Ngày 01-09-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:03 01/09/2023

18. Nên biết trinh khiết là đặc ân của Thiên Chúa, không nên nghĩ đến dựa vào sức mạnh của mình thì mới có thể giữ được, bởi vì con người dù lao tâm phí sức như thế nào chăng nữa, thì cũng không thể giữ được trinh khiết.

(Thánh Gatien)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:17 01/09/2023
38. PHU NHÂN HỎI HỌ

Vợ của quan là họ Ngũ 伍 (1), ỷ vào chồng mình là ông huyện nên rất là kiêu ngạo.

Một hôm, một đám bà vợ các thuộc hạ của quan đi ngang qua đường trước mặt bà, bà ta bèn chỉ một người trong đám, khinh miệt hỏi:

- “Mày họ gì?”

Người phụ nữ ấy cung kính đáp:

- “Họ Lục陸 ” (2).

Vợ quan rất không bằng lòng, trong lòng nghĩ:

- “Chồng ta làm quan lớn hơn chồng mày, ta họ Ngũ còn mày họ Lục lớn hơn ta à !”

Tiếp theo bà ta lại hỏi thêm một phụ nữ khác:

- “Mày họ gì?”

Trả lời:

- “Họ Thích戚 ” (3).

Vợ quan càng không vui, tức khí chạy đến chỗ làm việc của chồng kể tội:

- “Tôi họ Ngũ, chúng nó đều nói họ Sáu, họ Bảy; nếu còn hỏi tiếp thì chúng nhất định phải có họ Tám, họ Chín và họ Mười ! Không phải chúng nó cố tình bò trên đầu tôi hay sao?”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 38:

Có những vị phu nhân ỷ lại vào chức quyền của chồng để tác oai tác quái với người hàng xóm cô thế cùng cực; có những người vợ chỉ biết cậy vào địa vị của chồng để dọa nạt người khác…

Sách Huấn Ca đã chỉ rất rõ cho chúng ta thấy thế nào là người đàn bà xấu như sau:

“Tôi thà ở chung với sư tử hay rắn rết,

còn hơn chung sống với người đàn bà xấu xa.

Lòng độc ác biến đổi người đàn bà;

Mặt y thị tối sầm như mặt gấu.

Chồng thị ngồi ăn với hàng xóm láng giềng

Cứ buộc lòng phải thở than cay đắng.

Mọi gian ác chẳng thấm vào đâu

So với gian ác của người đàn bà;

Thị phải chịu số phận của phường tội lỗi.

Đàn ông trầm lặng sống với đàn bà lắm điều

Chẳng khác chi đôi chân cụ già phải leo lên đồi cát.” (Hc 25, 16-20)


Người đàn bà chỉ biết đỏng đảnh với chồng thì luôn là người đàn bà hách dịch với hàng xóm, người đàn bà hay khinh thường người khác là người đàn bà không biết kính trọng và dạy dỗ con cái của mình.

Người phụ nữ Ki-tô hữu dù họ mang thân phận nào đi chăng nữa, thì nơi họ cũng luôn tỏa nét sáng đức tin Ki-tô giáo trong cuộc sống của họ: dịu dàng và từ tâm.

(1) 伍 đọc là “ù” nghĩa là Ngũ, 五 cũng đọc là “ù” nghĩa là năm, đồng âm khác nghĩa.

(2) 陸 đọc là “lu” nghĩa là Lục, 六 cũng đọc là “liu” nghĩa là sáu.

(3)戚 đọc là “qi” nghĩa là Thích, 七 cũng đọc là “qi” nghĩa là bảy, đồng âm khác nghĩa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đi đúng đường Chúa
Lm. Nguyễn Xuân Trường
04:55 01/09/2023

ĐI ĐÚNG ĐƯỜNG CHÚA

Muốn đến đích phải chọn đi đúng đường. Có khi chẳng may bị lạc đường thì phải mất thêm công sức, thời gian đi mới tới đích. Và trong đường đời, nếu không đi đúng đường, nếu bị lầm đường lạc lối, thì ôi thôi mất cả đời người. Thế nên, Phúc Âm tuần này Chúa nhấn mạnh muốn theo Chúa thì phải đi cho đúng đường.

1. Đúng sai. Khi Chúa nói cho các môn đệ biết con đường Ngài đi là con đường lên Giêrusalem chịu nạn chịu chết để cứu độ nhân loại, thì Phêrô với tất cả thiện ý của mình đã can ngăn Chúa chớ có dại mà làm vậy, và ra sức lôi kéo Chúa đi con đường khác. Phêrô tưởng mình đúng nhưng lại hóa sai đến độ Chúa khiển trách ông là Xatan, tính toán theo tư tưởng thế gian chứ không phải tư tưởng của Chúa. Thế gian thì tính toán chăm lo cho bản thân mình, còn Chúa lại quên mình để lo cứu độ người khác.

2. Sống chết. Ai cũng khao khát sống. Hầu hết mọi người đều ham sống sợ chết. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã công bố một nghịch lý của sống chết: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” Hóa ra, sống đích thực không phải là chỉ nhằm nhằm lo cho mình sở hữu thật nhiều, có được cả thế giới, nhưng sống đích thực là bung ra khỏi vỏ bọc cái tôi bản thân, hy sinh quên mình vì người khác như Chúa Giêsu đã sống. Sống đích thực không phải là lo cho thân xác to béo, mà là lo cho tình yêu mở rộng như lời Thánh Vịnh diễn tả: “Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống.”

Thánh Phaolô đã khuyên nhủ: “Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa.” Đấy là con đường Chúa muốn chúng ta đi, con đường của lối sống dám hy sinh quên mình, vác thập giá mình, hiến dâng đời mình như của lễ tiến dâng Thiên Chúa và cống hiến cho cuộc đời. Amen.
 
Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành
Lm. Minh Anh
16:01 01/09/2023

NHÂN ĐÔI ÂN SỦNG
“Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành!”.

H. Taylor nói, “Chúa đặt tôi ở đâu hay như thế nào, không quan trọng! Ngài cân nhắc điều đó hơn tôi. Với vị trí khó khăn, Ngài sẽ dẫn dắt tôi nhiều hơn. Công việc của tôi chưa bao giờ khó khăn đến thế; nhưng sức nặng và căng thẳng đều biến mất. Vì nguồn lực của Ngài là của tôi, Ngài là của tôi. Càng khó khăn, ân sủng càng gấp bội!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Dụ ngôn ‘Các yến bạc’ hôm nay cho thấy, “Càng khó khăn, ân sủng càng gấp bội!”, và không ai có thể đứng lâu trong đời sống thiêng liêng. Hoặc bạn nhận được nhiều hơn hoặc bạn mất đi những gì đã có. Hoặc bạn tiến về phía Chúa hoặc bạn thụt lùi. Và quan trọng hơn! Bất cứ ai cũng có thể, ít nữa, ‘nhân đôi ân sủng’ Ngài ban!

Dụ ngôn cho thấy cả hai tôi tớ đầu tiên đã làm lợi gấp đôi số vốn. Ngay cả từ quan điểm thế tục, điều đó vẫn rất ấn tượng; tỷ suất lợi nhuận như vậy là rất hiếm. Nguyên nhân không phải do tài năng của họ; đúng hơn, nhờ ơn Chúa! Về bản chất, tất cả quà tặng Chúa ban là nhằm tăng trưởng. Ân sủng Chúa luôn tuôn chảy dồi dào; ai cộng tác với ân sủng, ân sủng không chỉ nhân đôi nhưng còn phát triển theo cấp số nhân.

Vậy Chúa đã ban cho bạn những món quà nào vì vinh hiển Ngài và các linh hồn? Có quà tặng nào đã bị chôn vùi, ứ đọng hay tệ hơn, được sử dụng vào những mục đích trái nghịch với kế hoạch thiêng liêng Chúa dành cho bạn? Một số món quà rõ ràng nhất là trí tuệ và ý chí; đây là những món quà được ban ở mức độ tự nhiên. Ngoài ra, bạn có thể có những tài năng vượt trội khác. Với những điều đó, Chúa thường ban dồi dào những ân tứ siêu nhiên khác khi bạn bắt đầu sử dụng những tài năng này.

Ví dụ, nếu bạn nỗ lực chia sẻ Lời Chúa cho người khác, Chúa sẽ cho bạn ơn yêu mến Lời, yêu mến việc cầu nguyện và yêu mến đào sâu những ân tứ siêu nhiên từ Thánh Kinh, từ kho tàng kiến thức và sự hiểu biết của các thánh, của các bậc tiền bối lỗi lạc. Từ đó, bạn sống Lời, trải nghiệm Lời; và chia sẻ Lời cũng như nói về Chúa và ý muốn của Ngài cho người khác trên cùng thế giới. Và càng chia sẻ, bạn càng mê say! Bấy giờ, ân sủng ở bạn không chỉ nhân đôi, nhân ba… nhưng nhân theo cấp luỹ thừa!

Trong thư gửi giáo đoàn Thessalônica hôm nay, Phaolô nói, “Anh em hãy tiến tới nhiều hơn nữa… Ai lo việc nấy và lao động bằng chính bàn tay của mình!”. Đừng sống ‘văn hoá nhàn rỗi’, bạn hãy lao động, không chỉ bằng đôi tay, nhưng còn bằng khối óc, và cả trái tim! Bởi lẽ, ngày kia, bạn phải trả lẽ trước Chúa như các tôi tớ trả lẽ khi Chủ về. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Chúa ngự đến xét xử muôn dân theo lẽ công bình!”.

Anh Chị em,

“Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành!”. Bạn có hy vọng sẽ nghe được như thế? Nếu e rằng không, những món quà Chúa ban sẽ giảm dần. Nhưng nếu bạn tự tin sẽ nhận được lời ấy, bạn sẽ thấy những món quà của Chúa phát triển theo nhiều cách khác nhau. Hãy cố gắng hiểu những hồng ân bạn đã nhận lãnh và quyết tâm sử dụng chúng triệt để cho vinh quang Chúa và các linh hồn. Được như vậy, ngày kia, bạn sẽ không mấy ngạc nhiên khi nghe Chúa nói, “Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con trở nên một ‘cán bộ dân sự!’. Cho con luôn là một thợ giỏi trong vườn nho yêu thương gieo trồng Lời Chúa mà đến ma quỷ cũng phải sợ!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 22 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:14 01/09/2023
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 16, 21-27.

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình.”


Bạn thân mến,

Đã có lần trong cuộc sống bạn và tôi đã từ bỏ: từ bỏ buổi đi nhậu với bạn bè để đi tham dự thánh lễ, từ buổi hẹn hò cùng người yêu để đi làm việc từ thiện, từ bỏ mọi sự của thế gian để đi tu dâng mình cho Chúa, từ bỏ quê hương để tha phương cầu thực tìm kế sinh nhai, từ bỏ cái này để chọn cái kia.v.v...

Tất cả những việc từ bỏ trên của bạn và của tôi đều rất đáng mừng, nhưng đó chưa phải là việc từ bỏ thật sự, bởi vì chúng ta chưa từ bỏ chính con người của mình, Đức Chúa Giê-su mời bạn và tôi từ bỏ chính mình, chứ không phải từ bỏ những gì thuộc về người khác.

Chưa từ bỏ chính con người của mình, thì rồi tất cả những gì mà chúng ta đã từ bỏ, dần dần chúng ta cũng sẽ thu góp lại, mà thu góp cách “nhiệt tình” hơn những người khác. Có nhiều người từ bỏ mọi sự để theo Chúa, trong đó có bạn và tôi, nhưng khi đạt được mục đích rồi thì gom góp lại những gì mà mình đã từ bỏ: thích có nhiều tiền, thích tranh giành chức vụ danh vọng, thích được mọi người ca tụng, thích làm theo ý riêng của mình. Tại sao vậy? Thưa, là bởi vì chúng ta chưa từ bỏ chính con người của mình, hay nói cách khác là chưa từ bỏ ý riêng của mình.

Bạn thân mến,

Đức Chúa Giê-su đã nói cách dứt khoác là nếu ai muốn theo Ngài thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Từ bỏ chính mình là từ bỏ ý riêng của mình, mà ý riêng chính là cái tôi ham muốn; vác thập giá mình là chu toàn bổn phận của mình trong cuộc sống hằng ngày, bổn phận của người Ki-tô hữu, bổn phận của kẻ làm cha làm mẹ, bổn phận của những con cái đối với cha mẹ.v.v...

Chúng ta nói từ bỏ nhưng chúng ta chưa thực hành từ bỏ, chúng ta nói vác thập giá mình, nhưng chúng ta đem thập giá của mình cho người khác vác, còn bản thân mình thì nhởn nhơ dạo phố ngắm cảnh hưởng thụ...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đầu tư cho cuộc sống mai sau
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
16:19 01/09/2023


Đầu tư không đúng chỗ

Hầu như mọi hoạt động, mọi nỗ lực của nhiều người đều quy về việc củng cố, đầu tư cho thân xác, cho cuộc đời tạm thời vắn vỏi của mình. Người ta dành trọn 24 giờ mỗi ngày để chăm lo cho thân xác: giờ ăn, giờ ngủ, giờ giải trí vui chơi, giờ làm việc nuôi thân xác... Và cứ thế cho đến mãn đời.

Bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của, tài năng, trí tuệ, nghị lực… đều được dốc ra để đầu tư cho thân xác, cho cuộc sống tạm bợ đời nầy, để rồi đến lúc cuối đời, người ta thu hoạch được một nắm xương hay chỉ là một lọ tro tàn sau khi thiêu xác! Nhưng làm sao để tránh khỏi kết cục bi thảm nầy? Làm cách nào để đạt tới một thành quả tươi sáng hơn?

Đầu tư cho đời sống mai sau

Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su đề nghị một giải pháp khôn ngoan. Ngài dạy chúng ta đầu tư đúng hướng để được hưởng lợi nhuận vững bền. Đó là đầu tư cho đời sống mai sau bằng cách từ bỏ mình và vác thập giá. Ngài nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).

- “Từ bỏ chính mình” tức là đừng dồn tất cả mọi vốn liếng ta có để vun đắp cho cuộc sống đời nầy; không dành toàn bộ công sức, thời gian, tài năng, trí tuệ để phụng sự thân xác. - “Vác thập giá mình” là chấp nhận hy sinh, là khước từ những đam mê tội lỗi… để dành thời giờ và khả năng để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Sở dĩ Chúa Giê-su dạy như thế là vì “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Chúa, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16, 26).

Thánh Phanxicô Xavie lúc còn thanh xuân muốn đầu tư hết tài năng, sức lực để chiếm hữu địa vị xã hội và vinh hoa thế gian. May thay, Thiên Chúa đã gửi đến cho anh người bạn tốt, đó là thánh Inhaxiô. Inhaxiô thường dùng lời vàng Chúa dạy hôm nay để nhắc bảo Phanxicô: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” Ánh sáng của Lời Chúa đã loé lên trong tâm hồn chàng trai đầy tham vọng trần thế và đã xoay chuyển cuộc đời anh. Phan-xi-cô không còn theo đuổi phù du ảo ảnh đời nầy để dấn thân không mệt mỏi vào những vùng đất xa xôi, chinh phục các linh hồn cho Thiên Chúa nên đã được hạnh phúc vinh hiển muôn đời. Lạy Chúa Giê-su, Xin cho Lửa Thánh Linh soi chiếu tâm hồn để chúng con nhận ra rằng con người gồm cả hồn lẫn xác. Thân xác nầy nay còn mai mất và rốt cục chỉ còn là tro bụi thì chỉ cần đầu tư vừa phải. Còn linh hồn trường tồn bất diệt thì phải đầu tư cho hồn nhiều lần hơn để mai sau được hưởng vinh phúc muôn đời với Chúa. Amen.

 
Thánh Lễ Chúa Nhật 22 Mùa Quanh Năm 3/9 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
23:51 01/09/2023


BÀI ĐỌC 1 Gr 20:7-9

Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.

Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ.

Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.

Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con.

Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên: “Bạo tàn! Phá huỷ!”

Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày.

Có lần con tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người,

cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.”

Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim,

âm ỉ trong xương cốt.

Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Rm 12:1-2

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.

Đó là lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG x. Ep 1:17-18

Alleluia. Alleluia.

Xin Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta,

soi trí mở lòng cho chúng ta thấy rõ, đâu là niềm hy vọng, mà ơn người kêu gọi đem lại cho chúng ta.

Alleluia.

TIN MỪNG Mt 16:21-27

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Từ khi ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, thì Đức Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?

“Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên sứ của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.”

Đó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Phanxicô đã đáp xuống Ulan Bator thủ đô Mông Cổ
Vũ Văn An
01:54 01/09/2023

Cuộc viếng thăm của Đức Phanxicô, đúng như lời ngài phát biểu trên chuyến bay từ Rôma tới Ulan Bator, diễn ra khá âm thầm mặc dù được tiếp đón rất long trọng và thân tình tại Sân Bay Ulan Bator. Quả thực, ngoài bản tin của Vatican News, ít cơ quan truyền thông nào tường thuật chi tiết nghi thức đón tiếp ngài tại Sân Bay.



Tờ Montsame tiếng Anh của Mông Cổ, và dường như của chính phủ (https://montsame.mn/en/read/325709), chỉ đơn giản đưa tin rất vắn tắt rằng: “Vị đứng đầu Tòa Thánh, Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Mông Cổ cho một cuộc viếng thăm cấp nhà nước theo lời mời của Tổng Thống Mông Cổ Khurelsukh Ukhnaa. Ngoại trưởng B. Battsetseg đã nghinh đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô lúc ngài đặt chân xuống Phi Trường Quốc Tế Chinggis Khaan, Mông Cổ. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của vị Đứng Đầu Tòa Thánh tới Mông Cổ và là chuyến tông du thứ 43 của ngài. Trên 150 ký giả khắp thế giới cũng đã tới Mông Cổ để tường trình chuyến viếng thăm”.

Trong một tường trình khác, tựa là ‘Chào Đón ngài tới Mông Cổ, thưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô”, tờ này không cho biết họ chào đón ngài ra sao, chỉ nhắc lại mục đích chuyến viếng thăm dựa vào lời của ngài trong buổi đọc kinh Truyền Tin: “Đây là một chuyến viếng thăm hết lòng mong ước, sẽ là cơ hội để ôm hôn một Giáo Hội tuy nhỏ về số lượng, nhưng sinh động trong đức tin và vĩ đại trong đức ái”; và nhận định của Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo Chí của Tòa Thánh: trọng tâm của toàn bộ chuyến đi là gặp gỡ cộng đồng Công Giáo nhỏ bé của Mông Cổ, có khoảng 1,500 tín hữu. Ông cũng cho rằng mối liên hệ giữa hai quốc gia có từ thế kỷ 13, mở rộng thành liên hệ ngoại giao năm 1992, và phát triển thâm hậu trong hơn 30 năm nay kể từ khi các nhà truyền giáo Công Giáo đầu tiên được phái đến Mông Cổ. Ông Matteo Bruni cho biết hơn một nghìn tín hữu từ nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Thái Lan, Kazakhstan, Cộng hòa Kyrgyzstan, Azerbaijan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, sẽ cùng các tín hữu cư trú tại Mông Cổ tham dự Thánh lễ, một cuộc gặp gỡ với cộng đồng Công Giáo, tại Steppe Arena vào ngày 3 tháng 9.

“Cũng vào ngày 3 tháng 9, Đức Giáo Hoàng sẽ chủ trì một sự kiện đại kết và liên tôn tại Nhà hát Hun, trong đó các đại diện của Đạo Shaman, Thần đạo, Phật giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo và các tôn giáo khác sẽ tham gia. Sự kiện này đưa ra một dấu hiệu về ơn gọi chung sống hòa bình vốn là nét đặc trưng của người dân Mông Cổ trong nhiều thập niên”, ông Bruni nhấn mạnh. Quan chức chính phủ và đại diện các trường đại học sẽ có mặt tại cuộc họp.

Vào cuối buổi họp báo, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh Matteo Bruni nhắc lại những lời của Đức Giáo Hoàng trong Kinh Truyền tin vừa qua: “Đức Thánh Cha đã nói rất rõ ràng vào Chúa nhật: ngài sẽ đi Mông Cổ, ngài mong muốn cuộc gặp gỡ mà ngài mong chờ với niềm hạnh phúc và sự tôn trọng lớn lao. Ngài rất mong muốn được gặp gỡ mọi người. Tôi sẽ không nói thêm gì nữa. Cuộc hành trình là đến Mông Cổ."

Chỉ có thế, và sau đó, họ cho đăng lịch trình thăm viếng của Đức Phanxicô tại Mông Cổ.



Theo VaticanNews, tại phi trường Chinggis Khaan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô được đón tiếp bởi Đức Ông Fernando Duarte Barros Reis, Tùy viên tại Tòa Sứ thần Tòa thánh ở Mông Cổ, và bởi Đại sứ Mông cổ bên cạnh Tòa Thánh, Ms Davaasuren Gerelmaa, và sau đó bởi các viên chức Giáo Hội và chính phủ, đứng đợi ngài tại sân bay. Đội Quân Danh dự của Quốc gia Mông Cổ, dàn hàng trong đồng phục đỏ, lam và vàng, đầu đội mũ sắt, vốn nhắc đến các chiến binh Mông Cổ thời xa xưa, đón rước ngài. Trong nghi lể nghinh đón này, một thiếu nữ Mông Cổ, vận y phục truyền thống, đã dâng Đức Giáo Hoàng một ly “Aaruul”, sữa chua nấu chín, làm từ sữa gia súc, bò Tây Tạng và lạc đà, tượng trưng văn hóa du mục của dân tộc Mông Cổ, vốn là thức uống khi đi du hành của họ. Đức Giáo Hoàng đã vui vẻ nhận ly sữa và uống một chút.
 
Thư mục vụ của Đức Cha Joseph Strickland, Giám Mục giáo phận Tyler, Texas
J.B. Đặng Minh An dịch
05:18 01/09/2023


Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô:

Nguyện xin tình yêu và ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, luôn ở trên anh chị em!

Trong thời điểm hỗn loạn lớn lao này trong Giáo hội và trên thế giới, tôi phải nói với anh chị em từ trái tim của một người cha để cảnh báo anh chị em về những tệ nạn đang đe dọa chúng ta, và để bảo đảm với anh chị em về niềm vui và hy vọng luôn có trong Chúa Giêsu Kitô. Thông điệp xấu xa và sai lầm đã xâm chiếm Giáo hội, Hiền thê của Chúa Kitô, đó là Chúa Giêsu chỉ là một trong số rất nhiều người, và thông điệp của Ngài không cần thiết phải được chia sẻ với toàn thể nhân loại. Ý tưởng này phải bị xa lánh và bác bỏ mọi lúc mọi nơi. Chúng ta phải chia sẻ tin vui rằng Chúa Giêsu là Chúa duy nhất của chúng ta, và Ngài mong muốn toàn thể nhân loại mãi mãi có thể đón nhận sự sống đời đời trong Ngài.

Một khi chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là sự mặc khải viên mãn và là sự hoàn thành kế hoạch cứu rỗi của Chúa Cha cho toàn thể nhân loại trong mọi thời đại, và chúng ta hết lòng đón nhận điều này, thì chúng ta có thể giải quyết những lỗi lầm khác đang hoành hành Giáo Hội của chúng ta và thế giới của chúng ta được tạo ra bởi sự xa rời Sự Thật.

Trong thư Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Galát, ngài viết:

“Tôi lấy làm ngạc nhiên, khi thấy anh em trở mặt mau lẹ như thế với Đấng đã kêu gọi anh em nhờ ân sủng của Đức Kitô, để theo một Tin Mừng khác. Không có Tin Mừng nào khác đâu, mà chỉ có một vài kẻ phá rối anh em, và muốn làm xáo trộn Tin Mừng của Đức Kitô đó thôi. Nhưng nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi!” (Gal 1:6-9)

Với tư cách là người cha tinh thần của anh chị em, tôi cảm thấy điều quan trọng là phải nhắc lại những chân lý cơ bản sau đây mà Giáo hội luôn hiểu từ thời xa xưa, và nhấn mạnh rằng Giáo hội tồn tại không phải để xác định lại các vấn đề đức tin, mà là để bảo vệ Kho tàng Đức tin như đã được chính Chúa chúng ta truyền lại cho chúng ta qua các tông đồ, các thánh và các vị tử đạo. Một lần nữa, theo lời cảnh báo của Thánh Phaolô đối với giáo đoàn Galát, bất kỳ nỗ lực nào nhằm bóp méo sứ điệp Tin Mừng đích thực đều phải bị bác bỏ một cách dứt khoát vì nó gây tổn hại cho Hiền Thê của Chúa Kitô và các thành viên cá nhân của Người.

Chúa Kitô đã thành lập Một Giáo Hội duy nhất—Giáo Hội Công Giáo—và do đó, chỉ có Giáo Hội Công Giáo mới cung cấp sự thật trọn vẹn của Chúa Kitô và con đường đích thực dẫn đến sự cứu rỗi của Ngài cho tất cả chúng ta.

Bí tích Thánh Thể và mọi bí tích đều do Thiên Chúa thiết lập chứ không phải do con người phát triển. Bí tích Thánh Thể thực sự là Mình và Máu, Linh hồn và Thiên tính của Chúa Kitô, và việc rước lễ một cách không xứng đáng (tức là trong tình trạng phạm tội nặng, không ăn năn) là một sự phạm thánh tàn khốc đối với cá nhân và đối với Giáo hội. (1 Cô-rinh-tô 11:27-29)

Bí tích Hôn phối được Thiên Chúa thiết lập. Qua Luật Tự Nhiên, Thiên Chúa đã thiết lập hôn nhân giữa một người nam và một người nữ chung thủy với nhau suốt đời và rộng mở với con cái. Nhân loại không có quyền hay khả năng thực sự để định nghĩa lại hôn nhân.

Mỗi con người đều được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, nam hay nữ, và tất cả mọi người cần được giúp đỡ để khám phá ra căn tính thực sự của mình là con Thiên Chúa, và không thể bị xô đẩy trong một nỗ lực vô trật tự nhằm bác bỏ căn tính sinh học và căn tính do Chúa ban cho mình..

Hoạt động tình dục ngoài hôn nhân luôn là tội trọng và không thể được tha thứ, chúc lành hoặc được cho phép bởi bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào trong Giáo hội.

Niềm tin rằng tất cả đàn ông và phụ nữ sẽ được cứu bất kể họ sống cuộc sống như thế nào (một khái niệm thường được gọi là chủ nghĩa phổ quát) là sai lầm và nguy hiểm, vì nó mâu thuẫn với những gì Chúa Giêsu nói với chúng ta nhiều lần trong Tin Mừng. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Người”. (Mátthêu 16:24) Ngài đã ban cho chúng ta con đường, nhờ ân sủng của Ngài, để chiến thắng tội lỗi và sự chết qua sự ăn năn và xưng tội trong bí tích. Điều thiết yếu là chúng ta phải đón nhận niềm vui và hy vọng cũng như sự tự do đến từ sự sám hối và khiêm nhường thú nhận tội lỗi của mình. Qua việc sám hối và xưng tội trong bí tích, mỗi trận chiến với cám dỗ và tội lỗi có thể là một chiến thắng nhỏ dẫn chúng ta đến với chiến thắng vĩ đại mà Chúa Kitô đã giành được cho chúng ta.

Để bước theo Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải sẵn lòng chọn vác thập giá của mình thay vì cố gắng trốn tránh thập giá và đau khổ mà Chúa ban cho mỗi người chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Mầu nhiệm đau khổ cứu chuộc—tức là đau khổ mà Chúa cho phép chúng ta trải nghiệm và chấp nhận trong thế giới này rồi dâng lại cho Ngài trong sự hiệp nhất với đau khổ của Ngài—làm chúng ta khiêm nhường, thanh lọc chúng ta và lôi kéo chúng ta sâu hơn vào niềm vui của một cuộc sống được sống trong Chúa Kitô. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải tận hưởng hoặc tìm kiếm đau khổ, nhưng nếu chúng ta kết hợp với Chúa Kitô, khi trải nghiệm những đau khổ hàng ngày của mình, chúng ta có thể tìm thấy niềm hy vọng và niềm vui tồn tại giữa đau khổ và kiên trì đến cùng trong mọi đau khổ của mình. (x. 2 Tim 4:6-8)

Trong những tuần và tháng tới, nhiều sự thật trong số này sẽ bị đem ra bàn cãi như một phần của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị. Chúng ta phải bám chặt vào những chân lý này và cảnh giác với bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa ra một giải pháp thay thế cho Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, hoặc thúc đẩy một đức tin nói về đối thoại và tình huynh đệ, trong khi cố gắng loại bỏ tư cách làm cha của Thiên Chúa. Khi chúng ta tìm cách đổi mới những gì Chúa đã ban cho chúng ta với lòng thương xót lớn lao của Ngài, chúng ta thấy mình đang ở trên vùng đất nguy hiểm. Chỗ đứng chắc chắn nhất mà chúng ta có thể tìm thấy là giữ vững những lời dạy lâu đời của đức tin.

Đáng tiếc là có thể một số người sẽ coi những người không đồng ý với những thay đổi được đề xuất là những kẻ ly giáo. Tuy nhiên, hãy yên tâm rằng không ai kiên định theo đúng đường lối đức tin Công Giáo của chúng ta lại là người ly giáo. Chúng ta phải tiếp tục là người Công Giáo chân chính và không nao núng, bất kể điều gì có thể xảy ra. Chúng ta cũng phải ý thức rằng Giáo hội không thể đứng vững trước những thay đổi được đề xuất này. Như Thánh Phêrô đã nói: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”(Ga 6:68) Vì vậy, đứng vững không có nghĩa là chúng ta tìm cách rời bỏ Giáo hội. Thay vào đó, những người đề xuất những thay đổi vốn không thể thay đổi lại tìm cách chiếm hữu Giáo hội của Chúa Kitô, và họ mới là những kẻ ly giáo thực sự.

Tôi thúc giục anh chị em, những người con trai và con gái của tôi trong Chúa Kitô, rằng bây giờ là lúc để bảo đảm rằng anh chị em đứng vững trên đức tin Công Giáo của mọi thời đại. Tất cả chúng ta đều được tạo dựng để tìm kiếm Con đường, Sự thật và Sự sống, và trong thời đại hỗn loạn hiện đại này, con đường đích thực là con đường được chiếu sáng bởi ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô, vì Sự thật có một khuôn mặt và thực sự đó là khuôn mặt của Ngài. Hãy yên tâm rằng Ngài sẽ không bỏ rơi Hiền Thê của Ngài.

Tôi luôn vẫn là người cha và người đầy tớ khiêm tốn của anh chị em,

+ Đức Cha Joseph E. Strickland

Giám mục của Tyler


Source:catholicism.org

 
Trung quốc cấm các Giám mục Lục địa tới Mông Cổ nghinh đón Đức Phanxicô
Vũ Văn An
14:54 01/09/2023

Tờ America của các Cha Dòng Tên Mỹ cho hay: Không có giám mục nào từ Trung Quốc đại lục được phép đến Mông Cổ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực hiện chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tới quốc gia không giáp biển rộng lớn này nằm giữa Trung Quốc và Nga.



Tờ America đã biết được từ Vatican và các nguồn thông tin khác, những người không được phép phát biểu công khai, rằng mặc dù chính quyền ở Bắc Kinh đã cho phép máy bay ITA Airways chở Đức Giáo Hoàng bay qua không phận Trung Quốc trên chuyến bay từ Rome đến Ulaanbaatar và trên chuyến bay trở về của ngài, họ đã không cho phép bất cứ giám mục hay người Công Giáo nào từ Trung Quốc đại lục đến thủ đô Mông Cổ để đón Đức Giáo Hoàng đến thăm. Lệnh cấm các giám mục và người Công Giáo đến Mông Cổ để hội ngộ với Đức Giáo Hoàng phát xuất từ Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trung Quốc và Tòa thánh đã ký một thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc đại lục vào ngày 22 tháng 9 năm 2018, và một cuộc đối thoại đã diễn ra giữa hai bên, mặc dù mối quan hệ không phải là không có khó khăn. Lệnh cấm sẽ là nguồn gốc gây thất vọng đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tòa Thánh, đặc biệt vì kể từ khi ký kết thỏa thuận tạm thời, đã được gia hạn hai lần—vào tháng 10 năm 2020 và tháng 10 năm 2022—tất cả các giám mục Công Giáo ở Trung Quốc đại lục hiện đang ở trong hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, bao gồm cả những vị ban đầu được chính phủ bổ nhiệm mà không có sự chấp thuận của Vatican. Lệnh cấm nói rõ rằng các giám mục Trung Quốc đại lục không được hưởng quyền tự do giống như các giám mục ở các quốc gia khác nay được gặp Đức Thánh Cha hoặc tham gia các sự kiện phổ quát của giáo hội.

Đồng thời, tờ America được biết rằng ba giám mục Trung Quốc từ Hồng Kông và Ma Cao đã đến thủ đô của Mông Cổ. Đức Hồng Y John Tong Hon, vị giám mục danh dự của Hồng Kông, đã đến cùng với một nhóm 30 người Công Giáo từ giáo phận đó. Giám mục hiện tại của Hồng Kông, Đức Hồng Y tân cử Stephen Chow, S.J., cũng đã đến, cũng như giám mục của Ma Cao, Stephen Lee Bun-sang.

Một nguồn tin thông thạo nói với tờ America rằng chính quyền Trung Quốc chưa đưa ra lý do cấm các giám mục đại lục đến Mông Cổ. Với mối quan hệ tốt đẹp giữa Mông Cổ và Trung Quốc, lệnh cấm này dường như không chỉ phản ảnh tình trạng khó chịu hiện tại trong mối quan hệ Trung Quốc-Vatican mà còn phản ảnh nỗi sợ hãi của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng. Mặc dù Mông Cổ đã theo đuổi một chính sách độc lập hơn kể từ khi giành lại được độc lập hoàn toàn vào đầu những năm 1990 (nước này là một quốc gia vệ tinh của Liên Xô trong phần lớn thế kỷ 20), tuy nhiên Mông Cổ vẫn có quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và ngược lại, theo Liên hợp quốc, Trung Quốc cũng trở thành đối tác thương mại và nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất của Mông Cổ.

Các giám mục từ một số quốc gia châu Á cũng sẽ cùng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Ulaanbaatar, thủ đô nơi gần một nửa trong số 3.4 triệu công dân Mông Cổ sinh sống và là nơi Đức Giáo Hoàng sẽ ở lại cho đến ngày 4 tháng 9 khi ngài trở về Rome. Các giám mục này bao gồm Đức Hồng Y Yeom Soo-Jung và các giám mục khác đến từ Hàn Quốc, Đức Hồng Y Francis Xavier Kriengsak Kovithavanij đến từ Thái Lan, và các giám mục đến từ Việt Nam, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Azerbaijan. Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Yangon, Myanmar, Charles Maung Bo, chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, cũng dự kiến sẽ có mặt tại Mông Cổ trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng.

Ngoài nhiều người trong số hơn 1,400 người Công Giáo Mông Cổ từ chín giáo xứ trên vùng đất rộng lớn này, nơi Giáo Hội Công Giáo đã tồn tại trở lại trong 30 năm qua, cũng sẽ có những người Công Giáo đến từ Hàn Quốc, Hồng Kông và các quốc gia khác trong cộng đoàn chừng 3,000 tín hữu sẽ tham dự Thánh lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành tại Steppe Arena ở Ulaanbaatar vào chiều Chúa nhật, ngày 3 tháng 9.

Vào sáng Chúa nhật, một sự kiện đại kết và liên tôn quan trọng sẽ diễn ra tại Nhà hát Hun của thủ đô. Người Công Giáo sẽ cùng với đại diện của các tôn giáo khác, bao gồm cả Phật giáo chịu ảnh hưởng của Tây Tạng ở Mông Cổ, vốn là tôn giáo của khoảng 50% dân số.

Trên chuyến bay kéo dài gần chín tiếng rưỡi từ Rome đến Ulaanbaatar, Đức Giáo Hoàng Phanxicô được sự tháp tùng của Đức Hồng Y Pietro Parolin, quốc vụ khanh; Miguel Ángel Ayuso Guixot, Bộ trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn; Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Quan hệ Đại kết; và Tổng giám mục Edgar Peña Parra, phó quốc vụ khanh, và Paul Gallagher, ngoại trưởng phụ trách quan hệ với các chính phủ. Đức Hồng Y Luis Tagle, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo cho các Dân tộc, đã đến thủ đô của Mông Cổ. 66 nhân viên truyền thông được Vatican công nhận, bao gồm cả phóng viên Vatican của tờ America, cũng tháp tùng Đức Thánh Cha trên máy bay, cùng với các nhân viên an ninh và y tế của Vatican.
 
Gặp Tổng thống và các nhà cầm quyền Mông Cổ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô noí: ‘Mông Cổ là biểu tượng của tự do tôn giáo’
Vũ Văn An
23:21 01/09/2023

Courtney Mares của CNA ngày 1 tháng 9 năm 2023, tường trình rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gọi Mông Cổ là “biểu tượng của tự do tôn giáo” trong bài phát biểu đầu tiên của ngài tại quốc gia châu Á nằm giữa Trung Quốc và Nga và nhấn mạnh chính phủ dân chủ của Mông Cổ đang ở một vị trí độc nhất để đóng “một vai trò quan trọng thay mặt cho hòa bình thế giới”.



Trong bài phát biểu trước các cơ quan chính phủ tại Cung điện Nhà nước Mông Cổ ở Ulaanbaatar vào ngày 2 tháng 9, Đức Giáo Hoàng đã cầu xin Chúa ban cho “trái đất bị tàn phá bởi vô số xung đột” một sự đổi mới và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trong bài phát biểu với các nhà lãnh đạo dân chủ Mông Cổ, và đoàn ngoại giao, Đức Giáo Hoàng nói: “Cầu mong những đám mây đen của chiến tranh được xua tan, bị cuốn đi bởi ước muốn vững chắc về một tình huynh đệ phổ quát, trong đó những căng thẳng được giải quyết thông qua gặp gỡ và đối thoại, và các quyền cơ bản của tất cả mọi người được đảm bảo”.

Phát biểu cách biên giới Mông Cổ với Nga 200 dặm, Đức Giáo Hoàng kêu gọi: “Chúng ta hãy cùng nhau cố gắng xây dựng một tương lai hòa bình”.

Đội cận vệ danh dự Mông Cổ đứng canh gác trước Cung điện Nhà nước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Quảng trường Sukhbaatar của thủ đô vào sáng thứ Bảy. Quảng trường được xây dựng tại nơi Damdin Sükhbaatar, một anh hùng cách mạng Mông Cổ, tuyên bố độc lập của Mông Cổ khỏi Trung Quốc vào năm 1921.

Những người hành hương Công Giáo từ Hồng Kông và Trung Quốc đại lục nằm trong đám đông nhỏ khoảng vài trăm người chào đón Đức Giáo Hoàng đến quốc gia có chủ quyền dân cư thưa thớt nhất thế giới. Một số người Công Giáo đến thăm từ Trung Quốc đã đeo khẩu trang và kính râm để che giấu danh tính, một minh chứng cho sự khác biệt rõ rệt về tự do tôn giáo ở quốc gia phía bên kia biên giới phía nam Mông Cổ.

Những người qua đường Mông Cổ khác đã dừng lại để gặp Đức Giáo Hoàng, trong đó có Tuvshin, 38 tuổi, một Kitô hữu đến từ Ulaanbaatar.

Tuvshin nói với CNA rằng ông tin rằng Mông Cổ nằm trong “một khu vực lân cận khó khăn giữa Nga và Trung Quốc”.

“Vì vậy tôi nghĩ ngài [Đức Giáo Hoàng Phanxicô] có nhiều lý do lớn hơn để thực hiện chuyến hành hương này tới Mông Cổ,” ông nói.

Mông Cổ có mối quan hệ chặt chẽ với các nước láng giềng địa lý là Trung Quốc và Nga cũng như mối quan hệ ngoại giao quan trọng với Hoa Kỳ, nước mà Mông Cổ gọi là “hàng xóm thứ ba”.

“Mông Cổ ngày nay, với mạng lưới quan hệ ngoại giao rộng lớn… đóng một vai trò quan trọng ở trung tâm lục địa châu Á rộng lớn và trên trường quốc tế”, Đức Giáo Hoàng nói.

Mối liên hệ ngoại giao của Vatican với Mông Cổ đã có từ gần 800 năm trước. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại việc Tu sĩ Gioan xứ Pian del Carpine đã đến thăm hoàng đế Mông Cổ thứ ba, Guyug, vào năm 1246 với tư cách là phái viên của Đức Giáo Hoàng và trình lên Đại hãn một công văn chính thức của Giáo hoàng Innocent IV.

Bức thư phản hồi mang dấu ấn của Đại hãn bằng chữ Mông Cổ truyền thống có thể được tìm thấy trong Thư viện Vatican ngày nay. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tặng một bản sao của tài liệu lịch sử này như một món quà cho các nhà lãnh đạo Mông Cổ như một “dấu hiệu của tình hữu nghị lâu đời đang phát triển và được đổi mới”.



Ngày nay Mông Cổ là quê hương của khoảng 1,450 người Công Giáo, ít hơn 1% trong tổng số 3.3 triệu người của cả nước.

“Tôi hài lòng rằng cộng đồng [Công Giáo] này, dù nhỏ bé và kín đáo, chia sẻ một cách nhiệt tình và cam kết vào tiến trình phát triển của đất nước bằng cách truyền bá văn hóa liên đới, tôn trọng phổ quát và đối thoại liên tôn, cũng như bằng cách hoạt động vì công lý, hòa bình và sự hòa hợp xã hội,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói.

Đức Giáo Hoàng cũng nói về những đóng góp tích cực của các truyền thống tôn giáo khác ở Mông Cổ, một quốc gia đa số theo Phật giáo.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, “tầm nhìn toàn diện của truyền thống pháp sư Mông Cổ, kết hợp với việc kính trọng mọi sinh vật thừa hưởng của triết lý Phật Giáo, có thể góp phần đáng kể vào các cố gắng khẩn trương và không hể trì hoãn phải bảo vệ và bảo tồn hành tinh Trái Đất”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phát biểu trước khoảng 700 người tại Hội trường Ikh Mongol của Cung điện Nhà nước khi ngồi cạnh Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khürelsükh. Đức Giáo Hoàng hoan nghênh những nỗ lực của Mông Cổ trong việc thúc đẩy nhân quyền, bãi bỏ án tử hình và “quyết tâm ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân” với tư cách là một quốc gia không có vũ khí hạt nhân.

Đức Giáo Hoàng cũng ca ngợi các phương pháp chăn nuôi và trồng trọt truyền thống của Mông Cổ vì tôn trọng “sự cân bằng mong manh của hệ sinh thái”, đồng thời nói thêm rằng chúng cung cấp một tấm gương cho những người “từ chối việc theo đuổi những sở thích đặc biệt cận thị và thay vào đó mong muốn truyền lại những vùng đất còn sót lại cho thế hệ tương lai, những vùng đất mãi có tính chào đón và sinh hoa trái.”

Sau bài phát biểu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp riêng Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrai Oyun-Erdene bên trong Cung điện Nhà nước.

“Tôi chắc chắn rằng người Công Giáo Mông Cổ sẽ tiếp tục sẵn sàng đóng góp xứng đáng cho việc xây dựng một xã hội thịnh vượng và an toàn, trong đối thoại và hợp tác với tất cả những người khác đang sinh sống trên vùng đất vĩ đại được bầu trời ôm hôn này”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày Thế Giới Ông Bà _Gx Vạn Thắng và Tụy Hiền Tgp. Hà Nội
BTT Gx. Tụy Hiền
18:15 01/09/2023

Ngày Thế Giới Ông Bà tại Giáo xứ Vạn Thắng và Tụy Hiền Tgp. Hà Nội
Xem Hình
Nhân Ngày Thế giới ông bà và người cao tuổi lần thứ III, ngày 23/7/2023, Cha xứ An-tôn Nguyễn Văn Độ đã tổ chức Thánh lễ cầu nguyện đặc biệt cho những người cao niên tại Giáo họ Đông Mỹ thuộc Giáo xứ Tụy Hiền.

Ngày Thế giới ông bà và người cao tuổi được cử hành mỗi năm trong toàn Giáo hội vào Chúa nhật thứ IV của tháng Bảy (gần ngày 26/7 – lễ nhớ thánh Gioakim và Anna, ông bà của Chúa Giê-su) Năm 2023, Đức Thánh Cha đã chọn câu chủ đề cho ngày lễ nằm trong Tin Mừng theo thánh Luca chương 1 câu 50: “Ðời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.

Trước đó, Cha xứ An-tôn, quý thầy cùng các bạn trẻ đã tới thăm và tặng quà các ông bà thuộc hai Giáo xứ Tụy Hiền và Vạn Thắng. Những tâm tình của Cha xứ gửi tới quý ông bà cao niên đong đầy tình cảm và thao thức của vị mục tử đang từng ngày dấn thân cho sứ vụ tông đồ, thêm vào đó là sự xúc động, biết ơn được đan quyện với những câu chuyện đời thường càng làm cho cuộc gặp gỡ thêm niềm vui và ấm áp tình Chúa, tình người.

Đúng 8h00, Chúa nhật XVI thường niên, cộng đoàn dân Chúa thuộc hai Giáo xứ Vạn Thắng và Tụy Hiền đã quy tụ về ngôi nhà thờ Giáo họ Đông Mỹ để thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa qua giờ Chầu Thánh Thể.

Đặc biệt trong ngày này, Cha xứ An-tôn đã tổ chức cuộc hội thảo xoay quanh chủ đề của Ngày Thế giới ông bà và người cao tuổi lần thứ III “Ðời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50). Tham dự buổi hội thảo có sự hiện diện của Cha xứ An-tôn; Cha phó Micae Nguyễn Hoàng Nam, thường trực tại Giáo xứ Vạn Thắng; thầy quê hương Giu-se Trần Văn Hưng, cùng hai gia đình với bốn thế hệ thuộc Giáo họ Đông Mỹ là gia đình ông bà Bạch Văn Hán và Bà Anna Nguyễn Thị Ngánh, gia đình bà Ma-ri-a Hoàng Thị Bản và con cháu, cùng đông đảo quý ông bà của hai Giáo xứ.

Trước hết, Cha xứ An-tôn đã nói lên lý do và ý nghĩa của ngày thế giới ông bà và người cao tuổi. Ngài nói: “con cháu phải đón nhận những người già với tình yêu và lòng thảo hiếu, bởi vì mỗi người già là một cuốn sách quý giá không có chữ. Đời sống của người già là một kho tàng quý giá về đức tin và kinh nghiệm. Cuốn sách cuộc đời của người già chỉ có thể đọc được bằng trái tim được thể hiện qua sự quan tâm, lắng nghe và vâng lời của con cháu”. Bên cạnh đó, Cha xứ cũng trích dẫn lời của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô để mời gọi người trẻ hãy quan tâm đến những người cao tuổi, đặc biệt là người trong gia đình nhà mình qua việc thăm viếng, tặng hoa, quà…Khi làm như vậy trong ngày Thế giới ông bà và người cao niên, cùng với việc đọc một Kinh Lạy Cha, một Kinh Tin Kính, thì chúng ta sẽ được hưởng một ơn Toàn Xá.

Sau đó là những chia sẻ của Cha phó Micae về mối liên hệ giữa người trẻ và người già tại các gia đình hôm nay. Đại diện hai gia đình tham dự giờ hội thảo cũng chia sẻ về đời sống thường ngày tại gia đình trong tư cách là một người ông, người bà trong gia đình, hay những chia sẻ về cách để giữ lửa tình yêu trong gia đình và giáo dục con cái.

45 phút của giờ hội thảo đã mang lại những chia sẻ thật ý nghĩa và hữu ích. Không chỉ dừng lại ở kiến thức nhưng còn là những kinh nghiệm khởi đi từ thực tế của cuộc sống gia đình, phần nào giúp ích nhiều người cải thiện tương quan tốt đẹp giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái, cháu chắt với ông bà.

Vai trò của các bậc cao niên càng được nhấn mạnh hơn trong Thánh lễ cầu nguyện cho ông bà và người cao tuổi. Đặc biệt, trong bài chia sẻ Lời Chúa, Cha phó Micae đã liên kết ý nghĩa của bài Tin Mừng với việc tôn vinh những bậc làm ông bà và cha mẹ. Những người đã tần tảo, hi sinh, cho đi cách vô vị lợi vì cháu con. Những cây cao bóng cả trong đời sống làm người và đời sống đức tin. Kết lại bài giảng, Cha Micae mời gọi những người làm con, làm cháu hãy yêu mến, quý trọng và hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, vì sự hiếu thảo của con cháu là cách thức thật sự tốt đẹp để chúng ta sống Tin Mừng.

Sau bài giảng, Cha xứ Antôn và Cha phó Micae đã ban bí tích Xức Dầu cho các ông bà già yếu và người bệnh tật trong hai Giáo xứ.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, vị đại diện có lời cảm ơn Cha xứ, Cha phó và cộng đoàn. Sau khi kết thúc Thánh lễ, quý Cha đã trao quà cho quý ông bà trong hai Giáo xứ cùng lưu lại những bức hình lưu niệm cùng con cháu.

Ngày lễ Thế giới ông bà và người cao tuổi lần thứ ba kết thúc. Kính chúc quý ông bà sức khỏe và thật nhiều ơn Chúa để các cụ luôn là phản chiếu tình yêu của Đức Kitô nơi cháu con.


 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh thập giá trong đời sống
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
04:49 01/09/2023
Hình ảnh thập giá trong đời sống

Các em học sinh trường tiểu học hằng ngày đeo trên vai chiếc cặp hình chữ nhật chứa những sách vở có vẻ như to hơn vai lưng em, với các lọai sách, bút viết cùng cả hộp đựng bánh mì, trái cây, quần áo tập thể thao và chai nước uống...đến trường học.

Chiếc cặp học trò đó giống như một chiếc Balô nặng nề. Nhưng các em mang đeo vác nó hằng ngày đi học trở thành thói quen. Các em vừa đi vừa trò truyện vui cười với nhau. Một cảnh tượng thật hồn nhiên vui tươi!

Có hình ảnh như thế trong đời sống đạo gíao đức tin không?

Chúa Giêsu Kitô ngày xưa đi rao giảng tin mừng nước Thiên Chúa đã đưa ra đòi hỏi: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” ( Mt 16,21-27)

Lẽ dĩ nhiên thập gíá mà Chúa Giêsu Kitô nói đến không giống tương tự như chiếc cặp đựng sách vở của học sinh. Nhưng cũng có thể so sánh với một vài hình ảnh thập giá trong đời sống.

Chiếc cặp sách học sinh bạn trẻ mang vác nói lên em là học sinh nữ hay nam. Và khi nhìn thập giá chúng ta cũng khám phá ra điều gì.

Đó đây nhiều người mang vòng dây vàng, hay bạc trang trí nơi cổ có tượng hình thập giá. Đeo mang hình tượng thập gía đó, nhưng họ không nghĩ liên tưởng đến điều Chúa Giêsu Kitô nói, mà với họ chỉ là đồ trang sức đẹp thôi. Nhưng họ quên rằng không có sự gì đẹp bằng thập gía. Vì đó là hình ảnh biểu tượng nói lên Chúa Giêsu Kitô đã hy sinh chịu chết trên cây thập gía. Như thế người nào mang hình ảnh thập gía, muốn nói lên Chúa Giêsu Kitô là người quan trọng cho đời sống của mình.

Trong đời sống hằng ngày nếu người nào than thở nói phải “ mang vác thập giá” là muốn nói: Tôi phải chịu đựng sự khó khăn, hay sự gì không vui, sự gì buồn sầu… như bệnh tật nặng đau đớn, cô đơn buồn tủi bị bỏ rơi, vướng gặp hoàn cảnh túng thiếu, xa vắng mất người thân, thiệt hại mất của cải…

Những điều này làm cho đời sống trở nên nặng nề u buồn rồi sinh ra thất vọng chán nản. Tình trạng đó giống như bị cây thập giá đè nặng tâm hồn đời sống.

Nhưng tại sao Chúa Giêsu Kitô lại đòi buộc các người theo Chúa phải tử bỏ chính mình vác thập giá mà theo Chúa? Mà vác thập giá có gì đẹp đâu?

Các em học sinh hằng ngày đi học phải mang vác chiếc cặp với những dụng cụ cần thiết cho từng giờ học từng ngày theo như thời khóa biểu nhà trường ấn định. Nhưng nếu mang tất cả nhét vào trong cặp cả những vật dụng không cần thiết cho giờ học ngày học hôm đó thì vừa không ích lợi lại vừa thêm nặng nề cho thân thể đôi vai.

Với thập giá trong đời sống cũng tương tự như thế. Có những điều, những sự trở nên thập gía gánh nặng cho đời sống, mà không thể nào đơn giản quăng vứt bỏ làm cho biến mất đi được, như bệnh tật, lo âu sợ hải, mất thiếu vắng người thân yêu…

Nhưng có những điều, những sự khác, tuy nó làm cho đời sống trở thành thập giá gánh nặng, con người có thể thay đổi được, như tìm ra con đường hòa giải cho sự cãi vã tranh chấp được giải quyết ổn thỏa, cùng nói chuyện để giải quyết vấn đề mang lại hòa thuận bình an cho nhau.

Chúa Giêsu Kitô không muốn nói chúng ta phải đơn gỉa mang vác tất cả những sự khốn khó. Nhưng nếu chúng ta có thể thay đổi được, nên cùng được phép thực hiện. Như cung cách sống thêm bạn bớt thù nghịch, cung cách xử sự chín bỏ làm mười, cung cách nhường nhịn làm chủ chính mình một câu nhịn chín câu lành…

Trong đời sống con người chúng ta rất hay thường phải sống từ bỏ, hay phải cố gắng để đạt tới điều quan trọng hữu ích tốt đẹp cho đời sống chung với người khác nữa, như nếp sống mang lại hòa bình vui tươi, bác ái giúp người, nếp sống lịch sự hòa nhã…

Đời sống tin yêu theo Chúa Giêsu Kitô không là một đời sống không có vấn đề, không có thập giá. Nhưng là một đời sống biết phân biệt xử sự vấn đề cho trở nên hữu ích bớt gáng nặng mang lại niềm an ủi, niềm vui cho chính mình và cho người khác.
 
VietCatholic TV
Ukraine thắng lớn ở miền Nam. Phòng tuyến lung lay, Nga đe dọa hạt nhân. Putin suy sụp, Tập đòi đất
VietCatholic Media
03:09 01/09/2023


1. Nga tăng cường đe dọa hạt nhân trong bối cảnh Ukraine có những bước tiến trong cuộc phản công

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Ramps Up Nuclear Threats Amid Ukraine's Counteroffensive Advances”, nghĩa là “Nga tăng cường đe dọa hạt nhân trong bối cảnh Ukraine có những bước tiến trong cuộc phản công”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Nga đang tăng cường các mối đe dọa hạt nhân khi lực lượng Ukraine tiến hành phản công nhằm chiếm lại lãnh thổ bị chiếm giữ trong suốt cuộc chiến.

Một ngày sau khi các quan chức Ukraine chính thức thừa nhận rằng lực lượng của họ đã giải phóng khu định cư Robotyne ở phía đông nam, Andrey Gurulyov, thành viên quốc hội Nga còn gọi là Duma quốc gia và cựu chỉ huy quân sự, đã đề xuất trên truyền hình nhà nước rằng khu vực này là “trường hợp hoàn hảo cho một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật.”

Gurulyov đưa ra lập trường trên trước tin tức từ Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar vào sáng thứ Hai rằng lực lượng của Kyiv đã chiếm lại Robotyne và đang cố gắng tiến xa hơn.

Kyiv đang tiến hành cuộc phản công ba tháng để chiếm lại lãnh thổ bị Nga chiếm giữ kể từ tháng 2 năm 2022, với các cuộc đụng độ đặc biệt nặng nề diễn ra dọc theo chiến tuyến ở khu vực Donetsk và Zaporizhzhia.

Việc sử dụng vũ khí hạt nhân đã được thảo luận thường xuyên trong suốt cuộc chiến ở Ukraine. Bản thân Tổng thống Nga đã nói trong bài phát biểu trên truyền hình toàn quốc vào tháng 9 năm 2022 rằng ông sẽ sẵn sàng sử dụng những vũ khí như vậy để bảo vệ lãnh thổ Nga.

Trong buổi phát sóng trên kênh truyền hình Russia-1, Vladimir Solovyov, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong giới truyền thông được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn, nói với các vị khách rằng ông tin rằng Nga nên “tấn công” Ukraine bằng vũ khí hạt nhân.

Solovyov nói: “Ngay sau khi họ chính thức giao F-16, chúng ta sẽ tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật”. “Họ tin chắc rằng chúng ta sẽ không dám làm điều đó. Đây là lý do tại sao nó nên được thực hiện.”

Hôm thứ Ba, Phó Thư ký Hội đồng An ninh Nga Alexei Shevtsov cho biết Nga đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus như một phần của các biện pháp trả đũa nhằm đáp trả “hành vi hung hăng của các nước láng giềng phương Tây”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên tuyên bố vào ngày 25 tháng 3 rằng Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus và cho biết động thái này sẽ không vi phạm các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Trong khi Belarus, một đồng minh trung thành của Điện Cẩm Linh, không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột Ukraine, nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko đã quân đội Nga được phép tập trận trên lãnh thổ Belarus kể từ trước khi bắt đầu chiến tranh. Đất nước này được Nga sử dụng để tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022.

Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Ba cũng nêu ra điều kiện để tiếp tục thử nghiệm vũ khí hạt nhân và nói rằng họ sẽ làm như vậy nếu Mỹ thực hiện trước.

Các mối đe dọa hạt nhân cũng ngày càng gia tăng từ Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga.

Tháng trước, Medvedev, cựu tổng thống Nga, nói rằng một “ngày tận thế” hạt nhân liên quan đến Nga và các nước phương Tây không chỉ có thể xảy ra mà còn “hoàn toàn có thể xảy ra”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Ukraine qua email để yêu cầu bình luận.

2. Đại diện cao cấp của Liên Hiệp Âu Châu về chính sách an ninh và đối ngoại, đồng thời là phó chủ tịch Ủy ban Âu Châu cho biết, nhóm Wagner dự kiến sẽ vẫn hoạt động ở Phi Châu.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng Liên Hiệp Âu Châu tại Tây Ban Nha, Josep Borrell nói rằng bất chấp cái chết của thủ lĩnh nhóm, Yevgeny Prigozhin, trong một vụ tai nạn máy bay, ông “chắc chắn rằng họ sẽ nhanh chóng tìm được người thay thế”.

“Họ sẽ vẫn hoạt động ở Phi Châu vì đây là lực lượng vũ trang của Nga”, ông Borrell nói.

“Wagner sẽ tiếp tục phục vụ Putin và làm những gì họ làm, điều này chắc chắn không góp phần vào hòa bình ở Sahel hay bảo vệ các quyền và tự do ở Sahel.”

3. Tướng Mỹ cho rằng 'ném bom chiến lược' vào Nga không thể thiếu trong cuộc phản công của Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'Strategic Bombing' of Russia Integral to Ukraine's Offensive: Ex-General”, nghĩa là “Tướng Mỹ cho rằng 'ném bom chiến lược' vào Nga không thể thiếu trong cuộc phản công của Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Cựu chỉ huy Quân đội Mỹ ở Âu Châu, Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, nói với Newsweek rằng việc Ukraine tăng cường chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái tầm xa nhằm vào các thành phố của Nga là một phần quan trọng trong chiến dịch phản công đang diễn ra của Kyiv.

Đêm thứ Ba đã chứng kiến các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái bị nghi ngờ là của Ukraine nhằm vào các mục tiêu ở các khu vực phía tây nước Nga là Bryansk, Oryol, Kaluga, Ryazan, Mạc Tư Khoa và Pskov. Tại Pskov, gần biên giới với Estonia và Latvia - cả hai quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu và NATO - hỏa hoạn đã bùng phát tại một phi trường quân sự sau các vụ nổ, với ít nhất 4 máy bay vận tải quân sự Il-76 được cho là đã bị phá hủy.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào lãnh thổ Nga đã trở nên xảy ra gần như hàng ngày trong những tuần gần đây. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào tháng 7 rằng cuộc chiến kéo dài 18 tháng “đang dần quay trở lại lãnh thổ Nga, trở lại các trung tâm và căn cứ quân sự mang tính biểu tượng của nước này”, theo điều mà ông mô tả là một quá trình “không thể tránh khỏi, tự nhiên và hoàn toàn công bằng”.

Hodges, một trong những người ủng hộ Kyiv mạnh mẽ nhất ở Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai rằng mối đe dọa từ máy bay không người lái ngày càng gia tăng “là một phần của cuộc phản công” hiện đang hoành hành ở miền đông nam Ukraine. Ở đó, quân đội Ukraine đang tiến vào các tuyến phòng thủ kiên cố của Nga với hy vọng gây ra sự sụp đổ phòng thủ.

“Bạn có cái mà tôi gọi là 'ném bom chiến lược',” ông nói thêm. Chiến dịch này đã chứng kiến “các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tấn công Mạc Tư Khoa nhiều đêm liên tiếp cũng như những nơi khác trên khắp nước Nga, bởi những người điều khiển máy bay không người lái Ukraine và có lẽ các vụ phá hoại xảy ra ở các khu vực do Nga kiểm soát, nhằm vào các nhà máy đạn dược, khu vực chứa dầu, những thứ tương tự”.

“Tất cả những điều này gây áp lực lên sự lãnh đạo của họ”, Hodges nói, đề cập đến các chỉ huy quân sự Nga. “Nó mang lại thế chủ động cho người Ukraine, điều này rõ ràng là một phần quan trọng để đưa vấn đề này đi đến kết thúc thành công. Và nó khai thác những điểm yếu cố hữu của phía Nga.”

Cả hai bên được cho là đã chịu thương vong nặng nề trong 18 tháng giao tranh. Mạc Tư Khoa, giống như Kyiv, không công bố số liệu thương vong đáng tin cậy. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Những lời phàn nàn về tham nhũng và lạm dụng trong lực lượng vũ trang Nga đã trở nên phổ biến, đặc biệt khi Mạc Tư Khoa buộc phải “huy động một phần” để bổ sung cho các đơn vị chuyên nghiệp bị tàn phá trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược.

Hình ảnh của lực lượng vũ trang trước công chúng đã bị tổn hại thêm do tranh chấp nội bộ, việc thay thế thường xuyên các chỉ huy cuộc xâm lược và mối thù lộn xộn giữa Bộ Quốc phòng với Tập đoàn Wagner.

Hodges nói về quân đội Nga: “Họ không có một cơ cấu chỉ huy mạch lạc, họ ghét nhau ở đó, và những chỉ huy giỏi nhất hiện đã chết hoặc đang ở tù và những người trung thành nhất vẫn tại vị bất chấp sự kém cỏi của họ”.

Quân đội đã phải chịu đựng nhiều tổn thất hơn bất kỳ quân chủng nào khác của Nga. Nhưng ngay cả những người tránh được thương vong cao như vậy cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột mặc dù họ có ưu thế về quân số so với đối thủ Ukraine.

Hodges nói: “Hạm đội Hắc Hải vĩ đại không muốn tiếp cận bờ biển Ukraine trong phạm vi 100 dặm vào lúc này”. “Họ sợ hỏa tiễn chống hạm và thuyền không người lái của Ukraine thậm chí trong bối cảnh là Ukraine không có hải quân”.

“Lực lượng không quân vĩ đại của Nga đã không thể tiêu diệt một đoàn tàu hoặc đoàn xe chở thiết bị và đạn dược từ Ba Lan vào Ukraine trong 18 tháng. Đó là do khả năng phòng không rất tốt cũng như sự bất lực của Nga; họ đã không bao giờ đạt được ưu thế trên không. “

Các quan chức chính trị và quân sự Nga đã nhiều lần tuyên bố cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine là thất bại nhưng luận điệu của họ không thuyết phục. Kyiv thừa nhận tốc độ chậm và thương vong cao của chiến dịch này, nhưng các quan chức Ukraine kêu gọi các đối tác phương Tây kiên nhẫn.

Quân đội Ukraine hiện đang giành được những thắng lợi đáng kể ở các tỉnh Zaporizhzhia và Donetsk, được cho là đã đột nhập vào tuyến phòng thủ của Nga. Vẫn còn phải xem hệ thống phòng thủ của Nga sâu rộng và hiệu quả đến mức nào.

Trong khi đó, Kyiv đang xây dựng nhịp độ tấn công ổn định ở phía sau phòng tuyến. Tuần trước đã chứng kiến các cuộc tấn công đáng kể vào các mục tiêu có giá trị của Nga ở Crimea, cũng như một cuộc đột kích của biệt kích vào mũi phía tây bắc của bán đảo bị tạm chiếm. Hodges cho biết những hành động này là tất cả các yếu tố trong chiến lược lớn hơn của Ukraine.

Ông nói: “Cuộc đột kích của biệt kích vào mũi phía tây của Crimea, đây là một phần của cuộc phản công. Họ đã phá hủy một địa điểm radar rất quan trọng và các vũ khí phòng không, khiến Nga gặp khó khăn hơn nhiều trong việc phát hiện thêm máy bay không người lái đang bay đến – các thuyền không người lái trên biển và máy bay không người lái. Chúng ta phải có cái nhìn rộng hơn về thế nào là phản công.”

4. Tại sao Nga không thể ngăn chặn sự tấn công dữ dội của máy bay không người lái

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Why Russia Can't Stop the Onslaught of Drone Attacks”, nghĩa là “Tại sao Nga không thể ngăn chặn sự tấn công dữ dội của máy bay không người lái.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nga đã bị tấn công vào đêm thứ Ba và sáng thứ Tư với cái được gọi là cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất trên lãnh thổ của mình kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc chiến vào tháng 2 năm 2022.

Các cuộc tấn công nhắm vào các khu vực Mạc Tư Khoa, Bryansk, Oryol, Kaluga, Ryazan và Pskov, cũng như Crimea. Ngay cả trước khi cuộc tấn công lan rộng, các nhiệm vụ của máy bay không người lái đã trở nên thường xuyên hơn trong lãnh thổ Nga, bao gồm cả thủ đô Mạc Tư Khoa, điều này đã đặt ra câu hỏi về lý do tại sao lực lượng phòng thủ quân sự của Nga lại phải vật lộn với máy bay không người lái.

Trong khi Điện Cẩm Linh thường xuyên đưa tin về việc bắn hạ các máy bay không người lái chiến đấu mà họ cho là đến từ Ukraine - Kyiv không xác nhận cũng không phủ nhận các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga - thì các máy bay không người lái được cho là đã bay vào không phận Nga như thể không bị radar phát hiện.

Bất chấp giả định rằng một số người có thể cho rằng máy bay không người lái đơn giản là quá nhỏ để có thể bị các thiết bị theo dõi phát hiện, Guy McCardle – biên tập viên quản lý của Báo cáo Lực lượng Hoạt động Đặc biệt, gọi tắt là SOFREP – nói với Newsweek rằng công nghệ này tồn tại để phát hiện ngay cả những máy bay không người lái nhỏ nhất..

McCardle nói: “Người Nga có lẽ có thiết bị phát hiện máy bay không người lái cỡ nhỏ đang được sản xuất. Vấn đề với máy bay không người lái là chúng có thể có kích thước bằng một con chuồn chuồn hoặc có sải cánh dài hơn 130 feet, giống như RQ-4 Global Hawk.”

McCardle giải thích rằng máy bay không người lái nhỏ hơn thường được chế tạo bằng nhựa hoặc vật liệu composite. Ông cho biết các máy bay nhỏ “rất khó bị phát hiện vì chúng có tiết diện radar tối thiểu và không tỏa ra tín hiệu nhiệt. Chúng có thể bay ở độ cao thấp - nghĩa đen là bay bên dưới radar - để tránh bị phát hiện. Nếu chúng được radar thông thường phát hiện, chúng có thể bị coi là những thứ 'lộn xộn', giống như chim hay những thứ tương tự.”

McCardle nói: “Khi công nghệ máy bay không người lái tiến bộ, các hệ thống radar tiên tiến được thiết kế để phát hiện chúng cũng vậy. “Đó thực sự là một trò chơi 'mèo vờn chuột'.”

John Spencer, thiếu tá quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và là chủ tịch Nghiên cứu chiến tranh đô thị tại Diễn đàn chính sách Madison, giải thích thêm rằng thách thức mà Nga phải đối mặt liên quan đến việc phát hiện máy bay không người lái không chỉ là công nghệ chống máy bay không người lái đa dạng mà còn đắt đỏ.

“Bạn không chỉ cần có các radar mạnh mẽ để phát hiện các máy bay không người lái nhỏ như máy bay không người lái theo sở thích có thể lẻn vào đất nước và được chế tạo tại chỗ và các máy bay không người lái lớn bay từ nước ngoài vào, có thể bay lên không trung trong nhiều giờ và một số có không có tín hiệu GPS – bạn cũng phải có khả năng bắn hạ thứ gì đó bằng điện tử hoặc trực tiếp bằng đạn dược”, Spencer nói với Newsweek.

Spencer nói thêm: “Ngay cả để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng như phi trường quân sự và dân sự hay các tòa nhà chính phủ cũng cần một khoản đầu tư rất lớn”. “Rõ ràng, Mạc Tư Khoa đã mất cảnh giác và không có loại phòng không cũng như số lượng đủ để bao phủ dù chỉ một vài địa điểm. Ngay cả khi máy bay không người lái không gây thiệt hại lớn, chúng cũng đang cho mọi người thấy thủ đô này yếu đến mức nào.”

Có lẽ trong nỗ lực tấn công máy bay không người lái của đối phương tại nguồn của chúng, quân đội Nga đã tấn công một nhà hát ở thành phố Chernihiv của Ukraine vào đầu tháng này. Truyền thông Ukraine đưa tin một sự kiện có sự góp mặt của các nhà sản xuất máy bay không người lái đang diễn ra bên trong nhà hát thì bị hỏa tiễn tấn công.

Giáo sư khoa học chính trị William Reno của Đại học Northwestern nói với Newsweek: “Đó là một ví dụ hiếm hoi về sự tập trung của các nhà sản xuất máy bay không người lái”, đồng thời cho biết thêm nhà hát “rõ ràng đã đưa ra một mục tiêu khả thi khi tình báo Nga thu được tín hiệu di động về một cuộc họp của các nhà sản xuất máy bay không người lái”.

Tuy nhiên, Nga dường như không thể làm gì nhiều để ngăn chặn làn sóng máy bay không người lái được cung cấp cho Kyiv hoặc được sản xuất trong nước ở Ukraine.

Reno cho biết: “Vấn đề đầu tiên là thực tế: Máy bay không người lái đến từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, nhiều người trong số họ là các cá nhân tư nhân và tổ chức phi chính phủ”. “Về mặt thực tế, máy bay không người lái nằm rải rác ở nhiều nhà sản xuất, trung tâm tiếp nhận Amazon, tổ chức phi chính phủ và công dân tham gia — tất cả đều là mục tiêu khó khăn.”

Reno nói thêm: “Đây là một trong những đặc điểm khiến máy bay không người lái trở thành vũ khí hấp dẫn trong cuộc xung đột này và thể hiện lợi thế bất đối xứng cho phía Ukraine”.

5. Lực lượng Ukraine đang được tiến bộ ở phía đông nam đất nước

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu mùng 1 tháng Chín, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết Lực lượng Ukraine đã xâm nhập được vào “tuyến đầu tiên” các thành trì của Nga ở khu vực Zaporizhzhia. Đó là một dấu hiệu cho thấy Kyiv đang tiến gần hơn đến mạng lưới chiến hào kiên cố rộng lớn của Mạc Tư Khoa dọc theo mặt trận phía nam.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết các đơn vị tiền phương của Ukraine đã tiến về phía hai thị trấn ở phía nam và phía đông Robotyne, là một thị trấn ở Zaporizhzhia mà Kyiv đã giành được vào tuần trước trong bối cảnh một cuộc phản công khốc liệt đang mang lại nhiều lợi ích.

Ông cho biết quân Ukraine đã vượt qua được nhiều thách thức từ các bãi mìn dày đặc của Nga, chướng ngại vật chống tăng và đường hầm rộng khắp ở các vùng phía nam và phía đông Ukraine.

Tin tức về tiến triển mới nhất được đưa ra trong bối cảnh các blogger quân sự Nga cho biết chiến sự đang gia tăng gần làng Verbove, phía đông nam Ukraine.

Hôm thứ Hai, hình ảnh vệ tinh của làng Solodka Balka – cách Robotyne 7 km về phía nam – cho thấy các hào liên lạc được gia cố bằng thép, nơi trú ẩn cho xe cộ và các công sự “răng rồng” nhằm cản trở bước tiến của Ukraine.

Kyiv đã đưa được các đơn vị của mình tới gần thị trấn chiến lược Tokmak trong những tuần gần đây, đó là một trung tâm hậu cần cho lực lượng Nga với một tuyến đường sắt để thực hiện tiếp tế và đặt các kho nhiên liệu và đạn dược.

Theo Lữ đoàn 46, lực lượng đang chiến đấu trong khu vực, giao tranh đã tăng cường về phía vùng ngoại ô phía bắc của Novoprokopivka - một khu định cư nông thôn nhỏ cách Robotyne khoảng 4 km về phía nam và gần với tuyến công sự của Nga ở Zaporizhzhia.

6. Putin bất lực không dám phàn nàn về việc Trung Quốc đòi lãnh thổ Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Powerless to Complain About China Claiming Russia Territory”, nghĩa là “Putin bất lực không dám phàn nàn về việc Trung Quốc đòi lãnh thổ Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc tuần này đã chia sẻ một bản đồ địa lý mới từ dịch vụ bản đồ tiêu chuẩn thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc cho thấy nhiều lãnh thổ Nga là một phần của Trung Quốc.

Bản đồ được cho là đã được Bắc Kinh phê duyệt và được Bộ Tài nguyên Trung Quốc công bố, được đưa ra trong bối cảnh các nhà quan sát phương Tây suy đoán rằng mối quan hệ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trở nên căng thẳng.

Ngay trước khi Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Putin và Tập đã ký một thỏa thuận hợp tác “không giới hạn”, nhưng các quan chức Trung Quốc kể từ đó đã công khai kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến. Đầu tháng này, Viện Nghiên cứu Chiến tranh đã viết rằng lập trường trung lập công khai của Trung Quốc đối với Ukraine đang gây ra rạn nứt giữa Bắc Kinh và Điện Cẩm Linh.

Bản đồ mới có thể sẽ không giúp ích gì cho mối quan hệ Nga-Trung, Giáo sư Mark Katz, Trường Chính sách và Chính phủ thuộc Đại học George Mason, nói với Newsweek.

Ông nói: “Điện Cẩm Linh chắc chắn rất chú ý đến các bản đồ của Trung Quốc – đặc biệt là các bản đồ chính thức – tuyên bố rằng nhiều lãnh thổ Nga thực sự thuộc về Trung Quốc”.

Tuy nhiên, Katz nói thêm rằng nếu Putin khó chịu, ông “không có tư cách để lớn tiếng phàn nàn về điều này vì Mạc Tư Khoa đã trở nên quá phụ thuộc vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc do các lệnh trừng phạt của phương Tây”.

Bản đồ địa lý năm 2023 cho thấy đảo Bolshoy Ussuriysky trên sông Amur là một phần của Trung Quốc. Theo hãng tin kinh doanh RBC của Nga, Nga và Trung Quốc đã tranh chấp chủ quyền đối với hòn đảo này bắt đầu từ những năm 1860 cho đến khi hai quốc gia đồng ý phân chia lãnh thổ trong một hiệp ước năm 2008.

Trong khi thỏa thuận trao phần phía tây của Đảo Bolshoy Ussuriysky cho Trung Quốc, thì dịch vụ bản đồ tiêu chuẩn lại hiển thị toàn bộ hòn đảo là lãnh thổ của Trung Quốc.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Trung Quốc qua email để yêu cầu bình luận.

Đất Nga không phải là lãnh thổ duy nhất thuộc về một quốc gia khác được bản đồ Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và khu vực biên giới Aksai Chin cũng được thể hiện là thuộc về Bắc Kinh trên bản đồ.

Hôm thứ Ba, New Delhi cho biết họ đã gửi công hàm phản đối chính thức với Trung Quốc về tấm bản đồ này, và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar gọi tuyên bố chủ quyền trên lãnh thổ Ấn Độ là “vô lý”.

David Silbey, phó giáo sư lịch sử tại Cornell và giám đốc giảng dạy và học tập tại Cornell ở Washington, nói với Newsweek: “Người Trung Quốc thích sử dụng bản đồ để khẳng định quyền lực của họ - hoặc điều họ mong muốn quyền lực của mình sẽ là như vậy”. “Những ví dụ nổi tiếng gần đây nhất là bản đồ đường chín đoạn mà họ đưa ra, tuyên bố chủ quyền trên những vùng đất rộng lớn ở Biển Đông.”

Silbey cho biết bản đồ mới không hoàn toàn vi phạm thỏa thuận năm 2008, “nhưng đó chỉ là một trò chọc ghẹo nhỏ để nắn gân người Nga, không có gì quá lớn nhưng chỉ đủ khó chịu để có ý nghĩa, giống như ăn trộm một miếng thức ăn trên đĩa của ai đó.”

Katz cho biết Điện Cẩm Linh có thể có đường lối khác với Ấn Độ trong việc phản đối yêu sách lãnh thổ được đưa ra trên bản đồ.

Katz nói: “Phản ứng của Mạc Tư Khoa đối với bản đồ chính thức mới này của Trung Quốc có thể mang tính tương hỗ theo nghĩa là chính phủ Nga sẽ chỉ ra bản đồ của chính họ về những gì Trung Quốc và Nga đã đồng ý vào năm 2008”. “Hơn nữa, việc vẽ lại bản đồ trên giấy không giống như việc cố gắng vẽ lại bản đồ trên thực địa bằng vũ lực, như Nga đã tìm cách làm ở Ukraine. Bắc Kinh dường như cũng không cố gắng làm bất cứ điều gì như thế này vào thời điểm hiện nay”.

Ông nói tiếp: “Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa phải lo ngại rằng yêu sách lãnh thổ tương đối nhỏ này của Trung Quốc, bất chấp một thỏa thuận trước đó, có thể được theo sau bởi những yêu sách thậm chí còn lớn hơn”.

7. Hình ảnh vệ tinh tiết lộ hậu quả của cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào phi trường Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Satellite Images Reveal Aftermath of Drone Strike on Russian Airfield”, nghĩa là “Hình ảnh vệ tinh tiết lộ hậu quả của cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào phi trường Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Những hình ảnh mới cho thấy mức độ thiệt hại của một phi trường Nga gần lãnh thổ NATO sau khi Mạc Tư Khoa đổ lỗi cho Kyiv về cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khiến ít nhất 4 máy bay Nga thiệt mạng.

Hôm thứ Tư, cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là GUR, nói với truyền thông Ukraine rằng 4 máy bay vận tải quân sự Il-76 của Nga đóng tại thành phố Pskov phía tây đã bị máy bay không người lái phá hủy. Pskov là một trong những thành phố gần biên giới nhất của Nga với Estonia, Latvia và Belarus liên kết với Điện Cẩm Linh.

Phát ngôn nhân của GUR Ukraine nói với Ukrainska Pravda rằng bốn máy bay không thể sửa chữa được, đồng thời cho biết thêm hai máy bay khác đã bị hư hỏng. Thống đốc vùng Pskov của Nga, Mikhail Vedernikov, đã đăng tải đoạn phim về ngọn lửa bùng lên một đám khói khổng lồ mà ông nói là từ cuộc tấn công ở Pskov.

Những hình ảnh mới do Radio Free Europe công bố, trích dẫn công ty hình ảnh toàn cầu, Planet Labs, cho thấy bên cạnh 4 máy bay đã bị phá hủy “ít nhất 2 máy bay Il-76 đã bị hư hại trong đêm 29 rạng 30 tháng 8”, hãng này đưa tin. Ấn phẩm sau đó trích dẫn một chuyên gia quân sự cho biết máy bay không người lái rất có thể đã cố gắng nhắm vào các thùng nhiên liệu máy bay.

Truyền thông nhà nước Nga đưa tin, cuộc tấn công vào phi trường cách biên giới Ukraine hàng trăm km là một phần của “cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quy mô lớn” trên nhiều khu vực khác nhau của Nga vào đầu giờ ngày thứ Tư.

Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin hôm thứ Năm rằng các chuyến bay hiện đã được nối lại từ phi trường Pskov sau vụ hỏa hoạn.

Ukraine không tuyên bố chịu trách nhiệm rõ ràng về vụ tấn công, nhưng thường ngần ngại làm như vậy khi nói đến các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, vốn là một chủ đề nhạy cảm với các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Bài đăng úp mở gửi X, trước đây gọi là Twitter: “Bạn có biết rằng Sân bay Pskov được đặt theo tên của Công chúa Kyivan Olha không? Ôi, cô ấy quả là một người phụ nữ có khả năng báo thù ngoạn mục!”

Máy bay không người lái tầm xa của Ukraine thường xuyên bay vút trên bầu trời Nga, với rất ít dấu hiệu cho thấy điều này có thể sẽ thay đổi khi các phương tiện không người lái và những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ không người lái đang thống trị cuộc chiến kéo dài 18 tháng này.

Trong những tháng gần đây, Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào lãnh thổ Nga khi nước này tiến hành phản công trên bộ ở miền đông và miền nam Ukraine. Sáng thứ Năm, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một số khu vực khác nhau trong biên giới được quốc tế công nhận của Mạc Tư Khoa chỉ trong đêm.

Các căn cứ không quân ngày càng trở thành mục tiêu của cả Kyiv và Mạc Tư Khoa. Đầu tháng 8, một máy bay không người lái của Ukraine đã hạ gục ít nhất một máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 của Nga tại căn cứ không quân Soltsy của Nga, ở vùng Novgorod của nước này. Kyiv trước đó cho biết Tu-22M3 phóng hỏa tiễn hành trình Kh-22 vào lãnh thổ Ukraine.

Đầu tháng 8, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng của họ đã sử dụng vũ khí tầm xa phóng từ trên không và trên biển nhằm vào nhiều căn cứ không quân ở miền Tây Ukraine. Chính phủ Nga cho biết các cuộc tấn công nhắm vào căn cứ Starokostiantyniv của Ukraine ở vùng Khmelnytsky và một căn cứ khác gần thị trấn Dubno của Ukraine, ở vùng Rivne.

Chính quyền khu vực Ukraine hồi cuối tháng 5 cho biết Nga đã đưa 5 máy bay Ukraine ra khỏi hoạt động ở Khmelnytsky mà không nêu rõ thêm.
 
Phản ứng của Kremlin trước nhận xét của Đức Thánh Cha. Âu lo của Đức Cha Joseph Strickland
VietCatholic Media
05:16 01/09/2023


1. Điện Cẩm Linh ca ngợi Đức Giáo Hoàng biết rõ lịch sử nước Nga

Liên quan đến những lời của Đức Thánh Cha gửi giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 vừa qua đang gây ra nhiều tranh cãi và chỉ trích Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên người Ukraine chỉ trích Đức Thánh Cha Phanxicô về sự ngưỡng mộ của ngài đối với nước Nga. Trước đây, Kyiv đã từ chối đề xuất hòa giải của Đức Phanxicô để đạt được hòa bình ở Ukraine.” TASS, cơ quan truyền thông của nhà nước Nga cho biết như trên.

Cơ quan truyền thông này nói thêm: “Phát ngôn nhân của Tổng thống Vladimir Putin Peskov hoan nghênh những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Đức Giáo Hoàng biết rõ lịch sử Nga, và điều đó rất tích cực. Điều này thực sự sâu sắc, nó có gốc rễ sâu xa. Di sản này phải được liên tục truyền lại cho thế hệ trẻ của chúng ta và điều đó phải được ghi nhớ.”

Các tuyên bố của phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov rõ ràng xác nhận những lo lắng của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, và Đức Cha Vitalij Skomarovskyi, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ukraine nghi lễ La-tinh cho rằng người Nga sẽ chụp ngay ý kiến của Đức Thánh Cha để biện minh cho cuộc xâm lược của họ.


Source:Sismografo

2. Thư mục vụ của Đức Cha Joseph Strickland, Giám Mục giáo phận Tyler, Texas

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô:

Nguyện xin tình yêu và ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, luôn ở trên anh chị em!

Trong thời điểm hỗn loạn lớn lao này trong Giáo hội và trên thế giới, tôi phải nói với anh chị em từ trái tim của một người cha để cảnh báo anh chị em về những tệ nạn đang đe dọa chúng ta, và để bảo đảm với anh chị em về niềm vui và hy vọng luôn có trong Chúa Giêsu Kitô. Thông điệp xấu xa và sai lầm đã xâm chiếm Giáo hội, Hiền thê của Chúa Kitô, đó là Chúa Giêsu chỉ là một trong số rất nhiều người, và thông điệp của Ngài không cần thiết phải được chia sẻ với toàn thể nhân loại. Ý tưởng này phải bị xa lánh và bác bỏ mọi lúc mọi nơi. Chúng ta phải chia sẻ tin vui rằng Chúa Giêsu là Chúa duy nhất của chúng ta, và Ngài mong muốn toàn thể nhân loại mãi mãi có thể đón nhận sự sống đời đời trong Ngài.

Một khi chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là sự mặc khải viên mãn và là sự hoàn thành kế hoạch cứu rỗi của Chúa Cha cho toàn thể nhân loại trong mọi thời đại, và chúng ta hết lòng đón nhận điều này, thì chúng ta có thể giải quyết những lỗi lầm khác đang hoành hành Giáo Hội của chúng ta và thế giới của chúng ta được tạo ra bởi sự xa rời Sự Thật.

Trong thư Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Galát, ngài viết:

“Tôi lấy làm ngạc nhiên, khi thấy anh em trở mặt mau lẹ như thế với Đấng đã kêu gọi anh em nhờ ân sủng của Đức Kitô, để theo một Tin Mừng khác. Không có Tin Mừng nào khác đâu, mà chỉ có một vài kẻ phá rối anh em, và muốn làm xáo trộn Tin Mừng của Đức Kitô đó thôi. Nhưng nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi!” (Gal 1:6-9)

Với tư cách là người cha tinh thần của anh chị em, tôi cảm thấy điều quan trọng là phải nhắc lại những chân lý cơ bản sau đây mà Giáo hội luôn hiểu từ thời xa xưa, và nhấn mạnh rằng Giáo hội tồn tại không phải để xác định lại các vấn đề đức tin, mà là để bảo vệ Kho tàng Đức tin như đã được chính Chúa chúng ta truyền lại cho chúng ta qua các tông đồ, các thánh và các vị tử đạo. Một lần nữa, theo lời cảnh báo của Thánh Phaolô đối với giáo đoàn Galát, bất kỳ nỗ lực nào nhằm bóp méo sứ điệp Tin Mừng đích thực đều phải bị bác bỏ một cách dứt khoát vì nó gây tổn hại cho Hiền Thê của Chúa Kitô và các thành viên cá nhân của Người.

Chúa Kitô đã thành lập Một Giáo Hội duy nhất—Giáo Hội Công Giáo—và do đó, chỉ có Giáo Hội Công Giáo mới cung cấp sự thật trọn vẹn của Chúa Kitô và con đường đích thực dẫn đến sự cứu rỗi của Ngài cho tất cả chúng ta.

Bí tích Thánh Thể và mọi bí tích đều do Thiên Chúa thiết lập chứ không phải do con người phát triển. Bí tích Thánh Thể thực sự là Mình và Máu, Linh hồn và Thiên tính của Chúa Kitô, và việc rước lễ một cách không xứng đáng (tức là trong tình trạng phạm tội nặng, không ăn năn) là một sự phạm thánh tàn khốc đối với cá nhân và đối với Giáo hội. (1 Cô-rinh-tô 11:27-29)

Bí tích Hôn phối được Thiên Chúa thiết lập. Qua Luật Tự Nhiên, Thiên Chúa đã thiết lập hôn nhân giữa một người nam và một người nữ chung thủy với nhau suốt đời và rộng mở với con cái. Nhân loại không có quyền hay khả năng thực sự để định nghĩa lại hôn nhân.

Mỗi con người đều được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, nam hay nữ, và tất cả mọi người cần được giúp đỡ để khám phá ra căn tính thực sự của mình là con Thiên Chúa, và không thể bị xô đẩy trong một nỗ lực vô trật tự nhằm bác bỏ căn tính sinh học và căn tính do Chúa ban cho mình..

Hoạt động tình dục ngoài hôn nhân luôn là tội trọng và không thể được tha thứ, chúc lành hoặc được cho phép bởi bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào trong Giáo hội.

Niềm tin rằng tất cả đàn ông và phụ nữ sẽ được cứu bất kể họ sống cuộc sống như thế nào (một khái niệm thường được gọi là chủ nghĩa phổ quát) là sai lầm và nguy hiểm, vì nó mâu thuẫn với những gì Chúa Giêsu nói với chúng ta nhiều lần trong Tin Mừng. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Người”. (Mátthêu 16:24) Ngài đã ban cho chúng ta con đường, nhờ ân sủng của Ngài, để chiến thắng tội lỗi và sự chết qua sự ăn năn và xưng tội trong bí tích. Điều thiết yếu là chúng ta phải đón nhận niềm vui và hy vọng cũng như sự tự do đến từ sự sám hối và khiêm nhường thú nhận tội lỗi của mình. Qua việc sám hối và xưng tội trong bí tích, mỗi trận chiến với cám dỗ và tội lỗi có thể là một chiến thắng nhỏ dẫn chúng ta đến với chiến thắng vĩ đại mà Chúa Kitô đã giành được cho chúng ta.

Để bước theo Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải sẵn lòng chọn vác thập giá của mình thay vì cố gắng trốn tránh thập giá và đau khổ mà Chúa ban cho mỗi người chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Mầu nhiệm đau khổ cứu chuộc—tức là đau khổ mà Chúa cho phép chúng ta trải nghiệm và chấp nhận trong thế giới này rồi dâng lại cho Ngài trong sự hiệp nhất với đau khổ của Ngài—làm chúng ta khiêm nhường, thanh lọc chúng ta và lôi kéo chúng ta sâu hơn vào niềm vui của một cuộc sống được sống trong Chúa Kitô. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải tận hưởng hoặc tìm kiếm đau khổ, nhưng nếu chúng ta kết hợp với Chúa Kitô, khi trải nghiệm những đau khổ hàng ngày của mình, chúng ta có thể tìm thấy niềm hy vọng và niềm vui tồn tại giữa đau khổ và kiên trì đến cùng trong mọi đau khổ của mình. (x. 2 Tim 4:6-8)

Trong những tuần và tháng tới, nhiều sự thật trong số này sẽ bị đem ra bàn cãi như một phần của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị. Chúng ta phải bám chặt vào những chân lý này và cảnh giác với bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa ra một giải pháp thay thế cho Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, hoặc thúc đẩy một đức tin nói về đối thoại và tình huynh đệ, trong khi cố gắng loại bỏ tư cách làm cha của Thiên Chúa. Khi chúng ta tìm cách đổi mới những gì Chúa đã ban cho chúng ta với lòng thương xót lớn lao của Ngài, chúng ta thấy mình đang ở trên vùng đất nguy hiểm. Chỗ đứng chắc chắn nhất mà chúng ta có thể tìm thấy là giữ vững những lời dạy lâu đời của đức tin.

Đáng tiếc là có thể một số người sẽ coi những người không đồng ý với những thay đổi được đề xuất là những kẻ ly giáo. Tuy nhiên, hãy yên tâm rằng không ai kiên định theo đúng đường lối đức tin Công Giáo của chúng ta lại là người ly giáo. Chúng ta phải tiếp tục là người Công Giáo chân chính và không nao núng, bất kể điều gì có thể xảy ra. Chúng ta cũng phải ý thức rằng Giáo hội không thể đứng vững trước những thay đổi được đề xuất này. Như Thánh Phêrô đã nói: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”(Ga 6:68) Vì vậy, đứng vững không có nghĩa là chúng ta tìm cách rời bỏ Giáo hội. Thay vào đó, những người đề xuất những thay đổi vốn không thể thay đổi lại tìm cách chiếm hữu Giáo hội của Chúa Kitô, và họ mới là những kẻ ly giáo thực sự.

Tôi thúc giục anh chị em, những người con trai và con gái của tôi trong Chúa Kitô, rằng bây giờ là lúc để bảo đảm rằng anh chị em đứng vững trên đức tin Công Giáo của mọi thời đại. Tất cả chúng ta đều được tạo dựng để tìm kiếm Con đường, Sự thật và Sự sống, và trong thời đại hỗn loạn hiện đại này, con đường đích thực là con đường được chiếu sáng bởi ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô, vì Sự thật có một khuôn mặt và thực sự đó là khuôn mặt của Ngài. Hãy yên tâm rằng Ngài sẽ không bỏ rơi Hiền Thê của Ngài.

Tôi luôn vẫn là người cha và người đầy tớ khiêm tốn của anh chị em,

+ Đức Cha Joseph E. Strickland

Giám mục của Tyler


Source:catholicism.org

3. Tại sao một nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine lại chỉ trích nhận xét về Nga của Đức Thánh Cha

Liên quan đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine theo sau những nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc gặp gỡ với giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023, Catholic Pillar có bài tóm lược và phân tích nhan đề “Why a Ukrainian Catholic leader criticized the pope’s Russia remarks”, nghĩa là “Tại sao một nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine lại chỉ trích nhận xét về Nga của Đức Thánh Cha”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hôm thứ Ba, Vatican đã đưa ra lời thanh minh hiếm hoi về tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Việc thanh minh này diễn ra sau những lời chỉ trích công khai thậm chí còn hiếm hoi hơn đối với những nhận xét của giáo hoàng bởi nhà lãnh đạo một Giáo Hội Công Giáo Đông phương.

Nhà lãnh đạo được đề cập là Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, người đã hướng dẫn Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương từ năm 2011.

Điều gì đã thúc đẩy Đức Cha Shevchuk lên tiếng? Ngài đã nói gì? Và bối cảnh lịch sử là gì?

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã phản ứng thế nào?

Vào ngày 25 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được kết nối qua liên kết video với những người tham gia Đại hội Giới trẻ Công Giáo Nga lần thứ 10 tại St. Petersburg.

Theo một báo cáo của Vatican News ngày 26 tháng 8, Đức Thánh Cha đã tương tác “trong hơn một giờ” với khoảng 400 bạn trẻ có mặt tại Vương cung thánh đường Thánh Catherine, là nhà thờ Công Giáo lâu đời nhất ở Liên bang Nga.

Cùng ngày, văn phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố nội dung bài diễn văn của Đức Thánh Cha bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý.

Vào buổi tối, trang web Công Giáo Ý Il Sismografo lưu ý rằng các phương tiện truyền thông Vatican đã bỏ qua những bình luận của Đức Giáo Hoàng được đăng trên trang web của tổng giáo phận Công Giáo Mạc Tư Khoa.

Il Sismografo nhận xét rằng trước khi chúc lành cho giới trẻ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Đừng bao giờ quên di sản của các bạn. Các bạn là người thừa kế của nước Nga vĩ đại. Nước Nga vĩ đại của các vị thánh, của các vị vua, nước Nga vĩ đại của Peter Đại đế, của Nữ Hoàng Catherine II, đế quốc Nga vĩ đại được vun đắp với biết bao văn hóa và nhân văn. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Các bạn là người thừa kế của Nước Nga vĩ đại, hãy tiến lên. Và cảm ơn. Cảm ơn vì cách sống của các bạn, vì cách các bạn trở thành người Nga”.

Vào ngày 28 tháng 8, Il Sismografo đã liên kết với một video trên YouTube cho thấy giáo hoàng nói những lời này một cách ứng khẩu bằng tiếng Ý.

Trang web này bình luận: “Nghe Đức Giáo Hoàng Rôma, vào thời điểm nhạy cảm này trong lịch sử, ca ngợi Catherine II, vị Nữ Hoàng ' đã cấm công bố bất cứ sắc lệnh nào của Đức Giáo Hoàng ở quốc gia của mình ' và là người 'vào năm 1783 đã sáp nhập Crimea, do đó tạo ra một làn sóng 'Chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ' mới, có lẽ sẽ khiến nhiều người Công Giáo khá tò mò.”

“Nhưng có lẽ hơn cả là vị giáo hoàng Dòng Tên Jorge Mario Bergoglio là người đã biết ơn khi nhớ lại Sa hoàng đã ngăn chặn việc đàn áp Dòng Tên ở Đế quốc Nga như thế nào.”

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã nói gì?

Trong một tuyên bố được công bố trên trang web chính thức của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương – là giáo hội lớn nhất trong số 23 Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Rôma – Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói rằng những bình luận của Đức Thánh Cha đã gây ra “đau đớn và mối quan ngại lớn lao”.

Ngài nói “Thật đau đớn và lo lắng khi chúng tôi biết được những lời được tường trình của Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc gặp gỡ trực tuyến với giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023 tại St. Petersburg. Chúng tôi hy vọng rằng những lời này của Đức Thánh Cha được nói ra một cách ứng khẩu, không có bất kỳ nỗ lực đánh giá lịch sử nào, chứ đừng nói đến việc ủng hộ tham vọng đế quốc của Nga. Tuy nhiên, chúng tôi chia sẻ nỗi đau lớn mà những lời ấy đã gây ra, không chỉ giữa các giám mục, giáo sĩ, tu sĩ và tín hữu của Giáo cộng đoàn tôi, mà còn giữa các giáo phái và tổ chức tôn giáo khác. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận thức được sự thất vọng sâu sắc mà những lời ấy đã gây ra cho xã hội.”

Ngài nói tiếp rằng: “Những lời về ‘nước Nga vĩ đại của Peter Đại Đế I, Nữ hoàng Catherine II, như các đế chế vĩ đại, khai sáng - một đất nước có nền văn hóa vĩ đại và lòng nhân đạo vĩ đại’ - là ví dụ tồi tệ nhất về chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Nga. Có nguy cơ là những lời này có thể bị coi là ủng hộ chính chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc đã gây ra cuộc chiến ở Ukraine ngày nay - một cuộc chiến mang lại cái chết và sự hủy diệt cho người dân chúng ta mỗi ngày.”

“Những ví dụ do Đức Thánh Cha đưa ra thực sự mâu thuẫn với giáo huấn của ngài về hòa bình, vì ngài luôn lên án mọi hình thức biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc trong thế giới hiện đại và cảnh báo về sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đồng thời nhấn mạnh rằng đó là nguyên nhân của ‘chiến tranh thế giới thứ ba’ đang diễn ra cục bộ.

“Với tư cách là một Giáo hội, chúng tôi muốn tuyên bố rằng trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, những tuyên bố như vậy truyền cảm hứng cho những tham vọng thuộc địa mới của quốc gia xâm lược, mặc dù cách thức ‘là người Nga’ như thế đáng bị lên án một cách dứt khoát.”

Đức Tổng Giám Mục Trưởng nói rằng ngài đang chờ đợi việc làm rõ những bình luận từ Tòa thánh.Ngài cũng hứa sẽ nêu vấn đề này với Đức Thánh Cha Phanxicô khi các giám mục Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương sớm nhóm họp tại Rôma để dự Thượng Hội đồng thường niên.

Bối cảnh lịch sử là gì?

Hai nhân vật mà Đức Thánh Cha Phanxicô chọn để minh họa cho sự vĩ đại của nước Nga đều đóng những vai trò quan trọng nhưng gây nhiều tranh cãi trên trường thế giới.

Peter thứ nhất là Sa hoàng của toàn nước Nga từ năm 1682 cho đến năm 1721, và trở thành Hoàng đế đầu tiên của toàn nước Nga, và giữ chức vụ này cho đến khi qua đời vào năm 1725. Người đàn ông thường được gọi là Peter Đại đế có thân hình to lớn. Ông nổi tiếng là cao đến 2 mét và được biết đến là người đã đánh các quan chức hàng đầu của mình bằng gậy.

Peter, một nhà cai trị chuyên quyền tàn nhẫn, đã áp đặt những thay đổi sâu rộng lên Giáo hội Chính thống Nga mà những ảnh hưởng vẫn còn được cảm nhận cho đến ngày nay. Ông đã đặt Giáo hội dưới sự quản lý của nhà nước một cách hiệu quả khi tuyên bố rằng Giáo hội không còn được cai trị bởi một Thượng Phụ mà bởi một cơ quan gồm các giám mục và các quan chức được gọi là Thánh Công Đồng.

Mặc dù có khuynh hướng phương Tây nhưng ông không có thiện cảm với Giáo Hội Công Giáo. Theo Bách khoa toàn thư Công Giáo, “Peter Đại đế bộc lộ lòng căm thù chống Công Giáo khi, tại Polotsk năm 1705, ông đã tự tay giết chết tu sĩ Theophanus Kolbieczynski dòng Basiliô. Bằng nhiều biện pháp khác; ông ta đã gây ra những lời vu khống xúc phạm nhất chống lại Công Giáo ở Nga; ông trục xuất Dòng Tên vào năm 1719; ông đã ban hành ukases để buộc người Công Giáo phải cải đạo sang Chính thống giáo, và ngăn cản con cái của các cuộc hôn nhân hỗn hợp trở thành người Công Giáo; và cuối cùng, ông ta tổ chức những cuộc truy hoan quái đản vào năm 1722 và 1725 như một sự nhại lại Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng, để chế giễu Đức Giáo Hoàng và giáo triều Rôma.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra những so sánh giữa ông và Peter đại đế, nêu bật cuộc đấu tranh của Peter chống lại Thụy Điển trong trận chiến được gọi là Đại chiến phương Bắc.

“Peter Đại đế đã tiến hành cuộc Đại chiến phương Bắc trong 21 năm. Có vẻ như khi đang có chiến tranh với Thụy Điển, ông đã lấy đi thứ gì đó từ họ. Ông ấy không lấy bất cứ thứ gì từ họ, ông ấy trả lại những gì là của Nga”, ông Putin nói sau khi đến thăm một cuộc triển lãm dành riêng cho Peter vài tháng sau khi ông phát động cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Catherine Đại đế trở thành Hoàng hậu Nga vào năm 1762, sau khi giám sát việc bắt giữ và buộc chồng bà, Peter Đệ Tam phải thoái vị.

Catherine sinh ra ở Stettin, Vương quốc Phổ, và lớn lên theo Tin lành Luthera cho đến năm 1744, khi cô chuyển sang Chính thống giáo Nga bất chấp sự phản đối của cha cô.

Như Il Sismografo đã lưu ý, Catherine từ chối cho phép đàn áp Dòng Tên ở Nga, một hành động mà một số học giả tin rằng đã bảo đảm sự sống sót của Dòng Tên. Nhưng cô ấy đối xử khắc nghiệt với những người Công Giáo theo nghi thức Đông phương.

Catherine bị đối phương buộc tội vô đạo đức hoang dâm trong suốt triều đại của mình, nhưng các nhà sử học coi nhiều lời buộc tội là vô căn cứ.

Trong thời gian trị vì lâu dài của mình, bà đã mở rộng đáng kể biên giới của Đế quốc Nga, mở rộng sang vùng được gọi là Nước Nga mới (lục địa phía nam Ukraine), một phần của Ukraine ngày nay ở phía tây sông Dnipro và Crimea.

Vatican đã nói gì?

Trong một tuyên bố ngày 29 tháng 8, văn phòng báo chí Tòa Thánh đã tìm cách làm rõ những bình luận của Đức Thánh Cha.

“Trong lời chào gửi giới trẻ Công Giáo Nga trong những ngày qua, rõ ràng là từ bối cảnh ngài nói, Đức Thánh Cha có ý khuyến khích giới trẻ bảo tồn và phát huy những gì tích cực trong di sản văn hóa và tinh thần vĩ đại của Nga, và chắc chắn không đề cao logic đế quốc và tính cách của của các nhà cầm quyền, được trích dẫn để chỉ ra các giai đoạn tham chiếu lịch sử nhất định”.


Source:Pillar Catholic
 
Lạ lùng: 5 lý do người Nga tin Prigozhin vẫn còn sống. Zelenskiy: Kyiv chế tạo được hỏa tiễn tầm xa
VietCatholic Media
16:28 01/09/2023


1. Truyền hình Nga tuyên bố một vụ ám sát Zelenskiy đang được quốc gia NATO âm mưu

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Zelensky Assassination is Being Plotted by NATO Nation, Russian TV Claims”, nghĩa là “Truyền hình Nga tuyên bố một vụ ám sát Zelenskiy đang được quốc gia NATO âm mưu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một chương trình chiếu trên truyền hình nhà nước Nga đã đưa ra tuyên bố rằng có một âm mưu của phương Tây đang được tiến hành nhằm ám sát Volodymyr Zelenskiy.

Mặc dù Anh là nước kiên định cung cấp hỗ trợ quân sự và nhân đạo cho Kyiv kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược, bộ phim tài liệu tuyên truyền trên kênh liên bang Nga NTV đã cáo buộc Luân Đôn có kế hoạch hạ bệ tổng thống Ukraine.

Với tiêu đề “Ze End” giống với cách phát âm tiếng Nga của cụm từ tiếng Anh mô tả cái chết của tổng thống Ukraine, chương trình dài 48 phút với rating 16+ được phát sóng lúc 18h ngày 27/8.

Lời giới thiệu quảng cáo cho chương trình trên trang web NTV cho biết “người Anh đang chuẩn bị loại bỏ Volodymyr Zelenskiy. Có bao nhiêu kẻ đang bao vây người lãnh đạo chế độ Kyiv? Hầm trú ẩn mà anh ta ẩn náu ở đâu? Và khi nào Zelenskiy sẽ đối mặt với kết cục?”

“Lần đầu tiên, một sĩ quan tình báo Mỹ sẽ tiết lộ Kế hoạch A và Kế hoạch B để loại bỏ một nhà độc tài,” lời giới thiệu nói thêm. Sĩ quan tình báo Mỹ được chú thích là Scott Bennett và liệt kê ngày có thể xảy ra vụ ám sát là ngày 31 tháng 10.

Đoạn giới thiệu chương trình được đăng trên X (trước đây là Twitter) bởi The Kremlin Yap, một tài khoản nêu bật hoạt động tuyên truyền kèm thêm thông điệp châm biếm “Truyền hình Nga đã chuẩn bị một bộ phim bom tấn mới cho người xem”.

“Người Anh đang chuẩn bị hạ gục Zelenskiy,” người kể chuyện nhấn mạnh, giữa âm nhạc kịch tính và những đoạn cắt cảnh liên quan đến cuộc gặp của Zelenskiy với các nhà lãnh đạo thế giới bao gồm cả Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Trong số các đoạn ghi âm từ các chuyên gia xen kẽ với bộ phim có một đoạn của Yury Baranchik, được mô tả là một nhà quan sát quân sự, người đã nói “Chúng tôi có thông tin về nơi Zelenskiy đang ở.”

Chú thích “Kế hoạch B; Thông tin chi tiết về việc thanh lý Zelenskiy,” mô típ hình ảnh lặp đi lặp lại là hình ảnh Zelenskiy trong tầm ngắm của một tay bắn tỉa, khi chương trình khẳng định lý do Zelenskiy phải bị ám sát.

Người kể chuyện liệt kê một loạt động cơ giết Zelenskiy, trong đó bao gồm những tuyên bố rằng mọi việc đang diễn ra không ổn với cuộc phản công của Kyiv, tổn thất gia tăng, quân đội bất mãn và những cáo buộc không có bằng chứng về tham nhũng liên quan đến nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây. Newsweek đã liên hệ với văn phòng tổng thống Ukraine để bình luận.

Ukraine cho biết đã có nhiều âm mưu ám sát Zelenskiy kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện nhưng không có âm mưu nào đến từ các đồng minh của họ.

Có thông tin cho rằng quân đội Nga đã nhảy dù xuống Kyiv để giết hoặc bắt giữ Zelenskiy và gia đình ông ngay sau khi chiến tranh bắt đầu. Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết vào tháng 3 năm 2022 rằng Zelenskiy đã sống sót sau hơn chục vụ ám sát, theo hãng tin Ukraine Ukrainska Pravda.

Trong khi đó, đầu tháng này, Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cho biết một người được cho là người cung cấp thông tin từ khu vực phía nam Mykolaiv đã bị giam giữ vì liên quan đến âm mưu ám sát Zelenskiy.

Tất cả những trò này đều là những trò nhảm nhí của người Nga. Nếu người Nga tin có một âm mưu như thế thật, họ sẽ im lặng để nó có thể diễn ra.

2. Ukraine đã giải quyết được vấn đề vũ khí của NATO

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Solved Its NATO Weapons Problem”, nghĩa là “Ukraine đã giải quyết được vấn đề vũ khí của NATO.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Năm xác nhận các báo cáo rằng đất nước của ông đã phát triển vũ khí tầm xa của riêng mình.

“Việc sử dụng thành công vũ khí tầm xa của chúng ta: Một mục tiêu đã bị bắn trúng cách đó 700 km”, ông Zelenskiy nói trong hội nghị với các quan chức Kyiv, theo hãng tin Interfax-Ukraine.

Các đồng minh của Ukraine trong NATO đã đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị vũ khí cho quân đội của Zelenskiy trong cuộc chiến chống lại lực lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng họ hầu như miễn cưỡng cung cấp vũ khí tầm xa.

Các nhà phân tích suy đoán rằng việc do dự cung cấp những loại vũ khí như vậy cho Kyiv có thể xuất phát từ nỗi lo sợ leo thang từ phía Nga nếu các cuộc tấn công xảy ra trên lãnh thổ nước này bằng vũ khí do phương Tây cung cấp. Các quan chức Nga cũng cảnh báo rằng việc cung cấp vũ khí tầm xa sẽ bị Mạc Tư Khoa coi là “ranh giới đỏ”.

Đầu năm nay, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn tầm xa hơn dưới dạng hỏa tiễn Storm Shadow. Vào tháng 7, Pháp tuyên bố sẽ gửi cho Kyiv hàng chục hỏa tiễn SCALP, là phiên bản Storm Shadows của Pháp. Cả hai phiên bản đều có phạm vi hoạt động khoảng 200 km hay 124 dặm.

Trong khi đó, các quan chức Ukraine đã nài xin Mỹ gửi Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội, gọi tắt là ATACMS, có tầm bắn 300km hay 186 dặm. Chính quyền Biden được cho là đang xem xét việc gửi các hệ thống hỏa tiễn đạn đạo đất đối đất này tới Kyiv nhưng vẫn chưa phê duyệt động thái này.

“Vũ khí của NATO tốt hơn nhưng chúng tôi có ít chúng hơn. Và nếu ít hơn thì ít nhất phải có sự cân bằng lâu dài. Chúng tôi thiếu điều này,” Zelenskiy đưa ra lập trường trên trong lần xuất hiện video tại Diễn đàn An ninh Aspen ngày 21 tháng 7.

Zelenskiy hôm thứ Năm không nêu rõ mục tiêu nào đã bị tấn công ở phạm vi 700 km hay 400 dặm), nhưng một phi trường ở vùng Pskov của Nga đã bị tấn công như một phần của cuộc tấn công lớn hôm thứ Tư bao gồm các mục tiêu ở sáu khu vực cũng như ở Crimea. Sân bay Pskov cách biên giới Ukraine khoảng 700 km về phía bắc.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng không nêu rõ loại vũ khí tầm xa nào được sử dụng nhưng máy bay không người lái được cho là được sử dụng trong cuộc tấn công Pskov. Khả năng rất cao là Tổng thống Zelenskiy đang đề cập đến các hỏa tiễn tầm xa được sản xuất trong nước, chẳng hạn như những hỏa tiễn được cho là đã sử dụng trong cuộc tấn công vào các mục tiêu của Nga ở Crimea vào tuần trước.

Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, nói với truyền thông địa phương rằng một hỏa tiễn mới do Ukraine sản xuất đã phá hủy bệ phóng S-400 của Nga trong cuộc tấn công vào Crimea.

Tờ Kyiv Post hôm thứ Tư viết rằng Ukraine có thể đã sử dụng hỏa tiễn hành trình chống hạm R-360 Neptune đã được sửa đổi để có tầm bắn xa hơn mới có thể hạ gục hệ thống S-400 của Nga.

3. Đồng minh của Putin cho rằng Nga không thể thắng nếu không có vũ khí hạt nhân

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Suggests Russia Can't Win Without Nuclear Weapons”, nghĩa là “ Đồng minh của Putin cho rằng Nga không thể thắng nếu không có vũ khí hạt nhân”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất vào Nga kể từ khi nước này xâm chiếm Ukraine đã khiến nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh, Vladimir Solovyov, phải đưa ra một bài phát biểu trực tuyến về những gì ông tin là cần thiết để Mạc Tư Khoa giành chiến thắng trong cuộc chiến mà họ đã bắt đầu.

Một số khu vực của Nga đã trở thành mục tiêu trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quy mô lớn vào tối thứ Tư. Những chiếc máy bay khổng lồ—bao gồm cả Ilyushin IL-76—đã bị phá hủy hoặc hư hỏng tại một phi trường ở Pskov, cách Ukraine 450 dặm, đó là dấu hiệu cho thấy Mạc Tư Khoa đã thất bại quân sự nghiêm trọng. Chính quyền Nga đã đổ lỗi cho Ukraine về các vụ tấn công, mặc dù Kyiv chưa nhận trách nhiệm.

Trên chương trình phát thanh Polniy Kontakt nghĩa là Giao Tiếp Đầy Đủ của Vladimir Solovyov, đồng minh của Vladimir Putin đã chỉ trích những hình ảnh và thông tin mà các thống đốc khu vực chia sẻ trên mạng xã hội về hậu quả của các cuộc tấn công.

“Đừng giả vờ là blogger nữa,” anh ta nói khi bắt đầu đoạn clip dài 11 phút, được chia sẻ bởi nhà quan sát và nhà báo Nga Julia Davis, trong đó giọng nói của anh ta chuyển từ lời thì thầm như đang xưng tội sang một bài giảng đầy lửa và diêm sinh. “Tại sao bạn lại đăng ảnh?”

Solovyov tiếp tục hỏi làm thế nào mà một cuộc tấn công “mạnh mẽ” như vậy lại có thể gây ra tổn thất “rất nặng nề” cho máy bay Nga.

Trả lời câu hỏi của chính mình, Solovyov phỏng đoán rằng tình báo hàng không vũ trụ của NATO đã giúp đỡ trong hoạt động trinh sát mà Nga chưa xem xét đủ nghiêm túc, đồng thời kết luận rằng những lực lượng như vậy “phải bị tiêu diệt”.

Ông bác bỏ những tuyên bố cho rằng lực lượng phòng không của Nga không thể xua đuổi máy bay không người lái và bác bỏ những lo ngại rằng việc Mạc Tư Khoa leo thang nỗ lực sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp với liên minh mà ông đã nhiều lần nói rằng Mạc Tư Khoa đang tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm.

“ Nếu chúng ta định tiến hành chiến tranh, chúng ta nên tiến hành chiến tranh,” ông nói, trước khi chế giễu những lời chỉ trích bình luận của Andrey Gurulyov, một thành viên quốc hội Nga và cựu chỉ huy quân sự, rằng khu vực xung quanh Robotyne mà Ukraine đã giải phóng là “trường hợp hoàn hảo cho một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật”.

Solovyov gọi những nhà phê bình như vậy là “yếu đuối” và đòi phải có hành động cụ thể, nói thêm rằng “hãy sẵn sàng và tiến lên phía trước! Hãy chỉ ra cách bạn có thể làm điều đó.”

Solovyov sau đó đã mở rộng mối đe dọa hạt nhân của mình từ chiến thuật sang chiến lược khi ông lưu ý rằng Pskov nằm gần các nước NATO Estonia và Latvia. Ông nói rằng nếu máy bay không người lái được phóng từ các quốc gia vùng Baltic thì “thì hãy xóa chúng khỏi bề mặt Trái đất”.

Ông nói: “Nếu cuộc tấn công được thực hiện từ một quốc gia NATO thì đây là lời tuyên chiến của NATO chống lại Nga. Điều đó có nghĩa là để đáp trả, vũ khí hạt nhân phải được sử dụng ngay lập tức.” Estonia đã nói rằng họ không đứng sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái.

Newsweek đã liên hệ với NATO qua email để bình luận.

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, Solovyov và các khách mời trong chương trình truyền hình buổi tối của ông đã nhiều lần viện dẫn khả năng hạt nhân của Nga, kêu gọi tấn công các nước đang hỗ trợ Kyiv và đôi khi, để sử dụng chúng trên chiến trường. Mặc dù mối đe dọa hạt nhân đang rình rập xung quanh cuộc chiến, nhưng các chuyên gia nhận định rằng động thái như vậy khó có thể xảy ra vào lúc này.

4. Công dân Nga gốc Đức bị cáo buộc âm mưu buôn lậu vi điện tử của Mỹ để cung cấp cho cỗ máy chiến tranh của Nga

Một công dân Nga gốc Đức đã bị bắt và bị buộc tội thu thập và xuất khẩu trái phép số lượng lớn thiết bị vi điện tử nhạy cảm có nguồn gốc từ Mỹ sang Nga, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Năm.

Arthur Petrov, 33 tuổi, bị bắt tại Cộng hòa Síp hôm thứ Bảy theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Anh ta là một công dân mang hai quốc tịch Nga-Đức.

Các cáo buộc trong yêu cầu dẫn độ cho biết Petrov cư trú ở Nga và Síp và làm việc cho một nhà cung cấp “linh kiện điện tử quan trọng có trụ sở tại Nga cho các nhà sản xuất cung cấp vũ khí và các thiết bị khác cho quân đội Nga”.

Petrov bị cáo buộc đã làm việc với hai đồng phạm người Nga. Theo đơn khiếu nại, ban đầu anh ta mua các thiết bị vi điện tử và gửi chúng qua Síp nhưng chưa bao giờ nói với các nhà phân phối Mỹ rằng điểm đến thực sự của chúng là Nga.

FBI cho biết: “Petrov và các đồng phạm đã cố tình xuyên tạc các hoạt động kinh doanh của họ nhằm trốn tránh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm mua và vận chuyển các bộ phận liên quan đến hỏa tiễn dẫn đường, máy bay không người lái và thiết bị tác chiến điện tử của Nga”.

Điểm đến của số vi điện tử này là một công ty của Nga đã cung cấp cho quân đội Nga kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2022. Smith cho biết một số loại vi điện tử đã được thu hồi trong các thiết bị quân sự của Nga trên chiến trường Ukraine.

Petrov đã bị buộc tội âm mưu lừa gạt Hoa Kỳ, vi phạm Đạo luật Cải cách Kiểm soát Xuất khẩu, buôn lậu hàng hóa từ Hoa Kỳ, âm mưu thực hiện hành vi lừa đảo qua đường dây và âm mưu rửa tiền có thể phải ngồi tù hàng thập kỷ.

5. 5 manh mối khiến nhiều người tin trùm Wagner Yevgeny Prigozhin vẫn sống nhăn

Ký giả Katie Davis của tờ The Sun có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “Living Dead. Five chilling clues Prigozhin could still be alive from ‘beyond grave video to body double claim’ fuelling conspiracies”, nghĩa là “Người chết vẫn sống. Năm manh mối rùng rợn từ video bên kia thế giới đến tuyên bố sử dụng thế thân đang khơi dậy các thuyết âm mưu cho rằng Prigozhin vẫn có thể đang sống nhăn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Lãnh chúa của phe nổi dậy Yevgeny Prigozhin được tuyên bố là đã chết sau khi máy bay riêng của ông bị bắn rơi trong một vụ tai nạn bùng lên thành một cầu lửa.

Nhưng có những nghi ngờ rằng người bạn thân đã trở thành đối phương của Putin có thể vẫn còn sống sau khi chi tiết về tang lễ của ông phần lớn được giữ bí mật.

Trùm Wagner Prigozhin, 62 tuổi, được cho là đã chết vào thứ Tư tuần trước khi máy bay riêng của ông lao thẳng xuống bầu trời và phát nổ trong một vụ tai nạn kinh hoàng khiến cả 10 người trên máy bay thiệt mạng.

Vài ngày sau, hài cốt của anh ta được xác định bằng xét nghiệm DNA, Ủy ban Điều tra Nga cho biết.

Có nhiều đồn đoán rằng Prigozhin đã bị giết theo lệnh của Putin sau khi làm lung lay quyền lực của tên bạo chúa bằng một cuộc đảo chính ngắn ngủi chỉ hai tháng trước đó.

Và Điện Cẩm Linh “vẫn lo lắng” về thách thức của lính đánh thuê đối với chính phủ Nga dù xác nhận anh ta đã chết, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh.

Viện nghiên cứu tuyên bố các nhà lãnh đạo ở Mạc Tư Khoa đang thực hiện các bước che đậy các chi tiết liên quan đến đám tang của Priogzhin.

Prigozhin trước đó đã làm giả cái chết của chính mình và được tuyên bố là đã chết ở Phi Châu vào năm 2019 trước khi tái xuất hiện ba ngày sau đó.

Giờ đây, ít nhất năm manh mối rùng rợn đã được đưa ra ánh sáng, làm sáng tỏ các thuyết âm mưu rằng Prigozhin thực sự có thể đã thoát chết.

Manh mối thứ nhất: Sử dụng thế thân trên máy bay

Người ta đồn rằng thi thể được cho là của Prigozhin ở trên chiếc máy bay phản lực bị lâm nạn không phải là của chính lãnh chúa.

Tỷ phú Prigozhin được biết đến là người sử dụng thế thân và nổi tiếng là sử dụng nhiều cách cải trang cho bản thân.

Nhà phân tích chính trị người Nga, Tiến sĩ Valery Solovey tuyên bố ông chủ Wagner “còn sống, khỏe mạnh và tự do” ở một quốc gia giấu tên.

Tiến sĩ Solovey, cựu giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế Mạc Tư Khoa, đã cáo buộc chính quyền Nga nói dối về việc tìm thấy DNA của Prigozhin tại hiện trường vụ tai nạn.

Ông tin rằng thế thân của Prigozhin, mà anh ta được biết là đã sử dụng nhiều lần, đã lên chiếc máy bay thương mại Embraer Legacy 600 ở vị trí của anh ta.

Tiến sĩ Solovey cho biết: “Bản thân Prigozhin không có mặt trên tàu. Thế thân của anh ta đang bay thay vì anh ta.”

“Vladimir Putin hoàn toàn có thể nhận thức được điều đó.”

“Nếu bạn tin vào những tuyên bố chính thức của chính quyền Nga thì tôi còncó thể nói gì nữa đây?”

Những bức ảnh xuất hiện sau cuộc đảo chính tháng 6 do Prigozhin lãnh đạo cho thấy có những thế thân của lãnh chúa. Một người được chụp trong hộ chiếu Nga có tên Prigozhin. Prigozhin cũng xuất hiện trong hộ chiếu với tên giả.

Manh mối thứ hai: 'Vợ giả trong đám tang'

Người ta cho rằng người vợ được cho là của Priogzhin đã được chụp ảnh trong đám tang của anh ta hôm thứ Ba – nhưng nhiều người khẳng định đó thực sự là vợ của người thế thân.

Người phụ nữ được nhìn thấy tại nghĩa địa Porokhovskoye ở St. Petersburg ban đầu được xác định là vợ của Prigozhin, Lyubov Prigozhina, 52 tuổi.

Nhưng truyền thông Nga sau đó khẳng định người ấy chính là Irina Krasavina - vợ của người thế thân Leonid Krasavin - là người đã đến dự tang lễ.

Đám tang được giữ bí mật và an ninh được tăng cường - với những tay sai của Putin được nhìn thấy đứng canh cổng.

Manh mối thứ ba: Bài thơ kỳ lạ trên bia mộ

Một bài thơ đóng khung được đặt trên bia mộ của Prigizhin giữa những bông hoa và những lời tưởng nhớ đã khiến người ta phải nhướng mày.

Theo hãng truyền thông Moskovskij Komsomolets được Điện Cẩm Linh chứng thực, bài thơ viết rằng: “Làm sao tôi bước đến ngưỡng cửa, không hiểu, ngập ngừng.

“Bạn là con trai tôi hay Chúa? Tức là sống hay chết?”

Lời này là một đoạn trích từ một bài thơ có tựa đề “Cuộc sống tĩnh lặng” của nhà văn Liên Xô Joseph Brodsky.

Mặc dù nhiều người cho rằng đó chỉ là một lời tưởng nhớ chân thành, những người khác tin rằng đó là một dấu hiệu khác cho thấy Prigozhin thực sự không bị giết.

Người ta cũng chỉ ra rằng tác phẩm của Brodsky là một sự lựa chọn thú vị, do ông thường xuyên gây chiến với các nhà lãnh đạo Liên Xô.

Manh mối thứ tư: Chiếc máy bay thứ hai bí ẩn

Tin đồn Prigozhin thoát chết nổ ra sau khi chiếc máy bay thứ hai có liên quan đến ông chủ Wagner bị phát hiện đang lao tới Mạc Tư Khoa.

Chiếc máy bay được nhìn thấy trên radar chuyến bay từ St. Petersburg đến Mạc Tư Khoa nửa giờ trước khi chiếc máy bay gặp nạn bị rơi chỉ cách cung điện xa hoa của Putin ở Valdai, miền bắc nước Nga chỉ 31 dặm.

Đoạn phim cho thấy chiếc máy bay phản lực thứ hai - một chiếc Embraer ERJ-135BJ Legacy 650 có số ghi danh RA-02748 - hạ cánh xuống phi trường Ostafyevo.

Keir Giles, chuyên gia về Nga của tổ chức nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House, cảnh báo Prigozhin có thể vẫn còn sống.

Anh ta nói: “Nhiều cá nhân đã đổi tên thành Yevgeniy Prigozhin, như một phần trong nỗ lực nhằm che giấu chuyến đi của anh ta.”

“Đừng ngạc nhiên nếu anh ta xuất hiện ngay trong một video mới từ Phi Châu.”

Manh mối thứ năm: Lãnh chúa chiến tranh 'được nhìn thấy trong video mới'

Một đoạn video mới xuất hiện cho thấy Priogozhin bình luận về việc “loại bỏ” anh ta và liệu anh ta có “còn sống” hay không.

Đoạn clip cho thấy Prigozhin khẳng định mình “ổn” khi mặc quân phục trên xe hơi.

Anh ta nói: “Dành cho những người đang thảo luận về việc tôi còn sống hay không.”

“Tôi đang như thế nào?”

“Bây giờ là cuối tuần, nửa cuối tháng 8, 2023.”

“Tôi đang ở Phi Châu.”

“Những người hâm mộ thảo luận về việc tôi bị loại, đời sống tình cảm, thu nhập hay bất cứ điều gì, trên thực tế, mọi thứ đều ổn.”

Video được chia sẻ bởi Gray Zone, một kênh Telegram được liên kết với Wagner.

Không rõ video được quay vào ngày nào - nhưng nó làm dấy lên suy đoán rằng lãnh chúa vẫn còn sống.

Được biết, anh ta đã ở Phi Châu - nơi Wagner tiến hành các hoạt động quân sự - trước khi trở về Mạc Tư Khoa trước vụ tai nạn máy bay.

6. Liên Hiệp Quốc trình bày “đề xuất cụ thể” với Nga về việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã trình bày “một loạt đề xuất cụ thể” nhằm gia hạn thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải trong một lá thư gửi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

Theo Guterres, việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc là “cực kỳ quan trọng”.

Ông cho biết sáng kiến này “đã đóng góp rất quan trọng để làm cho thị trường thực phẩm trở nên phù hợp hơn với các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc về an ninh lương thực”, chẳng hạn như giảm giá và tạo “điều kiện để nhiều nước tiếp cận thị trường toàn cầu, cụ thể là các nước đang phát triển”.

Tuy nhiên, ông nói, Liên Hiệp Quốc “quan tâm đến các yêu cầu của Nga”.

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi có một số giải pháp cụ thể cho những lo ngại cho phép tiếp cận hiệu quả hơn thực phẩm và phân bón của Nga vào thị trường toàn cầu với mức giá phù hợp”.

Guterres cho biết ông tin rằng Liên Hiệp Quốc “đã đưa ra một đề xuất có thể là cơ sở cho việc đổi mới, nhưng việc đổi mới phải ổn định”.

“Chúng ta không thể có Sáng kiến Hắc Hải chuyển từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác, từ đình chỉ này sang đình chỉ khác. Chúng ta cần phải có thứ gì đó hoạt động được và mang lại lợi ích cho mọi người”.

Một số bối cảnh: Trước đó hôm thứ Năm, ông Lavrov cho biết Nga sẵn sàng quay trở lại Sáng kiến ngũ cốc Hắc Hải ngay khi những lời hứa với Mạc Tư Khoa trở thành sự bảo đảm.

Nga đã rút khỏi sáng kiến này vào tháng 7, gần một năm sau khi được Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc làm trung gian để bảo đảm việc vận chuyển ngũ cốc Ukraine qua Hắc Hải một cách an toàn và giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.

Nga liên tục phàn nàn rằng những lợi ích theo thỏa thuận không bao giờ thành hiện thực.

7. Tin tặc quân đội Nga nhắm vào thiết bị di động của binh sĩ Ukraine để đánh cắp kế hoạch chiến đấu, Mỹ và đồng minh cho biết

Tin tặc quân đội Nga đã nhắm vào các thiết bị di động của binh sĩ Ukraine nhằm đánh cắp thông tin chiến trường nhạy cảm có thể hỗ trợ cuộc chiến của Điện Cẩm Linh với Ukraine, Mỹ và các đồng minh cảnh báo hôm thứ Năm.

Lời khuyên mới của Hoa Kỳ và các đồng minh trong nhóm “Five Eyes” bao gồm Úc, Canada, New Zealand và Vương quốc Anh – chứng thực một báo cáo từ cơ quan bảo mật SBU của Ukraine cho thấy tin tặc Nga đã tìm cách xâm nhập vào máy tính bảng Android mà quân đội Ukraine sử dụng cho “lập kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.”

Theo SBU, mã độc của hacker Nga được thiết kế để đánh cắp dữ liệu gửi từ thiết bị di động của quân đội tới hệ thống vệ tinh Starlink do công ty của tỷ phú Elon Musk sản xuất. Các vệ tinh Starlink rất quan trọng đối với thông tin liên lạc trên chiến trường của Ukraine.

Tin tức cho thấy cuộc đấu tranh nhằm kiểm soát dữ liệu quân sự nhạy cảm trên không gian mạng đã trở thành mặt trận then chốt trong cuộc chiến toàn diện của Nga với Ukraine.

Không rõ nỗ lực hack đã thành công đến mức nào. Cơ quan an ninh SBU của Ukraine tuyên bố đã “ngăn chặn” một số nỗ lực hack nhưng cũng thừa nhận rằng người Nga đã “xâm nhập được” các máy tính bảng trên chiến trường và cài nhu liệu độc hại vào chúng.

John Hultquist, nhà phân tích chính của công ty bảo mật Mandiant, thuộc sở hữu của Google, cho biết: “Nhu liệu độc hại trên thiết bị di động đặc biệt nguy hiểm vì nó có thể cung cấp cho các dịch vụ tình báo vị trí thực tế của các mục tiêu”. Hultquist nói với CNN rằng khả năng đó có thể “cực kỳ hiệu quả trên chiến trường”.

Chiến dịch tấn công mạng diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang tiến hành một cuộc phản công chậm chạp và khốc liệt nhằm đẩy lùi lực lượng Nga. Các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng Ukraine chưa đạt được bất kỳ bước đột phá đáng kể nào trong nhiều tháng giao tranh.

Paul Chichester, giám đốc hoạt động tại Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia của Vương quốc Anh, cho biết trong một tuyên bố rằng chiến dịch hack “minh họa cuộc chiến bất hợp pháp của Nga ở Ukraine tiếp tục diễn ra như thế nào trên không gian mạng”.

8. Ukraine kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cản nỗ lực của Nga thiết lập các tuyến đường ngũ cốc thay thế

Bộ Ngoại giao Ukraine hôm thứ Năm cho biết bất kỳ sự cân nhắc nào về việc hỗ trợ xuất khẩu ngũ cốc của Nga ở Hắc Hải mà không nối lại xuất khẩu từ các cảng của Ukraine sẽ củng cố “cảm giác không bị trừng phạt” của Mạc Tư Khoa và “ giáng một đòn nặng nề vào các nghĩa vụ quốc tế và luật pháp quốc tế”.

“Trong bối cảnh này, chúng tôi kỳ vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã nhiều lần khẳng định lập trường bất khả tương nhượng của mình trong việc duy trì và tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế, cùng với các bên liên quan khác, sẽ sử dụng quyền hạn của mình để ngăn chặn những nỗ lực của Nga nhằm vi phạm nghĩa vụ quốc tế và tống tiền thế giới bằng các biện pháp trừng phạt, và cuộc khủng hoảng lương thực mới”.

Tuyên bố này được đưa ra khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đang hội đàm tại Mạc Tư Khoa về việc vận chuyển ngũ cốc.

Hôm thứ Năm, ông Lavrov cho biết hai bên đã thảo luận về sáng kiến của Mạc Tư Khoa trong việc tổ chức vận chuyển ngũ cốc của Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ với giá ưu đãi để được chế biến tại các cơ sở của Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó chuyển đến “các quốc gia có nhu cầu lớn nhất trên thế giới”.

Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết: “Sau khi rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Hắc Hải, Liên bang Nga đã bắt đầu các cuộc tấn công hỏa tiễn có hệ thống nhằm vào cơ sở hạ tầng của các cảng và cơ sở lưu trữ ngũ cốc của Ukraine” và tăng giá lương thực “vì lợi ích của chính họ”.

Ukraine vẫn quan tâm đến việc khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải mà Nga đã rút khỏi và cũng đang “tích cực theo đuổi việc triển khai các tuyến đường thay thế”.
 
ĐTC đến thăm một trong những thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Năm điều cần biết về Mông Cổ
VietCatholic Media
17:04 01/09/2023


1. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên Giám mục Hương Cảng, bày tỏ lo âu vì tình trạng xáo trộn, lẫn lộn trong Giáo hội ngày nay.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo “Hương Cảng Kitô Thời báo” (Hương Cảng Christian Times), số mới xuất bản hôm 27 tháng Tám vừa qua, Đức Hồng Y Trần Nhật Quân cho biết ngài lo âu như vậy, “vì một số truyền thống đích thực của Giáo hội không thể bị thay đổi tùy vì trạng đó”.

Đức Hồng Y Giuse Quân, thuộc Dòng Don Bosco, năm nay 91 tuổi. Trong thời gian qua ngài đã được điều trị ở nhà thương vài tuần lễ và bây giờ phải ngồi xe lăn, cảm thấy bước đi không vững. Vì thế, Đức Hồng Y lấy làm tiếc vì không thể tiếp tục việc mục vụ viếng thăm các nhà tù. Ngài nói: “Nếu tôi đi lại được, tôi sẽ tiếp tục trở lại thăm các tù nhân”, công tác mục vụ Đức Hồng Y vẫn thực hiện từ khi giã từ việc coi sóc Giáo phận Hương Cảng. Đức Hồng Y cho biết có nhiều người bạn cũ đang ở tù, nhất là những người ở tù hơn mười năm rồi, trong đó cũng có nhiều người bị tù từ hơn hai năm gần đây (vì tham gia các vụ phản đối)”. Nhà tù vừa lớn vừa có nhiều cầu thang phải leo. Đức Hồng Y tiếp tục chương trình phục hồi với hy vọng tái sử dụng đôi chân để có thể tự đi lại, nhiều lúc có tiến triển, nhưng cũng có lúc bị thụt lùi.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Giuse Quân bày tỏ lòng quý mến đối với Đức Hồng Y tân cử Stephano Chu Thủ Nhân, Giám mục Hương Cảng, và nói rằng: “Đức Giáo Hoàng đã cho chúng tôi một giám mục khôn ngoan, phải cử động trong một tình trạng khó khăn”.

Ngài nói thêm rằng: “Chúng tôi đang sống trong một thời điểm nhiều căng thẳng. Chúng tôi làm tất cả những gì có thể. Nhưng điều chúng tôi có thể làm được hay không, đó không phải là quan trọng: chúng tôi không phải là những cứu nhân”.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm một trong những thủ đô ô nhiễm nhất thế giới

Theo Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, trong khi những suy nghĩ về Mông Cổ có thể gợi lên hình ảnh những dân tộc du mục cưỡi ngựa băng qua những thảo nguyên rộng lớn, thì thủ đô đông dân hơn của đất nước này lại có tiếng xấu là một trong những thủ đô ô nhiễm nhất thế giới, đặc biệt là vào mùa đông.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến thủ đô Ulanbator của Mông Cổ vào ngày 1 tháng 9, tức là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Sáng thế, một ngày mà Đức Phanxicô đã thành lập vào năm 2015 sau khi công bố thông điệp môi trường mang tính bước ngoặt Laudato Si’.

Như Đức Giáo Hoàng gần đây đã tiết lộ rằng ngài đang viết phần thứ hai của Thông điệp Laudato Si' nhằm giải quyết “các cuộc khủng hoảng môi trường gần đây”, Đức Phanxicô có thể sẽ biến “việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” thành chủ đề chính trong chuyến tông du Mông Cổ của ngài.

Phẩm chất không khí của thủ đô Mông Cổ trở nên độc hại vào năm 2018 đến mức một cơ quan của Liên Hợp Quốc đã đưa ra một báo cáo coi đây là một “cuộc khủng hoảng sức khỏe trẻ em”. Các phép đo hạt mịn trong không khí có thể hấp thụ từ đường hô hấp vào máu gọi là PM2.5 cho thấy mức này cao gấp 133 lần mức mà Tổ chức Y tế Thế giới coi là an toàn.

Không khí bị ô nhiễm một phần là do các khu định cư bao quanh thành phố ở nơi được gọi là Quận Ger, nơi các gia đình nghèo đốt than thô ở chợ đen cũng như lốp xe, chai nhựa và các chất thải khác trong nhà của họ, được gọi là yurts, để giữ ấm trong mùa đông lạnh giá. Bốn nhà máy than lớn ở Ulanbator cũng làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm.

Theo báo cáo của UNICEF, “Ô nhiễm không khí đã trở thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe trẻ em ở Ulanbator, khiến mọi trẻ em và phụ nữ mang thai đều gặp nguy hiểm”.

Cơ quan Liên Hợp Quốc cũng báo cáo rằng khói bụi của thành phố độc hại đến mức trẻ em Mông Cổ sống ở khu vực Ulanbator bị ô nhiễm nặng có chức năng phổi thấp hơn 40% so với trẻ em sống ở nông thôn. Một nghiên cứu tại một bệnh viện Mông Cổ cho thấy các chất ô nhiễm không khí theo mùa có mối tương quan chặt chẽ với tỷ lệ sảy thai tăng gấp 3.6 lần ở thủ đô. Để đối phó với những hậu quả về sức khỏe cộng đồng, chính phủ Mông Cổ đã cấm tiêu thụ than thô vào năm 2019, nhưng thành phố vẫn đang phải giải quyết hậu quả của tình trạng ô nhiễm không khí đang diễn ra.

Mông Cổ còn nổi bật bởi nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, bao gồm uranium, đồng, vàng và các nguồn dự trữ đất hiếm khác. Nhiều nước ngoài, bao gồm Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc, có liên doanh khai thác mỏ ở Mông Cổ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng có thể nêu bật vấn đề này, như ngài đã làm trong chuyến tông du tới Cộng hòa Dân chủ Congo hồi đầu năm nay, nơi ngài đã gây chú ý bằng cách lên án hành vi bóc lột khai thác mỏ, nói rằng: “Hãy tránh xa châu Phi!”

Theo Tổng thống Hung Gia Lợi Katalyn Novák, người đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican vào ngày 25 tháng 8, Đức Giáo Hoàng Phanxicô được cho là đang có kế hoạch phát hành phiên bản cập nhật mới của Laudato Si’ nhân dịp lễ Thánh Phanxicô Assisi vào ngày 4 tháng 10.

3. Năm điều cần biết về Mông Cổ

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cung cấp 5 điều nên biết về Mông Cổ nhân chuyến viếng thăm nước này của Đức Phanxicô:

Mông Cổ là một trong những quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới, nằm giữa các nước láng giềng lớn hơn và hùng mạnh hơn nhiều là Trung Quốc và Nga. Nơi đây có một trong những cộng đồng Kitô giáo nhỏ nhất trên thế giới - một cộng đồng tuy nhiên vẫn được khích lệ bởi chuyến tông du sắp tới của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Trước chuyến đi lịch sử của Đức Giáo Hoàng, đây là một số thông tin quan trọng cần biết về Mông Cổ.

1) Mông Cổ chỉ có vài nghìn Kitô hữu.

Về mặt chính thức, Mông Cổ chỉ có 1,300 người Công Giáo, ít hơn 1% trong tổng số 3.3 triệu dân của đất nước. Con số này tuy nhỏ nhưng vào đầu những năm 1990, đất nước này hầu như không có người Công Giáo bản địa. Điều này chủ yếu là do chế độ cộng sản của quốc gia này tồn tại từ những năm 1920 cho đến năm 1990 và đàn áp mọi hình thức tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo Tây Tạng.

Các nhà truyền giáo quay trở lại đất nước để bắt đầu xây dựng lại cộng đồng Công Giáo từ đầu sau khi chế độ cộng sản kết thúc, và Vatican đã tái lập quan hệ ngoại giao với đất nước này vào năm 1992. Năm 2003, Nhà thờ Hai Thánh Phêrô và Phaolô được xây dựng; vào năm 2016, vị linh mục gốc bản xứ đầu tiên của thời kỳ hiện đại đã được thụ phong.

Mặc dù có dân số nhỏ nhưng Kitô giáo ở Mông Cổ đã hiện diện từ thế kỷ thứ bảy hoặc thứ tám khi những người thuộc phái Nestoriô (các Kitô hữu Ba Tư với lòng nhiệt thành truyền giáo) lần đầu tiên đến thăm khu vực này. Các nhà truyền giáo Công Giáo dòng Phanxicô đã rao giảng cho người Mông Cổ ngay từ thế kỷ 13.

Theo CIA World Factbook, hơn một nửa dân số được xác định là Phật tử, với người Hồi giáo chiếm 3.2%, Shamanist 2.5%, Kitô giáo 1.3% và khoảng 40% tuyên bố không có tôn giáo.

Phủ doãnTông tòa Ulanbator, một khu vực truyền giáo không có đủ người Công Giáo để thành lập một giáo phận, có thẩm quyền đối với toàn bộ Mông Cổ. Nó được lãnh đạo bởi Đức Hồng Y Giorgio Marengo, 49 tuổi, ngài là phủ doãn tông tòa và là vị Hồng Y trẻ nhất thế giới. Ngài được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tặng chiếc mũ đỏ vào tháng 8 năm 2022.

2) Nhìn chung không có nhiều người: Mông Cổ là quốc gia có mật độ dân số thấp nhất thế giới.

Ba triệu người nghe có vẻ nhiều, nhưng đối với một đất nước rộng lớn như Mông Cổ thì không phải vậy. Mật độ dân số chỉ hai người trên mỗi km vuông khiến nơi đây trở thành nơi vắng vẻ nhất thế giới. Phần lớn Mông Cổ bao gồm môi trường thảo nguyên khô cằn và trống trải, nơi chăn thả gia súc và dân cư chủ yếu du mục rất thưa thớt. Mặc dù vậy, thủ đô Ulanbator là nơi sinh sống của khoảng một nửa dân số cả nước và là một thành phố tương đối lớn và đông đúc với 1.6 triệu người.

3) Thời tiết tháng 9 ở Ulanbator nhìn chung dễ chịu, nhưng Mông Cổ lại nổi tiếng với khí hậu khắc nghiệt.

Nằm trên cao nguyên, nhiệt độ cao trung bình ở Ulanbator vào tháng 9 là 66 độ F (19 độ C), trong khi nhiệt độ thấp nhất là 36 F (2 C). Tuy nhiên, nhìn chung, Ulanbator là thủ đô lạnh nhất trên trái đất. Cả nước có khí hậu nhiều gió, lạnh, khô và dễ thay đổi, ngày càng trở nên khắc nghiệt và khó dự đoán hơn khi khí hậu hoàn cầu thay đổi, buộc ngày càng nhiều người phải di cư đến thủ đô ngày càng đông đúc để tìm kiếm sinh kế.

4) Theo hầu hết các thước đo, Mông Cổ không hoạt động tốt.

Phần lớn cư dân của đất nước sống bằng nghề chăn nuôi du mục, một nghề mà như đã đề cập trên đây, ngày càng trở nên khó khăn. Một phần là do khí hậu thay đổi nhưng cũng do sự tàn phá các vùng đất chăn thả do sự gia tăng chăn nuôi dê để lấy len cashmere ở những khu vực trước đây dành riêng cho chăn nuôi gia súc.

Tình trạng quá đông đúc ở thủ đô, cũng như những khó khăn khác như mức độ ô nhiễm cao, đã dẫn đến sự gia tăng nghèo đói, nghiện rượu và lạm dụng gia đình ở nhiều người chăn nuôi trước đây. Các Kitô hữu đôi khi bị nghi ngờ, và Mông Cổ đã phải đối mặt với sự gia tăng các hệ tư tưởng bài ngoại trong công dân của mình đối với những người đến từ nước láng giềng lớn hơn của họ là Trung Quốc.

5) Lịch trình chuyến thăm đầy đủ của Đức Giáo Hoàng.

Trong số các hoạt động khác, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ có chuyến thăm xã giao với Tổng thống Ukhnaagiin Khürelsükh, gặp gỡ ngắn gọn Chủ tịch Quốc hội Khural, tức Quốc hội Mông Cổ, và thăm Thủ tướng Oyun-Erdene Luvsannamsrai. Ngài cũng sẽ gặp gỡ các giám mục, linh mục, nhà truyền giáo, tu sĩ và nhân viên mục vụ tại Nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô, tòa của phủ doãn tông tòa Ulanbator.