Ngày 11-10-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi
Phaolô Phạm Xuân Khôi
09:32 11/10/2008
Bài chú giải Thánh Thư CN XXVIII TN A (Pl 4, 12-14. 19-20)

Trong tình trạng kinh tế xuống dốc như hiện nay, chắc chắn nhiều người trong chúng ta đang bồn chồn lo lắng không biết phải lo liệu sao cho tương lai. Tiền bạc, của cải, vật chất không có gì là vững chắc cả. Chỉ cần một toan tính sai lầm của con người là cả một nền kinh tế vĩ đại bị xụp đổ qua đêm. Nếu chúng ta đặt niềm tin vào vật chất thì chúng ta sẽ mất hết hy vọng trong hoàn cảnh này.

Hôm nay Thánh Phaolô nhắc cho chúng ta rằng chỉ có Thiên Chúa là Đấng có thể giúp cho chúng ta có sức mạnh để vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn. Nếu chúng ta đặt hy vọng nơi Ngài thì không có gì có thể lung lạc được chúng ta. Và Thánh Nhân đưa chính hoàn cảnh của ngài ra để làm gương cho chúng ta.

Câu 12 - Tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn.

Trong đời Tông Đồ, Thánh Phaolô đã nhiều lần “lên voi xuống chó” như ngài đã trình bày trong các Thư của ngài. Tuy nhiên đối với ngài, lúc lên voi cũng không làm cho ngài tự mãn, mà khi xuống cho cũng không làm ngài nản lòng. Lúc nào ngài cũng bằng lòng với hoàn cảnh của mình.

Trong Kinh Lạy Cha Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta xin cho lương thực hằng ngày, và trong sách Châm Ngôn Thiên Chúa cũng dạy chúng ta cầu nguyện với Ngài như sau:

“Xin đừng để con túng nghèo,

cũng đừng cho con giàu có;

chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng,

"kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói:

"ĐỨC CHÚA là ai vậy?"

hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp,

làm ô danh Thiên Chúa của con.


Châm Ngôn (30:8-9).

Trong câu này, Thánh Phaolô dạy chúng ta phải biết bằng lòng với hoàn cảnh của mình như ngài đã bằng lòng với hoàn cảnh của ngài. Đừng quá lo lắng về của cải. Trong Tin Mừng Chúa cũng cảnh cáo chúng ta về các nguy hiểm của vật chất. Giàu sang, sung túc dễ làm cho người ta xa lìa Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta cũng hành động như những người khách được mời đi dự tiệc cưới trong bài Tin Mừng. Thay vì đến hưởng sự sung túc do Thiên Chúa dọn sẵn cho mình thì chúng ta từ chối lời mời của Chúa vì còn bận những chuyện riêng tư, nhất là bận kiếm tiền.

Riêng đối với các linh mục, Công Đồng Vaticanô II nói rằng các linh mục “không được coi chức vụ của Giáo Hội như một mối lợi, cũng không được dùng những lợi tức để làm giàu cho gia đình mình. Bởi vậy các Linh Mục không bao giờ được để tâm hồn dính bén của cải nhưng phải luôn luôn tránh mọi tham lam và xa lánh mọi hình thức thương mại. Hơn nữa, các ngài được mời gọi tình nguyện sống nghèo khó để nên giống Chúa Kitô một cách rõ ràng hơn và tận tụy hơn với chức vụ thánh. Thật vậy, dù giàu có, Chúa Kitô đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta để nhờ sự nghèo khó của Người mà chúng ta trở nên giàu có. Cũng thế, chính các Tông Ðồ đã làm gương chứng minh rằng: đã lãnh nhận ơn cách nhưng không thì cũng phải ban phát cách nhưng không, và các ngài đã biết sống khi được sung túc cũng như khi phải túng thiếu (Pl 4:12). Việc xử dụng tài sản như thế theo gương đóng góp tài sản làm của chung đã được tán thưởng trong lịch sử Giáo Hội sơ khai, có thể mở một con đường dẫn tới bác ái mục vụ một cách tuyệt hảo và nhờ cách sống này các Linh Mục có thể thực hiện một cách đáng khen ngợi tinh thần nghèo khó đã được Chúa Kitô khuyến khích.” (Presbyterorum Ordinis, 17).

Cho nên bằng lòng với hoàn cảnh của mình chính là điều kiện để được hạnh phúc thật, bởi vì hạnh phúc không thể đo được bằng tiền của mà bởi niềm vui trong lòng mỗi người. Tiền của chỉ tạo nên ảo ảnh hạnh phúc mà thôi. Người không có tiền mà lúc nào cũng lo lắng tìm cách kiếm tiền là người bất hạnh nhất trên đời vì họ đang tìm chiếc bánh vẽ.

Câu 13 - Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi.

Nếu Thánh Phaolô cảm nghiệm được sự thiếu thốn và dư dật, ngài cũng trải qua nhiều thành công và thất bại, nhiều khó khăn và đau khổ. Trong mọi trường hợp, Thánh Nhân không cậy trông vào những gì ngài sở hữu, nhưng cậy trông vào khả năng hoạt động của ngài. Khả năng ấy không do chính sức ngài mà do Đấng ban sức mạnh cho ngài, là Đức Kitô, Đấng đã phán rằng: “Không có Thầy các con không làm được việc gì” (Ga 15:5). Sức mạnh của Đức Kitô chính là Chúa Thánh Thần và ân sủng của Thiên Chúa, mà chúng ta nhận được qua cầu nguyện và các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể.

Câu 14 - Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ nỗi quẫn bách của tôi.

Như ở nhiều câu khác, trong câu này Thánh Phaolô bày tỏ lòng biết ơn đối với dân Philippphê vì họ đã giúp đỡ và lo lắng cho ngài. Mặc dầu ngài thường tự lực cánh sinh bằng nghề làm lều, nhưng các tín hữu Philippê đã nhiều lần gửi tiền bạc và nhân lực đến giúp ngài. Ngài đã luôn sẵn sàng đón nhận và tỏ lòng biết ơn.

Giúp đỡ các mục tử cả về vật chất lẫn tinh thần là nhiệm vụ của giáo dân. Lãnh nhận sự giúp đỡ này với lòng khiêm nhường và biết ơn là nhiệm vụ của mục tử. Mục tử nào hống hách và đòi hỏi thì không phải mục tử chân chính.

Ngày nay Chúa cũng gửi người đến giúp các tông đồ của Ngài bằng nhiều cách. Ngài đang sai nhiều chuyên viên về nhiều vấn đề quản trị, tài chánh và ngay cả Giáo Lý đến để giúp đỡ các mục tử, nhưng phần lớn chỉ những người biết “vâng, dạ” là được các đấng dùng, còn những người thẳng thắn thường bị tẩy chay hay bị hoàn toàn gạt ra ngoài.

Ngoài ra, cũng có nhiều giáo dân tuy không có kinh nghiệm hay kiến thức, nhưng vì nhu cầu được đưa ra đảm trách một vài chức vụ quan trọng, cũng thường không bao giờ hỏi ý kiến những người kinh nghiệm hơn mình, mà chỉ biết hùng hục làm việc một mình. Không những thế, họ còn cảm thấy nhục nhã khi người khác có lòng muốn giúp họ.

Biết khả năng và giới hạn của mình, biết tìm sự giúp đỡ của những người có kiến thức hay kinh nghiệm hơn mình là đức khiêm nhường thật sự. Và nhờ đức khiêm nhường này, chúng ta không những chẳng mất mát gì mà còn nhận lại được không biết bao nhiêu mà kể.

Câu 19 - Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh sang của Người trong Đức Giêsu Kitô.

Tất cả chúng ta chỉ là quản lý của Thiên Chúa. Mọi của cải, tài năng, sức khoẻ và cả thì giờ của chúng ta đều do Chúa ban. Chính Thiên Chúa hoạt động qua chúng ta. Càng ngoan ngoãn để Chúa làm việc trong mình thì chúng ta càng được Ngài ban cho dư dật. Hãy để Thiên Chúa dùng chúng ta theo Thánh Ý của Ngài. Chỉ có một điều chúng ta cần chiếm hữu là Chính Đức Kitô. Đức Kitô mới là sự giàu sang thật sự. Người là kho tàng vô giá. Người chính là Nước Thiên Chúa. Nói đúng hơn là thay vì chiếm hữu Đức Kitô, thì chúng ta hãy để cho Người chiếm hữu chúng ta. Để cho Người dùng chúng ta mà thông ban phúc lành cho mọi người chung quanh chúng ta.

Câu 20 - Vinh danh Thiên Chúa là Cha chúng ta muôn đời. Amen!

Tại sao Thiên Chúa cần vinh danh và vinh danh là gì?

Thực sự Thiên Chúa không cần vinh danh mà cũng chẳng chúng ta chúc tụng. Trước mặt Thiên Chúa chúng ta chẳng khác gì những con vi khuẩn li ti. Nếu các vi khuẩn ấy chúc tụng chúng ta thì chúng ta cũng chẳng thấy mình được thêm vinh dự chút nào. Tuy nhiên vinh danh Thiên Chúa là để cho Ngài chia sẻ hạnh phúc và sự sung mãn của Ngài với chúng ta. Thiên Chúa càng được vinh danh nghĩa là càng nhiều người được hạnh phúc thật. Như thế vinh danh Thiên Chúa vì ích lợi cho loài người chứ không phải vì ích lợi cho Thiên Chúa.

Ngoài ra chúc tụng Thiên Chúa là một cách chúng ta tỏ lòng biết ơn đối với Ngài, là nhiệm vụ của chúng ta. Nhiều khi chúng ta làm việc bác ái hay phục vụ vì mục đích khác chứ không phải vì vinh danh Thiên Chúa. Chính vì thế mà Thánh Phaolô nhắc nhở: “Vì có ai thấy gì khác nơi anh em không? Có gì anh em có mà anh em đã không nhận lãnh? Nhưng nếu anh em đã nhận lãnh, thì tại sao anh em lại tự hào như là đã không lãnh nhận?” (1 Cor 4:7).

Kết Luận

Muốn hạnh phúc chúng ta phải biết tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa và phó thác cho Ngài. Nếu chúng ta biết tin tưởng vào Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta khả nănh để thắng vượt mọi khó khăn. Muốn hạnh phúc thật, chúng ta đừng tham lam nhưng bằng lòng với hoàn cảnh của mình, và ý thức rằng mọi sự tốt lành đều do Chúa ban. Hãy luôn nhớ đến những hồng ân của Thiên Chúa mà không ngừng cảm tạ Ngài trong Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho con biết làm việc bằng hết khả năng Chúa ban, và biết hoàn toàn phó thác mọi sự trong tay Chúa. Amen.

Câu hỏi để thảo luận

1. Tôi cảm thấy thế nào khi nghe nói về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay? Nó có ảnh hưởng gì đến đời sống tôi không?

2. Nếu ngày mai tôi bị mất việc làm, phản ứng của tôi sẽ ra sao?

3. Có khi nào tôi thấy mình bất lực trong việc phục vụ, việc dạy dỗ con cái hay học sinh của tôi không? Trong trường hợp đó tôi đã làm gì? Tôi phải làm gì?

4. Tôi có khi nào nhìn nhận giới hạn của mình và khiêm nhường tìm sự giúp đỡ của những người có khả năng hay kinh nghiệm hơn tôi không? Kể ra một trường hợp cụ thể.

5. Tôi nhớ ơn người khác nhiều hay nhớ đến những điều bất lợi người khác làm cho tôi?

6. Điều gì thật sự là động lực thúc đẩy tôi làm việc chung? Tại sao? Sau khi đọc bài Thánh Thư này, tôi còn thấy động lực ấy chính đáng hay không?
 
Mẹ Ở Đây Với Đoàn Con
J.B Nguyễn Quốc Tuấn
11:33 11/10/2008
Mẹ Ở Đây Với Đoàn Con

Mẹ ở đây với đoàn con,
Khi chiều loang đổ mảnh hồn chơ vơ
Mưu thâm chước độc rình chờ
Mẹ là ánh sáng đuổi xua đêm thù

Đưa đoàn con tới bến mơ
Hoà bình – Công lý đền bù thương đau
Mẹ ơi, dắt chúng con vào
Chân trời ước vọng trao nhau tiếng cười

Xin Mẹ lau nước mắt rơi
Nỗi lòng cay đắng của người anh em
Mẹ thương thắp lửa con tim
Ai đang thất vọng gặp niềm ủi an

Đoàn con thân khách dặm trường
Dối gian giăng lối nẻo đường bình yên
Cậy trông lượng cả Mẹ hiền
Bảo ban dẫn lối qua miền tính toan

Xin trao vũ khí ngàn vàng:
Đem đại nghĩa thắng hung tàn Mẹ ơi !
Cho mùa xuân Việt sáng tươi
Yêu thương lan tận phương trời xa xăm !!!
 
Tài liệu về Giáo lý: Tâm điểm đức tin Kitô giáo
Ban Huấn Giáo GP Kontum
11:40 11/10/2008
Tài liệu về Giáo lý: Tâm điểm đức tin Kitô giáo
(Bản dịch của Ban Huấn giáo Gp Kontum - 2003)

Chương III
DỤNG CỤ LÀM VIỆC ĐƯỢC GỬI ĐẾN CÁC CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU


Chúng ta hãy đi vào tâm điểm của đức tin tựa như là đêm canh thức Vượt qua làm cho điều đó sống dậy nơi chúng ta, để rồi sự trở lại này canh tân cái nhìn chúng ta về trách nhiệm dạy giáo lý.

Giai đoạn 1: Ánh sáng giữa lòng thế giới.
Giai đoạn 2: Lời Hằng Sống.
Giai đoạn 3: Được Đức Kitô chiếm giữ.
Giai đoạn 4: Trở nên thân thể của Đức Kitô.

Tập tài liệu này rất đơn giản. Nó gợi lại kinh nghiệm của các tín hữu có được trong đêm canh thức Phục sinh, đưa ra một ý tưởng tổng quát về kinh nghiệm này và đặt những vấn đề về việc dạy giáo lý dưới ánh sáng của kinh nghiệm này. Tiến trình được đưa ra là một chút gợi ý để suy tư. Việc chiêm ngắm mầu nhiệm Phục sinh có thể vượt ra xa gợi ý này.

Giai đoạn I: ÁNH SÁNG GIỮA LÒNG THẾ GIỚI.
ĐIỀU MÀ CÁC NGHI LỄ ĐÊM CANH THỨC VƯỢT QUA
LÀM SỐNG DẬY NƠI CHÚNG TA.


Trời tối. Tất cả bắt đầu ở bên ngoài nhà thờ, nơi sân nhà thờ, ở giữa đám người. Mọi người đứng xung quanh bếp lửa được nhóm lên, hơi nóng lan tỏa và những khuôn mặt của những người đứng gần bếp lửa thì rạng sáng lên thật dịu hiền.

Từ ngọn lửa mới này người ta đốt cháy cây nến phục sinh lớn. Mọi người bước theo sau ánh sáng của cây nến này. Đám rước lặp lại lời mời gọi của người chủ xướng theo cấp độ tăng dần: " Ánh sáng Chúa Kitô".

Đêm nay lời của Chúa Giêsu nói với các môn đệ trở nên quan trọng hơn:" Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được áng sáng đem lại sự sống " ( Ga 8, 12). Như thế, chúng ta tiến vào nhà thờ với cây nến cầm trên tay được thắp sáng từ cây nến Phục sinh. Trong nhà thờ ngập tràn ánh nến, chúng ta đang đứng trước mặt Chúa và nói với Ngài tất cả những ngôn từ mà chúng ta có để ca tụng Ngài. Những ánh mắt hướng về Ngài và chúng ta cử hành thánh lễ trong Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại, Đấng xua tan bóng tối.

"Đức Kitô, nguồn sáng của chúng ta ! Chính Ngài chiếu sáng ! Chính Ngài sưởi ấm ! Chính Ngài tỏa sáng ! Chính Ngài canh tân, đổi mới và chính Ngài là Đấng Phục sinh !

TÂM ĐIỂM CỦA ĐỨC TIN.

Bên ngoài. Chính nơi đó con người đang sống. Chúng ta đang ở bên ngoài, với những gì mình có, mỗi người cùng "chung chia" bóng tối. Người có đức tin không phải là người "đã đến trước", nhưng là người anh của tất cả những ai còn đang dò tìm con đường đi của mình trong thế giới này.

Quà tặng cho tất cả mọi người. Chúng ta được qui tụ lại không phải do sáng kiến của chúng ta. Chính ánh sáng qui tụ chúng ta: đó chính là sự hiện diện sống động của Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại. Khả năng đồng hành với Đức Kitô là được trao ban cho tất cả mọi người và cho từng người, như thể là một nguồn sáng soi chiếu trong đêm tối. Cho dù chúng ta ở đâu, hay sống như thế nào, chúng ta đều có thể hướng về ánh sáng.

Hơn cả hành động. Chúng ta được qui tụ lại bên ngoài nhà thờ, nhưng không phải là để ở đó luôn. Lời mời gọi thật rõ ràng, không phải để nghe hay ngắm nhìn, nhưng là để tiến bước. Giống như người ta phải đi qua dòng suối để đến bờ bên kia, thì cũng vậy, cần có một bước nhảy vọt để được sống, đó là bước nhảy hướng về Đức Kitô, Đấng đã chết và Phục sinh, Đấng đã mở đường. Vấn đề còn lại la rời bỏ tình trạng này để bước sang một tình trạng khác.

Bước đi. Đó là lời mời gọi hãy đi tìm một chỗ đứng trong dân tộc bước theo Đức Kitô. Thật vậy, trước tiên đời sống của người kitô hữu không đựơc xác định theo căn cước (là kitô hữu hay không là kitô hữu), nhưng theo hành động. Các tín hữu phải biết dấn thân trong cuộc sống bằng việc bước theo Đức Kitô.

Trong lời ca ngợi. Đêm nay, hiển nhiên chúng ta không phải người xa lạ đối với Thiên Chúa, đức tin thúc đẩy chúng ta đến thân thưa với Ngài. Chúng ta không phải tự hỏi rằng mình phải làm chi để Thiên Chúa đối xử nhân từ với mình. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa, vì Ngài đã, đang và sẽ luôn luôn như vậy. Chúng ta hướng về Ngài, vì Ngài là Đấng Cứu Độ.

ĐỂ CANH TÂN VIỆC DẠY GIÁO LÝ.

1. Những người đến từ các nơi khác. Họ bị lôi kéo. Họ đến vời một lời khẩn cầu rõ ràng. Họ đến bởi họ đang gặp phải những vấn đề của họ: có thể là một nỗi khổ đau, hay là ngày sinh của ai đó, hoặc do bởi con cái đi học giáo lý mà cha mẹ lại không bao giờ đi học,…Bạn có phải là nhân chứng của các vấn nạn trên không ? Làm sao cộng đoàn tín hữu của bạn biết lắng nghe, biết thay thế những lời mời gọi và những yêu cầu này ? Nhờ những sáng kiến nào mà cộng đoàn chú ý đến lời mời gọi đó ?

2. Những người khác chỉ đi qua. Họ đến nhân một dịp nào đó, rồi lại ra đi. Có thể họ sẽ trở lại vào một ngày nào đó. Họ đến xem trong một chốc lát. Nhưng họ chưa sẵn sàng bước vào tiến trình này. Bạn đã có những lời đề nghị đặc biệt nào cho họ chưa ? Theo ý bạn phải chăm lo đến điều gì để tôn trọng họ ?

3. Một số người không đến. Phải nói gì với người không thấy cộng đoàn tín hữu đang sống, cầu nguyện và cử hành thánh lễ ? Người ta không bao giờ có thể giải thích đựơc điều mà người ta chưa từng trải. Nếu giáo lý chỉ quan tâm đến điều mà người ta có thể "thấy ánh sáng", thoáng thấy điều gì thú vị cho cuộc đời của họ, thì giáo lý đã đề nghị được những gì ?

4. Hoạt động giáo lý được mở rộng giữa lòng thành phố và buôn làng chúng ta. Theo bạn cộng đoàn kitô hữu có trách nhiệm đưa ra những lời đề nghị cho đời sống cộng đoàn không ? Phải làm thế nào, phải phát triển những phương diện nào để giáo lý đến được với tất cả mọi người ? Lĩnh vực nào là quan trọng và cách thức nào là cần thiết ?

5. Làm sao việc dạy giáo lý có thể phù hợp với những nền văn hoá thời đại ? Với những điều kiện nào, với những ngôn ngữ nào và với những phương tiện nào, giáo lý có thể đối thoại với các nền văn hoá ? Về vấn đề này bạn có thể đưa ra những lời khuyên gì ?

Giai đoạn II LỜI HẰNG SỐNG
ĐIỀU MÀ CÁC NGHI LỄ ĐÊM CANH THỨC VƯỢT QUA
LÀM SỐNG DẬY NƠI CHÚNG TA.


Cây nến phục sinh được đặt trên cao, trên đế nến. Bây giờ, đối với chúng ta – những người tín hữu – chúng ta có thể hiểu tại sao đêm này là “đêm của hạnh phúc đích thực”.

Trang đầu tiên của Kinh Thánh được bắt đầu như thế (St 1,1-2,2 ). Trang này kể lại việc Thiên Chúa đặt con người ở trung tâm của vũ trụ. “Vì ngươi, ánh sáng đẩy lùi tối tăm đang bao bọc ngươi; Vì ngươi, bầu trời hừng lên với ánh sáng muôn sắc của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú; Vì ngươi, mặt đất tràn ngập hoa quả, sông núi; Vì ngươi, muôn loài sống động được dựng nên một cách kỳ diệu. Mỗi người nam và mỗi người nữ dều có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Vào lúc mà chúng ta tưởng niệm Đức Kitô vượt qua sự chết vì chúng ta và vì tất cả mọi người, chúng ta được mời gọi tin thật vào điều này. Chúng ta hãy đáp trả bằng lời thánh vịnh: “Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa”

Nhưng người ta có thể gắn chặt cuộc sống của mình vào lời loan báo này hay không nếu tất cả bị đảo ngược ? Hãy nhớ lại thời điểm khủng khiếp, khi mà Thiên Chúa đòi ông Abraham sát tế con mình (St 22,1-13, 15-18). Làm sao mà không run rẩy được! Tuy nhiên, khi nghe câu chuyện ông Abraham vượt qua cơn khủng hoảng đức tin này, rõ ràng rằng Thiên Chúa không bao giờ thất hứa. Đức Giêsu chết và phục sinh đã giải thoát con người khỏi mọi nổi kinh hoàng hầu tin rằng Thiên Chúa cũng phải khuất phục trước cái chết. Một lần nữa, chúng ta hãy hát lên lời thánh vịnh: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con trú ẩn, là đường sống của con”

Như vậy, chúng ta không thể không biết đến lịch sử dân Ít-ra-en sống tại Ai-cập: Thiên Chúa đã dẫn đua họ băng qua biển đỏ ráo chân để giải thoát họ khỏi tay Pha-ra-on độc dữ (Xh 14,15 – 15,1). Giống như dân tộc ngày xưa đã chấp nhận để cho Thiên Chúa dẫn đường bằng cột lửa, chẳng lẽ chúng ta lại không chấp nhận bước theo ánh sáng dẫn đường chúng ta sao? Như vậy, cũng chính lời hứa giải thoát đó đang nảy nở trên con đường chúng ta theo Đức Kitô chết và sống lại. Thật hiển nhiên, một câu thánh vịnh khác trở thành lời kinh của chúng ta: “Sức mạnh và lời ca ngợi của con, chính là Chúa. Ngài là Đấng cứu độ con”.

Bây giờ là lúc phải lắng nghe các ngôn sứ. Người đầu tiên trong số họ gợi lên mối tâm giao mà Thiên Chúa rỉ vào tai của dân Người một cách ngọt ngào vô tận (Is 54,5-14): Trên đường đi sẽ có những cuộc khủng hoảng, những thời điểm khó khăn, nhưng “dù cho núi có dời chổ, đồi có chuyển rung, tình yêu của Ta đối với ngươi sẽ không bao giờ thay đổi”.

Tiếp đến, một ngôn sứ khác nhắc lại mối ưu tư lo lắng của Thiên Chúa đối với tất cả những ai tìm kiếm Người (Is 55,1-11): “Hãy đến, hỡi tất cả những ai đang khát, hãy đến [...], dù không có tiền bạc, hãy đến ăn những thức ăn ngon... Hãy nghe và các ngươi sẽ sống”. Và rồi, một ngôn sứ khác đến nhắc lại cho chúng ta biết Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước trong cuộc gặp gỡ với chúng ta (Ed 36, 16-28): sẽ có những lúc các cự tuyệt và thậm chí tự lừa dối chính mình, nhưng Ta, Thiên Chúa nói, “Ta sẽ đổ trên các ngươi dòng nước trong lành và các ngươi sẽ trở nên trong sạch. Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi”. Như thế, lời kinh nguyện của chúng ta tuôn chảy trong câu thánh vịnh mới này: “Đây là Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Tôi tin tưởng và không còn sợ hãi chi.”

Bây giờ, tiếng chuông các nhà thờ đổ hồi và bài "Vinh danh Thiên Chúa" được hát vang lên. Quả thực, làm sao không vui mừng được vì mối dây sống động mà Thiên Chúa hằng luôn dành cho chúng ta.

Và đây thánh Phaolô tông đồ nữa. Ngài nói với cộng đoàn tín hữu Rôma (Rm 6,3-11). Chúng ta không chỉ nhớ đến tất cả lời tiên báo và những lời hứa trong Thánh Kinh. Chúng ta là những người đang sống những lời tiên báo đó và đang thụ hưởng từ những lời hứa đó nhờ vào Phép Rửa: Người lãnh nhận Phép Rửa không còn lệ thuộc vào chính mình nữa. Họ được tháp nhập và nối kết vào Đức Kitô chết và sống lại.

Sau tất cả những điều đó, làm sao không đứng dậy để nhận lấy một cách sung mãn động lực đã được in sâu trong cuộc sống của chúng ta ? Trong Tin mừng, chúng ta chỉ nghe những phụ nữ đến viếng mộ Chúa Giêsu loan báo món quà tặng dành cho chúng ta: Đấng đã chết và sống lại đang đi trước chúng ta trên đường đời. "Halêluia", chúng ta cùng nhau cất lên lời Thánh vịnh cuối cùng: "Viên đá mà thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường" Trên tảng đá đó, mỗi người chúng ta có thể dựa vào để cuộc đời mình có thể phiêu lưu.

Và cuối cùng là bài giảng: trong một vài phút, vị linh mục giải thích ý nghĩa của những điều vừa mới đượ cử hành. Ngài làm cho Lời Chúa được vang lên để Lời được thấm nhập sâu vào trong tâm khảm của người nghe và để Lời bày ra trước mắt chúng ta toàn bộ cuộc sống của Đức Kitô Phục sinh.

TÂM ĐIỂM CỦA ĐỨC TIN.

Quá dài. Đêm nay, người ta dành nhiều thời gian hơn thường lệ để đọc Thánh Kinh. Không những có nhiều bài đọc mà bài đọc lại còn dài nữa! Đôi khi các bài đọc gợi lên những thực tại mà chúng ta có thể nghe được và những thực tại mà chúng ta không hiểu thực sự được. Đôi tai của chúng ta phải được đào luyện để biết nghe. Lời Chúa chỉ trở nên thi vị đối với những ai biết nghiền ngẫm lâu giờ mà thôi.

Đón nhận. Nghe, đó là việc khác với việc nghiên cứu. Khi người ta nghe, người ta đi vào trong một tiến trình biến đổi. Người ta không tìm cách tìm lại những điều mình đã biết. Người ta lắng nghe để được nuôi dưỡng bằng những điều đã nghe. Ai lắng nghe thì biết chấp nhận thay đổi cách nhìn và biết chấp nhận biến đổi ngay tự cõi lòng. Thật là đúng khi càng lắng nghe, thì người ta càng trở nên khác đi.

Một lịch sử để sống. Ngày xưa, trong những đêm canh thức, dân làng thích nghe các cụ kể chuyện lịch sử gia đình họ. Khi chúng ta mở Sách Thánh kể về lịch sử giữa Thiên Chúa và dân Người, là khi chúng ta đặt chân vào trong gia đình được Thiên Chúa ban cho muôn vàn tặng phẩm, ân phúc. Gia đình đó là gia đình của chúng ta.

Khúc giao hưởng. Khi Thiên Chúa nói, Người nói qua trung gian các sự kiện làm nên lịch sử Dân Người, qua lời của các ngôn sứ và của các vị hiền triết Israel - những người cho giúp chúng ta thấy được tình yêu mãnh liệt mà Thiên Chúa dành cho con người, qua các Tông đồ - những người cổ võ chúng ta trong cuộc sống làm người môn đệ. Xuyên suốt quyển Kinh thánh, các bản văn luôn bổ túc và soi sáng lẫn nhau. Nhưng Lời Sống động của Thiên Chúa, đó chính là Đức Giêsu. Chính từ Đức Giêsu mà mọi sự có được hương vị và phong nhiêu.

Cuộc đối thoại. Chúng ta nghe, nhưng chúng ta không phải là những khán giả. Chúng ta được mời gọi trả lời. Không phải mỗi người với những nhu cầu và hy vọng riêng của mình, nhưng với câu trả lời đến từ chính Thánh Kinh: đó là lời ca Thánh Vịnh. Chúng ta phải làm cho đời sống của chúng ta trở thành lời kinh đi trước chúng ta.

ĐỂ CANH TÂN CÁCH DẠY GIÁO LÝ.

1. Thường thường, Lời Chúa được công bố giữa đám dân được quy tụ. Trong truyền thống công giáo chúng ta, đó là nơi hoàn toàn thích hợp và tự nhiên. Hãy dành thời gian để kể cho nhau nghe những tình huống, những hoàn cảnh - nơi mà Lời Chúa được lắng nghe, được suy gẫm và đựơc hưởng nếm. Những kinh nghiệm này mang đến cho bạn những giây phút hạnh phúc như thế nào ?

2. Chúng ta đang ở trong một thế giới đầy dẫy các loại thông tin. Bạn có nghĩ rằng có những nơi, những thời điểm, những điều kiện thích hợp hơn cho việc đón nhận Lời Chúa ? Bạn đã xác định được điều đó trong đời sống cộng đoàn kitô hữu của bạn chưa ? Làm thế nào để những điều đó đạt tơi tất cả mọi người ?

3. Lời Chúa được trao ban cho chúng ta để truyền bá và rao giảng. Vấn đề là làm sao cho những người khác có thể nghe được và khám phá ra khuôn mặt Thiên Chúa, Đấng đang nói với họ như là đang nói với chúng ta. Làm thế nào để bạn có thể đảm đương trách nhiệm này ?

4. Đêm Canh Thức Vượt Qua được một vị Linh mục chủ sự. Chính nhờ thừa tác vụ của ngài mà Lời Chúa đến được với chúng ta. Ngày nay, không dễ gì giải thích được vị trí của Linh mục cho những ai không phải là kitô hữu, ngay cả cho người kitô hữu. Đối với bạn và cộng đoàn của bạn, vị trí của Linh mục như thế nào ? Và đặc biệt, vị trí của ngài như thế nào trong việc truyền rao Lời Chúa ?

5. Ngày nay, một cách quan trọng, giáo lý phát xuất từ Lời Chúa. Bạn đã nhận thấy sự phong phú của tiến trình này chưa ? Bạn có nhận thấy rằng những em bé, những người trẻ và cả những người trưởng thành nữa đều được nuôi dưỡng bằng Lời chúa ? Có bao giờ bạn thấy họ đến kín múc trong những điều họ nhớ chưa ? Bạn có biết những tấm gương mà việc nghiền ngẫm lời Chúa xuất phát nhờ những lựa chon cá nhân của họ không ?

6. Ngày nay, đối với nhiều người học giáo lý, ngôn ngữ Kinh Thánh trở nên xa lạ, tối nghĩa, khó hiểu... Nếu bạn quan sát sự chênh lệch này, bạn suy nghĩ gì? Bạn đề nghị những phương cách cụ thể nào để giải quyết thách đố này?

(Còn tiếp)
 
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
15:14 11/10/2008
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (52)

511. Chúa yêu tôi vì Chúa biết rõ tôi.

Người nào nói yêu tôi mà không biết rõ về tôi, người đó chỉ nói yêu tôi ngoài miệng mà thôi, chứ không yêu tôi thật.
Trái lại, Chúa yêu tôi thật.
Chúa biết rõ mặt mũi tôi. Chúa không lộn tôi với người nầy hay người khác. Chúa biết rõ tên tôi, tên họ tôi, tên gia đình tôi, tên riêng của tôi, tên mà nhiều bạn bè nghịch ngợm gán cho tôi. Chúa biết rõ hết.
Chúa biết rõ tính tình của tôi, sở thích của tôi, tính tốt cũng như nết xấu của tôi.
Chúa biết rõ lịch sử của cuốn sách đời tôi, biết rõ từng trang một.
Chúa theo dõi tôi từng bước, theo dõi tôi khi tôi còn ở trong bụng mẹ, khi tôi vừa mở mắt chào, đời được mẹ bồng trên tay, cho đến ngày tôi xuôi tay bất động nằm trong quan tài.

512. Chúa săn sóc lo lắng cho tôi.

Không một nỗi đau khổ nào tôi chịu mà Chúa không thoa dịu.
Không một sự phiền muộn nào tôi trải qua mà Chúa không an ủi.
Không một nỗi lo âu thầm kín nào của tôi mà Chúa không giải đáp.
Không một tiếng kêu nào tôi thốt ra mà Chúa không lắng nghe.
Chúa luôn ở gần tôi, luôn ở bên cạnh tôi, luôn ở trong lòng tôi.
Chúa truyền cho thiên thần canh gác và bảo vệ tôi ngày cũng như đêm.
Và đến đỗi một sợi tóc trên đầu tôi rơi xuống đất ngày hôm nay, Chúa cũng cho phép mới xảy ra được.

513. Chúa yêu tôi vô cùng.

Chúa yêu tôi mà không đặt điều kiện gì.
Người ta có thể yêu tôi nhiều hay ít tùy theo tôi đẹp, tùy theo tôi giàu, tùy theo tôi có chức tước.
Người ta yêu tôi qua bộ áo tôi mặc, qua đồ trang sức tôi mang.
Đó là một tình yêu có điều kiện, có giới hạn.
Trái lại, Chúa yêu tôi không có điều kiện, không có giới hạn. Dẫu tôi không đẹp, không giàu, không danh giá gì, Chúa vẫn yêu tôi và yêu tôi một cách vô cùng.

514. Chúa yêu tôi cho đến cùng.

Chúa không bao giờ chán ghét tôi, không bao giờ bỏ rơi tôi.
Người ta yêu tôi nhưng lại rất dễ chán ghét tôi, bỏ rơi tôi, vì họ ích kỷ, vì lòng dạ họ hay thay đổi. Và khi tôi không còn sống trên đời nầy nữa thì còn mấy ai nhớ đến tôi. Tôi sẽ bị người ta quên lãng đời đời.
Trái lại, Chúa là Đấng tuyệt đối trung thành. Tình Chúa yêu tôi không bao giờ thay đổi. Trước khi tôi sinh ra, Chúa đã yêu tôi. Khi tôi sống trên đời nầy, Chúa hằng yêu tôi. Và sau khi tôi chết, Chúa sẽ đón tôi vào tình yêu muôn đời của Ngài.

515. Chúa yêu tôi một cách vô cùng đại độ.

Khi biết tôi có nhiều khuyết điểm, có nhiều tật xấu, người ta bĩu môi thất vọng và khinh dể tôi, không còn yêu tôi nửa.
Trái lại, Chúa không bao giờ thất vọng khi thấy tôi yếu đuối, tội lỗi. Chính vì tôi yếu đuối, tội lỗi mà Chúa lại càng yêu tôi hơn nữa.
Chúa yêu tôi vì tôi là tôi, chứ không phải vì tôi giống một người nào đó.
Chúa yêu tôi như tôi là tôi, chứ không phải như tôi giống một người nào đó.
Chúa dựng nên tôi một cách đặc biệt.
Chúa xuống thế cứu chuộc tôi cách riêng.
Chúa tìm đủ cách để thánh hoá tôi, để dẫn tôi đi trên con đường hạnh phúc chỉ vì Chúa yêu tôi một cách vô cùng đại độ.

516. Điều cần thiết nhất, là chúng ta phải có lòng tự tin.

Người có lòng tự tin có thể biến cái nhỏ thành cái lớn, biến điều bình thường thành điều kỳ diệu.
Cuộc sống đối với mỗi người đều không thể xuyên suốt, bằng phẳng. Chúng ta cần phải có tinh thần kiên cường, bất khuất. Điều cần thiết nhất, là chúng ta phải có lòng tự tin.
Chúng ta phải tin tưởng đối với một việc nào đó mà chúng ta có năng khiếu bẩm sinh. Hơn nữa, phải hoàn thành việc đó, cho dù phải trả bằng bất cứ giá nào.
Khi mọi việc kết thúc, bạn sẽ phát hiện ra: nếu như niềm tin của bạn luôn vững vàng, thì không ai có thể đáng ngã bạn. (50 Điều Quan Trọng Làm Thay Đổi Cuộc Đời Bạn)

517. “Ta sẽ kiên trì cho đến khi nào chiến thắng.”

Khi ai đó nói với bạn: “Đừng bỏ cuộc!”, “Hãy tiếp tục đi!”, tức là họ đang khích lệ bạn.
Khi bạn tự nhủ với mình rằng: “Ta không bị khuất phục, không được dừng lại!”, tức là bạn đang tiếp thêm cho mình một sức mạnh lớn lao.
Nhưng khi bạn nói rằng: “Ta sẽ kiên trì cho đến khi nào chiến thắng”, thì không gì có thể cản được bạn tiến đến thành công. (Keith D.Harrell)

518. Đừng chạy trốn vấn đề!

Khi đứng trước một vấn đề, phải tập phân tích vấn đề theo ba giai đoạn:
- một là, vạch rõ vấn đề
- hai là, phân tích vấn đề
- ba là, đưa ra quyết định dứt khoát và làm theo quyết định đó. (Hãy Bỏ Gánh Lo Để Vui Sống)

519. Để làm việc mà không mệt hoặc ít mệt

Muốn làm việc lâu mệt, hay mệt mà sảng khoái trở lại, thì ta nên theo những cách sau đây:
1. Bận việc thì bận, chứ đừng lăng xăng, hấp tấp, vụt chạc, hì hục, nhăn mắt, nhíu mày.
2. Hãy thản nhiên, đừng căng thẳng thần kinh. Tập ung dung như con méo: ta ít thấy con mèo mệt vì ngay lúc chụp chuột, nó không quýnh.
3. Tìm mọi tiện nghi để dùng cho khoẻ thân lúc làm việc.
4. Nếu rảnh được thì nghỉ xã hơi. Nên nhớ bánh xe bơm cứng quá, sẽ nổ.
5. Đừng ra vẻ quan trọng dù làm việc quan trọng đến đâu đi nữa. Coi chừng nhiều khi ta mệt, không phải tại việc, mà tại ta lo lắng quá độ, và nhất là, tại ta phung phí khí lực trong những cử động vô ích của mặt, mắt và chân tay. (Nên Thân Với Đời)

520. Tưởng tượng thế nào thì sẽ có hành vi như thế.

Một người, nếu muốn có cuộc sống hạnh phúc, sự nghiệp thành đạt, cần phải tạo ra cho mình sức tưởng tượng phong phú.
Chỉ khi nào chúng ta có sức tưởng tượng phong phú, mới có thể tạo cho mình thêm nhiều kế hoạch mới, đồng thời cũng có thêm lòng tin để tiến lên phía trước, chinh phục thử thách.
Bất kể một người thành công nào, lúc bắt đầu, đều có sự tưởng tượng về tương lai. Chỉ có vậy mới tiếp cho họ thêm sức mạnh để tiến lên. (315 Đạo Lý Giúp Bạn Thành Công)
 
Bàn tiệc Nước Trời đang mở cửa
LM Trương Đình Hiền
15:17 11/10/2008
CHÚA NHẬT XXVIII TN A

Bàn tiệc Nước Trời đang mở cửa

Dẫn nhập đầu lễ:

Nếu đức tin là một cuộc hành trình tiến về vĩnh cửu và mỗi người Kitô hữu là một khách hành hương, thì Chúa Nhật hôm nay, Lời Chúa đang dẫn dắt chúng ta hướng về “điểm đến” của cuộc hành trình đức tin đó, về bến đỗ cuối cùng của cuộc hành hương đó, hướng về viễn tượng “trời mới đất mới” của ngày cứu độ, một viễn tượng “cánh chung- tận thế” đầy hoan vui hy vọng mà dụ ngôn “Tiệc cưới của hoàng tử” được công bố trong Phụng vụ Thánh lễ hôm nay như một lời ấn chứng, như một khắc họa sinh động và rõ nét.

Để có thể tham dự “Bàn tiệc Thánh Thể” hôm nay với đầy đủ “y trang hôn lễ” hầu nắm chắc chiếc ”thiệp mời” tiến vào “Bàn Tiệc Nước Trời”, chúng ta cùng thú nhận tội lỗi.

Giảng Lời Chúa:

Có nhiều người đã tự hởi: Nhờ sức mạnh ma quái nào để Kitô giáo có thể chinh phục hàng tỷ con tim nhân loại ? Có phải là một Giêsu với hình hài “Ecce Homo thân tàn ma dại” bị chính quyền Rôma kết án ?; có phải là “đồi trọc Canvê với thập giá và sọ người”, có phải là một “nấm mồ trống hoang lạnh với tiêu tan và bụi đất…”; hay là “Bài thuyết giảng trên núi” mà nội dung quanh quẩn chỉ là những “mối phúc lạ đời chẳng giống ai”: khó nghèo, khóc lóc, bị bách hại, hiền lành, khát khao công chính… Nếu quả thật nội dung của tín điều Kitô giáo chỉ tập chú vào những “phạm trù tiêu cực, buồn héo hắt và ảm đạm thê lương như thế, thì quả thật, niềm tin ấy, giáo lý ấy, Kinh thánh và Hội thánh ấy, các nhà triết gia, thần học gia và giảng thuyết, và cả Đấng sáng lập, ông Giêsu-Kitô người Na-da-rét…đã bị lịch sử chôn vùi từ lâu, đã bị văn minh và văn hóa nhân loại đào thải vĩnh viễn khỏi sân chơi thế giới !

Không có một sức mạnh ma quái nào cả mà là một Tin Mừng cũng là một niềm hy vọng. Tin mừng đó chính là: đằng sau một Giêsu với hình hài “Ecce Homo thân tàn ma dại” là một Đấng Phục Sinh vinh quang chiến thắng; đằng sau “đồi trọc Canvê với thập giá và sọ người” là sự sống vĩnh hằng và ơn cứu độ trào dâng; đằng sau “Bài thuyết giảng trên núi” với những “mối phúc lạ đời chẳng giống ai”: khó nghèo, khóc lóc, bị bách hại, hiền lành, khát khao công chính… là những con đường dẫn về cõi phúc đích thực; đằng sau những khóc lóc sầu thương của phận người ê chề, thảm nảo là “Bửa tiệc Nước Trời chất ngất hoan vui của hạnh phúc vĩnh hằng”…

Chân lý đó ở đây-giờ nầy phải chăng được biểu tỏ nơi lời công bố của sứ ngôn I-sa-ia trong Bài đọc 1: “Ngày ấy, trên núi nầy, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế…Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần…sẽ lau khô dòng lệ…xóa sạch nổi ô nhục…” (BĐ 1)., hay được ngụ ý cách thâm thúy và cụ thể hơn, trong chính dụ ngôn Tin Mừng “Tiệc cưới của hoàng tử” mà chúng ta vừa nghe công bố.

Chúng thử cùng nhau dừng lai để hiểu thêm nội dung chân lý cao sâu nầy.

1. Thân phận con người: Buồn hay Vui ?

Trước khi con người nhận chân được một niềm “hy vọng rạng ngời ở cuối đường lịch sử”, thì trên thân phận của kiếp nhân sinh đã rợp bóng một “nổi buồn muôn thuở”.

Quả thật, Sau tội nguyên tổ, mọi sự đã chỉ còn là bất hạnh: Cain giết em, tháp Babel dở dang sụp đổ vì ngôn ngữ bất đồng, lụt Đại hồng thủy san bằng, xóa sạch, Sôđôma đồi trụy bị bảo lửa thiêu rụi tan tành….; và lịch sử của Dân được chọn đã được viêt tiếp hết trang nầy qua trang nọ: thay vì nhạc hát hoan ca của độc lập, hùng cường là dòng lệ tuôn tràn với tiếng khóc nỉ non, tiếng oán than tê tái của nổi buồn tha hương nô lệ phải “treo đàn trên cây dương liễu”, thay vì áo cưới rỡ ràng cua hòa bình, hạnh phúc là những chiếc “khăn liệm bạt màu tang chế” của chết chóc phân ly…

Quả thật, giữa chợ đời nhân loại nếu có chăng những bữa tiệc, là kiểu “bữa tiệc “Vượt Qua” trong lo âu vội vã lên đường để trốn chạy kiếp đọa đầy nô lệ buổi “Xuất hành”, hay “bữa tiệc của Hêrôđê thấm đẩm oán thù ác độc với cái đầu của Gioan trên đĩa”; hay thời sự hơn nữa: bữa tiệc của Mao-Trạch Đông đãi Tổng thống Mỹ Nixon mà mùi vị nặc nồng những mưu toan chính trị và mặc cả quyền lợi…

Nhưng Thiên Chúa lại kiên định trong đường lối và kế hoạch yêu thương. Ở giữa lòng thế giới băng hoại và tăm tối, ở trong một thế giới bát nháo điêu linh và đầy tràn tội lỗi, Ngài vẫn gieo những hạt mầm của niềm tin và hy vọng. Niềm tin về một “Đất Hứa với sửa và mật tuôn tràn”, niềm tin về một “Giêrusalem tưng bừng hoan hỷ”, niềm tin về một “địa đàng với suối mát đồng xanh để hàng hàng lớp lớp đàn chiên tha hồ ăn no và nằm nghỉ”, niềm hy vọng về một thế giới thái bình thịnh trị đến độ “cung kiếm chiến tranh đã biến thành liềm hái hòa bình, sói cọp hung hăng nên hiền lành chơi chung với chiên dê thỏ sóc”, và cuộc sống trần gian, đâu đâu cũng trở thành “Bữa tiệc”, một hình ảnh, một ẩn dụ rất thường được Kinh Thánh Cựu cũng như Tân ước sử dụng để diễn tả “niềm hy vọng cánh chung” nầy: “Ngày ấy, trên núi nầy, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa …” (BĐ 1).

2. Bàn tiệc của Nước Trời đang mở cửa

Và “Bàn Tiệc nước Trời” của muôn đời khao khát ước mong đã trở thành hiện thực, đã chính thức “khai trương”, đã bắt đầu mở cửa.

Không phải là “cuộc khai trương với biến cố Xuất Hành có một không hai thời Môsê đưa dân về Đất Hứa”; cũng không là “cuộc khai trương với biến cố hồi hương vĩ đại sau kiếp nạn lưu đầy thời vua Cyrus” để sau đó Đền thờ lại sụp đổ, Đất Nước lại qua phân và dân Chúa lại phải điêu linh sống kiếp nô lệ”.

Nước Trồi đã mở cửa cách long trọng nhưng giản đơn vào một buổi sáng trên bờ sông Giođan khi “Con Thiên Chúa” chen chúc giữa đám dân đen để trầm mình chịu phép rửa trong khi “trời mở ra, có tiếng Chúa Cha phán dạy: “Đây là Con Ta yêu dấu…”;

Nước Trồi đã mở cửa trên một đồi núi xứ Palestina khi “Tin Mừng Tám mối Phúc Thật” được long trọng công bố như “bản hiến chương Nước Trời” mà hạnh phúc đích thật sẽ dành cho những kẻ “khó nghèo”;

Nước Trồi đã mở cửa nơi tiệc cưới xứ Cana khi mấy trăm lít nước lã đã hóa thành rượu ngon để nổi nhục bẽ bàng vì “hết rượu” được cất đi nhường chỗ cho niềm vui hôn lễ đươc ắp đầy miên viễn;

Nước Trồi đã mở cửa vào một ngày nhạt nắng giữa hoang mạc Giuđê khi hơn nửa vạn người hoan vui chia nhau những tấm bánh thơm và con cá béo vừa được Thầy nhân lên cách lạ lùng và chia đều trong thân thương huynh đệ;

Và phải chăng, “Bàn tiệc Nước Trời” đó cũng chính là “bữa tiệc của người thu thuế Matthêô” đã long trọng mời Thầy và bè bạn trong phường thu thuế đánh chén một bữa no say để chính thức “giả từ cuộc sống bon chen vì tiền” mà dấn thân ra đi làm tông đồ cho yêu thương và hy vọng;

“Bàn tiệc Nước Trời” đó cũng chính là bữa tiệc của ông trưởng ty thuế vụ Gia-kê, đã ân cần trọng thị tiếp đãi Thầy để nhân đó tuyên bố “sẽ phân chia nửa tài sản cho kẻ nghèo và đền gấp bốn cho những người bị bóc lột”;

“Bàn tiệc Nước Trời” đó cũng chính là bữa tiệc mà cô Maiđệliên đã đem hết những giọt nước mắt chân tình sám hối tưới đẫm lên chân Thầy để quay đầu làm lại cuộc sống mới;

“Bàn tiệc Nước Trời” đó cũng chính là bữa tiệc mà cô Maria Bêtania sắn sàng “đập bể bình dầu thơm cam tùng hảo hạng để xức chân Thầy” khiến cho những đầu óc bủn xỉn tham lam như Giuđa Ít-ca-ri-ốt phải một phen tiếc nuối.

Và “bàn tiệc Nước Trời” đã liên tục có những ngày “mở cửa khai trương như thế”, nhất là kể từ khi có “Bàn Tiệc Vượt Qua Ngày Thứ Năm” của Thầy ngồi với nhóm môn sinh để quyết định “thực hiện “Giao Ước mới” bằng máu đào hy tế; và sau đó, là những “bữa tiệc phục sinh” khi thì ở giữa căn phòng ấm cúng, khi thì nơi quán trọ, có lúc mới sáng tinh mơ trên bờ hồ Tibêriát…mà trọng tâm của hoan lạc ắp đầy chính là sự hiện diện của một “Đấng Phục Sinh” đã đánh bại tử thần, với tràn ngập sức mạnh Thánh Thần sẵn sàng ban tặng, mở cánh cửa của Mùa xuân hy vọng vĩnh hằng để dẫn nhân loại bước vào “Bàn Tiệc cánh chung muôn đời hạnh phúc”.

Khi hiểu được huyền nhiệm về “bàn tiệc Nước Trời” như thế, thì chúng ta chợt nhận ra rằng: hình như đã bao lần chúng ta đã từng là một trong những kẻ “quay lưng khước từ “lời mời tham dự tiệc cưới của hoàng tử”. Khước từ có khi vì không nhận chân được giá trị tối ưu của bàn tiệc Nước Trời, có khi vì quá nặng nề với những “bữa tiệc đời” theo một quán tính biếng lười và đam mê xác thịt; cũng có khi vì một thứ nảo trạng ”biệt phái kiêu căng”, đặt những nhu cầu nhân loại của riêng mình (nghề nghiệp, học hành, tình yêu, địa vị, an toàn bản thân…) lên trên những đòi hỏi dấn thân của Tin Mừng. Chính Đức Kitô đã thấy trước hiện trạng nầy biểu tỏ ngay nơi thái độ của những người Do Thái mang danh “Biệt Phái, Ký Lục”. Cho nên một đàng Ngài đã mạnh mẽ lên án “đám dân giả hình kiêu ngạo” và một đàng quyết định mở một một “Bàn Tiệc mới” để gọi mời hết thảy muôn dân, nhất là những kẻ vốn bị “khước từ hay chưa bao giờ có được “tấm thiệp mời” tham dự những bữa tiệc đời sang trọng phủ phê” ở những nơi cao sang quyền quý.

Và như thế, Giáo Hội hôm nay đang là dấu chỉ và cơ hội “tham dự bàn Tiệc Nước Trời” cho mọi người trong đó có chúng ta; Giáo Hội đang “hiện thực hóa cuộc khai trương Nước Trời của Đấng Phu Quân Kitô” để dẫn dắt nhân loại tiến về một ngày mai chung cuộc của “Tiệc Cưới Con Chiên” huy hoàng rạng rỡ.

Thế nhưng, cho dù “trên tay đã có tấm thiệp mời” thì xin bạn đừng chủ quan coi thường trang phục lễ cưới. Dĩ nhiên thời trang hôn lễ trong cách nhìn của “Nhà tạo mẫu Đức Kitô” lại là những giá trị tinh thần mà chủ yếu đó chính là thực thi hai điều răn căn bản “Mến Chúa-Yêu người”, là can đảm dấn thân trên nẽo đường Bát Phúc: khó nghèo, trong sạch hiên lành, giọt nước mắt của sám hối ăn năn, trái tim yêu thương luôn rộng mở…, là đơn sơ trong sáng khi “hóa nên như trẻ nhỏ”, là từ bỏ hy sinh sẵn sàng bán tất cả để tìm được viên ngọc quý….

Chính với những “trang sức tuyệt vời nầy”, chúng ta chắc chắn sẽ được đồng bàn và “cụng ly” với chính Hoàng Tử” nơi Bàn Tiệc Tạ Ơn hôm nay, khi được chính Ngài thân thương mời đón: “hãy cầm lấy mà ăn…hãy nâng lên mà uống”, để rồi sẽ được chính Ngài dẫn chúng ta vào dự tiệc trường sinh trong Vương Quốc của Cha như Ngài từng đoan quyết: “Ai ăn thịt và uống máu Ta sẽ được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết…”. Amen.
 
Danh Cha cả sáng nơi Mẹ Maria
LM Giuse Hòang Kim Toan
15:21 11/10/2008
Danh Cha cả sáng nơi Mẹ Maria

Đức Maria là vẻ đẹp tòan hảo trong lời kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện dâng lên Chúa Cha. Đức Maria đã biến đổi lời kinh Lạy Cha thành lời kinh thực hiện trong cuộc đời của Mẹ. Với tâm tình ấy, con xin dâng lên Mẹ Maria những tâm tình suy niệm này trong tháng hoa Mân Côi.

Tâm tình của người con nơi Mẹ Maria:

Lời kinh tán tụng Chúa Cha mà Mẹ dâng lên tuyệt hảo nhất là phần đầu của kinh Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, thần trí tôi vui mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”. Tâm tình này biểu lộ một tâm tình của người con trìu mến đã thấm nhuần ân huệ của Cha. Đối với người con, không có tâm tình nào đầy đủ cho bằng một tâm hồn toát ra niềm vui hạnh phúc tràn đầy khi sống trong tình Cha. Chỉ với câu đầu thưa lên “Lạy Cha” thôi đã nhận ra một niềm vui khôn tả reo lên của người con, với Mẹ Maria là người được “đấy tràn Chúa Thánh Thần” reo lên “Lạy Cha” thì có lẽ đã trở thành niềm cảm hứng tuôn trào khi Thánh Phaolô viết ra: “không miệng lưỡi nào kêu lên “Cha Ơi” mà không do Chúa Thánh Thần” (Rm 8, 14), và trong niềm vui cảm xúc dâng trào ngập tràn Chúa Thánh Thần, nhân loại biết bao người từ thế hệ này sang thế hệ khác cũng đã sống ngập trong hạnh phúc khi cùng Mẹ dâng lên lời kinh Lạy Cha. Tràn ngập Chúa Thánh Thần, nên Mẹ Maria dâng lên Cha những gì đặc sắc nhất nơi Mẹ, mà những điều ấy chính Mẹ đã nhận ra không phải là do Mẹ mà do chính “Chúa đã làm cho con những điều trọng đại”. Mẹ đã cảm nghiệm điều quan trọng của tâm tình người con hòan hảo, đó là “phận hèn bé mọn”. Trong vòng tay Cha yêu thương bao giờ con người cũng nhận ra sự bé nhỏ của mình, sự bé nhỏ này mang lấy một đời sống thơ ấu thiêng liêng thánh thiện nhất vì được hưởng nhờ sư thánh thiện trọn vẹn của Cha. Chỉ Cha là Đấng Thánh, trọn hảo Thánh, tuyệt đối Thánh, nên nơi Mẹ Maria được tinh tuyền là nhờ kết quả Cha thương ban Thánh Thần để thánh hóa Mẹ. Bao giờ chúng con, những người nhân loại chúng con mới đạt tới mức độ được Thánh Thần thánh hóa trọn vẹn để chúng con thật tình say sưa dâng lên lời cầu “Lạy Cha” một cách vui sướng nhất, hạnh phúc nhất trong những ngày đời của chúng con? Mẹ ơi, xin giúp chúng con Mẹ nhé, một tâm hồn bé nhỏ thật sự trong tình yêu của Cha.

Danh Cha cả sáng:

Danh Cha đã tỏa sáng trong công trình Sáng Tạo của Người, “các tầng trời thuật lại vinh quang Chúa”. Tiếc thay, nhân thế chúng con, trong tội lỗi đã che khuất vinh quang của Cha nơi chúng con, khiến chúng con đi trong mù tối không nhận được ánh sáng của Cha. Hướng về Mẹ Maria, chúng con mới lây lại được niềm hứng khởi mà xa lánh tội lỗi, vì nơi Mẹ chúng con đọc thấy cuộc đời “sen nở giữa lấy”, từ bóng tối tăm đã lóe lên một ánh sáng. Nơi Mẹ Maria, chúng con nhận ra vinh danh Cha tỏa sáng nơi Mẹ bởi Mẹ vô tì tích, trắng trong, không vướng chút bợn nhơ tội lỗi. Cha thực hiện công trình kỳ diệu của Cha nơi người Mẹ trần thế chúng con, là một thụ tạo giữa muôn thụ tạo, một điển hình của lòng thương xót Cha nơi mẹ Maria. Làm sao cuộc đời chúng con thấy được Tình Cha yêu thương chúng con như Thánh Phao Lô chứng nghiệm: “không phải vì chúng ta hay, chẳng phải vì chúng ta ngoan mà Thiên Chúa yêu thương chúng ta nhưng vì Tình yêu thương của Chúa muốn yêu thương”?. Không có cuộc đời nào của con người nào mà không được Cha yêu thương, chỉ có chúng con không nhận ra tình yêu thương của Cha và khi chúng con sống trong tội lỗi chúng con chống lại tình yêu của Cha. Danh Cha cả sáng nơi Mẹ Maria, đó là ánh sáng mà những người con chạy đến kêu cầu cùng Mẹ đều nhận ra ánh sáng ấm áp của Tình Cha, ánh rạng ngời không làm chóa mắt chúng con nhưng là ánh sáng dẫn chúng con trở về cùng Cha qua Mẹ Maria.

Nước Cha hiển trị:

Một tâm hồn thanh tịnh reo vui là một tâm hồn biểu lộ an bình. An bình tỏ lộ nơi Mẹ Maria mà trong nhiều người chúng con chạy đến Mẹ xin ơn Bình An. Mẹ an bình vì Mẹ đón nhận tòan vẹn Con Cha sinh hạ dưới thế là Đấng Bình An. Mẹ Maria, làm sao chúng con đón nhận Đấng ban Bình An được tòan vẹn như Mẹ, bởi lúc nào chúng con cũng mang khát vọng đầy tham sân si của chúng con thực hiện theo những nẻo gian tà. Trong lối đường chúng con đi, thiếu vắng Đấng Bình An, chúng con “đã không tiếp nhân Chúa Con, mà Ngài đã đến nơi nhà Ngài” (Ga 1, 11), chúng con muốn sống tách biệt với Chúa, chúng con muốn tự tạo lập an bình cho chúng con không cần Chúa. Chúng con sai lầm: “không thể có an bình nếu không có Chúa”. Càng muốn thiết lập an bình lại càng gây nên những mâu thuẫn chiến tranh, càng muốn an bình tự tại lại càng bị xâu xé bởi lòng dục, càng muốn bình an thiên hạ lại càng gây chia rẽ, chúng con thiếu vắng Chúa, chúng con xin Mẹ mang Chúa đến cho chúng con như xưa Mẹ mang Chúa đến thăm bà Elizabeth, để chúng con được thánh hóa nhờ Con của Mẹ.

Nước Cha là một nước an bình vì chính Hòang Tử Bình An lãnh đạo, không những Ngài cai quản thế giới mà còn là Đấng cai quản từng tâm hốn trong bình an. Nơi Đức Maria, chúng con nhận ra chính Chúa Giêsu cư ngụ, Ngài là trật tự mới của tâm hồn người đón nhận, chính nhờ trật tự này mà tâm hồn không bị xáo động bởi những dục vọng đam mê, mà tất cả được quy hướng về Thiên Chúa là Cha, được thống nhất trong mọi chiều kích tâm hồn và thể xác. Trong khi chiêm ngắm Mẹ Maria, chúng con tin chắc chắn rằng chỉ có thể có được bình an tự tại đích thực là đón nhận Chúa Giêsu Kitô trọn vẹn trong tâm hồn chứ không do hoàn tòan ý chí của con người nỗ lực diệt được những dục vọng mà thiết lập được bình an tự tại. Thế nên, Thánh Phaolô kinh nghiệm chỉ ra rằng: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7, 24 - 25). Bình an thật sự mới là tâm hồn tạ ơn thực sự, xin Mẹ dạy cho chúng con biết đón nhận Chúa Giêsu, Con lòng Mẹ.

Ý Cha thể hiện.

Lắng nghe và suy đi nghĩ lại trong lòng là phương pháp của Mẹ để thực hiện cuộc đời theo Ý Thiên Chúa. “Xin Người cứ làm cho tôi như sứ thần truyền” (Lc 1, 38). Tâm hồn lắng nghe Ý Chúa để cả thân xác thực thi ý muốn của Người, đấy là một nỗ lực từ nơi Mẹ Maria. Chính vì vậy, Mẹ Maria đã vui mừng khi loan báo “Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại”. Chỉ có Thiên Chúa mới làm được những điều trọng đại kỳ diệu mà không gì sứt mẻ trong khi thực hiện nơi con người. Nếu con người, chúng con nỗ lực để đi đến thành công thì chính con người, chúng con cũng nhận thấy từ những thành công đó có thể làm chúng con vấp ngã. Vấp ngã ngay trong thành công của người đời, là một sự thực khó tránh khỏi. Chính vì vậy, chúng con khi chiêm ngắm cuộc đời của Mẹ Maria mới thấy rõ ràng, sự nỗ lực của Mẹ trở nên sức mạnh phi thường không rơi vào sụp đổ là do công trình của Thiên Chúa thực thi nơi Mẹ. Ý Cha bao giờ cũng tòan vẹn, nhưng con người lại đi tìm cho mình việc hòan thành thế giới này ngoài ý muốn của Cha. Hết sai lầm này đến sai lầm nọ, hòan thành thế giới theo ý muốn của con người trong lòng kiêu căng “con người tự tôn vinh nhau và đi tìm vinh quang lẫn nhau” (Ga 5, 44), nên con người cứ lạc lối, cứ đau thương, cứ mãi tủi buốn. Làm sao, chúng con có thể sẵn sàng đón nhận ý Cha như Mẹ Maria, để thưa xin vâng như Mẹ? Xin Mẹ dạy chúng con biết lắng nghe và suy đi nghĩ lại những điều Chúa nói với chúng con trong Thánh Kinh và trong Giáo Hội.

Lương thực hằng ngày

Lương thực hằng ngày là cách nói và mời gọi dùng của cải của mình sinh ơn ích cho người khác về phần hồn và phần xác. Của cải, theo quan điểm của Thánh Gioan Kim Khẩu, của cải thuộc về một số người để những người này lập nên công trạng bằng cách chia sẻ cho người khác. Chắc chắn rằng Mẹ Maria sống trong gia đình Nazareth đón nhận sự nghèo khó là hướng tới thiện ích cho người khác và góp phần xây dựng xã hội công bằng. Chính trong môi trường Thánh Gia này mà Chúa Giêsu đã học cách bênh vực cho người nghèo khó và luôn đứng về phía họ để chống lại những kẻ áp bức, bóc lột. Đồng thời, qua giáo huấn của Chúa Giêsu mà Mẹ Maria cũng nhận ra đường hường của Chúa Cha trong việc quản lý các ân sủng của Thiên Chúa trong họat động linh họat của Chúa Thánh Thần. Đối với Đức Maria, khi chúng con chiêm ngưỡng Mẹ qua đời sống khó nghèo của gia đình Thánh Gia, chúng con vẫn luôn thao thức về cung cách quản lý và chia sẻ của chúng con. Dùng của cải để hưởng thụ xa xỉ bên cạnh người anh chị em thiếu ăn, rách rưới khốn cùng. Ngay cả khi chúng con dùng của cải cách chính đáng nhưng vượt xa mức cần thiết, chúng con cũng nghĩ tới đời sống thanh bần của Mẹ. Làm sao chúng con có được tâm hồn quảng đại đón nhận sự khó nghèo để anh chị em chúng con được sống dồi dào như Người Con của Mẹ trở nên nghèo khó để mọi người được giàu có trong ân sủng Thiên Chúa.

Tha cho chúng con.

“Xin Cha tha cho chúng, đó là lời khấn nguyện của Chúa Giêsu trên Thập Giá và cũng là câu nói Mẹ nghe gần kề trong tâm khảm của Người Con. Mẹ nhiều lần nhắn nhủ con cái Mẹ: “Hãy ăn năn đền tội” vì đấy là điều kiện để được tình Cha tha thứ. Cha đã tha thứ cho nhân loại nhờ hiến lễ duy nhất của Chúa Giêsu trong đó Mẹ Maria cùng đồng công đau khổ để tham dự vào hy tế. Bởi thế trài tim Mẹ vẫn như lưỡi đòng đâm thấu trái tim như vẫn từng đâm thấu khi xưa trên núi thánh. Đau khổ vì tội lỗi của những đứa con bởi tội lỗi, bởi bất khoan dung, hận thù ích kỷ chai đá, không tha thứ… Trái tim Mẹ bị đâm thấu nên Mẹ vẫn khóc vì con cái loài người được trao phó cho Mẹ. Xin tha thứ cho chúng con và xin cho chúng con cũng biết tha thứ. Tha thứ là quyền năng của tình yêu phá tan hận thù.

Chớ để chúng con sa chước cám dỗ.

Cám dỗ thường xuyên, và cũng có hai mặt, xin chớ để sa chước cám dỗ là để chúng con trưởng thành hơn trong đời sống Kitô hữu và mặt khác sa chước cám dỗ làm chúng con xa cách tình yêu của Thiên Chúa. Chớ sa chước cám dỗ, hẳn là lời cầu nguyện không ngừng của Mẹ, bởi Mẹ cũng sống chật vật hơn chúng con, ngày nào cũng canh cánh nỗi lo cơm nước gạo tiền, nhưng nơi Mẹ vững lòng trông cậy vào Thiên Chúa và nhìn thấy biết bao ân lành tuôn đổ xuống trên Mẹ: Thiên Chúa đoái thương phận hèn tớ nữ. Trong ngày đời của chúng con, lắm phen sa ngã vì bon chen giữa cuộc đời mà quên mất lòng trông cậy, thiếu kém lòng tin và chẳng có lòng yêu mến. Lời Chúa nói với chúng con: Trong tình yêu thì không có sợ hãi, nhưng rồi chúng con cứ xa cách tình yêu, nhạt nhòa lòng mến nên còn nhiều sợ hãi và sa vào những cám dỗ trần thế. Mẹ ơi xin chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:07 11/10/2008
CHẦU LẠY

N2T


Sư phụ nói với một đệ tử thường quá ư là ân cần khiêm tốn: “Ánh sáng chiếu trên bức tường, tại sao chỉ biết ca ngợi bức tường ấy, mà không chuyên tâm chú ý đến ánh sáng của bản thân ?”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Khiêm tốn là nhân đức cần thiết trong cuộc sống của mình, ân cần tiếp đón với hết mọi người là một đức tính đẹp không dễ gì mà có được, tuy nhiên cần phải đặt nhân đức khiêm tốn cho đúng nơi đúng chỗ của nó.

- Có người thường bày tỏ sự khiêm tốn của mình thái quá, đến nỗi thấy người khác làm sai mà cứ khen nức nở mà không chịu chỉ cái sai cho họ biết. Đây là thái độ khiêm tốn nịnh nọt.

- Có người biết mình làm được việc, nhưng lúc nào cũng nói là mình không biết, để rồi khi người khác làm sai thì phê bình chê bai. Đây là thái độ kiêu ngạo chứ không phải là khiêm tốn.

- Có người thường khúm núm trước mọi người để bày tỏ thái độ khiêm hạ, nhưng trong lòng thì đầy những lời chê bai nguyền rủa. Thái độ khúm núm ấy không phải là khiêm nhường thật, nhưng là khiêm nhường “ống điếu” cong xuống rồi hướng lên cao.

Khiêm tốn không có nghĩa là cứ tâng bốc khen ngợi người khác mà quên mất tài năng của mình.

Ai có tài năng mà không sử dụng để mưu ích cho mọi người là coi thường ân sủng của Thiên Chúa, đó là kiêu ngạo chứ không phải là khiêm tốn, bời vì khiêm nhường thật chính là đem tài năng của mình ra làm, và phó thác công việc cho Chúa quan phòng.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:08 11/10/2008
N2T


12. Lời cầu nguyện lên cao thì ân sủng giáng xuống, trời dù cao đất dù thấp, thì Thiên Chúa vẫn nghe được tiếng của loài người.

(Thánh Augustinus)
 
Tản mạn về Hoa Hồng mùa thu
+ GM Giuse Vũ Văn Thiên
20:11 11/10/2008
TẢN MẠN VỀ HOA HỒNG MÙA THU

(Suy tư trong tháng Mân Côi-2008)

Những đóa hoa hồng đã trở nên quen thuộc với mỗi người trong chúng ta. Loài hoa kỳ diệu này mang nhiều màu sắc khác nhau. Cùng với màu hồng thường thấy nhất, cũng là màu mà loài hoa này mang tên, chúng ta còn thấy những đóa hồng màu trắng, màu đỏ tươi, màu hồng nhạt và có cả những bông hồng màu đen. Những cây hồng mọc lên từ miền đất khác nhau lại mang những màu sắc và hương thơm đặc trưng của vùng đó.

Hoa hồng được phong tặng danh hiệu là “nữ chúa các loài hoa”. Dù được trao tặng cho nhau bất cứ dịp nào, hoa hồng vẫn mang ý nghĩa thân thiện nồng nàn: từ đóa hồng tặng cho người sản phụ mới sinh con, đến đóa hồng trắng tinh khôi nhẹ nhàng đặt trên quan tài của người vừa nằm xuống. Người ta tặng hoa hồng để chúc mừng ngày một em bé được sinh ra qua bí tích Thanh tẩy. Người ta cũng dùng hoa hồng để mừng sinh nhật, mừng kỷ niệm thành hôn. Đóa hồng đỏ tươi mà chàng thanh niên ngập ngừng tặng cho bạn gái nhằm mục đích thay lời khó nói: “I love you !”. Những bông hồng trắng chú rể trao tặng cô dâu trong ngày cưới chính là lời khẳng định “yêu nhau đến cùng”.

Những bông hồng ở độ nở khác nhau cũng diễn tả nhiều thế hệ trong kiếp nhân sinh: những nụ hồng xinh xinh được bọc trong lớp đài hoa màu xanh, như những trẻ thơ đang chập chững vào đời, còn cần được sự bao bọc của cha mẹ. Những đóa hồng hé nở, e ấp thẹn thùng như những thiếu nữ tuổi vừa mới lớn, còn đang ngỡ ngàng trước cuộc sống mới lạ. Có những bông hồng sắc hương rực rỡ, như những chàng trai cô gái đang ở độ thanh xuân đầy sức sống. Có những bông hồng đã qua thời tươi nở, vẫn cố gắng đem chút hương còn lại dâng cho đời, như những người cao tuổi sống những ngày cuối đời trong thanh thản bình yên. Và, nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy cả những cánh hồng đã tàn phai, mặc dầu tả tơi xuống nền đất vẫn còn gợi hứng cho thi nhân văn sĩ, giống như những người sống tốt lành ở trần gian, khi ra đi vẫn để lại những bài học cho đời.

Vâng, hoa hồng xứng đáng với danh hiệu cao quý là chủ các loài hoa. Hoa hồng là hoa của tình yêu. Hoa hồng tượng trưng cho lòng hiếu thảo đối với bậc sinh thành, cho tình bằng hữu thân thương giữa những người bạn, cho lòng biết ơn của trò đối với thày, của người được giúp đỡ đối với những ân nhân tâm phúc. Hoa hồng muốn nói lên tất cả. Ngôn ngữ của loài hoa này thật phong phú, tinh tế và siêu nhiên.

Khi bước vào thu, người Công giáo nhắc đến những đóa hồng thiêng liêng. Đó là tràng Mân Côi tuyệt diệu. Chuyện kể về Thánh Đa-minh, một vị Thánh đã đóng góp công sức của mình trong việc khôi phục trật tự Giáo Hội ở thế kỷ 13. Thánh nhân đã được chính Đức Mẹ hiện ra, trao tràng hạt và nói: Con hãy nhiệt thành kêu gọi mọi người siêng năng lần hạt để đem lại cho Giáo Hội sự an bình. Thánh Đa-minh đã thực thi lời Đức Mẹ dạy. Đi đến bất cứ nơi nào, Ngài cũng kêu gọi mọi người hãy suy gẫm cuộc đời Đấng Cứu Thế với kinh Kính mừng. Chính Thánh nhân đã làm cỗ Tràng Hạt đầu tiên: Ngài đã dùng những cánh hồng thơm ngát, nén chặt như ép khuôn và làm thành từng hạt hình tròn, nối liền với nhau thành tràng hạt. Từ đó có tên chuỗi Mân Côi, tức là chuỗi Hoa Hồng. Tràng hạt Mân Côi đơn sơ là thế mà đã dẫn đưa bao người đến với suối nguồn ơn phúc; Kinh Kính mừng giản đơn như vậy mà đã đem đến cho những tâm hồn đau khổ niềm hy vọng ủi an.

Chúng ta còn thấy Tràng hạt Mân Côi mang ý nghĩa cao siêu hơn. Khi lần hạt, mỗi kinh kính mừng được biểu trưng cho một hạt. Những kinh Kính mừng là lời tôn vinh Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Lời tôn vinh này được sánh ví như những bông hồng ngát hương. Như vậy, Tràng hạt Mân Côi còn là một tràng hoa hồng dâng kính Đức Mẹ. Chúng ta gửi gắm vào tràng hoa hồng mọi vui buồn của cuộc đời: có vị mặn của nước mắt trong lúc khổ đau; có vị đắng của những thất bại ê chề; có vị ngọt của niềm vui khi hạnh phúc; có vị chua cay khi bị phản bội; có hương thơm của tình yêu dâng hiến hy sinh. Tóm lại, những bông hồng chúng ta gắn kết vào tràng hạt gồm mọi mầu sắc, mọi vị hương, mọi tâm tình. Những mầu sắc, vị hương và tâm tình này hòa quyện vào nhau làm nên bức tranh cuộc đời. Và trong cuộc đời trần thế còn pha trộn giữa bóng tối và ánh sáng này, chúng ta vươn lên về phía ánh sáng vĩnh cửu là chính Đức Giêsu.

Tiến xa hơn nữa, từ những đóa hồng trần thế, chúng ta cùng chiêm ngưỡng Mẹ Maria, ĐÓA HỒNG KỲ DIỆU CỦA THIÊN CHÚA. Vâng, Mẹ là một đóa hồng luôn toả ngát hương nơi trần thế và nơi thiên quốc. Mẹ là mẫu mực của mỗi tín hữu chúng ta trong hành trình đức tin cũng như hành trình làm người. Chính Mẹ đang mời gọi chúng ta hãy noi gương Mẹ toả ngát hương thơm của tình mến Chúa và yêu người, của lòng vị tha và quảng đại.

Bạn hãy dâng lên Thiên Chúa những đóa hồng của cuộc đời bạn. Những đóa hồng ấy mang mọi hương vị khác nhau. Và chính từ những hương vị ấy, ân sủng của Thiên Chúa sẽ biến đổi cuộc đời bạn, nhờ đó bạn sẽ trở nên tốt đẹp và dễ thương hơn.

Đó chính là sứ điệp mà Kinh Mân Côi muốn ngỏ với chúng ta.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một Thượng Hội Đồng ngoại thường (5)
Vũ Văn An
00:27 11/10/2008
Một Thượng Hội Đồng ngoại thường(tiếp theo)

Đại biểu Mỹ Châu

Trong bài trước, chúng tôi chưa có dịp trình bầy phần phát biểu của đại diện Mỹ Châu. Bài phát biểu của Đức Hồng Y Oscar Rodríguez Maradiaga, Tổng giám mục Tegucigalpa của Honduras, đại diện Mỹ Châu, chỉ được công bố vào ngày 8 tháng Mười.

Trước sự hiện diện của Đức Bênêđíctô XVI và 245 nghị phụ của THĐ, Đức Hồng Y cho hay: có cả một chia cách giữa điều Kitô hữu biết về Thánh Kinh và các hành động họ thi hành trong đời sống công. Ngài nói: “Hoàn cầu hóa có nhiều khía cạnh tích cực của nó nhất là về phương diện thông tin. Chúng ta được thông tri những gì đang xẩy ra tại quốc gia chúng ta, và nhiều khi chỉ là những vụ xì căng đan lớn đủ kiểu… Tuy nhiên, chúng ta rất lấy làm buồn vì nhiều người có can dự vào lãnh vực chính trị và xã hội này đã không đếm xỉa gì tới các trung tâm đào tạo của chúng ta, bất kể đó là giáo lý, các nhóm tuổi trẻ, hay các cao đẳng và đại học”.

Vị giáo phẩm người Honduras này đặt câu hỏi: “Việc giảng dạy lời Chúa có vai trò gì nơi họ? Ta có giúp họ tìm thấy Chúa trong Lời của Người không? Tại sao các giá trị của Phúc âm lại không hướng dẫn đời họ khi họ bước vào đời sống công, vào bất cứ tình thế nào?”. Ngài kêu gọi phải tái suy nghĩ “phương thức giáo dục đức tin bằng Thánh Kinh” để Lời Chúa “thay đổi” và “biến thái tác phong làm Kitô hữu của ta”

Các buổi họp theo nhóm ngôn ngữ

Buổi sáng Thứ Ba, trong khi Đức Bênêđíctô XVI chủ toạ buổi triều yết hàng tuần tại Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô và nói với hàng chục ngàn khách hành hương tại đó về cuộc đời và sự nghiệp của Thánh Phaolô, thì 253 nghị phụ của THĐ nhóm họp theo ngôn ngữ trong 12 nhóm, gọi theo tiếng La Tinh là "Circuli Minores," (những nhóm nhỏ). Tên gọi là như thế thôi, chứ thực ra các nhóm này chẳng “nhỏ” gì. Chính chúng tạo ra tiếng nói cho nhiều tham dự viên của THĐ và đem lại cho mọi tham dự viên một cảm nghiệm hết sức phong phú.

Đức Hồng Y Francis George của Chicago và Đức Cha Gerald Kicanas của Tuscon, hiện là chủ tịch và phó chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, được bầu là điều hợp viên và thỉnh báo viên của một trong ba nhóm nói tiếng Anh. Thường thường ít khi hai vị giám mục thuộc cùng một quốc gia được bầu một lúc vào hai chức vụ này. Nhưng các tham dự viên cảm thấy hai vị này rất xứng đáng với hai chức vụ đó, nên đại đa số đã nhất trí bầu cho hai vị.

Lối làm việc của Đức Hồng Y George khá linh động. Dù cha Rosica chỉ là một tùy viên báo chí, không phải là một chuyên viên, càng không phải là một tham dự viên của THĐ, nhưng vẫn được ngài, đến phút chót, sau khi đã đọc kinh khai mạc, ghé vào tai bảo đọc Sách Thánh và cho mấy lời suy niệm đoạn Thư Côrintô 1 nói về bài ca đức ái. Theo cha Rosica, người biết Đức HY từ những ngày còn học ở Trường Thánh Kinh bên Đất Thánh, ngài là một người dễ thương, thông minh, lanh lợi và nói năng lưu loát, thân thiết với mọi người trong nhóm, khiến ai cũng cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Không lạ gì, mọi vị, kể cả Đức Cha N.T. Wright, một giám mục và là một nhà học giả Thánh Kinh nổi tiếng người Anh, Hiệp Sĩ Tối Cao Carl Anderson, ba phụ nữ rất đặc biệt đến từ Nigeria, Hoa Kỳ và Hồng Kông, các hồng y và giám mục thuộc nhiều quốc gia khác nhau đều phát biểu cảm tưởng về THĐ, và nói lên kỳ vọng thấy THĐ thành công, và ưu tư của các ngài trong việc làm thế nào để Lời Chúa được biết đến, được tiếp nhận và yêu mến nhiều hơn tại đất nước họ.

Từ bìa trước tới bìa sau

Trong khi THĐ bận bịu bàn thảo tại Vatican, thì một biến cố lớn khác đang diễn ra suốt 24 giờ một ngày trên hệ thống truyền hình RAI của Ý trong tuần lễ đầu tiên của THĐ. Đó là chương trình đọc Sách Thánh liên tục 138 tiếng đồng hồ từ Sáng Thế tới Khải Huyền.

Đêm Thứ Bẩy vừa qua, tại Vương Cung Thánh Đường Santa Croce in Gerusaleme được xây từ thế kỷ thứ tư, hệ thống truyền hình Ý đã khởi đầu một chương trình gọi là “Thánh Kinh Cả Ngày Lẫn Đêm” trong đó Đức Bênêđíctô XVI đọc chương đầu tiên của sách Sáng Thế, tức các câu mở đầu của Thánh Kinh nói về việc tạo dựng vũ trụ.

Trong cuộc đọc Thánh Kinh vĩ đại này, 1,200 người đọc trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước trong bẩy ngày, sáu đêm. Ngoài người Công Giáo La Mã ra, nhiều thành viên các tôn giáo khác, kể cả Do Thái Giáo, Thệ Phản và Chính Thống Giáo cũng tham dự vào công trình đúng là có tấm cỡ Thánh Kinh này.

Trên màn ảnh truyền hình lớn, sau Đức Bênêđíctô XVI, là Đức Cha Ilarion, đại diện Giáo Hội Chính Thống Nga. Roberto Benigni, nhà đạo diễn từng đoạt giải Oscar qua phim “La Vita e’Bella” cũng trong số những người sẽ tham dự chương trình đọc Sách Thánh này.

Sau mỗi chương Sách Thánh, người ta được nghe các bản nhạc Kitô giáo hay Do Thái giáo xen lẫn. Andrea Bocelli, ngôi sao sáng của nền Nhạc Kịch Ý dẫn đầu những phút xen kẽ này vào ngày Chúa Nhật với bài “Hãy Ca Ngợi Chúa” của Bach.

Cựu Thủ Tướng Ý, Ông Giulio Andreotti, một số vị hồng y và giám mục tới Rôma tham dự THĐ, cũng tham gia chương trình này, trong đó có ĐHY Marc Ouelett của Gia Nã Đại và ĐHY Daniel DiNardo của Houston, Hoa Kỳ. 1,200 người đọc được lựa chọn trong số 180,000 người tình nguyện. Trong diễn văn lúc đọc kinh Truyền Tin vào Chúa Nhật qua, Đức Bênêđíctô XVI cho hay: chương trình đọc Sách Thánh này “nếu được chào đón, thế nào cũng đem lại nhiều hoa trái dư thừa”.

Đức HY Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh Tòa Thánh, sẽ kết thúc chương trình này bằng cách đọc chương chót của Sách Khải Huyền.

Nước Ý tiếp xúc trở lại với Lời Chúa

Theo Elizabeth Lev, một giáo sư dạy môn Nghệ Thuật và Kiến Trúc Kitô Giáo tại Đại Học Duquesne tại Ý, thì những ai thất vọng về mùa thu trụi lá của Rôma, hẳn phải vui với sắc áo đỏ tím của các hồng y và giám mục từ khắp nơi trên thế giới về dự THĐ.

Mặt khác, vì Thánh Kinh không phải chỉ dành riêng cho hàng giáo phẩm, nên không khí lễ hội không hẳn chỉ giới hạn bên trong thành quách Vatican. Rôma cũng có cách riêng để cử hành biến cố này bằng cách đọc Thánh Kinh suốt 24 giờ liên tục một ngày trong cả tuần lễ đầu của ĐH, tại Nhà Thờ Thánh Giá.

Tổ chức việc đọc Sách Thánh tại Nhà Thờ này quả là thích hợp vì chính Thánh Nữ Helena, thân mẫu hoàng đế Constantine, đã xây dựng nên Nhà Thờ này để chứa các di tích cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Nhờ thế, khi đọc tới cuộc Khổ Nạn ấy, người đọc thấy mình như đang đọc lại một truyện thực đang xẩy ra.

Giới truyền thông Ý, bất luận thuộc khuynh huớng chính trị nào, đều đăng tải tin tức về biến cố này trên các tờ báo toàn quốc của họ, tường thuật đầy đủ sự tham dự của các ngôi sao màn bạc, các tác giả và nhạc sĩ.

Nhờ thế, ngay ngày đầu tiên, THĐ đã mang lại hoa trái qua việc đưa nước Ý trở lại tiếp xúc với Lời Chúa.

Cuộc cách mạng Thánh Kinh của Đức Piô XII

Cuộc tranh cãi xung quanh thái độ của Đức Piô XII đối với nạn diệt chủng Do Thái của Đức Quốc Xã đã đưa tới hậu quả làm lu mờ cả giáo huấn và sự đóng góp hết sức trổi vượt của ngài trong vai trò dọn đường cho Công Đồng Vatican II.

Thực vậy, các thông điệp “Mediator Dei”, “Humani Genreis”,“Evangelii Praecones” năm 1951 và “Fidei Donum” năm 1957 đã làm nổi bật nhiệm vụ rao giảng phúc âm cho các dân tộc của Giáo hội, như Công Đồng Vatican II sau này tái khẳng định. Chính vì thế, trong cuộc hội nghị mới đây tại Rôma vào trung tuần tháng Chín, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, lần đầu tiên, đã lên tiếng bênh vực vị tiền nhiệm của mình, gọi ngài là vị tiền nhiệm “cao thượng và qúy yêu…can đảm và đầy tình phụ tử”, đã không bỏ lỡ cơ hội nào giúp đỡ các nạn nhân Quốc Xã, hoặc trực tiếp hoặc qua trung gian các định chế của Giáo Hội. Và ngày 9 tháng Mười vừa qua, nhân kỷ niệm 50 sinh nhật của Ngài, tại quảng trường Đền Thờ Thánh Phêrô, trước mặt các đại biểu tham dự THĐ, Đức Bênêđíctô XVI đã cử hành Thánh Lễ tưởng niệm Ngài.

Trong dịp này, ngoài các thông điệp khác được coi là các công trình bác học dọn đường cho hiến chế tín lý “Lumen Gentium” của Vatican II, Đức Giáo Hoàng đặc biệt đề cập tới thông điệp "Divino Afflante Spiritu" công bố năm 1943, trong đó vị tiền nhiệm của Ngài “đã đặt để ra các quy phạm học lý cho việc nghiên cứu Sách Thánh, trong khi nhấn mạnh tới tầm quan trọng và vai trò của nó trong sinh hoạt Kitô giáo… Nó mở ra cửa ngõ vĩ đại dẫn vào việc tìm tòi theo khoa học các bản văn Thánh Kinh”.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng nhắc nhớ thông điệp này trong bối cảnh THĐ các giám mục thế giới về Lời Chúa quả là điều thích hợp. Vì nhờ trực giác đầy tính tiên tri của Đức Piô XII, mà ta có được phương thức nghiên cứu nghiêm chỉnh các đặc điểm của khoa viết lịch sử ngày xưa. Nhờ thế ta hiểu rõ hơn bản chất của các Sách Thánh mà vẫn không đánh mất các giá trị lịch sử của chúng.

Đức Giáo Hoàng cho hay việc ấy có tính cách mạng vì trước năm 1943, phương thức nghiên cứu ‘thể văn’ (literary genres), một phương thức có mục đích hiểu rõ hơn ý định của tác giả sách thánh, bị nhiều người nghi kỵ. Đức Piô XII không những không nghi kỵ mà còn nhấn mạnh đến tính hợp lệ, hợp pháp của nó trong việc nghiên cứu cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.

Thánh Kinh không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng bình dân

Đức Hồng Y Francis George, Tổng giám mục Chicago, phát biểu trước THĐ, đề cập tới việc tín hữu phải nghe Lời Chúa trong bối cảnh sống thực và trách nhiệm mục vụ phải chú ý đến việc hồi hướng trí tưởng tượng, trí hiểu và ý chí người nghe. Ngài nói rằng: “Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa vừa là tác giả chính vừa là người thủ vai chính. Trong Thánh Kinh, ta gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống, Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp và là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”

Đức Hồng Y cho rằng nhiều người không có cái nhìn ấy. Họ coi Thánh Kinh như một thứ hư cấu. Cùng lắm, họ coi Thánh Kinh như sách dạy luân lý, một thứ luân lý nhiều khi thiếu sót. Thực ra, Thánh Kinh là linh hồn của phụng vụ và hơn thế nữa nó là linh hồn của thần học. Không tham dự phụng vụ Chúa Nhật, tín hữu đã tự cắt đứt mình ra khỏi việc tiếp xúc với Thánh Kinh trong ngữ cảnh thờ phượng của cộng đoàn.

Đối với ngài, “nhờ đều đặn chú tâm tới Sách Thánh, là Sách vốn tạo nên chu kỳ và lịch phụng vụ, tín hữu sẽ mở lòng mình ra đón nhận sự hồi hướng và phát triển trong cuộc sống ơn thánh”

ĐHY George gọi việc tham dự Thánh Lễ cách thường xuyên là “trường dạy ta vâng theo đức tin”. Ngài nói: “Yêu Thánh Kinh sẽ nuôi dưỡng được ý muốn thờ phượng trong tinh thần và sự thật và đổi lại, việc chúng ta thờ phượng sẽ tạo cơ hội để Chúa biến đổi ta mỗi ngày một nên giống hình ảnh Chúa Kitô cách sâu sắc hơn”. Ngài cũng khuyên ta nên đọc Sách Thánh theo kiểu “đọc lời Chúa” (lectio divina), một hình thức được ngài gọi là cầu nguyện. Lối cầu nguyện này sẽ thanh tẩy ý muốn của ta và giúp ý chí ta hòa hợp với Ý Chúa. Nhưng hiện phương pháp này vẫn còn ít được thực hành, kể cả đối với những người năng đi lễ.

Để giảng hay hơn

Hai đề nghị vừa xuất hiện tại THĐ là phải có chương trình phổ quát nhằm huấn luyện cách giảng trong Thánh Lễ và nên có một năm thánh dành cho nghệ thuật thuyết giảng ấy.

Chủ đề này được Đức Hồng Y Marc Ouelett, Tổng giám mục Québec, và là tổng báo cáo viên của THĐ, trình bầy. Ngài cho hay “Mặc dù bài giảng đã trở thành một chủ đề của Công Đồng Vatican II, nhưng hiện nay, ta vẫn còn thấy nhiều giáo dân không thỏa mãn mấy đối với thừa tác vụ giảng thuyết”. Việc không thoả mãn này khiến nhiều tín hữu chạy qua các nhóm và tôn giáo khác. Ngài tự hỏi phải làm sao giúp đỡ các vị giảng thuyết vun sới được nghệ thuật mời gọi người nghe tiến tới quyết định đức tin, trong khi tránh không rơi vào khuynh hướng dạy đời (moralism).

Đáp lại câu hỏi trên, Đức Cha Mark Coleridge, Tổng giám mục Canberra-Goulburn, Úc, đưa ra đề nghị soạn thảo một Sách Hướng Dẫn Tổng Quát về Giảng Thánh Lễ (General Homiletic Directgory) theo mẫu Sách Hướng Dẫn Tổng Quát về Giáo Lý và Huấn Dụ Tổng Quát về Sách Lễ Rôma.

Ngài giải thích: “Một sách hướng dẫn như thế sẽ kiểm kê việc giảng thuyết Công Giáo hiện nay, và sẽ được thực hiện bằng cách chú ý tới lịch sử khoa giảng thuyết Công Giáo. Nó sẽ rút tỉa được kinh nhgiệm và sự khôn ngoan của cả Giáo Hội hoàn cầu, trong đó có các cộng đoàn và phong trào mới, mà không làm tê liệt tính sáng tạo nơi các giáo hội địa phương cũng như nơi các vị giảng thuyết cá biệt… Vào lúc này, ta cần phải có óc hệ thống hóa nhiều hơn trong ‘ars predicandi’ (nghệ thuật giảng thuyết), không nên phó mặc cho may rủi hay ý thích tầm phào. Cuốn Sách Chỉ Dẫn Tổng Quát sẽ giúp ích trong khía cạnh này, nhất là tại các chủng viện và viện đào tạo”.

Còn Đức Cha Gerald Kicanas, Giám mục Tucson và hiện là phó chủ tịch Hội Đồng GM Hoa Kỳ, thì phát biểu rằng: “việc giảng thuyết ngày nay có thể đã chẳng còn hương vị như xưa nữa, hiện nó đã trở thành công thức, chẳng gây cảm hứng chi hết, khiến người nghe thấy trống rỗng”. Đáng lý ra nó phải khích lệ, hàn gắn, đem lại hy vọng và cảm hứng, cũng như dạy dỗ và thách thức.

Đức Cha đề nghị: sau khi kết thúc Năm Thánh Phaolô vào ngày 29 tháng Sáu tới, Giáo Hội nên dành hẳn một năm cho việc giảng thuyết. Theo ngài, năm thánh này sẽ là cơ hội để “các linh mục và phó tế cùng với giám mục của mình gặp gỡ giáo dân để lắng nghe các khó khăn của họ và hiểu rõ hơn cách giảng Lời Chúa thế nào cho có tương quan với các khó khăn ấy”.
 
Nữ tu Alphonsa Muttathupadathu người Ấn Độ được phong thánh
Lưu Minh Gian
16:55 11/10/2008
VATICAN - Chúa nhật ngày 12.10 tới đây, tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Benedetto XVI sẽ chủ tế thánh lễ tuyên phong hiển thánh cho 4 vị Chân phước cuả Giáo Hội Công Giáo. Danh sách các vị như sau: Anna Muttathupadathu, hay còn gọi là nữ tu Alphonsa thuộc Đan Viện Clara, ở Bharananganam, Ấn Độ; Cha Gaetano, một linh mục người Ý, Đấng sáng lập dòng Thừa Sai Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đức Mẹ; Nữ tu Maria Bernarda, người Thụy Sĩ, Đấng sáng lập dòng thừa sai Phansinh chị em Đức Maria; và Narcisa de Jesu Martillo Moran một giáo dân dòng ba Phansinh thuộc tổng giáo phận Guayaquil, Ecuador.

Trong chương trình hôm nay, chúng tôi hân hạnh được giới thiệu đến quý vị và các bạn con đường nên thánh của Thánh nữ Alphonsa Muttathupadathu.

Trong bài giảng của thánh lễ phong chân phước cho Alphonsa, ngày 8.2.1986, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chỉ ra con đường nên thánh của Alphonsa, đó là con đường của thập giá, con đường đi qua đau khổ và bệnh tật.

Đối với mỗi người chúng ta, bệnh tật khổ đau vốn là những tai họa mà ai cũng muốn tránh xa. Nếu chẳng may chúng xảy ra với mình, chúng ta thường đón nhận cách miễn cưỡng, với không ít lời than thở, và thậm chí là kêu trách Chúa. Con đường nên thánh của Alphonsa thì đi ngược lại với thái độ sống ấy.

Sinh ngày 19.8.1910 tại Kudamalloor thuộc Kerala, Ấn Độ, tuổi thơ của Alphonsa đã phải chịu nhiều thiệt thòi khi phải mồ côi mẹ từ rất sớm. Trong suốt 35 năm cuộc đời của mình, Alphonsa đã phải gánh chịu không biết bao nhiêu đau đớn vì bệnh hoạn thể xác lẫn khổ nhọc về tinh thần, cho đến khi qua đời ngày 28 tháng 7 năm 1946 trong một tu viện nhỏ của Dòng Clara.

Dẫu vậy, Alphonsa được ghi nhận trước tiên là người biết chịu đựng nỗi đau trong lặng lẽ. Hơn thế nữa, Alphonsa đã liên tục đón nhận những đau khổ đến trong cuộc đời mình với lòng thanh thản và tín thác tuyệt đối vào Chúa. Thánh nữ xác tín rằng chính đau khổ sẽ thanh luyện con người mình, sẽ giúp mình vượt qua những ích kỷ của bản thân, và quan trọng hơn, chính đau khổ sẽ nối kết mình chặt chẽ hơn với Đức Kitô, Đấng đã chịu khổ đau. Trong một lá thư gởi cho cha linh hướng của mình ngày 20.10.1944, Alphonsa viết: “Thưa cha, vì Đức Giêsu đã yêu thương con quá bội, con ước ao được ở lại trên giường bệnh và chịu nhiều đau khổ hơn nữa. Vì con cảm nhận rằng chính Thiên Chúa đã cho con được kết hợp với Người trong chính hiến lễ đau khổ của đời con”

Bằng việc đón nhận đau khổ, Alphonsa biết rằng mình được chia sẻ sứ mạng của Giáo Hội. Nhưng đặc biệt hơn, Alphonsa còn biết cách tìm thấy niềm vui trong đau khổ, khi dâng chính những khổ đau ấy lên cho Chúa. Nhờ đó, đau khổ, bệnh tật và cả những hiểu lầm ghanh ghét của người khác, đã không thể dập tắt được niềm vui mà Thiên Chúa đã đổ đầy trong con tim của Alphonsa.

Như thế, nơi cuộc đời của nữ thánh Alphonsa, chúng ta nhận ra rằng bệnh tật đau khổ không chỉ là thử thách lớn lao cho con người, nhưng đó còn là cơ hội quý giá để chúng ta sống trọn tình con thảo với Thiên Chúa là Cha. Phải là người đặc biệt lắm, chúng ta mới được Chúa gởi cho những thử thách đặc biệt. Phải là người đặc biệt lắm chúng ta mới được cho cơ hội để hiệp thông cách đặc biệt với Đức Giêsu trong công trình cứu chuộc nhân loại.

Ngày nay, ở Ấn Độ, Alphonsa được nhận như là thánh bổn mạng của những người bệnh tật và mồ côi. Ngôi nhà nguyện nhỏ tại Bharananganam, nơi chôn cất xác thánh Alphonsa, đã trở thành một trung tâm hành hương quan trọng của Ấn Độ. Tại đây, hàng trăm phép lạ đã xảy ra và được nhìn nhận là nhờ lời chuyển cầu của thánh nữ Alphosa.

Trong khi tiến trình phong thánh cho mẹ Teresa Calculta vẫn đang được tiến hành, Alphonsa Muttathupadathu đã trở thành người nữ đầu tiên của Ấn Độ được tuyên phong hiển thánh.

Phát biểu trước truyền thông, Dominic Emmanuel ngýời phát ngôn viên của Tổng giáo phận Delhi ðã nói: Thật là một niềm vinh hạnh và an ủi lớn lao cho cộng ðoàn Kitô giáo ở Ấn Ðộ khi có một ngýời con giữa cộng ðoàn này ðýợc giáo hội tuyên phong. Giờ ðây, chúng tôi biết rằng trên trời ðã có thêm một vị thánh cầu bầu cho Ấn Ðộ chúng tôi.

Trong bối cảnh thật khó khãn của những xung ðột tôn giáo mà các anh em thuộc cộng ðồng Kitô giáo ở Ấn Ðộ ðang phải hứng chịu, chúng ta cùng hiệp lời cầu nguyện ðể những khổ ðau và thiệt thòi mà họ ðang gặp phải cũng trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng cho mỗi ngýời và cho cả giáo hội kitô giáo ở Ấn Ðộ.

Lạy thánh nữ Alphonsa, xin cầu cho chúng con.
 
Top Stories
Anche un giornale per bambini nella campagna contro i cattolici di Hanoi
Asia-News
07:30 11/10/2008
Sul periodico, destinato ai ragazzi delle elementari, “uno studente” delle primarie scrive di aver perso la fede a causa del comportamento dell’arcivescovo. Ordine di comparizione per il superiore dei Redentoristi.

Hanoi (AsiaNews) – Dopo radio, televisione e quotidiani, ora tocca alle riviste per bambini allinearsi nella campagna di disinformazione dei media controllati dallo Stato contro i cattolici. Questa settimana è stato fatto scendere in campo anche Thieu Nien Tien Phong (Bambini pionieri), periodico destinato ai piccoli delle scuole elementari.

La scenografia è sempre la stessa, già seguita dai giornali per gli aduli, come ad esempio dal quotidiano del Partito comunista Nhan Dan. Obiettivo dell’attacco sono gli esponenti della Chiesa cattolica, in primo luogo l’arcivescovo Joseph Ngo Quang Kiet. E c’è la protesta di un cattolico, Qui uno “studente delle scuole elementari”, afferma di aver perso la sua fede cattolica a causa delle affermazioni e dei comportamenti del vescovo.

“E’ spudorato – commenta padre Dang Huu Chau, un sacerdote di Hanoi – usare un giornale per bambini per diffondere queste evidenti bugie”.

Se la campagna di stampa segna così un ulteriore degrado, anche la campagna di intimidazione verso i sacerdoti ed i parrocchiani di Thai Ha registra un’escalation. Una parrocchiana racconta che nell’ultimo mese è stata convocata otto volte dalla polizia. Ogni volta le fanno la stessa domanda: perché è andata a pregare in una zona dove si sa che le riunioni di preghiera sono illegali?

Giovedì, poi, gli agenti si sono recati al monastero per presentare un ordine di comparizione a padre Matthew Vu Khoi Phung, superiore dei Redentoristi. E’ accusato di aver usato la sua influenza per incitare i fedeli a sfidare il governo, pregando illegalmente in una zona pubblica e disturbando l’ordine pubblico. Il Comitato del popolo (municipio) di Hanoi ha rilasciato un avviso nel quale minaccia azioni legali contro di lui e la polizia afferma di aver trovato ampia prova di “crimine organizzato” nelle veglie di preghiera di Thai Ha. Quando gli agenti sono arrivati, però, il superiore non era al monastero: era partito alcune ore prima per Ho Chi Minh City, per un incontro.
 
一份乡村的儿童报攻击河内天主教徒
Asia-News
07:31 11/10/2008
在一份为小学生的期刊上,一名一年级的“学生”写到:他是因为主教的坏表样而失去信德的。一张寄给赎世主会省会长的传票。

河内(亚洲新闻) - 在广播电台,电视和报纸的攻击之后,现在又在乡村一份不为国家媒体监督所重视的儿童杂志上开始攻击天主教。这个星期又在一份名为Thieu Nien Tien Phong小学生的期刊上出现了。

情形完全与成人报纸上所刊登的是一样的,就象在仁丹共产党日报所刊登的。攻击的目标都是天主教的教友,首先就是若瑟光武文杰总主教。还有一名教友的抗议,这是“一名小学的学生”,他说,他是因为主教的行为和宣讲而失去信仰的。

河内的党胡高神父评论说:“利用儿童报来宣传这样的谎言真是无耻”。

媒体的声音标志着形势的日益恶化,内在里反对神父们和泰哈教友的声音也更严重。一名女教友叙述说,在最近这几个月来她一连被警察叫去八次。每次他们都问同样的问题:为什么你要去一个非法聚会祈祷的地方去祈祷?

星期四,一些警察去会院将一张传单交给了赎世主会的院长玛窦武越朋神父。告他利用他的影响力来鼓励信友们反对政府,在公共场所非法祈祷,扰乱公共秩序。河内人民政府委员会已经发出通知,该通知威胁这样的行为是对政府领导人的反叛行为,警察确认他们在泰哈的守夜祈祷活动中发现了“犯罪组织”的大量证据。但是,当警察来到会院时,院长当时不在家:几个小时前出发去了胡志明市参加一个会议。
 
Children's newspaper joins campaign against Catholics of Hanoi
Asia-News
07:32 11/10/2008
In the periodical, intended for elementary school children, "a student" says he lost his faith because of the behavior of the archbishop. Superior of Redemptorists ordered to appear in court.

Hanoi (AsiaNews) - After radio, television, newspapers, now it's the turn of children's magazines to join the campaign of disinformation against the Catholic among the state-controlled media. This week, Thieu Nien Tien Phong (pioneer children), a periodical intended for elementary school children, also took the field.

The pattern is still the same, already used by newspapers for adults, for example the newspaper of the communist party Nhan Dan. The targets of the attack are Catholic Church leaders, and in the first place Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet. And there is a protest by a Catholic, Qui, an "elementary school student," who says that he lost his Catholic faith because of the words and actions of the archbishop.

“The Hanoi government is shameless,” says Fr. Dang Huu Chau, a priest of Hanoi. “Using a children’s magazine to spread such a blatant lie is disgusting.”

If the media campaign is marking a further the decline in this way, there has also been an escalation in the campaign of intimidation toward the priests and parishioners of Thai Ha. A parishioner says that in last month, she has been interrogated eight times by the police. Each time, they asked the same question: Why did she go to pray in an area where prayer meetings are illegal?

On Thursday, agents went to the monastery to present a court summons for Fr. Matthew Vu Khoi Phung, superior of the Redemptorists. He is accused of using his influence to incite the faithful to defy the government, praying illegally in a public area and disturbing public order. The people's committee of Hanoi has released a statement in which it threatens legal action against them, and the police say that they have found ample proof of "organized crime" in the prayer vigils of Thai Ha. But when the police arrived, the superior was not at the monastery: he had left a few hours earlier for Ho Chi Minh City, for a meeting.
 
Vietnam: Catholic discrimination on rise, Amnesty
Spero News
08:41 11/10/2008
Human rights organisation calls on the Vietnamese government to put an end to intimidation, violence, arrests, media campaigns and discrimination against Catholics

Amnesty International (AI) is calling on the United Nations to pay attention to what is happening in Vietnam and send a special rapporteur to investigate the state of freedom of opinion and expression. The request comes at the end of a long report which examines the behaviour of Vietnamese authorities with regards to peaceful Catholic protesters.

The report illustrates the events concerning the former apostolic delegation and the Thai Ha property, especially the government’s attitude towards Catholics’ request to have their property back, an attitude characterised by intimidation, violence, arrests, violations of freedom of thought and religion, media campaigns and discrimination.

“The Vietnamese government must end its intimidation and attacks against Catholics and ensure protection against violence by state-sponsored groups,” AI said in a press release today in London.

In its briefing paper the human rights organisation reconstructs the events that have seen since last December worshippers peacefully back demands by the Hanoi Archbishopric and the Redemptorists of Thai Ha.

After a period during which dialogue seemed to prevail with the government indicating in February its willingness to gradually return Church property, the authorities have taken a hard line.

Violence followed threatening words by Hanoi’s People’s Committee (City Hall). In September “[p]olice injured several people with their batons, and 20 people were hospitalised. . . At least eight people were arrested.”

AI “believes others are at risk of arrest: in recent days, police have stepped up efforts to intimidate protesters and are calling in for questioning both parishioners and church leaders”.

People who were arrested “were accused of destroying or deliberately damaging property and causing public disorder (Articles 143 and 245 of the Vietnamese Penal Code). Both offences carry a maximum prison sentence of seven years.”

The last article is of particular significance since it is about “causing public disorder”; for this reason, AI “has repeatedly raised concerns about this vaguely worded article because it does not comply with international standards, and is routinely used to criminalize freedom of expression and peaceful assembly.”

The London-based organisation “believes that more people may have been arrested and that others are at risk of arrest, particularly priests at Thai Ha parish, the Archbishop of Ha Noi, and hundreds of Catholic protesters from rural areas”. Moreover, “Vietnamese authorities have publicly threatened church leaders with legal actions unless they end what they defined as ‘illegal religious activities”.”

Protest organisers “have received threats of violence. In one instance, police officers in a northern province paid a visit to the family of a journalist observing the protests. A police officer warned the parents that their son should end his involvement in the protests or he may be killed.”

Under strict government control mass media “have published numerous articles in an intensifying campaign to discredit Catholic leaders in Ha Noi. Church leaders have been portrayed as treacherous and anti-Vietnamese, and the archbishop has been accused of distorting the truth, slandering the authorities, defying the law and challenging the state.”

For AI “this media campaign may fuel further violent attacks”.

The violence has been perpetrated “by ‘bully boys’, gangs that appear to have the backing of police and local authority officials”. And [s]tate controlled media have not reported on such violence, intimidation and harassment.”

To back its claims the report described some of the violent incidents like an assault by “hundreds of ‘bully boys’, some dressed in shirts labelled ‘Communist Youth League’ [.. . ]at Thai Ha parish, where they attacked [.. . ] parishioners,” first on 31 August and then again on September 25.

At all times police was present at protest sites but at “no time did they try to intervene to protect protesters when they came under attack by gang members.”

The AI report warns that intimidation against Catholics is “on the rise”.

“Students are increasingly worried to speak about their faith at school or at university, where reports are emerging about bullying and expulsions.”

“A group of Catholic students reported to their parish that on 4 and 5 October 2008, a university principal told them that if they continue to participate in activities at the Thai Ha parish, they may be expelled. [.. . ] There are several similar reports”.

In its conclusion AI reminds Vietnam that it is a party to the International Covenant of Civil and Political Rights and must “[u]phold the rights to freedom of expression, peaceful assembly and freedom of religion without discrimination; [.. . ] [i]mmediately and unconditionally release those imprisoned for peacefully expressing their views; [.. . ] [l]ift unlawful restrictions on the right to peaceful assembly, freedom of expression and freedom of religion and particularly reform provisions in the 1999 Penal Code relating to national security;” and “[e]nsure that a climate of impunity does not emerge with regard to attacks and acts of intimidation against Catholics, by conducting independent and impartial investigations on all attacks and acts of intimidation by police officers, including excessive use of force against peaceful Catholic worshippers, and state-sponsored ‘bully boys’ and to bring those responsible to justice in trials which comply with international standards.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội thảo về đề tài “Sự Sống Con Người” tại Trung Tâm Mục Vụ Saigòn
Maria Vũ Loan
11:15 11/10/2008
SAIGÒN - Sáng ngày 11/10/2008, Trung Tâm Mục Vụ giáo phận Sài Gòn và Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin có tổ chức buổi nói chuyện về đề tài “Sự Sống Con Người” dành cho tu sĩ liên dòng, các học viện và những ai quan tâm đến đề tài này, ngay tại trung tâm.

Buổi nói chuyện xoay quanh năm đề tài được trình bày thứ tự, chi tiết.

• Đề tài thứ nhất nói về thông điệp Humanae Vitae của Đức Thánh Cha Phaolô VI do tu sĩ Vital Luca Nguyễn Hữu Quang, FSC trình bày.

“…Trong thông điệp này, ĐTC tái khẳng định giáo huấn truyền thống của Giáo hội Công giáo Rôma về việc điều hòa sinh sản nhân tạo, ngừa thai, phá thai và tất cả những gì liên quan đến sự sống con người. Có năm điểm chính yếu đặt ra cho nhân học (sự nghiên cứu về con người) triết học:

- Humanae Vitae vượt lên nền nhân học triết học, đề cao tự do chủ quan tuyệt đối: một con người trưởng thành chỉ có thể là con người được tự do tuyệt đối.
- Humanae Vitae không phải là sự đồng thuận theo xu hướng lấy đa số làm chuẩn mực: nhấn mạnh đến nguy cơ số đông áp đặt chuẩn mực mình lên thiểu số và vi phạm quyền của thiểu số
- Humanae Vitae vượt xa mọi xu hướng duy lợi và thực dụng: một lý thuyết chủ trương mọi người đều tìm kiếm cách tự nhiên để đạt lạc thú và tránh xa đau khổ. Điều này có thể đưa đến những hệ luận thực tiễn tác hại.
- Humanae Vitae chủ trương một nền thần học phải dựa trên một nền đạo đức sinh học “đạo đức”: lấy nhân đức làm chuẩn mực, lấy con người làm trung tâm và nền tảng cho mọi hành động.
- Nhiệm vụ của đạo đức Kitô giáo đó là phác họa một viễn tượng và dấn thân hòa điệu với niềm tin.

• Dễ hiểu và gần gũi là phần trình bày của cha Antôn Nguyễn Cao Siêu. Đó là “Sự Sống Con Người Theo Kinh Thánh”:

“Con người là thụ tạo thánh thiêng, cao cả trỗi vượt mọi loài. Đức Chúa tạo dựng mọi loài nhưng chỉ có con người mới được Thiên Chúa hà hơi vào lỗ mũi, truyền hơi thở của sự sống và con người trở nên một sinh linh có sự sống.
Đặc biệt, con người có khả năng đối thoại và có tương giao với Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Thiên Chúa đội cho con người triều thiên vinh quang và danh dự, lại còn cho làm chủ mọi công trình của Chúa và Người còn đặt mọi sự dưới chân con người. Vì thế, mạng sống con người cần được tôn trọng và bảo vệ…”

• Phần trình bày của cha Luy Nguyễn Anh Tuấn được tiếp nối một cách sinh động là “Gia Đình Phục Vụ Sự Sống: Truyền Sinh Và Giáo Dục

Sự sống của con người gắn chặt với gia đình. Bối cảnh gia đình ngày nay gặp nhiều nguy hiểm và bị tấn công tơi bời vì thiếu nguồn bổ trợ, bị đe dọa. Theo quan điển nhân học Kitô giáo thì con người là một hữu thể thống nhất xác - thần, một thân xác có ngôi vị. Tính dục con người được ghi dấu bởi khả năng truyền sinh. Chỉ có tình yêu mới có thể là nguồn cội cho một con người.

Biến cố thập giá là hành động Chúa Kitô hiến ban chính mình, để con người - nam và nữ - có được một “con đường tiếp cận” biến cố ấy. Thiên Chúa đã nghĩ ra hôn nhân. Nhờ tình yêu ấy, vợ chồng cùng hiện tại hóa nơi chính họ biến cố thập giá. Vì thế gia đình không chỉ là cộng đồng nguyên thủy của xã hội, mà còn là công trình kiến trúc của Thiên Chúa và của con người.

• Tiếp đến là phần trình bày của ma-sơ Trần Như Ý Lan về “Thân Phận Luân Lý Của Phôi Thai Người Trên Phương Diện Khoa Học Và Thần Học

Theo giáo huấn của Giáo Hội, thì “phát xuất từ sự thụ tinh, căn tính sinh học của một cá thể người mới đã được cấu thành”. Có một số quan điểm cho rằng phôi thai không phải là một con người; bên cạnh đó có khá nhiều lập trường bảo vệ “Phôi là một con người đang hình thành”. Thí dụ như một ý kiến cho rằng: “Chính những thông tin di truyền xác định những đặc điểm của người đó, những đặc điểm này là phần sinh học chuyển tải khả năng của sự thông thái khôn ngoan loài người, làm cho người ấy là một hữu thể tự phát triển. Một hữu thể sống với bộ mã di truyền loài người là một con người.” Lập trường này cho chúng ta cái nhìn hạn hẹp.

Một lập trường được chấp nhận, theo đó, một hữu thể người thực sự là một con người đang trong quá trình phát triển. Khái niệm hữu thể người, đặt nền tảng cho mô thức và chất thể tối thiểu để là một con người. Phôi người là một con người đang hình thành, đó là, con người trong chất thể chính yếu tối thiểu, với những khả năng thực tại.

• Tiếp đó, linh mục Augustino Nguyễn Văn Dụ trình bày phần: Chiều Kích Thiêng Liêng Trong Thông Điệp Humanae Vitae.

Ngoài những nội dung đã nêu trên, thông điệp còn bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề thiêng liêng vì nói về tòan bộ con người trong mọi chiều kích. Có những chiều kích hôn nhân là một định chế khôn ngoan của Thiên Chúa; đó là ơn gọi về sứ mạng của vợ chồng làm cộng tác viên của Thiên Chúa, một sứ mạng thánh. Và các chiều kích khác như về tình yêu hôn nhân; về đời sống khiết tịnh một cách trách nhiệm giữa đôi vợ chồng; về những khó khăn và phương thế giải quyết những khó khăn ấy.

Như thế sẽ làm cho việc giảng dạy về Khoa Thần Học Luân Lý phù hợp với những hướng dẫn của Huấn Quyền.

Sau phần trình bày là việc giải đáp các câu hỏi của người tham dự. Khá nhiều câu hỏi được gửi lên ban tổ chức nhưng các vị thuyết giảng chỉ trả lời được ít vì không đủ thời gian. Bầu khí trong hội trường sôi nổi và vui hẳn lên qua phần trả lời câu hỏi. “Giáo luật có cho chuyển đổi giới tính không?” Câu trả lời rất thuyết phục: “Thiên Chúa tạo dựng con người là nam và nữ, ngày nay khoa học chứng minh có những con người một nửa là nam một nửa là nữ, thì Giáo hội cho phép chuyển đổi vì có bệnh lý; nhưng đã là nam hay nữ rõ rệt thì không được phép và chúng ta cần tôn trọng họ nhưng không được làm những hành vi đồng tính.”

Một câu hỏi khác: “Gia đình đã đông con mà lỡ có thai, e rằng sự thiếu thốn vật chất sẽ đẩy những đứa con vào tình trạng tệ nạn thì sao?” Trả lời: “Không thể nhân danh cái nghèo mà phá thai, dù nghèo, nếu biết cách vẫn có thể giáo dục con cái đàng hoàng.”

Và câu hỏi: “Nếu vợ chồng chung sống mà không có con thì có được phép ly hôn hay ly dị không?” Trả lời: “Không! Phải tìm mọi cách để nuôi dưỡng tình yêu mà thôi!”

Lời phát biểu rất hay của cha Nguyễn Văn Dụ, liên quan đến câu hỏi sau cùng, đã kết thúc buổi nói chuyện sâu sắc về sự sống con người: “Mọi người cần noi theo gương Đức Kitô: phải cứng rắn với tội lỗi nhưng nhân từ với tội nhân!”
 
Bước chuyển mình về một nền giáo dục Kitô giáo nơi xứ Lưu Mỹ (GP Vinh)
Giuse Văn Học
11:53 11/10/2008
VINH - "Ngày nay, để cứu vãn xã hội, chúng ta cần phải ưu tiên xây dựng những ngôi trường hơn là xây dựng nhà thờ, thành lập hội đoàn hay đào tạo linh mục. Vì có trường học đào luyện nên nhân cách con người sẽ có người Kitô hữu tốt, người Kitô hữu chân chính - là một mảnh sao băng, một điểm hội tụ của tình yêu và một thứ men sống động trong khối bột". Lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng Pio X (1903-1914) trước các chư huynh Hồng Y, đến nay vẫn còn nguyên giá trị cho những nỗ lực của những ai đang theo đuổi một lý tưởng trùng hợp với niềm ưu tư liên lỉ của mình là chu toàn sứ mệnh trần gian và vĩnh cửu của nhân loại.

Thật vậy, ngày nay, nhiều trào lưu tư tưởng phản nghịch với những giá trị đạo đức truyền thống xuất hiện đã dẫn con người đến chỗ đánh mất dần những căn tính sâu xa và cốt yếu của nó. Khi ném con người suy tư "nhân linh ư vạn vật" vào guồng quay kinh tế xã hội thì người ta sẽ chỉ nhận được một hình nhân đầy khuyết tật. Khi chủ trương xóa bỏ những tiêu chí luân lý vì cho rằng: “Luân lý như một cái gì phản tự nhiên”; theo đó, tuyên bố khai tử Thiên Chúa để hồi sinh con người và khai sinh một thứ "triết lý người hùng" lấy ý chí quyền lực làm động lực thúc đẩy dẫn đến sự thành công, thì xã hội lâm vào sự hỗn độn của mớ bòng bong rối bời những tệ đoan.

Đứng trước những quan điểm sai lạc về con người và xã hội, trước những hậu quả khôn lường phát sinh từ những quan điểm đó, chúng ta thấy thật cần thiết phải gióng lên hồi chuông báo hiệu một cuộc xuống đường mới để góp phần vào việc xây dựng một xã hội con người mang tính nhân bản hơn. Thiết nghĩ, giáo dục Kitô giáo cùng với một nền giáo dục kiến thức văn hóa biết tôn trọng sự thật và những chiều kích căn bản thiết thân của con người, thì bộ mặt xã hội sẽ ngày một tốt đẹp hơn. Trong bài phát biểu tại lâu đài tông tòa ở Castel Gandolfo trước những đại biểu các trung tâm giáo dục Công giáo Italia, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 đã nói: "Trường học Công giáo là một biểu thị quyền mọi người công dân được tự do giáo dục, và nhiệm vụ tương ứng về tình liên đới trong việc xây dựng xã hội dân sự".

Đức Thánh Cha còn nói lên vai trò rất quan trọng của trường học Công giáo, như là "khí cụ thuộc sứ vụ cứu rỗi của Giáo Hội" trên cơ sở của tính "hiệp nhất chặt chẽ được hoàn thành giữa việc công bố đức tin và sự thăng tiến con người". Tuy nhiên, trong giáo dục Kitô giáo, điều cần thiết là phải có một ý thức đầy đủ về căn tính của Giáo Hội cũng như ý nghĩa dân sự của nó.

Giáo dục Kitô giáo nhằm đào luyện cho Giáo hội những kitô hữu tốt và cho xã hội những công dân hữu ích. Sống "tốt đạo" là cơ sở để sống "đẹp đời" hay nói cách khác, một lối sống "đẹp đời" là hệ quả tất yếu của một cuộc sống "tốt đạo", vì thế phải ưu tiên cho việc phát triển giáo dục Kitô giáo để chính nơi những người tin nhận Chúa Kitô, lấy Người làm chủ cuộc sống mình, sẽ tỏa lan nếp sống mang tính nhân văn đượm hương thơm Tin Mừng. Một người Kitô hữu đúng nghĩa phải sống với hai mối tương quan: Tương quan chiều đứng là tương quan tôn giáo, cụ thể là tương quan với Thiên Chúa và tương quan chiều ngang là tương quan xã hội, tức tương quan với con người và những thiết chế tạo nên tính tổ chức nhân quần-xã hội. Và chính các tương quan dệt nên đời sống xã hội, vì thế con người là một hữu thể xã hội, nhưng không phải chỉ có thế mà quên mất mối tương quan siêu vị. Khi nói con người chỉ "là tổng hòa các mối quan hệ xã hội" là làm nổi bật xã hội tính nơi con người nhưng cũng làm nghèo nàn và tha hóa con người vì mối tương quan "chiều đứng" đã bị tước bỏ.

Trên tinh thần đó, chúng ta thấy được sự tích cực dấn thân trong lĩnh vực giáo dục của giới Công giáo đang ngày càng lớn mạnh, một trong những biểu hiện của sức sống dồi dào đó là việc quan tâm đến xây dựng cơ sở vật chất cho một nền giáo dục Kitô giáo tương lai. Giáo xứ Lưu Mỹ đã bước đầu đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong buổi khánh thành nhà trường giáo lý của giáo xứ ngày 08/10/2008.

Thao thức về việc nâng cao kiến thức giáo lý, trình độ văn hóa của các bạn trẻ trong toàn giáo xứ, cha quản xứ Giuse Trần Văn Phúc đã lo lắng liên hệ nhiều nơi để tìm thêm nguồn kinh phí nhằm xây dựng được một ngôi trường, vừa để học giáo lý vừa để bồi dưỡng thêm kiến thức văn hóa cho con em trong giáo xứ. Cùng với sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân, cha quản xứ và giáo dân đã huy động được nguồn kinh phí gần 1 tỷ đồng, để sau hơn 8 tháng thi công, hôm nay ngôi trường giáo lý được xây trên khu đất hơn 1000m2 đã được hoàn thành. Ngôi trường được bố trí gồm 10 phòng, diện tích mỗi phòng là 42m2 (6m x 7m) được trang bị đầy đủ đèn chiếu sáng và quạt thoáng mát mát, trong đó một phòng có kích thước 10 x 7 (m2) được sử dụng làm Hội trường chung cho việc tập hát và những sinh hoạt khác. Lưu Mỹ hiện có 9 giáo họ với tổng số giáo dân gần 4000 người, trong đó có 1300 em đang ở độ tuổi theo học các khối giáo lý sẽ được tập trung về ngôi trường mới này. Là một giáo xứ đang còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng được sự quan tâm giúp đỡ về nhiều mặt của cha quản xứ, thời gian qua, mặt bằng dân trí trong toàn xứ đã được nâng cao, năm học 2008 này có hơn 25 em vào Đại học và Cao đẳng.

Hơn 2000 người gồm cả khách mời và giáo dân trong toàn giáo xứ, sáng ngày 08/10 đã hiệp dâng lời cầu nguyện cùng với Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên và 11 linh mục trong và ngoài hạt Bảo Nham tại thánh đường giáo xứ Lưu Mỹ. Khánh thành ngôi trường giáo lý là một dấu chỉ cho thấy sự khởi đầu tốt đẹp của việc phát triển giáo dục trong giáo xứ Lưu Mỹ, cú hích đầu tiên cho những bước tiến khác, đó cũng là bước đi phù hợp với tinh thần của Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo do Công đồng Vatican đưa ra: "Quả thực, hoàn cảnh của thời đại chúng ta làm cho việc giáo dục thanh thiếu niên, ngay cả việc tiếp tục huấn luyện giới trưởng thành, trở nên ngày một dễ dàng và khẩn cấp hơn. Vì ý thức đầy đủ hơn về phẩm giá và bổn phận của mình, nên con người ao ước được tham dự tích cực hơn vào đời sống xã hội…". Và "trong khi mở cửa tiếp nhận đúng mức những điều kiện của thời đại đương tiến bộ, trường công giáo huấn luyện học sinh biết mưu cầu lợi ích cho xã hội trần gian một cách hữu hiệu, và chuẩn bị cho chúng biết phục vụ để mở mang Nước Chúa. Do đó, nhờ sống đời gương mẫu và tông đồ, chúng trở nên như men cứu rỗi cho cộng đoàn nhân loại".
 
Mừng lễ Phanxicô và khai mạc năm thánh tại Nhà Thờ Du Sinh Đalat
An-Phong
13:09 11/10/2008
ĐÀ LẠT - Năm nay Dòng Phanxicô Việt Nam chuẩn bị mừng 80 năm ngày thành lập Dòng trên Đất Việt (1929-2009), nên Tỉnh Dòng đã xin Tòa Thánh để mở năm thánh, khởi đầu từ lễ thánh Phanxicô năm nay, thứ bảy 4-10-2008, và kết thúc đúng vào ngày lễ Phanxicô năm tới Chúa nhật 4-10-2009. Những nơi có anh em Phan Sinh hiện diện, anh em đều tổ chức ngày đại lễ này cùng với toàn thể gia đình Phan Sinh địa phương.

Xem hình ảnh sinh hoạt

Nguyên miền Lâm Đồng chỉ có một cộng đoàn Phanxicô, và cũng là tập viện của tỉnh dòng, tọa lạc tại đồi Du Sinh, nên các thành viên trong gia đình Phan Sinh và thân hữu thuộc vùng này chỉ có một điểm đến duy nhất là Tu viện Du Sinh, phường 5, Đalat mà thôi.

Ngay từ chiều 3-10-2008, nhiều anh chị em từ xa, xa nhất là Bảo Lộc, và những anh chị em Phan sinh Tại thế (PSTT) ở gần, đã đến để nghe giảng, sám hối, xưng tội, và nhất là dự giờ tưởng niệm giây phút thánh Phanxicô từ trần, do đoàn PSTT Suối Thông-Thạnh Mỹ “dàn dựng” với sự cố vấn của các xơ Phan sinh Thừa Sai Đức Mẹ (FMM) vùng đó. Buổi tưởng niệm phong phú và cảm động, vì Phanxicô gầy gò nằm trên tấm phản, được 4 tập sinh khiêng vào giữa buổi lễ !

Sau giờ tưởng niệm là bữa ăn tối sum vầy. Tuy tu viện chật chội, nhưng hơn 200 con cái thánh Phanxicô vẫn đủ chỗ ngồi để thưởng thức món bánh mì ra-gu gà do Cơ Sở Giống cây trồng Phan-Sinh, quen gọi là Nhà Mô, khoản đãi. Cơ sở này có khoảng 50 nhân công, do một tu sĩ trong tu viện đứng ra quản trị.

Tối đến tu viện lại biến thành nơi nghỉ ngơi cho hơn 100 anh chị em ở lại để hôm sau dự lễ thánh Phanxicô.

Thánh lễ mừng thánh Phanxicô và khai mạc năm thánh được tổ chức tại Nhà Thờ Du Sinh, cách tu viện chừng 400m. Nhà Thờ Du Sinh được giáo phận giao phó cho Dòng trông coi từ sau năm 1975 và mới được xây dựng lại, nên rất thích hợp để đón tiếp lượng người đông đảo hơn.

Đúng 9 giờ Đức cha Phêrô Nguyễn văn Nhơn, Giám mục Đalat và là chủ tịch HĐGMVN cùng với 22 linh mục đến hiệp dâng thánh lễ cho chừng 500 anh chị em thuộc đại gia đình Phan-Sinh trong miền. Thánh lễ trang nghiêm sốt sắng, và trước khi kết lễ ĐGM xướng các kinh cần thiết để lãnh nhận ơn toàn xá trong ngày khai mạc năm thánh.

Sau lễ là bữa ăn “buffet” cho cả cộng đoàn, tức hơn 500 khẩu phần, trong khi thưởng thức văn nghệ bỏ túi do các đoàn PSTT trong miền góp mặt. Nhà Thờ Du Sinh có một tầng hầm, nhưng không “hầm” chút nào, vì rất thông thoáng do kết cấu nhà thờ nằm trên sườn đồi, nên việc tổ chức phần “hậu lễ” rất thuận tiện.

Nhà thờ Du Sinh mới được xây dựng hơn 1 năm, chỉ phần tháp chuông chính (ở giữa) là để nguyên kết cấu và vị trí cũ.

Bữa ăn và văn nghệ kéo dài đến gần 2 giờ. Những người cuối cùng thu gom tất cả những gì còn lại thật cẩn thận để làm lương thực cho những người trong hoàn cảnh kém may mắn hơn.

Riêng Tu viện Phanxicô Du Sinh còn một ngày cao điểm nữa trong năm thánh là ngày lễ thánh Bonaventura 15-7-2009 trước khi tới ngày kết thúc 4-10 năm sau. Kinh chúc bình an và tốt lành. Hẹn gặp lại.
 
Phát biểu của Đức Cha Võ Đức Minh tại Thượng Hội Đồng Giám Mục
LM Trần Đức Anh, OP
16:52 11/10/2008
VATICAN - Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, GM Phó giáo phận Nha Trang, đề cao vai trò của Lời Chúa trong đời sống của các tín hữu Công Giáo Việt Nam qua dòng lịch sử, giữa những gian lao thử thách.

Đức Cha Giuse Minh là Đại biểu của HĐGM Việt Nam, cùng với Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, GM Thanh Hóa, tại Thượng HĐGM thế giới hiện nay về Lời Chúa. Trong bài tham luận sáng ngày 11-10-2008, Đức cha nói:

”Giáo Hội của Chúa Kitô tại Việt Nam, từ khi đón nhận Tin Mừng vào năm 1533, và nhất là từ khi bổ nhiệm các GM đầu tiên vào năm 1659, đã trải qua con đường đầy Thánh Giá. Qua những thăng trầm của lịch sử, giống như người Do thái trong thời lưu đày, các tín hữu Công Giáo Việt Nam hiểu rằng chỉ có Lời Chúa tồn tại và không bao giờ làm cho thất vọng. Lời Chúa, thấm nhiễm kinh nguyện, chặng đàng Thánh Giá và kinh truyền Tin, các mầu nhiệm Mân Côi, các thánh ca và bài hát về đề tài Kinh Thánh, các bài học giáo lý, lòng sùng mộ bình dân, các nghi lễ á phụng vụ, những buổi cầu nguyện ban tối trong gia đình, sự lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa là một lectio divina thực sự.. và đã trở thành nguồn an ủi và sức mạnh mang lại sự cương quyết cho mọi thành phần dân Chúa, và đồng thời là điểm hội tụ giúp họ khám phá tương lai.

”Chắc chắn, đối với các tín hữu Kitô, ngoài những bất hạnh do chiến tranh gây ra, còn có nhiều bất hạnh khác dữ dằn hơn, do các cuộc bách hại. Trong những hoàn cảnh đó, chính Lời Chúa an ủi và nâng đỡ dân Chúa. Họ đến với Lời Chúa qua các bài giảng, các nghi thức á phụng vụ và những sáng tác văn chương bằng Việt Ngữ. Trong các cuộc bách hại, chính lời Chúa, dưới hình thức cụ thể của đàng Thánh Giá, kinh truyền tin, và kinh Mân Côi, là bản tóm lược Phúc Âm, mang lại sức mạnh cho các vị tử đạo để kiên trì trong đức tin của họ”.

3. ”Lời Chúa giúp khám phá chân dung đích thực của Chúa Giêsu Kitô, hiện thân tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, qua mầu nhiệm thập giá. Do kinh nghiệm đau thương mà Giáo Hội của Chúa Kitô tại Việt Nam cảm nghiệm, mầu nhiệm Thánh Giá không những trở nên gần gũi với đời sống thường nhật, nhưng còn là nhân tố thiết yếu qui tụ dân Chúa. Vốn thừa hưởng nền văn hóa ngàn năm về việc ”tôn kính tổ tiên” biểu lộ lòng hiếu thảo của dân tộc chúng tôi, các tín hữu Công Giáo, để cử hành lễ giỗ của người thân trong gia đình, thường lấy hứng từ Bữa Tiệc Ly, từ cuộc Thương Khó, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, gương của Chúa đánh động sâu xa tâm hồn người Việt Nam. Các trình thuật về những thử thách mà các Tổ Phụ và Ngôn Sứ, đặc biệt là ông thánh Gióp trong Cựu Ước, và của Đức Mẹ Maria, thánh Giuse và các thánh tông đồ trong Tân Ước đã chịu đựng, tiếp tục nâng đỡ đức tin của các tín hữu Công Giáo.

Lời Chúa, sinh động trong dòng lịch sử Giáo Hội của Chúa Kitô tại Việt Nam, đã trở thành nguồn hy vọng cho các tín hữu bị bách hại. Kinh nghiệm của các vị Tử Đạo và các thế hệ các vị chủ chăn, tu sĩ và giáo dân, là một bằng chứng hùng hồn. Để diễn tả chân lý đó, ĐTC Biển Đức 16, trong thông điệp Spe salvi, đã trích dẫn đích danh hai người Việt Nam, đó là thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, và ĐHY rất đáng thương tiếc Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận”.

Trong phiên họp toàn thể thứ 10 sáng thứ bẩy 11-10-2008 dưới quyền chủ tọa theo lượt của ĐHY Odilo Pedro Scherer, TGM giáo phận Sao Paulo, Brazil, đã có 220 nghị phụ hiện diện. ĐTC không tham dự vì ngài bận lần lượt tiếp kiến riêng 8 GM nước Ecuador, nhân dịp các vị về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh. Ngoài Đức Cha Võ Đức Minh còn có 23 nghị phụ phát biểu ý kiến, trong đó có Cha Pascual Chavez Bề trên Tổng quyền dòng Don Bosco, và Cha José Rodriguez Carballo, Bề trên Tổng quyền dòng Phanxicô.

Nhiều nghị phụ nhấn mạnh rằng Giáo Hội phải đến gần giới trẻ, giúp họ đọc lại các biến cố dưới ánh sáng Lời Chúa.

Có hai đại diện các Giáo Hội Kitô Anh em cũng lên tiếng phát biểu, đó là tổng linh mục Ignatios Sotiriadis, Đại diện Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp và thầy Alois, tu viện trưởng Cộng đoàn Đại kết Taizé bên Pháp. Thầy mong ước có những bước tiến mới trong lãnh vực đại kết về linh đạo và quan tâm nhiều hơn đến nhiềm khát mong của giới trẻ về tôn giáo. (SD 11-10-2008)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cuộc hội thảo của CSVN về vai trò báo chí trong vụ PMU18: cần phải triệt để...
Người trong cuộc
00:30 11/10/2008
Mời qúi độc giả nghe Trung tướng Vũ Hải Triều, phó Bộ Công an trình bày và Cuộc Hội thảo của các Đại biểu CSVN về vai trò báo chí và vụ án PMU 18, trong đó cho thấy cơ quan tối cao của CSVN rất bị động trước sự kiện bị lộ mặt và họ lúng túng trước công luận mất tin tưởng về đường lối lãnh đạo của Đảng CS. Do đó không lạ gì Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, tạm giam ông Nguyễn Văn Hải (Phó trưởng Văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội) và ông Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên). Càng không lạ khi họ dùng mọi thủ đoạn đàn áp tiếng nói Công lý của các giáo dân Hà nội cầu nguyện bất bạo động. Xin mời nghe toàn bộ cuộc Hội Thảo nêu trên:

Nghe Hội thảo của CSVN về vai trò báo chí và vụ PMU18 – phần 1
Nghe Hội thảo của CSVN về vai trò báo chí và vụ PMU18 – phần 2
Nghe Hội thảo của CSVN về vai trò báo chí và vụ PMU18 – phần 3
Nghe Hội thảo của CSVN về vai trò báo chí và vụ PMU18 – phần 4
Nghe Hội thảo của CSVN về vai trò báo chí và vụ PMU18 – phần 5
Nghe Hội thảo của CSVN về vai trò báo chí và vụ PMU18 – phần 6
Nghe Hội thảo của CSVN về vai trò báo chí và vụ PMU18 – phần 7
Nghe Hội thảo của CSVN về vai trò báo chí và vụ PMU18 – phần 8
Nghe Hội thảo của CSVN về vai trò báo chí và vụ PMU18 – phần 9
Nghe Hội thảo của CSVN về vai trò báo chí và vụ PMU18 – phần 10
 
Thông Báo của Cộng Đồng CGVN Úc Châu về cuộc biểu tình tại Quốc Hội Australia
CĐCGVN Úc Châu
03:59 11/10/2008
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Úc Châu
THÔNG CÁO BÁO CHÍ


Canberra, October 10, 2008. Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Úc Châu (VCCA) hết sức quan tâm đến sự kiện nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam mở chiến dịch bôi nhọ phỉ báng công khai và dùng những hành động pháp trị hà khắc đối với Quý Vị Lãnh Đạo và Giáo Dân Tổng Giáo Phận Hà Nội và Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, kể cả Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, Giuse Ngô Quang Kiệt.

Từ năm ngoái, Cộng Đồng Dân Chúa Hà Nội đã tổ chức những buổi cầu nguyện hằng ngày bên ngoài Toà Khâm Sứ Hà Nội, để đòi hỏi chế độ Cộng Sản trao trả lại mảnh đất bị chiếm đoạt bất hợp pháp vào năm 1959. Vào ngày 1.2.2008, nhà cầm quyền thoả thuận trao trả lại tài sản cho Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, thủ tục trao trả lại bị trì hoãn, và vào ngày 19.9.2008, nhà cầm quyền tuyên bố sẽ phá hủy tòa nhà để biến nơi đây thành một công viên. Ngoài ra, tại Giáo Xứ Thái Hà, Quý Cha Dòng Chúa Cứu Thế và Giáo Dân cũng đang kiên trì đòi lại mảnh đất đã bị cưỡng chiếm bất hợp pháp. Khiếu kiện và phản đối bùng lên khi người dân khám phá ra mảnh đất này được bí mật bán đứng cho những tư nhân trục lợi.

Nhà cầm quyền Cộng Sản Viêt Nam đã không chịu lắng nghe về bất cứ điều nào trong những nguyện vọng này, lại còn ra tay đàn áp những người phản đối bằng cách sử dụng các lực lượng công an hùng hậu, các lực luợng bảo vệ, và cả đến những thành phần băng đảng giang hồ. Tháng vừa qua, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã khai mở chiến dịch kết án quý Linh Mục là những tội phạm, đồng thời họ còn giam giữ một số Linh Mục và Giáo Dân. Khi một số Giáo Dân ôn hoà phản đối sự việc giam giữ này, họ liền bị đấm đá. Cả súng phóng điện cùng lựu đạn khói cũng được sử dụng khiến cho hằng chục người phải nằm nhà thương.

Tại Giáo Xứ Thái Hà, các băng đảng giang hồ đã xúc phạm đến các tượng thánh thiêng liêng và khạc nhổ vào mặt các Linh Mục và Giáo Dân, trước con mắt dửng dưng và không can thiệp của công an.

Vì thế, vào Thứ Hai ngày 13.10.2008, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam cũng như Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu sẽ cùng nhau biểu tình trước toà nhà Quốc Hội Úc Châu tại Canberra, để thỉnh nguyện Thủ Tướng Kevin Rudd và Chính Quyền Úc Châu hãy thuyết phục Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam phải tôn trọng Nhân Quyền theo luật pháp quốc tế, và đặc biệt:

- Hãy chấm dứt hành động đàn áp đối với hàng Giáo Sĩ và Giáo Dân Công Giáo.
- Hãy tôn trọng luật pháp và hoàn trả đất đai cho chủ nhân đích thực.
- Hãy chấm dứt ngay lập tức những hành động vi phạm Nhân Quyền tại Việt Nam.

Nước Úc đã có truyền thống lâu đời trong vai trò tiên phong bảo vệ quyền Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền trên thế giới, bất cứ lúc nào nhân quyền bị chà đạp. Chúng tôi tin tưởng Thủ Tướng Rudd sẽ tạo ảnh hưởng khiến Thủ Tướng Việt Nam phải thực thi những nguyên tắc này.

Contacts:
1. Mgr. Paul Minh Tam Nguyen, Chairman, Adelaide.
Mob: 0421 331 475
Email: minhtampaul@yahoo.com.au

2. Fr. Peter Xuan My Bui, Vice-chairman, Canberra.
Mob: 0411 328 077
Email: petermybui@iprimus.com.au

3. Fr. Raphael Duc Thien Vo, Secretary, Melbourne.
Mob: 0418 334 806
Email: vincentliem@bigpond.com

4. Fr. Paul Van Chi Chu, Treasurer, Sydney.
Tel: (02) 97730933
Mob: 0410 552 650
Email: paulvanchi@yahoo.com

5. Fr. Anthony Huu Quang Nguyen, People of God Magazine, Melbourne.
Mob: 0412 560 445
Email: quangsdb@yahoo.com

Để biết thêm chi tiết về những sự kiện liên hệ và phản ứng của giới truyền thông quốc tế, xin xem website: www.vietcatholic.net.
 
DB Loretta Sanchez: ''Cộng đồng Việt Nam ở Mỹ là nơi tôi để tâm nhiều nhất.''
Trung Đỗ/Người Việt
07:31 11/10/2008
SANTA ANA, California (NV) - “Mối bận tâm của tôi dành cho mọi quốc gia thiếu vắng nhân quyền, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo, không riêng gì Việt Nam. Ngay cả tình hình Cuba cũng làm tôi phiền não. Tuy vậy, cộng đồng Việt Nam ở Mỹ là nơi tôi để tâm nhiều nhất.”

LM Sỹ và DB Loretta Sanchez (Photo: Trung Đỗ)
Ðó là lời mở đầu của Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez trong phần đối thoại với các đại diện cộng đồng Công Giáo Orange County, tối Thứ Tư 8 Tháng Mười vừa qua tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, giáo phận Orange.

Bà cho rằng cộng đồng Việt Nam cần hiệp lực với nhau về vụ Thái Hà và tự do tôn giáo cho mọi người dân Việt Nam.

Dẫn chứng trường hợp tiểu bang California trong lịch sử, từng dùng mối quan hệ kinh tế và tầm ảnh hưởng thương mại để áp lực chính phủ Nam Phi, bà Loretta Sanchez cho rằng trong trường hợp Việt Nam, nếu kết hợp ngoại giao, kinh tế và giao thương để thúc đẩy, chúng ta có thể đạt được những kết quả không ngờ.

Nhớ lại chuyến viếng thăm Việt Nam đầu tiên, Dân Biểu Loretta Sanchez kể về hai nhân vật trong nước đã để lại ấn tượng mạnh mẽ nơi bà.

Khi tiếp kiến Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, bà Loretta Sanchez nghe ngài nói rằng dù người Việt hải ngoại cần phải luôn tranh đấu và lên tiếng, gia tăng áp lực từ bên ngoài, nhưng sự thay đổi muốn có, phải xảy đến từ bên trong Việt Nam. Hòa thượng cho rằng, “Dù bên ngoài có đóng vai trò khuyến khích, yểm trợ tích cực như thế nào đi nữa, chính người dân trong nước phải có trách nhiệm tự mình tạo ra sự thay đổi.”

Nhìn về trách nhiệm của người dân Việt xa quê hương, Dân Biểu Sanchez cho biết Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế đã nói đại ý: “Cộng đồng Việt Nam ở Orange County là một cộng đồng có tri thức và thành công, các quý vị không chỉ lên tiếng nói giúp người dân trong nước mà còn nên trở lại Việt Nam, dùng trình độ và kiến thức của mình để thúc đẩy sự thay đổi cho đất nước.”

Những việc trong tương lai người Việt ở hải ngoại nên nghĩ đến, và có thể làm được, theo bà Loretta Sanchez, là yêu cầu giới chức Hoa Kỳ phải:

- Ðòi sự minh bạch và hành lang pháp lý khi thực thi các hợp đồng thương mại.

- Tái cấu trúc pháp luật lệ rõ ràng, công bằng cho dân chúng cũng như trong đời sống xã hội.

- Khi thúc đẩy việc trao đổi, giới thiệu, trình bày, giáo dục cho các tổ chức trong nước, phải bổ túc thêm các vấn đề về chính trị Việt Nam.

Bà nhận xét người dân ở Việt Nam mất nhiều quyền căn bản trong khi Hoa Kỳ luôn tin tưởng và cổ động các quyền căn bản ấy.

“Nhưng ngay cả Quốc Hội Hoa Kỳ cũng bị chính quyền Cộng Sản Việt Nam che mắt bịt tai. Nhà nước Việt Nam luôn có những màn ngoại giao, trình diễn những thành tựu tiến bộ trước các giới chức Mỹ, giống như họ thường làm với các phái đoàn ngoại quốc chính thức thăm Việt Nam,” bà Loretta Sanchez cho biết.

Theo Linh Mục Sỹ Nguyễn, giám đốc Trung Tâm Công Giáo, chủ tịch Hội Ðồng Mục Vụ Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam, “vì Việt Nam đã được ra khỏi danh sách 'CPC,' chính phủ Hoa Kỳ bớt nghĩ rằng Việt Nam còn thiếu tự do tôn giáo và tự do ngôn luận.”

Và như vậy, Dân Biểu Loretta Sanchez cho rằng người Việt hải ngoại cần phải chia việc cùng nhau vận động để chính Hoa Kỳ thấy và hiểu tình hình.

Về phía cộng đồng Việt Nam, bà khuyên nên vận động để có đủ 60 phiếu của Thượng Viện, đưa vấn đề lên nghị trình Quốc Hội, trong đó có cả việc vận động Thượng Nghị Sĩ Barbara Boxer đến lắng nghe ý kiến, để rồi đưa vấn đề Việt Nam vào lịch trình làm việc. Bà nói thêm: “Sắp tới cộng đồng Việt Nam nên vận động trực tiếp thêm với Ðại Sứ Michalak khi ông về Orange County. Ông đại sứ có một vị trí rất quan trọng trong vấn đề nhân quyền và tự do cho người dân trong nước.”

Nói chung, theo bà dân biểu, cộng đồng Việt Nam nên vận động những vị trí khác nhau trong giới dân cử, guồng máy chính phủ Hoa Kỳ. Bà nêu rõ hai quốc gia mà trong tầm tay, người Việt hải ngoại có thể thúc đẩy: Hoa Kỳ và Úc.

Về phía mình, nữ dân biểu này cho hay bà vừa khởi sự một chương trình làm việc nhằm gia tăng sự hiểu biết của giới chính trị gia Hoa Kỳ về các vấn đề Việt Nam, và giải thích: “Chúng ta phải vừa giao thương vừa phải đòi Việt Nam tôn trọng luật lao động mà không được quên vấn đề nhân quyền.”

Bà Sanchez nhận định: “Trước các diễn tiến không mấy tốt đẹp trong thời gian qua, và sau một thời gian thúc đẩy, vận động cũng như trình bày với công luận, tôi tin rằng Hoa Kỳ sẽ đưa Việt Nam vào trở lại danh sách 'CPC'.”

Trở lại sự kiện Thái Hà cũng như vấn đề chủ quyền đất đai ở Việt Nam, bà Loretta Sanchez cho rằng đây là lãnh vực rất rắc rối, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia Cộng Sản khác. Bà công nhận: “Việc tiếp tục đấu tranh đòi cải thiện luật lệ về đất đai hết sức quan trọng.”

Dân Biểu Loretta Sanchez từng gặp Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt ở Việt Nam. Bà kể: “Giữa tôi và tổng giám mục đều đồng ý rằng chúng ta còn phải tranh đấu thêm.”

Trước khi bà Dân Biểu Loretta Sanchez trình bày ý kiến, một số đại diện cộng đồng Công Giáo Việt Nam Orange County, cùng một số linh mục đã trình bày, đúc kết sự kiện đang diễn ra tại Thái Hà, Hà Nội.

Nhiều cơ quan truyền thông và một số đại diện trong số 14 cộng đoàn Công Giáo Orange County có mặt nghe Linh Mục Sỹ Nguyễn trình bày qua tình hình Thái Hà, bày tỏ tâm tư người dân Công Giáo Việt Nam ở Orange County.

Ông Lê Tất Tạo, phó chủ tịch ngoại vụ Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam Orange County, điều hợp buổi gặp gỡ, cũng cho biết: “Dân Công Giáo Orange County rất quan tâm đến những diễn tiến liên quan giáo hội mẹ Việt Nam, nơi chôn nhau cắt rốn.”

Cộng đồng Công Giáo Việt Nam đã chính thức yêu cầu Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez vận động, yểm trợ và giúp ý kiến về cuộc đấu tranh cho Dòng Chúa Cứu Thế, giáo phận Hà Nội nói riêng cũng như tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam nói chung. (T.Ð.)

(Nguồn: Trung Đỗ/Người Việt, ngày 9.10.2008)
 
CSVN tự phê bình một đàng, công bố lại hoàn toàn khác!
blog.360.yahoo.com/
18:07 11/10/2008
HÀ NỘI - Trong cuộc họp giao ban giữa Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và TBT các báo đài, bản tin Hà Nội diễn ra vào chiều 8/10/2008. Ban tuyên giáo Thành ủy đã tỏ ý không hài lòng về việc đưa tin của báo HNM trong vụ 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung và đề nghị báo HNM cần rút kinh nghiệm: “Mặc dù chủ tịch UBND TP Hà Nội đã cảnh cáo về những hành vi vi phạm pháp luật của ông Ngô Quang Kiệt, nhưng các báo đài không nên dung những lời lẽ xúc phạm nặng nề, miệt thị, quá nhấn mạnh chức sắc tổng giám mục và những lời lẽ làm tổn thương đến tình cảm của giáo dân (vì họ cũng là nhân dân)"… ( Lời trong nguyên văn, xem báo cáo dưới đây)



Nhưng trong nhận xét của báo cao đã “hoan nghêng báo HNM, Đài PT-TH Hà Nội, báo KTĐT, ANTĐ…đã tuyên truyền nhanh nhạy, đúng định hướng về vụ việc vi phạm pháp luật tại giáo xứ Thái Hà và 42 Nhà Chung, phê phán mạnh mẽ những hành vi vi phạm pháp luật của một số linh mục, giáo dân và TGM Ngô Quang Kiệt, góp phần định hướng tư tưởng trong tầng lớp nhân dân đấu tranh với hành vi sai trái, góp phần giữ nghiêm kỷ cương pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội...”.

Báo cáo cũng đề cao việc các báo đài tích cực trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long; …
 
Giáo xứ Mỹ Dụ (GP Vinh) thắp nến cầu nguyện cho Công Lý và Hòa bình
Nguyễn Dũng
20:17 11/10/2008
VINH 11/10/2008 - Nhà thờ Mỹ Dụ tối nay quy tụ một số lượng đông đảo giáo dân của giáo họ trị sở và 5 họ đạo chung quanh, ước tính khoảng 1700 người, buổi lễ đông nhất trong một giáo xứ có 2300 giáo dân.

Sau thánh lễ, cha quản xứ JB Phạm Quang Long mời giáo dân nghe thông báo của Đức Giám mục Giáo phận Vinh đề ngày 4/10/2008. Trong đó có đoạn viết: "Thời gian qua, nhiều người đã nghe thông tin về sự việc xảy ra tại Toà khâm sứ cũ và giáo xứ Thái Hà, cũng như lời phát biểu của Đức Tổng Giám mục Hà Nội. Tuy nhiên sự thật không phải như chúng ta được nghe thấy."

Mặc dù không có thiết bị để chiếu hình ảnh về Tòa Khâm sứ và giáo xứ Thái Hà, nhưng mọi người được nghe lại toàn văn bài phát biểu của ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt trong cuộc họp với UBND TP Hà Nội. Rồi cha quản xứ giải thích rõ những điểm chính yếu. Ngài cũng nhắc đến cuộc viếng thăm của ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt (cùng với Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến và Đức cha Phaolo Cao Đình Thuyên) tại giáo xứ Mỹ Dụ sau cơn bão số 5 năm 2007.

Sau đó, cha chủ sự mời gọi cộng đoàn thắp nến cầu nguyện cho công lý hòa bình, cho Giáo hội Việt Nam, cho ĐTGM Giuse và Tổng Giáo phận Hà Nội, các cha dòng Chúa Cứu Thế và cộng đoàn Thái Hà, cho các nhà lãnh đạo quốc gia và mọi người dân Việt "biết lấy lòng chân thật và tình nhân nghĩa mà đối xử với nhau; những ai còn bất hoà biết quên đi chuyện cũ", và "không quên cầu nguyện cho bản thân chúng ta biết sống theo tinh thần của kinh Hòa Bình: yêu thương, ôn hòa, không oán thù, chân thật và bình an."

Cứ sau mỗi lời nguyện là một bài hát thánh ca. Trong ánh nến lung linh và bầu khí trang nghiêm, thành kính, mọi người cùng hát như chưa bao giờ được hát. Lời thánh ca tha thiết làm cho nhiều người không cầm được nước mắt: "Mẹ thương kết hợp đoàn chiên được luôn duy nhất với chủ chiên. Cho dù bao khó nguy trên đường, đồng tâm tiến bước trong tình thương."

Giáo xứ Mỹ Dụ thuộc xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, vốn là một điểm nóng về đất đai mấy chục năm qua. Đặc biệt là biến cố xe ủi đất nhà thờ vào Thứ Bảy Tuần Thánh năm ngoái. Nghe đâu mới đây đã đạt được thỏa thuận giữa chính quyền và giáo xứ. Chúng tôi thấy con đường đã thi công qua đất nhà thờ và giáo xứ cũng đã bắt đầu xây hàng rào quanh khuôn viên. Được biết đây là lần thứ hai giáo xứ Mỹ Dụ tổ chức cầu nguyện cho công lý và hòa bình.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đạo đức và vai trò đạo đức trong đời sống con người
F.X. Trần Kim Ngọc, O.P.
17:57 11/10/2008
GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC NƠI NGƯỜI TRẺ HÔM NAY

DẪN NHẬP

Đạo đức là thước đo thang giá trị của con người mọi thời đại. Những giá trị đạo đức không bao giờ thay đổi, có chăng là chỉ thay đổi cách nhìn về giá trị ấy. Điều này chúng ta sẽ thấy rõ nơi cuộc sống hiện đại. Cuộc sống hiện đại đã làm cho con người có những cách nhìn mới về những giá trị đạo đức. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật tân tiến mang lại cho con người nhiều tiện nghi thoải mái. Tuy nhiên, nó cũng mang lại cho con người nhiều nỗi phiền toái, và còn lấy mất khỏi con người nhiều giá trị cao đẹp – vốn là những điều quan trọng trong việc hình thành nhân cách, lý tưởng sống của con người.

Những phương tiện khoa học kỹ thuật vốn không tốt cũng không xấu. Nó tốt hay xấu là phụ thuộc vào người sử dụng nó. Thế nhưng, những phương tiện khoa học kỹ thuật, hay nói một cách nôm na hơn là cuộc sống hiện đại đã làm cho con người, nhất là những người trẻ, có những thay đổi cách nhìn về giá trị đạo đức.

Giới trẻ ngày nay có cách nhìn về cuộc sống, con người, thời đại và về những giá trị đạo đức khác những người xưa nhiều. Đạo đức truyền thống đối với họ không phải là điều bắt buộc nữa. Thứ đạo đức đó đối với họ đã trở thành những món đồ cổ rồi. Phải chăng bây giờ lớp trẻ đang sống thiếu đạo đức ? Một vấn nạn không dễ trả lời.

Những giá trị cao đẹp vốn đã tồn tại bao đời, đang thiếu vắng nơi một bộ phận các bạn trẻ hôm nay. Là con người hoài vọng cho một tương lai sáng lạn, một đất nước giàu và đẹp, cho một tương lai nhân loại tươi sáng hơn, ai lại không băn khoăn, ưu tư trước những thách đố của thời đại, trong đó có vấn đề giá trị đạo đức nơi người trẻ, hay nói một cách thực tế hơn là nhân cách của giới trẻ.

Hàng ngày, chúng ta có thể xem thấy hay đọc được trên các phương tiện thông tin đai chúng những mảnh đời tươi trẻ đang sa vào vũng lầy của tội phạm, tiêm chích,… rồi rơi vào tuyệt vọng. Mang lấy kiếp người, không ai tránh khỏi đau khổ, nhưng có những cái đau đáng tôn trọng, có những cái đau đáng thương, có những cái đau để rèn luyện nhân đức con người và cũng có những cái đau chỉ mang lại thêm đau khổ. Những cái đau đớn do ngoại cảnh đem đến cho ta không nói làm gì, điều đáng nói ở đây là có những cái đau mình biết là do mình tạo nên, nhưng vẫn lao vào đó để chuốc lấy cũng như mang đến cho người khác thì thật đáng trách. Phải làm gì đây để quét sạch những cọng rác làm dơ bẩn sân chơi của cuộc đời ?

Dòng đời vẫn ngược xuôi tất bật, ngồi yên một mình trong phòng để suy nghĩ cũng không xong, mà nếu dạo quanh phố phường một vòng thì thấy toàn là những “điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Nhìn những người trẻ sống vất vưởng bên dòng đời, tôi cảm thấy ưu tư, xót xa cho những số phận phũ phàng tang thương đó. Đây là lý do tôi chọn đề tài nghiên cứu này: một là để hiểu hơn thực trạng của đời sống người trẻ; hai là để hun nóng những ưu tư trong con tim mình nhằm có một hướng đi cho tương lai dâng hiến.

Đạo đức ngày nay bao gồm nhiều lãnh vực, chứ không gói gọn trong cách học làm người: Đạo đức sinh học, đạo đức trong kinh doanh, đạo đức trong chính trị, đạo đức trong nhà trường, đạo đức trong tôn giáo… mỗi một trong những nền đạo đức này nói lên một khía cạnh nào đó của cuộc sống con người. Giá trị của chúng khác nhau, tuy nhiên, chúng có một điểm chung là con người. Giá trị đạo đức thực là cái bảo đảm cho một cuộc sống hạnh phúc hơn, sung mãn hơn.

“Giá trị đạo đức nơi người trẻ hôm nay” không phải là một đề tài mới mẻ đối với quần chúng, vì thực tế đã có nhiều người viết và viết đến nơi đến chốn. Trong phạm vi và giới hạn của bài tiểu luận này, người viết không có tham vọng trình bày một cách rốt ráo mọi góc cạnh của đạo đức cũng như những thay đổi về giá trị đạo đức nơi người trẻ hôm nay; người viết chỉ mong, qua tiểu luận này, nói lên những suy tư của mình về hiện tình sống của người trẻ cũng như là để tìm hiểu sâu hơn những gì đang diễn ra nơi họ.

I. ĐẠO ĐỨC VÀ VAI TRÒ CỦA ĐẠO ĐỨC TRONG ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI

1. Đạo đức là gì ?

Để hiểu đạo đức là gì, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu từ nguyên của nó đã. Trong tiếng Việt, nghĩa của từ “đạo đức” và “luân lý” gần gần giống nhau. Để hiểu rõ nội dung của đạo đức cần đi tìm ý nghĩa của từ đạo đức và luân lý. Theo “Hán – Việt Từ điển” của Đào Duy Anh, đạo đức bao gồm “Nguyên lý tự nhiên là đạo, được vào trong lòng người là đức – Cái lý pháp người ta nên noi theo”. (Đào Duy Anh, 1957) Theo Từ điển Tiếng Việt thì từ “đạo đức” là “những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội. Theo nghĩa hẹp, đạo đức là phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những tiêu chuẩn đạo đức mà có.”. Còn từ “luân lý” có nghĩa là “những quy tắc về quan hệ đạo đức giữa người với người trong xã hội.” (Minh Tân-Thanh Nghi-Xuân Lãm, 1999).

Có lẽ nếu cứ viện dẫn tiếng Việt không thôi thì chưa rốt ráo lắm, chúng ta cần tìm hiểu tiếng nước ngoài xem. Theo từ điển từ nguyên thì “éthique” (tiếng Pháp) có nghĩa là đạo đức học hay luân lý học, còn tiếng Latin là “ethicus”. Từ này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “êthikos”, “êthikê”, “êthos” có nghĩa là phong tục, tập quán. Còn từ “morale” (tiếng Pháp) có nghĩa là luân lý học. Từ này bắt nguồn từ tiếng Latin là “mores”, có nghĩa là những thói quen (moeurs) (Larousse, 1971). Trong tiếng Anh, từ “ethics” (ethos: phong tục): “Đạo đức học hay luân lý học là môn học nghiên cứu tiêu chuẩn và nguyên tắc để xác định giá trị hành vi con người là tốt hoặc xấu.” (Thuật ngữ Thần học Anh – Việt, 2002). Còn từ “moral” là “những nguyên tắc quyết định điều tốt trong quan hệ đạo đức giữa người với người.” (Ibid.).

Theo “Từ điển Phật học Huệ Quang” của Thích Minh Cảnh, “Đạo đức” là “nguyên lý thiện ác, chánh tà có liên quan đến hành vi của nhân loại.” (Thích Minh Cảnh, ?). Hữu Ngọc-Dương Phú Hiếp-Lê Hữu thì quan niệm “Đạo đức hay luân lý là một trong những hình thái sớm nhất của xã hội, bao gồm những nguyên lý (đạo lý), quy tắc, chuẩn mực điều tiết hành vi của con người trong quan hệ với người khác và với cộng đồng”. (Hữu Ngọc-Dương Phú Hiếp-Lê Hữu, 1987, tr.145). Cũng những tác giả này, họ định nghĩa về môn học này như sau: “Đạo đức học hay luân lý học là khoa học triết học nghiên cứu đạo đức, - làm rõ vai trò nguồn gốc và sự phát triển của đạo đức trong lịch sử cũng như cơ sở lý luận của những hệ thống đạo đức cụ thể.” (Ibid).

2. Đạo đức theo quan niệm của các triết gia

Đạo đức là một đề tài rất thời sự và cũng rất quan trọng đối với cuộc sống con người. Theo quan niệm của Démocrite, “Đạo đức là đi tìm khoái lạc vì sự thiện là khoái lạc, còn sự ác là đau khổ. Để mang lại sự thiện thực sự, khoái lạc phải là sự hoan hỉ dài và trường tồn.” [1]

Socrate quan niệm rằng “con người có thể tìm hiểu những điều thuộc đời sống thực tiễn, để tìm thấy những chân lý khách quan về một nền đạo đức thực tiễn. Ông tin vào nhân đức, tin vào công lý và coi đó là cách sống hợp với ý muốn thần thánh.” [2] Con người chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc, -điều mà con người luôn khao khát tìm kiếm-, khi con người sống đúng đắn, nghĩa là sống hợp với những quy tắc đạo đức; còn nếu không, con người chỉ chuốc lấy khổ nhục. Vì lý do đó, ông thà chịu chết chứ không đi ngược lại với chân lý, -điều ông coi là quy tắc đạo đức phải sống. Một con người sống đạo đức, theo Socrate, phải là một con người có tri thức (khôn ngoan), sống điều độ, sống có kỷ luật (can đảm), có lòng kiên trì và biết làm việc nữa.

Platon đưa ra một hình ảnh điển hình để nói về đời sống đạo đức như sau:

“Con người là một chiếc xe song mã, với một con trắng và một con ngựa đen; con ngựa trắng thì đẹp đẽ, khỏe mạnh, nó yêu chuộng sự khôn ngoan và điều độ; ngược lại, con ngựa đen thì xấu xí và bướng bỉnh, nó cần tới những đòn roi mạnh mẽ có thể đi theo sự điều khiển của người đánh xe. Hai con ngựa đó, mỗi con kéo về một ngả, nên việc điều khiển cỗ xe này thật là khó khăn. Nếu trị được con ngựa đen, thì con ngựa trắng sẽ có thể kéo cỗ xe tiến bước theo đoàn xe của thần thánh, vươn lên tới thế giới ý tưởng để chiêm ngưỡng những thực tại vĩnh cửu, chân thực. Nhưng nếu không trị được con ngựa đen, thì cộ xe sẽ lê lết trong vật giới, sa lầy vào những sự vật của trần gian, đầy những ảo ảnh không chân thật.” [3]

Theo ý tưởng của Platon, con người phải có khôn ngoan và biết sống điều độ, nghĩa là phải biết làm chủ được bản thân mình để đạt được hạnh phúc. Đạo đức của Platon là những yếu tố như: hạnh phúc, chính trực và chiêm ngưỡng.

Trong sự nghiệp trước tác, Aristote không bỏ sót một vấn đề quan trọng liên quan đến cuộc sống con người, đó là luân lý. Đối với ông, luân lý đóng một vai trò quan trọng đối với đời sống con người. Muốn sống hạnh phúc, con người phải sống có nhân đức. Nhân đức là một thói quen cần được tập luyện thường xuyên chứ không phải là nhất thời. Nhân đức là thái độ quân bình hay trung dung. Ông phân chia nhân đức ra làm hai loại là: nhân đức tinh thần gồm: óc phê phán, bình luận hợp lý hợp cảnh, tinh thần trật tự; và nhân đức luân lý: là những tập quán tốt giúp con người giữ mực chiết trung giữa thái quá và bất cập.

3. Vai trò đạo đức trong cuộc sống con người

Giả như con người không có nền đạo đức nào làm chuẩn mực để hướng dẫn những hành vi của mình thì con người cũng giống như bao nhiêu sinh vật khác vậy, không hơn không kém. Con người khác với con vật là ở chỗ, con người có tình yêu thương được thể hiện trong quan hệ giữa người với người. Những tiêu chuẩn hướng dẫn hành vi giúp con người sống đúng với hữu thể có lý trí và linh hồn. Một xã hội mà trong đó con người không tôn trọng nhau, nghĩa là không được xây dựng trên những giá trị đạo đức thì xã hội ấy không còn là xã hội đúng như tên gọi của nó nữa. Một xã hội trong đó mọi người tôn trọng nhau, cư xử với nhau có trên có dưới thì xã hội đó mới thực là xã hội của con người.

“Đạo đức là cốt ở sống hợp với bản tính của con người. Các triết gia không đồng ý với nhau, khi cần phải định bản tính của con người là gì, điều này tùy thuộc vào quan niệm siêu hình của từng môn phái; nhưng tất cả đều đồng ý mà quả quyết rằng đời sống đạo đức là cốt ở sự thực hiện cứu cánh của con người đúng theo chân bản tính của nó. Như thế đạo đức không phải là gò ép con người và làm cho nó suy giảm, trái lại đạo đức là làm nảy nở tất cả những gì có giá trị nơi con người. Vậy đạo đức rất là quan hệ; không có đạo đức, người ta có thể làm một kỹ sư hay một thương gia tài giỏi, nhưng không có đạo đức thì không thể trở nên một con người hoàn hảo và không thể phát triển tất cả những gì cao quý tốt đẹp của bản thân chúng ta.” [4]

Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, ngay từ giây phút được dựng nên, con người đã được phú ban cho “cái đạo” và “cái đức” để khi sinh ra trên trần gian là biết sống đúng với phẩm giá rồi. Đạo đức có nhiều cấp bậc, nghĩa là nhiều tiêu chuẩn để đánh giá những hành vi nhân linh của con người; có thứ đạo đức xã hội chủ nghĩa, đạo đức cách mạng, đạo đức của người thầy thuốc, đạo đức của người làm nghề dạy học, đạo đức của người tu trì, đạo đức Công giáo, đạo đức Tin lành, đạo đức Nho giáo, đạo đức thương mại… mỗi một lãnh vực đều có những tiêu chuẩn riêng để giới hạn hay mở rộng phạm vi hoạt động của con người nhằm hạn chế những sai phạm của con người trong lãnh vực đó. Không ai phủ nhận vai trò đạo đức. Đạo đức nằm trong những phong tục tập quán của các dân tộc, trong luật pháp của các quốc gia, trong nền văn hóa của nhân loại. Không một nền đạo đức nào giống đạo đức nào, tuy nhiên tất cả mọi nền đạo đức đều hướng con người đến việc làm lành lánh dữ.

“Đời sống luân lý là một hiện tượng phổ quát. Không một dân tộc nào không có đời sống luân lý; không có một con người nào lại hoàn toàn không có cảm thức luân lý, cho dù các kiểu thứ để thực hiện luân lý có khác nhau. Như thế, người ta có thể thấy được rằng cảm thức về thiện-ác là cái có thực, có trong tất cả mọi người, có ở mọi thời và mọi nơi.” (Nguyễn Trọng Viễn, Triết họcNhập môn, Học viện Đa-minh, 1995, tr.104-105).

4. Đạo đức trong Nho giáo

Đạo đức Khổng - Mạnh không những ảnh hưởng chỉ riêng ở Trung Hoa, mà còn ảnh hưởng lên nhiều nước Á Châu, trong đó có Việt nam chúng ta. Nhân dân Việt Nam sống dưới ách thống trị phong kiến phương bắc ngót ngàn năm; cho nên, nền văn hóa của dân tộc ta chịu ảnh hưởng rất nhiều của văn hóa Trung Hoa, hay nói rõ hơn đạo đức của con người Việt mang đạm phong cách của người Trung Hoa. Khổng Tử nói: “Ta lý tưởng vào đạo, giữ vững vào đức, nương cậy vào nhân” (Chí vu đạo, cứ vu đức, y vu nhân - Luận Ngữ, Hình Nhi). “Ông cho rằng đạo là lý tưởng và chuẩn tắc hành vi cao nhất của chúng ta. Đức là sự thể hiện trong hành vi cụ thể. Nhân là gốc của đạo đức. Mạnh Tử tiến thêm một bước, cụ thể hóa nó thành Tứ đức (Nhân, lễ, nghĩa, trí) và ‘Ngũ luân’ (Quân thần-vua tôi, phụ tử-cha con, huynh đệ-anh em, phu phụ-vợ chồng, bằng hữu-bạn bè). Quan niệm đạo đức Khổng – Mạnh đều gợi mở từ sự tự giác trong nội tâm của người ta. Tuân Tử thì lấy Lễ làm gốc cho đạo đức, chủ trương tu thân bằng lễ (dĩ lễ tu thân), làm sáng chính trị bằng nghĩa (dĩ nghĩa minh chính). Đổng Trọng Thư thì căn cứ vào đấy để xây dựng thành đạo đức luân lý ý trời (thiên ý) làm trung tâm, lấy tam cương ngũ thường làm nội dung.” [5]

Có thể nói được rằng nền luân lý Việt Nam được xây dựng trên những nền tảng của Nho giáo, và nó có thế giá trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Những giá trị ấy có năng lực hướng dẫn con người Việt Nam trong cuộc sống đời thường cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Đất Nước. Không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của đạo đức Nho giáo trong những anh hùng hào kiệt con Rồng cháu Tiên như Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung,…

5. Đạo đức trong Giáo hội Công giáo

Đọc sách Sáng Thế, từ ngay những chương đầu, chúng ta đã thấy thấp thoáng bóng dáng của một nền đạo đức. Sách Sáng Thế trình thuật chuyện Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Người. Con người được sống trong tình trạng ân sủng dồi dào, được ban cho quyền làm chủ muôn loài. Con người được sử dụng mọi thứ, nhưng có một thứ Thiên Chúa cấm con người không được sờ mó tới, đó là không được ăn quả của “cây biết lành biết dữ”. Phải chăng đây là đạo đức mà Thiên Chúa muốn con người phải sống theo ? Vì theo định nghĩa, đạo đức là những tiêu chuẩn để thúc dục con người làm lành lánh dữ, là những nguyên tắc hướng dẫn hành vi của con người. Thế nhưng con người đã không sống theo thứ đạo đức mà Thiên Chúa đã ban cho con người, cho nên con người đã làm điều ác chống lại đạo đức. Đạo đức đảm bảo cho con người một cuộc sống hạnh phúc. Con người đã không sống theo đạo đức đó, vì thế con người phải chịu đau khổ thôi.

Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là con người được phú ban cho một nguyên lý tự nhiên gọi là “đạo” và tiếng nói sâu thẳm hay lương tâm gọi là “đức”. Nhưng lương tâm con người đã bị tội lỗi làm cho méo mó. Để điều chỉnh lại những sai lệch nơi con người, Thiên Chúa đã dùng Môi-sê làm trung gian để truyền cho con người phải làm điều này và không được làm điều kia, đó là luật luân lý hay mười giới răn. Mười điều luật này là quy phạm đạo đức hướng dẫn hành động của con người nhằm giúp con người đạt đến những giá trị siêu việt hay cuộc sống hạnh phúc viên mãn.

Giáo hội Công giáo, tiếp nối truyền thống Cựu Ước, rất tôn trọng những gì đã được ghi chép trong sách luật; đồng thời, nhằm thích nghi với những điều kiện sống hiện tại, Giáo hội còn đưa ra những quy tắc khác gọi là giáo luật để giúp con người đạt đến tình trạng tự do của con cái Chúa chứ không phải là con cái của nô lệ. Đạo đức đóng vai trò rất quan trọng đời sống Giáo hội. Nếu như không có luật Chúa hướng dẫn và giáo luật chi phối, con người dễ đi đến tự do phóng túng, đánh mất mình. Phải có thái độ nào với nền luân lý Công giáo ? Là tín hữu, chúng ta cần có thái độ tha thiết với luật Chúa trong đức tin vào Chúa Ki-tô để đạt được những điều Chúa đã hứa ban cho chúng ta.

“Thiên Chúa giáo nhận có Thượng Đế là Chúa tể càn khôn, Ngài đã dựng nên vạn vật và làm chủ muôn loài. Là tình yêu vô hạn, Ngài đã làm người vì yêu loài người và cũng để được loài người kính mến và thờ phụng Ngài trở lại, vì thế Ngài đã dựng nên loài người có lý trí và tự do, có lý trí để phân biệt thiện ác và có tự do để chọn điều lành lánh điều dữ.

Vậy sống đạo đức là vâng theo thánh ý Chúa mà lý trí chúng ta có thể tìm biết được. Sống theo ý Chúa tức là tuân giữ lề luật của Chúa mà tất cả lề luật của Chúa đều tóm tắt trong sự mến Chúa và yêu người, mến Chúa vì Chúa là cha chúng ta, yêu người vì người là hình ảnh của Chúa và là anh em của chúng ta.” [6]

Chúa Giê-su xuống thế không phải là để bãi bỏ những điều luật đã được lưu truyền mà là để kiện toàn. Người đã mạnh mẽ lên án những ai sống cậy thế vào luật lệ, sống hình thức bề ngoài, điển hình cho tầng lớp này là nhóm Pha-ri-sêu. Họ được coi là những người sống vì luật. Cái gì họ cũng đưa luật ra áp dụng, đến nỗi họ đã biến luật thành một gánh nặng chất lên vai người dân. Họ đã làm cho luật trở thành một cái ách cùm chân con người lại. Chúa Giê-su đến đả phá thái độ sống vị luật đó. Người chủ trương luật yêu thương, luật mang lại tự do thực sự cho con người, vì ách của Người thì êm ái, và gánh của Người thì nhẹ nhàng (x. Mt 11,30).

Thánh Phao-lô nhiều lần nói về vai trò của lề luật và tự do của con người. Chúng ta nên trích ra đây vài đoạn để thấy được tư tưởng của thánh nhân:

Thưa anh em, -tôi nói đây là nói với những người biết Luật- anh em không biết điều này sao: Luật chỉ có hiệu lực đối với người ta, bao lâu người ta còn sống? Tỉ dụ như người đàn bà có chồng, thì luật buộc theo chồng bao lâu chồng còn sống. Nhưng nếu chồng chết, thì vợ không còn bị luật ràng buộc với chồng nữa. Vậy bao lâu chồng còn sống, mà vợ đi lấy người khác, thì sẽ bị gọi là kẻ ngoại tình. Nhưng nếu chồng chết, thì vợ được tự do không phải giữ luật đó nữa, và có đi lấy người khác, cũng không phải là ngoại tình. Đối với anh em cũng thế. Bởi được liên kết với thân thể Đức Ki-tô, anh em đã chết đối với Luật Mô-sê. Giờ đây, anh em thuộc về một người khác, tức là thuộc về Đấng đã được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết, để chúng ta sinh hoa kết quả cho Thiên Chúa. Vì trước đây, khi chúng ta còn bị tính xác thịt chi phối, thì các đam mê tội lỗi dùng Lề Luật mà hoạt động nơi các chi thể chúng ta, để chúng ta sinh hoa kết quả đưa tới cái chết. Nhưng nay, chúng ta không còn bị Lề Luật ràng buộc nữa, vì chúng ta đã chết đối với cái vẫn giam hãm chúng ta. Như vậy, chúng ta phục vụ Thiên Chúa theo tinh thần mới, chứ không theo bản văn cũ của Lề Luật. Vậy phải nói sao? Lề Luật là tội chăng? Không phải thế! Nhưng tôi đã chẳng biết tội là gì nếu không có Lề Luật. Thật vậy, tôi đã chẳng biết ham muốn là gì, nếu Luật không dạy: Ngươi không được ham muốn. Tội đã thừa cơ, dùng điều răn mà làm nảy sinh trong tôi đủ thứ ham muốn. Thật vậy, không có Lề Luật thì tội đã chết rồi. Xưa kia, không có Luật thì tôi sống; nhưng từ khi có điều răn thì tội bắt đầu sống, còn tôi thì chết. Thành thử điều răn lẽ ra phải đưa đến sự sống, lại dẫn tôi đến chỗ chết. Quả thế, tội đã thừa cơ, dùng điều răn để quyến rũ tôi và cũng dùng điều răn đó để giết tôi.

Như vậy, Lề Luật là thánh, và điều răn cũng là thánh, đúng và tốt. Vậy phải chăng điều tốt lại đã gây nên cái chết cho tôi? Không phải thế! Nhưng chính tội đã dùng điều tốt mà gây nên cái chết cho tôi: như vậy, tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó. (Rm 7, 1-13).

Tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá.Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích. (Gl 2,19-21).

Những điều thánh nhân đã nói trên cho chúng ta thấy rõ vai trò của lề luật đối với người Ki-tô hữu rồi, chúng ta không cần nói thêm nữa.

(còn tiếp)

Chú thích:
[1] Nguyễn Trọng Viễn O.P., Lịch sử Triết học Tây phương, Tập 1 Thời Thượng cổ, Học viện Đa-minh, 1996, tr.111.
[2] Nguyễn Trọng Viễn O.P., sđd., tr.145.
[3] Nguyễn Trọng Viễn O.P., sđd,. tr.192
[4] Cao Văn Luận, Đạo đức học, quyển III, 1960, tr.5.
[5] Lão Tử-Thịnh Lê(cb), Từ điển Nho Phật Đạo, Nhà xuất bản Văn học, 2001, tr.363.
[6] Cao Văn Luận, Đạo đức học, quyển III, 1960, tr.33.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Charmaine Saunders, Tuổi thanh thiếu niên trong cơn khủng hoảng, (dg: Khánh Vân), Tủ sách Tâm lý giáo dục.
Đào Duy Anh, Hán – Việt Từ điển, Trường Thi Xuất Bản, 1957.
GS. Đặng Phương Kiệt, Stress & đời sống, NXB. Khoa học Xã họi, Hà Nội, 1998.
Hữu Ngọc-Dương Phú Hiếp-Lê Hữu, Từ điển Triết học Giản yếu, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1987.
Jean Vieujean, Thanh niên, Phong trào Thanh – thiếu niên, Loại tâm lý, 1969.
Minh Tân-Thanh Nghi-Xuân Lãm, Từ điển Tiếng Việt, NXB. Thanh Hóa, 1999.
Nguyễn Thái Hợp, Giá trị đạo đức, Giáo trình sơ thảo, Học viện Đa-minh, 2004.
Nguyễn Trọng Viễn O.P., Lịch sử Triết học Tây phương, Tập 1 Thời Thượng cổ, Học viện Đa-minh, 1996.
Nhiều tác giả, Phép thử của những người trẻ, Báo Tuổi Trẻ & NXB. Trẻ, 2003.
Lão Tử-Thịnh Lê(cb), Từ điển Nho Phật Đạo, Nhà xuất bản Văn học, 2001.
Larousse, Nouveau Dictionnaire êtymologique dt historique, Librairie Larousse, Paris-VI, 1971.
Thích Minh Cảnh (cb), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 3: Đ-E-GI, (?).
Thuật ngữ Thần học Anh – Việt, Học Viện Đa-minh, 2002.
Trần Văn Hiến Minh, Từ điển và Danh từ Triết học, Tủ Sách Ra Khơi, 1959.
Vũ Hạnh, Tuổi trẻ nổi loạn, Kiến thức thời đại, 1973.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Nắng Hồng Trên Sông Hương
Sen K.
00:23 11/10/2008

NẮNG HỒNG TRÊN SÔNG HƯƠNG



Ảnh của Sen K.

Hương giang phẳng lặng tựa như hồ

Trường Tiền mấy nhịp sao dài nhỉ

Tìm xuống Ðông Ba, em ở mô?

(Trích thơ Nguyễn Tấn Hưng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền