Ngày 25-09-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn từ của Đức Thánh Cha với anh chị em vô gia cư ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn
J.B. Đặng Minh An dịch
00:35 25/09/2015
Sáng thứ Năm 24 tháng 9, lúc 9:20 Đức Thánh Cha Phanxicô đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên đọc diễn văn trước lưỡng viện Hoa Kỳ. Sau đó vào lúc 11:15 Đức Thánh Cha đã ghé thăm cơ sở bác ái của giáo xứ Thánh Patrick. Tại đây, ngài đã có cuộc gặp gỡ với những người vô gia cư của thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Giáo xứ Thánh Patrick là giáo xứ lâu đời nhất tại Hoa Thịnh Đốn. Được hình thành vào 1794, giáo xứ cung ứng những trợ giúp mục vụ cho những người lao động Ái Nhĩ Lan di dân đang làm việc trong các công ty xây dựng Tòa Bạch Ốc và Quốc hội.

Trong diễn từ với những người hiện diện, Đức Thánh Cha nói:


Các bạn thân mến,

Lời đầu tiên tôi muốn nói với các bạn là "Cảm ơn". Cảm ơn các bạn đã đón tôi và cảm ơn những nỗ lực của các bạn để làm cho cuộc gặp gỡ này có thể xảy ra.

Ở đây tôi nghĩ về một người mà tôi yêu, một người rất quan trọng trong suốt cuộc đời của tôi. Người ấy đã là một hỗ trợ và là một nguồn cảm hứng cho tôi. Người ấy là người tôi chạy đến bất cứ khi nào tôi gặp phải những chuyện cần phải đương đầu. Các bạn làm cho tôi nghĩ đến Thánh Giuse. Khuôn mặt của anh chị em nhắc nhở tôi về ngài.

Thánh Giuse đã phải đối mặt với một số tình huống khó khăn trong cuộc sống của Người. Chẳng hạn là vào thời gian khi Đức Mẹ sắp đến ngày hạ sinh Chúa Giêsu. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng “ Khi hai ông bà đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 2: 6-7).

Kinh Thánh nói rất rõ ràng về điều này: không có chỗ cho họ. Tôi có thể tưởng tượng Thánh Giuse, lúng túng bên cạnh hiền thê sắp sinh con nhưng không có chỗ ở, không có nhà, ngay cả là nhà trọ. Con Thiên Chúa đến thế gian này như một người vô gia cư. Con Thiên Chúa đã kinh qua tình cảnh của những con người phải bắt đầu cuộc sống mà không có một mái nhà che trên đầu mình. Chúng ta có thể tưởng tượng ra những gì Thánh Giuse đã phải nghĩ tới trong đầu. Làm thế nào mà Con Thiên Chúa lại không có nhà? Tại sao chúng ta không nhà, tại sao chúng ta không có chỗ dung thân? Đây là những câu hỏi mà nhiều anh chị em có thể tự hỏi hàng ngày. Giống như Thánh Giuse, anh chị em có thể hỏi: ‘Tại sao chúng ta không nhà, không có một nơi để sinh sống?’ Đây là những câu hỏi mà tất cả chúng ta cũng có thể hỏi. ‘Tại sao các anh chị em của chúng tôi, không có nơi để sống? Tại sao có những anh chị em của chúng ta vô gia cư?’

Những câu hỏi của Thánh Giuse vẫn là thời sự ngay cả ngày nay. Những câu hỏi ấy đồng hành cùng tất cả những người trong suốt lịch sử đã và đang vô gia cư.

Thánh Giuse là người thắc mắc. Nhưng trước hết, ngài là một người có đức tin. Đức tin đã cho Thánh Giuse sức mạnh để tìm thấy ánh sáng ngay tại thời điểm khi tất cả mọi thứ dường như đều đen tối. Đức tin nâng đỡ ngài trong bối cảnh khó khăn của cuộc sống. Nhờ đức tin, Thánh Giuse đã có thể tiến về phía trước khi tất cả mọi thứ dường như muốn giữ lại ngài lại.

Trong khi đối mặt với các tình huống bất công và đau đớn, đức tin mang đến cho chúng ta ánh sáng xua tan bóng tối. Như đã từng thực hiện nơi Thánh Giuse, đức tin làm cho chúng ta mở rộng cửa cho sự hiện diện lặng lẽ của Thiên Chúa ở mọi khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta, trong mỗi người và trong mọi tình huống. Thiên Chúa hiện diện trong mỗi người trong các bạn, trong mỗi người chúng ta.

Chúng ta có thể không tìm thấy bất cứ giải thích về xã hội hay đạo đức nào có thể biện minh cho việc thiếu nhà ở. Có quá nhiều tình huống bất công, nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa đang đau khổ với chúng ta, chịu đựng những điều đó ngay bên cạnh chúng ta. Ngài không bỏ rơi chúng ta.

Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu muốn thể hiện tình liên đới với mọi người. Ngài muốn mọi người cảm nghiệm được sự đồng hành của Ngài, sự giúp đỡ của Ngài, và tình yêu của Ngài. Ngài đã xác định điều đó với tất cả những ai đau khổ, những ai than khóc, những ai phải chịu đựng bất kỳ hình thái bất công nào. Ngài nói với chúng ta rất rõ ràng rằng: "Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước” (Mt 25:35).

Đức tin làm cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa ở bên cạnh chúng ta, rằng Thiên Chúa ở giữa chúng ta và sự hiện diện của Ngài thôi thúc chúng ta có lòng mến. Lòng bác ái được nảy sinh từ lời gọi của một Thiên Chúa vẫn tiếp tục gõ cửa nhà của chúng ta, cánh cửa của tất cả mọi người, để mời gọi chúng ta yêu thương, bác ái, và phục vụ lẫn nhau.

Chúa Giêsu tiếp tục gõ cửa, các cánh cửa của cuộc đời chúng ta. Ngài không làm điều này bằng phép thuật, với các hiệu ứng đặc biệt, có đèn nhấp nháy và pháo hoa. Chúa Giêsu tiếp tục gõ cửa nhà của chúng ta trong khuôn mặt của những anh chị em của chúng ta, trong những khuôn mặt của các nước láng giềng với chúng ta, trong những khuôn mặt của những người ở bên cạnh chúng tôi.

Các bạn thân mến, một trong những cách hiệu quả nhất mà chúng ta phải giúp cho điều đó là lời cầu nguyện. Cầu nguyện hiệp nhất chúng ta; làm cho chúng ta thành anh chị em với nhau. Cầu nguyện mở lòng chúng ta ra và nhắc chúng ta một sự thật xinh đẹp mà đôi khi chúng ta quên. Trong cầu nguyện, tất cả chúng ta học cách nói "Cha", "Bố". Chúng ta học biết cách nhìn nhau như anh chị em. Trong cầu nguyện, không có người giàu và người nghèo, chỉ có con trai và con gái [của Thiên Chúa], và anh chị em [với nhau]. Trong cầu nguyện, không có giai cấp hạng nhất, hạng hai, mà chỉ có tình huynh đệ.

Chính là trong lời cầu nguyện mà tâm hồn chúng ta tìm thấy sức mạnh để không thể lạnh lùng và vô cảm khi đối mặt với những bất công. Trong cầu nguyện, Thiên Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi chúng ta, mở lòng chúng ta ra cho tình bác ái.

Cùng nhau cầu nguyện thật là tốt đẹp dường bao. Tốt biết mấy khi chúng ta gặp nhau ở nơi này là nơi chúng ta nhìn thấy nhau như anh chị em, nơi chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần nhau. Hôm nay tôi muốn là một với anh chị em. Tôi cần sự hỗ trợ của anh chị em, sự gần gũi của anh chị em. Tôi muốn mời anh em cùng nhau cầu nguyện, cho nhau, với nhau. Bằng cách đó chúng ta có thể tiếp tục giúp đỡ lẫn nhau cảm nghiệm niềm vui biết rằng Chúa Giêsu đang ở giữa chúng ta.

Anh chị em đã sẵn sàng chưa?

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Trước khi chia tay, tôi muốn gởi đến anh chị em những lời chúc này của Thiên Chúa:

Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em!

Nguyện Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và dủ lòng thương anh chị em!

Nguyện Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em! (Ds 6: 24-26).

Và, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.
 
Diễn Văn trước Quốc Hội Hoa Kỳ của Đức Phanxicô
Vũ Van An
04:41 25/09/2015
Thưa phó Tổng Thống

Ông Chủ Tịch

Các Thành Viên Đáng Kính của Quốc Hội,

Các bạn thân mến

Tôi hết lòng cám ơn qúi vị đã mời tôi nói chuyện với Buổi Họp Hỗn Hợp này của Quốc Hội trên “lãnh thổ của người tự do và là nhà của người dũng cảm”. Tôi dám nghĩ rằng lý do của lời mời này là vì tôi cũng là một người con của lục địa vĩ đại này, mà từ đó, tất cả chúng ta đã nhận được rất nhiều và cùng có trách nhiệm chung đối với nó.

Mỗi người con trai và con gái của một đất nước nào đó đều có một sứ mệnh, một trách nhiệm bản thân và xã hội. Trách nhiệm riêng của qúi vị trong tư cách thành viên của Quốc Hội là làm cho đất nước này tăng trưởng như một quốc gia, bằng sinh hoạt lập pháp của qúi vị. Qúy vị được kêu gọi bảo vệ và duy trì phẩm giá của các đồng công dân của qúi vị trong việc mưu tìm ích chung một cách không mệt mỏi và đầy khó khăn, vì đây là mục đích chính của mọi nền chính trị. Một xã hội chính trị lâu bền là xã hội coi mình có ơn gọi tìm cách thoả mãn các nhu cầu chung bằng cách kích thích việc tăng trưởng của mọi thành viên, nhất là các thành viên yếu kém hay gặp nguy cơ nhiều hơn. Sinh hoạt lập pháp luôn đặt căn bản trên việc chăm sóc người dân. Qúi vị được những người bầu mình mời gọi, kêu gọi và triệu tập cho sinh hoạt này.

Việc làm của qúi vị là một việc làm khiến tôi suy tư hai cách về nhân vật Môsê. Một đàng, vị tổ phụ và là nhà làm luật của Israel tượng trưng cho nhu cầu nhân dân muốn duy trì sống động cảm thức thống nhất của họ bằng phương tiện ban hành luật pháp công chính. Đàng khác, nhân vật Môsê trực tiếp dẫn chúng ta tới Thiên Chúa và do đó, tới phẩm giá siêu việt của con người nhân bản. Môsê cung cấp cho chúng ta một tổng hợp rất tốt về việc làm của qúi vị: qúi vị được yêu cầu, bằng luật lệ, che chở hình ảnh và họa ảnh đã được Thiên Chúa in trên mọi gương mặt con người.

Hôm nay, tôi muốn không những nói chuyện với qúy vị, mà còn qua qúi vị, nói chuyện với toàn thể dân chúng Hiệp Chúng Quốc. Tại đây, cùng với các đại diện của họ, tôi muốn mượn dịp này đối thoại với nhiều ngàn người nam nữ đang hàng ngày cố gắng làm một công việc lương thiện trong ngày, đem cơm bánh hàng ngày về nhà, dành dụm tiền bạc và từng bước xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho gia đình họ. Những người đàn ông và đàn bà này không chỉ lo nộp thuế, nhưng còn nâng đỡ đời sống của xã hội, một cách âm thầm. Họ sản sinh ra tình liên đới bằng các hành động của mình, và họ tạo ra các tổ chức nhằm chìa bàn tay giúp đỡ cho những người thiếu thốt nhất.

Tôi cũng muốn bước vào đối thoại với nhiều người cao niên vốn là kho khôn ngoan do kinh nghiệm tích góp, và đang tìm nhiều cách, nhất là việc làm thiện nguyện, để chia sẻ các câu truyện và các tầm nhìn thông sáng của mình. Tôi biết rằng nhiều người trong số họ đã về hưu, nhưng vẫn còn hoạt động; họ tiếp tục làm việc để bồi đắp lãnh thổ này. Tôi cũng muốn đối thoại với mọi người trẻ đang làm việc để thể hiện các hoài bão vĩ đại và cao qúi của họ, những người không để mình bị hướng dẫn sai lạc bởi những đề nghị dễ dãi, và là những người đang gặp những tình huống khó khăn, phần lớn do sự thiếu chín chắn của người trưởng thành. Tôi muốn đối thoại với tất cả qúi vị, và tôi muốn làm thế qua ký ức lịch sử của nhân dân qúy vị.

Chuyến thăm viếng của tôi diễn ra vào một thời điểm khi những người thiện chí nam nữ đang đánh dấu ngày kỷ niệm của một số người Hoa Kỳ vĩ đại. Bất chấp các phức tạp của lịch sử và thực tại yếu đuối nhân bản, những người nam nữ này, với đủ các dị biệt và giới hạn của họ, đã có thể làm việc rất cam go và đầy hy sinh bản thân, một số hy sinh cả mạng sống, để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Họ lên khuôn cho các giá trị căn bản sống mãi trong tinh thần nhân dân Hoa Kỳ. Một dân tộc với một tinh thần như thế sẽ sống thoát nhiều cuộc khủng hoảng, căng thẳng và tranh chấp, trong khi vẫn luôn tìm được tài nguyên để tiến lên phía trước, và làm thế một cách đầy phẩm giá. Những người nam nữ này đem lại cho chúng ta cách nhìn và giải thích thực tại. Vinh danh ký ức của họ, chúng ta sẽ được linh hứng trong việc rút tỉa các dự trữ văn hóa sâu sắc nhất của chúng ta, ngay giữa các tranh chấp, và ngay ở đây, bây giờ, mỗi ngày.

Tôi muốn nhắc tới bốn người Hoa Kỳ sau đây Abraham Lincoln, Martin Luther King, Dorothy Day và Thomas Merton.

Năm nay đánh dấu năm thứ một trăm năm mươi ngày ám sát Tổng Thống Abraham Lincol, người bảo vệ tự do, khổ công không mệt mỏi để “quốc gia này, dưới Thiên Chúa, có được sự nở sinh mới của tự do”. Muốn xây dựng một tương lai tự do, ta cần có lòng yêu mến ích chung và hợp tác trong tinh thần phụ đới và liên đới.

Tất cả chúng ta đều ý thức, và lo lắng sâu xa đối với tình thế xã hội và chính trị của thế giới ngày nay. Thế giới của chúng ta càng ngày càng là một nơi tranh chấp bạo động, hận thù và tàn ác thú tính, vi phạm nhân danh cả Thiên Chúa và tôn giáo. Chúng ta biết rằng không tôn giáo nào không nhiễm các hình thức lừa đảo cá nhân hay cực đoan ý thức hệ. Điều này có nghĩa: chúng ta phải đặc biệt lưu ý tới mọi loại chủ nghĩa cực đoan, bất kể là thuộc tôn giáo hay thuộc một loại khác. Chúng ta cần một cân bằng tế nhị để đánh tan thứ bạo lực nhân danh một tôn giáo, một ý thức hệ hay một hệ thống kinh tế, trong khi vẫn bảo vệ tự do tôn giáo, tự do trí thức và các tự do cá nhân.

Nhưng còn một cám dỗ khác mà chúng ta phải đặc biệt đề phòng: đó là chủ nghĩa giản lược thái quá chỉ thấy tốt hay xấu; hay, nếu qúy vị muốn, chỉ thấy người công chính và kẻ tội lỗi. Thế giới đương đại, với những vết thương mở toang từng gây đau đớn cho không biết bao anh chị em của chúng ta, thế giới này đòi chúng ta phải đối chất với mọi hình thức phân cực nhằm phân chia nó thành hai phe nhóm vừa kể. Chúng ta biết rằng khi cố gắng giải thoát mình khỏi kẻ thù bên ngoài, chúng ta rất có thể bị cám dỗ đi nuôi dưỡng kẻ thù bên trong. Mô phỏng hận thù và bạo lực của các bạo chúa và các kẻ sát nhân là cách tốt nhất để chiếm chỗ của họ. Đó là điều qúi vị, trong tư cách một dân tộc, luôn bác bỏ.

Thay vào đó, đáp án của chúng ta phải là một đáp án của hy vọng và hàn gắn, của hòa bình và công lý. Chúng ta được yêu cầu tập trung can đảm và trí hiểu để giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng địa chính trị và kinh tế ngày nay. Ngay trong thế giới đã phát triển, các hậu quả từ các cơ cấu và hành động bất công cũng đang hết sức hiển nhiên. Các cố gắng của chúng ta phải nhắm vào việc phục hồi hy vọng, sửa chữa các sai lầm, duy trì các cam kết, và do đó phát huy phúc lợi các cá nhân và các dân tộc. Chúng ta phải cùng nhau, như một, tiến lên phía trước trong một tinh thần huynh đệ và liên đới đổi mới, quảng đại hợp tác với nhau vì ích chung.



Các thách thức trước mặt ta ngày nay đòi phải có sự đổi mới tinh thần hợp tác trên, một tinh thần đã thực hiện được rất nhiều điều tốt lành suốt trong lịch sử Hiệp Chúng Quốc. Sự phức tạp, tính nghiêm trọng và tính khẩn trương của các thách thức này đòi chúng ta phải góp chung các tài nguyên và các tài năng của chúng ta, và quyết tâm hỗ trợ nhau, trong khi vẫn tôn trọng các dị biệt và các xác tín lương tâm của chúng ta.

Trên lãnh thổ này, nhiều hệ phái tôn giáo từng đóng góp lớn lao vào việc xây dựng và củng cố xã hội. Ngày nay cũng như trong quá khứ, điều quan trọng là tiếng nói đức tin cần được tiếp tục lắng nghe, vì nó là tiếng nói huynh đệ và yêu thương, luôn cố gắng phát sinh điều tốt nhất nơi mỗi cá nhân và nơi mỗi xã hội. Sự hợp tác như thế là tài nguyên mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu loại trừ các hình thức hoàn cầu của nạn nô lệ, phát sinh từ các bất công trầm trọng chỉ có thể khuất phục bằng những chính sách mới và các hình thức đồng thuận xã hội mới.



Đến đây, tôi nghĩ tới lịch sử chính trị của Hiệp Chúng Quốc, nơi dân chủ đã bén rễ sâu trong tâm rí nhân dân Hoa Kỳ. Mọi sinh hoạt chính trị phải phục vụ và cổ vũ thiện ích của con người nhân bản và phải đặt căn bản trên lòng tôn trọng phẩm giá của họ. “Chúng tôi chủ trương các sự thật hiển nhiên sau đây, rằng mọi người được tạo dựng bình đẳng với nhau, rằng họ được Đấng Tạo Hóa của họ phú ban một số quyền lợi bất khả chuyển nhượng, rằng trong số các quyền lợi này có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Tuyên Ngôn Độc Lập, 4 tháng Bẩy 1776). Nếu chính trị thực sự buộc phải phục vụ con người nhân bản, thì đương nhiên nó không thể làm nô lệ cho kinh tế và tài chánh. Thay vào đó, chính trị là biểu thức của việc ta buộc phải sống như một, để, như một, xây dựng ích chung vĩ đại nhất: tức ích chung của một cộng đồng biết hy sinh tư lợi để chia sẻ các thiện ích, các quyền lợi, đời sống xã hội của mình, trong công lý và hòa bình. Tôi không đánh giá thấp sự khó khăn mà điều này bao hàm, nhưng tôi khuyến khích qúi vị trong cố gắng này.

Đến đây, tôi cũng nghĩ tới cuộc diễn hành mà Martin Luther King từng hướng dẫn từ Selma tới Montgomery 50 năm trước đây như là một phần của chiến dịch thực hiện cho được “giấc mơ” của ông đối với các quyền dân sự và chính trị đầy đủ cho người Hoa Kỳ gốc Phi Châu. Giấc mơ ấy tiếp tục linh hứng cho tất cả chúng ta. Tôi vui mừng thấy Hoa Kỳ tiếp tục là lãnh thổ “mộng mơ” đối với nhiều người. Các giấc mơ dẫn tới hành động, tham dự, dấn thân. Các giấc mơ đánh thức những gì sâu nhất, thật nhất trong đời sống một dân tộc.

Trong mấy thế kỷ gần đây, hàng triệu con người tới lãnh thổ này để theo đuổi giấc mơ xây dựng một tương lai cho họ trong tự do. Chúng ta, những người của lục địa này, không sợ người nước ngoài, vì phần lớn chúng ta là người nước ngoài. Tôi nói điều này với qúi vị trong tư cách người con của các di dân, vì biết rằng rất nhiều người trong qúi vị cũng là con cháu của các di dân. Thảm họa thay, các quyền lợi của những người ở đây trước chúng ta nhiều không luôn luôn được tôn trọng. Với các dân tộc này và các quốc gia của họ, từ trái tim nền dân chủ Hoa Kỳ, tôi muốn tái khẳng định lòng cảm mến và đánh giá cao nhất của tôi. Những cuộc tiếp xúc đầu tiên này đôi lúc đầy sóng gío và bạo động, nhưng khó có thể dùng các tiêu chuẩn hiện tại để phán xét quá khứ. Tuy thế, khi một người lạ giữa chúng ta kêu gọi chúng ta, chúng ta không nên lặp lại các tội lỗi và sai lầm của quá khứ. Hiện nay, ta phải quyết tâm sống cao thượng và công chính bao nhiêu có thể, như chúng ta từng giáo dục các thế hệ mới đừng quay lưng đối với “ngưòi hàng xóm” của chúng ta và mọi sự bao quanh ta. Xây dựng một quốc gia đòi ta phải thừa nhận điều này: chúng ta phải không ngừng liên hệ với người khác, bác bỏ não trạng thù nghịch để tiếp nhận não trạng phụ đới hỗ tương, trong một cố gắng liên lỉ làm hết sức ta. Tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể làm được điều này.

Thế giới chúng ta đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng tỵ nạn có quy mô chưa từng thấy kể từ Thế Chiến Hai. Cuộc khủng hoảng này đem lại cho chúng ta nhiều thách thức lớn lao và nhiều quyết định khó khăn. Trên lục địa này, cũng có hàng ngàn người đang được hướng dẫn chạy lên phía bắc để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính họ và cho những người thân yêu của họ, để tìm các cơ may lớn lao hơn. Đó há không phải là điều chúng ta muốn cho con cái chúng ta không? Chúng ta không nên sửng sốt bởi con số của họ, nhưng đúng hơn nên coi họ như những con người, nhìn gương mặt họ và lắng nghe truyện kể của họ, cố gắng đáp ứng tốt nhất có thể đối với tình huống của họ. Đáp ứng một cách luôn nhân đạo, công chính và huynh đệ. Chúng ta cần tránh cơn cám dỗ chung ngày nay là vất bỏ bất cứ điều gì bị coi là gây phiền hà. Chúng ta hãy nhớ Luật Vàng: “Hãy làm cho người khác như bạn muốn họ làm cho bạn” (Mt 7:12).

Luật Vàng trên đây chỉ cho chúng ta một hướng đi rõ rệt. Chúng ta hãy đối xử với người khác một cách say mê và cảm thương như ta muốn họ đối xử với ta vậy. Hãy mưu cầu cho người khác cùng các khả thể như chúng ta mưu cầu cho chính mình. Chúng ta hãy giúp đỡ người khác tăng trưởng, như chúng ta muốn được giúp đỡ vậy. Nói tóm lại, nếu chúng ta muốn được an toàn, thì chúng ta hãy cho đi sự an toàn; nếu chúng ta muốn sống, chúng ta hãy cho đi sự sống; nếu chúng ta muốn có cơ may, chúng ta hãy cung cấp các cơ may. Thước chúng ta dùng đo người khác sẽ là thước mà thời gian sẽ dùng cho chúng ta. Luật Vàng cũng nhắc nhở chúng ta phải nhớ trách nhiệm của mình trong việc che chở và bênh vực sự sống con người trong mọi giai đoạn phát triển của nó.

Ngay từ đầu thừa tác vụ của tôi, xác tín trên đã dẫn tôi tới chỗ kêu gọi mọi cấp phải bãi bỏ án tử hình trên khắp thế giới. Tôi xác tín rằng đây là cách tốt nhất, vì mọi sự sống đều thánh thiêng, mọi con người nhân bản đều được phú ban cho một phẩm giá bất khả nhượng, và xã hội chỉ có thể có lợi khi cải tạo những người phạm tội ác. Gần đây, các hiền huynh giám mục của tôi ở đây, tại Hiệp Chúng Quốc này, vừa lặp lại lời kêu gọi của họ đòi bãi bỏ án tử hình. Không những tôi ủng hộ các ngài, mà còn đưa ra lời khuyến khích đối với tất cả những ai xác tín rằng hình phạt chính đáng và cần thiết không được vượt quá chiều kích hy vọng và mục đích cải tạo.

Trong thời gian này khi các quan tâm xã hội hết sức quan trọng, tôi không thể không nhắc đến Tôi Tớ Chúa là Dorothy Day, người thành lập Phong Trào Công Nhân Công Giáo. Chủ trương tranh đấu xã hội của bà, lòng say mê công lý và chính nghĩa người bị áp bức của bà đã lấy linh hứng từ Tin Mừng, từ đức tin của bà và từ gương sáng các Thánh.

Tại rất nhiều nơi trên thế giới, biết bao tiến bộ đã được thực hiện trong phạm vi này! Biết bao điều đã được thực hiện trong các năm đầu tiên của đệ tam thiên niên kỷ này để kéo người ta ra khỏi cảnh bần cùng! Tôi biết rằng qúi vị chia sẻ niềm xác tín của tôi rằng: còn nhiều điều nữa cần phải làm, và trong thời buổi khủng hoảng và kinh tế khó khăn, chúng ta không nên đánh mất tinh thần liên đới hoàn cầu. Đồng thời, tôi muốn khuyến khích qúi vị lưu ý tới tất cả những người ở quanh ta đang bị kẹt trong vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Cả họ nữa, họ cũng cần được đem lại hy vọng. Cuộc chiến đấu chống cảnh nghèo đói phải được đánh liên lỉ và trên nhiều chiến tuyến, nhất là ở chính các nguyên nhân của nó. Tôi biết rằng nhiều người Hoa Kỳ ngày nay, cũng như trong quá khứ, đang cố gắng đương đầu với vấn đề này.

Không cần phải nói, ai cũng biết một phần trong cố gắng trên là việc tạo ra và phân phối của cải. Việc sử dụng đúng đắn các tài nguyên thiên nhiên, việc áp dụng thích đáng kỹ thuật học và việc sử dụng tinh thần kinh bang tế thế là các yếu tố chủ yếu của một nền kinh tế tìm cách hiện đại hóa, bao gồm và lâu bền. “Kinh doanh là một ơn gọi cao qúi, hướng về phía sản xuất của cải và cải thiện thế giới. Nó có thể là nguồn phong phú của thịnh vượng cho vùng nó hoạt động, nhất là nếu nó coi việc tạo ra công ăn việc làm là phần chủ yếu trong việc phục vụ ích chung của nó” (Laudato Si’, 129). Ích chung này cũng bao gồm trái đất, chủ đề chính của thông điệp tôi vừa trước tác ngõ hầu “bước vào cuộc đối thoại với mọi người về căn nhà chung” (ibid., 3). “Chúng ta cần một cuộc đàm đạo bao gồm mọi người, vì thách thức môi sinh mà ta đang kinh qua, cũng như gốc gác nhân bản của nó, có liên hệ và có ảnh hưởng tới mọi người” (ibid., 14).

Trong Laudato Si’, tôi kêu gọi một cố gắng can đảm và có trách nhiệm để “tái định hướng các bước đi của chúng ta” (ibid., 61), và để tránh các hậu quả trầm trọng nhất của việc xuống cấp môi sinh do sinh hoạt của con người gây ra. Tôi xác tín rằng ta có thể tạo được khác biệt, tôi tin chắc và tôi không hoài nghi gì việc Hiệp Chúng Quốc, và Quốc Hội này, có một vai rò quan trọng để thủ diễn. Nay là lúc dành cho các hành động và chiến thuật can đảm, nhằm thực thi một “nền văn hóa chăm sóc” (ibid., 231) và “một phương thức toàn bộ để diệt trừ nghèo đói, phục hồi phẩm gia cho người bỉ loại bỏ, và đồng thời bảo vệ thiên nhiên” (ibid., 139). “chúng ta có tự do cần thiết để giới hạn và điều hướng kỹ thuật” (ibid., 112); “để nghĩ ra các cách thông minh… nhằm khai triển và giới hạn các sức mạnh của ta” (ibid., 78); và để bắt kỹ thuật “phục vụ một thứ tiến bộ khác, một thứ tiến bộ lành mạnh hơn, nhân bản hơn, có tính xã hội hơn, và toàn diện hơn” (ibid., 112). Về phương diện này, tôi tin tưởng rằng các định chế học thuật và nghiên cứu xuất chúng của Hoa Kỳ có thể thực hiện một đóng góp có tính sinh tử trong những năm sắp tới.

Một thế kỷ trước đây, lúc bắt đầu có cuộc Chiến Tranh Lớn, cuộc chiến tranh bị Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV gọi là “cuộc tàn sát vô nghĩa”, một người Hoa Kỳ nổi tiếng khác đã ra đời: đó là Đan Sĩ Dòng Xitô Thomas Merton. Ông vẫn còn là nguồn gợi hứng thiêng liêng và một kim chỉ nam cho nhiều người. Trong cuốn tự thuật của mình, ông viết: “Tôi sinh ra đời. Bản tính vốn tự do, theo hình ảnh Thiên Chúa, tuy nhiên, tôi lại là tù nhân của chính bạo lực của mình và của chính lòng vị kỷ của mình, theo hình ảnh thế gian nơi tôi đã sinh ra. Thế gian này là hình ảnh Hỏa Ngục, đầy những người như tôi, yêu Thiên Chúa, thế nhưng lại ghét Người; sinh ra để yêu Người, nhưng lại sống trong sự sợ hãi đói khát vô vọng tự mâu thuẫn chính mình”. Trên hết, Merton là người của cầu nguyện, một nhà tư tưởng dám thách thức các điều chắc chắn của thời ông và mở ra nhiều chân trời mới cho các linh hồn và cho Giáo Hội. Ông cũng là người của đối thoại, người cổ vũ hoà bình giữa các dân tộc và các tôn giáo.

Từ viễn ảnh đối thoại này, tôi muốn thừa nhận các cố gắng trong mấy tháng gần đây nhằm giúp vượt qua các dị biệt lịch sử liên quan tới nhiều giai đoạn đau đớn trong dĩ vãng. Tôi có bổn phận bắc cầu và giúp mọi người nam nữ thực hiện cùng một việc ấy bằng bất cứ cách nào có thể. Khi các quốc gia từng tranh chấp với nhau tái tục con đường đối thoại, một cuộc đối thoại rất có thể bị ngắt quãng vì những lý do chính đáng nhất, thì các cơ hội mới đã mở ra cho mọi người. Việc này từng đòi hỏi và còn đang đòi hỏi sự can đảm và dám làm, những điều không giống hệt như vô trách nhiệm. Nhà lãnh đạo chính trị tốt là người, nhờ lưu tâm đến lợi ích của mọi người, biết nắm lấy thời cơ trong trong tinh thần cởi mở và thực tiễn. Nhà lãnh đạo chính trị tốt luôn chọn giải pháp khai mở các diễn trình hơn là chiếm hữu không gian (xem Evangelii Gaudium, 222-223).

Phục vụ đối thoại và hòa bình cũng có nghĩa là thực sự quyết tâm trong việc tối thiểu hóa và, trong trường kỳ, chấm dứt các cuộc tranh chấp vũ trang khắp thế giới. Ở đây, chúng ta phải tự hỏi: Tại sao các vũ khí giết người lại được bán cho những kẻ mưu toan giáng các đau khổ chưa từng có xuống các cá nhân và xã hội? Buồn thay, như chúng ta biết, câu trả lời đơn giản là vì tiền: đồng tiền đẫm máu, mà thường là máu người vô tội. Đứng trước sự im lặng đáng xấu hổ và đáng kết tội này, chúng ta có bổn phận đối chất vấn đề và chấm dứt việc mua bán vũ khí.

Ba người con trai và một người con gái của lãnh thổ này, bốn cá nhân và bốn giấc mơ: Lincoln, tự do; Martin Luther King, tự do trong tính đa nguyên và không loại trừ; Dorothy Day, công bình xã hội và các quyền của con người; và Thomas Merton, khả năng đối thoại và mở lòng ra với Thiên Chúa.

Bốn đại diện của nhân dân Hoa Kỳ.

Tôi sẽ kết thúc chuyến viếng thăm của tôi tại đất nước qúi vị ở Philadelphia, nơi tôi sẽ tham dự Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới. Tôi mong ước rằng suốt chuyến viếng thăm của tôi, gia đình sẽ là chủ đề được lặp đi lặp lại. Gia đình đã chủ yếu xiết bao đối với việc xây dựng đất nước này! Và nó vẫn còn xứng đáng xiết bao để được chúng ta hỗ trợ và khuyến khích! Thế nhưng, tôi không thể dấu được sự lo âu của tôi đối với gia đình, hiện đang bị đe dọa, có lẽ chưa từng thấy trước đó, từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Các liên hệ nền tảng đang bị đặt thành nghi vấn, cũng như chính căn bản của hôn nhân và gia đình. Tôi chỉ có thể lặp lại sự quan trọng và, trên hết, sự phong phú và vẻ đẹp của đời sống gia đình.

Cách riêng, tôi muốn kêu gọi sự lưu ý đối với các thành viên gia đình dễ bị thương tổn hơn hết, đó là giới trẻ. Với nhiều người trong số họ, một tương lai đầy tiềm năng đang đón chờ, thế nhưng rất nhiều người trẻ khác xem ra đã mất hướng và không đích nhắm, bị kẹt cứng trong mê hồn trận vô vọng của bạo lực, lạm dụng và tuyệt vọng. Các vấn đề của họ cũng là các vấn đề của chúng ta, chúng ta không thể tránh được chúng. Chúng ta cần phải cùng nhau đối mặt với chúng. Nói về chúng và tìm ra các giải pháp hữu hiệu, hơn là để mình sa lầy trong tranh luận. Có thể có nguy cơ quá giản luợc, nhưng chúng ta vẫn có thể nói được rằng chúng ta đang sống trong một nền văn hóa chuyên gây áp lực khiến người trẻ không thiết lập một gia đình, vì thiếu các khả thể đối với tương lai. Rồi chính nền văn hóa này lại đề nghị với giới trẻ quá nhiều giải pháp đến nỗi cuối cùng họ cũng không dám thiết lập một gia đình.

Một quốc gia sẽ được coi là vĩ đại khi bảo vệ tự do như Lincoln đã làm; khi phát huy nền văn hóa giúp người ta có khả năng “ước mơ” các quyền đầy đủ cho mọi anh chị em của mình, như Martin Luther King từng tìm cách thực hiện; khi cố gắng tranh đấu cho công lý và cho chính nghĩa của người bị áp bức, như Dorothy Day từng làm với việc làm không biết mệt của bà, vốn là hoa trái đức tin đã trở thành đối thoại và gieo rắc hoà bình trong phong thái chiêm niệm của Thomas Merton.

Trong các nhận định này, tôi cố gắng trình bầy một vài sự phong phú trong di sản văn hóa của qúi vị, của tinh thần nhân dân Hoa Kỳ. Tôi mong ước tinh thần này tiếp tục phát triển và tăng trưởng, để càng nhiều người trẻ càng hay có thể thừa hưởng và cư ngụ trên một lãnh thổ từng gợi hứng cho biết bao nhiêu người mơ ước.

Xin Thiên Chúa chúc phúc cho Hoa Kỳ!
 
Đức Thánh Cha đến New York
Đặng Tự Do
04:54 25/09/2015
Sáng thứ Năm 24 tháng 9, lúc 9:20 Đức Thánh Cha Phanxicô đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên đọc diễn văn trước lưỡng viện Hoa Kỳ. Sau đó vào lúc 11:15 Đức Thánh Cha đã ghé thăm cơ sở bác ái của giáo xứ Thánh Patrick. Sau khi về nghỉ trưa tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, lúc 4 giờ chiều thứ Năm 24 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đáp máy bay đi New York.

Ngài đã đến nơi lúc 5h:23 chiều. Ra đón Đức Thánh Cha tại chân thang máy bay có Đức Hồng Y Timothy Dolan là Tổng Giám Mục New York, Đức Cha Nicholas DiMarzio, Giám Mục giáo phận Brooklyn, các giới chức thành phố và đông đảo dân chúng vẫy cờ Vatican.

Cũng như khi hạ cánh hôm thứ Ba tại căn cứ không quân Andrews, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cẩn thận cởi mũ sọ trắng của mình ra trước khi leo xuống cầu thang từ một máy bay phản lực của hãng hàng không American Airlines.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt tay các vị ra đón ngài. Năm học sinh các trường Công Giáo đã tiến lên tặng ngài một cuốn sách đầy những bài thơ và những lời cầu nguyện sáng tác bởi các học sinh từ khắp vùng Brooklyn và Queens.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt tay đám đông chờ đợi và cười rất vui khi có người tặng ngài một con búp bê mô phỏng chính ngài.

Chỉ tám phút sau khi máy bay hạ cánh, Đức Thánh Cha Phanxicô lại bước lên một chiếc trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ để băng qua East River đến sân bay trực thăng ở Manhattan.

Đến nơi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã leo lên chiếc Fiat của mình hướng về nhà thờ chính tòa Saint Patrick của New York tọa lạc tại Fifth Avenue. Tới 54 Street thì ngài đổi sang chiếc popemobile để có thể chào những người đang chờ đón ngài.

Nhà thờ Saint Patrick đã bắt đầu đổ chuông rộn rã ngay khi Đức Thánh Cha xuống sân trực thăng Manhattan. Bây giờ, tiếng chuông còn rộn rã hơn nữa.


Hàng ngàn người dân New York hào hứng ép sát các các rào chắn cảnh sát và reo hò khi Đức Thánh Cha Phanxicô đi ngang qua, được hộ tống bởi hàng chục xe cảnh sát.

Trong đám đông là Julia Bruzzese 12 tuổi cư ngụ tại Bensonhurst, Brooklyn, một vận động viên đột nhiên bị mất khả năng đi đứng bình thường vào tháng Năm vừa qua.

“Tôi đến đây vì tôi muốn Đức Thánh Cha chạm đến tôi và chúc lành cho tôi” Julia nói trong nước mắt. “Tôi cảm thấy như ngài sẽ làm cho tôi cảm thấy khoẻ hơn.”

Những lời cầu nguyện của Julia đã được trả lời. Đức Thánh Cha Phanxicô dừng xe đặt tay lên trán cô, gật đầu và ban cho cô những lời chúc lành.

Trong khi đó, một ban nhạc jazz 43 thành viên đến từ Trường Công Giáo Xavarian ở Bay Ridge, Brooklyn, đã chơi bài nhạc chính thức của thành phố New York của danh ca Frank Sinatra và bài “City of God” - “Thành phố của Chúa”.
 
Lễ Tuyên Thánh cho Chân Phước Junípero Serra
VietCatholic Network
04:19 25/09/2015
Chân Phước Jupipero Serra sinh năm 1713 tại đảo Mallorca nước Tây Ban Nha. Ngài gia nhập Dòng Phanxicô và được thụ phong linh mục năm 1737. Từ đó cho đến năm 35 tuổi là giáo sư dạy triết lý và thần học ở Đại Học Lulliana. Đến năm 1749 thì ngài từ bỏ tất cả xin đi truyền giáo tại Tân thế giới vì có lòng ước ao hoán cải những người Da Đỏ trở lại đạo Công Giáo.

Đi tàu thủy đến Vera Cruz, ngài và một người bạn đồng hành phải đi bộ 250 dặm để đến Mexico City. Trong lúc đi đuòng bị các loại sâu bọ cắn vào chân nên phải mang tật suốt đời. Trong 18 năm sinh hoạt và rao giảng Tin Mừng ở miền Trung Mexico và bán đảo Baja ngài đã thành lập được rất nhiều cộng đoàn giáo dân.

Công việc việc của ngài thật khó khăn và phức tạp vì nhiều lúc gặp phải những chống đối của các nhà lãnh đạo quân sự và giới thực dân khi ngài bênh vực quyền lợi và nhân phẩm của dân bản xứ. Có nhiều lần đi truyền giáo ngài phải chịu đựng những giá lạnh và đói khát cùng những nguy hiểm đến tánh mạng vì sự hiểu lầm của người Da Đỏ.

Đời sống truyền giáo của Chân Phước Serra được thành quả tốt đẹp chính là nhờ lòng sốt sắng cầu nguyện liên lĩ và lòng bác ái bao la. Ngài đã rửa tội cho hơn 6000 người và làm phép Thêm sức cho hơn 5000 người. Ngài không những đã mang Tin Mừng của Chúa Kitô đến cho dân bản xứ mà còn dạy dỗ họ trồng trọt, chăn nuôi và các thủ công nghệ và nhất là nếp sống văn minh.

Chân Phước Serra đã thu phục được lòng yêu mến của dân bản xứ và họ đã đau buồn luyến tiếc khi ngài qua đời năm 1784. Ngài dược chôn cất tại San Carlo Borromeo, Carmel và được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Chân Phước năm 1988.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho Đài Truyền hình Vatican hôm 16 tháng 9, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mô tả vị tân thánh Junipero Serra như là cha đẻ của Hoa Kỳ. Ngài hy vọng rằng biến cố tuyên thánh này là một lời kêu gọi người Hoa Kỳ tái khám phá lịch sử Tây Ban Nha và Công Giáo. Đức Hồng Y cũng nói thêm là thông điệp chính của lễ tuyên thánh này là sự khuyến khích hội nhập vào Giáo Hội Hoa Kỳ một “thành phần gốc Tây Ban Nha ngày càng quan trọng và liên quan” tại Mỹ.

Giờ đây, Đức Thánh Cha và đoàn đồng tế đang tiến ra trước bàn thờ.

Thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha làm dấu bắt đầu thánh lễ.

Đức Thánh Cha: Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.

Cộng đoàn: Amen

Đức Thánh Cha gởi lời chào Phụng Vụ đến cộng đoàn.

Đức Thánh Cha: Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh (chị) em.

Cộng đoàn: Và ở cùng cha.

Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta hãy cầu khẩn cùng Thánh Thần Chúa, Đấng ban sự sống, để Ngài soi sáng cho tâm trí chúng ta và Chúa Kitô không để cho Giáo Hội của mình phạm sai lầm trong một vấn đề có tầm quan trọng như thế này.

Cộng đoàn đang cùng hát bài Veni, Creator Spiritus – Thánh Thần Hãy Xin Ngự Đến xin Ngài trợ giúp Hội Thánh trong quyết định quan trọng sắp diễn ra.

Sau khi cộng đoàn kết thúc kinh cầu xin Chúa Thánh Thần. Đức Hồng Y Donald William Wuerl là Tổng Giám Mục Hoa Thịnh Đốn và các cáo thỉnh viên trong vụ án phong thánh tiến lên trước Đức Thánh Cha và đọc tiểu sử vị Chân Phước sắp được tuyên thánh.

Đức Thánh Cha đọc lời nguyện sau:

Lậy Chúa nhân từ, xin nghe lời dân Chúa cầu xin và xin chiếu dọi ánh sáng Thần Linh Chúa vào tâm trí chúng con, để việc phụng thờ của chúng con làm đẹp lòng Chúa và cho Giáo Hội được thêm phát triển. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Giờ đây, cộng đoàn cùng quỳ gối hát kinh cầu các Thánh bằng tiếng La tinh, khiêm tốn cầu xin các thánh nam nữ trợ giúp Hội Thánh trong quyết định quan trọng sắp diễn ra.

Kết thúc kinh cầu các thánh Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha toàn năng nhờ Chúa Giêsu Kitô và nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ và tất cả các Thánh xin Ngài đoái thương nâng đỡ quyết định long trọng chúng ta sắp thực hiện.

Lạy Chúa, chúng con xin Chúa đoái thương nhận lời cầu của dân Ngài để việc phụng thờ của chúng con làm đẹp lòng Chúa và cho Giáo Hội được thêm phát triển. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Giờ đây, Đức Thánh Cha long trọng đọc công thức phong thánh.

Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, để phát huy đức tin Công Giáo và củng cố đời sống Kitô hữu, với quyền lực của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô và của riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đã tham khảo ý kiến của nhiều Chư huynh Giám mục, tôi quyết định tuyên bố:

Chân Phước JUNÍPERO SERRA là Thánh và được ghi vào sổ bộ các Thánh và truyền rằng ngài được tôn kính như vậy bởi toàn thể Giáo Hội.

Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen

Đức Hồng Y Donald William Wuerl đáp:

Trọng kính Đức Thánh Cha, nhân danh Hội Thánh con cảm ơn Đức Thánh Cha đã công bố điều này và khiêm tốn thỉnh cầu ngài truyền rằng một tông thư liên quan đến hành động phong Thánh này được thảo ra.

Đức Thánh Cha bày tỏ sự đồng thuận.

Thánh lễ được tiếp tục với kinh Vinh Danh.

Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời,

và bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Chúng con ca ngợi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa,

chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa,

chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa.

Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời,

Là Chúa Cha toàn năng.

Lạy Con Một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô,

Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa

là Con Ðức Chúa Cha.

Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con;

Chúa xóa tội trần gian, xin nhậm lời chúng con cầu khẩn.

Chúa ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, xin thương xót chúng con.

Vì, lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa là Ðấng Thánh,

chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Ðấng Tối Cao,

cùng Ðức Chúa Thánh Thần trong vinh quang Ðức Chúa Cha.

Amen.

Sau khi cộng đoàn vừa dứt Kinh Vinh Danh, Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện.

Đức Thánh Cha: Chúng ta hãy cầu nguyện. Lạy Chúa, với lòng xót thương vô hạn Chúa đã muốn thêm Thánh JUNÍPERO SERRA vào hàng các thánh của Giáo Hội Hoa Kỳ, xin cho chúng con, nhờ lời cầu bầu của Ngài, được luôn hiệp nhất với Chúa và nên chứng nhân cho Chúa và là hình ảnh Lòng Thương Xót Chúa ở khắp mọi nơi. Nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Chúa, Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Các bài đọc và bài Phúc Âm được lấy từ Phụng Vụ Lễ Thánh Matthêu Tông Đồ Thánh Sử

BÀI ĐỌC 1: (Is 52, 7- 10)

Đẹp thay trên đồi núi

bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an,

người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ

và nói với Xi-on rằng: "Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị."

Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi

cùng cất tiếng reo hò vang dậy;

họ sẽ được thấy tận mắt ĐỨC CHÚA đang trở về Xi-on.

Hỡi Giêrusalem điêu tàn hoang phế,

hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng,

vì ĐỨC CHÚA an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

Trước mặt muôn dân,

ĐỨC CHÚA đã vung cánh tay thần thánh của Người:

ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta,

người bốn bể rồi ra nhìn thấy.

ĐÁP CA: Tv 18, 2-3. 4-5

Đáp: Hãy công bố những việc diệu kỳ của Ngài cho toàn thể chư dân

1. Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới,

hát lên mừng CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu!

2. Hát lên mừng CHÚA, chúc tụng Thánh Danh!

Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ,

kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển,

cho mọi nước hay những kỳ công của Người.

3. Hãy dâng CHÚA, hỡi các dân các nước,

dâng CHÚA quyền lực và vinh quang.

4. Hãy nói với chư dân: CHÚA là Vua hiển trị,

Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay,

Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.

Bài đọc 2:

Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến.

Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giêsu.

Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.

Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! – Hãy đi dạy dỗ muôn dân, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 28, 16-10

Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."

Đó là Lời Chúa.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Hãy luôn hân hoan trong Chúa! Tôi nói lần nữa, hãy hân hoan! Đó là những lời đáng lưu ý, những lời ảnh hưởng tới đời sống ta. Thánh Phaolô bảo chúng ta hãy vui mừng hân hoan; nói đúng ra, ngài ra lệnh cho chúng phải hân hoan vui mừng. Mệnh lệnh này cộng hưởng với ước nguyện của tất cả chúng ta muốn có một cuộc sống thành toàn, một cuộc sống có ý nghĩa, một cuộc sống hân hoan. Như thể Thánh Phaolô nghe thấy những điều mỗi người chúng ta đang suy nghĩ trong tâm trí và nói lên những điều chúng ta đang cảm nhận, những điều chúng ta đang trải nghiệm. Một điều gì đó rất sâu xa trong ta đang mời gọi ta hân hoan và bảo ta đừng bằng lòng với thuốc an thần chỉ giữ ta cảm thấy thoải mái.

Dù vậy, cùng một lúc, tất cả chúng ta đều biết có những cuộc chiến đấu trong đời sống hàng ngày. Xem ra có rất nhiều thứ đang chặn đường trước lời mời gọi hân hoan này. Lề thói hàng ngày của ta thường dẫn ta tới một thứ lãnh cảm ủ rũ từ từ trở thành một tập quán, với hậu quả nguy tử là tâm hồn ta trở nên tê cóng.

Ta không muốn để lãnh cảm hướng dẫn đời ta... hay ta muốn? Ta không muốn sức mạnh của tập quán thống trị đời ta... hay ta muốn? Nên ta hãy tự hỏi mình: ta phải làm gì để giữ cho trái tim ta khỏi bị tê cóng, khỏi bị gây mê? Ta phải làm thế nào để niềm vui Tin Mừng gia tăng và bén rễ sâu hơn trong đời sống ta?

Chúa Giêsu cho ta câu trả lời. Người nói với các môn đệ của Người lúc đó và Người nói điều ấy với chúng ta bây giờ rằng: Hãy ra đi! Hãy công bố! Niềm vui Tin Mừng là một điều để trải nghiệm, một điều để biết và một điều để chỉ có thể sống bằng cách cho nó đi, bằng cách tự cho mình ta đi.

Tinh thần thế gian này bảo ta nên giống như bất cứ ai khác, là bằng lòng với những gì dễ dãi. Đứng trước lối suy nghĩ phàm trần này, "ta phải phhục hồi xác tín này: ta cần có nhau, ta có trách nhiệm chung đối với nhau và đối với thế giới" (Laudato Si, 229). Đó là trách nhiệm công bố sứ điệp của Chúa Giêsu.Vì nguồn hân hoan của ta là "ước nguyện không cùng được tỏ lòng thương xót, vốn là hoa trái của việc ta trải nghiệm được sức mạnh của lòng thương xót vô hạn của Chúa Cha" (Evangelii Gaudium, 24). Hãy ra đi gặp mọi người, hãy công bố bằng cách xức dầu, và hãy xức dầu bằng cách công bố. Đó là điều Chúa dạy ta hôm nay. Người bảo ta:

Kitô hữu tìm thấy niềm vui trong việc được sai đi: Hãy đi gặp gỡ người thuộc mọi quốc gia!

Kitô hữu cảm nghiệm hân hoan bằng cách tuân giữ giới răn: Hãy ra đi và công bố tin mừng!

Kitô hữu tìm được niềm vui luôn mới mẻ bằng cách đáp lại ơn gọi: Hãy ra đi và xức dầu!

Chúa Giêsu sai các môn đệ đi khắp các quốc gia. Đến với mọi người. Chúng ta cũng thế, chúng ta là thành phần của mọi con người ấy từ hai ngàn năm trước đây. Chúa Giêsu không cung cấp bản tên rút ngắn liệt kê ai xứng đáng, ai không xứng đáng tiếp nhận sứ điệp của Người, sự hiện diện của Người. Thay vào đó, Người luôn ôm lấy sự sống khi thấy sự sống ấy. Trong những gương mặt đau đớn, đói ăn, bệnh tật hay tội lỗi. Trong những gương mặt thương tích, khát uống, mệt mỏi, nghi ngại và đáng thương. Không hề chờ mong một đời sống tươi đẹp, ăn mặc bảnh bao, trang điểm sạch sẽ, Người ôm lấy bất cứ đời sống nào khi thấy nó. Bất kể nó dơ bẩn, lôi thôi, tan nát như thế nào. Chúa Giêsu dạy: Hãy ra đi và cho mọi người biết tin mừng. Hãy ra đi và nhân danh Thầy ôm ấp sự sống trong tình trạng hiện hữu của nó, chứ không phải trong tình trạng các con muốn nó phải là. Hãy ra đi tới các xa lộ và đường vòng, hãy ra đi rao giảng tin mừng cách không sợ hãi, không thiên kiến, không tự tôn, không thương hại, cho tất cả những ai đã đánh mất niềm vui sống. Hãy ra đi công bố vòng tay thương xót của Chúa Cha. Hãy ra đi tới những người đang bị đớn đau và thất bại đè nặng, những người đang cảm thấy đời mình trống rỗng, và hãy công bố việc người ta coi là điên rồ của Chúa Cha đầy yêu thương vẫn cứ muốn xức dầu hy vọng, dầu cứu rỗi cho họ. Hãy ra đi công bố tin mừng này: lầm lạc, ảo giác đánh lừa và giả dối không hề có tính quyết định trong đời một con người. Hãy ra đi với dầu thơm xoa dịu các vết thương và chữa lành các tâm hồn.

Việc sai đi không bao giờ là thành quả của một chương trình đã được đặt kế hoạch cách hoàn hảo hay một cẩm nang được sắp xếp đàng hoàng. Việc sai đi luôn luôn là thành quả của một đời sống biết những điều cần được tìm ra và chữa lành, cần được gặp gỡ và tha thứ. Việc sai đi phát sinh từ một cảm nghiệm thường hằng về việc xức dầu đầy xót thương của Thiên Chúa.

Giáo Hội, Dân Thánh của Thiên Chúa, luôn bước trên những nẻo đường bụi bặm của lịch sử, rất thường được qua lại bởi tranh chấp, bất công và bạo lực, mới mong gặp được con cái mình, anh chị em mình. Dân thánh và tín trung của Thiên Chúa không sợ bị lạc đường; họ không sợ trở thành tự khép kín, đông đá thành những thành phần ưu tú, chỉ muốn bám vào sự an toàn của riêng mình. Họ biết rằng tự khép kín, trong mọi hình thức mình tiếp nhận, là nguyên nhân tạo ra rất nhiều lãnh cảm như trên.

Do đó, ta hãy ra đi, hãy ra đi để đem đến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô (Evangelii Gaudium, 49). Dân Thiên Chúa có thể ôm lấy mọi người vì chúng ta đều là môn đệ của Đấng từng qùy xuống trước mặt các môn đệ của Người mà rửa chân cho họ (ibid., 24).

Lý do chúng ta có mặt ở đây hôm nay là: nhiều người khác muốn đáp lại lời kêu gọi trên. Họ tin rằng "sự sống lớn mạnh nhờ được cho đi, và nó sẽ trở nên yếu ớt trong cô lập và êm ái" (Aparecida Document, 360). Chúng ta vốn là những người thừa hưởng tinh thần truyền giáo mạnh dạn của không biết bao nhiêu người nam nữ từng không thích "bị khép kín trong các cơ cấu chỉ đem lại cho ta cảm thức an toàn lầm lẫn... trong các thói quen khiến ta cảm thấy an ổn, trong khi người ta đang chết lả ở ngay ngoài cửa nhà mình" (Evangelii Gaudium, 49). Chúng ta mắc nợ một truyền thống, một chuỗi chứng tá từng làm cho các tin vui của Tin Mừng trở thành vừa "tốt" vừa "mới" đối với mọi thế hệ.

Hôm nay, chúng ta tưởng nhớ một trong các chứng tá ấy, người đã chứng thực niềm vui Tin Mừng trên lãnh thổ này, Cha Junipero Serra. Ngài là hiện thân của một "Giáo Hội chịu ra đi", một Giáo Hội lên đường, đem lòng âu yếm đầy hoà giải của Thiên Chúa tới mọi nơi. Junípero Serra rời bỏ quê hương và lối sống của ngài. Ngài phấn khởi nghĩ tới những con đường mòn nóng rực, ra đi gặp gỡ nhiều người, học hỏi và trân quí các tập quán và lối sống đặc thù của họ. Ngài học hỏi cách làm thế nào phát sinh và nuôi dưỡng sự sống Thiên Chúa trên gương mặt bất cứ ai ngài gặp; ngài biến họ thành anh chị em của ngài. Junípero tìm cách bảo vệ phẩm giá cộng đồng bản địa, che chở nó chống lại những ai từng xử tệ và lạm dụng nó. Sự xử tệ và các tội ác vẫn còn làm chúng ta ngày nay bối rối, nhất là vì các thương tích họ gây ra trong đời sống nhiều người.

Cha Serra có một khẩu hiệu luôn linh hứng cho đời sống và việc làm của ngài, một khẩu hiệu được ngài sống suốt đời, đó là: siempre adelante! Luôn tiến lên phía trước! Đối với ngài, đây là cách thế để tiếp tục cảm nghiệm được niềm vui Tin Mừng, để giữ cho trái tim ngài kkỏi bị tê cóng, khỏi bị gây mê. Ngài tiếp tục tiến lên phía trước, vì Chúa đang đợi ngài. Ngài tiếp tục bước đi, vì anh chị em ngài đang đợi ngài. Ngài tiếp tục bước đi cho tới lúc chấm dứt cuộc đời. Hôm nay, giống như ngài, ước chi chúng ta cũng có thể nói rằng: Hãy tiến lên phía trước! Hãy tiếp tục tiến lên phía trước!

Cộng đoàn đã dâng lên Chúa 6 lời nguyện bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Đặc biệt lời nguyện thứ ba được dâng lên bằng tiếng Việt của chúng ta như sau:

Xin cho các hành động hy sinh cá vị của chúng ta, đặc biệt đối với những người nghèo, vô gia cư, hay bất hạnh, sẽ giúp làm thuyên giảm mọi đau khổ đang xảy ra trong thành phố, quốc gia, và thế giới chúng ta. Chúng ta cầu xin Chúa.

Kết thúc các lời nguyện Đức Thánh Cha nói:

Lạy Cha nhân từ, Cha thấu hiểu nhu cầu của dân trung thành với Cha trên trần gian này. Theo Thánh Ý Cha, xin ân cần nghe lời cầu nguyện của chúng con và ban cho chúng con những gì chúng con nài xin. Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
 
Đức Thánh Cha đến phi trường John F Kenedy của New York
VietCatholic Network
07:51 25/09/2015
Sau khi ghé thăm cơ sở bác ái của giáo xứ Thánh Patrick, Đức Thánh Cha Phanxicô đã về nghỉ trưa tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Lúc 4 giờ chiều thứ Năm 24 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đáp máy bay đi New York.

Ngài đã đến nơi lúc 5h:23 chiều. Đây là những hình ảnh khi máy bay Đức Thánh Cha đáp xuống phi trường John F Kenedy của thành phố New York.

Ra đón Đức Thánh Cha tại chân thang máy bay có Đức Hồng Y Timothy Dolan là Tổng Giám Mục New York, Đức Cha Nicholas DiMarzio, Giám Mục giáo phận Brooklyn, các giới chức thành phố và đông đảo dân chúng vẫy cờ Vatican.

Cũng như khi hạ cánh hôm thứ Ba tại căn cứ không quân Andrews, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cẩn thận cởi mũ sọ trắng của mình ra trước khi leo xuống cầu thang từ một máy bay phản lực của hãng hàng không American Airlines.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt tay các vị ra đón ngài. Năm học sinh các trường Công Giáo đã tiến lên tặng ngài một cuốn sách đầy những bài thơ và những lời cầu nguyện sáng tác bởi các học sinh từ khắp vùng Brooklyn và Queens.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt tay đám đông chờ đợi và cười rất vui khi có người tặng ngài một con búp bê mô phỏng chính ngài.

Chỉ tám phút sau khi máy bay hạ cánh, Đức Thánh Cha Phanxicô lại bước lên một chiếc trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ để băng qua East River đến sân bay trực thăng ở Manhattan.

Đến nơi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã leo lên chiếc Fiat của mình hướng về nhà thờ chính tòa Saint Patrick của New York tọa lạc tại Fifth Avenue. Tới 54 Street thì ngài đổi sang chiếc popemobile để có thể chào những người đang chờ đón ngài.

Nhà thờ Saint Patrick đã bắt đầu đổ chuông rộn rã ngay khi Đức Thánh Cha xuống sân trực thăng Manhattan. Bây giờ, tiếng chuông còn rộn rã hơn nữa.

Hàng ngàn người dân New York hào hứng ép sát các các rào chắn cảnh sát và reo hò khi Đức Thánh Cha Phanxicô đi ngang qua, được hộ tống bởi hàng chục xe cảnh sát.

Trong đám đông là Julia Bruzzese 12 tuổi cư ngụ tại Bensonhurst, Brooklyn, một vận động viên đột nhiên bị mất khả năng đi đứng bình thường vào tháng Năm vừa qua.

“Tôi đến đây vì tôi muốn Đức Thánh Cha chạm đến tôi và chúc lành cho tôi” Julia nói trong nước mắt. “Tôi cảm thấy như ngài sẽ làm cho tôi cảm thấy khoẻ hơn.”

Những lời cầu nguyện của Julia đã được trả lời. Đức Thánh Cha Phanxicô dừng xe đặt tay lên trán cô, gật đầu và ban cho cô những lời chúc lành.

Trong khi đó, một ban nhạc jazz 43 thành viên đến từ Trường Công Giáo Xavarian ở Bay Ridge, Brooklyn, đã chơi bài nhạc chính thức của thành phố New York của danh ca Frank Sinatra và bài “City of God” - “Thành phố của Chúa”.
 
Những chủ đề chính trong bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Quốc Hội Mỹ
Chuyển ngữ: Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
10:00 25/09/2015
Những chủ đề chính trong bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Quốc Hội Mỹ

(Romereports, 24-09-2015).

Bài phát biểu mang tính lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến Quốc Hội Mỹ trải rộng đến nhiều vấn đề: từ nạn buôn người đến đời sống gia đình. Nhiều người trong số những khán giả đã phải rơi lệ và vỗ tay ngắt lời Đức Giáo Hoàng nhiều lần. Dưới đây là những dòng nổi bật nhất từ bài phát biểu của Ngài:

1.Trích dẫn bài quốc ca Mỹ

“Tôi rất biết ơn quý vị vì lời mời phát biểu trước Cuộc Họp Chung của Lưỡng Viện (Joint Session of Congress) trong ‘vùng đất của sự tự do và ngôi nhà của lòng dũng cảm’.”

2.Giải thích mục đích của chính trị

“Quý vị được mời gọi để bảo vệ và gìn giữ nhân phẩm của đồng bào mình và theo đuổi không mệt mỏi những lợi ích chung, vì đây là mục tiêu chính của mọi nền chính trị. Một xã hội chính trị được bảo đảm khi nó hết mình tìm kiếm nhằm đáp ứng những nhu cầu chung ngang qua việc thôi thúc sự thăng tiến của mọi công dân, đặc biệt là những người trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương và chịu nhiều rủi ro hơn.”

3. Cảnh báo về chủ nghĩa trào lưu chính thống (fundamentalism)

“Thế giới chúng ta là một nơi mà xung đột và bạo lực ngày càng gia tăng, thù hận và tội ác bạo tàn, thậm chí xúc phạm đến danh Thiên Chúa và tôn giáo. Chúng ta biết rằng không tôn giáo nào miễn nhiễm khỏi hình thức ảo tưởng cá nhân hay chủ nghĩa cực đoan ý thức hệ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đặc biệt lưu tâm đến mọi hình thức của trào lưu chính thống, cho dù nó mang màu sắc tôn giáo hay bất cứ dạng thức nào khác.

4. Hãy đảm bảo rằng người tị nạn phải được đối xử thật tốt

“Chúng ta cần tránh sự cám dỗ phổ biến ngày nay: là loại bỏ mọi điều phiền toái. Chúng ta hãy nhớ nguyên tắc vàng này: ‘Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.’”

5. Ủng hộ việc chống lại án tử hình

“Mọi cuộc sống là thánh liêng, mọi người được thiên phú cho một phẩm giá bất khả xâm phạm, và xã hội chỉ có thể được sinh ích lợi từ sự phục hồi cho những ai bị kết tội. Gần đây, những anh em giám mục của tôi ở đây ngay tại Hoa Kỳ, đã nhắc lại lời mời gọi của họ về việc bãi bỏ án tử hình. Không chỉ ủng hộ họ, tôi cũng đưa ra lời khuyết khích với những người bị kết án rằng, sự trừng phạt thích đáng và công bằng không bao giờ phải loại trừ khía cạnh hy vọng và mục đích phục hồi.

6. Lên án nạn phá thai

“Nếu chúng ta muốn sống, chúng ta hãy trao ban sự sống; nếu chúng ta muốn có những cơ hội, chúng ta hãy trao ban những cơ hội. Tiêu chuẩn nào chúng ta dành cho tha nhân, thì tiêu chuẩn đó rồi cũng sẽ được dành cho cho chúng ta. Chúng ta đã có một quy luật Vàng, và quy luật đó nhắc nhớ chúng ta về trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ mầm sống con người ở mỗi giai đoạn phát triển của mầm sống ấy.”

7. Kêu gọi chính phủ hãy trợ giúp cho môi trường

“Tôi tin rằng chúng ta có thể tạo nên sự khác biệt, và tôi cũng tin rằng đất nước Hoa Kỳ mà cụ thể là Quốc Hội này đóng một vai trò quan trọng trong sự khác biệt đó. Bây giờ là thời điểm cho những hành động và chiến lược dũng cảm nhằm thực thi một ‘nền văn hóa quan tâm’ và ‘một lối tiếp cận toàn diện để tuyên chiến với đói nghèo, để phục hồi nhân phẩm cho người bị loại trừ, và cũng để bảo vệ tự nhiên.'”

8. Lên án nạn buôn bán vũ khí

“Chúng ta phải tự chất vấn chính mình rằng: Tại sao những vũ khí giết người lại đang được bán cho những kẻ đang lên kế hoạch để gây đau thương khôn tả cho nhiều con người và xã hội? Đáng buồn thay, câu trả lời mà chúng ta đều biết, đơn giản là chỉ vì tiền: tiền bạc đang thấm đẫm trong máu, và thường là những giọt máu của người vô tội. Đối diện với sự im lặng đáng xấu hổ và tội lỗi này, nhiệm vụ của chúng ta là phải đương đầu với vấn nạn này và ngăn chặn nạn buôn bán vũ khí.”

9. Trợ giúp các gia đình

“Gia đình quan trọng biết bao để xây dựng đất nước này! Và gia đình cũng quý giá biết bao để duy trì nguồn nâng đỡ và động viên! Tuy nhiên, tôi không thể che giấu nỗi lo lắng của mình về gia đình, nơi đang bị đe dọa từ bên trong lẫn bên ngoài, điều mà có lẽ trước đây chưa bao giờ có. Những mối tương quan nền tảng đang bị nghi ngờ, chẳng hạn như chính nền tảng của hôn nhân và gia đình. Tôi chỉ có thể nhắc lại tầm quan trọng, và trên hết là sự phong phú và vẻ đẹp của đời sống gia đình.”

10. Xin gởi đến những người Mỹ vĩ đại

“Một đất nước chỉ có thể được xem là vĩ đại, khi nó ủng hộ cho tự do như tổng thống Lincoln đã làm; khi nó cổ vũ cho nền văn hóa giúp người dân có thể ‘mơ’ về những quyền lợi chính đáng nhất cho tất cả đồng bào của mình, như mục sư Martin Luther King đã theo đuổi; khi nó dám tranh đấu cho công bình và chống lại sự áp bức, như Người-tôi-tớ-của-Chúa là bà Dorothy Day đã miệt mài thực hiện; như hoa trái Đức tin đã trở nên những cuộc đối thoại và gieo rắc hạt giống hòa bình trong lối chiêm niệm của nhà thần bí Thomas Merton .

(Romereports, 24-09-2015).

Chuyển ngữ: Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha với các linh mục, nam nữ tu sĩ tại nhà thờ chính tòa New York
J.B. Đặng Minh An dịch
11:31 25/09/2015
Chiều tối ngày thứ Năm 24 tháng 9, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi hát kinh chiều tạ ơn tại nhà thờ chính tòa Thánh Patrick của New York.

Khi bắt đầu diễn từ, Đức Thánh Cha đã nhắc tới một thảm kịch vừa diễn ra tại thánh địa của người Hồi Giáo tại Mecca.

Hôm thứ Năm 24 tháng 9, ít nhất 700 người chết và 850 người bị thương trên cầu Jamarat, một cấu trúc khổng lồ mà từ đó khách hành hương ném đá vào những trụ cột đại diện cho ma quỷ, trong một nghi thức của ngày lễ Hiến Tế Haj. Ả rập Xêút cho biết hơn 1.4 triệu khách hành hương nước ngoài đã đến Mecca để tham dự biến cố này. Đây không phải lần đầu tiên thảm kịch này xảy ra. Thông thường, tai nạn xảy ra khi dòng người đông đảo trên cầu di chuyển theo hai hướng ngược với nhau, tạo ra một sức ép rất lớn. Một số người có thể cảm thấy khó thở, lúc đó người ta cố nhoi lên để thở, và nhiều người chết chỉ vì không thở được, và có cả những người chết vì bị người khác đạp lên trong cơn hoảng loạn.

Đức Thánh Cha nói:

Ngày hôm nay, tôi có hai tình cảm muốn gởi đến anh chị em Hồi giáo của tôi. Thứ nhất, là lời chúc mừng nhân ngày lễ Hiến Tế. Tôi ước ao gởi lời chúc mừng nồng nhiệt đến anh chị em. Tình cảm thứ hai là sự gần gũi của tôi trước thảm kịch mà nhiều người trong số các bạn đã phải chịu ngày hôm nay tại Mecca. Trong những giây phút cầu nguyện này, bản thân tôi và chúng tôi hiệp cùng anh chị em trong lời cầu nguyện cùng Thiên Chúa, là Cha chúng ta, Đấng quyền năng và đầy lòng thương xót.

Trở lại với bài chia sẻ của mình dành cho các linh mục và nam nữ tu sĩ, Đức Thánh Cha nói:

Tông Đồ Phêrô nói với chúng ta rằng “Có một lý do để hân hoan vui mừng”, mặc dầu “còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách” (1 Pr 1: 6). Những lời này nhắc nhở chúng ta về một điều quan trọng. Đó là: ơn gọi của chúng ta là sống trong niềm vui.

Ngôi nhà thờ Thánh Patrick xinh đẹp này, được xây dựng qua nhiều năm nhờ những hy sinh của đông đảo những người nam nữ, có thể coi là một biểu tượng cho công việc của bao thế hệ các linh mục, tu sĩ, và giáo dân người Mỹ đã giúp xây dựng Giáo Hội tại Hoa Kỳ. Chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục mà thôi đã có biết bao những linh mục và tu sĩ ở đất nước này đã đóng một vai trò trung tâm trong việc giúp đỡ các cha mẹ trong việc truyền lại cho con cái họ của ăn nuôi dưỡng linh hồn! Nhiều người đã làm như vậy với giá phải trả là những hy sinh phi thường và với một lòng bác ái anh hùng. Tôi nghĩ đến chẳng hạn như Thánh Elizabeth Ann Seton, người sáng lập trường Công Giáo đầu tiên miễn phí cho các trẻ nữ ở Mỹ, hay Thánh John Neumann, người sáng lập hệ thống giáo dục Công Giáo đầu tiên tại Hoa Kỳ.

Tối nay, anh chị em thân mến của tôi,

Tôi đã đến để tham gia cùng anh chị em trong kinh nguyện xin cho ơn gọi của chúng ta tiếp tục xây dựng các dinh thự lớn của Nước Trời trên đất nước này. Tôi biết rằng, là một linh mục giữa dân Chúa, anh em phải chịu đựng rất nhiều trong quá khứ gần đây khi phải gánh chịu những nhục nhã do một số anh em mình là những người đã làm hại và gây tai tiếng cho Giáo Hội nơi những thành viên dễ bị tổn thương nhất của Hội Thánh ... Lấy lại những lời trong Sách Khải Huyền, tôi biết rõ rằng anh em “đã trải qua cơn thử thách lớn lao” (Kh 7:14). Tôi đồng hành cùng anh em vào lúc đớn đau và khó khăn này, và tôi cảm ơn Chúa vì sự phục vụ trung thành của anh em cho dân Ngài.

Với hy vọng giúp anh em kiên vững trên con đường trung tín với Chúa Giêsu Kitô, tôi muốn đưa ra hai suy tư vắn tắt.

Suy tư đầu tiên liên quan tinh thần biết ơn. Niềm vui của những người nam nữ yêu mến Thiên Chúa thu hút những người khác đến với người ấy; linh mục và tu sĩ được mời gọi để tìm kiếm và chiếu tỏa rạng ngời sự hài lòng lâu bền đối với ơn gọi của mình. Niềm vui trào ra từ một trái tim biết ơn. Quả thật, chúng ta đã nhận được rất nhiều, rất nhiều ân sủng, và phước lành, và chúng ta vui mừng vì điều này. Thật là tốt khi chúng ta nghĩ lại cuộc sống của mình với ân sủng của ký ức. Ký ức về thời điểm chúng ta được gọi lần đầu tiên, ký ức về những nẻo đường đã qua, về những ân sủng nhận được ... và trên tất cả, ký ức về cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Chúa Giêsu Kitô thường xuyên trên đường đời. Ký ức về sự ngạc nhiên mà cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Chúa Giêsu Kitô đánh thức trong tâm hồn chúng ta. Anh chị em, những người sống đời tận hiến và các linh mục, chúng ta cần tìm kiếm ân sủng của ký ức này để chúng ta có thể phát triển tinh thần biết ơn. Có lẽ chúng ta cần tự hỏi: chúng ta có giỏi đếm những ân sủng của chúng ta hay không? Hay chúng ta đã quên khuấy đi rồi?

Suy tư thứ hai là tinh thần làm việc chăm chỉ. Một trái tim biết ơn thúc đẩy một cách tự nhiên trong ta ước muốn phục vụ Chúa và thể hiện ra trong cuộc sống nơi những dấn thân cho công việc của chúng ta. Một khi chúng ta nhận ra Thiên Chúa đã ban cho chúng ta rất nhiều, một cuộc sống tự hiến, phụng sự Ngài và tha nhân, trở thành một con đường chuyên biệt để đáp ứng tình yêu tuyệt vời của Ngài.

Tuy nhiên, nếu chúng ta thành thật, chúng ta biết tinh thần hy sinh quảng đại dễ biến mất biết chừng nào. Điều này có thể xảy ra vì nhiều lý do. Cả hai ví dụ tôi muốn đề cập đến cho thấy “tinh thần thế gian” có thể làm suy yếu những cam kết của chúng ta như những người nam nữ sống đời thánh hiến; và cũng có thể làm giảm đi sự kinh ngạc của chúng ta trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Kitô.

Chúng ta có thể thấy mình đang đo lường giá trị của hoạt động tông đồ theo các tiêu chuẩn về hiệu quả công việc, quản lý tốt và thành công bề ngoài là những điều đang chi phối thế giới kinh doanh. Không phải những điều ấy là không quan trọng! Chúng ta đã được giao phó một trách nhiệm lớn lao, và dân Chúa là đúng khi đòi hỏi chúng ta phải có những trách nhiệm. Nhưng những giá trị đích thực của việc tông đồ được đo bằng giá trị mà việc ấy có trong mắt của Thiên Chúa. Để xem xét và đánh giá mọi thứ theo quan điểm của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi để hoán cải liên tục trong những ngày đầu và suốt những năm dài sống trong ơn gọi của chúng ta, và tôi phải nói là, với lòng khiêm tốn rất lớn. Thập tự giá chỉ cho chúng ta thấy một cách khác để đo lường thành công. Công việc của chúng ta là gieo trồng những hạt giống: Thiên Chúa trông đợi những thành quả lao động của chúng ta. Và nếu đôi khi những nỗ lực và công việc của chúng ta dường như thất bại và chẳng sản xuất ra được gì thì chúng ta cần phải nhớ rằng chúng ta là những người theo Chúa Giêsu ... và cuộc sống của Ngài, nói theo kiểu người ta thường tình, đã kết thúc trong thất bại, sự thất bại của thập giá

Một nguy cơ khác xảy ra khi chúng ta trở nên tiếc rẻ thời gian rảnh rỗi của mình, khi chúng ta nghĩ rằng nếu xung quanh chúng ta có các tiện nghi của thế gian thì chúng ta sẽ phục vụ tốt hơn. Vấn nạn trong cách lập luận này là nó có thể đẩy lùi sức mạnh trong lời mời gọi hoán cải hàng ngày của Thiên Chúa dành cho chúng ta ngõ hầu gặp gỡ Ngài. Dần dà, nó làm giảm đi tinh thần hy sinh, từ bỏ và làm việc chăm chỉ của chúng ta. Nó cũng làm ta xa rời với những người nghèo đói về vật chất và đang bị buộc phải hy sinh nhiều hơn chúng ta. Nghỉ ngơi là cần thiết; những khoảnh khắc giải trí và làm phong phú chúng ta cũng là cần thiết, nhưng chúng ta cần phải tìm hiểu làm thế nào để nghỉ ngơi trong một cách thế đào sâu mong muốn phục vụ quảng đại của chúng ta. Gần gũi với người nghèo, người tị nạn, những người nhập cư, người bệnh, người bị bóc lột, người cao tuổi sống một mình, các tù nhân và tất cả những người nghèo khác của Thiên Chúa, sẽ dạy cho chúng ta một cách nghỉ ngơi, Kitô Giáo hơn và quảng đại hơn.

Lòng biết ơn và làm việc chăm chỉ là hai trụ cột của đời sống tinh thần mà tôi muốn chia sẻ với anh chị em tối nay. Tôi cảm ơn anh chị em về những lời cầu nguyện và những việc làm, cũng như những hy sinh hàng ngày anh chị em đang thực hiện trong các lĩnh vực khác nhau trong các hoạt động tông đồ của mình. Nhiều hy sinh âm thầm trong số này chỉ mình Chúa biết, nhưng chúng đơm hoa kết trái làm phong phú đời sống của Giáo Hội. Cách riêng, tôi xin bày tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn đến những nữ tu Hoa Kỳ. Điều gì sẽ xảy ra cho Giáo Hội nếu không có chị em? Những người phụ nữ với sức mạnh, nhiệt tình, với một tinh thần can đảm đã ở nơi tuyến đầu của việc loan báo Tin Mừng. Với chị em, những nữ tu, những người chị và những bà mẹ của dân tộc này, tôi muốn nói lời "cảm ơn", một lời cảm ơn rất lớn, cảm ơn chị em ... và tôi nói với chị em rằng tôi yêu mến chị em rất nhiều.

Tôi biết rằng nhiều người trong số anh chị em đang ở tuyến đầu trong việc đáp ứng những thách thức của việc thích nghi mục vụ đang tiến hoá. Dù phải đối mặt với những khó khăn và thử thách như thế nào đi nữa, tôi xin anh chị em, như Thánh Phêrô, giữ cho tâm hồn bình an và đáp lại những vấn nạn ấy như Chúa Kitô đã làm: Ngài tạ ơn Cha, vác lấy thập giá mình và nhìn về phía trước!

Anh chị em thân mến, chút nữa đây chúng ta sẽ hát bài Magnificat. Chúng ta hãy phó thác cho Đức Mẹ những công tác đã được giao phó cho chúng ta thực hiện; để chúng ta hiệp cùng Mẹ trong lời tạ ơn Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu Ngài đã thực hiện, và vì những điều kỳ diệu Ngài sẽ tiếp tục thực hiện trong chúng ta và nơi những người mà chúng ta có hân hạnh được phục vụ. Amen.
 
Đức Giáo Hoàng thăm nhà Dòng Nữ Tu Bé Mọn Của Người Nghèo, nơi đang đối đầu với vụ kiện trong việc thi hành luật Obamacare.
Giuse Thẩm Nguyễn
17:09 25/09/2015
Đức Giáo Hoàng thăm nhà Dòng Nữ Tu Bé Mọn Của Người Nghèo, nơi đang đối đầu với vụ kiện trong việc thi hành luật Obamacare.

Hôm qua, ngày 24 tháng 9 năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxico đã bất ngờ đến thăm nhà Dòng Nữ Tu Bé Mọn Của Người Nghèo ngay sau Ngài chủ tế lễ phong thánh cho Thánh Junipero Serra mặc dù rất bận rộn vào một ngày đầu tiên trong chuyến thăm lịch sử của Ngài đến Hoa Kỳ. Nhà dòng chỉ cách Đền Thánh Quốc Gia Kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Wahington D.C. vài khu phố.

Đức Giáo Hoàng thăm nhà dòng Nữ Tu Bé Nhỏ tại mái ấm Jeanne Jugan, một nhà dành cho các cụ nghèo ở Washington D.C.

Được biết dòng Nữ Tu Bé Mọn Của Người Nghèo là một tu hội Công Giáo, được thành lập vào năm 1839 do Thánh Jean Jugan và có tầm hoạt động tại 30 quốc gia trên toàn thế giới.

Nhiệm vụ chính của Dòng Nữ Tu Bé Mọn là duy trì những mái ấm cho những cụ nghèo và một trong những mái ấm ấy là Jean Jugan Residence ở Wahington D.C.

Phát ngôn viên của Đức Giáo Hoàng là cha Frederico Lombardi cho biết rằng việc thăm nhà dòng của Đức Giáo Hoàng là sự nâng đỡ và khích lệ cho nhà Dòng Nữ Tu Bé Mọn trong vụ kiện chống lại sự bắt ép của chính quyền trong việc thi hành luật Obamacare.

Qua vụ kiện, các nữ tu lập luận rằng, theo Luật về Tự Do Tôn Giáo, thì nhà dòng không phải cung cấp phần bảo hiểm y tế về kế hoạch sinh sản cho những nhân viên của mình. Nhưng theo luật Obamacare, thì cơ sở nào từ chối cung cấp loại bảo hiểm này sẽ bị phạt. Các nữ tu nói rằng điều luật này đi ngược lại với niềm tin tôn giáo của mình.

Để dung hòa những mâu thuẫn, chính quyền cho phép các cơ sở tôn giáo được miễn trả phần bảo hiểm cho việc ngừa thai và triệt sản với điều kiện là họ cho phép cơ sở trung gian trả cho phần phục vụ này. Tuy nhiên nhà dòng nói rằng cách giải quyết như thế vẫn vi phạm quyền tự do tín ngưỡng.

Chúng ta cũng cần biết rằng vào ngày 14 tháng 7 2015 vừa qua, một Chánh Án Đoàn thuộc Khu 10 ở Denver, Colorado đã ra phán quyết là Dòng Nữ Tu Bé Nhỏ vi phạm quy định của Bộ Y Tế.

Về phía nhà dòng, thay vì nộp đơn kháng án lên Tòa Kháng Án Khu 10, nhà dòng đã kháng án trực tiếp lên Tối Cao Pháp Viện để xin miễn trừ luật Obamacare đối với nhà dòng.

Một điều gây nhiều tranh cãi là năm vị quan tòa trong Chánh Án Đoàn đã bày tỏ sự bất đồng với quyết định của tòa. Các vị ấy ví von rằng: Bắt buộc thi hành những quy định về ngừa thai cho các Nữ Tu thì chẳng khác nào như cung cấp “những thực phẩm không được ăn theo luật Do Thái” (Only Non-Kosher food) cho tù nhân Do Thái. Thực phẩm Kosher là loại thực phẩm được nấu theo luật Do Thái, thịt và bơ sữa phải nấu riêng và phải được ăn riêng. Vì thế cung cấp loại thực phẩm không được nấu theo luật thì chẳng khác nào bỏ chết đói người tù vậy.

Năm vị quan tòa này đã cùng nhau đưa ra ý kiến rằng việc lập luận được dùng để lý giải cho những cố gắng của chính quyền nhằm bắt buộc Dòng Nữ Tu Bé Mọn của Người Nghèo phải tuân thủ quy định của luật Obamacare là đẩy các nữ tu vào tình thế chống lại niềm tin Công Giáo của mình.

Đức Giáo Hoàng Phanxico trong cuộc viếng thăm nhà dòng, đã cùng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ lên tiếng ủng nhà dòng. Ngoài ra còn có sự đồng tình ủng hộ của các tổ chức thuộc 20 tiểu bang, các đoàn thể không những Công Giáo và ngoài Công Giáo như nhóm Chính Thống và nhóm các Thày Do Thái.

Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Donald Wuerl được đón chào nơi nhà dòng Nữ Tu Bé Nhỏ tại mái ấm Jeanne Jugan, một nhà dành cho các cụ nghèo ở Washington D.C.

Luật sư của nhà Dòng Nữ Tu Bé Mọn, Mark Rienzi, thuộc nhóm Ủng Hộ Tự Do Tôn Giáo, đã tóm tắt những luận chứng để bảo vệ quyền tự do tôn giáo của nhà dòng trong đơn nộp cho Tòa Án Tối Cao như sau: “Dòng Nữ Tu Bé Nhỏ của Người Nghèo gồm các nữ tu Công Giáo đã dâng hiến đời mình để phục vụ những cụ nghèo. Chính quyền đã dồn họ vào cái thế không có sự chọn lựa nào, hoặc phải vi phạm những quy định của luật đời hay vi phạm luật của niềm tin mà họ hy sinh cả cuộc đời phục vụ cho niềm tin ấy.

“Bộ Y Tế (HHS) quả quyết rằng Dòng Nữ Tu Bé Nhỏ phải thi hành những đòi buộc theo như chương trình y tế mà nhân viên được hưởng như dịch vụ ngừa thai miễn phí, mặc dầu các Nữ Tu Bé Nhỏ hoàn toàn nhận thức được rằng tất cả những quy định đòi buộc ấy sẽ nghiễm nhiên dẫn họ phạm vào tội trọng. Chính quyền từ chối cho nhà dòng sự miễn trừ thi hành giống như các chủ quản tôn giáo khác.

“Chính quyền không muốn hiểu rằng Dòng Nữ Tu Bé Mọn với niềm tin tôn giáo sẽ không cho phép họ tuân thủ những đòi hỏi của luật buộc này”.

Chính quyền không đồng ý với phân tích luân lý của nhà dòng. Họ còn mỉa mai cho rằng nhà dòng đang chiến đấu với “cuộc chiến không tưởng” và rằng sẽ thất bại do “ gậy ông đập lưng ông.” Họ còn khuyến khích nhà dòng nên tuân thủ luật pháp nếu không muốn phải chịu phạt đến hàng triệu mỹ kim.

Đức Giáo Hoàng cùng cầu nguyện với nhà dòng Nữ Tu Bé Nhỏ tại mái ấm Jeanne Jugan, một nhà dành cho các cụ nghèo ở Washington D.C.

Quan tòa Harris Hartz, đã cùng với bốn quan tòa khác nhận định rằng “Phán quyết của Tòa là hoàn toàn sai sót”, bởi vì khi luật đòi hỏi một người nào đó làm một điều gì mà người đó cho là có tội và hình phạt do việc từ chối làm việc tội ấy là một số tiền lớn thì luật ấy đã đặt một gánh nặng trên quyền thực hành tín ngưỡng của người ấy.”

Các quan tòa viết tiếp“Tất cả những bị cáo trong trường hợp này (dòng Nữ Tu Bé Mọn) hoàn toàn tin là họ sẽ phạm luật của Chúa nếu họ thi hành những đòi hỏi của chính quyền, và hình phạt do việc từ chối thực hiện luật đời có thể là hàng triệu mỹ kim. Rõ ràng là luật này đã áp đặt những gánh nặng trên quyền thực hành tín ngưỡng của những bị cáo”.

Năm vị quan tòa cũng cho rằng nhóm quan tòa đa số đã dường như cố tình không hiểu những điều dạy về luân lý của Công Giáo và những đòi hỏi của Tin Mừng đối với nhà dòng “Đây là một tiếp cận nguy hiểm đối với quyền tự do tôn giáo.

“Chúng ta cần tìm hiểu thực sự việc thực hành tín ngưỡng là gì, cái gì là chính, cái gì là phụ. Cái chính là nếu một tín hữu không muốn đi làm vào ngày kỷ niệm Chúa Giáng Sinh, mà theo niên lịch, sử liệu và nhiều nguồn khác thì ngày Chúa Giáng không phải là ngày 25 tháng 12, mà là tháng Ba, thì việc người này buộc phải đi làm vào ngày 25 tháng 12 sẽ không là gánh nặng đối với niềm tin của anh ta.

“Cũng vậy, như một người tù Do Thái có thể được cung cấp cho thức ăn không theo luật Do Thái bởi vì mục đích chính của việc giữ luật theo kinh thánh là sức khỏe, do đó miễn là thịt heo cần được nấu thật chín…thì niềm tin tôn giáo của người tù này sẽ không phải là gánh nặng.”

Tin mới nhất chúng tôi mới nhận được là Tối Cao Pháp Viện đã ra án lệnh cho phép dòng Nữ Tư Bé Mọn tạm thời không phải tuân theo những luật buộc của luật Obamacare về ngừa thai, triệt sản và những thuốc trợ phá thai cho đến khi vụ kiện này được xử lại tại tòa kháng án Khu 10.

Điều duy nhất nhà dòng phải làm lúc này là thông báo cho Bộ Trưởng Y Tế, Kathleen Sebelius bằng thư là “chúng tôi là cơ quan vô vị lợi được miễn trừ vì lý do tôn giáo việc cung cấp dịch vụ ngừa thai”.

Cuộc chiến đấu với thế gian của Dòng Nữ Tu Bé Nhỏ là một chiến cam go và đòi hỏi nhiều hy sinh. Ngày nay, chính quyền không bắt chúng ta bước qua Thánh Giá như cha ông chúng ta ngày xưa, nhưng họ đạt chúng ta trước những chọn lựa mất còn. Người tín hữu phải sớm nhận ra những mưu đồ ấy của thế gian và chọn cho mình hướng đi theo Chúa.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Ground Zero
J.B. Đặng Minh An dịch
20:23 25/09/2015
Sáng sớm ngày 11 tháng 9 năm 2001, 19 tên khủng bố đã cướp 4 chiếc máy bay di chuyển trong nội địa Hoa Kỳ. Lúc 8h45 sáng, chúng lao thẳng một chiếc máy bay chứa đầy 20,000 gallon xăng vào tháp phía Bắc của tòa nhà tháp đôi World Trade Center ở New York. 18 phút sau, một chiếc máy bay thứ hai đâm vào tháp phía Nam. Trong hai chiếc máy bay còn lại, một chiếc rơi xuống Pensylvania trong khi chiếc kia đâm vào Ngũ Giác Đài.

Cuộc tấn công đã khiến 2,996 người bị thiệt mạng cùng với 19 tên khủng bố; và gây ra biết bao phiền hà cho những ai phải sử dụng các phương tiện hàng không để di chuyển từ đó cho đến nay.



Sau khi đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, lúc 11:30 sáng Đức Thánh Cha đã tham dự một buổi cầu nguyện liên tôn tại đây cho những nạn nhân của vụ khủng bố này.

Trong diễn từ tại buổi lễ, Đức Thánh Cha nói:

Các bạn thân mến,

Tôi cảm thấy trào dâng nhiều cảm xúc khác nhau khi đứng đây tại Ground Zero này, nơi hàng ngàn mạng người đã bị lấy đi trong một hành động vô nghĩa của sự hủy diệt. Đây là nỗi đau đụng chạm đến được. Dòng nước chúng ta thấy đang chảy về cái hố trống rỗng đó nhắc nhở chúng ta về tất cả những cuộc sống đã phải làm mồi cho những kẻ nghĩ rằng sự hủy diệt, phá cho tan nát là phương thế duy nhất để giải quyết xung đột. Dòng nước đó là tiếng khóc thầm lặng của những người là nạn nhân của một lối nghĩ chỉ biết đến bạo lực, thù hận và trả thù trả oán. Một lối suy nghĩ chỉ có thể gây ra đau đớn, khổ đau, phá hủy và nước mắt.

Dòng nước đang chảy này cũng là một biểu tượng của nước mắt chúng ta. Nước mắt trước cơ man những tàn phá và hủy hoại, trong quá khứ và hiện tại. Đây là một nơi mà chúng ta phải rơi lệ, tiếng khóc của chúng ta bật ra từ một cảm giác bất lực khi đối mặt với sự bất công, giết người, và sự thất bại trong việc giải quyết các xung đột thông qua đối thoại. Ở đây, chúng ta thương tiếc cho sự mất mát sai trái và vô nghĩa những mạng sống vô tội vì sự bất lực không tìm ra được những giải pháp tôn trọng thiện ích chung. Dòng nước đang chảy này không chỉ nhắc nhở chúng ta về những giọt nước mắt của ngày hôm qua, mà còn của tất cả những giọt nước mắt vẫn đang tiếp tục đổ ra ngày hôm nay.

Một vài phút trước đây tôi đã gặp một số các gia đình những người tiếp cứu đầu tiên đã ngã gục. Gặp gỡ họ làm cho tôi thấy một lần nữa những hành vi phá hoại không bao giờ là khách quan, trừu tượng hay chỉ đơn thuần là vật chất. Chúng luôn luôn có một khuôn mặt, một câu chuyện cụ thể, và những tên tuổi. Nơi các gia đình những người thiệt mạng này chúng ta nhìn thấy những khuôn mặt đau đớn, một nỗi đau vẫn còn làm chúng ta xúc động và đang kêu thấu lên tới trời cao.

Đồng thời, các gia đình này cũng cho tôi thấy một khuôn mặt khác của cuộc tấn công này, khuôn mặt khác của nỗi đau buồn: đó là sức mạnh của tình yêu thương và nỗi nhớ. Một nỗi nhớ không làm chúng ta trống rỗng và chán nản. Tên của rất nhiều những người thân yêu được viết chung quanh chân tháp. Chúng ta có thể nhìn thấy họ, chúng ta có thể chạm vào họ, và chúng ta không bao giờ có thể quên họ.

Ở đây, giữa những đau đớn và buồn sầu, chúng ta cũng có cảm giác sờ thấy được sự tốt lành anh hùng mà con người có khả năng thực hiện, sức mạnh tiềm tàng từ đó chúng ta có thể rút ra. Trong sâu thẳm của nỗi đau và chịu đựng, các bạn cũng đã chứng kiến những đỉnh cao của lòng quảng đại và tinh thần phục vụ. Những cánh tay vươn ra, những mạng sống chiụ hy sinh để cứu người. Trong một thành phố có thể dường như là vô cảm, vô danh, cô đơn, các bạn đã chứng tỏ tình đoàn kết mạnh mẽ phát sinh từ sự hỗ trợ lẫn nhau, từ tình yêu và lòng xả kỷ. Không ai nghĩ về chủng tộc, quốc tịch, khu xóm, tôn giáo hay chính trị. Tất cả là tình liên đới đáp ứng những nhu cầu trước mắt, là tình huynh đệ. Đó chính là tình anh chị em với nhau. Các nhân viên cứu hỏa thành phố New York bước vào tòa tháp đổ nát, mà không quan tâm trưóc an nguy của chính họ. Nhiều người đã ngã xuống; nhưng sự hy sinh của họ khiến nhiều người được cứu sống.

Nơi của cái chết này cũng đã trở thành một nơi của sự sống, một nơi nhiều sinh mạng được cứu sống, là một bài thánh ca của sự sống chiến thắng khải hoàn trên những tiên tri của sự hủy diệt và chết chóc, là một bài thánh ca của sự tốt lành trên sự dữ, của hòa giải và thống nhất trên thù hận và chia rẽ.

Thật là một nguồn hy vọng lớn lao khi ở nơi của những nỗi buồn và những nỗi nhớ này tôi có thể tham gia cùng các nhà lãnh đạo đại diện cho các truyền thống tôn giáo đang làm phong phú cuộc sống của thành phố tuyệt vời này. Tôi tin tưởng rằng sự hiện diện của chúng ta với nhau sẽ là một dấu hiệu mạnh mẽ của lòng đồng tâm ước ao trở nên một lực lượng cho hòa giải, hòa bình và công lý trong cộng đồng này và trên toàn thế giới. Bất kể tất cả sự khác biệt và bất đồng của chúng ta, chúng ta vẫn có thể sống trong một thế giới hòa bình. Trong việc phản đối mọi nỗ lực tạo ra một sự đồng nhất cứng nhắc, chúng ta có thể và phải xây dựng sự hiệp nhất trên cơ sở đa dạng của chúng ta về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo, và cất cao tiếng nói chống lại tất cả mọi thứ cản trở con đường hiệp nhất này. Cùng nhau, chúng ta được kêu gọi để nói "không" với mọi nỗ lực để áp đặt sự đồng nhất và nói "vâng" cho một sự đa dạng chấp nhận và hòa giải.

Điều này chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta nhổ bật gốc từ con tim chúng ta tất cả tình cảm thù hận, trả thù và oán giận. Chúng ta biết rằng đó chỉ có thể là một ân sủng từ trời cao. Ở đây, ở nơi tưởng nhớ này, tôi sẽ yêu cầu tất cả mọi người hiệp ý với nhau, mỗi người theo cách riêng của mình, dành ra một lúc thinh lặng và cầu nguyện. Chúng ta hãy cầu xin từ trên cao những ân sủng để dấn thân cho sự nghiệp hòa bình. Hòa bình trong ngôi nhà của chúng ta, trong gia đình của chúng ta, trong trường học và cộng đồng của chúng ta. Hòa bình ở tất cả những nơi mà chiến tranh dường như không bao giờ kết thúc. Hòa bình cho những gương mặt không biết đến điều gì khác ngoài khổ đau. Hòa bình trên khắp thế giới mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta như là ngôi nhà của tất cả và cho tất cả mọi người. Đơn giản chỉ cần Hòa Bình.

Như thế, mạng sống của những người thân yêu của chúng ta sẽ không chỉ sống để rồi một ngày đó sẽ bị lãng quên đi. Nhưng thay vào đó, họ sẽ có mặt bất cứ khi nào chúng ta cố gắng trở thành những tiên tri không phải để phá nát nhưng là để xây dựng, những tiên tri của hòa giải, các ngôn sứ của hòa bình.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đoàn Việt Nam tham dự Đại hội Gia đình Thế giới 2015 tại Philadelphia
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:55 25/09/2015
Đoàn Việt Nam tham dự Đại hội Gia đình Thế giới 2015

Chúng tôi đi theo tour do Công ty Carnival Group Sài gòn tổ chức chuyến thăm viếng Hoa Kỳ và tham dự Đại Hội Thế Giới về Gia đình.

Đoàn gồm 62 thành viên, trong đó có 16 linh mục và anh chị em giáo dân từ nhiều giáo phận. Sáng ngày 23.9, tại khách sạn Ramada, New York, chúng tôi gặp gỡ nhiều đoàn Việt Nam đến từ 3 miền đất nước, hân hoan gặp nhau trên đất Mỹ để cùng tham dự đại hội gia đình, tay bắt mặt mừng chuyện trò vui vẻ.

Xem Hình

Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ VIII đã khai mạc chiều thứ Ba 22/09 tại Trung tâm Hội nghị Philadelphia, với chương trình hội nghị kéo dài bốn ngày trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô vào cuối tuần này.

Thánh Lễ khai mạc được tổ chức vào lúc 4g30 chiều do Đức Tổng Giám mục Charles Chaput của Philadelphia chủ tế, có hàng trăm Giám mục và Linh mục đồng tế. Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput cho biết: “Những gì xảy ra ở đây trong tuần này là một lễ mừng không thuộc về quá khứ, nhưng thuộc về tương lai. Bài học chỉ đơn giản là ‘Thiên Chúa tái tạo thế giới’. Đối với con người và các gia đình yêu mến Ngài, tuần này sẽ là ơn huệ, thời điểm mà Thiên Chúa tác động giữa chúng ta. Thiên Chúa có thể đổ đầy can đảm, niềm vui, bình an của Ngài trong mọi con tim của anh chị em. Chúng ta hãy bắt đầu”.

Đại hội Gia đình Thế giới sẽ bao gồm các buổi hội thảo, các bài thuyết trình và các buổi hội học theo chủ đề: “Tình yêu là sứ mệnh của chúng ta – để gia đình được sống dồi dào”. Đại hội được tổ chức 3 năm một lần bắt đầu từ năm 1994 theo sáng kiến của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đây là lần tổ chức lớn nhất trong lịch sử các Đại hội với hơn 18.000 người đăng ký. Hơn một triệu người dự kiến sẽ về Philadelphia vào cuối tuần này để chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Giáo hoàng thứ tư viếng thăm Hoa Kỳ. Trong số hàng ngàn người tham dự có các tham dự viên đến từ 100 quốc gia từ Philippines cho đến Việt Nam, Nigeria và Argentina.

Sau Lễ khai mạc là buổi hội thảo chủ đề A: “Sống Như Hình Ảnh Của Thiên Chúa: Được Tạo Dựng Để Chung Hưởng Niềm Vui Và Tình Yêu” do Đức Cha Robert Barron trình bày.

Chúng tôi đến tham quan hội chợ tại Trung Tâm Mục Vụ. Ủy Ban Mục Gia Đình cũng có một gian hàng nơi đây. Nhiều chương trình hội thảo và học hỏi giáo lý cũng như thánh lễ dành cho người Việt Nam.

Ban Thư Ký Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình trực thuộc HĐGMVN đã giới thiệu chương trình cụ thể các đề tài được trình bày tại Đại hội và các ngôn ngữ được phiên dịch song hành (ubmvgiadinh.org).

THỨ BA, 22/9/2015

Buổi Hội Học Chủ Đề A - Trình bày bằng Anh ngữ và được song hành chuyển dịch sang tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Việt Nam, và ASL (ngôn ngữ cho người khiếm thính Mỹ)

Đề tài: Sống Như Hình Ảnh Của Thiên Chúa: Được Tạo Dựng Để Chung Hưởng Niềm Vui Và Tình Yêu.

Diễn giả: Đức Cha Robert Barron

Thời gian: 2:30 PM – 3:30 PM

Tóm lược: Bài chia sẻ này nhằm khai phá xác quyết căn bản và cao cả nhất của Thánh Kinh là con người được tạo dựng giống theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Hình ảnh giống Thiên Chúa này được biểu hiện qua trí khôn, qua khát vọng điều thiện, qua óc sáng tạo, qua tự do, và trên hết, qua chính khả năng liên kết với tha nhân nơi mỗi người chúng ta. Qua cuộc sống vì tha nhân, qua việc xả thân vì yêu thương, chúng ta nên giống Thiên Chúa, Đấng là Tinh yêu.

Đôi lời về diễn giả:

Đức Cha Robert Barron là người sáng lập ra Chương trình Mục vụ Công Giáo “Hỏa Ngôn” (Lời bén lửa). Ngài là viện trưởng Đại chủng viện Mundelein ở Chicago; và là người điều khiển chương trình Đạo Công Giáo, một tài liệu khai phá đoạt nhiều giải thưởng nói về Đức Tin Công Giáo. Ngài lấy Cao học Triết tại Đại học Công Giáo Mỹ (Catholic University of America) ở Hoa Thịnh Đốn, và Tiến sĩ Thần học tại Học viện Công Giáo (Institute Catholique) ở Paris. Ngài đã xuất bản nhiều sách, tiểu luận, cũng như nhiều bài viết về thần học và đời sống thiêng liêng. Ngài đã xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông, gồm các đài NBC, PBS, FOX News, CNN, và EWTN. Số người vào trang mạng của ngài, “WordOnFire.org,” đạt đến 3 triệu 8, và chương trình YouTube hằng tuần của ngài đã được xem trên 9 triệu lần.

THỨ TƯ, 23/9/2015

Buổi Hội Học Chủ Đề B - Trình bày bằng Anh ngữ và được song hành chuyển dịch sang tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Việt Nam, và ASL (ngôn ngữ cho người khiếm thính Mỹ)

Đề tài: Ánh Sáng Của Gia Đình Trong Một Thế Giới Tối Tăm.

Diễn giả: Đức Hồng Y Robert Sarah

Thời gian: 10:30 AM – 11:30 PM

Tóm lược: Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, giống như một gia đình. Con người được dựng nên theo hình ảnh thần linh, phản ánh Ba Ngôi Thiên Chúa, đặc biệt nhất là trong ơn gọi của tình yêu tự hiến. Thánh Kinh cho biết, qua tội nguyên tổ, đêm tối đã tràn vào thế gian thế nào, đã phá hoại ơn gọi và làm gián đoạn tương quan của nhân loại với Thiên Chúa và tha nhân làm sao. Hậu quả thật hiển nhiên trong một thế giới dày đặc bóng đêm. Hội Thánh tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng soi tỏ trong đêm đen. Với việc lãnh nhận quà tặng là tình yêu qua Chúa Thánh Thần, con người có thể yêu như Chúa Giêsu yêu và giữ được mối hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân. Gia đình Kitô-giáo trở nên nhân chứng tuyệt hảo của tình yêu và sự hiệp nhất này – như một nguồn mạch của Tin, Cậy, Mến trong thế giới hôm nay.

Đôi lời về diễn giả:

Đức Hồng Y Robert Sarah hiện là chủ tịch của Hội đồng Giáo hoàng Đồng tâm (Cor Unum), một Bộ của Tòa Thánh chuyên lo thực hiện các mục đích từ thiện của Đức Thánh Cha. Mới 34 tuổi ngài đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Conakry (Guinea) ngày 13/8/1979. Ngài từng đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng Giám mục Guinea và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp ngữ Tây-Phi. Ngài cũng là người đứng đầu Hiệp hội Kinh Thánh Công Giáo của Phi châu và Madagascar. Tháng 10 năm 2001, ngài được cử làm Thư ký của Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc.

Buổi Hội Học Cho Nhóm Riêng B2 - Trình bày bằng Anh ngữ, lược dịch song hành sang Việt ngữ.

Đề tài: Những Đôi Vợ Chồng Thánh Thiện: CácMô Hình Trên Đường Nên Thánh.

Thời gian: 11:45 AM – 12:45 PM

Diễn giả: Ông Bà Christian Meert và Christine Meert

Tóm lược: Hôn nhân có thể trở thành một nguồn hạnh phúc đích thực không? Gương sáng của các cặp vợ chồng thánh thiện có thể dạy cho chúng ta điều gì để sống bí tích hôn phối ? Các cặp vợ chồng ngày nay khao khát một kim chỉ nam về luân lý và tinh thần nhằm giúp họ nhận định ra Chân lý và thấu hiểu được tình yêu đích thực là gì. Những người sẵn sàng để cho ân sủng của bí tích hôn phối hoạt động trong đời sống đôi lứa của mình quả thực là đuốc sáng cho chúng ta dõi theo để đạt được mục tiêu thánh thiện và hạnh phúc. Xin mời các bạn hãy đến tìm hiểu thêm về các cặp vợ chồng thánh thiện và phương thế nhờ đó các bạn có thể thăng tiến đời sống hôn nhân của mình.

Đôi lời về các diễn giả:

Ông Christian Meert, một công dân Hoa Kỳ gốc Pháp, cùng với vợ mình, là đồng giám đốc của Văn phòng Hôn nhân của Giáo Phận Colorado Springs. Ông là người sáng lập Agape CatholicMarriagePrep.com, một chương trình quốc tế chuẩn bị hôn nhân trực tuyến và trực tiếp rất nổi tiếng bằng các ngôn ngữ: Anh, Tây ban nha và Pháp. Ông từng thuyết trình nhiều nơi trên thế giới về Thần Học Thân Xác. Ông đã xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông như Life on the Rock của EWTN; một số tạp chí như St. Anthony Messenger, Catholic Digest, Feu et Lumière, Misión; và các chương trình phát thanh Công Giáo. Ông kết hôn với Bà Christine và được năm người con gái.

Bà Christine Meert, cũng là công dân Hoa Kỳ gốc Pháp, cùng với chồng bà, là đồng giám đốc của Văn phòng Hôn nhân của Giáo Phận Colorado Springs. Bà đã soạn thảo các học trình để giảng dạy và huấn luyện các cặp vợ chồng cho Chương trình Chuẩn bị Hôn nhân Công Giáo Agape CatholicMarriagePrep.com, cũng như đã thiết lập các khóa học trực tuyến vớiAgapeCatholicMinistries.com. Bà thành lập nhóm các

đôi Cố vấn Mục Vụ Hôn Nhân cho các giáo xứ và giáo phận. Bà cũng điều hành các cuộc hội thảo chuẩn bị hôn nhân cho Hiệp hội Quốc gia các Thừa tác viên Đời sống Gia đình Công Giáo. Bà và ông Christian đã kết hôn được 37 năm và có được năm người con gái.

Buổi Học Hội Chủ Đề C - Trình bày bằng Anh ngữ và được song hành chuyển dịch sang tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Việt Nam, và ASL (ngôn ngữ cho người khiếm thính Mỹ)

Đề tài: Kiến Tạo Tương Lai: Tính Phong Nhiêu Của Tình Yêu Kitô-giáo.

Diễn giả: Giáo sư Helen Alvaré.

Thời gian: 3:00 PM – 4:00 PM

Tóm lược: Đấng Tạo Hóa của chúng ta đã liên kết tình yêu giữa một người nam và một người nữ với việc tạo nên sự sống mới, trong khi Ngài có thể thực hiện điều đó một cách khác. Điều ấy có nghĩa là gì? Bài trình bày này nhằm khám phá vô số những hệ quả của việc Thiên Chúa liên kết tình yêu với sự sống mới – không chỉ đối với tình yêu giữa một người nam và một người nữ, hoặc giữa cha mẹ và con cái, nhưng cũng còn đối với chính ý nghĩa của sự sống. Bài này sẽ xét qua các dữ liệu liên hệ rút tỉa từ kinh nghiệm sống của con người, từ khoa học, Thánh Kinh cũng như từ Huấn quyền của Hội Thánh. Thính giả sẽ hiểu rõ hơn tại sao ngày nay việc đón nhận con cái lại thường hay bị tranh cãi, nhưng đó lại chính là điều tối ư khẩn thiết để thấu hiểu ý nghĩa của đời sống như là tình yêu.

Đôi lời về diễn giả:

Giáo sư Helen Alvaré là một giáo sư luật tại Đại học George Mason ở Virginia. Giáo sư chuyên dạy và nghiên cứu về những vấn đề liên hệ đến gia đình, cũng như mối tương quan giữa luật pháp và tôn giáo. Giáo sư thường phát biểu tại những hội nghị chuyên ngành trên thế giới và qua các phương tiện truyền thông in ấn cũng như truyền hình. Giáo sư Alvaré thường đại diện cho Hội đồng Giám mục Hoa kỳ và cho Tòa Thánh trước báo giới quốc tế, cũng như thường xuất hiện trước Quốc Hội Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc. Giáo sư là một tư vấn của Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân và là người sáng lập phong trào “Phụ nữ nói cho chính mình” (Women Speak for Themselves). Giáo sư đã lập gia đình và có ba con.

Buổi Hội Học Cho Nhóm Riêng C6: - Trình bày bằng Anh ngữ, lược dịch song hành sang Việt ngữ.

Đề tài: Hãy Xây Lại Hội Thánh Của Thầy..Và Bắt Đầu Từ Nền Tảng: Sống Đời “Hội Thánh Tại Gia.”

Diễn giả: Tiến sĩ Timothy T. O’Donnell

Thời gian: 4:15 PM – 5:15 PM

Tóm lược: Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra một thách đố đối với các gia đình Kitô giáo: “Gia đình, hãy trở nên đúng như căn tính của mình!” Chúng ta sẽ cùng suy xét các nền tảng thần học của khái niệm về gia đình như là hội thánh tại gia. Các người cha người mẹ, và bất kỳ ai quan tâm đến hôn nhân / gia đình sẽ học thêm các kỹ năng mới cũng như các sinh hoạt thường nhật để thể hiện viễn ảnh của một mái ấm gia đình Kitô-giáo và để hỗ trợ trong các thách đố nhằm nuôi dưỡng gia đình và sống thực tại này trong thế giới ngày nay. Chúng tôi sẽ giúp bạn biến gia đình thành một cung thánh tỏa chiếu tình yêu của Chúa Giêsu đến các thành viên trong gia đình cũng như ngoài xã hội, tỏ hiện gia đình như tâm điểm của công cuộc Tân Phúc Âm hóa.

Đôi lời về diễn giả:

Tiến sĩ Timothy T. O’Donnell, viện trưởng và thành viên giảng huấn của “Học viện Thế giới Kitô” (Christendom College), là một diễn giả nổi tiếng và là một tư vấn cho Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình. Ông là tác giả của cuốn Heart of the Redeemer (“Trái Tim Đấng Cứu Thế”), tác phẩm nghiên cứu thần học và kim chỉ nam thiêng liêng cho việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu; và cuốn Swords around the Cross (“Những thanh gươm quanh Thập giá”), một thiên điều tra sử học về một giai đoạn quan trọng trong lịch sử của nước Ái Nhĩ Lan Công Giáo. Ông là thuyết trình viên thường xuyên của đài truyền hình Công Giáo EWTN, khởi xướng và sản xuất nhiều chương trình thiên về thần học và lịch sử. Là tín hữu Công Giáo, ông và vợ, bà Catherine, được chín người con và chín đứa cháu.

THỨ NĂM, 24/9/2015

Buổi Hội Học Chủ Đề D - Trình bày bằng tiếng Tây ban nha và được song hành chuyển dịch sang tiếng Pháp, Ý, Anh, Việt, và ASL (ngôn ngữ cho người khiếm thính Mỹ)

Đề tài: Một Tặng Phẩm Của Thiên Chúa: Ý Nghĩa Của Tính Dục Con Người.

Diễn giả: Tiến sĩ Juan Francisco de la Guardia Brin và bà Gabriela N. de la Guardia

Thời gian: 10:30 AM - 11:30 AM

Tóm lược: Được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa có ý nghĩa rất lớn đối với các mục tiêu tối hậu của cuộc đời chúng ta. Khi chúng ta hiểu được tạo thành vật chất có ý nghĩa thánh thiêng, thì quan điểm của chúng ta về chính mình, về nhau, và về tất cả công trình sáng tạo đều biến đổi. Bài quảng diễn này sẽ kết hợp các dữ liệu thần học và khoa học để khám phá ra làm sao chúng ta có thể biết được rằng tất cả mọi người đều được kêu mời để sống một đời quảng đại, tự hiến, cho dù chúng ta đã kết hôn hay sống độc thân. Xin mời bạn cùng chúng tôi học hỏi và tìm hiểu phương cách chúng ta có thể giúp kiến tạo một xã hội biết kính trọng tha nhân. Cũng xin cảnh báo các bạn: tham gia vào việc học hỏi này có thể khiến bạn phải xét lại các bậc thang giá trị trong chính đời sống của mình!

Đôi lời về các diễn giả:

Tiến sĩ Juan Francisco de la GuardiaBrin là người sáng lập Học viện Panama về Giáo dục gia đình và là chủ tịch Liên minh Panama Bảo Vệ Sự Sống và Gia Đình. Ông đã xuất hiện nhiều lần trên các chương trình phát thanh mạn đàm, kể cả Family Radio Maria ở Panama. Mối quan tâm và sự dấn thân chính của ông là việc bảo vệ sự sống và gia đình nhằm chống lại mối đe dọa từ các phong trào xuyên quốc gia đang đe dọa sự sống và gia đình. Ông đã kết hôn với bà Gabriela được 35 năm, và ông bà có được bốn người con.

Bà Gabriela de la Guardia là một nhà tâm lý với bằng thạc sĩ về tính dục và bảo vệ sự sống. Bà hiện điều hành một văn phòng riêng, và là chủ tịch của Instituto de Panameño Educación Familiar. Bà Gabriela đã thuyết trình về các chủ đề liên quan đến các năng động của gia đình, kỹ năng làm cha mẹ, tính dục, hôn nhân, và giáo dục. Bà đã được phỏng vấn bởi truyền hình, báo chí, và các chuyên gia phát thanh Công Giáo về kỹ năng nuôi dạy con cái cũng như tầm quan trọng và ý nghĩa của hôn nhân. Bà cũng là tác giả của chương trình «El A, B, C. .. de Hacer Familia Hoy.”. Bà là tín hữu Công Giáo. Ông bà được bốn người con.

Buổi Hội Học Cho Nhóm Riêng D10

Đề tài: Yêu Thương Qua Các Thế Hệ: Ông Bà và Các Cụ. Trình bày bằng Anh ngữ, lược dịch song hành sang Việt ngữ.

Thời gian: 11:45 AM – 12:45 PM

Diễn giả: Catherine Wiley, Philip Butcher, và Michael La Corte.

Tóm lược: Thông truyền Đức Tin. Mời bạn cùng chúng tôi khám phá ý nghĩa của sự kiện chúng ta được tạo dựng “theo hình ảnh và giống như” Thiên Chúa thế nào, cũng như tình yêu của cha mẹ và ông bà, qua nhiều thế hệ, đã phản ánh chương trình kỳ diệu của Thiên Chúa cho tất cả chúng ta làm sao. Được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, chúng ta tiến tới vẻ đẹp của tình yêu và sự tôn trọng hằng sinh động trong gia đình chúng ta, nơi mà tất cả các thế hệ được linh hứng một cách tự nhiên để kết thành một cộng đồng yêu thương và thiêng liêng. Bằng cách chia sẻ tình yêu và sự chăm sóc của gia đình, cũng như qua việc bắt chước tình yêu hy sinh của Chúa Kitô và đời sống của Thánh Gia, thói quen cầu nguyện trong gia đình và các truyền thống Kitô giáo trở thành phương tiện ưu việt thông truyền Đức Tin cho các thế hệ tương lai.

Đôi lời về các diễn giả:

Bà Catherine Wiley thành lập Hiệp Hội Các Ông Bà Công Giáo ( CGA ) vào năm 2002. Bà có bằng về tâm lý học và là một tư vấn hướng dẫn chuyên nghiệp. Bà được quốc tế biết đến qua việc phát triển Hiệp Hội nói trên và qua công tác nhân đạo của bà, đặc biệt là ở Romania và Cam- puchia. Bà đã xuất hiện nhiều lần trên Truyền Hình và Truyền Thanh trên toàn thế giới. Và trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Roma, cùng với cháu trai của mình, bà đã minh chứng về vai trò và thiên chức của bậc ông bà. Bà đã xuất bản nhiều sách về chủ đề ông bà nội ngoại. Bà là một người mẹ Công Giáo, có được bốn người con và mười đứa cháu.

Ông Philip Butcher hiện là Giám đốc của International Outreach for the Catholic Grandparents Association (“Hiệp hội Tiếp cận Các Ông Bà Công Giáo”). Ông có bằng Thạc sĩ Thần học Mục vụ tại Dominican University ở Chicago và bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. Trong 10 năm qua, ông đã làm việc trong lĩnh vực Mục vụ Hôn nhân và Đời sống Gia đình cấp giáo phận và cấp quốc gia tại Anh. Ngoài ra, ông tiếp tục hỗ trợ các Đại hội về Hôn nhân và Gia đình của các Hội đồng Giám mục Anh, xứ Wales và Ái Nhĩ Lan. Ông đã đồng chủ tọa nhóm nói tiếng Anh tại một Hội Nghi mới đây ở Roma. Là người Công Giáo, ông và bà Kathy, vợ ông, có được hai người con và năm cháu gái.

Ông Michael La Corte: hiện là Giám đốc của Hiệp Hội Ông Bà Công Giáo tại Hoa Kỳ, ông đã phục vụ tám năm trong chức vụ Giám đốc điều hành của World Apostolate of Fatima. Ông đã thuyết trình rất nhiều lần về chủ đề tôn giáo trên toàn thế giới, kể cả ở Nga, Roma, và Bồ Đào Nha. Ông đã sáng tạo và sản xuất chương trình “One World Praying for Life and Peace,”(“Một Thế giới Cầu nguyện cho Sự sống và Hòa bình”), một chương trình đại kết diễn ra trong sáu tiếng đồng hồ, phát sóng trực tiếp trên EWTN -TV, trong đó có người Hồi giáo, Kitô giáo, và nhiều người khác nữa cùng cầu nguyện mỗi người theo niềm tin của mình. Ông đã xuất hiện trong nhiều phim tài liệu tôn giáo và các chương trình trên History Channel, EWTN, cũng như trên các mạng truyền thông khác. Ông La Corte và bạn đời của ông có được hai người con và một người cháu.

Buổi Hội Học Chủ Đề E - Trình bày bằng Anh ngữ và được song hành chuyển dịch sang tiếng Pháp, Ý, Tây ban nha, Việt Nam, và ASL (ngôn ngữ cho người khiếm thính Mỹ)

Đề tài: Gia Đình: Một Mái Ấm Cho Con Tim Mang Thương Tích.

Diễn giả: Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle

Thời gian: 3:00 PM – 4:00 PM

Tóm lược: Ai cũng phải phấn đấu với những cảnh huống đau buồn như cô đơn, nghèo khổ, khuyết tật, bệnh hoạn, nghiện ngập, và thất nghiệp. Trong gia đình cũng như xứ đạo, chúng ta phải đồng hành với nhau bằng tình thương và sự nâng đỡ, nhất là đỡ nâng những người có nhu cầu khẩn thiết. Cũng thế, Hội Thánh trong tư cách là mẹ và thầy, là người an ủi và hướng dẫn, cũng là một gia đình – gia đình đức tin. Làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau? Và làm sao Hội Thánh có thể chuyển tải quyền năng chữa lành của ân sủng Thiên Chúa cho chúng ta? Tham dự vào buổi thuyết trình này các bạn sẽ học hỏi các phương thức cụ thể để chúng ta có thể lớn mạnh trong tình yêu, qua việc tham gia vào công tác bái ái, cầu nguyện và các sinh hoạt thiêng liêng, Thánh Kinh, cũng như qua đời sống phụng vụ và bí tích.

Đôi lời về diễn giả:

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle là Tổng Giám Mục Manila, Phi luật tân. Ngài đậu tiến sĩ thần học ở Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ và là hội viên của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế (1997-2002). Ngài được chọn làm thành viên trong Hội đồng Thường trực của Thượng Hội Đồng Giám Mục và được bổ nhiệm làm hội viên của sáu cơ quan thuộc giáo triều tại Vatican, kể cả Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình. Là một nhà diễn thuyết nổi danh luôn được mời nói chuyện trong các đại hội quốc gia và quốc tế, ngài thường xuyên góp mặt trên các phương tiện truyền thông xã hội. Ngài điều hành một chương trình truyền hình hàng tuần và trang Facebook của ngài có hơn nửa triệu người theo dõi.

Buổi Hội Học Chủ Đề Cho Nhóm Riêng E6 - Trình bày bằng Anh ngữ, lược dịch song hành sang Việt ngữ.

Đề tài: Sức Mạnh Của Gia Đình Trong Những Thời Điểm Xa Cách Nhau.

Diễn giả: Cha John Paul Echert, Cha Antonio Lopez, F.S.C.B., và Tiến sĩ Joseph White.

Thời gian: 4:15 PM – 5:15 PM

Tóm lược: Do công ăn việc làm, nghĩa vụ quân sự, cũng như các yếu tố khác rất thông thường trong thế giới hiện đại, hơn bao giờ hết, ngày nay có rất nhiều gia đình phải sống xa cách nhau. Buổi hội học này cung cấp các quan điểm thần học và tôn giáo về sức mạnh của gia đình trong những tháng năm xa cách nhau, thảo luận về vai trò của căn tính gia đình và những kỷ niệm chung trong việc gìn giữ gia đình được hiệp nhất với nhau trong đời sống thiêng liêng lẫn tình cảm, bất chấp sự cách chia vể thể lý, cũng như cung ứng một số kỹ thuật và phương thế thực tiễn để gia đình được đỡ nâng và kiên vững trong những hoàn cảnh phải xa cách này..

Đôi lời về các diễn giả:

Cha John Paul Echert hiện là chính xứ Holy Family (Thánh Gia) trong Tổng giáo phận St. Paul-Minneapolis, đồng thời là tuyên úy của Vệ binh Không quân bang Minnesota. Ngài đã phục vụ làm tuyên úy trên 20 năm, và đã được gởi ra tham chiến bốn lần. Là một cựu giáo sư Kinh Thánh tại St. Thomas University và The Saint Paul Seminary, cha Echert sở trường về các chủ đề Kinh Thánh và chuyên trả lời cho các câu hỏi về Kinh Thánh trên trang web EWTN và Đài phát thanh Spirit Radio ở Omaha. Ngài có nhiều kinh nghiệm làm việc lâu dài với các quân nhân và gia đình quân đội lâm vào hoàn cảnh phải xa cách lâu ngày với người thân.

Cha Antonio López, FSCB, là chưởng ấn / khoa trưởng của Học viện Thánh Giáo Hoàng John Paul II chuyên Nghiên cứu về Hôn nhân và Gia đình. Ngài thuyết trình và viết về hôn nhân, về tuổi thơ và ảnh hưởng của ly hôn đối với trẻ em, về Thần học Thiên Chúa Ba Ngôi và ý nghĩa của con người, và về đặc tính quà tặng của hiện hữu và cuộc sống. Ngài đã làm việc nhiều năm trong ngành giáo dục thanh niên và gia đình. Ngài là cộng sự viên và biên tập viên của tờ Communio: International Catholic Review; và góp mặt thường xuyên với Columbia, Traces, cũng như với mạng Guadalupe Radio. Thụ phong linh mục năm 1995, ngài là thành viên của Huynh đoàn Linh mục Thánh Charles Borromeo.

Tiến sĩ Joseph White là một nhà tâm lý y khoa chuyên làm việc với trẻ em và gia đình; là một cựu giám đốc về tư vấn gia đình và đời sống gia đình của giáo phận, và hiện làm cố vấn giáo lý và chương trình giảng huấn cho nhà xuất bản Our Sunday Visitor. Tiến sĩ White là tác giả cuốn

A Catholic Parent’s Tool Box: Raising Healthy Families in the 21st Century (“Hộp đồ nghề của phụ huynh Công Giáo: nuôi dưỡng gia đình lành mạnh trong thế kỷ 21”).

THỨ SÁU 25/9/2015

Buổi Hội Học Chủ Đề F - Trình bày bằng Anh ngữ và được song hành chuyển dịch sang tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Việt Nam, và ASL (ngôn ngữ cho người khiếm thính Mỹ)

Đề tài: Niềm Vui Của Tin Mừng về Đời Sống.

Diễn giả: Đức Hồng Y Seán Patrick O’Malley, O.F.M. Cap. và Mục sư Richard “Rick” Warren.

Thời gian: 10:30 AM -11:30 AM

Tóm lược: Gia đình Kitô-giáo được mời gọi làm men trong thế giới, trao ban ánh sáng và hy vọng. Trong một thế giới đầy đau khổ và sầu muộn, chứng từ cao cả nhất của chúng ta là sống một đời đong đầy đức tin mạnh dạn và niềm vui lan tỏa, thể hiện Tám Mối Phúc Thật của Chúa Kitô để tạo một khác biệt trên trần thế. Chúng ta có thể thực hiện điều đó bằng cách đón nhận niềm vui của Tin Mừng và tin tưởng hoàn toàn vào kế hoạch của Thiên Chúa về gia đình.

Đôi lời về các diễn giả:

Đức Hồng Y Sean Patrick O’Malley, OFM Cap., Tổng Giám Mục Boston, sinh ngày 29 Tháng Sáu 1944, ở Lakewood, bang Ohio. Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 29 Tháng 8 năm 1970, và có bằng thạc sĩ về giáo dục tôn giáo và tiến sĩ văn chương Tây ban nha và Bồ đào nha. Khi còn là một linh mục trẻ trong Tổng Giáo Phận Washington, ngài làm giám đốc Tông đồ Mục vụ cho người nói tiếng Tây ban nha. Ngài được phong Giám Mục ngày 02 tháng Tám năm 1984, và làm Giám Mục giáo phận St Thomas, US Virgin Islands. Năm 1992, ngài trở thành Giám Mục Fall River, Massachusetts. Năm 2002, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Palm Beach, Florida. Và năm sau, 2003, ngài được cử làm Tổng Giám Mục Boston.

Tiến sĩ Rick Warren, mục sư của Saddleback Church ở Lake Forest, California, là tác giả của The Purpose Driven Life và 10 cuốn sách khác. Mục sư cũng là người sáng lập chương trình P.E.A.C.E. Toàn Cầu (Thúc đẩy hòa giải, Trang bị lãnh đạo, Hỗ trợ người nghèo, Chăm sóc người bệnh, và Giáo dục thế hệ tương lai). Ông thành lập mạng lưới Purpose Driven cho các Giáo Hội và đã giúp đào tạo hơn 400.000 linh mục và mục sư ở 197 quốc gia.

Buổi Hội Học Chủ Đề Cho Nhóm Riêng F7 - Trình bày bằng Anh ngữ, lược dịch song hành sangViệt ngữ.

Đề tài: Sứ Vụ **Khả Thi: Đến Với Tha Nhân Qua Những Phương Cách Chân Tình Và Hữu Hiệu.

Diễn giả: Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle

Thời gian: 11:45 AM – 12:45 PM

Tóm lược: Sự đa dạng làm cho cuộc sống khởi sắc và phong phú. Trong việc giao tiếp với tha nhân, chúng ta cần một ước muốn sẵn sàng đánh giá cao tính độc đáo của họ, như chính chúng ta cũng mong được người khác chấp nhận nét cá biệt của mình. Chúng ta thường không muốn bị dán nhãn, nhưng chính chúng ta lại hay phân loại và đóng khung người khác. Bằng cuộc đối thoại chân thành đích thực dựa trên sự tôn trọng và tình yêu, chúng ta có thể tránh được sự chia rẽ, thành kiến, cô lập và thậm chí bạo lực. Sứ vụ chung này có khả năng xác định tương lai của toàn thể gia đình nhân loại.

Đôi lời về diễn giả:

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle là Tổng Giám Mục Manila, Phi luật tân. Ngài đậu tiến sĩ thần học tại Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ (Catholic University of America) và là hội viên của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế (1997-2002). Ngài được chọn làm thành viên trong Hội đồng Thường trực của Thượng Hội Đồng Giám Mục và được bổ nhiệm làm hội viên của sáu cơ quan thuộc giáo triều tại Vatican, kể cả Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình. Là một diễn giả thời danh luôn được mời nói chuyện trong các hội nghị quốc gia và quốc tế, ngài thường xuyên góp mặt trên các phương tiện truyền thông xã hội. Ngài điều hành một chương trình truyền hình hàng tuần và trang Facebook của ngài có hơn nửa triệu người theo dõi.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ thăm mục vụ Giáo họ Đắc Chúng
BTT GP Thái Bình
10:23 25/09/2015
Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ thăm mục vụ Giáo họ Đắc Chúng

Chiều thứ Sáu (25.9.2015), ngay sau giờ huấn đức các thầy chủng sinh tại Đại Chủng viện Thánh Tâm Mỹ Đức, Bề trên Giáo phận Thái Bình đã đến viếng thăm mục vụ cộng đoàn Giáo họ Đắc Chúng thuộc Giáo xứ Dương Cước, Giáo hạt Kiến Xương, cách Tòa Giám mục khoảng 25km về hướng Đông Bắc.

Xem Hình

Đôi nét sơ qua về lịch sử hình thành và phát triển của cộng đoàn Giáo họ Đắc Chúng:

Khoảng giữa thế kỷ XIX, có gia đình cụ Vũ Lý Ban là những người đầu tiên được diễm phúc đón nhận Tin Mừng, sau đó có thêm ba gia đình khác là các người con của cụ. Năm 1859, khi số giáo dân trong họ dần tăng lên, cộng đoàn đã dựng một ngôi nhà nguyện nhỏ trên phần đất do cụ Ban dâng cúng.

Năm 1874, xét thấy nơi đây có đông giáo dân rất đạo đức sốt sắng và chân thành sống đạo, Bề trên đã ban Sắc thành lập Giáo họ Đắc Chúng, thuộc xứ Đồng Quỹ (Giáo phận Bùi Chu), nhận thánh Vinhsơn làm bổn mạng.

Năm 1879, Giáo họ dùng vật liệu thô sơ để dựng một ngôi Nhà thờ dài 16m, rộng 5m, tường trát vách, mái rạ.

Đầu năm 1928, lúc này số giáo hữu đã tăng lên đến hơn 200 nhân danh, Đức Cha Phêrô Munagorri Trung đã cho phép giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ bằng gỗ lim 5 gian rộng rãi và vững chắc. Khi Giáo xứ Dương Cước đương thành lập (1928), Giáo họ Đắc Chúng được cắt về trực thuộc xứ này.

Qua dòng thời gian với những biến cố thăng trầm, Nhà thờ đã bị hư hỏng nặng. Năm 2001, Đức ông Tôma Trần Trung Hà và giáo họ khởi công xây dựng lại ngôi Thánh đường: chiều dài 30m, rộng 8m, cao 10m, tháp cao 28m. Công trình được cắt băng khánh thành vào năm 2002. Số giáo dân hiện nay của Giáo họ khoảng 140 nhân danh, được đặt dưới sự coi sóc của cha xứ Vinc. Trịnh Xuân Phong.

Khoảng 16g40, khi xe của Đức Cha lăn bánh tới đầu làng Đắc Chúng, chúng tôi đã thấy cha xứ và cộng đoàn Giáo họ cùng với Ban ken và Ban trống của họ Nhà Xứ Dương Cước xếp hàng thành hàng dài để chào đón vị Chủ chăn Giáo phận.

Như thường lệ, sau khi Đức Cha tiến vào Nhà thờ và dành ít phút viếng Thánh Thể Chúa, cộng đoàn đã dâng những lẵng hoa tươi thể hiện những tấm lòng kính yêu của đoàn con thảo hiếu đối với người Cha chung; hợp với tâm tình ấy, các em thiếu nhi đã thể hiện vũ điệu chào mừng ngài qua bài hát “Xin Tin Yêu”. Sau đó, vị đại diện Giáo họ đã sơ qua về lịch sử của Giáo họ Đắc Chúng từ khi đón nhận Tin Mừng cho tới nay.

Với tấm lòng của người mục tử, Đức Cha đã ngỏ lời chào thăm và cám ơn thịnh tình mà cộng đoàn đã dành cho ngài trong cuộc đón tiếp nồng hậu nhân chuyến viếng thăm mục vụ Giáo họ. Món quà quý giá mà ngài mang về cho cộng đoàn nơi đây chính là tình yêu của Đức Kitô. Ngài đã dành thời gian hơn nửa giờ đồng hồ để gặp gỡ và chia sẻ với cộng đoàn.

Sự hiện diện của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ trong ngày hôm nay làm cho niềm vui của cộng đoàn Giáo họ Đắc Chúng được nhân lên gấp bội. Mọi người đều nói rằng: “Quả thật đây là một ngày hồng ân đặc biệt, từ khi sinh ra cho đến nay, hôm nay mới được chứng kiến có vị Giám mục đặt chân tới khuôn viên Nhà thờ Đắc Chúng”. Vì thế, trong cuộc đón chào Đức Cha hôm nay, không chỉ có cộng đoàn tín hữu mà còn có cả quý vị đại diện chính quyền xã Quốc Tuấn và thôn Đắc Chúng nữa.

Sau giờ gặp gỡ chia sẻ với cộng đoàn, Đức Cha đã cùng với cha xứ Vinc. Trịnh Xuân Phong hiệp dâng thánh lễ vào hồi 17g40. Đức Cha mời gọi cộng đoàn cùng hiệp ý cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô đang trong chuyến tông du trên đất Mỹ, và cầu nguyện cho các bậc Tiền nhân của Giáo họ Đắc Chúng.

Kết thúc thánh lễ, mọi người cùng tiến lên nhận những phần quà bánh kẹo và những cỗ tràng hạt Mân Côi do Đức Cha trao ban.

Ban Truyền thông Giáo phận
 
Thiếu nhi Giáo xứ Nghĩa Chính, Thái Bình vui đón Tết Trung Thu 2015
Thanh Tuấn
20:55 25/09/2015
Thiếu nhi Giáo xứ Nghĩa Chính, Thái Bình vui đón Tết Trung Thu 2015

Theo phong tục Việt Nam, Tết Trung Thu của các em Thiếu nhi được tổ chức vào giữa mùa Thu, tức là trung tuần tháng 8 Âm lịch. Nhờ sự sắp xếp lo liệu của cha chánh xứ Jos.Trần Xuân Chiêu và Ban Hội đồng Giáo xứ, các em Thiếu nhi Giáo xứ Nghĩa Chính đã có ngày Hội Trăng Rằm thật là vui và đầy ý nghĩa vào chiều tối thứ Sáu ngày 25.9.2015 (tức 13.8 Âm lịch).

Xem Hình

Khoảng 17g30, gần 500 các em Thiếu nhi trong toàn Giáo xứ và các em thuộc thôn Nghĩa Chính không phân biệt lương hay giáo đã có mặt đông đủ tại khuân viên nhà xứ để tham dự buổi ngày vui Hội Trăng Rằm 2015. Bầu khí nơi đây trở nên vui nhộn, náo nhiệt và háo hức hơn khi các em được nhận những chiếc lồng đèn với đủ màu sắc và những con vật ngộ nghĩnh.

Hồi 18g00, các em xếp hàng và rước đèn lồng xung quanh khuôn viên Thánh đường. Sau đó là thánh lễ cầu nguyện cho các em do cha xứ cử hành tại lễ đài Thánh Giuse bên sân cạnh phía đầu Nhà thờ.

Nhân ngày Hội Trăng Rằm của các em Thiếu nhi, trong thánh lễ, dựa theo ý tưởng của đoạn Tin Mừng (Mt 19, 13-15), cha xứ đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc quan tâm và chăm lo cho các em. Ngài cho thấy, chính Chúa Giêsu đã đề cao các em qua câu nói “Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng". Lời nói đó của Người cũng là lời mời gọi mỗi người chúng ta và đặc biệt là các bậc cha mẹ cần chăm lo cho con cái mình và dẫn con em mình đến với Chúa.

Sau thánh lễ, tất cả các em nhận những phần cơm hộp từ Ban Tổ chức và ngồi quây quân bên nhau. Tận dụng cơ hội này, các em giao lưu trò chuyện và vui đùa, gần gũi thắm thiết như anh em một nhà.

Chương trình hoan ca Đêm Hội Trăng Rằm được khai mạc vào lúc 20g00. Mở đầu chương trình cha xứ Jos. Trần Xuân Chiêu đã trao những phần quà khuyến học cho các em đỗ các trường Đại học và Cao đẳng trong kỳ thi 2015 vừa qua. Sau đó là các tiết mục múa hát của các em Thiếu nhi đến từ các đoàn trong giáo xứ và cơ sở thôn Nghĩa Chính.

Xen kẽ giữa các tiết mục múa hát phần rút thăm trúng thưởng đầy sôi nổi và hồi hộp, với nhiều phần quà hấp dẫn. Giải đặc biệt là chiếc xe đạp đã thuộc về em Nguyễn Thị Ánh ở họ Nhà Xứ Nghĩa Chính.

Kết thúc Đêm Hội Trăng Rằm, tất cả các em cùng nhận quà và chia tay nhau ra, trên tay mỗi em đều có những chiếc lồng đèn và gói bánh kẹo.

Ngày Hội Trăng Rằm của các em Thiếu nhi nơi Giáo xứ Nghĩa Chính đã khép lại, nhưng đây là dịp để lại ấn tượng sâu đậm đối với các em cũng như mọi người trong khu vực Nghĩa Chính. Vì mọi người đều nói lên cảm nhận của mình rằng: suốt bao nhiêu năm nay, chưa bao giờ các em Thiếu nhi của Giáo xứ được họp mặt đông đủ tại Nhà thờ để đón Tết Trung Thu vui vẻ và đầy ý nghĩa như thế này bao giờ.

Thanh Tuấn
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Quân đội ôm Mác-Lênin cho đảng ngủ mê
Phạm Trần
10:31 25/09/2015
Quân đội ôm Mác-Lênin cho đảng ngủ mê


Khi Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cùng ra lệnh Quân đội phải kiên định với hai ông lạ hoắc người nước ngoài Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh để “bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” thì nhân dân mạt vận là hệ qủa “tất yếu của lịch sử”.

Tuyên bố của hai người đứng đầu Quân ủy Trung ương được đưa ra tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X (từ 21 đến 24/9/2015) ở Hà Nội.

CSVN có trên 5 triệu quân chính quy và trừ bị, nhưng chỉ có 450 đại biểu dự Đại hội, đại diện cho 250,000 đảng viên trong tòan bộ Quân đội. Như vậy đại đa số quân nhân không phải là đảng viên cũng phải chấp hành quyết định của Đại hội, trong đó có việc đồng ý Danh sách 43 đại biểu đi dự Đại hội đảng tòan quốc XII dự trù diễn ra đầu năm 2016. Danh tính và cấp bậc của 43 Đại biểu không được tiết lộ sau cuộc bầu chọn ngày 23/09 (2015).

Trong Diễn văn tại Đại hội, ông Trọng nói một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quân đội là : “ Tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào Quân đội cũng phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa….Giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quân đội; củng cố và phát triển mối quan hệ máu thịt giữa Quân đội với Nhân dân.” (Báo Quân đội Nhân dân, 22/09/2015)

Chủ trương này xưa như trái đất, càng nghe càng nhàm tai. Có điều là đến bây giờ, sau 26 năm Thế giới Cộng sản tan rã ở Đông Âu và Nga , sào huyệt của Thế giới Cộng sản, mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn bắt Quân đội phải đội lên đầu 3 cái xác Cộng sản vô hồn để tung hô thì nước tụt hậu và dân tiếp tục chậm tiến là chuyện phải có như gieo gió thì gặt bão.

Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quan Thanh cũng nói như vòi nước máy của người mới ra từ hang động: “ Kiên định quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.” (báo Quân đội Nhân dân, 21/09/2015)

THÙ ĐỊCH HAY BỊ MA ÁM ?

Bên cạnh những thành qủa 5 năm của khoá đảng XI mà đảng bộ Quân đội đã đóng góp, ông Trọng cảnh giác đất nước vẫn đang phải đối phó với tình trạng mà ông gọi là: “Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, thúc đẩy phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, phi chính trị hóa quân đội để chống phá sự nghiệp cách mạng, phá hoại sự ổn định của đất nước.”

Nhưng thù địch là ai, ít hay nhiều, đàn ông hay đàn bà, hình thù như thế nào mà ghế gớm thế ? Không một đầu óc thông thái nào (nếu có) của Hội đồng Lý luận Trung ương hay Ban Tuyên giáo , kể cả Tổng Bí thư Trọng, cũng không biết chúng là ai, mặt mũi là dân nước nào trên thế giới. Đảng chỉ biết phát điên lên khi thấy sau 30 năm gọi là “đổi mới nhưng không đầu màu, hội nhập mà không hòa tan” đã có một số không nhỏ đảng viên và nhân dân không muốn dính dáng gì với đảng nữa mà còn bài bác cái chủ nghĩa thoái trào Cộng sản khiến Lãnh đạo run chân, đảng viên dao động gây rạn nứt trong nội bộ nên gọi đại là “các thế lực thù địch” chứ biết nói sao bây chừ ?

Tuy nhiên ông Trọng lại biết rõ mục tiêu chống đảng của kẻ thù khi nói rằng: “ Đối với nước ta, mục tiêu xuyên suốt, nhất quán của các thế lực thù địch là tìm mọi cách xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta, đưa Việt Nam đi theo ý đồ, quỹ đạo của họ. Thủ đoạn của họ là tiếp tục đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình", tăng cường sử dụng các biện pháp "tấn công mềm", tập trung làm chuyển biến về chính trị tư tưởng, thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa " từ trong nội bộ ta ; kích động, chia rẽ, thực hiện âm mưu phi chính trị hóa quân đội; hạ thấp, phủ nhận vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng; xóa bỏ mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội… “

Nhưng “họ” là ai mà cứ cáo buộc vu vơ như thế cả chục năm rồi ? Chẳng nhẽ kẻ thù lại đang nằm ngay trong tay áo đảng mà lãnh đạo không dám nói ra ?

Điển hình như chuyện đảng càng nói dai nói dài chống tham nhũng-lãng phí “đã tiến một bước” thì tình hình lại tiếp tục “vẫn còn nghiêm trọng, tinh vi và phức tạp” năm này qua nằm khác ? Nếu lãnh đạo thật tâm muốn diệt thì cũng chẳng khó, nhưng đàng này lại nể nang nhau, sợ vứt dây sẽ động đến rừng nên tham nhũng mới có đất thăng hoa.

Hay như “truyện dài” cải tổ hành chính thì càng cải lại càng hành dân hơn. Một số không nhỏ cán bộ, đảng viên cấp lãnh đạo cũng chi biết “phép vua thua lệ làng” hay chi biết “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” nên chuyện đâu vẫn còn nguyên đó.

Còn hàng ngàn chuyện tréo cẳng ngỗng khác cũng đang diễn ra trong lĩnh vực kinh tế như chủ trương giở người gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, hay tiếp tục khăng khăng “kinh tế nhà nước” (hay khối doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước) phải “ giữ vai chủ đạo” nền kinh tế, dù khối quốc doanh này đã ăn hại đái nát hết năm này qua năm khác khiến nhân dân phải gánh nợ khốn đốn.

Trước những bất mãn thiếu công bằng, trì trệ trong phát triển và vướng mắc trong hành động, bộ máy điều hành việc nước đã rơi vào tay các phe nhóm có quyền trong đảng khiến quân đội, thành phần có kỷ luật nhất cũng bị hoang mang, mất định hướng.

Vì vậy ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới yêu cầu Quân đội phải : “Chủ động, nhạy bén đấu tranh với các quan điểm, nhận thức sai trái, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội, góp phần làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; chủ động phòng, chống có hiệu quả "tự diễn biến", "tự chuyển hóa ", "phi chính trị hóa quân đội" . Tuyệt đối không được mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác.”

Cũng đã lâu lắm không thấy lãnh đảo đảng gọi những cán bộ sao lãng việc học tập chính trị đã “chệch hướng tư tưởng” . Bây giờ những người này chẳng nhữ chỉ “suy thoái tư tưởng” mà còn mất cả “ đạo đức, phẩm chất đảng viên” và làm nhiều gương mù trong đời sống khiến đảng mất dần cán bộ trong Quân đội, lực lượng rường cột tựa lưng của đảng.

Tưởng bấy nhiêu thôi cũng đã đủ cho tòan quân học tập mệt nghỉ. Nào ngờ Phùng Quang Thanh lại rút kíp cho nổ tiếp qủa lựu đạn khói để phụ họa lấy điểm: “Đối với nước ta, các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội. Cùng với đó, tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; nền kinh tế còn khó khăn, thiên tai xảy ra ở nhiều nơi… đã tác động trực tiếp đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc.”

Khi cả Tổng Bí thư và Bộ trường Quốc phòng cùng nói một ngôn ngữ “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và “phi chính trị hóa” trong quân đội thì vấn đề không còn là chuyện nhỏ mà đã nan giải đe dọa đến sự sống còn của đảng và chế độ.

Do đó không lạ khi thấy Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã kêu gọi trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội: “Trước những diễn biến phức tạp của tình hình và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ Quân đội và toàn quân luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành với Đảng, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi khó khăn; là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; chấp hành tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nội bộ đoàn kết thống nhất, có chuyển biến quan trọng về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.”

VIỂN VÔNG ĐỂ NGỦ MÊ

Nhìn chung, các điểm nhấn từ 3 diễn văn của các ông Trọng, Thanh và Lịch tại Đại hội X của đảng bộ Quân đội chỉ tập trung vào cảnh giác đề phòng “diễn biến hòa bình”, “các thế lực thù địch” và phải ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và “phi chính trị hóa lực lượng võ trang” để quân đội tập trung sức mạnh vào nhiệm vụ bảo vệ Chế độ và tuyệt đối trung thành với Đảng.

Tuyệt nhiên không thấy lãnh đạo nói gì đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo đang bị đàn anh Trung Quốc lăm le chiếm thêm ở Biển Đông, hay giành lại Hòang Sa bị quân Tầu chiếm từ tay Việt Nam Cộng hòa tháng 1/1974, hoặc lấy lại 6 bãi đá và đảo Gạc Ma bị quân Trung Quốc chiếm ở vùng Trường Sa từ năm 1988.

Trung Quốc đã biến Hòang Sa thành một thành phố hành chính và các vùng chiếm được ở Trường Sa thành các đảo tân tạo kiên cố để xây dựng căn cứ quân sự, xây sân bay và bến cảng.

Ông Nguyễn Phú Trọng bảo Quân đội phải :”Kiên quyết, không để tình hình diễn biến phức tạp và không để các thế lực thù địch lợi dụng tạo cớ can thiệp.”

“Kẻ thù địch nào” mà có thể “tạo cớ can thiệp” ngoài láng giềng Trung Quốc vì ông Nguyễn Phú Trọng đã rất hài lòng với kết qủa trong chuyến thăm Mỹ đầu tháng 7/2015 để đưa quan hệ hai nước Việt-Mỹ lên tầm cao mới.

Đối với nước Nga thì chả có vấn đề gì phải lo vì Tổng thống Viladimir Putin đã quyết định coi Việt Nam là đồng minh “quan trọng nhất” của Nga ở vùng Á Châu.

Quan hệ Quốc phòng Việt-Nga là một bằng chứng. Việt Nam đã trao việc trang bị khí tài, tân trang,mua vũ khí và để Nga huấn luyện quân đội Việt Nam. Hai nước cũng đã đồng ý thiết lập nhà máy sản xuất vũ khí chung tại Việt Nam, tiếp theo sau các chuyến thăm Nga và thăm Việt Nam của Lãnh đạo cấp cao nhất và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước.

Nhưng Việt Nam lại đang chuẩn bị đón Chủ tịch, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Hoa Tập Cận Bình dự kiến sang thăm Việt Nam cuối năm 2015, ngay trước thềm Đại hội đảng kỳ XII.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng rất có thể sẽ thăm Việt Nam vào tháng 11/2015, sau Hội nghị APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation) tại Thủ đô Manila, Phi Luật Tân từ 18 đến 19/11/2015.

Như vậy, thật khó mà hiểu được hậu ý của ông Tổng Bí Thư đảng CSVN khi nói đến ”các thế lực thù địch lợi dụng tạo cớ can thiệp” , tất nhiên phải từ ngoài vào Việt Nam. Và khi đã nói đến hai chữ “can thiệp” thì cũng nên hiểu đó phải là nước “mạnh hơn Việt Nam”.

Vậy quốc gia nào mạnh hơn và đang trực tiếp đe dọa Việt Nam, nếu không phải là Trung Hoa phiá bắc ?

Vì vậy, trong diễn văn, ông Trọng đã chỉ thị Bộ Quốc phòng phải : “Tập trung chăm lo xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... đi đầu trong đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.… bảo đảm cho Đảng thường xuyên nắm chắc và lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội.”

Ông nói: “ Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Đảng ta chủ trương phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa , hiện đại hóa đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc và bảo vệ nền văn hóa dân tộc; củng cố quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình, an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.”

Trong nhận thức của ông Trọng thì không ai nhìn thấy ông có tư tưởng dùng Quân đội để bảo vệ chủ quyền và sự tòan vẹn lãnh thổ tổ quốc lại có cùng kế họach chống lại âm mưu mở rộng chủ nghĩa bá quyền và bành trướng lãnh thổ bất hợp pháp vào Việt Nam của “anh bạn “16 vàng” và “4 tốt” Trung Quốc. (“láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.” )

Nhưng khi ông Trọng muốn có sức mạnh để bảo vệ độc lập, chủ quyền và tòan vẹn lãnh thổ thì liệu ông có biết rằng ông sẽ trắng tay nếu ông và tướng Phùng Quang Thanh chỉ biết buộc Quân đội phải kiện định Chủ nghĩa đã bị ruồng bỏ Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh và phải tuyệt đối trung thành, bảo vệ đảng lãnh đạo tuyệt đối quân đội và nhân dân, dù mọi người có muốn hay không.

Nếu ông Trọng cứ tiếp tục viển vông và tiếp tục vùi đầu ngủ mê với chủ nghĩa Cộng sản đã bị nhân loại lên án, ruồng bỏ và chôn vùi để áp đặt lên quân đội và nhân dân thì đất nước và nhân dân sẽ mãi mãi đói nghèo, lạc hậu. -/-

Phạm Trần

(09/015)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh hôn nhân và gia đình
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
11:52 25/09/2015
Hình ảnh hôn nhân và gia đình (5)

Hai bạn thanh niên nam nữ tìm gặp được nhau, sau thời gian quen biết tìm hiểu nhau, họ nói với nhau lời „ưng thuận“ muốn cùng nhau sống chung dưới một mái nhà trên cùng một con đường đời sống.

Ngày thành hôn, họ tay trong tay cùng nhau đi đến thánh đường. Trước bàn thờ Thiên Chúa và trước Cộng đoàn Giáo Hội, họ công khai nói với nhau lời „ ưng thuận“ nhận nhau làm vợ chồng suốt cả đời sống cho tới chết.

Vậy đâu là ý nghĩa lời ưng thuận hai vợ chồng người nói với nhau, và mang dẫn đến hiệu qủa gì về mặt đạo đức?

„ Lời ưng thuận của hai vợ chồng trao cho nhau bao trùm toàn thể bình diện không gian đời sống con người. Lời ưng thuận đó trong bối cảnh toàn diện tạo ra không gian cho lòng trung thành. Chỉ trong không gian này lòng tin tưởng có thể lớn mạnh, và từ đó kiến tạo một tương lai cũng như làm nảy sinh hoa trái của tình yêu là những người con.

Sự tự do của lời ưng thuận nói lên dấu chỉ cao qúy của sự tự do không do động lực của sự đi tìm kiếm theo sở thích lòng ham muốn chóng qua. Nhưng nhiều hơn thế nữa, đó là khả năng đi đến quyết định trao tặng hiến dâng trọn vẹn, và khi tự trao tặng hiến dâng họ tìm lại được chính mình.

Lời ưng thuận hôn nhân của người nam và nữ trao cho nhau tạo nên không gian cho tương lai bản tính chân thực của mỗi người, và đồng thời cũng là không gian cho món qùa tặng là một sự sống mới nẩy sinh. Do vậy lời ưng thuận vợ chồng trao cho nhau phải là lời ưng thuận mang tính cách cá nhân cùng công khai. Với Lời ưng thuận đó hai vợ chồng chấp nhận công khai trách nhiệm về sự trung thành với nhau cho tương lai gia đình được bảo đảm. Không ai trong chúng ta chỉ cho mình, nhưng tận trong thâm tâm được kêu gọi đảm nhận trách nhiệm riêng của mình cách công khai.

Hôn nhân như một cơ chế không là sự can thiệp vào nội bộ chống lại luật lệ trong xã hội hay quyền hành đặt để một hình thái đời sống từ bên ngoài hay lãnh vực cá nhân riêng tư. Hôn nhân nhiều hơn là quyền lợi đòi hỏi riêng tư cá biệt của khế ước hôn nhân tình yêu và sự sâu thẳm của cá nhân con người.“ ( Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI. Diễn từ ngày mục vụ về Gia đình trong Giáo phận Roma, 6.6.2005.)

Khi hai người nam nữ đã trao cho nhau lời ưng thuận làm vợ chồng với nhau, họ cũng muốn nói lên:

Chiều phía từ người chồng hướng về vợ mình:

1. Người chồng nhìn nhận vợ mình, người bạn đường đời mình, như đã thành hình.
2. Người cHồng Yêu thương vợ mình như vợ mình là với thân xác hình dáng cùng tính tình như trong lúc hiện tại
3. Người chồng vui mừng hãnh diện về vợ mình, với những thay đổi về thân xác hình dáng cùng tính tình trong tương lai.

Rồi từ chiều người vợ hướng về chồng mình:

1. Người vợ nhìn nhận chồng mình, người bạn đường đời mình, như đã thành hình.
2. Người vợ yêu thương chồng mình như chồng mình là với thân xác hình dáng cùng tính tình, như trong lúc hiện tại
3. Người vợ vui mừng hãnh diện về chồng mình với những thay đổi về thân xác hình hài cùng tính tình trong tương lai.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Split là thành phố du lịch và thương mại phồn thịnh của Croatia
Lm Trần Công Nghị
00:01 25/09/2015
Thành phố Split thuộc nước Croatia và có tên Ý là Spalato, là thành phố lớn thứ hai của Croatia và thành phố lớn nhất trong vùng Dalmatia, nằm trên bờ biển phía đông của biển Adriatic, có cung điện nguy nga một thời của Hoàng đế La Mã Diocletian. Là một trung tâm giao dịch thương mại và địa điểm du lịch nổi tiếng, thành phố này là điểm liên kết đến nhiều đảo Adriatic và bán đảo Apennine.

Hình ảnh

Tầu du lịch Zuiderdam tới cảng Split lúc 8 giờ sáng ngày 24/9/2015. Sau khi dùng điểm tâm thì trời bắt đầu đổ mưa rai rai, tuy nhiên một số đông du khách vẫn can đảm đội mưa xông pha đi vào thăm thành phố. Tôi cũng đã bước xuống khỏi tầu, nhưng rồi nhút nhát lại trở lên tầu lại... định đợi cho nắng lên mới đi thăm thành phố. Ăn trưa xong thì trời vẫn còn mưa... Chả lẽ đã tới đây mà lại ở lì trên tầu, nhất là nhìn vào thành phố cung điện to lớn vua Diocletian xây nằm ngay sát bờ biển trước mắt, tháp cao nhà thờ chính tòa Split cũng ở trước mặt... Đi bộ chắc chỉ 10 phút là tới nơi, nên tôi đã quyết định bạo một phen đi vào thành phố thăm nhà thờ chính tòa Split và cung điện đổ nát thời hoàng đế Diocletian, kẻo mai sau lỡ hẹn.

Một số hình dù chụp dưới trời mưa, dù không được đẹp nhưng phần nào cũng nói lên cảnh huy hoàng và tráng lệ một thời của cung điện hoàng đế khét tiếng Diocletian một thời.

Nhà thờ chính tòa Split cũng nằm trong khu vực cung điện điêu tàn này, nhưng tháp cao của nhà thờ chính tòa thì nhìn từ xa cả cây số vẫn thấy. Nhà thờ được xây dựng trên cung điện đoàng đế xưa.

Gần cung điện có đền thờ Jupiter, tuy không đồ sộ to lớn, nhưng đỉ nói lên tục lệ xưa của người La mã đi đâu cũng mang thần Jupiter của họ đi thờ kính.

Con đường từ bến tầu vào thành phố thật tập nập, dân chúng xếp hàng chờ đợi các chuyến xe bus đi về tứ hướng, và những chuyến phà chuyến tầu chở khách đi thập phương. Vì bến Split là của ngõ ra vào Croatia và nối liền với các thành phố khác trong miền biển Andriatic, đặc biệt là phía bên kia là Ý đại lợi.

Vài nét về lịch sử thành phố Split

Split là một trong những thành phố cổ nhất trong khu vực. Theo nghiên cứu khảo cổ học thì thành phố ban đầu là thuộc địa của người Hy Lạp có tên là Aspálathos (Aσπάλαθος) được lập từ thế kỷ 4 trước Công nguyên.

Thành phố Split khi trở thành thuộc địa của người Roma, có tên Latin là "Spalatum" hoặc "Aspalatum", mà trong thời Trung cổ biến thành "Aspalathum", "Spalathum", "Spalatrum", và có tên là "Spalatro" trong ngôn ngữ người Dalmatian.

Hoàng đế La Mã Diocletian (trị vì 284-305) đã xây dựng Cung điện Diocletan là một công trình đồ sộ, giống như một pháo đài quân sự La Mã. Nó đối mặt với biển ở phía nam, với những bức tường dài từ 170-200 mét và cào từ 15 đến 20 mét, bao quanh một diện tích rộng chừng 38.000 mét vuông. Việc cung cấp nước cho cung điện thiết lập qua một cầu dẫn nước aqueduct từ Jadro trên núi xuống, mà cho đến nay vẫn còn là một nguồn cung cấp nước cho thành phố. Vào thời điểm này số dân cư trong thành có khoảng 10,000 người. Cung điện được hoàn thành đúng tiến độ vào năm 305. Hoàng đế Diocletian giữ đúng lời hứa đã muốn về hưu tại đây và trở thành Hoàng đế La Mã đầu tiên từ chức hoàng đế.

Thành phố Split trở thành nổi bật vào năm 650 khi nó trở thành thủ đô Dalmatia thuộc Salona, như là một tỉnh của đế quốc La Mã.

Sau khi quân Avars và Slavs vây hãm và chiếm thành rồi bỏ thành thì cung điện kiên cố của Diocletian trở thành nơi cư trú cho người tị nạn gốc Roma.

Qua các biến cố chính trị, split biến thành một thành phố Byzantine, rồi Cộng hòa Venice, rồi thuộc vương quốc Hungary.

Tiếp đến nó trở thành lãnh thổ của đế chế Ottoman, rồi Pháp, Ý, Áo, rồi Nam Tư.

Trong Thế chiến II, thành phố Split được sáp nhập vào Ý, sau đó được giải phóng bởi những người du kích Croatia sau khi đầu hàng Ý vào năm 1943. Sau đó nó lại bị chiếm đóng của quân Đức. Thành phố được giải phóng một lần nữa bởi những người du kích năm 1944, và sau chiến tranh trở thành Cộng hòa Croatia và được sát nhập vào Liên bang Nam Tư. Năm 1991 Croatia ly khai khỏi Nam Tư trong bối cảnh cuộc chiến tranh Croatia Độc lập.

Các ngành công nghiệp đóng tàu với nhà máy đóng tàu của Croatia trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới.

Thành phố cũng trở thành cảng quân sự lớn nhất thời kỳ còn thuộc về Nam Tư, là trụ sở của Hải quân Nam Tư và là Quân trường của Quân đội duyên hải.

Trong những năm sau 2000, Split bắt đầu phát triển trở lại, tập trung vào du lịch. Không chỉ là một trung tâm chuyển tiếp, Split tại là một điểm đến du lịch lớn của Croatia. Nhiều khách sạn mới đang được xây dựng, cũng như căn hộ và văn phòng tòa nhà mới. Nhiều dự án phát triển lớn đang hồi sinh, và cơ sở hạ tầng mới đã được xây dựng. Một ví dụ về các dự án thành phố lớn nhất là Spaladium Arena, được xây dựng vào năm 2009.

Năm 1979, Trung tâm lịch sử của Split đã được đưa vào danh sách của UNESCO là di sản thế giới, là một trong những trung tâm văn hóa Croatia. Truyền thống văn học của Split có thể được truy nguồn từ thời Trung cổ.

Với các cải tiến mới và giao dịch đang lên, sự phát triển của Split đang trở thành một thành phố hiện đại.

Cảng Split, với giao thông hàng năm là 4 triệu hành khách, là cảng bận rộn nhất thứ ba ở Địa Trung Hải, với các tuyến đường ven biển hàng ngày đến Rijeka, Dubrovnik, và Ancona ở Ý. Hàng năm có tới 260 lần chiếc tàu du lịch chở khoảng 130.000 du khách tới thăm thành phố này.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trăng Viễn Xứ
Tấn Đạt
22:59 25/09/2015
TRĂNG VIỄN XỨ
Ảnh của Tấn Đạt
Trăng rằm viễn xứ dịu dàng
Nhưng sao quên được trăng vàng quê xưa.
(nđc)