Ngày 22-09-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cứ mãi lần lữa
Lm. Minh Anh
02:00 22/09/2022

CỨ MÃI LẦN LỮA
“Ông Gioan, trẫm đã chém đầu!”.

Nữ văn sĩ Margaret Millar nói, “Hầu hết các cuộc trò chuyện chỉ đơn giản là ‘một cuộc độc thoại’ trước sự chứng kiến của ‘một nhân chứng!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, Tin Mừng hôm nay không nói đến ‘một cuộc độc thoại’ của một ai đó trước ‘một nhân chứng’ nào đó, nhưng nói đến ‘lời tự thú’ của một quận vương trước cả một quần thần. Đó là một sự thật trần trụi mà Hêrôđê nhìn nhận, “Ông Gioan, trẫm đã chém đầu!”. Tiếc thay, việc nhìn nhận nó không giúp ông đau buồn mà cải tà quy chánh; nhưng khiến cho lòng ông chai cứng thêm! Vậy điều gì khiến Hêrôđê ‘cứ mãi lần lữa?’.

Tin Mừng nói, Hêrôđê mong gặp Chúa Giêsu; nhưng mong ước gặp Ngài của ông, hoặc sự kính trọng của ông dành cho Gioan, không hoàn toàn dựa trên đức tin hay động cơ hoán cải. Thời gian Gioan bị giam cầm hẳn mang một ý nghĩa mời gọi Hêrôđê hoán cải; tuy nhiên, Hêrôđê vẫn trì hoãn sám hối. Tại sao? Ông không vượt được những ‘noạ tính’ của thế gian và xác thịt.

Điều này có thể cũng đang xảy ra nơi mỗi người chúng ta, những con người vốn rất cần biến đổi. Nói rằng, tôi vẫn ổn! Tôi tin nhận Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi; tôi đã được “sinh lại” là chưa đủ! Chúng ta phải sống một đời sống mới bằng việc nên thánh mỗi ngày; tôi cần quyết tâm đổi mới lựa chọn của mình đối với Chúa Kitô; và nhất là đừng ‘cứ mãi lần lữa!’. Hôm nay, tôi muốn chuyển những điểm yếu, thiếu sót và sai lỗi của tôi sang một điều gì đó mà Chúa Giêsu mong chờ; và đó là sự thật giục giã tôi phải biến đổi, để tôi có thể đến gần Ngài!

Sự thật là gì? Sẽ đến một khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống khi chúng ta soi mình vào gương để thấy rõ con người thật của mình; gẫm suy thế sự vốn chỉ là phù vân khi mọi sự xoay vần tuần hoàn và “chẳng có chi mới lạ dưới ánh mặt trời” như sách Giảng Viên hôm nay lưu ý. Cần can đảm để mục kích trực tiếp và tự hỏi, “Tôi thực sự là ai? Tôi đã làm gì với hồng ân Chúa?”. Với Hêrôđê, không phải tất cả mọi thứ nơi ông đều ổn; một sự thật ông đã nhìn thấy, ‘ông giết người!’. Đây có thể là khởi điểm cho ông để bắt đầu một cuộc hoán cải thực sự hầu đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa; ít nhất, ông cũng nhận ra mình đã phạm tội. Hoán cải luôn bắt đầu bằng việc chúng ta chấp nhận thất bại khi đã nghiêng chiều về điều ác. Tiếc thay, Hêrôđê chỉ dừng lại ở đó! Ông không tìm nương thân bên Chúa để được Ngài xót thương; Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng, “Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia!”.

Anh Chị em,

“Ông Gioan, trẫm đã chém đầu!”. Lời tự thú công khai của Hêrôđê cho thấy lương tâm ông vẫn cắn rứt; ông đã giết một người vô tội, một vị thánh đã nói sự thật. Ấy thế, Hêrôđê vẫn không thay đổi! Chính điều này cho thấy, hoán cải là việc của ân sủng chứ không phải của sức người. Chỉ có Thánh Thần của Thiên Chúa mới giúp chúng ta đủ sức bật dậy. Hãy cậy vào Chúa, đừng cậy sức mình! Bên cạnh đó, một khi trải nghiệm sự khó khăn của việc thay đổi bản thân, chúng ta cảm thông với sự đổi thay cần có thời gian của người khác! Thiên Chúa kiên nhẫn đợi chờ tôi, sao tôi không nhẫn nhịn chờ đợi anh chị em tôi? Bắt chước Hêrôđê, bạn và tôi khởi sự bằng việc nhìn nhận tội lỗi đầu nậu của mình, đặt bàn chân mình vào khởi điểm của lộ trình hoán cải; nhưng đừng ‘cứ mãi lần lữa’ như Hêrôđê. Hãy cầu nguyện, van xin Chúa Thánh Thần, kết hợp với việc chay tịnh; quyết tâm đứng lên và đi tới. Được như thế, nhất định chúng ta sẽ gặp được lòng thương xót Chúa… để bắt đầu một hành trình mới, một hành trình có tên “nên thánh!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con nhìn nhận chân tướng thật của mình, đừng để con vờ vịt, và ‘cứ mãi lần lữa’, khiến Chúa hoài công. Xin ân sủng Chúa giúp con quyết tâm đứng lên và đi tới!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Có nhận thì phải trao
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
02:29 22/09/2022


Trích đoạn Tin mừng hôm nay cho thấy hai cảnh đời đối nghịch nhau.

Ông nhà giàu, chủ nhân của ngôi biệt thự sang trọng “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.” Trong khi đó, ngay trước cổng nhà ông, có anh La-da-rô cùng khốn, ghẻ lở đầy mình, thèm thuồng nhìn ông ăn uống no say, khao khát được hưởng chút bánh vụn từ bàn ăn rớt xuống mà chẳng ai cho, chỉ có mấy con chó đến liếm láp ghẻ chốc cho anh.

Thế rồi, cảnh đời nghiệt ngã nầy lại bị đảo ngược: Người nghèo chết và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham, vui hưởng hạnh phúc thiên đàng; Còn ông nhà giàu cũng chết và bị khổ hình trong hỏa ngục.

Người giàu nầy đã phạm tội gì mà phải vào hỏa ngục? Xem ra, ông chẳng làm gì nên tội: không trộm cắp, cướp giật của ai; cũng chẳng đánh đập hay chửi mắng La-da-rô…

Sở dĩ ông bị luận phạt vì tội ích kỷ, không thương xót, giúp đỡ La-da-rô đang lâm cảnh khốn cùng.

Quy luật của sự sống là có nhận có trao. Ngừng nhận và ngừng trao thì phải chết.

Trước hết, ta thử xem quy luật nầy được áp dụng trong phạm vi nhỏ là thân thể.

Để duy trì sự sống cho thân thể, tất cả các cơ quan trong thân thể đều phải vận hành theo quy luật nhận và trao.

Quả tim đã nhận được máu liền bơm máu cho khắp châu thân, nhờ đó toàn thân được sống và lớn mạnh. Nếu có ngày nào quả tim tỏ ra “ích kỷ”, không chuyển máu nuôi toàn thân mà chỉ giữ lại cho riêng mình, thì đó là ngày tận cùng của nó và cũng là ngày hấp hối của toàn thân.

Hai lá phổi cũng thế. Phổi liên tục tiếp nhận dưỡng khí và liên tục trao ban. Ngày nào phổi “tham lam”, cứ khư khư giữ lại số lượng dưỡng khí đã nhận được mà không chịu phát ban, đó là ngày tận số.

Trên bình diện rộng lớn hơn, mỗi cá nhân là một thành phần trong một thân thể lớn lao là nhân loại. Vì thế, nếu mỗi chúng ta không trao ban chia sớt những gì mình nhận được cho cộng đồng xã hội, thì số phận chúng ta sẽ như số phận của “quả tim ích kỷ”, của “lá phổi tham lam” trên đây.

Có nhận thì phải trao ban

Trong cuộc đời nầy, chúng ta đã nhận được rất nhiều thứ do người khác cống hiến cho mình từ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, xe đi… và rất nhiều sản phẩm, dịch vụ khác… Ngoài ra lại còn được đón nhận vô vàn ân huệ Thiên Chúa tuôn ban trong suốt cuộc đời… thì đến lượt mình, chúng ta cũng phải cống hiến, phải trao ban cho người khác. Có vay phải có trả, có nhận thì phải có trao. Người khác đã phục vụ mình thì mình cũng phải biết phục vụ người khác.

Tuy nhiên, không phải chờ đến khi trở thành tỷ phú hay trở nên giàu có như lão phú hộ trên đây, ta mới tính đến chuyện chia sớt của cải mình cho người khác; nhưng ngay hôm nay, chúng ta vẫn có bổn phận cống hiến cho người khác những ân huệ Chúa ban, như dùng thời gian, công sức, tài năng Chúa ban để phục vụ những người chung quanh, để góp công xây dựng xóm làng.

Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin khai mở lòng trí để chúng con hiểu được sự thật lớn lao là mỗi người là một tế bào trong thân thể lớn lao là nhân loại, là một chi thể trong Thân mình Chúa Giê-su; Vì thế, mọi người đều liên đới mật thiết với nhau như những cơ quan trong cùng một thân mình. Sự thật nầy sẽ giải thoát con người khỏi nếp sống ích kỷ, vô cảm vô tâm, và sẽ thôi thúc mỗi người biết sống cho người khác, biết quan tâm xây dựng phúc lợi cộng đồng. Amen.
 
Ngày 23/09: Này con, con bảo Thầy là ai? – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến.
Giáo Hội Năm Châu
02:34 22/09/2022

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

Đó là lời Chúa
 
Phản ứng của Đức Thánh Cha trước lời đe dọa sử dụng hạt nhân của Putin: ĐIÊN RỒ
Giáo Hội Năm Châu
02:38 22/09/2022


Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ý nghĩ sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh Ukraine là “điên rồ”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ám chỉ Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi ông ta đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong một bài phát biểu vào đầu ngày thứ Tư 22 tháng 9, trước cuộc tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha với các tín hữu 5 tiếng đồng hồ, Đức Giáo Hoàng gọi đó là “sự điên rồ”.

Khi phát biểu trước đám đông tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:

“Cuộc chiến bi thảm này đưa chúng ta đến điểm mà một số người đang nghĩ đến vũ khí hạt nhân, đó là sự điên rồ.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thẳng thừng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong một bài phát biểu trên truyền hình với người dân Nga vào sáng sớm thứ Tư trong bối cảnh cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra.

Putin cho biết ông sẵn sàng đáp trả điều mà ông cáo buộc là “hành động tống tiền hạt nhân” của phương Tây bằng cách sử dụng vũ khí của chính đất nước ông.

Putin nói: “Nếu Nga cảm thấy sự toàn vẹn lãnh thổ của mình bị đe dọa, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các phương pháp phòng thủ theo ý của mình và đây không phải là một trò đùa”.

Putin cũng khoe rằng ông có “rất nhiều vũ khí để đáp trả” các mối đe dọa từ các quốc gia phương Tây, những quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt gây tê liệt kinh tế Nga kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng 2.

Ông Putin nói: “Những ai đang cố gắng tống tiền chúng tôi bằng vũ khí hạt nhân nên biết rằng gió cũng có thể đổi hướng”.

Buổi tối thứ Tư, các cuộc biểu tình đã nổ ra tại 38 thành phố của Nga, đông nhất là tại Mạc Tư Khoa để chống chiến tranh Ukraine. Hàng ngàn người đã bị bắt giữ. Cảnh sát được ghi nhận là đàn áp thẳng tay.

2. Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô về Chuyến Tông du Kazakhstan

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung, thứ tư ngày 21 tháng 9, 2022, tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói về chuyến tông du của ngài tại Kazakhstan từ ngày 13 tới ngày 15 cùng tháng.

Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Tuần trước, từ thứ Ba đến thứ Năm, tôi đã đến Kazakhstan, một quốc gia rộng lớn ở Trung Á, dự Đại hội lần thứ bảy các nhà lãnh đạo của các tôn giáo thế giới và truyền thống. Tôi xin nhắc lại lời cảm ơn của tôi tới Tổng thống nước Cộng hòa và các thẩm quyền khác của Kazakhstan về sự chào đón thân tình đã dành cho tôi và vì những nỗ lực hào phóng trong việc tổ chức. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các Giám mục và mọi cộng tác viên vì công việc to lớn mà họ đã làm, và đặc biệt là niềm vui mà họ đã dành cho tôi để tôi có thể gặp gỡ và diện kiến họ tất cả với nhau.

Như tôi đã nói, lý do chính của chuyến đi là để tham gia Đại hội các nhà lãnh đạo của các tôn giáo thế giới và truyền thống. Sáng kiến này đã được thực hiện trong 20 năm qua bởi các thẩm quyền của đất nước, vốn chứng tỏ với thế giới như một nơi gặp gỡ và đối thoại, trong trường hợp này là ở bình diện tôn giáo, và do đó, như người đi đầu trong việc thúc đẩy hòa bình và tình huynh đệ nhân bản. Đây là phiên bản thứ bảy của đại hội này. Một quốc gia mới độc lập được 30 năm mà đã có tới bảy kỳ đại hội như thế này, cứ ba năm một lần. Điều này có nghĩa là đặt các tôn giáo làm trung tâm của các nỗ lực xây dựng một thế giới nơi chúng ta lắng nghe nhau và tôn trọng lẫn nhau trong sự đa dạng. Và đây không phải là thuyết tương đối, không, đây là việc lắng nghe và tôn trọng. Và công lao cho điều này phải được dành cho chính phủ Kazakhstan, một chính phủ, sau khi đã tự giải phóng khỏi ách thống trị của chế độ vô thần, hiện đang đề xuất một con đường văn minh, rõ ràng lên án chủ nghĩa duy văn tự và chủ nghĩa cực đoan. Đó là một chủ trương cân bằng và đoàn kết.

Đại hội đã thảo luận và thông qua Tuyên bố cuối cùng, tiếp nối với Tuyên bố được ký kết tại Abu Dhabi vào tháng 2 năm 2019 về tình huynh đệ nhân bản. Tôi muốn giải thích bước tiến này như thành quả của một cuộc hành trình bắt đầu từ xa: dĩ nhiên, tôi nghĩ đến Cuộc gặp gỡ liên tôn lịch sử vì Hòa bình do Thánh Gioan Phaolô II triệu tập tại Assisi năm 1986, từng bị chỉ trích nhiều bởi những người thiếu viễn kiến; Tôi nghĩ đến tầm nhìn thật xa của Thánh Gioan XXIII và Thánh Phaolô VI; và của cả các linh hồn vĩ đại của các tôn giáo khác - tôi chỉ xin nhắc lại Mahatma Gandhi. Nhưng làm sao chúng ta có thể không nhớ đến rất nhiều vị tử đạo, nam nữ ở mọi lứa tuổi, ngôn ngữ và quốc gia, từng trả giá bằng mạng sống của mình vì lòng trung thành với Thiên Chúa của hòa bình và tình huynh đệ? Chúng ta biết: những giây phút trang trọng là quan trọng, nhưng sau đó chính sự dấn thân hàng ngày, chính chứng tá cụ thể đã xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người.

Ngoài Đại hội, chuyến đi này đã cho tôi cơ hội gặp gỡ các Nhà chức trách của Kazakhstan và Giáo hội sống ở đó.

Sau khi viếng thăm Tổng thống Cộng hòa - người mà tôi xin cảm ơn một lần nữa vì lòng tốt của ông - chúng tôi đến Phòng hòa nhạc mới, nơi tôi được nói chuyện với các nhà Lãnh đạo chính trị, đại diện của xã hội dân sự và ngoại giao đoàn. Tôi nhấn mạnh ơn gọi của Kazakhstan là trở thành một quốc gia của gặp gỡ: thực thế, có khoảng một trăm năm mươi dân tộc - một trăm năm mươi dân tộc! - cùng hiện hữu ở đó và hơn 80 ngôn ngữ được sử dụng. Ơn gọi này, vốn do đặc điểm địa lý và lịch sử - ơn gọi trở thành một đất nước của gặp gỡ, của văn hóa, của ngôn ngữ - đã được hoan nghênh và đón nhận như một con đường, đáng được khuyến khích và ủng hộ. Tôi cũng hy vọng rằng việc xây dựng một nền dân chủ ngày càng hoàn thiện, có khả năng đáp ứng hữu hiệu các nhu cầu của toàn xã hội, có thể tiếp tục. Đây là một nhiệm vụ gian khổ, đòi hỏi thời gian, nhưng phải thừa nhận rằng Kazakhstan đã có những lựa chọn rất tích cực, chẳng hạn như nói “không” với vũ khí hạt nhân và đưa ra các chính sách năng lượng và môi trường tốt. Điều này thật can đảm. Vào thời điểm mà cuộc chiến bi thảm này đưa chúng ta đến mức một số người đang nghĩ đến vũ khí hạt nhân, sự điên rồ đó, đất nước này đã nói “không” với vũ khí hạt nhân ngay từ đầu.

Về phần Giáo Hội, tôi rất vui mừng khi gặp được một cộng đoàn gồm những người vui vẻ, tràn đầy nhiệt huyết. Người Công Giáo rất ít trong đất nước rộng lớn đó. Nhưng điều kiện này, nếu được sống với đức tin, có thể mang lại những hoa trái tin mừng: trước hết, là mối phúc bé mọn, làm men, làm muối và ánh sáng, chỉ dựa vào Chúa chứ không dựa vào một số hình thức liên quan của con người. Hơn nữa, sự khan hiếm về số lượng mời gọi sự phát triển các mối tương quan với các Kitô hữu thuộc các giáo phái khác, và cả tình huynh đệ với mọi người. Vì vậy, một đoàn chiên nhỏ, vâng, nhưng cởi mở, không khép kín, không phòng thủ, cởi mở và tin cậy vào hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng tự do thổi ở đâu thì thổi theo ý muốn của Người. Chúng tôi cũng nhớ đến phần u ám đó, tức các vị tử đạo, những vị tử đạo của dân Chúa thánh thiện đó, vì họ đã phải chịu nhiều thập niên bị vô thần áp bức, cho đến khi được giải phóng cách đây ba mươi năm, những người đàn ông và đàn bà đã phải chịu đựng rất nhiều vì đức tin trong thời gian dài bị bách hại. Bị giết, bị tra tấn, bị bỏ tù vì đức tin.

Với đoàn chiên nhỏ bé nhưng vui tươi này, chúng tôi đã cử hành Bí tích Thánh Thể, cũng tại Nur Sultan, trong quảng trường Triển lãm 2017, được bao quanh bởi kiến trúc cực kỳ hiện đại. Đó là ngày lễ Tôn vinh Thánh giá. Và điều này dẫn chúng ta đến suy tư: trong một thế giới mà tiến bộ và thoái trào đan xen nhau, Thập giá của Chúa Kitô vẫn là mỏ neo của ơn cứu độ: một dấu chỉ của niềm hy vọng không làm thất vọng vì nó được thiết lập trên tình yêu của Thiên Chúa, hay thương xót và trung thành. Chúng ta dâng lên Người lòng biết ơn về cuộc hành trình này, và chúng ta cầu xin nó sẽ mang lại hoa trái phong phú cho tương lai của Kazakhstan và cho đời sống của Giáo hội lữ hành ở vùng đất đó. Cảm ơn anh chị em.

___________________________________________

Các Lời Kêu Gọi

Hôm nay là Ngày Thế giới Bệnh Alzheimer, một căn bệnh ảnh hưởng đến rất nhiều người, những người thường bị đẩy ra lề xã hội vì tình trạng này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người bị bệnh Alzheimer, cho gia đình của họ và cho những người yêu thương chăm sóc họ, để họ có thể ngày càng được hỗ trợ và giúp đỡ. Trong lời cầu nguyện này, tôi cũng liên kết những người đàn ông và đàn bà hiện đối phó với chứng thẩm tách máu, lọc máu và cấy ghép, đang được đại diện tại đây.

Và tôi cũng muốn đề cập đến tình hình khủng khiếp ở Ukraine đang bị hành khổ. Đức Hồng Y Krajewski đã đến đó lần thứ tư. Hôm qua ngài điện thoại cho tôi, ngài đang dành thời gian ở đó, giúp đỡ tại khu vực Odessa và mang lại sự gần gũi. Ngài kể cho tôi nghe về nỗi đau đớn của dân tộc này, sự man rợ, quái dị, những cái xác bị tra tấn mà họ tìm thấy. Chúng ta hãy đoàn kết với dân tộc rất cao cả và chịu tử đạo này.
 
Mắc-kê-nô và mắc-kê-tao
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
08:59 22/09/2022
“Mắc-kê-nô và mắc-kê-tao”

(Suy niệm Chúa nhật 26 thường niên C - Lc 16,19-31 )

Mắc – kê nố (mặc kệ nó) và mắc-kê-tao (mặc kệ tao) là ngôn từ ngày nay đang được sử dụng để nói về những người sống tinh thần vô cảm và hững hờ đối với người khác. Quả thật, vô cảm, dửng dưng và loại trừ đang là thái độ nổi cộm trong xã hội hôm nay. Thái độ “mặc kệ nó và mặc kệ tao” nơi con người ngày nay không thua kém gì với thái độ của Ông nhà giàu trong Tin Mừng Chúa Nhật 26 thường niên C hôm nay.

Tôi phải làm gì đối với anh em đồng loại, nhất là đối với những hoàn cảnh khó khăn, éo le bệnh tật và già cả neo đơn? Tôi đang trở nên người thân cận hay xa lạ đối với họ? Tôi có thật sự sống với, sống cho, sống cùng và sống vì tha nhân không? Hay phải chăng tôi đang có thái độ để mặc kệ người ta hoặc loại trừ họ xem như tôi chẳng liên quan đến họ? Như Ca-in đã thoái thác khi Chúa hỏi anh: “Abel em ngươi đâu?”, Cain trả lời: “Con không biết! Con có phải là người giữ em con đâu!” (St 4,9)

Hôm nay nơi Bài Tin Mừng, chúng ta bắt gặp một người giàu có ăn mặc lụa là gấm vóc, tiệc linh đình. Ông ta giàu có là một sự chúc phúc và đó là điều Chúa mong muốn. Chúa chúc phúc cho ông và ông trở nên giàu có, mỗi ngày một giàu thêm, giàu vô kể (St 26, 12-13). Khi Chúa ban phát, Chúa rộng tay ban một cách dồi dào và tràn đầy chan chứa. Quả thật, sự giàu có được coi như là dấu chỉ sự chúc phúc của Thiên Chúa. Thế nhưng, trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta lại thấy lão nhà giàu bị trầm luân, hay nói đúng hơn bị sa hoả ngục. Tại sao vậy? Bởi vì, do thái độ vô cảm và vô tâm của ông nhà giàu trước cảnh nghèo nàn của Lazaro. Mặc cho sự hiện diện của Lazaro nghèo khổ trước cửa nhà, dẫu cho bệnh tật và ghẻ chốc của anh ta, lão nhà giàu không liên quan, không để ý và coi như tôi chỉ biết tôi, tôi chỉ sút dụng những gì là của tôi: tiệc linh đình và ăn mặc lụa là gấm vóc.

Nơi bài đọc I, tác giả Amos lên án hay khiển trách nặng nề này tại vương quốc Israel cho cả vua chúa và các nhà lãnh đạo tại hai vương quốc Giuda và Israel, khi cả hai vương quốc này chưa bị thất thủ và lưu đày: “Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, và tự kiêu trên núi Samaria. Các ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên ghế dài: ăn chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn; và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ; người ta nghĩ mình như Ðavit, có những nhạc khí, dùng chén lớn uống rượu, lấy dầu hảo hạng xức lên mình, và chẳng thương hại gì đến nỗi băn khoăn của Giuse; vì thế, giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu các kẻ lưu đày; những buổi yến tiệc của các kẻ buông tuồng sẽ không còn nữa”. Đây là lối sống bất công, là lối sống xa vắng Thiên Chúa hay bỏ quên Thiên Chúa. Lối sống đáng bị lên án và đáng bị đánh phạt!

Mặt khác, chúng ta có thể đặt mình nơi lão nhà giàu để thử biện họ cho ông xem sao: “Ông đã suy nghĩ tất cả những gì của tôi là do tôi đổ mồ hôi làm ra không là của riêng ai cả, nên tôi có quyền sở hữu và ăn chơi thoả thích. Còn tên Lazaro tàn phế và nghèo rách kia, nó lười biếng và nhác làm thì đành phải chịu số phận hẩm hiu thôi. Khổ là đúng! Thôi mặc xác nó! ‘Mặc kệ nó’! Tao không liên quan! ‘Mặc kệ tao”. Vâng, vì thái độ đó mà Chúa đã lên tiếng và phán xét khi ông ta lìa cõi đời. Quả thật, Lazaro nghèo đói và đau khổ nhưng hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa nay chết và được thiên thần rước vào lòng ông Ab-ra-ham. Còn, lão nhà giàu cũng chết và người ta đem đi chôn. Kết quả, ông ta đã bị trầm luân trong chốn ngục hình và nhận ra sự khổ sở tột cùng của chính mình. Ông ta đã phải réo lên ông và nài xin ông Abraham cho Lazaro nhúng ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi của ông cho mvì ở đó nóng lắm và đang bị lửa thiêu đốt khổ lắm. Nhưng ông nhận được câu trả lời thật xót xa từ ông Áp-ra-ham: ‘Con ơi, hãy nhớ lại : suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.’ (Lc 16, 25-26)”. Đúng như Chúa Giê-su đã từng nói: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.”(Lc 6,38). Quả thật, cái nghịch lý ở đây là chưa bao giờ ông nhà giàu cho Lazaro lấy một mẩu bánh vụn, chưa bao giờ ông ấy liếc nhìn và để ý đến cái ghẻ lở mụn nhọt nơi con người bất hạnh Lazaro ngoài mấy con chó đến liếm, nhưng sau khi chết, nơi âm phủ, ông nhà giàu lại đi ăn mày và xin cho được giọt nước từ ngón tay của Lazaro nơi lòng ông Ab-ra-ham. Có thể nói ngay rằng cuộc sống đời sau ngược lại hoàn toàn với cuộc sống đời này: gian tham, ích kỷ, vô tâm, vô cảm, hững hờ, thiếu sự tương thân tương ai với tha nhân ở đời này sẽ phải lãnh hình phạt ngay đời sau. Đức Giê-su cũng đã phán xét: “Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25, 40).

Ngoài ra, chúng ta cùng nhau đọc lại bài thơ với tựa đề “Luật Trời” từ trên mạng xã hội đã nói lên phần nào mối tương quan cần có đối với nhau khi còn sống với nhau, đừng vì tiền tài, danh vọng, giàu sang mà vô tâm, hững hờ và ích kỷ với nhau vì tất cả đều sẽ tan biến chỉ có tình yêu ở lại.

Tiền tài, danh vọng, giàu sang

Trở về cát bụi, chẳng mang được gì

Tại sao ta phải sân si

Bon chen, ganh ghét, làm chi hỡi người,

Vậy nên sống ở trên đời

Đừng nên tính toán, buông lời thị phi

Có tiền thì hãy cho đi

Tiếng thơm còn mãi khắc ghi muôn đời

Người giàu có ở mọi nơi

Mấy ai được cảnh thảnh thơi về già?

Giàu, nghèo, rồi cũng ra ma

Bốn dài, hai rộng, cũng ba tất đào

Vậy nên phải sống làm sao

Tu nhân, tích đức, trời cao tỏ tường

Đừng nên xảo trá bất lương

m mưu thủ đoạn, như phường tiểu nhân

Kết bè, kết phái chia phần

Bon chen, đục khoét, nhiều lần làm chi

Trở về cát bụi như nhau.

Giàu nghèo rồi cũng cùng nhau xuống mồ./.

Vì thế, ngang qua các bài đọc của Chúa nhật 26 thường niên C hôm nay, chúng ta được mời gọi hãy để ý cách thức chúng ta sống. Đừng vì tiền của, đừng vì lòng tham lam và vô cảm mà bỏ rơi tha nhân, nhất là những người bần cùng đói rách và bệnh hoạn tật nguyền, nhưng hãy biết cho đi và quan tâm họ. Cuộc sống mai hậu và đời đời tuỳ thuộc vào cách sống của chúng ta nơi hiện tại: sống tốt và tử tế với tha nhân sẽ lãnh nhận phần thưởng hạng phúc với Chúa, ngược lại, cuộc sống bon chen – gian tham và chỉ biết mình mà không biết người thì sẽ phải lãnh nhận hình phạt như hình ảnh của người nhà giàu trong Bài Tin mừng hôm nay.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:10 22/09/2022

8. Không có gì có thể cảm hóa người khác cho bằng tấm lòng nhân ái khoan dung, bởi vì lòng nhân ái khoan dung và lương thiện giống như đèn và dầu, nhân ái khoan dung là dầu của sự lương thiện, cho nên nó là ánh sáng soi cho mọi người.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:12 22/09/2022
4. TRANH CHẤP MÙ QUÁNG

Có một người ở Doanh Khâu, mặc dù học thức thô thiển, nhưng vẫn thích tranh chấp cách mù quáng với người khác.

Một hôm, hỏi Ngải Tử:

- “Phía dưới chiếc xe lớn và trên cổ con lạc đà, phần lớn là có đeo cái chuông, tại sao vậy?”

Ngải Tử nói:

- “Xe lớn và lạc đà đều là những vật lớn, chúng nó đi ban đêm, nếu không có chuông thì người đi đường sẽ không biết mà tránh, tiếng chuông có thể báo cho người ta biết trước để chuẩn bị”.

Người Doanh Khâu lại hỏi:

- “Trên tháp cũng treo chuông, lẽ nào cũng báo cho người biết để nhường đường hay sao?”

Ngải Tử cười ông ta chậm không hiểu, trả lời:

- “Chim sẻ thích làm tổ trên chỗ cao, giống chim rất dơ nên treo chuông trên tháp, khi gió thổi thì tiếng chuông reo lên, nên lũ chim sợ bay mất”.

Người Doanh Khâu vẫn cứ hỏi:

- “Trên đuôi của chim ưng và con diều cũng đều có mang chuông, vậy thì có chim sẻ đến làm tổ trên đuôi của chim ưng và con diều sao?”

Ngải Tử cười nói:

- “Cái ông này không thông thế sự, thật là kỳ cục, chim ưng và diều đi bắt chim sẻ, dây thừng cột trên chân nó, buộc quanh cành cây, giả như nó đập cánh thì chuông sẽ kêu ”leng keng long cong”, và người ta có thể nghe tiếng chuông để tìm nó, sao ông lại nói là để đề phòng chim sẻ đến làm tổ chứ?”

Khâu Doanh vẫn cứ hỏi:

- “Tôi đã thấy vãn lang khi đưa đám ma, trên tay lắc chuông miệng thì hát, lẽ nào cũng vì sợ vướng trên cành cây sao?”

Ngải Tử có chút phát cáu, nói:

- “Cái ông vãn lang ấy là dẫn đường cho người chết, là bởi vì cái người chết ấy khi còn sống chuyên môn thích tranh chấp với người khác cách mù quáng, cho nên phải lắc lắc chuông để nó vui chút xíu đó mà !”

(Ngải Tử tạp thuyết)

Suy tư 4:

Có người không hiểu không biết nên hỏi, đây là cái hỏi của sự muốn biết; có người hỏi để tăng thêm sự hiểu biết của mình, nhưng cũng có những người biết rổi nhưng vẫn hỏi, họ hỏi là để thử coi đối phương có biết không, họ hỏi là để tìm cách bắt bí người khác để thỏa mãn cái kiêu ngạo trong lòng.

Phi-la-tô hỏi Đức Chúa Giê-su về sự thật nhưng rồi ông cũng chẳng hiểu sự thật là gì, vì trong lòng ông đang đầy ắp kiêu ngạo và sợ hãi, đang thỏa mãn với “thành tích” có quyền tha và giết Đức Chúa Giê-su.

Người ở Dương Khâu hỏi để tranh chấp cách mù quáng là vì không chịu suy xét câu trả lời của Ngải Tử, cái hỏi này trở thành bệnh kiêu ngạo. Cũng như có một vài người Ki-tô hữu “thích” hỏi thử cha sở mình: “Hôm nay cha giảng gì mà con không hiểu gì cả?” mặc dù họ hiểu rất rõ; hoặc là: “Cái thằng mất dạy đó sao cha không đuổi nó ra khỏi nhà thờ?” mặc dù họ biết cha sở rất hiền từ không muốn mất một giáo dân nào.v.v...

Hỏi là việc làm khiêm tốn cần thiết để nâng cao trình độ mình, nhưng hỏi để “chơi khăm” người khác, thì tự mình hạ giá trình độ mình và trở thành kẻ kiêu ngạo mù quáng, khi chết thì cần có “vãn lang” lắc chuông miệng hát dẫn đường xuống âm phủ cho...zdui zdẻ. Ha ha ha...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chóang ngợp
Lm. Minh Anh
17:54 22/09/2022

CHOÁNG NGỢP
“Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”.

A. Lincoln nói, “Đã nhiều lần, tôi buộc phải quỳ gối, bởi tôi biết rằng, tôi không còn nơi nào khác để đi! Sự khôn ngoan của riêng tôi, và tất cả những gì tôi có, dường như không đủ cho ngày khốn quẫn đó. Và rồi, tình yêu Ngài phủ lấp, tôi ‘choáng ngợp!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tình yêu Ngài phủ lấp, tôi ‘choáng ngợp!’”. Cùng với trải nghiệm của vị tổng thống, một sự trùng hợp đến thú vị, khi cả hai bài đọc hôm nay nói đến ‘choáng ngợp!’. Con người ‘choáng ngợp’ trước vũ trụ đã đành; lại càng ‘choáng ngợp’ hơn trước Đấng Tạo Thành ra nó!

Bài đọc Giảng Viên nói, “Thiên Chúa ban cho con người khả năng nhận thức về vũ trụ; tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết ý nghĩa”. Cuộc sống của nó như được chia đều giữa niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau; “mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời” và con người có rất ít quyền đối với cái này hay cái kia. Do đó, nó có thể nhầm lẫn! Thế giới của Thiên Chúa đơn giản là ‘quá lớn’ so với con người, vốn ‘quá nhỏ’ để có thể nắm bắt. Thế giới đẹp đẽ nhưng khá trêu ngươi của Thiên Chúa khiến con người ‘choáng ngợp’; vậy mà, sự thoả mãn nó cung cấp lại ‘quá ít!’. Đang khi con người được tạo ra cho vô biên; thì làm sao những thứ hữu biên, thuộc về thời gian lại có thể thoả mãn nó đời đời? Rõ ràng, “ở đây không có thành phố lâu dài”; chúng ta, những lữ khách, “đi tìm thành tương lai”. Mục tiêu quan trọng không đạt được ở đây, bởi nó không có! Mục tiêu cuối cùng nằm ở chỗ khác, nơi Thiên Chúa! Thánh Vịnh đáp ca thật thâm trầm, “Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn!”.

Với bài Tin Mừng, khi hỏi “Dân chúng bảo Thầy là ai?”, Chúa Giêsu không quan tâm xác suất mến mộ quần chúng dành cho Ngài; Ngài quan tâm đến phúc đáp của một câu hỏi khác, “Các con bảo Thầy là ai?”; Phêrô thưa, “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa!”. Không thể đúng hơn! Phêrô nhìn nhận Ngài là Đấng Được Xức Dầu của Chúa; nói cách khác, Ngài là Thiên Chúa. Nhưng Phêrô vẫn chưa hiểu hết chiều sâu của mầu nhiệm! Cũng thế, dù biết điều này là đúng, nhiều lúc chúng ta vẫn ‘choáng ngợp’ trước chiều sâu của mầu nhiệm, “Mầu Nhiệm Đức Tin!”.

Thử tưởng tượng, bạn ngồi trước Chúa Giêsu, nghe Ngài nói, liệu bạn có kết luận, Ngài là Ngôi Hai của Ba Ngôi Chí Thánh? Ngài tồn tại từ muôn thuở, xưng mình “Tôi Hằng Hữu”, liệu bạn kết luận, Ngài hoàn hảo, Đấng Tạo Thành, Đấng gìn giữ cho mọi sự tồn tại? Không ai hiểu được chiều sâu của mầu nhiệm; chúng ta có thể nhận biết một điều gì đó đặc biệt về Ngài, nhưng vẫn ‘choáng ngợp’ vì không thể biết trọn vẹn Ngài là ai trong bản chất đầy đủ của Ngài.

Anh Chị em,

“Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Ngoài câu trả lời “từ trên ban xuống” và “được Cha mặc khải” của Phêrô, không ai có thể trả lời cách trọn vẹn! Bởi lẽ, Đức Kitô, Thiên Chúa, Vua Trời Đất, không xuất hiện trong uy nghi, oai hùng, nhưng trong hình hài một con người, lang thang trên những nẻo đường cho mắt phàm thấy được, sờ được. Vì muốn gần con người để có thể cứu nó, Ngài trở nên quá bình thường, nếu không nói là tầm thường! Cũng thế, ngày nay trong Thánh Thể, Ngài đợi đó để chúng ta đến gặp Ngài, sờ đụng Ngài. Ngài mong chúng ta đừng khoá chặt Ngài trong nhà thờ, hoặc đặt Ngài nơi cao chỉ để cung kính. Không! Ngài muốn ở với chúng ta, nên một với chúng ta; và qua chúng ta, những nhà tạm di động, Ngài đến với những người khác, chia sẻ nỗi niềm, hoàn cảnh của mỗi người, hầu bổ sức và đồng hành với họ. Ngài hạ mình thẳm sâu để mỗi người có thể được nâng lên cao nhất; Ngài không muốn một ai phải ‘choáng ngợp’ vì Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘choáng ngợp’ bởi những mời mọc của thế gian. Cho con ‘choáng ngợp’ trước tình yêu tuyệt vời của Chúa, vốn luôn để ý đến từng chi tiết đời con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hôm nay vị Hồng Y cô đơn phải ra tòa. Ta hãy cầu cho ngài
VietCatholic Media
16:54 22/09/2022


Truyền thông Hương Cảng đưa tin, phiên tòa hình sự xét xử Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng đã bị trì hoãn sau khi thẩm phán chủ tọa vụ án có kết quả dương tính với COVID-19.

Đức Hồng Y Quân, 90 tuổi, lẽ ra đã phải hầu tòa bắt đầu từ thứ Hai liên quan đến vai trò là người được ủy thác của một quỹ pháp lý ủng hộ dân chủ, mà ngài và những người được ủy thác khác bị cáo buộc là không đăng ký dân sự. Đức Hồng Y Quân là giám mục hiệu tòa của Hương Cảng, một người bênh vực thẳng thắn cho tự do tôn giáo và dân chủ, đồng thời là người chỉ trích gay gắt thỏa thuận năm 2018 của Vatican với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm giám mục.

Truyền thông địa phương đưa tin vào cuối tuần rằng phiên tòa - ban đầu dự kiến bắt đầu vào ngày 19 tháng 9 và dự kiến kết thúc với phán quyết vào ngày 23 tháng 9 - đã bị trì hoãn ít nhất hai ngày vì Thẩm phán thường trực Doãn Thuận Nghi (Yim Shun-yee, 尹顺仪) bị nhiễm coronavirus.

Đức Hồng Y đã bị bắt và được tại ngoại vào ngày 11 tháng 5. Vị giám mục hiệu tòa Hương Cảng phải hầu tòa vào ngày 24 tháng 5 vì ngài là người được ủy thác của Quỹ cứu trợ nhân đạo 612, một hiệp hội hỗ trợ các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ trong cuộc bạo động năm 2019 để mướn luật sư bào chữa trước tòa.

Đức Hồng Y, bốn người được ủy thác khác và thư ký của quỹ đều bị cáo buộc đã không khai báo quỹ một cách hợp pháp theo luật pháp địa phương. Các vụ đã kiên quyết chống lại cáo buộc này.

Ban đầu bị bắt vì tội “âm mưu cấu kết với lực lượng nước ngoài” theo luật an ninh do Bắc Kinh áp đặt vào tháng 6 năm 2020, sáu bị cáo vẫn chưa bị buộc tội về tội danh đó.

Một ngày sau khi vị Hồng Y bị bắt, Tòa thánh bày tỏ quan ngại sâu sắc và cho biết họ đang theo dõi “rất chặt chẽ diễn biến của tình hình”.

Nhận định về cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Quân, Đức Hồng Y Charles Bo, của Miến Điện, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, nói:

“Anh tôi, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, đã bị bắt và phải đối mặt với các cáo buộc chỉ vì ngài từng là người được ủy thác của một quỹ hỗ trợ pháp lý cho các nhà hoạt động đối mặt với các vụ kiện của tòa án. Trong bất kỳ hệ thống nào mà nhà nước pháp quyền tồn tại, việc hỗ trợ để giúp những người bị truy tố chi trả án phí là một quyền phù hợp và được chấp nhận. Giúp người bị tố cáo có quyền bào chữa, đại diện hợp pháp thì làm sao có thể có thể coi là một tội phạm được?”

Nhiều tín hữu Công Giáo Hương Cảng cảm thấy cay đắng vì kẻ ký lệnh bắt giữ Đức Hồng Y Quân là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-ngor, 林鄭月娥), một người Công Giáo. Bà ta cũng chọn đúng ngày 24 tháng 5, là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Giáo hội ở Trung Quốc, cũng là ngày lễ của Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu, để đưa ngài ra tòa lần thứ nhất.
Source:Catholic News Agency
 
Napoli: Giữa thời khắc hiểm nghèo của thế giới, phép lạ máu thánh Gennaro hóa lỏng đã xảy ra
VietCatholic Media
16:55 22/09/2022


Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine quá sức kinh hoàng, vật giá leo thang đến chóng mặt, coronavirus vẫn chưa hoàn toàn biến mất, nhiều người đã dán mắt vào các phương tiện truyền thông để theo dõi buổi truyền hình trực tiếp các cử hành tại nhà thờ chính tòa Đức Bà của Napoli vào hôm 19 tháng 9.

Máu của Thánh Gennaro đã hóa lỏng vào hôm thứ Hai trong một thánh lễ ở Napoli, nơi Đức Tổng Giám Mục lên án gay gắt “văn hóa mafia ung thư” của thành phố.

Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia của Napoli giơ một ống chứa thánh tích là máu của vị thánh tử đạo vào thế kỷ thứ ba tại nhà thờ chính tòa Napoli vào ngày 19 tháng 9, cho thấy máu đã hóa lỏng trong sự vui mùng và cổ vũ của đông đảo anh chị em giáo dân.

“Hôm nay dấu hiệu về máu của Giám mục Gennaro đổ ra vì Chúa Kitô và các anh em của ngài cho chúng ta biết rằng lòng tốt, cái đẹp và sự công bình sẽ và luôn luôn chiến thắng,” Đức Tổng Giám Mục nói.

“Đây là ý nghĩa của máu này, kết hợp với máu đổ ra bởi Chúa Kitô và của tất cả các vị tử đạo ở mọi nơi và mọi thời, là một bằng chứng sống động rằng tình yêu luôn chiến thắng.”

Hơn 2.000 người đã tập trung tại Nhà thờ Đức Bà ở Napoli để dự lễ Thánh Gennaro, vị thánh bảo trợ của thành phố. Vị giám mục được cho là đã tử vì đạo trong cuộc đàn áp Kitô của Hoàng đế Dioclêtiô.

Trong bài giảng của mình, tổng giám mục của Napoli cảnh báo không nên giảm lược việc tôn kính các vị thánh của thành phố thành mê tín dị đoan.

“Hỡi các anh chị em của tôi, vấn đề nhỏ là máu có hóa lỏng hay không; Chúng ta đừng bao giờ giản lược lễ kỷ niệm này thành một lời tiên tri.”

Đức Cha Battaglia cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đối đầu với “văn hóa mafia” của thành phố miền nam nước Ý. Ngài nói rằng “tệ nạn ung thư của Camorra và văn hóa mafia, nghèo đói về giáo dục và thất nghiệp” giống như một “bệnh dịch” đối với những người trẻ tuổi ở Napoli, thường buộc họ phải di cư.

Đức Tổng Giám Mục kêu gọi người Công Giáo đóng góp vào “hiệp ước giáo dục” mà ngài đưa ra ở Napoli năm ngoái với mục đích tiếp cận những người trẻ tuổi có cơ hội xây dựng trước khi họ bị lôi kéo vào các nhóm tội phạm có tổ chức.

“Hỡi người dân Napoli, điều làm anh chị em trở nên tuyệt vời là khả năng yêu thương của anh chị em, điều có thể khiến anh chị em trở nên tuyệt vời hơn nữa là rút ra từ nguồn tình yêu là chính Chúa Kitô: đừng sợ đi theo Người và tôn vinh Chúa vì những gì Người sẽ làm nơi anh chị em, trong con người nhỏ bé của anh chị em, giữa những người nghèo của anh chị em, và những người ngồi bên lề xã hội.”

Sau khi thánh lễ kết thúc, một đoàn rước đã được hình thành tự phát, dẫn đầu là Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia. Đã ba năm rồi mới có một cuộc rước kiệu hoành tráng như thế. Những năm trước không có rước kiệu vì đại dịch coronavirus hay vì phải chờ đợi rất lâu máu mới hóa lỏng.

Theo truyền thống, phép lạ Máu Thánh Gennaro hóa lỏng xảy ra ít nhất ba lần một năm: ngày 19 tháng 9, ngày lễ của vị thánh, ngày thứ bảy đầu tiên của tháng 5 và ngày 16 tháng 12, kỷ niệm Napoli được cứu khỏi vụ phun trào năm 1631 của Núi Vesuvius gần đó.

Máu Thánh Gennaro, vị giám mục sống ở thế kỷ thứ ba, đựng trong một lọ kín hình tròn, hóa lỏng trong cả tháng 5 và tháng 9 năm nay, nhưng không thay đổi trạng thái vào tháng 12 năm 2020.

Khi phép lạ xảy ra, khối màu đỏ đã khô tích tụ ở một bên của lọ máu trở thành máu lỏng như bình thường, bao phủ toàn bộ tấm kính. Trong truyền thuyết địa phương, việc máu không hóa lỏng báo hiệu chiến tranh, nạn đói, bệnh tật hoặc các thảm họa khác.

Nhiều cư dân của Napoli tin rằng việc máu của Thánh Gennaro không hóa lỏng là một dấu chỉ cho thấy các bi kịch sẽ xảy đến cho thành phố. Gần đây nhất, khi máu của thánh nhân không hóa lỏng vào năm 1980, một trận động đất đã xảy ra ít ngày sau ở phía nam thành phố Napoli làm hơn 2,500 người thiệt mạng. Một trường hợp tương tự vào năm 1939, khi một bệnh dịch tả tấn công thành phố ngay trước khi bùng nổ Thế chiến thứ hai; và vào năm 1943, khi quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng Ý. Trong quá khứ xa xôi nhất, sự vắng mặt của các phép lạ thường được kết hợp với các tổn thất quân sự, các vụ phun trào núi lửa, và sự bùng phát của các dịch bệnh.

Vào ngày 21 tháng 3 năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh tại nhà thờ này.

Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Lạy Cha. Đức Hồng Y Sepe trao cho ngài bình máu thánh Gennaro. Khi Đức Thánh Cha hôn kính thánh tích, máu bắt đầu hóa lỏng và Đức Hồng Y đưa ra nhận xét này với Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha sau đó đã cầm thánh tích trên tay để ban phép lành cho cộng đoàn trước khi trao lại cho Đức Hồng Y. Vị Hồng Y Tổng Giám Mục thành Napoli quan sát một lần nữa và kêu gọi sự chú ý của mọi người.

Ngài nói:

“Anh chị em chú ý: Có dấu chỉ cho thấy Thánh Gennaro thương mến Đức Giáo Hoàng, cũng là người Napoli như chúng ta: máu đã lỏng”.

Máu đã hóa lỏng nhưng không hoàn toàn. Đức Giáo Hoàng nhận xét hóm hỉnh như sau:

“Dường như vị thánh yêu thương chúng ta một chút. Chúng ta phải hoán cải nhiều hơn để ngài yêu thương chúng ta hoàn toàn.”
Source:Catholic News Agency
 
Các giám mục Bỉ và cuộc chiến giành di sản của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
19:26 22/09/2022

Nhân dịp các Giám Mục thuộc ngành Flemish của Bỉ ban hành văn kiện phụng vụ về việc chúc phúc cho các cặp đồng tính và tự hào là họ đi đúng tinh thần của Đức Phanxicô (xem https://cruxnow.com/church-in-europe/2022/09/head-of-new-flemish-lgbt-ministry-confident-its-in-the-spirit-of-our-pope), Ed. Condon, đồng sáng lập tạp chí The Pillar, có bài phân tích với tựa đề như trên.



Kế hoạch ban phúc lành cho các cặp đồng tính của các giám mục Flemish đang ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giành di sản cải cách của Đức Giáo Hoàng, mặc dù ngài vẫn còn đương nhiệm.

Các giám mục Flemish của Bỉ hôm thứ Ba đã công bố một văn bản về việc chăm sóc mục vụ cho những người Công Giáo tự xác nhận là LGBT, bao gồm lời cầu nguyện cho “tình yêu và lòng chung thủy” của các cặp đồng tính; văn bản này được hiểu rộng rãi là một văn bản dùng để chúc phúc cho các mối quan hệ đồng tính. Bộ phận tiếng nói tiếng Pháp của hội đồng giám mục Bỉ dự kiến sẽ sớm phát hành phiên bản của riêng mình.

Lời cầu nguyện có thể đoán trước là gây tranh cãi, với các nhà phê bình cho rằng đó là sự phủ nhận hướng dẫn của Vatican về chủ đề này.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ can thiệp vào vấn đề này hay không? Điều đó vẫn chưa chắc chắn.

Nhưng việc công bố nó có thể báo hiệu sự khởi đầu của một cuộc chiến công khai trong Giáo hội để giành di sản của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Và liệu Đức Giáo Hoàng có bước vào để xác định di sản đó cho chính mình hay không vẫn là một câu hỏi không chắc chắn, nhưng thật cấp bách.

Chỉ hơn một năm trước, Bộ Giáo lý Đức tin lúc bấy giờ đã ban hành một văn bản giải thích rằng Giáo hội không có quyền chúc phúc cho các cuộc kết hợp đồng tính, dù nhấn mạnh phẩm giá của tất cả mọi người, bao gồm cả những người Công Giáo tự xác định là đồng tính luyến ái.

Tài liệu trên nhằm đáp ứng Giáo hội ở Đức, nơi mà các tài liệu ban đầu của “con đường đồng nghị” đã kêu gọi sửa đổi giáo huấn của Giáo hội về tình dục con người, và kêu gọi việc chúc phúc cho các mối liên hệ đồng tính trong các nhà thờ.

Văn bản của Bộ Giáo lý Đức tin đã không được con đường đồng nghị Đức hoan nghênh, và các giáo sĩ Đức đã tổ chức một ngày biểu tình đông đảo, chúc phúc hàng trăm cuộc kết hợp đồng tính trong các nhà thờ trên khắp đất nước.

Nhưng các giám mục Đức hầu như chấp nhận những gì Rôma hướng dẫn - trong lúc này - trong khi thề sẽ thúc đẩy việc tranh luận về nghị trình đồng nghị của họ.

Thực ra, chính ở Bỉ, chỉ thị của Bộ Giáo lý Đức tin mới gặp phải phản ứng thách thức nhất.

Giám mục Johan Bonny của Antwerp cho biết bản văn của Bộ Giáo lý Đức tin khiến ngài “xấu hổ về Giáo hội của tôi”.

Vị giám mục đã bác bỏ Bộ giáo lý của Vatican như một “hậu phòng ý thức hệ”, và cáo buộc người ký chính của văn bản, Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, thực sự, đã không có chiều sâu: Bonny nói, “Về mặt trí tuệ, vị này thậm chí không đạt đến trình độ học sinh trung học”.

Một năm sau, các giám mục Bỉ dường như đã cho thấy sự khinh thường của họ đối với Bộ Giáo lý Đức tin không phải chỉ là lời nói khoa trương.

Tài liệu quy định về sự chúc phúc cho các mối liên hệ đồng tính được ban hành chỉ vài tuần trước chuyến thăm ad limina của các giám mục tới Rôma, chuyến thăm đầu tiên của họ trong hơn một thập niên.

Khi ở Rôma, như tất cả các giám mục đến thăm, họ sẽ có các cuộc họp với tất cả các cơ quan chính của giáo triều, kể cả Bộ Giáo lý Đức tin.

Văn bản của Bỉ chắc chắn sẽ được nêu ra, nhưng nó có thể là một chủ đề gây bối rối cho Đức Hồng Y Ladaria, một tu sĩ Dòng Tên và được Đức Phanxicô bổ nhiệm, hơn là đối với những vị khách của ngài. Các giám mục nhận thức rõ giáo huấn của Giáo hội là gì và Bộ Giáo lý Đức tin đã nói gì về vấn đề này. Xem ra các ngài muốn cho thấy rõ giáo huấn của Giáo hội phải thay đổi, và thánh bộ của Đức Hồng Y Ladaria không thể làm gì để ngăn cản cố gắng của các ngài.

Trong những thập niên và thế kỷ trước, thẩm quyền cuối cùng của Vatican về các vấn đề đức tin và đạo đức đều được hiểu và minh nhiên - nhưng bên dưới việc hiểu biết đó là sự mong đợi của tất cả các bên rằng, quá một điểm nào đó, thì Đức Giáo Hoàng sẽ can thiệp, một cách dứt khoát nếu cần.

Đó là trường hợp trong những thập niên gần đây, khi Đức Tổng Giám Mục Raymond Hunthausen của Seattle thấy mình là chủ đề của một chuyến viếng thăm tông tòa vào những năm 1980, và Thánh Gioan Phaolô II đã giao cho ngài một giám mục phó để thanh lý và chỉnh sửa hữu hiệu các lời giảng dạy của Đức Tổng Giám Mục.

Trong một điển hình gần đây hơn, Giám mục William Morris của Toowoomba của Úc đã bị Đức Bênêđíctô XVI cách chức vào năm 2011, khi rõ ràng ngài không tuân theo giáo huấn của Giáo hội về việc không thể truyền chức linh mục cho phụ nữ.

Nhưng khi Ladaria ngồi lại với các giám mục Bỉ trong vài tuần nữa, một vài người trong thánh bộ có thể sẽ nghiêm túc xem xét viễn cảnh Đức Phanxicô có thể đáp ứng như Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô từng đáp ứng.

Dù Đức Giáo Hoàng đã cho thấy ngài sẵn sàng cách chức một giám mục vì lý do “không vâng lời” và không hiệp thông với các giám mục khác, nhưng chưa có điển hình nào về việc Đức Phanxicô thực hiện hành động kỷ luật về các vấn đề giáo lý.

Kết quả là, các tranh chấp về các vấn đề đức tin và đạo đức giữa Rôma và các giám mục, đặc biệt ở châu Âu, có xu hướng xoay quanh những cách giải thích cạnh tranh - một số khá có tính suy đoán - về những gì Đức Phanxicô thực sự dạy và thực sự nghĩ.

Chẳng hạn, điều đáng lưu ý là cả văn bản năm 2021 của Bộ Giáo lý Đức tin loại trừ khả năng Giáo Hội chúc phúc cho các cuộc kết hợp đồng tính lẫn tài liệu của Bỉ đưa chúng vào, cả hai đều tham chiếu tông huấn Amoris laetitia năm 2016 của Đức Phanxicô.

Trong khi các Giám Mục Bỉ nhấn mạnh rằng kế hoạch của họ nằm trong khuôn mục vụ được các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng đòi hỏi, thì Bộ Giáo lý Đức tin có thể nhận định rằng chính Đức Phanxicô đã ra lệnh công bố văn kiện của họ ngay từ đầu.

Tuy nhiên, ấn tượng đã thành hình, cả ở Rôma lẫn trên toàn Giáo hội, rằng không có xác suất gì là Đức Giáo Hoàng sẽ minh nhiên nghiêng về phía nào.

Một số người theo dõi Vatican coi đó như bằng chứng của “chủ nghĩa bánh ngọt” của Đức Giáo Hoàng, tức thiên hướng vừa ăn bánh mà vừa còn nó - trong trường hợp này dường như cùng một lúc vừa đứng chung với các giáo huấn lâu đời của Giáo hội vừa cho phép việc thúc đẩy các thay đổi triệt để đối với chúng.

Những người khác, kể cả nhiều viên chức làm việc trong giáo triều Rôma, lặng lẽ gợi ý rằng mặc dù hình ảnh của ngài là một giáo hoàng chỉ đạo một cuộc cải cách sâu rộng về văn hóa và quản trị của Giáo hội hoàn vũ, nhưng Đức Phanxicô thực sự lo sợ phải đối đầu trực tiếp với các hội đồng giám mục tiến bộ hơn như Bỉ và Đức, và lo lắng rằng ngài không có thẩm quyền đưa họ vào hàng, ngay cả khi ngài nghĩ rằng họ đã đi quá xa.

Cho dù một trong hai ấn tượng đó hay không có ấn tượng nào trong số này chính xác, thực tại là các cuộc tranh luận gay gắt nhất hiện đang diễn ra – liên quan tới giáo huấn của Giáo hội về luân lý tình dục, về các bí tích, về ý nghĩa và bản chất của tính đồng nghị - tất cả đã trở thành những trận chiến giành di sản của Đức Phanxicô trong tư cách giáo hoàng, ngay khi ngài vẫn còn tại vị.

Trong số các viên chức Vatican nói chuyện với The Pillar, có một sự đồng thuận: điểm nguy kịch đã đến trong căng thẳng âm ỉ kéo dài giữa những người thất vọng rằng Vatican đã không đưa ra "tiến bộ" nào về mặt học thuyết trong các vấn đề như mối liên hệ đồng tính, và những người làm việc để ngăn chặn điều bị họ coi như phủ nhận giáo lý Công Giáo.

Các phương tiện truyền thông đồ đoán về sức khỏe của Đức Giáo Hoàng, hoặc gợi ý về việc ngài từ chức, là điều bình thường ở giai đoạn này của triều giáo hoàng - Đức Phanxicô sắp bước sang tuổi 86. Nhưng đằng sau những lời bàn tán thường ngày trên báo chí, cuộc chiến giành di sản của triều giáo hoàng Phanxicô đã trở thành thực tế, cả trong số những người tự coi mình như những người cương quyết ủng hộ nghị trình của ngài.

Một bên là những người theo chủ nghĩa định chế, những người coi cuộc cải cách lớn nhất của Đức Phanxicô là sự thay đổi âm nhạc, thay vì lời ca, cho Giáo hội, mang lại một giai điệu mục vụ mới cho các chân lý và tín lý bất biến. Đối với những nhân vật đó, hành động của các giám mục Đức và Bỉ là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện tại đối với sự hiện hữu có tính cơ cấu của Giáo hội hoàn vũ, đe dọa chia lìa với Rôma và các hội đồng giám mục khác trên khắp thế giới về các vấn đề tín lý căn bản.

Phía bên kia là những người coi triều giáo hoàng của Đức Phanxicô như một cơ hội để cải tổ giáo huấn của Giáo hội một cách mạnh mẽ có bản chất, chứ không chỉ trong giọng điệu. Họ sợ cửa sổ đó đang đóng lại nhanh chóng và gây hứng cho một tình trạng cấp bách mới để củng cố các đề xuất và cuộc thảo luận thành hành động và kết quả.

Có lẽ đáng chú ý, lực đẩy và lực kéo giữa hai bên đó cho đến nay đã diễn ra trong bối cảnh chuẩn bị cho phiên họp thượng hội đồng cuối cùng của năm tới, dự kiến vào tháng 10 - nhưng ít nhất trong các cuộc trò chuyện xung quanh Rôma, khung quy chiếu đang chuyển sang việc thảo luận nhiều-hay-ít cởi mở về mật nghị bầu Giáo Hoàng tiếp theo và quá đó nữa.

Trong khi các nhà bình luận thường cố loại bỏ việc coi cuộc bầu cử Giáo hoàng như bao gồm các ứng viên bảo thủ chống các ứng viên tự do, thì sự chia rẽ giữa những người duy định chế và những người cực cấp tiến hoàn toàn đáng được theo dõi kỹ hơn, với cả hai phe đều cho rằng mình là phù hợp nhất để tiếp tục các cải cách của Đức Phanxicô.

Một số Hồng Y nổi tiếng, như Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin và chủ tịch hội đồng giám mục Ý, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, từ lâu đã được nhắc đến trong một số giới như những người thừa kế có thể có của Đức Phanxicô. Nhưng nay, càng ngày các ngài càng được nói đến - ít nhất bởi một số người cấp tiến - như quá gần với tư duy “duy định chế” và không cởi mở đủ đối với loại cải cách triệt để, chẳng hạn như của các giám mục Bỉ và Đức.

Những cái tên mới hiện đang bắt đầu xuất hiệp khắp Rôma như các “Đức Phanxicô II” trong tiềm năng, đặc biệt là Hồng Y Mauro Gambetti, vị tổng linh mục của Nhà thờ Thánh Phêrô và là tổng đại diện của thị quốc Vatican, và Hồng Y người Malta Mario Grech - người đứng đầu văn phòng thường trực của Thượng hội đồng. Mỗi vị đều được cho là đang âm thầm báo hiệu cam kết của mình trong việc “dứt khoát cải tổ” Giáo hội.

Tuy nhiên, những người duy định chế và những người cải cách cấp tiến dường như chia sẻ một điểm chung quan trọng – viễn kiến về Giáo hội nhấn mạnh quyền lực bắt nguồn từ con người và chức vụ của giáo hoàng.

Nhưng một cách nghịch lý, chính việc Đức Giáo Hoàng từ chối minh nhiên ủng hộ phe này hay phe khác trong những mối bất hòa khác nhau đang nảy sinh giữa giáo triều của ngài và các giám mục Bỉ và Đức khiến nhiều nhà quan sát lo ngại viễn cảnh về một cuộc khủng hoảng hiệp thông toàn diện.

Động lực của Rôma nói một điều và các giám mục làm điều ngược lại - thí dụ ở Bỉ - đơn giản không chống chữa được trong bất cứ khoảng thời gian thực nào. Ngay cả khi Rôma (và Đức Giáo Hoàng) từ chối hành động chống lại các Giám Mục Bỉ, hoặc các Giám Mục Đức, công khai phớt lờ tình hình cũng không có khả năng làm cho nó biến mất.

Thật vậy, nếu hy vọng của Đức Phanxicô là nhờ không đứng về phía nào, ngài có thể tránh được xung đột, thì chiến lược này kết cục có thể sẽ kích động chính cuộc đối đầu mà ngài hy vọng sẽ tránh được.

Cuối cùng, những bức thư quan tâm của các giám mục từ các nơi khác trên thế giới sẽ biến thành lời thừa nhận thẳng thắn rằng hội đồng giám mục này hay hội đồng giám mục nọ đã vi phạm giáo huấn và kỷ luật phổ quát của Giáo hội, cả khi Đức Phanxicô từ chối đáp ứng những điều đó. Nhưng một số người hiện đang suy đoán điều đó có thể là một phần của kế hoạch.

Một lý thuyết đang được đề xuất trong các bộ phận của Vatican là một số hội đồng giám mục cấp tiến đang ve vãn một cuộc đối đầu.

Lý thuyết đó cho rằng nếu Đức Giáo Hoàng Phanxicô không minh nhiên ủng hộ chẳng hạn việc phong chức cho phụ nữ hoặc công nhận các cuộc kết hợp đồng tính, thì cuối cùng người kế nhiệm ngài sẽ giải quyết vấn đề. Trong trường hợp đó, lập luận tiếp tục, việc kích động một cuộc chia lìa công khai về các vấn đề có thể buộc người kế nhiệm của ngài phải lựa chọn giữa chương trình cải cách tiến bộ và viễn cảnh ly giáo thực sự - với việc các nhà cải cách trông cậy vào việc ngài chọn sự hợp nhất hơn là thẩm quyền giảng dạy của Giáo hội. Vị giáo hoàng tương lai đó lúc ấy sẽ hàn gắn việc chia lìa trong khi giải quyết hướng cải cách có lợi cho chúng, một lần và mãi mãi.

Giống như tất cả các chiến lược tiền mật nghị bầu Giáo Hoàng, nó có thể hoặc không có thể gần nhất quán và có tổ chức như một số người vẫn nghĩ. Và cũng như những kế hoạch khác trước đây, nó có thể thành công hoặc không.

Nhưng vào lúc này, hình như ít nhất một số người con trong giáo hội của Đức Phanxicô đang đòi chia phần tài sản của họ ngay bây giờ. Liệu họ có được thỏa lòng hay không là điều vẫn còn cần được nhìn thấy.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Ủy Ban Giáo Dân Toàn Quốc Lần Thứ II Tại Linh Địa La Vang Huế
Tôma Trương Văn Ân
17:53 22/09/2022
Đại Hội Ủy Ban Giáo Dân Toàn Quốc Lần Thứ II Tại Linh Địa La Vang Huế

Đại hội Ủy ban Giáo Dân ( UBGD) toàn quốc lần thứ II, với chủ đề: “Người giáo dân trong Hội thánh hiệp hành” được tổ chức tại Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang, từ thứ hai - ngày 19 đến thứ năm- ngày 22/9/2022.

Xem Hình

Đại hội qui tụ 3 Giám mục, 50 Linh mục, 10 Nữ tu, hơn 450 Giáo dân Tham dự viên là: Ủy viên của Ủy Ban Giáo Dân, Đại biểu các Hội đoàn Tông đồ Giáo dân, Đại biểu Hội đồng mục vụ Giáo xứ của 27 Giáo phận trong toàn quốc.

Đại hội nhằm mục đích huấn luyện đào tạo Ủy viên UBGD, Ban điều hành các Hội đoàn, làm nhân tố cho việc hướng dẫn người Giáo dân trưởng thành hơn trong Đức tin, sống Ơn gọi “ Người Ki-tô Hữu Giáo dân trong một Hội Thánh hiệp hành”Hiệp thông, tham gia và Sứ vụ”, đồng thời tổng kết lượng giá nhiệm kỳ 14 ( 2019-2022) của UBGD / HĐGM VN.

Ngày thứ nhất của Đại hội, 19 / 9 / 2022:

lúc 17 giờ, Cha Antôn Hà Văn Minh, Trưởng ban tổ chức đã dẫn giải Tông Huấn: “Người Tông Đồ Giáo Dân” của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, để nói lên trách vụ của Người Tông đồ Giáo dân trong thế giới hôm nay, đồng thời Cha An-tôn nói đến ý nghĩa và lý do của Kỳ Đại hội UBGD toàn quốc lần II này.

Tiếp đó, Cha Giuse Nguyễn ý Định, Phó Chủ tịch UBGD trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM VN), đã giới thiệu sự hiện diện Giảng huấn và điều hành của Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục Giáo phận Long Xuyên, Chủ Tịch Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, cho quý Tham dự viên. Đồng thời Cha Ý Định cũng giới thiệu Cha Antôn Hà Văn Minh, Thư ký UBGD / HĐGMVN, Trưởng ban tổ chức Đại hội và các thành viên Đoàn của 27 Giáo phận. thật là niềm vui của sự gặp gỡ, niềm vui của “ Hiệp Hành “.

Tham dự viên đã dâng lời tạ Ơn Chúa, khi Đức Cha Giuse – Chủ tịch giới thiệu và chào mừng sự hiện diện của Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn – Giám mục Giáo phận bà Rịa Vũng Tàu, đồng thời Đức Cha Giuse long trọng tuyên bố khai mạc kỳ Đại hội lần II, dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ La Vang và nhờ lời Chuyển cầu Thánh nữ A-nê Thành Tử Đạo – Bổn mạng UBGD ban muôn an lành cho mỗi người, và cho Tham dự viên lĩnh hội được những cảm nghiệm, hiểu biết hơn về Ơn gọi của người Tông đồ Giáo dân, sự hiệp thông từ Đại hội với Giáo hội Việt Nam.

Bó hoa tươi thắm do Đức Cha Giuse Chủ tịch dâng lên Đức Mẹ và lời cầu nguyện của Tham dự viên qua lời bài hát “ Con Đến Trước Tòa “, xin Đức Mẹ gìn giữ và ban an lành cho mỗi người. Cộng đoàn đã sốt sắng Chầu Thánh Thể trong niềm tin yêu phó thác vào tình yêu thương từ ái của Thiên Chúa và Mẹ Maria. Xin cho mỗi người Tín hữu chúng con sống tinh thần: Hiệp Thông, Tham Gia và Sứ vụ trong việc loan báo Tin mừng.

19 giờ 30 cùng ngày, Đức Cha Giuse Chủ tịch UBGD, đã chủ sự Đoàn Kiệu Thánh nữ tử đạo A-nê Thành – Bổn mạng UBGD, từ nhà hành hương đến Linh đài. Thánh nữ là mẫu gương trung kiên sống Đạo và loan truyền Tin Mừng đến với những người sống xung quanh.

Ngày thứ 2 của Đại hội, 20 / 9 / 2022:

div style='float:left; padding:10px'>
Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh- Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Tổng Giáo phận Huế đã Chủ sự Thánh lễ Chúa Thánh Thần, khai mạc Kỳ Đại hội lần II lúc 6 giờ. Cùng đồng tế có Đức Cha Giuse – Chủ tịch UBGD / HĐGM VN; Đức Cha Emmanuel – Giám mục Giáo phận Bà Rịa Vũng Tàu – Chủ tịch Ủy ban Phụng tự và quý Cha Trưởng Phó đặc trách UBGD của 27 Giáo phận hiện diện tham dự.

Đức Cha chủ tế đã gợi lại hình ảnh qui tụ: các Giám mục là Tông đồ, các Đại biểu là Ki-tô hữu vây quanh Đức Mẹ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã đến ban tràn đầy ơn cho mỗi người. theo cách nói của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II: “ Lễ Hiện Xuống “ mới. Đức Cha nhấn mạnh đến tình yêu mến, tất cả các thành phần trong Giáo hội hăng say, hiệp hành hoạt động cho việc Truyền Giáo. Nhờ Ơn Chúa và sự nhiệt tâm, có khả năng dự phóng cho những việc làm cụ thể trong Sứ vụ. các thành phần dân Chúa biết lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau.

Trong buổi sáng này, Tham dự viên được nghe 3 Thuyết trình viên của 3 Giáo Tỉnh trình bày Tham luận về đề tài: Người Giáo dân, Hội đồng mục vụ và các Đoàn thể cộng tác với Cha quản xứ xây dựng Hội Thánh địa phương.

Trong bài giảng huấn lúc 9 giờ, Đức Tổng Giám Mục Giuse, đã mời gọi Tham dự viên tạ ơn Chúa đã đưa chúng ta vào gia đình Giáo hội. Chúng ta sống tình hiệp thông và tham gia xây dựng gia đình Giáo hội hiệp thông. Đức Cha nhấn mạnh đến 5 ước nguyện: 1. Xin cho chúng ta cảm nghiệm Thiên Chúa và Hội Thánh yêu thương ta, bằng cách tín nhiệm và qui tụ chúng ta; 2. Chúa Thánh Thần tác động để chúng ta cảm nghiệm Giáo hội tín nhiệm và nâng cao người Giáo dân trong xã hội hôm nay; 3. Cảm nghiệm Ủy Ban Giáo Dân là gia đình của Thiên Chúa, để chu toàn trách vụ được giao; 4. ý thức hơn phẩm giá và vai trò người Giáo dân xây dựng Hội Thánh Hiệp hành; 5. xin được Ơn biến đổi nên tốt hơn, để dấn thân xây dựng Nước Thiên Chúa.

Buổi chiều cùng ngày, Tham dự viên được nghe 3 bài Tham luận về đề tài: “ Người Giáo dân Làm Việc Tông Đồ”, việc “Tái Phúc m” cho người có nguy cơ xa lìa Chúa.

Lúc 15 giờ cùng ngày, Đức Cha Giuse Trần Văn Toản giảng huấn về đề tài: “ Đối Tượng Chăm Sóc của Ủy ban Giáo Dân” Có 3 đối tượng Giáo hội cần quan tâm: 1. Đối tượng đang sống niềm tin, cần được chăm sóc mục vụ, để đời sống đức tin trưởng thành hơn; 2. Đối tượng bị rối với đời sống đức tin, đang dần xa lìa Chúa và Giáo hội, cần mời gọi nâng đỡ họ sống đức tin một cách tích cực hơn; 3. Đối tượng chưa có Đức tin Công Giáo. Cách riêng UBGD có 2 đối tượng trực tiếp: 1. Thành viên Hội đồng mục vụ các Giáo xứ, Giáo Họ biệt lập, thành phần lãnh đạo đại diện Cộng đoàn; 2. Ban đại diện, Ban điều hành các Đoàn thể Tông đồ Giáo dân.

Ngày thứ 3 của Đại hội, 21 / 9 / 2022:

Đức Cha Emmanuel đã chủ sự Thánh lễ lúc 6 giờ, Thánh lễ Kính Thánh A-nê Thành Tử Đạo trong Phụng vụ Thánh lễ: Thánh Mattheu - Thánh sử.

Đức Cha Chủ tế xoay quanh vấn đề: “ Tình Yêu mến”, mọi người được liên kết trong tình yêu mến, để làm những việc đã làm, đang làm và sẽ làm. Cần làm mới, xin Chúa mở rộng trái tin hơn nữa để chúng ta phục vụ Chúa và phục vụ anh chị em hơn nữa, biến đón nhận Chúa và đón nhận nhau. Làm cho tình yêu triển nở là nhân tố cho sự Hiệp hành: Hiệp thông, tham gia và Sứ vụ.

Hôm nay, 3 Thuyết trình viên, thuyết trình với Chủ đề: “ Người Giáo dân tham gia tích cực trong việc loan báo Tin Mừng “. phải đặt Truyền Giáo vào vị trí ưu tiên, mỗi cá nhân, Hội Dòng, Giáo xứ, Giáo phận phải có kế hoạch cụ thể cho việc truyền Giáo.

Lúc 9 giờ, Đức Cha Emmanuel, giảng huấn về đề tài: “ Người Giáo Dân trong vấn đề Truyền Giáo”, Sứ vụ và Trách nhiệm của từng người. Thánh Thần tác động đến từng người, mỗi người nhận được ơn riêng, nhưng để phục vụ Cộng đoàn. Đức Cha nhấn mạnh đến thái độ người Giáo dân khi tham gia, cần có đức khiêm nhường, lắng nghe, đối thoại và không xét đoán. Mỗi người có những cấp độ khác nhau khi tham gia, Và Đức Cha đã đặt câu hỏi: Bạn đang làm cái gì, và sẽ làm như thế nào cho việc Truyền Giáo?

Lúc 14 giờ: 3 Giáo Tỉnh đúc kết, sinh hoạt riêng, những ý kiến cần được bổ sung giải đáp, được Thư ký tổng hợp cho giờ lượng giá của nhiệm kỳ UBGD và những ngày Đại hội.

Lúc 16 giờ cùng ngày, Đức Cha Giuse – Chủ tịch UBGD tổng kết, những thành quả đạt được đã giúp cho các Hội đồng mục vụ Giáo xứ, qua UBGD trong các kỳ thường huấn, Ủy viên HDMV Giáo xứ biết vai trò và sự cộng tác một cách tích cực hơn, giữa Cha Quản xứ và Giáo dân. Sự cộng tác của Hội đoàn trong Giáo xứ đạt hiệu quả hơn cho sự hiệp hành, là tác nhân tích cự cho việc hiệp thông, tham gia và Sứ vụ. Những dự phóng và đề xuất hướng tới nhiệm kỳ 15 của UBGD (2022-2025).

Buổi tối, một Chương trình văn nghệ “ Cùng Nhau Cất Bước hành Trình”, làm cho chương trình Đại hội thêm phong phú, với những sắc thái riêng tác động đến Tham dự viên, truyền Giáo và hiệp hành trong tin yêu phó thác vào Thiên Chúa, trong niềm vui tương quan với anh chị em, trong sự cộng tác, sẻ chia, yêu thương, thông cảm…. nhằm hỗ trợ và là tác nhân thúc đẩy cho việc Truyền Giáo.

Ngày thứ 4 của Đại hội, ngày 22 / 9 / 2022:

Lúc 6 giờ, Đức Cha Giuse Chủ tịch UBGD / HĐGM VN, đã chủ sự Thánh lễ Bế mạc Đại hội. Đức Cha Chủ tế mời gọi mỗi người hiệp thông trong tình yêu Chúa ba Ngôi, tâm tình dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria, đồng thời cầu nguyện cho Quý Đức Cha, Quý Cha và anh chị em tín hữu nguyên là thành viên Ủy Ban Giáo Dân các nhiệm kỳ trước, mà nay đã qua đời. Đức Cha chủ tế mời gọi mỗi người cảm nghiệm Chúa yêu thương ta, Chính Chúa chọn lựa ta, huấn luyện ta trở thành Tông đồ đem Chúa đến cho anh chị em. Vai trò của người Giáo dân trong Hội Thánh, để mỗi người biết tự đào tạo, chu toàn Ơn Chúa trao. Chúng ta cùng nhau hiệp hành với Mẹ Maria, với Giáo Hội Việt Nam, với giáo hội toàn cầu, và Mẹ đang hiệp hành với Giáo hội trong tình mẫu tử !

Cuối Thánh lễ, Cha An-tôn Hà Văn Minh - Thư ký UBGD / HĐGM VN, dâng lời cám ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ, cám ơn Quý Đức Cha Giảng huấn, Đức Tổng Giám Mục Huế. Cha cũng không quên cám ơn Quý Cha quản nhiệm và Cha phụ tá Trung tâm hành hương Đức Mẹ la Vang, Quý Cha trong UBGD TGP Huế, quý Cha đặc trách và thành viên các Đoàn của 27 Giáo phận. Cha đã cám ơn Quý n nhân và tất cả những người bằng nhiều cách khác nhau, góp phần thành công Đại hội.

Đức Cha Chủ tịch đã Đại diện Cộng đoàn cám ợn Quý Cha trong Ban tổ chức, quý Cha đã vượt qua nhiều khó khăn khác nhau để chuẩn bị cho Đại hội. Một điều rất cảm động, khi Đức Cha Chủ tịch mời gọi tất cả Giáo sĩ ( Quý Cha quản xứ) đứng, để cám ơn Tu sĩ và Giáo dân ( ngồi). Nhờ có Tu sĩ, Giáo dân và sự cộng tác của Tu sĩ, Giáo dân, Quí Cha mới chu toàn trách vụ của mình.

Trong suốt những ngày Đại hội, sau các bài Giảng Huấn của Quý Đức Cha và các bài Tham luận của các Giáo Tỉnh, trong buổi tọa đàm sôi nổi, những câu hỏi của Tham dự viên về rất nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống Giáo hội, về việc Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ, vai trò của Cha quản xứ và Hội đồng mục vụ, những thuận lợi và khó khăn trong khi thi hành tác vụ, việc đào tạo nhân sự xứng tầm … đều được các Đức Cha Thuyết giảng giải đáp một cách thỏa đáng.

Xin Chúa cho mỗi người trong thành phần dân Chúa, biết tôn trọng phẩm giá và Ơn gọi riêng của mỗi người, biết lắng nghe và phân định, đồng trách nhiệm trong công việc chung của Giáo hội. Hiệp nhất, tham gia và loan báo Tin Mừng bằng đời sống chứng nhân bác ái yêu thương trong môi trường đang sống và làm việc. Xin cho chúng con biết cùng cộng tác với nhau trong các Chương trình cụ thể, cho công tác mục vụ cho cộng đoàn, cho người nghèo, cho giới trẻ, và việc thăng tiến toàn diện các thành viên trong gia đình. Các Thành phần dân Chúa trong Giáo hội có những chương trình cụ thể trong việc loan báo Tin Mừng qua đối thoại, qua mục vụ, qua bác ái xã hội, qua hội nhập văn hóa, qua việc thăng tiến các thành viên trong gia đình. Tạo ra những con người có tầm ứng xứ phù hợp cho việc Truyền Giáo.

Tôma Trương Văn Ân
 
Thông Báo
Thư Mời Dự Hội Thảo Chuyên Đề Kinh Thánh - Thần Học
Lm. Giuse Đỗ Đình Tư, C.Ss.R.
08:44 22/09/2022
Thư Mời Dự Hội Thảo Chuyên Đề Kinh Thánh - Thần Học

Trong năm hướng về Hội Thánh Hiệp Hành, lúc 7:30, thứ Bảy, 24 tháng 09 năm 2022, Học viện thánh Anphongsô - Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam tổ chức buổi hội thảo chuyên đề Kinh Thánh - Thần học với đề tài:

CÓ MỘT NGÔN SỨ NHƯ THẾ

do Cha giáo Giuse Nguyễn Văn Hội, C.Ss.R., Ph.D., trình bày
Buổi hội thảo sẽ được phát trực tiếp tại địa chỉ:

https://www.youtube.com/watch?v=ru51uNbHo_Q

Trân trọng kính mời Anh Chị Em hiệp thông tham dự.
Sự quan tâm của Anh Chị Em là niềm vinh dự cho Học viện thánh Anphongsô.
Tu viện DCCT Mai Thôn, ngày 14 tháng 09 năm 2022

T.M. Ban Giám đốc
Lm. Giuse Đỗ Đình Tư, C.Ss.R.
Giám đốc Học viện

Link phát trực tiếp: https://www.youtube.com/watch?v=ru51uNbHo_Q

--

HỌC VIỆN THÁNH ANPHONGSÔ - TỈNH DÒNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT NAM
(St. ALPHONSUS THEOLOGATE - C.Ss.R. THE PROVINCE OF VIET NAM)
970D (352/5) Bình Quới, Phường 28, Quận Bình Thạnh, TP. HCM, Việt Nam
- Email: hvthanhanphongso@gmail.com
- Website: https://www.hvanphongso.edu.vn/
- Lm. Giuse Đỗ Đình Tư, Giám đốc: 0918573670
- Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, Giám học: 0969891976
- Lm. Giuse Quách Minh Đức, Thư ký Văn phòng Học vụ: 0904642801
 
VietCatholic TV
24 giờ tấn công quyết liệt của Ukraine sau khi Putin ra lệnh động viên. Andy Tài đã được trả tự do
VietCatholic Media
03:03 22/09/2022


1. Quân Ukraine tấn công quyết liệt sau khi Putin công bố lệnh động viên để ông ta không kịp trở tay

Trong 24 giờ qua, quân Ukraine đã tăng cường tấn công rất quyết liệt ở cả miền Nam trong vùng Kherson, và cả ở hướng Đông Bắc trong vùng Luhansk. Các quan sát viên có cảm nhận rằng quân Ukraine đang quyết thắng nhanh trước khi Putin kịp trở tay trong sách lược động viên mới vừa được ông ta công bố vào sáng thứ Tư.

Trước hết, chúng tôi Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ báo cáo mới nhất của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh.

Hôm 21 tháng 9 năm 2022, Putin của Nga tuyên bố 'động viên bán một phần' để hỗ trợ các hoạt động ở Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu sau đó xác nhận việc này sẽ liên quan đến việc huy động 300.000 quân dự bị.

Chỉ riêng vấn đề tập trung 300.000 nhân sự này thôi, Nga có thể sẽ phải vật lộn với những thách thức về hậu cần và quản trị. Nước này có thể sẽ phải vật lộn với việc huấn luyện cho đa số binh lính trong đội quân mới này, họ không có khả năng chiến đấu hiệu quả trong nhiều tháng.

Ngay cả việc huy động hạn chế này cũng có khả năng không được nhiều bộ phận dân Nga tán thành. Putin đang chấp nhận rủi ro chính trị đáng kể với hy vọng tạo ra sức mạnh chiến đấu cần thiết.

Động thái này thực sự là một sự thừa nhận rằng Nga đã cạn kiệt nguồn cung cấp các tình nguyện viên sẵn sàng chiến đấu ở Ukraine.

Trong bản báo cáo sáng thứ Năm 22 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết những vụ nổ long trời đã làm rung chuyển thị trấn Novoaidar của vùng Luhansk. Một kho đạn pháo của địch đã bị đánh trúng.

Ông Serhii Haidai, thống đốc khu vực Luhansk đã cho biết như trên. Vụ nổ được tường trình đã diễn ra vào chiều thứ Tư 21 tháng 9 và đã kéo dài trong nhiều giờ.

Nataliya Humenyuk, người đứng đầu trung tâm báo chí chung của Lực lượng Phòng vệ miền Nam Ukraine, cho biết trong 24 giờ qua Không Quân đã tấn công phá sập 3 sở chỉ huy và bốn kho đạn của đối phương. Các tuyến phòng thủ của quân Nga cũng bị không kích dữ dội trong 25 cuộc tấn công của Không Quân Ukraine. Thiệt hại chi tiết chưa được kiểm đếm nhưng số lần tấn công của Không Quân Ukraine rõ ràng đã gia tăng đáng kể sau khi Putin công bố lệnh động viên.

2. Các vụ bắt giữ trong cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Mạc Tư Khoa vượt qua con số 1.000

Hơn 1.000 người biểu tình đã bị bắt trong các cuộc biểu tình chống động viên diễn ra trên khắp nước Nga.

Theo OVD-Info, hơn 1.178 người đã bị giam giữ tại 38 thành phố trên khắp nước Nga, với phần lớn những người bị giam giữ là ở Mạc Tư Khoa và St. Peterburg.

Các cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh gọi nhập ngũ mà ông ta gọi là động viên bán phần vào hôm thứ Tư khi các lực lượng Nga phải đối mặt với một loạt thất bại trong cuộc xâm lược Ukraine.

3. Trao đổi tù nhân: 215 quân nhân Azovstal được trao trả cho phía Ukraine. Andy Huỳnh Ngọc Tài đã được trả tự do.

Tổng cộng 215 quân nhân bảo vệ Mariupol, những người đã tổ chức phòng thủ tại nhà máy thép Azovstal, thành trì cuối cùng của Ukraine trong khu vực, đã được giải phóng khỏi sự giam giữ của Nga do một nỗ lực hoán đổi lớn.

Chánh văn phòng Tổng thống, Andriy Yermak, đã cho biết như trên.

“Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đặt ra một nhiệm vụ rõ ràng: đưa những người hùng của chúng ta trở về nhà. Kết quả: những người hùng của chúng ta được tự do,” Yermak nói.

“Đã có một cuộc trao đổi lớn các tù nhân. Nó trải qua nhiều giai đoạn và ở các địa điểm khác nhau. Chúng tôi đã mang về 215 người từ sự giam cầm của Nga “, người đứng đầu văn phòng tổng thống cho biết. “Đây là những người lính, biên phòng, cảnh sát, thủy thủ, vệ binh quốc gia, quân của lực lượng bảo vệ lãnh thổ, nhân viên hải quan và dân thường. Trong số đó có các sĩ quan, chỉ huy, các Anh hùng của Ukraine, những người bảo vệ Azovstal và các nữ quân nhân đang mang thai.”

Đó là những người mà “người Nga muốn giết, người mà họ gọi là 'Đức Quốc xã', những người mạnh mẽ của chúng tôi, những người dũng cảm đối mặt với kẻ thù trong các trận chiến và trong thời gian bị giam cầm,” bao gồm các chỉ huy hàng đầu của các đơn vị bảo vệ Mariupol.

“Đây là kết quả của các thỏa thuận cá nhân giữa Tổng thống Zelenskiy và Tổng thống Erdogan,” Andriy Yermak nói.

“Người Nga muốn tống tiền chúng ta bằng mạng sống của những người bị bắt, nhưng chúng ta sẽ không để họ làm điều đó với bất kỳ ai,” Yermak nhấn mạnh.

Cũng trong số những người được thả có 10 người nước ngoài đã chiến đấu cho Ukraine và bị đe dọa giết chết. Họ đã ở thành phố Riyadh, trong đó có người Mỹ gốc Việt Andy Huỳnh Ngọc Tài.

Andriy Yermak cho biết 200 người Ukraine đã được đổi lấy Viktor Medvedchuk, đồng minh của Vladimir Putin, người đã cung cấp tất cả các bằng chứng có thể có cho cuộc điều tra.

Đồng thời, năm anh hùng, chỉ huy của lực lượng phòng thủ Azovstal, đã được hoán đổi cho 55 tù nhân chiến tranh, “những người không quan tâm đến chúng tôi.”

“Đó là một quá trình khó khăn. Chúng tôi có 215 người được thả - đây là một kết quả đáng kể, đó là do chiến thuật chính xác sử dụng vị trí thế mạnh, bao gồm cả kết quả của các nỗ lực tiền tuyến của Các lực lượng vũ trang.”

4. Người Nga tìm kiếm trên Google cách nhanh nhất để chạy khỏi nước Nga

Hôm thứ Ba 20 tháng 9, theo giờ địa phương Mạc Tư Khoa, Việt Nam đã bước sang ngày thứ Tư 21 tháng 9, các phương tiện truyền thông Nga tường trình rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ có bài phát biểu lúc 18h theo giờ Luân Đôn từ Mạc Tư Khoa về khả năng tuyên bố chính thức chiến tranh ở Ukraine và thậm chí cả với NATO để bảo vệ các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng. Máy bay của NATO trong các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan đã mở các cuộc tuần tra đột xuất trên bầu trời, sẵn sàng chiến đấu.

Trong khi đó, tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'How to Leave Russia' Top Google Trend as Putin Delays National Address”, nghĩa là “Câu hỏi ‘Làm thế nào để rời khỏi nước Nga’ trở thành xu hướng tìm kiếm cao nhất trên Google trước và sau khi Putin hoãn bài diễn văn quốc gia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Nga đã chứng kiến một sự gia tăng đột biến việc tìm kiếm trên Google của các công dân về cách làm sao rời khỏi đất nước sau khi bài diễn văn của Tổng thống Vladimir Putin với quốc gia bị hủy bỏ. Tin tức về bài diễn văn làm dấy lên suy đoán rằng Mạc Tư Khoa sẽ leo thang nỗ lực chiến tranh ở Ukraine.

Kênh Mozhem Obyasnit Telegram cho biết cụm từ “làm thế nào để rời khỏi nước Nga” đã tăng đột biến trong các tìm kiếm trên Google vào hôm thứ Ba trước bài phát biểu được nhiều người hồi hộp chờ đợi của Putin. Bài phát biểu quốc gia hiếm hoi của Putin đột ngột bị dời lại vào thứ Tư, trong khi Điện Cẩm Linh đã báo hiệu rằng họ sẽ đáp trả những tổn thất ở Ukraine bằng các đường lối tích cực hơn, và như thế sẽ có thể ảnh hưởng đến những người Nga bình thường.

Mozhem Obyasnit, được thành lập bởi những người bất đồng chính kiến ở Nga và có nghĩa là “Chúng ta có thể giải thích”, nhận thấy rằng các tìm kiếm trên Google về cách rời khỏi đất nước đã đạt đỉnh điểm vào lúc 6 giờ chiều theo giờ Mạc Tư Khoa sau khi chứng kiến mức tăng mạnh trước đó vào trưa thứ Ba. Theo kênh này, các cư dân của Lãnh thổ Khabarovsk, ở vùng viễn đông của Nga giáp với Trung Quốc, đặc biệt quan tâm đến việc bỏ chạy.

“Người Nga được nghỉ 12 giờ để Google có thể trả lời tất cả các câu hỏi, bao gồm cả câu hỏi về tuổi thọ trung bình của một người lính Nga ở Ukraine là bao nhiêu”, Bộ Quốc phòng Ukraine đăng trên Twitter hôm thứ Ba.

Putin đang chuẩn bị giải quyết vấn đề đất nước sau cuộc phản công thành công của Ukraine nhằm chiếm lại những dải đất rộng lớn ở phía đông bắc do Nga chiếm đóng đồng thời tiến về phía nam gần thành phố Kherson.

Quân đội Nga đã chứng kiến những vấn đề liên tục về tổn thất quân số và tinh thần xuống thấp sau khi đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ bất ngờ ở Ukraine. Sàn giao dịch chứng khoán Nga hôm thứ Ba chao đảo mạnh do lo ngại xuất khẩu năng lượng giảm và khả năng tổng động viên hàng loạt để lật ngược tình thế ở Ukraine.

Các nhà lập pháp Nga hôm thứ Ba đã thông qua luật tăng cường hình phạt đối với các binh sĩ đào ngũ, đồng thời đưa “tổng động viên, thiết quân luật và thời chiến” vào bộ luật hình sự của nước này.

Mozhem Obyasnit cho biết trong bài đăng của mình rằng Nga cũng thấy lượng tìm kiếm trên Google về việc hoãn nghĩa vụ quân sự gia tăng một cách đột biến.

Theo hãng thông tấn nhà nước TASS, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov tuần trước cho biết việc tổng động viên là không cần thiết và chưa được xem xét đến. Nhưng hôm thứ Ba, lãnh đạo lập pháp Valentina Matviyenko đã gây chú ý khi cho rằng cần thiết phải tổng động viên.

Putin dự kiến sẽ đề cập đến các cuộc trưng cầu dân ý trong bài phát biểu tối thứ Ba của ông, đã bị hủy bỏ mà không có lời giải thích, theo Ukrainska Pravda.

Oleksiy Arestovych, một cố vấn của Putin, đã mỉa mai trên tweet, “Một người không thể động viên mình cho một bài phát biểu, lại muốn tiến hành tổng động viên”

Khi các lực lượng Ukraine thúc đẩy cuộc phản công của họ, lực lượng ly khai do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn ở các khu vực Donetsk và Luhansk của Ukraine đã lên lịch tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga trong tháng này. Các nhà chức trách do Nga thành lập ở Kherson và Zaporizhzhia cũng đang lên kế hoạch cho các cuộc trưng cầu dân ý tương tự.

Newsweek đã liên hệ với chính phủ Nga để đưa ra bình luận.

5. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi cộng đồng quốc tế áp dụng công thức 5 điểm để đạt được hòa bình và an ninh.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình rộng rãi và sôi nổi tại Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã kêu gọi cộng đồng quốc tế áp dụng công thức 5 điểm để đạt được hòa bình và an ninh.

Zelenskiy, người đã phát biểu trước Đại hội đồng trong một đoạn video được thu hình trước, đã đưa ra “công thức cho hòa bình” bao gồm các biện pháp sau:

1) Hình phạt cho các tội xâm lược bao gồm các biện pháp trừng phạt và tước bỏ quyền phủ quyết

2) Bảo vệ sự sống khi ông trích dẫn các ngôi mộ tập thể trong đó có các thi thể bị tra tấn được tìm thấy ở Bucha và Izium

3) Khôi phục an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, lưu ý rằng những nỗ lực của Nga nhằm vào các cơ sở hạt nhân ở Ukraine sẽ ảnh hưởng đến “tất cả các bạn… vì không ai trong số các bạn tìm ra vắc xin chống lại bệnh phóng xạ”

4) Bảo đảm an ninh và an toàn

5) Quyết tâm ủng hộ Ukraine tiếp tục tự vệ trước sự xâm lược của Nga

Zelenskiy kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách kêu gọi lương tâm các quốc gia đã từng đứng về phía Nga bỏ phiếu phản đối không cho Ukraine cung cấp phát biểu từ xa vì các thủ tục truyền thống của Liên Hiệp Quốc chỉ cho phép những người tham gia trực tiếp được phát biểu.

101 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ việc cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cơ hội phát biểu trên truyền hình trong khi 19 quốc gia bỏ phiếu trắng.

Đề cập đến khả năng tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, Zelenskiy nói, “Đối với cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga, có lẽ các bạn đã nghe những lời khác nhau từ Nga về cuộc đàm phán, như thể họ đã sẵn sàng cho những cuộc đàm phán như thế… Họ nói về cuộc đàm phán nhưng thông báo động viên quân đội. Họ nói về các cuộc đàm phán nhưng lại công bố các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo”.

Ngược lại, Zelenskiy tái khẳng định rằng Ukraine đã chuẩn bị cho các cuộc đàm phán hòa bình nhưng đó phải là “hòa bình thực sự, trung thực, công bằng”.

Bài phát biểu của ông đã được hoan nghênh nhiệt liệt.

Các đại biểu Liên Hiệp Âu Châu đang tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 77 đã có một cuộc họp khẩn cấp bên lề cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc để thảo luận về những đe dọa sử dụng hạt nhân của Putin và lệnh gọi nhập ngũ để leo thang chiến tranh của ông ta.

Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine hôm thứ Tư cho biết không có tuyên bố nào từ các nhà lãnh đạo Nga sẽ ngăn cản sự sẵn sàng bảo vệ đất nước của người Ukraine.

Chỉ huy Valery Zaluzhnyi viết trên Facebook: “Hàng trăm nghìn người đàn ông và phụ nữ bảo vệ quê hương của họ, ngôi nhà của họ, con cái của họ và tương lai của Ukraine”. “Chúng tôi sẽ tiêu diệt tất cả những ai đến vùng đất của chúng tôi với vũ khí trong tay - dù là tự nguyện hay do bị bắt buộc.

6. Các cuộc phản công của Ukraine sẽ tiếp tục bất chấp các cuộc trưng cầu dân ý ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, một quan chức cho biết

Mykhailo Podolyak, cố vấn tổng thống Ukraine, nói với CNN hôm thứ Ba rằng các cuộc trưng cầu dân ý ở các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng sẽ không ảnh hưởng đến hành động của quân đội Ukraine, và cuộc phản công cũng như giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng sẽ tiếp tục diễn ra.

“Các hành động của quân đội chúng tôi chỉ mang tính chất phòng thủ, chúng hợp pháp và chính đáng. Luật pháp quốc tế rõ ràng và không thể phủ nhận: vùng Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia, Kherson và Crimea là lãnh thổ của Ukraine. Các đối tác của chúng tôi cũng tiến hành từ nguyên tắc cơ bản này”, Podolyak nói với CNN.

Theo ông Podolyak, bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào do Nga tổ chức trên lãnh thổ Ukraine sẽ “hoàn toàn vô nghĩa”.

Các cuộc trưng cầu dân ý được đề xuất là một phản ứng đối với sự thất bại của quân đội Nga và sự mất ảnh hưởng của Putin, Podolyak nói và nói thêm rằng “các hành động thù địch tích cực đang diễn ra ở những vùng lãnh thổ này” và “không có khả năng xảy ra bất kỳ hành động nào khác ngoại trừ việc chiếm đóng bị giải giới bằng các biện pháp quân sự. “

7. Trudeau lên án các cuộc trưng cầu dân ý do Nga hậu thuẫn ở Ukraine bị chiếm đóng

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên án các cuộc trưng cầu dân ý được lên kế hoạch bởi các nhà chức trách được Nga hậu thuẫn ở Ukraine, gọi đó là “sự vi phạm luật pháp quốc tế” và làm leo thang thêm cuộc chiến.

“Canada tố cáo kế hoạch 'trưng cầu dân ý' của Nga ở các vùng bị chiếm đóng của Ukraine. Chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận chúng. Đây là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Đó là một sự leo thang chiến tranh hơn nữa. Và đó là điều không thể chấp nhận được.”

Bình luận của ông Trudeau được đưa ra khi Nga và nhiều chính quyền được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn ở miền đông và miền nam Ukraine đã thông báo rằng các cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga sẽ được tổ chức trong tuần này. Ukraine đã bác bỏ các động thái này là một “sự giả tạo” xuất phát từ “nỗi sợ bị đánh bại.”

8. Các cuộc trưng cầu dân ý do Nga hậu thuẫn là một “hoạt động thông tin”, Ngũ Giác Đài nói

Ngũ Giác Đài nói rằng tuyên bố của các nhà lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Luhansk và Donetsk tự xưng muốn tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Liên bang Nga đang được coi là sự phân tâm sau cuộc phản công thành công của Ukraine.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder đưa ra lập trường trên trong cuộc họp báo mới nhất. Ryder gọi lời kêu gọi trưng cầu dân ý là một phần của “vở kịch” do Nga đạo diễn.

“Chúng ta đã thấy họ làm điều này vào năm 2014, và nó có một chút gì đó giống như thế này: Đầu tiên, các quan chức ủy nhiệm như những người bạn đang thấy trên báo chí ngay bây giờ tuyên bố rằng họ sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý, và sau đó họ sẽ sử dụng điều đó làm cơ sở để cố gắng khẳng định tính hợp pháp trong việc sáp nhập vào Nga các lãnh thổ Ukraine có chủ quyền.”

Ryder cho biết các cuộc trưng cầu dân ý này là vô nghĩa và sẽ không ảnh hưởng đến sự hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine.

Ryder nói: “Không ai sẽ công nhận cuộc trưng cầu giả mạo và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không công nhận kết quả của bất kỳ cuộc bầu cử giả mạo nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Ukraine và các đối tác quốc tế của chúng tôi để cung cấp cho họ sự hỗ trợ mà họ cần.”
 
Bạo ngược: Lính Miến Điện dùng nhà thờ làm bếp, đặt mìn xung quanh. ĐTC nói về Giáo Hội tại Đức
VietCatholic Media
05:16 22/09/2022


1. Thượng Phụ Kirill không đến dự cuộc gặp gỡ các tôn giáo thế giới nhưng đã dùng diễn đàn này để biện minh cho cuộc xâm lược của Putin

Trong bài diễn văn do Tổng Giám Mục Anthony, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga, đọc tại cuộc gặp gỡ các tôn giáo thế giới ở Kazakhstan, Thượng Phụ Kirill cho rằng nỗ lực xây dựng trật tự thế giới mà không dựa trên các giá trị đạo đức dẫn đến cuộc đối đầu khốc liệt.

Những thách thức thời hiện đại và những nỗ lực nhằm xây dựng trật tự thế giới mà không dựa trên các giá trị đạo đức làm trụ cột đã dẫn đến việc đánh mất khái niệm công bằng trong quan hệ quốc tế, không những thế còn dẫn đến tình trạng nghiêm trọng đối đầu và xung đột quân sự, Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga đã đưa ra lập trường trên như một cách thế khéo léo để biện minh cho cuộc xâm lược của Putin vào Ukraine.

“Các vấn đề về lương thực, năng lượng và kinh tế xuất phát từ những nỗ lực xây dựng trật tự thế giới mà không dựa trên các giá trị đạo đức đã thêm vào những thách thức do đại dịch nhiễm coronavirus gây ra. Trong hai thập kỷ qua, những nỗ lực này không chỉ dẫn đến việc đánh mất khái niệm công bằng trong quan hệ quốc tế mà còn dẫn đến đối đầu gay gắt, xung đột quân sự và sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan ở các khu vực khác nhau trên thế giới,” Thượng phụ Kirill đã đưa ra nhận xét trên trong lời chào mừng đến những người tham gia Đại hội các nhà lãnh đạo các tôn giáo truyền thống và thế giới lần thứ 7 tại thủ đô Kazakhstan.

Nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga cho biết: “Ngày nay, việc tìm đường giữa dòng chảy thông tin, chống lại sự thôi miên ý thức hệ và giữ một tâm trí tỉnh táo và bình an nội tâm trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.”

“Khả năng tổ chức đối thoại trong hoàn cảnh đầy thách thức ngày nay là một nguồn lực khá quý giá. Đó là một bước quan trọng để giải quyết các vấn đề hiện có. Tôi tin tưởng rằng cuộc đối thoại vì hòa bình của các nhà lãnh đạo tôn giáo cùng với ảnh hưởng của họ đối với tâm trí và trái tim của mọi người có thể và cần thiết để giúp vượt qua những thách thức hiện nay, hài hòa các mối quan hệ quốc tế và thiết lập một trật tự thế giới công bằng.”

Vấn đề mà nhiều người đặt ra đối với Thượng Phụ Kirill là đạo đức mà ông nói là đạo đức nào. Hiếp dâm, thảm sát, chôn sống hàng loạt thường dân vô tội ở Bucha và Izium có thể gọi là đạo đức không?
Source:Interfax

2. Lính Miến Điện dùng nhà thờ làm bếp, đặt mìn

Các binh lính ở Miến Điện đã sử dụng một nhà thờ Công Giáo làm bếp và đặt mìn xung quanh tòa nhà, các nguồn tin của Giáo hội nói với ucanews.com.

Một đoạn video do lực lượng phòng vệ địa phương đăng tải cho thấy sàn nhà và băng ghế bẩn thỉu phủ đầy bụi cùng với nồi nấu ăn và quân phục bên trong Nhà thờ Mẹ Thiên Chúa ở Mobye, bang Shan.

Ucanews.com đưa tin lực lượng phòng vệ địa phương kêu gọi giáo dân không đến gần nhà thờ vì quân đội đã đặt mìn gần đó.

Quân đội đã chiếm đóng thị trấn trong vài ngày trước khi rút lui khỏi nhà thờ vào giữa tháng 9 sau khi chịu thương vong trong cuộc giao tranh ác liệt với lực lượng phòng vệ địa phương. Mobye, nơi đa số người dân theo đạo Công Giáo, là một phần của Giáo phận Pekhon.

Theo ucanews.com, quân đội Miến Điện đã tiếp tục tấn công vào các nhà thờ và cơ sở Công Giáo ở đất nước bị xung đột, nơi người thiểu số tôn giáo phải gánh chịu gánh nặng của cuộc xung đột do cuộc đảo chính vào tháng 2 năm 2021.

Giao tranh ác liệt nổ ra giữa quân đội và lực lượng phòng thủ địa phương xung quanh thị trấn Mobye vào đầu tháng 9, khi quân đội sử dụng các cuộc không kích và vũ khí hạng nặng sau khi hàng chục binh sĩ thiệt mạng.

Các báo cáo cho biết hơn 5.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa do giao tranh, trong đó hơn 100 ngôi nhà đã bị phá hủy bởi các cuộc không kích của quân đội.

Các nguồn tin địa phương cho biết quân đội đã chiếm đóng nhà thờ để ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng phòng vệ địa phương.

“Thiệt hại đối với nhà thờ, nơi linh thiêng của Chúa, là kết quả của việc bị ma quỷ tấn công”, một linh mục Miến Điện lưu vong nói trên Facebook.

Một nữ giáo dân Công Giáo nói: “Thật là buồn khi phải chứng kiến cảnh này và điều đó như đang phá hủy trái tim của chúng tôi.”

Giáo phận Pekhon là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi giao tranh, cùng với Giáo phận Loikaw ở bang Kayah lân cận.

Các nguồn tin Giáo Hội nói với ucanews.com rằng ít nhất sáu giáo xứ trong Giáo phận Pekhon đã bị bỏ hoang, trong khi các nhà thờ, bao gồm cả Nhà thờ Thánh Tâm, liên tục bị tấn công và hư hại do xung đột đang diễn ra.

Hơn 150.000 thường dân, bao gồm đông đảo người Công Giáo ở các bang Kayah và Shan, đã buộc phải tìm nơi ẩn náu trong các nhà thờ, trại tạm cư và trong rừng rậm trong khi quân đội nhắm vào các linh mục và mục sư, đánh bom và phá hoại các nhà thờ trong các vùng chủ yếu người Kitô giáo như Kayah, Chin và Kachin.

Tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 12 tháng 9, Nicholas Koumjian, người đứng đầu Cơ chế Điều tra Độc lập cho Miến Điện, cho biết: “Kể từ cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2 năm ngoái, ngày càng có nhiều bằng chứng về tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh, bao gồm cả giết người, tra tấn, trục xuất và cưỡng bức chuyển giao, bắt bớ, bỏ tù và nhằm vào dân thường.

Ông nói: “Những kẻ thủ phạm những tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất đã xảy ra ở Miến Điện phải biết rằng chúng ta đoàn kết trong nỗ lực bảo đảm rằng những kẻ chịu trách nhiệm cho những tội ác đó sẽ phải đối mặt với công lý.
Source:Sunday Visitor

4. Cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ Kazakhstan. Giáo Hội tại Đức

Rudolf Gehrig EWTN: “Thưa Đức Thánh Cha, nhiều Giáo hội ở Âu Châu, chẳng hạn như Giáo hội ở Đức, đang bị tổn thất nặng nề về số tín hữu, những người trẻ tuổi dường như không còn muốn đi lễ nữa. Đức Thánh Cha quan tâm đến xu hướng này như thế nào, và muốn làm gì với nó?”

Đúng một phần, tương đối một phần. Đúng là tinh thần thế tục hóa, tinh thần tương đối, đang thách thức những điều này; đúng như thế. Điều bạn phải làm, trước hết là kiên định với đức tin của mình. Ta hãy xét xem: nếu bạn là một giám mục hoặc một linh mục không kiên định, những người trẻ tuổi sẽ bắt chước xu hướng ấy - và thế là tạm biệt! Khi một Giáo hội, dù là gì, ở một quốc gia hay trong một lĩnh vực nào đó, nghĩ nhiều hơn về tiền bạc, về phát triển, về kế hoạch mục vụ chứ không phải chăm sóc mục vụ, và bạn đi theo hướng đó, điều đó không thu hút được ai.

Khi tôi viết lá thư cho người dân Đức cách đây hai năm, có những mục tử đã công bố và phổ biến nó, đích thân. Khi mục tử gần gũi với người dân, ngài nói, người dân nên biết những gì Đức Giáo Hoàng nghĩ. Tôi nghĩ rằng các vị chăn chiên phải tiến lên, nhưng nếu họ đánh mất mùi của chiên và chiên đã mất mùi của những người chăn, thì bạn không tiến về phía trước được. Đôi khi - tôi đang nói về tất cả mọi người, nói chung, không chỉ về nước Đức - có suy nghĩ về cách đổi mới, cách làm cho việc chăm sóc mục vụ trở nên hiện đại hơn: điều đó tốt, nhưng luôn luôn nó phải nằm trong tay của một người chăn chiên.

Nếu việc chăm sóc mục vụ nằm trong tay các “nhà khoa học” về mục vụ, là những người ra ý kiến ở đây và nói những gì nên làm ở đó... thì [bạn không tiến lên phía trước, chú thích của ban biên tập.] Chúa Giêsu tạo nên Giáo hội với các mục tử, không phải các nhà lãnh đạo chính trị. Ngài đã tạo ra Hội Thánh với những người dốt nát, trong số Mười Hai, người này dốt nát hơn người kia, và Hội Thánh vẫn tiếp tục. Tại sao? Nhờ cảm thức mùi bầy chiên của người chăn và cảm thức mùi người chăn của của bầy chiên.

Đây là mối liên hệ lớn nhất mà tôi thấy khi xảy ra khủng hoảng ở một nơi, ở một lãnh vực… Tôi tự hỏi mình, người chăn chiên có tiếp xúc, có gần gũi với đàn chiên không? Đàn này có người chăn không? Vấn đề là những người chăn chiên. Về điều này, tôi đề nghị bạn đọc bài bình luận của Thánh Augustinô về những người chăn chiên; nó được đọc trong một giờ nhưng đó là một trong những điều khôn ngoan nhất được viết cho những người chăn chiên và với điều đó bạn có thể xếp hạng cho người chăn chiên này hoặc người chăn chiên kia. Đó không phải là hiện đại hóa: tất nhiên, chúng ta phải cập nhật các phương pháp, điều đó đúng, nhưng nếu thiếu tấm lòng của mục tử, thì không có thừa tác mục vụ nào hoạt động được. Không hề.
 
Erdogan bị Putin lừa? Nga thua nặng, tình báo Mỹ quan sát chặt chẽ khả năng Putin sử dụng hạt nhân
VietCatholic Media
15:57 22/09/2022


1. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã mô tả lệnh của Vladimir Putin về việc động viên bán phần và tổ chức “các cuộc trưng cầu dân ý” là một “hành động tuyệt vọng”.

Phát biểu bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Scholz khẳng định Nga “không thể thắng cuộc chiến tội ác này” ở Ukraine và rằng Putin “với quyết định gần đây nhất của mình khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nhiều”.

Ông Putin “ngay từ đầu đã đánh giá thấp hoàn toàn ý chí kháng cự của người Ukraine cũng như” sự đoàn kết “của đồng minh”.

Ông cho biết “các cuộc trưng cầu dân ý giả tạo” ở các vùng do Nga chiếm đóng ở Ukraine sẽ không bao giờ được cộng đồng quốc tế chấp nhận.

Scholz nói thêm:

Trong thế giới mà chúng ta đang sống, luật pháp phải chiến thắng vũ lực và vũ lực không bao giờ có thể mạnh hơn luật pháp.

2. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói về quyết định gọi nhập ngũ của Putin: Cuộc xâm lược của ông ta đang thất bại

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã nói rằng quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố động viên bán phần ở Nga là một sự thừa nhận rằng kế hoạch xâm lược Ukraine của ông đang thất bại.

Ông Wallace nói:

“Việc Tổng thống Putin phá bỏ lời hứa không động viên các bộ phận dân cư của mình và việc sáp nhập bất hợp pháp các vùng của Ukraine là sự thừa nhận rằng cuộc xâm lược của ông ấy đang thất bại. Ông và bộ trưởng quốc phòng của ông đã đưa hàng chục ngàn công dân của họ đến cái chết, vì trang bị kém và lãnh đạo tồi. Không một lời đe dọa và tuyên truyền nào có thể che giấu sự thật rằng Ukraine đang chiến thắng trong cuộc chiến này, cộng đồng quốc tế đoàn kết và Nga đang trở thành một quốc gia lạc loài.”

Vào ngày 21 tháng 9, Putin tuyên bố động viên bán phần ở Nga. Sau bài phát biểu trên video của ông ta, thị trường chứng khoán ở Nga đã sụp đổ 10% và các chuyến bay thẳng từ Nga đến Yerevan và Istanbul đã được bán hết vé chỉ trong vài phút.

3. Hoa Kỳ theo dõi các dấu hiệu cảnh báo Putin đang chuẩn bị tấn công hạt nhân

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “U.S. Watching for Warning Signs Putin Is Preparing Nuclear Attack”, nghĩa là “Hoa Kỳ theo dõi các dấu hiệu cảnh báo Putin đang chuẩn bị tấn công hạt nhân.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Ánh Tuyết.

Mối đe dọa hạt nhân thẳng thừng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm dấy lên lo ngại mới rằng một cuộc tấn công của Điện Cẩm Linh có thể sắp xảy ra, nhưng Mỹ có những cách thế tốt để biết khi nào Putin dự định tấn công.

Hôm thứ Tư, Putin cáo buộc các quan chức từ các quốc gia NATO đang cố gắng “tống tiền” Nga bằng vũ khí hạt nhân và cảnh báo rằng ông ta có “nhiều loại vũ khí hủy diệt khác nhau” mà ông ta sẵn sàng dùng để đánh trả. Trong một bài phát biểu hiếm hoi được ghi âm trước, Putin nói rằng ông sẽ sử dụng “tất cả các phương tiện sẵn có để bảo vệ nước Nga và người dân Nga”, đồng thời nói thêm rằng lời cảnh báo của ông “không phải là một trò đùa”.

Tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân là biện pháp cuối cùng đối với Nga và các chuyên gia cho rằng Mỹ có thể phát hiện ra một cuộc tấn công trước khi ông Putin quyết định khai hỏa.

Hans Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, nói với Newsweek rằng Putin có thể điều động nhanh các loại vũ khí tầm xa, vốn đã được đặt ở mức cảnh báo cao. Khả năng điều động các loại vũ khí tầm ngắn mất nhiều thời gian hơn vì Nga sẽ phải đưa ra từ các kho lưu trữ trung tâm.

Cộng đồng tình báo có thể phát hiện hoạt động tại các địa điểm lưu trữ nơi đầu đạn sẽ được đưa lên xe tải và trực thăng, hoặc hoạt động gia tăng giữa các đơn vị được huấn luyện đặc biệt có thể sử dụng những vũ khí đó. Những điều đó sẽ cho thấy Putin đang chuẩn bị tấn công bằng vũ khí tầm ngắn.

Mặt khác, việc sử dụng vũ khí tầm xa có thể được lường trước nếu các bệ phóng di động trên đất liền, tàu ngầm hỏa tiễn hoặc hỏa tiễn hành trình được di chuyển với số lượng lớn hơn bình thường.

Kristensen nói: “Như một phần của tiến trình này, sẽ có một số hoạt động có thể phát hiện được trong hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân và thông tin liên lạc chung cho thấy có điều gì đó đã xảy ra,” Kristensen nói.

Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Nga có kho đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới với tổng số 5.977 đầu đạn hạt nhân. Để so sánh, Mỹ đứng thứ hai với 4.428, tiếp theo là Pháp với 290. Tuy nhiên, số lượng chính xác đầu đạn mà Nga sở hữu không được biết do lo ngại về an ninh.

John Erath, giám đốc chính sách cấp cao của Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí hạt nhân cho biết việc giám sát mức độ các hoạt động liên quan đến hạt nhân đã trở thành tiêu chuẩn kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Thứ Tư không phải là lần đầu tiên Putin đưa ra cảnh báo về vũ khí hạt nhân trong năm nay. Vào tháng 3, ông đã đặt các lực lượng trong tình trạng báo động cao khi các quốc gia phương Tây bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và các tập đoàn toàn cầu rút khỏi nước này để đáp trả cuộc xâm lược Ukraine.

Kristensen nói vào thời điểm đó, không có chuyển động nào trên mặt đất, cho thấy Putin không chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân. Ông hy vọng các quan chức sẽ thực hiện các quan sát tương tự trong khoảng thời gian này để làm rõ mối đe dọa sắp xảy ra như thế nào. Ông nói thêm rằng quân đội Mỹ cũng có gần 1.000 vũ khí sẵn sàng khai hỏa trong vòng vài phút, vì vậy họ cũng sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp trả nếu Putin phát động một cuộc tấn công.

Hôm thứ Tư, phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói rằng sẽ có “hậu quả nghiêm trọng” nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng tình báo Mỹ “không có dấu hiệu” cho thấy các sự kiện ở Ukraine sẽ leo thang đến mức đó vào thời điểm này.

Mặc dù các quan chức tình báo không nghĩ rằng Putin dám phóng hỏa tiễn hạt nhân, nhưng lời đe dọa của ông ta đã làm dấy lên làn sóng lên án từ khắp nơi trên thế giới.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư, Tổng thống Joe Biden nói rằng “một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể thắng và không bao giờ được tiến hành”. Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Ben Wallace cũng nói rằng “không có lời đe dọa và tuyên truyền nào” có thể che giấu thực tế rằng Ukraine đang tiến gần hơn đến chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Nga.

Tuy nhiên, Ukraine muốn các quan chức thực hiện một bước xa hơn. Hôm thứ Tư, Mykhailo Podolyak, trợ lý cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, nói rằng Mỹ và các đồng minh khác “cần phải nói rất chắc chắn” rằng sẽ có “các cuộc tấn công hạt nhân trả đũa nhanh chóng” nếu Nga thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân ở Ukraine.

Ukraine có thể không nhận được ngôn ngữ khắc nghiệt như họ muốn, và Erath nói rằng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ “rất cẩn thận” về những gì họ nói bởi vì không nhà lãnh đạo nào, kể cả Putin, “muốn chịu trách nhiệm về việc kích hoạt một cuộc chiến tranh hạt nhân lớn”.

Erath cho biết một phần của mối nguy hiểm là Putin không nói đùa, và các nhà lãnh đạo thế giới cần phải xem xét mối đe dọa một cách nghiêm túc và chuẩn bị.

Ông Erath nói: “Nhưng tôi nghĩ những gì ông ấy đang cố gắng làm là tận dụng mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân, thứ mà mọi người đều biết Nga có rất nhiều, để khiến các nước khác xem xét lại sự ủng hộ của họ đối với Ukraine”.

4. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Putin muốn kết thúc chiến tranh 'càng sớm càng tốt'

Trong khi nhà lãnh đạo Nga được tường trình sẽ đưa ra diễn văn 'tuyên chiến' trong vòng vài GIỜ nữa sau khi hoãn lại vào hôm thứ Ba trong bối cảnh các báo cáo khó hiểu từ Điện Cẩm Linh; Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng Vladimir Putin muốn kết thúc cuộc chiến 'có vấn đề' ở Ukraine 'càng sớm càng tốt'.

Các báo cáo mâu thuẫn nhau vào tối ngày thứ Ba ở Âu Châu đã dìm thế giới trong một bầu không khí hết sức hoang mang. Trong khi các phương tiện truyền thông Nga loan tin Putin sẽ chính thức tuyên chiến với Ukraine và thậm chí với NATO, tổng thống Erdogan khẳng định một cách trái ngược hoàn toàn rằng Putin muốn kết thúc chiến tranh 'càng sớm càng tốt' vì tình hình của Nga hiện đang 'có vấn đề'. Diễn biến này xảy ra sau khi Ông Igor Girkin, một sĩ quan mật vụ Nga, từng là nhân vật trung tâm trong cuộc chiến 2014, cảnh báo rằng những thất bại quân sự thêm nữa sẽ 'kết liễu' nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra tuyên bố tuyệt vời được nhiều người mong đợi với hãng tin PBS của Mỹ sau khi chia sẻ 'các cuộc thảo luận sâu rộng' với tổng thống Nga tại hội nghị thượng đỉnh ở Uzbekistan vào tuần trước.

Ông Erdogan nói: “Ông ấy thực sự đang cho tôi cảm nhận rằng ông ấy sẵn sàng kết thúc điều này càng sớm càng tốt”.

“Đó là ấn tượng của tôi, bởi vì cách mọi thứ đang diễn ra hiện tại khá có vấn đề”.

Các bình luận của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra chưa đầy 24 giờ trước khi hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Liên Hiệp Quốc khai mạc tại New York, nơi cuộc chiến ở Ukraine sẽ là một chủ đề 'không thể tránh khỏi' ở đầu chương trình nghị sự, theo nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell.

Biến cố này diễn ra khi nhà dân tộc chủ nghĩa Nga có ảnh hưởng lớn Igor Girkin tuyên bố rằng các vấn đề về kinh tế và các tổn thất quân sự do cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine có thể đánh dấu sự kết thúc của chế độ Putin.

Cựu sĩ quan FSB, được tường trình là kiến trúc sư trưởng trong cuộc sáp nhập Crimea năm 2014 và cuộc nổi dậy thân Nga ở Donbas, cho biết: Lạm phát bùng phát hoặc một vài thất bại quân sự nữa là tất cả những gì cần thiết để kết liễu ông ta.'

Hôm qua, ông Erdogan cũng nói rằng Nga không nên được phép chiếm đóng bất kỳ lãnh thổ Ukraine nào mà họ đã tuyên bố chủ quyền trong chiến tranh, cho đến nay và bao gồm cả Crimea.

“Tất nhiên, nếu hòa bình được thiết lập ở Ukraine, việc trả lại các vùng đất bị xâm lược sẽ trở nên thực sự quan trọng. Đây là điều được mong đợi ', ông Erdogan khẳng định và thẳng thừng phản đối những thành tựu liên quan đến lãnh thổ mà quân Nga chiếm được gần đây.

Vị thế của Nga ở Ukraine về cơ bản đã bị suy yếu khoảng 10 ngày trước khi một cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine đã phá vỡ thế bế tắc kéo dài nhiều tháng ở khu vực đông bắc Kharkiv.

Các lực lượng Ukraine kể từ đó đã tiếp tục chiếm lại hàng nghìn dặm vuông lãnh thổ và hiện được cho là đang chuẩn bị các cuộc tấn công mới vào các khu vực do Nga chiếm đóng ở Donbas.

Girkin, người từng đảm nhận vai trò hàng đầu trong việc huấn luyện, trang bị vũ khí và dàn dựng cuộc nổi dậy của phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine vào năm 2014, nói với hơn nửa triệu người đăng ký của mình trên Telegram rằng tổng thống Zelenskiy thường bị gắn mác 'chú hề' vì anh ấy là một diễn viên hài truyền hình trước khi được bầu làm tổng thống. Tuy nhiên, thực ra Putin mới là một thằng hề.

Các phương tiện truyền thông Nga tường trình rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ có bài phát biểu lúc 18h theo giờ Luân Đôn từ Mạc Tư Khoa về khả năng tuyên bố chính thức chiến tranh ở Ukraine và thậm chí cả với NATO để bảo vệ các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng, nhưng ông ta đã khiến cả thế giới phải chờ đợi vào tối thứ Ba, và cuối cùng đã hủy bỏ hay dời lại. Bình luận về biến cố này Girkin viết “lại một trò hề”.

5. Ukraine cho rằng vụ hăm dọa trưng cầu dân ý của Nga cho thấy Putin sợ thua

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's 'Blackmail' Referendums Signal Putin's 'Fear of Defeat': Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho rằng vụ hăm dọa trưng cầu dân ý của Nga cho thấy Putin sợ thua”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quan chức Ukraine Andrii Yermak cho biết vụ hăm dọa trưng cầu dân ý của Nga cho thấy Putin sợ thua.

Các quan chức do Nga cài đặt tại một số vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đã thông báo hôm thứ Ba rằng họ có kế hoạch tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý để gia nhập vào Nga. Donetsk và Luhansk sẽ tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý từ ngày 23 đến 27 tháng 9.

Kherson, địa điểm của một trong những cơ quan phản công đang diễn ra của Ukraine, và Zaporizhzhia, nơi có nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu đã phải đối mặt với các cuộc pháo kích của Nga trong suốt cuộc xung đột, cũng được tin là sẽ tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý, theo hãng tin AP.

Yermak, người đứng đầu văn phòng của Tổng thống Ukraine, cho biết các cuộc trưng cầu dân ý là một dấu hiệu cho thấy Điện Cẩm Linh ngày càng lo ngại rằng họ có thể phải đối mặt với thất bại trước Ukraine, mặc dù Nga có một trong những quân đội lớn nhất thế giới.

Yermak nhận xét rằng: “Đó chỉ là trò tống tiền trẻ con với những lời đe dọa và những câu chuyện kinh dị về 'cuộc trưng cầu dân ý', cũng như việc 'tổng động viên' những người chỉ biết đánh nhau với trẻ em và những người hòa bình. Nỗi sợ thất bại trông như thế này. Kẻ thù sợ hãi, thao túng một cách man dại”.

Ông cam kết rằng “Ukraine sẽ giải quyết vấn đề Nga”, vấn đề có thể được “loại bỏ chỉ bằng vũ lực.”

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, người giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho rằng các cuộc trưng cầu dân ý sẽ bảo vệ công dân ở miền đông Ukraine do hoạt động quân sự mở rộng của Nga.

“Lấn chiếm lãnh thổ của Nga là một tội ác, Hội Đồng an ninh quốc gia cho phép sử dụng tất cả các lực lượng tự vệ. Nhưng điều quan trọng không kém là sau khi sửa đổi hiến pháp của nhà nước chúng ta, không một nhà lãnh đạo tương lai nào của Nga, không một quan chức nào có thể đảo ngược những quyết định này”.

Các lực lượng Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Lúc đầu, Putin cho biết “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm “giải phóng” khu vực Donbas - bao gồm Donetsk và Luhansk, hai khu vực phía đông Ukraine do phe ly khai kiểm soát - cũng như để ngăn chặn Ukraine từ ngày càng xích lại gần phương Tây và gia nhập NATO, mà Putin coi là một trong những đối thủ hàng đầu của Nga.

Tuy nhiên, sau gần bảy tháng chiến đấu, Nga đã không đạt được lợi ích đáng kể trước Ukraine. Kyiv đáp trả bằng một lực lượng phòng thủ mạnh mẽ hơn dự kiến được hỗ trợ bởi viện trợ quân sự của phương Tây, và trong những tuần gần đây đã tiến hành các chiến dịch phản công để giành lại lãnh thổ bị chiếm đóng ở phía nam và phía đông.

Những thành công của Ukraine đồng nghĩa với việc Nga đang phải đối mặt với những thất bại ngày càng lớn, với việc các lực lượng Nga phải rút lui khỏi các thành phố quan trọng như Izyum. Nga cũng đã giải quyết các vấn đề trong quân đội của mình, bao gồm cả vấn đề tuyển dụng và thiếu động lực trong các lực lượng của mình.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

6. Phần Lan đã giảm đáng kể thị thực du lịch cho người Nga

Phần Lan hôm thứ Tư cho biết họ đang thực hiện một chiến lược liên bang để “hạn chế hoặc ngăn chặn hoàn toàn” hoạt động du lịch từ Nga sau cuộc xâm lược Ukraine.

“Giải pháp quốc gia này có thể bao gồm luật mới, sẽ được thông qua rất nhanh chóng,” ngoại trưởng Pekka Haavisto nói trong một cuộc họp báo, Agence France-Presse đưa tin.

Kể từ khi các hạn chế Covid-19 của Nga hết hạn vào tháng 7, đã có sự bùng nổ về du khách Nga và phản ứng dữ dội ngày càng tăng ở Âu Châu chống lại việc cho phép khách du lịch Nga trong khi chiến tranh vẫn tiếp diễn.

Phần Lan đã giảm đáng kể thị thực du lịch cho người Nga vào tháng 9 nhưng khách du lịch vẫn tiếp tục nhập cảnh vào nước này thông qua thị thực do các nước Liên Hiệp Âu Châu khác trong miền “du lịch không biên giới Schengen” cấp phát.

“Phần Lan không muốn trở thành một quốc gia quá cảnh đối với thị thực Schengen do các quốc gia khác cấp,” Haavisto nói.

Theo một cuộc thăm dò do nhật báo Phần Lan Ilta-Sanomat công bố hôm thứ Tư, khoảng 70% người Phần Lan muốn đất nước của họ ngừng cấp thị thực du lịch cho người Nga.

Phần Lan đã kêu gọi Liên Hiệp Âu Châu đưa ra quyết định hạn chế thị thực đối với người Nga, nhưng Haavisto lưu ý, “Không thể bảo đảm rằng động thái này sẽ diễn ra rất nhanh chóng” vì thế ông mong muốn Quốc Hội sớm thông qua luật nhằm chấm dứt việc người Nga tràn vào Phần Lan.

Trong bài phát biểu của mình vào sáng thứ Tư, theo giờ địa phương Mạc Tư Khoa, Putin cho biết sẽ động viên bán phần. Các quân nhân dự bị và cựu quân nhân có “một số chuyên ngành quân sự nhất định và kinh nghiệm liên quan” sẽ phải tuân theo lệnh gọi nhập ngũ, ông nói.

Theo tờ báo điện tử Lenta của Nga, trước diễn biến này, các chuyến bay đến Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ và Georgia đã bán hết vé trong vài phút.

Phần Lan, quốc gia có 1,340km đường biên giới với Nga, đã chứng kiến một hàng dài đến 35km xe cộ chờ chực qua biên giới vào Phần Lan chỉ vài giờ sau bài phát biểu của Putin.

7. Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên trên cương vị tổng thống Mỹ, Joe Biden nói rằng cuộc chiến của Nga đối với Ukraine là về việc “dập tắt quyền tồn tại như một nhà nước của Ukraine”.

Bài phát biểu của ông Biden được đưa ra khi ông Putin tuyên bố điều động một phần ở Nga và báo hiệu ông sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong một bài phát biểu rất được mong đợi sau tuyên bố của Putin, Biden nói:

Ukraine có các quyền như nhau thuộc về mọi quốc gia có chủ quyền. Chúng tôi sẽ đoàn kết với Ukraine, những người sẽ đoàn kết chống lại sự xâm lược của Nga.
 
Giữa thời khắc hiểm nghèo của thế giới, phép lạ máu thánh Gennaro hóa lỏng đã xảy ra
VietCatholic Media
16:53 22/09/2022


1. Hôm nay vị Hồng Y cô đơn phải ra tòa. Ta hãy cầu cho ngài

Truyền thông Hương Cảng đưa tin, phiên tòa hình sự xét xử Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng đã bị trì hoãn sau khi thẩm phán chủ tọa vụ án có kết quả dương tính với COVID-19.

Đức Hồng Y Quân, 90 tuổi, lẽ ra đã phải hầu tòa bắt đầu từ thứ Hai liên quan đến vai trò là người được ủy thác của một quỹ pháp lý ủng hộ dân chủ, mà ngài và những người được ủy thác khác bị cáo buộc là không đăng ký dân sự. Đức Hồng Y Quân là giám mục hiệu tòa của Hương Cảng, một người bênh vực thẳng thắn cho tự do tôn giáo và dân chủ, đồng thời là người chỉ trích gay gắt thỏa thuận năm 2018 của Vatican với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm giám mục.

Truyền thông địa phương đưa tin vào cuối tuần rằng phiên tòa - ban đầu dự kiến bắt đầu vào ngày 19 tháng 9 và dự kiến kết thúc với phán quyết vào ngày 23 tháng 9 - đã bị trì hoãn ít nhất hai ngày vì Thẩm phán thường trực Doãn Thuận Nghi (Yim Shun-yee, 尹顺仪) bị nhiễm coronavirus.

Đức Hồng Y đã bị bắt và được tại ngoại vào ngày 11 tháng 5. Vị giám mục hiệu tòa Hương Cảng phải hầu tòa vào ngày 24 tháng 5 vì ngài là người được ủy thác của Quỹ cứu trợ nhân đạo 612, một hiệp hội hỗ trợ các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ trong cuộc bạo động năm 2019 để mướn luật sư bào chữa trước tòa.

Đức Hồng Y, bốn người được ủy thác khác và thư ký của quỹ đều bị cáo buộc đã không khai báo quỹ một cách hợp pháp theo luật pháp địa phương. Các vụ đã kiên quyết chống lại cáo buộc này.

Ban đầu bị bắt vì tội “âm mưu cấu kết với lực lượng nước ngoài” theo luật an ninh do Bắc Kinh áp đặt vào tháng 6 năm 2020, sáu bị cáo vẫn chưa bị buộc tội về tội danh đó.

Một ngày sau khi vị Hồng Y bị bắt, Tòa thánh bày tỏ quan ngại sâu sắc và cho biết họ đang theo dõi “rất chặt chẽ diễn biến của tình hình”.

Nhận định về cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Quân, Đức Hồng Y Charles Bo, của Miến Điện, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, nói:

“Anh tôi, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, đã bị bắt và phải đối mặt với các cáo buộc chỉ vì ngài từng là người được ủy thác của một quỹ hỗ trợ pháp lý cho các nhà hoạt động đối mặt với các vụ kiện của tòa án. Trong bất kỳ hệ thống nào mà nhà nước pháp quyền tồn tại, việc hỗ trợ để giúp những người bị truy tố chi trả án phí là một quyền phù hợp và được chấp nhận. Giúp người bị tố cáo có quyền bào chữa, đại diện hợp pháp thì làm sao có thể có thể coi là một tội phạm được?”

Nhiều tín hữu Công Giáo Hương Cảng cảm thấy cay đắng vì kẻ ký lệnh bắt giữ Đức Hồng Y Quân là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-ngor, 林鄭月娥), một người Công Giáo. Bà ta cũng chọn đúng ngày 24 tháng 5, là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Giáo hội ở Trung Quốc, cũng là ngày lễ của Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu, để đưa ngài ra tòa lần thứ nhất.
Source:Catholic News Agency

2. Giữa thời khắc hiểm nghèo của thế giới, phép lạ máu thánh Gennaro hóa lỏng đã xảy ra

Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine quá sức kinh hoàng, vật giá leo thang đến chóng mặt, coronavirus vẫn chưa hoàn toàn biến mất, nhiều người đã dán mắt vào các phương tiện truyền thông để theo dõi buổi truyền hình trực tiếp các cử hành tại nhà thờ chính tòa Đức Bà của Napoli vào hôm 19 tháng 9.

Máu của Thánh Gennaro đã hóa lỏng vào hôm thứ Hai trong một thánh lễ ở Napoli, nơi Đức Tổng Giám Mục lên án gay gắt “văn hóa mafia ung thư” của thành phố.

Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia của Napoli giơ một ống chứa thánh tích là máu của vị thánh tử đạo vào thế kỷ thứ ba tại nhà thờ chính tòa Napoli vào ngày 19 tháng 9, cho thấy máu đã hóa lỏng trong sự vui mùng và cổ vũ của đông đảo anh chị em giáo dân.

“Hôm nay dấu hiệu về máu của Giám mục Gennaro đổ ra vì Chúa Kitô và các anh em của ngài cho chúng ta biết rằng lòng tốt, cái đẹp và sự công bình sẽ và luôn luôn chiến thắng,” Đức Tổng Giám Mục nói.

“Đây là ý nghĩa của máu này, kết hợp với máu đổ ra bởi Chúa Kitô và của tất cả các vị tử đạo ở mọi nơi và mọi thời, là một bằng chứng sống động rằng tình yêu luôn chiến thắng.”

Hơn 2.000 người đã tập trung tại Nhà thờ Đức Bà ở Napoli để dự lễ Thánh Gennaro, vị thánh bảo trợ của thành phố. Vị giám mục được cho là đã tử vì đạo trong cuộc đàn áp Kitô của Hoàng đế Dioclêtiô.

Trong bài giảng của mình, tổng giám mục của Napoli cảnh báo không nên giảm lược việc tôn kính các vị thánh của thành phố thành mê tín dị đoan.

“Hỡi các anh chị em của tôi, vấn đề nhỏ là máu có hóa lỏng hay không; Chúng ta đừng bao giờ giản lược lễ kỷ niệm này thành một lời tiên tri.”

Đức Cha Battaglia cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đối đầu với “văn hóa mafia” của thành phố miền nam nước Ý. Ngài nói rằng “tệ nạn ung thư của Camorra và văn hóa mafia, nghèo đói về giáo dục và thất nghiệp” giống như một “bệnh dịch” đối với những người trẻ tuổi ở Napoli, thường buộc họ phải di cư.

Đức Tổng Giám Mục kêu gọi người Công Giáo đóng góp vào “hiệp ước giáo dục” mà ngài đưa ra ở Napoli năm ngoái với mục đích tiếp cận những người trẻ tuổi có cơ hội xây dựng trước khi họ bị lôi kéo vào các nhóm tội phạm có tổ chức.

“Hỡi người dân Napoli, điều làm anh chị em trở nên tuyệt vời là khả năng yêu thương của anh chị em, điều có thể khiến anh chị em trở nên tuyệt vời hơn nữa là rút ra từ nguồn tình yêu là chính Chúa Kitô: đừng sợ đi theo Người và tôn vinh Chúa vì những gì Người sẽ làm nơi anh chị em, trong con người nhỏ bé của anh chị em, giữa những người nghèo của anh chị em, và những người ngồi bên lề xã hội.”

Sau khi thánh lễ kết thúc, một đoàn rước đã được hình thành tự phát, dẫn đầu là Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia. Đã ba năm rồi mới có một cuộc rước kiệu hoành tráng như thế. Những năm trước không có rước kiệu vì đại dịch coronavirus hay vì phải chờ đợi rất lâu máu mới hóa lỏng.

Theo truyền thống, phép lạ Máu Thánh Gennaro hóa lỏng xảy ra ít nhất ba lần một năm: ngày 19 tháng 9, ngày lễ của vị thánh, ngày thứ bảy đầu tiên của tháng 5 và ngày 16 tháng 12, kỷ niệm Napoli được cứu khỏi vụ phun trào năm 1631 của Núi Vesuvius gần đó.

Máu Thánh Gennaro, vị giám mục sống ở thế kỷ thứ ba, đựng trong một lọ kín hình tròn, hóa lỏng trong cả tháng 5 và tháng 9 năm nay, nhưng không thay đổi trạng thái vào tháng 12 năm 2020.

Khi phép lạ xảy ra, khối màu đỏ đã khô tích tụ ở một bên của lọ máu trở thành máu lỏng như bình thường, bao phủ toàn bộ tấm kính. Trong truyền thuyết địa phương, việc máu không hóa lỏng báo hiệu chiến tranh, nạn đói, bệnh tật hoặc các thảm họa khác.

Nhiều cư dân của Napoli tin rằng việc máu của Thánh Gennaro không hóa lỏng là một dấu chỉ cho thấy các bi kịch sẽ xảy đến cho thành phố. Gần đây nhất, khi máu của thánh nhân không hóa lỏng vào năm 1980, một trận động đất đã xảy ra ít ngày sau ở phía nam thành phố Napoli làm hơn 2,500 người thiệt mạng. Một trường hợp tương tự vào năm 1939, khi một bệnh dịch tả tấn công thành phố ngay trước khi bùng nổ Thế chiến thứ hai; và vào năm 1943, khi quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng Ý. Trong quá khứ xa xôi nhất, sự vắng mặt của các phép lạ thường được kết hợp với các tổn thất quân sự, các vụ phun trào núi lửa, và sự bùng phát của các dịch bệnh.

Vào ngày 21 tháng 3 năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh tại nhà thờ này.

Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Lạy Cha. Đức Hồng Y Sepe trao cho ngài bình máu thánh Gennaro. Khi Đức Thánh Cha hôn kính thánh tích, máu bắt đầu hóa lỏng và Đức Hồng Y đưa ra nhận xét này với Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha sau đó đã cầm thánh tích trên tay để ban phép lành cho cộng đoàn trước khi trao lại cho Đức Hồng Y. Vị Hồng Y Tổng Giám Mục thành Napoli quan sát một lần nữa và kêu gọi sự chú ý của mọi người.

Ngài nói:

“Anh chị em chú ý: Có dấu chỉ cho thấy Thánh Gennaro thương mến Đức Giáo Hoàng, cũng là người Napoli như chúng ta: máu đã lỏng”.

Máu đã hóa lỏng nhưng không hoàn toàn. Đức Giáo Hoàng nhận xét hóm hỉnh như sau:

“Dường như vị thánh yêu thương chúng ta một chút. Chúng ta phải hoán cải nhiều hơn để ngài yêu thương chúng ta hoàn toàn.”
Source:Catholic News Agency

3. Các bài ca nói sự thật về phá thai

Jonathon Van Maren trên tờ First Things ngày 1 tháng 9, 2022 cho rằng kể từ việc lật ngược phán quyết Roe v. Wade, các nhạc sĩ và nghệ sĩ đủ loại đã xấn xổ bày tỏ sự giận dữ của họ. Lady Gaga đã dành riêng chuyến lưu diễn Chromatica Ball của mình cho quyền phá thai. Rage Against the Machine cam kết dành một số tiền thu được từ chuyến lưu diễn cho các nhóm phá thai. Billie Eilish, người trước đó đã đưa ra những lời lẽ thô tục trên sân khấu về việc phá thai sau khi Đạo luật Nhịp tim của Texas được thông qua, nói với người hâm mộ của mình rằng đó là “một ngày thực sự, thực sự đen tối đối với phụ nữ ở Hoa Kỳ” Tại Lễ hội Glastonbury, ca sĩ nhạc rap Megan Thee Stallion dẫn đầu các bài hát “Cơ thể tôi, sự lựa chọn của tôi” sau một tràng các tiếng chửi thề và Phoebe Bridgers bắt đầu các bài hát “Bà mẹ cái Tối cao Pháp viện!” Và cứ thế tiếp diễn.

Sự hỗ trợ của kỹ nghệ âm nhạc đối với kỹ nghệ phá thai không có gì mới. Vào những năm 1990, tổ chức Rock for Choice đã chuyển hướng vận động của các nghệ sĩ thành việc gây quỹ cho các nhóm phá thai. Huyền thoại nhạc rock Janis Joplin đã trở thành một nhà hảo tâm tài chính của phòng khám Tijuana, nơi cô đã tự tìm đến để phá thai nhưng không thành công. Mẹ của Frank Sinatra có biệt danh khủng khiếp là “Hatpin Dolly” vì hành nghề phá thai bất hợp pháp trong thời gian dài của bà (mặc dù con trai bà đã rất đau khổ khi phát hiện ra rằng vợ mình là Ava Gardner đã phá thai hai đứa con của họ). Rock ’n’ roll, xét cho cùng, là tiếng lóng để chỉ tình dục — nhưng chính những đứa trẻ mới là người phải trả giá chính cho thứ tình yêu tự do này.

Nói về sự ủng hộ của kỹ nghệ âm nhạc đối với việc phá thai, quả là điều hữu ích nếu ta chịu xét xem các nghệ sĩ và những người khác trong ngành thực sự khắc họa trải nghiệm này như thế nào. Một số ít thì tàn nhẫn, thậm chí còn sung sướng nữa — trong tiểu sử của mình, Marilyn Manson kể về việc phá thai đứa con của mình bằng lối dùng từ ngữ gợi hình, mô tả bác sĩ “xé nát não của con chúng tôi bằng một chiếc kẹp.” Nhưng hầu hết đều thừa nhận cảm thấy chán nản hoặc thậm chí kinh hoàng đối với trải nghiệm. Steven Tyler của Aerosmith đã mô tả việc phá thai bằng dung dịch muối cho đứa con của mình với một người bạn: “cháu nó chết khi được kéo ra. Tôi tan nát cả cõi lòng. Trong tâm trí của tôi, tôi như sắp... tôi đã làm gì? “ Ngay cả Joplin cũng thừa nhận rằng cô rất hối hận về việc phá thai của mình và cô tin rằng điều đó đã khiến những cuộc đấu tranh tâm lý của cô trở nên tồi tệ hơn.

Chấn thương và sự hối hận phổ biến hơn nhiều so với thái độ bất chấp “Hãy nói to cuộc phá thai của bạn”. Suzi Quatro thừa nhận, “Tôi không thể xua đuổi khỏi tâm trí mình câu hỏi đứa trẻ đầu tiên sẽ trở thành ai... Bất cứ phụ nữ nào từng phá thai và nói với bạn rằng không sao cả đều là dối trá.” Sharon Osbourne đồng tình: “Đó là điều tồi tệ nhất mà tôi từng làm… Tôi khóc rú suốt trải nghiệm này, và điều đó thật kinh khủng. Tôi sẽ không bao giờ đề xuất nó cho bất cứ ai vì nó quay trở lại ám ảnh bạn. Khi tôi cố gắng có con, tôi đã mất ba con — tôi nghĩ đó là do điều gì đó đã xảy ra với cổ tử cung của tôi trong lần phá thai.”

Thật vậy, tuyên truyền chính trị có thể lừa dối — nhưng nghệ thuật dẫn khởi từ kinh nghiệm thì hiếm khi lừa dối được. Madonna, một nhà hoạt động phá thai quyết liệt, nói với TIME vào năm 1996 rằng cô rất hối hận về việc phá thai của mình, mặc dù cô tin rằng lối sống của mình không phù hợp với thiên chức làm mẹ vào thời điểm đó. Khi hát về một cô gái bị áp lực phải giết con mình trong bài ca đắt khách năm 1986 “Papa Don't Preach”, cô đã miêu tả cảnh người mẹ tương lai đang cưỡng lại: “Cha đừng giảng, con đang gặp rắc rối lớn / Cha đừng giảng, con đã mất ngủ / Nhưng con đã quyết định, con sẽ giữ con của con / Con sẽ giữ con của con. “

Ca sĩ nhạc rap Nicki Minaj thú nhận rằng cô rất hối hận khi phá thai và hát về đứa bé đã mất trong “All Things Go”: “Con của tôi với Aaron / đáng lẽ đã 16 bất cứ phút nào / Vì vậy, một cách nào đó, tôi cảm thấy như 'Caiah là cả hai / Như thể anh là 'thiên thần nhỏ của Caiah, đang trông chừng anh.' Ca sĩ Beth Torbert, được công chúng biết đến với cái tên Bif Naked, đã đặt tên một bài hát theo tên một đứa trẻ mà cô phá thai khi 18 tuổi: “Mẹ hy vọng con sẽ tha thứ cho mẹ: Chotee, con yêu của mẹ, hãy tha thứ cho mẹ.” Stevie Nicks của Fleetwood Mac cũng đặt tên cho một bài hát sau khi “Sara”, đứa bé của cô và Don Henley bị phá bỏ, “Chờ một chút con thơ / Ở lại với mẹ một lúc / Đã nói rằng con sẽ cho mẹ ánh sáng / Nhưng con chưa bao giờ nói với mẹ về ngọn lửa.” Và Sinead O’Connor đã tưởng tượng ra đứa con gái bị phá thai đã mất của mình trong “Đứa con đặc biệt của tôi”:

Hãy nghĩ tới đứa con gái nhỏ của tôi

Làn da vàng của cháu và mái tóc xoăn sẫm màu của cháu

Và trái tim của cha cháu đã đóng băng ra sao

Tôi đã nói chuyện với cháu và tôi nói:

“Con sẽ không hối tiếc về người mẹ mà con đã chọn.”

Mẹ đã nói dối. Đêm nay, cháu ở đâu?

Một trong những mô tả rùng rợn nhất về phá thai trong bài hát được tìm thấy trong “Bodies” của Sex Pistols. John Lydon đã viết câu chuyện sau khi một người hâm mộ không ổn định về tinh thần được cho là xuất hiện trên ngưỡng cửa nhà anh ta, ôm một đứa trẻ bị phá thai trong một chiếc túi nhựa. Trong cuốn tự truyện của mình, anh kể rằng người phụ nữ trẻ này đã mô tả chi tiết tỉ mỉ về những lần phá thai của mình. Một dòng trong bài hát tóm tắt những gì anh nghe được: “một đống bầy nhầy thoi thóp, một khối hỗn độn ồng ộc đầy máu.”

Khi nước Mỹ bước vào thời kỳ hậu phán quyết Roe và các nghệ sĩ của nó tập hợp ủng hộ kỹ nghệ phá thai, chúng ta nên tin điều gì? Có nên là khẩu hiệu chính trị của họ, các khoản quyên góp béo bở của họ, các bài ca tụng tục tĩu của họ không? Hay đó phải là sự thật mà họ nói với chúng ta khi họ hát về những cơn ác mộng, nỗi đau và khao khát? Chúng ta có nên tin họ khi họ nói với chúng ta rằng phá thai liên quan đến sức khỏe sinh sản, hoặc khi họ hát về những cháu trai cháu gái nhỏ bé vẫn bám lấy trái tim họ trong những khoảnh khắc tĩnh lặng? Khi các nghệ sĩ phát biểu, họ nói với chúng ta rằng phá thai là một quyền căn bản. Nhưng khi họ hát, họ nói với chúng ta rằng khi các bài hát nhường chỗ cho sự im lặng, sự trống trải há miệng lớn đủ để nuốt trửng nhiều sự sống.