✠ Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen.
Kính chào quý ông bà và anh chị em,
Hôm nay thứ 6, ngày 1/10, Tuần XXVI Thường Niên, Năm B. Lễ Kính Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, Trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh.
Lời Chúa hôm nay được lấy trong lễ Nhớ thánh Tê-rê-sa. Giờ đây con kính mời quý ông bà, anh chị em lắng nghe Lời Chúa trích trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (18:1-5) ……… ……… ……… …………
Tin Mừng: (Mt 18:1-5)
Nếu anh em không trở nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.
“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.”
Chủ đề: “Tâm hồn trẻ thơ’
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Người VN chúng ta nói chung rất quý trẻ thơ. Bà mẹ nào mới sinh được người con thì ai cũng thích bế ẵm, hôn nấy hôn để. Khi bé lớn hơn một chút thì mẹ bế đi khắp làng, khắp xóm như thể để ra mắt bà con láng giềng. Gặp được linh mục tu sĩ là phải xin các đấng bế một cái để lấy hên, hy vọng sau này con đi tu. Những hình ảnh đẹp đó bây giờ ta hiếm thấy.
Ngày nay Linh mục tu sĩ VN đi làm việc tại các xứ Tây phương sẽ gặp nhiều khó khăn vì văn hoá trái ngược với người Việt mình. Gặp trẻ em bên Tây thì không nên đụng chạm chúng dù mình có thành ý quý mến chúng. Vì nếu trẻ đó hay cha mẹ chúng không thích, thì ta có thể bị kiện ra toà. Văn hoá phương Tây rất đề cao trẻ em. Cha mẹ sinh con ra mà không có khả năng nuôi dạy, giáo dục con thì chính phủ sẽ tước quyền nuôi dạy con của họ. Chính vì vậy, mọi người lớn, kể cả cha mẹ không được phép làm tổn thương trẻ em, cả về thể lý lẫn tinh thần.
Chúa Giê-su, trong Tin mừng theo Thánh Mattheu hôm nay, mời gọi trẻ nhỏ đến với Ngài. Ngài còn dạy mọi người rằng, ‘Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.’ Tin mừng theo thánh Mac-cô kể rằng: Khi các môn đệ la rầy, cản ngăn trẻ em đến với Đức Giê-su, Ngài đã bực mình nói với các ông: ‘Cứ để trẻ em đến với Thầy, vì Nước TC là của những ai giống như chúng.’ Rồi Ngài ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng. Chúa Giê-su không đề cao bề ngoài, vóc dáng của trẻ em, nhưng là tâm hồn đơn sơ, phó thác của chúng. Trẻ thơ sẽ không thể sống sót nếu không có cha mẹ hay người lớn bên cạnh để cậy dựa. Cũng vậy, Chúa Giê-su dạy những người tin hãy cậy dựa, tin tưởng nơi TC với tâm hồn đơn sơ, không chút nghi ngờ như trẻ thơ phó thác cuộc đời, tương lai, và mạng sống của mình trong tay cha mẹ. Chúa còn dạy, “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời… Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.” Vậy, Chúa muốn môn đệ của Ngài cần tin với thái độ khiêm tốn như trẻ em, là người không có khả năng tự vệ, đề kháng trước người khác. Để có thái độ như thế trong đời sống lòng tin, người tin cần bỏ tính tự cao mà ta thường gọi là ‘sĩ diện’ để khiêm tốn hạ mình trước mặt Chúa.
Giáo hội đọc bài TM hôm nay để ca ngợi Thiên Chúa về tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và phó thác của thánh Nữ Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su. Thánh Nữ bộc bạch trong nhật ký rằng: “Với tôi, cầu nguyện là một cảm xúc dâng trào của tâm hồn; chỉ đơn giản là một ánh mắt ngước nhìn lên trời, là tiếng khóc thổn thức vì được yêu, quyện lẫn với gian khổ và niềm vui.”
Có người khen thánh Nữ xinh đẹp. Ngài trả lời,“Vẻ đẹp nào vậy? Tôi không hề thấy tôi đẹp tí nào; tôi chỉ thấy toàn ơn sủng tôi nhận từ Thiên Chúa. Vì bạn không hề hiểu tôi; bạn không biết rằng khi đó tôi chỉ là một hạt giống, một hạt cải nhỏ xí.
Bạn đủ hiểu rằng: Thiên Chúa chúng ta không quá chú ý vào việc ta làm lớn tới đâu, hoặc khó khăn gian khổ đến mức nào, nhưng Ngài quan tâm đến tình yêu ta đặt trong việc ta làm.
Xin gương sáng và lời chuyển cầu của thánh Nữ Tê-rê-sa HĐGS giúp ta nên khiêm tốn, đơn sơ và phó thác trong lòng tin vào TC mỗi ngày.
Amen.
(St 2, 18-24; Dt 2, 9-11; Mc 10, 2-16).
Không ai hiểu thấu được cội nguồn và mầu nhiệm của sự sống. Chính Thượng Đế, Đấng làm chủ sự sống và thông ban sự sống cho mọi loài. Thiên Chúa tạo dựng mọi giống loại có cặp, có đôi. Riêng con người thì đặc biệt hơn: Chúa là Thiên Chúa phán: "Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó (St 2, 18). Thiên Chúa dựng nên con người có nam, có nữ: Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ (Mc 10, 6). Người nam, người nữ kết hợp với nhau để truyền sinh giống nòi theo kế hoạch và sự quan phòng của Đấng Sáng Tạo: Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt (St 2, 24).
Có nhiều triết thuyết và đạo giáo lý luận rằng mọi sự đều ngẫu nhiên mà có và không có một Đấng nào tác tạo. Họ phủ nhận quyền sáng tạo của Thượng Đế. Một số người muốn làm chủ đời mình, nên chối từ nguồn cội của sự sống. Người có trí tuệ và trí khôn ngoan không nên từ chối điều gì mà chưa tìm hiểu được tận căn gốc rễ. Người ta phủ nhận sự hiện diện của Thượng đế vì họ không biết và có thể họ không muốn kiếm tìm. Họ nghĩ rằng cứ nói tự nhiên, thiên nhiên hay ngẫu nhiên là mọi sự có đó. Thực vậy, sự hiện hữu của mọi loài phải có gốc, có nguồn. Nhìn qủa thì biết cây. Nhìn trật tự lạ lùng trong vũ trụ, chúng ta nhận ra có một Đấng Khôn Ngoan thượng trí vô cùng đã tác tạo mọi loài. Như cây có cội, suối có nguồn, muôn vật phải do Đấng Tạo Hóa an bài. Tự nhiên không thể ngẫu nhiên tác thành các giống nòi có cả trống lẫn mái. Chúng ta học biết rằng tất cả các loài có sự sống từ thảo mộc, động vật tới loài người, bất cứ loài nào cũng có đực và cái hoặc nam và nữ. Đấng Tạo Hóa tách biệt loài nào theo giống đó để truyền sinh. Thế giới sự sống không thể có sự ngẫu nhiên mà thành.
Các loài động vật sinh sống và truyền giống theo bản năng đã được an bài. Mọi loài thích ứng môi trường tùy theo nhu cầu của cuộc sống để sinh tồn và bảo vệ giống nòi. Riêng con người, Thiên Chúa trao ban cho một sứ mệnh đặc biệt để cùng nhau chia sẻ, đỡ nâng và cộng tác với nhau để được sinh tồn. Trong đời sống hôn nhân gia đình giữa người nam và người nữ: Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly (Mc 10, 9). Ý định của Thiên Chúa rất tốt lành nhưng loài người đã mắc phải nhiều lỗi lầm. Chúng ta không thể hiểu thấu huyền nhiệm của tình yêu trong sự liên kết hai người nam nữ này. Mỗi một bộ tộc, quốc gia và tôn giáo có những qui định khác nhau. Có những quốc gia, nền văn hóa và một vài tôn giáo chấp nhận luật đa thê. Hầu hết các pháp luật dân sự trên thế giới cho phép vợ chồng được ly dị và tái hôn.
Hôn nhân Công Giáo dạy rằng: Hôn nhân chỉ có một vợ, một chồng. Khi cặp hôn nhân nam nữ đã lãnh nhận Bí tích Hôn Phối hợp pháp và thành sự sẽ không được phép phân ly theo luật Chúa và luật Giáo hội. Luật là để giúp con người sống trung tín trọn tình trọn nghĩa, yêu thương nhau suốt đời, cùng xây dựng gia đình và sinh sản con cái sống trong hạnh phúc. Mục đích của hôn nhân rất tốt lành, thánh thiện và lý tưởng. Sự suy nghĩ chín chắn, chuẩn bị chu đáo và học hiểu đời sống chung sẽ giúp ích rất nhiều trong đời sống lứa đôi. Trong thực tế, có nhiều cặp hôn nhân đã sống trong đau khổ, ngục tù và đã ly thân rồi ly dị. Có rất nhiều nguyên nhân và ngoại cảnh can thiệp vào đời sống hôn nhân.
Con cái là hoa qủa của tình yêu cha mẹ. Trong mọi gia đình bình thường thì cha mẹ nào cũng thương yêu và quí mến con cái. Các trẻ sơ sinh nương nhờ tình cha nghĩa mẹ chăm sóc để được dưỡng nuôi và phát triển nên người. Tâm hồn các em trong trắng và đơn sơ. Chúa Giêsu mời gọi mọi người biết đón nhận Nước Chúa với tâm hồn trẻ thơ. Sống với các em như sống ở thiên đàng. Các em hoàn toàn tùy thuộc vào người lớn. Tâm hồn các em đơn sơ, đói thi đòi ăn, khát đòi uống, đòi không được thì khóc, thấy gì đòi đó và không lật lừa gian dối.
Tác giả của thơ gởi tín hữu Do-thái xác tín quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa trên mọi loài thụ tạo. Thiên Chúa điều khiển và hướng dẫn lịch sử con người về cùng đích là đạt tới vinh quang. Chúa Giêsu Kitô là trưởng tử và là trung gian của tất cả vạn vật, qua Ngài muôn vật được tạo thành và nhờ Ngài loài người lãnh nhận ơn cứu độ.
Lạy Chúa, Chúa sáng tạo muôn loài và Chúa muốn chia sẻ niềm vinh quang và nguồn hạnh phúc cho con người. Chúng con tin nhận Chúa là Chúa tể vũ trụ đã an bài mọi sự cách lạ lùng. Càng kiếm tìm nguồn cội, chúng con càng khám phá mầu nhiệm sáng tạo thật huyền diệu và cao siêu. Chúng con kính thờ, ngợi khen và cảm tạ danh Chúa đến muôn ngàn đời.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng.
23. Người phạm tội thì trong lòng không có Thiên Chúa, những việc họ yêu thích đều trở thành chúa của họ.
(Thánh Jerome)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Người nọ bình thường kiêng tránh đủ điều, trong nhà mỗi lần gặp ngày chạp giỗ, tết nhứt, thì ông ta mặc áo đỏ, nếu khách cưỡi ngựa trắng đến dự tiệc thì nhất định không cho phép dắt ngựa vào trong trại ngựa của mình.
Có một thiếu niên thích nói đùa, liền dùng phấn đỏ bôi đầy trên mặt và đi dự tiệc, chủ nhân lấy làm quái dị.
Thiếu niên nói:
- “Tôi biết ngài rất ghét màu trắng, cho nên tôi không dám để mặt mày trắng trẻo đến, kẻo làm cho ngài mất vui”.
Khách trong tiệc cười ầm lên, chủ nhân mắc cở, từ đó thay đổi không còn kiêng kỵ gì nữa.
(Tiếu tiếu lục)
Suy tư 71:
Có một vài bà vợ không muốn mang thai trong năm Dần, vì sợ con mình dữ như...cọp; có những học sinh gần đến ngày thi thì ăn chè đậu để hy vọng đậu đại học; có những người sáng sớm ra đường gặp đàn bà mang thai thì cho là xui xẻo cả ngày.v.v...
Kiêng kỵ là bởi vì con người ta...yếu bóng vía, là bởi vì quá mê tín và tin những chuyện hão huyền.
Cũng có những người Ki-tô hữu mê tín kiêng kị đủ điều dù họ vẫn đi lễ ngày chủ nhật, dù họ vẫn lãnh nhận các bí tích, tại sao vậy? Thưa, họ kiêng kị là vì họ yếu đức tin, họ kiêng kỵ vì họ coi Thiên Chúa là Đấng tạo hóa nhưng không “linh” bằng mấy ông thầy bói pháp sư, cũng không “nhạy cảm” như mấy bà mang thai gặp khi ra đường buổi sáng...
Kiêng kỵ là việc làm của người không tin có Thiên Chúa hiện hữu trong vũ trụ này.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Khi tạo dựng nên Mặt trời, Trái đất và muôn loài muôn vật trong vũ trụ bao la vô biên, vô tận nầy, Thiên Chúa không cần sự trợ giúp của con người. Thế nhưng khi muốn cứu chuộc loài người, Thiên Chúa lại cần sự hợp tác, sự tham gia của con người một cách tích cực.
Chính vì thế, trước khi Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người cứu độ nhân loại, “Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ tên là Maria”, đề nghị trinh nữ làm mẹ hạ sinh Chúa Cứu Thế.
Mẹ Maria ý thức mình chỉ là tôi tớ hèn mọn của Chúa nên Mẹ sẵn sàng vâng theo ý Chúa truyền.
Nếu không có sự chấp thuận và hợp tác của Đức Maria, thì Ngôi Hai Thiên Chúa chưa thể mặc lấy xác phàm để cứu độ nhân loại mà phải chờ dịp khác.
Cách đây hai ngàn năm, Thiên Chúa đã nhờ Mẹ Maria sinh ra Đấng Cứu Thế cho nhân loại và trong suốt dòng lịch sử loài người, Thiên Chúa tiếp tục nhờ Mẹ để đem lại sự ủi an, che chở, săn sóc nâng đỡ… nhân loại trên bước đường lữ thứ trần gian và Mẹ đã hoàn thành sứ mạng nầy cách tốt đẹp; nhờ đó, chúng ta tìm được nơi Mẹ niềm an ủi và hạnh phúc lớn lao.
Thiên Chúa không chỉ yêu thương con người bằng tình hiền phụ của một người cha, Ngài còn muốn săn sóc bảo bọc chúng ta bằng tình hiền mẫu dịu dàng của một người mẹ. Qua Đức Maria, Thiên Chúa bày tỏ lòng hiền mẫu của Ngài cho chúng ta.
Thiên Chúa như Mặt trời, còn Mẹ Maria như Vầng trăng. Vầng trăng đón nhận ánh sáng của Mặt trời rồi phản chiếu lại cho Địa cầu thế nào thì Mẹ Maria cũng đón nhận ân sủng từ Thiên Chúa rồi thông ban lại cho chúng ta như thế. Khi đón nhận hồng ân Mẹ ban là chúng ta đón nhận hồng ân của Thiên Chúa.
Theo gương Mẹ Maria
Như xưa Thiên Chúa đã mời gọi Mẹ Maria cộng tác để mang Con Ngài đến cho nhân loại; hôm nay, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta hợp tác với Ngài để đem Chúa Giê-su đến cho bao người chung quanh… Nếu chúng ta không hợp tác, biết đến bao giờ những anh chị em nầy mới có thể nhận biết Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ của Ngài?
Từ hai ngàn năm qua, Thiên Chúa vẫn nhờ Mẹ Maria để tỏ bày tình hiền mẫu của Ngài cho nhân loại, thì nay, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta hợp tác với Ngài để bày tỏ lòng thương xót của Ngài cho những người bất hạnh chung quanh.
Vì thế, chúng ta hãy trở nên những Maria khác, để qua chúng ta, lòng thương xót của Thiên Chúa được ban tặng cho nhiều người.
Chúng ta hãy trở nên những Vầng trăng khác để phản chiếu tình thương trời biển của Thiên Chúa Cha.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúng con vô cùng hạnh phúc vì có Đức Mẹ là người Mẹ tuyệt vời luôn ở kề bên để chăm sóc, bảo vệ, che chở chúng con, mang tình yêu Chúa đến cho chúng con, nhất là trong những phút giây đen tối trong cuộc đời.
Xin cho chúng con biết noi gương Đức Mẹ, sẵn sàng mang hơi ấm của tình yêu Chúa đến cho mọi người. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
MẢNH ĐẤT CỦA NHỮNG HẠT MẦM BÍ ẨN
“Nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật ngạc nhiên, dường như mỗi khi nói đến Nước Trời, Chúa Giêsu nghĩ ngay đến một em bé! Các bài đọc ngày lễ kính thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, ‘một em bé’, Mẹ Giáo Hội cũng không thoát được ý nghĩ tốt lành đó. Nước Trời là một bí ẩn! Và một em bé, như Têrêxa, cũng là một bí ẩn; đúng hơn, là một ‘mảnh đất của những hạt mầm bí ẩn!’.
Bài đọc Isaia hôm nay mô tả người “Mẹ Sion”, tức Giêrusalem, nói lên tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Ngài. Têrêxa mất mẹ lúc 4 tuổi, mất luôn ‘người mẹ thứ hai’ lúc 9 tuổi khi chị Pauline vào dòng; sau đó, èo uột, Têrêxa chỉ “như một cọng hành”. May thay, cảm nhận được tình yêu mẫu tử của Thiên Chúa, vốn như hạt mầm bí ẩn đầu tiên, cho phép Têrêxa “được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối”; Têrêxa đã “nhìn biết bàn tay Thiên Chúa” trên cuộc đời mình. Hạt mầm ấy càng bí ẩn khi Têrêxa trở thành một nữ tu Nhà Kín ở tuổi 15; cánh cửa tu viện đóng lại, và nó sẽ không bao giờ mở ra. Thế nhưng, lạ lùng thay! Cũng chính lúc cánh cửa tu viện đóng lại, thì cánh cửa tâm hồn Têrêxa lại mở ra. Như mảnh đất tốt, Têrêxa đón nhận và thánh hoá tất cả ‘Sương Trời Ân Sủng’ khi vừa cô đơn, vừa hạnh phúc hoà chan trong bốn bức tường; và tất cả đã trở thành những chuỗi hoa hồng toả hương tới tận thiên cung. Và dẫu kết thúc cuộc đời ngắn ngủi chỉ sau 9 năm, nhưng Têrêxa đã nên một ‘mảnh đất của những hạt mầm bí ẩn!’.
Hẳn Têrêxa sẽ không bao giờ được ai biết đến nếu không vâng lời mẹ Bề trên, chị ruột Agnes của mình, để viết nên “Một Tâm Hồn”. Đọc “Một Tâm Hồn”, chúng ta gặp thấy Têrêxa, “Một Bông Hoa Nhỏ”, không chỉ toả hương đơn sơ, phó thác, nhưng còn man mát cả những tham vọng, tự tôn, can đảm, thông minh, nghệ sĩ, lãng mạn, hài hước và cả bướng bỉnh. Đầy tham vọng, Têrêxa ước có thể bay lên mặt trời chói lọi Ba Ngôi; ví mình như một sinh vật nhỏ bé nhưng mang trong mình móng vuốt đại bàng thần thánh, “Em muốn yêu Ngài, không chỉ yêu bình thường mà yêu như các thánh, dám làm những chuyện ngông cuồng cho Ngài!”; “Ôi Giêsu, xin cho con được tử đạo trong lòng hay nơi thân xác; tốt hơn, cả hai!”. Như một người tình tha thiết, Têrêxa thả hồn rong ruổi theo Đấng Tình Quân, “Khi một tâm hồn để mình bị cuốn hút bởi những làn hương say đắm của Ngài, nó không chạy một mình; tất cả những người nó yêu đều được cuốn theo; vì tự nhiên, nó cuốn hút về Ngài!”. Như chú bọ ngựa vênh váo, Têrêxa sánh mình với cây cọ ba xu để Chúa làm nên những kiệt tác vĩ đại, chứ không chịu là những tác phẩm xoàng xĩnh, “Phần cây cọ, nó đâu có thể tự hào về một kiệt tác là do nó; nhưng nó biết, ‘Người Nghệ Sĩ’ không bối rối mà còn bỡn cợt với những khó khăn; và đôi khi, cần một dụng cụ yếu đuối và bất toàn như nó”.
Têrêxa thông minh, hài hước, và lắm tưởng tượng, “Archimède cần một điểm tựa bên ngoài để bẩy trái đất lên, ông không tìm ra! Các thánh thì khác, Chúa cho các ngài một điểm tựa là chính Ngài. Đòn bẩy là những kinh nguyện bốc cháy yêu thương, cầu nguyện là cách thức các thánh nâng vũ trụ lên và nâng cho tới ngày tận thế, ‘Các thánh tương lai’ cũng sẽ nâng!”. Cách nào đó, tham vọng làm thánh của Têrêxa cũng đã lộ ra khi Têrêxa nói đến “các thánh mai ngày!”. Têrêxa có những biện minh đơn sơ đến lạ lùng, “Con không nản chí vì những lỗi lầm của mình, vì trẻ con thường ngã luôn, nhưng vì chúng bé quá, nên không thấy đau mấy!”.
Anh Chị em,
“Trẻ con thường ngã luôn, nhưng không thấy đau mấy vì quá bé!”. Đó là những gì Lời Chúa nói với chúng ta trong ngày lễ hôm nay. Chấp nhận mình bé nhỏ, nhiều khuyết điểm, ít tài năng; nhiều thất bại, ít thành công; nhiều tội lỗi, ít thánh thiện… đó là những đòn bẩy nâng chúng ta lên khi chúng ta biết đặt điểm tựa đời mình vào Thiên Chúa. Chớ gì chúng ta thật sự biết Chúa và nhận ra mình để đặt trọn tin yêu vào Ngài; bấy giờ, chúng ta cũng là những ‘mảnh đất cho những hạt mầm bí ẩn’ mà Chúa Thánh Thần không ngừng gieo vãi trong các tâm hồn khiêm tốn, bé mọn thuộc trọn về Ngài. Như Têrêxa, mỗi người chúng ta cũng tham vọng bay lên chiêm ngắm ‘Mặt Trời’, bẩy lên thế giới tục luỵ bằng cầu nguyện; và với móng vuốt đại bàng thần thánh, chống lại tội lỗi và sự dữ. Được vậy, như Têrêxa, chúng ta tin yêu phó thác để cùng có thể hát lên tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Hồn con xin Chúa giữ gìn, nép mình bên Chúa an bình thảnh thơi!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ước chi lòng con cũng là một ‘mảnh đất của những hạt mầm bí ẩn’ ân sủng của Chúa; Muốn được như thế, như Têrêxa, “Giữa lòng Hội Thánh, con cũng sẽ là tình yêu!”, Amen.
(Tgp. Huế)
CHÚA NHẬT XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN
St 2,18-24; Hr 2,9-11; Mc 10,2-16
SỰ GÌ THIÊN CHÚA LIÊN KẾT, LOÀI NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LY
Chủ đề của Chúa Nhật này là hôn nhân gia đình. Bài đọc I (St 2,18-24) bắt đầu với những từ ngữ rất quen thuộc: “Thiên Chúa phán: Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một người trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18).
1. Hôn nhân là bí tích
Trong thời đại chúng ta, vấn đề của hôn nhân là ly thân và ly dị, nhưng vào thời Chúa Giêsu lại là vấn đề rẫy vợ. Về sau, nó trở thành một tội nặng, bởi vì nó chứa đựng sự bất công liên quan đến người phụ nữ, mà thật đáng buồn, hiện vẫn còn tồn tại trong một số nền văn hóa. Theo đó, người đàn ông có quyền rẫy vợ, nhưng người vợ thì không có quyền rẫy chồng.
Về vấn đề này, có hai quan điểm trái nghịch nhau trong Do Thái Giáo. Một nhóm cho rằng người ta được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do nào, sau khi người chồng đã cân nhắc cẩn thận. Nhóm khác cho rằng phải có lý do nghiêm trọng và phải được lề luật quy định.
Bởi thế, một ngày nọ, có mấy người Pharisêu đến thử Chúa Giêsu về vấn đề này, với hy vọng Người sẽ ủng hộ quan điểm nhóm mình và chống lại nhóm kia. Tuy nhiên, họ đã nhận được câu trả lời không như mong muốn:
“Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,5-9).
Như vậy, luật Môsê liên quan đến rẫy vợ được Chúa Giêsu nhìn nhận như là một sự thiết định ngoài ý muốn, và được Thiên Chúa bao dung (như chế độ đa thê và những điều khác), vì lòng chai dạ đá và thiếu trưởng thành của con người. Chúa Giêsu không phê phán Môsê vì sự nhượng bộ này; Người thừa nhận rằng trong vấn đề này người lập luật không thể giữ hôn nhân như ý định ban đầu của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, Người tái lập lý tưởng ban đầu của sự kết hợp bất khả phân ly giữa người nam và người nữ thành một thân xác mà đối với các môn đệ Người, đây là hình thức duy nhất có thể của hôn nhân. Hơn thế, Chúa Giêsu không chỉ dừng ở việc thiết lập lại lề luật; Người còn ban ân sủng cho hôn nhân. Điều này có nghĩa là các cặp vợ chồng Kitô giáo không chỉ có nhiệm vụ phải trung thành với nhau trọn đời; họ còn được ban ân sủng cần thiết để chu toàn cam kết đó. Từ cái chết cứu độ của Chúa Kitô phát xuất một nguồn sức mạnh – là Chúa Thánh Thần – Đấng đã thấm nhập vào mỗi phương diện đời sống người tín hữu, bao gồm cả hôn nhân. Sau này, hôn nhân được nâng nên thành một bí tích và là hình ảnh của sự kết hợp “hôn phối” giữa Chúa Kitô và Giáo Hội nhờ thập giá (x. Ep 5,31-32).
2. Hôn nhân là con đường nên thánh
Nói rằng hôn phối là thánh thiêng không chỉ có nghĩa sự kết hợp vợ chồng là hợp pháp và tốt lành mà còn có nghĩa hôn phối trở thành một cách thế để kết hợp với Chúa Kitô nhờ tình yêu vợ chồng và là con đường giúp họ nên thánh.
Cái nhìn tích cực này được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trình bày cách tài tình trong Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu.” Theo đó, ngài không so sánh sự kết hợp bất khả phân ly trong hôn nhân với dạng thức khác của tình yêu erotic (ái kỷ); nhưng trình bày nó như là dạng thức trưởng thành và hoàn hảo nhất, không chỉ từ quan điểm Kitô giáo mà còn cả từ quan điểm nhân bản:
“Đó là một phần trong sự vươn lên đến những cấp độ cao hơn của tình yêu, và trong sự thanh luyện bên trong mà tình yêu giờ đây đang tìm kiếm hầu trở nên một chọn lựa dứt khoát, trong một ý thức gồm hai mặt: cả tính độc quyền (chỉ một người cụ thể mà thôi) lẫn sự ‘vĩnh viễn.’ Tình yêu bao gồm toàn bộ hiện thực của cuộc sống trong mỗi chiều kích của nó, kể cả thời gian. Khó mà khác đi được, vì hứa hẹn của tình yêu hướng đến một mục tiêu chung cuộc: tình yêu nhắm đến sự vĩnh viễn” (Id. số 6).
Lý tưởng về sự trung thành suốt đời không bao giờ dễ dàng để thực hiện (ngoại tình là điều được nói nhiều cả trong Kinh Thánh!). Ngày nay chúng ta đang sống trong một nền văn hóa buông thả và hưởng lạc, sự trung thành này càng trở nên khó khăn hơn. Cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay báo động, định chế hôn nhân đang bị phá hủy hơn lúc nào hết.
Luật dân sự, như ở Tây Ban Nha và một số nước hiện nay cho phép ly dị chỉ ít tháng sau khi chung sống (và như thế cách gián tiếp cổ võ ly dị!). Những câu nói như “tôi mệt mỏi với cuộc sống này,” hoặc “tôi sẽ ra đi,” “nếu như thế này, tốt nhất anh theo đàng anh, em theo đàng em!” thường được các cặp vợ chồng trẻ nói khi họ gặp phải những khó khăn đầu tiên. Nếu cứ nói như thế, theo tôi, các cặp vợ chồng Kitô hữu phải xưng thú tội này trong tòa giải tội vì nó làm tổn thương rất lớn đến sự hiệp nhất vợ chồng và tạo nên một thói quen rất nguy hiểm.
Ngày nay, hôn nhân còn chịu đựng một não trạng phổ biến “dùng rồi vứt.” Nếu một đồ dùng hoặc phương tiện bị hư hỏng, không cần nghĩ phải sửa lại, mà không ai sửa làm gì, chỉ còn cách là vứt đi. Người ta cũng áp dụng cho cả hôn nhân. Đây là não trạng chết người! Não trạng này đã gây ra nhiều đổ vỡ và nỗi buồn cho các gia đình.
3. Xây dựng tình yêu bền vững
Chúng ta có thể làm điều gì đó để ngăn cản lối nghĩ này không? Tôi có một đề nghị: chúng ta hãy tái khám phá nghệ thuật sửa lỗi cho nhau.
Thay vì não trạng “dùng rồi vứt” bằng não trạng “dùng và sửa.” Nghệ thuật này cần được thực hành trong hôn nhân. Sửa những lỗi gây đổ vỡ và hãy làm liền. Nhưng làm như thế nào? Về điều này, thánh Phaolô có những lời khuyên thật chí lý:
“Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng!” (Ep 4,26-27); “hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,13); “anh em hãy mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6,2).
Chúng ta sẽ hiểu rằng trong quá trình hàn gắn lại những đổ vỡ, các cuộc khủng hoảng và chướng ngại được giải quyết, đời sống hôn nhân sẽ được thanh lọc và cải thiện. Tôi so sánh tiến trình dẫn một cuộc hôn nhân tới thành công, hạnh phúc như tiến trình dẫn các thánh tới sự thánh thiện. Trên con đường hướng tới trọn lành, các thánh thường trải qua những đêm tối cảm giác, trong đó, họ không còn cảm thấy bất cứ cảm giác nào hoặc tác động nào tích cực nữa. Họ cảm thấy khô khan và trống rỗng, nhưng họ làm mọi sự nhờ sức mạnh ý chí và cố gắng bản thân. Sau đó, họ phải trải qua đêm tối tinh thần, trong đó, không chỉ các giác quan mà cả lý trí và ước muốn cũng rơi vào khủng hoảng. Nhiều lúc các ngài nghi ngờ mình đã lạc lối và hoàn toàn ở trong đêm tối, bị cám dỗ liên tục. Lúc đó, họ tiến bước chỉ nhờ đức tin thôi.
Có phải mọi sự sau đó sẽ kết thúc chăng? Không, trái lại, tất cả không gì khác ngoài sự thanh tẩy. Sau khi họ đã trải qua cuộc khủng hoảng này, các thánh mới hiểu rõ tình yêu Thiên Chúa dành cho họ lớn lao và cao cả như thế nào so với lúc ban đầu.
Đối với nhiều cặp vợ chồng, không khó để nhận ra những kinh nghiệm tương tự như thế. Họ cũng thường trải qua những đêm tối cảm giác trong hôn nhân. Sau một thời gian chung sống, những cảm giác say đắm, nồng nàn bên nhau hình như biến mất, nhiều khi chỉ là ký ức, từ đó có thể chán nhau. Rồi họ phải đối diện với kinh nghiệm đêm tối tinh thần, đó là tình trạng mà chọn lựa nền tảng nhất của họ rơi vào khủng hoảng, và xem ra cả hai không còn gì để chia sẻ nữa.
Để có thể vượt qua những cơn khủng hoảng này, các đôi vợ chồng không chỉ nuôi dưỡng tình yêu ban đầu, mà còn phải biết xây dựng một tình yêu bền vững và tương giao trưởng thành qua thời gian. Nếu trước đây vợ cHồng Yêu nhau vì sự thỏa mãn, họ tìm kiếm điều đó, thì hôm nay họ yêu nhau theo cách thế khác hơn, với một tình yêu dịu dàng, thoát khỏi vị kỷ và có thể cảm thông với nhau hơn; họ yêu nhau hơn vì những gì họ đã trải qua và vì họ đã đau khổ với nhau nhiều hơn. Khi tình yêu và tương quan đạt tới sự trưởng thành như thế, họ sẽ kinh nghiệm điều Chúa nói: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Amen
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
Thụy Sĩ đã bỏ phiếu hôm Chúa Nhật để hợp pháp hóa cái gọi là hôn nhân đồng giới.
Khoảng 64% cử tri ủng hộ đề nghị này trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 26 tháng 9. Như thế, Thụy Sĩ trở thành quốc gia thứ 30 trên thế giới chấp thuận hôn nhân đồng tính.
Các quốc gia có biên giới với Ý là Pháp, Đức, Áo và Liechtenstein đã công nhận sự kết hợp dân sự cho các cặp đồng tính kể từ năm 2007, sau một cuộc trưng cầu dân ý năm 2005.
Vào tháng 12 năm 2020, quốc hội Thụy Sĩ đã thông qua một dự luật có tên “Hôn nhân cho tất cả”, hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và đưa nó vào Bộ luật Dân sự Thụy Sĩ.
Vào tháng 4 năm nay, các Nhà vận động đã thu thập đủ chữ ký để bảo đảm một cuộc trưng cầu dân ý. Hơn 61,000 chữ ký hợp lệ đã được đệ trình ủng hộ việc cho 8.5 triệu dân của đất nước có tiếng nói cuối cùng về luật pháp.
CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, báo cáo rằng kết quả trưng cầu dân ý là rất sít sao ở một số khu vực của Thụy Sĩ, một nước cộng hòa liên bang chính thức được gọi là Liên bang Thụy Sĩ.
Tại bang Appenzell Innerrhoden, nơi theo truyền thống Công Giáo, 50.8% cử tri ủng hộ đề xuất, sẽ có hiệu lực từ tháng 7 năm 2022.
Vào tháng 12, các giám mục Công Giáo của Thụy Sĩ đã nói rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính “đầy rẫy những khó khăn về hành chính, pháp lý và đạo đức”. Tuy nhiên, CNA Deutsch cho biết Simone Curau-Aepli, chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Công Giáo Thụy Sĩ (SKF), hoan nghênh kết quả trưng cầu dân ý.
“Tôi thực sự hạnh phúc vì mọi người đã nói YES với hôn nhân vì tất cả. Đối với chúng tôi, đây là một khoảnh khắc rất xúc động”.
Source:Catholic News Agency
Cộng hòa San Marino đã bỏ phiếu vào Chúa Nhật 26 tháng 9, để hợp pháp hóa việc phá thai cho đến 12 tuần của thai kỳ.
Cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý vào ngày 26 tháng 9 đã chấm dứt lệnh cấm phá thai của đất nước, được áp dụng từ năm 1865.
Hơn 77% cử tri đã tán thành đề nghị cho phép phá thai trong ba tháng đầu của thai kỳ, cũng như sau mốc 12 tuần nếu có “những dị tật của thai nhi, hay có nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất hoặc tâm lý của người phụ nữ. “
San Marino là một nước cộng hòa với dân số 35,000 người - một phần ba trong số đó sống bên ngoài biên giới của nó. Tỷ lệ sinh của quốc gia nhỏ bé là khoảng 1.2 trẻ em trên một phụ nữ.
Đức Giám Mục của San Marino đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 26 tháng 9 bày tỏ sự thất vọng của ngài đối với kết quả của cuộc trưng cầu dân ý và nói rằng phụ nữ mang thai phải được hỗ trợ để “không có hòn đá nào bị bỏ qua trong việc tìm kiếm các giải pháp thay thế” cho việc phá thai.
Đức Cha Andrea Turazzi nói: “Chúng ta phải bảo đảm rằng không bao giờ một cuộc sống lại không được chào đời vì bất an, ngờ vực, cô đơn, thiếu sự giám hộ và bảo vệ hoặc vì lý do kinh tế.”
Ngài nói thêm: “Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, với các phương tiện tùy ý sử dụng, với sự phát triển của ý thức xã hội, chúng ta có thể làm rất nhiều điều để chào đón sự sống chưa ra đời.”
“Chúng tôi tin rằng tốc độ phát triển của một xã hội không được đo lường quá nhiều bằng kinh tế học, mà bằng sự tôn trọng quyền của tất cả mọi người, bắt đầu từ những người mong manh, không có khả năng tự vệ và chưa được sinh ra”.
Theo truyền thống, một Kitô hữu tên Marinus đã thành lập một cộng đồng Kitô Giáo vào thế kỷ thứ tư mà cuối cùng trở thành thành phố quốc gia San Marino.
Source:Catholic News Agency
“Cuộc tuần hành cho các vị Tử đạo” là cơ hội để đoàn kết với các Kitô hữu đang đau khổ vì đức tin trên khắp thế giới.
Hôm Thứ Bảy vừa qua, hàng nghìn người đã đổ ra các đường phố của thủ đô của Hoa Kỳ để tuần hành vì một lý do mà hầu hết mọi người không biết nhiều – đó là hoàn cảnh của những Kitô Hữu bị bách hại trên khắp thế giới.
“Cuộc tuần hành cho các vị Tử đạo” năm 2021 là sáng kiến của Gia Chacón, người đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận, Vì Các Thánh Tử Đạo “nhằm nâng cao nhận thức rằng cuộc bách hại Kitô Hữu đang diễn ra phổ biến. Theo một báo cáo gần đây của Aid to the Church in Need, gần 340 triệu Kitô hữu - tức là cứ có 8 Kitô Hữu thì có một người đang bị bách hại – dưới một số hình thức ngược đãi, từ bị phân biệt đối xử đến quấy rối và thậm chí bị giết chết.
Gia Chacón nói với Aleteia: “Chúng tôi tin rằng kiến thức truyền cảm hứng cho hành động— càng có nhiều người nhận thức được cuộc khủng hoảng bách hại Kitô Giáo, thì càng có thể làm được nhiều hơn để hỗ trợ cho các tín hữu đang đau khổ.”
Các sự kiện đã bắt đầu vào hôm thứ Bảy, ngày 25 tháng 9 với “Kick-Off Rally vào 3 giờ chiều tại National Mall với Gia Chacón và ban nhạc Radiant Worship.
Cuộc tuần hành bắt đầu lúc 4 giờ chiều, khi những người tham gia đi bộ từ Trung tâm mua sắm đến Tòa Bạch Ốc.
“Đêm dành cho các Thánh Tử đạo” bắt đầu lúc 6:30 chiều với các bài phát biểu của Gia Chacón và những nhà hoạt động khác cho các Kitô hữu bị bách hại, bao gồm cả Cha. Benedict Kiely, linh mục Công Giáo và là người sáng lập Nasarean.org.
Source:Aleteia
Hôm thứ Hai, Trung Quốc cho biết họ đang hạn chế phá thai, chỉcho phá thai trong những trường hợp cần thiết về mặt y tế.
Chỉ thị này là một phần trong một kế hoạch do Quốc vụ viện, tức là nội các Trung Quốc, công bố nhằm cải thiện sức khỏe phụ nữ.
Steven Mosher, chủ tịch của Viện Nghiên cứu Dân số, thừa nhận rằng chỉ thị hôm thứ Hai là một dấu hiệu tốt, nhưng cảnh báo rằng “nó không được thực hiện vì lòng trắc ẩn đối với thai nhi”.
Nhiều nhà quan sát coi động thái của Hội đồng Nhà nước là một phần trong nỗ lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng dân số đang chậm lại để tránh một “mùa đông nhân khẩu học” có thể thấy trước. Mosher cũng đồng ý như thế, và nói rằng kế hoạch này là một “cố gắng ngăn chặn thảm họa nhân khẩu học Trung Quốc đang đối mặt, do chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ gây ra”.
Năm nay, Bắc Kinh cho biết họ sẽ cho phép các cặp vợ chồng có ba con, tăng từ quy định một con được thực hiện vào năm 1980 và chính sách hai con vào năm 2015.
“Mặc dù Trung Quốc vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới, cuộc điều tra dân số mới nhất cho thấy tốc độ tăng dân số từ năm 2011 đến năm 2020 là chậm nhất kể từ những năm 1950. Dân số dự kiến sẽ bắt đầu giảm trong vài năm tới.”
Theo Reuters, số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia cho thấy từ năm 2014 đến 2018, trung bình có 9.7 triệu ca phá thai mỗi năm. Con số này tăng khoảng 51% so với mức trung bình trong các năm từ 2009 đến 2013.
Source:Aleteia
Hôm thứ Hai 27 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ nỗi buồn trước cái chết của một vị Hồng Y người Brazil, mô tả vị Hồng Y là người “say mê truyền giáo”.
Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ sự tôn kính đối với Đức Hồng Y José Freire Falcão, tổng giám mục hiệu tòa của Brasília, trong một bức điện được Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố vào ngày 27 tháng 9, một ngày sau khi vị Hồng Y 95 tuổi qua đời vì biến chứng COVID-19.
Trong một thông điệp gửi tới Đức Tổng Giám Mục Paulo Cezar Costa, tổng giám mục đương nhiệm của Brasília, Đức Thánh Cha nói: “Tôi giao phó vị Hồng Y kính yêu cho lòng thương xót của Thiên Chúa, và ghi nhận sự cộng tác quý báu của ngài trong các cơ quan khác nhau của Tòa Thánh và các cuộc gặp gỡ của tôi với vị mục tử này, người đã say mê truyền giáo”.
Ngài nói thêm rằng Đức Hồng Y Falcão đã “cố ý đặt những ân sủng nhận được từ Chúa trong việc phục vụ dân Chúa và các giám mục anh em của ngài.”
“Tôi cảm tạ Cha trên trời về sứ vụ giám mục của ngài, trong đó ngài đã quảng đại dẫn dắt những người được giao phó cho ngài đi theo con đường của Tin Mừng, với cùng lòng nhiệt thành mà ngài đã thực hiện trong các sứ vụ trước đây của mình”
Hội đồng Giám mục Quốc gia Brazil, gọi tắt là CNBB, lưu ý rằng Đức Hồng Y Falcão là vị Hồng Y thứ hai của Brazil đã qua đời sau khi xét nghiệm dương tính với coronavirus. Người đầu tiên là Đức Hồng Y Eusébio Oscar Scheid, tổng giám mục hiệu tòa của Rio de Janeiro, đã qua đời vào ngày 13 tháng Giêng ở tuổi 88.
Hội đồng giám mục cho biết Đức Hồng Y Falcão đã được đưa đến Bệnh viện Santa Lúcia ở thủ đô liên bang của Brazil vào ngày 17 tháng 9 như một biện pháp phòng ngừa sau khi xét nghiệm dương tính. Tình trạng của ngài xấu đi vào ngày 24 tháng 9 và ngài qua đời vào ngày 26 tháng 9.
Đức Hồng Y sẽ được chôn cất trong hầm mộ của Nhà thờ Brasília, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Brazil Oscar Niemeyer và hoàn thành vào năm 1970.
Đức Hồng Y José Freire Falcão sinh ngày 23 tháng 10 năm 1925, tại Ererê, thuộc Vùng Đông Bắc của Brazil. Ngài được thụ phong linh mục tại Limoeiro do Norte, thuộc bang Ceará, vào ngày 19 tháng 6 năm 1949.
Vào tháng 4 năm 1967, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Limoeiro do Norte, và trở thành giám mục chính tòa vào tháng 8 năm đó. Ngài đã chọn phương châm giám mục là “Phục vụ trong sự khiêm tốn.”
Năm 1971, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục Teresina, một tổng giáo phận thuộc bang Piauí, cũng thuộc Vùng Đông Bắc.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chọn ngài làm tổng giám mục Brasília, miền Trung Tây, vào ngày 15 tháng 2 năm 1984, khi ngài 58 tuổi.
Một bản tiểu sử chính thức do văn phòng báo chí Tòa Thánh cung cấp cho biết “ngài đã cống hiến mọi giây phút của mình cho sự phát triển của các cộng đồng giáo hội được giao phó cho ngài, được thúc đẩy bởi mong muốn lớn lao của ngài là loan báo chân lý Tin Mừng, và bởi một tình yêu chân thành và sâu sắc đối với Giáo hội và nhân loại”.
Ngài được Đức Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y vào ngày 28 tháng 6 năm 1988.
Ngài đã giữ một số chức vụ quan trọng tại Hội đồng Giám mục Brazil và hoạt động tích cực trong Liên Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh, gọi tắt là CELAM.
Ngài nghỉ hưu với tư cách là Tổng giám mục Brasília vào ngày 28 tháng Giêng năm 2004, ở tuổi 78. Ngài được kế vị bởi Đức Tổng Giám Mục João Bráz de Aviz, hiện là Hồng Y giữ tổng trưởng Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc bức điện chia buồn của mình bằng cách giao phó Đức Hồng Y Falcão, những người thân yêu, đồng nghiệp và những người Công Giáo của tổng giáo phận Brasília “cho sự bảo vệ từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria”.
Source:Catholic News Agency
Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ý cầu nguyện tháng 10 là nguyện xin cho tất cả các tín hữu trở nên những tông đồ truyền giáo và sẵn sàng đón nhận những sứ mệnh truyền bá phúc âm của Giáo hội.
(Tin Vatican - Devin Watkins)
“Chúa Giêsu mời gọi tất cả chúng ta hãy trở thành những tông đồ truyền giáo. Các bạn đã sẵn sàng chưa?"
Trong Video phát hành ý cầu nguyện tháng 10, ĐTC đã nhắc lại huấn lệnh đó cho tất cả các tín hữu.
Đức Thánh Cha nói tất cả chúng ta đều được mời gọi đáp lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu, sống hiệp nhất với Ngài trong những biến cố cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Đức Thánh Cha nói: “Làm việc, gặp gỡ tha nhân, nhiệm vụ hàng ngày và những việc xảy ra mỗi ngày”: Đây là những cơ hội mời gọi chúng ta mở rộng tâm lòng theo “hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”,
ĐTC cho biết lời chứng từ cuộc sống của ta sẽ gây được những ngưỡng mộ, và truyền cảm hứng cho người khác tự hỏi ‘làm sao người này có thể sống được như vậy? tươi vui như vậy?’
Sẵn sàng dấn thân
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng sứ mệnh của chúng ta là truyền giáo chứ không phải là truyền đạo.
ĐTC nói: “Sứ mệnh này dựa trên cuộc gặp gỡ với tha nhân, dựa trên lời chứng của những người nam và nữ cảm nghiệm “nhận biết Chúa Giêsu, và muốn giới thiệu Chúa cho bạn”.
Sau đó, Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả các Kitô hữu đã được rửa tội hãy rộng mở cho các yêu cầu của Tin Mừng. ĐTC nói: “Chúng ta hãy cầu xin cho mọi người đã được rửa tội có thể dấn thân vào việc truyền giáo, bằng cách trở thành những chứng nhân sống của Phúc Âm.
Thượng hội đồng và Ngày Thế giới Truyền giáo
ĐTC cũng nhắc nhớ tháng 10 này có Tiến trình của Thượng Hội đồng bắt đầu vào ngày 10 tháng 10, kêu gọi tất cả người Công Giáo cùng tham gia với tư cách là “những người hành hương và truyền giáo của Thiên Chúa”.
Theo Tổng thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Hồng Y Mario Grech, cho hay một “Giáo hội đồng nghị là một Giáo hội truyền giáo, bởi vì sứ mệnh nhất thiết phải bắt đầu bằng sự năng động của việc lắng nghe lẫn nhau”.
Sự phân định của Thánh Linh
Một khía cạnh khác trong ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng 10 là lời mời gọi “phân biệt và nhận ra cách Thần Khí của Chúa đang kêu gọi chúng ta đáp lại những thách thức mà nhân loại và sứ mệnh của Giáo hội đang đối diện”.
Một giáo xứ Công Giáo ở Boulder, Colorado, trong đó có một đài tưởng niệm những đứa trẻ bị nạo phá thai trên bãi cỏ phía trước nhà thờ đã bị vẽ bậy bằng những bức vẽ nghuệch ngoạc ủng hộ việc phá thai vào những giờ đầu của ngày 29 tháng 9.
Giáo xứ Sacred Heart of Mary, nghĩa là Thánh Tâm Đức Maria, bị vẽ nghuệch ngoạc nhiều khẩu hiệu phun sơn bao gồm “Chúa Giêsu yêu thích phá thai,” và những lời lẽ khốn nạn khác mà chúng tôi không muốn nêu ra ở đây.
Mark Evevard, Giám đốc Thanh niên và Giám đốc Truyền thông Xã hội của giáo xứ, nói với CNA rằng cảnh sát tin rằng đó là một nhóm phò phá thai rất hung hăng mà họ hiện đang điều tra.
Giáo xứ đã trưng bày 4,000 thánh giá nhỏ màu trắng trên bãi cỏ phía trước, mỗi thánh giá tượng trưng cho một em bé bị phá thai mỗi ngày ở Hoa Kỳ. Những kẻ phá hoại đã chà đạp và xúc phạm ít nhất một nửa số cây thánh giá.
Chúng cũng sơn lên các tấm biển đối diện với con đường dẫn vào đài tưởng niệm, và phủ sơn đỏ lên các tấm kính của những ngọn đèn chiếu vào tiền sảnh nhà thờ.
Một khẩu hiệu “My Body My Choice” được vẽ nguệch ngoạc bằng sơn xịt màu đỏ tươi trên một chiếc xe bán tải màu trắng bên ngoài nhà thờ, và ít nhất một trong những chiếc lốp của chiếc xe tải đã bị xì hơi.
Những kẻ phá hoại cũng sử dụng một tảng đá hoặc búa để cố gắng phá vỡ các cửa sổ kính màu của nhà thờ, nhưng chỉ phá được kính an toàn ở bên ngoài. Chúng cũng ném trứng vào một số cửa.
Mặc dù nhà thờ có một hệ thống camera an ninh đang hoạt động, những hình ảnh ghi lại được những kẻ tấn công xem ra là vô ích. Ông nói, những kẻ tấn công cố tình tránh bị quay video theo cách có thể nhận dạng được.
Evevard cho biết Cha sở Jonathan Dellinger đã khuyến khích các giáo dân “đặt những người đó lên đầu danh sách cầu nguyện của anh chị em và cầu nguyện cho sự hoán cải đạo của họ”. Evevard cho biết một số người qua đường, bao gồm một số người không liên kết với giáo xứ, đã dừng lại để chia buồn và giúp dọn dẹp một số đống lộn xộn.
Giáo xứ St. Louis ở Louisville gần đây đã bị phá hoại với những bức vẽ ủng hộ phá thai tương tự gần đây, Evevard lưu ý.
Boulder là quê hương của một trong những bác sĩ phá thai khét tiếng nhất đất nước, Warren Hern, người điều hành Phòng khám phá thai Boulder, một trong số ít các phòng khám ở Mỹ công khai chấp nhận bệnh nhân muốn phá thai ở bất cứ giai đoạn nào từ mọi nơi trên thế giới. Colorado vẫn là một trong số ít các tiểu bang không có luật cấm phá thai muộn. Do đó, việc phá thai có thể diễn ra cho đến tận khi sinh.
Source:Catholic News Agency
Khi những người Công Giáo Đức chuẩn bị cho phiên khoáng đại thứ hai của Tiến Trình Công Nghị, Giám mục Georg Bätzing của Limburg, chủ tịch hội đồng giám mục Đức, đã kêu gọi sự thay đổi can đảm trong giáo hội và xã hội.
Ông nói về một sự thay đổi mang tính “bước ngoặt” cần thiết, nếu không Giáo Hội “mất đi sự liên quan” với xã hội; và chỉ trích lập trường của Vatican về việc từ chối không chúc lành cho các cặp đồng tính. Ông cũng phàn nàn về cách thức đối phó của Vatican đối với các giám mục Đức phạm lỗi trong việc giải quyết các trường hợp lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ.
Tại buổi tiệc chiêu đãi hàng năm nhân lễ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae hôm 27 tháng 9, ông nói với 200 chính trị gia và khách mời từ các cộng đồng tín ngưỡng rằng nhiều người cảm thấy khó hiểu về quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc giữ lại các tổng giám mục Köln và Hamburg, sau khi có các báo cáo cho thấy họ đã che đậy tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.
“Tôi không muốn đi vào chi tiết ở đây, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng có rất nhiều sự mơ hồ, khó chịu và thiếu hiểu biết. Mối quan tâm của tôi là điều này một lần nữa sẽ có tác động tiêu cực đến lòng trung thành đối với giáo hội và sự đoàn kết của giáo hội,” vị giám mục nói trước sự chứng kiến của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Một tuyên bố ngày 24 tháng 9 từ Hội Đồng Giám Mục Đức cho biết Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Köln đã “mắc những sai lầm lớn trong cách tiếp cận của mình khi đối diện với tội lỗi lạm dụng nói chung, đặc biệt là ở cấp độ truyền thông.” Tuy nhiên, một cuộc thanh tra tông tòa của Vatican cho thấy ngài không làm gì bất hợp pháp trong việc xử lý các cáo buộc lạm dụng tình dục của giáo sĩ, và sau một cuộc trò chuyện dài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Hồng Y được nghỉ phép từ giữa tháng 10 cho đến ngày 1 tháng 3, theo đề nghị của chính Đức Hồng Y.
Đức Tổng Giám Mục Hamburg Stefan Hesse đã bị cáo buộc 11 vi phạm nghĩa vụ trong việc đối phó với lạm dụng tình dục, trong cương vị cũ của ngài với tư cách là Cha Tổng Đại Diện của Tổng giáo phận Köln. Vào tháng 3, ngài đã nộp đơn từ chức lên Đức Giáo Hoàng, nhưng Đức Giáo Hoàng đã bác đơn của ngài.
Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki là người cương quyết chống lại chủ trương tin lành hóa Giáo Hội Công Giáo của Giám Mục Georg Bätzing.
Theo số liệu chính thức được công bố hôm thứ Tư 14 tháng 7, hơn 220,000 người đã rời bỏ Giáo Hội Công Giáo ở Đức trong năm 2020.
Thống kê do Hội đồng Giám mục Đức công bố ngày 14 tháng 7 cho thấy có 221,390 người đã tuyên bố rời khỏi Giáo Hội Công Giáo trong năm ngoái.
Trong một tuyên bố ngày 14 tháng 7, Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch hội đồng giám mục Đức, nói rằng Giáo hội đã nỗ lực hết sức trong suốt đại dịch coronavirus cho nên kết quả này là “một cú sốc sâu sắc”.
Ngài nói: “Điều được phản ánh trong số liệu thống kê về những người rời bỏ Giáo Hội khiến tôi thấy đau đớn cho cộng đồng của chúng ta. Nhiều người đã mất niềm tin và muốn gửi tín hiệu bằng cách rời khỏi Giáo Hội”.
“Chúng tôi rất coi trọng vấn đề này và phải đối mặt với tình huống này một cách công khai, trung thực và đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi được đặt ra cho chúng tôi”.
“Điều này bao gồm, trước hết và quan trọng nhất, kiểm tra kỹ lưỡng các trường hợp lạm dụng tình dục. Và điều này bao gồm câu hỏi về quyền lực và sự phân chia quyền lực trong Giáo hội. Tôi rất hy vọng rằng Phương thức Tiến Trình Công Nghị có thể đóng góp vào việc xây dựng niềm tin mới”.
Nhiều quan sát viên chỉ ra rằng Giám Mục Bätzing và các Giám Mục Đức khác cố bưng tai bịt mắt trước một thực tế đơn giản là tất cả những điều họ chủ trương như phong chức linh mục cho phụ nữ, chấp nhận cái gọi là hôn nhân đồng tính, bãi bỏ luật độc thân linh mục…Tất cả những điều này anh em Tin lành đã làm rồi không sót một điều nào. Tuy nhiên, số người Tin lành lũ lượt bỏ đạo là hơn 240,000 người dù dân số Tin lành ít hơn dân số Công Giáo.
Các vị Giám Mục ở Đức hô hào Tiến Trình Công Nghị thường viện dẫn tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ làm chiêu bài cho các cải cách cấp tiến của họ. Tội lỗi lạm dụng tính dục là một vấn đề nghiêm trọng của Giáo Hội. Đúng thế. Nhưng tại sao để giải quyết vấn đề này cần phải tái định nghĩa lại hôn nhân? Thực ra, tai tiếng lạm dụng tình dục giáo sĩ chỉ là chiêu bài cho các Giám Mục Đức tung ra những nghị trình mà họ đã ấp ủ từ lâu. Chẳng hạn, tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ thì có liên quan gì đến việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính? Hay có liên quan gì đến việc cho người Tin lành được rước lễ trong các thánh lễ Công Giáo?
Source:Catholic Philly
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Hôm 29 tháng 9, ông đã có một bài nhận định sau đăng trên tờ First Things về chính sách ngoại giao Ostpolitik.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ..
Huyền thoại Casaroli
George Weigel
Ngày 14 tháng 2 năm 1997, tôi đã gặp Đức Hồng Y Agostino Casaroli, kiến trúc sư của Tòa thánh về cách Vatican tiếp cận nhẹ nhàng với các chế độ cộng sản ở Đông và Trung Âu trong những năm 1960 và 1970. Bầu khí của cuộc gặp gỡ là hết sức thân mật. Khi đó, tôi đang chuẩn bị tập đầu tiên trong bộ tiểu sử của tôi về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II “Chứng nhân hy vọng”. Khi yêu cầu một buổi gặp gỡ với vị Hồng Y đã nghỉ hưu, tôi nhấn mạnh hai điểm: Tôi muốn hiểu lý thuyết đằng sau chính sách Ostpolitik, và tôi rất háo hức muốn tìm hiểu ấn tượng của Đức Hồng Y Casaroli về Đức Hồng Y Karol Wojtyła trước khi vị tổng giám mục Kraków trở thành giáo hoàng. Chúng tôi đã nói chuyện trong gần hai giờ, và khi tôi nhìn lại những ghi chép của mình từ cuộc gặp gỡ đó, tôi vẫn thấy hấp dẫn trước những quan sát của vị Hồng Y.
Điều thú vị là, ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Đức Hồng Y Stefan Wyszyński, người được phong chân phước vào ngày 12 tháng 9 vừa qua. Hai người đã xung khắc với nhau trong nhiều năm — Đức Wyszyński nghĩ rằng chính sách Ostpolitik là một sự cố vấn hết sức tồi tàn — nhưng Đức Casaroli đã hết lời khen ngợi vị Giáo Chủ Ba Lan, là người mà ngài gọi là “Một hoàng tử thực sự... mặc dù Đức Wyszyński xuất thân từ một gia đình khá nghèo”. Nhưng xem ra điều mà nhà ngoại giao Vatican ngưỡng mộ ở Đức Wyszyński chỉ là ý thức chiến thuật nhạy bén của nhà ngoại giao này. Thành ra, tại một thời điểm, vị Hồng Y lại cho rằng vị Giáo Chủ “giống như một trong những món đồ chơi của lũ trẻ mà bạn quay tròn” —và sau đó nó dừng lại ngay trước khi tan tành (một động tác mà Hồng Y Casaroli minh họa bằng cách rê rê ngón tay đến mép bàn cà phê giữa chúng tôi). Đối với người đã bổ nhiệm ngài làm Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Hồng Y Casaroli nghĩ “Ba Lan quá nhỏ so với nhân cách lớn của Hồng Y Wojtyła, là điều phù hợp hơn với một giáo hoàng.”
Đức Hồng Y Casaroli đã thảo luận rất lâu về mối quan hệ của ngài với Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, những bức chân dung và ảnh của vị Giáo Hoàng được trưng bày khắp căn hộ của vị Hồng Y ở Palazzina dell'Arciprete. Chính sách Ostpolitik mà Hồng Y Casaroli tiến hành cho Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục bắt đầu với một tiền đề và một câu hỏi: Việc cứu lấy Giáo hội đằng sau Bức màn sắt đòi hỏi người Công Giáo phải tiếp cận với các bí tích; nhưng làm thế nào tốt nhất để duy trì quyền truy cập đó dưới chế độ toàn trị? Câu trả lời của Ostpolitik là: Việc tiếp cận các bí tích bắt buộc phải có các linh mục; phong chức linh mục bắt buộc phải có giám mục; có được các giám mục có nghĩa là phải thực hiện các giao dịch với các chế độ cộng sản; đạt được những giao dịch đó có nghĩa là tránh những cuộc đối đầu ồn ào. Đức Phaolô Đệ Lục hiểu rằng đây “không phải là một chính sách vinh quang” (như ngài đã từng nói với Casaroli). Đức Hồng Y Casaroli nhớ lại rằng: “Thật khó nếu Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục không lên tiếng công khai và mạnh mẽ” để bảo vệ quyền tự do tôn giáo; tự kiểm duyệt là một “cực hình đối với ngài.” Đức Phaolô Đệ Lục thường nói về những tình huống bắt bớ khác nhau đằng sau Bức màn Sắt, “Điều này là không thể, tôi phải nói điều gì đó.” Nhưng vị giáo hoàng vẫn “trung thành với tầm nhìn” của Ostpolitik, mặc dù điều đó Hồng Y Casaroli đôi khi phải “kiềm chế” ngài, và “đây là một sự đau đớn cho chúng tôi.” Không có gì đáng ngạc nhiên khi Hồng Y Casaroli gọi cuốn hồi ký được xuất bản sau khi hồi hưu của mình là “The Martyrdom of Patience” – “Sự Yên Lặng Tử Đạo”.
Dù ý định của nó là gì, chiến lược đó đã thất bại trong việc tạo ra một tình huống Công Giáo khả thi đằng sau Bức màn Sắt. Và tuyên bố vẫn được nghe ở Rôma rằng chính sách Ostpolitik của Hồng Y Casaroli là một thành công lớn, mở đường cho Cách mạng bất bạo động năm 1989 và sự sụp đổ của cộng sản ở Đông Trung Âu, không có cơ sở trong thực tế lịch sử. Ostpolitik đã biến Giáo Hội Công Giáo ở Hung Gia Lợi thành một công ty con của đảng và nhà nước cộng sản Hung Gia Lợi. Chính sách Ostpolitik đã làm mất tinh thần các bộ phận sinh hoạt của Giáo Hội ở miền đất khi đó là Tiệp Khắc. Nó làm phức tạp tình hình của Giáo hội Ba Lan một cách không cần thiết. Và nó đã tạo cơ hội cho các tổ chức Công Giáo giả mạo bao gồm những người ủng hộ và những người đồng hành với các chế độ cộng sản. Đó là những thực tiễn. Mọi sinh viên nghiêm túc của thời kỳ này đều biết điều đó.
Ostpolitik cũng tạo cơ hội cho các cơ quan tình báo cộng sản xâm nhập vào Vatican và làm tổn hại thêm các quan điểm đàm phán của Tòa thánh: một chuyện tồi tệ mà tôi đã ghi lại trong tập thứ hai của bộ tiểu sử Đức Gioan Phaolô II, “The End and the Beginning” – “Kết thúc và Khởi đầu”, sử dụng các tài liệu gốc từ các kho lưu trữ của KGB, Stasi của Đức, SB của Ba Lan, và các tổ chức khác.
Tôi biết ơn sự nhã nhặn của Đức Hồng Y Casaroli khi chúng tôi gặp nhau hai mươi bốn năm trước. Và trong khi tôi nhìn nhận rằng, không giống như bài bình luận gần đây của ngài về Giáo Hoàng, tôi thấy cuốn hồi ký của ngài không có thông tin, tôi không hiềm thù gì ngài. Tuy nhiên, cách thức người Rôma vẫn đang xem chính sách Ostpolitik của Hồng Y Casaroli như một chiến thắng cho chính sách ngoại giao của Vatican và là một khuôn mẫu cho tương lai hoàn toàn chỉ là chuyện thêu dệt huyền thoại - và chuyện thêu dệt huyền thoại này là nguy hiểm. Vì huyền thoại đó đã định hình nên các chính sách làm quen dần và “đối thoại” của Vatican trong thế kỷ 21, hạ giảm chứng tá luân lý của Giáo Hội Công Giáo chống lại sự đàn áp ở Hương Cảng, Trung Quốc, Venezuela, Belarus, Cuba, Nicaragua và những nơi khác.
Giáo hội bị bách hại xứng đáng được đối xử tốt hơn. Một thế giới đang rất cần sự minh bạch về luân lý cũng xứng đáng được đối xử tốt hơn.
Source:First Things
Chú thích:
Trong cuốn “Spies in the Vatican: The Soviet Union's Cold War Against the Catholic Church”, nghĩa là “Các gián điệp tại Vatican: Chiến tranh lạnh của Liên Sô Chống Lại Giáo Hội Công Giáo”, ở trang 25, John O. Koehler nhận định rằng:
Việc Hồng Y Casaroli ký các hiệp ước với Hung Gia Lợi năm 1964 và Nam Tư năm 1966 là lần đầu tiên Tòa thánh mở cửa theo cách này đối với các chế độ Cộng sản, là chế độ đã giết chết rất nhiều người Công Giáo kể từ khi lên nắm quyền. Mặc dù cuốn hồi ký năm 2000 của Hồng Y Casaroli vẽ nên một người đàn ông thù địch với chủ nghĩa Cộng sản, nhưng kỹ năng ngoại giao đáng nể của ngài đã khiến sự thù địch này dường như không tồn tại.
KGB và các “cơ quan anh em” của nó ở Đông Âu đã biết rõ về ý kiến và ảnh hưởng thực sự của Hồng Y Casaroli. Do đó, văn phòng của ngài là một trong những mục tiêu gián điệp chính bên trong Vatican.
KGB đã được hỗ trợ trong việc này bởi chính cháu trai của Đức Hồng Y, tên Marco Torreta, và người vợ Tiệp Khắc của Torreta là Irene Trollerova. Theo các quan chức tình báo Ý, Torreta là người cung cấp thông tin cho KGB từ năm 1950.
Irene trở về từ Tiệp Khắc vào đầu những năm 1980, với một bức tượng bằng gốm Đức Mẹ Đồng trinh, cao khoảng 10 inch, một tác phẩm tuyệt đẹp của nghệ thuật gốm nổi tiếng của Tiệp. Hai vợ chồng đã tặng bức tượng cho Đức Hồng Y Casaroli. Ngài đã đón nhận với lòng biết ơn. Nhưng đó chính là một sự phản bội của chính đứa cháu ruột của mình! Bên trong biểu tượng tôn giáo được tôn kính này là một “con bọ”, một máy phát siêu nhỏ nhưng mạnh mẽ, được giám sát từ bên ngoài tòa nhà bởi những người phụ trách cặp vợ chồng này từ Đại sứ quán Liên Sô ở Rôma. Bức tượng đã được đặt trong một chiếc tủ trong phòng ăn gần văn phòng của Hồng Y Casaroli. Một thiết bị nghe lén khác bên trong một mảnh gỗ hình chữ nhật được giấu trong cùng một chiếc tủ này. Cả hai đều không được phát hiện cho đến năm 1990 trong một cuộc điều tra lớn do Thẩm phán Rosario Priore khởi xướng sau vụ ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Các “con bọ” đã nghe lén liên tục cho đến thời điểm đó.
John O. Koehler, Spies in the Vatican: The Soviet Union's Cold War Against the Catholic Church, Pegasus Books, 2009. Page 25.
Soeur Thúy Vũ là nhân viên làm việc tại Good Shepherd Center (GSC) – một chương trình của trung tâm Catholic Charities – nơi phục vụ bác ái cho người nghèo thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles.
Phục vụ hết tình, hết mình
Hoạt động của GSC chỉ dành cho nữ giới, với khu nhà Languille và Hawkes Residence; và giúp đỡ cưu mang phụ nữ có con nhỏ ở Farley Residence và Angel Guardian Home. GSC không có người vô gia cư là nam giới.
Nhiệm vụ của soeur Thúy là tìm nguồn thực phẩm và các vật dụng cần thiết cho người vô gia cư ở Languille, hiện có 30 phụ nữ đang cư ngụ. Không những thế, soeur còn đến những khu vực có người vô gia cư sống ngoài đường để tặng đồ ăn, thức uống, và những vật dụng cần thiết khác. Đó là chương trình Outreach Program.
Soeur kể: “Khi ra đường cho thức ăn, đôi khi cũng gặp khó khăn và nguy hiểm, nhưng cứ mỗi lần lên xe, tôi lại nhủ lòng ‘Chúa ơi đi với con nhé.’ Mỗi khi gặp người vô gia cư, tôi hay nói với họ: ‘Tôi thấy Chúa trong bạn’ (I see God in you). Vì thế, nếu có ai muốn gây sự với mình, chính những người vô gia cư đứng ra bảo vệ tôi.”
Có lần đến khu vực người vô gia cư sống ở vỉa hè, soeur Thúy thấy có nến và hoa ở một góc trên đường số 6. Một phụ nữ nhìn thấy soeur, chạy ra nói: “Soeur này, tôi biết soeur thương chúng tôi, chúng tôi cũng thương các soeur, nhưng thôi, soeur đừng xuống đây nữa, vì nguy hiểm lắm. Ngày hôm qua ở chính chỗ này có người bị chặt đầu đó!”
Soeur Thúy kể lại với chúng tôi như vậy, và nói soeur không sợ, cả khi biết một ngày nào đó, soeur sẽ chết ở ngoài đường. Và cứ thế, soeur gắn bó với người vô gia cư ở ngay trung tâm thành phố Los Angeles đã 17 năm qua.
“Mình làm việc với tinh thần phục vụ. Mà đã phục vụ thì phải hết tình, hết mình. Tôi thương họ. Họ thương tôi. Nên tôi chỉ biết làm hết sức mà thôi,” soeur nói.
Đại dương cần nhiều giọt nước
Soeur Lành là người lập ra chương trình Outreach Program, soeur Thúy chính là hình ảnh của soeur Lành cách đây hơn 30 năm. Khi ấy, soeur Lành cũng mỗi tuần ba lần, đem thức ăn, quần áo, vật dụng cần thiết cho người vô gia cư. Soeur làm công việc này từ năm 1985 đến năm 2002.
Nhưng mục đích chính của trung tâm không phải đi “nuôi” người vô gia cư ở ngoài đường, mà là đi gặp gỡ, tiếp xúc, và khuyến khích họ về trung tâm để ở.
Khóe mắt của soeur Lành rơm rớm nước mắt khi nhắc tới những người sống ở ven đường: “Lúc gặp những người vô gia cư nằm trong thùng tre, mở ra mới biết họ bị bệnh, tôi liền chở đến nhà thương.”
Rồi gương mặt người nữ tu lại sáng lên, khi kể về một trong những người từng được soeur giúp. Cô ấy là “con nghiện” rất trẻ. Khi được soeur thuyết phục về trung tâm ở, rồi đi cai nghiện, cô quay trở lại làm việc cho trung tâm cả chục năm, cho đến khi nghỉ hưu.
Từ năm 2002 đến 2010, soeur Lành nhận nhiệm vụ làm Tổng Phụ Trách Hội Dòng Mến Thánh Giá Los Angeles, trước khi quay trở lại làm giám đốc GSC cho đến nay.
“Trạm dừng chân” của những cô gái, bà mẹ và trẻ em không nhà
Theo soeur Lành, hằng năm, các cơ sở của GSC giúp được từ 700 đến hàng ngàn phụ nữ độc thân hoặc bà mẹ đơn thân, cùng với cả trăm trẻ em là con cái của những bà mẹ này.
Gặp chúng tôi trong khu nhà Farley Residence, cô Canelis Monero, 35 tuổi, tâm sự: “Mẹ con tôi ở đây được các nữ tu giúp đỡ nhiều lắm. Không kể nơi ăn, chốn ở, các soeur còn giúp liên lạc các nơi để con cái tôi được chăm sóc sức khỏe rất tốt. Hai đứa còn được vô trường học đàng hoàng. Ở đây, tôi cảm thấy rất yên lành.”
Mới 19 tuổi, cô Nubia Solano đã là một “bà mẹ đơn thân.” Cậu bé con của cô Solano sắp tròn 2 tuổi. Hai mẹ con hiện đang được các nữ tu chăm sóc chu đáo.
Cô Solano nói: “Gia đình tôi ở Nebraska. Tôi cũng có vài người thân ở California, nhưng không muốn nói chuyện với họ. Đó là lý do tôi vào đây. Hiện tại tôi đang kiếm nhà để ổn định trước, rồi mọi chuyện tính sau. Ở đây tôi cũng có quen được với mấy chị. Họ rất dễ thương.”
Cô Torres làm việc tại GSC được ba năm, và cho biết sẽ gắn bó với công việc này lâu dài, vì thích tiếp xúc và giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội, là phụ nữ và trẻ em.
Theo quy định, những người vô gia cư sống ngoài đường, nếu đồng ý vào trung tâm, sẽ được tư vấn riêng từng người, cho đến khi họ có được việc làm và nhà ở ổn định.
Soeur Trần Diễm Mai là người phụ trách việc phỏng vấn và tư vấn, cũng như theo dõi từng trường hợp từ khi người vô gia cư vào trung tâm cho đến khi họ có cuộc sống ổn định.
Theo soeur Mai, những người vô gia cư cũng là người… vô sản, chẳng có bất cứ thứ gì. Trung tâm cũng không có gì để cho họ, trừ chỗ trú chân, thức ăn và vật dụng trong nhà. Nhưng GSC lại có những đối tác khác, hoặc các chương trình của chính phủ để giới thiệu cho họ đi học, tìm việc làm và nhà cửa.
“Đa số những phụ nữ này đều không có chuyên môn và học dở dang, có vấn đề về gia đình, bỏ nhà đi khi còn rất trẻ. Chúng tôi gửi các cô đến các chương trình huấn huyện việc làm, tôi cũng khuyến khích các cô trở lại trường để hoàn tất chương trình trung học. Đó là trình độ tối thiểu để các cô đi xin việc. Sau khi có việc làm ổn định, họ mới nghĩ đến việc học thêm chuyên môn.”
Soeur Mai cho biết, hơn 80% các cô gái vô gia cư đến trung tâm, lập gia đình và đổi đời. Nhiều cô gái trẻ “có vấn đề” với gia đình, sau khi được các nữ tu đứng ra hòa giải, lại trở về với cha mẹ.
Nhưng không phải ai vô gia cư cũng không có chuyên môn hoặc ít học. “Có người từng là bác sĩ, y tá, họ bị mất việc, hoặc gặp khủng hoảng trong cuộc sống, nên trở thành người vô gia cư,” soeur Mai nói. “Những người này gặp cơ hội vào đây với chúng tôi, họ đứng lên dễ dàng lắm.”
Nhưng những người như soeur Mai nhắc tới không nhiều. Và vì thế, ngoài đường vẫn là “nhà” của nhiều người vô gia cư.
Những giọt nước giữa đại dương
Vậy trung tâm sẽ lấy kinh phí ở đâu để giúp người vô gia cư? Soeur Lành cho biết: “Trước nay trung tâm hoàn toàn tự lập và nhờ đóng góp của các cá nhân, tổ chức, hội đoàn. Hằng năm chúng tôi gửi thư đi các nơi, ít nhất vào hai dịp, Thanks Giving và Christmas, cùng Mother’s Day. Sau này trung tâm có ký hợp đồng với thành phố và quận hạt, ba năm một lần, được chính phủ trợ cấp phần lớn kinh phí.”
Nhưng có vẻ như “muối bỏ bể” khi số người cần được giúp đỡ khá nhiều.
Theo soeur Lành, toàn bộ nhân viên ở GSC có trên dưới 40 người, gồm nhân viên làm toàn thời gian và bán thời gian.
Với người vô gia cư, vì theo quy định họ chỉ được ở trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ được giúp kiếm việc làm và rời đi. Kẻ đi, người đến. Cứ thế, trung bình mỗi năm GSC giúp cho hàng ngàn người.
Nhưng một thực trạng hiện nay là đa số người vô gia cư vẫn thích sống ngoài đường, cho được tự do. Trong số họ có người tốt, có người không phải xấu, nhưng gì họ quá đói, thì làm bậy, ngay cả phải đi ăn cắp.
“Khi nhận được thực phẩm, có người ngồi ăn ngấu nghiến, xong hỏi: ‘Soeur thấy tui ăn giống heo không? Là vì ba ngày nay tôi không có gì bỏ bụng. Cảm ơn soeur, nếu không có soeur, hôm nay tôi lại phải đi ăn cắp.’ Nghe họ nói thế thì mình rất thương,” soeur Thúy kể.
Soeur Lành cho rằng những việc của các nữ tu ở đây là, “nhỏ như giọt nước.” Nhưng như lời Mẹ Theresa: “Đúng là những gì chúng ta thực hiện chỉ là một giọt nước giữa đại dương. Nhưng nếu thiếu nó, đại dương sẽ thiếu một cái gì đó.”
Chính vì thế, soeur Lành nói: “Nếu nhiều người làm, sẽ cứu được nhiều người hơn.”
Và sứ vụ của các nữ tu ở Good Shepherd Center sẽ không bao giờ kết thúc, khi vẫn còn người vô gia cư sống vất vưởng bên đường. [qd]
Đoan Trang /Người Việt
Cuộc trở lại mầu nhiệm của Thánh Nữ Edith Stein, xét về một khía cạnh nào đó, có thể so sánh với cuộc trở lại đầy huyền nhiệm của Thánh Phaolô. Từ một tín đồ ngoan đạo của Do Thái Giáo, kinh qua một tuổi trẻ vô tín ngưỡng, trên đường miệt mài nghiên cứu triết lý hiện tượng luận của Husserl, bỗng tìm ra sự thật Kitô vào đúng mùa hè 1921, cách nay đúng 100 năm. Cũng như Thánh Augustinô, với lệnh truyền huyền nhiệm Tolle et lege (hãy cầm lên mà đọc), ngài đã cầm cuốn tự truyện của Thánh nữ Teresa Avila tại thư viện nhà người bạn và đã đọc liên hồi thâu đêm suốt sáng. Và khi đặt cuốn sách xuống, ngài thốt lên, “đây đúng là sự thật”.
Thế là ngài sẵn sàng bỏ hết để bước chân theo Đức Kitô, sẵn sàng dâng phần còn lại của cuộc đời, phần còn rất dài vì lúc ấy ngài vẫn chỉ là một người đàn bàn còn rất trẻ, rất tươi trẻ và sáng chói trên bầu trời học thuật, cho Chúa Kitô. Ngay sau khi chịu phép rửa gia nhập Giáo Hội Công Giáo, ngài muốn gia nhập Dòng Cát Minh của Thánh Nữ Teresa không chần chừ.
Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội đầy mẫn cảm đã ngăn cản việc ấy vì không muốn gây đau lòng cho người mẹ rất thân yêu của Thánh Nữ, người từng một mình vừa nuôi dậy 7 người con nên người vừa quán xuyến công việc kinh doanh buôn gỗ của chồng để lại và là người hết lòng yêu thương đứa con gái út đầy thông minh linh lợi này, những mong con sẽ theo bước chân mình thờ phượng đấng Giavê của Ápraham, của Isaác và của Giacóp, chứ không phản bội đi tôn thờ "cái con người tự xưng mình là Thiên Chúa kia".
Trong khi chờ đợi ngày được thỏa mãn ý nguyện, các vị linh hướng của ngài khuyên ngài nên dùng khả năng thiên phú để truyền giảng đức tin. Ngài đã vâng theo và chọn nói chuyện với các phụ nữ. Vì ngài vốn là nạn nhân của nền văn hóa trọng nam khinh nữ hồi ấy: dù được Husserl và sau này cả Heidegger đề cử, luận án thạc sĩ (habilitation), tức bằng cấp hậu tiến sĩ để có thể dạy Đại Học của ngài hai lần bị bác bỏ, chỉ vì ngài là đàn bà. Vả lại, Edith Stein vốn là người tranh đấu cho phụ nữ có quyền bỏ phiếu.
Trong bài “Edith Stein Convert, Nun, Martyr” trên trang mạng https://www.catholiceducation.org/en/culture/catholic-contributions/edith-stein-convert-nun-martyr.html), Laura Garcia cho rằng các trước tác của Edith Stein trong giai đoạn này về phụ nữ khó mà đánh giá quá cao được cả về tính độc đáo và mức nhìn thông sáng lẫn ảnh hưởng sâu rộng của bà.
Đức Hồng Y Lustiger của Paris, bản thân là một người Do Thái cải đạo sang Công Giáo, đã gọi Edith Stein là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất của thời đại chúng ta. Đức Hồng Y cho rằng người học trò hạng nhất của ngài là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Bất cứ ai đã đọc thông điệp của vị Giáo hoàng này về Phẩm giá và Ơn gọi của Phụ nữ, hoặc Bức thư gửi Phụ nữ sau đó của ngài, sẽ thấy ngay chúng nợ công trình tiên phong của Edith Steins về chủ đề này nhiều như thế nào.
Theo quan điểm của Stein, động lực thúc đẩy những tìm hiểu này về bản chất và ơn gọi của phụ nữ là nhu cầu giáo dục phụ nữ theo cách hoàn thiện hóa họ, không những chỉ như những con người nói chung, mà phải như các phụ nữ. Stein bác bỏ chủ trương của phái nữ quyền cấp tiến vốn cho rằng không có sự khác biệt quan trọng giữa nam giới và nữ giới. Là một nhà triết học đi tìm cơ sở cho nữ tính đích thực, ngài bắt đầu với điều có thể gọi là hữu thể học [ontology] về người đàn bà.
Sau khi trở lại Đạo Công Giáo, Stein đã chuyển sang nghiên cứu mạnh mẽ về triết gia Công Giáo vĩ đại và Tiến sĩ của Giáo hội, tức Thánh Tôma Aquinô. ngài bị cuốn hút bởi quan điểm của Thánh Tôma về con người. Không giống như thuyết nhị nguyên triệt để của Descartes, vốn trình bầy linh hồn và thể xác như hai thực thể khác nhau và khác biệt, Thánh Tôma nhấn mạnh vào sự thống nhất tồn hữu của con người, thể xác và linh hồn, vì mỗi bản thể tự nhiên là tổng hợp của mô thức và chất thể. Hơn nữa, vì chất thể là điều phân biệt con người này với con người khác, nên thể xác là thiết yếu đối với con người, chứ không chỉ đơn giản là một cỗ máy hay một lớp vỏ cho linh hồn mà ta có thể vứt bỏ mà không gây tổn hại nghiêm trọng nào đến bản ngã thực sự.
Linh hồn khác biệt của người đàn bà
Cùng với Thánh Tôma và Aristốt, Stein thừa nhận rằng có những đặc điểm độc đáo đối với linh hồn con người, những khả năng (hoặc ít nhất là những đặc điểm thuộc thiên hướng) có chung với mọi thành viên của chủng loại. Tính hợp lý, và cùng với nó là sự lựa chọn tự do, thuộc về mọi hữu thể nhân bản và mọi phụ nữ trong tư cách một nhân vị. Nhưng nếu linh hồn là mô thức của thân xác, và mô thức của nhân tính được cá biệt hóa nhờ được hợp nhất với thân xác này hay thân xác nọ, Stein lý luận rằng linh hồn phụ nữ có một phẩm chất tinh thần khác biệt với linh hồn của nam giới. Ngài không cho rằng sinh học là định mệnh, nhưng các khác biệt về thể chất giữa nam và nữ đánh dấu sâu sắc nhân cách của họ. Thân xác phụ nữ đóng dấu linh hồn họ bằng những phẩm chất đặc thù chung cho mọi phụ nữ nhưng khác với những đặc điểm nam tính khác biệt. Stein coi những khác biệt này có tính bổ sung chứ không có tính phẩm trật về giá trị, và vì vậy chúng nên được công nhận và tôn vinh hơn là giảm thiểu và phàn nàn. Có hai cách để trở thành con người, là đàn ông hoặc đàn bà.
Stein chống đỡ quan điểm của mình bằng cả việc dùng triết học nại tới tính thân thiết trong mối liên hệ thể xác / linh hồn lẫn các lý thuyết tâm lý tập chú vào các kiểu nhân cách, hơn là chỉ tập chú vào hành vi mà thôi. Ngài coi các khác biệt giữa nam và nữ là điều hiển nhiên ngay cả với luơng tri, và vì vậy cần một chút lập luận. Luận đề của ngài ngày nay hẳn bị nhiều nhà duy nữ phủ nhận, nhưng có lẽ không phải bất cứ ai có con thuộc cả hai phái tính. Sự khác biệt giữa trẻ gái và trẻ trai là điều hiển nhiên và xem ra hoàn toàn cưỡng lại việc thao túng. Thiên nhiên khá ngoan cố trong việc tự khẳng định mình hoàn toàn không quan tâm đến các lý thuyết của chúng ta.
Các thiên hướng sâu sắc
Stein dựa vào các trình thuật tạo của dựng của Sách Sáng thế để rút tỉa điều được ngài coi là ơn gọi tự nhiên của người phụ nữ. Vì có mối liên hệ chặt chẽ với sự hạ sinh và phát triển của con người, người phụ nữ tìm kiếm và đón nhận bất cứ điều gì sống động, bản vị và toàn bộ. Được nâng niu, canh giữ, bảo vệ, nuôi dưỡng và thúc đẩy sự phát triển là niềm khao khát mẫu thân rất tự nhiên của nàng. Người đàn bà tự nhiên tập trung vào những gì là nhân bản và có xu hướng dành cho các mối liên hệ tầm quan trọng cao hơn công việc, thành công, danh tiếng, v.v. Ở đây, đường hướng suy nghĩ của Stein phù hợp với các tác giả tân duy nữ gần đây như Carol Gilligan, người cho rằng phụ nữ tiếp cận các vấn đề luân lý một cách chú ý nhiều hơn tới những người bị ảnh hưởng bởi các hành động và quyết định của họ hơn là những xem xét trừu tượng và phi bản vị về nghĩa vụ, quyền lợi và công lý.
Người phụ nữ tự nhiên đồng điệu với cá nhân hơn, và do đó với một con người cụ thể, đặc thù với mọi nhu cầu và tiềm năng riêng của họ. Hơn nữa, sự quan tâm của người mẹ này nhằm sự phát triển toàn diện của người kia như một thể thống nhất gồm thể xác, linh hồn và tinh thần. Không có một khía cạnh nào của nhân cách phải hy sinh cho bất cứ khía cạnh nào khác. Đặc biệt, không có chuyện phân ly giữa tinh thần và thể xác, đối xử với người ta (đặc biệt là các sinh viên) như thể họ là những trí tuệ không có thân xác.
Khía cạnh làm mẹ của ơn gọi phụ nữ liên quan đến việc giúp đỡ người khác phát triển hết tiềm năng của họ, và đối với những người đã kết hôn, điều này bao gồm cả chồng cũng như con của họ. Chức làm mẹ là ơn gọi phổ quát của phụ nữ, và vì vậy không phải là một nhiệm vụ chỉ được thực hiện đối với những đứa con sinh học mà thôi. Mối quan tâm của phụ nữ đối với lợi ích của con người phải mở rộng đến tất cả những ai mà cuộc sống của họ có liên hệ cách nào đó với nàng.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng ơn gọi của phụ nữ này lên tầm cỡ thực sự vũ trụ, trông mong phụ nữ sẽ tái nhân bản hóa một thế giới bị thống trị bởi chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa duy vật. Trong Tin Mừng Sự Sống, ngài kêu gọi phụ nữ dạy người khác rằng mối liên hệ giữa con người với nhau sẽ chân chính nếu họ cởi mở đối với việc chấp nhận người khác: một người được nhìn nhận và yêu thương vì phẩm giá vốn phát xuất từ việc là một con người chứ không phải từ những suy xét khác, chẳng hạn như tính hữu dụng, sức mạnh, trí thông minh, sắc đẹp hoặc sức khỏe. Đức Thánh Cha tuyên bố rằng sự đóng góp này của phụ nữ là điều tiên quyết không thể thiếu cho một sự thay đổi văn hóa chân chính, để thay thế nền văn hóa sự chết bằng nền văn minh tình yêu.
Ngoài chức phận làm mẹ về văn hóa hoặc thiêng liêng này ra, Stein coi ơn gọi của phụ nữ bao gồm cả chiều kích vợ chồng, tức vai trò đồng hành [companionship]. Điều này liên quan đến việc chia sẻ cuộc sống của người khác, đi vào cuộc sống đó và biến các quan tâm của người đó thành của chính mình. Người ta có thể lập luận rằng đây là một ơn gọi cho cả nam lẫn nữ, và có lẽ Stein không phủ nhận điều này. Nhưng điều cũng có thể đúng là phụ nữ có một thiên tài đặc biệt về tình bạn, có lẽ vì họ vốn hướng chiều về khía cạnh nhân bản và bản vị, và họ có khả năng thể hiện lòng tương cảm [empathy] nhiều hơn. Luận văn của Steins về chủ đề tương cảm đã được hoàn thành vài năm trước khi bà diễn giảng về vai trò của phụ nữ, nhưng người ta có thể thấy ảnh hưởng của nó đối với công việc sau này. Bà mô tả sự tương cảm như là nhận thức rõ ràng về một người khác, không chỉ đơn giản về nội dung trải nghiệm của họ, mà còn về trải nghiệm của họ đối với nội dung đó. Trong sự tương cảm, một người thay thế người kia mà không trở nên đồng nhất với họ. Nó không chỉ là hiểu kinh nghiệm của người kia, mà theo một nghĩa nào đó, coi chúng như là của riêng mình.
Rõ ràng khả năng bước vào cuộc sống của một người khác này đặc biệt hữu ích trong hôn nhân, nhưng nó cũng có thể và nên được thực hiện trong các mối liên hệ khác. Đối với những phụ nữ độc thân, hoặc những người đã dâng mình hoàn toàn cho Thiên Chúa, khía cạnh này trong ơn gọi của họ nên mang lấy một phạm vi phổ quát hơn, và kêu gọi một loại tình yêu bất vụ lợi hơn {tức là một điều thần thiêng hơn}. Tất cả những ai biết Edith Stein đều nói với chúng ta rằng ngài là một điển hình sống động về khả năng tương cảm này. Vị linh hướng của ngài vào cuối thập niên 1920, Đan viện trưởng Raphael Walzer, đã viết rằng ngài sở hữu một sự lắng lo dịu dàng, thậm chí mẫu thân, đối với người khác. Ngài thẳng thắn và trực tiếp với những người bình thường, có học với các học giả, một người cùng tìm kiếm với những người đang đi tìm sự thật. Người ta dám nói ngài là một người tội lỗi với những người tội lỗi.
Các phụ nữ trong các chuyên nghiệp
Vai trò của các phụ nữ trong xã hội được Stein quan tâm rất sâu sắc. Bản thân ngài là một phụ nữ chuyên nghiệp, và ngài đã dạy những phụ nữ trẻ hơn ở cấp trung học và sau đó ở cấp đại học, đúng vào thời điểm họ đang quyết định cuộc đời mình nên đi theo con đường nào. Có nên giới hạn phụ nữ trong lãnh vực nội trợ ở trong nhà và bên lò sưởi không? Stein trả lời: không thể nào. Ngài coi các thành tựu mà phong trào phụ nữ đạt được về mặt này là tích cực, mở ra những nghề nghiệp và sinh hoạt chính trị cho phụ nữ và mang lại cơ hội bình đẳng trong những lĩnh vực này.
Stein đã dịch cuốn Ý niệm về một Trường Đại học của Newman sang tiếng Đức, và ngài cho rằng một nền giáo dục khai phóng có thể cũng hữu ích cho việc đào tạo phụ nữ y như cho việc đào tạo nam giới. Nếu một số đề tài hấp dẫn hoặc thú vị hơn một cách tự nhiên đối với phụ nữ, có lẽ vì mối liên hệ rõ ràng với những gì sinh động và có bản vị, thì các chủ đề khác có thể là những điều hữu ích để điều chỉnh các quan điểm quá ư bản vị. Vì các kỹ năng nội trợ có thể học ở nhà, Stein đề nghị một chương trình giảng dạy cho phụ nữ đại học sẽ không khác biệt đáng kể so với những gì được cung cấp cho nam giới. Tuy nhiên, ngài cảm thấy điều quan trọng hơn cả là các bậc thầy dạy phụ nữ phải biết cách kết nối chủ đề giảng dạy của họ với những mối quan tâm và nhạy cảm đặc thù của phụ nữ. Ngài nghĩ rằng điều rất quan trọng là các trẻ gái và phụ nữ phải được dạy trước nhất bởi phụ nữ.
Khi được hỏi liệu ơn gọi tự nhiên của phụ nữ có loại trừ một số nghề không phù hợp với họ hay không, Stein trả lời: Người ta có thể nói rằng trong trường hợp cần thiết, mọi phụ nữ bình thường và khỏe mạnh đều có thể giữ một chức vụ. Và không có nghề nào mà người phụ nữ không thể làm được. Có lẽ một số ngành nghề sẽ tiếp tục thu hút nhiều phụ nữ hơn nam giới, một phần do thành tố nhân bản mạnh mẽ của chúng. Chúng ta có thể mong đợi tìm được một bách phân lớn các phụ nữ được thu hút vào các lĩnh vực như giảng dạy, y khoa, luật, công tác xã hội, tâm lý học, v.v. Rõ ràng, không phải ai cũng được lựa chọn khi bước vào thị trường lao động như loại công việc nào họ thấy hấp dẫn nhất, và nhiều phụ nữ (cũng như nhiều nam giới) sẽ làm những công việc không đặc biệt thích hợp với họ. Nhưng mọi nghề đều có thể được thực hành một cách theo nữ tính; nghĩa là, mọi nghề đều có thể được nhân bản hóa, trở nên thân thiện hơn với con người và tiếp xúc nhiều hơn với các mối quan tâm của con người.
Vì vậy, việc phụ nữ nên có mặt trong mọi ngành nghề là một điều rất tốt cho xã hội. Nói về vai trò của phụ nữ trong đời sống quốc gia, Stein thúc giục, Quốc gia... không đơn giản chỉ cần điều chúng ta có. Nó cần điều chúng ta đang có. Điều tương tự cũng có thể nói về nhà máy, văn phòng, các ngành nghề, lĩnh vực chính trị, cũng như trường học và gia hộ.
Stein đặc biệt khuyến khích phụ nữ tham gia vào đời sống chính trị. Bà cảm thấy sự quan tâm mẫu thân của phụ nữ nên dẫn họ tới một quan tâm sâu sắc đối với đời sống cộng đồng, từ Hội Phụ Huynh đến chức chủ tịch. Vì các quyết định được đưa ra tại quảng trường công cộng có tác động sâu sắc đến gia đình và các nhân vị nói chung, nên phụ nữ tự động có quyền lợi lớn trong đó. Trong những thời kỳ đen tối, như trong thế hệ của những Edith Stein, nhưng cả trong chính thế hệ của chúng ta, phụ nữ được đặc biệt kêu gọi can đảm lên tiếng và tạo tác động ở bên ngoài gia đình và cộng đồng của họ. Đối với Stein, việc tham gia vào cuộc sống công cộng này không hẳn hệ ở việc chiếm giữ quyền lực. Thay vào đó, bà dường như nghĩ đến một loại nhân chứng công cộng mà phụ nữ có thể cung hiến.
Stein thường thúc giục phụ nữ nhìn vào các bà mẹ của chính họ để hiểu sâu sắc về ý nghĩa của việc trở thành một người phụ nữ. Những bài tiểu luận về phụ nữ của ngài phần lớn nhờ tấm gương của mẹ ngài, và rõ ràng là ngài đã cảm nhận được tình yêu và tình bạn sâu sắc dành cho cụ trong suốt cuộc đời ngài. Stein khuyến khích mọi phụ nữ tìm cách sống thực lý tưởng làm phụ nữ đích thực trong cuộc sống và hoàn cảnh của mình. Điều này có nghĩa là đặc biệt thực thi ơn gọi làm mẹ, một ơn gọi chủ yếu dành cho phụ nữ, và là điều ít chói sáng hay quyến rũ đối với nhiều phụ nữ ngày nay.
Phần lớn công việc của một bà mẹ bị che khuất, và các tưởng thưởng của nó cũng vô hình. Đây chính là lý do tại sao Edith Stein trông mong các phụ nữ duy trì trong xã hội loài người các giá trị tinh thần không thể đo lường được. Tất nhiên, các thành tựu công khai của phụ nữ không phải là không quan trọng, nhưng phụ nữ không nên quên các mục đích mà tất cả những thứ khác chỉ là phương tiện. Trong một lá thư của mình, Stein viết: Về vấn đề liên quan đến các đồng phụ nữ chúng ta, các người lân cận của chúng ta, nhu cầu tinh thần vượt lên trên mọi điều răn. Mọi thứ khác chúng ta làm chỉ là một phương tiện dẫn đến một mục đích. Nhưng tình yêu đã là một mục đích rồi, vì Thiên Chúa là tình yêu.
Trong một bài diễn văn ngay trước khi Hitler lên nắm quyền, Edith Stein đã thúc giục một nhóm phụ nữ Công Giáo đấu tranh cho những sự thật này: Có lẽ đã đến lúc người phụ nữ Công Giáo sát cánh với Đức Maria và với Giáo hội dưới chân thập giá. Sẽ là điều xấu hổ nếu để ngài đáp trả ơn gọi một mình.
Kỳ tới: Edith Stein đã giúp tôi trở thành một người đàn bà
Dâng kính Thánh nữ Tiến Sĩ Têrêsa Hài Đồng Giêsu
Giữa khu vườn trăm hoa khoe sắc,
“Anh” tìm “em” chẳng biết phương nào?
Cũng phải thôi, cuối vườn lặng lẽ,
Một mình em dáng nhỏ xanh xao !
Thì ra “em” là “Bông Hoa Nhỏ”,
Hoa dại của vùng “Nót-Man-di”,
Ven đường “Li-si-ơ” hay đầu ngõ,
Hoa quê nên chẳng sắc hương gì !
Nhưng rồi khi “Mặt trời” chợt đến,
Nắng hồng lên sưởi ấm vườn xuân,
Đài hoa em bây giờ chợt thắm,
Cảm ơn Trời, giọt nắng bâng khuâng !
Trời đã thấy “em” và nắng dọi,
Nào có quên “cỏ nội hoa đồng” !
Nên em đã “chong đèn ngóng đợi”,
Mang “em” về trang điểm thánh cung.
Và “cánh hoa quê” từ dạo ấy,
Khoác màu tươi dịu ướp hương nồng.
Em vẫn chọn âm thầm lặng lẽ,
Giữ màu hoa nghèo khó tinh trong.
Nắng vẫn lên và sương lại xuống,
Trong vườn kín nghe vọng kinh chiều.
Khóc vu vơ, nụ cười lắng đọng…
Tình cho “Anh” biết đếm bao nhiêu !
Chẳng biết bao giờ “Anh” mới gọi,
Nhưng đường “em” chọn “nhỏ bé thôi”,
Một chút hy sinh, tình thơ dại,
Làm “bông hoa nhỏ” để lên trời !
Hăm bốn xuân xanh “Bông Hoa Nhỏ”,
Ngày “em” lìa thế bước lên trời,
Cơn mưa hoa hồng rơi trên cỏ,
Đường “em” đi bỗng hoá rạng ngời !
Sơn Ca Linh (1.10.2021)
1. Cử tri Thụy Sĩ ủng hộ hôn nhân đồng giới
Thụy Sĩ đã bỏ phiếu hôm Chúa Nhật để hợp pháp hóa cái gọi là hôn nhân đồng giới.
Khoảng 64% cử tri ủng hộ đề nghị này trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 26 tháng 9. Như thế, Thụy Sĩ trở thành quốc gia thứ 30 trên thế giới chấp thuận hôn nhân đồng tính.
Các quốc gia có biên giới với Ý là Pháp, Đức, Áo và Liechtenstein đã công nhận sự kết hợp dân sự cho các cặp đồng tính kể từ năm 2007, sau một cuộc trưng cầu dân ý năm 2005.
Vào tháng 12 năm 2020, quốc hội Thụy Sĩ đã thông qua một dự luật có tên “Hôn nhân cho tất cả”, hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và đưa nó vào Bộ luật Dân sự Thụy Sĩ.
Vào tháng 4 năm nay, các Nhà vận động đã thu thập đủ chữ ký để bảo đảm một cuộc trưng cầu dân ý. Hơn 61,000 chữ ký hợp lệ đã được đệ trình ủng hộ việc cho 8.5 triệu dân của đất nước có tiếng nói cuối cùng về luật pháp.
CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, báo cáo rằng kết quả trưng cầu dân ý là rất sít sao ở một số khu vực của Thụy Sĩ, một nước cộng hòa liên bang chính thức được gọi là Liên bang Thụy Sĩ.
Tại bang Appenzell Innerrhoden, nơi theo truyền thống Công Giáo, 50.8% cử tri ủng hộ đề xuất, sẽ có hiệu lực từ tháng 7 năm 2022.
Vào tháng 12, các giám mục Công Giáo của Thụy Sĩ đã nói rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính “đầy rẫy những khó khăn về hành chính, pháp lý và đạo đức”. Tuy nhiên, CNA Deutsch cho biết Simone Curau-Aepli, chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Công Giáo Thụy Sĩ (SKF), hoan nghênh kết quả trưng cầu dân ý.
“Tôi thực sự hạnh phúc vì mọi người đã nói YES với hôn nhân vì tất cả. Đối với chúng tôi, đây là một khoảnh khắc rất xúc động”.
Source:Catholic News Agency
2. San Marino bỏ phiếu hợp pháp hóa việc phá thai
Cộng hòa San Marino đã bỏ phiếu vào Chúa Nhật 26 tháng 9, để hợp pháp hóa việc phá thai cho đến 12 tuần của thai kỳ.
Cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý vào ngày 26 tháng 9 đã chấm dứt lệnh cấm phá thai của đất nước, được áp dụng từ năm 1865.
Hơn 77% cử tri đã tán thành đề nghị cho phép phá thai trong ba tháng đầu của thai kỳ, cũng như sau mốc 12 tuần nếu có “những dị tật của thai nhi, hay có nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất hoặc tâm lý của người phụ nữ. “
San Marino là một nước cộng hòa với dân số 35,000 người - một phần ba trong số đó sống bên ngoài biên giới của nó. Tỷ lệ sinh của quốc gia nhỏ bé là khoảng 1.2 trẻ em trên một phụ nữ.
Đức Giám Mục của San Marino đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 26 tháng 9 bày tỏ sự thất vọng của ngài đối với kết quả của cuộc trưng cầu dân ý và nói rằng phụ nữ mang thai phải được hỗ trợ để “không có hòn đá nào bị bỏ qua trong việc tìm kiếm các giải pháp thay thế” cho việc phá thai.
Đức Cha Andrea Turazzi nói: “Chúng ta phải bảo đảm rằng không bao giờ một cuộc sống lại không được chào đời vì bất an, ngờ vực, cô đơn, thiếu sự giám hộ và bảo vệ hoặc vì lý do kinh tế.”
Ngài nói thêm: “Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, với các phương tiện tùy ý sử dụng, với sự phát triển của ý thức xã hội, chúng ta có thể làm rất nhiều điều để chào đón sự sống chưa ra đời.”
“Chúng tôi tin rằng tốc độ phát triển của một xã hội không được đo lường quá nhiều bằng kinh tế học, mà bằng sự tôn trọng quyền của tất cả mọi người, bắt đầu từ những người mong manh, không có khả năng tự vệ và chưa được sinh ra”.
Theo truyền thống, một Kitô hữu tên Marinus đã thành lập một cộng đồng Kitô Giáo vào thế kỷ thứ tư mà cuối cùng trở thành thành phố quốc gia San Marino.
Source:Catholic News Agency
3. Nhà trừ tà cảnh cáo: Xem nội dung khiêu dâm là mời ma quỷ nhập vào mình
Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Ngài có sáng kiến tạo ra trang web catholicexorcism.org để nâng cao nhận thức của công chúng về hiện tượng quỷ nhập.
Cha Vincent Lampert, một nhà trừ quỷ của Tổng giáo phận Indianapolis từ năm 2005, nói với tờ National Catholic Register rằng ma quỷ có thể thể hiện rất nhãn tiền và đáng sợ khi những vật thể có thể bay trong không trung, không tuân theo các quy luật vật lý, và có những tiếng động lớn không rõ xuất phát từ đâu.
Cha Lampert nói: “Tôi đã chứng kiến các trường hợp mắt trợn ngược lên, tung ra những lời tục tĩu, cơ thể co giật, mùi hôi, nhiệt độ giảm trong phòng, và tôi thậm chí đã chứng kiến những người có thể bay lên”.
Bên cạnh những hiện tượng kinh hoàng như trên, Đức Ông Stephen Rossetti cảnh cáo rằng hiện tượng quỷ nhập thường lặng lẽ hơn, chẳng hạn việc nghiện ngập các nội dung khiêu dâm.
“Ngày nay, các nội dung khiêu dâm là hình thức quỷ nhập vào người chúng ta phổ biến nhất,” Đức Ông Stephen Rossetti cảnh giác.
Ngài giải thích như sau:
Thứ nhất, Satan làm cho người ta yêu thích nội dung khiêu dâm vì hắn ghét tự do.
Khi chúng ta lặp lại lời hứa khi chịu phép Rửa Tội của mình, Giáo hội hỏi: “Anh chị em có từ chối Satan, để được sống trong sự tự do như con cái Thiên Chúa không?”
Sử dụng nội dung khiêu dâm là nói: “Tôi không từ bỏ.” Nội dung khiêu dâm chống lại tự do. Khoa học về nó đã được biết rõ: Bộ não con người, khi bị kích thích bởi những hình ảnh khiêu dâm, sẽ thải các chất hóa học vào máu khiến người xem phải tăng ga ở chế độ “cho tôi xem nhiều hơn”. Sự tò mò trực tuyến trong lúc nhàn rỗi nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh gây nghiện.
Xem nội dung khiêu dâm cũng giống như mở cửa sổ của một chiếc máy bay đang ở độ cao rất lớn. Không khí lùa vào và kéo bạn ra khỏi chiếc máy bay.
Điều tương tự cũng xảy ra với những phụ nữ tham gia vào ngành công nghiệp nội dung khiêu dâm. Những phụ nữ đang tìm kiếm sự nghiệp người mẫu, hoặc kiếm được một khoản tiền lớn trong thời kỳ khó khăn, nhanh chóng nhận ra mình đang ở trong nanh vuốt của một ngành công nghiệp hạ thấp phẩm giá, với những hình ảnh về bản thân mà họ hối tiếc đã được đăng tải mãi mãi trên mạng.
Bị thu hút bởi tiền, họ rơi vào tầm ngắm của những người đàn ông chỉ muốn lợi dụng họ.
Lý do thứ hai khiến Satan yêu thích sử dụng nội dung khiêu dâm để đoạt linh hồn người ta là cấu trúc liên đới trong tội lỗi.
Khi chúng ta nói dối, hoặc gian lận, hoặc ăn cắp, chúng ta đã phạm một tội lỗi liên đới đến mỗi chúng ta, một mình chúng ta mà thôi. Nhưng khi chúng ta lôi kéo người khác vào tội lỗi của mình, điều đó còn tồi tệ hơn. Và càng tồi tệ hơn nữa khi tội lỗi ấy tạo ra, duy trì và làm gia tăng các tổ hợp tội lỗi ở mức quốc tế.
Sử dụng nội dung khiêu dâm tạo ra một vòng xoáy tội lỗi mà Satan sử dụng để kéo cả nhóm người - người biểu diễn, lập trình viên, người bán hàng và những người ngoài cuộc - xuống hang ổ của hắn.
Thứ ba: Satan rất thích làm xấu hình ảnh của Chúa.
Mục tiêu cuối cùng của Satan không chỉ là chúng ta mà thôi, nhưng còn là sự xúc phạm đến Chúa. Satan không thể chạm vào Chúa - nhưng vì chúng ta được tạo ra theo hình ảnh Chúa và giống Chúa, chúng ta là điều tốt nhất chỉ sau Chúa mà thôi.
Nếu chúng ta hiểu được tâm hồn mình bao la như thế nào và phản chiếu Chúa Ba Ngôi đẹp đẽ ra sao, chúng ta sẽ rùng mình với trách nhiệm của chúng ta khi sử dụng các nội dung khiêu dâm. Tâm hồn của chúng ta là đền thờ Thiên Chúa. Satan hiểu, và hắn lao vào mọi cơ hội để phá vỡ đền thờ đó.
Thứ tư: Satan thích làm cho con người ra như loài vật.
Trong Chương 12 của sách Khải Huyền, đó là hình ảnh một người phụ nữ - một con người bằng xương bằng thịt - mặc áo mặt trời và đội vương miện với các ngôi sao khiến ma quỷ tức giận.
Ma quỷ không thể chấp nhận một sinh vật vật chất được tạo ra cao hơn chúng. Chính ý nghĩ đó làm chúng bực tức. Vì thế, chúng thích thú khi cho thấy những sinh vật con người này thực sự đáng kinh tởm như thế nào.
Đức Ông Stephen Rossetti nhận xét rằng các nạn nhân bị quỷ nhập thường bắt chước các động tác đặc trưng cho loài vật. Trong các nội dung khiêu dâm, những người tham gia hành xử hoàn toàn như con vật.
Thứ năm, ma quỷ rất thích phá hủy sự trong trắng của trẻ em.
Khi các môn đệ tranh luận xem ai là người lớn nhất trong Chương 18 của Phúc Âm Thánh Matthêu, Chúa Giêsu đặt một đứa trẻ ở giữa họ. Sau đó, Ngài nói thêm rằng bất cứ ai gây ra tội lỗi cho đứa trẻ, tốt hơn hết nên bị ném xuống biển với một chiếc cối xay buộc quanh cổ.
Những con quỷ đã chọn cối xay. Bây giờ chúng muốn gây ra càng nhiều trẻ em phạm tội càng tốt.
Đức Ông Stephen Rossetti nhận định rằng “cùng với phá thai, tôi nghĩ lịch sử sẽ lên án thời đại chúng ta nhiều nhất vì chúng ta từ chối bảo vệ trẻ em khỏi nội dung khiêu dâm. Lý do cho sự thất bại của chúng ta ở đây là rõ ràng: Người lớn muốn truy cập dễ dàng, ẩn danh vào nội dung khiêu dâm. Người ta quan tâm đến việc bảo vệ quyền truy cập đó hơn là bảo vệ con cái của mình”.
Bí tích hòa giải là một trong những cách thế hiệu quả để thoát sự ràng buộc Satan gây ra khi người ta xem các nội dung khiêu dâm. Theo Đức Ông Stephen Rossetti, những người đã từng xem các nội dung khiêu dâm nên có một cây thánh giá dài bằng bàn tay, được làm phép. “Hãy nắm chặt thánh giá khi bị cám dỗ,” ngài nói.
Source:Aleteia
1. Cuộc tuần hành ở Washington để nâng cao nhận thức về cuộc bách hại các tín hữu Kitô
“Cuộc tuần hành cho các vị Tử đạo” là cơ hội để đoàn kết với các Kitô hữu đang đau khổ vì đức tin trên khắp thế giới.
Hôm Thứ Bảy vừa qua, hàng nghìn người đã đổ ra các đường phố của thủ đô của Hoa Kỳ để tuần hành vì một lý do mà hầu hết mọi người không biết nhiều – đó là hoàn cảnh của những Kitô Hữu bị bách hại trên khắp thế giới.
“Cuộc tuần hành cho các vị Tử đạo” năm 2021 là sáng kiến của Gia Chacón, người đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận, Vì Các Thánh Tử Đạo “nhằm nâng cao nhận thức rằng cuộc bách hại Kitô Hữu đang diễn ra phổ biến. Theo một báo cáo gần đây của Aid to the Church in Need, gần 340 triệu Kitô hữu - tức là cứ có 8 Kitô Hữu thì có một người đang bị bách hại – dưới một số hình thức ngược đãi, từ bị phân biệt đối xử đến quấy rối và thậm chí bị giết chết.
Gia Chacón nói với Aleteia: “Chúng tôi tin rằng kiến thức truyền cảm hứng cho hành động— càng có nhiều người nhận thức được cuộc khủng hoảng bách hại Kitô Giáo, thì càng có thể làm được nhiều hơn để hỗ trợ cho các tín hữu đang đau khổ.”
Các sự kiện đã bắt đầu vào hôm thứ Bảy, ngày 25 tháng 9 với “Kick-Off Rally vào 3 giờ chiều tại National Mall với Gia Chacón và ban nhạc Radiant Worship.
Cuộc tuần hành bắt đầu lúc 4 giờ chiều, khi những người tham gia đi bộ từ Trung tâm mua sắm đến Tòa Bạch Ốc.
“Đêm dành cho các Thánh Tử đạo” bắt đầu lúc 6:30 chiều với các bài phát biểu của Gia Chacón và những nhà hoạt động khác cho các Kitô hữu bị bách hại, bao gồm cả Cha. Benedict Kiely, linh mục Công Giáo và là người sáng lập Nasarean.org.
Source:Aleteia
2. Trung Quốc kêu gọi hạn chế phá thai
Hôm thứ Hai, Trung Quốc cho biết họ đang hạn chế phá thai, chỉcho phá thai trong những trường hợp cần thiết về mặt y tế.
Chỉ thị này là một phần trong một kế hoạch do Quốc vụ viện, tức là nội các Trung Quốc, công bố nhằm cải thiện sức khỏe phụ nữ.
Steven Mosher, chủ tịch của Viện Nghiên cứu Dân số, thừa nhận rằng chỉ thị hôm thứ Hai là một dấu hiệu tốt, nhưng cảnh báo rằng “nó không được thực hiện vì lòng trắc ẩn đối với thai nhi”.
Nhiều nhà quan sát coi động thái của Hội đồng Nhà nước là một phần trong nỗ lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng dân số đang chậm lại để tránh một “mùa đông nhân khẩu học” có thể thấy trước. Mosher cũng đồng ý như thế, và nói rằng kế hoạch này là một “cố gắng ngăn chặn thảm họa nhân khẩu học Trung Quốc đang đối mặt, do chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ gây ra”.
Năm nay, Bắc Kinh cho biết họ sẽ cho phép các cặp vợ chồng có ba con, tăng từ quy định một con được thực hiện vào năm 1980 và chính sách hai con vào năm 2015.
“Mặc dù Trung Quốc vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới, cuộc điều tra dân số mới nhất cho thấy tốc độ tăng dân số từ năm 2011 đến năm 2020 là chậm nhất kể từ những năm 1950. Dân số dự kiến sẽ bắt đầu giảm trong vài năm tới.”
Theo Reuters, số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia cho thấy từ năm 2014 đến 2018, trung bình có 9.7 triệu ca phá thai mỗi năm. Con số này tăng khoảng 51% so với mức trung bình trong các năm từ 2009 đến 2013.
Source:Aleteia
3. Cảnh giác: Thuốc để cưỡng hiếp phụ nữ ngày càng phổ biến. Câu chuyện của thiếu nữ Công Giáo
Với sự bùng phát của việc mua bán trực tuyến, các loại thuốc dùng để cưỡng hiếp phụ nữ, tiếng Anh gọi là Rape-drug, ngày càng trở nên phổ biến. Một phụ nữ trẻ sáng tạo và kiên cường đã tìm ra cách để bảo vệ những người phụ nữ khác khỏi những tổn thương mà cô ấy phải chịu đựng với sản phẩm của mình có tên là KnoNap.
Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, đã kể về câu chuyện của Danya Sherman như sau
Danya Sherman, một sinh viên Mỹ 24 tuổi, sẽ luôn mang trong mình nỗi đau về cái đêm bị một người quen cưỡng hiếp cô. Cô ấy đã ở Tây Ban Nha trong một chương trình trao đổi sinh viên giữa một Đại Học Mỹ và một Đại Học Tây Ban Nha.
Một đêm trong một câu lạc bộ, cô được mời uống một loại cocktail đã được bí mật đánh thuốc mê. Cô ấy đã uống nó một cách không nghi ngờ gì, và đêm đó cô ấy đã bị cưỡng hiếp.
Danya đối mặt với nỗi đau đó một cách can đảm: cô quyết định nhìn thẳng vào vấn đề và nói về chuyện đó với những người bạn khác, không giấu diếm sự bí mật và phát hiện ra rằng nỗi kinh hoàng mà cô đã trải qua phổ biến hơn nhiều so với những gì cô nghĩ. Vì thế, từ tổn thương đó, cô đã làm ra một điều mang lại lợi ích cho những người phụ nữ khác.
KnoNap là công ty khởi nghiệp mà Danya thành lập “để phòng chống, giáo dục và vận động chống lại tội phạm tấn công tình dục có liên quan đến các dược phẩm.” Để đạt được mục tiêu này, cô đã tạo ra một chiếc khăn ăn có thể phát hiện ra sự hiện diện của thuốc cưỡng hiếp trong đồ uống. Chỉ cần làm ướt và đợi nó chuyển màu là có thể biết được đồ uống ấy có chứa thuốc cưỡng hiếp hay không.
KnoNap giải thích trong video này rằng mục tiêu là tạo ra một thứ gì đó kín đáo để có thể tiếp tục giao lưu mà không phải hy sinh sự an toàn. Đó là lý do tại sao cô ấy chọn bắt đầu làm việc với một chiếc khăn ăn màu trắng thông thường và đơn giản. Rất đơn giản để bị nhầm với khăn ăn bình thường và chi phí cạnh tranh đến mức nó có thể được thay thế cho khăn ăn bình thường ở nhiều quán bar mà không tốn quá nhiều chi phí cho chủ cơ sở.
Danya Sherman và công ty của cô đã được Forbes đưa vào danh sách 30 Doanh nhân Xã hội dưới 30 tuổi.
Cô không chỉ nhìn vào nỗi khổ của bản thân mà còn nhìn xa hơn câu chuyện của mình để biết cách giúp đỡ người khác. Thay vì tự hỏi tại sao không có ai ở đó giúp mình, cô quyết định chăm sóc những người phụ nữ khác. Không ai bảo vệ cô ấy, nhưng hôm nay, nhờ sự kiên cường và sáng tạo của cô, một số thiếu nữ khác sẽ không phải chịu cảnh bạo lực tương tự.
Source:Aleteia
4. Đức Thánh Cha Phanxicô thương tiếc vị Hồng Y người Brazil qua đời vì biến chứng COVID-19
Hôm thứ Hai 27 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ nỗi buồn trước cái chết của một vị Hồng Y người Brazil, mô tả vị Hồng Y là người “say mê truyền giáo”.
Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ sự tôn kính đối với Đức Hồng Y José Freire Falcão, tổng giám mục hiệu tòa của Brasília, trong một bức điện được Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố vào ngày 27 tháng 9, một ngày sau khi vị Hồng Y 95 tuổi qua đời vì biến chứng COVID-19.
Trong một thông điệp gửi tới Đức Tổng Giám Mục Paulo Cezar Costa, tổng giám mục đương nhiệm của Brasília, Đức Thánh Cha nói: “Tôi giao phó vị Hồng Y kính yêu cho lòng thương xót của Thiên Chúa, và ghi nhận sự cộng tác quý báu của ngài trong các cơ quan khác nhau của Tòa Thánh và các cuộc gặp gỡ của tôi với vị mục tử này, người đã say mê truyền giáo”.
Ngài nói thêm rằng Đức Hồng Y Falcão đã “cố ý đặt những ân sủng nhận được từ Chúa trong việc phục vụ dân Chúa và các giám mục anh em của ngài.”
“Tôi cảm tạ Cha trên trời về sứ vụ giám mục của ngài, trong đó ngài đã quảng đại dẫn dắt những người được giao phó cho ngài đi theo con đường của Tin Mừng, với cùng lòng nhiệt thành mà ngài đã thực hiện trong các sứ vụ trước đây của mình”
Hội đồng Giám mục Quốc gia Brazil, gọi tắt là CNBB, lưu ý rằng Đức Hồng Y Falcão là vị Hồng Y thứ hai của Brazil đã qua đời sau khi xét nghiệm dương tính với coronavirus. Người đầu tiên là Đức Hồng Y Eusébio Oscar Scheid, tổng giám mục hiệu tòa của Rio de Janeiro, đã qua đời vào ngày 13 tháng Giêng ở tuổi 88.
Hội đồng giám mục cho biết Đức Hồng Y Falcão đã được đưa đến Bệnh viện Santa Lúcia ở thủ đô liên bang của Brazil vào ngày 17 tháng 9 như một biện pháp phòng ngừa sau khi xét nghiệm dương tính. Tình trạng của ngài xấu đi vào ngày 24 tháng 9 và ngài qua đời vào ngày 26 tháng 9.
Đức Hồng Y sẽ được chôn cất trong hầm mộ của Nhà thờ Brasília, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Brazil Oscar Niemeyer và hoàn thành vào năm 1970.
Đức Hồng Y José Freire Falcão sinh ngày 23 tháng 10 năm 1925, tại Ererê, thuộc Vùng Đông Bắc của Brazil. Ngài được thụ phong linh mục tại Limoeiro do Norte, thuộc bang Ceará, vào ngày 19 tháng 6 năm 1949.
Vào tháng 4 năm 1967, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Limoeiro do Norte, và trở thành giám mục chính tòa vào tháng 8 năm đó. Ngài đã chọn phương châm giám mục là “Phục vụ trong sự khiêm tốn.”
Năm 1971, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục Teresina, một tổng giáo phận thuộc bang Piauí, cũng thuộc Vùng Đông Bắc.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chọn ngài làm tổng giám mục Brasília, miền Trung Tây, vào ngày 15 tháng 2 năm 1984, khi ngài 58 tuổi.
Một bản tiểu sử chính thức do văn phòng báo chí Tòa Thánh cung cấp cho biết “ngài đã cống hiến mọi giây phút của mình cho sự phát triển của các cộng đồng giáo hội được giao phó cho ngài, được thúc đẩy bởi mong muốn lớn lao của ngài là loan báo chân lý Tin Mừng, và bởi một tình yêu chân thành và sâu sắc đối với Giáo hội và nhân loại”.
Ngài được Đức Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y vào ngày 28 tháng 6 năm 1988.
Ngài đã giữ một số chức vụ quan trọng tại Hội đồng Giám mục Brazil và hoạt động tích cực trong Liên Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh, gọi tắt là CELAM.
Ngài nghỉ hưu với tư cách là Tổng giám mục Brasília vào ngày 28 tháng Giêng năm 2004, ở tuổi 78. Ngài được kế vị bởi Đức Tổng Giám Mục João Bráz de Aviz, hiện là Hồng Y giữ tổng trưởng Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc bức điện chia buồn của mình bằng cách giao phó Đức Hồng Y Falcão, những người thân yêu, đồng nghiệp và những người Công Giáo của tổng giáo phận Brasília “cho sự bảo vệ từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria”.
Source:Catholic News Agency
1. Kinh hoàng: Phụ nữ chuyển giới thành nam, đã lọt vào được chủng viện mưu toan trở thành linh mục
Đức Tổng Giám Mục Jerome Listecki của tổng giáo phận Milwaukee đã gởi khẩn cấp một bản ghi nhớ cho tất cả các thành viên của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, yêu cầu các giám mục cân nhắc việc xét nghiệm DNA hoặc khám sức khỏe để bảo đảm chắc chắn rằng tất cả các chủng sinh đều là nam giới thứ thiệt.
Bản ghi nhớ cảnh giác: “Gần đây, Ủy ban về các vấn đề giáo luật và quản trị Giáo Hội đã được biết về những trường hợp phát hiện ra phụ nữ sống dưới căn cước chuyển giới đã vô tình được nhận vào chủng viện hay vào một cơ sở đào tạo của tu hội đời sống thánh hiến”. Đức Tổng Giám Mục Listecki hiện là chủ tịch ủy ban các vấn đề giáo luật của USCCB.
Đức Cha Listecki nhấn mạnh rằng, trong một trường hợp,”hồ sơ bí tích cá nhân đã bị làm giả để phản ánh phái tính mới của cô ấy.”
Đức Cha Listecki phàn nàn rằng: “Trong tất cả các trường hợp, các cá nhân này không hề báo cáo bất cứ điều gì về mặt y tế hoặc tâm lý liên quan đến các phương pháp điều trị trong quá khứ hoặc các cuộc phẫu thuật thích hợp”. Nói dễ hiểu hơn là họ cố ý lừa gạt Giáo Hội để lãnh nhận trái phép các bí tích. Đức Cha Listecki cho biết thêm rằng may mắn thay, cho đến lúc này, không ai trong số các nữ chủng sinh đã được nhận vào này được Truyền Chức Thánh.
Bản ghi nhớ của Đức Tổng Giám Mục không cho biết chi tiết chủng viện hoặc tu hội nào đã nhận một phụ nữ giả dạng nam giới, cũng không cho biết những “trường hợp” này xảy ra ở Hoa Kỳ hay nơi khác. Rocco Palmo, người viết blog Whispers in the Loggia, lần đầu tiên báo cáo bản ghi nhớ qua Twitter vào ngày 23 tháng 9.
Một sơ hở cần được khắc phục là giấy chứng nhận rửa tội của người Công Giáo ở Hoa Kỳ thường không ghi giới tính của người được rửa tội. Đối với các giáo phái Kitô Giáo khác, họ ghi phái tính vào giấy chứng nhận rửa tội và khi xảy ra trường hợp chuyển giới thì người chuyển giới được yêu cầu khẳng định lại lời hứa rửa tội của họ dưới tên mới, được chọn của họ.
Đức Tổng Giám Mục nói rằng ngài đã được “Ủy ban khuyến khích” gửi bản ghi nhớ cho tất cả các giám mục anh em của mình, để họ có thể “thực hiện sự cảnh giác đặc biệt khi một năm đào tạo chủng viện sắp khai giảng.”
Đức Cha Listecki, một tiến sĩ giáo luật, lưu ý rằng “giáo luật yêu cầu giám mục giáo phận chỉ được nhận vào đại chủng viện và chỉ được truyền Chức Thánh cho những người đàn ông có những phẩm chất cần thiết về thể chất và tâm lý,” và vị giám mục “có thể yêu cầu nhiều phương tiện khác nhau để thiết lập chứng chỉ đạo đức trong vấn đề này”.
Bản ghi nhớ tiếp tục: “Một số thành viên của Ủy ban về các vấn đề giáo luật và quản trị Giáo Hội nhận thấy rằng một giám mục có thể cân nhắc việc yêu cầu xét nghiệm DNA hoặc tối thiểu là chứng nhận từ một chuyên gia y tế do chính giám mục lựa chọn, để bảo đảm rằng người nộp đơn là nam giới.”
Source:Catholic News Agency
2. Nhà thờ giáo xứ Colorado bị phá hoại bằng hình vẽ graffiti ủng hộ phá thai
Một giáo xứ Công Giáo ở Boulder, Colorado, trong đó có một đài tưởng niệm những đứa trẻ bị nạo phá thai trên bãi cỏ phía trước nhà thờ đã bị vẽ bậy bằng những bức vẽ nghuệch ngoạc ủng hộ việc phá thai vào những giờ đầu của ngày 29 tháng 9.
Giáo xứ Sacred Heart of Mary, nghĩa là Thánh Tâm Đức Maria, bị vẽ nghuệch ngoạc nhiều khẩu hiệu phun sơn bao gồm “Chúa Giêsu yêu thích phá thai,” và những lời lẽ khốn nạn khác mà chúng tôi không muốn nêu ra ở đây.
Mark Evevard, Giám đốc Thanh niên và Giám đốc Truyền thông Xã hội của giáo xứ, nói với CNA rằng cảnh sát tin rằng đó là một nhóm phò phá thai rất hung hăng mà họ hiện đang điều tra.
Giáo xứ đã trưng bày 4,000 thánh giá nhỏ màu trắng trên bãi cỏ phía trước, mỗi thánh giá tượng trưng cho một em bé bị phá thai mỗi ngày ở Hoa Kỳ. Những kẻ phá hoại đã chà đạp và xúc phạm ít nhất một nửa số cây thánh giá.
Chúng cũng sơn lên các tấm biển đối diện với con đường dẫn vào đài tưởng niệm, và phủ sơn đỏ lên các tấm kính của những ngọn đèn chiếu vào tiền sảnh nhà thờ.
Một khẩu hiệu “My Body My Choice” được vẽ nguệch ngoạc bằng sơn xịt màu đỏ tươi trên một chiếc xe bán tải màu trắng bên ngoài nhà thờ, và ít nhất một trong những chiếc lốp của chiếc xe tải đã bị xì hơi.
Những kẻ phá hoại cũng sử dụng một tảng đá hoặc búa để cố gắng phá vỡ các cửa sổ kính màu của nhà thờ, nhưng chỉ phá được kính an toàn ở bên ngoài. Chúng cũng ném trứng vào một số cửa.
Mặc dù nhà thờ có một hệ thống camera an ninh đang hoạt động, những hình ảnh ghi lại được những kẻ tấn công xem ra là vô ích. Ông nói, những kẻ tấn công cố tình tránh bị quay video theo cách có thể nhận dạng được.
Evevard cho biết Cha sở Jonathan Dellinger đã khuyến khích các giáo dân “đặt những người đó lên đầu danh sách cầu nguyện của anh chị em và cầu nguyện cho sự hoán cải đạo của họ”. Evevard cho biết một số người qua đường, bao gồm một số người không liên kết với giáo xứ, đã dừng lại để chia buồn và giúp dọn dẹp một số đống lộn xộn.
Giáo xứ St. Louis ở Louisville gần đây đã bị phá hoại với những bức vẽ ủng hộ phá thai tương tự gần đây, Evevard lưu ý.
Boulder là quê hương của một trong những bác sĩ phá thai khét tiếng nhất đất nước, Warren Hern, người điều hành Phòng khám phá thai Boulder, một trong số ít các phòng khám ở Mỹ công khai chấp nhận bệnh nhân muốn phá thai ở bất cứ giai đoạn nào từ mọi nơi trên thế giới. Colorado vẫn là một trong số ít các tiểu bang không có luật cấm phá thai muộn. Do đó, việc phá thai có thể diễn ra cho đến tận khi sinh.
Source:Catholic News Agency
3. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức kêu gọi một sự thay đổi cấp tiến trong giáo hội, xã hội
Khi những người Công Giáo Đức chuẩn bị cho phiên khoáng đại thứ hai của Tiến Trình Công Nghị, Giám mục Georg Bätzing của Limburg, chủ tịch hội đồng giám mục Đức, đã kêu gọi sự thay đổi can đảm trong giáo hội và xã hội.
Ông nói về một sự thay đổi mang tính “bước ngoặt” cần thiết, nếu không Giáo Hội “mất đi sự liên quan” với xã hội; và chỉ trích lập trường của Vatican về việc từ chối không chúc lành cho các cặp đồng tính. Ông cũng phàn nàn về cách thức đối phó của Vatican đối với các giám mục Đức phạm lỗi trong việc giải quyết các trường hợp lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ.
Tại buổi tiệc chiêu đãi hàng năm nhân lễ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae hôm 27 tháng 9, ông nói với 200 chính trị gia và khách mời từ các cộng đồng tín ngưỡng rằng nhiều người cảm thấy khó hiểu về quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc giữ lại các tổng giám mục Köln /cơn/ và Hamburg, sau khi có các báo cáo cho thấy họ đã che đậy tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.
“Tôi không muốn đi vào chi tiết ở đây, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng có rất nhiều sự mơ hồ, khó chịu và thiếu hiểu biết. Mối quan tâm của tôi là điều này một lần nữa sẽ có tác động tiêu cực đến lòng trung thành đối với giáo hội và sự đoàn kết của giáo hội,” vị giám mục nói trước sự chứng kiến của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Một tuyên bố ngày 24 tháng 9 từ Hội Đồng Giám Mục Đức cho biết Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki /vơn-ki/ của Köln đã “mắc những sai lầm lớn trong cách tiếp cận của mình khi đối diện với tội lỗi lạm dụng nói chung, đặc biệt là ở cấp độ truyền thông.” Tuy nhiên, một cuộc thanh tra tông tòa của Vatican cho thấy ngài không làm gì bất hợp pháp trong việc xử lý các cáo buộc lạm dụng tình dục của giáo sĩ, và sau một cuộc trò chuyện dài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Hồng Y được nghỉ phép từ giữa tháng 10 cho đến ngày 1 tháng 3, theo đề nghị của chính Đức Hồng Y.
Đức Tổng Giám Mục Hamburg Stefan Hesse đã bị cáo buộc 11 vi phạm nghĩa vụ trong việc đối phó với lạm dụng tình dục, trong cương vị cũ của ngài với tư cách là Cha Tổng Đại Diện của Tổng giáo phận Köln. Vào tháng 3, ngài đã nộp đơn từ chức lên Đức Giáo Hoàng, nhưng Đức Giáo Hoàng đã bác đơn của ngài.
Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki là người cương quyết chống lại chủ trương tin lành hóa Giáo Hội Công Giáo của Giám Mục Georg Bätzing.
Theo số liệu chính thức được công bố hôm thứ Tư 14 tháng 7, hơn 220,000 người đã rời bỏ Giáo Hội Công Giáo ở Đức trong năm 2020.
Thống kê do Hội đồng Giám mục Đức công bố ngày 14 tháng 7 cho thấy có 221,390 người đã tuyên bố rời khỏi Giáo Hội Công Giáo trong năm ngoái.
Trong một tuyên bố ngày 14 tháng 7, Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch hội đồng giám mục Đức, nói rằng Giáo hội đã nỗ lực hết sức trong suốt đại dịch coronavirus cho nên kết quả này là “một cú sốc sâu sắc”.
Ngài nói: “Điều được phản ánh trong số liệu thống kê về những người rời bỏ Giáo Hội khiến tôi thấy đau đớn cho cộng đồng của chúng ta. Nhiều người đã mất niềm tin và muốn gửi tín hiệu bằng cách rời khỏi Giáo Hội”.
“Chúng tôi rất coi trọng vấn đề này và phải đối mặt với tình huống này một cách công khai, trung thực và đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi được đặt ra cho chúng tôi”.
“Điều này bao gồm, trước hết và quan trọng nhất, kiểm tra kỹ lưỡng các trường hợp lạm dụng tình dục. Và điều này bao gồm câu hỏi về quyền lực và sự phân chia quyền lực trong Giáo hội. Tôi rất hy vọng rằng Phương thức Tiến Trình Công Nghị có thể đóng góp vào việc xây dựng niềm tin mới”.
Nhiều quan sát viên chỉ ra rằng Giám Mục Bätzing và các Giám Mục Đức khác cố bưng tai bịt mắt trước một thực tế đơn giản là tất cả những điều họ chủ trương như phong chức linh mục cho phụ nữ, chấp nhận cái gọi là hôn nhân đồng tính, bãi bỏ luật độc thân linh mục…Tất cả những điều này anh em Tin lành đã làm rồi không sót một điều nào. Tuy nhiên, số người Tin lành lũ lượt bỏ đạo là hơn 240,000 người dù dân số Tin lành ít hơn dân số Công Giáo.
Các vị Giám Mục ở Đức hô hào Tiến Trình Công Nghị thường viện dẫn tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ làm chiêu bài cho các cải cách cấp tiến của họ. Tội lỗi lạm dụng tính dục là một vấn đề nghiêm trọng của Giáo Hội. Đúng thế. Nhưng tại sao để giải quyết vấn đề này cần phải tái định nghĩa lại hôn nhân? Thực ra, tai tiếng lạm dụng tình dục giáo sĩ chỉ là chiêu bài cho các Giám Mục Đức tung ra những nghị trình mà họ đã ấp ủ từ lâu. Chẳng hạn, tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ thì có liên quan gì đến việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính? Hay có liên quan gì đến việc cho người Tin lành được rước lễ trong các thánh lễ Công Giáo?
Source:Catholic Philly