Ngày 06-10-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cần một tấm lòng
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:41 06/10/2011
Chúa Nhật XXVIII TN A

Một trong những cung cách giảng dạy của các danh sư là dùng các câu chuyện kể. Khi sinh thời, Chúa Giêsu cũng đã từng làm người kể chuyện. Cách kể chuyện của Chúa hẳn rất có duyên khiến cho đám đông thính giả say sưa nuốt từng lời, từng câu nói. Chúa Nhật XXVIII TN A này, Mẹ Hội Thánh cho chúng ta nghe lại câu chuyện Chúa Giêsu kể năm nào: “Nước Trời giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho hoàng tử. Đến hẹn, vua sai gia nhân đi mời quan khách...” Ngày xưa, đi dự tiệc cưới của hoàng cung có phải mang theo quà cáp hay phong bì chăng? Ngày nay rất nhiều người cứ đến mùa cưới là như trong tư thế sẵn sàng đi trả nợ đời. Cứ mỗi tấm thiệp mời ăn cưới là một tờ giấy báo nợ không bằng. Tìm được cớ hợp lý để thoái thác tham dự một tiệc cưới kể như lập một chiến công, dù không trọn vẹn, vì cũng phải nhờ người gửi quà biếu, nhưng chí ít cũng tiết kiệm được một buổi công làm. Tuy nhiên hầu hết đây là những trường hợp “được hoặc bị mời”, kiểu phải đáp lễ, ít có liên hệ họ hàng hay thân thuộc.

Trở lại với câu chuyện dụ ngôn Chúa kể. Được đức vua mời dự tiệc cưới hoàng tử quả là một vinh dự to lớn mà nhiều người thời phong kiến hằng ước ao. Không chỉ vì mình được nhà vua sủng ái mà còn có nhiều vận hội lớn, mỗi khi được dịp vào hoàng cung, được dịp gặp gỡ bao vị quyền chức cao trọng. Hơn nữa, ngôn sứ Isaia đã minh nhiên nói rõ sự hào phóng của đức vua: Thịt thì béo, rượu thì ngon mà khỏi phải trả đồng nào (x. Is 25,6; 55,1). Thế mà những người được mời lại hờ hững và từ chối với những lý do không chút gì tương xứng: đi thăm nông trại, đi buôn bán. Có kẻ lại bắt đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết! Không thể hình dung và cũng chẳng thể hiểu được.

Chuyện hình như không thể xảy ra trong đời thường thì lại rất có thể có trong đời sống đức tin, và thực sự đã hiển nhiên với lịch sử đoàn dân được tuyển chọn ngày xưa. Israel được Thiên Chúa ưu ái mời gọi đến hưởng nhận bao ân phúc của Người, dù họ chỉ là một dân nhỏ bé giữa các dân, chẳng có gì xứng đáng. Tất thảy chỉ vì tình Chúa bao la. Chúa sủng ái họ cách đặc biệt hơn các dân. Thế mà khi sai các đầy tớ là các sứ ngôn đến mời gọi thì họ lại chối từ và còn nhẫn tâm hãm hại các ngài. Chính sự vô tình và sự nhẫn tâm của họ đã kết án họ, đã loại họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Và rồi muôn dân khắp thiên hạ đã được mời vào dự tiệc của Thiên Chúa. Thiên hạ sẽ từ Đông chí Tây, từ Bắc chí Nam đến dự tiệc Nước Thiên Chúa, còn con cái trong nhà sẽ bị loại ra ngoài. Người ta bị loại ra chỉ vì thiếu một tấm lòng.

Chúa Giêsu kể thêm một câu chuyện khác cũng về tiệc cưới của hoàng tử. Khi đức vua vào phòng tiệc thì thấy một người không mặc y phục lễ cưới. Đi dự một đám cưới mà trên người chỉ có chiếc “may – ô” và cái quần cộc hay với bộ đồ đen của “đám tang” thì quả là xấc xược với đôi tân hôn, với chủ tiệc và với cả quan khách. Lại còn ương ngạnh, không thèm trả lời khi được chất vấn, thì quả là người chẳng coi ai ra gì, đúng hơn là chẳng biết nghĩ đến kẻ khác. Đi dự một lễ hội, tiệc tùng hay đình đám thì chuyện mặc y phục gì, kiểu dáng ra sao, màu sắc thế nào…không nguyên là để làm đẹp bản thân mà tiên vàn là để tôn trọng chủ nhà, tôn trọng nội dung, bầu khí buổi lễ, buổi tiệc…Đã là người biết nghĩ, thì không ai ăn mặc hở hang, lòe loẹt đi dự đám tang và cũng chẳng có ai mặc toàn màu đen đi dự đám cưới.

Nguời không biết nghĩ đến kẻ khác thì không xứng đáng dự tiệc nước trời, vương quốc của tình yêu. Vào đạo, gia nhập Hội Thánh…mà chỉ biết lo cho bản thân mà thôi, cho dù là phần rỗi linh hồn mình, thì không xứng đáng lãnh nhận ân tình của Chúa. Chốn khóc lóc và nghiến răng là nơi dành cho những kẻ chỉ biết sống cho riêng mình.

Được làm con cái Chúa thì phải lấy danh Chúa làm trọng. Nguyện xin cho danh Cha cả sáng. Được làm tín hữu trong Hội Thánh thì phải mến yêu người mẹ sinh ta trong đức tin. Xin gìn giữ Hội Thánh Chúa trong chân lý và bình an. Được làm con dân nước Việt thì phải đồng hành với dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Xin cho quê hương được thái bình thịnh vượng trong công lý. Những lời cầu xin cũng là những ý chỉ giúp định hướng cuộc đời chúng ta, hành vi của chúng ta.

Đã từng có những ngày, truyền thông đại chúng nước nhà đất Việt chúng ta dùng xảo kế làm méo mó chân dung một vài đấng bậc trong Hội Thánh, gieo rắc ác cảm nơi tâm hồn nhiều bà con lương dân và khác đạo. Chính quyền Hà Nội lại còn dùng bạo lực đối xử cách bất công với nhiều tín hữu Công giáo. Là người đang cùng chung bữa căn nhà Hội Thánh, chúng ta hẳn đau xót cách này cách khác. Thế nhưng, sau một vài ngày, một vài tuần, lòng ta có lại dửng dưng như chưa có chuyện gì xảy ra? Hy vọng rằng sẽ chẳng có ai tự bằng lòng với một vài lời kinh hiệp thông cầu nguyện để che dấu tấm lòng ích kỷ chỉ lo cho riêng mình, sợ bị phiền toái, sợ bị bách hại hay sợ ảnh hưởng đến đường thăng tiến tương lai.

Trước tình cảnh đất nước nhiễu nhương vì nạn tham nhũng, gian dối, bạo lực, bất công… là đồng bào, là người con cùng một dạ mẹ tổ quốc, chúng ta có dừng lại ở một vài xuýt xoa, than thở, tán gấu vĩa hè…để rồi phủi tay xem như chuyện của người khác phải lo, phải liệu, chứ không phải của tôi? Hy vọng rằng sẽ chẳng có ai đóng khung các mối lo toan bằng vòng tay của bản thân hay các cánh cửa gia đình riêng mình.

Lạy Chúa xin cho chúng con có một tấm lòng.
 
Canh tân đặc sủng - Tự vấn canh tân
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
15:11 06/10/2011
Một trong những mầu nhiệm cao trọng nhất trong Đạo là Mầu Nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Giáo Hội tuyên xưng Ba Ngôi riêng biệt cùng môt Bản Thể duy nhất và uy quyền như nhau. Ngôi Cha tạo dựng, Ngôi Con Cứu Chuộc và Ngôi ThánhThần Thánh Hóa. Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là nguồn sự sống.

Những từ diễn tả thường dùng để nói về Chúa Thánh Thần như Thần Chân Lý, Đấng Phù Trợ, Đấng An Ủi, Ngôi Ba Thiên Chúa và Chúa Thánh Linh. Một từ không được phổ thông lắm là từ Thần Khí, vì ngày xưa người ta đã dùng từ này với ý nghĩa không tốt, để nói đến thần khí mất mùa, giặc giã.

Trong Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng chú tâm đặc biệt đến vai trò của Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần thánh hóa, thay đổi và ban các ơn cần thiết để sống đạo và sống xứng đáng là người con Chúa. Chúng ta đừng lẫn lộn linh đạo của PTCTĐS mà Giáo Hội, các Đức Giáo Hoàng đã chấp thuận và ủng hộ với sự hướng dẫn cùng các áp dụng cụ thể nơi các nhóm Tĩnh Tâm ở địa phương.

Dựa vào những giáo huấn khôn ngoan của Đức Giám Mục Dennis Sullivan, Tổng Đại Diện của Tổng Giáo Phận Nữu Ước, con xin nêu lên vài câu hỏi gợi ý liên quan đến các hiện tượng trong Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng. Chúng ta hãy đối diện trực tiếp với vấn đề cụ thể tại chỗ của các hiện tượng đang xảy ra, chứ không phải là lý thuyết, suy đoán hay cảm nghiệm. Chúng ta hãy loại bỏ ra ngoài mọi thiên kiến và không tranh luận, để trước mặt Thiên Chúa, chúng ta cầu nguyện, tịnh tâm và thành thật trả lời với lòng mình.

1. Việc té ngã

a. Tác động té ngã ngửa ra đàng sau và có người sẵn đỡ, có phải do quyền năng của Ngôi Ba Thiên Chúa không?
b. Tại sao ban tổ chức cần phải sắp đặt những kẻ đỡ sẵn sau lưng, trong khi người khác đứng cầu nguyện? Sợ ai? Sợ gì?
c. Trong bầu khí mờ tối, lời ca sốt mến và khi chúng ta đứng nhắm mắt, giơ tay lên tập trung cầu nguyện có ảnh hưởng gì đến sự đánh mất thăng bằng và rủn té không? Hãy thử xem.
d. Sự đặt tay trên trán của linh mục hay thừa tác viên trong tư thế người kia đang đứng nhắm mẳt, có gây ảnh hưởng gì đến sự kiện té ngã không?
e. Té ngã hàng loạt, có thể do tâm sinh lý ảnh hưởng chung, môi trường, liên đới “dominos” đổ và có cảm giác nhẹ tênh do đâu?
f. Quý vị có thể thử đặt tay cho nhau trong nhóm khi đứng cầu nguyện. Ai cũng có thể thực hiện té ngã được và làm ở mọi nơi nhưng hãy cẩn thận.

2. Nói Tiếng Lạ

a. Có phải trực tiếp do Chúa Thánh Thần thúc đẩy để nói tiếng lạ không?
b. Có phải do người hướng dẫn muốn mọi người họa theo để cùng cầu nguyện tiếng lạ, vậy tiếng lạ đây do Ngôi Ba Thiên Chúa hay do con người tự nói? Nên phân biệt.
c. Tiếng lạ đây có giúp ích cho đời sống tâm linh thật, giúp cầu nguyện mật thiết với Thiên Chúa hay chỉ là cách diễn tả cá nhân một cách vô nghĩa?
d. Ai đã dám ký thác cho Ngôi Ba Thiên Chúa can thiệp vào những hiện tượng mơ hồ hàng loạt và cụ thể hóa tác động của Chúa Thánh Thần như thế?

3. Chữa lành

a. Chúng ta đều tin vào quyền năng chữa lành của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói: Ai xin thì sẽ được. Chúa vẫn ban ân sủng cho kẻ tin tưởng nơi Ngài.
b. Trong Giáo Hội cử hành các Bí Tích chữa lành như Bí tích Hòa Giải, Thêm Sức, Xức Dầu, Thánh Thể…là nguồn ân sủng.
c. Lịch sử 2000 năm qua, ngày ngày trong Giáo Hội có biết bao nhiêu người vẫn được ơn trở lại, sống thánh và nên thánh trong muôn vàn cách. Đặc biệt nhờ các thành qủa qua các sinh hoạt trong các Xứ Đạo, Dòng Tu, Hội Dòng, các Tổ Chức và các Phong Trào…
d. Về chữa lành thân xác thì sao? Chúng ta tin rằng có nhiều trường hợp Chúa đã chữa lành bệnh tật qua sự cầu nguyện, tin tưởng, qua sự bầu cử của Đức Mẹ Maria, Thánh Giuse, các Thánh và những vị được Chúa ban đặc ân riêng để chữa bệnh như các cha thánh Piô 5 Dấu, thánh John Vianney, thánh Nicholas of Tolentine…
e. Trong các cuộc Tĩnh Tâm Canh Tân Đặc Sủng đã có nhiều người phát biểu rằng họ cảm nhận ơn chữa lành nơi thân xác. Đúng! Nhưng chúng ta nên hết sức cẩn thận trong vấn đề này. Có rất nhiều chứng bệnh thường như đau nhức, mệt mỏi, thấp khớp, chúng ta cần xem xét và phân tích kỹ về nguyên nhân và hậu qủa của các loại thuốc mà chúng ta đang dùng hằng ngày. Chú ý thời gian đã dùng thuốc, tình trạng sức khỏe và ảnh hưởng thời khí và máu huyết lên xuống hằng ngày.
f. Câu truyện của những vị ngồi xe lăn được chữa lành đã xảy ra nhiều nơi. Sau khi linh mục đặt tay cầu nguyện, họ có thể đứng lên đi một khoảng, rồi được mọi người vỗ tay khen thưởng và loan truyền tin tức khắp nơi là linh mục làm phép lạ, nhưng chẳng mấy ai (follow-up) tiếp tục theo dõi tiến trình của người liệt sau đó. Có vẻ hơi là diễn kịch. Chúng ta tự hỏi rằng đã từng có ai, sau khi được linh mục xin ơn chữa lành đã đi bác sĩ chứng nghiệm để có hồ sơ bệnh án và bỏ xe lăn chưa? Hay là họ chỉ đứng lên đi một chút rồi ngồi lại xe lăn như cũ và tiếp tục uống thuốc như thường. Câu truyện này xảy ra hằng ngày. Chúng ta biết không phải tất cả những người ngồi xe lăn là đều bại liệt hoàn toàn cả đâu. Họ vẫn có thể bước đi chút ít trong nhà khi cần thiết. Con đã từng chứng kiến những cảnh tượng này nơi Viện Dưỡng Lão.
g. Ghi chú: Nếu thật sự có những trường hợp được chữa lành qua sự đặt tay cầu nguyện tại chỗ của linh mục, chúng ta nên ghi lại hồ sơ lưu trữ đầy đủ, để khi những vị đó mãn phần, chúng ta có đủ chứng cớ để xin tòa thánh phong chân phước hay phong thánh cho các vị đó. Đã gọi là chữa lành thì dù bệnh nhẹ, nặng hay nguy tử đều là phép lạ cả. Vì đã là sự lạ thì phải có sự can thiệp bên ngoài khả năng của con người.

Xét rằng: Nếu những sự kiện tác động trên (té ngã, tiếng lạ, chữa lành) là do quyền năng của Ngôi Ba Thiên Chúa thì không ai có thể ngăn cản hay giới hạn: Thần khí Thiên Chúa, ai đo cho nổi? Ai làm quân sư chỉ vẽ cho Người? (Is 40,13).

Nếu là do tác động và sự can thiệp phần nào của con người tạo nên những hiện tượng để qua mặt những tâm hồn đơn sơ và đức tin của chúng ta còn nhỏ bé chưa bằng hạt cải bị hoang mang lung lạc thì phải cẩn thận. Là linh hướng và là người hướng dẫn, chúng ta phải trả lẽ về mình trước mặt Chúa.

Một vài suy tư góp ý, xin mỗi người chúng ta dùng thời giờ để suy nghĩ một cách khôn ngoan và chân thật. Nhớ khi xưa Đức Trinh Nữ Maria thụ thai Con một Thiên Chúa bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa đã sai thiên thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Maria. Ngày nay các linh mục trong Phong Trào có thể khẩn mời Ngôi Ba Thiên Chúa đến đúng hẹn, tận chỗ và tận nơi: nơi phòng chơi thể thao (gym), trung tâm (center) và những nơi dùng chung để hội họp và sinh hoạt (halls). Lạy Chúa, xin đừng chấp tội chúng con vì chúng con đã xúc phạm đến Thánh Danh Chúa.

Chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện để được ơn khôn ngoan và hiểu biết. Chúng ta nhận biết các Á thánh như Chân Phước Têrêxa Calcutta, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, phải chờ thời gian lâu mới chứng minh được một phép lạ để phong Chân Phước. Đức Cố Hồng Y Francis Xavier Nguyễn Văn Thuận cũng còn đang chờ có phép lạ chứng minh rõ ràng để phong Chân Phước và Phong Thánh. Khi sinh thời, mẹ Têrêxa Calcutta, ĐGH Gioan Phaolô Đệ Nhị và Đức Cố HY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận cũng không thấy ghi lại đã thực hiện sự lạ nào cả.

Vậy thưa quý ông bà và anh chị em, đừng để những hiện tượng biểu lộ bên ngoài làm lung lạc đức tin của chúng ta. Vì chỉ có sự thật mới có thể giải thoát và mang ơn cứu độ. Chúa Giêsu đã phán: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta mọi ngày trong đời sống. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:22 06/10/2011
SỐ KHÔNG TRÊN BẢNG ĐEN
N2T

Có một lần trong cuộc họp của khối học vụ, hiệu trưởng viết lên bảng đen một số không (0), và hỏi các thầy cô giáo hiện diện, đây là ký hiệu gì ?
Thầy giáo Anh văn nói: “Là chữ O, chữ cái của Anh văn”.
Thầy giáo số học nói: “Là số 0 của chữ số Ả Rập”.
Thầy giáo quốc văn nói: “Là một dấu chấm câu”.
Thầy giáo hóa học nói: “Là ký hiệu “ô xy” của nguyên tố căn bản”.
Thấy dạy môn gia chánh nói: “Là giống như cái bánh”.
Thầy dạy âm nhạc nói: “Là dấu ngừng trong dấu nhạc”.

Suy tư:
Một linh mục giảng hay và đánh động tâm hồn người khác là khi ngài –cũng với một bài Phúc Âm trong thánh lễ- khiến cho các thành phần tín hữu tham dự đều hiểu và dễ dàng áp dụng Lời Chúa vào trong hoàn cảnh nghề nghiệp của mình:
- Các cụ già hiểu và sống Lời Chúa với tuổi già.
- Các thanh niên nam nữ hiểu và sống Lời Chúa với hoàn cảnh của mình.
- Các trẻ em hiểu và sống Lời Chúa với lứa tuổi của mình.
- Các bác sĩ, thầy giáo, các công nhân lao động, các chị em buôn bán ngoài chợ.v.v...cũng thấy Lời Chúa đang nói với mình trong thánh lễ...
Đó chính là sự thành công của các linh mục, bởi vì các ngài đã biết cách làm cho Lời Chúa không những trở thành món ăn hợp khẩu của mọi thành phần dân Chúa, mà còn biến Lời Chúa thành tấm gương soi sáng nghề nghiệp hoàn cảnh của tín hữu.
Chỉ một số không (0) mà các thầy giáo đều thấy được nó có liên quan đến nghề nghiệp của mình, thì đúng là số không kỳ diệu.
Lời Chúa làm cho người Ki-tô hữu nên thánh, không phải trong nghề nghiệp của người khác, mà nên thánh ngay trong chính nghề nghiệp và bổn phận của chính mình, đó chính là điều kỳ diệu vĩ đại của Lời Chúa, cũng như qua cách suy tư và cách thực hành Lời Chúa của các linh mục vậy.
--------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:26 06/10/2011
N2T

36. Sự cứu độ của con chính là Chúa Giê-su.

(Thánh Jerome)
 
Bài Giáo Lý Thứ Mười Ba về Cầu Nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI - Suy Niệm về Thánh Vịnh 22
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
12:48 06/10/2011
Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ mười ba về Cầu Nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI ban hành tại Đại Sảnh Đường Phaolô VI, Thứ Tư ngày 14 tháng 9, năm 2011. ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về Cầu Nguyện. Lần này ngài suy niệm về Thánh Vịnh 22.

* * *


“Ôi Thiên Chúa của con! Ôi Thiên Chúa của con! Sao Ngài lại nỡ bỏ rơi con?” TV 22 (21)

Anh chị em thân mến,

Trong bài giáo lý hôm nay tôi muốn nói về một Thánh Vịnh có một liên hệ mật thiết với Kitô học. Thánh Vịnh này luôn xuất hiện trong những tường thuật về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, với cả hai bình diện chịu sỉ nhục và vinh quang, sự chết và sự sống. Đó là Thánh Vịnh 22 theo truyền thống Do Thái hay Thánh Vịnh 21 theo truyền thống La-Hy, một lời cầu nguyện chân thành và cảm động, có sự phong phú về thần học và chiều sâu về nhân bảni, khiến nó trở thành một trong những Thánh Vịnh được ưa thích và nghiên cứu nhiều nhất trong các Thánh Vịnh. Đó là một bài thơ dài, và chúng ta sẽ đặc biệt suy niệm về phần thứ nhất là phần đặt trọng tâm vào lời than van, để hiểu một số khía cạnh quan trọng của kinh nguyện khẩn cầu cùng Thiên Chúa

Thánh Vịnh này trình bày hình ảnh của một người vô tội bị lùng bắt và bao vây bởi những kẻ thù muốn cho ông chết, và ông cầu cùng Thiên Chúa bằng một lời than thở đớn đau, trong niềm xác tín của đức tin, mở ra một cách bí nhiệm để chúc tụng. Trong lời cầu nguyện của ông, thực tại kinh hoàng của hiện tại và đầy an ủi trong quá khứ thay phiên nhau trong một ý thức đau đớn về tình trạng tuyệt vọng của mình, nhưng không muốn làm cho mình mất hy vọng. Lới kêu than lúc đầu của ông là một lời khẩn cầu cùng một Thiên Chúa dường như xa cách, không đáp lời ông và có vẻ đã bỏ rơi ông.

“Ôi Thiên Chúa của con! Ôi Thiên Chúa của con! Sao Ngài lại nỡ bỏ rơi con?

Dù con thảm thiết kêu gào, nhưng ơn cứu độ nơi nào xa xôi!

Lạy Chúa, ngày con kêu Chúa, Chúa chẳng đáp lời;

Đêm con van Ngài, mà cũng chẳng được yên thân.” (câu 2-3).


Thiên Chúa vẫn im lặng, và sự im lặng này làm tan nát tâm hồn của người cầu nguyện, người không ngừng kêu van, nhưng không tìm được câu trả lời. Ngày và đêm đến và đi, trong một cuộc tìm kiếm một lời mà không biết mệt, một sự trợ giúp mà không tìm thấy, Thiên Chúa dường như đang ở quá xa, quá lãng quên và quá vắng mặt. Cầu xin Ngài lắng nghe và đáp lời, tìm một tiếp xúc, kiếm một mối liên hệ có thể đem lại an ủi và ơn cứu độ. Nhưng nếu Thiên Chúa không đáp lại, thì lời kêu cứu bị tan biến trong hư vô, và sự cô đơn trở thành nên không thể chịu đựng được nữa. Tuy nhiên người cầu nguyện trong Thánh Vịnh này, đã ba lần kêu cầu, gọi Ngài là Thiên Chúa “của Con”, trong một hành vi chứng tỏ lòng tín thác và đức tin phi thường. Bất chấp mọi vẻ bề ngoài, tác giả Thánh Vịnh không thể tin rằng mối liên hệ với Chúa đã hoàn toàn bị cắt đứt, và khi thắc mắc về việc bị coi là ruồng bỏ mà ông không thể hiểu nổi, ông khẳng định rằng Thiên Chúa “của ông” không thể bỏ rơi ông.

Như anh nhiều người đã biết, lời kêu van ban đầu của Thánh Vịnh, "Ôi Thiên Chúa của con! Ôi Thiên Chúa của con! Sao Ngài lại nỡ bỏ rơi con?", được tường thuật trong các sách Tin Mừng Thánh Matthêu và Thánh Marcô là tiếng kêu mà Chúa Giêsu đã thốt ra khi đang chịu chết trên Thập Giá (x. Mt 27:46, Mc 15:34). Nó diễn tả tình trạng cô độc của Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa, Người đang đối diện với thảm trạng bị chết, một thực tại hoàn toàn trái ngược với Chúa sự sống. Bị hầu hết những người thân yêu của Mình bỏ rơi, bị các môn đệ phản bội và chối từ, bị vây quanh bởi những kẻ nhục mạ Người, Chúa Giêsu đang bị đè nghiến bởi sức nặng của một sứ mệnh phải trải qua sỉ nhục và hủy diệt. Vì lý do đó mà Người than khóc cùng Chúa Cha, và nỗi thống khổ của Người được diễn tả qua những lời đớn đau của bài Thánh Vịnh. Nhưng tiếng kêu của Người không phải là một tiếng kêu tuyệt vọng, cũng không như tiếng kêu của tác giả Thánh Vịnh, là người kêu cầu trong khi hành trình trên đường đau khổ nhưng cuối cùng dẫn đến một viễn cảnh ngợi khen, tin cậy vào chiến thắng của Thiên Chúa. Vì theo phong tục Do Thái, việc tríc dẫn lời mở đầu của một Thánh Vịnh là có ngụ ý đề cập đến toàn thể bài thơ, như lời cầu nguyện hấp hối của Chúa Giêsu, trong khi vẫn giữ nguyên tình trạng đau khổ không thốt nên lời của Người, mở ra sự chắc chắn của vinh quang. “Chẳng lẽ Ðức Kitô lại không cần phải chịu những đau khổ đó trước khi vào trong vinh quang của Người sao?" Chúa Phục Sinh nói cho các môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24:26). Trong cuộc khổ nạn của Người, nhờ vâng phục Chúa Cha, Chúa Giêsu vượt qua tình trạng bị bỏ rơi và cái chết đã đạt được sự sống và ban nó tất cả các tín hữu.

Trong một trái ngược đau thương, lời kêu cầu đầu tiên này trong Thánh Vịnh 22 của chúng ta lại được nối tiếp bằng việc nhớ lại quá khứ:

“Nơi Ngài cha ông chúng con đặt trọn niền tin cậy.

Họ tín thác vào Ngài và Ngài đà cứu họ.

Họ van xin cứu giúp, và Ngài đã giải nguy.

Nơi Ngài họ một lòng tín thác, nên họ không hổ thẹn bẽ bàng.” (các câu 5-6).


Thiên Chúa mà giờ đây có vẻ rất xa tác giả Thánh Vịnh, tuy vậy lại là Chúa hay thương xót mà dân Israel đã từng kinh nghiệm trong lịch sử của họ. Dân mà người cầu nguyện thuộc về đã là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa và có thể làm chứng cho đức trung tín của Ngài. Bắt đầu với các tổ phụ, rồi sau đó ở Ai Cập và cuộc hành trình dài nơi hoang địa, cuộc định cư nơi Đất Hứa khi tiếp xúc với những dân hung hãn và thù nghịch, cho đến thời lưu đầy tăm tối, toàn bộ lịch sử trong Thánh Kinh là một lịch sử kêu xin giúp đỡ của dân chúng và phản ứng cứu độ của Thiên Chúa. Tác giả Thánh Vịnh nói về đức tin bất di dịch của cha ông mình, những người đã “tín thác” - từ này được lặp đi lặp lại ba lần - và không bao giờ phải thất vọng. Tuy nhiên, giờ đây có vẻ chuỗi kinh nguyện này cùng những đáp trả của Thiên Chúa bị gián đoạn, và tình trạng của tác giả Thánh Vịnh dường như trái ngược với toàn bộ lịch sử cứu đô, làm cho thực tại hiện nay thậm chí còn đau đớn hơn nhiều.

Nhưng Thiên Chúa không thể mâu thuẫn với chính Mình, và chúng ta thấy sau đó lời cầu nguyện lại một lần nữa mô tả hoàn cảnh khó khăn của người cầu nguyện, để làm cho Chúa động lòng thương mà can thiệp như Ngài đã làm trong quá khứ. Tác giả Thánh Vịnh coi mình như “loài sâu bọ, chứ đâu phải loài người, bị mọi người miệt thị, bị dân chúng khinh chê” (câu 7), bị nhạo báng, cười chê (x câu 8) và khi đang bị thương tích chính vì đức tin của mình, chúng nói rằng: “Hắn cậy vào Chúa; xem Ngài có cứu hắn hay không; nếu Ngài yêu thương hắn, thì hãy để Ngài cứu hắn!” (câu 9). Bị nhạo cười châm biếm và khinh bỉ, người bị đàn áp có vẻ mất hết căn tính con người, như Người Tôi Tớ Đau Khổ được mô tả trong Sách Ngôn Sứ Isaia (Is 52:14; 53:2 b-3). Cũng giống như người công chính bị áp bức của Sách Khôn Ngoan (2:12-20), như Chúa Giêsu trên đồi Canvê (x. Mt 27:39-43), tác giả Thánh Vịnh có vẻ đặt lại vấn đề về mối liên hệ của mình với Chúa, về những nhạo báng tàn bạo và nhấn mạnh đến những gì làm cho ông đang phải chịu đựng: sự im lặng của Thiên Chúa, việc Ngài rõ ràng là vắng mặt.

Tuy nhiên, Thiên Chúa đã hiện diện trong cuộc sống của người cầu nguyện bằng một sự gần gũi và ân cần không thể chối cãi được. Tác giả Thánh Vịnh nhắc nhở Chúa: “Phải, Ngài là Đấng đã lấy con ra từ lòng mẹ, và giữ con an toàn trong lòng mẹ. Từ bụng mẹ, con đã được dâng cho Chúa” (Các câu 10-11a). Chúa là Thiên Chúa sự sống, Đấng sinh ra, đón chào em bé và chăm sóc em với tình âu yếm của một người cha. Và nếu trước đó ông đã nhớ lại của đức trung tín của Thiên Chúa trong lịch sử dân Ngài, thì giờ đây người cầu nguyện nhắc lại lịch sử cá nhân của ông và mối liên hệ với Chúa, trở lại thời điểm đặc biệt quan trọng lúc đầu trong cuộc đời ông. Và ở đó, bất chấp tình trạng lẻ loi hiện tại, tác giả Thánh Vịnh nhận ra một sự gần gũi và một tình yêu triệt để của Thiên Chúa mà ông giờ đây có thể thốt lên, trong một lời tuyên xưng đức tin đầy đủ và tạo ra hy vọng, “từ lọt lòng, Ngài đã là Thiên Chúa của con” (v. 11b).

Lời than van giờ đây trở nên lời cầu xin khẩn cấp: “Xin Ngài đừng đứng xa con, vì gian nan cận kề mà chẳng ai cứu giúp.” (câu 12). Sự gần gũi duy nhất mà tác giả Thánh Vịnh cảm thấy và nó làm ông sợ hãi là sự gần gũi của quân thù. Như thế cần phải có Thiên Chúa đến gần và giải cứu, vì quân thù đang bao vây người cầu nguyện, chúng bao quanh ông như những con bò đực hung hăng, như những con sư tử gầm thét và đang dương nanh vuốt ra để cắn xé (xem các câu 13-14). Nỗi âu lo ảnh hưởng đến nhận thức về mối nguy hiểm và phóng đại nó. Các đối thủ dường như bách thắng, đã trở thành những con thú hung tợn và nguy hiểm, trong khi tác giả Thánh Vịnh như một con sâu nhỏ, bất lực, không có khả năng tự vệ.

Tuy nhiên, những hình ảnh này cũng được sử dụng trong Thánh Vịnh để nói rằng khi con người trở nên tàn nhẫn tấn công anh em mình, thì có một cái gì đó giống như thú làm chủ người ấy, khiến cho người ấy hầu như mất hết những gì có vẻ giống con người; bạo lực luôn luôn có với nó một thú tính nào đó và chỉ có sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa mới có thể phục hồi được nhân tính của người ấy. Giờ đây, đối với tác giả Thánh Vịnh, khi bị tấn công dữ dội như thế, ông có vẻ không còn lối thoát, và thần chết bắt đầu làm chủ ông: "Con giống như nước đổ, tất cả xương của con đều phải rụng rời [...] khô như ngói, còn lưỡi con dính chặt vô hàm; [...] chúng chia nhau quần áo của con, còn áo dài thì chúng rút thăm" (các câu 15:16:19). Với hình ảnh bi thảm, mà chúng ta thấy trong tường thuật về Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, mô tả sự tan rã của thân thể của người bị kết án, cơn khát không thể chịu đựng nổi hành hạ người đang hấp hối và điều này được lặp lại trong tiếng kêu của Chúa Giêsu, "Ta khát" (Ga 19:28), cuối cùng đạt đến cao điểm bằng hành động của những tên lý hình, như những quân lính dưới chân thập giá, phân chia quần áo của nạn nhân, là người được chúng coi là đã chết (x. Mt 27:35, Mc 15:24, Lc 23:34, Ga 19:23-24).

Như thế ở đây, chúng ta nghe thấy tiếng kêu cầu giúp đỡ: “Phần Ngài, Lạy Chúa, xin đừng đứng xa con; ôi Đấng là sức mạnh con, xin mau mau đến giúp con [...] Xin cứu con” (câu 20.22a). Đó là một tiếng kêu thấu trời, bởi vì tiếng kêu này công bố một đức tin, một xác tín vượt trên mọi nghi ngờ, mọi tăm tối và hoang tàn của tất cả. Lời than thở bỏ đi nhường chỗ cho lời ca ngợi trong việc đón nhận ơn cứu độ: “Ngài đã đáp lời con. Con sẽ rao truyền danh Ngài với anh em, và chúc tụng Ngài nơi công hội” (các câu 22c-23). Như vậy, Thánh Vịnh thốt lên những lời tạ ơn, thành bài thánh thi cuối cùng tuyệt vời, trong đó bao gồm tất cả mọi người, các tín hữu của Chúa, cộng đồng phụng vụ, các thế hệ tương lai (xem các câu 24-32). Chúa đến để giúp đỡ ông. Người đã cứu kẻ nghèo và dung nhan Người cho chúng ta thấy lòng thương xót của Người. Cái chết và sự sống đã gặp nhau trong một mầu nhiệm không thể phân ly, và sự sống đã chiến thắng. Thiên Chúa của ơn cứu độ đã tỏ ra Nình là Chúa mà không ai có thể chối cãi được. Ngài là Đấng mà mọi người cho đến tận cùng trái đất đều phải đón mừng, và trước mặt Ngài tất cả các gia đình của các dân tộc sẽ phải phủ phục tôn thờ. Đó là chiến thắng của đức tin, là điều có thể biến sự chết thành một món quà sự sống và vực thẳm đau thương thành nguồn hy vọng.

Thưa anh chị em, Thánh Vịnh này đã dẫn chúng ta đến đồi Golgotha, dưới chân Thập Giá của Chúa Giêsu, để sống Cuộc Khổ Nạn của Người và chia sẻ niềm vui có hiệu quả của sự sống lại. Cho nên chúng ta hãy để cho mình bị ánh sáng của Mầu Nhiệm Vượt Qua tràn ngập, ngay cả trong những thời điểm Thiên Chúa dường như vắng mặt, ngay cả trong sự im lặng của Thiên Chúa, và như các môn đệ trên đường Emmaus, chúng ta hãy học cách phân biệt thực tại thật là thực tại vượt trên mọi vẻ bề ngoài, bằng cách nhận ra con đường tiến lên chính trong tủi nhục và việc biểu lộ trọn vẹn của sự sống trong cái chết, trong Thập Giá. Vì thế, đặt tất cả niềm tín thác và hy vọng của mình vào Thiên Chúa Cha, và trong mọi hoàn cảnh khốn cùng chúng ta cũng có thể cầu xin Ngài trong đức tin, và lời kêu xin giúp đỡ của chúng ta sẽ được biến đổi thành một bài ca chúc tụng. Xin cám ơn anh chị em.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chân dung linh mục thế kỉ 21
Vũ Văn An
06:58 06/10/2011
Thứ hai vừa qua, theo lời mời của Đức Cha José Gómez, TGM Los Angeles, Đức HY Mauro Piacenza, Bộ Trưởng Bộ Giáo Sĩ, đã tới Los Angeles đọc một diễn văn trước hội nghị thường niên các linh mục nói tiếng Tây Ban Nha hiện đang phục vụ tại Hoa Kỳ. Bản tin Zenit ngày 4 tháng 10 gọi bài diễn văn của ngài là bài diễn văn đầy chất thơ, đề cập tới chân dung linh mục của thế kỷ 21, nhấn mạnh tới khía cạnh linh mục “không như người khác. Thực vậy, người ta vốn mong ngài không như người khác”, ở trong đời nhưng không đồng nhất với đời, không đầu hàng trước việc thỏa hiệp với đời.

Mở đầu bài nói chuyện, Đức HY Piacenza trích dẫn câu truyện trong một bài báo của nhà văn Mỹ Dorothy Thompson đề cập tới trại tập trung Dachau. Được hỏi: “Giữa hỏa ngục Dachau, những ai vẫn giữ được quân bình lâu hơn cả? Những ai giữ được cảm thức về bản sắc mình lâu hơn cả?”, những người sống sót của trại tập trung này đều nhất loạt cho hay: Đó là các linh mục Công Giáo. Đúng vậy, các linh mục Công Giáo! Các ngài có khả năng duy trì được quân bình giữa cảnh điên loạn như thế, vì các ngài ý thức được ơn gọi của mình. Các ngài có cả một phẩm trật giá trị. Lòng tận tụy đối với lý tưởng của các ngài là toàn diện. Các ngài nhận thức đầy đủ sứ mệnh đặc biệt của mình và các lý lẽ sâu sắc nâng đỡ sứ mệnh ấy. Nhờ thế, giữa hoả ngục trần gian, các ngài đã đưa ra lời chứng của mình, lời chứng về Chúa Giêsu Kitô.

Đức Hồng Y cho hay: hiện nay, ta đang sống trong một thế giới không ổn định, không ổn định trong gia đình, không ổn định nơi làm việc, không ổn định trong các liên hợp xã hội và chuyên nghiệp, không ổn định cả tại trường học và các định chế. Tuy nhiên, linh mục, theo hiến chế, phải là mẫu mực của ổn định và chín chắn, của tận tụy trọn vẹn với việc tông đồ của mình.

Trong khung cảnh bất ổn ấy của xã hội, nhiều Kitô hữu thường đặt câu hỏi: Linh mục trong thế giới ngày nay là ai? Phải chăng là người đến từ Sao Hỏa? Một người xa lạ? Một thứ hóa thạch? Ngài là ai?”

Chủ nghĩa duy tục, chủ nghĩa ngộ đạo, chủ nghĩa vô thần, dưới nhiều hình thức, đang càng ngày càng thu nhỏ không gian của thánh thiêng, chúng đang hút máu các nội dung của sứ điệp Kitô Giáo. Con người của kỹ thuật và duy tìm phúc lợi, con người của những ngụy tạo cuồng nhiệt đang cảm nghiệm một cái nghèo tâm linh cùng cực. Họ là nạn nhân của niềm xao xuyến hiện sinh nghiêm trọng và tỏ ra không có khả năng giải quyết các vấn đề nằm dưới đời sống tâm linh, gia đình và xã hội của họ.

Thử chất vấn nền văn hóa đang phổ biến nhất, ta sẽ nhận thấy nó đang bị thống trị và thấm nhiễm một mối hoài nghi có hệ thống, hoài nghi tất cả những gì liên quan tới đức tin, lý trí, tôn giáo và luật tự nhiên. Albert Camus từng viết rằng: “Thiên Chúa là một giả thuyết vô ích và tôi hoàn toàn chắc chắn rằng Người không hề quan tâm tới tôi”.

Giả thuyết hay hơn cả là hoàn toàn im lặng về Thiên Chúa. Tuy thế, người ta thường phải khẳng định mối tranh chấp khôn nguôi giữa hai hiện hữu dường như muốn loại bỏ nhau: hoặc Thiên Chúa hoặc con người. Rồi nếu ta phải nhìn toàn bộ bức tranh của tác phong luân lý, ta sẽ khó mà không nhận ra sự mù mờ, hỗn độn và vô chính phủ đang thống trị phạm vi này. Con người đã biến mình thành người tạo ra sự thiện và sự ác. Họ tập chú một cách ích kỷ vào chính họ. Họ thay thế qui luật luân lý bằng ý muốn riêng của họ và việc theo đuổi tư lợi.

Trong ngữ cảnh ấy, đời sống và thừa tác vụ của linh mục càng trở nên quan trọng và có giá trị khẩn trương hơn. Hơn nữa, người ta dám nói rằng: càng bị cho ra rìa, ngài càng quan trọng, càng bị coi là lỗi thời, ngài lại càng hợp thời hơn.

Linh mục phải dùng cái nghèo của mình cũng như chủ nghĩa triệt để của mình mà công bố cho toàn thế giới sứ điệp muôn đời của Chúa Kitô; ngài không được thu nhỏ sứ điệp ấy, trái lại, phải khích lệ người ta; ngài phải đem lại cho xã hội, một xã hội đang bị đánh thuốc mê bằng sứ điệp của những nhà đạo diễn dấu mặt, những nhà cầm quyền sáng giá, phải đem lại cho xã hội ấy sức mạnh giải phóng của Chúa Kitô.

Mọi người ai cũng cảm thấy nhu cầu phải canh tân các lãnh vực xã hội, kinh tế và chính trị; trong các cuộc tranh đấu của nghiệp đoàn và trong lãnh vực kinh tế, ai cũng muốn cho tính trung tâm của con người được tái khẳng định và tuân giữ song song với việc mưu cầu các mục tiêu công lý, liên đới, và đồng qui hướng tới ích chung.

Tất cả những điều ấy chỉ là hoài mong nếu trái tim con người không thay đổi, trái tim của rất nhiều người, họ mới là người sẽ canh tân xã hội. Hãy nhìn xem, lãnh vực đấu tranh thực sự của Chúa Kitô là cảnh giới thầm kín trong tinh thần con người, một cảnh giới không ai có thể vào được mà không có chút khôn khéo nào đó, không có chút hồi hướng nào đó, không cậy nhờ một tình trạng ơn thánh do bí tích truyền chức hứa ban.

Quả thực linh mục tự lồng mình vào cuộc sống bình thường của con người, nhưng ngài không được đầu hàng trước chủ nghĩa đồng dạng và thoả hiệp với xã hội. Các lý huyết lành mạnh và cả tài liệu lịch sử đã chứng minh rằng Giáo Hội có khả năng chống chọi mọi cuộc tấn công, mọi cuộc tấn kích mà các thế lực chính trị, kinh tế và văn hóa cho sổ lồng chống lại Giáo Hội, nhưng Giáo Hội không chống nổi nguy hiểm phát sinh từ việc lãng quên lời này của Chúa Giêsu: “Các con là muối đất và là ánh sáng thế gian”. Chính Chúa Giêsu cho ta hay hậu quả của sự quên lãng này: “Nhưng nếu muối hết vị mặn của nó, thì làm sao lấy lại được vị mặn của nó nữa?” (Xem Mt 5:13-14). Còn ích lợi gì nữa khi một linh mục nên giống thế gian đến độ chỉ còn là một linh mục bắt chước nó, chứ không còn là một chất men biến đổi nữa?

Đối diện với một thế gian yếu kém về cầu nguyện và thờ lạy, trước nhất, linh mục phải là người của cầu nguyện, của thờ lạy, của thờ phượng, của cử hành các mầu nhiệm thánh. Đối diện với một thế gian ngụp lặn trong tiêu thụ, trong sứ điệp toàn tính dục, bị lầm lạc tấn kích, được trình bày bằng những khía cạnh quyến rũ nhất, linh mục phải nói về Thiên Chúa và các thực tại đời đời. Để có khả năng làm được việc đó một cách đầy khả tín, ngài phải là người tin một cách say mê cũng như “trong sạch”.

Linh mục phải chấp nhận cảm tưởng hiện hữu giữa mọi người như một người mang theo mình một luận lý học và nói một ngôn ngữ khác với luận lý và ngôn ngữ của người khác: “Đừng đồng nhất mình với não trạng thế gian” (Xem Rm 12:12). Linh mục không như “những người khác”. Thực vậy, điều người ta mong nơi ngài là ngài không “giống những người khác”.

Đối diện với một thế giới ngụp lặn trong bạo lực và bị sói mòn vì vị kỷ, linh mục phải là người của bác ái. Từ đỉnh cao tinh trong nhất của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu được ngài cảm nghiệm cách đặc biệt, linh mục bước xuống lũng sâu, nơi có những cuộc đời cô quạnh, thiếu cảm thông, đầy bạo hành, để công bố cho họ lòng xót thương, sự hòa giải và niềm hy vọng.

Linh mục đáp ứng các nhu cầu của xã hội bằng cách biến mình thành tiếng nói của những người không có tiếng nói: những người bé nhỏ, nghèo khó, già cả, bị áp bức, bị cho ra rìa. Ngài không còn thuộc về mình nữa mà thuộc người khác. Ngài không sống cho mình nữa, không đi tìm những gì của mình nữa. Ngài đi tìm những gì của Chúa Kitô, những gì thuộc anh em mình! Ngài chia sẻ niềm vui và nỗi sầu của mọi người, không phân biệt tuổi tác, phạm trù xã hội, thành phần chính trị, thực hành tôn giáo.

Ngài hướng dẫn bộ phận Dân Chúa được ủy nhiệm cho ngài. Chắc chắn ngài không đứng đầu một đạo quân độc lập, nhưng là mục tử của một cộng đoàn làm thành bởi những con người có tên, có lịch sử, có số mệnh và bí ẩn riêng. Linh mục có trách vụ khó khăn nhưng trổi vượt hướng dẫn những con người này bằng một lòng chăm sóc tôn giáo vĩ đại nhất và một lòng kính trọng cẩn mật nhân phẩm của họ, việc làm của họ, các quyền lợi của họ, vì ý thức đầy đủ rằng tư cách làm con cái Thiên Chúa của họ tương hợp với một ơn gọi đời đời, một ơn gọi được thể hiện trong việc hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.

Linh mục sẽ không do dự hiến mạng sống mình hoặc trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng nhiệt thành cao độ hiến mình một cách đại lượng không hạn chế hoặc trong hành động hàng ngày từng chút từng chút khiêm cung phục vụ giáo dân của mình, lúc nào cũng lo bảo vệ và đào tạo sự cao cả nhân bản và lớn mạnh về Kitô Giáo của từng tín hữu và của toàn thể cộng đoàn Dân Chúa.

Linh mục phải cùng một lúc vừa nhỏ bé vừa vĩ đại, cao sang trong tinh thần như một vị vua, đơn sơ và tự nhiên như một dân cày. Anh hùng trong việc thắng mình, chúa tể đối với các dục vọng, đầy tớ cho những người bé nhỏ và yếu ớt; người không khiêm nhường trước kẻ quyền uy, nhưng sẵn sàng gập mình trước người nghèo, người yếu đuối; là môn đệ của Chúa và là đầu của đoàn chiên mình.

Không tặng phẩm nào được ban cho cộng đoàn mà quí giá hơn một linh mục như lòng Chúa muốn. Hy vọng của thế giới hệ ở việc có thể trông cậy vào tình yêu của những trái tim trong sáng, mạnh mẽ, nhân từ, tự do và hiền lành, đại lượng và trung trinh của các linh mục.

Đức Hồng Y Piacenza nhấn mạnh: nếu các lý tưởng trên cao cả, thì đường dẫn tới chúng quả là chông gai; mảnh đất có thể ít mìn bẫy, nhưng hiểu lầm thì rất nhiều. Nhưng các linh mục sẽ tiến qua miễn là luôn ở với Đấng có thể bổ sức cho các ngài (Xem Pl 4:13). Nhật thực đang che khuất một phần Ánh Sáng và Tình Yêu của Chúa không dập tắt được hoàn toàn Ánh Sáng và Tình Yêu ấy. Mai đây, điều đang chen vào giữa, điều đang làm tối đức tin, đang đẩy thế giới vào cảnh tối đen hãi hùng sẽ bớt dầy đặc đi, và sau một dừng nghỉ lâu dài, quá lâu là đàng khác, của nhật thực, mặt trời sẽ lại trở lại, tròn đầy và rực rỡ.

Bên kia những xao xuyến và tranh chấp đang khinh động thế giới, có khi làm cả Giáo Hội bàng hoàng, vẫn có những hành động bí ẩn, những sức mạnh dấu ẩn đầy tràn hoa trái thánh thiện. Bên kia dòng chẩy của ngôn từ và diễn văn, chương trình và kế hoạch, sáng kiến và tổ chức, vẫn có những linh hồn cầu nguyện, chịu đau khổ, thờ lạy để xin Đấng Thiên Chúa ở với chúng ta tha thứ.

Trong số họ, có cả trẻ em lẫn người lớn, đàn ông lẫn đàn bà, trẻ lẫn già, người có học lẫn người dốt nát, người bệnh lẫn người khỏe, và cũng có rất nhiều linh mục, những người không phải chỉ phân phát các mầu nhiệm của Chúa Kitô, nhưng trong cảnh Tháp Baben ngày nay, còn là dấu chỉ chắc chắn của tham chiếu và hy vọng, cho những ai đi tìm tròn đầy, ý nghĩa, cùng đích và hạnh phúc.

Đức Hồng Y mời gọi các linh mục hợp nhất tại Phòng Tiệc Ly của Giáo Hội, chung quanh Mẹ Maria, để, cùng với Phêrô và Phaolô, dìm mình vào hiệp thông các thánh, để trở thành các dấu chỉ thực sự của tham chiếu và hy vọng cho mọi người.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi giúp đỡ Sừng Phi Châu
Bùi Hữu Thư
04:07 06/10/2011
VATICAN, ngày 5 tháng 10, 2011 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI kêu gọi giúp đỡ Sừng Phi Châu, nơi đang bị nạn hạn hán và khủng hoảng vì nạn đói từ Tháng Bẩy.

Đức Thánh Cha nói, "Các tin tức thê thảm tiếp tục được gửi đến về vụ đói khát đang hoành hành tại Sừng Phi Châu. Khoảng 13 triệu 300.000 người bị đe dọa bời tình trạng này đang lan tràn khắp Somalia, Ethiopia và Kenya.

Đức Thánh Cha tiếp Đức Hồng Y Robert Sarah, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum, và Đức Giám Mục Giorgio Bertin, giám quản tông tòa Mogadishu, cùng với một nhóm các đaị biểu của Bác Ái Công Giáo.

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng phái đoàn sẽ gặp gỡ để phân tích các kế hoạch nhắm giải quyết tình trạng khẩn cấp của nhân loại; và buổi gặp gỡ của họ cũng có sự tham dự của một đại diện của Tổng Giáo Phận Canterbury, là người cũng đã lên tiếng kêu gọi yểm trợ cho những người dân bị ảnh hưởng."

Đức Thánh Cha Benedict XVI kêu gọi, "Tôi lập lại lời kêu gọi từ đáy tim cho cộng đồng quốc tế tiếp tục cam kết cho những người dân này. Đồng thời tôi cũng mời gọi tất cả mọi người cầu nguyện và trợ giúp cụ thể cho biết bao nhiêu người anh chị em chúng ta đang bị thử thách nặng nề, nhất là cho những trẻ em trong vùng đang chết đói hàng ngày."
 
ĐTC Bênêđictô XVI - Suy Niệm Thánh Vịnh 23
Phaolô Phạm Xuân Khôi
12:47 06/10/2011
“Sự gần gũi của Thiên Chúa biến đổi thực tại, Thung Lũng Tối Tăm không còn nguy hiểm nữa”

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ mười bốn về Cầu Nguyện của ĐTC Bênêdictô XVI ban hành tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Thứ Tư ngày 5 tháng 10, năm 2011. ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về Cầu Nguyện. Lần này ngài nói về Thánh Vịnh 23.

Anh chị em thân mến,

Quay về cùng Chúa trong cầu nguyện nói lên một hành động tin tưởng triệt để, với nhận thức rằng mình tự phó thác cho một Thiên Chúa tốt lành, "thương xót và nhân từ, chậm bất bình, đầy nhân hậu và thành tín" (Xh 34:6-7, Tv 86, 15; x.Gioel 2:13; St 4:2, Tv 103:8, 145:8; Ne 9:17). Đó là lý do tại sao hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy niệm về một Thánh Vịnh ngập tràn tin tưởng, trong đó tác giả Thánh Vịnh diễn tả niềm xác tín rõ ràng rằng ông được hướng dẫn và bảo vệ, được an toàn khỏi bất cứ hiểm nguy nào, bởi vì Chúa là Mục Tử của ông. Đây là Thánh Vịnh 23 hay 22 theo truyền thống La Hy, một văn bản được tất cả mọi người quen thuộc và ưa chộng.

"Chúa là Mục Tử con, con chẳng thiếu thốn chi": như thế lời mở đầu kinh nguyện tuyệt mỹ này gợi lại bầu không khí chăn chiên du mục và kinh nghiệm một sự hiểu biết lẫn nhau được thiết lập giữa người chăn chiên và những con chiên làm thành đoàn chiên bé nhỏ của ông. Hình ảnh này gợi lại một bầu không khí tin tưởng, thân mật, dịu dàng: người chăn chiên biết từng con chiên của mình, gọi tên từng con và chúng theo ông vì chúng nhận ra và tin tưởng vào ông (x. Ga 10:2-4). Ông chăm sóc cho chúng, ông canh giữ chúng như những báu vật gia truyền, sẵn sàng bảo vệ chúng, đảm bảo hạnh phúc cho chúng, làm cho chúng sống trong an bình. Chúng không thể thiếu thốn gì khi người chăn chiên ở với chúng. Tác giả Thánh Vịnh nhắc đến cảm nghiệm này khi gọi Thiên Chúa Mục Tử của ông, và để cho Ngài hướng dẫn ông đến đồng cỏ an toàn:

"Nơi đồng cỏ xanh tươi, Ngài cho con nghỉ ngơi,

Ngài dẫn con đến dòng nước an toàn.

Linh hồn con, Ngài lo bổ dưỡng.

Ngài dẫn con trên đường công chính, vì Danh Ngài."
(các câu 2-3).

Cảnh tượng mở mắt chúng ta là cảnh những cách đồng xanh tươi và những suối nước tinh tuyền, những ốc đảo an bình mà hướng về đó người mục tử đồng hành với đoàn chiên, biểu tượng cho những nơi có sự sống mà Chúa dẫn đến, tác giả Thánh Vịnh cảm thấy mình như một con chiên nằm trên đồng cỏ bên cạnh một nguồn suối, trong trạng thái nghỉ ngơi, hoặc không phải sống trong tình trạng báo động, nhưng an lành và tin tưởng, vì nơi chúng ở là nơi an toàn, nước là nước tươi mát, và người mục tử canh giữ chúng. Cũng đừng quên ở đây rằng cảnh mà tác giả Thánh Vịnh gợi lại được đặt vào một vùng đất phần lớn là sa mạc, bị tàn sát bởi ánh nắng thiêu đốt của mặt trời, nơi mà người chăn chiên bán du mục của vùng Trung Đông sống với đoàn chiên của họ trong những đồng bằng khô cháy chạy dài quanh các làng mạc. Nhưng người mục tử biết chỗ mà tìm cỏ tươi và nước, những điều thiết yếu cho cuộc sống; ông biết làm thế nào để đem chúng đến những ốc đảo để linh hồn "được bồi dưỡng" và ở đó có thể phục hồi sức mạnh và thêm năng lực mới để tiếp tục lên đường.

Như tác giả Thánh Vịnh nói, Thiên Chúa hướng dẫn ông về phía "những đồng cỏ xanh tươi" và "vùng nước yên tĩnh", ở đó tất cả mọi sự đều sung túc, tất cả được ban cho một cách dồi dào. Nếu Chúa là Mục Tử, ngay cả trong sa mạc, một nơi trống vắng và chết chóc, nhưng với niềm xác tín không vơi vào sự hiện diện triệt để của sự sống, đến nỗi ông có thể nói, "Con chẳng thiếu thốn chi."

Thực ra, người mục tử nuôi trong lòng mình hạnh phúc của đoàn chiên; ông điều chỉnh nhịp điệu cùng nhu cầu của ông với nhịp điệu và nhu cầu của những người thuộc về mình, ông đồng hành và sống với họ, dẫn họ dọc theo những con đường “ngay chính”, nghĩa là những con đường thích hợp với họ, chú ý đến những nhu cầu của họ chứ không phải những nhu cầu của mình. Sự an toàn của đoàn chiên là ưu tiên của ông, và ông tuân theo nguyên tắc này mà hướng dẫn họ.

Anh chị em thân mến, chúng ta cũng thế, nếu chúng ta đi theo sau "Chúa Chiên Lành" như tác giả Thánh Vịnh, thì những quãng đường xem ra khó khăn, quanh co hay dài thế nào trong cuộc đời chúng ta, thường cũng đưa chúng ta qua những vùng sa mạc tâm linh, không có nước, với một mặt trời duy lý nóng bỏng, dưới sự hướng dẫn của Chúa Chiên Lành, là Đức Kitô, chúng ta chắc chắn đi trên con đường "ngay chính" và Chúa hướng dẫn chúng ta, cùng luôn luôn gần gũi chúng ta và Người sẽ không để chúng ta thiếu thốn gì.

Đó là lý do tại sao tác giả Thánh Vịnh có thể nói về một sự an bình và an ninh mà không một chút hồ nghi hay một quan tâm nào hết:

"Dầu khi con đi trong thung lũng tối tăm,

Con sẽ không sợ hiểm nguy;

Vì có Chúa ở cùng con;

Cây trượng và cây gậy của Ngài làm cho con an dạ."
(câu 4).

Ai cùng đi với Chúa qua ngay cả thung lũng tối tăm của đau khổ, của tình trạng bấp bênh và của tất cả những vấn đề con người, đều cảm thấy an toàn. Chúa đang ở cùng con: đây là niềm xác tín của chúng ta, là điều nuôi dưỡng chúng ta. Sự tối tăm của đêm đen thật đáng sợ, với những chiếc bóng chập chờn của nó, sự khó khăn mà nó gây ra trong việc nhận ra những nguy hiểm, sự im lặng đầy những tiếng động khó hiểu. Nếu đoàn chiên di chuyển sau khi mặt trời lặn, khi không còn nhìn thấy rõ ràng nữa, thường thì những con chiên trở nên hiếu động, dễ bị vấp ngã hoặc đi xa đàn và bị lạc, còn thêm nỗi lo sợ là có thể có những kẻ tấn công rình mò trong bóng tối.

Khi nói về thung lũng "tối tăm", tác giả Thánh Vịnh sử dụng từ ngữ Do Thái gợi lên bóng tối của sự chết. Cho nên thung lũng phải vượt qua là một nơi đau khổ, đầy những đe dọa kinh hoàng và nguy hiểm chết người. Tuy nhiên, người cầu nguyện đi qua một cách an toàn, không sợ hãi, vì ông biết rằng Chúa đang ở với ông. "Chúa ở cùng con" là một tuyên ngôn của một đức tin không hề lay chuyển, và tóm tắt kinh nghiệm của một đức tin triệt để; sự gần gũi của Thiên Chúa biến đổi thực tại, thung lũng tối tăm không còn nguy hiểm nữa, nó không còn một đe dọa nào cả. Giờ đây đoàn chiên có thể bình an tiến bước, kèm theo bẳng âm thanh quen thuộc của chiếc gậy đập trên mặt đất, là dấu hiệu cho biết sự hiện diện trấn an của Mục Tử.

Hình ảnh đầy an ủi này kết thúc phần thứ nhất của Thánh Vịnh, và nhường chỗ cho một cảnh khác. Chúng ta vẫn đang còn trong sa mạc, nơi mà người mục tử sống với đoàn chiên của ông, nhưng giờ đây chúng ta được đưa đến lều của ông, mở ra để tiếp khách,

"Ngài dọn cỗ cho con trước mặt quân thù;

Ngài xức dầu trên đầu con,

chén con tràn đầy"
(câu 5).

Giờ đây Chúa được trình bày như một Đấng đón tiếp người cầu nguyện bằng những dấu chỉ hiếu khách quảng đại và chu đáo. Vị chủ thần linh chuẩn bị thức ăn trên "bàn", một thuật ngữ Do Thái, theo nghĩa nguyên thủy, là tấm da thú được trải dưới đất, và trên đó người ta để những đĩa thức ăn cho bữa ăn thông thường. Đó là một cử chỉ chia sẻ không những chỉ thức ăn mà còn cả cuộc sống, trong một đề nghị hiệp thông và bằng hữu là điều thiết lập những liên hệ và diễn tả sự đoàn kết.

Tiếp theo là món quà hào phóng dầu thơm được xức trên đầu ông, làm giảm bớt sự khô khan gây ra bởi sức thiêu đốt của nắng sa mạc, làm tươi mát và làm dịu da cùng làm phấn khởi tinh thần với hương thơm của nó. Cuối cùng, chén tràn đầy thêm vào đó một dấu hiệu về ngày lễ, với rượu ngon được chia sẻ dồi dào. Thức ăn, dầu thơm và rượu: là những món quà làm cho người ta phấn khởi và vui tươi, bởi vì chúng vượt quá những gì chỉ cần thiết và diễn tả lòng biết ơn cùng sự phong phú của tình yêu. Để mừng lòng nhân lành quan phòng của Chúa, Thánh Vịnh 104 công bố: "Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng. Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh, chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người, xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi, nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ." (cc. 14-15 GKPV).

Tác giả Thánh Vịnh đã trở thành đối tượng của quá nhiều sự chú ý; vì thế ông tự coi mình như một khách lãng du tìm được chỗ nghỉ ngơi trong một lều hiếu khách, trong khi quân thù của ông phải ngừng lại và nhìn mà không thể làm gì được, vì người mà chúng coi là con mồi đã được đặt ở nơi an toàn, đã trở thành một người bất khả xâm phạm, một người khách thánh. Và chúng ta cũng là tác giả Thánh Vịnh nếu chúng ta thực sự là những tín hữu được hiệp thông với Đức Kitô. Khi Thiên Chúa mở lều của Ngài ra để tiếp đón chúng ta, thì không gì có thể làm hại chúng ta được nữa.

Sau đó, khi người khách lữ hành ra đi, sự bảo vệ của Thiên Chúa vẫn tiếp tục và đồng hành với ông trên cuộc hành trình của ông:

"Phúc lộc cùng nhân ái sẽ theo con mọi ngày trong đời con;

Con sẽ được cư ngụ trong nhà Chúa muôn muôn đời."
(câu 6).

Sự tốt lành và trung tín của Thiên Chúa là những đội hộ tống đi cùng tác giả Thánh Vịnh khi ông rời khỏi lều và tiếp tục lên đường. Nhưng đây là một cuộc hành trình có một ý nghĩa mới và trở thành một cuộc hành hương đến Đền Thờ của Chúa, nơi thánh mà ở đó người cầu nguyện muốn "cư ngụ" mãi mãi và là nơi mà người ấy cũng muốn "trở về". Từ Do Thái được sử dụng ở đây có một nghĩa là "trở về", nhưng với một thay đổi nguyên âm nhỏ, nó cũng có thể được hiểu là "cư ngụ" hay "sống", và nó đã được viết như thế trong các bản văn cổ cũng như trong hầu hết các bản dịch hiện đại. Cả hai nghĩa có thể được duy trì: trở về Đền Thờ và cư ngụ ở đó là ước mong của mọi người Do Thái, và sống gần Thiên Chúa trong sự gần gũi cùng sự tốt lành của Ngài là mong ước và nhớ nhung của tất cả các tín hữu: có thể thực sự được sống ở nơi Thiên Chúa ở, gần gũi Thiên Chúa.

Việc đi theo Vị Mục Tử dẫn chúng ta về Nhà Người, là mục tiêu của mỗi cuộc hành trình, là ốc đảo mà người ta mong muốn trong sa mạc, là chiếc lều trú ẩn trong khi chạy trốn kẻ thù, là nơi bình an mà ở đó một người có thể cảm nghiệm được sự tốt lành và tình yêu chung thủy của Thiên Chúa, hết ngày này sang ngày khác, trong niềm vui thanh bình vô tận.

Hình ảnh Thánh vịnh này, cùng sự phong phú và sâu sắc của nó, đã đồng hành với toàn thể lịch sử và kinh nghiệm tôn giáo của dân Israel, và đang đồng hành với các Kitô hữu. Đặc biệt là hình ảnh của người mục tử nhắc lại những ngày khởi đầu của cuộc Xuất Hành, cuộc hành trình dài trong sa hoang địa, như một đoàn chiên dưới sự hướng dẫn của Vị Mục Tử thần linh (x. Isaia 63,11-14; Tv 77:20-21, 78:52 -54 ). Và trong Đất Hứa, chính vua có nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Chúa, như vua Đavid, người mục tử được Thiên Chúa chọn và là hình ảnh của Đấng Thiên Sai (x. 2 Sam 5:1-2; 7:8; ​​Tv 78:70-72). Rồi, sau thời lưu đầy ở Babylon, như qua một cuộc Xuất Hành mới (x. Is 40:3-5.9-11; 43:16-21), dân Israel đã hồi hương như những con chiên lạc bị tản mác được Chúa tìm thấy và dẫn trở lại những đồng cỏ xanh tươi cùng chỗ nghỉ ngơi (x. Ed 34:11-16, 23-31).

Nhưng chính nơi Chúa Giêsu mà mọi quyền năng Thánh Vịnh của chúng ta nói lên được thực hiện cùng đạt được sự trọn vẹn của nó: Chúa Giêsu là "Mục Tử Nhân Lành" Người đi tìm con chiên lạc, Người biết chiên của Người và hy sinh mạng sống Người cho chúng (x. Mt 18:12-14, Lc 15:4-7; Ga 10:2-4, 11-18), Người là đường, là con đường ngay chính dẫn chúng ta đến sự sống (x. Ga 14:6); là ánh sáng chiếu soi thung lũng tối tăm và chinh phục tất cả những sợ hãi của chúng ta (x. Ga 1:9; 8:12; 9:5; 12:46). Người là chủ nhà đại lượng đón chào chúng ta và đặt chúng ta an toàn khỏi tay quân thù, dọn bữa tiệc Mình và Máu Người cho chúng ta (x. Mt 26:26-29; Mc 14:22-25, Lc 22:19-20), và bữa ăn cuối cùng ấy trong bữa tiệc Thiên Sai trên trời (x. Lc 14:15 tt, Kh 3:20, 19:9). Người là vị vua Mục Tử, là Vua nhân từ và tha thứ, đã lên ngôi trên gỗ Thánh Giá vinh quang (x. Ga 3:13-15, 12:32, 17:4-5).

Anh chị em thân mến, Thánh Vịnh 23 mời gọi chúng ta tái lập lại niềm tín thác của mình vào Thiên Chúa, hoàn toàn phó thác mình trong tay Ngài. Như vậy, với đức tin, chúng ta hãy xin Thiên Chúa ban cho chúng ta, dọc theo những con đường khó khăn của thời đại này, biết luôn đi trên những con đường của Ngài như một đoàn chiên ngoan ngoãn và vâng phục. Chúng ta hãy xin Ngài đón chúng ta vào nhà Ngài, đến bàn tiệc của Ngài, và xin Ngài dẫn chúng ta đến "những dòng nước yên tĩnh", để nhờ lãnh nhận hồng ân Thần Khí của Ngài, chúng ta có thể uống từ mạch suối của Ngài, mạch nước hằng sống "vọt ra sự sống đời đời" (Ga 4:14; x. 7:37-39). Xin cám ơn.
 
Dòng Tên có thể phát triển thêm
Trầm Thiên Thu
08:43 06/10/2011
ĐÀI LOAN (UCANews, 6-10-2011) – LM Giuse Bellucci, phát ngôn viên của tổng hội Dòng Tên tại Rôma, đã kết thúc chuyến thăm Taiwan 5 ngày hôm 5-10-2011, nói rằng tỉnh dòng Dòng Tên Trung quốc có thể phát triển thêm ở đảo quốc này.

Ngài nói rằng việc cải thiện có thể dựa vào sự phát triển hiện nay và sự tương tác lâu dài với người Trung quốc từ khi có những người tiên phong như LM Matthêu Ricci và LM Giuse Castiglione hồi thế kỷ 16-18.

LM Bellucci, trưởng ban liên lạc của Giáo triều và trưởng văn phòng quan hệ cộng đồng, đã đến thăm theo lời mời của bộ ngoại giao Đài Loan.

Tại Đài Bắc, ngài đã tham dự lễ khai mạc triển lãm Emperor Kangxi and Sun King Louis XIV: Sino-Franco Encounters in Arts and Culture (Hoàng đế Khang Hy và Vua Louis XIV: Pháp Trung gặp nhau về Nghệ thuật và Văn hóa) tại Viện bảo tàng Quốc gia và đến thăm nhà thờ Thánh Gia (linh mục Dòng Tên quản nhiệm) và bệnh viện Hồng y Tien.

Ngài cũng nói về việc phát triển của tỉnh dòng với người bạn là LM Louis Gendron, người Canada, giám tỉnh Trung quốc sắp mãn nhiệm.

Tỉnh dòng Macau gồm Hong Kong, Macau, Trung hoa lục địa và Đài Loan. LM Gioan Lý Hoa (Lee Hua), người có kinh nghiệm về công việc của Giáo hội Trung quốc, sẽ nhậm chức tân giám tỉnh vào tháng 1-2012.

LM Bellucci đến miền Nam để thăm người bạn hưu trí là ĐHY Phaolô Shan Kuo-hsi (Dòng Tên), và cũng đến thăm khu liên hợp an sinh xã hội Núi Bát Phúc (Mount Beatitude), một dự án do ĐHY khởi xướng.

LM Bellucci nói rằng ngài đánh giá cao việc ĐHY 88 tuổi làm chứng cho Chúa khi ngài vẫn tiếp tục hiến thân cho xã hội Đài Loan sau khi ngài được chẩn đoán bị ung thư phổi.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao cho biết rằng chuyến viếng thăm này nhằm giúp Dòng Tên đạt được sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa địa phương và sự phát triển mới đây của Giáo hội tại Đài Loan, cũng như tình huống khó khăn hiện nay.
 
Các giám mục Mỹ Latinh sẽ liên hệ với nhau qua một trang web
Tiền Hô
08:52 06/10/2011
Rôma (Ý), 5 Tháng Mười 2011 (CNA) - Tòa Thánh Vatican sẽ cung cấp cho các vị giám mục ở Mỹ Latinh trang web Episcopado.net nhằm tăng cường thông tin liên lạc một cách an toàn qua hệ thống cơ sở dữ liệu được cập nhật.

Dự án này sẽ chính thức ra mắt vào ngày 19 Tháng Mười tại Santiago (Chile), nhân hội nghị lần thứ hai "Giáo Hội và Văn Hóa Kỹ Thuật Số". Sự kiện này nhằm thúc đẩy truyền giáo thông qua internet.

Episcopado.net là một sáng kiến của Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ Latinh và Liên Mạng Internet của Giáo Hội Mỹ Latinh.

Trang web sẽ có 10 phòng hội nghị truyền hình (videoconferencing room) mà 25 người đều có thể giao tiếp với nhau trong cùng một thời điểm. Như vậy, 250 vị giám mục trong khu vực sẽ có thể đồng thời sử dụng tính năng mới này.

Hệ thống này sẽ làm giảm số lượng các chuyến đi của các giám mục và cho phép các ngài giao tiếp cùng nhau khi muốn chia sẻ thông tin, kế hoạch mục vụ và tư vấn cho nhau ngay trên web.

Trang web sử dụng công nghệ WebEx, các mật khẩu, kho lưu trữ dữ liệu trực tuyến cũng như các tài khoản email cá nhân được bảo mật. Công ty Telefonica của Tây Ban Nha sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho trang web này.
 
Nam Hàn: nhân bản phải có mặt trong giáo dục
Tiền Hô
08:53 06/10/2011
Bucheon (Nam Hàn), 6 Tháng Mười 2011 (UCANEWS) - Nhân bản của đạo Công giáo nên đánh động vào tiềm thức của sinh viên, vì họ là những người sẽ bước ra một thế giới đang bị ám ảnh bởi sự cạnh tranh và tình trạng thất nghiệp tác động.

Hôm nay, Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley Oklahoma (người Mỹ) đã phát biểu tại một diễn đàn về chủ nghĩa nhân bản trong giáo dục tại Đại học Công giáo Bucheon của Nam Hàn. Khi nói về chủ nghĩa nhân bản Công Giáo, Đức Tổng Giám Mục Coakley cho biết: "bắt nguồn từ niềm xác tín rằng mỗi con người đều được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa, và do đó đã được Ngài ban cho một phẩm giá bất khả xâm phạm và một giá trị siêu việt".

Ngài nói rằng trong những năm 1970, khi nghiên cứu tại Đại học Kansas, ngài đã có một khóa học được gọi là “the Person Integrated Humanities Program” (tạm dịch "Chương trình đưa nhân bản vào mỗi con người"), với phương châm “Let them be born in wonder" (Hãy để họ được sinh ra trong sự kì diệu).

Mục tiêu của chương trình này là đánh động tiềm thức của sinh viên "bằng cách dạy họ đọc một cuốn sách hoặc thuộc lòng một bài thơ, quan sát thế giới tự nhiên, và chiêm ngắm sự chuyển động của các tinh tú".

Ngài nói, phương pháp giảng dạy này đã truyền cho nhiều người trong số họ "một tình yêu dành cho việc học tập và kiếm tìm chân-thiện-mỹ, kết quả là đã có nhiều người chuyển sang đức tin Công Giáo".

Điều quan trọng là giới trẻ, những người sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thế giới hiện đại, sẽ lãnh nhận được một nền giáo dục mà họ sẽ nhận ra được nhân phẩm và giá trị siêu việt của chính họ, ngài kết luận.
 
Vùng Sừng châu Phi: ĐTC kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu trợ
Phạm Kim An
09:50 06/10/2011
Vùng Sừng châu Phi: ĐTC kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu trợ

Ngài xin lời cầu nguyện và viện trợ thiết thực cho người dân bị ảnh hưởng bởi nạn đói

ROMA - Sau cuộc tiếp kiến chung ngày Thứ tư, 5-10, tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Biển Đức XVI đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, để cộng đồng tiếp tục cam kết của mình cho người dân châu Phi bị ảnh hưởng bởi nạn đói khủng khiếp.

"Chúng tôi không ngừng tiếp nhận các thông tin bi thảm liên quan đến nạn đói ở Vùng Sừng châu Phi", - ĐTC Biển Đức XVI khẳng định khi chào sự hiện diện tại Vatican của Đức Hồng Y Robert Sarah, chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm (Cor Unum), và Đức Giám mục Giorgio Bertin, giám quản tông tòa của Mogadishu.

Hai vị đến Roma để tham dự, cùng với một số đại diện của các tổ chức từ thiện Công Giáo, một cuộc họp nhằm "tạo động lực bổ sung cho các sáng kiến để giải quyết sự khẩn cấp nhân đạo này". ĐTC Biển Đức XVI giải thích: "Một đại diện của Đức Tổng Giám mục Tổng giáo phận Canterbury (Anh) sẽ tham gia cuộc họp này, và Đức Tổng Giám mục cũng đã đưa ra lời kêu gọi cứu trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi nạn đói”.

ĐTC Biển Đức XVI nói: "Tôi nhắc lại lời kêu gọi với cộng đồng quốc tế, để cộng đồng tiếp tục cam kết của mình cho người dân châu Phi bị ảnh hưởng bởi nạn đói khủng khiếp, và tôi mời gọi cả thế giới hãy cầu nguyện và giúp đỡ thiết thực cho các anh chị em bị thử thách quá nhiều, nhất là cho trẻ em, vì mỗi ngày có nhiều trẻ em chết ở Vùng Sừng vì lý do bệnh tật, thiếu nước uống và thực phẩm”.

Đức Tổng Giám Mục Tomasi: "Một tội ác diệt chủng thầm lặng"

Trước đó, Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi Maria, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đã can thiệp về vấn đề này. Sau lời kêu gọi của ĐTC Biển Đức XVI, Tổng Giám mục đã kể trên Đài phát thanh Vatican bản nhận định về tình hình Vùng Sừng châu Phi.

Ngài khẳng định: “Việc thiếu lương thực buộc hàng chục ngàn người đi bộ xa để kiếm lương thực cứu đói, và nhiều người chết trên đường. Chúng tôi nói về một tội ác diệt chủng thầm lặng, do đó thật là cấp bách để cộng đồng quốc tế thể hiện sự đoàn kết với những người này".

Ngài nói thêm: “Nhiều phụ nữ và trẻ em đang cố gắng kiếm cái ăn để sống còn. Đã có trường hợp rất buồn và rất đau đớn khi một người mẹ ẵm hai đứa con trên tay, và người mẹ không thể lết đi được nữa, bởi vì bà không còn sức lực. Bà đã phải lựa chọn bỏ lại một đứa con cho chết, và ẵm đứa con kia theo mình đến trại tị nạn”.

Ngài thốt lên: “Không thể chấp nhận được cho những điều kinh khủng như thế xảy ra ngày nay. Nhưng bi kịch ở Vùng Sừng Châu Phi là một phần của các bi kịch khác. Chúng tôi nghĩ rằng ít nhất 1.500 người đã chết khi cố gắng vượt từ Bắc Phi qua châu Âu, và nhiều người khác bị chết đuối khi vượt biển từ Somalia đến Aden. Do đó, chúng ta đang phải đối mặt với một sự khẩn cấp, làm lay động lương tâm của mọi người”.

Rồi Ngài kết luận: “Đã có nhiều đóng góp cứu trợ từ nhiều nước khác nhau, qua các kênh của nhiều cơ quan khác nhau của Liên Hiệp Quốc. Thật là tốt nếu có sự phối hợp tốt hơn. Một con đường tích cực đã bắt đầu, nhưng nó chưa đủ để đáp ứng mọi nhu cầu". (ZENIT.org 5-10-2011)

Phạm Kim An
 
Nepal: người Hồi giáo xin Kitô hữu giúp chống chủ nghĩa cực đoan Hindu
Nguyễn Trọng Đa
09:56 06/10/2011
Nepal: người Hồi giáo xin Kitô hữu giúp chống chủ nghĩa cực đoan Hindu

Kathmandu - "Tôi kêu gọi người Công giáo và tất cả các Kitô hữu trong nước hãy tham gia với chúng tôi, trong việc đấu tranh cho quyền của các nhóm thiểu số và một nhà nước thế tục" - ông Najrul Hasan Falahi, chủ tịch của Hội Hồi giáo Nepal (ISN), nói.

Ông cũng mong muốn một cuộc điều tra công bằng và ngay lập tức cho vụ sát hại ông Faizan Ahmad, tổng thư ký của Hội Hồi giáo Nepal, một tổ chức phi chính phủ.

Trước đó, ngày 26-9, hai người đàn ông không rõ danh tánh bắn chết nhà lãnh đạo Hồi giáo, khi ông rời đền thờ Hồi giáo. Người Công giáo và các nhóm thiểu số khác đã phản ứng với hành động này, bằng cách thể hiện tình đoàn kết của mình, và công khai kêu gọi rằng các quyền của nhóm thiểu số phải được ghi nhận trong hiến pháp mới.

Vợ góa của ông Ahmad, bà Meher Banu Faizan, chỉ trích kịch liệt sự thinh lặng của các nhà lãnh đạo Hồi giáo và của cộng đồng Hồi giáo về cái chết của chồng bà. Bà nói: “Họ sợ thảo luận, nhưng tôi không màng đến cuộc sống của tôi nếu không có ai có thể giúp tôi. Tôi không màng việc những kẻ giết chồng tôi cũng sẽ giết tôi. Tôi muốn mang họ ra trước công lý".

Theo bà, cảnh sát đang nuôi dưỡng sự sợ hãi, bởi vì thay vì cố gắng tìm thủ phạm, họ lại đang cố gắng để qui lỗi cho người trong Hội Hồi giáo.

Cựu chủ tịch Hội Hồi giáo Nepal, Gulam Rasul Miya, nói rằng cảnh sát nên tập trung vào điều tra, thay vì thẩm vấn các thành viên trong Hội và những điều gây phức tạp tình hình.

Ông nói: “Năm nhà lãnh đạo Hồi giáo vô tội đã bị bắt và bị tra tấn bởi cảnh sát, vì họ yêu cầu một cuộc điều tra công bằng và ngay lập tức". Đối với ông, “tất cả các nhóm thiểu số phải cùng nhau đấu tranh và bảo vệ lẫn nhau”.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Công Giáo đang tham gia vào các sáng kiến đặc biệt để bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số. Họ muốn thay đổi một số phần của luật dân sự và luật hình sự, nếu không loại bỏ hoàn toàn các luật này.

Quốc hội vẫn còn tranh luận một dự luật, vốn sẽ áp đặt hình phạt nặng hơn cho các hoạt động truyền giáo

trong đất nước Nepal. (AsiaNews 5-10-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Nicaragua: Các linh mục bị đe dọa sát hại
Phạm Kim An
10:00 06/10/2011
Nicaragua: Các linh mục bị đe dọa sát hại

Căng thẳng nhiều trong các giáo xứ trên cả nước

ROMA - Kể từ vụ sát hại linh mục Marlon Ernesto Pupiro Garcia hồi tháng Tám ở Masaya, Nicaragua, các lời đe dọa sát hại các linh mục trong nước này đang tiếp tục, gây ra mối quan ngại lớn trong Giáo Hội, và Giáo hội lên án việc thiếu hành động của cảnh sát để bảo đảm an toàn cho họ.

Cả nước đang trải qua một thời điểm chính trị tế nhị, với cuộc bầu cử gần kề, Tổng thống Daniel Ortega quyết định tiếp tục cầm quyền, một tình tình bị lên án bởi Giáo Hội Công Giáo, bên cạnh nạn tham nhũng và các bệnh khác làm suy yếu Nicaragua.

Theo tin đưa ngày 1-10 trên nhật báo "El Nuevo Diario" ở Managua, Tổng Thư ký của Hội Đồng Giám Mục Nicaragua và là Giám Mục của giáo phận Chontales y Río San Juan, Đức Giám mục Socrates René Sándigo Jirón, đã báo cáo về mối quan ngại của Giáo Hội Công Giáo trước việc thiếu điều tra kỹ về vụ sát hại cha Pupiro, và các mối đe dọa đè nặng trên một số cha quản xứ.

Các mối đe dọa sát hại một số linh mục đang gia tăng và xảy ra, một cách trực tiếp thông qua tin nhắn trên điện thoại di động, hoặc dưới hình thức trộm cắp mật mã điện thư.

Theo nhật báo "Nuevo Diario”, linh mục giáo xứ Masatepe, Luis Alberto Herrera, cho biết có một nỗi sợ hãi chung giữa các linh mục, và cha đã quyết định báo cáo các tình huống kỳ lạ xảy ra trong nhà xứ của thị trấn.

Một linh mục giáo xứ khác ở Jinotepe, Carazo, cha Rafael Ofarri, đã kêu gọi "tôn trọng" đối với tất cả các nhà thờ Công giáo, sau vụ tấn công vào người tuần canh của mình.

Đức Giám Mục giáo phận Leon, Giám mục César Bosco Vivas, đã xem các mối đe dọa chống lại các đại diện của Giáo Hội Công Giáo là "hành động hèn nhát", và kêu gọi tố cáo với cảnh sát bất kỳ loại đe dọa nào.

Giám mục cho rằng một số lời chỉ trích của Giáo Hội là nguồn gốc của các sự kiện này. Nhưng Ngài nhấn mạnh rằng, các lời chỉ trích này là nhằm mục đích "sửa chữa sai lầm", và Giáo Hội lên án chúng trong các thư từ và văn bản của mình, nhưng không có bất kỳ ý định "kích động một sự đoạn tuyệt với chính phủ, hoặc tự cho phép mình trở thành một đảng đối lập". (ZENIT.org 5-10-2011)

Phạm Kim An
 
Belarus: ĐHY Kazimierz Świątek, nhân chứng Đức Tin chiến thắng Stalin
Trầm Thiên Thu
10:04 06/10/2011
Ông già chiến thắng Stalin

Tại hành lang Hội đồng Giám mục Ba Lan, một ông già nhỏ con đứng lóng ngóng giữa các “đồng nghiệp” trong văn phòng giám mục. Bên ngoài, một dãy xe ôtô đen chờ đưa các hành khách trở về giáo phận mình, mọi người đã sẵn sàng.

ĐHY Kazimierz Świątek, qua đời hồi tháng 7-2011, là một trong các giáo sĩ lão thành, sống sót sau thời gian bị tù và đi đày trước khi được bổ nhiệm điều hành Giáo hội Công giáo Ba Lan qua những năm khó khăn độc lập. Nhưng sự đóng góp của ngài được nhận biết, là người dẫn đường “Giáo hội Thầm lặng” trong thời Soviet trên con đường tha thứ và hòa giải.

Năm 1996, khi Belarus mới độc lập trong tân kỷ nguyên độc tài dưới quyền cai trị của tổng thống Alexander Lukashenko, ngài nói: “Qua lịch sử 2000 năm, Giáo hội Công giáo đã có những năm tốt và xấu, từ những thế kỷ đầu – khi người ta ném những người Kitô giáo cho sư tử, tới cuộc bách hại thời Cách mạng Pháp và Stalin. Nhưng Công giáo vẫn tồn tại và sẽ tồn tại. Người ta đánh nhau, nhưng cuối cùng cũng đạt đến thỏa hiệp. Một số người cố ép buộc phân chia, còn những người khác xây dựng tình đoàn kết. Là người theo chủ nghĩa duy thực tế (realist), tôi không bao giờ nhìn tới chân trời xa rộng nào, chỉ nhìn vào hoàn cảnh thực tế mà tôi tìm thấy. Tôi luôn tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta”.

ĐHY Kazimierz Świątek sinh tháng 10-1914 trong một gia đình người dân tộc tại Valga ở Estonia, ngài bị đày tới Siberia lúc mới 3 tuổi, dưới chế độ Nga hoàng (Tsarist regime), nhưng ngài được trở về sau khi cuộc Cách mạng Bolshevik trả gia đình ngài về Đông Ba Lan, nơi ngài nhập chủng viện Công giáo ở Pinsk và được thụ phong linh mục vào ngày trước khi bùng nổ Thế chiến II.

Tháng 4-1941, sau 2 năm làm linh mục, ngài bị Soviet NKVD bắt ngay tại nhà xứ ở Pruzany và bị kết tội sau 2 tháng thẩm vấn dữ dội vì bị coi là “giáo sĩ phản động” (reactionary cleric). Tháng 6-1941, khi quân Đức xâm lăng đánh đuổi quân Soviet, LM Świątek trốn thoát và trở về giáo xứ.

Thời gian yên ổn chẳng được bao lâu, LM Świątek lại thoát án tử khác của Đức quốc xã (Nazis), khi quân Soviet trở lại năm 1944. Nhưng rồi ngài lại bị NKVD bắt và kết án khổ sai 10 năm, phục vụ cho họ ở trại Marvinsk và Vorkuta.

Ngài trở lại Belarus vào tháng 6-1954, tại đây ngài hoạt động bí mật suốt 35 năm với tư cách chính xứ nhà thờ chính tòa Pinsk cho tới khi ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục và tổng đại diện năm 1989.

Ngài viết bản tường trình cá nhân ngắn gọn về “mùa đông dài ở nhà tù của Stalin”, nơi đó “có kẽm gai rào kín để nhốt hàng ngàn tử tù” còn ngài bị cô lập tại Bắc Siberia, nơi ngài dùng chén sứ thay chén lễ và giấu Mình Thánh vào hộp diêm để trao cho các bạn tù. Ngài còn nhớ sự ngạc nhiên của viên cai tù nói rằng “không cần phí một viên đạn” cho một người đã sống sót sau thời gian cực khổ.

Trở lại nhà thờ chính tòa Pinsk, ngài đã bật khóc khi người ta nói linh mục quản xứ đã bị kết án 25 năm tù, giáo dân bơ vơ phải tự lo liệu. Ngài liền đảm nhiệm quản xứ, nhưng thường bị KGB cản trở và đe dọa cho tới khi họ “bó tay” (chịu thua cuộc) và cho phép ngài hoạt động.

Ngài cay đắng nhớ lại: “Mặc dù biết tình hình của Giáo hội thời Liên bang Soviet, Tây phương vẫn không can thiệp để bảo vệ các tín hữu bị chế độ độc tài đàn áp và bách hại – có thể bị ảnh hưởng vì lý do nào đó hoặc do động lực chính trị. Nhưng Giáo hội, ngay cả khi thiếu cấu trúc Giáo hội, chịu đựng và thậm chí đôi khi phải đổ máu, vẫn sống và năng động”.

Tháng 4-1991, 3 tháng trước khi Belarus giành độc lập, ĐGH Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài cai quản TGP Minsk-Mogilev tái lập, và tháng 11-1994, ngài được tấn phong hồng y tiên khởi của đất nước thuộc Đông Slavic này vào 3 năm sau.

Công giáo Belarus chiếm 17% trong 10,3 triệu dân. ĐHY Świątek thận trọng lèo lái Giáo hội trong chế độ của tổng thống Lukashenko, một cựu điệp viên KGB, lên nắm quyền năm 1994, tái đắc cử 3 lần theo yêu cầu của việc lắp ráp đầu phiếu (ballot-rigging) và đe dọa.

Kiểu độc tài và cách phối hợp của Lukashenko để tái hợp với Nga gợi lên sự thừa nhận của Tây phương và cho Belarus danh tiếng lập lờ của một nước hà khắc nhất Âu châu. Nhưng ĐHY Świątek cương quyết khẳng định nhiệm vụ của ngài dành cho Giáo hội chứ không dành cho chính trị.

Có lần ngài tâm sự: “Nếu người ta mệt mỏi, chỉ trích, phản đối, họ cũng nên nhớ rắng chính họ quyết định muốn có trật tự mới này, theo kế hoạch của tổng thống Lukashenko. Có thể luôn chịu sự cai trị của Nga, Ba Lan và Lithuania đã khiến nó khó trả lại nguyện vọng quốc gia cho thực tế. Nhưng mỗi quốc gia chịu trách nhiệm về chính mình – nó tạo sự đồng nhất, cũng như cương vị quốc gia”.

Tuy nhiên, ĐHY Świątek có thể cứng rắn vì quyền lợi của giáo hội được quan tâm. Năm 2001, ngài phản đối kế hoạch làm đường cao tốc ở Kuropaty, vành đai Minsk, vùng này có 250.000 dân cư, kẻ cả nhiều người Công giáo, bị cảnh sát của Stalin bắn chết hồi thập niên 1930, ngài nói rằng người ta có quyền “nói thẳng và đứng lên chống lại những người đe dọa”.

Năm 2002, ngài phản đối khi đài phát thanh nhà nước bỏ chương trình phát thanh thánh lễ hàng tuần để phát chương trình diễu binh của Nga. Khi các linh mục và nữ tu Ba Lan bị từ chối cấp visa, ngài đã can thiệp với chính quyền.

Trong khi đó, ngài đã ngoài bát tuần và mắt kém, ngài luôn đi đây đó, tái xây dựng các nhà thờ và khuyến khích mục vụ cho giáo dân. Ngài triệu tập công nghị quốc gia từ năm 1996-1998 để đưa ra “kế hoạch hành động” của Giáo hội, và trở thành chủ tịch Hội đồng Giám mục đầu tiên của Belarus. Lúc đó HĐGM Belarus có 6 giám mục, được thành lập năm 1999.

ĐHY Świątek lãnh đạo Giáo hội trong thời gian gay go là sắp giao thời thiên niên kỷ, khi các giám mục Belarus hứa tha thứ cho những kẻ bách hại Giáo hội thời Soviet – kể cả những người “đưa những người vô tội sang Siberia, bỏ tù hoặc đuổi họ ra khỏi quê hương”.

Bản tuyên ngôn, do ĐHY Świątek đã ấn ký, ghi: “Giáo hội tại Belarus tạ ơn vì điều thiện đã hình thành và vẫn đang hình thành lịch sử của nền cộng hòa chúng ta. Nhưng đó không là thoát khỏi sự yếu đuối của con người”.

Tài liệu này ghi: “Chúng tôi xin lỗi đã có những người Công giáo hợp tác với Đức quốc xã hồi Thế chiến III, đồng thời chịu trách nhiệm về việc bắt bớ và giết chết những người vô tội. Chúng tôi cũng xin lỗi vì người Công giáo đã không luôn giúp đỡ những người bị chế độc độc tài bách hại. Chúng tôi tha thứ cho những người đã gây tổn thương và bất công, những người cướp phá và hủy hoại nhà thờ, các chủng viện, các Thánh giá, các nhà thờ và các nhà nguyện của chúng tôi. Chúng tôi cũng tha thứ cho những người đã dùng quyền cai trị của đảng mà xóa bỏ Thiên Chúa trong tâm hồn của người khác và triệt tiêu lương tâm con người”.

Có những vấn đề không ngừng, kể cả việc thiếu ơn thiên triệu tại chủng viện Harodnia duy nhất ở elarus, và thiếu thiện chí từ Chính thống giáo nổi trội tại đất nước này. Nhưng ĐHY Świątek vẫn rất lạc quan.

Ngài nghỉ hưu từ tháng 6-2006, lúc 91 tuổi, giám mục cao niên nhất, Giáo hội Công giáo đã phát triển gấp tư trong vòng 15 năm, tăng về số giáo xứ là hơn 400 và số linh mục người bản xứ tăng từ 60 tới 380.

Luật về Tự do Lương tâm và Tổ chức Tôn giáo năm 2002 (2002 Law on Freedom of Conscience and Religious Organisations) đã công nhận “vai trò lịch sử, văn hóa và tinh thần của Công giáo”, trong khi đó Belarus chứng kiến đông đảo khách hành hương, và phép xây dựng được cấp để xây dựng 8 nhà thờ mới ở Minsk.

Sự cải tiến vẫn tiếp tục. Tháng 6-2008, tổng thống Lukashenko, người thề là vô thần (avowed atheist), đã thương thuyết về giáo ước (concordat, ký ước giữa giáo hoàng và chính phủ). Tháng 4-2009, ngài gặp ĐGH Bênêđictô XVI, và ĐGH nhận lời mời thăm Belarus, trong một sứ điệp hồi tháng 10 nhân dịp sinh nhật thứ 95 của ĐHY Świątek, tổng thống Lukashenko đã kính trọng ĐHY Świątek’s là người “dũng cảm, tự trọng và lạc quan trong việc gợi hứng cho các tín hữu về tính sáng tạo luân lý và tính ưu tú”.

Dù có những đóng góp sinh động, ĐHY Świątek vẫn khiêm nhường và nhiệt tình, gây ấn tượng là ngài không bao giờ hoàn toàn hạn chế những thay đổi lạ về vận mệnh tiêu biểu cuộc đời ngài. Tại Rôma, tháng 4-2005, ngài vào mật viện (conclave) để chọn người kế vị Đức cố GH Phaolô II. Ngài được trao giải “Nhân chứng Đức tin” (Witness of Faith prize) chỉ vài tháng trước đó; nhưng ĐHY Świątek, yếu sức ở tuổi 90, đã đến mà không có ai đi theo như các hồng y khác.

ĐHY Świątek nhấn mạnh rằng vị thế hòa giải đã thỏa mãn bằng “sự biết ơn và sự công nhận”.

Ngài nói: “Chắc chắn còn quá sớm để nói chúng ta có đang trên đường tiến tới kỷ nguyên mới của các giá trị vĩnh hằng hay không – theo quan điểm phê phán, sự cáo buộc lẫn nhau chắc chắn tiếp tục đối với việc sát hại và hủy diệt”.

Đối với đa số người Công giáo, điều ngạc nhiên là một vị hồng y vẫn mang dấu vết của cuộc bách hại trên cơ thể mình mà vẫn có thể tha thứ. Ngài nói: “Ngay khi nhiều lời kết án chống lại tôi đã qua, tôi vẫn cảm thấy muốn trả thù. Nhưng chúng ta phải tha thứ, như Lời Chúa dạy: “Đừng xét đoán để không bị xét đoán”.

(Chuyển ngữ từ CatholicHerald.co.uk)
 
Đức Thánh Cha khiến cho giới báo chí Đức kinh ngạc
Linh Tiến Khải
15:52 06/10/2011
Một số nhận định của ông Robert Spaemann, nguyên giáo sư triết tại đại học Muenchen, về chuyến viếng thăm nước Đức của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI

Chuyến công du Cộng hòa Liên Bang Đức của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong các ngày 22-25 tháng 9 năm 2011 tiếp tục gây tiếng vang trong xã hội Đức. Trong các ngày này Hội Đồng Giám Mục Đức đang nhóm phiên họp mùa thu tại Fulda bên mộ của thánh Bonifacio, ”tông đồ nước Đức”, và trong số các vấn đề nghị sự các vị cũng thảo luận về lời Đức Thánh Cha kêu gọi đơn giản hóa các cơ cấu và giảm nạn bàn giấy rườm rà trong Giáo Hội, nghĩa là ”giải thoát Giáo Hội khỏi gánh nặng vật chất và chính trị”.

Bà Gabriele Kuby, chuyên viên nghiên cứu văn chương và là tác giả cuốn sách gồm các thư trao đổi với Đức Hồng Y Ratzinger hồi năm 2003 liên quan tới các nguy cơ cám dỗ của khuynh hướng tương đối hóa luân lý đạo đức, cho biết bà cảm thấy xấu hổ vì bầu khí chống đối thù hằn, các chỉ trích và tấn kích bất công và thô tục chống lại một người hiền dịu và khiếm tốn như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong các ngày trước chuyến viếng thăm tại Berlin. Bà đã nghĩ rằng sẽ khó mà xảy ra tại Đức những gì đã xảy ra bên Anh quốc trong chuyên công du mục vụ của Đức Thánh Cha hồi năm 2010; nhưng rất tiếc là nó đã xảy ra. Nếu người ta đã bỏ ra một bên các thành kiến và lắng nghe điều Đức Thánh Cha nói, thì không thể không bị ấn tượng bởi tính nhân bản sâu xa và tinh thần tu đức cao cả của Đức Giáo Hoàng. Nhưng ngài đã có khả năng đánh tan các thành kiến, khiến cho những kẻ trước đó chỉ trích ngài lại quay ra ca tụng ngài.

Và thật thế, báo chí và các đài truyền hình Đức đã bầy tỏ sự hài lòng và kinh ngạc trước sự thành công của chuyến viếng thăm, mà họ không chờ đợi. Nhiều nhật báo đã lập lại các lời tuyên bố của bà thủ tướng Angela Merkel: ”Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đã khiến cho chúng ta phong phú hơn về mặt tinh thần”, ”Không có Giáo Hội, nước Đức sẽ là một quốc gia vô cảm trên bình diện xã hội”.

Trả lời cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình quốc gia ARD tổng thống Christian Wulff tuyên bố rằng: ”Tôi cầu mong Đức Giáo Hoàng Ratzinger đã mở rộng con tim của biết bao người dân Đức”. Thế giới chính trị thì bầy tỏ sự hài lòng và kinh ngạc về bài diễn văn Đức Thánh Cha đọc trước Quốc Hội. Cả các chính trị gia tả phái hoà hoãn cũng đưa ra các lời bình luận tích cực. Trong bài phỏng vấn dành cho nhật báo Frankfurter Allgemeinen Sonntagszeitung, bà Andrea Nahles, tổng thư ký đảng Dân chủ xã hội đã hài lòng vì Đức Thánh Cha đã gặp các nạn nhân của các vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục. Bà nói: ”Đây là một cử chỉ can đảm, qua đó Giáo Hội vĩnh viễn lãnh nhận lấy các trách nhiệm của mình”.

Nhật báo Frankfurter Algemeinen Sonntagszeitung của giới trí thức trung lập, tiếng nói bảo thủ của nước Đức, cũng chú ý tới giá trị tôn giáo của chuyến viếng thăm và các suy tư của Đức Giáo Hoàng. Tờ báo viết: ”Đức Giáo Hoàng đã đưa ra một lời cảnh cáo ngoại thường và sâu xa, một khiêu khích cần phải đọc với nhiều chú ý, khi ngài nói là người vô ngộ mà tìm kiếm thì tốt hơn là tín hữu giả bộ”. Tờ báo nhận định rằng ”từ Freiburg Đức Giáo Hoàng đã mạnh mẽ kêu gọi sự hiệp nhất của Giáo Hội Đức và duy trì sự đồng điệu với Giáo Hội Roma. Đây là câu trả lời cho nhiều chủ trương cải cách trong nhiều lãnh vực cuộc sống như các người ly dị tái hôn, cuộc sống độc thân linh mục, hay việc truyền chức linh mục cho phụ nữ, cũng như các thái độ bài Roma của nhiều thành phần Giáo Hội Đức”.

Hai nhật báo Suedeutsche Zeitung và Frankfurter Rundschau thuộc khuynh hướng cấp tiến đã đăng các bài phân tích đúc kết chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha và chú ý tới các phản ứng của các Giáo Hội tin lành chờ đợi các câu trả lời cự thể hơn liên quan tới cuộc đối thoại đại kết. Hai tờ báo ghi nhận rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Giáo Hoàng công giáo đã cử hành một buổi phụng vụ đại kết trong nhà nguyện tu viện nơi Martin Luther đã được đào tạo. Còn nhật báo Koelner Stadt Anzeiger thì khẳng định rằng sau gần 500 năm lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng công giáo đã tái lượng định trên bình diện thần học con người biểu tượng của sự Cải cách trên vùng đất nơi phát sinh ra Giáo Hội tin lành.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của của ông Robert Spaemann, nguyên giáo sư triết tại đại học Muenchen, về chuyến viếng thăm nước Đức của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Giáo sư Spaemann sinh năm 1927 tại Berlin. Song thân là người vô thần nhưng gia nhập Công Giáo năm 1930, và sau khi thân mẫu qua đời, thân phụ của ông đã gia nhập đại chủng viện và được thụ phong linh mục công giáo năm 1942. Ông Spaemann theo học tại đại học Muenster, rồi trở thành giáo sư dậy triết học tại các đại học Stuttgart, Heidelberg và Muenchen cho tới khi về hưu năm 1992. Ông cũng là giáo sư danh dự tại đại học Salzburg bên Áo. Là một triết gia nhưng cũng là thần học gia chuyên về luân lý đạo đức, giáo sư Spaemann rất được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI qúy mến. Tuy là một triết gia nổi tiếng thế giới, nhưng nhiều tác phẩm của ông vẫn chưa được địch ra các thứ tiếng khác. Hai tác phẩm quan trọng nhất của giáo sư là cuốn ”Hạnh phúc và lòng tốt” xuất bản năm 1989, và cuốn ”Các bản vị con người” xuất bản năm 1996.

Trong cuốn ”Hạnh phúc và lòng tốt” giáo sư Spaemann đưa ra luận thuyết cho rằng hạnh phúc phát xuất từ lòng tốt. Loài người chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng nên như là các bản vị xã hội, để trợ giúp nhau kiếm tìm ra chân lý và ý nghĩa cho cuộc sống trong một thế giới thường lầm lẫn và hỗn loạn.

Hỏi: Thưa giáo sư Spaemann, giáo sư đã hiện diện trong buổi Đức Thánh Cha tiếp kiến các tín hữu công giáo dấn thân trong Giáo Hội và trong xã hội chiều Chúa Nhật 25-9 vừa qua. Giáo sư có thể tóm tắt ý nghĩa chuyển viếng thăm của Đức Giáo Hoàng như thế nào?

Đáp: Tôi không biết dùng kiểu nói nào khác hơn là khẩu hiệu của Đức Hồng Y Newmann ”Cor ad cor loquitur” Con tim nói với con tim, để tóm tắt ý nghĩa chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI biết đánh động trái tim người ta, và cả lần này nữa, ngài đã làm điều đó một cách tế nhị và sâu xa. Ngài đã thông truyền cho chúng tôi niềm vui là kitô hữu, một tâm tình mà tôi trực giác được với biết bao nhiêu tín hữu khác trong thánh lễ ngài cử hành tại Freiburg trong một bầu khí thực sự ngoại thường, sámg Chúa Nhật 25-9..

Hỏi: Đức Giáo Hoàng người Đức có thành công trong việc thắng vượt sự không tín nhiệm nơi các người đồng hương của ngài hay không?

Đáp: Các nhật báo lớn và các người thường chỉ trích đã thất vọng, nghĩa là những người không hiện diện. Trái lại những ai đã theo dõi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mà không có thành kiến, những ai đã lắng nghe ngài nói, và tham dự các cuộc gặp gỡ của ngài, tất cả đều đã có các ấn tượng rất tích cực. Đa số giới tryền thông đã không hài lòng vì sự kiện đơn sơ là Đức Thánh Cha đã không đề cập tới những gì mà họ chờ đợi như: việc truyền chức linh mục cho phụ nữ, hôn nhân giữa các người đồng phái, các người ly dị tái hôn vv... Nhưng Đức Thánh Cha đã nói những điều khác. Ngài đã nói về Thiên Chúa và mời gọi mọi người tái khám phá ra vẻ đẹp và lý trí.

Hỏi: Đức Thánh Cha cũng đã làm điều này trong buổi nói chuyện trước Quốc Hội Liên Bang Đức, và ngài đã thành công một cách bất ngờ, không chờ đợi, có đúng thế không?

Đáp: Chưa bao gìờ mà lại có một bài diễn văn bị phân tích trước khi được đọc như thế. Nhưng mà diễn văn của Đức Thánh Cha trước Quốc Hội đã thực sự là một bài dậy học của bậc thầy, rất thông thái và rất cao. Tôi không biết tất cả các dân biểu có hiểu rõ bài diễn văn không... Đức Thánh Cha đã đề cập đến các nền tảng của hành động chính trị và của quyền tự nhiên, theo đó con người không thể bị lèo lái bởi bất cứ ai. Và các hậu qủa rất rõ ràng, chẳng hạn như liên quan tới sự vô lý của thuyết hủy bỏ sự khác biệt giữa nam nữ. Nhưng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã rất ý tứ không gây ra các tranh luận, bằng cách đưa ra các vấn đề nền tảng.

Hỏi: Liên quan tới Giáo Hội Đức, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra các phán đoán ít rõ ràng hơn. Các lời của ngài sẽ có hiệu qủa nào, thưa giáo sư?

Đáp: Tôi cầu mong rằng hàng giáo sĩ và giáo dân bắt đầu suy tư về sự thái qúa của các cơ cấu đối với kinh nghiệm đức tin bên trong các cộng đoàn của chúng tôi. Tôi không biết các hậu qủa cụ thể sẽ như thế nào.

Hỏi: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cầu mong có một Giáo Hội ”được giải thoát khỏi gánh nặng vật chất và chính trị”. Giáo sư có nghĩ rằng tại Đức người ta sẽ thảo luận về ”thuế Giáo Hội”, tức là thuế mà các tín hữu mọi tôn giáo phải đóng cho Giáo Hội của mình hay không?

Đáp: Đức Giáo Hoàng đã không đề cập đến đề tài này. Nhưng tôi tin rằng ai bảo vệ việc duy trì thuế Giáo Hội, sẽ không được Đức Thánh Cha ủng hộ.

Hỏi: Các anh em tin lành đã chờ đợi một bước tiến tới trong cuộc đối thoại đại kết, mà theo họ là đã thiếu... Riêng giáo sư thì giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Nói thật ra Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã ca ngợi con đường đối thoại đã đạt được cho tới nay, và ngài đã mời gọi tiếp tục cuộc đối thoại với các sáng kiến hiệp nhất trong lãnh vực cầu nguyện và hoạt động xã hội của cả hai Giáo Hội. Nhưng việc cùng cử hành Thánh Thể là điều vẫn chưa thể làm được, xét vì các anh em tin lành không nhìn nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Nhưng tôi nghĩ rằng cuộc đối thoại với Giáo Hội cải cách đang gặp khó khăn không thuộc trật tự thần học. Tôi có ý nói rằng các anh em thuộc Giáo Hội Luther đã đầu hàng trước tiến trình tục hóa liên quan tới các vấn đề như lỵ dị, phá thai, trợ tử và các đề tài luân lý đạo đức lớn. Như thế họ đang xa rời truyền thống kitô. Và đây là một vấn đề rất lớn cần phải giải quyết giữa họ với nhau, chứ không phải giữa các tín hữu công giáo.

Hỏi: Thưa giáo sư Spaemann, cái gì của chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha sẽ còn tồn tại?

Đáp: Tôi hy vọng nơi một sự thay đổi định đoạt tâm thức, đặc biệt đối với gương mặt của Đức Giáo Hoàng. Nhiều người, kể cả các tín hữu có thói quen nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng Roma là một ông vua tuyệt đối và Giáo Hội cần có các cải cách dân chủ. Nhưng cả khi có muốn đi nữa, Đức Giáo Hoàng không thể làm điều ngài muốn, bằng cách đưa ra các thay đổi trái nghịch với giáo lý kitô. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng của Giáo Hội trước hết là cuộc khủng hoảng của đức tin, và ngài đã mời gọi hoán cải con tim. Ngài đã trao ban tiếng nói cho các vấn đề khiến cho con người ngày nay khắc khoải, và đã tổng kết một cách tuyệt diệu bằng cách đọc lại thảm kịch của Luther trong vấn đề tương quan với Thiên Chúa từ bi.

(Avvenire 27-9-2011)
 
Thiên Chúa sẽ hướng dẫn, và bảo vệ những ai theo Ngài
Bùi Hữu Thư
16:30 06/10/2011
Đức Thánh Cha nói trong buổi triều kiến

Đức Thánh Cha Benedict XVI
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha nói: Thiên Chúa sẽ luôn luôn hướng dẫn, che chở và nuôi dưỡng những ai có chí theo chân Ngài.

Đức Thánh Cha nói ngày 5 tháng 10 trong buổi triều kiến chung hàng tuần tại Quảng Trường Thánh Phêrô: "Theo Chúa Giêsu, người mục tử nhân hậu, chúng ta sẽ chắc chắn được đi trên con đường chính thật, và Chúa sẽ luôn luôn dẫn dắt, đồng hành và chúng ta sẽ không bao giờ thiếu thốn chi."

Với khoảng 20.000 người tụ tập tại quảng trường, Đức Thánh Cha tiếp tục một loạt các bài giảng về các Thánh Vịnh, chú trọng đến Thánh Vịnh 23: "Chúa là mục tử của tôi, tôi không còn thiếu thốn chi."

Đức Thánh Cha nói: Nhìn vào Thánh Vịnh -- "một bài ai ai cũng quen thuộc và yêu thích -- Nếu chúng ta đi theo sau một mục tử nhân lành, dù khó khăn đến đâu, dù đường đi có vẻ cong queo gian khó trên đường đời, và dù cho nhiều khi chúng ta dường như đang ở trong một sa mạc tinh thần khô cạn," chúng ta có thể biết chắc là Chúa sẽ bảo vệ và nuôi dưỡng chúng ta.

Thánh Vịnh là một biểu tượng của "sự tin tưởng tuyệt đối nơi tình yêu chăm sóc của Thiên Chúa," một tình yêu được tỏ hiện ở mức cao cả nhất là cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên."

Chào đón các khách hành hương nói tiếng Anh trong cử tọa, Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện cho 35 thanh niên được dự trù phong chức phó tế chuyển tiếp ngày 6 tháng 10 bởi Đức Hồng Y Hoa Kỳ William J. Levada, Bộ Trưởng Thánh Bộ Tin lý Đức Tin. Các tân phó tế này đang được đào tạo để trở thành linh mục tại Đại Học Giáo Hoàng Bắc Mỹ tại Rôma.

Đức Thánh Cha Benedict cũng chào đón một phái đoàn các học giả Chính Thống giáo thuộc ban giảng huấn Đại Học Aristotle ở Thessalonica, Hy Lạp. Ban giảng huấn tặng Đức Thánh Cha Benedict "Mề Đay Vàng Tông Đồ Jason thành Thessalonica,". Đức Thánh Cha nói đây là một "dấu hiệu hùng hồn của sự thông hiểu và đối thoại gia tăng giữa các tín hữu Công Giáo và Chính Thống Giáo."

Nói với người Chính Thống giáo bằng tiếng Anh, Đức Thánh Cha nói là ngài hy vọng mối tương quan cải tiến sẽ là "một dấu hiệu tiên báo cho những tiến triển lớn mạnh hơn trong nỗ lực của chúng ta để đáp ứng một cách trung thành, chân thật và bác ái đối với lời kêu gọi của Chúa là phải hiệp nhất."

Vào cuối buổi tiếp kiến, Đức Giám Mục Anthony B. Taylor giáo phận Little Rock, Arkansas, đích thân kính tặng Đức Thánh Cha Benedict một ấn bản của "Cuốn Nghiên Cứu Thánh Kinh Công Giáo", một ấn bản được phổ biến tháng Sáu vừa qua trong chương trình Học Hỏi Thánh Kinh của giáo phận Little Rock.
 
Top Stories
Study: Most Priests Are Happy, Appreciate Celibacy
Genevieve Pollock
07:01 06/10/2011
Interview With Monsignor Stephen Rossetti

WASHINGTON, D.C., OCT. 5, 2011 (Zenit.org).- Priests in general are among the happiest members of society, says Monsignor Stephen Rossetti, and contrary to secular opinion, most embrace celibacy as a positive aspect of their vocation.

These were some of the conclusions outlined by Monsignor Rossetti in his book, “Why Priests Are Happy” (Ave Maria Press), which will be released Wednesday.

The author, who is currently serving as associate dean for seminary and ministerial programs at The Catholic University of America, also wrote “Born of the Eucharist,” “The Joy of Priesthood,” and “When the Lion Roars.” As a licensed psychologist, Monsignor Rossetti previously worked as president and CEO of Saint Luke’s Institute, a treatment and education center for clergy and religious.

The author surveyed 2,500 priests, and made discoveries that modern society might find surprising.

In this interview with ZENIT, he explained some of these findings, including the correlation between a priest’s happiness and his relationship with God and others, and the signs of hope for the future of the priesthood.

ZENIT: Your research showed a conclusion that the public might find surprising: Priests are among the happiest people in the country. Why do we not hear about this happiness more often?

- Monsignor Rossetti: There have been a number of studies in the United States over the last few years with exactly the same findings: About 90% of priests report that they are happy. In my study, it was 92.4%.

In a similar study, when the National Opinion Research Center recently conducted its scientific poll of 27,000 Americans, they found that clergy in general were the most satisfied and happiest of all Americans. This is especially remarkable since over 50% of Americans report being unhappy with their jobs.

But this consistent and astounding finding of priestly happiness remains a secret.

Why? First of all, good news doesn’t make the news. Tragedies and scandals fill our front pages but the faces of our many happy priests do not.

Second, and just as important, the secularization of our culture breeds a kind of negativism toward organized religion. There is a secular belief among some today that practicing the faith must be constraining and joyless.

Some modern thinkers suggest that the only way to true human happiness is to be freed from the constraints of religion. They see religion as repressive of one’s true human freedom and humanity. Thus, using this logic, being a priest must be the unhappiest life of all.

Therefore, to hear that priests are among the happiest people in the country is met with disbelief.

The fact of priestly happiness is a fundamental and powerful challenge to the modern secular mind.

But for us Christians, it only confirms the truths of our faith. Jesus prayed, “That my joy might be yours, and your joy might be complete.”

Joy is one of the unmistakable fruits of the Holy Spirit.

To be truly and fully Christian is to know God’s gift of joy. The secular mind searches for this joy, but it is looking in the wrong place.

It only makes sense that those men who have dedicated their lives in the service of God and others in the Catholic faith as priests would be slowly and gently filled by God with an inner happiness and joy.

Jesus promised us his joy and it is demonstrably true.

ZENIT: What have you found to be the key factors that contribute to a priest’s happiness?

- Monsignor Rossetti: I ran a multiple regression equation to find the most important variables that contributed to priestly happiness. The first, most powerful predictor of priestly happiness was the variable “inner peace.”

Those who reported a good self-image and a sense of inner peace were the happiest of priests.

Upon reflection, this makes perfect sense. The most important predictor of anyone’s happiness is what they bring to their jobs and their lives.

If we feel good inside, we are likely to be happy with what is around us.

This also is a challenge to all of us: If we are unhappy with our lives, perhaps the place to begin is not to criticize what is outside of us, but to look within.

Interestingly enough, my research demonstrated that the most powerful predictor of inner peace is one’s relationship with God. The correlation was a large r=.55, which is a very strong correlation in social science research.

So, where does inner peace come from? When one has a solid relationship with God, there is much inner peace.

Jesus promised us this gift. He said, “My peace I leave with you, my peace I give to you.”

It was exciting for me to see the truths of the Gospels displayed right in front of my eyes in these statistical findings. We find true and lasting peace only in God.

And, of course, one’s reported relationship with God was strongly predictive of happiness as well. Again, there was a strong correlation (r=.53).

So we see our spiritual life as being a powerful contributor both to inner peace and personal happiness.

If there is so much violence and unhappiness in our world today, where does it come from?

My findings suggest that we will never find the inner peace and joy that we are searching for until we find a personal relationship with God. Most of our priests have found such a relationship, and they are happy men because of it.

ZENIT: Could you say something about the role of interpersonal relationships -- with family, friends, cohorts, or parishioners -- in a priest’s happiness?

- Monsignor Rossetti: There were several surprising findings in the research, which upon reflection, made perfect sense.

For example, I ran another multiple regression equation and asked what was the strongest predictor of one’s relationship with God, that is, what variable most likely contributes to a positive relationship to God. The response was clear: having close friends (the correlation was a strong r=.46).

Developing a healthy relationship with others helps us to connect with God.

Many times Jesus himself spoke of love of God and love of neighbor as two sides of the same coin. Or, as the Scriptures tell us, “For whoever does not love a brother whom he has seen cannot love God whom he has not seen.”

And the statistical results confirmed this Gospel teaching: To love our neighbors and to build a charitable relationship with friends, family and neighbors helps us to love God, and vice versa. All of these are important in becoming happy people.

Isolation causes unhappiness. We are meant to be connected with others.

The good news here is that the vast majority of priests -- over 90% -- reported having solid friendships with other priests and with the laity.

One of the great joys and supports for the life of a priest is his connections with others.

The secular notion that priests are lonely, isolated men is simply not true.

Indeed, priestly happiness has been rising over the past several years and will likely rise even higher. In my research only 3.1% of priests were even thinking of leaving the priesthood. Given the enormous pressure on priesthood today and the many real challenges facing these men, this is remarkable.

ZENIT: What about celibacy? How does it relate to a priest’s happiness?

- Monsignor Rossetti: This was also an interesting finding. Those priests who felt called by God to live a celibate life and who experienced celibacy as a personal grace, despite its challenges, were much more likely to be happy men. The correlation between this positive view of celibacy and priestly happiness was a strong r=.47.

The good news here is that over 75% of priests have found celibacy to be a positive part of their lives.

This percentage is likely to rise even higher in the future. It is the youngest priests who most strongly support mandatory celibacy.

So, contrary to a secular mentality, support for priestly celibacy will likely rise in the future among priests in the United States. It is disappearing as a “hot button” issue among priests in the United States.

But this is challenging. It is one thing to accept celibacy as a necessary part of a priest’s life, but it requires a much deeper level of spirituality to experience celibacy as a gift from God and a personal grace. It requires a depth of living that is profound.

As I sit back and reflect upon the findings of this study, I find myself inspired by the commitment and spiritual vitality of these priests’ lives.

This is the real truth underlying the findings of the study: Our priests are happy and holy men.
 
What Comes First, Conscience or the Pope? - Cardinal Newman Offers Well-Founded Answer
Rev. Juan Vélez
07:03 06/10/2011
LOS ANGELES, California, OCT. 5, 2011 (Zenit.org).- Many people consider there is little more to life than thinking as they wish and doing as they feel. They speak of "my truth" and "my conscience," refusing to acknowledge an objective moral order. Unfortunately, this cultural relativism is also prevalent among Catholics, who often wish to act according to their subjective beliefs rather than the objective teaching of the Catholic Church.

Catholics who disagree with Church teaching often attempt to find a basis for their arguments in the teachings of Blessed John Henry Newman, who was beatified by Benedict XVI last Sept. 19, and whose feast day is Oct. 9. This great teacher on moral conscience wrote, among other things, on the development of Christian doctrine, the consent of the faithful in matters of doctrine, and on the supreme role of the moral conscience.

Those who question objective truths or the Church's capacity to command obedience to these truths often misunderstand the context and content of his teaching. In particular, Cardinal Newman's notion regarding the "freedom to follow my conscience" is invoked to sanction disagreement with the Church's teaching on obedience to the Pope, artificial contraception, the question of "divorce and remarriage," ordination of women and the practice of homosexuality.

What is conscience?

Conscience is a natural faculty by which man applies what he knows of natural law and revelation to decisions regarding his choice of actions. In the Letter to the Duke of Norfolk, Cardinal Cardinal Newman explained that together with revelation -- an external witness to God that comes to us through the teaching of the Pope and the magisterium -- we have conscience, an internal witness which commands man to fulfill his duty. He described conscience as a messenger from God, an internal witness of God's revelation, which like a high priest, is able to command, to judge and to bless.

The following is Cardinal Cardinal Newman's description of conscience: "The rule and measure of duty is not utility, nor expedience, nor the happiness of the greatest number, nor state convenience, nor fitness, order, and the pulchrum. Conscience is not a long-sighted selfishness, nor a desire to be consistent with oneself, but it is a messenger from him, who, both in nature and in grace, speaks to us behind a veil, and teaches and rules us by his representatives."

Conscience is not the "self" speaking; it is the voice of God. Cardinal Newman explains that conscience is like a messenger of God speaking to us behind a veil. He even goes as far as to call it the original Vicar of Christ, attributing to it the offices of prophet, king and priest.

"Conscience is the aboriginal Vicar of Christ, a prophet in its information, a monarch in its peremptoriness, a priest in its blessings and anathemas, and, even though the eternal priesthood throughout the Church could cease to be, in it the sacerdotal principle would remain and would have a sway," said Cardinal Newman.

Father German Geissler comments on Cardinal Newman's words: "Conscience is a prophet because it tells us in advance whether the act is good or bad. It is a king because it exhorts us with authority: 'Do this, avoid that.' It is a priest because it blesses us after a good deed -- this means not only the delightful experience of a good conscience, but also the blessing which goodness brings in any case to people and to the world -- and likewise: 'condemns' after an evil deed, as an expression of the gnawing bad conscience and of the negative effects of sin on men and their surroundings. It is a principle that is written in the being of every person. It asks for obedience and refers to one outside of itself: to God -- for one's own sake and the sake of others."

Thus Cardinal Newman argues against conscience as a license for one's own utility or pleasure. Conscience is always bound to the truth. It should never be used as a justification for a self-referential interpretation of what is good and evil which cuts man off from God and his Revelation. No one can rightly say: "my conscience tells me this" in contradiction to that which God reveals in an external manner through Revelation and entrusts to the judgment of the Church.

For, instance, it is wrong to claim that "my conscience tells me the use of artificial contraception is acceptable" when God mandates in the Scriptures that sexual love is to be fruitful, and when the Church authoritatively teaches this doctrine. To sanction this choice under the notion "freedom of conscience" would be to make God's internal and external witness contradictory.

Conscience does not to decide on the truth about Natural Law or Revelation. Writer Jeff Mirus explains, "Conscience is a moral compass, not an intellectual one." It acts upon revelation and is subordinate to it. However, like Adam and Eve, men and women often wish to establish what is good and evil. Man can and does err in his moral judgments when his conscience ignores revelation.

Judgments and authority

Catholic Tradition has taught of the importance of forming one's conscience; people have the obligation to learn the truths of natural law and those revealed by God and taught by the Church. As Pope John Paul II taught in "Splendor Veritatis," there are objective moral norms that always apply. There are some negative precepts that admit of no exceptions. No "conscience" can rightly justify them.

Otherwise, a person acts on what is called "a poorly formed," or at times "deformed," conscience. The same can be said about education of children; they need to be formed at an early age in the truths of the faith, and the best source for instruction and formation in conscience is the Catechism of the Catholic Church.

Cardinal Newman's teaching on conscience is found in his sermons and other works, but especially in his Letter to the Duke of Norfolk (1875), a response to his friend, William Gladstone, the prime minister of England. It was a brilliant defense of Catholic citizens in which Cardinal Newman asserted that they are loyal citizens of any just state. He explained that the Catholic religion does not keep Catholics from fulfilling their obligations as loyal citizens, and that the Holy See does not have the custom of interfering in their civic duties.

Cardinal Newman repeated the teaching of the constitution "Pastor Aeternus" of Vatican Council I, which asks Catholics for obedience to the Pope only in matters of faith and morals, and in matters of discipline and ecclesiastical government. Cardinal Newman explained that by obeying the Pope in such matters, the moral conscience is neither eliminated nor substituted by the Pope's authority.

Papal infallibility

As Vatican I asserted, the Pope's authority extends only to matters of doctrine and morals. We are obliged to believe, for example, what he teaches about the Holy Eucharist or marriage. His teaching does not extend on how to organize the water supply of a city, raise taxes, run elections, etc.

Cardinal Newman explained to his fellow Englishmen, who out of prejudice considered the teaching of the Pope's infallibility as a threat to English government or sense of pride, that this doctrine does not make Catholics puppets: did the Pope speak against Conscience in the true sense of the word, he would commit a suicidal act. He would be cutting the ground from under his feet. His very mission is to proclaim the moral law, and to protect and strengthen that "Light which enlighteneth every man that cometh into the world." On the law of conscience and its sacredness are founded both his authority in theory and his power in fact…I am considering here the Papacy in its office and its duties, and in reference to those who acknowledge its claims.

Cardinal Newman pointed out that so many types of acts by a Pope, such as the excommunication of a person in error or the Pope's blessing of the Spanish Armada, are not a matter of exercising his pontifical authority in an infallible manner, which would bind the faithful in conscience. Cardinal Newman wrote that Catholics are not bound by the Pope's personal character or private acts, but by his formal teaching (although it should be pointed out that, in the case of a person excommunicated, that is a canonical act that is indeed binding, whether or not it is infallible).

Difficult cases

If a scholar were to disagree with a doctrinal or moral teaching of the Church he should submit his judgment to the Church's teaching out of humility and obedience. Here too Cardinal Newman offered advice and good example. A theologian or for that matter a pastor should not create unrest among the faithful, much less confusion. Such a person should have the humility to admit that his opinion is likely mistaken, especially if the magisterium has already pronounced on the matter.

Upon being received in the Church Cardinal Newman accepted all its teachings, including the ones he did not fully understand. As the declaration of papal infallibility drew near, Cardinal Newman accepted this teaching, even if he thought that despite its truth it was not an opportune moment to make it. The English hierarchy had only just been restored in England in 1850, and there was a lot of prejudice against Catholics in England. In that country the so-called Ultramontane Catholics who advocated a temporal power by the Pope were making matters worse. In sum, Cardinal Newman thought this was not the best time for such a declaration, but he submitted to it.

Developing doctrine

"Development of doctrine" is one of Cardinal Newman's great contributions to theology. He argued that over time Catholic doctrine grows; it is explained better and conclusions are drawn from truths known earlier in time. At a cursory glance development of doctrine seems to imply that what was once held may now be shown not to be true. It would seem to undergird the idea that one can object in conscience to beliefs that later on may be shown to have been wrong in the first place. Cardinal Newman's seminal work which, in fact, actually led to his conversion on Oct. 9, 1845, argues the contrary. Cardinal Newman put forth safeguards for reaching the conclusion that a development is a true development. One of the main safeguards is, precisely, that it does not contradict earlier teaching, and another is that the new teaching was already implicit in earlier teaching. In sum development of doctrine does not support the claim the truths are subjective and therefore can be accepted or rejected by a Christian based on his own conscience.

A toast

Cardinal Newman noted that on rare occasions a person's conscience may collide with the Pope's teaching, for two reasons: 1) the Pope is attempting to teach in an area that does not really pertain to faith and morals as such, or 2) the person's conscience has not been formed properly. Cardinal Newman laid out the Church's long-standing teaching that on such occasions that person must obey his conscience, even if it is in error. Naturally, however, the person is obliged to seek the truth about the matter in question; and once he discovers the error, he must re-evaluate his position.

After providing some examples of papal statements or actions that are not infallible Cardinal Newman proceeded to make an affirmation which is often quoted to justify dissent from Church teaching: "Certainly, if I am obliged to bring religion into after-dinner toasts, (which indeed does not seem quite the thing) I shall drink -- to the Pope, if you please -- still, to conscience first, and to the Pope afterward."

Out of context, this casts doubt on all that Cardinal Newman taught, but properly examined, we understand that there should very rarely be opposition between conscience and the Pope. Since a well-formed conscience is God's voice, Cardinal Newman naturally would give it preference in a toast.

(Father Juan R. Vélez has written "Passion for Truth: The life of John Henry Cardinal Newman," to be published in the Fall by TAN Books. He is co-author of "Take Five, Meditations With John Henry Cardinal Newman.")
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Việc học thuộc lòng trong giáo lý
Gioan Lê Quang Vinh
07:06 06/10/2011
Đầu năm học giáo lý, tôi hỏi hai lớp ở hai giáo xứ khác nhau “Giáo Hội có phải là bí tích không?” Nhiều em trả lời đúng, nhưng cũng có một số em trả lời lớn tiếng, dõng dạc: “Không ạ”.

Khi tôi chia sẻ điều này trên Facebook, có bạn cho rằng điều quan trọng là các em biết cầu nguyện với Chúa Giêsu, còn những điều khác không phải là đáng quan tâm lắm. Có người cũng bảo rằng nếu dạy cho các em biết và nhớ, “bảo đảm não trạng của các em sẽ chỉ xếp vào cái mớ sử địa hỗn độn mà trường học (ở Việt nam) đang nhồi nhét”.

Bạn giáo lý viên ấy có lý và bạn cũng ý thức về tầm quan trọng của việc tập cho các em sống thân tình với Chúa Giêsu. Tuy nhiên, cũng chính ý nghĩ ấy của một số giáo lý viên lại gợi cho chúng ta nhiều ưu tư về cách dạy giáo lý cho các em.

Chuyện đầu tiên phải minh định là việc học thuộc lòng giáo lý hoàn toàn khác với việc các trường học nhồi nhét mọi thứ vào đầu học sinh. Hoàn toàn khác là bởi vì mục đích giảng dạy, tiêu điểm nhắm đến, nội dung giảng dạy và tính chất môn học khác nhau.

Dạy giáo lý là giúp các em sống theo Chúa Giêsu, Con Người hoàn thiện, là Vua yêu thương và là Chúa các chúa, nên không thể đem so sánh giáo lý, dù là so sánh cách dạy giáo lý, với những “môn” có mục tiêu đẩy con người xa Chúa và xa phẩm giá cao trọng của con người là hình ảnh Chúa.

Việc học và nhớ trong giáo lý là nhớ những lời dạy của Chúa Giêsu và của Hội Thánh để sống yêu thương và công bằng, sống đúng phẩm giá người con cái Chúa. Điều này ngược lại với việc dạy học ở trường ngoài.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết trong Tông huấn Dạy Giáo Lý Trong Thời Đại chúng ta: “‎Việc học thuộc lòng một số lời của Chúa Giêsu, các câu Thánh Kinh quan trọng, Mười Điều Răn, các công thức của việc tuyên xưng Đức Tin, các kinh trong Phụng Vụ, các kinh nguyện cần thiết, các tư tưởng giáo thuyết chính, v.v…, thay vì làm giảm nhân phẩm của các Kitô hữu trẻ, hay là một trở ngại cho việc nói chuyện riêng với Chúa, thì lại là điều thật sự cần thiết, như các Nghị Phụ đã mạnh mẽ nhắc nhở. Chúng ta phải có óc thực tế.” (số 55)

Ngoài ra, việc dạy cho các em biết và nhớ về Giáo Hội, nhất là “Giáo Hội là một bí tích” là điều cực kỳ quan trọng. Lý do là vì Giáo Hội chính là Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Không thể giúp các em cầu nguyện khi các em không biết và yêu mến Chúa Giêsu. Không thể giúp các em yêu mến Chúa Giêsu nếu các em không hiểu biết về Giáo Hội là công trình và là Thân Thể của Người.

Thánh Công Đồng chung Vatican xác quyết Giáo Hội là bí tích: “Giáo hội ở trong Ðức Kitô như là bí tích hoặc dấu chỉ và là khí cụ của dây kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, và giữa toàn thể nhân loại” (Hiến chế Lumen Gentium). Giáo huấn Xã Hội của Giáo Hội còn nói thêm: “Giáo Hội là bí tích của niềm hy vọng huy hoàng nhất” (số 60).

Ý thức Giáo Hội là bí tích, các em sẽ ý thức gặp gỡ Chúa Giêsu trong Giáo Hội, các em gắn bó với Giáo Hội và xây dựng Giáo Hội. Và khi dạy về Giáo Hội bằng chính giáo huấn của Giáo Hội, các em nhận thức rõ Giáo Hội là Mẹ của mình.

Bí tích chính là nguồn mạch nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng. Giáo Hội phân phát các mầu nhiệm thánh, đồng thời chính Giáo Hội cũng là mầu nhiệm thánh. Điều này củng cố đức tin chúng ta một cách hữu hiệu.

Khi các em nhớ giáo lý, khi các em hiểu biết về Chúa Giêsu, khi các em yêu mến Lời Chúa và yêu mến Giáo Hội thì các em sẽ đi vào đời sống cầu nguyện tự nhiên như hơi thở của các em. Dạy cầu nguyện mà không cho các em nhớ các mầu nhiệm thì e rằng các em cũng chỉ thực hành những tình cảm chóng qua, không có nền tảng.

Ghi lại vài suy nghĩ nhân đọc các comment trên Facebook, người viết – cũng là giáo lý viên như các bạn – ước ao rằng khi dạy giáo lý, chúng ta, bạn và tôi, cùng chuẩn bị kỹ bằng lời cầu nguyện, bằng việc soạn bài sắp dạy và bằng việc học hỏi thêm giáo huấn của Hội Thánh là Mẹ chúng ta.
 
Tờ trình về một số công tác
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
08:59 06/10/2011
TỜ TRÌNH

Kính gửi:
Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN
Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Qu‎ý Đức cha,

Kính thưa Qu‎ý Đức cha,

Trong tư cách cá nhân, con xin được báo tin về một số công việc đang làm để xin qu‎ý Đức cha cầu nguyện cho chúng con và có thể tham gia:

1. Khoá Tập huấn Tham vấn Trị liệu Gia đình Nghiện Game sẽ tổ chức từ thứ Hai, ngày 24-10 đến thứ Sáu, ngày 28-10-2011, tại Trung tâm Mục vụ, 6 bis Tôn Đức Thắng, Tp. HCM. Giảng viên gồm các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tâm l‎ý giáo dục. Đất nước ta hiện nay đang có khoảng 5 triệu người chơi trò chơi trực tuyến (game online) hằng ngày. Do không làm chủ được bản thân, do tác động của những hình ảnh liên tục vào trong bộ não với tần xuất 24 hình/giây trong một thời gian dài, họ trở thành những người nghiện. Từ việc nghiện ngập này, họ gây ra biết bao nhiêu tai hại cho chính mình, gia đình và xã hội. Vì thế chúng con tổ chức khoá học này nhằm giúp các nhà tư vấn tâm l‎ý, tác viên xã hội và tình nguyện viên xã hội có kỹ năng giúp đỡ những người nghiện game tìm lại được bình an cho tinh thần, sức khoẻ cho thể xác. Qu‎ý Đức cha có thể gửi mỗi giáo phận một người cho chương trình này. Chúng con gửi kèm theo đây chương trình chi tiết.

2. Hoạt động của Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ côi Tp. HCM. Hội này đã mời con tham gia vào Ban chấp hành vì từ nhiều năm qua con có giúp đỡ Hội để tổ chức nhiều khoá đào tạo về khuyết tật khiếm thính, khiếm thị, chậm phát triển trí não và tự kỷ. Sau khi viết thư hỏi ‎ý kiến Đức Cha Chủ tịch HĐGM, Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và Đức cha Michael Hoàng Đức Oanh, con đã tham gia hoạt động của Hội. Ngày 19-8-2011, trong Đại hội Đại biểu của Hội, con được đề cử làm Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Xã hội-Y tế cho nhiệm kỳ 2011-2015. Đây là một hội hoạt động xã hội gồm nhiều nhà hảo tâm và đang lo cho 47.000 người khuyết tật và hơn 10.000 trẻ mồ côi ở Tp.HCM. Con hy vọng khi hoạt động với các anh chị em đó, con sẽ phục vụ đồng bào khốn khổ với tinh thần và tình yêu Chúa Giêsu Kitô.

3. Phát hành sách

Chúng con đang chuẩn bị in và sẽ phát hành các sách sau đây như đã làm trong mấy năm qua:

– Daily Gospel 2012 (bản tiếng Anh), khổ 10x15 cm, 456 trang để giúp bạn trẻ vừa sống Lời Chúa vừa học Anh ngữ. Cộng tác với Dòng Claratian để giúp cho công tác truyền giáo. Giá 30.000đ/cuốn.

– Lời Chúa Mỗi ngày (bản dịch Việt ngữ của Daily Gospel), khổ 10x15 cm, 450 trang. Giá 30.000đ/cuốn. Cộng tác với Dòng Claratian để giúp cho công tác truyền giáo.

– Huấn từ của ĐTC Bênêđíctô XVI Năm B gồm các bài giảng trong các Chúa Nhật và lễ trọng nhằm giúp linh mục và tu sĩ. Sách khổ 14x20 cm, 620 trang, giá 75.000đ/cuốn.

Con xin phép báo sớm vì đầu tháng 11 sẽ in xong. Nếu Qu‎ý Đức cha đặt hàng sớm chúng con sẽ đáp ứng tốt hơn năm trước và giá sẽ giảm. Năm ngoái không có đủ sách Huấn từ ĐTC vì chúng con chỉ in 1.000 cuốn. Năm nay chúng con in 2.000 cuốn. Qu‎‎ý Đức cha có thể gọi trực tiếp cho con ở số Đt 0908411106. Con xin hết lòng cám ơn Qu‎ý Đức cha.

Kính chúc Qu‎ý Đức cha luôn an mạnh và dồi dào ơn Chúa.

Ngày 04 tháng 10 năm 2011

Kính thư
 
Mời tham dự Hội thảo: Giáo huấn Xã hội Công giáo và Con người
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
09:35 06/10/2011
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
UỶ BAN CÔNG LÝ VÀ HOÀ BÌNH
6 bis Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM
ĐT: 8 36007651
Email: ubclhb@gmail.com
Website: www.conglyvahoabinh.org


Ngày 04 tháng 10 năm 2011

THƯ MỜI
THAM DỰ CHƯƠNG TRÌNH TẬP HUẤN – HỘI THẢO I
CỦA UỶ BAN CÔNG LÝ VÀ HOÀ BÌNH

Chủ đề: Giáo huấn Xã hội Công giáo và Con người

Kính gửi: Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN
Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Qu‎ý Đức cha, Qu‎ý cha Trưởng Ban Công lý và Hoà bình giáo phận,
Anh chị em tình nguyện viên,

Uỷ ban Công l‎ý và Hoà bình (UBCLHB) mới chính thức ra mắt từ ngày 27-5-2011 đến nay, nhiều người trong cộng đồng Dân Chúa hy vọng UB sẽ có những hoạt động cụ thể để đem lại công l‎ý và hoà bình, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho con người trong cộng đồng xã hội, chống lại những áp bức và bất công theo đúng tinh thần của Giáo huấn xã hội Công giáo… Tuy nhiên, nhiều người có trách nhiệm, ở Văn phòng Trung ương cũng như ở Ban CLHB giáo phận và giáo xứ, chưa biết phải làm gì và làm như thế nào. Vì thế, UB sẽ tổ chức một khoá tập huấn – hội thảo I, kéo dài 2 ngày để giới thiệu một số điểm cơ bản trong giáo huấn xã hội Công giáo về con người nhằm mục đích giúp các thành viên và tình nguyện viên trong Ban CLHB giáo phận hiểu thêm và định hướng được hoạt động của mình.

1. Chương trình

Chúng con dự định tổ chức 5 khoá tập huấn như sau:
2 khoá ở Giáo tỉnh TP.HCM, 1 khoá ở Giáo tỉnh Huế và 2 khoá ở Giáo tỉnh Hà Nội; như thế số người của mỗi giáo phận được đào tạo sẽ đông hơn, nhằm giúp giáo phận có đủ nhân sự làm việc. Hơn nữa, tổ chức theo từng khoá nhỏ sẽ giúp các tham dự viên có nhiều dịp gặp gỡ nhau và những nhu cầu của địa phương sẽ cụ thể và thiết thực hơn.

2. Thời gian và địa điểm

- Giáo tỉnh TP.HCM:
* 4 giáo phận đồng bằng sông Cửu Long (Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên): từ 7g00 sáng thứ Năm, ngày 20-10-2011, đến 17g00 chiều thứ Sáu, ngày 21-10-2011; tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho, số 23 L‎ý Thường Kiệt, P.6, TP. Mỹ Tho.
* 6 giáo phận còn lại (TP.HCM, Đà Lạt, Phú Cường, Phan Thiết, Xuân Lộc, Bà Rịa): từ 7g00 sáng thứ Ba, ngày 13-12-2011, đến 17g00 chiều thứ Tư, ngày 14-12-2011, tại Văn phòng Trung ương UBCLHB, 6 bis Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM.

- Giáo tỉnh Hà Nội:
* 6 giáo phận: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Hoá, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thái Bình: từ 7g00 sáng thứ Hai, ngày 09-01-2012, đến 17g00 chiều thứ Ba, ngày 10-01-2012, tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Bắc Ninh, đường Ngô Gia Tự, P.Ninh Xá, TP. Bắc Ninh.
* 4 giáo phận còn lại (Thanh Hoá, Bùi Chu, Phát Diệm, Vinh): từ 7g00 sáng thứ Năm, ngày 12-1-2012, đến 17g00 chiều thứ Sáu, ngày 13-1-2012, tại Toà Giám mục Thanh Hoá, số 50 Nguyễn Trường Tộ, P. Trường Thi, TP. Thanh Hoá.
- Giáo tỉnh Huế (Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Kontum, Buôn Ma Thuột): từ 7g00 sáng thứ Năm, ngày 16-2-2012, đến 17g00 chiều thứ Sáu, ngày 17-2-2012, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Huế, 6 Nguyễn Trường Tộ, TP. Huế.

3. Ban Tổ chức:
- Đức cha Chủ tịch, Phao lô Nguyễn Thái Hợp: điều hành chung.
- Cha Tổng Thư k‎ý, Antôn Nguyễn Ngọc Sơn: lo việc đào tạo, nội dung giảng dạy, giảng viên, tài liệu học tập.
- Cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng: gây quỹ, tài chính, xe vận chuyển, ăn ở, quà tặng cám ơn, phụng tự.
- Ông Vương Đình Chữ, phụ tá tổng thư k‎ý: lo việc đăng k‎ý ghi danh tham dự, thẻ tham dự, giấy chứng nhận tốt nghiệp khoá học.
- Ông Nguyễn Quốc Thái: MC

4. Đối tượng tham dự

Khoá dành cho các cha phụ trách và các tình nguyện viên làm việc trong Ban CLHB của giáo phận. Mỗi giáo phận có thể đăng k‎ý từ 6-10 người có trình độ học vấn: tốt nghiệp PTTH.
Tham dự viên đăng k‎ý theo từng giáo phận và gửi danh sách (Họ và tên, Năm sinh, Địa chỉ liên lạc, Điện thoại, Email) về Văn phòng UBCLHB theo địa chỉ email: ubclhb@gmail.com; hoặc liên hệ ông Vương Đình Chữ: 0903110140 - cô Phương: 0903970119.

5. Thuyết trình viên
Đức cha Chủ tịch, Phaolô Nguyễn Thái Hợp; Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng, LS Nguyễn Văn Phương, TS Trần Thị Giồng, TS Anna Nguyễn Thị Hồng Loan.

6. Chi phí
- Ban Tổ chức hỗ trợ chi phí ăn ở và đào tạo.
- Tham dự viên tự lo chi phí vận chuyển.
- Tham dự viên ở xa có thể đến trước 1 ngày và ra về sau ngày bế mạc khoá học.

7. Các đề tài thuyết trình
Ngày thứ I: “Những điểm khái quát về Giáo huấn Xã hội Công giáo”

Buổi sáng (thuyết trình):
1. Giáo huấn xã hội Công giáo, nguồn gốc và quá trình hình thành (chương 2, phần 3)
2. Bản chất của học thuyết xã hội Công giáo (chương 2, phần 1 và 2)
3. Hội đồng Giáo hoàng Công l‎ý và Hoà bình: nguồn gốc, mục tiêu, nhiệm vụ, cơ cấu, hoạt động, tổ chức.
Uỷ ban Công l‎ý và Hoà bình Việt Nam: nguồn gốc, mục đích, mục tiêu, sứ mạng, nguyên tắc hành động, hoạt động cụ thể, mạng lưới, tổ chức.

Buổi chiều:
1. Thuyết trình:
Những nguyên tắc nền tảng của giáo huấn xã hội Công giáo (chương 3, phần 1 và chương 4)
a. Nguyên tắc nhân vị và các quyền cơ bản của con người.
b. Nguyên tắc công ích và mục tiêu phổ quát của của cải.
c. Nguyên tắc bổ trợ và sự tham gia.
d. Nguyên tắc liên đới và các giá trị cơ bản của đời sống xã hội.
2. Thảo luận về Quy chế của Uỷ ban.
3. Thảo luận về Ban CLHB giáo phận: cách tổ chức, hoạt động cụ thể, mối liên lạc với Văn phòng Trung ương, gây quỹ hoạt động, nhu cầu cụ thể của địa phương.

Ngày thứ II: “Con người và Nhân quyền theo Giáo huấn Xã hội Công giáo”

Buổi sáng (thuyết trình):
1. Con người trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa: Đức Giêsu Kitô, con người mới, hoàn thành kế hoạch yêu thương và cứu độ. Vai trò của Giáo Hội trong việc tiếp tục công trình cứu độ (chương 1, phần 1-4).
2. Con người là ai, là gì? (các chiều hướng căn bản của con người: thể xác và tinh thần, tự nhiên và siêu nhiên, cá nhân và tập thể, nội tâm và ngoại giới. Tính thống nhất nơi con người) (chương 3, phần 1-3).
3. Nhân quyền (chương 3, phần 4).

Buổi chiều (thảo luận):
1. Con người Việt Nam trong cấu trúc tâm l‎ý - văn hoá xã hội.
Câu hỏi thảo luận: UB sẽ làm gì để điều chỉnh cấu trúc đó? Xây dựng nền nhân bản toàn diện ở Việt Nam như thế nào?
2. Con người Việt Nam trong bối cảnh kinh tế, chính trị xã hội hiện nay.
Câu hỏi thảo luận: Làm thế nào để sống ổn định và an bình?
3. Vai trò của Ban CLHB giáo phận: giúp Giáo Hội bảo vệ sự siêu việt của con người và cổ vũ nền nhân bản toàn diện và liên đới.
Câu hỏi thảo luận: Làm thế nào để giúp đỡ những người bất an và bất định tại địa phương như các người phá thai, người nghiện ngập, người trẻ nghiện trò chơi trực tuyến, nghiện phim ảnh đồi truỵ?

Kính thư,
Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp
Chủ tịch U‎BCLHB
 
Các nữ tu cứu trợ gia đình trẻ em bệnh nhân tim
Ngọc Giáo
13:06 06/10/2011
HUẾ - Một dòng nữ thuộc giáo phận Huế vừa giúp đỡ hàng chục bệnh nhân nhi đang gặp khó khăn trong mùa mưa bão tại một bệnh viện lớn của miền trung Việt Nam.

Nữ tu Martha Nguyễn Thị Ngọc cùng tám nữ tu dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế dùng xe máy để chở quà cho các em đang nằm triều trị tại khoa tim mạch Huế hôm 5-10

Mỗi phần quà từ 200 nghìn đồng đến hai triệu đồng được trao cho 81 em đang gặp khó khăn kinh tế tại viện do tình hình mưa lũ và hai cơn bão liền nhau trong những ngày qua.

Đây là sáng kiến của nữ tu Anna Lê Thị Huệ, nhằm giúp các em ở ngoại tỉnh có thêm tiền chi tiêu ăn uống trong khi gia đình các em đang chờ làm hồ sơ giải phẫu tim cho các em.

Sơ Huệ cho biết dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế sau hơn 10 năm làm việc bác ái, đã cứu giúp được hơn 300 trẻ em trong đó có bốn em Công giáo thoát tử vong do hở van tim bẩm sinh.

Các em từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Long Xuyên đến điều trị tại Huế. Cha mẹ các em là công nhân may mặc, cạo mủ cao su ở lâm trường, làm nông ở những vùng kinh tế mới và một số là đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong những ngày tới, các nữ tu tiếp tục đến 12 phòng của khoa tim mạch, trao tận tay các em phong bì tiền mặt, sữa và áo quần do các nữ tu may tại dòng..

Bố của bệnh nhân Phạm Hoài Thương ở Hương Khê, Hà Tĩnh, cho biết tại bệnh viện ông không biết nhờ cậy vào ai ngoài việc làm từ thiện của các nữ tu.

Con gái 2 tuổi của ông còn được các nữ hỗ trợ 15 triệu đồng để chữa bệnh, trong khi sào lúa ở quê ông chưa thu hoạch đượcdo ruộng ngập chìm dưới mưa bão. - Ông kể.
 
Văn Hóa
Sắc mầu Mân Côi
Trầm Thiên Thu
08:45 06/10/2011
SẮC MÀU MÂN CÔI

Nhè nhẹ lời kinh vang ngân
Con xin kính dâng Mẹ Hiền
Đây Hoa Mân Côi một nhánh
Năm mươi đóa hoa vẹn tuyền

Đây là hoa màu SÁNG chói
Thắp lên ngọn lửa tin yêu
Xin thương giúp con, thưa Mẹ
Biết kết hiệp với Giêsu

Đây là hoa màu VUI tươi
Cùng chia sẻ với cuộc đời
Xin thương giúp con, thưa Mẹ
Biết mến Chúa và yêu người

Đây là hoa màu THƯƠNG đau
Con Mẹ cam chịu khổ sầu
Xin thương giúp con, thưa Mẹ
Biết hy sinh, yêu Chúa nhiều

Đây là hoa màu MỪNG rỡ
Giêsu sống lại vinh quang
Xin thương giúp con, thưa Mẹ
Biết trở về, thôi đi hoang.

MÙA HOA MÂN CÔI

Mùa Hoa Mân Côi về
Kinh trong sương dâng Mẹ
Bao ân tình chan chứa
Hòa chung với Thiên đình

Kính chào Mẹ uy linh
Mẹ tràn đầy ơn phúc
Mẹ trọn đời nhân đức
Con muốn sống noi gương

E ấp lời yêu thương
Kính mừng Mẹ diễm phúc
Dù tội con chồng chất
Nhưng khao khát thiện toàn

Khi hiện ra, Mẹ khuyên
Tôn sùng trái tim Mẹ
Từ bỏ lối sống cũ
Năng lần Chuỗi Mân Côi

Dẫu vui, buồn cuộc đời
Con cầu nguyện, sám hối
Xin đưa đường, dẫn lối
Làm nhân chứng Mân Côi.

MÙA XUÂN MÂN CÔI

Niềm vui tháng Mười
Mùa Xuân Mân Côi
Thành tâm nhân loại
Nhạc, thơ đất trời

Tình yêu dâng Mẹ
Bài ca vang ngân
Cậy trông nơi Mẹ
Niềm vui vô ngần

Dòng sông êm đềm
Chảy xuôi quanh năm
Đời con có Mẹ
Bình an tâm hồn

Đêm rằm trăng sáng
Tỏa lan lung linh
Nhìn lên Nhan Mẹ
Hồn say ân tình

Kính mừng Đức Mẹ
Đầy muôn phúc ân
Cầu Mẹ nhân ái
Che chở đời con.

Saigon, 5-10-2011
 
Chuỗi niệm châu
Jos. Tú Nạc, NMS
08:48 06/10/2011
Trước Trinh Nữ ta thiết tha khẩn nguyện
Lời kinh này với hương sắc muôn hoa,
Mảnh linh hồn ta tìm đến bên Người
Và kính mừng Mẹ Thiên Chúa của ta.

Trái tim Người hân hoan lời kinh nguyện,
Quảng đại của người hào phóng nhường bao,
Đôi tay Người được truyền cảm dạt dào,
Những gì là ý Hồng Ân Thiên Chúa.

Trong giáo đường ta quỳ trước Thiên Nhan,
Ánh mắt nhìn âu yếm tự thiên đàng,
Và đón chào mừng trái tim đằm thắm
Cảm xúc ấm nồng dào dạt yêu thương.

Hãy dâng lên những món quà trân quý,
Những ngọc châu, bàn thánh với bạc vàng,
Những lãng hạt kinh thánh thót ta dâng
Mang đến cho Người tràng hoa đan kết.

Ta khiêm cung những cánh hoa màu tím
Kết lại thành, ta dâng bó hoa này
Cánh hồng đỏ đức tin trong Khổ Nạn
Những đoa li lan tinh khiết kết đan.

Thần trí ta, những huyền bí đổi thay,
Là hoạt động, đôi tay ta lướt phiếm,
Mẹ Cực Thánh, con đời đời ca ngợi,
Chẳng nguôi quên, hân hoan trái tim này.

Luôn bên ta, ta tin Người dẫn dắt
Suốt cuộc đời, và hơi thở sau cùng,
Lúc cuối cùng ta tìm người nâng đỡ
Trợ giúp ta vào giờ phút lâm chung.
 
Kính Mừng Mẹ Mân Côi
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
08:51 06/10/2011
Con mừng Mẹ thánh sủng dư đầy
Tâm trinh lan toả cõi trời mây
Sứ Thần ca khen Mẹ diễm phúc
Cung lòng tỳ nữ hoá thiên đài

Tin vui Thánh Tử - Chúa Ngôi Hai
Vì yêu cam hạ chốn trần ai
Cưu sinh Mẹ khiêm cung vâng nhận
Đoan nguyền tin nhiệm Đấng Quyền Oai

Mùa Mân Côi về con mừng Mẹ
Đã nên điện cung ngự tình trời
Nay trên ngai toà cao vinh hiển
Xin thương đoàn con nhỏ, Mẹ ơi !
 
Nhà thiếu tiếng cười có buồn không?
Tuyết Mai
13:33 06/10/2011
Nhân Tháng Mân Côi

Lạ quá lúc gần đây trong nhà của chúng tôi làm như có hình bóng của cái thằng Đen Đủi rỗi công rồi nghề thì phải?. Cũng như tất cả ai con cái của Mẹ, đều bị chúng phá, mà phá sau lưng mới tức chứ!. Chứ nó mà dám hiện nguyên hình trước mặt tôi, tôi cũng dám tay đôi với nó, chứ không nhịn nó đâu!. Nhưng nếu chúng quỷ cứ đứng nấp bóng phía đằng sau lưng của những phần tử trong gia đình tôi, thì làm sao tôi có thể cho nó một cú đấm tối tăm mày mặt được đây?. Quả chúng hết thảy là những con quỷ chết nhát và rất là tiểu nhân. Chúng đã xúi dục người nhà của chúng ta phải lên tiếng, để cốt ý chọc ghẹo chúng ta đây. Nếu chúng ta bình tâm và luôn tỉnh thức, thì chúng ta sẽ hiểu ra ngay để mà chận đứng được sự cãi cọ và cãi vả lẫn nhau của hai vợ chồng. Nhưng vì chúng ta không đề phòng, nên sự tránh đỡ ấy, vô tình đã làm cho gia đình chúng ta luôn xào xáo, mất an ninh, bất hòa, và thiếu hẳn đi tiếng cười hạnh phúc của một gia đình đã sẵn có.

Thật phải khi người ta bảo đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn, nhưng mấy ai trong chúng ta được như thế?. Thưa có nhưng với điều kiện là chúng ta phải độc thoại!. Có nghĩa tự mình nói rồi mình nghe luôn. Muốn than trách ai trong đầu của mình thì tùy ý. Muốn nghĩ mọi người trong nhà ra sao cũng được. Rồi tự mình suy diễn sao cũng được. Nhưng đây có phải là phương cách tốt đẹp nhất hay không?. Có tạo cho một gia đình nhất là vợ chồng thiếu sự chia sẻ?. Nhưng nếu chia sẻ nhiều quá mà đối phương phải chịu đựng, phải đồng ý tất cả những gì đối phương cho là phải, mà có rất nhiều điều đối phương nghĩ sai trong đó!?. Hạnh phúc được sao khi chính mình sống trong ích kỷ?. Hạnh phúc được sao khi luôn muốn được việc cho mình mà dồn trách nhiệm cho người khác?. Vui vẻ được sao khi một người chỉ muốn dành mọi phần tốt cho mình mà không nghĩ cho người khác?.

Ngay chính mình đã tìm lối thoát để không mang tội vạ, và nghĩ rằng trong nhà ai cũng phải chìu theo ý riêng của mình, thì gia đình ấy mới gọi là hạnh phúc; có vợ ngoan, con thảo, và không một ai có quyền chống đối hay có ý kiến riêng?. Chà nếu thế thì khó sống quá phải không thưa anh chị em?. Y như chính sách của CS rồi!. Chứ thời được sống bên Mỹ là một nước tự do, thì sự tự do ấy phải được thực hành chứ!?. Tự Do là gì?. Có phải tự do là thoải mái trong sự đối thoại, tự do đi đứng, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do báo chí, và tự do theo cách lối sống của mình là sự khác biệt của mỗi từng chủng tộc. Miễn chúng ta không làm phiền người khác. Điều chính yếu khi chúng ta có Tự Do, có nghĩa là chúng ta phải tôn trọng Tự Do của người khác. Nếu không những người có thẩm quyền hay quý vị bị thưa gởi, thì có thể Tự Do của chính mình, bị mất đi một thời gian ngắn. Hoặc vĩnh viễn, nếu chúng ta đâm đơn ly dị, hoặc ngồi tù lâu dài?.

Thiết tưởng gia đình nào cũng có những xung đột vì không nhất trí và không đồng lòng. Nhưng nếu không suy xét và không có một phương pháp để dung hòa đôi bên, thì chúng ta sẽ mãi chẳng có được hạnh phúc gia đình êm thắm đâu. Chẳng những thế mà còn ảnh hưởng rất nặng nề trên con cái của chúng ta. Khéo đến đâu chăng nữa, chúng ta cũng chẳng hoài có thể giấu được con cái của chúng ta. Thưa gia đình hạnh phúc có nghĩa ra làm sao?. Ai có thể định nghĩa được?. Hạnh phúc gia đình có nghĩa đòi hỏi cả hai phải biết cùng nhường nhịn. Lúc thì ông phải, lúc thì bà phải; chứ không phải là ba phải đâu nhé. Cùng đồng cảm thông, vợ chồng mới có thể đi hết quãng đường đời còn lại. Xem ra cái đoạn đường còn lại cũng không ngắn lắm và cũng không dài lắm, nhưng nếu cứ cắn đắng nhau mỗi ngày, thì con đường ấy nó sẽ xa vời vợi, và mỗi một ngày căn nhà hạnh phúc sẵn có của chúng ta, nó sẽ trở thành cái hỏa ngục đọa đầy, và sẽ có ngày đường ai nấy đi là cái chắc.

Trước hết chúng ta phải tự hỏi chính mình, vì sao nó nên cái nông nỗi này?. Thưa có thể vì sức khỏe của chúng ta nó bắt đầu kiếm chuyện rồi đấy!. Trong người thể chất của chúng ta không được khỏe, thì cũng khó cho mình tìm được những nụ cười tự nhiên lắm!. Vả không tạo cho mình được nụ cười mà chính khi mình nhìn người khác cười thì mình cũng cảm thấy khó chịu!. Hay sự vui vẻ bông đùa của người khác thái quá!?. Nói nhiều ồn ào quá!?. Hay cái gì quá cũng không được. Thật khó khăn thay cho chúng ta cũng không biết đâu mà mò. Khi nào mà chúng ta biết người cần nụ cười để mà làm cho người cười?. Hay khi nào mà chúng ta biết là không phải lúc để nói năng bông đùa và bỡn cợt?. Khi nào là lúc mà chúng ta biết phải giữ im lặng?. V.v…..

Suy ra ở đời cái khó là do chúng ta không kềm hãm được cái quá của mình; hay cái thiếu suy xét ở lời ăn tiếng nói, và cách hành xử của mình cho đúng lúc. Cái khôn ngoan ấy của con người, chúng ta phải tìm học nơi đâu, để mà có thể sửa đổi được chính mình, mà không làm phiền mọi người?. Thật sự thì cái học ấy tất cả có trong sách vở và nhiều nơi có mở khóa chỉ dậy cho chúng ta. Nhưng sách vở như tôi nói thì nhiều lắm, bởi ai có học cũng viết được đấy, nhưng chính họ mà cũng còn không thể nào làm theo những gì họ học biết và tự họ viết sách để dậy người.

Hết thảy chúng ta ai ai cũng cần có hạnh phúc trong gia đình. Con cái thì muốn thấy cha mẹ luôn có hòa khí và vui vẻ; kẻo chẳng đứa con nào muốn về nhà để chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vả lẫn nhau hằng ngày. Chẳng những thế mà làm cho chúng trong tương lai không còn muốn lập gia đình. Mà chúng con ấy không lập gia đình thì là lỗi của ai?. Có đứa chúng lại quay qua 360 độ để không lập gia đình mà là (….), thì có phải cũng là lỗi của chúng ta hay không?. V.v…..

Lậy Mẹ Maria! Xưa kia Mẹ cùng chung sống với Thánh Cả Giuse chung một mái nhà. Hạnh phúc và tràn đầy tình yêu thương của sự hòa thuận, trên nhịn dưới nhường, và luôn vui vẻ. Mẹ và Thánh Cả Giuse luôn là mẫu gương tốt đẹp nhất cho tất cả gia đình của chúng con. Xin Mẹ ban cho những người vợ như chúng con đây biết sống một cuộc sống hài hòa và luôn biết vị trí của mình. Xin Thánh Cả Giuse luôn điềm đạm và luôn thương yêu vợ con, giúp cho tất cả những gia trưởng của mọi gia đình, luôn biết nhường nhịn và biết đem lại cho gia đình một mái ấm như Gia Đình Thánh Gia vậy!. Có nghĩa đừng to tiếng, đừng làm cho vợ con phải sợ sệt, và nhát đảm. Biết làm nhiều và chỉ nói khi cần. Amen.
 
Tin Mừng như những nghệ phẩm
Vũ Văn An
23:10 06/10/2011
David McAdam Eccles, P.C., K.C.V.O., đệ nhất tử tước, sinh năm 1904, theo học tại Winchester và New College, Oxford. Ông có một sự nghiệp sáng chói và lâu dài trong sinh hoạt công, từng phục vụ tại Bộ Kinh Tế Chiến Tranh đầu Thế Chiến Hai, sau đó làm Cố Vấn Kinh Tế cho các toà đại sứ tại Madrid và Lisbon, rồi phục vụ tại Bộ Sản Xuất. Từ 1943 tới 1962, ông là Dân Biểu Bảo Thủ của đơn vị Chippendale thuộc vùng Wiltshire và trong giai đoạn này từng là bộ trưởng Công Chánh từ 1951 tới 1954, bộ trưởng Giáo Dục lần đầu từ 1954 tới 1957 và lần sau từ 1959 tới 1962; và từ 1957 tới 1959 là Chủ Tịch Hội Đồng Thương Mại. Ông cũng là giám đốc của Courtauld, cơ quan Quản Trị Bảo Tàng Viện Anh và là Chủ Tịch của Hiệp Hội Sách Quốc Gia. Ấy thế nhưng khi đặt bút viết sách, Eccles lại không viết về chính trị, mà là viết về tôn giáo, trong đó có cuốn ông khiêm nhường đặt tựa là Nửa Đường Tới Đức Tin (Half-way to Faith). Ông không phải là một tân tòng theo Kitô giáo. Gia đình ông vốn là một gia đình sản xuất rất nhiều giáo sĩ nổi danh cho Giáo Hội Anh Giáo và đức tin của ông là một đức tin bén rễ rất sâu từ thuở thiếu thời. Tuy thế, chính ông cho hay: “Từ cái thuở thơ ngây ấy cho đến nay…cuộc tìm kiếm đức tin của tôi vẫn chưa thành công; nó vẫn là một thất bại, một thất bại theo nghĩa mình chưa vượt hơn được một ly khỏi nửa đường vươn tới đức tin.” (Sách đã dẫn, tr.7). Có điều ông không nản, và cho hay: “Cuộc mạo hiểm vẫn tiếp diễn, và đó mới là trọng điểm. Vì với tôi, xem ra thân phận sống thường trực đâu đó giữa hoài nghi và đức tin là thân phận rất thông thường trong thời đại khoa học của chúng ta”. Trong tác phẩm này, ông muốn trình bầy những dò dẫm đức tin của ông để trao đổi, thảo luận với những ai cùng chí hướng, mong sao cho cuộc tìm kiếm đưa mình lại gần hơn cùng đích. Bài dưới đây cho ta thấy một trong những dò dẫm của ông nói về việc ông đọc bốn Tin Mừng như những tác phẩm nghệ thuật.

Từ một cuộc đi nghỉ

Tháng Tám năm 1933, tôi mang bộ Tân Ước do nhà Nonesuch xuất bản đi nghỉ hè, đọc hết một lượt, rồi đọc lại các sách Tin Mừng một lần nữa, vừa đọc vừa ghi chép. Đầu đuôi câu chuyện nó như thế này: vợ chồng tôi có thói quen đọc hết cuốn này lần lượt đến cuốn khác của cùng một tác giả. Chúng tôi hy vọng rằng nhờ ngốn ngấu số lượng lớn công trình của mỗi tác giả như thế mình sẽ hiểu rõ hơn phần đóng góp của họ đối với cuộc đời và văn chương. Do đó, trước khi lên đường đi nghỉ hè mấy tháng, chúng tôi đã có cái thích thú làm cuộc chọn lựa của chúng tôi. Tôi quyết định mùa hè này sẽ đương đầu với việc coi Tân Ước như một bộ công trình nghệ thuật. Nếu tôi dùng cách tiếp cận mỹ thuật, là phương thức vốn mang lại nhiều kết quả ở hướng khác, biết đâu mớ kiến thức thuộc loại này chẳng thẩm thấu vào cái đầu óc đa nghi của mình. Bộ Thánh Kinh của nhà Nonesuch, vốn được in từng chương liên tục không có các câu đoạn phân rẽ, quả rất thích hợp cho công việc này.

Trong tháng Tám ấy, chúng tôi thuê căn nhà tên là Meadow Cottage, ở Harlyn Bay, thuộc vùng Bắc Cornwall. Căn nhà và mảnh vườn nhỏ rất hợp với sở nguyện vợ chồng tôi, với một hàng cây ở phía sau, một cánh đồng ở phía trước và xa hơn là biển cả. Tôi vốn đã có chút kiến thức về bản văn và hậu cảnh của Tân Ước trước khi đọc nó. Ở trường, chúng tôi từng đã phải “vật lộn” ít nhiều với một số sách trong bộ này, và nhờ thế một số các chú giải vẫn còn lẩn khuất đâu đây. Chúng tôi từng được dẫn nhập một số vấn đề thuộc văn bản do các thủ bản Hy Lạp nêu ra và đã có dịp thảo luận những khác biệt giữa các bản tường thuật trong bốn sách Tin Mừng. Tuy nhiên, kể từ ngày tôi rời Oxford năm 1926, tôi chưa đọc được gì về Thánh Kinh, và không đem được bản chú giải nào tới Cornwall. Tôi biết rõ rằng các Tin Mừng đã được những người tin rằng Chúa Kitô chính là Con Thiên Chúa viết ra, và viết cho các độc giả có cùng một niềm tin như thế, và vì tôi là một người hoài nghi, nên khó mà có cùng một tần số như họ.

Tới các Sách Tin Mừng

Những chỗ gạch dưới và những ghi chú vội vàng vào ngay bản văn của nhà Nonesuch giúp tôi giữ lại được những ấn tượng xẩy ra lúc đó. Đặc biệt các ghi chú được liệt kê dưới đây cho thấy thành quả đầu tiên của phương thức tiếp cận mỹ thuật này:

1. Các sách này được xếp ngang hàng những kiệt tác vĩ đại nhất của văn chương hay hội họa. Ta phải chờ mong chúng cũng hành xử cùng một phương cách như bất cứ kiệt tác nghệ thuật nào khác.

2. Lý do kỹ thuật tại sao chúng vẫn duy trì được vị thế của mình là đã hy sinh các chi tiết một cách sáng chói và không thương tiếc, một hy sinh mà các tác giả đã chấp nhận để trình bày cho ta chân dung một đấng vừa là con người vừa là Thiên Chúa.

3. Máccô khởi đầu và kết thúc giống như một cuộc chạy đua để đoạt được công trình hoàn tất. Tin Mừng của ngài là một phác thảo trong đó lòng trung thành với người mẫu lớn hơn so với các Tin Mừng kia.

4. Mátthêu đọc lên như một công trình do một ủy ban đặt viết với chỉ thị phải giảm thiểu phẩm chất nghệ thuật. Tôi thích công trình này và tin tưởng nó ít nhất trong số bốn Tin Mừng.

5. Luca là tay lão luyện trong việc vẽ nên những bức tranh duyên dáng. Một nghệ sĩ lõi đời với các khách hàng giầu có.

6. Thiên tài nghệ thuật của Gioan gần như hoàn hảo. Có thể ngài không cần học hỏi bất cứ ai. Rất ít nét trên khung vải là không có tính cá thể độc đáo mà thôi. Họa thiết (design) của ngài có vòng cung với Chúa Phục Sinh ở giữa, trong khi hoạ thiết của Máccô theo đường thẳng với Thánh Giá ở cuối đường.

7. Gioan Tẩy Giả là một vấn nạn nghệ thuật. Ông là cây quá cao ở tiền diện. Các Tin Mừng đã thành công ít nhiều trong việc ngắt ông thấp xuống.

8. Mátthêu = El Greco, một bức tranh nghi lễ giống như Cuộc An Táng Bá Tước de Orgaz. Những đoạn tranh đẹp, nhưng hoạ thiết không tự nhiên (laboured) và ngài đã làm hỏng hiệu quả tổng quát qua việc cho vào quá nhiều trích dẫn Cựu Ước.

9. Máccô = Rubens, phác thảo dầu đầy chuyển động mạnh và mầu sắc phong phú, Tin Mừng gia duy nhất thích dùng mầu đen. Một phần khung tranh được để trống nhưng thể tài cốt yếu đã được nói hết.

10. Luca = Giovanni Bellini. Tôi nhất định mua bức tranh này vì cái hậu cảnh thiên nhiên đẹp mê hồn của nó, khiến tôi luyến mộ ngay nhân vật chính của tranh.

11. Gioan = Titian lúc về già. Tầm nhìn đã được tinh khiết hóa đến độ tinh ròng lạ lùng và các mầu sắc trong sáng ấy cứ nhập lẫn vào nhau quấn qúyt khiến cho nhiều nét vẽ xem ra như trùng lắp.

Lần đọc đầu tại Cornwall cho thấy bốn bức tranh về Chúa Giêsu khác nhau nhiều hơn là tôi tưởng, và sở dĩ như thế phần lớn là vì nỗi khó khăn về nghệ thuật trong đó các Tin Mừng gia phải vật lộn để tìm cách dung hợp được cả nhân tính lẫn thần tính của Người trong duy nhất chỉ một bức tranh.

Các Tin Mừng đọc lần sau

Khi đọc lần thứ hai, các vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc giải quyết nỗi khó khăn trên lại càng gia tăng ý nghĩa. Tôi nghĩ nếu các soạn giả là người Hy Lạp, rất có thể họ biết cách miêu tả một Thiên Chúa hạ mình bước vào trần gian. Họ chỉ cần tới một ngôi đền hay tìm đọc các thi sĩ Nhã Điển là học được cách đó. Độc giả của họ cũng đã sẵn có cả rồi. Nếu, ngược lại, họ là người La Mã, chắc họ biết cách miêu tả một hoàng đế được chào đón và thờ phụng như Thiên Chúa ra sao. Nhưng họ lại là người Do Thái và trong truyền thống Do Thái, họ chả làm gì để tìm ra được những khuôn mẫu về một Thiên Chúa lại có tí dáng giấp gì giống con người. Điều ấy tạo nên một vấn đề nghệ thuật thật kinh khủng. Các Tin Mừng gia và vòng bè bạn của họ, nhờ các nhân chứng đầu tay, rất biết rằng đức Giêsu, khi còn trên dương thế, là một con người. Nhiều ngàn người Do Thái khác cũng biết thế, vì họ đã được thấy hay nghe nói về Người và vẫn nghĩ Người là một vị thầy nào khác. Bởi thế, không khó khăn gì khi vẽ chân dung đáng tin về Chúa Giêsu trong tư cách một con người. Nhưng các Tin Mừng gia cũng tin rằng Người là Con Thiên Chúa và là đấng Messia từng được hứa ban. Thần tính của Người là một vấn đề lớn hơn nhân tính của Người nhiều. Họ phải xử lý nó ra sao? Như những nhà nghệ sĩ, họ thấy chỉ có một cách: không thương tiếc hy sinh các chi tiết về đời sống Người trong tư cách là người, giảm thiểu hóa nhân tính Người vốn dĩ là một kiến thức quá thông thường, để có thể nhấn mạnh đến thần tính của Người, điều mới thực sự mới lạ trong các Tin Mừng. Ta không biết trước mặt các Tin Mừng gia có bao nhiêu sự kiện về đời tư, về con người và các thói quen, các hành động và lời nói của Chúa Giêsu, nhưng ta có thể vững tâm đoán chắc rằng các tư liệu “thô” của các ngài vượt quá xa điều họ có thể sử dụng được, căn cứ theo vấn nạn nghệ thuật họ có nhiệm vụ phải giải quyết. Thiếu chất liệu không buộc các ngài phải bỏ cố gắng vẽ nên những bức tranh đầy đủ về Chúa Giêsu. Những đòi hỏi cố hữu của nghệ thuật buộc mỗi một soạn giả phải xoay trở nguồn tài liệu trên và sắp xếp chúng theo một thứ tự ông cảm thấy có thể tạo nên bức chân dung đáng tin cậy nhất về Chúa Giêsu Kitô.

Vừa đánh động con tim vừa đánh động trí khôn con người

Phương pháp của các Tin Mừng gia không có chi khiến ta phải ngạc nhiên. Nghệ thuật không phải là sinh hoạt duy nhất trong đó ý nghĩa luôn đạt được nhờ bỏ đi một vài điều gì đó. Nhà khoa học nguyên tử nổi danh, ông J. Robert Oppenheimer, đã đề cập tới điều đó trong lãnh vực nghiên cứu của ông như sau: Trong mỗi cuộc thăm dò và mở rộng kiến thức, ta đều can dự vào một hành động; trong mỗi hành động, ta đều can dự vào một lựa chọn; và trong mỗi lựa chọn, ta đều can dự vào một mất mát, cái mất mát của điều ta không làm… ý nghĩa, cái năng lực nói về sự vật có nghĩa là ta phải bỏ đi khá nhiều điều.

Tôi từng thấy người ta bảo rằng Thánh Phaolô và ở một mức độ nào đó, cả các Tin Mừng gia nữa, rất ít lưu ý tới các chi tiết cuộc sống trần gian của Chúa Giêsu vì với các ngài, thần học về mối tương quan của Người với Thiên Chúa có nghĩa với các ngài hơn thế nhiều. Giải thích này không thoả đáng. Thần học có thể phát biểu bằng một loạt mệnh đề, giống như định nghĩa tại công đồng Chalcedon, nhưng thay vì làm thế, các Tin Mừng gia đã chọn viết một ký ức về một đời người với một hậu cảnh lịch sử rõ rệt. Đó là một hình thức nghệ thuật, và một khi đã lựa chọn như thế, thì dù sở thích thần học của họ có lớn lao bao nhiêu đi chăng nữa, họ cũng phải lựa lọc các chất liệu của mình dựa trên cả cơ sở nghệ thuật lẫn thần học. Mặt khác, họa thiết và các nét vẽ (brush-work) mà mỗi tác giả áp dụng vào thể tài của mình, cái văn phong trong đó ông ta muốn truyền đạt cái chân lý bên trong của tác phẩm, đã trở thành một phần trong câu truyện ông đang kể lại. Điều ấy xẩy ra cho bất cứ bức tranh vĩ đại nào; văn phong và hoạ thiết biến đổi chủ đề mà bức banh muốn nói lên, thêm cái chiều kích mầu nhiệm cho thiên nhiên, như tôi đã trình bầy đâu đó ở chương trước. Nghệ thuật của các Tin Mừng gia không phải chỉ là đầy tớ cho thần học; thực vậy, qua việc chọn lựa viết ký ức về cuộc đời Chúa Giêsu, họ đã làm cho thần học khó nắm bắt hơn nhiều. Tôi dám chắc họ cố ý làm như thế và xét cho ngay họ đã thắng vẻ vang xiết bao! Vì bằng cách nào khác họ có thể tạo ra những công trình vừa đánh động con tim vừa đánh động trí khôn con người suốt 19 thế kỷ qua? Giả thiết câu truyện Đóng Đinh được một viên thanh tra cảnh sát và một bác sĩ ghi lại từng giây từng phút, không bỏ sót bất cứ diễn biến nào và không nhấn mạnh bất cứ biến cố nào trong tương quan với một ai khác, thử hỏi bản tường trình ấy đánh động trí tưởng tượng của nhân loại được bao lâu và bao xa?

Tôi xem sét vấn đề nghệ thuật của các Tin Mừng gia theo sau việc họ bị buộc chỉ thuật lại rất ít chi tiết về Chúa Giêsu trong tư cách một con người. Nhưng rồi họ có khả năng giới hạn được bản phác họa của họ trong những điều giữ lại và thành công trong việc chuyên chở ý nghĩa bên trong của nó tới độc giả hay không? Và câu trả lời hiển nhiên là không. Nguy tai có thể quá lớn – vì các kẻ đồng thời với họ khó mà tin có ai vừa là người vừa là Thiên Chúa. Bởi thế, họ phải tìm ra một điều gì đó phụ trội; một mẫu vẽ để làm đầy những khoảng bỏ trống mà họ đã bỏ đi trong bức tranh miêu tả Chúa Giêsu. Cái mẫu này, nếu muốn chuyên chở được sứ điệp, thì cần phải quen thuộc, quen thuộc với nghệ sĩ và quen thuộc cả với công chúng nữa. Họ đã làm chỉ một lựa chọn duy nhất có thể chọn và tôi không tài nào làm sáng được vấn đề này và giải pháp đưa ra tốt hơn là trích lời của Francoise Gilot và Carlton Lake trong tác phẩm Đời Tôi Với Picasso:

“ (Picasso nói) Bạn tiến hành ra sao việc giảng dạy một điều mới lạ? Bằng cách pha trộn điều họ biết với điều họ không biết. Rồi khi họ đã mờ mờ nhận ra một điều gì đó trong mây mù, một điều gì đó họ nhận ra, họ sẽ nghĩ “a, tôi biết điều ấy”. Và lúc đó, chỉ còn một bước nữa thôi ta sẽ thấy họ “a, tôi biết toàn bộ rồi”. Và tâm trí họ nhào vào cõi vô minh”.

Đấy là lời Picasso nói, nhưng cũng có thể là lời của Mátthêu, của Máccô, của Luca hay của Gioan, vì nghệ thuật vĩ đại chỉ có một ngôn ngữ. Các Tin Mừng gia sử dụng các trích đoạn và ẩn dụ từ Cựu Ước, một mẫu thước quen thuộc, làm chiếc xe chuyên chở những tin mừng của Tin Mừng. Đó là điều hiển nhiên đối với tôi ở Cornwall, và tôi tự hỏi, giống như nhiều hiền nhân trước tôi từng tự hỏi, thực ra Chúa Giêsu đã đi bao xa trong việc trích dẫn Cựu Ước và cả Giáo Hội sơ khai nữa, Giáo hội ấy, và do đó các Tin Mừng gia, đã đi bao xa trong việc đặt các trích dẫn kia vào miệng Chúa Giêsu để “pha trộn điều họ biết với điều họ không biết”. Lúc ấy, vấn nạn này ít gây chú tâm khi so sánh với chân lý của thể tài cốt chính; điều tôi quan tâm chỉ là liệu các trích dẫn Cựu Ước kia có soi sáng hay ngược lại làm tối thêm thần tính của Chúa Kitô. Tôi sẽ trở lại vấn đề này ở một chương sau. Kết luận về cơ sở nghệ thuật là như thế này: liệu các Tin Mừng gia có trung thành với truyền thống sớm nhất hay là họ thêu dệt cái truyền thống ấy bằng các ẩn dụ của Cựu Ước không phải là vấn nạn của chọn lựa: như những nghệ sĩ, họ phải phác thảo dựa trên cái mẫu thước quen thuộc kia nếu các Tin Mừng của họ muốn có cơ may nắm được chú ý nơi các độc giả Do Thái.

Họa thiết của Tin Mừng Máccô

Mỗi Tin Mừng gia có giai điệu (melody) riêng và khi ở Meadow Cottage, tôi đặc biệt lưu tâm tới họa thiết của Tin Mừng Máccô. Nó đập thẳng vào đôi mắt cho tôi thấy đây là một công trình cố ý không phải là một bức tranh hoàn tất. Đây rõ ràng chỉ là những dấu chỉ cho một phác họa cố ý, vốn là cố gắng đầu hết của nhà nghệ sĩ muốn đi đôi với chủ thể của mình, muốn thẩm nhập chủ thể ấy vào chính mình để rồi chỉ ghi nhận cái yếu tính không hơn không kém của điều ông muốn nói mà không thèm quan tâm đến việc làm cho các mẩu của phác thảo ấy cuốn hút vào nhau cách duyên dáng. Và dĩ nhiên cái phác thảo kia kết cục lại là một công trình nghệ thuật cao cả hơn một bức tranh hoàn tất. Như Beaudelaire có lần nhận xét:

“Bức vẽ là cuộc chiến đấu giữa thiên nhiên và nhà nghệ sĩ, trong đó nhà nghệ sĩ càng chiến thắng dễ dàng bao nhiêu khi ông càng hiểu rõ hơn ý định của thiên nhiên” (Le dessin est une lutte entre la nature et l’artist, où l’artist triomphe d’autant plus facilement qu’il comprend mieux les intentions de la nature).

Và bức phác thảo của Thánh Máccô là gì nếu không phải chỉ là một cuộc vật lộn để nói lên ý định của Chúa Giêsu muốn quật ngã quyền lực của sự dữ và giữ cho bí mật việc Người chính là Đấng Messiah cho tới khi các môn đệ của Người có khả năng hiểu được ý nghĩa của tước hiệu ấy? Chẳng quan hệ bao nhiêu nếu việc vẽ thử bức tranh này bắt đầu và chấm dứt có gọn ghẽ hay không. Thánh Máccô ít quan tâm đến việc ấy. Sau khi thoáng qua Thánh Gioan Tẩy Giả, ngài đi thẳng vào họa thiết của mình tức là mang câu truyện của ngài tới Thánh Giá. Ngài có nhắc đến tên Mẹ Chúa Giêsu là Maria và chính Chúa là một người thợ mộc. Còn tất cả các chi tiết khác về cuộc đời niên thiếu của Chúa Giêsu được coi như không ăn uống gì với ý định của phác thảo. Phác thảo này gồm một số thể tài không trùng lắp (overlaid) lên nhau, nhưng tiếp diễn trên một đường thẳng, và với mỗi thể tài, ngài sử dụng một văn phong khác biệt. Ngài bắt đầu bằng một ngôn ngữ rất “kinh tế” cho thấy Chúa Giêsu đang tranh đấu chống lại các quyền lực sự xấu và ngài chia thể tài thành hai; cuộc chiến đấu chống lại các thần xấu biểu tượng qua bệnh tật và cuộc chiến đấu chống thứ tư duy sa đoạ của Biệt Phái và Kinh Sư. Công thức được lặp đi lặp lại qua đó Chúa Giêsu đương đầu với sự xấu, đầu tiên trong thân xác rồi sau đó trong tâm trí, đánh động cảm thức ta mà ta vẫn không thực sự biết điều gì đang xẩy ra, y hệt cách mầu nhiệm mà Velasquez dùng để thu hút mắt ta khi ông nhắc đi nhắc lại các hình thể tròn trong bức Las Hilanderas, bức tranh mà tôi yêu thích nhất của ông. Giữa chương 8, sau khi quở trách thánh Phêrô tại Caesarea Philippi, thánh Máccô thay đổi thể tài, làm tối đi bảng mầu (palette) và nới lỏng họa thiết của mình. Cho đến điểm này của câu truyện, Chúa Giêsu đang cố gắng hồi tâm số cử tọa đông đảo bao nhiêu có thể, thì bỗng nhiên Người thấy mình không thành công, nên đã quay vào ngỏ lời với các môn đệ là những người vẫn trung thành với Người. Thánh Máccô sau đó đã không thương tiếc chứng tỏ rằng Người cũng chẳng thành công với họ nhiều hơn gì với đám đông ngoài đường phố kia. Sự cô độc của Người càng gia tăng đến tận lúc Người làm cuộc hành trình sau cùng lên Giêrusalem theo một nhịp độ khiến các môn đệ đần độn phải hụt hơi khiếp đảm mà theo.

Trong hai phần đầu của trình thuật, việc thánh Máccô nhắc đến sự không hiểu và cái đần độn của các môn đệ làm cao thêm mối căng thẳng đến độ tôi phải quay qua các Tin Mừng khác để xem các soạn giả này xử lý ra sao thứ chất liệu không mấy tốt đẹp này. Tôi thấy có những khác biệt khá lớn. Nếu chỉ xem sét các bản văn cho đến lúc Đóng Đinh, chứ không đi xa hơn vì thánh Máccô có đi xa hơn một chút, ta sẽ thấy rằng mặc dù Tin Mừng Máccô có ngắn hơn các Tin Mừng kia, nhưng con số những lần có những nhận xét không hay về các môn đệ là 12 trong Máccô, 7 trong Mátthêu và Gioan, và chỉ có 4 trong Luca.

Những châm chích của thánh Máccô nhắm vào các môn đệ đã được hoạch định một cách hết sức trung thực không tìm thấy nơi hai Tin Mừng Mátthêu và Luca. Việc đối xử như thế với các vị thành lập nên Giáo Hội hẳn đã làm cho tác phẩm của ngài ít được người ta ưa chuộng. Bất kể người ta nhúng tay vào việc gì và hãnh diện về việc ấy, ai cũng muốn được người khác kính nể, đàng này thánh Máccô lại làm người đương thời phải gãi đầu gãi tai do sự kiện các môn đệ toàn là hạng người đần độn luôn làm Chúa thất vọng đi thất vọng lại. Đối với tôi, xem ra chính thánh Phêrô đã cung cấp cho ngài cái trình thuật không mấy thích thú về điều thực sự xẩy ra, vì Thánh Phêrô là loại người coi việc kể cho thánh Máccô nghe các môn đệ đã ngu đần ra sao trước khi mắt họ được mở ra là một vinh dự lớn. Nhưng tôi không thể tưởng tượng được các môn đệ khác và bằng hữu cũng như những người ái mộ họ lại có thể hài lòng về việc vạch trần không chút nể nang các thiếu sót của họ. Họ đã được tha thứ, họ đã tiếp nhận Chúa Thánh Thần, vậy tại sao lại không quên đi các thất bại trong quá khứ của họ?

Điều ấy rất có thể là manh mối giúp ta hiểu Tin Mừng Thánh Máccô mãi mãi ở dưới dạng phác thảo, với một kết thúc chẳng mấy hài lòng. Gợi ý trong Câu 28 Chương 14: ‘Tuy nhiên, sau khi Ta sống lại, Ta sẽ đi Galilê trước chúng con’ cho thấy cần có một trình thuật về cuộc gặp mặt với Chúa Phục Sinh tại Galilê (xem thêm Câu 7, Chương 16: ‘hãy đi nói với các môn đệ và Phêrô rằng Người sẽ ở Galilê trước các ông’). Một nhà văn từng tỏ ra mình là một nghệ sĩ thành đạt trong lối dàn dựng thể tài thứ nhất đáng lẽ ra đã không kết thúc công trình của mình bằng những lời sau: ‘vì họ sợ’ (Câu 8, Chương 16). Những lời đó càng không thích đáng hơn nữa trong nguyên bản Hy Lạp. Phải chăng soạn giả qua đời trước khi ngài đủ giờ biến phác thảo thành một bức tranh hoàn tất? Ta không biết được. Một giải thích có thể có là các nhà lãnh đạo Giáo Hội không thích phác thảo của ngài đến độ phải ủy nhiệm cho hai Thánh Mátthêu và Luca sử dụng công trình của ngài làm căn bản để vẽ ra các bức tranh hoàn hảo và dễ chấp nhận hơn. Trong những năm gần đây, nhờ R.H. Lightfoot và một số học giả khác, tôi được biết rằng các trước tác Kitô giáo buổi sơ khai ít khi tham chiếu Tin Mừng Máccô cho bằng các Tin Mừng kia. Trước thế kỷ thứ năm, người ta ít trích dẫn và ít bình luận Tin Mừng này. Việc lãng quên có nghiên cứu này càng củng cố cho việc phỏng đoán rằng phác thảo này tiếp tục là phác thảo vì nó được tiếp nhận một cách lạnh nhạt ngay khi mới xuất hiện. Nhưng quả là diệu kỳ làm sao khi những người rất có thể có cớ bản thân để chống đối trình thuật đầy phê phán khắt khe chưa hoàn tất của thánh Máccô đã qua đời và bị quên lãng hết, mà Giáo Hội vẫn không loại bỏ cuốn Tin Mừng đầu hết này ra khỏi quy điển của mình!

Phần thứ ba trong phác thảo của Thánh Máccô là trình thuật phiên xử và việc Đóng Đinh Chúa Giêsu. Tính theo khoảng thời gian các biến cố này xẩy ra, ta thấy chúng đã được dành cho một vị thế khá lớn trong cả phác thảo và chứng cớ chứng tỏ khả năng nghệ thuật của Thánh Máccô là khi tiến tới chỗ sôi động nhất, văn phong của ngài bỗng giảm hẳn giọng điệu. Giống như một bậc thầy vĩ đại, ngài để cho các diễn biến tác động trên cảm xúc người đọc. Theo tôi, dồn cả chương 13 vào một bức chân dung hòa điệu duy nhất quả là một liều lĩnh lớn. Tại Meadow Cottage, ý nghĩ ấy dường như không biến đi. So sánh với những gì có trước và đến sau, chương này hơi dài và chồng chất khá nhiều những đoạn văn tối nghĩa. Sau chiến tranh, tôi mới hay các học giả nghĩ rằng một số câu đã được những người sau này thêm vào và khi tôi xem lại những câu được các học giả coi là nguyên gốc của Thánh Máccô, tôi nhẹ cả người vì thấy những câu ấy quả làm người ta hài lòng hơn nhiều về tính nghệ thuật của chúng.

Tin Mừng Gioan

Các ghi chú khác thực hiện ở Meadow Cottage nhắc tôi nhớ lại nhiều ấn tượng tôi có được về Tin Mừng Thánh Gioan. Lúc ấy, tôi không đọc được gì về vấn đề tác giả cũng như niên biểu của sách. Tôi hy vọng chính Thánh Gioan đã viết ra nó, và tôi cảm thấy đó là công trình của một người vốn là một nhà nghệ sĩ tài hoa và một người có cá tính hơn các tác giả nhất lãm. Vẻ sáng chói trong thiên tài của ngài mang lại cho tôi niềm tin tưởng vào chân lý của điều ngài nói. Đây là một ghi chú để làm sáng điều ấy:

Thánh Gioan đã biết đặt việc Thanh Tẩy Đền Thờ ở một chỗ sớm hơn các Tin Mừng gia khác. Ngài không cần đến lý lẽ của một cảnh sát viên cho việc bắt giam Chúa Giêsu.

Việc ấy không cần giải thích. Thay vì Thanh Tẩy Đền Thờ (xua đuổi bọn con buôn), Thánh Gioan đã dùng việc Phục Sinh Lagiarô như một biến cố dẫn đến việc bắt giam. Nhưng tại sao ba Tin Mừng gia kia lại hoàn toàn bỏ qua truyện Lagiarô? Việc ông từ cõi chết sống lại quả là chứng cớ rành rành cho thấy quyền lực của Chúa Giêsu. Bỏ qua truyện đó là một trong những sự kiện vụng về nhất đối với ai muốn tin vào sự đáng tin cậy (reliability) của các sách Tin Mừng. Có thể nào các Thánh Mátthêu, Máccô và Luca chưa bao giờ nghe nói đến Lagiarô hay các ngài cho rằng truyện ông chết và sống lại chỉ là truyện bịa đặt? Tôi đi đến kết luận bó buộc này là: các Tin Mừng gia khác có mục đích khi bỏ qua phép lạ này. Tại sao? Hai lý do hiển nhiên: Thứ nhất, việc Thanh Tẩy Đền Thờ là một loại khiêu khích dẫn đến việc bắt giam điều mà các độc giả của các Tin Mừng kia hiểu dễ dàng hơn; và thứ hai, các soạn giả nhất lãm cảm thấy không có khả năng ghi lại, trong tư cách nghệ sĩ, việc sống lại của một con người bình thường mà không làm độc giả sao lãng sự vinh quang của biến cố Phục Sinh. Vấn đề này xem ra khá hiển nhiên. Khi tôi thử ước lượng hiệu quả đối với ba Tin Mừng kia khi ghép việc phục sinh Lagiarô vào như là biến cố quan trọng sau cùng trước việc bắt giam, tôi lập tức có thiện cảm ngay với soạn giả đã quyết định bỏ việc ấy ra ngoài. Thánh Gioan thì khác, ngài đã được trang bị tốt hơn để xử lý với nỗi khó khăn trên. Ngài là một nghệ sĩ tài hoa hơn, một bậc thầy nắm vững thể tài của mình một cách không ai khác có thể nắm được. Ngài biết câu truyện Lagiarô hoàn toàn đúng và ngài có các chương 12 tới 17 nằm giữa phép lạ và việc bắt giam. Nhờ thế, ngài giữ được ngày giờ đúng cho việc Thanh Tẩy Đền Thờ, và không sợ phải tường thuật việc phục sinh Lagiarô vào chính lúc phép lạ ấy xẩy ra, vì chắc chắn đã tin rằng bất cứ ai từng đọc các bài giảng ở các chương 12 tới 17 không thể nào lại không so sánh được giữa một con người bình thường như Lagiarô và chính Chúa Giêsu. Ở đây, tôi thấy một điển hình tuyệt hảo về việc nghệ thuật đã tạo hình dáng cho các Tin Mừng ra sao, và thiên tài của Thánh Gioan đã vượt xa các các Tin Mừng khác như thế nào. Nhưng trong khi Thánh Gioan không thấy khó khăn gì, như các soạn giả nhất lãm đã thấy, trong việc tổng hợp hai bản tính của Chúa Kitô trong một bức tranh, thì ngài lại thấy khó có thể tìm được thế cân bằng giữa hai lối tư duy Do Thái và Hy Lạp. Mối căng thẳng ấy hết sức nặng nề giữa hai ý niệm ‘Ơn Cứu Rỗi từ người Do Thái mà có’ và ‘Sự sống đời đời là nhận biết Thiên Chúa’. Tôi tự hỏi: ‘Ngài đang nói điều gì, tổ tiên một con người hay sức mạnh tư duy và cảm nhận riêng của anh ta, đặt anh ta vào con đường lên trời?’ Do tính khí và dưỡng dục, tôi đồng ý với phương thức Hy Lạp là phương thức tỏ ra cao hơn phương thức Do Thái, và, dù Thánh Gioan không thể quên mình là người Do Thái, tôi hy vọng ngài nghiêng về phía tư duy và triết lý Hy Lạp hơn.

Cảm tưởng chung xuyên suốt từng chương Tin Mừng thứ tư là tác giả của nó hẳn nhiên phải là một ông lão, một người đã đạt tới cái điểm quân bằng tế vi và tế nhị giữa các ý tưởng trừu tượng và cụ thể sau khi đã giữ chúng rất lâu trong trí tưởng tượng của mình, lên khuôn các tư duy của mình một cách nhẹ nhàng và chậm rãi cho tới khi sinh chúng ra dưới dạng một Tin Mừng. Họa thiết và văn phong của Thánh Gioan tiến bộ hơn các Tin Mừng kia đến độ các người đương thời với ngài phải ngạc nhiên, có lẽ còn ngỡ ngàng nữa là đàng khác. Nếu họ tiếp nhận hình thức nghệ thuật mới này một cách thù nghịch, như phản ứng đối với các bức tranh đầu tiên của phái Ấn Tượng Pháp, thì tôi vẫn nghĩ Thánh Gioan chả lo ngại chi, bởi công trình của ngài đọc lên nghe như công trình của một người đang trò truyện với chính bản thân mình. Những nét hiện thực rải rác khắp khung vải nổi bật lên với vẻ sáng láng của ký ức tuổi già, như những lời bậc thầy vĩ đại mãi sau này sẽ phổ nhạc lên. Những biến cố sống động và các tên địa danh ấy giúp tâm trí tôi đứng vững và thúc đẩy tôi tin vào tính chân thật lịch sử của tác phẩm như một toàn bộ. Ba mươi năm trước đây, ba Tin Mừng đầu có mùi rượu nho được pha chế từ những bình có nguyên gốc khác nhau, trong khi Tin Mừng Thánh Gioan chỉ là một thứ rượu nho đơn nhất, từ một vườn nho, do một nhà nghệ sĩ cao cả duy nhất chế tạo và chăm sóc.

Chuyển ngữ từ Half-Way To Faith, của David Eccles, do nhà Fontana Books xuất bản, năm 1968
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tần Tảo
Lê Trị
21:42 06/10/2011
TẦN TẢO
Ảnh của Lê Trị
Có vất vả mới có thanh nhàn
Ngồi không ai dễ cầm tàn che cho.
(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền