Ngày 30-09-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm tĩnh tâm linh mục Phú Cường tháng 10 - 2015
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
10:43 30/09/2015
SUY NIỆM TĨNH TÂM LINH MỤC PHÚ CƯỜNG

THÁNG 10.2015

THIÊNG LIÊNG HÓA

Với lời đơn sơ: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19; x. 3, 51), Tin Mừng cho thấy, Đức Mẹ, nhờ đời sống nội tâm cao, đã luôn luôn thiêng liêng hóa mọi sự kiện, mọi biến cố. Nhờ đó, Đức Mẹ nhìn mọi sự trong ân sủng và trong thánh ý quan phòng của Thiên Chúa.

Kitô hữu được khuyên dạy, nhất là tháng Mười, hãy siêng năng đọc kinh Mân Côi. Qua từng mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu Thế, Đức Mẹ có liên quan và can dự, chúng ta học tập nơi trường học Đức Maria, Đấng “đã cộng tác một cách hoàn toàn độc nhất vô nhị vào công trình của Đấng Cứu Thế, bằng lòng vâng phục, bằng đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để hoàn trả sự sống siêu nhiên cho các linh hồn” (Giáo lý Công Giáo 968), bài học biết thiêng liêng hóa cả một chuỗi dài những ngày sống suốt đời chúng ta.

Vậy, cùng ôn lại những kỷ niệm nơi tâm hồn Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta, nhờ đó, chúng ta bắc chước Người, thiêng liêng hóa đời mình.

I. NHỮNG KỶ NIỆM NƠI TÂM HỒN ĐỨC MẸ.

Nơi Đức Mẹ, những biến cố xảy ra cho mình cũng như diễn ra trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu, Con Duy Nhất của Đức Mẹ, đều trở thành những kỷ niệm thánh. Nó giúp Đức Mẹ sống với Chúa, yêu mến Chúa, sớt chia cùng Chúa, tin tưởng Chúa, và ngày càng cậy trông mãnh liệt nơi Chúa hơn. Sau đây, chúng ta ghi nhận sự dấn thân trong từng kỷ niệm bên cạnh Chúa mà Đức Mẹ có được:

Những kỷ niệm không dừng ở kỷ niệm nhưng luôn thiêng liêng hóa, đã cho Đức Mẹ đi từ khám phá này đến khám phá khác về Người Con mà Đức Mẹ hằng bồng ẳm, nuôi dưỡng, và lớn lên bên cạnh mình, nhưng chưa bao giờ Đức Mẹ hiểu hết chính Người Con ấy và lối đường mà Người Con ấy thực hiện.

Dù ngày truyền tin, thiên thần có cho Đức Mẹ biết, Đức Mẹ sẽ mang thai Con Thiên Chúa Chí Thánh thật: “Maria, đừng sợ, vì người đã đắc sủng nơi Thiên Chúa. Và này, nơi lòng dạ, người sẽ thụ thai, và sinh con, và người sẽ gọi tên Ngài là Giêsu. Ngài sẽ làm lớn, và được gọi là Con Đấng Tối Cao, và Chúa, Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai Đavid, cha Ngài; và Ngài sẽ làm vua trên nhà Giacob cho đến đời đời, và vương quyền của Ngài sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 30-33).

Nhưng cả Thiên Chúa lẫn thiên thần của Chúa, không nói gì thêm, không có một lời giải thích nào rõ ràng hơn, hoặc chí ít là lời khả dĩ có thể hiểu được. Kinh Thánh không ghi lại bất cứ một hành động hay một lời nói nào để ưu tiên giải thích cho Đức Mẹ về mầu nhiệm của chính Người Con của Đức Mẹ. Sau biến cố “Xin Vâng” của ngày truyền tin (x.Lc 1, 26-36), Đức Mẹ vẫn là một người bình thường giữa muôn người. Ơn biết thiêng liêng hóa giúp Đức Mẹ tìm hiểu thánh ý Chúa ngày một sâu lắng hơn.

Khi lên đường viếng thăm chị họ Isave, Đức Mẹ nhận ra dấu lạ diệu kỳ mà Chúa đã thực hiện nơi hai mẹ con của chị. Chúa đã ban cho mình được làm Mẹ của Con Chúa. Giờ đây, người chị họ lại được mang thai nhiệm lạ. Nhờ đời sống thiêng liêng hóa cao, và như để tổng kết những niềm vui diệu kỳ ấy, Đức Mẹ lập tức thốt lên lời Ngợi khen Thiên Chúa (x.Lc 1, 46-55).

Chắc chắn không người mẹ nào có thể vui, nếu phải sinh con nơi không phải là nơi sinh hạ (x.Lc 2, 1tt). Trong mầu nhiệm Giáng sinh, như bao nhiêu con người, như bao nhiêu người mẹ, Đức Mẹ nhìn ngắm phận Con mình hạ sinh trong cảnh nghèo hèn quá sức. Nhưng trong phận nghèo ấy, nhờ biết thiêng liêng hóa, Đức Mẹ nhận ra, Người Con của Đức Mẹ trở thành vị Chúa của mọi người nghèo. Người muôn đời sẽ là nơi nương tựa, cậy trông cho tất cả mọi người nghèo của Thiên Chúa, như Đức Mẹ.

Khi tiến dâng Con cho Chúa Cha trong đền thờ và lắng nghe lời tiên tri đau xót: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà” (Lc 2, 35) của cụ già Simêon, cây thánh giá của Chúa Giêsu đã thật sự rõ nét. Nhờ ơn biết thiêng liêng hóa, Đức Mẹ hiểu rằng, trong tình yêu dành cho Con, Đức Mẹ sẽ phải đón nhận và can dự vào.

Và “lưỡi gươm” của ngày hiến dâng Con đang thể hiện, dù đó là ngày vui Con tỏ dung nhan hiển linh cho dân ngoại: Sau khi ba đạo sĩ (đại diện dân ngoại) đến triều yết, Đức Mẹ đã phải tất tả đồng hành cùng Con, đang đêm, lên đường di tảng, tránh sự đe dọa của bạo quyền Hêrôđê, rồi lại tiếp tục đồng hành trở về quê hương sau khi Hêrôđê chết (x.Mt 2, 13-21).

Trong mầu nhiệm ẩn dật, Đức Mẹ cùng Chúa Giêsu chia sẻ thân phận của đại đa số loài người. Đó là một cuộc đời bình thường: lao động chân tay, sống nghèo khó, lo vun đấp hạnh phúc gia đình… Vẫn là ơn thiêng liêng hóa giúp Đức Mẹ nuôi dưỡng Con, sống bên cạnh Con, nhìn ngắm Con lớn lên từng ngày… hết sức tùng phục lề luật, vâng phục Thiên Chúa, lắng nghe tiếng Chúa… Nhất là lúc tìm gặp Con sau khi thất lạc trong đền thờ, Đức Mẹ càng nhận ra Con không xao lãng phận vụ phải chu toàn mà Cha trên trời đã trao ban (x.Lc, 41-52).

Sự vâng phục trong đời sống thường ngày của Chúa Kitô trong mầu nhiệm ẩn dật là khởi đầu công trình tái lập những gì mà Ađam đã phá đổ vì bất tuân phục (x.Rm 5, 19). Bởi vậy, dù là cuộc sống bình yên, nhưng mầu nhiệm ẩn dật, đặc biệt chính lời Chúa Giêsu: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?” (x.Lc 2, 41-52), một lần nữa, cung cấp cho Đức Mẹ bằng chứng về “một lưỡi gươm đâu thấu tâm hồn” mình.

Mầu nhiệm công khai, khởi đầu tại tiệc cưới Cana (x.Ga 2, 1-12), ơn biết thiêng liêng hóa của Đức Mẹ như xuyên thấu, như hiểu rõ tâm tư của Con khi đề nghị một cách nhẹ nhàng, tế nhị về một dấu lạ, mà lẽ ra chưa đến lúc Con ra tay thực hiện. Chính điều đó, cho ta thêm bằng chứng, với sự thấu hiểu ý Chúa, Đức Maria trở thành người đầy quyền lực trong lời chuyển cầu cho đoàn con dưới thế.

Trong công cuộc truyền giáo của Con, Đức Maria không ngừng dõi theo từng bước Con đi, để cùng bao nhiêu người đồng bào thân tín, Đức Mẹ nhận ra chính nơi Người Con yêu dấu của mình là hiện thân của Nước Trời.

Không chỉ dõi bước theo Con bằng một sự thiêng liêng hóa thụ động, Đức Maria đã lên đường đến gặp Con trong lúc Con đang thi hành phận vụ. Chính trong khung cảnh cảm động ấy, Người Con Một của Đức Mẹ đã thốt lên lời ca ngợi những ai sống Lời Chúa, và gián tiếp khen ngợi Mẹ mình: “Mẹ Ta và anh em Ta là những kẻ nghe và làm theo Lời Thiên Chúa” (Lc 8, 21).

Mầu nhiệm Khổ nạn, Đức Maria hướng cái nhìn thiêng liêng hóa đau buồn của mình, tiếp sức cho Con, an ủi Con về mặt trần thế, để Con hoàn thành đến mức trọn hảo cây thánh giá cứu thế. Cùng nhiều phụ nữ đạo đức, Đức Maria đã thực sự vác thánh giá trên trọn nẻo đường thánh giá của Con, điều mà ngay cả những nam nhi như các tông đồ, dù đã có cả một thời gian sống bên cạnh Người Con ấy, còn khiếp sợ, bỏ chạy trốn, hòng thoát thân.

Khi đứng bên chân thánh giá (x.Ga 19, 25), Đức Mẹ chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết của Con. Sự thiêng liêng hóa để hiệp thông sâu xa của Đức Mẹ, đã cho Đức Mẹ thành người nữ đầu tiên cộng tác với Chúa Cứu Thế, mang ơn cứu rỗi cho loài người.

Đến lúc nhận lấy tông đồ Gioan làm con của mình (x.Ga 19, 26-27), với ơn biết thiêng liêng hóa cao độ, Đức Mẹ đã dang rộng vòng tay từ ái và mở rộng bầu tim chỉ chất chứa có tình yêu mà thôi, đón nhận cả một đoàn con đông đảo dưới thế làm con của mình.

Trong mầu nhiệm Phục sinh, ơn biết thiêng liêng hóa nơi Đức Mẹ đã làm Đức Mẹ tỏ rạng niềm vui vinh quang của ánh sáng Phục sinh, một sự Phục sinh vĩnh cửu, làm cho loài người được tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa.

Chính Đức Mẹ, người nữ đầu tiên qua muôn thế hệ, trong khắp nhận loại, được vinh quang hưởng nhờ trước ơn Phục sinh của Con mình, để như Con, thân xác Đức Mẹ không bao giờ bị hủy hoại. Chúa Kitô đã không để thân xác người Mẹ đã sinh ra mình về mặt nhân trần bị hư nát, bởi Đức Mẹ chính là Mẹ của Người, Mẹ Thiên Chúa.

Càng biết thiêng liêng hóa sâu đậm, niềm vui của Đức Maria càng rực cháy vì được tràn đầy Thánh Thần trong ngày lễ Hiện Xuống. Cùng với ơn Thánh Thần được trao ban cho riêng mình và cho cả Hội Thánh, Đức Maria trở thành Nữ Vương các thánh tông đồ, tiếp tục dõi theo từng bước chân của đoàn con trong công tác truyền giáo khắp thế giới (x.Cv 1, 14).

Mãi đến nay, sẽ còn tiếp tục về sau, dù đã được triệu hồi về trời cả hồn lẫn xác, và được đặt làm Nữ Vương trên trời dưới đất, Đức Maria vẫn là Người Mẹ kính yêu của cả Hội Thánh.

Vì thế, trong mọi công tác của mình, Hội Thánh tin, mình luôn có một ánh mắt dõi theo bằng lời chuyển cầu hết sức hiệu ngiệm và uy thế trước mặt Chúa Kitô, bởi một lẽ đơn giản: Đức Mẹ là Mẹ của Chúa và là Mẹ của cả Hội Thánh. Hướng về Chúa Kitô, hưởng vinh quang Phục sinh của Con, Đức Mẹ không bao giờ khước từ đoàn con dưới thế.

II. THIÊNG LIÊNG HÓA TẤT CẢ.

Cuộc sống không bao giờ phẳng lặn như mặt nước hồ thu. Có lúc dồn dập sóng, có lúc lăn tăn sóng, cuộc sống là một chuỗi biến động kết thành đời người.

1. Để đau khổ thành niềm vui cứu độ.

Dù trắc trở hay bình an, thấm thía nỗi đau hay rộn rã tiếng cười, là Kitô hữu, chúng ta cần thiêng liêng hóa tất cả. Thiêng liêng hóa là sự giải thoát cần thiết cho những gì khắc sâu vào lòng người, đến mức khó quên, thậm chí trở thành như chính bản thân, làm nên cách sống, cách suy nghĩ, cách yêu, cách giận, cách phản ứng, cách thể hiện… của bản thân.

Đức Mẹ liên quan mật thiết với Chúa Cứu Thế. Các chặng đường Mân Côi của Chúa đều có đầy sự can dự của Đức Mẹ. Hay nói cách khác, khi suy niệm mầu nhiệm của Chúa, ta thấy trong từng mầu nhiệm ấy, là sự nên một cùng Chúa của Đức Mẹ. Vậy, từ đây, ta không chỉ đọc, nhưng cùng hướng nhìn Đức Maria và học nơi Người bài học thiêng liêng hóa, trong từng chục kinh Mân Côi mà chúng ta suy niệm.

Như Đức Mẹ, hãy thiêng liêng hóa cả đời sống bản thân, cả những gì ta bắt gặp nơi anh chị em, cả những biến cố trong đời, những đối xử của người khác, những hoàn cảnh mà ta lâm vào… sẽ làm ta sâu sắc hơn, nội tâm hơn, khôn ngoan hơn, trải nghiệm hơn, nhận ra lòng người hơn, biết tạ ơn Chúa và cầu nguyện nhiều hơn.

Thiêng liêng hóa tất cả như thế, sẽ cho ta sức mạnh chống chọi những vùi giập. Nó nâng đỡ nghị lực trong ta, để ta có thể can đảm trực diện những cay đắng mà giải quyết nó, tháo gở nó từng mối gút, mối thắt.

Trong “Lâu đài nội tâm”, thánh nữ Têrêsa Avila, vị thánh Tiến sĩ nổi tiếng là người thành công trong việc kết hợp với Chúa, cũng một con đường thiêng liêng hóa như Đức Mẹ, đã thốt lên, sau khi kể lại nhiều đau khổ của mình:

“Trong cơn giông tố này, không còn phương dược nào có thể cứu vãn mà chỉ trông đợi nơi tình thương của Thiên Chúa, vào lúc bất ngờ hơn cả, chỉ với một lời hay một cơ hội thay đổi nào đó, bất thình lình, Người cất đi tất cả ách nặng cho linh hồn, để nó thấy thanh quang như chẳng bao giờ có mây mù nào, nhưng chan hòa ánh sáng và còn tràn ngập hạnh phúc hơn trước bội phần. Bấy giờ, như người đã thoát khỏi trận giao tranh khốc liệt và đã thắng, linh hồn chỉ còn việc ngợi khen Chúa, vì chính Người đã chiến đấu và đã làm cho nó thắng trận” (Những cư sở thứ sáu – chương 1).

Đức tin càng được nảy sinh, càng được nở lớn, khi người ta biết thiêng liêng hóa mọi sự. Đó là điều mà thánh Têrêsa đã cho thấy bằng chính kinh nghiệm thiêng liêng trải qua mọi thời gian sống làm người, và làm người thánh hiến trong ơn gọi chiêm tu của mình.

Chính trong cái nhìn nội tâm đầy thiêng liêng hóa ấy, thánh nhân chỉ dạy: Nếu linh hồn rơi vào những bi đát cùng cực, thì “phương dược thần diệu nhất – tôi không nói là được dẹp đi những rối loạn này, vì tôi không biết có phương dược nào như thế, nhưng có thể làm cho linh hồn chịu đựng được – là chú tâm lo những công việc bên ngoài và công việc bác ái, rồi trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Tình thương sẽ không bao giờ khước từ những kẻ cậy trông vào Người” (Lâu đài nội tâm – Những cư sở thứ sáu – chương 1).

Nếu trải qua những thách thức, ta vẫn còn đứng vững, hãy tạ ơn Chúa. Nhưng nếu có lở đổ quỵ vì đau đớn, vì nhiều sức mạnh tấn công, nhờ thiêng liêng hóa, ta sẽ có sức gượng dậy, để bước tiếp hành trình, để hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành ơn gọi mà Chúa trao ban.

Hãy suy niệm những lời của thánh Phêrô: “Anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Kitô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em” (1Pr 4, 12-14),

Đó là những lời thánh Phêrô dạy ta kết hợp với chính những đau khổ của Chúa Kitô. Bởi chỉ có kết hợp với Chúa, ta thêm can trường trong đức tin, vững vàng trong chiến đấu, đạt chiến thắng trong sức mạnh của ân sủng, đi tới cùng như một người mang lấy tình yêu thánh giá tiến vào ơn phục sinh.

Tương tự thánh Phêrô, thánh Phaolô luôn đặt mình trong sự thiêng liêng hóa. Nhờ đó, thánh nhân luôn thấy Chúa, luôn yêu Chúa, luôn cảm tạ Chúa, luôn vững bước, luôn xả thân, luôn phóng tầm nhìn về phía trước…

Chúng ta hãy suy niệm những lời của thánh Phaolô, để thấy rõ nội tâm và suốt cuộc đời thiêng liêng hóa của thánh nhân: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi, vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô và được kết hợp với Ngài” (Pl 3, 5-6).

Chỉ khi nào có đủ tầm nhìn thiêng liêng hóa, người ta mới không còn bám víu bất cứ điều gì ngoài Chúa Kitô. Chỉ khi nào sự thiêng liêng hóa đã thấm đượm, người ta mới dám trút bỏ mọi sự, để được Chúa Kitô là sự nghiệp lớn nhất của đời mình.

Thánh Phaolô kể tiếp cái nhìn thiêng liêng hóa ấy trên những đau khổ mà ngài phải đối mặt. Chính trong cái nhìn thiêng liêng hóa mọi sự, thánh Phaolô đã ghi nhận quá nhiều sự tốt được rút ra từ những cái xấu:

“Bị coi là bịp bợm nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi bị mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả” (2Cr 7, 8-10).

Thiêng liêng hóa tất cả những gì diễn ra suốt dọc dài sự sống chúng ta, là cách ta thắp một ánh sáng cho tối tăm bị xua tan. Tối tăm ấy chính là những cuồng phong, những khó khăn mà ta đang mắc vào.

Hơn thế, như Đức Mẹ, rọi ánh sáng thiêng liêng hóa vào nghịch cảnh cuộc sống, ta bước đi trong vinh quang của Chúa Kitô thánh giá. Kết hợp mật thiết với Chúa Kitô thánh giá để đạt tới giá trị cứu độ là đỉnh cao của sự thiêng liêng hóa. Bởi không có điều gì, khi được tháp nhập vào Chúa Kitô thánh giá mà không mang lại hiệu quả cứu độ, hiệu quả vĩnh cửu.

Đức Mẹ nêu gương, bằng sự thiêng liêng hóa mọi hoàn cảnh, mọi bất trắc, Người nên một với Chúa, cùng Chúa hiệp công cứu chuộc, thì bản thân từng người, nhờ thiêng liêng hóa, không ngừng kết hợp với Chúa, cũng sẽ đạt tới ơn cứu độ, và góp phần cứu độ muôn người.

Nhận ra ánh sáng của sự thiêng liêng hóa khi được bước đi trong vinh quang của Chúa Kitô, thánh Phaolô reo lên: “Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: ‘Ánh sáng hãy bừng lên nơi tối tăm!’. Ngài cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Kitô” (2Cr 4, 6).

2. Để hiến dâng cuộc đời thành lời tạ ơn.

Càng thiêng liêng hóa cuộc đời mình, càng được Thiên Chúa giáo dục. Đức Mẹ luôn thuận theo con đường Thiên Chúa vạch ra, dù quá nhiều lúc không thể hiểu nổi thánh ý ấy, đó là cách Đức Mẹ để Thiên Chúa giáo dục mình. Suy niệm hành trình mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta học cách lẽo đẽo theo Chúa trên con đường mà Chúa vạch ra, để từng bước, Chúa giáo dục ta, theo cách mà Chúa đã dành cho Đức Mẹ.

Nhờ sự giáo dục của Thiên Chúa, ta sẽ thấy ơn Thiên Chúa là sức mạnh thật sự trong đời mình. Không có Thiên Chúa, với thân phận thụ tạo dễ bị tội lỗi đốn ngã, không dễ gì ta trưởng thành, không dễ gì ta có được và còn được như ta đang là; đang sở hữu; đang sống trong niềm thâm tín được Thiên Chúa bảo bộc, dưỡng dục, chở che…; đang tự tin mà sống hoài bão, sống hết lòng cho niềm hy vọng, trọn vẹn cho lý tưởng của ơn gọi đời mình…

Vì thế, như Đức Mẹ, không bao giờ ta quên tạ ơn Thiên Chúa. Hãy hiến dâng cuộc đời thành lời tạ ơn. Có như thế, một đời sống ơn biết thiêng liêng hóa của ta, sẽcho ta dần dần kết hợp cùng Chúa, và kết hợp không ngừng.

a. Tạ ơn Thiên Chúa.

Với tất cả đời sống nội tâm biết thiêng liêng hóa mọi sự, sẵn sàng để Chúa uốn nắn, giáo dục, nhằm thăng tiến chính mình trong ơn Chúa, trong tình yêu của Chúa, chúng ta không thể nào không sống lòng biết ơn mà bản thân phải có đối với Thiên Chúa. Lòng biết ơn ấy phải được thể hiện sống động như lời Thánh vịnh: “Tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm, kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt. Nào dâng Chúa một khúc tân ca, rập tiếng hoan hô, nhã nhạc vang lừng” (33, 2-3).

Nhưng sống lòng tạ ơn, không đơn thuần là cất lên nơi môi miệng, nhưng là “gieo”, là “gảy” cung đàn, là làm cho “vang lừng” tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng hoan hô.

Dù vậy, chúng ta không dừng lại ở những dụng cụ âm nhạc, những lời ca hay tiếng hoan hô, mà chính là hiến dâng cuộc đời, hiến dâng sức lực, hiến dâng trọn sự sống, hiến dâng từng năm tháng ngày giờ đi qua đời mình, hiến dâng cả trái tim lẫn khối óc, hiến dâng cả bàn tay và từng nhịp thở, hiếng dâng môi miệng và trọn tâm tư, hiến dâng lòng vâng phục và niềm phó thác trong ơn nghĩa của Chúa, hiến dâng đến trọn kiếp, đến tàn hơi, đến bộ mặt bên ngoài ai cũng có thể nhìn thấy, lẫn cả thế giới riêng tư của bản thân…

Lòng hiến dâng Chúa tất cả, đến mức chẳng còn gì giữ lại cho mình, chính là cung đàn, là điệu nhạc, là bài ca cuộc đời để thể hiện lòng biết ơn Thiên Chúa. Bởi chỉ có lời cảm tạ từ chính cuộc đời, mới là lời cảm tạ đáng để ước mong đẹp lòng Chúa, đáng để hiến dâng mà trông đợi Chúa chúc lành, Chúa sử dụng, Chúa nhàu nắn theo ý Người.

Và như vậy, mỗi lần cầu nguyện bằng lời Thánh vịnh “Cảm tạ Chúa gieo vạn tiếng đàn…”, ta sẽ cầu nguyện sâu lắng, thâm tín, cậy trông, trọn vẹn bằng cả kiếp sống, qua mọi hiến dâng của chính bản thân ta.

b. Tạ ơn Chúa Giêsu.

Niềm biết ơn Thiên Chúa, cũng sẽ hướng chúng ta về cùng Chúa Giêsu, Con của Người. Bởi trong Chúa Giêsu, nhờ Chúa Giêsu, con đường duy nhất mà ta đến cùng Thiên Chúa và được Thiên Chúa thương đoái: “Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Ngài nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Ngài, để được sống muôn đời” (1Tm 1, 13-16).

Đức Mẹ, qua từng chặng đường Mân Côi, cho thấy trong tâm trí của Người, không lúc nào là không có hình bóng Chúa Giêsu. Cũng vậy, biết ơn Chúa Giêsu là ta để Chúa Giêsu hiện diện, chiếm ngự nội tâm của ta. Bởi không để Chúa hiện diện trong ta như cách Đức Mẹ đã sống, sẽ khó có được một đời sống biết thiêng liêng hóa tất cả.

Không có Chúa Giêsu hiện diện, ta chỉ là những kẻ sống xốc nổi, cạn nghĩ, nông thể hiện, nông tương quan, thiếu lòng yêu mến, thiếu hy sinh, thiếu chân thành, thiếu thâm trầm, thiếu chiều sâu ngâm ngợi, thiếu những thể hiện mà người yêu Chúa phải có đối với anh chị em như: sự tín nghĩa, lòng đại lượng, sự dung thứ, tinh thần san sớt, hy sinh, khoan hậu…

Từng người chúng ta hãy ghi khắc thật sâu, thật bền lời của thánh Phaolô: “Tôi tạ ơn Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Ngài đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Ngài” (1Tm 1, 12).

Càng bước đi trên đường Mân Côi qua các mầu nhiệm của Chúa Giêsu, học bài học thiêng liêng hóa của Đức Mẹ, càng sống lòng biết ơn Chúa Giêsu. Hãy luôn ý thức sức mạnh của Chúa nơi chúng ta, luôn luôn thâm tín Người chẳng những không bao giờ bất tín, mà còn luôn tín nhiệm ta, để như thánh Phaolô, ta biết hiến dâng chính mình, hiến dâng trọn đời mình, biết chấp nhận cách không khoan nhượng, dù là sự sống hay sự chết, dù là thua thiệt, bất lợi hay tràn ngập hy vọng, dù phải đối diện với rừng sâu hay núi thẳm…, ta vẫn trung kiên cho trọn một niềm cảm tạ mà ta hiến dâng Chúa Giêsu.

VẤN TÂM.

- Suy niệm về những kỷ niệm và việc biến những kỷ niệm đời mình thành kỷ niệm thánh mà Đức Mẹ trung thành thực hiện trọn đời sống của Người, giúp chúng ta noi gương Đức Mẹ, thánh hóa những kỷ niệm của chính cuộc đời chúng ta. Ngay bây giờ, lợi dụng giây phút tĩnh tâm ngắn ngủi này, Chúng ta xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Thánh Người, ban ơn giúp sức, để chúng ta biết thánh hóa mọi biến cố đời mình, dù vui hay buồn, sướng hay khổ.

- Không kể biết bao nhiêu lần đọc kinh Mân Côi khác, cuộc tĩnh tâm nào, các linh mục Phú Cường cũng có giờ lần chuỗi. Nghĩa là qua mọi cuộc tĩnh tâm, chúng ta đều có cơ hội suy niệm hành trình mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu Thế. Chúng ta nhìn lại mình xem, đã có lần nào, chúng ta thật sự dõi bước theo Chúa trên mọi chặng đường của Chúa cách trung thành, như Đức Mẹ?

- Ai cũng có một đời để sống. Từng ngày, từng ngày trôi qua là hồng ân của Chúa. Kỷ niệm trong cuộc đời chúng ta là những dấu ấn của hồng ân mà mình khó có thể quên. Có thể đó là kỷ niệm vui đến nỗi mỗi lần nghĩ tới, là mỗi lần sung sướng đến ngây ngất. Cũng có thể là những kỷ niệm đầy nghẹn ngào, uất hận, câm nín đến mức làm đổ vỡ một khía cạnh của lý tưởng sống hay toàn bộ sự sống trong ta. Cũng có thể là những kỷ niệm đau thương đến nỗi ta có cảm giác như ai đó nghiền nát trái tim mình. Cũng có biết bao nhiêu lần, dù đó là kỷ niệm của đời ta, nhưng làm cho ta hãi hùng đến nỗi không dám nghĩ tới. Cũng có thể là những kỷ niệm mà suốt một đời, ta chỉ muốn chôn chặt trong đáy tâm hồn…

Mỗi giây phút đi qua đời người là mỗi giây phút trở thành quá khứ. Quá khứ càng nhiều, đời ta càng đong đầy kỷ niệm. Hãy thánh hóa tất cả. Hãy noi gương Đức Mẹ, hiến dâng Chúa tất cả. Hãy để Chúa làm chủ đời ta, để từng giây phút, ta sống là sống cho Chúa. Biết thánh hóa từng kỷ niệm là sự không ngoan, là tự giáo dục mình, giáo dục nội tâm của mình chìm sâu trong sự trung thành cầu nguyện và chiêm ngưỡng bằng cách thiêng liêng hóa mọi sự.

HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU.

Sách Giáo lý của Hội Thánh, sau khi khẳng định: Đức Maria là “một chi thể trổi vượt và độc đáo nhất của Hội Thánh” và là “kiểu mẫu của Hội Thánh” (số 967), đã dạy: “Ai nhận Đức Kitô là Đấng cứu độ, và là đầu của nhiệm thể, đều là con của Đức Maria” (số 973).

Là mẹ của con mình, chắc chắn không người mẹ nào không đặt tất cả lòng thương, niềm mến, sự hy sinh dành cho con. Không người mẹ nào không thổn thức khi con hoạn nạn, không hạnh phúc khi con vui…

Đã “thật là mẹ chúng ta” (GLCG số 968), Đấng “hoàn toàn gắn bó với thánh ý Chúa Cha, với công trình cứu chuộc của Con Mẹ với mọi tác động của Chúa Thánh Thần” (GLCG số 967), để hiệp công cứu chuộc nhân loại, Đức Maria, một khi nhận lãnh ơn gọi cao cả từ nơi Thiên Chúa để làm mẹ của nhân loại, chắc chắn không bao giờ rời xa đoàn con nơi trần thế.

Ta hãy cùng nhau, không phải chỉ lần chuỗi, mà còn bắt chước Đức Mẹ, thiêng liêng hóa cả cuộc đời, mọi vui buồn sướng khổ, mọi hoàn cảnh, mọi biến cố trong cuộc đời ta, khi lắng chìm trong từng mầu nhiệm Mân Côi.

Người Nữ duy nhất của ơn cứu chuộc, Mẹ chúng ta, Đấng cộng tác phần mình với Chúa Cứu Thế “bằng lòng vâng phục, bằng đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt” (GLCG số 968), sẽ dạy ta, qua từng lời, từng mầu nhiệm Mân Côi, con đường đạt tới ơn thánh thiện như Người.

Có như thế, việc suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi qua tầm nhìn thiêng liêng hóa mọi sự, giúp ta, cùng nhiều phương tiện đạo đức (bác ái, các bí tích, cầu nguyện, luyện tập nhân đức…), dẫn ta về trời với Đức Mẹ, trong sự hiện diện vô biên của Thiên Chúa, của Chúa Kitô, của Chúa Thánh Thần, Đấng hằng kết hiệp ta trong Thiên Chúa và trong Chúa Kitô.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Lời Xin Vâng của Mẹ - Lễ Mân Côi
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
17:32 30/09/2015

Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Chúa Nhật XXVII THƯỜNG NIÊN, năm B

Lc 1, 26-38

LỜI XIN VÂNG CỦA MẸ

Mỗi năm tháng mười về, con cái của Mẹ Maria trên khắp thế giới đều kính nhớ, tôn vinh Mẹ. Chuỗi Mân Côi mà Mẹ truyền dạy cho con cái khắp nơi phải dùng hằng ngày là chuỗi ngọc, càng vàng, là Tin Mừng tóm gọn. Chuỗi Mân Côi làm con người chung ta lắng đọng, nhẹ nhàng trước bao xáo trộn, xôn xao của trần gian để con người chiêm ngắm Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ.

Lời chào của sứ thần Gabrien :” Kính chào Bà đầy ơn phúc “ là lời mời gọi Mẹ hân hoan, vui lên khi sứ thần truyền tin cho Mẹ. Ơn cứu độ đã đến với Mẹ và qua Mẹ, Chúa Giêsu, Con của Mẹ sẽ đem ơn cứu rỗi cho trần gian, cho mọi người, cho từng người. Quả thực, Mẹ Maria đã được Thiên Chúa yêu thương từ đời đời:lúc Mẹ được cưu mang trong lòng bà thánh Anna, khi Mẹ được sinh ra và tình thương của Chúa ấp ủ Mẹ đến muôn đời.Mẹ Maria được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Chúa Giêsu, do đó, Mẹ được đặc ân vô nhiễm nguyên tội và nhiều đặc ân khác mà nhân loại không ai có được.Là con Mẹ, nhân loại hay nói cách nôm na, mỗi người chúng ta được Con của Mẹ là Chúa Giêsu tẩy sạch tội nguyên tổ để mỗi người được trở nên thụ tạo mới trong Đức Giêsu Kitô.

Sứ thần Thiên Chúa cũng nó với Mẹ lời dịu dàng, ngọt ngào :” Thiên Chúa ở cùng Bà “. Lời này cho chúng ta nhận ra Thiên Chúa luôn ở với Mẹ. Nhờ việc Thiên Chúa ở với Mẹ, Mẹ đã trở thành Đền Thờ, trở thành Hòm Bia cho Thiên Chúa ngự trị. Mẹ luôn đầy tràn Chúa Thánh Thần. Nơi cung lòng của Mẹ, Con Thiên Chúa nhập thể và ngự trị như Chúa đang ở trong Nhà tạm, Hòm Bia cực thánh…Thiên Chúa đã chọn Mẹ vì Mẹ đã đắc sủng với Thiên Chúa. Mẹ được ơn độc nhất vô nhị để Thiên Chúa chọn Mẹ và để Con của Thiên Chúa ngự trị trong cung lòng hoàn toàn thánh thiện, trong sạch của Mẹ.

Bà Élizabeth ca ngợi Mẹ rằng Mẹ được ơn phúc hơn mọi người phụ nữ. Lời chúc tụng này nhắc nhớ cho chúng ta hay chỉ có Mẹ được tràn đầy ơn phúc, chỉ có Mẹ vì chỉ mình Mẹ mới được diễm phúc sinh hạ Đấng cứu thế . Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu, sinh hạ và cho Người bú mớm ( Lc 11, 27 ). Mẹ Maria còn được bà chị họ khen ngợi vì Mẹ đã tin lời Chúa nói sẽ được thực hiện ( Lc 1, 45 ) . Mẹ Maria đã tin dù rằng trong bóng tối chưa được vén mở thì khi thiên sứ giải thích Mẹ đã nói lời xin vâng làm theo ý Chúa.

Mẹ được tràn đầy ơn phúc vì Mẹ đã tin tuyệt đối và phó thác trọn vẹn sinh mạng cuộc đời mình trong tay Thiên Chúa. “ Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói “ ( Lc 1, 38 ).

Mẹ Maria đã được chia sẻ sự thánh thiện của Thiên Chúa. Mẹ đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Thiên Chúa. Mẹ đã thực thi lời của Chúa cách trọn vẹn. Mẹ đã lắng nghe lời Chúa, suy đi nghĩ lại trong lòng và luôn thực thi lời Chúa trong cuộc sống của Mẹ.

Tháng mười tháng dâng kính Mẹ, tháng Mân Côi. Chúng ta hãy sốt sắng lần Chuỗi trong Nhà thờ, Nhà nguyện, nơi gia đình và bất cứ nơi đâu có thể lần chuỗi. Chuỗi Mân Côi là sức mạnh, là giây bền đỗ của chúng ta. Theo gương Mẹ, chúng ta hãy cầu xin Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa. Theo gương Mẹ, chúng ta đừng để bị gò bó trong thời gian, trong cuộc đời chóng qua này. Chúng ta hãy noi gương bắt chước Mẹ và thực thi những điều Mẹ dạy bảo.

Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết lắng nghe lời Chúa, thực hành lời Chúa trong đời sống của chúng con. Xin cho chúng con luôn biết nói lời xin vâng làm theo ý Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Sứ Thần Gabrien đã nói gì với Mẹ ?
2.Trước lời đề nghị của sứ thần Mẹ Maria đã có thái độ nào ?
3.Tại sao Mẹ Maria lại nói lời xin vâng ?
4.lời xin vâng của Mẹ có ý nghĩa gì ?
5.Chuỗi Mân Côi có ý nghĩa gì ?
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:47 30/09/2015
33. CHỈ MỘT MẮT LƯỚI.
N2T

Có một người đi giăng lưới bẫy chim, chim bay lại thì bị mắc ngay vào lưới.
Khi thu lưới để xem, anh ta thấy chim chỉ bị mắc ở trong một mắt lưới mà thôi, thế là khi trở về nhà anh ta làm một cái lưới nhưng chỉ có một mắt lưới, đem tấm lưới đi đến chỗ trước đây sửa lại, lòng tràn trề hứng thú chờ đợi. Nhưng, lần này dù là một con chim, anh ta cũng không thể bắt được.
(Thân Giám)

Suy tư 33:
Lời Chúa là một tấm lưới không phải để bẫy chim hay nhốt mất tự do của con người, nhưng là để ngăn cản không cho quỷ dử rình mò cắn phá tâm hồn của con người.
Lời Chúa là một tấm lưới “đánh bắt cá người” đem về cho Thiên Chúa của thánh Phê-rô luôn thích hợp cho mọi thời đại, chứ không chỉ thích hợp cho một thời đại nào đó mà thôi đâu.
Mỗi một người Ki-tô hữu là một tấm lưới với nhãn hiệu được cầu chứng của Thánh Thần là yêu thương.
Bởi vì yêu thương thì “bắt” được nhiều tâm hồn về cho Chúa hơn là ghen ghét, bởi vì yêu thương thì “bắt” được nhiều “loại cá tâm hồn” hơn là kiêu căng hợm hĩnh.
Cái lưới chỉ có một mắt lưới thì giống như người kiêu ngạo chỉ biết mình tài giải mà thôi, mà không thấy còn có nhiều người tài giỏi hơn mình, cho nên họ suốt đời sẽ không bắt được một tâm hồn nào về cho Thiên Chúa vì tính kiêu căng tự phụ của họ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:50 30/09/2015
N2T

18. Các con phải không tiếc nuối gì khi dâng mình cho Thiên Chúa.

(Thánh Vincent of Saragossa)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Kinh Kính Mừng lời kinh cầu cho hòa bình
Lm Antôn Nguyễn Văn Độ
21:36 30/09/2015
Kinh Kính Mừng lời kinh cầu cho hòa bình

1. Kinh Kính Mừng

"Kính mừng Maria đầy ơn phúc"

Đó là câu đầu tiên trong Kinh Kính Mừng chúng ta vẫn thường xuyên đọc nhất là trong tháng Mười. Nhưng nguồn gốc của lời Kinh này phát xuất từ miệng sứ thần Gabriel khi chào kính Đức Maria lúc truyền tin (Lc1,28). Đức Maria là Đấng đầy ơn phúc như lời sứ thần nói, vì có Thiên Chúa ở cùng. Phúc của Mẹ thật cao với khôn sánh, lời bà Ê-li-sa-bet xác nhận : " Em thật có phúc hơn mọi người nữ, vì Đấng em cưu mang thật diễm phúc". Ai có Thiên Chúa ở cùng, người ấy được đầy ơn phúc. Đức Maria là người diễm phúc không chỉ Mẹ có Thiên Chúa ở cùng, mà Mẹ còn cưu mang Thiên Chúa ngay trong lòng mình nữa.

Những lời của sứ thần Gabriel và của bà Ê-li-sa-bet trên đây đã được Giáo Hội dùng để chúc tụng ngợi khen Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Đồng thời Giáo Hội thêm vào đó lời cầu khẩn Mẹ thương nâng đỡ phù trì "Thánh Maria ĐứcMẹ Chúa Trời... và trong giờ lâm tử".

Phụng vụ mừng lễ Mẹ Mân Côi hôm nay, dựa trên trang Tin Mừng (Lc 1,26-38) lại dìu ta về với "Đức Maria đầy ơn phúc". Mẹ có phúc trước hết là vì Mẹ có Thiên Chúa ở cùng, và Con lòng Mẹ gồm phúc lạ. Thế nên Giáo Hội không ngớt lời lặp đi lặp lại danh xưng hạnh phúc này : "Kính mừng Maria đầy ơn phúc" để tôn vinh Mẹ Maria. Đức Maria là người hạnh phúc vì Mẹ đã đón nhận hồng phúc, được tuyển chọn để cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và làm Mẹ Đấng Cứu Thế, là Mẹ Thiên Chúa. Nếu yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trong đời, thì Đức Maria cũng rất hạnh phúc khi được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và chính Mẹ cũng biết dành trọn vẹn tình yêu thương của mình cho Thiên Chúa.

Mẹ được đầy ơn phúc, Mẹ cũng muốn cho con cái mình hạnh phúc, vì mẹ nào mẹ chẳng thương con. Nên khi con cái lầm đường lạc lối, sa lầy trong tội, Mẹ đã mở rộng vòng tay, dẫn lối chỉ đường cho con người đạt tới hạnh phúc với lời nhắn nhủ : "Hãy ăn năn đền tội, hãy năng lần hạt Mân Côi". Làm theo lời dặn dò của Mẹ, Hội Thánh đã thoát nhiều cơn giông tố hiểm nguy xác hồn, phá tan được bao bè rối, mang lại bình an trong tâm hồn.

2. Ơn phúc bởi đọc Kinh Kính Mừng

Chính Mẹ đã dạy chân-phước Alanô : "Bất-cứ ai trung thành đọc Kinh Mân Côi và suy ngắm những Mầu Nhiệm sẽ được ân thưởng. Mẹ sẽ xin cho họ được tha mọi hình phạt và mọi tội lỗi trong giờ họ chết".

Thánh Bênađô nói : "Kinh Kính Mừng làm cho Quỉ Dữ trốn chạy, Hỏa Ngục run sợ".

Còn thánh Bônaventura nói : "Mẹ Maria chúc phúc cho những ai đọc Kinh Kính Mừng".

Theo thánh Montfort "Những người rối đạo, những người vô tín ngưỡng, những người kiêu căng chê ghét hay khinh thị Kinh Kính Mừng, là những người có dấu bị trầm luân Hỏa-Ngục. Không có gì có hiệu-lực được lên Nước Thiên Chúa bằng đọc Kinh Mân Côi".

Thánh Anphongsô "Nhờ Kinh Mân Côi, biết bao tội nhân bỏ đường tội lỗi, bao linh hồn đã tiến cao trên đường trọn lành. Biết bao người được ơn chết lành và hưởng phúc Thiên đàng".

Kinh Mân côi là kinh chính Ðức Trinh Nữ đã khuyến khích khi hiện ra với Cô Bernardette ở Lộ đức (1858) cũng như trong các lần hiện ra với ba em mục đồng Lucia, Phanxicô và Giaxinta 6 lần từ 13 tháng 5 tới 13 tháng 10 năm 1917. Cả 6 lần Đức-Mẹ đều thúc-dục : "Các con hãy tiếp tục đọc Kinh Mân Côi hằng ngày". Và nhất là : "Các con hãy đọc kinh Mân côi để cầu nguyện cho hòa bình".

3. Lời kinh cầu cho hòa bình

Chúng ta đang sống trong một tình hình quốc tế đầy những căng thẳng, càng ngày càng gia tăng, khiến ngày mùng 07 tháng 9 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô phải mời gọi cả Hội Thánh ăn chay cầu nguyện cho hòa bình tại Syria và những nơi bạo lực đang hoành hành. Lời cầu của Hội Thánh đã được nhận lời, chiến tranh đe dọa Damacus đang qua đi, nhưng tại Trung Đông, Ai Cập, Triều Tiên và cả Thánh Địa xem ra Hòa Binh vẫn vắng bóng. Năm 2014, và những năm tiếp theo Đức Thánh Cha đã kêu gọi thế giới nhiều lần cầu nguyện cho Irắc, không những kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình tại Israel và Palestin mà còn tổ chức cầu nguyện với nguyên thủ quốc gia cả hai nước. Trước tình thế hiện nay, chỉ biết chạy đến với Thiên Chúa, để khẩn xin hòa bình cho thế giới và. Việc làm trong tháng này là hãy lần hát Mân Côi, như Giáo Hội vẫn thường làm trong các cơn túng cực. Vì chỉ có lời cầu nguyện mới vượt qua được các biên giới các quốc gia và các ngăn cách của thù ghét cũng như không hiểu nhau, mới đem lại bình an cho nhân loại. Chúng ta hướng về Ðức Maria, Nữ vương hòa bình, và khẳng định rằng, nơi nào thiếu hòa bình, nơi nào con người tỏ ra bất lực hay không muốn dẹp đi mầm mống thù ghét và chết chóc, thì việc trợ giúp phải đến từ Trời cao. Chính Ðức Maria, Nữ vương hòa bình, Ðấng đem chúng ta trở lại với Chúa Cha.

Trước những thế lực mạnh hơn, chúng ta thường cảm thấy bất lực. Khi nghĩ đến sức mạnh của những thế lực trên trái đất này định đoạt số phận của nhân loại, chúng ta cảm thấy bị giới hạn và bất lực, chúng ta chỉ biết tin tưởng vào lời cầu nguyện mà thôi, chúng ta tin cậy vào một sức mạnh lớn hơn, là Thiên Chúa. Ðức Maria, như gương mẫu của sự phó thác hoàn toàn cho thánh ý Chúa. Và với tình mẫu tử, Mẹ sẽ dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Kitô, theo dõi chúng ta trên đường đến với Chúa Cha, Ðấng có thể cải hóa và làm cho các tâm hồn con người tùng phục thánh ý của Người.

Vậy kinh Mân Côi càng có lý do hơn nữa để xúc tiến hòa bình, một hoà bình cho tới nay vẫn chưa trở lại. Với lời Mẹ Maria dạy và kinh nghiệm của các thánh về ơn phúc bởi đọc Kinh Kính Mừng, chúng ta hãy sốt sáng đọc kinh Mân Côi, để cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình, cho Giáo Hội, cho quê hương và cho toàn thế giới.

Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi, cầu cho chúng con.

Nữ Vương bình an, cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tóm lược bài giảng của ĐTC trong buổi triều kiến chung tại Vatican
Bùi Hữu Thư
10:19 30/09/2015
Rome, ngày 30 tháng 9, 2015:

Anh chị em thân mến, chuyến tông du mới đây của tôi đã bắt đầu từ Cuba, nơi tôi đã muốn ôm lấy toàn dân Cuba yêu qúi, vượt trên hết mọi sự chia rẽ. Tôi đã cầu xin Đức Mẹ Bác Ái Đồng Trinh Cobre hướng dẫn họ trên con đường hòa bình, tự do và hòa giải.

Tôi đã đến Hoa Kỳ, trước hết tại Hoa Thịnh Đốn. Tôi đã khuyến khích người dân Hoa Kỳ hãy kiên trì trong việc xây dựng xã hội, trong khi ghi nhớ rằng sự giầu mạnh lớn lao nhất của họ nằm trong di sản tinh thần và đạo đức; di sản mà vị thánh mới được tấn phong, Junipero Serra, đã biểu hiện.

Tại Trụ Sở Liên Hiệp Quốc, ở Nữu Ước, tôi đã nhắc lại sự khuyến khích của Giáo Hội đối với cơ quan này, về việc bảo vệ hòa bình, gìn giữ tạo vật và bênh vực cho những người thiểu số.

Sau đó tôi đã đến Philadelphia, tham dự Đại Hội Thế Giới về Gia Đình. Gia đình là giải đáp cho những thách đố lớn lao nhất của thời đại chúng ta, vì gia đình là tế bào của một xã hội có thể làm cân bằng các chiều kích cá nhân và cộng đồng. Trong gia đình chúng ta tìm thấy hai nguyên tắc của tất cả mọi nên văn minh trên thế giới: đó là sự hiệp nhất và sự phồn thịnh.
 
Có tin ĐGH bí mật gặp bà Kim Davis, người lục sự từ chối cấp giấy giá thú đồng tính ?
Trần Mạnh Trác
11:09 30/09/2015


Tổ hợp luật sư Liberty Counsel, chuyên đại diện cho những tranh tụng về Tự Do Tôn Giáo, vừa cho biết thân chủ cuả họ là bà Kim Davis đã có cuộc gặp gỡ riêng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 24 tháng 9 vừa qua tại Tòa Nhà Sứ Thần Tòa Thánh ở Washington DC.

Bà Kim Davis, chánh văn phòng Lục Sự cuả quận Rowan, một quận lỵ tí hon và hẻo lánh cuả tiểu bang Kentucky, đã bị bắt giam 6 ngày vì từ chối không cấp giấy hôn thú cho các cặp đồng tính. Lý do mà bà không tuân theo luật lệ mới để cấp giấy hôn thú cho họ là vì, theo lời cuả bà, một tín hữu Tin Lành phái Apostolic Christian, "đây là một quyết định giữa Thiên Đàng và Hoả Ngục" (“a Heaven or Hell decision” ) và bà hành động dứơi quyền cuả Thiên Chuá (“under God’s authority.”)

"Bà Kim Davis đã trở thành một biểu tượng của cuộc xung đột gần đây trên toàn thế giới giữa đức tin Kitô giáo và những thách thức văn hóa liên quan đến hôn nhân," theo lời ông Mat Staver, vị sáng lập ra tổ hợp Liberty Counsel. "Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt ở Mỹ là sự thánh thiêng của sự sống con người, là hôn nhân, và tự do tôn giáo. Đó cũng là những thách thức phổ quát mà các Kitô hữu phải đối mặt trên toàn thế giới hiện nay. Tự do tôn giáo là một quyền cuả con người đến từ Thiên Chúa. Những giá trị được chia sẻ chung bởi những người có đức tin, và các mối đe dọa đối với tự do tôn giáo là phổ quát. "

Bà Davis, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với ABC News, cho biết bà đã nhận được một điện thoại bất ngờ từ toà Sứ Thần Tòa Thánh, bà đã cải trang và chạy xe đến Washington, D.C., và cùng với chồng gặp mặt ĐTC.

"Tôi đưa tay ra và Ngài đã bắt tay tôi, và tôi ôm lấy Ngài và Ngài đã ôm lấy tôi," Bà nói. "Và Ngài đã nói, 'cám ơn bà đã có lòng can đảm.'"

Linh mục Federico Lombardi cuả văn phòng báo chí Vatican đã ra một thông cáo sau khi câu chuyện phát lộ, như sau:

"Toà Thánh đã biết về những tin tức đang loan truyền về việc bà Kim Davis được gặp Đức Thánh Cha. Toà Thánh không xác nhận và cũng không phủ nhận cuộc gặp gỡ này. Toà Thánh không có bình luận gì thêm."

Đức Sứ Thần Tòa Thánh ở Washington, D.C., và Hội Đồng Các Giám Mục Hoa Kỳ cũng không bình luận về sự việc.

Tổ hợp Liberty Counsel cho biết hai vợ chồng bà Davis đã nói chuyện với ĐGH về lòng can trường và hưá sẽ cầu nguyện cho nhau: "ĐGH cảm ơn bà Davis đã cam đảm, khuyến khích bà hãy 'mạnh mẽ', và tặng cho hai ông bà một sâu chuỗi tràng hạt do chính tay Ngài ban phép lành."

Tổ hợp luật sư cho biết những hình ảnh về cuộc gặp mặt sẽ được Vatican công bố một ngày gần đây. Khi được hỏi tại sao tới bây giờ thì họ mới công bố sự kiện ra ngoài, ông Staver noí: " Chúng tôi tránh những chú ý cuả chuyến tông du cuả ĐGH bị tập trung chỉ vào bà Kim Davis."

Từ khi lên ngôi cho đến nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thẳng thắn đưa ra nhiều ý kiến về những vấn đề nóng bỏng cuả Thế Giới như sự nóng lên toàn cầu và sự thu nhập bất bình đẳng, cũng như về vấn đề đồng tính ("Tôi là ai mà phán xét?" Ngài nói.) Những ý kiến như thế làm cho nhiều người nghĩ rằng Ngài là một nhân vật Cấp Tiến.

Nhưng cuộc gặp mặt cuả Ngài với Bà Davis, nếu có thực, sẽ là một sự khẳng định rằng Ngài không là đồng minh của người đồng tính về vấn đề hôn nhân.

Trên chuyến bay trở về Roma, khi trả lời một phóng viên ABC News đề cập đến một ví dụ là cấp giấy hôn thú cho các cặp đồng tính, Đức Thánh Cha cho biết các công chức cuả chính phủ cũng có những "quyền cuả con người", họ có quyền nói rằng họ không thể thực hiện nhiệm vụ mà họ tin rằng đi ngược lại lương tâm của họ. Đức Thánh Cha đã tránh không nêu tên bà Davis.

"Tôi không thể gộp chung tất cả mọi trường hợp có thể xảy ra về quyền lương tâm," Đức Thánh Cha nói với phóng viên. "Nhưng, vâng, tôi có thể nói rằng lương tâm là một quyền, là một phần của nhân quyền. Đó là một quyền. "

Bà Davis không phải là người duy nhất mà ĐTC gặp gỡ liên quan đến những trường hợp tự do tôn giáo. Tại Washington, ĐTC Phanxicô đã bất ngờ tới thăm các 'nữ tu nhỏ của người nghèo' (Little Sisters of the Poor). Chuyến viếng thăm được ghi nhận là một dấu hiệu Ngài hỗ trợ cho cuộc chiến pháp lý chống lại những đòi hỏi tránh thai trong Đạo Luật Y Tế (Chăm Sóc Y Tế với Giá Cả Phải Chăng.)

Mặc dù chi tiết về cuộc họp báo cáo vẫn còn mơ hồ, nhưng lịch trình của Đức Thánh Cha vào ngày 24 tháng 9 dường như có đủ thời gian để thích ứng một cuộc họp riêng với bà Davis.

"Tôi đã khóc." Bà Davis cho biết trong cuộc phỏng vấn độc quyền với ABC News." Tôi cảm thấy dưng dưng nước mắt."

"Tôi chỉ là một người vô danh, vì vậy tôi cảm thấy thực sự khiêm nhường để nghĩ rằng Ngài muốn gặp hay muốn biết về tôi."

"Tôi cảm thấy bé nhỏ khi gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô," bà nói. "Trong muôn vạn người, tại sao lại là tôi nhỉ?"

Bà nói thêm: "Tôi không bao giờ nghĩ tôi sẽ được gặp Đức Thánh Cha. Tôi là ai mà có cơ hội hiếm có này? Tôi chỉ là một nhân viện lục sự có lòng yêu mến Chúa Giêsu và mong muốn với tất cả trái tim mình để phục vụ Người. "

"Đức Giáo Hoàng," bà nói, "thì nhân từ, thực sự quan tâm, và rất dễ mến."

"Ngài nói với tôi trước khi chia tay, 'hãy ráng mạnh mẽ. ' Đó là một khích lệ lớn. Chỉ cần biết rằng Đức Giáo Hoàng cũng cùng đi trên một con đường với những gì chúng tôi đang làm, thì như là được xác nhận tất cả mọi thứ là tốt, nhờ một người có tầm vóc như thế, "bà Davis nói thêm.

Bà cho biết sẽ tiếp tục cương quyết, dù cho phải ngồi tù hơn nữa.

"Tôi đã cân nhắc những thiệt hại và tôi sẵn sàng gánh chiụ, thậm chí cả việc bị tù đày," bà Davis nói. "Vẫn là cùng một trận chiến, nhưng bây giờ thì chúng tôi đã có thêm người chiến đấu với chúng tôi."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cảm nhận ngày giáo họ Phú Long Quảng Ngãi mừng Bổn mạng và khánh thành trùng tu nhà thờ
Lm. Giuse Truơng Đình Hiền
06:51 30/09/2015
NHỎ NHƯNG VẪN LÀ Giáo Hội !

Cảm nhận ngày giáo họ Phú Long mừng Bổn mạng và khánh thành trùng tu nhà thờ

Từ xa xưa trong Cựu ước, danh xưng tượng hình và “hình động” đó là “Đại Hội”, “Tập hợp”, “quy tụ”…đã được Lời Chúa sử dụng để chỉ một thực thể nhiệm mầu là “Dân Chúa”, là “cộng đoàn đức tin họp nhau thờ phượng”, là cuộc “tập họp để nghe Lời và thực hiện Giao ước”. Rồi khi chuyển sang thời Lịch sử cứu rỗi với Đức Kitô và “Dân Mới” được hình thành, danh xưng trên chính thức cô đọng và viên mãn để biểu thị thực tại “Giáo Hội”, “Hội Thánh” mà từ La-tinh là Ecclesia viết hoa.

Xem Hình

Chúng ta dễ dàng hiểu được ý nghĩa nầy khi đọc lại lịch sử Hội Thánh, nhất là vào thời những thế kỷ đầu bách hại, ý nghĩa “Giáo Hội” được biểu thị rõ nét qua các cuộc tập họp của tín hữu chung quanh các Tông Đồ và các vị Mục tử nơi các hang toại đạo, các khu ổ chuột dân nghèo, các vùng xa xôi hẻo lánh…

Chính vì thế, chúng ta có thể nói được rằng: Ở đâu có cuộc tập họp của các Kitô hữu, của một “cộng đoàn Hội Thánh địa phương”, cho dù cộng đoàn đó chỉ là một “đàn chiên nhỏ”, chỉ là một cuộc tập họp giản đơn, nghèo nàn, thì vẫn ắp đầy ý nghĩa của 2 từ Giáo Hội.

Và chắc chắn cũng từ ý nghĩa nầy, mà ngôi nhà để các cộng đoàn tập họp thờ phượng và lắng nghe Lời Chúa, Bẻ bánh và cầu nguyện chung cũng được Giáo Hội sử dụng một danh từ tương tự: ecclesia (viết thường): nhà thờ.

Vào ngày 29.9.2015, ngày lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần, nơi một vùng quê của giáo xứ Phú Hòa, đã có một cuộc “tập họp” của một cộng đoàn Hội Thánh nhỏ bé tại một ngôi nhà thờ bé nhỏ mới được trùng tu: nhà thờ giáo họ Phú Long. Đây là họ đạo kỳ cựu nằm về phía Bắc gần họ chính Phú Hòa thuộc thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây, trong địa bàn mới quy hoạch thuộc thành phố Quảng Ngãi. Họ đạo nầy trước kia còn có tên là Hà Nhai. Giáo dân thuần nông với cây lúa nước. Vào thập niên 60, cha sở Phú Hòa Khổng Văn Giám đã xây dựng một ngôi nhà thở nhỏ tường gạch mái ngói. Tuy nhiên, sau bao nhiêu thăng trầm chiến tranh loạn lạc trong 2 thập niên 60-70, giáo dân xiêu tán, nhà thờ hoang phế. Sau biến cố 1975, nhất là từ khi thầy Tađêô Lê Văn Ý được Bề Trên điều về phụ giúp mục vụ tại Phú Hòa, việc bảo quản, trùng tu từng bước được thực hiện. Và rồi, khi cha Tađêô Lê Văn Ý chính thức trở thành cha sở Phú Hòa, việc “tái tạo” bên trong lẫn bên ngoài cộng đoàn và nhà thờ Phú Long được xúc tiến mạnh mẽ hơn và trong những điều kiện thật khó khăn phức tạp. Và cho đến ngày Bổn Mạng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae năm nay, ngày 29.9.2015, trong một buổi sáng đẹp trời, một thánh lễ Bổn Mạng và Tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ mới đã được cử hành trong hoan vui, hiệp nhất, cho dù, cũng trong thời điểm nầy, cha Lê Văn Ý đã chuẩn bị tâm lý cho cộng đoàn trong biến cố mục vụ chuyển xứ vào ngày 8.10 sắp tới.

Không riêng gì giáo họ Phú Long, mà tại vùng đất Núi Ấn-Sông Trà bao la nầy, còn biết bao nhiêu các “cộng đoàn Giáo Hội” nhỏ bé, nghèo nàn rải rác trên nhiều vùng sâu vùng xa; có rất nhiều những cộng đoàn không có được cái may mắn hạnh phúc là có nhà thờ như Phú Long, như các cộng đoàn Cù Và, Phước Thọ, Nghĩa Lâm, Trà Câu, Đức Phổ, Ba Tơ, Trà Bồng, Trung Tín, An Hội, Châu Me, Xóm bàu…Riêng giáo xứ Châu Me, có 14 cộng đoàn giáo họ trong tình trạng “trống trơn” như thế.

Nhưng không sao. Cho dù nhỏ nhưng vẫn là Giáo Hội. Cho dù chưa có nhà thờ để làm nơi quy tụ thường xuyên, thì vẫn hiện diện một Giáo Hội địa phương khi Thánh lễ được cử hành tại một góc sân nhỏ xa xôi nào đó, khi bà con giáo dân vẫn trung thành họp nhau để lần chuỗi Mân Côi…Vâng ! Nhỏ nhưng vẫn là Giáo Hội !
 
Hai ngày cuối dự đại hội gia đình tại Philadelphia.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
07:30 30/09/2015
Hai ngày cuối dự đại hội gia đình tại Philadelphia.

Hai ngày thứ Bảy – Chúa Nhật, 26-27.9 là cao điểm của Đại hội Gia đình thế giới lần thứ 8 tại Philadelphia. Các sinh hoạt như hội nghị học hỏi, thảo luận về gia đình qua các buổi thuyết trình của các diễn giả nổi tiếng trên thế giới, các chương trình học hỏi giải trí cho người lớn và trẻ em đều diễn ra trong Convention Center rộng mênh mông. Đại nhạc hội và thánh lễ bế mạc diễn ra tại công viên Benjamin Franklin Parkway.

Xem Hình

Philadelphia là “Phố Của Tình Huynh Đệ” thường được nhắc tới như “Cái Nôi Tự Do”. Đây là nơi mà Hiệp Chủng Quốc đã được chào đời vào năm 1776, với sự ký kết của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập và tiếng ngân vang của Chuông Tự Do. Chính nơi đây Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ đã được soạn thảo với những lời mở đầu nổi tiếng “We the people” (Chúng tôi là những người dân). Thành phố Philadelphia là Thủ đô Quốc gia từ năm 1790 cho đến năm 1800. Chính nơi đây,Bà Betsy Ross đã may lá cờ Hoa kỳ đầu tiên.

Philadelphia luôn là một thành phố được xây dựng trên tinh thần tự do tôn giáo, cởi mở và khoan dung. Philadelphia có nhiều viện bảo tàng và công viên nổi tiếng.

Philadelphia có các Đền thánh thu hút khách hành hương đến cầu nguyện như: Đền thánh John Neumann, Đền thánh Katherine Drexel, Đền thánh Rita, Đền thánh Huy Hiệu Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ.

Sáng ngày thứ Bảy, chúng tôi đến tham dự thánh lễ dành cho Cộng Đồng Việt Nam vào lúc 10g sáng tại Aspira Headstart Center 6301 N. Second St. Philadelphia, thay vì nhà thờ Giáo xứ St Hellena như đã được thông báo trước đây. Địa điểm này gần nhà thờ St Helena.

Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám Mục Sài Gòn, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chủ tế và giảng lễ; cùng đồng tế với Ngài có 6 vị Giám mục Việt Nam: Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương (Hoa kỳ), Đức Cha Vincentê Trần Mạnh Hiếu (Canada),Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí, Chủ Tịch Liên Đoàn, 180 Linh mục tại Hoa Kỳ Việt Nam và các Châu Lục; có 70 Nữ Tu và hơn 3.000 giáo dân tham dự, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cùng hiệp thông.

Cuối thánh lễ, Đức Hồng Y Phêrô nói lời cám ơn và ngài cho biết năm 2016 là Năm Lòng Thương Xót Chúa nên Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trao sách Tin Mừng Luca cho đại diện 5 châu lục vào tối thứ bảy, ngài bày tỏ niềm vui Tổng Giáo phận Hà Nội được chọn làm đại diện Châu Á đón nhận niềm vinh dự này. Sách Tin mừng Luca là Tin Mừng về gia đình và lòng Chúa thương xót. Sau đó Đức Ông Giuse dâng tâm tình tri ân. Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, cùng Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận Philadelphia đã làm việc miệt mài hơn một năm trời với ban tổ chức đại hội, đem về rất nhiều quyền lợi cho khối Công Giáo Việt Nam. Tiếng Việt là một trong năm ngôn ngữ trong Đại Hội: Tiếng Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Việt Nam. Cảm tạ Chúa và cám ơn Ban Tổ Chức đã ưu ái đến người Việt Nam.Ngài cám ơn các Giám Mục, các Linh mục, các tu sĩ và anh chị em đã đi một hành trình xa xôi từ Việt Nam qua đây, ngài cũng chúc mừng Đức Hồng Y là “hoàng tử” của Giáo Hội. Bữa tiệc nhẹ tại hội trường rộn ràng trong tình thân thương gặp gỡ nhau từ nhiều miền trên thế giới hội tụ về trong đức tin.

Chia tay trong luyến tiếc, chúng tôi đến Nhà thờ thánh Hêlene chào thăm Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, ngài niềm nở thân tình đón chào, chụp hình lưu niệm và ban phép lành bình an cho cả đoàn.

Lúc 7 giờ tối, Đức Giáo Hoàng và hàng chục ngàn người tham dự đại nhạc hội tại Benjamin Franklin Parkway, với sự phụ họa trình diễn của các ca sĩ nghệ sĩ nổi tiếng và giàn nhạc Giao hưởng Philadelphia. Các ngã đường dẫn vào công viên đều có cảnh sát và quân đội, họ rất thân thiện và tận tình giúp đỡ. Chúng tôi đi bộ hơn 5km, hòa vào đoàn người tiến vào khu vực trung tâm. Cũng như các dịp đại hội giới trẻ thế giới, bầu khí thật sôi nổi ca hát reo mừng. Mỗi người đều phải qua trạm an ninh kiểm soát thật quá kỹ lưỡng mới vào được trong công viên. Hàng mấy chục ngàn người tham dự nên chúng tôi chỉ đứng xa xa xem chương trình đón tiếp Đức Thánh Cha và các tiết mục qua màn hình. Đặc biệt, trong đêm Đại nhạc hội này, Đức Thánh Cha trao 5 bản tin mừng Luca cho 5 châu lục, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đại diện cho châu Á đón nhận 1 bản.

Xe díp Wrangler chở Đức Phanxicô chạy quanh Tòa Thị Chính Philadelphia và Benjamin Franklin Parkway, trên đường tới lễ hội đêm nay.Hàng chục ngàn người xếp hàng dọc lộ trình của Đức Giáo Hoàng với hy vọng được thoáng nhìn thấy Đức Giáo Hoàng, chụp tấm hình ưng ý nhất, tôi chỉ chụp ảnh qua màn hình mà thôi. Chỉ xem hơn nữa chương trình, chúng tôi ra về, vậy mà đến khách sạn đã hơn 12 giờ đêm, cần nghỉ ngơi lấy sức cho ngày hành hương cuối cùng.

Ngày Chúa Nhật 27.9, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ bế mạc Ðại Hội Thế Giới về Gia Ðình lần thứ 8 tại Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, vào lúc 4 giờ chiều.

Từ sáng sớm chúng tôi đến Đền Thánh John Neumann dâng thánh lễ. Dưới bàn thờ là thi hài Thánh nhân. Cha Linh Dòng Chúa Cứu Thế đang phục vụ tại đây đã ân cần đón tiếp và chia sẻ cho chúng tôi về cuộc đời và ơn gọi của thánh John Neumann, liên kết với Phúc âm Chúa Nhật 26 B, ngài hướng mọi người đến sự thánh thiện theo gương thánh nhân. Sau lễ đi tham quan nhà thờ tầng trên và phòng trưng bày thánh tích của vị thánh nổi tiếng làm phép lạ giúp người. Thánh John Neumann là một nhà giảng thuyết Tin Mừng không mệt mỏi cho hầu hết những người khốn khó và bị bỏ rơi, nhất là người nghèo. Ngài đã xây dựng hơn 90 nhà thờ, 40 trường học và được xem là người sáng lập hệ thống trường học các giáo phận ở Hoa Kỳ. Ngài cũng thiết lập 40 Giờ Chầu Thánh Thể, đón nhiều cộng đoàn dòng tu đến Philadelphia và lập Dòng Ba các Nữ tu Thánh Phanxicô. Thánh John Neumann yên nghỉ tại Nhà thờ Thánh Phêrô Tông Đồ Dòng Chúa Cứu Thế, thi hài ngài được đặt trong lồng kính dưới hầm mộ của Đền Thánh trong Nhà thờ, nơi các tín hữu thường đến xin ngài cầu bầu. Đền Thánh John Neumann phục vụ để noi theo mẫu gương của ngài, và tất cả các tín hữu hành hương đều được chào đón đến thăm mộ của ngài để cầu nguyện, thờ phượng, hòa giải, và canh tân tâm hồn. Chúng tôi tham quan bảo tàng, nơi đây có thể tìm thấy một số hiện vật và tài liệu liên quan đến cuộc đời, tầm ảnh hưởng của Thánh John Neumann, và các tài liệu về án phong thánh của ngài.

Rời Đền thánh John Neumann, xe Bus đưa chúng tôi tới địa điểm, rồi mọi người đi bộ tiến về khu vực trung tâm, đi mỏi cả chân hàng mấy cây số hòa cùng đoàn người đông đảo tham dự thánh lễ bế mạc. Một biển người nhích dần từng bước qua hàng rào an ninh nên phải mất hơn 4 giờ đi bộ chậm chạp mới vào được bên trong. Các linh mục có phiếu đăng ký từ trước nên được ưu tiên đi trên hành lang tiến vào lễ đài. Mặc áo lễ và từ trên cao nhìn xuống, tôi thấy công viên rộng lớn đã kín người. Lễ đài, âm thanh ánh sáng truyền thông thật quá hiện đại và hoành tráng. Xe chở Đức Thánh Cha đi đến đâu mọi người reo hò vang dậy đến đó. Ngài cười tươi và đưa tay phải rồi tay trái chào dân chúng, chắc ngài cũng mỏi tay lắm. Theo ước lượng của hãng tin Reuters, chừng 1 triệu 500 ngàn người tham dự Thánh lễ đại triều ngoài trời do Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ tế. Đồng tế thánh lễ có rất đông các Hồng Y, Miám mục và Linh mục.

Thánh lễ được cử hành với tiếng Latinh, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Bài đọc thứ hai do nữ tu Maria Hồng Quế, thành viên Ủy ban mục vụ gia đình trực thuộc HĐGMVN công bố bằng tiếng Việt Nam, mọi người Việt hiện diện hôm nay đều hân hoan vỗ tay hạnh phúc khi nghe tiếng Việt được công bố trong đại lễ này. Một lời hát đáp ca và một lời nguyện tín hữu bằng tiếng Việt được cất cao lên, thật vinh dự vô cùng. Ca Đoàn Tổng Hợp Việt Nam thuộc TGP Philadelphia gồm 50 ca viên, phụ trách hát Nhập lễ và Rước lễ, trên tổng số 500 ca viên của các Giáo xứ và sắc dân TGP Philadelphia.

Sau đó thánh lễ diễn ra như bình thường. Cuối thánh lễ, Đức Cha Charles J. Chaput, Tổng Giám Mục Philadelphia có lời cám ơn và chào tạm biệt ĐTC cũng như tất cả mọi người. Kế đó, Đức Tổng GM Vicenzo Paglia, Chủ tịch của Hội đồng Toà Thánh về gia đình đã tuyên bố Đại Hội Thế giới của các gia đình lần thứ 9 sẽ được tổ chức năm 2018 tại Dublin, Ireland.

Trước khi ban phép lành kết thúc, ĐTC đã trao cuốn Tin Mừng Luca cho năm gia đình đại diện cho mỗi châu lục trong đó có một gia đình đến từ Hà Nội đại diện cho cả Á Châu.

Sau một tuần tham quan và tham dự đại hội quốc tế về gia đình, chúng tôi chia tay, người về lại Việt nam, người đi thăm thân nhân, ai cũng trân quý những ngày đáng nhớ và đáng yêu.Trong đoàn chúng tôi, có những bà đã ngoài 75 tuổi chân yếu sức khỏe mong manh, có bà đi xe lăn, nhưng vì yêu mến Đức Thánh Cha nên muốn tham dự đại hội gia đình để nhìn thấy ngài. Các bà nói rằng: chúng con rất ao ước được đến gần Đức Giáo Hoàng hay chỉ cần nhìn thấy tận mắt ngài là tôi đã mãn nguyện. Chỉ cần nhìn thấy Đức Thánh Cha tận mắt mà hàng triệu người đã đến đây trong những ngày qua, cho dù xa xôi về địa lý hay khó khăn vất vả, để bày tỏ lòng lòng mến tông đồ kế vị Thánh Phêrô, vị mục tử tối cao đại diện Chúa Giêsu Kitô ở trần gian. Lòng yêu mến Đức Thánh Cha của người tín hữu thật tuyệt vời.

Nói như Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí, Chánh xứ nhà thờ St. Helena, chủ tịch của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam ở Hoa Kỳ, quản nhiệm kiêm phối trí mục vụ Việt Nam của Tổng Giáo Phận Philadelphia: Trong đời người chắc gì đã có được một đại hội có tầm vóc quốc tế mà mọi người từ mọi nơi, 150 quốc gia, trong đó có những người Việt Nam sống rải rác khắp nơi, một cơ hội thật quí. Vâng, một cơ hội thật quý giá để thấy Đức Thánh Cha tận mắt, để gặp gỡ nhau trong đức tin trong niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng hằng yêu thương và chúc phúc cho mọi gia đình. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng, Chúa Giêsu thích được ở cùng các gia đình, và chính trong các gia đình mà "chúng ta học biết tình huynh đệ, chúng ta học biết hiệp nhất, chúng ta học biết cách không được hành động độc đoán. Chính trong mái ấm gia đình mà chúng ta học biết cách đón nhận, hiểu rõ giá trị cuộc sống như là một phúc lành và nhận ra rằng chúng ta cần nhau để tiến về phía trước. Chính trong mái ấm gia đình mà chúng ta trải nghiệm sự tha thứ, mà chúng ta liên lỉ cầu xin để tha thứ và để lớn lên. Thật thú vị, trong mái ấm gia đình không có chỗ 'để đeo mặt nạ ': chúng ta chính là chúng ta, và bằng cách này hay cách khác chúng ta được mời gọi làm điều tốt nhất của mình cho người khác". Ngài muốn tất cả mọi gia đình phải sống đức tin, và sống hết sức thực tế, không phải sống bằng lý thuyết, không phải sống bằng những lời nói, tư tưởng, ý nghĩ, mà phải sống bằng những hành động.

Chuyến viếng thăm lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô đã đem lại cho những người tham dự niềm vui gặp gỡ, những kỷ niệm đẹp, những học hỏi quý báu về đời sống hôn nhân gia đình, đặc biệt là những cảm nghiệm sống động về một Giáo Hội phổ quát hiệp nhất trong đức tin và lòng mến.Các Đức Giáo Hoàng đã tới thăm đất nước Nam Hàn, Philippines. Người Công Giáo Việt Nam ao ước một ngày nào đó được vị cha chung đến thăm đất nước mình. Hy vọng và hy vọng.

Viết trên chuyến bay dài từ New York đến Quảng Châu.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Giáo xứ Tân Việt, Sàigòn, mừng lễ thánh Têrêsa,
Vinh Sơn Trần Văn Đẩu
17:02 30/09/2015
THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU - BỔN MẠNG GIÁO XỨ TÂN VIỆT

“Con sẽ mưa hoa hồng để trần gian chan chứa hồng ân.” Những lời ca quen thuộc trong bài thánh ca “Khúc hát một loài hoa”, vốn được nhạc sĩ Ân Đức viết dựa theo tư tưởng của thánh nữ Têrêsa, chiều nay lại được vang lên trong cuộc rước kiệu cung nghinh tượng thánh nữ của cộng đoàn giáo xứ Tân Việt.

Xem Hình

Đúng 5 giờ chiều, các đoàn thể với cờ hiệu và đồng phục thật đẹp cùng với đông đảo bà con giáo dân đã tề tựu thật đông đảo về ngôi thánh đường thân thương để cùng hiệp dâng thánh lễ mừng kính thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu – bổn mạng của giáo xứ. Được biết, năm nay giáo xứ Tân Việt chọn ngày 30 tháng 9 – ngày thánh nữ qua đời – để cử hành Thánh lễ trọng thể mừng thánh quan thầy. Trước đó, cộng đoàn đã có 2 ngày tĩnh tâm thật sốt sắng. Đồng thời, theo thông lệ, vào dịp lễ bổn mạng hằng năm, Quý Cha, Quý vị trong HĐMV và Ban Caritas đã đến viếng thăm và tặng quà cho các bệnh nhân trong giáo xứ để nói lên tình bác ái huynh đệ cách sống động nhất.

Sau khi cung nghinh tượng thánh nữ xung quanh nhà thờ, cộng đoàn đã cùng rước đoàn đồng tế tiến lên cung thánh để cử hành Thánh lễ tạ ơn chiều nay. Chủ tế là cha chánh xứ Đaminh Vũ Ngọc Thủ, đồng tế có cha phó Giuse Đỗ Đức Hạnh và 2 cha khách. Thánh lễ diễn ra thật trang nghiêm, sốt sắng và nhất là thật ấm cúng bầu khí gia đình vì có sự hiện diện đầy đủ của mọi thành phần dân Chúa. Từ các cụ già đến các em thiếu nhi, giới gia trưởng cùng giới hiền mẫu, quý tu sĩ, quý vị trong Ban Thường vụ cũng như quý vị đại diện các giáo họ, các đoàn thể trong giáo xứ, ai ai cũng cố gắng thu xếp để cùng tham dự buổi họp mừng quanh bàn tiệc thánh chiều nay. Trong bài giảng, qua những câu chuyện nhỏ về cuộc đời thánh nữ, Cha Chánh xứ mời gọi cộng đoàn nhìn lại linh đạo “con đường thơ ấu thiêng liêng” của chị thánh Têrêsa. Một con đường được dệt nên bởi những hy sinh, cầu nguyện, tình yêu và tinh thần truyền giáo mãnh liệt. Tất cả chỉ nhằm mục đích muốn cho mọi người biết đến và yêu mến Chúa nhiều hơn.

Sau bài giảng là nghi thức trao ủy nhiệm thư cho quý vị trong Tân Ban thường vụ và quý chức trong các giáo họ vừa được cộng đoàn tín nhiệm bầu lên. Tiếp sau đó, cha chánh xứ cũng trao quyết định bổ nhiệm Thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa ngoại lệ của Đức Tổng Phaolô cho một số dì dòng Mến Thánh Giá Tân Việt cùng quý vị thừa tác viên giáo dân. Các nghi thức diễn ra ngắn gọn, đơn sơ nhưng cũng thật trang nghiêm và giàu ý nghĩa.

Trước khi kết thúc thánh lễ, cha chánh xứ gửi lời chúc mừng bổn mạng đến tất cả mọi người mang thánh hiệu Têrêsa, đồng thời, cha cũng gửi lời cảm ơn đến tất cả cộng đoàn giáo xứ đã góp phần tổ chức Thánh lễ mừng bổn mạng hôm nay thật trang trọng và sốt sắng. Sau đó, đông đảo mọi người vẫn nán lại cầu nguyện nơi tòa thánh nữ được đặt ở cuối thánh đường. Được biết, với lòng yêu mến thánh Têrêsa cách đặc biệt, cha cố Đaminh Vũ Đức Triêm đã chọn ngài làm bổn mạng của giáo xứ ngay từ những buổi đầu thành lập. Và lòng mộ mến đó của ngài cũng lan tỏa ra khắp mọi con dân trong giáo xứ.

Lễ kính thánh nữ Têrêsa năm nay mang nhiều ý nghĩa đặc biệt vì vừa rơi vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày ngài được tuyên thánh, vừa nằm trong khung cảnh mừng 60 năm thành lập giáo xứ, lại vừa gắn kết với bầu khí của năm Tân Phúc Ân hóa đời sống cộng đoàn. Nguyện xin thánh nữ Têrêsa Hài Đồng, từ trời cao, vẫn tiếp tục mưa xuống muôn vàn hoa hồng thánh ân trên tất cả mọi người, cách riêng là trên đại gia đình giáo xứ Tân Việt thân yêu.



Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Cộng đoàn Đền Thánh Bác Trạch Thái Bình hân hoan mừng lễ kính hai Thánh Bổn mạng
Giêrônimô Phạm Thiềm
17:14 30/09/2015
Cộng đoàn Đền Thánh Bác Trạch hân hoan mừng lễ kính hai Thánh Bổn mạng

Ngày 30.9 và 01.10 hàng năm, Giáo Hội dành riêng để kính Thánh Giêrônimô linh mục tiến sĩ Hội Thánh và Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Rất vinh dự cho nam giới và nữ giới của cộng đoàn Đền Thánh Bác Trạch được nhận hai Đấng làm Quan thầy.

Xem Hình

Được biết, vào lúc 17g00 chiều hôm trước, Đức ông Thomas Trần Trung Hà đã đặt Mình Thánh trên bàn thờ để các ban nghành, đoàn hội và cộng đoàn luôn phiên chầu Chúa Giêsu thánh thể thật là sốt sáng. Sau bốn giờ chầu, cộng đoàn cùng với Đức ông hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa cũng là thánh lễ khai mạc mừng kính hai Thánh Quan thầy.

Thứ Tư (30.9.2015), ngay từ sáng sớm mà thời tiết thật là oi nóng, nhưng khuôn viên Đền Thánh hôm nay bỗng trở lên rất đông, cả nam lẫn nữ thuộc đủ mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, đang làm ăn ở mọi tỉnh thành đã trở về quê hương để mừng kính thánh Bổn mạng của mình. Ai nấy trên khuôn mặt rất là vui tươi và phấn khởi, tay bắt mặt mừng để chung lời tạ ơn Thiên Chúa và nhờ lời chuyển cầu của hai Thánh Quan thầy.

Đúng 8g30, đoàn rước được bắt đầu, khởi đi từ linh đài Đức Mẹ Lavang tiến vào Đền Thánh. Đoàn rước hôm nay có kiệu Thánh Giêrônimô và Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Với những bộ áo dài của các đoàn hội với đủ muôn màu sắc được nối đuôi nhau thành hai hàng, đoàn rước bước đi trong tiếng trống, tiếng kèn của hai ban kim nhạc nam và nữ. Những âm thanh hòa quyện hợp tấu tung hô, tôn vinh ca tụng Thiên Chúa và mừng Thánh quan thầy làm vang dội cả một góc trời.

Đoàn đồng tế hôm nay có Đức ông Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh – Giám đốc Đền Thánh Tâm Cao Mại, cha Giêrônimô Nguyễn Ngọc Hinh - Chánh xứ Thanh Châu, cha Giêrônimô Trần Văn Ngữ - Chánh xứ Phương Bồ, cha Giuse Trần Văn Thực - Chánh xứ Trà Vi, và Đức ông Thomas Trần Trung Hà - Giám đốc Đền Thánh Bác Trạch.

Trước khi vào thánh lễ, Ban hội Đồng Giáo xứ Đền Thánh thay mặt cho cộng đoàn có lời chúc mừng và dâng những lẵng hoa tươi thắm lên Đức ông Giêrônimô và các cha quý hương nhân ngày lễ kính thánh Bổn mạng của cộng đoàn, cũng là quan Thầy của các ngài.

Thánh lễ hôm nay do Đức ông Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh chủ tế. Mở đầu thánh lễ, ngài có lời chúc mừng lễ Bổn mạng cộng đoàn; đồng thời Đức ông nhắn nhủ cộng đoàn hãy năng khẩn cầu với Thánh Bổn mạng của mình, để các Ngài cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta được tràn đầy ơn Chúa ở ngay trên thế gian này và sau này cùng được hưởng hạnh phúc trên nước thiên đàng.

Trong bài giảng, Khởi đi từ bài Tin mmừng của ngày hôm nay (Mt 13,47-52), cha Giêrônimô Nguyễn Ngọc Hinh đã cắt nghĩa về dụ ngôn “Nước trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá”. Đồng thời, cha cũng nhắc lại với cộng đoàn về cuộc đời Thánh Giêrônimô. Từ đó, ngài mời gọi cộng đoàn noi gương các nhân đức của Thánh Bổn mạng và siêng năng học hỏi Kinh Thánh, vì chính Thánh Giêrônimô đã quả quyết rằng: “ Không biết kinh thánh là không biết Chúa Kitô”

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ bày tỏ tâm tình cám ơn quý Đức ông, các cha quý hương và toàn thể mọi người đã hiện diện và hiệp dâng thánh lễ mừng hai Đấng Bổn mạng và cầu nguyện cho cộng đoàn Đền Thánh Bác Trạch.

Sau thánh lễ, cộng Đền Thánh Bác Trạch cùng chung bữa cơm gia đình Giáo xứ trong ngày đại lễ hôm nay ngay tại khuôn viên Đền Thánh.

Giêrônimô Phạm Thiềm
 
Giáo xứ Trà Cổ, GP Xuân Lộc, mừng Kim Khánh
BTT Xứ Trà Cổ
21:25 30/09/2015
NGÀY ĐẠI ÂN PHÚC.

Sáng Chúa Nhật ngày 27/09/2015, là một ngày mà hồng ân Thiên Chúa đã đổ tràn xuống giáo xứ Trà Cổ thuộc giáo phận Xuân Lộc. Thật vậy! rất đông giáo dân đã quy tụ tại nhà thờ Trà Cổ để cùng hiệp thông trong thánh lễ Mừng Kim Khánh thành lập giáo xứ, ban Bí tích Thêm sức và Khánh thành tháp chuông và nhà ChầuThánh Thể.

Xem Hình

Chỉ vừa tờ mờ sáng! Hàng trăm giáo dân đã đến nhà thờ và con số đó tăng dần khi Cha sở Giuse Nguyễn Anh Hùng thông báo Đức Cha Chánh Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc vị Cha chung của giáo phận sắp về đến giáo xứ. Cờ hoa, bong bóng, hàng rào lụa hòa quyện cùng tà áo hồng và khăn quàng vàng rực của quý Hiền mẫu và hơn 100 em thiếu nhi khối Thêm sức đang xếp hàng chào đón Đức Cha.

Đúng 7 giờ 45 phút Đức Cha Chánh Đaminh đã về đến giáo xứ trong tràng pháo tay chào mừng của toàn giáo dân, Ngài xuống xe chúc lành cho giáo dân và tiến vào nhà thờ để cầu nguyện. Sau đó Ngài có buổi gặp gỡ chung với đại diện Ban Hành Giáo, các Giới và các Hội đoàn. Tại đây Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh đã lắng nghe báo cáo tình hình sinh hoạt trong giáo xứ và đánh giá cao nỗ lực của toàn giáo dân đặc biệt là việc xây dựng các cơ sở vật chất và đời sống đức tin trong giáo xứ. Buổi kinh lý mục vụ diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ. Sau đó vào lúc 8 giờ 48 phút, Đức Cha cùng quý Cha tiến đến chân tháp chuông để cử hành nghi thức làm phép tháp chuông và nhà Chầu Thánh Thể. Tại đây, Đức Cha đã chủ sự nghi thức, làm phép và xông hương tháp chuông và nhà Chầu Thánh Thể. Sau cùng Đức Cha cắt băng khánh thành tháp chuông và tiếng chuông đầu tiên chính thức vang vọng khắp giáo xứ.

Tiếp đến là thánh lễ Tạ ơn và Mừng Kim Khánh thành lập giáo xứ và Ban Bí tích Thêm sức. Mở đầu bằng việc hôn Thánh giá và chúc lành cho giáo xứ, và thánh lễ được diễn ra cách tốt đẹp. Trong bài giảng Đức Cha nhắc đến lịch sử và những khó khăn mà giáo dân Trà Cổ đã trải qua trong suốt thời gian 50 năm qua, cùng những đóng góp của giáo xứ trong việc xây dựng giáo phận cũng như việc truyền bá đức tin cho mọi người. Sau bài giảng, Đức Cha đã ban Bí tích Thêm sức cho các em thiếu nhi trong giáo xứ hầu đánh dấu một giai đoạn trưởng thành của các em.

Cuối lễ Ông Chánh trương đại diện cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Trà Cổ cám ơn Đức Cha và Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Ân nhân và đồng thời gửi lẵng hoa của Cha Xứ, Ban hành giáo và giáo dân Trà Cổ - Bắc Việt đến giáo xứ Trà Cổ - Miền Nam. Sau đó, Đức Cha đã ban huấn từ động viên giáo dân Trà Cổ tiếp tục phát huy những giá trị mà Cha ông để lại và làm cho danh Chúa thêm cả sáng nơi thế gian qua cuộc sống đạo đức tốt đẹp. Cuối cùng, cha chưởng ấn Giáo phận Xuân Lộc Giuse Nguyễn Văn Việt công bố thư của Tòa Ân Giải Tối Cao, thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô ban Phép Lành Tòa Thánh và ơn Toàn xá cho những ai tham dự thánh lễ nhân dịp kỷ niệm Kim Khánh giáo xứ.

Sau thánh lể là bữa cơn thân mật và chương trình văn nghệ "Cây nhà lá vườn" của toàn giáo xứ, cùng với Đức Cha và quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, bữa cơm diễn ra trong không khí thân tình và hiệp nhất trong cộng đoàn Giáo xứ Trà Cổ.

Điều nổi bật và cũng góp phần giúp Thánh lễ diễn ra hiệp nhất hơn là việc truyền hình trực tiếp toàn bộ buổi lễ trên internet, điều này giúp những người con xa xứ cũng có điều kiện hiệp ý cầu nguyện Cho giáo xứ.

Sau cùng, để có Thánh lễ trang nghiêm như thế, là nhờ sự quan tâm của Cha Chánh xứ Trà Cổ Giuse Nguyễn Anh Hùng, Cha phó và sự làm việc không mệt mỏi của Quý Dì thuộc hai cộng đoàn Mến Thánh Giá Tân Việt và Xuân Lộc, Ban Hành Giáo, các đoàn thể và các tiểu ban phục vụ như ban âm thanh, ánh sáng, văn phòng, truyền thông, cùng với đó là sự đóng góp công sức của các em thiếu nhi, các ca đoàn trong buổi văn nghệ đầy ý nghĩa và quan trọng cùng với sự đóng góp quảng đại của quý ông bà và anh chị em giáo xứ Trà Cổ và quý vị ân nhân xa gần, và đồng thời cũng không quên cám ơn Ban truyền thông giáo phận Xuân Lộc – công ty Nguyễn Thương Media đã giúp giáo xứ thực hiện công tác truyền hình trực tiếp buổi lễ.

Nguyện xin Thiên Chúa thương ban muôn hồng ân xuống trên Quý Đức Cha, Đức Ông, Quý Cha, Quý Cha bản hương Trà Cổ, Cha Chánh xứ Trà Cổ Giuse Nguyễn Anh Hùng, Cha Giuse Dương Quang Bình phó xứ Trà Cổ, Quý Cha trước đây đã phục vụ giáo xứ, quý Tu sĩ và toàn thể mọi người giáo dân Trà Cổ nhân dịp "Đại Hồng Này".
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tập Cận Bình : Tôi nói mấy anh Hà Nội có nghe rõ không ?
Phạm Trần
21:40 30/09/2015
TẬP CẬN BÌNH: TÔI NÓI MẤY ANH HÀ NỘI CÓ NGHE RÕ KHÔNG ?


Ngày mồng Hai tháng Chín năm 1945, tại cuộc mít tinh Tuyên bố Độc lập ở Qủang trường Ba Đình, ông Hồ Chí Minh đã để lại câu nói lịch sử : “Tôi nói, đồng bào có nghe rõ không?”

Bây giờ, 70 năm sau, ngày 25/09/2015 người ta cũng mường tượng nghe thấy Lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói từ Dinh Tổng thống Mỹ:”Tôi nói, mấy anh Hà Nội có nghe rõ không ?”

Vậy họ Tập đã nói gì mà nghe quen quen ?

Câu chuyện bắt đầu từ cuộc họp báo chung giữa Tổng thống Barack Obama và ông Tập Cận Bình diễn ra tại vườn Hồng trong Tòa Bạch Ốc, tiếp theo sau cuộc họp riêng giữa hai người nhân chuyến thăm chính thức nước Mỹ của họ Tập.

Hai lãnh tụ đã thảo luận các vấn đề quan tâm đến hai nước, từ mậu dịch đến nghi ngờ Trung Quốc đứng sau hàng loạt tin tặc xâm nhập các công ty, xí nghiệp Mỹ họat động ở Trung Quốc và Hoa Kỷ để đánh cắp tin tức và kế họach giúp cho Trung Quốc cạnh tranh bất chính. Trên 22 triệu nhân viên Chính phủ Mỹ và một số cơ quan trọng yếu về an ninh như hai Bộ Quốc phòng và An ninh Quốc gia, bao gồm cả CIA (Tình báo Hoa Kỳ), FBI (cơ quan điều tra liên bang Hoa Kỳ) cũng bị xâm nhập.

Ngòai ra hai bên cũng thảo luận và đồng ý kế họach gỉam thiểu chất độc làm ô nhiễm khí hậu và hứa cùng nhau hợp tác giải quyết cuộc khủng hỏang về môi trường và khí hậu trên thế giới.

CHUYỆN BIỂN ĐÔNG

Đến chuyện khủng hoảng ở Biển Đông do hành động bồi đắp và bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh gây ra, Tổng thống Obama cho biết: “ Chúng tôi đã thẳng thắn thảo luận vấn đề biển Đông và Nam Trung Hoa, và tôi đã tái khẳng định quyền của mọi quốc gia được tự do giao thông thương mại trên biển và trên không không bị ngăn cản. Do đó, tôi đã lưu ý là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lướt sóng, bay và họat động bất cứ nơi nào mà luật pháp Quốc tế cho phép.”

(”We did have candid discussions on the East and South China Seas, and I reiterated the right of all countries to freedom of navigation and overflight and to unimpeded commerce. As such, I indicated that the United States will continue to sail, fly and operate anywhere that international law allows.” (Thông tin của Văn phòng Báo chí Phủ Tổng thống)

“Tôi cũng đã nói với Chủ tịch Tập về mối quan ngại đặc biệt của Hoa Kỳ về hành động dành chủ quyền đất đai, xây dựng và quân sự hóa những vùng tranh chấp, gây khó khăn cho các quốc gia trong vùng giải quyết hòa bình những bất đồng. Vì vậy tôi khuyến khích tìm ra một giải pháp giữa các quốc gia tranh chấp ở khu vực này. Hoa Kỳ không phải là nước có tranh chấp; Chúng tôi chỉ muốn bảo đảm luật pháp của lưu thông phải được bảo vệ.”

(I conveyed to President Xi our significant concerns over land reclamation, construction and the militarization of disputed areas, which makes it harder for countries in the region to resolve disagreements peacefully. And I encouraged a resolution between claimants in these areas. We are not a claimant; we just want to make sure that the rules of the road are upheld.)

LÃNH THỔ CỦA TRUNG HOA

Đến phiên Tập Cận Bình, ông ta nói: “ Chúng tôi đã có cuộc thảo luận sâu rộng về tình hình Châu Á-Thái Bình Dương. Và chúng tôi tin rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng có quyền lợi chung rộng rãi ở khu vực, và chúng ta nên tiếp tục tăng cường trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực ở đó, và cùng làm việc với nhau để cổ võ những họat động và hợp tác hỗ tương trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương, và cùng làm việc với các nước trong khu vực để mưu cầu hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung.”

(--Lời Thông dịch viên: “We have in-depth discussion on the situation of the Asia Pacific. And we believe that China and the United States have extensive common interests in this region, and we should continue to deepen dialogue and cooperation on regional affairs and work together to promote active interactions and inclusive cooperation in the Asia Pacific, and work with countries in the Asia Pacific to promote peace, stability, and prosperity in this region.”

Với gương mặt lạnh như đồng nhưng cương quyết, họ Tập nhìn thẳng các Nhà báo nói tiếp : “ Trung Quốc cam kết theo đuổi chính sách phát triển hòa bình, láng giềng tốt và hợp tác với các quốc gia láng giềng của chúng tôi. Các hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa, từ thời cổ đại, là lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi có tòan quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của chúng tôi, cũng như các quyền lợi chính đáng về hàng hải. Chúng tôi cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở vùng biển Nam Trung Hoa, dung hòa khác biệt và tranh chấp qua đối thọai, thương thuyết, tham khảo lẫn nhau trong hòa bình để mưu tìm giải pháp cùng có lợi thông qua hợp tác.”

(China is committed to the path of peaceful development and a neighboring foreign policy characterized by good neighborliness and partnership with our neighbors. Islands in the South China Sea since ancient times are China’s territory. We have the right to uphold our own territorial sovereignty and lawful and legitimate maritime rights and interests. We are committed to maintaining peace and stability in the South China Sea, managing differences and disputes through dialogue, and addressing disputes through negotiation, consultation, and peaceful manner, and exploring ways to achieve mutual benefit through cooperation.)

Ngỏanh mặt về phía Tổng thống Obama, nhà Lãnh đạo Trung Quốc nói như trả lời trực tiếp quan ngại của Mỹ : “Chúng tôi cam đoan bảo vệ lưu thông hàng hải và hàng không của các quốc gia theo luật pháp quốc tế. Liên quan đến các hoạt động xây cất của Trung Quốc thi hành ở quần đảo ở phía Nam, Trường Sa, không nhắm vào hay gây ảnh hưởng đến bất cứ nước nào, và Trung Quốc không có chủ tâm tiến tới quân sự hóa ở đó.”

(We're committed to respecting and upholding the freedom of navigation and overflight that countries enjoy according to international law. Relevant construction activities that China are undertaking in the island of South -- Nansha Islands do not target or impact any country, and China does not intend to pursue militarization.)

Giải thích rõ hơn với báo chí, họ Tập nhắc lại rằng: “ Trung Hoa và Hoa Kỳ đều có những quyền lợi chung ở vùng biển Nam Trung Hoa. Chúng ta cùng ủng hộ một Nam Hải hòa bình và ổn định. Những nước trực tiếp có tranh chấp hãy làm việc qua thương lượng, tham khảo lẫn nhau bằng những biện pháp hòa bình. Chúng tôi ủng hộ tự do lưu thông hàng hải và bay trên không của tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế và giải quyết sự khác biệt qua thương thuyết, thi hành đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử Các bên ở Biển Đông (DOC, Declaration on Conduct of the Parties in the South China Sea), và sớm hòan tất thương thảo về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC, Code of Conduct) dựa trên sự đồng thuận. Chúng tôi đồng ý duy trì tích cực mối liên lạc về những vấn đề liên quan.”

(China and the United States have a lot of common interests on the issue of South China Sea. We both support peace and stability of the South China Sea. The countries directly involved should address their dispute through negotiation, consultation and in peaceful means. And we support freedom of navigation and overflight of countries according to international law and the management of differences through dialogue, and full and effective implementation of DOC and an early conclusion of the consultation of COC based on consensus-building. We have agreed to maintain constructive communication on relevant issues.)

PHẢN ỨNG TỪ VIỆT NAM

Không có gì ngạc nhiên khi thấy các Nhà báo Trung Quốc, Hoa Kỳ và nước ngòai có mặt tại cuộc họp báo đã không có câu hỏi nào về lời tuyên bố như tát nước lạnh vào mặt Hà Nội của Tập Cận Bình. Nhưng phải thắc mắc tại sao đảng, chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ ngọai giao Việt Nam, nhất là các cơ quan ngôn luận vẫn thường xuyên to mồm như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam đã không dám hé răng mở miệng chỉ trích lời nói công khai xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của họ Tập.

Trước đây, mỗi khi có câu nói tương tự phát ra từ cửa miệng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hay Bộ trưởng Ngọai giao Vương Nghị thì Ban Tuyên giáo chỉ thị ngay cho Bộ Thông tin và Truyên thông để truyền xuống các báo và Phát ngôn nhân Bộ Ngọai Giao mau mắn đáp trả bằng lời viết sẵn của chính phủ chỉ để lập lại câu nói “biết rồi khổ lắm nói mãi” : Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử xác định Hòang Sa-Trường Sa là của Việt Nam !

Lần này, phải đợi đến ngày 28/9 (2015), người ta mới nghe được phản ứng của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đưa ra tại một cuộc họp của Tổ chức Xã hội Châu Á (Asia Society) ở New York.

Ông Sang nói:” (với phóng viên Ban tiếng Việt cùa Đài Tiếng nói Hoa Kỳ):“Người Trung Quốc, trong những lần gặp gỡ Việt Nam, cũng thường nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc, không gì tranh cãi. Thì người Việt Nam chúng tôi cũng nói lại rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của tổ tiên Việt Nam, không gì tranh cãi. Chắc các câu này các bạn đã nghe suốt”.

“Vấn đề đặt ra là chúng tôi mong muốn rằng mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế và con đường duy nhất dẫn đến chỗ đó thôi, chứ không thể nói mãi như thế này được. Một anh đứng ở bên đây sông thì nói là của tôi, và một anh đứng ở bên kia sông thì nói là của anh. Như tôi đã nói với các bạn vừa nãy, trong lúc quá độ, hai bên đều thống nhất 6 nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo các vấn đề trên biển”.

6 NGUYÊN TẮC NÓI GÌ ?

6 “Nguyên tắc” ông Sang ám chỉ là Thỏa hiệp được ký tại Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ nhất của Tông Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, ngay sau khi đắc cử Lãnh đạo khoá đảng XI ngày 20/01/2011.

Nguyên văn 6 Điểm như sau:

1. Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

2. Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử…, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển.

3. Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC).

Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.

4. Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.

5. Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn.

6. Hai bên tiến hành cuộc gặp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần, luân phiên tổ chức, khi cần thiết có thể tiến hành các cuộc gặp bất thường. Hai bên nhất trí thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển.

Sau thỏa hiệp căn bản này, các cuộc thảo luận đôi bên tiếp tục bế tắc vì Trung Quốc luôn luôn đòi phần hơn ở vịnh Bắc Bộ và muốn Việt Nam hợp thức hoá việc “hợp tác cùng khai thác” ở Biển Đông, nhưng chủ quyền biển đảo vẫn phải là của Trung Quốc như câu nói của Tập Cận Bình.

Đây là quan điểm Trung Quốc gọi là “vấn đề cốt lõi chủ quyền biển” đã đưa ra từ năm 1979 của Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình và được duy trì để chuyển cho Việt Nam vá các nước có tranh chấp với Trung Quốc qua các đời Chủ tịch-Tổng Bí thư Cộng sản Trung Hoa Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình hiện nay.

Tuy nhiên tranh chấp Việt-Trung đã đạt cao độ khi Trung Quốc đặt gìan khoan dầu Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần đảo Hòang Sa từ ngày 2/5 đến 27/05/2014. Bắc Kinh chỉ rút lui sau khi bị Quốc tế lên án làm căng thẳng tình hình và cho biết họ đã tìm thấy có dầu và khí đốt tại 2 giếng đào thử, nhưng không nói khi nào sẽ trở lại khai thác.

Sau đó, Trung Quốc một mặt tiếp tục “nói chuyện phải trái với Việt Nam”, mặt khác lại tăng cường tái tạo, xây dựng 7 đảo và đá san hô chiếm được của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988 thành các đảo lớn kiên cố có sân bay, bến cảng và căn cứ quân sự.

Để bảo vệ, nhiều Tiểu đòan Thủy quân Lục chiến Trung Hoa và đơn vị phòng không, súng đại bác đã được điều động đến Gạc Ma, Vành Khăn, Chữ Thập v.v…

Trước các hành động ngang nhiên chiếm biển đảo này của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng âm thầm “đắp đập be bờ” ở một số đảo và đá ngầm, nhưng so với kiến thiết của Trung Quốc thì như muối bỏ biển, như châu chấu đá voi.

Về mặt ngọai giao và tuyên truyền, Bộ Ngọai giao Việt Nam chỉ làm được mỗi việc nhắc lại điệp khúc “tái khẳng định Hòang Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.

Lãnh đạo đảng, từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuống đến anh Tuyên giáo Xã, Phường cũng chỉ biết bảo nhau hô to kiên quyềt :”Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, như viết trong Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng XII.

Vì vậy, chẳng phải ngẫu hứng mà ông Tập Cận Bình đã chọn Tòa Bạch Ốc trong chuyến thăm Mỹ ngày 25/09/2015 để nói rõ cho Hà Nội và cả Thế giới biết lập trường chủ quyền biển đảo của Trung Quốc ở Trường Sa.

Trong suốt cuộc họp báo với Tổng thống Obama họ Tập không nói gì đến Hòang Sa mà Trung Hoa đã chiếm từ tay Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tháng 1/1974.

Điều này không lạ vì đã từ lâu, trong tất cả các cuộc gặp và thảo luận tranh chấp với Việt Nam, phía Trung Quốc đã gạt phăng như chuyện thừa thãi mất thời giờ mỗi khi phía Việt Nam muốn nhắc đến Hòang Sa. Cũng là chuyện bất bình thường khi ít lâu nay, không thấy phía Việt Nam nói nhiều đến Hòang Sa, ngọai trừ khi có các vụ tầu đánh cá Việt Nam bị Trung Quốc tấn công, cướp của ở khu vực biển Hòang Sa.

Có tin Trung Quốc đã nói thẳng với Việt Nam “Hòang Sa không có trong bất cứ cuộc nói chuyện nào”. Riêng Bộ Quốc phòng Việt Nam thì họ đã quên nói đến Hòang Sa từ 1974. -/-

Phạm Trần

(09/015)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Việc xưng tội năm được hiểu như thế nào?
Nguyễn Trọng Đa
06:33 30/09/2015
Giải đáp phụng vụ: Việc xưng tội năm được hiểu như thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Rôma.

Hỏi: Nhiều linh mục khuyên các tín hữu phải xưng tội trong một năm ít là một lần, như qui định trong điều răn thứ hai của Giáo Hội ("Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo số 2042: "mọi tín hữu buộc phải xưng tội trong một năm ít là một lần”, Bản dịch Việt ngữ Sách Giáo lý của Tổng Giáo phận Sài Gòn). Nhưng tôi nghe một linh mục nói rằng điều này là không nhất thiết, trừ khi mình phạm tội trọng, như Bộ Giáo luật, Điều 989, nói: "Mọi tín hữu, sau khi đã đến tuổi khôn, buộc phải xưng kỹ càng các tội trọng ít là mỗi năm một lần” (Bản dịch Việt ngữ Bộ Giáo luật của các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Về mặt lý thuyết, một hệ quả của sự khẳng định này là rằng sau khi người ta đã xưng tội lần đầu (trước khi Rước lễ vỡ lòng), người ta có thể không cần xưng tội lại, nếu người ta không phạm tội trọng. Về thực hành, một số giáo dân không lãnh bí tích Hòa giải trong nhiều năm, bởi vì "họ cho là mình không phạm tội trọng nào". Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo số 1457 cũng đề cập đến điều luật trên ("Theo luật Giáo Hội, mọi tín hữu đến tuổi khôn, phải xưng các tội trọng mình nhận thức được, một năm ít là một lần", bản dịch Việt ngữ Sách Giáo lý, như trên). Ở đây, rõ ràng rằng việc xưng tội chỉ buộc khi người ta có tội trọng. Như Cha đã biết, Giáo luật Điều 989 có một nghĩa vụ pháp lý. Tuy nhiên, Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo số 2041 nêu ra tính cách bắt buộc của năm điều răn của Giáo Hội nữa. Sự giải thích của tôi là rằng không có mâu thuẫn, nếu chúng ta có thể phân biệt một nghĩa vụ "pháp lý" của Điều 989, và nghĩa vụ "mục vụ" của điều răn thứ hai. Thưa cha, tôi hoàn toàn ủng hộ sự thúc giục xưng tội đều đặn và thường xuyên. Nhưng nói cho chặt chẽ, liệu điều răn thứ hai chỉ bắt buộc khi người ta có các tội trọng chăng? - G. M., Hong Kong.


Đáp:
Tôi tin rằng câu hỏi hóc búa này có thể được giải quyết bằng cách nhìn vào bối cảnh. Trước hết, Điều 989 được xây dựng trực tiếp trên Điều 988 trước đó:

"988 § 1. Tín hữu buộc xưng thú, sau khi xét mình kỹ lưỡng, hết mọi tội nặng, theo từng loại và số, mà mình ý thức đã sa phạm sau khi chịu phép Rửa Tội mà chưa được trực tiếp tha thứ bởi quyền tháo gỡ của Giáo Hội, hoặc chưa thú nhận trong việc xưng tội riêng.

"§ 2. Tín hữu được khuyến khích nên xưng hết cả những tội nhẹ nữa. (Bản dịch Việt ngữ Bộ Giáo luật, như trên).

Như thế, Giáo luật Điều 989 nêu ra rằng thời gian tối đa để hoàn thành luật buộc của Điều 988.1 là một năm. Vì lý do này, một chuyên viên bình giải về luật cho rằng, về mặt hiệu quả, nghĩa vụ xưng tội một năm một lần của Giáo luật Điều 989 liên quan đến tội trọng. Về giả thiết rằng một người đã không phạm tội trọng, điểu luật ấy sẽ không áp dụng cho họ.

Trong ánh sáng này, Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo số 1457 trích dẫn Giáo luật Điều 989, bởi vì nó nói về một người cần phải xưng tội trọng, trước khi người ấy rước lễ.

Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo số 2042, mặc dù nó qui chiếu đến Giáo luật Điều 989 trong phần chú thích, giải quyết chủ đề của nó dưới tiêu đề của ơn gọi của con người và đời sống người ấy trong Chúa Thánh Thần. Như độc giả trên đây nêu ra, Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo xem xét việc thực hiện điều răn thứ hai như là một yêu cầu tối thiểu của sự tăng trưởng tâm linh.

Do đó, điều răn thứ hai không nhắc đến "tội trọng”, và buộc liệu tội trọng là hiện diện hay không. Bằng cách đó, sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo số 2042 nói rằng việc xưng tội năm "bảo đảm việc chuẩn bị rước Thánh Thể bằng việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa Giải, nối tiếp công việc hoán cải và tha thứ của bí tích Thánh Tẩy" (bản dịch Việt ngữ Sách Giáo lý, như trên). Ở đây, sự hòa giải không chỉ được xem như là phương tiện bắt buộc để xưng thú tội trọng, nhưng là một trong các phương thế quen thuộc và thậm chí cần thiết của sự tăng trưởng tâm linh.

Sách Toát yếu Giáo Lý cũng không đề cập đến sự cần thiết có tội trọng. Như thế, số 432.2 công thức hoá điều răn là: "xưng tội để lãnh nhận Bí tích Giao hoà ít là mỗi năm một lần” (bản dịch Việt ngữ sách Toát yếu Giáo lý của Ủy ban Đức tin thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Bằng cách này, cả hai Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo và Sách Toát yếu Giáo lý (Compendium) đi từ lĩnh vực cao sang của qui định Giáo luật xuống thực tế của đời sống Kitô hữu.

Ý tưởng cho rằng nghĩa vụ xưng tội trong một năm ít là một lần chỉ bắt buộc trong trường hợp có tội trọng là đúng trên giấy tờ, nhưng kinh nghiệm của nhiều linh mục linh hướng là rằng thật rất hiếm cho ai đó không phạm tội trọng nào trong vòng một năm hoặc hơn một năm.

Thật vậy, khi tội trọng được tránh trong nhiều năm, hầu như luôn luôn xảy ra rằng người ta đều đặn và thường xuyên xưng các tội nhẹ của họ, và sử dụng Bí tích Hòa giải, để phát triển trong sự tế nhị của lương tâm và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các linh hồn như vậy cũng có khả năng thực hành các phương tiện khác của sự tăng trưởng tâm linh, như cầu nguyện thường xuyên, Rước lễ thường xuyên, và làm việc bác ái.

Chúng ta cũng cần nhớ rằng nghĩa vụ xưng tội trong một năm ít là một lần không rơi vào các người không thể thực hiện nó, do tuổi tác, bệnh tật hoặc lý do chính đáng nào khác.

Có lẽ sự khó khăn xuất phát từ việc quá xem nhẹ khái niệm về tội trọng, nên người ta không còn nhận thức tội trọng nữa. Đôi khi, tội trọng được giảm xuống còn là sự vi phạm điều răn thứ sáu mà thôi. Là các mục tử, chúng ta cần phải nhắc nhở tín hữu của mình, và chính mình nữa, rằng có bảy mối tội đầu (Kiêu ngạo, Hà tiện, Dâm dục, Hờn giận, Mê ăn uống, Ghen ghét, Lười biếng), và mỗi một mối tội đầu đầu độc linh hồn trong cách riêng của nó.

Cuối cùng, nghĩa vụ xưng tội năm giúp chúng ta chống lại tội kiêu ngạo trước tòa phán xét của Chúa. (Zenit.org 16-2-2010)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Paraguay : Chuyện tử tế nơi xứ người
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
07:58 30/09/2015
PARAGUAY – CHUYỆN TỬ TẾ NƠI XỨ NGƯỜI

Vào những năm đầu của thập niên 90, khi còn là chú chủng sinh ở Nha Trang, chúng tôi được xem một bộ phim trắng đen “Chuyện Tử Tế”. Chuyện tử tế là một bộ phim tài liệu Việt Nam của đạo diễn Trần Văn Thủy. Tác phẩm được sản xuất năm 1985 nhưng bị cấm cho tới năm 1987 mới được công chiếu rộng rãi. Được coi là phần 2 của bộ phim tài liệu gây tiếng vang Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế tiếp tục là một tác phẩm phản ánh những suy nghĩ của nhà văn kiêm đạo diễn Trần Văn Thủy về cuộc sống và xã hội thời bao cấp. Bộ phim đã khắc họa hình ảnh của những người dân nghèo khổ trong xã hội để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi: "Thế nào là sự tử tế?".

Thế nào là sự tử tế? Một bô lão giảng giải: "Tử tế, các nhà làm phim thân mến ạ, gốc của nó là từ chữ Hán. Chữ "tử" có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ "tế" có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ "tử tế" gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời ta đọc khác đi và nghĩa cũng khác đi. Tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời".

Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm...

Hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày Chuyện tử tế ở Việt Nam ra đời nhưng con người của thế kỷ XXI dường như vẫn chưa mấy tử tế với nhau. Đâu đó vẫn còn nghe hay thấy những cảnh tượng man rợ mà con con người đối xử với nhau, giữa những nhà cầm quyền với những con dân, và ngay giữa những người ruột thịt với nhau cũng đối xử cách tàn bạo với nhau.

Cũng khá nhiều năm sống ở xứ người và có những dịp quan sát tận mắt người dân ở đây, chúng tôi nhận thấy rằng người dân nơi đây không có một nền văn hiến bốn ngàn năm như dân Việt mình, không hề biết đến phim Chuyện tử tế nào cả nhưng họ sống khá tử tế dù đôi lúc văn hóa của họ khác với mình làm mình hơi khó chịu lúc ban đầu. Ngẫm nghĩ lại thấy buồn cho dân mình.

Dù muốn hay không chúng ta cũng không thể thờ ơ trước những tin tức hàng ngày được đưa lên mạng, nhất là trên Facebook với biết bao chuyện không mấy tử tế xảy ra hàng ngày ở Việt Nam. Thế kỷ XXI này không ai có thể bịt miệng hay che mắt những chuyện mà có giấu, có che thì không thể nào che giấu hết được. Có lẽ vì lẽ đó mà những nhà cầm quyền độc tài xem Internet là kẻ thù của họ vì dám phô bày sự thật làm mất thể diện của họ, và họ cố gắng hạn chế tối đa chừng nào hay chừng đó bằng tất cả những nghiệp vụ hòng che mắt bàn dân thiên hạ.

Hai tuần vừa qua cả thế giới hướng về một Vị mặc áo trắng khá đơn sơ viếng thăm hai quốc gia từng là cựu thù của nhau là Cuba và Hoa Kỳ. Vị này là quốc trưởng của một quốc gia nhỏ nhất trên thế giới nhưng là vị lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo lớn nhất thế giới. Ngài chẳng có quân đội, chẳng có tiềm lực kinh tế nào cả, cũng chẳng có vũ khí sát thương để trao đổi, nhưng vũ khí duy nhất của Ngài có là là Tình Thương và Hòa Bình. Vậy mà chẳng hiểu vì sao đi đâu Ngài cũng được người ta chào đón, tung hô. Từng lời nói, từng cử chỉ, hành động của Ngài được ghi lại qua ống kính và được truyền đi khắp thế giới vì Ngài sống quá tử tế. Vậy mà ở Việt Nam không thấy tờ báo nào nói về chuyện này vì có lẽ vì họ vẫn còn sợ tầm ảnh hưởng của Vị này sẽ làm lu mờ hình ảnh của họ. Chúng tôi còn nhớ khi còn học đại học ở Việt Nam, một vị giáo sư đại học của chúng tôi lúc ấy hay đã kích Công Giáo và nói rằng nước Việt Nam chẳng có lợi lộc gì khi bang giao với Tòa Thánh Va-ti-căng vì nước nhỏ bé nhất thế giới này chỉ có xuất-nhập khẩu mấy ông linh mục áo đen mà thôi! Quan điểm của vị giáo sư này chỉ mang tính cá nhân nhưng phần nào nói lên ý thức hệ và mang tính miệt thị một tôn giáo lớn như Công Giáo. Như vậy là thiếu tử tế.

Mấy ngày gần đây ở Thủ đô Asunción của Paraguay dấy lên một làn sóng biểu tình của giới sinh viên đại học quốc gia khi họ khám phá ra rằng vị Hiệu trưởng của Trường Đại Học danh tiếng này tham nhũng và đưa người thân vào làm việc mà không thông qua hệ thống tuyển công chức. Cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày với sự liên đới của các trường đại học tư thục khác làm tê liệt các con đường chính. Các bậc phụ huynh và giảng viên đại học cũng tán thành với cuộc biểu tình này và đòi vị Hiệu trưởng và Ban Giám Hiệu của Trường phải từ chức. Cảnh sát chỉ làm nhiệm vụ vãn hội trật tự nếu có bạo động và luôn có mặt cùng với đoàn biểu tình. Các sinh viên của các trường đại học khác cùng nhau góp sức mang thức ăn, nước uống cho bè bạn đang tụ tập trước sân trường để phản đối hành vi nhu nhược của các vị hữu trách, cách tiêng của vị hiệu trưởng bị tố là tham nhũng. Trước áp lực chính đáng của những sinh viên ưu tú và người dân, vị Hiệu trưởng này phải từ chức và đang chờ điều tra nếu vi phạm tham nhũng và chế độ tuyển công chức thì sẽ vào tù. Một hành động khá tử tế.

Ấy vậy mà nghe nói ở Việt Nam vừa bổ nhiệm một vị khá trẻ khoảng 30 tuổi làm đốc Sở vì là con của một quan lớn vừa mới nghỉ hưu. Chỉ trong vòng 6 tháng mà được bổ nhiệm từ phó giám đốc Sở, lại vọt ngay lên làm giám đốc Sở. Chuyện đó chẳng có gì ầm ỉ nếu người được bổ nhiệm có năng lực đặc biệt vì ở Paraguay này trong đầu năm nay một giám đốc ngân hàng Trung ương được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài Chính khi vừa mới 36 tuổi. Công bằng mà nói chuyện già trẻ không quan trọng trong việc lãnh đạo vì chưa chắc người lớn lớn tuổi nhiều kinh nghiệm sống hơn người trẻ tuổi, nhưng sống trong thế kỷ XXI này chỉ cần gõ vào Google để tìm hiểu thân thế của một người nổi tiếng thì ngay lập tức sẽ hiện ra biết bao nhiêu đường link bình phẩm nhân vật này. Nước Việt Nam mình đâu phải là nước Bắc Hàn khép kín kiểu cha truyền con nối và bố có toàn quyền bổ nhiệm cho con làm quan, làm tướng như nhà họ Kim. Phải tử tế một tý để người đời còn khâm phục.

Rồi hàng ngày chúng tôi cũng xem qua báo chí, truyền hình, truyền thanh về những Videoclip ở Paraguay của những người dân phản ảnh cách làm việc quan liêu, tham nhũng của những nhân viên công vụ, cảnh sát, tòa án... nhưng chúng tôi nhận thấy phần lớn sai phạm thuộc về những người dân vì không phải tất cả những phản ánh của họ đều đúng sự thật. Có những phần tử quá khích thích ở đây thích chọc giận những người thi hành công vụ rồi họ quay phim, chụp ảnh và đăng trên mạng. Ở đây không ai cấm chuyện đó nhưng khi đăng rồi thì các cơ quan chức năng sẽ điều tra ai đúng, ai sai. Những người thi hành công vụ ở đây có thái độ rất bình tĩnh vì chỉ cần một lời nói nặng là dễ bị lên án và ném đá khi bị đăng lên mạng. Mặc dù ở đây không trương khẩu hiệu những nhà lãnh đạo là công bộc của nhân dân nhưng chúng tôi nhận thấy những người làm lớn ở đây đúng thật là những người phục vụ nhân dân và đôi lúc bị những người dân quá khích làm tổn hại đến danh dự nữa. Ngay cả chúng tôi là những người tu hành và đang làm việc ở một trường tư thục Công Giáo. Mình là linh mục và là sếp lớn của một ngôi trường bề thế với gần 100 giáo viên và nhân viên. Tuy nhiên đâu phải giáo viên hay nhân viên nào cũng cuối đầu vâng dạ dù họ lãnh lương hàng tháng do chính Nhà Dòng chi trả. Có những giáo viên hay nhân viên có thâm niên làm việc ở đây nhiều lúc trở chứng và có thái độ chống đối và muốn điều khiển mình phải làm theo ý họ. Có những lúc giận quá muốn dùng lời lẽ thế gian để trả đủa hay dùng quyền để tống khứ ngay những người bất trị này, nhưng phải kiềm nén vì chỉ cần một sơ sẩy của mình là sẽ bị đưa lên mạng ngay và sẽ nhận không ít búa rìu dư luận dù mình có đúng thế nào đi nữa. Tuy nhiên, pháp luật chính là thước đo để trừng trị những người làm sai, và trả lại danh dự cho những người làm đúng. Đúng là một quốc gia tuy kém phát triển nhưng biết cư xử tử tế.

Ở quốc gia nhỏ bé này người ta có thể làm bất cứ điều gì miễn là không vi phạm luật pháp. Một ông tướng quân đội về hưu với tiền lương hàng tháng có thể nuôi sống vợ con thoải mái lại tự nguyện đi góp tiền xây nhà thờ và chính ông mời gọi những tướng tá về hưu như ông tham gia công tác tông đồ bác ái. Chính họ cũng là những người mời gọi các em nhỏ, thanh thiếu niên tham gia các phong trào trong giáo xứ như Hướng đạo, Legio Maria, Cursillo nhằm hạn chế tối đa những thú vui trần thếc có thể làm băng hoại giới trẻ. Đúng là những người quá tử tế.

Nhìn lại quê hương mình mà thấy thương cho người dân vì làm gì cũng sợ và gặp công an ngoài đường như gặp phải ông kẹ. Cũng may là có một số “thanh niên cứng” và biết luật dám “cãi” công an và quay clip đưa lên mạng mới biết mấy anh công an mình giờ thế nào. Tại sao cứ phải cấm nếu mình không làm gì sai? Bây giờ là thế kỷ XXI rồi mà! Ngày xưa khi Chúa Giê-su bị kết án tử, khi Ngài trả lời với vị thượng tế thì bị một tên lính đánh vào mặt Ngài, lập tức Ngài liền chất vấn: "Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chổ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?" (Xc. Ga 18,23). Phải chăng anh lính này đánh Chúa Giê-su vì anh ta nhìn thấy điều sai nơi Ngài? Hay anh ta đánh Ngài vì anh bị người khác ra lệnh đánh? Hay là anh ta đánh Ngài vì sự uất ức của anh ta như là một người đầy tớ phải chịu nhiều áp bức và nhục nhã, không có ai để trút giận? Hoặc anh ta đánh Ngài vì muốn chứng tỏ mình trước ông sếp giấu mặt của anh, để làm vui lòng sếp, vì đang mong đợi một ân huệ nào đó từ sếp? Một hành động thiếu tử tế.

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Các Tổng Lãnh Thiên Thần Miguel, Gabriel và Rafael, những vị được xem là Anh Cả của các Thiên Thần mà theo niềm tin Công Giáo là các vị Hộ Mệnh của chúng ta. Chúa thật tử tế vì khi tạo dựng chúng ta, Người luôn đồng hành với chúng ta khi gởi các Thiên Thần đến với chúng ta để nâng đỡ chúng ta trong cuộc sống. Người luôn tôn trọng tự do của chúng ta vì Người là Một Thiên Chúa Tốt Lành, Tử Tế và Khoang Dung. Xin Các Tổng Lãnh Thiên Thần giúp cho chúng con biết sống tử tế với nhau, cho những vị lãnh đạo nước Việt Nam chúng con biết tử tế với người dân đế quốc gia chúng con thật sự hùng cường nhằm sánh vai cùng các quốc gia trên thế giới.

Paraguay, ngày 29 tháng 09 năm 2015

Lễ Các Tổng Lãnh Thiên Thần Miguel, Gabriel và Rafael

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sông Nước Miền Nam
Lê Trị
20:55 30/09/2015
SÔNG NƯỚC MIỀN NAM
Ảnh của Lê Trị
Có giòng sông tuổi thơ chảy ngọt
Có tình em tha thiết gởi về xa....
(Trích thơ của Lam Hồng Minh)