Ngày 21-09-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Làm cớ sa ngã
Lm. Thái Nguyên
17:49 21/09/2021
suy niem va cau nguyen CN 26 TN B
https://www.youtube.com/watch?v=My37vxlRMpo&t=619s


Chúa Nhật 26 Thường Niên năm B : Mc 9, 38-43.44.47-48
LÀM CỚ SA NGÃ

Suy niệm

Cuộc sống dù trong tập thể nào vẫn luôn có những gương xấu. Gương xấu gây ra một bầu khí ô nhiễm tinh thần. Một trong những khuynh hướng xấu rất thông thường nơi con người là óc bè phái và muốn độc quyền. Sợ người khác hơn mình, làm mất ảnh hưởng và uy tín của nhóm mình, nên có lần các môn đệ cũng đã dùng quyền để hạn chế hoạt động của người khác. Đức Giêsu không chấp nhận điều đó. Ngài đã đưa ra một cái nhìn lạc quan và tích cực để xóa bỏ sự phân biệt, kỳ thị, phe nhóm. “Ðừng ngăn cản người ta… ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Với con tim rộng mở, với cái nhìn siêu thoát, Đức Giêsu chủ trương tiếp nhận tất cả, hòa hợp tất cả, gần gũi tất cả, yêu thương tất cả. Nếu có loại trừ thì loại trừ sự kỳ thị, phân chia, ngăn cách, tranh giành và và chống chọi với nhau.

Có khi chính chúng ta cũng rơi vào não trạng bè phái và muốn chiếm hữu độc quyền trong việc hành thiện. Ngay trong Kitô giáo cũng chia thành nhiều giáo phái. Điều trớ trêu là các giáo phái nói xấu lẫn nhau, mạt sát lẫn nhau, kết án lẫn nhau, có khi khủng bố lẫn nhau. Đây quả là một gương xấu quá lớn, một điều mỉa mai cho Đức Giêsu và cho tất cả những ai tin vào Ngài, đồng thời là một phản chứng nặng nề đối với những người ngoài Kitô giáo. Ngay trong Hội Thánh cũng không thiếu những gương xấu, khiến cho nhiều người thất vọng đi tìm con đường khác, đời sống đức tin gặp khủng hoảng. Ðức Giêsu tỏ thái độ không khoan nhượng đối với kẻ nào gây ra gương xấu: “... thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn”.

Gương xấu làm cớ cho người khác sa ngã, và có khi là nguyên do gây ra một phản ứng quá đà mang tính xã hội, trong đó có trách nhiệm của chúng ta. Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, Công Đồng cũng đã thú nhận các tín hữu chúng ta có thể chịu trách nhiệm một phần không nhỏ trong việc khai sinh vô thần. Có thể bản thân ta cũng đã từng gây dịp tội khiến cho người khác phải sa ngã. Thân xác ta cũng có thể là dịp tội cho chính mình. Ðức Giêsu đòi chặt tay, chặt chân, móc mắt, nếu những bộ phận đó làm ta phạm tội. Không thể hiểu những điều đó theo nghĩa đen, nhưng cũng không thể coi nhẹ tính chất quyết liệt của những đòi hỏi mà Chúa Giêsu đã nêu lên.

Chúng ta đã biết có nhiều người vì bệnh tiểu đường dám cắt bỏ một phần thân thể để cứu lấy sinh mạng của mình. Loại bỏ một điều quý giá để giữ lại một điều quý giá hơn. Cuộc sống là điều quí giá trên mọi điều quí giá, đáng cho chúng ta loại bỏ một phần thân thể đã bị hoại tử. Nếu cần một cuộc giải phẫu để cứu lấy thân xác, thì càng cần hơn nữa một cuộc cắt bỏ những điều hư hại để cứu lấy linh hồn mình.

Chúng ta có thể cắt bỏ một tật xấu, cắt bỏ một lời nói cay độc, cắt bỏ một ánh mắt căm hờn, cắt bỏ một cử chỉ khinh thị, cắt bỏ một lối sống buông tuồng, cắt bỏ một mối quan hệ bất chính… Cắt bỏ như thế có khi còn đau hơn “móc con mắt, chặt cánh tay”. Đau vì nó quá thân thiết với cuộc đời ta; đau vì nó quá gắn liền với bản thân ta; đau vì nó quá ăn sâu trong bản chất con người mình. Nhưng nếu can đảm vượt thắng nỗi đau, chúng ta sẽ lớn lên trong phẩm cách làm người, đạt tới sự tự do và trưởng thành hơn trong địa vị làm con cái Thiên Chúa.

Tuy nhiên, giải phẫu không chỉ là cắt bỏ, mà còn là thay thế các bộ phận hư hỏng: thay trái tim sỏi đá căm hờn bằng trái tim dịu hiền yêu thương; thay bộ óc với tầm nhìn hẹp hòi, cạn cợt, bằng bộ óc rộng mở, thoáng đạt và hồn nhiên; thay cái nhìn đầy thành kiến về người khác bằng cái nhìn hiểu biết và cảm thông, để khám phá ra những điều lành thánh nơi họ. Cuộc sống mới sẽ triển nở khi ta đoạn tuyệt với lối sống cũ, không còn phải sống chung với lũ hay ru ngủ đời mình cách ngây ngô.

Chúa Giêsu đưa ra những đòi hỏi tận căn, vì nếu ta muốn vươn tới Tuyệt Ðối thì cần hy sinh cái tương đối; muốn đạt tới Thiên Chúa thì phải loại trừ những thần tượng, và những gì gây cản trở cho đời mình.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!

Vẫn có những gương xấu trong Hội Thánh,
không tránh được bè phái và phân tranh,
những chia rẽ và lạm dụng quyền hành,
đưa tới ganh ghét và tranh giành địa vị.
Gương xấu làm cho nhiều người thất vọng,
có khi gây khủng hoảng mất lòng tin,
nên có nhiều kẻ đi theo con đường khác,
để tìm cho đời mình sự bình an.

Xem ra gương xấu vẫn lan tràn,
làm bao người tốt phải hoang mang,
nhưng rồi chẳng ai là vô tội,
nên bản thân con cần sám hối.
Như cành lá sâu xia cần cắt bỏ,
Chúa đòi con làm sáng tỏ đời mình,
dám loại ra những gì gây hư hại,
để đem lại một sức sống tươi hồng.

Xin cho con thấy mình được khích lệ,
bởi biết bao gương sáng không thể kể,
dù bóng tối vẫn còn trong Giáo Hội,
những vết nhăn vẫn hằn trên khuôn mặt,
nhưng Giáo Hội không cần phải che chắn,
không sợ phải hạ thấp bản thân mình,
để dưới ánh sáng rực rỡ của Tin Mừng,
Giáo hội lại được kiên vững và tinh luyện.

Xin cho chúng con luôn xác tín,
mình thuộc về đoàn dân thánh thiện,
dựng xây một Giáo Hội hoàn thiện,
làm chứng về chúa Đấng toàn thiện,
cho con người sự sống mới linh thiêng. Amen.
 
Sức mạnh và yếu đuối, bất lực và quyền năng
Lm. Minh Anh
17:56 21/09/2021
SỨC MẠNH VÀ YẾU ĐUỐI, BẤT LỰC VÀ QUYỀN NĂNG
“Ngài ban cho các ông sức mạnh và quyền năng”; và Ngài nói, “Các con đừng mang gì cả!”.

Một buổi chiều năm 1865, nội các của A. Lincoln bước vào phòng họp, người ta thấy ông mặt vùi vào tay. “Thưa các ngài, chẳng bao lâu nữa, sẽ có tin quan trọng!”, ông nói. Mọi người xôn xao. “Đêm qua, tôi mơ thấy mình đơn độc trên một chiếc thuyền, không mái chèo, không bánh lái. Tôi bất lực trong một đại dương vô tận!”. Im lặng vần vũ! Lincoln nói tiếp, “Nhiều lần trong chiến tranh, tôi đã có giấc mơ đó; mỗi lần, một trận chiến lớn lại đến trong một hai ngày. Vâng, có lẽ ngày mai, có lẽ chỉ vài giờ nữa, quý vị sẽ có tin quan trọng!”. Năm giờ sau, ông bị ám sát! Ấy thế, Lincoln là một trong ba tổng thống vĩ đại nhất của Hoa Kỳ, ông trở nên ‘một huyền thoại’, vốn luôn cảm thấy mình bất lực, yếu hèn; thế nhưng, ông thật mạnh mẽ, can trường, trong niềm tin vào Thiên Chúa!

Kính thưa Anh Chị em,

Như những người dân Hoa Kỳ đã nhìn thấy sức mạnh và yếu đuối nơi vị tổng thống thứ 16 của họ, chúng ta cũng sẽ bất ngờ khám phá một nét tương phản nổi bật, nếu không nói là mâu thuẫn trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi trong ‘sức mạnh và yếu đuối, bất lực và quyền năng’; sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa, yếu đuối và bất lực của con người.

Sai nhóm Mười Hai lên đường, Chúa Giêsu cho các môn đệ được thông chia những gì Ngài có, “Ngài ban cho các ông sức mạnh và quyền năng”. Thế nhưng, cùng lúc, Ngài buộc họ ra đi trong yếu đuối và khó nghèo; Ngài thu nhỏ vali của họ, gần như không có gì, “Các con đừng mang gì cả!”. Phải chăng, Ngài muốn nói, hành trang của họ chính là Ngài và chỉ một mình Ngài! Ngài yêu cầu họ hạn chế tối đa để họ nhận biết rằng, sức mạnh sinh hoa kết trái của họ nằm ở tình yêu và lòng tín thác họ dành cho Ngài, hơn là ở tài sản vật chất hay kỹ năng, tài nghệ, riêng của họ.

Qua đó, chúng ta có thể kết luận, chính Chúa Giêsu đang hướng dẫn đường đi nước bước của người môn đệ ‘từ một khoảng cách kín đáo’; Ngài muốn quyền năng của Ngài được bộc lộ chính trong sự yếu hèn và dễ bị tổn thương của người được sai đi. Vì lẽ, Thiên Chúa thường hoạt động mạnh mẽ qua ‘kinh nghiệm bất lực và yếu đuối’ của con người. Chính trong tình trạng dễ bị tổn thương này, Ngài muốn chúng ta chỉ cậy dựa vào một mình Ngài; nói cách khác, ‘Thiên Chúa là lá chắn’ của người môn đệ, thay cho sự dựa dẫm vào chính mình hay những gì thế giới ban tặng.

Esdra trong bài đọc hôm nay, một con người lấy Thiên Chúa làm lá chắn, “Tôi quỳ gối xuống, giơ tay lên Chúa là Thiên Chúa của tôi”. Nhìn nhận sự yếu hèn bất lực, ông van xin, “Tội chúng con đã quá nhiều!”. Ông nhận ra quyền năng và sức mạnh của Chúa khi Ngài đổi lòng vua Ba Tư để vua xót thương dân, hầu dân có thể xây đền thờ Chúa và được định cư. Nhờ đó, họ có thể hát mừng Ngài qua tâm tình Thánh Vịnh đáp ca, “Chúc tụng Thiên Chúa, Đấng muôn đời hằng sống!”. Esdra trải nghiệm thế nào là ‘sức mạnh và yếu đuối, bất lực và quyền năng’ qua các biến cố.

Anh Chị em,

Chính Chúa Giêsu đã sống sự tương phản và mâu thuẫn này. Nơi Bêlem, Ngài sinh ra trong lạnh lẽo tối tăm; trên đồi Sọ, Ngài chết trong tủi nhục u sầu! Vậy mà chính trong sự yếu đuối và bất lực tột cùng đó, sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa được tỏ hiện. Như các môn đệ, Chúa Giêsu sai chúng ta đi, chia sẻ cho chúng ta sức mạnh từ trời để làm chứng cho Ngài; bao lâu chúng ta không còn bám víu vào bất cứ điều gì khác ngoài Ngài, chúng ta sẽ đủ sức để chiến thắng. Trong những ngày hôm nay, ai trong chúng ta cũng cảm thấy yếu đuối và bất lực trước dịch bệnh. Như đã yêu cầu các môn đệ bỏ lại những gì mà hầu hết mọi người cậy dựa, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta bỏ lại một điều gì đó trong những ngày hạn chế ‘mới mẻ’ này. Chúng ta phải xa Thánh Thể, xa cộng đoàn; nhưng trong thời điểm mất mát này, quyền năng Thiên Chúa vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ trong chúng ta và giữa chúng ta. Thời gian này sẽ nên hữu ích khi nó khiến chúng ta như Esdra, biết quỳ gối trước Thiên Chúa, trở lại với Ngài, Đấng ở với chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chúng ta tin rằng, Ngài cũng đang nâng đỡ chúng ta ‘từ một khoảng cách kín đáo’; Ngài là chuyên gia, lấy ra điều tốt nhất từ những gì xem ra rủi ro nhất!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con nhận ra sức mạnh và quyền năng Chúa trong yếu đuối và bất lực của con; con biết, Chúa đang đỡ nâng con ‘từ một khoảng cách kín đáo’ nào đó, ngay hôm nay!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Nhổ Cỏ Nhổ Tận Gốc !
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
22:03 21/09/2021
Nhổ Cỏ Nhổ Tận Gốc !

Hêrôđê nói:“Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? (chuyện Chúa Giêsu có quyền năng trong lời nói và hành động). Rồi vua tìm cách gặp Chúa Giêsu” (x.Lc 9,9).

Hêrôđê là vị vua không chỉ ác độc mà còn loạn luân. Ông đã cướp lấy vợ của anh mình. Thánh Gioan Tẩy giả đã mạnh mẽ lên án hành vi sai trái này của vua. Và ông đã tìm cách bắt giam Gioan Tẩy Giả rồi chờ thời cơ thuận tiện để giết người diệt khẩu. Tin Mừng tường thuật câu chuyện Hêrôđê chém đầu Gioan trong ngục rất là kịch tính, một vở kịch dàn sẵn khéo léo đến từng chi tiết. Dựa vào truyền thống phong kiến thì đã là vua không thể “hai lời”. Một lời phán ra như là thánh chỉ khó có thể rút lại. Nhân dịp lễ sinh nhật của mình, vua đã hứa thưởng cách hậu hĩnh (dù đến nửa nước cũng tặng) cho cô con gái riêng cùa bà Hêrôdiađê vì cô nhảy múa đẹp. Kịch bản có sẵn, cô xin cái đầu Gioan và Tin Mừng tường thuật rằng “lập tức” (không chờ đến hôm sau có lẽ vì sợ có ai to gan can gián) sai thị vệ vào ngục chặt đầu Gioan (x.Mc 6,17-29).

Giết người diệt khẩu đã xong. Màn kịch như đã khép. Nhưng đã phạm tội ác thì khó có thể trấn an lương tâm. Văn hào Nga Fyodor Dostoevsky đã khai triển đề tài này cách hiện sinh trong tác phẩm “Tội ác và hình phạt”. Với Hêrôđê thì cũng không là ngoại lệ. Khi nghe nói về Chúa Giêsu, một vị Thầy mà dân chúng tôn xưng như là một ngôn sứ vì Người có quyền năng phi thường trong lời nói và hành động. Lại có tin đồn rằng có thể đó là Gioan Tẩy Giả đã bị giết chết nay sống lại. Thế là Hêrôđê càng thêm lo lắng, mất ăn mất ngủ.

Thử hỏi Hêrôđê tìm cách gặp Chúa Giêsu để làm gì? Tin Mừng cho chúng ta thấy rõ thâm ý của ông vua này. “Khi ấy, có mấy người Pharisêu đến thưa Ðức Giêsu rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!” Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được”(Lc 13,31-33).

“Nhổ cỏ thì nhổ tận gốc”. Một thành ngữ nói lên hiện thực “không biết dừng” của nhiều kẻ gian ác hiểm độc, nhất là khi trong tay có đủ đầy quyền lực và phương tiện. Đã phạm tội ác thì luôn canh cánh sợ bị báo oán, sợ bị báo thù. Thế là thần dữ dẫn dụ, lôi kéo người hiểm độc đi tận cùng sự gian ác của họ. Đừng vì thiếu hiểu biết hay vì sợ hãi mà làm cớ cho kẻ gian ác đi đến tận cùng sự hiểm độc của họ.

Khi sai các môn đệ ra đi rao giảng như “chiên giữa bầy sói” thì Chúa Giêsu đã căn dặn các ngài là hãy “khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu”(Mt 10,16). Trước lòng lang dạ thú của kẻ xấu thì chúng ta trước hết phải khôn ngoan tìm cách né tránh hết sức và nếu có thể thì tìm phương thể làm đổi thay. Không bao giờ tạo cơ hội, tạo dịp cho kẻ ác lộng hành. Nếu bất khả kháng thì khi ấy hãy “sống đơn sơ như chim bồ câu” phó thác cho Thiên Chúa. Thiếu sử dụng trí khôn, các khả năng Chúa ban mà cứ nại vào sự phó thác, ỷ lại vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa là lỗi đức trông cậy thật đáng trách vậy. (x. GLCG số 2092).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Để trở nên người loan báo Tin mừng
Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương
22:04 21/09/2021
Để trở nên người loan báo Tin mừng

Suy niệm Lời Chúa ngày thứ 4 sau CN 25 TNB

Đọc lại các bài đọc của ngày thứ 4 sau Chúa nhật 25 thường niên năm B hôm nay, chúng ta rút ra được một số ý tưởng nhằm giúp chúng ta sống chứng nhân Tin mừng cách hiệu quả.

Nhận ra tội lỗi hay bất xứng của mình

Tác giả sách Esdra đã biết nhận ra do tội lỗi của mình, của dân tộc: là quay lưng với Thiên Chúa và chạy theo các tà thần, là cứng đầu cứng cổ không chịu lắng nghe tiếng Chúa ngang qua các ngôn sứ, vì thế, mà dân tộc Is-ra-en đã phải lưu đày. Tuy nhiên, Thiên Chúa nóng giận trong giây lát nhưng yêu thương suốt cả cuộc đời. Ngài yêu thương ngay cả khi con người sống trong tình trạng tội lỗi, đó cũng là ý định của Thiên Chúa rằng là muốn cứu độ tất cả mọi mà không muốn kẻ gian ác phải chết. Cho nên, trong cái hoạ có cái phúc, trong lúc bị lưu đày, Thiên Chúa đã thúc dục và lôi kéo một vị vua dân ngoại là Ti-rô biết nghe theo tiếng của Chúa và đã tha cho dân Is-ra-en thoát khỏi cảnh lưu đày, không những vậy, ông còn cho mọi của cải đầy đủ để dân về lại Giu-đa để xây dựng Đền thờ. Một sự quan phòng tuyệt vời của Thiên Chúa đối với con người. Người thương ai thì Người cho roi cho vọt nhưng qua đó, Người sửa dạy và tiếp tục yêu thương cũng như cứu chữa con người dẫu con người bất xứng.

Hành trang ra đi loan báo Tin mừng

Hôm nay Tin mừng Luca cho chúng ta bối cảnh Đức Giê-su sai Nhóm Mười Hai ra đi rao giảng Tin mừng và chữa lành cho mọi người. Hành trang mà Đức Giê-su mong muốn các ông là không mang gì đi đường, không mang gậy, không mang bao bị, không mang lương thực, tiền bạc và không mặc hai áo. Tại sao vậy? Vì lúc bấy giờ đâu phải có phương tiện như thời hiện đại, việc đi bộ là chính. Mà đi bộ càng gọn gàng, càng nhẹ nhàng bao nhiêu thì đi càng nhanh và không bị vướng vấn và cồng kềnh. Như một sự siêu thoát đối với các nhà truyền giáo mà Đức Giê-su mong muốn. Là không lệ thuộc vào của cải vật chất vì thợ đáng được trả công. Là dễ dàng nhằm chủ đích về Tin mừng và gặp gỡ tha nhân hơn là chỉ tập trung và ‘chỉ mũi’ vào của cải và tiện nghi. Là không chạy theo tiền bạc nhưng hơn hết là rao giảng Tin mừng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.

Nội dung ra đi loan báo Tin mừng

Đức Giê-su sai Nhóm Mười Hai và ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ quỷ và chữa bệnh tật. Việc mà Đức Giê-su mong muốn nơi người loan báo Tin mừng là rao giảng về Lời, giới thiệu về Đức Giê-su và kể chuyện Đức Giê-su cho người khác, nhất là cho những ai chưa đón nhận niềm tin Công Giáo trong mọi nơi và mọi lúc. Làm sao khi gặp gỡ và tiếp cận những người đồng bào chưa cùng niềm tin là chúng ta không được bỏ cơ hội nói về Chúa Giê-su, về Tin mừng cho họ ngay. Ví dụ sau 15 phút nói chuyện với họ mà chúng ta chưa nói về Chúa Giê-su là chúng ta đang thất bại và có lỗi. Đứng là ‘khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng’. Hãy để tình yêu Đức Ki-tô thúc bách chúng ta lên đường trong mọi môi trường. Hãy chớp lấy thời cơ, hãy tận dụng thời gian để rao giảng Tin vui, Tin mừng cho mọi người. Điều thứ đến là rao giảng Tin mừng ngang qua việc chữa lành bệnh tật: có thể chúng ta là những y bác sĩ đang làm việc tại nhà thuốc, tại bệnh viện công hay tư, chúng ta không đơn thuần chỉ chữa bệnh về thể lý, nhưng điều tiên quyết và quan trọng là chữa bệnh tâm linh, cõi lòng cho họ. Hãy cùng họ đọc câu: “ Lạy Chúa Giê-su là lương y đầy quyền năng, xin cứu chữa hồn xác con”. Hãy chữa lành người khác khi họ buồn. Hãy thông chia niềm vui với họ khi họ có sự kiện vui. Người loan báo Tin mừng là người biết “vui với người vui, khóc với người khóc”. Hãy biết an ủi và sẻ chia những mất mát của người khác, đó cũng là cách chữa lành của người loan báo Tin mừng.

Lạy Chúa, hôm nay Chúa cũng sai chúng con đi giảng đạo như các Tông đồ xưa. Xin cho chúng con biết nhận ra những bất toàn và yếu đuối để chúng con biết đặt niềm tin tưởng và phó thác cho sự quan phòng của Chúa. Xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con can đảm, hăng say và sẵn sàng ra đi để rao giảng Tin mừng cho mọi người bằng lời nói cũng như bằng đời sống của chúng con. Amen.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Ngày 22/9: Mời gọi, dấn thân, loan báo Tin Mừng. Lm. Giuse Vũ Hải Đăng SDD, Kinh Thánh Giuse
Giáo Hội Năm Châu
03:18 21/09/2021

PHÚC ÂM: Lc 9, 1-6

“Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật. Đoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: “Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ”. Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và chữa lành bệnh tật khắp nơi.

Đó là lời Chúa.
 
Nguyên Tắc Cởi Mở
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
04:57 21/09/2021

CN 26 B
“Nguyên Tắc Cởi Mở”

Công đồng Vatican II đã mở ra cho Giáo hội một cái nhìn mới về mối tương quan giữa người Công Giáo với những anh chị em Tin Lành và cả những người thuộc các tôn giáo khác nữa.Những văn kiện của Công đồng, đặc biệt là sắc lệnh Đại kết (Unitatis redintegratio) và tuyên ngôn Tôn giáo ngoài Kitô giáo (Nostra aetate), đã giúp chúng ta nhìn anh chị em ngoài Giáo Hội với thái độ cởi mở, thân thiện và đoàn kết hơn. Công đồng đã đưa chúng ta trở về nguồn cội của bình an và hòa thuận là Thần Khí của Thiên Chúa và tinh thần của Chúa Giêsu, như được diễn tả trong bài đọc Cựu Ước và bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay.

Bài đọc 1 kể chuyện, thời ông Môsê dẫn dân Ítraen ra khỏi Aicập. Thiên Chúa đã lấy một phần Thần Khí Người ban cho ông Môsê để chia sẻ cho các kỳ mục. Có hai kỳ mục tên là Enđát và Mêđát không có mặt tại Lều hội ngộ lúc Thần Khí xuống trên bảy mươi kỳ mục kia, nhưng Thần Khí vẫn ngự xuống trên hai ông đang khi họ ở trong trại. Được đầy Thần Khí, hai ông bắt đầu nói tiên tri trong trại. Người ta báo cáo việc này cho ông Môsê và ông Giôsuê còn lên tiếng xin ông Môsê hãy ngăn cản hai kỳ mục kia. Ông khuyên họ hãy nhận biết đó là việc Thiên Chúa làm và việc hai kỳ mục thi hành tác vụ ngôn sứ là điều đẹp lòng Thiên Chúa. Bản thân ông Môsê không coi việc Thiên Chúa “lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục” là một sự thiệt hại cho ông. Trái lại, ông còn vui mừng ước mong Thần Khí không những xuống trên ông và các kỳ mục, mà còn xuống “trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ nữa”. Đối với ông, hai kỳ mục kia đã làm công việc của Thiên Chúa,vì thế ông không được “ngăn cản” họ chỉ vì họ không cùng có mặt với ông và bảy mươi kỳ mục khác. Đúng như Chúa Giêsu sẽ nói sau này: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.

Bài Tin Mừng thuật chuyện, khi thấy một số người mặc dù không thuộc nhóm các môn đệ của Chúa Giêsu mà lại ra tay trừ quỷ, ông Gioan tìm mọi cách để cản ngăn. Ông hãnh diện về việc này và kể công với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cấm, vì người ấy không theo chúng ta”. Ông Gioan đã cùng với các bạn cố “ngăn cản” người nhân danh Chúa mà trừ quỷ, vì người ấy “không theo chúng ta”. Ông Gioan và các bạn tông đồ không muốn nhìn nhận tác vụ trừ quỷ của người kia chỉ vì người ấy không cùng phe với họ. Các ông quên mất rằng việc trừ quỷ là do Thiên Chúa đã ban đặc ân cho người trừ quỷ. Chúa Giêsu đưa ra một Nguyên tắc cởi mở: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. (x.Tĩnh tâm với sách Tin mừng Maccô. Lm Giuse Nguyễn Công Đoan). “Chúng ta” là chính Ngài và những người đi theo Ngài, vốn sẽ làm nên Giáo Hội. Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ các môn sinh: bất cứ ai làm công việc của Thiên Chúa thì đương nhiên là “theo chúng ta” rồi! Làm công việc của Thiên Chúa không lệ thuộc vào phe nhóm hoặc nhờ cái nhãn hiệu. Trừ quỷ là nhờ “dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ” (Mt 12,28), chứ đâu phải dựa vào phe nhóm. Tinh thần phe nhóm là khí giới ma quỷ sử dụng thường xuyên nhất để tạo nên ganh ghét hận thù.

Chứng kiến điều kỳ diệu, đó là Danh Thầy Giêsu được tuyên xưng vượt khỏi giới hạn nhóm của mình, và Danh Thầy Giêsu có sức mạnh trừ quỉ, nhưng thay vì tạ ơn Chúa, ca tụng Thầy và chúc mừng người ta, thì môn đệ Gioan và các môn đệ khác lại “cố ngăn cản”, vì “người ấy không theo chúng ta”. “Không theo chúng ta”, nhưng họ đang làm việc trừ quỷ, tức là họ đang làm được những việc tốt lành, việc thiện. Mà mọi điều tốt lành phải từ Thiên Chúa mà đến. “Họ không theo chúng ta”, nhưng họ đều được Thiên Chúa tạo dựng và có quyền gọi Thiên Chúa là cha như “ chúng ta”. Chúa cũng muốn các tông đồ bao dung tha thứ. “Họ đã lấy danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ”, cho dù chưa được sự cho phép của Chúa Giêsu, nhưng chứng tỏ Danh Chúa đã được họ tôn trọng yêu mến. Điều đó chứng tỏ họ cũng được Thiên Chúa trao cho bổn phận loan báo hồng ân cứu độ nơi Chúa Giêsu một cách nào đó.Do vậy “chúng ta” không được phép ngăn cản, ghen tị hay tự đắc độc quyền với việc loan báo hồng ân ấy.

Ngày nay người ta lên án mọi hình thức độc quyền: độc quyền về điện nước, xăng dầu, sách giáo khoa... Những thứ độc quyền này đã và đang làm suy yếu nền kinh tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác nữa. Trong đời sống tôn giáo, cũng có một thứ độc quyền mà Chúa Giêsu mạnh mẽ đả phá, đó là độc quyền về ơn sủng, độc quyền làm điều thiện.Đàng sau sự độc quyền là lòng kiêu căng, tham danh, hám lợi. Chỉ có ta hay phe nhóm chúng ta mới là duy nhất đúng, vì thế chỉ có ta hay phe ta mới có quyền giáo dục, mới có quyền lãnh đạo… và rồi chỉ có ta, phe ta mới được hưởng lợi lộc và được tôn vinh. Hậu quả của thái độ độc tôn, độc quyền thật đáng sợ mà lịch sử cho thấy qua những cuộc chiến tranh, đàn áp bất công, loại trừ tha nhân cách này cách khác…

“Nguyên Tắc Cởi Mở”của Chúa Giêsu là việc tốt, việc thiện, việc lành do bất cứ ai làm nhân danh Ngài đều có giá trị.Hơn thế nữa, một việc tốt, việc lành, nhất là việc phục vụ anh chị em đồng loại, dù nhỏ bé tầm thường đến mấy vẫn không mất công phúc: “Thầy bảo thật anh em, ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41). Ta có thể cho nhiều hay cho ít, điều đó không quan trọng. Ðiều quan trọng là ta đã cho “như thế nào”, bao nhiêu tình yêu mến được đặt vào nghĩa cử mà ta làm cho người khác. Ðôi khi chỉ cần cho một chén nước lã mà lại được ghi công. “Cho một chén nước lã” là một cử chỉ tầm thường, nhỏ bé, song lại lớn lao trước mắt Thiên Chúa khi được thực hiện nhân danh Người, khi thực hiện với tình thương. Giá trị của nó còn nằm ở chỗ : “Làm cho những kẻ bé mọn là làm cho chính Chúa” (Mt 25,40).

Những người sống “Nguyên Tắc Cởi Mở” thì sẵn sàng đón nhận những khác biệt, nhất là những khác biệt có thể mang lại ích lợi chung. Điều này càng đúng cho thời đại hôm nay, vì thế giới ngày càng đa cực, đa diện hơn trong cách ứng xử, tiếp cận chân lý. Đừng sợ sự khác biệt, hãy bao dung đón nhận những người không thuộc phe nhóm với mình, nhưng cùng hoạt động cho thiện ích chung của xã hội, Giáo hội. Chúng ta hãy tỉnh táo phân định xem mục tiêu của công việc, những phương thế để đạt mục tiêu, ngõ hầu cùng hợp tác làm việc chung. Không nên vội vàng hấp tấp loại trừ họ chỉ vì họ không phải “phe ta”! Dấu chỉ để nhận ra bàn tay của Thánh Thần thúc đẩy là sự hiệp nhất, yêu thương và xây dựng. Phá đổ, nói xấu, dèm pha, ngăn cản điều tốt là do ma quỷ. Việc của ma quỷ đôi khi đội lốt đạo đức, đó là khi người ta lấy Danh Chúa mà cản trở việc tốt của anh em.

Người Công Giáo chúng ta đang sống trong một xã hội đa tôn giáo, nên cần phải loại bỏ tinh thần độc tôn, không nên nghĩ rằng chỉ có người trong đạo mình mới làm được những việc tốt đẹp, rồi đánh giá thấp những công việc tích cực của anh chị em thuộc các tôn giáo bạn. Thật ra, Chúa không chỉ muốn những người Công Giáo làm việc tốt, mà Chúa còn muốn cho tất cả mọi người đều làm việc tốt, để nhân loại được hưởng nhờ, vì thực thi việc tốt là bổn phận không của riêng ai. Hãy loại bỏ tinh thần độc tôn, đừng cho rằng Đoàn Thể của mình là quan trọng nhất, đừng nghĩ rằng chỉ có Nhóm của mình là có đặc ân tối ưu, rồi xem thường những người không “cùng hội cùng thuyền” với mình. Bởi lẽ, trong việc nên thánh, không ai có thể nên thánh một mình, cũng không ai được độc quyền khi nên hoàn thiện.

Tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, sứ mạng của Giáo Hội là làm cho Nước Thiên Chúa được loan báo đến cho mọi người. Trong một thế giới đa nguyên về ý thức hệ, văn hóa và tôn giáo, sống tinh thần bao dung của Chúa Kitô thật quan trọng. Thay vì loại trừ người khác chỉ vì họ không thuộc về nhóm của mình, chúng ta được mời gọi để nhận ra trong thế giới đầy dẫy khác biệt này vẫn có đông đảo những người đứng về phía sự thật, họ là những người ủng hộ Chúa Kitô bởi vì họ không chống lại Ngài.

Khi thường nhìn người khác một cách nghi kỵ và khắt khe: “Họ không ủng hộ tôi tức là họ chống đối tôi”, nếp sống của con người trở nên bi quan và khép kín. Hôm nay, Chúa dạy chúng ta một cái nhìn rất bao dung và rất lạc quan với “Nguyên Tắc Cởi Mở”: Ai không chống đối các con là ủng hộ các con. Chắc chắn với cái nhìn này đời chúng ta sẽ vui tươi hơn và sẽ làm việc thoải mái hơn.


 
Dứt Khoát – Rõ Ràng
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:46 21/09/2021
Dứt Khoát – Rõ Ràng

Tin Mừng khi tường thuật việc Chúa Giêsu sai 12 Tông đồ đi rao giảng đều nói đến lời căn dặn của Chúa Giêsu là nếu thành nào không đón tiếp các ngài thì ra khỏi nơi ấy và giũ bụi chân lại để tố cáo họ (x. Mt 10,14; Mc 6,11; Lc 9,5). Theo thánh sử Matthêu thì Chúa Giêsu còn nói là đến ngày phán xét thì dân thành Sôđôma và Gômôra còn được xét xử khoan dung hơn các thành ấy.

Mình rao giảng Tin Mừng mà người ta không nhận thì thôi, vì sao các tông đồ phải có hành vi giũ bụi chân để tố cáo cách dứt khoát rõ ràng những thành không tiếp nhận các ngài như thế? Chắc hẳn Chúa Giêsu có lý do của Người. Và đây có thể là lý do mà chúng ta nhận ra đó là những ai cố chấp, cố tình từ chối quyền năng của Chúa Thánh Thần, Ngón tay đầy quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa thì muôn đời không được tha (x.Mc 3,28-29).

Các tông đồ ra đi rao giảng, chia sẻ ơn bình an, thi ân giáng phúc cho người ta cả phần hồn lẫn phần xác (xua trừ ma quỷ, chửa lành bệnh tật) cách vô điều kiện. Tin Mừng ghi rõ là khi sai các ngài ra đi thì Chúa Giêsu căn dặn không mang tiền bạc, bao bị, gậy gộc, lương thực, thậm chí cũng chỉ có một cái áo trên mình. Quyền năng mà các ngài có được không hệ tại ở sức mạnh tiền của, quyền lực thế trần hay các phương tiện này kia. Như thế những việc các ngài thực hiện thật rõ ràng là do bởi ngón tay quyền năng đầy tình yêu của Thiên Chúa.

dân Chúa xưa vốn thông thuộc Thánh Kinh thì hẳn sẽ dễ dàng phân biệt quyền năng nào là xuất bởi Thiên Chúa, Nếu đã nhận biết quyền năng của Thiên Chúa rồi mà còn chối từ thì đây là tội cố chấp, Thứ “tội phạm đến Chúa Thánh Thần” mà Chúa Giêsu có lần đề cập (x.Mt 12,32).

Các vị mục tử trong giáo hội, các nhà truyền giáo và Kitô hữu chúng ta vẫn nhiệt thành loan báo Tin Mừng theo khả năng hoàn cảnh và ơn gọi của mình. Việc đôi khi cần phải rõ ràng dứt khoát tố cáo những người cố chấp từ chối chân lý và tình yêu thì dường như không thấy. Rất có thể vì chúng ta tôn trọng người nghe đồng thời phải tế nhị và lịch sự trong cung cách ứng xử. Tuy nhiên cũng cần phải tự kiểm điểm lấy bản thân. Phải chăng mình chưa tự tin lắm vào quyền năng của Thiên Chúa khi mà còn quá báo víu vào “cân đai, áo mão, mũ gậy” như lời Đức Phanxicô nói với Các Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ, Chủng sinh và Giáo lý viên trong chuyến thăm Slovakia ngày 13/9/2021 vừa qua: “Làm ơn, đừng để chúng ta bị cám dỗ bởi những mũ mãng cân đai và hùng vĩ của thế gian! Giáo hội phải khiêm nhường, giống như Chúa Giêsu, Đấng tự tước bỏ mọi sự và tự làm mình nghèo đi để làm cho chúng ta trở nên giàu có (x. 2Cr 8:9).

Quả thật chỉ khi biết sống nghèo khó, biết sống tự hủy thì chúng ta mới thực sự để cho tình yêu quyền năng của Thiên Chúa tỏ hiện cách rõ nét. Và rồi sẽ có lúc chúng ta biết can đảm bày tỏ “sự tố cáo” cách rõ ràng dứt khoát với những ai cố tình xuyên tạc chân lý, hủy diệt tình yêu và sự sống. Tình yêu Kitô giáo không chỉ thúc bách chúng ta dấn thân vì một nền hòa bình, một nền văn minh tình thương cho nhân loại mà còn đòi hỏi chúng ta phải mạnh mẽ tố cáo sự bất công, độc ác của những người, những hệ thống gieo rắc nền văn hóa sự chết (x.Học Thuyết Xã Hội Công Giáo số 5-6).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
7g tối 22/9: Hiệp thông cùng đền thánh Đức Mẹ Nữ Vương Ban Sự Bằng Yên cầu cho quê hương Việt Nam
Giáo Hội Năm Châu
14:19 21/09/2021
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các nhà thờ và các tổ chức tôn giáo của Ukraine xin cầu nguyện ba ngày để bảo tồn các giá trị truyền thống của gia đình
Đặng Tự Do
16:43 21/09/2021


Bức thư của các nhà lãnh đạo tôn giáo Ukraine nói rằng chính xác là trong trái tim của một gia đình, mà mọi người có tự do hay không. Gia đình là nơi mà trong những thời kỳ khó khăn nhất, dưới ách các chế độ chuyên chế và toàn trị, bản sắc dân tộc vẫn được bảo tồn.

“Trong thế giới đương đại, một gia đình với tư cách là một thể chế đang phải trải qua những cuộc tấn công to lớn của các ý thức hệ về giới tính thuộc loại độc tài – đó là những ý thức hệ làm suy yếu chính sự tồn tại của gia đình, giảm thiểu ý thức và giá trị của nó, đánh vào cốt lõi của việc tôn trọng phẩm giá con người và chính con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên. Những thách thức toàn cầu này ở Ukraine là một hình thức tấn công có hệ thống nhằm vào việc phá hủy các giá trị truyền thống và cội nguồn của đạo đức.

Tất cả chúng ta đều đã chứng kiến cách mà các giá trị gia đình được trân trọng trong nhiều thế kỷ đã dễ dàng bị đầu độc bởi các giọng điệu ma quỷ, bị phỉ báng đầy thành kiến, mà theo các nhà tư tưởng học mới này chúng ta phải loại bỏ. Ở các thành phố xung quanh Ukraine, các vụ khiêu khích công khai chống lại đạo đức xã hội ngày càng trở nên thường xuyên hơn, mà rất có thể là một phần của sự hủy hoại có hệ thống đối với sức khỏe đạo đức của quốc gia chúng ta”, tuyên bố viết.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo yêu cầu các tín hữu thận trọng dừng thực hiện bất kỳ hành động bạo lực nào trước những lời khiêu khích, và thúc giục họ là các công dân tuân thủ pháp luật ở một quốc gia tự do và cầu nguyện ủng hộ các giá trị gia đình trong ba ngày.


Source:UGCC
 
Những đặc điểm trổi bật của các Đức Thánh Cha! Thánh Giáo Hoàng John Paul II được nhiều người trông/nhìn thấy hơn bất kỳ ai trong lịch sử.
Thanh Quảng sdb
18:23 21/09/2021
Những đặc điểm trổi bật của các vị Đức Thánh Cha! Thánh Giáo Hoàng John Paul II được nhiều người trông/nhìn thấy hơn bất kỳ ai trong lịch sử.



Aleteia - Alessia Pierdomenico | Shutterstock

Đức Giáo Hoàng tại vị lâu thứ hai và là một trong những nhà lãnh đạo thế giới tông du nhiều nhất từ trước đến nay, thăm 129 quốc gia là Thánh giáo Hoàng John Paul II.

Những đặc điểm nổi bật của các vị Giáo hoàng:

- ĐTC Innocent XII là vị Giáo hoàng để râu cuối cùng,

- Đức Clement VIII là người đầu tiên uống thử cà phê,

- Đức Leo X là người đầu tiên (và cuối cùng) nuôi voi như là một thú tiêu khiển,

- Đức Pius XI là người đầu tiên sử dụng điện thoại di động (vào năm 1932),

- và Đức Thánh Cha Paul VI (được gọi là "Đức Thánh Cha Hành hương") là người đầu tiên đi tông du bằng máy bay, người đầu tiên ra khỏi Ý kể từ năm 1809, và là người đầu tiên đến thăm tất cả các châu lục.

- Nhưng Đức Thánh Cha John Paul II vẫn giữ kỷ lục là vị Giáo hoàng đã thực hiện nhiều chuyến tông du mục vụ hơn tất cả các vị tiền nhiệm cộng lại: ngài đã đi khoảng 721.052 dặm, tương đương với 31 chuyến vòng quanh thế giới. Do đó, Ngài đã được nhiều người nhìn thấy tận mắt hơn bất kỳ ai khác trong toàn bộ lịch sử nhân loại.

Ngài cũng là vị Giáo hoàng tại vị lâu thứ hai trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, chỉ sau Đức Piô IX, người đã trị vì 32 năm, từ 1846 đến 1878. Triều đại Đức Thánh Cha John Paul II bắt đầu vào năm 1978 và kết thúc bằng cái chết của Ngài vào năm 2005 - kéo dài 27 năm.

Nhữngca1i nổi bật của Ngài thì không ngòi bút nào có thể ghi lại hết. Ngài được Tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của năm 1994, và theo hãng nghiên cứu tổng hợp Gallup thì Ngài là người được ngưỡng mộ thứ tám trên thế giới. Ngài được cầu thủ bóng đá Anavid, ghi danh làm thành viên danh dự của các câu lạc bộ Túc cầu FC Barcelona, BV Borussia Dortmund, và Schalke - và cũng là một hội viên danh dự của câu lạc bộ Harlem Globetrotter!

Việc Thánh giáo hoàng John Paul II tông du để gặp gỡ các tín hữu đã tạo ra tiền lệ cho các vị Giáo hoàng tiếp nối cần thực hiện các chuyến tông du... Ngày nay, chúng ta quen thuộc với việc thấy các Đức Thánh Cha tông du khắp nơi trên thế giới, nhưng trong một thời gian dài nhiều thế kỷ việc thấy một Đức Thánh Cha đi tông du ra ngoài Rome là một điều đặc biệt.

Trong 500 năm đầu tiên của Kitô giáo, các Đức Thánh Cha chỉ rời khỏi Rome khi bị bắt buộc – như bắt đi lưu vong!... Trên thực tế, bị lưu đày là một thông lệ đã có ngay từ những ngày đầu sơ khai Giáo hội bị bắt hại... Như Đức Thánh Cha Clement I (vị Giáo hàong thứ tư, sau thánh Phêrô, Linus và Cletus) đã bị Trajan bắt đi lưu đày, và sau đó tử vì đạo, bị ném xuống Biển Đen vào năm 99... Đức Thánh Cha Pontianô (230-235) chết khi đang bị lưu đầy ở Sardinia. Đức Thánh Cha Cornelius (251-253) cũng qua đời sau một năm lưu đày ở Civitavecchia (chỉ cách Rome 80 cây số). Đức Thánh Cha Liberius (352-366) bị Constantius II đày đến Beroea… Lưu đày trong các trường hợp trên, dù có ra khỏi thành Roma nhưng không được coi là “tông du”.
 
Bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 mọi người cần có Thẻ xanh mới được vào Vatican
Thanh Quảng sdb
01:02 21/09/2021
Bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 mọi người cần có Thẻ xanh mới được vào Vatican

Vương quốc nhỏ bé Vatican vừa ban hành một sắc lệnh quy định như một phần nỗ lực hạn chế sự lây lan của Covid-19 tại Vatican.

(Tin Vatican)

Bắt đầu từ ngày 1 tháng 10, chỉ những ai có “Thẻ Xanh” ("Green Pass") của Vatican, hay thẻ “Xanh của Âu Châu” ("European Green Pass") hoặc “Thẻ Chích Ngừa Covid-19” mới được vào Vatican, hoặc những ai có thẻ COV-2, xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-COV-2.

Tất cả các biện pháp mới được đưa ra dưới hình thức một sắc lệnh từ văn phòng Quốc Vụ Khanh Vatican về Y tế Công cộng, được ban hành theo yêu cầu của ĐTC Phanxicô khi Ngài đề cập tới trong buổi triều yết ngày 7 tháng 9 vừa qua.

Đức Thánh Cha khẳng định sự cần thiết đảm bảo “sức khỏe và an sinh cho cộng đồng thì phải biết tôn trọng phẩm giá, quyền hạn và tự do cơ bản của mỗi người,” và yêu cầu Chính phủ “áp dụng mọi biện pháp thích hợp để ngăn chặn, kiểm soát và chống lại tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe. "

Việc kiểm soát này là trách nhiệm của Quân đội Hiến binh Vatican, áp dụng cho mọi công dân, cư dân của Vatican, các nhân viên phục vụ trong Vương quốc Vatican, cũng như các cơ quan của Giáo triều La Mã và tất cả du khách viếng thăm."

Một ngoại lệ sẽ được cứu xét và cấp giấy miễn trừ cho một số người tham dự việc cử hành phụng vụ, chỉ "trong thời gian cử hành nghi lễ," nhưng phải giữ các quy định về sức khỏe mà sở Y tế đòi buộc như giãn cách và tuân theo các tiêu chuẩn y tế cụ thể.
 
Cặp song sinh giống hệt nhau kỷ niệm 70 năm là nữ tu Phanxicô
Đặng Tự Do
06:25 21/09/2021


Sơ Mary Clare Bernet sinh ngày 6 tháng 6 năm 1930, chỉ 15 phút trước khi em gái của sơ, là Sơ Mary Robert Bernet, chào đời. Sau đó, ở những năm cuối tuổi thiếu niên, một lần nữa, người chị đi trên con đường mà người em sẽ đi theo.

Năm 1949, Sơ Mary Clare quyết định rời trường trung học để gia nhập dòng các Nữ tu Thánh Phanxicô của Cộng đồng Neumann - một cộng đoàn mà phần lớn các cô gái trong Trại mồ côi Mount Loretto trên Đảo Staten đã quen thuộc khi lớn lên. Sau một năm, em sơ cũng tham gia, và hai người phụ nữ bắt đầu một ơn gọi tu trì 70 năm, trong đó họ giảng dạy ở nhiều trường khác nhau trong gần 60 năm - ở New York, New Jersey và Connecticut.

Sơ Mary Robert sẽ chính thức đạt cột mốc 70 năm đời tu của mình vào tháng Giêng năm 2021, nhưng một thánh lễ đã được cử hành để vinh danh hai chị em sinh đôi bởi Đức Cha Phụ tá Peter Byrne, với chín linh mục đồng tế trong lễ kỷ niệm. Sau thánh lễ tưng bừng ngày hai chị em được chiêu đãi bữa trưa với 150 khách.

Hai chị em hiện sống trong một tu viện của Dòng Phanxicô của Thánh Tâm Chúa ở Peekskill, sau khi hoàn thành sự nghiệp giảng dạy vào năm 2011. Trong một tuyên bố chung, cặp song sinh giải thích rằng họ “sẽ không đánh đổi ơn gọi của mình để lấy bất cứ thứ gì.”

Trong một cuộc phỏng vấn với Catholic New York, Sơ Mary Clare tiếp tục chia sẻ rằng “Chúng tôi rất vui vì cả hai đều được Chúa gọi”. Nữ tu Mary Anne Maceda, cư dân trong tu viện cũng giải thích: “Họ yêu Chúa, yêu Chúa Giêsu, và họ muốn chia sẻ điều đó trong các thánh chức của mình”.
Source:Aleteia
 
Đức Hồng Y Phi Luật Tân, 130 nữ tu, nhân viên tu viện có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19
Đặng Tự Do
06:25 21/09/2021


Đức Hồng Y Jose Advincula của Manila đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, hai ngày sau khi một cộng đoàn nữ tu ở thủ đô Phi Luật Tân thông báo rằng 62 nữ tu của họ cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu, ngày 17 tháng 9, Tổng giáo phận Manila cho biết ngoài bị “sốt nhẹ”, Đức Tổng Giám Mục “không cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào khác”.

“Ngài đang ở trong tình trạng cách ly, tuân theo các quy trình nghiêm ngặt. Các bác sĩ cũng đang theo dõi tình trạng của ngài.”

Trước đó, Dòng các nữ tu của Đức Trinh nữ Maria cho biết 62 nữ tu và ít nhất 50 nhân viên của họ - những người chăm sóc, trợ lý y tế và lái xe - cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với căn bệnh này.

Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 15 tháng 9, cộng đoàn cho biết các ca nhiễm trùng đã được xác nhận sau khi các nữ tu được kiểm tra vào ngày 10 tháng 9.

Tu viện cho biết, kể từ ngày 14 tháng 9, toàn bộ tu viện ở thành phố Quezon “đã bị khóa” và đang “hoàn toàn hợp tác” với các quan chức y tế.

Một dòng tu khác của các nữ tu, dòng các nữ tu của Chúa Thánh Linh, cũng báo cáo 22 trường hợp COVID và một trường hợp tử vong. Một tu viện của dòng cũng nằm ở thủ đô Manila ghi nhận 13 nữ tu và chín nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID; nhà dòng nói rằng một trong số các nữ tu đã chết vì căn bệnh này.

Một tuyên bố của Đơn vị Giám sát Dịch tễ và Dịch bệnh của thành phố cho biết họ đã bắt đầu điều tra xem các nữ tu đã bị nhiễm bệnh như thế nào.

Theo các quan chức y tế, các nữ tu vẫn đang chờ được tiêm, mặc dù tất cả các nhân viên đều đã được tiêm phòng đầy đủ.

Hai nữ tu cho biết đợt bùng phát có thể do một người không có triệu chứng đến thăm một trong những nữ tu lớn tuổi của người ấy.

“Chúng tôi hiếm khi rời khỏi tu viện. Nhưng theo thời gian, chúng tôi cho phép những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ đến thăm, đặc biệt nếu họ là thành viên trong gia đình của các nữ tu chúng tôi.”

Phi Luật Tân hôm thứ Sáu báo cáo có 20,336 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, với hơn 300 trường hợp tử vong - cao nhất trong gần một tháng.

Tổng số ca nhiễm COVID-19 của cả nước là 2,324,475, với các ca nhiễm đang phải điều trị là 188,108, tương đương 8.1% tổng số trường hợp nhiễm bệnh.
Source:Catholic News Agency
 
Người bảo vệ quyền của bộ lạc Mindanao trở thành luật sư thứ 58 bị sát hại dưới thời Duterte
Đặng Tự Do
06:26 21/09/2021


Một luật sư khác bảo vệ quyền của các dân tộc bộ lạc đã bị giết ở Mindanao.

Juan Macababbad, phó chủ tịch của Liên minh Luật sư Nhân dân ở Mindanao, gọi tắt là UPLM, đã bị bắn chết ngay trước nhà của mình ở Surallah, quận Nam Cotabato.

Ông trở thành luật sư thứ 58 bị giết kể từ khi Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Phi Luật Tân vào năm 2016.

UPLM đã đổ lỗi cho điều mà họ gọi là “văn hóa tràn lan của sự trừng phạt, thiếu các cuộc điều tra và truy tố nghiêm túc” của hàng nghìn vụ giết người ngoài vòng pháp luật trong nước vì những vụ sát hại các luật sư này.

Chủ tịch UPLM Antonio Azarcon cho biết: “Các đồng nghiệp của chúng tôi đã trở thành mục tiêu chính, đặc biệt là những người chống lại chế độ chuyên chế và bảo vệ nhân quyền.

Luật sư vừa bị sát hại đã đại diện cho các nạn nhân của vụ thảm sát ở Hồ Sebu vào tháng 12 năm 2018, ở cùng một quận ở Nam Cotabato.

Tám người dân tộc T'boli và Manobo đã thiệt mạng trong một chiến dịch “chống khủng bố” tại một khu vực mà các bộ lạc địa phương đã chiến đấu trong nhiều thập kỷ để bảo vệ vùng đất của tổ tiên họ bị đe dọa bởi việc mở rộng đồn điền và khai thác cà phê.

Trong báo cáo mới nhất về các nhà bảo vệ môi trường bị giết hại trên thế giới, Global Witness, một tổ chức phi chính phủ quốc tế, đã lên tiếng báo động về tình hình ở Phi Luật Tân.

Với 29 người bị giết vì bảo vệ quyền lợi của cộng đồng địa phương trên các vùng đất của họ bằng nhiều cách khác nhau, Phi Luật Tân xếp thứ ba trên thế giới vào năm 2020 về kiểu giết người này ở châu Á.

Cách đây vài tháng, chính quyền Duterte đã dỡ bỏ lệnh cấm mở các mỏ mới ở Phi Luật Tân.
Source:Asia News
 
Cây muốn lặng, gió chẳng đừng, độc tài Belarus chế nhạo Giáo hội
Đặng Tự Do
06:26 21/09/2021


Chính phủ độc tài của Belarus đã khiển trách một tờ báo chính thức vì đã đánh đồng các giáo sĩ Công Giáo với Đức Quốc xã trong một bức tranh biếm họa, đồng thời cảnh báo các nhà lãnh đạo của Giáo hội không được vi phạm luật cấm các cuộc biểu tình của chính phủ.

“Hình ảnh trên trang nhất của tờ báo, biếm họa các linh mục, không phản ánh quan điểm chính thức của nhà nước đối với Giáo Hội Công Giáo Rôma”, Ủy viên Tôn giáo và Dân tộc của chính phủ, Alexander Rumak, cho biết trong một bức thư gửi Đức Cha Aleh Butkevich Giám Mục Vitebsk, là chủ tịch Hội Đồng Giám MụcBelarus.

Bức thư nói thêm rằng “Nhưng chúng tôi cũng hy vọng các linh mục Công Giáo sẽ luôn được hướng dẫn bởi luật pháp hiện hành của chúng ta, góp phần tiếp tục hợp tác một cách xây dựng giữa nhà nước và Giáo Hội Công Giáo ở Belarus”.

Bức thư được công bố sau một văn bản phản đối của Hội đồng Giám mục, và một kháng thư bày tỏ quan ngại của Sứ Thần Tòa Thánh người Croatia, là Đức Tổng Giám Mục Ante Jozic, tại cuộc họp tuần trước với Bộ trưởng Ngoại giao Belarus, Vladimir Makei.

Tuy nhiên, nhật báo Minskaya Prauda, trực thuộc chính quyền khu vực thủ đô Belarus, đã bảo vệ bức tranh biếm họa của họ trong đó mô tả bốn linh mục với thánh giá trên ngực bị biến thành các hình chữ thập Đức Quốc Xã, đứng trước một biểu tượng có tính chất chế diễu mô tả các giáo sĩ Công Giáo tử vì đạo khi quân Đức chiếm đóng tại Rosica năm 1943.

Tờ báo cáo buộc rằng một số linh mục đã cho phép cờ đỏ-trắng bị cấm của Belarus được trưng bày trong nhà thờ của các ngài, và đã cho phép hát một bài ca yêu nước, “Magutny Bozha” (Chúa toàn năng). Hồi tháng 7, Tổng thống Alexander Lukashenko đã chỉ trích bài hàt này không lâu trước một cuộc đột kích của cảnh sát vào nhà thờ chính tòa Minsk.

Giáo Hội Công Giáo, chiếm khoảng 15% dân số Belarus với 9.4 triệu người, đã lên án sự đàn áp của chế độ sau cuộc bầu cử hồi tháng 8 năm 2020 của Tổng thống Lukashenko sau 26 năm cầm quyền
Source:The Tablet
 
Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các tu sĩ Dòng Tên người Slovakia: Nhiều người muốn ngài qua đời.
Đặng Tự Do
16:41 21/09/2021


Hôm thứ Ba 21 tháng 9, tạp chí Dòng Tên La Civiltà Cattolica, nghĩa là Văn Minh Công Giáo, đã công bố cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha với các tu sĩ Dòng Tên người Slovakia.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, đã tóm tắt lại một vài điểm chính. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các tu sĩ Dòng Tên người Slovakia: 'Một số người muốn tôi chết' trong bối cảnh sức khỏe có vấn đề

Trong một cuộc gặp riêng với các tu sĩ Dòng Tên ở Slovakia vào ngày 12 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng có những người muốn ngài chết sau khi ngài trải qua cuộc phẫu thuật đại tràng vào đầu tháng Bảy.

Trong cuộc gặp gỡ, một linh mục Dòng Tên đã hỏi Đức Giáo Hoàng rằng tình trạng sức khoẻ của ngài hiện nay ra sao, ngài trả lời: “Vẫn còn sống, mặc dù một số người muốn tôi chết”.

“Tôi biết thậm chí có những cuộc họp giữa các giám mục cho rằng tình trạng của Đức Giáo Hoàng nghiêm trọng hơn các tuyên bố chính thức. Họ đang chuẩn bị cho Cơ Mật Viện. Hãy kiên nhẫn đi! Tạ ơn Chúa, tôi vẫn không sao”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời các câu hỏi của các tu sĩ Dòng Tên tại một cuộc họp riêng ở thủ đô Bratislava của Slovakia, trong chuyến thăm quốc gia này từ ngày 12 đến 15 tháng 9.

Đây là chuyến tông du đầu tiên của ngài kể từ khi nhập viện vào ngày 4 tháng 7 để làm giảm chứng hẹp ruột kết vì viêm chi nang. Ca phẫu thuật kéo dài ba giờ bao gồm việc cắt bỏ khối u bên trái, tức là cắt bỏ một bên đại tràng.

Sau cuộc phẫu thuật, những tin đồn thất thiệt bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội và trong các bài đăng trực tuyến theo đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể sớm từ chức, một phần dựa trên những tuyên bố không có cơ sở khác rằng có thể Đức Giáo Hoàng đang mắc những căn bệnh “thoái hóa” và “mãn tính”.

Văn bản về cuộc gặp riêng ngày 12 tháng 9 giữa Đức Giáo Hoàng với các tu sĩ Dòng Tên ở Slovakia đã được tạp chí Dòng Tên La Civiltà Cattolica, nghĩa là Văn Minh Công Giáo, xuất bản vào ngày 21 tháng 9.

Trong cuộc gặp gỡ, một linh mục đã nói với Đức Giáo Hoàng Phanxicô về căng thẳng trong Giáo Hội Công Giáo ở Slovakia. Vị linh mục nói rằng một số người coi Đức Phanxicô là “dị giáo”, trong khi những người khác “lý tưởng hóa ngài”.

“Các tu sĩ Dòng Tên chúng tôi cố gắng vượt qua sự chia rẽ này”, vị linh mục nói và hỏi: “Làm thế nào Đức Thánh Cha đối phó với những người nhìn ngài với vẻ nghi ngờ?”

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng “có một kênh truyền hình Công Giáo lớn đã không ngần ngại nói xấu Đức Giáo Hoàng”.

“Cá nhân tôi xứng đáng bị tấn công và lăng mạ bởi vì tôi là một người tội lỗi, nhưng Giáo hội không đáng bị như thế. Chúng là tác phẩm của ma quỷ.”

Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng cũng có những giáo sĩ đã đưa ra “những nhận xét khó chịu về tôi”.

“Tôi đôi khi mất kiên nhẫn, đặc biệt là khi họ đưa ra những phán xét mà không đi vào cuộc đối thoại thực sự. Tôi không thể làm bất cứ điều gì ở đó. Tuy nhiên, tôi tiếp tục mà không bước vào thế giới những ý tưởng và những sự tưởng tượng của họ. Tôi không muốn nhập vào đó và đó là lý do tại sao tôi thích giảng hơn, cứ tiếp tục giảng.”

“Một số người buộc tội tôi không nói về sự thánh thiện. Họ nói rằng tôi luôn nói về các vấn đề xã hội và rằng tôi là một người cộng sản. Tuy nhiên, tôi đã viết toàn bộ một tông huấn về sự thánh thiện, Gaudete et exsultate – Vui mừng và hân hoan”.

Đức Giáo Hoàng sau đó đề cập đến những hạn chế gần đây của ngài đối với việc cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống, được thực hiện trong Tự Sắc Traditionis Custodes ngày 16 tháng 7.

“Bây giờ tôi hy vọng rằng với quyết định ngăn chặn khả năng tự động cử hành các nghi thức cổ xưa chúng ta có thể trở lại với ý định thực sự của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Đức Gioan Phaolô II. Kể từ bây giờ, những ai muốn cử hành theo nghi thức Vetus Ordo [Thánh lễ Latinh truyền thống] phải xin phép Rôma như được thực hiện với trường hợp lưỡng nghi”.

Lưỡng nghi, tiếng Anh là Biritualism, là đặc quyền tạm thời hoặc vĩnh viễn của một linh mục cho phép ngài cử hành phụng vụ và ban phát các bí tích trong cả Nghi thức Latinh và một trong các nghi thức Đông phương.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết có các báo cáo rằng một số linh mục trẻ đã xin phép Đức Giám Mục của họ để dâng Thánh lễ Latinh Truyền thống một tháng sau khi được thụ phong, và mô tả đó là “một hiện tượng cho thấy chúng ta đang đi lùi lại”.

Trong một phần trước của cuộc họp, Đức Phanxicô đã than thở về một “tư tưởng đi lùi lại”, mà ngài nói không phải là một vấn đề phổ biến trong Giáo hội, nhưng đã ảnh hưởng đến một số quốc gia.

“Sự cám dỗ để đi lùi lại. Chúng ta đang phải chịu ngày hôm nay trong Giáo Hội.”

Đức Phanxicô kể lại một giai thoại được một vị Hồng Y kể lại cho ngài nghe về hai linh mục mới thụ phong của ngài đã xin phép học tiếng Latinh để có thể cử hành thánh lễ cho tốt đẹp.

Theo Đức Giáo Hoàng, vị Hồng Y đã trả lời “với một khiếu hài hước”. Ngài nói với các linh mục: “Nhưng có rất nhiều người gốc Tây Ban Nha trong giáo phận! Hãy học tiếng Tây Ban Nha để có thể thuyết giảng. Sau đó, khi các cha đã học tiếng Tây Ban Nha, hãy quay lại với tôi và tôi sẽ cho các cha biết có bao nhiêu người Việt Nam trong giáo phận, và tôi sẽ yêu cầu các cha học tiếng Việt. Sau đó, khi các cha đã học được tiếng Việt, tôi sẽ cho phép các cha học tiếng Latinh.”

Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng vị Hồng Y đã làm cho các linh mục “đáp xuống”, ngài đã khiến các vị trở lại trái đất.

“Tôi tiếp tục tiến bước, không phải vì tôi muốn bắt đầu một cuộc cách mạng. Tôi làm những gì tôi cảm thấy phải làm. Cần rất nhiều kiên nhẫn, cầu nguyện và rất nhiều lòng bác ái”.
Source:Catholic News Agency
 
Bà cụ hút thuốc làm cháy viện dưỡng lão Công Giáo
Đặng Tự Do
16:42 21/09/2021


Bản tin ngày 16 tháng 9 của Sở Cứu Hoả Baltimore cho biết một người phụ nữ 65 tuổi được báo cáo đã sống sót sau những vết thương nghiêm trọng trong vụ hỏa hoạn xảy ra vào ngày 15 tháng 9 tại viện dưỡng lão Thánh Luca. Đó là một cộng đồng nhà ở cao cấp do Tổ chức từ thiện Công Giáo của tổng giáo phận Baltimore điều hành.

Ba bệnh nhân khác bị thương không nguy hiểm đến tính mạng trong vụ hỏa hoạn tại khu nhà 2800 của Lodge Farm. Cư dân từ chín căn hộ đã được di dời.

Các nhà điều tra phòng cháy chữa cháy của Cảnh sát Baltimore đã xác định rằng vụ cháy là do tình cờ.

“Đám cháy bắt đầu khi nạn nhân - một bệnh nhân bị chấn thương nghiêm trọng - đang hút thuốc trên ghế sofa trong khi sử dụng bình dưỡng khí. Một ngọn lửa bùng cháy và theo đường ống oxy, thiêu rụi bệnh nhân và làm cháy chiếc ghế dài nơi bà đang ngồi”.

Cha Gregory Rapisarda, Cha phó giáo xứ Đức Mẹ Là Lẽ Cậy Trông ở Dundalk và Thánh Luca ở Edgemere, đã đến thăm bệnh nhân bị thương nặng tại Trung tâm Y tế Johns Hopkins Bayview, nơi ngài là tuyên úy. Cuối ngày hôm đó, ngài cử hành một buổi lễ cầu nguyện cho cư dân trong bãi đậu xe của viện dưỡng lão Thánh Luca. Khoảng 20 người đã có mặt.

Chuông báo cháy vang lên lúc 10h25, đám cháy được dập tắt ngay lập tức bằng hệ thống phun nước. Vào ngày xảy ra hỏa hoạn, Cha Ross Conklin, Cha Sở giáo xứ Đức Mẹ Là Lẽ Cậy Trông ở Dundalk và giáo xứ Thánh Luca, được bước vào phòng đa năng tại viện dưỡng lão để cử hành thánh lễ 11 giờ sáng thì bất thình lình ngài thấy nước xịt mạnh xuống từ trần nhà.

Sau khi đám cháy xảy ra, toàn bộ cư dân trong các tòa nhà đã được sơ tán, khoảng 100 người. Họ được đưa đến Hosanna House, một cơ sở bác ái Công Giáo phục vụ phụ nữ vô gia cư, để giữ họ an toàn và tránh xa cái nóng trong một ngày nắng gắt.


Source:Catholic News Agency
 
13 đặc điểm nổi bật về Đức Thánh Cha Phanxicô
Thanh Quảng sdb
19:43 21/09/2021
13 đặc điểm nổi bật về Đức Đức Thánh Cha Phanxicô



ĐTC Phanxicô là một vị Giáo hoàng có một trái tim rộng lớn - nhưng Ngài chỉ có một nửa lá phổi. Đây là 13 điểm nổi bật về ngài:

1. Đức Thánh Cha là người Mỹ Latinh đầu tiên trở thành Vị thủ lĩnh của Giáo Hội La Mã.

Đức Thánh Cha Phanxicô, có tên là Jorge Mario Bergoglio, đến từ Buenos Aires, Argentina, trong khi hầu hết các vị Giáo hoàng khác trong lịch sử đều là người châu Âu (đặc biệt có khoảng 200 vị là người Ý). Đức Thánh Cha là vị thứ 266 cũng là người đầu tiên của Dòng Tên.

2. Đức Phanxicô có kiến thức chuyên về hóa học.

Trước khi vào Dòng Tên ở Villa Devoto, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tốt đại học kỹ thuật, chuyên về hóa học.

3. Đức Phanxicô đã từng dạy Văn học và Tâm lý học.

Từ năm 1964 đến năm 1965, Đức Thánh Cha dạy Văn học và Tâm lý học tại Trường Cao đẳng Immaculate Conception ở Santa Fé, và sau đó một năm, ngài dạy các môn tương tự tại Trường Salvatore ở Buenos Aires. Nhưng Đức Thánh Cha đã không dừng lại ở đó. Năm 1986, Đức Thánh Cha đã lấy bằng tiến sĩ thần học tại Freiburg, Đức.

4. Gần đắc cử Giáo hoàng

Ngài gần đắc cử Giáo hoàng vào năm 2005. Sau khi Đức Thánh Cha John Paul II qua đời, ĐHY Jorge Bergoglio đã nhận được nhiều phiếu bầu thứ hai trong mật nghị Hồng Y. Nhưng Đức Thánh Cha Benedict XVI (hay còn gọi là Joseph Ratzinger) là người đắc cử

5. Đức Phanxicô hay đi ra ngoài Vatican.

BBC Rome đưa tin Đức Thánh Cha đã đi ra khỏi Vatican vào buổi sáng sau đắc cử - Ngài đi bách bộ - đến cầu nguyện trong một Vương cung thánh đường ở Roma.

6. Đức Phanxicô không cư ngụ trong dinh thự dành riêng cho các vị giáo hoàng

Ngài chọn ở nhà trọ Santa Martha cùng các nhân viên trong Vatican.

Trong khi các Đức Thánh Cha thường cư trú trong các dinh thự (như truyền thống đã kéo dài cả thế kỷ), thì Đức Thánh Cha Phanxicô lại chọn một căn hộ đơn sơ gồm hai phòng làm việc và phòng ngủ.

7. Đức Phanxicô thích tự chụp ảnh.

Đức Thánh Cha Phanxicô thường mỉm cười bên cạnh những cánh tay giơ cao của những người hâm mộ - để được dân chúng tự chụp các tấm hình qua điện thoại.

8. Chuyến tông du quốc tế đầu tiên của Đức Thánh Cha là tham dự Đại hội Giới trẻ Quốc tế tại Brazil.

Vào tháng 7 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tông du đến Brazil - và mọi người bắt đầu chú ý thấy đặc điểm mà nhiều người gọi là "cách tiếp cận mới" đối với chức vụ chủ chăn (ví dụ, trong khi Đức Phanxicô chú ý tới sự nghèo đói như là trọng tâm mục vụ của ngài, thì ngài cũng đã gây ngạc nhiên cho nhiều người thấy ngài để ý tới môi trường, cộng đồng người đồng tính và quyền bình đẵng của phụ nữ).

9. Ngài là vị Giáo hoàng đã từng được đưa lên những trang bìa báo như “một tài tử” "Rolling Stone".

Như trên một trang báo vào tháng 1 năm 2014 với tiêu đề "Đức Thánh Cha Phanxicô: Thời đại mới."

10. Đức Phanxicô đã có những trang mạng như một danh ca (pop-rock).

Đức Phanxicô thậm chí còn thích nhạc bình dân Rolling Stone hơn chúng ta nghĩ! Ngài có một Album - có tên là “Hãy trỗi Dậy” Wake Up! - được phát hành vào tháng 11, trong đó có nhiều bài hát thánh ca mà Đức Thánh Cha yêu thích…

11. Đức Phanxicô không thích chiếc xe dành cho ĐTC (Popemobile) một loại chống đạn.

Những chiếc Popemobiles truyền thống chống đạn - theo CNN, thì Đức Thánh Cha Phanxicô gọi nó là "lon cá mòi", và nói rằng ngài muốn gần gũi với dân chúng. Khi tông du, ĐTC thích dùng các phương tiện bình dân như dùng xe Fiat, xe Jeep Wranglers.

12. Đức Phanxicô chỉ có một lá phổi.

Khi còn là một thanh niên, Đức Thánh Cha đã bị nhiễm trùng phổi nặng, và đã phải phẫu thuật cắt bỏ đi một lá phổi - một thủ thuật mà ngày nay có thể cứu được, nhờ vào những tiến bộ của thuốc kháng sinh.

13. Đức Thánh Cha được bàu chọn là "Nhân vật của năm".

Ngài cười đơn thành như trẻ thơ, hay dừng lại để ban phép lành cho trẻ em trong các buổi lễ, thăm hỏi bệnh nhân và ủng hộ những người kém may mắn lành nên Đức Thánh Cha được gọi là "Vị Giáo Hoàng của quần chúng".
 
Dư vị chuyến đi Hungary và Slovakia của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
22:57 21/09/2021

Khác với các chuyến tông du trước đây, dư vị chuyến tông du Hunagry và Slovakia của Đức Phanxicô có khi lại nổi bật hơn cả chính vị. Trước nhất là câu trả lời của ngài trên chuyến bay từ Sovakia trở lại Vatican về phá thai và việc rước lễ của các chính trị gia phò phá thai và nay, các tin tức liên quan đến cuộc gặp gỡ các tu sĩ dòng Tên tại Slovakia mà mãi một tuần sau khi ngài đã bỏ đó mới cho công bố. Cả hai đều tạo ra rất nhiều chú ý của công luận Công Giáo.

Về việc phá thai và việc rước lễ của các chính trị gia phò phá thai, chúng tôi đã có 2 bài trên VietCatholicNews cùng ngày 16 tháng 9. Nay xin duyệt lại biến cố diễn ra tại trụ sở các cha Dòng Tên ở Bratislava, Thủ đô Slovakia.



Hệ thống EWNT là việc làm của ma qủy

Về biến cố trên, Catholic World News chạy hàng tít khá giật gân: “Đức Giáo Hoàng miệt thị EWNT là ‘việc làm của ma qủy’” (Pope rips EWTN ‘work of the devil’) chỉ vì trong dịp này, Đức Phanxicô tâm sự rằng “một kênh truyền hình lớn Công Giáo không ngần ngại liên tục nói xấu Đức Giáo Hoàng”.

Catholic World News quả quyết rằng tuy Đức Phanxicô không nêu đích danh EWNT nhưng “rõ ràng ám chỉ” hệ thống này. Đức Phanxicô nói tiếp: “Đích thân tôi xứng đáng bị tấn công và xỉ nhục vì tôi là kẻ có tội, nhưng Giáo Hội không đáng bị như thế”.

Theo Catholic World News , Đức Phanxicô đã bày tỏ sự không hài lòng của ngài với một số đại diện của EWNT.

Cũng trong buổi tiếp xúc này, Đức Phanxicô cũng bày tỏ việc ngài mất kiên nhẫn đối với một số linh mục cứ “đưa ra những nhận định xấu xa về tôi” cho rằng “họ phán xét mà không chịu đi vào cuộc đối thoại đích thực”.

Rõ ràng liên kết các phê phán trên với việc ủng hộ phụng vụ cũ, Đức Phanxicô nói tới “quyết định ngưng tính tự động của nghi lễ cũ”. Ngài nói khi các linh mục trẻ xin phép cử hành Thánh lễ kiểu cũ, thì đó là “một hiện tượng cho thấy chúng ta đang đi lùi”.

Tự do khiến chúng ta sợ

Tờ Civilata Cattolica, tờ báo chủ lực của Dòng Tên Ý, và là tờ cho đăng lại trọn các câu hỏi của cử tọa và câu trả lời của Đức Giáo Hoàng trong dịp trên, cho chạy hàng tít “Tự do khiến chúng ta sợ”: cuộc đàm đạo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các tu sĩ Dòng Tên Slovakia.

Phải nói rằng cuộc gặp gỡ này giúp Đức Phanxicô hết sức thư giãn giữa khung cảnh mỏi mệt của cuộc tông du. Ngay lúc xuất hiện, ngài đã nói đùa “tôi không ngờ có nhiều tu sĩ Dòng Tên đến thế này [53 vị] ở Slovakia. ‘Bệnh dịch’ quả lan tràn khắp nơi!”. Cả cử tọa phá lên cười. Và ngài mời “Nào, tôi đợi câu hỏi của anh em. Hãy đá vào thủ môn. Đá!”

Câu hỏi đầu tiên: Đức Thánh Cha khỏe không?

Ngài trà lời “vẫn còn sống, dù một số người muốn tôi chết. Tôi biết thậm chí có cả những phiên họp giữa các giáo phẩm nghĩ rằng tình trạng của Đức Giáo Hoàng tệ hơn là phiên bản chính thức. Họ chuẩn bị cả một mật nghị bầu Giáo Hoàng nữa. Xin kiên nhẫn! Tạ ơn Chúa, tôi không sao. Chịu giải phẫu là quyết định tôi không muốn làm. Chính một ý tá đã thuyết phục tôi. Các y tá đôi khi hiểu tình hình hơn các bác sĩ vì họ trực tiếp tiếp xúc với các bện nhân”.

Câu hỏi thứ hai của 1 tu sĩ từng làm việc tại đài phát thanh Vatican 15 năm: nên nằm lòng điều gì trong công tác mục vụ ở Slovakia.

Trả lời: "Một chữ luôn xuất hiện trong tâm trí tôi là ‘gần gũi’.

Trước nhất, gần gũi Thiên Chúa: Đừng bỏ việc cầu nguyện! Cầu nguyện đích thực, cầu nguyện tận đáy lòng, không phải cầu nguyện hình thức chẳng đánh động gì cõi lòng. Cầu nguyện một cách phải đấu tranh với Chúa, cảm thấy như ở sa mạc nơi anh em chẳng cảm thấy chi. Gần gũi với Thiên Chúa Đấng luôn chờ đợi ta. Chúng ta có thể bị cám dỗ muốn nói rằng: tôi không thể cầu nguyện vì tôi bận bịu lắm. Nhưng Thiên Chúa cũng bận bịu vậy. Người bận bịu để ở gần anh em, chờ đợi anh em.

Thứ hai, gần gũi nhau, yêu thương anh em mình: tình yêu khắc khổ của tu sĩ Dòng Tên, một tình yêu tươi đẹp, đầy bác ái nhưng cũng khắc khổ: yêu người. Tôi rất đau lòng khi các tu sĩ Dòng Tên hay các linh mục khác đối xử tệ với nhau. Đó là một trở ngại; nó không giúp chúng ta tiến tới. Nhưng các vấn đề này vốn có ở đó ngay từ đầu. Hãy nghĩ, chẳng hạn, tới sự kiên nhẫn của Thánh Inhaxiô tỏ cho Simon Rodriguez. Làm một cộng đoàn đâu có dễ, nhưng sự gần gũi giữa anh em là điều thực sự quan trọng.

Thứ ba: gần gũi với giám mục. Đúng là có những giám mục không muốn chúng ta; đó là sự thật, đúng thế. Nhưng đừng có tu sĩ Dòng Tên nào nói xấu một giám mục! Nếu một tu sĩ Dòng Tên nghĩ khác với giám mục và có can đảm, thì hãy để tu sĩ này đến gặp giám mục và nói cho ngài hay mình đang nghĩ gì. Và khi tôi nói giám mục, tôi cũng muốn nói đến giáo hoàng.

Thứ tư: gần gũi với dân Chúa. Anh em phải như Đức Phaolô VI đã nói với chúng ta ngày 3 tháng 12 năm 1974: bất cứ nơi nào có ngã tư, bất cứ nơi nào có ý tưởng, các tu sĩ Dòng Tên đều có mặt. Hãy đọc kỹ và suy gẫm bài phát biểu đó của Đức Phaolô VI trước Tổng Công nghị thứ ba mươi hai: đó là điều tốt đẹp nhất mà một vị giáo hoàng từng nói với các tu sĩ Dòng Tên. Đúng là nếu chúng ta là những người thực sự đi tới các ngã tư và biên giới, chúng ta sẽ tạo ra nhiều vấn đề. Nhưng điều sẽ cứu chúng ta khỏi rơi vào những ý thức hệ ngu xuẩn là sự gần gũi với dân Chúa. Điều này giúp chúng ta tiến về phía trước với một trái tim rộng mở. Tất nhiên, có thể một số anh em trở nên hứng khởi quá và sau đó cha giám tỉnh đến ngăn anh em và nói với anh em: “Không, cách này không hiệu quả”. Và sau đó anh em phải tiến tới với tâm thức sẵn sàng vâng lời. Sự gần gũi với dân Chúa rất quan trọng vì nó “tạo vị trí” cho chúng ta. Đừng bao giờ quên chúng ta được kéo ra từ đâu, chúng ta phát xuất từ đâu: từ người dân của chúng ta. Nếu chúng ta tách mình ra và hướng tới một tính phổ quát mây gió, thì chúng ta sẽ đánh mất gốc rễ của mình. Gốc rễ của chúng ta là ở trong Giáo hội, tức là dân Chúa.

Vì vậy, ở đây tôi yêu cầu anh em gần gũi theo bốn cách: gần gũi với Thiên Chúa, gần gũi với chính anh em, gần gũi với các giám mục và Đức Giáo Hoàng, và gần gũi với dân Thiên Chúa, đó là điều quan trọng nhất".

Câu hỏi thứ ba của một linh mục chỉ kém Đức Giáo Hoàng 2 tuổi và từng lớn lên dưới chế độ cộng sản về việc nên quan niệm thế nào về Giáo Hội.

Trả lời: "Cha đã nói một điều rất quan trọng, nhận diện sự đau khổ của Giáo hội vào lúc này: cơn cám dỗ muốn đi lùi. Ngày nay chúng ta đang phải chịu điều này trong Giáo hội: ý thức hệ giật lùi. Đó là một ý thức hệ thực dân hóa tâm trí. Nó là một hình thức thực dân hóa ý thức hệ. Nó không thực sự là một vấn đề phổ biến, mà đúng hơn là một vấn đề cụ thể đối với các giáo hội của một số quốc gia nào đó. Cuộc sống khiến chúng ta sợ hãi. Tôi xin lặp lại điều tôi đã nói với nhóm đại kết mà tôi đã gặp ở đây trước anh em: tự do khiến chúng ta sợ hãi. Trong một thế giới bị điều kiện hóa bởi những cơn ghiền và trải nghiệm ảo, điều đó khiến chúng ta sợ hãi khi được tự do. Trong cuộc gặp gỡ trước, tôi đã lấy Quan Tòa Dị Giáo Vĩ Đại của Dostoevsky làm thí dụ. Ông ta thấy Chúa Giêsu và nói với Người: “Tại sao Ngài cho chúng tôi tự do? Nó nguy hiểm!" Quan Tòa Dị Giáo trách móc Chúa Giêsu đã cho chúng ta tự do: một chút bánh mì là đủ rồi và không cần gì hơn.

Đó là lý do tại sao ngày nay chúng ta ưa nhìn lại quá khứ: để tìm kiếm sự an toàn. Chúng ta sợ hãi khi ăn mừng trước dân Chúa, những người nhìn thẳng vào mặt chúng ta và nói cho chúng ta biết sự thật. Nó khiến chúng ta sợ hãi khi phải tiến lên trong các kinh nghiệm mục vụ. Tôi nghĩ đến công việc đã được thực hiện - Cha Spadaro đã có mặt - tại Thượng Hội đồng về Gia đình để làm cho người ta hiểu rằng các cặp vợ chồng trong các cuộc kết hợp thứ hai chưa bị kết án xuống hỏa ngục. Nó làm chúng ta sợ hãi khi đồng hành với những người có tính đa dạng về tình dục. Chúng ta sợ các ngã tư và những nẻo đường được Đức Phaolô VI nói đến. Đây là điều xấu xa của thời điểm này, tức là, tìm đường trở lại sự cứng ngắc và chủ nghĩa giáo sĩ trị, cả hai đều là những bóp méo.

Hôm nay tôi tin rằng Chúa đang yêu cầu Dòng Tên tự do trong các lĩnh vực cầu nguyện và biện phân. Đó là một thời điểm hấp dẫn, một khoảnh khắc tươi đẹp, ngay cả khi nó là khoảnh khắc của thập giá: thật đẹp khi mang lại tự do cho Tin Mừng. Tự do! Cha có thể cảm nghiệm việc quay trở lại quá khứ trong cộng đồng của cha, trong tỉnh của cha, trong Dòng. Điều cần thiết là phải chú ý và cảnh giác. Ý định của tôi không phải là ca ngợi sự thiếu khôn ngoan, nhưng tôi muốn chỉ cho cha thấy rằng quay lưng lại không phải là một cách đúng đắn. Thay vào đó, chúng ta nên tiến lên trong sự biện phân và trong đức vâng lời".

Câu hỏi thứ tư về việc thiếu lòng sốt sắng trong Dòng Tên.

Trả lời: "... Khi anh em cảm thấy thiếu sốt sắng, anh em cần biện phân rõ lý do tại sao. Anh em phải nói chuyện đó với anh em của anh em. Cầu nguyện giúp chúng ta hiểu được liệu và khi nào việc thiếu sốt sắng diễn ra. Anh em phải nói về điều đó với anh em của anh em, với cấp trên của anh em, và sau đó anh em phải biện phân xem liệu đó chỉ là sự phiền muộn của anh em hay đó là sự phiền muộn mang tính cộng đồng hơn. Linh thao cho chúng ta khả thể tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi như thế này. Tôi tin chắc rằng chúng ta chưa biết đầy đủ về Linh thao. Các chú thích và các quy tắc biện phân là một kho báu thực sự. Chúng ta cần biết chúng nhiều hơn".

Câu hỏi thứ tư năm về ý thức hệ “phái tính” [gender].

Trả lời: "Như cha nói, ý thức hệ luôn có một sức hấp dẫn ma quái, bởi vì nó không được hiện thân. Hiện nay, chúng ta đang sống trong một nền văn minh của các ý thức hệ, đúng thế. Chúng ta cần phải phơi bày chúng tận gốc rễ của chúng. Đúng vậy, ý thức hệ 'phái tính' mà cha nói là điều nguy hiểm, đúng. Theo tôi hiểu, nó là như vậy bởi vì nó trừu tượng đối với cuộc sống cụ thể của một con người, như thể người ta có thể quyết định một cách trừu tượng theo ý muốn liệu và khi nào trở thành đàn ông hay đàn bà. Trừu tượng luôn là một vấn đề đối với tôi. Tuy nhiên, điều này không liên quan gì đến vấn đề đồng tính luyến ái. Nếu có một cặp đồng tính luyến ái, chúng ta có thể làm công việc mục vụ với họ, tiến tới trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Khi tôi nói về ý thức hệ, tôi đang nói về ý tưởng, sự trừu tượng trong đó mọi sự đều có thể xảy ra, chứ không phải về cuộc sống cụ thể của người ta và hoàn cảnh thực sự của họ".

Câu hỏi thứ sáu về cuộc đối thoại Do thái – Kitô giáo. Đức Phanxicô cho hay: “Cuộc đối thoại vẫn đang tiếp tục. Điều bắt buộc là không nên gián đoạn, cuộc đối thoại không thể bế tắc, không bị gián đoạn bởi sự hiểu lầm, như đôi khi vẫn xảy ra".

Câu hỏi thứ bẩy về thái độ nên có khi người ta hoài nghi mình? Đức Phanxicô trả lời: “Chẳng hạn, có một kênh truyền hình Công Giáo lớn đã không ngần ngại nói xấu Đức Giáo Hoàng. Cá nhân tôi xứng đáng bị tấn công và xỉ nhục bởi vì tôi là một kẻ tội lỗi, nhưng Giáo hội không đáng bị tấn công và xỉ nhục như vậy. Chúng là việc làm của ma quỷ. Tôi cũng đã nói điều này với một số người trong số họ.

Vâng, cũng có những giáo sĩ đưa ra những nhận xét xấu xa về tôi. Tôi đôi khi mất kiên nhẫn, đặc biệt là khi họ đưa ra phán xét mà không chịu bước vào một cuộc đối thoại thực sự. Tôi không thể làm bất cứ điều gì ở đó được. Tuy nhiên, tôi tiếp tục tiến bước, không bước vào thế giới ý tưởng và tưởng tượng của họ. Tôi không muốn nhập vào đó và đó là lý do tại sao tôi thích rao giảng, rao giảng… Một số người buộc tội tôi không nói về việc nên thánh. Họ nói rằng tôi luôn nói về các vấn đề xã hội và rằng tôi là một người cộng sản. Tuy nhiên, tôi đã viết cả một tông huấn về sự thánh thiện, Gaudete et Exsultate.

Bây giờ tôi hy vọng rằng với quyết định ngăn chặn tính tự động của nghi thức cổ xưa, chúng ta có thể quay trở lại với ý định thực sự của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Gioan Phaolô II. Quyết định của tôi là kết quả của cuộc tham khảo với tất cả các giám mục trên thế giới được thực hiện vào năm ngoái. Kể từ bây giờ những ai muốn cử hành theo nghi lễ cũ phải xin phép như đã làm với tập tục cử hành cả hai nghi lễ (biritualism). Nhưng có những vị trẻ tuổi sau khi thụ phong một tháng đã đến gặp giám mục để xin phép. Đây là một hiện tượng cho thấy chúng ta đang đi lùi.

Một vị Hồng Y nói với tôi rằng hai linh mục mới được thụ phong đến gặp ngài xin ngài cho phép học tiếng Latinh để có thể cử hành tốt đẹp. Với một khiếu hài hước, ngài trả lời: 'Nhưng có rất nhiều người gốc Tây Ban Nha trong giáo phận! Các cha nên học tiếng Tây Ban Nha để có thể thuyết giảng. Sau đó, khi các cha đã học tiếng Tây Ban Nha, hãy quay lại với tôi và tôi sẽ cho các cha biết có bao nhiêu người Việt Nam trong giáo phận và tôi sẽ yêu cầu các cha học tiếng Việt. Sau đó, khi các cha đã học được tiếng Việt, tôi sẽ cho phép các cha học tiếng Latinh'. Nhờ thế, ngài đã làm cho họ "hạ cánh xuống đất", ngài làm cho họ trở lại trái đất. Tôi tiến về phía trước, không phải vì tôi muốn bắt đầu một cuộc cách mạng. Tôi làm những gì tôi cảm thấy tôi phải làm. Cần rất nhiều kiên nhẫn, cầu nguyện và rất nhiều bác ái”.

Trả lời câu hỏi về người tỵ nạn, Đức Phanxicô cho biết: “Tôi tin rằng chúng ta phải chào đón người di cư, nhưng không chỉ vậy: chúng ta phải chào đón, bảo vệ, cổ vũ và hội nhập họ. Tất cả bốn bước đều cần thiết để thực sự chào đón họ. Mỗi quốc gia phải biết mình có thể làm được đến đâu. Để người di cư không được hòa nhập đang khiến họ lâm vào cảnh khốn cùng; nó tương đương với việc không chào đón họ. Nhưng chúng ta cần nghiên cứu kỹ hiện tượng và hiểu rõ các nguyên nhân của nó, đặc biệt là các vấn đề địa chính trị. Chúng ta cần hiểu những gì đang xảy ra ở Địa Trung Hải và đâu là quan tâm của các cường quốc mà xứ sở của họ có biên giới với vùng biển đó về mặt kiểm soát và thống trị. Và chúng ta phải hiểu lý do của các cuộc di cư và hậu quả".
 
Người Công Giáo là nhóm chích ngừa đông nhất tại Mỹ
Đặng Tự Do
16:42 21/09/2021


Hơn một năm rưỡi kể từ khi bùng phát coronavirus, phần lớn người Mỹ tiếp tục coi coronavirus là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế Hoa Kỳ. Và bất chấp những nỗ lực tiêm chủng rộng rãi, 54% người Mỹ trưởng thành nói rằng điều tồi tệ nhất của đợt bùng phát vẫn sẽ xảy đến.

Biểu đồ cho thấy đa số cho rằng các hạn chế về hoạt động đã làm tổn hại đến các doanh nghiệp, hạn chế lối sống của người dân - nhưng xét về các lợi ích sức khỏe cộng đồng, nhiều người coi là giá xứng đáng phải trả.

Những hạn chế đối với các hoạt động công cộng để làm chậm sự lây lan của coronavirus được cảm nhận sâu sắc giữa các nhóm: Đa số cho rằng các biện pháp hạn chế đã làm tổn hại rất nhiều đến các doanh nghiệp và hoạt động kinh tế và khiến mọi người không thể sống cuộc sống của họ theo cách họ muốn. Một số nói rằng những hạn chế này đã giúp ít nhất một số người ngăn ngừa được các trường hợp nhập viện và tử vong do coronavirus và làm chậm sự lây lan của virus. Khi được yêu cầu đưa ra một đánh giá tổng thể, những người Mỹ có đầu óc trung dung xem lợi ích sức khỏe cộng đồng của những hạn chế này là đáng giá (62% đến 37%).

Một cuộc khảo sát quốc gia mới của Trung tâm Nghiên cứu Pew, được thực hiện từ ngày 23 đến ngày 29 tháng 8 trong số 10,348 người trưởng thành ở Hoa Kỳ, trước khi ông Joe Biden tuyên bố bắt buộc sử dụng vắc-xin COVID-19, cho thấy 73% trong số những người từ 18 tuổi trở lên nói rằng họ đã đã nhận ít nhất một liều vắc-xin COVID-19. Khoảng một phần tư người lớn tại Mỹ, cụ thể là 26% nói rằng họ chưa tiêm vắc-xin.

Trung tâm Nghiên cứu Pew cũng cho biết người Công Giáo là nhóm có tỷ lệ chích ngừa đông nhất tại Mỹ.
Source:Pew Research
 
Văn Hóa
Trung Thu: Trời trọn Tình Thương
Lm. Nguyễn Xuân Trường
18:02 21/09/2021
TRUNG THU: TRỜI TRỌN TÌNH THƯƠNG

Trung thu nhìn trời trăng sao thấy tình Chúa yêu thương khắp vũ trụ. Trong đó, Chúa đặc biệt yêu thương trẻ em.



Ngày nay các nước văn minh mới đặt trẻ em ưu tiên số một. Nhưng từ ngày xưa, Chúa Giêsu đã đặt trẻ em ở vị trí hàng đầu, Chúa lấy trẻ em làm mẫu khi công bố: “Nước Thiên Chúa là của những ai có tâm hồn giống như trẻ thơ.” Đó là tâm hồn vui sống hiện tại, vâng lời, phó thác vào mẹ cha và Chúa.

Người lớn ơi hãy nhớ Lời Chúa dạy rằng:

Việc tốt nhất dành cho con cháu là dẫn trẻ em đến với Chúa, hưởng tình Chúa thương.

Việc quan trọng nhất lo cho mình là có tâm hồn trẻ thơ đơn sơ, phó thác.
 
Giọt Nước Mắt Đồng Trinh Hay Khi Người Nữ Tu Khóc
Nt. Anna Hiền Linh - MTGQN
22:01 21/09/2021
Giọt Nước Mắt Đồng Trinh Hay “Khi Người Nữ Tu Khóc”

Cách đây không lâu vào ngày 18/5/2015, trên diễn đàn âm nhạc tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra Liveshow dành riêng cho cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (Nguyễn Đình Ánh). Hai đêm nhạc của cố nhạc sĩ đã khép lại với nhiều cảm xúc và sự nuối tiếc giữa người nghệ sĩ tài ba cùng khán giả hâm mộ. Vì cảm động trước tình cảm khán giả dành cho mình mà ông đã ngừng lại trước những lời phát biểu rất lâu. Những giọt nước mắt cứ từ từ tuôn xuống trước những lời nói ngắt quãng, những giọt nước mắt thay lời cảm tạ đến khán thính giả đã yêu quý luôn luôn ủng hộ ông trên con đường âm nhạc: “Không lúc nào tôi cảm thấy hạnh phúc trong cuộc đời này như ngày hôm nay, tình yêu thương của quý vị đã cho tôi sức mạnh để tiếp tục con đường âm nhạc của mình…..”. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã lặng lẽ bên chiếc dương cầm với những bản nhạc của đời mình.

Vâng! Đó là những giọt nước mắt trên phím dương cầm của cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Còn đối với những nữ tu của Chúa, lắm lúc chúng ta cũng thấy “đâu đó”, trong các thánh lễ khấn dòng, cũng có những giọt nước mắt cứ nhè nhẹ tuôn trào và len lén vội lau ! Nhưng đây không phải là những giọt nước mắt của cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Ánh đã khóc vì biết ơn những người đã giúp ông thực hiện được ước mơ lớn nhất của ông đó là Liveshow thành công và trọn vẹn. Cũng không phải là những giọt nước mắt của người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu đã nhỏ xuống bởi những đớn đau của tâm hồn và thể xác khi nhìn thấy đứa con chứng kiến được toàn bộ tấn bi kịch gia đình. Và cũng không phải là giọt nước mắt đau đớn, tủi hổ vì bị người đời khinh bỉ, chê bai, hay vì ăn năn sám hối của một quá khứ nặng nề tăm tối… của Thánh nữ Mađalêna… Nhưng đây là giọt nước mắt của những người Chúa chọn; nước mắt của những người đã tự nguyện hy sinh cam kết bước theo Chúa cách xác quyết và trọn đời; nước mắt của sự cho đi vô điều kiện… Họ khóc không phải vì họ mất đi tự do, mất đi của cải vật chất, mất đi cơ hội, mất đi địa vị hay phải chia tay một mối tình dang dở nào đó… như người ta vẫn gán những giọt nước mắt cho những người yếu đuối, thất bại, bất hạnh, ăn năn, buồn sầu, mất mát, chia ly, phản bội… Nhưng nơi các nữ tu của Chúa, những giọt nước mắt ấy trông vừa đẹp, vừa thanh khiết, vừa đậm tình và chất chứa nhiều thông điệp mà ta không thể nào hiểu hết; vì mỗi giọt nước mắt là một phần tâm tư của con người.

Người nữ tu khóc vì hạnh phúc khi biết mình là thụ tạo thấp hèn nhưng đã được làm hiền thê của Chúa, được thuộc trọn về Chúa trong Hội dòng và cùng nhau chu toàn sứ mạng Chúa trao. Khóc vì sự từ bỏ “toàn diện bản thân” đầy khắc nghiệt qua ba lời khấn dòng, nhưng biết mình hạnh phúc và sung sướng khi cảm nhận được ý nghĩa đích thực của sự từ bỏ ấy. Khóc vì sự lựa chọn dứt khoát bước theo Chúa mặc dù biết rằng trước mắt nhiều khó khăn nhưng mạnh mẽ và tự hào. Khóc vì chết đi từng ngày với những tính hư tật xấu để được Chúa thanh luyện tốt hơn. Khóc vì cảm được nỗi đau của nhân loại đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid -19 làm đảo lộn mọi trật tự của tôn giáo cũng như xã hội và cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng. Khóc vì thương cho những sinh mạng đang nằm chờ hỏa táng trong những thùng đông lạnh, một cảnh tượng mà lâu nay cứ ngỡ rằng nó xảy ra đâu đó ở các nước láng giềng, vậy mà giờ đây lại ở ngay bên cạnh chúng ta. Khóc vì khi thấy những bàn chân rã rời, kiệt sức lê lết từng bước về quê ròng rã mấy ngày liền trong sự đói khát. Khóc vì nghe những tiếng rên xiết và tiếng kêu vô vọng trong các khu cách ly đang trông chờ vào các bình ôxi, các y tá, bác sĩ… Khóc và cứ khóc…vì con người chúng ta được dựng nên là để gắn kết, cảm thông và chia sẻ với nhau mọi nỗi vui buồn.

Sống trong một thế giới mà nơi đó con người không biết khóc là một thế giới của vô cảm, chết chóc, hận thù; và nơi đó nguồn suối của tình thương đã cạn kiệt. Khi con người còn biết khóc là còn biết thương, biết hy sinh, biết chia sẻ.

Chúng ta đừng quên, trong cuộc công du Philippines năm 2015 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, có một sự kiện vẫn còn in đậm dấu ấn đó là những giọt nước mắt của cô bé Palomar khi đặt câu hỏi cho ngài: “Tại sao Chúa lại để xảy ra như vậy?”; “và tại sao lại ít có người giúp chúng con như thế?”.

Và để trả lời cho vấn nạn đó, Đức Thánh Cha đã ôm chặt cô bé vào lòng và nói: “Cô bé là người duy nhất đưa ra câu hỏi mà chúng ta không thể đưa ra câu trả lời. Cô bé thậm chí không diễn đạt được bằng lời nhưng những giọt nước mắt đã nói lên tất cả”. Và ngài diễn giải tiếp: “Chỉ khi nào mà một con tim không thể tìm được câu trả lời và bắt đầu khóc, lúc đó chúng ta mới có thể hiểu được… Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khóc. Ngài đã khóc cho một người bạn vừa mới chết, Ngài đã khóc trong lòng cho một gia đình vừa mới mất đứa con, Ngài đã khóc khi nhìn thấy một bà goá nghèo đem chôn đứa con trai, Ngài đã rơi nước mắt, động lòng trắc ẩn, khi nhìn thấy đám đông không có ai chăm sóc”…

Người nữ tu luôn mang trong mình trái tim thương cảm nên những giọt nước mắt của họ luôn là những thông điệp muốn gửi đến cho nhân loại.

Dẫu biết rằng trên hành trình theo Chúa, lắm lúc người nữ tu phải nhỏ những giọt nước mắt rất cay và rất đắng nhưng vì tình yêu dành cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, họ đã mạnh mẽ đứng lên gạt khô những giọt lệ và tiếp tục bước đi trong niềm hân hoan của Đấng Phục Sinh. Lời xác quyết và “tự thú” của Thánh Phaolô: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5, 14) cũng là lời xác tín và trải nghiệm của người nữ tu: không có đối tượng nào khác ngoài Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh, Ngài là lý tưởng và cùng đích cho cuộc đời dâng hiến của tôi. Những giây phút lắng đọng của tâm hồn cùng những cảm xúc thánh thiêng dâng trào nơi tâm hồn các nữ tu trong ngày hồng phúc như một lần nữa mạnh mẽ quyết định ơn gọi và sứ mạng của mình trong một Hội dòng. Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến cũng đã cho ta lời xác quyết rằng: “Đời sống thánh hiến, bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn của Chúa Kitô, là một ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo Hội Người qua trung gian của Thánh Thần. Nhờ việc tuyên giữ các lời khuyên Tin Mừng, các nét đặc trưng của Đức Giêsu- khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, trở thành hữu hình giữa lòng thế giới như một gương mẫu thường hằng, và các tín hữu được mời gọi hướng nhìn về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã tác động trong lịch sử, nhưng còn đang chờ đạt tới viên mãn ở trên trời” (ĐSTH).

Ước gì, trên hành trình dâng hiến, mỗi người chúng ta luôn ý thức được giá trị cao quý của những giọt nước mắt trong sứ mạng của mình. Dẫu rằng, khi lựa chọn đi trên con đường ấy, đôi lúc chúng ta phải rơi lệ; nhưng đừng quên, những dòng lệ của người tu sĩ luôn luôn là giọt lệ của hy sinh, thanh khiết, nguyện cầu, mạnh mẽ và dứt khoát… Cho nên, hãy mau mắn lau khô những dòng lệ và tiếp tục mỉm cười bước đi để sống trọn ơn gọi dâng hiến của đời mình. Vì đôi lúc, cuộc sống cũng cần có những giọt nước mắt để cảm thông, chia sẻ, yêu thương và phục vụ; và chúng ta cũng “cần phải khóc” để hiểu và cảm nhận trọn vẹn cái giá trị “cao vời nhưng cũng rất mắc mỏ” của hai từ “Dâng Hiến” !

Nt. Anna Hiền Linh - MTGQN
 
Tình Thương Và Ơn Gọi - Miserando Atque Eligendo
Nữ Tu Maria Bùi Thị Liên
09:50 21/09/2021
Tình Thương Và Ơn Gọi - Miserando Atque Eligendo

Lễ Thánh Matthêô, Tông Đồ Thánh sử - 21.9.2021
Dâng tặng Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi


Chúa qua trạm thuế một chiều,
Lê-vi ngồi đó nhịp đều sổ ghi.
Giữa rừng cặp mắt khinh khi
Ngài “thương” Ngài “gọi” ông đi theo Người.

Lê-vi đứng dậy đáp lời,
Tiệc hoa mừng Chúa khách mời hân hoan.
Bạn bè nối khố lang thang,
Cùng phường thu thuế miên man rượu nồng.

Giữa men hơi ấm tình hồng,
Có người Biệt phái chơi ngông hỏi dò:
“Thầy chi mà chẳng đắn đo?
Chén thù chén tạc đám vô lại nầy?”

Thì ra bài học là đây,
“Chúa thương, Chúa gọi”, Chúa xây cuộc đời.
“Vì Tôi không đến kêu mời,
Những người công chính một đời chuyên chăm.
Nhưng kêu kẻ lỗi, người lầm,
Khiêm nhường hoán cải, âm thầm khát khao…”
“Miserando” Chúa tặng trao,
“Eligendo” mãi ghi vào sổ xanh !

Mat-thêu ghi đậm ân lành,
Tin Mừng Thứ Nhất hình thành từ đây !
Lời Cha rạng rỡ tỏ bày,
Nghìn thu Giao Ước giờ đây hiện về.

Gian trần mấy độ sơn khê,
Tông đồ gieo bước, cơn mê giã từ !
“Bút đời” giờ chép Thánh Thư,
Thuyền đời theo dấu “nước sâu” buông mành.

Dẫu mọn hèn, dẫu mỏng manh,
“Thầy đây đừng sợ !” sử xanh dịu vời.
Noi gương Thánh Sử rạng ngời,
“Tình thương”, “Ơn gọi”, Tông đồ, chứng nhân.

Cuộc đời “ngọn bút thiên ân”,
Vẽ “tranh mến Chúa”, gieo “vần ái nhân”.
Mượn lời thơ nhỏ tri ân,
Khang an thánh đức kính mừng Đức Cha.

Maria Bùi Thị Liên (Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương)
 
VietCatholic TV
Hồng Y Phi Luật Tân và 130 nữ tu nhiễm virút. Cây muốn lặng, gió chẳng đừng tại Belarus
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:23 21/09/2021


1. Cặp song sinh giống hệt nhau kỷ niệm 70 năm là nữ tu Phanxicô

Sơ Mary Clare Bernet sinh ngày 6 tháng 6 năm 1930, chỉ 15 phút trước khi em gái của sơ, là Sơ Mary Robert Bernet, chào đời. Sau đó, ở những năm cuối tuổi thiếu niên, một lần nữa, người chị đi trên con đường mà người em sẽ đi theo.

Năm 1949, Sơ Mary Clare quyết định rời trường trung học để gia nhập dòng các Nữ tu Thánh Phanxicô của Cộng đồng Neumann - một cộng đoàn mà phần lớn các cô gái trong Trại mồ côi Mount Loretto trên Đảo Staten đã quen thuộc khi lớn lên. Sau một năm, em sơ cũng tham gia, và hai người phụ nữ bắt đầu một ơn gọi tu trì 70 năm, trong đó họ giảng dạy ở nhiều trường khác nhau trong gần 60 năm - ở New York, New Jersey và Connecticut.

Sơ Mary Robert sẽ chính thức đạt cột mốc 70 năm đời tu của mình vào tháng Giêng năm 2021, nhưng một thánh lễ đã được cử hành để vinh danh hai chị em sinh đôi bởi Đức Cha Phụ tá Peter Byrne, với chín linh mục đồng tế trong lễ kỷ niệm. Sau thánh lễ tưng bừng ngày hai chị em được chiêu đãi bữa trưa với 150 khách.

Hai chị em hiện sống trong một tu viện của Dòng Phanxicô của Thánh Tâm Chúa ở Peekskill, sau khi hoàn thành sự nghiệp giảng dạy vào năm 2011. Trong một tuyên bố chung, cặp song sinh giải thích rằng họ “sẽ không đánh đổi ơn gọi của mình để lấy bất cứ thứ gì.”

Trong một cuộc phỏng vấn với Catholic New York, Sơ Mary Clare tiếp tục chia sẻ rằng “Chúng tôi rất vui vì cả hai đều được Chúa gọi”. Nữ tu Mary Anne Maceda, cư dân trong tu viện cũng giải thích: “Họ yêu Chúa, yêu Chúa Giêsu, và họ muốn chia sẻ điều đó trong các thánh chức của mình”.
Source:Aleteia

2. Đức Hồng Y Phi Luật Tân, 130 nữ tu, nhân viên tu viện có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19

Đức Hồng Y Jose Advincula của Manila đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, hai ngày sau khi một cộng đoàn nữ tu ở thủ đô Phi Luật Tân thông báo rằng 62 nữ tu của họ cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu, ngày 17 tháng 9, Tổng giáo phận Manila cho biết ngoài bị “sốt nhẹ”, Đức Tổng Giám Mục “không cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào khác”.

“Ngài đang ở trong tình trạng cách ly, tuân theo các quy trình nghiêm ngặt. Các bác sĩ cũng đang theo dõi tình trạng của ngài.”

Trước đó, Dòng các nữ tu của Đức Trinh nữ Maria cho biết 62 nữ tu và ít nhất 50 nhân viên của họ - những người chăm sóc, trợ lý y tế và lái xe - cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với căn bệnh này.

Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 15 tháng 9, cộng đoàn cho biết các ca nhiễm trùng đã được xác nhận sau khi các nữ tu được kiểm tra vào ngày 10 tháng 9.

Tu viện cho biết, kể từ ngày 14 tháng 9, toàn bộ tu viện ở thành phố Quezon “đã bị khóa” và đang “hoàn toàn hợp tác” với các quan chức y tế.

Một dòng tu khác của các nữ tu, dòng các nữ tu của Chúa Thánh Linh, cũng báo cáo 22 trường hợp COVID và một trường hợp tử vong. Một tu viện của dòng cũng nằm ở thủ đô Manila ghi nhận 13 nữ tu và chín nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID; nhà dòng nói rằng một trong số các nữ tu đã chết vì căn bệnh này.

Một tuyên bố của Đơn vị Giám sát Dịch tễ và Dịch bệnh của thành phố cho biết họ đã bắt đầu điều tra xem các nữ tu đã bị nhiễm bệnh như thế nào.

Theo các quan chức y tế, các nữ tu vẫn đang chờ được tiêm, mặc dù tất cả các nhân viên đều đã được tiêm phòng đầy đủ.

Hai nữ tu cho biết đợt bùng phát có thể do một người không có triệu chứng đến thăm một trong những nữ tu lớn tuổi của người ấy.

“Chúng tôi hiếm khi rời khỏi tu viện. Nhưng theo thời gian, chúng tôi cho phép những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ đến thăm, đặc biệt nếu họ là thành viên trong gia đình của các nữ tu chúng tôi.”

Phi Luật Tân hôm thứ Sáu báo cáo có 20,336 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, với hơn 300 trường hợp tử vong - cao nhất trong gần một tháng.

Tổng số ca nhiễm COVID-19 của cả nước là 2,324,475, với các ca nhiễm đang phải điều trị là 188,108, tương đương 8.1% tổng số trường hợp nhiễm bệnh.
Source:Catholic News Agency

3. Người bảo vệ quyền của bộ lạc Mindanao trở thành luật sư thứ 58 bị sát hại dưới thời Duterte

Một luật sư khác bảo vệ quyền của các dân tộc bộ lạc đã bị giết ở Mindanao.

Juan Macababbad, phó chủ tịch của Liên minh Luật sư Nhân dân ở Mindanao, gọi tắt là UPLM, đã bị bắn chết ngay trước nhà của mình ở Surallah, quận Nam Cotabato.

Ông trở thành luật sư thứ 58 bị giết kể từ khi Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Phi Luật Tân vào năm 2016.

UPLM đã đổ lỗi cho điều mà họ gọi là “văn hóa tràn lan của sự trừng phạt, thiếu các cuộc điều tra và truy tố nghiêm túc” của hàng nghìn vụ giết người ngoài vòng pháp luật trong nước vì những vụ sát hại các luật sư này.

Chủ tịch UPLM Antonio Azarcon cho biết: “Các đồng nghiệp của chúng tôi đã trở thành mục tiêu chính, đặc biệt là những người chống lại chế độ chuyên chế và bảo vệ nhân quyền.

Luật sư vừa bị sát hại đã đại diện cho các nạn nhân của vụ thảm sát ở Hồ Sebu vào tháng 12 năm 2018, ở cùng một quận ở Nam Cotabato.

Tám người dân tộc T'boli và Manobo đã thiệt mạng trong một chiến dịch “chống khủng bố” tại một khu vực mà các bộ lạc địa phương đã chiến đấu trong nhiều thập kỷ để bảo vệ vùng đất của tổ tiên họ bị đe dọa bởi việc mở rộng đồn điền và khai thác cà phê.

Trong báo cáo mới nhất về các nhà bảo vệ môi trường bị giết hại trên thế giới, Global Witness, một tổ chức phi chính phủ quốc tế, đã lên tiếng báo động về tình hình ở Phi Luật Tân.

Với 29 người bị giết vì bảo vệ quyền lợi của cộng đồng địa phương trên các vùng đất của họ bằng nhiều cách khác nhau, Phi Luật Tân xếp thứ ba trên thế giới vào năm 2020 về kiểu giết người này ở châu Á.

Cách đây vài tháng, chính quyền Duterte đã dỡ bỏ lệnh cấm mở các mỏ mới ở Phi Luật Tân.
Source:Asia News

4. Cây muốn lặng, gió chẳng đừng, độc tài Belarus chế nhạo Giáo hội

Chính phủ độc tài của Belarus đã khiển trách một tờ báo chính thức vì đã đánh đồng các giáo sĩ Công Giáo với Đức Quốc xã trong một bức tranh biếm họa, đồng thời cảnh báo các nhà lãnh đạo của Giáo hội không được vi phạm luật cấm các cuộc biểu tình của chính phủ.

“Hình ảnh trên trang nhất của tờ báo, biếm họa các linh mục, không phản ánh quan điểm chính thức của nhà nước đối với Giáo Hội Công Giáo Rôma”, Ủy viên Tôn giáo và Dân tộc của chính phủ, Alexander Rumak, cho biết trong một bức thư gửi Đức Cha Aleh Butkevich Giám Mục Vitebsk, là chủ tịch Hội Đồng Giám MụcBelarus.

Bức thư nói thêm rằng “Nhưng chúng tôi cũng hy vọng các linh mục Công Giáo sẽ luôn được hướng dẫn bởi luật pháp hiện hành của chúng ta, góp phần tiếp tục hợp tác một cách xây dựng giữa nhà nước và Giáo Hội Công Giáo ở Belarus”.

Bức thư được công bố sau một văn bản phản đối của Hội đồng Giám mục, và một kháng thư bày tỏ quan ngại của Sứ Thần Tòa Thánh người Croatia, là Đức Tổng Giám Mục Ante Jozic, tại cuộc họp tuần trước với Bộ trưởng Ngoại giao Belarus, Vladimir Makei.

Tuy nhiên, nhật báo Minskaya Prauda, trực thuộc chính quyền khu vực thủ đô Belarus, đã bảo vệ bức tranh biếm họa của họ trong đó mô tả bốn linh mục với thánh giá trên ngực bị biến thành các hình chữ thập Đức Quốc Xã, đứng trước một biểu tượng có tính chất chế diễu mô tả các giáo sĩ Công Giáo tử vì đạo khi quân Đức chiếm đóng tại Rosica năm 1943.

Tờ báo cáo buộc rằng một số linh mục đã cho phép cờ đỏ-trắng bị cấm của Belarus được trưng bày trong nhà thờ của các ngài, và đã cho phép hát một bài ca yêu nước, “Magutny Bozha” (Chúa toàn năng). Hồi tháng 7, Tổng thống Alexander Lukashenko đã chỉ trích bài hàt này không lâu trước một cuộc đột kích của cảnh sát vào nhà thờ chính tòa Minsk.

Giáo Hội Công Giáo, chiếm khoảng 15% dân số Belarus với 9.4 triệu người, đã lên án sự đàn áp của chế độ sau cuộc bầu cử hồi tháng 8 năm 2020 của Tổng thống Lukashenko sau 26 năm cầm quyền
Source:The Tablet
 
Đức Thánh Cha nói nhiều người muốn ngài qua đời, nhắc đến lời khuyên các linh mục học tiếng Việt Nam
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:39 21/09/2021


1. Đức Thánh Cha nói nhiều người muốn ngài qua đời. Lời khuyên các linh mục học tiếng Việt Nam

Hôm thứ Ba 21 tháng 9, tạp chí Dòng Tên La Civiltà Cattolica, nghĩa là Văn Minh Công Giáo, đã công bố cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha với các tu sĩ Dòng Tên người Slovakia.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, đã tóm tắt lại một vài điểm chính. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các tu sĩ Dòng Tên người Slovakia: 'Một số người muốn tôi chết' trong bối cảnh sức khỏe có vấn đề

Trong một cuộc gặp riêng với các tu sĩ Dòng Tên ở Slovakia vào ngày 12 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng có những người muốn ngài chết sau khi ngài trải qua cuộc phẫu thuật đại tràng vào đầu tháng Bảy.

Trong cuộc gặp gỡ, một linh mục Dòng Tên đã hỏi Đức Giáo Hoàng rằng tình trạng sức khoẻ của ngài hiện nay ra sao, ngài trả lời: “Vẫn còn sống, mặc dù một số người muốn tôi chết”.

“Tôi biết thậm chí có những cuộc họp giữa các giám mục cho rằng tình trạng của Đức Giáo Hoàng nghiêm trọng hơn các tuyên bố chính thức. Họ đang chuẩn bị cho Cơ Mật Viện. Hãy kiên nhẫn đi! Tạ ơn Chúa, tôi vẫn không sao”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời các câu hỏi của các tu sĩ Dòng Tên tại một cuộc họp riêng ở thủ đô Bratislava của Slovakia, trong chuyến thăm quốc gia này từ ngày 12 đến 15 tháng 9.

Đây là chuyến tông du đầu tiên của ngài kể từ khi nhập viện vào ngày 4 tháng 7 để làm giảm chứng hẹp ruột kết vì viêm chi nang. Ca phẫu thuật kéo dài ba giờ bao gồm việc cắt bỏ khối u bên trái, tức là cắt bỏ một bên đại tràng.

Sau cuộc phẫu thuật, những tin đồn thất thiệt bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội và trong các bài đăng trực tuyến theo đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể sớm từ chức, một phần dựa trên những tuyên bố không có cơ sở khác rằng có thể Đức Giáo Hoàng đang mắc những căn bệnh “thoái hóa” và “mãn tính”.

Văn bản về cuộc gặp riêng ngày 12 tháng 9 giữa Đức Giáo Hoàng với các tu sĩ Dòng Tên ở Slovakia đã được tạp chí Dòng Tên La Civiltà Cattolica, nghĩa là Văn Minh Công Giáo, xuất bản vào ngày 21 tháng 9.

Trong cuộc gặp gỡ, một linh mục đã nói với Đức Giáo Hoàng Phanxicô về căng thẳng trong Giáo Hội Công Giáo ở Slovakia. Vị linh mục nói rằng một số người coi Đức Phanxicô là “dị giáo”, trong khi những người khác “lý tưởng hóa ngài”.

“Các tu sĩ Dòng Tên chúng tôi cố gắng vượt qua sự chia rẽ này”, vị linh mục nói và hỏi: “Làm thế nào Đức Thánh Cha đối phó với những người nhìn ngài với vẻ nghi ngờ?”

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng “có một kênh truyền hình Công Giáo lớn đã không ngần ngại nói xấu Đức Giáo Hoàng”.

“Cá nhân tôi xứng đáng bị tấn công và lăng mạ bởi vì tôi là một người tội lỗi, nhưng Giáo hội không đáng bị như thế. Chúng là tác phẩm của ma quỷ.”

Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng cũng có những giáo sĩ đã đưa ra “những nhận xét khó chịu về tôi”.

“Tôi đôi khi mất kiên nhẫn, đặc biệt là khi họ đưa ra những phán xét mà không đi vào cuộc đối thoại thực sự. Tôi không thể làm bất cứ điều gì ở đó. Tuy nhiên, tôi tiếp tục mà không bước vào thế giới những ý tưởng và những sự tưởng tượng của họ. Tôi không muốn nhập vào đó và đó là lý do tại sao tôi thích giảng hơn, cứ tiếp tục giảng.”

“Một số người buộc tội tôi không nói về sự thánh thiện. Họ nói rằng tôi luôn nói về các vấn đề xã hội và rằng tôi là một người cộng sản. Tuy nhiên, tôi đã viết toàn bộ một tông huấn về sự thánh thiện, Gaudete et exsultate – Vui mừng và hân hoan”.

Đức Giáo Hoàng sau đó đề cập đến những hạn chế gần đây của ngài đối với việc cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống, được thực hiện trong Tự Sắc Traditionis Custodes ngày 16 tháng 7.

“Bây giờ tôi hy vọng rằng với quyết định ngăn chặn khả năng tự động cử hành các nghi thức cổ xưa chúng ta có thể trở lại với ý định thực sự của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Đức Gioan Phaolô II. Kể từ bây giờ, những ai muốn cử hành theo nghi thức Vetus Ordo [Thánh lễ Latinh truyền thống] phải xin phép Rôma như được thực hiện với trường hợp lưỡng nghi”.

Lưỡng nghi, tiếng Anh là Biritualism, là đặc quyền tạm thời hoặc vĩnh viễn của một linh mục cho phép ngài cử hành phụng vụ và ban phát các bí tích trong cả Nghi thức Latinh và một trong các nghi thức Đông phương.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết có các báo cáo rằng một số linh mục trẻ đã xin phép Đức Giám Mục của họ để dâng Thánh lễ Latinh Truyền thống một tháng sau khi được thụ phong, và mô tả đó là “một hiện tượng cho thấy chúng ta đang đi lùi lại”.

Trong một phần trước của cuộc họp, Đức Phanxicô đã than thở về một “tư tưởng đi lùi lại”, mà ngài nói không phải là một vấn đề phổ biến trong Giáo hội, nhưng đã ảnh hưởng đến một số quốc gia.

“Sự cám dỗ để đi lùi lại. Chúng ta đang phải chịu ngày hôm nay trong Giáo Hội.”

Đức Phanxicô kể lại một giai thoại được một vị Hồng Y kể lại cho ngài nghe về hai linh mục mới thụ phong của ngài đã xin phép học tiếng Latinh để có thể cử hành thánh lễ cho tốt đẹp.

Theo Đức Giáo Hoàng, vị Hồng Y đã trả lời “với một khiếu hài hước”. Ngài nói với các linh mục: “Nhưng có rất nhiều người gốc Tây Ban Nha trong giáo phận! Hãy học tiếng Tây Ban Nha để có thể thuyết giảng. Sau đó, khi các cha đã học tiếng Tây Ban Nha, hãy quay lại với tôi và tôi sẽ cho các cha biết có bao nhiêu người Việt Nam trong giáo phận, và tôi sẽ yêu cầu các cha học tiếng Việt. Sau đó, khi các cha đã học được tiếng Việt, tôi sẽ cho phép các cha học tiếng Latinh.”

Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng vị Hồng Y đã làm cho các linh mục “đáp xuống”, ngài đã khiến các vị trở lại trái đất.

“Tôi tiếp tục tiến bước, không phải vì tôi muốn bắt đầu một cuộc cách mạng. Tôi làm những gì tôi cảm thấy phải làm. Cần rất nhiều kiên nhẫn, cầu nguyện và rất nhiều lòng bác ái”.
Source:Catholic News Agency

2. Bà cụ hút thuốc làm cháy viện dưỡng lão Công Giáo

Bản tin ngày 16 tháng 9 của Sở Cứu Hoả Baltimore cho biết một người phụ nữ 65 tuổi được báo cáo đã sống sót sau những vết thương nghiêm trọng trong vụ hỏa hoạn xảy ra vào ngày 15 tháng 9 tại viện dưỡng lão Thánh Luca. Đó là một cộng đồng nhà ở cao cấp do Tổ chức từ thiện Công Giáo của tổng giáo phận Baltimore điều hành.

Ba bệnh nhân khác bị thương không nguy hiểm đến tính mạng trong vụ hỏa hoạn tại khu nhà 2800 của Lodge Farm. Cư dân từ chín căn hộ đã được di dời.

Các nhà điều tra phòng cháy chữa cháy của Cảnh sát Baltimore đã xác định rằng vụ cháy là do tình cờ.

“Đám cháy bắt đầu khi nạn nhân - một bệnh nhân bị chấn thương nghiêm trọng - đang hút thuốc trên ghế sofa trong khi sử dụng bình dưỡng khí. Một ngọn lửa bùng cháy và theo đường ống oxy, thiêu rụi bệnh nhân và làm cháy chiếc ghế dài nơi bà đang ngồi”.

Cha Gregory Rapisarda, Cha phó giáo xứ Đức Mẹ Là Lẽ Cậy Trông ở Dundalk và Thánh Luca ở Edgemere, đã đến thăm bệnh nhân bị thương nặng tại Trung tâm Y tế Johns Hopkins Bayview, nơi ngài là tuyên úy. Cuối ngày hôm đó, ngài cử hành một buổi lễ cầu nguyện cho cư dân trong bãi đậu xe của viện dưỡng lão Thánh Luca. Khoảng 20 người đã có mặt.

Chuông báo cháy vang lên lúc 10h25, đám cháy được dập tắt ngay lập tức bằng hệ thống phun nước. Vào ngày xảy ra hỏa hoạn, Cha Ross Conklin, Cha Sở giáo xứ Đức Mẹ Là Lẽ Cậy Trông ở Dundalk và giáo xứ Thánh Luca, được bước vào phòng đa năng tại viện dưỡng lão để cử hành thánh lễ 11 giờ sáng thì bất thình lình ngài thấy nước xịt mạnh xuống từ trần nhà.

Sau khi đám cháy xảy ra, toàn bộ cư dân trong các tòa nhà đã được sơ tán, khoảng 100 người. Họ được đưa đến Hosanna House, một cơ sở bác ái Công Giáo phục vụ phụ nữ vô gia cư, để giữ họ an toàn và tránh xa cái nóng trong một ngày nắng gắt.


Source:Catholic News Agency

4. Người Công Giáo là nhóm chích ngừa đông nhất tại Mỹ

Hơn một năm rưỡi kể từ khi bùng phát coronavirus, phần lớn người Mỹ tiếp tục coi coronavirus là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế Hoa Kỳ. Và bất chấp những nỗ lực tiêm chủng rộng rãi, 54% người Mỹ trưởng thành nói rằng điều tồi tệ nhất của đợt bùng phát vẫn sẽ xảy đến.

Biểu đồ cho thấy đa số cho rằng các hạn chế về hoạt động đã làm tổn hại đến các doanh nghiệp, hạn chế lối sống của người dân - nhưng xét về các lợi ích sức khỏe cộng đồng, nhiều người coi là giá xứng đáng phải trả.

Những hạn chế đối với các hoạt động công cộng để làm chậm sự lây lan của coronavirus được cảm nhận sâu sắc giữa các nhóm: Đa số cho rằng các biện pháp hạn chế đã làm tổn hại rất nhiều đến các doanh nghiệp và hoạt động kinh tế và khiến mọi người không thể sống cuộc sống của họ theo cách họ muốn. Một số nói rằng những hạn chế này đã giúp ít nhất một số người ngăn ngừa được các trường hợp nhập viện và tử vong do coronavirus và làm chậm sự lây lan của virus. Khi được yêu cầu đưa ra một đánh giá tổng thể, những người Mỹ có đầu óc trung dung xem lợi ích sức khỏe cộng đồng của những hạn chế này là đáng giá (62% đến 37%).

Một cuộc khảo sát quốc gia mới của Trung tâm Nghiên cứu Pew, được thực hiện từ ngày 23 đến ngày 29 tháng 8 trong số 10,348 người trưởng thành ở Hoa Kỳ, trước khi ông Joe Biden tuyên bố bắt buộc sử dụng vắc-xin COVID-19, cho thấy 73% trong số những người từ 18 tuổi trở lên nói rằng họ đã đã nhận ít nhất một liều vắc-xin COVID-19. Khoảng một phần tư người lớn tại Mỹ, cụ thể là 26% nói rằng họ chưa tiêm vắc-xin.

Trung tâm Nghiên cứu Pew cũng cho biết người Công Giáo là nhóm có tỷ lệ chích ngừa đông nhất tại Mỹ.
Source:Pew Research

3. Các nhà thờ và các tổ chức tôn giáo của Ukraine xin cầu nguyện ba ngày để bảo tồn các giá trị truyền thống của gia đình

Bức thư của các nhà lãnh đạo tôn giáo Ukraine nói rằng chính xác là trong trái tim của một gia đình, mà mọi người có tự do hay không. Gia đình là nơi mà trong những thời kỳ khó khăn nhất, dưới ách các chế độ chuyên chế và toàn trị, bản sắc dân tộc vẫn được bảo tồn.

“Trong thế giới đương đại, một gia đình với tư cách là một thể chế đang phải trải qua những cuộc tấn công to lớn của các ý thức hệ về giới tính thuộc loại độc tài – đó là những ý thức hệ làm suy yếu chính sự tồn tại của gia đình, giảm thiểu ý thức và giá trị của nó, đánh vào cốt lõi của việc tôn trọng phẩm giá con người và chính con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên. Những thách thức toàn cầu này ở Ukraine là một hình thức tấn công có hệ thống nhằm vào việc phá hủy các giá trị truyền thống và cội nguồn của đạo đức.

Tất cả chúng ta đều đã chứng kiến cách mà các giá trị gia đình được trân trọng trong nhiều thế kỷ đã dễ dàng bị đầu độc bởi các giọng điệu ma quỷ, bị phỉ báng đầy thành kiến, mà theo các nhà tư tưởng học mới này chúng ta phải loại bỏ. Ở các thành phố xung quanh Ukraine, các vụ khiêu khích công khai chống lại đạo đức xã hội ngày càng trở nên thường xuyên hơn, mà rất có thể là một phần của sự hủy hoại có hệ thống đối với sức khỏe đạo đức của quốc gia chúng ta”, tuyên bố viết.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo yêu cầu các tín hữu thận trọng dừng thực hiện bất kỳ hành động bạo lực nào trước những lời khiêu khích, và thúc giục họ là các công dân tuân thủ pháp luật ở một quốc gia tự do và cầu nguyện ủng hộ các giá trị gia đình trong ba ngày.


Source:UGCC