Ngày 14-10-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cầu Nguyện Là Tri Ân, Cảm Tạ, và Biết Ơn Thiên Chúa
Tuyết Mai
08:18 14/10/2010
Chúa nhật 29 Thường Niên C

Con người nhân loại của chúng ta chỉ khá hơn những loài sinh động vật ở cái trí khôn, có linh hồn là giống thiêng liêng, và có hình ảnh giống Thiên Chúa khi Ngài tạo dựng nên chúng ta. Bởi vì Ngài đã tạo dựng nên chúng ta có trí khôn hơn các loài thú, nên tổ phụ của chúng ta là hai ông bà Adong và Evà đã bị Luciphe (con rắn độc) nó cám dỗ ở vườn Địa Đàng năm xửa năm xưa. Vì có trí khôn nên hai ông bà đã nghe theo lời dụ ngon ngọt của con quỷ ghê tởm kia là cũng muốn mình được khôn ngoan và được hiểu biết mọi sự ngang bằng với Thiên Chúa. Và vì sự kiêu ngạo đó mà hai ông bà đã bị Thiên Chúa phạt, tống cổ ra khỏi vườn địa đàng. Khi ấy hai ông bà mới biết được thế nào là xấu hổ vì mình trần truồng như nhộng và tìm lá cây để che đậy cái thân thể lõa lồ của mình. Ở vườn Địa Đàng thuở ấy chắc hẳn Thiên Chúa Cha rất giận hai ông bà vì đã không nghe theo lời dậy dỗ của Ngài, mà dám cãi lời để Ngài phải sửa phạt hai ông bà. Và có phải từ đấy con người đã trở nên đau khổ triền miên?. Ở không thì lại không muốn. Trong vườn Địa Đàng hai ông bà chỉ biết hưởng thụ tất cả những gì Thiên Chúa ban cho, thì lại không muốn. Lại chọn muốn khổ cực. Nhưng phải chi Thiên Chúa cảnh báo trước cho hai ông bà biết và thấy rõ là hình phạt nặng nề của hai ông bà sẽ phải chịu nếu bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng thì chắc hẳn hai ông bà sẽ không bao giờ dám ngu dại gì để đi ngheo theo lời của con quỷ già kia. Hay Thiên Chúa Cha đã có nguyên do cho chương trình của Ngài đối với con người và hậu duệ của Chúa sau này!?. Làm sao sự hiểu biết của chúng ta thông suốt và tỏ tường được những sự việc của Thiên Chúa?. Chỉ biết rằng vì trí thông minh của con người mà chúng ta tất cả phải bị vạ và bị hành xử trước tòa Phán Xét, trước Đấng công minh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Cũng vì trí thông minh của loài người mà tất cả chúng ta đang sống xa Chúa. Không chọn Thiên Chúa là vị Cứu Tinh trong cuộc đời của chúng ta. Vì ai chọn sống cho Chúa thì đều được coi là những con người điên, tửng tửng, dại khờ, ngu xuẩn, và không có lý trí. Trong mọi thời đại từ xưa đến nay, đã cho chúng ta thấy rõ rằng ngay cả trong lòng của Giáo Hội mà cũng có những chống đối, những phe phái, những nghi kỵ, ghen ghét, thiếu đức vâng lời, ai cũng cho mình giỏi hơn người khác, và Thiên Chúa cũng bao phen bị chia 5 xẻ 7. Không hiệp nhất không kiêng nể lẫn nhau. Cùng một Chúa mà mỗi phe tin mỗi khác và tự thay đổi Giới Luật của Chúa, để phù hợp với lối sống sa đọa của mình.

Cũng vì trí thông minh của con người, cho nên Nước mạnh đi chiếm Nước nhỏ. Chiến tranh xẩy ra không bao giờ chấm dứt. Do Thái hay không Do Thái, hai Nước kề cận nhau nhưng có mối thù muôn thưở không thể rửa được. Họ thù nhau như thể nếu được họ sẽ tiêu diệt lẫn nhau cho đến người cuối cùng. Thù vì sự khác biệt nhau giữa hai tôn giáo?.

Cũng vì trí thông minh của con người mà ai cũng cho mình là ông vua, mà vua thì không vua nào chịu thua vua nào, cho nên chiến tranh cứ thế mà bùng nổ. Có cũng nổ mà không có thì càng nổ nhiều hơn. Chúng ta càng thông minh bao nhiêu thì cái cao ngạo của chúng ta càng nhiều. Ở ngoài xã hội cái cao ngạo của chúng ta là tôi phải hơn hẳn mọi người, nếu cái Tôi lại diễm phúc có bằng nọ bằng kia, và chức phận làm lớn của mình. Dù cái chức phận của mình đã cao rồi, nhưng vài năm sau chúng ta lại chạy cho được cái chức cao hơn, để thỏa mãn nơi chính mình, và để có cơ hội lương bổng cũng được leo thang. Cái kiêu ngạo tự nó đã phát sinh ra lòng tự mãn, tự phụ, coi trời bằng vung, coi thiên hạ không ra gì. Khinh rẻ người nghèo, thất học, tật bệnh, và khốn cùng trên khắp cùng mọi nơi. Khinh rẻ người làm công, chửi bới, đánh đập, hành hung, và bao điều đau khổ khác, mà cùng là con người lại có thể đối xử với người, chỉ vì Tôi hơn họ.

Chỉ vì trí thông minh của con người được đánh giá qua cái chức vụ và đồng lương của một con người, mà anh hay chị tự cho mình cái ngôi vua ở trong gia đình. Nắm hết quyền hành, luôn ra lệnh mà không cần người phối ngẫu của mình có đồng ý hay không. Tuy dù đó là người chồng đầu ấp tay gối của mình. Trên dưới trong gia đình được đảo lộn vì con ngán quyền của mẹ hơn là của bố, vì bố không được mẹ kính nể và tôn trọng. Anh chồng trong nhà chẳng khác gì một người làm không hơn không kém. Tiếng nói của ông trong gia đình không được ai nghe vì biết rằng ý kiến của ông cũng chẳng có ký lô nào!. Trong gia đình đông con, con nào làm nhiều tiền hơn, thì ý kiến và lời nói của người con đó sẽ được nhiệt liệt tán thưởng và đồng ý ngay. Ngay cả cái ghế của cô cậu cũng được mọi người sắp cho ngồi ở hàng nhất và được cha mẹ rất thương và rất đỗi chiều chuộng ngay cả sự lấn lướt mà dần dần người con này trở thành hỗn láo và leo trèo ngay cả coi thường cha mẹ của mình.

Chỉ vì trí thông minh của con người mà tội lắm cho những ai thích leo trèo và thích vói cao khi khả năng của mình chỉ rất hạn hẹp. Thà là mình ở cao, có tiền, có quyền hành dù là quyền hành rất khiêm nhường, nhưng dù thế mà còn có ăn có chịu. Nhưng thật tội nghiệp cho những ai đã không có gì nhưng lại thích leo trèo, thích bắt chước với cách sống của người trên cao, bắt chước theo cái kiêu ngạo của họ mà hành xử với người một cách thô lỗ và trơ trẽn, chẳng biết người biết ta một tí nào.

Tự mãn, tự kiêu, tự đại, là hình thức của Luciphe, và là con đường của chúng dẫn đưa chúng ta đến hỏa ngục. Vì tánh kiêu ngạo của nó đã biến nó từ một thiên thần sáng láng từng được ở Trên Thiên Đàng sống hạnh phúc với Thiên Chúa, mà trở thành đen đủi và xấu xí bị tống xuống hỏa ngục đời đời kiếp kiếp, chung với những ai có tánh giống chúng.

Thiên Chúa biết con người nhân loại chúng ta rất yếu đuối, mỏng dòn, và sống rất buông thả, nên đã luôn giúp chúng ta cách cầu nguyện cùng Chúa để luôn được Thiên Chúa phù trợ và chở che. Hãy sống trong tâm tình cầu nguyện luôn để Thiên Chúa dậy cho chúng ta những bửu bối cần thiết mà tránh xa chúng. Khi chúng ta có được Ơn Chúa Thánh Thần do cầu nguyện liên lỉ và được Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn cần thiết đó, chúng ta sẽ hiểu và thấy được tường tận những gì là việc làm của chúng mà tránh xa.

Rất có nhiều cách để chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa của chúng ta. Có nhiều người cầu nguyện với Chúa qua kinh kệ được đọc râm ran cả ngày. Có người cầu nguyện cùng Chúa là qua những bài hát Thánh Ca, hát theo hay nghe hát, để đem tâm hồn của mình lên cùng Chúa. Thật vậy, có những bài Thánh Ca hát rất là hay giúp chúng ta hướng lòng lên với Chúa dù chúng ta hát một mình, hát chung với nhóm, hay trong gia đình cùng nhau cầu nguyện. Và có cách cầu nguyện khác nữa rất hữu hiệu là chúng ta nói chuyện tâm sự cùng Chúa. Chúa rất thích khi chúng ta dành thời giờ để tâm sự cùng Ngài. Những vất vả, lo toan, phiền muộn, và mọi thử thách chúng ta gặp hằng ngày, hãy dâng lên cho Chúa. Nói chuyện với Chúa cũng là cách mà chúng ta đem mọi căng thẳng trong ngày trực tiếp dâng lên cho Chúa. Vì không ai chúng ta có thể chia sẻ cùng, cho bằng chúng ta chia sẻ với Thiên Chúa. Ngài nghe chúng ta không sót một chữ nào. Ngài nghe chúng ta và thưởng ban cho chúng ta sự bình an mà thế gian không thể ban tặng. Những giờ riêng tư ấy chúng ta cảm nhận được Ngài đang ở rất gần chúng ta và nghe những tâm tư của chúng ta. Những khao khát và nguyện vọng riêng, Chúa sẽ sắp xếp cho chúng ta được theo Thánh Ý Chúa. Dần dần Ngài sẽ nhờ chúng ta làm việc cho Ngài, cho chương trình của Ngài, và để cho thế giới được bình an. Ngài sẽ nhờ chúng ta là những người thấp kém, thiếu học, không có khả năng, để mọi người nhìn nhận rằng chúng ta tất cả là chứng nhân của Chúa không hơn không kém. Chúa sẽ ban Thánh Thần cho từng người chúng ta để mọi kiêu ngạo của Luciphe không còn ở với chúng ta nữa!.

Cầu nguyện là khí cụ mạnh mẽ và duy nhất giúp chúng ta mãi sống trong Chúa và trong mọi người. Trong tháng 10 Mân Côi này, không gì quý cho bằng tất cả chúng ta hãy chạy đến cùng Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa, để dâng lên Mẹ những tràng chuỗi Mân Côi thánh thiêng, để nhờ Mẹ qua Mẹ sẽ giúp chúng ta có được sự liên kết chặt chẽ với Thiên Chúa Con của Mẹ hơn. Càng lần chuỗi Mân Côi, chúng ta sẽ được Mẹ ban cho những đức tánh tốt giống Mẹ là khiêm nhường, chịu đựng, nhẫn nhục, bác ái, vâng lời, khiết trinh, biết xót thương người, và thờ phượng Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất của toàn thể nhân loại chúng ta.

Lậy Chúa! Xin cho chúng con siêng năng cầu nguyện cùng Chúa bất cứ mọi hình thức nào chúng con chọn trong ngày, để được Chúa dẫn dắt, soi sáng, và ban bình an cho chúng con. Giúp chúng con tránh xa mọi cạm bẫy, sa ngã, và mọi đam mê của thế trần. Amen.
 
Cầu nguyện
Mic Cao Danh Viện
08:19 14/10/2010
Chúa nhật 29 Thường Niên C

Khi em nghe linh hồn thoi thóp thở
Tưởng chừng như sự chết đang trùng vây
Trái tim đang ngái ngũ giữa ban ngày
Là giây phút em không còn cầu nguyện

Sẽ cô đơn nếu em không trò chuyện
Mất bạn tình em mất cả bình an
Tâm hồn em như sa mạc khô ran
Không chút nước nên hồn thoi thóp thở

Em chưa yêu nên em không biết nhớ
Cứ để hồn trong đói khát thiên duyên
Có lẽ nào em không muốn bình yên
Mà ngái ngũ giữa tư bề hỗn độn

Quỳ xuống đi em, sẽ nghe lòng chộn rộn
Đưa tay lên làm dấu của tình yêu
Hãy nói đi! Hồn nhiên biết bao điều
Rồi im lặng nghe linh hồn hít thở

Khi trái tim bỗng cựa mình đòi nợ
Em nghe chăng phút rung động mê ly
Cầu nguyện đi!Em hãy thưa chuyện đi!
Trong kên vững, linh hồn em được sống.
 
Đỉnh cao của cầu nguyện
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:21 14/10/2010
Chúa nhật 29 thường niên C

Theo tục lệ của người Do thái, Chúa Giêsu cầu nguyện một ngày 3 lần: buổi sáng khi mặt trời mọc, buổi chiều vào lúc cử hành hy tế trong đền thờ Giêrusalem (3giờ chiều) và ban tối khi màn đêm buông xuống. Trước và sau bữa ăn còn có những lời kinh tạ ơn. Các giờ cầu nguyện đó là thói quen hàng ngày của bất cứ người Do thái đạo đức nào. Nhưng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu còn có một cái gì đó vượt cao hơn mô hình truyền thống Do thái.

1. Chúa Giêsu cầu nguyện.

Các sách Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu cầu nguyện vào những giây phút quan trọng nhất trong cuộc đời của Người. Khi chịu Phép Rửa và nhận lãnh sứ mạng Chúa Cha giao phó (Lc 3,21); đêm trước khi chọn các môn đệ (Lc 6,12); trước khi biến hình (Lc 9,28); trước khi chữa bệnh cho nhiều người (Ga Lc 5,16); trước khi đặt ra cho các môn đệ câu hỏi quan trọng: người ta bảo Thầy là ai?; khi dạy các môn đệ cầu nguyện (Lc 11,1-2); khi các môn đệ đi truyền giáo lần đầu tiên trở về; trước khi chịu thương khó (LcLc 22,34-46); trong bữa Tiệc Ly; đêm thương khó; trên Thánh giá (Lc 23,34.46)… Lời cầu nguyện đã nuôi sống tất cả sứ mạng của Người.

Các Tông đồ đã nhiều lần thấy Thầy cầu nguyện. Có lẽ khi Thầy cầu nguyện có một cái gì đó thật đẹp, thật huyền bí và cũng thật lôi cuốn tỏa ra từ nơi con người Thầy.

Vào một buổi sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Chúa Giêsu đã ra khỏi nhà ông Phêrô để tìm một nơi thanh vắng mà cầu nguyện. (Mc 1,35).

Chúa Giêsu phấn khởi trong Thánh Thần ngước mắt lên trời và cầu nguyện: Con ngợi khen Cha là Chúa trời đất, vì Cha đã mạc khải cho những kẻ bé mọn những điều mà Cha giấu không cho những bậc khôn ngoan và trí thức biết. (Lc 10,21)

Chúa Giêsu ngước mắt lên trời tâm sự với Chúa Cha rằng: con cảm tạ Cha vì Cha đã nghe lời con cầu xin. Vâng, con biết rằng lúc nào Cha cũng vẫn nghe lời con xin. Sở dĩ con nói thế là để những người đang đứng bên con đây tin rằng Cha đã sai con.( Ga 11,41-41). Đặc biệt là trong phòng Tiệc Ly, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời để cầu nguyện với Chúa Cha. Tâm sự ngỏ với Cha rất nhiều lời tha thiết (Ga 17).

Trong vườn Cây Dầu Chúa Giêsu quỳ gối và cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu đựoc thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con, xin chỉ thực hiện ý của Cha”(Lc 22,42)

Lúc hấp hối trên Thánh giá, Chúa Giêsu cầu nguyện gởi lên Cha ba lời tâm sự tha thiết: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm; Lạy Cha, sao Cha bỏ con?; Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.

Chiêm ngắm Chúa Giêsu cầu nguyện, ta có thể hiểu rằng:

- Tư thế cầu nguyện rất linh động: có thể quỳ, có thể đứng, có thể ngồi…Ánh mắt ngước lên trời cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Cha trong cõi vô biên, hoặc nhắm mắt lại để cho hồn xoáy vào vô biên ấy.
- Nội dung cầu nguyện là ngỏ bày tâm tình của mình cho Chúa Cha. Tâm tình có khi là ngợi khen, chúc tụng, cảm tạ, có khi là thống hối, cầu xin. Luôn luôn kết thúc bằng hai ý nguyện: xin đừng theo ý con mà là theo ý Cha và con xin phó thác hồn con trong tay Cha.
- Nơi chốn cầu nguyện có thể là một nơi thanh vắng (Lc 5,16),trên núi (Lc 6,12;9,28), mà cũng có thể là nơi chỗ đông người (Ga 12,28).
- Thời gian cầu nguyện là bất cứ lúc nào, nhưng tốt nhất là sáng sớm tinh mơ hay lúc đêm về.
- Đỉnh cao của cầu nguyện chính là “xin đừng theo ý con mà theo ý Cha”.

2. Chúa Giêsu dạy cầu nguyện

Chúa Giêsu dạy phải cầu nguyện như Người hằng cầu nguyện (Lc 6,12); cầu nguyện cho các địch thù (Lc 6,28;Mt 5,34); kiên trì và tin tưởng cầu nguyện (Lc 11,5-8.9-13; Mt 7,7-11); cầu nguyện với lòng khiêm tốn để nhận ơn tha thứ (Lc18,9-14); vững tâm cầu nguyện đón chờ ngày Chúa đến (Lc 21,36); cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ (Lc 22,40.46)... Khi các môn đệ xin Người dạy cách cầu nguyện, Người dạy họ cầu nguyện với kinh Lạy Cha (Lc 11,2-4;Mt 6,9-13). Chúa Giêsu mang theo cả nhân loại trong lời cầu nguyện của mình. Người nói chuyện với Chúa Cha, bàn bạc với Chúa Cha về những việc Người làm cho công cuộc cứu độ nhân loại.

Tin mừng Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu dạy về sự cần thiết và hiệu nghiệm của lời cầu xin. Phải cầu nguyện liên lỉ, đừng bao giờ nhàm chán, đừng ngã lòng. Chúa dùng Dụ ngôn minh hoạ, ông quan toà bất lương gặp bà goá kêu nài.

Bà góa cô thân cô thế nhưng lại kiên trì cương quyết, bà tin chắc cứ kêu nài, cứ van xin, thế nào quan tòa cũng chịu xét xử. Quan tòa là người chẳng sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng cũng chịu thua bà góa. Ông minh xử cho bà goá không phải vì yêu thương, chẳng phải vì trách nhiệm mà là vì sợ bị quấy rầy. Một quan tòa vô đạo, bất công mà còn xét xử cho người van xin thì huống là Thiên Chúa, Đấng công minh chính trực, thưởng phạt công bằng, Đấng giàu lòng xót thương, luôn bênh đỡ những kẻ bé mọn kêu cầu Người.

Khi nói dụ ngôn này, Chúa Giêsu không có ý nói phải cầu xin thật dai dẳng thì mới được Thiên Chúa nhậm lời, nhưng Người muốn chúng ta tin tưởng vào hiệu lực của lời cầu xin, bởi vì “Có người cha nào, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người” (Mt 7,9-11).

3. Sự cần thiết của đời sống cầu nguyện

Sống lời Chúa Giêsu dạy, Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu cầu nguyện liên tục, không ngừng, ngày đêm. Ngài nói lên sự cần thiết của cầu nguyện bằng những lời tâm tình mời gọi: “Hãy chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12); “Anh em hãy bền đỗ cầu nguyện, tỉnh thức cầu nguyện và tạ ơn” (Co 14,2), “Đừng ngớt cầu nguyện” (1Thes 5,7; Rm 8,26-27).

Cầu nguyện là một vấn đề cần thiết, tối quan trọng, là một vấn đề sinh tử.

Thánh Gioan Kim Khẩu đã so sánh sự cần thiết của lời cầu nguyện với chuyện cá trong nước. Bao lâu cá ở trong nước, nó vẫn sống, hoạt động và tăng trưởng, nhưng nếu nó bị bắt ra ngoài, chắc chắn nó sẽ chết. Cũng vậy, con người muốn sống siêu nhiên thì phải cầu nguyện, nếu không cầu nguyện họ sẽ mất ơn Chúa giúp, rồi dần dà họ sẽ mất sự sống siêu việt không khác nào cá phải chết vì không có nước.

Thánh Bênađô cũng đã so sánh sự hô hấp cần thiết cho con người như thế nào, thì lời cầu nguyện cũng cần thiết cho con người như vậy. Đối với linh hồn, cầu nguyện cần thiết cũng như hô hấp cần cho cơ thể con người. Nếu con người hô hấp khó khăn thì thân xác sẽ thành tiều tuỵ, và nếu hô hấp đình chỉ thì con người sẽ chết. Cũng thế, khi ta ít cầu nguyện, thì linh hồn biến thành bạc nhược, và khi ta không cầu nguyện tí nào, thì linh hồn ta sẽ chết đi trước mặt Chúa”.

Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn, là sự sống, là sức mạnh của người Kitô hữu. Một đức tin mà không có cầu nguyện thì chỉ là một niềm tin vô ngã, vật chất.

Cầu nguyện là lẽ sống. Lời cầu nguyện có một tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc sống. Lời cầu nguyện chỉ thực sự có giá trị và sức mạnh khi phát xuất từ một đức tin có chất lượng và sống động.

4. Đỉnh cao cầu nguyện

Phần đông người tín hữu chúng ta ít khi biết cầu nguyện trong thinh lặng. Hễ cầu nguyện là chỉ biết đọc kinh. Đọc kinh ở nhà thờ, đọc kinh ở nhà. Có khi đọc kinh nhiều mà cầu nguyện chẳng bao nhiêu. Nhưng phút giây thinh lặng là những phút giây quan trọng để lắng nghe Chúa nói. Đỉnh cao của cầu nguyện là thinh lặng kính thờ Chúa.

Cầu nguyện không phải là vấn đề của kiến thức hay kỹ thuật. Cầu nguyện luôn đi đôi với đức tin và lòng mến. Vì thế phải cầu nguyện trong Thánh Thần (Rm 8,1), đơn sơ (Lc 18,15-17), khiếm tốn (Lc 18,14), trong thầm kín (Mt 6,6).

Khi cầu nguyện tâm trí được nâng lên cùng Thiên Chúa hầu suy tôn, tán tụng, cảm mến, tạ tội, xin ơn. Trình độ cầu nguyện cao nhất là: xin đừng theo ý con mà theo ý Cha.

Trong một thế giới ồn ào náo động như hiện nay, một thế giới bị ô nhiễm về môi sinh và bị ô nhiễm về tinh thần, người Kitô hữu phải là chứng nhân cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện vì muốn nên giống Chúa Giêsu, Đấng hằng cầu nguyện liên lỉ với Cha và dạy chúng ta cách thức cầu nguyện.

Lạy Chúa, xin cho chúng con yêu mến đời sống cầu nguyện, xin cho chúng con xác tín rằng tự sức riêng chúng con không làm được gì cả, nhưng với ơn Chúa, Chúa làm được những điều tốt lành trong cuộc sống chúng con.Amen.
 
Đỉnh cao của cầu nguyện
Trầm Thiên Thu
08:24 14/10/2010
Im lặng là vàng. Có thực sự vậy không? Có những khi cần phải nói, thậm chí là nói nhiều, để khả dĩ mang lại lợi ích cho người khác, để giải hòa, để hòa hợp và cảm thông, hoặc để bảo vệ chân lý. Tuy nhiên, có đôi khi lại cần im lặng, lúc đó sự im lặng có giá trị hơn nhiều. Và lúc này chính sự im lặng lại “nói” nhiều hơn. Đó là đặc ngữ của sự im lặng, một loại văn hóa kỳ diệu, nhưng không dễ thực hiện.

Nói hoặc im lặng đều phải đúng nơi, đúng lúc, đúng người, và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. Lời nói có thể là lưỡi gươm, mà gươm chưa dùng thì cứ để trong bao. Im lặng là diệu kế nếu lời nói vô ích, nếu không thì có thể phản tác dụng. Thật chí lý câu nói của T. Man: “Người khôn ngoan mang tất cả tài sản vào trong đầu”. Đó chính là giá trị của sự im lặng. Nhưng khi nào nên im lặng?

1. Khi người khác buồn phiền, đau khổ.

Biết vui với người vui, buồn với người buồn. Đó là động thái của người có giáo dưỡng, tri thức, biết điều, biết cư xử và thấu cảm. Không gì vô duyên hơn khi người khác khóc mà mình lại cười – hoặc ngược lại. Sự “lệch pha” đó khả dĩ khiến chúng ta trở nên lố bịch, hợm hĩnh và kiêu ngạo.

2. Khi người khác suy tư, lao động trí óc.

Sự im lặng là “vương quốc” của hoạt động trí óc. Nhờ đó mà có những kiệt tác, sự cao thượng, sự hiểu biết, sự trưởng thành, sự hồi tâm,… Văn hào W. Goethe xác định: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”. Thấy người khác trầm tư mặc tưởng, đừng phá “khoảng riêng” của họ. Sự im lặng lúc đó thực sự cần thiết và có ý nghĩa.

3. Khi người khác không hiểu mình.

Khi chưa được hiểu, chúng ta cần cởi mở và hòa đồng để người khác có thể hiểu mình hơn – dù không thể hiểu hết. Nhưng nếu bạn cảm thấy người ta thực sự không thể hiểu hoặc không muốn hiểu thì tốt nhất là im lặng. Nếu không, những gì bạn nói có thể gây “dị ứng” hoặc hiềm thù.

4. Khi người khác nói về vấn đề mình không am hiểu.

Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Người khôn ngoan chỉ nói những điều mình biết rõ và hoàn toàn im lặng đối với những gì mình không biết hoặc mơ hồ. Đừng ảo tưởng mình là “bách khoa tự điển”. Bác học A. Edison nói: “Điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều chúng ta không biết là cả đại dương”. Còn hiền triết Socrates thừa nhận: “Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất”. Chỉ là người bình thường, chúng ta càng cần khiêm nhường mà biết im lặng.

5. Khi người khác khoe khoang, lý sự.

Thùng rỗng kêu to. Càng hiểu biết người ta càng ít nói, thâm trầm và cảm thông. Trong 4 phép toán, phép trừ là… “dễ” nhất, nhưng lại đầy ý nghĩa. Chỉ vì ngu dốt nên mới độc đoán, khắt khe hoặc cố chấp. Khoe khoang và lý sự là “đặc điểm” của đầu óc nông cạn, thiển cận. Dốt thì hay nói chữ để cố che lấp khiếm khuyết của mình.

6. Khi người khác không cần mình góp ý kiến.

Đừng bao giờ “xía” vào chuyện của người khác hoặc tò mò chuyện của họ. Vả lại, nói nhiều thì sai nhiều. Nói thiên lệch thì mất lẽ chính, nói huênh hoang rồi đến chỗ đuối, nói xiên xẹo rồi đến chỗ sai trái, nói giấu giếm sẽ đến chỗ cùng. Cibbon nói: “Đàm luận khiến người ta hiểu biết, nhưng im lặng là trường học của sự khôn ngoan”. Im lặng còn là yêu thương, tha thứ, và là cuộc sống.

Tuân Tử dạy: “Im lặng, lắng nghe, ghi nhớ, hành động và khôn ngoan là 5 cung bậc khác nhau của trí tuệ”. Có thể coi đây là ngũ-cung-sống của cuộc đời. Tóm lại, im lặng là một nghệ thuật kỳ diệu và là cách thể hiện văn hóa cao cấp.
 
Những tín hữu trug thành và kiên trì trong lời cầu nguyện
Jos. Tú Nạc, NMS
09:53 14/10/2010
Chúa Nhật XXIX Thường Niên – Năm C (Exodus 17: 8-13; Psalm 121; 2 Timothy 3: 14-4: 2; Luke 18: 1-8)

Chiến thuật mà một vị tư lệnh quân đội đưa ra cho một trận đánh thường là một yếu tố quan trọng về sự chiến thắng hay thất bại của một lực lượng quân đội. Trong thời đại của chúng ta không thiếu những vị tướng lừng danh: Patton (George (S)mith 1885-1945; U.S. general), MacArthur (Douglas 1880-1964; U.S. general: commander in chief of Allied forces in the SW Pacific, WWII), Montgomery (Bernard Law 1st Viscount Montgomery of Alamein 1887-1976; Brit. field marshal in WWII) và nhiều người khác đã lưu lại những hình ảnh không thể nào bôi xóa tron ký ức văn hóa và lịch sử. Tron thế giới cổ đại vị tướng này thường tồn tại với bề dày chinh chiến, và cái chết hoặc bị bắt thường là tín hiệu sự thất bại của quân đội mình vì những toán quân bị thoái chí mất tinh thần và tháo chạy.

Câu chuyện về trận chiến giữa Israel và Amalek là một điển hình tinh túy. Nhìn thoáng qua câu chuyện kỳ lạ xuất hiện thuộc lĩnh vực ma thuật và chúng ta phải theo sát để hiểu cách mà Moses giơ cánh tay hay “quyền trượng của Thiên Chúa” có thể tạo một sự khác biệt tối quan trọng trong kết quả của trận đánh. Sức mạnh của niềm tin và hình ảnh là chìa khóa: dân Israel hiển nhiên tin rằng quyền lực của Thiên Chúa chảy qua Moses và quyền trượng ấy đã tổng hợp một số loại sức mạnh đặc biệt. Hình ảnh của Moses với cánh tay và quyền trượng của mình đã đem đến phúc lành cho quân đội để có được cảm hứng và phấn khởi tạo niềm tin – tất cả đó là nhu cầu đối với quân đội của ông để chiến đấu bằng sự nhiệt tình và lòng nhiệt huyết vượt mức bình thường. Moses đã biết cách làm như thế nào để trở thành một nhà lãnh đạo tài ba và để truyền cảm hứng cho những người theo ông, mà ngay cả ông cần có sự hỗ trợ của người khác.

Những loại động tác biểu trưng nào sẽ cung cấp nguồn hy vọng và lòng can đảm đến người dân trong thời đại của chính chúng ta hôm nay? Cương vị lãnh đạo truyền cảm là một phẩm chất mà ngày nay rất thiếu thốn – có thể đã đến lúc chúng ta bắt đầu tìm kiếm “quyền trượng của Thiên Chúa” hoặc sự tương đương của nó.

“Tất cả Thánh Kinh đều là cảm hứng của Thiên Chúa” thường được trích dẫn trong ngữ cảnh thảo luận về Thánh Kinh và gây nguồn cảm hứng. Đó là điều quan trọng cần lưu ý, tuy nhiên, điều mà đoạn trích này với toàn bộ nguyên văn của nó đã không nói lên điều đó mà nó phải được đọc với nghĩa tường minh hay từng từ một mang tác dụng tương xứng. Mục đích chính của nó là để hướng dẫn mọi người về đời sống tâm linh và đạo đức – một hướng dẫn bổ ích cho đời sống thánh thiện. Là thư này được viết trước Tân Ước là một thực tế nên tác giả đã đề cập đến những gì mà chúng ta gọi là Cựu Ước. Ông cam đoan với cử tọa của mình rằng Thánh Kinh vẫn có giá trị và hữu ích trong việc hình thành và phát triển liên tục của sự chính trực và sự sống nhân loại trung tâm của Thiên Chúa. Sự hiểu biết và ứng dụng Thánh Kinh của chúng ta không còn bị nhiễu và không biến đổi nhưng tiến hóa vì nhân loại phát triển trong sự khôn ngoan, kinh nghiệm và một sự am hiểu sâu sắc hơn về những phức tạp và chiều kích con người. Đọc và cầu nguyện kỹ càng Kinh Thánh là một cuộc đối thoại và hội thoại không ngừng mà chúng ta duy trì với Thiên Chúa để trưởng thành những huyền bí khôn cùng.

Một lần nữa Chúa Giê-su của Thánh Lu-ca đã nói về sự từng trải hàng ngày của các cử tọa của Người về một ví dụ minh họa, nhưng là ví dụ thú vị để áp dụng vào đời sống Ki-tô hữu. Câu chuyện hôm nay nói về sự cầu nguyện bền bỉ kiên trì. Lại một lần nữa một nhân vật nhếch nhác và mơ hồ xuất hiện giữa sân khấu – lần này là một thẩm phán bất nhân, tham nhũng, người mà không quan tâm đến ý kiến của quần chúng hoặc coi thường khi bản thân đứng trước Thiên chúa.

Người góa phụ – bị bỏ rơi và hoàn toàn không được che chở, bảo vệ trong xã hội đương thời – đơn giản bà chỉ muốn có công lý trong vụ kiện của mình, mà người thẩm phán tham nhũng và nhẫn tâm kia không có thiện chí chấp nhận. Nhưng thay vì ngoan ngoãn lùi dần vào bóng tối bà ta bắt đầu làm cho cuộc sống của ông ta khó chịu, khốn đốn bằng cách bà ta khích bác và tranh cãi liên tục. Cuối cùng ông ta đã cho bà vào để tống khứ và hòa giải phần nào. Chúa Giê-su đã dẫn đến cùng đích với luận cứ Lucan cổ điển “lesser to the greater”: nếu người thẩm phán quanh co này cho người phụ nữ gây phiền hà này công lý, Thiên Chúa tất sẽ cấp bách hơn nhiều để trợ giúp những ai ngày đêm than khóc với Người!

Thiếu nhiệt tình, thờ ơ lãnh đạm hoặc lời cầu nguyện sẽ không thực hiện được tinh thần Tin Mừng của Thánh Lu-ca. Những môn đệ của Chúa Giê-su đã thắp sáng tâm hồn họ và sẵn sàng tấn công vũ bão các cổng nước trời bằng những lời nguyện cầu của họ. Nhưng tất cả điều này đòi hỏi đức tin tuyệt đối và Chúa Giê-su đã kết thúc bài thuyết giảng của Người trước đám đông với một câu hỏi nghiêm túc: khi nào Con Một của Người đến sẽ tìm thấy đức tin trên hành tinh Trái Đất này?

Con Một của Người có thể thấy vô vàn tôn giáo và có lẽ một chút công bằng của lòng sốt sắng hoặc cuồng tín. Nhưng tôn giáo không tự động đồng nhất kiểu cách nhiệt thành và khao khát đức tin mà Tin Mừng đòi hỏi các môn đệ của Chúa Giê-su. Cầu nguyện kiên trì nhân danh thế giới và những người khác là công cụ đắc lực nhất trong việc sở hữu của chúng ta.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Tôi bước đi như một chú lừa (2)
ĐHY Roger Etchegaray/ LM Điệp
18:19 14/10/2010
Thư gửi Galileo Galilei

Thưa Ngài…tôi không được vinh dự biết Ngài…nhưng tôi đã được nghe khá nhiều về Ngài ngay từ khi tôi còn rất nhỏ – thủa mài đũng trên ghế Nhà Trường. Tôi vui mừng thấy Marcel Maréchal – qua Bertolt Brecht – đã đánh giá rất cao những nét mạnh trong đời sống tha thiết và đau khổ của một nhà thông thái…là Ngài.

Tôi là…con người mà người ta gọi là “người của Giáo Hội” – một “danh xưng” tôi không thích lắm …vì nó làm cho người ta nghĩ đến một con người…của lễ nghi…Những con người của lễ nghi…dĩ nhiên là cần phải có họ trong tất cả mọi xã hội có tổ chức…nhưng điều không chịu nổi…đó là – Ngài đã biết rồi … bằng kinh nghiệm của chính mình - khi họ bị giáng cấp…thành một con người chỉ còn lại có cái “vẽ” thôi…thì cả là một sự tra tấn về thể xác cũng như tinh thần…Những con người lễ nghi ấy …người ta có thể tìm thấy ở mọi nơi mọi chốn và trong tất cả những tổ chức quyền lực chính trị cũng như tôn giáo. Với Ngài…họ khoác lễ phục của một Vị Tổng Tống thành Gênes và thành Venise xưa hoặc là của một Hồng Y.

Tên của Ngài đã trở thành biểu tượng của sự đối kháng giữa lý trí và đức tin, và rất nhiều người còn lấy làm khoái trá với cái “vụ Galilée” …này. Chúng tôi đã không dành cho Ngài và những người đồng thời với Ngài cú “sốc” do một khám phá mà một Thầy Dòng gốc Ba Lan là kẻ khởi xướng – khám phá đã đưa tới cuộc “cách mạng Copernic”: cuộc cách mạng trứ danh…vì đã làm đảo lộn cả một quá trình trình bày về Vũ Trụ…và kéo theo…cả một cơn khủng hoảng lương tâm…về phát triển…

Nay thì Giáo Hội đã phục hồi danh dự cho Ngài rồi…Tôi nhớ ngày mùng 10 tháng 11 năm 1979, Đức Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II đã triệu tập các Hồng Y trên toàn thế giới để mừng sinh nhật thứ 100 của Albert Einstein và yêu cầu “trường hợp” của Ngài phải được xét lại…Mười ba năm sau, ngày 31 tháng 10 năm 1992, một Uỷ Ban Giáo Hoàng về các vấn đề Kỷ Luật đã đệ trình lên Đức Giáo Hoàng những kết luận về lãnh vực văn hóa…và chấm dứt… “vụ án” của Ngài...Đức Tin đấy – Đức Tin đã phục vụ khoa học cách vô vị lợi và cũng là Đức Tin…đã tạo nên sự chống đối lại với chính mình…vì một công trình khoa học…gây nhiều ân oán…Thưa Ngài…chính Đức Tin ấy… lại trở thành đồng minh lớn của khoa học để giúp khoa học đi đến một vấn nạn về ý nghĩa tối thượng...mà con người vẫn tha thiết muốn lý giải…nhưng vô vọng…và bản thân khoa học cũng không thể hé mở chút gì được… Chính vì thế Giáo Hội cảnh giác về khoa học…như một tảng đá ngầm hai mặt: mặt của tự phụ và mặt của khiêm tốn – tảng đá ngầm đe dọa đối với Giáo Hội mỗi khi Giáo Hội xoay lưng lại với một ảo tưởng nào đó của con người.

Bắt đầu từ giờ phút này…tôi có thể ngẩng đầu chào Ngài trong bất cứ một diễn đàn nào trên trái đất này…-trái đất tròn …tự xoay quanh chính mình và xoay quanh mặt trời. Đức Tin của một Hồng Y đấy, thưa Ngài !

Thư gửi Đức Thánh Cha Angelo Roncalli

Con thích gọi Người như thế theo cái kiểu của người Roma vốn có thứ nghệ thuật đã được thử nghiệm qua cả hai ngàn năm chung sống: nghệ thuật hài hòa cách điệu đà cả lòng tôn kính lẫn tính gia đình trong ứng xử của mình với Vị Giám Mục của mình. Còn với Người - thưa Đức Thánh Cha - thì là cả một tình yêu rất lớn không những trong giới công giáo thôi … mà là toàn thể nhân loại. Người đã luôn luôn cảm thấy thoải mái với tất cả mọi người biết bao. .. Nơi Người…không hề có một vết lằn nào có thể thấy được…giữa đức tin và cuộc sống…đồng thời siêu nhiên …lại có vẻ rất ư … tự nhiên.

Cái tên thực sự mà Người muốn chọn cho mình ở tuổi mười bảy…là “Angelo Giêsu”. Trong cuốn Nhật Ký Tâm Hồn của Người, Người viết: Tôi sẽ cố gắng để Giêsu có thể nói được với tôi như đã từng nói với Thánh Nữ Têrêxa: “Ta là Giêsu Têrêxa !”…Nhưng tiên vàn tôi phải là…”Angelo Giêsu” đã.

Đức Thánh Cha Roncalli ! Không biết Người có còn nhớ cái ngày mùng 1 tháng bảy năm 1951 ở Bayonne không ? Giám mục của con – và khi đó con còn là một thư ký trẻ của Tòa Giám Mục – đã mời Người chủ sự một Đại Hội Thánh Thể. Vì thế mà con được làm tài xế cho Người qua những con đường chật hẹp của một thành phố đang trong bầu khí lễ hội. Và…con còn được là người dẫn đường cho Người vào một của hàng…vì Người muốn mua một chiếc mũ nồi basque…nhưng cả Người lẫn con cũng phải vất vả lắm mới kiếm được một cái cho vừa với…cái đầu tròn của Người !

Cha Carré – nhà giảng thuyết và là thành viên Hàn Lâm Viện Pháp – một ngày kia đã thuật lại cho con những lời của Người trong một cuộc yết kiến riêng tư: “Này các Bạn !Ta muốn kể lại cho Anh Em…điều gì đã xảy đến với Ta…ngày Ta được bầu làm Giáo Hoàng…Ta không có tham vọng đâu…Nhất định là không……Nhưng được bầu làm Giáo Hoàng…thì cũng là một chuyện đại sự đấy chứ ! Người ta đưa Ta vào một căn phòng mà – theo truyền thống – ba cái áo dòng trắng với…những chiều đo khác nhau được dọn sẵn…(một nụ cười nhẹ)…Cái bự nhất…thì cũng thật là khó khăn…khi Ta mặc vào…Và cả đoàn rước…cùng bước ra…hành lang Thánh Phêrô. Dưới Quảng Trường tràn ngập những người với người … Sau này người ta mới nói lại cho Ta biết vậy thôi…chứ lúc đó Ta bị loá mắt…vì ánh sáng chói chan từ những ngọn đèn của các thứ máy quay…Ta lập bập và run rẩy xướng lên công thức ban phép lành urbi et orbi…Và…Anh Em có biết là Vị Giáo Hoàng đã tự nói với mình như thế nào khi rời hành lang để bước vào căn nhà mới của mình không ? Người tự nhủ: “Bắt đầu từ hôm nay…là mọi thứ máy quay thuộc đủ loại hạng sẽ chiếu thẳng vào ngươi…Nếu ngươi không thật sự hiền lành và khiêm tốn trong lòng…thì không biết được là điều gì sẽ xảy ra với ngươi…Ngươi sẽ không thể nhìn ra sự thật được đâu…y như lúc nãy…tại Quảng trường Thánh Phêrô vậy: nguơi sẽ bị mù !!!”.

Toàn thể thế giới – tận đáy lòng – đã bật khóc trước cái chết của Người…vì nhận ra nơi Người… Giao Ước giữa Thiên Chúa và con người mà mỗi người chúng con – dĩ nhiên cũng có mơ hồ nhiều hoặc ít đó – nhưng nhất định sẽ noi gương Người để xứng đáng với sự ca tụng của mọi người.

Thư gửi Đức Hồng Y Marty

Con giữ lại trong đáy giếng lòng mình nỗi niềm bí ẩn mà – qua đó – Ngài đã làm cho vọt lên giòng nước tươi mát giải nhiệt cuộc sống của một Linh Mục và một Giám Mục. (Chính Ngài đã tấn phong cho con tại Nhà Thờ Đức Bà Paris vào một buổi chiều trong cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục Pháp).

“Đức Tin. Luôn luôn là Đức Tin. ” Đó là cái “ từ - chìa khoá” được Ngài sử dụng khắp nơi với sức mạnh không mệt mỏi…y như thứ gió ở miền Causse – quê hương Ngài. Và khi xảy ra bão tố…thì Ngài lại nhắc nhở là …đừng tự đặt vấn đề về những cành, những lá…nhưng hãy quan tâm đến những gốc, những rễ của cây cối…

Với những Vị có Trách Nhiệm về Đức Tin có mặt tại UNESCO, Ngài đã công bố: “ Tôi yêu Giáo Hội vì đó là một cái “sân gom góp những kỳ diệu” – nơi hội tụ những nỗi khốn cùng của nhân loại và khai mở sự cao cả của con người. Thiên Chúa thực hiện những kỳ diệu ở đó. Mỗi buồi sáng…Giáo Hội tái sinh từ Thiên Chúa. Mỗi buổi sáng…Giáo Hội lên đường vào công việc của mình…và luôn luôn chen lấn với một nền văn minh đang trong cơn khủng hoảng…Tội lỗi của Giáo Hội hôm nay…có lẽ là sự thất vọng của con cái mình…Tôi yêu Giáo Hội…Tôi nói lên điều đó với niềm hoan lạc lớn lao – niềm hoan lạc của con người đi được đến cuối luống cày đời mình và – ở những tháng đầu của mùa hè – nhận ra rằng mình đã không lầm.”

Để làm chứng về Đức Tin của mình…Ngài đã chấp nhận những buổi trao đổi gay cấn nhất trên truyền hình. Người ta run rẩy đứng trước những câu hỏi được đặt ra…và chúng con khoái trá khi thấy Ngài tìm kiếm những câu trả lời nơi đáy một cái giếng: cái gàu thỉnh thoảng hình như khựng lại một chút…để rồi cuối cùng cũng đưa lên được giòng nước mát và trong. Chúng con như nghe Ngài nói với chúng con: “Tôi làm việc về Thiên Chúa y như tôi đang làm vườn khi còn là một Cha Sở trong thế chiến: làm để ăn chứ không phải chỉ để có…hoa lá cành mà thôi.Tôi luôn luôn thấy “đói” Thiên Chúa !”. Vâng …và Ngài cũng chia sẻ cái “đói” ấy…nhất là với những người trẻ khát khao kiếm tìm tuyệt đối mà Ngài…đã cho thừ kế Tin Mừng.

Lạy Cha Marty ! Xin hãy giúp chúng con – như Ngài vẫn nói – biết giữ cho vững “mũi tàu Tin Mừng”. Xin hãy giúp chúng con nghiệm cảm được tâm hồn con người như họ thực sự là họ…để có thể la lên như Ngài: “ Tôi chưa từng thấy một điều gì tốt đẹp như thế bao giờ !”

Thư gửi Ong Gaston Defferre – Thị Trưởng Marseille

Từ khi được bổ nhiệm Giám Mục Marseille - tôi dám tin như vậy – tôi được đón nhận ngay và như được “rửa tội” để trở thành một người Marseille trong giòng nước cảng Vieux – Port. Và lúc này …thì…được “thêm sức” ( nguyên văn: confirmé: xác nhận hay chuẩn nhận…nhưng dùng hai chữ “thêm sức” để đi đôi với rửa tội ở trên:chú thích của ND)…với cái quyền công dân Marseille của mình. Những lời Ngài công bố – ngang ngửa với cái giọng của Giám Mục – là dấu chỉ rõ ràng nhất và hiệu lực nhất được đưa ra trong Dinh Thị Trưởng – ngôi nhà của dân Marseille – và Ngài cũng đón nhận tôi như một người Marseille…

Ngài không mang bên mình cây gươm của quyền lực…và tôi cũng không…có bình nước thánh với mình…Nhưng vai kề vai – Ngài với quyền ủy nhiệm và tôi với sứ mệnh – chúng ta cùng có chung niềm khao khát được phục vụ Marseille…trong tinh thần độc lập và trân trọng lẫn nhau với hai trách nhiệm hoàn toàn khác biệt nhưng bổ sung cho nhau. Khi phải có một quyết định nào đó nhằm thăng tiến mọi người trong một khu vực hay thăng cấp cho một ai đó vốn có tương quan trong cả hai lãnh vực đạo và đời(double dimension horizontale et verticale)…thì – trong tin tưởng – vị quan chức hàng đầu của thành phố và Giám Mục Giáo Phận gặp gỡ nhau trong một sự “nối kết” rất tế nhị về cả mặt trần thế cũng như siêu nhiên. Péguy đã từng bảo rằng: “ siêu nhiên nằm ngủ trên cái phản gỗ của tự nhiên”. Tôi rất hoan hỉ để khẳng định rằng ở Marseille…tất cả đều đúng là như thế.

Marseille là một thành phố…làm cho người ta thấy yêu nó ngay cả trước khi được biết nó… Tôi đã bị nó mê hoặc ngay từ ngày đầu tiên…nhưng lại cần phải có thời gian…để khám phá ra tâm hồn của nó …bởi vì - quả thực – nó như vậy đấy…nhưng “ lại …không phải là vậy !”. Vừa đỏng đảnh … vừa hoang dại…nó tập cho người ta làm quen với nó dần dần y như câu nói cửa miệng của người dân Marseille: “ Người Marseille…vừa thuộc giống bìm bịp…lại y như loài mắc cỡ…Chỉ có ở nơi chúng tôi…mới có thể có được…sự kín miệng gần như thái quá !”.

Và…cả một thế giới…mênh mông…nữa chứ Marseille ! Tôi không nghĩ là mình đa ngôn đa quá…với cái nút chai vang…mở dần và bung đi thật xa…khi bảo rằng cả một vũ trụ…được gom lại ở đây – không phải với cái cảnh quan tạc vẽ đặt trong một cái chai để trang trí - nhưng sống động và linh hoạt với những sắc mầu và hương vị của cả năm Châu ! Ở Marseille – chỉ trong vòng mười lăm phút thôi – Bạn có thể thực sự vòng quanh thế giới được một vòng: Jules Verne…cũng đành chào thua…: một kỷ lục nữa của chúng tôi đó ! Nhưng phải thú nhận là người Marseille không thích rời khỏi cái khung cảnh quen thuộc của mình mấy: chỉ lê lết đến cái chòi nhỏ của họ ở Morgiou hay Carry thôi…thì cũng làm cho họ có cảm tưởng…phải “lưu đày”…hơn cả một chuyến “xuyên lục địa !”

Còn có cái thành phố nào có thể trao dâng cho Bạn ngay trong lòng mình cả một biển cả với những bãi tắm, những vũng đầm, một quần đảo, núi đồi với những tay thích leo núi, những tay săn thỏ hay chim đa đa…như Marseille này không ? Ngay trong lòng đất đai của chúng tôi, chúng tôi còn có thể khai thác địa tầng thứ hai để chăm sóc sức khoẻ bằng suối nước nóng ( ở Camons)…và thậm chí tôi còn tận mắt chứng kiến - trên các cao nguyên Saint – Julien – còn có cả một bầy cừu…được chăn thả như ở…Espelette.

Khắp nơi tôi đều bắt gặp những cái nhìn rạng rỡ…và hơi có vẻ thích …dò xét…Một sự pha trộn giữa tính hoạt kê và sự nghiêm túc: cái chiều sâu của tâm hồn người dân Provence – nó cũng giống như chiều sâu của không khí mùa gió Bắc lạnh: đầy trọng lực ! Người dân của sự “ tự lực tự cường”…như Tướng Montsabert đã nói khi Ong giải phóng Marseille với lực lượng kỵ binh của Ong. Đức Maria – Đấng Phù Trợ – ngự trên một nơi cao, tách biệt hẳn khỏi khung cảnh chằng chịt của thành phố và rất gắn bó với lối sống ẩn danh của Ngài…nhưng lại là nơi mà mỗi người cảm thấy mình được đón nhận và được yêu mến…với cái bản chất của riêng mình trong huyền nhiệm của hiện hữu mình cũng như trong những khát khao hay những ngóng trông về quê hương mình…nằm sâu trong trái tim mình…Đức Maria – Đấng Phù Trợ – là “ngã tư quốc tế” của niềm hy vọng điên cuồng của cả cái dân tộc này: dân tộc không ngừng kiếm tìm nỗi niềm hạnh phúc thực sự mà sự tươi mát ngây ngô của quá nhiều những người…có vẻ như người “ngoại”…là một bằng chứng…Đức Maria – Đấng Phù Trợ – là Bà Mẹ tốt lành một cách ương ngạnh …không bao giờ có thể hiểu được tội lỗi là gì…vì hoàn toàn tinh sạch…và là nơi mọi người có thể trao gửi những tâm tình khiêm tốn nhất…đồng thời Mẹ cũng luôn luôn tìm cách để mò mẫm cho ra một khía cạnh tốt nào đó của Bạn – dù nó vô cùng nhỏ !

Đức Maria – Đấng Phù Trợ – tiên vàn là một ánh mắt nhìn. Người dân Marseille…sẽ cảm thấy như điên nếu không nhìn thấy Ngài trong buồng lái của chiếc xe, ở một ngã rẽ của một con đường, trên một góc cửa sổ…hay trên mũi một chiếc thuyền…. Khi leo lên đỉnh đồi…như một cố gắng để vượt thắng chính bản thân mình…Khi chiêm ngắm Ngài như một thành công tuyệt nhất của Thiên Chúa…ai trong chúng ta lại không cố để tìm cách nên giống Người nhiều hơn…và cận kề với “Người - Con - Thiên – Chúa” của Người – Người Con mà Người đưa lên cao như một vận động viên với trái banh chiến thắng của mình ?

Thư gửi Đoàn Vận Động Viên Thể Dục Thể Thao của Marseille (Olympique Marseille)

Vào một ngày thứ hai tháng mười hai năm 1979, các tạp chí của chúng ta trên Canebìere đồng loạt treo cờ rũ: “ Tất cả đều mất hết… kể cả danh dự…Thật là thảm hại…và là một dàn đồng ca “requiem” tập thể. Từng trận đấu…và … từng trận đấu qua đi…Đoàn Thể Dục Thể Thao Marseille “dắt díu nhau vào hỏa ngục !”: Này ! các Bạn để cho mình bị cháy sém trong đó cả mùa thi đấu này hay là được thanh tẩy với ngọn lửa của cam go… thế ? Trên đài Truyền Thanh, người ta quăng ra một cái phao cứu sinh: chỉ còn cách Vị Tổng Giám Mục – Môisen mới – với hai tay vươn cao để cầu xin cùng Đức Từ Mẫu mà thôi.

Marseille: hãy tự giúp mình đi …rồi trời sẽ giúp ! Vị Giám Mục của ngươi là người tin tưởng ở lời cầu nguyện. Nhưng là ở lời cầu nguyện hoàn toàn không là một nơi trú ẩn, không là một chốn lẩn tránh…và cũng không là thứ van nài một phép mầu…Lời cầu nguyện thực sự …chính là lời cầu nguyện đòi buộc bản thân mình phải cố gắng tìm cách để thực hiện điều mà mình cầu xin Thiên Chúa làm cho mình. Lời cầu nguyện không phải là những “từ ngữ trên trời”: chúng ta chỉ có thể cầu nguyện nếu chúng ta hoàn toàn ý thức chúng ta có trách nhiệm về những gì mình nói.

Đoàn Thể Dục Thể Thao Marseille thân mến ! Hãy tự cứu mình đi ! Các Bạn hãy nhớ rằng để làm được điều đó các Bạn cần có các nhân đức phải có … để trở nên một vị thánh. Thật không dễ để lập nên một đội quân áo thun trắng được gom lại để đoạt huy chương vàng…Và càng không dễ dàng chi để đổ và pha thành một màu…cả cái cầu vồng đa sắc của những cá tính và những câu lạc bộ đã có dấu ấn riêng trên các vận động viên của mình. Lại cũng không dễ dàng để mà giương ra quả đấm của mình trên một đấu trường mà những cổ động viên – dựa trên số điểm - luôn sẵn sàng để đốt cháy…thay vì chiêm ngưỡng…

Đoàn Thể Dục Thể Thao Marseille ! Hãy tự cứu mình ! Nhưng thật ra… các Bạn là những ai ? Một câu lạc bộ…thì không thể thu mình lại thành một nhóm hàng đầu…với những vận động viên…mà người ta đã biến họ thành…thần thánh !Hãy nhìn đi, các Bạn !Nhìn với tất cả niềm tin: nhìn vào những nhóm hội của những người trẻ đang vươn lên …Nhìn vào những người dân Marseille này đi…Không phải tất cả …đều là những cổ động viên lãng xẹt hay vô cảm mà thôi đâu…nhưng còn là những nhà thể thao thể dục đam mê sự nỗ lực và luôn lo lắng để cộng tác vào việc giáo dục hầu chúng ta có được một câu lạc bộ có uy tín.

Nhưng không phải chỉ có Đoàn Thể Dục Thể Thao Marseille…qui tụ lại thành một nhóm những vận động viên…mà cả Marseille…phải trở thành Đoàn Thể Dục Thể Thao (O.M)…của chúng ta!Hỡi những người dân Marseille !Các Bạn cũng hãy nhìn vào thành phố của các Bạn… nhúc nhích những người lao động đủ mầu sắc, những nhà kinh doanh, những công chức và lãnh đạo của họ: chính họ cũng đang thi đấu cho trận đấu cuộc đời họ – thường xuyên là thi đấu một mình, không cổ động viên…nhưng…với lá cờ phướn trong tay của mình. Tất cả Marseille làm thành một Câu Lạc Bộ vĩ đại…luôn cần cảm nhận sự vững chắc của mình.

Đoàn Thể Dục Thể Thao (O.M) Marseille…thân mến ! Hãy tự giúp mình đi…rồi Đức Thánh mẫu Từ Nhân sẽ giúp các Bạn …dù các Bạn có thắp lên cho Ngài một ngọn nến thật to hay không !

Cổ động viên khiêm tốn và trung thành của các Bạn.

Thư gửi những Nghệ Sĩ – Anh Em của tôi

Trong sự đa dạng và phong phú của lãnh vực nghệ thuật mà các Bạn đang hành nghề, “nghệ sĩ” chắc chắn là một mẫu số chung, một cái tên mà người khác đặt cho các Bạn, gần như một biệt danh thân tình…nhưng lại nhuốm mầu phi thường…kiểu như các Bạn là những người đến từ một hành tinh khác vậy…

Tiên tri Isaia diễn tả Thiên Chúa như một người thợ gốm: “Chúng con là đất sét, Người là thợ gốm, tất cả chúng con là tác phẩm từ tay Ngưới.”(Is 64,7). Còn có nghệ nhân nào có sức mê hoặc hơn Vị Thiên Chúa ấy – Đấng đã nắn nót nên chúng ta từng người một…như một kiệt tác…có một không hai…và bao nhiêu con người là bấy nhiêu kiệt tác: mỗi con người mang nơi chính mình dấu ấn của Người…

Và mỗi người trong chúng ta có cái bổn phận phải như Người…có chút đỉnh gì đó là nghệ sĩ …chắc chắn là không do nghề nghiệp…nhưng do bản chất cấu tạo chúng ta cách tự nhiên như là – nếu tôi có thể nói được như thế –những thụ tạo có óc “sáng tạo”. Tôi thích một câu nói ngồ ngộ của một triết gia: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người chỉ mới được một phần ít oi lắm !”…như mới chỉ là một phác thảo theo hình ảnh Người…và Người trao cho con người nhiệm vụ để hoàn thành công trình của mình. Cái không gian ở giữa công cuộc tạo dựng chưa hoàn chỉnh ấy và sự hoàn chỉnh thần linh của mình là cả một thảo nguyên mênh mông để làm cho chúng ta trở thành những nghệ sĩ say mê việc làm cho mình nên giống Thiên Chúa hơn cả những nghệ nhân siêng sắn nhất.

Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết cho các Bạn dịp Phục Sinh 1999 rằng: các Bạn biết rất rõ bằng kinh nghiệm của chính mình là giữa những gì hiện đang có trong các tác phẩm của các Bạn – dù những tác phẩm ấy có thành công mấy đi chăng nữa – thì – so với “sự hoàn hảo ghê gớm của sự toàn mỹ trong giây phút nóng hổi của tạo dựng.” …vẫn có “một khoảng cách gần như vô phương giải quyết.”. Đó chính là cuộc “thương khó và nỗi đam mê”(passion: vừa là thương khó vừa là đam mê: ND)… hằng ngày của các Bạn với cả hai ý nghĩa: hiến tế và hoan lạc. Càng cận kề với Thiên Chúa, các Bạn càng thấy khát khao hơi thở tạo dựng của Người…đồng thời chính các Bạn cũng sẽ phà hơi thở của các Bạn trên những nắm tro đất để hé mở sự nồng nhiệt của cuộc sống cho những người chỉ biết có một việc là sản xuất những sản phẩm hàng loạt và chẳng có chút gì là sức sống.

Con người không ngừng để kiếm tìm trong sâu thẳm của chính mình Đức Giêsu Kytô – “ Đấng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. ”…như thánh tông Đồ Phaolô nói. (Col 1, 15).Nghệ Thuật lớn lao của Giáo Hội - được làm cho tinh tế hơn lên với hai mươi thế kỷ luyện lọc lui tới (Mục Lục không hề thay đổi của Giáo Hội) - là chạm khắc nơi chúng ta những nét, những vẻ của Thiên Chúa mà sự tỏa sáng rực rỡ nhấtlà trong chính cuộc Thương Khó của Ngài. “Nếu Bạn không thể nhìn thấy cái đẹp trong khổ đau…Bạn sẽ chẳng bao giờ có thể chiêm ngưỡng được cái đẹp”. Nhà thơ Schiller đã nói như thế.

Cái đẹp của vòng tay Maria ôm cái xác lạnh ngắt của CON mình…như tác phẩm “pietà” của Michel- Ange …cho thấy – qua đó, cả với Mẹ lẫn với Con - sự sống và sự chết chẳng còn ý nghĩa chi …mà tất cả cô đọng lại…thành một sự hòa lẫn…tuyệt vời…

“Này là Người !”(Ecce Homo!): Philatô…quả thật đã khéo nói…

Chỉ Con Người ấy thôi mới có thể thực sự hòa giải chúng ta với Thiên Chúa. . .và cũng chỉ Vị Thiên Chúa ấy mới có thể khai mở cho chúng ta về sự thật của con người.

Chỉ khi đứng trước Thánh Giá … con người mới có thể tự rứt mình ra khỏi sự mê hoặc về cái đẹp giả tạo của ma quỷ để mà cảm nếm sự cuồng điên của Thiên Chúa – Đấng đầy lòng xót thương.

Thiên Chúa làm người, “ánh sáng bởi ánh sáng”: Kinh Tin Kính tuyên xưng như thế đó !

Xin Thiên Chúa giúp các Bạn ! Các Bạn…những con người vốn là những tay khai phá, chiếm giữ…và là những nhà phù thuỷ của ánh sáng…xin Người giúp các Bạn có được ánh sáng nơi chính mình trước đã ! Trong đời sống Công Giáo cũng như trong đời sống nghệ thuật: điều quan trọng là đôi mắt. Hãy cho tôi biết tình trạng của đôi mắt các Bạn ra sao…tôi sẽ nói cho các Bạn biết…các Bạn là người như thế nào ! Và Đức Giêsu dạy: “ Nếu mắt Anh sáng thì toàn thân Anh sẽ sáng” (Mt 6,22).

Chính trong sa mạc của chết chóc…mà những nghệ sĩ mang mặc những bộ lễ phục rực sáng nhất…bởi vì người ta bảo rằng: “chỉ có mặt trời và thần chết là không thể…diện đối diện với nhau được!”. Nhưng không có ai – ngoài Đức Kytô – là người đã thọc mũi kiếm cuối cùng của mình vào thần chết…và cũng không có gì có thể giúp chúng ta loại trừ được sự chết khỏi lương tâm mình đâu: nó sẽ đến vào một ngày nào đó…và sẽ tung liềm để hái đi sự sống, những tác phẩm…và cả những ước mơ của chúng ta nữa. Người hoạ sĩ của những đêm ở Montmartre, Wilette - cách đây cả trăm năm – đã mai mỉa…để kêu gọi những tay thợ gieo vãi sự sống…là các nghệ sĩ rằng: hãy biết cúi chào sự chết…mỗi dịp đầu mùa Chay…bằng kiểu cách của các kiếm sĩ La mã: “ Hỡi những kẻ sẽ chết ! Ta chào các ngươi !” (Morituri te salutant !).

Khuôn mặt đích thực của sự chết…chính là khuôn mặt của Đấng Chiến Thắng sự chết, Đấng Sống Lại trong ánh sáng mặt trời không bao giờ lặn nữa của Ngày Phục Sinh. Và như thế là chúng ta gặp lại Thiên Chúa trong vai trò tối ưu của Người…là “Đấng Làm Chủ Sự Sống”…với những bước chân khiêu vũ của Vũ Trụ. Chúng ta không thể hờn dỗi Người như những chú nhóc mà Tin Mừng nói đến: người ta thổi sáo để chúng nhảy…nhưng chúng lại không muốn nhảy !(xx Lc 7, 12). Khi Thiên Chúa mời gọi tôi đi vào Niềm Hoan Lạc của Người (xx Mt 25,21)…tôi muốn đi vào với những bước nhảy thiên thần mà Fra Angelico đã vẽ trên những bức tường trong Tu Viện San Marco de Florence của Ong. Và tôi xin đoan chắc với các Bạn rằng tôi sẽ cùng nhảy với các Bạn – những nguời Anh Em nghệ sĩ của tôi !

Thư gửi “chính mình”

Ngày xưa, các Giám Mục – dịp Mùa Chay – thường viết một lá thư mục vụ, dài như … một ngày không mảnh vụn bánh nào trong dạ dày, dài đến nỗi việc công bố lá thư mục vụ ấy…phải chia ra nhiều Chúa Nhật để mà đọc…Tôi có cái ý tưởng kỳ cục là viết cho chính mình một lá thư mùa chay. Nó đây ! Ngắn thôi ! Và tôi còn đọc nó với đôi mắt mệt mỏi của một Vị Hồng Y già !

Cho chính Bạn đây: Roger !

Ta biết Bạn…như là Ta đã làm nên Bạn hay - thực sự mà nói - thì quả thực là chính Ta đã làm nên Bạn như Bạn …đã là…trong hôm nay: một con người mang mặt nạ ! Thôi đi nào ! Xin hãy làm ơn lấy đi cái mặt nạ của Bạn…và hãy nhớ rằng Bạn là bụi đất ! Từ Thứ Tư Lễ Tro đến ngày an táng thi hài của Bạn trong Tro Bụi – đêm cũng như ngày –Bạn hãy nghe Lời của Chúa: Sám hối đi và tin vào Phúc Am.

Hãy trở lại với Suối Nguồn và giã từ tất cả những hồ xây, những thùng nhựa…không chứa nổi giòng Nước Hằng Sống của Thánh Thần. Hãy ngược lên cho đến tận nguồn của định mệnh mình: đó là sự sống vĩnh cửu – từ đấy trào vọt giòng nước của nhiệm tích Thanh Tẩy.

Hãy lôi mình ra khỏi những vướng bận về củ hành củ tỏi đất Ai Cập…và ẩn mình trong hoang mạc … từ bốn mươi ngày đêm này đến bốn mươi ngày đêm khác …Hãy sống bám vào Thiên Chúa, để mặc cho Người vạch đường dẫn lối…và sắp xếp thời gian theo ý Người muốn…Trở thành tên du mục cùng khát với những người khát. Đừng đợi chờ những dấu chỉ, những hiển nhiên hay những cẩm nang nào hết ngoài cột mây ban ngày và cột lửa ban đêm…Chính Chúa đi trước bạn: Ngài là Trưởng Tử của những người tin…Đừng than thở…Hãy can trường lên…Ngài đặt để đây đó những thanh đảo trên những nẻo đường trong hoang mạc…nhưng không bao giờ có được trên những con đường cao tốc…đầy tiện nghi…

Đừng khoái trí …với những lời ca tụng…nhất là khi biết rõ…chúng giả tạo…Hãy thích thú vì những phê phán…nhất là khi chúng là những phê phán …đúng…Một ngày sống của Bạn càng bận bịu những công việc, những tiếp xúc, những ưu tư…thì Bạn càng phải mau mắn, ngay từ sáng sớm, để có ngay được những chọn lựa có thể giúp Bạn nghỉ ngơi hay là tăng lên gấp mười những thứ mỏi mệt trên đây…Hãy cân nhắc để chọn lựa sự cầu nguyện và sự thinh lặng…Dù là Appolos trồng, Bạn tưới đó…nhưng chỉ Thiên Chúa mới làm cho triển nở…

Nếu Bạn thấy lá thư này quá ngắn…thì hãy nói…và Ta – Ta sẽ gửi thêm cho Bạn những lá thư khác nữa…để Bạn có cái mà nuôi sống tâm hồn mình…cho đến Lễ Phục Sinh…và còn xa hơn thế nữa: cho tận đến cõi đời đời…
 
Chuyện suy gẫm: Lầm hya vô tình
Hiền Lâm
18:21 14/10/2010
Để thực hiện lời hứa cho các Tông Đồ quyền ngự trên mười hai tòa xét xử, một lần kia Đức Giêsu trao cho Phêrô xử một cuộc tranh cãi giữa quỷ dữ và các thánh nhân:

Trước mặt Phêrô, các đại diện bày ra đầy dẫy các món ăn hảo hạng được chế biến từ thịt chiên và dê. Phêrô nghĩ bụng rằng loại nào cũng nhậu ngon cả, nhưng với tư cách là quan án, ngài vẫn giữ điềm tĩnh…Satan như biết ý, liền hỉ hửng dâng lên món lẩu dê bảy món (kiêu ngạo, hà tiện, dâm đãng, hờn giận, ghen ghét và lười biếng). Nó khoe rằng, đó là đặc sản được kết hợp từ các đầu bếp nổi tiếng Âu-Phi-Á-Mỹ-Úc…dê bảy món là nhứt!

Đợi cho Satan trình bày hết, Phêrô nhìn một lượt các món nhậu, ngài biết rằng Satan đã đặt hàng trên danh mục truyền hình "khéo tay hay làm" do một người Hoa chế biến. Ngài nghĩ thầm nó thật quá hấp dẫn nên đã thu hút bao nhiêu người thèm khát món ăn vô bổ ấy. Ngài lo lắng không biết phân xử làm sao, nếu phía người lành không kiếm được số lượng món ăn như vậy… Suy nghĩ một lát, Phêrô ra hiệu cho đại diện những người lành đem món ăn của họ đến.

Một tô thịt chiên thơm phức mùi yêu thương được dâng lên, vị đại diện chưa kịp mở lời, thì Satan đã lớn tiếng chế nhạo:

Chà! được một món xưa như trái đất rồi, làm sao sánh được với lẩu dê bảy món của ta chứ?

Satan đâu có ngờ vị đại diện dâng món thịt chiên đó lại là cha Đắc Lộ, từ hồi qua Việt Nam, ngài đã soạn cuốn cẩm nang nấu ăn, món thịt chiên yêu thương ngài đã chế được thành 14 món (“thương người có mười bốn mối”: bảy thương linh hồn, bảy thương xác). Khi nắp tô được mở ra, cha Đắc Lộ lần lượt trình bày 14 món chiên, gấp đôi số lượng dê bảy món của Sa-tan. Phê-rô mừng quá tuyên bố ngay:

"Cha Đắc Lộ thắng.

Bãi đường!"

Thua một vố đau, Sa-tan ra về không phục, ấm ức cho là không công bằng, nó dọa lần sau sẽ kiện lên tòa phúc thẩm tối cao của Đức Giê-su.

Chấp nhận đơn khiếu nại, Đức Giê-su hứa sẽ thăng đường vào ngày 25 tháng 12 tới, nhưng lần này, lễ vật phải là hoa quả mà thôi.

Thật không may cho Phê-rô, Sa-tan đòi phải ra đối chất với nó trước mặt Chúa Giê-su, ngài liền nhắc máy gọi cho Phao-lô để bàn hỏi. Phao-lô liền gửi ngay cho tờ Fax ghi lại các loại hoa quả Thần Khí mà Phao-lô đã dùng trong lá thư gửi cho các đầu bếp ở Ga-Lát (Gl 5, 22). Phao-lô còn hứa sẽ đến tham dự với tư cách là luật sư.

Đúng ngày, tại cánh đồng Gio-sa-phát, Đức Giê-su cho thăng đường để tiếp kiến.

Theo kế hoạch của Phao-lô, Phê-rô đem ra một mâm đầy hoa quả gồm: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tiết độ. Sa-tan để ý và đếm được chín loại, nó cười ngặt nghẽo và nghĩ rằng lần này thì chắc chắn nó thắng khi nó dâng lên một mâm những mười lăm loại hoa quả gồm: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa và chè chén. Sa-tan còn khoe là còn nhiều thứ nữa nhưng vì mâm đã đầy đợi dịp khác.

Đức Giê-su thấy vậy liền quay sang hỏi Phê-rô:

"Phê-rô, anh nghĩ sao?" Phê-rô lúng túng chưa biết trả lời thế nào, Phao-lô liền đứng lên đỡ lời:

Dạ! khẩu kiến Giê-su đại nhân! xin Đại Nhân xử tội Sa-tan vì nó đã ăn cắp bản quyền sáng tác của học trò ạ!

Đức Giê-su hỏi: Có bằng chứng không?

Dạ, có ạ! Phao-lô liền dâng bức thư mà ngài đã gửi cho các đầu bếp Ga-lát, trong đó ngài đã cấm họ không được nấu các loại món ăn mà Sa-tan vừa dâng. Lập tức Đức Giê-su đập bàn quát:

Sa-tan, ngươi thật đáng chết, tổng trưởng Michael đâu, giam nó vào đại lao cho Ta một ngàn năm.

Dạ!

Bãi đường.

Phê-rô hỉ hửng cám ơn Phao-lô đã đến thật đúng lúc, người viết nghe nói hôm đó Phê-rô bao Phao-lôâ một chầu to lắm! Người viết cũng được mời với tư cách là phóng viên nên mới biết mà kể lại câu chuyện này.

***

Câu chuyện kể đến đây không ít người thắc mắc cho rằng Chúa Giê-su hơi thiên vị, nhưng nói như vậy cũng đâu có gì lạ, thánh vịnh gia từng tuyên xưng "Chúa bênh đỡ người công chính", vả lại Chúa đứng về các vị trụ cột của Hội Thánh và chống lại tên kiêu ngạo thì đâu có gì ngoa. Thực tình, người viết không hề có ý nào khác ngoài việc muốn minh xác lại việc sống Bí Tích Hiệp Thông mà thôi. Tuy câu chuyện chỉ là do trí tưởng tượng, nhưng để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ, cũng nhờ câu chuyện đó làm cho người nhớ tới một vụ án chắc chắn sẽ xảy ra, nếu hiểu theo nghĩa tiên trưng đã được Đức Giê-su báo trước, xin được kể lại tóm tắt như sau:

Vào năm cuối đời vũ trụ, Vua Giê-su thăng triều xét xử. Vụ án cuối cùng này được kể là lớn nhất từ tạo thiên lập địa. Vua tách đôi hai hạng người: Kẻ ăn thịt chiên ngồi bên phải và bọn nhậu lẩu dê bên trái. Hầu hết các bị cáo cứ nghĩ là Vua sẽ hỏi ăn thịt chiên hay nhậu lẩu dê mấy lần, nhưng không ngờ Vua chỉ hỏi: Các ngươi có chia phần của các ngươi cho kẻ đói nghèo, rách rưới, khách lạ hoặc tù đày không? Và kết cuộc, các người ăn thịt Chiên Con cũng đâu có nhớ họ đã ăn bao nhiêu lần, mấy chục ký… nhưng Thần Khí soi sáng cho họ biết là họ chưa hề quên san sẻ cho tha nhân. "Bé cái lầm", nhưng cái lầm của người bên hữu thật có phước.

- Sa-tan cho rằng, món thịt Chiên Con đã quá quen thuộc, nhàm chán, không có chế biến gì thêm… Ngẫm nghĩ lại, các kitô hữu chớ vội cười, nhưng là cười ra nước mắt mới phải. Bí tích Thánh Thể mà mỗi lần trước khi trao cho các tín hữu trong thánh lễ hằng ngày, vị chủ sự đều giơ cao và đọc: "Đây Chiên Thiên Chúa… phúc tay ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa", có khi đã trở thành một thông lệ quá quen thuộc, chẳng có gì mới và lắm khi đã trở nên nhàm chán như kiểu người Ít-diên cổ đại chê chối Man-na… Phải chăng thái độ này là do Bánh Thiên Thần không còn hiệu lực? Thưa rằng ngàn lần không, nhưng là do lãnh nhận Bí Tích mà không sống Bí Tích, để rồi làm cho Bí Tích sự sống đem lại án chết.

Bí tích Thánh Thể được mang nhiều danh gọi thật ý nghĩa: Bí Tích Tình Yêu, Bí Tích Yêu Thương, Bí Tích Hiệp Thông…, người viết thích nhất danh gọi Bí Tích Hiệp Thông, vì tự nó có một ý nghĩa thật đặc biệt, khi gọi đến tên là nghĩ ngay tới việc thực hành huyền nhiệm Thánh Thể. Nhưng thực hành như thế nào?

Câu chuyện mở đầu đã nói lên những cách thực hành mà bao vị thánh đã vạch ra, và như vậy mới có đủ khả năng trấn át được món lẩu dê bảy món (bảy mối tội đầu) quá hấp dẫn mà Sa-tan đã làm mồi nhử để mê hoặc con người. Có một câu chuyện có thật 100%, người viết xin được trích đoạn để minh họa như sau:

Ở một xứ đạo kia… Hôm đó cha xứ vừa về để kịp cử hành thánh lễ chiều Chúa Nhật, ngài gặp thấy trước cổng nhà thờ có hai bà cãi nhau, dùng đủ mọi lời lẽ cay độc; nhưng vừa thấy cha xứ về, một bà vội mang áo dài chạy vào nhà thờ nhưng không quên nói vọng lại: "Mi đợi đó, cha về đây rồi, để tao vào đi lễ và rước lễ cái đã, rồi ra tao hay tội cho" (Xin lỗi độc giả, người viết muốn trích nguyên văn lời nói của bà già nên hơi khó hiểu một tý).

Người viết xin miễn bình luận, nhưng chứng kiến câu chuyện trên, chột nghĩ có lẽ bà già kia vào rước lễ (ăn Thịt Chiên Con) để lấy thêm sức rồi ra chửi tiếp??? Cũng từ câu chuyệân này làm cho người viết nhớ tới một câu chuyện tương tự sau đây: Lần kia đi tham dự lễ khai mạc Năm Thánh nơi một xứ đạo. Đến giờ hiệp lễ, một thanh niên cùng lên rước lễ với người viết, có lẽ do thiếu Mình Thánh nên cha hạt chia đôi cho cả hai cùng chung một miếng Bánh Thánh. Sau thánh lễ, người viết lưu lại một lát nơi ghế đá ngoài khuôn viên nhà thờ, chàng thanh niên thao thao khen cách trang trí các biểu tượng Năm Thánh và biểu tượng sống Bí Tích Thánh Thể trong nhà thờ và trên đỉnh tháp chuông thật tuyệt tác… Đặc biệt ông cha hạt hôm nay giảng một bài về tinh thần Năm Thánh thật hùng hồn không chê vào đâu được… Nhưng trớ trêu thay lúc chia tay để vào lấy xe ra về thì gặp mấy chàng thanh niên hồi nãy đang đánh một người qua đường phải đi cấp cứu… Không biết phải nói thế nào, khi cùng ăn Thịt Con Chiên Thiên Chúa, cùng lãnh nhận Bí Tích Yêu Thương Hiệp Thông, lại phá vỡ hiệp thông và yêu thương… Phải chăng Bí Tích Hiệp Thông mang ý nghĩa là mọi người đều có tự do lãnh nhận dù tâm hồn đang ở trong trạng thái nào? Hay vì Bí Tích mang tên là yêu thương hoặc vì Chúa quá yêu thương nên dù lãnh nhận cách bất xứng cũng chẳng sao, chẳng lẽ lời cảnh báo của thánh Phao-lô trong thư 2 Cr 11, 27 - 29 đã không còn giá trị?

Được mời đi dự tiệc, chúng ta chuẩn bị thật chu đáo, càng chu đáo hơn khi nhận thiệp mời dự tiệc của một “ông hoàng có máu mặt”. Bạn sẽ không dám tới dự khi thiếu những tiêu chuẩn cần thiết, hoặc mặc cảm thấy mình không xứng đáng tham dự. Ấy thế mà Vị Quân Vương cao cả hàng ngày mời bạn đến dự tiệc Chiên Con, nhưng có một lần nào bạn có sự chuẩn bị tâm hồn sốt sắng chưa? Hay là thấy người ta lên rước lễ thì mình cũng lên, không lên thì thấy kỳ, hoặc có ai đó đánh giá mình thì sao…

Một tập sinh nọ đến xưng tội với cha linh hướng, sau khi giải tội, cha linh hướng ra việc đền tội cho tập sinh là mỗi lần lên rước lễ phải ý thức chuẩn bị tâm hồn một phút. Thấy đơn giản quá, chàng tập sinh hứng khởi thưa: "Cha ra ít quá, con sẽ làm thêm hơn thế nữa cơ!" Hai tuần sau trở lại tòa cáo giải, cha giải tội hỏi tậâp sinh việc đền tội lần trước, chàng mới giật mình nhớ lại là chỉ có mấy hôm đầu còn có chút chuẩn bị, nhưng sau rồi lại đâu vào đấy… Cha giải tội thở dài nói với tập sinh: "Cha chỉ muốn con có một phút mà con không làm được thì đừng có nghĩ đến việc con làm thêm điều gì, lần này cha chỉ muốn con trên đường đi lên rước lễ con cố gắng nhớ con đang bước lên để lãnh nhận gì? Và sau rước lễ con hãy thưa với Chúa một lời "cám ơn Chúa Giêsu!".

***

Có nhiều điều vô bổ làm cho chúng ta nhớ lâu, nhưng có những điều rất cần thiết chúng ta lại dễ quên. Đó là cái tệ nhất của con người, nhưng lại khó có ai tránh khỏi. Câu chuyện mở đầu làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Cái vô bổ làm cho chúng ta nhớ lâu không phải vì chúng ta muốn, nhưng vì chúng quá hấp dẫn và phù hợp với tính xác thịt hơn, tựa như món lẩu dê của Satan đem đến để hầu tòa. Tuy nhiên đâu chỉ Satan độc quyền chế biến ra 7 món ngon tội lỗi, các bậc thánh nhân cũng đã chế ra bao nhiêu phương thế thực hành sống đạo đức yêu thương giúp chống lại những quyến rũ tội lỗi, xác thịt. Sở dĩ chúng ta mắc bẫy là vì chúng ta quá hững hờ “vô tình lãng quên”. Tòa án cuối cùng trong ngày chung thẩm, thiết nghĩ không phải Vua Giêsu kết tội cái lầm, nhưng đúng hơn kết án sự vô tình.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:53 14/10/2010
NỔI GIẬN

N2T


Thời chiến quốc, Tần vương muốn đem mười lăm thành trì của mình để đổi lấy một viên ngọc Hòa Thị rất quý của Triệu vương. Triệu vương sợ đắc tội với Tần vương bèn sai Lân Tương Như đem viên ngọc Hòa Thị đi tiếp kiến Tần vương. Tần vương được viên ngọc quý nhưng lại không nói đến chuyện đổi thành, Lân Tương Như rất nóng lòng nên nói dối Tần vương là viên ngọc có chút xíu khuyết điểm muốn chỉ cho Tần vương thấy, Tần vương chỉ có cách là đưa ngọc bích cho Lân Tương Như.

Tương Như vừa cầm được viên ngọc thì bước lui một bước, dựa vào một cây cột trụ to lớn của cung điện, trừng cặp mắt, nộ khí xung thiên nói với Tần vương, nếu Tần vương không thành ý đổi thành thì ông ta sẽ cùng chết với viên ngọc Hòa Thị này.

Tần vương sợ Tương Như đập nát viên ngọc nên trước tiên xin lỗi ông ta, rồi cùng ông ta thương lượng về việc trao đổi thành trì.

(Sử ký, Lân Tương Như truyện)

Suy tư:

Khi mắt tâm hồn của con người bị mỡ vật chất dính vào thì bị mù, nên không nhìn thấy sự thật, không nhìn thấy phải trái, không nhìn thấy đau khổ của người khác, mà chỉ cảm nhận được sự khoái trá của mình trên những đau khổ của người khác. Nhưng thế gian vẫn còn có những con người như Tương Như Lân quyết không để người khác ăn cắp báu vật quốc gia, cương quyết thà chết để lấy lại báu vật hoặc buộc Tần vương phải đem mười lăm thành trì đổi lại như đã hứa. Và ông ta đã làm được.

Trong cuộc sống cũng có một vài người Ki-tô hữu vì tham tiền tham chức vụ mà bán linh hồn cho ma quỷ, lương tâm ki-tô giáo của họ đã bị mỡ vật chất dính cứng, mắt tâm hồn của họ đã bị mỡ chức quyền trát vào nên họ không thể đường đi vào Nước Thiên Chúa, do đó mà họ vẫn luôn là trở ngại lớn cho người khác muốn gia nhập vào gia đình của Giáo Hội Công Giáo.

Với cám dỗ thì không thể thụt lùi chấp nhận thua, dính mỡ vật chất danh vọng thì cương quyết dùng sự cầu nguyện và hy sinh và các bí tích để rửa sạch và trở thành mới hơn trong cuộc sống của mình.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:55 14/10/2010
N2T


5. Lời tục tĩu nơi miệng người thế tục bất quá chỉ là lời đùa cợt, nhưng ở nơi miệng chúng ta thì là lời nhục mạ Thiên Chúa.

(Thánh Bernard)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Mọi người đều có nguy cơ sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu
Linh Tiến Khải
10:45 14/10/2010
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến chung hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 13-10-2010.

Trong những ngày này số tín hữu hành hương Roma gia tăng vì Chúa Nhật 17 tới đây sẽ có lễ tôn phong hiển thánh cho 6 Chân Phước, trong đó có Chân Phước Mary McKillop, vị thánh tiên khởi của Australia. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu một vị thánh thần bí lớn khác của thế kỷ XIII: đó là Chân Phước Angela thành Foligno, trung Italia. Đức Thánh Cha nói về tiểu sử của chân phước như sau:

Chào đời vào khoảng năm 1248 trong một gia đình khá giả, chân phước mồ côi cha và được mẹ giáo dục một cách hời hợt. Angela được mau chóng đưa vào trong các môi trường trần tục của thành phố Foligno, nơi đây nàng quen biết một người đàn ông và lấy làm chồng năm lên 20 tuổi rồi có con cái. Cuộc sống vô tư lự đến độ cho phép nàng khinh bỉ những người ”thống hối tội lỗi”, nghĩa là những người để theo Chúa Kitô, bán của cải gia nghiệp và sống đời cầu nguyện, chay tịnh, phục vụ Giáo Hội và tha nhân.

Nhưng rồi có một vài biến cố như trận động đất năm 1279, một trận bão, chiến tranh chống lại thành Perugia và các hậu qủa khắc nghiệt của chúng trong cuộc sống, đã ghi dấu trong cuộc đời Angela, khiến cho nàng từ từ ý thức được các tội lỗi của mình và quyết định khẩn cầu thánh Phanxicô thành Assisi hiện ra, để xin ý kiến giúp nàng xưng tội chung. Đó là năm 1285. Angela xưng tội với thánh Feliciano. Ba năm sau, chỉ trong vòng vài tháng, mẹ nàng qua đời, sau đó là tới phiên chồng và tất cả con. Angela bán hết của cải và năm 1291 gia nhập Dòng Ba Phanxicô, rồi qua đời tại Foligno ngày mùng 4 tháng giêng năm 1309.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói sách cuộc đời chân phước kể lại sự hoán cải và chỉ cho thấy 3 phương thế cần thiết là ăn năn sám hối, khiêm nhường và các sầu muộn. Nhớ lại các kinh nghiệm từ năm 1285, Angela trình bày với cha giải tội, và vị này trung thành ghi chép lại các kinh nghiệm thiêng liêng ấy, chia chúng thành các giai đoạn, nhưng không thể sắp xếp cho có thứ tự một cách hoàn toàn (x. Il libro della beata Angela da Foligno, Cinisello Balsamo 1990,tr. 51). Lý do là vì kinh nghiệm kết hiệp lôi cuốn hoàn toàn các giác quan tinh thần và thân xác của Angela trong các cuộc xuất thần. Những điều Thiên Chúa cho chân phước trông thấy và nghe được, chân phước không thể nói được với người khác, mặc dầu rất muốn thông truyền chúng cho họ. Kinh nghiệm thần bí đó là các soi sáng Thiên Chúa thông truyền cho linh hồn của chân phước một cách bất thình lình và không ngờ.

Bên cạnh sự khó khăn diễn tả kinh nghiệm thần bí, còn có sự kiện khó hiểu từ phía các người nghe nữa. Đây là tình trạng cho thấy Chúa Giêsu là Vị Thầy duy nhất đích thật sống trong tim của từng tín hữu, và Ngài ước mong chiếm đoạt nó hoàn toàn. Chân phước Angela viết cho một người con thiêng liêng như sau: ”Con ơi, nếu con thấy được trái tim mẹ, con sẽ bị bó buộc làm tất cả những gì Thiên Chúa muốn, bởi vì trái tim mẹ là trái tim của Thiên Chúa, và trái tim của Thiên Chúa là trái tim của mẹ”. Ở đây vang vong lên các lời của thánh Phaolô: ”Không còn là tôi sống nữa, nhưng là chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Tiếp đến, Đức Thánh Cha duyệt qua vài chặng trên lộ trình thiêng liêng của chân phước Angela. Trước hết là việc hiểu biết tội lỗi khiến cho linh hồn sợ hãi bị trầm luân, sợ hãi hỏa ngục, và khiến cho chân phước khóc lóc cay đắng (Sđd., tr. 39). Đó là thứ đức tin mà chân phước có trong lúc hoán cải, một đức tin thiếu đức mến, hay thiếu tình yêu của Thiên Chúa. Ăn năn, sợ hảo ngục và sám hối mở ra cho Angela viễn tượng của thấp giá đớn đau, và từ chặng thứ 8 đến thứ 15 dẫn đưa chân phước tới ”con đường tình yêu”. Chân phước nói: ”Ai muốn duy trì ơn thánh, thì không được cất đôi mắt của linh hồn khỏi Thập Giá, trong khi vui cũng như lúc buồn mà Chúa ban cho và cho phép xảy ra”. Linh hồn cảm thấy xấu hổ cay đắng và chưa có kinh nghiêm tình yêu, nhưng nỗi đớn đau”, và nó không được thỏa mãn (Sđd., tr. 39).

Angela cảm thấy phải cho Thiên Chúa cái gì đó để đền bù các tội lỗi của mình, nhưng từ từ chị hiểu rằng mình không có gì để cho Thiên Chúa cả. Còn hơn thế nữa chị cảm thấy là ”hư không” trước Thiên Chúa và hiểu rằng không phải ý chí của chị ban cho chị tình yêu của Thiên Chúa, bởi nó chỉ có thể cho chị cái ”hư không” của nó, cái ”không tình yêu” mà thôi...

Trên con đường thần bí của mình, chị Angela hiểu một cách sâu xa thực tại nòng cốt này: điều cứu chị khỏi sự ”bất xứng” và ”đáng chịu hỏa ngục” sẽ không phải là sự ”hiệp nhất với Thiên Chúa” và việc chiếm hữu sự thật, mà là chính Chúa Kitô chịu đóng đinh... Trên thập giá có con người - Thiên Chúa, trong một cử chi khổ đau là cử chỉ tối cao của tình yêu... Vì thế khi chiêm ngắm nỗi khổ đau khôn tả của Thiên Chúa và con người Giêsu Kitô, linh hồn đau khổ đến độ nó được khổ đau biến đổi” (Ibd. tr.190-191).

Đức Thánh Cha tóm tắt lộ trình kinh nghiệm thần bí của chân phước Angela như sau: Như thế, tất cả kinh nghiệm thần bí của chân phước hướng tới việc trở nên hoàn toàn giống Chúa, qua các thánh tẩy và biến đổi ngày càng sâu xa và triệt để hơn. Angela hoàn toàn dấn thân xác hồn trong công trình tuyệt vời ấy, mà không nề quản hãm mình và chịu ưu phiền từ đầu cho tới cuối, ước ao được chết với tất cả các khổ đau mà con người - Thiên Chúa đã phải chịu để được hoàn toàn biến đổi trog Ngài...

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Việc trở nên giống Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đanh cũng có nghĩa là sống những gì Chúa Giêsu đã sống: nghèo nàn, bị khinh dể, đau đớn, bởi vì Angela khẳng định rằng: ”qua sự khó nghèo trên trần thế này linh hồn sẽ tìm thấy các sự giầu có vĩnh cửu; qua sự khinh rẻ và xấu hổ nó sẽ có được danh dự và vinh quang rất lớn lao; qua một ít hãm mình, được thi hành với sự khó nhọc và đau đớn, nó sẽ chiếm hữu được Sự Thiện Tối Cao là Thiên Chúa vĩnh cửu, với sự dịu ngọt và ủi an bất tận” (Ibid. tr. 293).

Cầu nguyện liên lỉ là bí quyết dẫn đưa chị Angela từ chỗ hoán cải tới việc kết hiệp thần bí với Chúa Kitô chịu đóng đinh. Chị khẳng định rằng: ”Bạn càng cầu nguyện bao nhiệu, thì lại càng được soi sáng nhiều bấy nhiêu; càng được soi sáng nhiều bao nhiêu, bạn sẽ lại càng trông thấy sự Thiện Tối Cao Đấng cực tốt lành một cách sâu đậm và mạnh mẽ bấy nhiêu. Càng trông thấy Ngài một cách sâu đậm và mạnh mẽ bao nhiêu, bạn càng yêu mến Ngài bấy nhiêu. Bạn càng yêu mến Ngài bao nhiêu, lại càng được Ngài yêu thương đặc biệt bấ nhiêu; và Ngài càng đặc biệt yêu thương bạn bao nhiêu, thì bạn lại càng hiểu biết Ngài nhiều hơn bấy nhiêu, và sẽ có khả năng hiểu được Ngài. Tiếp đến bạn sẽ tới với ánh sáng tràn đầy, bởi vì bạn sẽ hiểu rằng bạn không thể hiểu được” (Ibd., tr.184).

Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: cuộc đời của chân phước Angela thành Foligno cũng cho chúng ta thấy ngày nay chúng ta tất cả cũng gặp nguy cơ sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu: xem ra Ngài qúa xa vời cuộc sống thường ngày. Nhưng Thiên Chúa có hàng ngàn phương cách để hiện diện trong linh hồn, để cho thấy Ngài hiện hữu, Ngài biết tôi và Ngài yêu tôi. Xin chân phước Angela giúp chúng ta biết chú ý tới các dấu chỉ, qua đó Chúa đánh động linh hồn chúng ta, biết chú ý tới sự hiện diện của Thiên Chúa, để học biết con đường đi với Thiên Chúa và dẫn đến Thiên Chúa trong sự hiệp thông với Chúa Kitô Chịu Đóng Đanh.

Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha rồi ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Mary MacKillop và căn tính linh đạo Úc
Vũ Văn An
18:02 14/10/2010
Ai cũng đồng ý rằng nơi Mary MacKillop, ít có tính độc đáo nào khiến người ta có thể coi bà như người đóng góp chính vào nền linh đạo lý thuyết của Úc. Ngược lại, không ai chối cãi được sự kiện Bà đã phản ảnh nhiều đặc điểm Úc qua cách sống các xác tín Kitô Giáo của mình. Bà cho thấy một khả năng lớn trong phạm vi áp dụng thực tiễn mà người ta thường gọi là praxis, hiểu như hành động qua lại có tính biện chứng giữa lý thuyết và thực hành. Praxis đóng vai trò của người vừa giải thích vừa phán quyết. Bà không chấp nhận các qui ước đương thịnh về phương cách áp dụng và sống các chân lý dù là trong đạo. Bà đặt nghi vấn, tra hỏi các chân lý ấy và nhờ thế tạo ra các phương cách mới, các cái nhìn thông sáng mới. Bà sẵn sàng chấp nhận đau thương khi phải biện bạch cho chúng trong bác ái và trong cam kết hiệp nhất.

Bà không đơn giản nhắc lại các quan điểm của người khác, sống ở nơi khác, mà cũng không tìm an ổn nếu chịu chấp nhận hiện trạng. Bà nhìn vào những con người của xứ sở, của mảnh đất quê hương và hiểu ra nhu cầu của họ. Sự đóng góp của bà vào căn tính linh đạo Úc phải được hiểu theo viễn tượng này. Sự đóng góp ấy vì vậy hệ phần lớn ở câu hỏi: phải chăng Mary MacKillop muốn mời gọi các nhà thần học Úc hãy nhìn lại chính dân tộc mình để tìm ra một lối làm thần học khác?

Ở đây, cần nhấn mạnh điều này: từ trước đến nay, phần lớn những điều người ta viết về đời sống và tầm ý nghĩa của Mary MacKillop đều là sản phẩm của tầng lớp ưu tú Úc ở cả hai lãnh vực đạo và đời, theo những ý niệm và hình ảnh được họ cho là chính yếu. Dù những yếu tố ấy có quan trọng bao nhiêu đi chăng nữa, thì chúng vẫn xa vời với thế giới tôn giáo của các Kitô hữu bình thường… Dịp phong thánh cho Chân Phúc Mary MacKillop là cơ hội để mọi người hiểu ra rằng kinh nghiệm sống của người phụ nữ Úc này có đặc tính riêng của nó, có giá trị cấu thành riêng và có cái đảm lược riêng của nó dám nói ra điều ấy. Bà từng viết cho các vị trong Tòa Thánh hay: “Chính một người Úc đã viết điều này. Người ấy đã sinh trưởng giữa chính những khó khăn mà mình cố gắng miêu tả, và là người đã nhiều lần được nghe nhiều linh mục đạo hạnh và nhiều giám mục nhiệt thành buồn bã than van về hiện trạng sự việc mà các ngài không tài nào chữa trị…”. Và đoạn này nữa: “người ấy cũng không ngần ngại thấy rằng điều xem ra lạc điệu ở Âu Châu thì vẫn còn giá trị tại phần lớn lãnh thổ Úc”. Vấn đề, vì thế, là phải nhìn vào chính dân tộc mình. Xem ra, về phương diện này, Mary MacKillop quả đã trở thành tiếng nói của nhiều thành phần bị lãng quên trong Giáo Hội Úc. Nơi Bà, họ tìm thấy một mẫu mực tóm kết được nhiều niềm tin bản thân và nhiều giấc mơ tiềm ẩn.

Đó là nhận định của Cha Daniel Lyne, thuộc Dòng Passionist tại Tu Viện Marrickville, Sydney, người từng hoàn tất luận án tiến sĩ với đề tài: “Nền Linh Đạo và Các Đặc Sủng Của Mary MacKillop” vào năm 1981. Cha nhận định thêm: muốn có một ý niệm về những con người bị lãng quên nói trên, người ta nên trở về với những ngày hội kỷ niệm 200 năm lập quốc của Úc. Ngày mở đầu lễ hội ấy dĩ nhiên tràn ngập pháo bông tại mọi thành phố. Người người cười nói đi lại, nhộn nhịp, vui tươi, hân hoan, làm bộ mặt thành phố rạng rỡ. Nhìn quang cảnh ấy trên các chương trình truyền hình, người ta hiểu được bộ mặt ngày lễ của Úc. Nhưng thực ra khung cảnh kết thúc lễ hội, cũng trên màn hình kia, mới thực sự nói được nhiều điều về mảnh đất và con người Úc Châu này. Cảnh cuối cùng ngày hội không được thu hình tại các thành phố, vốn đầy ánh sáng, mầu sắc và tiếng động, cũng như nhiều đoàn người lũ lượt kéo nhau đi. Nó được thu hình tại một trang trại xa xôi hẻo lánh, Dimboola (1) chăng? Người phỏng vấn duy nhất hầu truyện một cặp vợ chồng già đang đứng trong bóng tối, tay cầm duy nhất một chiếc pháo nhỏ. Hình ảnh pháo bông hoành tráng của các đô thị được “thăng hoa” bằng chiếc pháo nhỏ xíu này, chiếc pháo cũng lốp bốp bay bổng vào sự sống để rồi kết thúc không phải bằng một tiếng “bang” mãnh liệt mà bằng một tiếng lẹt đẹt thiếu hẳn âm vang. Hình ảnh ấy nói lên nhiều lắm. Cặp vợ chồng già mất hút trong cái mênh mông bao la của lãnh thổ Úc Châu này không hề bị lãng quên. Họ vẫn có đó, vẫn hiện diện ở đó. Bằng cách riêng của họ, họ vẫn là một thành phần của lãnh thổ mênh mông kia, như bất cứ ai, và họ quan trọng vì có ai đó vẫn chịu khó lên đường tìm gặp họ. Hoạt cảnh ấy nói với ta thật nhiều về ý nghĩa nước Úc mà ta biết và về lối người Úc tự nhìn ra mình.

Hình ảnh một Mary MacKillop như người “chịu khó lên đường tìm gặp họ” đã gây một tiếng vang thật dội trong tâm hồn người Úc. Trong số vô vàn lời từ bài báo, sách vở và chương trình viết và nói về Mary MacKillop, người ta tìm ra khá nhiều dấu chỉ. Lucy Bell, người thủ vai Bà trong một cuốn phim, nói đại khái như thế này: “khi tiếp cận với Mary MacKillop, nhiều sự việc sẽ bắt đầu xuất hiện trong đời bạn”. Dịp chuẩn bị phong chân phúc cho Mary MacKillop, tại buổi chung kết giải bóng bầu dục ở Brisbane, người ta đọc thấy một biểu ngữ như sau: “Chỉ một người như Mary MacKillop mới có thể yêu được Benny Elias” (2). Và câu này nữa, lóm nghe trong một chương trình truyền hình: “Phải có sự kiên nhẫn kiểu Mary MacKillop mới chịu đựng nổi chuyện này”.

Đó không phải là lời của những người nói tiếng nhà đạo. Họ chắc chắn không phải là những người bắt cóc ngôn từ về Mary MacKillop để rồi phun ra những phạm trù chỉ liên quan tới những căng thẳng giữa Bà và hàng giáo phẩm, những đúng cùng sai của việc thi hành quyền bính và tài phán trong cộng đồng Giáo Hội. Chúng cũng không phải là lời của những người chỉ muốn định vị Bà trong đường hướng linh đạo đương thời hay bận bịu với những câu hỏi đại loại như: bà chịu ảnh hưởng của nền linh đạo Pháp qua người hướng dẫn mình là linh mục Tenison Woods hay chịu ảnh hưởng của nền linh đạo Inhã (Dòng Tên) như có lần chính Woods đã phê phán.

Trong một bối cảnh nào đó, những câu hỏi như trên có thể quan trọng. Tuy nhiên, điều cũng quan trọng không kém là thừa nhận và nhìn nhận rằng như thế đâu có phải là Mary MacKillop của người dân và đó đâu có phải là quan tâm của nhiều người như cặp vợ chồng già Dimboola. Ở ngoài kia, còn có những lời khác của những người cần được người khác nghe và họ đang lên tiếng, không phải trên báo chí tập san, nhưng là những lời ngập ngừng, những câu cú sai văn phạm hàng ngày đổ về Trung Tâm Mary MacKillop qua thư từ, điện thoại. Tất cả hầu như cùng một sứ điệp: “Tôi cảm thấy Mary MacKillop hiểu tôi”. Tiếng kêu của những con người bị lãng quên ấy đại biểu cho điều có thể gọi là đóng góp lớn lao của Mary MacKillop vào căn tính linh đạo Úc. Và cùng với nhiều khía cạnh khác trong đời mình, Bà vừa đặt câu hỏi, vừa đem lại câu trả lời.

Dù các hình ảnh trên có vẻ nặng về tình cảm và cảm xúc, thiếu tính khách quan và chặt chẽ, nhưng cuộc sống và việc làm của Mary MacKillop vẫn đặt cho các nhà khoa bảng câu hỏi sau đây: những tiếng kêu kia há không phản ảnh thực tại như các vấn nạn có ý nghĩa lý của họ hay sao? Các vấn nạn do Bà nêu ra rất có thể được viết bằng ngôn ngữ khoa bảng mà Bà chưa bao giờ hiểu nổi. Người ta có thể diễn tả như thế này. Trong khi vươn tay ra với người nghèo, trong khi chịu khó lên đường tìm gặp những người bị lãng quên, Mary MacKillop đã thách thức các nhà thần học dám chấp nhận mối liên hệ giữa lý thuyết và thực hành. Bà thiết lập được mối liên kết giữa kiến thức và các quan tâm nhân bản sâu sắc để trả lời cho các thách đố của hệ thống siêu hình cũng như các cường điệu của các siêu lý thuyết. Trong sức lôi cuốn có tính nhân bản của mình đối với những người không có tôn giáo, Mary MacKillop cũng đã làm nổi rõ các nhận xét của một số tư tưởng gia về tính độc lập tương đối của nhiều lãnh vực khoa học, luân lý và nghệ thuật và sự thiếu khả năng của thế giới quan thần thoại và tôn giáo trong vai trò thống nhất hóa và tổng hợp hóa mà trước đây họ vốn huênh hoang. Có lẽ, các nhà thần học và cả các giáo hội cũng nên tái thẩm định vai trò phụ thuộc (ancillary role) của mình trong một xã hội nhất định, vì họ không còn là những người trọng tài duy nhất của chân lý nữa.

Khi trở nên tiếng nói cho những người bị bỏ quên kia, theo cách riêng của mình, Mary MacKillop cũng hiện thân cho mối quan tâm đối với phía bên kia của lịch sử và cho vai trò biện chứng của ngôn ngữ cụ thể như ý niệm “dị biệt” trong lý thuyết ngôn ngữ của Derrida (3) cũng như trong các biện luận của ông về mối tương quan giữa “giá trị trường cửu của các chân lý tuyệt đối” và “giây phút hiện nay của chân lý” chứa đựng trong bất cứ bản văn nào ta muốn trình bày. Khi tranh chấp với một số vị giám mục và nhiều người khác, Mary MacKillop luôn nhấn mạnh tới mối liên hệ giữa “cơ cấu quyền lực và các thái độ đương thịnh trong xã hội”.

Thêm vào đó, các tranh đấu của Bà trong việc định vị và áp dụng niềm tin của mình vào thời gian và không gian của nền văn hóa riêng đã đặt ra nhiều thách đố cho các luận điểm của thẩm quyền nhằm thăng tiến và duy trì nguyên trạng, những thách đố cũng lớn lao chẳng kém các hiểu biết thông sáng về chú giải của Gadamer (4) trong lãnh vực kinh thánh và suy tư thần học. Các nhà khoa bảng cảm thấy quen thuộc với thứ ngôn ngữ và suy tư đó. Mấy thứ tranh luận này chính là dầu mỡ làm cho bộ máy khoa bảng chạy đều. Nhưng với Mary MacKillop, Bà muốn họ tự hỏi xem họ có nghiêm túc đặt vấn đề và áp dụng vấn đề đó vào cuộc sống những người bình thường hay không; họ có nằm lì trong những cuộc tranh luận và suy tư khoa bảng hay chịu bàn tới những vấn đề bằng các ngôn từ khiến chúng trở thành hiện thực: tức các kinh nghiệm sống trong cuộc sống con người, nhất là kinh nghiệm Úc Châu. Mary MacKillop có thể chới với trong lãnh vực khoa bảng, nhưng Bà hết sức vững chân trong các cuộc đấu tranh hàng ngày của đời người.

Nếu một trong các vai trò của thần học trong xã hội và trong Giáo Hội là giúp lên khuôn và tạo ra ý thức tôn giáo và linh đạo cho người ta, thì Mary MacKillop hẳn đã nhẹ nhàng nhắc ta nhớ rằng vai trò của họ cũng là giúp nói lên kinh nghiệm của người ta và đem vào ý thức ấy các thực tại chưa được phản ảnh, nhưng từng góp phần tạo ra kinh nghiệm kia. Thần học phải quan tâm tới kinh nghiệm về Thiên Chúa như nó vốn quan tâm tới các lý thuyết về Người.

Các lý thuyết về Người này, chẳng may, phần lớn phản ảnh cách tiếp cận có tính siêu việt của Âu Châu, vốn chịu ảnh hưởng của Hegel và Kant trong cố gắng đi tìm các hệ thống thống nhất hóa tư duy đối với mọi thực tại. Các phát biểu của họ về sự hiện hữu cá thể như phản ánh thực tại tối hậu xem ra phản ảnh “tinh thần” (geist) của những người như Hegel hay Schelling hơn là phản ảnh “Thần Khí đang bay lượn trên nước”. Rõ ràng họ muốn nắm bắt cái nhìn mới về Chúa Kitô và sự đau khổ của Người theo ngôn từ của kinh nghiệm “ennui” (chán bứa), trống rỗng hay vô nghĩa trong hiện sinh nhân bản vốn bừa phứa trong các nền văn hóa thế tục của xã hội trưởng giả Tây Phương.

Đó có phải là cách tiếp cận của người Úc đối với thực tại hay họ cũng có cái cảm thức về chán bứa, về vô nghĩa như thế? Người Úc có hẳn lưu tâm tới các ý niệm thống nhất hóa về thực tại hay về Hữu Thể hay họ lưu tâm nhiều hơn tới chủ nghĩa thực tiễn của những người như James hay Dewey? Người Úc có bao giờ chấp nhận giá trị của các ý niệm siêu hình hay siêu việt về chân lý vốn nại tới các phạm trù phổ quát phi thời gian và tuyệt đối, hay họ hợp nhĩ hơn với các lý thuyết về chân lý dùng ngôn từ thông đạt, nhưng không ủng hộ chủ nghĩa tương đối? Thần học nên đề cập tới các vấn đề ấy cũng một cách nghiêm ngặt như khi họ phổ biến các ý kiến thần học không hề phản ảnh cái nhìn và kinh nghiệm của hầu hết mọi người dân Úc.

Phản ứng lại lối nhìn quá ư trừu tượng và xa rời thực tế của phần đông thần học Âu Châu chính là thần học giải phóng của Châu Mỹ La Tinh, một thứ cực đoan mới, tự cho mình là thực tế, bám trụ thực tại, nhưng thực ra hết sức ảo tưởng. Đã đành thực tại của họ là cảnh túng bấn bần hàn của dân và các chế độ quân phiệt thối nát cầm quyền. Tiếng than của dân nghèo, nền sư phạm của kẻ bóc lột, và tiếng kèn của Thiên Chúa thúc giục người ta ưu tiên chọn người nghèo trở thành luồng gío mát, chẳng mấy chốc mang đủ dáng dấp của một thành toàn cánh chung đầy hấp dẫn và của những phạm trù tiền sa ngã (prolapsarian) trong mối liên hệ giữa sự sống và sự sống lại của Chúa Kitô cũng như của lịch sử con người. Nhưng cái nhìn ảo tưởng này đành phải rút lui trước hố phân cách mỗi ngày một rộng dài ra giữa giầu và nghèo cũng như cảnh áp chế chính trị cũng như đàn áp người thiểu số ngày càng gia tăng. Các nhà thần học giải phóng đành phải đổi qua các bài học học được từ kinh nghiệm Xuất Hành trong đức tin và đề nghị ra những cái hiểu thông sáng mới về mối căng thẳng ‘đã có nhưng chưa tới’ của ơn cứu độ và cứu chuộc Kitô Giáo.

Nhưng nền thần học ấy có phải là kinh nghiệm của Úc? Úc đâu phải là mảnh đất người dân sống trong cùng cực và đàn áp chính trị. Nên người ta phải tự hỏi: có điều gì trong kinh nghiệm Úc khiến các nhà thần học ở đây có thể nói lên để khỏi bắt người Úc chịu đựng mãi thứ suy tư diễn dịch và các áp dụng lý thuyết rút từ nguồn khác, các mối ưu tư khác? Còn nhiều hình thức xa lạ nữa. Như ý niệm diệt chủng (holocaust) đang được một số người dựa vào để bác bỏ các hình thức tử đạo nhằm vào tín hữu Kitô Giáo thời Quốc Xã. Ý niệm ấy đâu có trong kinh nghiệm Úc. Ở Úc có ý niệm “đất” (land). Nhưng ý niệm này cũng đang bị phái tân đại (new age) lèo lái để chỉ chú trọng tới sáng tạo và các nhà thần học sáng thế chỉ chú tâm vào việc ca tụng Thiên Chúa trong sáng tạo và nhờ sáng tạo. Không ai chối cãi mảnh đất phì nhiêu đối với suy tư thần học nơi cảnh giới Úc. Nhưng ý niệm “đất” cũng tượng trưng cho nhiều thực tại sâu sắc khác trong tâm thức Úc. Nó có thể là biểu tượng của cuộc đấu tranh và lòng kiên nhẫn trước muôn vàn khó khăn. Mary MacKillop chắc chắn đã từng đấu tranh với “đất” nhưng đó là mảnh đất của nhọc nhằn, của xa xôi hẻo lánh, từng góp phần vào việc biến nhiều người thành kẻ đứng ngoài lề các cơ cấu và thừa tác vụ của Giáo Hội, mà chính Bà từng cảm nghiệm.

Người Úc cũng có chủ đề “underdog”, kẻ tham dự cuộc đấu nhưng ít hy vọng thắng cuộc, anh chàng “Aussie” nghèo nàn vật lộn. Quan tâm đối với những người kém may mắn chắc chắn là đặc điểm của Úc. Mary MacKillop dễ dàng được người ta nại tới như người có lòng cảm thương lớn lao đối với những người như thế. Nhưng Bà cũng phản ảnh một mối quan tâm khác về việc người ta có thể dùng lòng cảm thương kia như chiếc mặt nạ che dấu mình khỏi mặc cảm tội lỗi trong chính lương tâm mình để trốn chạy trách nhiệm luân lý, khỏi phải làm một cái gì đó trước các bất công trong xã hội. Bà thấy rõ các lý thuyết có hệ thống trong các thủ tục quản trị xã hội và Giáo Hội thời Bà đã sao lãng xiết bao cái kinh nghiệm đời thực của không biết bao nhiêu con người. Bà không an nghỉ với lòng cảm thương, bà trở thành phát ngôn viên và người bênh vực họ.

Người Úc hiện nay cũng có những người bị lãng quên. Đó là trạng huống mục vụ của những người đang chịu cảnh tan vỡ hôn nhân. Cũng có nhiều linh mục tốt lành, đang vật lộn với các khó khăn về lòng trung thành, khi phải bênh đỡ bộ mặt công khai của Giáo Hội trong các vấn đề mà trái tim họ cảm thấy hết sức nghi ngại, không tin tưởng vào chủ trương của Giáo Hội và xem ra chẳng ai thèm lưu ý lắng nghe họ hay để tai tới tiếng kêu thầm lặng xin trợ giúp và khích lệ của họ. Họ không phải là những người bất trung hay bất mãn, mà chỉ là những con người nghi ngại khả năng của mình trong việc lấy đi cái áp lực nặng nề của thế lưỡng nan nội tâm kia… Chứng tá riêng của Mary MacKillop về đức ái và quan tâm duy trì hợp nhất dạy ta rằng đây không phải là vấn đề quan điểm tranh cãi hay ý thức hệ xét theo bất cứ khía cạnh nào, mà chỉ là những đau đớn mà ta không nên làm ngơ. Hình như những vấn đề như thế ít được nói tới trong nghị trình thần học công khai của Úc. Người Úc cũng có lịch sử diệt chủng riêng đối với người Thổ Dân. Ai lên tiếng cho họ? Ai đề cập những thực tại này cho người dân Úc? Hình như ta học hỏi về Kitô Giáo trên lãnh thổ Úc từ các thi nhân và tiểu thuyết gia nhiều hơn từ các thần học gia.

Sự đóng góp của Mary MacKillop vào căn tính linh đạo Úc có lẽ hệ ở việc Bà nhắc cho các nhà thần học Úc nhớ: một điều gì đó đang được nói lên và cần được lắng nghe nơi các tiếng nói mỗi ngày một lớn lên kia. Quả là câu trả lời đơn giản của nhiều người bỗng nhiên khám phá ra rằng: “Tôi cảm thấy Mary MacKillop hiểu tôi”. Đóng góp của Bà vào căn tính linh đạo Úc là khích lệ mọi người Úc nhìn trở lui chính tình huống và chính dân tộc của họ. Cuộc đời Bà độc đáo ở cách thế bà chịu lên đường tìm kiếm những người bị lãng quên của thời mình, nhận lấy chính nghĩa của họ và trong diễn trình ấy, Bà đã tái lên khuôn cảnh giới Giáo Hội Công Giáo Úc.

Ghi chú

(1) Dimboola thuộc hội đồng thành phố Hindsmarsh, vùng Wimmera, thuộc phía tây tiểu bang Victoria, cách tây bắc Melbourne 334 cây số. Trong cuộc thống kê năm 2006, dân số Dimbbola là 1863 người.

(2) Cầu thủ nổi tiếng của Đội Balmain, Sydney, địch thủ của Đội Bronco, Brisbane.

(3) Triết gia nổi tiếng của Pháp, gốc Algeria, thuộc trường phái hậu cơ cấu luận và triết học hậu hiện đại, nổi tiếng với ý niệm “deconstruction”.

(4) Triết gia Đức thuộc truyền thống lục địa, tác giả cuốn “Chân Lý và Phương Pháp” (1960), học trò Heidegger và bạn thân về cuối đời của Derrida. Theo ông, con người có một ý thức chịu ảnh hưởng của lịch sử (wirkungsgeschichtliches Bewußtsein) và do đó, họ bén rễ sâu vào một lịch sử và một nền văn hóa đặc thù từng lên khuôn họ. Như thế, việc giải thích một bản văn bao giờ cũng liên hệ tới việc hỗn hợp (fusion) nhiều chân trời trong đó nhà học giả tìm ra các cách thế mà lịch sử bản văn kia nói lên cùng với hậu cảnh riêng của chính họ.
 
Tu Huynh André: Người Gác Cổng ở Montréal và Người Giữ Cửa Thiên Đàng
Dominic David Trần
20:47 14/10/2010
Tu Huynh André: Người Gác Cổng ở Montréal và Người Giữ Cửa Thiên Đàng

Montreal’s Porter and Heaven’s Gatekeeper

Bài viết của Đức Hồng Y Jean-Claude Turcotte, Tổng Giám Mục Montréal.


Tu huynh André
Vào ngày 19 tháng Hai năm 2010, chúng tôi nhận được thông báo từ giáo đô Rôma khẳng định việc tuyên phong hiển thánh cho người đồng hương rất thân thương của chúng ta là Chân Phước Tu Huynh André. Đấng sáng lập và đề xuất việc xây dựng Đền Thánh Giuse sẽ là người bản quốc Canada thứ hai được tuyên phong là HiểnThánh của Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ và sẽ gia nhập vào hàng ngũ thánh thiện của thánh nữ Marguerite d’Youville, vị thánh bản quốc đầu tiên của Canada. Cũng như di sản thiêng liêng và ảnh hưởng đạo đức của riêng người anh em Tu Huynh đáng kính này, những dư âm và tiếng vọng của Đại Lễ phong thánh cho ngài sẽ được cảm nhận tại các địa phương, trên toàn cõi Liên Bang Canada và trên bình diện toàn thế giới.

Dù cho ngài sống rất đơn sơ và khiêm nhường; Tu Huynh André đã hoàn thành được nhiều điều vĩ đại trong Đức Tin và thông qua chính Đức Tin của ngài, thầy André đã mở rộng tâm hồn và vòng tay đến với mọi người từ qúa khứ cho đến tận hôm nay. Cá nhân tôi có một sự ngưỡng mộ rất lớn đối với con người thánh thiện này; Tu Huynh André; người qủa thật là một Vị thánh và là một niềm hứng khởi cho mọi người chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Đã hơn 100 năm qua, thầy André đã để lại một dấu ấn không phai trên thành phố Montréal và trên ngọn đồi Mount Royal của chúng ta bằng một công trình xây dựng mà cho đến nay đã trở thành Ngôi Thánh Đường Lớn Nhất của Tổng Giáo Phận Montréal và được công nhận là Ngôi Đền Thờ Lớn Nhất Thế Giới để tôn kính Thánh Cả Giuse.

Truyện kể về cuộc đời của ngài có nhiều điều cho chúng ta học tập. Khởi đầu từ năm 1845 ngài được sinh ra trong một gia đình khiêm nhường và nghèo khó. Vào năm 9 tuổi ngài mồ côi cha và 3 năm sau đó ngài mồ côi cả mẹ. Gia đình ngài tan vỡ và ly tán. Ngài yếu ớt và bệnh đến nỗi ngay cả những người thân thuộc nhất cũng lo ngại cho cuộc sống của ngài. Để kiếm sống ngài đã phải lăn xả vào đủ thứ công việc ở cả Canada và Mỹ. Sau cùng thì đơn xin gia nhập Tu Hội Dòng Thánh Giá của ngài được chấp thuận cho dù Đấng Bề Trên Dòng rất ngại ngùng khi nhận do bởi sự yếu ớt và sức khoẻ kém của ngài. Cho rằng Bessette có rất ít triển vọng thành công và thành qủa đóng góp cũng sẽ không được nhiều; vì vậy chàng thanh niên này được giao cho công việc khiêm hạ trong vai trò của người gác cổng Trường Cao Đẳng Nhà Thờ Đức Bà (Collège Notre Dame) tại Montréal.

Tận tụy và gắn bó với nhiệm vụ được trao phó; Tu Huynh André giờ đây thường xuyên tiếp xúc với các sinh viên, phụ huynh và người trong mọi giới. Rất nhiều người đến yêu cầu thầy cầu nguyện và xin giúp các ý khấn đặc biệt. Lời đáp của thầy André lúc nào cũng đơn sơ và thẳng thắn: " Hãy tín thác lời khấn nguyện của qúy cụ, hãy phó dâng lời cầu xin của ông bà anh chị em vào nơi Thánh Cả Giuse ! "

Sau bữa ăn tối mỗi ngày; thầy André lại thu xếp thời gian đi thăm các bệnh nhân. Chẳng bao lâu sau đó những lời tri ân cảm tạ về lòng nhân hậu và lòng cảm thương người của thầy như tiếng lành đồn xa và uy tín của thầy không ngừng tăng lên: các bệnh nhân bắt đầu lũ lượt tuôn đổ về Trường Cao Đẳng Đức Bà tại Montréal để chỉ gặp mặt và cầu nguyện với.. . Người gác cổng của ngôi Trường - đó là Tu Huynh André. Và cũng không lâu sau đó; đã có rất nhiều người bắt đầu làm chứng nhân và chia xẻ công khai cho mọi người biết về những ân điển đầy quyền năng và kết qủa chữa lành bệnh tật họ đã nhận được từ nơi Tu Huynh André.

Trong 25 năm dài; hàng ngày Tu Huynh André đã tiếp nhận khách đến thăm viếng từ 6giờ sáng đến 8 giờ tối trong văn phòng của thầy- vốn nhỏ hẹp như một toa xe điện, nằm đối diện với Trường Cao Đẳng. Với sự giúp đỡ và ủng hộ của rất nhiều bè bạn- vào năm 1904 thầy André đã thành công trong việc xây dựng lên ngôi nguyện đường thứ nhất trên cánh đồng nằm đối diện với Trường Cao Đẳng. Với danh tiếng và số lượng khách đến thăm ngày càng tăng thêm, công tác mục vụ của thầy nhanh chóng vượt xa hẳn kích thước và quy mô của nguyện đường đã xây. Chỉ có một cách là mở rộng và nới dài nguyện đường này - lần thứ 1 vào năm 1908 và lần kế tiếp vào năm 1910. Mặc cho những cố gắng đó, sức chứa của nguyện đường vẫn không thể xứng hợp với mức độ tăng trưởng của nhu cầu. Lời giải đáp giờ đã rõ ràng: cần có một ngôi Đền Thánh thật to lớn hơn để thuận tiện hơn cho việc tôn kính Thánh Cả Giuse.

Vào năm 1917, một thánh đường nhỏ có sức chứa cho 1,000 tín hữu được hòan thành. Vào năm 1924, các thợ bắt đầu xây dựng Vương Cung Thánh Đường mới bao trùm lên trên thánh đường đã nói trên. Vào năm 1936, tức là 12 năm sau khi khởi công; thị trường chứng khoán sụp đổ và Đại Khủng hoảng Kinh tế lan tràn khắp thế giới khiến cho nhiều người suy tư đến việc sẽ bãi bỏ dự án xây dựng Vương Cung Thánh Đường. Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Thánh Giá tại Canada mời Tu Huynh André đến để hội ý về điều này. Trước một cử tọa đông đảo, vị Tu Huynh giờ đây đã 91 tuổi phát biểu, " Thưa các Đấng Bậc, qúy Anh Em trong Tỉnh Dòng và qúy vị - Công việc xây dựng Vương Cung Thánh Đường không phải là chuyện của riêng con, nhưng đó là công việc của Thánh Cả Giuse. Xin Các Bề Trên hãy đặt một trong các thánh tượng của Thánh Cả Giuse vào ngay giữa nơi Đền Thánh đang xây dựng dở dang. Nếu ý Thánh Cả Giuse muốn cho công việc được thực hiện thì ngài sẽ lo lắng cho công việc ấy." Và kết qủa là trong 2 tháng sau đó, cộng đoàn đã bảo đảm gây qũy đủ để tái tục việc hoàn thành xây dựng Đền Thánh. Chỉ vài tháng sau đó, Tu Huynh André đã được gọi về với Chúa. Toàn thể thành phố Montréal khóc thương ngài. Gần 1,000,000 người - từ dân thường cho đến những người đứng đầu xã hội - đã nối đuôi nhau sắp hàng trước thi hài để chào tạm biệt và tỏ lòng tôn kính ngài trong ngôi thánh đường nhỏ nay ở tầng dưới của Vương Cung Thánh Đường.

Lúc còn sống trên thế gian thầy André không cảm thấy dễ chịu với danh tiếng cá nhân mỗi ngày càng tăng lên; thế nhưng kể từ năm 1937 sau khi Tu Huynh qua đời thì tiếng thơm của Tu Huynh André không ngừng vang danh gấp bội lần khi ngài còn sống. Ở nơi Tu Huynh André mọi người đã thấy và đang nhận biết và sẽ tiếp tục nhìn nhận Tu huynh là một con người gắn bó và gần gũi với Thiên Chúa. Cả một đời của Tu Huynh André chỉ để tận hiến cho việc cầu nguyện và bày tỏ lòng thương cảm mọi người, đặc biệt với những người đau khổ và khốn khó. " Tu Huynh André cũng giống y như chúng tôi." là câu nói thường được nghe và để diễn đạt về Sự Đồng Cảm và về Tình Yêu mà Tu Huynh André đã dành cho mọi người và trong mọi khó khăn thử thách mà họ gặp trong đời sống hàng ngày.

Vào năm 1978 Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ đã tôn ngài lên tước vị Đấng Đáng Kính, và sau đó nâng ngài lên bậc Chân Phước trong năm 1982. Cuối cùng vào ngày Chúa Nhật 17 tháng Mười năm 2010 sắp đến đây; công nghiệp và di sản thánh thiện của Tu Huynh André sẽ đạt đến đỉnh cao nhất của tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội.

Vì lợi ích của toàn thể Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ và của tất cả mọi người đã gắn bó với Tu Huynh André, Các Tu Sĩ của Dòng Thánh Giá và Tổng Giáo Phận Montréal chúng tôi sẽ tổ chức một Đại Lễ Đặc biệt tại Sân Vận Động Thế Vận Olympic Montréal vào ngày 30 tháng Mười năm 2010 sắp đến. Trong suốt thời gian này Tổng Giáo Phận Montréal chúng tôi và mọi người sẽ hiệp ý thông công dâng lời cảm tạ Tu Huynh André và vô vàn lời cầu bầu chúc lành mà ngài đã dành cho mọi người.

Hãy đến và cùng hiệp ý dâng Thánh Lễ với Tổng Giáo Phận Montréal chúng tôi: vì Tu Huynh André; Người Giữ Cửa Rất Đáng Yêu của Thiên Chúa đang chờ đợi tất cả chúng ta !

Xin ghi danh nhận vé vào cửa tham dự Đại Lễ tháng Mười tại trang mạng admission.com hay gọi đến điện thoại số 1-800-361-4595.

Đức Hồng Y Jean-Claude Turcotte, Tổng Giám Mục Montréal.

Đức Hồng Y Jean-Claude Turcotte là Tổng Giám Mục Montréal từ năm 1990. Ngài là thành viên của Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội và của Thánh Bộ Tuyên Thánh thuộc Giáo Triều Rôma. Cá nhân ĐHY Turcotte cũng theo dõi sát sao Vụ án Phong Thánh cho Tu Huynh André.

Vào ngày 17 tháng Mười 2010 lúc 10:AM sáng và 9:00PM giờ ET tối - trên Đài Truyền Hình Salt + Light Television and LIVE Streaming của Canada sẽ trực tiếp thu phát các chương trình Đại Lễ Tuyên Phong Hiển Thánh và phim tài liệu đặc biệt về Thánh André của thành phố Montréal.

Courtesy of Lampstand - Salt + Light Television of Canada
 
Top Stories
Chinese Catholics Call for Release of Nobel Prize Liu Xiaobo
Nieves San Martin
18:14 14/10/2010
HONG KONG, OCT. 14, 2010 (Zenit.org).- The Justice and Peace Commission of the Archdiocese of Hong Kong has called for the immediate release of the 2010 Nobel Peace Prize recipient Liu Xiaobo. The commission's appeal is seconded by other Christian groups and Catholic leaders.

Liu Xiaobo, 54, was sentenced to 11 years in prison and deprived of political rights for two years in late 2009. He was accused of having taken part in the writing and signing of the Charter 08 manifesto, and for having published dissident writings.

The charter, according to the legal adviser of Hong Kong, Lee Wah-ming -- who presented a motion for his release in the Council's session of January 13, 2010 -- is "an expression of the common values recognized by civilized societies."

After the announcement was made last Friday that he was to receive the Nobel Peace Prize, human rights groups began a campaign for his release. Liu reportedly dedicated the prize to "the martyrs" of Tiananmen Square, the 1989 deadly confrontation between Chinese authorities students and professors who were mourning the death of Hu Yaobang.

According to the Nobel Committee, Liu was giving the award "for his long and non-violent struggle for fundamental human rights in China."

Ten minutes after the announcement was made, Liu Xiaobo's name disappeared from the Internet in China. Search engines did not give results on Chinese home pages and, in forums, news on the topic was swiftly erased by the administrators.

In June 2009, when Liu's house arrest became effective detention, the Catholic bishop of Hong Kong, John Tong Hon, said: "I hope the Beijing government will allow liberty of expression. To take into account a plurality of opinions cannot be more beneficial for the country, because only thus will we be able to broaden our horizon."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ ban Bí Tích Thêm Sức tại Giáo Xứ Lạc Thành, Thái Bình
An Bình
08:36 14/10/2010
THÁI BÌNH. Chiều ngày 12/10/2010, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục giáo phận Thái Bình đã tới thăm và dâng thánh lễ ban bí tích thêm sức cho các em giáo xứ Lạc Thành, giáo hạt Tiền Hải, giáo phận Thái Bình.

Một ngày thật vui mừng và hồng phúc với giáo xứ Lạc Thành được chào đón vị cha chung của giáo phận tới thăm và cử hành thánh lễ ban bí tích thêm sức cho các em trong giáo xứ.

Giáo xứ Lạc Thành thuộc xã Tây Ninh, Tiền Hải, Thái Bình. Giáo họ Lạc Thành ra đời năm 1810. Năm 1838, vua Minh Mệnh cho quan Trịnh Quang Khanh lùng bắt gay gắt những người có đạo, lúc đó có 5 gia đình gồm 23 người thuộc dân thuyền chài ở Nam Định, vì không chịu bỏ đạo nên bị tịch thu mất hết ruộng đất, bỏ làng ra đi đến đất Lạc Thành, lúc đó còn là làng hoang vu, dân cư thưa thớt. Với lòng sốt sắng giữ đạo, các cụ bắt đầu xây dựng ngôi nhà thờ nhỏ đầu tiên. Tuy bằng tranh tre lá, nhưng hàng ngày vẫn vang tiếng kinh nguyện sốt sắng.

Cuộc sống đạo của những Kitô hữu đã cảm hóa được dân làng, sáu gia đình lương dân đã đón nhận Đức Tin. Lúc này Lạc Thành thuộc xứ Bác Trạch.

Năm 1893, Đức cha Trung phân xứ Bác Trạch ra hai xứ nữa, đó là xứ Lương Điền và xứ Thân Thượng, nên Lạc Thành lại thuộc về xứ Lương Điền. Với sự lớn mạnh không ngừng lúc này, Lạc Thành có tới 162 nhân danh, với lòng mong ước của giáo dân, cha Thức đã động viên và cộng tác vào việc xây dựng. Cuối năm 1895, ngôi thánh đường hoàn thành, số giáo dân lúc này là 850 người.

Năm 1931, Đức cha Thuận đã ban sắc thành lập giáo xứ Lạc Thành. Lúc đó cha Hà Đức Toản về coi xứ và xây lại ngôi thánh đường, dài 27m, rộng 10m hoàn thành vào ngày 25/11/1939. Giáo xứ Lạc Thành nhận Thánh Augustino làm quan thầy.

Năm 1997 giáo xứ khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới và khánh thành năm 1998. Số giáo dân hiện nay có 528 người.

Đúng 17 giờ, cha xứ cùng cộng đoàn đã xếp hàng từ cổng nhà thờ với cờ hoa lộng lẫy để chào đón Đức cha và quý cha. Vào tới thánh đường giáo xứ, Đức cha cùng cha xứ và cộng đoàn chầu Thánh Thể chung trong khoảng thời gian ngắn.

Sau đó, ngài ban lời huấn dụ cho cộng đoàn và trả lời những thắc mắc cho giáo dân. Như thấy được tâm tình của người mục tử hết mình vì đoàn chiên, nhiều giáo dân đã có những câu hỏi và ý kiến chân thành xây dựng giáo xứ, giáo phận.

Trong bài giảng, ngài nhắn nhủ mọi người hãy cảm tạ Chúa vì muôn ơn lành Chúa ban cho giáo xứ trong những năm tháng qua. Ngài nhắn nhủ mọi người hãy tiếp nối truyền thống cha ông mến Chúa và yêu người, xây dựng quê hương xứ họ. Ngài ngỏ lời riêng với các em chuẩn bị lãnh nhận bí tích thêm sức: “Bí tích Thêm sức ghi ấn tích thiêng liêng, và giúp các con thêm kiên cường, và cũng đòi buộc các con cách mãnh liệt hơn, các con phải trở nên nhân chứng của Đức Kitô, bênh vực và loan truyền Đức Tin bằng lời nói và việc làm. Từ nay từng giây, từng phút các con sống trong Chúa Thánh Thần; làm chứng cho Đức Tin, và loan truyền Chúa cho mọi người.

Trước khi kết thúc thánh lễ. Vị đại diện giáo xứ cám ơn cám ơn Đức cha giáo phận đã đến thăm mục vụ và dâng thánh lễ ban bí tích thêm sức và lại còn tặng quà cho các em của giáo xứ. Xin cám ơn quý cha, quý tu sỹ nam nữ, quý vị ân nhân xa gần và mọi thành phần dân Chúa đã đến hiệp dâng thánh lễ và cầu nguyện cho giáo xứ; xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho giáo xứ.
 
Suy niệm kinh Mân Côi tại giáo xứ Tam Hà
Tam Hà
08:40 14/10/2010
Đây là chủ đề được nhắc nhở mọi người trong cộng đoàn Gx ngay từ đầu tháng Mân Côi và vào đúng ngày 13/10/2010 năm nay. Tại thánh đường Gx, đã tổ chức một thánh lễ vào lúc 12h trưa do Cha Giuse chủ tế và rồi thật là đông đủ của cộng đoàn đã nói lên lòng sùng kính Đức Mẹ. Trong phần chia sẽ lời Chúa, Ngài đã nhắc nhở tới cộng đoàn sâu hơn trích từ mệnh lệnh Fatima là (( Cầu Nguyện Sám Hối Và Ăn Năn )) vì hiện nay phá thai là một tội lỗi quá nặng nề của con người, thánh hóa đời sống và cầu nguyện liên lỉ cùng Đức Mẹ chúng ta sẽ nhận được ơn Chúa Thánh Thần nhự Mẹ.

Xem hình ảnh

Và 19h cùng ngày là một buổi diễn nguyện do các SR và các GLV phụ trách kết hợp với công nghệ hiện đại dựa trên nền nhạc là trình chiếu các hình ảnh cộng với hoạt cảnh minh họa mọi người đã sống lại với những mầu nhiệm truyền tin, qua cuộc khổ nạn và đến vinh quang mọi người đã thấy rõ được sự vâng phục Thiên Chúa của Mẹ mọi người cũng biết rõ hơn về các sự kiện: Lộ Đức, Fatima, Mễ Du … chương trình còn cho mọi người biết đến với sự kết hợp quảng bá kinh Mân Côi và sự quan phòng của Mẹ qua đời sống của những đấng thánh như Cha Thánh Đaminh, Thánh Don bosco. v. v…

Kết thúc buổi diễn nguyện là nghi thức Chầu Thánh Thể do Cha GIUSE chủ sự, Và rồi mọi người sẽ có được gì và còn lại gì ? Tôi xin được mượn lời của một bà cụ ngoài 70 tuổi nói lên cảm nghĩ của mình ( Tôi ngần này tuổi mà nay mới biết rõ và tường tận về sự kiện ở Lộ Đức có từ năm nào với ai cũng như được công nhận khi nào … cũng như ý nghĩa của các chữ viết tắt trên bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và quan trọng nhất là Tôi đã biết do đâu mà có ngày kính Đức Mẹ Mân Côi 7/10 hằng năm là do Đức Giáo Hoàng PIÔ V quyết định chọn ngày này mà bao nhiêu năm nay Tôi không biết )) 13/10/2010
 
Hành Hương Đức Mẹ Tàpao tháng 10 năm 2010
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:03 14/10/2010
Mừng Ngân Khánh Linh Mục - Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống.

Trong năm phụng vụ, tháng 10 là tháng Mân Côi. Lòng sùng kính của người tín hữu đối với Đức Maria suốt thời gian này mang một tâm tình đạo đức thảo hiếu là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi và đến các trung tâm thánh mẫu cầu nguyện bên Mẹ.

Hình ảnh hành hương Tapao

Tôi đi hành hương Đức Mẹ Tàpao từ sáng ngày 12.10. Mưa gió bão lụt miền Trung. Mưa dầm tầm tả suốt tuần khắp miền Nam. Lạ lùng khi đến Tàpao, trời nắng nhẹ, đôi khi chỉ mưa lất phất. Những ngày trước đó mưa núi gió ngàn, ruộng đồng ngập nước, đường sá lầy lội.

Quãng trường trung tâm thánh mẫu Tàpao đã được chuẩn bị chu đáo cho đêm diễn nguyện “đồng hành về bên Mẹ”. Các đơn vị đang tổng dợt chương trình. Từng đoàn hành hương lên núi tham dự thánh lễ dưới chân tượng Mẹ.

Đến 5giờ chiều trời đổ cơn mưa. Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Dù bật lên che mưa.Nhiều người đứng co ro núp mưa dưới gốc điều. Dù ướt và lạnh nhưng trông ai cũng phấn khởi. Mọi người trò chuyện cười nói bắt tay hỏi han nhau như thân thiết trong gia đình. Cơn mưa làm mọi người xích lại gần nhau.

Khoảng 6giờ, trời tối dần, mưa ngừng hẳn. Hàng ngàn người với nến sáng trên tay hòa vang những khúc ca ngợi khen Mẹ. Đoàn kiệu thánh tượng Đức Mẹ Tàpao tiến lên lễ đài.Hơn mười ngàn ngọn nến lung linh cháy ánh sưởi ấm tâm hồn đoàn con cái.Giữa trời đêm núi rừng, lời kinh tiếng hát âm vang quyện đan trong gió ngàn dâng lên Mẹ. Huyền nhiệm và ấm cúng biết bao.

Diễn nguyện.

Đêm diễn nguyện “đồng hành về bên Mẹ” còn có thêm một ý nghĩa đặc biệt là mừng kỷ niệm Ngân Khánh Linh Mục của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống- Giám Mục GP Phan Thiết.

Đức cha Giuse khai mạc đêm diễn nguyện bằng những tâm tình tạ ơn, bằng niềm vui của đỉnh cao hồng phúc và hạnh phúc. Kỷ niệm 25 năm hồng ân linh mục. Người ta khéo dùng hình ảnh. Mới chịu chức, linh mục ở dưới chân đồi. Ngân khánh, linh mục đứng trên đỉnh. Năm tháng sau đó là bước xuống chân đồi. Bản thân tôi, hôm nay là ngày niềm vui trên đỉnh cao hồng phúc và hạnh phúc. Đỉnh cao hồng ân của chúa qua bàn tay từ mẫu của Đức Maria. Tạ ơn Chúa. Cám ơn Mẹ Maria.

Đêm diễn nguyện quy tụ hàng trăm ca viên và Nữ Tu cùng hát ca và vũ điệu tán dương Mẹ Maria.

Phần 1: Ngợi ca thiên chức Linh mục
- Con là Linh mục (Dao Kim). Hợp xướng ca đoàn tổng hợp.
- Sao Người gọi tôi (Viết Chung). Tam ca Đôrêmi.
- 25 năm hồng ân (Ân Đức). Múa- Hội Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh mục phụ trách.
- Tâm tính hiến dâng (Oang Sông Lam).Hoạt cảnh: Hội Dòng MTG Gò Vấp phụ trách.

Phần 2: Hướng về Năm Thánh 2010 “Tôn vinh Thiên Chúa”.
- Ngài là Thiên Chúa (Lời Anh Minh- nhạc Hải Linh). Hợp xướng – ca đoàn Quê hương.
- Bao la tình Chúa (Giang Ân) – Ca sĩ Gia Ân.
- Vinh quang Chúa (Hùng Lân). Tam ca Đôrêmi.
- Hoan hô vua Giêsu(Phạm Liên Hùng). Song ca: Trọng Báu-Thanh Cảnh.
- Trích đoàn Trường ca các tạo vật (Lời kinh: thánh Phanxicô Assisi – Nhạc: Xuân Thảo-Hải Linh). Hợp xướng: Ca đòan Quê hương.

Phần 3: Dâng kính Mẹ Mân Côi.
- Diễn nguyện: Mầu nhiệm Mân Côi. Hội dòng MTG gò Vấp phụ trách.
+ Hạt sáng tưng bừng (Lời ĐGM Giuse Vũ Duy Thống- Nhạc: Trầm Hương FMSR).
+ Tâm tình Xin Vâng: Thiên Thanh.
+ Linh hồn tôi (Kim Long)
+ Thắp lên niềm tin (Thiên Hương)
+ Mẹ đứng đó (Kim long)
+ Nữ Vương Thiên Đàng( Ngô Duy Linh).

Phần 4: Kết thúc
- Đức cha Giuse ban huấn từ và Phép lành.
- Hát kết thúc: Mẹ cùng con tiến bước (Nam Hải). Hợp xướng ca đoàn tổng hợp.

Đêm diễn nguyện dưới sự điều phối của Nhạc sĩ Nam Hải kết thúc lúc 9g. Mọi người vẫn chưa muốn ra về. Lưu luyến bởi âm thanh và hình ảnh của nghệ thuật ngợi ca Mẹ Maria đã đi vào cõi lòng, lắng đọng vào tâm tư, thấm đẫm lòng yêu mến. Cổ nhân dạy, nhạc không chỉ là âm nhạc, mà còn là tiếng lòng của con người. Lòng người cảm ở ngoại vật mà sinh ra thanh âm. Thanh âm tương ứng với nhau mà thành các cung bậc khác nhau. Đó cũng là cung bậc tình cảm. Thanh âm ấy thể hiện ra nơi lời ca tiếng hát, nơi điệu múa thi văn…

Nhạc và người tương tác hai chiều. Lòng người do cảm xúc ngoại cảnh mà thành âm nhạc. Âm nhạc lại làm cho lòng người thay đổi. Ngoại cảnh đau đớn thì lòng người thương xót, khi đó âm thanh nghe sầu thương. Ngoại cảnh tốt đẹp thì lòng người vui vẻ, khi đó âm thanh nghe êm đềm, hớn hở. Ngoại cảnh đen tối thì lòng người giận dữ, âm thanh khi đó nghe dữ dội, bất yên. Ngoại cảnh trang nghiêm thì lòng người chính trực, khi đó âm thanh nghe trang trọng, hùng tráng. Ngoại cảnh ấm áp, yên lành thì âm thanh nghe tha thiết, dịu dàng, êm ái… Lòng người cảm điều thiện thì có thiện thanh. Lòng người cảm điều ác thì có ác thanh. Thiện ác của nhạc là bởi lòng người sinh ra, rồi sau đó nó cảm lại lòng người, khiến cho lòng người đổi thay, có thiện có ác. Nhạc có tác dụng lớn như vậy nên người xưa chú ý dùng nhạc để cải hoá lòng người, cải hoá xã hội, khiến cho đạt tới sự chí thiện, chí mỹ…

Đêm diễn nguyện, âm nhạc thật nhẹ nhàng mà sâu lắng, lời ca điệu múa đi vào cõi tâm linh người nghe thấm vào tâm tư máu thịt. Lời ca tiếng hát ấy như những bông hoa muôn màu muôn sắc dâng trước nhan Mẹ. Những bông hoa kinh nguyện sốt sắng kết dệt nên những lời ca tụng Mẹ. Những bông hoa hi sinh, hoa bác ái muốn toả hương dưới chân Mẹ. Những bông hoa nói lên lòng yêu mến của con cái đối với Mẹ hiền. Những bông hoa cũng cố gắng diễn tả phần nào nét đẹp của Mẹ. Giữa ngàn hoa, Đức Maria nổi bật như bông hoa cao quí xinh đẹp nhất. Đẹp đến độ "đẹp lòng Thiên Chúa".

Thánh lễ.

Sáng ngày 13.10, khách hành hương tiếp tục đổ về Tàpao. Hàng mấy chục ngàn người căng dù che mưa bay lất phất. Các ngã đường vào lễ đài đều kín người.

Trên lễ đài đang sốt mến giờ cầu nguyện qua chuỗi Mân Côi với những ý nguyện khấn xin của mọi người như xin ơn bình an, xin ơn hoán cải, xin cho gia đình được đoàn tụ, xin cho con cháu thoát khỏi các tệ nạn xìke ma túy, xin cho các phụ nữ mang thai được sinh con, xin cho công việc làm ăn được thuận lợi và xin cho giáo hội được bình an hiệp nhất…

Trời vần vũ mây đen. Tàpao như Đà lạt trong sương mù ban sớm. Quãng trường đã kín người. Một rừng dù đủ màu sắc che mưa bay bay giữa gió ngàn.

Đúng 7giờ, đoàn rước tiến lên lễ đài. Đức cha Giuse Vũ Duy Thống cùng đồng tế với Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Đức Ông JB Lê Xuân Hoa và gần 70 linh mục từ nhiều miền đất nước, trong đó có 3 linh mục đến từ Nhật bản.

Cha JB Trần Văn Thuyết, Hạt Trưởng Đức tánh, thay mặt các Linh mục đồng tế, các tu sĩ nam nữ và khách hành hương dâng lời chúc mừng 25 năm Linh mục của Đức Cha Giuse.

Đức cha Giuse nhận bó hoa tươi với nụ cười rạng rỡ cám ơn mọi người. Ngài gởi đến tất cả cộng đoàn lời chào mừng đặc biệt của ngày hội ngộ trong niềm bình an của Chúa Kitô.

Chắc là đêm vừa rồi mọi người đã có một giấc ngủ an bình. Sáng nay gặp lại nhau trong cùng một tình thân. Cùng quy tụ dưới chân Đức Mẹ trong ngày 13 tháng 10. Bản thân tôi, nghe những lời chúc mừng, hiệp thông tâm tình nhân dịp kỷ niệm 25 năm LM, tôi cảm thấy trái tim của mình đang đập những nhịp rất lạ. Trời hôm nay có những giọt mưa bay bay. Đàn én đang chao liệng phía trên. Tất cả đều là hồng ân. Mưa là hồng ân Chúa ban. Những cánh én chao nghiêng báo hiệu những niềm vui, khởi đầu cho một mùa xuân tinh thần được hướng dẫn bởi Đức Trinh nữ Maria. Chính trong tâm tình ấy tôi hết lòng cám ơn tất cả, Đức cha già Nicolas, Đức Ông JB, Cha Hạt trưởng hạt Đức Tánh, Cha niên trưởng, cũng như quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, quý vị trong giáo phận Phan Thiết cũng như toàn thể quý khách hành hương đã cho tôi được niềm vui bất ngờ này và hiệp thông với tôi trong niềm cảm tạ.

Tháng 10 đối với tôi là một tháng rất đặc biệt. Có những kỷ niệm thiêng liêng, ngày chịu chức LM là một trong những niềm vui thiêng liêng ấy. Xin tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức Mẹ, cám ơn tất cả cộng đoàn. Thánh lễ này xin cũng được hợp với tất cả mọi người dâng những ước nguyện đời mình lên Chúa thông qua bàn tay từ mẫu của Đức Trinh nữ Maria tại trung tâm Thánh Mẫu Tàpao. Xin Chúa chúc lành cho mọi người chúng ta và xin cho tháng 10 dẫu có mưa bay cũng vẫn là tháng mở ra cho chúng ta mùa xuân của tâm hồn, mùa xuân được hoán cải cuộc đời, mùa xuân được hiệp thông với nhau trong cùng một kinh Mân Côi, và một mùa xuân thúc đẩy chúng ta dấn bước trên đường sứ vụ.

Đức cha Giuse Giảng lễ, suy niệm Kinh mân Côi với Chủ đề Năm Thánh 2010:
Mầu nhiệm – Hiệp thông –Sứ vụ.

Kính thưa cộng đoàn, Kết thúc đại hội lần thứ 11, HĐGMVN đã gởi đến toàn thể tín hữu một lá thư tâm tình. Trong đó tường thuật lại những nỗ lực của đại hội, tập trung suy tư cũng như đào sâu về tài liệu làm việc sắp được gởi đến mọi thành phần dân Chúa với chủ đề Giáo hội mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ. Và đặc biệt trong phần kết của bức thư này, người ta thấy xuất hiện một lời kêu gọi nhẹ nhàng nhưng đầy tâm tình. Đó là lời kêu gọi mọi tín hữu hãy cầu nguyện bằng kinh Mân Côi cho nỗ lực của đại hội dân Chúa tháng 11 sắp tới được dẫn tới những thành quả tích cực. Cầu nguyện cho đại hội đó là điều bình thường. Nhưng cầu nguyện bằng kinh Mân Côi thì quả là một lời kêu gọi khá đặc biệt. Đặc biệt ở đây không phải bởi vì lá thư - kết quả của đại hội được viết vào ngày gần với lễ Đức Mẹ Mân Côi, cũng không phải chỉ vì được viết lên trong tháng Mân Côi, mà thông qua đó còn cho thấy một tâm tình lớn lao hơn, tâm tình ấy hôm nay muốn chia sẻ với cộng đoàn hành hương chúng ta nhân dịp quy tụ lại dưới chân Đức trinh nữ Maria tại linh địa Tàpao này. Đó là tâm tình khẳng định kinh Mân Côi chính là một phương tiện giúp các tín hữu đào sâu hơn về mầu nhiệm giáo hội, hay là về Giáo hội mầu nhiệm - hiệp thông - sứ vụ.

1. Kinh Mân Côi dẫn vào Giáo hội mầu nhiệm

Kinh Mân Côi chính là một lời kinh dẫn chúng ta vào trong mầu nhiệm giáo hội. Từ khi chập chững học giáo lý, làm quen với kinh bổn, làm quen với giáo điều, làm quen với nề nếp với sinh hoạt gia đình, chúng ta đã biết đến phép lần hạt Mân Côi, sau này ta gọi là các mầu nhiệm Mân Côi. Chữ “phép” hay chữ “mầu nhiệm” kia cũng mang nghĩa tương đương. Đó là những biến cố trong đời Chúa Giêsu hoặc trong đời Đức Trinh nữ Maira. Thiên Chúa tuyển chọn Mẹ và dẫn Mẹ vào trong một cuộc sống mới. Mầu nhiệm Thiên Chúa tuyển chọn dân của Ngài, thông qua Đức trinh nữ Maria để đón nhận lấy hồng ân cứu rỗi và cũng thông qua Mẹ để hồng ân cứu rỗi được sẻ chia đến mọi người từ ngàn xưa cho đến hôm nay và còn mãi nữa. Đó quả là những mầu nhiệm vừa mang ý nghĩa vượt tầm hiểu biết của con người vừa là dấu chỉ của sự sống phong phú.

Mầu nhiệm thứ nhất mùa Vui: Thiên thần truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria. Đây không đơn thuần chỉ là mầu nhiệm Thiên Chúa tuyển chọn cá nhân Mẹ Maria. Qua Đức Maria, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, thực thi mầu nhiệm cứu độ. Qua Đức Maria, một nhịp sống mới cho Dân Thánh tư ngàn xưa cho đến nay. Thiên Chúa tuyển chọn một người để thực thi sứ vụ cho cả tập thể. Qua Đức Maria, Thiên Chúa tuyển chọn cả Giáo hội. Từ đó, ân sủng toả lan đến mọi thành phần dân Chúa, trong đó có từng người chúng ta. Đó là mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết. Tất nhiên, mỗi người qua bí tích Rửa Tội đã trở thành Kitô hữu, đã nên con cái của Thiên Chúa, đã là chi thể trong thân mình của Đức Kitô và là những viên đá sống động kiến tạo Đền thờ Chúa Thánh Thần.

Chính khi lần hạt Mân Côi, rảo qua từng mầu nhiệm cùng với Đức Mẹ, chúng ta sẽ khám phá sâu đậm thêm nữa những biến cố rất cụ thể và những bước đường mà Thiên Chúa đã tuyển chọn để đem lại sự sống của Ngài cho mỗi người chúng ta. Hiểu được như thế và biết đón nhận được nguồn gốc sự sống ấy chính là lúc chúng ta ngụp lặn trong một đại dương mà mỗi người có quyền bơi lội cách thoải mái. Sự sống của Thiên Chúa là như vậy đó. Từ ngàn xưa trong Dân thánh được tuyển chọn và đến hôm nay trong Hội thánh. Mỗi người là thành phần. Sức sống mầu nhiệm mà ta đang mang trong thân thể mình, đang thể hiện ở trong đời sống đức tin của mình. Đó là tố chất Kitô. Nhiều khi không thấy được bằng mắt thường nhưng vẫn có thể cảm nhận được bằng một trái tim biết rung động, bằng một niềm tin sinh động.

Kết thúc lần họp đại hội thứ 11 vừa qua, các Giám mục Việt Nam, được các bác sĩ xét nghiệm máu, khám tổng quát. Đọc trên những kết quả xét nghiệm, bác sĩ cho biết, có Giám mục cao về phương diện này, người thấp về phương diện khác. Sức khoẻ nhiều khi không khả quan như những biểu lộ bên ngoài. Đó là những tố chất rất bình thường trong máu huyết con người. Có Giám mục vui vì thấy sức khoẻ vẫn ổn định. Có những vị buồn ít phút vì sức khoẻ của sa sút. Thế nhưng, điều không thể hiện trên kết quả xét nghiệm chính là tố chất Kitô mà mỗi một tín hữu, mỗi một Giám mục mang trong bản thân mình. Điều này không thể xét nghiệm được bằng phương pháp y học. Chỉ có thể cảm nghiệm được bằng lòng tin, bằng sức sống Giáo hội hôm nay.Tôi cảm nhận tố chất Kitô có nơi tất cả mọi người chúng ta. Đó là tố chất mầu nhiệm, tố chất sự sống giáo hội khi lần hạt Mân Côi chung với nhau.

Đức trinh nữ Maria được Thiên Chúa tuyển chọn bằng lời chào Ave, Mẹ đã đáp lại bằng tiếng Fiat. Từ đó hình thành kinh Mân Côi. Kinh Mân Côi là một kinh dẫn chúng ta đi sâu vào trong huyền nhiệm của giáo hội.

2. Kinh Mân Côi dẫn vào Giáo Hội hiệp thông.

Giáo hội là hiệp thông các thánh. Kinh Mân Côi là một phương tiện dẫn vào sự hiệp thông các thánh.

Ngắm thứ ba mùa Vui: Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu nơi hang đá, ta hãy xin cho được lòng khó khăn. Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu nơi hang đá âm thầm giữa mùa đông giá lạnh. Dân chúng bên ngoài ai biết đến đâu, chỉ có các mục đồng được các sứ thần loan tin nên họ đến, họ biết được Hài Nhi nằm trong hang đá chính là Con Thiên Chúa làm người, chính là Đấng Cứu Tinh. Từ đó, họ hiệp thông trong niềm vui. Hiệp thông chiều dọc với Thiên Chúa thông qua các sứ thần với tiếng ca rộn rã. Hiệp thông chiều ngang với các bạn mục đồng của mình khi họ trở về làng mạc kể lại chuyện vui họ đã gặp. Hiệp thông nội tâm sâu lắng như Đức Maria giữ kín tất cả và suy niệm trong lòng. Đây là kinh nguyện của sự hiệp thông.

Ngày 22 tháng 10 sắp tới đây, giáo phận Rôma chính thức mở án phong chân phước cho Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, vị Hồng y thân yêu của Giáo hội Việt Nam. Hội thánh Công giáo nhảy mừng, Hội thánh địa phương cũng reo vui và nhiều người chúng ta trong đời, cách riêng tại giáo phận Phan thiết, có người đã được chính Đức Hồng y trao ban bí tích Thêm Sức năm xưa, hay là nhiều người đã tiếp cận với ngài lúc sinh thời. Chúng ta gặp nhau trong cùng một niềm vui. Hiệp thông trần giới với thiên giới. Những người đã khuất, những người có thể hôm nay đã là thánh trước mặt Thiên Chúa nhưng vẫn còn chờ những bằng chứng để có thể công bố là thánh đức giữa cộng đồng nhân loại. Đây là hiệp thông các thánh mang tính chiều dọc.

Vừa qua, mưa bão lũ lụt ở miền Trung, chúng ta tương trợ là giúp đỡ cho những nạn nhân bão lụt ấy thì đó là biểu tỏ của tình hiệp thông. Bằng lòng tin đâu và nghĩa đồng bào cùng hoà quyện với nhau để làm thành một chữ hiệp thông mang tính chiều ngang. Cộng đoàn hành hương chúng ta đang chia sẻ niềm vui thánh lễ, được hiệp thông vào sự thánh thiện. Tại trung tâm Thánh Mẫu Tàpao chúng ta đang sống sự hiệp thông đặc biệt này.

2. Kinh Mân Côi dẫn vào Giáo hội sứ vụ.

Giáo hội mang bản chất là sứ vụ, là truyền giáo, là lên đường. Ngày nào Giáo hội còn thao thức với vận mạng lên đường, với sứ vụ truyền giáo, ngày đó Giáo hội còn sống và sống khoẻ sống mạnh. Nếu một ngày nào đó Giáo hội không còn gắn bó với sứ vụ truyền giáo nữa, ngày đó sẽ là một thảm hoạ không tên, ngày đó Giáo hội sẽ không còn hiện diện và ngày đó người ta cũng sẽ chẳng còn nhắc đến Giáo hội nữa. Giáo hội sống là nhờ vào sứ vụ truyền giáo.

Qua kinh Mân Côi, chúng ta thấy từng mầu nhiệm đều dẫn mình đi xa hơn trên bước đường sứ vụ. Ngắm thứ hai mùa Vui: Đức Bà đi viếng bà thánh Isave, xin cho được sống bác ái, thể hiện tình thương người. Đó là là sứ vụ. Đức Maria đón nhận niềm vui khi thụ thai. Mẹ tự nguyện lên đường đến thăm Bà Isave. Bất kể thân gái dặm trường, Mẹ đã lên đường để chia sẻ niềm vui mình đang cưu mang trong lòng cho bà chị họ được phúc lộc cưu mang con lúc tuổi già. Niềm vui gặp gỡ đã làm khởi phát thêm những niềm vui mới. Hai bà bầu gặp nhau bỗng dưng biến thành niềm vui lớn cho hai thai nhi gặp nhau. Có một điệu nhảy khai sinh từ đó, điệu nhảy mang tên Gioan Baotixita. Gioan nhảy lên trong dạ mẹ. Đó là điệu nhảy của sứ vụ. Sau này Gioan bị chém đầu vì sứ vụ. Con người gắn kết với sứ vụ cho đến cùng trong đời của mình.

Trong kinh Mân Côi, từng ngắm một, từng mầu nhiệm một, ta cũng được dẫn vào từng nẻo đường sứ vụ. Và tất cả những gì cộng đoàn chúng ta thấy trước mắt giữa quảng trường trung tâm Thánh Mẫu Tàpao đây mỗi ngày mỗi đổi thay. Có sự góp công góp sức của rất nhiều người. Có người muốn tạ ơn Đức Mẹ vì những ơn lành nhận được nên cũng muốn góp phần để làm cho nơi đây được khang trang thêm. Đó là những tâm tình của sứ vụ, cùng đóng góp để xây dựng và tôn vinh Đức trinh nữ Maria.

Mẹ nguồn cậy trông. Gắn bó với Mẹ, cuộc đời của chúng ta sẽ khác. Đi một mình chúng ta dễ bị lạc đường lắm. Có Mẹ dắt dìu cuộc sống của chúng ta sẽ hạnh phúc và an vui. Cầu chúc cho cộng đoàn hành hương luôn có Mẹ bên cạnh mình. Cẩu nguyện với Mẹ bằng kinh Mân Côi, chúng ta được đưa vào sự sống phong phú của Giáo hội mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ.

Sau bài giảng, Đức cha Giuse nhận lời tuyên thệ và trao chứng thư bổ nhiệm cho Ban điều Hành Giới Gia trưởng Cấp Giáo phận Giáo Hạt.

Cuối thánh lễ, Đức cha Giuse làm phép nước và ảnh tượng. Ngài ban phép lành với ơn Toàn Xá trong Năm Thánh 2010. Khách hành hương ra về mang theo hạnh phúc của “hồng ân Chúa như mưa như mưa”, mang theo niềm vui tạ ơn Ngân khánh linh mục của Đức cha Giuse, mang theo ơn lành của Mẹ Tàpao. Ai cũng cảm nghiệm được rằng:

Đến Tàpao, bước hành hương rộn rã.
Về bên Mẹ, tin cậy mến đậm đà.


Hẹn nhau tháng tới cùng về bên Mẹ dâng những tâm tình yêu mến từ trái tim của người con hiếu thảo.
 
Giáo phận Lạng Sơn cứu trợ anh chị em miền Trung sau cơn lũ lụt
Giuse Trần Ngọc Huấn
18:59 14/10/2010
Trong những ngày vừa qua, lũ lụt đã nhấn chìm nhiều diện tích rộng lớn của tỉnh Quảng bình, Hà tĩnh thuộc giáo phận Vinh, gây nên những sự tàn phá vô cùng nghiêm trọng, để lại những hậu quả hết sức thê lương cho người dân nơi đây. Những thống kê chưa đầy đủ cũng đã phản ánh sự mất mát to lớn mà lũ lụt đã gây ra: cướp đi hàng trăm sinh mạng, nhiều người bị thương, nhà cửa, ruộng vườn và tài sản bị hư hại…

Xin xem hình

Ý thức được sự mất mát to lớn và những hậu quả tang thương mà anh chị em miền Trung thuộc giáo phận Vinh đã – đang phải gánh chịu, Ủy ban Bác Ái Xã Hội thuộc các giáo phận trong cả nước đã mau mắn kêu gọi sự trợ giúp của bà con giáo dân và các tấm lòng hảo tâm, cùng với những vị hữu trách đến thăm hỏi, động viên và nhất là giúp đỡ anh chị em gặp hoạn nạn. Những món quà bằng cả tinh thần và vật chất đã phần nào chia sẻ để làm vơi đi sự mất mát của anh chị em miền Trung.

Hòa chung trong tinh thần đó, từ miền sơn cước biên giới phía Bắc, giáo phận Lạng Sơn cũng đã tổ chức kêu gọi và quyên góp để giúp đỡ anh chị em miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt. Trong các thánh lễ chiều thứ 7 và ngày Chúa Nhật 28 Thường niên, tại Nhà thờ Chính Tòa và một số nhà thờ giáo xứ trong giáo phận, mọi thành phần dân Chúa đã thêm lời cầu nguyện và nhất là có những sự trợ giúp thiết thực cho anh chị em tại miền Trung.

Dù đời sống còn nghèo, sống trong một giáo phận truyền giáo còn nhiều khó khăn, nhưng khi chứng kiến những mất mát thê lương mà anh chị em tại miền Trung đang ngày đêm gánh chịu, theo lời kêu gọi chia sẻ của Bề trên giáo phận, bà con giáo dân giáo phận Lạng Sơn đã tích cực ủng hộ bằng tiền và đồ dùng vật chất để giúp đỡ người dân vùng lũ. Mọi người chia sẻ không chỉ bằng một chút vật chất, nhưng còn sẻ chia cả tâm lòng, sự thương cảm và niềm đồng cảm. Những số tiền tuy không thật lớn, những món quà tuy đơn sơ bình dị, nhưng gói trọn tình nghĩa, niềm sẻ chia.

4h sáng ngày thứ hai, 11 tháng 10 năm 2010, một phái đoàn của giáo phận Lạng Sơn đã khởi hành vào miền Trung, mang theo tấm lòng và sự giúp đỡ của giáo dân trong giáo phận để đến chia sẻ cho anh chị em miền lũ lụt. Đức cha Giuse của giáo phận đang điều trị tại Sài Gòn, ngài đã cử cha Giuse Nguyễn Ngọc Thể - Đại diện giám mục – làm trưởng đoàn, cùng đi với ngài có cha Phêrô Đỗ Văn Tín – trưởng ban Caritas giáo phận, hai cha quản hạt Lạng sơn và Cao bằng, quý soeur thuộc dòng Đaminh Lạng Sơn… Trên suốt hành trình, mọi người sốt sắng cầu nguyện xin Chúa ban ơn lành và nâng đỡ cho những người đang gặp khó khăn thử thách ngặt nghèo tại miền Trung.

Vượt qua gần 600km đường dài, đến khoảng 14h30 chiều cùng ngày, đoàn đã đến nhà thờ giáo xứ Văn Hạnh, thuộc Hà Tĩnh, giáo phận Vinh. Cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh, quản hạt Văn Hạnh và cũng là trưởng ban Bác Ái Xã Hội – Caritas giáo phận Vinh, đã vui mừng chào đón phái đoàn giáo phận Lạng Sơn. Sau thời gian nghỉ ngơi, đoàn đã được cha Phêrô cho biết chi tiết về sự tàn phá và những thiệt hại do lũ lụt gây ra tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, cách riêng những mất mát của bà con giáo dân.

Sáng ngày 12 tháng 10, cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh đã đưa phái đoàn của giáo phận Lạng Sơn đến thăm thực tế và trực tiếp trao quà giúp đỡ anh chị em thuộc vùng Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh, nằm trong địa giới giáo hạt Ngàn Sâu của giáo phận Vinh. Cha trưởng ban Caritas của giáo hạt Ngàn Sâu cũng trực tiếp đón và đưa phái đoàn đi tới vùng lũ lụt. Trên hành trình 60km từ nhà thờ Văn Hạnh đến giáo hạt Ngàn Sâu, mọi người cảm nhận tận mắt sự khủng khiếp và mức độ tàn phá của trận lụt vừa qua. Lòng nghẹn ngào, không ai nói với ai lời nào, nhưng chắc chắn mỗi người có cùng tâm trạng xót xa, cùng suy nghĩ đồng cảm và cùng tâm tình sẻ chia.

Phái đoàn đã đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ anh chị em giáo dân thuộc giáo xứ Thọ Vực, giáo họ Gia Phượng, giáo xứ Vạn Căn thuộc giáo hạt Ngàn Sâu. Đây là những giáo xứ bị ngập lụt nghiêm trọng và thiệt hại nặng nề nhất của vùng Hương Khê – Hà Tĩnh. Nước dâng lên nhấn chìm vùng này trong suốt các ngày từ Chúa Nhật (2-10) đến tận thứ Sáu (7-10) mới rút hết. Nhà thờ giáo xứ Thọ Vực nằm trên một khu đất cao cũng bị ngập khoảng 1 mét, đặc biệt, nhà thờ Vạn Căn nước ngập tới 2 mét trong lòng nhà thờ. Đến thăm các gia đình giáo dân trong vùng, mọi người càng đau xót hơn trước sự mất mát tang thương của họ. Tất cả đều bị nhận chìm trong biển nước mênh mông, nhà cửa điêu tàn, ruộng vườn mất trắng,… Đời sống của họ vốn đã khó khăn, giờ đây lại thêm điêu đứng tiêu điều.

Cảnh và người sau cơn lũ làm quặn lòng tất cả chúng tôi. Lội bộ qua những con đường đầy bùn lầy, qua những cánh đồng chỉ còn màu phù sa, qua những khu vườn chỉ còn là cây nát, vào những căn nhà loang lổ chỉ còn là mái nát,… lòng mỗi người trào dâng niềm xót xa nghẹn ngào và lòng thương cảm. Đã nghe qua về những mất mát thiệt hại mà bà con nơi đây phải gánh chịu, nhưng khi đến tận nơi mới thấy thực tế còn nhiêu khê gấp nhiều lần.

Trong nước mắt và ánh mắt buồn, ông Gioan Nguyễn văn Hùng chia sẻ với chúng tôi: “Cả gia đình có một căn nhà gỗ lợp lá kè (lá cọ-nv) nhưng lũ cuốn hết rồi, giờ chỉ còn mấy cái cột với mái lá thôi. Toàn bộ đồ đạc, thóc gạo, sách vở, đều bị cuốn đi…”.

Cha Phanxicô Xavier Phạm Văn Hứa, chính xứ Vạn Căn nghẹn ngào cho chúng tôi biết: “Vùng này năm nào cũng bị ngập lụt rất nặng, không phải chỉ do thời tiết thất thường, nhưng còn do ảnh hưởng của việc xả lũ của các đập thủy điện ở thượng nguồn. Vào mùa này hàng năm, khắp bốn bề chỉ là nước lũ. Thiệt hại chưa kịp khắc phục thì cơn lũ khác lại ập đến (…) Mỗi gia đình có một căn gác thật cao, ở sát mái nhà để chống chọi với lũ, thế nhưng vừa qua trong trận lụt, nước còn dâng cao vượt cả mái nhà. Nhà thờ Vạn Căn cũng bị ngập tới gần 2 mét, làm sụt tường và hư hỏng tất cả đồ đạc. Nhà dân thì còn thê lương hơn, họ chẳng còn gì, nước lũ đã cuốn đi tất cả…”.

Sau những giờ phút thăm hỏi, động viên, đoàn giáo phận Lạng Sơn đã trao 3 tấn gạo và nhiều quần áo, chăn màn… là sự đóng góp của bà con giáo dân trong giáo phận, đến tận tay người dân vùng lũ. Đây là một sự giúp đỡ chia sẻ kịp thời và hết sức ý nghĩa với cả người trao và người nhận, là thể hiện tình tương thân tương ái và dấu chỉ của sự hiệp nhất, của tình liên đới và mối dây hiệp thông.

Chia tay bà con giáo dân vùng lũ, buổi chiều ngày 12 tháng 10, phái đoàn giáo phận Lạng Sơn trở về, đi theo con đường phía Tây thật vắng lặng. Chuyến đi đã để lại trong lòng mỗi người nhiều nỗi niềm, sự nghẹn ngào cảm động trào dâng. Có thể nói, giá trị không phải chỉ ở những món quà được trao tặng với cả tấm lòng, nhưng được nâng lên bởi sự gặp gỡ, những ánh mắt cảm thông, những bàn tay nâng đỡ và những thao thức đồng cảm. Trong gia đình giáo hội, điều này thể hiện sâu sắc tình hiệp thông, mối dây liên đới và nhất là một phản ánh đức bác ái Kitô giáo. Những sự đồng cảm, giúp đỡ không chỉ dừng lại ở đây, nhưng còn kéo dài và trở thành nghĩa cử cao đẹp.

Xin Thiên Chúa chúc lành và nâng đỡ anh chị em miền Trung của chúng con trong cơn thử thách ngặt nghèo!
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hội thánh Việt nam sau Đại Lễ và Đại Hội
+ GM Gioan B. Bùi Tuần
08:30 14/10/2010
Đại Lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã qua rồi, Đại Hội các Giám Mục Việt Nam cũng đã kết thúc.

Hội Thánh Việt Nam, dù muốn dù không, sẽ chịu ảnh hưởng bởi Đại Lễ và Đại Hội.

Đại Lễ cho thấy chỗ đứng của Hội Thánh Công giáo trong lịch sử Đất Nước hôm nay là khiêm tốn.

Đại Hội cho thấy nhiều chọn lựa của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là dè dặt.

Hội Thánh sẽ làm chứng về Chúa thế nào trong những điều kiệu cụ thể của xã hội Việt Nam lúc này một cách sống động và có hiệu quả? Đó là câu hỏi nên đặt ra. Dưới đây là một suy tư xin mạo muội đóng góp.

1/ Những dấu chỉ nên cân nhắc

Trước hết, Hội Thánh chúng ta nên tỉnh táo khôn ngoan trong việc chọn lựa những dấu chỉ về Hội Thánh địa phương chúng ta. Thí dụ:

Trình bày những hình ảnh các cơ sở tôn giáo huy hoàng tráng lệ có thể thu hút được một số người. Nhưng cũng dễ trở thành lỗi thời, khi những cơ sở như thế chỉ được nhìn như những công trình xây dựng khác. Nhất là khi những cơ sở tôn giáo đó lại thiếu những nét có sức gây được bầu khí linh thiêng và thiếu tiềm năng giáo dục.

Trình bày các biểu dương rầm rộ hoành tráng có thể gây phấn chấn cho một số người. Nhưng cũng dễ trở thành mờ nhạt trong một xã hội đang có quá nhiều lễ hội. Nhất là khi những biểu dương ấy lại thiếu chiều sâu về đức tin, mà chỉ nặng về phô trương dễ bị lợi dụng.

Trình bày những thống kê với các con số về phát triển đạo có thể giúp hãnh diện và tự hào cho một số cá nhân và cộng đoàn. Nhưng cũng dễ trở thành hình thức thiếu chất lượng. Nhất là khi con người ta hiện nay đang bắt đầu chán ngấy với lối kể lể thành tích.

Trình bày một Hội Thánh tự vệ, phải đối phó với nhiều bắt bớ truy lùng, có thể giới thiệu sự kiên cường của nhiều người có đạo. Nhưng cũng dễ trở thành những câu hỏi gợi nên nhiều trả lời bất lợi. Nhất là khi xã hội gồm phần đông là không công giáo, và lịch sử đạo ta vẫn lấn cấn với nhiều vấn đề chính trị phức tạp.

Hình ảnh là một ngôn ngữ. Hình ảnh là dấu chỉ. Ngôn ngữ dấu chỉ, nếu được chọn lựa đúng, sẽ giúp rất nhiều cho việc loan báo Tin Mừng. Với mục đích đó, chúng ta nên chọn những hình ảnh nào có giá trị như một dấu chỉ sống động về Tin Mừng Đức Kitô.

2/ Những dấu chỉ nên chọn

Thiết tưởng hình ảnh như thế sẽ chính là đời sống của mỗi người chúng ta. Đời sống thường nhưng mà sâu.

Đời sống thường là đời sống thường ngày. Mỗi người có một đời sống thường riêng của mình, tại gia đình, trong xã hội, nơi những lãnh vực khác nhau, với những hoàn cảnh riêng.

Trong cuộc đời thường ấy, chúng ta sống đức tin một cách sâu xa. Sâu xa được hiểu trước hết ở sự chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu. Chúng ta hiệp thông với tình yêu của Người, sự thương khó của Người và sự phục sinh của Người. Đức Kitô trở thành sức sống của ta.

Với sức sống tình yêu của Đức Kitô trong mình, chúng ta dấn thân phục vụ con người. Phục vụ như Đức Kitô. Nghĩa là phục vụ như người đầy tớ, đầy hiền lành, khiêm tốn, yêu thương. Phục vụ của chúng ta lúc đó luôn hướng về sự hiến thân của Đức Kitô trên thánh giá. Để rồi, sự hiến thân của chúng ta cũng là một dâng hiến trọn vẹn của tình yêu.

Sự phục vụ như thế là một chiến đấu cam go, vừa làm việc lành, vừa đẩy lùi sự ác. Nhưng có Chúa ban sức mạnh cho chúng ta. Sức mạnh ấy là một kho tàng vô giá. "Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi" (2 Cr 4,7).

Cuộc phấn đấu sẽ rất cam go, đến nỗi, chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: "Chúng tôi luôn mang nơi thân xác mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi" (2 Cr 4,11).

Như vậy, chính bản thân chúng ta sẽ là dấu chỉ của sự sống Đức Kitô, của tình yêu Đức Kitô.

Sự sống ấy, tình yêu ấy có sức cứu độ. Nó phát xuất từ cuộc thương khó của Đức Kitô trong ta. Như thể từ bóng tối đã phát sinh ra ánh sáng, từ thất vọng lại mọc lên hy vọng, từ sự chết lại chỗi dậy sự phục sinh.

Khi chúng ta sống thường ngày một cách sâu như vậy, mỗi người chúng ta sẽ trở thành dấu chỉ và hình ảnh đích thực của Tin Mừng. Hơn nữa, chúng ta sẽ là những bức thư của Chúa gởi cho những người sống bên cạnh chúng ta. Thánh Phaolô viết: "Rõ ràng anh em là bức thư của Đức Kitô được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người" (2 Cr 3,3).

Những tấm bia linh thiêng đó chính là men là muối giữa đời (x. Mt 5,13-14), như lời Chúa Giêsu đã dạy.

3/ Nhìn vào những dấu chỉ trong lịch sử Hội Thánh Việt Nam

Lịch sử Hội Thánh Việt Nam không thiếu những chứng nhân như thế. Họ là men, là muối, là bức thư chứa đựng tình yêu cứu độ. Họ rất sống động và linh động.

Họ có mặt ở khắp nơi trong mọi tầng lớp xã hội. Hiện diện của họ thường là âm thầm, nhưng toả sáng niềm hy vọng. Họ không kết tụ thành những khối mang đồng phục, nhưng họ thích sống và làm việc như những chứng nhân tự do và tích cực hiện diện. Sức mạnh nơi họ là từ nội tâm kết hợp với Chúa, theo gương Đức Mẹ Maria.

Họ được nhìn như những dấu chỉ của hướng đi cuộc đời. Ảnh hưởng của những chứng nhân tình yêu là rất lớn, cả trong Đạo ngoài Đời, nhất là trong việc đổi mới lòng người.

Họ sống nhờ bác ái của Đức Kitô. Chính nhờ bác ái của Đức Kitô, họ đang làm cho Hội Thánh nên trẻ trung. Trong đó mọi thành phần Hội Thánh được gắn kết với nhau bằng những tương quan huynh đệ chân thành. Cũng chính nhờ thế, Hội Thánh mở lối về cõi Trời hạnh phúc, êm đềm như một tình thương dịu dàng giữa xã hội hôm nay.

Không gì có thể thay thế được họ trong sứ vụ làm chứng cho Chúa tình yêu tại Việt Nam hôm nay. Hơn thế, họ sẽ tăng lên, về lượng và về phẩm. Được Chúa sai đi, họ hân hoan đồng hành với dân tộc, nhất là với những người nghèo khổ, yếu đuối. Đó là điều thiết tưởng phải nói lên sau Đại Lễ và Đại Hội.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Wolfgang Mozart -thiên tài bạc mệnh
Trầm Thiên Thu
08:28 14/10/2010
Thiên tài thần đồng âm nhạc Wolfgang Mozart sinh ngày 27/1/1756 tại Salzburg (Vienne, Áo), là nghệ sĩ dương cầm lúc 6 tuổi và là nhà soạn nhạc tài danh lúc 18 tuổi. Mozart là một huyền thoại âm nhạc về tài ứng tấu, có trí nhớ phi thường, có thể ký âm sau khi nghe một bài nhạc nhiều bè dù mới nghe lần đầu, có thể vừa soạn nhạc vừa làm việc khác.

Tương truyền rằng hồi nhỏ, Mozart nghe được bài nhạc chỉ dùng riêng tại điện Sixtine ở Vatican, Mozart về ghi lại đủ các bè mà chỉ sai vài nốt. Quả là đôi tai âm nhạc kỳ tài! Vật sở hữu ông thích nhất là chiếc áo khoùac tơ lụa màu đỏ lấp lánh. Nhưng đa tài thì đa truân và tài hoa thì bạc mệnh, như sự công bằng của Tạo hóa vậy.

Tại Vienne, đêm 27 và 28/10/1791, trời mưa như trút. Sau đó là tuyết rơi mù mịt vào ngày 1/11/1791. Thời tiết dịu lại vào cuối tháng nhưng có đợt gió nóng mạnh, thi thỏang có sương mù. Nỗi buồn xâm chiếm Mozart. Ông tâm sự với vợ là Konstanze rằng ông đã nghĩ đến cái chết. Mắt đẫm lệ, ông nói: “Anh thấy điều này rất rõ, anh không còn sống bao lâu nữa, chắc chắn người ta đầu độc anh. Anh không thể thoát khỏi ý nghĩ này”.

Konstanze lo lắng và cho mời thầy thuốc. Thầy thuốc yêu cầu Mozart ngưng ngay việc hòan tất bản Requiem (bản nhạc cầu hồn được một người lạ “đặt hàng” gấp), vì việc này làm Mozart kiệt quệ cả thể lý và tinh thần, suốt ngày ông bị ám ảnh bởi ý nghĩ bi quan tột cùng.

Sau khi sức khỏe khả quan hơn, Mozart lại lao vào sáng tác bản cantata (tác phẩm ngắn, thường về đề tài tôn gíao, do ca sĩ đơn ca và thường có dàn đồng ca phụ họa với nhạc đệm), bản nhạc này do Hội Sở ở Vienne đặt ông làm cho lễ khánh thành các trụ sở mới của họ. Mọi người mừng khi thấy Mozart tỏ ra vui vẻ và thoải mái. Nhưng rồi ông lại buồn, xanh xao và ốm yếu đến nỗi nằm liệt giường. Bệnh trạng của ông đáng quan ngại, toàn những bệnh nguy hiểm thời đó: Nhiễm liên cầu khuẩn (1762), sốt rét mê sảng (1765), sốt và thấp khớp (1767), nhiễm trùng đường hô hấp (1771, 1780), áp-xe răng và nhiều dạng nhiễm trùng khác.

Cha của Mozart là Leopold Mozart, một nhạc sĩ chuyên nghiệp kiêm thầy dạy nhạc hàng đầu của châu Âu. Dù biết con trai có năng khiếu âm nhạc xuất chúng nhưng ông vẫn bắt con trai tập luyện nghiêm tuùc, cả piano và violon. Mozart giỏi cả về nhạc cụ và sáng tạo giai điệu. Các giai điệu của Mozart rất đẹp và có sức hấp dẫn kỳ lạ.

Trong thư gởi cho người cha, Mozart viết: “Con không bao giờ đi ngủ mà không nghĩ rằng có thể con không còn thấy ngày mai nữa. Sự chết là mục đích thực sự của cuộc đời chúng ta. Từ vài năm nay, con đã quen với người bạn tuyệt vời đó của con người. Hình ảnh người bạn đó không làm con sợ mà con thấy người bạn đó hiền lành và cởi mở”. Mozart nằm liệt giường từ cuối tháng 11/1791, chân tay đều sưng nhưng ông vẫn tỉnh táo.

Chập tối 4/12/1791, ông trở bệnh nặng. Người nhà mời bác sĩ vẫn chữa cho Mozart, nhưng ông ta đi xem nhạc kịch mất rồi. Sophie (em vợ của Mozart) linh cảm điều không lành nên đến nhà anh rể và chị. Thấy Sophie đến, Mozart nói: “Sophie này, em đến đây rất tốt. Đêm nay em phải ở đây với anh để chứng kiến anh chết”.

Rồi bác sĩ cũng đến, ông nói xoa dấm và nước vào thái dương của bệnh nhân. Cơ thể Mozart run lên. Sophie kể: “Cử chỉ cuối cùng của anh Mozart là miệng như muốn mô phỏng những cú đánh cymbal trong bản Requiem vậy. Tôi còn nghe văng vẳng...”. Konstanze lặng lẽ quì bên giường chồng. Và thiên tài Wolfgang Mozart đã trút hơi thở cuối cùng...

Cái chết của Mozart đã tạo nhiều truyền thuyết, nhưng đa số đều sai. Nhiều người cho rằng Mozart bị Salieri đầu độc. Năm 1823, một học trò của nhà soạn nhạc Beethoven đến thăm Salieri và nghe chính Salieri thề rằng ông không bao giờ làm điều thất đức như vậy. Vả lại, không có chứng cứ nào đáng tin cậy!

Năm 1987, bác sĩ Davies viết trên Âm Nhạc Thời Báo: “Nguyên nhân Mozart chết có thể kể đến bệnh nhiễm liên cầu khuẩn, hội chứng Scholein-Henoch, suy thận, xuất huyết não và viêm phổi”. Có điều lạ là cả vợ và thân nhân, không ai làm mộ cho Mozart. Ngày nay không ai biết mộ của Mozart ở đâu, nhưng hình ảnh và các bản nhạc bất hủ của ông vẫn xuất hiện ở bất kỳ nơi nào có Sự Sống, Tình Yêu và Hy Vọng.

Mozart và Konstanze sống sung túc, nhưng những năm cuối đời ông phải vay mượn bạn bè. Điều này càng làm tăng mức huyền thoại về đời sống nghèo khổ của ông. Nếu sống thêm vài năm nữa, hẳn là ông đã theo bạn là nhà sọan nhạc Haydn sang London.

Nhiều người nói rằng Mozart được an táng một cách khó nghèo trong một ngày giá lạnh, người ta phải phá băng để đào huyệt. Nhưng thực ra, sau thánh lễ an táng cử hành ở nhà thờ Saint-Etienne, quan tài của Mozart được đưa đến nghĩa trang Saint-Marx vào một ngày đẹp trời. Tang lễ đơn giản là do ý muốn của Konstanze. Gia đình không dư giả, Konstanze không muốn bày vẽ rườm rà chỉ thêm tốn kém, hy vọng được tài trợ của Vua Leopold II. Mozart được an táng trong ngôi mộ bình thường, không hẳn vì nghèo mà vì lệnh của của Hoàng đế muốn mọi người dân đều được đối xử bình đẳng. Tuy nhiên, những câu chuyện về Mozart vẫn không hồi kết thúc. Dù sống trong thế giới hiện đại nhưng chúng ta vẫn bám vào các ý tưởng lãng mạn mà gán ghép cho các thiên tài hoặc những “dị nhân” đó thôi.

Mozart là thần đồng, là thiên tài và là một hiện tượng âm nhạc, nhưng ông vẫn là con người với đủ thất tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục). Ông là người Công giáo nhưng vẫn có cuộc sống đời thường. Ông chỉ mượn âm nhạc để phản ánh các dạng cảm xúc tinh tế của con người. Âm nhạc là tấm gương cho phép chúng ta thấy được chính mình. Người ta soi vào thấy mình trong âm nhạc của Mozart nên những bản nhạc của ông trở nên bất hủ!
 
Tin Đáng Chú Ý
Cựu đảng viên Trung Cộng kêu gọi bãi bỏ kiểm duyệt báo chí
Tiền Hô
11:50 14/10/2010
Bắc Kinh, 14 Tháng Mười (AsiaNews) - Một nhóm các cựu quan chức cao cấp về chính trị và văn hóa đã công bố một bức thư ngỏ kêu gọi chấm dứt sự kiểm duyệt trên phương tiện truyền thông ở đại lục, mà họ cho là "vi hiến". Bức thư được công bố chỉ vài ngày trước khi Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản nhóm họp vào ngày mai.

Bức thư với chữ ký của 23 cựu quan chức hàng đầu - trong đó có Li Rui, một cựu thư ký của Mao Trạch Đông - đã được gửi đến Ủy Ban Thường Vụ Quốc Dân Đại Hội, để đòi có một luật mới về tự do báo chí và chấm dứt sự áp đặt, cấm đoán của đảng.

Lấy trích dẫn từ hiến pháp Trung Quốc năm 1982 - trong đó chính thức đảm bảo quyền tự do báo chí, cùng những gì Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã làm khi bắt đầu nhiệm kỳ chức vụ của ông, bức thư gọi đây là một sự thiếu tự do, một "vụ tai tiếng trong lịch sử của nền dân chủ thế giới". Bức thư thậm chí nói rằng, sự tự do báo chí tại Hồng Kông dưới thời thuộc địa do Anh cai trị còn cao hơn cả Trung Quốc ngày nay. Bức thư còn lưu ý, hệ thống kiểm duyệt ở đại lục đã làm cho Trung Quốc đi chậm 315 năm so với Anh và 129 năm so với Pháp.

Để minh họa quan điểm này, bức thư đưa ra một số ví dụ rất cụ thể để cần phải hổ thẹn trong một xã hội tuyên bố là "dân chủ xã hội chủ nghĩa" mang màu sắc Trung Quốc.

Ví dụ đầu tiên liên quan đến Li Rui, người mà gần đây đã có một bài xã luận viết trên tờ Nhân Dân Nhật Báo vào năm 1981, đã bị kiểm duyệt. Li nói: “Quốc gia này là cái quái gì? Tôi muốn phát khóc lên: báo chí phải được tự do! Bóp nghẹt quyền tự do của nhân dân là hoàn toàn bất hợp pháp!".

Ví dụ thứ hai thậm chí còn rõ ràng hơn, đó là sự kiểm duyệt một số bài phát biểu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo ở Thâm Quyến và Hoa Kỳ khi ông nói về sự cần thiết có những cải cách chính trị ở Trung Quốc. Trong cả hai trường hợp đó, báo chí và cả Tân Hoa Xã đều không đăng những nhận xét của họ Ôn.

Bức thư cáo buộc có những "bàn tay vô hình" của các bộ phận tuyên truyền trung ương. "Giờ đây [...] khi được gửi đến ban trung ương của đảng Cộng sản và hội đồng nhà nước, chúng tôi muốn chất vấn xem bộ phận tuyên truyền trung ương đã bịt miệng lời phát biểu của ông thủ tướng như thế nào? Cái quyền nào cho phép họ cướp đi khỏi dân tộc chúng ta quyền được nghe những gì ông thủ tướng nói? "

Những người ký tên - số lượng đã tăng lên đến 500 - yêu cầu phải có một luật mới về tự do báo chí, dựa trên nguyên tắc trách nhiệm pháp lý của các nhà báo, hơn là việc sử dụng phương tiện kiểm duyệt đề phòng an ninh. Họ cũng muốn sản phẩm truyền thông và sách báo từ Hong Kong và Macau được phép lưu hành tự do và công khai tại đại lục.

Tương tự như vậy, họ cũng đề xuất phải thay đổi nhiệm vụ của bộ phận tuyên truyền: từ việc kiểm duyệt, can thiệp vào báo in và báo điện tử, sự bao che cho các thành viên tham nhũng trong chính phủ, chuyển sang việc ủng hộ báo chí và đảng viên liêm chính, để nhằm ngăn chặn việc đình bản báo chí, thiêu hủy các văn bản và bút tích, bắt giữ nhà báo, v.v..

Dưới đây là danh sách 23 người ký tên:
- Li Rui, cựu phó trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương ĐCSTQ, cựu thư ký của Mao Trạch Đông.
- Hu Jiwei, cựu tổng biên tập của Nhân Dân Nhật Báo
- Yu You, cựu phó tổng biên tập của Trung Hoa Nhật Báo
- Li Pu, cựu phó chủ tịch của Tân Hoa Xã
- Zhong Peizhang, cựu giám đốc Văn phòng Tin tức thuộc Ban Tuyên Truyền Trung ương của ĐCSTQ.
- Jiang Ping, cựu Chủ tịch Đại học Khoa học Chính trị và Pháp Luật Trung Quốc
- Zhou Shaoming, cựu phó giám đốc ban chính trị của Bộ Chỉ Huy Quân sự tỉnh Quảng Châu
- Zhang Zhongpei, cựu giám đốc Viện Bảo Tàng; từng đứng đầu Hiệp Hội Khảo Cổ Trung Quốc
- Du Guang, giáo sư Trường Trung Ương Đảng
- Guo Daohui, cựu tổng biên tập Tạp chí Khoa Học Pháp Luật Trung Quốc
- Xiao Mo, cựu Viện trưởng Viện Kiến Trúc Nghệ Thuật thuộc Học Viện Nghệ Thuật Trung Quốc
- Zhuang Puming, cựu phó chủ tịch Nhà Xuất Bản Nhân Dân
- Hu Fuchen, cựu tổng biên tập Nhà Xuất Bản Công Nhân Trung Quốc
- Zhang Ding, cựu chủ tịch Ấn phẩm Khoa Học Xã Hội của Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã hội Trung Quốc
- Ouyang Jin, tổng biên tập tạp chí Thái Bình Dương ở Hồng Kông
- Yu Haocheng, cựu chủ tịch Qunzhong Press
- Zhang Qing, cựu chủ tịch Nhà Xuất Bản Phim Truyện Trung Quốc
- Yu Yueting, cựu chủ tịch đài truyền hình tỉnh Phúc Kiến
- Sha Yexin, cựu chủ tịch Nhà Hát Nghệ Thuật Nhân Dân Thượng Hải
- Sun Xupei, cựu chủ tịch Viện Báo Chí thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc
- Xin Ziling, cựu giám đốc Vụ Biên Tập Trung Quốc Đương Đại thuộc Đại Học Quốc Phòng
- Tie Liu, tác giả chủ biên ấn phẩm cá nhân "Quá khứ và Dấu ấn"
- Wang Yongcheng, giáo sư Đại Học Giao Thông Thượng Hải
 
Văn Hóa
Cái khôn bây giờ
Hiền Lâm
08:31 14/10/2010
… Ai nấy đều hối hả chen lấn nhau lên phà cho kịp giờ làm việc. Phà Cát Lái các ngày đầu tuần lâu nay vẫn thế. Thằng bé bán báo luồn lách giữa đám đông, miệng rêu rao:

-Ai báo đây, báo đây, báo sáng nay có 30 người bị lừa đây!

Mọi người đều tò mò, tôi cũng mua thử một tờ và vội lật ngay mục “bị lừa” để xem nhưng chẳng thấy, tôi túm ngay thằng bé và hỏi:

-30 người bị lừa đâu?

Thằng bé cười ngặt nghẽo:

-Ông là người thứ 31 đấy!

…Đúng là tôi bị lừa thật, nhưng bù vào đó ngay trang nhất, tờ báo đăng tải bài phản ảnh một tác giả nọ viết về chuyện xét hạnh kiểm học sinh của một trường trung học kia: Sự việc là để chào mừng 30 năm thành lập trường, ông hiệu trưởng hứng lên đề nghị ra một tập Kỷ Yếu về Trường, khích lệ các học sinh cộng tác đóng góp bài viết và sáng tác nhiều thể loại: thi, nhạc, hoạ… với nội dung phản ảnh về nhà trường trong 30 năm qua. Thật không may cho một học sinh, chẳng những không được khen thưởng mà còn bị kỷ luật cho lưu ban, mặc dù năng lực của học sinh này rất khá. Chuyện xảy ra là anh này vẽ một bức biếm hoạ với nội dung mà các “cán bộ” nhà trường cho là phải liệt anh vào “sổ đen”. Nội dung bức hoạ vẽ một “Cái Ghế” đặt cao ngất ngưởng trên bức tường. Một bên là một người tên là Năng Lực, đang cố bơi trong hồ nước trước một bức tường cao sừng sững. Một bên là một anh chàng có tên Luồn Lách, huênh hoang bước từng bước trên bậc tam cấp: bậc một là Coppy Tài Liệu, bậc hai là Nịnh Hót và bậc ba là Ô Dù và cái ghế đã được dành cho Luồn Lách.

Đọc trang báo tôi chưa kịp bình luận gì thì hai anh chàng Nhân viên công ty SONKIM đứng bên cạnh đã bình luận rôm rả:

-Ê này! Có ai ngu như thằng học sinh trong trang báo này chứ, đúng là “chuột nhắt dám vuốt miệng hùm”.

-Tao nghĩ thời này mà không biết nịnh hót, đút lót, lôi kéo ô dù thì có mà chết chìm như thằng cha Năng Lực trong hình vẽ cả đời.

- Đấy mày thấy tao nói đúng không, ngay cả thằng trưởng phòng công ty tao đang làm ấy, nó mà không biết nịnh hót tâng bốc cấp trên với khôn khéo hạ bệ mấy thằng đồng nghiệp, thì sức mấy được sếp tín nhiệm, đúng là thằng cha khôn thật.

Khôn ư? Tôi không biết phải nghĩ thế nào cho thế hệ này nữa. Đúng là cái khôn của ngày hôm nay đáng sợ thật. Có lẽ họ nói đúng, chỉ có cổ lổ sĩ như tôi mới bị ép bị lừa, chứ khôn như người ta thì đâu bị thằng bán báo lừa. Đúng là khôn thật, thời đại bây giờ làm gì có những ông thánh Trung Hoa như Điêu Đại Gia đi tìm hiền tài để nhường ghế, hoặc Hứa Do bỏ đi rửa tai khi nghe phải lời mời mọc tiến chức, hay Sào Phủ thậm chí không cho cả trâu uống nước mà Hứa Do vừa rửa tai. Cái khôn bây giờ khác xa với cái khôn ông cha mình lắm rồi. Thật nghĩ mà buồn cho nhân tình thế thái…
 
Lá thư Canada: Tiếng Trống Múa Lân
Trà Lũ
16:24 14/10/2010
Lá thư Canada: TIẾNG TRỐNG MÚA LÂN

Canada mừng lễ Lao Động vào đầu tháng Chín. Viêc này khác quê mình. Việt Nam quê ta mừng lễ Lao Động vào đầu tháng Năm vì ta theo lối Tây. Ở Canada, sau lễ Lao Động là ngày tựu trường. Các em bé được cha mẹ dắt đến trường, tung tăng chạy nhảy, nói chuyện líu lo như một bầy chim non, ôi dễ thương làm sao. Những hình ảnh này bao giờ cũng làm tôi nhớ liền tới bài văn: Hằng năm cứ về cuối thu, khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi nao nức những kỷ niện mơn man của buổi tựu trường…( Quê Mẹ/Thanh Tịnh). Rồi bài này lại dẫn tôi đến nhà văn Anatole France bên Pháp. Ông cũng viết về ngày tựu trường trong cuốn Le Livre de Mon Ami giống y như vậy. Các măng non thơ ngây và trong trắng như những bầy tiên nhỏ!

Ở đây niên học khai giảng vào đầu mùa thu chứ không vào cuối thu như nhà văn Thanh Tịnh viết, nhưng những hình ảnh thơ mộng và những cảm giác nôn nao thì giống y như nhau.

Tại Canada các xe bus chở học sinh sơn màu vàng rực. Mỗi buổi sáng xe vàng chạy cùng khắp. Mỗi lần thấy xe là mỗi lần tôi nghĩ ngay trong đầu: đây là những mầm non, đây là những bông hoa đang chúm chím, đây là tương lai của đất nước này.

Canada có chính sách cưỡng bách giáo dục: trẻ em phải đi học cho tới tuổi 16, riêng tại tỉnh bang Ontario nơi tôi đang sống và tỉnh bang New Brunswick phía đông thì tới 18 tuổi. Trường công, trường tư, trường nhà thờ, tất cả hoàn toàn miễn phí. Ngân sách dành cho giáo dục là 7% ngân qũy quốc gia. Theo thống kê 2009, chỉ riêng ngành đại học có 870.000 sinh viên. Trong số này, 1/3 là sinh viên ngoại quốc. Đông nhất là sinh viên đến từ Trung Quốc chiếm 33%, rồi đến Đại Hàn 24%. Sinh viên từ Hoa Kỳ chiếm 9.6%. Viêc này chứng tỏ nền giáo dục của Canada rất cao. Sinh viên Hoa Kỳ sang đây du học chắc vì học phí thấp và vì ban giảng huấn giỏi. Điều này rất đúng các cụ ạ, vì Tổ chức The Times Higher Education bên Anh vừa công bố danh sách 200 đại học dang tiếng trên thế giới, Canda có 9 đại học nằm trong đầu danh sách này. Đại học Toronto đứng thứ 13. Các cụ muốn biết thêm vài chuyện đại học ở đây, phải không cơ. Xin kể ngay: Đại học lâu đời nhất ở Canada là Université de Laval, có từ năm 1663, và đại học đông sinh viên nhất hiện nay là University of Quebec. Đại học Toronto có 18 phân khoa và được thành lập vào năm 1827.

Cũng đúng mùa khai trường này có một cuộc họp cao cấp về giáo dục liên quốc gia, gồm Canada, Nga, Úc và Anh. Ông Arne Duncan, cố vấn về giáo dục của Tống Thống Hoa Kỳ cũng sang dự thính. Sau 2 ngày dự hội nghị, ông Duncan đã lên tiếng nhiệt liệt ca ngợi nền giáo dục của tỉnh bang Ontario. Ông bảo Hoa Kỳ còn cần học hỏi thêm về nên giáo dục ở đây. Ông thán phục chương trình giáo dục rất thực tế vừa phát triển tài năng vừa ngăn ngừa bạo lực và dự án lớp vườn trẻ + mẫu giáo sẽ học cả ngày thay vì chỉ học nửa buổi như hiện nay.

Nhân vừa nói tới ban giảng huấn đại học giỏi, tôi liền nhớ tới giải thưởng toán học Fields mà Tiến sĩ Ngô Bảo Châu của Việt Nam vừa đạt được. Các cụ có biết Fields là ai không ? Thưa đó là qúy danh của Tiến sĩ John Charles Fields (1863-1932), một giáo sư tóan học lỗi lạc của Canada. Ông sinh tại bang Ontario. Ông là một thiên tài về tóan. Ông từng là chủ tịch Hiệp hội Khoa Học của Anh, Mỹ và Canada. Thế giới đã dùng tên ông để đặt cho giải thưởng quốc tế về toán. Nó tương đương với giải Nobel, các cụ thấy chưa. Chúng tôi cầu mong Tiến Sĩ Ngô Bảo Châu sẽ là một John Charles Fields của Việt Nam.

Xin khoe các cụ một tin khác cũng vừa xuất phát từ Canada liên hệ tới sự thông thái của dân xứ này: Hiệp hội ngư nghiệp Aqua Bounty ở tỉnh bang Prince Edward Island miền đông Canada vừa thí nghiệp thành công việc biến đổi gene của cá hồi salmon, làm cho loại cá này sinh trưởng nhanh chóng và lớn gấp đôi loại cá hồi bình thường. Thế có nghĩa là rồi đây cá salmon Canada sẽ bự hơn, đẻ nhiều hơn, và sẽ tràn đầy thị trường quốc tế`. Nhưng việc biến đổi giống cá này chưa được thi hành ngay vì còn chờ sự cho phép của Bộ Y tế.

Đó là tin vui về cá hồi ở miền đông. Còn về miền tây, cá hồi cũng là một tin vui lớn. Không biết gia tộc cá hồi có thông tin cho nhau hay không, mà tự nhiên năm nay cá hồi tràn ngập miền tây Canada. Theo truyền thống, hàng năm cá hồi rủ nhau về sinh quán, cá từ vùng biển nước mặn bơi ngược vào dòng sông nước ngọt để sinh đẻ. Năm nay cá hồi hương rất nhiều, ngư dân bội thu. Xưa nay Canada xuất cảng cá hồi đi khắp thế giới. Đĩa cá hồi trên bàn ăn của các cụ dám là cá hồi Canada đó nha.

Chuyện cá hồi làm tôi đưa độc giả đi xa qúa rồi. Xin trở về tin sinh hoạt đầu thu. Ngoài tin tựu trường, tin nổi nhất là Ngày Chạy Bộ Terry Fox. Ở Canada, ai cũng biết Terry Fox. Đời anh là một trang sử đẹp vô cùng. Terry Fox sinh năm 1958 tại Winnipeg thuộc tỉnh bang Manitoba, miền trung Canada. Năm 18 tuổi, anh mắc bệnh ung thư xương. Anh phải cắt một ống chân, cắt lên qúa đầu gối. Khi nằm trong bệnh viện điều trị, anh nảy ra sang kiến sẽ chạy bộ dọc chiều ngang nước Canada từ đông sang tây, mục đích là đánh thức lương tâm toàn quốc về ung thư và gây qũy cho việc nghiên cứu và chữa trị. Anh đã lên đường, chạy khập khiễng với một chân thật một chân giả. Truyền hình truyền thanh và báo chí đã đưa cuộc chạy bộ của anh lên hang đầu và cập nhật luôn luôn. Sau 143 ngày, khi anh đã chạy bộ được 5.373 cây số, anh gục ngã vì bệnh ung thu đã lên tới phổi. Anh về miền Vĩnh Hằng ngày 28.6.1981 khi vừa tròn 22 tuổi xuân. Cả nước thương tiếc anh. Để ghi nhớ việc anh chạy bộ vì đại nghĩa, hàng năm, cứ vào trung tuần tháng Chín, các thành phố khắp cõi Canada đều tổ chức các cuộc chạy bộ mang tên ‘Terry Fox Run’. Tính đến nay, Quỹ Terry Fox đã gây được 400 triệu đô la cho viêc nghiên cứu.

Ngoài tin chạy bộ Terry Fox, tin Đức Lạt Lai Lạt Ma sẽ tới Toronto vào tháng 10 sắp tới đã được báo chí loan báo rầm rộ. Ngài sẽ tới đây để thuyết giảng về hai đề tài: Các phương thức nhân bản để xây dựng và gìn giữ hòa bình thế giới, và Tám bài kệ để chuyển hóa Tâm. Các buổi thuyết giảng này do Trung Tâm Văn Hóa Tây Tạng chi nhánh Canada tổ chức. Tôi thấy ai cũng mê Đức Phật Sống Tây Tạng này. Chỉ nguyên bộ mặt lúc nào cũng tươi cười, chỉ nguyên bộ y phục đơn giản và đôi dép cao su ngài mang đã đủ chinh phục toàn thế thính chúng. Ngài chỉ cho ta con đường đi tới hạnh phục. Tôi mê nhất cái tâm vô cùng tốt lành của ngài. Ngài không bao giờ có y thuyết giảng để mời gọi thính chúng bỏ đạo mình đang theo để chuyển sang đạo Phật Tây Tạng. Tôi nhớ mãi câu chuyện một thanh niên Do Thái đã cải sang đạo Công Giáo để mưu tìm hạnh phúc, nhưng anh vẫn chưa thấy hạnh phúc, anh chạy tới gặp ngài để xin tu theo Phật Giáo Tây Tạng. Ngài đã tươi cười bảo anh đừng cải đạo. anh hãy tiếp tục sống cho trọn vẹn đạo Chúa. Tuyệt vời qúa chứ. Xưa nay nào đã có đạo trưởng nào nói được như ngài!

Lại còn tin này khá độc đáo: Bà cụ già Hazel McCallion thị trưởng thành phố Mississauga sát ngay bên cạnh Toronto vừa tuyên bố sẽ ra ứng cử chức thị trưởng nhiệm kỳ thứ 12. Năm nay cụ sơ sơ mới 89 tuổi xanh. Rõ ràng cụ già mà vẫn nghĩ mình còn dư sức gánh vác việc nước. Rõ ràng thân lão mà tâm bất lão. Bà đã làm thị trưởng 11 nhiệm kỳ liên tục, điều hành một thành phố rộng 288 cây số vuông, dân số 730.000 trong đó có 10 ngàn người Việt. Thành phố lớn chứ có bé đâu. Bà thông minh sáng suốt, cần mẫn, và cứng rắn. Mỗi lần tái ứng cử thì bà chỉ ghi danh mà thôi, không bao giờ bà đi vận động. Thế mà dân chúng vẫn bầu cho bà. Bà sinh quán ở bang Quebec, rồi đến bang Ontario lập nghiệp. Bà lập gia đình và sống trên mảnh đất nhà chồng ở Mississauga. Và bà đã sống chết với quê nhà chồng trong bao nhiêu năm nay. Ở đây ai cũng gọi bà là ‘Bà Già Gân’, giống y chang Cụ Trần Văn Hương ngày xưa của Miền Nam. Cụ Hương khi làm đô trưởng Saigon không đi công xa mà đi xe đạp. Bà già này cũng gần giống như vậy, bà không dùng tài xế mà bà tự lái xe đến sở. Chuyện kể rằng cách đây 4 năm bà đã bị cảnh sát công lộ thổi còi phạt vì bà đã quẹo phải khi có đèn đỏ. Bà vui vẻ nộp phạt. Thấy bà đã 85 tuổi vàng, ngoài tiền phạt, cảnh sát thu hồi bằng lái, không cho bà lái xe nữa. Ai cũng bảo giá mà nước Canada này có nhiều bà già gân như vậy thì sẽ còn hay biết bao nhiêu nữa.

Tôi quên chưa khoe các cụ là đầu mùa thu này dân làng tôi họp nhau ở nhà ông ODP. Ông cũng muốn khoe cái lan can rộng lớn quay ra vườn rau của ông. Ông làm món tôm chiên bột để dân làng nhậu lai rai khai vị trong khi ông nấu món chính. Món chính phải ăn nóng. Đó là món cá xốt Tứ Xuyên. Chính tay ông làm lấy, trước mặt mọi người. Ông ướp cá với giấm, tương, xì dầu, chút tiêu, chút muối. Khi dân làng đã ăn xong món tôm chiên bột thì ông lấy cá vừa ướp ra, nhúng cá vào trứng gà rồi lăn qua bột năng, cho vào chảo dầu sôi, chiên cho vàng. Rồi bầy ra đĩa, đổ nước xốt đã làm sẵn với ớt xanh ớt đỏ và hành tây lên trên. Ui chao, đĩa cá xốt bốc khói ngùn ngụt, thơm làm sao. Mời các cụ xơi với cơm nóng. Ngon chứ, phải không ạ. Vừa ngon, vừa bổ, vừa lành.

Dân làng An Lạc của tôi ăn uống rất tận tình, không hề khách sáo. Ai cũng sung sướng và hể hả về bữa cơm toàn hải sản này. Ăn xong thì dân làng mới nói chuyện. Bữa nay chúng tôi ăn món cá Tứ Xuyên tức là ăn theo cái bếp của Tàu. Ông ODP chủ nhà vừa cười vừa nói: Mình ghét cái máu Đại Hán đầy tính xâm lăng của Tàu, nhưng mình không thể ghét cái bếp và cái nền văn chương chữ nghĩa của Tàu. Bếp Tàu có cái hay riêng của nó.

Cụ B.95 lên tiếng hỏi: Lão gốc nhà quê, xưa nay chỉ biết nấu món VN truyền thống, xin ông nói cho lão nghe bếp Tàu và bếp VN có khác nhau gì không. Câu hỏi này đã chạm tới mạch điện kiến thức của ông ODP. Ông nói ngay, dễ như lấy cái kẹo trong túi. Theo ông thì bếp ta ưa ăn rau tươi, rau sống, còn bếp Tàu thì không ăn rau sống bao giờ, bao giờ cũng nấu chín. Ta ưa dùng hành khô và xả, Tàu thì không. Ta ưa hầm, lửa liu riu, Tàu thì ưa xào, lửa to. Ta không ưa nhiều mỡ và bột sột sệt, Tàu thì xài nhiều mỡ và các chất làm cho món ăn trở nên sột sệt. Ta nêm bằng nước mắm, Tàu nêm bằng xì dầu. Ta có rất nhiều rau thơm như hành, ngò, xả, tía tô, kinh giới, Tàu dùng toàn những vị thuốc. Chính vì bếp ta dùng nhiều gia vị tươi như vậy nên món VN vừa ngon vừa thơm vừa lành. Năm 1987, Craig Clairborne nhà biên khảo về thức ăn nổi tiếng của báo The New York Times đã cho rằng các món ăn VN được xếp vào hạng các món ngon nhất thế giới. Trên đây tôi vừa nói là bếp Tàu ưa xào với lửa to. Thực ra nói như vậy chưa đúng. Người Tàu có rất nhiều cách nấu như hầm, nấu, ninh, xào, hấp, rang, luộc, om, nhúng. Điểm then chốt của bếp Tàu là họ chú ý tới ngọn lửa, lúc nào lửa to lúc nào lửa nhỏ. Vì đất Tàu rộng và Tàu có rất nhiều sắc tộc khác nhau nên cái bếp của Tàu cũng đa dạng, hương vị mỗi vùng mỗi khác. Đại loại thì người phương Nam thích vị ngọt, người phương Bắc thích vị mặn, Tứ Xuyên và Hồ Nam thích ăn cay, Sơn Đông thích ăn chua.

Cụ Chánh giơ tay xin nói: Lão vừa đọc trên báo là người Tàu có một món hầm rất ngon rất bổ, họ đặt tên là món ‘Phật Nhảy Tường’, cái tên này nghe vừa hỗn láo vừa xúc phạm, nhưng họ không có ý xấu đó. Họ chỉ cốt ý nói lên cái ngon vĩ đại của món này, nó ngon đến độ Đức Phật cũng không nhịn nổi nên Ngài cũng phải nhảy tường vào bếp nếm món ăn này. Tôi hỏi ông Lý Anh tác giả bài viết về các món ăn thì ông cho biết cái món ‘hỗn láo’ kia ghi trong các thực đơn là ‘Phật thìu xượng’ ( www.thoibao.com, section A, 3.9.2019 ).

Nghe hấp dẫn qúa. Dân làng tôi đang rủ nhau đi phố Tàu để nhậu món này.

Thấy khi bàn chuyện ăn uống thì mắt ai cũng sáng rực lên, Cụ Chánh liền căn dặn: Lão cũng vừa đọc trên báo là theo cuộc điều tra mới đây thì cứ 5 người Canada có một người béo phì, và bộ y tế đang tính tới chuyện giáo dục dân chúng về ăn uống. Bà con làng ta cũng nên để ý tới chuyện ăn uống nha. Lâu lâu nhậu một bữa thì được chứ ngày nào cũng đại tiệc thì nguy lắm đa.

Ông H.O. nghe tới chuyện béo phì thì có nhận xét này: Tôi đã quan sát việc béo phì này lâu rồi, và tôi nhận thấy liền ông mập phì khác liền bà. Liền ông thì mập phì mặt tiền, tức là cái bụng to như cái trống, còn liền bà thì mập phì mặt hậu, tức là mập phía sau, hai cái mông như hai cái thúng và hai bắp đùi trông như hai đùi voi.

Dân làng ai cũng gật gù cho rằng anh H.O. nói có lý. Chị Ba Biên Hòa phụ họa: Anh nói rất đúng. Liền ông gì mà bụng như cái trống, liền bà gì mà mông như cái thúng!

Và ông ODP tiếp tục bài thuyết trình chuyện thời sự. Trong các tin nóng bỏng thì tin Do Thái và Palestine gặp nhau bàn chuyện hoà bình là đáng chú ý nhất. Hai sắc dân này vì tổ tiên là cùng một cha nhưng khác mẹ nên hai bên đánh nhau chí chạp, chơi được nhau cú nào là chơi liền tay. Tình cờ mới đây tôi đọc được bài thơ, nghe thì tiếu lâm nhưng nó hay thấm thía. Bài thơ tiếu lâm‘chơi nhau’ như sau:

Ông Ả Rập vào tiệm Do Thái
Hỏi mua vài cái nịt ngực đen
Ông Do Thái mang nịt cho xem
Ông Ả Rập không thèm coi giá

Ông trả tiền rồi lấy tất cả
Bốn chục đồng một cái, khá cao!
Ông Ả Rập hôm sau lại vào
Hỏi xem còn nịt nào bán nữa

Ông Do Thái gặp được món bở
Liền hớn hở lên giá năm chục
Ông Ả Rập lục đục mang về
Ôm khệ nệ hai tay hai bó

Ông Ả Rập trở lại sau đó
Hỏi xem có nịt nữa bán không
Ông Do Thái bưng ra một chồng
Tăng gía bảy chục đồng một cái.

Bỗng tò mò ông Do Thái hỏi:
‘Ông làm gì với khối nịt này?’
Ông Ả Rập liền trả lời ngay:
‘Tôi cắt đôi thành hai cái nón

Bán cho người Do Thái từng món
Một trăm đồng một nón.
Lời chán !’


Dân làng nghe xong liền phá ra cười. Quả là hay, qủa là thâm. Tôi thấy bài thơ này trên mạng, không thấy tên tác giả. Người Do Thái mà hiểu được tiếng Việt và đọc được bài thơ này thì sẽ đi tìm tác giả làm thịt chứ không chơi. Các cụ có nghĩ như vậy không ?

Rồi anh John được yêu cầu kể chuyện cười khi học tiếng Việt. Anh này nhìn tôi cười rất ranh mãnh và nói: Đầu tiên xin cho tôi kể một tin rất đáng chú ý trong tháng này là Canada vừa chọn xong đại sứ mới cho VN. Đó là bà Deborah Chatsis, 48 tuổi. Bà này sinh quán tại bang British Columbia, tốt nghiệp luật khoa tại đaị học Ottawa và hậu đại học tại Harvard danh tiếng của Hoa Kỳ. Bà làm việc lâu năm trong ngành ngoại giao. Những việc này không có gì đáng nói vì làm ngoại giao thì phải thế. Điều đáng nói là bà này có gốc Da Đỏ The First Nations, và bây giờ làm đại sứ Canada ở Việt Nam. Mà theo nhóm ông Trà Lũ chủ trương thì người Da Đỏ ở Canada đều là con Mẹ Âu Cơ thời lập quốc, họ đã sang Canada cách đây mấy chục ngàn năm, từ đó suy ra: bà đại sứ này có gốc VN. Thật là tuyệt vời. Sao giống y chang chuyện ông tân Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở VN hiện nay, ông Lê Ân, người Mỹ có gốc VN. Ha ha, các cụ đã thấy trái đất này tròn chưa ?

Đó là chuyện thời sự người Canada gốc Da Đỏ làm đại sứ ở VN, tức là ở quê hương của chính tổ tiên mình. Bây giờ tôi xin nói về chuyện vui khi tôi học tiếng Việt. Tôi thấy cái lối nói lái trong tiếng Việt hay vô cùng, không nước nào có. Chuyện nói lái thì đầy trong sách. Gần đây tôi gặp chuyện này: Rằng một ông già kia có 3 người con trai tên Sơn, Hải và Nam. Chúng đã lớn. Đứa nào cũng xin ông chia gia tài để ra ở riêng nhưng ông không cho. Ông rất giàu, ông có rất nhiều vàng cất kỹ trong tủ. Một ngày kia ông bỗng dưng lăn ra chết, trên tay chỉ còn cầm một miếng giấy vẽ nguệch ngoạc một qủa đồi và một đường thẳng. Ông muốn để gia tài cho ai đây ? Không ai hiểu ý ông muốn nói gì. Các con ông đem việc này ra toà. Ông toà một người nổi tiếng thông thái đã tìm ra. Ông giải thích như sau: Cái đồi và đường thẳng tức là đồi thẳng. Đồi thẳng là đồi không cong. Đồi không cong tức là còng không đôi. Còng không đôi tức là còng không hai. Còng không hai tức là hài không cong. Hài không cong là hài thẳng. Hài thẳng là Thằng Hải. Vậy đứa con tên Hải được ông cho gia tài.

Dân làng nghe xong đều lắc đầu: sao mà câu chuyện lắt léo qúa vậy. Chắc ông quan tòa được ông già hiện về mách nước chứ tự nhiên mà trí khôn nghĩ ra được vậy sao.

Anh John trả lời: Thì thế, thế mới là giai thoại chứ, giai thoại nói lái để chọc cười mà. Nói lái đã có từ xưa, được ghi chép rõ ràng trong văn học, từ thời Trạng Quỳnh, Bai Giai Tú Xuất. Bây giờ tôi thấy một lối chọc cười khác, rất mới, rất phổ thông, đó là lối chơi chữ, lối định nghĩa ngộ nghĩnh. Chẳng hạn tôi vừa đọc bài này trên liên mạng điện toán, mang tiêu đề ‘Chuyện Dê’. Xin phép tác giả ẩn danh để mang ra trình làng:

gọi là Dương

Dê to lớn có quốc tịch Pháp gọi là Đại Tây Dương
Dê không thích đánh nhau gọi là Thái Bình Dương
Dê nghèo phải đi làm khổ sở là Dương cực
Lịch khoả thân gọi là Dương lịch
Hai con dê cao hứng gọi là Dương dương tự đắc
Dê đi nước ngoài gọi là Xuất dương
Cuộc đời của dê gọi là Dương thế
Dê không mặc áo gọi là Dương trần
Dê không ngay thẳng dọi là Dương gian
` Dê sung sức gọi là Cường dương
Dê ngồi xe lăn gọi là Liệt dương
Dê biển gọi là Hải dương
Tiếng kêu của dê gọi là Âm dương
Ăn thịt dê gọi là Hưởng dương
Dê đực gọi là Nam dương
Vàng bạc quý báu của dê là Dương châu
Dê hay đi du lịch gọi là Du dương
Dê thái giám gọi là Thái dương

Để dân làng cười thỏa thuê về chuyện Con Dê Dương xong, Ông ODP tiếp sức anh John trong mục thời sự. Ông xin kể chuyện nhà Văn Kim Dung vừa đậu Tiến Sĩ văn chương ở Đại Học Cambridge bên Anh. Nguời miền Nam chúng ta ai mà chả biết Kim Dung. Nói tới Kim Dung là nói tới chuyện Anh Hùng Xạ Điệu, Cô Gái Đồ Long,Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lộc Đỉnh Ký... Ông là một thiên tài về chuyện kiếm hiệp. Ông viết không nhiều, chỉ có 14 tác phẩm mà thôi, nhưng tất cả đều đã làm say mê mọi người trên thế giới. Sách của ông đã được dịch sang nhuều thứ tiếng và được chuyển vào lãnh vực điện ảnh. Lãnh Hạ, nhà văn và nhà báo uy tín ở Hương Cảng đã đánh giá Kim Dung là tiểu thuyết gia kiếm hiệp sáng chói nhất trong 100 năm văn học Trung Hoa. Kim Dung được phong là giáo sư danh dự của nhiều đại học nổi tiếng. Ông được tặng nhiều huân chương ngoại quốc cao quý nhất, như Huân Chương OBE của vương quốc Anh, Bắc Đẩu Bội Tinh của Pháp. Ngày 22.6.2005 ông được Đại học Cambridge tặng học vị Tiến Sĩ Danh Dự...

Kim Dung đã lên tới tột đỉnh danh vọng. Nhưng ông đã không ở trên đỉnh danh vọng này. Ông còn đi một bước nữa làm mọi người phải kinh ngạc và kính phục. Đó là việc năm 2005, sau khi nhận bằng tiến sĩ danh dự của Cambridge tặng xong, ông đã ghi tên đi học thực sự để lấy bằng MA và PhD ở chính Cambridge. Khi báo chí phỏng vấn tại sao ông cắp sách đi học khi đã 81 tuổi và sau khi đã được tặng bằng Tiến Sĩ, Kim Dung trả lời: « Cái tôi muốn không phải là học vị, mà là kiến thức ». Sau 5 năm cặm cụi học hành, tháng 7. 2010 vừa qua, ông đã đậu bằng tiến sĩ thực sự. Các cụ đã phục cụ Dr. Kim Dung chưa ?

Cụ Chánh xin góp thêm ý: Con người ta quả là có số mệnh. Năm 1950, Ông Kim Dung, 26 tuổi, muốn đi làm cho bộ ngoại giao nhưng bộ ngoại giao từ chối. Ông chỉ xin được việc làm nơi thư viện. Và vì gần rừng sách nên chữ nghĩa đã thấm vào người ông, đã biến ông thành một nhà văn sáng chói. Chứ nếu hồi đó ông mà được nhận vào bộ ngoại giao thì bây giờ ông chỉ là một nhân viên ngoại giao già mà thôi. Cũng như bà J.K.Rowling tác giả bộ truyện phù thủy Harry Potter nổi tiếng, ban đầu chỉ là một bà mẹ độc thân nghèo túng, ai ngờ chữ nghĩa đã đưa bà lên đài danh vọng cùng với một núi tiền.

À, mà thôi. Tôi mải nói chuyện văn chương chữ nghĩa mà quên chưa kể hết chuyện tháng Chín. Sau tuần lễ tựu trường là đến Tết Trung Thu. Người Canada da trắng không ăn tết này, còn người Việt phe ta thì mừng rất trọng thể. Tại Toronto, Hội Phụ Nữ VN đã tổ chức Tết Trung Thu cho các em rất thành công vào chiều ngày 25.9.2010. Ai cũng cảm thấy lòng vui rộn rã khi nghe các em hát những bài đã thành truyền thống:

- Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, Em rước đèn đi khắp phố phường, Lòng vui

sướng với đèn trong tay, Em múa ca trong ánh trăng rằm... (Rước đèn tháng Tám / Vân Thanh)


- Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ..( Chú Cuội / Lê Thương).

Riêng tôi, tiếng trống múa lân ‘ tùng cà rùng tùng xoèng ‘ đã làm tôi nhớ thương quê hương Việt Nam vô cùng.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bạch Lộ
Nguyễn Ngọc Danh
13:14 14/10/2010
Bạch Lộ

Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Cô đơn lặng lẽ một mình

Con cò đi nhặt hạt kinh bãi chiều

Còn Em áo lụa - khăn điều

Lên đền đốt đỉnh hương yêu cội nguồn

(Ngọc Danh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền