Ngày 26-09-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nạn Độc Quyền
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:16 26/09/2018
Nạn Độc Quyền

Chúa Nhật XXVI TN B

Độc quyền kinh doanh sản xuất, độc quyền phân phối, buôn bán, độc quyền lãnh đạo đất nước, độc quyền làm việc thiện, độc quyền phụ trách công tác giáo dục…Con người xưa lẫn nay đều dễ vướng vào chước cám dỗ độc quyền. Khi đã nắm độc quyền dù ở lãnh vực nào đi nữa thì vị thế, vai trò của chúng ta là như bất khả xâm phạm, chưa kể trong nhiều lãnh vực, khi đã được độc quyền thì lợi ích của chúng ta luôn được bảo đảm. Đằng sau những thứ độc quyền ấy, có một thứ độc quyền chủ yếu chi phối tất cả, đó là độc quyền chân lý, nghĩa là chỉ riêng mình ta mới đúng và như thế những ai khác ta hay ngược với ta đều là sai lạc.

Xưa dân do Thái đúc con bò vàng trong hoang địa không phải là muốn bỏ Thiên Chúa để tôn thờ sản phẩm do tay mình làm nên. Nhưng thực ra họ muốn làm một cái bệ, cái ngai bằng hình con bò để Thiên Chúa ngự. Từ đây khi họ đem cái ngai hình con bò ấy đi đâu thì buộc Thiên Chúa phải đi theo đấy. Thế là họ đã nắm được Thiên Chúa, thần của các thần, chúa của các chúa, nghĩa là họ đã độc quyền được Đấng toàn năng.

Cám dỗ độc quyền còn thể hiện nơi các sinh hoạt của con người dưới nhiều hình thức như thuốc gia truyền, môn võ bí truyền, nhãn hiệu, thương hiệu, bằng sáng chế, phát minh… Có nhiều thứ độc quyền xem ra hữu lý nhằm để bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất, quyền tác giả…Tuy nhiên từ việc bảo vệ những quyền lợi chính đáng người ta cũng dễ dàng bị cám dỗ ganh tương đố kỵ và tìm cách loại trừ những ai có quyền lợi tương đồng như mình bằng nhiều hình thức.

Khi Đức Chúa ban Thần khí cho cả những người không đến Lều Hội Ngộ, Giosuê đã xin Môsê ngăn cấm họ. Giosuê đã ngỡ ngàng trước câu trả lời Môsê: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần khí của Người trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ !” (Ds 11,29). Chắc chắn Môsê muốn nhắc bảo Giosuê rằng chớ nên độc quyền ân ban của Đức Chúa. Thần Khí Thiên Chúa luôn tự do như gió trời, muốn thổi đâu thì thổi (x.Ga 3,8).

Người hành xử bằng sự độc đoán, độc quyền, chuyên chế vốn thường canh cánh trong lòng nỗi lo sợ kẻ khác tranh quyền, tranh lợi. Nguyên việc người ta như mình hay ngang hàng với mình họ cũng không chịu nỗi huống là qua mặt mình hay hơn mình. Lòng ganh tương, đố kỵ xui khiến chúng ta tìm đủ lý do, đủ mọi cách thế để kìm hãm tha nhân, dìm kẻ khác xuống hoặc ít ra là ngăn cản không cho người ta phát triển hay tiến lên. Thánh Giacôbê khẳng định “Ở đâu có ganh tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ xấu xa” (Gc 3,16). Điều xấu xa, tồi tệ nhất đó là cả người ganh tương và người bị đố kỵ, cả hai đều bị hạn chế phát triển và khó có thể làm được sự gì tốt đẹp cách đúng nghĩa.

“Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9,38). Ngài Gioan nêu một lý do xem ra có phần hữu lý. Nhưng đằng sau hai từ chúng ta, không biết thầy Giêsu có được bao nhiêu phần, nhưng phần của tập thể nhóm Mười Hai và cách riêng phần của ngài Gioan thì không nhỏ. Ẩn sâu dưới sự độc quyền chính là sự kiêu ngạo, tham danh, hám lợi. Chỉ có ta hay phe nhóm chúng ta mới là duy nhất đúng, vì thế chỉ có ta hay phe ta mới có quyền giáo dục, mới có quyền lãnh đạo… và rồi chỉ có ta, phe ta mới được hưởng lợi lộc và được tôn vinh. Đã từng có thời, Kitô hữu chúng ta cũng rơi tình trạng độc quyền chân lý. Chỉ có chúng ta, người Công Giáo mới nắm được sự thật, còn ngoài ra đều là tà đạo hay lạc đạo. Hậu quả của thái độ độc tôn, độc quyền thật đáng ghê sợ mà lịch sử đã minh chứng mà đáng kể là những cuộc chiến tranh, những sự đàn áp bất công, loại trừ tha nhân cách này cách khác… Đã sám hối và thú lỗi cách minh nhiên, thì chúng tin chắc rằng trong tương lai sẽ chẳng còn xuất hiện những bước chân của đoàn quân thập tự hay các phiên tòa xử người dị giáo.

Biết rằng muốn được hạnh phúc đích thực và trường tồn thì phải qua Chúa Kitô, vì không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Người, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x.Ga 14,6). Thế mà Chúa Giêsu đã nói với Gioan: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40). Lời khẳng định của Người giúp ta xác quyết rằng cho dù chân lý là duy nhất nhưng vẫn có đó nhiều ngõ lối để tiếp cận. Hạnh phúc Nước Trời chỉ có một, nhưng Thiên Chúa có nhiều cách thế để ban chính mình cho nhân loại mọi thời và mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Chúa Giêsu trong chuyện dụ ngôn ngày thế mạt đã minh họa sự thật này. Ngay cả những người tự nhận là khi sinh thời đâu có biết Người, thế mà họ cũng “ủng hộ” Người, nghĩa là tiếp bước theo Người và sống cho Người, để rồi đáng được hưởng phúc muôn đời (x.Mt 25, 31-46).

“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6,13). Một trong những chước cám dỗ mà ta cần xin Chúa cứu đỡ, đó là mặc cảm tự tôn. Tự tôn là một hình thái của kiêu ngạo. Khi mặc cảm tự tôn được hổ trợ bằng chút thế, chút lực thì người ta sẽ tìm cách giữ độc quyền trong hành động và sẽ độc đoán trong phán quyết. Độc quyền, độc đoán là một lối sống, một cung cách hành xử của kẻ độc tài và hệ quả tất yếu là những hành vi độc ác. “Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Lịch sử cho thấy chưa từng có kẻ độc tài nào đem lại điều tốt đẹp cho con người, cho xã hội, mà toàn là những sự xấu xa, tồi tệ, vì đã là kẻ độc tài thì ít nhiều cũng là người ác độc. Dù rằng vẫn có một vài ý kiến không đồng thuận, nhưng người ta cũng thấy có lý phần nào khi gần đây đã đưa lên phim ảnh để gợi lên sự tương đồng giữa nhà độc tài Hitler với nạn dịch chết người HIV- AIDS.

Xin được lưu ý điều này: cầu nguyện không phải là bắt Chúa làm theo ý chúng ta, nhưng để chúng ta nhận biết ý Chúa mà nỗ lực thực hiện. Nạn “độc quyền” là một trong những nguyên nhân làm cho con người sa ngã và nhân loại sẽ lầm than trong sự băng hoại nhiều phương diện. Chủ nghĩa giáo sĩ trị là một hình thái độc tôn, độc quyền. Thời gian gần đây, Đức Phanxicô và Hồng Y Bộ trưởng Bộ Giáo Sĩ cũng đã thú nhận rằng nó là một nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều điều băng hoại trong Giáo Hội. Ngoài việc cảnh giác và khử trừ sự độc tôn, độc tài nơi bản thân, thì bạn, tôi, chúng ta cần làm gì để hạn chế và tiến dần đến chỗ loại bỏ những hình thái độc quyền, độc tôn trong Giáo Hội và những cơ chế độc tài phi nhân, bất chính ngoài xã hội? Hãy chặt chúng đi! Hãy móc chúng đi! Đây là mệnh lệnh mang tính sống còn, không chỉ cho bản thân chúng ta mà còn cho những kẻ bé mọn là những người luôn được Thiên Chúa ưu ái.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Phanxicô trên đường từ Tallinn trở về Rôma nói đến lạm dụng tình dục, che đậy lạm dụng và thoả thuận tạm thời với Trung Hoa
Vũ Văn An
05:07 26/09/2018



Theo Catholic News Service, trên chuyến bay từ Tallinn, Estonia, trở về Rôma, Đức Phanxicô đã trả lời một số câu hỏi của báo chí về lạm dụng tình dục, che đậy lạm dụng và thoả thuận tạm thời với Trung Hoa.

Đức Phanxicô cho rằng Giáo Hội Công Giáo đã hiểu rõ hơn sự kinh khủng của nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục cũng như “sự thối nát” của việc che đậy nó.

Được hỏi về nhận định của ngài với giới trẻ Tallinn khi ngài nói: giới trẻ bị xúc phạm khi thấy Giáo Hội không lên án việc lạm dụng một cách rõ ràng, Đức Phanxicô trả lời rằng giới trẻ bị xúc phạm bởi sự giả hình của người lớn, bởi chiến tranh, bởi việc thiếu nhất quán, bởi thối nát, và thối nát chính là nơi điều báo chí nhấn mạnh, tức lạm dụng tình dục, xuất hiện.

Theo Đức Phanxicô, bất cứ thống kê nói gì về tỷ lệ giáo sĩ lạm dụng tình dục, “dù chỉ có một linh mục lạm dụng một bé trai hay bé gái, thẩy đều gớm guốc, vì người đó đã được Thiên Chúa chọn lựa để hướng dẫn đứa bé này về thiên đàng”.

Ngài nhấn mạnh rằng sự kiện lạm dụng trẻ em diễn ra trong nhiều môi trường vẫn không hề làm giảm tai tiếng này.

Tuy nhiên, nói rằng Giáo Hội không làm gì để “làm sạch” là điều không đúng. Chịu khó đọc kỹ phúc trình của đại bồi thẩm đoàn Pensylvania, công bố hồi tháng Tám hay các nghiên cứu tương tự, điều rõ ràng là đa số các trường hợp đã xẩy ra hàng mấy thập niên trước đây “vì Giáo Hội đã nhận ra rằng mình phải chiến đấu chống lại nó cách khác”.

Tưởng nên lưu ý đến chữ “cách khác” trên đây. Có thể nói đây là lần thứ hai, Đức Phanxicô “phản công” dư luận tiêu cực đối với đáp ứng của Giáo Hội trước nạn lạm dụng tình dục và che đậy nó. Từ trước đến nay, có vẻ như các giới chức giáo hội ở thế hoàn toàn bị động trước công luận tiêu cực này. Cần phải chính thức giải thích theo chiều “hướng phản công” chứ không “vào hùa”, “đánh bồi thêm”.

Đức Phanxicô giải thích như sau: “Các thời trước đây, những chuyện này bị che đậy, nhưng chúng cũng bị che đậy trong các gia đình, khi ông chú lạm dụng cháu gái, hay người cha hiếp dâm con mình; việc này bị che đậy vì đây là chuyện rất, rất đáng xấu hổ. Đó là cách người ta nghĩ ở thế kỷ trước”.

Theo ngài, muốn hiểu điều xẩy ra trong quá khứ, người ta phải nhớ việc lạm dụng đã được xử lý ra sao lúc ấy.

Đức Phanxicô nói rằng “quá khứ nên được giải thích bằng cách sử dụng khoa giải thích đúng thời đại”. Vì theo ngài, “ý thức luân lý” của người ta phát triển theo thời gian, án tử hình là một điển hình.

Dù sao, ngài bảo “hãy nhìn vào điển hình Pensylvania. Hãy nhìn vào tỷ lệ và qúi bạn sẽ thấy khi bắt đầu hiểu, Giáo Hội đã làm tất cả những gì mình có thể”.

Thực vậy, ngài nói, ngài vốn khuyến khích các giám mục tường trình các vụ lạm dụng cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, và ngài “không bao giờ, không bao giờ” ban ân xá cho một linh mục bị chứng minh có tội lạm dụng.

Đức Phanxicô không nêu đích danh Tổng Giám Mục Carlo Maria Vigano, vị cựu sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, người đã cho rằng Đức Phanxicô biết nhưng làm ngơ tác phong tình dục xấu xa của cựu Hồng Y Theodore E. McCarrick. Và câu hỏi của các nhà báo về vị Tổng Giám Mục này không được nêu lên vì Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh chỉ nên hỏi các câu hỏi trực tiếp liên hệ đến chuyến thăm ba nước vùng Baltic.

Nhưng Đức Phanxicô có nói “Khi có lời phát biểu nổi tiếng đó của một cựu sứ thần, các giám mục khắp thế giới đã viết thư cho tôi hay các vị luôn gần gũi tôi và cầu nguyện cho tôi”.

Ngài cho biết một trong các lá thư trên đến từ Trung Hoa và được ký tên chung bởi 1 giám mục thuộc Hội Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước do nhà nước kiểm soát và 1 vị thuộc “ta có thể nói, Giáo Hội Công Giáo truyền thống”.

Được hỏi về thoả thuận tạm được công bố lúc ngài đang ở Lithuania và về nỗi đau khổ của người Công Giáo Trung Hoa đã liều mạng sống để trung thành với Đức Giáo Hoàng và không chấp nhận sự kiểm soát của đảng đối với Giáo Hội, Đức Phanxicô cho hay: một số người Công Giáo ở Trung Hoa “sẽ đau khổ” vì cảm thấy bị phản bội, “nhưng họ có đức tin lớn lao” và cuối cùng sẽ tin tưởng Đức Giáo Hoàng.

Ngài ca ngợi các nhà thương thuyết của Vatican đã “tiến hai bước, lùi một bước” trong 10 năm nay, nhưng ngài nhấn mạnh ngài chịu trách nhiệm đối với thỏa thuận và nhất là việc bình thường hóa tình trạng của 7 giám mục được tấn phong không có sự chấp thuận của Tòa Thánh.

Ngài nói: với mọi “hòa ước” và mọi cuộc thương thảo "cả hai bên đều mất một điều gì đó”. Đối với Tòa Thánh, điều mất ấy chính là quyền kiểm soát hoàn toàn việc bổ nhiệm giám mục.

Tuy nhiên, theo ngài, người ta nên nhớ trong nhiều thế kỷ, các nhà vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từng bổ nhiệm các giám mục cho Châu Mỹ La Tinh, và các hoàng đế Áo Hung cũng làm như thế trong lãnh thổ của họ.

Ngài cho hay: thoả thuận Vatican – Trung Hoa thiết lập “một cuộc đối thoại về các ứng viên sau cùng” cho các giáo phận ở Trung Hoa, “nhưng việc bổ nhiệm là của Đức Giáo Hoàng, ta nên biết rõ như thế”.
 
Thông Điệp Của Đức Phanxicô Gửi Người Công Giáo Trung Hoa và Giáo Hội Hoàn Vũ về Thỏa Thuận tạm thời với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa
Vũ Văn An
22:34 26/09/2018
Tòa Thánh vừa cho công bố thông điệp của Đức Phanxicô gửi người Công Giáo Trung Hoa và toàn thể Giáo Hội hoàn vũ về thoả thuận vừa được ký kết tại Bắc Kinh giữa Tòa Thánh và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Sau đây là nguyên văn Thông Điệp, dựa vào Bản Tiếng Anh do Tòa Thánh công bố:



Thông Điệp Của Đức Phanxicô Gửi Người Công Giáo Trung Hoa và Giáo Hội Hoàn Vũ

“Tình yêu thương xót của Người muôn thuở;

Người trung tín từ đời này tới đời kia”
(Tv 100:5)

Các hiền huynh giám mục, các linh mục, các người tận hiến nam nữ và mọi tín hữu của Giáo Hội Công Giáo thân mến, chúng ta hãy tạ ơn Chúa, vì “Tình yêu thương xót của Người muôn thuở! Người đã tạo dựng chúng ta, chúng ta thuộc về Người; chúng ta là dân của Người, chiên của đàn chiên Người” (Tv 100:3).

Lúc này, trái tim tôi vang vọng những lời huấn dụ ngỏ cùng anh chị em bởi vị tiền nhiệm đáng kính của tôi trong bức Thư của ngài ngày 27 tháng 5 năm 2007: “Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc thân yêu, anh chị em là một đàn chiên nhỏ bé hiện diện và hoạt động trong sự bao la của một dân tộc vĩ đại đang hành trình xuyên qua lịch sử. Những lời lẽ của Chúa Giêsu đầy kích thích và khuyến khích xiết bao đối với anh chị em: ‘ Đừng sợ hãi, hỡi đàn chiên nhỏ bé, vì Cha của anh chị em vui lòng ban cho anh chị em nước trời'(Lc 12:32)! … Vì thế, ‘hãy để ánh sáng của anh chị em chiếu sáng trước mặt loài người, để họ thấy các việc tốt lành của anh chị em mà vinh danh Cha của anh chị em ở trên thiên đàng ”(Mt 5:16)” (Bênêđíctô XVI, Thư gửi người Công Giáo Trung Quốc, ngày 27 tháng 5 năm 2007, 5).

1. Gần đây, nhiều tường trình xung đột nhau đã lưu hành nói về hiện tại và đặc biệt là tương lai của các cộng đồng Công Giáo ở Trung Quốc. Tôi biết rằng sự xôn xao trong các suy nghĩ và ý kiến này có thể đã gây ra một sự hồ đồ nào đó và tạo nên những phản ứng khác nhau trong trái tim của nhiều người. Một số người cảm thấy nghi ngờ và bối rối, trong khi những người khác cảm thấy mình bị bỏ rơi cách nào đó bởi Tòa Thánh và lo lắng tự hỏi không biết các đau khổ họ chịu vì lòng trung thành với Người kế vị Thánh Phêrô có giá trị gì không. Nơi nhiều người khác, các kỳ vọng và suy nghĩ tích cực trổi vượt hơn, vì được gợi hứng bởi niềm hy vọng về một tương lai thanh thản hơn đối với việc làm chứng hữu hiệu cho đức tin ở Trung Quốc.

Tình thế trên đã trở nên bén nhậy hơn, nhất là liên quan đến Thỏa thuận tạm thời giữa Toà Thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, một thỏa thuận, như anh chị em biết, đã được ký kết trong những ngày gần đây ở Bắc Kinh. Vào một thời điểm đáng chú ý đối với đời sống của Giáo Hội, tôi muốn bảo đảm với anh chị em, qua Thông điệp ngắn gọn này, rằng anh chị em hiện diện hàng ngày trong những lời cầu nguyện của tôi, và bảo đảm chia sẻ với anh chị em các cảm quan tự đáy lòng tôi.

Chúng là các cảm quan tạ ơn đối với Chúa và ngưỡng phục chân thành – vốn là sự ngưỡng phục của toàn thể Giáo Hội Công Giáo – đối với hồng ân trung tín của anh chị em, sự kiên trì của anh chị em giữa các thử thách, và niềm tín thác vững chắc của anh chị em vào ơn quan phòng của Thiên Chúa, ngay cả khi một số tình huống rõ ràng hết sức bất lợi và khó khăn.

Những kinh nghiệm đau đớn này là một phần trong kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội ở Trung Quốc và của mọi dân lữ hành của Thiên Chúa trên trái đất. Tôi bảo đảm với anh chị em rằng, qua lò lửa thử thách của chúng ta, Chúa không bao giờ không đổ niềm an ủi của Người xuống chúng ta và chuẩn bị để chúng ta hưởng một niềm vui lớn lao hơn. Theo lời của Thánh Vịnh Gia, chúng ta càng chắc chắn hơn rằng “ai gieo trong nước mắt, sẽ gặt trong hoan ca” (Tv 126 [125]: 5).

Như thế, chúng ta hãy tiếp tục nhìn ngắm gương sáng của tất cả các giáo dân và mục tử trung thành, những người sẵn sàng dâng hiến “chứng tá tốt” của họ (xem 1 Tm 6:13) cho Tin Mừng, dù phải hy sinh chính mạng sống của họ. Họ tự chứng tỏ họ là các bạn hữu đích thực của Thiên Chúa!

2. Về phần tôi, tôi luôn coi Trung Quốc như một lãnh thổ của những cơ hội lớn lao và nhân dân Trung Quốc như những người sáng tạo và bảo vệ một gia tài khôn tả về văn hóa và túi khôn, được hoàn hảo hóa nhờ chống lại nghịch cảnh và cổ vũ sự đa dạng, và là một gia tài, không phải tình cờ, mà đã cố ý tiếp xúc với sứ điệp Kitô giáo từ những thời gian đầu tiên. Như Cha Matteo Ricci, Dòng Tên, đã ghi nhận một cách sâu sắc trong khi thách thức chúng ta đạt nhân đức tín thác, “trước khi bước vào tình bạn, người ta phải quan sát; sau khi trở thành bạn bè, người ta phải tin tưởng ”(De Amicitia, 7).

Tôi cũng xác tín rằng cuộc gặp gỡ chỉ có thể chân thực và sinh hiệu quả khi nó diễn ra qua việc thực hành đối thoại, một thực hành bao gồm việc biết nhau, tôn trọng nhau và "cùng đi với nhau" để xây dựng một tương lai hài hòa tuyệt vời chung.

Đó là bối cảnh để quan niệm Thoả thuận Tạm thời, vốn là kết quả của một cuộc đối thoại định chế lâu dài và phức tạp giữa Tòa thánh và chính quyền Trung Quốc do Thánh Gioan Phaolô II khởi xướng và được tiếp diễn bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Qua diễn trình này, Tòa Thánh chỉ mong muốn - và tiếp tục mong muốn - đạt được các mục tiêu thiêng liêng và mục vụ đặc thù của Giáo Hội, cụ thể là, hỗ trợ và thúc đẩy việc rao giảng Tin Mừng, và tái lập cùng duy trì sự hợp nhất trọn vẹn và hữu hình của Cộng đồng Công Giáo ở Trung Quốc.

Liên quan đến tầm quan trọng của Thỏa Thuận này và các mục tiêu của nó, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một vài suy tư và cung cấp cho anh chị em một số dữ liệu về bản chất mục vụ và thiêng liêng đối với cuộc hành trình mà chúng ta đang được mời gọi thực hiện trong giai đoạn mới này.

Đó là một cuộc hành trình mà, cũng như ở trong các giai đoạn trước đây, “đòi hỏi thời gian và thiện chí của cả hai bên” (Bênêđictô XVI, Thư gửi người Công Giáo Trung Quốc, ngày 27 tháng 5 năm 2007, 4). Nhưng đối với Giáo hội, cả bên trong lẫn bên ngoài Trung Quốc, hành trình này không chỉ liên quan đến việc tôn trọng các giá trị nhân bản mà thôi. Nó còn là ơn gọi thiêng liêng: ra khỏi chính mình để ôm lấy “niềm vui và hy vọng, sầu buồn và lắng lo của những người thời ta, đặc biệt là những người nghèo khổ hoặc đau khổ” (Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 1) và các thách thức của hiện tại mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta. Do đó, nó là lời hiệu triệu của giáo hội để trở thành những người hành hương dọc theo các nẻo đường lịch sử, tin tưởng trước nhất vào Thiên Chúa và các lời hứa của Người, như Ápraham và các tổ phụ khác của chúng ta trong đức tin đã làm.

Được Thiên Chúa kêu gọi, Ápraham đã vâng lời bằng cách lên đường tới một vùng đất vô danh mà ông phải lãnh nhận làm gia sản thừa kế, mà không biết con đường phía trước. Nếu Ápraham đòi hỏi các điều kiện chính trị và xã hội lý tưởng trước khi rời mảnh đất của ông, có lẽ ông sẽ không bao giờ lên đường. Thay vào đó, ông tín thác nơi Thiên Chúa và để đáp lại lời của Thiên Chúa, ông đã rời bỏ mái ấm và sự an toàn của ông. Không phải các thay đổi lịch sử đã khiến ông đặt niềm tin vào Thiên Chúa; đúng hơn, chính đức tin tinh tuyền của ông đã mang lại sự thay đổi trong lịch sử. Vì đức tin là "sự bảo đảm của những điều hy vọng, niềm tin của những điều không thấy. Thật vậy, nhờ đức tin, tổ tiên của chúng ta đã nhận được sự chấp thuận của [Thiên Chúa]” (Dt 11: 1-2).

3. Là người kế vị Thánh Phêrô, tôi muốn củng cố anh chị em trong đức tin này (xem Lc 22:32) - trong đức tin của Ápraham, trong đức tin của Đức Trinh Nữ Maria, trong đức tin mà anh chị em đã nhận được - và yêu cầu anh chị em đặt niềm tín thác của anh chị em một cách vững chắc hơn bao giờ hết vào Chúa của lịch sử và việc Giáo Hội biện phân thánh ý Người. Ước chi tất cả chúng ta nài xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng trí khôn chúng ta, sưởi ấm trái tim chúng ta và giúp chúng ta hiểu được nơi Người sẽ dẫn dắt chúng ta tới, để vượt qua những khoảnh khắc hoang mang không thể tránh khỏi, và tìm được sức mạnh để quyết tâm lên đường, tiến về phía trước.

Chính vì mục đích hỗ trợ và thúc đẩy việc rao giảng Tin Mừng ở Trung Quốc và tái lập sự hợp nhất trọn vẹn và hữu hình trong Giáo Hội, điều cần thiết là trước hết, phải giải quyết vấn đề bổ nhiệm các giám mục. Thật đáng tiếc, như chúng ta biết, lịch sử gần đây của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc đã bị đánh dấu bằng những căng thẳng, tổn thương và chia rẽ sâu xa và đau đớn, đặc biệt xoay quanh khuôn mạo vị giám mục như người bảo vệ tính chân thực của đức tin và là người bảo lãnh sự hiệp thông trong giáo hội.

Trong khi, trong quá khứ, điều ấy được giả dụ là điều xác định ra sinh hoạt nội bộ của các cộng đồng Công Giáo, qua việc áp đặt quyền kiểm soát trực tiếp lên trên và vượt trên thẩm quyền hợp pháp của nhà nước, thì trong Giáo hội ở Trung Quốc lại xuất hiện hiện tượng lén lút. Kinh nghiệm này – cần phải được nhấn mạnh - không phải là thành phần bình thường trong đời sống của Giáo Hội và “lịch sử cho thấy các mục tử và tín hữu chỉ sử dụng nó lúc đau khổ mà thôi, vì mong muốn duy trì được sự toàn vẹn đức tin của họ” (Bênêđíctô XVI, Thư gửi người Công Giáo Trung Quốc, ngày 27 tháng 5 năm 2007, 8).

Tôi sẽ cho anh chị em biết rằng, từ khi được giao phó thừa tác vụ Phêrô, tôi đã cảm thấy được an ủi lớn lao khi biết mong muốn chân thành của người Công Giáo Trung Quốc là được sống đức tin của họ trong sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội phổ quát và với người kế vị Thánh Phêrô, người vốn là “nguồn gốc và nền tảng vĩnh viễn và hữu hình của sự hợp nhất các giám mục và toàn thể cộng đoàn tín hữu” ( Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23). Trong các năm này, tôi đã nhận được nhiều dấu hiệu và chứng từ cụ thể của lòng mong muốn đó, kể cả của các giám mục đã làm hại sự hiệp thông trong Giáo Hội do sự yếu đuối và sai lầm, nhưng không phải không thường xuyên, cũng do áp lực mạnh mẽ và không thích đáng từ bên ngoài.

Do đó, sau khi khảo sát cẩn thận từng tình huống cá thể bản thân, và lắng nghe các quan điểm khác nhau, tôi đã dành nhiều thời gian để suy ngẫm và cầu nguyện, tìm kiếm lợi ích thực sự của Giáo Hội ở Trung Quốc. Cuối cùng, trước mặt Chúa và với sự phán đoán thanh thản, trong sự liên tục với định hướng của những vị tiền nhiệm cận kề của tôi, tôi đã quyết định ban hòa giải cho bảy giám mục “chính thức” được tấn phong mà không có sự ủy nhiệm của giáo hoàng và, sau khi bãi bỏ sự chế tài theo giáo luật liên hệ, đã tái nhận họ vào sự hiệp thông trọn vẹn của giáo hội. Đồng thời, tôi yêu cầu họ biểu lộ bằng những cử chỉ cụ thể và hữu hình sự hợp nhất đã được phục hồi của họ với Tông Tòa và với các Giáo Hội trải rộng khắp thế giới, và mãi trung thành bất chấp bất cứ khó khăn nào.

Còn 1 kỳ (các số 4-11)
 
Top Stories
Corée du Sud: Festival Chuseaok : des millions de Sud-Coréens célèbrent la fête des récoltes
Églises d'Asie
10:40 26/09/2018
26/09/2018 -- Le festival de Chuseok, la fête des récoltes, est l’une des fêtes traditionnelles les plus importantes du pays, à l’occasion de laquelle les Sud-Coréens retournent dans leurs familles en l’honneur des récoltes et en souvenir de leurs ancêtres. Pour les familles séparées par la guerre, c’est à la fois un temps de deuil et d’espérance. « Je prie pour qu’en cette occasion, chacun puisse redécouvrir ce que veut vraiment dire la famille, le dialogue, l’amour mutuel et la fraternité », a annoncé l’archevêque de Daejon, Mgr Lazarus You.

Des millions de Sud-Coréens sont retournés dans leurs villages d’origine pour retrouver leurs familles à l’occasion de l’arrivée de l’automne, afin de célébrer la fête des récoltes, le festival de Chuseok. Chaque année, le festival est célébré sur trois jours, cette année du 23 au 25 septembre (le quinzième jour du huitième mois lunaire, cette année le 24 septembre). Pour des milliers de Sud-Coréens, cette occasion est aussi un triste rappel d’une nouvelle année passé loin de leurs proches se trouvant en Corée du Nord. Mais cette année, demeure un espoir que l’année prochaine pourrait être différente. Pour Mgr Lazarus You, archevêque de Daejon, « c’est un temps pour remercier Dieu pour les récoltes et pour l’abondance des richesses reçues, et pour nous souvenir de nos ancêtres. C’est la raison pour laquelle les familles se retrouvent. Chaque année, pour ceux qui ont été séparés depuis presque soixante-dix ans, cette célébration est très difficile. Mais cette année, il y a un nouvel espoir que la situation pourrait être différente l’année prochaine, qu’il y aura davantage de contacts. »

Avec les trois jours de congés, les autoroutes sont très chargées, les autorités estimant que près de 36,6 millions de Sud-Coréens vont retourner dans leurs familles, saturant les routes mais aussi gares et les aéroports. Pour les Sud-Coréens, le festival Chuseok serait impensable sans les songpyeons, sortes de raviolis à base de pâte de riz et fourrés de graines de sésame et de miel ou de pâte d’azuki, confectionnés en forme de lune, un porte-bonheur dans la tradition coréenne. Ce qui rend ces gâteaux si particuliers, c’est la farine utilisée, faite à base de riz tout juste récolté.

Le ministre Sud-Coréen de l’Unification, Cho Myung-gyon, a célébré Chuseok le 24 septembre au parc Imjingak de Paju, avec un groupe de familles séparées, au sud de la zone démilitarisée qui divise les deux Corées. À cette occasion, Cho Myung-gyon a renouvelé le souhait de son gouvernement de faire pression pour qu’il y ait davantage de rencontre entre les familles séparées, et pour que les Sud-Coréens puissent se rendre dans leurs villages d’origine et sur les tombes de leurs ancêtres en Corée du Nord. Mais cette année, les familles séparées ont reçu un autre cadeau, indique Mgr You. « Kim Jung-un a donné au président Moon Jae-in deux tonnes de champignons songyi », explique l’archevêque (ces champignons, appelés « diamants des bois », sont particulièrement rares et chers). « Le président Moon les a partagés entre 4 000 familles qui ne pouvaient pas revoir leurs proches à l’occasion de Chuseok, donnant 500 grammes à chacune. » Mgr You a également ajouté qu’en ce temps où « les familles coréennes sont en difficulté, je prie pour qu’en cette occasion, tous puissent redécouvrir le sens véritable de la famille, du dialogue, de l’amour mutuel et de la fraternité. »

(Source: Églises d'Asie, le 26 septembre 2018, Avec AsiaNews, Séoul)
Copyright: Photo Service coréen de culture et d'information (Jeon Han)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giải Viết Văn Đường Trường 2018: Bản Tin Tổng Kết
Lm. Trăng Thập Tự
09:17 26/09/2018
Giải Viết Văn Đường Trường 2018: Bản Tin Tổng Kết

Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn đã chủ trì buổi lễ trao giải và tổng kết Giải Viết Văn Đường Trường vào lúc 19g00 ngày 22-9-2018. Đây là cuộc thi truyện ngắn dọn mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin mừng tại Giáo phận Qui Nhơn (1618-2018), được tổ chức liên tục và trao giải từng năm trong sáu năm qua, 2012-2018, dành cho các tác giả Công Giáo dưới 40 tuổi, không phân biệt giáo phận.

Xem Hình

Lễ trao giải và tổng kết diễn ra với một chương trình họp mặt qui mô nhất từ trước đến nay, kéo dài trong ba ngày họp mặt 21-23 tháng 9-2018.

XƯỞNG SÁNG TẠO

Sáng 21-9, hơn 40 tác giả, hầu hết đã từng tham dự và đạt giải hoặc có bài vào chung khảo của Giải Viết Văn Đường Trường 6 năm qua, đã quy tụ về Chủng viện Qui Nhơn. Mở đầu là một cuộc gặp gỡ giao lưu, làm quen nhau và chia sẻ những trăn trở trong việc sáng tác, nối kết với nhau, và cho việc phát triển văn học Công Giáo. Những trao đổi, thảo luận này còn được tiếp tục trong “hội nghị vòng tròn” vào tối 21-9, trước giờ “cầu nguyện Taizé” để tạ ơn Chúa và cầu xin Ngài bổ sức cho những ý tưởng của mình được thực hiện tốt đẹp. Chiều 21 và trọn ngày 22, các tác giả đã tham dự “xưởng sáng tạo” (workshop), xây dựng và sáng tác một truyện ngắn theo kinh nghiệm của Hội nhà văn Đan Mạch. Xưa nay, đây là lần đầu tiên có một hình thức “bồi dưỡng” cho các tác giả Công Giáo tại Việt Nam. Thật đáng mừng là trong số các “tham dự viên” workshop có 2 linh mục, 6 đại chủng sinh và 8 nữ tu.

KẾT QUẢ ĐẠT GIẢI

Buổi lễ tối 22-9 mang ba ý nghĩa: trao giải cuộc thi lần VI, 2018; tổng kết Giải thưởng sau sáu năm thực hiện và lễ chuyển giao thế hệ.

Giải nhất năm nay thuộc về tác giả Antôn Trần Văn Dũng, giáo phận Vinh, với tác phẩm: Nụ hôn của một nữ tu & Mắt nhẫn. Giải nhì: Maria Nguyễn Thị Khánh Liên, Gp. Nha Trang, với tác phẩm: Trên cánh đồng cỏ dại. Giải ba: Giuse Dư Văn Từ, Gp. Hưng Hóa, với tác phẩm: Sau tiếng khóc; Anna Nguyễn Bích Hạt, Gp. Vinh, với tác phẩm: Người vẽ hy vọng & Làng; và Maria Bùi Thị Hải Giang, một tác giả khiếm thị, Tgp. Huế, với tác phẩm: Lối nào cho ta?

Ngoài ra, có 16 giải triển vọng thuộc về: Gioakim Nguyễn Quốc Nam và Phêrô Phạm Minh Châu (GP. Nha Trang), Maria Phạm Thị Yến (Gp. Thanh Hóa), Phaolô Nguyễn Bá Định, Gioakim Nguyễn Vũ Hồng Kha và FX. Lê Quang Thạch (Gp. Qui Nhơn), Phaolô Trần Đình Sự, Têrêxa Lê Thanh Tâm, Maria Trần Thị Hằng Nga, Maria Nguyễn Thị Mai Hương và Têrêxa Nguyễn Thị Trông (Gp.Vinh), Phêrô Hà Đăng Hiếu và Giuse Cao Viết Tuấn (Gp. Xuân Lộc), Maria Nguyễn Thị Bá Ninh (Gp. Hải Phòng); Mađalêna Đặng Hoàng Hương Giang (Gp. Kontum); Giuse Lê Văn Quân (Tgp. Hà Nội).

Xin chúc mừng tất cả các tác giả đạt giải năm nay. Các truyện đạt giải được in trong tuyển tập “Người Vẽ Hy Vọng” sẽ xuất bản nay mai. Trong lúc chờ đợi, mời xem file pdf trên blog Văn Thơ Công Giáo và Mục Đồng trực tuyến (vanthoconggiao.net và tapsanmucdong.net).

TỔNG KẾT

Tổng kết sáu năm Giải Viết Văn Đường Trường đã có 225 tác giả từ 24/26 giáo phận Việt Nam tham gia (chỉ vắng Lạng Sơn và Mỹ Tho) với tổng cộng 786 truyện ngắn dự thi. Sáu cuộc thi đã để lại cho đời sáu tuyển tập truyện ngắn Công Giáo: CHUÔNG CHIỀU (2013, Giải nhất: Một Niềm Tin, Giuse Dương Duy Tân, Gp. Nha Trang), NẮNG MÙA ĐÔNG (2014, không có Giải nhất, Giải nhì: Đôi Mắt Kitô, Têrêxa Đinh Thị Thu Hằng, Gp. Sài Gòn), NGƯỜI GIEO HẠT (2015, Giải nhất: Via Dolorosa - Đường Còn Xa, Têrêxa Đinh Thị Thu Hằng, Gp. Sài Gòn), ĐIỂM HẸN GIÊSU (2016, không có Giải nhất, Giải nhì: Hoa Nở Giữa Đêm, Maria Madalena Đặng Hoàng Hương Giang, Gp. Kontum), NHỮNG ĐỨA CON CỦA MẸ (2017, Giải nhất: Dòng Sông Chảy Về Đâu, Maria Nguyễn Thị Khánh Liên, Gp. Nha Trang) và NGƯỜI VẼ HY VỌNG (2018, Giải nhất: Nụ Hôn Của Một Nữ Tu, Antôn Trần Văn Dũng, Gp. Vinh).

Theo quy định trong thể lệ, những tác giả đạt giải, nếu có nhiều truyện khác có giá trị, sẽ được Tủ Sách Nước Mặn của Giáo phận Qui Nhơn hỗ trợ xuất bản một tuyển tập riêng. Tác giả đầu tiên đã có sách in theo quy định này là Phêrô Nguyễn Hoàng Hải, với tuyển tập Đường Về. Hiện Tủ sách đang chuẩn bị xuất bản sách cho ba tác giả khác.

Số các giám khảo sơ khảo và chung khảo từng tham gia chấm giải sáu năm qua gồm 23 vị.

Có 5 vị hiện ở nước ngoài: Lm. Cao Gia An, SJ (Rôma), Lm. Nguyễn Trung Tây, SVD (Úc châu), Quyên Di Bùi Văn Chúc, Lê Đình Bảng, Trần Nguyễn Trang Đài (Hoa Kỳ). Có 11 vị thuộc các giáo phận bạn: Micae Bùi Công Thuấn, Hội NVVN (Gp. Xuân Lộc), Piô X Lê Hồng Bảo (Gp. Nha Trang), Phêrô Phaolô Nguyễn Một, Hội NVVN, (Gp. Xuân Lộc), Lm. Minh Anh Phan Văn Anh (Tgp Huế), Lm. Gã Siêu FX Hoàng Đình Mai (RIP. Gp. Long Xuyên), Lm. Giuse Nguyễn Hữu An (Gp. Phan Thiết), Amai Blan Trần Thị Trung Thu (Tgp. Sài Gòn), Tôma An Thiện Minh Đoàn Xuân Vũ (Gp. Sài Gòn), Đaminh Nguyễn Ngọc Hoài Nam (Tgp. Sài Gòn), Phêrô Nguyễn Văn Học (Tgp. Hà Nội). Có 5 vị thuộc Giáo phận chủ quản Giải thưởng: Lm. Sơn Ca Linh Trương Đình Hiền (Tổng Đại diện), Lm. Giuse Võ Tá Hoàng, Tađêô Nguyễn Thanh Xuân (hội VHNT Bình Định), Maria Nguyễn Thị Thắm (ĐH Qui Nhơn) và Micae Trần Kim Đạt.

Từ danh sách đạt giải tới danh sách các giám khảo, các cuộc thi mang đậm tính cách liên kết liên rộng rãi.

Tiếp sau chương trình họp mặt “Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử” vào 21-22/9/2012, hằng năm Giải Viết Văn Đường Trường đều tổ chức cuộc họp mặt trao giải nhân ngày kỷ niệm này. Sự gặp gỡ đã tạo nên tình thân liên kết nhiều người và ngày 21-22/9 đã thành một nỗi nhớ, một lưu luyến mong gặp lại nhau cho các tác giả trẻ Công Giáo.

Để bước tiếp Con đường phía trước mà Giải Viết Văn Đường Trường để lại, Đức Giám Mục Qui Nhơn đã hỗ trợ cho Ban Văn hóa Giáo phận dọn sẵn một không gian sinh hoạt cho các tác giả trẻ là tập san Mục Đồng. Kể từ đặc san “Tác phẩm đầu xuân” (chỉ một tập duy nhất, 56 trang, 1944) tới nay, đây là lần đầu tiên đã có một tập san văn thơ Công Giáo. Tuyển tập đã ra đều đặn mỗi ba tháng và nay tập 7 đã kịp phát hành ngay trong những ngày họp mặt.

Ngoài tuyển tập Mục Đồng dành cho học sinh cấp III và sinh viên Công Giáo, hiện Ban Văn hóa Gp. Qui Nhơn đang khát khao thực một tuyển tập định kỳ giúp học sinh cấp I và cấp II trau dồi tiếng mẹ đẻ, dự kiến lấy tên là Tuyển tập Bông Hồng Nhỏ. Mong sao quý phụ huynh tích cực hưởng ứng, đăng ký mua cả hai tuyển tập này cho con em mình.

Đức Giám Mục Matthêô ban huấn từ tại lễ Tổng kết

Lm Giuse Trương Đình Hiền (nhà thơ Sơn Ca Linh) phát biểu tổng kết

CHUYỂN GIAO THẾ HỆ

Chỉ trong thời gian sáu năm của Giải thưởng, đã có hơn mười tác giả Công Giáo trên 65 tuổi qua đời. Mới nhất là Lm Tụy Hiền FX Hoàng Đình Mai (Gã Siêu) một trong những giám khảo của cuộc thi lần IV vừa được Chúa gọi về trong đêm đầu tháng 9. Những vị khác thuộc lớp người cao tuổi như các giám kháo Bùi Công Thuấn, Lê Đình Bảng, Quyên Di, họa sĩ Vi Vi (vẽ bìa cho các tập Mục Đồng 6 và 7), Đinh Tiến Luyện (vẽ bìa cho tuyển tập), không về họp mặt được. Thế hệ cũ ngày càng thưa thớt, hiếm hoi.

Để giúp các tác giả trẻ thêm ý thức và xác tín sứ mạng, cuối cuộc lễ, tập thể các giám khảo và đại diện các tác giả trẻ cùng tiến lên lễ đài. Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi (một tác giả nghiên cứu giàu bút lực và là nhà thơ mang bút hiệu Người Viễn Khách) đã làm một một cử chỉ biểu tượng là trao đuốc sáng và Kinh thánh cho hai tác giả đạt giải nhất và giải nhì cuộc thi năm nay. Các tác giả trẻ đã cùng tiến lên thắp nến từ đuốc sáng. Có thể nói, ánh sáng của đức tin và lòng nhiệt thành đã được thắp lên, soi rọi cho Con đường phía trước của tương lai văn học Công Giáo. Đêm lễ tổng kết Giải Viết Văn Đường Trường đọng lại trong tâm trí mọi người với hình ảnh tập thể các tác giả trẻ tay giương cao ngọn nến, miệng hát vang bài Hãy Thắp Sáng Lên.

HÀNH HƯƠNG DẤU CHÂN HÀN MẠC TỬ

Chúa Nhật, 23-9-2018, các tác giả đã tham gia hành hương “Dấu chân Hàn Mạc Tử”. Sau thánh lễ tại Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng, đoàn lên mộ thắp hương kính viếng nhà thơ, rồi vào làng Quy Hòa viếng phòng lưu niệm Hàn Mạc Tử và thăm đài tưởng niệm nhà thơ này. Thêm một lần nữa, cộng đoàn các nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, thuộc đoàn thể những tấm linh hồn thanh khiết đã được nhà thơ tài hoa ngưỡng mộ và ca tụng trong bài thơ cuối cùng của đời anh, đã tiếp đón chiêu đãi các bạn hữu của nhà thơ một bữa trưa đầy ắp tình yêu mến. Mọi người quây quần bên bờ biển Quy Hòa, cùng chia sẻ thêm thao thức mong tìm một định hướng tương lai, rồi chia tay lúc 14g00.

LỜI TRI ÂN

Sau cùng, một lần nữa, Ban Tổ chức chân thành tri ân quý Giám khảo, các trang truyền thông và tất cả những ai đã ủng hộ cho Giải Viết Văn Đường Trường sáu năm qua về vật chất cũng như tinh thần. Nguyện xin Thiên Chúa ban muôn phước lành cho tất cả chúng ta.

Quy Nhơn, ngày 23-9-2018

Lm. Trăng Thập Tự

(Trưởng ban Tổ chức)
 
Văn Hóa
Sức Mạnh Của Đức Tin
Phạm Mạnh Tuấn
08:32 26/09/2018
Sức Mạnh Của Đức Tin

Tờ Washington Post ngày hôm qua (24 tháng 9, 2018) dưới tựa đề: “Đó là Câu Chuyện Trong Tiểu Thuyết” (It’s a story out of a novel) (*), đã đăng câu chuyện chàng thiếu niên Aldi Novel Adilang, người Nam Dương trên đảo Sulawesi, sống sót trên một chiếc bè nuôi cá, không buồm không chèo lái, bị trôi dạt trên biển gần hai tháng, không có gì ngoài quyển Kinh thánh và tài khéo léo … (Aldi Novel Adilang was stuck drifting at sea for nearly two months, with little besides a Bible and his own ingenuity…)

Câu chuyện đức tin đã cứu giúp Aldi – từng muốn nhảy xuống biển tự sát – khiến chúng ta liên tưởng đến trường hợp của mình. Tất cả chúng ta đều vô cùng khốn đốn sau tháng 4 năm 1975, nhà tan cửa nát. Người thì bị tịch thu tài sản và đuổi đi vùng kinh tế mới, rất nhiều người chúng ta bị đi tù cải tạo. Trên những con thuyền vượt biên mong manh, giữa gió to sóng lớn chính đức tin đã làm chung ta yên tâm.

Chúng tôi có một kinh nghiệm bản thân, chắc cũng tương tự như nhiều anh em, khi chúng tôi bị giam trong trại cải tạo Cây Cày A, gần biên giới Miên – Việt thuộc tỉnh Tây Ninh, vì bị tố cáo phản động, tôi bị biệt giam nơi “Cây Da Xà”. May mắn cho tôi tại chỗ giam này tôi bị cùm chung với HQ, người sáng tác Thánh ca và có tư cách như một thầy tu. Trong những cơn đói khát, dưới đáy vực sâu tuyệt vọng, HQ đã giúp tôi giữ vững tinh thần bằng cách đề nghị cùng nhau bàn luận Kinh Thánh. Nói là bàn luận nhưng HQ nói phần lớn, nhiều lúc anh ta nói rất mê say, tuy hai chân bị cùm nhưng miệng nói huyên thuyên, hai tay vung vảy, có khi vung cả chân làm tiếng cùm đập vào nhau nghe rổn rảng.

Đề tài chúng tôi mê say suy niệm liên quan đến “Bài Giảng Trên Núi” hay Tám Mối Phúc Thật: “Hạnh phúc cho những người ý thức về nhu cầu tâm linh của mình, vì Nước Trời thuộc về họ. Hạnh phúc cho những người than khóc, vì sẽ được an ủi... Hạnh phúc cho những người đói khát sự công chính, vì sẽ được no đủ... Hạnh phúc cho những người bị ngược đãi vì sự công chính, bởi Nước Trời thuộc về họ. Hạnh phúc cho anh em khi bị người ta mắng nhiếc, ngược đãi... vì đã theo ta. Hãy hân hoan và vui mừng hớn hở”.

Những lời lẽ trong Kinh Thánh từ miệng HQ thốt ra đã giúp tôi rất nhiều, tôi không còn cảm thấy cô đơn tuyệt vọng, khốn khổ nữa, trái lại tâm hồn tôi trở nên yên bình, không còn chất chứa oán hận ngút ngàn, không còn sợ sệt điều chi. Thậm chí tôi từng nghĩ nếu họ mang tôi ra bắn cũng có sao đâu, tôi sẽ thoát khỏi cuộc đời ô trọc này để về với Chúa.

Trong nhà biệt giam khi được HQ trau dồi Kinh Thánh đã khiến tôi trở thành con người mới, giống như Trương Vô Kỵ (trong tiểu thuyết Kim Dung), học được Cử Dương Chân Kinh. Chỉ có điều khi chúng ta bị khốn khổ với nghịch cảnh, chúng ta thường nghĩ đến Thiên Chúa. Nhưng trong đời sống thường ngày, nếu mọi sự diễn ra tốt đẹp, chúng ta rất hay bỏ quên Người!

Phạm Mạnh Tuấn

(1) WP chơi chữ vì trong tên Aldi cũng có chữ Novel.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nắng Chớm Thu
Thérésa Nguyễn
07:49 26/09/2018
NẮNG CHỚM THU
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Nắng soi trên lá ươm vàng
Ngẫm ra thu đã nhẹ nhàng về đây…
(tn)
 
VietCatholic TV
Diễn từ của Đức Thánh Cha trong buổi cầu nguyện đại kết tại Cung Văn Hóa Riga của thủ đô Latvia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:56 26/09/2018
Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 07g20 sáng thứ Hai ngày 24 tháng 9, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Quốc tế Vilnius để đến Riga.

Sau một giờ bay, Đức Thánh Cha đã đến thủ đô của Latvia lúc 08g20.

Sau nghi thức chào đón, Đức Thánh Cha đã đi xe đến dinh tổng thống nơi đã diễn ra cuộc gặp gỡ với tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn vào lúc 9g30.

Sau cuộc gặp gỡ tại đây, lúc 10g10, ngài đã đến đặt hoa tại Đài Tưởng Niệm các nạn nhân của cộng sản và phát xít, trước khi có cuộc gặp gỡ đại kết tại Cung Văn Hóa Riga vào lúc 10g40.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Theo thống kê năm 2011, 79% dân số là các tín hữu Kitô, trong đó người Công Giáo có 476,700 người, tức là 22.7%, sinh hoạt trong 3 giáo phận và 1 tổng giáo phận. Người dân Latvia chủ yếu theo Tin Lành Luther với hơn 700,000 tín hữu. Bên cạnh đó còn có Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa với 370,000 tín hữu.

Trong diễn từ với các đại diện của các hệ phái Kitô tại Cung Văn Hóa Riga, Đức Thánh Cha nói:

Tôi rất vui mừng được họp mặt cùng quí vị tại vùng đất này, một cuộc gặp gỡ trong một hành trình tương kính, hợp tác và thân tình giữa các Giáo hội của Chúa Kitô, đây là một khởi điểm thành công của sự hiệp thông thống nhất trong khi vẫn duy trì được sự phong phú khác biệt của mỗi Giáo hội. Tôi dám quyết rằng đây chính là một “nét đại kết sống” và là một trong những đặc điểm tuyệt diệu tại vùng đất Latvia này. Tại sao chúng ta lại không hy vọng và tạ ơn.

Tôi xin chân thành cám ơn Đức Tổng Giám Mục Jānis Vanags đã rộng mở cửa nhà hầu cho cuộc họp mặt cầu nguyện này được hiện thực. Một quần thể của nhà thờ chính tòa đây đã trở thành nơi tiếp đón nhiều tổ chức tôn giáo của thành phố này trong suốt một chiều dài lịch sử hơn 800 năm qua. Niềm tin trung kiên của nhiều anh chị em chúng ta đã có trong việc tôn thờ, cầu nguyện, nuôi dưỡng niềm hy vọng trong thời bĩ cực hầu kín múc cho mình lòng can đảm để đối diện với những lúc đầy bất công và khổ đau.

Hôm nay đây, cũng chính tại nơi này đang tiếp đón chúng ta quy tụ lại trong Chúa Thánh Linh để Ngài tiếp tục nối kết chúng ta lại, cũng như biến chúng ta thành những nhân tố nối kết các Giáo hội lại với nhau, để sự khác biệt của chúng ta không trở thành những vết nứt chia rẽ. Hãy để cho Thần Linh Chúa phủ lấp chúng ta bằng thần khí đối thoại, hiểu biết, tìm kiếm sự tôn trọng lẫn nhau trong tình huynh đệ (xem Ê-phê-sô 6: 13-18). Giáo phận này là một trong những giáo phận cổ kính nhất của châu Âu và là một giáo phận lớn nhất trên thế giới ngay từ thời khởi điểm của giáo phận. Chúng ta có thể tưởng tượng cách Giáo phận đã hành trình theo thời gian của cuộc sống, sự sáng tạo, trí tưởng tượng và trao ban tình thương xót dành cho những người đang cần tới. Đây chính là một công cụ của Thiên Chúa dành cho những người đang khao khát hướng thiện và rộng mở và trái tim mình. Hôm nay nó lại là một biểu tượng sống động cho thành phố và Giáo hội nơi đây. Đối với cư dân nơi này đại diện cho nhiều tầng lớp, có một truyền thống cá biệt của xứ sở. Chứ không phải như những khách du lịch vãng lai, chỉ có ngắm nhìn những nét nghệ thuật mà trầm trồ và ghi lại qua những hình ảnh bình thường. Và đây chính là một mối nguy biến đổi những cư dân nơi đây trở thành những khách du lịch bàng quang. Biến những gì quá khứ thành một di tích lịch sử, một điểm để du lịch và một bảo tàng để nhớ lại những biến cố đã qua, chỉ có giá trị lịch sử chứ không còn làm cho trái tim con người chúng ta được rung cảm.

Đối với đức tin, điều đó cũng có thể xảy ra giống hệt như vậy. Chúng ta có thể nhìn các tín hữu Chúa Kitô hữu nơi đây nhữ những người khách du lịch bàng quang. Tệ hại hơn nữa, chúng ta có thể xác quyết rằng tất cả truyền thống Kitô giáo của chúng ta có thể cùng chịu chung một số phận: xếp tất cả vào quá khứ, đóng khung lại trong bốn bức tường của các nhà thờ, không còn hát lên những giai điệu uyển chuyển gây truyền cảm cho cuộc sống, làm rung động con tim toàn diện của con người chúng ta.

May thay Tin Mừng của Chúa mà chúng ta vừa lắng nghe, đức tin của chúng ta không thể bị che giấu, nhưng được biết đến và âm vang tới mọi lãnh vực khác nhau của xã hội, để mọi người có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó và xã hội được chiếu sáng bởi ánh sáng của nó. 11, 33).

Nếu âm vang của Tin Mừng bị chấm dứt, không còn được vang vọng lên trong cuộc sống của chúng ta, thì nó đã biến thành một cái gì đó vàng son hoàng tráng của quá khứ, nó không còn sinh động hầu có thể đột phá những tham lam tiền bạc đang làm tắt ngụt đi niềm hy vọng vươn lên...

Nếu âm điệu của Tin Mừng ngừng âm vang và dấy lên trong lòng chúng ta một niềm can đảm, thì chúng ta sẽ mất đi những niềm vui khi chúng ta có lòng thương cảm; chúng ta tìm được sự dịu dàng qua những mối giây tin tưởng và kín múc được khả năng hòa giải lúc tìm về nguồn khi ý thức được rằng chúng ta luôn được thứ tha...

Nếu âm vang của Tin Mừng ngừng bặt trong tâm hồn chúng ta, trong quảng trường của chúng ta, trong nơi làm việc, trong guồng máy chính trị và trong nền kinh tế của chúng ta thì tâm lòng chúng ta cũng sẽ cạn kiệt những sinh lực phấn đấu cho nhân phẩm con người…

Nếu âm vang của Tin Mừng không còn nữa thì chúng ta sẽ mất đi những lời mời gọi hướng cuộc sống chúng ta về trời cao thiên quốc để chỉ còn ngụp nặn trong những tệ nạn của thời đại: cô đơn và cô lập. Cơn bệnh phát sinh nơi những người không có bạn hữu dễ tìm thấy nơi những người già cả bị bỏ rơi, cũng như nơi những người trẻ không có lý tưởng và tương lai (xem bài phát biểu tại Nghị viện châu Âu, ngày 25 tháng 11 năm 2014 ).

Lời của Chúa xưa đã nguyện "xin cho chúng nên một, [...] để thế giới có thể tin nhận…" (Jn 17:21). Những lời này đang âm vang mạnh mẽ trong chúng ta, chúng ta hãy cảm tạ Chúa. Chính Chúa Giêsu là Đấng đã thực hiện ý Cha Ngài tự hiến trên thập giá vì chúng sinh. Ngài cũng đang mời gọi chúng ta dấn bước theo Ngài. Chúng ta hãy chìm đắm trong lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta như những tín hữu trong Giáo Hội riêng tư của chính mình, tha thiết khẩn cầu cho sự hiệp thông trong ân sủng của Thiên Chúa Cha từ ngàn đời… (xem Thánh Gioan Phaolô II, Enc. Ut unum sint, 9), chính trong ánh sáng đó chúng ta có thể tìm ra cho mọi Giáo hội một ý nghĩa chính đáng của sự đại kết: trong thập giá của Chúa, qua những khắc khỏai của người trẻ, trong nỗi cô đơn của người già và trong sự mỏng dòn dễ bị tổn thương nơi trẻ thơ, hoặc nơi những người sống vô vọng, cô đơn và cô độc.

Khi Chúa Giêsu kêu cầu cùng Thiên Chúa Cha và Chúa nghĩ đến chúng ta, Ngài đã không ngừng cầu xin: ‘cho chúng nên một’. Sứ vụ ấy ngày hôm nay đang mời gọi chúng ta và yêu cầu chúng ta hãy xích lại với nhau; đó là mệnh lệnh đòi hỏi chúng ta thôi nhìn vào những vết thương của quá khứ, nhưng hãy có thái độ tự nhìn vào thẳm sâu tâm hồn chúng ta trước tâm tình cầu nguyện của Thầy Giêsu Chúa chúng ta. Đó cũng là sứ mệnh làm cho âm hưởng của Tin Mừng không ngừng vang lên nơi phố xá của chúng ta. Có thể có người nói: đây là thời điểm khó khăn, những gì đang xảy ra cho chúng ta là những thời điểm phức tạp. Người khác có thể cho rằng vì trong xã hội chúng ta đang sống số Kitô hữu chỉ là tiểu số nên có ít ảnh hưởng được, không như những chủ nghĩa thế tục vân vân và vân vân... Điều này không thể dẫn chúng ta đến một thái độ tiêu cực là đóng cửa lòng lại, tự thủ hoặc tệ hại hơn nữa là rút lui vào bóng tối. Chúng ta không thể không phủ nhận rằng đây không phải là thời điểm dễ dàng, đặc biệt là đối với nhiều anh chị em của chúng ta, những người đang sống một cuộc sống lưu vong và thậm chí là đang bị bách hại vì đức tin. Nhưng những lời chứng của họ giúp chúng ta khám phá ra rằng Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi chúng ta và mời chúng ta sống chứng tá Tin Mừng trong niềm vui, với lòng biết ơn và thăng tiến. Nếu Chúa Kitô gửi chúng ta đến sống trong thời đại này, vào giờ phút này - duy nhất chỉ có chúng ta – thì chúng ta không được thối thoát chùn bước trước sự sợ hãi mà không can cường trung thành với ơn gọi trong niềm vui. Chúa sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để bền bỉ trong mọi phút giây cuộc đời, trong mọi hoàn cảnh, cơ hội hầu kiến tạo sự hiệp thông và hòa giải với Chúa Cha và với anh chị em đồng loại, đặc biệt với những người mà xã hội ngày nay coi như là cặn bã và đáng bị đào thải.

Nếu Chúa Kitô đã tin tưởng chúng ta xứng đáng để làm cho Tin Mừng của Ngài được loan truyền, chúng ta có sẵn sàng làm việc đó không? Sự hiệp nhất mà Chúa kêu gọi chúng ta luôn luôn là một sự hiệp nhất truyền giáo, mời gọi chúng ta vượt ra ngoài và tiếp cận những trái tim của người thế hầu biến đổi văn hóa, xã hội hiện tại mà chúng ta đang sinh sống. Lời Chúa Giêsu là những hạt giống gieo vào chốn thẳm sâu của linh hồn, vào trong các làng mạc phố xá ” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 74).

Sứ mệnh đại kết này sẽ thành công, nếu chúng ta mở lòng cho phép Thần Linh của Chúa Kitô thấm nhập, Ngài là đấng có khả năng “đột phá các chương trình nhàm chán mà chúng ta vẫn cố hữu, Ngài sẽ làm chúng ta ngỡ ngàng trước sức sáng tạo thần linh của Ngài. Mỗi khi chúng ta cố gắng quay trở về nguồn và khôi phục lại tính nguyên thủy của Tin Mừng, thì những bước đường mới sẽ được khai mở, những phương pháp sáng tạo, những hình thức mới, những dấu chứng hùng hồn, những lời chất chứa ý nghĩa mới cho thế giới hiện đại sẽ được khai mở ”(ibid., 11) . Vậy hỡi các bạn hữu quý mến, chúng ta hãy làm cho Tin Mừng Chúa được âm vang trong thời đại chúng ta đang sống! Hãy mở tim lòng chúng ta ra cho những mơ ước và phấn đấu cho cuộc sống được tươi đẹp trọn vẹn mà Chúa hứa ban và mọi người chúng ta mong ước. Hãy trở nên những nhà truyền giáo cho Chúa giữa thế giới chúng ta đang sống.
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ các nhà cầm quyền dân sự và ngoại giao đoàn Latvia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:50 26/09/2018
Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 07g20 sáng thứ Hai ngày 24 tháng 9, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Quốc tế Vilnius để đến Riga.

Sau một giờ bay, Đức Thánh Cha đã đến thủ đô của Latvia lúc 08g20.

Sau nghi thức chào đón, Đức Thánh Cha đã đi xe đến dinh tổng thống nơi đã diễn ra cuộc gặp gỡ với tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn vào lúc 9g30.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Latvia là một quốc gia có lịch sử lâu đời tại châu Âu. Tổ tiên của người Latvia là những bộ lạc Baltic cổ đã sống ở phía đông bờ biển Baltic từ thiên niên kỷ thứ 3 trước Chúa Giáng Sinh.

Do nằm ở một vị trí chiến lược, Latvia thường xuyên bị xâm chiếm bởi những quốc gia lớn hơn xung quanh. Từ thế kỷ 18, Latvia bị sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, người Latvia giữ gìn được bản sắc dân tộc qua ngôn ngữ và âm nhạc, nên mặc dù bị đô hộ trong nhiều thế kỷ, họ không bị đồng hóa.

Ngày 18 tháng 11 năm 1918, nền cộng hòa của Latvia chính thức được thành lập. Với Hiệp ước bất tương xâm giữa Liên Sô và Quốc Xã Đức, thường được gọi là hiệp ước Molotov-Ribbentrop 1939, cùng với Lithuania và Estonia, Latvia lại bị sáp nhập vào Liên Bang Sô Viết với tên gọi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Latvia.

Sau cuộc chính biến bất thành tại Mạc Tư Khoa, ngày 21 tháng 8 1991, Latvia tuyên bố trở thành một quốc gia độc lập chấm dứt thời kỳ hơn 50 năm chiếm đóng của Liên Sô.

Ngày nay, Latvia là thành viên của Liên minh châu Âu, Hội đồng Châu Âu, Hiệp định Schengen, OECD và NATO. Latvia cũng là một thành viên của Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu, và là một thành viên trong Liên minh hợp tác Bắc Âu-Baltic của các nước Bắc Âu.

Liên Hợp Quốc xếp Latvia vào hàng thứ 46 trong chỉ số “phát triển nhân bản”. Lý do là vì sau nhiều năm bị ngoại bang đô hộ, người dân Latvia tỏ ra đặc biệt quan ngại trước những di dân người Nga đang sống tại quốc gia này. Hiện nay, có khoảng 270, 000 trong số 740,000 người Latvia gốc Nga không được thừa nhận có quyền công dân do di dân từ Nga sang trong thời kỳ chiếm đóng của Liên Sô dù họ đã sống tại Latvia từ lâu. Những người này không có bất cứ quốc tịch nào và là căn nguyên khiến Latvia bị chỉ trích.

Năm 2016, Nils Ušakovs, đô trưởng Riga, một người Latvia gốc Nga, đã bị Trung Tâm Ngôn Ngữ Học quốc gia Latvia phạt tiền vì dám viết tiếng Nga trên Facebook của ông ta.

Latvia ngày nay là một quốc gia phát triển kinh tế rất nhanh chóng. Thu nhập bình quân đầu người là 27,600 Mỹ Kim một năm theo thống kê vào năm 2017.

Latvia theo Quốc Hội chế. Quốc Hội, gọi là Saeima /sæ-eɪ-mɒ/, gồm một viện duy nhất với 100 đại biểu có quyền bãi nhiệm tổng thống trong một cuộc biểu quyết với tỷ số hơn 2/3. Tổng thống chỉ là người đại diện cho nhà nước trong quan hệ quốc tế, thực hiện các quyết định của Quốc hội về phê duyệt các điều ước quốc tế, và là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Tổng thống hiện nay là ông Raimonds Vējonis /reɪ-mondz vɛ'-dʒʊ̈n-əns/, sinh ngày 15 tháng 6 năm 1966, đã đảm nhận chức vụ từ ngày 8 tháng 7 năm 2015. Ông là thành viên của Đảng Xanh, một phần của Liên minh Xanh và Nông dân. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường và Phát triển Khu vực vào năm 2002 và vào năm 2011. Ông cũng là Bộ trưởng Bộ Môi trường từ năm 2003 đến năm 2011. Ông trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Latvia năm 2014 và giữ chức vụ đó cho đến khi trở thành Tổng thống vào năm 2015.

Ông Raimonds Vējonis có cha là người Latvia, mẹ là người Nga. Ngoài tiếng Latvia, ông nói thông thạo tiếng Nga và tiếng Anh. Ông có gia đình và 2 con. Ông là một người theo dị giáo Baltic, một tôn giáo đa thần.

Trong diễn từ trước tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha nói:

Thưa Tổng Thống

Qúy thành viên chính phủ và các thẩm quyền quốc gia

Qúy thành viên ngoại giao đoàn và qúy đại diện xã hội dân sự

Các bạn thân mến,

Thưa Tổng Thống, tôi biết ơn vì những lời chào đón ân cần của ngài và vì lời mời tới thăm Latvia mà ngài đã ngỏ cùng tôi trong buổi chúng ta gặp nhau tại Vatican.Tôi sung sướng được hiện diện ở đây lần đầu tiên, cả ở Latvia lẫn ở thành phố này, một thành phố, giống như toàn bộ đất nước, vốn phải đương đầu với các cuộc tranh đấu khó khăn về xã hội, chính trị, kinh tế và tâm linh, hậu quả của các chia rẽ và tranh chấp quá khứ, thế nhưng, hiện nay đã trở nên một trong các trung tâm văn hóa, chính trị và thương thuyền chính của cả vùng. Các đóng góp của qúy vị cho văn hóa, nghệ thuật và đặc biệt cho âm nhạc đã nổi tiếng quá bên kia các biên giới của qúi vị. Và hôm nay, tôi cũng có thể đánh giá cao những đóng góp đó lúc tôi tới phi trường. Với lời lẽ của Thánh Vịnh Gia, qúi vị quả có thể nói rằng “Ngài đã biến tang chế con thành múa nhẩy” (Tv 30:12). Latvia, đất của người Dainas, đã biến các sầu buồn và đau đớn của nó thành ca hát và múa nhẩy, và đã tìm cách trở thành nơi đối thoại và gặp gỡ, một cuộc sống chung hòa bình và hướng về tương lai.

Năm nay, quí vị cử hành 100 năm nền độc lập của đất nước quí vị, một thời điểm quan trọng đối với cuộc sống của xã hội nói chung. Quí vị biết quá rõ cái giá của nền tự do đó, tự do mà quí vị đã phải chiến thắng đi chiến thắng lại. Đó là một nền tự do được làm cho khả hữu nhờ vào cội rễ của quí vị, một cội rễ như Zenta Maurina, người từng truyền cảm hứng cho rất nhiều quí vị, từng nhận xét, “hiện diện ở thiên đàng”. Không có khả năng hướng thựợng này, không có khả năng nại tới các chân trời lớn hơn, những chân trời nhắc nhở chúng ta nhớ đến "phẩm giá siêu việt" ấy, phẩm giá mà tất cả chúng ta, như những hữu thể nhân bản, đều được ân ban (xem Diễn Văn với Nghị viện châu Âu, ngày 25 tháng 11 năm 2014), việc xây dựng lại quốc gia của quí vị sẽ không thể có được. Khả năng tâm linh biết nhìn sâu xa hơn ấy, như đã được biểu lộ trong các cử chỉ nhỏ mọn và hàng ngày của tình liên đới, cảm thương và hỗ trợ lẫn nhau, đã nâng đỡ quí vị và ngược lại, nó đã đem lại cho quí vị óc sáng tạo cần thiết để tạo ra các diễn trình xã hội mới, bất chấp các luồng tư tưởng duy giản lược và loại trừ luôn đe dọa cấu trúc của xã hội.

Tôi rất vui khi biết rằng Giáo Hội Công Giáo, trong khi hợp tác với các giáo hội Kitô giáo khác, là thành phần quan trọng của những gốc rễ đó. Sự hợp tác này cho thấy rằng có thể xây dựng sự hiệp thông giữa những khác biệt. Điều này sẽ xảy ra khi người ta được thúc đẩy để để lại phía sau các xung đột hời hợt và thấy nhau trong phẩm giá sâu sắc hơn của họ. Thật vậy, khi, trong tư cách cá nhân và cộng đồng, chúng ta học cách nhìn xa hơn bản thân và lợi ích riêng của chúng ta, thì sự hiểu biết và cam kết lẫn nhau sẽ mang lại hoa trái trong tình liên đới. Tình liên đới này, hiểu theo nghĩa sâu sắc nhất và thách thức nhất, trở thành một cách để tạo lịch sử tại một vùng nơi xung đột, căng thẳng và cả các nhóm có lúc bị coi là thù địch cũng có thể đạt được một sự hợp nhất về nhiều phương diện, tạo nên sự sống mới (xem Evangelii Gaudium, 228). Tin Mừng đã nuôi dưỡng đời sống của dân tộc qúi vị trong quá khứ; ngày nay nó có thể tiếp tục mở ra những nẻo đường mới giúp qúi vị đương đầu với các thách thức hiện tại, trân quí các dị biệt và, trên hết, khuyến khích “hiệp thông” giữa mọi người.

Việc cử hành bách chu niên này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng xiết bao phải trân quí nền tự do và độc lập của Latvia. Những điều này chắc chắn là một hồng ân, nhưng cũng là một nhiệm vụ cho mọi người. Làm việc cho tự do là tự cam kết mình với sự phát triển toàn diện và toàn diện hóa các cá nhân và cộng đồng. Sở dĩ hôm nay chúng ta có thể ăn mừng, thì là do tất cả những người đã đi tiên phong và mở cửa cho tương lai, và để lại cho qúi vị cùng một trách nhiệm đó: mở cửa cho tương lai bằng cách hướng tới mọi điều có thể phục vụ sự sống, tạo ra sự sống.

Khi kết thúc cuộc gặp gỡ của chúng ta, chúng tôi sẽ đi đến Đài tưởng niệm Tự do, nơi các trẻ em, người trẻ và các gia đình sẽ có mặt. Họ nhắc nhở chúng ta rằng “tình mẹ” của Latvia - được lặp lại theo lối loại suy trong chủ đề của chuyến viếng thăm này - được phản ánh trong khả năng cổ vũ các chiến lược thực sự hữu hiệu tập trung vào khuôn mặt cụ thể của các gia đình, người cao niên, trẻ em và thanh thiếu niên này, hơn tính ưu việt của kinh tế so với sự sống. "Tình mẹ" của Latvia cũng được biểu lộ trong khả năng tạo ra các cơ hội nhân dụng, để không ai phải mất gốc mới có thể xây dựng được một tương lai. Chỉ số phát triển nhân bản cũng được đo lường bằng khả năng gia tăng và nhân thừa. Việc phát triển các cộng đồng không được phát sinh, càng không được đo lường, chỉ bằng số lượng hàng hóa hoặc tài nguyên mà họ sở hữu, mà đúng hơn bằng mong ước của họ tạo ra sự sống và xây dựng tương lai. Điều này chỉ có thể có theo mức độ họ có gốc rễ trong quá khứ, có óc sáng tạo trong hiện tại, tự tin và hy vọng vào tương lai. Lúc đó, nó cũng được đo lường bằng khả năng tự hy sinh và cam kết của họ, bắt chước gương sáng của các thế hệ đi trước.

Thưa Tổng thống, các bạn thân mến: với việc tôi bắt đầu cuộc hành hương của tôi ở lãnh thổ này, tôi cầu xin Thiên Chúa tiếp tục đồng hành, chúc phúc và làm cho thịnh vượng công trình của bàn tay qúi vị trong sự phục vụ đất nước này.
 
Thánh Lễ tại Miền Đất Đức Maria của Latvia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:53 26/09/2018
Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 07g20 sáng thứ Hai ngày 24 tháng 9, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Quốc tế Vilnius để đến Riga.

Sau một giờ bay, Đức Thánh Cha đã đến thủ đô của Latvia lúc 08g20.

Sau nghi thức chào đón, Đức Thánh Cha đã đi xe đến dinh tổng thống nơi đã diễn ra cuộc gặp gỡ với tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn vào lúc 9g30.

Lúc 10g, Đức Thánh Cha đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân cộng sản trong thời kỳ hơn 50 năm chiếm đóng của Liên Sô.

Lúc 10g40, Đức Thánh Cha tham dự buổi cầu nguyện đại kết tại nhà thờ chính tòa Riga của Tin Lành Lutheran.

Sau đó, Đức Thánh Cha thăm nhà thờ chánh tòa Thánh Giacôbê Tông Đồ vào lúc 11g50.

Buổi chiều, lúc 14g30, Đức Thánh Cha đã di chuyển bằng trực thăng từ sân bay trực thăng Riga Harbour đến Đền Thánh Mẹ Thiên Chúa, ở Aglona.

Tại đây, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ cho anh chị em giáo dân Latvia lúc 16g30.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Theo thống kê năm 2011, 79% dân số là các tín hữu Kitô, trong đó người Công Giáo có 476,700 người, tức là 22.7%, sinh hoạt trong 3 giáo phận và 1 tổng giáo phận. Người dân Latvia chủ yếu theo Tin Lành Luther với hơn 700,000 tín hữu. Bên cạnh đó còn có Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa với 370,000 tín hữu.

Giáo Hội tại Latvia có 135 linh mục trong đó có 108 linh mục triều và 27 linh mục dòng; 1 phó tế vĩnh viễn, 32 nam tu sĩ, và 109 nữ tu.

Sứ Thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Pedro López Quintana, người Tây Ban Nha. Ngài là Sứ Thần Tòa Thánh tại cả ba quốc gia vùng Baltic.

Tổng giáo phận duy nhất tại Latvia là tổng giáo phận thủ đô Riga hiện do Đức Tổng Giám Mục Zbigņev Stankevičs /dʒɪ-nɛv stæn-kɛ-viks/ lãnh đạo. Niên giám Tòa Thánh năm 2015 ghi nhận có 222,910 người Công Giáo trong tổng giáo phận Riga, chiếm 18.1% dân số. Tổng giáo phận có 69 giáo xứ, 30 linh mục triều, 13 linh mục dòng, một phó tế vĩnh viễn, 14 nam tu sĩ không có chức linh mục và 64 nữ tu.

Người dân Latvia chủ yếu theo Tin Lành Luther. Tuy nhiên, Latgale, người Latvia gọi là Latgola /l'ɑt-gɔ-lɒ/, một miền ở phía Đông Nam Latvia, lại là một miền gần như toàn tòng Công Giáo trước thời kỳ chiếm đóng của Liên Sô. Trong hơn 50 năm chiếm đóng, người Nga đưa dân sang vùng này. Cho nên, ngày nay 65.8% dân số là Công Giáo và 23.8% dân số là Chính Thống Giáo Nga.

Thủ phủ của Latgale là Aglona, nơi có Đền Thánh kính Đức Mẹ lớn nhất Latvia, cách thủ đô Riga 201km. Trong thời gian chuẩn bị cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha, chính phủ Latvia quyết định ngày thứ Hai 24 tháng 9 năm 2018 là quốc lễ; và tăng cường 6 chuyến tàu tốc hành để dân chúng có thể di chuyển từ Riga đến Đền Thánh kính Đức Mẹ Aglona, là một địa điểm quan trọng trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong bài giảng thánh lễ tại đây, Đức Thánh Cha nói:

Sau nghi thức tiễn biệt diễn ra tại sân bay trực thăng Aglona vào lúc 18g30, Đức Thánh Cha đã di chuyển bằng máy bay trực thăng đến sân bay quốc tế Vilnius /vɪl -nɪʊs/ của Lithuania /lɪ-θjuˈ-eɪ-niə /; nghĩa là ngài quay trở lại quốc gia đầu tiên trong chuyến tông du này. Chỉ sau 15 phút bay trực thăng, ngài đã đến nơi.

Chúng ta có thể nói một cách thích đáng rằng điều Thánh Luca nói với chúng ta ở đầu sách Tông Đồ Công Vụ đang được lặp lại ở đây hôm nay: chúng ta cùng nhau cầu nguyện, và Mẹ Maria cùng cầu nguyện với chúng ta (xem Công-vụ 1:14). Hôm nay chính chúng ta thể hiện chủ đề của chuyến viếng thăm này: “Xin Mẹ tỏ ra là Mẹ chúng con!” Lạy Mẹ xin chỉ cho chúng con thấy nơi Mẹ tiếp tục hát bài Magnificat của mình. Xin chỉ cho chúng con thấy những nơi Con Mẹ bị đóng đinh, để chúng con có thể gặp được sự hiện diện kiên vững của Mẹ dưới chân thập tự giá.

Tin Mừng Gioan chỉ nói về hai khoảnh khắc trong cuộc đời của Chúa Giêsu với sự hiện diện của Mẹ Ngài: đó là trong tiệc cưới Cana (xem Ga 2: 1-12) và trong trình thuật Phúc Âm chúng ta vừa đọc, khi Đức Maria đứng bên dưới thập giá (xem Galat 19: 25-27). Có lẽ vị Thánh Sử muốn cho chúng ta thấy Mẹ của Chúa Giêsu trong hai hoàn cảnh trái ngược này của cuộc sống - niềm vui của một bữa tiệc cưới và nỗi buồn trong cái chết của một người con. Với sự hiểu biết ngày càng sâu sắc của Mẹ về mầu nhiệm Lời Chúa, Đức Maria chỉ cho chúng ta thấy Tin Mừng mà Chúa muốn chia sẻ với chúng ta ngày hôm nay.

Điều đầu tiên Thánh Gioan đề cập đến là Đức Maria “đứng gần thánh giá Chúa Giêsu”, gần với Con của Mẹ. Mẹ đứng đó, dưới chân cây thánh giá, với niềm tin vững chắc, không sợ hãi và không lay chuyển. Đây là điểm chính yếu mà Đức Maria thể hiện - Mẹ đứng gần những người đau khổ, những người mà thế giới xa lánh, Mẹ đứng gần ngay cả những người bị đưa ra xét xử, bị lên án bởi tất cả mọi người, bị trục xuất, là những người không chỉ đơn thuần bị áp bức hoặc bị bóc lột mà thôi; mà còn hoàn toàn bị gạt ra “bên ngoài hệ thống”, ngoài lề xã hội (xem Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 53). Mẹ đứng gần họ, kiên định dưới chân cây thập giá của sự thiếu được cảm thông và những đau khổ mà họ phải gánh chịu.

Đức Maria cũng chỉ cho chúng ta cách để “đứng gần” những tình huống này; nó đòi hỏi nhiều hơn việc đơn thuần là đi ngang qua, hay thực hiện một chuyến thăm chóng vánh, của một thứ “du lịch liên đới”. Thay vào đó, nó có nghĩa là những người trong tình huống đau đớn như thế phải cảm nhận được là chúng ta đứng vững bên cạnh họ và về phía họ. Tất cả những người bị xã hội loại bỏ đều có thể trải nghiệm được Mẹ vẫn kín đáo đứng gần họ, vì trong nỗi đau khổ của họ, Mẹ nhìn thấy những vết thương vẫn còn rộng mở của Chúa Giêsu Con Mẹ. Mẹ đã học được điều này ở chân thập giá. Cả chúng ta cũng được mời gọi để “chạm đến” những đau khổ của tha nhân. Chúng ta hãy đi ra ngoài để gặp gỡ người dân của chúng ta, để an ủi họ và đồng hành cùng họ. Chúng ta đừng ngại trải nghiệm sức mạnh của sự dịu dàng, đừng ngại dự phần và để cho cuộc sống của chúng ta trở nên phức tạp vì lợi ích của người khác (xem ibid, 270). Như Đức Maria, chúng ta hãy kiên định, lòng chúng ta hãy bình an trong Chúa. Chúng ta hãy sẵn sàng nâng đỡ người sa ngã, nâng cao kẻ thấp hèn và giúp kết thúc tất cả những tình huống áp bức đang khiến nhiều người cảm thấy như đang bị đóng đinh.

Chúa Giêsu yêu cầu Đức Maria đón nhận người môn đệ yêu dấu làm con Mẹ. Bản văn cho chúng ta biết rằng Đức Maria và người môn đệ ấy đứng cùng nhau ở chân thập giá, nhưng Chúa Giêsu nhận ra rằng điều ấy vẫn chưa đủ, vì họ chưa hoàn toàn “tiếp nhận” nhau. Chúng ta có thể đứng bên cạnh nhiều người, thậm chí có thể chia sẻ cùng một mái nhà, một khu xóm hay nơi làm việc; chúng ta có thể chia sẻ đức tin, chiêm ngắm và trải nghiệm cùng những mầu nhiệm, nhưng không đón nhận hoặc thực sự “tiếp nhận” nhau bằng tình yêu. Có bao nhiêu cặp vợ chồng có thể nói về cuộc sống bên nhau, nhưng không cùng với nhau; có bao nhiêu người trẻ cảm thấy đau khổ vì khoảng cách tách biệt giữa họ và người lớn; bao nhiêu người già cảm thấy được yên thân, nhưng không được chăm sóc và chấp nhận một cách thương yêu.

Chắc chắn, khi chúng ta mở lòng mình ra cho người khác, chúng ta có thể bị thương nặng. Cả trong đời sống chính trị cũng thế, những xung đột trong quá khứ giữa các dân tộc có thể thấy hiện ra tỏ tường một cách đau đớn. Đức Maria cho thấy Mẹ là một người phụ nữ mở lòng mình ra để tha thứ, để đặt sang một bên những oán giận và nghi ngờ. Mẹ không sống trên những giả định “chuyện gì có thể xảy ra” nếu như các bạn bè của con mình, hoặc các thượng tế và kỳ mục trong dân hành động khác đi. Mẹ không buông trôi theo sự chán nản hay bất lực. Đức Maria tín thác nơi Chúa Giêsu và tiếp nhận người môn đệ của Ngài, vì những mối quan hệ chữa lành và giải phóng chúng ta là những mối quan hệ mở ra cho chúng ta những cuộc gặp gỡ và tình huynh đệ với những người khác, mà trong họ chúng ta tìm thấy chính Thiên Chúa (xem Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 92). Đức Giám Mục Sloskans, người đang an nghỉ ở đây, sau khi bị bắt và bị lưu đầy, đã viết thư cho cha mẹ ngài: “Con cầu xin song thân từ tận đáy lòng con: đừng để lòng thù oán hay bực tức len lỏi vào lòng mình. Nếu chúng ta cho phép điều đó xảy ra, chúng ta sẽ không phải là những Kitô hữu đích thực, nhưng là những người cuồng tín”. Đôi khi chúng ta thấy sự quay lại của những cách nghĩ gieo vào lòng chúng ta sự nghi ngờ người khác, hoặc cho chúng ta thấy các số liệu thống kê theo đó chúng ta sẽ tốt hơn, thịnh vượng hơn và an toàn hơn nếu chúng ta cô lập trong chính mình. Vào những thời điểm đó, Đức Maria và các môn đệ của vùng đất này mời gọi chúng ta “tiếp nhận” các anh chị em của chúng ta, để chăm sóc cho họ, theo tinh thần của một tình huynh đệ phổ quát.

Đức Maria cũng cho thấy Mẹ là người phụ nữ sẵn sàng được đón nhận, một người khiêm tốn để cho mình trở thành một phần của thế giới môn đệ. Tại tiệc cưới, trước nguy cơ việc thiếu rượu có thể làm cho buổi lễ đầy những nghi thức nhưng lại cạn kiệt tình thương và niềm vui, Mẹ đã bảo những người đầy tớ hãy làm điều Chúa Giêsu nói với họ (x. Ga 2,5). Giờ đây, như một môn đệ vâng phục, Mẹ vui lòng để cho mình được đón tiếp, và thích ứng với nhịp sống của người trẻ hơn. Sự hòa hợp vẫn luôn là khó khăn khi chúng ta khác biệt nhau, khi tuổi tác, và những trải nghiệm trong cuộc sống cũng như những hoàn cảnh khiến chúng ta có những cách thức suy tư và hành động khác nhau, mà thoạt nhìn có vẻ là đối nghịch. Trong đức tin, khi chúng ta đón nhận lệnh truyền phải đón tiếp và để mình được đón tiếp, ta có thể kiến tạo sự hiệp nhất trong khác biệt, vì những khác biệt không ngăn cản và cũng chẳng phân rẽ chúng ta, nhưng cho phép chúng ta có thể nhìn xa hơn, và thấy tha nhân trong phẩm giá sâu xa nhất của họ, như những người con của cùng một Cha” (Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 228),

Trong Thánh Lễ này, như trong mọi Thánh Lễ khác, chúng ta nhớ lại ngày tại đồi Golgotha. Từ chân thập giá, Đức Maria mời gọi chúng ta hãy mừng vui vì chúng ta đã được nhận làm con Mẹ, và cả Chúa Giêsu Con Mẹ cũng mời gọi chúng ta đón nhận Mẹ vào nhà mình để Mẹ trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta. Đức Maria muốn ban cho cho chúng ta sự can đảm của Mẹ, để chúng ta cũng có thể kiên định; và sự khiêm nhường của Mẹ, để giống như Mẹ, chúng ta có thể thích ứng với bất kỳ những gì cuộc sống mang đến. Trong ngôi đền thờ của Mẹ này, Mẹ xin tất cả chúng ta có thể tái cam kết chào đón nhau không có sự phân biệt đối xử nào. Bằng cách này, tất cả mọi người ở Latvia có thể biết rằng chúng ta sẵn sàng thể hiện cảm tình đối với người nghèo, nâng dậy những ai sa ngã, và tiếp nhận những người khác ngay khi họ đến, và ngay trong tình trạng hiện nay của họ.

Amen.

Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha nói thêm:

Anh chị em thân mến,

Vào cuối buổi lễ này, tôi cảm ơn vị giám mục của anh chị em vì những lời ngài đã nói với tôi. Tôi cũng muốn cảm ơn, từ trái tim tôi, tất cả những người qua những cách khác nhau đã cống hiến cho chuyến tông du này. Đặc biệt, tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của tôi với Tổng thống Cộng hòa và các nhà chức trách của đất nước vì sự chào đón của họ.

Tôi phó dâng lên Mẹ Chí Thánh của Thiên Chúa, trong “Miền đất Đức Maria” này, một chuỗi Mân Côi đặc biệt: Xin Đức Trinh Nữ bảo vệ và luôn luôn đồng hành cùng anh chị em.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Năm 27/9/2018: Tóm lược chuyến tông du Latvia và Estonia của ĐTC Phanxicô ngày 24 và 25 tháng 9, 2018
VietCatholic Network
23:38 26/09/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, thứ Tư ngày 26 tháng 9, 2018.

2- ĐTC Phanxicô bắt đầu viếng thăm Estonia.

3- ĐTC Phanxicô gặp gỡ đại kết với các bạn trẻ Kitô giáo tại Estonia.

4- ĐTC Phanxicô dâng Thánh lễ tại quảng trường Tự Do ở Tallin, Estonia.

5- ĐTC Phanxicô viếng thăm Latvia.

6- ĐTC Phanxicô cầu nguyện đại kết tại Riga, Latvia.

7- ĐTC dâng Thánh lễ tại quảng trường đền thánh Mẹ Thiên Chúa ở Aglona, Latvia.

8- Ba điều đáng lưu ý về thỏa thuận tạm giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm Giám Mục.

9- Giới thiệu Thánh Ca: Tình Khúc.
https://youtu.be/TG89LC_djK8

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết