Ngày 07-10-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 27 Mùa Quanh Năm 08/10/2017 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:57 07/10/2017
Bài Ðọc I: Is 5, 1-7

"Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Tôi sẽ ca tặng người yêu bài hát của cô bác tôi về vườn nho.

Người tôi yêu có một vườn nho trên đồi xinh tươi. Người rào giậu, nhặt đá, trồng cây chọn lọc, xây tháp giữa vườn, lập máy ép trong vườn, và trông mong nó sinh quả nho, nhưng nó lại sinh toàn nho dại.

Vậy giờ đây, hỡi dân cư Giêrusalem và người Giuđa, hãy luận xét giữa ta và vườn nho ta. Nào còn việc gì phải làm cho vườn nho ta mà ta đã không làm? Sao ta trông mong nó sinh quả nho, mà nó lại sinh quả nho dại!

Giờ đây ta tỏ bày cho các ngươi biết ta sẽ làm gì đối với vườn nho ta: Ta sẽ phá hàng rào, để nó bị tàn phá, sẽ phá tường để nó phải bị giầy đạp. Ta sẽ bỏ nó hoang vu, không cắt tỉa, không vun xới; gai góc sẽ mọc lên, và ta sẽ khiến mây không mưa xuống trên nó. Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel, và người Giuđa là chồi cây Chúa vui thích. Ta trông mong nó thực hành điều chính trực, nhưng đây toàn sự gian ác. Ta trông mong nó thực hành đức công bình, nhưng đây toàn là tiếng kêu oan.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 9 và 12. 13-14. 15-16. 19-20

Ðáp: Vườn nho của Chúa là nhà Israel

Xướng: Từ Ai-cập Chúa đã mang về một gốc nho. Chúa đã đuổi chư dân đi để ương trồng nó. Nó vươn ngành ra cho tới nơi biển cả, vươn chồi non cho tới chỗ đại giang.

Xướng: Tại sao Ngài phá vỡ hàng rào, để bao khách qua đường đều lảy hái nó, để lợn rừng xông ra tàn phá, và muông thú ngoài đồng dùng nó làm cỏ nuôi thân?

Xướng: Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại; từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình.

Xướng: Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài. Lạy Chúa thiên binh, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống.

Bài Ðọc II: Pl 4, 6-9

"Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô.

Vả lại, hỡi anh em, những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen, thì anh em hãy tưởng nghĩ những sự ấy. Những điều anh em đã học biết, đã lãnh nhận, đã nghe và đã thấy nơi tôi, anh em hãy đem những điều đó ra thực hành, thì Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 21, 33-43

"Ông sẽ cho người khác thuê vườn nho".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh, đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: "Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó". Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?" Các ông trả lời, "Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi".

Chúa Giêsu phán: "Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh: "Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc. Ðó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!" Bởi vậy, Tôi bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái".

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vatican triệu tập các thành viên Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái công khai chống lại giáo huấn của Giáo Hội về trợ tử
Đặng Tự Do
00:32 07/10/2017
Vatican đang có kế hoạch triệu tập các thành viên trong ban quản trị các nhà thương và cơ sở điều dưỡng của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái của Bỉ và yêu cầu từng vị giải thích với Tòa Thánh tại sao họ khăng khăng chống lại giáo huấn của Giáo Hội về trợ tử và đề ra một chính sách cho phép các bác sĩ giết các bệnh nhân tâm thần trong các cơ sở của Giáo Hội Công Giáo.

Các viên chức cao cấp của Tòa thánh muốn lắng nghe từng người một vì sao các thành viên quản trị các cơ sở của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái khăng khăng chống lại quyết định của Bề Trên Tu Hội và quyết liệt áp dụng một chính sách mới ủng hộ việc trợ tử.

Sư huynh René Stockman, Bề Trên Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái đã mạnh mẽ phản đối chính sách ủng hộ trợ tử của các thành viên trong ban quản trị. Tuy nhiên, tiếng nói của ngài không được lắng nghe. Nhiều người phê bình ngài thiếu khả năng lãnh đạo, không thuyết phục được các các thành viên trong ban quản trị. Tuy nhiên, chính các vị thẩm quyền của Tòa Thánh nói, họ cũng chẳng nghe.

Thật vậy, với sự ủng hộ của Đức Thánh Cha Phanxicô, bộ Giáo Lý Đức Tin đã ra một tối hậu thư yêu cầu ban quản trị các cơ sở y tế của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái này phải hủy bỏ chính sách mới trước cuối tháng Tám vừa qua vì nó trái ngược với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về sự thánh thiêng của mạng sống con người.

Nhưng hai tuần trước, các thành viên quản trị của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái đã công khai bác bỏ tối hậu hậu thư của Tòa Thánh. Một thành viên trong ban quản trị là Herman van Rompuy, người từng là chủ tịch Hội đồng châu Âu, còn đi xa đến mức tuyên bố trên Twitter rằng “thời đại 'Roma locuta causa finita' đã là quá khứ”.

Bình luận về quyết định của Tòa Thánh triệu tập các thành viên ban quản trị đến Vatican, Sư huynh René Stockman nói với Catholic Herald rằng lời mời này là cơ hội cuối cùng cho tổ chức này hành xử theo đúng giáo huấn của Giáo hội.

Ngài nói

“Các thành viên Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái sẽ được Vatican mời đến và giải thích về quyết định họ đã đưa ra, sau đó sẽ có quyết định cuối cùng”.

“Với đề nghị này của Tòa Thánh, đây là cơ hội cuối cùng để tổ chức chúng tôi có thể hoạt động phù hợp với giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.”

Sư huynh René Stockman tin rằng Vatican sẽ không thỏa hiệp về quan điểm và Tòa Thánh sẽ không thay đổi “yêu cầu ban đầu là Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái phải theo đuổi một đường lối phù hợp với giáo lý của Giáo hội trong việc tôn trọng mạng sống con người trong mọi điều kiện”.

Vài nét về Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái của Bỉ

Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái của Bỉ được thành lập vào năm 1807 tại thành phố Ghent, bởi Cha Peter Joseph Triest. Án phong chân phước cho ngài đã được khai mở vào năm 2001. Đây là một dòng với đặc sủng đặc biệt là phục vụ cho người cao tuổi và bệnh tâm thần.

Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái ngày nay được coi là tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần quan trọng nhất ở vùng Flanders của Bỉ,với hơn 5,000 bệnh nhân một năm.

Khoảng 12 bệnh nhân tâm thần thuộc diện chăm sóc của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái được cho là đã yêu cầu được kết liễu mạng sống trong năm 2016 vừa qua, và hai người đã được các sư huynh chuyển đến nơi khác để nhận được các mũi tiêm chấm dứt cuộc đời của họ.

Tháng Ba vừa qua, các thành viên trong ban quản trị 15 nhà điều dưỡng tâm thần của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái đã công bố chính sách ủng hộ an tử. Họ nói rằng họ muốn hài hoà các hoạt động của trung tâm với luật an tử của Bỉ đã được thông qua năm 2003, một năm sau khi Hà Lan trở thành nước đầu tiên cho phép an tử.

Về mặt lý thuyết, trợ tử vẫn là một hành vi phạm tội ở Bỉ. Luật pháp chỉ bảo vệ các bác sĩ khỏi bị truy tố khi họ tuân theo các tiêu chuẩn cụ thể, trong đó bao gồm sự ưng thuận của các bệnh nhân và thân quyến của họ. Nhưng ngày càng có nhiều các trường hợp tử vong nơi những người tàn tật, những người bị chứng sa sút trí tuệ và bệnh tâm thần; là những người có khả năng chịu áp lực phải chết để tránh là gánh nặng cho gia đình và các nhân viên chăm sóc y tế. Kể từ năm 2014, trẻ em bị bỏ rơi hay vì một lý do nào đó không có người giám hộ cũng đủ điều kiện để xin trợ tử.

Tối hậu thư của Tòa Thánh

Sự thay đổi trong chính sách của ban quản trị các trung tâm y tế của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái đã xảy ra khoảng một năm sau khi một nhà điều dưỡng của họ ở thành phố Diest, đã bị phạt 6,600 đô la vì từ chối trợ tử cho một phụ nữ 74 tuổi bị ung thư phổi.

Sư huynh René Stockman đã yêu cầu ban quản trị các trung tâm y tế của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái ngưng ngay chính sách trợ tử được họ thông qua vào tháng Ba năm nay nhưng thất bại.

Tháng Sáu vừa qua, Hội Đồng Giám Mục Bỉ cũng đã can thiệp và tuyên bố rằng các ngài không thể chấp nhận các ca trợ tử có thể được thực hiện trong các cơ sở y tế Công Giáo. Sự can thiệp của các Giám Mục Bỉ cũng không thay đổi được tình hình.

Ban quản trị các trung tâm y tế của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái cũng đã phớt lờ một tuyên bố về giáo huấn của Giáo Hội cấm trợ tử, được Đức Hồng Y Gerhard Müller, lúc đó là Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin viết và ký tên gửi cho các thành viên.

Do đó, Sư huynh René Stockman đã thỉnh cầu sự trợ giúp của Tòa Thánh.

Vatican trước tiên yêu cầu ban quản trị đang điều hành 15 trung tâm thần trên khắp nước Bỉ, phải đảo ngược chính sách, chậm nhất là vào cuối tháng Tám.

Các thành viên trong hội đồng quản trị cũng phải ký tên vào một bức thư chung gởi cho bề trên tổng quyền của họ tuyên bố rằng họ “ủng hộ hoàn toàn quan điểm của Huấn Quyền Giáo Hội Công Giáo là luôn khẳng định rằng mạng sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ trong kể từ thời điểm thụ thai cho đến kết thúc tự nhiên của nó”.

Những người nào từ chối ký tên sẽ bị trừng phạt theo luật dòng, và thậm chí có thể bị trục xuất ra khỏi Giáo hội

Source: Catholic Herald - Vatican summons Belgian order to Rome over euthanasia policy
 
Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị Bộ Giáo Sĩ về đào tạo linh mục
Lm. Trần Đức Anh OP
13:22 07/10/2017
VATICAN. ĐTC mời gọi các LM hãy để cho Chúa huấn luyện và cộng tác vào công trình của Chúa trong công tác này.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến ngày 7-10-2017, dành cho gần 270 tham dự viên Hội nghị quốc tế do Bộ giáo sĩ tổ chức từ ngày 4 đến 7-10, về chương trình căn bản đào tạo linh mục.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói: Việc huấn luyện LM là một công trình đòi sự can đảm để cho mình được Chúa uốn nắn, để tâm hồn và đời sống chúng ta được biến đổi.. Việc huấn luyện không được giải quyết qua một vài thích ứng văn hóa hoặc sáng kiến nhất thời ở địa phương. Chính Thiên Chúa là người thợ kiên nhẫn và từ bi thực hiện việc đào tạo linh mục của chúng ta và công việc này kéo dài trọn cuộc sống.

”Chúng ta phải mạnh mẽ nói rằng: nếu ai không để cho mình được Chúa huấn luyện mỗi ngày, thì sẽ trở thành một linh mục bị tắt lịm, lê lết trong sứ vụ một cách ù lỳ, không còn hăng say với Tin Mừng, và cũng chẳng nhiệt thành với dân Chúa. Trái lại linh mục nào ngày qua ngày phó thác nơi bàn tay khôn ngoan của Người Thợ Nhào Nặn, thì sẽ duy trì với thờ gian lòng nhiệt thành trong tâm hồn, vui mừng đón nhận sự tươi mát của Tin Mừng, nói bằng những lời có sức đánh động cuộc sống của dân, và với đôi tay đã được Giám mục thánh hiến trong ngày thụ phong, LM có khả năng xức các vết thương, những mong đợi và hy vọng của dân Chúa”.

ĐTC không quên nhấn mạnh đến vai trò của Giám Mục và các vị đào tạo, vì ơn gọi nảy sinh, lớn lên và phát triển trong Giáo Hội. Vì thế đôi tay Chúa nhào nặn cái bình đất sét cũng hoạt động qua sự chăm sóc của những người trong Giáo Hội được kêu gọi trở thành những người đầu tiên huấn luyện cuộc sống của linh Mục. Ngài nói: ”Nếu một nhà đào tạo hoặc một GM không ”bước xuống nơi tiệm của người nặn bình” và không cộng tác vào công trình của Thiên Chúa, thì chúng ta không thể có những linh mục được huấn luyện tốt”

Sau cùng, ĐTC kêu gọi các GM giáo phận hãy cộng tác với nhau trong việc đào tạo Linh mục. Ngài nói: ”Anh em hãy làm việc với nhau! Hãy có một con tim rộng mở và mong ước rộng lớn để hoạt động của anh em có thể vượt lên trên các ranh giới của giáo phận và liên kết với hoạt động của các giám mục khác” (Rei 7-10-2017)
 
Đức Hồng Y Pell xuất hiện trước tòa Melbourne lần thứ hai: các cáo buộc không thể có
Vũ Văn An
19:19 07/10/2017
Đức Hồng Y George Pell đã xuất hiện trước một phiên tòa tại Úc lần thứ hai vào hôm thứ Sáu, 6 tháng Mười. Các luật sư bào chữa cho ngài nói rằng họ muốn mời 50 nhân chứng để chứng minh rằng các cáo buộc cho rằng vị giáo phẩm 76 tuổi này phạm liên quan đến “các vi phạm tính dục từ nhiều năm qua” là điều “không thể có”.

Tòa đã ấn định một phiên khác kéo dài trong 4 tuần lễ bắt đầu từ ngày 5 tháng Ba, 2018 để nghe chứng cớ và xác định xem vụ này có nên đem ra xử hay không.

Các quan sát viên luật pháp ở Úc cho rằng Đức Hồng Y Pell sẽ bị xử, vì gần như 95 phần trăm các vụ ở cấp tòa tiểu hình (Magistrate’s Court) sẽ được đem ra xử. Đàng khác, trong một vụ nhậy cảm về chính trị và đụng đến các nhân vật cao cấp như vụ này, thì khó mà kết thúc ở giai đoạn sơ khởi này.

Cũng tại phiên tòa tháng Ba tới, các chánh án sẽ quyết định cáo buộc nào, nếu có, sẽ được đem ra xử, và các cáo buộc này sẽ được xử với nhau hay riêng biệt từng vụ một.

Luật sư của Đức Hồng Y Pell, Robert Richter, nói với tòa hôm thứ Sáu vừa rồi rằng “Chúng tôi cho rằng điều bị tố cáo là điều không thể có”. Ông nhấn mạnh rằng chứng cớ do các công tố viên đưa ra không đủ để chứng minh rằng Đức Hồng Y Pell có thể đã phạm các tội ấy, chứ đừng nói ngài đã phạm chúng thực sự.

Chi tiết các cáo buộc chống Đức Hồng Y Pell vẫn chưa được công bố, nhưng một cáo buộc dường như liên quan đến biến cố cho rằng đã diễn ra tại phòng ca đoàn của nhà thờ chính tòa Ballarat, nơi Đức Hồng Y Pell phục vụ lúc ấy. Luật Sư Richter nói rằng ông muốn gọi một loạt nhân chứng vốn là ca viên hồi ấy để tái dựng lại các động tác ở đó, trong một cố gắng nhằm chứng tỏ rằng Đức Hồng Y Pell không thể rời khỏi nhóm mà lại không có ai lúc ấy để ý.

Ông Richter nói rằng “Ý niệm cho rằng không một ai thấy một người nào đó bỏ nhóm trong khi nhóm đang di chuyển trở lại phòng ca đoàn là điều có ý nghĩa lớn… mọi người chắc chắn phải lưu ý nếu có người bỏ nhóm đâu đó…”

Về phần Đức Hồng Y Pell, ngài từng cương quyết không sử dụng quyền đặc miễn của Vatican để tránh diễn trình pháp lý của Úc. Và cũng như lần xuất hiện đầu tiên trước Tòa Án Melbourne, lần xuất hiện này, ngài không đưa ra bất cứ lời bình luận nào cũng như không trả lời các câu hỏi của báo chí và một số người phản đối đứng ở bên ngoài phòng xử.

Trong quá khứ, ngài vốn bác bỏ mọi lời tố cáo: “Tôi vô tội trước các cáo buộc này. Tất cả đều sai”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhóm Bác ái tự phát giáo xứ Tân Phú thăm Dòng Mến Thánh giá Bắc Ninh Quận Thủ Đức
Phương Nga
07:20 07/10/2017
“Vì khi Ta đói các ngươi cho Ta ăn,khi Ta khát các ngươi cho Ta uống,Ta trần truồng các ngươi cho ta mặc,Ta bị tù đày các người đã thăm viếng” ( Mt 25,40)

Để thực thi Lời Chúa dạy và chia sẻ những khó khăn,thiếu thốn của những người kém may mắn hơn mình,một Nhóm Bác ái tự phát giáo xứ Tân Phú đã tổ chức chuyến thăm và chia sẻ với 50 Bà mẹ lỡ lầm tại Dòng Mến Thánh giá Bắc Ninh quận Thủ Đức cùng đến thăm 150 gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại giáo xứ Hòa Hội Bà Rịa Vũng Tàu (Không phân biệt lương giáo).

Lúc 3g sáng Chúa Nhật 01-10-2017,từ các Quận huyện nội ngoại thành,có 26 thành viên đã quy tụ về nhà Chị Têrêsa Trâm số 82B đường Nguyễn Văn Tố thuộc giáo xứ Tân Phú để cùng nhau lên đường làm công tác bác ái.

Xem Hình

Đúng 5g xe khởi hành,các thành viên với lứa tuổi từ 3tuổi đến 64tuổi đã rất háo hức được tham gia,xe rời thành phố được 10 phút,anh Trưởng đoàn Phaolo Vũ Quốc Nam chào mọi người và thông báo về hành trình,kế tiếp chị Maria Lượt(Đội trưởng Legio) xướng kinh cầu xin bình an:

-Kính Chúa Thánh Thần

-Năm mươi kinh Sự Mừng

-Kinh Lạy Nữ Vương và Kinh Thánh Giuse

Cùng lúc này,bác tài cho xe trực chỉ về giáo xứ Từ Đức quận Thủ Đức nơi có Dòng Mến Thánh giá Bắc Ninh và là chỗ dựa của 50 Bà mẹ lỡ lầm được các Sơ của Dòng cưu mang,chăm sóc, an ủi và dạy nghề cùng lo về y tế;đón đoàn là hai Sơ Maria Hằng và Têrêsa Hạnh,trên gương mặt tươi cười và hiền từ hai Sơ đã chia sẻ đôi nét về hoạt động của Nhà dòng cùng xin mọi người dâng lời cầu nguyện cho Quý Sơ được an lành thánh thiện,thực thi sứ vụ Loan báo Tin mừng bằng những việc làm thiết thực nhất là chăm lo về vật chất và tinh thần và y tế cho các Bà mẹ lỡ lầm cùng các cháu Nhi đồng ở đây,giúp các em sớm phục hồi sức khỏe và hòa mình vào cuộc sống đời thường.

Đáp lại thịnh tình của các Sơ,Nhóm do anh Phaolo Nguyễn Quốc Nam và Anphongso Trương Thạch đã ân cần trao gửi 50 phần quà gồm Gạo,Mì,Đường,Nước tương,Bột Nêm,Bột Ngọt,Chuỗi Mân Côi,ảnh Chúa Thương xót cho các Sơ chuyển đến các em,nhân dịp này Nhóm cũng đón hai Sơ và một số thai nhi mới qua đời lên chôn cất ở Nghĩa trang giáo xứ Hòa Hội Bà Rịa Vũng Tàu,để tranh thủ thời gian,Ban tổ chức đã mời thành viên ăn sáng bánh mì và uống nước suối Lavie trên xe..

Hơn hai giờ rong ruổi trên đường,Đoàn dừng chân tại nhà thờ xứ Hòa Hội,từ ngoài cổng đã có anh Giuse Nguyễn Minh Thành (trưởng ban Bảo vệ Sự sống) anh Giuse Nguyễn Như Tuyến (Phó Chủ tịch Hội đồng Mục vụ) cùng một số viên chức xứ họ đón Đoàn một cách hân hoan và hướng dẫn vào nhà xứ;tại đây Cha xứ Gioan.Baotixita Nguyễn Duy An(Dòng Phanxico) một vị linh mục trẻ trung và năng động đã ra bắt tay và chào hỏi mọi người ;tuy vui mừng nhưng Cha hơi bối rối vì Đoàn khá đông người và quà tặng thì khá nhiều nhưng giáo xứ lại không có nhân lực để tiếp đón và vận chuyển vào trong,tuy nhiên anh Trưởng đã trấn an Cha xứ là những thành viên của Nhóm đều còn trẻ khỏe,có thể tự thu xếp mọi việc.

Khi mọi người quay ra cửa nhà xứ,những Bà con nhận quà đã xếp thành hai hàng trật tự,hầu hết là người già neo đơn và bệnh hoạn khuyết tật,nhưng nét mặt của ai cũng vui mừng vì được sự chăm sóc của Cha xứ và mọi người; sau khi ổn định Cha xứ G.B nói vài lời:

Tôi rất vui mừng vì Đoàn bác ái đã đến thăm giáo xứ,nhưng xin quý Ân nhân bỏ qua những thiếu sót và thay mặt Bà con khó khăn xin gửi đến lời cảm ơn và xin Chúa chúc lành cho anh chị em,Chúa phán”Làm phúc tay phải thì không cho tay trái biết “(Mt 6,1-18) nhưng ở đây “Không ai thắp đèn mà để dưới đáy thùng mà chúng ta phải thắp đèn để trên giá “(Lc 8,16-18) để ánh sáng âm thầm đó lan tỏa đến lương dân cho họ nhận biết Chúa qua chúng ta.

Một lần nữa xin Chúa và Mẹ Maria luôn chúc lành cho Đoàn,cho quý Ân nhân được an lành và hạnh phúc.Mọi người vỗ tay và chụp hình lưu niệm cùng Cha,kế tiếp Ban tổ chức phân chia quà cho Bà con,một số già yếu hoặc tật nguyền không có người thân đi cùng,các thành viên phải nâng đỡ,đưa ra xe ôm hoặc chở về nhà dùm.Cha xứ mời mọi người giải khát và cùng nhau sang phòng lễ để tham dự nghi thức Làm phép Thai nhi.

Trong lễ phục dòng Thánh Phanxico,Cha xứ Gioan.Baotixita đã đọc Lời nguyện,cộng đoàn hát bài”Chúa nhân từ xin lắng nghe linh hồn con tha thiết ...”

Cha đọc Tin mừng theo Thánh Gioan

Cha đọc lời nguyện,cộng đoàn thưa:

Lạy Chúa xin cho các em được sống bên Chúa(7 lần)

Kết thúc Cha ban phép lành cho cộng đoàn.

Nghi lễ vừa xong,mọi người cùng Hai Sơ tiễn các thai nhi ra Nghĩa trang được tọa lạc trên một khu đất rộng rãi trồng cao su và bạch đàn cách giáo xứ 1km,tại đây anh Louis Huỳnh Minh Tân đã đốt những bó nhang lớn chia ra cho mọi người đi thăm và an ủi từng phần mộ của giáo xứ nhất là các Thai nhi;được biết Nghĩa trang Thai nhi được Cha xứ Tiền nhiệm Phaolo Vũ Xuân Quế giáo xứ Hòa Hội thành lập với sự cộng tác tích cực của anh Louis Huỳnh Minh Tâm được 6 năm thì Cha G.B về tiếp nhận.

Cuối cùng mọi người tập trung trước lễ đài để cầu nguyện cho các linh hồn.Chị Maria Lượt (Đội trưởng Đội mẹ Thiên Chúa Legio) xướng kinh và cộng đoàn hiệp thông.

Trong sự bùi ngùi xúc động,tất cả cùng từ giã Nghĩa trang để ra Vũng Tàu ăn trưa tự túc lúc 13g và nghỉ trưa tại Nhà nghỉ Bãi Dâu do các Sơ Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc phụ trách,trong thời gian từ 14g đến 17g được vui chơi và tắm biển tự do.

Vì nhà thờ Bãi Dâu không có lễ chiều nên vào lúc 17g tất cả tập trung lên xe để di chuyển đến giáo xứ Bến Đá cách 2km để hiệp dâng thánh lễ do Cha xứ Giuse Phạm Văn Khiết cử hành,nhờ Chúa sắp xếp cho được tắm biển và tham dự thánh lễ ở ngôi thánh đường trên cao với không gian thoáng đãng và khí hậu mát mẻ nên ai cũng cảm thấy dễ chịu và xua tan những mệt nhọc;sau thánh lễ tất cả ăn tối tại khu vực gần nhà thờ vì 19g xe lăn bánh;cho đến khi công việc hoàn tất thì trời mới mưa lâm râm và cứ nặng hạt dần đến khi Sài Gòn là 22g30 đêm.

Khi đến ngả tư Thủ Đức một số anh chị em xuống xe và vào nhà người quen lấy xe gắn máy chạy tiếp về tận Bình Dương trong cơn mưa to gió lớn đến hơn 1 giờ nữa là 23g mới đến nhà.

Chuyến đi hoàn tất tốt đẹp trong sự bình an của Chúa và Mẹ Maria;tuy phải thức khuya dậy sớm,phải đóng góp cho việc bác ái và phải hy sinh thời gian,xong mọi người đều tỏ ra toại nguyện vì đã thực thi Lời Chúa dạy “Việc gì các ngươi làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất là các người đã làm cho chính Ta”

Phương Nga

Truyền thông TGP Sài Gòn

Giáo xứ Tân Phú

 
Một Thuyển Nhân Năm 1980 Vừa Trở Thành Phó Tế Vĩnh Viễn Tại Paris
Lê Đình Thông
14:56 07/10/2017
Sáng 07/10/2017, ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris đã cử hành trọng thể lễ truyền chức phó tế vĩnh viễn cho 10 vị tiến chức, trong số có tân phó tế Giuse Giang Minh Đức (Giáo xứ Việt Nam Paris).

Sau phần ca nhập lễ, linh mục Jean-Christophe Vinot, đại diện giáo phận đặc trách phó tế vĩnh viễn, đã trình diện lên đức TGM và cộng đoàn các vị tiến chức (ordinands). Sau đó, ĐHY André Vingt-Trois đã xướng danh từng vị một

Trước khi công bố Lời Chúa, hơn 100 vị phó tế vĩnh viễn của tổng giáo phận Paris sắp hàng đôi tiến liên cung thánh, tay cầm ngọn bạch lạp thắp sáng. ĐHY Vingt-Trois mệnh danh hình ảnh này là giáo đoàn phó tế (collège des diacres). Ngài nhắc nhở nhiệm vụ hàng đầu của các vị phó tế là thắp sáng đức tin, rao giảng lời Chúa trong cộng đoàn và ngoài xã hội.

Sau đó, ĐHY André Vingt-Trois đã cử hành nghi thức gia nhập hàng giáo sĩ của các vị tiến chức. 10 vị lần lượt nói lên ước muốn nhận lãnh sứ mạng mà Giáo Hội trao ban và sấp mình trong nghi thức phủ phục (prostration) cầu các thánh nam nữ (litanie des saints).

Tiếp theo, ĐHY Tổng giám mục đã đặt tay (imposition des mains) và đọc lời nguyện thánh hiến (prière d’ordination). Các vị tân phó tế nhận lãnh ấn tín của bí tích truyền chức, chính thức gia nhập hàng giáo sĩ để phục vụ Hội thánh của Đức Kitô trong thừa tác vụ phó tế bằng cách vâng phục Đức Giám Mục sở tại và các linh mục, trong trường hợp Thầy Giang Minh Đức là Cha Giám đốc và các linh mục trong ban giám đốc Giáo xứ Việt Nam tại Paris.

Sau đó, các vị tân phó tế đã nhận dây phép hình chéo dành cho phó tế (στολη : stole en biais). ĐHY Vingt-Trois trao cho từng vị tân phó tế sách Phúc âm và căn dặn : “Con đã trở thành người rao giảng; hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con rao giảng”.

Cha giám đốc giáo xứ Nguyễn Kim Sang, Đức Ông Mai Đức Vinh, quý linh mục Đinh Đồng Thượng Sách (Tuyên úy sáng lập Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể), Vũ Minh Sinh (Tuyên úy Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể), linh mục nhạc sĩ Nguyễn Văn Việt (tòa giám mục Xuân Lộc) đã đồng tế ; quý thầy phó tế Phạm Bá Nha, Tạ Đình Chung, Nguyễn Sơn, Cao Trọng Nghĩa đã tham dự các nghi thức. Thầy Phó tế Nguyễn Văn Thạch vì lý do sức khỏe không thể đến dự.

Tân Phó tế Giang Minh Đức sinh trưởng trong một gia đình thờ cúng tổ tiên. Năm 1980, anh vượt biên tìm tự do. Sau một năm tạm trú tại Pulau Bidong (Mã Lai), anh được định cư tại vùng Languedoc Roussillon, theo học tại đại học Montpellier. Nhờ nữ tu Mai Thanh hướng dẫn, anh Giang Minh Đức chịu phép rửa. Anh còn là trưởng nhóm sinh hoạt Du Ca do cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang sáng lập.

Theo thống kê của giáo phận, 51% phó tế vĩnh viễn đã đến tuổi về hưu, số con lại còn đang làm việc. Năm 1973 chỉ có 1 phó tế vĩnh viễn. Năm 2017, số phó tế vĩnh viễn của giáo phận Paris lên tới 150 vị.

Theo Niên giám Tòa thánh (Annuario Pontificio) vừa ấn hành : năm 2015, trên thế giới có 5 304 vị giám mục, 416 656 linh mục, 45 255 phó tế vĩnh viễn. Từ 2010 đến 2015 số phó tế vĩnh viễn tăng 14,4%.

Giáo xứ Việt Nam tại Paris hiện có 6 phó tế vĩnh viễn. Các vị phụ trách mục vụ giáo lý, văn hóa, hội đoàn và mục vụ gia đình v.v.

Lê Đình Thông
 
Văn Hóa
„ Đức Bà như ngôi sao mai sáng vậy.“
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
07:48 07/10/2017
„ Đức Bà như ngôi sao mai sáng vậy.“

Trong kinh nhật tụng của Hội Thánh, mà các Linh mục đọc hằng ngày, có bài thánh thi bằng tiếng Latinh „Ave maris stella“. Bài thánh thi này được phổ nhạc cung điệu Bình ca hát long trọng.
„Ave, maris stella,
Dei mater alma
atque semper virgo,
felix caeli porta.
………

Bài thánh thi này phổ biến rộng rãi từ thế 8. hay 9. , và không rõ nguồn gốc tác giả là ai đã sáng tác ra. Bài thánh thi này được dùng là kinh cầu nguyện trong Hội Thánh, nhất là vào thời Trung Cổ. Bài chứa đựng cùng diễn tả tâm tình sùng kính Đức Mẹ Maria, và xin Đức Mẹ như ánh sáng ngôi sao soi đường phù giúp cho trên đường vượt biển trần gian.

Bài thánh thi này xưa nay đã gợi thi hứng cho nhiều nhạc sĩ sáng tác ra những bài hát thánh ca ngợi khen Đức Mẹ Maria.

Trong kho tàng thánh ca Việt Nam có bài hát „ Lạy mẹ là ngôi sao sáng“ do Nhạc sĩ Tâm Bảo sáng tác. Bài thánh ca này cũng được hát rất phổ thông, rất nhiều người hát bài này thuộc lòng như kinh cầu nguyện của mình.

Bài „Ave maris stella“, hay bài „Lạy Mẹ là ngôi sao sáng", ca tụng Đức Mẹ Maria như ngôi sao sáng. Và kinh cầu Đức Mẹ cũng ca tụng“ Đức bà như ngôi sao mai sáng vậy“.

Tại sao ca tụng Đức Mẹ Maria là ngôi sao sáng?

Trên bầu trời vào ban đêm trong sáng không có những áng mây xám đen che phủ, xuất hiện những vệt sáng, những dải dài như dòng sông lấp lánh ánh sáng của các vì sao. Và cũng có những vì sao xuất hiện riêng lẻ xa nhau rải rác khắp bầu trời. Tùy theo mùa thời tiết các vì sao chiếu ánh sáng tỏa ra sáng tỏ hay mờ mờ huyền ảo.

Các nhà thiên văn xưa nay hằng quan sát khảo cứu về các ngôi sao tìm hiểu về nguồn gốc cùng sứ mạng của chúng. Nhưng con đường khảo cứu về các ngôi sao vẫn luôn còn có những khám phá mới lạ, còn có những các vì sao bí ẩn xa tít ngoài tầm quan sát, ngoài tầm phủ sóng của ống viễn vọng kính đi săn tìm chúng.

Theo Kinh thánh thuật lại, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày, và Ngài đã tạo dựng các ngôi sao trên bầu trời cùng với mặt trăng để chiếu ánh sáng ban đêm vào ngày sáng tạo thứ tư. ( St 1, 16).

Đức Mẹ Maria là người con gái của Thánh Gioakim và Thánh nữ Anna quê ở làng Nazareth nước Do Thái. Và Giáo hội mừng ngày sinh nhật Đức Mẹ Maria hằng năm vào ngày 08. tháng Chín.

Như thế Đức Mẹ là loài thụ tạo, là con người như bao người khác được Thiên Chúa tạo dựng nên có linh hồn, có thân xác trong công trình sáng tạo thiên nhiên.

Và như vậy Đức Mẹ Maria đâu có là ngôi sao chiếu ánh sáng ban đêm như các ngôi sao của dải ngân hà trên bầu trời.

Và Đức Mẹ Maria cũng không là ánh sáng của một đốm lửa, của đèn điện. Đức Mẹ Maria cũng cần đến ánh sáng để được soi chiếu vào ban đêm, cũng như ánh sáng thiêng liêng cho tâm hồn.

Trời càng tối, ánh sáng càng chiếu tỏa mạnh rõ ra.

Thời tiết càng gía lạnh, ánh sáng càng có ý nghĩa mang đến sự sưởi ấm cho thể xác lẫn tâm hồn.

Sự đau khổ, sợ hãi u buồn trong tâm hồn con người khác nào bóng tối che phủ làm họ chùng xuống hoang mang. Và khi có ánh sáng chiếu tới khác nào như sức mạnh mang lại sự an ủi phấn khởi cho tâm hồn tìm lại được phương hướng đứng dậy vươn lên.

Ngày xưa vào ban đêm các người đi tầu thuyền trên sông nước biển cả, các người đi trong rừng núi vùng thung lũng thường hay ngắm sao trời tìm phương hướng mà đi.

Đức Mẹ Maria không là ngôi sao chiếu sáng. Nhưng là người đã sinh hạ Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng. Vào ngày Chúa Giêsu sinh ra trên trần gian, Ba nhà Thiên văn, quen gọi là Ba Vua, là ba nhà Đạo sĩ từ bên phương Đông đã nhìn thấy ngôi sao của Chúa Giêsu xuất hiện trên nền trời. Và các Ông đã lần theo ánh sáng ngôi sao dẫn đường tìm đến nơi Chúa Giêsu sinh ra ở thành Bethlehem bên nước Do Thái.

Đức Mẹ Maria không là ánh sáng ngôi sao. Nhưng là người mẹ đã sinh thành ra Chúa Giêsu, Đấng là mặt trời công chính, là ngôi sao chiếu sáng vào trong đêm tối tội lỗi trần gian cho con người tìm nhận ra đường đi về với Thiên Chúa.

Đức Mẹ Maria không là ánh sáng ngôi sao. Nhưng đã sinh hạ Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng là ánh sáng, như Ngài đã nói „ Thầy là ánh sáng“ cho tâm hồn con người trên đường sống ở trần gian.

Ca tụng Đức Mẹ Maria là „ Maris stella“ là „ Ngôi sao mai sáng vậy“ ,„ Lạy mẹ là ngôi sao sáng“ muốn nói lên tâm tình đầy lòng tin tưởng Đức Mẹ đã hạ sinh Đấng là ánh sáng, Đấng là ngôi sao dẫn đường cho con người trên đường lữ hành ở trần gian.

Bài thánh ca ca tụng Đức Mẹ là ngôi sao sáng còn diễn tả lòng cậy trông niềm hy vọng xin Đức Mẹ đã sinh thành ra Ngôi sao sáng Chúa Giêsu phù hộ cho được an ủi che chở những khi cuộc đời gặp bước đường có nhiều sóng gió , nhiều bóng tối bao phủ thử thách cám dỗ hôm nay và ngày mai.

Tháng Mân côi kính Đức Mẹ Maria
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Lời Thú Tội Của Bà Mẹ Buôn Gánh Bán Bưng
Sơn Ca Linh
07:51 07/10/2017
Lời Thú Tội Của Bà Mẹ Buôn Gánh Bán Bưng

Lạy Chúa,
Tuần trước con hứa chiều về sẽ đi cáo giải,
Nhưng cũng đành lỡ hẹn với Chúa nữa rồi !
Chúa biết hết, cuộc sống con vất vả nổi trôi,
Buôn gánh bán bưng mà ! Có bao giờ ổn định !....

Trên lối về chiều nay con thấy lòng yên tịnh,
Nên tranh thủ xét mình trong mấy tháng vừa qua…

Chúa biết đó, con là “mụ đàn bà” miệng lưỡi ba hoa,
Nói xỏ, nói xiên, dèm pha, bới móc...
Ai đụng tới mình thì “xù lông, trợn mắt”,
Tự ái, kiêu căng, cái tội đứng đầu.

Mấy cái trò mê tín dị đoan con thuộc làu làu,
Nhưng kinh nguyện sáng tối thì bữa đọc bữa bỏ.
Lo ra chia trí, ít nhiều khi nào cũng có.
Để mắt giận hờn cái mụ hàng xóm khó ưa !

Trong gia đình, con là mụ vợ chẳng phải vừa,
Mắng con, rằn rực chồng, chanh chua đanh đá.
Mấy lần giận mất khôn, phun ra những lời rủa sả.
Giới răn, Lời Chúa…con bỏ ngoài tai.

Cái khổ cái nghèo như đỉa bám thật dai,
Nên canh cánh trong lòng ươm mơ trúng số.
Cái tội ham giàu coi thường phận khổ,
Đôi lúc hận mình với cái phận buôn gánh bán bưng !

Điều răn thứ ba, giữ ngày Chúa Nhật cách “cầm chừng”,
Nếu không đi trễ thì cũng ngủ gà ngủ gật.
Điều răn thứ 9 con có nghĩ ngợi lung tung mấy lần nói tục,
Buôn bán hằng ngày nên không khỏi dối gian….

Mười Giới răn, Chúa ơi con lỗi phạm tràn lan,
Tội nặng thế nầy con biết đền sao cho xể ?
Tôi quên tội sót còn nhiều mà con chưa kể,
Chúa biết mà, mụ đàn bà buôn gánh bán bưng !

Chiều hôm nay, con quyết chẳng dám lừng khừng,
Đi nhà thờ sớm, con sấp mình ăn năn, cáo giải.
Con lần hạt Mân Côi để kính nhờ Đức Mẹ,
Giúp con dọn mình sốt sắng để bắt đầu lại từ đây !

Sơn Ca Linh (Mân Côi 2017)
 
Tản mạn đời tha hương : Truyện dài cha Trương Bửu Diệp
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư
14:41 07/10/2017

Vào đề :

Chúng ta bảo là truyện dài vì năm tháng đã dài từ ngày ngài lìa trần. Danh sách những người lên tiếng làm nhân chứng về ngài cũng dài lắm. Mà khi đọc báo chí ta thấy những trang mang bảng tạ ơn ngài cũng thật dài. Và hiện nay, trong tiến trình xin phong thánh, hàng trăm hàng ngàn người đang ngóng chờ tin vui.

Đôi hàng tiểu sử : Ngài sinh đúng ngày tết dương lịch ngày 1 tháng 1 năm 1897, tại Cồn Phước, Chợ Mới, An Giang. Cha mẹ lấy tên Thánh Phan xi cô Xavier đặt cho con. Mẹ ngài mất lúc ngài mới lên 7, sau đó theo cha lên xứ Campuchia làm ăn sinh sống, rồi cha ngài tục huyền ngay năm sau.

Lúc nhỏ đã tỏ ra hiền lành, nên cha ngài trao con cho cha Phê rô Tiền đưa vào chủng viện Cù lao Giêng chuẩn bị tu học làm Linh mục. Sau đó lên Nam Vang theo đại chủng viện, rồi chịu chức năm 1924. Công tác đầu tiên là phục vụ với tư cách cha phó tại họ đạo Hố Trư (cũng ở Campuchia). Năm 1927 ngài về Việt Nam dạy chủng viện, rồi ra coi họ đạo Tắc Sậy từ năm 1930. Ngài hăng say truyền giáo, lập thêm khá nhiều họ đạo nhánh.

Vào năm 1945 và 1946, chiến tranh loạn lạc khắp nơi, nên bề trên và bạn bè khuyên ngài tạm lánh về chỗ an toàn, nhưng ngài nhất định ở lại sống chết với đoàn chiên. Ở hải ngoại, nhiều người làm chứng rằng vào ngày 12 tháng 3 năm 1946, Việt Minh lùa cha Diệp và 70 giáo dân nhốt vào một lẫm lúa, rồi toan châm lửa thiêu sống tất cả. Cha Diệp tha thiết xin tha cho mọi người, riêng mình chịu hy sinh…Thế là ngài bị đem đi giết ngay đêm đó (theo nhân chứng Ngô minh Quang, lúc đó đang ở Khúc Tréo và lên 21 tuổi, cha bị chém 2 nhát : 1 nhát phía trên sọ đầu, 1 nhát phía sau ót nhưng đầu chưa đứt lìa). Tuy nhiên ở trong nước bây giờ thì lại có những luận cứ khác, cho rằng ngài bị giết vì chuyện tranh chấp giữa các giáo phái [ đưa thêm chi tiết là 2 người Nhật (lúc đó đã bị giải giới sau khi thất trận, và đang nhập vào mặt trận Cao Đài, tố cáo cha thân Pháp ) trực tiếp can dự việc sát hại cha !]

Chuyện tìm ra xác cha cũng được tả lại khá ly kỳ lạ lùng, như được ơn trên soi sáng hướng dẫn để giáo dân vớt được xác ngài từ dưới ao, rồi đem về chôn tạm tại nhà thờ họ đạo ‘Khúc Tréo’. 22 năm làm Linh mục. 16 năm coi giáo xứ Tắc Sậy.

Hãy nghe một đoạn sách tả lại như sau :

Mộ cha ngày nay sau khi được cải táng lần 3
“Những người trong họ đạo kể rằng đêm hôm ấy ngài về ‘báo mộng’ cho các vị chức sắc trong họ đạo biết chỗ họ ném xác ngài, trong cái ao nhà ông giáo Sự. Các vị đến nơi được báo mộng thì vớt được xác ngài đã bị chém vào đầu, kèm với một vết chém ngang cổ chỗ gần mang tai. Thân xác ngài thì bị lột hết quần áo, trần trụi như Chúa Giêsu trên thập giá, nhưng hai tay vẫn chắp trước ngực như đang cầu nguyện, và nét mặt ngài vẫn bình thản, không có vẻ gì sợ hãi. Các vị chức sắc lén đưa xác ngài về chôn bí mật trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo (nhà ông giáo Sự thuộc họ đạo Khúc Tréo, và ông nghĩ làm thế kín đáo hơn đưa ngay về Tắc Sậy). Hăm ba năm sau, tức năm 1969, hài cốt ngài được cải táng, dời về Nhà thờ Tắc Sậy nay”.

Sự lạ đếm không xuể.

Người viết chỉ dám dùng chữ ‘sự lạ’, chứ chưa viết là ‘phép lạ’ theo như truyền thống phải được giáo hội công nhận. Dĩ nhiên vì khắp nơi rộ lên long sùng kính cha, xuyên qua những tin đồn trăm ngàn sự lạ lớn nhỏ, ngài được Chúa thực hiện khi có người chạy đến xin ngài bầu cử cho. Người ta đồn thổi nhau về một ‘sự cố’ xảy ra từ năm 1977, một bà già ngoại giáo rất nghèo sống ở Bảo Lộc (Lâm Đông) đang nằm chờ chết vì ung thư bao tử. Bỗng dưng có một Linh mục Công Giáo tình cờ ghé qua nhà, trao cho mấy viên thuốc rồi vội ra đi, sau khi nói rằng mình đang coi xứ Tắc Sậy, Bặc Liêu. Bất ngờ hết bệnh, bà nhờ con cháu thuê xe xuống tạ ơn cha sở đã chữa mình. Vừa xuống xe, tạt qua mộ cha (cải táng lần 2) thấy hình trên bia mộ giống hệt vị Linh mục cho thuốc mình hôm trước. Bà liền la lớn tiếng cho mọi người nghe, rồi kể rành mạch về ‘sự lạ’ được khỏi bệnh.

Trong nước, rồi hải ngoại, bà con ùn ùn kéo xuống nhà thờ Tắc Sậy hàng ngày. Hình như ai có lòng tin cũng được phần nào như ý toại nguyện. Thiên hạ gọi nhà thờ này là ‘Chốn du lịch tâm linh’.

Dĩ nhiên tóa Giám mục Cần Thơ không thể cứ yên lặng mãi. Các viên chức bắt đầu thu thập những câu truyện từ các nhân chứng và chuẩn bị báo cáo về tóa thánh. Tới năm 2014 thì hồ sơ được xét là xứng đáng tiến hành, và cha Diệp được gọi là ‘Đầy tớ Chúa’, bước sơ khởi cho chuyện phong thánh tương lai.


Nhà thờ Tắc Sậy bây giờ
Sau một dịp từ Mỹ về hành hương nhà thờ Tắc Sậy và tạ ơn cha Diệp, có người đã viết lên mấy câu thơ này :

“Tắc Sậy xứ đạo của cha,

Miền nam nước Việt tuy xa mà gần,

Mộ cha linh hiển vô ngần,

Giáo lương đều muốn một lần viếng thăm.

Nào ai đau khổ tháng năm,

Niềm vui sẽ đến gấp trăm gấp ngàn,

Những người gặp bước gian nan,

Cha đều chăm sóc lo toan mọi bề”.

Ta học gì và xin gì với cha Diệp ?

Tích truyện rõ ràng và rất thật về cha Phan-xi-cô Trương bửu Diệp nhất định đòi chúng ta phải hết lòng bái phục một con người thánh thiện can đảm phi thường. Một chủ chiên liều mạng sống vì đoàn chiên, theo đúng mẫu mực Chúa Ky tô. Một mục tử thực hành chức vụ lãnh đạo chỉ để phục vụ những con người nghèo hèn thấp kém trong xã hội.

Lúc còn sống, cha Diệp dành nhiều thì giờ đi thăm và giúp đỡ lương dân, cho nên ngày này số người ngoài Công Giáo được cha cầu Chúa cho nhiều ơn lạ, hơn cả với người trong đạo. Dó là một bài học lớn cho tất cả chúng ta. Cần hướng về bao linh hồn còn chưa được ơn đón nhận đức tin.

Cha Diệp còn nêu tấm gương sống khó nghèo cho bản thân mình, nhưng luôn tìm chăm sóc lo lắng cho tha nhân. Ngài luôn là hiện thân của người bạn chất phác, dễ dãi, rộng lượng và rất chân thành gần gũi không trừ một ai.

Có người cũng nêu lên ý kiến về ‘Tình người’ nơi cha Diệp thế này :

“Linh mục Phanxicô Trương Bửu Diệp đã hy sinh tính mạng của mình để cứu đoàn chiên. Sau khi qua đời, ngài hiển linh ban ơn cho người này người kia, “ai xin thì cũng đều được”. Rồi bây giờ mọi người dâng lễ tạ ơn ngài, biến ngôi nhà thờ nhỏ xíu cũ xưa của ngài thành nơi khang trang, hiện đại hàng đầu. Tất cả những việc đó đều là do tình người. Đối với tôi, bất cứ cái gì thuộc về tình người đều đáng ca ngợi”.

Thế là chúng ta cùng tạ ơn Chúa về cha Diệp. Cùng chắp tay xin Chúa, nhờ công nghiệp và gương sáng của cha, ban cho Giáo hội Mẹ Việt Nam được an bình, được mau đón nhận nhiều chiên lạc về cùng gia đình con Chúa. Cho mọi tầng lớp giáo dân hăng say làm việc tông đồ, nhất là yêu mến kẻ nghèo hèn đơn độc, như cha Diệp đã làm gương xưa.

Bản thân và gia đình chúng ta phải thề hứa dứt khoát sẽ nhìn vào hình ảnh cha Diệp mà giữ đạo và sống đạo cho tới cùng.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hạnh Phúc Tuổi Già
Nguyễn Đức Cung
08:29 07/10/2017
HẠNH PHÚC TUỔI GIÀ

Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Hạnh phúc tuổi già - còn có đôi

Tâm đầu ý hợp - chẳng chia phôi

Vui bao kỷ niệm cùng chung sống

Sung sướng trọn đời thỏa mãn rồi!

(Trích thơ của Minh Lương Trương Minh Sung)
 
Thánh Ca
Gặp Chúa Trên Quê Hương – Trình bày: Phương Thảo
Đạt Phùng
04:08 07/10/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây