháo và hơn 20 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt đã bị phá hủy. Nhờ các thiết bị hiện đại mà các đối tác quốc tế cung cấp cho chúng tôi, các cuộc tấn công của pháo binh Ukraine đã phá hủy các cây cầu, 150 sở chỉ huy của Nga và khoảng 70 kho đạn dược”, Tướng Marchenko nói.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine xác nhận rằng các sĩ quan chỉ huy của Nga trên hướng Kherson đang rất suy sụp tinh thần.

“Theo những gì chúng tôi biết, họ ra lệnh cho binh sĩ không nổ súng mà tổ chức các cuộc đàm phán với quân đội Ukraine đang giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng,” Marchenko nói thêm.

Các báo cáo trước đó nói rằng hỏa lực của Ukraine làm gián đoạn nỗ lực của Nga nhằm đưa đủ lượng dự trữ tới hữu ngạn sông Dnipro ở khu vực Kherson.

4. Ukraine cho biết Bộ tư lệnh quân đội Nga đã đình chỉ việc gửi các đơn vị mới vào Ukraine

Bộ chỉ huy quân sự của liên bang Nga đã ngừng gửi các đơn vị mới đến Ukraine sau một cuộc phản công kinh hoàng của Ukraine đã định hình lại cuộc chiến và khiến Mạc Tư Khoa quay cuồng, tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết hôm thứ Hai.

“Bộ chỉ huy quân sự của liên bang Nga đã đình chỉ việc gửi các đơn vị mới, đã được thành lập vào lãnh thổ của Ukraine”, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết như trên

“Tình hình hiện tại trong bối cảnh các hoạt động và sự không tin tưởng vào chỉ huy cấp trên đã buộc một số lượng lớn các tình nguyện viên phải dứt khoát từ chối triển vọng phục vụ trong điều kiện chiến đấu. Tình hình bị ảnh hưởng bởi thông tin về số người thiệt mạng thực tế, trong khi tổn thất từ các công ty quân sự tư nhân và những người được huy động từ các vùng lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng không được tính đến. Tình hình trở nên tồi tệ hơn do thái độ chung đối với những người bị thương của chính họ. Đặc biệt, tại các bệnh viện của Nga, các chẩn đoán và bản chất của chấn thương chiến đấu được đơn giản hóa một cách có chủ ý và không có thời gian để phục hồi nhằm nhanh chóng đưa quân nhân trở lại khu vực chiến đấu “.

5. Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết người Ukraine đã khiến người Nga gặp “nhiều tình huống khó xử” trên khắp chiến trường

Người Ukraine đã khiến lực lượng Nga phải đối mặt với “nhiều tình huống khó xử dọc theo phòng tuyến của họ”, bao gồm cả sự lúng túng không biết phải áp dụng các nguồn lực hạn chế của họ ở đâu vào cuối tuần qua.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết, sự thay đổi sâu sắc trong động thái chiến trường là “dấu hiệu của cho thấy các lực lượng Nga có tinh thần thấp, có các vấn đề hậu cần, không có khả năng duy trì hoạt động”. Quân đội Ukraine tiến công trên hai mặt trận: một cuộc tiến công chậm hơn, có chủ ý hơn ở Kherson ở miền nam Ukraine và một cuộc tiến công nhanh chóng tàn phá các lực lượng Nga đang suy kiệt gần Kharkiv ở miền đông Ukraine.

Tướng Pat Ryder cho biết: “Chúng tôi đã thấy người Ukraine sử dụng hiệu quả tuyệt vời khả năng mà họ có trên khắp chiến trường để thay đổi động lực chiến trường. Một lần nữa, Nga thực sự phải trả lời câu hỏi về lý do tại sao lực lượng của họ lại phản ứng theo cách mà họ đã làm ở khu vực Kharkiv, đó là dấu hiệu của các báo cáo mà chúng tôi đã thấy về tinh thần thấp, các vấn đề hậu cần, sự bất lực để duy trì hoạt động.”

Những tiến bộ của Ukraine đã buộc Nga phải quyết định nơi nước này muốn chuyển lực lượng và sử dụng họ như thế nào. Đó luôn luôn là một quyết định đầy thách thức giữa chiến tranh. Đó là một vấn đề rất khó giải quyết, và nó càng trở nên khó khăn hơn bởi các vấn đề duy trì, hậu cần và chỉ huy và kiểm soát mà người Nga đã trải qua kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược.

6. Ukraine nói 500 km vuông lãnh thổ đã được giải phóng ở miền nam Kherson

Trong bản báo cáo thứ Ba 13 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết khoảng 500 km vuông lãnh thổ đã được tái chiếm ở khu vực phía nam Kherson trong hai tuần qua.

Natalia Humeniuk, phát ngôn viên của quân đội Ukraine ở miền nam, cho biết các khu định cư Vysokopillia, Novovoznesenske, Bilohirka, Myroliubivka và Sukhyi Stavok đã “hoàn toàn được giải phóng khỏi quân chiếm đóng và nằm dưới lá cờ Ukraine”.

Humeniuk cho biết “khu vực này đã được rà phá” các bom mìn của Nga, đồng thời nói thêm rằng “các biện pháp bổ sung vẫn đang được thực hiện ở đó”.

Cô nói thêm: “Các cuộc pháo kích vào những vùng lãnh thổ này vẫn tiếp tục, nhưng dân số đã nằm dưới quyền tài phán của Ukraine”.

7. Các quan chức Nga yêu cầu Putin từ chức ngay lập tức trong bối cảnh có những thất bại kinh hoàng ở Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Officials Demand Putin Resign Amid Ukraine Losses”, nghĩa là “Các quan chức Nga yêu cầu Putin từ chức giữa các tổn thất ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các quan chức Nga đang kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin từ chức trong bối cảnh những tổn thất ngày càng gia tăng trong cuộc xâm lược Ukraine. Đây là một dấu hiệu thất vọng khá hiếm hoi trong bối cảnh Điện Cẩm Linh thường xuyên tung ra các biện pháp trấn áp những người bất đồng chính kiến.

Nhà lãnh đạo Nga đã phát động cuộc xâm lược quốc gia Đông Âu hơn sáu tháng trước vào ngày 24 tháng 2. Các quan chức Nga hy vọng quân đội to lớn của họ sẽ đưa họ đến một chiến thắng nhanh chóng, nhưng Ukraine đã đối phó bằng một nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ được hỗ trợ từ các đồng minh bao gồm Hoa Kỳ. Điều này đã ngăn cản Điện Cẩm Linh đạt được các mục tiêu lớn của mình.

Trong những tuần gần đây, Ukraine đã tiến hành cuộc tấn công ở các khu vực gần Kherson và Kharkiv, giành lại hơn 1.000 dặm lãnh thổ bị chiếm đóng trước đây. Cuộc phản công Kharkiv đã khiến Mạc Tư Khoa bất ngờ và chiến thắng của Ukraine đã buộc các lực lượng Nga phải rút lui khỏi các thành phố quan trọng như Izyum vào cuối tuần qua, nơi một số người ủng hộ Nga mô tả là ngày “khó khăn” nhất của cuộc chiến.

Những tổn thất này xem ra đang dẫn đến sự gia tăng bất đồng chống lại Putin. Ba mươi lăm đại biểu thành phố Nga đã ký đơn yêu cầu ông ta từ chức do những “tổn hại” ông ta gây ra cho nước Nga do cuộc xâm lược. Ksenia Tortstrem đã viết trên Twitter như trên vào hôm thứ Hai. Ông giữ vai trò là phó chủ tịch chính quyền thành phố Smolninskoye của Saint Petersburg.

Cho đến nay, các nhà lãnh đạo thành phố từ một số thành phố quan trọng của Nga, tiêu biểu là tại Mạc Tư Khoa, đã ký vào yêu cầu. Tortstem viết bản kiến nghị không “làm mất uy tín” của bất kỳ ai, một sự châm chọc rõ ràng vào các nhà chức trách Nga, những người đã buộc tội những người chỉ trích làm mất uy tín của chính phủ

Duma Quốc gia Nga đã thông qua luật vào tháng 3 cấm người Nga tung tin “giả” về các lực lượng vũ trang của nước này. Luật này đã được chính quyền Nga sử dụng để đàn áp những người tỏ ra chỉ trích chiến tranh và khiến việc lên tiếng phản đối chiến tranh có thể trở nên nguy hiểm.

Tuy nhiên, nhóm các nhà lập pháp đã tìm cách lách luật này. Họ lên án hành động của Putin, mà không đề cập cụ thể đến cuộc chiến, trong một thông điệp ngắn được đăng cùng với bản kiến nghị.

“Chúng tôi, các đại biểu thành phố của Nga, tin rằng các hành động của Tổng thống Vladimir Putin gây tổn hại cho tương lai của nước Nga và của các công dân,” bản kiến nghị viết. “Chúng tôi yêu cầu Vladimir Putin từ chức Tổng thống Liên bang Nga ngay tức khắc!”

Bản kiến nghị không phải là lần đầu tiên các quan chức Smolninskoye chỉ trích Putin trong bối cảnh chiến tranh, nhưng nó đã được ký bởi các nhà lãnh đạo từ các thành phố tự trị khác bao gồm cả Mạc Tư Khoa, nơi có Điện Cẩm Linh - cho thấy sự thất vọng ngày càng tăng của các nhà lãnh đạo Nga khi tổn thất quân sự ngày càng chồng chất ở Ukraine.

Tuần trước, hội đồng quận thành phố Smolninskoye đã đề xuất rằng Putin nên bị cách chức “dựa trên cáo buộc phản quốc cao độ”. Nikita Yurefev, một phó chủ tịch thành phố khác của Smolninskoye ở Saint Petersburg, viết rằng “hoạt động quân sự đặc biệt” đã dẫn đến cái chết của binh lính Nga, các vấn đề kinh tế và sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Các thành viên của hội đồng sau đó đã bị cảnh sát triệu tập vì “làm mất uy tín” của chính phủ Nga. Hai binh sĩ cũng đã bị buộc tội theo luật trước đó vào tháng Chín.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

8. Các vụ nổ vang lên tại thành phố Mariupol

Các vụ nổ vang lên tại quận Kalmiusky của Mariupol, một thành phố cảng miền nam Ukraine bị lực lượng Nga tạm thời chiếm giữ, vào tối thứ Hai, ngày 12 tháng 9.

Petro Andriushchenko, cố vấn của thị trưởng Mariupol, đã báo cáo rằng

“Các vụ nổ đã được báo cáo ở quận Kalmiusky của Mariupol vào khoảng 19:40”

Cư dân của thành phố Berdiansk bị tạm thời chiếm đóng cũng cho biết họ đã nghe thấy những tiếng nổ mạnh hôm thứ Hai.

Trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, Mariupol là mục tiêu chiến lược của các lực lượng Nga và thân Nga. Thành phố bị bao vây từ ngày 25 tháng 2 đến ngày 17 tháng 5. Mariupol được trao tặng danh hiệu Thành phố Anh hùng của Ukraine vào ngày 6 tháng 3 năm 2022, theo Nghị định của Tổng thống Ukraine.

Vào ngày 9 tháng 3, máy bay Nga đã thả nhiều quả bom xuống bệnh viện phụ sản số 3 Mariupol, phá hủy tòa nhà. 17 người bị thương và 3 người chết do hậu quả của cuộc không kích.

Vào ngày 13 tháng 3, Hội Hồng Thập Tự cảnh báo rằng cuộc bao vây đã trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Một tháng sau khi xảy ra xung đột, các nhà chức trách Ukraine cho biết khoảng 90% các tòa nhà ở Mariupol đã bị hư hại hoặc phá hủy. Một nhân viên cứu trợ của Hội Hồng Thập Tự đã mô tả điều kiện ở đó là “ngày tận thế”, với những lo ngại về tình hình nhân đạo là cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận vệ sinh và tình trạng thiếu lương thực bị thiệt hại nghiêm trọng.

Vào ngày 16 tháng 3, lực lượng tấn công của Nga đã thả một quả bom xuống Nhà hát Mariupol. Phần trung tâm của tòa nhà đã bị phá hủy. Vào thời điểm xảy ra vụ không kích, thường dân và người tị nạn đang ẩn náu trong tầng hầm của nhà hát. Tòa nhà Neptune Basin cũng bị phá hủy bởi một cuộc không kích.

Vào ngày 19 tháng 3, một sĩ quan cảnh sát Ukraine ở Mariupol đã quay một đoạn video trong đó anh ta nói: “Trẻ em, người già đang chết. Thành phố bị phá hủy và nó bị xóa sổ khỏi mặt đất “. Đoạn video đã được xác thực bởi Associated Press. Lực lượng Nga ở Mariupol đã bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và tội ác chiến tranh. Tuy nhiên, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát ở Nga cho thấy cuộc xâm lược là một nhiệm vụ giải phóng và đổ lỗi cho quân đội Ukraine về các cuộc tấn công vào các mục tiêu dân sự ở Mariupol.

Đến ngày 18 tháng 3, Mariupol bị bao vây hoàn toàn và giao tranh đã tiến đến trung tâm thành phố, cản trở nỗ lực di tản dân thường. Vào ngày 20 tháng 3, một trường nghệ thuật trong thành phố, nơi trú ẩn của khoảng 400 người, đã bị phá hủy bởi một vụ đánh bom của Nga. Cùng ngày, khi các lực lượng Nga tiếp tục bao vây thành phố, chính phủ Nga đã yêu cầu đầu hàng hoàn toàn, nhưng một số quan chức chính phủ Ukraine đã từ chối. Vào ngày 24 tháng 3, các lực lượng Nga tiến vào trung tâm Mariupol như một phần của giai đoạn thứ hai của cuộc xâm lược. Chính quyền thành phố cáo buộc người Nga đang cố gắng làm mất tinh thần cư dân bằng cách công khai hô hào tuyên bố chiến thắng của Nga, bao gồm cả tuyên bố rằng Odesa đã bị chiếm. Vào ngày 27 tháng 3, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk tuyên bố rằng “cư dân của Mariupol không được tiếp cận với nước, bất kỳ nguồn cung cấp thực phẩm, bất kỳ thứ gì. Hơn 85% toàn bộ thị trấn bị phá hủy”.

Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 29 tháng 3, ông Putin tuyên bố rằng việc bắn phá Mariupol sẽ chỉ kết thúc khi quân đội Ukraine đầu hàng hoàn toàn..

Vào ngày 11 tháng 4 năm 2022, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố rằng Mariupol đã “bị phá hủy hoàn toàn”.

Vào cuối tháng 4, quân đội Nga và quân ly khai đã tiến sâu vào phần lớn thành phố, chia cắt những đội quân cuối cùng của Ukraine, với một số ít quân Ukraine rút vào nhà máy thép Azovstal. Nhà máy thép bao gồm một khu phức hợp gồm các boongke và đường hầm thậm chí có thể chống lại một vụ ném bom hạt nhân. Vào ngày 21 tháng 4 năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng thành phố Mariupol thuộc quyền kiểm soát của Nga, trong khi nhà máy Azovstal vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Ukraine. Putin tuyên bố rằng quân đội của ông sẽ phong tỏa chứ không tấn công nhà máy Azovstal. Vào ngày 25 tháng 4, người Nga ra lệnh cho 1.000 quân Ukraine còn lại trong nhà máy thép Azovstal đầu hàng, nhưng chỉ huy Ukraine Denys Prokopenko từ chối. Vào ngày 4 tháng 5 năm 2022, các lực lượng Nga đã tiến vào Nhà máy thép Azovstal lần đầu tiên. Vào ngày 16 tháng 5 năm 2022, những người lính cuối cùng từ Nhà máy thép Azovstal đầu hàng và thành phố này rơi vào tay Nga và Cộng hòa Nhân dân Donetsk do Nga hậu thuẫn.
 
Ukraine chuẩn bị cho mùa đông thời chiến vô cùng khắc nghiệt sau khi Nga phá nát hạ tầng cơ sở
VietCatholic Media
17:36 13/09/2022


1. California chặn việc buộc các bác sĩ Kitô Hữu hỗ trợ các vụ tự tử

Một tòa án quận liên bang ở California đã ra phán quyết rằng các bác sĩ phản đối việc hỗ trợ tự tử vì lý do tôn giáo hoặc đạo đức không bị buộc phải tham gia vào thủ tục này.

California hợp pháp hóa việc tự tử do bác sĩ hỗ trợ và sau đó đã thông qua dự luật yêu cầu các bác sĩ phản đối hỗ trợ tự tử phải “ghi lại” yêu cầu của bệnh nhân và chuyển người muốn tự tử đến một bác sĩ khác.

Cùng với việc chuyển hồ sơ bệnh nhân cho bác sĩ khác, bác sĩ phản đối sẽ phải “giáo dục” cho bệnh nhân về thuốc và các thủ thuật có thể giúp giải quyết các nỗ lực tự sát.

Trước đây, California yêu cầu rằng người muốn tự tử phải thông báo yêu cầu của mình trong hai dịp khác nhau, cách nhau tối thiểu là 15 ngày.

Đạo luật, được gọi là Dự luật Thượng viện California 380 và có hiệu lực vào tháng Giêng, đã cắt ngắn thời gian giữa hai lần thông báo này xuống còn 48 giờ.

Các luật sư của Hiệp hội Y khoa và Nha khoa Kitô giáo và Tiến sĩ Leslee Cochrane, một bác sĩ chăm sóc sức khỏe tốt, đã tìm cách ngăn chặn việc thực thi luật trong khi họ đệ trình một vụ kiện hồi tháng Hai về dự luật này.

“Khách hàng của chúng tôi tìm cách sống bằng niềm tin vào thực hành y tế của họ, và điều đó bao gồm việc đánh giá cao mọi mạng sống con người được giao phó cho sự chăm sóc của họ.”

Kevin Theriot, cố vấn cấp cao của công ty luật vì lợi ích công cộng Alliance Defending Freedom, gọi tắt là ADF, nói trong một tuyên bố.

Theo quan điểm của tòa án, việc yêu cầu bác sĩ ghi lại yêu cầu của bệnh nhân về bản chất là yêu cầu một bác sĩ phản đối phải “tham gia” vào quy trình.

Vào năm 2018, Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng các trung tâm trợ giúp mang thai ở California phải cung cấp thông tin về các nhà cung cấp dịch vụ phá thai.

Ông Theriot cho biết phán quyết của tòa án quận phản ánh quyết định của tòa án cấp cao năm 2018.

Theo quan điểm của tòa án quận, việc yêu cầu các bác sĩ “ghi lại” yêu cầu của bệnh nhân có nghĩa là “các nhà cung cấp không muốn tham gia bị buộc phải tham gia vào Đạo luật, mặc dù họ phản đối việc hỗ trợ tự tử.”

Luật sư Christy Hirsch của ADF nói với The Washington Times rằng “khi bạn buộc các bác sĩ phải lựa chọn giữa vi phạm lương tâm của họ hoặc rời bỏ việc hành nghề y, điều này chắc chắn không có lợi cho bất kỳ ai.”

Qua email, văn phòng Bộ trưởng Tư pháp California Ron Bonta cho biết, “Chúng tôi đang xem xét phán quyết của Tòa Án.”
Source:Washington Times

2. Người Ukraine chuẩn bị cho mùa đông thời chiến khắc nghiệt

Caritas Ukraine giúp đỡ nơi trú ẩn cho những người phải di dời trước khi mùa lạnh bắt đầu.

Người đứng đầu một trong những cơ quan cứu trợ lớn của Ukraine có tầm nhìn về những gì sẽ cần thiết khi chiến tranh ở đất nước của cô ấy kết thúc. Nhưng hiện tại, một trong những nhiệm vụ cấp bách hơn cả là chuẩn bị cho một mùa đông khắc nghiệt đối với nhiều người.

Tetiana Stawnychy, chủ tịch Caritas Ukraine cho biết: “Mọi người hiện đang rất lo ngại về mùa lạnh đang đến nhanh chóng”. Stawnychy cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng trong khi cô và các nhân viên của mình đang tiếp tục đáp ứng nhu cầu liên tục của hàng triệu người phải di dời khỏi nhà của họ, họ đang tiến hành chuẩn bị cho một mùa đông thời chiến.

Mùa đông thường lạnh giá của Ukraine năm nay được quan tâm nhiều hơn vì rất nhiều cơ sở hạ tầng của nước này đã bị hư hại hoặc phá hủy, đặt ra những thách thức đối với việc cung cấp và phân phối năng lượng. Đã có nhiều báo cáo về việc người dân tích trữ củi hoặc mua bếp đốt củi.

Điều phối viên Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tại Ukraine, Denise Brown, cho biết vào cuối tháng 8 rằng cô ấy không tin rằng các cộng đồng dễ bị tổn thương ở phía đông và phía nam Ukraine sẽ có những gì họ cần để sống sót trong mùa đông tới.

6 tháng kể từ khi Nga bắt đầu cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “phi hạt nhân hóa” Ukraine, gần 18 triệu người, chiếm khoảng 40% tổng dân số của đất nước, cần đến viện trợ nhân đạo.

Nhiều người già đang sống trong những ngôi nhà bị hư hỏng, và việc không được tiếp cận với khí đốt hoặc điện ở nhiều nơi ở phía đông “có thể là vấn đề sinh tử” nếu mọi người không thể sưởi ấm cho ngôi nhà của họ, Brown cho biết trong một tuyên bố.

Về kế hoạch của Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cho mùa đông, Brown giải thích, “chúng tôi sẽ phải làm việc khác... chúng tôi chỉ có thể giả định rằng” những người bị mắc kẹt trong một cuộc chiến “không có những gì cần thiết để vượt qua” mùa đông “bắt đầu sớm và kéo dài.”

“Nga đã tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng kể từ tháng 2, bao gồm các nhà máy lọc dầu và các nhà máy điện. Họ cũng thật tàn bạo khi nhắm vào cơ sở hạ tầng khí đốt hoặc các cơ sở sản xuất khí đốt. Ukraine đang chuẩn bị các bộ dụng cụ khẩn cấp có thể phục vụ tới 200.000 người, bao gồm nồi hơi di động, thiết bị sưởi di động và máy phát điện diesel.”

Caritas Ukraine, một phần của tổ chức nhân đạo và phát triển quốc tế của Giáo Hội Công Giáo, có 37 trung tâm trên khắp đất nước và mạng lưới 448 giáo xứ Công Giáo Đông phương Ukraine, qua đó Caritas có thể cung cấp các phản ứng địa phương và hỗ trợ thêm. Khoảng 1.300 người đang thực hiện công việc, trong đó có nhiều người trước đây là người nhận sự giúp đỡ của Caritas và sau khi ổn định, đã trở lại Caritas để tham gia sứ mệnh với tư cách là tình nguyện viên hoặc nhân viên. Ngoài việc cung cấp thực phẩm, thuốc men, vệ sinh, tiếp cận nước uống, hỗ trợ tâm lý và các hoạt động khác, các trung tâm Caritas đang làm việc để bảo đảm mọi người có đủ chỗ ở và được sưởi ấm trong mùa đông.

Stawnychy nói với Aleteia: “Ở những khu vực có nhà cửa bị hư hại và không còn xung đột nữa, chúng tôi đang tiến hành các bước khắc phục sớm - sửa chữa nhẹ,” Stawnychy nói với Aleteia khoảng sáu tháng sau khi bắt đầu cuộc xâm lược lớn của Nga. “Mục tiêu chính của chúng tôi trong vài tháng tới là tập trung sự chú ý vào những ngôi nhà có thể được sửa chữa nhanh chóng - để thu hút nhiều người trở lại nhà của họ nhất có thể trước mùa đông. Điều này sẽ bao gồm việc sửa chữa các cửa sổ hoặc cửa ra vào bị hỏng, những công việc sửa chữa đơn giản có thể hoàn thành vào đầu mùa đông.”

Bà nói rằng mọi người vẫn đang di tản ra khỏi các khu vực do Nga chiếm đóng ở Ukraine và các khu vực đang có giao tranh lớn. Bà nói thêm rằng chính phủ Ukraine đang yêu cầu người dân cũng di tản khỏi các khu vực có cơ sở hạ tầng bị hư hại do giao tranh đến mức chính phủ không thể bảo đảm nhiệt, nước và điện trong những tháng mùa đông.

“Mọi người tin rằng chiến tranh chắc chắn sẽ kết thúc,” cô nói. “Họ có hy vọng và họ có niềm tin rằng nó sẽ kết thúc. Tất cả các cuộc chiến tranh phải đến hồi kết thúc. Trong khi chờ đợi bạn tiếp tục cầu nguyện, bạn tiếp tục làm việc. Vào mùa hè, một trong những đồng nghiệp của chúng tôi ở nước ngoài đã hỏi tôi rằng chúng tôi tiếp tục tiến bước như thế nào, và tôi đã sử dụng cụm từ 'hy vọng trong hành động.' Vì vậy, bạn tiếp tục tiến bước bởi vì bạn có hy vọng, và bạn hành động trong hy vọng đó. Bạn hành động trong hy vọng và niềm tin”.
Source:Aleteia

3. Đức Thánh Cha tiếp các Sứ Thần và Khâm Sứ Tòa Thánh

Sáng ngày 08 tháng Chín vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các vị Đại diện Tòa Thánh đang tham dự khóa họp ba năm một lần tại Vatican, và ngài nhiệt liệt cám ơn sự phục vụ của các vị đã thi hành sứ vụ trong các hoàn cảnh khó khăn.

Trong số các tham dự viên khóa họp ba ngày, có 91 vị Tổng giám mục Sứ thần Tòa Thánh, sáu Giám chức Quan sát viên thường trực cạnh các tổ chức quốc tế.

Ngài nói: “Tôi cám ơn anh em vì tất cả những gì các Tòa đại diện Tòa Thánh đã và đang làm trong những tình trạng đau khổ này. Anh em đã mang đến cho các dân tộc và các Giáo hội sự gần gũi của tôi; anh em là điểm tham chiếu trong những lúc nhiều ngỡ ngàng và xáo trộn”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng thế giới đã trải qua bão tố vì đại dịch, giới hạn nhiều hoạt động mục vụ và đời sống thường nhật. Ngày nay, tai ương lớn lao dường như đã qua, nhưng rất tiếc Âu châu và toàn thế giới đang bị đảo lộn vì một cuộc chiến tranh đặc biệt trầm trọng, vì sự vi phạm công pháp quốc tế, cũng như vì những nguy cơ leo thang hạt nhân, và những hậu quả trầm trọng về kinh tế và xã hội. Đó là một thế chiến thứ ba “từng mảnh” mà anh em chứng kiến tại các nơi có liên hệ tới sứ vụ của anh em”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc đến Tông hiến “Các con hãy loan báo Tin mừng” được soạn thảo trong gần chín năm qua, và nó đòi thời gian để tác động hoàn toàn.

Sau lời chào thăm trên đây, Đức Thánh Cha còn trả lời và trao đổi, cũng như lắng nghe những gợi ý của các vị đại diện Tòa Thánh.

Vào năm 1900, các quốc gia có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa Thánh chỉ có khoảng hai mươi, con số này tăng lên 49 vào tháng 6 năm 1963, 89 vào tháng 8 năm 1978, và 174 vào năm 2005. Trong triều Giáo Hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao với 180 quốc gia. Dưới triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô, có thêm 3 quốc gia nữa, nâng tổng số lên 183. Ba quốc gia mới nhất thiết lập quan hệ đầy đủ với Tòa Thánh là Nam Sudan vào năm 2013, Mauritania vào năm 2016 và Miến Điện vào năm 2017. Nếu tính luôn cả Liên minh Âu Châu và Dòng Malta, Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia và các thực thể quốc tế.

Tháng 11 năm 2012, sau khi Liên Hiệp Quốc cấp cho Palestine quy chế quan sát viên thường trực, Tòa Thánh đã có “quan hệ đặc biệt” với Nhà nước Palestine. Năm 2016, sau khi Hiệp định Toàn cầu được ký kết vào tháng 6 năm 2015 có hiệu lực, Palestine đã có quan hệ đầy đủ với Tòa Thánh.

Tòa Thánh chưa có quan hệ ngoại giao với 13 quốc gia, chủ yếu là các quốc gia ở Á Châu trong đó phần lớn là các quốc gia Hồi giáo và cộng sản. Trong 13 quốc gia này có 8 quốc gia Tòa Thánh không có bất cứ một hình thái đại diện nào. Đó là Afghanistan, Ả Rập Xê-út, Bhutan, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Maldives, Oman, và Tuvalu. Tại bốn quốc gia khác là Comoros, Somalia, Brunei và Lào, Tòa Thánh có thể bổ nhiệm Khâm Sứ Tòa Thánh (Apostolic Delegate).

Khâm sứ Tòa thánh - Apostolic Delegate – là vị đại diện của Đức Thánh Cha liên lạc với Giáo Hội địa phương. Ngài không làm nhiệm vụ ngoại giao vì quốc gia sở tại chưa có quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa Thánh.

Sứ thần Tòa Thánh - Apostolic Nuncio – là vị đại diện của Đức Thánh Cha liên lạc với Giáo Hội địa phương. Ngài đồng thời cũng làm nhiệm vụ ngoại giao, trong tư cách là đại sứ của quốc gia thành Vatican, với nước sở tại.

Việt Nam là quốc gia thứ 13 trong số 13 quốc gia Tòa Thánh chưa có quan hệ ngoại giao.. Từ năm 2011, một đại diện không thường trú của Vatican đã được bổ nhiệm, đang chờ đặt một văn phòng ổn định tại Hà Nội.

Đối với Kosovo, nơi địa vị quốc tế của quốc gia này đang gây tranh cãi, Tòa thánh hiện đã tự giới hạn trong việc chỉ định một Khâm Sứ Tòa Thánh thay vì một vị Sứ thần Tòa Thánh. Khâm Sứ Tòa Thánh tại Kosovo hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Jean-Marie Speich, Sứ thần Tòa Thánh tại Slovenia.

Chức danh của các vị đại diện Đức Thánh Cha tại Thánh Địa cũng khá phức tạp. Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana, trước đây là Sứ thần Tòa Thánh tại Úc Đại Lợi. Hiện nay, ngài là Sứ thần Tòa Thánh tại Israel và đảo Síp, và là Khâm sứ Tòa thánh tại Giêrusalem và Palestine.

Tòa thánh có quan hệ ngoại giao không đầy đủ với Trung Hoa từ năm 1922. Vatican đã cử Đức Tổng Giám Mục Celso Benigno Luigi Costantini làm Khâm Sứ Tòa Thánh tiên khởi tại Trung Hoa. Năm 1942, quan hệ ngoại giao đầy đủ với Trung Hoa được thiết lập. Năm 1946, sau khi chấm dứt thế chiến thứ hai, Đức Tổng Giám Mục Antonio Riberi được chỉ định làm Sứ thần Tòa Thánh tại Trung Hoa và ngài đến trình quốc thư cho tổng thống Trung Hoa Dân Quốc là Lâm Sâm (Lin Sen, 林森).Bọn cầm quyền Bắc Kinh đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tòa thánh vào năm 1951 sau một vụ việc phức tạp. Trong suốt hai năm 1950 và 1951, cộng sản Trung Quốc đã gây áp lực lên Vatican buộc Tòa Thánh cắt đứt quan hệ với Trung Hoa Dân Quốc bằng cách đe dọa hình thành nên Giáo Hội quốc doanh độc lập với Vatican. Tuy nhiên, đa số các linh mục phản đối trào lưu này, và Chu Ân Lai tìm kiếm một giải pháp trung gian. Mao nghĩ ra một chiêu độc. Một linh mục làm việc tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đã ném một chiếc cối cũ từ những năm 1930 vào một đống rác ở nhà của mình. Một doanh nhân tên là Antonio Riva đã phát hiện ra chiếc cối và mang về nhà để trưng bày như một món đồ cổ. Công an cộng sản ập vào nhà của Riva, họ đã bắt anh ta vì âm mưu ám sát Mao Trạch Đông bằng cái cố đó, là điều mà Riva đã phủ nhận và cho rằng cáo buộc đó quá khôi hài. Riva bị xử tử và phái đoàn ngoại giao của Tòa thánh bị trục xuất khỏi đất nước vì tội “hoạt động gián điệp”. Riêng Cha Tarcisio Martina, Giám Quản Tông Tòa của Y Huyện (Yixian, 黟县), bị kết án tù chung thân và chết vào năm 1961. Từ đó, Tòa Sứ Thần Tòa Thánh được đặt tại Đài Loan, tuy nhiên, kể từ năm 1979, không còn có Sứ thần nữa mà chỉ là “Đại biện lâm thời”. Trong các cuộc đàm phán đang diễn ra với Trung Quốc dẫn đến thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục vào tháng Chín năm 2018, và được gia hạn thêm hai năm nữa vào tháng 10 năm 2020, vấn đề quan hệ ngoại giao vẫn chưa được giải quyết. Cho đến nay, Tòa Thánh tỏ ra không mấy quan tâm việc có thể mở một văn phòng chính thức tại Bắc Kinh. Trong khi đó, Tòa Thánh có một đại diện thường trú vĩnh viễn được gọi là “phái bộ nghiên cứu” tại Hương Cảng, trực thuộc Sứ thần Tòa Thánh tại Phi Luật Tân.

Trong những năm gần đây, việc bổ nhiệm các “đại biện” hay “chargés d'affaires” thường trú tại các quốc gia không có Tòa Sứ thần Tòa Thánh đã tăng lên gấp bội, đặc biệt ở Phi Châu và Trung Đông. Ví dụ, ở Đông Timor, Chad, Gabon, Malawi, Nam Sudan, và sau đó ở Síp và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tại Jordan, việc bổ nhiệm một Sứ thần Tòa Thánh thường trú đã được dự kiến. Trước đây Sứ thần Tòa Thánh tại Baghdad cũng đồng thời là chargés d'affaires tại Jordan.

Hiện nay có khoảng 90 quốc gia có đại sứ quán tại Rôma. Các nước còn lại thường được đại diện bởi các nhà ngoại giao cư trú tại các thủ đô khác của Âu Châu.

Dưới triều đại Đức Thánh Cha Phanxicô, các đại sứ “không thường trú” của Armenia, Belize, Ghana, Palestine, Malaysia và Nam Phi đã trở thành đại sứ thường trú. Azerbaijan và Thụy Sĩ sẽ sớm được thêm vào danh sách này.