Ngày 16-09-2014
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổn thất nặng nề: 2500 người Công Giáo bị Hồi Giáo Boko Haram giết chết
Đặng Tự Do
09:34 16/09/2014
Thông tấn xã Công Giáo Catholic World News cho biết Đức Giám Mục Oliver Doeme của giáo phận Maidiguri, một thành phố ở đông bắc Nigeria, nói rằng bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã giết chết hơn 2,500 người Công Giáo trong giáo phận của ngài.

Đức Cha Oliver đã phải bỏ chạy khỏi giáo phận của ngài sau khi thành phố Maidiguri bị quân khủng bố tấn công hôm 12 tháng 9.

Đức Cha Oliver đang tạm trú tại Yola cùng với hàng ngàn người Công Giáo. Đức Cha cho biết "nhiều gia đình không biết nơi nương tựa vào đâu", và "khá nhiều cha mẹ vẫn đang tìm kiếm con em bị mất tích và những người thân yêu."

Ngài cho biết thảm họa xảy ra "vì những người lính đã bỏ ngũ chạy trốn quân khủng bố vì sợ bị giết" nên thành phố đã rời vào tình trạng hỗn loạn.

Hôm thứ Hai 15 tháng 9, quân đội Nigeria đã tái chiếm Maidiguri giết chết hàng trăm thành viên của quân khủng bố.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bốn niềm vui lớn tại giáo phận Phát Diệm
BTT Phát Diệm
08:27 16/09/2014
Phát Diệm – bốn niềm vui trong một

Có thể nói rằng chưa có người dân Phát Diệm nào đã từng được chứng kiến một ngày có nhiều sự kiện và niềm vui như ngày 08-9-2014, ngày đại hỷ. Đó là ngày giáo phận Phát Diệm mừng Đức Cha Giuse Nguyễn Năng kỷ niệm năm năm giám mục, làm phép và khánh thành tòa nhà mới Chủng viện thánh Phaolô và Trung tâm hành hương, khai trương Nhà truyền thống. Đây quả là niềm vui bốn trong một.

1. Làm phép và khánh thành tòa nhà mới Chủng viện thánh Phaolô

Tuy nghi thức được bắt đầu lúc 8g30, nhưng quý khách đến từ rất sớm. Niềm vui biểu lộ trên từng khuôn mặt, họ háo hức rảo quanh và tranh thủ tham quan Chủng Viện. Đối với nhiều người, đây là lần đầu tiên có dịp vào thăm Chủng viện, được tận mắt thấy cơ sở đào tạo chủng sinh của giáo phận. Và họ cũng thừa nhận rằng không ngờ giáo phận có được cơ sở rộng và khang trang như thế.

Giờ đã điểm, lúc 8g30, quý Đức Cha, quý cha và cộng đoàn cùng hướng tâm hồn lên Chúa qua bài hát Cầu xin Chúa Thánh Thần. Sau đó, cha Giám đốc Chủng viện nêu lý do và quá trình xây dựng tòa nhà mới. Thay mặt cho gia đình Chủng viện, ngài bày tỏ tâm tình tạ ơn Chúa, cảm ơn Đức Cha giáo phận, quý Đức Cha, quý cha và quý ân nhân trong và ngoài giáo phận cùng các hiệp thợ đã tận tình giúp đỡ để tòa nhà được hoàn thành.

Tiếp theo là nghi thức chính yếu: Đức Cha giáo phận làm phép nhà. Sau lời cầu nguyện, Đức Cha rảy Nước phép trên cộng đoàn. Cha Tổng đại diện và quý cha đã được phân công rảy Nước phép cho các phòng trong tòa nhà, trong khi đó ca đoàn và cộng đoàn cùng chung lời tạ ơn qua bài thánh ca.

Tham dự nghi thức này, có Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến, nguyên giám mục giáo phận, quý cha trong và ngoài giáo phận, quý tu sĩ và quý khách.

Sau khi Đức Cha ban phép lành, quý khách đi tham quan tòa nhà mới, hoặc chụp hình lưu niệm, trong khi lược sử Chủng viện Thánh Phaolô, và công năng của tòa nhà mới được giới thiệu cách vắn tắt.

Tòa nhà mới song song với tòa nhà cũ, cách 36m về phía bắc. Khoảng trống giữa hai tòa nhà được bố trí thành vườn trồng rau và sân cỏ, vừa đem lại bầu khí thoáng mát vừa điểm tô cho các tòa nhà.

Tòa nhà mới gồm 3 tầng (trệt, và 2 lầu). Toàn bộ tầng một (trệt) được dùng cho việc đào tạo tri thức và ẩm thực (phòng học, thư viện, phòng ăn); Tầng hai dùng cho việc nghỉ (phòng hội, và phòng ở); Tầng ba dùng cho sinh hoạt tâm linh, tĩnh tâm, linh thao (Nhà nguyện, phòng ở).

Quý khách đến sớm tham quan tòa nhà mới của Chủng viện

2. Cắt băng khai trương Nhà truyền thống

Sau khi tham quan Chủng viện, cộng đoàn di chuyển sang Tòa giám mục để tiếp tục tham dự nghi thức khai trương Nhà truyền thống.

Lúc 9g30 cộng đoàn tập trung trước Nhà truyền thống cùng với sự hiện diện của Đức Cha giáo phận, Đức Cha nguyên giám mục giáo phận Phát Diệm, và Đức Cha giáo phận Thanh Hóa, nguyên giám quản giáo phận.

Sau phần giới thiệu sơ lược Nhà truyền thống, Đức Cha giáo phận, Đức Cha nguyên giám mục giáo phận, và một nữ tu thuộc dòng Các thánh Tử đạo Hàn Quốc bước tới cắt băng vải đỏ được bốn chủng sinh căng ra trước Nhà truyền thống

Thực tế, Nhà truyền thống do Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến xây dựng và khánh thành năm 2002. Những tháng gần đây các nữ tu thuộc dòng Các thánh Tử đạo Hàn Quốc đã tận tụy giúp trưng bày và bố cục lại theo nguyên tắc phù hợp với văn hóa Á đông, nhưng có tính chuyên nghiệp cao, với chủ đề: Những chặng đường.

Sau khi cắt băng, Đức Cha giáo phận mở cửa chính thức khai trương Nhà truyền thống. Quý Đức Cha, quý cha và quý khách đã lần lượt vào tham quan. Tại đây, lịch sử của giáo phận được họa lại qua những chặng đường là những giai đoạn lịch sử với những hiện vật, hình ảnh, phim và lời thuyết minh.

Cộng đoàn xếp hàng vào tham quan Nhà truyền thống

3. Khánh thành Trung tâm hành hương

Sau khi tham quan Nhà truyền thống, cộng đoàn tập trung trước tiền sảnh tòa nhà mới xây phía đông cổng đông của Nhà thờ. Đây là Trung tâm hành hương của giáo phận với bố cục là hai ngôi nhà nối vuông góc với nhau.

Sau lời giới thiệu của cha Gioan Lê Văn Hào, giám đốc, Đức Cha giáo phận cử hành nghi thức làm phép và khánh thành Trung tâm hành hương. Đức Cha rảy Nước phép trên cộng đoàn và tầng trệt tòa nhà phía nam; cha Tổng đại diện, cha Giám đốc Trung tâm, và cha Quản lý Tòa giám mục rảy Nước phép tầng trệt tòa nhà phía đông và tầng hai của hai tòa nhà.

Liền sau đó Thánh lễ tạ ơn sẽ được tổ chức trong Nhà thờ chính tòa, vì vậy quý Đức Cha và quý cha tham dự nghi thức làm phép nhà trong phẩm phục áo lễ trắng, làm cho nghi thức càng trở nên trang trọng.

Theo lời giới thiệu của cha Giám đốc, tầng trệt của Trung tâm hành hương gồm có phòng đón tiếp, quầy hàng lưu niệm, thư viện, và nơi dừng chân cho khánh hành hương. Toàn bộ tầng 2 là phòng nghỉ cho quý khách có nhu cầu nghỉ qua đêm, có khả năng dung nạp được một trăm người.

Đặc biệt, tại tầng trệt có bếp và phòng ăn không chỉ để phục vụ cho quý khách đăng ký mà còn là nơi phục vụ bữa ăn cho người nghèo. Trước mắt, do mới khánh thành, bếp ăn tạm thời phục vụ người nghèo mỗi tuần một bữa vào ngày Chúa Nhật. Khi mọi sinh hoạt được ổn định, bếp ăn sẽ phục vụ mỗi tuần hai ngày. Như vậy trung tâm hành hương còn là điểm hẹn của những tấm lòng nhân ái muốn sẻ chia cho anh chị em có hoàn cảnh khó khăn.

4. Thánh lễ tạ ơn

Sau nghi thức làm phép Trung tâm hành hương, cộng đoàn di chuyển vào Nhà thờ chính tòa. Hội trống, hội kèn, ca đoàn, quý tu sĩ, chủng sinh rước đoàn đồng tế vào nhà thờ.

Cộng đoàn giáo xứ Phát Diệm trân trọng sự nhiệt tình của quý khách, nhường toàn bộ nghế ngồi trong nhà thờ.

Trước khi thánh lễ được bắt đầu, cha Tổng đại diện thay mặt linh mục đoàn và cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận bày tỏ lòng tri ân đối với Đức Cha giáo phận vì tình thương đã tận tụy lo lắng xây dựng giáo phận cả về cơ sở vật chất cả về đời sống đức tin và tinh thần, khiến cho thân hình gầy đi và mái đầu bạc nhiều. Cha Tổng đại diện chúc mừng Đức Cha nhân ngày kỷ niệm năm năm tấn phong Giám mục, cầu chúc Đức Cha mạnh khỏe và đầy ơn Chúa để tiếp tục hướng dẫn và xây dựng giáo phận ngày càng thăng tiến. Tâm tình của cộng đoàn giáo phận được thể hiện qua bó hoa tươi thắm do hai chủng sinh thành kính dâng lên Đức Cha.

Lúc 10g45, Thánh lễ được cử hành do Đức Cha giáo phận chủ sự. Đồng tế với ngài là Đức Cha giáo phận Thanh Hóa, Đức Cha nguyên giám mục giáo phận và quý cha.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha mời gọi cộng đoàn cùng dâng lời tạ ơn Chúa vì muôn ơn Chúa đã ban cho giáo phận, cho mọi người, mọi gia đình và cách riêng cho ngài. Đức Cha cảm ơn quý Đức Cha và quý cha cùng cộng đoàn đã đến hiệp lời tạ ơn Chúa cùng với gia đình giáo phận trong ngày đặc biệt này. Đức Cha cảm ơn lời chúc mừng của cha Tổng đại diện, cảm ơn mọi thành phần trong đại gia đình giáo phận đã hiệp thông và cộng tác với ngài cùng chung sức xây dựng giáo phận trong thời gian qua, và mong sẽ tiếp tục trong tương lại.

Giảng trong thánh lễ là Đức Cha giáo phận Thanh Hóa. Đã lâu lắm rồi cộng đoàn Phát Diệm không được nghe giọng trầm ấm của Đức Cha nguyên giám quản, vì thế mọi người đều chăm chú lắng nghe từng lời.

Với thể văn anh hùng ca, qua chủ đề “Đẹp quá đi thôi ! Phát Diệm ơi”, Đức Cha Thanh Hóa đã vẽ lên cho cộng đoàn bức tranh Phát Diệm từ quá khứ đến hiện tại và tương lai đều toát lên vẻ đẹp kiêu hùng. Đó là một bức tranh sống động với nhiều màu sắc và ánh sáng. Một bức tranh chất chứa tâm tình tri ân, cảm tạ và đầy lạc quan, hy vọng.

Sau lời nguyện hiệp lễ, cha Tổng đại diện thay mặt cộng đoàn Phát Diệm cảm ơn quý Đức Cha, quý cha, và quý khách đã nhiệt tình trợ giúp các công trình của giáo phận, và hôm nay đến hiệp dâng thánh lễ, chia sẻ niềm vui cùng giáo phận.

Tiếp theo, Đức Cha nguyên giám mục giáo phận bày tỏ niềm vui khi trở lại với cộng đoàn trong bầu khí đặc biệt này. Ngài cũng mời gọi cộng đoàn hợp ý với với Đức Cha Thanh Hóa trong lời chúc mừng cuối bài giảng đối với Đức Cha giáo phận và giáo phận Phát Diệm.

Đáp lại, trước khi thánh lễ kết thúc, Đức Cha giáo phận bày tỏ tâm tình tri ân đối với quý Đức Cha, quý cha và cộng đoàn. Ngài cho biết: năm năm vừa qua là thời gian hạnh phúc, vì Chúa ban xuống nhiều ơn lành, vì sự hiệp thông của mọi thành phần trong giáo phận. Một lần nữa, Đức Cha chia sẻ ba ước mơ của ngài khi đặt chân tới Phát Diệm. Đó là: 1- Cộng đoàn giáo phận yêu mến, lắng nghe, suy niệm Lời Chúa nhiều hơn; 2- Mọi người phát huy tình hiệp thông mỗi ngày một nhiều hơn; 3- Mọi thành phần trong giáo phận tích cực, hăng hái loan báo Tin Mừng.

Đức Cha giáo phận Thanh Hóa, Đức Cha giáo phận, và Đức Cha nguyên giám mục giáo phận

Thánh lễ kết thúc trong tâm tình của bài hát “Đẹp thay bước chân”, một tác phẩm thánh ca của chính Đức Cha giáo phận.

Sau Thánh lễ, cộng đoàn tiếp tục chia sẻ niềm vui trong bữa ăn đầy tình hiệp thông của đại gia đình giáo phận.

Quả thật, ngày 08-9-2014 là ngày đại hỷ của giáo phận, bốn niềm vui lớn trong cùng một ngày.
 
Lễ ra mắt Caritas tại giáo xứ Thuận Nghĩa và Lộc Thuỷ
Lộc Thuỷ
08:25 16/09/2014
Lễ gia nhập và ra mắt Caritas tại giáo xứ Thuận Nghĩa và Lộc Thuỷ

Vào lúc 17g30, ngày 15/09/2014, cha Giám đốc Caritas giáo phận Vinh Phêrô Nguyễn Văn Vinh đã chủ sự Thánh lễ ra mắt Hội Caritas giáo xứ Thuận Nghĩa. Đồng tế và tham dự Thánh lễ còn có cha Antôn Nguyễn Văn Đính, quản xứ Thuận Nghĩa; cha Phêrô Nguyễn Văn Sơn, quản xứ Thuận Giang - đặc trách Caritas giáo hạt Thuận Nghĩa; và cha Antôn Nguyễn Văn Thanh, quản xứ Cầm Trường cùng đông đảo bà con giáo dân giáo xứ Thuận Nghĩa.

Xem Hình

Cùng với việc cử hành phụng vụ, rao giảng Tin Mừng, việc thực thi bác ái yêu thương phải trở thành trung tâm hành đạo của Giáo Hội Công Giáo. Trong bài chia sẻ, cha giám đốc Caritas giáo phận đã điểm lại những yếu tính căn bản của Caritas với hai điểm chính: “Caritas là bản chất của Giáo Hội, của đời sống các kitô hữu” và “là tiêu chuẩn phán xét của Thiên Chúa trong ngày cánh chung”.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, với nhiều tấm gương thực thi đức ái, đang mời gọi các kitô hữu ngày hôm nay thực thi các việc bác ái đối với anh chị em đang cần được giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất, để ngang qua những việc làm nhỏ nhặt đó chúng ta mang tình thương của Chúa đến với mọi người, như lời thánh Phaolô: “yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10).

Kết thúc bài chia sẻ, cha Giám đốc đã tóm tắt những nhiệm vụ và lợi ích thiêng liêng của thành viên Caritas Việt Nam.

Caritas giáo xứ Thuận Nghĩa được thành lập ngày 01 tháng 04 năm 2013, với gần 2000 hội viên. Trong thời gian qua, Hội đã có những việc làm thiết thực nhằm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong giáo xứ: phát quà Tết, Noel cho những người tàn tật, già cả neo đơn, giúp các học sinh nghèo… Sự hiện diện của cha Giám đốc Caritas giáo phận trong thánh lễ ra mắt hôm nay một lần nữa cỗ vũ, khích lệ và mời gọi nhiều người thiện chí trong giáo xứ tiếp tục gia nhập Hội Caritas để việc thực thi các việc bác ái - yêu thương được mở rộng và thiết thực hơn.

Sau bài phát biểu tóm tắt hoạt động trong thời gian vừa qua của ông trưởng hội Caritas Giáo xứ, cha Phêrô Nguyễn Văn Sơn - đặc trách Caritas giáo hạt đã ghi nhận những cố gắng, hi sinh và thành quả bước đầu của Hội. Cha cũng hi vọng với một giáo xứ giàu truyền thống và thấm đẫm tinh thần bác ái Kitô giáo, Hội Caritas Thuận Nghĩa trong thời gian tới sẽ có nhiều thành viên tham gia và có nhiều hoạt động thiết thực hơn nhằm làm cho đức ái Kitô giáo được lan tỏa đến nhiều nơi và với nhiều người.

Lễ gia nhập Caritas giáo xứ Lộc Thuỷ (Nghệ An)

Sáng ngày 16/09/2014, tại thánh đường giáo xứ Lộc Thủy (Nghệ An), Thánh lễ gia nhập Hội viên Caritas Việt Nam cho 335 anh chị em trong giáo xứ, đã được cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Caritas giáo phận Vinh chủ tế. Đồng tế và hiệp dâng thánh lễ còn có cha quản hạt Thuận Nghĩa Antôn Nguyễn Văn Đính, cha chánh xứ Lộc Thủy Gioan Baotixita Nguyễn Duy An, và đông đảo bà con trong giáo xứ Lộc Thủy.

Đức ái là cốt lõi và là căn tính của đời sống người kitô hữu, bởi đức ái có nguồn gốc từ Tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi và được tóm kết trong hai giới răn trọng nhất là “mến Chúa và yêu người”. Đức ái cần được mọi kitô hữu hiện thực hóa qua đời sống hằng ngày bằng những việc làm thiết thực đối với mọi người, nhất là những người bất hạnh, nghèo khó và bệnh tật.

Trong nghi thức gia nhập Hội viên, cha Giám đốc và cha quản hạt đã trao thẻ hội viên cho các Tân Hội viên như là bằng chứng anh chị em đã thuộc về Caritas Việt Nam, và qua đó, thôi thúc các Hội viên sẵn sàng thực thi lòng bác ái như Chúa đã dạy để minh chứng cho tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại.

Cuối phần nghi thức là lời Kinh Quảng Đại được các Hội viên cất lên như một sự khiêm nhường, quyết tâm và tín thác của anh chị em trước sứ mệnh lớn lao của Caritas.

K. Phạm và C. Lộc Thuỷ
 
CĐCGVN Sydney Tham Dư Lễ Giỗ 12 Năm Đức Cố Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận
Diệp Hải Dung
09:43 16/09/2014
Tối thứ Ba 16/09/2014 Giáo dân trong Cộng Đồng đã đến nhà thờ Mary Queen of Heaven Georges Hall Sydney tham dự Lễ Giỗ 12 Năm của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận.

Hình ảnh

Trước khi dâng Thánh lễ quý Cha tiến đến bàn thờ của Đức Cố Hồng Y dâng nén hương tỏ lòng kính nhớ đến Ngài và sau đó Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm giới thiệu quý Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Nguyễn Hoàng Dương, Cha Nguyễn Hoàng Trung và Cha Nguyễn Đình Trí Dòng Phanxicô cùng hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Cố Hồng Y.

Trong bài giảng Thánh lễ Cha Paul Văn Chi kể sơ lược về Đức Cố Hồng Y, đặc biệt là những tác phẩm của Ngài để lại : Đường Hy Vọng, Chứng Nhân Hy Vọng, Lời Cầu Nguyện Trong Hy Vọng, 5 Chiếc Bánh và 2 Con Cá.. chứng từ của một người sống hy vọng vào Chúa, trọn vẹn phó thác nơi Chúa. Tưởng nhớ và cầu nguyện cho Ngài hôm nay, chúng ta quyết tâm sống theo 10 quy luật cuộc sống của Ngài: Tôi sống hạnh phúc giây phút hiện tại - Tôi nhận thức rõ về Chúa và những công trình của Ngài - Tôi luôn sống cầu nguyện – Tôi sống Bí tích Thánh Thể là nguồn lực duy nhất cuộc đời tôi – Tôi có một sự khôn ngoan đó là khoa học của Thập giá – Tôi luôn sống chứng nhân của Chúa Giêsu KiTô – Tôi luôn tìm kiếm hòa bình mà thế gian không thể ban bằng – Tôi luôn canh tân trong đích thực – Tôi có một ngôn ngữ và một đồng phục đó là tình yêu – Tôi có một tình yêu đặc biệt với Đức Trinh Nữ Maria..

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Cha Tuyên uý Trưởng thay mặt Cộng Đồng và thân quyến của Đức Cố Hồng Y có sự hiện diện của anh Piere là cháu ruột của Đức Cố Hồng Y ngỏ lời cám ơn quý Cha, qúy Hội Đồng Mục Vụ, Ca đoàn Thánh Simon Hòa Giáo đoàn Georges Hall và mọi người, đã đến đây cùng hiệp ý dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Tôi Tá Của Chúa là Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận. Nguyện xin Ngài cầu bầu chúc lành cho mọi người luôn được bình an.
 
Hành hương Đức Mẹ Măng Đen ở GP Kontum
Trương Trí
21:37 16/09/2014
KONTUM - Dưới cơn mưa tầm tả và lạnh rét của núi rừng Tây Nguyên, hàng trăm xe ô tô và hàng chục ngàn xe máy không chỉ là tín hữu của Kontum mà còn từ khắp nơi về với Mẹ, vượt qua quãng đường đèo dốc quanh co của con đường dài gần 60 km tính từ Tòa Giám mục Kontum lên đồi Đức Mẹ Măng Đen thuộc xã Măng Đen, huyện Kon Plong.

Hình ảnh

Vâng lời Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, phóng viên của VietCatholic cùng hòa nhập với giòng người hành hương viếng Đức Mẹ Măng Đen dịp lễ Đức Mẹ Sầu Bi, tước hiệu của Mẹ Măng Đen. Chỉ riêng với đoạn đường đèo Măng Đen dài 12 km đã có đến 100 khúc cua hiểm trở với sườn núi dựng đứng, một bên là vực sâu.

Theo thống kê của Giáo phận Kontum thì toàn Giáo phận có chừng 300 ngàn người Công Giáo, nhưng trong số đó có đến 2/3 là người dân tộc thiểu số Bana, Sêđăng, Giẻ tiêng, Rơ Ngao. V.v…mà đông nhất là người Bana.

Trải qua 2 ngày hành hương, chúng tôi cảm nhận được nét văn hóa rất lịch sự của người dân tộc cho dù họ là những con người ít học nếu không muốn nói là mù chữ, nhưng cách xử sự rất văn minh. Trước Đền Đức Mẹ Sầu bi Măng Đen, từng hàng người tự động sắp hàng rất thứ tự để lên viếng Mẹ, không chen lấn, không dành giật nhau, không phân biệt linh mục hay giáo dân. Nét văn hóa lịch sự đó có lẽ đã được ăn sâu bén rễ vào cuộc sống của các sắc tộc từ khi họ được các vị Thừa sai đến truyền giáo tại vùng núi rừng Tây nguyên này

Đặc biệt, Ban Tổ chức Hành hương rất chú trọng đến việc ăn uống và đi lại của đoàn người hành hương, vì họ là những con người rất nghèo khổ. Những hàng ăn được ban tổ chức lập ra để bán cho người hành hương kể cả các linh mục cũng đều được mua với giá rất rẻ, có thể nói là chưa đủ với số vốn như: 1 gói mì đã hơn 3 ngàn đồng nhưng 1 tô mì ở đây chỉ bán với giá 2 ngàn đồng, 2 quả trứng gà luộc chỉ với giá 5 ngàn đồng. Đó là nhờ vào những tấm lòng hảo tâm của những người hảo tâm tình nguyện đứng ra phục vụ. Ban tổ chức còn lập ra đội xe lưu động dọc đường do những thanh niên tình nguyện để sửa chữa hoặc vá lốp xe dọc theo tuyến đường. Khi có chiếc xe nào bị sự cố, điện thoại đến là họ lập tức chạy đến nơi sửa chữa miễn phí. Ngoài ra còn có 2 chiếc xe cứu hộ luôn túc trực để phục vụ miễn phí khi có xe ôtô bị mắc lầy dọc đường.

Đúng 9 giờ sáng ngày 15/9, Thánh lễ Đại triều Kính Đức Mẹ Sầu Bi do Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum chủ tế, cùng đồng tế có Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, Đức Phêrô Trần Thanh Chung, nguyên Giám mục Giáo phận Kontum và gần 200 linh mục trong và ngaoì giáo phận. Theo ước tính của chúng tôi, số khách hành hương lên đến trên 50 ngàn người kể cả người lương.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha Chủ tế chào cộng đoàn hành hương và mời gọi mọi người hãy đến với Mẹ để Mẹ dẫn dắt chúng ta đến với Chúa là Cha đích thực. Xin Mẹ dạy chúng ta đến với anh chị em chúng ta là những người đang chịu đau khổ trên toàn thế giới.

Thánh lễ bắt đầu với Kinh Thương xót bằng tiếng Bana do Đức Cha chủ tế khởi xướng: “Ơ Kơdră Ih’mêm manat kơ nhôn…”

Kính Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời cũng được Đức Cha chủ tế tiếp nối bằng tiếng Bana: “Thui Ư-ang Bă Yang oei tơ plenh…, cộng đoàn cùng sốt sắng hát vang cùng với vũ điệu tôn vinh của các thiếu nữ dân tộc Bana hòa với tiếng cồng chiêng đặc sắc truyền thống tây nguyên.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha chia sẻ: Tại mãnh đất Măng Đen này, phần nào chúng ra cảm nhận được hình ảnh của Mẹ Sầu Bi. Hôm nay, tại đồi Đức Mẹ Măng Đen này, không chỉ tín hữu Công Giáo mà còn rất nhiều người lương hiện diện nơi đây, chúng ta tự hỏi: “vì sao chúng ta đến đây?” Vì chúng ta đến để khẩn cầu cùng Mẹ, xin Mẹ che chở chúng ta trong lúc gian nan khốn khó. Nhưng nếu chúng ta đến đây chỉ để cầu xin thì không đủ, mà chúng ta đến đây còn để lắng nghe lời Mẹ dạy.

Chúng ta đến với Mẹ, than thở càu xin cùng Mẹ, tạ ơn Mẹ rồi ra về mà quên nghe lời Mẹ dạy. Bởi vậy chúng ta phải để ý đến lời Mẹ dạy chúng ta, những sư điệp mà Mẹ đã gởi đến cho chúng ta. Mẹ nhắc nhở chúng ta con người yếu đuối của mình phải biết lắng nghe Lời Chúa là con của Mẹ.

Qua Mẹ, Chúa mời gọi chúng ta phải biết yêu thương những con người đau khổ bệnh tật, những người bị gạt bỏ ra ngoài xã hội vì họ chính là hình ảnh của Chúa: “Những gì các con đã làm cho người bé mọn chính là đã làm cho Thầy”.

Cũng vậy, Kinh Tin kính: “ Inh lui kơ minh pôm Bă Yang,-Yăng Bă ‘Bok bơxêh tap păng…” hết sức sinh động và đầy thánh thiêng giữa núi rừng. Các thiếu nữ Bana như hòa cả tâm hồn vào điệu múa.

Phần dâng lễ vật gồm những hoa trái ruộng đồng và núi rừng do các em thiếu niên nam nữ các sắc tộc và kinh cùng dâng lên Thiên Chúa với tất cả tấm lòng thành kính qua những vũ khúc đặc sắc dân tộc Tây nguyên.

Sau Thánh lễ, Cha đại diện Ban Tổ chức thay mặt Giáo phận cảm ơn Quý Đức Cha, quý Cha và cộng đoàn đã sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ mừng Kính Đức Mẹ Sầu Bi, tước hiệu của Mẹ Măng Đen. Cảm ơn các ban nghành và các nhóm thiện nguyện đã tích cực góp sức trong hai ngày hành hương. Đồng thời Ngài cũng cảm ơn chính quyền các cấp đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong 2 ngày hành hương, đặc biệt giữ gìn trật an toàn giao thông trên tuyến đường.

Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum cảm ơn Đức Cha Phaolô đã không quản ngại đường sá xa xôi, thời tiết khắc nghiệt để đến hiệp dâng Thánh lễ với cộng đoàn hành hương. Ngài cảm ơn toàn thể mọi người hành hương không phân biệt lương giáo đã sốt sắng cầu nguyện với Mẹ, Ngài đề nghị mọi người ra về trật tự và nghiêm túc giữ gìn trật tự an toàn giao thông để tránh gây ách tắc trên đường cũng như tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Ngài cũng thông báo cho cộng đoàn, kể từ nay ngày hành hương Đức Mẹ Măng Đen sẽ chuyển sang ngày 10/12 hàng năm để tránh thời tiết mưa bảo. Bắt đầu từ ngày 10 tháng 12 năm 2014 này sẽ hành hương Đức Mẹ Măng Đen Bế mạc Năm Tân Phúc âm hóa Gia đình và Khai mạc Năm Tân Phúc âm hóa Xứ Đạo theo tinh thần của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Cuối cùng Ngài mời gọi hai Đức Cha cùng ban Phép lành của Tòa Thánh cho cộng đoàn hành hương.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Vấn đề ly dị và tái hôn trong Đạo Công Giáo (7)
Vũ Văn An
04:44 16/09/2014
Việc tiêu hủy các cuộc hôn nhân không phải là bí tích

Trong những năm này, thẩm quyền Công Giáo bắt đầu được thực thi trong nhiều tình thế mới. Thói quen tiêu hủy các cuộc hôn nhân chưa hoàn hợp vốn bị Đức Grêgôriô IX hạn chế. Ngài chỉ cho phép tiêu hủy với lý do gia nhập cuộc sống tu trì. Nhưng nay, nguyên tắc có thể phá hủy những cuộc hôn nhân chưa hoàn hợp đã được nhìn nhận từ lâu. Vấn đề các luật gia giáo luật cũng như các thần học gia phải đối đầu là: “Đâu là lý lẽ có thể biện minh cho việc tiêu hủy cuộc hôn nhân chưa hoàn hợp? Và tại sao nó bị tiêu hủy như thế?” Có hai lý do đã được đưa ra cho vấn nạn này: a) Lời của Chúa Kitô dạy rằng các cuộc hôn nhân hoàn hợp mới làm cho cặp vợ chồng thành một thân xác; b) trong các cuộc hôn nhân bí tích, cuộc hôn nhân hoàn hợp mới là hình ảnh sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội hay sự kết hợp của hai bản tính nơi Chúa Kitô. Một vấn nạn khác là: “Đức Giáo Hoàng, nhờ nắm giữ 'chìa khóa Nước Trời' có năng quyền tiêu hủy những cuộc hôn nhân như thế hay không?”. Các ý kiến trong thế kỷ 16 chia rẽ nhau vì câu hỏi này. Một số thần học gia cho rằng tiêu hủy một cuộc hôn nhân chưa hoàn hợp vì lý do gia nhập đời sống tu trì không phải là một việc thi hành thẩm quyền. Thẩm quyền hệ ở việc cho phép gia nhập đời sống tu trì kia. Hôn nhân bị tiêu hủy với cái chết của một người phối ngẫu thế nào, thì việc khấn dòng, cũng là một cái chết thiêng liêng, hiển nhiên sẽ kết liễu một cuộc hôn nhân như thế. Các giáo luật gia suốt 3 thế kỷ từ thời Đức Grêgôriô tới Công Đồng Trent đã chia rẽ nhau. Những người bênh vực thẩm quyền tiêu hủy này đưa ra hai lý do: a) Các cuộc hôn nhân không hoàn hợp chưa phải là hình ảnh đầy đủ của cuộc kết hợp bất khả tiêu của Chúa; b) trên thực tế, các vị giáo hoàng từng tiêu hủy các cuộc hôn nhân chưa hoàn hợp. Các vị đánh tan nghi ngờ bằng cách đơn giản tiêu hủy các cuộc hôn nhân ấy và để vấn đề lại cho các giáo luật gia và thần học gia biện minh cho việc làm đó.

Tình thế truyền giáo

Hoạt động truyền giáo trong thế kỷ 16 ở các thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bên Châu Phi và Vùng Indies đã đưa lại nhiều nố hôn nhân mà các vị giáo hoàng phải đương đầu. Đức Phaolô III đương đầu với một nố năm 1537, 8 năm trước khi có Công Đồng Trent. Tông hiến Altitudo của ngài cho rằng những cuộc hôn nhân đặc thù này có thể bị tiêu hủy vì chúng không có tính bí tích. Việc tiêu hủy này chỉ là áp dụng Đặc Ân Thánh Phaolô. Điều gì xẩy ra nếu một người đàn ông có nhiều vợ muốn trở lại Kitô Giáo? Chắc chắn ông ta không thể giữ mọi bà vợ! Tông hiến của Đức Phaolô dự liệu rằng nếu người chồng biết chắc ai là người vợ ông ta cưới đầu tiên, thì ông ta phải giữ người ấy và bỏ những người kia. Nếu ông ta không nhớ ai là người ông ta cưới đầu tiên, thì ông ta có thể giữ người nào ông muốn và bỏ những người còn lại. Điều này có nghĩa: ngài chuẩn miễn cho người vợ đầu không thể nào nhận diện được và người chồng của nàng ra khỏi cuộc hôn nhân của họ (85). Việc sử dụng “quyền nắm giữ chìa khóa” ấy thực sự đã mở màn cho một cơ sở mới để tiêu hôn vì một trong các yếu tố của Đặc Ân Thánh Phaolô không có, tức không có chứng cớ cho thấy người phối ngẫu kia vẫn không chịu rửa tội và chối từ sống yên ổn với người phối ngẫu này sau khi ông ta trở lại và chịu phép rửa. Người vợ đầu có thể đã chịu phép rửa hay chưa chịu. Nếu bà ấy đã chịu thì việc tiêu hôn không thể xẩy ra dựa trên việc cuộc hôn nhân này không có tính bí tích nhưng dựa trên cơ sở nó không được hoàn hợp trong tư cách bí tích (86).

Tông hiến Romani pontificis năm 1571 của Đức Piô V xem sét nố sau đây: Nếu người chồng vùng Indies có nhiều vợ muốn trở lại và thành thật về việc người nào là người vợ đầu, nhưng nếu nàng là người ngoại giáo, thì sao? Điều này có nghĩa: ông ta sẽ không có một cuộc hôn nhân bí tích, nếu nàng từ khước trở lại đạo với ông. Đức Piô V giải quyết nố này bằng cách cho phép người chồng chọn người vợ bằng lòng trở lại với ông! Một lần nữa, cơ sở ở đây không tùy thuộc việc chưa hoàn hợp mà tùy thuộc việc không có tính bí tích. Cuộc hôn nhân không có tính bí tích đã cản đường cho cuộc hôn nhân bí tích (87). Ở đây, Đức Piô chủ trương rằng chính uy quyền và thẩm quyền tông toà đã giúp ngài có thể ấn định ai là người vợ hợp pháp trong trường hợp các ông chồng bản địa trở lại đạo. Nhưng rồi một hạn chế đã được đưa ra sau khi Công Đồng Trent định rằng tông hiến này chỉ áp dụng khi không tìm ra hay không nhận diện được người vợ thứ nhất. Quyết định này ngăn cản thẩm quyền giáo hoàng không được tiêu hủy các cuộc hôn nhân biết rõ là đã hoàn hợp.

Điển hình thứ ba về việc giáo hoàng dùng quyền tiêu hôn tìm thấy trong tông hiến Populis ac nationibus năm 1585 của Đức Grêgôriô XIII. Đây là hậu quả của việc buôn bán nô lệ lúc đó đang lớn mạnh đưa tới việc vợ chồng xa cách nhau. Nhiều người phối ngẫu ở lại quê nhà từng đã kết hôn trước khi xa cách nhau, nay muốn được rửa tội và tái hôn. Mà những người bị bắt làm nô lệ cũng làm như vậy. Tông hiến tái khẳng định thẩm quyền đã được đưa ra trong các tông hiến Altitudo của Đức Phaolô và Romani pontificis của Đức Piô. Điều tông hiến làm là miễn chuẩn những người Công Giáo vừa được rửa tội khỏi một điều được coi là bất khả, tức việc điều tra và tra vấn người phối ngẫu không thể tìm ra để xác định xem họ còn có ý muốn tiếp tục cuộc hôn nhân đã bị trở ngại hay không. Do đó, những người tân tòng này nay có thể cưới một người đã rửa tội. Như thế, Đức Grêgôriô tiêu hủy một cuộc hôn nhân không phải là bí tích (88). Tông hiến này dẫn tới một lý thuyết lúc đó đang được triển khai nhằm đặt thành luật việc Đức Giáo Hoàng, dưới một số điều kiện đặc thù, ngoài đặc ân Thánh Phaolô ra, có thẩm quyền tiêu hủy hôn nhân (89).

Việc thế tục hóa hôn nhân

Với Công Đồng Trent, học thuyết về hôn nhân đã trở thành cố định một cách chính thức. Nhưng một thách thức mới đối với thẩm quyền của Giáo Hội lại phát xuất từ phía các nhà cai trị thế tục ở Âu Châu. Những nhà cai trị này muốn đòi lại thẩm quyền vốn thuộc về họ trước khi đế quốc Rôma tan rã. Không người Công Giáo hợp lý nào lại bác bỏ việc Giáo Hội có quyền qui định về các bí tích của mình nhưng các ông hoàng Công Giáo cho rằng hôn nhân, trước hết, là một thực tại thế tục, một khế ước,và là một khế ước tự nhiên và có tính dân sự. Các khế ước loại này được đặt dưới thẩm quyền dân sự. Hệ quả ở đây là: khế ước và bí tích tách biệt nhau.

Những người Công Giáo muốn thiết lập pháp chế thế tục lên các cuộc hôn nhân của người Công Giáo Âu Châu trong hai thế kỷ 17 và 18 được gọi là “những người bảo hoàng”. Họ thừa nhận thẩm quyền của các vị giám mục Công Giáo, nhưng tìm cách hạn chế thẩm quyền ấy trong các vấn đề tôn giáo và thiêng liêng; khế ước hôn nhân không thuộc loại này. Luận chứng có ảnh hưởng nhất ủng hộ lập trường bảo hoàng xuất hiện vào năm 1620 do Marcantonio de Dominis, tổng giám mục Spoleto, đưa ra. Vị này cho rằng tuy hôn nhân là một bí tích, ấy thế nhưng từ thuở ban đầu, nó vốn là một khế ước tự nhiên do chính Thiên Chúa lập ra. Ngài biện luận rằng tuy Chúa Kitô quả có tái tạo hôn nhân trở lại tình trạng tinh tuyền thuở trước, nhưng Người đâu có tìm cách thay đổi bản chất của nó, tức bản chất của một khế ước, vốn có tính tự nhiên trước, sau đó có tính dân sự. Việc qui định các khế ước dân sự lẽ dĩ nhiên thuộc thẩm quyền dân sự.Thẩm quyền của Giáo Hội chỉ có trong các khía cạnh tôn giáo của hôn nhân mà thôi; các khía cạnh này vốn phụ thuộc dù bao gồm tính bí tích và tính bất khả tiêu. Lý thuyết này được áp dụng ở Pháp khi Vua Louis XIII tiêu hủy cuộc hôn nhân của em trai, người đã kết hôn với con gái Quận Công Lorraine, kẻ thù đáng ghét của mình. Vua Louis sợ rằng ông này sẽ được nối ngôi vua, nên đã đem vấn đề ra trước Hội Đồng Giáo Sĩ. Hội Đồng ủng hộ sắc lệnh tiêu hủy. Lý do nêu ra là chỉ một mình Chúa Kitô mới có thể tháp bí tích vào khế ước dân sự, và đến lượt nó, khế ước dân sự được tháp vào khế ước tự nhiên (90).

Các triết gia của phong trào Ánh Sáng

Các triết gia của phong trào Ánh Sáng không quan tâm tới việc ai có thẩm quyền, nhưng đã tách bí tích ra khỏi khế ước trong hôn nhân. Họ biện luận rằng tình yêu nối kết hai người phối ngẫu với nhau vốn vượt lên trên sự kiểm soát của luật lệ. Nếu tình yêu ấy không hiện diện, họ không bắt buộc phải cố kết với nhau. Không như các triết gia thời trung cổ, họ lý luận rằng đòi hỏi của tự nhiên bao hàm việc có thể ly dị, chứ không phải cách khác. Nhiều triết gia khác thì cho rằng cha mẹ nên ở lại với nhau cho tới khi con cái đã được dưỡng dục đàng hoàng. Voltaire và Rousseau cho rằng nhu cầu của vợ chồng và con cái không có tính vĩnh viễn, và đôi khi còn đòi người ta phải tiêu hôn. Bản chất mà họ quan tâm không phải là bản chất của hôn nhân mà là bản chất của vợ chồng.

Trường phái luật tự nhiên

Bên ngoài nước Pháp, trường phái Luật Tự Nhiên chủ trương phải tự nhiên hóa hôn nhân. Người sáng lập ra trường phái này là Hugo Grotius. Còn triết gia về luân lý và xã hội của nó là Samuel von Pufendorf. Ông này tin rằng tự bản chất, hôn nhân là một khế ước và do đó, trên căn bản, ông chống ly dị, tuy nhiên có những luật trừ như ngoại tình vì việc này xâm phạm mục đích đệ nhất đẳng của hôn nhân. Nó vi phạm khế ước và biện minh cho việc người phối ngẫu vô tội được phép giải thoát khỏi cuộc hôn nhân và tái hôn. Cũng vậy, sự tàn ác cũng là một lý do đủ biện minh cho ly dị. Lý thuyết của Puffendorf quay trở lại với các triết gia Hy Lạp và các nhà luật học Rôma, những người coi hôn nhân có thể bị tiêu hủy nhưng cha mẹ phải ở lại với nhau bao lâu việc sinh sản và dưỡng dục con cái cũng như lợi ích xã hội còn cần tới họ. John Locke cũng có cùng một lý thuyết như thế.

Trong căn bản, diễn trình thế tục hóa đã được hoàn tất trong phần tư cuối cùng của thế kỷ 18 (91). Những người vô tôn giáo và phản tôn giáo trong xã hội dân sự thấy không có lý do gì khiến những nhà cầm quyền hợp pháp trong các xã hội này không dành quyền độc hữu đối với hôn nhân như một định chế cung cấp con cái cho xã hội. Nếu hôn nhân là một phát kiến nhân bản, thì chả có gì trong nó vượt quá thẩm quyền nhà nước. Huấn quyền Công Giáo cần dựa vào Sách Sáng Thế, để bẻ gẫy luận điểm vô tôn giáo này bằng việc bác bỏ giả định cho rằng trong tư cách một liên hệ nhân bản tự nhiên, hôn nhân chỉ có tính thế tục chứ không có tính tôn giáo. Nhưng chẳng may vào thời điểm đó, tính sự kiện lịch sử của hai chương đầu Sách Sáng Thế đang bị tấn công. Nhân chủng học và cổ sinh vật học cũng đang chứng minh rằng loài người đã có từ hơn 4 ngàn năm nay. Các động thái chính chống lại phái duy thế tục chỉ là các tuyên bố của các vị giáo hoàng (92).

Đức Bênêđíctô XIV gửi thông điệp Matrimonii năm 1741 cho các giám mục Ba Lan và cùng năm, cho công bố thông điệp Dei miseratione. Cả hai văn kiện này đều nhắc lại tính bất khả tiêu của hôn nhân. Năm 1747, ngài ban hành tông hiến Apstolici ministerii nhằm mục đích chấm dứt tập tục theo đó người Do Thái trở lại ly dị vợ họ sau khi được rửa tội, theo luật rabbi. Năm 1788, Đức Piô VI viết tông thư Deessemus nobis gửi giám mục giáo phận Motula, thuộc vương quốc Naples, người từng phán quyết trong một phiên xử tiêu hôn. Đức Giáo Hoàng nhắc ngài nhớ rằng mọi nố hôn nhân đều thuộc độc quyền các chánh án của Giáo Hội (93). Cũng vị giáo hoàng này đã cho công bố tông hiến Auctorem fidei vào năm 1794. Đây là cuộc phản công đầu tiên có chất lượng chống lại sự xâm lăng của thế tục và được gửi cho mọi người Công Giáo. Trước đó, Leopold II, chánh quận công Tuscany, đề nghị cải cách kỷ luật Giáo Hội và tổ chức ra Thượng Hội Đồng Pistoia. Đức Piô phản ứng bằng cách lên án 85 đề xướng của thượng hội đồng này, trong đó, có đề xướng ủng hộ chủ trương của thế tục nhằm thiết lập và miễn chuẩn các trở ngại của hôn nhân. Chỉ non một thế kỷ sau, Đức Piô IX cho công bố Bản Danh Mục Các Lầm Lạc (1864). Trong đề xướng 67, lầm lạc bị kết án là: “do luật tự nhiên, dây hôn phối tự nó không phải là bất khả tiêu, và trong nhiều trường hợp, ly dị chính danh có thể được thẩm quyền dân sự thi hành”. Điều chủ yếu là các vị giáo hoàng phải chứng thực được tính tôn giáo của hôn nhân ngay từ khởi thủy của loài người và việc chính Chúa Kitô đã biến mọi cuộc hôn nhân của Kitô Hữu thành bí tích, đến nỗi khế ước và bí tích là hai điều không thể tách rời nhau. Các vị giáo hoàng kế tiếp đã thực hiện việc đó. Đức Lêô XIII, chẳng hạn, trong thông điệp Quod apostolici năm 1878 nói rằng hôn nhân được Thiên Chúa thiết lập là bất khả tiêu ngay từ khởi thủy có thế giới. Trong thông điệp Arcanum divina sapientiae năm 1880, ngài trình bày cả hai chủ trương này, tức việc chính Chúa thiết lập ra hôn nhân ngay lúc khởi đầu công trình sáng tạo. Đức Lêô dựa nguyên văn vào hai chương đầu Sách Sáng Thế và tổng hợp hai trình thuật này để thấy trong chúng hai đặc tính của hôn nhân, tức tính độc hữu và tính vĩnh viễn của nó, và Chúa Kitô đã trích dẫn Sách Sáng Thế để công bố tính bất khả tiêu của hôn nhân. Ngài ôn lại giáo huấn cổ truyền của Giáo Hội ở đây và ở sắc lệnh mà Bộ Văn Phòng Thánh năm 1886 đã gửi cho các chánh án Công Giáo Pháp, lúc ấy, đang bị lúng túng giữa đòi hỏi trong chức vụ của họ và các đòi hỏi của Giáo Hội.

Giáo huấn của thế kỷ 20

Qua thế kỷ 20, ta bước vào một lãnh thổ quen thuộc hơn. Luật Giáo Hội từ trước tới nay đã được phát biểu thành một bộ luật hay corpus iuris. Việc khai triển luật lệ đã bắt đầu từ thế kỷ 12 với tác phẩm Decretum của Gratian vào khoảng năm 1140. Đây là một nguồn gốc và là một mô thức cho các tuyển tập luật lệ về sau. Công Đồng Trent đã ra lệnh tu chính luật lệ nhưng không bản tu chính nào được chấp thuận. Được thúc đẩy bởi các bộ luật Âu Châu theo gợi hứng của Bộ Luật Napoléon, nhu cầu phải có một bộ luật Công Giáo càng trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết. Công Đồng Vatican I không có khả năng đảm nhiệm trách nhiệm này vì hoàn cảnh lịch sử lúc đó, nhưng cuối cùng, với thông điệp Arduum sane munus năm 1904, Đức Piô X đã thiết lập Ủy Ban Giáo Hoàng về Bộ Luật Giáo Hội. Có thể nói, Đức Hồng Y Gasparri vừa là thư ký và người tổ chức, vừa là học giả và luật gia, cũng như người lèo lái đứng đàng sau công trình vĩ đại này, một công trình được hoàn tất chỉ trong 12 năm và được đệ trình Đức Bênêđíctô XV vào ngày 4 tháng 12 năm 1916 (94).

Đối với chúng ta, chỉ cần nhắc tới những khoản luật liên hệ và thông điệp của Đức Piô XI và giáo huấn của Đức Piô XII. Điều 1012 của bộ luật năm 1917 nói như sau (95): “#1: Chúa Kitô, Chúa chúng ta, đã nâng chính khế ước hôn nhân giữa các người đã rửa tội lên hàng một bí tích. #2: Bởi thế, một khế ước hôn nhân thành sự giữa các người đã rửa tội không thể hiện hữu mà không vì chính sự kiện ấy là một bí tích”.

Điều luật trên nguyên tuyền đi ngược lại chủ trương của các nhà cai trị và các chính phủ thế tục khi họ đòi thi hành thẩm quyền trên hôn nhân của các công dân Công Giáo của họ vì theo họ, trong yếu tính, hôn nhân là một khế ước dân sự tách biệt hẳn bí tích khi cuộc hôn nhân ấy xẩy ra giữa hai Kitô hữu. Nay thì Bí Tích không phải là một cái gì thêm vào khế ước. Tuy nhiên, Gasparri hình như không giải thích việc làm thế nào việc trao đổi quyền lợi có tính khế ước lại phản ảnh tình yêu của Chúa Kitô dành cho Giáo Hội.

Điều 1013 nói rằng: “#1: mục đích đệ nhất đẳng của hôn nhân là sinh sảnh và giáo dục con cái; mục đích đệ nhị đẳng của nó là giúp đỡ lẫn nhau và làm dịu tư dục. #2: các đặc tính chủ yếu của hôn nhân là đơn nhất và bất khả tiêu, các đặc tính này có được sự vững chắc đặc biệt trong hôn nhân Kitô Giáo nhờ tính bí tích của nó”.

Khoản đầu điều luật này nhắc ta nhớ lý do của tính vĩnh viễn trong hôn nhân được các triết gia Hy Lạp và Rôma cũng như các nhà triết học và thần học thời trung cổ đưa ra và được các triết gia của 2 thế kỷ 17 và 18 chấp nhận, tức mục đích của hôn nhân là sinh sản và giáo dục con cái. Tuy nhiên, như đã thấy, các triết gia thời cổ nghĩ rằng bao lâu con cái có khả năng tự lập, thì lý do khiến cha mẹ phải tiếp tục ở lại với nhau không còn nữa. Rồi còn việc này nữa, các luật gia giáo luật đã không diễn dịch khoản 2 như là hậu quả của khoản 1. Do đó, các sinh viên hẳn sẽ thắc mắc đâu là lý do của tính bất khả tiêu kia. Không có tuyên bố nào về bản chất hôn nhân và cũng không có giải thích nào đối với việc “vững chắc đặc biệt”. Mackin quả quyết rằng sự vững chắc đặc biệt và sự bất khả tiêu này thực sự không có ý nói tới “chính sự bất khả tiêu mà là tới tính dễ bị thương tổn của khế ước hay tính không thể bị thương tổn bởi hủy tiêu, trước thẩm quyền tiêu hủy. Điều luật này thực sự muốn hiểu tính bất khả tiêu của hôn nhân như sau: bất cứ khế ước hôn nhân nào cũng đều không thể bị thương tổn bởi hủy tiêu do thẩm quyền dân sự, nhưng nó chỉ trở nên không thể bị thương tổn bởi hủy tiêu do thẩm quyền Giáo Hội khi nó là một bí tích trong hôn nhân giữa hai Kitô hữu” (96).

Điều 1081 định rằng: “#1: Hôn nhân hữu hiệu bởi sự ưng thuận của các bên được phát biểu một cách hợp lệ giữa những người có khả năng theo luật; và sự ưng thuận này không một quyền lực nhân bản nào có thể cung cấp. #2: Sự ưng thuận kết hôn là một hành vi của ý chí qua đó, mỗi bên cho đi và nhận lãnh quyền vĩnh viễn và độc chiếm trên thân xác, đối với những hành vi tự chúng thích hợp với việc sinh sản con cái”.

Phần đầu của điều trên hàm nghĩa rằng hôn nhân là một khế ước và trái ngược với các phong tục văn hóa vốn nhìn nhận thẩm quyền của cha mẹ, của người giám hộ hay của các ông hoàng được xếp đặt người ta vào cuộc hôn nhân. Như thế nó bảo vệ sự để hai người phối ngẫu được quyền tự do kết hôn và chọn người phối ngẫu. Quyền trao đi và nhận lãnh này phải là một quyền vĩnh viễn tương ứng với tính bất khả tiêu của hôn nhân.

Đức Piô XI, trong Casti connubii, nhắc lại giáo huấn nay đã thành hình về hôn nhân. Nhưng điều đáng chú ý là ngài nói về truyền thống không thay đổi và phổ quát của Giáo Hội. Lịch sử hình như không hẳn thế, nhất là giáo huấn của Thánh Basilêô và truyền thống Đông Phương, ít nhất trong các thế kỷ đầu. Trong Bài Nói Truyện Với Các Đôi Tân Hôn vào năm 1940, Đức Piô XII thêm một lý do mới cho tính vĩnh viễn của hôn nhân tức loại tình yêu do nó tạo ra, hay việc hiến thân độc chiếm và không thể thu hồi. Rồi trong Bài Nói Truyện Với Các Đôi Tân Hôn năm 1942, ngài nói thêm rằng: bản chất bất hủy diệt của tình yêu hôn nhân đã sản sinh ra mối liên hệ hôn nhân bất khả tiêu. Tính bất khả tiêu cần phải có để bảo vệ phẩm giá nhân vị.

Đến năm 1930, gần như mọi nước Âu Châu đều đặt hôn nhân dưới thẩm quyền dân sự. Cặp hôn nhân nào muốn có một nghi lễ tôn giáo, thì cứ việc, nhưng họ cũng phải kết hôn theo dân sự nữa. Các nước này cũng dành cho mọi công dân của họ quyền được ly dị dân sự. Câu hỏi được đặt ra là: tại sao người Công Giáo Âu Châu lại chấp nhận việc “tiếm quyền” của các thẩm quyền dân sự? Thực ra, vốn đã có một thay đổi lớn lao về cách hiểu hôn nhân rồi và người ta coi đó như có lợi cho họ. Mackin nhấn mạnh điểm này rằng một xã hội nông nghiệp chắc chắn sẽ không chấp nhận việc dễ dàng bẻ gẫy cuộc hôn nhân là định chế luôn bảo đảm cho họ một gia đình liên tục và duy trì được đất đai. Nhưng xã hội càng ngày càng trở nên kỹ nghệ hóa và người ta có những lý do khác để kết hôn. Con cái bắt đầu kết hôn vì nhiều lý do được chúng giữ kín, với người do chúng chọn lựa, chứ không phải những người do vị “tổ phụ” chọn cho. Hôn nhân, vì thế, nay đã trở nên một thiện ích ngay trong nó, chứ không phải như một phương tiện để đạt một mục tiêu ở bên ngoài nó. Nay người ta kết hôn để đạt được và vui hưởng điều mà liên hệ tính dục này có thể mang đến cho họ trong tư cách những nhân vị. Một khi bắt đầu coi hôn nhân như một thiện ích ngay trong nó, người ta bắt đầu có quan điểm khác hẳn về tính dục và khả thể có thể tiêu hôn, cả hai đều quan hệ tới hạnh phúc của họ (97).

Các thách thức đối với giáo huấn truyền thống

Trong những năm sau đó, một số học giả Đức và Pháp bắt đầu lên tiếng thách thức giáo huấn về hôn nhân từng được chấp nhận đầu thế kỷ 12 và trở thành cố định trong Bộ Giáo Luật năm 1917. Hai học giả được các sinh viên nói tiếng Anh biết đến nhất chính là Dietrich von Hildebrand và Heribert Doms. Học giả sau được biết đến nhờ tác phẩm Ý Nghĩa Hôn Nhân. Tác phẩm này bị thu hồi vào đầu thập niên 1940 do lệnh của Bộ Văn Phòng Thánh (Holy Office). Hai học giả này thách thức việc hiểu hôn nhân, thứ nhất, như một khế ước được tạo ra bởi sự ưng thuận hỗ tương của các bên, quyền được làm các hành vi tính dục để sinh sản và giáo dục con cái và mục đích thứ hai được hiểu như việc giúp đỡ lẫn nhau để giảm thiểu tư dục. Doms phản đối, cho rằng việc diễn tả hôn nhân theo luật pháp như thế không dễ dàng gì được các cặp vợ chồng nhận ra. Người đàn ông và người đàn bà không coi mục đích đệ nhất đẳng trên của hôn nhân như là ý nghĩa chính trong lối hiểu của họ về bản chất hôn nhân. Mục đích đệ nhất đẳng nằm ngay bên trong mối liên hệ của họ; nó chính là việc hoàn tất chính họ trong bản chất tính dục như là người đàn ông và người đàn bà của họ. Ông cho rằng không có lý do gì tách biệt hai mục đích trong hôn nhân. Ý nghĩa thứ nhất của giao hợp là thực hiện và hoàn tất sự kết hợp của các người phối ngẫu, một phương cách thấu đáo nhất trong đó, họ có thể hiến tặng và tiếp nhận toàn bộ con người của nhau. Ý nghĩa này đạt được trong mọi hành vi giao hợp dù việc sinh sản và giáo dục con cái không luôn luôn được thực hiện. Bởi thế, theo Doms, sự kết hợp giữa vợ chồng không phải vì một mục đích nào đó ở bên ngoài nó (mục đích đệ nhất đẳng), nó không phải là một phương tiện có tính khí cụ để đạt một mục đích, nhưng là “sự trổ bông trọn vẹn của việc hiến mình và nhận lãnh không e ngại” (98). Mối quan tâm mà lý thuyết này gợi ra cho các nhà cầm quyền Giáo Hội lúc ấy là sự kiện nó có thể tác động xấu đối với phán quyết luân lý của Giáo Hội về việc giao hợp ngừa thai (contraceptive intercourse), vì giá trị việc lên án của Đức Piô XI trong Casti connubii tùy thuộc trước nhất ở việc phải nhìn nhận rằng sinh sản và dưỡng dục là mục tiêu bẩm sinh tự nhiên của hôn nhân. Nếu đó không phải là mục đích đệ nhất đẳng của hôn nhân, thì không thể kết luận rằng việc giao hợp ngừa thai đi ngược lại mục đích yếu tính của hôn nhân. Do đó, Bộ Văn Phòng Thánh đã kết án tác phẩm trên và cấm không được lưu hành nó nữa. Năm 1944, Bộ này lên án giáo huấn cho rằng mục đích đệ nhất đẳng của hôn nhân không phải là việc sinh sản và giáo dục con cái, rằng mục đích đệ nhị đẳng không tùy thuộc mục đích này. Bộ cũng lên án lời quả quyết cho rằng mục đích đệ nhất đẳng của hôn nhân là việc hoàn thiện bản thân và thoả mãn hỗ tương giữa vợ và chồng. Năm 1951, Đức Piô XII đã nhắc lại việc lên án này: “Giờ đây sự thật là hôn nhân, như một định chế tự nhiên, căn cứ vào ý Đấng Tạo Hóa, không lấy việc hoàn thiện thân mật và bản vị của cặp vợ chồng làm mục đích đệ nhất đẳng, nhưng là việc sáng tạo và dưỡng dục sự sống mới. Các mục đích khác, bao lâu chúng do bản nhiên định hướng, không phải là các mục đích đệ nhất đẳng bằng nhau, càng không cao trọng hơn mục đích đệ nhất đẳng trên, như theo yếu tính, tùy thuộc mục đích đệ nhất đẳng này” (99).

Việc này ảnh hưởng ra sao đối với giáo huấn của Giáo Hội về ly dị và tái hôn? Đến năm 1951, Giáo Huấn Công Giáo vốn biện luận chống lại ly dị vì 3 lý do: a) Nó làm què cụt và có khi còn hủy diệt bản chất của hôn nhân vì cản trở việc giáo dục con cái mà hôn nhân từ bản chất vốn hướng về; b) nó bác bỏ một trong các đặc tính chủ yếu của hôn nhân tức tính bất khả tiêu; c) người ta không thể hủy tiêu cuộc hôn nhân Kitô Giáo đã hoàn hợp vì nó vốn là hình ảnh sự kết hợp không thể nào hủy diệt được giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Bây giờ, nếu bảo tính bất khả tiêu phát xuất từ bản chất hôn nhân, thì liệu nó có còn đúng nữa khi bản chất ấy bị người ta hiểu sai?
Doms cho rằng tính vĩnh viễn của hôn nhân hệ ở tình yêu của vợ chồng, được phát biểu qua giao hợp tính dục. Ý muốn được thỏa mãn và tự hiến cho nhau không thể đạt tới sự thành toàn của nó trong một sự kết hợp tạm bợ; vợ chồng vì thế phải có ý định kết hợp vĩnh viễn. Trọng tâm đã được chuyển khỏi nhu cầu con cái; thực vậy, vợ chồng thường biết là có thể họ không có con.

Còn tiếp
_____________________________________________________________________________________________________________
(85) Dĩ nhiên, nếu người chồng không nhớ mình đã cưới ai đầu tiên nhưng người phụ nữ này là người ông ta chọn lựa, thì Đức Giáo Hoàng sẽ phải tiêu hủy cuộc hôn nhân đầu và họ được tái hôn !! Điểm nữa là một thủ tục như thế sẽ dẫn đến cảnh sẽ có nhiều người đàn ông cho mình là có trí nhớ kém!!
(86) Các nhà giáo luật học hiện nay cần phải canh chừng điểm này mặc dù bình thường ra họ vẫn đương đầu với các người phối ngẫu sau các cuộc ly dị và do đó, khó có thể có chuyện hoàn hợp sau khi cả hai trở thành Kitô hữu.
(87) Đây là căn bản cho các nố Đặc Ân Đức Tin trong luật hiện hành. Thí dụ, người phối ngẫu Kitô hữu, ly dị khỏi người vợ ngoại giáo, muốn tái hôn với một người phối ngẫu Kitô giáo trong Giáo Hội Công Giáo.
(88) Dĩ nhiên, nếu người phối ngẫu ngoại giáo cũng trở lại đạo trước cuộc hôn nhân thứ hai, thì cuộc hôn nhân nay đã là bí tích này có thể tiêu hủy vì nó chưa được hoàn hợp.
(89) Các Tông Hiến này đã được sử dụng một cách thận trọng. Năm 1631, một nhà truyền giáo ở Châu Mỹ La Tinh đặt câu hỏi các tân tòng bản địa sống trong các hoàn cảnh đa hôn có được miễn chuẩn khỏi một cuộc hôn nhân của họ để có thể kết hôn với người họ chọn không. Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin thoạt đầu bác bỏ nhưng 6 năm sau đã nới rộng, miễn là người vợ đầu được yêu cầu tiếp nhận phép rửa nhưng từ khước. Năm 1680, một phụ nữ Do Thái Ý trở lại đức tin Công Giáo; chồng bà ly dị bà dưới luật rabbi và tái hôn cũng dưới luật đó. Cuộc hôn nhân đó được coi (deemed) là vô hiệu theo luật Công Giáo. Sau đó, cả người chồng Do Thái lẫn người vợ thứ hai cùng trở thành Công Giáo, khiến cho cuộc hôn nhân của ông ta với người vợ thứ nhất trở thành bí tích. Tòa Thánh khước từ việc tiêu hủy cuộc hôn nhân thứ nhất và nhất mực cho rằng ông ta phải trở về với người vợ thứ nhất. Tại Viễn Đông, trong các thế kỷ 18 và 19, nhiều phụ nữ hơn đàn ông đã trở lại đạo đến độ để kết hôn, nhiều người phải xin phép chuẩn để kết hôn với người chưa rửa tội. Từ năm 1708 tới năm 1874, Tòa Thánh khước từ việc tiêu hủy các cuộc hôn nhân không bí tích của họ giúp các bà vợ tân tòng tái hôn, vì cho rằng cuộc hôn nhân của hai người chưa rửa tội cũng bất khả tiêu và chỉ có thể tiêu hủy nhờ Đặc Ân Thánh Phaolô. Sau này vào năm 1891, Đức Hồng Y Gasparri nhấn mạnh rằng có thể dùng “quyền chìa khóa” để tạo ra và tiêu hủy dây hôn phối trong các cuộc hôn nhân không được hưởng đầy đủ tính bất khả tiêu tuyệt đối của cuộc hôn nhân đã hoàn hợp. Điều này đã được ghi vào Bộ Giáo Luật năm 1917, điều 1125.
(90) Một lý thuyết gia khác của Pháp, Jean Launoy, ví khế ước hôn nhân như một vụ buôn bán trong luật dân sự. Trong thế kỷ kế tiếp, Leridaut nhắc lại điều đó và thêm rằng bí tích hệ ở việc chúc lành hôn phối; đó là điều Chúa Kitô thêm vào cho khế ước. Các tác giả này cho rằng các điều khoản liên hệ của Công Đồng Trent chỉ có tính kỷ luật và các sắc lệnh không được công bố tại Pháp. Op. cit., tr.408.
(91) Có thể tìm chi tiết trong Mackin, Op. cit., ch. 15, The Age of Secularization, các tr. 414-416. Cũng thế là triết học Kant và Hegel. Người đầu loại khỏi câu định nghĩa của ông về hôn nhân lý do chính của tính vĩnh viễn, tức nhu cầu con cái đòi cha mẹ phải ở lại với nhau. Ông sau coi tính bất khả tiêu phát sinh từ việc hai người hòa lẫn (fusion) vào nhau trong hôn nhân. Một số người đạt được sự hoà lẫn đó, một số người không. Nói cách khác, sự hòa lẫn đó do hai người phối ngẫu tạo ra; nó không có trước càng không phải là một dữ kiện trong mọi cuộc hôn nhân.
(92) Xem Op. cit., các tr.420-427.
(93) Điều này nay vẫn còn hiệu lực. Giám mục không được can thiệp vào toà án hôn phối. Việc này dành riêng cho Tòa Kháng Cáo và Tòa Thượng Thẩm (Rota).
(94) Đáng lưu ý là Đức HY Gasparri, trong cuốn Tractatus Canonicus de Matrimonio năm 1891, đã định nghĩa hôn nhân là “sự kết hợp của người đàn ông và người đàn bà để duy trì một lối sống không phân chia”. Đây vốn là định nghĩa của Ulpianus. Xem chú thích 35.
(95) Các lời dịch lấy từ Canon Law, A text and Commentary, T.Lincoln Bouscaren S.J. and Adam C. Ellis S.J., The Bruce Publishing Company, Milwaukee, 1948.
(96) Op. cit., Ch. 16, Catholic Teaching in the First Half of the Twentieth Century, tr.437.
(97) Op. cit., Ch. 17, The Second Vatican Council and the Revised Catholic Marriage Law, tr.454.
(98) Op. cit., tr.457.
(99) Diễn văn trước Nghiệp Đoàn Các Bác Sĩ Sản Khoa Công Giáo Ý, ngày 29 tháng 10 năm 1951. Xem Op. cit., tr.460
 
Giải đáp phụng vụ: Linh mục giải tội qua điện thoại được không?
Nguyễn Trọng Đa
15:18 16/09/2014
Giải đáp phụng vụ: Linh mục giải tội qua điện thoại được không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thưa cha, trong một trường hợp khẩn cấp, với một người đang ở giữa sự bất tỉnh và hôn mê nhưng trước đó đã có ý xưng tội, liệu linh mục có thể làm phép xá giải qua điện thoại cho người ấy được không? Một linh mục về đến nhà và nhận cú điện thoại, ngài cho biết đã ban phép xá giải cho người ấy ngay lập tức, từ khoảng cách xa 6,5km (4 dặm) - Kosher?


Đáp: Ngày 22-7-2014, tôi đã trả lời về việc linh mục có được ban phép lành qua điện thoại không. Nay một độc giả hỏi một câu cũng liên quan đến điện thoại, tôi xin trả lời như sau. Tôi nghĩ rằng chúng ta có hai câu hỏi khác nhau. Một là liệu phép xá giải có thể ban cho một người không thể thực hiện thực biện bí tích hòa giải vì nguy cơ gần chết không. Ở đây câu trả lời là được, mặc dù người ấy cần có nỗ lực để ý thức là linh mục đang ban xá giải cho mình. Nếu có thể, tốt hơn là nên ban bí tích xức dầu cho người ấy trong trường hợp như thế; vì bí tích xức dầu thánh cũng có hiệu quả tha thứ tội lỗi, khi bí tích giải tội không thực hiện được.

Câu hỏi thứ hai là tế nhị hơn: liệu có thể ban phép xá giải từ xa hoặc từ điện thoại được chăng? Ở đây quan điểm chung là không thể. Tất cả các bí tích đòi hỏi một hình thức hiện diện vật lý nào đó giữa thừa tác viên và người lãnh bí tích. Ngay cả luật trừ cho hôn nhân được ủy nhiệm cũng vẫn đòi hỏi sự hiện diện cá nhân của người được ủy nhiệm. Tương tự như vậy, một việc xá giải tập thể trong trường hợp khẩn cấp đòi hỏi sự hiện diện thể lý của những người lãnh ơn tha thứ tội lỗi.

Điểm này được chứng thực trong văn kiện “Giáo Hội và mạng Internet” của Hội đồng Tòa thánh về truyền thông xã hội. Xin trich dẫn:

"Thực tại ảo không thể thay thế cho sự Hiện Diện Thật Sự của Ðức Kitô trong Thánh Thể, cho thực tại bí tích của các bí tích khác, và cho việc chia sẻ thờ phượng trong một cộng đoàn nhân loại máu thịt. Không có bí tích nào trên Internet cả; và cả những cảm nghiệm tôn giáo, có thể xảy ra ở đó nhờ hồng ân của Thiên Chúa, cũng không đủ để tách biệt khỏi sự giao tiếp trong thế giới thực với những anh chị em cùng đức tin"(số 9, bản dịch Việt ngữ của G. B. Đặng Minh An, Vietcatholic).

Đoạn này chỉ cập nhật các giáo huấn trước đây. Ví dụ, việc ban xá giải qua điện báo đã được công bố là vô hiệu bởi một Ủy ban Tòa Thánh, và điều này được nói lại ngày 1-7-1884 liên quan đến điện thoại. Hầu hết các nhà thần học cho rằng một câu trả lời tiêu cực trong một trường hợp như thế là giáo huấn Công Giáo vững chắc.

Câu trả lời sẽ vẫn không thay đổi, bởi vì câu hỏi liên quan đến một người hôn mê gần chết, mà nơi người ấy ấn tín bí tích hoặc việc xác định sự thống hối trọn vẹn của hối nhân không tham gia vào.

Câu hỏi về tính vô hiệu xoay quanh bản chất liên vị cốt yếu của các bí tích. Bí tích không phải là nghi thức ma thuật, nhưng là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, mà trong đó thừa tác viên là công cụ nhân linh của cuộc gặp gỡ liên vị ấy.

Điều này không có nghĩa rằng một người trong trạng thái này bị tước mọi sự hỗ trợ thiêng liêng. Theo Bộ Giáo Luật, điều 960 : "Việc thú tội cá nhân và toàn vẹn cùng với việc xá giải cấu tạo nên phương cách duy nhất và thông thường, nhờ đó người tín hữu ý thức mình có tội nặng được hòa giải với Thiên Chúa và Giáo Hội. Chỉ sự bất khả kham về thể lý hay luân lý mới chuẩn khỏi cách thú tội như vậy; trường hợp ấy, người ta có thể lãnh ơn hòa giải bằng những cách khác" (Bản dịch Việt ngữ do các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh thực hiện)

Các phương thức như thế, chẳng hạn là một hành vi thống hối trọn vẹn (xem Điều 916), được thực hiện rõ ràng trước khi rơi vào bất tỉnh, và nhiều phương thức khác, vốn không được nói rõ trong các văn kiện Giáo Hội, nhưng Chúa làm cho chúng đạt tới hối nhân trong lòng thương xót của Ngài.

Trong ánh sáng này, chúng ta có thể nhớ lại thánh Anphong Ligouri, trong cuốn sách của ngài về dọn mình chết lành, thích thú biết bao khi trích dẫn vài câu trong sách Khôn ngoan (3,1-4): "Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc. Lúc họ xa rời chúng ta, chúng tưởng là họ bị tiêu diệt, nhưng thực ra, họ đang hưởng an bình. Người đời nghĩ rằng họ đã bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử” (bản dịch Việt ngữ của Nhóm CGKPV).

Thánh Anphong nói tiếp: "Linh mục thánh Colombière chủ trương rằng thật là bất khả về luân lý khi một người sống trung thành với Chúa suốt đời lại chết một cái chết dữ. Và trước thánh nhân, thánh Âutinh đã nói: “Ai đã sống lành thì không thể chết dữ. Ai đã chuẩn bị chết thì không sợ chết, dù là đột ngột chăng nữa” (De Disc. chr., c. 12)". (Zenit.org 20-8-2014)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sen Trắng
Lê Trị
21:17 16/09/2014
SEN TRẮNG
Ảnh của Lê Trị
Đường đời một nắng, hai sương
Mong như sen trắng hướng dương rạng ngời…
(Trích thơ của NL)