Ngày 26-09-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 26/9: Thánh Vinh Sơn Phaolô sống vì người nghèo – Suy Niệm: Lm. Giuse Trần Châu Đông
Giáo Hội Năm Châu
03:46 26/09/2021

PHÚC ÂM: Lc 9, 46-50

“Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các mộn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, và bảo các ông rằng: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”. Gioan lên tiếng thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con”. Chúa Giêsu bảo ông rằng: “Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con”.

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:21 26/09/2021

19. Ngước mắt nhìn lên trời xanh thì cảm thấy trần gian ô nhiễm.

(Thánh Ignatius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:23 26/09/2021
67. OAN NÊN KHÔNG TRẮNG NỔI

Trần Câu Sơn đã sáu mươi tuổi nhưng râu tóc thì không có một sợi trắng. Người bạn là Cầu Văn Đạt nói đùa:

- “Nếu lấy tuổi tác làm tiêu chuẩn để so sánh, thì tóc râu của anh có thể nói là ôm nổi oan mà khuất phục”.

Họ Trần kinh ngạc hỏi duyên cớ, Cầu trả lời:

- “Chúng nó chịu đựng oan khiên nên trắng không nổi đó”.

(Tiếu tiếu lục)

Suy tư 67:

Con người ta khi đến tuổi bốn, năm mươi trở lên thì tóc đã muối tiêu rồi, sáu mươi tuổi mà tóc vẫn còn đen thì là điều kỳ lạ hoặc là do nhuộm đen mà có, chứ không ai chịu oan ức mà tóc đen cả...

Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng thế, sống đạo đã gần hết đời người rồi mà vẫn không cải thiện được tính hư nết xấu của mình thì đúng là chuyện lạ, chuyện lạ là vì từng giây phút trong cuộc đời họ đều nhận lãnh được ơn hoán cải của Thiên Chúa ban cho qua hoàn cảnh sống, qua việc làm, qua thánh lễ, qua việc lãnh nhận các bí tích.v.v...

Không cải thiện đời sống tội lỗi của mình là do nơi mình, chứ không thể oán trách Thiên Chúa sao bất công và hà khắc với mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 26 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:26 26/09/2021
CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 9, 38-43.45.47-48

“Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi.”


Bạn thân mến,

Trong bài Tin Mừng hôm nay có hai điểm chính mà Đức Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh:

- điểm thứ nhất là “chống lại và ủng hộ”,

- điểm thứ hai là “phải dứt khoác ngay với những gì nên cớ vấp phạm”.

1. Đức Chúa Giê-su không hề rao giảng việc ủng hộ tội ác hay ủng hộ làm điều ác và tội lỗi, nhưng Ngài nhắc nhở các môn đệ rằng, ai ủng hộ việc làm của Ngài và của các tông đồ tức là không chống đối Ngài, mà việc Ngài và các tông đồ đang làm chính là công việc bác ái và phục tha nhân, mà người Do Thái chưa từng thấy được nơi các kinh sư, các thầy luật sĩ và những người biệt phái của họ. Nếu họ làm như Đức Chúa Giê-su và các tông đồ, thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người ủng hộ và tôn họ làm đấng tiên tri, nhưng họ thay vì ủng hộ thì lại chống đối việc Đức Chúa Giê-su đang làm và đang rao giảng, và cuối cùng thì lên án đóng đinh Ngài vào thập giá.

Có rất nhiều lần trong cuộc sống chúng ta đã phản đối, đã “đì”, và đã trù giập người anh em chị em chúng ta, vì một lí do đơn giản là họ không ủng hộ việc chúng ta làm.

Trong cuộc sống của bạn và tôi thì chống đối nhiều hơn là ủng hộ, bởi vì cái tôi của chúng ta quá lớn, lớn hơn cả lí trí và lương tâm của mình, cho nên chúng ta chỉ thấy được cái khuyết điểm của người anh em chị em mà không nhìn thấy cái ưu điểm của họ:

Chúng ta chống vì họ thấp cổ bé họng,

Chúng ta chống vì họ quá hiền lành,

Chúng ta chống vì họ hay nói sự thật,

Chúng ta chống vì việc làm ngay thẳng của họ là cái gai trong mắt của mình.

Chúng ta chống vì họ được nhiều người ủng hộ.

Chúng ta chống vì chúng ta kiêu ngạo...

Chúng ta chống vì họ không về phe với mình...


Nhưng chúng ta lại ủng hộ những ai về phe với mình, chúng ta ủng hộ vì họ là bạn bè thân thiết của mình, chúng ta ủng hộ vì hoàn cảnh của họ giống hoàn cảnh của mình, chúng ta ủng hộ người khác vì tâm hồn của chúng ta cũng đang hậm hực tức tối vì quyền lợi bị mất đi...

2. “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi”, “tay anh” chính là bạn bè của bạn và tôi, bạn bè làm cớ cho chúng ta vấp ngã thì dứt tình bạn với họ, vì thà rằng không có bạn bè để được vào Nước Trời, còn hơn là có người bạn xấu ấy để rồi cả hai sa hoả ngục; “chân anh” cũng chính là những cái mà anh yêu thích: xe cộ, áo quần, tiền bạc.v.v... thà không có xe cộ để được vào Nước Trời, còn hơn là có xe cộ rồi chạy long nhong đến quán cà-phê ôm, đến những nơi không đáng đến để rồi gây cớ vấp phạm cho người khác; thà không có lụa là gấm vóc, thà không có tiền ức bạc tỷ, thà vào Nước Trời với bộ áo quần vải thô nhưng thơm tho sạch sẽ...

Ở đời, có nhiều khi bạn thấy làm đúng cũng bị chống mà làm sai lại được ủng hộ, bởi vì bạn và tôi đều hiểu: thế gian chứ không phải là thế ngay, bởi vì con người ta ai cũng có cái tôi ích kỷ, ai cũng có cái tôi tham lam, ai cũng có phe cánh của mình…

Bạn thân mến,

Chống đối hay ủng hộ là việc của người khác, nhưng hết lòng chu toàn bổn phận vì Chúa vì tha nhân trong công lý và sự thật là việc của chúng ta, vì chống đối hay ủng hộ không phải là giấy chứng nhận vào Nước Trời, nhưng chính là việc chu toàn bổn phận hằng ngày của mình cách trọn vẹn.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:27 26/09/2021

20. Nên coi thường thế tục và càng nên hy vọng thế tục coi thường chúng ta.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:33 26/09/2021
68. ĐẠI NHÂN XẢO QUYỆT

Thừa tướng nọ quyền thế hiển hách.

Có người giàu có họ Trương, vì để nịnh ông ta nên trước hết đem con gái của mình gả cho con của em thừa tướng kết thông gia để tiến vào hàng quan lại, sau đó lại nói:

- “Bây giờ anh của ông với tôi là bà con thông gia, nếu tôi muốn gặp ông ấy thì nói qua ngài một tiếng thì thật may mắn”.

Em của thừa tướng nói:

- “Bái kiến thì dễ dàng, chỉ sợ ngài không biết nói rồi tai nạn đến mà thôi”.

Người giàu có trả lời:

- “Chỉ cần ngài dám dạy thì tôi dám học và nhớ mãi không quên đâu”.

Người ấy bèn dạy cho ông ta làm thế nào để hàn huyên, làm thế nào để tán dương, và yêu cầu ông ta nói lại nhiều lần, ông ta đều làm được bèn viết cho ông ta giấy giới thiệu, người giàu có đắc ý đi bái kiến thừa tướng.

Thừa tướng nói:

- “Chúc mừng ông làm quan vào tuổi trung niên, ta cũng cảm thấy được vinh dự”.

Người giàu có vừa nghe thì không biết trả lời như thế nào, đỏ mặt chảy mồ hôi, bối rối hồi lâu rồi mới nói:

- “Từ lâu tôi ngưỡng mộ sự xảo quyệt của đại nhân được triều đình trong ngoài kính sợ”.

Thừa tướng nổi giận đi vào trong, gia nhân đem ông ta quăng ra ngoài cửa.

(Tiếu tiếu lục)

Suy tư 68:

Người ta nói cái miệng hại xác phàm là để ám chỉ những người hay nói, siêng nói, bạ đâu nói cũng được, để rồi tự mình làm hại mình và làm tổn thương đến tha nhân.

Để được người ta yêu mến tôn trọng không phải là do chức quyền quan tước, cũng không phải là do tiền bạc, nhưng do tư cách sống của mình có bày tỏ tinh thần vị tha, yêu thương và công bình hay không mà thôi...

Các linh mục của Đức Chúa Giê-su được mọi người kính trọng là bởi vì các ngài có đời sống tận hiến hy sinh tuyệt vời, và bởi vì chức linh mục không phải do con người lập ra, nhưng là do chính Đức Chúa Giê-su lập ra; người Ki-tô hữu được người khác tôn trọng yêu mến là vì họ sống đúng tinh thần Phúc Âm và thực hiện những gì Giáo Hội dạy họ qua thánh lễ, giáo lý và đời sống của Đức Chúa Giê-su...

Cao quý thay, hạnh phúc thay người đem cuộc sống của mình đặt dưới thập giá của Đức Chúa Giê-su, vì họ sẽ nên giống Ngài hơn là đem đời sống của mình đặt nơi cửa nhà quan quyền, tiền bạc và danh vọng, bởi vì có ngày họ cũng sẽ trở nên xảo quyệt mất đi lòng tự trọng của mình nơi người khác.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thúc giục nhẹ nhàng của Ân sủng
Lm. Minh Anh
20:44 26/09/2021
THÚC GIỤC NHẸ NHÀNG CỦA ÂN SỦNG
“Ngài liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Ngài”.

Chuyện kể về D. Bonhoeffer, một thần học gia chống lại các chính sách của Hitler. Ngày kia, trong tù, theo quy định, ông chào một sĩ quan Đức, “Hoan hô Hitler!” khi viên sĩ quan đi qua. Bonhoeffer thấy một tù nhân khác tỏ vẻ khó chịu; anh này từ chối chào. Ông thì thầm vào tai anh, “Chào đi, đồ ngốc. Điều này không đáng để chết! Phải lựa chọn các trận chiến một cách cẩn thận!”.

Kính thưa Anh Chị em,

D. Bonhoeffer đã thì thầm vào tai bạn mình để thức tỉnh anh, phải chọn chỗ mà chết; ‘đại dương’ chứ không phải ‘một vũng nước’. Tin Mừng hôm nay cũng nói đến ‘một lời thì thầm’ Chúa Giêsu dành cho các môn đệ khi giữa họ đang chào xáo, ai sẽ là người cao trọng nhất! Luca rất tinh tế khi viết, “Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Ngài liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Ngài”. Thay vì thì thầm vào tai như D. Bonhoeffer, Chúa Giêsu đưa ra một cử chỉ. Cử chỉ này được coi như một nhắc nhở không lời; đúng hơn, một ‘thúc giục nhẹ nhàng của ân sủng’.

Rõ ràng, đã xảy ra một sự ganh đua, vốn âm ỉ theo bản tính tự nhiên của con người; nó đã bắt đầu nhen nhúm và bộc lộ giữa các môn đệ. Phải chăng họ đã ghen tị vì Phêrô đã tuyên tín Thầy là Đấng Messia của Thiên Chúa? Hoặc phải chăng nhiều người trong họ không được đưa lên núi để chứng kiến việc Thầy biến hình? Nhưng dù nguyên nhân là gì đi nữa, thì giữa họ cũng đã có một sự tranh chấp quyền lực nhất định!

Với trình thuật này, thánh Cyrilô Alexandria lưu ý, “Trong cuộc chiến thiêng liêng, mưu chước đầu tiên của ma quỷ là khơi dậy những ham muốn xác thịt bên trong, khiến chúng ta bị ràng buộc bởi việc ước muốn những thú vui đó. Tuy nhiên, khi một người có thể thoát khỏi những ham muốn hạ đẳng xác thịt này, ma quỷ sẽ khơi lên một tội thầm kín khác; tên gọi của nó là ‘háo danh’, hạt mầm của kiêu ngạo. Đây là điều mà các môn đệ đã phải đấu tranh. “Thấu biết tư tưởng lòng họ”, một nhận xét rất quan trọng, Chúa Giêsu biết sự háo danh nơi các môn sinh như chỉ mới bắt đầu; nó tựa hồ cỏ dại mới mọc, sẽ dễ dàng để nhổ lên. Nhưng nếu cứ để như thế, cây mọc lên, sẽ khó nhổ hơn. Cũng vậy, đối với một tội lỗi! Thật tinh tế, Ngài nhẹ nhàng dẫn một đứa trẻ vào và nói, “Kẻ nào bé nhỏ nhất trong các con, đó là người cao trọng nhất”. Ngài đã kịp giúp họ loại bỏ ‘cỏ dại’ của tội háo danh trước khi nó bám rễ quá sâu; và Chúa Giêsu tiếp tục trò chuyện với sự dịu dàng, giải quyết những vướng mắc trong lý luận của họ.

Điều quan trọng cần hiểu ở đây là, Chúa Giêsu luôn mong muốn giải quyết tội lỗi của chúng ta ngay khi nó mới bắt đầu. Nếu chúng ta sẵn sàng đón nhận những ‘thúc giục nhẹ nhàng của ân sủng’ từ Ngài, tức là đón nhận sự dịu dàng dịch chuyển bánh lái hành động của mình ngay khi mới bắt đầu chệch hướng, thì sự chú ý đến lời quở trách yêu thương của Chúa Giêsu sẽ giúp chúng ta không bắt rễ sâu hơn vào tội lỗi, cho dù đó có thể là gì. Việc thiết lập một thói quen xét mình thường xuyên sẽ giúp ích rất nhiều trong việc này; nhờ luôn ‘nội soi’, chúng ta không thấy Thiên Chúa là một Thẩm Phán khắc nghiệt, hay phê phán; đúng hơn, thấy Ngài trong sự dịu dàng và chăm sóc.
Sự dịu dàng của Thiên Chúa một lần nữa được gặp thấy trong bài đọc Zacharia hôm nay, “Ta sẽ cứu dân Ta thoát khỏi đất phía mặt trời mọc và phía mặt trời lặn. Ta sẽ dẫn chúng về cư ngụ giữa Giêrusalem”. Đó là một Thiên Chúa tìm kiếm, chữa lành và là một Thiên Chúa tái tạo, như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng, “Chúa sẽ xây dựng lại Sion, sẽ xuất hiện quang vinh rực rỡ!”.

Anh Chị em,

Như các môn đệ, ước mong thống trị, ham muốn chức quyền đều tồn tại trong chúng ta. Chúa Giêsu, vị Thầy tuyệt vời biết hết, hiểu hết những hư tưởng ấy. Ngài đang thì thầm bên tai chúng ta bằng những ‘thúc giục nhẹ nhàng của ân sủng’; qua Lời Ngài, qua tiếng nói của tha nhân, hay qua các biến cố lớn nhỏ, ngõ hầu chúng ta không phải ngốc ngếch mà chết trong ‘những vũng nước’ của ma quỷ hay thói đời. Là con cái của Thiên Chúa, được cứu chuộc bằng chính máu Chúa Kitô, được giải thoát khỏi những hão huyền của thế gian…, chúng ta hãy tỉnh thức, đừng để mình bị quàng vào ách nô lệ của bất cứ tội lỗi nào ngay cả khi nó mới chớm nở.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa đã đến với con nhiều cách qua những ‘thúc giục nhẹ nhàng của ân sủng’. Xin giúp con thấy rõ những gì con phải đổi thay, để ngay cả những hạt mầm của một tội nhỏ nhất, nó cũng được nhổ bỏ”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha khẳng quyết: Hiệp thông Kitô giáo được xây dựng bằng cách chào đón chứ không loại bỏ!
Thanh Quảng sdb
05:18 26/09/2021
Đức Thánh Cha khẳng quyết: Hiệp thông Kitô giáo được xây dựng bằng cách chào đón chứ không loại bỏ!

Trong bài suy diễn tại buổi đọc kinh “Truyền Tin” Chủ nhật 26/9/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô phản ánh lời khuyến dụ của Chúa Giêsu hãy gạt bỏ những phán xét sang một bên bằng cách loại bỏ sự thiếu linh hoạt của ta dành cho người khác.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Trong buổi đọc kinh “Truyền Tin” trưa Chúa nhật 26/9/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về bài Phúc âm trong ngày (Mc 9: 38-41), trong đó Chúa Giêsu khuyên các môn đệ đừng ngăn cản những người đang làm điều thiện.

Trong Phúc Âm, các môn đồ xin Chúa Giêsu hãy ngăn cấm kẻ không thuộc về nhóm của Chúa đang trừ quỷ. Đáp lại, Chúa Giêsu bảo các tông đồ đừng ngăn những ai nhân danh Ngài mà làm điều tốt.

Đức Thánh Cha cho hay Chúa Giêsu khuyên các tông đồ phải biết “phân biệt ai là người tốt và ai là kẻ xấu”, và khuyến dụ họ đừng để họ xa vào điều ác.

Đừng co quắt đóng khung trong nhóm

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Chúa Giêsu chống lại sự cám dỗ đóng khung trong phe nhóm. Đức Thánh Cha nói hãy tránh cám dỗ “khép kín” và “khư khư trong nhóm!” Các tông đồ “nghĩ họ ‘độc quyền trên Chúa’, và họ là những người duy nhất được phép làm việc cho Nước Chúa.” Thái độ này dẫn đến việc họ coi mình là “những người đặc quyền, còn những người khác là người ngoài, nhiều khi coi họ là thù địch nữa”.

Đức Thánh Cha nói thêm mọi kiểu đóng kín đều gây ra mối ngăn cách chúng ta với những người xung quanh “những người không cùng tâm tư như chúng ta”.

ĐTC nói: “Đây là căn nguyên của nhiều tệ nạn trong lịch sử: chế độ chuyên chế thường tạo ra các chế độ độc tài và gây ra quá nhiều bạo lực cho những người đối kháng!”

Sự chia rẽ và ma quỷ

Đức Thánh Cha kêu gọi người Công Giáo phải cảnh giác về một thái độ khép kín tương tự như trên trong Giáo hội.

ĐTC nói, ma quỷ là “kẻ gây chia rẽ”, luôn tìm cách khơi dậy những nghi ngờ để chia rẽ và loại trừ người khác. "Nó cám dỗ người ta qua những xảo quyệt, và điều này đã đột nhập vào hàng ngũ các tông đồ qua việc xin Chúa cấm những người đang trừ quỷ!"

ĐTC Phanxicô nói: thay vì khiêm tốn, cởi mở, chúng ta có thể rơi vào bẫy của việc nghĩ mình là tốt hơn những người khác và xua đẩy họ... như ĐTC than thở: “Thay vì cố gắng cùng đồng hành với họ, chúng ta đòi hỏi điều kiện này nọ ’để định giá họ và loại trừ họ!”

Sự xét đoán dẫn đến sự chia cách, chứ không hiệp nhất

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các Kitô hữu hãy cầu xin Chúa giúp vượt qua cái tâm thức “xây tổ” và cám dỗ định kiến và phân biệt!...

ĐTC nói, những thái độ này có thể biến các cộng đoàn Kitô giáo thành những “nhóm riêng lẻ chứ không hiệp nhất”.

Đức Thánh Cha nói: “Chắc chắn Thần Linh Chúa không muốn sự khép kín. Ngài mong muốn sự khai mở và chào đón mọi người, mọi nhóm, cho tất cả mọi người.”

Hình ảnh cấp tiến

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Chúa Giêsu đưa ra một lời khuyên trong Tin Mừng hôm nay: “thay vì phán xét mọi sự và mọi người, chúng ta hãy cẩn thận với chính mình!”

ĐTC nói: Chúa Giêsu xử dụng những hình ảnh nổi bật về việc cắt bỏ các bộ phận cơ thể, như hình ảnh nói lên một sự triệt để loại trừ tội lỗi của Ngài.

ĐTC nói: “Chúa Giêsu là người cấp tiến, đòi hỏi cao, nhưng vì lợi ích của chúng ta, giống như một bác sĩ giỏi, "mỗi lần giải phẫu, mỗi lần cắt bỏ là để chúng ta có thể phát triển tốt hơn và đơm hoa kết trái trong tình yêu."

Diệt trừ cái ác

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài suy tư trong buổi triều yết với lời mời gọi hãy cải thiện cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hãy tự nhủ: “Hãy soi bóng cuộc đời ta trong Lời Chúa, để khám phá ra điều gì bất xứng? Nói một cách cụ thể, Chúa Giêsu muốn ta gạt bỏ đi điều gì trong cuộc sống?”
 
Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge gọi các luật mới trợ tử của Úc là một thất bại cho cuộc sống
Đặng Tự Do
06:28 26/09/2021


Sau khi các nhà lập pháp ở Queensland, Úc, bỏ phiếu ủng hộ áp đảo đối với biện pháp cho phép “được tự nguyện yêu cầu hỗ trợ chết”, gọi tắt là VAD, một trong những giám mục hàng đầu của đất nước đã lên án động thái này là “một thất bại đối với cuộc sống”.

Trong một tweet vào ngày 16 tháng 9 sau khi luật được thông qua, Đức Tổng Giám Mục Úc Mark Coleridge của tổng giáo phận Brisbane nói:

“Một chiến thắng nào đó cho chính phủ nhưng lại là một thất bại thực sự cho người dân Queensland, một chiến thắng cho cái chết nhưng một thất bại cho sự sống… Bây giờ chúng ta đang chờ đợi cảnh tượng đen tối với những hậu quả bất ngờ”, Đức Tổng Giám Mục Coleridge nói.

Coleridge nhấn mạnh rằng bất chấp các luật mới, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe Công Giáo, “những người mà tiếng nói của họ không được đoái hoài trong quá trình này”, sẽ tiếp tục đồng hành với “mọi người cho đến cái chết như chúng ta đã làm trong một thời gian rất dài”.

Các nghị sĩ ở Queensland, tiểu bang lớn thứ hai của Úc, đã thông qua luật VAD mới trong cuộc bỏ phiếu ngày 15 tháng 9, với kết quả 60 phiếu thuận trên 29 phiếu chống, để biến Queensland trở thành khu vực pháp lý thứ năm của Úc cho phép luật trợ tử.
Source:Crux
 
San Marino bỏ phiếu về việc hợp pháp hóa phá thai vào ngày 26 tháng 9
Đặng Tự Do
06:28 26/09/2021


Quốc gia Châu Âu nhỏ bé San Marino, nơi phá thai là bất hợp pháp trong gần một thế kỷ rưỡi, sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc hợp pháp hóa phá thai vào cuối tháng này.

Quốc gia với khoảng 35,000 người, ước tính hơn 90% là Công Giáo, sẽ bỏ phiếu vào ngày 26 tháng 9 về việc có cho phép phá thai đến 12 tuần khi mang thai hay không; lá phiếu cũng sẽ xác định tính hợp pháp của việc phá thai sau 12 tuần nếu “có những dị tật của thai nhi, hay có nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất hoặc tâm lý của người phụ nữ”.

Hơn 3,000 chữ ký đã được thu thập để ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý, cao hơn gấp đôi so với yêu cầu pháp lý. Một số nỗ lực nhằm thay đổi luật phá thai của đất nước trong 20 năm qua đã thất bại sau sự phủ quyết của các chính phủ liên tiếp.

Đảng Dân chủ Kitô Giáo hiện đang cầm quyền đã kêu gọi công dân bỏ phiếu chống lại sự thay đổi pháp lý này.

Phá thai là bất hợp pháp ở San Marino từ năm 1865. San Marino nằm gọn giữa lòng nước Ý, nơi đã hợp pháp hóa phá thai vào năm 1978. Các quốc gia nơi đa số dân theo Công Giáo đã lần lượt hợp pháp hóa phá thai. Nghiêm trọng nhất là, Ái Nhĩ Lan, nơi việc hợp pháp hóa phá thai bằng trưng cầu dân ý.

“San Marino không có nghĩa vụ phải thông qua luật pháp của các quốc gia có biên giới với nó, và nó không cần phụ thuộc vào tấm gương xấu xa của Ý”, Tiến sĩ Adolfo Morganti thuộc Comitato Uno di Noi, nghĩa là “Ủy ban một người trong số chúng ta”, là một nhóm ủng hộ sự sống đã vận động chống lại việc hợp pháp hóa phá thai ở San Marino.

Morganti đã cảnh báo rằng ngôn ngữ trưng cầu dân ý có thể mở San Marino đến khả năng “du lịch phá thai”, vì nó không áp đặt một yêu cầu người phá thai là công dân hoặc thường trú nhân.

Ông cũng đặt câu hỏi về sự cần thiết của việc hợp pháp hóa phá thai, trong bối cảnh hệ thống phúc lợi mạnh mẽ của đất nước cung cấp hỗ trợ cho những phụ nữ mang thai có nhu cầu. San Marino cũng có tỷ lệ sinh vốn đã thấp, khoảng 1.2 trẻ em trên một phụ nữ, và việc phá thai hợp pháp có thể sẽ làm gia tăng sự suy giảm dân số của quốc gia.

Comitato Uno di Noi đã nhận được nhiều lời chỉ trích từ những người ủng hộ việc phá thai

Cha Gabriele Mangiarotti, một linh mục phục vụ tại một nhà thờ ở trung tâm lịch sử của San Marino, nói với France24 rằng việc thay đổi luật phá thai của đất nước sẽ là một sự phản bội các nguyên tắc của đất nước. San Marino “được thành lập bởi một vị thánh và do đó có sự hiện diện của Kitô Giáo trong DNA của nó.” Theo truyền thống, vào thế kỷ thứ tư, một Kitô Hữu tên là Marinus đã thành lập một cộng đồng Kitô Giáo mà cuối cùng đã trở thành quốc gia San Marino.

“Giết chết một đứa trẻ vô tội là một hành động nghiêm trọng, một tội phạm,” ngài nói.
Source:Catholic News Agency
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 26/9/2021
J.B. Đặng Minh An dịch
07:25 26/09/2021


Chúa Nhật 26 tháng 9, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 26 Mùa Quanh Năm, bài Tin Mừng tường thuật với chúng ta lời khuyên của Chúa Giêsu:

“Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.

“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay cho chúng ta biết về cuộc đối thoại ngắn giữa Chúa Giêsu và Tông đồ Gioan, người nói thay cho cả nhóm các môn đệ. Họ thấy một người nhân danh Chúa trừ quỷ, nhưng họ ngăn cản anh ta làm vậy vì anh ta không thuộc nhóm của họ. Ở điểm này, Chúa Giêsu mời gọi họ đừng cản trở những ai đang nỗ lực làm thế, vì họ góp phần thực hiện chương trình của Thiên Chúa (x. Mc 9,38-41). Sau đó, Ngài cảnh báo: thay vì phân chia con người thành người tốt và kẻ xấu, tất cả chúng ta được kêu gọi canh giữ lòng mình, để chúng ta không khuất phục trước điều ác và gây tai tiếng cho người khác (xem các câu 42-45.47-48).

Tóm lại, những lời của Chúa Giêsu đưa ra ánh sáng một sự cám dỗ và đưa ra một lời khuyến khích. Sự cám dỗ là não trạng đóng cửa. Các môn đồ chỉ muốn ngăn cản một việc tốt vì người đã làm việc đó không thuộc về nhóm của họ. Họ nghĩ rằng họ có “độc quyền đối với Chúa Giêsu” và rằng họ là những người duy nhất được phép làm việc cho Nước Thiên Chúa. Nhưng theo cách này, họ sẽ cảm thấy được yêu thương và coi người khác như những người xa lạ, đến mức trở nên thù địch với họ. Thưa anh chị em, mọi sự khép kín, trên thực tế, đều cầm giữ những người không nghĩ như chúng ta ở khoảng cách xa xa chúng ta, và điều này - chúng ta biết - là gốc rễ của nhiều tệ nạn trong lịch sử: chủ nghĩa chuyên chế thường tạo ra các chế độ độc tài và rất nhiều bạo lực chống lại những người khác với nó.

Chúng ta cũng cần phải đề phòng sự đóng cửa trong Giáo hội. Bởi vì ma quỷ, kẻ ngăn cách - kẻ tạo ra sự phân chia luôn gieo sự nghi ngờ để chia rẽ và loại trừ mọi người. Nó tung ra các cám dỗ ranh ma, có thể xảy ra cả với các môn đệ, là những người đến để loại trừ ngay cả những người đã tự mình đuổi quỷ! Đôi khi chúng ta cũng vậy, thay vì trở thành cộng đồng khiêm tốn và cởi mở, chúng ta có thể bị cám dỗ để tạo ấn tượng là “người đầu tiên trong lớp” và giữ khoảng cách với người khác; thay vì cố gắng đi cùng mọi người, chúng ta có thể đi xa đến mức là thể hiện “giấy phép tín đồ” của mình: “Tôi là một tín đồ”, “Tôi là người Công Giáo”, “Tôi thuộc hội này, hội kia...”; còn những người khác thì không. Thật là đáng tiếc khi chúng ta trưng bày “giấy phép của những người tin Chúa” để phán xét và loại trừ. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng để vượt qua cám dỗ đánh giá và lập danh mục, và xin Chúa gìn giữ chúng ta khỏi tâm lý “tổ ấm” canh giữ chúng ta khỏi thói ghen tị rút lui vào trong một nhóm nhỏ những người tự cho mình là tốt: như linh mục so với các tín hữu của mình, các nhân viên mục vụ đóng cửa để không ai xâm nhập, các phong trào và hiệp hội trong đặc sủng riêng của họ, v.v. Như thế là đóng cửa. Tất cả những nguy cơ này làm cho các cộng đồng Kitô trở thành những nơi xa cách và không hiệp thông. Chúa Thánh Thần không muốn đóng cửa; Ngài muốn sự cởi mở, chào đón các cộng đồng nơi có chỗ cho tất cả mọi người.

Và sau đó trong Tin Mừng có lời khuyên của Chúa Giêsu: thay vì xét đoán mọi việc và mọi người, chúng ta hãy cẩn thận về chính mình! Trên thực tế, rủi ro là chúng ta không linh hoạt đối với người khác nhưng lại buông thả đối với chính mình. Và Chúa Giêsu khuyên chúng ta đừng phạm các điều ác, với những hình ảnh nổi bật: “Nếu điều gì trong anh em gây ra tai tiếng, hãy cắt bỏ nó đi!” (Xem các câu 43-48). Nếu điều gì nên dịp tội cho con, hãy cắt nó đi! Chúa Giêsu không nói: “Nếu điều gì đó gây ra tai tiếng, hãy dừng lại, suy nghĩ về nó, trở nên tốt hơn một chút…” Không. Ngài bảo “Cắt nó đi! Ngay lập tức!”. Chúa Giêsu nói rất dứt khoát trong việc này, đòi hỏi nhiều, nhưng vì lợi ích của chúng ta, giống như một bác sĩ giỏi. Mỗi lần cắt, mỗi lần tỉa, là để phát triển tốt hơn và đơm hoa kết trái trong tình yêu thương. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: điều gì trong tôi trái ngược với Tin Mừng? Cụ thể, Chúa Giêsu muốn tôi cắt bỏ điều gì trong cuộc đời mình?

Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm giúp chúng ta luôn chào đón người khác và cảnh giác với chính mình.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới về Người di cư và Tị nạn, năm nay chủ đề của ngày này là “Hướng tới một ‘chúng ta’ lớn hơn bao giờ hết”. Cần phải cùng nhau bước đi, không định kiến và không sợ hãi, đặt mình bên cạnh những người dễ bị tổn thương nhất: người di cư, người tị nạn, nạn nhân buôn người và những người bị bỏ rơi. Chúng ta được kêu gọi xây dựng một thế giới ngày càng hòa nhập, không loại trừ một ai.

Tôi tham gia với tất cả những người ở nhiều nơi trên thế giới đang kỷ niệm ngày này; Tôi chào mừng các tín hữu tập trung tại Loreto theo sáng kiến của Hội đồng Giám mục Ý nhằm ủng hộ người di cư và người tị nạn. Tôi chào và cảm ơn các cộng đồng dân tộc khác nhau có mặt tại quảng trường với lá cờ của họ; Tôi chào thăm các đại diện của các dự án của Caritas Ý; cũng như Văn phòng Di cư của Giáo phận Rôma và Centro Astalli. Cảm ơn tất cả các bạn vì dấn thân hào phóng của bạn!

Và trước khi rời quảng trường, tôi mời các bạn đến gần tượng đài đó - nơi Đức Hồng Y Czerny đang đứng: con thuyền chở những người di cư, và chiêm ngưỡng ánh nhìn của những người đó và nắm bắt trong ánh mắt đó niềm hy vọng mà mọi người di cư có được ngày hôm nay để bắt đầu cuộc sống mới. Hãy đến đó, xem tượng đài đó. Chúng ta không đóng cửa hy vọng của họ.

Tôi bày tỏ sự gần gũi và đoàn kết với những người đã bị ảnh hưởng bởi sự phun trào núi lửa trên đảo La Palma, thuộc quần đảo Canaries. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người đã bị buộc phải rời khỏi nhà của họ. Đối với những nạn nhân và đối với những người cứu hộ, chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ, được tôn kính trên Đảo đó với tước hiệu Nuestra Señora de las Nieves.

Hôm nay, tại Bologna, Don Giovanni Fornasini, linh mục tử đạo, sẽ được phong chân phước. Ngài là cha xứ nhiệt thành với lòng bác ái, ngài đã không bỏ rơi đoàn chiên trong giai đoạn bi thảm của Thế chiến thứ hai, nhưng đã bảo vệ đàn chiên cho đến độ đổ máu tử đạo. Mong lời chứng anh hùng của ngài sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ đối mặt với những thử thách của cuộc sống. Xin một tràng pháo tay chúc mừng Tân Chân phước!

Và tôi chào tất cả các bạn, những người Rôma và những người hành hương đến từ các quốc gia khác. Đặc biệt, tôi chào mừng Phong trào giáo dân của Nhà hát Opera Don Orione và đại diện của các bậc cha mẹ và trẻ em liên quan trong cuộc chiến chống ung thư.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!
Source:Holy See Press Office
 
Các giám mục Đức kêu gọi tiếp tục trợ giúp nhân đạo cho Afghanistan
Đặng Tự Do
17:02 26/09/2021


Các giám mục Công Giáo Đức kêu gọi tiếp tục trợ giúp nhân đạo cho dân Afghanistan, cả sau khi Taliban lên nắm chính quyền tại nước này.

Tuyên bố hôm 22/9 vừa qua, tại Đại hội mùa thu của Hội đồng Giám mục Đức, tiến hành tại thành phố Fulda, Đức Tổng Giám Mục Ludwig Schick, Chủ tịch Ủy ban Giám mục Đức về Giáo hội hoàn vũ, nói rằng: “Chúng ta cần nói chuyện với những người Taliban để tiếp tục và mở rộng các hoạt động trợ giúp. Nhiều người dân Afghanistan đang bị nạn đói đe dọa và chúng ta không thể dửng dưng trước tình trạng này. Vấn đề bây giờ là tìm kiếm những khả thể mới để giúp đỡ, đặc biệt cho các phụ nữ”.

Theo Hội đồng Giám mục Đức, hai cơ quan từ thiện của Công Giáo Đức, là Misereor và Phân bộ Caritas quốc tế, vẫn còn hoạt động tại Afghanistan. Tuy nhiên, nhiều dự án hiện thời không thể tiếp tục được. Tất cả các cộng tác viên người Đức đã rời khỏi Afghanistan.

Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Đức là Đức Cha Heiner Wilmer, nói rằng đây là một nghĩa vụ luân lý cần giúp đỡ. Đức Cha đặc biệt lo âu cho những người Afghanistan nam, nữ đã cộng tác với các tổ chức trợ giúp phát triển của Đức. “Chúng tôi có những tin tức cho biết những người Taliban đã thiết lập danh sách những người đã cộng tác với các cơ quan Đức, và đây không phải là điều tốt”.

Đức Cha Wilmer, là giám mục giáo phận Hildesheim, e ngại rằng các trẻ nữ và phụ nữ đã được giáo dục trong những năm qua và được tự lập, sẽ lâm vào tình trạng thê thảm. Ngài kêu gọi phân tích sâu rộng về những lý do tại sao nhiều sứ vụ tại Afghanistan trong những năm qua đã không đạt mục tiêu và tại sao Tây phương bây giờ đang đối đầu với những thất bại của sự dấn thân quốc tế. Đức Cha phê bình sự can thiệp quân sự tại Afghanistan hầu như không để ý đến văn hóa của dân chúng địa phương và chỉ để ý đến những nhu cầu an ninh ngắn hạn.
Source:Der Tagesspiegel
 
8 điều mà các linh mục đã mang lại hy vọng và niềm vui cho dân chúng trong thời đại dịch
Thanh Quảng sdb
23:33 26/09/2021
8 điều mà các linh mục đã mang lại hy vọng và niềm vui cho dân chúng trong thời đại dịch

(Aleteia - Monika Wisniewska - 26/09/21)

Những người có niềm tin nhắc nhở chúng ta ý nghĩa của cuộc sống cho Chúa và tha nhân.

Trong thời đại dịch, chúng ta đã mất nhiều linh mục tu sĩ khi họ dấn thân hoàn thành thiên chức của mình là “ra đi phục vụ” các nhu cầu thiêng liêng cho đàn chiên. Chỉ riêng ở Ý, hàng trăm linh mục đã chết để phục vụ những người bị nhiễm, nhưng điều này không ngăn cản anh chị em của họ tiếp tục thực hiện công cuộc của Chúa.

Để ghi nhận những hành vi dấn thân can cường này, chúng tôi chỉ muốn chia sẻ một số điều cảm kích về những con người dạt dào niềm tin yêu hy vọng này, và những gì họ đã làm để giữ niềm vui và hy vọng cho các việc mục vụ thông thường của họ.

Tìm niềm vui

Trong Video này, một linh mục đã tìm ra niềm vui trong cuộc sống. Video cũng cho thấy cách thức ngài thực hiện những công cuộc thật ấn tượng để đem lại một nụ cười, một an vui…

Bền bỉ dâng Thánh lễ

Những người anh em này đã cố gắng kín múc và trao ban ơn thiêng liêng qua các Thánh lễ, trong khi chính họ cũng đang bị cô lập vì Covid. Nỗ lực lớn lao nhất trong lúc này là tìm cách cho anh chị em tín hữu của họ lãnh nhận được Thánh Thể, vì đó là nhu cầu cần nhất.

Như một số linh mục ở New York đã dâng thánh lễ ngoài trời cho các tín hữu…

Mang an ủi và ơn Chúa cho người chết

Nghe tin trẻ sơ sinh chết đã đủ làm chúng ta đau buồn rồi chứ đừng nói đến việc chúng bị bỏ rơi. Tuy nhiên, những người anh chị em tu sĩ hay giáo dân đã hợp tác với nhau để chôn cất các trẻ em vô danh này một cách cung kính.

Các anh chị em ở Boston cũng đã cùng nhau chôn cất những em bé bị bỏ rơi này…

Hy sinh tự do dâng hiến

Không ai bắt buộc các linh mục tu sĩ phục vụ trong giai đoạn này, nhưng chính họ đã dũng cảm tình nguyện trở thành kẻ phục vụ, vì nhu cầu thiêng liêng của những anh chị đang bị cách ly trong thời đại dịch.

Khởi đầu những sáng kiến

Nhiều giáo sĩ thực sự đã gây được ấn tượng nơi chúng tôi về quyết tâm và sự sáng tạo của họ để họ có thể tiếp tục phục vụ giáo dân của họ.

Những sáng tạo

Trong thời đại dịch nhiều linh mục tu sĩ và ngay cả người giáo dân đã có những sáng kiến qui tụ các gia đình lại để chia sẻ Lời Chúa, cầu nguyện như lần Chuỗi Mân Côi với nhau; hoặc những phòng chia sẻ trải bầu tâm sự cho nhau để giải tỏa những u uẩn cuộc đời…

Bước tới để cứu các linh hồn

Đối với một linh mục người Pháp, dấn thân cuộc đời mình để cứu linh hồn là chưa đủ, Ngài đã tham gia vào dịch vụ cứu hỏa, để cứu sống những người đang gặp nguy hiểm.

Sáng tạo các phong trào mới

Nhờ các phương tiện truyền thông, các linh mục có thể vươn xa hơn cả các lời rao giảng trên tòa giảng, như một linh mục ở Richmond, NY đã sử dụng Twitter để nối kết các cuộc hội thảo về những tác hại của những chương trình khiêu dâm và tầm quan trọng của việc cầu nguyện… Nhóm các linh mục trên Vietcatholic đã thực hiện các chương trình suy niệm và các thánh lễ trực tuyến v.v. và v.v…
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thông tấn Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ca ngợi nam nữ tu sĩ Việt Nam tại bệnh viện dã chiến
Đặng Tự Do
17:01 26/09/2021


Hôm 23 tháng 9, Thông tấn xã Catholic News Service của Hội Đồng Giám Mục có bài “Prayers for dead among religious’ duties at Vietnamese field hospital”, nghĩa là “Những lời cầu nguyện cho người chết nằm trong số các nghĩa vụ của các tu sĩ tại một bệnh viện dã chiến”.

Đúng 7h30 tại bệnh viện dã chiến số 16, các nam nữ tu sĩ bắt đầu ca trực bằng những lời cầu nguyện cho những bệnh nhân vừa tử vong vì COVID-19.

Các nhân viên tuyến đầu là thành viên của các dòng khác nhau ở thành phố phía Nam. UCANews cho biết các vị là những người tình nguyện hỗ trợ nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm coronavirus cũng như thực hiện công tác hậu cần.

Vào tháng 7, giới cầm quyền ở Việt Nam đã kêu gọi các tình nguyện viên ở Sài Gòn giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ngay sau đó, khoảng 700 tình nguyện viên từ các tổ chức tôn giáo đã tham gia tại các bệnh viện dã chiến.

Bên cạnh việc chăm sóc người bệnh và hậu cần, họ còn thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt: đó là Cầu nguyện trước phòng lạnh của những người đã chết vì COVID-19 mỗi ngày.

“Tất cả nhân viên y tế và tình nguyện viên đều ý thức được vai trò là người nhà của bệnh nhân, vì bệnh nhân đến đây một mình. Nếu bệnh nhân tử vong, ngay cả gia đình cũng không thể có mặt. Vì vậy, tôi luôn muốn làm điều gì đó cho họ. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho tất cả các bệnh nhân ở đây”, Sơ Thùy Linh, một thành viên của Dòng Nữ tu Thánh Phaolô thành Chartres, nói.

Sơ đã so sánh đại dịch này với một cuộc chiến mà không ai có thể tưởng tượng được: “Đây quả thực là một trận chiến vô cùng khốc liệt. Nhận thấy sự khốc liệt đó, chúng tôi có nghĩa vụ góp sức với các bác sĩ, và y tá. Chúng tôi đến đây để hỗ trợ và làm việc với các nhân viên y tế”.

Thầy Quang Phùng, một chủng sinh Dòng Chúa Cứu Thế, giải thích những gì các tình nguyện viên thực sự làm trong bệnh viện dã chiến: “Chăm sóc bệnh nhân là một thuật ngữ chung. Đặc biệt, chúng tôi thay tã, thay giường, lấy thức ăn cho bệnh nhân ăn, thăm hỏi, khích lệ. Nếu bệnh nhân cần bất cứ thứ gì, chúng tôi sẽ đi lấy cho họ”.

Sơ Thùy Linh cho biết đây không phải là công việc dễ dàng, nhất là khi sơ phải mặc đồ bảo hộ y tế dã chiến.

Sơ nói: “Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ. Xung quanh tôi là những người cần thở. Trong khi tôi vẫn có thể thở, tôi cần phải giúp họ”.

Cha Anphongsô Trần Ngọc Hương, linh mục Dòng Chúa Cứu Thế cảm thấy xúc động khi xem một đoạn video của các tình nguyện viên và viết: “Tôi thấy các nam nữ tu sĩ đang đứng trước các thùng chứa, cầu nguyện cho những người đã qua đời do COVID-19 để linh hồn họ được yên nghỉ và họ có thể nhẹ nhàng và thanh thản ra đi. Tôi cũng thấy họ làm dấu thánh giá. Trái tim tôi cảm thấy thực sự bồi hồi. Tôi tự hỏi bản thân: Mỗi ngày, tôi làm dấu thánh giá như một thói quen bao nhiêu lần, và bao nhiêu lần tôi làm với tinh thần tin tưởng như những tình nguyện viên đó?”
Source:Crux
 
Văn Hóa
Có chăng một linh đạo phụ nữ của Edith Stein
Vũ Văn An
18:49 26/09/2021

Kathleen Sweeney chuyên biệt hơn, tự hỏi có chăng một linh đạo phụ nữ nơi Edith Stein (https://www.catholiceducation.org/en/controversy/feminism/is-there-a-specifically-feminine-spirituality-an-exploration-of-edith-steins-thesis.html). Tác giả cho rằng trong những năm đại học của mình, Edith Stein có quan điểm duy nữ mạnh mẽ về nữ tính và trong tư cách một phụ nữ chuyên nghiệp, ngài đánh giá cao các thành tựu của những phụ nữ muốn bước vào các lĩnh vực do nam giới thống trị.



Khi bà trở lại Công Giáo vào năm 1922 sau khi nghiên cứu về Thánh Teresa thành Avila, quan điểm của ngài về phụ nữ càng sâu sắc hơn, trở thành một viễn kiến tâm linh về con đường đặc thù của người phụ nữ Kitô giáo.

Là một nhà triết học, Edith Stein đã tiếp cận câu hỏi có chăng một phương thức chuyên biệt nữ tính để phát biểu bản chất con người, như một “tâm hồn” [psyche] nữ tính chẳng hạn. ngài đặt vấn đề về việc liệu hữu thể phụ nữ có được quyết định chủ yếu bởi sinh học của họ hay không. Theo ý niệm của Aristốt và Thánh Tôma trong đó linh hồn là mô thức của thân xác, ngài kết luận rằng phải có một nguyên tắc nữ tính trong linh hồn để xác định một cơ thể là nữ tính. "Chất thể phục vụ mô thức, không phải ngược lại. Điều đó gợi ý rõ ràng rằng sự khác biệt trong tâm hồn là điều chính yếu".

Đây là một nhận thức thông suốt cực kỳ quan trọng dưới ánh sáng lập trường duy nữ cực đoan cho rằng đối với Giáo hội, "sinh học là định mệnh". Việc không hiểu được vai trò ưu việt của tinh thần trong cuộc sống của người phụ nữ, và tính thống nhất giữa thể xác và tinh thần trong con người nhân bản, là nguyên nhân dẫn đến nhiều điều sai lầm trong xã hội đương thời. Cái hiểu của Stein rằng nữ tính bắt nguồn từ linh hồn ngụ ý rằng có những khía cạnh nội tại và vĩnh viễn đối với phái tính [gender] không được xây dựng hoặc thay đổi đáng kể bởi các nhân tố môi trường, văn hóa hoặc kinh tế.

Trong phân tích triết học của Stein, phụ nữ tham gia vào bản chất chung của con người. Thứ hai, bản chất này được dị biệt hóa là nam hay nữ. Và thứ ba, mỗi con người nhân bản hiện hữu như một cá nhân độc đáo. Việc nói về ba phân biệt này rất hữu ích trong việc hiểu được tính phức tạp của nam tính và nữ tính, vì mỗi người phát biểu các dị biệt này trong tính độc đáo của hữu thể bản vị cá nhân của họ. Đàn ông và đàn bà chia sẻ bình đẳng mọi khả năng của bản chất con người, và đàn bà phát biểu cả nhân tính lẫn nữ tính của họ một cách cá thể. Tuy nhiên, Stein cho rằng cá tính của mỗi người, cũng như sự khác biệt giới tính, đều bắt nguồn từ linh hồn, ngược với Thánh Tôma, người coi cả cá tính lẫn sự khác biệt giới tính đều phát xuất từ chất thể.

Stein không đơn độc khi nói về một linh hồn nữ tính. Thí dụ, theo nghiên cứu của Sơ Prudence Allen, Khái niệm về Người Phụ nữ, Thánh Mechtild thành Hackeborn thời Trung cổ "tri nhận mình như linh hồn nữ tính".

Stein rút ra được nhiều chìa khóa quan trọng khác về vấn đề này từ Sách Sáng thế. Ở đó, ngài nhận thấy Thiên Chúa đã tạo ra hai cách khác nhau để trở thành nhân bản, nam và nữ, và mỗi cách được kêu gọi trở thành hình ảnh của Thiên Chúa, sinh hoa kết quả và thống trị trái đất. Khi người phụ nữ được tạo ra từ xương sườn của Ađam, câu nói hớn hở của ông rằng nàng là "xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi" truyền đạt tới chúng ta điều này: người phụ nữ có cùng bản chất với người đàn ông. Việc mô tả người phụ nữ như một "người trợ thủ tương xứng với họ" (eser kenegdo) chỉ ra rằng bên trong sự tương đồng cũng có một điều gì đó bổ sung cho người đàn ông mà chính ông không có trong bản thân mình. Sự khác biệt này trong cùng một bản chất mang lại niềm vui khoái và sự giúp đỡ cho người đàn ông. Thiên Chúa đã nói với Ađam rằng việc ông ở một mình là điều không tốt, ông được kêu gọi sống trong một cộng đồng yêu thương với một người khác, người sẽ mang đến cho ông một điều gì đó ông rất cần.

"Điều này có nghĩa chúng ta phải coi cuộc sống của cặp đôi con người nguyên thủy là cộng đồng tình yêu thân mật nhất, các cơ năng của họ hòa hợp hoàn hảo như trong một hữu thể đơn nhất; cũng thế, trước cuộc Sa Ngã, mọi cơ năng trong mỗi cá nhân đều hài hòa hoàn hảo, các giác quan và tinh thần hiện hữu trong mối quan hệ đúng đắn không hề có khả thể xảy ra xung đột" (Essays on Woman, 62)

Sau này, Đức Gioan-Phaolô II đã khai triển phân tích này một cách chi tiết hơn (trong các buổi yết kiến thứ Tư hàng tuần của các năm 1979-1981). Ngài nói tới ba bình diện của nhận thức: 1) con người biết mình như một hữu thể nhân bản khác biệt với các loài động vật; 2) người nam biết người nữ như một hữu thể nhân bản giống như mình nhưng khác với mình, một cách nào đó khiến lôi kéo họ vào một hiệp thông tình yêu để bộc lộ hình ảnh của Thiên Chúa một cách trọn vẹn hơn; và 3) người đàn ông tiến tới chỗ biết người đàn bà trong "mầu nhiệm nữ tính... được biểu lộ và tiết lộ hoàn toàn qua tư cách làm mẹ" và nhờ cách này "mầu nhiệm nam tính của đàn ông, nghĩa là, ý nghĩa sinh sản và làm cha của thân xác họ, cũng được tiết lộ một cách triệt để". Điều đáng lưu ý là Đức Cố Giáo Hoàng không những nhấn mạnh đến tính hợp nhất của thể xác và linh hồn, mà còn định vị sự phân biệt phái tính trong bối cảnh nhận thức; nghĩa là, trong tinh thần, chứ không trong chất thể. Điều này không có nghĩa là cho rằng nguồn gốc của sự khác biệt giới tính nằm ở linh hồn, nhưng nó chỉ theo hướng đó.

Stein được đào tạo về phân tích hiện tượng luận. Trường phái triết học này tập chú vào kinh nghiệm sống như nguồn để hiểu thực tại. Trong suốt mười năm dạy học cho phụ nữ trẻ ở trường trung học, ngài đã tích lũy được nhiều kiến thức đầu tay về thói quen, suy nghĩ và mong muốn của những học sinh nữ được giao phó cho ngài. Những quan sát và suy gẫm cẩn trọng của ngài về phụ nữ và kinh nghiệm của họ đã khiến ngài mô tả một số đặc điểm mà ngài nghĩ là đặc biệt hiển nhiên nơi phụ nữ (mặc dù không hoàn toàn như vậy). "Khi tiếp xúc với mọi người nói chung và với học sinh của mình nói riêng, Edith Stein sở hữu một khả năng trực giác khác thường giúp ngài có thể tìm thấy đường đi vào những tầng sâu thẳm của một linh hồn chưa biết" (Essays on Woman, 4).

Dưới đây là một số phẩm chất tích cực mà ngài nhận thấy đặc biệt mạnh mẽ nơi phụ nữ:

• "Người phụ nữ tự nhiên tìm cách nắm lấy những gì sống động, có bản vị và toàn bộ" (Essays on Woman, 45). Họ có một sự hiểu biết trực giác về toàn bộ hữu thể và sự phát triển hữu cơ, và sức mạnh trong tri nhận đời sống xúc cảm và bản thân. Stein cũng tin rằng "Linh hồn người phụ nữ hiện diện mãnh liệt hơn và sống trong mọi bộ phận của cơ thể..." (Essays on Woman, 95). Vì vậy, người phụ nữ có một tri nhận toàn diện hơn về những điều tốt đẹp.

• "Nâng niu, canh giữ, bảo vệ, nuôi dưỡng và thúc đẩy sự phát triển là niềm khao khát tự nhiên, có tính mẫu thân của họ" (Essays on Woman, 95). Xu hướng mẫu thân không những được điều hướng về các mối quan hệ gia đình, mà còn hướng về việc chăm sóc những người trẻ bị bệnh, bị bỏ rơi, những người nghèo trong giáo xứ, việc giáo dục trẻ em, v.v. Sự tương cảm hay thiện cảm đối với người khác đặc biệt mạnh mẽ nơi phụ nữ. Họ có thiên phú làm bạn đồng hành. Vai trò chi phối hoặc lãnh đạo của họ được bao gồm trong ơn gọi làm mẹ của họ.

• Dù phụ nữ rất có khả năng xem xét lý thuyết và trừu tượng, họ có xu hướng điều hướng những xem xét này vào các ứng dụng thực tế.

• Tính dễ tiếp thu của người phụ nữ khiến họ dễ vâng lời, phục tùng, sẵn sàng được Chúa hướng dẫn. Họ cũng có năng khiếu chịu đựng nỗi đau, thu thập lực lượng của mình trong im lặng, tự thích nghi và quên mình.

• Niềm vui trong sáng tạo, mong muốn tạo ra một môi trường tươi đẹp, có trật tự và hòa bình là đặc trưng của người phụ nữ.

• Sự nhạy cảm đối với các giá trị đạo đức - ghét những gì thấp kém và hèn hạ - đã bảo vệ người phụ nữ chống lại sự quyến rũ và đầu hàng nhục dục. Lời tiên tri của Sáng thế cho thấy người phụ nữ đặc biệt dấn thân vào cuộc chiến chống lại cái ác.

Stein tin rằng tội nguyên tổ đã làm vấy bẩn sự thuần khiết của bản chất người phụ nữ do Thiên Chúa tạo ra, và ngài mô tả một cách khá chi tiết các cơn cám dỗ và lầm lỗi đặc thù mà phụ nữ dễ mắc phải.

Stein không coi những đặc điểm trên là tuyệt đối hay độc hữu. Tuy nhiên, chúng cho thấy, phụ nữ có ơn gọi đặc biệt, khác với nam giới; họ có thể có một đóng góp tích cực và bổ sung cho gia đình nhân loại, cho việc phát triển xã hội, văn hóa và tâm linh. Niềm khao khát sâu sắc nhất của phụ nữ là đạt được một sự kết hợp yêu thương. Đây không những là mong muốn của con người mà là một phần trong số phận và tính cách muôn đời của phụ nữ. Người phụ nữ cũng mong muốn có sự hoàn thiện nơi người khác. Họ tự thách thức và thách thức người khác tập chú nhiều hơn vào việc hoàn thiện con người bản vị bên trong hơn là đạt được các mục tiêu bên ngoài - trái ngược với mong muốn thiết yếu của đàn ông là tự bộc lộ trong hành động và trong việc làm. Stein tin rằng tội nguyên tổ đã làm vấy bẩn sự thuần khiết của bản chất người phụ nữ do Thiên Chúa tạo ra, và ngài mô tả một cách khá chi tiết các cơn cám dỗ và lầm lỗi đặc thù mà phụ nữ dễ mắc phải. Đây là những gì phụ nữ cần giải quyết để phát triển một đời sống thiêng liêng chân chính phù hợp với ơn gọi mà Thiên Chúa đã ban cho. "Thông thường, cái nhìn về bản thân xem ra bị phóng đại một cách không lành mạnh; trước nhất, xu hướng tập chú cả các hoạt động của mình lẫn của người khác vào con người của chính họ được phát biểu qua trang điểm phù phiếm, muốn được khen ngợi và tâng bốc, và nhu cầu chuyện trò không hạn chế; mặt khác, người ta thấy nó trong việc họ lưu ý quá mức đến người khác qua tính tò mò, ngồi lê đôi mách và nhu cầu vô ý tọc mạch pha mình vào cuộc sống riêng tư của người khác. Quan điểm muốn đạt tới nét toàn bộ của họ dễ dàng dẫn tới việc phung phí các năng lực của họ: sự ác cảm của họ đối với việc ra kỷ luật khách quan cần thiết cho các khả năng cá nhân dẫn đến việc họ bắt bẻ cách phiến diện trong mọi lĩnh vực. Và trong các mối liên hệ của họ với những người khác, người ta thấy nó được phát biểu qua việc hoàn toàn hoà đồng với họ quá mức yêu cầu của chức năng người mẹ: người bạn đầy thiện cảm trở thành kẻ gây phiền phức ngăn cản người khác, không chịu đựng một sự phát triển thầm lặng, kín đáo; và vì điều này, họ không thúc đẩy sự phát triển mà đúng hơn cản trở và làm tê liệt nó. Việc thống trị đã thay thế việc phục vụ vui tươi. Biết bao nhiêu cuộc hôn nhân bất hạnh đã được quy cho sự bất thường này! Biết bao sự ra xa cách giữa người mẹ và những đứa con đang lớn lên và ngay cả những đứa con đã trưởng thành!" (Essays on Woman, 47.)

Nhiều phụ nữ chúng ta có thể nhận ra một điều gì đó của bản thân mình phản ảnh trong bức chân dung trên. Tôi nghĩ quả thật hữu ích khi Edith Stein đã có can đảm chỉ ra những xu hướng trên cho các chị em Kitô hữu của ngài, cho chính họ và cho những phụ nữ trẻ được họ dạy dỗ và hướng dẫn. Không phải chỉ là tinh thần nữ tính thuần túy không phát triển trong chúng ta, do ảnh hưởng của tội nguyên tổ. Mà còn có vấn đề sa đọa trong tính cách nam tính đích thực nữa, cách nó đang thống trị nền văn hóa của chúng ta – quá nhấn mạnh đến tính hung hăng, vụ lợi và kiêu hãnh. Điều này cũng dẫn đến việc mô hình Đức Maria dành cho phụ nữ bị coi thường hoặc bị phản đối một cách công khai.

Trong các ngài phát biểu về giáo dục, Stein cũng chỉ ra những điểm yếu khác mà phụ nữ có thể mắc phải. Niềm vui của một người phụ nữ trước vẻ đẹp của trái đất có thể biến thái thành lòng tham, tích trữ đồ vật hoặc vô tâm mê nhục dục. Một cám dỗ đặc biệt mạnh mẽ ngày nay, nhưng cũng hiển nhiên trong thời đại của Stein, là việc tập chú vào sự nghiệp có thể dẫn đến việc không chung thủy với ơn gọi nữ tính là hôn nhân và làm mẹ, gây nguy hiểm cho cuộc sống gia đình và cộng đồng (Essays on Woman, 74).

Ngoài ra, tinh thần vô trách nhiệm có thể phát xuất từ sự phụ thuộc và lười biếng. Trong đó, có thể có cơn cám dỗ muốn trở thành một đối vật xinh đẹp cho người khác hơn là một người sở hữu bản thân có khả năng đưa ra các quyết định của riêng mình. Chủ nghĩa duy cảm có thể làm suy yếu tính khách quan. Một người phụ nữ cũng có thể rơi vào tình trạng cay đắng, nhẫn tâm hoặc trầm cảm nếu ơn gọi của họ bị phá ngang.

Để chống lại những xu hướng trên và xây dựng dựa trên các phẩm tính tích cực của vai trò phụ nữ, Stein đặt câu hỏi: đâu là sự hoàn thiện được một phụ nữ Kitô giáo tìm kiếm? ngài đầy tri nhận cho rằng: "Đầu tiên hãy trở thành một con người!"

Ngài minh họa nguyên tắc trên qua việc phân tích các nhân vật nữ anh thư trong ba cuốn tiểu thuyết, (Ngôi nhà búp bê của Ibsen, Iphigenie của Goethe, Olaf Audunssohn của Undset), những cuốn tiểu thuyết đã tiết lộ một điều gì đó về các cuộc đấu tranh nội tâm của phụ nữ. Stein nhận định rằng trước khi một người phụ nữ có thể trở thành vợ và mẹ một cách tích cực, trước tiên họ phải trưởng thành trong việc tự chiếm hữu mình (Essays on Woman, 89-94). Dù người phụ nữ khao khát yêu thương và nhận được yêu thương, họ vẫn phải trở nên mạnh mẽ đủ để trở thành một hồng phúc thực sự cho người khác.

Để có một hình ảnh về lý tưởng thuần túy của tư cách phụ nữ trước tội nguyên tổ, Stein trưng dẫn Đức Nữ trinh Maria, nơi ngài, các phẩm tính tích cực của người phụ nữ được thể hiện một cách hoàn hảo nhất. Mẹ Thiên Chúa thể hiện thái độ tâm linh căn bản tương ứng với ơn gọi tự nhiên của người phụ nữ; mối liên hệ của nàng với chồng là một mối liên hệ vâng lời, tín thác và tham dự vào cuộc sống của chàng khi nàng đẩy mạnh các nhiệm vụ khách quan và nhân cách của chàng; đối với đứa con, nàng chăm sóc, khuyến khích và đào tạo các tài năng do Thiên Chúa ban cho đứa con; nàng vị tha hiến mình và im lìm rút lui khi không còn cần đến nữa. Tất cả đều dựa trên quan niệm coi hôn nhân và chức làm mẹ như một ơn gọi từ Thiên Chúa; nó được thực thi vì Thiên Chúa và dưới sự hướng dẫn của Người (Essays on Woman, 48).

Mọi phụ nữ đều được làm cho cao qúy nhờ Đức Maria. "Người phụ nữ vốn là cửa ngõ qua đó Thiên Chúa tìm được lối vào với loài người" (Essays on Woman, 70). Lời “xin vâng” của ngài đã làm khả hữu sự thuận ý tín trung của mọi Kitô hữu. Trong tư cách ấy, và theo yêu cầu của Chúa Kitô, ngài là Mẹ của Giáo hội và là biểu tượng của việc Kitô hữu đáp ứng đối với sáng kiến của Thiên Chúa. Stein hình dung người phụ nữ Kitô giáo, mô phỏng theo Đức Maria, được gọi bước vào ơn gọi thi hành bốn vai trò: làm con Thiên Chúa, làm cơ quan của Giáo hội, làm biểu tượng của Giáo hội và làm con Đức Maria (Essays on Woman, 241). Một linh đạo nữ tính đích thực được thành hình nhờ việc nghiên cứu và chiêm niệm cẩn thận về Đức Maria. Để chống lại ý niệm coi người phụ nữ giống Đức Maria là thụ động hoặc trống rỗng, Stein đề xuất một phương thuốc tự nhiên, mặc dù là một phương thuốc cần đến sự trợ giúp của ân sủng để đổi mới chúng ta từ bên trong.

"Một phương thuốc tốt tự nhiên chống lại mọi khiếm khuyết điển hình của nữ tính là việc làm khách quan vững chắc. Điều này tự nó đòi hỏi sự kìm nén thái độ có tính bản vị thái quá. Nó đòi phải chấm dứt tính hời hợt không những trong việc làm của chính họ nhưng nói chung. Vì nó đòi hỏi sự phục tùng các luật lệ khách quan, đây là một lối học về sự vâng lời. Nhưng nó không được dẫn đến việc từ bỏ thái độ tốt đẹp và thuần bản vị cũng như không chuyên môn hóa một chiều và nô lệ cho một kỷ luật vốn tiêu biểu cho sự sa đọa của bản chất nam tính. Việc phương thuốc tự nhiên này tức việc làm khách quan cực kỳ đầy đủ ra sao có thể được nhìn thấy trong sự trưởng thành và hài hòa của nhiều phụ nữ từng biểu lộ một sự đào tạo tri thức cao hoặc những người đã được tôi luyện bởi cuộc sống khó khăn trong kỷ luật của việc làm chuyên nghiệp rất căng thẳng" (Essays on Woman, 48). Trong các giảng khóa của mình, Stein nói một cách cụ thể và thiết thực về cuộc sống và các thách thức đối với những phụ nữ đã lập gia đình, độc thân và thánh hiến, cũng như về ơn gọi thiêng liêng đặc thù đối với phụ nữ ở mỗi bậc sống. ngài nói rõ ràng rằng ơn gọi chính của người phụ nữ là sinh sản và nuôi dạy con cái. Đồng thời, ngài nhậy cảm nói về hoàn cảnh của người phụ nữ độc thân, nhấn mạnh đến những nhu cầu và những cám dỗ thiêng liêng của họ; đối với những nhu cầu và cơn cám dỗ này, ngài khuyên hãy ở gần bên Chúa trong Bí tích Thánh Thể và với cộng đoàn Giáo Hội; và tìm một vị linh hướng. Người độc thân không cần phải ở một mình. ngài cũng mô tả một cách tuyệt vời lý tưởng khiết trinh của Tân Ước, và coi đời sống thánh hiến của “người phối ngẫu của Chúa Kitô” như là sự thành toàn cao nhất của bản chất nữ giới. Sự khôn ngoan thực tế của ngài trong những lĩnh vực này rất đáng để đọc chi tiết. Cuối cùng, với tư cách một nhà giáo dục, Stein xem xét cẩn thận vấn đề đào tạo các phụ nữ trẻ. Điều này bao gồm việc đào tạo cả về một bậc sống đặc thù, chẳng hạn như vợ và mẹ, lẫn như thành viên của vương quốc Thiên Chúa.

Là một người mẹ, “nàng sẽ đứng vững trước linh hồn của con cái nàng, bảo vệ đời sống ân sủng đã bắt đầu trong chúng qua phép rửa thánh thiêng” (Essays on Woman, 122).

Nói chung, phụ nữ được kêu gọi có thái độ phục vụ quên mình, coi người khác như những hồng phúc được trao phó cho mình và việc phát triển các bản tính do Thiên Chúa ban cho họ như một nhiệm vụ thánh thiêng. ngài cũng nỗ lực khơi dậy nơi người khác tia sáng của tình yêu đối với Thiên Chúa. Trong mọi ơn gọi, người phụ nữ được mời gọi chăm sóc đầy tình mẹ cho những người khác, phát huy sức mạnh của mình để hiến tặng tình yêu và giúp đỡ họ trong việc trưởng thành của chính họ. Điều này chỉ có thể được duy trì nhờ quyền năng và tình yêu của Chúa Kitô, lời cầu nguyện và sự trông cậy vào tất cả các nguồn lực của Giáo Hội Công Giáo trong Thánh lễ, Bí tích Thánh Thể, Bí tích Sám hối, các ân sủng của bí tích hôn phối và việc thánh hiến khiết trinh. Người phụ nữ là "biểu tượng hữu hình của Giáo Hội" (Essays on Woman, 120), với ơn gọi làm tăng trưthực sự ởng con cái Thiên Chúa, sinh hoa kết trái, bất kể về thể xác hay thiêng liêng. Là một người mẹ, “nàng sẽ đứng vững trước linh hồn của con cái nàng, bảo vệ đời sống ân sủng đã bắt đầu trong chúng qua phép rửa thánh thiêng” (Essays on Woman, 122).

Giá trị khảo luận linh đạo của Stein hệ ở tính thực tế cụ thể và cách tiếp cận toàn diện của nó. Đối với ngài, linh đạo không phải là một phần riêng biệt trong cuộc sống của mỗi người, nhưng đúng hơn chính là điều làm nền tảng cho mọi sự. Linh đạo nữ được phát biểu xuyên suốt mọi khía cạnh trong cuộc sống của người phụ nữ. Nhưng mặc dù Stein tin rằng phụ nữ có một linh hồn nữ tính, và mọi phụ nữ đều được gọi để làm mẹ, cũng như tất cả đàn ông đều được gọi là làm cha, nàng vẫn cho phép những khác biệt cá nhân tác động lên cách sống cụ thể. Phản ứng của người phụ nữ trước ơn gọi của Thiên Chúa phải linh động và sáng tạo. Điều này cũng không được làm ta sao lãng Chúa Giêsu Kitô như hình mẫu lý tưởng cho cả đàn bà lẫn đàn ông:

"Được thuộc về và phụng sự Thiên Chúa trong tình yêu phó thác tự do là ơn gọi của mỗi Kitô hữu, không phải của một số ít người được tuyển chọn. Dù được thánh hiến hay không, dù là đàn ông hay đàn bà - mỗi người đều được kêu gọi noi gương Chúa Kitô. Càng tiếp tục tiến xa trên con đường này, họ càng trở nên giống Chúa Kitô hơn. Chúa Kitô hiện thân lý tưởng hoàn thiện của con người: Nơi Người, các thiên kiến và khiếm khuyết đều bị gỡ bỏ, các nhân đức thuộc nam tính cũng như nữ tính đều được thống nhất và các yếu đuối của họ đều được cứu chuộc; cho nên, các kẻ theo Người sẽ từ từ vượt thắng các giới hạn tự nhiên của họ. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy nơi những người đàn ông thánh thiện sự dịu dàng và nhân lành của một người phụ nữ và một sự quan tâm có tính mẫu tử thực sự đối với những linh hồn được giao phó cho họ, trong khi nơi những người phụ nữ thánh thiện có sự mạnh dạn, thành thạo và cương quyết của đàn ông" (Essays on Woman, 84).

Tuy nhiên, ngài cảnh cáo rằng kết quả trên không đạt được nhờ "một cuộc chiến đấu võ đoán chống lại tự nhiên và bằng cách phủ nhận các giới hạn tự nhiên, mà chỉ nhờ lòng khiêm tốn phục tùng mệnh lệnh của Thiên Chúa" (Essays on Woman, 85).

Stein coi đàn ông và đàn bà như những đóng góp bổ sung tạo nên tình hòa hợp của cả cộng đồng Kitô giáo. Đức Gioan Phaolô II đã khai triển khái niệm về sự hợp nhất kép: chính sự hiện hữu của những khác biệt thực sự làm cho sự hợp nhất khả hữu. Các phân biệt nam nữ làm cho sự hợp nhất khả hữu. Khi nam tính và nữ tính được sống trong sự thuần khiết nguyên thủy của chúng, chúng trở thành một hồng phúc cho nhau, tạo thành một nền văn minh của tình yêu không dựa trên sự giống nhau mà dựa trên sự tôn trọng khác biệt.

Sự kiện những người trưởng thành về mặt tâm linh có thể kết hợp cả các phẩm tính nam tính và nữ tính, thiển nghĩ, không phủ nhận luận điểm của Edith Stein về một linh hồn nữ tính và nền linh đạo. Theo phân tích của Nữ tu Prudence Allen, phụ nữ sẽ phát biểu các phẩm tính được coi là của đàn ông theo lối đàn bà, và đàn ông sẽ phát biểu các phẩm tính được coi là của đàn bà theo lối đàn ông. Điều này không làm thay đổi thực tại linh hồn của họ vốn là nam hay nữ trong cơ cấu. Tuy nhiên, luận điểm này cần phải được nghiên cứu và suy tư nhiều hơn.
 
VietCatholic TV
Đáng sợ: ĐTGM cảnh báo đại dịch đẩy mau toan tính loại bỏ người già. San Marino bỏ phiếu về phá thai
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:26 26/09/2021


1. Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge gọi các luật mới trợ tử của Úc là một 'thất bại cho cuộc sống'

Sau khi các nhà lập pháp ở Queensland, Úc, bỏ phiếu ủng hộ áp đảo đối với biện pháp cho phép “được tự nguyện yêu cầu hỗ trợ chết”, gọi tắt là VAD, một trong những giám mục hàng đầu của đất nước đã lên án động thái này là “một thất bại đối với cuộc sống”.

Trong một tweet vào ngày 16 tháng 9 sau khi luật được thông qua, Đức Tổng Giám Mục Úc Mark Coleridge của tổng giáo phận Brisbane nói:

“Một chiến thắng nào đó cho chính phủ nhưng lại là một thất bại thực sự cho người dân Queensland, một chiến thắng cho cái chết nhưng một thất bại cho sự sống… Bây giờ chúng ta đang chờ đợi cảnh tượng đen tối với những hậu quả bất ngờ”, Đức Tổng Giám Mục Coleridge nói.

Coleridge nhấn mạnh rằng bất chấp các luật mới, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe Công Giáo, “những người mà tiếng nói của họ không được đoái hoài trong quá trình này”, sẽ tiếp tục đồng hành với “mọi người cho đến cái chết như chúng ta đã làm trong một thời gian rất dài”.

Các nghị sĩ ở Queensland, tiểu bang lớn thứ hai của Úc, đã thông qua luật VAD mới trong cuộc bỏ phiếu ngày 15 tháng 9, với kết quả 60 phiếu thuận trên 29 phiếu chống, để biến Queensland trở thành khu vực pháp lý thứ năm của Úc cho phép luật trợ tử.
Source:Crux

2. San Marino bỏ phiếu về việc hợp pháp hóa phá thai vào ngày 26 tháng 9

Quốc gia Châu Âu nhỏ bé San Marino, nơi phá thai là bất hợp pháp trong gần một thế kỷ rưỡi, sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc hợp pháp hóa phá thai vào cuối tháng này.

Quốc gia với khoảng 35,000 người, ước tính hơn 90% là Công Giáo, sẽ bỏ phiếu vào ngày 26 tháng 9 về việc có cho phép phá thai đến 12 tuần khi mang thai hay không; lá phiếu cũng sẽ xác định tính hợp pháp của việc phá thai sau 12 tuần nếu “có những dị tật của thai nhi, hay có nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất hoặc tâm lý của người phụ nữ”.

Hơn 3,000 chữ ký đã được thu thập để ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý, cao hơn gấp đôi so với yêu cầu pháp lý. Một số nỗ lực nhằm thay đổi luật phá thai của đất nước trong 20 năm qua đã thất bại sau sự phủ quyết của các chính phủ liên tiếp.

Đảng Dân chủ Kitô Giáo hiện đang cầm quyền đã kêu gọi công dân bỏ phiếu chống lại sự thay đổi pháp lý này.

Phá thai là bất hợp pháp ở San Marino từ năm 1865. San Marino nằm gọn giữa lòng nước Ý, nơi đã hợp pháp hóa phá thai vào năm 1978. Các quốc gia nơi đa số dân theo Công Giáo đã lần lượt hợp pháp hóa phá thai. Nghiêm trọng nhất là, Ái Nhĩ Lan, nơi việc hợp pháp hóa phá thai bằng trưng cầu dân ý.

“San Marino không có nghĩa vụ phải thông qua luật pháp của các quốc gia có biên giới với nó, và nó không cần phụ thuộc vào tấm gương xấu xa của Ý”, Tiến sĩ Adolfo Morganti thuộc Comitato Uno di Noi, nghĩa là “Ủy ban một người trong số chúng ta”, là một nhóm ủng hộ sự sống đã vận động chống lại việc hợp pháp hóa phá thai ở San Marino.

Morganti đã cảnh báo rằng ngôn ngữ trưng cầu dân ý có thể mở San Marino đến khả năng “du lịch phá thai”, vì nó không áp đặt một yêu cầu người phá thai là công dân hoặc thường trú nhân.

Ông cũng đặt câu hỏi về sự cần thiết của việc hợp pháp hóa phá thai, trong bối cảnh hệ thống phúc lợi mạnh mẽ của đất nước cung cấp hỗ trợ cho những phụ nữ mang thai có nhu cầu. San Marino cũng có tỷ lệ sinh vốn đã thấp, khoảng 1.2 trẻ em trên một phụ nữ, và việc phá thai hợp pháp có thể sẽ làm gia tăng sự suy giảm dân số của quốc gia.

Comitato Uno di Noi đã nhận được nhiều lời chỉ trích từ những người ủng hộ việc phá thai

Cha Gabriele Mangiarotti, một linh mục phục vụ tại một nhà thờ ở trung tâm lịch sử của San Marino, nói với France24 rằng việc thay đổi luật phá thai của đất nước sẽ là một sự phản bội các nguyên tắc của đất nước. San Marino “được thành lập bởi một vị thánh và do đó có sự hiện diện của Kitô Giáo trong DNA của nó.” Theo truyền thống, vào thế kỷ thứ tư, một Kitô Hữu tên là Marinus đã thành lập một cộng đồng Kitô Giáo mà cuối cùng đã trở thành quốc gia San Marino.

“Giết chết một đứa trẻ vô tội là một hành động nghiêm trọng, một tội phạm,” ngài nói.
Source:Catholic News Agency

3. Đại dịch coronavirus đã đẩy nhanh những nỗ lực hợp pháp hóa trợ tử ở Úc

Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher nhận xét cay đắng rằng đại dịch coronavirus đã đẩy nhanh những nỗ lực hợp pháp hóa trợ tử, đặc biệt là ở các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi coronavirus, nơi những người già được thẳng thừng xem là một gánh nặng cho xã hội, đặc biệt là cho hệ thống y tế.

Ở Ái Nhĩ Lan, cụm từ nghèo nàn của dự luật “Dying with Dignity”, nghĩa là “Chết với phẩm giá”, được coi là thất bại vì sự phản đối hầu như đồng lòng từ các bác sĩ và hàng nghìn người bày tỏ những lo ngại về luật này.

Giờ đây, ở New South Wales, việc lockdown diễn ra đồng thời với những nỗ lực hợp pháp hóa hành vi giết người và hỗ trợ tự tử.

Trong một tuyên bố gần đây, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher đã chỉ ra bản chất bệnh hoạn của việc lợi dụng thời gian mà người già đang chết với số lượng lớn để hợp pháp hóa một ngành công nghiệp mà trong tương lai sẽ khiến những người cao niên bị áp lực phải chết.

Ngài nói:

Đối với nhiều người, thời điểm này là lúc thích hợp hơn bao giờ hết để đưa ra các dự luật nhằm giết hại những người dễ bị tổn thương như các bệnh nhân nan y, người già, người đau yếu và đau khổ. Nhưng đưa ra một dự luật như vậy giữa một cơn đại dịch và trong bối cảnh các vụ lockdown gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người xem ra là một điều hết sức bỉ ổi.

Người dân NSW hiện đang chấp nhận những hạn chế đáng kể đối với quyền tự do cá nhân của họ để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất - đặc biệt là người cao tuổi. Để đối phó với làn sóng COVID-19 mới nhất, chúng ta đã có một tháng ngừng hoạt động và nhiều khả năng có thể phải tiếp diễn lâu dài hơn. Nhiều người trong chúng ta đã không thể đến thăm cha mẹ già ở nhà, trong bệnh viện hoặc nơi chăm sóc người già. Người già và bệnh tật của chúng ta đã phải chịu 17 tháng bị cô lập ngày càng nhiều và ngay bây giờ điều đó còn trầm trọng hơn nữa. Trong khi đó, người dân mất việc làm, doanh nghiệp sa sút, gia đình phải chịu áp lực của việc học và làm việc ở nhà, việc di chuyển của người dân bị hạn chế nghiêm trọng, và tỷ lệ trầm cảm gia tăng. Thêm vào đó, chúng ta lại còn phải nghe từ các nhà lãnh đạo của mình trong tình huống này các thông điệp ủng hộ tự sát hoặc bất kỳ những đề nghị nào rằng những người già và sắp chết không còn xứng đáng với nguồn lực hoặc sự bảo vệ dành cho những người còn lại.

Chính phủ NSW đã tập trung đúng mức vào việc đưa chúng ta tiêm chủng an toàn và thoát khỏi tình trạng bế tắc càng sớm càng tốt, đồng thời dẫn dắt quá trình phục hồi kinh tế và xã hội.

Hệ thống Y tế NSW tập trung đúng vào việc giữ an toàn cho người già và người bệnh, và bảo đảm hệ thống có thể đối phó với những áp lực ngày càng tăng lên. Các chuyên gia y tế của chúng ta không muốn một cuộc tranh cãi gay gắt sẽ làm gián đoạn thêm môi trường làm việc vốn đã rất áp lực của họ.

Trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp hiện nay, thời gian quý báu của quốc hội và các nguồn lực y tế không nên chuyển hướng sang các nguyên nhân khác, và đặc biệt là không nên chuyển hướng cho một dự luật cho phép một nhóm nhỏ những người có quyền có thế buộc các bác sĩ phải đồng lõa trong việc giết người. Việc giết người ốm, người yếu, người già ở New South Wales dưới sự bảo trợ của nhà nước không phải là điều chúng ta cần ngay bây giờ! Tôi kêu gọi Chính phủ tập trung vào những thách thức hiện tại và một khi chúng đã được đáp ứng, chúng ta hãy tập trung vào y học ở mức tốt nhất nhằm chăm sóc cho mọi người chứ không phải là thứ y học giết người.
Source:Catholic News Agency
 
Cảm động: Thông tấn HĐGM Hoa Kỳ ca ngợi các tu sĩ Việt Nam trên tuyến đầu giữa đại dịch kinh hoàng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:00 26/09/2021


1. Thông tấn Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ca ngợi nam nữ tu sĩ Việt Nam tại bệnh viện dã chiến

Hôm 23 tháng 9, Thông tấn xã Catholic News Service của Hội Đồng Giám Mục có bài “Prayers for dead among religious’ duties at Vietnamese field hospital”, nghĩa là “Những lời cầu nguyện cho người chết nằm trong số các nghĩa vụ của các tu sĩ tại một bệnh viện dã chiến”.

Đúng 7h30 tại bệnh viện dã chiến số 16, các nam nữ tu sĩ bắt đầu ca trực bằng những lời cầu nguyện cho những bệnh nhân vừa tử vong vì COVID-19.

Các nhân viên tuyến đầu là thành viên của các dòng khác nhau ở thành phố phía Nam. UCANews cho biết các vị là những người tình nguyện hỗ trợ nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm coronavirus cũng như thực hiện công tác hậu cần.

Vào tháng 7, giới cầm quyền ở Việt Nam đã kêu gọi các tình nguyện viên ở Sài Gòn giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ngay sau đó, khoảng 700 tình nguyện viên từ các tổ chức tôn giáo đã tham gia tại các bệnh viện dã chiến.

Bên cạnh việc chăm sóc người bệnh và hậu cần, họ còn thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt: đó là Cầu nguyện trước phòng lạnh của những người đã chết vì COVID-19 mỗi ngày.

“Tất cả nhân viên y tế và tình nguyện viên đều ý thức được vai trò là người nhà của bệnh nhân, vì bệnh nhân đến đây một mình. Nếu bệnh nhân tử vong, ngay cả gia đình cũng không thể có mặt. Vì vậy, tôi luôn muốn làm điều gì đó cho họ. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho tất cả các bệnh nhân ở đây”, Sơ Thùy Linh, một thành viên của Dòng Nữ tu Thánh Phaolô thành Chartres, nói.

Sơ đã so sánh đại dịch này với một cuộc chiến mà không ai có thể tưởng tượng được: “Đây quả thực là một trận chiến vô cùng khốc liệt. Nhận thấy sự khốc liệt đó, chúng tôi có nghĩa vụ góp sức với các bác sĩ, và y tá. Chúng tôi đến đây để hỗ trợ và làm việc với các nhân viên y tế”.

Thầy Quang Phùng, một chủng sinh Dòng Chúa Cứu Thế, giải thích những gì các tình nguyện viên thực sự làm trong bệnh viện dã chiến: “Chăm sóc bệnh nhân là một thuật ngữ chung. Đặc biệt, chúng tôi thay tã, thay giường, lấy thức ăn cho bệnh nhân ăn, thăm hỏi, khích lệ. Nếu bệnh nhân cần bất cứ thứ gì, chúng tôi sẽ đi lấy cho họ”.

Sơ Thùy Linh cho biết đây không phải là công việc dễ dàng, nhất là khi sơ phải mặc đồ bảo hộ y tế dã chiến.

Sơ nói: “Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ. Xung quanh tôi là những người cần thở. Trong khi tôi vẫn có thể thở, tôi cần phải giúp họ”.

Cha Anphongsô Trần Ngọc Hương, linh mục Dòng Chúa Cứu Thế cảm thấy xúc động khi xem một đoạn video của các tình nguyện viên và viết: “Tôi thấy các nam nữ tu sĩ đang đứng trước các thùng chứa, cầu nguyện cho những người đã qua đời do COVID-19 để linh hồn họ được yên nghỉ và họ có thể nhẹ nhàng và thanh thản ra đi. Tôi cũng thấy họ làm dấu thánh giá. Trái tim tôi cảm thấy thực sự bồi hồi. Tôi tự hỏi bản thân: Mỗi ngày, tôi làm dấu thánh giá như một thói quen bao nhiêu lần, và bao nhiêu lần tôi làm với tinh thần tin tưởng như những tình nguyện viên đó?”
Source:Crux

2. Các giám mục Đức kêu gọi tiếp tục trợ giúp nhân đạo cho Afghanistan

Các giám mục Công Giáo Đức kêu gọi tiếp tục trợ giúp nhân đạo cho dân Afghanistan, cả sau khi Taliban lên nắm chính quyền tại nước này.

Tuyên bố hôm 22/9 vừa qua, tại Đại hội mùa thu của Hội đồng Giám mục Đức, tiến hành tại thành phố Fulda, Đức Tổng Giám Mục Ludwig Schick, Chủ tịch Ủy ban Giám mục Đức về Giáo hội hoàn vũ, nói rằng: “Chúng ta cần nói chuyện với những người Taliban để tiếp tục và mở rộng các hoạt động trợ giúp. Nhiều người dân Afghanistan đang bị nạn đói đe dọa và chúng ta không thể dửng dưng trước tình trạng này. Vấn đề bây giờ là tìm kiếm những khả thể mới để giúp đỡ, đặc biệt cho các phụ nữ”.

Theo Hội đồng Giám mục Đức, hai cơ quan từ thiện của Công Giáo Đức, là Misereor và Phân bộ Caritas quốc tế, vẫn còn hoạt động tại Afghanistan. Tuy nhiên, nhiều dự án hiện thời không thể tiếp tục được. Tất cả các cộng tác viên người Đức đã rời khỏi Afghanistan.

Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Đức là Đức Cha Heiner Wilmer, nói rằng đây là một nghĩa vụ luân lý cần giúp đỡ. Đức Cha đặc biệt lo âu cho những người Afghanistan nam, nữ đã cộng tác với các tổ chức trợ giúp phát triển của Đức. “Chúng tôi có những tin tức cho biết những người Taliban đã thiết lập danh sách những người đã cộng tác với các cơ quan Đức, và đây không phải là điều tốt”.

Đức Cha Wilmer, là giám mục giáo phận Hildesheim, e ngại rằng các trẻ nữ và phụ nữ đã được giáo dục trong những năm qua và được tự lập, sẽ lâm vào tình trạng thê thảm. Ngài kêu gọi phân tích sâu rộng về những lý do tại sao nhiều sứ vụ tại Afghanistan trong những năm qua đã không đạt mục tiêu và tại sao Tây phương bây giờ đang đối đầu với những thất bại của sự dấn thân quốc tế. Đức Cha phê bình sự can thiệp quân sự tại Afghanistan hầu như không để ý đến văn hóa của dân chúng địa phương và chỉ để ý đến những nhu cầu an ninh ngắn hạn.
Source:Der Tagesspiegel

3. Một Chút Tâm Tư Của Y Bác Sĩ Công Giáo Nơi Tuyến Đầu

Bao tháng ngày qua, dịch bệnh hoành hành kéo dài không dứt, với con số người nhiễm bệnh vẫn cứ tăng cao. Trong bao tháng ngày của đại dịch đó, các y bác sĩ phải ngày đêm gồng mình đi phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, tạm xa gia đình người thân, gác lại những dự tính của cá nhân, quên mình vì người khác... Các vị đã hi sinh âm thầm lặng lẽ, chỉ mong sao cứu sống các bệnh nhân mà mình đang chăm sóc.

Khi làm thiện nguyện viên, tôi có làm việc chung với nhiều y bác sĩ là người Công Giáo tại bệnh viện Hồi Sức Cấp Cứu. Tôi thấy họ vất vả làm việc, không than vãn, cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân qua cơn nguy kịch, âm thầm cầu nguyện cho các bệnh nhân sắp ngưng thở... Tôi hỏi về tâm tư của các anh chị thì có một nữ bác sĩ trẻ chia sẻ chút tâm tư:

“Hôm nay nhận được tin nhắn từ một thầy đã từng tham gia thiện nguyện trong mùa Covid, được hỏi về nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, về tâm tư khi đi chống dịch, bất chợt trong lòng tôi có một chút bâng khuâng. Mỗi người, một nỗi niềm riêng; để trong lòng hay nói ra thì đó cũng là chuyện riêng tư…

Với tôi, ở nơi xa ấy có người cha già đau yếu, ngày ngày chống chọi với căn bệnh mãn tính. Anh chị tôi làm công nhân cũng vật lộn với cái khó chung của xã hội. Dù ít nói chuyện, ít gặp gỡ, nhưng có một mối dây vô hình là tình thương bao bọc lẫn nhau.

Còn với tính cách của tôi, tôi vẫn lặng lẽ dõi theo, âm thầm quan tâm đến người thân, vì với gia đình, tôi không đủ can đảm và mạnh mẽ như bên ngoài mà mọi người vẫn thấy. Thậm chí có lúc tôi còn làm ra vẻ lạnh lùng. Tôi vẫn mong rằng mọi người sẽ vì thế mà bớt quan tâm tới tôi. Tôi đã nợ họ quá nhiều, nhiều hơn rất nhiều so với những điều tôi làm được cho họ.

Dần dần tôi nhận ra, thời gian sẽ qua đi, nên tôi muốn cho tình yêu được thể hiện nhiều hơn theo đúng nghĩa của nó. Vì thế, tôi đã khác, tôi đã cho người thân trong gia đình thấy tôi cười nhiều hơn. Chỉ vậy thôi nhé, tôi xin phép không nhắc đến những mất mát, những thương tích của những người thân yêu ấy.

Lần này tôi đi theo tiếng gọi của đất nước, cũng là đi theo tiếng lòng muốn dấn thân của tôi. Tôi đã nguyện dâng và phó thác mọi sự cho Đức Trinh Nữ Maria - Mẹ của đời tôi. Gia đình thân yêu của tôi, chắc chắn Mẹ Maria đã thay tôi chăm sóc và Mẹ còn ban ơn cho gia đình tôi nhiều hơn những gì tôi có thể nghĩ ra được.

Tôi cũng không nhớ nhà, chỉ có chạnh lòng mỗi lúc nghe tin cha tôi trở bệnh. Nhưng tôi vẫn tin có Mẹ Maria lo cho cha tôi. Tôi đã nói dối gia đình rằng: tôi không tiếp xúc với bệnh nhân Covid vì sợ mọi người lo lắng. Đó là tôi sợ thôi, chứ biết đâu họ lại rất mong tôi làm việc có ích như thế thì sao nhỉ? Nhưng dù sao, tôi vẫn cứ sợ họ lo lắng…

Nhưng vào đây rồi, đã qua một khoảng thời gian không ngắn không dài, tôi xác tín: Những người bệnh tôi gặp chính là người thân của tôi, và tôi sẽ là người thân của họ. Có nỗi đau nào như nỗi đau chia ly: lúc yếu đuối nhất, chính là giờ phút cuối đời, cũng không gặp được người mình thương. Những bệnh nhân covid đã trải qua những nỗi đau thật đau ấy. Vậy nỗi đau, nỗi sợ riêng tư của tôi đâu có là gì. Không là gì cả!

Tôi lại nhận ra rằng: Tình yêu thương sẽ là liều thuốc tốt, cùng với các trị liệu khác, sẽ cho bệnh nhân thêm chút an lòng. Tình yêu sẽ lớn hơn mọi nỗi sợ hãi và đớn đau. Tôi cũng học được điều đó nơi những đồng nghiệp, những tình nguyện viên đang trao gửi yêu thương ở đây.

Đó là một chút tâm tư cá nhân. Tôi chia sẻ một chút thôi, không đại diện cho tổ chức, không đại diện cho một ai khác, mà chỉ là tâm tư của cá nhân tôi.

Hy vọng bầu trời xanh mãi xanh, tình yêu mãi là tình yêu chân thành. Trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh, dù có ra sao, hãy tin rằng một vầng sáng tươi đẹp vẫn ở đâu đó. Nếu bạn thực sự muốn tìm, bạn sẽ thấy. Nguyện chúc bình an của Đức Kitô đến cho tất cả mọi người.”

Trong nơi bệnh viện này, các y bác sĩ không phân biệt bệnh nhân là ai, từ đâu đến, họ luôn chăm sóc bệnh nhân như chính người thân của mình. Một chị điều dưỡng chia sẻ:

“Con đang trực đêm tại bệnh viện, có một bác 65 tuổi mới vô, đang ngủ và được theo dõi sát, mà bác đó không ăn cơm, còn mặc đồ lịch sự thắt dây nịt. Tự nhiên con nhớ đến ba con. Xong rớt nước mắt, mong ba mẹ luôn bình an trong sự quan phòng của Chúa.

Chỉ cần nhìn thấy các bác lớn tuổi, mà một thân một mình vô bệnh viện vì Covid là lòng con lại nghĩ đến ba mẹ ở nhà. Trong đại dịch này, con cảm nhận được Chúa muốn dùng con làm việc của Chúa, dù con yếu đuối... nên Chúa ơi, Chúa cùng con làm việc của Chúa. Vậy xin Chúa gìn giữ những người con thương yêu, Chúa nhé!”

Xin cám ơn tấm lòng, trái tim của các y bác sĩ - đã dành cho bệnh nhân là chính anh em của mình như Chúa đã dạy “hãy yêu thương nhau”.

Xin Chúa luôn đồng hành cùng các anh chị trên con đường phục vụ này.

Xin Chúa ra tay ngăn chặn cơn dịch bệnh để các anh chị trở về với gia đình, trở lại cuộc sống bình thường. Cái ‘bình thường cũ’ đã qua đi rồi, chúng ta cùng sống trong cái ‘bình thường mới’...

Linh mục Antôn Chung Chí Tâm, LaSan