Ngày 14-10-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Năm 15/10: Con nay thuộc về Chúa - Suy Niệm của Lm. Giuse Nguyễn Xuân Hiếu, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
04:32 14/10/2020

Kính thưa cộng đoàn, chúng ta biết rằng, các ngôn sứ là những người nói lời của Thiên Chúa để răn dạy chúng ta, nhưng nhiều ngôn sứ đã bị bách hại, có vị bị cưa làm 2 khúc, có vị thì bị ném đá hay có vị bị đánh đập cho đến chết. Quả vậy, vì lòng chai đá mà con người không đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa, không biết sám hối, ăn năn tội lỗi mà còn bách hại những người Chúa gửi đến. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã khiển trách các nhà thông luật rằng: Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy. Quả vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư giả hình muốn che đậy tội lỗi của mình bằng cách xây dựng những nấm mồ hào nhoáng mà lòng họ chẳng biết ăn năn hối lỗi.

Và Chúa Giê-su đã khiển trách họ: Khốn cho các ngươi. Hơn thế nữa, những người thông luật, họ còn dấu chìa khóa của sự hiểu biết. Họ là những người hiểu biết về luật lệ, am hiểu về thánh kinh, thay vì phục vụ, hướng dẫn người khác họ lại sử dụng sự hiểu biết đó để bắt người khác phục vụ cho mình. Quả vậy, ta thấy trong xã hội ngày nay vẫn còn nhiều hạng người như vậy. Họ dùng quyền uy và sự hiểu biết của mình để hà hiếp những người thấp cổ bé họng. Họ đánh bóng cho cái danh của mình để che đi những tội lỗi của họ đã phạm. Và như thế họ ngày càng rơi vào vũng lầy của tội lỗi, chỉ vì sợ mất địa vị nên phải nói dối, sợ hổ thẹn nên không dám nói sự thật, sợ liên lụy đã làm ngơ giả điếc hoặc bỏ mặc anh em mình.

Và hơn thế nữa, họ trở nên rào cản cho người khác. Các ông không bước vào mà còn cản đường không cho kẻ khác vào. Vâng, những thái độ đó chúng ta cần loại bỏ để luôn biết mời gọi mọi người đến với Chúa. Lạy Chúa, lời khiển trách của Chúa đối với người thông luật hôm nay cũng đang như nhắc nhở mỗi người chúng con. Nhiều lúc chúng con cũng chỉ biết sống và yêu mến Chúa qua hình thức bên ngoài mà tâm hồn chúng con trống rỗng. Đôi khi chúng con làm vì cái danh của mình chứ đâu có làm rạng danh Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy biến đổi tâm hồn chúng con, để chúng con biết sống cho Chúa, biết phục vụ anh em mình. Lạy Chúa, xin canh tân đời sống chúng con để chúng con dám sống cho Chúa và xác tín như thánh nữ Tê-rê-xa thành Avila rằng: “Tất cả ước vọng của tôi chỉ hướng về vinh quang Chúa và lợi ích của Giáo hội mà thôi.” Xin Chúa thánh hóa chúng con mỗi ngày để chúng con luôn biết yêu mến Chúa và phục vụ an hem mình. Amen.
 
Chu toàn hai nghĩa vụ đạo đời
Lm. Đan Vinh
06:32 14/10/2020
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN A

Is 45,1.4-6; 1 Tx 1,1-5b; Mt 22,15-21

CHU TOÀN HAI NGHĨA VỤ ĐẠO ĐỜI

1. LỜI CHÚA: Mt 22,15-21

(15) Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mắc bẫy. (16) Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. (17) Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?” (18) Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình ! (19) Đưa đồng tiền nộp thuế cho tôi coi !” Họ liền đưa cho Người một đồng bạc. (20) Và Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” (21) Họ đáp: “Của Xê-da”. Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.

2. Ý CHÍNH:

Một số người Pha-ri-sêu liên kết với nhóm Hê-rô-đê tìm cách gài bẫy Đức Giê-su, để có cớ tố cáo chống lại Người. Nhưng cuối cùng Người không bị mắc bẫy của họ, mà còn giúp họ ý thức bổn phận sống “tốt đạo đẹp đời”, vừa tôn trọng thế quyền lại vừa tôn trọng thần quyền bằng nguyên tắc như sau: “Của Xê-da trả về Xê-da, Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.

3. CHÚ THÍCH:

- C 15: + Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mắc bẫy: Những người Pha-ri-sêu được dân Do Thái đánh giá là có lòng ái quốc, chống lại đế quốc Rô-ma bấy giờ đang cai trị nước Do Thái. Các người Pha-ri-sêu rất tôn trọng Thiên Chúa, tuân giữ tỉ mỉ từng điều khoản trong bộ luật Mô-sê, nhất là luật về ngày hưu lễ (Sa-bát) và việc thanh tẩy, nhưng họ lại không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai (Mê-si-a). Vì Đức Giê-su nhiều lần quở trách thói giả đạo đức và kiêu căng, nên họ luôn chống đối Người. Ở đây họ bàn mưu tính kế để tố cáo Người về lời nói.

- C 16: + Những người phe Hê-rô-đê: Đây là một đảng phái chính trị, là tay chân ủng hộ vua Hê-rô-đê và thân với chính quyền Rô-ma. Họ theo văn hóa Hy Lạp và không quan tâm đến luật Mô-sê. Có thể nói phe này đối lập với nhóm Pha-ri-sêu cả về chính trị lẫn tôn giáo. Người Pha-ri-sêu cùng với những người phe Hê-rô-đê: Hai nhóm người đối nghịch nhau giờ đây lại liên kết với nhau để đối phó với Đức Giê-su là kẻ thù chung của họ, như Tin Mừng Lu-ca viết: “Họ rình rập và sai một số người giả bộ làm người công chính, đến dò la, mong bắt quả tang Đức Giê-su lỡ lời, để nộp Người cho nhà chức trách có thẩm quyền là tổng trấn” (Lc 20,20). + Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật: Đây là một lời khen giả dối với mục đích tránh bị Đức Giê-su nghi ngờ về ý đồ đen tối của họ. Họ chào hỏi Người như là một ông Thầy (Rab-bi), khen Người là người trung thành với lề luật Thiên Chúa và không bị người đời chi phối. Đây là hai đặc tính tiêu biểu của người công chính được Thánh Kinh nhắc đến (x. Cv 10,34; Gc 2,1-9; Cl 3,25).

- C 17: + Xin Thầy cho ý kiến: Họ xin Đức Giê-su cho ý kiến để giải quyết một vấn đề phức tạp mà nhóm Pha-ri-sêu và nhóm Hê-rô-đê bất đồng ý kiến với nhau. + Xê-da: Tước hiệu ám chỉ hoàng đế đang trị vì đế quốc Rô-ma. Trong Tân Ước, tước hiệu Xê-da ám chỉ 3 vị hoàng đế Rô-ma: Một là AU-GÚT-TÔ: cai trị từ năm 29 trước Công nguyên đến năm 14 sau Công Nguyên, vào thời điểm Đức Giê-su giáng sinh tại Bê-lem (x. Lc 2,1). Hai là TI-BÊ-RI-Ô: Cai trị từ năm 14 đến năm 37 sau CN, trong thời gian Đức Giê-su giảng đạo công khai. Tin Mừng nhắc đến tước hiệu này 3 lần: Khi Đức Giê-su chịu phép rửa (x. Lc 3,1), khi Người bị gài bẫy về việc nộp thuế (x. Mt 22,17) và khi Người bị dân Do Thái đòi kết án tử hình thập giá (x. Ga 19,12). Ba là NÊ-RÔNG: cai trị từ năm 54 đến năm 68 sau CN. Sách Công Vụ dùng tước hiệu này để chỉ hoàng đế Nê-rông, khi ông Phao-lô gặp khó khăn với người Do Thái tại Thê-xa-lô-ni-ca (x. Cv 17,7), và khi ông tự biện hộ rồi kháng án lên hoàng đế Xê-da (x. Cv 25,10; 28,19). + Nộp thuế: Người Do Thái hằng năm đều phải nộp hai thứ thuế: Một là thuế tôn giáo hay thuế Đền Thờ (x. Mt 17,24). Hai là thuế nhà nước: Ngoài nhiều loại thuế khác, mỗi năm người Do Thái trong hạn tuổi từ 14 đến 65, đều phải nộp thuế thân cho hoàng đế Rô-ma. Người Do Thái coi việc nộp thuế này là một sự ô nhục, biểu lộ thái độ thần phục hoàng đế Rô-ma. Vì thế Nhóm Quá khích có tinh thần ái quốc đã cấm thành viên của mình đóng thuế cho ngoại bang. + Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?: Câu này có nghĩa là người Do Thái theo lương tâm có được nộp thuế cho hoàng đế Xê-da vừa là dân ngoại, vừa là vua của đế quốc đang thống trị dân Do Thái hay không? Như vậy vấn đề nộp thuế ở đây được đặt trên bình diện chính trị. Đây chính là một cái bẫy mà theo thâm ý của họ thì Đức Giê-su trả lời đằng nào cũng không ổn: Nếu bảo phải nộp thuế, thì nhóm Pha-ri-sêu sẽ tố cáo Người là kẻ phản quốc và chắc chắn không phải là Đấng Thiên Sai (Mê-si-a) mà dân Do Thái đang mong đến, để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của dân ngoại. Ngược lại, nếu Người bảo không phải nộp thuế, thì phái Hê-rô-đê sẽ dựa vào đó tố cáo với tổng trấn Rô-ma rằng Đức Giê-su là kẻ phản động, đang âm mưu chống lại chính quyền Rô-ma, cụ thể là xúi giục dân không nộp thuế, để tổng trấn ra lệnh bắt bớ giết hại Người.

- C 18: + Đức Giê-su biết họ có ác ý: Những kẻ chất vấn Đức Giê-su đã tỏ ra giả dối trong hai chuyện: Một là họ làm ra vẻ băn khoăn về một vấn đề lương tâm, đang khi thâm ý của họ là muốn gài bẫy làm hại Đức Giê-su. Hai là trong cuộc sống đời thường, họ vẫn phải sử dụng đồng tiền của Xê-da để giao dịch mua bán, tức là họ đã mặc nhiên chấp nhận quyền cai trị của hoàng đế Rô-ma rồi. Thế nhưng họ vẫn làm ra vẻ như không chấp nhận quyền ấy. + Tại sao các người lại thử tôi?: Qua câu này, Đức Giê-su cho thấy người đã biết rõ ý đồ đen tối của bọn người này là muốn giăng bẫy để làm hại Người. + Hỡi những kẻ giả hình: Giả hình là không trung thực, là giả bộ, thái độ và lời nói bên ngoài trái ý với ý nghĩ trong thâm tâm. Họ đặt câu hỏi không phải vì muốn biết điều đúng để theo, nhưng là muốn đưa Người vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, để hoặc tố cáo làm mất uy tín của Người trước dân chúng, hoặc tố cáo Người với nhà cầm quyền Rô-ma để mượn tay họ giết hại Người.

- C 19: + Đưa đồng tiền nộp thuế cho tôi coi: Đức Giê-su đòi họ đưa ra đồng tiền nộp thuế là tiền của Rô-ma đang lưu hành ngoài xã hội, trên đó có khắc hình và danh hiệu của Hoàng đế Xê-da. Mười điều răn trong Luật Mô-sê có khoản như sau: “Người không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ” (Xh 20,4). Trên danh hiệu hoàng đế Rô-ma có chữ thần linh, vì hoàng đế tự coi mình là thần, nên người Do Thái đạo đức không muốn sử dụng đồng tiền này. Dân Do Thái trước khi nộp thuế Đền Thờ hay ủng hộ việc trùng tu Đền Thờ, phải đổi từ tiền Rô-ma dùng ngoài xã hội sang loại tiền riêng dùng trong Đền Thờ tại những bàn đổi tiền (x. Mt 21, 12). + Họ đưa cho Người một đồng bạc: Người Do Thái có lòng yêu nước chân chính sẽ không mang theo đồng tiền của đế quốc Rô-ma. Ở đây khi lấy từ túi áo một đồng tiền để đưa cho Đức Giê-su, tức là những người này đã mặc nhiên thừa nhận quyền cai trị của hoàng đế Xêda. – C 20-21: Hình và danh hiệu này là của ai đây?: Đức Giê-su đã quá biết hình và danh hiệu khắc trên đồng tiền là của Xê-da. Nhưng Người muốn chính miệng họ phải nói ra điều này, trước khi Người trả lời thắc mắc của họ. + Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da: Một khi họ nhận quyền của hoàng đế trên dân tộc mình, thì việc nộp thuế cho hoàng đế Rô-ma cũng là lẽ đương nhiên (x. Rm 13,5-7). Vì mọi quyền hành đều xuất phát từ Thiên Chúa, như lời Đức Giê-su nói với tổng trấn Phi-la-tô: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài” (Ga 19,11), hoặc như thánh Phao-lô viết: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập” (Rm 13,1-4). Thánh Phê-rô cũng dạy tương tự (x. 1 Pr 2,13-14). Nói cách khác, khi người ta tùng phục quyền bính chính đáng của thế quyền, thì cũng là làm theo thánh ý của Thiên Chúa. + Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa: Nhưng khi thế quyền chống lại Thiên Chúa, thì các tín hữu phải chọn đứng về Thiên Chúa, vì Người mới là nguồn gốc mọi quyền bính của loài người, như Tông đồ Phê-rô đã trả lời trước Thượng Hội Đồng Do Thái, khi bị họ ngăn cấm rao giảng danh Đức Giê-su: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Tóm lại, qua câu trên, Đức Giê-su muốn dạy rằng: Nộp thuế thì cứ nộp, vì dù muốn dù không thì ta cũng đang sống dưới quyền cai trị của một đế quốc, thể hiện qua việc phải sử dụng đồng tiền của đế quốc. Nhưng chỉ được tôn thờ một Thiên Chúa độc nhất, và ngoài Người ra không còn thần linh nào khác. Như vậy theo lời Đức Giê-su, người ta phải chu toàn cả hai bổn phận: Vừa tôn trọng quyền lợi của hoàng đế, lại vừa tôn trọng quyền lợi của Thiên Chúa.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao người Pha-ri-sêu thù ghét Đức Giê-su?

2) Hai nhóm Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê đã làm gì để chống đối Đức Giê-su?

3) Trong Tân Ước, Xê-da là tước hiệu ám chỉ ba vị hòang đế nào của đế quốc Rô-ma?

4) Người Do thái hằng năm phải nộp những lọai thuế nào? Họ thường bất đồng ý kiến với nhau về việc phải nộp các lọai thuế nào? Tại sao?

5) Những người Pha-ri-sêu va phái Hê-rô-đê đã gài bẫy Đức Giê-su thế nào về việc nộp thuê?

6) Tại sao Đức Giê-su lại gọi bọn họ là những kẻ giả hình?

7) Hãy cho biết hai lọai đồng tiền thời Đức Giê-su khác nhau thế nào? Đức Giê-su đã làm gì để hóa giải cái bẫy của những kẻ ác ý kia?

8) Qua câu “của Xê-da trả cho Xê-da, Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”, Đức Giê-su đã phân định thế nào về bổn phận của các tín hữu đối với thế quyền và với Thiên Chúa?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Của Xê-da, trả về Xê-da, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21).

2. CÂU CHUYỆN:

1) SỰ LỰA CHỌN CỦA THÁNH TỬ ĐẠO THO-MÁT MO-RƠ (THOMAS MORE)

Vua HĂNG-RI THỨ TÁM (Henry VIII) Nước Anh, muốn Tòa thánh hủy bỏ cuộc hôn nhân chính thức trước đó để tái hôn với cô En-nơ Bô-lơn (Anna Bolen). Nhưng vì không hội đủ lý do tiêu hôn, nên Tòa Thánh đã từ chối giải quyết yêu cầu của vua. Nghe vậy, HĂNG-RI tức giận và tuyên bố thành lập một giáo hội Anh quốc ly khai khỏi Công Giáo. Sau đó, ông tự huỷ bỏ cuộc hôn nhân trước để tái kết hôn theo ý ông muốn. Ông tự phong là giáo chủ của Anh giáo, và ra lệnh cho các chức sắc tôn giáo như Hồng Y, Giám Mục và các Quan chức trong triều, các vị tướng lãnh, quý tộc và các thành viên trong nghị viện Anh phải ký tên vào một văn bản công nhận quyền tái hôn của ông, và gia nhập Anh giáo ly khai. Nhiều người phản đối, nhưng vì sợ bị chém đầu, nên đành ký tên vào bản văn ấy. Bấy giờ Tho-mát Mo-rơ đang là một quan chức cao cấp của nhà vua. Ông đã bị giằng co giữa hai bổn phận: một là của người tín hữu phải trung thành với Thiên Chúa và như thế sẽ bị kết tội làm phản và bị tử hình. Hai là bổn phận của một bề tôi phải trung thành với nhà vua và được hứa sẽ cho làm Tổng Giám Mục để hưởng nhiều bổng lộc và vinh hoa phú quý. Nhưng Thô-mát Mo-rơ đã chọn trung thành với Thiên Chúa. Sau đó Ngài đã bị bắt giam trong một nhà ngục ở Luân Đôn. Trong phiên tòa xét xử Ngài, sau khi nghe vị quan tòa tuyên án tử hình về tội phản nghịch dám chống lại nhà vua, Thô-mát Mo-rơ đã phát biểu như sau: “Tôi biết lý do tại sao tôi bị kết án, chỉ vì tôi đã không ủng hộ cuộc hôn nhân bất chính của nhà vua. Tôi chấp nhận từ bỏ cuộc sống đời tạm này, để bước vào một cuộc sống mới trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin đón nhận linh hồn con: Đây vừa là một lời cầu xin mà cũng là niềm hy vọng của tôi. Tôi xin Chúa sớm nhận lời tôi cầu xin cho nhà vua mau sám hối trở về với Chúa”. Sau đó ngài đã anh dũng chết vì đạo vào ngày 06 tháng 07 năm 1525. Cuộc đời của Thánh Thô-mát Mo-rơ đã chấm dứt trong sự thánh thiện và vinh quang như thế.

Còn bạn, khi gặp hoàn cảnh phải chọn một trong hai: Thiên Chúa hay tiền bạc, địa vị con Thiên Chúa hay chức quyền trần gian. Trong trường hợp đó, bạn sẽ chọn theo điều nào: Chọn theo Chúa và chấp nhận bị coi là kẻ khờ dại và bị loại trừ, hay chọn theo những kẻ gian ác tham nhũng để được an thân và được thăng quan tiến chức?

2) ĐỒNG BẠC RÔ-MA THỜI ĐỨC GIÊ-SU:

Khi đến viện bảo tàng Men-sét-tơ (Manchester) bên nước Anh, và đi thăm khu vực trưng bày các loại đồng tiền cổ từ thời đế quốc Rô-ma, bạn có thể tìm thấy loại đồng tiền De-na-ri-ut (Denarius) bằng bạc, trên đó có đúc niên biểu và hình của hoàng đế Rô-ma. Quan tiền này được lưu hành trong nước Do Thái vào thời Đức Giê-su. Trong lúc cầm quan tiền trên tay và lật qua lật lại, bạn có thể liên tưởng đến dụ ngôn người Sa-ma-ri ngoại đạo, đã đưa cho chủ quán hai quan tiền như thế, để nhờ chăm sóc một người Do Thái bị bọn cướp trấn lột và đánh trọng thương (x. Lc 10,35). Bạn cũng có thể liên tưởng đến dụ ngôn các thợ làm vườn nho trong Tin Mừng Mát-thêu. Ông chủ vườn đã trả lương cho mỗi người thợ làm vườn một quan tiền như đồng bạc đó (x. Mt 20,9-10). Nhất là, bạn có thể liên tưởng đến quan tiền mà Đức Giê-su đã dùng để trả lời cho hai nhóm Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê liên minh với nhau để gài bẫy Người. Trên quan tiền này, bạn chăm chú nhìn vào khuôn mặt của một vị Xê-da là TI-BE-RI-UT (Cesar Tiberius) đang cai trị đế quốc Rô-ma vào thời Đức Giê-su đang đi rao giảng Tin Mừng (x. Lc 3,1). Mặt sau của đồng bạc là hình bà LI-VI-A, mẹ của vua TI-BE-RI-UT. Bà đang ngồi, cầm một cành cây ô-li-va trên tay, tượng trưng cho hòa bình.

Cầm đồng tiền ấy trên tay, người ta có thể liên tưởng đến câu chuyện người đàn bà với đồng tiền bị mất; đến dụ ngôn ông chủ vườn nho đã trả lương cho những người thợ làm vườn. Nhất là, người ta có thể liên tưởng đến đồng tiền Chúa Giê-su đã dùng để trả lời cho cả 2 nhóm là Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê trong Tin Mừng hôm nay.

3) MỌI SỰ ĐỀU LÀ CỦA CHÚA:

"Xưa ở đất Út có một người tên là Gióp. Ông là người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác. Ông sinh được bảy người con trai và ba người con gái. Ông có một đàn súc vật gồm bảy ngàn chiên dê, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái và một số rất đông tôi tớ. Ông là người giàu có nhất ở Phương Đông...

Một ngày kia, Satan đến gặp Thiên Chúa. Thiên Chúa khen ông Gióp là người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và xa lánh điều ác.

Satan cho rằng ông Gióp tốt với Chúa như vậy chẳng qua là vì Chúa ban cho ông ta phúc lộc dư dật. Nếu Chúa thử giơ tay rút lại những tài sản Chúa ban cho Gióp, xem Gióp có còn kính sợ Chúa nữa không? Chắc chắn là Gióp sẽ nguyền rủa Chúa thôi!

Thiên Chúa chấp thuận để cho Sa-tan thử thách lòng trung tín của Gióp đối với Người.

Vậy là một ngày kia, khi các con trai con gái của Gióp đang ăn uống ở nhà anh cả, thì có mấy người liên tiếp mang tin dữ đến cho ông Gióp như sau:

- Trong lúc bò của ông đang cày ruộng và lừa cái ăn cỏ bên cạnh, dân Sơ-va đã xông vào cướp lấy; chúng lại còn dùng gươm giết chết các đầy tớ. Chỉ còn mình tôi thoát nạn chạy về báo cho ông hay. Người ấy còn đang nói thì một người khác chạy về thưa:

- Lửa của Thiên Chúa từ trời giáng xuống đốt cháy chiên dê và đầy tớ; lửa đã thiêu rụi hết, chỉ có mình tôi thoát nạn chạy về báo tin ông hay. Người nầy còn đang nói thì người khác chạy về thưa:

- Người Can-đê chia thành ba toán ập vào cướp lấy lạc đà; còn các đầy tớ, chúng dùng gươm giết chết, chỉ có mình tôi thoát nạn chạy về báo tin ông hay. Người ấy còn đang nói thì một người khác chạy về thưa:

- Con trai con gái ông đang ăn uống tại nhà người anh cả thì một trận cuồng phong từ bên kia sa mạc thổi thốc vào bốn góc nhà; nhà sập xuống đè chết hết tất cả mọi người, chỉ có mình tôi thoát nạn chạy về báo tin ông hay.

Bấy giờ ông Gióp chỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy và nói: "Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi cũng sẽ trở về đó trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!" (Gióp 1, 6-22).

Câu chuyện trên đây giúp chúng ta biết rằng: mọi sự chúng ta có đều là của Chúa ban cho, nếu mai đây Chúa có đòi lại, thì chúng ta hãy phó thác để Chúa được toàn quyền định liệu.

4) KHÔN NGOAN PHÒNG TRÁNH CẠM BẪY CỦA THẾ GIAN

Đức TGM Ngô Quang Kiệt, ngày 20. 09. 2008, đã phát biểu tại UBND TP. Hà nội, trước một cử tọa khá đông người như sau: " Chúng tôi đi ra nước ngoài rất nhiều. Chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét. Chúng tôi buồn lắm chứ. Chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh..." Vậy mà hôm sau báo đài Việt Nam đã loan tin ầm lên, khi họ chỉ trích ra một phần nhỏ trong câu nói dài của ngài: "Chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam..."

Thói đời là thế, khi người ta muốn hạ bệ ai, thì họ sẽ không tôn trọng sự thật, chẳng sợ làm trái lương tâm... Về phần các tín hữu, cần phải cảnh giác và khôn ngoan đề phòng trước những thông tin chống phá Hội Thánh. Hãy cầu nguyện cho Đức Thánh Cha luôn khôn ngoan để lèo lái con thuyền Hội Thánh vượt qua sóng gió. Hãy cầu xin cho mỗi tín hữu chúng ta phòng tránh các tội lỗi và gương xấu, làm cớ cho ma quỷ và thế gian chống đối Hội Thánh.

3. SUY NIỆM:

Đến chất vấn Đức Giê-su là những người thuộc hai nhóm đối lập nhau về chính trị là nhóm Pha-ri-sêu và nhóm Hê-rô-đê. Để đối phó với Đức Giê-su là kẻ thù chung, hai nhóm này tạm thời liên minh đặt ra một cái bẫy để từ đó sẽ tố cáo giết hại Người:

1) CÁI BẪY ĐƯỢC GIƯƠNG RA:

“Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?”, một câu hỏi thật sắc bén do họ đặt ra, để đưa Đức Giê-su vào thế bí, mà theo họ thì trả lời đàng nào cũng không ổn: Nếu Đức Giê-su bảo phải nộp thuế cho đế quốc, thì nhóm Pha-ri-sêu vốn có lòng ái quốc sẽ đi rao rằng Người là kẻ bán nước, là tay sai của ngoại bang để đàn áp bóc lột đồng bào, hầu dân Do Thái không tin Người là Đấng Mê-si-a, mà họ đang tha thiết mong chờ. Nhưng nếu Đức Giê-su bảo rằng không được nộp thuế cho Xê-da, thì phái Hê-rô-đê vốn thân chính quyền, sẽ thừa cơ chụp mũ cho Người là một kẻ phản động, âm mưu xách động quần chúng chống việc nộp thuế cho hoàng đế Rô-ma, để Người sẽ bị chính quyền bắt bớ và kết án.

2) CÂU TRẢ LỜI CỦA ĐỨC GIÊ-SU: Trước hết Đức Giê-su đã vạch trần âm mưu đen tối của họ khi nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình !” Rồi sau đó Người đòi họ đưa ra đồng tiền nộp thuế. Đồng tiền này bằng bạc, trên có khắc hình và tên hiệu của hoàng đế Rô-ma. Khi được hỏi hình và tên hiệu của ai, họ thưa: “Của Xê-da”. Dĩ nhiên, Đức Giê-su đã biết rõ hình đó là của ai, nhưng Người muốn chính miệng họ nói ra điều này, để cho họ thấy: Một khi họ đã chấp nhận sử dụng đồng tiền của Rô-ma, tức là họ đã mặc nhiên công nhận quyền cai trị của Xê-da và coi ông là hoàng đế của mình. Từ đó, Đức Giê-su tuyên bố hai điều như sau:

- “Của Xê-da trả về cho Xê-da”: nghĩa là phải trả cho Xê-da đồng tiền mang hình và danh hiệu của ông. Khi đã chấp nhận quyền cai trị của hoàng đế Rô-ma, thì đương nhiên cũng phải chu toàn bổn phận đóng thuế cho Xê-da ! Đây là đáp án cho câu hỏi “Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?”.

- “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21): Tuy bọn người này không hỏi về bổn phận đối với Thiên Chúa, nhưng Đức Giê-su vẫn đề cập đến: Phải trả lại cho Thiên Chúa những gì mang hình ảnh Người. Đây là một bổn phận quan trọng mà những ai muốn trở nên con thảo của Thiên Chúa không thể không chu toàn.

3) CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ?

Các tín hữu chúng ta vừa là công dân của nước trần gian, lại vừa là công dân của Nước Trời. Là công dân nước trần gian, chúng ta được hưởng những quyền lợi của công dân theo Hiến Pháp và luật pháp quy định, như các quyền tự do cư trú, tự do tín ngưỡng, được bảo vệ tài sản tính mạng, quyền ứng cử và bầu cử… Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng có trách nhiệm phải thi hành nghĩa vụ công dân như đóng thuế, bảo vệ an ninh tổ quốc… Những kẻ vi phạm các nghĩa vụ công dân vừa có tội với đất nước, lại vừa có lỗi với Thiên Chúa như thánh Phao-lô đã dạy: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập” (Rm 13,1; Ga 19,11a). Trừ phi thế quyền buộc chối bỏ đức tin, thì bấy giờ phải theo nguyên tắc được thánh Phê-rô nói lên trước Thượng Hội Đồng Do Thái: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29).

Là công dân của Nước Trời, chúng ta cũng được hưởng những quyền lợi thiêng liêng tinh thần và phải có trách nhiệm chu toàn nghĩa vụ đối với Thiên Chúa, là tôn trọng các công trình do Người sáng tạo, nhất là tôn trọng con người là tạo vật được Thiên Chúa tạo nên giống hình ảnh Người (x. St 1,26); Bên cạnh đó, chúng ta cũng có nghĩa vụ giúp người lương nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, và ăn ở như con cái hiếu thảo với Đấng đã tác thành nên mình. Ngoài ra chúng ta còn phải tôn trọng các tài nguyên thiên nhiên và muôn sinh vật do Thiên Chúa dựng nên. Nhất là phải sử dụng những hồng ân Chúa ban như sức khoẻ, thời giờ, tiền bạc, và tài năng để làm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân (x. Mt 25,41-45).

4. THẢO LUẬN:

Khi thế quyền vi phạm quyền tự do tín ngưỡng thì bạn cần có thái độ ra sao?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU: Trong Tin Mừng hôm nay, khi nói: “Của Xê-da trả về Xê-da”, Chúa đã dạy chúng con phải biết yêu mến và xây dựng tổ quốc trần gian bằng việc chu toàn các nghĩa vụ công dân. Nhưng Chúa cũng nhắc chúng con phải ý thức chu tòan bổn phận đối với Cha trên trời khi nói: “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Xin cho chúng con ý thức rằng: Dù đang sống giữa thế gian, nhưng chúng con không thuộc về trần gian như lời thánh Phao-lô: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20). Do đó, ngay từ bây giờ, Chúa muốn chúng con phải biết chu toàn bổn phận mến Chúa yêu người theo gương Chúa làm và lời Chúa dạy.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Loan báo Tin Mừng bằng việc làm chứng cho Chúa
Lm. Đan Vinh
06:42 14/10/2020

CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN A - CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO
Xh 22,20-26; 1 Tx 1,5c-10; Mt 28,16-20
LOAN BÁO TIN MỪNG BẰNG VIỆC LÀM CHỨNG CHO CHÚA

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 28,16-20

(16) Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. (17) Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. c 18) Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (19) Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (20) Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

2. Ý CHÍNH: LỆNH CUỐI CÙNG CỦA CHÚA PHỤC SINH:

Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra lần cuối cùng với các môn đệ trên một ngọn núi tại Ga-li-lê. Trước khi lên trời, Người đã trao cho các ông sứ mệnh đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Người, làm phép rửa tội cho những ai có đức tin nhân Danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Người cũng truyền cho các ông sứ mệnh dạy các tín hữu phải giữ mọi huấn lệnh của Người và còn hứa sẽ ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế.

3. CHÚ THÍCH:

- C 16-17: + Mười một môn đệ: Nhóm Mười Hai đã bị mất Giu-đa phản bội nên chỉ còn mười một ông (x. Mt 27,5). + Đi tới miền Ga-li-lê: Theo lời nhắn của hai thiên thần qua hai phụ nữ và lời của Chúa Phục Sinh nhắc lại vào buổi sáng Ngày Thứ Nhất trong tuần (x. Mt 28,7.10), các môn đệ đã quay trở lại miền Ga-li-lê nhưng thiếu mất Giu-đa. Ga-li-lê là địa điểm truyền giáo chủ yếu của Đức Giê-su trong thời gian rao giảng Tin mừng. Qua việc ra lệnh cho các môn đệ trở về Ga-li-lê, Tin mừng Mát-thêu muốn nhấn mạnh sự đồng nhất giữa Đức Giê-su lịch sử, tức là khi Người còn sống và rao giảng Tin Mừng, với Chúa Ki-tô của niềm tin, tức là sau khi Người đã từ cõi chết sống lại. + Đến ngọn núi: Tin mừng Mát-thêu không xác định là quả núi nào. Sách Công Vụ nói đó là núi Ô-liu (x. Cv 1,12). Núi tượng trưng cho nơi Thiên Chúa mặc khải cho các ngôn sứ thời Cựu Ước (x. Xh 3,1-5; 1V 19,8-14). Trong Tin mừng Mát-thêu, nhiều lần Đức Giê-su cũng mặc khải những điều quan trọng trên núi. Chẳng hạn: Công bố Tám Mối Phúc Thật trên một quả núi (x. Mt 5,1), biến hình trước mặt ba môn đệ thân tín trên núi cao (x. Mt 17,1); ra lệnh cho các môn đệ đi rao giảng Tin mừng phổ quát cho mọi dân tộc trên một ngọn núi (x. Mt 28,16). + Khi thấy Người, các ông bái lạy: Ở đây các môn đệ đã biểu lộ niềm tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh qua thái độ bái lạy Người, giống như các đạo sĩ đã sấp mình bái lạy Hài Nhi Cứu Thế (x. Mt 2,2.8.11), người phong cùi bái lạy xin Đức Giê-su chữa lành (x. Mt 14,33), người đàn bà xứ Ca-na-an bái lạy để xin Đức Giê-su chữa cho con gái bà khỏi bị quỷ ám (x. Mt 15,25). + Có mấy ông lại hoài nghi: Nói đến có môn đệ còn hoài nghi sau khi các ông đã bái lạy Chúa Giê-su xem ra khó hiểu. Thực ra, đến lúc này mọi môn đệ đều đã tin Chúa Giê-su đã sống lại từ cõi chết và không ai còn hoài nghi gì nữa. Nhưng trước đó, sự nghi ngờ đã xuất hiện nhiều lần trong các trình thuật hiện ra khác, và mỗi lần sự hoài nghi đều được đánh tan bằng một cách thức khác nhau. Chẳng hạn: Chúa Phục Sinh đã ăn một khúc cá nướng trước mặt các ông (x. Lc 24,41); Người thỏa mãn đòi hỏi được mắt thấy tay sờ của Tô-ma và trách ông cứng lòng tin (x. Ga 20,24). Ở đây, Chúa Giê-su đánh tan sự hoài nghi của một vài môn đệ bằng lời khằng định: Người đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất (x. Mt 28,18). Do đó, sự hòai nghi trong câu này ám chỉ sự hoài nghi của cộng đoàn Hội thánh nói chung. Từ nay các tín hữu không được đòi “Thấy rồi mới tin” như Tô-ma, nhưng phải dựa vào Lời Chúa và quyền năng của Người để củng cố đức tin như Lời Chúa phán: “Phúc thay những người không thấy mà tin !” (Ga 20,29).
- C 18-19: + Đức Giê-su đến gần: Đến gần là một hành động tỏ ra sự ưu ái đặc biệt, lấp đầy khoảng cách giữa Thiên quốc và trần gian mà chỉ Đức Giê-su Phục Sinh mới làm được. + Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất: Khởi đầu rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã từ chối nhận quyền Sa-tan hứa ban mọi nước thế gian (x. Mt 4,8-10), thì giờ đây Người đã được Thiên Chúa ban cho tất cả. Thế là ứng nghiệm lời tuyên sấm trong sách Đa-ni-en về Con Người: “Người được ban tặng quyền bính, vinh dự, vương triều. Tất cả các dân các nước và các tiếng nói đều phải phụng sự Người” (Đn 7,14), và quyền bính của Người còn bao trùm cả trời đất (x. Cv 13,33). + Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ: Các môn đệ đại diện Hội Thánh nhận bài sai của Chúa Giê-su đi chinh phục thế giới. Từ nay Hội thánh phải nhân Danh Chúa Giê-su mà làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người, trước tiên là những người Do thái (x. Mt 10,5-6; 15,24), rồi đến mọi dân trên thế giới (x. Mt 8,11; 21,41). + Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Ngòai việc rao giảng Tin Mừng để người ta tin theo, các môn đệ còn ban phép rửa nhân Danh Chúa Ba Ngôi để tái sinh họ làm con Thiên Chúa Ba Ngôi. + Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền: Công việc đào tạo người ta nên môn đệ còn phải được tiếp tục sau phép rửa, bằng lời giảng dạy, cho tới khi Hội thánh đạt tới sự viên mãn của Đức Ki-tô (x. Ep 1,23). + Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế: Chúa Ki-tô Phục Sinh hứa sẽ hiện diện trong Hội Thánh để giúp Hội Thánh chu toàn sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho đến đến khi Người lại đến vào ngày tận thế. Câu này cho thấy Đức Giê-su chính là “Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Is 7,14; Mt 1,23).

4. HỎI ĐÁP:

- HỎI 1: Mười một môn đệ đã vâng lời Đức Giê-su truyền đến Ga-li-lê (x. Mt 28,10). Khi gặp Người, các ông đều bái lạy, nhưng có mấy ông vẫn còn hoài nghi (17). Phải chăng thái độ của các ông đã tỏ ra mâu thuẫn khi vừa bái lạy, lại vừa hoài nghi?

ĐÁP:
Có hai ý kiến giải thích về sự hoài nghi của một số môn đệ lúc đó như sau:

1. Ý kiến thứ nhất: Ở đây các ông không hoài nghi việc Chúa đã sống lại, nhưng hoài nghi không biết người đang tiến lại gần kia có phải là Chúa Giê-su hay không. Giống như trường hợp Ma-ri-a Mác-đa-la lầm tưởng Người là ông làm vườn (x. Ga 20,15), hoặc như hai môn đệ làng Em-mau tưởng Người là một lữ khách cùng đi trên đường với mình (x. Lc 24,15-16). Tuy nhiên lời giải thích này vẫn khó hiểu. Vì các ông đã bái lạy tức là đã nhận ra Chúa Phục sinh rồi, thì tại sao lại còn hoài nghi không biết có phải là Thầy hay không?

2. Ý kiến thứ hai: Mát-thêu cần phải nói đến sự hoài nghi trước khi các ông đạt được lòng tin đầy đủ. Vì không tường thuật các cuộc hiện ra khác, nên không có cơ hội đề cập đến sự hoài nghi của các môn đệ trước khi các ông hoàn toàn tin Thầy sống lại, như các Tin Mừng khác đều có nói đến. Vì thế Mát-thêu đã phải đặt sự hoài nghi vào lúc này, không phải đúng như thái độ của các ông khi ấy, nhưng là của các ông trong một lúc nào đó trước khi các ông đạt tới đức tin trọn vẹn. Như vậy, chúng ta có thể coi đây là như một sự trục trặc về cách hành văn, chứ không mâu thuẫn về mặt tư tưởng.

- HỎI 2: So sánh lệnh truyền của Mát-thêu với lệnh truyền của Chúa Giê-su trong sách Công Vụ Tông Đồ (x. Cv 1,8), có sự khác biệt về tính phổ quát của công cuộc truyền giáo và công thức rửa tội: Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Phải chăng lời Đức Giê-su ra lệnh cho các môn đệ trong Tin Mừng Mát-thêu đã được Hội Thánh sau này thêm vào để chứng minh cho giáo lý về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi?

ĐÁP:
Thực ra theo Lu-ca, tác giả sách Công Vụ TĐ thì Hội Thánh sơ khai đã phải trải qua nhiều kinh nghiệm mới nhận thức hết ý nghĩa của lệnh truyền phổ quát là đến với muôn dân. Rồi trong Công Vụ TĐ chúng ta chỉ thấy nói tới việc rửa tội “Nhân danh Đức Giê-su” (x. Cv 2,38; 10,48). Từ những nhận định trên, chúng ta có thể quả quyết rằng: mệnh lệnh phổ quát đã được Đức Giê-su ban bố, nhưng lệnh đó chỉ được sáng tỏ dần dần do ơn soi dẫn của Thánh Thần (x. Ga 16,12-13). Nhờ trải qua kinh nghiệm sống, Hội Thánh đã dần nhận ra ý nghĩa của lệnh truyền phổ quát đó. Đến khi Tin Mừng được soạn thảo, thánh Má-thêu đã dùng công thức rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, mà Hội thánh được“Thần khí Sự Thật” dạy dỗ, đã đưa vào trong công thức phụng vụ phép rửa, thay cho công thức rửa tội “nhân danh” Chúa Giê-su” như sách Công Vụ thuật lại.

- HỎI 3: Sau khi truyền cho các môn đệ “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, Đức Giê-su đòi các ông: “Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (19-20). Phải chăng Chúa muốn các ông hãy rửa tội cho người ta trước rồi mới dạy dỗ sau?

ĐÁP:
- Công việc cứu thế của Đức Giê-su được Tin Mừng Mát-thêu mô tả gồm có bốn việc mà Người trao cho Hội Thánh thực hiện như sau:
Một là rao giảng Tin Mừng về Nước Trời (x. Mt 4,23; 7,28-29).
Hai là chữa lành các bệnh tật. Chẳng hạn: bệnh phong (x. Mt 8,3), tê liệt (x. Mt 8,6.13), cảm sốt (x. Mt 8,15), băng huyết (x. Mt 9,20-22), phục sinh bé gái (x. Mt 9,25), chữa bệnh mù lòa (x. Mt 9,29), và nhiều bệnh khác (x. Mt 15,30-31)...
Ba là trừ quỷ. Chẳng hạn: xua đuổi ma quỷ khỏi người bị nó ám (x. Mt 8,16), trừ quỷ câm (x. Mt 9,32-33), bắt quỷ kinh phong phải xuất ra (x Mt 17,15-18)…
Bốn là dạy dỗ. Hãy dạy tân tòng tuân giữ mọi huấn lệnh của Chúa truyền (x. Mt 28,20).
- Lời Chúa dạy nói trên chỉ muốn diễn giải sứ mệnh “đi thâu nạp môn đệ khắp muôn dân” gồm hai việc phải làm là rửa tội và giảng dạy, chứ không buộc phải theo thứ tự trước sau giữa việc rửa tội và việc giảng dạy. Theo truyền thống từ thời sơ khai, Hội Thánh đã luôn giảng dạy trước để chuẩn bị tâm hồn dự tòng rồi khi họ hiểu biết và tuyên xưng đức tin mới ban phép rửa tội dìm mình trong nước cho họ như Phi-líp-phê đã làm cho viên thái giám được thuật lại trong sách Công vụ tông đồ (x. Cv 8,26-40). Sách Đi-đa-kê đã chỉ dẫn việc cử hành phụng vụ phép rửa tội như sau : “Sau khi đã nói tất cả những điều đó, hãy rửa tội…” (Didaché 7,1).

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

2. CÂU CHUYỆN:

1) TRUYỀN GIÁO LÀ THẮP SÁNG NGỌN LỬA TIN YÊU TRONG LÒNG MỌI NGƯỜI:

Mẹ TÊ-RÊ-SA CAN-QUÝT-TA là một nữ tu người An-ba-ni, được nhà dòng sai đến phục vụ người nghèo tại nước Ấn Độ. Khi tận mắt chứng kiến rất nhiều người quá nghèo khổ, trải qua giờ phút hấp hối trên lề đường, sau khi chết bị thiêu hủy như một con vật; bao gia đình phải sống trong các túp lều ổ chuột... Mẹ đã chọn con đường tu hành bằng việc thực thi tình thương cụ thể là tìm kiếm chăm sóc những người cô đơn nghèo khổ, bệnh tật và bị bỏ rơi.

Một hôm, khi đi thăm một ông lão sống cô đơn trong căn lều tồi tàn bẩn thỉu mà toàn bộ đồ đạc trong nhà là một mớ hỗn độn. Ông ta lại có lối sống khép kín, không muốn trả lời những lời hỏi thăm. Mẹ xin phép ông dọn dẹp căn lều cho sạch sẽ mà ông cũng làm thinh. Trong lúc dọn dẹp, Mẹ thấy một cây đèn dầu bụi bám đen xì nằm ở góc nhà. Sau khi được lau chùi, Mẹ liền kêu lên: “Ồ, cây đèn đẹp quá !”. Ông già nói: Đó là cây đèn tôi đã tặng vợ tôi sau ngày cưới. Từ khi bà ấy qua đời, tôi cũng không bao giờ đốt đèn lên nữa. Thấy ông đã bắt đầu cởi mở, Mẹ Tê-rê-sa liền đề nghị: Thế ông có bằng lòng cho các chị em nữ tu mỗi ngày đều đến thăm và đốt đèn cho ông không? Và ông đã đồng ý. Từ ngày đó, vào mỗi buổi chiều, các chị em nữ tu đều thay nhau tới thăm, giúp ông dọn dẹp nhà cửa và nói chuyện với ông. Ngọn đèn bắt đầu cháy sáng trong căn lều sạch sẽ ấm áp. Ông lão cũng trở nên vui vẻ hơn. Ông bắt đầu đi ra ngoài nhà thăm hỏi hàng xóm, và nhiều người cũng đến viếng thăm, khiến con tim của ông lão đã vui trở lại.

Mẹ Tê-rê-sa cứ miệt mài phục vụ người nghèo: Mẹ lập ra những trung tâm đón tiếp những người hấp hối, săn sóc giúp họ chết an lành và được chôn cất như một con người. Mẹ lập những trại cô nhi nuôi trẻ mồ côi, xây những bệnh viện và trường học miễn phí. Số người theo Mẹ ngày càng đông và Mẹ đã lập ra dòng Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái chuyên phục vụ người nghèo. Hiện nay dòng này đã có mặt trong 132 quốc gia và Mẹ đã được cả thế giới biết đến. Mẹ được trao nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có giải Nobel Hòa bình. Năm 1997, Mẹ qua đời, đã có 80 nguyên thủ quốc gia, trong đó có cả phu nhân tổng thống Mỹ Bill Clinton và phu nhân tổng thống Pháp Jacques Chirac đã đến dự đám tang. Và nước Ấn Độ, tuyệt đại đa số dân theo Ấn giáo, vốn không ưa gì đạo Công Giáo, đã cho chôn cất Mẹ theo nghi thức quốc tang với hai mươi mốt phát súng đại bác để tiễn đưa linh hồn Mẹ Tê-rê-sa về trời.

Mẹ Tê-rê-sa đã định nghĩa thế nào là một nhà truyền giáo: "Đó là một tín hữu Ki-tô say mê Chúa Giê-su đến độ không có một ước muốn nào khác hơn là làm cho mọi người nhận biết và yêu mến Ngài". Mẹ Tê-rê-sa không những làm cho người ta nhận biết và yêu mến Chúa Giê-su bằng việc nói về Chúa Giê-su, diễn tả khuôn mặt của Chúa Giê-su bằng cuộc sống yêu thương phục vụ của mình. Như vậy, Mẹ Têrêxa chính là một nhà truyền giáo vĩ đại trong thế kỷ 20, vì Mẹ đã biết thắp lên ngọn đèn cháy sáng tin yêu giữa bóng đêm hưởng thụ lạc thú bất chính và thù hận chém giết nhau, Mẹ đã thắp lên ngọn đèn giúp mọi người nhìn nhau là anh em, là con cùng một Cha Chung trên trời là Thiên Chúa.

2) MỘT BÀI GIẢNG BIẾT ĐI

EN-BỚT SUÝT-DƠ (Enbert Schweitser) vừa là một bác sĩ lừng danh lại vừa là một vị thừa sai truyền giáo. Ông đã tình nguyện sang tận Phi Châu để truyền giáo. Tại đây, ông đã dùng tài sản để xây dựng các bệnh viện miễn phí cho người nghèo, rồi giới thiệu Thiên Chúa là tình thương cho bệnh nhân cùng các thân nhân của họ qua việc tận tình chữa bệnh. Công việc bác ái của ông đã được nhiều người biết đến và hết lời ca ngợi. Ông đã được giải No-bel hòa bình vì đã có công đem lại hạnh phúc cho người nghèo tại Phi Châu. Câu chuyện sau đây cho thấy tinh thần bác ái của ông có một sức mạnh lớn lao, giống như một BÀI GIẢNG BIẾT ĐI như sau:
Vào một buổi chiều nọ, người ta thấy một đám người rất đông tụ tập nơi nhà ga xe lửa của thành phổ Chi-kê-gô (Chicago) Hoa kỳ, để đón chào một nhân vật nổi tiếng, mới được nhận giải Nô-ben hòa bình năm 1952. Người vừa bước xuống khỏi toa xe lửa là một người đàn ông cao lớn tóc húi cua, trên khuôn mặt phúc hậu của ông có một chòm râu được cắt tỉa cẩn thận. Bấy giờ các phóng viên mà một số nhân vật cao cấp của thành phố đang đứng chờ ở gần cửa toa xe hạng nhất. Khi vị thượng khách xuất hiện, các phóng viên liền bấm máy chụp liên hồi, đang khi đám đông vỗ tay reo hò. Ông khách quý đã cười thật tươi và cúi đầu đáp lễ mọi người. Còn các vị lãnh đạo thành phố thì dang rộng đôi tay để chào đón người mới đươc giải thưởng Nô-ben hòa bình. Nhưng bỗng nhiên, vị khách kia quay mặt nhìn về phía cuối sân ga và vội vã vượt qua đám đông đứng vây quanh, tiến đến gần một người đàn bà lớn tuổi. Bà này hai tay đang xách hai chiếc va-li khá nặng. Khi đến nơi, vị khách quý mỉm cười với bà và đưa tay ra đỡ cho bà ta một chiếc va-li, rồi hai người đi đến một chiếc xe buýt đậu gần đó. Sau khi người đàn bà lên xe, ông không quên chúc bà thượng lộ bình an. Khi quay trở lại đám đông đang đợi mình, ông nhỏ nhẹ nói: “Xin lỗi quí vị. Tôi rất tiếc đã để quý vị phải chờ đợi”. Người đàn ông với cử chỉ đẹp đó không ai khác hơn là bác sĩ EN-BỚT SUÝT-DƠ (Anbert Schweitser), một nhà truyền giáo nổi tiếng, đã cống hiến cả cuộc đời phục vụ những người nghèo khổ tại Phi Châu. Một thành viên trong ban tổ chức cuộc tiếp đón chứng kiến hành động của Suýt-dơ ở sân ga hôm đó, đã phát biểu cảm tưởng với các phóng viên rằng: “Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi đã được chứng kiến một bài giảng biết đi”.

3) GƯƠNG NHIỆT THÀNH TRUYỀN GIÁO CỦA MỘT VIÊN GIÁM ĐỐC HÀN QUỐC:

Có một người Hàn quốc đã sang Việt Nam mở một doanh nghiệp làm ăn kinh tế tai thủ đô Hà nội. Doanh nghiệp của ông có 50 công nhân, trong đó cũng có mấy người Công Giáo. Một hôm viên giám đốc hỏi mấy người công nhân Công Giáo : Các anh là đạo gốc, thế các anh đã truyền giáo được cho người nào chưa?” Họ trả lời rằng: “Chúng cháu giữ đạo còn chưa xong, làm sao dám nghĩ đến việc truyền giáo cho ai khác được”. Bấy giờ ông chủ Hàn quốc liền nói: “Thế là các cậu đã thua tôi rồi. Tôi chỉ là người tân tòng theo đạo từ khi lập gia đình, và mới sang Việt Nam được 3 năm nay. Thế mà tôi đã mời gọi được hai người Việt Nam học giáo lý để được gia nhập vào đạo Công Giáo rồi đó”.

3. SUY NIỆM: ĐẾN VỚI MUÔN DÂN

1) LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA GIÊ-SU:

Hôm ấy, mười một môn đệ Đức Giê-su đã trở về Ga-li-lê như Chúa Phục Sinh đã hẹn qua bà Ma-ri-a Mác-đa-la (x.Mt 28,10). Trong cuộc gặp gỡ đó, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ ba điều như sau:
- Một là: Người đã được trao “Toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18): Điều này nhắc chúng ta nhớ lại khi Đức Giê-su bị cám dỗ, tên cám dỗ đã nói với người rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4,9). Nhưng Người đã không theo lời xúi giục của nó. Bây giờ, Chúa Cha đã ban cho Người chẳng những các nước thế gian, mà còn có “toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18).
- Hai là: Người ra lệnh cho các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19): Trong thời gian giảng đạo, Đức Giê-su dạy các ông chỉ đi loan báo Tin Mừng cho dân Ít-ra-en, vì đây là dân Chúa chọn có quyền ưu tiên (x. Mt 10,5-7). Nhưng bên cạnh đó, Người cũng rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại và làm phép lạ cứu giúp những ai đặt trọn niềm tin nơi Người. Chẳng hạn: Viên đại đội trưởng ngoại giáo có đức tin mạnh đã được Người chữa cho đầy tớ của ông khỏi bệnh tê liệt (x. Mt 8,5-13); Người đàn bà Ca-na-an có đức tin mạnh đã được Đức Giê-su trục xuất quỷ ra khỏi đứa con gái của bà (x. Mt 15,28).
- Ba là: Người hứa “sẽ ở cùng họ mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20): Ngày xưa Đức Chúa đã hứa ở với Mô-sê khi sai ông đi cứu dân Ít-ra-en khỏi tay Pha-ra-ô của Ai-Cập như sau: “Ta sẽ ở với người” (Xh 3,12). Ngày nay, Đức Giê-su cũng hứa ở cùng các môn đệ để giúp các ông chu toàn nhiệm vụ được Người trao phó. Cũng như Mô-sê xưa nhờ được Đức Chúa hiện diện phù giúp đã đưa được dân Ít-ra-en thoát cảnh nô lệ cho dân Ai-Cập về tới Hứa Địa, thì nay với sự hiện diện của Chúa Phục Sinh, các môn đệ cũng sẽ thành công trong sứ mệnh “đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Người”.

2) TRUYỀN GIÁO LÀ RA ĐI, LẮNG NGHE, VÀ CHIA SẺ NIỀM VUI ƠN CỨU ĐỘ:

Nhân ngày Chúa Nhật Truyền Giáo, Đức Phan-xi-cô đã dựa theo sách Công Vụ Tông Đồ dạy về tiến trình ba bước loan báo Tin Mừng nhờ ơn Thánh Thần, qua câu chuyện tông đồ Phi-líp-phê thực hiện với viên thái giám người xứ Ê-thi-ô-pi như sau:
-Bước một: “Hãy đứng lên và ra đi”:
Thần Khí ra lệnh cho ông Phi-lip-phê: “Hãy đứng lên và ra đi” (x. Cv 8,26). Ngày nay, để trung thành với huấn lệnh của Chúa, Hội Thánh cũng phải lắng nghe huấn lệnh của Chúa Giê-su với ơn Thánh Thần thôi thúc, để ra đi loan báo Tin Mừng. Một Hội Thánh không “đứng lên và ra đi” là một Hội Thánh đang suy yếu bệnh tật.
- Bước hai: “Hãy lắng nghe sự thao thức của tha nhân” và chia sẻ niềm vui của Tin Mừng:
Thần Khí ra lệnh cho ông Phi-líp-phê chạy theo xe ngựa của quan thái giám người Ê-thi-ô-pi. Ông quan này đã đi hành hương Giê-ru-sa-lem và đang trên đường về quê nhà. Ông đang đọc đoạn sách ngôn sứ I-sai-a. Khi thấy Phi-líp-phê chạy theo xe mình, viên thái giám liền dừng xe mời ông lên xe với mình. Trong câu chuyện, theo yêu cầu của viên thái giám, Phi-líp-phê đã trình bày về Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai cho ông. Nhờ được Thần Khí tác động, viên thái giám đã tin vào lời Phi-lip-phê giảng và khi xe ngang qua chỗ có nước, ông đã yêu cầu được nhập đạo. Ông tuyên xưng đức tin vào Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa, và được Phi-lip-phê làm phép rửa dìm mình trong nước. Sau đó, Thần Khí đã đưa Phi-líp-phê rời đi nơi khác, còn viên thái giám lại tiếp tục cuộc hành trình về quê nhà trong niềm hân hoan (x. Cv 8,27-40).
Ngày nay Hội Thánh cũng cần phải lắng nghe sự thao thức của con người thời đại để biết họ nghĩ gì muốn gì, rồi tìm cách đáp ứng bằng cách chia sẻ niềm vui ơn cứu độ của Chúa cho họ.
Tóm lại Đức Phan-xi-cô đã khuyên các tín hữu hãy truyền giáo bằng ba việc: “Hãy đứng lên và ra đi; Hãy lắng nghe thao thức của tha nhân; Hãy chia sẻ niềm vui Tin Mừng của Chúa cho họ”.

3) TRUYỀN GIÁO CHÍNH LÀ TRUYỀN NGỌN LỬA YÊU THƯƠNG

- Trong đêm Vọng Phục Sinh, lòng nhà thờ hoàn toàn chìm trong bóng tối. Thế rồi, từ cuối nhà thờ, Nến Phục Sinh được thắp sáng lên và được long trọng rước lên cung thánh. Linh mục chủ sự lấy lửa từ Nến Phục Sinh thắp lên cho một vài cây nến nhỏ bé khác trên tay vài người. Những người nầy lại đem lửa phục sinh thắp lên cho người bên cạnh và cứ tiếp tục như thế, chẳng mấy chốc, cả ngàn cây nến nhỏ của các tín hữu tham dự đều được thắp lên.
- Loan Tin Mừng cũng là thắp lên lửa yêu thương cho người quanh ta. Lửa đức tin, lửa yêu thương đã được Chúa Giê-su thắp lên trong ta, thì đến lượt mỗi chúng ta cũng hãy thắp lửa đức tin, lửa yêu thương ấy cho người bên cạnh và công việc truyền lửa nầy cần được tiếp nối không ngừng.
- Thánh Tê-rê-sa Can-quýt-ta cũng cho rằng truyền giáo là chia sẻ tình thương. Mẹ không rao giảng Phúc Âm bằng lời nhưng bằng những tâm tình và cử chỉ yêu thương cụ thể. Mẹ cũng không chủ trương yêu thương chung chung, nhưng là yêu thương từng người cụ thể ngay ở bên mình.
Mẹ nói: “Đối với chúng tôi, điều quan trọng là từng người một. Để thương yêu một người thì phải đến gần người ấy… Tôi chủ trương một người đến với một người. Mỗi một người đều là hiện thân của Đức Ki-tô… Người đó phải là người duy nhất trên thế gian mà ta cần yêu thương trọn vẹn trong giây phút đó.”
Với tâm tình nầy, Mẹ Tê-rê-sa đã thu phục nhân tâm nhiều người trên thế giới. Cũng bằng phương thức nầy, Giáo Hội Hàn Quốc đã làm gia tăng gấp đôi số tín hữu chỉ trong vòng mười năm!

Theo gương Mẹ Têrêxa, mỗi một người Công Giáo nên kết thân với một người lương, coi người đó như anh em ruột thịt và đem hết lòng yêu thương người đó.
Mỗi gia đình Công Giáo nên kết thân với một gia đình lương dân, coi họ như người thân quyến của mình để sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi; Khi có kỵ giỗ, cưới xin hay lễ lạc gì trong gia đình, hãy mời họ cùng đến hiệp thông. Nhờ đó hai bên thắt chặt mối giây thân ái và nhờ đó, Tin Mừng của Chúa Ki-tô sẽ chiếu sáng như ánh nến trong đêm Vọng Phục Sinh.

4) CỤ THỂ CHÚNG TA PHẢI TRUYỀN GIÁO NHƯ THẾ NÀO? :

- Đừng “đứng nhìn lên trời”: Hãy xuống núi để chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng bằng việc ăn ở công minh chính trực, chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa và tha nhân. Nhất là bằng thái độ biết nghĩ tới người khác và đáp ứng nhu cầu của họ, khiêm nhường phục vụ những người đau khổ bất hạnh. Ngoài ra còn phải dấn thân đến với những anh em chưa biết Chúa, để hợp tác cải thiện xã hội và sãn sàng chia sẻ “Chúa là Tình Yêu” cho tha nhân.
- Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ : Ngày nay, khi lãnh nhận phép rửa tội và thêm sức, chúng ta cũng đón nhận ánh sáng Tin Mừng và có sứ mệnh chiếu ánh sáng đức tin trong môi trường sống là khu xóm, trường học, chợ búa, cơ quan xí nghiệp, và hết mọi nơi. Chu toàn sứ mệnh sống chứng nhân, chia sẻ niềm tin về Chúa Giê-su đã chết và sống lại.
- Hãy lãnh nhận Thánh Thần (x. Ga 20,21-22): Sứ mệnh truyền giáo thật là khó khăn như kinh nghiệm của Hội Thánh suốt hơn hai mươi thế kỷ qua đã chứng minh. Để giúp Hội Thánh chu toàn sứ mệnh truyền giáo, Đức Giê-su đã hứa ban Thánh Thần để giúp Hội Thánh hiểu biết sự thật toàn vẹn (x. Ga 16,7.13). Vào buổi chiều ngày phục sinh, Đức Giê-su đã hiện đến với các môn đệ và sai các ông giống như Chúa Cha đã sai Người. Người thổi hơi ban Thần Khí cho các ông và phán : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Người hiện ra nhiều lần để củng cố đức tin cho các ông. Rồi vào lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần đã tác động như cơn gió bão ùa vào nhà tiệc ly và đổ ơn Thánh Thần trên đầu mỗi vị (x. Cv 2,1-4). Nhờ ơn Thánh Thần soi dẫn phù trợ mà chỉ sau bài giảng của Tông đồ Phê-rô, đã có tới ba ngàn người tại Giê-ru-sa-lem xin nhập đạo (x. Cv 2,41).
- Hãy kết nghĩa với lương dân:
Năm 1983, khi thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đi thăm Giáo Hội Hàn quốc và tấn phong 103 thánh tử đạo người nước này, thì Giáo Hội Hàn quốc mới chỉ có 3 triệu rưỡi tín hữu. Khi ấy Đức Hồng Y Stephano Kim đã hứa với Đức Thánh Cha sẽ đẩy mạnh công việc truyền giáo bằng hoạt động cụ thể như sau: mỗi gia đình Công Giáo Hàn quốc sẽ kết nghĩa với một gia đình lương, và mỗi người tín hữu Hàn quốc cần quyết tâm giới thiệu Chúa cho một anh chị em lương dân.
Sự kết nghĩa thiêng liêng thể hiện bằng việc âm thầm cầu nguyện cho họ, năng thăm viếng giúp đỡ để gây thiện cảm và tìm dịp để giới thiệu Chúa cho họ. Chính công việc này đã mang lại kết quả tốt đẹp: Chỉ sau 10 năm, số tín hữu Công Giáo Hàn quốc đã tăng lên gấp đôi !
Ngày nay, nếu chúng ta quyết tâm chu toàn sứ mệnh truyền giáo và áp dụng các phương thế của các môn đệ thời Hội Thánh Sơ Khai là: cộng tác với ơn Thánh Thần, hăng hái ra đi loan báo Tin Mừng bằng lời nói và bằng lối sống yêu thương cụ thể… thì chắc chắn chúng ta sẽ chu toàn được sứ mệnh truyền giáo như Chúa đã truyền dạy: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19); “Hãy nên chứng nhân của Thầy… cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

4. THẢO LUẬN:

Đối với những “Ki-tô hữu vô danh” là những người đã có đức tin và muốn theo đạo, nhưng vì hoàn cảnh như là con trai trưởng phải lo cúng giỗ cha mẹ, nên chưa thể gia nhập đạo ngay, chúng ta nên làm gì để giúp họ sống đức tin vào Chúa? Nếu họ chết khi chưa chịu phép rửa tội, thì họ có được ơn cứu độ không? (x. Lc 23,40-43).

5. NGUYỆN CẦU:

Lạy Chúa Giê-su, Tình Yêu của con, nếu Hội Thánh được ví như một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất. Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu. Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động. Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu, thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng, các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình...
Lạy Chúa Giê-su, cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con, ơn gọi của con chính là tình yêu. Con đã tìm thấy chỗ đứng của con trong Hội Thánh: nơi Trái Tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu, và như thế con sẽ là tất cả, vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh. Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con, mọi ước mơ của con được thực hiện. (Theo thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su).
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.


 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:07 14/10/2020

2. Bản sắc của thành thực là chú ý dạy chúng ta hướng về Thiên Chúa, không gò ép quấy rầy sĩ diện của tình người và tư lợi cá nhân, rất rõ ràng là: có thì nói có, không thì nói không, tâm khẩu hợp nhất, ngôn hành nhất trí, không làm bộ lương thiện, luôn luôn gìn giữ sự trong sáng rõ ràng.

(Thánh Vincent de Paul)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:13 14/10/2020
52. VU OAN

Ngải tử nằm mộng thấy mình bay vào tiên cảnh, bái kiến thượng đế.

Ông ta thấy một người vũ trang đầy mình, nơi hông giắt cây bảo kiếm, nhưng không có đầu, máu chảy xuống đầm đìa, trên tay cầm tấu chương, quỳ trước đàn án báo cáo:

- “Tôi là Phàn Vu Kỳ người nước Tần, chết rất oan uổng, tôi vì đắc tội với nước Tần mà lưu vong qua nước Yên, vì để giúp cho Kinh Kha làm thích khách giết Tần vương mà cho ông ta mượn cái đầu của tôi, cho đến hôm nay ngay cả một lời nói trả lại cũng không có, chuyện này thì thái tử Đan nước Yên có thể làm chứng, thành khẩn xin ngài giúp tôi đòi lại khoản nợ này”.

Thượng đế thấy dáng vẻ ông ta như thế, nhướng cặp mày suy nghĩ chút xíu, nói:

- “Tay và chân của Kinh Kha đều bị chặt, cho đến hôm nay hết phương đòi lại, nó làm gì để ý chuyện trả lại cho nhà ngươi cái đầu chứ?”

Phàn Vu Kỳ chỉ biết cáo lui, Ngải tử cũng tỉnh mộng.

(Ngải tử hậu ngữ)

Suy tư 53:

Chuyện Kinh Kha làm thích khách muốn giết Tần vương là có thật, và thái tử Đan của nước Yên cũng có dính đến chuyện này cũng là có thật, nhưng trước đàn án để cáo trạng đòi lại cái đầu thì không có thật, vì đó chỉ là chuyện nằm mơ của Ngải tử.

Dù là không có thật, nhưng cũng là một câu chuyện để chúng ta suy nghĩ về sự công bằng của Thiên Chúa khi chúng ta sống bất công với người khác.

Người thấp cổ bé họng không đòi sự công bằng được ở đời này nhưng đời sau họ sẽ đòi được; người lấn hiếp kẻ cô thế cô thân đời này xem ra đắc thắng, nhưng đời sau họ sẽ là kẻ thảm hại nhất vì Thiên Chúa sẽ bênh vực người cô thế cô thân; hôm nay làm điều gì cho tha nhân thì ngày sau sẽ được trả lại, nếu điều thiện thì sẽ được thưởng, nếu điều ác thì sẽ bị phạt, đó là đạo lý căn bản để làm người của nhân loại, và được Đức Chúa Giê-su nhấn mạnh trong Phúc Âm rằng: anh em đong cho ai đấu nào thì sẽ được trả lại như thế...

Không ai đem nợ của mình cho người khác trả nếu không có sự liên hệ mật thiết sâu xa, chỉ có Đức Chúa Giê-su mới bằng lòng lấy cái chết của mình để trả nợ cho chúng ta mà thôi, vì Ngài rất thân thiết và yêu thương mỗi người trong chúng ta...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Thánh Têrêsa Avila, Bổn Mạng Học Viện MTG.Qui Nhơn
LM. Giuse Trương Đình Hiền
20:59 14/10/2020
THUỘC “SỐ ÍT NHỮNG BẠN TÂM PHÚC”

Lễ Thánh Têrêsa Avila, Bổn Mạng Học Viện MTG.Qui Nhơn[1]

(Thứ Năm tuần 28 TN - 15.10. 2020)

Một trong những điều làm tôi ấn tượng nhất về Thánh Têrêsa Avila là tên danh hiệu riêng của ngài để phận biệt với các thánh Têrêsa khác và cũng để ghi nhận một chiều kích linh đạo và cảm nhận thiên linh của ngài: đó là Têrêsa của Chúa Giêsu.

Thật ra, bất cứ ai là “Kitô hữu” cũng là “của Chúa Giêsu và thuộc về Người” hết, vì “Không có Người, chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3) và “vì trong Người, muôn vật được tạo thành” (Col 1,16); nhưng người ta cho rằng, sở dĩ thánh Têrêsa Avila có danh hiệu đặc biệt nầy vì liên quan đến một giai thoại: Hồi ngài ở đan viện Toledo, một ngày kia, ngài bỗng thấy một cậu bé khôi ngô, thánh nữ ngạc nhiên dừng bước hỏi: “Này em, em tên gì?”. Cậu bé không trả lời ngay, nhưng hỏi ngược lại: “Thưa bà, vậy bà tên chi?”. Thánh Nữ đáp: “Tôi tên là Têrêsa của Chúa Giêsu”. Cậu bé mỉm cười rất dễ thương tiếp lời: “Tôi, tôi tên là... Giêsu của Têrêsa!”. Nói xong, cậu bé "Giêsu của Têrêsa" biến mất...

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII rất thích giai thoại này. Ngài ghi lại trong quyển nhật ký của Ngài mấy dòng tư tưởng sau đây: “Tôi phải sống thế nào để Chúa Giêsu cũng nói với tôi, như thuở xưa Ngài đã nói với Thánh Têrêsa thành Avila: “Tôi tên là Giêsu của Têrêsa”. Vậy tiên vàn, tôi phải là Angêlô của Chúa Giêsu trước đã...”[2].

Vâng, sống cái niềm xác tín được thuộc trọn về Chúa Giêsu, của Chúa Giêsu, thật ra không đợi đến thời Têrêsa Avila mà đã được chính Thánh Phaolô đã từng giáo huấn và kêu gọi cộng đoàn Êphêsô sống và thực hành ngay từ những ngày khai sinh Giáo Hội, như chúng ta nghe nơi Bài đọc 1: “Chiếu theo thánh ý của Ngài, Ngài đã tiền định cho chúng ta được phúc làm con nhờ Đức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta trong Con yêu dấu của Ngài.”. Chỗ khác Thánh Phaolô cũng đã từng phát biểu: “Tôi sống, không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2,20).

Tuy nhiên, với Thánh nữ Têrêsa Avila thì quả thật chân lý đó đã được sống trọn vẹn, sâu sắc, và cho tới chết, như cách “linh cảm về giây phút hấp hối” mà ngài ghi lại trong nhật ký thiêng liêng của ngài: “Lạy Chúa và Hôn phu của con, giờ mong đợi đã đến. Đây là lúc chúng ta hội ngộ. Người Yêu của con, Chúa của con, đã đến giờ ra đi. Giờ đã đến. Xin cho ý Chúa thể hiện. Vâng, đã đến giờ con từ bỏ cõi lưu đày này và là giờ hồn con vui hưởng Chúa, Đấng con hằng khao khát.”; và Thánh nữ Têrêxa ra đi về nhà Hôn phu, “khuôn mặt bừng cháy như mặt trời”. Ngài đã linh cảm được giây phút này và tả lại nó trong một tác phẩm của mình: “Con bướm vàng bé nhỏ đã chết trong niềm vui mênh mang là tìm thấy nơi an nghỉ, và Chúa Kitô sống trong nó… Nguyện cho Người được mọi tạo vật chúc tụng và tán dương đến muôn đời.”[3].

Để có được cảm nghiệm thiêng liêng sâu sắc và sống hết mình cho niềm xác tín đó không phải là câu chuyện của một sớm một chiều mà là một phấn đấu có thể nói được là “trầy vi tróc vảy”; chính kinh nghiệm nên thánh và công cuộc canh tân Dòng Kín của thánh nữ Têrêsa Avila đã nói lên điều đó; gần như cả lực lượng của “ba thù: ma quỷ, thế gian và xác thịt” đều đồng loạt đứng lên tấn công dồn dập. Đặc biệt, trong công cuộc canh tân Dòng Cát Minh để đem đời sống các tu sĩ trở về nguồn cội chiêm niệm và khổ chế ban đầu, ngài đã vấp phải một làn sống chống đối, cản ngăn kịch liệt từ chính các tu sĩ và giới tăng lữ lúc bấy giờ. Với điều nầy, quả thật, ngài chẳng khác Chúa Giêsu là mấy; chính Chúa Giêsu cũng đã nếm mùi đắng cay và trả giá cho cuộc canh tân lề luật và đời sống đức tin bằng chính cái chết thập giá mà Tin Mừng hôm nay là một dự báo: “Khi người phán bảo cùng các biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng.”

Chúng ta đừng quên thánh Têrêsa sinh ra, lớn lên và sống ơn gọi thánh hiến vào một thời đại nói được là đầy nhiểu nhương và biến động của Hội Thánh (Sự tha hoá, suy đồi trong hàng ngũ Giáo phẩm, Giáo sĩ, Tu sĩ; cuộc ly khai và cải cách của Tin lành…); nhất là sự biến chất và tinh thần thế tục đã tràn vào đời sống nơi các tu viện kể từ khi Đức Giáo Hoàng Eugenio IV vào năm 1482 chấp nhận cho phép các tu sĩ được giảm khinh luật chiêm niệm và khổ chế để được tự do và thoải mái; và đến thời của thánh nữ Têrêsa, tình trạng tu trì nơi các tu viện xuống cấp trầm trọng, đến độ chính ngài đã nhận định rằng: “Ôi, thật là một tai hại khủng khiếp! Tai hại kinh khủng, khi người tu mà lại không giữ đạo! Tuổi trẻ, nhục dục, thúc đẩy họ hướng về thế gian… Nếu các cha mẹ nghe theo lời tôi, thì vì danh dự của mình, nên suy nghĩ trước khi đưa con mình vào đó. Vì ở đó, họ gặp nguy hiểm hơn ngoài đời. Họ nên gả con gái mình dù không môn đăng hộ đối hoặc giữ chúng ở nhà”[4]. Và đó cũng là thời mà việc chọn lựa sống đời tu hoàn toàn mất phương hướng như một nhận định thời đó đã ghi lại: “đan viện còn trở thành nơi ẩn náu của các thiếu nữ nghèo khó bị thế giới ruồng bỏ, hoặc của những người muốn ẩn mình trong đan viện để được sống theo sở thích của mình.”[5].

Và rồi Chúa đã dùng một con người liễu yếu đào tơ để, như kiểu nói của thi sĩ Cao Bá Quát trong Tài Tử Đa cùng phú, “quyết xây bạch ốc lại lâu đài, quyết ném thanh khâm sang cẩm tú”. Ngày 24.8.1562, tu viện Cát Minh canh tân đầu tiên do thánh nữ thiết lập được khánh thành mà nét phác thảo linh đạo đó chính là: “Mỗi nữ tu Cát Minh phải thay thế những kẻ không yêu mến hay yêu mến quá ít, phải thay thế những kẻ không cầu nguyện hay cầu nguyện lơ là và phải hiến toàn thân để cứu rỗi thế gian và cứu rỗi các linh hồn, phải hiến toàn thân cho Hội thánh, cho các linh mục”[6].

Thế hệ chúng ta cách xa thánh nữ Têrêsa hơn 4 thế kỷ (Ngài qua đời ngày 15.10.1582 – Cách đây đúng 438 năm), nhưng cuộc sống thánh hiến và kinh nghiệm hoàn thiện theo Tin Mừng của ngài thì thật gần gũi và hoàn toàn thích hợp để chúng ta cùng noi gương bắt chước. Đứng trước một Giáo Hội, nhất là cuộc sống đời tu, đang đối mặt với những thách đố trầm trọng về trào lưu tục hoá và những cám dỗ tự do tháo thứ, cuộc đời, sứ điệp và linh đạo của thánh Têrêsa là vì sao sáng, là ngọn đuốc soi đường. Dĩ nhiên, sống được như ngài, chọn lựa nẻo nên thánh của ngài, hay nói cách khác, để trở nên “bạn hữu với Chúa Kitô” như ngài, sẽ không có nhiều người đâu, như cách ngài từng trách yêu với Chúa: “Đúng rồi, có gì lạ đâu, chính vì thế mà Chúa có ít bạn tâm phúc!”[7].

Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau để cũng được thuộc vào “số ít bạn tâm phúc đó”. Amen.

Trương Đình Hiền

[1] Ghi chú riêng: Hôm nay, ngày 15/10 nhằm Thứ Năm tuần 28 Thường Niên, Hội Thánh cử hành phụng vụ Lễ Nhớ buộc: Thánh nữ Têrêsa Avila, đồng trinh, tiến sĩ Hội Thánh. Riêng với Học Viện Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn tại Ghềnh Ráng nầy thì đây là ngày lễ Truyền thống Bổn mạng. Thánh nữ Têrêsa sinh ngày 28 tháng 3 năm 1515, tại Avila, nước Tây Ban Nha, trong một gia đình quý tộc nhưng đông con (8 trai 3 gái) và đạo đức. Thánh nữ qua đời ngày ngày 15.10.1582 hưởng thọ 67 tuổi. Năm 1622 đức Gregoriô XV phong ngài lên bậc hiển thánh. Năm 1970 Đức Phaolô VI tôn phong ngài lên hàng tiến sĩ của Giáo Hội. Cùng với 3 vị thánh đương thời: Đa Minh, Phanxicô Assisi và Gioan Thánh Giá, thánh nữ Têrêsa được xem là một trong 4 cột trụ của thời Trung cổ. Thánh nữ đã để lại cho Hội Thánh những gia tài thiêng liêng quý báu qua các bút tích như Con đường đi đến toàn thiện, Lâu đài nội tâm, Quyển sách của những nền tảng…; nhưng dấu ấn quan trọng của cuộc đời thánh hiến và phục vụ Hội Thánh của ngài là công cuộc canh tân Dòng kín Cát Minh và thiết lập 16 tu viện nữ và 14 tu viện nam để sống theo con đường canh tân thiêng liêng nầy…

[2] Nguồn: Trang mạng Tổng giáo phận Sài Gòn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-15-10-thanh-teresa-avilatrinh-nutien-si-hoi-thanh-45298

[3] ENZO LODI, Ngày 15/10: Thánh Têrêsa Avila - Trinh nữ, Tiến sĩ Hội Thánh (1515-1582). Nguồn: Trang mạng Tổng Giáo Phận Hà Nội:

https://www.tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/hanh-cac-thanh/12698-ngay-15-10-thanh-teresa-avila-trinh-nu-tien-si-hoi-thanh-1515-1582.html

[4] SR. MARIA DÒNG NỮ TỲ THÁNH THỂ, Đời thánh hiến dưới mắt thánh Têrêsa Avila. Nguồn: Trang mạng Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể:

http://www.dongnutythanhthe.net/doi-thanh-hien-duoi-mat-thanh-teresa-avila.html

[5] Ibid.

[6] Ibid.

[7] Nguồn: Trang mạng Tổng giáo phận Sài Gòn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-15-10-thanh-teresa-avilatrinh-nutien-si-hoi-thanh-45298
 
Hơn cả một ngày mới dầy nắng ấm
Lm. Minh Anh
22:59 14/10/2020

HƠN CẢ MỘT NGÀY MỚI ĐẦY NẮNG ẤM
“Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô,
ban cho anh em ân sủng và bình an”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sau những ngày mưa lũ, bão dông dồn dập không chút khoan dung cho khoảng trời miền Trung, cách riêng cho xứ Huế; khi triệu triệu tấm lòng đang sụt sùi cảm thương, thì Lời Chúa hôm nay thật ủi an, “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô, ban cho anh em ân sủng và bình an”. Lời chào thân ái của Thánh Phaolô khởi đầu thư Êphêsô hôm nay còn ‘hơn cả một ngày mới đầy nắng ấm’ và niềm vui; bởi lẽ, qua đó, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta đón chào một Giêsu, Đấng sẵn sàng ban sự sống, bình an và hồng ân; đón chào Đấng Cứu Độ đang sống giữa chúng ta, đang chia sẻ cảnh lụt lội, đói khát và cơ cùng của chúng ta ngay trong những ngày này.

Cũng thế, sau những ngày bão tố bắt bớ của Giáo Hội sơ khai, Phaolô đã cùng Hội Thánh Êphêsô ngợi khen Thiên Chúa, Đấng đã dành cho con cái Người mọi phúc lành, “Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Đức Kitô”; một lời tạ ơn ý nghĩa, còn ‘hơn cả một ngày mới đầy nắng ấm’.

Về phía con người, chúng ta sẽ làm gì để đáp lại tình yêu Chúa? Thánh Phaolô nói, phải nên thánh, “Để chúng ta nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài”. Và xét cho cùng, bổn phận Kitô hữu mọi thời, mọi đấng bậc, cũng chỉ ngần ấy: sống nên thánh trong ơn nghĩa Chúa bằng sức mạnh và ân sủng của Thánh Thần; nên tinh tuyền và thánh thiện trong đời sống làm con Chúa; và như thế, ‘hơn cả một ngày mới đầy nắng ấm’, chúng ta sống chứng nhân, sống truyền giáo.

Thật ý nghĩa, trong những ngày hôm nay, khi Hội Thánh đang hướng về Khánh nhật Thế giới Truyền giáo; chúng ta hướng nhìn lên các vị thánh, những mẫu gương tuyệt vời; cụ thể như Thánh Têrêxa Avila, Giáo Hội mừng kính hôm nay; hoặc gần gũi hơn, Chân phước Carlo Acutis, vị á thánh 15 tuổi, vừa được Giáo Hội tuyên phong chưa tới một tuần.

Têrêxa Avila, thế kỷ 16, một thiếu nữ quý tộc, đã để tiếng nói của Chúa rót vào lòng mình, “Ta không muốn con mê mải sự thế gian và tiếp xúc với người đời; Ta chỉ muốn con tiếp xúc với các thiên thần”. Gia đình rất mực cản ngăn, Têrêxa nhớ lời Thánh Giêrônimô, “Cả khi cha mẹ con nằm lăn trước cửa để ngăn cản con dâng mình cho Chúa, con cũng cứ can đảm bước đi; vì tiếng Chúa trong con mạnh hơn”; và thế là chim bằng vỗ cánh vút cao trên nền trời xanh, “Lạy Chúa, từ nay con muốn quên đi chính mình, hầu chỉ chú tâm vào việc con có thể làm gì để phụng sự Chúa, và con không còn ý muốn nào khác ngoài thánh ý Chúa”. Giáo Hội đã có một tiến sĩ, bậc thầy về đường thiêng liêng, ‘hơn cả một ngày mới đầy nắng ấm’; một con đường dẫn tới đỉnh cao toàn thiện.

Ngày 10/10/2020, Carlo Acutis được phong Chân phước, ‘hơn cả một ngày mới đầy nắng ấm’. Đó là một bạn trẻ người Ý gốc Anh, đẹp trai; sinh 1991, mất 2006 vì ung thư máu; một người trẻ có email và số điện thoại, còn ba mẹ, mê vi tính. Anh Chị em, đáng nghi quá phải không? Không đâu! Đó là một tông đồ Thánh Thể, một vị thánh của thời thượng mà Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị để trở nên nguồn cảm hứng không chỉ cho giới trẻ mà còn cho cả chúng ta. Để bớt hồ nghi, chúng ta điểm qua một vài bút tích của Carlo Acutis, “Tìm Chúa, bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa đời mình”; “Thánh hoá không phải là bài toán cộng, nhưng là bài toán trừ, bớt ‘chỗ của tôi’, thêm ‘chỗ cho Chúa’”; “Luôn kết hiệp với Chúa, đó là chương trình sống của tôi”; “Mình Thánh Chúa là xa lộ lên thiên đàng của tôi”; “Hạnh phúc là hướng nhìn về Chúa; buồn bã là hướng nhìn về mình”; “Hoán cải không gì khác hơn là hướng cái nhìn từ thấp lên cao, một chuyển động của mắt là đủ”; “Tôi chết trong hạnh phúc vì tôi không lãng phí thì giờ vào những chuyện không đẹp lòng Chúa”.

Anh Chị em,

Tạ ơn Chúa, cám ơn Mẹ Hội Thánh, đã khôn ngoan cho chúng ta những mẫu gương thánh. Chúng ta cũng sẽ là những vị thánh được Chúa chúc lành để hưởng ơn cứu độ của Chúa như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay công bố, “Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ”; chứ không phải là những người ‘được’ Chúa Giêsu tặng cho ‘Kinh cầu đọc tội’, “Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì con bám lấy Chúa, kết hợp với Chúa và nên giống Chúa hơn. Để trong Chúa, và cùng Chúa, con cũng trở nên ân sủng và bình an cho anh chị em thân yêu của con trong những ngày mưa bão đầm đìa này; với họ, Chúa và con vẫn ‘hơn cả một ngày mới đầy nắng ấm’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Trung Tín
Lm Vũđình Tường
23:12 14/10/2020
Nhóm Pharisiêu và Herodian thoả hiệp, tạm thời để sang bên những khác biệt, cùng nhau tìm cách hãm hại Đức Kitô. Họ đồng í đưa ra câu hỏi, mà theo họ, Đức Kitô trả lời 'đồng í hay không đồng í' đều không tránh khỏi phiền toái lớn. Họ chắc chắn đến độ Đức Kitô keo này sẽ thua đặm, coi như mất hết tiếng tăm và hỗ trợ của đám đông. Câu hỏi gần với chính trị hơn là tôn giáo. Họ hỏi Ngài. Xin cho biết 'Có nên đóng thuế cho Caesar không?'. Nếu câu trả lời là 'Nên đóng thuế', Đức Kitô sẽ mất trắng, mất hết mọi hỗ trợ của dân chúng, vì toàn dân đặt trọn hy vọng nơi Ngài. Lòng tin vào Ngài bị tiêu hủy bởi ai cũng trông đợi Ngài như Đấng Cứu Tinh giúp giải thoát họ khỏi ách đô hộ của ngoại bang. Nếu Ngài đáp 'không nên đóng thuế' nhóm Herodian sẽ tức thời báo cho chính phủ thuộc địa Rôma biết là Đức Kitô đang khuyến khích dân nổi loạn chống lại quân Rôma, như thế máu sẽ chảy, đầu sẽ rơi, thân xác đổ gục, nhà cháy thành tro, phố đầy tiếng bi ai, dân làng than khóc. Họ hí hửng chờ câu trả lời của Đức Kitô. Tập thể lãnh đạo Pharisiêu và Heordian họp hành, bàn tán. Tự tin tập thể luôn đúng. Tập thể sai lầm.Cả tập thể thua cá nhân Đức Kitô.

Biết sự xảo trá của tập thể lãnh đạo. Đức Kitô bảo họ cho coi đồng xu dùng đóng thuế. Ngài hỏi họ, tên và hình của ai trong đồng xu. Họ đáp đó là hình hoàng đế Casear. Đức Kitô nói với họ, 'Những gì thuộc về Caesar thì trả cho Caesar, những gì thuộc về Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa' c.16. Gài bẫy Đức Kitô, giờ chính họ rơi vào cái bẫy chính họ giăng ra. Đức Kitô dậy họ hai nhiệm vụ. Thứ nhất, mọi công dân có nhiệm vụ đóng thuế cho chính quyền nơi họ đang cư ngụ. Thứ hai, mọi thụ tạo đều phải tôn thờ Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng. Đức Kitô có lần các xác nhận với một luật gia khi ông hỏi Ngài điều răn nào quan trọng nhất. 'Mến Chúa hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn, và yêu thương đồng loại như chính mình' Mt 22,37. Đây là nhiệm vụ không phải dành riêng cho Kitô hữu, mà cho toàn thể nhân loại, dù tin Đức Kitô hay không tin cũng cần tình yêu để sống. Đức Kitô nhận biết tâm trí con người, đọc được tư tưởng trong óc, biết rõ cảm xúc trong tim người khác. Làm sao Ngài lại không biết tên và hình của ai trong đồng xu. Ngài hỏi điều đó để chính tập thể Pharisiêu phải bộc lộ điều họ dấu kín trong tâm. Đó là sự gian trá của họ. Môi miệng họ ca tụng 'Đức Kitô là Đấng công chính, giáo huấn của Ngài thuộc về Chúa... Ngài không quị lụy ai' c.18 nhưng trong tâm họ tìm cách triệt hạ Đức Kitô. Họ thần phục quân đô hộ Roma, ham thích quyền hành, lợi lộc quân đô hộ ban phát. Bởi ham lợi hơn thương dân, thích lợi lộc hơn trung tín nên họ bất trung, thất tín với Thiên Chúa. Họ không hoàn thành trách nhiệm phục vụ dân, trái lại còn chèn ép dân với sưu cao, thuế nặng. Tăng thuế Đền Thờ, nâng cao vật giá dâng hiến lễ vật. Đứng ngay trong Đền Thờ bàn thảo việc chính trị, việc đóng thuế cho hoàng đế Roma. Những việc này làm ô uế Đền Thờ. Đức Kitô có lần nói với họ 'Không được biến nhà Cha Ta thành hang trộm cướp' Mt 21,13.

Hàng chữ ghi trên đồng xu có nghĩa 'Caesar, con chúa Augustus, Thầy Cả Thượng Phẩm'. Chữ khắc nơi đồng xu nói lên tính kiêu ngạo, tự nhận là chúa của mọi người. Dù biết thế nhưng tập thể Pharisiêu yêu thích đồng xu đó, sẵn sàng làm nô lệ cho đồng xu đó. Họ luông mang đồng xu tà thần bên mình, gần trong tâm trí họ. Không nhận biết tên và hình hoàng đế trong đồng xu, Đức Kitô nói cho tập thể Pharisiêu biết hoàng đế Caesar và Augustus là vua trần gian như mọi vị vua khác, không phải là chúa. Với Đức Kitô chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, Đấng tạo dựng vũ trụ và mọi sự trong đó, ngoài ra không còn chúa nào khác. Của cải vật chất cần thiết cho cuộc sống nhưng con người đừng làm nô lệ cho chúng. Nó được tạo dựng nên cho ta dùng. Chúng ta xin ơn biết tôn thờ một Chúa duy nhất, trung tín với giao ước tuyên thệ khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, và lập lại điều hứa này mỗi khi tuyên xưng đức, tin tóm tắt trong kinh Tin Kính, thường tuyên xưng mỗi Chúa Nhật và các ngày lễ trọng.

TiengChuong.org

Faithfulness

The Pharisees and the Herodians temporarily put aside their differences to work out a plan to destroy Jesus. Their trickery question that whatever answer Jesus gave, 'agree or disagree', He would have deadly consequences. They were so certain, that Jesus was in a 'lose/lose' situation. The question related to politics when they asked Him: "Is it lawful to pay taxes to the emperor, or not?" Saying 'yes', Jesus destroyed the hope of His people. Saying 'no', Jesus would be judged as exciting revolution against the Roman Empire.

Jesus knew their evil trick. He asked them to show Him the coin that was used to pay tax. He asked them to identify the image on the coin. They told Him it was the Emperor; Caesar. Jesus told them: 'Give back to Caesar what belongs to Caesar, and to God what belongs to God' v.16. Jesus' answer made them fall into their own trap. His answer made them know their obligations. There were two obligations everyone must do. First, every citizen has an obligation to pay tax to the land governing authority; and second, all creatures must worship God. Jesus once confirmed to the lawyer that: 'Love God with all one's mind and heart and soul, and love one's neighbours as oneself' Mt 22,37 is everyone's obligation. Jesus could see our hearts and read our minds. He knew the name, and the emperor's image, and scripts on the coin, but He asked the Pharisees to identify the name of the Emperor on the coin for a specific purpose. And that way He revealed their untruthfulness. On the outside they praised Jesus that, 'You are an honest man and teach the way of God.... a man of rank' v. 18 but inside, they planned to trap Him. Again, they appeared to worship God, but deep inside they worshipped not God, but the Roman Empire, their power and their money. Apart from untruthfulness, they were unfaithful to God. Raising funds to upkeep and maintain the Temple was a right thing to do. Standing on the Holy ground to discuss the taxing matters to the emperor, demanding worshippers to pay extra tax, and selling hiked price sacrifices offering defiled the temple. In doing that, the house of prayer, said Jesus, became 'a robber's den' Mt 21, 13.

The inscription on the coin was 'Caesar, son of the divine Augustus, high priest'. Augustus claimed he was divine. The idol, emperor coins, were close to the Pharisees' hearts and were even in the Temple. By not acknowledging the name and image of the emperor on the coin, Jesus explicitly told the Pharisees, that there were no other gods, except the One True Creator, His Father. He is the God they must worship. Wealth is good and necessary but no one must mastered by it. The Pharisees were there for people, not people for wealth. After Jesus' desert experience, the devil tempted Him three times. Each time he failed, but he vowed to come back Mt. 4,1-11. The third temptation was all about wealth and worldly glory. The devil falsely claimed the world and its splendour belong to him. He would give to Jesus if He worshipped him. Jesus replied: 'Be off, Satan. You must worship the Lord your God, and serve Him alone' v.10. St Luke added, 'the devil left Jesus, but promised to return at the appointed time' Lk 4,13. Jesus pointed out to the Pharisees that outside they worshipped God in the Temple, but inside, represented in their pocket was the image of an idol emperor. Who they did vow allegiance to was in question. Faithfulness to God must be both in words and deeds, not words alone.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Twitter làm tất cả những gì có thể để khiến Tổng thống Trump thua trong cuộc bầu cử sắp tới
Đặng Tự Do
04:41 14/10/2020
Nhà bình luận thời sự nổi tiếng của Úc Đại Lợi, ông Andrew Bolt, là người đã từng lên tiếng bênh vực Đức Hồng Y George Pell trong vụ cáo gian lạm dụng tính dục vừa lên tiếng cảnh báo rằng Twitter đang làm tất cả những gì có thể được để khiến Tổng thống Trump thua trong cuộc bầu cử sắp tới.

“Thật đáng sợ, nó cho bạn thấy sức mạnh của những gã khổng lồ trên mạng xã hội,” ông Bolt nói.

Sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hồi phục gần đây từ COVID-19, ông đã tweet một thông báo nhằm cho biết về tình trạng sức khoẻ của mình.

“Các bác sĩ của Tòa Bạch Ốc hôm qua đã ký giấy xác nhận hoàn toàn bình phục. Điều đó có nghĩa là tôi không thể nhiễm bệnh nữa (miễn dịch), và không thể lây cho người khác. Rất vui được biết điều đó!!!” Tổng thống đã tweet như trên hôm 11 tháng 10.



Dòng tweet của tổng thống ngay sau đó đã bị coi là vi phạm các quy tắc của Twitter. Gã khổng lồ nói rằng thông điệp này của tổng thống đã vi phạm các quy tắc về việc truyền bá thông tin gây hiểu lầm và có khả năng gây hại liên quan đến COVID-19.

Dòng tweet nguyên thủy bị xoá đi nhưng sau đó Tổng thống Trump đã phản kháng và retweet lại.

Đây không phải là lần đầu tiên Twitter ngăn chặn các dòng tweets của Tổng thống Trump


Source:Sky News Australia
 
Thiên Chúa luôn ở gần chúng ta trong đau khổ khi chúng ta cầu nguyện
Thanh Quảng sdb
05:41 14/10/2020
Thiên Chúa luôn ở gần chúng ta trong đau khổ khi chúng ta cầu nguyện

Trong buổi triều yết thứ Tư 14/10/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục bài giáo lý của mình về việc cầu nguyện như Thánh Vịnh đã diễn tả “Trái tim Chúa luôn rộng mở, khi chúng ta khẩn cầu Người trong các nỗi đau...

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Đức Thánh Cha dùng các Thánh Vịnh, ngài cho hay đây là “kho tàng phong phú cho việc cầu nguyện”.

Cách cầu nguyện

Là một phần của sách khôn ngoan, các Thánh vịnh thật hữu dụng cho những người tin vào Chúa học hỏi để “biết cách cầu nguyện”.

Đức Thánh Cha nói: “Trong các Thánh vịnh, chúng ta tìm thấy những tâm tình của con người: vui, buồn, nghi nan, hy vọng, đau khổ...

ĐTC nói thêm, Thiên Chúa đã truyền cảm hứng cho tác giả viết lên tâm tình cầu nguyện trong các Thánh vịnh để con người có thể ca ngợi, cảm tạ, khẩn cầu và nài xin Chúa.

“Tóm lại, các Thánh vịnh là lời Thiên Chúa mà loài người chúng ta dùng để thân thưa với Chúa.”

Đức Thánh Cha cho biết những lời cầu nguyện trong Thánh Vịnh được phát xuất từ kinh nghiệm sống, chứ không phải từ những ý tưởng trừu tượng. “Cầu nguyện của thi nhân phát xuất từ cuộc sống,” với tất cả những vấn đề và sự mong manh của đời người.

Vấn đề đau khổ

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục khám phá ra cách tác giả Thánh vịnh đối diện với vấn đề đau khổ, ĐTC cho hay họ chấp nhận đau khổ như một phần của đời sống và tự vấn nó... và ĐTC nói “vấn nạn này” mãi sẽ không có lời đáp trả!

“Mọi nỗi đau đều xin được giải thoát, mọi giọt nước mắt đều xin cho được an ủi, mọi vết thương mong được chữa lành, và mọi vu khống được giải oan”.

Đức Thánh Cha cho biết Thánh Vịnh nhắc nhở chúng ta: cuộc sống chỉ được cứu thoát bằng chính những khổ đau khổ! Người khẩn cầu Chúa ý thức được rằng họ “rất quý giá trong mắt của Chúa, và vì vậy việc kêu cầu Chúa có nhiều ý nghĩa hơn”.

Cầu nguyện: một tiếng kêu tới Chúa

Thánh Vịnh cho chúng ta ý thức rằng việc kêu cầu Chúa trong các tâm tình cầu nguyện “là con đường và khởi đầu của ơn cứu độ.”

ĐTC Phanxicô nói rằng lời cầu nguyện biến nỗi đau thành “một mối tương quan: một tiếng kêu cứu đang mong chờ được lắng nghe.”

ĐTC nói tiếp: “Tất cả những nỗi đau của con người đối với Chúa đều là thánh thiêng. “Trước mặt Chúa, chúng ta không phải là những người xa lạ, hay những con số! Chúng ta là những con người với trái tim, là một cá thể, và được gọi từng tên một”.

Cánh cửa của Chúa luôn rộng mở

Vì vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, người tín hữu tìm được câu trả lời cho sự đau khổ trong các Thánh vịnh.

“Chúa biết ngay cả khi tất cả các cánh cửa của con người đều bị đóng, thì cánh cửa của Chúa vẫn luôn rộng mở. Ngay cả khi cả thế giới đã phán quyết và kết án, thì trong Chúa vẫn luôn có ơn cứu rỗi."

ĐTC nói: người cầu nguyện ý thức rằng các lời cầu xin không phải lúc nào cũng được nhận lời, nhưng “nếu chúng ta biết lắng nghe, thì mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn”.

Chúa khóc với chúng ta

Kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu xin Chúa cứu chúng ta thoát khỏi đau khổ khi bị bỏ rơi, vì lời cầu nguyện của chúng ta dâng lên Thiên Chúa, Đấng “thấu xuất những nỗi khổ của con cái Chúa.”

ĐTC nói: “Nếu chúng ta duy trì mối quan hệ của mình với Chúa,“ dù cuộc sống vẫn đầy đau khổ, nhưng chúng ta được tiến tới một chân trời mới tốt đẹp hơn và tiến đạt tới sự hoàn thiện...
 
VietCatholic News được xếp hạng thứ 10 trong 100 kênh Youtube Công Giáo hàng đầu thế giới
Đặng Tự Do
06:46 14/10/2020
Feedspot là bộ phận thống kê cho các mục đích tiếp thị (marketing) của Google nhằm theo dõi và giới thiệu với các doanh nhân trên thế giới các con số thống kê cho thấy khuynh hướng của những người truy cập vào Internet.

Trong bản thống kê có tựa đề “Top 100 Catholic Youtube Channels on Church, Bible, Pope, Christ and Gospel News Videos” – “100 Kênh Youtube Công Giáo hàng đầu về Giáo Hội, Kinh Thánh, Đức Giáo Hoàng, Chúa Kitô, Phúc Âm và Tin tức” được công bố hôm 3 tháng 10, 2020; Feedspot đã đưa ra một bảng sắp hạng 100 kênh Youtube Công Giáo hàng đầu thế giới.

Toàn bộ phúc trình này có thể xem ở đây: https://blog.feedspot.com/catholic_youtube_channels/

Theo thống kê này, kênh đứng đầu là EWTN của Công Giáo Hoa Kỳ. Kế đến là kênh của Tòa Thánh. Kênh VietCatholic News được xếp hạng thứ 10.

Bảng thống kê sau cho thấy đến nay đã có 125,627,884 lượt người xem, với 271,481 người ghi danh theo dõi (subscribers).



Chỉ tính riêng trong 28 ngày vừa qua, đã có 4,167,780 lượt người xem.



Trong số các phát triển gần đây nhất của VietCatholic News, cần kể đến Chương Trình Suy Niệm Lời Chúa do các linh mục ở Melbourne phụ trách.

Trong thời gian qua, mỗi ngày chúng tôi thường có 2 buổi phát hình: Lúc 5g sáng giờ Việt Nam, và lúc 7g tối giờ Việt Nam.

Bên cạnh hai chương trình thời sự này, bắt đầu từ ngày 21 tháng 9, VietCatholic News còn có thêm một chương trình nữa là chương trình Suy Niệm Lời Chúa do 6 linh mục phụ trách.

Trong chương trình Suy Niệm Lời Chúa này, quý cha: Anthony Nguyễn Hữu Quảng, Anthony Nguyễn Ngọc Dũng, Giuse Phạm Minh Ước, Giuse Nguyễn Xuân Hiếu, Phaolô Nguyễn Trọng Thiên và Phêrô Nguyễn Văn Cao trình bày với quý vị và anh chị em Bài Phúc Âm trong ngày, chia sẻ Lời Chúa, cầu nguyện và Thánh Ca.

Tất cả các videos trên kênh VietCatholic News đều được thu hình và edit tại Australia. Địa chỉ trên YouTube là https://www.youtube.com/user/VietCatholicNews

Một số kênh Công Giáo nổi tiếng thế giới là kênh Word on Fire của Đức Cha Robert Barron, Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Los Angeles được xếp thứ 4. Kế đó là Rome Reports, xếp thứ 5; và KTO TV của Công Giáo Pháp, được xếp thứ 6.

Catholic News Service, cơ quan thông tấn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ xếp thứ 21. Tờ American Magazine của Dòng Tên xếp thứ 29. Salt and Light, thông tấn xã lớn của Canada xếp thứ 30. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ xếp thứ 32.

So với những khoản đầu tư của các kênh khác, kinh phí cho VietCatholic News gần như là không có gì và không ai được trả lương. Hơn thế nữa như đã nêu ở trên, tất cả các videos trên kênh VietCatholic News đều được thu hình và edit tại Australia, nơi Internet khét tiếng là chậm, chậm hơn ở Mỹ chắc chắn rồi nhưng chậm hơn cả tại Việt Nam.

Do đó, xin cám ơn công lao khó nhọc của quý cha, quý anh chị em ký giả, nghệ sĩ, cộng tác viên; và sự ủng hộ nhiệt tình của các khán thính giả từ trong nước đến hải ngoại.

Xin Chúa chúc lành cho công việc của chúng ta.


Source:Feedspot
 
Trang Hình ảnh VietCatholicNet Pro tới nay đã có trên 50 triệu lượt người vào xem
VietCatholic Network
10:44 14/10/2020
Trang Hình ảnh VietCatholicNet Pro tới nay đã có trên 50 triệu lượt người vào xem và trang Albums có trên 3 triệu lượt người xem. Tổng số hình ảnh đưa lên net là 65.000 tấm hình.

Muốn xem các trang Albums hình ảnh VietCatholic Xin nhấn vào link này

Sau đây là con số thống kê từ trang Flickr chuyên về hình ảnh:

 
Giáo dân New Orleans đi tiên phong tổ chức cầu nguyện để nâng tinh thần cho hàng giaó sĩ
Trần Mạnh Trác
12:30 14/10/2020
( CNA ngày 14 tháng 10 năm 2020 ) Chịu đựng cùng một tâm trạng giống như mọi người Công Giáo khác ở Tổng giáo phận New Orleans, bà Theresa Truxillo cho biết bà đã hoảng hốt khi nghe tin vụ phạm thánh cuả Lm Travis Clark.

Vụ bê bối gây ra một cơn điạ chấn tại cộng đồng Công Giáo địa phương. Lm. Clark đã bị loại ra khỏi chức vụ, và bàn thờ mà ông ta làm ra ô uế đã bị đốt đi. Ngôi nhà thờ nơi xảy ra hành động phạm thánh cũng đã được thanh tẩy. Và thêm vào đó một vụ bê bối khác, Lm. Pat Wattigny, cựu tuyên úy trường trung học, bị phát hiện gửi tin nhắm gợi ý cho các học sinh, cũng đã bị cách chức.

Bà Truxillo nói với CNA: “Những điều đó thực sự gây sốc và hổ thẹn.”

"Tôi và bạn bè đang phải xử lý nó, và tôi nghĩ rằng phản ứng ban đầu của chúng tôi là ghê tởm và tức giận."

Tuy nhiên, sau những khó chịu ban đầu, bà Truxillo đã mở rộng trái tim của mình, và trái tim của những người bạn, để hướng về đại đa số các linh mục và các chủng sinh tốt lành trong giáo phận, “bởi vì họ đã làm rất nhiều cho chúng tôi, và chúng tôi phải bảo vệ họ. Chúng tôi không muốn cả thế giới nghĩ rằng tất cả mọi người trong chúng tôi đều làm những lựa chọn tồi tệ đó, đặc biệt là các giáo sĩ của chúng tôi. "

“Mọi người đều muốn làm một điều gì thật sớm và đồng thời có một cái gì đó thể hiện rõ ràng sự ủng hộ của họ,” bà Truxillo nói.

Bà Truxillo và một số bạn, như bà Sheri Derbes, đã quyết định tổ chức một buổi cầu nguyện ủng hộ bên ngoài Chủng viện Notre Dame ở New Orleans, vào thứ Bảy, ngày 10 tháng 10.

“Tôi đã lo ngại rằng có nhiều điều tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến buổi tổ chức,” bà nói.

“Sheri và tôi đã nói đùa rằng có một đám mây mù lớn đang bao trùm toàn bộ giáo phận của chúng tôi, và điều đó thật là tồi tệ. Và (cuộc tụ tập) sẽ là một cơ hội để đứng lên và lật ngược tình thế - không phải là để quên đi hoặc che dấu thảm kịch đang xảy ra ở một vài giáo xứ của chúng tôi, mà là để tôn vinh những linh mục và chủng sinh và tổng giám mục của chúng tôi là những nhà lãnh đạo tốt lành và trong sáng và là những người thực sự bị tổn thương bởi vụ bê bối này. "

Bà Truxillo nói, chỉ 24 giờ sau khi ý tưởng này xuất hiện, thì khoảng 200 người Công Giáo đã đến tham dự, để cùng nhau cầu nguyện cho các linh mục và chủng sinh và hy vọng họ sẽ được khích lệ.

Mỗi người được yêu cầu mang một viên đá nhỏ trong vườn, vẽ lên đó một cây thánh giá hoặc một biểu tượng tôn giáo khác. Mọi người đã nắm các viên đá đó trong lúc lần hạt Mân Côi, rồi sau đó đặt lên trên những bậc thềm của chủng viện. Những viên đá sẽ được phân phát cho các chủng sinh như là một lời nhắc nhở về những lời cầu nguyện đã dâng cho họ.

Bà Truxillo nói: “Chúng tôi đặc biệt cầu nguyện cho các chủng sinh, các linh mục và tổng giám mục của chúng tôi, những người mà chúng tôi tin là người kế vị thánh Phêrô, người mà Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo hội của Ngài”.

Cha James Wehner, hiệu trưởng Chủng viện Notre Dame, nói với CNA rằng bà Truxillo đã xin phép ngài để tập hợp cầu nguyện, và ngài đã nói cho các chủng sinh rằng sẽ có khoảng “ba hoặc bốn người” xuất hiện vào thứ Bảy để lần hạt. Sau đó, ngài đã đi làm việc ở vài giáo xứ khác trong ngày.

“Khi tôi trở về thì thấy có hơn 160 người... và tôi nghĩ, chuyện gì đã xảy ra vậy? Và tôi nghĩ rằng những tin qua miệng thì loan đi mau chóng, ”ngài nói.

Cha Wehner cho biết ngài cảm thấy được "cảm hứng" vì cuộc cầu nguyện này hoàn toàn do giáo dân khởi xướng. Ngài nói thêm rằng chủng viện đã tổ chức nhiều cuộc họp để phân tích về những vụ bê bối gần đây, để đảm bảo rằng các chủng sinh nhận được sự đào tạo tốt nhất, để không lặp lại những sai lầm trong quá khứ.

Ngài nói: “Các chủng sinh rất cảm kích trước vai trò của giáo dân trong việc cung cấp sự hỗ trợ tinh thần này.”

Cha Wehner nói thêm: “Tôi nghĩ theo một khiá cạnh nào đó, thì vì chúng tôi giảng dạy cho các chủng sinh, cho nên chúng tôi cảm thấy rất xấu hổ trước hành vi tội ác, Satan của hai linh mục này.”

Vị hiệu trưởng nói rằng thật là đầy cảm hứng và khiêm tốn “khi thấy mọi người nhìn sự việc qua đức tin của Giáo hội, đức tin của các thầy tế lễ và đức tin của Chúa Giê Su Ky Tô không thể bị phá hoại bởi quyền lực của sự dữ”.

Cha Wehner cho biết thêm rằng, năm nay, Chủng viện Notre Dame có một số lượng ghi danh cao nhất trong lịch sử 97 năm của trường.

“Vì vậy, đối với tôi khi thấy những thanh niên trẻ đã phải nản lòng trước sự bất chung và hành vi tai tiếng của các giáo sĩ, mà họ vẫn nhìn xa hơn và vẫn muốn đáp lại lời kêu gọi của Chúa... Tôi được truyền cảm hứng bởi sự cam kết của họ để theo đuổi một chương trình đào tạo linh mục vững chắc.”

Bà Truxillo và Derbes đều đang theo học một chương trình giáo dân tại chủng viện, nhưng kể từ khi đại dịch xảy ra vào tháng Ba, họ đã không thể tiếp tục lớp học bình thường, hoặc gặp gỡ các bạn bè chủng sinh của họ.

Bà Truxillo nói rằng Coronavirus đặc biệt gây khó khăn cho các chủng sinh vì họ sống và học ở cùng một nơi, và do đó bị hạn chế hơn các người khác trong thời kỳ đại dịch.

Bà Truxillo nói: “COVID đã tách biệt các chủng sinh ra khỏi giáo dân vì họ sống trong khuôn viên trường và vì vậy họ bị giam giữ cách ly khỏi phần còn lại là chúng tôi.”

“Bây giờ chúng tôi đã được phép đến sở làm, ít nhất tôi có thể tiếp xúc với mọi người. Các con tôi bây giờ cũng đã đi học lại- nhưng các chủng sinh thì vẫn chưa được. Và họ cho chúng tôi biết rằng thật là ý nghĩa khi biết rằng chúng tôi đang cầu nguyện ở đó và nhờ một tảng đá nhỏ, họ có thể giữ trên bàn và nhớ rằng ơn gọi của họ được đánh giá cao và quan trọng đối với nhiều người. Vì vậy, điều đó là thực sự tuyệt vời. "

Ông Jordan Haddad (giaó sư tiến sĩ), giám đốc chương trình giáo dân tại Chủng viện Notre Dame, nói với CNA rằng mặc dù ông không có mặt tại buổi cầu nguyện, nhưng ông rất biết ơn về sáng kiến do giáo dân lãnh đạo.

Những người tham gia có “tình yêu sâu sắc đối với các linh mục của chúng tôi và nhận ra rằng những hành động tồi tệ của một số ít không làm thay đổi con người của chúng ta với tư cách là một Giáo hội, và không thay đổi sứ mệnh của chúng ta. Và nó cũng không ảnh hưởng đến danh tiếng tốt và công việc tốt mà các linh mục, phó tế, tổng giám mục của chúng tôi làm hàng ngày, ” ông nói.

“Chúng tôi xích lại gần nhau hơn trong thời điểm khó khăn này, bởi vì chúng tôi thực sự đang bị tổn thương và đau khổ với tổng giáo phận vì những vụ bê bối này. Và khi một thành viên đau khổ, tất cả chúng ta đều đau khổ, ” Ông Haddad nói thêm.

Bà Truxillo cho biết một trong những phần xúc động nhất của buổi cầu nguyện là khi bà nhìn thấy nhiều bậc cha mẹ của các linh mục đang ở đó.

“Khi tôi nhìn thấy ông cố của Cha Steve, và sau đó tôi nhìn thấy thầy Phó tế Martin, có con trai là Cha Andrew, và tôi nhìn thấy một bà cố khác có con trai là một linh mục, tôi đã nghẹn họng vì nghĩ, 'Ôi trời ơi, nếu tôi đau, hãy nghĩ xem những người này phải đau đớn như thế nào. Họ đã trao con của họ cho Chúa và chắc chắn cảm thấy rằng cuộc tấn công là thực sự nặng nề, '' bà nói.

Bà Truxillo cho biết có nhiều sự kiện khác đang được tổ chức trong tổng giáo phận để đền bù cho những vụ bê bối gần đây. Một Thánh lễ Sám hối, được quảng cáo trên trang web của Chủng viện Notre Dame, đã bị hoãn, nhưng dự kiến sẽ sớm được tổ chức lại.
 
Không khí căng thẳng bên ngoài Thượng Viện Hoa Kỳ trong tiến trình xác nhận Amy Coney Barrett
Đặng Tự Do
16:03 14/10/2020


Từ hôm thứ Hai 12 tháng 10, là ngày đầu tiên diễn ra tiến trình xác nhận Amy Coney Barrett, những người ủng hộ sự sống, những người phản đối việc phá thai đã tham gia cuộc biểu tình trước Thượng Viện Hoa Kỳ kêu gọi các Thượng nghị sĩ xác nhận Thẩm Phán Amy Coney Barrett.

Bầu không khí đã rất sôi động trên Đồi Capitol từ sáng sớm khi những người ủng hộ Amy Coney Barrett đến từ mọi hướng để chào đón cô khi cô đến để bắt đầu phiên điều trần xác nhận trước Thượng viện.

Một nhóm những người phản đối việc xác nhận của Barrett cũng đã tập trung trước Tòa án Tối cao Hoa Kỳ và diễu hành về phía khuôn viên Thượng viện, nơi họ chạm trán với những người ủng hộ cô.

Những người biểu tình chống Thẩm Phán Amy Coney Barrett chùm kín người trong bộ đồ hazmat trắng như một cách chê bai Tổng thống Trump trong việc ông đối phó với đại dịch coronavirus.

Những người khác mặc những áo vest, người Mỹ gọi là ‘clinic escort’, nghĩa là ‘hộ tống vào phòng khám phá thai’. Trước hàng dài những người phò sinh tổ chức các cuộc biểu tình trước các phòng khám phá thai, những kẻ mặc những áo vest này là các nhân viên của phòng khám có nhiệm vụ đưa các phụ nữ phá thai vào bên trong.

Nhiều người chống Thẩm Phán Amy Coney Barrett mang các bích chương có dòng chữ “Save Roe” nghĩa là Cứu lấy phán quyết Roe chống Wade” là phán quyết cho phép phá thai được Tòa Án Tối Cao đưa ra vào năm 1973.

Những người chống Thẩm Phán Amy Barrett hò hét và đánh trống rất dữ tợn nhưng số người ủng hộ Thẩm Phán Công Giáo Amy Barrett đông hơn gấp bội.


Source:LifesiteNews

 
Phát biểu của Thẩm Phán Amy Coney Barrett trước các Thượng nghị sĩ
Đặng Tự Do
16:03 14/10/2020


Các phiên điều trần tại Thượng viện về việc xác nhận Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao đã bắt đầu vào hôm thứ Hai, ngày 12 tháng 10. Phiên điều trần này được tổ chức trực tiếp một phần tại Washington và một phần từ xa.

Trong bài phát biểu mở đầu, được công bố trước vào hôm Chúa Nhật, ngày 11 tháng 10, Barrett giải thích với các thượng nghị sĩ lý do tại sao cô ấy chấp nhận việc đề cử của Tổng thống Trump và những gì cô ấy tin rằng mình sẽ mang đến cho Tòa án Tối cao.

Thẩm Phán Amy Coney Barrett đã từng có kinh nghiệm trải qua các chỉ trích của các Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ trong tiến trình xác nhận Thẩm Phán Tòa Phúc Thẩm vào năm 2017 cho nên cô nói rất hùng hồn, và đặc biệt là không che dấu quan điểm của mình nhằm vuốt ve các Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ. Có nói kiểu gì họ cũng sẽ bỏ phiếu chống, cho nên cô trình bày thẳng thừng quan điểm của mình.

“Tôi tin rằng người Mỹ thuộc mọi nguồn gốc xứng đáng có một tòa án độc lập giải thích Hiến pháp và luật pháp của chúng ta như những gì đã được viết ra. Và tôi tin rằng tôi có thể phục vụ đất nước của mình bằng cách đóng vai trò đó”.

Barrett đã vạch ra quan điểm của cô ấy về cách thức hoạt động của một tòa án, cũng như triết lý tư pháp của cô ấy. Cô Barrett nói rằng mình được truyền cảm hứng từ Cố Thẩm Phán Antonin Scalia, là người mà cô đã từng là thư ký riêng trong nhiều năm.

“Scalia đã dạy tôi nhiều điều hơn là luật. Ông ấy hết lòng vì gia đình, kiên quyết với niềm tin của mình và không sợ bị chỉ trích. Và khi bắt tay vào sự nghiệp pháp lý của riêng mình, tôi quyết tâm giữ nguyên quan điểm đó”.

“Có một xu hướng trong nghề nghiệp của chúng tôi là duy luật, trong khi mất tầm nhìn về mọi thứ khác. Điều này tạo nên một cuộc sống nông cạn và không viên mãn”.

Barrett cho biết cô đã làm việc chăm chỉ với tư cách là luật sư và giáo sư, là điều mà cô gọi là món nợ đối với các thân chủ, sinh viên và bản thân mình, nhưng cô ấy “không bao giờ để luật xác định căn tính của tôi hoặc lấn át phần còn lại của cuộc đời tôi”.

Thẩm phán Barrett nói rằng tâm lý này ảnh hưởng đến cách cô nhìn nhận vai trò của tòa án.

“Toà án có trách nhiệm quan trọng là thực thi các quy tắc của pháp luật, đó là điều quan trọng đối với một xã hội tự do”.

“Nhưng tòa án không được thiết kế để giải quyết mọi vấn đề hoặc đưa ra phán quyết cái gì là đúng cái gì là sai trong đời sống công cộng của chúng ta. Các quyết định liên quan đến chính sách và việc thẩm định các giá trị của chính phủ phải được thực hiện thông qua các nhánh chính trị do Nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Công chúng không nên mong đợi các tòa án làm như vậy, và các tòa án không nên cố gắng làm như thế.”

Barrett giải thích rằng đây là triết lý tư pháp của cô trong suốt thời gian làm việc tại Tòa phúc thẩm thứ bảy và cô đã làm việc để đưa ra các kết luận “được luật pháp yêu cầu”.

“Tôi cố gắng lưu tâm rằng, mặc dù tòa án của tôi quyết định hàng nghìn vụ án mỗi năm, nhưng mỗi vụ án đều là quan trọng nhất đối với các bên liên quan. Nói cho cùng, không trường hợp nào hoàn toàn giống như các quy chế.”

Barrett cho biết cô luôn cố gắng đặt mình vào vị trí của bên thua cuộc khi quyết định một vụ kiện, và tự hỏi bản thân mình sẽ đánh giá phán quyết ấy như thế nào nếu một trong những đứa con của cô liên quan đến bên thua cuộc.

“Mặc dù tôi không muốn kết quả đó, tôi có hiểu rằng quyết định đó là hợp lý và có căn cứ theo luật không? Đó là tiêu chuẩn tôi đặt ra cho mình trong mọi trường hợp, và đó là tiêu chuẩn tôi sẽ tuân theo khi nào tôi còn là thẩm phán của bất kỳ tòa án nào.”

Các thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện phát biểu trước phát biểu khai mạc của Barrett. Các thành viên đảng Dân chủ chủ yếu chỉ trích đề cử của Barrett, trong khi các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa nhất mực ủng hộ.

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein của đảng Dân Chủ đơn vị California cho rằng Barrett quá “Công Giáo” nên không thích hợp với vai trò Thẩm Phán Tòa Án Tối Cao. Dianne Feinstein lặp lại một lo ngại của nữ tu Campbell. Bà nữ tu Campbell cho rằng: “Barrett được đề cử do một động cơ duy nhất: để lật ngược phán quyết phá thai Roe kiện Wade” được Tối Cao Pháp Viện đưa ra vào năm 1973 nhằm hợp pháp hóa hành động phá thai mà bà nữ tu này cho rằng đó là một “nhân quyền liên quan đến việc sinh sản của phụ nữ”.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Đảng Cộng Hòa đơn vị South Carolina, chủ tịch của ủy ban tư pháp Thượng Viện Hoa Kỳ, đã khai mạc phiên điều trần vào sáng thứ Hai, nói rằng ông hy vọng sẽ thấy một quy trình xác nhận “trong sự tôn trọng”.


Source:Catholic News Agency
 
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Thiên Chúa luôn nghe lời ta cầu nguyện
Vũ Văn An
18:29 14/10/2020

Theo tin Zenit, trong buổi yết kiến chung ngày 14 tháng 10 tại Đại Sảnh Phaolô VI, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các tín hữu hiện diện rằng Thiên Chúa không điếc đối với lời cầu nguyện của chúng ta; đúng hơn, Người luôn ở đó bên cạnh chúng ta, không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha




Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Khi đọc Kinh thánh, chúng ta liên tục bắt gặp những lời cầu nguyện thuộc nhiều loại khác nhau. Nhưng chúng ta cũng tìm thấy một cuốn sách chỉ gồm những lời cầu nguyện, một cuốn sách đã trở thành quê hương, phòng tập thể dục và là tổ ấm của vô vàn người đàn ông và người đàn bà cầu nguyện. Đó là Sách Thánh Vịnh. Có 150 Thánh Vịnh để cầu nguyện.

Nó tạo thành một phần của các sách khôn ngoan vì nó truyền đạt “cách thức cầu nguyện” qua kinh nghiệm đối thoại với Thiên Chúa. Trong Thánh Vịnh, chúng ta tìm thấy mọi tình cảm của con người: niềm vui, nỗi buồn, hoài nghi, hy vọng, cay đắng vốn lên mầu sắc cho cuộc sống của chúng ta. Sách Giáo lý khẳng định rằng mọi Thánh Vịnh “đều sở hữu sự đơn giản trực tiếp đến mức người mọi thời đại và mọi điều kiện có thể cầu nguyện trong sự thật” (SGLCGHCG, 2588). Khi đọc đi đọc lại các Thánh vịnh, chúng ta học được ngôn ngữ cầu nguyện. Quả thật, bằng Thần Khí của Người, Thiên Chúa là Cha đã linh hứng chúng trong lòng Vua Đavít và những người cầu nguyện khác, để dạy mọi người nam nữ cách ngợi khen Người, cách cảm tạ và khẩn cầu Người; làm thế nào để cầu khẩn Người trong vui sướng và trong đau khổ, và làm thế nào để kể lại những điều kỳ diệu trong công trình và Lề Luật của Người. Tóm lại, Thánh Vịnh là lời của Thiên Chúa mà người phàm chúng ta dùng để nói với Người.

Trong cuốn sách này, chúng ta không gặp những con người mây gió, những con người trừu tượng, những con người nhầm lẫn cầu nguyện với một kinh nghiệm thẩm mỹ hoặc tha hóa. Thánh Vịnh không phải là những bản văn được tạo ra trên giấy; chúng là những lời khẩn cầu, thường là cảm kích, nẩy sinh từ một hiện sinh sống động. Để cầu nguyện với chúng, chỉ cần chúng ta là chính chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng để cầu nguyện tốt, chúng ta phải cầu nguyện bằng con người thực của chúng ta, không cần tô điểm. Người ta không được tô điểm tâm hồn để cầu nguyện. “Lạy Chúa, con là như thế này”, và hãy đi trước mặt Chúa bằng con người thật của chúng ta, với những điều tốt và cả những điều xấu mà không ai biết, nhưng chúng ta biết trong lòng. Trong các Thánh vịnh, chúng ta nghe thấy tiếng nói của những người nam và người nữ cầu nguyện bằng xương bằng thịt, với cuộc sống, giống như tất cả chúng ta, đầy rẫy những khó khăn, gian khổ và bất trắc. Tác giả Thánh Vịnh không triệt để thách thức sự đau khổ này: ông biết rằng nó là một phần của cuộc sống. Tuy nhiên, trong Thánh Vịnh, đau khổ biến thành một câu hỏi. Từ đau khổ đến nghi vấn.

Và trong số rất nhiều câu hỏi, có một câu vẫn lơ lửng ở đó, giống như một tiếng kêu không ngừng xuyên suốt cuốn sách từ đầu đến cuối. Một câu hỏi mà chúng ta lặp đi lặp lại nhiều lần: “Cho đến bao giờ, lạy Chúa? Cho đến khi nào?" Mọi đau khổ đều kêu gọi sự giải thoát, mọi nước mắt đều kêu gọi sự an ủi, mọi vết thương đều đang đợi được chữa lành, mọi vu khống đang đợi một phán xử ân giải. “Cho đến bao giờ, lạy Chúa, con phải chịu đựng điều này? Lạy Chúa, xin lắng nghe con! ” Biết bao lần chúng ta đã cầu nguyện như thế, với câu “Cho đến khi nào?”, Giờ đây đã đủ rồi, lạy Chúa!

Bằng cách liên tục đặt những câu hỏi như vậy, các Thánh Vịnh dạy chúng ta không nên quen với nỗi đau, và nhắc nhở chúng ta rằng sự sống không được cứu trừ khi nó được chữa lành. Sự hiện hữu của mỗi con người chỉ là một hơi thở, câu chuyện đời họ chỉ là một thoáng qua, nhưng người cầu nguyện biết rằng họ quý giá trong con mắt Thiên Chúa, và vì vậy thật có lý khi cất tiếng kêu lên. Và điều này là điều quan trọng. Khi cầu nguyện, chúng ta làm như vậy vì chúng ta biết mình là quý giá trong con mắt Thiên Chúa. Chính ơn Chúa Thánh Thần, từ bên trong, khơi dậy trong chúng ta ý thức này: trở nên quý giá trong con mắt Thiên Chúa. Và đây là lý do tại sao chúng ta được khuyến khích cầu nguyện.

Lời cầu nguyện của Thánh Vịnh là bằng chứng của tiếng kêu này: một tiếng kêu đa dạng, bởi vì trong cuộc sống, nỗi đau có muôn hình muôn dạng, và nó mang đủ thứ tên: bệnh tật, hận thù, chiến tranh, bách hại, ngờ vực… Cho đến “tai tiếng” tối hậu, tức cái chết. Cái chết xuất hiện trong sách Thánh Vịnh như kẻ thù phi lý nhất của con người: tội ác nào đáng bị trừng phạt tàn nhẫn như vậy, bao gồm tận diệt và kết liễu? Lời cầu nguyện của các Thánh Vịnh xin Thiên Chúa can thiệp nơi mọi cố gắng của con người đều vô ích. Đó là lý do tại sao cầu nguyện, trong và tự nó, là con đường cứu rỗi và là khởi đầu của ơn cứu rỗi.

Mọi người đều đau khổ trong thế giới này: dù họ tin vào Thiên Chúa hay từ chối Người. Nhưng trong sách Thánh Vịnh, nỗi đau trở thành một mối liên hệ, một tương quan: một tiếng kêu cứu chờ bắt được một đôi tai biết lắng nghe. Nó không thể mãi vô nghĩa, không có mục đích. Ngay cả những nỗi đau chúng ta gánh chịu cũng không thể chỉ là những trường hợp chuyên biệt của một quy luật phổ quát: chúng luôn là những giọt nước mắt của “tôi”. Anh chị em hãy nghĩ tới điều này: nước mắt không phổ quát, chúng là nước mắt “của tôi”. Mọi người đều có nước mắt của riêng mình. Nước mắt “của tôi” và nỗi đau “của tôi” thúc đẩy tôi tiến lên trong cầu nguyện. Chúng là những giọt nước mắt của “tôi”, mà chưa ai từng để rơi trước tôi. Đúng, họ đã khóc, đã khóc rất nhiều. Nhưng nước mắt “của tôi” là của tôi, nỗi đau “của tôi” là của riêng tôi, đau khổ của “của tôi” là của riêng tôi.

Trước khi bước vào Đại sảnh này, tôi đã gặp cha mẹ của một linh mục thuộc giáo phận Como, người đã bị giết: ngài bị giết chính trong lúc phục vụ người khác. Nước mắt của những bậc cha mẹ đó là nước mắt của riêng họ, và mỗi người trong số họ biết rằng họ đã đau khổ như thế nào khi nhìn thấy người con trai này đã hy sinh cuộc đời mình để phục vụ người nghèo. Khi chúng ta muốn an ủi ai đó, chúng ta không thể tìm ra lời. Tại sao? Vì chúng ta không thể chạm đến nỗi đau của họ, vì nỗi buồn của họ là của riêng họ, nước mắt của họ là của riêng họ. Điều này cũng đúng đối với chúng ta: những giọt nước mắt, nỗi buồn, những giọt nước mắt ấy là của tôi, và với những giọt nước mắt ấy, với nỗi buồn ấy, tôi hướng về Chúa.

Mọi nỗi đau của con người đối với Thiên Chúa đều thánh thiêng. Vì vậy, anh chị em hãy cầu nguyện lời cầu nguyện của Thánh Vịnh 56: “Bước đường con lận đận, chính Ngài đã đếm rồi. Xin lấy vò mà đựng nước mắt con. Nào Ngài đã chẳng ghi tất cả vào sổ sách?” (câu 9). Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta không phải là những người xa lạ hay những con số. Chúng ta là những khuôn mặt, những cõi lòng, được biết từng người một, từng tên một.

Trong các Thánh Vịnh, tín hữu tìm được câu trả lời. Họ biết rằng ngay cả khi mọi cánh cửa của con người bị cấm cản, thì cửa của Thiên Chúa luôn luôn mở. Ngay cả khi toàn thế giới đã ra phán quyết kết án, thì vẫn có sự cứu rỗi nơi Thiên Chúa.

“Chúa lắng nghe”: trong cầu nguyện, đôi khi, biết thế cũng đủ rồi. Các vấn đề không phải lúc nào cũng được giải quyết. Những người cầu nguyện không có ảo tưởng: họ biết rằng nhiều câu hỏi của cuộc sống dưới thế này vẫn chưa được giải đáp, không có lối thoát; đau khổ sẽ đồng hành với chúng ta và, sau một trận chiến, những đau khổ khác sẽ chờ đợi chúng ta. Nhưng nếu chúng ta được lắng nghe, mọi sự trở nên dễ chịu hơn.

Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là phải chịu đựng sự bỏ rơi, không được nhớ đến. Lời cầu nguyện cứu chúng ta khỏi điều này. Vì điều có thể xảy ra, và thậm chí thường xuyên xẩy ra là chúng ta không hiểu các kế hoạch của Thiên Chúa. Nhưng tiếng kêu của chúng ta không bị kẹt ở dưới thế này: chúng dâng cao tới Người, Đấng có trái tim của một người Cha, và chính Người khóc cho mọi con trai và con gái đang đau khổ và chết chóc. Tôi xin nói với anh chị em một điều: trong những thời khắc khó khăn, thật tốt cho tôi khi nghĩ rằng Chúa Giêsu đang khóc; Người khóc lúc nhìn Giêrusalem, Người khóc trước mộ của Ladarô. Thiên Chúa đã khóc cho tôi, Thiên Chúa đang khóc, Người khóc vì nỗi buồn của chúng ta. Vì, như một nhà văn linh đạo hay nói, Thiên Chúa muốn làm cho chính Người trở thành con người, để có thể khóc. Nghĩ rằng Chúa Giêsu khóc với tôi trong những lúc buồn sầu là một niềm an ủi: nó giúp chúng ta tiếp tục tiến bước. Nếu chúng ta duy trì mối liên hệ của chúng ta với Người, cuộc sống không buông tha đau khổ cho chúng ta, nhưng chúng ta mở lòng ra chào đón một chân trời tốt lành rộng lớn và cố gắng vươn tới sự thành toàn của nó. Anh chị em hãy can đảm lên, kiên trì cầu nguyện. Chúa Giêsu luôn ở bên cạnh chúng ta.
 
Đức Thánh Cha cùng nhóm C6 nhóm họp để soạn thảo Tông Hiến cải tổ Giáo triều
Thanh Quảng sdb
19:45 14/10/2020
Đức Thánh Cha cùng nhóm C6 (6 Hồng Y) nhóm họp để soạn thảo Tông Hiến cải tổ Giáo triều

Đức Thánh Cha Phanxicô và sáu thành viên của Hội đồng Hồng Y họp hoạch định các bước tiến cho Tông Hiến cải tổ Giáo triều La mã mới.

(Tin Vatican)

Một cuộc họp trực tuyến đã qui tụ sáu Hồng Y - C6 - để họp bàn cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô sau tám tháng bị đình trệ vì cơn đại dịch coronavirus.

Một thông cáo Báo chí Tòa thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự cuộc họp trực tuyến vào chiều thứ Ba từ văn phòng của ngài ở nhà trọ Thánh Marta để thảo luận về một số khía cạnh của văn bản Tông Hiến mới về cải tổ Giáo triều La Mã.

Sau khi được thông qua, văn bản đó sẽ thay thế Tông Hiến “Pastor Bonus” – Mục Tử Nhân Lành do Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành.

Tuyến cáo cho hay: “Trong những tháng mùa hè, Hội đồng C6 có nhiều cơ hội làm việc qua internet về văn bản của Tông Hiến mới này, hầu hoàn chỉnh và đệ trình lên Đức Thánh Cha. Theo thông lệ, các Thánh Bộ liên hệ đang đang xem xét và xét duyệt bản dự thảo của Tông Hiến mới này."

Lịch trình cho các bước kế tiếp

Đặc biệt, tuyên cáo cho hay các cuộc họp được triệu tập “để tổng kết những công việc được thực hiện và nghiên cứu góp ý cho Tông Hiến mới, sau khi bản thảo được gửi ra”.

Bản thông báo cũng cho hay trong cuộc họp, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến "cuộc cải cách đã và đang được tiến hành, như chúng ta thấy trong một số vấn đề về cơ cấu điều hành quản trị tài chánh"

Tham gia trong nhóm C6 gồm có các Hồng Y: Óscar A. Rodríguez Maradiaga, Reinhard Marx, Sean Patrick O'Malley, Oswald Gracias, Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, Hồng Y Giuseppe Bertello, Giám mục Marcello Semeraro, Thư ký Hội đồng và Giám mục Marco Mellino, Phụ tá thư ký.

Cuộc họp kế tiếp "được ấn định vào tháng 12 và cũng sẽ được diễn ra trực tuyến, vì tình trạng y tế sức khỏe của cơn đại dịch theo như kế hoạch đã được hoạch định."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tập huấn giáo lý hạt Cửa Lò GP Vinh
Ban ĐH Giáo lý hạt Cửa Lò.
08:52 14/10/2020
Sáng ngày 12 tháng 10 năm 2020. Đúng 7h30’ Giáo hạt Cửa Lò khai mạc tuần tập huấn giáo lý. Giáo xứ Làng Anh là điểm đến của toàn giáo hạt.

Đoàn giảng huấn gồm linh mục Giuse Phạm Ngọc Quang, trưởng đoàn và 11 vị giảng huấn của giáo phận trong 4 dòng tu đóng trên địa bàn giáo phận gồm: dòng Antôn; Dòng bác Ái Thouret; Dòng Thừa/s Bác Ái Vinh; Dòng Mến/Giá Vinh.

Xem Hình

Sau thánh lễ khai mạc cha trưởng đoàn tập huẩn Giuse Phạm Ngọc Quang chia sẻ trong giờ học chung, sau đó là 11 tiết học trong 3 ngày tập huấn. Lời Chúa Giêsu phán. “hãy đi theo Tôi, Tôi sẽ làm cho anh trở thành người đánh cá người” Vâng tất cả Quý GLV chúng ta cũng là những người đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu thầy chí thánh, để hoàn thành sứ vụ “đánh lưới người” trên vùng biển truyền giáo của Giáo hạt nhà.

Và Giáo Lý Viên đã có Chúa, họ sẽ nối dài mãi tình thương của Thầy Giêsu bằng cả tinh thần phục vụ. Vai trò của GLV là “làm chứng nhân" hơn là “làm người dạy” giữa cộng đoàn địa phương.

Những hạt mưa thu lớt phớt bay

Bình an Chúa đổ xuống từng ngày

Cửa Lò giáo lý dang tay ẵm

Chúa gọi ra khơi dạ! vâng ngay.

Đúng 10h ngày 14 tháng 10 nghi thức bế mạc tập huấn trong nhà thờ giáo xứ Làng Anh. Hôm nay phải nói được là “ ngày ra phòng của các chiến sĩ trung kiên của Chúa Thánh Thần”. Sau những ngày miệt mài học tập, tĩnh tâm, cầu nguyện của đội ngũ giáo lý viên và chúng ta thấy ngày bế mạc, những chỗ mưa cuối thu làm dịu và xua tan đi bao trăn trở lo âu trong mỗi Giáo lý viên nơi sứ vụ GLV mà Chúa và Giáo Hội trao cho mình. Hơn nữa mưa còn là mưa hồng ân, mưa ân sủng như là Chúa sẽ đổ xuống trả công cho bao hy sinh vất vả của Quý Giảng viên, Quý Giáo lý viên và tất cả mỗi người đang xắn tay trên cách đồng truyền giáo.

Thầy trưởng ban ĐH giáo lý hạt lên có lời tổng kết và cám ơn đoàn:

Thay mặt toàn thể anh chị em GLV, tôi xin chân thành cảm ơn và ghi nhận những kiến thức được Quý giảng viên đem lại.

Kính thưa quý vị, nhìn lại những ngày qua, tuy thời gian không nhiều lắm, nhưng lượng kiến thức được quý giảng viên đem lại tương đối phong phú, hơn nữa các lớp học riêng được quý giảng viên nhiệt tình chuyển tải chi tiết một cách cụ thể, đã thu hút được sự chuyên tâm và hiểu bài của đội ngũ GLV, Như các tiết học về kiến thức sư phạm, GLV được hiểu thêm về kinh nghiệm đứng lớp, soạn một bài giáo án, ra bài kiểm tra, nắm bắt được phần nào về tâm lý lứa tuổi để áp dụng cho từng học sinh v.v. Và đặc biệt Quý Giáo lý viên và mọi người đã được sưởi ấm thêm lòng mến Chúa và thương yêu anh chị em.

Với thời gian đứng lớp của các giảng viên, Quý vị đã đưa hết sức lực của mình. Một ngày, mỗi giảng viên phải đứng lớp một thời lượng khá nhiều. Sự hy sinh cần mẫn đó nói lên lòng yêu mến Chúa, yêu mến Hội Thánh và nhất là yêu mến anh chị em đội ngũ GLV chúng tôi.

Và đây 11 vị Giảng huấn:

Sơ Hương Thánh Giá mầm Non

Sơ Hiền sơ Hợp vuông tròn cả hai

Sơ Cấp chia sẻ thật tài

Sang khối Căn Bản đoàn sai ba người

Thầy Thể sơ Phượng tuyệt vời

Sơ Khiêm Bác ái chói ngời Tu rê

Thánh Kinh Tân; Cổ ta về

Mến yêu Thánh Giá cận kề ba Sơ

Sơ Thành sơ Ánh mộng mơ

Ánh Hồng kỳ cựu trước giờ ai ơi !

Bước qua bên khối Vào Đời

Phương; Hoa, chủ nhiệm chuyển Lời Giêsu

Giảng viên cả 4 dòng tu

Ba ngày quảng đại đắp bù sẻ san

Kiến thức kinh nghiệm Chúa ban

Học viên giáo lý vẹn toàn ghi ơn

Đội ngũ giáo lý sắt son

Mến yêu Hội thánh mãi còn khắc ghi

Quyết đem sức mọn thố thi

Cửa Lò ruộng lúa ta đi gặt nào !

Và!

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”

Để có được những ngày tập huấn tốt đẹp, Thiên Chúa đã cho thời tiết thật tuyệt vời, thuận lợi và an bình về mọi mặt, không có gì đáng tiếc xảy ra, con người thì bình an vui vẻ thân thiện và thuận hòa.

Trong tâm tình đó trước hết con xin cám tạ Thiên Chúa Tình Yêu. Xin chân thành cảm ơn cha trưởng đoàn đã về tham dự ngày khai mạc tập huấn, dâng thánh lễ, chia sẻ trong giờ khai mạc.

Cám ơn cha quản hạt, đã dõi theo chúng con trong những ngày tập huấn.

Xin cám ơn Cha Đặc Trách, đã tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để chúng con được thuận lợi trong những ngày học tập. Xin Cám ơn Quý cha trong giáo hạt đã đồng hành cùng chúng con về mọi công việc của giáo xứ mình liên quan đến tuần tập huấn này.

Xin cám ơn Quý HĐ Mục vụ, các Ban ngành trong từng giáo xứ, giáo họ đã tạo điều kiện cung cấp tài chính và con người để phục vụ tuần tập huấn, đặc biệt là giáo xứ Làng Anh đã tạo mọi điều kiện tốt nhất trong tuần tập huấn này.

Xin cám ơn các gia đình giáo dân Giáo xứ Làng Anh, đã mở rộng tầm tay giúp chúng tôi có nơi ăn, nghỉ để chúng tôi có điều kiện học tập.

Làng Anh, điểm tựa thật tuyệt vời

Lo nơi, ăn nghỉ ổn ai ơi !

Tri ân, những gia đình rộng mở

Chúa tôi, tuôn lộc của nước trời

Và:

Đi về; nếu để lại tanh hôi

Lượng thứ; cảm thông cho chúng tôi

Đành rằng; ở đâu thì nát dậu

Vì tình; vì nghĩa Làng Anh ơi !

Vâng ! Cảm tạ Chúa tình yêu đã thương ban cho chúng con những ngày tập huấn an bình và dồi dào hồng ân của Ngài. xin Chúa luôn đồng hành cùng chúng con trên mọi nẻo đường truyền giáo và luôn chu toàn sứ vụ của một GLV trong thời đại hôm nay.

Ban ĐH Giáo lý hạt Cửa Lò.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thù Địch Nằm Ngay Trong Lòng Chế Độ
Phạm Trần
20:56 14/10/2020
Như con nước đến hẹn lại lên, đảng CSVN vẫn tối mặt đối diện với 3 “kẻ nội thù” hay “giặc nội xâm” gồm : Tha hóa quyền lực; Tham nhũng; và “thế lực thù địch” là một bộ phận cán bộ, đảng viên “biến chất”, “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”.

Ba “kẻ thù” này không lạ mặt với dân vì chúng là dòng chảy liên tục, kế thừa giữa các thế hệ cán bộ, đảng viên trong 34 năm qua, kể từ Đại hội đảng “Đổi mới” năm 1986. Nhưng khi Tuyên giáo đảng và Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng phải khơi lại, trước ngày Đại hội đảng XIII, tổ chức vào đầu tháng 1/2021, thì mọi chuyện lại nóng lên vì các chứng tật này vẫn chưa được chận đứng.

Để hạ nhiệt vấn đề, Tuyên giáo đảng còn đổ lỗi cho “các thế lực thù địch” trong và ngoài Việt Nam và các nước Dân chủ Tây phương, đứng đầu là Hoa Kỳ, đã cấu kết với nhau, sử dụng các phượng tiện tinh vi như Internet, diễn đàn Quốc tế, mạng xã hội và các nhà báo dộc lập để gia tăng hoạt động chống phá, xuyên tạc công tác nhân sự đảng XIII.

Nhưng bên cạnh những ung nhọt “của đảng, do đàng và vì đảng” đã và đang làm tan hoang giá trị văn hóa và nhân phẩm trong xã hội Việt Nam thì những kẻ thù xuất phát từ nội bộ đảng còn góp sức phá hoại đất nước, làm hao mòn sức đề kháng còn sót lại trong dân trước những đe dọa ở Biển Đông của Trung Cộng.

Nhưng thù địch của đảng là những ai?

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng thì chúng lại là người của “đảng ta”.

Báo Thanh Niên tường thuật:“Nhận diện 3 nhóm đối tượng được gọi là “thế lực thù địch”, ông Thưởng chỉ rõ, chính những cán bộ, đảng viên, kể cả những đảng viên từng giữ chức vụ cao trong bộ máy nhưng suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa là nhóm không khó để nhận ra nhưng rất khó để đấu tranh vì là lực lượng "len lỏi và phức tạp". (theo Thanh Niên, ngày 6/7/2019, trích Phát biểu của ông Thưởng tại Hội nghị báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc T.Ư tháng 7, diễn ra ngày 5/7/2019).

Ngoài ra ông Thưởng còn cáo buộc rằng :”Các thế lực thù địch sử dụng các thủ đoạn, phương thức chống phá rất muôn hình vạn trạng, đặc biệt là sử dụng truyền thông đại chúng, sử dụng internet và truyền thông xã hội. Trong khi đó, những người làm công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lại thụ động hơn, rơi vào tình trạng phải chờ định hướng, thậm chí là chờ chế độ chính sách và đây là vấn đề cần lưu ý khắc phục sớm.”

ÔNG TRỌNG CÓ CÔNG GÌ?

Nhưng sau ngót 10 năm cầm quyền, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nên được đánh giá đã thành công trong nhiệm vụ mang lại phúc lợi cho dân tộc, và bảo vệ vững chắc độc lập và tòan vẹn chủ quyền lãnh thổ, hay ông đã thất bại như tất cả những lãnh đạo tiền nhiệm, từ thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh?

Lịch sử rồi sẽ phán xét công tội của từng Lãnh đạo, nhưng căn cứ vào những việc ông Trọng đã làm được hay vẫn còn vất vả chưa xong thì bên cạnh việc ông đã một bước thành công trong công tác phòng, chống Tham nhũng, lãng phí thì ông Trọng, 76 tuổi, vẫn chưa trị được những căn bệnh kinh niên của cán bộ, đàng viên đang đe dọa quyền lãnh đạo của đảng.

Đó là tình trạng :” Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi.”

(Trích Nghị quyết lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương đảng XII, ngày 19/05/2018)

Nhưng để chứng minh cho thành công của đảng trong lĩnh vực chống Tham nhũng, Tạp chí Dân vận của Ban Chấp hành Trung ương đảng đã cho biết:” Kết quả từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII (2016) của Đảng đến cuối 2018, UBKT các cấp đã kiểm tra 7.511 tổ chức đảng cấp dưới và 23.511 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; trong đó có 11.769 cấp ủy viên các cấp. Qua kiểm tra, UBKT các cấp đã kết luận 4.903 tổ chức đảng và 17.868 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 355 tổ chức đảng và 8.841 đảng viên. Riêng UBKT Trung ương đã kiểm tra, xem xét thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật 4 tổ chức đảng và 32 đảng viên diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 người từng là Ủy viên Bộ Chính trị (Đinh La Thăng). Kết quả công tác kiểm tra, giám sát từ đầu nhiệm kỳ đến nay tiếp tục góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo thêm dấu ấn mới trên chặng đường phát triển, được Đảng và Nhân dân tin tưởng.”

Căn cứ vào việc khoe thành tích này mà ông Trọng, người được đàn em ca tụng là “người đốt lò”, đã đứng đầu bảng chống tham nhũng hơn tất cả 4 Tổng Bí thư tiền nhiệm gồm Nguyễn Văn Linh (1986 đến 1991), Đỗ Mười (1991-1997), Lê Khả Phiêu (1997-2001) và Nông Đức Mạnh (2001-2011).

Nhưng cũng nên biết, từ ngày 01/02/2013 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Tham nhũng đã được thành lập trực thuộc Bộ Chính trị thì ông Trọng là Trưởng ban. Do đó, việc ông phải tích cực, dẫn đầu trong công tác này để làm gương là đương nhiên. Nhưng tại sao, sau một chặng đường dài chống Tham nhũng bắt đầu từ năm 2007, đến năm 2020 là 13 năm, mà công tác này cứ “vẫn còn nghiêm trọng” mãi?

VẪN NHƯ NGÀY ĐẦU

Bằng chứng đã được Tạp chí Tuyên giáo nhìn nhận :”Tham nhũng đang là vấn nạn, có xu hướng gia tăng và gây thiệt hại nặng nề về nhiều mặt, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, làm giảm niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên đảm nhiệm các vị trí "có quyền".

Bài viết hồi Tháng 3/2019 cho biết các hành vi tham nhũng:” Đã và đang xảy ra không chỉ ở cấp Trung ương, ở những chương trình, dự án lớn có giá trị hàng ngàn tỷ đồng (tham nhũng lớn) mà còn xuất hiện nhiều tại các bệnh viện, các cơ quan công quyền ở cơ sở,v.v.. Tham nhũng không chỉ xảy ra trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai,v.v.. mà còn lan rộng sang các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao; trong các chương trình trợ cấp cho thương binh, liệt sĩ, các gia đình chính sách; trong các chương trình cứu trợ cho đồng bào gặp thiên tai; trong quá trình xét duyệt công nhận di tích lịch sử, văn hoá, thi đua khen thưởng,v.v... Tham nhũng không chỉ làm xói mòn niềm tin của người dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn "tiếp tay" cho các thế lực thù địch, phản động trong việc bôi nhọ, hạ uy tín, vị thế của Đảng trong phạm vi quốc gia cũng như trên trường quốc tế.”

Nhìn vào thực tại, Tuyên giáo viết thêm:”Tham nhũng - những lợi ích bất chính đã hoặc sẽ có được đã khiến nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao “không giữ được mình”, không gương mẫu trong thực thi trọng trách được giao, nói một đằng, làm một nẻo, không còn xứng đáng với vai trò tiền phong. Họ đã bất chấp việc vi phạm pháp luật mà làm trái công vụ, trái lương tâm, đạo đức nghề nghiệp…để vụ lợi, trục lợi cho mình, người thân, cánh hẩu của mình, nhóm lợi ích của mình... dẫn đến làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, gây bất bình, bức xúc, thậm chí phản ứng của nhân dân đối với các cơ quan công quyền.”

(Theo Tạp chí Tuyên Giáo, ngày 15-03-2019)

Cũng trong năm 2019, Ban Nội chính Trung ương đàng CSVN cũng than van:”Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ.”

(Ban Nội chính, ngày 04/02/2019)

Như vậy thì ông Nguyễn Phú trọng có thành công trong chuyện “đốt lò” không? Chúng ta nên nhìn lại qúa khứ năm 2012, sau một năm ông Trọng lên nắm quyền, thay Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh để tìm câu trả lời.

Đầu tiên, Nghị quyết Trung ương 4 Khóa đảng XI, ban hành ngày 16/01/2012, đã phơi bầy một tình trạng nhiễu nhương do ông Nông Đức Mạnh để lại, theo đó:”Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”

Sau 5 tháng, ông Trọng đã tổ chức Hội nghị Trung ương 5 để nói riêng vể quốc nạn Tham nhũng. Kết luận ngày 25/05/2012 viết chi tiết:” Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách; thu thuế, phí; quản lý, sử dụng vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân hàng; công tác cán bộ; quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp..., gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.” (Kết luận TƯ 5/XI)

Tại sao?, Hãy đọc giải thích của đảng CSVN:” Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, yếu kém nêu trên là: Không ít cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực hiện tốt trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Vai trò của nhiều chi bộ, tổ chức cơ sở đảng còn mờ nhạt; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, kể cả cấp Trung ương, chưa nêu gương về đạo đức, lối sống, giảm sút sức chiến đấu và thiếu kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập; một số quy định thiếu nhất quán, thiếu chặt chẽ, vẫn còn tình trạng "xin - cho". Tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng chưa đủ mạnh, có mặt chưa hợp lý.”

(Kết luận số 21-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2012)

Hết nhiệm kỳ 5 năm (2011-2016), ông Trọng được tái đắc cử Tổng Bí thư cho nhiệm kỳ 2016-2021, tưởng đâu công tác “đốt lò chống Tham nhũng” của ông sẽ quét sạch rác rưởi trong đàng. Nào ngờ, tại Hội nghị Trung ương 4, Khóa XII, Trung ương lại than rát cổ:”Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.”

(Theo Nghị quyết, ngày 30 tháng 10 năm 2016)

Mới nhất tại Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025 của

Đảng bộ Cơ quan Ban Nội chính (08-09/6/2020), ông

Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, đã nhìn nhận thất bại của Đảng thêm lần nữa.

Ông nói:”Công tác Phòng, chống Tham nhũng còn nhiều khó khăn, phức tạp; cải cách tư pháp đang đặt ra những yêu cầu cao hơn, triệt để hơn. Tất cả những vấn đề đó sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải xử lý có hiệu quả, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo lợi ích quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.”

(Theo Ban Nội chính Trung ương)

NỊNH VỪA THÔI

Như vậy là loạn xà ngầu rồi còn gì nữa. Nhiệm kỳ hai khóa 10 năm của ông Trọng đã tan vào mây khói chưa, hay ông vẫn còn nước còn tát?

Vậy mà, Tạp chí Xây dựng Đảng vẫn tâng bốc ông lên tận mây xanh.

Báo này viết:”Người dân tin tưởng và cảm kích trước hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - người cầm trịch, thổi ngọn lửa “công cuộc đốt lò, nhóm củi” luôn nhất quán giữa nói và làm, giữa chỉ đạo và hành động, thận trọng nhưng kiên quyết, kịp thời nhưng chắc chắn, răn đe để giáo dục, phòng ngừa… Người cầm trịch chẳng những bài bản trong chỉ đạo, kiên quyết trong hành động mà chính sự nêu gương hình ảnh cá nhân - một vị thủ lĩnh mực thước, thanh liêm, giản dị đã thực sự tạo dựng, làm nên điểm tựa tinh thần to lớn trong lòng dân.”

Tạp chí này hô tiếp:”Với sự vào cuộc quyết liệt, rốt ráo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng dưới sự dẫn dắt, chèo lái của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), phong trào đấu tranh đã mang sắc diện mới cả về quan điểm, phương châm đến hành động. Rõ ràng “thủ lĩnh nào, phong trào đó”, và một khi PCTN đã trở thành phong trào, trở thành xu thế thì “không ai có thể đứng ngoài cuộc”, không ai có quyền đứng ngoài cuộc.”

Cuối cùng báo Đảng khuyến cáo :”Dấu ấn “thuyền trưởng” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” thuyết phục lòng dân chính bởi hội tụ giữa lời nói và hành động, giữa quan điểm và khí chất, giữa chỉ đạo và nêu gương. Đây cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc của Đảng ta trong việc lựa chọn những người kế tục chèo lái sau này, không chỉ trong PCTN. Đối với địa phương cũng cần phải lựa chọn cho được những thủ lĩnh xứng đáng, xứng tầm.”

(Tạp chí Xậy dựng Đảng, ngày 31/10/2019)

Ngoài chuyện báo Xây dựng Đảng đề cao ông Trọng, cũng thấp thoáng đây đó những tiếng nói của cử tri và cuộc vận động ngầm trong một số Ủy viên Trung ương muốn ông Trọng tiếp tục ở lại lãnh đạo đảng và nhà nước, mặc dù Điều lệ Đảng không cho phép ông giữ ghế qúa 2 nhiệm kỳ Tổng Bí thư. Hơn nữa ông sẽ đến tuổi 77 vào ngày 14/04/2021.

Ông Nguyễn Phú Trọng, người có bằng Tiến sỹ về Xây dựng Đảng, là một lãnh đạo cực kỳ giáo điều, bảo thủ, luôn luôn muốn sống chết với Chủ nghĩa Mac-Lenin và Tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong 10 năm cầm quyến, ông nổi tiếng với chủ trương

“nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, pháp luật” để kiểm soát nạn tha hóa quyền lực của đảng viên và quốc nạn Tham nhũng. Nhưng Đảng vẫn nhìn nhận còn phải đương đầu với:“4 nguy cơ, trong đó là tụt hậu xa hơn về kinh tế; Nguy cơ diễn biến hòa bình; rồi tham nhũng, quan liêu. Còn vấn đề hiện nay là tự diễn biến, tự chuyển hóa.”

Như vậy thì thù địch của đảng đang ở đâu, hay đang rong chơi ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội?

Phạm Trần

(10/020)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ :Có Nhiều Tượng Đức Mẹ Maria Trong Một Nhà Thờ
Lê Hải Nam
08:48 14/10/2020
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

(Bài ngày 13/10/2020 theo đường dẫn: https://zenit.org/2020/10/13/liturgy-qa-multiple-statues-of-mary-in-a-church/)

Yêu Cầu Tiết Chế Việc Sử Dụng Ảnh Tượng

HỎI: Con thấy hơi khó hiểu khi có hai bức tượng Đức Trinh Nữ Maria hiện diện trong một nhà thờ. Đó có phải là thực hành ở nơi khác không? Trong tháng Mân Côi này (tháng 10), nhóm giáo dân Đạo Binh Đức Mẹ lại mang vào một tượng Đức Trinh Nữ Maria nữa (BVM = Blessed Virgin Mary) và thắp nến ở đó. Có nghĩa là bức tượng kia đặt thường xuyên ở đó là chưa đủ sao? Xin cha vui lòng giúp đỡ nếu có văn bản nào nói như thế. — E.C., Kabwe, Zambia


ĐÁP: Có một nguyên tắc chung tìm thấy trong Hiến Chế về phụng vụ thánh “Sacrosanctum Concilium” của công đồng Vatican:

Số 125. Ảnh tượng thánh trong các thánh đường. Phải kiên quyết duy trì thói quen đặt ảnh tượng thánh trong các thánh đường cho các tín hữu tôn kính; tuy thế số các ảnh tượng ấy chỉ vừa phải thôi và phải được sắp xếp sao cho thích hợp, đừng làm chia trí cho giáo dân, cũng đừng làm cho giáo dân có lòng tôn sùng thiếu đứng đắn.

Nguyên tắc này được đưa vào và cụ thể hóa trong Hướng Dẫn Tổng Quát của Sách Lễ Rô-ma:

Ảnh Tượng Thánh

Số 318. Trong phụng vụ tại thế, Hội Thánh được hiệp thông với phụng vụ trên trời bằng cách tiên hưởng phụng vụ được cử hành tại thành thánh Giêrusalem, nơi mà Hội Thánh lữ hành đang tiến về, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa và là nơi mà khi kính nhớ các Thánh, Hội Thánh hy vọng sẽ kết hợp và thông phần với các ngài. Bởi thế, theo truyền thống rất cổ kính trong Hội Thánh, được phép đặt ảnh tượng Chúa, Đức Trinh Nữ Maria, và các Thánh trong các nhà thờ để tín hữu tôn kính, và trong thánh đường phải sắp đặt thế nào để dẫn tín hữu vào các mầu nhiệm đức tin được cử hành tại đó. Vì vậy, phải liệu sao cho số các ảnh tượng đừng quá nhiều và phải xếp đặt thế nào để cộng đoàn khỏi chia trí khi tham dự những nghi lễ phụng vụ. Mỗi vị thánh chỉ nên có một ảnh hay tượng. Cách chung, trong việc trang trí và sắp xếp thánh đường liên quan đến các ảnh tượng, phải chú tâm đến lòng đạo đức của toàn thể cộng đoàn, cũng như vẻ đẹp và sự trang trọng của các ảnh tượng.

Hội đồng giám mục Hoa Kỳ cũng đưa ra những hướng dẫn hữu ích trong tài liệu “Xây Trên Những Viên Đá Sống Động”:

Số 135. Để phản ảnh nhận thức về Các Thánh Thông Công, tập quán đưa các biểu tượng về Ba Ngôi, hình ảnh Đức Ki-tô, Mẹ Maria, các thiên thần và các thánh vào thiết kế của một nhà thờ tạo ra nguồn mạch lòng sùng kính và cầu nguyện cho cộng đoàn giáo xứ và phải là một phần của thiết kế nhà thờ. Hình ảnh có thể thấy nơi cửa số kính, nơi tranh tường và như các bức tượng và biểu tượng. Các hình ảnh này thường mô tả các cảnh trong kinh thánh hay cuộc đời các thánh và có thể là nguồn giáo huấn và giáo lý cũng như lòng sùng kính. Bởi vì bí tích Thánh Thể hiệp nhất Thân Thể Đức Ki-tô, bao gồm cả những ai không hiện diện thể lý, việc sử dụng hình ảnh trong nhà thờ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta gắn kết với tất cả những ai đi trước chúng ta, cũng như những ai bây giờ xung quanh chúng ta.

Số 136. Khi chọn hình ảnh và nghệ thuật đạo đức, các giáo xứ phải tôn trọng khoa biểu tượng truyền thống, liên quan đến cách người tín hữu nhận diện và tôn kính các hình ảnh thánh. Tuy nhiên họ cũng nên ghi nhớ rằng truyền thống không bị giới hạn vào hình ảnh theo nghĩa đen. Mặc dù Đức Maria là Mẹ Chúa Giê-su, Mẹ cũng là biểu tượng của Giáo Hội, là môn đệ của Chúa, là một phụ nữ giải phóng và được giải phóng. Mẹ là Vô Nhiễm Nguyên Tội, đấng bảo trợ của Hoa Kỳ, và Đức Mẹ Guadalupe là đấng bảo trợ của toàn châu Mỹ. Các biểu tượng khác như thập giá, biểu tượng hay hình ảnh thánh bảo trợ được khắc họa theo những cách khác nhau cũng có thể lôi kéo chúng ta vào thực tại đức tin và trông cậy sâu xa hơn khi chúng kết nối chúng ta với những câu chuyện đàng sau hình ảnh ấy.

Số 137. Vị trí của hình ảnh có thể là một thách thức, đặc biệt khi một số truyền thống văn hóa thuộc về một cộng đoàn giáo xứ và mỗi truyền thống có đời sống và thực hành đạo đức riêng của nó. Sự tiết chế về con số và nét nổi trội của hình ảnh được khuyến khích để giúp người ta tập trung vào hành vi phụng vụ được cử hành trong nhà thờ. Các hốc tường riêng biệt để đặt tượng hay biểu tượng có thể trưng bày nhiều hình ảnh khác nhau quanh năm. Một số giáo xứ dành riêng một khu vực, như ngôi đền để tôn kính một hình ảnh vào một ngày nhất định hay một quãng thời gian trong năm, như ảnh vị thánh vào ngày lễ kính vị thánh này.

Số 138. Quan trọng là hình ảnh trong nhà thờ mô tả những vị thánh đang được sùng kính trong giáo xứ. Đặc biệt đáng mong đợi là việc một hình ảnh quan trọng của thánh bảo trợ nhà thờ được trưng bày thích hợp, cũng như hình ảnh Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, để tôn kính cách thích hợp vai trò độc nhất của Mẹ trong kế hoạch cứu độ. Theo thời gian và sự thay đổi nhân khẩu, các vị thánh từng là đối tượng tôn kính của nhiều giáo dân có thể một lúc nào đó có ít người tôn kính. Khi điều này xảy ra, các hình ảnh ấy có thể được cất đi miễn là tỏ ra tế nhị đối với lòng sùng kính của người tín hữu và hậu quả đối với tòa nhà.

Tôi tin rằng những hướng dẫn trên đây cũng hữu ích bên ngoài Hoa Kỳ.

Chúng ta cũng phải phân biệt giữa các kiểu và loại hình ảnh. Nguyên tắc chung rằng không có hơn một hình ảnh của một vị thánh nhất định áp dụng trên hết cho các hình ảnh dựng lên vì lòng sùng kính của người tín hữu.

Các hình ảnh lịch sử - thí dụ tranh tường, tranh khảm hay cửa kính màu mô tả các cảnh trong đời sống một vị thánh – sẽ không rơi vào quy tắc này. Hiển nhiên các mô tả những mầu nhiệm Mân Côi hay các cảnh của lịch sử ơn cứu độ được dựng lên vì mục đích tôn sùng hay dạy giáo lý cũng không thuộc quy tắc này.

Hơn nữa lịch sử của một tòa nhà nhất định phải được tôn trọng và trân quý hết sức có thể. Điều này có nghĩa là việc bảo tồn một số hình ảnh lịch sử có thể đi ngược lại thực hành hiện này.

Những hướng dẫn trên đây gợi ý cách khôn ngoan về việc trưng bày một nhà nguyện bên hông, các hốc tường hay các nơi thích hợp khác cho mục đích sùng kính tạm thời theo mùa. Mặc dù đúng là có một hình ảnh vĩnh viễn của Đức Maria trong giáo xứ, có thể có nhiều lý do tại sao đó không phải là lựa chọn tốt nhất cho việc tôn kính theo mùa.

Một số hình ảnh vĩnh viễn nằm bên trong khu vực cung thánh, và người tín hữu khó mà đến gần hay thắp nến mà không đánh mất sự hài hòa của chính khu vực cung thánh.

Trong các dịp khác, người tín hữu có thể thích một hình ảnh được ưa chuộng đặc biệt của Đức Mẹ hơn hình ảnh ấy của giáo xứ. Như thế có thể hiểu được rằng một nhóm tận hiến cho việc lần chuỗi Mân Côi sẽ tìm cách dựng lên hình ảnh Đức Mẹ Mân Côi, như hình ảnh được tôn thờ ở Pompei, trong tháng mười. Cũng y như thế một tuần cửu nhật dẫn đến lễ kính Đức Mẹ Guadalupe dĩ nhiên sẽ có sự hiện diện của hình ảnh phép lạ này cho dù đã có hình ảnh Đức Mẹ được dựng lên vĩnh viễn trong nhà thờ.

Do đó trong khi giữ sự cân bằng nào đó, và tránh bất cứ cái gì có thể gây chia rẽ bên ngoải nguồn mạch hài hòa Ki-tô giáo, việc sử dụng các hình ảnh tạm thời được dựng lên để tôn kính theo mùa là một khả năng mục vụ có thể được chấp nhận bất cứ khi nào nó chứng tỏ là sinh hoa trái.

Lê Hải Nam
 
VietCatholic TV
Căng thẳng lớn trong tiến trình xác nhận Barrett. Vị Thẩm Phán anh hùng nói thẳng ý kiến của mình
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:02 14/10/2020

1. Không khí căng thẳng bên ngoài Thượng Viện Hoa Kỳ trong tiến trình xác nhận Amy Coney Barrett

Từ hôm thứ Hai 12 tháng 10, là ngày đầu tiên diễn ra tiến trình xác nhận Amy Coney Barrett, những người ủng hộ sự sống, những người phản đối việc phá thai đã tham gia cuộc biểu tình trước Thượng Viện Hoa Kỳ kêu gọi các Thượng nghị sĩ xác nhận Thẩm Phán Amy Coney Barrett.

Bầu không khí đã rất sôi động trên Đồi Capitol từ sáng sớm khi những người ủng hộ Amy Coney Barrett đến từ mọi hướng để chào đón cô khi cô đến để bắt đầu phiên điều trần xác nhận trước Thượng viện.

Một nhóm những người phản đối việc xác nhận của Barrett cũng đã tập trung trước Tòa án Tối cao Hoa Kỳ và diễu hành về phía khuôn viên Thượng viện, nơi họ chạm trán với những người ủng hộ cô.

Những người biểu tình chống Thẩm Phán Amy Coney Barrett chùm kín người trong bộ đồ hazmat trắng như một cách chê bai Tổng thống Trump trong việc ông đối phó với đại dịch coronavirus.

Những người khác mặc những áo vest, người Mỹ gọi là ‘clinic escort’, nghĩa là ‘hộ tống vào phòng khám phá thai’. Trước hàng dài những người phò sinh tổ chức các cuộc biểu tình trước các phòng khám phá thai, những kẻ mặc những áo vest này là các nhân viên của phòng khám có nhiệm vụ đưa các phụ nữ phá thai vào bên trong.

Nhiều người chống Thẩm Phán Amy Coney Barrett mang các bích chương có dòng chữ “Save Roe” nghĩa là Cứu lấy phán quyết Roe chống Wade” là phán quyết cho phép phá thai được Tòa Án Tối Cao đưa ra vào năm 1973.

Những người chống Thẩm Phán Amy Barrett hò hét và đánh trống rất dữ tợn nhưng số người ủng hộ Thẩm Phán Công Giáo Amy Barrett đông hơn gấp bội.


Source:LifesiteNews

2. Phát biểu của Thẩm Phán Amy Coney Barrett trước các Thượng nghị sĩ

Các phiên điều trần tại Thượng viện về việc xác nhận Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao đã bắt đầu vào hôm thứ Hai, ngày 12 tháng 10. Phiên điều trần này được tổ chức trực tiếp một phần tại Washington và một phần từ xa.

Trong bài phát biểu mở đầu, được công bố trước vào hôm Chúa Nhật, ngày 11 tháng 10, Barrett giải thích với các thượng nghị sĩ lý do tại sao cô ấy chấp nhận việc đề cử của Tổng thống Trump và những gì cô ấy tin rằng mình sẽ mang đến cho Tòa án Tối cao.

Thẩm Phán Amy Coney Barrett đã từng có kinh nghiệm trải qua các chỉ trích của các Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ trong tiến trình xác nhận Thẩm Phán Tòa Phúc Thẩm vào năm 2017 cho nên cô nói rất hùng hồn, và đặc biệt là không che dấu quan điểm của mình nhằm vuốt ve các Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ. Có nói kiểu gì họ cũng sẽ bỏ phiếu chống, cho nên cô trình bày thẳng thừng quan điểm của mình.

“Tôi tin rằng người Mỹ thuộc mọi nguồn gốc xứng đáng có một tòa án độc lập giải thích Hiến pháp và luật pháp của chúng ta như những gì đã được viết ra. Và tôi tin rằng tôi có thể phục vụ đất nước của mình bằng cách đóng vai trò đó”.

Barrett đã vạch ra quan điểm của cô ấy về cách thức hoạt động của một tòa án, cũng như triết lý tư pháp của cô ấy. Cô Barrett nói rằng mình được truyền cảm hứng từ Cố Thẩm Phán Antonin Scalia, là người mà cô đã từng là thư ký riêng trong nhiều năm.

“Scalia đã dạy tôi nhiều điều hơn là luật. Ông ấy hết lòng vì gia đình, kiên quyết với niềm tin của mình và không sợ bị chỉ trích. Và khi bắt tay vào sự nghiệp pháp lý của riêng mình, tôi quyết tâm giữ nguyên quan điểm đó”.

“Có một xu hướng trong nghề nghiệp của chúng tôi là duy luật, trong khi mất tầm nhìn về mọi thứ khác. Điều này tạo nên một cuộc sống nông cạn và không viên mãn”.

Barrett cho biết cô đã làm việc chăm chỉ với tư cách là luật sư và giáo sư, là điều mà cô gọi là món nợ đối với các thân chủ, sinh viên và bản thân mình, nhưng cô ấy “không bao giờ để luật xác định căn tính của tôi hoặc lấn át phần còn lại của cuộc đời tôi”.

Thẩm phán Barrett nói rằng tâm lý này ảnh hưởng đến cách cô nhìn nhận vai trò của tòa án.

“Toà án có trách nhiệm quan trọng là thực thi các quy tắc của pháp luật, đó là điều quan trọng đối với một xã hội tự do”.

“Nhưng tòa án không được thiết kế để giải quyết mọi vấn đề hoặc đưa ra phán quyết cái gì là đúng cái gì là sai trong đời sống công cộng của chúng ta. Các quyết định liên quan đến chính sách và việc thẩm định các giá trị của chính phủ phải được thực hiện thông qua các nhánh chính trị do Nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Công chúng không nên mong đợi các tòa án làm như vậy, và các tòa án không nên cố gắng làm như thế.”

Barrett giải thích rằng đây là triết lý tư pháp của cô trong suốt thời gian làm việc tại Tòa phúc thẩm thứ bảy và cô đã làm việc để đưa ra các kết luận “được luật pháp yêu cầu”.

“Tôi cố gắng lưu tâm rằng, mặc dù tòa án của tôi quyết định hàng nghìn vụ án mỗi năm, nhưng mỗi vụ án đều là quan trọng nhất đối với các bên liên quan. Nói cho cùng, không trường hợp nào hoàn toàn giống như các quy chế.”

Barrett cho biết cô luôn cố gắng đặt mình vào vị trí của bên thua cuộc khi quyết định một vụ kiện, và tự hỏi bản thân mình sẽ đánh giá phán quyết ấy như thế nào nếu một trong những đứa con của cô liên quan đến bên thua cuộc.

“Mặc dù tôi không muốn kết quả đó, tôi có hiểu rằng quyết định đó là hợp lý và có căn cứ theo luật không? Đó là tiêu chuẩn tôi đặt ra cho mình trong mọi trường hợp, và đó là tiêu chuẩn tôi sẽ tuân theo khi nào tôi còn là thẩm phán của bất kỳ tòa án nào.”

Các thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện phát biểu trước phát biểu khai mạc của Barrett. Các thành viên đảng Dân chủ chủ yếu chỉ trích đề cử của Barrett, trong khi các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa nhất mực ủng hộ.

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein của đảng Dân Chủ đơn vị California cho rằng Barrett quá “Công Giáo” nên không thích hợp với vai trò Thẩm Phán Tòa Án Tối Cao. Dianne Feinstein lặp lại một lo ngại của nữ tu Campbell. Bà nữ tu Campbell cho rằng: “Barrett được đề cử do một động cơ duy nhất: để lật ngược phán quyết phá thai Roe kiện Wade” được Tối Cao Pháp Viện đưa ra vào năm 1973 nhằm hợp pháp hóa hành động phá thai mà bà nữ tu này cho rằng đó là một “nhân quyền liên quan đến việc sinh sản của phụ nữ”.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Đảng Cộng Hòa đơn vị South Carolina, chủ tịch của ủy ban tư pháp Thượng Viện Hoa Kỳ, đã khai mạc phiên điều trần vào sáng thứ Hai, nói rằng ông hy vọng sẽ thấy một quy trình xác nhận “trong sự tôn trọng”.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Đức Hồng Y Pell tại Vatican

Đức Hồng Y George Pell, nguyên tổng trưởng Bộ Kinh Tế Tòa Thánh, đã triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô trong một buổi tiếp kiến riêng tại Vatican vào hôm Thứ Hai.

Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết buổi tiếp kiến diễn ra vào ngày 12 tháng 10, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Một đoạn video về cuộc gặp gỡ cho thấy Đức Thánh Cha đã bắt tay vị Hồng Y người Úc, trong khi nói: “Rất vui được gặp lại Đức Hồng Y.”

Sau khi hai người đã yên vị, Đức Thánh Cha nói thêm: “Cảm ơn vì chứng tá của Đức Hồng Y.”

Một nguồn tin thân cận với Đức Hồng Y nói với tờ National Catholic Register rằng cuộc họp kéo dài 30 phút “rất ấm cúng và thân tình”.

Đức Hồng Y Pell đã đến Rôma vào ngày 30 tháng 9 trong chuyến thăm đầu tiên đến Vatican kể từ khi ngài về Úc vào năm 2017 để chứng minh mình vô tội trước các cáo buộc lạm dụng.

Vị Hồng Y người Úc đã trở lại Vatican chưa đầy một tuần sau khi Hồng Y Angelo Becciu từ chức một cách đầy kịch tính. Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu Hồng Y Becciu từ chức tổng trưởng Bộ Tuyên thánh và từ bỏ các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y vào ngày 24 tháng 9 trong bối cảnh ngài bị cáo buộc có các hành vi sai trái tài chính.

Đức Hồng Y Becciu trước đây đã từng làm việc với tư cách là quan chức thứ hai trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nơi ngài đã nhiều lần xung đột với Đức Hồng Y Pell về việc cải cách tài chính của Vatican.

Đức Hồng Y Pell đã phản ứng lại tin Hồng Y Becciu từ chức với lòng biết ơn.

“Đức Thánh Cha được bầu để làm thanh tẩy nền tài chính của Vatican. Ngài đã chơi một trận đấu dài hơi và sẽ được cảm ơn và chúc mừng về những phát triển gần đây”, Đức Hồng Y Pell viết trong một tuyên bố gửi cho CNA vào ngày 25/9.

Đức Hồng Y Becciu đã bác bỏ tuyên bố trên các phương tiện truyền thông Ý cho rằng ngài đã chuyển tiền đến Australia nhằm gây ảnh hưởng đến phiên tòa xét xử Pell.

Trong một tuyên bố thông qua luật sư của mình vào ngày 7 tháng 10, ngài nói rằng ngài chưa bao giờ tìm cách can thiệp vào quá trình này.


Source:Catholic News Agency

4. Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc phê bình toan tính giải thích lại nhân quyền.

Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, ở New York, Hoa Kỳ, là Ðức Tổng giám mục Gabrielle Caccia, phê bình sự giải thích lại các quyền con người để mưu lợi cho những người quyền thế và gây hại cho những người yếu thế.

Trong bài tham luận, hôm 6 tháng 10 năm 2020, tại khóa họp thứ III thuộc Ðại hội đồng thứ 75 của Liên Hiệp Quốc, Ðức Tổng giám mục Caccia nói rằng: “Tòa Thánh rất quan tâm vì càng ngày người ta càng tạo sức ép đòi giải thích lại chính các nền tảng của các quyền con người, và như thế làm thương tổn sự thống nhất nội tại của các quyền con người và xa lìa sự bảo vệ phẩm giá con người, và nhắm thỏa mãn những lợi lộc chính trị và kinh tế. Lối tiếp cận như thế, tạo nên một phẩm trật trong các quyền con người, bằng cách tương đối hóa phẩm giá con người và dành nhiều giá trị hơn cho các quyền được thêm vào cho những người giàu mạnh, trong khi đó lại gạt bỏ những người yếu thế”.

Vị đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đặc biệt phê bình chủ trương cổ võ phá thai và làm cho chết êm dịu, coi chúng là “nhân quyền”. Ðức Tổng giám mục Caccia nói: “Sự không hiểu bản chất và thực tại các quyền con người dẫn tới những chênh lệch và bất công trầm trọng. Ví dụ, cố tình không biết đến các thai nhi ở trong lòng mẹ hoặc đối xử với sinh mạng của người già và những người khuyết tật như những gánh nặng không thể chịu nổi đối với xã hội”.

Ðức Tổng giám mục Caccia trưng dẫn Thư “Người Samaritano nhân lành”, mà Bộ giáo lý đức tin công bố ngày 22 tháng 9 năm 2020, khẳng định rằng: “Cũng như không có quyền phá thai, thì cũng không có quyền làm cho chết êm dịu: có luật pháp qui định rằng không được giết chết, nhưng phải bảo vệ sự sống và tạo điều kiện dễ dàng cho sự sống chung giữa con người với nhau”.

Ðức Tổng giám mục Caccia nói thêm rằng chính đặc tính thánh thiêng của sự sống con người đã thúc đẩy Tòa Thánh chống lại án tử hình.


Source:Catholic News Agency