Ngày 30-09-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 01/10: Hãy nên như trẻ nhỏ – Kính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu - Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Giáo Hội Năm Châu
01:17 30/09/2022

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời".

Đó là lời Chúa
 
Lòng Mẹ có Chúa chan chứa phúc lành
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:23 30/09/2022

LÒNG MẸ CÓ CHÚA CHAN CHỨA PHÚC LÀNH

Mẹ Maria trổi vượt hơn mọi người nữ. Thực tế trong đời sống sống đạo, Mẹ Maria được tôn kính, mến yêu nhiều khi hơn cả Chúa. Vì sao vậy? Vì Mẹ mang Chúa trong lòng, và “Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả.” Tất cả là do lòng Mẹ.

1. Đẹp lòng. Tại sao Mẹ Maria được chọn làm người cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế? Sứ thần cho biết là do Mẹ “được đẹp lòng Thiên Chúa.” Hãy sống sao cho đẹp lòng Chúa, để Chúa hài lòng về ta. Đừng sống khiến Chúa phải phiền lòng, đừng phạm tội làm mất lòng Chúa.

2. Mở lòng. Mẹ Maria đã mở lòng để Con Thiên Chúa xuống thế làm người, nên hình nên dạng trong lòng Mẹ. Mở lòng như thế Mẹ Maria không chỉ bằng lòng hy sinh mang nặng đẻ đau như những bà mẹ khác, nhưng Mẹ còn sẵn lòng chấp nhận những nguy hiểm xảy đến trong đời Mẹ, những nguy cơ làm mất hạnh phúc bản thân, thậm chí mất cả mạng sống trong bối cảnh xã hội đương thời.

3. Vui lòng. Chúa làm cho Mẹ Maria vui lòng. Có Chúa Mẹ chan chứa niềm vui. Lời đầu tiên sứ thần chào Mẹ là “mừng vui lên.” Để rồi, chính Mẹ đã hoan hỉ thốt lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng.” Mẹ vui, nên Mẹ đi đến đâu là đem niềm vui đến đó. Mẹ đem niềm vui cho nhà bà Elisabet, cho tiệc cưới Cana, cho cả nhân loại.

Lòng dạ chất chứa những gì sẽ hướng dẫn người ta suy nghĩ và hành động theo chiều hướng đó. Thế nên, ước mong chúng ta noi gương Mẹ Maria, mở lòng đón Chúa ngự vào. Có Chúa, lòng chúng ta chan chứa niềm vui, và có khả năng mở lòng quảng đại cho đi làm vui lòng nhau và đẹp lòng Chúa. Sống cần có một tấm lòng như Mẹ. Mẹ Mân Côi, Mẹ tình yêu. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
12:55 30/09/2022

16. Tình yêu sinh bởi Thiên Chúa, cũng chỉ để quy hướng về Thiên Chúa là tình yêu.

(sách Gương Đức Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
12:58 30/09/2022
12. GIẢ HỔ DỌA THÚ

Có một người miền quê, bị con cáo làm hại nên quyết tâm tím cách trị nó.

Có người nói với anh ta:

- “Bách thú nhìn thấy hổ liền sợ hãi quíu chân nằm xuống đất”.

Thế là anh ta nhờ người ta làm một cái khuông hình con hổ, bên ngoài lấy da hổ che lại, sau đó bỏ nó trong sân. Cách mấy đêm sau, quả nhiên bắt được một con cáo đang run lẩy bẩy.

Qua mấy ngày sau, lại bắt được con heo rừng phá hoại gia trang nhiều nhất. Anh ta trong lòng nghĩ, mặc dù giả làm hổ có thể hàng phục dã thú, cần gì phải sản xuất, thế là tất cả đều dựa vào việc bắt dã thú mà sống.

Một hôm, ngoài đồng xuất hiện một con vật khổng lồ hình dáng giống con ngựa, người nọ bèn muốn đem hổ giả ra, có người biết sự việc liền nói với anh ta:

- “Đó là con ngựa hoa đốm, hổ thật cũng không dám chọc nó”.

Người ấy cho rằng người ta đỏ mắt cay cú với mình nên không thèm nghe, bèn khiêng con hổ giả ra ngoài đồng, nào ngờ, vừa mới bỏ xuống thì con ngựa hoa đốm đến, chỉ chớp mắt là xé nát con hổ giả, con ngựa hoa đốm sau khi vồ không có gì thì đuổi theo người, thật đáng thương hại người miền quê trở thành bữa ăn ngon của ngựa hoa đốm.

(Úc Li tử)

Suy tư 12:

Con hổ là loài mãnh thú trong rừng, cho nên làm con hổ giả để đánh lừa các con vật nhỏ khác thì được, chứ đem hổ ra hù dọa sư tử thì chưa chắc mèo nào cắn mỉu nào.

Ở đời, cũng có những người kiêu ngạo hay mượn “oai hùm” của người khác để hù dọa anh chị em mình, họ dùng những lời lẽ hằn hộc, khiếm nhã, từ ngữ phố chợ để hù dọa người khác, và tệ hơn nữa họ tuy là con cái của Chúa nhưng thường coi những người đại diện Chúa không ra kí lô gam nào cả, bởi vì họ mượn những “con hổ giả” để hù dọa anh em trong nhà.

Ma quỷ không hiện nguyên hình để cám dỗ chúng ta, cũng không đội lốt những con quái vật để hù dọa người, nhưng chúng nó luôn đội lốt thiên thần để cám dỗ và đội lốt con chiên hiền lành để phỉnh gạt chúng ta.

Hổ giả hổ thật đối với người Ki-tô hữu chân chính thì không thành vấn đề, bởi vì họ luôn có cái tâm chân thật, cái tâm biết tha thứ, cái tâm biết thông cảm và cái tâm huynh đệ chân thành của Phúc Âm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần Sống Một Câu Lời Chúa (CN 27 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
13:00 30/09/2022
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 17, 5-10.

“Nếu anh em có lòng tin”.


Bạn thân mến,

Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Chúa Giê-su đã cho chúng ta thấy rõ bổn phận của người đầy tớ là phải làm những gì mà ông chủ phân công làm, nhưng quan trọng hơn đó là phải làm với một tinh thần trách nhiệm, để không những hoàn thành công việc được giao phó, mà còn bày tỏ tinh thần Phúc Âm trong việc làm của mình.

1. Trách nhiệm là yêu thương.

Không ai làm tròn trách nhiệm cách hoàn hảo nếu không yêu thương, và cũng không ai yêu thương cách trọn vẹn mà chểnh mảng công việc đã được giao phó. Đức Chúa Giê-su vì yêu thương Chúa Cha và vì yêu thương nhân loại mà chu toàn công việc cứu chuộc cách hoàn hảo; các thánh tông đồ vì yêu thương mà đã hiến mạng sống mình để chu toàn mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su cách tuyệt vời dù với bao gian nan thử thách.

Trách nhiệm là hiểu rõ vai trò của mình trong thân phận làm người, nghĩa là biết rõ những hạn chế của khả năng mình mà cố gắng vươn lên để chu toàn bổn phận mà ông chủ -Thiên Chúa- đã giao phó cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.

Đức Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta khi làm xong việc của mình, nếu có ai khen ngợi thì hãy nói rằng tôi chỉ là đầy tớ vô dụng, lời nói này bày tỏ một tâm tình khiêm tốn và yêu thương của người đầy tớ trung tín luôn làm hài lòng chủ của mình, những đầy tớ như thế sẽ không bao giờ bị mất việc trong nhà của chủ mình là Thiên Chúa toàn năng.

2. Trách nhiệm và khả năng

Con người ta ai cũng có một khả năng đáng nể mà Thiên Chúa đã ban cho, và với khả năng này, con người có thể thay Thiên Chúa làm ra những kỳ công để phục vụ anh em đồng loại, nhưng vì những việc kỳ diệu do con người làm ra ấy đã khiến cho con người không còn muốn làm loài thụ tạo nữa, nhưng muốn trở thành Thiên Chúa, tức là kiêu ngạo không nhìn nhận Thiên Chúa toàn năng là Đấng tạo thành vũ trụ.

Càng có khả năng thì càng phải thấy trách nhiệm của mình nhiều hơn nữa, để làm tốt và để đáp trả lại sự tín nhiệm mà Thiên Chúa đã dành cho mình. Khả năng thì chứng tỏ năng lực, nhưng sự quyết tâm làm hoàn thành công việc là bày tỏ một tâm hồn tận trung và yêu thương…

Dù ở trong chức vụ và cương vị nào chúng ta cũng cần phải luôn có tâm niệm rằng: mình chỉ là “đầy tớ vô dụng” của Thiên Chúa và của anh em chị em trong công tác mà không sợ xấu hổ và lạc hậu với tha nhân, bởi vì chỉ với tâm hồn như thế chúng ta mới từ sự trung tín trong công việc của một đầy tớ, trở thành người bạn hữu trung kiên của Ngài trong suốt cuộc sống của chúng ta.

Bạn thân mến,

Mỗi người chúng ta là một đầy tớ vô dụng trước mặt Thiên Chúa và anh chị em của mình, khi đến nhà thờ để cắm một bình hoa, quét nhà thờ, hoặc được giáo dân tín nhiệm bầu chúng ta làm trong ban hành giáo, thì đừng tự mãn nói rằng đó là do tài trí của mình, nhưng hãy khiêm tốn cảm tạ Thiên Chúa đã chọn mình là tên đầy tớ vô dụng vào làm trong nhà của Ngài.

Đầy tớ vô dụng là tôi, một linh mục đang làm trong vườn nho nhà Cha mình là giáo xứ; đầy tớ vô dụng cũng là anh là chị, những con người đang ngày đêm lăn lộn giữa đời để vừa đối mặt với đời vừa để làm chứng cho đức tin của mình; đầy tớ vô dụng đó là tất cả những ai tin vào Đức Chúa Giê-su là cứu chúa của mình, và nhận ra rằng chính Ngài đang bao dung và mời gọi mình vào làm công trong vườn nho của Ngài…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúng ta không bao giờ bị bỏ rơi
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
21:57 30/09/2022


CHÚNG TA KHÔNG BAO GIỜ BỊ BỎ RƠI

KÍNH Đức Mẹ MÂN CÔI

Sách Công vụ Tông đồ từng ghi nhận hình ảnh Đức Maria, sau ngày Chúa Giêsu về trời đã hợp cùng các tông đồ chuyên cần cầu nguyện:

"Bấy giờ, các ông từ núi gọi là núi Ôliu trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sabát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philípphê, Tôma, Bartôlômêô, Mátthêu, Giacôbê con ông Anphê, Simôn thuộc nhóm Quá Khích và Giu-đa con ông Giacôbê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, VỚI BÀ MARIA THÂN MẪU ĐỨC GIÊSU và với anh em của Đức Giêsu (Cv 1, 12-14).

Đức Mẹ là Mẹ hiền của Hội Thánh. Vì thế, chúng ta vững tin, nếu ngày xưa Đức Mẹ không ngại đồng hành cùng Hội Thánh tiên khởi, thì ngày nay Đức Mẹ cũng đang hiện diện với chúng ta trong từng lời kinh, từng giờ nguyện của chúng ta.

Tháng 10.2002, nhân dịp về thăm quê hương Balan, trước khối lượng khổng lồ những người đồng hương, thánh Gioan Phaolô II đã cầu nguyện cùng Đức Mẹ: “Lạy Mẹ rất thánh, con tin cậy Mẹ và con tuyên bố với Mẹ: Tất cả con là của Mẹ! Tất cả con là của Mẹ! Amen”.

Mỗi khi lần chuỗi, chúng ta cũng hãy đặt hết tình con thảo của mình, cuộc đời mình, sự sống và mạng sống mình vào tay Đức Mẹ để có thể thốt lên trong niềm xác tín kết hợp với chính sự xác tín của vị thánh nổi tiếng yêu mến Đức Mẹ, rằng: Tất cả con là của Mẹ! Tất cả con là của Mẹ!

Chuỗi Mân Côi giúp chúng ta chiêm ngắm và học tập các nhân đức của Đức Mẹ như: khiêm nhường, yêu thương, suy tư, vâng phục, sống nội tâm, bác ái, chấp nhận nghịch cảnh, tin tưởng, phó thác…

Đó là những nhân đức mà Đức Mẹ thể hiện qua từng giai đoạn của cuộc đời Chúa Cứu Thế mà các mầu nhiệm: Vui, Sáng, Thương, Mừng gợi lên trong ta khi suy niệm.

Chuỗi Mân Côi còn là con đường dẫn ta đến cái nhìn nội tâm chiêm ngưỡng Chúa Giêsu nhờ kết hợp cùng Đức Maria. Cùng Mẹ, ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời trần thế của Chúa. Bởi đã không ai chiêm ngưỡng Chúa cách say sưa như Đức Mẹ. Đức Mẹ là gương mẫu lớn lao về việc trung thành chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Giêsu.

Đức Mẹ hướng về Chúa ngay từ lúc truyền tin, khi cưu mang Chúa nhờ Chúa Thánh Thần, hạ sinh Chúa tại Bêlem, hoang mang khi tìm Chúa thất lạc suốt ba ngày liền.

Đức Mẹ như xuyên thấu tâm tư của Chúa Giêsu khi cầu nguyện tại tiệc cưới Cana. Trong đau khổ đến quay quắt và quặn thắt nỗi lòng, Đức Mẹ chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết tang thương của Chúa trên thánh giá. Đức Mẹ cũng đã tỏ rạng niềm vui phục sinh khi Chúa từ cõi chết sống lại.

Sự chiêm ngưỡng ấy càng trở nên rực cháy vì được tràn đầy Thánh Thần trong ngày lễ Hiện Xuống. Đức Mẹ vẫn tiếp tục đồng hành cùng Hội Thánh để làm cho Chúa lớn lên trong lòng thế giới. Học lấy cái nhìn chiêm ngắm của Đức Mẹ nơi các mầu nhiệm Mân Côi, ta sẽ thêm lòng yêu mến Chúa Giêsu và yêu Chúa như Đức Mẹ.

Vì được diễm phúc sống cùng Chúa Con, sinh dưỡng, bồng bế, dõi theo Chúa Con suốt cả đời, chỉ có Đức Mẹ mới là người hiểu Chúa hơn ai hết.

Tháng Mân Côi nhắc nhở chúng ta kiên trì lần chuỗi. Qua việc kiên trì lần chuỗi, ta đến với Đức Mẹ, nhờ Đức Mẹ đưa ta đến cùng Người Con yêu quý ấy là điều quý giá và khôn ngoan. Chắc chắn đó cũng là cách làm đẹp lòng Chúa, vì Chúa rất mực yêu quý Đức Mẹ.

Hơn thế, Chúa ban tặng Mẹ của Ngài cho ta, đặt Đức Mẹ trên địa vị cao trọng là vì ta, nhằm mang lại lợi ích cho ta. Ta hãy gởi gắm mọi nỗi sướng vui, buồn phiền, cả vận mạng đời đời của mình cho Đức Mẹ qua việc sống kinh Mân Côi chuyên cần.

Giữa một thế giới còn loạn lạc, bệnh tật, khổ đau. Đây đó còn khủng bố, chiến tranh, chém giết, dịch tễ lan tràn, triệu triệu người chết oan ức…, người tín hữu càng được mời gọi dấn thân hơn nữa trong đời sống cầu nguyện.

Và kinh Mân Côi vẫn là lời kinh thích hợp để người tín hữu kêu cầu Mẹ nhân từ của mình, Đức Nữ Vương ban sự bình an, tuôn đổ hòa bình cho thế giới, giúp nhân loại sống trong trật tự mới của lòng yêu thương và xóa bỏ hận thù.

Xin Đức Mẹ nâng đỡ trong hoàn cảnh đầy thương tâm của những ngày tháng bệnh tật và chết chóc lan tràn. Xin Đức Mẹ ra tay cứu chữa để nhân loại an vui hạnh phúc, người người thụ hưởng nền bình an của đời sống dương thế và bình an trong cõi phúc đời đời bên Thiên Chúa.

Từ kinh Mân Côi, chúng ta xin Đức Mẹ ban hòa bình trong lòng mỗi cá nhân, giúp mỗi người thoát khỏi đe dọa của nỗi sợ hãi vì nhiều nơi, nhiều tâm hồn con người còn vắng bóng tình yêu.

Chính lòng yêu thương vắng bóng mà tình trạng bóc lột, tham lam, ham hố danh vọng, đè đầu cưỡi cổ người khác, mạnh được yếu thua, thói giả tâm, thói tìm hưởng thụ cho bản thân... nhan nhản khắp nơi.

Và từ chính sự vắng bóng yêu thương mà đói rách, bất công, khoảng cách giữa người nghèo và người giàu ngày càng lớn, nhiều hình thức nô lệ mới, sự bất ổn trong cuộc sống, chia rẻ và ly tán trong gia đình, ngoài xã hội không ngừng diễn ra...

Vì thế, mỗi Kitô hữu hãy nhờ đến kinh Mân Côi mà trút bớt gánh nặng và bao nhiêu nỗi khốn khó của riêng mình, cũng như của nhân loại.

Hãy tìm về ơn bình an nơi chuỗi Mân Côi, vì lời kinh ấy chất chứa niềm an ủi vô biên, sâu lắng cả một tình yêu vời vợi mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể trao ban.

Hãy nhớ, dù được thưởng trên trời cao, Đức Mẹ không nhận lấy hạnh phúc cũng như không sống cho riêng mình, nhưng lưu chuyển nguồn bình an từ Thiên Chúa đến trên đoàn con trần thế của mình!

Vậy một lần nữa, tháng 10 - Tháng mân Côi lại về, chúng ta cầm lấy tràn chuỗi, sốt sắng cầu nguyện và thưa cùng Đức Mẹ rằng: Tất cả con là của Mẹ! Tất cả con là của Mẹ!

Chúng ta vững tin, mãi mãi Đức Mẹ là Hiền Mẫu muôn đời không thể thay thế của Hội Thánh. Đức Mẹ luôn bên cạnh Hội Thánh tiên khởi, thấu hiểu tâm tư các môn đệ ngày xưa của Chúa thế nào, thì Đức Mẹ cũng mang chúng ta trong tình yêu sâu thẳm và tràn đầy an ủi, tràn đầy dịu ngọt như vậy. Bởi Đức Mẹ không sống cho riêng mình, nhưng trở thành nguồn cậy trông, thành trì dựa dẫm của mỗi chúng ta đến muôn đời.

Hãy thâm tín vững chắc tâm niệm này: VỚI Đức Mẹ, CHÚNG TA KHÔNG BAO GIỜ BỊ BỎ RƠI!

 
Chứng nhân đích thực về sự dịu hiền từ ái của Chúa
Lm. Minh Anh
23:28 30/09/2022

CHỨNG NHÂN ĐÍCH THỰC VỀ SỰ DỊU HIỀN TỪ ÁI CỦA CHÚA
“Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các con như vậy!”.

Trong “Tiểu Sử Têrêxa Lisieux”, Lindsay Younce thủ vai Têrêxa. Điều đáng nói là sau khi hoàn thành bộ phim, cô trở lại đạo. Cô nói, “Điều tôi khám phá ở Têrêxa là niềm vui phát sinh từ đau khổ khi bạn dâng nó lên Chúa. Tôi cảm phục sự nhịn nhục và phục vụ ân cần của Têrêxa với nữ tu già Augustine, một nữ tu rất khó thương; ấy thế, Têrêxa vẫn yêu quý và biến hành vi ấy nên của lễ cứu độ; để rồi có thể nói, “Nếu có tình yêu thì dù cúi xuống nhặt một cây kim cũng đủ cứu độ thế giới. Quả Têrêxa là một ‘chứng nhân đích thực về sự dịu hiền từ ái của Chúa!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa ngày lễ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, một lần nữa, cho thấy sự dịu ngọt của Chúa. Sứ điệp này quả mang tính thời sự! Con người ngày nay cần tình thương, cần được quan tâm; cần tình Chúa, cần tình người, cần gặp những ‘chứng nhân đích thực về sự dịu hiền từ ái của Chúa!’. Vì thế, con đường của Têrêxa là con đường trở về được chuẩn bị cho những ai đã rời xa Chúa.

Nơi Têrêxa, chúng ta tìm thấy sự lân mẫn của Chúa, điều Ngài đã nói tự ngàn xưa, “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các con như vậy!”; “Thiên Chúa là tình yêu”, Têrêxa không ngừng suy niệm những lời ấy, để từ đáy tâm hồn vị thánh trẻ, chúng ta đọc được những trang nồng cháy tình yêu đối với Chúa Giêsu, như tiếng vọng từ con tim của một kẻ yêu mến Ngài hết lòng.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói, “Ai trở nên bé nhỏ như em nhỏ này, sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời!”. Têrêxa đã áp dụng cho mình lời này bằng cách tái khám phá, vẽ lại nó khi phát hiện tình yêu Thiên Chúa qua Đức Giêsu trong lòng Giáo Hội. Độc đáo và táo bạo, Têrêxa nói, “Tôi hiểu, nếu Giáo Hội có một thân mình, gồm những chi thể khác nhau, thì chi thể cần nhất, cao quý nhất không thể thiếu là phải có một trái tim; và trái tim ấy nồng cháy tình yêu. Tôi hiểu, chỉ có tình yêu mới làm cho các chi thể của Giáo Hội hành động; và nếu tình yêu ấy tắt lịm đi, các tông đồ sẽ không còn rao giảng Phúc Âm, các vị tử đạo sẽ từ chối đổ máu. Tôi hiểu, tình yêu bao gồm mọi ơn gọi; tình yêu là tất cả; tình yêu tóm gọn mọi thời gian và không gian. Tắt một lời, tình yêu là vĩnh cửu! Lúc ấy tôi kêu lên, ‘Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của con, ơn gọi của con, nay con đã tìm được! Ơn gọi của con chính là tình yêu. Thực vậy, con đã tìm được chỗ của con trong Giáo Hội; và chỗ đó, lạy Chúa, chính Chúa đã cho con. Trong con tim của Giáo Hội là Mẹ con, con sẽ là tình yêu!’”.

Là tiến sĩ tình yêu, Têrêxa trải nghiệm thử thách của đức tin trong một thế giới nghi hoặc và vô tín vây bủa. Về phương diện này, Têrêxa trở nên hết sức thời sự! Trong một nền văn hoá quá chú trọng phương tiện nhưng ít quan tâm mục đích, tạo nên bất mãn sâu xa, gây nên trống rỗng sâu rộng, gợi lên những tiếng kêu âu lo… nhiều người ngày nay cảm thấy mang máng tiếng gọi tình yêu của Chúa, nhưng không biết tìm đâu ra. May thay, Têrêxa trở nên một con người đầy lửa, nói cho thế giới rằng, trong cuộc tìm kiếm tình thương và chân lý, ánh sáng và sự tươi đẹp của nó, chỉ Thiên Chúa mới có thể đáp ứng thực sự những mong đợi của con tim và trí tuệ loài người! Đức Gioan Phaolô II đã nói, “Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì vẻ đẹp sâu xa, đơn sơ và trong trắng biểu lộ nơi Têrêxa, nguồn cảm hứng cho Giáo Hội và thế giới. Vẻ đẹp này có sức quyến rũ; một ơn gọi đặc biệt thu hút bằng vẻ đẹp của tâm hồn!”. Têrêxa đã trở nên một ‘chứng nhân đích thực về sự dịu hiền từ ái của Chúa’ vậy!

Anh Chị em,

“Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy!”. Được tình yêu Chúa chiếm hữu, ủi an, Têrêxa lớn lên trong chiều hướng “điều tốt tự toả lan”; từ đó, khám phá cái nhìn của Thiên Chúa về người khác, cái nhìn của Đấng Tạo Hoá say mê tạo vật. Trong thời đại ngày nay, con người bị ảnh hưởng bởi thứ văn hoá phù du và duy khoái lạc; noi gương Têrêxa, chúng ta cũng hãy trở nên ‘chứng nhân đích thực về sự dịu hiền từ ái của Chúa’ trong việc soi sáng tâm trí những ai đang khao khát sự thật và tình thương.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong một thời đại mà con người đói tình yêu hơn đói cơm bánh, xin giúp con trở nên ‘chứng nhân đích thực về sự dịu hiền từ ái của Chúa’; để ai gặp con, họ gặp Chúa!”, Amen.

( Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo Hội mở cuộc điều tra giáo luật về Đức Cha Saunders dù cảnh sát Úc bác bỏ các cáo buộc đối với ngài
Đặng Tự Do
05:07 30/09/2022


Tháng Ba, 2020, Đức Cha Christopher Saunders, Giám Mục giáo phận Broome, thuộc tiểu bang Tây Úc đã bị cáo buộc lạm dụng tình dục một trẻ nam vị thành niên, hiện nay ở độ tuổi 20. Ngài quyết liệt phủ nhận cáo buộc này và tình nguyện rời khỏi chức vụ trong thời gian điều tra của cảnh sát.

Cảnh sát Tây Úc, sau 2 năm làm việc, đã ra tuyên bố kết thúc cuộc điều tra, khẳng định không có bằng chứng để truy tố ngài, và báo cho người tố cáo kết quả cuộc điều tra của cảnh sát.

Đức Cha Christopher Saunders sinh ngày 15 tháng Giêng 1950 tại Melbourne. Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 28 tháng 8, 1976. Tháng 11, 1995, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám Mục giáo phận Broome, thuộc tiểu bang Tây Úc. Ngài được tấn phong Giám Mục vào ngày 8 tháng Hai, 1996.

Ngày 9 tháng Ba, 2020, cảnh sát Tây Úc công bố rằng họ đã mở một cuộc điều tra từ trước đó 18 tháng, liên quan đến một cáo buộc của một thanh niên ở độ tuổi 20 cho rằng ngài có hành vi không đứng đắn với y.

Ngày 11 tháng Ba, 2020, Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe của tổng giáo phận Perth, là giáo tỉnh bao gồm giáo phận Broome, cho biết Đức Cha Saunders tình nguyện đứng sang một bên để tiện việc điều tra và quyết liệt khẳng định mình vô tội.

Sau một thời gian điều tra kéo dài hơn 2 năm, cảnh sát Tây Úc đã trình kết quả lên Giám Đốc Công Tố, gọi tắt là DPP.

Kết luận cuối cùng của cảnh sát và DDP là Đức Cha Christopher Saunders sẽ không bị truy tố vì họ không thấy có bằng chứng nào khả tín trong lời tố cáo của người thanh niên.

Trong một diễn biến gây khó hiểu cho nhiều người, một lá thư đã được đọc trong các Thánh lễ cuối tuần qua ở Giáo phận Broome, được ký bởi vị Giám Quản Tông Tòa là Đức Cha Michael Morrisey và Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, nói rằng cuộc điều tra của Giáo hội “đang được tiến hành” và Đức Cha Saunders được yêu cầu cư trú bên ngoài giáo phận Broome.

Vị giám mục 72 tuổi đã sống tại Kimberley trong gần 50 năm qua nơi ngài đã làm phó tế, linh mục quản xứ và giám mục.

Khi được hỏi, Đức Tổng Giám Mục Coleridge cho biết trong khi cuộc điều tra hiện đang được tiến hành, sẽ không phù hợp nếu đưa ra các bình luận bổ sung cho đến khi kết quả có thể được công bố.
Source:Cath News
 
Giáo Hội ở Nicaragua yêu cầu tiếp tục cầu nguyện cho vị giám mục và các linh mục bị bắt cóc
Đặng Tự Do
05:08 30/09/2022


Giáo phận Matagalpa đã yêu cầu các tín hữu tiếp tục cầu nguyện cho giám mục của mình, là Đức Cha Rolando Álvarez, các linh mục, chủng sinh và giáo dân đã bị cảnh sát của chế độ độc tài Nicaragua, do Tổng thống Daniel Ortega cầm đầu, cùng với vợ ông ta, Phó Tổng thống Rosario Murillo.

Trong một bài đăng trên Facebook vào ngày 26 tháng 9, Giáo phận Matagalpa yêu cầu các tín hữu tiếp tục “cầu nguyện cho vị mục tử của chúng ta, là Giám mc Rolando José Álvarez Lagos, các linh mục và giáo dân đã ở cùng ngài trong nhà thờ Matagalpa cho đến những giờ đầu ngày 19 tháng 8 khi họ bị cảnh sát bắt đi.

“Đức Giám Mục Álvarez, trong công việc mục vụ của mình tại Giáo phận Matagalpa, nơi ngài là chủ chăn từ ngày 2 tháng 4 năm 2011, đã chọn phương châm ưu tiên cho người nghèo, người bệnh, trẻ nhỏ, những người gặp hoàn cảnh khó khăn và người dân nông thôn, là những người mà ngài đã thể hiện sự gần gũi của mình thông qua lời cầu nguyện và các chuyến thăm mục vụ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài,” bài đăng của giáo phận kết luận.

Đức Cha Álvarez, cùng với những người khác, đã bị cảnh sát chống bạo động của Ortega ngăn cản rời khỏi Tòa Giám Mục ở Matagalpa từ ngày 4 tháng 8 đến ngày 19 tháng 8, khi cảnh sát bắt cóc ngài và đưa ngài trong đêm khuya đến Managua, nơi ngài bị tù lỏng tại nhà người quen dưới sự giám sát nghiêm ngặt của cảnh sát.

Theo truyền thông địa phương, công tố viên được cho là đã truy tố vị giám mục này, nhưng các cáo buộc chống lại ngài đến nay vẫn không rõ là gì.

Vào ngày 15 tháng 9, Nghị viện Âu Châu đã thông qua một nghị quyết với số phiếu 538 thuận và 16 phiếu trắng yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho Đức Cha.

Trong đêm Đức Cha bị bắt, các linh mục khác, chủng sinh, và một giáo dân cũng bị bắt và hiện đang bị giam giữ tại nhà tù El Chipote, khét tiếng với các hình thức tra tấn tàn bạo những người chống đối chế độ.

Những người bị giam ở đó có các Cha Ramiro Tijerino, José Luis Diaz, Sadiel Eugarrios, và Raúl González; các chủng sinh Darvin Leyva và Melquín Sequeira; và nhà quay phim Sergio Cárdenas, tất cả đều đến từ Giáo phận Matagalpa.

Một linh mục khác đang bị giam giữ ở El Chipote là Cha Oscar Benavidez của Giáo phận Siuna.

Những tù nhân này cũng đã bị truy tố, nhưng không rõ vì tội gì.
Source:Catholic News Agency
 
Kinh phí cải tạo doanh trại Vệ binh Thụy Sĩ không chiếm được đa số
Đặng Tự Do
05:08 30/09/2022


Các cử tri ở bang Lucerne đã bác bỏ hoàn toàn khoản đóng góp tài chính cho việc cải tạo doanh trại của Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ tại Vatican.

Kết quả chính thức cho thấy 71,5% cử tri phản đối khoản tài trợ.

Hiệp hội Freethinkers chống giáo sĩ cũng như các đảng phái chính trị chủ yếu là cánh tả đã buộc phải có một cuộc trưng cầu dân ý để thách thức khoản đóng góp 400,000 quan Thụy Sĩ hay 407,530 Mỹ Kim mà quốc hội bang đã đồng ý.

Khoản tài trợ này được cung cấp cho một dự án do một tổ chức của Thụy Sĩ khởi xướng.

Nó được tài trợ bởi các khoản quyên góp tư nhân và công cộng, bao gồm từ chính phủ Thụy Sĩ, Vatican, và các bang của Thụy Sĩ.

Chi phí cải tạo ước tính khoảng 50 triệu quan Thụy Sĩ và công việc có thể sẽ bắt đầu vào năm 2026.

Doanh trại có từ năm 1825, không đáp ứng các yêu cầu hiện tại của quân đội, cũng như không tuân thủ các quy định xây dựng hiện đại.

Khoảng 110 vệ binh Thụy Sĩ đang đóng tại Vatican ở Rôma, nhưng con số được dự kiến sẽ tăng lên 135. Những người lính này đã hoạt động như một lực lượng an ninh và một đơn vị bảo vệ để bảo vệ Đức Giáo Hoàng trong lãnh thổ của Thành phố Vatican kể từ năm 1506.

Đầu năm nay, Thụy Sĩ đã nâng cấp mối quan hệ ngoại giao với Tòa thánh bằng việc khánh thành đại sứ quán tại Vatican.
Source:Swiss Info
 
Tiến Sĩ George Weigel - Phúc Âm Hóa: Những Gì Và Khi Nào?
J.B. Đặng Minh An dịch
15:56 30/09/2022


Trong khi ca ngợi khả năng của đại hội trong việc “thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau trên thế giới,” Đức Cha Athanasius Schneider, 61 tuổi, Giám Mục Phụ Tá Astana, Kazakhstan đã phàn nàn về “Siêu thị các tôn giáo”, nói rằng ngài tin rằng đại hội có “nguy cơ” khi đặt Công Giáo lên cùng bình diện với các tôn giáo khác và tạo ra ấn tượng đạo nào cũng như đạo nào.

Đức Cha Schneider nói với các phóng viên tại nhà thờ chính tòa của Astana: “Nó có thể tạo ấn tượng về một siêu thị của các tôn giáo, và điều đó là không chính xác, bởi vì chỉ có một tôn giáo thực sự, đó là Giáo Hội Công Giáo do chính Chúa thành lập”.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết đăng trên tờ First Things có nhan đề “Evangelization: What And When?”, nghĩa là “Phúc Âm Hóa: Những Gì Và Khi Nào?” nhằm đóng góp thêm ý kiến sau những phàn nàn của Đức Cha Schneider.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Tại “cuộc họp thông tin” của Hồng Y Đoàn trong hai ngày 29 và 30 tháng 8 vừa qua, đã có sự đồng ý đáng kể rằng việc truyền giáo là mệnh lệnh hàng đầu của Công Giáo trong thế kỷ 21 — một sự đồng thuận có thể thấy dễ dàng là sẽ làm hài lòng tác giả của cuốn sách gây bối rối vào năm 2013 với tiêu đề thật khiêu khích Evangelical Catholicism - Đạo Công Giáo Tin lành. Tuy nhiên, cho dù có sự đồng thuận đó rồi, những câu hỏi nghiêm trọng vẫn cần được giải quyết. Khảo sát bối cảnh Công Giáo thế giới ngày nay, và xem xét bầu không khí hỗn loạn của Giáo hội trong thập kỷ vừa qua, có bốn câu hỏi “what - những gì” và một câu hỏi “when-khi nào” cần được đặt ra và giải quyết, nếu sự đồng thuận về sự cần thiết của việc truyền giáo muốn có kết quả là lôi kéo những người khác đến với Chúa, hoặc quay lại với Chúa.

Câu hỏi “what - những gì” đầu tiên thuộc về Kitô học: Liệu Giáo hội có thể truyền giáo không nếu Giáo Hội không đề xuất Chúa Giêsu Kitô là biểu hiện chính xác của sự tự mặc khải của Thiên Chúa cho nhân loại và là Đấng Cứu Tinh duy nhất của thế giới? Đó là lời dạy rõ ràng của Giáo Hội Công Giáo từ bài giảng của Thánh Phêrô trong sách Tông Đồ Công Vụ 4:12 thông qua tuyên ngôn Dominus Iesus hay Chúa Giêsu, do Bộ Giáo lý Đức tin ban hành với sự chấp thuận có thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Đại Năm Thánh 2000. Niềm xác tín đó có còn là nền tảng của việc truyền giảng và dạy giáo lý Công Giáo ngày nay hay không? Nếu trả lời vẫn còn, thì làm thế nào để Giáo hội có thể hiểu được Tuyên Ngôn Abu Dhabi năm 2019, do Đức Thánh Cha Phanxicô ký, trong đó khẳng định rằng sự “đa nguyên” và sự “đa dạng” của các tôn giáo trên thế giới là do “ý muốn của Thiên Chúa”? Có sự căng thẳng ở đây, thậm chí có thể là mâu thuẫn, cần phải được làm rõ?

Câu hỏi “what - những gì” thứ hai thuộc về giáo hội học: Giáo Hội Công Giáo có phải là Giáo hội phổ quát với các biểu hiện giáo hội địa phương hay Giáo Hội Công Giáo chỉ đơn thuần là một liên đoàn lỏng lẻo của các giáo hội địa phương, mỗi giáo hội có “con đường” giáo lý và đạo đức riêng – chữ ‘con đường’ này tôi mượn một thuật ngữ từ các Giám Mục Đức - weg?

Anh giáo thế giới là một ví dụ về thứ liên đoàn lỏng lẻo này; và tình trạng đáng tiếc của Khối Hiệp Thông Anh giáo, vốn gây khó khăn cho việc triệu tập một cuộc họp của các thành viên, là một câu chuyện đáng cảnh giác. Hơn nữa, chúng ta sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức hơn đối với việc truyền bá Tin Mừng trong thế kỷ 21, nhiều vấn đề lớn hơn, thậm chí nhiều vấn đề trầm trọng hơn, khi các giáo hội địa phương công bố các phúc âm khác nhau và các cách sống khác nhau, không phải như thế sao? Công Giáo Đức mang đậm sắc mầu thể chế, dường như quyết tâm tự tái tạo lại mình với tên gọi là Giáo hội Của Những Con Người Nhạy Bén - the Church of Woke, sẽ có gì để cung cấp cho các nỗ lực truyền giáo của Giáo hội ở Phi Châu và Á Châu? Làm thế nào mà một Đạo Công Giáo theo mẫu mới của Đức, mà hầu như không thể phân biệt được với chủ nghĩa thế tục cấp tiến, lại có thể tái truyền giáo cho những khu vực hậu Kitô giáo của thế giới Bắc Đại Tây Dương? Điều gì sẽ xảy ra cho việc truyền bá Tin Mừng khi Giáo hội mất mối liên kết với “một Chúa, một đức tin, một phép rửa” (Êphêsô 4: 5)?

Câu hỏi “what -những gì” thứ ba liên quan đến cấu trúc của đời sống luân lý: Thông điệp Veritatis Splendor hay Chân Lý Huy Hoàng năm 1993, khẳng định rằng một số hành vi trong chính nó và liên quan đến chính nó “tự bản chất là tội lỗi”, có còn được xem là xác định đúng đắn nền tảng Kinh thánh và thần học mà giáo huấn luân lý Công Giáo phải dựa trên nữa không? Hay giờ đây Giáo Hội Công Giáo chấp nhận lý thuyết luân lý-thần học được gọi là “thuyết tương xứng”, trong đó người ta hiểu đời sống luân lý như một cuộc thương lượng liên tục, mà lương tâm cá nhân phải tự hài hòa giữa các chuẩn mực đạo đức không ổn định, các tiêu chuẩn xã hội thay đổi và ý định cá nhân? Giáo hội có thể truyền giáo được không nếu không dám nói, với lòng trắc ẩn và với xác tín Tin Mừng, rằng đây mới là cách sống công chính, SỐNG KHÁC THẾ NÀY LÀ KHÔNG ĐƯỢC, bởi vì hành động khác đi chỉ đơn thuần là lầm lạc, CHẤM HẾT?

Câu hỏi “what - những gì” thứ tư liên quan đến chính sách ngoại giao của Vatican: Làm thế nào Giáo hội có thể truyền giáo được, đặc biệt là trong các nền văn hóa và trong các chính thể thù địch với Kitô giáo, nếu Vatican dường như không muốn bảo vệ chính mình? Con đường “đối thoại” được thực hiện ở Hương Cảng và Trung Quốc, với Nga, và với các cuộc đàn áp tàn bạo chống Công Giáo ở Cuba, Venezuela và Nicaragua, đã tạo ra rất ít kết quả tích cực, nếu không muốn nói là chẳng được ơn ích gì. Tác động của việc truyền bá Tin Mừng trong tương lai là gì khi Vatican miễn cưỡng bảo vệ công khai cả cá nhân những người Công Giáo như Jimmy Lai bị giam cầm ở Hương Cảng và Đức Cha Rolando Álvarez bị giam cầm ở Nicaragua và quyền tự do thể chế của Giáo hội, chẳng hạn như trong việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc? Liệu việc truyền giáo có thể thành công hay không nếu những nỗ lực “đối thoại” với những kẻ bắt bớ chung cuộc lại bóp nghẹt chính tiếng nói tiên tri của Giáo hội trong việc nói lên chân lý trước quyền lực thế gian?

Đối với câu hỏi “when - khi nào”, tháng trước, hơn một Hồng Y ở Rôma đã hỏi làm thế nào để tiến hành một chương trình truyền bá Tin Mừng mạnh mẽ nếu Giáo hội cứ liên tục họp – hết cuộc họp này đến cuộc họp khác từ Thượng Hội Đồng giáo phận, đến Thượng Hội Đồng quốc gia, Thượng Hội Đồng lục địa cho đến Thượng Hội Đồng toàn cầu. Việc trở thành Giáo hội “vĩnh viễn trong sứ mệnh truyền giáo” của Đức Thánh Cha Phanxicô không dễ gì tương hợp với việc trở thành một Giáo hội vĩnh viễn trong các cuộc họp. Và vấn đề quản lý thời gian thận trọng đó càng trở nên phức tạp khi các cuộc họp được đề cập được tiến hành trên tiền đề rằng có rất ít hoặc chẳng có gì ổn định trong một Đạo Công Giáo với những “thay đổi tận căn”.

Truyền bá Tin Mừng, chắc chắn là điều phải làm: Nhưng truyền bá thông điệp nào và bằng phương tiện gì?
Source:First Things
 
Oai quá: Giám mục Georg Bätzing yêu cầu Đức Hồng Y Kurt Koch xin lỗi và phải làm như vậy ngay lập tức.
Đặng Tự Do
22:00 30/09/2022
Một cuộc tranh cãi nghiêm trọng trong Giáo Hội đã nổ ra trên một số tờ báo Công Giáo Đức có thể phải cần đến sự can thiệp của Vatican. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Georg Bätzing, đã lên tiếng chỉ trích Đức Hồng Y người Thụy Sĩ Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hiệp nhất Kitô giáo, và đòi ngài ngay lập tức phải đưa ra lời xin lỗi công khai sau khi vị Hồng Y đặt một số vấn đề về Tiến Trình Công Nghị Đức, có liên quan đến một câu chuyện diễn ra vào thời kỳ của chủ nghĩa Quốc xã.

Nếu Đức Hồng Y Koch không xin lỗi, Giám Mục Bätzing sẽ trình bày khiếu nại chính thức lên Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Cha Bätzing, giám mục của Limburg và đồng thời là chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Đức, cho biết như trên vào cuối kỳ họp toàn thể mùa thu của Hội đồng Giám mục ở Fulda.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Tagespost của Công Giáo Đức, Đức Hồng Y Koch lo ngại về các nguồn mạc khải mới được cho là đang được thảo luận trong Giáo Hội Đức. Cụ thể, vị Hồng Y đã so sánh các cuộc tranh luận hiện nay trong Tiến Trình Công Nghị Đức với một hiện tượng tồn tại dưới thời Quốc Xã, và nhận xét rằng những “Kitô hữu Đức” đã nhìn thấy một mạc khải mới trong sự trỗi dậy của nhà độc tài Adolf Hitler.

“Tiến Trình Công Nghị” của Đức là một quá trình tập hợp giáo dân và giám mục để thảo luận về bốn chủ đề chính: quyền lực được thực thi như thế nào trong Giáo Hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ. Họ tìm cách giải thích lại mạc khải để thay đổi giáo huấn về đồng tính luyến ái và xa hơn là nhiều vấn đề rộng lớn về tính dục. Chiêu thức này cũng đã từng xảy ra dưới thời Đức Quốc Xã khi Hitler tìm cách thuyết phục các Kitô Hữu Đức phủ nhận phẩm giá của người Do Thái và tán thành các nguyên lý đẫm máu của chủ nghĩa Quốc Xã.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng, Deutsche Christen, tức là các Kitô Hữu Đức, cần nhớ lại một mục trên Wikipedia nhan đề “Đạo Tin lành và hệ tư tưởng Đức Quốc Xã” trong đó ghi nhận rằng “phong trào Tin lành mạnh nhất trong các hệ phái Tin lành, là phong trào dân tộc chủ nghĩa và bài Do Thái, phát sinh ở Đức Quốc xã sau cuộc bầu cử năm 1932. Việc bảo vệ các nguyên tắc của chủ nghĩa Quốc xã đã dẫn đến một cuộc ly giáo trong 23 trong số 28 Landeskirchen, hay Giáo Hội khu vực, và là nền tảng phát sinh một Giáo Hội đối kháng vào năm 1934.”

Đáp lại, Đức Cha Bätzing nói rằng những bình luận của Đức Hồng Y Koch là một “sai lầm hoàn toàn không thể chấp nhận được”, đồng thời nói thêm rằng “Phiên khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Đức đã phản ứng kinh hoàng với tuyên bố này, và Đức Hồng Y Koch đã tự loại mình ra khỏi cuộc tranh luận thần học. Những tuyên bố của Đức Hồng Y Koch phản ánh ‘nỗi sợ hãi thuần túy’ rằng một điều gì đó sắp thay đổi trong Giáo Hội Công Giáo. Nhưng điều gì đó sẽ thay đổi.” Tuyên bố của Đức Cha Bätzing có phần phóng đại vì nhiều Giám Mục Đức đồng ý với Đức Hồng Y Koch, như Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg và nhiều Giám Mục khác.

Đức Hồng Y Kurt Koch, đã chỉ trích đường lối của Tiến Trình Công Nghị Đức “bởi vì các nguồn mạc khải mới do Tiến Trình Công Nghị Đức được chấp nhận ngoài những nguồn mạc khải của Kinh Thánh và truyền thống”. Trong một cuộc phỏng vấn với Die Tagespost, Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Vũ Hiệp nhất Kitô giáo cho biết ngài đã bị sốc bởi thực tế là ở Đức có những cuộc nói chuyện về các nguồn mạc khải mới. Ngài nói “Hiện tượng này đã tồn tại trong chế độ độc tài Quốc Xã, khi những người được gọi là Kitô hữu Đức nhìn thấy mạc khải mới của Chúa trong máu và trong sự trỗi dậy của Hitler”.

Đức Hồng Y Koch nói thêm rằng trong các tuyên bố của mình, như Tuyên ngôn Thần học Barmen năm 1934, Giáo Hội đã cực lực phản đối luận điểm nguy hiểm cho rằng: “Giáo Hội, cùng với và ngoài những mạc khải của Kinh Thánh và Truyền Thống, có thể và nên sử dụng các sự kiện và lực lượng, số liệu và sự thật khác làm nền tảng cho việc rao giảng, nhận biết nơi chúng các đặc tính mạc khải của Thiên Chúa.”

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng đúng là “các dấu chỉ của thời đại phải được quan sát cẩn thận và xem xét một cách nghiêm túc. Nhưng chúng không phải là nguồn mạc khải mới. Trong ba giai đoạn của sự tin tưởng tri thức - nhìn thấy, phán đoán và hành động - các dấu chỉ của thời đại thuộc về việc nhìn thấy và không thể xem là các nguồn mạc khải.”

Ngài giải thích rằng có một mối nguy hiểm “rằng sự thật và tự do không còn được nhìn thấy cùng nhau nữa mà bị xé nát. Trong thần học Đức ngày nay có một khuynh hướng mạnh mẽ coi tự do là giá trị cao nhất của con người và từ đó phán xét điều gì vẫn có thể được coi là chân lý của đức tin và điều gì sẽ bị ném xuống biển”.

Đức Cha Bätzing thường được các phương tiện truyền thông và giới Công Giáo cấp tiến Đức gọi là “Neuer Papst” hay “Tân Giáo Hoàng”. Không biết ngài có tự huyễn hoặc mình để tin như vậy hay không. Nhưng trong chuyện bắt một vị Hồng Y xin lỗi vì những nhận xét thần học của ngài, người ta thấy Bätzing có vẻ đang hành động như một “Tân Giáo Hoàng”.

Âu lo thực tế của nhiều người là tất cả các đề xuất trong Tiến Trình Công Nghị Đức như chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái đều là những vấn đề đã được anh em Tin lành chấp nhận nhưng tỷ lệ bỏ đạo còn cao hơn.

Hơn thế nữa, các đề xuất của các Giám Mục Đức hiện nay sẽ tạo ra những kỳ vọng nào đó đối với một số thành phần giáo dân Đức. Một khi những kỳ vọng này trở thành thất vọng, mà chắc chắn sẽ là như thế, người ta sẽ chứng kiến một làn sóng lũ lượt rời bỏ Giáo Hội.
Source:Sismografo
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Chuỗi Mân Côi
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
20:29 30/09/2022

CHUỖI MÂN CÔI

Mân Côi còn có tên gọi là Mai Khôi, Môi Khôi, Văn Côi. Nghĩa là một thứ ngọc đỏ hoặc hoa hồng do tích truyện một thầy tu khi đọc kinh Kính mừng, Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi của thầy tu ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình.

Sự hình thành chuỗi Mân Côi có một lịch sử lâu dài. Vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, các tu sĩ trong vùng sa mạc Ai Cập có thói quen dùng những hạt cây hay những hòn sỏi nhỏ để đếm số kinh đã đọc.

Đến thời Trung Cổ, các tu sĩ có thói quen đọc 150 bài Thánh Vịnh mỗi ngày trong giờ kinh phụng vụ. Nhưng có nhiều người không biết đọc và viết tiếng Latinh nên họ không hiểu và đọc 150 kinh Lạy Cha để thay thế. Để đếm các kinh ấy, người ta dùng những hạt gỗ xâu vào nhau nhờ một sợi dây và gọi đây là tràng hạt kinh Lạy Cha.

Thế kỷ thứ 7, là thế kỷ khởi sắc của việc sùng kính Đức Mẹ, giáo dân bắt đầu phổ biến việc đọc 150 Kinh Kính Mừng thay cho 150 kinh Lạy Cha và gọi các kinh này là "sách Thánh Vịnh của Đức Mẹ".

Sau cùng, các mầu nhiệm tương ứng với một sự kiện về cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria theo Tân Ước đã được thêm vào trước mỗi chục kinh Kính Mừng. Một "mầu nhiệm" (suy niệm), được hiểu là một bộ mười kinh bắt đầu là một kinh Lạy Cha nhắc nhở chúng ta rằng Cha của Ðức Giêsu là người khởi xướng sự cứu chuộc. Sau đó là mười kinh Kính mừng nhắc nhở chúng ta hãy cùng với Mẹ Maria suy niệm về những mầu nhiệm này và kết thúc bằng một kinh Sáng danh nhắc nhở chúng ta rằng mục đích của mọi sự sống là để vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi.

Năm 1917, Đức Mẹ đã hiện ra với 3 em nhỏ tại Fatima. Và qua 3 em nhỏ Mẹ đã truyền dạy: hãy tôn sùng trái tim Mẹ, hãy cải thiện đời sống và hãy siêng năng lần hạt Mân Côi. Từ đó lời nguyện “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hoả ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn” được đưa vào sau mỗi chục kinh Mân Côi.

Các mầu nhiệm được chia theo 50 kinh. Vui trong mầu nhiệm nhập thể, Đức Giêsu xuống thế làm người sống cho mọi người. Thương trong mầu nhiệm tử nạn, Đức Giêsu chịu chết chuộc tội cho cả nhân loại. Và Mừng trong mầu nhiệm phục sinh, Đức Giêsu bước vào vinh quang mở ra tương lai cho mọi sinh linh. Mầu nhiệm Sáng mới có từ năm 2002 dưới thời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, dành để suy niệm cuộc đời Chúa Giêsu khi ra đi giảng đạo từ lúc chịu phép rửa trên sông Jordan tới khi lập phép bí tích Thánh Thể.
Nhờ việc siêng năng lần hạt, chúng ta biểu lộ được lòng tôn sùng kính mến đối với Mẹ, đồng thời sẽ tìm thấy những tiêu chuẩn hướng dẫn cho việc cải thiện đời sống để mỗi ngày một trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Chính vì thế, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã gọi kinh Mân Côi là hơi thở của mọi tâm hồn, là bông hồng thiêng liêng dâng kính Mẹ, là việc đạo đức thích hợp cho mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc.

Giáo hội cũng có quy định cho những ai lần chuỗi Mân Côi trong nhà thờ, nhà nguyện hoặc trong gia đình, trong cộng đoàn tu trì, trong hiệp hội đạo đức, hoặc khi có nhiều người họp nhau nhằm mục đích tốt thì được hường một ơn đại xá. Còn đọc trong những hoàn cảnh khác thì được hưởng một ơn tiểu xá.

Về hình thức, chuỗi Mân Côi gồm năm mươi kinh Kính Mừng kết thành tràng hạt và cả tràng hạt được kết thúc bằng tượng Chúa Giêsu chịu chết treo trên Thánh Giá. Về nội dung đây là phương thức tụng niệm tức là vừa đọc vừa suy niệm các mầu nhiệm của kinh Mân Côi. Những lời kinh dâng qua Đức Mẹ tới Chúa Giêsu để người đọc được vững bước đi trên đường thánh hóa - thật diệu kỳ được Đức Mẹ dẫn tới Chúa Giêsu!

Đức Giáo Hoàng Piô XII và Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã không ngừng nhắc đến kinh Mân Côi là một kinh bản chất Tin Mừng, là kinh Tin Mừng, là bản tóm lược Tin Mừng. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng giới thiệu kinh Mân Côi cho toàn thế giới như là “lời kinh diệu kỳ” - đơn giản trong hình thức, đơn sơ trong nội dung.

Vì vậy ta không thể lần chuỗi Mân Côi cách máy móc và chỉ chú trọng đến số lượng. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời.” (Mt 6,7). Lần chuỗi Mân Côi với tinh thần của Tin Mừng, cũng chính là tâm tình của Đức Maria: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,19).

Mỗi lần chúng ta đọc kinh Mân Côi sốt sắng trong giờ kinh đền tạ bằng việc lắng nghe, suy niệm và thi hành Lời Chúa qua sự nhìn ngắm, tôn thờ, chiêm ngưỡng, suy niệm những mầu nhiệm của Chúa Giêsu là chúng ta đội triều thiên cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Và nếu ngay từ bây giờ chúng ta siêng năng lần chuỗi Mân Côi, thì phần rỗi của chúng ta sẽ được bảo đảm chắc chắn như lời Đức Mẹ đã nói về cậu bé Phanxicô tại Fatima như sau: Phanxicô sẽ được lên thiên đàng nhưng phải lần hạt thật nhiều trước đã.
 
VietCatholic TV
Chấn động Moscow: Lyman thất thủ. Quân Ukraine kêu gọi sĩ quan, binh lính Nga buông vũ khí đầu hàng
VietCatholic Media
03:05 30/09/2022


1. Video do CNN thu được cho thấy các lực lượng Ukraine đã chiếm được hầu hết thành phố Lyman, kêu gọi quân Nga bỏ vũ khí xuống đầu hàng

Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 30 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine lần đầu tiên tiết lộ quân Ukraine đang đánh Lyman, mặc dù các phương tiện truyền thông đã đề cập đến trận đánh quan trọng này. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân Ukraine đã chiếm được gần như toàn bộ thành phố Lyman và đang kêu gọi quân Nga bỏ súng đầu hàng. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhắc lại rằng các binh sĩ Ukraine được kêu gọi đối xử tử tế với tù hàng binh địch, không ngược đãi đánh đập họ để giữ tình hòa hiếu giữa hai quốc gia sau khi chiến tranh kết thúc.

Lyman là một thành phố chiến lược trong vùng Donetsk vì là trung tâm đường sắt trong khu vực Donbas. Từ năm 1925 đến năm 2016, Lyman, bị đổi tên là Krasnyi Lyman. Chữ Krasnyi có nghĩa là “đỏ”, là mầu biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản. Sau cuộc cách mạng năm 2014, Lyman lấy lại tên cũ, bỏ đi chữ Krasnyi.

Theo thống kê, thành phố có 28,172 dân vào năm 2001. Tuy nhiên, dân số đã giảm xuống đáng kể chỉ còn 20,469 vào năm 2021 vì đây là vùng tranh chấp giữa quân Ukraine và phiến quân của cái gọi là Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk.

Trong quá trình cải cách hành chính được thực hiện vào năm 1708 bởi sa hoàng Peter Đệ Nhất, Lyman được nhắc đến một cách rõ ràng là một trong những thành phố lớn nằm trong tỉnh Azov.

Ngày 1 tháng 6 năm 2014, thành phố đã là chiến trường ác liệt trong Chiến tranh ở Donbas. Vào ngày 5 tháng 6, thị trấn trở lại quyền kiểm soát của Ukraine sau khi 3 trung đoàn phiến quân, trong đó có cả quân Nga, bị tử trận.

Lyman là một ngã ba đường sắt quan trọng. Trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, Lyman đã bị quân Nga chiếm vào ngày 27 tháng 5, sau các trận chiến cam go. Chưa kể thiệt hại trong trận Lyman, chỉ vượt sông Siverskyi Donets để tiến đánh Lyman, ít nhất hai tiểu đoàn quân Nga đã chìm dưới dòng sông sau khi cố gắng vượt sông bằng cầu phao.

Vào ngày 10 tháng 9, quân đội Ukraine đã tiến đến Lyman trong khuôn khổ cuộc phản công Kharkiv của Ukraine và giao tranh với quân đội Nga tại đây.

Video và hình ảnh do CNN thu được cho thấy các lực lượng Ukraine đang kiểm soát hầu hết các khu vực nông thôn của Donetsk; đặc biệt quân Ukraine đã kiểm soát được hầu hết thành phố Lyman và đang kêu gọi các ổ kháng cự cuối cùng của quân Nga và các lượng dân quân thân Nga buông súng đầu hàng.

Xe tăng Ukraine được nhìn thấy đang tiến trong khu vực giữa đống đổ nát của các ngôi làng bị hư hại nặng nề. Những con đường rải rác những thứ dường như đã bị bỏ hoang vội vàng của Nga, với hỏa tiễn và đạn dược bị bỏ lại. Ngoài ra còn có bằng chứng về các xe tăng và phương tiện quân sự của Nga và lực lượng dân quân bị phá hủy hoặc hư hỏng.

Một số thiết bị bị bỏ lại nằm xung quanh các làng Zelena Dolyna, phía bắc Lyman - mà CNN đưa tin hôm thứ Tư đã nằm trong tay các lực lượng Ukraine - và làng Lypnove lân cận.

Trong một số video, có thể nghe thấy tiếng loa thông báo, mà CNN đã dịch là:

“Lực lượng vũ trang Ukraine đã chiếm được Lyman; tiếp tục kháng cự là điều vô nghĩa. Ngày mai, chúng tôi sẽ bắt đầu thanh lý toàn bộ, các bạn sẽ không có cơ hội sống sót. Hôm nay các bạn có cơ hội để đầu hàng. Phía Ukraine bảo đảm tính mạng và sẽ đối xử với các bạn theo các quy định của Công ước Geneva. Để đầu hàng, bạn cần ra đường, ra khỏi các khu đông dân cư, buông vũ khí. Giơ tay lên, chờ đợi các đại diện của Lực lượng vũ trang Ukraine. Hãy nhớ rằng, chính quyền của các bạn không cần các bạn, các bạn chỉ là bia đỡ đạn cho họ. Người thân của các bạn mới là những người cần các bạn”.

Trước đó vào thứ Năm, các đơn vị thân Nga ở Lyman xem ra vẫn tiếp tục kháng cự, mặc dù giờ đây họ dường như bị bao vây từ ba phía. Một quan chức thân Nga đã mô tả tình hình ở Lyman là “khó khăn”.

Sự sụp đổ của các tuyến phòng thủ của Nga trong và xung quanh Lyman sẽ cho phép người Ukraine tập trung vào các mục tiêu xa hơn về phía đông, bên trong khu vực Luhansk.

Luhansk là một trong 4 khu vực dự kiến sẽ bị Nga sáp nhập trong vài ngày tới sau các cuộc trưng cầu dân ý về việc các khu vực này có nên gia nhập Liên bang Nga hay không. Các cuộc trưng cầu dân ý và các kế hoạch thôn tính đã bị cộng đồng quốc tế lên án rộng rãi.

2. Nga đối mặt với 'thất bại gần kề' ở Lyman khi quân Ukraine bao vây những kẻ xâm lược

Vài giờ trước khi Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine loan báo về chiến thắng tại Lyman, tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Faces 'Imminent Defeat' in Lyman as Ukraine Envelops Invaders”, nghĩa là “Nga đối mặt với 'thất bại gần kề' ở Lyman khi quân Ukraine bao vây những kẻ xâm lược”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nga phải đối mặt với “thất bại sắp xảy ra” ở Lyman, một thành phố bị chiếm đóng ở phía đông bắc của Ukraine, khi Kyiv bao vây các lực lượng Nga trong khu vực như một phần của cuộc phản công, một tổ chức tư vấn của Mỹ cho biết trong đánh giá mới nhất về cuộc chiến.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, lưu ý rằng các blogger quân sự Nga đã thảo luận về những thắng lợi của Ukraine xung quanh Lyman với “mối quan tâm gia tăng” vào hôm thứ Tư, cho thấy rằng các lực lượng Nga trong thành phố có thể phải đối mặt với thất bại sắp xảy ra - có khả năng làm suy yếu thêm tinh thần của họ.

ISW trích dẫn các phóng viên quân sự nổi tiếng và một số blogger quân sự Nga nói rằng quân đội Ukraine đang sắp hoàn thành việc bao vây các lực lượng Nga trong thành phố và dọc theo bờ bắc của sông Siverskyi Donets bằng cách tiến công từ các vị trí tây, bắc và đông bắc.

Lyman, là trung tâm tiếp tế quan trọng, đã bị các lực lượng Nga chiếm giữ vào tháng 5, ba tháng sau khi cuộc chiến chống Ukraine của Putin bắt đầu. Thành phố là một ngã ba đường sắt quan trọng, và các lực lượng Ukraine có thể sử dụng khu vực này để tiếp tục gây sức ép cho cuộc phản công đang rất thành công ở phía đông.

ISW cho biết, các lực lượng Ukraine đang đe dọa các vị trí và đường dây liên lạc của Nga hỗ trợ cho Lyman và lưu ý rằng nếu Ukraine thành công trong việc chiếm lại Lyman, các vị trí của Nga có thể bị đe dọa dọc theo biên giới phía tây khu vực Luhansk và trong khu vực Severodonetsk-Lysychansk.

Theo đánh giá của ISW, điều này cũng có khả năng dẫn đến sự suy sụp về tinh thần của quân đội Nga, vì giới lãnh đạo quân đội Nga và Bộ Quốc phòng nước này đã không chuẩn bị được dư luận cho một thất bại có thể xảy ra trong thành phố.

Nhóm nghiên cứu cho biết thêm: “Các nhà chức trách quân sự Nga trước đây đã không chuẩn bị kịp dư luận cho các tổn thất kinh hoàng của Nga trong giai đoạn đầu của cuộc phản công tái chiếm trong vùng Kharkiv của Ukraine, dẫn đến sự tàn phá tinh thần và và sự hoảng loạn của các lực lượng Nga trên trục phía Đông”.

ISW đã đề cập đến một cuộc phản công chớp nhoáng thành công của Ukraine vào đầu tháng này, trong đó Kyiv chiếm lại nhiều vùng lãnh thổ của mình từ tay Nga.

Các lực lượng Ukraine cho biết họ đã chiếm lại hơn 3.000 dặm vuông từ lực lượng Nga trong vòng chưa đầy hai tuần, tái chiếm các thị trấn và cắt đứt các đường tiếp tế của Nga.

Ông Putin đáp trả vào ngày 21 tháng 9 bằng cách tuyên bố huy động một phần quân đội lên tới 300.000 công dân, trong khi các quan chức do Nga cài đặt tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo về việc gia nhập Nga ở Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson.

ISW cho biết sự phẫn nộ của các nhà bình luận theo chủ nghĩa dân tộc Nga sau cuộc phản công của Ukraine có thể đóng một vai trò trong việc thúc đẩy Putin tuyên bố lệnh động viên bán phần.

Nhóm nghiên cứu cho biết: “Những thắng lợi trong tương lai của Ukraine xung quanh các khu vực quan trọng ở Donetsk và Luhansk có thể thúc đẩy thêm sự căng thẳng giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga và giới lãnh đạo quân sự, cũng như giữa các lực lượng Nga và cấp trên của họ”.

Đánh giá của ISW được đưa ra một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong vài ngày qua, Ukraine đã thúc đẩy các hoạt động tấn công gần trung tâm Lyman.

3. Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine sẽ đưa ra “các quyết định cơ bản” vào ngày thứ Sáu

Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, gọi tắt là NSDC, cho biết các vấn đề quan trọng và cơ bản đối với Ukraine sẽ được thảo luận tại cuộc họp khẩn vào ngày 30/9.

“Tôi muốn nói rằng ngày mai, ngoài cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, Tổng thống sẽ triệu tập Bộ Tổng tư lệnh Tối cao. Sau đó, sẽ có một cuộc họp quan trọng với NSDC, và tôi tin rằng, các quyết định cơ bản sẽ được đưa ra cho đất nước chúng ta. Chỉ cần đợi cho đến ngày mai, và các bạn sẽ biết các thành viên NSDC sẽ nói gì trong cuộc họp của họ vào thứ Sáu, và chúng tôi sẽ đưa ra quyết định gì vào ngày mai,” thư ký NSDC cho biết.

Như đã đưa tin, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đang kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine vào ngày 30 tháng 9.

Theo ông Oleksiy Danilov, nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chống Ukraine, phản ứng quốc tế phải ngay lập tức, và triệt để.

“Liệu Nga có tấn công bằng vũ khí hạt nhân hay không phụ thuộc nhiều vào suy nghĩ của Putin. Tôi có thể nói rằng ngay cả khi một vũ khí chiến thuật hạt nhân duy nhất được sử dụng chống lại đất nước chúng ta, phản ứng của thế giới sẽ ngay lập tức và hoàn toàn triệt để. Tôi càng ngày càng chắc chắn hơn về điều này.”

Dmitry Medvedev, phó chủ tịch diều hâu của hội đồng an ninh Nga, đồng minh của Putin, nguyên là thủ tướng và tổng thống Nga, cho biết ông không tin phương Tây sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine hoặc dám trả đũa nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Tôi tin rằng Nato sẽ không can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột ngay cả trong tình huống này. Rốt cuộc, an ninh của Washington, London và Brussels quan trọng hơn nhiều đối với Liên minh Bắc Đại Tây Dương hơn là số phận của Ukraine, thứ mà không ai cần, cho dù nước này được cung cấp dồi dào các loại vũ khí khác nhau,” Medvedev nói.

Liên quan đến tuyên bố của Medvedev, ông Danilov nhấn mạnh rằng đây sẽ là lần đầu tiên vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng kể từ Thế chiến 2, khi Nhật Bản bị ném bom.

“Đây có thể là nỗ lực đầu tiên của một quốc gia sử dụng vũ khí hạt nhân. Và do đó thế giới phải phản ứng với nó. Tôi chắc chắn rằng họ sẽ phản ứng.”

Đồng thời, ông Danilov cho rằng không thể loại trừ điều gì, nhưng vũ khí hạt nhân chiến thuật không thể gây sát thương hàng loạt cho một khu vực rộng lớn.

“Tất cả chúng ta nên hiểu rằng bất cứ điều gì liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật không giống như ở Hiroshima hay Nagasaki - đây là một tình huống hoàn toàn khác. Đây là những công cụ có thể bao phủ 10, 5 hoặc 20 km vuông, tùy thuộc vào mức độ điên rồ của nước láng giềng của chúng ta là Liên bang Nga. Tuy nhiên, chúng ta thực sự nên chuẩn bị cho bất kỳ diễn biến nào, có tính đến người hàng xóm điên rồ mà chúng ta có bên cạnh. Như họ nói, thật không may, chúng ta không có quyền được chọn người hàng xóm của mình là ai.”

Ông Danilov cho biết trong tương lai gần, NSDC sẽ đưa ra các khuyến nghị cho người dân về cách hành động trong trường hợp có các mối đe dọa vũ khí hạt nhân.

“Những khuyến nghị này sẽ được phát hành. Hơn nữa, có rất nhiều thông tin hữu ích về điều này trên các phương tiện truyền thông. Nhưng tôi muốn nói rằng trú ẩn trong tầng hầm trong trường hợp có bất kỳ mối đe dọa nào là một điều cơ bản quan trọng.”

Thư ký NSDC cho biết thêm, các chuyên gia quốc phòng khuyến cáo người dân không nên ở trong những ngôi nhà gỗ vào thời điểm báo động. Một kết cấu bê tông, hay tốt nhất là một tầng hầm, là một lựa chọn được khuyến khích.

“Nhưng không có trường hợp nào mọi người phải hoảng sợ”

Như đã đưa tin, Cục Tình báo Trung ương Mỹ cho biết họ không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga chuẩn bị kho vũ khí hạt nhân để sử dụng trong thực tế.

4. Hai máy bay Su-25 của Nga bị bắn rơi ở vùng Mykolaiv

Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 30 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Quân đội Ukraine đã bắn rơi hai máy bay cường kích Su-25 của Nga ở quận Bashtanka thuộc vùng Mykolaiv.

“Khoảng 05:00 chiều, ngày 29 tháng 9 năm 2022, tại quận Bashtanka của vùng Mykolaiv, các binh sĩ của Lữ đoàn Pháo phòng không Odesa đã bắn hạ hai máy bay cường kích Su-25 của Nga”

Ngoài ra, 4 hỏa tiễn Kh-59, 3 máy bay không người lái Orlan-10 của đối phương được xác nhận là đã bị phá hủy trong ngày qua, Bộ Tư lệnh Không quân cho biết.

5. Đại sứ Markarova khẳng định: Lệnh cấm tấn công trên lãnh thổ Nga chỉ áp dụng cho HIMARS

Thỏa thuận của Ukraine với Mỹ về việc không sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp cho các cuộc tấn công vào các mục tiêu trên lãnh thổ Liên bang Nga chỉ áp dụng cho các hệ thống pháo HIMARS mà không mở rộng cho các loại vũ khí khác.

Đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ, Oksana Markarova, đã phát biểu như trên trong một cuộc phỏng vấn với European Pravda.

Vị Đại sứ đã bình luận về tuyên bố trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov về việc Ukraine cam kết không sử dụng vũ khí phương Tây cho các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Nga. Khi được hỏi liệu hạn chế này chỉ áp dụng cho HIMARS hay cho tất cả vũ khí của Mỹ, Markarova nói: “Điều này áp dụng cụ thể cho HIMARS.”

Như đã đưa tin, hồi tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Reznikov tuyên bố rằng Ukraine đã có thỏa thuận với Mỹ rằng các lực lượng của họ sẽ không sử dụng vũ khí do Mỹ và các đối tác khác cung cấp cho các mục tiêu nằm trên đất Nga.

6. Zelenskiy kêu gọi người Nga ngăn cản Putin, nói rằng ông ấy là “người duy nhất ở Nga muốn chiến tranh hơn mạng sống”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vừa đưa ra lời kêu gọi người dân Nga ngăn chặn Tổng thống Vladimir Putin tiến hành chiến tranh.

“Cái giá phải trả của một người ở Nga muốn tiếp tục cuộc chiến này là toàn bộ xã hội Nga sẽ bị tụt hậu nếu không có nền kinh tế bình thường, không có cuộc sống tử tế và không tôn trọng bất kỳ giá trị nào của con người”, Zelenskiy nói trong bài phát biểu hàng ngày của ông.

“Điều này vẫn có thể được dừng lại. Nhưng để ngăn chặn nó, các bạn phải ngăn chặn một người ở Nga, người muốn chiến tranh hơn mạng sống. Cuộc sống của bạn, những công dân của nước Nga.”

Zelenskiy một lần nữa bác bỏ âm mưu sáp nhập bốn vùng do Nga chiếm đóng trên đất nước. Ông nói: “Nga sẽ không có được lãnh thổ mới ở Ukraine”.

Và Tổng thống Ukraine đã chia sẻ một thông điệp dành riêng cho những người dân bản địa của Nga.

Zelenskiy cho biết: “Trong tuần đầu tiên của lệnh động viên, nhiều người đàn ông bỏ trốn khỏi Nga hơn chính quyền Nga chính thức tung vào chiến tranh,” Zelenskiy nói. Khoảng 150,000 quân Nga đã tấn công Ukraine vào ngày 24 tháng Hai. Theo con số ước tính hơn 200,000 người đã bỏ trốn khỏi Nga sau khi Putin công bố lệnh động viên.

“Những người Dagestan không cần phải chết ở Ukraine. Chechnya, Ingush, Ossetia, Circassian và bất kỳ dân tộc nào khác dưới lá cờ Nga. Tổng cộng, gần 200 dân tộc khác nhau.... Các bạn biết rõ ai đã gửi họ đến Ukraine.”

Lời kêu gọi của Zelenskiy đối với các nhóm bản địa được đưa ra sau cảnh báo từ các nhà hoạt động ở Nga rằng các dân tộc thiểu số đang được huy động một cách không cân đối. Nói cách khác, người Nga ít có khả năng bị gọi nhập ngũ hơn người của các dân tộc thiểu số.

CNN đã định vị địa lý các video về những người đàn ông ra đi tham chiến ở các vùng Viễn Đông của Nga.

7. Dữ liệu tổng hợp cho thấy hơn 200.000 người đã rời Nga kể từ khi Putin tuyên bố lệnh động viên.

Hơn 200.000 người đã đi từ Nga đến Georgia, Kazakhstan và Liên Hiệp Âu Châu kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố “điều động một phần” công dân Nga ngay lập tức vào ngày 21 tháng 9, dữ liệu tổng hợp từ các quốc gia khác nhau cho thấy như trên. Một hồ sơ của cơ quan mật vụ Nga, gọi tắt là FSB, đã đưa ra một con số cao hơn lên đến 260,000 người.

Dưới đây là bảng phân tích các con số:

Theo Kazinform, một hãng thông tấn nhà nước, ông Marat Kozheyev, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Kazakhstan, cho biết khoảng 100,000 người Nga đã đến Kazakhstan trong tuần trước.

Dữ liệu do Bộ Nội vụ Georgia công bố hôm thứ Ba cho thấy ít nhất 53,136 người đã vượt qua biên giới Georgia-Nga trong khoảng thời gian từ ngày 21 đến 26 tháng 9.

Cơ quan Biên phòng và Bờ biển Âu Châu Frontex cho biết hôm thứ Ba rằng gần 66.000 công dân Nga đã nhập cảnh vào Liên minh Âu Châu trong tuần lễ từ 19 đến 25 tháng 9 - tăng hơn 30% so với tuần trước.

Thông tin này không bao gồm dữ liệu từ Mông Cổ và Armenia, nơi các công dân Nga cũng đã đến với số lượng đông đảo trong những ngày qua. Dữ liệu chính thức từ Nga không được công bố rộng rãi về số lượng công dân Nga đã rời khỏi đất nước kể từ ngày 21/9.

Tuyên bố động viên của Nga cho cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra các cuộc biểu tình phản đối và một cuộc di cư của công dân Nga khỏi đất nước, khi Điện Cẩm Linh thắt chặt các quy định về việc trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 21/9 thông báo rằng có tới 300.000 người đàn ông có kinh nghiệm quân sự trước đó sẽ được gọi nhập ngũ.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết số lượng người Nga chạy trốn khỏi đất nước để tránh bị triệu tập “có khả năng vượt quá” số lượng quân Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai.

Trong khi đó, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết ông không biết số người đã rời khỏi đất nước kể từ khi lệnh động viên được thông báo. Hãng truyền thông độc lập của Nga Novaya Gazeta Europe hôm thứ Ba dẫn một nguồn tin trong phủ Tổng thống Nga cho biết FSB, tức là Cơ quan An ninh Liên bang Nga, cho biết 261.000 người đàn ông đã bỏ trốn khỏi Nga kể từ khi lệnh động viên được thông báo vào ngày 21 tháng 9.
 
GH ở Nicaragua xin các tín hữu cầu nguyện cho vị Giám Mục và các linh mục bị độc tài Ortega bắt
VietCatholic Media
05:06 30/09/2022


1. Giáo Hội mở cuộc điều tra giáo luật về Đức Cha Saunders dù cảnh sát Úc bác bỏ các cáo buộc đối với ngài

Tháng Ba, 2020, Đức Cha Christopher Saunders, Giám Mục giáo phận Broome, thuộc tiểu bang Tây Úc đã bị cáo buộc lạm dụng tình dục một trẻ nam vị thành niên, hiện nay ở độ tuổi 20. Ngài quyết liệt phủ nhận cáo buộc này và tình nguyện rời khỏi chức vụ trong thời gian điều tra của cảnh sát.

Cảnh sát Tây Úc, sau 2 năm làm việc, đã ra tuyên bố kết thúc cuộc điều tra, khẳng định không có bằng chứng để truy tố ngài, và báo cho người tố cáo kết quả cuộc điều tra của cảnh sát.

Đức Cha Christopher Saunders sinh ngày 15 tháng Giêng 1950 tại Melbourne. Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 28 tháng 8, 1976. Tháng 11, 1995, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám Mục giáo phận Broome, thuộc tiểu bang Tây Úc. Ngài được tấn phong Giám Mục vào ngày 8 tháng Hai, 1996.

Ngày 9 tháng Ba, 2020, cảnh sát Tây Úc công bố rằng họ đã mở một cuộc điều tra từ trước đó 18 tháng, liên quan đến một cáo buộc của một thanh niên ở độ tuổi 20 cho rằng ngài có hành vi không đứng đắn với y.

Ngày 11 tháng Ba, 2020, Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe của tổng giáo phận Perth, là giáo tỉnh bao gồm giáo phận Broome, cho biết Đức Cha Saunders tình nguyện đứng sang một bên để tiện việc điều tra và quyết liệt khẳng định mình vô tội.

Sau một thời gian điều tra kéo dài hơn 2 năm, cảnh sát Tây Úc đã trình kết quả lên Giám Đốc Công Tố, gọi tắt là DPP.

Kết luận cuối cùng của cảnh sát và DDP là Đức Cha Christopher Saunders sẽ không bị truy tố vì họ không thấy có bằng chứng nào khả tín trong lời tố cáo của người thanh niên.

Trong một diễn biến gây khó hiểu cho nhiều người, một lá thư đã được đọc trong các Thánh lễ cuối tuần qua ở Giáo phận Broome, được ký bởi vị Giám Quản Tông Tòa là Đức Cha Michael Morrisey và Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, nói rằng cuộc điều tra của Giáo hội “đang được tiến hành” và Đức Cha Saunders được yêu cầu cư trú bên ngoài giáo phận Broome.

Vị giám mục 72 tuổi đã sống tại Kimberley trong gần 50 năm qua nơi ngài đã làm phó tế, linh mục quản xứ và giám mục.

Khi được hỏi, Đức Tổng Giám Mục Coleridge cho biết trong khi cuộc điều tra hiện đang được tiến hành, sẽ không phù hợp nếu đưa ra các bình luận bổ sung cho đến khi kết quả có thể được công bố.
Source:Cath News

2. Giáo Hội ở Nicaragua yêu cầu tiếp tục cầu nguyện cho vị giám mục và các linh mục bị bắt cóc

Giáo phận Matagalpa đã yêu cầu các tín hữu tiếp tục cầu nguyện cho giám mục của mình, là Đức Cha Rolando Álvarez, các linh mục, chủng sinh và giáo dân đã bị cảnh sát của chế độ độc tài Nicaragua, do Tổng thống Daniel Ortega cầm đầu, cùng với vợ ông ta, Phó Tổng thống Rosario Murillo.

Trong một bài đăng trên Facebook vào ngày 26 tháng 9, Giáo phận Matagalpa yêu cầu các tín hữu tiếp tục “cầu nguyện cho vị mục tử của chúng ta, là Giám mc Rolando José Álvarez Lagos, các linh mục và giáo dân đã ở cùng ngài trong nhà thờ Matagalpa cho đến những giờ đầu ngày 19 tháng 8 khi họ bị cảnh sát bắt đi.

“Đức Giám Mục Álvarez, trong công việc mục vụ của mình tại Giáo phận Matagalpa, nơi ngài là chủ chăn từ ngày 2 tháng 4 năm 2011, đã chọn phương châm ưu tiên cho người nghèo, người bệnh, trẻ nhỏ, những người gặp hoàn cảnh khó khăn và người dân nông thôn, là những người mà ngài đã thể hiện sự gần gũi của mình thông qua lời cầu nguyện và các chuyến thăm mục vụ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài,” bài đăng của giáo phận kết luận.

Đức Cha Álvarez, cùng với những người khác, đã bị cảnh sát chống bạo động của Ortega ngăn cản rời khỏi Tòa Giám Mục ở Matagalpa từ ngày 4 tháng 8 đến ngày 19 tháng 8, khi cảnh sát bắt cóc ngài và đưa ngài trong đêm khuya đến Managua, nơi ngài bị tù lỏng tại nhà người quen dưới sự giám sát nghiêm ngặt của cảnh sát.

Theo truyền thông địa phương, công tố viên được cho là đã truy tố vị giám mục này, nhưng các cáo buộc chống lại ngài đến nay vẫn không rõ là gì.

Vào ngày 15 tháng 9, Nghị viện Âu Châu đã thông qua một nghị quyết với số phiếu 538 thuận và 16 phiếu trắng yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho Đức Cha.

Trong đêm Đức Cha bị bắt, các linh mục khác, chủng sinh, và một giáo dân cũng bị bắt và hiện đang bị giam giữ tại nhà tù El Chipote, khét tiếng với các hình thức tra tấn tàn bạo những người chống đối chế độ.

Những người bị giam ở đó có các Cha Ramiro Tijerino, José Luis Diaz, Sadiel Eugarrios, và Raúl González; các chủng sinh Darvin Leyva và Melquín Sequeira; và nhà quay phim Sergio Cárdenas, tất cả đều đến từ Giáo phận Matagalpa.

Một linh mục khác đang bị giam giữ ở El Chipote là Cha Oscar Benavidez của Giáo phận Siuna.

Những tù nhân này cũng đã bị truy tố, nhưng không rõ vì tội gì.
Source:Catholic News Agency

3. Kinh phí cải tạo doanh trại Vệ binh Thụy Sĩ không chiếm được đa số

Các cử tri ở bang Lucerne đã bác bỏ hoàn toàn khoản đóng góp tài chính cho việc cải tạo doanh trại của Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ tại Vatican.

Kết quả chính thức cho thấy 71,5% cử tri phản đối khoản tài trợ.

Hiệp hội Freethinkers chống giáo sĩ cũng như các đảng phái chính trị chủ yếu là cánh tả đã buộc phải có một cuộc trưng cầu dân ý để thách thức khoản đóng góp 400,000 quan Thụy Sĩ hay 407,530 Mỹ Kim mà quốc hội bang đã đồng ý.

Khoản tài trợ này được cung cấp cho một dự án do một tổ chức của Thụy Sĩ khởi xướng.

Nó được tài trợ bởi các khoản quyên góp tư nhân và công cộng, bao gồm từ chính phủ Thụy Sĩ, Vatican, và các bang của Thụy Sĩ.

Chi phí cải tạo ước tính khoảng 50 triệu quan Thụy Sĩ và công việc có thể sẽ bắt đầu vào năm 2026.

Doanh trại có từ năm 1825, không đáp ứng các yêu cầu hiện tại của quân đội, cũng như không tuân thủ các quy định xây dựng hiện đại.

Khoảng 110 vệ binh Thụy Sĩ đang đóng tại Vatican ở Rôma, nhưng con số được dự kiến sẽ tăng lên 135. Những người lính này đã hoạt động như một lực lượng an ninh và một đơn vị bảo vệ để bảo vệ Đức Giáo Hoàng trong lãnh thổ của Thành phố Vatican kể từ năm 1506.

Đầu năm nay, Thụy Sĩ đã nâng cấp mối quan hệ ngoại giao với Tòa thánh bằng việc khánh thành đại sứ quán tại Vatican.
Source:Swiss Info
 
Diễn biến các Tướng Nga bị lừa, tê liệt nhìn thảm bại. Uất ức, dân Nga kéo đến phần mộ cha mẹ Putin
VietCatholic Media
15:18 30/09/2022


1. Bộ Quốc Phòng Nga bị lừa một cú quá nặng gây ra căng thẳng với các thành phần dân tộc cực đoan Nga

Trong bản báo cáo hôm thứ Sáu 30 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết nhiều đơn vị của quân Nga và phiến quân của cái gọi là Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk đã buông súng đầu hàng khi quân Ukraine tiến vào thành phố Lyman. Đây được kể là cú lừa ngoạn mục thứ hai của quân Ukraine đối với Bộ Quốc Phòng và Bộ Tổng Tham Mưu Liên Bang Nga chỉ trong vòng một tháng.

Ngày 29 tháng 8, quân Ukraine tuyên bố mở cuộc tổng phản công tái chiếm Kherson. Họ chỉ đánh dứ ở miền Nam trong khi bí mật chuyển quân ra miền Bắc tấn công giải phóng miền Kharkiv. Quân Nga đã điều một lực lượng lớn sang vùng Donbas để hoàn thành thời hạn chót 15 tháng 9 của Putin. Lợi dụng tình trạng trống trải ở Kharkiv, quân Ukraine tiến công giải phóng hơn 2,500 km vuông lãnh thổ. Quân Nga đại bại bỏ chạy thiệt mất 392 xe tăng, 178 xe thiết giáp, 421 xe chiến đấu bọc thép. Trong số này khoảng 400 chiếc vẫn còn đang sử dụng.

Sư Đoàn Súng Trường Cơ Giới 144, Trung Đoàn Công Binh 45, Sư Đoàn Súng Trường Cơ Giới 200, 2 trung đoàn của Lực Lượng Phản Ứng Nhanh của Sư Đoàn Cận Vệ Quốc Gia Nga đã bị loại khỏi vòng chiến hay ra đầu hàng tập thể. Sư Đoàn Tăng Cận Vệ Số Một của Quân Khu Phía Tây Nga bị xoá sổ. Sư Đoàn Tăng Cận Vệ Số Hai của Quân Khu Trung Tâm Nga chỉ còn không đến một Trung Đoàn. Tình hình thê thảm đến mức ngày 21 tháng 9, Putin phải miễn cưỡng ban bố lệnh động viên triệu tập 300,000 quân để bổ sung lực lượng chiến đấu ở Ukraine.

Tàn quân của Putin chạy qua sông Oskil thì lấy con sông này làm phòng tuyến tự nhiên để cản đường tiến công của quân Ukraine. Ngày 10 tháng 9, quân Ukraine bắt đầu tấn công phòng tuyến của Nga tại sông Oskil. Bẩy ngày sau đó, quân Nga trấn thủ ở bờ Đông sông Oskil bỏ chạy về Svatove. Tàn quân tập trung tại một bến xe buýt. Dân Ukraine đi ngang phát hiện báo cáo cho quân Ukraine.

Ông Serhiy Hayday cho biết như sau: “Tại Svatove, quân Nga đã tập trung trong một bến xe buýt từ 200 đến 300 quân. Tất cả đã bốc hơi.”

Thiếu tướng Oleg Tsokov, Tư lệnh Sư Đoàn Súng Trường Cơ Giới 144, chạy thoát khỏi Kharkiv chỉ còn một đại đội, trú ẩn trong một ngôi nhà ở Svatove, trong vùng Luhansk. Ngày 20 tháng 9, ông ta được lôi ra khỏi đống gạch vụn sau khi bị quân Ukraine pháo kích. Oleg Tsokov được chuyển đến bệnh viện quân sự ở Rostov-on-Don cùng với 300 thi thể các binh sĩ Nga tử trận.

Ngày 18 tháng 9, sau khi kéo pháo vượt sông Oskil, quân Ukraine pháo kích như mưa vào quân Nga trong thành phố Lyman. Nhưng họ không tấn công vào thành phố. Họ vượt sông Siverskyi Donets đánh lên mạn bắc như thể đang tiến đánh Ivanivka của Luhansk. Quân Nga tiếp viện cho thành phố này trong khi quân Ukraine thực tế là muốn bao vây Lyman từ ba phía Tây, Bắc và Đông Bắc.

Lực lượng phòng thủ của Nga ở Lyman bao gồm một phần lớn quân dự bị thuộc Lực lượng Dự bị Chiến đấu của Nga và tàn dư của các đơn vị bị thiệt hại nặng trong cuộc phản công vừa qua ở Kharkiv.

Cựu Tướng Nga Igor Girkin, một người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đã chỉ trích Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine Nga không có ý định tiếp viện cho Lyman. Ông nói việc Putin bỏ rơi Lyman là hành vi vô đạo. Tuy nhiên, một khi quân Ukraine kéo pháo vượt sông Oskil, người Nga đã hiểu rằng đã quá muộn. Đưa thêm quân chỉ là làm mồi cho trọng pháo và phi pháo của quân Ukraine.

2. Những người biểu tình để lại thông điệp trên bia mộ của cha mẹ Vladimir Putin viết rằng 'con trai của các bạn thật nhục nhã’

Tờ The Mirror của Anh có bài tường trình nhan đề “Protesters put notes on Vladimir Putin's parents' GRAVE saying 'your son is disgraceful'“, nghĩa là “Những người biểu tình để lại thông điệp trên bia mộ của cha mẹ Vladimir Putin viết rằng ‘con trai của các bạn thật nhục nhã’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Những người biểu tình chống chiến tranh đã để lại ghi chú trên mộ của cha mẹ Vladimir Putin, mô tả nhà lãnh đạo Nga là “quá nhục nhã”.

Các nhà hoạt động từ Đảng Của Những Người Chết - một nhóm biểu tình và nghệ thuật ở Nga trước đây đã mô tả cuộc chiến của Putin ở Ukraine là một “cuộc thảm sát vô nghĩa” - đã đặt một thông điệp lên ngôi mộ với nội dung: “Ông Bà thân mến! Con trai của ông bà đang cư xử quá khốn nạn!”

“Nó trốn học môn lịch sử, đánh nhau với bạn cùng lớp, dọa cho nổ tung toàn trường. Hãy hành động ngay đi!”

Trên mạng xã hội, những người biểu tình thông báo: “Sáng nay, một nhóm người chưa xác định danh tính đã tiếp cận cha mẹ của một cậu bé yêu cầu họ áp dụng các biện pháp giáo dục đối với con trai họ.

“Thông điệp được để lại tại nghĩa trang Serafimov ở Saint Petersburg.”

Nhóm bày tỏ hy vọng rằng hai bậc cha mẹ đã quá vãng này sẽ sớm “đưa thằng con về với chính mình vào một ngày nào đó”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Media.az vào tháng 6, nhà hoạt động Maxim Evstropov cho biết: “Đảng chúng tôi phản đối việc khai thác người chết, và chống lại những nỗ lực chiếm đoạt phiếu bầu của những người còn sống”.

“Bây giờ chúng tôi đang tập trung vào các hành động phản chiến.”

“Những gì đang xảy ra ở Ukraine bây giờ là một cuộc thảm sát hoàn toàn vô nghĩa.”

“Để biện minh cho tất cả những điều này, những người ủng hộ cái gọi là 'chiến dịch đặc biệt' của Putin đã khai thác những người chết một cách trơ trẽn – khi họ viện dẫn Chiến tranh thế giới thứ hai, mà vì một lý do nào đó họ muốn lặp lại.”

“Đồng thời, những kẻ xâm lược Nga…. các nghĩa trang bom như Babi Yar ở Kyiv, và thi thể của những người lính của họ đang mục nát trên các cánh đồng… “

Thông điệp trên ngôi mộ của cha mẹ Putin được đưa ra trong bối cảnh lệnh động viên đã làm bùng lên các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Ukraine.

Những người đàn ông Nga đã trốn khỏi đất nước vì lo ngại họ sẽ bị triệu tập và gửi đến Ukraine để chiến đấu.

Grisha, 24 tuổi, một sinh viên kỹ thuật ở St. Petersburg, đã được đào tạo quân sự cơ bản như một phần của khóa học tại trường đại học, và giờ anh sợ rằng mình là người đầu tiên phải nhập ngũ.

3. Sức khỏe của Vladimir Putin 'xấu đi đáng kể' làm ảnh hưởng đến các quyết định được đưa ra.

Tờ The Mirror của Anh có bài tường trình nhan đề “Protesters put notes on Vladimir Putin's parents' GRAVE saying 'your son is disgraceful'“, nghĩa là “Sức khỏe của Vladimir Putin 'xấu đi đáng kể' làm ảnh hưởng đến các quyết định được đưa ra”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo một nhà khoa học chính trị, sức khỏe của Vladimir Putin đang “xấu đi đáng kể”.

Valery Solovey, cựu giáo sư tại Học viện Quan hệ Quốc tế có uy tín ở Mạc Tư Khoa, từ lâu đã khẳng định rằng nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh mắc các chứng bệnh tiềm ẩn nghiêm trọng.

Giờ đây, ông cáo buộc rằng tình trạng sức khoẻ bí mật của Tổng thống Nga đã ảnh hưởng đến nhận định của ông ta về cuộc chiến.

Thứ Sáu, 30 tháng 9, nhà độc tài sẽ tuyên bố rằng ông ta đang sáp nhập các phần của bốn khu vực của Ukraine vào Nga bất chấp dư luận thế giới.

Động thái của ông ta được coi là một cách leo thang chiến tranh và được cho là sẽ kích hoạt các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây.

Đài phát thanh Zhivoi Gvozd lưu vong - trước đây là đài Tiếng vọng Mạc Tư Khoa rất được kính trọng, nhưng bị đóng cửa bởi cơ quan chủ quản là Gazprom Media ủng hộ Điện Cẩm Linh trong thời gian đầu chiến tranh – đã phỏng vấn Ông Solovey. Trong cuộc phỏng vấn này, Solovey, 62 tuổi, nói rằng việc Putin bùng nổ các hoạt động gần đây trên cương vị tổng thống không có nghĩa là ông ấy khỏe mạnh.

Ông nói: “Việc sáp nhập này là một ý tưởng rất kỳ lạ xuất phát từ một người bệnh nặng đến mức nhiều ngày ông ta không thể làm việc và đi lại cho dù ông ta sống trong sự thoải mái với một số lượng bác sĩ hùng hậu như vậy, và được phục vụ theo tiêu chuẩn hàng đầu của y học thế giới. Mọi thứ được cung cấp cho ông ta theo nghĩa đó. Sức khỏe của ông ta đang xấu đi, đáng kể, vâng rất đáng kể.”

Solovey - người tuyên bố có nguồn tin trong vòng kết nối của Putin - cho biết: “Tất cả các quyết định do ông ấy đưa ra… vào ngày 24 tháng 2 bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và ngày 21 tháng 9 là hệ quả trực tiếp của tình trạng sức khoẻ của ông ấy.”

“Đó là những hậu quả trực tiếp về sức khỏe thể lý và sức khỏe tinh thần.”

Khi được hỏi về việc Giám đốc CIA William Burns nói rằng Putin - không bị ốm - “quá khỏe mạnh là đàng khác”.

Solovey trả lời đây là “một ví dụ hoàn hảo về sự mỉa mai Anglo-Saxon” và nói thêm: “Người Mỹ biết điều gì đang xảy ra với Putin”.

“Họ biết tình hình thực tế, và họ thực sự lo lắng vì điều đó”

Solovey, giống như kênh Telegram General SVR, trước đây đã tuyên bố rằng Putin đang mắc các bệnh nghiêm trọng bao gồm ung thư, bệnh Parkinson và rối loạn tâm thần phân liệt.

Đã có những tuyên bố của phương Tây về sức khỏe của Putin, đặc biệt là từ cựu lãnh đạo MI6, Sir Richard Dearlove, người cho biết nhà lãnh đạo Nga phải đối mặt với việc được đưa đến một viện điều dưỡng và sẽ ra đi vào năm 2023, do các vấn đề y tế.

Một phương tiện truyền thông độc lập của Nga cho rằng Putin thường xuyên được bao quanh bởi các bác sĩ hàng đầu của Nga, bao gồm cả các chuyên gia ung thư khi ông ấy đi du lịch.

4. Phần Lan đóng cửa biên giới Nga trong bối cảnh nam giới Nga bỏ chạy ra nước ngoài sau khi Putin loan báo lệnh động viên

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Finland to Close Russian Border Amid Travel Spike From Putin Mobilization”, nghĩa là “Phần Lan đóng cửa biên giới Nga trong bối cảnh gia tăng du lịch vì lệnh động viên của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Phần Lan, quốc gia có đường biên giới dài nhất với Nga trong Liên minh Âu Châu, đang tiến hành hạn chế khách du lịch Nga nhập cảnh vào đất nước này khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục gia tăng sang tháng thứ tám.

Hôm thứ Năm, chính phủ Phần Lan thông báo rằng họ sẽ đóng cửa biên giới đối với khách du lịch Nga bắt đầu từ nửa đêm theo giờ địa phương và sẽ vẫn đóng cửa “cho đến khi có thông báo mới”.

“Quyết định này về nguyên tắc là nhằm mục đích ngăn chặn hoàn toàn hoạt động du lịch của Nga đến Phần Lan và quá cảnh qua Phần Lan,” Ngoại trưởng Pekka Haavisto cho biết trong một cuộc họp báo

Ngoại trưởng Haavisto biện minh cho động thái này mà ông cho biết đã được thảo luận từ lâu, và nhấn mạnh rằng việc khách du lịch Nga tiếp tục đến nước ông đang gây nguy hiểm cho các mối quan hệ quốc tế của Phần Lan. Ông cũng trích dẫn những lo ngại về an ninh liên quan đến chiến tranh, các cuộc trưng cầu dân ý “bất hợp pháp” do Nga tổ chức ở Ukraine để sáp nhập lãnh thổ và rò rỉ gần đây trong đường ống Nord Stream là những yếu tố dẫn đến quyết định của Phần Lan.

Đã có những lo ngại rằng người Nga đã lách luật cấm bay của Liên Hiệp Âu Châu bằng cách băng qua Phần Lan trước khi bay đến các nước Âu Châu khác từ sân bay Helsinki. Phần Lan là quốc gia Liên Hiệp Âu Châu cuối cùng có biên giới trên bộ với Nga vẫn cho phép công dân Nga qua lại với tư cách khách du lịch.

Bắt đầu từ thứ Sáu, người Nga sẽ chỉ được phép vào Phần Lan với mục đích thăm gia đình, làm việc và học tập. Việc vận chuyển các nguyên liệu thiết yếu cũng sẽ được cho phép và các nhà bất đồng chính kiến của Nga vẫn có thể tìm cách vào Phần Lan vì lý do nhân đạo.

Hôm thứ Hai, các nhà chức trách Phần Lan cho biết số người Nga qua biên giới đã tăng 80%. Cơ quan quản lý biên giới phía đông nam của Phần Lan nói với Reuters: “Hàng đợi tiếp tục dài hơn một chút so với bình thường kể từ khi xảy ra đại dịch.”

Gần 17.000 người Nga đã đến Phần Lan vào cuối tuần trước sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố lệnh động viên bán phần 300.000 công dân để hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh ở Ukraine.

Sau thông báo, nhiều hàng dài đã được báo cáo tại nhiều biên giới của Nga khi nhiều người đàn ông trong độ tuổi quân dịch cố gắng rời khỏi đất nước trước khi bị gọi nhập ngũ để chiến đấu trong cuộc chiến Ukraine. Các chuyến bay đến các quốc gia mà từ trước đến nay vẫn cho phép đi lại miễn thị thực cũng đã được bán hết.

Đầu tháng này, Phần Lan đã hạn chế dòng khách du lịch Nga, khi số lượng thị thực du lịch cấp cho người Nga bị cắt giảm 90%. Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan cũng đã bắt đầu thực hiện các hạn chế nhập cảnh đối với công dân Nga.

Tháng trước, các ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu đã đồng ý với các hạn chế khiến người Nga khó có được thị thực vào một quốc gia Liên Hiệp Âu Châu hơn nhiều và phải chờ đợi lâu hơn.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

5. Quan chức cho biết: Người Nga bị chặn không cho rời khỏi đất nước nếu có tên trong danh sách bị gọi nhập ngũ

Theo Cơ Quan An Ninh Liên Bang Nga, gọi tắt là FSB, ít nhất 261,000 nam giới ở Nga đã ra đi để tránh bị gọi nhập ngũ. Trong một diễn biến đáng ngạc nhiên, các phương tiện truyền thông Nga đã tường trình một cuộc gặp gỡ giữa Putin và nhà độc tài Belarus, trong đó Aleksandr Lukashenko đã đưa ra ý kiến rằng những người Nga muốn ra đi sau lệnh động viên của Putin nên để họ tự do ra đi. Nhiều người ngây thơ đã nán lại xem tình hình ra sao, lầm rằng muốn đi lúc nào cũng được.

Tuy nhiên, hôm nay tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russians Blocked From Leaving Country if on Military Register—Official”, nghĩa là “Quan chức cho biết: Người Nga bị chặn không cho rời khỏi đất nước nếu có tên trong danh sách bị gọi nhập ngũ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Vyacheslav Volodin, chủ tịch Hạ viện Nga, hôm thứ Năm cho biết những người Nga trong thành phần bị gọi nhập ngũ chiến đấu như một phần của sắc lệnh động viên bán phần của Vladimir Putin không được phép rời khỏi nơi họ sinh sống hoặc ra nước ngoài.

Volodin cho biết trên kênh Telegram của mình rằng các công dân nêu trên bị cấm rời khỏi nơi cư trú mà không được phép của thanh tra quân đội.

“Tôi xin lưu ý các bạn, theo Luật Liên bang số 31 'Về đào tạo và động viên ở Liên bang Nga,' những công dân trong thành phần dự bị, kể từ khi thông báo động viên được công bố, bị cấm rời khỏi nơi cư trú mà không được phép của các thanh tra quân đội”

Theo Gazeta.ru, Volodin cũng quy định rằng những công dân bị gọi nhập ngũ không được phép rời khỏi đất nước.

Nhận xét của ông trái ngược với lời giải thích của Bộ Quốc phòng Nga, vốn cho rằng lệnh động viên không áp đặt hạn chế đối với việc di chuyển của công dân.

Một cổng thông tin do chính phủ Nga ra mắt lưu ý rằng không có hạn chế nào đối với việc di chuyển của nam giới trong độ tuổi nhập ngũ dưới lệnh động viên bán phần của Putin.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận bổ sung.

Hôm thứ Tư, Volodin nói rằng danh sách những công dân rời khỏi đất nước đang được lập.

“Chúng tôi đang lập danh sách tất cả những người đang xếp hàng chờ để rời khỏi đất nước ngay bây giờ. Bạn nghĩ rằng họ rời đi mà không ai nhận ra họ là ai hoặc tại sao họ rời đi?” ông nói như trên với hãng thông tấn nhà nước Interfax của Nga.

Chủ tịch Hạ Viện không nói rõ danh sách sẽ được sử dụng để làm gì.

Volodin cũng đề nghị thảo luận về việc chuyển xe hơi của những công dân đã bỏ lại ở biên giới khi họ rời khỏi đất nước vì lệnh động viên bán phần của Putin. Ông nói rằng các chiếc xe hơi này nên được cấp cho gia đình của các binh sĩ đang chiến đấu ở Ukraine.

Tuần trước, chính trị gia này đã kêu gọi các dân biểu tham gia vào cuộc chiến Ukraine. Tuy nhiên, bản thân ông thì không tham gia vì vai trò quan trọng của ông với tư cách Chủ tịch Hạ Viện.

Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh người Nga di cư ồ ạt khỏi đất nước, các quan chức quốc phòng nói rằng có tới 300.000 quân dự bị sẽ được triệu tập để tham chiến ở Ukraine.

Phân tích của Bloomberg cho thấy có tới 200.000 người đã rời Nga sang các nước láng giềng kể từ khi ông Putin tuyên bố lệnh động viên bán phần vào ngày 21 tháng 9.

Theo Maxar Technologies, một công ty của Mỹ đã tạo ra hình ảnh vệ tinh về tuyến giao thông, đã có hàng dài phương tiện giao thông được nhìn thấy gần biên giới của Nga với nhiều quốc gia láng giềng, bao gồm Georgia, với lượng phương tiện tăng gần 10 dặm vào hôm thứ Ba.

Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Năm cho biết đã có một lượng lớn người Nga tìm cách trốn tránh lệnh động viên và đánh giá rằng số người đã bỏ trốn đã vượt quá tổng số những người tham hia cuộc chiến chống Ukraine khi nó bắt đầu vào tháng Hai.

6. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc nói rằng sự sáp nhập của Nga đánh dấu 'sự leo thang nguy hiểm'

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, António Guterres, đã cảnh báo Nga rằng việc sáp nhập các khu vực của Ukraine sẽ đánh dấu một “sự leo thang nguy hiểm” cho triển vọng hòa bình trong khu vực.

Phát biểu với báo giới, Guterres nói:

Mọi quyết định tiến hành sáp nhập các vùng Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine sẽ không có giá trị pháp lý và đáng bị lên án.

Nếu Nga tiến hành kế hoạch sáp nhập 4 khu vực của Ukraine, điều này sẽ “kéo dài những tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và cản trở khả năng của chúng tôi trong việc cung cấp viện trợ cứu người trên khắp Ukraine và hơn thế nữa”, ông Guterres nói thêm.

Công tác chuẩn bị đang được tiến hành cho buổi lễ tại Mạc Tư Khoa, nơi Tổng thống Vladimir Putin sẽ ký sắc lệnh chính thức sáp nhập 4 vùng bị chiếm đóng của Ukraine.

Quảng trường Đỏ của thủ đô Nga đã được phong tỏa trước buổi lễ, dự kiến diễn ra tại Sảnh đường St. George của Điện Cẩm Linh.

7. Nato cảnh báo về 'phản ứng kiên quyết' sau 'cố ý phá hoại' đường ống dẫn khí Nord Stream

Nato cho biết rò rỉ từ các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream dường như là “hành động phá hoại có chủ ý” và tuyên bố sẽ “phản ứng thống nhất và kiên quyết” đối với bất kỳ cuộc tấn công nào vào cơ sở hạ tầng quan trọng của họ.

Trong một tuyên bố, liên minh cho biết:

Tất cả những thông tin hiện có đều chỉ ra rằng đây là kết quả của những hành động phá hoại có chủ đích, liều lĩnh và thiếu trách nhiệm.

Những rò rỉ này gây ra rủi ro cho việc vận chuyển và hủy hoại môi trường đáng kể. Chúng tôi hỗ trợ các cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định nguồn gốc của thiệt hại.

Liên minh đã “cam kết chuẩn bị, ngăn chặn và bảo vệ chống lại việc sử dụng cưỡng bức năng lượng và các chiến thuật lai ghép khác”, tuyên bố tiếp tục.

Tổng Thư Ký Nato nhấn mạnh rằng “Bất kỳ cuộc tấn công có chủ ý nào nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Đồng minh sẽ được đáp ứng bằng một phản ứng thống nhất và kiên quyết”.

Các hình ảnh tình báo cho thấy tầu hải quân của Nga đã có mặt gần vùng xảy ra các vụ nổ.