Ngày 13-10-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thiên Chúa và Xê Da
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
01:47 13/10/2014
Chúa Nhật XXIX THƯỜNG NIÊN năm A
Chúa Nhật TRUYỀN GIÁO
Mt 22,15-21

Thiên Chúa và XÊ DA

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy có nhiều câu chuyện thật đáng nực cười, và nhiều chuyện làm chúng ta suy nghĩ…Buồn vì sự có mặt của Chúa Giêsu đã khiến các người Pharisêu, các Thượng tế, Kỳ mục, Biệt phái tức tối, tìm đủ cách gài bẫy, ám hại Chúa Giêsu. Họ muốn trừ khử Ngài ra khỏi thế giới này, do đó, mọi việc làm, mọi câu nói của Chúa đều bị họ bẻ ngược lại, nghĩ xấu, ác ý đối với Chúa Giêsu. Câu chuyện về việc nộp thuế trong đoạn Tin mừng của thánh Matthêu cho chunhg1 ta hiểu sự nham hiểm, ác độc của những thành phần vừa nói…

Thuế là sinh hoạt của một quốc gia. Thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân trong một đất nước. Hầu như mọi nước trên thế giới đều có những loại thuế tùy theo pháp luật của nước đó qui định. Hầu như ngân sách quốc gia nào cũng dựa vào các loại thuế thu được. Và mọi người công dân đều có nghĩa vụ và bổn phận nộp thuế cho quốc gia, cho nước mình. Trường hợp của Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài lại khác bởi vì người Roma đang đô hộ đất nước Do thái. Do đó, nộp thuế là phản bội tổ quốc, nộp thuế là nối giáo cho đế quốc tiếp tục đô hộ nước Do thái. Lợi dụng cái nghịch lý mà đa số người Do thái lúc đó đang suy nghĩ, nhóm Pharisiêu liên kết với bè phái Hêrôđê tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu trong vấn đề nộp thuế. Gài bẫy Chúa Giêsu vì nhóm lãnh đạo tôn giáo, nhóm Pharisiêu và nhiều nhóm khác thù ghét Chúa Giêsu. Nếu Chúa nói : Không nộp thuế. Họ sẽ tố cáo với người Roma Chúa Giêsu đang xúi giục dân chúng làm loạn, phá rối trật tự trị an, phá rối Chính quyền vv…Nếu Chúa nói phải nộp thuế, họ sẽ tố cáo với người Do thái, Chúa đi theo đế quốc, phản bội lại tổ quốc, phản bội lại dân tộc của mình. Trả lời nộp hay không nộp cũng là mối nguy cho Chúa Giêsu và Ngài cũng bị mắc bẫy họ giăng ra. Tuy nhiên, như bài đọc I của ngôn sứ Isaia viết :” Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác, ngoài Ta ra, chẳng ai là Thiên Chúa…để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng ngoài Ta ra, chẳng có thần nào, Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác”. Chúa là Thiên Chúa chân thật, luôn hành động theo sự thật, chỉ bảo đường lối ngay chính, không tây vị ai, không xu nịnh người nào. Thiên Chúa vượt lên trên mọi sự tầm thường của trần gian. Chúa Giêsu đã không bị mắc bẫy mà đã khiến cho những người ác độc, nham hiểm phải câm miệng khi Chúa nói :” Của Xê Da, trả cho Xê Da; của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa “ ( Mt 22, 21). Chúa Giêsu đã nhìn nhận thế quyền của Xê Da, bởi vì hình trên đồng bạc là hình của Xê Da. Tuy nhiên, đối với Chúa thì Xê Da hay Philatô chẳng có quyền gì trên Ngài, nếu Đấng trên cao không ban quyền ấy cho Xê Da và Philatô ( Ga 19, 11 ).

Lập trường của Chúa Giêsu quả rất rõ ràng, Chúa không tây vị ai, Ngài luôn công minh chính trực, dạy đường lối ngay thẳng :” Của Xê Da, trả về cho Xê Da. Của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa “ ( Mt 22,21 ). Chúa Giêsu đã khẳng định rõ ràng khi bị người ta chất vấn :” có được phép nộp thuế cho Xê Da hay không ? “( Mt 22, 17 ). Chúa Giêsu đã khẳng định rõ ràng đồng tiền này hình của ai, họ thưa :” Hình của Xê Da “. Chúa liền nói với họ câu hết sức bình thường, nhưng cương quyết làm cho họ im hơi, lặng tiếng vì Ngài nói rất chí lý, chính xác. Thực tế, Chúa dạy con người bài học rất chân thành và hết sức ý nghĩa : “ đã là người dân trong một nước, trong một quốc gia phải thi hành, vâng phục sự lãnh đạo của nước đó, quốc gia đó”. Chúa không bao giờ dạy con người làm xằng làm bậy, Chúa luôn dạy con người phải sống ngay lành, công chính như Cha trên trời là Đấng công chính.

Hình ảnh của Thiên Chúa đã họa lại nơi bản thân của người môn đệ Chúa. Bởi vậy, người môn đệ phải sống đời sống của Chúa, phải hành động, phải yêu như Chúa.Sách sáng thế ký viết :” Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Chúa “ ( St 1, 27 ).Con người là tác phẩm của Thiên Chúa. Do đó, người môn đệ Chúa phải luôn sống tốt thế giới do Thiên Chúa sáng tạo và phải làm cho thế giới luôn có sự an lành, yêu thương. Bởi Thiên Chúa chính là tình yêu như lời Thánh Gioan đã nói.

Xin mượn lời của Claire để kết luận bài chia sẻ này :” Để minh họa cho rõ đâu là điểmchính, Đức Giêsu cho người đi lấy một đồng tiền : một quan tiền trên đó có đúc hình Xê Da.Như Người đã làm với dụ ngôn đồng bạc, Đức Giêsu ví con người như một đồng tiên. Như trên đồng tiền có đúc hình của Xê Da, thì cũng vậy, con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa như thể được đúc với huy hiệu của Thiên Chúa, mang trên người mình dấu ấn của Thiên Chúa. Con người là icôn của Thiên Chúa. Điều thiết yếu là con người, vốn là hình ảnh của Thiên Chúa Hằng Sống, quy hướng về Thiên Chúa với tất cả tầm hồn “.

Hôm nay cũng là Chúa Nhật truyền giáo, xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta luôn biết nhiệt thành loan báo Tin Mừng vì còn biết bao nhiêu người chưa được nghe rao giảng, và chưa nhận biết Chúa bởi vì như lời Chúa phán :” Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt “.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao những người Pharisêu, Biệt phái, Kinh sư, Đầu mục lại chống đối Chúa Giêsu ?
2.Chúa có cấm nộp thuế không ? Tại sao ?
3.Tiền ở đâu Chúa có để nộp thuế ?
4.Xê Da là ai ?
5.Chúa nói làm sao khi nộp thuế ?
 
Khánh nhật truyền giáo : Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:58 13/10/2014
Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian

Suy niệm Khánh nhật Truyền giáo

(Is 2, 1-5; 1 Tm 2, 4 - 6; Mt 28, 16-20)

Tháng 10, tháng truyền giáo

Bước vào tháng 10 tháng Mân Côi, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy khám phá lại nét đẹp của lời Kinh này và siêng năng đọc kinh Mân Côi cầu cho thế giới được hoà bình. Tháng 10 còn là tháng truyền giáo, Giáo Hội cũng kêu gọi con cái mình dấn thân cho việc truyền giáo, bước theo Chúa Giêsu trong hành trình đức tin, và có Mẹ Maria Nữ Vương truyền giáo đi đầu dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế và dạy chúng ta mang Chúa đến cho tha nhân.

Nhưng Chúa Nhật truyền giáo để làm gì ?

Để nhắc lại rằng bản chất của Giáo Hội là truyền giáo ; mục đích đầu tiên của Giáo Hội khi được Chúa Giêsu thiết lập là truyền giáo.

Ai phải truyền giáo?

Là chi thể của Hội Thánh, tất cả những người đã chịu phép rửa tội phải thi hành nhiệm vụ truyền giáo. Điều này không có ý nói họ phải đi thật xa. Những nơi nào có họ, họ phải truyền giáo. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô nói : “Không ai được ngưng nghỉ việc này, vì là bổn phẩn khẩn thiết của ngày hôm nay”. Với lại, chính Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta : “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân ” (Mt 28, 19). Thánh Phaolô kêu lên : “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16).

Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo.

Nếu như Isaia con trai Amót được thị kiến: “Các dân nước sẽ đổ xô về núi Chúa... trong ngày sau hết” (x. Is 2, 1-5). Thánh Phaolô cho người con tình thần của mình biết: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi” (x.1 Tm 2, 4 – 6). Cả bốn sách Tin Mừng đều nêu bật ý nghĩa của việc truyền giáo, nội dung sứ vụ mà Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội, chứng tỏ bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Chính Chúa Giêsu Phục sinh đã nói với các tông đồ nơi Phòng Tiệc Ly như sau: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con” (Ga 20, 21). Đến lượt Chúa Con cũng sai Giáo Hội ra đi cho đến tận cùng trái đất. Ðây là sứ điệp duy nhất phát xuất từ Thiên Chúa gửi đến hết mọi người ngõ hầu họ được cứu chuộc và trở nên con cái Thiên Chúa.

Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh: Sứ vụ truyền giáo là “bổn phận của toàn thể Giáo Hội”, vốn “tự bản chất là thừa sai” (Ad gentes, 2). Trích dẫn lời Đức Phaolô VI, ngài tiếp: “Giáo Hội hiện hữu để truyền giáo, để giảng thuyết và giáo huấn, để làm máng chuyển quà tặng của các ân sủng, để hoà giải các tội nhân với Thiên Chúa, để trường tồn hy lễ của Chúa Kitô trong Thánh Lễ, đó là việc tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Người.”

Ðức Bác Ái là linh hồn của sứ mạng truyền giáo.

Thánh Phaolô viết : “Tình Yêu Chúa Kitô thôi thúc tôi” (2 Cr 5, 14). Đức Kitô thúc bách những người đã chịu phép Rửa tội nam phụ cũng như lão ấu, kể cả người đau yếu lẫn người nghèo, khi đã đón nhận tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, có sứ mạng rao giảng và mang tình yêu cho hết mọi người, bằng lời nói và chứng tá cụ thể của Đức Ái. Truyền giáo là gì gì nếu không phải là loan báo Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu đã làm. Ngài không những đã hăng say loan báo tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người, Ngài còn hy sinh mạng sống để làm chứng cho tình yêu đó. Hơn thế nữa, Ngài mạc khải và nhập thể tình yêu đó nơi chính bản thân mình. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. Nơi Ngài, tình yêu chiến thắng tội lỗi và sự chết. Vì thế, sứ điệp Tin Mừng Nước Thiên Chúa trở thành Tin Mừng Phục Sinh, Niềm Hy vọng cho toàn thế giới.

Nhân dịp Đại Năm Thánh 2000, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói : “Sứ mạng của Giáo Hội kéo dài sứ mạng của Chúa Kitô. Giáo Hội không ngừng rao giảng cho thế giới Tình Phụ Tử của Thiên Chúa, bằng việc rao giảng và bằng chứng tá của những con cái mình...nhờ việc thực hành mệnh lệnh tình thương đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em”. Ngài cũng khuyến khích mọi thành phần trong Giáo Hội can đảm khởi hành “mùa truyền giáo mới”, vì “Giáo Hội cần đến với con người, với sự tế nhị và tôn trọng của một người phục vụ. Và Giáo Hội tin tưởng rằng công việc phục vụ trước tiên và cao cả nhất là công việc rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô”, ngài kêu gọi: “Anh chị em đừng sợ: hãy mở toang mọi cửa để tiếp đón Chúa Kitô”(Huấn Đức ngày 22 tháng 10/2000, tại Roma).

Cử hành ngày Thế giới Truyền giáo năm nay diễn ra vào ngày cuối của THĐGM về gia đình, trong bối cảnh của Năm Tân Phúc Âm Hóa gia đình. Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong sứ điệp của mình rằng : “Ngày nay vẫn còn rất nhiều người không nhận biết Chúa Giêsu Kitô. Thế nên, sứ mạng ad gentes vẫn còn hết sức cấp bách. Mọi thành viên của Hội Thánh được kêu gọi tham gia sứ mạng này, vì Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo: Hội Thánh được sinh ra để “đi ra”…Ngày Thế giới Truyền giáo cũng là dịp để làm bùng cháy lên ước muốn và nghĩa vụ tinh thần của việc hân hoan tham gia vào sứ mạng ad gentes. Các cá nhân đóng góp tiền bạc là một dấu chỉ của sự hiến dâng, trước là cho Chúa và rồi cho đồng loại; bằng cách này, sự đóng góp của cải vật chất có thể là một phương tiện để loan báo Tin Mừng cho nhân loại dựa trên tình thương” (Trích Sứ điệp truyền giáo 2014).

Thế giới hôm nay có biết bao tin mừng, tin mừng con ra đời, mừng cưới hỏi, thi cử đỗ đạt, tìm được việc làm đã mất, làm ăn phát đạt… tuy nhiên, đó không phải là Tin Mừng viết hoa. TIN MỪNG, thì chỉ có một: là nhận biết (Thiên Chúa yêu thương chúng ta !) Vậy lệnh Chúa truyền vẫn còn khẩn trương: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng”. Tin Mừng Thiên Chúa yêu thương mọi người và từng người, đồng thời phải bận tâm với những người chưa có đức tin hoặc mất đức tin vì tình yêu là lòng thương xót Chúa thôi thúc.

Nhờ lời chuyển cầu của thánh Phanxicô Xaviê, thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu là quan thầy các xứ truyền giáo, nhất là của Mẹ Maria Ngôi Sao truyền giáo, mẫu gương loan báo Tin Mừng, cầu thay nguyện giúp cho Hội Thánh trở nên một mái nhà niềm nở tiếp đón mọi người ; một người mẹ cho mọi dân tộc và là nguồn suối tái sinh cho thế giới chúng ta. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:26 13/10/2014
CÔNG TOI CỦA CON CÁO
N2T

Có một con hồ ly muốn vào trong vườn nho để ăn cho đã một bụng, nhưng lổ hổng của hàng rào quá nhỏ nên nó vào không được, sau ba ngày dằn lòng nhịn đói cuối cùng nó cũng chui vào được bên trong vườn.
Nhưng sau khi nó khoái trá ăn một bụng no kềnh thì lại chui ra không được, thế là nó lại ở trong vườn nhịn đói thêm ba ngày nữa mới chui ra được.
Lúc này con hồ ly than thở nói: “Bận tới bận lui, rốt cuộc vẫn chẳng có gì”.
(Trích trong "Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn")

Suy tư:
Thời nay con người thường chạy đua với thời gian vì công việc làm ăn, vì thời gian cứ đỏng đảnh đi qua mà công việc thì nhiều nên họ bận túi bụi, vì thế nên có một vài người Ki-tô hữu bận túi bụi vào công ăn việc làm, không kinh không sách, không lễ không lạt, đến khi vỡ nợ thì than trời than đất, tay trắng hoàn tay trắng, lúc này họ mới cảm thấy nhớ đến Chúa và Mẹ, những người này vẫn còn có lương tâm của người Công Giáo.
Thời nay cũng có những người Ki-tô hữu “bận túi bụi” vào những chuyện không duyên cớ:
- Có những người anh em chị em “bận lui bận tới” với mấy việc tìm khuyết điểm của anh chị em mình để xoi mói, để chứng tỏ ta đây là người tài ba lỗi lạc, công chính.
- Có những người con giàu có “bận lu bù” vào việc trả công ơn bố mẹ mình bằng cách đem cuộc sống khó khăn của bố mẹ ra rêu rao cho bàn dân thiên hạ biết, rồi hả hê hãnh diện vì đã đánh được bố mẹ rồi.
- Có những người luôn nói là bận lu bù, nhưng thật ra họ chẳng bận gì cả, chẳng qua là mượn chức vụ để trốn tránh công việc và trách nhiệm mà thôi.
Có những việc bận túi bụi nhưng đem lại nụ cười vui và hạnh phúc cho tha nhân, đó là những việc bận túi bụi khi phục vụ bệnh nhân trong các bệnh viện; có những việc làm không nghỉ tay, bận lu bù, vì niềm vui của những người bất hạnh trong các trường cai nghiện.v.v...
Cái bận lui bận tới mà không được gì của con hồ ly là vì lòng nó tham lam. Cái bận lu bù của người kiêu ngạo thì chẳng giúp gì cho tha nhân được, rốt cuộc cũng trở về tay trắng mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:28 13/10/2014
N2T

9. Tình yêu thường tỉnh thức, con ngủ nó không ngủ, con mệt mỏi nó không mệt mỏi, con khốn đốn nó không khốn đốn, con sợ nó không sợ. Giống như lửa cháy phầng phầng đốt thiêu mọi vật, vì tất cả mà bỏ tất cả, và ở trong tất cả mà được tất cả.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng Hội Đồng về Gia Đình, phiên họp chung thứ mười
Vũ Văn An
03:24 13/10/2014
Sau đây là bản tóm tắt phiên họp chung thứ mười của THĐ về Gia Đình, tuy không chính thức nhưng do Ta Thánh công bố ngày 11 tháng Mười. Phiên họp có sự hiện diện của Đức Thánh Cha và 168 nghị phụ.

***
Phiên họp chung thứ mười nhằm để nghe lời phát biểu của 7 đại diện các Giáo Hội Kitô Giáo anh em. Lời phát biểu của đại diện thứ tám, tức TGM Hilarion, chủ tịch Văn Phòng Đối Ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, sẽ được trình bày trong những phiên họp sau.

Trong phát biểu của mình, các đại diện anh em đã bày tỏ với Đức Thánh Cha và các nghị phụ lòng biết ơn của họ đối với việc mời họ tới tham dự THĐ. Mỗi vị sau đó lần lượt trình bày vấn đề gia đình trong ngữ cảnh tuyên tín Kitô Giáo riêng biệt của họ.

Nói chung, các vị nhấn mạnh rằng các thách đố và các niềm hy vọng gắn liền với đơn vị gia đình là chung hết đối với mọi Kitô hữu; các đại diện nói rằng: gia đình là nền tảng đối với xã hội, nó là cái nền cho việc hiệp thông trong công lý. Chắc chắn, không thiếu các khó khăn: cuộc khủng hoảng kinh tế đang cấp bách, truyền thông đại chúng đang giảm thiểu lượng thời gian dành cho đối thoại giữa bốn bức tường gia đạo, có lúc còn đề xuất nhiều mô thức dẫn tới ngoại tình, và các nhân tố như chiến tranh, di dân, hoàn cầu hóa, thảm kịch bệnh tật như Aids, Ebola, và chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo hiện diện tại một số quốc gia đang liên tục đặt thiện ích gia đình vào thế nguy cơ trong mọi bối cảnh.

Mọi Kitô hữu đều cần việc chuẩn bị hôn nhân một cách thoả đáng, nhưng cũng cần suy nghĩ về các cuộc hôn nhân giữa những người tin và những người không tin. Liên quan tới người ly dị và tái hôn, các đại diện cho rằng khi những người này được tiếp nhận trở lại trong lòng Giáo Hội, họ có thể đem lại niềm hy vọng mới mẻ, phát huy một cuộc sống gia đình thanh thản hơn và nhờ thế, tạo lập một xã hội phong phú hơn.

Do đó, điều chủ yếu là biết lắng nghe những cặp vợ chồng đang sa vào các hoàn cảnh gia đình khó khăn và biểu thị với họ lòng thương xót và cảm thông. Tất cả các Giáo Hội đều muốn được gần gũi những người đau khổ, với một thái độ vừa tôn trọng Thánh Kinh, vừa cởi mở đối với các vấn đề cụ thể. Nếu ta áp dụng cùng một sự thông cảm như thế đối với người đồng tính, thì tuy không kết án họ, ta phải tái khẳng định rằng hôn nhân là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Cũng cần phải đặc biệt lưu ý tới con cái sinh ra trong các hoàn cảnh khó khăn và mọi nạn nhân của bạo lực. Bảo vệ những người yếu thế nhất, trẻ em, phụ nữ và người lớn tuổi, cũng như tất cả những người không có tiếng nói, bất luận là tín hữu hay không, là việc chung của mọi Kitô hữu.

Các đại diện, sau đó, đã nhắc tới đặc điểm chính của việc loan báo Tin Mừng: gia đình là trường học đầu tiên dạy đức tin, là không gian trong đó, người ta học cách hiểu biết và loan truyền Tin Mừng. Do đó, các Kitô hữu phải tham gia vào niềm vui Tin Mừng, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn nhắc đến.

Tuy nhiên, một số dị biệt về phương thức đã gặp phải, thí dụ về đề tài kiểm soát sinh đẻ, với việc nhấn mạnh tới quyền tự do lương tâm của tín hữu, tuy luôn phải tôn trọng ý nghĩa của tình yêu và hôn nhân. Hơn nữa, liên quan tới các cuộc hôn nhân thứ hai, các đại diện Chính Thống Giáo nói rằng dù thế nào, các cuộc hôn nhân này vẫn là những lệch lạc (deviation), và chỉ được cử hành sau một thời kỳ đồng hành với Giáo Hội trong một cố gắng đem cặp vợ chồng tới chỗ hòa giải.

Các đại diện xuất thân từ Trung Đông cám ơn Đức Thánh Cha vì buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình tại Syria ngày 7 tháng Chín năm 2013. Họ nhắc tới vai trò rao giảng Tin Mừng mà các gia đình Kitô hữu của vùng này vốn có giữa bối cảnh phần đông theo Hồi Giáo.
Các phát biểu được kết luận với lời mong muốn thấy THĐ đặc biệt này thành công nhất là trong viễn tượng THĐ bình thường vào năm tới.

Buổi họp báo ngày 11 tháng Mười

Trong cuộc báo hôm nay, ghi nhận tuần lễ đầu tiên của THĐ đã kết thúc, các phát ngôn viên báo chí của THĐ là Cha Federico Lombardi và Cha Thomas Rosica nhấn mạnh rằng hôm nay không phải là ngày làm việc của các đại biểu.

Sau đó, Cha Rosica nhắc tới 3 điều trong các cuộc tranh luận mới đây làm ngài rất lưu ý. Trước nhất, Thượng Phụ Chính Thống của Antiokia nói tới các thách đố của Giáo Hội ngài: khủng hoảng kinh tế, các phương tiện và phương pháp truyền thông và các hiệu quả của chúng đối với các gia đình, và sự bất ổn của chiến tranh.

Điều quan trọng thứ hai xuất phát từ Thượng Phụ Đại Kết Barthôlômêô. Nhắc lời Thượng Phụ nói bằng tiếng Pháp, Cha Rosica nhấn mạnh tới quan tâm của ngài trong việc “vươn tay ra với người trẻ” và “tránh việc không quá ‘dạy đời’ hay ‘cứng cỏi quá đáng’ có khi mất cả cử tọa ta đang nói với”.

Điều thứ ba, theo cha, phát xuất từ đại diện của Giáo Hội Anh Giáo khi đề cập tới việc chuẩn bị hôn nhân: “Phần lớn việc chuẩn bị mà chúng ta nói tới liên quan tới gia đình là về việc đào tạo người trưởng thành” nhưng vị này nhấn mạnh “việc đào tạo hôn nhân phải bắt đầu từ tuổi ấu thơ. Nó bắt đầu với việc cho chúng thấy các kiểu mẫu”.

Hướng về các nhóm theo ngôn ngữ, Cha Rosica cho hay, trong Nhóm A, nhóm do Đức HY Burke đứng đầu, có “một năng động tính rất đáng lưu ý”. Cha giải thích: sau phần mở đầu, trong đó, các tham dự viên tự giới thiệu mình và cho biết một số chi tiết về tiểu sử, các vị đã đào sâu thẳng vào chủ đề.

Cha cũng nhận định: một trong các điều tích cực của nhóm là các giáo dân, tham dự với tư cách dự thính viên, “đã có một tiếng nói” và “họ thường rất được các vị Hồng Y và giám mục mời gọi chia sẻ kinh nghiệm”.

Sau đó, là phần nhận định bằng tiếng Tây Ban Nha, tiếp theo là phần hỏi đáp. Đức TGM Diarmuid Martin của Dublin nhấn mạnh rằng bầu không khí tại THĐ rất thanh thản và thân hữu, quan điểm của mỗi người được tôn trọng lắng nghe. Ngài cho biết có “khác nhau về ý kiến” nhưng “có lượng hợp nhất rất cao”.

Với ơn thánh, ta có thể vượt qua mọi trở ngại

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấm dứt sự im lặng của ngài trong thời gian có THĐ. Ngài đã dùng Twitter lên tiếng tỏ bày sự tin tưởng của ngài.

Trong lúc các thành viên THĐ đang đi tìm các giải pháp cho các đau khổ của những người đã chịu phép rửa nay đang gặp khủng hoảng hôn nhân, thì Đức Giáo Hoàng lên tiếng bày tỏ hy vọng.

Ngài viết trên @Pontifex_fr sáng Thứ Bẩy vừa qua sứ điệp sau đây: “Sức mạnh thiêng liêng của các bí tích thật vĩ đại. Với ơn thánh, chúng ta có thể vượt qua mọi trở ngại”.

Ngài có ý nhắc tới giáo huấn Công Giáo về sức mạnh của các bí tích và tỏ lời hy vọng, để đáp ứng các đau khổ của nhửng gia đình được các nghị phụ THĐ tường trình trong thừa tác vụ mục tử của các ngài.
 
Thượng Hội Đồng về Gia Đình: phúc trình sau thảo luận
Vũ Văn An
18:30 13/10/2014
Theo tin Đài Phát Thanh Vatican, buổi sáng nay, tại THĐ về gia đình, đã có thông báo về ngày giờ diễn ra giai đoạn hai của THĐ, tức từ ngày 4 tới ngày 25 tháng Mười năm 2015, với chủ đề “Ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay”.



Tiếp theo thông báo trên, Tổng Tường Trình Viên, Đức HY Peter Erdő, đã trình bày Phúc Trình Sau Thảo Luận, nhằm phác họa các vấn đề chính đã được nhấn mạnh trong tuần qua, trong các phiên họp chung; các vấn đề này nay sẽ được các giám mục, các đại diện anh em, các dự thính viên và chuyên viên khảo sát trong các nhóm làm việc nhỏ.

Đức HY Erdő bắt đầu bằng cách nhấn mạnh rằng các nghị phụ THĐ nói tới việc Chúa Giêsu đã nhìn những con người nam nữ bằng một cái nhìn yêu thương như thế nào, đồng hành với họ một cách kiên nhẫn và xót thương ra sao. Ngài nói tới việc Chúa Giêsu Kitô, “sự thật, đã nhập thể trong sự mỏng dòn nhân bản không phải để kết án nó, mà để chữa lành nó”. Ngài nói: Chúa Giêsu dạy rằng hôn nhân là bất khả tiêu nhưng tỏ ra thông cảm với những ai không sống đúng lý tưởng này.

Trong phúc trình này, các nghị phụ THĐ nói tới việc Giáo Hội có trách vụ ra sao trong việc thừa nhận các hạt giống Lời Chúa vốn được gieo vãi bên ngoài các biên giới hữu hình và bí tích của mình. Các ngài nại tới “luật tiệm tiến” ("law of graduality") để suy nghĩ về cách thế Thiên Chúa vươn tay ra với nhân loại và dẫn Dân của Người từng bước tiến lên phía trước.

Các nghị phụ cũng ghi nhận nhu cầu phải suy nghĩ xa hơn nữa về việc liệu sự viên mãn bí tích có loại bỏ khả thể nhìn nhận các yếu tố tích cực dưới các hình thức chưa hoàn hảo không. Thí dụ, liệu có hay chăng các yếu tố tích cực trong các cuộc hôn nhân bất thường. Các nghị phụ THĐ nhấn mạnh rằng khi cuộc hôn nhân dân sự vững ổn, biểu lộ một tình âu yếm và săn sóc con cái cách sâu sắc, thì Giáo Hội nên cố gắng đồng hành với nó hướng về tính bí tích.

Đức HY Erdő nói tới nhu cầu phải hồi tâm truyền giáo, tới việc Giáo Hội không thể ngưng ở các công bố chỉ có tính tín lý, mà phải đi xa hơn. Hôn nhân Kitô Giáo phải là một quyết định có tính ơn gọi được đảm nhiệm với một việc chuẩn bị thích đáng trên hành trình đức tin. Sở dĩ như thế vì Tin Mừng gia đình vốn là lời giảp đáp cho những hoài mong sâu sắc nhất của con người.

Trong phúc trình này, các nghị phụ THĐ quả quyết rằng Giáo Hội được đặc biệt mời gọi nhận ra sự đau khổ của những người phối ngẫu bị bỏ rơi và con cái họ thực sự là nạn nhân như thế nào của các cuộc gia đình tan vỡ.

Nhiều thành viên của THĐ nói lên sự cần thiết phải cải tổ và đơn giản hóa các thủ tục của việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Đức HY Erdő nói tới việc cuộc cải cách án vô hiệu này sẽ đòi các vị giám mục đang cai quản các giáo phận phải lãnh nhận các trách nhiệm mới và có lẽ sẽ ủy nhiệm cho một linh mục được huấn luyện một cách chuyên biệt ra sao.

Liên quan tới những người Công Giáo ly dị, ly dị và tái hôn dân sự, bản phúc trình nói đến việc cần phải có “các chọn lựa mục vụ can đảm” và “những con đường mục vụ mới”. Bản phúc trình kêu gọi việc biện phân từng trường hợp một theo luật tiệm tiến, nhất là liên quan tới việc nhận lãnh các bí tích. Đức HY Erdő cho hay: cuộc đối thoại về chủ đề này sẽ tiếp diễn tại các Giáo Hội địa phương trong vòng năm tới và các câu trả lời sẽ được đệ nạp cho THĐ năm tới.

Bản phúc trình ghi nhận rằng vấn đề sống chung có thể cho thấy nỗi sợ phải cam kết, nhưng cũng là một chọn lựa được đưa ra “trong khi chờ đợi một cuộc sống an toàn” như có việc làm và thu nhập đều đặn.

Vấn đề đồng tính đã được đề cập sau đó, với lời kêu gọi phải suy nghĩ nghiêm túc. Các nghị phụ THĐ nhận định rằng những người đồng tính cũng có những ơn phúc và tài năng để cung hiến cho cộng đồng Kitô hữu và việc vươn tới họ về mục vụ là một thách đố có tính giáo dục quan trọng.

Trong bản phúc trình, các nghị phụ THĐ cũng tái khẳng định rằng các cuộc kết hợp đồng tính không thể được coi là ngang hàng với hôn nhân. Và không thể chấp nhận được việc gây áp lực lên các mục tử hay việc các cơ quan quốc tế đòi phải dẫn khởi các luật lệ lấy hứng từ ý thức hệ phái tính mới được lãnh nhận viện trợ tài chánh.

Cuối cùng, khi quả quyết rằng việc cởi mở đối với sự sống mới là phần chủ yếu của tình yêu vợ chồng, các nghị phụ THĐ đã trích dẫn sứ điệp của Thông Điệp Humanae Vitae của Đức Phaolô VI liên quan tới việc phải tôn trọng nhân phẩm trong việc lượng giá các phương pháp kiểm soát sinh đẻ.

Kết luận phần trình bày bản phúc trình sau thảo luận, Đức HY Erdő nói rằng bằng cách mô phỏng lòng thương xót của Chúa Giêsu, Giáo Hội phải đồng hành với những người con nam nữ mỏng dòn nhất của mình đang đau khổ vì một tình yêu bị thương tổn và mất mát.
 
Thượng Hội Đồng về Gia Đình gây chấn động với Phúc Trình Sau Thảo Luận
Vũ Văn An
23:58 13/10/2014
Trong phiên họp chung lần thứ mười một ngày 13 tháng Mười, Tổng Tường Trình Viên của THĐ về Gia Đình là Đức HY Erdo, TGM Budapest, Hung Gia Lợi, đã trình bày Phúc Trình Sau Thảo Luận, tóm lược các điểm đã được THĐ bàn tới trong các phiên họp chung trước đây.

Điểm đáng lưu ý nhất là điều được gọi là “luật tiệm tiến”. Tuy nó chỉ được nêu lên làm đề tài cho cuộc bàn luận dứt khoát (hy vọng thế!) vào năm tới, nhưng nó đã tạo nên thật nhiều phản ứng dữ dội, đến nỗi có người gọi đây là một cơn động đất. Mark Greaves chẳng hạn đặt tựa cho bài viết của ông ngày 13 tháng Mười là “Family synod: mid-term report is hailed as a ‘pastoral earthquake’” (THĐ về Gia Đình: phúc trình giữa khóa được chào đón như một ‘trận động đất mục vụ). John Thavis, cùng ngày, cũng đặt tựa đề cho bài viết của mình là “A pastoral earthquake at the synod” (Trận động đất mục vụ tại THĐ).

Như chúng tôi đã trình bày trong bài trước, Phúc Trình Sau Thảo Luận kêu gọi Giáo Hội chú ý tới các khía cạnh tích cực trong các mối liên hệ hôn nhân bị coi là “bất thường” như mối liên hệ giữa những người ly dị tái hôn hay giữa những người phối hợp đồng tính, và nên “luôn mở rộng cửa” đón chào những người sống trong các liên hệ này.

Bản Phúc Trình nói rằng việc Giáo Hội vươn tay ra với người Công Giáo ly dị không tượng trưng cho “việc làm suy yếu đức tin của mình” mà chỉ là việc thực thi bác ái.

Tài liệu trưng dẫn nhiều lời kêu gọi của các vị tham dự THĐ muốn thấy diễn trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu tiến hành nhanh hơn.

Liên quan tới những người đồng tính, tài liệu nói rằng “những người đồng tính có nhiều ơn phúc và tài năng để cung hiến cho cộng đồng Kitô hữu. Liệu ta có thể chào đón những con người này, bảo đảm với họ một không gian huynh đệ trong cộng đồng của ta hay không? Họ thường mong muốn gặp được một Giáo Hội sẵn sàng cung hiến cho họ một mái ấm đón chào. Các cộng đồng của ta có khả năng cung cấp điều đó, chấp nhận và trân trọng xu hướng tính dục của họ mà vẫn không làm hại gì tới tín lý Công Giáo về gia đình và hôn nhân hay không?

“Dù không bác bỏ các vấn đề luân lý dính liền với các cuộc kết hợp đồng tính, nhưng ta phải ghi nhận rằng có những trường hợp trong đó sự giúp đỡ hỗ tương đến độ hy sinh đã tạo nên một trợ giúp qúy báu trong cuộc sống của những người kết hợp với nhau”.

Tài liệu cũng nhấn mạnh “nguyên tắc tiệm tiến”, tức ý niệm cho rằng người Công Giáo tiến tới chỗ chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội theo từng bước một, và Giáo Hội cần đồng hành với họ một cách kiên nhẫn và cảm thông.

Tài liệu nói tới việc “chấp nhận thực tại của hôn nhân dân sự và cả việc sống chung nữa”, vì nhận định rằng các cuộc kết hợp này đã đạt được “một trình độ ổn định đáng kể nhờ một sợi dây công khai” và “có đặc điểm của một tình âu yếm sâu sắc, ý thức trách nhiệm liên quan tới con cái, và khả năng chống chọi thử thách”.

Tài liệu viết rằng: “do đó, nhờ hiểu ra việc cần phải biện phân một cách thiêng liêng đối với việc sống chung, hôn nhân dân sự và các người ly dị và tái hôn, Giáo Hội có trách vụ phải thừa nhận các hạt giống Lời Chúa vốn được gieo vãi ở bên ngoài các biên giới hữu hình và bí tích của mình. Theo gương cái nhìn rộng mở của Chúa Kitô, Đấng có ánh sáng chiếu soi mọi con người, Giáo Hội trân trọng hướng về những người tham dự vào đời sống của Giáo Hội một cách chưa hoàn toàn và chưa hoàn hảo, đề cao các giá trị tích cực của họ hơn là các hạn chế và thiếu sót của họ”.

Tài liệu nhấn mạnh tới việc cần phải có một phương thức tích cực khi viết rằng: “trong các cuộc kết hợp này, ta có thể nắm được các giá trị gia đình chân chính hay ít nhất cũng là ý muốn có được những giá trị này. Việc đồng hành mục vụ luôn phải khởi đi từ những khía cạnh tích cực này”.

Về việc cho phép người ly dị và tái hôn Rước Lễ, tài liệu bỏ ngỏ vấn đề, dành cho việc nghiên cứu sâu xa hơn về thần học. Tài liệu viết rằng một vài vị tham dự THĐ chống lại việc cho phép này, trong khi nhiều vị khác coi nó như một khả thể, sau khi đã theo “con đường sám hối” dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội.

Tài liệu viết thêm rằng “hoàn cảnh những người ly dị rồi tái hôn đòi phải biện phân cẩn thận và đồng hành đầy kính trọng, tránh bất cứ ngôn ngữ hay tác phong nào có thể khiến họ cảm thấy bị kỳ thị. Đối với cộng đồng Kitô Giáo, việc chăm sóc họ không hề làm suy yếu đức tin của mình và chứng từ của mình đối với tính bất khả tiêu của hôn nhân, nhưng đúng hơn nói lên tình bác ái của mình trong việc chăm sóc này”.

Tài liệu cũng nhắc tới Công Đồng Vatican II, là Công Đồng quả quyết rằng “dù nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý có được tìm thấy bên ngoài cơ cấu hữu hình của mình… các yếu tố này, trong tư cách hồng ân thuộc Giáo Hội của Chúa Kitô, chính là các sức mạnh cuốn hút người ta hướng về sự hợp nhất Công Giáo”.

Bản văn của tài liệu tự mô tả mình như là một dụng cụ nhằm được sử dụng cho THĐ về gia đình lớn hơn vào tháng Mười năm 2015.

Tài liệu viết: “Các suy tư được trình bày, vốn là kết quả cuộc đối thoại tại THĐ diễn ra một cách hết sức tự do và trong tinh thần lắng nghe hỗ tương, là nhắm nêu lên các vấn đề và xác định ra các tầm nhìn cần được làm cho chín mùi và rõ ràng hơn nhờ suy tư của các Giáo Hội địa phương trong năm trải dài từ nay tới Phiên Họp Toàn Thể Thông Thường của THĐ giám mục dự định vào tháng Mười năm 2015. Đây chưa phải là các quyết định đã được đưa ra mà cũng không phải là các quan điểm”.

Joshua McElwee, một phóng viên từ Vatican của tờ National Catholic Reporter nói rằng phúc trình sau thảo luận của THĐ nhất định có một cung gọng khác hẳn các tuyên bố khác của Giáo Hội trong mấy năm gần đây. Ông cho rằng nó kêu gọi Giáo Hội “lắng nghe nhiều hơn, tôn trọng người ta trong các cuộc đấu tranh khác nhau của họ, và áp dụng lòng thương xót một cách rộng rãi hơn”. Ông còn nói thêm rằng “tài liệu thừa nhận một cách thẳng thừng rằng việc áp dụng một cách nghiêm khắc tín lý của Giáo Hội không còn đủ để nâng đỡ người ta trong cuộc tìm kiếm Thiên Chúa của họ nữa”.

Ông cho rằng tài liệu “xem ra cũng phản ảnh một động thái của các vị giáo phẩm muốn nhích xa ra việc phải chính xác về luật lệ trong việc trung thành với giáo huấn của Giáo Hội để bước vào chủ thuyết tiệm tiến, tức ý niệm thần học cho rằng cần có thời gian, người ta mới có thể lớn mạnh về sự thánh thiện hay trung thành với giáo huấn của Giáo Hội được”.

Austen Ivereigh thì cho hay bản phúc trình sau thảo luận “đã khéo léo duy trì được thế cân bằng giữa nhiều vấn đề đang được tranh cãi đồng thời đột phá được một cơ sở mới cho cách tiếp cận của Giáo Hội đối với những người không sống đúng theo giáo huấn của mình”.

Ông viết tiếp: “dù không có những ngạc nhiên lớn lao, vì phần lớn các ý tưởng trong phúc trình này đã được đề cập trong THĐ, nhưng yếu tố có tính tin tức nhất có thể là việc nó tổng hợp được các quan điểm chống chọi nhau, việc này nhằm mục đích giúp Giáo Hội biện phân được các giải đáp cho các vấn đề khó khăn vào năm tới, và lời kêu gọi của nó muốn có một cách tiếp cận mới có tính ‘mục vụ’ đối với hôn nhân và gia đình”.

Nhưng ông cho hay “Khó mà nắm được điều thực sự tạo tin cho bản phúc trình nếu chỉ đọc các tựa đề, vì nó kêu gọi Giáo Hội phải có một tư duy (mindset) mới. Đó là thứ tư duy tìm thấy trong lời kêu gọi của Niềm Vui Tin Mừng muốn có một cách tiếp cận có tính ‘mục vụ’ và ‘truyền giáo’ nhiều hơn”.

Ông nhấn mạnh rằng “(theo tiêu chuẩn Giáo Hội) hiện đang có một ngôn ngữ cực kỳ mạnh mẽ, thí dụ, ở đoạn 40, kêu gọi phải chăm sóc tốt hơn cho những thực tại mà tài liệu gọi là ‘các gia đình bị thương tổn’”.

Ông viết tiếp: “điều được dóng lên rõ ràng tại THĐ là sự cần thiết phải đưa ra các quyết định mục vụ can đảm. Trong khi mạnh mẽ tái khẳng định lòng trung thành đối với tin mừng gia đình, các nghị phụ THĐ vẫn cảm thấy nhu cầu cấp bách phải có những ngả đường mục vụ mới, khởi đi từ thực tại hữu hiệu của tính mỏng dòn gia đình, thừa nhận rằng những mỏng dòn này thường được “chịu đựng” hơn là tự ý chọn lựa”.

John Thavis thì quả quyết rằng phúc trình sau thảo luận là một cơn địa chấn lớn nổ ra sau nhiều cơn địa chấn nhỏ hơn trong mấy tháng qua.

Ông cho rằng bản phúc trình đã tóm lược phương thức mục vụ mới như sau: “Điều cần là phải chấp nhận con người trong hữu thể cụ thể của họ, biết cách làm thế nào hỗ trợ việc tìm kiếm của họ, khuyến khích họ mong ước có Thiên Chúa và ý muốn cảm nhận mình là thành phần trọn vẹn của Giáo Hội, cả về phía những người cảm thấy mình thất bại và thấy mình sa vào các hoàn cảnh đa dạng nhất. Điều này đòi hỏi tín lý đức tin, nội dung của nó, phải càng ngày càng được biết tốt hơn, được đề xuất song song với lòng từ bi”.

Bản phúc trình này, theo Thavis, rõ ràng phản ảnh ý của Đức Phanxicô muốn có một phương thức có tính mục vụ hơn về các vấn đề hôn nhân và gia đình, nhưng nó vẫn tùy thuộc sự duyệt xét của các giám mục trong tuần này và hình thức sau cùng của nó sẽ được dùng để các Giáo Hội địa phương suy nghĩ một năm trước khi có THĐ thông thường vào năm 2015.

Thavis cho rằng phần đầu của Phúc Trình cho thấy một chẩn đoán khá nghiêm khắc về các chứng bệnh đang hoành hành gia đình hiện đại, nhất là những nguy hiểm như “cá nhân chủ nghĩa thái quá” xem ra đã thay thế hẳn sự gắn bó của gia đình. Nhiều gia đình khác chật vật với khó khăn kinh tế, bạo hành và biến động xã hội.

Để đương đầu với các vấn đề trên, Giáo Hội cần phải mở ra một diễn trình “hồi tâm”, không chỉ công bố một mớ luật lệ mà là đề cao các giá trị, nhận ra các cơ may phúc âm hóa nhưng cũng không quên các giới hạn văn hóa.

Dù gì, Thavis cũng nhấn mạnh rằng điểm quan trọng của phúc trình là nó mời gọi các cộng đồng Công Giáo khắp thế giới tiếp tục suy tư các suy nghĩ của THĐ và đưa ra quan điểm của họ, tất cả sẽ được cứu xét trong THĐ thông thường vào năm sau.

Phản ứng

Theo Thavis, sau khi công bố bản phúc trình này, đã có 41 vị giám mục lên tiếng về nội dung của nó và một số vị yêu cầu được minh xác về một số chủ đề chuyên biệt:

* Một số vị hỏi: trong mục nói về đồng tính liệu có nên nhắc tới giáo huấn dạy rằng “một số cuộc kết hợp là mất trật tự, là rối loạn” hay không, đây là kiểu nói cố hữu xưa nay dùng để mô tả các liên hệ đồng tính.

* Nhiều nguồn tin cho hay các giám mục khác chất vấn việc bản phúc trình so sánh giữa nguyên tắc tìm ra “các yếu tố thánh hóa và chân lý ở bên ngoài” cơ cấu hữu hình của Giáo Hội, vốn được Lumen Gentium của Vatican II phát biểu, với ý niệm bao quát hơn cho rằng các yếu tố tích cực có thể tìm thấy không những trong cuộc hôn nhân bí tích mà cả trong các cuộc kết hợp bất thường nữa.



* Ít nhất có một giám mục hỏi điều gì xẩy ra cho quan niệm tội lỗi. Chữ “tội lỗi” rất ít xuất hiện trong bản phúc trình dài 5,000 chữ này.

Trong cuộc họp báo, Đức HY Luis Antonio Tagle của Phi Luật Tân nhấn mạnh rằng bản văn này không phải là bản văn cuối cùng rồi vừa cười ngài vừa cho hay “nên bi kịch vẫn còn đang tiếp diễn”.

Andrea Gagliarducci, trong một bài đăng ngày 13 tháng mười, có một nhận định đáng lưu ý: vì THĐ lưu tâm tới việc tránh các ngôn ngữ tiêu cực đối với những hình thức “bất thường”, nên hình như cuối cùng, vấn đề còn lại là phải trình bày sự thật của Tin Mừng cách nào. Ông cho rằng “Thật khó mà che dấu sự thật ở đàng sau một ngôn ngữ ‘chính xác về chính trị’. Có lẽ đây là lúc trách nhiệm nghĩ ra một ngôn ngữ cho sứ điệp phải dành cho các nhà chuyên môn về tiếp thị, hơn là các giám mục”.

Ký giả này nghĩ rằng tâm điểm của Tin Mừng hình như không được chú tâm bao nhiêu. Ông nhắc tới linh mục Piero Gheddo, người từng nêu vấn đề này từ lâu. Ngài nói rằng tác động của các nhà truyền giáo đã mất hết sức lôi cuốn vì chúng đã không còn nhìn ra tâm điểm của Tin Mừng nữa. Hình như ngày nay, Kitô Giáo đã từ bỏ việc lên khuôn cho thế giới, và thay vào đó là để thế giới lên khuôn cho mình.

Gagliarducci bảo rằng cho tới nay truyền thông đang hướng dẫn cuộc thảo luận về gia đình. Thành thử đề xuất của Đức HY Kasper đã trở thành chủ đề chính để truyền thông loan tải tin tức, trong khi THĐ không công bố đầy đủ các đóng góp cụ thể của các nghị phụ. Trận hỏa mù này chỉ có lợi cho sự mặc tình thao túng của truyền thông.

Ông tin rằng chắc chắn đấy không phải là điều Đức Phanxicô mong muốn. Ngài chỉ ủng hộ việc thảo luận và nêu vấn đề, càng nhiều càng tốt, càng say mê càng hay.

Liên Minh Phò Sự Sống thì thẳng thừng lên án Phúc Trình này, gọi nó là một sự phản bội các cha mẹ Công Giáo khắp thế giới, chống lại giáo huấn của Giáo Hội. Thực thế, John Smeaton, đồng sáng lập viên của Tiếng Nói Gia Đình, cho rằng “các vị kiểm soát THĐ đang phản bội các cha mẹ Công Giáo khắp thế giới”.

"Chúng tôi tin rằng phúc trình giữa khóa của THĐ là một trong những tài liệu chính thức tồi tệ nhất đã được soạn thảo trong lịch sử Giáo Hội”.

Ông nói rằng dĩ nhiên phúc trình này mới chỉ là phúc trình sơ khởi để thảo luận, chứ chưa phải là những đề xuất nhất định, nhưng điều chủ yếu là tiếng nói của các tín hữu đang trung thành và thành thực sống giáo huấn Công Giáo phải được kể đến chứ.

Patrick Buckley, đại diện của Tiếng Nói Gia Đình ở Ái Nhĩ Lan cho rằng phúc trình này đại diện cho ‘cuộc tấn công vào hôn nhân và gia đình’ và nói thêm: “nó thực sự âm thầm chấp nhận các mối liên hệ ngoại tình, và do đó, đi ngược lại điều răn thứ sáu và lời dạy của Chúa Giêsu Kitô về tính bất khả tiêu của hôn nhân”.

Maria Madise, phối trí viên của Tiếng Nói Gia Đình, tự hỏi liệu các cha mẹ từ nay có dám nói cho con cái thấy cái sai của ngừa thai, sống chung hay sống đồng tính nữa không; họ có thể nói với chúng là Tòa Thánh dạy rằng có những khía cạnh tích cực và xây dựng trong các tội trọng này không? “Phương thức này quả tiêu diệt ơn thánh trong các linh hồn”.

John Smeaton thúc giục người Công Giáo “không nên tự mãn hay nhường bước trước cảm thức sai lầm phải vâng lời, khi đối diện với những vụ tấn công vào các nguyên tắc nền tảng của luật tự nhiên. Họ có nghĩa vụ luân lý phải chống đối diễn tiến đang xẩy ra tại THĐ”.

Linh Mục Dominic Legge, Dòng Đa Minh, thì đả kích lối hiểu “nguyên tắc tiệm tiến” của bản phúc trình. Ngài bảo cuộc tranh luận về nguyên tắc này từng diễn ra trong THĐ năm 1980 cũng về gia đình và đã được Đức Gioan Phaolô II giải quyết dứt khóat trong Familiaris Consortio rồi.

Thực vậy, hồi ấy một vài tiếng nói chủ trương rằng trong những trường hợp khó khăn, người ta có thể cam kết “từ từ” từ bỏ thói quen phạm tội trọng và có thể tức khắc cho phép mình chịu các bí tích, dù vẫn có ý định tiếp tục phạm các hành vi tội lỗi cá thể trong một mức độ giảm thiểu. Luận điểm này đã bị Đức Gioan Phaolô II bác bỏ. Ngài bảo: các cặp vợ chồng “không thể … coi luật lệ chỉ như một lý tưởng để thể hiện trong tương lai: họ phải coi nó như lệnh truyền của Chúa Kitô phải khắc phục các khó khăn một cách kiên định, ‘Và do đó không được đồng hóa điều vẫn được biết như ‘luật tiệm tiến’ hay luật tiến từng bước với ‘sự tiệm tiến của luật lệ’, như thể có những mức độ hay hình thức giới luật khác nhau trong lề luật Thiên Chúa cho từng cá nhân và hoàn cảnh khác nhau” (FC, số 34).

Theo Cha Legge, điều Đức Gioan Phaolô II gọi là “luật tiệm tiến” không có ý nói tới việc “tiệm tiến” quay lưng khỏi tội lỗi, mà nói tới tín lý trường cửu của Kitô Giáo mà ta chưa được hoàn hảo ở giai đoạn đầu của hồi tâm. Khi được ơn hồi tâm, ta dứt khoát từ bỏ tội lỗi rồi từ từ tiến trên đường thánh thiện. Ta vẫn có thể sa phạm tội trọng nữa, nhưng nhờ ơn thánh, ta ăn năn rồi khởi đầu lại như mới. Ăn năn là phải dứt khoát từ bỏ tội lỗi với quyết tâm chừa cải; không ăn năn là chưa tiếp nhận được lòng thương xót của Chúa và do đó, chưa được tha thứ (Sách Giáo Lý số 1451; DH số 1676).

Dù sao, THĐ cũng chỉ là một cơ chế tham vấn, không hẳn là cơ chế quyết định. Đọc phúc trình của nó qua các bản tóm lược như thế này nghe ra có cái gì rờn rợn, vẽ ra trước mắt một cuộc khủng hoảng còn sâu sắc vạn lần hơn cuộc khủng hoảng hôn nhân và gia đình, nhưng nghĩ cho cùng mục tiêu của nó chỉ là nêu vấn đề để toàn thể Giáo Hội cùng suy nghĩ và đóng góp ý kiến từ nay tới ngày THĐ thông thường sẽ được tổ chức một năm sau. Muốn kích thích khối người lên tới cả tỷ hiện nay chịu suy nghĩ và đóng góp, không gì bằng đụng tới những điều xem ra cốt lõi đối với họ, chứ khơi khơi nhẹ nhàng “bàn vớ bàn vẩn” làm sao kích thích được họ?

Dù cho THĐ năm 2015 có quyết định như thế nào chăng nữa, thì người cầm chịch cuối cùng vẫn là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người từng ca ngợi vị tiền nhiệm Phaolô VI xa xôi của mình, không những thế còn sẽ phong chân phúc cho vị giáo hoàng này nữa, vào ngay lúc kết thúc THĐ đặc biệt lần này, như một nhắc nhở THĐ và toàn thể dân Chúa rằng: quyết định tối hậu về bất cứ vấn đề nào vẫn là của người kế vị Thánh Phêrô. Chân lý này không ai thể hiện trọn vẹn bằng Đức Phaolô VI cách nay gần 50 năm, khi cho công bố thông điệp Humanae Vitae, ngược dòng với “lệnh truyền” của truyền thông thế tục, thậm chí của đại đa số các thành viên của ủy ban đặc biệt do chính ngài triệu tập để chuyên biệt cố vấn cho ngài về chủ đề này. Cái gương đảm lược trong lãnh đạo ấy đã được Đức Phanxicô hết lời ca tụng, chả lẽ ngài lại đạp dưới chân!

Trong Twitter thứ bẩy qua, ngài bảo ta hãy tin tưởng, sức mạnh các bí tích sẽ giúp ta vượt qua các trở ngại. Ý kiến để bàn thảo làm sao gọi được là trở ngại?
 
Cha Bề trên Tổng quyền Dòng Tên trả lời phỏng vấn về Thượng HĐGM thế giới
Nguyễn Tùng Lâm dịch
22:46 13/10/2014
Cha Bề trên Tổng quyền Dòng Tên trả lời phỏng vấn về Thượng HĐGM thế giới

Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, linh mục Adolfo Nicolas, người sẽ từ nhiệm vào năm 2016, đang tham dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về gia đình đang diễn ra tại Rôma. Cha đã nhận lời trả lời phỏng vấn của báo Vatican Insider.

Thượng Hội đồng bổ sung cho Công đồng

Linh mục Adolfo Nicolas, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, tay cầm túi xách đen bước vào Vatican. Trên ve áo của cha có gắn câu châm ngôn của thánh I-Nhã bằng tiếng Ả rập: “Để cho danh Chúa được cả sáng”.

Vị “giáo hoàng đen”(*) cai quản khoảng 18,000 tu sĩ ở trên 112 quốc gia cho rằng “Thượng Hội đồng đang bổ sung cho Công đồng”.

Vatican Insider – Thưa cha, đạo đức của gia đình sẽ được cập nhật hóa?

Cha Nicolas – “Thảo luận trong tinh thần tự do và thẳng thắn sẽ hướng đến sự thay đổi, hướng đến việc áp dụng mục vụ vào thực tế hay thay đổi của thời buổi này. Đó là một dấu hiệu lịch sử, ngược với những năm gần đây, có sự cổ súy mạnh muốn đưa Giáo Hội đi lui lại so với thời Công đồng”.

- Còn về việc rước lễ của những người ly dị và tái hôn?

“Người ta không thể ngăn Hội đồng bàn thảo về vấn đề này như có một số người đã mong muốn như vậy. Các giám mục không được triệu tập đến để củng cố các ý tưởng trừu tượng đánh vào giáo điều nhưng là để tìm các giải pháp cụ thể cho vấn đề. Một cách đáng kể, Đức Phanxicô và nhiều nghị phụ đã nói lên trong các bài diễn văn của họ các bản văn của Công đồng. Để diễn tả Giáo Hội lắng nghe Thần Khí như Hồng Y Martini đã mong muốn cho đến hết đời của ngài”.

- Các người bảo thủ nói giáo điều đang bị lâm nguy…

“Tuyệt đối hóa là sai lầm. Chúng ta lấy ví dụ của những cặp sống chung với nhau. Không phải vì có khiếm khuyết mà mọi sự đều xấu. Cũng như, có một cái gì đó tốt khi người ta không làm điều xấu cho người anh em. Đức Phanxicô đã nhắc lại chuyện này: “Tất cả chúng ta đều là kẻ phạm tội”. Phải nuôi dưỡng sự sống trong mọi lãnh vực. Công việc của chúng ta là đưa giáo dân về với ơn sủng chứ không phải vì các nguyên tắc mà loại bỏ họ. Đó là công việc hàng ngày của các tu sĩ Dòng Tên chúng tôi. Tòa Thẩm Tra biết chuyện này rất rõ.”

- Bằng cách nào ạ?

“Thánh I-Nhã, nhà sáng lập Dòng chúng tôi, đã ít nhất bị Tòa Thẩm Tra hạch xét tám lần sau khi đã lắng nghe Thần Khí. Vào thời đó, cũng như đối với chúng tôi bây giờ, Thần Khí vẫn là trước hết, vì Thần Khí đến từ Thiên Chúa, còn luật lệ và nguyên tắc là của con người. Đối với luân lý về tình dục và gia đình, phải dịu dàng và có tình anh em. Không phải chia rẽ nhưng là hòa hợp. Người ta không thể rao giảng Phúc Âm mà đi ngược với Phúc Âm. Chỉ có lựa chọn tập trung vào Chúa Kitô mới là lựa chọn thoát được các tranh chấp cằn cỗi, các tranh cãi ý thức trừu tượng. Các lỗ hổng và các bất toàn không vô hiệu hóa sự tiến triển của gia đình trong xã hội từ mấy mươi năm nay. Nếu có gì tiêu cực thì không phải tất cả mọi chuyện đều tiêu cực”.

Nguyễn Tùng Lâm dịch

(*) Giáo hoàng đen là danh hiệu mà giới truyền thông thường gán cho vị bề trên Tổng quyền Dòng Tên. Dòng Tên và các vị bề trên tổng quyền chưa bao giờ tự nhận như thế
 
Phỏng vấn cha Giám tỉnh Dòng Tên Pháp
Lm. Bùi Quang Minh, S.J. dịch
22:51 13/10/2014
Phỏng vấn cha Giám tỉnh Dòng Tên Pháp

Trò chuyện với Cha Jean-Yves Grenet, 57 tuổi, người đứng đầu tỉnh Dòng Tên Pháp từ năm 2009, nhân dịp kỷ niệm Dòng Tên được tái lập trên thế giới và tại Pháp. Cha giám tỉnh Pháp nói về hiện trạng của Dòng.

Thưa cha, tình hình tỉnh Dòng Pháp hiện nay ra sao ?

Cha Grenet: Tốt! Tỉnh Dòng có khoảng 400 anh em. Một nửa đã trên 73 tuổi và mỗi năm có chừng mười lăm lễ tang cũng như khoảng bốn đến năm người vào Dòng (năm 2013 là 8 và năm 2014 là 5). Tôi không than phiền chi về sự sụt giảm nhân sự đều đặn này. Quả thực là chúng tôi khá đòi hỏi trong việc tìm kiếm những con người có một khung nội tâm năng động thực sự để phục vụ thế giới và Giáo Hội.

Một số người nói Dòng Tên chủ trương ưu tuyển…

Cha Grenet: Ôi chẳng có ai thoát khỏi con đường ấy cả! Tuy vậy chúng tôi chỉ đơn giản nỗ lực để từng người, dù là thợ học việc, giám đốc, chính trị gia, bác sĩ, tất cả đều có thể đi đến cùng khả năng của mình. Mục tiêu của tiến trình này không nhằm đến sự xuất chúng, nhưng là tìm cái tốt hơn nơi chính mình, đó là một ý tưởng có tên gọi là “magis” (hơn nữa) đến từ thánh Inhaxio.

Chúng tôi lưu tâm kỹ để mỗi người trẻ chuẩn bị vào đời, phải có và nên có đủ năng lực nào để vươn xa hơn, khởi từ điểm hiện tại của mình. “Magis” là một dạng cú hích bên trong liên tục để tiến lên, trong khi tự xây dựng chính mình nhằm phục vụ người khác. Chúng tôi muốn chung tay đào tạo những “con người sống cho và sống với người khác” trong khi không ngừng đối thoại với người đương thời.

Dòng Tên còn đóng góp được gì cho xã hội Pháp hiện nay?

Cha Grenet: Trước tình cảnh một xã hội lúc nào cũng chực nhuốm màu bi đát, chúng tôi muốn chỉ ra những dấu hiệu và nơi chốn cho thấy Thiên Chúa vẫn còn tích cực dấn thân, trong tinh thần tích cực và chú ý đến cách nói bao dung, lắng nghe và chia sẻ.

Người tu sĩ Dòng Tên không được phép nhường bước trước cái bầu khí ảm đạm của thời đại hay chọn đứng về phía cõi bờ thê lương. Chúng tôi phải trở nên nhạy bén trước một thế giới mới đang đâm chồi nẩy lộc, dù có thể trong dạng thức của đau đớn, thậm chí cả trong cung cách phức tạp nữa. Chúng tôi là những tác viên của thế giới, không trong vị thế đối đầu nhưng đối thoại. Không trong lữ đoàn của những kẻ tinh tuyền sạch boong, nhưng được thu hút bởi Đấng mong quy tụ chúng tôi và mong chúng tôi đừng bơi sang bên kia bờ của thế giới sự chết.

Nếu chúng tôi cố giúp con người trở nên tự do, ý thức về thế mạnh và thế yếu của mình trong khi đặt mình vào mối tương quan hữu hiệu với mọi người, chúng tôi tin rằng điều ấy là tốt cho xã hội. Chúng tôi thích đối thoại với những nền văn hóa ngay chính trong những cú va chạm của những nền văn minh tạo nên chúng!

Tỉnh Dòng Pháp trải nghiệm tính quốc tế của Dòng Tên như thế nào ?

Cha Grenet: Theo Cha Jeromino Nadal, ngay từ khi mới được thành lập, chúng tôi quan niệm “thế giới là nhà.” Dòng Tên là một dòng tu quốc tế, và tỉnh dòng chúng tôi là một thành tố trong tổng thể ấy. Toàn bộ 17 000 tu sĩ của Dòng cố gắng có cùng một lối nghĩ toàn cầu, và thực hiện nó trong tinh thần địa phương của mình. Cách thức sống đời tu trong Dòng Tên ở Ấn Độ thì không nhất thiết giống ở Pháp.

Ở Paris, ở trường Centre Sèvres, có khoảng 60 tu sĩ Dòng Tên đến từ 30 tỉnh Dòng khác nhau trong thời kỳ huấn luyện. Và cũng có tu sĩ tỉnh Dòng Pháp hiện diện ở Trung Hoa, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria. Từ vài năm nay, chương trình năm tập ba, chặng cuối trong hành trình huấn luyện của tu sĩ Dòng Tên thuộc tỉnh Dòng Pháp diễn ra ở Ái Nhĩ Lan, ở Chile, Sri Lanka, v.v…

Một Đức Giáo Hoàng gốc Dòng Tên có làm cho đời sống của Dòng được thuận lợi hơn không?

Cha Grenet: Ừ có lẽ cái kiểu vui vui và năng động truyền thông của ngài làm cho tôi hơi khó ngủ đấy! Chắc do Đức Thánh Cha mời ta sống ngang qua chọn lựa căn bản là hiến thân cho những người nghèo hơn trong xã hội, trực diện liên tục với Tin Mừng và lý lẽ của thế gian, làm cho chúng ta không được phép nằm ngủ pho pho được.

Có người tiếc là Dòng Tên đã rút lui khá nhiều trong các công trình giáo dục …

Cha Grenet: Cái nhìn ấy thực ra không đúng với thực tế đâu. Hiện chúng tôi chịu trách nhiệm gần 20 000 học sinh trong 14 cơ sở, rất đa dạng, từ các trường ít nhiều có uy tín đến những cơ sở giáo dục dạy nghề. Không hẳn chỉ sự hiện diện của tu sĩ dòng Tên ở đó mới làm nên đặc nét Dòng Tên trong các trường ấy (dầu vậy vẫn có một số đang làm việc trong các trường ấy).

Từ hơn 40 năm nay, chúng tôi đã liên kết ‘theo cách thức của Dòng” một số giáo dân mà chúng tôi chung tay đào tạo và với họ chúng tôi cùng nhau thực hiện những kế hoạch của chúng tôi.

Làm thế nào để thấy mối liên hệ giữa Linh Thao của Thánh Inhaxio với kỹ năng phát triển cá nhân?

Cha Grenet: Nhờ một sự khác biệt thiết yếu này: Linh Thao được trải nghiệm từ việc người thực hành đối diện với Lời Chúa và chính Đức Giê-su Ki-tô. Chính trong việc chiêm niệm cuộc đời của Ngài, vốn sẽ không dẫn ta đến một mẫu hình thành đạt lý tưởng theo kiểu đương thời, mà người ta sẽ để mình sẳn sàng bước theo Ngài. Đó là làm thế nào để nhận từ Ngài mà khám phá ra tiềm năng thực hiện thành công đời mình cùng với Ngài.

Cũng từ đó mà ta thấy cần đọc lại đời mình, cần cầu nguyện, cần phân định trong tâm khảm mình đâu là nguồn của những niềm vui hay nỗi buồn, để khám phá ra Lời đang nói với ta trong đời sống hằng ngày, trong đời sống tình cảm, nghề nghiệp hay thiêng liêng.

Làm thế nào để tôi có thể lướt qua con người lúc nào cũng muốn làm chủ hay thống trị, để làm cho chính mình trở nên sẳn sàng đón nhận những chuyển động mang lại sự sống lâu bền và hạnh phúc bền vững ấy?

Frédéric Mounier thực hiện cho nhật báo La Croix

Chuyển ngữ: Lm. Bùi Quang Minh, S.J.

 
Top Stories
Chine: «Ne béatifions pas Matteo Ricci sans béatifier Paul Xu Guangqi !»
Eglises d'Asie
09:50 13/10/2014
La société chinoise, depuis le début des années 1980, fait montre d’un intérêt croissant pour les traditions religieuses. Invité de la Section romande de la Société Suisse-Chine (SRSSC), en collaboration avec la Faculté de
théologie, le jésuite français Benoît Vermander a donné le 7 octobre 2014 à l’Université de Fribourg, en Suisse, une conférence sur le « réveil religieux aux caractéristiques chinoises ». Le sinologue et politologue, professeur à la Faculté de philosophie de la prestigieuse Université Fudan de Shanghai, en a expliqué les caractéristiques dans une interview Jacques Berset, de l’agence Apic. Diffusée le 10 octobre 2014, cette interview est reproduite ici avec l’aimable autorisation d’Apic.

Apic: Professeur Vermander, qu’enseignez-vous à l’Université Fudan ?

P. Benoît Vermander, SJ: Je suis spécialisé dans les sciences religieuses et l’anthropologie religieuse, ainsi qu’en spiritualité comparée (méthodes de méditation - bouddhisme, christianisme, taoïsme). J’enseigne également le latin et la religion de la Rome antique. J’aborde là le débat entre le christianisme et la religion de la Cité. Comme tout professeur d’université, je travaille au plan académique. Pas question de faire du prosélytisme: ce n’est pas le lieu ! La probité intellectuelle est une vertu, et quand vous enseignez, vous ne prêchez pas !

Je contribue avec d’autres enseignants – qui peuvent être bouddhistes, taoïstes, chrétiens, musulmans ou athées – à la mise en forme académique des sciences religieuses en Chine. Il faut, grâce à des études sérieuses, dépasser les préjugés à l’égard des religions, car l’exercice de l’intelligence s’applique aussi au champ religieux.

L’Université en est consciente ?

Les universités chinoises n’échappent pas à l’évolution fulgurante de la globalisation. Les meilleures d’entre elles se mettent au diapason du monde. Ainsi, l’étude du fait religieux est forcément un « must » pour elles, dans leur volonté d’excellence. Certes, cela concerne encore un petit cercles d’universités: celles de Fudan, l’Université de Pékin, l’Université du Peuple à Pékin, celle du Sichuan, à Chengdu… On y trouve un enseignement sur les religions, dont le christianisme.

Vous parlez d’un véritable « réveil religieux » en Chine ?

En effet, le phénomène religieux est d’une très grande vitalité en Chine. Toutes les religions sont en croissance, et le point d’arrêt n’est pas encore atteint.

Ce sont les protestants qui connaissent le développement le plus fort. Les chiffres oscillent entre 30 et 100 millions, mais il n’y a aucune statistique sûre disponible. Les catholiques sont au maximum 20 millions, mais encore une fois, sans données certifiées, il est difficile d’articuler un chiffre exact.

Les chrétiens peuvent-ils pratiquer leur religion en toute liberté ?

Cela dépend de nombre de facteurs locaux, et la situation est très diversifiée. Les chrétiens, selon les circonstances, ont diverses stratégies d’adaptation. Il faut surtout éviter de généraliser. On ne peut pas avoir une vision manichéenne, parler d’Eglise clandestine fidèle à Rome et d’une autre totalement séparée, qui serait l’Eglise officielle sous l’égide de l’Association patriotique des catholiques chinois (APCC). Ce serait une caricature de la réalité de parler de deux blocs complètement étrangers l’un à l’autre: il faudrait plutôt parler d’une réalité nuancée, d’un certain continuum. La plupart des évêques « officiels » sont également reconnus par le Vatican…

Quels défis se présentent pour les chrétiens chinois au XXIe siècle ?

Nombre de religions font face à des crises d’adaptation au monde qui change rapidement. Il y a la nécessité d’une réponse plus qualitative aux demandes des gens, et cela vaut également pour les bouddhistes. Il faut aider les fidèles à bien discerner, former le clergé, éditer de bons matériaux d’enseignement. La société doit faire face à une grande demande et le défi est de bien y répondre.

Après les périodes de persécution du passé, l’Eglise s’est concentrée sur la reconstruction de la vie dévotionnelle, la vie de prière, le ritualisme… Des questions fondamentales se présentent désormais aux chrétiens et il faut savoir y répondre: comment lire la Bible aujourd’hui, réfléchir à la morale sociale, à la responsabilité dans le champ de l’économie, etc. Certes, les nouveaux moyens d’information, comme Internet, sont une aide, et c’est bien utilisé, mais là aussi il y a des limites et tout n’est pas accessible !

Vous militez pour une béatification conjointe du jésuite italien Matteo Ricci et de son ami et premier catholique de Shanghai, Paul Xu Guangqi !

L’Eglise a passé beaucoup de temps à mettre l’accent sur les missionnaires étrangers et il est opportun de changer de perspective. A Shanghai, Paul Xu Guangqi a eu une vie spirituelle intense, c’est un grand confesseur de la foi. Les autorités le considèrent comme un grand patriote. Il faisait partie de l’administration de la cour impériale, et c’est là qu’il a rencontré le missionnaire Matteo Ricci qui le convertit au catholicisme avant qu’il soit baptisé par l’un de ses confrères en 1603. Le jésuite italien lui enseigna les sciences occidentales et Xu Guangqi traduira en chinois avec lui les Eléments d’Euclide.

En plus de l’écriture d’un vaste traité d’agriculture, le Nong Zheng Quan Shu, il avait développé une colonie agricole, qui expérimentait de nouvelles techniques agricoles, comme les méthodes d’irrigation occidentales. Il voulait ainsi contribuer à la lutte contre les problèmes de malnutrition et de famine. Paul Xu (1562-1633), membre de l’élite confucéenne, fit partie, avec Li Zhizao (1565-1630), baptisé Léon en 1610, et Yang Tingyun (1557-1627), baptisé Michel en 1612, de ce qu’on appelle « les trois piliers de l’évangélisation » en Chine.

Je milite pour que l’on ne béatifie pas Matteo Ricci sans béatifier en même temps son ami Xu Guangqi. Ce serait pour moi le meilleur cadeau que Rome puisse faire à l’Eglise de Chine et à la Chine en général ! (eda/apic/be)

Benoît Vermander, un jésuite à la tête de l’Institut pour le Dialogue Xu-Ricci, à Shanghai

Benoît Vermander est né en 1960 à Alger, dans une famille de professeurs originaire de la vallée de la Lys, en Flandre française. Après son entrée chez les jésuites à Lyon, à l’âge de 28 ans, il s’est installé à Taiwan en 1992, avant d’être ordonné prêtre en 1996 à Taipei. Ce sinologue et politologue a été directeur de l’Institut Ricci de Taipei de 1996 à 2010. Il fut également directeur de la rédaction de la revue en langue chinoise Renlai et du magazine électronique eRenlai.com, de 2003 à 2010. Il est consultant auprès du Conseil pontifical pour le dialogue interreligieux à Rome et chercheur associé à Asia Centre, à Paris.

Depuis 2009, il est professeur à la Faculté de philosophie de l’Université de Fudan, à Shanghai, où il occupe également la position de directeur académique de l’Institut pour le Dialogue Xu-Ricci, inauguré le jour du 400ème anniversaire de la mort du missionnaire italien Matteo Ricci (1552-1610), de son nom chinois « Li Madou », un des premiers jésuites à pénétrer en Chine, apôtre de l’inculturation, ardent défenseur des «rites chinois» contre les tenants d’un christianisme orthodoxe.

Les travaux de Benoît Vermander portent notamment sur les religions chinoises aujourd’hui et la théologie catholique chinoise ainsi que sur la place de la Chine dans la mondialisation. Il a souligné et analysé la relation organique entre mondialisation et ascension chinoise (La Chine ou le temps retrouvé, les figures de la mondialisation et l’ascension chinoise, Academia-Bruyant, 2008). Sous son nom chinois (Wei Mingde), il a publié plusieurs livres en Chine et à Taiwan. Ayant étudié la calligraphie et la peinture chinoise depuis 1990, il peint sous le nom d’artiste de Bendu. Il a déjà exposé ses œuvres notamment à la Galerie nationale d’art de Pékin, à la Galerie d’art du Sichuan, à Chengdu, au Centre culturel Kwanghua, à Hongkong, mais également à Taiwan, aux Etats-Unis et en Europe. Sa prochaine exposition aura lieu au Musée d’art Xuhui de Shanghai à partir du 24 octobre prochain.

(source: Eglises d'Asie, le 13 octobre 2014)ricci
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giớ trẻ giáo phận Xuân Lộc hội thi giáo lý chủ đề mục vụ
Maria Phương Trâm
08:50 13/10/2014
GIỚI TRẺ GIÁO PHẬN XUÂN LỘC HỘI THI GIÁO LÝ CHỦ ĐỀ MỤC VỤ

Sáng 12/10/2014 tại Giáo xứ Đại An, hạt Hoà Thanh Ban mục vụ giới trẻ Giáo phận Xuân Lộc đã tổ chức Hội thi Giáo lý chủ đề mục vụ cấp Giáo phận. Hội thi năm nay có 59 thí sinh là các bạn trẻ được tuyển chọn từ các kỳ thi cấp giáo hạt trong toàn giáo phận. Cùng đồng hành trong suốt hội thi có Cha Đaminh Nguyễn Thành Tiến, Đặc trách Giới trẻ Giáo phận, Chánh xứ Phúc Hải; Cha Phêrô Phạm Hưng Thịnh, Phó Đặc trách giới trẻ, Chánh xứ Đại An; các anh trong Ban trị sự cùng đông đảo các cổ động viên đến từ các giáo xứ.

Xem Hình

Với những thao thức cho các hoạt động của giới trẻ trong giáo phận, Ban Mục vụ Giới trẻ thường xuyên tổ chức các kỳ thi, các sinh hoạt ngoại khóa từ cấp giáo xứ, giáo hạt và giáo phận nhằm tạo sân chơi cho các bạn trẻ trong giáo phận. Cũng vậy, hội thi này ngoài mục đích trên, Quý Cha trong Ban mục vụ giới trẻ còn nhằm mục đích giới thiệu giáo lý chủ đề mục vụ của giáo phận đến các bạn trẻ, đồng thời khuyến khích các bạn trẻ học tập và tìm hiểu chân lý đức tin Kitô giáo để có đức tin trưởng thành hơn trong đời sống đạo của mình. 8 giờ 15, hội thi được khai mạc bằng những vũ điệu sôi nổi và hào hứng cùng những khẩu hiệu được hô vang bởi các cổ động viên. Những lo lắng, hồi hộp biểu lộ rõ nét trên gương mặt của từng thí sinh. Phát biểu trong phần khai mạc Cha Đặc trách đã tuyên dương tinh thần học hỏi cũng như những nỗ lực phục vụ của các bạn trẻ, đồng thời có những lời động viên, khuyến khích các thí sinh khiến các bạn tự tin hơn khi làm bài thi.

Hội thi năm nay mang chủ đề “Ra đi với Chúa đồng hành” được chia làm ba vòng thi: Chúa chọn gọi; Chúa huấn luyện và Ra đi với Chúa đồng hành. Sau vòng thi đầu tiên: vòng thi trắc nghiệm mang tên “Chúa chọn gọi”, Ban Giám khảo chọn ra 12 thí sinh xuất sắc nhất để đi tiếp vào các vòng trong tranh giải đồng đội và cá nhân. Để giúp các thí sinh thư giãn sau vòng thi thứ nhất, Ban tổ chức đã giới thiệu cảnh quan Giáo xứ Đại An với các bạn trẻ và các cổ động viên bằng cách mời các bạn tham gia trò chơi: “Đi tìm kho báu”. Nằm bên cạnh dòng sông Đồng Nai thơ mộng, hiếm có giáo xứ nào trong giáo phận có được cảnh quan độc đáo như Giáo xứ Đại An này, điều đó cũng giúp các bạn trẻ có được những giây phút thoải mái khi tạm xa công việc hay chuyện học hành hàng ngày. “Kho báu” mà các bạn tìm kiếm được giấu ở nhiều nơi: trong khuôn viên Nhà thờ, nơi bờ sông, Đài Đức Mẹ…. Mỗi khi kho báu được tìm thấy, thì tiếng hò reo vang dội lại vang cả một góc sông. Bài học ý nghĩa được rút ra từ trò chơi giúp các bạn thêm hào hứng và có những suy tư sâu sắc cũng như trang bị thêm kỹ năng sống cho các bạn trẻ. Sau ba vòng thi, Ban giám khảo đã chọn ra được các đội và cá nhân xuất sắc cho Hội thi cấp giáo phận năm nay.

Hội thi khép lại sau khi Ban tổ chức tìm được ngôi vị quán quân cho mùa giải năm nay. Trong nghi thức bế mạc Cha Đặc trách đã chia sẻ với các bạn trẻ những khó khăn trong công tác mục vụ giới trẻ giáo phận; đồng thời bày tỏ sự tín nhiệm cũng như sự cộng tác của Cha Phó Đặc trách trong bổn phận và trách nhiệm được trao phó. Cha cũng không quên các ơn các bạn trẻ đã đến tham dự hội thi và những người âm thầm giúp đỡ cho hội thi hôm nay được thành công tốt đẹp.

Sau hội thi tất cả các bạn trẻ cùng chia sẻ với nhau bữa tiệc buffet phía sau Nhà xứ bên bờ sông Đồng Nai thơ mộng.

Giải đồng đội thuộc về các Giáo hạt:

Giải Nhất: Hạt Hoà Thanh

Giải Nhì: Hạt Biên Hoà

Giải Ba: Hạt Gia Kiệm

Giải cá nhân:

Giải Nhất: Anh Tôma Lê Tuấn Anh, Giáo xứ Bắc Hải, Hạt Hố Nai.

Giải Nhì: Anh Giuse Nguyễn Tiến Đức, Giáo xứ Bình Hải, Hạt Biên Hoà.

Giải Ba: Chị Maria Phạm Thị Ngọc Quỳnh, Giáo xứ Bùi Thái, Hạt Tân Mai.

Maria Phương Trâm
 
Giáo xứ Năm Hà, Xuân Lộc, khai giảng niên học giáo lý 2014-2015
Lộc Xuân
09:13 13/10/2014
GIÁO XỨ NĂM HÀ- GIÁO PHẬN XUÂN LỘC KHAI GIẢNG NIÊN HỌC GIÁO LÝ 2014-2015

Sáng Chúa Nhật ngày 12 tháng 10 năm 2014 tại giáo xứ Nam Hà (hạt Xuân Lộc, Giáo phận Xuân Lộc) khai giảng năm học giáo lý mới, do các anh chi giáo lý viên tổ chức. Tham dự có cha chánh xứ, cha phó, đại diện quý dì, ban hành giáo, quý gia trưởng- hiền mẫu, cùng với các anh chị em giáo lý viên tân cựu và các em thiếu nhi trong xứ.

Xem Hình

Đan xen trong các bài phát biểu của anh trưởng đoàn thiếu nhi, quý dì, quý chức tham dự… là những vũ khúc do các anh chị giáo lý viên và thiếu nhi trình diễn càng làm cho buổi lễ khai giảng tươi vui. Đội trống do các em thiếu nhi nữ cũng tạo thêm săc thái độc đáo.

Cuối cùng cha chánh có đôi lời huấn từ và trang trọng tuyên bố khai mạc năm học giáo lý mới 2014-2015, trong tiếng vỗ tay và tiếng trống rộn rã.

Sau đó mọi người tham dự trang trọng đứng chào cờ Thiếu Nhi Thánh Thể, rồi từng khối theo sắc cờ của mình cùng với cha chủ tế tiến nhà thờ dâng thánh lễ tạ ơn.

Trước thánh lễ có nghi thức các anh chi giáo lý viên tuyên hứa, cha chủ tế trao khăn quàng và huy hiệu thánh Donbosco- quan thầy giáo lý viên.

Tổng kết năm qua, có cả trăm em được lãnh phần thưởng do siêng chăm đi học giáo lý và tham dự thánh lễ, trong đó có 4 em được giải khuyến khích thị giáo lý cấp giáo phận.

Hiện giáo xứ Nam Hà có khoảng 600 em thiếu nhi tham dự trong 9 lớp giáo lý được phân bổ học và sinh hoạt theo chương trình giáo lý hồng ân của giáo phận nhà gồm các khối Khai Tâm- Đến Bàn Tiệc Thánh- Lớn Lên Trong Chúa Thánh Thần- Sống Đạo và Bao Đồng.

Theo truyền thống, mỗi năm các em thiếu nhi có 6 tuần ‘nghỉ hè’ nhân vào dịp đầu năm khai giảng niên học mới ngoài xã hội để các em có chuẩn bị tốt hơn cho năm học mới.

Xin Chúa chúc lành cho niên học giáo lý mới, nhất là trong Năm Thánh Giáo phận Xuân Lộc mừng Kim Khánh thành lập Giáo phận (1965-2015).

Tin, ảnh: Lộc Xuân
 
Đại Hội Thánh Mẫu tại Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney
Diệp Hải Dung
10:04 13/10/2014
Chiều thứ Bảy 11/10/2014 hàng ngàn giáo dân trong Cộng Đồng đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney tham dự 2 ngày Đại Hội Thánh Mẫu do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney lần đầu tiên tổ chức với chủ đề “ Đức Mẹ La Vang - Nhân Chứng Tin Mừng”

Hình ảnh

Khai mạc ngày Đại Hội Thánh Mẫu là giờ kinh nguyện của Lòng Chúa Thương Xót tại hội trường Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse do Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót TGP đảm nhiệm hướng dẫn dâng kinh nguyện. Kế tiếp là phần thuyết giảng của Linh mục Đinh Thanh Bình đến từ tiểu bang Melbourne với chủ đề: “Cha Mẹ và Con Cái Sống Nhân Chứng Tin Mừng” Chấm dứt giờ thuyết giảng, mọi người tham dự nghi thức Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh Giám Mục Giáo Phận Kontum làm phép Nhà Nguyện kính các Thánh Tử Đạo, tôn kính hai vị TôiTớ Chúa là Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp và Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận và Khánh Thành con đường dâng hiến kính nhớ Cha Cố Giuse Đỗ Tiến Hiệp. Sau đó là Thánh lễ khai mạc Đại Hội do Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh cùng với quý Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm, Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Nguyễn Đình Trí, Cha Hoàng Đức Nhân, Cha Vũ Ngọc Nguyên, Cha Nguyễn Quang Thạnh, Cha Phạm Đình Lĩnh, Cha Đinh Thanh Bình và Cha Phan Quốc Trực cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Sau giờ giải lao và cơm tối do các gian hàng ẩm thực của các Hội Đoàn, Đoàn Thể trong Cộng Đồng bán giúp mọi người có những món ăn lạ ngon và rẻ trong 2 ngày Đại Hội.

ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh thuyết giảng với chủ đề Đức Mẹ La Vang – Nhân Chứng Tin Mừng giúp cho mọi người biết thêm về Mẹ để chạy đến cùng Mẹ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chấm dứt giờ thuyết giảng. 3 Liên Đoàn Trẻ: Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh, Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo và Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hoà Bình phối hợp diễn nguyện Đức Maria: Cùng Mẹ Ra Khơi rất là ngoạn mục đặc sắc và đầy ý nghĩa. Sau đó mọi người cùng thắp nến trong tay cung nghinh kiệu Thánh Thể Chúa Giêsu KiTô rất long trọng và sốt sắng đồng thời chầu Thánh Thể Chúa sáng đêm do các Giáo Đoàn thay phiên nhau chầu cầu nguyện.

Sáng Chúa Nhật 12/10/2014 Cha Michael Phạm Quang Hồng từ tiểu bang Perth (Tây Úc) thuyết giảng đề tài Nhân Chứng và Thánh Hóa. Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh sâu sắc với đề tài: Tôi là Môn đệ Chúa Giêsu và Những Thách Đố Thời Đại.” Sau giờ giải lao Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher Khâm Sứ Tòa Thánh Vatican thuyết giảng cho giới trẻ đề tài: Giới Trẻ Sống Đức Tin và Những Thách Đố.” Đặc biệt trong panel giải đáp và thắc mắc về Đức Tin và cuộc sống kết thúc, Cha Paul Văn Chi điều hợp buổi hội thảo rất sôi động và hào hứng, trong đó ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Đinh Thanh Bình và Cha Phạm Quang Hồng hội thảo giải đáp các thắc mắc liên quan đến đời sống Đức Tin Công Giáo. Mọi người đã đặt nhiều câu hỏi về đời sống hàng ngày và đời sống Đức Tin, đã được ĐGM và quý Cha trong panel giải đáp một cách thỏa đáng.

Chấm dứt những sinh hoạt thuyết giảng và hội thảo, kiệu cung nghinh các tượng Thánh Bổn Mạng của các Giáo Đoàn rước ra tượng đài Đức Mẹ và tất cả mọi người đều quy tụ trên tượng đài, dâng giờ đền tạ Đức Mẹ và Ban Tây Nhạc Cecilia trình tấu nhạc phẩm Chào Mừng chuẩn bị cho cuộc rước kiệu. Đức Khâm Sứ Toà Thánh Paul Gallagher xông hương kiệu Thánh tượng Đức Mẹ La Vang và 3 hồi chiêng trống vang rền Trung Tâm, kiệu cung nghinh Thánh tượng Mẹ La Vang rước về Lễ đài. Hàng ngàn người nối đuôi nhau rất nghiêm trang sốt sắng dâng lên Mẹ chuỗi Mân Côi mùa Vui cầu cho gia đình, cho Cộng Đồng và cho chính bản thân.

Khi kiệu Thánh tượng Đức Mẹ La Vang về đến Lễ đài, các em Thiếu Nhi dâng lên Mẹ vũ khúc Hoa Mân Côi Dâng Mẹ” rất đặc sắc. Cha Tuyên Úy Trưởng Dương Thanh Liêm ngỏ lời chào mừng Đức Khâm Sứ Tòa Thánh, ĐGM Hoàng Đức Oanh đến từ Kontum VN, ĐGM Terry Brady Phụ tá TGP Sydney, qúy Đức Ông, quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ và tất cả mọi người đã dành rất nhiều thời gian quý báu đến đây tham dự Ngày Đại Hội Thánh Mẫu được tổ chức lần đầu trong Cộng Đồng để mừng kính Mẹ La Vang và Đức Khâm Sứ, quý Giám Mục, qúy Cha cùng hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn.

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCVN TGP Sydney ngỏ lời cám ơn Đức Khâm Sứ, ĐGM Hoàng Đức Oanh, ĐGM Terry Brady, quý Cha, qúy Tu Sĩ Nam Nữ và tất cả mọi người đã đến đây tham dự 2 ngày Đại Hội Thánh Mẫu. Đây là lần đầu tiên mà Cộng Đồng Công Giáo TGP Sydney tổ chức đã gặt hái nhiều thành công tốt đẹp. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả mọi người qua lời cầu bầu của Mẹ La Vang.

Sáng Thứ Hai 13/10/2024 mọi người trong Cộng Đồng cũng đã đến Trung Tâm mừng kính Lễ Đức Đức Mẹ Fatima là Bổn Mạng của BVM Trung Tâm Bringelly. Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh, qúy Cha và mọi người tập trung trước tượng đài Đức Mẹ dâng giờ đền tạ và sau đó kiệu cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ Fatima về hội trường Trung Tâm. Đức Giám Mục và quý Cha cùng hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn và mừng Bổn Mạng Trung Tâm.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Hà Pi Liến Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney chúc mừng Bổn Mạng Trung Tâm, kế tiếp ông Phạm Văn Khang Trưởng Ban Mục Vụ Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney ngỏ lời cám ơn Đức Giám Mục, quý Cha, quý Thầy cùng tất cả mọi người đã đến Trung Tâm tham dự Lễ mừng Bổn Mạng, ông cũng cám ơn quý ân nhân, anh em trong Ban Mục Vụ và Ca đoàn Monica đã giúp cho ngày mừng kính Bổn Mạng hôm nay được mọi sự tốt đẹp.

Thánh lễ kết thúc mọi người ở lại tham dự tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng trong nhà ăn của hội trường.
 
Khóa huấn luyện các Bề trên Cộng Đoàn Liên Tu Sĩ Huế
Trương Trí
09:58 13/10/2014
Liên Tu sĩ Tổng Giáo phận Huế tổ chức Khoá Huấn luyện các Bề trên Cộng đoàn tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Huế, từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 10.

Hình ảnh

Sáng ngày 13/10, đông đảo tu sĩ nam nữ thuộc các Hội dòng Mến Thánh giá Huế, Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm, Hội Dòng Con Đức Mẹ Đi viếng, Dòng Saint Paul Huế-Đà Nẵng-Hà Nội, Dòng Biển Đức Thiên An và Dòng Thánh Tâm Huế gặp gỡ nhau trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria, để cùng nhau học hỏi những kỷ năng sống và làm việc trong vai trò Bề trên Cộng đoàn do các Cha giáo là Bề trên các Tỉnh Dòng.

Thánh lễ Khai mạc khoá Huấn luyện do Cha Giuse Trần Hoà Hưng, Giám Tỉnh Dòng Salesian Don Bosco, Chủ tịch Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam chủ tế, cùng đồng tế có Cha Antôn Huỳnh Đầy, Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Tâm Huế, Đặc trách Tu sĩ Giáo phận Huế và quí Cha Dòng Thánh Tâm, Dòng Biển Đức Thiên An.

Chia sẻ trong bài giảng lễ, Cha Chủ tịch Liên hiệp Bề trên Thượng cấp mời gọi mọi người hãy học hỏi Mẹ Maria, vì Mẹ luôn vâng nghe Thánh ý của Thiên Chúa. Chúng ta đảm nhận trách nhiệm Bề trên một Cộng đoàn, đó là một ơn gọi như Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ dạy chúng ta phải nhìn thấy được kế hoạch và chương trình cứu độ đầy tình yêu thương của Thiên Chúa. Khi phụ trách một Cộng đoàn, sẽ có nhiều người vâng phục chúng ta, nhưng trước hết chúng ta phải biết vâng lời và nghe theo Thánh ý của Thiên Chúa như Mẹ đã thưa “Xin vâng”.

Chúa Thánh thần đã ban cho chúng ta Hồng ân Soi sáng, Khôn ngoan, Quyền uy, và trên hết là Niềm tin, xin Thiên Chúa thực hiện trên chúng ta.

Chúng ta đến với Mẹ, lắng nghe lời Mẹ dạy với tâm tình của con thảo. Mẹ đã tin, Mẹ đã vâng lời, đó là điều mà Thiên Chúa muốn thực hiện nơi Mẹ, thì xin Thiên Chúa cũng thực hiện nơi chúng ta. Không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được.

Qua Mẹ và nhờ Mẹ, chúng ta dâng cuộc đời chúng ta cho Thiên Chúa, xin Thiên Chúa thánh hoá chúng ta.

Sau Thánh lễ, Cộng đoàn vui mừng chào đón Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Phó Chủ tịch HĐGM Việt nam, Tổng Giám mục Giáo phận Huế đến chúc mừng Khoá Huấn luyện tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Huế và chụp hình lưu niệm.

Phát biểu tại buổi Khai mạc, Đức Tổng Giám mục chúc mừng tinh thần hiếu học của các tu sĩ nam nữ trong Giáo phận, nhất là các nữ tu dòng Saint Paul từ Hà nội, Đà Nẵng cũng đã về dự. Rất vui khi thấy các tu sĩ nam nữ đã tích cực học hỏi các kỷ năng sống để sau này có thể làm Bề trên Cộng đoàn, phục vụ lợi ích cho Cộng đoàn.

Giáo Hội luôn lưu tâm đến việc Canh tân các Dòng tu để thích nghi trong đời sống xã hội ngày nay, muốn được như vậy phải lệ thuộc rất nhiều vào việc huấn luyện các tu sĩ. Giáo Hội luôn thao thức và khuyến khích.

Ngay cả các Giám mục cũng phải đi thường huấn, và 5 năm một lần đi Adlimina để học hỏi những kiến thức. Vì kiến thức của chúng ta chỉ như giọt nước trong biển cả mênh mông này. Công nghệ và kỹ thuật mỗi ngày mỗi thay đổi, mỗi tiến bộ, nếu chúng ta không học hỏi là sẽ đi thụt lùi với xã hội.

Chúng ta học hỏi tinh thần Khiêm tốn, Cầu tiến. Chúa Thánh thần là Thầy dạy tuyệt vời nhất cho mỗi người chúng ta. Chúng ta phải xác tín rằng kỷ năng nào rồi cũng phải qui vào Giáo huấn của Đức Kitô. Đức Kitô có đầy đủ tất cả các chương trình mà chúng ta cần phải học hỏi.

Diện mạo của Bề trên phải là người đầy tớ, là người có quyền uy nhưng không phải để cai trị mà là để phục vụ. Chúa Giêsu nói: “Thầy đến với anh em như một người phục vụ”. Chúa Giêsu là Thầy mà còn phải cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.

Đức Tổng Giám mục ngõ lời cảm ơn quí Cha Bề trên Tỉnh Dòng đã đến chia sẻ cho các Dong tu tại Giáo phận Huế. Xin Chúa ban cho mọi người an vui và tiếp thu được tất cả mọi giáo huấn để Tân Phúc âm hoá bản thân.

Cha Antôn Huỳnh Đầy thay mặt toàn thể tu sĩ nam nữ cảm ơn Đức Tổng Giám mục đã có những lời giáo huấn quí báu.

Chương trình Huấn luyện sẽ diễn ra trong 5 ngày với các đề tài:

1/ Diện mạo vị Bề trên, Phụ trách Cộng đoàn.

2/ Chức năng đồng hành của Bề trên, Quản trị thiêng liêng.

3/ Đào tạo đời sống Thánh hiến ngày nay.

4/ Thần học về Xung đột và Chữa lành áp dụng trong cộng đoàn tu sĩ.

5/ Những Khủng hoảng và yếu kém trong ơn gọi tu trì.
 
Hành Hương Đức Mẹ TàPao, tháng 10 năm 2014
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:13 13/10/2014
Trong Năm Phụng Vụ, tháng 10 là tháng Mân Côi. Lòng sùng kính của người tín hữu đối với Đức Maria suốt thời gian này mang một tâm tình đạo đức thảo hiếu là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi và đến các Trung Tâm Thánh Mẫu cầu nguyện bên Mẹ.

Hình ảnh

Từ chiều 12.10, mưa to gió lớn, nước ngập mọi lối. Lạ lùng khi đến Tàpao, 5 giờ chiều trời tạnh cơn mưa, đường vào lễ đài bùn lầy tung tóe lấm láp áo quần.

Quảng trường Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao đã được chuẩn bị chu đáo cho đêm diễn nguyện “Kinh Mân Côi”. Các Nữ Tu MTG Phan Thiết đang tổng dợt chương trình. Từng đoàn hành hương lên núi cầu nguyện bên Mẹ.

Cung nghinh Mẹ

Hàng chục ngàn người với nến sáng trên tay hòa vang những khúc ca ngợi khen Mẹ. Đoàn kiệu thánh tượng Đức Mẹ Tàpao tiến lên lễ đài. Ngàn ngàn ngọn nến lung linh cháy sáng sưởi ấm tâm hồn đoàn con cái.Giữa trời đêm núi rừng, lời kinh tiếng hát âm vang quyện đan trong gió ngàn dâng lên Mẹ. Huyền nhiệm và ấm cúng biết bao.

Diễn nguyện Chuỗi Mân Côi.

Đêm nay người người từ khắp phương trời quy tụ về bên Mẹ giữa núi rừng Tàpao.

Tàpao hôm nay không âm u như trước đây nhưng vẫn mang nét đẹp của núi rừng trùng điệp ngát xanh.

Tàpao đúng là một giấc mơ đẹp. Mẹ ơi, một giấc mơ mà nhiều khi chúng con không thể ngờ tới. Nếu ai đã một lần đặt chân đến Tàpao cách đây 25 năm mới thấy sự đổi mới thật lạ lùng.

Tàpao có nhiều thay đổi, vì cuộc sông bà con dân làng nơi đây đã khá hơn. Chung quanh linh địa Mẹ đã thoáng mát và khang trang hơn. Đường lên núi không còn cheo leo vất vả như trước. Nhưng cái không hề đổi thay là Mẹ vẫn đứng đó để lắng nghe, để thông chia những vui buồn trong cuộc sống mỗi khi chúng con đến với Mẹ.

Giây phút này, chúng con xin dâng lên Mẹ tất cả những ai đang gặp khó khăn, đau khổ về tinh thần lẫn thể xác; những ai đang bơ vơ lạc lõng giữa biển đời mà chưa tìm được nơi nương tựa; những ai đã vì danh vọng, vì lợi ích cá nhân, vì những thú vui chóng qua đã bán rẻ nhân phẩm mình và còn nhiều nỗi lo buồn khác.

Lạy Mẹ Maria, Mầu Nhiệm Vui họa lại cuộc đời của Mẹ trong những tháng ngày hiệp thông trong Ơn Cưú Chuộc của Ngôi Hai Con Thiên Chúa. Chúng con mượn lại những hình ảnh ấy cùng với lời Kinh Kính Mừng để nhờ Mẹ chuyển cầu lên Thiên Chúa cho những ý nguyện chúng con tiến dâng.

Các Nữ Tu Dòng MTG Phan Thiết phụ trách chương trình.Với những gợi ý suy niệm giúp cộng đoàn sốt sắng lần chuỗi Mân Côi Năm Sự Vui. Qua mỗi ngắm đều có múa phụ họa và diễn cảnh cùng những lời cầu nguyện dâng lên Mẹ mến yêu.

Giờ diễn nguyện kết thúc bằng bài thánh ca cộng đồng “Nguồn cậy trông”. Cộng đoàn cùng quỳ gối tôn thờ Thánh Thể

Suy Tôn Thánh Thể

Đức Cha Giuse cung nghinh Thánh Thể chung quanh quảng trường, cộng đoàn quỳ gối tôn thờ. Đức Cha cầm hào quang Mình Thánh Chúa đi sau đoàn rước nghiêm trang của các Gia trưởng. Kết thúc giờ cầu nguyện, ngài ban phép lành Thánh Thể, mọi người tiếp tục lên linh đài kinh hạt bên Mẹ.

Đêm diễn nguyện “Kinh Mân Côi” kết thúc bằng phép lành Thánh Thể. Âm nhạc và lời kinh hạt hòa nhịp thật nhẹ nhàng mà sâu lắng, lời ca điệu múa đi vào cõi tâm linh người nghe thấm vào tâm tư máu thịt. Lời ca tiếng hát ấy như những bông hoa muôn màu muôn sắc dâng trước nhan Mẹ. Những bông hoa kinh nguyện sốt sắng kết dệt nên những lời ca tụng Mẹ. Những bông hoa hi sinh, hoa bác ái muốn toả hương dưới chân Mẹ. Những bông hoa nói lên lòng yêu mến của con cái đối với Mẹ hiền. Những bông hoa cũng cố gắng diễn tả phần nào nét đẹp của Mẹ. Giữa ngàn hoa, Đức Maria nổi bật như bông hoa cao quí xinh đẹp nhất. Đẹp đến độ "đẹp lòng Thiên Chúa".

Thánh lễ.

Sáng ngày 13.10, khách hành hương tiếp tục đổ về Tàpao. Hàng mấy chục ngàn người lội bùn tiến lên lễ đài. Các ngã đường vào lễ đài đều kín người.

6g30, nghi thức khấn Đức Mẹ. Mọi người dâng những ý nguyện như xin ơn bình an, xin ơn hoán cải, xin cho gia đình được đoàn tụ, xin cho con cháu thoát khỏi các tệ nạn xìke ma túy, xin cho các phụ nữ mang thai được sinh con, xin cho công việc làm ăn được thuận lợi và xin cho Giáo Hội được bình an hiệp nhất…và dâng lời tạ ơn.

7giờ, đoàn rước tiến lên lễ đài. Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống cùng đồng tế với 80 linh mục trong và ngoài giáo phận.

Mở đầu, Đức Cha Giuse ngỏ lời với cộng đoàn.

Trong niềm bình an của Chúa Kitô, xin hợp với quý cha đồng tế, gởi tới cộng đoàn hành hương lời chào mừng rất đặc biệt của thánh lễ sáng nay.

Ngày 13.10.1917, hiện ra lần cuối tại Fatima, Đức Mẹ đã tự giới thiệu mình là Mẹ Mân Côi, đồng thời Mẹ cùng lần hạt với 3 trẻ. Trong 3 mệnh lệnh Fatima, Mẹ kêu gọi “hãy siêng năng lần Hạt Mân Côi”. Như vậy, danh xưng Maria đi liền với Chuỗi Mân Côi. Thánh lễ sáng nay, cộng đoàn kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Mân Côi. Xin nhờ lời chuyển cầu của Mẹ cho những ý khấn cùng dâng lên trước đây, đồng thời xin Mẹ cho mỗi người chúng ta biết gắn bó với Kinh Mân Côi, biết yêu mến Kinh Mân Côi và biết lần Hạt Mân Côi trong đời sống của mình, trong gia đình cũng như giữa cộng đoàn để nhận được ân phúc từ lời kinh kỳ diệu này. Kinh Mân Côi nuôi dưỡng đời sống đức tin. Chúng ta cũng xin Mẹ Mân Côi qua phương tiện Kinh Mân Côi giúp cho đời sống đức tin được cũng cố và được phát triển.

Gửi em một chục Mân Côi
Để em sớm tối học lời cầu kinh.
Trên cao Mẹ sẽ thương tình,
Cho em hạnh phúc, gia đình an vui.

Đức Cha Giuse Giảng lễ, suy niệm “Kinh Mân Côi lời kinh kỳ diệu”.

Trong ba ngày nay, giới truyền thông thế giới nhắc nhiều đến một thiếu nữ Pakistan tên là Malala Yousafzai, cô được chung giải Nobel hòa bình cùng với một người Ấn Độ. Cô Malala mới 17 tuổi, là thiếu nữ trẻ tuổi nhất cũng như là người trẻ tuổi nhất được vinh dự nhận giải Nobel hòa bình.Cô đã bị phe Taliban bắn trọng thương vào đầu tháng 10 năm 2012 và may mắn được chữa lành.Thế giới tôn vinh cô vì có công đấu tranh việc bênh vực quyền đi học của các trẻ em nữ, nhất là tại các nước Hồi giáo.

Hôm nay ngày 13 tháng 10, tại Trung Tâm Thánh Mẫu TàPao, cộng đoàn hành hương lại nhắc đến một thiếu nữ khác, thiếu nữ Sion là Đức Maria, sinh thời đã gắn bó cuộc đời với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ, và nay trên thiên quốc luôn phù hộ cho mọi người. Nhắc đến Mẹ dịp kỷ niệm hiện ra lần cuối tại Fatima vì Mẹ đã giới thiệu mình là Mẹ Mân Côi và cùng lần hạt với ba trẻ như muốn giới thiệu Kinh Mân Côi là “kinh kỳ diệu”. Kỳ diệu ở chỗ nào?

1. Kinh Mân Côi kỳ diệu ở chỗ gặp gỡ Đức Maria trong tình mẫu tử.

Đành rằng lời kinh nào dâng lên Đức Maria cũng là dâng lên trong tình mẩu tử, như được thể hiện qua truyền thống cầu nguyện Việt Nam, nhất là trong lãnh vực ca nguyện.Cứ thử làm một bảng liệt kê những ca khúc hát dâng Đức Mẹ ắt sẽ rõ. Nhiều lắm! Chỉ những ca khúc bắt đầu bằng chữ “Mẹ ơi” từ nốt bậc năm về nốt bậc một, không phân biệt trưởng thứ cũng có thể làm thành một cuốn sưu tập không mỏng (Lòng tha thiết, Trước nhan Mẹ, Đời con dõi bước, Bao người lạc bước…). Nhưng vượt lên tất cả, riêng Kinh Mân Côi đã đẩy tình mẫu tử ấy lên một cung bậc diệu kỳ.

Phần đầu Kinh Kính Mừng dựa trên Phúc Âm là lời chào của sứ thần Gabriel kết hợp với lời mừng của bà Êlisabet làm thành lời xưng tụng Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu, Đấng từ trời cao xuống thế làm người. Phần sau Kinh Kính Mừng là lời xin ơn trợ giúp qua đó tín hữu tung hô Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Và tổng hợp cả hai phần ngắn ngủi đọc lên chỉ trong mười lăm giây đồng hồ là cả một lời kinh kỳ diệu nối kết tâm tình con thảo vào với mầu nhiệm Đức Maria trên đỉnh vị thế là Mẹ Thiên Chúa – Mẹ con người; Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ của mỗi người chúng ta.

Nếu “nải chuối buồng cau, đường mía lau xôi nếp một” là ca dao tình mẹ nhân gian ngọt ngào, thì Kinh Kính Mừng quả là lời kinh tuyệt diệu đậm đà tình mẫu tử thiêng liêng, giúp ta gặp được Đức Maria cao xa là Mẹ Chúa Trời, nhưng luôn gần gũi với người dương gian, dẫu người phận cỏ mình rơm, là kẻ có tội “khi nay và trong giờ lâm tử”.

2. Kinh Mân Côi còn kỳ diệu ở chỗ qua Mẹ để đến với Chúa Kitô.

Thật vậy, hình thức lời kinh trực tiếp dâng lên Đức Mẹ, nhưng nội dung chiêm niệm lại là mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu trải ra theo mười lăm năm ngắm truyền thống Vui Thương Mừng và năm mầu nhiệm sự Sáng do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề nghị. Chả thế mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô VI trong Tông huấn “Marialis Cultus” đã gọi Kinh Mân Côi là “Cuốn Phúc Âm rút gọn” để có thể ghi vào trong bộ nhớ sống, sẵn sàng bung ra làm việc trên màn hình máy tính cuộc đời. Từ việc Chúa Giêsu sinh ra trong Máng cỏ đến việc Người biến hình trên Núi Tabor, rồi qua việc Người như bị Chúa Cha ruồng bỏ, để hiện hình sáng tỏ trong mùa Phục Sinh.

Tất nhiên, người ta có thể đến với Chúa Giêsu bằng nhiều cách khác nhau như đọc Phúc Âm, rước Thánh Thể, thương giúp người…, nhưng đến với Chúa Giêsu bằng cung cách của Kinh Mân Côi thì quả là độc đáo: không phải là bí tích nhưng hiệu quả dọn đường cho bí tích; không phải là Phụng Vụ nhưng tâm tình rất cận kề Phụng Vụ; và nhất là được cùng với Đức Mẹ trên từng cây số cuộc đời Chúa Giêsu theo phong cách của Đức Mẹ là “lưu giữ và suy niệm trong lòng”, tức là “khẩu tụng” đều đều lời kinh Đức Mẹ và “tâm suy” dài dài cuộc đời Đấng Cứu Thế.

“Qua Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu” chính là đây, bằng phương thức tụng niệm, vừa đọc vừa suy của Kinh Mân Côi. Đó là kết cấu tinh thần. Nhưng trong kết cấu vật thể của tràng hạt Mân Côi, người ta cũng thấy rõ dụng ý này: năm mươi năm Kinh Kính Mừng kết thành tràng hạt, nhung cả tràng hạt chỉ được kết thúc bằng tượng Chúa Giêsu chiu chết treo trên Thánh giá. Thật kỳ diệu, bằng Kinh Mân Côi người ta được Đức Mẹ dẫn tới gặp gỡ Chúa Giêsu.

3. Kinh Mân Côi còn kỳ diệu như phương thế giúp vững bước trên đường nên thánh.

Khi nêu lên hiệu quả thánh hóa của Kinh Mân Côi trong nhịp sống Giáo Hội, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không quên gợi lại lời kêu gọi của Đức Mẹ trong những lần hiện ra tại Lộ Đức và Fatima, và nhất là chính kinh nghiệm của ngài gắn bó với chuỗi Mân Côi, lúc còn bé cũng như trong sứ vụ dẫn dắt Giáo Hội và cách riêng qua biến cố ngài bị ám sát hụt ngày 13/5/1981. Kinh Mân Côi, như kiểu nói bình dân, là vũ khí giúp ta chống lại ba thù “ma quỷ, thế gian, xác thịt”, và là sinh tố tăng cường ba việc “nên thánh, mến Chúa, yêu người”.

Nếu nhân đức là việc tốt lành được tập tành lập đi lập lại thành thói quen phản xạ tự nhiên, thì Kinh Mân Côi chính là một bửu bối không thể thiếu được cho người tu thân luyện đức theo gương Đức Mẹ và theo chân Chúa Giêsu từ Máng cỏ ấp ủ qua Thập giá trui rèn tới Nhà Tạm chiêm ngưỡng. Mỗi một mầu nhiệm xướng lên là một nhân đức khơi gợi, để theo lời kinh nhả nhẹ và dưới tác động của ơn thánh, lòng người được bớt bất xứng hơn, tạo điều kiện thuận lợi dần dần cho việc nên thánh.

Những nhà thông thái có sách vở chữ nghĩa, những nhà cai trị có sức mạnh quyền hành, những nhà tu trì có bầu khí ổn định làm phương tiện, còn hầu hết chúng ta là những nhà “tu hành” nghĩa là “tu thân bằng việc hành đạo”, thì Kinh Mân Côi chính là hành trang gọn nhẹ đeo cổ tay giúp thánh hóa bản thân gia đình và xã hội. Theo nghĩa này, Kinh Mân Côi không khác gì điện thoại di động hòa đời ta vào mạng sự sống thiêng liêng.

Đối với cộng đoàn hành hương hôm nay, chúng ta quyết tâm sống theo lời Mẹ trong dịp hiện ra lần cuối tại Fatima là “siêng năng lần hạt”.

Nhân tiện cũng thông báo đến cộng đoàn tin vui, nhờ Mẹ hỗ trợ, Trung Tâm Thánh Mẫu TàPao đã được cấp sổ đỏ và công nhận là đất tôn giáo, bao gồm quảng trường hành lễ ngày 13 mỗi tháng đây. Xin tạ ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ. Và xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện để trong tương lai không xa, Trung Tâm Thánh Mẫu TàPao sẽ còn được tôn vinh Đức Mẹ sốt sắng hơn và phục vụ cộng đoàn chu đáo hơn.

“Tháng Mười con đến Tàpao,
Kinh Mân Côi khấn ngọt ngào lời ca.
Mẹ ơi tình Mẹ bao la,
Giúp con hoán cải, mặn mà tin yêu”.

Theo phong cách của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Cha Giuse xướng 3 lần “quyết tâm”, cộng đoàn mạnh mẽ đáp lại “lần hạt Mân Côi”. Âm vang lan tỏa khắp đại ngàn Tàpao: quyết tâm lần hạt Mân Côi.

Cuối thánh lễ, Đức Cha Giuse làm phép nước và ảnh tượng. Khách hành hương ra về mang theo hạnh phúc của “hồng ân Chúa như mưa như mưa”, mang theo o ơn lành của Mẹ Tàpao.

Hẹn nhau tháng 11 cùng về bên Mẹ dâng những tâm tình yêu mến từ trái tim của người con hiếu thảo cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.
 
Thông Báo
Phân Ưu: Thân phụ Linh mục Stephanô Bùi Thượng Lưu qua đời tại Lorient, nước Pháp
Ban Giám Đốc VietCatholic Network
10:52 13/10/2014

CÁO PHÓ
“Ta là sự sống lại và sự sống” (Ga 11, 25a)
Chúng tôi vừa nhận đưược tin buồn:
Ông Cố Antôn Bùi Lưu Ước
(thân phụ của LM Stephanô Bùi Thượng Lưu)
Sinh tại xã Tòng Chính, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, giáo phận Thanh Hóa.
Đã an nghỉ trong Chúa vào 19g45 thứ bẩy ngày 11/10/2014 (nhằm ngày 18/9 năm Giáp Ngọ),
tại an dưỡng viện LE DIVIT, thành phố Lorient, nước Pháp
Hưởng thượng thọ 96 tuổi.

Chương trình Tang Lễ:
Thánh lễ ñưa chân: 15g00 thứ hai, 13/10/2014 tại nhà nguyện Petites Soeurs des Pauvres
Thánh lễ phát tang: 18g00 thứ tư, 15/10/2014 tại nhà nguyện Petites Soeurs des Pauvres
Phúng viếng: Từ 10g00 đến 14g00 15/10/2014 tại nhà quàn cạnh nhà nguyện Petites Soeurs des Pauvres
Thánh lễ An táng: 14g30 thứ năm ngày 16/10/2014 tại nhà nguyện Petites Soeurs des Pauvres:
52 Rue de Kerjulaude, 56100 Lorient, France.

Cha Stephanô Bùi Thượng Lưu là Phó Giám Đốc VietCatholic Network
Đại Diện Tuyên Uý đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức Quốc
Chủ Nhiệm Nguyệt San Dân Chúa Âu Châu

Trước sự ra đi của Ông Cố Antôn, chúng tôi toàn Ban giám đốc, những người Bạn, các Công tác viên
của VietCatholic Network xin thành kính phân ưu cùng Cha Stephanô và đại gia đình.
xin Chúa thưởng công cuộc sống vĩnh cửu trên Nước Trời cho linh hồn Ântôn
và niềm tin vào Chúa Phục Sinh là phần thưởng và an ủi cho chúng ta.

LM Gioan Trần Công Nghị
và toàn Ban Giám Đốc VietCatholic
 
Cáo Phó: Nữ tu Maria Goretti Nguyễn thị Tin qua đời tại Gò Vấp
Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Bích Thuỷ
09:37 13/10/2014
“NHỜ THÁNH GIÁ TỚI ÁNH SÁNG VINH QUANG CỦA ĐẤNG PHỤC SINH” (HC 65)

CÁO PHÓ
Hội dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp
Trân trọng kính báo: Người chị em chúng con

Nữ tu MARIA GORETTI NGUYỄN THỊ TIN
Sinh ngày 15 tháng 7 năm 1952 tại Hà Nam Ninh
Đã an nghỉ trong Chúa lúc 06 giờ 00’ Thứ Hai, ngày 13 tháng 10 năm 2014
Tại Tu viện Nhà Mẹ, 523A (578 cũ) Lê Đức Thọ, Phường 16, Quận Gò Vấp
Hưởng thọ 62 tuổi - Khấn Dòng 36 năm

Nghi thức tẩm liệm : 18 giờ 30’ Thứ Hai, ngày 13 tháng 10 năm 2014
Nghi thức di quan: 04 giờ 45’ Thứ Tư, ngày 15 tháng 10 năm 2014
Thánh lễ đồng tế An Táng : 05 giờ 00’ Thứ Tư, ngày 15 tháng 10 năm 2014
tại Nguyện Đường Nhà Mẹ Hội dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp.
Sau đó sẽ được Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Chúng con kính xin Đức Tổng Giám Mục Phaolô, Đức Hồng Y, quý Đức Cha, quý Đức Ông, quý Cha, quý Bề trên,
quý Chị Tổng Phụ trách các Hội dòng Mến Thánh Giá, quý tu sĩ nam nữ và quý vị cầu nguyện cho linh hồn MARIA GORETTI
người chị em của chúng con sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.
Hội dòng chúng con xin chân thành cảm tạ.

Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Bích Thuỷ
Tổng Phụ trách
 
Đại hội La Vang lần VII tại Las Vegas
Lm Đồng Minh Quang
10:53 13/10/2014
Tâm TìnhTạ Ơn

Một năm trôi qua thật mau, dư âm Đại Hội “Về Bên Mẹ Tạ Ơn Chúa” vẫn còn vang đó đây trong trái tim của mọi người chúng ta. Trong không khí hân hoan tưng bừng chuẩn bị Đại Hội Mẹ La Vang kỳ VII, chúng con xin
gởi đến tới quí Đức Cha, quí Đức Ông, qúi Linh Mục, Tu Sĩ, quí thượng khách và ân thân nhân, cùng toàn thể con cái Mẹ khắp nơi với lòng quí mến chân thành nhất, vì lòng sùng kính Mẹ La Vang và với tâm tình yêu mến Cộng đoàn Đền Thánh Mẹ La Vang nhỏ bé này, mà đã không quản ngại với những tuyến đường xa và tốn kém thời gian và tiền bạc, tham dự Đại Hội Thánh Mẫu La Vang 2014 qua chủ đề: “Cùng Mẹ Sống Ánh Sánh Đức Tin”.

Thật sự như vậy, cộng đoàn Mẹ La Vang Las Vegas chúng con luôn diễm phúc vì đã cảm nhận được bao Hồng Ân Chúa vì cho đến hôm nay, kể từ ngày Thánh Hiến Đền Thánh, chúng ta đã tổ chức được 7 Đại Hội trong an bình và tràn đầy Hồng Ân Chúa. Với tâm tình tạ ơn, chúng con mong được gặp lại những gương mặt thân thương của Đức Cha, quí Đức Ông, qúi Linh Mục, Tu Sĩ, quí thượng khách và ân thân nhân, cùng toàn thể con cái Mẹ khắp nơi trong những ngày 17, 18 & 19 tháng 10, 2014. Xin dâng trọn Đền Thánh và Đại Hội Mẹ La Vang kỳ VII lên Thiên Chúa trong tâm tình phó thác và cảm tạ. Tạ Ơn Chúa là chúng ta có Chúa và còn có nhau để “Cùng Mẹ Sống Ánh Sánh Đức Tin”. Xin được thông báo chương trình của 3 ngày Đại Hội:

Thứ Sáu 17.10.2014
3:30 pm: Đón Tiếp Quý Khách.
4:30 pm: Chầu Thánh Thể (Nhà Thờ)
Lm. Giuse Trần Ngọc Diệp & Phái Đoàn Hành Hương.5:30 pm: Thánh Lễ Khai Mạc
(Linh Đài)Đức Cha Joseph A. Pepe chủ tế; Đức Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long; Cha
Tổng Quản George E. Mockel-Oakland thuyết giảng và Quý Linh Mục đồng tế.
6:45 pm: Ăn Tối.
7:30 pm: Văn Nghệ Chào Mừng Đại Hội (Linh Đài)
Chủ Đề: “Niềm Vui Cùng Mẹ Sống Ánh Sáng Đức Tin.”
MC: Lm. Martinô Nguyễn Bá Thông.

Thứ Bảy 18.10.2014
7:00 am: Chầu Thánh Thể (Nhà Thờ); Lm. Giuse Trần Ngọc Diệp & Phái Đoàn Hành Hương.
8:00 am: Thánh Lễ Cầu Nguyện Cho Bệnh Nhân (Linh Đài)
L.m. Hoàng Văn Thi chủ tế; L.m. Nguyễn Thảo, S.J. thuyết giảng.
9:30 am: Đề Tài I: (Lều Hội Trường) “Sống Ánh Sáng Đức Tin Qua Ơn Gọi Gia Đình”
Thuyết Trình: Lm. Martinô Nguyễn Bá Thông.11:00 am: Đề Tài II: (Lều Hội Trường)
“Sống Ánh Sáng Đức Tin Qua Tinh Thần Phó Thác”;
Thuyết Trình: Lm. Nguyễn Thảo, S.J.
12:30 pm: Ăn Trưa.
1:30 pm: Đề Tài III: (Lều Hội Trường)
“Sống Ánh Sáng Đức Tin Qua Sứ Điệp Tin Mừng”;
Thuyết Trình: Đức Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long.
3:00 pm: Tạ Ơn Lòng Chúa Thương Xót (Lều Hội Trường);
L.m. Giuse Nguyễn Đức Trọng chủ sự.
4:00 pm: Bí Tích Hòa Giải (Tất cả quý Linh Mục).
5:00 pm: Ăn Tối.
6:00 pm: Văn Nghệ (Linh Đài)
Chủ Đề: “Ra Đi Cùng Mẹ Sống Ánh Sáng Đức Tin.”;
MC: Lm. Martinô Nguyễn Bá Thông.
7:30 pm: Rước kiệu trọng thể kính Đức Mẹ La Vang và Thánh Lễ-Đức Cha Anphongsô Nguyễn
Hữu Long chủ tế & thuyết giảng và qúy Linh Mục đồng tế.

Chúa Nhật 19.10.2014
9:30 am: Thánh Lễ Bế Mạc Cùng Mẹ Sống Ánh Sáng Đức Tin (Linh Đài)-Đức Cha Anphongsô
Nguyễn Hữu Long chủ tế & thuyết giảng và quý Linh Mục đồng tế.
* Lãnh Phép Lành của Đức Thánh Cha Phanxicô.
 
Tin Đáng Chú Ý
Y tá gốc Việt Nina Pham, người Mỹ đầu tiên nhiễm Ebola trên đất Mỹ
RFA
17:04 13/10/2014
Y tá gốc Việt Nina Pham, người Mỹ đầu tiên nhiễm Ebola trên đất Mỹ

Người Mỹ đầu tiên bị lây nhiễm virus Ebola trên đất Mỹ là cô Nina Phạm, y tá Mỹ gốc Việt, 26 tuổi, đã có tiếp xúc với bệnh nhân Thomas Eric Duncan. Thomas mắc bệnh từ Liberia, đến Mỹ, vào bệnh viện nhưng đã chết vì bệnh viện Cơ đốc Dallas không cứu chữa được ca bệnh này.

Cô Nina Phạm đã giúp việc chữa trị cho bệnh nhân người châu Phi. Tin tức cho biết Nina có mang đầy đủ trang bị bảo vệ chống Ebola trong mọi lần tiếp xúc với bệnh nhân.

Giám đốc Cơ quan phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ CDC cho rằng bệnh viện Cơ đốc Dallas đã vi phạm thủ tục y khoa trong việc điều trị bệnh nhân Ebola.

Nina Phạm là một trong 48 người ở Hoa Kỳ mà cơ quan CDC theo dõi vì đã trực tiếp hay gián tiếp tiếp xúc với bệnh nhân Duncan.

Tin mới nhất cho hay sức khỏe của người y tá gốc Việt đang trong tình trạng ổn định.

Tốt nghiệp đại học ở Texas năm 2012, Nina Phạm được bạn bè và gia đình mô tả là một người có tấm lòng trắc ẩn lớn lao, quên mình vì người khác trong nghề nghiệp y tá.

Được biết, Cô Nina Phạm thuộc Giáo xứ Fatima, Dallas Fort Worth. Hiện tất cả giáo dân của giáo xứ này và những giáo xứ lân cận đã được yêu cầu cùng chung lời cầu nguyện cho cô .
 
Văn Hóa
Thương nhớ cội nguồn
Anna Nguyễn
08:35 13/10/2014
Thương nhớ cội nguồn

Mỗi người được sinh ra trong cuộc đời này đều mang sẵn huyết thống và tế bào của cha mẹ, ông bà của mình truyền cho. Tình thương nhớ sâu đậm đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những bạn bè thân quen đã mất là lẽ thường tình của đạo làm người.

" Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn”


Có lẽ , hình ảnh tốt đẹp nhất, thiêng liêng cao quí được ấp ủ trong trái tim của mỗi người con luôn vẫn là người mẹ, người cha!
“Công cha như núi Thái sơn!” Người cha đã âm thầm, không ngại khó khăn, gian khổ, không quản nắng mưa, đã gánh trên vai mình cả gia đình để vượt qua những thăng trầm của cuộc đời. Không ai dám cho đi cả cuộc đời vì hạnh phúc của người con bằng người mẹ, người cha!

„ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra!“ Khi con vang tiếng khóc oa oa chào đời trong cơn đau đớn kinh hoàng của mẹ, nhưng cũng chính là lúc sung sướng nhất của đời mẹ, vì mẹ đã có con. Mẹ đã cắt chính ruột mình để cho con có sự sống. Bầu sữa mẹ mát tươi, bổ duỡng nuôi con khôn lớn. Mẹ luôn là người bên cạnh để dìu dắt, dạy bảo và lo lắng cho con!

“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ.
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn.
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con.”

Không ai có thể sống như một hòn đảo, riêng lẻ một mình, mà chỉ có thể sống được là nhờ biết liên đới với mọi người khác. Khi bưng chén cơm ngon, có biết bao người đã dầm mưa dãi nắng trên cánh đồng!
Một niềm hạnh phúc lớn là chúng ta được sinh ra có mẹ có cha và được hưởng phước đức từ đời cha mẹ, ông bà, tổ tiên để lại! Vậy mỗi người cũng có bổn phận đóng góp vào kho tàng phúc đức đó, để làm phong phú hoá. Từ đó, nhớ đến người đã chết là để biết ơn.

"Cây có gốc mới nở nhành xanh ngọn,
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu,
Người ta nguồn gốc từ đâu?
Có cha có mẹ rồi sau có mình."

Khi đối diện với cái chết của người khác, tôi không khỏi phải liên tưởng đến cái chết của mình. Ranh giới giữa sống và chết sao quá mong manh! Người mà tôi mới gặp ngày hôm qua, hôm nay họ đã là một cái xác lạnh ngắt, nằm yên trong huyệt mộ. Số phận con người như “hoa sớm nở tối tàn”, thật quá phù du! Lúc còn sống, chúng ta mang đến cho nhau niềm vui, nụ cười; Và lúc giã biệt ra đi, chúng ta không c òn ngậm ngùi, nuối tiếc. Vì vậy, nhớ đến người chết là để phải nhớ đến thân phận của mình đang sống.

“Làm sao giấc ngủ cho tròn
Làm sao khi chết vẫn còn lưu danh!”

Nhìn bình minh ló dạng ,rực nắng ban mai, nhắc nhở tôi, hoàng hôn sẽ buông xuống, nhạt nắng xế chiều. Lúc sum họp, rộn rã nói cười; Khi chia ly, khóc thương, buồn nhớ. Chết như một định luật! Mặc dù, không muốn nghĩ về sự chết, nhưng tôi không thể tránh khỏi phải chết. Sự chết ở trong chính tôi. Cuộc đời có ý nghĩa vẫn chỉ là cuộc đời chuẩn bị cho ngày chết. Không ai mà không phải chết, nhưng liệu chúng ta đựơc chết trong thanh thản an bình, hay chết trong sợ hãi, dằn vặt, âu lo! Vậy, nhớ đến người chết để biết mình cũng phải chết.

“Cuộc đời thực thực, hư hư.
Hôm nao còn bạn, bây chừ cách chia
Trần gian nay đã xa lìa
Xuôi tay, nhắm mắt, nằm kia lạnh lùng
Hồn thì về cõi mông lung
Với mây, với gió, đi cùng trăng sao “

Trong cuộc sống, người ta cứ mãi vất vả ngược xuôi, lo chiếm hữu, tích lũy, cố làm cho đời mình được hạnh phúc sung sướng, giàu có để được bền vững. Than ôi ! ai nào ngờ, trong bất chợt, con người lại phải ra đi trắng tay một mình. Do đó, nhớ đến người chết để biết mình đang sống và sống xứng đáng là người hơn.

« Một đời phú quý vinh hoa
Một đời đói rách cũng qua một đời »

Thương nhớ về cội nguồn là xu hướng tự nhiên của con người, như máu chảy về tim, như lá rụng về cội. Là người, ai cũng có cội nguồn và phải biết nhớ về cội nguồn. Đặc biệt là người Việt nam rất trọng Chữ Hiếu với đạo làm con. Nhưng, trước hết và trên hết, cội nguồn đích thực nhất, chính là Ông Trời, Thiên Chúa Toàn Năng, luôn luôn chúng ta phải tôn thờ, mến yêu!

“Trước khi chưa dựng đất trời,
Chúa hằng hữu đã rạng ngời, vinh quang!”

München vào thu
Anna Nguyen
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mẹ Mân Côi
Diệp Hải Dung
21:11 13/10/2014
MẸ MÂN CÔI
Ảnh của Diệp Hải Dung (Australia)
Tháng mười là tháng mân côi
Cha mẹ đã dạy từ hồi còn thơ
Bao năm cũng chẳng phai mờ
Niềm tin ta có là nhờ mẹ cha
Tối về xum họp cả nhà
Lời kinh dâng kính Chúa Cha trên trời..
(Trích thơ của Trầm Hương Thơ)