Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 11/10: Kinh Lạy Cha qua ta về với mối tương quan ba chiều – Thầy FX Cao Văn Trí, CP
Giáo Hội Năm Châu
01:32 10/10/2023
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Khi ấy, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói :
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy;
xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.
Đó là lời Chúa
Được mời tới Bàn Tiệc Thiên Chúa
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
03:02 10/10/2023
CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN NĂM A : MT 22,1-14
Khi ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: ‘Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!’ Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết.
“Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ: ‘Tiệc cưới sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.’ Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.
“Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: ‘Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?’ Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: ‘Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít’”.
ĐƯỢC MỜI TỚI BÀN TIỆC THIÊN CHÚA
Một cha xứ vùng ngoại ô Berlin nước Đức có kể câu chuyện mình đã cho một bé gái 13 tuổi rước lễ vỡ lòng trong những hoàn cảnh đặc biệt như sau: “Tôi đã để ý em ngay giữa đám học trò lớp giáo lý: em có vóc dáng gầy còm và nước da trắng bệch! Một ngày nọ em đến tìm tôi và nói, đôi mắt rưng rưng: “Lạy Cha, con sẽ không thể rước lễ vỡ lòng như các bạn được” - “Sao vậy con?”, tôi hỏi. “Ba má con không muốn. Vả lại con chưa bao giờ xưng tội” - “Thì con cứ lễ phép xin ba má -tôi an ủi nó- có lẽ rồi ba má cũng cho thôi”. Vài tuần trôi qua. Một hôm em đến tìm tôi, rồi bằng một giọng run run, kể cho tôi nghe những chuyện gì đã xảy tới: “Ba con đã nổi tức lên và la mắng con tơi bời”. Cô bé đáng thương làm cho tôi hết sức xúc động. Tôi dặn em cầu xin Thiên Chúa xếp đặt mọi sự để em có thể rước lễ vỡ lòng. Nhưng ngày trọng đại đã đến mà em vẫn không được phép như lòng mong ước. Hôm sau, các bé gái khác kể lại diễn tiến cuộc lễ xinh đẹp cảm động khiến cô bé đáng thương càng thêm buồn rầu. Vài ngày sau em đến tìm tôi: “Khi nào mẹ con sai con đi mua hàng ngang qua trước nhà thờ, con có thể lợi dụng vài phút để vào xưng tội được chứ! Con sẽ chạy thật nhanh để mẹ con không nhận thấy chuyện gì”. Tới ngày giờ đã hẹn, tôi đợi em bé và em đã xưng tội lần đầu tiên với lòng sốt sắng khôn tả. “Bây giờ -tôi bảo em- con về mau đi để nhà con không biết chuyện gì xảy đến”. Nhưng em đã tha thiết van nài: “Lạy Cha, Cha còn đứng đây, xin Cha cho con được rước lễ”. Tôi không thể từ chối và cô bé đã lãnh lấy Mình Thánh lần đầu tiên trong đời với một lòng sốt sắng tuyệt diệu”. Và cha xứ kết luận: “Tôi đã thấy rất nhiều trẻ rước lễ vỡ lòng; nhưng chưa có em nào làm tôi xúc động như bé gái đó”. Thật khác xa với sự dửng dưng của các thực khách được mời dự tiệc trong dụ ngôn hôm nay.
1. Quảng đại đáp lại lời mời của Thiên Chúa.
Tin Mừng chẳng bao giờ cho ta những định nghĩa lớn lao trừu tượng về Thiên Chúa, Thiên đàng, Giáo hội… Không! Tin Mừng đúng ra là một cuốn sách lớn đầy hình ảnh. Chứng kiến trên tivi hay mạng internet sự thành công của các đám cưới vương giả, ta thấy hình ảnh Đức Giê-su sử dụng thuở ấy xem ra đâu có lỗi thời… cho dẫu nó có một tính cách “đông phương” rất đậm nét.
Đức Giê-su trình bày cho ta một vị Thiên Chúa “tổ chức đám cưới cho con trai mình”: đây là câu chuyện đẹp nhất trần gian, câu chuyện tình đẹp nhất! Hiển nhiên quý tử ấy là Đức Giê-su. Đức Giê-su “si tình”. Người đã cưới một hôn thê Người yêu say đắm: nhân loại. Hình ảnh đám cưới này như một sợi chỉ bạc chạy suốt Kinh Thánh: Tv 45,7-8; toàn bộ Diễm ca; Is 54,4-8; 61,10; 62,4-5; Gr 2,2;31,3; Ed 16; Hs 1-3; Mt 25,1-13; 9,15; Mc 2,9; Ga 3,29; 2Cr 19,29; 21,2-9; 22,17; Ep 5,25; Kh 20,9; 21,2-9… Vâng, từ đầu đến cuối Mạc khải, các tương quan giữa Thiên Chúa với nhân loại là một “giao ước”, một “hôn lễ”. Điều ấy sẽ thay đổi gì nơi “tôn giáo” của tôi nếu thay vì coi nó những chân lý phải tin hay những huấn lệnh phải giữ, tôi đi đến chỗ thật sự coi nó như một “chuyện tình”?
“Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc”. Thiên Chúa mơ tưởng một bàn tiệc vũ trụ cho nhân loại… một bữa tiệc thật “vương giả”… một lễ hội thật tưng bừng! Hãy thử hỏi xem bất cứ đứa bé nào những hoàn cảnh khiến nó sung sướng hạnh phúc nhất. “Đó là khi nhà có nhiều khách dự tiệc!” Bữa ăn lễ là cả một biểu tượng về niềm vui chia sẻ. Ngày nay cũng thế, chính “tiệc cưới” thường quy tụ các thực khách vui vẻ nhiều nhất: thức ăn chọn lọc này, rượu bia hảo hạng này, ca nhạc khiêu vũ này, lễ phục xinh đẹp này… Mời bạn đến dự lễ, bàn tiệc Thiên Chúa quy tụ các thực khách đã sẵn sàng rồi! Nhưng những người này sẽ làm chi?
“Họ không chịu đến”. Tội nghiệp nhà vua! Thật đáng thất vọng. Ông lại sai các đầy tớ đi mời phen nữa, lần này với những lời lẽ tha thiết hơn. Như trong dụ ngôn “tá điền sát nhân”, các thái độ từ chối của nhân loại xem ra chẳng làm Thiên Chúa kinh ngạc. Không mệt mỏi, ông nhắc lại lời mời gọi và gởi các đầy tớ khác. Đây không phải là một câu chuyện quá khứ xa xưa. Mời mọc thì thời nào cũng có cả. Và trước hết không phải là vấn đề những người khác. Chính tôi đã được Thiên Chúa gởi cho một “thiệp mời”. Tôi có ý thức rằng mình đang được chờ đợi không? Có ý thức rằng có một chỗ cho tôi trong bàn tiệc không? Lẽ ra tôi phải thật sự để giờ tự vấn mỗi tối về các lời kêu gọi Thiên Chúa không ngừng ngỏ với tôi suốt ngày. Và mỗi Chúa nhật, để giờ tự hỏi những lời mời nào của Thiên Chúa đã bị tôi bỏ quên trong tuần sống.
Nhưng như trong “mùa hái nho đẫm máu” Chúa nhật tuần trước, tiệc cưới nay lại bị nhận chìm vào thảm cảnh: “Quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết”. Các “tiệc cưới đẫm máu” cũng là biểu trưng sự từ chối Thiên Chúa. Chúng ta chớ quên rằng Đức Giê-su kể chuyện này chắc hẳn chỉ vài hôm trước cuộc Thương khó… trong tuần lễ cuối cùng. Cái chết của Người đã được quyết định trong bóng tối bởi các thủ lãnh ở Giê-ru-sa-lem. Nhưng ta biết rõ, không chỉ có những kẻ đương thời với Đức GS mà còn cả chính ta, chính thế giới hiện giờ từ chối lời mời mọc của Thiên Chúa.
Lời mô tả thái độ thờ ơ của khách mời mang tính thời sự nóng bỏng. Đức Giê-su vẽ lên hai loại: 1/ những kẻ “lơ là” với thái độ lãnh đạm gần như tự nhiên, thậm chí không có vẻ để ý họ là những kẻ được mời và chỉ nghĩ tới công chuyện của họ… 2/ những kẻ “chống cưỡng” cố ý từ chối lời mời và còn hung dữ hành hạ các đầy tớ…
Như thế, Đức Giê-su mô tả rất chính xác tình trạng thế giới hiện thời. Chỉ cần diễn tả lại câu chuyện ngày xưa với các ví dụ của ngày nay thì đủ rõ: “Đi dự lễ làm sao được? Tôi chỉ có Chúa nhật để chơi thể thao thôi… Đây là ngày chúng tôi đi nghỉ… Đây là ngày tôi bận khâu vá… Sau khi đã vui chơi giải trí suốt cả tối Thứ bảy, làm sao có sức đi lễ và học giáo lý Chúa nhật nổi… Và rồi, tôi còn có bài làm bài thi phải ôn lại…”. Ơ thì đúng! Tất cả chúng ta đều bị xã hội tiêu thụ và duy vật chủ nghĩa bao quanh cầm giữ. Và tất cả chúng ta liều mình cho Thiên Chúa chỗ rốt hết, thời gian cặn. Biết bao tiếng nói khác phủ lấp tiếng gọi của Người: “Xin mời đến dự tiệc cưới của Ta!” Chúng ta đếch thèm đếm xỉa!
“Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng”. Lịch sử Đông phương cổ cung cấp cho ta lắm giai thoại kiểu này. Nhưng một lần nữa, phải hiểu rằng mình đang ở trong loại dụ ngôn, nên ta đừng tìm ý nghĩa chặt chẽ cho mọi chi tiết. Tuy nhiên, “thành phố bị thiêu hủy” này làm ta nghĩ tới một biến cố đã gây chấn thương cho người Do-thái lẫn Ki-tô hữu thế kỷ Thứ nhất, và đã nên cơ hội đoạn tuyệt giữa Hội Đường và Nhà Thờ. Khi Mát-thêu viết trình thuật mình. Giê-ru-sa-lem đã bị các đạo quân Rôma của Titô phá hủy năm 70 thật sự. Làm sao một số phận như thế đã có thể xảy đến cho thủ đô tuyệt vời của dân Ít-ra-en? Các biến cố lịch sử được giải thích bằng nhiều cách. Và thời nào cũng vậy, các ngôn sứ đã từng giải thích việc phá hủy những thành phố lớn như một “hình phạt của Thiên Chúa” (x. Is 5,26-29; 7,18; Gr 5,15-17).
Vua liền cho đầy tớ đi mời hết thảy những ai gặp trên đường, bất luận sang hèn tốt xấu… Thế là những kẻ người ta không trông mong lại được mời và họ đã chấp nhận. Dân Do-thái, hạng được mời trước hết, vậy là nhường chỗ cho lương dân. Nhưng một lần nữa, phải coi chừng mọi kiểu tự mãn có màu sắc kỳ thị chủng tộc. Vì chính chúng ta cũng có liên can trong việc từ chối. Chúng ta có thể thành thật nói rằng mình luôn “vâng theo” mọi tiếng gọi lặp đi lặp lại của Thiên Chúa trong cuộc sống thường nhật không? Đức Giê-su cảnh giác chúng ta: phòng tiệc sẽ đầy… cho dẫu “quý khách khả kính” đã không thèm đáp lại. Người sẽ lấp đầy phòng tiệc của Người với những kẻ rách rưới, bị khai trừ, tạp nhạp đủ loại. Thánh Lu-ca, trong dụ ngôn song song, đã nói rõ điều ấy: chính “những người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt” chiếm chỗ các khách mời đầu tiên (Lc 14,21). Và Mát-thêu, trong một đoạn khác, cũng bảo ta như vậy: “Hạng thu thuế và lũ gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các thượng tế và kỳ mục” (Mt 21,31).
“Vậy hãy ra đi, gặp ai thì mời hết, bất luận tốt xấu…”. Hãy để mình bị chất vấn bởi các lời dị thường này. Chúng ta có trái tim rộng rãi như Thiên Chúa vậy không? Phải chăng chúng ta không luôn luôn bị “tinh hoa chủ nghĩa” cám dỗ? Phải chăng chúng ta không luôn luôn mơ ước một một Giáo hội gồm những con người thanh sạch, năng nổ, có động lực đức tin tốt đẹp? Phải chăng chúng ta chẳng hề phê phán các thực hành của “tôn giáo bình dân”? Còn Thiên Chúa, Người mời hết mọi người. Hổ lốn! Không phân biệt! Thậm chí còn có vẻ ưu đãi những kẻ nghèo hèn, những kẻ bên lề, những kẻ khốn khổ, những kẻ bị bỏ mặc, những kẻ ở ngoại biên, như Đức Thánh Cha Phanxicô hay đề cập.
2. Chuẩn bị đầy đủ để gặp gỡ Người.
“Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?”. Người ấy câm miệng không nói được gì”. Đến đây xảy ra mấy chi tiết xem ra lạ lùng. Đã mời người ta đột xuất ngoài đường và bất phân biệt như vậy, sao lại đòi phải có y phục lễ cưới. Rồi tại sao lại chỉ có một chứ không phải nhiều kẻ thiếu lễ thức này? Thật ra vấn đề cũng đơn giản nếu ta hiểu được phong tục thời đó, một phong tục mà ở đây Mt không nêu rõ vì nghĩ rằng độc giả (tức thời) của ông đều biết (Mt là người ít khi giải thích các phong tục, khác với Mc: so sánh Mt 15,2 với Mc 7,2-3). Đó là ngày xưa, trong xã hội Tây Á (ngày nay cũng có nhiều nơi làm như vậy), vua chúa hay những người giàu, khi mời khách dự tiệc, bao giờ cũng để sẵn nhiều bộ lễ phục giống nhau ngoài cửa phòng tiệc cho thực khách mặc trước khi vào ăn. Thói quen này nhắm hai mục đích: một là để chủ nhân khoe sự giàu có của mình, hai là để tạo bình đẳng giữa các thực khách (chẳng còn mấy ai biết địa vị xã hội của người ngồi cạnh), ngõ hầu họ dễ trò chuyện với nhau, cởi mở với nhau, khiến bữa tiệc thêm thân tình vui vẻ. Con người duy nhất không thèm mặc áo cưới ông vua để sẵn chứng tỏ một sự vô ý thức lẫn khinh thường, vì thế y đáng bị trục xuất. Dẫu có lòng nhân ái mời gọi mọi người xấu tốt, Thiên Chúa không vì thế mà tỏ ra nhu nhược dễ dãi, để con người muốn làm gì thì làm. Tình yêu của Người là một tình yêu nâng cao tâm hồn chúng ta. Biểu tượng y phục thường gặp trong Kinh Thánh, muốn nói ơn cứu rỗi không bao giờ là tự động cả: phải biết “đáp ứng” lời mời gọi của Thiên Chúa bằng cách biến đổi mình… bằng cách “mặc lấy con người mới” (x. Gl 3,27; Ep 4,24; Cl 3,10).
Hình phạt nặng nề cũng như các từ khuôn đúc (x. Mt 8,12; 13,42; 24,51; 25,30) mô tả cuộc phán xét… nêu bật tính cách biểu tượng hiển nhiên của “y phục lễ cưới” này. Được vô phòng tiệc cưới một lần rồi thôi đâu có đủ! Việc đã đón nhận Lời Thiên Chúa không khiến ta mãi mãi an toàn! Nhưng ai đã chiếm chỗ các khách mời đầu tiên, cả họ nữa, cũng chẳng được đặc miễn: nếu tỏ ra bất xứng với bàn tiệc của Thiên Chúa, họ sẽ bị loại ra ngoài.
Lời cảnh báo này nghiêm trọng biết mấy! Nó tố cáo thái độ tự mãn an toàn quá ư dễ dãi của chúng ta, nhắc nhớ trách nhiệm lớn lao của người tín hữu. Lòng nhân từ của Thiên Chúa vẫn vô biên, nhưng ta không thể coi thường sự thánh thiện của Người được, không thể coi thường lời Người đòi hỏi chúng ta phải nên thánh. Hay nói cách khác, kho ân huệ Thiên Chúa thì sẵn đó, nhưng nhận được hay không và nhiều hay ít là tùy bàn tay, tấm lòng của chúng ta mở hay khép, rộng mở hay hé mở. Khi được linh mục “mời” lên rước lễ với câu: “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Thiên Chúa”, chúng ta không chỉ thưa “vâng” nhưng trước đó còn nói: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào lòng con, nhưng xin Chúa phán một lời…”.
Ý nghĩa tiệc cưới và áo cưới
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
03:04 10/10/2023
CHÚA NHẬT XXVIII MÙA THƯỜNG NIÊN
Is 25,6-10a; Pl 4,12-14.19-20; Mt 22,1-14
Ý NGHĨA TIỆC CƯỚI VÀ ÁO CƯỚI
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu với chúng ta hai hình ảnh lôi kéo sự chú ý của chúng ta, đó là tiệc cưới và áo cưới. Chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa của những hình ảnh này.
1. Bữa tiệc trong Kinh Thánh
Trong các nền văn hóa, tiệc tùng, ăn uống đóng vai trò quan trọng trong đời sống nhân sinh. Người Pháp có câu: “On s’attache par le repas,” nghĩa là người ta gắn bó với nhau qua bữa ăn. Quả thế, bữa ăn là nơi gặp gỡ, chia sẻ và sống thân tình với nhau. Bữa ăn cũng nơi bày tỏ quý mến với nhau chứ không phải là nơi tranh cãi và chửi bới nhau, như cha ông ta đã khôn ngoan dặn dò: “Trời đánh tránh bữa ăn.”
Hình ảnh bữa ăn hay bữa tiệc cũng được Kinh Thánh nhiều lần nói tới. Cựu Ước nói tới bữa ăn mà tổ phụ Ápbraham khoản đãi ba người khách lạ dưới lều vải ở Mamrê (x. St 18,1-8), hay như hình ảnh bữa tiệc được tiên tri Isaia loan báo trong bài đọc I (x. Is 25,6-10). Tân Ước cũng nói nhiều đến bữa tiệc như bữa tiệc người cha già tổ chức mừng người con đi hoang trở về (x. Lc 15,22-32). Những biến cố lớn liên quan đến Chúa Kitô đều gắn liền với bữa tiệc như Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai với việc đến dự tiệc cưới ở Cana (x. Ga 2,1-10); Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để thiết đãi dân chúng ăn no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá (x. Ga 6,5-15). Trước khi đi chịu tử nạn, Chúa Giêsu đã dự Tiệc Ly với các môn đệ (x. Ga 13,1-15). Sau khi phục sinh, Người dọn bữa ăn cho các môn đệ sau một đêm lao lực (x. Ga 21,1-14). Như thế, bữa ăn và bữa tiệc là “môi trường” Kinh Thánh.
Trở lại với bài đọc I, với ngôn ngữ khải huyền hướng về tương lai, tiên tri Isaia nói tới việc Thiên Chúa sẽ thiết đãi muôn dân một bữa tiệc:
“Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25,6).
Trong một bối cảnh mà dân Do Thái đang bị lưu đày ở Babilon, vua Ba Tư là Cyrus đã ký sắc lệnh cho họ trở về để tái thiết cuộc sống mới ở Giêrusalem. Viễn tượng mới mà Isaia mô tả chan chứa niềm vui, hy vọng và hạnh phúc mà Thiên Chúa sẽ ban cho dân Người, trong đó, mọi người sẽ được ăn uống no nê, có một cuộc sống bình an, ổn định, Thiên Chúa sẽ lau khô mọi dòng lệ và xóa tan mọi nỗi ô nhục của họ. Đó là hình ảnh tiên báo về Nước Trời được Đức Giêsu rao giảng và thực hiện với sự xuất hiện của Người như được nói trong bài Tin Mừng.
2. Tiệc cưới theo Chúa Giêsu
Trước hết, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn tiệc cưới để diễn tả chân lý này: Thiên Chúa muốn ban hạnh phúc Nước Trời cho dân Do Thái, dân riêng, nhưng tiếc rằng họ là những người khách được mời đã từ chối lời mời gọi của Chúa và viện cớ vì nhiều lý do khác nhau, “kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết” (Mt 22,5-6). Họ là đại diện cho tất cả những ai đã ưa chuộng và chạy theo những giá trị trần gian mà khước từ những giá trị đạo đức và vĩnh cửu của Nước Trời. Trước sự từ chối đó, ông chủ đã sai các đầy tớ ra các ngã đường, gặp ai cũng mời vào tiệc cưới, bất luận tốt xấu, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách (x. Mt 22,5-10).
Qua đó, dụ ngôn muốn nói rằng: Bữa tiệc nói lên tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho dân Người. Bữa tiệc cũng là hình ảnh để diễn tả ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho con người. Đây cũng là hình ảnh tiên báo về bí tích Thánh Thể, là bữa tiệc mà Thiên Chúa sẽ thiết đãi dân Người trong giao ước mới. Thiên Chúa đã ký kết giao ước hôn phối với loài người qua Con Một chí ái của Người. Qua giao ước này, Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người vào dự tiệc cưới đó. Điều đó cho thấy rằng Thiên Chúa muốn cứu độ hết mọi người. Ơn cứu độ mà Chúa Kitô mang lại là phổ quát, chứ không chỉ dành cho một số người được ưu tiên và xứng đáng. Như thế, Thiên Chúa không chỉ mời gọi mọi người vào làm việc trong vườn nho của Chúa, nhưng còn mời gọi họ vào tận hưởng niềm vui cứu độ trong tiệc cưới với Chúa Con. Hạnh phúc cho những ai được mời vào dự tiệc cưới của Chúa!
3. Áo cưới
Như thế cho thấy Thiên Chúa quảng đại mời hết mọi người vào tham dự tiệc cưới. Tuy nhiên, ở phần cuối bài Tin Mừng, có một chi tiết cần phải dừng lại để suy nghĩ, đó là chi tiết: “Nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới” (Mt 22,11), ông thắc mắc và lệnh bắt người đó và quăng vào chỗ khóc lóc nghiến răng (x. Mt 22,12-14). Chi tiết này làm chúng ta phải ngạc nhiên và xem ra bất công, bởi lẽ, ban đầu nhà vua bắt các đầy tớ ra đường đột xuất mời người ta vào dự tiệc, giờ sao lại bắt nạt người này không có áo cưới. Nhưng cần lưu ý rằng đây là chi tiết mang tính dụ ngôn và biểu tượng. Theo đó, áo cưới đây muốn ám chỉ đến những điều kiện tối thiểu mà người dự tiệc phải có khi vào dự tiệc theo phong tục Do Thái. Điều đó muốn nói rằng, một đàng, Thiên Chúa muốn ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người, nhưng đàng khác, những ai được mời vào dự tiệc phải có sự đáp trả, chuẩn bị chiếc áo cưới của mình, để xứng đáng dự tiệc cưới.
Chiếc áo cưới ở đây là biểu tượng của sự đáp trả cách tự do của mỗi người trước phần rỗi mình. Đây là điều kiện cần thiết để được cứu độ và để dự tiệc cưới Nước Trời. Như thánh Augustinô nói:
“Thiên Chúa sáng tạo nên con, không cần có con, nhưng để cứu độ con, thì cần có con cộng tác.”
Theo chiều hướng đó, thánh Phaolô nói đến một chiếc áo mà mỗi người Kitô phải mặc, đó chính là Đức Kitô. Ngài mời gọi:
“Anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” (Rm 13,14).
Mặc áo xanh hay mặc áo đỏ, mặc áo nọ mặc áo kia, nhưng ta tin rằng ta đẹp nhất khi ta mặc áo Chúa Kitô. Nơi khác, thánh Phaolô khích lệ:
“Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô” (Pl 2,5).
Nghĩa là phải từ bỏ những thói quen của con người cũ, canh tân và mặc lấy con người mới là Chúa Kitô (x. Ep 4,22-24). Chính ngài đã để cho Chúa Kitô sống và hướng dẫn ngài, nên ngài chia sẻ nơi bài đọc II:
“Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng thiếu, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu đựng được hết” (Pl 4,12-13).
Thánh Grêgiôriô Cả giải thích theo một chiều hướng khác:
“Áo cưới đây chính là lòng bác ái. Bởi vì Đấng Cứu Độ chúng ta đã mặc áo đó khi Người đến để kết hợp với Giáo Hội như là hiền thê của mình.”
Theo ý nghĩa này, áo cưới chính là lòng bác ái và những việc lành mà chúng ta thực hiện đối với tha nhân, nhất là với những người nghèo khổ. Vì ngày phán xét, Thiên Chúa chỉ xét xử chúng ta dựa trên tình yêu và lòng bác ái đối với tha nhân (x. Mt 25,31-46). Đó là áo cưới mà mỗi người cần có để mặc trong tiệc cưới cánh chung. Nếu không có bác ái là không visa, không có áo cưới để dự tiệc cưới, chúng ta sẽ bị đuổi ra ngoài, phải chịu cảnh khóc lóc và nghiến răng.
Như thế, Lời Chúa hôm nay một đàng mời gọi chúng ta xác tín vào ý định của Thiên Chúa là muốn cứu độ hết mọi người, và đàng khác, nhắc nhở chúng ta ý thức bổn phận của mình để cộng tác với ơn Chúa, biết chuẩn bị cho mình chiếc áo cưới đẹp nhất, bằng những việc bác ái để xứng đáng dự tiệc cưới Nước Trời mai sau. Amen!
ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
07:21 10/10/2023
22. Đức khiết tịnh là một viên ngọc quý rất đắt tiền, người có vàng bạc đá quý thì không muốn đem tài sản phúc lộc của họ đi khoe với kẻ trộm.
(Thánh Ioannes Bosco)Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"
------------
http://www.vietcatholicnews.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
07:28 10/10/2023
71. GẬY TRÚC CẦM TAY
Trong chùa Cam Lộ ở châu Nhuần có một nhà sư đạo hạnh rất cao.
Thừa tướng Lý Đức Dụ đi điều tra châu Nhuần, gặp cao tăng bèn tặng cho ông ta một cái gậy trúc cầm tay. Cây gậy này được sản xuất ở nước Đại Uyển thuộc Tây Vực, cứng và vuông, là một sản phẩm hiếm có. Cách nhiều năm sau, Lý Đức Dụ lại tái ngộ với vị cao tăng ấy lần nữa, thì hỏi:
- “Trúc huynh có nhà không?”
Cao tăng đáp:
- “Cho đến hôm nay vẫn trân trọng giữ gìn”.
Nói xong lấy ra cái gậy đã được bào tròn và sơn phết, Lý Đức Dụ liên tục nói tiếc thật tiếc thật.
Lúc đó có người không hiểu được cây gậy ấy có chỗ nào là quý báu bèn cười nhạo nói:
- “Gọt tròn như cây gậy trúc, sơn thì giống như cây đàn vân bị gảy”.
((Cổ kim tiếu sử)
Suy tư 71:
Cũng là cây gậy trúc nhưng người có con mắt mỹ thuật thì nhìn nó có dáng nghệ thuật, người có học quyền cước thì coi nó như cây gậy côn làm vũ khí rất tiện, tóm lại cây gậy trúc nó sẽ là như thế nào thì tùy thuộc người sử dụng nó.
Cây gậy trúc của nước Đại Uyển cứng và vuông là sản phẩm hiếm có, nhưng đã trở nên tầm thường trong tay nhà sư.
Con người là cây gậy trúc trong tay của Thiên Chúa, và với nhãn quang của Thiên Chúa thì con người là tạo vật rất tốt lành của Ngài, cho nên Ngài rất trân trọng từng người một; nhưng nếu con người ở trong tay ma quỷ thì sẽ trở thành công cụ làm những điều gian ác thất đức cho tha nhân và anh chị em mình, bởi vì dưới cái nhìn của ma quỷ, con người là tạo vật được Thiên Chúa yêu thương nên cần phải làm cho nó trở nên xấu xí mất ơn nghĩa và xa lìa Thiên Chúa…
Cây gậy, dù nó quý hiếm hay không thì cũng là cây gậy rất có ích cho người già cũng như người mù. Cũng vậy, người anh em chị em chúng ta, dù họ tốt hay xấu thì cũng vẫn là con cái Thiên Chúa, nhưng trong cuộc sống đời thường cũng có những người Ki-tô hữu tự hào mình có ơn Chúa Thánh Thần, nhưng vẫn cứ nhìn họ như những con quỷ dữ phá hoại âm mưu đen tối của mình…
Gậy vuông gậy tròn không quan trọng, chỉ sợ chúng ta nhìn tâm hồn của tha nhân vuông ra tròn và tròn ra vuông mà thôi…
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholicnews.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Trong chùa Cam Lộ ở châu Nhuần có một nhà sư đạo hạnh rất cao.
Thừa tướng Lý Đức Dụ đi điều tra châu Nhuần, gặp cao tăng bèn tặng cho ông ta một cái gậy trúc cầm tay. Cây gậy này được sản xuất ở nước Đại Uyển thuộc Tây Vực, cứng và vuông, là một sản phẩm hiếm có. Cách nhiều năm sau, Lý Đức Dụ lại tái ngộ với vị cao tăng ấy lần nữa, thì hỏi:
- “Trúc huynh có nhà không?”
Cao tăng đáp:
- “Cho đến hôm nay vẫn trân trọng giữ gìn”.
Nói xong lấy ra cái gậy đã được bào tròn và sơn phết, Lý Đức Dụ liên tục nói tiếc thật tiếc thật.
Lúc đó có người không hiểu được cây gậy ấy có chỗ nào là quý báu bèn cười nhạo nói:
- “Gọt tròn như cây gậy trúc, sơn thì giống như cây đàn vân bị gảy”.
((Cổ kim tiếu sử)
Suy tư 71:
Cũng là cây gậy trúc nhưng người có con mắt mỹ thuật thì nhìn nó có dáng nghệ thuật, người có học quyền cước thì coi nó như cây gậy côn làm vũ khí rất tiện, tóm lại cây gậy trúc nó sẽ là như thế nào thì tùy thuộc người sử dụng nó.
Cây gậy trúc của nước Đại Uyển cứng và vuông là sản phẩm hiếm có, nhưng đã trở nên tầm thường trong tay nhà sư.
Con người là cây gậy trúc trong tay của Thiên Chúa, và với nhãn quang của Thiên Chúa thì con người là tạo vật rất tốt lành của Ngài, cho nên Ngài rất trân trọng từng người một; nhưng nếu con người ở trong tay ma quỷ thì sẽ trở thành công cụ làm những điều gian ác thất đức cho tha nhân và anh chị em mình, bởi vì dưới cái nhìn của ma quỷ, con người là tạo vật được Thiên Chúa yêu thương nên cần phải làm cho nó trở nên xấu xí mất ơn nghĩa và xa lìa Thiên Chúa…
Cây gậy, dù nó quý hiếm hay không thì cũng là cây gậy rất có ích cho người già cũng như người mù. Cũng vậy, người anh em chị em chúng ta, dù họ tốt hay xấu thì cũng vẫn là con cái Thiên Chúa, nhưng trong cuộc sống đời thường cũng có những người Ki-tô hữu tự hào mình có ơn Chúa Thánh Thần, nhưng vẫn cứ nhìn họ như những con quỷ dữ phá hoại âm mưu đen tối của mình…
Gậy vuông gậy tròn không quan trọng, chỉ sợ chúng ta nhìn tâm hồn của tha nhân vuông ra tròn và tròn ra vuông mà thôi…
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholicnews.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Không thể thân tình hơn
Lm. Minh Anh
14:57 10/10/2023
KHÔNG THỂ THÂN TÌNH HƠN
“Lạy Cha chúng con!”.
Mọi người đều cần sự công nhận cho thành tích của mình, nhưng ít ai nói rõ nhu cầu này! Một cậu bé nói với cha, “Ba ơi, hãy chơi phi tiêu! Con ném tốt, ba sẽ la lên, “Tuyệt vời!”; và con thích nhất, mỗi khi con ném trật, ba cười rồi hét lên, “Gần trúng!””.
Kính thưa Anh Chị em,
“Gần trúng!”, dễ thương làm sao! Lời Chúa hôm nay cho thấy một điều gì đó ‘không thể thân tình hơn’ giữa Thiên Chúa và con người. Đó là sự thân tình giữa một tương quan Cha - con; tương quan giữa một người bạn với một người bạn!
Bài đọc Giôna tường thuật cuộc tranh luận khó tin của một Thiên Chúa với một phàm nhân. Giôna, một kẻ vừa được cứu và một lần nữa được sai đi Ninivê; đến nơi, thấy bao điều xấu xa, ông giận dữ và xin được chết đi nếu Chúa tha cho thành. Chúa phân trần, “Ngươi nổi giận như thế có lý không?”. Và dẫu ‘không dám’ trách Giôna nửa lời, Ngài thuyết phục ông. Ngài cho một cây thầu dầu mọc lên, che nắng cho ông; sau đó, sai một con sâu cắn ngang, cây khô héo và giải thích, “Ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó… Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ninivê?”. Giôna phải học biết Ngài, Đấng “chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín” như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ.
Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho thấy sự thân tình đó khi dạy các môn đệ cầu nguyện với kinh Lạy Cha. Thánh Anrê Bessette nói, “Khi bạn thưa lên ‘Lạy Cha’, tai của Thiên Chúa chạm xuống môi bạn!”; Têrêxa Ávila, “Nhiều điều đã xảy ra tức khắc, bây giờ và sau đó, chỉ bởi một lời ‘Lạy Cha’ cất lên từ trái tim!”; Têrêsa Hài Đồng Giêsu, “‘Lạy Cha’, một lời cầu nguyện khi linh hồn tôi cằn cỗi đến nỗi không có một suy nghĩ nào đáng giá!”. Trong Thánh Lễ, mời dân Chúa cầu nguyện với kinh Lạy Cha, linh mục xướng, “Chúng ta dám nguyện rằng”. Đó là một lời mời gọi khá liều lĩnh khi con người dám thưa lên với Thiên Chúa một danh xưng ‘không thể thân tình hơn’.
Chúa Giêsu muốn chúng ta táo bạo như Giôna, mạnh dạn như chính Ngài, dám gọi Thiên Chúa là Cha, là bạn, hầu đến bên Ngài với sự tự tin của một em bé. Em bé không sợ; đúng hơn, có niềm tin lớn nhất rằng, cha mẹ yêu chúng dù chúng thế nào! Cả khi có lỗi, chúng biết, chúng vẫn được yêu. Đây phải là ý thức căn bản khởi đầu cho mọi giờ, mọi phút, mọi khi cầu nguyện!
Anh Chị em,
“Lạy Cha chúng con!”; “Con thích nhất mỗi khi con ném trật, ba cười rồi hét lên, “Gần trúng!””. Điều cậu bé thích nhất nơi cha mình cũng là điều Cha trên trời thích nhất nơi bạn và tôi; Ngài ước mong tương quan với mỗi người chúng ta như thế đó! Nhờ Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần trợ giúp, chúng ta biết mình có một người Cha, “Abba”, không quá xa, nhưng rất gần gũi, thấu hiểu, đầy cảm thông. Một Thiên Chúa dạy dỗ, uốn nắn, qua đối thoại, qua các biến cố với những ‘cây thầu dầu’ bất chợt. Ngài ước trở nên bạn bè, Cha con với chúng ta. Chớ gì bạn và tôi biết dành cho Ngài một chỗ trong tim, để Ngài có thể thật sự là Chúa, là Thầy, là bạn và là Cha của mình.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con thường ‘ném trật’, Chúa thường vờ khen. Cho con mỗi ngày và từng ngày, chỉ tìm làm vui lòng Chúa!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin tức về Thượng Hội Đồng thường lệ lần thứ 16
Vũ Văn An
14:06 10/10/2023
Thượng Hội đồng, ngày 6 tháng 10: cuộc thảo luận về chủ đề thứ nhất sắp kết thúc; Người phát ngôn của Vatican cho biết những người tham gia có thể nói chuyện với giới truyền thông
Theo bản tin của hãng Catholic World News ngày 07 tháng 10 năm 2023, vào ngày 6 tháng 10, những người tham gia Thượng hội đồng đã tập trung lại để nghe báo cáo từ các nhóm làm việc nhỏ (circuli Minores) về kết quả thảo luận của họ về đơn vị thảo luận đầu tiên của Thượng hội đồng, “Đối với một Giáo hội đồng nghị: Một kinh nghiệm toàn diện.”
Đơn vị đầu tiên của Thượng hội đồng hướng dẫn nghị trình của Thượng hội đồng cho đến ngày 7 tháng 10. Phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng kết thúc vào ngày 29 tháng 10; kết quả của phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng sẽ hình thành chương trình nghị sự cho phiên họp thứ hai vào tháng 10 năm 2024.
Theo quy định của Thượng Hội đồng, mỗi nhóm nhỏ đưa ra một báo cáo dài hai trang được đa số thành viên của nhóm chấp thuận. Mỗi nhóm bầu ra một tường trình viên để trình bày báo cáo của nhóm, với thời hạn ba phút cho mỗi báo cáo viên trình bầy. 18 trong số 35 nhóm đã trình bày báo cáo của họ vào ngày 6 tháng 10 tính đến thời điểm Catholic World News ra báo, và 22 người tham gia thượng hội đồng đã trình bầy các đóng góp cá nhân.
Trong các triều giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, các bài phát biểu của các Nghị phụ Thượng Hội đồng thường được công bố khi các Thượng hội đồng khác nhau diễn ra. Dưới thời Đức Phanxicô, các Thượng hội đồng trở nên kém minh bạch và bảo mật hơn: nhưng trong các Thượng Hội Đồng trước đây, tuy các can thiệp không được công bố, nhưng các báo cáo của các nhóm làm việc được công bố, và những người tham gia Thượng hội đồng được tự do phát biểu với báo chí. Trái lại Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị là kém minh bạch nhất trong ký ức gần đây: các can thiệp không được công bố, báo cáo của các nhóm làm việc riêng lẻ không được công bố, và Đức Giáo Hoàng yêu cầu giới truyền thông “kiêng khem”.
Do đó, cuộc họp báo hàng ngày của Thượng Hội đồng, do Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và chủ tịch Ủy ban Thông tin của Thượng hội đồng chủ trì, đã trở thành nguồn thông tin chính về các cuộc thảo luận của các tham dự viên Thượng Hội đồng.
Cuộc họp báo
Trong cuộc họp báo ngày 6 tháng 10, Ruffini đã liệt kê nhiều chủ đề được các tham dự viên Thượng Hội đồng thảo luận:
• “việc đào tạo mọi người, bắt đầu từ các chủng sinh, sau đó đến các linh mục, giáo dân và giáo lý viên”
• “Giáo Hội như một gia đình, nơi mọi người đều có một chỗ”
• người cầu nguyện
• “vai trò của phụ nữ, của giáo dân, của các thừa tác vụ thụ phong và không thụ phong”
• tính trung tâm của Bí tích Thánh Thể và Lời Chúa
• tầm quan trọng của người nghèo “như một lựa chọn của Giáo hội”
• di cư: “nhu cầu đồng hành với những người di cư và viêc phục vụ của giám mục như các mục tử là nền tảng của việc đồng hành này”
• lạm dụng
• Kitô hữu bị bách hại
• “sửa đổi các cơ cấu của Giáo hội như Bộ Giáo luật, quy mô của Giáo triều và, một lần nữa, việc đào tạo”
• “tầm quan trọng của việc cổ vũ vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và sự tham gia tích cực của họ vào các tiến trình khác nhau”
• “mối quan hệ Đông-Tây, trích dẫn Đức Gioan Phaolô II và câu nói lịch sử của ngài về việc Giáo hội phải thở bằng ‘hai lá phổi’”
• giới trẻ
• Ukraine—một đề cập đã được hoan hô nhiệt liệt, theo lời Ruffini,
• “chủ đề sửa chữa Giáo hội xuất hiện … Những người dấn thân phục vụ sẽ sửa chữa Giáo hội, phục vụ việc chẩn đoán và tiên đoán bệnh và đọc các dấu chỉ của thời đại với một trái tim trong sạch”
• “tầm quan trọng của việc tước bỏ mọi thứ không giống Chúa Kitô khỏi chúng ta, như một Giáo hội và như các tín hữu” cũng như mọi thứ “không phù hợp với Tin Mừng”
• nguy cơ “tích lũy quyền lực thay vì nhu cầu sống phục vụ”
Sheila Pires, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Công Giáo Nam Phi, cũng tham gia cuộc họp báo. Bà nói về sự thân thiện và lắng nghe lẫn nhau giữa những người tham gia Thượng Hội đồng và nói rằng họ đã thảo luận về “Giáo hội như một gia đình chào đón tất cả mọi người”.
Ruffini nói thêm rằng một cuốn sách về sự thánh thiện và tham nhũng sẽ được trao cho những người tham gia Thượng Hội đồng. Cuốn sách bao gồm hai bản văn: một bản được viết bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi làm giáo hoàng, bản kia được ngài viết trước khi ngài trở thành Giáo hoàng.
Các cuộc phỏng vấn báo chí
Theo quy định của Thượng Hội đồng, “mỗi người tham gia đều phải bảo mật và thận trọng về những lên tiếng của chính họ cũng như những lên tiếng của những người tham gia khác”. Việc bảo mật này đã được Đức Phanxicô đề cập tới trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp.
Vào ngày 5 tháng 10, Đức Hồng Y Gerhard Müller, một người tham gia Thượng hội đồng và là nguyên bộ trưởng của Bộ Giáo lý Đức tin (2012-2017), đã xuất hiện trên EWTN—dẫn đến cáo buộc rằng vị giáo phẩm cao cấp này đã thách thức Đức Phanxicô. Ruffini làm rõ rằng những người tham gia Thượng Hội đồng có quyền tự do sử dụng sự thận trọng của mình khi nói chuyện với báo chí.
Ruffini nói, Thượng Hội đồng là thời gian “phân định trong im lặng. Không có hiến binh nào trừng phạt bạn... Đó là một phiên họp của các anh chị em, những người đã tự dành cho mình một thời gian đình chỉ. Có một sự phân định bản thân mà Đức Giáo Hoàng yêu cầu đối với các thành viên, cũng như đối với các bạn [các nhà báo] trong việc giải thích những gì chúng ta đang nói đến.”
Ruffini nói: “Sự phân định này được dành cho mỗi người”.
Hãng EWNT phỏng vấn Đức Hồng Y Muller
Theo tạp chí National Catholic Reporter, Đức Hồng Y Muller đã thách thức Đức Phanxicô khi xuất hiện trên Đài truyền hình EWNT để được Raymond Arroyo của chương trình “The World Over” phỏng vấn. Ngài vốn là một tham dự viên Thượng Hội Đồng do chính Đức Phanxicô đề cử.
Tuy nhiên, tạp chí này cho hay vị giáo phẩm này “bày tỏ lạc quan về việc khai mở hội nghị thượng đỉnh có nhiều thách thức này”. Ngài nói: “Tôi có… một hình thức lạc quan nào đó, nhưng cuối cùng chúng ta phải chờ xem nó sẽ đi theo hướng nào và đâu sẽ là các quyết định đàng sau sân khấu. Đó luôn là vấn đề”. Dù sao, ngài cho hay: các cuộc đàm luận quanh bàn của ngài tại Thượng Hội Đồng “rất tốt”.
Thượng Hội đồng, ngày 7-8 tháng 10: các nhóm làm việc nộp báo cáo đầu tiên; Đức Hồng Y Cộng hòa Dân chủ Congo nhấn mạnh việc lắng nghe, phân định
Bản tin của Catholic World News ngày 09 tháng 10 năm 2023 cho hay: Giai đoạn đầu tiên của của phiên họp toàn thể thường lệ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục đã kết thúc vào ngày 7 tháng 10 khi mỗi nhóm trong số 35 nhóm làm việc đệ trình báo cáo của mình cho văn phòng tổng thư ký Thượng Hội đồng, do Đức Hồng Y Mario Grech chủ trì.
Các báo cáo đã tóm tắt cuộc thảo luận của mỗi nhóm làm việc về đơn vị đầu tiên của Thượng Hội đồng, “Đối với một Giáo hội có tính đồng nghị: Một kinh nghiệm toàn diện”, hướng dẫn cuộc thảo luận trong bốn ngày đầu tiên của Thượng hội đồng. Phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng đã bắt đầu vào ngày 4 tháng 10 và sẽ kết thúc vào ngày 29 tháng 10; kết quả của phiên họp đầu tiên này sẽ tạo nghị trình cho phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng vào tháng 10 năm 2024.
Với việc Thượng hội đồng về tính đồng nghị là hội đồng bảo mật nhất—và kém minh bạch nhất—trong nhiều thập niên, Vatican đã không công bố báo cáo của các nhóm làm việc. Thay vào đó, Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Chủ tịch Ủy ban Thông tin của Thượng Hội đồng, đã nhấn mạnh các chủ đề của các báo cáo trong cuộc họp báo ngày 7 tháng 10.
Cuộc họp báo
Ruffini đề cập rằng các chủ đề sau đây đã được đề cập trong báo cáo của các nhóm làm việc, theo bản tóm tắt của Vatican News về nhận xét của ông:
• “đào tạo linh mục ở mọi bình diện, ở chủng viện, ở gia đình”
• “đồng trách nhiệm giữa tất cả những người đã được rửa tội”
• “làm thế nào phẩm trật có thể tự đặt mình vào trong sự hiệp thông [giáo hội]”
• nhu cầu “thăm dò thuật ngữ tính đồng nghị từ quan điểm từ vựng trong các ngôn ngữ khác nhau”
• “nhu cầu thu hút giới trẻ cũng được nhấn mạnh, với các báo cáo tập chú, chẳng hạn, vào việc xem xét thực tại kỹ thuật số hiện đại, chuyển từ khái niệm quyền lực sang khái niệm phục vụ, và tránh mọi hình thức giáo sĩ trị”
• “vai trò của giáo dân và phụ nữ trong sự hiệp thông giáo hội”
• “làm thế nào Giáo hội có thể phục vụ người nghèo và người di cư”.
• “Mối quan hệ giữa hai ‘lá phổi’ của Giáo hội, lá phổi của phương Đông và lá phổi của phương Tây”
Lắng nghe và biện phân, không phải “các giải pháp”; độc lập đồng nghị
Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu, OFM Cap, của Kinshasa (Cộng hòa Dân chủ Congo), Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SECAM), cũng đã phát biểu tại cuộc họp báo ngày 7 tháng 10.
Ngài nói, “Có rất nhiều người tin rằng thượng hội đồng này sẽ mang lại các giải pháp cho mọi vấn đề. Nhưng thượng hội đồng sẽ xác định cách mới để 'làm' Giáo Hội, cách thức mới để tiếp cận các vấn đề, vấn đề là gì nhưng cũng như cách chúng ta sẽ tiếp cận vấn đề đó theo tinh thần đồng nghị”.
Edward Pentin của National Catholic Register đã hỏi Đức Hồng Y Ambongo về việc chúc lành cho các cuộc kết hợp đồng tính. Vị giáo phẩm trả lời:
"Chà, trước hết, chúng ta ở đây để tham dự một thượng hội đồng về tính đồng nghị và tôi không muốn chúng ta lạc khỏi chủ đề về tính đồng nghị. Tính đồng nghị là một cách thức mới để Giáo hội cùng nhau bước đi, tay trong tay, hướng tới bờ biển nơi Chúa đang chờ đợi chúng ta. Đây chính là ý nghĩa của tính đồng nghị. Làm thế nào chúng ta có thể cùng nhau bước tới bờ biển nơi Chúa đang chờ đợi chúng ta, và khi cùng nhau bước đi, chúng ta có thể đối mặt với những câu hỏi mà chúng ta phải đối mặt, và nếu một trong những vấn đề chúng ta phải đối mặt liên quan đến câu hỏi về LGBT và tất cả những vấn đề đó—đồng tính luyến ái? Nhưng khi thời điểm đến, chính Chúa, qua sự phân định tập thể, sẽ cho chúng ta biết phương hướng để đi theo. Nhưng vào thời điểm này, tôi không muốn rơi vào cái có thể được gọi là quan điểm cá nhân bởi vì điều đó sẽ đi chệch khỏi tinh thần đồng nghị".
Trả lời một câu hỏi khác, Đức Hồng Y Ambongo phủ nhận rằng Thượng Hội đồng đang được quản lý bởi văn phòng tổng thư ký Thượng Hội đồng nhưng bảo vệ quyết định không công bố báo cáo của các nhóm làm việc.
Ngài nói: “Không phải văn phòng thư ký Thượng Hội đồng quyết định hay thực hiện Thượng hội đồng. Sẽ có sự tổng hợp của tất cả các báo cáo. Chỉ xem xét một báo cáo có nghĩa là đi ra khỏi tính đồng nghị”.
Đức Hồng Y Ambongo, người đã tham dự Thượng Hội đồng Amazon năm 2019, nói thêm rằng trong các Thượng hội đồng trước đó, “chúng ta ít nhiều đã biết mọi thứ sẽ kết thúc như thế nào. Nhưng Thượng Hội Đồng này thì không.”
Sơ Leticia Salazar, một người tham gia Thượng Hội đồng và là Chưởng ấn Giáo phận San Bernardino (CA), cũng tham gia buổi họp báo.
Bà nói: “Tính đồng nghị không phải là một khái niệm. Đó là trải nghiệm được lắng nghe hoặc được hòa nhập.”
Bà nói tiếp: “Tôi di cư sang Hoa Kỳ năm 17 tuổi cùng với gia đình. Và khi bạn đến một đất nước mới, đức tin nâng đỡ bạn, nhưng Giáo hội chào đón bạn. Và tôi nghĩ đó chính là những gì đã xảy ra với tôi và gia đình tôi ở Hoa Kỳ và ở California”.
Bà nói, Thượng Hội đồng đang phân định “làm thế nào để trở thành một Giáo hội chào đón, một Giáo hội lắng nghe, vốn là những đặc điểm của một Giáo hội đồng nghị”.
Không có cuộc họp Thượng Hội đồng nào được tổ chức vào Chúa nhật ngày 8 tháng 10; các cuộc thảo luận tiếp tục vào ngày 9 tháng 10.
Quan niệm Chính Thống Giáo Đông Phương về Các Thượng Hội Đồng
Theo hãng tin CNA, Tổng Giám Mục Job, Giám Mục Chính Thống Giáo Đông Phương của Pisidia, tham gia Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị trong tư cách đại biểu anh em, ngày 9 tháng 10, đã ngỏ lời với Thượng Hội Đồng, cho hay: định nghĩa tính đồng nghị của phiên họp tháng 10 “rất khác với” cách hiểu của Chính Thống Giáo.
Dựa vào Công Đồng Nixêa năm 325 và Qui điển Tông Đồ (Apostolic Canons), một bản văn thế kỷ thứ tư, ngài nói, “Thượng Hội Đồng là cuộc hội họp nghị bàn của các Giám Mục, chứ không phải phiên họp tham vấn của giáo sĩ và giáo dân”.
Đó là điểm thứ nhất. Ngoài ra, “không thể có một Thượng Hội Đồng nếu không có một vị thứ nhất (protos), và không thể có một vị thứ nhất nếu không có một Thượng Hội Đồng. Vị thứ nhất là thành phần của Thượng Hội Đồng; ngài không có thẩm quyền cao hơn Thượng Hội Đồng, nhưng ngài cũng không bị loại khỏi Thượng Hội Đồng. Sự hòa hợp (homonoia) được phát biểu qua đồng thuận Thượng Hội Đồng phản ảnh mầu nhiệm Ba Ngôi của sự sống thần linh”.
Ngài nói thêm: “chính qua thực hành tính đồng nghị này…mà Giáo Hội Chính Thống Giáo đã được quản trị qua nhiều thế kỷ cho tới ngày nay, mặc dù tần số và thành phần của các Thượng Hội Đồng có thể thay đổi từ Giáo Hội tự trị này qua Giáo Hội tự trị nọ”.
Ngài thừa nhận đã có “những hoàn cảnh chính trị nào đó” khiến Giáo Hội Chính Thống không hoàn toàn tuân theo công thức trên, và đã bao gồm cả giáo dân vào diễn trình ra quyết địnhh trong một số dịp chuyên biệt, như trong Giáo Hội Sýp, nơi hàng giáo dân can dự vào giai đoạn đầu tiên của diễn trình bầu Giám Mục.
Ngài nói thêm: “trường hợp Giáo Hội Sýp tạo nên trường hợp ngoại thường trong Chính Thống Giáo đương thời, chứ ngoài ra, thực hành đồng nghị hàm nghĩa độc quyền là phiên họp của các Giám Mục”. Ngài đơn cử Thượng Hội Đồng tại Crete năm 2016 tuy có 62 cố vấn là giáo sĩ, đan sĩ và giáo dân, nhưng không có quyền lên tiếng và bỏ phiếu.
Cha Giám đốc phụ trách Thánh địa chia sẻ: Lo âu ngày càng tăng rằng các Kitô hữu ở Gaza sẽ biến mất
Thanh Quảng sdb
15:59 10/10/2023
Cha Giám đốc phụ trách Thánh địa chia sẻ: Lo âu ngày càng tăng rằng các Kitô hữu ở Gaza sẽ biến mất
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ L'Osservatore Romano, Cha Giám đốc trông coi ở Thánh Địa, Cha Francesco Patton, OFM cho hay về tình hình bi thảm ở Thánh địa, đặc biệt là ở Dải Gaza, và mối quan tâm của cha đối với tương lai của các Kitô hữu ở Gaza sau khi chiến tranh bùng nổ.
(Roberto Cetera - L'Osservatore Romano)
Cha Patton cho biết ở Gaza bây giờ, theo thông tin mà chúng tôi biết là những người Công Giáo được an toàn “Đặc biệt ở Gaza, nơi cộng đồng Kitô giáo là một cộng đồng rất nhỏ, tôi lo sợ rằng vì chiến tranh, có nguy cơ là cộng đồng Kitô hữu ở Gaza sẽ biến mất. Tôi hy vọng là không. Nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu các Kitô hữu vẫn ở lại đây. Thực sự chúng tôi không biết diễn biến trong những ngày tới sẽ ra sao!...”
Như thời đại dịch
Cha Patton cho biết tình hình ở Jerusalem hiện tại là bất thường, rất ít người đi ra ngoài đường phố.
Cha cho hay: “Tình hình ở Thành phố Cổ vào thời điểm này thật kỳ lạ, không có bóng người trên các đường phố, chỉ có cảnh sát và lính gìn giữ an ninh”. Tình hình giống như “quay lại thời điểm xảy ra đại dịch trước đây”.
Vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất vào Israel trong lịch sử hiện đại
Cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 của Hamas đã khiến Israel đưa ra lời tuyên chiến chính thức.
Hoạt động quân sự trên bộ, trên biển và trên không của tổ chức Hồi giáo Palestine được coi là dốc toàn lực tấn công, gây nên cuộc khủng bố nguy hiểm nhất trong lịch sử hiện đại nhắm vào người Israel của nước này, giết chết khoảng 900 người Israel, trong đó nhiều thường dân, và khoảng 100 người bị bắt làm con tin.
'Tình hình chiến tranh'
Cha Patton giải thích rằng những gì mà mọi người hay biết về những gì đang xảy ra đều đến từ các nguồn truyền thông, Chúng tôi “không có sự hiện diện nhiều ở Thánh địa ngoại trừ ở Jaffa và Ramle”.
Cha than thở: “Tôi nghĩ rằng tình hình, thấy từ những khuôn mặt và tiếng la vang mà chúng tôi nghe thấy, nói lên tình hình chiến tranh”. "Không phải tất cả các thành phố được an toàn vào thời điểm này."
Về tình hình ở miền nam Israel, cha Patton cho biết văn phòng của cha có rất ít thông tin vì Cơ quan quản lý Thánh địa không hiện diện ở đó.
Tuy nhiên, cha cho hay: “Tôi nghĩ rằng vào thời điểm này, tình hình không ổn”.
Những mối nguy hiểm mà các Kitô hữu ở Gaza phải đối diện
Cha Patton bày tỏ mối quan ngại cho cộng đồng Kitô giáo ở Thánh địa vào lúc này, đặc biệt là ở Dải Gaza.
“Dân số theo đạo Công Giáo là những người muốn sống chung hòa bình nhưng nguy cơ khi xảy ra xung đột, đối đầu và chiến tranh thì người theo đạo Công Giáo là nạn nhân đầu tiên trong các cuộc chiến! Một số thành viên trong cộng đồng đã di tản khỏi quê hương."
Cha nhấn mạnh: “Đặc biệt ở Gaza, nơi cộng đồng Kitô giáo là một cộng đồng rất nhỏ, tôi lo ngại rằng vì chiến tranh, nguy cơ cộng đồng Kitô giáo này sẽ biến mất. Dù tôi hy vọng điều ấy không xảy ra!”
Cha kết luận: “Thật là nguy hiểm nếu những người theo đạo Công Giáo ở lại Gaza, vì thông tin mà chúng tôi nhận được là những người Công Giáo tạm được an toàn trong giai đoạn này, nhưng diễn biến những ngày tới, thì không có gì bảo đảm!”
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ L'Osservatore Romano, Cha Giám đốc trông coi ở Thánh Địa, Cha Francesco Patton, OFM cho hay về tình hình bi thảm ở Thánh địa, đặc biệt là ở Dải Gaza, và mối quan tâm của cha đối với tương lai của các Kitô hữu ở Gaza sau khi chiến tranh bùng nổ.
(Roberto Cetera - L'Osservatore Romano)
Cha Patton cho biết ở Gaza bây giờ, theo thông tin mà chúng tôi biết là những người Công Giáo được an toàn “Đặc biệt ở Gaza, nơi cộng đồng Kitô giáo là một cộng đồng rất nhỏ, tôi lo sợ rằng vì chiến tranh, có nguy cơ là cộng đồng Kitô hữu ở Gaza sẽ biến mất. Tôi hy vọng là không. Nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu các Kitô hữu vẫn ở lại đây. Thực sự chúng tôi không biết diễn biến trong những ngày tới sẽ ra sao!...”
Như thời đại dịch
Cha Patton cho biết tình hình ở Jerusalem hiện tại là bất thường, rất ít người đi ra ngoài đường phố.
Cha cho hay: “Tình hình ở Thành phố Cổ vào thời điểm này thật kỳ lạ, không có bóng người trên các đường phố, chỉ có cảnh sát và lính gìn giữ an ninh”. Tình hình giống như “quay lại thời điểm xảy ra đại dịch trước đây”.
Vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất vào Israel trong lịch sử hiện đại
Cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 của Hamas đã khiến Israel đưa ra lời tuyên chiến chính thức.
Hoạt động quân sự trên bộ, trên biển và trên không của tổ chức Hồi giáo Palestine được coi là dốc toàn lực tấn công, gây nên cuộc khủng bố nguy hiểm nhất trong lịch sử hiện đại nhắm vào người Israel của nước này, giết chết khoảng 900 người Israel, trong đó nhiều thường dân, và khoảng 100 người bị bắt làm con tin.
'Tình hình chiến tranh'
Cha Patton giải thích rằng những gì mà mọi người hay biết về những gì đang xảy ra đều đến từ các nguồn truyền thông, Chúng tôi “không có sự hiện diện nhiều ở Thánh địa ngoại trừ ở Jaffa và Ramle”.
Cha than thở: “Tôi nghĩ rằng tình hình, thấy từ những khuôn mặt và tiếng la vang mà chúng tôi nghe thấy, nói lên tình hình chiến tranh”. "Không phải tất cả các thành phố được an toàn vào thời điểm này."
Về tình hình ở miền nam Israel, cha Patton cho biết văn phòng của cha có rất ít thông tin vì Cơ quan quản lý Thánh địa không hiện diện ở đó.
Tuy nhiên, cha cho hay: “Tôi nghĩ rằng vào thời điểm này, tình hình không ổn”.
Những mối nguy hiểm mà các Kitô hữu ở Gaza phải đối diện
Cha Patton bày tỏ mối quan ngại cho cộng đồng Kitô giáo ở Thánh địa vào lúc này, đặc biệt là ở Dải Gaza.
“Dân số theo đạo Công Giáo là những người muốn sống chung hòa bình nhưng nguy cơ khi xảy ra xung đột, đối đầu và chiến tranh thì người theo đạo Công Giáo là nạn nhân đầu tiên trong các cuộc chiến! Một số thành viên trong cộng đồng đã di tản khỏi quê hương."
Cha nhấn mạnh: “Đặc biệt ở Gaza, nơi cộng đồng Kitô giáo là một cộng đồng rất nhỏ, tôi lo ngại rằng vì chiến tranh, nguy cơ cộng đồng Kitô giáo này sẽ biến mất. Dù tôi hy vọng điều ấy không xảy ra!”
Cha kết luận: “Thật là nguy hiểm nếu những người theo đạo Công Giáo ở lại Gaza, vì thông tin mà chúng tôi nhận được là những người Công Giáo tạm được an toàn trong giai đoạn này, nhưng diễn biến những ngày tới, thì không có gì bảo đảm!”
Tuần lễ hai tại Thượng Hội Đồng: các Nghị bàn và Nghị trình giấu ẩn
Vũ Văn An
17:58 10/10/2023
Chuyên gia về Vatican, Andrea Gagliarducci, trên trang mạng của CNA ngày 9 tháng 10, 2023 tường trình về tuần lễ thứ hai của Phiên họp đầu tiên của Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị với việc cho rằng hiện có áp lực truyền thông đối với đường lối của Thượng Hội Đồng.
Thượng Hội đồng về tính đồng nghị tại Vatican sẽ có một cái nhất khác vào tuần này, khi cuộc họp chuyển từ hoạt động nhóm theo các nhóm nhỏ sang một phiên họp toàn thể - một trong những Congregationes Generales [cuộc họp toàn thể] chính thức. Cuối cùng, trong một thời gian, các nhà báo sẽ có thể theo dõi được các bài phát biểu và diễn biến thực sự trong hội trường yết kiến.
Một bài phát biểu quan trọng là lời phát biểu của Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich trong vai trò tổng tường trình viên, được đưa ra ở cuối phần thảo luận về mỗi phần của tài liệu làm việc.
Báo cáo tiếp theo – được gọi là “trình bày” trong lịch trình của Thượng Hội đồng - dự kiến vào ngày 13 tháng 10, và một báo cáo khác sẽ diễn ra vào ngày 18 tháng 10. Có khả năng những báo cáo này cũng sẽ được phát trực tiếp.
Tuần này sẽ diễn tiến với những bài phát biểu mới, nhưng cũng có những chủ đề chịu ảnh hưởng tiềm tàng từ bên ngoài, việc tìm kiếm sự hiệp thông thượng hội đồng, và những lời thì thầm về cải cách vang vọng khắp các hội trường Vatican.
Các nghị trình đang tác động?
Người ta vẫn còn lo ngại về khả năng các nhóm gây áp lực có thể làm ảnh hưởng đến tiến trình của Thượng Hội đồng. Không phải ngẫu nhiên mà Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu, tổng giám mục Kinshasa, đã tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng không ai mang theo các nghị trình nghị cá nhân của mình, chứ đừng nói đến việc cố gắng áp đặt chúng lên người khác. “Không có nghị trình nào cả; tất cả chúng ta đều là anh chị em”, vị giáo phẩm châu Phi nhắc lại.
Đức Hồng Y người Congo cũng cho biết kết quả của quá trình này sẽ “được mọi người hoan nghênh như ý muốn của Thiên Chúa”.
Bất cứ đề cập nào nói đến việc tìm kiếm sự hiệp thông tại thượng hội đồng đều không có gì đáng ngạc nhiên: Đó là một điệp khúc phổ biến trong nhiều cuộc trò chuyện bên lề, gợi lên cảm giác déjà vu [chuyện đã xẩy ra)] hay quay trở lại quá khứ.
Trước năm 2014, thuật ngữ “đồng thuận thượng hội đồng” là thuật ngữ phổ biến, với các tài liệu phải được bỏ phiếu theo từng đoạn. Việc không có được đa số 2/3 phiếu đã dẫn đến việc không công bố các tài liệu, một thực hành nhằm thúc đẩy sự hiệp thông để tránh chia rẽ.
Trong nỗ lực đạt được sự minh bạch rõ ràng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước đây đã liên tục tiết lộ tất cả các hình thức tài liệu cuối cùng và việc kiểm phiếu. Tuy nhiên, Thượng Hội đồng này sẽ đi theo một con đường khác.
Thay vì một tài liệu cuối cùng, một tài liệu tóm tắt sẽ được thực hiện, việc phê duyệt nó phụ thuộc nhiều hơn vào việc báo cáo chung kinh nghiệm của Thượng Hội đồng hơn là các chương đặc thù.
Đến tháng 10 năm 2024, sự tán thành của hội đồng đối với văn bản cuối cùng có thể làm đảo lộn tài liệu tóm tắt.
Điều gì đáng quan tâm trong tuần lễ này
Nhiều dự đoán xoay quanh những gì đang diễn ra vào chiều thứ Hai, khi ủy ban thượng hội đồng được chỉ định soạn thảo tài liệu tóm tắt để bỏ phiếu. Những kết quả này có thể cung cấp một cái nhìn sơ lược về cách thức xây dựng tài liệu hoặc ít nhất gợi ý về giọng điệu tổng thể của các văn kiện và do đó, của toàn bộ thượng hội đồng.
Theo lịch chính thức, hai điểm chính trong tài liệu làm việc sẽ được thảo luận trong tuần này:
Phần B1: “Làm thế nào chúng ta có thể trở thành dấu chỉ và công cụ đầy đủ hơn của sự kết hợp với Thiên Chúa và sự hiệp nhất của loài người?”
Phần B2: “Đồng trách nhiệm truyền giáo” với câu hỏi trọng tâm: “Làm thế nào để chia sẻ nhiệm vụ và ân sủng trong việc phục vụ Tin Mừng?”
Các nhóm làm việc nhỏ – Circuli Minores – dự kiến trình bày các can thiệp của họ vào ngày 11 tháng 10, sau đó sẽ hoàn tất và gửi báo cáo của họ cho văn phòng Tổng Thư ký vào ngày 12 tháng 10.
Quá trình lên cao điểm vào một buổi chiều rảnh rỗi dành cho một cuộc hành hương, có lẽ là đến các hang toại đạo ở Rôma. Từ ngày 13 tháng 10 trở đi, phần B2 của tài liệu làm việc sẽ được xem xét kỹ lưỡng.
Hai buổi chiều trong tuần này được dành cho “cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần”, được mô tả là thời gian phân định chung của Thượng Hội đồng. Được nêu trong các phần từ 37 đến 39 của tài liệu làm việc, tiến trình này bao gồm ba giai đoạn: cân nhắc sâu sắc trước khi phát biểu trước cộng đoàn, thinh lặng và cầu nguyện để đáp ứng yêu cầu của người khác, và một phiên họp để xác định các vấn đề chính và tạo nên sự đồng thuận chung.
“Cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần” nhằm mục đích tạo ra một tài liệu hiện thân sự đồng thuận và tinh thần cộng đồng. Liệu mục tiêu này có đạt được hay không vẫn chưa được biết. Sự kiện Đức Hồng Y Hollerich gợi ý về lộ trình cho năm tiếp theo hàm ý vào lúc này, nên thận trọng trong phỏng đoán.
Vào năm sau, những “cuộc đàm luận” này có thể tập trung vào các chủ đề chuyên biệt với trọng tâm rõ ràng hơn, mặc dù đó vẫn chỉ là lãnh vực suy đoán.
Một nghị trình cải cách bên ngoài Thượng Hội đồng?
Vào thời điểm khai mạc Thượng Hội đồng, sự nhấn mạnh vào tính bảo mật – được bày tỏ bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Hồng Y Mario Grech và Đức Hồng Y Hollerich – cho thấy mối quan ngại đối với các chương trình nghị sự do truyền thông điều khiển. Tuy nhiên, rõ ràng có những nỗ lực đang được tiến hành trong tuần này bởi một số nhóm quyền lợi nhằm thúc đẩy nghị trình tương ứng của họ, với hy vọng thay đổi chính yếu tính của Giáo Hội Công Giáo.
Các nhà cải cách tự bổ nhiệm đang chĩa mũi nhọn vào một hội nghị mang tên “Tinh thần không giới hạn” [Spirit Unbounded], dự kiến diễn ra từ ngày 8 đến ngày 14 tháng 10 và có thể truy cập trực tuyến. Hai tài liệu đóng khung sự kiện này là “bản văn Bristol” và một đề xuất cho hiến pháp của Giáo Hội Công Giáo.
Việc thăm dò Bản văn Bristol tiết lộ một nghị trình rõ ràng: Tài liệu miêu tả Giáo hội là một thực thể “thế tục”, kêu gọi “các cơ cấu dân chủ ở mọi bình diện”, vận động cho giáo luật phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, và kêu gọi cải tổ thừa tác vụ phụng vụ.
Tương tự như vậy, đề xuất một Hiến pháp cho Giáo Hội Công Giáo mang âm hưởng thế tục, vì nó phác họa một hiến pháp do con người soạn thảo. Tuy nhiên, nó tái khẳng định Tin Mừng là tài liệu tham khảo hàng đầu cho mọi Kitô hữu.
Việc thúc đẩy một Giáo hội dân chủ hóa là điều quen thuộc với những người quan sát Con đường Đồng Đức và các sáng kiến khác.
Chương trình trên cũng liệt kê nhà thần học Rafael Luciani, một trong những chuyên gia/điều phối viên của Thượng Hội đồng. Luciani đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm của mình rằng các cơ cấu của Giáo hội cần một cuộc xem xét lại một cách đồng nghị.
Chương trình có sự góp mặt của nhà thần học giải phóng gây tranh cãi Leonardo Boff và cựu Tổng thống Ái Nhĩ Lan Mary McAleese. Bà này đã sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ để chỉ trích Giáo Hội Công Giáo, sử dụng những cách diễn đạt như “kênh kỳ thị người đồng tính” và cho rằng việc rửa tội cho trẻ sơ sinh là vi phạm nhân quyền.
Một diễn giả khác là Cherie Blair, phu nhân của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Chủ đề của bà này là thái độ và giáo huấn của Công Giáo về phụ nữ.
Cả bên trong và bên ngoài hội trường Thượng Hội đồng, câu hỏi trong tâm trí nhiều người trong tuần này sẽ là: Liệu hội nghị diễn ra song song với Thượng hội đồng này có biểu thị một sự huy động các nhóm gây áp lực, hay đó là một nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận trên các phương tiện truyền thông mà không có hy vọng thay đổi đường đi của Thượng hội đồng?
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phóng sự và hình ảnh ngày HỘI NGỘ của Gia Đình Đa Minh Garland TX
Vũ Trung Thành - Trần Mạnh Trác
19:53 10/10/2023
Xem hình ảnh
Sau thời gian dài gián đoạn không tổ chức họp mặt vì đại dịch COVID-19. Chiều Chuá Nhật vừa qua, được sự cho phép của Sơ Cố Vấn Teresa Minh Châu và sự chấp thuận của Cha Chánh Xứ Phanxico Assissi Đặng Phước Hoà, Gia Đình Đa Minh đã có buổi họp mặt tại Hội Trường Gierado lúc 6:30 PM ngày 08 tháng 10 năm 2023 trong khuôn viên Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu số 2121 Apollo Rd. Garland TX 75044 với đầy ắp tiếng cười, vui vẻ tay bắt mặt mừng khi gặp lại nhau, tạo cho không khí của ngày hội tràn ngập niềm vui.
Buổi họp mặt có chủ đề : HỘI NGỘ - KẾT NỐI - YÊU THƯƠNG của GIA ĐÌNH ĐA MINH.
Thực tình ban đầu Ban tổ chức rất e ngại vì hơn 3 năm qua không họp mặt được. Nhiều hoạt động của các hội đoàn, đoàn thể trong Giáo Xứ bị đóng băng, nhưng nhờ ơn Chúa, Mẹ La Vang phù hộ nên kết quả nhìn chung đạt hơn mong đợi. Buổi họp mặt của Gia đình Đa Minh Garland rất vinh dự được 2 Cha Chánh và Phó Xứ đến tham dự.
Mở đầu, Chị Hội Trưởng Teresa Thu Lan đã lên chào mừng Quý Cha, Quý Sơ cùng toàn thể Quý Ông Bà Anh Chị Em tham dự trong đó có giới thiệu một số ACE hội viên mới.
Sau đó là phần cầu nguyện do Sơ Cố Vấn Minh Châu để tạ ơn Chúa đã nâng đỡ, che chở cho mọi người được bình an mạnh khỏe, để tiếp tục sứ mạng mở mang nước Chúa và giúp đỡ những hoàn cảnh neo đơn bất hạnh thông qua cánh tay nối dài là các Sơ Dòng Đa Minh Tam Hiệp Biên Hoà.
Tiếp theo là những lời chia sẻ của Cha phó xứ Gioanbaotixita Đoàn Bá Thịnh. Cha đã kể về chuyến thăm quê hương và cùng nhiều nhóm từ thiện ở VN để đến những nơi cần giúp đỡ, trong đó có điểm đến là nơi các Sơ Đa Minh Tam Hiệp đang phụ trách. Cha hết lời khen ngợi về cơ sở vật chất và tinh thần phục vụ của các Sơ. Và cuối cùng cả hai cùng ngỡ ngàng khi biết Cha là Phó Xứ GX Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Garland, TX, nơi có các Sơ Dòng Đa Minh cũng đang thực hiện sứ vụ tại đây. Cha nói tiếp, nhờ vậy việc tiếp xúc lần này thêm nhiều ý nghĩa và Cha sẽ trở lại khi có dịp, đồng thời cầu nguyện và hỗ trợ Quý Sơ đang phục vụ tại GX nhiều hơn trong tiếng vỗ tay thật đầm ấm yêu thương.
Sau đó là phần báo cáo của đại diện nhóm tài chánh về tình hình thu trong 5 năm vừa qua, chúng tôi thấy vì đại dịch COVID-19 nên 3 năm qua không tổ chức họp mặt được vì thế số thu không được khả quan lắm và có chiều hướng đi xuống.
Tiếp theo là phần trình bày của một hội viên nêu lên những ơn ích khi tham gia vào GIA ĐÌNH ĐA MINH để góp phần vào việc truyền giáo, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, neo đơn không nơi nương tựa và trình bày về những việc đã làm được cuả Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp nơi quê nhà. Nêu bật lên vài điểm sứ vụ của các Sơ như Kon-Tum, Viện Dưỡng Lão Suối Tiên, Viện Tim, Viện Ung Bướu Thành Phố …….Những khó khăn trong thời kỳ đại dịch mà các Sơ phải vượt qua để đến được với những người cần giúp đỡ cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng cuối cùng nhờ sự kiên trì và bền bỉ của Quý Sơ, các mạnh thường quân âm thầm giúp đỡ, và ơn Chúa xuống dồi dào trên Quý Sơ với sự đồng hành của Đức Mẹ La Vang quan thầy. Cuối cùng những kế hoạch đề ra của Hội Dòng và công tác mục vụ của Quý Sơ đã được thực hiện tốt đẹp.
Kết quả tổng kết sau buổi họp mặt, số người đến tham dự nhiều hơn mong đợi và số người đóng niên liễm và ủng hộ cũng tăng lên đáng kể. Tạ ơn Chúa đã cho buổi họp mặt được mọi sự suông sẻ, tốt đẹp trong tinh thần đoàn kết, hiệp nhất và yêu thương.
Cuối cùng là tiệc mừng do các thiện nguyện viên của Gia Đình Đa Minh tự nấu nướng, tự trang trải chi phí cho trên 100 người tham dự, với nhiều món ăn hấp dẫn và ngon miệng hoàn toàn không đụng gì đến tiền đóng góp cho Gia Đình Đa Minh. Mọi người được một buổi tối họp mặt vui vẻ, cởi mở và mong được họp mặt lần sau.
Sau thời gian dài gián đoạn không tổ chức họp mặt vì đại dịch COVID-19. Chiều Chuá Nhật vừa qua, được sự cho phép của Sơ Cố Vấn Teresa Minh Châu và sự chấp thuận của Cha Chánh Xứ Phanxico Assissi Đặng Phước Hoà, Gia Đình Đa Minh đã có buổi họp mặt tại Hội Trường Gierado lúc 6:30 PM ngày 08 tháng 10 năm 2023 trong khuôn viên Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu số 2121 Apollo Rd. Garland TX 75044 với đầy ắp tiếng cười, vui vẻ tay bắt mặt mừng khi gặp lại nhau, tạo cho không khí của ngày hội tràn ngập niềm vui.
Buổi họp mặt có chủ đề : HỘI NGỘ - KẾT NỐI - YÊU THƯƠNG của GIA ĐÌNH ĐA MINH.
Thực tình ban đầu Ban tổ chức rất e ngại vì hơn 3 năm qua không họp mặt được. Nhiều hoạt động của các hội đoàn, đoàn thể trong Giáo Xứ bị đóng băng, nhưng nhờ ơn Chúa, Mẹ La Vang phù hộ nên kết quả nhìn chung đạt hơn mong đợi. Buổi họp mặt của Gia đình Đa Minh Garland rất vinh dự được 2 Cha Chánh và Phó Xứ đến tham dự.
Mở đầu, Chị Hội Trưởng Teresa Thu Lan đã lên chào mừng Quý Cha, Quý Sơ cùng toàn thể Quý Ông Bà Anh Chị Em tham dự trong đó có giới thiệu một số ACE hội viên mới.
Sau đó là phần cầu nguyện do Sơ Cố Vấn Minh Châu để tạ ơn Chúa đã nâng đỡ, che chở cho mọi người được bình an mạnh khỏe, để tiếp tục sứ mạng mở mang nước Chúa và giúp đỡ những hoàn cảnh neo đơn bất hạnh thông qua cánh tay nối dài là các Sơ Dòng Đa Minh Tam Hiệp Biên Hoà.
Tiếp theo là những lời chia sẻ của Cha phó xứ Gioanbaotixita Đoàn Bá Thịnh. Cha đã kể về chuyến thăm quê hương và cùng nhiều nhóm từ thiện ở VN để đến những nơi cần giúp đỡ, trong đó có điểm đến là nơi các Sơ Đa Minh Tam Hiệp đang phụ trách. Cha hết lời khen ngợi về cơ sở vật chất và tinh thần phục vụ của các Sơ. Và cuối cùng cả hai cùng ngỡ ngàng khi biết Cha là Phó Xứ GX Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Garland, TX, nơi có các Sơ Dòng Đa Minh cũng đang thực hiện sứ vụ tại đây. Cha nói tiếp, nhờ vậy việc tiếp xúc lần này thêm nhiều ý nghĩa và Cha sẽ trở lại khi có dịp, đồng thời cầu nguyện và hỗ trợ Quý Sơ đang phục vụ tại GX nhiều hơn trong tiếng vỗ tay thật đầm ấm yêu thương.
Sau đó là phần báo cáo của đại diện nhóm tài chánh về tình hình thu trong 5 năm vừa qua, chúng tôi thấy vì đại dịch COVID-19 nên 3 năm qua không tổ chức họp mặt được vì thế số thu không được khả quan lắm và có chiều hướng đi xuống.
Tiếp theo là phần trình bày của một hội viên nêu lên những ơn ích khi tham gia vào GIA ĐÌNH ĐA MINH để góp phần vào việc truyền giáo, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, neo đơn không nơi nương tựa và trình bày về những việc đã làm được cuả Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp nơi quê nhà. Nêu bật lên vài điểm sứ vụ của các Sơ như Kon-Tum, Viện Dưỡng Lão Suối Tiên, Viện Tim, Viện Ung Bướu Thành Phố …….Những khó khăn trong thời kỳ đại dịch mà các Sơ phải vượt qua để đến được với những người cần giúp đỡ cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng cuối cùng nhờ sự kiên trì và bền bỉ của Quý Sơ, các mạnh thường quân âm thầm giúp đỡ, và ơn Chúa xuống dồi dào trên Quý Sơ với sự đồng hành của Đức Mẹ La Vang quan thầy. Cuối cùng những kế hoạch đề ra của Hội Dòng và công tác mục vụ của Quý Sơ đã được thực hiện tốt đẹp.
Kết quả tổng kết sau buổi họp mặt, số người đến tham dự nhiều hơn mong đợi và số người đóng niên liễm và ủng hộ cũng tăng lên đáng kể. Tạ ơn Chúa đã cho buổi họp mặt được mọi sự suông sẻ, tốt đẹp trong tinh thần đoàn kết, hiệp nhất và yêu thương.
Cuối cùng là tiệc mừng do các thiện nguyện viên của Gia Đình Đa Minh tự nấu nướng, tự trang trải chi phí cho trên 100 người tham dự, với nhiều món ăn hấp dẫn và ngon miệng hoàn toàn không đụng gì đến tiền đóng góp cho Gia Đình Đa Minh. Mọi người được một buổi tối họp mặt vui vẻ, cởi mở và mong được họp mặt lần sau.
Văn Hóa
Đọc Kinh Mân Côi tại các Trung Tâm Thánh Mẫu Việt Nam
Pt Phạm Bá Nha
15:10 10/10/2023
ĐỌC KINH MÂN CÔI TẠI CÁC TRUNG TÂM THÁNH MẪU VIỆT NAM
Giáo Hội Việt Nam trưởng thành và vững mạnh là nhờ Kinh Mân Côi. Ngày ngày giáo dân đọc kinh Mân Côi tại các Trung Tâm Thánh Mẫu. Hầu hết các nhà thờ đều có hang đá hay bàn thờ cạnh có Thánh Tượng Đức Mẹ. Sau Thánh lễ là kéo đế hang đá hay qua bàn thờ cạnh lâm râm một mình hay với con cái: Kính Mừng Maria Đầy Ơn Phúc…Kỳ này về VN, nhất định:
Đến Thánh Địa La Vang
Đc Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (Phát Diệm,1868-1949) đã viết trong báo Lời Thăm: Từ ngày tôi ra Huế lần thứ nhất dự lễ phong chức Đức Cha Lý (Allys) cho đến nay là 16 năm, nay tôi lại ra lần thứ hai, tôi thấy khác xa nhiều lắm… Đền thánh La Vang danh đồn khắp xứ. Mỗi lần kiệu ảnh trọng thể dường nào, cả VN đều lừng lẫy…
Đc Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948) giảng lễ trong đại hội La Vang, 1928, trưng dẫn câu ‘Visitasti terram et inebriasti eam: Mẹ xuống viếng thăm đất này và làm cho say sưa’. Ngài nói:
Không say, sao bỏ cửa bỏ nhà, tuôn nhau háng vạn người ở chốn rừng núi xa xôi này?
Không say, sao mà sang hèn, giàu khó đều ngồi nằm 1ăn giữa đất giữa trời
Không say, sao mà quên ăn quên ngủ, đọc kinh cầu nguyện cả ngày thâu đêm
Phải say thật. Song là say lòng trìu mến, cậy trông hết lòng tin tưởng vào Mẹ nhân lành
Đức Cha kể lại về giặc Văn Thân (48): Sau khi thiêu sát họ Cổ Vưu, qua 8.9.1988, Văn Thân kéo vào La Vang. Chúng thấy vườn không nhà trống, vì mấy gia đình Công Giáo ở La Vang chạy trốn thoát lên núi. Chúng vơ vét hết của cải và đốt hết nhà cửa, nhưng chúng không dám phóng lửa nhà thờ Đức Mẹ. Vì chúng nghe tiếng Đức Mẹ La Vang linh thiêng. Nên chúng kéo nhau đi. Đến trưa 9.9, một người lương ngụ tại làng Phú Long, xóm Bốc tên là Thơ, con ông Mẹo, đến linh địa La Vang. Nó thấy nhà cửa của đồng bào Công Giáo thành đống tro tàn, chỉ còn nhà tranh nhỏ bé của Đức Mẹ mà thôi, nó bèn châm lửa đốt đi.
Đc nói về La Vang. Trong bài diễn thuyết (1955) về Đức Mẹ La Vang, Đc đã nói: Ban đêm phường La Vang không có sự thinh lặng. Ban đêm người ta la lối om sòm. Họ đánh mõ, đánh thùng rộ¬n ràng để đuổi các thú dữ như heo rừng, voi, cọp... từ rừng rú xanh um tùm ra phá khoai, sắn, lúa…nên người ta gọi là La Vang. (Tư Liệu. Các Vĩ Nhân nói về La Vang)
Cùng Đọc Kinh Tại Trà Kiệu
Ngày 1.9.1885, quân lính Văn Thân kéo đến vây làng Trà Kiệu, toàn tòng Công Giáo. Cha sở La Bruyère kêu gọi giáo dân chống lại. Bên Công Giáo chỉ có 5 khẩu súng và 40 viên đạn. Bên địch gấp 10 lần, vũ khí đầy đủ. Bên Công Giáo cầm cự trong 21 ngày. Cầu xin không cho chiến thắng mà cho khỏi bị tiêu diệt. Đến 5.9.1885, lính Công Giáo can đảm hơn sẵn sàng lâm
chìeg.(Kinh Mân Côi. tr.189)
Xuống Bến Tre
Năm 1930, cha Lucas Sách thành lập họ Sơn Đốc, xa Bến Tre, 28 cs,
Ngày 2.2.1950, các gia đình chạy lọan vì chiến tranh. Ngày 5.5.1950, gia đình Cao Đài, chị Võ Thị Liễng (hay Liềng), đi mò cua, tình cờ vớt được khung có bức Ảnh ĐM HCG đã vàng úa. Chạy loạn, con trai ông Thành vất vội bức ảnh xuống rạch…bỏ bẵng 3 năm.
(Theo Youtube. 5.6.2023)
Ngày nay, rãnh nước nông cụt và Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Gíup còn trưng kính trên bàn thờ cạnh bên trái, nhang khói, tại nhà thờ Bến Tre. Bên ngoài, tay trái có hang đá Lộ Đức, người người đến khấn xin.
Nhất định vào tận Tapao, Phan Thiết.
Tà Pao là đồi cao 800 mét, ở tỉnh Bình Thuận, thuộc giáo phận Phan Thiết. Tượng (xi măng, chắp tay) cao 3m, đặt trên bệ cao 2m và được làm phép vào lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 8.12.1959, do Đc Nha Trang, Marcel Piquet (Lợi). Theo tài liệu, lễ Mông Triệu 1999, 4 em học sinh chơi trước sân trường ‘thấy’’ Đức Mẹ bế Chúa Hài Đồng hiện ra trong đám mây hồng. Sau một lúc, Đức Mẹ đi về hướng Tà Pao và đi vào tượng đài. Sau đó, 5 người ‘thấy’’ rõ, đi vào rừng sâu, theo hướng ngôi sao chỉ, thì thấy tượng Đức Mẹ để hoang phế, bị b¡n lủng thảm thương, một cây tróc gốc đè lên vai. Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm cùng năm, đông người ‘’thấy’’ Đức Mẹ hiện ra, Mẹ xoay quanh xoay lại, hồi lâu, rồi nhập vào tượng đài, rồi ở đó. Người ta gọi ‘‘Ánh mặt trời chiếu có hình Đức Mẹ ’’ và ‘‘Thánh tượng Đức Mẹ xoay qua xoay lại’’. Từ 1989 đến 2007, Thánh Tượng Đức Mẹ chắp tay, đeo chuỗi, được 11 người và nhà làm tượng Phaolo Lê Phát, Xuân Lộc trùng tu, đặt trên đồi cao, 450 bậc thang bộ. Từ 1999, đoàn hành hương tuấn về.
Được biết, 1960, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm ra chỉ thị cho Phủ Tổng Ủy Dinh Điền đặt tại 5 đặc khu Thánh Tượng Đức Mẹ: Tà Pao, Daklak, Phước Long, Pleiku, Phan Rang. (Lược sử Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Tà Pao. Phan Thiết. 2009)
Không bao giờ quên Fatima Bình Triệu, QuqA1
Năm 1962, khi (Sđd.tr.169)
Thăm Quê Hương Phát Diệm theo vết chân Cha Trần Lục đọc kinh Mân Côi.
Năm 1857, Đc Jeantet phong chức Sáu cho cha Trần Lục. Cha có lòng sùng kính Đức Mẹ. Năm 1881, khi xây cất nhà thờ chính tòa Mân Côi, thành niên trai tráng cột dây kéo cột lim lên, thì Cha và các bà, con gái chắp tay đọc kinh Mân Côi cho tới khi 50 cây cột đặt trên tảng đá, an toàn, không tai nạn. Giáo dân cho là phép lạ. (Sđd.tr.160)
Kết luận bằng bài thơ ‘KINH MÂN CÔI’ của Gs Phx Lê Đình Thông
Vườn hồng thắm thơm nhiệm lạ (1)
Suốt bốn mùa: xuân hạ thu đông
Mùa xuân có những đóa hồng
Truyền Tin: Trinh Nữ đồng cứu đời
Sang mùa hạ: sáng ngời Phép rửa
Là Giêsu Cứu Chúa thương tình
Thu vàng: Thương khó cực hình
Mùa Đông giá lạnh, Phục sinh khải hoàn
Bốn mầu nhiệm hiện toàn lịch sử
Là hành trình sứ vụ vang lừng
Tứ thư trình thuật Tin Mừng
Ngôi Hai xuống thế sống cùng phạm nhân
Khi lần chuỗi ta dâng lên Chúa
Lòng kính Tin từ thuở tạo thiên
Lạy Cha ở giữa chốn linh thiêng
Sáng danh Tam Vị khởi nguyên đời đời
Lời kinh nguyện Chúa Trời chỉ lối
Xin thứ tha tội lỗi chúng sinh
Nhân gian thoát khỏi ngục hình
Oan hồn luyện tội, tội tình tù lao
Năm Mươi Một (2) binh đao hồi giáo
Dùng biển người táo bạo xâm lăng
Giáo dân lần chuỗi siêng năng
Tháng Mười ngày Bảy (3) tham tàn chịu thua
Năm 17 trời mưa nặng hạt (4)
Đến giữa trưa nắng gắt mặt trời
Mười Ba trong tháng Mân Côi
Trời quang mây tạnh, da trời biển thiên
Năm 17 đảo điên bão tố (5)
Bên nước Nga nhuộm đỏ một thời
Nhờ ơn Đức Mẹ Mân Côi
Liên sô sụp đổ, cộng nô suy tàn
Kinh Mân Côi: vô vàn phép lạ
Từ gia đình đến cả cộng đoàn
Nào cùng lần chuỗi siêng năng
Mẹ ơi thương đến Việt Nam khôn cùng.
LÊ ĐÌNH THÔNG
(1) Rosarium: vườn hồng
(2) Năm 1511, dưới giáo triều Pio V
(3) Ngày 07.10.1511
(4) Ngày 13.10.1017
(5) Cách mạng Nga (10.1917)
VietCatholic TV
Putin bị ung thư não, lú lẫn, sớm lìa đời. Khủng hoảng Hamas: Biden tung biệt kích Mỹ cứu con tin
VietCatholic Media
03:00 10/10/2023
1. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định Putin đang tận dụng tối đa cuộc tấn công của Hamas vào Israel
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Already Exploiting Israel Attacks to Bolster War in Ukraine: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định Nga đã khai thác các cuộc tấn công vào Israel để tăng cường chiến tranh ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Theo một đánh giá mới, Nga đã tận dụng các cuộc tấn công của phiến quân Palestine vào Israel như một vũ khí nhằm cố gắng làm xói mòn sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kyiv và đánh lạc hướng sự chú ý của phương Tây khỏi cuộc chiến của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Washington cho biết: “Điện Cẩm Linh đã và có thể sẽ tiếp tục khai thác các cuộc tấn công vào hôm Thứ Bẩy của Hamas ở Israel để thúc đẩy một số hoạt động thông tin nhằm giảm sự hỗ trợ cũng như sự chú ý của Mỹ và phương Tây đối với Ukraine”.
Hôm thứ Bảy, phong trào Hamas của người Palestine đã phát động các cuộc tấn công nguy hiểm nhất vào Israel trong 50 năm qua, bắn hỏa tiễn từ Gaza khi các chiến binh của họ tiến hành một cuộc tấn công trên bộ, trên không và trên biển. Israel sau đó đã tiến hành các cuộc tấn công vào Gaza, do Hamas kiểm soát, và tuyên bố Israel hiện đang “có chiến tranh”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington sẽ “cung cấp mọi biện pháp hỗ trợ thích hợp” cho Israel sau “các cuộc tấn công khủng khiếp và đang tiếp tục diễn ra”, đồng thời cho biết thêm rằng Mỹ “lên án rõ ràng cuộc tấn công kinh hoàng này nhằm vào Israel của những kẻ khủng bố Hamas từ Gaza”.
Nhưng Điện Cẩm Linh đã lan truyền thông tin phần lớn đổ lỗi cho các nước phương Tây đã “bỏ qua xung đột ở Trung Đông để ủng hộ Ukraine”, ISW lập luận trong đánh giá mới nhất của mình.
Sau khi bùng phát bạo lực quy mô lớn ở miền nam Israel và Gaza, cựu tổng thống Nga và hiện là phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga, Dmitry Medvedev, nói rằng Mỹ đã “giúp đỡ những kẻ theo chủ nghĩa phát xít mới” thay vì tập trung vào việc tìm kiếm một giải pháp cho người Palestine và khu định cư của Israel. Điện Cẩm Linh cho biết cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “vô hiệu hóa” chính phủ ở Kyiv. Điều này đã bị Ukraine và cộng đồng quốc tế bác bỏ.
“Điều gì có thể ngăn cản niềm đam mê cuồng nhiệt của Mỹ trong việc gây ra xung đột ở khắp mọi nơi trên hành tinh?” Medvedev, người nổi tiếng với lối hùng biện hiếu chiến và chống phương Tây, đã nói như trên hôm thứ Bảy.
Trong một tuyên bố khác, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, dường như đổ lỗi cho “phương Tây” vì đã ngăn chặn các nỗ lực tạo dựng hòa bình giữa Nga, Mỹ, Liên minh Âu Châu và Liên Hiệp Quốc khiến bạo lực bùng phát trở lại ở Trung Đông.
ISW lập luận rằng những đề xuất này từ Điện Cẩm Linh “nhắm vào khán giả phương Tây nhằm thúc đẩy sự cắt giảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine”.
Ở Ukraine, những câu chuyện này “tìm cách làm mất tinh thần xã hội Ukraine bằng cách tuyên bố Ukraine sẽ mất đi sự hỗ trợ quốc tế”, tổ chức cố vấn tiếp tục, đồng thời cho biết thêm chúng cũng nhằm “trấn an khán giả trong nước Nga rằng quốc tế sẽ phớt lờ nỗ lực chiến tranh của Ukraine”.
Bạo lực gia tăng đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm chiến binh và dân thường ở cả hai bên, với con số dự kiến sẽ tăng lên trong những ngày tới.
“Hamas đã bắt đầu một cuộc chiến tàn bạo và xấu xa,” Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, cho biết vào sáng Chúa Nhật. “Chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này bất chấp cái giá phải trả không thể chịu nổi”.
Phát ngôn nhân của Hamas, Khaled Qadomi, nói với Al Jazeera rằng phong trào này muốn “cộng đồng quốc tế ngăn chặn các hành động tàn bạo ở Gaza, chống lại người dân Palestine, các thánh địa của chúng tôi như Al-Aqsa”.
Túy Vân xin mở ngoặc để giải thích thêm: Al-Aqsa là đền thờ Hồi giáo trên Núi Đền ở Giêrusalem. Đó là 1 trong 3 thánh địa quan trọng của Hồi Giáo bao gồm Mecca, Medina và Al-Aqsa.
Khaled Qadomi nói: “Tất cả những điều này là lý do đằng sau việc bắt đầu trận chiến này.”
Phát ngôn nhân của Lực lượng Phòng vệ Israel, Trung tá Richard Hecht hôm Chúa Nhật cho biết Israel sẽ tiếp tục hành động chống lại các cuộc tấn công “man rợ” của Hamas trong vài ngày tới.
“Đây là ngày 11/9 của chúng tôi,” ông nói trong một video được chia sẻ trên mạng xã hội của quân đội Israel. Ông nói: “Chúng tôi sẽ phản ứng rất, rất nghiêm khắc về vấn đề này.
Abu Obeida, phát ngôn nhân của Hamas, cho biết hôm Chúa Nhật rằng các chiến binh của phong trào “tiếp tục tham gia vào các cuộc đụng độ ác liệt và anh dũng, chiến đấu trên nhiều mặt trận, gây thương vong cho đối phương”.
2. Khi hàng nghìn quả hỏa tiễn trút xuống Israel, nước này một lần nữa phải dựa vào hệ thống Iron Dome để bảo vệ người dân.
Các nhà phân tích cho biết hệ thống phòng thủ hỏa tiễn là một trong những công cụ quan trọng nhất trong kho vũ khí của Israel và đã cứu sống vô số dân thường trong các cuộc xung đột khác nhau trong thập kỷ qua. Nó có hiệu quả cao. Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết hệ thống này có tỷ lệ thành công 95,6% trong một loạt hỏa tiễn do nhóm Jihad Hồi giáo bắn vào tháng 5.
Quá trình phát triển Iron Dome lần đầu tiên bắt đầu vào năm 2007. Sau các cuộc thử nghiệm vào năm 2008 và 2009, những bệ phóng Iron Dome đầu tiên đã được triển khai vào năm 2011. Hệ thống này đã được nâng cấp nhiều lần kể từ đó.
Iron Dome được thiết kế để bắn hạ các hỏa tiễn đang bay tới. Nó được trang bị radar phát hiện hỏa tiễn, sau đó sử dụng hệ thống chỉ huy và kiểm soát để tính toán nhanh xem liệu một quả đạn bay tới có gây ra mối đe dọa hay có khả năng bắn trúng khu vực có người ở hay không. Nếu hỏa tiễn gây ra mối đe dọa, nó sẽ bắn hỏa tiễn để tiêu diệt nó trên không.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần yêu cầu Israel viện trợ các hệ thống Iron Dome nhưng đã bị từ chối.
3. Nhân viên FBI đóng quân tại Israel làm việc để xác định vị trí những người Mỹ bị ảnh hưởng
Nhân viên FBI được chỉ định ở Israel đang làm việc với các đối tác địa phương “để xác định vị trí của bất kỳ người Mỹ nào bị ảnh hưởng”, văn phòng cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai.
Tuyên bố cho biết: “Các báo cáo về người Mỹ thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích đang được giải quyết hết sức khẩn cấp và điều tra tích cực”.
Tổng thống Joe Biden cho biết trong một tuyên bố rằng ít nhất 11 công dân Mỹ được xác nhận đã thiệt mạng ở Israel. Tòa Bạch Ốc cho biết họ đang chuẩn bị đón nhận tin tức về việc có thêm nhiều người Mỹ thiệt mạng vào cuối tuần qua.
Các chuyên gia của FBI được đào tạo về các biện pháp ứng phó khủng hoảng cũng đang được triển khai tới Israel để hỗ trợ lực lượng an ninh Israel đang làm việc để xác định vị trí nhiều con tin, một nguồn thực thi pháp luật quen thuộc với việc triển khai nói với CNN.
Đầu ngày thứ Hai, Tổng thống Joe Biden cho biết như sau::
“Tôi đã chỉ đạo nhóm của mình làm việc với các đối tác Israel của họ về mọi khía cạnh của cuộc khủng hoảng con tin, bao gồm chia sẻ thông tin tình báo và triển khai các chuyên gia từ khắp chính phủ Hoa Kỳ để tham khảo ý kiến và tư vấn cho những người đồng cấp Israel về nỗ lực giải cứu con tin.”
Liên quan đến tình hình an ninh của cơ quan thực thi pháp luật ở Hoa Kỳ, FBI cho biết họ không nhận thấy bất kỳ mối đe dọa cụ thể và đáng tin cậy nào đối với Hoa Kỳ bắt nguồn từ cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel.
Cơ quan này cho biết họ “giám sát chặt chẽ các sự kiện đang diễn ra và sẽ chia sẻ thông tin liên quan với các đối tác thực thi pháp luật, tình báo và an ninh nội địa của tiểu bang, địa phương, liên bang và quốc tế của chúng tôi để bảo đảm họ chuẩn bị cho mọi tác động đến an toàn công cộng.”
4. Tư lệnh quân đội Mỹ nói Quốc hội phải hành động để bảo đảm cung cấp vũ khí cho cả Israel và Ukraine
Quân đội Hoa Kỳ cho biết họ sẽ cần Quốc hội phê duyệt nguồn tài trợ bổ sung để bảo đảm kế hoạch sản xuất và mua vũ khí của Ngũ Giác Đài có thể đáp ứng đồng thời nhu cầu của cả Israel và Ukraine.
Thư ký quân đội Christine Wormuth đưa ra bình luận này khi Hạ viện Hoa Kỳ thực sự đang bị tê liệt khi đảng Cộng hòa nỗ lực lựa chọn một Chủ tịch Hạ Viện mới.
Cô cho biết quân đội vẫn đang xem xét các yêu cầu hỗ trợ của Israel, theo Reuters.
Các chiến binh Palestine được cho là đã bắt cóc hơn 100 người trong một cuộc tấn công bất ngờ trên nhiều mặt trận khiến hơn 700 người thiệt mạng - khiến ngày thứ Bảy trở thành ngày đẫm máu nhất trong lịch sử Israel.
Đáp lại, Israel đã tiến hành các cuộc tấn công từ trên không và trên biển, mà các bác sĩ cho biết đã giết chết hơn 560 người Palestine ở Gaza, khu vực có 2,3 triệu người không có nơi nào để chạy trốn.
Phát biểu với các phóng viên tại một sự kiện của quân đội, Wormuth nói:
Một điều thực sự quan trọng về mặt đạn dược nói riêng và khả năng của chúng tôi trong việc hỗ trợ đồng thời cả người Israel và người Ukraine là nguồn tài trợ bổ sung từ Quốc hội để có thể nâng cao năng lực của chúng tôi, về khả năng mở rộng sản xuất và sau đó là trả tiền đạn dược.
Chúng tôi cần sự hỗ trợ bổ sung từ Quốc hội. Vì vậy tôi hy vọng chúng ta sẽ sớm thấy điều đó.
5. Báo cáo độc quyền của tờ The Sun: Suy đoán về sức khỏe của Vladimir Putin đã đạt mức cao nhất mọi thời đại
Hai ký giả Tom Malley và Ellie Doughty của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “ SICKLY VLAD - ‘Delusional’ Putin showing signs of ‘brain tumour or multiple sclerosis’ as he marks 71st birthday as ‘dead man walking’, nghĩa là “Putin bệnh hoạn - Putin hoang tưởng có dấu hiệu 'khối u não hoặc bệnh đa xơ cứng' khi đánh dấu sinh nhật lần thứ 71 như một 'người chết biết đi'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Putin bệnh hoạn đang có dấu hiệu mắc chứng khối u não hoặc bệnh đa xơ cứng khi ông ta đánh dấu sinh nhật lần thứ 71 của mình như một “người chết biết đi”.
Suy đoán về sức khỏe của tổng thống Nga đã đạt mức cao nhất mọi thời đại trong bối cảnh lan tràn những tin đồn về sử dụng những người thế thân, điều trị ung thư và thậm chí chẩn đoán bệnh Parkinson.
Ngoài các vấn đề về sức khỏe, một số chuyên gia tin rằng những thất bại thảm hại của Putin trong cuộc chiến Ukraine có nghĩa là ngày của ông đã sắp hết - và sinh nhật lần thứ 71 của ông có thể là ngày sinh nhật cuối cùng của ông ta.
Các nhà phân tích và chuyên gia tình báo đã phát hiện ra những thay đổi về ngoại hình, lời nói hoặc tư thế của Putin trong những lần xuất hiện trước công chúng - và tin rằng điều đó chỉ ra bằng chứng về sức khỏe đang suy yếu của ông.
Các tài liệu bị rò rỉ cho The Sun cho thấy việc điều trị ung thư đang diễn ra - trong khi một số giả thuyết cho rằng ông đang mắc bệnh Parkinson.
Tin đồn về sức khỏe của ông lại bắt đầu rộ lên sau cuộc gặp gỡ với Kim Chính Ân vào tháng 9.
Nhà lãnh đạo Nga bị phát hiện đổi chân một cách bí ẩn trong suốt cuộc họp, tỏ ra run rẩy và bồn chồn khi ngồi cạnh bạo chúa Triều Tiên.
Người ta cũng thấy ông ta thực hiện động tác giật đầu gối lặp đi lặp lại - trong đó cựu điệp viên rõ ràng đang cố gắng kiểm soát chân trái của mình.
Mặc dù Điện Cẩm Linh chưa tiết lộ chính thức về sức khỏe của Putin nhưng các triệu chứng gần đây của ông có thể chỉ ra một số vấn đề.
Theo chuyên gia tâm lý hành vi Justin Gasparovic, Putin đang có những triệu chứng tương tự như những người bị đột quỵ, đau nửa đầu, bệnh đa xơ cứng và u não.
Ông nói với The Sun: “Putin được cho là đang phải chịu đựng một loạt triệu chứng khó chịu, bao gồm đau đầu dữ dội, mờ mắt và tê đặc biệt ở lưỡi và tứ chi bên phải.
“Trong tư cách là một người say mê tìm hiểu hành vi và sinh lý của con người, tôi thấy những triệu chứng này báo hiệu các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng có thể xảy ra.”
“Nếu Putin thực sự đang phải đối mặt với những thách thức sức khỏe như vậy, nó không chỉ ảnh hưởng đến năng lực thể chất mà còn có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định, mức độ căng thẳng và sức khỏe tâm lý tổng thể của ông”.
Một số lý thuyết hoang đường thậm chí còn cho rằng Putin trên thực tế đã chết.
Các nhà phân tích cho rằng người thế thân cho Putin đang được sử dụng - bất kể ông có còn thở hay không.
Theo các nguồn tin đối lập của Nga, ông Kim đã không gặp tổng thống thực sự trong chuyến thăm vào tháng 9 - thay vào đó lại gặp một thế thân của nhà độc tài - hoặc thậm chí là một số thế thân.
Chiến lược gia chính trị Jason Jay Smart ở Kyiv tin rằng người đàn ông 71 tuổi này đang sử dụng thế thân khi sức khỏe của ông bắt đầu xấu đi.
Ông nói với The Sun: “Ông ấy sắp bước sang tuổi 71, ông ấy sẽ có những triệu chứng bình thường của tuổi tác đi kèm với điều đó”.
“Đó có thể là vấn đề liên quan đến ký ức của chính ông ta, sự bướng bỉnh và rõ ràng là hành vi hoang tưởng của ông ta.”
“Ông ta dường như có một hệ thống những người thế thân phức tạp, được sử dụng cho hầu hết các sự kiện công cộng mà ông ta có.”
“Ông ta khá hoang tưởng về Covid và các bệnh khác nên không thích gặp gỡ công chúng - do đó việc sử dụng thế thân là rất thịnh hành”.
“Với tất cả những yếu tố này cộng lại, ngay cả khi chúng ta nhìn thấy Putin thực sự vào tuần tới, đó có thể là bất kỳ ai. Sự thật là sức khỏe của ông ta là một bí mật được đánh giá cao.”
Vào tháng 7 năm ngoái, giám đốc CIA đã bác bỏ tin đồn rằng người đàn ông 69 tuổi này đang trong tình trạng sức khỏe kém.
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado năm ngoái, William Burns cho biết không có bằng chứng nào cho thấy có sự sa sút của Putin – và nói đùa rằng Putin có vẻ “quá khỏe mạnh”.
Tuy nhiên, mọi thứ đã có bước ngoặt lớn khi các tài liệu gián điệp bùng nổ bị rò rỉ cho The Sun vào tháng 11 năm ngoái dường như xác nhận nhà lãnh đạo Nga mắc cả ung thư tuyến tụy và bệnh Parkinson giai đoạn đầu.
Năm tháng sau, các tài liệu cho thấy ông ta có thể đã được hóa trị đã bị rò rỉ vào tháng Tư.
Nhưng những tuyên bố trực tiếp của các quan chức Ukraine và Nga mới là những điều khiến nhiều người phải thắc mắc nhất.
Phát biểu với ABC News hồi tháng 1, Giám đốc tình báo quân sự Ukraine, Kyrylo Budanov, tiết lộ rằng Putin đã bị bệnh “một thời gian dài”.
Trung Tướng Budanov nói: “Tôi chắc chắn rằng ông ta bị ung thư. Tôi nghĩ ông ta sẽ chết rất nhanh. Tôi hy vọng rất sớm.”
Nhưng tuyên bố mạnh mẽ nhất về sức khỏe của Putin đến từ nhà phân tích chính trị người Nga, Tiến sĩ Valery Solovey.
Phát biểu với kênh đối lập Khodorkovsky.Live, Solovey nói: “Ông ta đang ở trong tình trạng kiệt lực về thể chất đến mức ông ta sẽ không vượt qua được mùa thu này; và tôi đang nói điều này rất bình tĩnh.”
“Tôi xin nhấn mạnh: Putin sẽ không qua khỏi mùa thu này.”
Khi ngày sinh nhật của Putin sắp đến, một tháng mùa thu đã trôi qua.
Hiện tại, Putin được cho là vẫn còn sống, nhưng liệu ông có sống đủ lâu để đón sinh nhật lần thứ 72 vào năm tới hay không lại là một vấn đề khác.
Nếu sức khỏe của Putin không giết chết ông trong năm tới thì người ta có niềm tin mạnh mẽ rằng cuộc chiến tranh ác liệt ở Ukraine sẽ là dấu chấm hết cho ông ta.
Nhà độc tài Nga đã sống sót sau sáu vụ ám sát trong thời gian nắm quyền.
Và với những cuộc chiến đáng xấu hổ của Nga nhằm lật đổ Ukraine tiếp tục chồng chất, có khả năng còn nhiều hơn nữa.
Anton Geraschenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, tin chắc rằng Putin đã là một xác chết biết đi.
Ông nói với The Sun: “Khi Putin xâm lược Ukraine, ông ấy có nghĩ đây sẽ là cuộc chiến cuối cùng của mình không? Dĩ nhiên là không. Ông ta có một kế hoạch rất khác.”
“Những người bắt đầu cuộc chiến này sẽ bị giết, bị kết án, một số sẽ tự sát - lịch sử có thể cho chúng ta một vài ví dụ để chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra.”
“Về cơ bản, Putin đã thua rồi. Trên thực tế, ông ta đã chết rồi. Bây giờ chế độ của ông ta đang gặp khó khăn và đang cố gắng kéo theo càng nhiều người càng tốt”.
Dù nhà độc tài Nga sẽ cố gắng duy trì quyền lực càng lâu càng tốt, một cái kết bất ngờ đối với Putin ngày càng dễ xảy ra.
Ông Geraschenko tin rằng việc Ukraine giành chiến thắng và nhà lãnh đạo sẽ bị lật đổ chỉ là vấn đề thời gian.
“Bây giờ chỉ có một câu hỏi,” ông nói.
“Putin sẽ bị tước bỏ quyền lực trong bao lâu và với cái giá nào?
“Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng câu hỏi và vấn đề thực sự ở đây là Ukraine sẽ sớm có được mọi thứ cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc chiến và làm suy yếu chế độ của Putin một cách không thể khắc phục được”.
Nói chuyện với The Sun, Giáo sư Anthony Glees cho biết tên bạo chúa thậm chí có thể kết thúc tất cả bằng “khẩu súng lục vàng” của mình thay vì bị lật đổ khỏi quyền lực.
Chuyên gia tình báo từ Đại học Buckingham cho biết: “Tôi nghĩ rất có thể đây sẽ là sinh nhật cuối cùng của ông ta và đó sẽ là một tin tuyệt vời.
“Cách duy nhất để thoát khỏi tai họa của Putin, đặc biệt là khỏi nỗi đau khủng khiếp của người dân Ukraine, là nếu ông ấy bị giết và điều tốt thứ hai sẽ là một cuộc đảo chính lật đổ ông ta.”
“Ông ta có thể đang nhìn vào khẩu súng lục vàng trên bàn và nghĩ rằng, đúng rồi, đã hết thời gian.”
“Nếu ông ta đủ sợ hãi, vâng, ông ta có thể với tay lấy khẩu súng đó.”
6. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi Hamas ngừng tấn công và thả con tin
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi Hamas ngừng các cuộc tấn công vào Israel và thả con tin.
Trong bài phát biểu hôm thứ Hai, ông cũng kêu gọi tất cả các bên cho phép Liên Hiệp Quốc tiếp cận để cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người Palestine bị mắc kẹt ở Dải Gaza.
Guterres nhắc lại rằng chỉ có hòa bình thông qua đàm phán và “tầm nhìn lâu dài về giải pháp hai nhà nước” mới có thể mang lại sự ổn định cho khu vực.
Tổng thư ký lên án “các cuộc tấn công ghê tởm của Hamas và những người khác nhằm vào các thị trấn và làng mạc của Israel ở ngoại vi Gaza”.
Guterres nói rằng mặc dù ông thừa nhận “những mối bất bình chính đáng của người dân Palestine”, nhưng không gì có thể biện minh cho các hành động khủng bố, gây thương tật, giết chóc và bắt cóc thường dân.
Tổng thư ký nói: “Tôi vô cùng đau buồn trước thông báo hôm nay rằng Israel sẽ bắt đầu một cuộc bao vây hoàn toàn Dải Gaza, không được phép ra vào - không có điện, thực phẩm hoặc nhiên liệu”.
Thông tin thêm về cuộc bao vây: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel cho biết ông đã ra lệnh “bao vây hoàn toàn” Gaza, cắt điện, thực phẩm, nhiên liệu và nước cho khu vực này. Điều này xảy ra khi Israel tấn công Gaza bằng các cuộc không kích và chính thức tuyên chiến vào Chúa Nhật Hamas.
Theo Bộ Y tế Gaza, hơn 550 người Palestine đã thiệt mạng và việc chăm sóc y tế trở nên phức tạp do Israel cắt điện đối với lãnh thổ này.
7. Tòa Bạch Ốc cho biết Hoa Kỳ đang làm việc hàng giờ để tìm hiểu thêm về những người Mỹ mất tích ở Israel
Hoa Kỳ đang làm việc “theo đúng nghĩa đen là từng giờ” để tìm hiểu thêm về những người Mỹ mất tích ở Israel nhưng vẫn không thể xác nhận có bao nhiêu nằm trong số các con tin bị Hamas bắt giữ.
John Kirby, phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết vào tối thứ Hai: “Chúng tôi không thể xác nhận rằng trên thực tế Hamas đang bắt giữ bao nhiều con tin”. Ông nói: “Sự thật là chúng tôi không có ý tưởng chắc chắn về tổng số bao nhiêu người mất tích”.
Kirby mô tả những nỗ lực đang được tiến hành nhằm xác định xem có bao nhiêu người Mỹ có thể bị bắt làm con tin là một nỗ lực đa hướng, bao gồm sự phối hợp với người Israel và lắng nghe trực tiếp từ các gia đình Mỹ.
Ông nói: “Chúng tôi đang liên lạc trực tiếp với họ ở nhiều cấp độ khác nhau để cố gắng thu thập càng nhiều thông tin họ có càng tốt để giúp chúng tôi”.
Kirby cho biết chính phủ Mỹ đã “nghe tin từ nhiều thành viên gia đình” về những người mất tích và đang tìm kiếm sự trợ giúp của chính quyền Hoa Kỳ.
Kirby từ chối mô tả số lượng gia đình mà Hoa Kỳ đã nghe nói kể từ vụ tấn công hôm thứ Bảy.
“Chúng tôi biết có một số người Mỹ mất tích và chúng tôi đang cố gắng hết sức trên cơ sở từng cá nhân để cố gắng tìm họ, cố gắng tìm hiểu xem họ đang ở đâu,” ông nói.
8. Quan chức Mỹ cho biết Mỹ đề nghị Israel lập kế hoạch hoạt động đặc biệt và hỗ trợ thông tin cho bất kỳ nỗ lực giải cứu con tin nào
Hoa Kỳ đang đề nghị hỗ trợ tình báo và lập kế hoạch hoạt động đặc biệt cho Israel như một phần trong nỗ lực giải cứu các con tin bị Hamas bắt giữ, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết như trên.
Sự hỗ trợ sẽ không kéo theo quân đội Mỹ trên mặt đất ở Israel. Thay vào đó, sự hỗ trợ sẽ đến dưới hình thức tình báo, giám sát và trinh sát.
Ryder cho biết, sự hỗ trợ sẽ bao gồm sự trợ giúp từ Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ và Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt Hoa Kỳ, cũng như Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt Chung, cơ quan chỉ huy trong quân đội phát triển các chiến thuật và kế hoạch hoạt động đặc biệt.
Chủ đề này cũng được đưa ra trong cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và người đồng cấp Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, vào cuối tuần qua, quan chức này cho biết. Sau đó, Austin chỉ đạo nhóm JSOC “tiến về phía trước” với việc lập kế hoạch và hỗ trợ thông tin cho quân đội Israel.
Israel chưa công khai có bao nhiêu con tin bị bắt trong cuộc tấn công bất ngờ xuyên biên giới của Hamas từ Gaza, nhưng các quan chức thừa nhận con số này rất đáng kể.
Chính quyền Mỹ đang cố gắng xác định có bao nhiêu người Mỹ đã thiệt mạng hoặc bị bắt làm con tin trong cuộc xung đột.
“Chúng tôi chưa thấy bất kỳ con số chính xác nào vì nó rất linh hoạt và nhiều người có hai quốc tịch. Tôi nghĩ khi bụi lắng xuống thì con số này sẽ rất đáng kể”
9. Tòa Bạch Ốc tuyên bố Mỹ không có ý định tăng thêm quân ở Israel
Tòa Bạch Ốc cho biết hôm thứ Hai rằng không có ý định gửi quân đội Mỹ vào Israel sau các cuộc tấn công kinh hoàng cuối tuần qua.
Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia về Truyền thông Chiến lược John Kirby nói với các phóng viên trong một cuộc gọi hôm thứ Hai: “Không có ý định đưa quân Mỹ đến hiện trường”.
Tuy nhiên, ông nói, Biden sẽ “luôn bảo đảm rằng chúng tôi đang bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia của mình ở bất cứ nơi nào có những lợi ích đó, kể cả, và đặc biệt là ở khu vực đó trên thế giới. Và tôi nghĩ tôi sẽ để nó ở đó.”
Kirby nói thêm rằng đợt hỗ trợ an ninh bổ sung đầu tiên của Mỹ cho Israel để đối phó với các cuộc tấn công đã được tiến hành vào tối thứ Hai.
Ông nói: “Tôi không tin rằng nó thực sự đã đến được Israel, nó đang trên đường đến đó”. “Chúng tôi hoàn toàn mong đợi rằng sẽ có thêm yêu cầu về hệ thống an ninh từ Israel khi họ tiếp tục sử dụng đạn dược trong cuộc chiến này và chúng tôi sẽ sát cánh cùng họ.”
10. Ủy ban Duma quốc gia Nga có 10 ngày để nghiên cứu việc bãi bỏ hiệp ước cấm thử hạt nhân
Các nhà lập pháp Nga có 10 ngày để nghiên cứu khả năng hủy bỏ việc Nga phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân. Duma Quốc gia, hay Hạ viện Nga, cho biết trong một tuyên bố.
Tuyên bố cho biết ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma quốc gia sẽ cần kết thúc công việc trước ngày 18 tháng 10.
Nga hôm thứ Sáu cho biết rằng họ đang nhanh chóng tiến tới việc hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, gọi tắt là CTBT, sau khi Vladimir Putin đưa ra khả năng nối lại thử hạt nhân.
Hôm thứ Năm, Putin cho biết học thuyết hạt nhân của Nga - vốn đặt ra các điều kiện để ông ta nhấn nút hạt nhân - không cần cập nhật nhưng ông vẫn chưa sẵn sàng để nói liệu Mạc Tư Khoa có cần nối lại các vụ thử hạt nhân hay không.
CTBT được ký kết vào năm 1996 và kể từ đó đã được 187 quốc gia ký kết và được 178 quốc gia phê chuẩn.
Tuy nhiên, để lệnh cấm thử nghiệm có hiệu lực, nó cần có sự phê chuẩn của 44 quốc gia tham gia đàm phán thỏa thuận và những quốc gia có điện hạt nhân hoặc lò phản ứng vào thời điểm đó. Trong số 44 nước, có 8 nước vẫn chưa phê chuẩn lệnh cấm.
11. Bộ Y tế Palestine cho biết số người thiệt mạng ở Gaza tăng lên 687 người và hơn 3.700 người bị thương
Theo tuyên bố của Bộ Y tế Palestine tại Gaza hôm thứ Hai, số người chết ở Gaza đã tăng lên 687 người, trong đó có 140 trẻ em.
Bộ Y tế cho biết thêm, số người bị thương đã lên tới 3.726 người - 10% trong số đó là trẻ em - kể từ khi các cuộc tấn công trả đũa của Israel bắt đầu.
Bộ Y tế tuyên bố lực lượng Israel đã tấn công vào xe cứu thương, với 11 xe cứu thương và một xe dịch vụ y tế bị phá hủy hoàn toàn và sau đó không thể hoạt động được.
Bộ Y tế cho biết họ tiếp tục liên lạc và hợp tác với các tổ chức nhân đạo và toàn cầu để đáp ứng tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế và nhiên liệu của các bệnh viện.
12. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Rustem Umerov, đã bày tỏ lòng biết ơn tới Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, Kajsa Ollongren
Viết trên X, trước đây gọi là Twitter, ông cho biết Kyiv rất biết ơn sự lãnh đạo của Hà Lan trong liên minh chiến đấu cơ F-16 cũng như sự sẵn sàng cung cấp máy bay và đào tạo phi công.
Hà Lan và Đan Mạch đã dẫn đầu nỗ lực đào tạo phi công Ukraine lái máy bay F-16 và sau đó cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine để giúp chống lại ưu thế trên không của Nga.
13. Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Mạc Tư Khoa “cấp hàng loạt” hộ chiếu Nga cho lãnh thổ Ukraine mà nước này kiểm soát.
AFP đưa tin:
Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, OHCHR, cho biết những cư dân không mang quốc tịch Nga đang bị từ chối tiếp cận các dịch vụ công thiết yếu và có nguy cơ bị giam giữ tùy tiện.
Phó giám đốc nhân quyền Liên Hiệp Quốc Nada Al-Nashif cho biết: “Một năm rưỡi sau cuộc tấn công vũ trang toàn diện của Liên bang Nga vào Ukraine, chúng tôi tiếp tục chứng kiến những vi phạm nhân quyền trắng trợn và không hề suy giảm”.
Bà nói với Hội đồng Nhân quyền trong một cuộc tranh luận về báo cáo mới nhất của OHCHR về nhân quyền ở Ukraine, trên lãnh thổ do Nga kiểm soát, “chúng tôi quan ngại sâu sắc về chính sách áp đặt quyền công dân Nga cho người dân Ukraine”.
Bà nói: “Những cá nhân chọn không chấp nhận hộ chiếu Nga sẽ thấy mình bị mắc kẹt trong một mạng lưới bị loại trừ, bị từ chối tiếp cận các dịch vụ công thiết yếu như an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe”.
“ Điều này cũng làm tăng nguy cơ bị giam giữ tùy tiện đối với những người chống lại.”
Nga trong nhiều năm đã cấp hộ chiếu cho người Ukraine ở các khu vực phía đông Donbas do phe ly khai thân Mạc Tư Khoa nắm giữ cũng như vùng Crimea bị sáp nhập.
Nhưng kể từ khi Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022, cuộc vận động cấp hộ chiếu đã trở nên quyết liệt hơn.
14. Điện Cẩm Linh nói rằng cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Nga nên được tổ chức đúng tiến độ, bất kể cuộc chiến ở Ukraine.
Thông tấn xã Interfax dẫn lời phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, cho biết:
Từ tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin … trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ tất cả các yêu cầu về dân chủ, hiến pháp và theo đó, tổ chức các cuộc bầu cử này.
Peskov đang đáp lại những bình luận của lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, một đồng minh thân cận của Putin, người được dẫn lời hôm thứ Bảy nói rằng Nga nên hoãn cuộc bầu cử tổng thống do cuộc chiến ở Ukraine hoặc chỉ cho phép một ứng cử viên ra tranh cử là Putin.
Nga dự kiến tổ chức cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào năm 2024 và cuộc bầu cử quốc hội tiếp theo vào năm 2026.
Trước đó, Peskov cũng bày tỏ một quan điểm tương tự. Ông cho rằng không nên bầu cử làm gì cho tốn kém vì Putin chắc chắn sẽ nhận được ít nhất 99.9% số phiếu.
15. Bộ Ngoại Giao cộng sản Tầu hoan nghênh các thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ đến thăm Bắc Kinh
Sáng hôm Thứ Ba 10 Tháng Mười, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất vui khi thấy nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đến thăm Trung Quốc và hy vọng cơ quan lập pháp của hai nước sẽ có nhiều trao đổi hơn.
Ông Tập đưa ra nhận xét này trong cuộc gặp với phái đoàn quốc hội Mỹ do lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer dẫn đầu tại Bắc Kinh.
Ông Tập cho biết nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ đang hội nhập sâu sắc và có thể hưởng lợi từ sự phát triển của nhau.
Hôm thứ Sáu, Biden cho biết có khả năng ông sẽ gặp Tập vào tháng tới tại San Francisco, mặc dù chưa có gì chính thức được ấn định.
Washington đã cung cấp hơn 40 tỷ Mỹ Kim để cung cấp cho Kyiv hàng chục xe tăng, hàng nghìn hỏa tiễn và hàng triệu viên đạn mà Ukraine sử dụng để tự vệ kể từ khi Nga xâm chiếm vào tháng 2/2022.
Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ với Nga kể từ cuộc xâm lược.
16. Ba Lan sẽ tổ chức cuộc bầu cử quan trọng trong tuần này, Ukraine hy vọng sự ủng hộ của Ba Lan dành cho họ không thay đổi
Ba Lan sẽ tổ chức cuộc bầu cử quan trọng trong tuần này. Các chuyên gia nói rằng đảng cầm quyền có thể tiếp tục giành được chiến thắng.
Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy đảng Luật pháp và Công lý chiếm từ 32% đến 34%, dẫn trước một vài điểm so với Liên minh Dân sự do cựu lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu Donald Tusk lãnh đạo.
Nhưng kết quả cuối cùng có thể phụ thuộc vào việc ai trong hai người có thể xây dựng được liên minh cầm quyền.
AFP đưa tin, mặc dù Luật pháp và Công lý dự kiến sẽ nhận được nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc bầu cử quốc hội lần thứ ba liên tiếp, nhưng có thể không chiếm được đa số tuyệt đối tại Quốc Hội và cần phải liên minh với các đảng khác để thành lập nội các.
Đối tác rõ ràng nhất mà đảng Luật pháp và Công lý cần phải hợp tác là đảng Liên minh cực hữu, vốn muốn Ba Lan ngừng viện trợ cho Ukraine và đã chỉ trích quyền của người tị nạn Ukraine.
Putin tê tái: Biệt Động Quân Ukraine bắt sống chỉ huy Nga ở Bakhmut. Kyiv: Nga trao vũ khí cho Hamas
VietCatholic Media
15:29 10/10/2023
1. Biệt Động Quân Ukraine tuyên bố bắt giữ chỉ huy Nga ở Bakhmut
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Announces Capture of Russian Commander in Bakhmut”, nghĩa là “Ukraine loan báo bắt được chỉ huy Nga ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Lực lượng Lục quân Ukraine hôm thứ Hai thông báo rằng quân đội của họ đã bắt giữ thành công một chỉ huy quân đội Nga trong cuộc chiến đang diễn ra tại thành phố Bakhmut.
Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân đăng trên kênh Telegram của mình rằng các chiến binh của họ đã bắt giữ Tư Lệnh Tiểu đoàn chí nguyện quân Alga của Nga, một nhánh của Lữ đoàn súng trường cơ giới số 72 của Mạc Tư Khoa. Tiểu đoàn này được coi là thiện chiến nhất trong Lữ đoàn súng trường cơ giới số 72 vì bao gồm các quân nhân Nga chuyên nghiệp có kinh nghiệm chiến trường tình nguyện tham gia cuộc xâm lược Ukraine.
Vụ bắt giữ được tường thuật diễn ra trong bối cảnh Kyiv ngày càng chứng kiến những thành tựu gia tăng trong cuộc phản công nhằm giành lại lãnh thổ bị Nga tạm chiếm. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận vào chiều thứ Hai.
Trong một đoạn video đính kèm bài đăng trên Telegram, được cho là ghi lại khoảnh khắc chỉ huy Nga bị bắt, có thể thấy binh lính Ukraine đang di chuyển quan chức bị thương vào một tòa nhà rách nát để trú ẩn và cung cấp nước cho anh ta. Người chỉ huy, theo bản dịch được cung cấp bởi tài khoản War Translated trên X, trước đây là Twitter, khai báo với lực lượng của Kyiv rằng anh ta đã tiến vào khu vực vào buổi sáng cùng với khoảng 120 người.
“Có rất nhiều người đã chết ở đây,” chỉ huy Nga nói khi được hỏi về tình trạng tiểu đoàn của anh ta.
Bakhmut, một thành phố công nghiệp ở miền đông Ukraine, đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ tháng 5 sau nhiều tháng chiến tranh tàn khốc. Tuy nhiên, trong 5 tháng qua kể từ khi phát động cuộc phản công, Kyiv đã dần dần áp sát các lực lượng Nga trong khu vực, bao gồm cả việc giành lại một loạt thị trấn quan trọng ở phía nam thành phố vào tháng trước.
Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine hôm Chúa Nhật báo cáo rằng quân đội của họ đã “thành công một phần” trong việc tiến về phía đông bắc Andriivka, một thị trấn trọng điểm cách Bakhmut khoảng 6 dặm về phía nam mà Kyiv đã giành lại vào giữa tháng 9. Kyiv cũng đưa tin rằng những cuộc tấn công của Nga trong khu vực đã không thành công.
Tuần trước, Thượng tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, báo cáo quân đội Nga đã chịu tổn thất nặng nề trong trận chiến Bakhmut, bao gồm 6 xe tăng trong 24 giờ.
Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân của Ukraine nói thêm trong bài đăng Telegram của mình rằng người chỉ huy hiện là “một trong những đại diện của quỹ trao đổi giữa các sĩ quan cao cấp của quân xâm lược”. Vào tháng 8, phát ngôn nhân tình báo Ukraine Andriy Yusov nói với các phóng viên rằng số sĩ quan cao cấp Nga bị bắt làm tù binh chiến tranh Nga đã vượt quá 200, theo Interfax-Ukraine.
Yusov nói thêm tại cuộc họp: “Điều này có nghĩa là việc đưa người của chúng tôi trở lại sẽ dễ dàng và tích cực hơn”.
2. Ukraine tố cáo Nga cung cấp các vũ khí phương Tây thu được trên chiến trường cho Hamas, rồi quay sang vu cáo Ukraine bán vũ khí cho Hamas
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Seeks to 'Frame' Ukraine with 'Trophy' Western Weapons in Gaza: Kyiv”, nghĩa là “ Ukraine tố cáo Nga mưu toan vu cáo Ukraine bằng cách cung cấp các vũ khí phương Tây chiến lợi phẩm cho Hamas.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Cơ quan tình báo quân sự Ukraine cho biết Nga đã “chuyển giao” vũ khí phương Tây thu được từ quân Ukraine cho phiến quân Hamas đang chiến đấu ở miền nam Israel và Dải Gaza.
Cơ quan GUR của Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng Quân đội Nga đã trao “vũ khí chiến lợi phẩm” do Hoa Kỳ và các nước thuộc Liên minh Âu Châu sản xuất, được lấy từ các chiến binh của Kyiv trong suốt cuộc chiến kéo dài 20 tháng.
Sau đó, Mạc Tư Khoa sẽ tuyên bố quân đội Ukraine đang bán những vũ khí do phương Tây tài trợ cho Hamas “một cách thường xuyên” như một phần của hoạt động cờ giả, GUR cho biết thêm.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.
Vào giữa tháng 6, Newsweek đưa tin quân đội Israel lo ngại về khả năng vũ khí do Mỹ và phương Tây sản xuất tràn vào Ukraine có thể rơi vào tay đối phương của Israel ở Trung Đông.
“Chúng tôi rất lo lắng rằng một số khả năng này sẽ rơi vào tay Hezbollah và Hamas”, một chỉ huy cao cấp của Israel nói với Newsweek với điều kiện giấu tên do tính nhạy cảm của chủ đề này.
GUR cho biết kế hoạch này nhằm mục đích làm mất uy tín của quân đội Ukraine và ngăn chặn làn sóng viện trợ quân sự từ những người phương Tây ủng hộ Kyiv. Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào các khoản viện trợ quân sự của phương Tây để duy trì nỗ lực chiến tranh chống lại lực lượng của Điện Cẩm Linh.
Tình báo Ukraine cho rằng thiết bị bộ binh do Mỹ sản xuất đã lọt vào tay Hamas, Oleksandr Kraiev thuộc tổ chức tư vấn Ukraine Prism có trụ sở tại Kyiv nói với Newsweek.
Hôm thứ Bảy, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho rằng Điện Cẩm Linh đã sử dụng các cuộc tấn công của Hamas như một vũ khí để thu hút sự chú ý của phương Tây khỏi Ukraine và làm xói mòn sự ủng hộ dành cho Ukraine.
Cựu tổng thống Nga và hiện là phó chủ tịch Hội đồng an ninh Nga, ông Dmitry Medvedev, cuối tuần qua nói rằng Mỹ đã “giúp đỡ những kẻ theo chủ nghĩa phát xít mới” thay vì tập trung vào việc tìm kiếm một thoả thuận giữa người Palestine và Israel. Điện Cẩm Linh cho biết cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine là một hoạt động quân sự đặc biệt nhằm “vô hiệu hóa” chính phủ ở Kyiv, điều này đã bị Ukraine và cộng đồng quốc tế bác bỏ.
ISW cho biết những đề xuất này từ Điện Cẩm Linh “nhắm vào khán giả phương Tây nhằm tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine”.
Tuy nhiên, hiện tại không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy Nga trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Israel, hiện đã sang ngày thứ ba.
Oleg Ignatov, nhà phân tích cao cấp về Nga của tổ chức Crisis Group, nói với Newsweek: “Thật khó để tưởng tượng rằng Nga đã không tham gia vào việc lập kế hoạch cho cuộc tấn công này”. “Tất nhiên, chúng ta đang sống trong một thế giới mà chúng ta không thể loại trừ bất cứ điều gì. Nhưng tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào.”
Theo Fabian Hinz, nhà nghiên cứu về quốc phòng và phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Hamas đã dự trữ vũ khí được một thời gian và có thể có những yêu cầu thiết bị quân sự rất khác so với Nga. Các hoạt động của Mạc Tư Khoa ở Ukraine có những đặc điểm khác xa với hoạt động của Hamas ở Israel.
Ông nói với Newsweek ban đầu Hamas bắt đầu với hỏa tiễn nhập lậu và sau đó, với sự hỗ trợ của Iran, Hamas có khả năng sản xuất hỏa tiễn hàng loạt trong nước –– không giống bất kỳ thiết kế nào khác trên thế giới. Ông nói thêm, Hamas dường như cũng đã phát triển máy bay không người lái của riêng mình, cũng như sử dụng các phương tiện không người lái do Iran sản xuất.
Sáng sớm ngày thứ Bảy, các chiến binh Hamas đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn trên bộ, trên không và trên biển vào Israel, đánh dấu sự leo thang thù địch nghiêm trọng nhất trong khu vực trong nhiều năm mà nhóm này gọi là “Chiến dịch Lũ lụt Al-Aqsa”.
Israel đã tiến hành nhiều đợt không kích trong khuôn khổ “Chiến dịch Thanh kiếm sắt” nhằm vào Dải Gaza.
Theo thông tấn xã AP, ít nhất 700 người đã thiệt mạng ở Israel và 493 người ở Gaza, với hàng nghìn người bị thương ở cả hai phía.
Hôm thứ Bảy, Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, mặc dù phát ngôn nhân Maria Zakharova dường như đổ lỗi cho “phương Tây” vì đã ngăn chặn các nỗ lực tạo dựng hòa bình giữa Nga, Mỹ, Liên minh Âu Châu và Liên Hiệp Quốc khiến bạo lực bùng phát trở lại ở vùng Trung đông.
3. Putin sẽ nhức đầu thêm vì cuộc xâm lược Ukraine sau cuộc tấn công vào Israel
Hôm thứ Bảy, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho rằng Điện Cẩm Linh đã sử dụng các cuộc tấn công của Hamas như một vũ khí để thu hút sự chú ý của phương Tây khỏi Ukraine và làm xói mòn sự ủng hộ dành cho Ukraine.
Tuy nhiên, một chuyên gia lại nghĩ ngược lại. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Faces Ukraine War Headache After Israel Attack”, nghĩa là “Putin đối mặt với cơn đau đầu chiến tranh Ukraine sau cuộc tấn công vào Israel.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Một chuyên gia nói với Newsweek rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể phải sững sờ trước sự hỗ trợ mới của phương Tây dành cho Ukraine sau những ngày đổ máu ở Israel và Gaza, khi số người chết vì bạo lực cuối tuần tăng lên.
Oleksandr Kraiev, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ tại tổ chức tư vấn Ukraine Prism, nói với Newsweek: “Sự leo thang gần đây ở Trung Đông sẽ chỉ khuyến khích các nước phương Tây có đường lối cứng rằn hơn khi hỗ trợ các đồng minh của họ”.
“Vấn đề không phải là 'ít vũ khí hơn, hòa bình hơn'. Nhưng là về việc cung cấp các công cụ để bảo vệ hòa bình”, Kraiev nói. “Vì vậy, câu chuyện ở Israel có thể mang lại lợi thế cho Ukraine.”
Ngay sau khi các chiến binh Palestine chiến đấu cho Hamas tiến hành các cuộc tấn công phối hợp trên bộ, trên biển và trên không vào Israel vào sáng sớm thứ Bảy và Israel bắt đầu các đợt không kích vào Gaza, Hoa Kỳ đã dồn sức hỗ trợ Israel.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington sẽ “cung cấp mọi biện pháp hỗ trợ thích hợp” cho Israel sau “các cuộc tấn công khủng khiếp và đang diễn ra”, đồng thời cho biết thêm rằng Mỹ “lên án mạnh mẽ cuộc tấn công kinh hoàng này nhằm vào Israel của những kẻ khủng bố Hamas từ Gaza”.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết Vương quốc Anh “mạnh mẽ” ủng hộ Israel. Luân Đôn “sẵn sàng” hỗ trợ Israel về mặt quân sự nếu nước này yêu cầu sự hỗ trợ như vậy.
Tiết lộ gói viện trợ quân sự mới vào giữa tháng 9, Biden cho biết sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine tập trung vào “an ninh lâu dài” của Kyiv và bảo đảm rằng Ukraine “có khả năng ngăn chặn các mối đe dọa trong tương lai đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tự do”.
“Bởi vì đó chính là mục đích của chuyện này—tương lai, tương lai của tự do,” Biden nói. “Mỹ không bao giờ có thể, sẽ không bao giờ chấm dứt điều đó.”
Kyiv phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ của phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ, để duy trì nỗ lực chiến tranh khốc liệt chống lại lực lượng Nga ở miền đông và miền nam Ukraine. Nhưng một số người ở Kyiv có thể đã cảm thấy lo lắng sau khi Mỹ chỉ tránh được việc đóng cửa chính phủ vào cuối tháng 9 trong gang tấc bằng cách tước bỏ viện trợ cho Ukraine.
Hôm thứ Bảy, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho rằng Điện Cẩm Linh đã sử dụng các cuộc tấn công của Hamas như một vũ khí để chuyển hướng sự chú ý của phương Tây khỏi Ukraine và làm xói mòn mong muốn gửi viện trợ quân sự cho Kyiv của phương Tây.
ISW cho biết cuối tuần qua rằng Mạc Tư Khoa đang hy vọng “tấn công vào các đối tượng phương Tây để tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine”.
Kraiev nói: “Những tiếng nói tuyên truyền nổi bật nhất của Nga coi các cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel là “điều gì đó có thể ảnh hưởng đến Mỹ” và “bất kỳ sự xáo trộn nào như vậy là tin tốt cho Nga”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng các chuyên gia về Ukraine ngày càng quan tâm đến ý tưởng “bảo đảm kiểu Israel”.
Ukraine từ lâu đã kiến nghị với các quốc gia thành viên NATO về việc trở thành thành viên chính thức của liên minh, điều này đã được hứa với Kyiv vào một thời điểm chưa xác định trong tương lai. Nhưng NATO khó có thể thừa nhận Ukraine là thành viên cho đến khi cuộc chiến với Nga kết thúc, vì tư cách thành viên của NATO sẽ buộc liên minh này phải tham gia cuộc chiến toàn diện chống lại Mạc Tư Khoa theo Điều 5 của hiệp ước liên minh.
Ý tưởng về “bảo đảm an ninh kiểu Israel” đã được đưa ra trong nhiều tháng, điều này thực sự có nghĩa là hỗ trợ và huấn luyện quân sự và an ninh mạnh mẽ mà không cần ràng buộc Điều 5.
Kraiev nói: “Những diễn biến hiện tại cho thấy vẫn còn một khoảng cách lớn giữa cuộc tấn công của Nga vào hạ tầng cơ sở của Ukraine trên thực tế, và sự hỗ trợ đến từ các quốc gia đối tác”. Điều này khiến Ukraine cảm thấy chắc chắn hơn bao giờ hết rằng “chỉ có tư cách thành viên NATO chính thức mới có thể là sự bảo đảm mang tính quyết định cho an ninh Ukraine trong tương lai, chứ không chỉ hỗ trợ chính trị và tài nguyên theo 'kịch bản Israel'“.
4. Ủy ban Liên Hiệp Âu Châu đình chỉ tất cả các khoản tài trợ của Palestine sau vụ tấn công của Hamas
Một quan chức cho biết hôm thứ Hai rằng Ủy ban Liên minh Âu Châu đang đình chỉ tất cả các khoản tài trợ của Palestine cho đến khi xem xét thêm sau vụ tấn công của Hamas vào Israel.
Oliver Varhelyi cho biết trong một loạt bài đăng trên mạng xã hội: “Quy mô khủng bố và tàn bạo chống lại Israel và người dân nước này là một bước ngoặt”. “Mọi chuyện không thể như thường lệ được.”
Ông cho biết, với tư cách là nhà tài trợ lớn nhất cho người Palestine, Ủy ban Âu Châu đang xem xét toàn bộ danh mục phát triển của mình, trị giá khoảng 691 triệu euro hay 728 triệu Mỹ Kim. Các khoản này bao gồm:
Tất cả các khoản thanh toán ngay lập tức bị đình chỉ.
Tất cả các dự án đều đang được xem xét.
Tất cả các đề xuất ngân sách mới, bao gồm cả năm 2023, đều bị hoãn lại cho đến khi có thông báo mới.
Việc đánh giá toàn diện toàn bộ danh mục đầu tư đang được tiến hành.
Varhelyi nói: “Các nền tảng cho hòa bình, khoan dung và cùng tồn tại giờ đây phải được giải quyết”.
Ông nói thêm: “Việc kích động hận thù, bạo lực và tôn vinh khủng bố đã đầu độc tâm trí của quá nhiều người”. “Chúng ta cần hành động và chúng ta cần nó ngay bây giờ.”
Trong một diễn biến mới nhất, một số biện pháp nêu trên đã được hủy bỏ vì Liên Hiệp Âu Châu cho rằng những biện pháp này sẽ gây hại cho dân thường hơn là cho Hamas.
5. Nga đang chuẩn bị đối đầu với NATO ở Bắc Cực
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Is Gearing Up for a Standoff With NATO in the Arctic”, nghĩa là “Nga đang tăng tốc cho việc đối đầu với NATO ở Bắc Cực.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Theo cơ quan truyền thông điều tra độc lập Agentstvo và một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, một sắc lệnh mới của tổng thống Nga cho thấy Mạc Tư Khoa có thể đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với thành viên mới của NATO là Phần Lan và các nước vùng Baltic.
Hôm Chúa Nhật, Bộ Quốc phòng Nga đã chuẩn bị một sắc lệnh của tổng thống nhằm tước bỏ của Hạm đội phương Bắc của Nga tư cách là một “Tập đoàn quân lãnh thổ chiến lược đa khu vực”. Nó sẽ chuyển bốn khu vực cấu thành của Hạm đội phương Bắc bao gồm Cộng hòa Komi, các tỉnh Arkhangelsk và Murmansk, và Khu tự trị Nenets đến Quân khu Leningrad được cải tổ.
Nhà phân tích quân sự Nga Yury Fedorov nói với Agentstvo rằng việc xây dựng lại Quân khu Leningrad cho thấy Nga đang chuẩn bị cho những xung đột có thể xảy ra với các nước vùng Baltic và NATO.
Quân khu Leningrad, đóng quân gần thành viên mới của NATO là Phần Lan và các nước vùng Baltic, là thành phần chủ chốt của Lực lượng Vũ trang Nga, có nhiệm vụ giám sát một phần chiến lược phòng thủ của quốc gia ở khu vực phía Tây nước Nga. Phần Lan có chung đường biên giới dài 800 dặm với Nga.
Phần Lan gia nhập liên minh quân sự NATO trong năm nay để đáp trả cuộc xâm lược toàn diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Ukraine. Các nước vùng Baltic—Estonia, Latvia và Lithuania—đã nỗ lực trong suốt cuộc xâm lược để tăng cường phòng thủ trong khi gửi viện trợ cho Ukraine.
Cơ quan phản gián của Estonia cho biết trong một báo cáo năm nay rằng Nga coi các nước vùng Baltic là bộ phận dễ bị tổn thương nhất trong NATO. Điều này sẽ khiến họ trở thành tâm điểm gây áp lực quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột giữa tổ chức này và Mạc Tư Khoa.
Quân khu Leningrad được sáp nhập vào năm 2010 với Quân khu Mạc Tư Khoa, Hạm đội phương Bắc và Hạm đội Baltic để thành lập Quân khu phía Tây. Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa đã thay đổi hướng đi vào tháng 8 khi Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tuyên bố rằng các quân khu đang được tích cực thành lập.
“Quân khu này có ý định tiến hành chiến tranh trong một chiến trường cụ thể. Nhà phân tích quân sự Fedorov cho biết, Quân khu Leningrad có hai chiến trường là các nước vùng Baltic và Phần Lan.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và NATO để yêu cầu bình luận qua email.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, trong phân tích mới nhất về cuộc xung đột ở Ukraine hôm Chúa Nhật, cho biết quyết định của Bộ Quốc phòng Nga về việc chia lại Quân khu phía Tây cho thấy Nga thấy cần phải tái cơ cấu lực lượng của mình khi đối mặt với NATO, và có khả năng sẽ bố trí quân ở biên giới Phần Lan.
ISW cho biết: “Mặc dù vẫn chưa rõ làm thế nào Nga có thể huy động, huấn luyện và tổ chức các lực lượng này thành các đơn vị cấp quân khu”.
Fedorov cho biết việc tái cơ cấu này có thể được thiết kế cho giai đoạn sau chiến tranh ở Ukraine. Ông nói thêm rằng, khi cuộc xung đột kết thúc, tất cả các quốc gia tham gia sẽ phải đối mặt với câu hỏi về việc chuẩn bị cho một cuộc chiến trong tương lai.
Chuyên gia này cho rằng liên minh quân sự NATO, Mỹ và Âu Châu có thể tìm cách triển khai lực lượng răn đe lớn ở biên giới Nga, trong khi Ukraine sẽ tìm cách gia nhập NATO.
“Nga sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ còn khó khăn hơn, bởi quân đội đã bị tàn phá, vũ khí hiện đại ngày càng cạn kiệt, chiến tranh đã bộc lộ rất nhiều điểm yếu trong quân đội. Họ sẽ cố gắng tái tạo các lực lượng vũ trang có khả năng tiến hành chiến tranh ở Âu Châu và với Ukraine và NATO ở chiến trường phương Tây”, Fedorov nói.
6. Liên Hiệp Quốc lo ngại rằng 'không có hệ thống nào được thiết lập' để trả lại trẻ em Ukraine bị bắt cóc Nga
Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai cho biết họ lo ngại rằng không có hệ thống nào để trả lại trẻ em Ukraine bị bắt cóc đưa sang Nga kể từ khi Mạc Tư Khoa xâm chiếm nước này vào năm ngoái và một số trẻ muốn quay trở lại đã báo cáo rằng các em bị ngược đãi.
Chính quyền Ukraine cho biết họ đã xác định và xác minh gần 20.000 trẻ em đã bị đưa sang Nga trong chiến tranh.
Ukraine cho đến nay đã hồi hương hơn 400 trẻ em nhưng cho biết họ không biết chính xác còn bao nhiêu nữa vì Ukraine không được tiếp cận với Nga hoặc các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm ở phía nam và phía đông.
Nada Al-Nashif, phó cao ủy LHQ về nhân quyền, nói với LHQ: “OHCHR đặc biệt lo ngại rằng không có hệ thống nào được Nga thiết lập để trả lại trẻ em Ukraine bị chuyển đến các khu vực khác trong lãnh thổ bị Nga tạm chiếm hoặc đưa sang Liên bang Nga”.
Reuters đưa tin, bà nói thêm “Trong số những đứa trẻ đoàn tụ với gia đình sau khi người thân tới Liên bang Nga để đón chúng về, một số mô tả đã trải qua hoặc chứng kiến bạo lực tâm lý hoặc thể chất của các nhân viên giáo dục người Nga”.
Mạc Tư Khoa đã nhiều lần phủ nhận việc ép buộc trẻ em Ukraine sang Nga, nói rằng họ đã chuyển những đứa trẻ được tìm thấy trong trại trẻ mồ côi hoặc không có sự chăm sóc của cha mẹ sang Nga vì sự an toàn của chính các em; trong khi Ukraine tố cáo Nga bắt cóc trẻ em.
Tòa án hình sự quốc tế đã cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin và ủy viên quyền trẻ em Nga Maria Lvova-Belova về tội ác chiến tranh khi trục xuất trái phép trẻ em Ukraine.
7. Một tòa án ở Stockholm đã ra lệnh trả tự do cho một công dân Nga gốc Thụy Điển bị cáo buộc chuyển công nghệ phương Tây cho Nga trước khi tuyên án vào ngày 26 tháng 10.
Sergei Skvortsov đã bị giam giữ kể từ khi bị bắt trong cuộc đột kích vào lúc bình minh vào ngôi nhà ở Stockholm của ông vào tháng 11 năm 2022.
Anh ta phải đối mặt với án tù 5 năm vì cáo buộc “hoạt động tình báo bất hợp pháp” nếu bị kết án.
Tòa án quận Stockholm hôm thứ Hai cho biết họ đã “quyết định rằng không còn lý do gì để giam giữ bị cáo nữa”.
Người đàn ông 60 tuổi này sống ở Thụy Điển từ những năm 1990, điều hành các công ty xuất nhập khẩu.
AFP đưa tin, ông này bị buộc hai tội “hoạt động tình báo bất hợp pháp” chống lại Mỹ và Thụy Điển trong hơn một thập kỷ cho đến khi bị bắt vào tháng 11 năm 2022.
Các công tố viên đang yêu cầu mức án lên tới 5 năm đối với Skvortsov, cho rằng anh ta là “đại lý mua sắm” cho một tổ chức lớn của Nga mua lại công nghệ ngoài các giới hạn được áp đặt bởi các lệnh trừng phạt.
Skvortsov khẳng định ông ta là một doanh nhân hợp pháp.
Kẻ trộm Thánh Giá của Đức Bênêđíctô XVI đã bị bắt. Vụ Jack Philips tiên báo nhiều LM sẽ phải đau khổ
VietCatholic Media
17:32 10/10/2023
1. Cảnh sát cho biết nghi phạm trộm Thánh Giá của Đức Bênêđíctô XVI đã bị bắt
Cảnh sát cho biết, sau khi nhà chức trách ban hành lệnh bắt giữ quốc tế, áp lực ngày càng gia tăng đã khiến nghi phạm phải đầu thú với cảnh sát tại nơi cư trú của anh ta ở Cộng hòa Tiệp.
Vài tháng sau vụ trộm thánh giá được cố Giáo hoàng Bênêđíctô XVI để lại cho một giáo xứ ở quê hương Bavaria của ngài, cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm ở Cộng hòa Tiệp.
Cây thánh giá - vẫn còn mất tích - đã bị đánh cắp vào ngày 19 tháng 6 năm nay từ một tủ trưng bày trên tường của Nhà thờ St. Oswald ở thành phố Traunstein.
Theo Văn phòng Cảnh sát Hình sự Bang Bavaria, nghi phạm 53 tuổi, người mà cảnh sát tuyên bố là kẻ trộm hàng loạt có tiền sử tội phạm tài sản ở một số quốc gia Âu Châu, đã để lại dấu vết tại hiện trường vụ án, dẫn đến việc nhận dạng anh ta thông qua dữ liệu quốc tế.
Cảnh sát cho biết sự nghiệp phạm tội của anh ta ở Đức bắt đầu từ năm 1990.
Truyền thông Đức đưa tin, văn phòng công tố, xem xét các tiền án đáng kể trước đó của nghi phạm, dự đoán mức án tù vài năm nếu anh ta bị kết án.
Tuy nhiên, các nhà chức trách được cho là đang xem xét giảm mức án đáng kể nếu cây thánh giá được trả lại.
Cảnh sát cho biết, sau khi nhà chức trách ban hành lệnh bắt giữ quốc tế, áp lực ngày càng gia tăng đã khiến nghi phạm phải đầu thú với cảnh sát tại nơi cư trú của anh ta ở Cộng hòa Tiệp.
Hiện anh ta đang bị giam giữ tại thị trấn Traunstein ở Bavaria, mặc dù vị trí của cây thánh giá bị đánh cắp vẫn tiếp tục lọt khỏi tầm tay của các nhà điều tra.
Cây thánh giá trước ngực có giá trị to lớn đối với cộng đồng Công Giáo ở Traunstein. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, sinh ra trong cộng đồng nhỏ Marktl am Inn ở Bavaria, đã để lại di sản cho Nhà thờ Thánh Oswald sau khi nghỉ hưu vào năm 2013.
Các nhà điều tra hiện đang tăng cường nỗ lực tìm lại cây thánh giá bị mất tích. Văn phòng Cảnh sát Hình sự Bang Bavaria đã treo thưởng 1.000 euro cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc phục hồi.
Source:National Catholic Register
2. Tòa án Tối cao Colorado xét xử vụ kiện tự do tôn giáo mới nhất của người làm bánh. Chúc lành cho tội lỗi nhiều linh mục sẽ gặp rắc rối về pháp lý
Jack Phillips, người thợ làm bánh mà cuộc đấu tranh kéo dài nhiều năm vì tự do tôn giáo đã khiến ông trở thành một cái tên quen thuộc, sẽ trở lại phòng xử án - lần này là trước Tòa án Tối cao Colorado.
Vào năm 2018, Phillips đã tới Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, nơi anh đã giành chiến thắng trong một quyết định mang tính bước ngoặt sau khi bị Colorado kiện vì từ chối nướng bánh cưới đồng giới.
Giờ đây, trong vụ thứ ba chống lại anh ta, Phillips đang bị Autumn Scardina, một người đàn ông xác định là phụ nữ, kiện vì từ chối nướng một chiếc bánh sinh nhật màu hồng với lớp phủ màu xanh lam nhằm kỷ niệm việc Scardina tự nhận mình là người chuyển giới.
Vụ kiện của Scardina cho rằng Phillips đã vi phạm quyền tự do không bị phân biệt đối xử của Scardina tại nơi công cộng. Vụ kiện dựa trên Đạo luật chống phân biệt đối xử của Colorado, trong đó đánh dấu “khuynh hướng tình dục” và “tình trạng chuyển giới” là các yếu tố phải được bảo vệ.
Sau khi cả tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm ra phán quyết chống lại anh ta, Phillips đã kháng cáo và được đại diện bởi công ty luật tự do tôn giáo Alliance Defending Freedom.
Với việc Tòa án Tối cao Colorado tiếp nhận đơn kháng cáo, Phillips, một Kitô hữu, sẽ tranh luận với các quan chức cao cấp nhất của cơ quan tư pháp bang rằng việc từ chối tạo ra những chiếc bánh theo yêu cầu thể hiện những thông điệp mà ông cho là phản cảm là việc thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình.
Jack Phillips là ai?
Là một nghệ sĩ lành nghề, Phillips đã mở công ty Masterpie Cakeshop của mình ở Lakewood, Colorado vào năm 1993.
Phillips và vợ anh, Debi, đồng sở hữu cửa hàng, cả hai đều đã khám phá lại đức tin Kitô của mình khi trưởng thành và ưu tiên mối quan hệ của họ với Chúa Kitô. Một phần điều đó có nghĩa là họ chọn không tạo ra những chiếc bánh vi phạm lương tâm của mình.
Người thợ làm bánh cho biết trước đây anh từ chối làm nhiều loại bánh, kể cả bánh dành cho Halloween, bánh ly hôn và những loại bánh có thông điệp chê bai đức tin.
Phillips, người đã viết một cuốn sách về việc đức tin đã đưa ông đến tòa án cao nhất nước như thế nào, lần đầu tiên gặp phải vấn đề pháp lý khi hai người đàn ông yêu cầu ông nướng một chiếc bánh cưới đồng tính cho họ vào năm 2012.
Anh ta nói với CNA trong một cuộc phỏng vấn năm 2021 rằng khi anh ta từ chối: “Họ chửi bới tôi, họ sỉ nhục tôi, họ xông ra khỏi cửa hàng của tôi và đệ đơn kiện.”
Liên minh Bảo vệ Tự do cũng đại diện cho anh ta trong vụ kiện đó, vụ việc kết thúc với chiến thắng tại Tòa án Tối cao sau một số phán quyết chống lại anh ta tại các tòa án cấp dưới. Anh ta nói rằng cuộc chiến pháp lý đầu tiên đã khiến anh ta mất 40% công việc kinh doanh.
Sau khi vụ kiện đó được xét xử tại Tòa án Tối cao vào năm 2018, Phillips một lần nữa trở thành đối tượng trong vụ kiện cấp tiểu bang từ Ủy ban Dân quyền Colorado.
Vụ kiện đó của tiểu bang được khởi xướng sau khi Scardina, nguyên đơn trong vụ kiện hiện tại chống lại Phillips, đưa ra khiếu nại khi người thợ làm bánh từ chối làm một chiếc bánh sinh nhật màu hồng với lớp phủ màu xanh lam, để kỷ niệm cả ngày sinh nhật của Scardina và việc chuyển đổi giới tính.
Phillips và Alliance Defending Freedom đã đệ đơn kiện liên bang chống lại tiểu bang vào thời điểm đó, cho rằng ông đang bị phân biệt đối xử vì đức tin của mình. Cuối cùng cả hai bên đã đồng ý hủy bỏ vụ kiện.
Nhưng vở kịch pháp lý vẫn chưa kết thúc.
Nhiều người lo ngại rằng nếu Giáo Hội quyết định chúc lành cho các kết hiệp đồng giới, nhiều linh mục sẽ phải ra tòa như ông Phillips, nếu các ngài vì lương tâm không chấp nhận làm như thế.
Source:Catholic World Report
3. 17.000 tín hữu tham gia Cuộc hành hương Mân côi tại Lộ Đức
Trong những ngày từ 04 đến 07 tháng Mười vừa qua, cuộc hành hương Mân côi đã tiến hành tại Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Đức bên Pháp, với sự tham dự của ít nhất 17.000 tín hữu.
Cuộc hành hương thường niên này được Dòng Đa Minh và các Hội Mân côi ở Pháp tổ chức từ 115 năm nay (1908). Ngoài các chương trình thờ phượng và sùng mộ, còn có một chương trình huấn luyện phong phú về mặt trí thức và tu đức.
Thực vậy, trong bốn ngày hành hương, ngoài các buổi đọc kinh Mân côi, có các cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa, lúc 4 giờ chiều, cuộc rước Đức Mẹ vào tối thứ Năm, ngày 05 tháng Mười, còn có khoảng 15 buổi thuyết trình lớn, theo các chủ đề khác nhau, sau thánh lễ lúc 9 giờ sáng và ban chiều, do các tu sĩ Đa Minh và nhiều giáo dân linh hoạt. Những đề tài được đề cập đến, như “sứ vụ truyền giáo ngày nay”, “Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI hay ước muốn tìm kiếm Thiên Chúa”, “Tình yêu là một cuộc chiến đấu: chiến thuật của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu”, “Giáo hội và thế giới, một cuộc ly dị đã xảy ra”, “Linh mục Peyramale, cha sở của Bernadette”, “Sự thiếu thốn và hạnh phúc”, “Chọn lựa sự kết thúc cuộc sống, kể cả cái chết?, đó không phải là chuyện đơn giản...”.
Vấn đề loan báo Tin mừng cũng như những khó khăn Giáo hội đang trải qua cũng là đề tài được các tu sĩ Đa Minh trình bày. Giống như năm ngoái, Đức Tân Hồng Y Francois-Xavier Bustillo, Giám mục ở đảo Corse, cũng đến thuyết trình năm nay trong cuộc hành hương Mân côi, sau thánh lễ sáng thứ Năm, ngày 05 tháng Mười vừa qua.
Tất cả các bài thuyết trình trên đây xoay quanh chủ đề tổng quát là “Hãy đến xây dựng Giáo hội”, phản ánh lời Đức Mẹ dạy thánh nữ Bernadette hồi năm 1858 hãy “xây dựng một nhà nguyện”.
Cha Hugues-Francois Rovarino, Tổng giám đốc các cuộc Hành hương Mân côi, cho biết chương trình huấn luyện về trí thức, thần học và tu đức, được phát triển đặc biệt sau một cuộc thăm dò cách đây vài năm nơi các tín hữu hành hương.