Ngày 17-09-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Người quản lý mang tên Nguyễn Bất Lương
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, OFM
09:19 17/09/2016
Người quản lý mang tên Nguyễn Bất Lương

Dụ ngôn người quản lý bất lương thật hay. Hay vì khó giải thích, khó biện minh. Mà nếu biện minh được, thì mới thật hay. Bởi dụ ngôn nêu toàn là người xấu việc xấu mà cuối cùng lại được đánh giá là phải học hỏi noi theo y như người tốt việc tốt.

Ba loại người xấu trong dụ ngôn này là:

-Trước hết, viên quản lý. Tên của y rõ ràng là xấu: Nguyễn bất Lương. Y thụt két của chủ, y phung phí của cải nhà chủ. Phúc Âm ghi: Ông chủ mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản lý nữa!” Anh đã bất lương trước khi bị cảnh báo sa thải. Và anh bất lương mạnh hơn nữa sau khi nhận lời doạ cho về vườn.

-Các con nợ cũng là những người bất lương. Vì họ sẵn sàng kí sổ nợ bớt lại, thiệt hại cho ông chủ. “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai khống đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một trăm giạ lúa”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai khống của bác đây, viết lại tám mươi thôi”.

Quản gia này biết rằng hắn đã mất chức quản gia, vì thế nảy ra một sáng kiến. Hắn ghi sổ một cách gian lận để các con nợ được trả ít hơn cho chủ. Điều này có hai công hiệu. Thứ nhất, các con nợ phải mang ơn hắn. Thứ hai, còn có hiệu lực hơn, là hắn làm cho cùng liên lụy về hành động gian manh của hắn, và không ai dám tố cáo hắn, vì tố cáo sẽ thiệt mình, hại mình: bởi lòi ra chính mình gian dối, bất lương.

-Chính ông chủ của anh quản lý cũng là một phe cánh bất lương, bởi vì, thay vì khó chịu, ra tay ngay về hành động này, ông ta lại khen nó thông minh. Khen một người bất lương chẳng khác gì khuyến khích họ sống bất lương, và như thế cũng là bất lương.

Vậy ta giải thích làm sao ? Ba hạng người bất lương, và nhất là tên quản lý Nguyễn Bất Lương lại được chính Chúa khen.

Điều giải thích dễ nhất là : có thể rút được cái tốt qua cái xấu. Một ví dụ nhỏ, ta hay xưng tội chia trí, thì từ cái xấu là chia trí đó ta biến nó thành cái tốt, chia trí về ai thì cầu nguyệ cho người đó. chia trí nghĩ tới người yêu thì cầu nguyện nhiều cho người tình. Nói dễ hiểu hơn: rút bài học, rút kinh nghiệm. Nhưng không phải kinh ngiệm xương máu, tức, không phải mình phải trải qua mới rút, mà người khác trải qua, mình nhìn vào và rút ra cái tốt cho mình từ một hành vi xấu của họ. Không phải mình sống bất lương trước, rồi mới rút bài học cho mình. Không phải ăn cướp trước, rồi khi sứt trán vào tù mới ngồi từ từ rút bài học.

Vậy từ hành vi bất lương của quản gia Nguyễn bất Lương và các con nợ bất lương, kể cả ông chủ hơi bị bất lương vì khen kẻ bất lương, Chúa Giêsu đã rút dùm chúng ta 4 bài học. Và xin anh chị em yên tâm, tôi chỉ dừng lại một bài học thôi. Bốn bài học là :

1) Con cái đời này tỏ ra khôn khéo với đời hơn con cái sự sáng.

2) Của cải vật chất nên dùng để giữ gìn tình bạn. để mua lấy Nước Trời (chứ không phải chơi !)

3) Trung thành trong việc nhỏ dẫn đến trung thành trong việc lớn.

4) Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ.

Mỗi bài học xây dựng ít là được một bài giảng dài. Anh chị em có biết tôi sẽ rút bài học nào không? Tôi trả lời ngay: bài đầu tiên. Con cái đời này tỏ ra khôn khéo với đời hơn con cái sự sáng.

Viên quản lý bất lương (con cái đời này) khôn khéo ở điểm nào:

1-Biết giới hạn của mình:

Khi bị chủ gọi và cho biết bị đuổi việc, người quản gia liền nghĩ bụng : 'Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.

Viên quản lý biết cái giới hạn của mình. Chứ không giận quá mất khôn: đuổi thì đuổi, ta đâu có sợ. Với đôi tay này ta sẽ làm nên cơ đồ, với miệng lưỡi này ta sẽ xin (thuyết phục) được cả chục kẻ đến quì trước ta để xin ý kiến, tư vấn làm ăn.

Nhiều con cái sự sáng không khôn khéo, không biết cái giới hạn của mình như con cái đời này biết giới hạn của họ cuốc đất không nổi, ăn mày hổ ngươi. Con cái sự sáng cứ tưởng mình mạnh, mình có Chúa trong mình (không biết có hay không !) nên mình xông pha đó đây: càphê đèn mờ đèn tắt vào luôn, sợ gì. Sách báo phim xấu, gì đâu mà sợ, cứ xem qua cho biết chớ. Phải rút bài học tốt từ sách báo xấu mà. Ma tuý xì ke làm gì nổi con cái ánh sáng, ta chỉ thử cho biết thôi, chứ làm gì khiến ta nghiện được. Game online ta chơi cho biết thôi chứ sao khiến ta ghiền nó được.

Vậy là không khôn khéo. Khôn khéo là biết giới hạn của mình. Các kẻ thù vừa kể, thế gian, xác thịt… cách thắng nó (nếu kể tên nó là kẻ thù 35) hay nhất là kế cuối cùng, kế 36: tẩu vi thượng sách. Cuốc đất không nổi đâu. Và chạy trốn chẳng hổ ngươi đâu.

2- Biết lo cho tương lai

Cái khôn khéo thứ hai là anh biết lo cho tương lai. Người quản gia liền nghĩ bụng : 'Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !'

Mình biết phải làm gì rồi. Biết lo cho tương lai. Chứ không phải: kệ tới đâu hay tới đó.

Tương lai của con cái ánh sáng chắc hẳn phải là Đức Kitô Ánh Sáng. Nói bình dân hơn: sống đời này mà phải biết để dành cho đời sau.

Bạn nghĩ gì về một người nghèo được người ta đồng ý cho «đổi giấy lấy tiền» (cứ một tờ giấy thường nhỏ lấy một tờ giấy bạc 10.000đ, tờ giấy hoa đổi được 50.000đ VN, tờ giấy dày, đổi được 100 ngàn), mà lại không chịu đổi, cứ nhất định khư khư giữ lại những tờ giấy tầm thường cho mình? Bạn có bao giờ nghĩ mình (con cái ánh sáng) cũng đang làm tương tự như thế trên bình diện tâm linh không?

Chúng ta ai nấy đều có một thời gian rất ngắn ngủi ở trần gian này trước khi bước vào đời sống vĩnh cửu đời sau. So với đời sống mai hậu, đời sống này rất là ngắn ngủi trong đó mọi sự đều chóng qua, giả tạm, không bền. Như bọt bèo mỏng mảnh, như bóng câu qua cầu. Thật vậy, tất cả mọi sự ta đang có trong tay – trí tuệ, khôn ngoan, sức khỏe, cha mẹ, vợ con, anh em, nhà cửa, ruộng vườn, của cải, v.v… – có thể mất đi bất cứ lúc nào. Chỉ một cơn bệnh nặng hay một tai nạn ở đầu có thể làm ta mất hết trí tuệ, sức khỏe, làm ta điên loạn, không còn biết gì. Một cuộc đổi đời có thể làm ta mất hết địa vị, quyền lực và tiền bạc. Như thế tất cả những gì ta đang có trong tay, dù là tinh thần hay vật chất, đều không phải là của ta, mà chỉ để ta quản lý một thời gian thôi. Ta chỉ quản lý nó nhiều lắm là 100 năm ở đời này. 100 năm đó so với sự hiện hữu vĩnh cửu của ta thì cũng tương tự như một phút so với cả cuộc đời trần thế của ta.

Tuy nhiên, một điều rất lạ lùng và hết sức đáng mừng là ta có thể dùng những thứ giả tạm chóng qua mà ta đang quản lý ở đời này để tạo nên của cải đích thực và vĩnh cửu cho ta ở đời sau. Vì thế, xét về mặt này, hoàn cảnh của ta giống y hệt hoàn cảnh của viên quản lý trong dụ ngôn của Đức Giê-su. Vậy thì dại gì ta cứ giữ khư khư lấy những của giả tạm đó cho mình, mà không lợi dụng thời gian quản lý quí báu những của cải ấy để mua sắm lấy Nước Trời, tức hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu của mình. Vì thế, những kẻ chỉ lo làm giàu ở đời này mà không màng đến việc lo liệu cho hạnh phúc đời sau, thì đúng là bỏ mất những cơ hội hết sức quí báu để «đổi giấy lấy tiền». Cơ hội này mất đi sẽ không bao giờ trở lại.

Ở trong dụ ngôn này, các bạn có thể thắc mắc khi Chúa nói : hãy dùng tiền của bất lương mua lấy bạn hữu, để họ đón ta vào Nước Trời. Phải chăng Chúa nói cứ trộm cướp, gian xảo, tham nhũng lấy tiền của cách bất lương. Không phải. Tiền Của thời đó là bất lương, bản dịch viết hoa (Tiền Của như là tên riêng). Cũng như ta nói : “đồ quỉ” hay “đồ quỉ dữ” cũng như nhau, vì chẳng có loại quỉ hiền nào cả (ma soeur mới hiền), cho nên nói tiền, hay nói tiền bất lương thì cũng là như nhau. Việt Nam ta có kiểu chơi chữ cũng hay : tiền bạc mà. Tiền lúc nào cũng bạc bẽo, giống như tiền của lúc nào cũng bất lương trong dụ ngôn.

Vậy là từ con người xấu vẫn có thể múc lấy cái tốt. Cái tốt nơi người quản lý bất lương là khôn khéo. Khôn khéo 1 là nhận biết mình yếu: cuốc đất đau tay, ăn mày xấu hổ. Khôn khéo 2 là : biết chăm chút cho tương lai.

Chúng ta được xem như “con cái ánh sáng,” chúng ta nghĩ sao ?

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(lấy một số gợi ý từ cha Hàm)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chung quanh câu chuyện Đức Phanxicô nói về việc rước lễ của các cặp ly dị tái hôn bất hợp lệ
Vũ Văn An
01:20 17/09/2016
Gần đây, có người cho rằng Đức Phanxicô cho phép một số trường hợp ly dị tái hôn được rước lễ, căn cứ vào lá thư ngài gửi cho các giám mục Á Căn Đình mới đây, trong đó, ngài hoàn toàn đồng ý với lối giải thích của các ngài về chương 8 của tông huấn Niềm Vui Yêu Thương.

Các giám mục Á Căn Đình nói gì?

Như mọi người đã biết, chương 8 của tông huấn Niềm Vui Yêu Thương nói về việc hội nhập các gia đình bị thương tích và bất hợp lệ, và kêu gọi diễn trình biện phân giúp đem đến việc tái cho phép các đối tượng này được chịu các bí tích nhất là Bí Tích Thánh Thể, tùy từng trường hợp cá biệt, mà không đi vào lãnh vực giải nghi học (casuistry) hay buộc các gia đình này phải tuân theo các qui định khắt khe. Chương này từng được giải thích nhiều cách khác nhau, và đây là lần đầu tiên, Đức Phanxicô cho biết: lối giải thích của các giám mục Á Căn Đình rất chính xác “không có lối giải thích nào khác hơn”. Vậy, các ngài đã giải thích ra sao?

Theo Andrea Tornielli, một chuyên gia về Vatican, trước nhất, các ngài quả quyết: “nói rằng cho phép” chịu các bí tích là điều không thích đáng, đúng hơn, đây là một diễn trình biện phân dưới sự hướng dẫn của một mục tử.

Bản giải thích của các giám mục Á Căn Đình nói tiếp: trong diễn trình này, “vị mục tử nên nhấn mạnh tới việc công bố có tính nền tảng, tức sơ truyền (kerygma), nhằm kích thích hay hồi sinh cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Kitô”. Việc “đồng hành mục vụ” này đòi vị linh mục cho người ta thấy “khuôn mặt mẫu thân của Giáo Hội”, qua việc chấp nhận ý hướng trung thực của hối nhân và ý hướng thành thực của họ trong việc sống đời họ phù hợp với Tin Mừng và thực hành đức ái”.

Bản giải thích nhấn mạnh: con đường biện phân trên “không nhất thiết dẫn tới các bí tích nhưng có thể dẫn tới các hình thức hội nhập nhiều hơn vào đời sống Giáo Hội: hiện diện mạnh mẽ hơn vào cộng đoàn, tham dự nhiều hơn vào các nhóm cầu nguyện và suy niệm, dấn thân nhiều hơn vào các lãnh vực phục vụ khác nhau trong Giáo Hội”.

Ở điểm năm của bản giải thích, các giám mục Á Căn Đình nói rằng “Cam kết tiết dục (continence) có thể được coi như một giải pháp khi các hoàn cảnh cụ thể của cặp vợ chồng cho phép, đặc biệt là khi cả hai người cùng là Kitô hữu biết sống theo con đường đức tin”, để “mở ra khả thể đến với bí tích hòa giải trong những trường hợp như thế”.

Tiết dục ở đây muốn nói tới việc vợ chồng sống với nhau như anh trai em gái. Khả thể này vốn đã có trong các giáo huấn của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Familiaris Consortio. Bản giải thích nói tiếp: trong trường hợp “các hoàn cảnh phức tạp hơn và khi không thể có được án tuyên bố vô hiệu, giải pháp trên (tức tiết dục) có thể không đứng vững. Dù thế, con đường biện phân vẫn có thể có. Trong trường hợp cụ thể, khi đã nhìn nhận quả có những giới hạn làm giảm mức độ trách nhiệm và qui tội, nhất là khi người ta tin rằng họ sẽ phạm sai lầm khác có thể gây hại cho những đứa con được cuộc kết hợp mới sinh ra, thì ‘Niềm Vui Yêu Thương’ đưa ra khả thể cho họ được đến với các bí tích hoà giải và Thánh Thể”.

Bản giải thích viết tiếp: “Các bí tích này, ngược lại, giúp người ta tiếp tục trưởng thành và lớn lên nhờ sức mạnh của ơn thánh”. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải bảo đảm rằng việc mở rộng này không được coi như việc cho phép người ta thả dàn lui tới các bí tích hay như thể bất cứ hoàn cảnh nào cũng biện minh được việc này. Điều thực sự được đề xuất ở đây là một sự biện phân để có thể phân biệt thỏa đáng các trường hợp khác nhau. Vì quả có những trường hợp ngay sau khi ly dị, người ta đã vội vàng bước vào một cuộc kết hợp mới. Cũng có những trường hợp người ta liên tiếp sai phạm đối với các cam kết của mình đối với gia đình. Lại có những trường hợp người ta bênh vực hay khoác lác về hoàn cảnh của mình, coi nó như là một phần của lý tưởng Kitô Giáo. Nên người ta cần được hướng dẫn biết đặt “lương tâm của mình trước mặt Thiên Chúa” nhất là “khi đụng đến tác phong của họ đối với con cái hay đối với người phối ngẫu bị bỏ rơi. Khi vẫn còn các bất công chưa được giải quyết, thì việc lui tới với các bí tích phải đặc biệt bị nghi vấn”.

Sau cùng, các giám mục Á Căn Đình nhận định rằng “nếu việc lui tới với các bí tích được ban cấp trong một số trường hợp nào đó, thì điều hợp lý là phải giữ cho việc này được kín đáo, nhất là khi thấy trước sẽ có tranh chấp” nghĩa là khiến cho cộng đoàn bối rối. Thành thử, cùng một lúc, “cộng đoàn cần được hướng dẫn để lớn lên trong tinh thần hiểu biết và cởi mở”.

Đức Phanxicô ủng hộ

Thư của Đức Phanxicô gửi cho các vị giám mục Á Căn Đình ngày 5 tháng Chín ca ngợi việc làm của các ngài như “một điển hình chân thực của việc đồng hành của các linh mục”. Lời lẽ chủ yếu của lá thư như sau: tài liệu do các giám mục công bố “rất tốt đẹp và nắm được trọn vẹn ý nghĩa Chương 8 của Tông Huấn ‘Niềm Vui Yêu Thương’. Không có lối giải thích nào khác. Tôi chắc chắn nó sẽ gây nhiều lợi ích”. Về “con đường chào đón, đồng hành, biện phân và hội nhập”, Đức Phanxicô viết: “chúng ta biết nó gây mệt mỏi, đây là việc chăm sóc mục vụ ‘tay trao tay’, trong đó, việc trung gian có tính chương trình, tổ chức và luật lệ mà thôi không đủ, dù cần thiết”.

Không phải vấn đề cho phép

Việc cho rằng tông huấn "Niềm Vui Yêu Thương" quả có mở ra khả thể cho phép một số trường hợp ly dị tái hôn, dù hôn nhân cũ không được tuyên bố vô hiệu và hai người không sống như anh trai em gái, được rước lễ, là điều làm rất nhiều người Công Giáo bối rối và lo lắng.

Tuy nhiên, lối giải thích của các giám mục Á Căn Đình trên đây khá thận trọng khi quả quyết rằng đây chỉ là diễn trình biện phân, chứ không phải vấn đề cho phép hay không cho phép. Câu quả quyết này khiến người ta nhớ lại một nguyên tắc đã và đang được áp dụng trong lãnh vực kế hoạch hóa gia đình. Ai cũng biết việc sử dụng các phương pháp nhân tạo nhằm ngăn ngừa thụ thai bị Giáo Hội coi là xấu từ bên trong. Tuy nhiên, người tín hữu cá biệt, tùy theo hoàn cảnh riêng của mình,vẫn được khuyến khích, khi cần, bàn thảo với vị giải tội để biện phân có nên sử dụng một trong các phương pháp này hay không. Vị giải tội sẽ hướng dẫn, chứ không cho phép, trong diễn trình biện phân này. Chính đôi vợ chồng, bằng lương tâm được soi sáng của họ, phải đưa ra quyết định.

Vị mục tử phải đồng hành với cặp vợ chồng này trong tâm tình “mẫu thân” để họ biện phân được hoàn cảnh của họ trong một lương tâm trong sáng trước mặt Thiên Chúa. Việc biện phân này có thể dẫn họ tới các bí tích, mà cũng có thể không dẫn họ tới các bí tích, nhưng dẫn họ tới các hình thức hội nhập khác vào đời sống Giáo Hội.

Bản giải thích đưa ra các trường hợp có thể dẫn họ tới các bí tích đó là trường hợp tiết dục, sống với nhau như anh trai em gái, một điều không phải là không thể không có, như trường hợp triết gia Jacques Maritain và vợ là Raissa đã chứng minh. Nhưng nếu vì những lý do bất khả kháng mà giải pháp này không thể áp dụng được, thì “trong trường hợp cụ thể, khi đã nhìn nhận quả có những giới hạn làm giảm mức độ trách nhiệm và qui tội, nhất là khi người ta tin rằng họ sẽ phạm sai lầm khác có thể gây hại cho những đứa con được cuộc kết hợp mới sinh ra, thì ‘Niềm Vui Yêu Thương’ đưa ra khả thể cho họ được đến với các bí tích hoà giải và Thánh Thể”.

Trường hợp tiếp tục sống trong cuộc kết hợp bất hợp pháp chỉ là tội nhẹ

Nhận định về lối giải thích trên, Tiến Sĩ Jeff Mirus, một người vốn có quan điểm bảo thủ, quả quyết rằng nó không lạc giáo. Thực vậy, chủ trương rằng, trong một số hoàn cảnh, nên cho những người đang sống trong các cuộc hôn nhân bất thành hiệu được Rước Lễ không bất tương hợp với giáo huấn của Giáo Hội về cả hôn nhân lẫn Rước Lễ.

Tiến Sĩ Mirus cho rằng đó là hoàn cảnh trong đó, tội tiếp tục sống trong cuộc hôn nhân bất thành hiệu được coi là một tội nhẹ. Ông cho rằng tội nặng đòi hỏi ba điều kiện: điều lỗi phạm tự bản chất là điều xấu nặng; biết rõ điều xấu ấy; và chủ ý lỗi phạm. Thiếu một trong ba điều này thì chỉ là tội nhẹ.

Cuộc hôn nhân bất thành hiệu dĩ nhiên là điều xấu nặng. Nhưng còn biết rõ nó là xấu và chủ ý lỗi phạm nó thì sao? Đó là điều cần bàn. Tiến sĩ đơn cử trường hợp sau:

a. Một cặp kết hôn bất thành hiệu có con với nhau và những đứa con này còn đang sống với họ.
b. Một trong hai người thừa nhận tính tội lệ của cuộc “hôn nhân” này, hối tiếc vì đã bước vào, và nay muốn làm điều đúng (trong trường hợp này là hai người sống như anh trai em gái trong khi tiếp tục săn sóc con cái như cha như mẹ dưới một mái nhà).
c. Nhưng người kia bác bỏ việc sống như anh trai em gái.
d. Họ nói họ sẽ lìa bỏ gia đình nếu bị từ chối việc làm tình.
e. Do đó, người ấy phải tiếp tục mối liên hệ tính dục, dù miễn cưỡng, để bảo đảm cho các con khỏi mất một trong hai cha mẹ.

Tiến Sĩ Mirus cho rằng, người bị “bó buộc” tiếp tục sống như vợ chồng ấy chỉ phạm tội nhẹ, vì thiếu điều kiện thứ ba tức việc hoàn toàn tự do ưng thuận phạm tội. Và do đó, họ không bị trở ngại gì trong việc Rước Lễ.

Dĩ nhiên người ta rất có thể nghi vấn sự khôn ngoan của thực hành trên vì một trong các hệ quả của nó là làm yếu đi cái hiểu và cam kết của người Công Giáo đối với hôn nhân. Nhưng điều gì quan trọng hơn: tiềm năng gây gương mù gương xấu hay nhu cầu giúp người phạm tội nhẹ được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Thánh Chúa? Lòng thương xót chắc chắn buộc ta phải nghiêng về vế thứ hai. Vả lại, về việc này, bản giải thích của các giám mục Á Căn Đình có đề cập tới tính kín đáo (confidentiality) của diễn trình biện phân này và việc giáo dục để cộng đoàn thông hiểu và cởi mở, tránh gây ra bối rối đối với giáo huấn của Giáo Hội về tính bất khả tiêu của hôn nhân.

Mới chỉ là một bản thảo

Nhân dịp này, nữ ký giả Ines San Martin cho biết: từ ngày công bố hồi tháng Ba vừa qua cho tới nay, tông huấn "Niềm Vui Yêu Thương" đã không ngừng được đem ra thảo luận về việc tông huấn này có câu kết luận dứt khóat ra sao đối với việc rước lễ của các người Công Giáo ly dị và tái hôn bất hợp lệ. Nhiều nhà thần học, nhiều giám mục, và chuyên viên giáo luật và ngay cả báo Người Quan Sát Rôma của Tòa Thánh cũng đã dấn thân vào việc giải thích chương Tám của Tông Huấn này. Một số cho rằng chương này mở cửa dẫn người ly dị tái hôn bất hợp lệ tới các bí tích. Một số khác cũng nghĩ thế nhưng cho rằng điều này ngược với giáo huấn hôn nhân bất khả tiêu của Giáo Hội. Một số nghi vấn tính chính đáng của tông huấn khiến Đức Hồng Y Christoph Schonborn của Vienna phải lên tiếng quả quyết rằng tông huấn là một phần của huấn quyền và lời quả quyết này được Đức Phanxicô xác nhận. Thành thử bản giải thích của các giám mục vùng Buenos Aires, một vùng chiếm tới 40% dân số Á Căn Đình, không phải là bản giải thích đầu tiên. Nó được chú ý chỉ vì được Đức Phanxicô “công nhận” qua văn thư ngày 5 tháng Chín vừa qua, và đây là lần đầu tiên, ngài chính thức tham dự vào cuộc thảo luận này.

Nhưng San Martin cho rằng hình như tài liệu này mới chỉ là một dự thảo, không nhằm để công bố, lại càng không được đem ra thi hành ngay. Cung cách công bố nó khiến người ta nghĩ vậy. Thoạt đầu nó được trang mạng InfoCatolica đăng tải cùng với lá thư của Đức Phanxicô. Sau đó, trang mạng này lấy cả hai văn kiện xuống, với lý do: các khuyến cáo của tài liệu chưa đầy đủ và chưa sẵn sàng để công bố.

Ngày 8 tháng Chín, một số giáo sĩ vùng Buenos Aires, trong đó, có Đức Hồng Y Mario Poli, người kế nhiệm Đức Phanxicô ở Buenos Aires, họp nhau thảo luận về tài liệu này. Và Chúa Nhật 11 tháng Chín, trang mạng IlSismografo của Ý, vốn được coi là trang mạng bán chính thức của Tòa Thánh, đăng tải cả hai văn kiện bằng tiếng Tây Ban Nha. Rồi thứ Hai, ngày 12 tháng Chín, tờ Quan Sát Viên Rôma, tờ báo chính thức của Tòa Thánh đăng cả hai văn kiện bằng tiếng Ý.

Các giám mục Gia Nã Đại

Như thế, xem ra Tòa Thánh “tích cực” hơn trong việc công bố hai văn kiện này. Điều đáng nói là: mấy ngày sau, tức ngày 15 tháng Chín, các giám mục Công Giáo vùng Alberta và Các Lãnh Thổ Phía Bắc Gia Nã Đại cũng công bố những hướng dẫn mới cho các linh mục trong vùng liên quan đến việc chăm sóc mục vụ cho những người ly dị tái hôn bất hợp lệ, nhấn mạnh rằng: những ai muốn Rước Lễ nên cương quyết sống như anh trai em gái, nhưng chưa thấy Tòa Thánh lên tiếng chi. Bản hướng dẫn này viết:

“Điều rất có thể xẩy ra là qua các phương tiện truyền thông, bạn bè hoặc gia đình, nhiều cặp vợ chồng được hướng dẫn để hiểu rằng đã có sự thay đổi của Giáo Hội về thực hành, đến nỗi nay những người ly dị và tái hôn phần đời có thể rước lễ trong Thánh Lễ nếu họ chịu nói chuyện với một linh mục. Quan điểm này sai lạc”.

Trong các trường hợp như thế, các giám mục dạy rằng các mục tử phải đồng hành với các cặp vợ chồng trong “một hành trình hàn gắn và hoà giải” để dẫn họ tới tham khảo với các tòa án hôn phối. Trích dẫn tông huấn Familiaris Consortio của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các giám mục quả quyết rằng nếu các cặp vợ chồng kết hôn bất hợp lệ lần thứ hai không thể ly thân vì lợi ích của con cái do họ sinh ra, “thì họ cần tiết dục và sống ‘như anh trai em gái’”. Xin xem Guidelines for the Pastoral Accompaniment of Christ's Faithful who are Divorced and Remarried without a Decree of Nullity (PDF, 10 trang).

Ủng hộ rồi lại không ủng hộ

Phải chăng vì đọc tài liệu trên đây của các cám giám mục Ga Nã Đại, nên Tiến Sĩ Mirus hình như muốn rút lại sự ủng hộ của ông đối với lối giải thích của các giám mục Á Căn Đình, mặc dù sự ủng hộ của ông được tiến sĩ Edward Peters, giáo sư giáo luật tại Đại Chủng Viện Thánh Tâm ở Detroit và là thẩm trình viên (referendary) của Tòa Án Tối Cao của Giáo Hội, yểm trợ, nếu chỉ dựa vào điều 916 của Bộ Giáo Luật, là điều nói tới bổn phận của người rước lễ. Trong trường hợp này, nếu người rước lễ tin rằng hoàn cảnh tội của họ chỉ là nhẹ, họ có thể tiến lên rước lễ.

Tuy nhiên, tiến sĩ Peters cho hay: bản giải thích của các giám mục Á Căn Đình và thậm chí cả tông huấn Niềm Vui Yêu Thương không nhắc gì tới điều 915 là điều nói tới bổn phận của các thừa tác viên Thánh Thể: họ không thể cho rước lễ những người Công Giáo “cố chấp sống trong một tội trọng công khai”, trong trường hợp này, là những người ly dị tái hôn không hợp giáo luật. Không ai chính thức nói tới trách nhiệm của các thừa tác viên này. Thành thử, theo tiến sĩ Peters, trường hợp được tiến sĩ Mirus đưa ra làm điển hình đã chỉ giải quyết một nửa vấn đề rước lễ của người ly dị tái hôn bất hợp pháp, vì nó chỉ giải quyết khía cạnh trách nhiệm chủ quan của người rước lễ chứ chưa giải quyết trách nhiệm khách quan của việc cho họ rước lễ.

Có lẽ vì thế mà liên tiếp trong ba ngày 14 tới 16 tháng Chín, Tiến Sĩ Mirus đã viết 3 bài đề cập tới vấn đề này, rõ ràng để nhấn mạnh sự dè dặt. Ngày 14, ông cho rằng: Các giám mục Á Căn Đình đã đi quá xa khi nâng một “ghi chú tối nghĩa” trong "Niềm Vui Yêu Thương" thành một thay đổi kỷ luật để người ly dị tái hôn bất hợp pháp có thể rước lễ. Đức Phanxicô đã ca ngợi việc nâng lên này, cho rằng nó tuyệt đối là đường hướng của "Niềm Vui Yêu Thương".

Nhưng Tiến Sĩ Mirus cho rằng không vị giáo hoàng nào được che chở khỏi sai lầm khi, trong một thư từ riêng, ngài đưa ra một giải thích nào đó đối với bất cứ văn kiện Huấn Quyền nào, ngay cả các văn kiện do chính ngài ban hành. Điều này càng đúng khi nói tới các biện pháp kỷ luật, vì các biện pháp này không hưởng được sự che chở của Chúa Thánh Thần, nên nhận xét tư riêng của một vị giáo hoàng về điều ngài có ý nói lúc đó về biện pháp ấy càng không soi sáng gì cho các giáo huấn của huấn quyền.

Ông viện dẫn các lời lẽ trong học lý extra ecclesiam nulla salus (bên ngoài Giáo Hội không có sự cứu rỗi). Khi nghiên cứu cẩn thận, huấn quyền liên tục của Giáo Hội nhận thấy rằng các lời lẽ này thực sự không đòi buộc các kết luận như đã có trong đầu óc các vị giáo hoàng hay các công đồng đã công bố chúng và là những kết luận xem ra thích đáng vào thời đó. Khi phải lượng giá một giáo huấn Huấn Quyền, Giáo Hội được hướng dẫn nguyên bởi chính bản văn mà thôi, cùng với Sách Thánh và mọi tuyên bố khác có liên quan của Huấn Quyền, chứ không bởi lời tuyên bố có tính cá nhân của Đức Giáo Hoàng về điều ngài muốn nói. Các lời lẽ tư riêng này không được Chúa Thánh Thần che chở và do đó, chúng hoàn toàn không có liên quan.

Trên thực tế, "Niềm Vui Yêu Thương" không đòi lời giải thích theo đó, trong một số trường hợp, người ly dị tái hôn bất hợp pháp có thể được chấp nhận rước lễ mà không cần án tuyên bố vô hiệu. Đã đành, ghi chú vắn vỏi của "Niềm Vui Yêu Thương" có nói chung chung tới “các bí tích”, nhưng phần đông nghĩ rằng đây có ý nói tới bí tích Hòa Giải, một điều nhất quán với thực hành lâu đời của Giáo Hội và Bộ Giáo Luật hiện hành.

Nên ông nghĩ: “trong tương lai, Huấn Quyền rất có thể sẽ về phe với những người chỉ trích vị giáo hoàng hiện nay. Tôi chỉ muốn nói rằng, đối với những người chống đối việc thay đổi kỷ luật này, các vấn đề liên hệ tới tín lý vẫn chưa được giải quyết. Các vị giáo hoàng và các thế hệ Công Giáo tương lai sẽ sử dụng "Niềm Vui Yêu Thương", không theo điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói ngài muốn thực hiện, mà chỉ theo điều chính bản văn đòi hỏi, một điều không bao hàm việc cho những người ly dị tái hôn, không có án vô hiệu, rước lễ”.

Các giải thích trên của Tiến Sĩ Mirus không hẳn là không có giá trị, nhưng người ta sợ ông đã trở lại nguyên hình tác phong bảo thủ của mình khi chỉ trong vòng 2, 3 ngày, ông đã lật hẳn lại suy nghĩ của mình. Chối bỏ giá trị lời bình luận của Đức Phanxicô về một văn kiện do chính ngài công bố, tối thiểu, cũng bị coi là quá đáng.

Dù sao, bình tĩnh mà xét, trường hợp điển hình ông đưa ra quả có giá trị cho diễn trình biện phân của các người ly dị tái hôn bất hợp pháp. Trong trường hợp này, họ có thể an tâm tiến lên rước lễ, phù hợp với điều 916 của Bộ Giáo Luật. Còn điều 915? Nên nhớ, bản giải thích của các giám mục Á Căn Đình, vì chủ yếu nói với các thừa tác viên Thánh Thể, thành thử mặc nhiên cho họ thấy: những người trong trường hợp này không phải là những người “cố chấp sống trong một tội trọng công khai”, thì tại sao lại không cho họ rước lễ?
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ và rước kiệu trọng thể mừng sinh nhật Đức Mẹ tại Ta’ Pinu Melbourne
Trần Văn Minh
05:11 17/09/2016
Melbourne, vào lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy Ngày 17 tháng 9 năm 2016. Tại Trung Tâm Thánh Mẫu Các Sắc Tộc Tổng giáo phận Melbourne Ta’ Pinu, vùng Bacchus Marsh. Giáo dân Công giáo Việt Nam trong khắp các vùng Melbourne đã cùng tụ họp về đây để hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn và rước kiệu Đức Mẹ Lavang mừng kính Sinh nhật Đức Mẹ.

Xin mời xem hình

Trung tâm Thánh Mẫu Ta’ Pinu nằm trên một ngọn đồi cách xa trung tâm Thành phố Melbourne hơn 50 km về hướng Tây. Nhưng với một ngày thời tiết tương đối đẹp, gió trung bình, cảnh trí xanh ngát, hoa vàng, một loại hoa không hương nhưng nở vàng rực rỡ mặt đất đón mùa Xuân. Với lòng sùng kính Đức Mẹ Lavang là Mẹ Dân tộc Việt Nam, nên có rất đông người về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn và tham dự rước kiệu Đức Mẹ.

Bàn thờ Đức Mẹ Lavang với hoa đèn được đặt trang trọng bên cạnh gian cung thánh. Thánh lễ do Linh mục Peter Hoàng Kim Huy SDB chủ tế cùng với cha khách Phanxico Trần Kim Ngọc OP. Đặc trách Hội Mân Côi Dòng Đa Minh từ Việt Nam qua thăm và sẽ giảng thuyết cho giáo dân trong các Hội Mân Côi tại Melbourne cùng đồng tế. Ca đoàn Hồng Ân dùng lời ca để ca khen nhân ngày sinh nhật Đức Mẹ. Trước khi cử hành mầu nhiệm Thánh, Linh mục chủ tế nhắc lại cho chúng ta thấy, chỉ trong hai Tháng Tám và Chín. Giáo Hội đã cho chúng ta đến bốn lễ kính Đức Mẹ như: Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời, Đức Maria Trinh Nữ Vương, Sinh nhật Đức Mẹ, Đức Mẹ Sầu Bi vv. Điều đó đã nói lên vị trí quan trọng của Đức Mẹ đối với Giáo Hội và chúng ta những người con cái Mẹ. Trong phần chia sẻ, Linh mục Trần Kim Ngọc đã nói về tiểu sử của Đức Mẹ mà chúng ta mừng kính sinh nhật trọng thể hôm nay, nhờ sinh nhật của Mẹ Maria Giáo Hội có thêm hai ngày sinh nhật quan trọng nữa. đó là sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả và Sinh nhật Chúa Giesu. Và sự liên kết giữa chúng ta được trở thành con Mẹ, qua lời trối của Đức Giesu con Mẹ với Thánh Gioan: Đây là con Mẹ, và hướng về Đức Mẹ, Chúa nói: Người ấy là Mẹ Con.

Mặc dù, ngày này trong Cộng đồng Công giáo Việt Nam của TGP cũng có những sự kiện quan trọng, lễ khánh thành cổng chào và cám ơn nước Úc. Với đủ mọi thành phần nam, phụ, lão, ấu. Nhiều cụ ngồi xe lăn, hay phải chống gậy vẫn sốt sắng, tay lần chuỗi đọc kinh để theo chân đoàn kiệu Mẹ trên con đường dốc đá để đến Đền thờ Mẹ La Vang.

Sau Thánh lễ, qua lời cám ơn của ông Lâm đại diện ban tổ chức gửi đến quý Cha cùng mọi người đến dâng lễ mừng Sinh nhật Đức Mẹ, ông cũng mời gọi mọi người cùng tiếp tục tham dự buổi rước Đức Mẹ xuống dưới Đền La Vang.

Trước khi cung nghinh kiệu Đức Mẹ, ban tổ chức đã trao cho mỗi người một trái bóng bay để cầm theo đoàn rước cho thêm phần vui tươi mừng sinh nhật Mẹ. Sau Thánh Gía nến cao là quốc kỳ của các quốc gia có đền Đức Mẹ trong trung tâm, cờ bay nhẹ trong gío đi trước kiệu Đức Mẹ Lavang rất đẹp. Mọi người sốt sắng hát ca khen Mẹ đi theo kiệu Mẹ xuống đồi để cung nghinh Mẹ về lại đền thờ Mẹ.

Trong mấy lời cùng cộng đoàn, Linh mục Hoàng Kim Huy đã nói về quê hương, và Ngài đã xin mọi người cùng cầu nguyện cho Giáo hội quê nhà có thêm ơn can đảm, cất lên tiếng nói để mọi người được sống trong an bình và hưởng được sự tự do tín ngưỡng đích thực như nơi chúng ta đang sống. Mọi người cất cao tiếng hát: Mẹ ơi đoái thương đến dân tộc Việt Nam, cùng bài Mẹ La Vang Mẹ Việt Nam. Tiếng hát, câu kinh được mọi người gửi vào những trái bóng bay đầy mầu sắc thả bay lên trời cao đầy ý nghĩa.

Mọi người được ban tổ chức mời dùng bữa ăn nhẹ và nước uống. Đứng bên đền Đức Mẹ mọi người cùng nhau trao đổi và tâm sự. Trời trong xanh, mây lững lờ làm lòng người cảm thấy vui hơn vì được cùng nhau bên Mẹ mùa Xuân. Được biết hằng năm, Cộng đồng Việt Nam có hai dịp tổ chức các Thánh lễ tạ ơn tại đây, một vào dịp Lễ Phục Sinh và một vào Lễ mừng sinh nhật Đức Mẹ như hôm nay. Mọi người lên gần bàn thờ Mẹ để chụp những tấm hình kỷ niệm
Xin Mẹ chứng cho lòng con thảo
Cậy trông nép bên áo Mẹ Hiền
Đoàn con xin dâng lời khấn nguyện
Cho dân muôn nước được bình yên.

Chia tay nhau ra về trong niềm vui hội ngộ. Năm nay, ban tổ chức đã phát hành một cuốn đặc san mỏng với nhiều hình ảnh mang dấu kỷ niệm những bước chân khởi đầu xây dựng ngôi đền Đức Mẹ La Vang trên Trung tâm Thánh Mẫu của mọi dân tộc Ta’ Pinu.

 
Tết Trung Thu với các em dân tộc H'Mông Tả Giàng Phình
Lm. Nguyễn Văn Thành
09:40 17/09/2016
Tết Trung Thu với các em dân tộc H'Mông Tả Giàng Phình

Sau nhiều ngày tất bận chuẩn bị, cho đến sáng hôm nay ngày 15/9/2016, ban bác ái giáo xứ Lào Cai đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho chuyến đi đến xã Tả Giàng Phìn – huyện Sapa và các giáo điểm huyện Mường Khương.

Xem Hình

12h30 cùng ngày, nhóm từ thiện chúng tôi gồm cha Giuse Nguyễn Văn Thành, cha Antôn Lê Văn Thi, cha Phêrô Nguyễn Đình Thái, thầy xứ Giuse Đặng Xuân Thế, một số thành viên trong Ban hành giáo, ca đoàn Hiền mẫu và giới trẻ giáo xứ Lào Cai đã có mặt tại nhà thờ giáo họ Cốc Lếu và được chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất đi vào khu vực Mường Khương, gồm có cha Antôn Thi là trưởng đoàn, đến với các điểm Bản Lầu, Bản Xen và thị trấn Mường Khương. Nhóm thứ hai thẳng tiến theo hướng Sapa do cha xứ dẫn đầu. Tất cả quà tặng đã được chuyển lên xe, các thành viên được sắp xếp theo nhóm và xe đã rời khỏi nhà thờ.

Những chiếc xe bắt đầu lăn bánh, cảm giác chung, ai cũng hồi hộp háo hức và mong đợi một ngày công tác ý nghĩa. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ di chuyển bằng ôtô, chúng tôi cảm thấy hơi mệt vì đường xa, dốc, và ngoằn ngoèo. Mãi tới 15g00, đoàn mới có mặt trước cổng trường mầm non Tả Giàng Phìn – Sapa, cách thành phố Lào Cai khoảng 70 cây số. Từ đằng xa, chúng tôi đã trông thấy các cô giáo trẻ chờ đón chúng tôi. Xuống xe, đoàn được đón tiếp rất nồng nhiệt, những mệt mỏi cũng vơi đi phần nào. Sau khi gặp mặt quý thầy cô nhà trường, chúng tôi cũng được gặp mặt các em thiếu nhi nơi đây – những nhân vật được trông đợi đã lâu. Vừa nhìn thấy những khuôn mặt xinh xắn, ngây thơ của các em, mọi mệt mỏi của chặng đường dài như tan biến hết – Các em chủ yếu là người dân tộc H’Mông. Chúng tôi được xem các tiết mục văn nghệ đặc sắc do các em thiếu nhi biểu diễn. Thêm vào đó, giới trẻ giáo xứ Lào Cai cũng giao lưu văn nghệ với các em bằng những bài múa cử điệu mà chúng tôi đã tập luyện từ rất lâu.

Chương trình giao lưu văn nghệ kết thúc, chúng tôi trao quà Trung Thu cho các em. 318 phần quà gồm bánh kẹo và đèn lồng trung thu đã được trao tận tay các em nhỏ. Các em vui mừng khôn tả vì lần đầu tiên các em được biết thế nào là đèn lồng và quà Trung Thu. Khi nghe những tiếng nhạc và bài hát phát ra từ đèn lồng, các em không biết nó đến từ đâu và tại sao nó lại kêu được. Thế là các em thả hồn vào những trò chơi mới lạ này. Các em cám ơn đoàn đã mang đến cho các em những món quà ý nghĩa này.

Chúng tôi vui vì những nụ cười rạng rỡ của các em nhỏ tại trường mầm non Giàng Tả Phìn - Sapa, niềm vui được thể hiện rõ ngay trên khuôn mặt các em. Cô hiệu trưởng của trường chia sẻ: “Đây là cái Tết Trung Thu đầu tiên của các em, từ trước đến giờ, các em chưa một lần được biết Trung Thu là gì”. Khi nghe điều đó, chúng tôi càng thấy thương các em hơn.

Trao quà cho các em xong, vì thời gian có hạn, chúng tôi tạm biệt mọi người và ra về với biết bao lưu luyến và mến thương. Kết thúc một buổi làm việc với các em trên rẻo cao này, chúng tôi cảm thấy vui vì đã làm được một việc tốt, dù không đáng là bao nhưng phần nào đem niềm vui tết Trung thu cho các em. Dù mệt mỏi nhưng tinh thần phục vụ vẫn luôn bừng cháy trong mỗi thành viên. Mặc dù trải qua một ngày vô cùng vất vả, đường xá xa xôi hiểm trở, nhưng trong mỗi người chúng tôi vẫn đọng lại những cảm xúc vui sướng khó tả.

Nhờ chuyến đi này, chúng tôi cảm nhận được tình thương yêu của Thiên Chúa dành cho chúng tôi, Ngài đã ưu ái ban tặng chúng tôi những hoàn cảnh may mắn hơn nhiều người. Để từ đó, chúng tôi đem sức lực, khả năng của bản thân giúp đỡ người khác. Chúng tôi cảm thấy tự hào vì được làm con Chúa, được cảm nhận tình yêu thương bao la của Ngài. Từ đó đi rao giảng chân lý của Ngài cho những người chưa nhận biết Chúa. Với lòng hăng say và đức tin mạnh mẽ, chúng tôi tin rằng mình sẽ còn làm được nhiều điều ý nghĩa như thế nữa trong sự phù trợ của Thiên Chúa.

Cùng với tinh thần nhiệt huyết, mỗi thành viên trong giáo xứ Lào Cai còn được đong đầy thêm tình yêu thương đồng loại, yêu thương những mảnh đời khó khăn hơn mình. Đó là phẩm chất tốt đẹp mà mỗi con người đều cần có, điều đó còn cần thiết hơn đối với những người Kitô hữu, những người con của Chúa. Nguyện xin Thiên Chúa ban thêm sức mạnh để chúng con vượt thắng những cám dỗ và bước theo làm chứng nhân cho Ngài giữa đời. Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa!

Đoàn về tới nhà thờ Cốc Lếu lúc 18g00 cùng ngày. Vì đường xa, xấu nên mỗi thành viên đều mệt mỏi nhưng trên nét mặt vẫn phảng phất niềm vui. Một ngày qua đi với biết bao ơn lành của Chúa và đong đầy tình thương mến ngang qua việc tổ chức Trung Thu cho các em dân tộc vùng sâu và vùng xa này.
 
Video Lời phát biểu của ĐC Nguyễn thái Hợp nhân buổi Thắp Nến: Cầu nguyện cho vẹn toàn lãnh thổ Việt Nam và cho nạn nhân độc tố Formosa
VietCatholic Network
13:34 17/09/2016
Lời chào mừng và phát biểu của Đức Cha Phaolô Nguyễn thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh nhân buổi Thắp Nến ngày 16/9/2016 "Cầu nguyện cho vẹn toàn lãnh thổ Việt Nam và cho nạn nhân độc tố Formosa" do Hội Đồng Liên tôn tại Hoa Kỳ và Liên Đoàn CGVN Miền Tây Nam Hoa Kỳ tổ chức tại Trung tâm CGVN Orange.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
ĐGH Phanxicô và mẹ Têrêsa Calcutta: Những đoá hoa hồng nở giữa khu ổ chuột tràn ngập bùn lầy nước đọng
Dominic David Tran.
16:16 17/09/2016
Đến giữa tim vùng ngoại vi: Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Mẹ Têrêsa thành Calcutta (hay Những đoá hoa hồng nở giữa khu ổ chuột tràn ngập bùn lầy nước đọng)

Lời dẫn nhập: Mẹ Thánh Teresa sinh năm 1910 tại Skopje, Albania. Mẹ từ biệt quê hương, mẹ ruột và anh chị để sang Ái-nhĩ-lan (Ireland) tu học tại Nhà Dòng Loreto vào năm 1928.

Năm sau đó 1929 Mẹ sang Ấn độ dạy học và ở lại thực hiện sứ mạng truyền giáo, chăm sóc cho những người cùng khổ, sắp chết ở Calcutta và Ấn độ cho đến khi về lại nhà Cha trên Trời. Sinh thời thân mẫu của Mẹ Teresa đã xin phép chính phủ sang Ấn độ thăm con gái của bà (tức là Mẹ Teresa), thế nhưng Đảng Cộng Sản và Chính phủ Albania bấy giờ không cho phép. Mẹ ruột và chị ruột của Mẹ Teresa sau đó đã qua đời vào năm 1972 và 1974. (Ai muốn vác Thánh Giá theo Chúa thì phải từ bỏ mọi sự) Chỉ sau khi chủ nghĩa Cộng Sản sụp đổ tại Đông Âu và Liên Xô, Chính thể mang danh nghĩa đệ Tứ Cộng hoà quốc gia được tái lập tại Albania, Mẹ Teresa đã thăm lại quê cha năm 1991, theo lời mời về lập chi Dòng Tu Huynh Thừa Sai Bác Ái. Cũng nhân dịp về thăm quê hương Mẹ Teres đã xin thăm mộ của mẹ và chị ruột thế nhưng bọn cán bộ hậu duệ đó trước tiên lại lừa đưa Mẹ đến thăm cái gọi là lăng của Enver Hoxha, để chụp hình quay phim và tuyên truyền (lãnh tụ độc tài đã hành hạ nhân dân và đất nước Albania từ năm 1945). Năm 1994 chính phủ mới của Albania mời Mẹ về cố quốc để nhận Huân Chương Vàng Quốc gia Albania (the Golden Honour of National Order Albania) để ghi nhận cuộc đời của người con dân Abania đã nổi tiếng khắp thế giới vì sự nghiệp hiến thân cho người cùng khổ và làm chứng cho Tình Yêu của Thiên Chúa. Bà Ines Angeli Murzaku, Tiến Sỹ, Giáo Sư về Tôn Giáo học tại Công Giáo Seton Hall University, New Jersey Hoa Kỳ, đã có nhiều công trình nghiên cứu và viết 5 quyển sách được xuất bản. Tác phẩm mới nhất mang tựa đề, Chủ nghĩa Kinh Viện tại Đông Âu và trong các nước Cộng Hoà thuộc Liên Bang XHCN Xô Viết trước đây (Monasticism in Eastern Europe and the former Soviet Republics; Routledge 2016.) Nữ Giáo sư Ines cộng tác với nhiều cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế suốt từ thời Chiến tranh Lạnh bao gồm các Đài Radio Tirana (Albania), Đài Truyền Thanh Radio Vatican (VaticanCity), EWTN (Roma) trong suốt cuộc nổi dậy ở Đông Âu vào những năm 1990, Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), Relevant Radio, The Catholic Thing, Crux và các nơi khác. Nữ giáo sư Ines Murzaku viết về người đồng hương Albania số một của đất nước bà. Xin trân trọng chuyển ý và chia sẻ đến các Đấng bậc và mọi người nhân ngày Giáo Hội tuyên phong Mẹ Teresa lên hàng hiển thánh của Giáo Hội Công Giáo Hoàn vũ.


Đến giữa tim vùng ngoại vi

Từ tháng Ba năm 2013, sau khi được tuyển chọn kế vị Ngai Toà của Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chiếm được cảm tình và suy nghĩ của người người trên toàn thế giới: từ các Ki tô hữu, người theo Hồi giáo, Ấn độ giáo, các Phật tử… cả người có tín ngưỡng cũng như người không theo tín ngưỡng hoặc vô tôn giáo. Từ lòng thương cảm, sự đồng cảm và sự tha thứ, lòng thương xót thể hiện trong cả lời cầu kinh nguỵện và trong hành động thực tế, cho đến kính yêu Chúa và thương yêu người lân cận là một số các dấu ấn hiện nay của triều đại Giáo Hoàng Phanxicô. Một ý niệm đặc biệt có tầm quan trọng tối cao đối với sứ vụ Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô là “ Hãy hướng về vùng ngoại vi, đi đến với những xóm nhà lá, khu ổ chuột ngập tràn bùn lầy nước đọng!“

Trả lời phỏng vấn của Linh Mục Antonio Spadaro, SJ, Chủ Bút Tạp chí La Civiltà Cattolica mấy tháng sau khi được bầu cử vào ngôi vị Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về “ Thần học hướng về ngoại vi” và ngài giải thích rằng những cuộc cách mạng và biến đổi lớn trong lịch sử con người đã trở thành hiện thực khi “ Thực tế đã không được nhìn nhận từ trung tâm, hay không thấy được từ ở ngay giữa chính lòng xã hội, không ở trung tâm các quốc gia mà thực tế được nhận biết từ bởi những vùng ngoại vi, những nơi xa xăm, ít được biết đến trước đây.” Cũng theo nhận định của Đức Thánh Cha Phanxicô chính là sự trải nghiệm cuộc sống của nơi ngoại vi, cùng bước đi trên mọi nẻo đường ngoại vi với những con người của vùng ngoại vi, thông qua đó con người quen thuộc với thực tế tồn tại; đây chỉ là sự tồn tại chứ không phải là cuộc sống đúng nghĩa của con người, existential periphery (nghĩa là có kinh nghiệm sống thực tại ở ngay tại những xóm nhà lá, đi đến, nhận biết và chia xẻ cuộc sống của người sống trong những khu ổ chuột tăm tối, chui rúc trong hẻm sâu tràn ngập bùn lầy nước đọng trong lòng xã hội hiện nay). Đường lối lãnh đạo của triều đại Giáo Hoàng Phanxico là hướng về ngoại vi, vận động hướng Giáo Hội Công Giáo Hoàn vũ từ chỗ yên ổn an toàn đi đến các nơi có rủi ro và sẵn sàng chấp nhận bất trắc, chuyển từ cách nhìn hướng nội sang cách nhìn hướng ngoại, nhìn vào những cuộc sống bên lề thay vì từ trung tâm của xã hội, (là nhìn từ những góc độ và cảnh đời bị xô dạt vào bóng tối, của những người lâm cảnh khốn cùng chứ không nhìn từ những nơi đầy ánh sáng đô thành như trong bộ phim nổi tiếng của danh hề Sạclô, La lumiere de la ville, City Light of Sir Charles Chaplin). Xin xem lại Vietcatholic.net ngày 25/7/2013 tường trình về Đức Thánh Cha Phanxico đa đi thăm dân cư các khu ổ chuột favelas Varginha thuộc phức hợp Maguinhos phía Nam Tiểu Bang Rio de Janeiro nhân Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013 tại Brazil). (Người Chăn Chiên phải có mùi chiên)

Vậy vùng ngoại vi, ven biên, ven đô, ở bên rìa hay ngoài lề xã hội là gì?

Lời Đức Chúa Giêsu đã phán dạy các Tông đồ,” Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (trích Sách Mác-cô Mk 16:15) chỉ có thể được hoàn thành nếu mọi người đã cùng sống và trải nghiệm qua những vùng ngoại vi về cả mặt địa dư lẫn thực tế hiện thực, thực tại (periphery and existential). Đây là cách thế mà con người phàm nhân chúng ta có thể noi gương bước đi theo Đấng Nguyên mẫu cao cả của chúng ta, chính là Đức Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã giáng sinh làm người trần thế trong vùng ngoại vi về mặt địa lý, vì Chúa đã không giáng sinh ở kinh thành Rôma - nhưng Chúa đã xuống thế làm người trong máng cỏ hang lừa tại làng quê nghèo nàn Nazareth cách xa kinh thành Giêrusalem. Đây là nơi là Nathaniel, một trong 12 tông đồ đầu tiên, trước khi đến gặp Chúa Giêsu đã hỏi các tông đồ khác bằng giọng điệu ngờ vực: “ Vùng Nazareth ư, ở nơi ấy nào có thể tìm được điều gì tốt lành?” Còn hơn thế nữa, Đức Chúa Giêsu đã sống trong các vùng ngoại vi này trong 30 năm và suốt cả thời gian thực thi sứ mạng cứu độ của Ngài. Không bao giờ và không một phút giây nào Đức Chúa Giêsu rời mắt khỏi những cảnh đời đau thương cùng cực của cuộc sống ngoại vi thực tế ấy; những kẻ nghèo nàn bần cùng cơ cực, những con chiên lạc của nhà Israel, những người bị ruồng rẫy, bị vứt bỏ, những người loại ra bên lề cuộc sống và bị đạp xuống dưới đáy xã hội Do Thái, những cô gái điếm, những người phụ nữ gặp nhiều khó khăn và bất hạnh trong đời …vv…. (Phụ chú: Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, đã viết, xin noi gương Đức Chúa Giêsu: sinh ra ở giữa Đồng, truyền rao Tin Mừng trên Đường, và sau cùng chết ở trên Đồi)

Đối với Đức Thánh Cha Phanxico cũng vậy, Giáo Hội Công Giáo được mời gọi bước ra khỏi cơ ngơi êm ấm của chính Giáo Hội để đi đến khắp tận cùng cõi đất ở khắp tứ phương thiên hạ trong thời đại ngày nay của chúng ta về cả địa lý lẫn cuộc sống thực tại của các giai cấp ở bên lề hay dưới đáy các xã hội, đi đến tất cả các vùng ngoại vi ở mọi hang cùng ngõ hẻm trong các thành phố lớn hay những vùng đất thuộc rừng sâu núi thẳm, những khu hẻm sâu ở trong giữa lòng những đại đô thị hay xóm nhà lá ngập bùn lầy nước đọng mọc bên hông những trung tâm công nghệ, là những thành phố bị lãng quên. Vì chính ở tại những nơi này, mới có những cuộc đời tăm tối, những kiếp sống cô quạnh, những con người khốn cực đã và đang khao khát, đang thực sự cần có ánh sáng Tin Mừng soi rọi đến! (For Francis, too, the church is called to come out of herself and go to the ends of the earth, to the peripheries of our times, geographical and existential, which are in need of the light of the Gospel.)

Có ba lý do để công nhận nền tảng “Thần học Phanxico hướng về ngoại vi” này:

1. ĐGH Phanxico, tự chính bản thân ngài đã đến từ vùng ngoại vi. Ngài được sinh ra, nuôi dưỡng trong đất nước Á căn đình, thật sự là một vùng ngoại vi theo cả hai ý nghĩa về địa lý và cuộc sống thực tại (Francis himself comes from the periphery. He was born and raised in Argentina, which is both a geographical and existential periphery)

2. Đức Thánh Cha Phanxico là vị sanh ra và đến từ Châu Mỹ Latinh, không phải là vị Giáo Hoàng sanh ở Châu Âu, đã được bầu lên để lãnh đạo 1 tỷ 200 triệu giáo dân Công Giáo toàn thế giới.

3. Đức Thánh Cha Phanxico được sinh ra và nuôi dưỡng trong vùng ngoại vi của trung tâm quyền lực chính trị và của cả Giáo quyền. (Francis was born and raised on the periphery of political and ecclesial power.)

Mẹ Teresa sẽ được Đức Thánh Cha Phanxico và Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ tuyên phong vào ngày 04 tháng Chín năm 2016 là vị Thánh của Vùng Ngoại vi, bởi các lý do;

1. Mẹ Teresa cũng đến từ vùng ngoại vi. Mẹ được sinh ra, và nuôi dưỡng tại Skopje, thuộc một vùng ngoại vi cả về phương diện ngoại vi địa lý lẫn tồn tại xã hội ngoại vi. (Mother Teresa comes from the periphery. She was born and raised in Scopje, a geographical and existential periphery.)

2. Mẹ Teresa lớn lên trong một xã hội đa sắc tộc- đa tôn giáo nơi mà Cộng đồng Công Giáo thực tế là một khu thiểu số trong vùng ngoại vi đó (Mother Teresa grew up in a multi-ethnic, multi religious society where the Catholic community was a peripheral minority. (Ghi chú: theo Lịch sử và địa lý học cho đến tận ngày hôm nay, kể từ thế kỷ thứ 12 khi người Hồi Giáo bành trướng và cai trị trên toàn lãnh thổ Albania, và đất Macedonia là những vùng cha sanh mẹ đẻ của song thân Mẹ Teresa – người Công Giáo La mã chỉ còn là thiểu số ở mức nhỏ.)

3. Mẹ Teresa đã trải nghiệm và nhận biết trực tiếp về những cuộc sống thực tại lây lất ở khu ngoại vi qua những cảnh đời nghèo đói cơ cực, khốn cùng, chiến tranh, bị buộc thay đổi chỗ ở qua tản cư, lánh cư, bị trục xuất, và bị tàn sát diệt chủng (Mother Teresa knew first-hand the existential peripheries of poverty, misery, war, displacement and ethnic cleansing. Ghi chú: tác giả từ đầu bài nghiên cứu đã dùng chữ existential periphery, nơi đó chỉ có sự tồn tại chứ không phải là cuộc sống hiện hữu như đúng nghĩa của nó: Việt Nam xưa dùng chữ “cuộc sống lây lất tạm bợ qua ngày “ là rất đúng. Existential periphery đã được diễn tả bằng các từ poverty, misery, war, displacement, ethnic cleansing, nếu phải sống ngày nào hay biết được ngày đó thì đấy chỉ là sự tồn tại, một kiếp sống lây lất vật vờ.)

4. Chính là từ ở nơi sâu xa nhất của vùng ngoại vi (the periphery of periphery, nơi tận cùng bằng số của ý nghĩa bên lề sự tồn tại) đã dạy và chuẩn bị nhiều điều cho Mẹ Teresa trong sứ mạng truyền giáo-bác ái tại Ấn Độ ngày sau. Điều quan trọng cuối cùng; “vùng ngoại vi” chính là một trong những điểm chung tương đồng nhất giữa Mẹ Teresa và Đức Giáo Hoàng Phanxico (The bottom line is that periphery is one of the commonalities between Mother Teresa and Pope Francis.)

Những bông hồng nhỏ nở giữa vùng ngoại vi, ở khu ổ chuột bùn lầy nước đọng:

Agnes Gonxhe, trong ngôn ngữ Albania có nghĩa là Bông Hồng Nhỏ (* Albanian for rosebud-flower). Cô Agnes sanh ra tại Skopje, hiện nay thuộc về nước Cộng Hoà Macedonia vào ngày 26 tháng Tám năm 1910. Mẹ Teresa tên hồi còn nhỏ là Agnes, và là con gái của bà Drane (tiếng Albania nghĩa là Bông Hồng) và ông Nikolas Bojaxhiu đầu tiên ở vùng Prizren thuộc lãnh địa Kosovo sau đó mới chuyển đến vùng Skopje.

Cộng Đoàn Công Giáo Albania của Skopje thời Mẹ Teresa sinh ra và lớn lên là một cộng đồng thiểu số (Minority). Tổng số giáo dân Công Giáo tại nơi đây vào thời gian ấy là nhỏ bé và bị át hẳn so với đa số đông nhất là giáo dân Chính Thống giáo Đông Phương (Eastern Orthodox majority) sau đó Tôn giáo chiếm đa số thứ nhì là Hồi Giáo.

Skopje là khu dân cư hơp thành bởi các sắc dân khác nhau bao gồm người Albani, Croat, Bosniaks và các dân thiểu số khác. Dân bản địa vùng ngoại vi Skopje ngay từ thời thơ bé của bé Agnes (đã cho Mẹ Teresa ngày sau này) biết thế nào là đến với cuộc sống những người khác nhau về tín ngưỡng về sắc tộc, về văn hoá và cả về tiếng nói lẫn chữ viết. Vùng Ngoại vi về mặt địa lý này cũng là vùng biên viễn chính trị thuộc về đế quốc (a political-imperial periphery.) Thực vậy, vào thời bé gái Gonxhe được sinh ra, Skopje là một phần xa xôi nhỏ bé thuộc về Đế quốc Ottoman Hồi Giáo. Các quốc gia vùng Balkan hiện nay (ngày xưa có lúc tiếng Việt Hoa phiên âm là Ba nhĩ cán, đọc trại là Ban-căng) gọi là Albania, Croatia, Slovenia, Bosnia-Herzegovina, Montenegro, Serbia, Macedonia tức lãnh thổ Liên Bang Nam Tư trước đây và Vùng Tự trị Kosovo… vv… không hề có tên và tồn tại trong Đế quốc Ottoman.

Skopje ngày ấy là một phần Tỉnh lỵ Hành chính của vùng Kosovo, là Phân khu Hành chính đệ nhất hạng (Vilayet) trong Đế quốc Ottoman. Vilayet là sự phân chia vùng lãnh thổ địa dư trong xã hội Ottoman được hợp thành bên trong những ranh giới quản trị hành chánh một nhóm đa dạng cư dân các sắc tộc và tôn giáo, là điều mà Mẹ Teresa sống và lớn lên chứng kiến tận mắt ngay từ thời thơ bé.

Bên cạnh cuộc sống trong xã hội có lãnh thổ địa lý thuộc vùng ngoại vi, Mẹ Teresa cũng đã trải qua các cuộc sống thực tại trong xã hội ngoại vi thuở đó. Năm bé Agnes mới lên hai tuổi thì các cuộc xung đột nổ ra trong các năm 1912-1913 và đã tàn phá toàn vùng Balkan. Và các cuộc chiến tranh trên toàn vùng Balkan đã ghi dấu sự chấm dứt ách cai trị của Đế quốc Hồi Giáo Ottoman trên toàn vùng Balkan. Hậu qủa xảy ra là sự tách rời và phân chia lại vùng Balkan và các phân khu hành chánh trước đây để lập nên 3 quốc gia mới (*) mang tên là Bulgaria/Bảo gia lợi; Serbia; và Hy lạp/Greece.

Sự phân chia, cắt đứt rồi sát nhập các lãnh thổ, các phân khu hành chánh, các khu hành chánh vào các quốc gia mới này đã đem lại những tai hoạ khủng khiếp cho con người, sự nghèo khổ và xung đột bằng bạo lực đến độ lời nói không thể nào diễn tả được (unspeakable human catastrophes, poverty, and massive violence). Người người phải rời bỏ nhà cửa trốn chạy, bỏ của chạy lấy thân, bị trục xuất, bị thanh lọc vì kỳ thị tôn giáo- văn hoá và nạn diệt chủng, việc tản cư và thảm cảnh xoá sạch hẳn những bộ tộc, làng mạc, các thị trấn và Mẹ Teresa ngay từ bé thơ đã tận mắt thấy nhiều gia đình, cả họ hàng, làng mạc, và cả thị trấn phải chạy trốn đi các nơi khác. Đấy chưa phải là điều xấu nhất đã xảy ra, bởi vì còn nhiều điều tệ hại khủng khiếp hơn nữa sẽ lại tiếp diễn. Suốt cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất vào năm 1914-1918, Macedonia (*) đã trở thành kết cục bất hoà, một thứ qủa đắng trong quan hệ giữa hai quốc gia mới thành lập vào năm 1913 là Serbia/Nam tư và Bulgaria (*). Kinh nghiệm cuộc đời trong các cuộc sống thực tại, hay ở trong vùng ngoại vi tăm tối nhất của các vùng ngoại vi như tên gọi dành cho Miền Tây toàn Vùng Ngoại vi Balkan “ in the periphery of periphery as the Western Balkans” đã trở thành kinh nghiệm sống và hành trang cho Mẹ Teresa sau này đi đến các vùng ngoại vi của Ấn Độ và biến các khu vực ngoại vi, những nơi và vùng cùng đinh xã hội (Dalit= outcasts) ở Ấn Độ trở thành sứ trạng truyền giáo và thực hành Đức Bác ái suốt đời của Mẹ Teresa.

Hơn thế nữa, đã có những giá trị nơi cuộc đời của các vùng ngoại vi được Mẹ Teresa tâm đắc, trân quý và đem áp dụng vào sứ mạng truyền giáo của chính Mẹ và cho tất cả Các Chi nhánh, Tu Hội Dòng sau này do Mẹ sáng lập. Đó chính là Dòng Thừa Sai Bác Ái (the Missions of Charity viết tắt MC). Cha ruột của Mẹ Teresa là cụ Nikolas Bojaxhiu, trước kia là một thương gia đã đi buôn bán khắp nơi kể cả đến Ai cập xa xăm. Thân phụ Nikolas, biết và nói thông thạo vài ngôn ngữ và có kiến thức lịch lãm về một số nền văn hoá và truyền thống khác nhau. Ông bố Nikolas là nhà kể chuyện đại tài khiến cho ba con nhỏ là Age, Lazar và bé út Gonxhe (Mẹ Teresa ngày sau) mê say nghe hàng giờ.
Thân mẫu của Mẹ Teresa là bà Drane Bojaxhiu là một phụ nữ thực tế, có cá tính mạnh mẽ, khéo tay, tháo vát và bà tận tình chăm sóc gia đình, nhiệt thành sống đạo và thực thi Đức Tin Công Giáo.

Khi thân phụ của Mẹ Teresa qua đời và các người góp vốn chung (business partners) với ông Nikolas đã không trả lại
phần góp vốn của người chồng qúa cố khiến cho bà Drane Bojaxhiu trở thành bà goá và không còn một xu dính túi penniless. (Ghi chú: như một nghiên cứu cho biết sinh thời ông Nikolas còn là thành viên của Hội đồng Đại diện Cộng đồng địa phương và ông bị ám sát vào năm mẹ Teresa được 8 tuổi.) Tuy đau khổ và khó khăn cùng cực nhưng bà goá đã bươn chải và thu xếp cuộc sống rất phi thường managed extraordinarily để bảo bọc và nuôi dưỡng ba con nhỏ mồ côi cha.

Yêu Chúa và Phục vụ người lân cận hàng xóm- nền tảng trường học thánh thiện thứ nhất đó là do Mẹ Teresa đã học được từ ngay chính bà Drane Bojaxhiu- thân mẫu của Mẹ. Sống Đạo trong Đức Tin Faith chính là tính cách thường ngày và trọn đời của gia đình Mẹ. Mỗi tối bốn mẹ con bà quây quần bên nhau cùng đọc kinh và cầu nguyện. Bà Drane không chỉ sống đời cầu nguyện liên lỉ mà còn thực sự được xác định qua lòng từ bi và thương xót trong hành động thực tế.

Tuy chỉ là bà goá một nách nuôi ba con nhỏ nhưng bà Drane vẫn nuôi dưỡng và dạy bảo ba người con mồ côi cha rằng các con không bao giờ quên những người nghèo túng, người bị bỏ rơi, và những trẻ em mồ côi không còn cha mẹ hay không được ai chăm sóc. (Never forgoet the poor, the abandoned and the orphans). Sau này Mẹ Teresa đã viết rằng; “ Có rất nhiều người nghèo ở gần nhà cũng như trong vùng Skopje đã biết rõ nhà mẹ của chúng tôi, và không có người nghèo khổ nào đến với gia đình mẹ tôi mà ra về tay không none left empty handed. Ngày nào trên bàn ăn cũng có khách lạ. Thoạt đầu tôi hay thắc mắc; “ Mẹ ơi, họ là ai vậy mẹ?” Mẹ tôi từ tốn trả lời, “ Có vài người là họ hàng thân thuộc, còn tất cả những người khác là người đồng hương của chúng ta ‘Some are relatives, but all of them are our people.’ Sau này lớn khôn hơn tôi nhận thức được rằng
những người được mẹ tôi mời ăn cơm đó là những người nghèo khổ, chẳng có một có đến một xu dính túi (When I was older, I realized that the strangers were poor people who had nothing and whom my mother was feeding.”)

Giúp đỡ người nghèo một cách tích cực và đầy lòng từ bi thương xót là một đặc tính thường xuyên và trọn đời của gia đình nhà Bojaxhiu. Đây là nền tảng trường học thánh thiện thứ hai mà Mẹ Teresa trực tiếp học tập và sống đạo yêu thương từ bi bác ái ngay từ gia đình của mẹ và sau này Mẹ Teresa đem áp dụng ngay vào chính cái “ gia đình riêng có của Mẹ Teresa- tức là Dòng Thừa Sai Bác Ái (cùng Các Tu Hội Dòng Nam Nữ Chiêm Niệm Thừa Sai Bác Ái, Linh Mục Cộng Tác Viên, Thiện Nguyện Viên, Đồng Lao Cộng Khổ):

“ Các con ơi, nếu các con muốn bắt tay làm bất cứ một việc gì, các con phải tận tâm ngay từ đầu, phải hết lòng hết dạ chu toàn công việc ngay từ lúc đầu tiên. Nếu không thì đừng làm gì hết! ” Đó chính là lời bà Drane Bojaxhiu đã khuyên cô con gái út Agnes Gonxhe Bonjaxhiu, (sau này là Mẹ Teresa thành Calcutta) khi cô út quyết định gia nhập Dòng Nữ Tu Loreto. Qủa thực, sau này Mẹ Teresa đã phục vụ các người ở vùng ngoại vi địa lý và cuộc sống thực tại với Tình Yêu và Niềm Vui served with joy and love in the peripheries, không chỉ chăm sóc những người đói khát về thể lý, bị đau đớn cùng cực ở thân xác như mắc bệnh ho lao và phong cùi giữa những người cùng khổ, nhưng Mẹ và Dòng Thừa Sai Bác Ái còn chăm lo đến cả những người sống sung túc no đủ vật chất ở các nước Tây Âu là những người sống trong nạn đói khát khác (a different kind of hunger and were dying for a little love): những người sống sung túc trong các Dưỡng đường, Nhà Dưỡng lão, Trung tâm Cao niên, Phục hồi chức nặng … đã và đang chết lần chết mòn trong cô đơn thinh lặng, chết vì bị vứt bỏ, bị lãng quên, chẳng ai thèm dòm ngó, chết vì thiếu tình yêu và chết vì không được yêu thương chăm sóc tử tế. Mẹ Teresa đã đem đến, đã cung cấp, đã phục vụ cho họ với một Tình Yêu quảng đại, Tình thương bao la và chẳng trông mong được nhận lại hay được đền đáp điều gì. (She provided that love generously, expecting nothing in return. Mẹ Teresa đã nói Yêu Thương là cho tất cả, cho nhưng không, Cho Đến Khi Biết Đau.)

Đức Thánh Cha Phanxico cũng đến từ vùng ngoại vi và hiện nay ngài đang hết sức dũng cảm đem Vùng Ngoại vi vào giữa trung tâm đời sống con người và vào lòng Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Phanxico đang tích cực thúc giục và
khuyến khích Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ và mời gọi mọi người hãy can đảm bước ra khỏi cái Vùng no ấm, thoải mái, an toàn của chính Giáo Hội và đi đến với người ở các vùng ngoại vi địa lý và cuộc sống thực tại để ôm ấp và bảo bọc họ (phụ chú: Người Chăn Chiên phải có mùi của Chiên).