Ngày 28-09-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
03:16 28/09/2008
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (50)

491. Vâng lời trọng hơn của lễ

"Vâng lời trọng hơn của lễ" vì của lễ là hoa quả, hương trầm, súc vật, tiền bạc v.v... Khi vâng lời, con lấy chính mình con làm của lễ, giết chết ý riêng con, tự ái của con, làm của lễ toàn thiêu. (Đường Hy Vọng)

492. Có nhiều hạng vâng phục

Có người phục mà không vâng, có người vâng mà không phục, có người vâng và phục vì thượng cấp "đúng điệu" với mình, có người vâng và phục vì Chúa. (Đường Hy Vọng)

493. Tư cách của đức vâng lời

- thành tâm vâng lời trong ý muốn: vâng lời vì Chúa mà thôi, dẫu không được lợi lộc gì, dẫu không ai thấy, dẫu không bị ai kiểm soát, …
- thành tâm trong hành động: lanh lẹ, vui vẻ, không càu nhàu, không chống cự, không làm thêm rắc rối, …

494. Khi vâng lời, ta ở trong chân lý, ánh sáng và hoà bình

Thiên Chúa rất quan tâm đến việc chúng ta phải vâng lời Người bởi vì khi vâng lời, chúng ta thực thi ý muốn của Thiên Chúa, chúng ta muốn điều Thiên Chúa muốn, và như vậy, là hiện thực ơn gọi nguyên thủy của chúng ta là nên hình ảnh và nên giống Thiên Chúa'. Chúng ta ở trong chân lý, trong ánh sáng, và do đó, trong hòa bình. (Linh mục Cantalamessa)

495. Chúng ta hãy vâng lời một cách siêu nhiên.

Chúng ta hãy vâng lời một cách siêu nhiên, nghĩa là vâng lời vì Chúa mà thôi.
Vâng lời một cách siêu nhiên, nên chúng ta vâng lời một cách tử tế dẫu thấy mình không được lợi lộc gì trong khi vâng lời, dẫu khi không có ai thấy mình, không có ai kiểm soát mình.
Vâng lời một cách siêu nhiên, nên chúng ta vâng lời một cách tích cực, hiểu ý bề trên để vâng lời cho đúng ý của họ.
Vâng lời một cách siêu nhiên, nên chúng ta vâng lời một cách đàng hoàng, dẫu đôi khi thấy bề trên có tính xấu, lỗi lầm, khuyết điểm.

496. Lập biên bản ghi nhớ

Nếu trong hội nghị có dự thảo hợp đồng, bàn bạc ký kết, hoặc có bất kỳ một việc nào đó sau khi phát biểu, đừng quên ghi lại những điều cần ghi nhớ của nội dung cuộc họp:
- một là, để sau nầy cho mọi việc được rõ ràng, có thể thay đổi hoặc không;
- hai là, để loại trừ những ý kiến trái ngược, nhằm đạt địa chỉ những quan điểm chung, tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau. (Giao Tiếp Thông Minh và Nghệ Thuật Ứng Xử)

497. Chín cách sửa tính người khác mà không làm họ giận dữ, phật ý

1. Nếu bạn bắt buộc phải chỉ trích người ta thì xin bạn hãy bắt đầu câu chuyện bằng cách tặng người ta vài lời khen thành thật.
2. Bạn hãy nói ý cho người ta hiểu lỗi của họ, như vậy, bạn mới khỏi gây thù oán với họ.
3. Bạn hãy tự thú nhận những khuyết điểm của bạn trước khi chỉ trích người ta.
4. Bạn đừng ra lệnh nhưng hãy dùng cách đặt câu hỏi để khuyên bảo người ta.
5. Bạn hãy luôn luôn giữ thể diện cho người ta.
6. Bạn hãy lấy công tâm mà nhận những sự gắng sức của người ta, khen những tấn tới nhỏ nhặt nhất của họ, nhưng lời khen của bạn phải thành thật và đại độ.
7. Bạn hãy gây cho người ta một thanh danh tốt, rồi người ta sẽ gắng sức để được xứng với thanh danh đó.
8. Bạn hãy khuyến khích người ta, tức thì lỗi lầm gì của họ cũng dễ sửa, việc khó khăn gì của họ cũng dễ làm.
9. Bạn hãy xử trí làm sao cho người ta thấy sung sướng làm công việc mà bạn đề nghị cho họ. (Đắc Nhân Tâm: Bí Quyết Thành Công)

498. Sáu cách chống lại mệt mỏi, lo lắng và duy trì sức lực, tinh thần của bạn ở mứuc độ cao

1. Bạn hãy nghỉ ngơi trước khi cảm thấy mệt mỏi.
2. Bạn hãy học cách nghỉ ngơi ngay trong khi bạn đang làm việc.
3. Nếu bạn là một người vợ nội trợ, hãy gìn giữ sức khoẻ và nhan sắc của bạn bằng việc nghỉ ngơi tại nhà.
4. Bạn hãy duy trì bốn thói quen tốt khi làm việc như sau: một, dọn sạch tất cả giấy tờ trên bàn trừ những giấy tờ liên quan đến vấn đề cần phải giải quyết sớm; hai, giải quyết các vấn đề theo trình tự mức độ quan trọng; ba, khi đối mặt với một vấn đề, bạn hãy giải quyết vấn đề ngay khi bạn có cơ sở cần thiết để đưa ra quyết định; bốn, bạn hãy học cách tổ chức, phân quyền và giám sát.
5. Bạn hãy nhiệt tình trong công việc để chống lại mệt mỏi và lo lắng.
6. Bạn hãy nhớ rằng không ai chết do mất ngủ. Sự lo lắng về chứng mất ngủ, mới là nguyên nhân của các vấn đề.

499. Chớ nên dồn người khác vào chỗ đường cùng

Nhất định phải học cách dành cho người khác một chỗ lùi.
Nói gì, làm gì, cũng đừng nên tuyệt tình.
Phải biết chấp nhận những sự việc ngoài ý muốn.
Khi xảy ra tranh cãi với người khác, đừng nên nói ra những lời ác khẩu, cũng không nên nói những câu lập lờ lấp lửng.
Dù ai đúng ai sai, thì tốt nhất cũng nên ngậm miệng lại để sau nầy, còn có thể nắm tay hợp tác với nhau.
Cũng đừng nên có những bình luận quá sớm về một ai đó như: “Người nầy chết đến nơi rồi.”, “Anh ta suốt đời cũng chẳng tử tế lên được.” Mọi sự trên thế gian nầy thay đổi rất nhanh chóng. Chưa biết chừng, đến một luc nào đó, bạn sẽ phải cần đến sự giúp đỡ của họ cũng nên.
Tóm lại rằng, muốn bản thân đi tới sự thành công thuận lợi trong cuộc sống, thì làm gì, nói gì, chớ nên dồn người khác vào chỗ đường cùng. (Chi Tiết Nhỏ, Thành Công Lớn)

500. Hãy chặt đứt những sợi dây thừng đó!

Danh lợi là sợi dây thừng.
Ham muốn là sợi dây thừng.
Đố kị, hẹp hòi cũng là sợ dây thừng.
Chúng từng giờ, từng phút, trói buộc trái tim hướng đến sự tự do và theo đuổi sự hạnh phúc của chúng ta.
Chỉ có chặt đứt những sợi dây thừng đó, chúng ta mới có thể thực sự hưởng thụ được tự do và niềm vui. (Những Bài Học Cuộc Đời)
 
Bài Giáo Lý mới thứ IV của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô: Quan niệm của Thánh Phaolô về Tông Đồ
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
08:11 28/09/2008
Dưới đây là bản dịch bài huấn từ của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô trong buổi triều yết chung ngày 10/9/2008 tại Đại Sảnh Đường Phaolô VI ở Vatican.

***

 Anh chị em thân mến,

Thứ Tư tuần trước cha đã nói về khúc quanh vĩ đại trong cuộc đời Thánh Phaolô sau cuộc gặp gỡ của ngài với Đức Kitô Phục Sinh. Chúa Giêsu đã đi vào cuộc đời của ngài và đã biến đổi ngài từ một tên khủng bố thành một Tông Đồ. Cuộc gặp gỡ ấy đánh dấu điểm khởi đầu sứ vụ của ngài. Thánh Phaolô không thể tiếp tục sống như ngài đã sống trước đây được nữa. Giờ đây ngài cảm thấy được Chúa trao cho trách nhiệm rao giảng Tin Mừng như một Tông Đồ.

Chính về hoàn cảnh mới này của cuộc đời ngài, là việc ngài làm Tông Đồ của Đức Kitô, mà cha muốn nói đến hôm nay. Theo Tin Mừng, chúng ta thường gắn liền Nhóm Mười Hai với tước hiệu Tông Đồ, như thế có ý ám chỉ những vị đã làm bạn đồng hành với Chúa Giêsu và nghe Người giảng dạy. Nhưng Thánh Phaolô cũng cảm thấy chính mình là một Tông Đồ đích thực và như thế có vẻ rõ ràng là quan niệm về Tông Đồ của Thánh Phaolô không chỉ giới hạn trong Nhóm Mười Hai.

Hiển nhiên là Thánh Phaolô có thể phân biệt rõ trường hợp riêng của ngài so sánh với những vị “là Tông Đồ trước” ngài (Gal 1:17): Ngài nhận ra một địa vị đặc biệt cho tất cả các ngài trong đời sống Hội Thánh.

Tuy nhiên, như mọi người đều biết, Thánh Phaolô cũng thấy mình là một Tông Đồ theo nghĩa hẹp. Đúng là trong thời Kitô giáo sơ khai, không có ai đã du hành nhiều cây số, cả đường bộ lẫn đường biển, như ngài đã làm, với một mục đích duy nhất là rao giảng Tin Mừng.

Như thế, ngài có một quan niệm về việc Tông Đồ vượt lên trên quan niệm Tông Đồ dành cho Nhóm Mười Hai, và được truyền lại trước hết bởi Thánh Luca trong Sách Tông Đồ Công Vụ (x. Cv 1-2:26; 6:2). Thực ra, trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô, Thánh Phaolô phân biệt rõ ràng “Nhóm Mười Hai” và “tất cả các Tông Đồ”, được nhắc đến như hai nhóm riêng biệt được hưởng ơn hiện ra của Đấng Phục Sinh (x. 14:5-7).

Trong cùng một bản văn trên, ngài tiếp tục khiêm nhường gọi mình là “người bé nhỏ nhất trong các Tông Đồ” trong khi so sánh mình như một đứa trẻ sinh non (bào thai bị xảy)[1] và xác quyết cách từ chương: “không đáng được gọi là Tông Đồ, bởi vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng nhờ ơn Thiên Chúa, tôi được như ngày nay, và ơn của Ngài đã không ra vô ích trên tôi; trái lại, tôi đã làm việc cực khổ hơn tất cả các vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi” (1 Cor 15:9-10).

Biểu tượng đứa trẻ sinh non diễn tả một đức khiêm nhường tuyệt đối; hình ảnh này cũng được tìm thấy trong thư của Thánh Ignatiô thành Antioch gửi tín hữu Rôma: “Tôi là người thấp hèn nhất trong tất cả, tôi là một đứa trẻ sinh non, nhưng nếu tôi đến được cùng Thiên Chúa, thì tôi sẽ được thành một cái gì đó” (9:2). Điều mà Đức Giám Mục thành Antioch nói liên hệ đến việc tử vì đạo sắp đến của ngài, nhờ thấy trước rằng cuộc tử đạo này sẽ làm đảo ngược tình trạng bất xứng của ngài, thì Thánh Phaolô nói liên quan đến việc dấn thân làm Tông Đồ của ngài: Chính trong việc này mà thành quả của ân sủng của Thiên Chúa được biểu lộ. Thiên Chúa là Đấng biết cách biến đổi một người thất bại thành một vị Tông Đồ tuyệt vời. Từ một tên khủng bố thành một vị thiết lập các Giáo Đoàn (Giáo Hội): Đó là điều Thiên Chúa đã làm trong một người, mà theo nhãn quan rao giảng Tin Mừng, đáng lẽ phải coi là bị loại ra ngoài!

Cho nên, theo quan niệm của Thánh Phaolô, thì điều gì làm cho ngài và những người khác thành Tông Đồ? Trong các Thư của ngài xuất hiện ba đặc tính chính để của một Tông Đồ. Đặc tính thứ nhất là đã “thấy Chúa” (x. 1 Cor 9:1), nghĩa là, đã có một cuộc gặp gỡ quyết định với Người, thực sự được chọn, nhờ ân sủng của Thiên Chúa với sự mặc khải của Con Ngài để vui thú rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Tóm lại, chính Chúa là Đấng thiết lập sứ vụ Tông Đồ, chứ không phải do một người tự nhận. Người Tông Đồ không thể tự mình làm Tông Đồ, nhưng được Chúa thiết lập. Như thế, người Tông đồ cần phải luôn luôn quy hướng về Chúa. Không phải là việc tình cờ mà Thánh Phaolô nói ngài “được gọi để thành một Tông Đồ” (Rom 1:1), nghĩa là, “không phải do loài người, hay nhờ một người nào, nhưng bởi Ðức Chúa Giêsu Kitô và Thiên Chúa Cha” (Gal 1:1). Đó là đặc tính thứ nhất: đã thấy Chúa và được Người gọi.

Đặc tính thứ nhì là “đã được sai đi”. Thực ra, chính từ Hy Lạp “apostolos” có nghĩa là “được sai đi, được lệnh ra đi”, nghĩa là làm đại sứ và làm người mang một sứ điệp; cho nên người ấy phải hành động như một người được ủy thác cho một nhiệm vụ và đại diện cho người sai họ. Chính vì lý do này mà Thánh Phaolô diễn tả mình như “Tông Đồ của Đức Kitô” (1 Cor 1:1; 2 Cor 1:1), nghĩa là, làm đại biểu cho Người, đặt mình hoàn toàn trong việc phục vụ Người, đến nỗi ngài tự nhận mình là “một đầy tớ của Đức Giêsu Kitô” (Rom 1:11). Một lần nữa, ý tưởng là sáng kiến của người nào khác giữ địa vị ưu tiên, đó là sáng kiến của Thiên Chúa trong Đức Chúa Giêsu Kitô, là Đấng mà Thánh Phaolô hoàn toàn quy phục;  nhưng ngài nhấn mạnh đặc biệt đến sự kiện là ngài đã nhận được từ Đức Kitô một sứ vụ để được thực thi vì danh Người, và tuyệt đối đặt tất cả những lợi ích cá nhân thành thứ yếu.

Điều kiện thứ ba là thi hành việc “rao giảng Tin Mừng” với kết quả là thành lập các Giáo Đoàn. Thực ra tước hiệu “Tông Đồ” không phải và cũng không được coi là tước hiệu danh dự. Nó đòi hỏi một cách cụ thể và ngay cả cách quyết liệt toàn thể sự hiện hữu của người liên hệ. Trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô, Thánh Phaolô công bố: “Tôi không phải là một tông đồ sao? Tôi đã không thấy Đức Giêsu, Chúa chúng ta sao? Anh em chẳng phải là công trình của tôi trong Chúa sao?” (9:1).

Tương tự trong Thư Thứ Hai gửi tín hữu Côrinthô ngài xác quyết: “Chính anh em là thư giới thiệu của chúng tôi,.… là bức thư của Ðức Kitô được trao cho chúng tôi quản thủ, không phải viết bằng mực, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống” (3:2-3).

Như vậy chúng ta đừng ngạc nhiên khi Thánh Gioan Kim Khẩu nói về Thánh Phaolô như là một “linh hồn bằng kim cương” (Panegirici, 1,8), và tiếp tục nói rằng: “Như lửa càng cháy mạnh hơn khi bén đến những vật liệu khác nhau … thì lời Thánh Phaolô cũng chinh phục được tất cả những người mà ngài tiếp xúc, và cả những kẻ chống đối ngài, được lời giảng thuyết của ngài thu hút, trở thành nhiên liệu cho ngọn lửa tinh thần này” (Ibid, 7,11). Điều này giải thích tại sao Thánh Phaolô diễn tả các Tông Đồ như “những cộng sự viên của Thiên Chúa” (1 Cor 3:9; 2 Cor 6:1), mà ân sủng của Ngài hoạt động trong các ngài.

Một yếu tố đặc trưng cho một Tông Đồ chân chính, được Thánh Phaolô làm sáng tỏ, là sự gắn bó chặt chẽ giữa Tin Mừng và những người rao giảng Tin Mừng, cả hai được tiền định để đến cùng một số phận. Thực ra, không ai có thể nhấn mạnh được như Thánh Phaolô rằng làm sao việc rao giảng Thập Giá của Đức Kitô lại được coi như “một chướng ngại”“sự điên rồ” (1 Cor 1:23), là điều mà nhiều người phản ứng với sự không thể hiểu biết nổi và chối từ. Điều này đã xảy ra thời đó, và đừng ngạc nhiên là cũng đang xảy ra thời nay. Chung cuộc, vị Tông Đồ cũng thông phần vào số phận ấy và cũng được coi như “chướng ngại vật”“sự điên rồ”, và Thánh Phaolô biết điều ấy; đó là kinh nghiệm của cuộc đời ngài.

Ngài đã viết cho tín hữu Côrinthô, không thiếu một dấu vết châm biếm: “Vì tôi nghĩ rằng Thiên Chúa đưa các Tông Đồ chúng tôi ra như những người cuối cùng, như những tử tội, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên sứ và loài người! Chúng tôi điên dại vì Đức Kitô, còn anh em thì khôn ngoan trong Đức Kitô. Chúng tôi yếu đuối, còn anh em thì mạnh mẽ. Anh em được kính trọng, còn chúng tôi thì bị khinh chê. Cho đến giờ này, chúng tôi chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang không nơi tạm trú; chúng tôi vất vả tự tay làm lụng. Khi bị nguyền rủa, thì chúng tôi chúc phúc; khi bị bắt bớ, thì chúng tôi chịu đựng; khi bị vu khống, thì chúng tôi khuyên răn. Và cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi thế gian, như cặn bã của mọi loài” (1 Cor 4:9-13). Đó chính là một hình ảnh tự họa chân dung của đời Tông Đồ của Thánh Phaolô: Trong tất cả những đau khổ ấy, niềm vui được làm những người mang phúc lành của Thiên Chúa và ân sủng của Tin Mừng đã thắng thế.

Hơn nữa, Thánh Phaolô đồng ý với triết thuyết khắc kỷ (Stoic) của thời đại ngài về việc kiên tâm trong tất cả mọi khó khăn xảy ra trên đường đời của ngài; nhưng ngài vượt trên quan điểm thuần túy nhân bản, bằng cách nhắc đến yếu tố tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Kitô. “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô? Có phải là gian nan, tai họa, khủng bố, đói khổ, trần truồng, hiểm nghèo, hay gươm giáo không? Như lời đã viết: ‘Vì Ngài mà chúng con bị sát hại suốt ngày, bị coi như bầy chiên bị đem đi làm thịt.’ Không, trong mọi điều đó, chúng ta còn hơn là những người thắng trận, nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta. Vì tôi tin chắc rằng, dù sự chết hay sự sống, thiên sứ hay ma quỷ, dù những sự việc trong hiện tại hay trong tương lai, dù quyền lực, dù trời cao hay vực thẳm, cho dù bất cứ gì khác trong các loài thụ tạo, cũng không có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rom 8:35-39).

Đó là điều chắc chắn, niềm vui sâu đậm hướng dẫn Thánh Tông Đồ Phaolô trong tất cả mọi công việc: Không gì có thể tách rời chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Và tình yêu này là sự giàu sang thật sự của đời sống con người.

Như chúng ta thấy, Thánh Phaolô đã tự hiến cho Tin Mừng với toàn thể đời sống này; chúng ta có thể nói 24 giờ trên 24! Và ngài đã thi hành sứ vụ của mình với lòng trung tín và niềm vui, “để ít ra là cứu rỗi một số người” (1 Cor 9:22).

Và trong những cuộc gặp gỡ của ngài với các Giáo Đoàn, mặc dù biết rằng ngài có liên hệ phụ tử với họ (x. 1 Cor 4:15), nếu trên thực tế không phải là tình mẫu tử (x. Gal 4:19), ngài đã tự đặt mình trong một thái độ hoàn toàn phục vụ, bằng cách nói lên một cách đáng phục: “Không phải là chúng tôi làm chủ đức tin của anh em; nhưng đúng hơn là chúng tôi giúp cho anh em vui mừng, bởi vì anh em đứng vững trong đức tin” (2 Cor 1:24). Đó vẫn còn là sứ vụ của tất cả các Tông Đồ của Đức Kitô ở mọi thời đại: là những cộng sự viên của niềm vui chân chính.


[1] ωσπερει τω εκτρωματι trong Thánh Kinh có nghĩa đen là “như một bào thai bị phá”, bị xảy, hoặc bị sinh non - bản tiếng Anh của Zenit dịch là abortion - không có nghĩa phá thai như chúng ta thưởng hiểu. Hầu hết các bản dịch được hiểu là đứa trẻ sinh non.

 
Bài Giáo Lý mới thứ V của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô: Thánh Phaolô và các Tông Đồ khác
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
08:42 28/09/2008
Dưới đây là bản dịch bài huấn từ của ĐTC Bênêđictô XVI đọc trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư 24/9/2008 tại Đại Sảnh Đường Phaolô VI. ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý dành cho khuôn mặt và tư tưởng của Thánh Phaolô.

***

Anh chị em thân mến,

Hôm nay cha muốn nói về mối liên hệ giữa Thánh Phaolô và các vị Tông Đồ đã theo Chúa Giêsu trước ngài. Các liên hệ này luôn được đánh dấu bằng lòng kính trọng sâu xa và thẳng thắn trong con người Thánh Phaolô được phát sinh từ việc bảo vệ chân lý của Tin Mừng. Mặc dầu ngài là người đương thời với Chúa Giêsu thành Nadareth, nhưng ngài đã chưa bao giờ có dịp gặp Người trong cuộc đời công khai của Người. Vì lý do ấy mà sau khi được ánh sáng huy hoàng [chiếu rọi] trên đường đi Đamascô, ngài thấy cần phải hỏi ý kiến các môn đệ đầu tiên của Thầy, là những vị đã được [Đức Kitô] chọn để mang Tin Mừng đến tận cùng trái đất.

Trong Thư gửi tín hữu Galatê, Thánh Phaolô đã tường trình chi tiết về những liên lạc mà ngài duy trì với một số vị trong Nhóm Mười Hai: Trước hết là với Thánh Phêrô, là người được tuyển chọn như là Kêpha, tiếng Aram có nghĩa là “Đá”, mà Hội Thánh được Chúa xây trên đá ấy (x. Gal 1:18), cùng với Thánh Giacôbê, “người anh em của Chúa” (x. Gal 1:19), và Thánh Gioan (x. Gal 2:9). Thánh Phaolô không ngần ngại nhìn nhận các ngài là “những cột trụ” của Hội Thánh. Đặc biệt có ý nghĩa là cuộc gặp gỡ Thánh Kêpha (Phêrô) xảy ra tại Giêrusalem. Thánh Phaolô ở lại với Thánh Phêrô 15 ngày để “tham khảo [ý kiến] ngài” (x. Gal 1:19), có nghĩa là được biết về đời sống trên thế gian của Đấng Phục Sinh, là Đấng đã “bắt được” ngài trên đường đi Đamascô, và đã thay đổi tận gốc cuộc đời của ngài: từ một tên khủng bố Hội Thánh, ngài trở thành người rao giảng Đức Tin vào Đấng Mêsia chịu đóng đinh và Con Thiên Chúa, là Đức Tin mà trong quá khứ ngài đã tìm cách tiêu diệt (x. Gal 1:23).

Thánh Phaolô đã nhận được loại tin nào về Chúa Giêsu trong ba năm sau cuộc gặp gỡ trên đường đi Đamascô? Trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô chúng ta tìm thấy hai đoạn nhắc đến những điều mà Thánh Phaolô đã học ở Giêrusalem và đã được trình bày như là những yếu tố căn bản của truyền thống Kitô giáo, truyền thống chủ yếu. Ngài đã truyền lại những yếu tố ấy bằng lời nói, cách chính xác như ngài đã nhận được, bằng một công thức long trọng: “Tôi đã truyền lại cho anh em … những điều mà tôi đã nhận được” (x. 1 Cor 15:3-4).

Như thế, ngài nhấn mạnh đến việc trung thành với những điều mà chính ngài đã nhận được và truyền lại cho các Kitô hữu mới một cách trung thực. Những điều ấy là những yếu tố căn bản cùng liên quan đến Bí Tích Thánh Thể và biến cố Phục Sinh. Đó là những đoạn văn đã được thành hình từ thập niên 30. Nhờ thế chúng ta được biết đến cái chết, cuộc mai táng trong lòng đất và Phục Sinh của Chúa Giêsu (x. 1 Cor 15:3-4).

Chúng ta hãy lần lượt bàn đến từng đoạn đó: những lời của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly (x. 1 Cor 11:23-25), đối với Thánh Phaolô thật sự là trung tâm điểm của đời sống Hội Thánh. Hội Thánh được xây dựng từ trung tâm này, và nhờ cách đó được thành hình. Hơn nữa, trung tâm Thánh Thể này, mà từ đó Hội Thánh luôn được tái sinh – cũng là nền tảng cho toàn thể nền thần học của Thánh Phaolô, và cho tất cả tư tưởng của ngài -- những lời này có ảnh hưởng mãnh liệt đến liên hệ cá nhân của Thánh Phaolô đối với Chúa Giêsu. Một đàng, các lời ấy chứng tỏ rằng Thánh Thể soi sáng lời chúc dữ trên Thánh Giá, biến đổi lời chúc dữ ấy thành lời chúc lành (Gal 3:13-14), đàng khác, các lời ấy giải thích chiều rộng của chính cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Trong các Thư của ngài, chữ “vì các con” trong lời truyền phép trở thành “vì tôi” (Gal 2:20), được tư hữu hóa, vì biết rằng trong “vì các con” chính ngài được Chúa Giêsu biết đến và yêu thương, và một cách khác, “vì mọi người” (2 Cor 5:14): câu “vì các con” này trở thành “vì tôi”“vì Hội Thánh” (Eph 5:25), cũng có nghĩa là hy lễ đền tội trên Thánh Giá “vì mọi người” (x. Rom 3:25). Chính nhờ Bí Tích Thánh Thể và trong Bí Tích Thánh Thể mà Hội Thánh được xây dựng và nhận ra chính mình “Thân Thể Đức Kitô” (1 Cor 12:27), được nuôi dưỡng mỗi ngày bởi sức mạnh của Thần Khí của Đấng Phục Sinh.

Đoạn văn khác nói về biến cố Phục Sinh, cũng được truyền lại cho chúng ta bằng cùng một công thức trung thực. Thánh Phaolô đã viết: Vì tôi đã truyền lại cho anh em như một việc tối quan trọng điều mà tôi cũng đã nhận được là, Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo như Kinh Thánh, Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã sống lại theo như Kinh Thánh, và Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai” (1 Cor 15:3-5). Cũng trong truyền thống này, được truyền lại cho Thánh Phaolô, ngài lại nhắc đến câu nói “vì tội chúng ta”, là điều nhấn mạnh đến món quà mà Chúa Giêsu đã tự biến mình trở thành để dâng lên Chúa Cha, để cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Từ món quà tự hiến này, Thánh Phaolô đã rút ra những lời diễn tả cảm động và hấp dẫn nhất về mối liên hệ của chúng ta đối với Đức Kitô: “Vì chúng ta, Ngài đã làm cho Ðấng không hề biết tội là gì thành tội, để chúng ta được trở nên sự công chính của Thiên Chúa trong Người” (2 Cor 5:21). “Vì anh em nhận biết ơn của Ðức Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, mặc dù Người giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo khó vì anh em, để nhờ cái nghèo của Người mà anh em nên giàu có” (2 Cor 8:9). Chẳng bõ công khi nhắc đến lời mà Martinô Lutherô khi còn là một tu sĩ dòng Augustinô đã chú giải kèm theo những lời diễn tả thuận nghịch này của Thánh Phaolô: “Đây là mầu nhiệm cao cả của ân sủng Thiên Chúa dành cho những người tội lỗi: bằng một sự trao đổi đáng kính, tội lỗi của chúng ta không còn là của chúng ta nữa, nhưng là của Đức Kitô, và sự công chính của Đức Kitô không còn là của Người nữa mà của chúng ta” (Chú Giải các Thánh Vịnh từ năm 1513-1515). Và như thế chúng ta đã được cứu độ.

Trong lời rao giảng Tin Mừng (kerygma) nguyên thủy được truyền đi từ miệng người này sang người khác, chúng ta phải nhấn mạnh đến việc dùng động từ (trong thể bán quá khứ) “đã đang sống lại” (has risen) thay vì (thể quá khứ) “đã sống lại” (rose), là thể hợp lý hơn, để nói lên sự liên tục với biến cố “chết” và “mai táng”. Thể bán quá khử “đã đang sống lại” được chọn để nhấn mạnh rằng việc Phục Sinh của Đức Kitô có ảnh hưởng đến cuộc sống của các tín hữu cho đến bây giờ: Chúng ta có thể dịch là “đã đang sống lại và tiếp tục sống” trong Bí Tích Thánh Thể và trong Hội Thánh. Như thế Thánh Kinh chứng minh cái chết và biến cố phục sinh của Đức Kitô, bởi vì – như Hugh thành Saint Victor đã viết – “Toàn thể Thánh Kinh chỉ tạo thành một quyển sách, và quyển sách ấy là Đức Kitô, bởi vì toàn thể Thánh Kinh nói về Đức Kitô và được nên trọn trong Đức Kitô” (De Arca Noe, 2,8). Nếu Thánh Ambrôsiô thảnh Milan có thể nói rằng “trong Thánh Kinh chúng ta đọc Đức Kitô”, chính bởi vì Hội Thánh nguyên thủy đã bắt đầu từ Đức Kitô mà đọc lại tất cả Sách Thánh của Israel và trở về Người.

Bảng liệt kê những cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh với Thánh Phêrô, với Nhóm Mười Hai, với trên 500 anh em, và với Thánh Giacôbê, gần gũi với việc nhắc đến cuộc hiện ra mà Thánh Phaolô nhận được trên đường đi Đamascô: “Sau cùng, Người cũng đã hiện ra với tôi, như một đứa bé sinh non” (1 Cor 15:8). Bởi vì ngài đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa, nên ngài đã diễn tả trong lời thú tội này tình trạng bất xứng của ngài để được kể là một Tông Đồ, đồng thời lại ngang hàng với những vị làm Tông Đồ trước ngài: Nhưng ân sủng của Thiên Chúa đã không ra vô ích nơi ngài (1 Cor 15:10). Như thế, lời xác nhận có vẻ khoe khoang về ân sủng của Thiên Chúa liên kết Thánh Phaolô với những nhân chứng đầu tiên của biến cố phục sinh của Đức Kitô.

“Vậy dù tôi hay các vị ấy, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như thế” (1 Cor 15:11). Tính đồng nhất và duy nhất của việc rao giảng Tin Mừng là điều quan trọng: cả các vị ấy và tôi đều giảng cùng một Đức Tin, cùng một Tin Mừng của Đức Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết và sống lại, là Đấng ban tặng chính mình trong Bí Tích Thánh Thể cực thánh.

Tầm quan trọng mà ngài dành cho Truyền Thống sống động của Hội Thánh, là điều mà Hội Thánh truyền lại cho các cộng đoàn của mình, chứng tỏ rằng quan điểm của những người cho rằng Thánh Phaolô là người sáng tác ra Kitô giáo là một quan điểm thật sai lầm: Trước khi rao giảng Tin Mừng của Đức Chúa Giêsu Kitô, ngài đã gặp Người trên đường đi Đamascô, và đã gặp Người trong Hội Thánh, quan sát đời sống của Người trong Nhóm Mười Hai, và trong những vị đã theo Người trên các nẻo đường Galilêa.

Trong những bài Giáo Lý tới chúng ta sẽ có dịp đi sâu hơn về những đóng góp mà Thánh Phaolô đã dành cho Hội Thánh nguyên thủy; tuy nhiên, sứ vụ mà ngài nhận được từ Đấng Phục Sinh để truyền giáo cho Dân Ngoại phải được xác nhận và đảm bảo bởi những vị đã giơ tay phải ra cho ngài và Thánh Barnabas, như một dấu hiệu chuẩn y việc tông đồ và truyền giáo của hai đấng, và đón nhận hai đấng vào cộng đoàn duy nhất của Hội Thánh của Đức Kitô (x. 1 Gal 2:9).

Vì thế chúng ta hiểu rằng lời diễn tả -- “Cho nên từ nay trở đi chúng tôi không còn biết một ai theo xác thịt. Mặc dầu chúng tôi đã biết Ðức Kitô theo xác thịt, nhưng bây giờ chúng tôi không còn biết Người như thế nữa” (2 Cor 5:16) – không có nghĩa là cuộc đời dương thế của Người [Đức Kitô] không quan trọng bao nhiêu đối với việc trưởng thànn trong Đức Tin của chúng ta, nhưng có nghĩa rằng từ giây phút Phục Sinh, cách chúng ta liên hệ với Người thay đổi. Đồng thời Người cũng là Con Thiên Chúa, “là Ðấng sinh ra bởi dòng dõi vua Ðavid theo xác thịt. Nhưng đã được tuyên xưng là Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng theo tinh thần thánh thiện, qua việc sống lại từ cõi chết”, như Thánh Phaolô nhắc lại ở đầu Thư gửi Tín Hữu Rôma (Rom 1:3-4).

Càng cố gắng theo chân Chúa Giêsu thành Nadareth trên các nẻo đường Galilêa, thì chúng ta càng hiểu nhiều hơn rằng Người đã nhận trách nhiệm chăm sóc nhân loại chúng ta bằng cách chia sẻ với chúng ta mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Đức Tin của chúng ta không phát sinh từ một huyền thoại hay một tư tưởng, nhưng từ việc gặp gỡ Đấng Phục Sinh, trong đời sống Hội Thánh.

 
Lòng nhân lành bao la của Thiên Chúa
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
16:23 28/09/2008
CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN A

LỜI CHÚA: Mt 21,28-32

Bài trích Phúc Âm theo thánh Matthêô. Khi ấy, Đức Chúa GIÊSU phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: ”Các ông nghĩ sao? Người kia có hai đứa con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: ”Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!” Nó thưa lại rằng: ”Con không đi”. Nhưng sau đó nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: ”Thưa cha, vâng, con đi”. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai đứa con đã làm theo ý cha mình?” Họ đáp: ”Người con thứ nhất”. Đức Chúa GIÊSU bảo họ: ”Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước THIÊN CHÚA trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng các kẻ thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”.

SUY NIỆM

Trong tiểu sử Nữ Tu Caterina thánh Agostino kể lại rằng. Gần nơi Nữ Tu Caterina sống, có một phụ nữ tên Maria, nổi tiếng là đàn bà trắc-nết. Ngay cả khi cuộc đời ngã bóng, bà Maria vẫn tiếp tục nếp sống lăng-loàn. Dân chúng tức giận đuổi bà ra khỏi làng. Bà bị bắt buộc sống chui-rúc trong một cái hang và chết như loài cầm thú. Bà không được ai ngó ngàng đến, cũng không được lãnh nhận các Bí Tích sau cùng!

Nữ Tu Caterina vẫn có thói quen tốt lành là đọc kinh và cầu nguyện cho các người quá cố. Nhưng khi bà Maria qua đời, Chị không mảy may nghĩ đến việc cầu nguyện cho linh hồn bà. Bởi lẽ, như mọi dân làng, Chị nghĩ bà đã mất linh hồn!

Bẵng đi 4 năm, một ngày, một linh hồn Luyện Ngục hiện về, nói với Chị:

- Chị Caterina ơi, tôi thật là người kém may mắn. Chị thường cầu nguyện cho tất cả những ai đã chết, sao Chị không thương cầu cho linh hồn tôi với?

Chị Caterina ngạc nhiên hỏi:

- Ai vậy?

Linh Hồn trả lời:

- Tôi là Maria đáng thương, kẻ đã chết ngoài hang!

Chị Caterina giật mình hỏi lại:

- Bà được cứu rỗi sao?

Linh Hồn đáp:

- Phải, tôi được cứu rỗi nhờ lòng từ bi của Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA. Lý do như thế này. Khi tôi hiểu mình sắp chết và thấy bị mọi người bỏ rơi, tôi liền chạy đến cùng Đức Mẹ MARIA. Tôi thân thưa với Đức Mẹ rằng: ”Lạy Mẹ, Mẹ là nơi nương ẩn của các kẻ bị bỏ rơi. Con cũng bị mọi người ruồng bỏ. Mẹ là niềm hy vọng duy nhất của con, chỉ mình Mẹ mới có thể cứu giúp con. Vậy xin Mẹ hãy xót thương con!” Và Đức Mẹ MARIA đã nghe lời tôi khẩn cầu. Đức Mẹ đã xin cho tôi được ơn ăn năn tội cách trọn và được ơn chết lành. Chưa hết. Đức Mẹ còn xin THIÊN CHÚA rút ngắn thời gian giam cầm cho tôi nơi Lửa Luyện Hình. Hiện tại tôi chỉ cần vài Thánh Lễ là sẽ được ra khỏi Luyện Ngục. Xin Chị làm ơn làm phúc xin cho tôi vài Thánh Lễ. Về Thiên Đàng, tôi hứa sẽ cầu nguyện cùng THIÊN CHÚA và Đức Mẹ MARIA cách riêng cho Chị.

Chị Caterina tức khắc xin ngay các Thánh Lễ và vài ngày sau, Linh Hồn bà Maria hiện ra sáng láng và nói với Chị:

- Tôi hết lòng cám ơn Chị. Tôi về Thiên Đàng ngợi ca lòng Nhân Lành bao la của THIÊN CHÚA và ở đấy, tôi sẽ cầu nguyện cho Chị!

(”Les Âmes du Purgatoire dans la vie des Saints”, Textes rassemblés par Jacques Lefèvre, Editions Résiac, Octobre 1995, trang 5-6).

... Đó là câu chuyện một người đàn bà tội lỗi công khai, bị mọi người kết án và ruồng bỏ. Ai ai cũng tưởng bà bị rơi xuống Lửa Hỏa Ngục. Thế mà, trái lại! Chẳng những bà được cứu rỗi, lại còn được THIÊN CHÚA rút ngắn thời gian giam cầm trong Lửa Luyện Hình. Tất cả khởi đầu từ chính tâm tình của người đàn bà tội lỗi. Bà ăn năn thống hối. Bà khiêm tốn kêu cầu cùng Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA. Quả thật, Đức Mẹ là Đấng bàu chữa kẻ có tội và là cửa Thiên Đàng!

Câu chuyện cũng minh chứng lời quả quyết của Đức Chúa GIÊSU trong bài Tin Mừng vừa nghe đọc: ”Thầy bảo thật các ông, những kẻ thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước THIÊN CHÚA trước các ông”. Lý do là vì những phán quyết của THIÊN CHÚA khác hẳn với những phán quyết của thế gian. THIÊN CHÚA còn cân nhắc bản chất, tính tình của từng người, xem họ lỗi phạm vì nhẹ dạ hay vì ác tâm.

Thêm vào đó, lòng ăn năn thống hối đã đảo ngược thế cờ. Từ kẻ bị kết án trở thành người được hồng phúc thứ tha và được ơn cứu rỗi.

Tất cả mọi người đều là kẻ tội lỗi. Có người bề ngoài xem ra trong trắng, không tì vết, nhưng bên trong lại kiêu căng, khinh bỉ người khác. Tâm tình này là thuốc độc giết chết linh hồn. Trái lại, dù tội lỗi cách mấy, nhưng nếu biết hồi tâm thống hối, chắc chắn sẽ nhận được ơn tha thứ và chiếm hữu được Thiên Đàng. . Điểm này làm nổi bật lòng nhân lành bao la của THIÊN CHÚA Chí Công Chí Thánh.

Phúc cho tín hữu Công Giáo hiểu thấu được lòng Từ Bi của THIÊN CHÚA mênh mông như thế nào. Nếu hiểu được, hẳn con người sẽ không bao giờ thất vọng, dù tội lỗi có nặng nề đến đâu đi nữa!
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:27 28/09/2008
NGU DỐT

N2T


Một đệ tử thanh niên tung hoành tài ba ngang dọc, các học giả khắp nơi đều đến thỉnh giáo và tán tụng sự học rộng của anh ta.

Người đứng đầu chính phủ địa phương ấy đang tìm một người cố vấn, nên đích thân đến thỉnh giáo đại sư: “Xin hỏi, người thanh niên ấy có thật giống như lời đồn đại nói là người học rộng nhiều tài không ?”

Thái độ của đại sư chẳng ừ chẳng hử: “Thành thật mà nói, thằng bé ấy suốt ngày đọc không nghỉ, tôi thật không biết nó làm thế nào bớt chút thời gian để hiểu tất cả những gì mà nó đã đọc !”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Người thông minh đọc nhiều chưa chắc là người có trí khôn ngoan, bởi vì đọc nhiều mà không suy không nghĩ thì giống như ăn cho thật nhiều mà không được tiêu hóa, chỉ làm cho bụng thêm tức tức khó chịu và mang bệnh mà thôi, cho nên những hạng người này người ta thường nói là “giá áo túi cơm”, bởi vì đọc nhiều sách mà không làm ích gì cho xã hội, chỉ là vô dụng mà thôi.

Có một vài người Ki-tô hữu đọc rất nhiều kinh bổn nhưng không hiểu hết điều trong kinh bổn dạy, nên họ chỉ giữ đạo mà chưa sống đạo; có một vài người Ki-tô hữu đọc hết cả quyển kinh thánh cựu ước và tân ước, nhưng đời sống của họ vẫn không có gì thay đổi hơn những người không đọc kinh thánh, bởi vì họ đọc nhiều mà không có giờ để suy tư tìm hiểu...

Càng đọc càng học thì thấy mình càng ngu dốt, đó là người có trí; nhưng càng đọc càng học mà thấy mình giỏi hơn người, đó là ngu.

Ha ha ha đúng là ngược đời, cái ngược đời của thánh nhân và của người có trí.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:29 28/09/2008
N2T


45. Lời cầu nguyện phải gọn gàng, ngoại trừ nó được cảm hóa và kêu mời của thánh sủng thì mới kéo dài.

(Thánh Benedict)
 
Những câu chuyện suy tư 30 giây: Hóa ra thật đơn giản !
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:40 28/09/2008
HÓA RA THẬT ĐƠN GIẢN

(Những câu chuyện suy tư 30 giây)


1.

Có một người đi thi để làm việc, khi đi trên hành lang thì thuận tay nhặt mấy tờ giấy vụn dưới đất và bỏ vào thùng rác. Người phụ trách thi vấn đáp đi ngang và nhìn thấy, do đó mà anh ta được nhận vào làm việc.

Hóa ra để được tưởng thưởng thật là đơn giản, chỉ cần tập tành thói quen là được.

2.

Có một cậu bé vào tập việc trong một tiệm sửa xe đạp, có một người khách đem đến một chiếc xe đạp hư, cậu bé này không những sửa thật tốt, mà còn chỉnh chiếc xe lại đẹp như mới, những người đang học việc khác cười nhạo cậu bé đã làm một việc thừa.

Hai ngày sau, người khách ấy đến lấy xe đạp, câu bé liền được người khách đem theo đến trong hãng của ông ta để làm việc.

Hóa ra để trội hơn hẳn người khác thì thật đơn giản, chịu thiệt thòi chút xíu thì có thể được.

3.

Có một em bé nói với mẹ: “Mẹ, hôm nay mẹ rất đẹp.”

Bà mẹ hỏi: “Tại sao ?”

Em bé trả lời: “Bởi vì hôm nay mẹ không nổi giận.”

Hóa ra muốn có một sắc đẹp đầy đủ thì thật đơn giản, chỉ cần không nổi giận là được.

4.

Có ông chủ một đồng cỏ lớn, kêu con trai ngày ngày làm việc vất vả trên đồng cỏ, bạn bè nói với ông ta:

- “Ông không cần thiết phải để con trai khó nhọc như thế, giống như cây công nghiệp sẽ lớn lên rất tốt.”

Ông chủ đồng cỏ nói:

- “Không phải tôi đang bồi dưỡng cây công nghiệp, mà là đang dạy dỗ con cái.”

Hóa ra răn dạy con cái rất đơn giản, để chúng nó chịu khổ chút xíu thì có thể được.

5.

Có một huấn luyện viên quần vợt nói với học sinh: “Nếu quả bóng rơi vào trong đám cỏ, thì làm thế nào để tìm nó ?

Một người nói: “Bắt đầu từ trung tâm đám cỏ mà tìm.”

Một người khác nói: “Bắt đầu từ nơi chỗ trủng nhất mà tìm.”

Lại một người khác nói: “Bắt đầu từ trong đám cỏ cao nhất mà tìm.”

Huấn luyện viên tuyên bố đáp án chính xác nhất: “Làm từng bước một, từ đầu đám cỏ này đến đầu đám cỏ kia.”

Hóa ra phương pháp để tìm thành công thật đơn giản, từ số 1 đến số 10 không nhảy vọt là có thể được.

6.

Có một cửa hàng thương nghiệp đèn đuốc thường sáng trưng, có người hỏi: “Tiệm của anh thường dùng loại đèn nào vậy, dùng rất bền.”

Người nhà cửa hàng nói: “Đèn của chúng tôi cũng thường bị hư, chẳng qua là chúng tôi thường thay đổi khi nó bị hư mà thôi.”

Hóa ra để duy trì ánh sáng thật đơn giản, chỉ cần thường thay đổi là được.

7.

Con nhái ở bên ruộng nói với con nhái ở bên vệ đường: “Anh ở đây quá nguy hiểm, dọn qua chỗ tớ mà ở.”

Con nhái ở bên đường trả lời: “Tớ đã quen rồi, hơn nữa làm biếng dọn nhà.”

Mấy ngày sau con nhái ở bên ruộng đi thăm con nhái ở bên đường, nhưng phát hiện nó đã bị xe cán chết rồi, xác nằm bẹp dí bên đường đi.

Hóa ra phương pháp nắm giữ vận mệnh thật đơn giản, tránh xa lười biếng thì có thể được.

8.

Có một con gà nhỏ khi phá vỏ trứng để chui ra, thì ngay lúc ấy có con rùa đi ngang qua. Từ đó về sau con gà nhỏ suốt đời rời bỏ cái vỏ trứng.

Hóa ra muốn thoát ly gánh nặng trầm trọng thật đơn giản, dẹp bỏ cố chấp thành kiến là có thể được.

9.

Có mấy em bé rất muốn làm thiên thần, thượng đế cho chúng nó mỗi đứa một cái chân đèn, và kêu chúng nó giữ cái chân đèn cho thật bóng sáng, nhưng một hai ngày qua đi mà thượng đế không đến, tất cả các em bé đã không còn chúi bóng chân đèn nữa.

Một hôm, thượng đế đột nhiên đến thăm, nhưng chân đèn của mỗi đứa đều đóng một lớp bụi dày, chỉ có một em bé mà thường ngày mọi người kêu bằng thằng ngốc, dù cho thượng đế không đến, nhưng hằng ngày nó vẫn cứ lau chùi chân đèn sáng bóng, kết quả em bé ngốc này được trở thành thiên thần.

Hóa ra làm thiên thần thật đơn giản, chỉ cần đem tấm lòng thật thà ra làm là được.

10.

Có một con heo nhỏ đến xin làm môn đệ của một vị thần, vị thần ấy vui vẻ chấp nhận.

Lúc ấy có một con trâu nghé từ trong đám bùn lầy bước ra, toàn thân đầy đầy bùn dơ bẩn, vị thần nói với con heo nhỏ: “Con đến giúp nó rửa sạch toàn thân.”

Con heo nhỏ kinh ngạc đáp: “Con là môn đệ của thần, sao lại có thể đi phục vụ con nghé bẩn thỉu ấy chứ ?”

Vị thần nói: “Con không đi phục vụ người khác, thì người khác làm sao biết con là môn đệ của Ta chứ.”

Hóa ra biến thành thần thật đơn giản, chỉ cần đem lòng thành thật ra thì có thể được.”

11.

Có một đoàn người đãi vàng đang đi trong sa mạc, ai nấy bước đi nặng nhọc, chỉ có một người bước đi cách vui vẻ, người khác hỏi: “Làm sao anh có thể vui vẻ được chứ ?”

Người ấy trả lời: “Bởi vì tôi mang đồ rất ít.”

Hóa ra vui vẻ thật đơn giản, có thiếu chút ít thì có thể được.

12.

Màu sắc của cuộc sống ở đâu ?

Buổi sáng thức dậy, màu sắc ánh sáng trên mặt, đón tiếp tương lai bằng vẻ mặt tươi cười rạng rỡ.

Đến buổi trưa, màu sắc ánh sáng trên eo lưng, thẳng lưng để sống hiện tại.

Đến buổi tối, ánh sáng màu sắc trên chân, chân đạp đất làm tốt chính mình.

Hóa ra cuộc sống cũng rất đơn giản, chỉ cần có thể hiểu được “trân quý, biết đủ, cám ơn”, thì anh có đầy đủ màu sắc của cuộc sống.

---------------------

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

sưu tầm từ tiếng Hoa.

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Mừng 26 Thường Niên: Những cô gái điếm vào nước Thiên Chúa trước các ông.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
23:00 28/09/2008
ROME (Zenit.org).- Cha Raniero Cantalamessa Dòng Capuchin, là vị giảng Phủ Giáo Hoàng, đã giải thích những bài đọc Thánh Lễ Chúa Nhật 26 Thường Niên.“Chúa Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” Nó đáp: “Con không muốn,” nhưng sau đó nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của ngưòi cha? Họ trả lời, ‘Người thứ nhất.’”

Người con trai nói “vâng” và “không’ làm, biểu thị những kẻ đã biết Chúa và theo luật của Người cho tới một mức độ nào đó nhưng đã không chấp nhận Chúa Kitô, Đấng là sự viên mãn của lề luật.” Người con trai nói “không” và “có “ làm biểu thị những kẻ một thời đã sống ngoài luật và ý muốn của Chúa, nhưng sau đó, với Chúa Kitô, nghĩ trở lại và đón nhận Tin Mừng.

Từ sự này Chúa Giêsu đã rút ra lời kết sau đây trước mặt những thượng tế và kỳ mục: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”

Sự không nói về Chúa Kitô đã được thao túng hơn về điều này.. Một số người đi đến kết luận bằng cách tạo dựng một sự tinh hoa tin mừng về những cô gái điếm, lý tưởng hóa và đối chiếu họ với những người có tiếng tăm lộng lẫy, tất cả đều được coi khác biệt đối với những kinh sư và những Pharisêu giả hình. Văn chương tràn ngập những cô gái điếm “tốt”. Chỉ cần nghĩ tới “La Traviata” của Verdi hay là Sonya khiêm tốn về “Crime and Punishment” của Dostoevsky.

Nhưng đó là một sự hiểu lầm kinh khủng. Chúa Giêsu nói về một trường hợp hạn chế như đã xảy ra. Người muối nói “ngay cả” những cô gái điếm sẽ đi vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Nghề gái điếm được xét đến trong tất cả sự ngiêm trọng của nó và được lấy như một sự so sánh để chỉ đến tính chất nặng nề tội lỗi của những kẻ cố tình loại bỏ chân lý.

Hơn nữa, chúng ta không thấy rằng khi lý tưởng hoá loại gái điếm, chúng ta cũng lý tưởng hoá loại người thu thuế, là một loại luôn đồng hành loại gái điếm trong Tin Mừng. Những người thu thuế, là những nhân viên các cơ quan thâu thuế Roma, tham dự trong những hành xử bất công của những cơ quan này. Nếu Chúa Giêsu liên kết những gái điếm và những người thu thuế với nhau, Người làm vậy không phải là không có lý do; vì cả hai đều coi tiền bạc là sự quan trọng nhất trong cuộc sống.

Điều trở nên bi thảm nếu từ những đọan Tin Mừng ấy, làm cho những Kitô hữu ít quan tâm đánh phá hiện tượng đĩ điếm đánh mất đi phẩm giá con người, vốn ngày nay đã công nhận đã có những tỷ lệ báo động xảy ra trong các thành phố chúng ta. Chúa Giêsu rất tôn trọng những người nữ đừng phải chịu những gì có thể đoán trước được khi họ trở thành hoặc lâm vào tình trạng này.

Điều Chúa đánh giá trong người gái điếm không phải là cách sống của họ, nhưng là khả năng thay đổi của họ và đặt khả năng của họ để yêu mến phục thiện.. Mary Magdalene, kẻ đã trở lại và đã theo Chúa Giêsu trên tất cả con đường thánh giá, là một gương mẫu cho sự này (đặt giả thiết bà là một cô gái điếm).

Điều Chúa Giêsu có ý dạy với những lời cùa Người ở đây mà cuối cùng được Người nói rõ: Những người thu thuế và những gái điếm đã trở lại nhờ nghe lời giảng của Gioan Tẩy Giả; những thầy thượng tế và những ký mục thì không. Do đó, Tin Mừng, không hướng chúng ta đến những chiến dịch luân lý chống những cô gái điếm, nhưng cũng không cho phép cúng ta đùa bỡn với nó, dường như nó không đáng sá gì.

Trong hình thức mới theo đó nghề đĩ điếm tự biểu lộ ngày nay, chúng ta thấy rằng ngày nay có khả năng biến con người thành một món tiền có ý nghĩa và làm như vậy mà gạt ra ngoài những nguy hiểm khủng khiếp mà những người nữ bất hạnh những thời đại trước, những kẻ bị kết án sống giữa đường lộ, phải chịu đựng. Hình thức này là bán thân mình một cách an lành qua những ống kính Điều một người nữ làm khi họ cho mượn bản thân để khiêu dâm và để cho những hình thức thái quá giải trí, là bán thân xác mình qua những con mắt nếu không được tiếp xúc.

Đó chắc chắn là sự mãi dâm, và còn tệ hơn nghề mãi dâm truyền thống, bởi vì nó bị áp đặt công khai và không tôn trọng quyền tự do và những tình cảm con người.

Nhưng khi đã tố cáo những sự này như chúng ta phải làm, chúng ta sẽ phản bội tinh thần Tin Mừng nếu chúng ta không nói về niềm hy vọng mà những lời này của Chúa Kitô cống hiến cho các người nữ, là những kẻ, vì những hòan cảnh khác nhau (thường do tuyệt vọng) đã lao mình ra các ngã đường, phần nhiều là nạn nhân từ những sự bóc lột vô lương tâm. Tin Mừng là “tin mừng,” tức là, “những tin vui,” những tin chuộc, những tin hy vọng, cả cho những cô gái điếm. Trên thực tế, có lẽ đó là điều trước hết cho họ. Đó là tại sao chúa Giêsu muốn điều đó.
 
Xin Vâng Theo Ý Chúa
Tuyết Mai
23:28 28/09/2008
Xin Vâng Theo Ý Chúa

Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: 'Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!' Nó thưa lại rằng: 'Con không đi'. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: 'Thưa cha, vâng, con đi'. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?" (Mt 21, 28-32).

Có phải làm con ngoan con thảo thì luôn triệt để tuân theo và thi hành theo ý muốn của cha mẹ? Vì không muốn làm buồn lòng các ngài? Đó là tấm lòng và tánh tình của đứa con luôn có lòng hiếu thảo từ khi còn rất nhỏ cho đến khi lớn khôn. Còn làm đứa con ngỗ nghịch hư hỏng thì luôn luôn trong lòng có sự chống đối vì thường hay đòi hỏi xin cho những điều và những gì rất ư là vô lối mà cha mẹ vì lợi ích cho đứa con hay vì không có điều kiện mà chìu theo hay để thoả mãn cho người con này được? Nên sự chống đối ấy luôn là vấn đề khó khăn và khó xử cho cha mẹ đối với đứa con hư này! Và có phải cái câu mà ta thường được nghe từ khi còn rất nhỏ là: "cha mẹ sanh con trời sanh tánh", là chuyện đã được khẳng định từ xưa cho đến nay, không có thể nào có ai cãi khác hơn cho được? Mà trong gia đình nào có nhiều con thì bao giờ bậc làm cha mẹ cũng thấy rất rõ và được thể hiện trong những đứa con của mình.

Trong tất cả chúng ta thử tự hỏi trong suốt cuộc đời làm con, đã bao nhiêu lần là được ngoan ngoãn như người con thứ nhất mà được Chúa khen, và bao nhiêu lần chúng ta cũng trở thành rất ngỗ nghịch và hư hỏng như người con thứ hai của bài Phúc Âm Chúa dậy trong tuần này!?

Có phải chúng ta cũng nên xét xử một cách rất công bằng về hai người con này, vì lý do làm sao mà người con thứ nhất thoạt đầu đã cãi cha mình, anh không muốn đi làm vườn nho cho cha rồi sau lại cảm thấy hối hận và đã đi làm? Ngược lại cũng cùng câu hỏi để dùng cho người con thứ hai, lý do vì là làm sao anh ta đã nhận làm vườn nho cho cha rồi sau đó lại đổi ý không muốn làm? Theo tôi được biết thì cũng tùy vào nhiều trường hợp để mà ta cảm thấy rất có lý để phân tách lý do vì sao cho hai người con trên. Giống như cuộc đời của chúng ta vậy! Có hai giai đoạn sống: Một là thuở còn thiếu thời non dại thiếu kinh nghiệm sống và một là thuở ta đã dầy kinh nghiệm và đã rất chín chắn trong mọi điều chúng ta suy nghĩ và chúng ta làm.

Có phải khi ta còn rất trẻ và non dại, cái gì đối với ta cũng cảm thấy nặng nề và chán ngán trong mọi công việc nếu bị cha mẹ sai đi làm? Vì tuổi của chúng ta còn rất ham chơi và nào hiểu được sự giúp đỡ cho cha mẹ hay cho gia đình là một trọng trách và giúp ích rất nhiều cho cha mẹ. Chúng ta nào hiểu được thế nào là bổn phận thế nào là trách nhiệm. Vì luôn luôn chúng ta được sống an vui trong tình yêu của cha mẹ. Có bao giờ ta có được cơ hội một ngày nào mà thiếu ăn hay biết đói là gì? Có bao giờ ta phải bị lo lắng rằng ngày mai sẽ không có cơm ăn? Có bao giờ cha mẹ để cho ta phải lo lắng hay biết đến bất cứ khoản tiền nào phải thanh toán trong một ngày? Một tuần? Một tháng? Hay là một năm? Nào là những ngân khoản được thanh toán hằng tháng như tiền nước, tiền điện, ga, điện thoại, tiền nhà, tiền chợ, tiền học, tiền cần phải xài như quần áo, và tất cả những thứ linh tinh mà ta thấy chúng trong nhà cho dù những đồ vật rất nhỏ như kem đánh răng hay bàn chải đánh răng. ...

Có phải vì chúng ta được quá nuông chìu nên cho rằng việc đi làm vườn nho cho cha là không phải việc của chúng ta? Và vì khi ta đi làm vườn nho cho cha, ta đâu có được thưởng hay được cha trả tiền gì đâu? Và có phải việc đi làm vườn nho cho cha thì thường ngày cha ta đã mướn thợ làm, thì có phải việc đi làm vườn nho cho cha là việc không nhất thiết cần ta phải làm, vì nghĩ rằng nếu ta làm cũng được và nếu ta không làm thì cũng có người khác làm và chẳng làm thiệt hại gì cho cha cả!? Thưa có đúng không? Chỉ vì ta không muốn làm cho cha buồn giận nên đầu tiên thì nói rằng không đi làm nhưng hồi sau nghĩ lại không muốn cãi lời của cha mình là điều không phải, rất dại, và không nên làm, nên rồi đi ra vườn nho làm cho có gọi là có làm, chứ ai đâu mà ở đó kiểm duyệt xem chừng chuyện mình làm sẽ được là bao nhiêu đâu! Miễn rằng cha có biết là mình có đi làm là được rồi! Thì có gì đáng để mà không ra làm cho cha ta được hài lòng. Vì biết làm hài lòng cha mẹ là đứa con khôn khéo nhất trên đời. Muốn gì sẽ được cha trao ban mà không tiếc một thứ gì khi được xin, miễn sao không làm cho đứa con bị hư hỏng là cha sẽ chìu ngay!?

Rồi khi chúng ta ở lứa tuổi phải xa nhà thân lập thân. Có công ăn việc làm, có gia đình, và có trách nhiệm. Cuộc đời tự lập cánh sinh, không còn bám víu vào cha mẹ được nữa! Đời dậy ta lớn khôn. Đời dậy ta già dặn trong mọi lời ăn tiếng nói, cân nhắc từng mọi công việc mà ta định làm. Đời dậy ta phải mạnh mẽ, chống chỏi, và gánh vác để gia đình được êm thắm và được bình an. Không như ngày xửa ngày xưa còn được ở trong bàn tay lo lắng và yêu thương của cha mẹ, không một ngày biết lo lắng và bận tâm một điều chi.

Rồi thì có phải tuổi đời của chúng ta cũng tăng trưởng dần theo thời gian và càng ngày thì ta lại càng già đi theo năm tháng!? Càng cảm thấy già dặn khi cuộc đời không theo ý muốn của ta? Càng già đi nhiều, càng kinh nghiệm hơn nhiều, khi cuộc đời lên voi xuống chó của ta thường xẩy ra? Càng già đi nhiều khi chúng ta đã trở thành những ông bà ngoại hay những ông bà nội? Lúc bấy giờ ta mới có được đôi phần thong thả mà sống thật sự cho chính ta. Có vài người hối tiếc rằng khi trẻ ta sống quá bon chen để không hưởng được nhiều khi ta có khả năng để còn biết hưởng. Có nhiều người trong chúng ta đến tuổi xế chiều mới biết ngẫm nghĩ lại mà yêu cha yêu mẹ nhưng cũng muộn quá rồi để mà trả công hay trả hiếu cho cha mẹ ta. Có rất nhiều người bây giờ mới thức tỉnh và mới tìm về nguồn gốc của chính mình, là ta sống ở trên đời này làm chi!? Ai sanh ra ta? Và khi chết rồi ta sẽ đi về đâu? Và cuối cuộc đời thì ta còn làm được gì và có thời gian đủ để mà ta chuẩn bị kịp cho nơi ta muốn tới hay không?

Khi ta ở tuổi xế chiều mới là lúc mà ta suy nghĩ nhiều lắm cho cuộc đời tâm linh và linh hồn đời đời của chúng ta, mà thường thì thời gian này Chúa luôn thương và tha thứ cho con cái của Ngài. Lúc này ta mới thật sự nghĩ đến người Cha nhân lành của chúng ta ở trên Trời. Lúc này ta mới thực sự là sợ chết mà nhất là chết bất đắc kỳ tử vì ta chưa kịp chuẩn bị về phần linh hồn của chúng ta. Lúc này ta mới siêng năng đi nhà thờ và sốt sắng thật những khi ta được đến Nhà Chúa mà không lo ra? Không chia trí? Không bị bất cứ mọi cám dỗ nào? Không bị hối hả vì trễ tiệc tùng? Không còn bị ai lôi kéo để nhập cuộc vào những trò chơi tội lỗi do ma quỷ giăng bầy của sòng bài, của nhậu nhẹt phá phách, của chơi bời trác táng phóng đãng, và của muôn hình thức mà sự dữ lôi kéo và dụ dỗ.

Lậy Chúa Giêsu Ngài là tình yêu!

Xin thương giúp tất cả chúng con đang còn sống đến ngày hôm nay, biết thức tỉnh và luôn sống làm người con ngoan hiếu thảo như dụ ngôn Chúa dậy trong tuần này Ngài đã lấy ví dụ từ hai người con thứ nhất và thứ hai. Vâng thưa lậy Chúa, sự khôn ngoan của chúng con thì luôn ở trần gian này! Khôn ngoan mà để đánh mất linh hồn thì nào ích gì cho linh hồn đời đời kiếp kiếp của chúng con, phải không thưa Chúa? Xin cho chúng con luôn sống và biết phó dâng tất cả những thiếu xót, bất toàn, và những khiếm khuyết như những đứa con còn vụng dại ở tuổi dại khờ khi còn được ở với cha mẹ, luôn luôn được sống trong bàn tay quan phòng, gìn giữ, và chúc phúc lành trên chúng con, để chúng con khỏi phải vất vả bon chen và ý thức được rằng tất cả rồi cũng phải bỏ lại và chỉ đem được theo những gì mà chúng con cất giữ ở trên Trời mà thôi! Amen.
 
Giải đáp phụng vụ: Những nhà thờ được cung hiến và thánh hiến
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
23:28 28/09/2008
Nói thêm về những phức tạp của hai hình thức trong một nghi lễ

ROME (zenit.org).- Giải đáp của Cha Đạo Binh Chúa Kitô, Cha Edward McNamara, giáo sư phụng vụ tại đại học Regina Apostolorum

Con muốn biết nếu một nhà thờ đã được “cung hiến-dedicated” chớ không được “thánh hiến-consecrated” theo nghi thức La Tinh năm 1923, bây giờ có thể tái đáp ứng với những cây đèn cày thánh hiến, bởi vì không có phân biệt giữa sự cung hiến và thánh hiến trong nghi thức mới hay không—G.P., El Dorado, Atkansas

Trước hết tôi muốm làm sáng tỏ những ngôn từ. Tôi thiết nghĩ rằng bản dịch trước kia của sách Nghi Thức Giám Mục Roma đã không phân biệt rõ ràng giữa “sự cung hiến” và sự “thánh hiến” cũng như giữa sự “thánh hiến “ và “làm phép” (hoặc long trọng hay đơn giản).

Tuy nhiên, rất thường qui chiếu về sự làm phép một nhà thờ như là sự “cung hiến, và điều này có lẽ đã sinh ra những hiểu lầm về thuật ngữ hiện tại.

Bản dịch hiện nay sách Nghi Thức Giám Mục không còn nhắc tới việc thánh hiến nhưng đúng hơn phân biệt giữa sự cung hiến và sư làm phép môt nhà thờ.

Những nghi thức cơ bản trước kia qui cho nghi thức thánh hiến thì bây giờ được thực thi trong nghi thức cung hiến, mặc dầu trong một cách đơn giản. Như vậy, thay vì một sự liên kết hai nghi thức, chúng ta đứng trước một sự thay đổi trong ngữ thuật đễ diễn tả cũng một nghi thức.

Một cái gì tương tự đã xảy ra trong những nghi thức khác. Những sách phung vụ bây giờ nói về “sự phong chức giám mục-epicopal ordination” chớ không nói “sự thánh hiến giám mục-episcopal consecration” như những sách trước đã làm.

Nghi thức làm phép một nhà thờ vần còn. Nếu vì một lý do chính đáng nào một nhà thờ mới không thể được cung hiến (“thánh hiến”), thì ít nhất phải được làm phép trước khi sử dụng. Cũng vậy, những nhà nguyện riêng, những phòng nguyện và nhữrng kiến trúc thánh chỉ tạm thời dành cho việc thờ phượng thánh sẽ được làm phép đúng hơn là cung hiến. Nghi thức làm phép có thể thực hiện hoặc do giám mục giáo phận hay do một linh mục được giám mục ủy quyền đặc biệt.

Như vậy, chỉ những ngôi nhà được kiến thiết để sử dụng vĩnh viễn như những nhà thờ phượng có thể đựơc cung hiến chính thức.

Từ những điều chúng tôi đã nói, tôi tưởng những gì đã xảy ra trong nhà thờ nhắc đến ở trên trong năm 1923 có lẽ là môt sự làm phép trọng thể và, nói đúng, không phải là một sự cung hiến hay thánh hiến.

Mục đích những thánh giá và những đèn nến là để đánh dấu những chỗ trên vách tường được xức dầu trong nghi thức cung hiến. Sự thực hành đánh dấu vĩnh viễn việc xức dầu không còn buộc nữa, nhưng sách Nghi Thức Giám Mục (số 874) còn khuyên giữ “tập quán xưa này” là treo hoặc 12 hay là bốn thánh giá và những cây nến trên vách, tùy theo con số xức dầu.

Bởi vì trên các tường nhà thờ đang nói đây không bao giờ được xức dầu, nên ít có ý nghĩa nếu đặt lại những thánh giá và những cây nến để biểu trưng một nghi thức chưa bao giờ có.

Sự kiện một nhà thờ được làm phép đúng hơn là được cung hiến không có gì khác liên hệ với những lễ nghi có thể thực hiện trong đó. Vì lẽ này, một khi đã được đưa vào việc xử dụng chung, một nhà thờ được làm phép đã không được cung hiến.

Tuy nhiên, có một số trường hợp trong đó những qui tắc cho phép nghi thức cung hiến được thực hiện trong một nhà thờ không được cung hiến mà đã đưa vào việc xử dụng chung. Có hai điều buộc phải hoàn thành hầu sự này có thể xảy ra (Sách Nghi Thức Giám Mục, Số 916):

--Bàn thờ đã không được cung hiến (hay là thánh hiến) bởi vì cấm cung hiến một nhà thờ mà không cung hiến bàn thờ.

Có một cái gì mới hay là sữa đổi đáng kể về ngôi nhà, ví dụ, sau những cuộc trùng tu cả thể, hay là một sự thay đổi trong tình trạng pháp lý của nó (ví dụ, một nhà nguyện trước kia bây giờ đước xếp loại như một nhà thờ giáo xứ).

* * *

Những phức tạp của hai Hình Thức trong một Nghi Lễ>/b>

Theo dõi giải đáp của chúng tôi về những khó khăn pha trộn hai hình thức bình thường và bất bình thường của nghi thức Roma trong mục trước, chúng tôi có được những bình luận và việc làm sáng tỏ rất thú vị.

Trước hết, nhiều độc giả, sử dụng những nguồn khác nhau, đã khẳng định rằng điều hợp pháp đối với một thầy giúp lễ được phong là thực hiện nhiệm vụ của thầy phụ phó tế. Ủy ban Giám Mục Giáo Hội Thiên Chúa đã chính thức khẳng định sự sắp xếp này trong Proticoll 24/92 phổ biến ngày 7/6/1993.

Nhiều nguồn chỉ rõ rằng cả trước khi cải tổ, thầy phụ phó tế có thể được thay thế bằng một chủng sinh đã lãnh chức cắt tóc lần đầu ( sự chấp nhận như ứng viên hay là tuyên khấn tu sĩ trong hệ thống hiện nay), nếu không đủ số thừa tác viên hiện diện cho một Thánh Lễ đại trào.

Thầy phụ phó tế thay thế không có mang biretta hay là maniple (dây đeo tay). Thầy ấy cũng không được phép thực hiện những nhiệm vụ bao hàm việc đụng tới hay lau chùi chén lễ.

Một độc giả người Bỉ đã hỏi về việc sử dụng các linh mục đễ phục vụ như những thừa tác vụ khác. Anh viết: “Trong bài tranh luận của cha cột báo đề ngày 9/9 cha qui chiếu về một thực hành trong nghi thức Roma đã có từ nhiều thế kỷ-- và cả trong một vài chỗ vẫn còn ngày nay. Tức là, có những người đã được phong linh mục (hay là cả giám mục) mặc áo và hành động trong một cử hành phụng vụ dường như họ có những chức ‘nhỏ hơn’. Điều này xem ra là, mặc dầu tập quán kiên trì trong một số nơi và hoàn cảnh, một sư lạm dụng nghiêm trọng bí tích truyền chức thánh.

“Xin đưa ra một ví dụ, xin một linh mục hành động và ăn mặc như một phó tế v /hoặc là như một phụ phó tế, cũng như xin một con bướm hành động như một con sâu bướm hay là cả như một con nhộng. Điều rõ ràng là có một sự liên tục trong một con bướm từ một giai đoạn này tới một giai doạn khác phát triển hơn’—nhưng ‘đi ngược lại thì không thể. Con rất am hiểu những luận cứ được xử dụng trong nghi thức Roma để biện minh việc xử dụng này, nhưng điều đó còn xem ra ’kéo dài thần học’ của bí tích, trên thực tế, vượt qua sự công nhận sự khác biệt của các chức. Nên nói thêm là thực hành này không hề có trong các Giáo Hội chị chúng ta trong nữa Phuương Đông Kitô Giáo.

“Câu hỏi của con vượt quá sự khẳng định những ‘ sự kiện trên môi trường ‘ là: Tại sao sự này (xem ra lạm dung) còn được phép, mà còn được khích lệ trong vài nơi, bên trong nghi thức Roma?”

Đó là một câu hỏi rất thú vị. Tôi sẽ rất do dự sử dụng từ ‘lạm dụng’ cho môt tập quán đã và còn thực hành trong hình thức bất thường.

Việc sử dụng nó trong hình thưc bình thường là, vì những mục đích thực tế, được hạn chế cho việc sử dụng tùy cơ hai hồng y làm phó tế phục vụ đức giáo hoàng trong một số nghi thức long trọng.

Mặt khác, một linh mục, cả khi thỉnh thoảng thay thế một phó tế, không bao giờ mặc áo dalmatic. Một giám mục thỉnh thoảng mặc áo dalmatic dưới áo chasuble như là một dấu chi sự viên mãn của bí tích truyền chức thánh.

Tôi muốn gợi ý rằng việc sử dụng các linh mục thực hiện những nhiệm vụ khác thuộc giáo sĩ trong một Thánh Lễ trọng, nẩy lên theo lịch sử như là một giải pháp thực tế cho một sự khó khăn có thực.

Không như các Giáo Hội Phương Dông, chức phó tế và chức phụ phó tế đã biến mất như những thừa tác vụ vĩnh viễn trong Giáo Hội Latinh sau một vài thế kỷ, và chỉ ban cho ứng viên linh mục, những kẻ thực thi nhiệm vụ này, qua một thời gian ngắn mà thôi.

Tuy nhiên, những phận sự phụng vụ thực hiện do những chức này, được coi là cần thiết cho việc cử hành long trọng Thánh Lễ.

Nếu chúng ta nhớ rằng những sự đồng tế, trên thực tế cũng trở nên dập tắt thực tế trong nghi thức Latinh, lúc đó, sư pha lẫn sự thiếu các phó tế và phụ phó tề đáng kể, cùng với sự dư thừa những linh mục không đồng tế, tự nhiên đưa tới việc linh mục nhận nhiệm vụ của những thừa tác vụ này.

Lúc đầu có các linh mục hoàn thành những vai trò này, có lẽ không được coi như thêm sự long trọng cho nghi thức, nhưng vì việc thực hành này gia tăng nên nó được thấy trong áng sáng này. Trong một số trường hợp, như những Thánh Lễ giáo hoàng và giám mục, phục vụ như thầy phó tế và phụ phó tế cũng trở nên một cái gì có tính ưu tiên dành cho những giám chức cao cấp.

Giữa những luận cứ có thể biện minh tập quán, có nguyên tắc là ai có thể làm nhiều hơn thì cũng có thể làm ít hơn. Phép loai suy (analogy) con bướm không hoàn toàn đúng vì dầu có sự liên tiếp giũa những giai đoạn khác nhau, sự gián đoạn không triệt để như khi con bướm bỏ con nhộng lại sau.

Như vậy dầu thầy phó tế có chỗ riêng của mình trong hàng giáo phẩm và biểu thị, giữa những yếu tố khác, ân huệ phục vụ trong Giáo Hội, phương diện này không bị dập tắt nếu thầy phó tế về sau trở thành linh mục; đúng hơn, điều đó được chấp nhận trong vai trò mới của thầy.

Tuy nhiên, sau khi nói vậy rồi, độc giả chúng tôi có một điểm giáo hội học chân chính. Trong phụng vụ điều tốt hơn là mỗi chức vụ làm trọn vai trò phụng vụ đúng của mình khi nào có thể được, vì điều này phản chiếu cách tốt nhất Giáo Hội là một cộng đoàn trong sự hiệp thông phẩm trật. Có lẽ đó là một lý do tại sao sự kiện các thừa tác vụ phó tế và phụ phó tế thường được các linh mục thực hiện, là gần như không bao giờ được chính thức thừa nhận trong Sách Lễ Roma.

May mắn lắm chúng ta có thể gặp một sự thừa nhận đặc biệt, gián tiếp của tình huống, trên bối cảnh trong một số qui tắc và sắc lệnh từ Bộ nghi Lễ. Ví dụ, có qui tắc nói nếu một trong các thừa tác viên là một linh mục và người kia là phó tế, bấy giờ phó tề làm nhiệm vụ phó tế và linh mục làm nhiệm vụ phụ phó tế (1886 Sách Nghi Thức Giám Mục 1, XXVI; Sắc Lệnh 668 về sự tái biên sạn “Decreta Authentica” của Thánh Bộ Nghi Lễ). Qui tắc này cũng để chứng tỏ tầm quan trọng của mỗi thừa tác viên đang thực thi.

Sự khó khăn thực tế của việc không sẵn có những thừa tác viên riêng biệt vẫn tồn tại trong hình thức bất thường và có lẽ cần tiếp tục sử dụng các linh mục như những thừa tác viên nếu Thánh lễ trọng trong hình thức bất thường phải cử hành bên ngoài các đan viện và các chủng viện. Một giải pháp trường kỳ cho sự khó khăn này có lẽ cần một số thay đổi lớn hơn như thiết lập chức phó tề vĩnh viễn cũng cho hình thức này.

Bất cứ đề nghị nào như thế có lẽ quá sớm hiên nay, nhưng không nên bị loại trong lâu dài. Điều đáng hy vong là sự hiện diện bình thường của hai hình thức sẽ có thể làm xuất hiện cái tốt nhất trong hai hình thức.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thách đố giầu nghèo tại Úc
Vũ Văn An
04:36 28/09/2008
Thách đố giầu nghèo tại Úc

Nhân Chúa Nhật Công Bằng Xã Hội, ngày 28 tháng 9 năm 2008, Ủy Ban Công Bằng Xã Hội của Hội Đồng Giám Mục Úc Châu cho công bố bản Tuyên Bố tựa là Một Quốc Gia Giầu Có Và Trẻ Trung: Cuộc Thánh Thức Giầu Nghèo Tại Úc Châu (A Rich Young Nation: The Challenge of Affluence and Poverty in Australia).

Bản Tuyên Bố trên nhằm trình bầy Úc như một quốc gia chia rẽ trầm trọng theo đường ranh giầu nghèo và cơ may, một quốc gia được liệt kê là có sự chênh lệch lớn nhất về thu nhập trong các quốc gia phát triển trên thế giới, và sự chênh lệch này mỗi ngày một lớn thêm ra.

Bản tuyên bố nhận định rằng hai năm trước đây, thu nhập bình quân của một gia hộ Úc là $102,470. Tuy nhiên, 20% gia hộ được liệt kê là “thượng lưu” có mực thu nhập bình quân hàng năm là $220,350, trong khi 20% gia hộ được liệt kê là “hạ lưu” chỉ có mức thu nhập bình quân là $22,500.

Các giám mục Úc cũng cho hay: theo một ước tính, khoảng 4.52 triệu gia đình Úc hiện sống với lợi tức dưới $400 một tuần. Tình trạng này không đúng vì giữa lòng một quốc gia hết sức hưng thịnh về kinh tế, lại có quá nhiều người lỡ đò trên chuyến tầu hạnh phúc ấy. Lý do chẳng qua vì xã hội này có những người quá giầu về kinh tế nhưng lại quá nghèo về tâm linh.

Bản tuyên bố nhấn mạnh rằng: “bất luận nền kinh tế tiến bộ ra sao, sự khỏe khoắn của một xã hội sẽ được phán đoán dựa trên lối họ cư xử đối với các công dân dễ bị thương tổn nhất của họ”

Dựa trên dụ ngôn người thanh niên giầu có trong Phúc Âm, các giám mục Úc cho rằng Úc hiện cũng đang có thái độ như người thanh niên ấy và tự hỏi: “liệu chúng ta có dám sử dụng sự thịnh vượng lớn lao hiện nay để phục vụ mọi người, nhất là những người đang bị sự thịnh vượng kia qua mặt và đang phải sống trong nghèo khó, hay ta nghoảnh mặt đi vì ngỡ ngàng trước cái thách đố quá lớn?”.

Điều đáng buồn là rất nhiều người hiện đang chọn thái độ thứ hai, thái độ của người thanh niên giầu có trong Phúc Âm “vì anh ta có quá nhiều của cải”. Các giám mục nhận định rằng: Trước đây không lâu, Người Úc thường cho rằng cuộc sống giầu sang có nghĩa là có chiếc xe thứ hai, có căn nhà lớn và một căn nhà nghỉ mát. Ngày nay, một gia đình giầu sang tuy có nhà và xe hơi đắt tiền, đi du lịch ngoại quốc thường xuyện, có đầu tư lớn và một dự trữ tài chánh đáng kể, nhưng vẫn chưa lấy làm đủ, vẫn muốn có nhiều hơn. Điều hôm qua được coi là phong lưu xa xỉ, thì nay bị coi là nhu cầu cần thiết. Người ta gọi đó là bệnh cúm giầu sang (affluenza).

Các giám mục cho rằng giống người thanh niên giầu có, nhiều người trong chúng ta cảm thấy mình ‘chả có lỗi chi’ khi sống đúng theo Giới Luật hay các tiêu chuẩn của xã hội. Nhưng thực ra, Chúa Kitô đòi hỏi ta phải làm hơn thế: ra khỏi vùng êm ái của mình, vùng vốn được ‘bảo bọc’ bằng của cải giầu sang, để nhận ra người nghèo và chăm sóc nhu cầu của họ.

Một quốc gia giầu sang

Như trên đã nói, ý niệm giầu sang là một ý niệm tương đối. Ngày xưa ‘thế’ là giầu sang, mà nay ‘thế’ chỉ là chuyện tầm thường. Biên giới phân cách giữa nhu cầu và thèm muốn (needs and wants) ngày nay không còn nữa, tất cả chỉ còn là nhu cầu. Cho nên cuộc thăm dó mới đây của Newspoll cho hay 2/3 những người được thăm dò cho hay: họ không có khả năng thoả mãn mọi điều họ cần (need) nữa. Số người này cũng cho hay: cảm nhận thiếu thốn của họ là chuyện có thật, vì khi một thèm muốn bị dẹp bỏ, họ cảm thấy mình thật thiếu thốn (Clive Hamilton [2005] Affluenza: When too much is never enough, Allen and Unwin, Sydney, tr.60). Cuộc thăm dò này cũng cho hay:một phần tư các gia đình giầu có nhất ở Úc cho hay họ chi tiêu hầu hết tiền bạc của họ vào những nhu yếu phẩm căn bản nhất. Đối với họ, sự thiếu thốn nằm ở tham vọng giầu sang chứ không hẳn nằm trong cảm nghiệm nhu cầu thực sự.

Chính cái tham vọng giầu sang, muốn có nhiều hơn kia đang thúc đẩy người Úc làm việc nhiều hơn đến gây hại cho cả liên hệ gia đình. Nhiều cha mẹ còn có khuynh hướng đền bù sự vắng mặt bên con cái bằng cách lấy của cải ‘bảo bọc’ chúng…

Các giám mục cho rằng cái ý muốn chiếm hữu nhiều hơn kia đã được giới truyền thông vô tình cổ vũ qua việc mô tả phải làm gì để có được một cuộc sống hạnh phúc và thành công. Trong khi ấy., chủ nghĩa tiêu thụ và tiếp thị năng nổ đề cao quyền lợi cá nhân và đua tranh của cải vật chất, không còn coi xã hội như một môi trường để con người phục vụ lẫn nhau. Thành thử ra, nhiều người tin rằng lối sống của họ là trên hết, bất kể các nhu cầu lớn hơn của công chúng. Nhiều người chống đối các canh cải nhằm gia tăng việc phân phối của cải và cơ may cho những người thiếu thốn, vì các cải tổ ấy đụng đến chính họ…Chiếm hữu của cải trở thành mục tiêu ngược hẳn lại giáo huấn phúc âm vốn coi ta chỉ là người quản lý như Thông Điệp Mùa Chay năm 2008 của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI từng nhấn mạnh:

“Theo giáo huấn Phúc Âm, ta không phải là chủ nhân mà chỉ là những quản trị viên các của cải ta có. Vì vậy, không nên coi các của cải ấy như là vật chiếm hữu độc quyền của ta, mà là các phương tiện qua đó Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hành động như viên quản lý do Chúa quan phòng đặt để phục vụ người lân cận” (Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI [2007] Thông điệp Mùa Chay 2008, tr.2).

Người giầu người nghèo trong xã hội giầu sang

Như trên đã nói, sự cách biệt giữa 20% các gia đình thượng lưu và 20% các gia đình hạ lưu là một cách biệt lớn lao và tiếp tục lớn lao thêm. Nhưng giai cấp trung lưu cũng chả khá hơn gì. Vấn đề nhà ở trước đây chỉ ảnh hưởng tới người nghèo, nhưng nay đang đe dọa nhiều gia đình trung lưu. Càng ngày giai cấp trung lưu này càng khó mua được nhà. Muốn đạt được ước vọng ấy nhiều người đã phải vay những món tiến khổng lồ, các ngân hàng chỉ cần nhích lãi xuất lên một chút là khiến họ hết khả năng trả góp. Khiến cho hiện nay, một phần tư các gia hộ Úc đang phải ở nhà thuê (Sở Thống Kê Úc [2007] ‘Sở hữu nhà và thuê nhà’ trong Year Book Australia 2007, 1301.0, ABS, Canberra). Mà tiền thuê nhà, trong năm 2007, gia tăng 15%, khiến nhiều người không có khả năng trả tiền thuê nhà. Theo một cuộc điều tra gần đây, hàng năm có khoảng từ 80,000 tới 100,000 trường hợp trục xuất khỏi nhà thuê.

Nghèo khó và công chính

Lúc khởi đầu thừa tác vụ của mình, Chúa Giêsu cho hay: Người đến đem tin mừng cho người nghèo và đem tự do cho người bị áp bức (Lc 4:16-19). Người luôn quan tâm tới góa phụ, trẻ mồ côi, người bệnh, kẻ bị ruồng bỏ xua đuổi. Trong dụ ngôn Ngày Phán Xét Chung (Mt 25:34-40), Người trở thành khuôn mặt của nghèo đói: “Ta bảo thật khi các con làm điều ấy cho một trong những kẻ khốn cùng nhất là các con làm cho chính Ta”. Sự công chính của ta tủy thuộc thái độ của ta đối với người nghèo. Các Kitô hữu đầu tiên nắm được giáo huấn ấy rất nhanh: “Họ bán hết những gì họ có và phân phối tiền bán ấy cho mọi người, tùy theo nhu cầu mỗi người” (Cv 2:45). Các giáo phụ noi gương các tiền nhân của mình cách xít xao: “Bánh anh em không dùng là bánh của người đói; áo anh em treo trong tủ là áo của người trần truồng; giầy anh em không mang là giầy của người chân đất; tiền trong két là tiền của người nghèo; hành vi bác ái anh em không làm là bấy nhiêu bất công anh em phạm phải” (Thánh Basil Cả, Bài Giảng 8, PG 31: 321 c-e).

Khuôn mặt của nghèo khó

Nhiều người căn cứ vào những nét bề ngoài để miêu tả khuôn mặt người nghèo. Tuy nhiên, phần lớn cái nghèo ở Úc dấu mặt, ta không nhìn thấy. Hiện nay, người ta vẫn chưa thống nhất trong định nghĩa cái nghèo. Căn cứ vào đâu mà đo được mức nghèo. Nói một cách tổng quát, nghèo có nghĩa là thiếu phương tiện sống một cuộc sống thoải mái (fulfilling), thường xuyên thiếu những món chủ yếu. Nó có nghĩa: lúc nào cũng phải lo lắng không biết mình có khả năng trả các giấy đòi tiền hay không hay phải chạy vạy với các áp lực này bằng cách liên tục uớc tính xem phải bỏ đi món cần thiết nào. Đối với nhiều người, nghèo đói là cứ hết khủng hoảng này lại gặp khủng hoảng kia, không cùng.

Nghèo đói còn có khía cạnh cấu trúc, khu vực. Rất nhiều cộng đồng ở Úc lâm vào hoàn cảnh triền miên thất lợi về kinh tế khiến cư dân không có một triển vọng nào có được một nền giáo dục xứng đáng, có được một việc làm đàng hoàng và một hệ thống y tế tạm được. Cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy 1.7 phần trăm các vùng bưu điện (postcodes) khắp nước Úc kinh niên có các yếu tố tạo ra cảnh nghèo liên thế hệ (intergenerational poverty) nhiều gấp 7 lần so với các khu vực khác, như thu nhập thấp, giáo dục kém, triển vọng việc làm nghèo nàn…Nhiều chỉ dấu cũng cho thấy việc Úc chăm sóc người nghèo của mình đã không bắt kịp với đà gia tăng kinh tế của cả nước. Năm 2006, theo cách ấn định của quốc tế, có 2,210,000 người Úc hay 11.1% tổng số dân, sống dưới mức nghèo, trong đó có 412,000 trẻ em (Australia Fair [2007], Update on those missing out – the numbers and stories of those missing out, Australian Council of Social Services, Sydney, p.2).

Cho nên, nhiều nguyên nhân gây ra nghèo khó và bất bình đẳng là do cơ cấu: “Nói chung, người ta nghèo không phải vì họ lười hay thiếu khả năng hay vì họ kém may mắn. Họ nghèo vì cách tổ chức của xã hội, trong đó có hệ thống kinh tế” (Hội Đồng Giám Mục Úc [1996], A New Beginning (xem ghi chú số 13) tr. 5). Ta đâu có chọn cha chọn mẹ để sinh ra! Điều quan yếu là xã hội, như một toàn bộ, phải tạo cho mọi người cơ hội đồng đều.

Ơn gọi

Sau khi liệt kê “các anh chị em túng thiếu” của ta từ anh em Thổ Dân, các gia đình lao động nghèo, người di cư tị nạn, đến những kẻ không nhà mà con số hiện nay lên đến 100,000 người, trong đó có 6,500 gia đình và 10,000 trẻ em, các giám mục kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và cộng đồng phải đưa ra các chính sách nâng đỡ những người kém may mắn nhất trong xã hội ta. “Mọi người và mọi nhóm trong xã hội phải có khả năng thoả mãn các nhu cầu vật chất của họ và thể hiện được các tiềm năng của họ theo nghĩa xã hội, kinh tế và tâm linh”. Liên đới là một ý niệm cần phải được mọi người nắm vững. “Đối với người dư giả, nó là lời mời nhìn ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi người nghèo và hãy buông ra điều người nghèo cần để sinh tồn. Đối với người nghèo, nó là lời mời tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho họ và khả thể thay đổi, để cả họ nữa, cũng ‘thừa tự được trái đất’. Đối với mọi người, nó là lời mời quay đầu trở lại, làm môn đệ trung kiên, triệt để, sẵn sàng tìm hiểu việc đứng chung với người nghèo lúc này và tại đây có nghĩa gì, trong hy vọng được đứng chung với người công chính vào ngày sau hết [xem Mt 25:31-46]” (Hội Đồng Giám Mục Úc [1992], Common Wealth for the Common Good [xem ghi chú 17] tr.12).

Đối với các Kitô hữu, các giám mục kêu gọi ta nhìn nhận người nghèo, người bị đẩy ra lề xã hội thực sự là anh chị em mình, những người ta phải đồng hành, phục vụ và tranh đấu chính nghĩa cho. Liệu ta có nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô trong họ không? Liệu ta có chịu tìm cách tôn trọng và phục hồi nhân phẩm của họ không?

Lời kêu gọi trên và cách ta đáp trả phải được coi là chính yếu đối với cuộc sống của cộng đoàn thờ phượng. “Khi Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể, Người đã lập nên nó trong một bữa ăn cộng đoàn… Ta tụ họp để tưởng niệm và cử hành trong biết ơn sự hiện diện cứu chuộc của Chúa Kitô, Đấng đã chịu đau khổ và đã chết để giải thoát mọi người. Ta sẽ chu toàn được ơn gọi tiên tri của ta nếu ta biết từ Phép Thánh Thể lên đường giải thoát người khác”.

Các giám mục kêu mời ta chọn lối sống giản dị trong tinh thần liên đới với người nghèo, biết sống nhiều hơn theo nhu cầu, hơn là theo thèm muốn. Nhờ thế ta sẽ bớt quan tâm hơn đến việc thu tích của cải, thoát ly khỏi tâm thức tiêu thụ, nhìn ra nhu cầu người khác và thấy rõ khuôn mặt người nghèo… Chúa Giêsu từng là tin mừng cho người nghèo. Là môn đệ của Người, ta được kêu gọi cũng trở nên cùng một tin mừng như thế.
 
ĐTC Benedictô XVI: Nhân đức khiêm tốn có thể coi như là di chúc tinh thần của ĐGH Gioan Phaolô I
Bình Hòa
16:21 28/09/2008
Kinh Truyền tin ngày 28-9-08

VATICAN - Hôm qua là lần chót Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin tại Castel Gandolfo. Chính ngài đã cho biết như vậy sau khi ban phép lành Toà thánh, và gửi lời chào tạm biệt các khách hành hương cũng như các cơ quan chính quyền địa phương. Như quý vị đã biết, chúa nhựt sắp tới, Thượng hội đồng Giám mục sẽ khai mạc với Thánh lễ tại đền thánh Phaolô ngoại thành.

Trong bài huấn dụ hôm qua, sau khi chú giải bài Tin mừng trong thánh lễ thuật lại dụ ngôn về hai người con được mời vào làm việc trong vườn nho, đức Bênêđictô XVI đã kết luận là cần biết khiêm tốn đón nhận hồng ân cứu chuộc. Đức khiêm tốn cũng được thánh Phaolô đề cao trong bài đọc thứ hai khi trình bày tấm gương của Đức Kitô. Đặc biệt đức khiêm tốn đã được chú giải khi ôn lại cuộc đời của đức thánh cha Gioan Phaolô I, mà hôm qua kỷ niệm 30 năm băng hà. Tuy triều đại giáo hoàng ngắn ngủi (tròn 33 ngày), nhưng ngài đã thu hút được thiện cảm của quần chúng nhờ tính đơn sơ khiêm tốn. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

Anh chị em thân mến

Hôm nay phụng vụ trình bày cho chúng ta dụ ngôn về hai người con được cha mời vào làm việc trong vườn nho của mình. Một anh lập tức trả lời “dạ vâng” nhưng rồi không đi; anh kia thì lúc đầu từ chối, nhưng sau đó nghĩ lại và làm theo ý muốn của cha. Với dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn bày tỏ lòng quý mến đối với những tội nhân biết hoán cải, và Chúa dạy chúng ta hãy biết khiêm tốn đón nhận hồng ân cứu rỗi. Thánh Phaolô trong đoạn văn trích từ lá thư gửi các tín hữu Philippê mà chúng ta nghe hôm nay, cũng khuyên chúng ta hãy khiêm tốn. Người viết: “Anh em đừng làm điều gì vì cạnh tranh hoặc ham hố danh giá, nhưng với tâm tình khiêm tốn mỗi người hãy coi người khác hơn mình” Pl 2,3). Đó là những tâm tình của Chúa Kitô, vì chúng ta mà Người đã từ bỏ vinh quang thần linh, trở nên người phàm và hạ mình cho đến chết trên khổ giá (xc Pl 2,5-8). Động từ được sử dụng trong nguyên bản Hy-lạp ekenôsen theo nghĩa đen là khoét rỗng chính mình, và làm sáng tỏ sự khiêm tốn sâu xa và tình thương vô hạn của Chúa Giêsu, người tôi tớ khiêm tốn hơn ai hết.

Khi suy nghĩ nhưng bản văn của Kinh thánh, tôi liền nghĩ đến đức giáo hoàng Gioan Phaolô I, hôm nay giỗ 30 năm ngày băng hà. Khi được chọn làm giám mục, Người đã chọn khẩu hiệu giống như thánh Carlô Borromeo Humilitas (Khiêm tốn), một lời tóm tắt cốt yếu của đời sống Kitô hữu và chỉ dẫn nhân đức tất yếu của những kẻ trong Giáo hội được kêu vào việc phục vụ của quyền bính. Trong một trong số bốn bài tiếp kiến chung, Người đã nói thế này: “Tôi chỉ xin giới thiệu một nhân đức, nhân đức rất được Chúa Giêsu ưa thích, bởi vì Chúa nói: các con hãy học tôi là kẻ hiền lành và khiêm tốn … Nếu anh em có làm được việc gì vĩ đại, thì hãy nói: chúng tôi chỉ là những tôi tớ vô dụng”. Và Người nhận xét: “Khuynh hướng thường tình nơi tất cả chúng ta thì ngược lại: cứ thích khoe cho mọi người biết đến”. Nhân đức khiêm tốn có thể coi như là di chúc tinh thần của Người.

Nhờ nhân đức khiêm tốn này mà chỉ cần 33 ngày để đức thánh cha Gioan Phaolô II đi vào con tim của quần chúng. Trong các bài diễn từ, Người dụng những thí dụ rút ra từ cuộc sống thưòng ngày, từ những kỷ niệm gia đình và từ túi khôn bình dân. Tính đơn giản đã vận chuyển một giáo huấn vững chắc và phong phú, cộng thêm trí nhớ đặc biệt và học thức quảng bác, Người đã trích dẫn rất nhiều văn hào đạo cũng như đời. Ngưòi đã trở thành một giảng viên giáo lý tuyệt vời, theo gót thánh Piô X, ngưòi đồng hương và tiền nhiệm trong chức vụ thượng phụ Venezia và kế vị thánh Phêrô. Trong bài huấn từ vừa trưng dẫn, Người nói tiếp: “Chúng ta hãy tự nhận mình bé nhỏ trước mặt Thiên Chúa. Tôi không ngại cảm thấy mình như đứa bé ở trước mặt mẹ của mình: em tin tưởng vào mẹ, tôi tin tưởng vào Thiên Chúa, tin vào điều Chúa đã mặc khải”. Những lời này đã nói lên tất cả bề sâu của lòng tin của Người. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban tặng Người cho Giáo hội và thế giới, đồng thời chúng ta hãy duy trì tấm gương của Người, quyết tâm vun trồng nhân đức khiêm tốn, đã giúp cho Người có khả năng gặp gỡ hết mọi người, đặc biệt là các em bé và những kẻ được coi như xa lạ. Chúng ta hãy cầu xin Đức Maria, nữ tì khiêm tốn của Thiên Chúa, cầu cho chúng ta được ơn đó.
 
Khủng hoảng hôn nhân có phần gia tăng.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
23:11 28/09/2008
Đức Giáo Hoàng ghi nhận những khủng hoảng đó có thể là Bí Quyết cho một Tình Yêu sâu sắc bơn.

CASTEL GANDOLFO (Zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói có hai mặt cho đồng tiền trong những cơn khủng hoảng vợ chồng—cả khi những khủng hoảng nặng—và sự nâng đở thích hợp có thể giúp các đổi quay chiều với những khó khăn thành một thời điểm phát triển.

Đức Giáo Hoàng đã khẳng định điều này khi ngài tiếp kiến những người tham gia một hội nghị quốc tế Retrouvaille.

Đức Thánh Cha đã gọi Retrouvaille--một chương trình đã được thiết lập trong năm 1977 bởi những người Canada là Guy và Jeannine Beland--một “trực giác quan phòng.” Chương trình này với một sự nhấn mạnh chính về truyền thông, tìm kiếm cung cấp những khí cụ hầu giúp đặt những hôn nhân gặp khủng hoảng trong trật tự trở lại.

Những vấn đề vợ chồng “nghiêm chỉnh và trầm trọng” là một thực tại với hai mặt”. Đức Thánh Cha nói tiếp. “Một mặt, cách riêng trong giai đoạn cay cú và đau khổ nhất của nó, hôn nhân xem ra là một thất bại, là bằng chứng giấc mơ đã chấm dứt hay là đã trở thành một cơn ác mộng và, vô phúc thay, không gì có thể làm được. Đó là mặt tiêu cực.

“Nhưng có mặt khác, mà chúng ta thường không nhận ra, nhưng Chúa thấy. Mọi cơn khủng hoảng, trên thực tế thiên nhiên dạy chúng ta điều này—là một bước tiến đến một giai đoạn mới trong cuộc sống. Nếu trong trường hợp những tạo vật thấp hơn, điều này xảy ra cách tự nhiện; trong những con người nó bao hàm quyền tự do, ý muốn, và do đó một ‘hy vọng lớn hơn’ sự tuyệt vọng.”

“Trong những lúc đen tối nhất, các vợ chồng mất niềm hy vọng. Chính lúc này nẩy lên sự cần đến những kẻ khác để lo cho điều ấy, vì một ‘chúng ta,’ vì tình bạn của những bạn hữu đích thật, với lòng tôn trọng lớn nhất nhưng cũng với ý muốn chân thành làm sự lành, sẵn sàng chia sẻ hy vọng của họ với những kẻ đã mất hy vọng.”

Như vậy, tới lúc tuyệt giao, Đức Giáo Hoàng nói những nhóm Retrouvaille cống hiến cho các vợ chồng “một qui chiếu tích cực trong đó được tín thác trước thất vọng.”

“Trên thực tế, khi mối tương quan thoái hóa, vợ chồng rơi vào cảnh cô đơn, vế phương diện cá nhân cũng như phương diện vợ chồng. Họ mất chân trời hiệp thông với Chúa, với những kẻ khác và với Giáo Hội.” Lúc đó, ngài chỉ rõ, những cuộc gặp mặt như những cuộc gặp mặt của Retrouvaille, cống hiến “dây cáp” hầu tránh bị mất hòan toàn và leo lên đồi cao trở lại từ từ.

Như vậy Đức Thánh Cha nói ngài thấy những cặp Retouvaille như là “những kẻ bảo vệ của một hy vọng lớn hơn cho những cặp vợ chồng đã mất nó.”

Như tiệc cưới Cana

Khi nhắc tới bối cảnh phép lạ đầu tiên của Chúa Kitô—đám cưới thành Cana-- Đức Thánh Cha khẳng định rằng “khi một cặp vợ chồng gặp khó khăn hay là—như kinh nghiệm các anh chị chứng tỏ- cả đến chia rẽ, đã phó mình cho Đức Maria và quay về Đấng đã làm cho cả hai thành ‘một thịt,’ với Thiên Chúa giúp đỡ, anh chị em có thể chắc chắn rằng cơn khủng hoảng sẽ trở thành một thời buổi phát triển, và tình yêu sẽ được tẩy sạch, trưởng thành và tăng cường.”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói thêm “Chỉ mình Chúa có thể làm điều này, Người là Đấng muốn sử dụng các môn đệ của Người như những cộng tác viên vững mạnh trong sự tiếp xúc các đôi, nghe họ và giúp họ tái khám phá kho tàng ẩn giấu của hôn nhân, ngọn lửa bị chôn vùi dưới tro tàn”. Muốn làm sống lại ngọn lửa và làm cho nó cháy lại, dĩ nhiên không như khi mắc phải tình yêu, nhưng trong một cách khác, mãnh liệt hơn và sâu sắc hơn.”
 
Nói với người Anh Giáo, Đức Maria hiệp nhất các Kitô hữu.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
23:37 28/09/2008
Sự hành hương đại kết tới Lộ Đức được gọi là một phép lạ.

Lộ Đức- FRANCE (zenit, org).- Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Võ sự Hiệp Nhất Kitô hữu đã phát biểu, sự sùng kính Đức Trinh Nữ Maria có một vai trò thiết yếu trong sự đối thoại đại kết và trong cuộc hành trình tới sự hiệp nhất trọn vẹn và khả kiến giữa các người Kitô hữu.

Đức Hồng Y Walter Kasper khẳng định sự này trong ngày Thứ Tư 24/9 khi ngài chủ sự một cử hành đại kết tại Lộ Đức, nơi các người Anh Giáo và Công Giáo đã hiệp nhau trong sự hành hương. Tổng Giám Mục Anh Giáo Rowan Williams thành Canterburuy đã giảng tại biến cố này. Cuộc hành hương đã bắt đầu tại đền Anh Giáo kính Đức Mẹ thành Walsingham nước Anh.

“Lộ Đức được danh tiếng vì những phép lạ của nó,” Hồng Y Kasper đã nói. “ Ai đã dám nghĩ rằng, cách đây 20 hoặc 30 năm thôi, những người Công Giáo và Anh giáo có thể đi hành hương và cầu nguyện chung với nhau chăng?

“Đối với những kẻ đã quen với những sự tranh cãi và tranh luận thời quá khứ về Đức Maria, giữa những người Công Giáo và người Kitô hữu không-Công Giáo, đối với những người biết những sự e dè của thế giới không Công Giáo đối với những nơi hành hương Maria, đối với tất cả những người này, biến cố chưa từng thấy của ngày nay là một phép lạ.”

Đức Hồng Y đã khẳng định, trên thực tế, Đức Maria là một phần thiết yếu của phong trào đại kết, dầu cho chủ đề này “không phải là chung cũng không hiển nhiên giữa những người chủ trương thống nhất.”

Lịch Sử

Hồng Y Kaspar đã ghi nhận rằng sự sùng kính Đức Maria được chia sẻ trọn vẹn với Giáo Hội Chính Thống. Nhưng, ngài nói tiếp, “Sự sùng kính Đức Maria cũng đã hiện hữu thời Cải Cách.”

“Luther sốt sắng cung kính Đưc Maria suốt đời ông, bằng cách tuyên xưng Mẹ, với những kinh tin kính xưa và những Cộng Đồng Giáo Hội ngàn năm thứ nhất, như là Trinh Nữ và Mẹ Thiên Chúa,” ngài giải thích. “Ông chỉ phê phán một số thực hành, mà ông cho là những lạm dụng và phóng đại. Cũng một sự đã xảy ra với những nhà cải cách của người Anh.

Hồng Y kasper nói rõ rằng việc loại trừ các giáo lý về Đức Maria hiện nay đã xảy ra trong thời Khai Sáng, “trong một tinh thần được biết là ‘sự giảm tối thiểu Maria học.’”

Tuy nhiên, viên chức Vatican đã khẳng định, nhờ “một sự đọc và suy gẫm đổi mới Kinh Thánh, chúng ta thấy có một sự thay đổi chậm nhưng quyết định.” Về phương diện này, ngài nhắc lại nhiều tuyên bố chung của người Công Giáo và Lutheranô chỉ theo hướng này.

“Đức Maria không vắng bóng nhưng diện diện trong sự đối thoại đại kết,’ ngài nói tiếp. “ Các Giáo Hội đã tiến triển trong việc xích gần trên học thuyết về Đức Mẹ. Đức Mẹ không còn chia rẻ chúng ta, nhưng hoà giải và hiệp nhất chúng ta trong Chúa Kitô Con của Mẹ.”

Những căng thẳng hiện nay

Hồng Y Kasper đã bày tỏ hy vọng Đức Mẹ sẽ giúp những người Công Giáo và Anh Giáo chiến thắng những căng thẳng mới tăng lên trong đối thoại. Cộng Đồng Anh Giáo đã xích gần tới chỗ phong giám mục cho các người nữ và đối mặt sự bất đồng bên trong cộng đoàn liên quan tới sự phong chức cho những kẻ dồng tính luyến ái.

Đức Hồng Y đã nói việc hành hương “có thể được coi như một dấu tích cực và khích lệ của niềm hy vọng, cả một phép lạ nhỏ.”

“Có lý do hy vọng Đức Mẹ sẽ giúp chúng ta chiến thắng những khó khăn hiện tại trong những tương quan chúng ta, như vậy với sự trợ giúp của Thiên Chúa chúng ta sẽ có khả năng tiếp tục sự hành hương đại kết chung của chúng ta,” ngài nói iếp

Hồng Y Kasper qui chiếu về Đức Maria như mẫu mực của Giáo Hội, đuợc Chúa chọn từ đời đời. Ngài cũng ghi nhận vấn đề cứu rỗi bởi ân sủng thần linh chớ không do công nghiệp chúng ta, ngài nói rõ đó là một điểm không còn chia rẽ những Kitô hữu nữa.

Hướng tới thánh giá

Viên chức Vatican khẳng định sự chia rẽ giữa những Kitô hữu nẩy lên “bởi vì tình yêu và đức tin của cbúng ta đã yếu kém.”

“Mỗi khi tư tưởng của thế giới và những giới hạn của nó làm vấy bẩn Giáo Hội, thì sự hiệp nhất của Giáo Hội lâm nguy”.

Nhưng Đức Maria, Đấng mà ngài gọi là một “gương mẫu của một người môn đệ,” không dẫn tới “cái gì làm hài lòng mọi người, nhưng tới chân thánh giá,” ngài nói. “Do đó, chúng ta hãy lấy Mẹ làm gương mẫu, và nhờ vậy chúng ta sẽ lấy những bước tiến trong sự hành hương đại kết của cnúng ta.”

Sau cùng, Hồng Y Kaspar qui chiếu về vấn đề tôn kính Đức Trinh Nữ và các thánh, một vấn đề vẫn “còn gây nên những khó khăn” giữa những người Tin lành và Anh Giáo. “Dầu sao,” ngài khẳng định, “ như bất cứ người mẹ nào sẽ cầu bàu cho con cái mình, và như mọi người mẹ, sau khi chết sẽ cầu bàu trên trời và từ trời, Đức Maria cũng đồng hành Giáo Hội trên cuộc hành hương của Giáo Hội,” cũng như” trên đường tới hiệp nhất.”
 
Top Stories
Vietnam Shows 'Disturbing' Disregard for Human Rights, Says U.S. Agency
Christian Post
14:22 28/09/2008
A U.S. government body denounced Vietnam this past week for what it described as the continuation of a “disturbing” disregard for basic human rights.

The U.S. Commission on International Religious Freedom (USCIRF)’s comments come as police in Vietnam continue to inflict violence against protestors at peaceful vigils on properties formerly owned by the Catholic Church of Vietnam.

Also, authorities had arrested religious freedom advocates and detained pro-democracy activists earlier this month.

“Too often in Vietnam, individuals who peacefully organize and express views about religious freedom and human rights – and the freedoms required to protect them – are detained, arrested, or intimidated,” said USCIRF Commission Chair Felice D. Gaer.

“As a member of the U.N. Security Council, Vietnam should be upholding human rights fully and should not view peaceful actions to advance religious freedom as a security threat,” she stated.

Since December, Catholics in Hanoi have been holding prayer vigils at Catholic church properties to demand they be return to the Church. The properties were seized by the communist government in the mid-1950s.

There have been brief clashes with police, but over the past three weeks police have detained as many as eight protestors at a former monastery, according to reports. Security personnel also used batons to break up a silent vigil seeking the release of those arrested.

At least 12 people were briefly detained following the vigil and one priest had serious injuries.

USCIRF said it received “disturbing” reports of the Vietnamese government’s accusations against Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet, who it claims incited protests, and its threats to take “extreme actions” to end the peaceful vigils.

The U.S. agency in particular highlighted the case of Li Thi Cong Nhan, who met with USCIRF late last year.

“It is outrageous that Li Thi Cong Nhan was ever arrested in the first place, and that she hasn’t been released,” Gaer said. “She and all prisoners of concern in Vietnam should be released immediately, without conditions, and without the frequent follow-on sentence of house arrest that Vietnamese authorities use to restrict the freedom of rights advocates.”

The U.S. Commission calls on the State Department to re-designate Vietnam as one of the worst violators of religious freedom by labeling it a Country of Particular Concern, and to release unconditionally all prisoners of concern.

(Source: Ethan Cole/ Christian Post Reporter / Sun, Sep. 28 2008 http://www.christianpost.com/article/20080928/vietnam-shows-disturbing-disregard-for-human-rights-says-u-s-agency.ht
 
Australian Vietnamese Catholic Community denounces ''extreme actions''
CathNews
20:09 28/09/2008
Australian Vietnamese Catholic Community denounces "extreme actions"

The Vietnamese Catholic Community in Australia has denounced the persecution of Catholic faithful in Hanoi and appealed to the Vietnamese government to return seized Church property to its rightful owner.

In a media release, the VCCA reports that several Catholics are still being detained in prison.

The Archbishop of Hanoi, Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet, and numerous leaders of the Redemptorist Congregation in Hanoi have been the subjects of a government campaign of public defamation and extreme legal action has been threatened against them all, the VCCA says.

In response the VCCA has sent thousands of petitions to Prime Minister Kevin Rudd and the Australian Catholic Bishops Conference asking for help.

Since December 18 2007, Hanoi Catholics have been organising daily prayer vigils outside the former building of the Nunciature in Hanoi, pleading for return of the building that had been confiscated unlawfully by the Communist regime in 1959.

The parishioners' protests only came to a halt at the Holy See's instruction when the government agreed on February 1 2008 to return the building to the Church.

As understood by both sides, the Vietnamese Communist government was to undertake the steps necessary to return the property. However, it managed to delay returning the property using various bureaucratic manoeuvres, the VCCA says.

But on September 19 the government announced the buildings at the Nunciature would be demolished to make room for a playground. Demolition commenced immediately with the backing of its armed forces.

"This action clearly contradicts the policy of dialogue that the Catholic Church and the Vietnam Communist government have pursued," the VCCA says.

"It insults the legitimate aspirations of the Hanoi Catholic community, ridicules the law, and does not respect the agreement the government had with the Catholic Church in Vietnam. It is also an immoral act and a mocking of society's conscience."

The VCCA also called for the return of Church property in the Thai Ha Redemptorist parish in Hanoi.

The Vietnamese Communist government has not listened to them and repeatedly attempted to silence protestors by using large numbers of police and security forces, militiamen, and even street gang members.

"Australia has a long tradition of being a beacon protector of Religious and Human Rights throughout the world and a beacon whenever humanity is in harm way," the VCCA says.

"We respectfully request that you do everything in your power to ensure that the Hanoi regime desists from all sorts of violent repression of the protestors, and return the confiscated Church property that is at the root of the dispute.

"The Vietnamese Communist government must respect its own laws and international laws that it had signed and pledged to obey. It must immediately take firm and concrete action to prevent further Religious and Human Rights violations against followers of religious groups, recognising their rights to practice their faiths free of harassment and oppression."

SOURCE: Vietnamese Catholic Community in Australia (Media Release, 26/9/08)

http://www.cathnews.com/article.aspx?aeid=9210 Published: September 29, 2008
 
Buddhists and Catholics pray together for Hanoi Catholics
Anthony Vu
20:19 28/09/2008
In a massive candlelight vigil protest at Orange County, California, Buddhist monks, Catholic priests, and leaders of other faiths led thousands of faithful to pray for Hanoi Catholics asking the Vietnam government to stop persecuting them and respect human rights.

A statue of the Pieta in the central stage
Religious leaders
Great Buddhist Venerable Thich Nguyen Tri, Chairman of Bat Nha Buddhist Temple in Santa Anna, California; other 40 leaders of Buddhism, CaoDaism, Catholics, HoaHao Buddhism, Protestants, and other faiths; and ten thousand Vietnamese people in Orange County, California gathered on Friday night to pray for Hanoi Catholics who have been victims of injustice and persecutions by the Vietnam government.

Senator Lou Correa, Assemblymen Van Tran, Jose Solario and other members of California State Senate, California State Assembly; and other politicians from Westminster, Garden Grove and Santa Ana joined in the candlelight vigil.

Fr. John Tran Cong Nghi of VietCatholic News Agency presented updated situations in Hanoi nunciature, and Thai Ha. “Asking for illegally seized properties is asking for justice, and for the fairness,” he emphasized.

“In Vietnam numerous of the farmers and the poor have pleaded for years for the requisition of their properties but all in vain,” he continued. “The authorities chose to persecute rather than to take care of them! The right to own private property has not been taken into consideration. In addition, the national corruption and bribery calamities have worsened the situation. The Church in Vietnam has been standing on the side of people who suffered injustice when airing people’s frustrations and sufferings.”

“And we continue to do that even at the price of grave persecutions,” he stated referring to the recent statement of the Vietnam Conference of Catholic Bishops.

Addressing protestors, Senator Lou Correa said: “I am here with you tonight to ask the Vietnam communist government to respect human rights, justice; and stop immediately all depressions.”

Assemblyman Van Tran told protestors that he has started a diplomatic campaign including meetings with Archbishop Pietro Sambi, Apostolic Nuncio to United States of America, and officials in U.S. Department of State in order to put diplomatic pressure on the Vietnam government.

Protestors in California could connect to Thai Ha parish through telephone line to hear Fr. Peter Nguyen Van Khai talking to them from Hanoi. The Redemptorist priest seemed to be very emotional to learn that ten thousand people praying for him and Hanoi Catholics.

A mob of a hundred thugs attacked Hanoi Redemptorist Monastery again on Saturday, but this time in broad day light. They threatened people who came to pray at Thai Ha church on Saturday afternoon. They even went inside the church shouting obscenities at those who were praying there.

Standing in front of a large statue of the Pieta, set up in the central stage, to pray for Catholics in Vietnam, Thu Nguyen, a young protestor said: “I am happy when reading the Friday statement of bishops.” “They aired people’s aspirations,” she continued. “Everyone has the right to own property and no one shall be arbitrarily deprived of his/her property. The Vietnam government has deceived domestic and international public opinion. Vietnam must respect its own laws and all the international agreements it has signed. It must stop use them to hide its true color,” she warned.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Tổng Giám Mục giáo phận Adelaide kinh lý Mục Vụ CĐCG Việt Nam - Nam Úc
Jos. Vĩnh SA
07:52 28/09/2008
ĐTGM Philip Wilson Tổng Giám Mục Giáo Phận Adelaide Kinh Lý Mục Vụ CĐCG Việt Nam -Nam Úc


Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson
Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson TGM giáo phận Adelaide, Nam Úc đã mở một cuộc kinh lý mục vụ 3 ngày liến tiếp cuối tuần, đến Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam – Nam Úc, từ 10 giờ sáng, thứ Sáu ngày 26 tháng 9 đến hết ngày Chúa Nhật 28 tháng 9 năm 2008.

Chương trình kinh lý mục vụ của ĐTGM, Vị Chủ Chăn của giáo phận nhằm mục đích hiểu biết thêm về các sinh hoạt của Cộng Đồng qua những nét đặc thù của nền văn hóa Việt Nam và củng cố Đức Tin mọi thành phần giáo dân mà Ngài đang chăm sóc, ngõ hầu thắt chặt tình liên kết giữa Vị Chủ Chăn với Đàn Chiên, Giáo Phận với Cộng Đồng.

Chương trình kinh lý mục vụ của Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson được liệt kê như sau:

-Sáng thứ Sáu ngày 26/9/08:

Mở đầu chuyến kinh lý: ĐTGM đến thăm một vài bệnh nhân người Việt đang điều trị thời gian dài tại Viện Dưỡng Lão (nursing home) và tại gia đình. Đến trưa Ngài dùng cơm chung với Ban Tuyên úy và Ban Mục Vụ.

Kế tiếp Ngài gặp gỡ riêng từng vị trong Ban Tuyên Úy (Đức Ông Quản Nhiệm, Cha Phó Quản Nhiệm, Nữ Tu phụ tá mục vụ).

Ngài gặp riêng từng người, 9 thành viên của Ban Mục Vụ là những vị đại diện giáo dân, lãnh đạo then chốt của Cộng Đồng. Lắng nghe những ý kiến đóng góp của mọi người cho đến hết buổi chiều.

Buổi tối Ngài cùng với Cộng Đồng dâng thánh lễ đồng tế chung lúc 7 giờ, trước khi rời Cộng Đồng về nghỉ ngơi.

-Sáng thứ Bảy ngày 27 tháng 9 tiếp tục cuộc kinh lý:

Buổi sáng ĐTGM đến sinh hoạt và tiếp xúc với các hội viên của Hội Cao Niên và Hội Dòng Ba Đa Minh, các thành viên trong Hội Đồng Mục Vụ.

Lúc 12 giờ 30 trưa, Ngài dùng chung bữa cơm thân mật với Ban Tuyên Úy (BTU) và Hội Đồng Mục Vụ (HĐMV), có khỏang 80 thành viên của BTU và HĐMV tham dự.

Buổi chiều Ngài đến thăm trường Việt Ngữ Đắc Lộ của Cộng Đồng. Nói chuyện với khoảng 60 giáo chức thuộc Ban Giảng Huấn của trường.

Ông Hiệu Trường đã tường trình lên ĐTGM và Đức Ông Quản Nhiệm các sinh hoạt, các thành quả và đường hướng tương lai của nhà trường. Ban Giám Hiệu đã trình chiếu slide show hình ảnh các sinh hoạt của trường trong năm.

Nhà trường giới thiệu lên Đức Cha một trang web mới www.daclo.org.au nhà trường vừa thiết lập xong, đang chạy thử.

Sau đó Ngài giải đáp các thắc mắc và đóng góp ý kiến của một số giáo chức.

Buổi tối Ngài trở về trung tâm Cộng Đồng gặp gỡ phụ huynh và các em đang theo học lớp giáo lý thêm sức. Sau đó 7 giờ tối Ngài dâng thánh lễ đồng tế chung với cộng đồng.

-Sáng Chúa Nhật ngày 28 tháng 9. ĐTGM đến dâng thánh lễ đồng tế với Cộng Đồng vào lúc 9 giờ 30 sáng, với khỏang gần 2, 000 tín hữu đến tham dự.

Sau thánh lễ Đức Cha ra khu vực sân hóng mát Cánh Buồn uống cà phê và tiếp xúc, thăm hỏi giáo dân.

11 giờ 30 Ngài vào trong hội trường tham gia sinh hoạt với Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Têrêsa và chuyện trò với các em.

12 giờ 30 Ngài lên họ đạo Fatima ở vùng phía bắc của Cộng Đồng dâng thánh lễ cho giáo dân Việt Nam của giáo họ và dùng cơm trưa.

03 giờ chiều ĐTGM trở về trung tâm gặp gỡ, thăm hỏi các thành viên của 4 ca đoàn: Việt Linh, Phaolô Lộc, Philiphê Minh và Têrêsa.

Sau đó Ngài dâng thánh lễ chung với Cộng Đồng lúc 5 giờ chiều, kết thúc chuyến kinh lý mục vụ của Vị Chủ Chăn với Cộng Đồng Cộng Giáo Việt Nam – Nam Úc.

Mặc dù 3 ngày thăm viếng cộng đồng rất mệt mỏi vì phải tiếp xúc với rất nhiều người, không có giờ nghỉ ngơi, nhưng Đức Tổng Giám Mục vẫn luôn tươi cười, vui vẻ và trả lời tất cả các thắc mắc, đóng góp ý kiến của mọi người.

Được biết, đây là chuyến kinh lý mục vụ đầu tiên của Vị Chủ Chăn giáo phận đến với Cộng Đồng Việt Nam.

Mặc dù trước đây, các Vị Giám Mục tiền nhiệm và đương nhiệm vẫn thường xuyên đến Cộng Đồng dâng các thánh lễ đặc biệt, nhưng chưa có cuộc kinh lý mục vụ nhiều ngày với Cộng Đồng như thế này.

Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson hiện đang giữ chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Úc Châu. Ngài đã đã kể chuyện với các bạn trẻ và thanh niên của Cộng Đồng, khi Ngài cùng với Đức Thánh Cha tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney vừa qua. Ngài đã gặp gỡ các Giám Mục các tu sĩ và rất nhiều bạn trẻ Việt Nam trên toàn thế giới đến Úc tham dự WYD. Ngài khen ngợi giới trẻ Việt Nam thể hiện một nền văn hóa thật đặc sắc qua các buổi trình diễn văn nghệ trong những ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.
 
40 ngày cầu nguyện cho đời sống
Như Mai
21:25 28/09/2008

40 ngày cầu nguyện cho đời sống



Arlington, VA, ngày 29, tháng 9, 2008:
Hôm nay là ngày thứ 5 chiến dịch cầu nguyện cho đời sống đã được phát động trên toàn quốc Hoa Kỳ. Chiến dịch này đã lan tới 170 thành phố tại Mỹ và Canada. Chiến dịch đã có kết qủa là làm tăng cường sức sống cho các nhóm Bảo Vệ Đời Sống trên toàn quốc, phát động nhiều nhóm mới và gia tăng sự hiện diện tại các cơ sở phá thai. Đã có hai trung tâm phá thai phải đóng cửa vì hệ quả trực tiếp hay gián tiếp của chiến dịch này.

Chiến dịch sẽ kéo dài từ ngày 24 tháng 9 đến ngày 2 tháng 11 năm 2008. Các hoạt động gồm có:

  • 40 ngày ăn chay và cầu nguyện
  • 40 ngày canh thức và tuần hành bất bạo động trước các cơ sở phá thai
  • 40 ngày vận động trong các cộng đồng


Tại Giáo Phận Arlington, có các giáo xứ sau đây đã ghi danh tham dự: Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, St. Catherine, St. Charles, St. John, Our Lady of Hope, St. Thomas Moore, St. Thomas à Becket, St. Anthony và Mary Mother of God.

Tại Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Arlington, Virgina, ngoài các anh chị em Thanh Sinh Công đã ghi danh 6 ngày, còn có các đoàn thể khác cũng đã ghi danh tham dự.

Điạ điểm canh thức và tuần hành bất bạo động được lựa chọn cho giáo phận Arlington là:

Falls Church Healthcare Center: 900 S. Washington Street (Hwy 29), Falls Church, VA 22046

Lịch trình phân phối cho 40 ngày được chia ra từng giờ, 24 trên 24, từ nửa đêm hôm trước tới nửa đêm hôm sau.

Sau đây là các hình ảnh của ngày thứ tư 24 tháng 9, 2008 có sự hiện diện của các em Thanh Sinh Công và một số giáo viên các lớp Việt Ngữ và Giáo Lý thuộc giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Arlington, Virginia.

Biểu Ngữ Cầu Nguyện Chống Phá Thai


Tuần hành chung quanh Trung Tâm Phá Thai tại Falls Church


Các em TSC phụ trách từ 7 giờ đến 8 giờ tối


Có sự hiện diện của một số thầy cô Giáo Lý và Việt Ngữ


Biểu ngữ Phá thai giết trẻ em


Cầu nguyện cho đời sống


Tiếp tục cầu nguyện


Hình các em đứng chụp chung sau biểu ngữ
 
Giới di dân giáo xứ Thọ Ninh (Gp. Vinh) họp mặt sinh hoạt
F.X. Trần Kim Ngọc, O.P.
23:22 28/09/2008
THỦ ĐỨC - Chúa nhật ngày 28.09.2008, giới di dân giáo xứ Thọ Ninh họp mặt sinh hoạt từ 08g00-14g00 tại nhà thờ họ Phanxicô thuộc giáo xứ Tam Hải – Thủ Đức.

Hiện diện trong buổi gặp mặt sinh hoạt có cha Phi Khanh Vương Đình Khởi, O.F.M., cha Antôn Nguyễn Đình Thục, cha xứ Tân Việt và hơn 80 anh chị em cùng một số khách mời. Anh chị em di dân xứ Thọ Ninh thuộc nhiều thành phần khác nhau, từ già đến trẻ, từ những người mới rời quê vào Nam học tập và tìm việc làm cho đến những người di cư đã lâu; có người đến từ Đà Lạt, Buôn Mê Thuột và nhiều vùng khác nhau. Các bạn trẻ trong ban tổ chức chưa biết rõ địa chỉ của anh chị em mình để mời, nên số người đến tham dự mới có phần hạn chế, có lẽ vì đây là lần đầu tiên anh chị em giáo xứ Thọ Ninh tổ chức gặp mặt sinh hoạt chung với nhau tại Sài Gòn. Việc tổ chức lần này là do sáng kiến của một số anh em trẻ, đó là một nét đặc biệt làm cho những người cao tuổi vui mừng.

Mở đầu buổi sinh hoạt là cuộc giao lưu giữa anh chị em di dân giáo xứ Thọ Ninh và anh chị em di dân đang sinh hoạt tại giáo xứ Tam Hải do các soeur Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ hướng dẫn với bài hát mang tên “Khung Trời Hy Vong”. Hai bên múa chung với nhau rất nhiệt tình theo nhịp điệu của bài hát. Anh chị em di dân cả hai bên đều được các chú các bác trong Nhóm Chia Sẻ Lời Chúa của thành phố tới chia sẻ kinh nghiệm sống Lời Chúa.

Trong phần mở đầu thánh lễ, cha Phi Khanh Vương Đình Khởi, chủ tế, kêu gọi anh chị em Thọ Ninh cầu nguyện cho quê hương và đất nước, cho Giáo Hội Việt Nam và HĐGMVN, cho công lý và hòa bình. Theo lời ngài, giáo xứ Thọ Ninh có bề dày lịch sử với 300 năm đón nhận Tin Mừng (năm 2006-2007, kỷ niệm 300 năm thành lập giáo xứ), là một trong những giáo xứ kỳ cựu nhất của Giáo phận Vinh cũng như tại Việt Nam. Giáo xứ cống hiến cho Giáo Hội 75 linh mục ở trong và ngoài nước (nếu thống kê lại có lẽ phải hơn), số nữ tu chắc phải đông hơn số linh mục, và cho xã hội nhiều nhân tài. Cha chủ tế kêu gọi người Thọ Ninh không được huênh hoang về những thành tích đó, nhưng phải khiêm tốn. Ngài nhận định rằng người Thọ Ninh dù sống ở đâu, thuộc quê hương I (đang có gia đình ở xứ mẹ) hay quê hương II (di cư vào Nam) hay quê hương III (ở hải ngoại) đều sống rất “cần cù”, “biết tiết kiệm”, “tinh thần tận tụy” và “làm việc có trách nhiệm và có lương tâm”. Ngài mong rằng tất cả những người con Thọ Ninh đều giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp đó.

Anh chị em Thọ Ninh đã có một ngày sinh hoạt với nhau thật ấm cúng và thắm tình huynh đệ quê hương. Chia tay nhau ra về, trời như muốn đổ mưa để đưa các bạn về trong yêu thương của tiếng mẹ ru con bên dòng Sông Lam hiền hòa.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
''Nỗi Vui mừng và niềm Hy vọng''
Lê Đạo
00:27 28/09/2008
"NỖI VUI MỪNG VÀ NIỀM HY VỌNG"

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã mở đầu bản văn xác định quan điểm của Giáo Hội Công Giáo bằng "NỖI VUI MỪNG VÀ NIỀM HY VỌNG". Hiến Chế Gaudium et Spes đã minh định: "Vui mừng và hy vọng, sầu buồn và lắng lo của con người thời nay, nhất là của những ai túng nghèo và khốn khó cách này cách khác, đều là vui mừng và hy vọng, sầu buồn và lắng lo của môn đệ Chúa Kitô" (GS #1). Nỗi vui mừng và niềm hy vọng của Giáo Hội Việt Nam cũng là của mọi con dân Việt. Nói cách khác Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cùng đồng hành, cùng chia sẽ với nhân dân cả nước từng giờ từng phút trước những thao thức đi kiếm tìm Công Lý và Sự Thật.

Suốt hơn 33 năm qua, tiếng nói của Đức Cố Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền vẫn còn vang vọng, trong những thông điệp đòi Công Lý cho nhân dân Việt Nam, khi mà các cơ sở tôn giáo bị chiếm đoạt, các quyền tự do tôn giáo bị hạn chế đến gần như triệt tiêu, người dân có đạo được xem như là công dân hạng hai. Ngài đã anh dũng nói lên như một ngôn sứ; cho dù mọi hiểm nguy đe dọa tính mạng của Ngài. Và cuỗi cùng Ngài đã phải chết vì dám đòi hỏi Công Lý và Sự Thật cho con người.

Giáo Hội Việt Nam, từ những ngầy đầu của nền chuyên chính XHCN, đã gióng lên tiếng nói để bênh vực những bất công, những áp bức chứ không hề đứng bên lề xã hội. Cho dù bị hạn chế hoạt động, các tu sĩ công giáo đã tìm mọi cách để hàn gắn những vết thương do xã hội mang lại qua công tác giáo dục, y tế, môi trường, như chăm sóc trẻ khuyết tật, bệnh nhân AIDS, v.v... trong khả năng có thể được.

Qua Hiến Chế "Nỗi Vui Mừng và Niềm Hy Vọng", Giáo Hội đã mời gọi mỗi giáo dân sống với Ơn Gọi Làm Người. Làm Người với Niềm Hy Vọng đạt đến cuộc sống viên mãn hạnh phúc, và đó là Niềm Vui Mừng. Người công giáo lại có sứ mạng rao giảng và loan truyền Nước Trời thì việc đòi hỏi Công Lý và Sự Thật cho mọi người, cho anh em mình, cũng là sứ mạng được trao để mọi người cùng được chia sẽ "Nỗi Vui Mừng và Niềm Hy Vọng" đó trong cuộc sống nhập thế theo tinh thần của Công Đồng Vatican II.

• NỖI VUI MỪNG của Giáo Hội Công Giáo cũng chính là nỗi vui mừng của một xã hội trần thế CÔNG BÌNH, BÁC ÁI; trong đó mọi người dân đều được hưởng hạnh phúc đích thực là được hưởng mọi quyền căn bản của con người, được hưởng mọi quyền tự do, không có cảnh áp bức, bóc lột, lăng nhục,…

• NIỀM HY VỌNG của Giáo Hội Công Giáo là niềm hy vọng "NƯỚC CHA TRỊ ĐẾN", trong đó mọi người đều là anh em cùng một Cha Trên Trời, sống yêu thương cùng hiệp nhất để xây dựng xã hội công bằng, bác ái.

Với những thao thức ấy mà Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã chọn "NỖI VUI MỪNG VÀ NIỀM HY VỌNG" làm khẩu hiệu giám mục của Ngài, là kim chỉ nam cho sứ mạng mục tử của Ngài.

Cho dù Ngài đã bị bắt và bị biệt giam một cách vô cớ, nhưng Ngài đã anh dũng vượt qua, thậm chí có những lúc cái chết đã đến gần, Ngài vẫn vui sống và gieo rắc "NỖI VUI MỪNG VÀ NIỀM HY VỌNG" đến với ngay cả kẻ thù của mình. Và Ngài đã cảm hóa được họ, để họ cùng chung sức xây dựng một xã hội trong đó CÔNG LÝ và HÒA BÌNH ngự trị.

Cùng với 117 Vị Thánh Tử Đạo Việt Nam, Cố Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền, Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khẳng định vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong lòng dân tộc là mưu cầu một nền CÔNG LÝ và HÒA BÌNH trong một xã hội mà giá trị đạo đức bị xem thường, quyền tự do con người bị cướp mất, nhân phẩm con người bị chà đạp, hầu mang đến cho mọi người dân Việt "NỖI VUI MỪNG VÀ NIỀM HY VỌNG" về một đất nước Việt Nam dân chủ, tự do và công bằng.

Một điều không ai có thể chối cãi được, là một giáo hữu công giáo thì cũng là công dân Việt Nam. Và không một người công giáo Việt Nam nào là không yêu nước và cùng xác tín rằng: "tất cả cùng nhau xây dựng đất nước trên nên tảng công bằng, sự thật và tình yêu, thì quê hương Việt Nam ngày càng giàu đẹp, mang lại hạnh phúc ấm no cho mọi người, và góp phần kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn."

Xin được mượn bài thơ "Con có một Tổ Quốc" của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận để diễn tả lòng yêu nước của người công giáo Việt Nam trước hiện tình đất nước:

Mời nghe bài "Con có một Tổ Quốc"(Nhạc: LM Đỗ Bá Công, tiếng hát Khánh Ly, CD VietCatholic)

Là người Công Giáo Việt Nam,
Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội.

Việt Nam nguyện cầu.
Tiếng chuông não nùng,
Việt Nam buồn thảm.
Tiếng chuông vang lừng,
Việt Nam khởi hoàn.
Tiếng chuông thanh thoát,
Việt Nam hy vọng.

Con có một tổ quốc Việt Nam,
Quê hương yêu quí ngàn đời.
Con hãnh diện, con vui sướng.
Con yêu non sông gấm vóc,
Con yêu lịch sử vẻ vang.
Con yêu đồng bào cần mẫn,
Con yêu chiến sĩ hào hùng.

Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn.
Núi cao, xương chất cao hơn.
Đất tuy hẹp, nhưng chí lớn.
Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang.
Con phục vụ hết tâm hồn,
Con trung thành hết nhiệt huyết.
Con bảo vệ bằng xương máu,
Con xây dựng bằng tim óc.
Vui niềm vui của đồng bào,
Buồn nỗi buồn của Dân Tộc.

Một Nước Việt Nam,
Một Dân Tộc Việt Nam,
Một Tâm Hồn Việt Nam,
Một Truyền Thống Việt Nam.

Là người Công Giáo Việt Nam,
Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con.
Cha mong giòng máu ái quốc,
Sôi trào trong huyết quản con.


Và hôm nay, với cả lòng yêu nước nồng nàn, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, lên tiếng thay cho nhân dân cả nước đang mòn mõi trong khát vọng đi tìm CÔNG LÝ và HÒA BÌNH cho Việt Nam: "Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng."

Và thật cảm động thay, trước cảnh áp bức bóc lột của một đất nước Việt Nam bi đát, đau thương, người công giáo hải ngoại đã cùng đồng thanh với giáo dân trong nước khẩn cầu: "Mẹ ôi! Đoái thương xem nước Việt Nam… Mẹ hãy, giơ tay ban phúc bình an, đưa Việt Nam qua phút nguy nan…"

Người công giáo Việt Nam đã và đang sống vói "NỖI VUI MỪNG VÀ NIỀM HY VỌNG" trên bước đường tìm kiếm một nền CÔNG LÝ và HÒA BÌNH cho quê hương đất nước Việt Nam thân yêu.

(Từ Giáo phận Huế, ngày 27.9.2008)
 
SOS: Chiều nay những người đi lễ ở Nhà thờ Lớn Hà Nội và nhà thờ Thái hà hãy cảnh giác!
Người đưa tin từ Hà nội
02:14 28/09/2008
CẢNH GIÁC THÀNH PHẦN QUẤY RỐI TRÀ TRỘN VÀO TRONG CÁC THÁNH LỄ CHIỀU NAY

Theo 2 nguồn tin được lọt ra từ nội bộ những nhóm được trao phó hành động quấy phá các thánh lễ chiều Chúa Nhật hôm nay tại nhà thờ Lớn Hà nội và nhà thờ Thái hà, thì sẽ có các "nhóm thuộc thành phần bất hảo trong xã hội" đến quấy phá Thánh lễ nêu trên cũng như đến phá rối Tòa TGM Hà Nội. Những thành phần khả nghi này sẽ mang các tài liệu “phản động” kêu gọi chống phá Nhà nước bỏ vào Nhà thờ và sau đó sẽ có cớ để tố cáo giáo dân có ý đồ "phản quốc" "làm loạn" và lấy đó làm bằng chứng để truy tố các linh mục và giáo dân Công giáo.

Do vậy xin anh chị em giáo dân khi tham dự thánh lễ hãy đề phòng đừng nhận bất cứ "tài liệu" nào của những kẻ lạ mặt đưa cho anh em. Xin ban trật các nhà thờ đùng để cho những kẻ lạ mặt đưa tài liệu vào nhà thờ hay khung viên giáo xứ của mình. Anh chị em trong xứ đạo hãy cẩn thận và trông chừng những nhóm người có những hành động khả nghi...

Bọn này sẽ tìm cách rải những tờ rơi trong các nhà thờ và thậm chí có thể trong khuôn viên Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và Tu viện DCCT Thái Hà để qui chụp cho giáo dân và các linh mục tội danh chính trị chống phá Nhà nước.

Nếu ai phát hiện được những tờ rơi như vậy cần báo ngay cho những người giữ trật tự nhà thờ để mời những thành phần này ra khỏi khu vực hoặc mang giao cho chính quyền làm bằng chứng.

Tin tức cho cũng hay rằng sẽ cho những người mang các tài liệu “phản động” kêu gọi chống phá Nhà nước bỏ vào nhà dân, nơi thờ tự, cũng như các tổ chức của giáo hội để kiếm cớ nhằm khủng bố giáo dân và Giáo hội. Mọi người cần cảnh giác với những trò hèn mạt "gắp lửa bỏ tay người khác" của những kẻ muón ám hại giáo hội.

Tin tức nhiều nơi gửi đến cũng cho hay, cơ quan công an các tỉnh đã đến từng khu vực, từng trường học và cơ quan ghi danh sách các cán bộ, học sinh là người công giáo để lên kế hoạch đối phó và phân biệt đối xử. Nhiều sinh viên đã bị đưa lên kiểm điểm, bị đe dọa và nhiều người đã bị phân biệt đối xử, miệt thị, cô lập tại các cơ quan bằng lời nói, hành động và nhiều cách khác nhau.

Khi tiếp xúc với một vài vị linh mục Hà nội để hỏi nhận định về vấn đề này, các vị trả lời rằng: "Nếu quả những âm mưu và hành động trái pháp luật như thế này được sử dụng thì chúng ta cần phải vạch rõ ra những âm mưu của họ cho giáo dân biết mà dề phòng. Chúng tôi cực lực lên án những hành động như vậy. Đồng thời chúng tôi cũng xin mọi người cần gia tăng lời cầu nguyện cho những thế lực đen tối đó được nhìn thấy ánh sáng công lý, thấy đường ngay nẻo chính. Cầu nguyện để những người đó hãy mau chóng dừng lại các hành động trái lẽ phải và lương tâm".

Tin này làm hồi 12h30 tại Hà Nội.
 
Thái Hà - Tòa Khâm sứ: Cuộc đấu tranh đã bắt đầu bước sang một giai đoạn mới
Nguyễn Ngọc Huỳnh
02:56 28/09/2008
HÀ NỘI - Xét như một vụ khiếu kiện đòi đất, xem ra Tổng Giáo phận Hà Nội và Giáo xứ Thái Hà tạm thất bại: thay vì được trả lại cho Hội Thánh, hai khu đất 42 Nhà Chung và 178 Nguyễn Lương Bằng đã bị biến thành hai công viên bất đắc dĩ. Tất nhiên, việc đòi lại hai khu đất đó sẽ được tái thực hiện sau này, vì sự thật chắc chắn sẽ phải được làm cho sáng tỏ. Hai quyết định vừa rồi của chính quyền thành phố Hà Nội về số phận của hai khu đất ấy chưa phải là những quyết định được cộng đồng giáo dân và giáo sỹ tâm phục khẩu phục, nên chắc chắn đó chưa thể là những quyết định cuối cùng được.

Tuy nhiên, điều đáng nói bây giờ không phải là chuyện đòi lại hai mảnh đất, cho dù đó là chuyện quan trọng. Sau tất cả những gì đã diễn ra, nhiều người tưởng rằng cộng đồng Công giáo sẽ chán nản và bỏ cuộc. Nhưng trái lại, công cuộc đi tìm công lý và sự thật tại Hà Nội đang bước sang một giai đoạn mới với một tầm cao mới, cách riêng là sau khi Hội đồng Giám mục Việt Nam đã lên tiếng rõ ràng về quan điểm của mình. Giáo dân Hà Nội đã bắt đầu cho thấy rõ hơn thái độ của họ không chỉ liên quan đến hai mảnh đất, mà chính yếu là liên quan đến công bình xã hội và nhân phẩm của con người trong xã hội.

Một trong những bằng chứng của điều đó là sự kiện đông đảo giáo dân tham gia cầu nguyện cho công lý và sự thật tại nhà thờ Thái Hà tối 27/9/2008. Buổi cầu nguyện được bắt đầu từ 6 giờ chiều và kết thúc lúc 9 giờ kém 15 phút tối; nhiều người đến từ 5g30 chiều và nhiều người ở lại cầu nguyện thêm cho đến hơn 9g30 tối. Một cộng đoàn đông đảo, trong đó các bạn trẻ chiếm một tỷ lệ khá lớn, đã nghiêm trang tham dự những nghi thức cầu nguyện và phụng vụ kéo dài đến gần 3 giờ đồng hồ vào tối thứ bảy, buổi tối mà bình thường sẽ được dành cho những cuộc vui chơi cuối tuần. Điều đó, tự nó, đã là một thông điệp về thái độ của chúng ta đối với việc đi tìm công lý và sự thật, đi tìm công bình và nhân phẩm.

Khát vọng sự thật và khát vọng công lý vẫn cháy bỏng trong tâm hồn giáo dân nói riêng và nhân dân nói chung. Vấn đề bây giờ là những vị lãnh đạo của Hội Thánh Việt Nam sẽ hướng dẫn con cái mình đi tìm công lý và sự thật như thế nào.

Chính Hội đồng Giám mục Việt Nam đã long trọng tuyên bố trong một văn thư ký ngày 25/9/2008 như sau: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của người dân Việt Nam cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của chúng tôi, các giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam”.

Chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng cuộc hành trình đi tìm công lý và sự thật cho Đất Nước của chúng ta sẽ không phải là một cuộc hành trình dang dở, cho dù chắc chắn sẽ có nhiều chông gai và khó khăn đang chờ đợi trước mặt.

Ngày 28/9/2008
 
Thái Hà - Tòa Khâm sứ: Vấn đề là lòng tin
Gaspar Nguyễn
02:58 28/09/2008
Thái Hà - Tòa Khâm sứ: Vấn đề là lòng tin

Xét về bản chất, sự kiện Thái Hà & Toà Khâm Sứ không phải là một vụ việc khiếu nại đất đai như hàng ngàn vụ khiếu kiện xảy ra hàng ngày tại Việt Nam hiện nay.

Bản chất của sự kiện Thái Hà & Toà Khâm Sứ là một vụ việc liên quan đến hai vấn đề: vấn đề dân chúng đang muốn đặt lòng tin của mình vào một chỗ khác chứ không phải vào cơ cấu điều hành xã hội hiện tại, và vấn đề vai trò của các tổ chức dân sự và tôn giáo trong công cuộc xây dựng xã hội và Đất Nước.

Có lẽ hơn ai hết, hệ thống chính quyền hiện hành, từ cấp cơ sở cho đến cấp trung ương, đều nhận thức rõ điều đó. Và họ đã kinh hoàng sợ hãi khi nhận ra rằng dân chúng không còn tin vào họ nữa.

Chính vì thế mà họ đã phải sử dụng cả đến những biện pháp bạo lực, thậm chí những biện pháp mang tính xã hội đen, để dập tắt làn sóng bày tỏ sự bất tín nhiệm của dân chúng. Cũng chính vì thế mà họ đã phải dùng cả một hệ thống truyền thông đồ sộ với những biện pháp nghiệp vụ xảo trá để đánh lừa công luận và bôi tro trát trấu, hạ uy tín những con người và tổ chức dân sự đang được dân chúng tín nhiệm vì có nhân cách và đã quả cảm nói lên tiếng nói của công lý và sự thật. Đức Tổng Giám mục Hà Nội là một khuôn mặt điển hình cho những con người mà dân chúng sẵn sàng đặt lòng tin vào họ. Và đó là “tội” lớn nhất của ngài dưới con mắt của chính quyền Hà Nội. Bởi thế, người ta đã phải dồn mọi nỗ lực đấu tố, thoá mạ và đe doạ ngài.

Vì vậy, cái được cái mất sau sự kiện Thái Hà & Toà Khâm Sứ không phải là hai mảnh đất 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung đang bị biến thành cái gì.

Khi những chiếc mặt nạ đã bị rơi xuống và nhân dân đã bắt đầu thấy rõ bản chất dối trá và bạo lực của hệ thống điều hành xã hội và hệ thống tuyên truyền một chiều hiện nay của chính quyền, thì chính quyền đang mất nhiều hơn được. Mất lòng tin của dân chúng.

Khi “biệt tài” đổi trắng thay đen của hệ thống điều hành xã hội và hệ thống tuyên truyền một chiều hiện nay của chính quyền đã được minh chứng rõ ràng qua cách hành xử với Đức Tổng Giám mục Hà Nội nói riêng và với cộng đồng Công giáo Hà Nội nói chung, thì các nhà đầu tư và các tổ chức nước ngoài (vốn thường khôn ngoan và cẩn trọng) sẽ buộc phải tính toán kỹ hơn trong quan hệ với chính quyền hiện nay.

Xem ra chính quyền đang mất nhiều hơn được.

Hà Nội ngày 28/9/2008
 
Đất nước còn quá nhiều “Vedan “
LM. Nguyễn Hữu An
10:33 28/09/2008

Đất nước còn quá nhiều “Vedan “



Đọc bài viết “Có một niềm tin đã chết” trên trang: chuacuuthe.com, tôi đồng cảm với những thao thức đượm buồn của của Lm Vĩnh Sang dcct “Dòng sông cứ chết, con người và gia súc cứ chết, cùng lúc đó lương tâm của những người có trách nhiệm cũng đang chết ! Hãy nhìn vào sự giàu sang mà họ đang sống, thật ra họ đang chết trên đống của cải phi nhân phi nghĩa đó….Và, cay đắng hơn, có những niềm tin đã bị giết chết vì sự gian trá.

Tôi đọc bài viết “Ai tiếp tay cho Vedan giết sông Thị Vải ?” của tác giả Phạm đình Trọng và bài “Quá nhiều.. “vedan” của tác giả Nguyễn Quang Thiều trên trang: vanchinh.net, và tôi cảm thấy xót xa cùng lo lắng cho thế hệ trẻ ngày hôm nay.

Những ngày vừa qua, đọc rất nhiều bài trên vietcatholic.net và chuacuuthe.com liên quan về Toà Khâm Sứ, Thái Hà, tôi quá âu lo và mang nhiều trăn trở. Môi trường xã hội ngày nay có quá nhiều lo ngại như nhân định của HĐGMVN trong bức thư ngày 25.9.2008: Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và dân tộc, không thể không quan tâm đến tình trạng này….

Bạo hành và bạo lực bắt nguồn từ chính tâm hồn con người, nơi đó cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối không ngừng diễn ra. Nếu không được hướng dẫn và tập luyện, con người sẽ dễ dàng chiều theo những tham vọng ích kỷ của mình, và cái ác sẽ lan tràn trong đời sống xã hội. Do đó, việc giáo dục đạo đức và huấn luyện lương tâm phải là trách nhiệm hàng đầu của toàn xã hội, và cần đến sự tham gia tích cực của người dân cũng như các tổ chức xã hội. (Số 2).

Khi xã hội sa đọa, tha hóa vì tiền, vì “cơ chế xin – cho” thì đạo đức, luân lý đã nhường chỗ cho tham vọng cá nhân về danh vọng, chức quyền, địa vị và quá ham mê tiền của, vui thú bất chính.

Lm Nguyễn Hồng Giáo ofm, trăn trở trước tình trạng đạo đức xuống cấp nơi người trẻ: có một thời cách đây không xa lắm, chúng ta không khỏi ngạc nhiên tự hỏi tại sao thanh niên Âu Mỹ lại chán chường, hoặc nổi loạn phá phách, hoặc làm những chuyện điên rồ, có vẻ vô nghĩa khi mà họ đã có thừa mứa mọi thứ tiện nghi hưởng thụ, và xã hội đồng loã xoá cho họ nhiều thứ rào cản về mặt luân lý hoặc luật lệ (như tự do quan hệ tình dục trước hôn nhân, phá thai...). Người ta giải thích cho chúng ta rằng sở dĩ như thế là vì lớp thanh niên đó có mọi thứ nhưng lại thiếu lý tưởng, thiếu lẽ sống, thiếu cái gì đó cao cả để vươn tới.... Thời ấy chúng ta nghe, nhưng vẫn cảm thấy đó là điều hơi xa lạ, viễn vông.Bây giờ nhìn thấy một lớp tuổi trẻ sống vô lý tưởng, sống thực dụng, bất chấp đạo nghĩa, đặc biệt những con ông cháu cha ngay trong xã hội Việt Nam, chúng ta mới thực sự thấm thía. Và trước viễn ảnh xã hội mở cửa ngày càng rộng rãi, chính chúng ta bắt đầu biết lo, biết sợ (nguoitinhuu.com).

Ai tiếp tay cho Vedan giết sông Thị Vải?

Không còn chiến tranh bom đạn, chết chóc, trong cuộc sống hòa bình tưởng như êm ả nhưng lại có những cuộc chiến âm thầm song cũng vô cùng khốc liệt, cũng nhiều mất mát đau lòng không kém sự chết chóc trong chiến tranh và những cuộc chiến ấy diễn ra trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Cuộc chiến tham nhũng. Cuộc chiến tội phạm. Cuộc chiến xâm lăng văn hóa. Cuộc chiến gian lận thương mại. Cuộc chiến ô nhiễm môi trường… Cuộc chiến nào cũng nhiều mất mát thương tổn và thương tổn lớn nhất, đau lòng nhất là thương tổn về đạo đức con người và đạo đức xã hội. Vì thế cũng có thể gọi những cuộc chiến đó là cuộc chiến đạo đức!

Cuộc chiến môi trường Vedan nổ ra ngay từ cuối năm đầu tiên Vedan đi vào hoạt động khi tháng 10. 1994 người dân chài lưới trên sông Thị Vải ở huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai và huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đồng loạt thất thanh lên tiếng về cuộc sống khốn khổ của họ vì cá lớn, cá nhỏ, tôm, cua chết nổi lềnh phềng trên sông Thị Vải, cá sống không còn để đánh bắt! Sản lượng tôm cá thất thu tới 90%! Tháng 12 năm đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đồng Nai điều tra, xử lí việc sản xuất gây ô nhiễm nước sông Thị Vải của công ty Vedan. Nếu chỉ là cuộc chiến môi trường, dù đơn vị gây ô nhiễm tinh vi đến đâu, giỏi che giấu đến đâu cũng không thể kéo dài tới mười bốn năm, sông Thị Vải cũng không thể bị ô nhiễm đến mức tàu nước ngoài không chịu qua sông để vào cảng vì nước sông ô nhiễm làm rỉ vỏ tàu! Khởi sự từ cuộc chiến giữa người dân sống trong vùng bị ô nhiễm, giữa cơ quan quản lí nhà nước về môi trường với đơn vị gây ô nhiễm nhanh chóng chuyển sang cuộc chiến trong nội bộ các cơ quan nhà nước, từ cuộc chiến môi trường chuyển sang cuộc chiến đạo đức. Vì thế cuộc chiến ấy mới cam go, dai dẳng và mất mát lớn đến thế!

Dòng sông nhiều tôm cá, nguồn sống vô tận tự bao đời của người dân hai bên bờ sông Thị Vải nay đã trở thành con sông cạn kiệt sự sống! Tiếng than của người dân càng ngày càng khẩn thiết. Năm 1995, các cơ quan chức năng: Sở khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Trung tâm Nước và Công nghệ Môi trường thuộc trường Đại học Bách khoa TPHCM, Viện Nghiên cứu Môi trường Thủy sản, bộ Thủy sản, phân viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật liên tục đến Vedan kiểm tra, lấy mẫu nước xét nghiệm. Các báo chí có tiếng nói rộng rãi ở TPHCM: Sài Gòn Giải phóng, Tuổi trẻ, Người Lao động… đều lên tiếng về tình trạng nước thải của Vedan gây ô nhiễm trầm trọng sông Thị Vải: Chất thải từ nhà máy có màu đen lan truyền đi khắp cả sông Thị Vải từ thượng nguồn ở Long Thành, Đồng Nai xuống hạ nguồn ở Cần Giờ, TPHCM… từ ngày nhà máy bột ngọt Vedan hoạt động đổ chất thải ra sông cũng là lúc tôm cá chết hàng loạt (báo Sài Gòn Giải phóng ngày 21.12.1995)! Đối phó với cơ quan quản lí nhà nước về môi trường, Vedan có biện pháp xây dựng hệ thống ngầm đổ nước thải và có đối sách ngọt ngào với quan chức môi trường. Đối phó với dư luận, Vedan đến cơ quan đại diện phía nam ở TPHCM của một tờ báo trung ương đón “nhà báo” ở đây đến Vedan đãi đằng, hiếu hỉ! Thế là trước khi các báo cấp địa phương ở TPHCM lên án Vedan gây ô nhiễm môi trường thì đã có tờ báo cấp trung ương in ảnh, đăng bài hết lời ca ngơi Vedan với môi trường: Đứng trên cảng Phước Thái lộng gió, tôi nhìn xuống dòng sông Thị Vải, nước trong vắt, từng đàn cá bơi bơi, phía ngoài xa, những chiếc thuyền câu đang quăng lưới” (thuyền câu mà lại quăng lưới! Vì tưởng tượng nên lòi đuôi dối trá!). Lạ thay, cả khu công nghiệp quy mô này không hề ngửi thấy một mùi lạ, nếu không nói là chỉ có mùi thơm của gió từ đại ngàn thổi tới… một công nhân của công ty bắt được con trăn gấm rất to trong lúc anh ta rẫy cỏ. Ông Chủ tịch hội đồng quản trị đã ra lệnh cho anh thả con trăn về rừng (Thời báo Tài chính Việt Nam số 50 (120) ngày 14.12.1995). Ôi chao, trơ trẽn và trắng trợn đến thế là cùng! Loại “nhà báo” này vốn không viết bằng năng lực và bản lĩnh nghề nghiệp, đã quen viết theo mệnh lệnh hành chính thì chuyển sang viết theo mệnh lệnh đồng tiền cũng lẹ lắm! Cuộc chiến diễn ra ngay trong đội ngũ báo chí của chúng ta đó!

Còn cơ quan quản lí môi trường thì sao? Chỉ xin nêu những sự việc gần đây. Từ tháng 5 đến tháng 11 năm 2004 Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai liên tục lấy 26 mẫu nước thải của Vedan phân tích, lần nào cũng cho kết quả mức độ ô nhiễm vượt tiêu chuẩn qui định theo TCVN 59450 – 1995 và yêu cầu Vedan có biện pháp xử lí để giảm mức độ ô nhiễm. Vedan chưa hề có biện pháp xử lí gì và sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai cũng chưa hề kiểm tra lại nhưng chỉ tháng sau, tháng 12 năm 2004, giám đốc sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai Lê Văn Hưng đã có ngay văn bản gửi hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh đề nghị khen thưởng Vedan: Với chức năng quản lí nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên Môi trường đã kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với công ty Vedan Việt Nam… Từ một công ty mới đầu tư có gây ảnh hưởng lớn đến môi trường nước trong khu vực sông Thị Vải những năm 1994 – 1999, nay đã cố gắng khắc phục, xử lí cơ bản nước thải sản xuất, các mẫu nước thải qua kiểm tra gần đây đạt tiêu chuẩn môi trường loại B, tiêu chuẩn Việt Nam!

Trong cuộc kiểm tra mẫu nước thải Vedan ngày 30-7-2007 của Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai cho thấy các thông số ô nhiễm đều vượt tiêu chuẩn quy định, Chi cục trưởng Hoàng Văn Thông liền đe Vedan: Với kết quả này Chi cục dự định thông qua hội đồng thẩm định đưa Vedan vào “danh sách đen” các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường! Vốn đã quá quen giải mã những lời răn đe ấy, Vedan hiểu phải làm gì nên chỉ vài tháng sau, ngày 21. 12. 2007 trong cuộc làm việc với Vedan trước khi đề nghị Cục quản lí Tài nguyên nước xem xét cấp phép cho Vedan xả nước thải vào nguồn nước, Chi cục trưởng Thông hể hả nói: Công ty đã nghiêm túc thực hiện đúng việc khắc phục và cải tạo hệ thống hồ xử lí sinh học, mở rộng gia cố bờ bao tạo sự liên thông giữa các hồ trước khi thải vào sông Thị Vải!

Cũng như cấp dưới, lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai cũng dễ dàng và nhanh chóng đi từ răn đe đến đồng tình với Vedan! Trong báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai về tình trạng nước thải ô nhiễm của Vedan do phó giám đốc Phan Văn Hết kí ngày 6. 8. 2007 cũng đe: Nước xả thải của Vedan có các thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép! Báo cáo này ra đời khi Vedan đã có cả quá trình 14 năm hủy diệt môi trường nước sông Thị Vải, khi người dân sống bên sông Thị Vải đã 14 năm khốn khổ vì dòng sông nuôi sống họ đã trở thành dòng sông chết! Nhưng chỉ bốn tháng sau kí báo cáo ô nhiễm vượt tiêu chuẩn của Vedan, ngày 26. 12. 2007 phó giám đốc Phan Văn Hết lại đứng về phía Vedan, kí công văn đề nghị Cục Quản lí Tài nguyên nước xem xét cấp phép cho Vedan xả nước thải vào sông Thị Vải. Và Vedan đã có tờ giấy phép nhiệm màu đó!

Có phải năng lực của cán bộ quản lí môi trường quá kém và thủ đoạn gian dối của Vedan quá siêu nên Vedan đã lừa được cơ quan quản lí môi trường hơn 14 năm qua như giải thích của ông phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai với các nhà báo ngày 18-9-2008? Lực lượng cảnh sát môi trường vừa thành lập và bản doanh lại ở xa gần hai ngàn cây số nhưng chỉ cần ba tháng bám đối tượng họ đã tóm được thủ phạm giết sông Thị Vải! Những người quản lí môi trường sống của người dân Đồng Nai ở sát công ty Vedan, ở sát sự khốn cùng của người dân sống bên sông Thị Vải nhưng đã để Vedan lừa suốt hơn 14 năm thì đó là sự bằng lòng, vui vẻ để được Vedan lừa! Nguyên nhân ô nhiễm môi trường sông Thị Vải đã rõ. Cuộc chiến môi trường ở đây đã kết thúc nhưng cuộc chiến đạo đức chưa kết thúc!

Quá nhiều... "Vedan"

Chỉ đến khi có bằng chứng không thể chối cãi, những người liên quan mới chịu thừa nhận tội ác hủy diệt môi trường của Vedan. Nhưng, đó mới chỉ là một Vedan. Thực tế, còn rất nhiều “Vedan” khác mà các cơ quan chức năng chưa làm rõ, dù ai cũng biết, những “Vedan” ấy đang giết dần giết mòn con người.

Chúng ta đang có những “Vedan” bệnh viện. Chất thải từ nhiều bệnh viện không được xử lý tràn vào đời sống, báo chí đã phát hiện và lên tiếng. Nếu vẽ đúng sơ đồ của rác thải thì nó sẽ là một sơ đồ mà tất cả chúng ta phải kinh hãi. Chúng được trút vào sông hồ. Rồi chúng ta lại hút nước từ sông hồ đóng vào chai vào lọ. Hành trình cuối của rác thải là đi thẳng vào mỗi gia đình để đến nơi tập kết cuối cùng là cơ thể con người.

Chúng ta có những “Vedan” thực phẩm. Đứng trước bất kỳ quầy bán thực phẩm nào, chúng ta cũng không đủ lòng tin vào sự an toàn. Người ta làm tất cả những gì có thể làm, miễn là có lời. Người ta chế biến gia súc bị bệnh, gia súc đã chết. Người ta bón rau quả bằng những loại thuốc kích thích nguy hiểm. Chúng ta từng được biết qua báo chí về những cơ sở chế biến thực phẩm mà tình trạng vệ sinh thật hãi hùng. Nếu soi vào kính hiển vi, chúng ta sẽ thấy ngày ngày chúng ta đang nuốt vào dạ dày vô số vi trùng các loại chứ không phải là thực phẩm.

Chúng ta có cả những “Vedan” giáo dục. Học bạ giả, bằng giả các loại, từ cái bằng lái xe hai bánh đến cả bằng tiến sĩ. Thứ rác này đang gây ra những căn bệnh hiểm nghèo cho cơ thể dân trí Việt Nam, vì nó chảy vào các cơ quan Nhà nước từ địa phương đến trung ương, dần dần làm cho cơ thể của xã hội và Nhà nước trở nên suy dinh dưỡng, đầy bệnh tật.

Chúng ta lại có những “Vedan” quan chức. Vụ nhận hối lộ ở dự án Đông - Tây là một loại “Vedan" đã sinh ra thứ virus giết chết lòng tin của nhân dân.Tham nhũng và chạy quyền chạy chức là một loại rác thải vô cùng độc hại nhưng mẫu mã rất hào nhoáng, có thể đánh lừa cả xã hội. Loại rác thải này chứa đầy nguy cơ giết chết sự vững mạnh của mọi chính thể và ăn ruỗng lòng tin của người dân vào Nhà nước.

Chúng ta có những “Vedan” văn hóa. Mới đây, báo chí đã đưa cảnh biểu diễn nghệ thuật “tởm lợm” của một số nhân viên FPT trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập tập đoàn này. Nếu các bạn được xem những bức ảnh gốc, hẳn các bạn còn “sốc” hơn. Những “Vedan” văn hóa còn nằm trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật với những “bao bì” đẹp đẽ.

Chúng ta còn có những “Vedan” mất niềm tin.

Không điều gì mất mát mà đáng tiếc cho bằng mất niềm tin. Đúng như trong một bài trả lời phóng vấn của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt:Một miếng đất nó chả đáng giá gì đâu, mất một miếng đất không có quan trọng bởi vì mất miếng đất này mình có thể mua được miếng đất khác hay tìm được miếng đất khác nhưng mất niềm tin rồi thì sẽ không bao giờ lấy lại được. Và cái niềm tin thì không có tiền nào có thể mua được.

Nếu nghiêm khắc và công bằng, chúng ta sẽ nhìn thấy những đường cống, cả bí mật lẫn công khai của những “Vedan” mọi nơi, mọi lúc và mọi cấp độ đã và đang xối xả đổ vào đời sống con người Việt Nam. Chúng ta đang chết dần chết mòn vì những thứ rác thải đó, nếu không kịp thời ngăn chặn!

Giữa cảnh hoang tàn đổ nát của Trung tâm Thương mại Quốc tế, ông Frank Silecchia, một công nhân xây dựng, tìm thấy một khung thép có hình cây Thánh Giá. Trong suốt thời gian tìm kiếm tại khu bình địa, cây Thánh giá này đã được giữ lại để sử dụng trong các thánh lễ và các buổi cầu nguyện cho những công nhân làm việc tại hiện trường. Và cây Thánh giá đã trở nên dấu chỉ hy vọng và niềm an ủi cho nhiều người. Thật bất ngờ và kỳ diệu! Phải chăng giữa cảnh chết chóc và hận thù hừng hực, cây Thánh giá là lời mời gọi yêu thương và tha thứ? Phải chăng khi biểu tượng kinh tế và quân sự của quốc gia hùng cường nhất thế giới sụp đổ, sự hiện diện âm thầm của cây Thánh giá trở thành lời nhắc nhủ thâm thuý về giới hạn tất nhiên của con người, cũng như chính cuộc đời?

Phải chăng đặc điểm của niềm tin chính là hy vọng trong khi không còn hy vọng, là chọn những gì không thể quan niệm làm nền tảng hành động và cho lẽ sống?

Tại ẩn viện ở Shanti Niketan, trên một hình cầu vừa tượng trưng cho trái đất vừa là “thiên đường tự do”, thi hào Rabindranath Tagore đã để lại một bài thơ nổi tiếng nói lên khát vọng sâu thẳm của ông. Giữa trăm mối tơ vò của quê hương lúc đó, Tagore đã tha thiết xin Thượng Đế đánh thức đồng bào ông và giúp họ can đảm hướng về phía trước, nơi thiên đàng của tự do. Phải chăng đây cũng phải là lời cầu cho đất nước chúng ta và cho nhân loại hôm nay?

Ở nơi tinh thần không vương sợ hãi

mái đầu được ngẩng cao,

Ở nơi trí thức đựơc tự do,

Nơi thế gian không bị những bức tường

hẹp hòi riêng tư cắt chia manh mún,

Nơi lời nói phát ra từ thẳm sâu sự thật,

Nơi nổ lực không mệt mỏi vươn tới hoàn mỹ,

Nơi dòng dòng suối trong sáng của lý trí

không kiệt khô trong sa mạc

tối tăm của tập tục đã chết,

Nơi tinh thần đựơc dẫn dắt về phía trước,

đến nơi tư tưởng và hành động muôn đời trải rộng,

Cha hỡi, hãy để cho đất nước con thức dậy

ở nơi thiên đàng của tự do. (Bản dịch Việt ngữ của Hồ Anh Thái).

Giữa bối cảnh đất nước có quá nhiều “Vedan”, chúng ta vẫn luôn hy vọng hướng về tương lai, bởi lẽ “Chúng tôi xác tín rằng khi tất cả chúng ta cùng nhau xây dựng đất nước trên nền tảng công bằng, sự thật và tình yêu, thì quê hương Việt Nam sẽ ngày càng giàu đẹp, mang lại hạnh phúc ấm no cho mọi người, và góp phần kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn” (Thư HĐGMVN ngày25.9.2008).
 
Suy nghĩ về Đức Mẹ Sầu Bi Đồng Đinh
LM. Phêrô Hồng Phúc
12:37 28/09/2008

SUY NGHĨ VỀ ĐỨC MẸ SẦU BI ĐỒNG ĐINH



Thấm thoắt một năm đã trôi qua, từ ngày 15/09/2007, ngày Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục giáo phận Thanh Hoá, giám quản giáo phận Phát Diệm, chủ sự thánh lễ đồng tế với linh mục đoàn Phát Diệm tại núi Gò trên sông Hoàng Long thuộc xã Thượng Hoà, Nho Quan, Ninh Bình, hôm nay tôi mới có dịp trở lại viếng tượng Đức Mẹ Sầu Bi tại giáo xứ Đồng Đinh.

Vẫn là ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi, vẫn khung cảnh quen thuộc của sông Hoàng Long uốn khúc giữa một vùng phong cảnh “Sơn thuỷ hữu tình”, vẫn những giáo dân chân chất, bình dị, tận tình mến Đức Mẹ; nhưng hôm nay, bầu khí trở nên êm đềm, thân ái hơn và nhất là một tình yêu thương thay thế cho đau thương, toả ra từ bóng Đức Mẹ Sầu Bi trên núi Gò làm sống động cả một khúc sông rộng.

Chúng tôi lên một thuyền lớn có mặt phẳng như boong tầu để từ bến Nhà thờ xứ Đồng Đinh đi dọc sông khoảng 800m tới núi Gò, định vị giữa sông Hoàng Long. Gọi là núi nhưng vẫn là gò, vì thực chất là gò đá nổi lên trên mặt nước. Gò có từ xa xưa không mấy ai biết rõ xuất xứ, nhưng từ khi cây Thánh giá bằng gỗ được cắm nơi đây, thì núi Gò đã trở nên linh thiêng đối với người dân địa phương nói chung và đối với người Công giáo cả vùng nói riêng.

Năm ấy, cả vùng bị dịch tễ hoành hành, có làng chết trắng cả làng, làn tử khí tiến dần đến sát Đồng Đinh, cả làng bên đã là nạn nhân của bệnh dịch. Người Công giáo Đồng Đinh nhớ lời Chúa dạy: “Những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28) họ đã tín thác đặt “Thánh giá là mầu nhiệm của lòng thương xót Chúa” (kinh kính Thánh giá) trên núi Gò này, và quả nhiên, bệnh dịch đã không sát hại bất cứ ai trong giáo họ ven sông Đồng Đinh thuở ấy, sự kiện ấy xảy ra trước năm 1945, đến năm 1957, Thánh giá gỗ được thay bằng xi-măng, và ngày 15/09/2007 Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, đã về dâng Thánh lễ dưới chân cây Thánh giá nhân kỷ niệm 50 năm ngày dựng cây Thánh giá kiên cố tại đây.

Nói nhân kỷ niệm là vì ngày ấy còn là thánh lễ tạ ơn tượng Đức Mẹ Sầu Bi được tái tạo sau vụ đau thương bị kẻ xấu đập phá ngày 29/01/2007. Chín tháng trôi qua với bao sự kiện, bao quan điểm chồng chéo nhau, nhưng cuối cùng đau thương đã hoàn tất trong yêu thương. Lần đầu tiên, trong thánh lễ tạ ơn ngày 15/09/2007, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh gọi Đức Mẹ Pièta tại Đồng Đinh là Đức Mẹ từ bi.

Từ bi vì ngay hồi tượng Đức Mẹ Sầu Bi bị đập nát đầu và hai tay, (Chúa Giêsu cũng bị đập nát đầu và hai chân), thì có người đã thốt lên trong đau đớn rằng: “ Xin Đức Mẹ ra tay phạt chết hết quân chúng nó đi, vì chúng đã đập phá Mẹ như vậy !” Đức Mẹ đã không làm như thế, nhưng hoán cải chính những người đập tượng, đến nỗi người nhà xin đến “cúng” Đức Mẹ để tạ tội, giáo dân không cho thì họ “cúng” trộm ban đêm. Chính đương sự thì hối lỗi và mong có ngày lễ tạ ơn phục chế pho tượng để chính đương sự đi dự lễ tạ tội.

Từ bi vì thái độ của chính quyền địa phương từ ban đầu kiên quyết đưa tượng Đức Mẹ Sầu bi khỏi núi Gò, đến sau nhượng bộ cho tự chọn muốn đặt tại sườn đồi ven sông hay tại núi Gò, lại có những nhân viên an ninh đích thân đến cơ sở đắp tượng để động viên thợ tới sửa tượng Đức Mẹ càng sớm càng tốt.

Từ bi vì chưa bao giờ Đồng Đinh có một khung cảnh như trong ngày lễ tạ ơn 15/09/2007, ngày Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh về chủ sự Thánh lễ đồng tế cùng với 50 Linh mục và khoảng ba ngàn giáo dân, tất cả đều diễn ra trên triền sông, trước tượng Đức Mẹ Sầu Bi đặt tại chân núi Gò. Nỗi đau biến mất nhường cho niềm vui tràn đầy.

Và hôm nay, dường như cũng vẫn ba ngàn giáo dân năm ngoái quy tụ về. Họ trở về từ các triền sông, đủ mọi loại thuyền to, nhỏ. Đặc biệt là 14 thuyền độc mộc đặt dọc hai bên bờ sông, trên mỗi thuyền đặt một cây Thánh giá, định vị theo khoảng cách dọc khúc sông Hoàng Long từ Nhà thờ Giáo xứ Đồng Đinh tới núi Gò, trở thành 14 chặng đường Thánh giá; vừa sáng tạo, vừa chân chất, đáng yêu. Giữa dòng sông luôn có những thuyền dài hình thức như bơi trải, nhưng trên thuyền là những thanh niên tình nguyện sẵn sàng ứng cứu các tình huống bất trắc trên sông.

Cầu phao nổi bác ngang sông mọi ngày, hôm nay cũng được trưng dụng để làm cầu danh dự rước đoàn chủ tế từ thuyền lớn tiến lên lễ đài.

Vì chuẩn bị cho cuộc họp thường niên 2008 của HĐGMVN, trong cương vị phó chủ tịch HĐGMVN trách nhiệm nặng nề, Đức cha Giám quản Giuse Nguyễn Chí Linh không về chủ sự thánh lễ được, nhưng ai cũng vẫn coi đây là cuộc “duyên kỳ ngộ” vì lời Đức cha hứa chào từ năm ngoái: “Hẹn gặp lại vào lễ Đức Mẹ Sầu Bi sang năm”.

Khoảng 30 Linh mục tiến lên lễ đài trong tiếng kèn đồng âm vang suốt dọc sông, trong tiếng hát nhập lễ của ca đoàn và cộng đoàn Dân Chúa. Suốt 90 phút dưới trời nắng oi ả của “Nắng tháng tám, nắng rám trái bưởi” họ đã sốt sắng hiệp dâng thánh lễ trong niềm vui và ơn thánh. Ít ai mường tượng cảnh ba ngàn người lại có thể chen vai, sát cánh trên dòng sông Hoàng Long. Hình ảnh hiệp lễ trên sông cũng thật đặc biệt, những chiếc thuyền nan nhẹ nhàng đưa từng cha, len lỏi giữa các thuyền lớn cho cộng đoàn rước lễ. Sau Thánh lễ mọi người hướng về tượng Mẹ cùng hát bài hát ”Xin vâng” rất ý nghĩa và đầm ấm.

Quang cảnh thuyền về xem ra còn náo nhiệt hơn cả thuyền đến, vì đồng loạt toả đi từ núi Gò, nơi đặt tượng Mẹ. Anh em Linh mục chúng tôi bình luận với nhau: Nếu không có sự kiện đau thương đầu năm 2007 thì làm sao có khung cảnh hôm nay? Đức Mẹ Sầu Bi vẫn thắng!

Mẹ thắng bằng tình yêu thương, sau chiến thắng, không có xác ngổn ngang trên bãi chiến trường, chỉ có ba ngàn người chen vai trên dòng sông Hoàng Long thanh bình, êm ả.

Mẹ thắng bằng lời kinh, tiếng hát, thánh lễ để tràn ơn Chúa xuống cho cả vùng, không phải là say men chiến thắng trước nỗi đau đớn của kẻ chiến bại.

Mẹ thắng để quy tụ con cái xa gần về trung tâm hành hương, đón nhận tình mẫu tử, tình huynh đệ, để “Đúc gươm đao thành cuốc, thành cày; rèn giáo mác nên liềm, nên hái” (Is 2,4). Không phải là chiến lợi phẩm, hưởng thụ trên nước mắt người khác.

Mẹ thắng để bảo đảm một sự linh thiêng, cho con người thời nay biết tôn trọng giá trị của nhân phẩm và lương tâm, của đạo lý làm người.

Mẹ thắng để biến sự dữ ra sự lành, điều mà con người không thể làm được !

Trên đường xuôi dòng trở về, tôi bỗng gợn lên canh cánh một nỗi buồn. Nỗi buồn tăng lên từng ngày. Đã chục ngày trôi qua, nỗi buồn thành nỗi đau u uất: Người ta vẫn còn vẩy mắm, trát dầu lên tượng Mẹ rồi đưa tượng Mẹ khỏi khu đất Nhà thờ Thái Hà, cả tượng Mẹ Sầu Bi, Thánh giá ở Toà Khâm sứ cũng bị đặt vào ba hòm tôn đưa lên ô-tô chở đi đâu mất. Bài phát biểu của Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt cũng bị cắt xén, biến ngài thành nạn nhân của chiến dịch lăng nhục.

Mẹ Sầu Bi vẫn mãi luôn phải sầu bi, nhưng khi đã gánh hết những sầu bi cho con cái, Mẹ lại sẽ biến sự dữ thành sự lành, Mẹ Từ Bi vẫn tiềm ẩn trong Mẹ Sầu Bi cho tới ngày Mẹ chiến thắng.

Lạy Mẹ Sầu Bi, con tin tưởng vào ngày chiến thắng của Mẹ.

Chiều nay tang tóc u mờ
Can-vê tin Mẹ gươm vừa đâm thâu.
Đồi cao Thập giá cắm sâu
Giêsu - Con Mẹ gục đầu tắt hơi.

* *

Bóng ai in giữa khung trời
Dưới chân Thánh giá treo người con yêu.
Tiếng ai nấc nghẹn bóng chiều,
Lệ nhoà theo cảnh tiêu điều hoàng hôn.
Vâng, từ chính cảnh u buồn
Con nhìn thấy Mẹ ngàn muôn dịu dàng,
Ánh lên muôn vẻ Thiên đàng
Toả ra muôn vẻ hiên ngang tuyệt vời!

* * *

Chiều nay nối đất với trời
Sầu Bi, Thánh giá, sáng ngời tình thương
Lời cầu con quyện trầm hương
Dâng lên kính Mẹ lưỡi gươm xé lòng./.
 
10,000 lượt người tới tham dự các nghi lễ hôm nay 28/9 tại Thái hà
PV VietCatholic
13:25 28/09/2008
THÁI HÀ - Khi biết tin (nguồn tin từ một một vài quan chức trong nội bộ chính quyền) sẽ có những động thái xấu của chính quyền cộng sản nhắm vào Đức Tổng và các linh mục Thái Hà ngay trong chiều nay và những ngày sắp tới, chúng tôi vội vàng đến Thái Hà lúc 21h (28/9). Những người làm công tác trật tự nhà thờ đang đứng rải rác quanh khuôn viên Tu viện và nhà thờ, canh chừng những kẻ xấu trà trộn vào giáo dân để giải truyền đơn “phản động” nhằm tạo cớ, quy kết tội cho các linh mục và giáo dân.

Thiếu nhi cầu nguyện cho Công lý ở Thái Hà

Đến đây giờ này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy còn có qúa nhiều người đang đứng thắp nến, thắp hương cầu nguyện trước hang đá Đức Mẹ; ước chừng có hơn 2000 người. Hỏi chuyện các linh mục trong Tu viện, chúng tôi mới vỡ lẽ: Kể từ ngày xảy ra sự việc giáo dân bị đánh bằng dùi cui và bị xịt hơi cay, thì mỗi tối Thứ Bảy, Chúa Nhật, giáo dân các nơi kéo về đây rất đông. Không còn cách nào khác, các linh mục trong Tu viện đã phải tăng cường các giờ lễ.

Thánh lễ vừa kết thúc (lúc 21h) là thánh lễ thứ 6 trong ngày. Và sau mỗi thánh lễ, giáo dân không ra được linh địa, thì đứng trước hang đá Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ cầu nguyện. Các linh mục trong Tu viện cũng cho biết, riêng ngày hôm nay, tính đến giờ này, có chừng hơn 10.000 lượt người đến tham dự lễ và tham gia việc thắp nến cầu nguyện cho công lý và hòa bình.

Chừng 22h30, các tốp cầu nguyện ra về. Bầu khí Thái Hà yên tĩnh trở lại. Các bạn trẻ trong và ngoài giáo xứ vẫn xung phong ở lại canh thức cầu nguyện và canh chừng những kẻ xấu đến quấy phá Tu viện. Mấy bạn trẻ này nhỏ to với nhau: “Qua vụ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ, bộ mặt giả trá của chính quyền cộng sản được phơi bày hết cỡ. Chắc những ngày tới đây, họ có thể có những hành động xấu xa tiếp tục nhắm vào những người biết nói thẳng, nói thật như Đức Tổng của chúng ta đấy”.

Chúng tôi rời Thái Hà lúc 23h. Trời Hà Nội đêm nay quang đãng, sau mấy ngày mưa tầm tã. Cả khu vực linh địa Đức Bà đèn điện sáng rực. Nhưng chiếc xe ủi, xe xúc vẫn đang hăm hở ngoạm đất…
 
Nhớ Nguyễn Trải: đem đại nghĩa để thắng hung tàn
J.B Nguyễn Hữu Vinh
13:36 28/09/2008
NHỚ NGUYỄN TRÃI: ĐEM ĐẠI NGHĨA ĐỂ THẮNG HUNG TÀN

Gần sáu trăm trước, Nguyễn Trãi – người anh hùng dân tộc đã đúc kết những kinh nghiệm xương máu của dân tộc trong việc giữ nước qua áng văn bất hủ “Đại cáo bình Ngô”.

Đọc lại những áng văn xưa, ta hiểu vì sao nước Nam ngàn đời vẫn vững bền qua nhiều triều đại phong kiến, dù những triều đại đó đã được chế độ mới cho là phong kiến thối nát.

Sinh thời của Nguyễn Trãi, là những năm tháng mà quan quân triều đình và hoàn cảnh đất nước được mô tả:

Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
Để trong nước lòng dân oán hận
Quân cuồng Minh thưà cơ gây loạn
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh


Và đối với nhân dân thì:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trờị
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.


Trong hoàn cảnh đất nước như vậy, Nguyễn Trãi đã cùng Lê Lợi dấy nghĩa Lam Sơn. Sự nghiệp lớn thành công, quét sạch bóng quân thù ra khỏi bờ cõi, để dựng nên một cơ đồ đất nước:

Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh


Đã bao đời trải qua, những áng thơ văn kia chưa bao giờ lạc hậu, chưa bao giờ thấy giảm giá trị trong cuộc sống người Việt. Trái lại, càng ngày chúng ta càng thấy tỏa sáng những tư tưởng và đạo đức cầm quân, giữ nước của người xưa.

Đã bao đời nay, cũng như hàng triệu con tim Việt Nam khác, đọc những dòng thơ này tôi cứ nghĩ về đạo làm người, những tư chất cần có của những người lãnh trách nhiệm trước dân tộc trong việc kinh bang tế thế.

Đọc lại những áng văn đó, người ta mới thấy đạo đức của những người làm quan nước Việt người xưa đã nhìn thấu tận căn việc cần thiết phải làm gì để giữ kế “sâu rễ bền gốc”. Họ biết cần làm gì khi đất nước lâm nguy, khi giặc phương bắc đang lăm le bờ cõi cũng như làm gì để đất nước an bình thịnh trị.

Dù lúc đó, kẻ thù của dân tộc vẫn:

Giữ ý kiến một người,
Gieo vạ cho bao nhiêu kẻ khác,
Tham công danh một lúc,
Để cười cho tất cả thế gian


Trong cả cuộc chiến giữ nước đó, toát lên tinh thần tư tưởng:

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” cách làm đó có vẻ ngược đời, có vẻ khó chấp nhận nhất là khi chủ nghĩa Mác – Lê nin ở đó C.Mác đã chỉ rõ: “Lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất”.

Thực tế, đất nước Việt ngàn đời nay vẫn luôn là một nước nhỏ bên cạnh người khổng lồ Trung Hoa. Nhưng lịch sử đất nước cũng đã viết nên những trang vàng chiến công hiển hách chói lọi qua những chặng dài của các cuộc chiến tranh giữ nước. Dù có thể vẫn phải cống nạp nhiều phẩm vật hàng năm cho thiên triều phương bắc, nhưng chưa bao giờ đất nước này chịu nhục nhã khi để một tấc đất giang sơn trong tay quân thù. Như vậy, nếu so sánh lực lượng vật chất thì chẳng bao giờ đất nước này có thể đứng song song tồn tại với anh bạn láng giềng phương bắc nhiều dã tâm xâm lược.

Nhưng thực tế thì khác. Những thế lực thù địch phương Bắc đã phải tim đập, chân run khi nghĩ đến những trận Bạch đằng, trận Chi lăng. Đó là những chiến công xưa kia.

Còn ngày nay trên thế giới, nhiều đất nước chỉ mấy trăm nghìn dân, chỉ một vài quần đảo nhỏ, vẫn có thể hiên ngang tồn tại và phát triển trên thế giới sánh vai với các cường quốc năm châu bên cạnh những đất nước khổng lồ về mọi tiềm lực. Vấn đề là ở chỗ, đất nước đó đang được hướng dẫn, lãnh đạo bởi những người theo đường lối nào? Có phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn đất nước hay không. Nhất là khi nhân loại đã bước vào thế kỷ XXI, thế kỷ toàn cầu hóa.

Đất nước ta có thể tạo thế đứng vững chắc và hiên ngang không? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào người Việt, vào những nhà lãnh đạo đất nước có tạo được những điều như trên tờ Tạp chí Cộng sản đã viết: “Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng: một dân tộc tuy không lớn, đất không rộng, người không đông, trình độ phát triển xã hội không cao… vẫn có thể đánh bại những đế quốc lớn nhất, hùng mạnh nhất qua các thời đại. Đó là nhờ nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, cần cù lao động, sáng tạo, thông minh, anh dũng; với đường lối đấu tranh đúng đắn, trong đó biết lấy dân làm gốc, tự lực tự cường, biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

Cho đến nay, những điều lý luận trên có còn đúng không? Những vụ việc gần đây như Tòa Khâm sứ, Thái Hà với muôn ngàn cách thức nhà nước đã đem ra áp dụng, có theo đúng đường lối đoàn kết dân tộc hay không?

Với lối truyền thông bôi xấu, mạ lỵ cả cộng đồng tôn giáo bằng việc vu cáo và chà đạp chính người đứng đầu giáo hội, họ đã định làm gì nếu không nói là kích động một sự hằn thù, phân biệt và chia rẽ cộng đồng dân tộc, làm mất đi sự đoàn kết cần có để phát huy sức mạnh đất nước nhất là những lúc này.

Với cách giải quyết những vấn đề người giáo dân nêu lên và yêu cầu công lý, sự thật cùng với con đường đối thoại đã bị cắt ngang, đã bị chặn đứng bằng những phương cách khó có thể yên lòng dân. Bằng những điều mà chắc chắn lòng người khó thuận khi sự thật được sáng tỏ, đó có phải là cách để thực hiện kế “sâu rễ bền gốc”?

Qua những cuộc cầu nguyện cho hòa bình và công lý của giáo dân ở các vụ việc Thái Hà và Tòa Khâm sứ, giáo dân đã và đang có niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa, vào công lý và hòa bình. Trước bạo lực và nhiều mưu chước khác nhau, họ vẫn ôn tồn và tha thứ, họ vẫn chịu đựng và chấp nhận, thiết nghĩ họ đang là những người thực hiện chân lý mà dân tộc ta đã đúc kết: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”.

Đọc bài “Bình Ngô đại cáo” nhớ tinh thần và tấm lòng Ức Trai Nguyễn Trãi, giá như những bài học của Người vẫn còn được đem ra suy ngẫm cho những việc ngày hôm nay, để dân tộc này, đất nước này được an bình thịnh trị:

Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc


Dù bất cứ hoàn cảnh nào, việc đẩy cả dân tộc vào chỗ suy yếu bằng con đường chia rẽ, xung đột, nhất là xung đột tôn giáo là điều không thể chấp nhận được, dù việc đó do bất cứ ai gây ra. Điều đó gây hậu họa hết sức lớn lao cho đất nước đang cần sức mạnh để vượt qua khó khăn trên con đường phát triển.

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2008
 
Bản giáo khoa cáo trạng
Hiền Thạch
13:42 28/09/2008
BẢN GIÁO-KHOA-CÁO-TRẠNG

Qua bao ngày lặng tiếng
Sau lắm tháng im hơi
Các Ngài cất tiếng nói
Để đạo thanh luyện đời

Từ địa danh Xuân Lộc
Gióng lên giữa... tàn thu
Lời Hội Đồng Giám Mục
Còn hơn cả chứng từ

Nay con thuyền lữ thứ
Càng xác tín hải trình
Vị lai từ quá khứ
Hoàng luôn đổi bình minh

Theo MẶT-TRỜI-CÔNG-CHÍNH
Mặc triều đỏ, mù sa
Lời chủ chăn minh định
Đối thoại cùng khoan hòa

Vừa là bài giáo khoa
Cũng là bản cáo trạng
Đã nói lên tất cả
Một thực tế kinh hoàng

Bản giáo -khoa -cáo -trạng:
Nỗi lòng dân Việt Nam
Từ Hội Đồng Giám Mục
Hơn triệu tiếng hoa vang. Amen

TIẾP NHỊP XUẤT HÀNH

Vẫn tiến lên ! làm CHỨNG NHÂN SỰ THẬT
Mặc điệu ngoa, khủng bố cấp số.. .nhân
Tạ ơn Chúa! khi chúng con được mất
Là CÔNG LÝ, CHÍNH NGHĨA đang kề gần

Vẩn tiến lên ! Còn hơn ra chiến trận
Bởi chúng con xác quyết đang...trở về:
Đem yêu thương vào giữa nơi thù hận
Đem chí nhân chuyển hóa cội chấp nê

Vẫn tiến lên ! Tưởng chừng như không thể
Nhưng mặt -trời -vẫn -sáng giữa đêm đen
Như có Chúa và vẫn luôn có Mẹ
Đang đồng hành với mỗi một giáo dân

Vẫn tiến lên! Đi vào cơn địa chấn
Của dã nhân, ma quỷ hiện nguyên hình
Nguyện làm muối cho biển đời thêm mặn
Là ánh sáng soi rọi chốn vô minh
***
Vẫn tiến lên! Bằng một đời thâm tín:
Chúa là ĐƯỜNG, là SỰ THẬT siêu quyền
Vì sự ác từ căn nguyên bội tín
Như CHUYÊN CHÍNH ĐỐI NGHỊCH với chính chuyên

Vẫn tiến lên! Bằng hiệp thông cầu nguyện
Vẫn tiến lên! cùng đồng thuận xử, hành
Vì thế quyền vừa thêm ÁC, bác THIỆN
Giục chúng ta càng tiếp nhịp xuất hành. Amen
 
Lộ mặt
Hoàng Cúc
14:02 28/09/2008

LỘ MẶT



Nhìn lại cuộc tranh chấp đất đai tại Toà Khâm Sứ cũ và tại Thái Hà những ngày gần đây, tôi nhận thấy có vẻ chính quyền đã dùng kiểu giải quyết lưỡng bại câu thương, như tôi từng dự đoán trong bài viết Tử huyệt: gian dối. Kiểu đánh đó trong võ công cũng còn gọi là kiểu đánh điên cuồng thí mạng, tức là vào thời khắc quyết định sinh tử, kẻ tỉ võ sẽ thi triển toàn bộ võ công của mình, do đó những yếu huyệt, những tử huyệt, những sơ hở sẽ lần lượt bộc lộ, khiến kẻ khác dễ dàng nhận ra bản chất đích thực của họ.

Bộ mặt lưu manh

Trang điện tử báo Hà nội mới ngày 25-9-2008 có bài nhan đề Khởi công XD công viên cây xanh 178 Nguyễn Lương Bằng. Cái tiến trình từ đất đai tu viện thành đất đai của một công ti, rồi lại thành đất phân lô chia chác, rồi bỗng một ngày được biến thành công viên cây xanh trong bối cảnh tranh chấp hơn chục năm, đặc biệt là hơn chín tháng qua đã được khá nhiều người nhận xét là một tiến trình không bình thường. Thế nhưng đây là chuyện những người am hiểu thời cuộc có thể lường trước được sau những gì đã diễn ra tại Toà Khâm Sứ cũ. Bài báo đứng ngay ngắn trên trang báo của thành uỷ Hà Nội và có một tấm ảnh minh hoạ tuyệt vời.

Bên dưới tấm ảnh trên đây, độc giả thấy dòng chữ sau đây: “Người dân tới xem bản quy hoạch được treo công khai trước cổng Cty May Chiến Thắng. Ảnh: T.Q” . Có gì lạ trong tấm hình này vậy? Độc giả thử nhìn vào tay chân của những “người dân” này và hãy nghĩ đến chiến dịch khủng bố và đấu tố bằng đám côn đồ đối với tu viện Thái Hà từ đêm 21 rạng ngày 22-9 thì sẽ thấy quả thực chính quyền này đã không còn thiết che giấu bộ mặt lưu manh nham nhở của họ, khi họ lôi đám dân anh chị, đám du thủ du thực từ trại cai nghiện ra làm đội tiên phong.

Bộ mặt dối trá

Cho tới nay, đã có rất nhiều bài viết vạch trần những thủ đoạn dối trá của chính quyền và bộ máy truyền thông quốc doanh. Trong bài này, tôi không muốn phí phạm thời giờ để khai triển đề tài đã được quá nhiều người nói tới. Tôi chỉ xin được trích lại ý kiến về vấn đề này mà một đảng viên cộng sản, nhà văn Nguyễn Khải, bộc bạch trong tập Đi tìm cái tôi đã mất, số 18:

“Người cầm quyền cấp cao nhất và cấp thấp nhất đều biết cách nói mơ hồ, càng nói mơ hồ càng được đánh giá là chín chắn. Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy. Vẫn biết rằng nói dối như thế sẽ không thay đổi được gì vì không một ai tin nhưng vẫn cứ nói. Nói đủ thứ chuyện, nói về dân chủ và tự do, về tập trung và dân chủ, về nhân dân là người chủ của đất nước còn người cầm quyền chỉ là nô bộc của nhân dân. Rồi nói về cần kiện liêm chính, về chí công vô tư, về lý tưởng và cả quyết tâm đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra. Hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai hoạ nên không hỏi gì cũng là một phép giữ mình. Người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không. Nói để giao tiếp đã trở thành nói để không giao tiếp gì hết, nói để mà nói, chả lẽ làm người lại không nói. Thật ra nói thế mà vẫn hiểu nhau cả. Người cầm quyền thì biết là nhân dân đang rất bất bình về nhiều chuyện, nhân dân thì biết người cầm quyền đang nói dối, nhìn vào thực tiễn là biết ngay họ đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ với những lời lẽ dối trá của họ, còn mình là dân chả nên hỏi lại nói thế là thật hay không thật. Mình cứ làm theo ý mình và mình cũng sẽ nói dối, nói che đậy nếu như có dịp được người cầm quyền hỏi.”

Nhưng thiết tưởng những gì Nguyễn Khải nói trên đây cũng chỉ mới là một “cách nói mơ hồ”, mới chỉ nói được một phần rất nhỏ của cả một guồng máy xã hội đã được xây trên sự dối trá, được vận hành cũng bằng sự dối trá. Đến nỗi dối trá trở thành nguyên tắc ứng xử, thành yếu tố quyết định sinh tồn trong xã hội!

Bộ mặt CON người

Nhân bài phát biểu của Tổng Giám Mục Hà Nội tại Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ngày 20-9-2008, đội ngũ chó nghiệp vụ đã được huy động hết công suất để cắt xén và tuyền truyền cho một chiến dịch kích động mang mầu ái quốc, với dáng dấp của những cuộc đấu tố của hơn nửa thế kỉ trước. Hơn lúc nào hết, người hiểu biết lại có thêm cơ hội xem màn trình diễn nhào lộn của đám “bán miệng nuôi trôn” . Có nhiều người đã đặt câu hỏi về lương tâm, về đạo đức nghề nghiệp của cái đám người vô xỉ trơ tráo đó.

Cách đây khoảng một năm, nhân một bài viết về vụ xập cầu Cần Thơ, tác giả Diễm Hương đã nói về tình trạng tệ nạn xã hội và tội phạm lan tràn, đạo đức trượt dốc thê thảm, để rồi đặt câu hỏi: “Cho nên tôi đành phải đặt một câu hỏi khác theo hơi hướng của ngành tin học là vấn đề của xã hội Việt Nam hiện nay chỉ là lỗi ở một vài phần mềm hay là lỗi hệ thống? Nếu lỗi chỉ nằm ở một vài phần mềm thì thật may phúc vì có lẽ ta chỉ cần chút thời gian sửa chữa, còn nếu là lỗi hệ thống thì theo tôi có lẽ phải cài đặt lại toàn bộ.”

Cũng trong bài viết kể trên, tác giả đã nói đến trách nhiệm của một hệ thống giáo dục khi nói rằng: “Nhìn xa hơn một chút, theo tôi, vấn đề là hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay không có khả năng đào tạo ra những con người với lương tâm và trách nhiệm trưởng thành.”

Tôi nghĩ rằng trọng tâm của vấn đề nằm ở đó. Hệ thống xã hội đã khiến dối trá trở thành nguyên tắc ứng xử có tính sống còn và hệ thống giáo dục đào tạo ra những con người vô trách nhiệm với bản thân và xã hội, không có khả năng suy nghĩ độc lập, mà chỉ biết sống theo, nói theo chỉ đạo của ai đó. Điều đó khiến cho cả hệ thống xã hội trượt dốc thê thảm, vì trong mọi ngành nghề, mọi lãnh vực xã hội, người ta đều cư xử dối trá và vô trách nhiệm. Nhìn vào xã hội Việt Nam hiện nay, ta không khó nhận ra hiện trạng thê thảm đó.

Trong một bối cảnh như thế thì thiết tưởng việc đặt vấn đề về lương tâm hay đạo đức nghề nghiệp là chuyện thừa thãi xa xỉ. Khi phần CON trong con người đã được vỗ béo tối đa, còn phần NGƯỜI bị bóp nghẹt hết mức, thì cái kiểu hùa theo đám đông, kiểu sủa theo bầy đàn có định hướng, có khoanh vùng đâu phải là chuyện gì khó hiểu.

Vụ việc Toà Khâm Sứ cũ và giáo xứ Thái Hà đã bước qua một giai đoạn mới, cũng sẽ không kém phần cam go và căng thẳng. Việc những ai đó đã không thể chia lô bán chác hai khu đất đã là thắng lợi bước đầu của người Công giáo Hà Nội. Thiết tưởng những ai đó nghĩ rằng vụ việc sẽ sớm kết thúc, là đã có cái nhìn hơi quá lạc quan. Nhưng mặt thật của một nhóm người dám làm mọi chuyện, bất chấp tất cả, đã dần dần lộ rõ.

Dù sao, qua hai vụ việc này, tôi thấy rằng giới Công giáo cũng là một tập thể đoàn kết và khá đông đảo. Vậy mà thời gian qua họ cũng chịu đủ mọi hình thức vu khống, khủng bố và đàn áp bỉ ổi của một chính quyền luôn nói tới pháp luật, nhưng lại cứ ngồi chồm hổm trên pháp luật. Thế thì những dân oan cô độc sẽ phải chịu những oan khiên và những trò bỉ ổi khủng khiếp đến mức nào trên con đường độc hành đi tìm công lí của họ?

Nếu phải tìm một cái tên cho những trò hề mà chính quyền Hà Nội đã diễn trong vụ Toà Khâm Sứ cũ và Thái Hà, tôi sẽ không ngần ngại gọi đó là SỰ ÁC, SỰ DỮ, đó là BỘ MẶT CỦA QUỈ DỮ.
 
Chính quyền VN chỉ giỏi “Khôn nhà dại chợ”!
Alfonso Hoàng Gia Bảo
14:19 28/09/2008
Chính quyền VN chỉ giỏi “Khôn nhà dại chợ”!

Sự căng thẳng trong tuần lễ 19-26/9 vừa qua về vụ Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà – Hà Nội là chưa từng có, nhưng vì liên quan đến tôn giáo nên đến cỡ đó chắc đã là đỉnh, bản thân nhà nước cũng không dám mạo hiểm hơn mà chỉ mong sao dẹp được đám đông giáo dân mà không gây đổ máu, với họ thế cũng đã là mừng lắm rồi. Vì thế “nhiệt độ” nay đang bắt dầu giảm dần, có thể một vài tuần nữa đâu sẽ lại vào đấy mặc dù vấn đề tồn tại với giáo hội thì đâu vẫn còn nguyên xi đấy!

Có người bảo Đời đã thắng Đạo trong vụ này. Nghĩ thế là do tầm nhìn của họ không thể vượt quá vài ngàn mét đất. Đấu tranh đòi CÔNG LÝ xưa nay chỉ có được mà không ai mất mát thêm – chỉ có thắng chứ không thể thua bao giờ. Chỉ riêng lá thư “Quan Điểm Của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Về Một Số Vấn Đề Trong Hoàn Cảnh Hiện Nay” được đồng loạt tất cả các nhà thờ trên cả nước phổ biến đến mọi tín hữu sau Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay 28/9/2008, tôi nghĩ đó đã là một chiến thắng, giáo hội đã tự vượt qua chính mình và chiến thắng sự sợ hãi.

Nhưng nếu có ai đó muốn biết vì sao đạo lại “bị thua”, Chúa và Đức Mẹ vì sao lại bị “lôi cổ” ra khỏi đất của nhà thờ? Thiết nghĩ cũng cần nói cho mọi người biết, sỡ dĩ thua là vì đụng phải một chính quyền “khôn nhà dại chợ” luôn quyết ăn thua đủ với dân.


-------------------

Tiếng Việt rất phong phú về ca dao, tục ngũ. Tôi nhớ lúc còn nhỏ vì hay nghịch ngợm nên thường xuyên bị bố mẹ la mắng, mà cái cách mấy cụ người Bắc dạy con cái thì ai từng ở Ông Tạ, Xóm Mới hay Hố Nai, Gia Kiệm chắc cũng đều biết, đòn roi là chỉ là chuyện nhỏ mà thơ văn đi cùng mới thật là đáng ngại, nghe các cụ “ngâm thơ” mà cảm thấy đau còn hơn cả ăn roi mây.

Lũ con trai hay quậy phá coi vậy mà còn được các cụ nương tay nên chỉ mắng yêu “cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng” hay “ở dưng không lành đâm đầu vào giành lại giẫy lung tung” nghe còn nhẹ nhàng, không như mấy cô con gái “điệu đà điệu đỡn” các cụ mà thấy gai mắt lên là thôi rồi! “Cái nết đánh chết cái đẹp” cô nào thấy chưa đủ “đô” thì đã sẵn có câu “gái ra khỏi nhà, cà ra khỏi vại” !!!

Cái gì cũng có thể thua con cháu nhưng riêng cái khoản “học ăn học nói, học gói học mở” qua ca dao tục ngữ, rõ ràng chúng ta chỉ đáng… “xách dép” cho các cụ. Chỉ bằng một mũi tên thôi các cụ khiến tới mấy con nhạn phải là đà, tám chữ “gái ra khỏi nhà, cà ra khỏi vại” mà vừa răn đe con cháu về “Công Dung Ngôn Hạnh” lại còn kiêm luôn cả chuyện dạy bếp núc, ngẫm nghĩ người xưa sao mà tài. Cà muối chưa dùng mà đem ra khỏi vại đúng là chẳng mấy chốc chúng đã bị thâm đen, nhìn hết muốn ăn!

Nay thì các cụ đa số đã về Nhà Chúa, chứ nếu các cụ còn sống xem tin tức về đạo qua VietCatholic thấy cái kiểu “đối nhân xử thế” đê tiện của quan chức cộng sản thời nay, thế nào các cụ cũng tặng cho họ cả thúng ca dao tục ngữ đem về mà suy gẫm.

Riêng tôi mỗi khi thấy cảnh công chức chèn ép dân lành trong nước, công an rượt đuổi bắt bớ các dân oan ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng (Hà Nội), dùng dùi cui và hơi cay với giáo dân Thái Hà tranh giành với người dân từng bức tường, từng mét đất, từng chút quyền lợi nhỏ v.v… tôi ước phải chi có cụ nào đó ở giáo xứ này dám vào tận cung quan triều đình nhìn thắng vào họ như Đức TGM, mà rằng “làm quan như chúng bay đúng là một lũ khôn nhà dại chợ chỉ giỏi bắt nạt dân nhưng khi ra ngoài làm ăn với thiên hạ chỉ toàn thấy từ “chết tới bị thương” ôm đầu máu chạy về cầu cứu tiền dân !!!

Các cụ đừng sợ bị họ buộc tội vu oan, nếu bị họ hoạnh họe căn cứ vào đâu mà nói thế, thì con xin cung cấp bằng chứng đầy đủ đây. Bỏ qua các phi vụ “chết vì thiếu hiểu biết” thời ông Nguyễn Văn Linh xa xưa khi đem vài triệu USD mồ hôi nước mắt của dân chúng “biếu không” cho Ấn Độ để rước về cái nhà máy dệt thổ… tả! (thay vì “thổ cẩm”, do lúc bấy giờ phe XHCN sắp rệu rạo nên Hà Nội mày mò sang làm bạn với khối “Không Liên Kết” do Ấn Độ lúc bấy giờ đang làm “chủ xị”) chỉ xin nêu ra 3 vụ mới gần đây, mà mỗi vụ là một bài học đau còn hơn bị bò đá, chuyện như sau:

1. Vụ HLV LeTard với bài học về “sự tác hại của luật rừng cộng sản” học phí sơ sơ mới hết có… hai trăm ngàn đô!

Cụ nào yêu thích bóng đá hẳn chưa thể quên vụ LĐBĐ Việt Nam phải trả móc hầu bao những 3 tỷ VND cho ông HLV Letard cuối năm 2004 vì bị thua kiện tại Tòa Án Trọng Tài Thể Thao Quốc Tế ở Thụy Sĩ. Nguyên nhân: LĐBĐ VN đem luật rừng ra buộc ông ta chấm dứt hợp đồng huấn luyện viên cho đội tuyển bóng đá quốc gia sau thành tích bết bát tại Seagames 22.

Chuyện đi ở đối với nghề HLV là rất bình thường, mặc dù vậy khi lỡ bị sa thải cũng đâu có HLV nào lại muốn nó ầm ĩ, “tốt khoe xấu che” mà. Hơn nữa với một nước có nền bóng đá còn yếu như VN không HLV nào lại nỡ làm chuyện “cạn tàu ráo máng” lúc ra đi. Nhưng cũng giống như chuyện dân oan đi đòi đất đai bị cướp bị nhà nước lôi cái Nghị Quyết 23/ QH11/2003 ra để noí chuyện, sự ngu xuẩn và cố chấp của các quan chức LĐBĐ VN đã buộc ông Letard phải làm đến nơi đến chốn vì danh dự cá nhân ông.

Đã thế khi đã biết HLV này đang kiện mình ra tới tòa án quốc tế Thụy Sĩ, các quan chức chứng nào tật nấy, coi như không có chuyện gì xảy ra thế mới biết đầu óc ấu trĩ của mấy ông tiến sĩ XHCN nặng tới cỡ nào. Thế rồi chuyện gì phải đến nó đã đến “…giữa tháng 10/2004, VFF đã choáng váng khi nhận phán quyết từ Toà án này, yêu cầu LĐBĐ Việt Nam đền bù 197.800 USD cho ông Letard vì đơn phương phá vỡ hợp đồng với lý do không chính đáng” (báo VietnamNet) đi kèm với quyết định này là bóng đá VN phải đối đầu với nguy cơ bị cấm tham gia các giải đấu trong khu vực ASEAN do AFF và FIFA áp đặt. Tới nước này thì chỉ còn chờ đêm hôm xuống, cha con VFF lặng lẽ thu gom tiền bạc sang nộp cho thiên hạ, nhưng điều đáng nói là 3 tỷ này không phải là tiền lương hay tiền nhà của các quan chức mà được lấy từ ngân sách của Liên Đoàn BĐ tức là của cả xã hội.

2. Vụ Vietnam Airlines với bài học về “phải chơi bằng luật quốc tế” học phí đã leo lên tới 5,2 triệu đô!

Đúng là “tiền nào của nấy” bài học này ly kỳ hấp dẫn hơn bài của ông Letard nhiều. Chuyện là vào năm 1991, VN Airlines thuê Công ty Falcomar (Ý) làm đại lý tại Ý. Công ty này thuê lại ông Maurizio Liberati thực hiện một số công việc cho Falcomar với tư cách đại diện cho VN Airlines, sau đó VN Airlines lại không có nhu cầu nên thôi. Nhưng thay vì phải lo thanh lý hợp đồng theo yêu cầu của công ty Falcomar thì VN Airlines lại đem luật rừng ra xài đặng “bỏ… nợ chạy lấy người” tưởng vậy là xong.

Nhưng “đi đêm ắt có lúc phải gặp ma” và lần này trời xui đất khiến họ gặp phải sư tổ nhà ma, Maurizio Liberati là chuyên gia chạy cò dịch vụ tầm cỡ quốc tế. Tay này nhận ra rằng VN Airlines là công ty nhà nước 100% và được điều hành bởi các đảng viên chẳng những không rành về luật lệ thương mại mà còn quen xài luật rừng ở trong nước qua cách nói chuyện rất kênh kiệu của bọn họ. Nếu để chuyện phá vỡ hợp đồng nếu diễn ra đúng luật hắn sẽ chẳng được là bao, vì thế phải giăng bẫy để đưa các “đỉnh cao trí tuệ” lọt vào, thời gian kéo dài càng lâu càng có lợi cho hắn.

Thế là sau lần khởi kiện đầu đầu vào ngày 1/11/1994 hắn liền quay sang chơi trò “mèo vờn chuột” với VN Airlines lúc cương lúc nhu khiến cho các “bố” nhà ta lại cũng lại giống như VFF tưởng không có chuyện gì là ầm ĩ, tưởng Tòa án Hỏa Lò vẫn là trên hết, cứ thế mà ăn ngủ ngon giấc. Chẳng mấy chốc 5-7 năm đã trôi qua, khi VN đang khao khát để được gia nhập WTO cũng là lúc Maurizio Liberati hiểu rằng thời cơ đã đến, bởi vì vào thời điểm này mọi scandal kinh tế đều rất bất lợi trong khi đang đàm phán với các nước, nhất là Mỹ khá là gay go nên VN sẽ phải lo giải quyết cho êm đẹp và nhanh chóng.

Thế là thông qua sự cho phép tương trợ pháp lý giữa các quốc gia thành viên trong khối EU, đầu năm 2004 toàn bộ hồ sơ vụ kiện được chuyển sang xét xử tại tòa án Paris nước Pháp vì chỉ có nơi này cơ sở của VN Airlines lớn nhất Châu Âu sau mấy chục năm kinh doanh nên có rất nhiều “tóc để túm” đúng như ông bà mình vẫn hay nói “túm thằng có tóc chứ chẳng ai túm đứa trọc đầu” như khi kiện họ ở Rome.

Cuối cùng Maurizio Liberati cũng đã túm mớ tóc dài của các quan chức VN Airlines trị giá những 5,2 triệu USD! Quả là một khoản tiền trong mơ mà nếu không nhờ duyên số đưa đẩy, không gặp những kẻ “khôn nhà dại chợ” từ Hà Nội sang chắc gì cả đời hắn đã kiếm nổi? Vụ này VN Airlines còn đáng được các cụ tặng thêm câu “thân lừa ưa nặng”, thay vì chỉ nộp phạt 90 ngàn USD nay phải trả tới 5,2 triệu euro, cao gần gấp 100 lần.

Đến lúc này dân chúng mới hay biết khi VN Airlines thấy không thể tự mình giải quyết và phải báo cáo thủ tướng chính phủ vì nguy cơ bị tích biên tài sản tại EU đang đến gần. Nhưng nếu Paris mà gần Ha Nội như Vientianne Lào tôi chắc VN Airlines vẫn chưa ngán đâu, không chừng còn đề nghị thủ tướng cho quân tràn qua biên giới dùng luật rừng để giải quyết vụ việc cũng nên? Ông bà ta hay bảo “vỏ quít dày có móng tay nhọn” là vậy, cái tên “Maurizio Liberati” chắc chắn sẽ còn ám ảnh ngành hàng không VN còn lâu, nhưng với các quan chức ngành khác thì chưa họ mới chỉ bắt đầu lọt tọt xách vở đi học rồi đây sẽ còn vô khối “em” phải đóng học phí. Nhưng bài học cuối cùng dưới đây mới đúng là nhục nhã và nhớ đời cho lũ quan “khôn nhà dại chợ” Hà Nội mà người thầy dạy họ chẳng phải ai xa lạ, mà là một Việt kiều ở Hà Lan, ông Trịnh Vĩnh Bình.

3. Vụ Trịnh Vĩnh Bình với bài dạy Hà Nội “làm người phải biết sống cho tử tế” trị giá những vài trăm triệu đô.

Trong bài viết “Trịnh Vĩnh Bình kiện nhà nước Việt Nam” của tác giả Trọng Kim trên tờ Ngày Nay (Houston-USA) tháng 11/2006 có viết về vụ này tóm tắt như sau:

”Đúng vào dịp Việt Nam vừa được nhận vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) thì vụ án Trịnh Vĩnh Bình kiện nhà nước Việt Nam trước tòa án quốc tế về đầu tư đòi bồi thường nhiều trăm triệu Mỹ kim (MK) sẽ đuợc đem ra xét xử tại thủ đô Thụy Điển vào đầu tháng 12 tới (2006), có thể gây nhiều bối rối cho Hà Nội nếu bị thất bại như đã từng thua kiện trong vụ Vietnam Airlines trước đây tại Paris. Ông Trịnh Vĩnh Bình, một công dân Hòa Lan gốc Việt, đã đem tiền về đầu tư ở Việt Nam, rất thành công nhưng sau đó đã bị thế lực công an hãm hại, bị án tù 11 năm và tịch thu hết tài sản trị giá khoảng 30 triệu MK. Thoát ra được ngoại quốc, ông đã thuê luật sư Mỹ đệ nạp đơn kiện Việt Nam chiếu theo điều khoản của Hiệp ước Song phương về đầu tư giữa Việt Nam và Hoà Lan (Nethreland) ký năm 1994.

Đơn kiện đã được cứu xét tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển căn cứ theo những qui luật trọng tài của Uỷ Ban Liên Hiệp Quốc về Luật Mậu Dịch Quốc Tế. Theo thông tin mà Ngày Nay được biết, thì phiên tòa quốc tế này sẽ họp từ 4 tới 12 tháng 12 để xét xử vụ trên và sẽ do ba thẩm phán điều hành gồm một thẩm phán người Thụy Điển, một thẩm phán gốc Mỹ và một gốc Pháp. …. Ba tuần trước khi vụ án khởi sự ở Thụy Điển, theo nguồn tin riêng của Ngày Nay cạnh vụ án thì số tiền tổ hợp Luật sư Mỹ của ông Bình ở Hoa Thịnh Đốn đưa ra trước tòa để đòi bồi thường đã lên tới con số gấp hai, ba con số được đưa ra hồi năm ngoái. Nguồn tin của Ngày Nay chỉ cho biết “ít lắm là 150 triệu MK trở lên” vì dựa trên những định giá mới của phía luật sư Mỹ đại diện cho ông Bình.
(hết trích)

Bấy nhiêu có lẽ cũng đã đủ nói lên tầm cỡ của vụ việc và nó đã khiến chính quyền VN phải thu xếp “đi đêm” với ông Bình để bằng mọi giá hủy bỏ phiên tòa này, nếu để nó diễn trong bối cảnh chuẩn bị gia nhập WTO, VN là chủ nhà của APEC sẽ rất bất lợi vì thế nó đã kết thúc trong bóng tối giống hệt như những gì cộng sản vẫn làm xưa nay, vì đó là bản chất của họ.

Việc chọn thời điểm ngay cuối năm 2006 để đưa vụ việc ra tòa chắc chắn ông Bình cũng đã học được ở Maurizio Liberati trong vụ VN Airlines nhiều điều bổ ích, nên chỉ cần một chiêu duy nhất những kẻ từng gây khổ cho ông năm xưa nay phải quay sang quị lụy ông ngay tức khắc. Về khoản tiền bồi thường, khi các nhà báo hỏi ông Trịnh Vĩnh Bình đã từ chối khéo nhưng ai cũng biết lý do im lặng là ĐỂ GIỮ ĐÚNG LỜI HỨA với nhà nước VN, mặc dù muốn chơi khăm họ ông ta có thể nuốt lời như họ từng nhiều phen với dân chúng trong nước.

Nhưng chính qua sự từ chối ấy ông ta đã dạy thêm cho “nhà cầm quần” Hà Nội bài học ngoài chuyện bị đau vì tiền nong thua kiện “LÀM NGƯỜI THÌ PHẢI SỐNG SAO CHO TỬ TẾ” nói thế nào thì phải làm đúng như vậy. Là nhà cầm quyền càng cần phải giữ chữ tín với người dân hơn “CHỚ CÓ BAO GIỜ NÓI MỘT ĐẰNG LÀM MỘT NẺO”.

Kết luận

Vì là ca dao, tục ngữ nên các cụ xưa phải làm sao cho nó ngắn gọn để mọi người dễ nhớ, nói một cách đầy đủ thì chữ “khôn” trong câu này phải hiểu nó là “khôn lanh” cái loại khôn quỷ quyệt của những con người gian xảo mà không phải là sự “khôn ngoan” như những con nhà đàng hoàng được giáo dục hẳn họi.

Những chuyện “lật lọng của phe cộng sản” khi họ ký kết hay hứa hẹn một điều gì đó cũng từ cái sự “khôn lỏi ” này mà ra. Từ hiệp định Genève 1954 cho đến Paris 1973, từ các Công Ước Quốc Tế Liên Hiệp Quốc về nhân quyền v.v… nhìn lại lịch sử cộng sản Hà Nội ký bao nhiêu hiệp định là bấy nhiêu bội ước.

Về cái sự “khôn nhà dại chợ” của chính quyền cộng sản thì chẳng phải là điều gì mới mẻ. Ngay từ những năm 1930 ông Hồ Chí Minh đã tự nguyện vác dân tộc ra làm bia đỡ đạn cho chủ nghĩa cộng sản ở vùng Đông Nam Á trước súng đạn của thế giới tự do rồi. Đến lúc lập ra nhà nước VN-DCCH ông Phạm Văn Đồng lại “dại chợ” khi ký công hàm tự nguyện ký dâng cho Trung Cộng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào ngày 14/9/1958.

Qua mấy vụ việc nêu trên chúng ta thấy rằng, hiện nay chỉ có luật pháp quốc tế mới trị nổi đảng cầm quyền quen xài “luật rừng” như họ. Cái giá phải trả cho bài học sau đắt hơn bài trước. Thế mới biết số phận của những hạng “khôn nhà dại chợ” là vậy, chỉ giỏi bắt nạt dân trong nước nhưng khi đối đáp với thiên hạ lại chẳng bằng được ai bao giờ.

Tham khảo:

http://www.vnexpress.net/GL/The-thao/2005/01/3B9DA3C5/

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=142004&ChannelID=3

http://tiengnoitudodanchu.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2832
 
Nhà nước trả lời tiếp
Đinh Phan
14:26 28/09/2008
Nhà nước trả lời tiếp

Đảng tao chính đảng mặt mo
Mặt mo, tao chả cần gì phải che
Dân trong nước đã hiểu mà
Nước ngoài thời cũng nhận ra điều này
Đảng tao chính sách hẳn hoi
Giành, giựt, cướp, lột chẳng sai.. .rành rành
Thành ra tao phải hưởng nhanh
"Bác" tao tên gọi cáo ranh đấy kìa
Bẩn thêm, bẩn nữa... ngại gì!!!

Hà Nội 29/9/08
 
Nguyện Cầu Cho Thái Hà và Tòa Khâm Sứ Hà Nội
Tuyết Mai
14:28 28/09/2008
Nguyện Cầu Cho Thái Hà và Tòa Khâm Sứ Hà Nội

Mẹ Maria Hiền Mẫu của chúng con ơi!
Trên tòa cao Mẹ có nhìn thấy chúng con không?
Chúng con là một trong những nghìn người,
Cùng hợp nhau lại, ngày lại ngày, ra đây đứng yên,
Trong tư thế nghe ngóng và chờ đợi!
Không quản ngại dù chúng con có phải đứng đây rất lâu,
Dù có phải đứng dưới trời đang trong cơn mưa gió.

Mẹ có thấy chúng con ngày nào cũng chạy đến đây với Mẹ,
Cũng có mặt cùng với anh chị em chúng con,
Đọc kinh, cầu nguyện, và ca hát,
Tiếp tục chờ đợi.. .. cho cùng một nguyện vọng.. ..
Rồi lại trở về,
Bỏ mặc quên cả chuyện chúng con phải buôn bán,
Phải làm việc có đủ tiền để nuôi một đàn con.

Mẹ Maria Hiền Mẫu của chúng con ơi!
Con hỏi là hỏi Mẹ vậy, chứ con nào không biết,
Mẹ đã thấy thật rõ tấm lòng và sự ao ước,
Của từng đứa con của Mẹ, là tất cả chúng con đây,
Là học trò con nhà nghèo nhưng rất ngoan,
Là bà già, ông già, một chữ cắn đôi cũng không biết,
Nhưng không kinh nào mà ông bà không thuộc,
Là sơ già, sơ trẻ, cha già, cha trẻ,
Cùng các tu sinh nam nữ rất hăng say, tha thiết,
Công việc Nhà Chúa.

Là nhân công nghèo tại công xưởng,
Tại quán, chợ, và tất cả những người bán hàng rong,
Khắp mọi nơi mọi chỗ.. ..
Đã không nề hà bỏ công, bỏ việc, và thời giờ,
Cùng hiệp nhau dâng lên Chúa và Mẹ những lời kinh nguyện,
Cùng hiệp nhất cho một ước nguyện,
Cho nước Việt Nam sớm có tự do, công lý, và hòa bình.

Mẹ Maria ơi!
Chúng con xin được làm ngọn nến,
Đốt sáng lên ánh lửa của yêu thương,
Cầu bình an cho khắp nơi trên đất Việt,
Để hạnh phúc được tưới gội khắp nẻo khắp nơi.

Ước mong tất cả con của Mẹ luôn sống với nhau,
Đối xử với nhau trong sự thuận hòa,
Biết quan tâm, lo lắng, và chia sẻ,
Biết khuyên nhủ lẫn nhau không nên chia rẽ,
Biết luôn sống kết hiệp trong tình Chúa Giêsu Kitô.

Mẹ ơi!.. ..
Nếu một ngọn nến leo lắt của con thì thật yếu ớt,
Nhưng Mẹ nhìn kìa chung quanh con,
Là cả hàng ngàn ngọn nến như thế nữa!
Lấp lánh chiếu trên Mẹ như muôn ngàn ánh sao đêm.

Chiếu sáng được khắp cả một góc trời,
Và cả một vùng đất mà mọi ngọn nến,
Đã được bừng thắp sáng lên,
Chiếu sáng cả khuôn mặt thật dịu hiền,
Cả thân hình kiều diễm của Mẹ,
Cũng lấp lánh sáng rạng ngời Mẹ ơi!

Một ngọn nến cỏn con, của con, được bắt đầu.. ..
Thắp sáng lên để dâng lời xin cùng Mẹ,
Cho dân Việt sớm có ngày bình yên,
Hai ngọn nến thắp sáng thêm xin dâng lên Tòa Mẹ,
Cùng triệu triệu ngọn nến khác,
Được thắp sáng lên ở khắp cùng mọi nơi,
Trên toàn thể địa cầu,
Hiệp thông dâng lên Mẹ xin được che chở,
Ủi an, ban cho chúng con một phép lạ,
Đem thanh bình cho quê hương yêu dấu của chúng con,

Không còn cộng sản, không còn cộng thù,
Không còn áp bức, không còn kềm kẹp,
Không còn dùi cui, roi sắt, gậy gộc,
Không còn rào kẽm gai phân chia nam bắc,
Không còn rào kẽm gai phân chia tôn giáo,
Không còn rào kẽm gai phân chia giầu nghèo,
Không còn rào kẽm gai phân chia nam hay nữ,
Không còn mọi tội ác, không còn chiến tranh,
Không còn và không còn.. ..

Tất cả mọi sự ác sẽ được biến đi,
Chỉ còn là yêu thương, là chia sẻ, là đùm bọc,
Lo lắng quan tâm cho nhau như một đại gia đình,
Là anh em là con cùng một Chúa Cha trên Thiên Quốc.

Để ngày sau hết chúng con cùng được,
Sống với Ba Ngôi Thiên Chúa, Mẹ Maria hiền mẫu,
Cùng tất cả các Thiên Thần, các Thánh, các Đạo Binh,
Cùng cả Triều Thần Thiên Quốc, hạnh phúc miên viễn,
Muôn đời, và vô cùng, Amen.
 
Giáo Lương cùng cầu nguyện cho Công lý
Lê Dân Việt
14:40 28/09/2008
GIÁO LƯƠNG CÙNG CẦU NGUYỆN CÔNG LÝ

Cầu nguyện trên khắp nẻo đường
Mênh mông nhưng chỉ một đường mà thôi
Công lý chung sức giúp đời
Tùy cơ ứng biến, kêu mời trị ma

Muốn cho cộng sản thuận ta
Toàn dân phải quyết xông pha một lòng
Giáo lương thống nhất chung lòng
Không còn những cảnh, ngoài vòng như xưa

Chống cộng không thể dây dưa
Công lý chưa đến, ta chưa về nhà
Giáo lương trị lũ gian tà
Tùy cơ ứng biến, trừ mà được ngay

Các đạo chung sức góp tay
Chung lưng đoàn kết, trừ ngay được tà
Quê hương ta vốn ngọc ngà
Cộng đem dâng cả, nước nhà cho Trung

Để rồi chúng nó ung dung
Trị dân như lũ quân hung điên rồ
Đấu tranh đối mặt côn đồ
Giáo lương đừng để quân Hồ chia nhau

Một lòng kiên vững trước sau
Dù cho có phải, khổ đau tơi bời
Dựa vào vận nước cơ trời
Dương cờ công lý, kêu mời đấu tranh

Làm sao khử lũ gian manh
Làm sao trị lũ hỗn danh điên cuồng
Gian ác chúng cả một tuồng
Phá tan đạo giáo, một luồng chó điên

Giáo lương hướng tới siêu nhiên
Cùng nhau cầu nguyện, Phật, Tiên cứu đời
Mong cho đất nước sáng ngời
Mong cho tổ quốc, hết thời nhiễu nhương

Con đường công lý thơm hương
Xây dựng đất nước, giáo lương đồng hành
Khó khăn gian khổ cũng đành
Giáo lương cũng phải trung thành với nhau

Cho dù có lắm khổ đau
Cũng mong đóng góp, trước sau một lòng.

XIN CẦU NGUYỆN CHO CÔNG LÝ

Giáo dân thế giới hướng Tòa Khâm
Con Chiên khắp nơi hướng Thái Hà
Hiệp thông cầu nguyện khắp gần xa
Bày tỏ tâm tình trong liên đới

Vì chưng tất cả cùng một cha
Bằng những câu kinh, hát thánh ca
Xin cho Tòa Khâm tìm công lý
Xin Chúa Thái Hà ban hòa bình

Để cho đoàn chiên hết lao đao
Cho tượng Chúa, Mẹ không hư hao
Tuôn đổ hồng ân xuống dồi dào
Công lý về đây xây dựng nên

Lửa đốt niềm tin lên rực sáng
Dù cho đau khổ cứ dâng trào
Quyết tâm nương Mẹ để cầu xin
Hòa bình, công lý mau ngự trị

Trên khắp nẻo đường, trời Việt Nam
Công bằng, chân lý trổ hoa thơm
Hạnh phúc chan hòa dân vui sướng
Thái Hà, Tòa Khâm sáng tin yêu

LUẬT RỪNG CAI TRỊ

Cường quyền cứ đày dân bất chấp
Cứ thông tin lấp liếm trước sau
Phải trái không biết ở đâu?
Vì đảng đem luật “rừng sâu” ra dùng

Đòi công lý coi như lãnh đủ!
Với dã tâm quỉ dữ lưu manh
Dựa vào quyền thế lộng hành
Phá Tòa Khâm, cho tất cả tan tành

Chứng cớ ngang ngược đảng ta
Sùng sục như chó cắn tha
Hành xử lỗ mãng, quỉ ma điên rồ
Roi điện chúng quất tha hồ

Quân khuyển ức hiếp, dọa nồ giáo dân
Hơi cay xử dụng bất nhân
Báo đài ra rả chửi dân của mình
Giáo dân chỉ biết lặng thinh

Cúi xin Mẹ, Chúa thương tình giúp cho
Xua tan bè lũ côn đồ
Cướp nhà, cướp của, dọa nồ, tống giam
Lãnh đạo cả nước gian tham

Hở ra chúng bắt, bắt giam bỏ tù
Lại bưng bưng đít Tàu phù
Bán buôn đất nước lu bù xót xa
Dâng luôn biển đất ông cha

Cho Tàu –Trung Cộng, thối tha lạy thờ
Chế độ gì? chỉ hại người ngay
Tống dân ra chỗ ăn mày
Để đảng chiếm hết đất này, độc tôn

Dân đòi, mở miệng du côn
Lật lọng, tráo trở, lộng ngôn cả bày
Chế độ gian ác bậc thầy
Đày cho dân khổ, ngày ngày bơ vơ

Ôi thôi! Chế độ bẩn nhơ
Cạn tàu ráo máng, bợn nhơ vô cùng
 
SlideShow: Cầu Nguyện cho Công lý và Hòa bình được thễ hiện trên quê hương Việt Nam
Hà Phượng
15:00 28/09/2008
SlideShow: Cầu Nguyện cho Công lý và Hòa bình được thễ hiện trên quê hương Việt Nam. Hình ảnh trình bầy qua bài ca "Gieo Vui" do Ca Đoàn Thiên Cung trình bầy.
 
Cộng Đoàn Công Giáo Na-Uy cầu nguyện hướng về Tổng giáo phận Hà Nội
Nhân Tín
17:40 28/09/2008
OSLO, Nauy - Bắt đầu từ 17g00 ngày 27/09-2008 đã thấy từng tốp người kéo về Thánh Đường Giuse tại Oslo, tuy rằng trong chương trình đã đưọc thông báo trên trang web của cộng đoàn www.mucvu.no buổi cầu nguyện hướng về Tổng Giáo Phận Hà Nội sẽ bắt đầu lúc 18g00. Chỉ sau 30 phút đã có rất đông giáo dân với những tâm trạng buồn lo lẫn lộn, mỗi người thinh lặng cầm 1 cây nến và tiến lên phía Bàn Thánh, họ đốt nến và âm thầm đặt xuống rồi kiếm chỗ ngồi. Đoàn người cứ vẫn tiếp tục gia tăng, và cho đến khi chương trình được bắt đầu vào lúc 18g00, thì giáo dân đã đông nghẹt. Ngôi Thánh Đường Giuse đã không còn đủ chỗ ngồi cho mọi người, và giáo dân phải đứng tràn ra phía sau và lối đi vào để cùng hiệp thông trong buổi cầu nguyện chiều nay.

Buổi cầu nguyện hiệp thông với Tổng Giáo Phận Hà Nội, và Giáo Xứ Thái Hà được bắt đầu đúng 18g00 như chương trình đã đặt ra. Để cùng hiệp thông với Tổng Giáo Phận Hà Nội và cũng để nâng đỡ tình thần giáo dân Viẽt Nam đang cư ngụ trong địa phận Oslo, Đức Giám Mục Bernt Eidsvig cũng đã đến cầu nguyện chung với cộng đoàn, ngoài ra còn có rất nhiều các linh mục, tu sỹ Việt Nam đang phục vụ tại Nauy cũng như những tu sỹ trong địa phận như dòng Guise, Katarina, dòng MTG cùng một số đại diện các tôn giáo bạn cũng như các hội đoàn khác.

Buổi cầu nguyện được bắt đầu bằng lời dẫn nhập do cha tuyên úy của cộng đoàn, sau một phút thinh lặng cả cộng đoàn cùng nhau hát bài Chúa là Chân Thiện Mỹ, sau bài Tin Mừng cả cộng đoàn cùng thinh lặng để nghe trọn vẹn lời phát biểu của ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt trong buổi họp với UBNDTPHN ngày 20/09-2008 mà đã được trực tiếp ghi âm lại, trọn vẹn bài phát biểu của ĐTGM cho thấy rõ ràng sự dối trá, bóp méo sự thật mà CSVN đã dùng những phương tiện tryền thông một chiều nhằm mục đích kích động người dân trong cũng như ngoài nước chống lại ĐTGM mà nhiều người Việt hải ngoại đã từng nghe, xem thấy trên đài VTV4, và các báo chí của CSVN. Kế đến, lá thư bày tỏ quan điểm của HĐGM Việt Nam cũng được đọc lên cho giáo dân thấy lập trường của GH Việt Nam, cuối cùng Bản Lên Tiếng của các LM Việt Nam tại Nauy cũng đã được đọc trong buổi cầu nguyện chiều hôm nay để tất cả cùng nghe và biết rõ lập trường của các LM cũng như giáo dân tại đây

Tuy cố gắng để rút ngắn thời gian nhưng buổi cầu nguyện cũng không thể kết thúc lúc khi đã qúa 19g00, ĐGM đã ban phép lành những người tham dự trước khi ra về. Mọi người cũng đã đồng lòng ký tên vào kiến nghị thư của các linh mục và giáo dân trên toàn quốc Nauy gởi lên chính phủ Nauy.
 
Cộng Đoàn CGVN vùng Đông Bắc Đức cầu nguyện cho Thái Hà và Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Văn Lộc
20:01 28/09/2008
Cộng Đoàn CGVN vùng Đông Bắc Đức cầu nguyện cho Thái Hà và Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

"Tông đồ giáo dân cũng là một lối dấn thân, nhưng các hoạt động rất đáng khen ấy không làm cho con khỏi dấn thân phục vụ anh em trong các việc trần thế nơi mà Chúa Quan Phòng đặt để con." (ĐHV câu 627)

Đức GM Hans-Jochen Jaschke dâng lễ cầu nguyện cho TGP Hà nội

Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại thành phố cảng Hamburg miền Đông Bắc Đức với những bức xúc về tình hình giáo hội quê nhà trong những ngày qua, luôn luôn theo dõi tin tức về Thái Hà và Tòa Khâm Sứ cũng như sự an nguy của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, đã nhận rõ chính quyền Công Sản Việt Nam bất chấp luật pháp Việt Nam và công pháp quốc tế, chà đạp lên đòi hỏi chính đáng của Giáo Hội quê nhà, ĐÒI lại những gì của Giáo Hội mà chính quyền manh tâm chiếm đoạt từ nhiều năm qua, để chia chác bên trong cho nhau. Họ đã dùng "luật rừng“ với các phương cách đê tiện như thuê du đãng côn đồ để hành hung giáo dân, dùng phương tiện truyền thông đưa tin một chiều, dối trá, bịa đặt vu khống, đúng là họ đang chơi trò „vú cả lấp miệng em“ để đàn áp Giáo Hội VN.

Bên trong thì dùng „luật rừng“ bên ngoài thì muốn lừa gạt thế giới qua hình ảnh Việt Nam là một quốc gia pháp quyền. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam qua vụ Thái Hà và Toà Khâm Sứ đã hé mở cánh cửa của nạn cướp đất. Giáo hội đã can đảm đứng lên đòi lại công lý cho nhân dân, chuyện đòi lại tài sản của Giáo Hội là tất yếu nhưng thiết tưởng là chuyện nhỏ, chính yếu là Giáo hội đã lột được mặt nạ che dấu của một chế độ chuyên dùng luật pháp để bao che cho cán bộ nhà nước cướp đất của người dân lành vô tội để làm giàu cho riêng cá nhân mình. Chúng càng điên cuồng lồng lộn tại Thái Hà và TKS, càng lòi bộ mặt thật gian tham của chính mình.

Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hamburg luôn yêu thương và gắn bó với Giáo Hội quê nhà, CĐ không ngồi yên đứng nhìn, đang đồng hành cùng Giáo Hội quê nhà, đã đang và sẽ tiếp tay với Thái Hà và Địa Phận Hà Nội trong việc đòi hỏi CÔNG LÝ cho mọi người không phân biệt ai.

Để hiệp thông với Giáo Hôi quê nhà Cộng Đoàn Công Giáo Hamburg, thứ bảy 27.09.2008 vừa qua đã tham dự ngày lễ hội Ngoại Kiều quốc tế hàng năm tại quận Quicborn thuộc Tổng GP Hamburg với sự hiện diện của Đức Giám Mục Phó Hans-Jochen Jaschke và hàng ngàn người dân địa phương cũng như nhiều sắc dân Ba Lan, Ái Nhĩ Lan, Croatia, Á Rập, Đan Mạch, Philippin, Việt Nam, Boề Đào Nha, v.v... Trong thánh lễ cha tuyên úy Phạm Văn Tuấn đã trình bày cho mọi người biết tình trạng an nguy của Tổng GP Hà nội trong giây phút này, nhất là sinh mạng của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đang bị đe dọa. Một lời cầu nguyện bằng tiếng Đức đã được đọc lên cho GP Hà Nội trong thánh lễ:

Lieber Gott,
stärke die katholische Kirche Vietnams und stehe ihr in den schweren Stunden der Verfolgung und Verleumdung bei. Beschütz insbesondere den Erzbischof Ngo Quang Kiet von Ha Noi und seine Priester, die unter Bedrohung vietnamesischer Regierung leben müssen.
Schenk Ihnen Kraft und Ausdauer, damit sie sich für die Glaubensfreiheit weiter einsetzen können. Lass uns vietnamesische Katholiken auf der ganzen Welt der katholischen Kirche Vietnams treu bleiben und sie aus der Ferne solidarisch unterstützen.
Gott unser Vater!


Sau thánh lễ Cộng Đoàn VN đã trưng bày nhiều hình ảnh và tài liệu bằng tiếng Đức nói lên sự đàn áp của chính quyền CSVN với Giáo Hội Công Giáo. Đặc biệt là có nhiều giới trẻ Đức đã tự động mang giấy đi xin chữ ký giùm cho Cộng Đoàn để ủng hộ Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt vì họ đã hiểu rõ chân tướng của chính quyền CSVN sau khi nghe giải thích, thật là cảm động. Sự thật hiển nhiên các giáo dân thuộc nước Ba Lan, Croatia không cần phải giải thích là đặt bút ký tên ngay. Họ cho biết là họ có quá nhiều kinh nghiệm đau thương với cộng sản Đông Âu. Hơn 300 chữ ký đã được thu thập trong ngày hôm nay, kể cả chữ ký của Đức giám mục.

Hôm sau, ngày Chúa nhật 28.09.2008 một thánh lễ đã được tổ chức tại thánh đường St. Joseph Wandsbek-Hamburg để cầu nguyện và hiệp thông với Giáo Hội Việt Nam. Trong thánh lễ Lm. Tuyên Úy đã chiếu một phim về hình ảnh các cuộc cầu nguyện bất bạo động tại Thái Hà và Tòa Khâm Sứ trong những ngày qua. Các hình ảnh kèm theo tiếng hát „…Ai gieo trong lệ sẽ gặt trong vui, người vừa đi vừa khóc. Môi sẽ cất tiếng cười… Ai gieo trong lệ sẽ gặt trong vui“ của bài Gieo Vui đã làm nhiều giáo dân rơi lệ. Sau thánh lễ nhiều người lại ký thêm vào bảng thỉnh nguyện thư gửi lên chính quyền Đức, qua nữ thủ tướng Dr. Angela Merkel.

Giáo hội Việt Nam ơi! Can đảm lên vì chúng con còn đây, những giáo dân Việt Nam nơi xa xôi Hamburg - Đức quốc này sẽ luôn đồng hành cùng với Giáo Hội Việt Nam quê mẹ, với Đức Tổng, với Thái Hà.

Tự do tôn giáo là "QUYỀN", chứ không phải là cái "XIN-CHO".
 
Cái được, cái mất
Mai Hạnh
20:23 28/09/2008
CÁI ĐƯỢC, CÁI MẤT

Giáo Hội Việt Nam được những gì hoặc mất những gì ? Tôi nghĩ Giáo Hội Việt Nam không mất cái gì, hoặc nếu có mất chỉ mất những cái không thuộc về mình ( xem kinh Hòa bình mà Giáo Hội đã hát suốt dọc hành trình đòi công lý của mình ), những đã được, được rất nhiều, được cả những cái mà trong quá khứ ngỡ tưởng là mất.

Được tình thương và sự hiệp thông.

Trong suốt tháng qua, bao nhiêu những hoạt động khắp mọi nơi, trong nước cũng như ngoài nước bày tỏ tình thương và lòng hiệp thông trong Hội Thánh. Khắp nơi đốt nến để cầu nguyện, bên cạnh lời cầu nguyện cho nền công lý và hòa bình, các cộng đoàn dân Chúa đã cầu nguyện cho những giáo sĩ và giáo dân đang phải đối đầu với thử thách.

Trong nước đã đành, tôi đã không cầm được nước mắt khi những người bạn ở nước ngoài gọi điện về, trong nước mắt nghẹn ngào bày tỏ lòng thương yêu và lo lắng cho Hội Thánh quê nhà.

Sự hiệp thông đã không còn chỉ trong các cộng đoàn Công giáo, nhưng đã có những lời nguyện ngắn ngủi khi một nhóm bạn bè không cùng tôn giáo ngồi bàn luận với nhau về chuyện Tòa Khâm Sứ – Thái Hà. Tôi biết ít nhất là tại Paris ( Pháp ), tại Frankfurt ( Đức ), tại Cali ( Hoa Kỳ ) đã tổ chức cầu nguyện liên tôn cho Tòa Khâm Sứ – Thái Hà, Hà Nội.

Chưa bao giờ các vị Giám mục Việt Nam bày tỏ tình thương và sự hiệp nhất với nhau cao độ như lần này, những thông tin lọt ra từ cuộc họp thường niên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ở Xuân Lộc trong tuần vừa qua đã cho thấy điều đó.

Được thi hành vai trò Ngôn sứ.

• Nói sự thật.

Thái Hà thắp nến đêm 28/9 (Ảnh Nguyễn H Vinh)
Quyền tự do tôn giáo và tự do bày tỏ tín ngưỡng của mình là quyền căn bản của con người, từ nay chấm dứt lời cám ơn xu nịnh thường thấy trong các thánh lễ đặc biệt: “Cám ơn chính quyền các cấp đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chúng tôi được tổ chức thánh lễ này”. Người tín hữu công giáo đã trưởng thành trong suy nghĩ và cả trong hành động, tự do tôn giáo và tự do bày tỏ tín ngưỡng là quyền của mình, không phải là ân huệ của bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào. Người dân Việt cũng đã hiểu rằng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hành đạo là trách nhiệm của chính quyền, bởi chính quyền nhận tiền thuế của dân để làm việc.

• Lên tiếng cho sự công bằng:

Nói cho những con người bị oan sai, bị chà đạp, bị khủng bố, bị loại trừ, bị đối xử bất công, bị kết án vô căn cứ, … Chỉ ra rằng trong xã hội có những thành phần bất hảo, đã thu vén lợi nhuận trên mạng sống của nhân dân. Cần phải trả lại sự công bằng vốn dĩ phải có cho người dân.

• Chiến đấu cho sự trong sáng:

Bày tỏ mạnh mẽ trước những gian dối, những hành vi bóp méo sự thật, bịa đặt, vu khống. Đòi hỏi sự trung thực, trong sáng và lương thiện. Cần phải thay đổi học thuyết và sứ mạng về giáo dục để đào tạo những tâm hồn trong sáng trung thực

Được bày tỏ sức mạnh quyền năng của Thiên Chúa.

Khi sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ, mọi hậu quả trước quyền lực, minh chứng đượcsự tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Không cậy dựa vào bất cứ điều gì của thế gian, không thỏa hiệp để tìm sự an toàn hèn nhát.

Được thoát khỏi bầu khí sợ hãi.

Thái Hà thắp nến đêm 28/9 (Ảnh Nguyễn H Vinh)
Phá vỡ bầu khi sợ hãi bao bọc quanh cuộc sống qua bao nhiêu năm tháng, bầu khi này đã làm thui chột đi bao nhiêu tầm hồn tốt lành, và đã hằn bao nhiêu vết thương trong rất nhiều tâm hồn đau khổ cam chịu.

Người công giáo đã dám bước ra khỏi bầu khi sợ hãi đó để đối diện với sự thật. Một cái bước vĩ đại kéo theo cả một bước đi của dân tộc ra khỏi đêm dài sợ hãi bao trùm rất nhiều năm tháng trên mảnh đất này.

Trong quá khứ, có những hành động lẻ loi, manh mún, cô độc dẫu rất hào hùng, lần đầu tiên, một vị lãnh đạo cao cấp của tôn giáo ( cùng với sự hiệp nhất của cả một hội đồng lãnh đạo tôn giáo ), một tập thể giáo sĩ tinh nhuệ của tôn giáo và một tập thể tín hữu đông đảo của tôn giáo cùng với sự nhất trí của đông đảo nhân dân cầm tay nhau bước ra khỏi sự sợ hãi. Từ nay sợ hãi không còn là bước cản của sự sống con người nữa.

Trang sử Việt nam đã được lật qua, như qui luật tất nhiên của xã hội loài người, tôn giáo từ nay sẽ được đóng đúng vai trò của mình trong xã hội Việt Nam, đó là gìn giữ và xây dựng một nền đạo đức con người, trong đó yêu thương thay thế cho thù hận, công bằng thay thế cho bất công, trong sáng trung thực thay thế cho xảo trá gian tà, công lý thay thế cho bạo tàn khủng bố. Tôn giáo không làm chính trị, nhưng không đứng bên lề xã hội mà phải soi sáng cho bước đi của con người.

Chúc mừng một bước tiến vĩ đại và hào hùng của nhân dân Việt Nam.

28/9/2008
 
Ông Nguyễn Thế Thảo chơi ''Luật Rừng''!
Ls Đoàn Minh
20:36 28/09/2008
ÔNG NGUYỄN THẾ THẢO CHƠI LUẬT RỪNG

Theo Luật pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam:

(i) Cảnh cáo
là hình phạt chính quy định tại Điều 28 và Điều 29 Bộ luật hình sự. Cảnh cáo phải do một bản án có hiệu lực của một Tòa án có thẩm quyền kết tội (Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự);

(ii) Cảnh cáo là hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức theo quy định tại Điều 30 Pháp lệnh Cán bộ, Công chức. Việc kỷ luật đối với Cán bộ, Công chức phải được Hội đồng kỷ luật xem xét, đề nghị và Quyết định xử lý kỷ luật, phải do người có thẩm quyền ký theo đúng quy định của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ;

(iii) Cảnh cáo là hình thức xử phạt chính theo Điều 12 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Quyết định xử phạt (cho dù là áp dụng thủ tục xử phạt đơn giản theo Điều 54 của Pháp lệnh - tức người có thẩm quyền xử phạt không lập Biên bản và ra Quyết định xử phạt tại chỗ) cũng phải thể hiện bằng văn bản theo mẫu quy định (khoản 2 Điều 19 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ). Theo đó, Nghị định số 134/2003/NĐ-CP đã ban hành kèm theo mẫu Quyết định số 05 là Quyết định xử phạt vi phạm bằng hình thức phạt cảnh cáo về… theo thủ tục đơn giản.

Như vậy, ông Nguyễn Thế Thảo không phải là Tòa án; không có quan hệ cán bộ - công chức với Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt và các linh mục, tu sĩ nhà thờ Thái Hà; lại cũng không ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt cảnh cáo mà lại ra Văn bản cảnh cáo (Nguyên văn của văn bản số 1437/UBND-NC ngày 23/9/2008 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam ghi “Do vậy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 1370/UNBD-TNMT ngày 21/9/2008 cảnh cáo ông Ngô Quang Kiệt TGM giáo phận Hà Nội và văn bản số 1407/UBND-NC ngày 22/9/2008 cảnh cáo ông Vũ Khởi Phụng - LM Chánh xứ Thái Hà và các ông Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Ngọc Nam Phong”) thì rõ là ông Thảo đã chơi luật rừng.

Chưa kể theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP, nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính là: “cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính được quy định cụ thể trong các văn bản luật của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị định của Chính phủ. Các văn bản do Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, UBND ban hành để chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện xử lý vi phạm hành chính và hình thức, mức xử phạt”.

Ông Thảo còn chơi luật rừng nặng hơn nữa khi yêu cầu “thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của các vị này ra khỏi giáo phận Hà Nội” . Bởi tôi không biết về Giáo luật, nhưng về Luật cư trú (có hiệu lực từ 1/7/2007) Điều 3 quy định rõ: “Công dân có quyền tự do cư trú…” và “cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú và tạm trú” (Điều 1). Công dân có “Quyền lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình…” (khoản 1 Điều 9). Cuối cùng, “Quyền tự do cư trú của công dân theo Quyết định của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định” (Điều 3). Và chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền áp dụng hình phạt cấm cư trú (theo khoản 2 Điều 10).

Rõ ràng ông Thảo đã chơi luật rừng, còn nếu không thì ông Thảo đã vi phạm pháp luật về nơi cư trú, hạn chế quyền tự do cư trú của công dân. Nghiêm trọng hơn, ông Thảo đã phạm vào các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 8 Luật cư trú là: “tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú khi yêu cầu Hội đồng Giám mục Việt Nam thuyên chuyển các vị này ra khỏi Giáo phận Hà Nội.

Viết tới đây, tôi chợt nghĩ thế sao Đức Tổng và các Cha không đi kiện ông Thảo nhỉ? Nhưng ngay sau đó, tôi lại tự trả lời: chắc là về phía Đức Tổng và các Cha thì đã “xin tha cho họ, vì họ chẳng biết việc họ làm” và chắc là “chẳng dại gì dây với hủi”. Còn về phía nhà nước thì chỉ giải quyết các vụ việc “nhân danh nước CHXHCNVN”, còn kiện ông Thảo chơi luật rừng thì sao mà xử??? Chẳng lẽ lại áp dụng “nhân danh luật rừng”???
 
Giáo xứ Yên Đại (Gp Vinh) thắp nến cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình
Giuse Văn Học
20:45 28/09/2008
YÊN ĐẠI - Để cùng nhau xây dựng một nền văn minh tình thương, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, công bằng dân chủ thì trước hết sự thật và công lý phải được tôn trọng, pháp luật phải được đặt ở vị trí thượng tôn, truyền thông phải nhắm đến mục đích giáo dục và xây dựng chung chứ không phải đứng trên lập trường giai cấp để chỉ phục vụ cho một phe nhóm đảng phái rồi dám bẻ cong chân lý, chà đạp lên danh dự người khác, coi thường cương thường đạo lý. Đó là ước mong của loài người tiến bộ nói chung và người dân Việt Nam hôm nay nói riêng. Đó cũng là thao thức của Cha xứ và giáo dân giáo xứ Yên Đại.

Tối thứ 7, 27/9/2008, tại giáo xứ Yên Đại đã diễn ra buổi Thắp nến cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình trong giờ Chầu Thánh Thể. Mặc dầu trời mưa rất to, nhưng từ 19 giờ tối mọi người đã tập trung về nhà thờ, có khoảng gần 1000 giáo dân trong và ngoài giáo xứ cùng với các cộng đoàn nhà dòng trên địa bàn giáo xứ Yên Đại.

Giờ cầu nguyện được bắt đầu từ 19 giờ 30. Mở đầu, Cha Đôminicô Phạm Xuân Kế nói lên lý do của buổi cầu nguyện, đó là: Trong thời gian qua, sự việc xẩy ra tại Tòa Khâm Sứ 42 Nhà Chung và tại giáo xứ Thái Hà, Hà Nội đã khiến dư luận chú ý nhiều vì những khuất tất phía sau của vấn đề. Sự việc chỉ thuộc về lĩnh vực thuần tuý dân sự, nhưng Nhà nước Việt Nam đã hình sự hóa và chính trị hóa, đặc biệt đã chỉ thị cho các cơ quan truyền thông đại chúng vào cuộc, đưa tin không đúng sự thật, xuyên tạc bóp méo và cắt xén những gì diễn ra trong thực tế để nhằm chụp mũ và kết án các giáo sỹ, giáo dân, kích động và lôi kéo một số phần tử quá khích vào đập phá các cơ sở thờ tự, lăng nhục chửi bới và vu khống Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt và các Cha Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà. Tất cả những hành vi đó như đang tự giới thiệu với cộng đồng thế giới về một chế độ triệt tiêu nhân quyền và tự do tôn giáo, coi thường đạo lý làm người khi chà dạp lên phẩm giá của người khác.

Với cộng đồng Công giáo, phòng vệ chính đáng không có nghĩa là cùng tấn công lại kẻ có những hành vi nguy hiểm gây tổn hại đến danh dự nhân phẩm, sức khỏe và tài sản của mình, mà chỉ có cầu nguyện trong ôn hòa và trong tình yêu thương tha thứ, mong sao cho công lý được thực thi, sự thật được tôn trọng và quyền con người được bảo đảm thực hiện. Giáo xứ Yên Đại đã thực hiện điều này trong buổi tối 27/9, với một bầu khí nghiêm trang sốt sáng.

Hơn 1000 con tim đã hướng về Hà Nội trong âm thầm nguyện cầu với ánh nến lung linh tỏa sáng trên tay. Xen giữa những lời hát là lời nguyện được một chị nữ tu Dòng An-tu-rê đọc rất sốt sáng và thành khẩn: Cầu cho Giáo phận Hà Nội, cầu cho Đức Tổng GM, cầu cho các linh mục, tu sỹ ở Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà đang trong cơn nguy khốn. Đặc biệt, cầu cho các nhà lãnh đạo quốc gia biết tìm ra giải pháp phù hợp để đem lại lợi ích chính đáng cho Giáo phận Hà Nội, hơn thế là cầu cho tình nghĩa đồng bào con rồng cháu tiên được vẹn nguyên trong yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.

Kết thúc buổi cầu nguyện vào hồi 20 giờ 30, cộng đoàn đức tin cùng hát Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô, lời Kinh nói lên tất cả thiện chí của người Công giáo muốn xây dựng một nền văn minh tình thương, góp phần làm cho đất nước giàu mạnh trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự thật:

Lạy Chúa từ nhân. Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nguy nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm. Đem niềm vui đến chốn âu sầu. Lạy Chúa xin hãy dạy con: tìm an ủi người, hơn được người ủi an. Tìm hiểu biết người, hơn được người hiểu biết. Tìm yêu mến người, hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh Chính lúc quên mình, là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha, là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời. Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con. Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí Ơn an bình...
 
Những chuyện cao thượng và bẩn thỉu chung quanh vụ Thái Hà
Thăng Long
21:09 28/09/2008
Tối qua, 27/9 khi lễ xong, khoảng 20 giờ 45, chúng tôi thấy một đoàn cán bộ đi vào nhà thờ Thái Hà. Có cả mấy công an quen mặt hay hiện diện trên linh địa Đức Bà.

Bà Lê thị Hợi
Bà Lê thị Hợi kể chuyện bị bắt giam
Cộng đoàn chúc mừng bà Lê thị Hợi
Không biết bàn thảo với các cha điều gì mà đoàn cán bộ này không dám ngồi ở phòng khách tu viện. Họ rút vào một phòng học nhỏ khiến chúng tôi hết cơ hội “chầu rìa” như hôm nọ khi ông Phó Chủ Tịch Quận đến Thái Hà. Dù sao lợi dụng lúc các quan mới vào chưa kịp đóng cửa tôi cũng chụp vội được một tấm ảnh “hội nghị!”.

Linh địa Đức Bà vẫn bị chốt chặn kỹ lưỡng mọi ngả. Các máy móc lớn bé vấn quần thảo ngày đêm trên linh địa. Hoan hô tinh thần làm việc nhanh hơn cướp của chính quyền TP Hà Nội.

Một anh taxi nói rằng hôm 26 anh đã chở 4 anh côn đồ Hải Dương đến Linh địa. Bốn anh này được thế lực nào đó thuê đến phá dỡ tượng Đức Bà trong linh địa. Nhưng cứ vào đến gần nơi thì lại bị dội ngược trở ra! Khiếp quá mấy anh chuồn!

Một người dân địa phương cho biết, cảnh sát kể chuyện với họ rằng: Cảnh sát cơ động dẫn chó nghiệp vụ vào Linh địa làm việc. Mấy con chó cứ đến cửa linh địa chỗ đoạn tường bị phá là nằm phủ phục luôn, khiến các bố cảnh sát cơ động nhà ta tá hoả khấn vái!

Có phải vì thế mà hôm nay tôi không thấy một con chó nào ở khu vực Linh địa cũng như lối vào Linh địa?

Một luật sư cho biết: Anh chơi với mấy anh cảnh sát. Bạn CS nói mới “trúng quả đậm”! Viên CS này nói: “Mọi khi đánh chỗ khác chỉ được vài trăm nghìn. Chuyến vừa rồi vác dùi cui điện đánh giáo dân ở ngoài trụ sở CA Quận Đống Đa đã “trúng” được 5 triệu. Anh thêm: “Mà cái bọn giáo dân nó lạ, đánh nó, nó cứ đứng cho mình đánh mà không có bất cứ một phản ứng gì!”.

Bà Lê Thị Hợi, 1 trong 8 người bị chính quyền khởi tố và bắt tạm giam, sau một tháng đang được cho tại ngoại hôm 26/9.

Những ngày ở tù bà nói bà bị nhốt như “gà công nghiệp”, ‘cơm như cơm chó”. CA dùng đủ mọi thủ đọan để trấn áp tinh thần bà. Nhưng trước khi đi hỏi cung bao giờ bà cũng đọc kinh cầu nguyện!

Tối 27/9 hai ông bà đã chở nhau đi lễ. Trông ông vui quá thể! Lúc lễ xong nhiều người ở sân nhà thờ đã kéo đến hỏi thăm chúc mừng bà Hợi!

Bà cho biết: ‘Những ngày qua ở trong hoả lò tôi luôn xác tín mình ở trong lòng bàn tay Chúa và Đức Mẹ. Tôi không sợ gì! Lúc nào tôi cũng nghĩ cộng đoàn lúc nào cũng nhớ đến tôi và cầu nguyện cho tôi”.

CA hỏi cung bà 28/30 ngày. Trả lời câu hỏi của CA ‘cầu nguyện để làm gì”, bà đáp: “Tôi chỉ có mục đích là đòi công lý cho Hội Thánh. Tôi chẳng tìm ích gì cho tôi và gia đình tôi trong những việc tôi làm ở nhà thờ!”.

CA luôn tìm mọi cách dò hỏi xem ai là người đứng đầu chỉ đạo giáo dân cầu nguyện và xô đổ tường. Bà khẳng định: “ Không có ai chỉ đạo và giáo dân chúng tôi tất cả đã bột phát xô đổ tường. Còn việc cầu nguyện là bổn phận và là ý thức của chúng tôi!”.

Bà cho biết các cha Phụng, Khải, Thật, Phong và thầy Tặng là 5 người được CA đặc biệt “chiếu cố”.

CA cũng yêu cầu bà khi đựơc tại ngoại thì bảo các cha và các giáo dân khác không được cầu nguyện nữa! Bà đã lịch sự chối từ yêu cầu bất khả thi này!

Tối Chúa nhật 28/9 đang lúc chúng tôi đứng dự lễ ở sân thì thấy hai ông bà Lân -Hợi cùng chuyển giỏ nhận tiền dâng lễ rất thành kính! May cho chúng tôi kịp chụp được tấm hình bà!

Tin hành lang ở sân nhà thờ Thái Hà cho biết:

CA Thanh Hoá cũng đã đến thăm hỏi nhà thầy Tặng ở ngoại vi thị xã Bỉm Sơn.

CA Ninh Bình đã đến nhà ông bà cố cha Khải 3 lần, thẩm vấn, quay phim, chụp hình và đe doạ. Nhà ông bà cố cũng nhận được thư khủng bố.

CA Phú Thọ đến gặp từng linh mục của Giáo phận Hưng Hoá ‘răn đe’ cho các vị này không xuống Thái Hà-Toà Khâm Sứ.

CA Phú Thọ cũng theo dõi những người đi cầu nguyện ở Thái Hà-TKS. CA nhiều vùng đã có những lời lẽ đe dọa và biện pháp gây phiền nhiễu cho giáo dân.

CA Phú Thọ đặc biệt “chiếu cố” gia đình cha Nguyễn Ngọc Nam Phong. Tin hành lang cho biết nhiều CA đã vây nhà bà cố cha Phong và đe doạ chặn đánh ngài trong trường hợp ngài về thăm gia đình.

Một chị hay đi chợ ở xa về nói: Chúng em và mấy bà mẹ Công Giáo ở thị xã quê em mỗi khi ra chợ lúc này vẫn đang bị những người ngoại đạo dè bỉu.

Một sinh viên cho biết: Các học sinh sinh viên có đạo vẫn đang bị mạt sát và cô lập. Một sinh viên ở trường nhạc nọ ở Hà Nội còn bị thầy giáo và phòng Đào tạo không cho điểm thi.

Một bà cụ nói: “Con trai tôi cấm tôi và cháu trai tôi đi lễ. Ở nhà mỗi khi ti vi nói đến vụ Thái Hà-TKS thằng con tôi lại mở volume to lên và kêu gào các thành viên ngoan đạo trong nhà nghe để “giác ngộ!”.

Một bác sĩ nói: “ Nhà tôi bị công an khám hộ khẩu và bắt cam kết không cho người nhà quê lên tạm trú. Ông CS khu vực và ông Tổ trưởng tổ dân phố thì đến vận động tôi không đi lễ ở Thái Hà!

Một chị làm nghề mùa bán đồng nát nói: “Đi lễ mà nhục! Hễ chủ nhà thấy chúng tôi ban ngày mà mặc đẹp là họ nghĩ chúng tôi đi nhà thờ Thái Hà cầu nguyện. Thế là họ làm khó dễ và chửi bới chúng tôi! Vì vậy, mỗi khi chúng tôi đi lễ, chúng tôi phải ăn mặc bẩn thỉu đi xe đạp rách nát kèm theo đồ nghề và túi đựng bộ quần áo lành lặn mang đến nhà thờ mới mặc cho bớt bị phiền!

Một sinh viên trường Đại học T ở Hà Nội nói rằng Nhà Trường thông báo hễ thấy sinh viên nào xuất hiện trên ti vi đang có mặt cầu nguyện ở Thái Hà thì sẽ bị đuổi học lập tức!

Một cán bộ cho biết: “Ban Tư tưởng Văn hoá đã họp và đưa ra chỉ đạo tiếp tục đánh Công Giáo và dùng “nhân dân” để đánh! Nghĩa là dùng tiền mua chuộc những thành phần nào đó và bảo đó là “nhân dân” để tấn công Đức TGM và các linh mục ở nhà thờ Thái Hà.”

Một cán bộ khác cho biết: Hôm nay chủ nhật mà nhiều cơ quan trong thành phố Hà Nội vẫn làm việc. Đề phòng trường hợp mấy quan tham cần huy động “nhân dân” đi “chiến đấu” với bên nhà thờ thì đã có các nhân viên làm “nhân dân”. Đón nhận lệnh này một sếp ở TP Hà Nội phát biểu: “Hôm nay mình lại phải đi rửa đít cho mấy quan tham cấp lớn của TP đây!”

Trên mạng đêm qua và hôm nay có đăng tin báo rằng có các thành phần bất hảo tìm cách đột nhập nhà thờ quấy rối tạo cớ để cho công an nhảy vào cuộc bắt bớ nhà đạo là có lý. Ở nhà thờ Thái Hà có mấy thanh niên nhố nhăng không biết được trả công bao nhiêu mà đòi vào nhà thờ Thái Hà đánh “thằng cha đầu húi cua” (cha Nguyễn Thể Hiện). Một nhóm khác đi lại nghênh ngang. Trong lúc mọi người dự lễ nghiêm trang thì đám này vẫn cứ đọc các bảng tin và vung tay múa chân ồn ào trước bàn dân thiên hạ!”

Buổi tối lễ xong mọi người lại thắp nến, cầu nguyện, hát thánh ca đến 22 giờ. Các cha kêu gọi mọi mỗi người là một ngọn nến chiếu toả công lý và sự thật, giúp người khác hành động theo công lý và đón nhận sự thật. /.
 
''Buồn Nỗi Buồn Của Dân Tộc''
Giuse Cao Trí Thức
23:08 28/09/2008
"Buồn Nỗi Buồn Của Dân Tộc"
(Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận)

Trải qua câu chuyện Tòa Khâm Sứ
Giáo Dân Thái Hà cùng tâm tư
Tự hỏi Nước Việt đâu so sánh
Tương lai vận nước hoài Anh Thư

Công Lý bất công sao nhục nhã
Bạo tàn thống trị hủy non nhà
Ví rằng tư lợi còn luân lý
Đàn áp, bịt miệng cướp không tha

Roi đòn, nhục nhã thân tàn tạ
Khói cay nghi ngút trẻ khóc cha
Mưu toan chẳng đặng đành xô bể
Nuốt vào chẳng dễ thế nhả ra?

Tương lai Nước Việt ngàn năm sử
Thống trị hà khắc bất thanh thư
“Hưởng Nhanh” bạo lực càng che đậy
Tham vọng ích kỷ vì riêng tư.

Cựu binh chiến sĩ về gây rối
Đả đảo Giám Mục giết đi thôi
Vì ai gây nỗi bao ân oán
Cha Chung Đức Tổng chẳng đơn côi.

Thanh Niên thế hệ Hồ Bạc Phận
Giang sơn gấm vóc vác ngàn cân
Sao nay đổi phận thành Du Đãng
Tư Tưởng của Bác lường mấy Phân?

Lại khéo khen đảng đa mưu kế
Thả đám rác rưởi quậy khỏi chê
Chính thuốc, thưởng tiền về gây rối
“Nhân Dân Quần Chúng” về bảo kê.

Truyền thông báo chí tài xuyên tạc
Bóp méo sự thật gì đâu khác
Lưu manh chợ búa vì tư lợi
Buôn Thần Bán Thánh tiếng đồn vang.

Giáo Hội Công Giáo giờ thử thách
Công Lý bừng sáng Chúa chúc lành
Hội Đồng Giám Mục đồng quan điểm
Hiệp Thông, Cầu Nguyện phước trùng sanh.
 
Đức tin của tôi sau sự kiện Tòa Khâm Sứ - Thái Hà
Phương Dung
23:41 28/09/2008
Đức tin của tôi sau sự kiện Tòa Khâm Sứ - Thái Hà - Hà Nội

Từ thưở lọt lòng mẹ, tôi đã là người Công Giáo. Lớn lên tôi cũng đi nhà thờ, đọc kinh xem Lễ như bao người Công Giáo khác. Có điều tôi phải nhìn nhận rằng Tôi không phải là một Con Chiên ngoan đạo. Trong những ngày Lễ lớn Giáng Sinh – Phục Sinh - Khi tham dự Thánh Lễ với những Nghi thức tưởng niệm ngày Chúa Sinh ra, ngày Chúa chịu Từ Nạn trên Thập Giá.

Lạy Chúa xin tha tội cho tôi, vì quả thật lúc đó trong đầu óc tôi thoáng có ý nghĩ là có thật Chúa đã sinh ra nơi máng cỏ thấp hèn như thế không? Có thật Chúa đã bị bọn quân dữ phỉ báng và đóng đinh Người trên Thập Giá không? Lịch sử truyền tụng có thêu dệt thêm để ca tụng Người không? Vì tôi nghĩ không lẽ thời xưa người ta lại độc ác tán tận lương tâm như thế sao? Đó là một suy nghĩ thoáng qua trong tôi thôi - Tôi vẫn tin Chúa sinh ra và chịu Tử nạn trên Thập Giá như mọi người Kitô hữu khác.

Nhưng những ngày gần đây chứng kiến những sự kiện xảy ra ở Thái Hà Hà Nội... Các Linh Mục, Tu sĩ, Giáo dân cũng đã bị bọn người hung ác đàn áp, đánh đập chửi bới nhục mạ phỉ báng... Tôi thực sự nhận thấy rằng "Lịch sử cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu " cách đây mấy ngàn năm đang được tái diễn một cách sống động ngay tại Thái Hà - Hà Nội, ngay ở thời đại mà Loài người đã tiến bộ không còn man ri mọi rợ như thời tiền sử ngày xưa.

Những câu chửi bới tục tằn thô bỉ, những tiếng hò hét "Giết, giết TGM Kiệt, giết Linh Mục Phụng, giết, giết... " Trời ơi sao giống hệt những tiếng hò hét của bọn quân dữ ngày xưa khi đem Chúa Giêsu ra xét xử, bọn chúng cũng gào thét điên cuồng "Giết, giết Giêsu, giết... ." mà tôi đã được nghe trong những buổi Nghi Lễ tưởng niệm Ngày thứ 5, thứ 6 Tuần Thánh.

Bây giờ thì ĐỨC TIN của tôi đã được cũng cố vững chắc qua Sự kiện các LMục, Tu sĩ, Giáo dân Thái Hà - Hà Nội bị bọn người man rợ điên cuồng phỉ báng và đòi giết - Một sự kiện mà tôi nghĩ là không thể nào có thể xảy ra ở Thế kỷ 21 này, ngay tại thủ đô Hà Nội.....

Trúc Đào

------------------------------------

Tôi là người sinh ra và lớn lên ở một giáo xứ thuộc Hà Nội, tôi được nuôi dưỡng và đi học dưới chế độ Cộng sản, lẽ ra tôi phải biết ơn và yêu qúy chế độ đó, nhưng vì tôi là người Công giáo nên mọi chuyện đã khác hẳn.

Tôi rất cảm tạ ơn Chúa vì đã run rủi số phận để cho tôi được đặt chân tới bến bở tự do đó là nước Mỹ đây.

Qua được đến bên này tôi mới hiểu thế nào là tự do tôn giáo, thế nào là tự do ngôn luận. Tôi cảm thấy thương cho những người thân và bạn bè tôi còn đang ở VN. Họ đang phải chịu sự lãnh đạo của một chính phủ ngu dốt và thối nát. Vì là người đạo Công giáo gốc, nên ngay từ nhỏ tôi đã được ông bà, cha mẹ kể cho những câu chuyện về sự bắt bớ và đàn áp người Công giáo từ thời Vua Mình Mạng và Tự Đức. Rồi cho đến thời ông ngoại tôi, ông có thể nói là 1 chứng nhân cho sự bách hại đạo của chế độ CS VN. Họ không cho ông tôi gần gũi với các cha, họ không cho ông tôi làm việc nhà thờ.

Họ đến đe dọa và bắt giam ông tôi 1 thời gian chỉ vì ông tôi đi lấy đồ ở dưới Hải Phòng cho Đức Cha Cương, thời bấy giờ là linh mục của xứ đạo của tôi. Rồi công an tới bắt ông tôi dỡ ảnh Chúa xuống, để treo ảnh Bác Hồ lên để thờ, nhưng ông tôi dứt khoát không chịu làm việc đó và ông tôi nói rằng: tôi là người Công giáo, tôi chỉ tin vào Chúa, nên tôi treo ảnh Chúa thôi, còn tôi đâu phải người vô thần đâu mà treo ảnh Bác Hồ. Rồi những ngày tháng ông tôi bị bắt giam, cả nhà ai cũng lo lắng, công an đến nhà đe dọa sẽ cho con cái nghỉ việc hết ở chỗ làm nếu mà không biết nói bố là ngưng ngay mọi quan hệ với các cha. Khổ vậy đấy,vậy mà CS VN lúc nào cũng tuyên bố là tự do tôn giáo, tự do nhân quyền, tự do đấy lấy ở đâu ra????. Đến thời của tôi, thì cũng có vẻ là đã dễ dàng hơn 1 chút xíu, nhưng mà công an vẫn rình rập theo dõi chúng tôi, chúng tôi đi học giáo ly,chúng tôi đi tập hát, chúng tôi đi lễ, đều có sự theo dõi của chính quyền địa phương, chúng gọi phone dọa nạt, cảnh cáo chúng tôi. Nhưng chúng tôi đâu có sợ, chẳng lẽ lại phải đi sợ cái ác, cái bất công, cái phi nghĩa. Chúng tôi vẫn tiếp tục sinh hoạt giới trẻ, sinh hoạt ca đoàn, vẫn tiếp tục là lớp người trẻ Công giáo dũng cảm. Vì Cs là Satan, là quỷ dữ, nên nếu mà mình khuất phục nó, nó sẽ lấn lướt mình. Vì Đức tin của ngư-ời Công giáo nên chúng tôi không sợ.

Những ngày này là những ngày gian khó của Giáo hội Vn nói chung,và Giáo phận HN nói riêng, những ngày này là những ngày tôi đang đau đáu hướng về HN, quê hương của tôi, nơi tôi vẫn còn gia đình và bạn bè.

Các em và các bạn của tôi trong giới trẻ Giáo xứ vẫn đang ngày đêm tham gia vào hành trình cầu nguyện của Giáo xứ Thái hà và Tòa tổng giám mục HN. Dù không làm được gì, dù chỉ biết cầu nguyện, nhưng các em tôi và các bạn tôi đều nói rằng họ không sợ. Đức tin của họ càng ngày càng bền vững, và càng gia tăng vì họ đã được nhìn thấy phép lạ của Đức Mẹ nơi Linh Địa Thái Hà. Đức Mẹ hiện ra là 1 niềm an ủi, nâng đỡ tăng thêm sức mạnh cho đoàn con cái Mẹ đang chịu cảnh đàn áp của chính quyền quỷ Satan. Nhìn những cảnh bao nhiêu giáo dân chịu cảnh mưa dầm gió bấc, lạnh lẽo để đứng đọc kinh cầu nguyện làm lòng tôi quặn đau và không cầm được nước mắt.

Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính vì Nước Trời là của họ. Thật ra không thể kể hết những cái xấu xa của chính quyền CS. Nhưng có lẽ không kể ra thì ai cũng biết rồi, vì ở trên thế giới này đâu còn bao nhiêu nước CS nữa đâu, mà những nước đó đều là những nước nghèo đói nhất thế giới, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Nhờ bàn tay của Chúa và Mẹ. Xin ra tay dẹp tan chế độ CS, để cho người dân của những nước đó được hưởng an bình, ấm no và hạnh phúc. Đặc biệt cầu xin cho đất nước của chúng con, Việt nam, thoát khỏi bàn tay vô thần của CS, của 1 chế độ ngu dốt, chỉ biết gian dối, lường lọc, tham ô, hối lộ... Xin dâng lên Chúa và Mẹ những tâm tình cầu nguyện của chúng con, xin Chúa và Mẹ giúp chúng con vượt qua thử thách lớn lao này.

Hướng về Hà nội những ngày đau thương này.
 
Công lý Hòa bình
Hai Tê Miệt Vườn, OFM
23:43 28/09/2008
CÔNG LÝ HÒA BÌNH

Mong sao Công Lý Hòa Bình,
Sinh hoa kết trái trong tim mọi người.
Thế nhân hưởng được cuộc đời,
An vui hạnh phúc tuyệt vời thiện chân.
Chính nhờ biết sống cận thân,
Mọi người nên một như cành với cây.
Cùng nhau tích cực dựng xây,
Quê hương giàu mạnh nhờ đầy lẽ ngay.
Thế là xã hội từ nay,
Chứa chan hạnh phúc đẹp hay mọi đàng.
Cùng nhau vượt biển trần gian,
Về quê vĩnh phúc Thiên đàng bên Cha.

ĐÁNH MẤT SỰ THẬT

Chẳng có sự thật nơi mình,
Các nhà lãnh đạo coi khinh dân lành.
Để rồi chỉ biết tranh giành,
Quyền uy thế lực làm phần riêng tư.
Trí tâm chất chứa thói hư,
Biết bao tôih ác chẳng trừ thứ chi.
Thiện chân nay đã bỏ đi,
Ngõ hầu chỉ biết thực thi gian tà.
Ước mong lãnh đạo nhận ra,
Để rồi sửa đổi, tránh xa đường lầm.
Cuộc đời thoát khỏi giam cầm,
Ở trong tội ác, dập bầm dối gian.
Quê hương hưởng được bình an,
Mọi người dân Việt hoàn toàn tự do

HIỆP Ý CẦU XIN

Con thuyền Hội thánh Việt Nam,
Giữa bao giông tố, ngập tràn nguy nan.
Bởi do lòng dạ “Quan Tham”,
Ở trong bản chất dối gian sai lầm.
Chủ trương bắt bớ giam cầm,
Những người công chính, đấu tranh hòa bình.
Chúng ta hiệp ý cầu xin,
Cùng Cha Từ Ái dủ tình đoái thương.
Giúp cho tín hữu kiên cường,
Sống theo sự thật, con đường Giêsu.
Đó là không có hận thù,
Với ai bắt bớ, cầm tù chúng ta.
Chỉ mong cho họ nhận ra,
Con đường chân thiện, thiết tha nghĩa tình.
Quê hương khỏi cảnh chiến chinh,
Mọi người vui hưởng hòa bình tình thương

CUNG CÁCH ĐÀN ÁP

Với Roi Điện ra tay đàn áp,
Chó Nghiệp vụ xé xác dân lành.
Đập tan những cuộc đấu tranh,
Bất cần công lý, sự lành làm chi.

Dùng võ khí thực thi man trá,
Miệng điêu ngoa đả phá thiện chân.
Miễn sao khuất phục người dân,
Vâng theo mệnh lệnh: thực hành dối gian.

Lòng dân Việt ngập tràn đau khổ,
Bởi Lãnh Đạo đạp đổ tình thương.
Để rồi chỉ biết chủ trương,
Dựng xây độc ác, ghen tương hận thù

Ta tranh đấu loại trừ gian ác,
Với câu kinh, tiếng hát Hòa Bình.
Quyết tâm sống trọn chữ tình,
Với Cha Từ Ái, Đệ Huynh mọi người.

(Hiệp ý cầu nguyện cho Công Lý và Hòa bình)