Ngày 15-10-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:50 15/10/2022

8. Muốn hành vi yêu người càng tốt hơn thì trong lòng cần phải có tinh thần yêu mến của Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta, tức là phải vì Chúa mà yêu người, dù cho họ có thiếu sót trong vấn đề đạo đức hay thân thể, thì cũng yêu mến họ như thế.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:53 15/10/2022
25. BÀI HỌC CỦA CUỘC SỐNG

Không nên kỳ vọng con anh làm bác sĩ, làm luật sư, hoặc là làm chuyên gia, chính trị gia, không nên hạn chế chúng nó như vậy, bởi vì chức nghiệp nào cũng không quan trọng, cái quan trọng là chúng nó nhận biết và thể nghiệm cuộc sống.

Nên giáo dục chúng nó làm một người có tâm hồn trách nhiệm, hiểu được trách nhiệm của mình và hiểu được trách nhiệm của người khác.

Và cũng dạy chúng nó làm một người vui vẻ.

Con người thời nay càng ngày càng không hiểu được cái gì là vui vẻ, chúng nó cho rằng vui vẻ là cuồng hoan tác lạc, trai gái rong chơi. Không phải như thế, vui vẻ chân chính là một loại tâm trạng vui vẻ tự nhiên, đơn thuần yên lặng.

Người trước dạy họ làm thế nào để tôn trọng cuộc sống, người sau dạy họ làm thế nào để hưởng thụ cuộc sống. Mà một người vừa hiểu được tôn trọng cuộc sống, vừa hiểu được việc hưởng thụ cuộc sống, thì tự nhiên họ có thể kinh doanh làm cho cuộc đời của họ phong phú thêm nhiều.

Suy tư 25:

Cha mẹ nào cũng muốn con mình học hành thành tài để sướng cái thân sau này, cho nên có những cha mẹ chỉ định, ép buộc con mình học những ngành nghề mà chúng nó không thích, thế là:

- Có những người đi học làm bác sĩ, nhưng họ thích cau có gắt gỏng với bệnh nhân, vì họ chỉ học cách hành nghề mà không học cách sống vui vẻ với bệnh nhân.

- Có những người đi học làm thầy giáo, nhưng lại trở thành những ông thầy mất dạy, vì họ chỉ học chữ chứ không học nhân lễ nghĩa, chỉ học những công thức toán học mà không học trí tín...

Người Ki-tô hữu bất cứ làm công việc gì cũng đều luôn đặt Lời Chúa trước mặt mình, để Lời Chúa hướng dẫn họ chu toàn tốt trách nhiệm của mình, và trong khi làm công việc thì họ nếm được hạnh phúc to lớn, đó là niềm vui được phục vụ Chúa trong chính công việc của mình.

Họ là người vừa hưởng thụ được cuộc sống đáng yêu, vừa vui vẻ hạnh phúc làm người phục vụ tha nhân, đó chính là bài học của cuộc sống vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 29 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:57 15/10/2022
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 18, 1-8

“Thiên Chúa minh xét cho những kẻ Ngài đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Ngài”


Bạn thân mến,

Cầu nguyện là hơi thở của người Ki-tô hữu, không cầu nguyện thì coi như linh hồn đã chết, cầu nguyện không chuyên tâm thì coi như linh hồn bị bệnh, không thích cầu nguyện thì giống như linh hồn không tập thể dục lâu ngày sẽ sinh ra bệnh hoạn.

Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta khi cầu nguyện cần phải kiên tâm nhẫn nại và tin tưởng, giống như người đàn bà góa trong dụ ngôn của Ngài mà chúng ta vừa nghe.

1. Cầu nguyện phải có hy sinh

Ông Môi-sê cầu nguyện khi dân Ít-ra-en đánh nhau với dân A-ma-lec, mỗi lần Môi-sê giơ tay lên thì dân Ít-ra-en thắng, khi nào ông Môi-sê vì mỏi mà bỏ tay xuống thì dân Ít-ra-en bị thua (Xh 17, 8-12). Ông Môi-sê đã cầu nguyện bằng tâm và hy sinh bằng hành động giơ hai tay lên trong tư thế cầu xin, sự thắng trận của dân Ít-ra-en –nói được là- tùy thuộc vào lời cầu nguyện và hy sinh của ông Môi-sê.

Mỗi ngày chúng ta có rất nhiều lời cầu xin với Thiên Chúa, nhưng lời cầu xin của chúng ta –có những lúc- không phù hợp cho linh hồn của mình nên chưa được Thiên Chúa nhậm lời; hoặc lời cầu nguyện của chúng ta không thấm nhuần đức tin, chỉ biết cầu xin mà không có hy sinh, hy sinh và cầu nguyện cần phải đi đôi với nhau.

2. Cầu nguyện phải kiên tâm nhẫn nại

Bà góa đã nhiều lần cầu xin ông quan “không biết sợ trời sợ đất’’ giải quyết nổi oan cho bà, nhưng không được ông ta giải quyết, bà không bỏ cuộc và cứ gõ cửa nhà quan xin đòi lại sự công bình cho bà, cuối cùng bà ta được mãn nguyện. Không phải ông quan là người mau mắn vì dân mà phục vụ, nhưng vì sợ bà lão quấy rầy nên giải quyết vụ án cho bà.

Chúng ta cầu nguyện nhưng không có kiên tâm bền chí, bởi vì chúng ta chỉ biết có cầu xin vật chất là những thứ mà chúng ta muốn Thiên Chúa phải thực hiện ngay sau khi cầu xin, mà không cầu xin cho được rỗi linh hồn và sống như ý Thiên Chúa muốn. Thiên Chúa là chủ vũ trụ, Ngài sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của chúng ta, nhưng trước hết chúng ta phải tìm thấy ý của Thiên Chúa trong lời cầu xin của mình, đó là lắng nghe Lời Chúa dạy qua sự im lặng của Ngài sau khi chúng ta cầu nguyện, và kiên tâm tìm ý của Ngài muốn chúng ta làm gì?

3. Cầu nguyện cho nhau

Môi-sê đã hy sinh để cầu nguyện cho dân Ít-ra-en thắng trận, lời cầu nguyện này có sự đóng góp của ông A-a-ron và ông Khu-a (hai người đỡ hai tay ông Môi-sê) để ông được hoàn thành sứ mệnh cầu nguyện (Xh 17, 12).

Thánh Phao-lô tông đồ xác tín rằng, trong Đức Chúa Giê-su, chúng ta đều là anh em chị em với nhau, do đó lời cầu nguyện của người này dành cho người kia, trước mặt Thiên Chúa vẫn là lời cầu nguyện có thế giá nhất, bởi vì khi chúng ta làm như thế là chúng ta đã noi gương Đức Chúa Giê-su vì Ngài đã cầu nguyện cho các tông đồ được hiệp nhất, cầu nguyện cho những người giết mình, cầu nguyện cho những người vô ơn phụ nghĩa. Do đó, khi chúng ta hy sinh và cầu nguyện cho tha nhân là chúng ta đã sống trong hiệp nhất của Đức Chúa Giê-su đã dạy.

Bạn thân mến,

Kiên tâm khi cầu nguyện, hy sinh khi cầu nguyện và cầu nguyện cho nhau là chứng từ mạnh mẽ nhất về mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm ấy đang hiện diện sống động trong tâm hồn và trong cuộc sống của người mỗi người Ki-tô hữu.

Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta phải biết kiên nhẫn khi cầu nguyện là để chúng ta biết nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, nhưng thực tế là khi chúng ta chỉ mới cầu nguyện mấy phút thì đã than mệt, mới ngồi mấy phút đã kêu là nóng, mới quỳ mấy giây đã rên là mỏi chân…

Với thái độ như thế thì chúng ta chỉ có nhiều “khả năng” thất bại, bởi vì chúng ta không đặt mình vào vị thế mình là loại thụ tạo để cầu nguyện, mà đặt mình vào vị thế của đấng tạo dựng, nên không lạ gì chúng ta trở về tay không sau khi cầu nguyện…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 29 Mùa Thường Niên 16/10 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:31 15/10/2022

BÀI ĐỌC 1 Xh 17:8-13

Bài trích sách Xuất hành.

Hồi đó, quân A-ma-lếch đến đánh Ít-ra-en tại Rơ-phi-đim. Ông Mô-sê bảo ông Giô-suê: “Anh hãy chọn một số người, và ngày mai ra đánh A-ma-lếch. Còn tôi, tôi sẽ đứng trên đỉnh đồi, tay cầm cây gậy của Thiên Chúa.”

Ông Giô-suê làm như ông Mô-sê đã bảo: ông đã giao chiến với A-ma-lếch, còn các ông Mô-sê, A-ha-ron và Khua thì lên đỉnh đồi. Khi nào ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Ít-ra-en thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì A-ma-lếch thắng thế. Nhưng ông Mô-sê mỏi tay, nên người ta lấy một hòn đá kê cho ông ngồi, còn ông A-ha-ron và ông Khua thì đỡ tay ông, mỗi người một bên.

Nhờ vậy, tay ông Mô-sê cứ giơ lên được mãi, cho đến khi mặt trời lặn. Ông Giô-suê đã dùng lưỡi gươm đánh bại A-ma-lếch và dân của ông ta.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 2Tm 3:14-4:2

Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.

Anh thân mến, anh hãy giữ vững những gì anh đã học được và đã tin chắc. Anh biết anh đã học với những ai. Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô Giê-su.

Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục, để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.

Trước mặt Thiên Chúa và Đức Ki-tô Giê-su, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Hr 4:12

Alleluia. Alleluia. Alleluia.

Lời Thiên Chúa là lời sống động và hữu hiệu, lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người Alleluia. Alleluia. Alleluia.

TIN MỪNG Lc 18:1-8

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói:

“Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc’.”

Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Đó là Lời Chúa.
 
Kiên trì cầu nguyện có nghĩa gì?
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:34 15/10/2022

Trân trọng giới thiệu 3 phút video chia sẻ Lời Chúa KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN CÓ NGHĨA GÌ?

 
Đôi Tay Cầu Nguyện Và Đôi Chân Truyền Giáo -Hướng đến ngày Khánh Nhật Truyền Giáo
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
09:07 15/10/2022
Đôi Tay Cầu Nguyện Và Đôi Chân Truyền Giáo

Chúa Nhật 29 Thường Niên Năm C 2022

Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, biết bao nhiêu người trên thế giới đã mê mẩn tiếng huýt sáo của khúc nhạc “Cầu sông Kwai”. Vâng, đó là câu chuyện năm 1957, câu chuyện về “Chiếc cầu trên sông Kwai” (The Bridge on the River Kwai), một bộ phim thuộc hàng kinh điển của điện ảnh thế giới với 3 giải Cầu Vàng và 7 giải Oscars cùng với giải âm nhạc lừng danh Grammy Award cho nhạc phim; bộ phim được hợp tác thực hiện giữa điện ảnh Mỹ và Anh và được biên kịch từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của một tác giả người Pháp Pierre Boulle (1912-1994) xuất bản từ năm 1952: Le pont de la Rivière Kwai.

Nhưng chiếc cầu sông Kwai đó ở đâu và có gì lạ? Thưa đó là cây cầu xe lửa có thật bắt qua sông Kwai thuộc Thái Lan trên tuyến đường sắt nối qua Miến Điện để yểm trợ cho quân đội Nhật Bản thời Đệ nhị thế chiến. Chiếc cầu cùng với mạng lưới hàng trăm cây số giao thông đường bộ và đường sắt liên hệ được chính quân phiệt Nhật chỉ huy xây dựng với hàng trăm nghìn công nhân mà phần lớn là tù binh Anh, Hòa Lan và Mỹ.

Chỉ với con số 13.000 tù nhân và công nhân chết trong thời gian 3 năm xây cầu được chôn dọc theo các tuyến đường trên con sông nầy đủ để cảm nhận sự khắc nghiệt, lầm than, đớn đau… không xiết kể.

Nhà văn Ernest Gordon, một cựu tù binh của Nhật trong thế chiến thứ II, đã từng lao động khổ sai trong một trại tù khét tiếng dã man của Nhật bên bờ sông Kwai, đã kể lại trong tác phẩm “Ngang qua thung lũng sông Kwai” một mẫu chuyện nhỏ: “…đám tù binh khổ sai tại sông Kwai dân dần biến chất thảm thương trong cái hỏa ngục của đói khát, nắng cháy như thiêu, lạnh như cắt cùng với những đối xử bạo tàn của đám quân canh Nhật Bổn… Những sĩ quan gương mẫu nhất, những chiến binh gan lỳ dũng cảm nhất… dần dần trở thành một đám hèn nhát, ty tiện, dối trả, phản bội, nhỏ nhen, những tên chỉ điểm và trộm cắp… Cả trại tù chỉ còn là một hỏa ngục của im lặng, tội ác, chết chóc và thù hận. Thế rồi, trong số đó có hai bạn tù nghĩ ra một sáng kiến: lập một nhóm học hỏi và cầu nguyện với Lời Chúa. Lạ thay, dần dần có một biến đổi lạ lùng trong cái không gian quỷ quái nầy. Tâm hồn của nhiều tù binh dần dần biến đổi. Hình ảnh Chúa Giêsu tử nạn và Lời Ngài trở nên gần gũi với những xót xa từng ngày của họ. Họ không còn thất vọng về bản thân và cuộc sống, không còn hận thù và ty tiện, không còn dối trá và nhỏ nhen… Họ đã biết cầu nguyện và giúp đỡ, nhường nhịn và yêu thương…; và đêm đêm, thay cho cái không gian tối tăm im lặng nặng nề của cái chết và tội ác, là đó đây vang lên tiếng hát ca của tươi vui và hy vọng…”.

Vâng, tình yêu, hy vọng và sự thiện đã chiến thắng sự ác và thất vọng bằng một vũ khí đơn sơ của hai tù nhân: cầu nguyện với Lời Chúa, hướng về Chúa trong niềm tin cậy mến… Quả thật, hai tù nhân ở trại tù sông Kwai đúng là hai “Chứng nhân đúng nghĩa” mà Đức Kitô đã ra lệnh cho các môn sinh: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8).

Đây cũng chính là chủ đề của Sứ điệp Truyền Giáo năm 2022 của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi cho toàn thể Dân Chúa mà chúng ta đọc thấy ngay từ những lời mở đầu: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđêa, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (1,8). Những lời đó cũng là chủ đề của Khánh Nhật Truyền Giáo 2022, là ngày như mọi khi, nhắc nhở chúng ta rằng Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo.” (SĐTG 2022).

Thế nhưng, “làm chứng” thì có nhiều cách; riêng với sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật 29 TN C hôm nay lại đang khơi gợi cõi lòng chúng ta trở về với việc thực hành một công việc, một “cử hành chứng nhân” rất cơ bản và cũng rất đời thường của nhịp sống kitô hữu: việc cầu nguyện với Lời Chúa, việc nhớ đến Chúa, hướng về Chúa. Chúng ta dễ dàng tìm thấy nội dung ý nghĩa nầy qua những bài đọc Lời Chúa vừa được công bố:

Trước hết, Bài đọc 1, qua trích đoạn sách Xuất Hành kể lại chuyện nhà Lãnh đạo Môsê, liên tục giang tay cầu nguyện để đoàn quân của thủ lãnh Giosuê chiến đấu và chiến thắng: Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người Amalec thắng thế. Bấy giờ tay ông Môsê mỏi mệt, người ta liền khiêng tảng đá kê cho ông ngồi, còn ông Aaron và ông Hur thì nâng đỡ hai tay ông. Bởi đó hai tay ông không còn mỏi mệt cho đến khi mặt trời lặn. Ông Giosuê dùng lưỡi gươm đánh đuổi người Amalec và quân dân nó.

Hình ảnh trên đẹp biết bao khi nối kết mối quan hệ mật thiết “giữa đôi tay cầu nguyện và đôi chân chiến đấu”: đôi tay cầu nguyện của Môsê và đôi chân chiến đấu của Giosuê. Phải chăng đó cũng chính là mối quan hệ hổ tương trong sứ vụ truyền giáo muôn nơi muôn thuở trong Hội Thánh: cầu nguyện và chiến đấu, cầu nguyện và truyền giáo… Khi nào đôi tay cầu nguyện của chúng ta còn vươn lên, khi ấy chúng ta sẽ mĩm cười mà chiến đấu cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến” (Kinh Lạy Cha), cho thế gian sách bóng cỏ lùng, cho những hạt lúa chín, lúa tốt được thu về kho lẫm, cho mọi người từ Đông sang Tây từ Nam chí Bắc được chung chia chén rượu mừng trong bàn Tiệc của Thiên Chúa… Nào chẳng phải Chúa Giêsu đã đề ra “chiến lược” đầu tiên trong công cuộc truyền giáo đó là “cầu nguyện” đó sao ! “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy cầu xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa” (Mt 9,38).

Chính vì thế, có thể nói được rằng: khi nào đôi tay cầu nguyện của chúng ta buông xuống, chúng ta sẽ có nguy cơ đối diện với những buồn tênh và thất vọng, chán nản với lầm than, thua cuộc và biến chất…; và cuộc sống nầy, thế giới nầy sẽ trở thành “một trại tù buôn tênh tăm tối”, như đêm tối của “trại tù bên sông Kwai năm nào”…

Thế nhưng, làm sao để biết và xác tín “cầu nguyện là cần thiết” trong công cuộc truyền giáo, trong sứ mệnh chứng nhân? Trích đoạn Tin Mừng Luca qua dụ ngôn “Vị quan tòa bất chính và bà góa van xin” sẽ là một câu trả lời thích đáng cùng với câu kết luận dụ ngôn của chính Chúa Giêsu: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?”.

Chính lời xác định trên của Chúa Giêsu sẽ là điểm tựa, là ánh sáng giúp chúng ta ý thức hơn về việc cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo và cho mọi nhu cầu chính mình hay của “cả và Hội Thánh”. Thật vậy, nếu chúng ta quan niệm rằng cầu nguyện chỉ là một cách trốn chạy của người yếu đuối, hay là tình cảm sướt mướt của những người ủy mị, thì chúng ta sẽ dễ dàng “buông tay” và không chóng thì chày, cũng sẽ nghi ngờ tình thương, lòng quảng đại và quyền năng của Thiên Chúa. “Tôi xin mãi mà chẳng thấy gì hết…giữ đạo làm chi, đi lễ làm gì mà chẳng bao giờ trúng được một tờ vé số !”…

Cầu nguyện, nói theo ngôn ngữ của Kilian Mc Gowan: “là nghệ thuật dành cho những kẻ trưởng thành tâm linh”, một nghệ thuật khác với mọi nghệ thuật, vì “việc cầu nguyện đích thực, chân thành luôn đưa tới sự biến đổi con người”. Nói cách khác, cầu nguyện đích thực đó chính là cuộc gặp gỡ thật sự với Thiên Chúa, với Đức Kitô, một cuộc gặp gỡ trong đối thoại, yêu thương, trao ban và nhận lãnh, theo như kiểu định nghĩa thâm thúy của Thánh Nữ Têrêsa hài Đồng: “Đối với em, cầu nguyện là cái chớp cánh tình yêu, là ánh mắt đơn sơ hướng lên trời cao, là tiếng kêu của lòng biết ơn và của con tim giữa cơn thử thách cũng như giữa niềm hân hoan ! Sau cùng, cầu nguyện là cái gì lớn lao, siêu vời, làm triển nở tâm hồn và kết hợp em với Chúa Giê-su”. Và phải chăng, chính nhờ “ánh mắt hướng lên trời cao” đó, vũ khí “cầu nguyện” căn bản đó, mà Thánh Nữ đã mang lại biết bao hoa trái cho công cuộc truyền giáo; đến độ, Giáo Hội đã tuyên phong Ngài là “Vị Quan Thầy các xứ truyền giáo” !

Và nếu đánh giá hiệu quả Tông đồ và truyền giáo qua công việc bác ái xã hội trong thời đại hôm nay thì chắc chắn phải dành vịnh dự đầu tiên cho Mẹ thánh Têrêsa Calcutta. Tuy nhiên, như Mẹ “bật mí”: “Chúng ta hãy cầu nguyện như chúng ta cần hít thở. Hãy yêu mến cầu nguyện, hãy cảm thấy nhu cầu cầu nguyện trong ngày, và hãy cố gắng mà cầu nguyện. Tôi coi công việc của tôi như một lời cầu nguyện”.

Cuộc sống của mỗi người chúng ta hôm nay, nhất là cuộc dấn thân trong công cuộc loan báo Tin mừng, luôn cần “đôi tay cầu nguyện của Mô-sê không ngừng đưa lên”, luôn cần sự “kiên nhẫn nài xin tha thiết của bà góa trước của quan tòa”, để khi “bước vào chặng cuối của cuộc sống tại thế”, mỗi người chúng ta có thể lặp lại chính lời của Thánh Phaolô nới với Timôthê trong Bài đọc 2 hôm nay: “Tôi đã đấu trong cuộc đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là Vị Thẩm phán chí công sẽ trao phần thưởng cho tôi trong ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện”.

Và như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhở trong sứ điệp Truyền Giáo 2022: “Khánh Nhật Truyền Giáo năm nay mang đến cho chúng ta cơ hội để kỷ niệm một số sự kiện quan trọng trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội: đó là kỷ niệm bốn trăm năm ngày thành lập Congregatio de Propaganda Fide - Bộ Truyền Bá Đức Tin, nay là Congregatio pro Gentium Evangelizatione - Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, và kỷ niệm hai trăm năm Hội Truyền bá Đức tin. Một trăm năm trước, hội này, cùng với Hiệp hội Tuổi thơ Thánh và Hiệp hội Thánh Phêrô Tông đồ, đã được nâng lên hàng các hội “Giáo hoàng” (SĐTG 2022).

Riêng sự kiện “400 năm Bộ Truyền Bá Đức Tin” (1622-2022) lại có liên quan mật thiết đến công cuộc truyền giáo tại Việt Nam chúng ta. Vâng, chính từ cột mốc lịch sử quan trọng nầy mà công cuộc truyền giáo cho thế giới nói chung và tại Việt Nam chúng ta nói riêng, đã bước sang một giai đoạn mới: không còn nằm dưới “chế độ bảo trợ truyền giáo của các đế quốc Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha” mà hoàn toàn trực thuộc Tòa Thánh qua Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin. Và chỉ sau đó mấy chục năm (1659), Việt Nam đã có được hai vị Giám Mục Đại diện Tông Tòa đầu tiên là Đức Cha Lambert de La Motte cai quản giáo phận Đàng Trong và Đức Cha F. Pallu cai quản giáo phận Đàng Ngoài mà xác tín và lựa chọn đầu tiên trong “chiến lược truyền giáo” của các ngài đó chính là “cầu nguyện”, là “nhìn lên Chúa Giêsu Kitô”, như được các ngài ghi rõ trong văn kiện Công nghị Yuthia 1664 hay văn kiện “Monita”: “Vậy nên, ngay khi vị thừa sai đặt chân đến xứ truyền giáo sẽ được giao phó cho mình, ngài mau mắn đưa mắt nhìn lên Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Người Mục Tử, để được chúc phúc. Và khi hoàn cảnh cho phép, ngài sẽ rút lui để tĩnh tâm hầu tích luỹ những nhân đức cần thiết…”.

Và nếu Đức Mẹ Maria là Người có kinh nghiệm dạt dào và sâu sắc nhất, đã thực hành thường xuyên và trọn hảo nhất trong việc cầu nguyện với Chúa Giêsu, Con Mẹ; chính Mẹ đã dạy Chúa Con bập bẹ những tiếng “Ábba” đầu tiên, đã thỏ thẻ với Ngài trong những tháng năm dài ở Nadarét…, thì Giáo Hội, chúng ta, trong công cuộc truyền giáo hôm nay, đều phải noi theo “Người Trinh Nữ Nguyện Cầu” (Virgo Orans) nầy. Vâng, “Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy chúng con cầu nguyện… như Mẹ đã cầu nguyện với Ngài.”. Amen.

LM. Giuse Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:22 15/10/2022

9. Nếu là một người thật tâm yêu mến Thiên Chúa, thì trong bất kỳ việc gì họ cũng không lưu luyến tìm an ủi. Vì ngoài Thiên Chúa ra thì bất cứ việc gì cũng không làm cho họ động tâm, bất luận là vinh quang hay giỏi giang của chính mình họ, họ đều không để tâm.

(Thánh Terese of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:24 15/10/2022
26. ĐÊM

Trong đêm màu sắc trầm trầm, anh nằm yên tĩnh, bốn bề không có một tạp âm.

Anh tựa hồ có thể cảm nhận được mạch chuyển của trời đất giao động, mạch suối ở trong huyết quản của anh lưu thông, gió ở trong lồng ngực anh liệng đi liệng lại.

Đêm ôn nhu như một cái đệm lông cừu nhẹ nhàng cuộn lại. Anh cảm nhận được một ý tưởng ấm áp nhẹ nhàng, vô tình đi vào giấc mộng.

(Bài học cuộc sống)

Suy tư 26:

Người ta nói đêm là đồng lõa của tội lỗi, thực ra, đêm hay ngày thì cũng đều đồng lõa với tội lỗi nếu chúng ta cố tình phạm tội, sống không ngay thẳng.

Có những tư tưởng vĩ đại nảy sinh trong đêm tối, có những áng văn bất hủ được viết ra vào ban đêm, và có những lời cầu nguyện thiết tha trong đêm tối của giáo đường hoặc trong sa mạc hoang vu.

Trong đêm thanh vắng, người Ki-tô hữu dễ dàng thấy được ý của Thiên Chúa, dễ dàng nhìn thấy những việc làm trong ngày của mình để tạ tội, để tạ ơn và để cầu xin. Bởi vì đêm yên tĩnh đem lại thoải mái cho tâm hồn, và chỉ có những ai biết dành thời gian để tự kiểm tâm linh mình mà thôi.

Bóng đêm thì không có gì phải sợ, vì đêm hay ngày cũng do Thiên Chúa tạo dựng, chỉ có tâm hồn ngập tràn bóng đêm mới đáng sợ mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Sống một mối tương quan
Lm. Minh Anh
23:38 15/10/2022

SỐNG MỘT MỐI TƯƠNG QUAN
“Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Ngài đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao?”.

Trong “Chú Bé Hoàng Tử”, Saint Exupéry kể lại cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa chú bé hoàng tử và cụ già đốt đèn. Cụ nói, “Ngày xưa, nghề của tôi thật ý nghĩa và thú vị. Mỗi tối, tôi đốt đèn, thắp sáng địa cầu; mỗi sớm, tôi tắt đèn, nghỉ ngơi; thời gian của tôi thật nhàn hạ, thư thái… Nhưng nay thì ôi thôi. Kinh khủng! Địa cầu quay nhanh quá, tôi vừa đốt đèn, chưa kịp nghỉ ngơi, lại phải tắt đèn; và cứ thế, đốt đèn, tắt đèn; đốt đèn, tắt đèn… tôi không có lấy một phút nhàn rỗi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi không có lấy một phút nhàn rỗi!”. Cách nào đó, tâm sự của cụ già phần nào phản ánh tâm trạng của mỗi người chúng ta. Thế mà, Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay dạy chúng ta phải kiên trì cầu nguyện, cầu nguyện bền bỉ, không mệt mỏi, không ngã lòng; cầu nguyện như bà goá kia, cứ lì ra đó để xin vị thẩm phán minh oan. Và chúng ta la lên, “Lạy Chúa, con không có giờ ăn, lấy đâu ra giờ mà cầu nguyện?”. Vậy mà cầu nguyện là sống còn của đời sống đức tin, là nền tảng của việc sống và rao giảng Tin Mừng; vì cầu nguyện là ‘sống một mối tương quan!’.

Cầu nguyện không hẳn là đọc kinh, hay thậm chí, tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, nhưng cầu nguyện là sống tâm tình con thảo với Chúa là Cha, là ‘sống một mối tương quan’. Bài đọc Xuất Hành cho thấy Môisen, Aaron, Hur và Giosuê đang sống mối tương quan đó. Môisen đưa tay lên, Giosuê chiến thắng; Môisen hạ tay xuống, Israel bại trận. Giản dị nhưng sống động; mộc mạc nhưng yêu mến; chơn chất nhưng chân thành. Cái chân thành của Cha với con, của một người bạn với một người bạn. Để được vậy, hẳn Môisen và các bạn ông đã có một tương quan thân thiết với Chúa; Thánh Kinh nói, Thiên Chúa coi Môisen như một người bạn, diện đối diện!

Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta cầu nguyện nhưng Thiên Chúa xem ra xa vắng; cầu xin nhưng xem ra Ngài nín thinh. Tại sao? Thưa, chỉ vì tương quan của chúng ta với Ngài còn là một tương quan lỏng lẻo; chúng ta chưa ‘sống một mối tương quan’ Cha - con, tương quan bạn bè như Môisen, như các thánh. Đang khi, đó là điều Thiên Chúa muốn. Một cụ già có thói quen ngồi bất động hàng giờ cuối nhà thờ; ngày kia, cha xứ đến hỏi xem Chúa nói gì với ông. Ông trả lời, “Chúa không nói gì cả, Ngài chỉ nghe”; “Vậy thì ông nói gì với Chúa?”. “Con chẳng nói gì cả, con cũng chỉ nghe!”. Từ đó, chúng ta rút ra bốn cấp độ của cầu nguyện: “Tôi nói, Chúa nghe; Chúa nói, tôi nghe; không ai nói, cả hai đều nghe; và không ai nói, chẳng ai nghe. Thinh lặng và yêu mến!”. Như vậy, cầu nguyện là sống đức tin, là ‘sống một mối tương quan!’.

Anh Chị em,

“Thiên Chúa khoan giãn với họ mãi sao?”. Không! Thiên Chúa không khoan giãn; nhưng cầu nguyện chính là sự chờ đợi của linh hồn. Mônica chờ đợi ròng rã mười tám năm để khẩn xin cho con mình trở lại và bà được toại nguyện. Cả chúng ta, hãy là một Môisen, một Mônica, với bao nhu cầu của Hội Thánh, cộng đoàn, gia đình và linh hồn mình. Vậy trước hết, hãy cầu xin để biết ‘sống một mối tương quan’ với Chúa; tương quan Cha-con, tương quan ‘bạn bè’. Hãy sống thân tình như con thảo với Chúa, kiên tâm kêu cầu Ngài; Ngài sẽ đáp lời không với điều chúng ta xin, nhưng theo sự khôn ngoan quan phòng của Ngài. Chúa không luôn ban cho chúng ta điều chúng ta cầu; Ngài luôn ban cho chúng ta điều chúng ta cần! Chúng ta đừng nản lòng, cũng đừng bỏ cuộc! Mẹ Têrêxa nói, “Hoa trái của cầu nguyện là đức tin. Hoa trái của đức tin là tình yêu. Hoa trái của tình yêu là phục vụ. Hoa trái của phục vụ là bình an!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giữa những bon chen cuộc sống, cho con giữ được an bình nội tâm, sống đời con thảo với Chúa; nghĩa là, biết ‘sống một mối tương quan’ hệ trọng, tương quan Chúa và con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô chia buồn với các nạn nhân vụ nổ ở Ái Nhĩ Lan
Đặng Tự Do
05:08 15/10/2022


Đức Thánh Cha Phanxicô đã bảo đảm “sự gần gũi về tinh thần” của mình với những người bị ảnh hưởng bởi vụ nổ trạm xăng ngày 7 tháng 10 ở tây bắc Ái Nhĩ Lan.

Trong một thông điệp gửi cho Đức Cha Alan McGuckian của Raphoe, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài “rất buồn khi biết về những thiệt hại về người và của.”

Giáo chủ Công Giáo Ái Nhĩ Lan, là Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin của Armagh, đã đến thăm Creeslough hôm thứ Hai và nói chuyện với một số người tham gia nỗ lực giải cứu.

Một vụ nổ vào chiều thứ Sáu tại một trạm xăng ở Creeslough, County Donegal, đã giết chết 10 người, trong đó có ba trẻ em. Theo báo chí địa phương, ít nhất 8 người khác bị thương đã được đưa đến bệnh viện.

“Đức Thánh Cha cầu xin các phước lành thiêng liêng an ủi và chữa lành cho những người bị thương, những người phải di dời và các gia đình đang đương đầu với nỗi đau mất mát,” thông điệp của Vatican, được ký bởi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết.

Bức thư, đề ngày 8 tháng 10 và được công bố bởi Highland Radio, cho biết thêm: “Trong khi giao phó những người đã khuất cho tình yêu thương xót của Thiên Chúa toàn năng, Đức Thánh Cha cầu xin các phước lành thiêng liêng sự an ủi và chữa lành cho những người bị thương, những người phải di dời và các gia đình đang đương đầu với nỗi đau mất mát.”

“Như một bảo chứng về sức mạnh và hòa bình trong Chúa, Đức Thánh Cha gửi lời chúc phúc đến tất cả người dân Ái Nhĩ Lan.”

Cảnh sát Ireland vẫn đang điều tra các tình tiết dẫn đến vụ nổ. AP dẫn lời một quan chức địa phương nói rằng “đây là một vụ tai nạn thảm khốc”.

Thủ tướng Ái Nhĩ Lan Micheál Martin cho biết đây là một trong những “ngày đen tối nhất đối với Donegal và toàn bộ đất nước.”

Những cuốn sách chia buồn đã được cung cấp để ghi lại những lời thương tiếc tại một số địa điểm trong cả nước và trực tuyến.

Vua Charles của Vương quốc Anh cũng bày tỏ sự đau buồn trước vụ nổ.

Trong một thông điệp, nhà vua nói: “Chúng tôi muốn các bạn biết rằng chúng tôi cảm thông chân thành nhất và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến những người đã mất người thân.”
Source:Catholic News Agency
 
Công tố viên quốc tế hàng đầu nói sẽ có một ngày phán xét về chiến tranh Ukraine
Đặng Tự Do
05:09 15/10/2022


Karim Ahmad Khan, công tố viên chính của Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, cho biết ông tin rằng sẽ có công lý cho những tội ác chiến tranh gây ra trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Luật pháp quốc tế sẽ “bảo đảm rằng sẽ có ngày phán xét ở Ukraine đối với bất kỳ kẻ bắt nạt nào, bất kỳ cá nhân nào có súng hoặc hỏa tiễn, hoặc có khả năng khủng bố những người dễ bị tổn thương nhất”.

“Luật pháp có thể không mạnh như nhiều người mong muốn, nhưng cũng không yếu như nhiều người nghĩ. Và luật đang được áp dụng,” Khan nói.

Người đứng đầu ICC nói rằng ông “cực kỳ lo ngại” về cái chết của dân thường sau nhiều cuộc không kích của Nga quét qua Ukraine hôm thứ Hai. Ông nói với CNN rằng ICC sẽ tiến hành một cuộc điều tra hình sự.

“Tôi có các thành viên trong văn phòng của tôi đêm qua đã ở trong boongke cùng với nhiều thường dân khác. Trẻ em, phụ nữ và nam giới Ukraine và đây là một vấn đề liên quan đến vấn đề đạo đức, vấn đề luật pháp và các vấn đề về sự đồng cảm và nhân bản,” ông nói.

“Chúng ta cần phải ở đó để nói lên sự thật,” anh nói thêm.
Source:CNN
 
Vụ bách hại Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân
Đặng Tự Do
05:10 15/10/2022


Luật sư Công Giáo Sean Nelson là cố vấn pháp lý cho quyền tự do tôn giáo toàn cầu cho tổ chức Liên Minh Bảo Vệ Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, gọi tắt là ADF International.

Trên tờ First Things, ông có bài nhận định nhan đề “The Persecution Of Cardinal Zen” về những bách hại mà Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân phải gánh chịu. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng đang bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc xét xử vì cáo buộc không ghi danh tổ chức phi lợi nhuận cung cấp hỗ trợ tài chính và pháp lý cho những người biểu tình bị bắt trong các cuộc biểu tình ở Hương Cảng trong hai năm 2019 và 2020. Các công tố viên đã đưa ra cáo buộc của họ vào tuần trước và phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày 26 tháng 10.

Vị Hồng Y chín mươi tuổi đã trở thành một nhân vật quốc tế chống lại chủ nghĩa toàn trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và một nhà đấu tranh cho dân chủ và tự do tôn giáo. Phiên tòa này và một cuộc điều tra đồng thời nhằm mục đích bịt miệng ngài trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đàm phán với Vatican về việc gia hạn lần thứ hai một thỏa thuận bí mật năm 2018 cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát việc bổ nhiệm các tân giám mục và hợp pháp hóa bảy giám mục trung thành với chế độ, những người đã được tấn phong mà không có sự chấp thuận của Vatican.

Nếu bị kết tội vi phạm Sắc lệnh Xã hội của Hương Cảng, hình phạt sẽ là một khoản tiền phạt tương đối nhỏ; nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể sẽ sử dụng lời kết tội để ủng hộ việc buộc tội Đức Hồng Y Quân thông đồng với các đặc vụ nước ngoài nhằm phá hoại chính phủ. Nếu bị kết tội, Đức Hồng Y và những người có liên quan trong vụ án có thể chịu một bản án chung thân, nhưng thậm chí một bản án nhẹ hơn vẫn có thể đồng nghĩa với cái chết trong tù đối với Đức Hồng Y Quân đã 90 tuổi. Vì vậy, nguy cơ là rất cao, và việc thẩm phán từ chối cho phép người bào chữa kiểm tra chéo các nhân chứng của công tố cho thấy đây sẽ là một phiên tòa không có chút công bằng nào.

Khi được hỏi về hoàn cảnh của Đức Hồng Y Quân vào tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã miễn cưỡng gọi chính phủ Trung Quốc là “phi dân chủ”. “Đúng, đúng là có những điều dường như không dân chủ đối với chúng ta, đó là sự thật,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Tôi nghĩ là Đức Hồng Y Quân sẽ bị xét xử vào những ngày này. Và ngài sẽ nói những gì ngài cảm thấy, và bạn có thể thấy rằng có những hạn chế ở đó.”

Khi Vatican xem xét liệu có nên gia hạn thỏa thuận bí mật với Đảng Cộng sản Trung Quốc - một thỏa thuận làm gia tăng cuộc đàn áp đối với Giáo Hội Công Giáo thầm lặng ở Trung Quốc - Vatican cần nên ghi nhớ những gì mà Đức Hồng Y Quân đã “nói” và “cảm thấy” trong những năm qua. Chứng tá của ngài cho thấy ngài là một anh hùng vĩ đại của đức tin, nhân quyền và tự do tôn giáo, đồng thời củng cố lý do tại sao tất cả những người thiện chí nên đứng lên thay mặt ngài.

Đức Hồng Y Quân trong nhiều thập kỷ đã tìm kiếm sự độc lập của Giáo Hội Công Giáo khỏi bộ máy nhà nước Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc duy trì một cơ quan “chính thức” được gọi là Hiệp hội Công Giáo Yêu nước, mà lòng trung thành chính của các thành viên là nhà nước cộng sản chứ không phải Chúa Kitô. Như một trong những giám mục được Đức Thánh Cha phong chức một cách bất hợp pháp mà không có sự đồng ý của Vatican giải thích: “Tình yêu đối với quê hương phải lớn hơn tình yêu đối với Giáo hội.”

Sau khi tham vấn với Đức Hồng Y Quân vào năm 2007 về những áp lực mà Giáo hội phải đối mặt dưới thời Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đức Bênêđíctô XVI đã tuyên bố trong một bức thư gửi cho những người Công Giáo Trung Quốc, “Các nhà chức trách dân sự nhận thức rõ rằng Giáo hội trong giáo huấn của mình mời gọi các tín hữu trở thành những công dân tốt. nhưng cũng rõ ràng là Giáo Hội yêu cầu Nhà nước bảo đảm cho những công dân Công Giáo đó thực hiện đầy đủ đức tin của họ, tôn trọng quyền tự do tôn giáo đích thực.”

Đức Hồng Y Quân hoan nghênh sự thẳng thắn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô và cảnh báo về việc đình chiến với Hiệp hội Yêu nước Công Giáo khi các tín hữu bị từ chối quyền tự do đích thực như vậy: “Các giám mục, các bạn thấy đấy, họ không bao giờ có thể gặp nhau, họ không bao giờ có thể ngồi xuống và nói chuyện cùng nhau. Họ luôn bị chính phủ kiểm soát, và cái gọi là hội đồng giám mục chỉ họp khi chính phủ kêu gọi họ họp, do chính phủ chủ trì”.

Bức thư của Đức Bênêđíctô đã cho Đức Hồng Y Quân hy vọng rằng có thể đạt được một thỏa thuận có lợi. Nhưng hy vọng đó đã tan thành mây khói. Trong một cuốn sách năm 2017, Đức Hồng Y Quân đã so sánh chính sách Trung Quốc của Vatican với những thỏa hiệp của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục với Liên Xô: “Sự quá khích của các quan chức trong Giáo triều Rôma đã làm suy yếu mọi nỗ lực” hướng tới sự cải thiện thực sự đối với Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc. Cũng chính Ostpolitik - và những người ủng hộ nó - mà Đức Hồng Y Quân tin rằng đã dẫn dắt Đức Thánh Cha Phanxicô đến chỗ công nhận vào năm 2018 các giám mục bất hợp pháp trước đây và tiếp tục gạt Giáo hội thầm lặng ra ngoài lề.

Đức Hồng Y Quân hiểu rằng thỏa thuận năm 2018 có nghĩa là Giáo hội không còn quyền tự do ngôn luận, không chỉ cho người dân của mình, mà còn chống lại cuộc diệt chủng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, bao gồm cả việc cưỡng bức phá thai và triệt sản. “Sự im lặng tai tiếng này sẽ làm hỏng công việc truyền giáo,” vị Hồng Y nói vào năm 2020. “Ngày mai khi mọi người sẽ tụ họp để lên kế hoạch cho một Trung Quốc mới, Giáo Hội Công Giáo có thể không được chào đón.”

Đức Hồng Y Quân lưu ý vào năm 2020 rằng thỏa thuận này không thay đổi chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc cấm bất kỳ ai dưới 18 tuổi vào nhà thờ. Thay vào đó, thỏa thuận đã giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc đẩy những người Công Giáo thầm lặng tiến tới các cộng đồng “chính thức”. Đức Hồng Y Quân nói: “Họ không còn có thể có nhà thờ của họ nữa,” họ không thể thực hiện các bí tích trong nhà riêng nữa và Vatican không còn bổ nhiệm giám mục cho họ nữa.” Ngoài Đức Hồng Y Quân, bảy giám mục khác tiếp tục bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bách hại. Sự khoan dung tại Hương Cảng cũng đã chấm dứt.

Thay vào đó, chúng ta cần tinh thần đã khiến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố chống lại các chính phủ Cộng sản, trong thông điệp đầu tiên của Ngài về Chúa Cứu thế, rằng “việc cắt giảm quyền tự do tôn giáo của các cá nhân và cộng đồng không chỉ là một trải nghiệm đau đớn mà trên hết là một cuộc tấn công phẩm giá của con người.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã theo đuổi sự mở rộng đáng kể cho tự do tôn giáo ở Trung Đông, và các giám mục trên toàn thế giới lên tiếng mạnh mẽ cho tự do tôn giáo ở những nơi như Nicaragua và Nigeria. Giờ đây, cũng cần có sự can đảm đó thay mặt cho Đức Hồng Y Quân, và cho tất cả những người Công Giáo, Kitô hữu và các tôn giáo thiểu số khác ở Trung Quốc.
Source:First Things
 
Thẩm phán New York mở đường cho việc công nhận đa phu, đa thê
Đặng Tự Do
17:06 15/10/2022


Một thẩm phán ở New York đã mở ra cánh cửa để pháp luật công nhận các mối quan hệ đa phu, đa thê trong khi đưa ra các phán quyết liên quan đến một vụ kiện nhà đất.

Trong một phán quyết về tranh chấp căn hộ cho thuê, Thẩm phán Karen May Bacdayan của Tòa án Dân sự Thành phố New York cho rằng việc bảo vệ hợp pháp các mối quan hệ đồng giới không nên giới hạn ở hai người.

Vụ án tập trung vào ba người đàn ông: Scott Anderson, chết năm 2021; Markyus O'Neill, người sống với Anderson trong căn hộ của người đã qua đời; và Robert Romano, người bạn đời của Anderson, sống ở một địa điểm khác.

Sau cái chết của Anderson, O'Neill buộc phải từ bỏ căn hộ do người cho thuê quản lý vì theo chủ nhà, anh ta “chẳng khác gì một người bạn cùng phòng.” “Người bạn đời trong 25 năm” của Anderson là Romano, là người khởi kiện, cho biết như trên.

Trong phán quyết của mình trong vụ án West 49th St., LLC kiện O'Neill vào ngày 23 tháng 9, Bacdayan nêu ra khả năng rằng ba người đàn ông có thể đã tạo thành một “mối quan hệ giống như gia đình.”

Đáp lại, Tony Perkins, chủ tịch của Hội đồng Nghiên cứu Gia đình, cảnh báo vào ngày 4 tháng 10 rằng thẩm phán “về cơ bản đã mở rộng khả năng cho các kết hiệp đa phu, đa thê. Trong các phán quyết hôn nhân đồng giới trước đó họ chỉ công nhận mối quan hệ hai người. Nếu bây giờ họ công nhận các mối quan hệ nhiều hơn 2 người trong các kết hiệp đồng tính, họ thực sự đang mở ra cánh cửa đa phu, đa thê trong hôn nhân khác giới vì làm thế nào họ có thể giải thích rằng hôn nhân đồng giới có thể bao gồm nhiều hơn 2 người trong khi bác bỏ khả năng như thế trong hôn nhân khác giới.”
Source:Catholic News Agency
 
Giám mục Thụy Sĩ từ chức ở tuổi 59 do mệt mỏi nội tâm
Đặng Tự Do
17:07 15/10/2022


Hôm thứ Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của một giám mục Thụy Sĩ 59 tuổi. Vị Giám Mục nói rằng “sự mệt mỏi nội tâm” đã khiến chức vụ Giám Mục của ngài “không thể chịu đựng nổi” nữa.

Đức Cha Valerio Lazzeri đã cai quản Giáo phận Lugano, Thụy Sĩ từ năm 2013.

Trong cuộc họp báo chiều thứ Hai, ngài nói: “Sự chân thành và hoàn toàn minh bạch buộc tôi phải nói với các bạn rằng, đặc biệt là trong hai năm qua, sự mệt mỏi nội tâm đã lớn dần trong tôi khiến tôi dần mất đi động lực và sự thanh thản cần thiết để lãnh đạo giáo phận Lugano.”

Đức Cha Lazzeri nói thêm: “Các khía cạnh công cộng, đại diện, quản lý tài chính và hành chính, đã trở nên không thể chịu đựng được đối với tôi, bất kể có sự hiện diện quý giá của các cộng tác viên mà tôi rất biết ơn.”

Đức Cha Lazzeri sinh ngày 22 tháng 7 năm 1963 và thụ phong linh mục năm 1989. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm giám mục Lugano, thuộc bang Ticino của Thụy Sĩ, vào cuối năm 2013.

Trong một tuyên bố ngắn gọn hôm thứ Hai, văn phòng báo chí của Tòa Thánh không nêu chi tiết về những lý do có thể cho việc từ chức.

Tại cuộc họp báo vào ngày 10 tháng 10, vị Giám Mục Thụy Sĩ tuyên bố, theo một báo cáo của Corriere del Ticino: “Tôi nói với các bạn điều này với một trái tim rộng mở: Tôi không còn có thể tưởng tượng được là sẽ tiếp tục ở vị trí mà tôi đã cố gắng nắm giữ cho đến bây giờ.”

“Vì lý do này, sau nhiều ngày suy ngẫm, tôi thấy rằng cần thiết, vì lợi ích của giáo phận và của tất cả mọi người, đặt lại vào tay Đức Thánh Cha sứ mệnh mà ngài đã giao phó cho tôi vào thời điểm đó.”

Vị giám mục nói rằng ngài “tin tưởng vào sự hiểu biết của các bạn, tình cảm của các bạn và sự gần gũi của các bạn. Tôi xin các bạn tiếp tục cầu nguyện cho tôi, tôi cũng sẽ làm điều đó cho các bạn”.

CNA Deutsch, hãng thông tấn tiếng Đức của CNA, đưa tin các phương tiện truyền thông địa phương của Thụy Sĩ đã đăng tải tin đồn rằng Lazzeri sẽ từ chức vào thứ Sáu.

Theo cổng thông tin Thụy Sĩ “kath.ch”, vị Giám Mục đã thu hút rất ít sự chú ý của quốc gia trong những năm gần đây, trong khi cũng vắng mặt trong chuyến thăm ad limina của các giám mục Thụy Sĩ đến Rôma năm ngoái vì lý do sức khỏe.

Đức Cha Alain De Raemy đã được chỉ định làm giám quản tông tòa, trong khi chờ bổ nhiệm người kế vị Đức Cha Lazzeri.
Source:Catholic News Agency
 
Một triệu người tuần hành khắp Mễ Tây Cơ vì phụ nữ, cuộc sống và hòa bình
Đặng Tự Do
17:08 15/10/2022


Hơn một triệu người đã tuần hành ở 30 tiểu bang vì phụ nữ, cuộc sống và hòa bình ở Mễ Tây Cơ trong các ngày cuối tuần từ 8 đến 9 tháng 10.

Những người tổ chức các cuộc tuần hành trên toàn quốc nói với ACI Prensa, hãng thông tấn nói tiếng Tây Ban Nha của CNA, rằng chỉ riêng tại thành phố Mễ Tây Cơ, ước tính đã có khoảng 200,000 người tuần hành để đến tượng Thiên thần Độc lập, một tượng đài cho nền độc lập quốc gia ở giữa bùng binh lớn của một đại lộ ở trung tâm thành phố.

Các cuộc tuần hành, được tổ chức trong không khí vui tươi và hòa bình, đã diễn ra tại các thành phố của 30 bang “ủng hộ sự nghiệp của phụ nữ, bảo vệ cuộc sống con người và vì hòa bình ở Mễ Tây Cơ.”

“Tôi đang diễu hành thay mặt cho hàng triệu phụ nữ; Tôi đến với tất cả trái tim của mình, tôi đến vì gia đình, vì bạn bè, vì đất nước của tôi “, Laura, một trong những người tham gia cho biết.

“Thật sự đau đớn khi họ không coi chúng tôi, những phụ nữ mang thai, và có những người vẫn đối đầu với phụ nữ và cuộc sống của những đứa con trong bụng chúng tôi như kẻ thù,” cô nói thêm.

Một trong những phát ngôn nhân của cuộc tuần hành nói rằng “những gì chúng tôi muốn là những lựa chọn cho cuộc sống cho chính chúng tôi và cho con cái chúng tôi; chúng tôi tin rằng đã đến lúc phải vượt qua nạn phá thai ở Mễ Tây Cơ, như chế độ nô lệ đã từng được khắc phục”.
Source:Catholic News Agency
 
60 năm Vatican II: Với Cha de Souza, ‘Người duy lạc hậu’ hướng tới tương lai?
Vu Van An
18:43 15/10/2022

Linh mục De Souza, trên National Catholic Register, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày khai mạc Công Đồng Vatican II, đã có bài với tựa đề hơi oái oăm như trên. Người duy lạc hậu là phóng dịch chữ “backwardist”, dường như do Đức Giáo Hoàng Phanxicô tạo ra để gọi những người muốn trở lại thời kỳ tiền Vatican II.



Đối với những người Công Giáo còn quá trẻ để có thể nhớ về thời kỳ ngay sau Công đồng, lễ kỷ niệm 60 năm Công đồng Vatican II mang lại cho họ cơ hội làm sống lại quá khứ. Giáo hội đang đi lùi. Có một sự đồng thuận rộng rãi về điều đó. Có sự bất đồng về điểm đến chính xác về lịch sử.

Với những lời lẽ ngày càng đanh thép, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tố cáo những người phạm “tội duy lạc hậu” - một từ ngữ thần học mới mà ngài đặt ra để mô tả đặc điểm của những người mà ngài tin rằng muốn quay trở lại thời kỳ trước Công đồng Vatican II.

Mặt khác, triều đại giáo hoàng kéo dài gần 10 năm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dường như cảm thấy thoải mái nhất trong thời kỳ ngay sau Công đồng vào cuối thập niên 1960 và 1970 - trước Veritatis Splendor (1993), Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo (1992), Thần học Thân xác (1979-1984), Familiaris Consortio (1980) và có lẽ là toàn bộ dự án của Thánh Gioan Phaolô II (được bầu chọn năm 1978) trong việc ổn định Giáo hội sau một thập niên hỗn loạn.

Đó là nhận định của Đức Hồng Y Angelo Scola, cựu tổng giám mục của cả Milan lẫn Venice, đồng thời là nhân vật hàng đầu trong Giáo hội từ những năm 1970 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2017. Ngài đã xuất bản một cuốn sách phỏng vấn, Betting on Freedom: My Life in the Church , vào tháng 11 năm 2021. Trong đó, vị giám mục có kinh nghiệm lâu năm và được kính trọng rộng rãi nói rằng Giáo hội đang đi lùi, trớ trêu thay bởi những người không ngừng kêu gào rằng Giáo hội cần phải tiến lên một cách triệt để, kẻo lại tụt hậu so với nền văn hóa đương thời. Điều này gây ra phản ứng "duy lạc hậu" mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô tố cáo.

Đức Hồng Y Scola viết, “Đối với những người nghĩ rằng Giáo hội đã tụt hậu, tôi trả lời rằng chúng ta đang đi lùi lại phía sau, đặc biệt là thời đại của các cuộc tranh luận giữa những người bảo thủ và những người tiến bộ sau Công đồng. Tôi đang nhìn thấy một sự đối lập mới, với nhiều lời lẽ quá khích động, giữa những người bảo vệ truyền thống được hiểu một cách cứng ngắc và những người ủng hộ các thực hành, nhưng cả tín lý nữa, phù hợp với các yêu cầu của thế gian.”

Năm Đức tin năm thứ 50 ngày khai mạc Vatican II

Vào tháng 10 năm 2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã khai mạc “Năm Đức tin”, đánh dấu 50 năm ngày khai mạc Công đồng Vatican II và kỷ niệm 20 năm Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo. Ngài lưu ý rằng Thánh Phaolô VI đã tuyên bố “Năm Đức tin” vào năm 1967-1968, ngay sau Công đồng, khi con tàu đức tin đang ở trong vùng biển đầy hiểm nguy.

Đức Bênêđíctô viết, “Theo một số khía cạnh, [Đức Giáo Hoàng Phaolô VI] coi năm nay là 'hệ quả và sự cần thiết của thời kỳ hậu công đồng,' hoàn toàn ý thức về những khó khăn nghiêm trọng của thời đó, đặc biệt là liên quan đến việc tuyên xưng đức tin chân chính và việc giải thích nó cách đúng đắn”.

Theo lời Đức Hồng Y Scola, từ các thượng hội đồng về gia đình và Amazon đến diễn trình thượng hội đồng hiện tại về tính đồng nghị, không thiếu những tiếng nói yêu cầu “phải làm cho các thực hành, và cả tín lý nữa, phù hợp với các đòi hỏi thế gian,”. Do đó, như Đức Bênêđíctô đã viết, nhu cầu đối kháng là phải lưu ý tới “việc tuyên xưng đức tin chân chính và sự giải thích chính xác về đức tin”.

Đức Bênêđíctô XVI sẽ thoái vị trong Năm Đức tin. Đó là một bước đi gây bất ổn sâu xa - càng đáng chú ý hơn vì chưa có tiền lệ trong toàn bộ lịch sử của Giáo hội. Nhìn lại, đáng lẽ một điều mới lạ đáng chú ý như vậy sẽ gây ra nhiều sóng gió.

Mười năm trôi qua, và diễn trình thượng hội đồng của Đức Thánh Cha về tính đồng nghị cho một Giáo hội đồng nghị đang đe dọa sẽ xẩy ra một vụ đắm tàu, vì Con đường Đồng nghị của Đức đã du nhập một tinh thần phù hợp với thế giới thậm chí còn rõ rệt hơn so với thập niên 1970. Tuy nhiên, lần này, có những tiếng nói mạnh mẽ - như Đức Hồng Y Scola - không muốn quay lại những năm đó. Đức Hồng Y Scola hiện đang nghỉ hưu, nhưng quan điểm của ngài đã được các nhóm giám mục lớn, bao gồm các giám mục của Ba Lan và Scandinavia, các nước láng giềng của Đức, lớn tiếng nói với thế giới.

Trở về nguồn, cập nhật và duy lạc hậu

Cách tiếp cận của Công đồng Vatican II đã được mô tả bằng các thuật ngữ tiếng Pháp và tiếng Ý: ressourcement [trở về nguồn] và aggiornamento [cập nhật].

Ressourcement có nghĩa là quay trở lại các nguồn - trên hết là Kinh thánh, được bổ sung bởi các Giáo phụ và những thành tựu của thần học Kinh viện.

Aggiornamento có nghĩa là “cập nhật” - tìm ra những cách thức mới để loan báo Tin Mừng theo cách phù hợp với một thế giới hậu Ánh sáng bị tàn phá sâu xa bởi hai cuộc chiến tranh thế giới, sự trỗi dậy của chủ nghĩa vô thần toàn trị và việc vỡ mộng bởi chủ nghĩa tự do thế tục.

Sự căng thẳng lành mạnh giữa hai bên luôn tồn tại và những sai sót quá đáng đều thấy có ở cả hai xu hướng. Sự việc vốn là như vậy, vì “nước thiên đàng giống như một chủ gia đình lấy ra khỏi kho của mình những gì mới và những gì cũ” (Mt 13:52).

Cùng với ressourcementaggiornamento, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giới thiệu một từ ngữ khác, một từ ngữ tiếng Ý do chính ngài phát minh ra, indietrismo - được dịch tốt nhất sang tiếng Viêt là “chủ nghĩa duy lạc hậu”. Ngài dùng nó chống lại những người bị ngài thường xuyên chê bai nhất, những người Công Giáo gắn bó với giáo lý, luân lý hoặc phụng vụ truyền thống.

Đang trên đường bay từ Canada trở về Rome hồi tháng 7 vừa qua Đức Thánh Cha cho biết “Đây là vấn đề của ngày nay, của nhiều người tự gọi mình là ‘truyền thống’. Nhưng không phải, họ không phải là truyền thống. Họ là những người indietristi (duy lạc hậu), những người nhìn về quá khứ, đi lùi, không có gốc rễ. Và nhìn ‘trở lui’ là một tội lỗi vì nó không chịu tiến với Giáo hội ”.

Tội lỗi là một vấn đề khá nghiêm trọng, vì vậy điều quan trọng là phải phân biệt indietrismo với ressourcement, vốn lên đặc điểm cho nền thần học của nhiều người uyên bác, chẳng hạn như Đức Hồng Y John Henry Newman, người được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong thánh vào năm 2019. Thật vậy, Đức Hồng Y Newman, người qua đời năm 1890, đã được gọi là "Cha đẻ của Công đồng Vatican II."

Đức Hồng Y Newman không phải là một người duy lạc hậu, cho dù ngài miệt mài nghiên cứu Kinh thánh và nền văn học giáo phụ.

Đức Thánh Cha giải thích rằng thay vì chủ nghĩa duy lạc hậu, cần phải đi lên - và đi xuống. Ngài giải thích thêm “Truyền thống chính là gốc rễ của nguồn cảm hứng để tiến lên trong Giáo hội. Và điều này luôn theo chiều thẳng. Còn ‘chủ nghĩa duy lạc hậu’ lại chỉ đi lùi; nó luôn luôn khép kín. Điều quan trọng là phải hiểu rõ vai trò của truyền thống, vốn luôn rộng mở, như rễ của cây, cây mọc như vậy. … Nó luôn là nhựa sống của rễ đưa bạn tiến về phía trước, về phía trước, về phía trước.... Cho nên vì vậy, chúng ta phải suy nghĩ và thực thi đức tin và luân lý. Miễn là nó đi theo hướng của rễ cây, của nhựa cây, thì điều đó tốt. "

“Chủ nghĩa duy lạc hậu” theo chiều ngang và tội lỗi; đúng hơn, người ta nên hướng lên trên, như cây đang lớn lên, nhưng cũng phải hướng xuống dưới “theo hướng của rễ”. Và "nhựa cây mang bạn về phía trước, về phía trước." Vì vậy, chiều ngang là xấu; chiều thẳng là tốt, nhưng muốn đi lên thì cần phải đi xuống để tiến về phía trước, một điều cây không làm, nhưng Giáo hội làm.

Tất cả xem ra có thể có chút khó hiểu. Nhưng có một điều rõ ràng không thể nhầm lẫn trong ngữ vựng mới của Đức Giáo Hoàng: Người ta không thể đi ngược lại.

Khói Satan

Tuy nhiên, Giáo hội lại thấy mình vào năm 2022 như thể là năm 1972 một lần nữa, khi Thánh Phaolô VI nói một cách nổi tiếng về “làn khói Satan” đã nhập vào “đền thờ của Thiên Chúa”, làm lu mờ những hy vọng của năm 1962 và làm ô nhiễm bầu không khí hậu công đồng.

Thánh Phaolô VI đã nói rõ trong bài diễn văn bế mạc Công đồng Vatican II vào năm 1965 rằng aggiornamento “không hề là một sự thích nghi của Giáo hội với thế giới, như thể thế giới giả thiết phải thiết lập các chuẩn mực cho Giáo hội”. Quá ít người lắng nghe ngài.

Trong một đóng góp đáng kể và đáng hoan nghênh cho lễ kỷ niệm 60 năm Công đồng Vatican II, George Weigel đã phát hành cuốn sách To Sanctify the World: The Vital Legacy of Vatican II trong tháng này. Ông chỉ ra rằng những khát vọng của năm 1962 dường như đã bị tiêu tan như thế nào vào năm 1972, khi một Giáo hội vốn được nhắm để hồi sinh với năng lực Tin Mừng mới thay vì bị tiêu tán với những cuộc tranh luận nội bộ về việc liệu Mặc khải thần linh có còn giá trị hay không. Liệu Thiên Chúa có còn được biết đến và được công bố cho thế giới hay không? Và nếu có, điều đó có tốt cho thế giới không?

Weigel trích dẫn Jacques Maritain, người bạn thân thiết và đáng kính của Đức Phaolô VI, người đã thấy ngay sau Công đồng Vatican II “một kiểu quỳ gối trước thế giới”, một “sự trần thế hóa hoàn toàn Kitô giáo”, trong đó “không có vương quốc của Thiên Chúa nào khác biệt với thế giới."

Weigel viết, “Vào đầu thập niên 1970, Giáo hội dường như đang trên bờ vực thẳm – do các vụ đào ngũ ồ ạt khỏi chức linh mục và đời sống tu trì thánh hiến, sự khinh bỉ công khai đối với giáo huấn của Đức Giáo Hoàng giữa các nhà thần học và một số giám mục, và sự tan rã nhanh chóng các thực hành Công Giáo nơi quần chúng giáo dân.”

Weigel cho biết thêm: “Maritain, ảnh hưởng to lớn đó đối với Công đồng Vatican II và là người bảo vệ những thành tựu của nó, lúc này đã nhận ra một sự nhầm lẫn rộng lớn, hậu công đồng đang cản trở mùa xuân truyền giáo mà chính Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI và Maritain đã hy vọng.”

Làm sạch không khí

Theo lời kể của Weigel, điểm thấp nhất của năm 1972 đã được trả lời dứt khoát vào năm 1992 và Sách Giáo lý, dự án chung của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô, đại diện của dự án kéo dài 40 năm, 1972-2012, để cung cấp cho Công đồng Vatican II một cách diễn giải có thẩm quyền và xác thực. Việc thoái vị vào năm 2013 sau đó đã mở cửa cho việc thụt lùi dưới thời Giáo hoàng của Đức Phanxicô trở lại đầu thập niên 1970, cho dù ngài kịch liệt đả kích chủ nghĩa duy lạc hậu.

Tiến trình đồng nghị của Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị cho một Giáo hội đồng nghị có thể đưa Giáo hội - một năm kể từ bây giờ và 10 năm sau khi kết thúc Năm Đức tin của Đức Bênêđíctô - ngược lại 50 năm đến đầu thập niên 1970.

Tuy nhiên, những ai muốn kéo Giáo hội trở lại năm 1972 sẽ phải đối đầu với 40 năm từ 1972 đến 2012, từ Evangelii Nuntiandi của Thánh Phaolô VI đến bộ ba thần học Kinh thánh của Đức Bênêđíctô, Chúa Giêsu thành Nazareth. Những ai mong muốn năm 2022 quay trở lại năm 1972 phải đối đầu với trước tác khổng lồ của năm 1992, Sách Giáo lý và toàn bộ dự án của Gioan Phaolô II- Bênêđíctô mà nó là viên đá tảng.

Con tàu đức tin đang được chèo lái trở lại vùng biển động năm 1972. Nhưng lần này nó trở lại với nhiều đồ dằn [ballast] hơn trên con thuyền.

Vào dịp kỷ niệm 60 năm Công đồng Vatican II, nó có vẻ giống như kỷ niệm 10 năm một lần nữa. Nhưng chỉ một phần, không phải toàn bộ, và lần này với nhiều lý do rõ ràng hơn để hy vọng.

Năm tới sẽ cho thấy ai mới thực sự là những người theo chủ nghĩa duy lạc hậu.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngành Nữ Tông Đồ Vinh Sơn Liêm Melbourne mừng bổn mạng Năm 22
Trần Văn Minh
03:12 15/10/2022
Melbourne, vào lúc 6 giờ chiều Thứ Sáu Ngày 14/10/22. Tại Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, Ngành Nữ Tông Đồ Liên Minh Thánh Tâm, thuộc Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, đã dâng lễ mừng kính Thánh Margarita Maria Alacoque là bổn mạng của ngành.

Xem hình

Thánh lễ do Linh mục Giuse Phạm Minh Ước SJ. Và Phêrô Phạm văn Ái SJ. Tuyên úy Cộng đoàn và cũng là linh hướng của ngành nữ cử hành. Thánh lễ tạ ơn sau 20 năm thành lập ngành để hoạt động tông đồ và sinh hoạt nhiều công tác đặc biệt trong cộng đoàn.

Lễ mừng bổn mạng gồm có hai phần, lúc 6 giờ với phút hồi tâm trước Thánh Thể, do Linh mục tuyên úy Phạm Minh Ước đặt Mình Thánh chầu và chia sẻ về gương sống của Thánh Nữ Maria Margarita, với những thị kiến mà thánh nữ được diễm phúc được Thiên Chúa cho biết về lòng thương xót vô biên mà Thiên Chúa dành cho loài người. Đối sử lại, con người đã đối sử quá tệ bạc với Thiên Chúa!

Sau phút hồi Tâm, Thánh lễ đồng tế do Linh mục Phạm Minh Ước chủ tế cùng với Linh mục Phạm Văn Ái đồng tế. Ban Thánh Tâm Ca của Đoàn LMTT và Ngành Nữ Tông Đồ Thánh Tâm với đồng phục áo dài vàng, qua bàn tay điều khiển nhịp nhàng của Ca trưởng Nguyễn Đình Trị đã phụng vụ trong thánh lễ.

Qua bài chia sẻ trong thánh lễ, Linh mục Phạm Văn Ái SJ. Đã nhắc lại tiểu sử của thánh nữ, và nhắc nhở những nhân đức của thánh nhân bao gồm khiêm nhường, hy sinh, bác ái mà các đoàn viên ngành nên noi gương trong phục vụ tông đồ.

Đoàn Thánh Tâm Ca trong đồng phục áo dài vàng đã dùng lời ca để tôn vinh Chúa và Mẹ Maria qua lời cầu bầu của Thánh nữ đã ban cho mọi thành viên trong ngành luôn dược hồn an xác mạnh để phục vụ và làm sáng danh Chúa qua các hoạt động tông đồ cùng Đoàn Liên Minh Thánh Tâm.

Một bữa tiệc nhẹ do ngành tổ chức, sau mấy năm bị gián đoạn sinh hoạt hạn chế vì dịch bệnh. Có một sự cố bất ngờ do thiên tại, sau những cơn mưa lớn mấy ngày liền, nước từ thượng nguồn đổ về gây lụt lớn tại đầu các cầu bắc ngang Sông Maribyrnong, ngăn cản các giáo dân tại phía Miền Tây không thể đến nhà thờ, hoặc có đến được, phải đi vòng qua những khu vực tránh không phải qua sông. Do đó, mà giáo dân và thậm chí cả những đoàn viên của đoàn và ngành cũng không thể về dâng lễ mừng bổn mạng năm nay. Xin bình an của Chúa ở cùng mọi người, và hẹn sẽ mừng lễ bổn mạng năm tới với sự tốt đẹp hơn.
 
Văn Hóa
Đối Thoại Trong Văn Học Việt Nam - Phó Tế Phạm Bá Nha
Pt Phạm Bá Nha
09:19 15/10/2022
Đối Thoại Trong Văn Học Việt Nam

Đối thoại theo nghĩa thông thường là nói qua nói lại. Có khi độc thoại (tự thán, nhắn nhủ, răn đời) hay có lúc hai người, hai phe. Ai đến trước nói trước, đến sau nói sau. Bâng quơ, điều cốt yếu trước là dò đường tìm hiểu. Đối thoại đòi hỏi óc sáng tạo. Trước lạ sau quen. Và lãnh vực nào cũng thành công, lúc nào không hay. Gặp gỡ không xong, dùng điện thoại cũng không xong. Thất bại. Quan trọng của đối thoại cần có nghệ thuật lựa lời khôn khéo và thời gian, kiên tâm bền chí. Đối thoại trở thành thông dụng trong văn hóa, văn chương VN

Đối thoại trong dân gian, hát hò tình cờ đi đường gặp nhau mục đích rất bâng quơ. Nhưng từ diễn đi diễn lại. Tạo cho qua dịp vui và gặp gỡ. Nội dung không ra cái gì, chỉ muốn gây thiện cảm, gợi chuyện, có thế thôi.

Hò khoan, bát cạy, hò khoan
Bắt cái, bắt cá, hò khoan
Tôi là con gái Kẻ Mô, hò khoan,
Tôi đi bán rượu, tình cờ gặp anh hò khoan
Bắt cái, bắt cá, hò khoan
Tôi là con gái Tràng Sinh hò khoan,
Tôi đi bán rượu qua dinh Ông Nghè, hò khoan

Đối thoại ‘im lặng’ như dòng nước trôi, con thuyền

Nước chảy xuôi con cá buôi lội ngược
Nước chảy ngược, con cá chảy ngang
Thuyền em xuống bến Thuận An
Thuyền anh lại trảy lên ngàn em ơi
Chèo ngược chèo xuôi, cũng có ngày gặp duyên lành
Đôi lứa mình đặng nở ba sinh
Cùng chèo một chiếc thuyền tình cho vui

Miền Huế có khu nhiều thú rừng đã làm trở ngại đời sống dân gian. Sợ thú rừng xuất hiện cả đêm lẫn ngày. Ngăn cản tình duyên hai bên. Kết quả trước mắt. Người con gái đã đưa ra lý lẽ, lo nghĩ thắc mắc đến sợ sệt :

Rừng rú thì có hươu mang
Khe suối thì có mang giang
Đò dọc thì có đò ngang
Chợ búa thì mợ bán hàng
Biết rằng cho em gặp được chàng?
Con trai trấn an trả lời:
Rú rừng thì trả cho hươu mang
Khe suối thì trả lại cho mang giang
Đò dọc thì trả lại cho đò ngang
Chợ búa thì trả lại cho mợ bán hàng
Ai mô rồi trả nấy
Thiếp với chàng duyên lại xe duyên

Đối thoại đôi lúc khó khăn, thân thưa giữa mẹ-con, trường hợp phân vân khó xử, biết hỏi ai. Đành thưa với mẹ, đầy kinh nghiệm, bảo ban.

Mẹ ơi! Ông chánh đòi hầu
Ông phó đòi vợ, biết nhận cau trầu nơi mô
Mẹ ơi! ông chánh đòi hầu
Mua chanh, chùm kết gội đầu cho tròn
Sau khi cân nhắc hơn thiệt, và có lời khuyên, đám cưới đơn giản
Người ta tuổi Tý tuổi Mùi
Còn em thì bùi ngùi tuổi Thân (phát âm = tủi thân)
Nhưng ‘‘sống với duyên mới’’ là hạnh phúc, đâu thua kém ai
Tay mang khăn gói sang sông
Mẹ kêu mặc mẹ, thương chồng cứ đi

Đối thoại qua câu đố, thú vị trong hội hè của làng

Anh về làm rể ăn cơm với cá
Em về làm dâu ăn rau má với mắm đồng (=con cá mặc má)
Trai trái đồng quê gặp nhau có nhiều thích thú, chẳng hạn chàng đề nghị
Bí môn, bí khoai, bí nữa

Nàng đáp ngay :

Cau khô, trầu héo, tái môi
Giai đáp : Môn, khoai, nữa (nữa, chỉ Bình Trị Thiên mới có), ba thứ ăn được. Riêng củ ‘nữa’ hơi ngứa, phải chấm với muối hay ớt thì mới khỏi ngứa. Nhưng có dưa nữa mà ăn với cá bống thì nhất đời.

Trầu cau là hai phẩm vật thông thường được nhìn nhận trong dân gian, không có không được trong đình đám lễ hỏi. Nó cũng để bắt đầu câu chuyện. Đối thoại trai-gái, mẹ-con, bên trai-gái…/

-Bánh cả mâm sao em kêu bánh ít?
Trầu cả chỗ sao em gọi là trầu không?
Trai nam nhi không bói rông
Xin gái má hồng thử bói xem

-Trái cau lửa, sao anh gọi là cau không nóng
Tóc gợn sóng, sao mà sóng không trào
Trai nam nhi mà đòi cõng
Gái má đào xin theo
-Vào vườn hái quả cau xanh
Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu
Trầu này têm những vôi Tàu
Giữa thêm cát cánh, hai đầu quế cay
-Cho anh một miếng trầu vàng
Mai sau trả lại cho nàng đôi trâm
-Ra đi mẹ có dặn rằng
Làm thân con gái chớ ăn trầu người
-Đem em má bỏ vô nói
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu

Chuyến đò sông Hương gây bao tình tứ, thơ mộng thành dyên đôi lứa, như :

Nước chảy xuôi, con cá bơi lội ngược
Nước chảy ngược, con cá vược lội ngang
Thuyền em xuống bến Thuận An
Thuyền em lại trẩy lên ngàn em ơi.

Đó là điều phái nói, ngược xuôi là đi đúng đường, thuyền bè ngay, là di chuyển, thất hẹn người chờ bên sông. Cuối chung đò chung lối

Đây được giàu sang có số
Kim Luông Nam Phú nước đi về đình
Đôi lứa mình nặng nợ ba sinh
Cùng chèo một chiếc thử tình cho vui.

Có mục đích, sau đối thoại phải giữ lời hứa?

Anh về, em nắm cổ tay
Em dặn câu này, anh chớ có quên
Đôi ta đã trót lời nguyền
Chớ xa xôi mặt, mà quên mảng lòng.
Một chờ, hai đợi, ba trông
Bốn thương, năm nhớ, bảy, tám, chín mong, mười tìm
Sông sâu cá lội mây tìm
Chín tháng cũng đợi, mười năm cũng chờ

Đối thoại giáo huấn, tề gia bình thiên hạ, bài gửi Cụ Phan Bội Châu, có đối mà chưa thoại, trong tập Giác Quán Thư’’ có tên người với vạn vật, một bài giáo lý đầy đủ

Lồng lộng trời cao, thênh thênh bể rộng
Ý trong cao rộng, muôn giống nghìn hình
Có giống thai sinh, có loài trùng nở
Giống hay biến hóa, giống hay nổi chìm
Hai cánh loài chim, bốn chân loài thú
Giống rùa có vỏ, giống cá có vây
Giống cỏ có cây, đầu trên đuôi dưới
Giống run quá toi, không chân không tay
Giống giun thảm thay, không tai không mắt.
Xét trong văn vật qúi nhất loài người
Khác hết mọi loài, mọi là người có
(Thái Văn Kiểm. Việt Nam Gấm Hoa. Tr.184)

Tình yêu trang lứa thầm kín trong lòng, nhưng mãnh liệt mới thổ lộ. Lúc đó, phải có cưới hỏi họ hàng chứng dám

-Thương em tam tứ núi, anh cũng trèo
Thất bát giang, anh cũng lội
Cửu thập đèo, anh cũng qua
Anh đi ba bữa anh về
Rừng cao nước đục chớ hề ở lâu.
Có cưới mà không có cheo
Nhân duyên trắc trở, như kèo không đanh.
Quế càng già càng tốt
Mía càng đốt càng ngon.
Anh thương em đặng nghĩa vuông tròn
Mấy sông cũng lội, mấy hòn cũng leo.
Nước mắm ngon, chấm con cá liệt
Em có chồng rồi nói thiệt anh hay.
Có võng mà chẳng có đòn
Có chồng mà chẳng có con mà bồng

Đối thoại với người trẻ. Ý thức người trẻ là tương lai gia đình và xã hội. Có kinh nghiệm gì người lớn tuổi trao cho hết. Người trẻ khác nào loài động vật. Bay, hót, bơi, lội, mổ liên hồi. Biết nghỉ, kết đàn, hy vọng và hướng về tương lai.

Chim bay mỏi cánh chim ngơi
Đố ai bắt được chim trời mới ngoan
Chim bay về núi tối rồi
Không cây chim đậu, không mồi chim ăn
Gà cồ ăn vụng cối xay
Hát bảy đêm ngày cũng có một câu
Con cá mày ở dưới ao
Ta tát nước ra, mày chạy đàng mô.
Con mèo con chuột có long
Ống tre có mắt, nồi đồng có quai
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi vào
Tôi có lòng nào ông xào với măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

Cần có việc làm để nuôi thân và giúp ích người khác. Có làm là có ăn có sống. Ngàn đời vẫn còn đúng. VN dân nông nghiệp, đôi khi chài lưới ven sông kiếm sống.

-Có vất vả mới thành nhân
Không dưng ai dễ cầm dù che cho.
-Ra đi anh có dặn dò
Ruộng sâu cấy trước, ruộng gò cấy sau
-Bao giờ cho tới tháng hai
Con gái làm cỏ, con trai be bờ
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa
Trời mưa cho lúa chín vàng
Cho anh đi gặt, cho nàng đem cơm
Cha chài mẹ lưới con câu
Chàng rể đóng đáy, con dâu ngồi nỏ
Có làm mới có mà ăn
Ngồi không ai dễ đem phần đến cho

Dân tộc VN coi trọng Đạo Hiếu, biết ơn
-Má ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau mà thờ
Tôm càng để vỏ để đuôi
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già
Ăn cam ngồi gốc cây cam
Ăn sung ngồi gốc cây sung
Ăn rồi lại ném tứ tung ngũ hoành
Ăn trái nhớ kẻ trồng cây
Ăn gạo nhớ kẻ đêm xay giần sang
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu

Tôn giáo là lẽ sống, lý tưởng cho đời, cùng đích khát vọng phải đeo đuổi. Bác ái yêu thương là căn bản nhân phẩm. Ngắm nhìn vũ trụ vận hành, nhận ra Đấng Tạo Hóa, mà tôn thờ kính tin.

Thương người khác thể thương thân
Ghét người khác thể vun phân cho người
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non
Còn trăng thời núi hãy còn
Trăng bao nhiêu tuổi trăng tròn
Núi bao nhiêu tuổi núi còn trơ trơ
Chim rừng ai dạy mà khôn
Cây suông ai uốn, trái tròn ai vo
Đêm khuya ra đứng giữa trời
Giơ tay ngoắt nguyệt, nguyệt dời phương nao
Đêm khuya thức xem trời
Thấy sao bên bắc đã dời bên nam.
Đố ai quét sạch lá rừng
Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.

Trong văn học Việt Nam
Bài ‘‘Hỏi Cô Bán Chiếu’’ của Nguyễn Trãi (Hà Nội 1380-1442), là áng văn chương tuyệt hào, ai cũng thuộc. Nội tung đề tài con nhà gia phong gặp nhau giữa đường.
Trên đường về, giữ đường gặp người đẹp, gánh chiều, Nguyễn Trãi đọc (đối) bài thơ dưới. Người con gái họa (thoại) Ông thấy người bán chiếu, hỏi tên và gia cảnh. Chỉ có 4 câu, xứng xanh tài cho mai sau.

Ở đâu nay bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu nay hết hay còn,?
Xuân thu nay đã bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa, được mấy con,

Bài họa (thoại)
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Nói chi ông hỏi hết hay sao?
Xuân Thu tuổi mới trăng tròn lẻ.
Chồng con chưa có, có chi con!

Thi sĩ Tú Xương (Trần Tế Xương) (Mỹ Lộc, 1871-1907) (độc thoại) răn đời theo lễ giáo: che dấu Tết nghèo.
Trong bài ‘‘Tết’’

Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chưa lãnh tiêu
Rượu cúc nhịn đem hàng biếng quảy
Trà sen miễn hỏi, giá còn kiêu
Bánh thường sắp gói, e nồm chảy
Gìo lụa toan làm, sợ nắng thiu
Thôi thì thì thôi, đành Tết khác
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo.

Nhà Văn Nguyễn Văn Vĩnh (Hà Nội, 1882-1936) có bài ‘Con ve và con kiến’, đối đáp kể tình cảnh lanh lợi, khôn ngoan
kính trọng nhau và khiêm tốn

Ve sầu kêu ve ve
Tới kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thực bối rối
Một miếng cũng chẳng còn
Rồi bị chàng mất con
Vác miệng chiu khúm núm
Sang chị kiến hàng xóm
Xin cùng chị cho vay
Răm ba hát qua ngày
Từ nay sang tháng hả
Em lại xin đem trả
Trước thu, thề đất Trời !
Xin cứ cả vốn lời’’
Tình kiến ghét vay cậy
Trăm thói, thói này vì :
Nắng ráo chú làm gì
Kiến hỏi ve như vậy
Ve rằng: ‘‘luôn đêm ngày
Tôi hát, thiệt gì bác’’
Kiến rằng: xưa chú hát?
Nay thử múa coi’’

Thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (Sơn Tây, 1888-1939) để lại nhiều bài thơ tự thuật coi như ‘độc thọai’. Xin trích dẫn :
Bức Dư Đồ Rách. Thật đau lòng nhìn Bản Đồ cũ ‘rách tả tơi’, không ai chăm sóc, chỉ bảo đâu là đâu, chỗ nào là chỗ…Ghi dấu lịch sử oai hùng của dân tộc.

Nọ bức đư đồ thử đứng coi
Sông sông núi núi khéo bia cười
Biết bao lúc mới công vờn vẽ
Sao đến bây giờ rách tả tơi
Ấy trước ông cha mua để lại
Mà sau con cháu lấy làm ngơ
Thôi thôi có trách chi đàn con trẻ
Thôi để rồi ra ta sẽ liệu bồi.
Thề Non Nước. Tâm hồn người trẻ lúc nào cũng lo nghĩ, nên gióng lên lời ‘nguyện ước thề non’ phải làm gì cho núi sông đất nước. Cứ nói lên vang vọng (đối), sẽ có người đáp (thoại)

Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ lời ‘nguyện ước thề non’
Nước đi chưa lại, non còn đứng không.
Non cao những ngóng cùng trông
Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết xương
Trời Tây chiếu bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha
Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non
Dù như sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
Non xanh đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ buồn làm chi
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt, non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi lời thề.
(x. Phạm Thanh. Thi Nhân VN Hiện Đại. Q.I. Ttr 15 và 20-21)

Thi sĩ Đông Hồ, tên thật là Lâm Tấn Phát (Hà Tiên, 1906-1969) trong Nhóm Nam Phong tạp chí (1923-1935). Ông nhà báo viết văn nhiều hơn thi văn. Ông còn là họa sỹ. Tranh Tết nổi tiếng của Đông Hồ, thời nào cũng đẹp và hợp thời. Có phòng triển lãm 50 bức tranh khắc gỗ hay vẽ treo tường ở 1007, Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội. Bài ‘Chuông Vang’ và ‘ Chinh Chiến’, đối thoại người với người, đánh thức những ai còn hững hờ đang tâm với anh em chung quanh : Đừng ‘giết nhau’, mau mau làm hòa đi.

Chuông Vang (1946)
Ngân nga hồi chuông chiều
Ngân nga hồi chuông sớm
Chiều sớm chuông ngân nga
Gieo khắp khôn gian trời ảm đạm
Không gian tràn ngập mênh mang
Mênh mang tràn ngập lòng bi thảm
Chuông tan trong không gian
Lòng tan theo chuông vang
Lòng tan trong không gian
Lòng tan theo mơ màng
Nhớ thương và Nhớ thương
Quê hương và Quê hương
Lòng tan theo thương nhớ
Lòng tan theo Quê Hương

Chinh Chiến (1947)

Đất mát, trời thơm, sông nhẹ nhẹ
Trăng hiền, mưa ngọt, gió vương
Đời nhìn âu yếm cười nhung lụa
Vạn vật ru nhau giấc ngọc vàng
Đất giận, trời nghiêm, sông lẳng lặng
Trăng buồn, mưa xót, gió thê lương
Đời nhìn bẽn lẽn cười chanh ớt
Vạn vật đưa nhau đến chiến trường
Đất lệch, trời nghiêng, sông cuồn cuộn
Trăng cuồng, mưa loạn, gió đau thương
Đời nhìn hằn học cười nanh vuốt
Vạn vật giành nhau miếng máu xương
Sự chết, giết nhau giành lấy sống
Giành nhau cho được sống huy hoàng
Yêu sống giết nhau không sợ chết
Giành nhau cho được chết vinh quang
Ôi ! Đến bao giờ chinh chiến hết
Hỏi làm chi nhỉ? Chuyện hoang đường?
Than làm chi nhỉ? Đời ly loạn?
Vạn vật từ xưa đã chủ trương.
(x. Phạm Thanh. Thi Nhân VN Hiện Đại. Q.I. Ttr 135 và 136)

Thi sĩ Vũ Đình Liên (Hà Nội, 1913-1945) nổi tiếng bài ‘Ông Đồ’, ngồi vỉa hè, viết câu đối Tết. Hình thức ‘đối thoại giáo dục’. Kiên tâm qua bao năm tháng. Có chí thì nên.

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê mướn
Tấm tắc ngợi khen tài
‘Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay’
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…
Ông đồ vẫn ngồi đó
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
(x. Phạm Thanh. Thi Nhân VN Hiện Đại. Q.II. Ttr 412 và 413)

Kết luận

Tới đây mới thấy nếp sống VN nơi dân quê, đơn sơ mộc mạc tự nhiên và chân thành. Tình yêu nên vợ nên chồng thành gia đình đều ngay lành, không vay mượn hay khách sáo. Thế mà lam lũ sống tới đầu bạc răng long. Mong sao thời nào cũng như vậy. Đẹp thay.

Tài liệu tham khảo
-Phạm Thanh. Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại. Q.I và II, Sài Thành, 1959. Sống Mới, Hoa Kỳ in lại)
- Trọng Toàn. Hương Hoa Hoa Đất Nước. Q I. Bốn Phương.





 
VietCatholic TV
Thông điệp của người phụ nữ Nga trên mộ phần cha mẹ Putin: ông bà sinh ra một con quái vật sát nhân
VietCatholic Media
01:50 15/10/2022


Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Caught Leaving Note on Putin's Parents' Grave: 'Take Him With You'“, nghĩa là “Người Nga bị bắt vì để lại thư trên mộ phần cha mẹ Putin ‘Hãy đưa hắn ta đi với ông bà’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một phụ nữ từ St. Petersburg đã bị quản thúc tại gia sau khi bà để lại một mảnh giấy nhắn trên mộ của cha mẹ Vladimir Putin mô tả Tổng thống Nga là một “con quái vật và là một kẻ sát nhân.”

Trước khi Putin xâm lược Ukraine, Irina Tsybaneva, một nữ kế toán 60 tuổi, chưa bao giờ hoạt động chính trị, con trai bà Maxim Tsybanev nói với hãng tin độc lập Mediazona của Nga.

Ngay cả sau khi quân đội Nga tiến vào Ukraine, bà cũng không thảo luận về cuộc chiến với gia đình gồm hai con và ba cháu.

Nhưng vào ngày 6 tháng 10, một ngày trước khi Putin bước sang tuổi 70, bà đã tìm cách lọt qua hàng rào an ninh tại nghĩa trang Serafimovskoe, nơi có bia mộ của cha mẹ Putin, và để lại một bức thư bày tỏ quan điểm của bà về tổng thống Nga và cuộc chiến mà ông ta đã khởi xướng.

“Cha mẹ của một kẻ giết người hàng loạt, hãy đưa hắn ta theo với ông bà, chúng tôi có quá nhiều đau đớn và khốn khổ vì ông ta, cả thế giới cầu nguyện cho hắn ta chết càng sớm càng tốt. Putin chết phức đi, ông bà đã sinh ra một con quái vật và một kẻ sát nhân.”

Người bảo vệ nghĩa trang đã tìm thấy mảnh giấy và gửi nó cho cơ quan thực thi pháp luật, và bà ấy đã bị nhận ra từ camera giám sát của nghĩa trang.

Vào ngày 10 tháng 10, cảnh sát đến căn hộ của Tsybaneva. Tsybanev cho biết, mẹ anh đã bị hỏi cung “trong một thời gian dài” và bà ngay lập tức thú nhận đã viết mảnh giấy, được xác nhận bằng xét nghiệm ADN và một chuyên gia viết tay.

Sau khi bà bị đưa vào trại tạm giam, một vụ án hình sự đã được mở với cáo buộc bà đã xúc phạm nơi chôn cất dựa trên sự thù địch về chính trị hoặc ý thức hệ, có thể bị phạt đến 5 năm tù.

Các chuyên gia kết luận rằng nhận xét của bà có “đánh giá tiêu cực về Tổng thống Nga Vladimir Putin.” Khi giải thích cho hành động của mình, bà nói với tòa rằng bà đã xem một chương trình phát sóng trên TV khiến bà nhận ra rằng “mọi thứ đều rất đáng sợ, mọi thứ đều rất đau buồn, nhiều người đã bị giết.”

Bà đã bị kết án quản thúc tại gia cho đến ngày 8 tháng 11 năm 2022 và bị cấm sử dụng internet, điện thoại hoặc thư từ. Tsybanev nói với Mediazona rằng hình phạt là “khắc nghiệt” nhưng “trong bối cảnh tình hình hiện tại ở đất nước này, nó thực sự không đến mức tồi tệ cho lắm.”

Việc chính quyền Nga kiềm chế những kẻ bất đồng chính kiến có thể khiến những người công khai phản đối cái mà Điện Cẩm Linh gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” phải gánh chịu án tù lên đến 15 năm.

Hãng tin Meduza đưa tin rằng không rõ bằng cách nào cô ấy có thể đến được bia mộ vì an ninh đã được tăng cường ở đó vào tháng 9 sau khi nhà hoạt động Anastasia Filippova để lại một tấm biển nhỏ tại mộ của cha mẹ Putin.

Tấm bảng nói, “con trai của ông bà đang cư xử đáng hổ thẹn! Hắn ta trốn học môn lịch sử, đánh nhau với các bạn cùng lớp, dọa cho nổ tung toàn trường! Hãy hành động!”

Cha mẹ của Putin, Vladimir Spiridonovich Putin và Maria Ivanovna Putina, đều sinh năm 1911, lần lượt qua đời vào các năm 1998 và 1999, trước khi con trai của họ trở thành tổng thống.

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để đưa ra bình luận.
 
Kyiv pháo kích kho đạn trên đất Nga. Xe lửa Nga nổ tung ở Luhansk. Lật đổ Putin: ai có thể lên thay?
VietCatholic Media
03:14 15/10/2022

1. Kho đạn của Nga ở Belgorod nổ tung trong cuộc tấn công xuyên biên giới

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin, nhiều người đã thiệt mạng và nhiều người bị thương sau khi một kho đạn ở làng Oktyabrsky thuộc vùng Belgorod của Nga phát nổ.

Thống đốc Belgorod là ông Vyacheslav Gladkov cho biết: “Tại làng Oktyabrsky, Quận Belgorod, Vùng Belgorod, một kho đạn đã bị nổ tung do bị các lực lượng vũ trang Ukraine pháo kích. Theo số liệu sơ bộ, có người chết và bị thương”.

Ủy ban Điều tra của Nga cho biết họ đang mở một cuộc điều tra hình sự về vụ việc.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Nga hôm thứ Sáu 19 tháng 8, ông Gladkov cho biết một kho đạn dược và cơ sở quân sự của Nga gần biên giới Ukraine đã nổ tung tạo thành một quả cầu lửa cực lớn, khiến hai ngôi làng của Nga phải di tản.

Người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga, Đại tướng Andrei Kartapolov, phàn nàn rằng khu vực Belgorod thường xuyên bị phía Ukraine tấn công vì đây là địa điểm trung chuyển vũ khí. Tuy nhiên, Thống đốc Vyacheslav Gladkov được yêu cầu giữ im lặng trước các tổn thất.

2. Ukraine cho biết họ đã phá hủy một lượng vũ khí “đáng kể” của Nga trong cuộc tấn công nhằm vào khu vực Luhansk

Trong bản báo cáo sáng thứ Bẩy 15 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết họ đã phá hủy một lượng đáng kể vũ khí của Nga trong một cuộc tấn công nhằm vào một trung tâm đường sắt ở khu vực phía đông Luhansk.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng cho biết Nga đã bị thiệt hại đáng kể ở Kherson, Zaporizhzhia và Donetsk.

Bộ Tổng tham mưu cho biết “theo thông tin sơ bộ, tại khu vực ga đường sắt ở thị trấn Antratsyt của vùng Luhansk, pháo binh đã phá hủy một phần đáng kể vũ khí, quân trang của địch vận chuyển bằng đường sắt. Số lượng và tính chất thiệt hại đang được xác định cụ thể”.

Trong những tuần gần đây, Ukraine đã tấn công vào các đường tiếp tế của Nga ở Luhansk khi sau cuộc phản công thành công ở vùng Kharkiv bên cạnh.

Tại các khu vực khác, theo Bộ Tổng tham mưu, khoảng 150 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và khoảng 100 người bị thương do các cuộc tấn công của Ukraine ở Khlibodarivka thuộc vùng Donetsk, Tokmak thuộc vùng Zaporizhzhia, và Tokarivka thuộc vùng Kherson.

Bộ Tổng tham mưu tuyên bố rằng tại thành phố Kherson, các lực lượng Nga đã tịch thu của dân chúng 13 tàu, và xà lan để vận chuyển binh sĩ và thiết bị qua sông Dnipro. Các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn tầm xa của Ukraine đã khiến hầu hết các cây cầu bắc qua sông không thể vượt qua. Việc vượt sông như thế là liều lĩnh vì hầu hết bị quân Ukraine bắn chìm.

Phát ngôn nhân cũng tuyên bố rằng ba hệ thống phóng hỏa tiễn S-300 đã bị phá hủy. Hỏa tiễn S-300 đã và đang gây ra thiệt hại nghiêm trọng ở miền trung Ukraine, đặc biệt là ở Zaporizhzhia và Mykolaiv.

3. Quan chức quân đội Mỹ: Thành quả của Kyiv đã khiến nhiều mục tiêu của Nga lọt vào tầm bắn của pháo tiêu chuẩn

Các lực lượng Ukraine tiếp tục đạt được tiến bộ ở khu vực phía nam Kherson, giành lại quyền kiểm soát đối với nhiều vùng đất bị Nga chiếm đóng trước đây, Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết như trên.

“Chúng tôi đã thấy những thành tựu ở phía bắc hiện nay, thực sự là con đường tiến lên của người Ukraine, ngay phía bắc thành phố Mylove, và sau đó mở rộng về cơ bản về phía bắc và phía tây với một số thị trấn nhỏ và làng mạc mà người Ukraine đã có thể xóa sổ người Nga.”

Mỹ cũng đã chứng kiến một số “thành tựu gia tăng” ở phần trung tâm của khu vực chiến trường. Chúng ta đang nói chuyện về nhiều cây số.”

Vì các lực lượng Ukraine đã tiến gần hơn đến các lực lượng của Nga dọc theo trục trung tâm này, họ sẽ ít dựa vào các hệ thống hỏa tiễn phóng nhiều hướng dẫn, hoặc GMLR, để chống lại Nga, quan chức này cho biết.

“Nó cũng được đặt một phần tốt của không gian chiến đấu dưới pháo binh tiêu chuẩn, không phải GMLR. Họ có thể tấn công các mục tiêu Nga mà họ muốn tấn công bằng pháo tiêu chuẩn.”

Trong khi đó, Nga cho biết hôm thứ Năm các lực lượng của họ sẽ giúp di tản cư dân của Kherson bị chiếm đóng đến các khu vực khác.

Tuyên bố của Phó thủ tướng Nga được đưa ra ngay sau khi các quan chức được Mạc Tư Khoa hậu thuẫn trong khu vực kêu gọi giúp đỡ di chuyển người dân ra khỏi Kherson. Đó là dấu hiệu mới nhất cho thấy các lực lượng Nga đang gặp khó khăn khi đối mặt với cuộc phản công của Ukraine.

4. Vương quốc Anh tặng hỏa tiễn phòng không cho Ukraine sau làn sóng tấn công của Putin

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết Anh sẽ gửi hỏa tiễn phòng không tới Ukraine, có khả năng bắn hạ hỏa tiễn hành trình, để giúp bảo vệ bầu trời của nước này trước các cuộc tấn công của Nga.

Biến cố này diễn ra theo sau một làn sóng tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái chết người nhằm vào Kyiv và các thành phố khác trong tuần này, với mục đích giúp bảo vệ con người và cơ sở hạ tầng.

Hỏa tiễn 'Amraam' là hỏa tiễn đầu tiên do Anh tài trợ có khả năng bắn hạ hỏa tiễn hành trình.

Vladimir Putin và các lực lượng của ôngta đã bị Anh và các đồng minh G7 buộc tội tội ác chiến tranh sau các cuộc tấn công mới nhất.

Họ đã thề sẽ “tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự, ngoại giao và pháp lý và kiên định ủng hộ Ukraine bao lâu cần thiết”.

Việc Điện Cẩm Linh thay đổi chiến lược tấn công vào các khu vực dân sự và cơ sở hạ tầng nhằm trả đũa vụ nổ làm hư hại Cầu Kerch quan trọng về mặt chiến lược và mang tính biểu tượng, nối Nga với bán đảo Crimea đã sáp nhập.

Vương quốc Anh và các chính phủ phương Tây khác đang vận chuyển các hệ thống vũ khí mới cho Ukraine hoặc chuẩn bị cung cấp thêm sự trợ giúp.

Bộ Quốc phòng cho biết hỏa tiễn Amraam sẽ được chuyển giao trong những tuần tới để sử dụng với hệ thống phòng không Nasams mà Hoa Kỳ đã cam kết.

Gói thiết bị mới nhất của Vương quốc Anh cũng bao gồm hàng trăm hỏa tiễn phòng không và máy bay không người lái khác, cũng như 18 khẩu trọng pháo khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Wallace cho biết: “Trước các cuộc tấn công bừa bãi mới nhất của Nga vào các khu vực dân sự ở Ukraine, Vương quốc Anh bảo đảm hỗ trợ thêm cho những người đang tìm cách bảo vệ tổ quốc của họ. Vì vậy, hôm nay tôi đã ủy quyền cung cấp hỏa tiễn phòng không Amraam cho Ukraine”.

“Những vũ khí này sẽ giúp Ukraine bảo vệ bầu trời của mình khỏi các cuộc tấn công và tăng cường khả năng phòng thủ hỏa tiễn tổng thể của họ cùng với Nasams của Mỹ.”

Các bộ trưởng quốc phòng NATO đã thảo luận về sự hỗ trợ bổ sung cho Ukraine trong cuộc họp tại Brussels bắt đầu từ hôm thứ Tư, với các cuộc đàm phán tiếp theo đã diễn ra vào thứ Năm.

Anh cũng sẽ cung cấp 10 triệu bảng Anh cho gói tài trợ của liên minh quân sự để giúp cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine bao gồm quần áo mùa đông, tiện nghi trú ẩn, máy phát điện, xe chở nhiên liệu và xe cứu thương.

Vương quốc Anh trước đây đã cung cấp cho Kyiv nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm bệ phóng hỏa tiễn chống tăng NLAW, được coi là công cụ chủ yếu trong quá trình phòng thủ ban đầu chống lại cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa.

5. Nếu Putin bị lật đổ, 5 người này có thể thay thế ông ta

Quân Nga tiếp tục sa lầy trong cuộc chiến tại Ukraine. Trong một diễn biến thật bi đát cho Putin, thống đốc do Putin bổ nhiệm đã khẩn thiết cầu xin Putin giúp di tản dân thường, thực tế là gia đình của ông ta và bạn bè ra khỏi Kherson trước khi họ bị quân Ukraine bắt giữ về tội phản quốc. Trong bối cảnh các chiến bại dồn dập đã có những tin đồn liên quan đến một cuộc đảo chính Putin.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “If Putin is Overthrown, These Five People Could Replace Him”, nghĩa là “Nếu Putin bị lật đổ, 5 người này có thể thay thế ông ta.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Khi cuộc chiến chống Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin sắp kết thúc 8 tháng xung đột, ngày càng có nhiều đồn đoán về việc ai có thể thay thế nhà lãnh đạo Nga nếu ông ta bị lật đổ.

Tổng thống Nga, bước sang tuổi 70 vào ngày 7 tháng 10, đã không đạt được chiến thắng chóng vánh mà ông cố gắng bảo đảm khi tuyên bố một chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24 tháng Hai.

Nhiều tháng sau, Ukraine đang chiếm lại các vùng lãnh thổ của mình ở phía nam và đông bắc.

Những thất bại đã làm dấy lên những lời chỉ trích hiếm hoi giữa các đồng minh hàng đầu của ông, bao gồm lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, và Yevgeny Prigozhin, người sáng lập tổ chức đánh thuê Nga, Tập đoàn Wagner, trong khi tình báo Ukraine ám chỉ một cuộc đảo chính có thể xảy ra trong quân đội của Putin.

Các quan chức nổi tiếng của Điện Cẩm Linh đã được coi là ứng cử viên sáng giá thay thế Putin, khi tờ Meduza của Nga đưa tin rằng những người trong cuộc của Điện Cẩm Linh đang thảo luận riêng về danh sách những người kế nhiệm tiềm năng trong trường hợp Putin bị lật đổ vì chiến tranh Ukraine.

Người được coi là có triển vọng nhất là Dmitry Medvedev.

Ông ta là cựu tổng thống Nga, cựu thủ tướng và phó chủ tịch Hội đồng an minh quốc gia là một trong số những người kế nhiệm tiềm năng đang được các quan chức Điện Cẩm Linh thảo luận.

Carnegie Endowment for International Peace, một tổ chức tư vấn của Mỹ, đánh giá rằng người đàn ông 57 tuổi này đã có tiếng nói mạnh mẽ trong suốt cuộc chiến, đưa ra những bình luận cứng rắn và mạnh mẽ về các vấn đề chính sách đối ngoại.

Hôm thứ Hai, Medvedev đã bị đưa vào danh sách truy nã của Kyiv.

Cơ quan an ninh SBU của Ukraine cho biết anh ta bị truy nã theo một phần của bộ luật hình sự liên quan đến các nỗ lực phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và sự bất khả xâm phạm của biên giới nước này.

Người thứ hai là Sergey Kiriyenko

Người đàn ông 60 tuổi này là phó chánh văn phòng thứ nhất của Putin, và ông đã được ghi nhận là người đã khởi động sự nghiệp của Putin khi giao cho ông ta công việc hàng đầu tại cơ quan an ninh chính của Điện Cẩm Linh, Cơ quan An ninh Liên bang, gọi tắt là FSB.

Kiriyenko hiện chịu trách nhiệm giám sát và điều hành việc sáp nhập các vùng Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine, một nhiệm vụ được đưa ra khi cộng đồng quốc tế chỉ trích các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại các khu vực này là bất hợp pháp.

“Ông ấy thường xuyên xuất hiện trước công chúng và nói những gì tổng thống thích nghe”, một nguồn tin của Điện Cẩm Linh nói với Meduza.

Hoa Kỳ đã nhiều lần muốn giết chết Sergey Kiriyenko. Trong hai dịp, họ đã mật báo cho Ukraine pháo kích sát hại ông ta nhưng trễ mất một vài phút.

Người thứ ba và thứ tư là Dmitry và Nikolai Patrushev

Dmitry Patrushev, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga, là con trai của người đứng đầu Hội đồng An ninh Nga, Nikolai Patrushev. Tên của hai người này đã được nhắc đến như những người kế vị tiềm năng.

Stephen Hall, giảng viên chính trị tại Đại học Bath, nói với Newsweek rằng Điện Cẩm Linh đã nói về cặp này “trong một thời gian rất dài.”

“Nikolai Patrushev trong quá khứ đã rất giỏi trong việc vận dụng những gì cần thiết, và anh ấy rất giỏi trong nhiều mặt và duy trì sức mạnh của mình. Vì vậy, rất có thể rằng ông ấy có thể kế nhiệm Putin,” Hall nói.

Ngài Richard Dearlove, người từng là người đứng đầu Cơ quan Tình báo Anh từ năm 1999 đến năm 2004, cũng cho biết vào tháng 7 rằng Nikolai Patrushev, một đồng minh lâu năm của Putin, là ứng cử viên có khả năng nhất.

Cuối cùng là Yevgeny Prigozhin

Prigozhin, người sáng lập Tập đoàn Wagner, đã gây chú ý trong những tuần gần đây vì đã công khai chế nhạo quân đội của Putin trong bối cảnh một loạt các cuộc phản công thành công do Kyiv tiến hành ở phía nam và đông bắc của Ukraine.

Prigozhin, người có biệt danh là “đầu bếp của Putin” vì công ty của ông ta thường cung cấp các bữa tiệc cho Điện Cẩm Linh. Nhưng, chuyên gia quân sự Nga Oleg Zhdanov rằng ngày nay Prigozhin có thể qua mặt Putin vì các thất bại trên chiến trường đã làm giới diều hâu của Nga chán nản với Putin. Đáp lại, đánh giá này, Hall nói rằng Prigozhin có thể buộc Putin “lùi lại hậu trường như một bậc thầy bù nhìn”.

Ông Hall nói, Prigozhin cũng có thể đưa Medvedev vào vai một tổng thống bù nhìn trong khi ông ta hành động ở hậu trường.

“Chúng tôi có thể thấy điều này, ông ta có nhóm bán quân sự của riêng mình, Nhóm Wagner. Bởi vì ông ta có vấn đề, về mặt hiến pháp mà nói không ai có tiền án hình sự có thể làm tổng thống, nhưng mà tất nhiên, hiến pháp có thể bị thay đổi,” Hall nói.

Putin có thể bị lật đổ không?

Các nhà bình luận chính trị đang lẫn lộn về việc liệu người đứng đầu Điện Cẩm Linh có bị lật đổ vì việc giải quyết cuộc chiến Ukraine hay không.

Kasia Kaczmarska, giảng viên chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Edinburgh, nói với Newsweek rằng cô vẫn thấy Putin là người “tương đối an toàn” trong triều đại kéo dài 22 năm của ông.

“Tôi không nghĩ bất kỳ cá nhân nào trong chế độ có khả năng thay thế Putin. Các đồng minh của ông ấy sẽ phải hợp lực để thách thức sự lãnh đạo của ông ấy,” cô nói.

“Tuy nhiên, những tranh chấp liên tục và ngày càng lớn hơn giữa các cấu trúc nhà nước và mạng lưới thân cận của Putin đã cản trở sự xuất hiện của một liên minh chống Putin”.

Adrian Florea, giảng viên cao cấp về quan hệ quốc tế tại Đại học Glasgow, nói với Newsweek rằng bất kỳ cuộc tranh giành quyền lực nào hiện có thể xảy ra trong chế độ Putin đều “khá mờ mịt và không dễ giải mã”, nhưng lưu ý rằng bất đồng quan điểm đã gia tăng trong bối cảnh quân đội thất bại.

Florea đánh giá rằng nếu Nga mất khu vực phía đông Donbas hay Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014, thì triển vọng thay đổi chế độ sẽ cao hơn nhiều.

Ông nói: “Với những tổn thất trên chiến trường rộng lớn như vậy, Putin có thể sẽ thấy mình ở vị trí ra lệnh điều động quân sự quy mô lớn, có khả năng thu hút sự giận dữ của cộng đồng lớn trong các thành thị của Nga”.

Việc huy động quy mô lớn có thể sẽ đẩy đất nước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, có khả năng dẫn đến sự bất bình rộng rãi và biến động của công chúng, và cuối cùng là sự đào tẩu khỏi chính chế độ và khu vực ngoại vi - các thống đốc khu vực, những người cho đến nay phần lớn vẫn trung thành với Putin —Florea lập luận.

Ông nói thêm: “Trong những trường hợp này, cuộc tranh giành quyền lực bên trong Điện Cẩm Linh có thể sẽ trở nên gay gắt hơn.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.
 
Công tố viên LHQ: Sẽ có một ngày phán xét về tội ác chiến tranh ở Ukraine. Trường hợp ĐHY Quân
VietCatholic Media
05:07 15/10/2022


1. Đức Thánh Cha Phanxicô chia buồn với các nạn nhân vụ nổ ở Ái Nhĩ Lan

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bảo đảm “sự gần gũi về tinh thần” của mình với những người bị ảnh hưởng bởi vụ nổ trạm xăng ngày 7 tháng 10 ở tây bắc Ái Nhĩ Lan.

Trong một thông điệp gửi cho Đức Cha Alan McGuckian của Raphoe, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài “rất buồn khi biết về những thiệt hại về người và của.”

Giáo chủ Công Giáo Ái Nhĩ Lan, là Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin của Armagh, đã đến thăm Creeslough hôm thứ Hai và nói chuyện với một số người tham gia nỗ lực giải cứu.

Một vụ nổ vào chiều thứ Sáu tại một trạm xăng ở Creeslough, County Donegal, đã giết chết 10 người, trong đó có ba trẻ em. Theo báo chí địa phương, ít nhất 8 người khác bị thương đã được đưa đến bệnh viện.

“Đức Thánh Cha cầu xin các phước lành thiêng liêng an ủi và chữa lành cho những người bị thương, những người phải di dời và các gia đình đang đương đầu với nỗi đau mất mát,” thông điệp của Vatican, được ký bởi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết.

Bức thư, đề ngày 8 tháng 10 và được công bố bởi Highland Radio, cho biết thêm: “Trong khi giao phó những người đã khuất cho tình yêu thương xót của Thiên Chúa toàn năng, Đức Thánh Cha cầu xin các phước lành thiêng liêng sự an ủi và chữa lành cho những người bị thương, những người phải di dời và các gia đình đang đương đầu với nỗi đau mất mát.”

“Như một bảo chứng về sức mạnh và hòa bình trong Chúa, Đức Thánh Cha gửi lời chúc phúc đến tất cả người dân Ái Nhĩ Lan.”

Cảnh sát Ireland vẫn đang điều tra các tình tiết dẫn đến vụ nổ. AP dẫn lời một quan chức địa phương nói rằng “đây là một vụ tai nạn thảm khốc”.

Thủ tướng Ái Nhĩ Lan Micheál Martin cho biết đây là một trong những “ngày đen tối nhất đối với Donegal và toàn bộ đất nước.”

Những cuốn sách chia buồn đã được cung cấp để ghi lại những lời thương tiếc tại một số địa điểm trong cả nước và trực tuyến.

Vua Charles của Vương quốc Anh cũng bày tỏ sự đau buồn trước vụ nổ.

Trong một thông điệp, nhà vua nói: “Chúng tôi muốn các bạn biết rằng chúng tôi cảm thông chân thành nhất và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến những người đã mất người thân.”
Source:Catholic News Agency

2. Công tố viên quốc tế hàng đầu nói sẽ có một “ngày phán xét” về chiến tranh Ukraine

Karim Ahmad Khan, công tố viên chính của Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, cho biết ông tin rằng sẽ có công lý cho những tội ác chiến tranh gây ra trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Luật pháp quốc tế sẽ “bảo đảm rằng sẽ có ngày phán xét ở Ukraine đối với bất kỳ kẻ bắt nạt nào, bất kỳ cá nhân nào có súng hoặc hỏa tiễn, hoặc có khả năng khủng bố những người dễ bị tổn thương nhất”.

“Luật pháp có thể không mạnh như nhiều người mong muốn, nhưng cũng không yếu như nhiều người nghĩ. Và luật đang được áp dụng,” Khan nói.

Người đứng đầu ICC nói rằng ông “cực kỳ lo ngại” về cái chết của dân thường sau nhiều cuộc không kích của Nga quét qua Ukraine hôm thứ Hai. Ông nói với CNN rằng ICC sẽ tiến hành một cuộc điều tra hình sự.

“Tôi có các thành viên trong văn phòng của tôi đêm qua đã ở trong boongke cùng với nhiều thường dân khác. Trẻ em, phụ nữ và nam giới Ukraine và đây là một vấn đề liên quan đến vấn đề đạo đức, vấn đề luật pháp và các vấn đề về sự đồng cảm và nhân bản,” ông nói.

“Chúng ta cần phải ở đó để nói lên sự thật,” anh nói thêm.
Source:CNN

3. Vụ bách hại Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân

Luật sư Công Giáo Sean Nelson là cố vấn pháp lý cho quyền tự do tôn giáo toàn cầu cho tổ chức Liên Minh Bảo Vệ Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, gọi tắt là ADF International.

Trên tờ First Things, ông có bài nhận định nhan đề “The Persecution Of Cardinal Zen” về những bách hại mà Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân phải gánh chịu. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng đang bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc xét xử vì cáo buộc không ghi danh tổ chức phi lợi nhuận cung cấp hỗ trợ tài chính và pháp lý cho những người biểu tình bị bắt trong các cuộc biểu tình ở Hương Cảng trong hai năm 2019 và 2020. Các công tố viên đã đưa ra cáo buộc của họ vào tuần trước và phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày 26 tháng 10.

Vị Hồng Y chín mươi tuổi đã trở thành một nhân vật quốc tế chống lại chủ nghĩa toàn trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và một nhà đấu tranh cho dân chủ và tự do tôn giáo. Phiên tòa này và một cuộc điều tra đồng thời nhằm mục đích bịt miệng ngài trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đàm phán với Vatican về việc gia hạn lần thứ hai một thỏa thuận bí mật năm 2018 cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát việc bổ nhiệm các tân giám mục và hợp pháp hóa bảy giám mục trung thành với chế độ, những người đã được tấn phong mà không có sự chấp thuận của Vatican.

Nếu bị kết tội vi phạm Sắc lệnh Xã hội của Hương Cảng, hình phạt sẽ là một khoản tiền phạt tương đối nhỏ; nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể sẽ sử dụng lời kết tội để ủng hộ việc buộc tội Đức Hồng Y Quân thông đồng với các đặc vụ nước ngoài nhằm phá hoại chính phủ. Nếu bị kết tội, Đức Hồng Y và những người có liên quan trong vụ án có thể chịu một bản án chung thân, nhưng thậm chí một bản án nhẹ hơn vẫn có thể đồng nghĩa với cái chết trong tù đối với Đức Hồng Y Quân đã 90 tuổi. Vì vậy, nguy cơ là rất cao, và việc thẩm phán từ chối cho phép người bào chữa kiểm tra chéo các nhân chứng của công tố cho thấy đây sẽ là một phiên tòa không có chút công bằng nào.

Khi được hỏi về hoàn cảnh của Đức Hồng Y Quân vào tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã miễn cưỡng gọi chính phủ Trung Quốc là “phi dân chủ”. “Đúng, đúng là có những điều dường như không dân chủ đối với chúng ta, đó là sự thật,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Tôi nghĩ là Đức Hồng Y Quân sẽ bị xét xử vào những ngày này. Và ngài sẽ nói những gì ngài cảm thấy, và bạn có thể thấy rằng có những hạn chế ở đó.”

Khi Vatican xem xét liệu có nên gia hạn thỏa thuận bí mật với Đảng Cộng sản Trung Quốc - một thỏa thuận làm gia tăng cuộc đàn áp đối với Giáo Hội Công Giáo thầm lặng ở Trung Quốc - Vatican cần nên ghi nhớ những gì mà Đức Hồng Y Quân đã “nói” và “cảm thấy” trong những năm qua. Chứng tá của ngài cho thấy ngài là một anh hùng vĩ đại của đức tin, nhân quyền và tự do tôn giáo, đồng thời củng cố lý do tại sao tất cả những người thiện chí nên đứng lên thay mặt ngài.

Đức Hồng Y Quân trong nhiều thập kỷ đã tìm kiếm sự độc lập của Giáo Hội Công Giáo khỏi bộ máy nhà nước Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc duy trì một cơ quan “chính thức” được gọi là Hiệp hội Công Giáo Yêu nước, mà lòng trung thành chính của các thành viên là nhà nước cộng sản chứ không phải Chúa Kitô. Như một trong những giám mục được Đức Thánh Cha phong chức một cách bất hợp pháp mà không có sự đồng ý của Vatican giải thích: “Tình yêu đối với quê hương phải lớn hơn tình yêu đối với Giáo hội.”

Sau khi tham vấn với Đức Hồng Y Quân vào năm 2007 về những áp lực mà Giáo hội phải đối mặt dưới thời Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đức Bênêđíctô XVI đã tuyên bố trong một bức thư gửi cho những người Công Giáo Trung Quốc, “Các nhà chức trách dân sự nhận thức rõ rằng Giáo hội trong giáo huấn của mình mời gọi các tín hữu trở thành những công dân tốt. nhưng cũng rõ ràng là Giáo Hội yêu cầu Nhà nước bảo đảm cho những công dân Công Giáo đó thực hiện đầy đủ đức tin của họ, tôn trọng quyền tự do tôn giáo đích thực.”

Đức Hồng Y Quân hoan nghênh sự thẳng thắn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô và cảnh báo về việc đình chiến với Hiệp hội Yêu nước Công Giáo khi các tín hữu bị từ chối quyền tự do đích thực như vậy: “Các giám mục, các bạn thấy đấy, họ không bao giờ có thể gặp nhau, họ không bao giờ có thể ngồi xuống và nói chuyện cùng nhau. Họ luôn bị chính phủ kiểm soát, và cái gọi là hội đồng giám mục chỉ họp khi chính phủ kêu gọi họ họp, do chính phủ chủ trì”.

Bức thư của Đức Bênêđíctô đã cho Đức Hồng Y Quân hy vọng rằng có thể đạt được một thỏa thuận có lợi. Nhưng hy vọng đó đã tan thành mây khói. Trong một cuốn sách năm 2017, Đức Hồng Y Quân đã so sánh chính sách Trung Quốc của Vatican với những thỏa hiệp của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục với Liên Xô: “Sự quá khích của các quan chức trong Giáo triều Rôma đã làm suy yếu mọi nỗ lực” hướng tới sự cải thiện thực sự đối với Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc. Cũng chính Ostpolitik - và những người ủng hộ nó - mà Đức Hồng Y Quân tin rằng đã dẫn dắt Đức Thánh Cha Phanxicô đến chỗ công nhận vào năm 2018 các giám mục bất hợp pháp trước đây và tiếp tục gạt Giáo hội thầm lặng ra ngoài lề.

Đức Hồng Y Quân hiểu rằng thỏa thuận năm 2018 có nghĩa là Giáo hội không còn quyền tự do ngôn luận, không chỉ cho người dân của mình, mà còn chống lại cuộc diệt chủng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, bao gồm cả việc cưỡng bức phá thai và triệt sản. “Sự im lặng tai tiếng này sẽ làm hỏng công việc truyền giáo,” vị Hồng Y nói vào năm 2020. “Ngày mai khi mọi người sẽ tụ họp để lên kế hoạch cho một Trung Quốc mới, Giáo Hội Công Giáo có thể không được chào đón.”

Đức Hồng Y Quân lưu ý vào năm 2020 rằng thỏa thuận này không thay đổi chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc cấm bất kỳ ai dưới 18 tuổi vào nhà thờ. Thay vào đó, thỏa thuận đã giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc đẩy những người Công Giáo thầm lặng tiến tới các cộng đồng “chính thức”. Đức Hồng Y Quân nói: “Họ không còn có thể có nhà thờ của họ nữa,” họ không thể thực hiện các bí tích trong nhà riêng nữa và Vatican không còn bổ nhiệm giám mục cho họ nữa.” Ngoài Đức Hồng Y Quân, bảy giám mục khác tiếp tục bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bách hại. Sự khoan dung tại Hương Cảng cũng đã chấm dứt.

Thay vào đó, chúng ta cần tinh thần đã khiến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố chống lại các chính phủ Cộng sản, trong thông điệp đầu tiên của Ngài về Chúa Cứu thế, rằng “việc cắt giảm quyền tự do tôn giáo của các cá nhân và cộng đồng không chỉ là một trải nghiệm đau đớn mà trên hết là một cuộc tấn công phẩm giá của con người.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã theo đuổi sự mở rộng đáng kể cho tự do tôn giáo ở Trung Đông, và các giám mục trên toàn thế giới lên tiếng mạnh mẽ cho tự do tôn giáo ở những nơi như Nicaragua và Nigeria. Giờ đây, cũng cần có sự can đảm đó thay mặt cho Đức Hồng Y Quân, và cho tất cả những người Công Giáo, Kitô hữu và các tôn giáo thiểu số khác ở Trung Quốc.
Source:First Things
 
Âu Châu đồng thanh tuyên bố Nga là nhà nước khủng bố. Nga đe dọa thế chiến thứ ba. Rắc rối Elon Musk
VietCatholic Media
15:51 15/10/2022


1. Quan chức quân đội Mỹ cho biết Nga đã phóng hàng trăm hỏa tiễn vào các mục tiêu chủ yếu là dân sự trong tuần này

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết các lực lượng Nga đã tiến hành hàng trăm cuộc tấn công hỏa tiễn vào Ukraine trong tuần qua, hầu hết là vào các mục tiêu dân sự.

“Kể từ vụ tấn công ở cầu Eo biển Kerch vào tuần trước, chúng tôi đã thấy người Nga tiếp tục trả đũa. Quan chức này cho biết việc sử dụng các loại đạn dược dẫn đường chính xác theo cách rất không chính xác đã tiếp tục diễn ra trong suốt tuần qua. Tôi nghĩ thật công bằng khi nói rằng chúng ta đang chứng kiến hàng trăm hỏa tiễn mà người Nga đã phóng vào các mục tiêu Ukraine.”

Chuẩn tướng Pat Ryder nhấn mạnh rằng người Nga chủ yếu tấn công vào dân thường, đặc biệt là cơ sở hạ tầng dân sự bao gồm “điện, nước, cầu và những cơ sở hạ tầng khác, kể cả trường học.”

“Các hỏa tiễn Nga đã được sử dụng vào các mục tiêu dân sự một cách bừa bãi hoặc chắc chắn là theo cách có chủ ý vì nó liên quan đến các mục tiêu cơ sở hạ tầng như điện, cầu hoặc các mục tiêu khác”

Cuộc tấn công chết người của Putin được biện minh là sự trả đũa cho vụ nổ cầu. Làn sóng tấn công hỏa tiễn chết người bắt đầu từ hôm thứ Hai và gây ra thiệt hại lớn cho các hệ thống điện trên khắp Ukraine, buộc người dân phải giảm tiêu thụ để tránh mất điện.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu nói rằng không cần thiết phải có thêm các cuộc tấn công “lớn” chống lại Ukraine “ít nhất là vào lúc này”. Ông ta cũng cho biết mình không hối hận về cuộc xâm lược Ukraine.

Nga tiếp tục phải đối mặt với phản ứng dữ dội của quốc tế về chiến tranh và sự phẫn nộ toàn cầu nhắm vào dân thường. Các nhà lập pháp Âu Châu đã bỏ phiếu áp đảo hôm thứ Năm để tuyên bố Nga là một nhà nước “khủng bố”.

2. Trong cuộc bỏ phiếu gần như nhất trí, các nhà lập pháp Âu Châu kêu gọi tuyên bố Nga là một nhà nước “khủng bố”

Hội nghị gồm 46 Quốc Hội trên khắp Âu Châu đã bỏ phiếu ủng hộ áp đảo vào hôm thứ Năm cho một nghị quyết kêu gọi các nước Âu Châu “tuyên bố chế độ hiện tại của Nga là một chế độ khủng bố”.

Tổng cộng 99 trong số 100 thành viên của Hội đồng Nghị viện của Âu Châu, gọi tắt là PACE, đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết. Chỉ có một nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Đảng Nhân dân Cộng hòa bỏ phiếu trắng.

Nghị quyết cho biết: “Việc quân đội Nga tiếp tục sử dụng pháo tầm xa để tấn công các thị trấn và thành phố trên khắp Ukraine đã gây ra sự tàn phá lớn và chết chóc. Với những cuộc tấn công bừa bãi này, mục đích của Nga là nhằm thúc đẩy chính sách chống khủng bố của mình để trấn áp ý chí phản kháng và bảo vệ đất nước của người Ukraine và gây tổn hại tối đa cho dân thường”.

Nghị quyết kêu gọi Nga “rút hoàn toàn và vô điều kiện các lực lượng đang chiếm đóng.”

PACE là cơ quan nghị viện của Hội đồng Âu Châu, một tổ chức quốc tế tách biệt với Liên minh Âu Châu. Nó có nhiều thành viên hơn, bao gồm các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Vương quốc Anh, cũng như các quốc gia nửa Á nửa Âu như Azerbaijan. PACE bao gồm các đại biểu quốc hội đến từ các quốc gia thành viên.

3. Nga dự kiến hoàn thành sửa chữa cầu Crimea vào tháng 7 năm sau

Chính phủ Nga đã công bố kế hoạch hoàn thành việc sửa chữa cầu Crimea vào ngày 1 tháng 7 năm 2023, theo một nghị định được công bố trên cổng thông tin của chính phủ.

Cầu đường bộ và đường sắt bị hư hỏng nặng trong một vụ nổ vào cuối tuần trước. Nga đã đổ lỗi cho các cơ quan an ninh của Ukraine về vụ tấn công, được cho là được thực hiện với một quả bom được giấu bên trong một chiếc xe tải.

Nghị định do Thủ tướng Mikhail Mishustin ký tuyên bố rằng Công ty Nizhneangarsktransstroy đã được chỉ định làm nhà thầu duy nhất cho việc khôi phục và xây dựng lại cây cầu Crimea.

Nghị định cho biết “thời hạn giao kết hợp đồng nhà nước để thực hiện công việc được chỉ định là ngày 1 tháng 7 năm 2023,”

4. Các quan chức Ukraine đưa ra cử chỉ hòa giải với Elon Musk

Một quan chức cấp cao của Ukraine đã có cử chỉ hòa giải đối với tỷ phú Mỹ và Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk sau khi có những trao đổi gay gắt về ý tưởng của ông để giải quyết xung đột với Nga.

“Chắc chắn @elonmusk là một trong những nhà tài trợ tư nhân hàng đầu thế giới hỗ trợ Ukraine,” Mykhailo Fedorov, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine đã tweet. “Starlink là một yếu tố thiết yếu của cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi.”

Những nhận xét này dường như nhằm tạo ra một ranh giới dưới sự chỉ trích gay gắt của một số quan chức Ukraine đối với Musk sau khi ông ta công khai các ý tưởng về một giải pháp hòa bình trong đó Ukraine phải nhượng lại Crimea và đồng ý với quy chế trung lập.

Nỗ lực để giải quyết ổn thỏa diễn ra sau khi CNN đưa tin rằng SpaceX đã gửi một lá thư tới Ngũ Giác Đài vào tháng trước nói rằng họ không thể tiếp tục tài trợ cho dịch vụ vệ tinh Starlink và yêu cầu Ngũ Giác Đài trả các phí tổn.

Hệ thống này - đã được cung cấp miễn phí kể từ đầu cuộc xung đột - là một liên kết thiết yếu cho phép các lực lượng của Ukraine duy trì liên lạc.

Ngay sau dòng tweet từ Fedorov, một quan chức cấp cao khác của Ukraine đã nói về giá trị của hệ thống Starlink đối với nỗ lực chiến tranh của Ukraine.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của Chánh văn phòng Tổng thống, đã tweet: “Hãy trung thực. Dù muốn hay không, @elonmusk đã giúp chúng ta sống sót qua những thời khắc quan trọng nhất của chiến tranh”.

“Doanh nghiệp có quyền với các chiến lược của riêng mình. Ukraine sẽ tìm ra giải pháp để giữ cho #Starlink hoạt động. Chúng tôi kỳ vọng rằng công ty sẽ cung cấp kết nối ổn định cho đến khi kết thúc các cuộc đàm phán.”

Trong khi đó Ngũ Giác Đài cho biết: “Chúng tôi có thể xác nhận rằng Bộ Quốc Phòng đã nhận được thư từ SpaceX về việc Starlink tài trợ cho sản phẩm truyền thông vệ tinh của họ ở Ukraine. Chúng tôi vẫn liên lạc với SpaceX về vấn đề này và các chủ đề khác.”

5. Cuộc phản công của Ukraine có phụ thuộc vào lòng thương xót trong những ý tưởng bất chợt của Elon Musk không?

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Is Ukraine's Counteroffensive at the Mercy of Elon Musk's Whims?”, nghĩa là “Cuộc phản công của Ukraine có phụ thuộc vào lòng thương xót trong những ý tưởng bất chợt của Elon Musk không?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Doanh nhân tỷ phú Elon Musk đã đưa Internet đến Ukraine bị chiến tranh tàn phá vào đầu năm nay, giúp hỗ trợ đất nước phản công chống lại các lực lượng Nga xâm lược.

Ngay từ đầu cuộc chiến, quân đội Ukraine đã dựa vào hệ thống Starlink của Musk để kết nối các máy bay không người lái của mình với internet nhằm tấn công lực lượng Nga.

Đến tháng 4, công ty của Musk đã giao khoảng 5,000 thiết bị đầu cuối cho Ukraine, giúp làm suy yếu các nỗ lực tuyên truyền của Nga khi dịch vụ này thu hút khoảng 150,000 người dùng hàng ngày trong nước, theo ước tính từ chính phủ Ukraine.

Nhưng một số người lo sợ rằng tất cả những điều đó có thể sớm mất đi.

Đầu tuần này, các báo cáo xuất hiện rằng Musk - người ban đầu cam kết cung cấp phần lớn cơ sở hạ tầng Ukraine của Starlink với sự hỗ trợ từ chính phủ Hoa Kỳ - đã viết cho Ngũ Giác Đài vào tháng 9 rằng SpaceX, công ty vận hành Starlink, không còn đủ khả năng trang trải chi phí dịch vụ và yêu cầu Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chịu chi phí.

Tin tức đã gây ra sự phẫn nộ từ các quan chức Ukraine cũng như các công dân tự xưng là một trong số hàng nghìn người đã trả tiền để truy cập internet trong chiến tranh. Một số người, khi biết tin, bắt đầu tự hỏi liệu số tiền đã được sử dụng như thế nào, hoặc liệu những tuyên bố của Musk có phải là mô tả chính xác về tình hình tài chính của công ty hay không.

“Elon Musk đang than vãn về việc mất rất nhiều tiền trên Starlinks cho Ukraine,” Melaniya Podolyak, một người có ảnh hưởng ở Ukraine, đã tweet sau tin tức về Musk kèm theo ảnh chụp màn hình danh sách các khoản thanh toán mà cô ấy đã thực hiện cho Internet Starlink. “Trong khi đó, tôi có thể trình bày cho các bạn một đoạn trong bảng thu chi ngân hàng của tôi. Hàng nghìn người Ukraine, trả tiền cho công ty của anh ta hàng tháng. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là: Elon Musk có thực sự mất nhiều tiền hơn số tiền Elon Musk kiếm được không?”

Newsweek đã liên hệ với SpaceX để đưa ra bình luận về tình trạng tài chính của chương trình và về việc liệu thông cáo giữa Musk và Ngũ Giác Đài có liên quan đến bất kỳ khó khăn nào liên quan đến các dự án kinh doanh khác của Musk hay không, chẳng hạn như việc mua lại nền tảng truyền thông xã hội Twitter và sự suy giảm hiệu suất trong suốt năm qua của công ty sản xuất xe điện Tesla.

Trong khi đó, viễn cảnh Starlink biến mất khỏi chiến trường có thể gây khó khăn cho Ukraine vì nước này đã tìm thấy thành công mới trong việc đẩy lùi lực lượng Nga khỏi các khu vực bị chiếm đóng ở miền đông đất nước. Các quan chức Ukraine cho biết việc ngừng hoạt động gần đây với các thiết bị Starlink đã làm căng thẳng nỗ lực của quân đội Ukraine nhằm tổ chức một cuộc phản công chống lại người Nga tại các khu vực do Nga kiểm soát.

Các quan chức khác, bao gồm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy - người từng cám ơn Musk vì đã giúp đỡ đất nước trong giai đoạn đầu của cuộc chiến - đã quay sang chỉ trích Musk, đặc biệt là sau khi Musk, người được cho là có liên hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, công bố đề xuất hòa bình giữa hai nước trên Twitter bao gồm việc Ukraine có khả năng phải nhượng lại đất mà Nga đã chiếm giữ khi bắt đầu cuộc xâm lược.

“Bạn thích Elon Musk nào hơn?” Zelenskiy đã tweet để đáp lại. “Một người ủng hộ Ukraine” hoặc “Một người ủng hộ Nga.”

Không rõ liệu Musk có từ chối tiếp tục tài trợ cho các hoạt động của Starlink ở đó hay không - hay Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ bắt đầu.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết “Bộ Quốc Phòng tiếp tục làm việc với các ngành công nghiệp để tìm ra các giải pháp cho các lực lượng vũ trang của Ukraine khi họ đẩy lùi sự xâm lược tàn bạo và vô cớ của Nga. Chúng tôi không có bất cứ điều gì khác để thêm vào lúc này.”

Newsweek đã liên hệ với Ngũ Giác Đài để đưa ra bình luận.

6. Nga cho biết việc trao cho Ukraine tư cách thành viên NATO chắc chắn sẽ khởi đầu Thế chiến thứ ba

Một quan chức Hội đồng An ninh Nga cho biết hôm thứ Năm rằng Nga đã đe dọa Thế chiến thứ ba nếu kẻ thù của họ là Ukraine được gia nhập NATO.

TASS dẫn lời Alexander Venediktov, Phó thư ký Hội đồng An ninh Nga, cho biết: 'Kyiv nhận thức rõ rằng một bước đi như vậy sẽ đồng nghĩa với việc bảo đảm leo thang tới Thế chiến thứ ba.

Venediktov, Phó Thư ký Hội đồng Bảo an cho Nikolai Patrushev, một đồng minh đắc lực của Putin, cho biết ông cảm thấy đơn xin gia nhập NATO của Ukraine chỉ là một hình thức tuyên truyền vì phương Tây hiểu rõ hậu quả của việc Ukraine trở thành thành viên NATO.

Venediktov nói: “Rõ ràng, đó là những gì họ đang dựa vào - để tạo ra nhiễu thông tin và thu hút sự chú ý đến chính họ một lần nữa”.

Ông nói thêm: “Bản chất tự sát của một bước đi như vậy đã được các thành viên NATO hiểu rõ.”

Venediktov nói: “Chúng ta phải nhớ rằng: một cuộc xung đột hạt nhân sẽ ảnh hưởng tuyệt đối đến toàn thế giới, không chỉ Nga và phương Tây, mà đến mọi quốc gia trên hành tinh này. 'Hậu quả sẽ là thảm khốc cho cả nhân loại.'

Cảnh báo này được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy thông báo bất ngờ về việc gia nhập NATO vào ngày 30/9.

Chỉ vài giờ trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức tuyên bố sáp nhập 15% lãnh thổ Ukraine vào Nga.

Tuy nhiên, đơn xin tư cách thành viên của Ukraine phần lớn được coi là mang tính biểu tượng, vì tư cách thành viên đầy đủ sẽ yêu cầu sự đồng ý của tất cả 30 thành viên NATO, và các tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra là một trở ngại cho các nước tham gia liên minh.

Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần đe dọa sẽ tung ra kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình khi ông chống lại Hoa Kỳ vì đã thúc đẩy NATO mở rộng về phía đông.

Tuy nhiên, sự mở rộng thường do các nước láng giềng của Nga yêu cầu vì lo sợ sự thống trị của Nga và sự đàn áp cũng như nạn diệt chủng đi kèm với nó.

Nga lo ngại NATO tán tỉnh các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là Ukraine và Georgia, những quốc gia mà Điện Cẩm Linh coi là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của chính mình. Điều này đã khiến Điện Cẩm Linh bị kích động và khiến họ tuyên bố việc gia nhập của các nước là lằn ranh đỏ.

Ông Putin ngày 21/9 cảnh báo phương Tây rằng ông không nói đùa khi cho rằng ông sẽ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ Nga sau khi tuyên bố ý định cướp những vùng đất thuộc chủ quyền của Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết thế giới phải đối mặt với nguy cơ hạt nhân lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962. NATO sẽ tổ chức một cuộc tập trận chuẩn bị hạt nhân hàng năm có tên 'Buổi trưa ổn định' vào tuần tới.

Nga và Mỹ cho đến nay là những cường quốc hạt nhân lớn nhất, kiểm soát khoảng 90% đầu đạn hạt nhân trên thế giới.

Tình hình hiện tại giống như một thùng thuốc súng, khi các nước NATO phải đi dây tử thần giữa việc từ chối cho phép Nga phủ quyết tư cách thành viên của bất kỳ quốc gia nào - 'không nước thứ ba nào có quyền lên tiếng hăm dọa trong những cuộc thảo luận như vậy', đồng thời tránh một kịch bản có thể xảy ra dẫn đến chiến tranh công khai với nhà nước độc tài ở sườn phía đông của nó.

Liên minh quân sự viết trên trang web của mình: 'Chính sách mở cửa' của NATO dựa trên Điều 10 của hiệp ước thành lập khối.

'Mọi quyết định mời một quốc gia tham gia Liên minh đều do Hội đồng Bắc Đại Tây Dương đưa ra trên cơ sở đồng thuận của tất cả các nước Đồng minh. Không có quốc gia thứ ba nào có tiếng nói trong những cuộc thảo luận như vậy. '
 
Lạ lùng: Giám mục Thụy Sĩ mới 59 tuổi tuyên bố xin từ chức Giám Mục vì mệt mỏi nội tâm
VietCatholic Media
17:05 15/10/2022


1. Thẩm phán New York mở đường cho việc công nhận đa phu, đa thê

Một thẩm phán ở New York đã mở ra cánh cửa để pháp luật công nhận các mối quan hệ đa phu, đa thê trong khi đưa ra các phán quyết liên quan đến một vụ kiện nhà đất.

Trong một phán quyết về tranh chấp căn hộ cho thuê, Thẩm phán Karen May Bacdayan của Tòa án Dân sự Thành phố New York cho rằng việc bảo vệ hợp pháp các mối quan hệ đồng giới không nên giới hạn ở hai người.

Vụ án tập trung vào ba người đàn ông: Scott Anderson, chết năm 2021; Markyus O'Neill, người sống với Anderson trong căn hộ của người đã qua đời; và Robert Romano, người bạn đời của Anderson, sống ở một địa điểm khác.

Sau cái chết của Anderson, O'Neill buộc phải từ bỏ căn hộ do người cho thuê quản lý vì theo chủ nhà, anh ta “chẳng khác gì một người bạn cùng phòng.” “Người bạn đời trong 25 năm” của Anderson là Romano, là người khởi kiện, cho biết như trên.

Trong phán quyết của mình trong vụ án West 49th St., LLC kiện O'Neill vào ngày 23 tháng 9, Bacdayan nêu ra khả năng rằng ba người đàn ông có thể đã tạo thành một “mối quan hệ giống như gia đình.”

Đáp lại, Tony Perkins, chủ tịch của Hội đồng Nghiên cứu Gia đình, cảnh báo vào ngày 4 tháng 10 rằng thẩm phán “về cơ bản đã mở rộng khả năng cho các kết hiệp đa phu, đa thê. Trong các phán quyết hôn nhân đồng giới trước đó họ chỉ công nhận mối quan hệ hai người. Nếu bây giờ họ công nhận các mối quan hệ nhiều hơn 2 người trong các kết hiệp đồng tính, họ thực sự đang mở ra cánh cửa đa phu, đa thê trong hôn nhân khác giới vì làm thế nào họ có thể giải thích rằng hôn nhân đồng giới có thể bao gồm nhiều hơn 2 người trong khi bác bỏ khả năng như thế trong hôn nhân khác giới.”
Source:Catholic News Agency

2. Giám mục Thụy Sĩ từ chức ở tuổi 59 do 'mệt mỏi nội tâm'

Hôm thứ Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của một giám mục Thụy Sĩ 59 tuổi. Vị Giám Mục nói rằng “sự mệt mỏi nội tâm” đã khiến chức vụ Giám Mục của ngài “không thể chịu đựng nổi” nữa.

Đức Cha Valerio Lazzeri đã cai quản Giáo phận Lugano, Thụy Sĩ từ năm 2013.

Trong cuộc họp báo chiều thứ Hai, ngài nói: “Sự chân thành và hoàn toàn minh bạch buộc tôi phải nói với các bạn rằng, đặc biệt là trong hai năm qua, sự mệt mỏi nội tâm đã lớn dần trong tôi khiến tôi dần mất đi động lực và sự thanh thản cần thiết để lãnh đạo giáo phận Lugano.”

Đức Cha Lazzeri nói thêm: “Các khía cạnh công cộng, đại diện, quản lý tài chính và hành chính, đã trở nên không thể chịu đựng được đối với tôi, bất kể có sự hiện diện quý giá của các cộng tác viên mà tôi rất biết ơn.”

Đức Cha Lazzeri sinh ngày 22 tháng 7 năm 1963 và thụ phong linh mục năm 1989. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm giám mục Lugano, thuộc bang Ticino của Thụy Sĩ, vào cuối năm 2013.

Trong một tuyên bố ngắn gọn hôm thứ Hai, văn phòng báo chí của Tòa Thánh không nêu chi tiết về những lý do có thể cho việc từ chức.

Tại cuộc họp báo vào ngày 10 tháng 10, vị Giám Mục Thụy Sĩ tuyên bố, theo một báo cáo của Corriere del Ticino: “Tôi nói với các bạn điều này với một trái tim rộng mở: Tôi không còn có thể tưởng tượng được là sẽ tiếp tục ở vị trí mà tôi đã cố gắng nắm giữ cho đến bây giờ.”

“Vì lý do này, sau nhiều ngày suy ngẫm, tôi thấy rằng cần thiết, vì lợi ích của giáo phận và của tất cả mọi người, đặt lại vào tay Đức Thánh Cha sứ mệnh mà ngài đã giao phó cho tôi vào thời điểm đó.”

Vị giám mục nói rằng ngài “tin tưởng vào sự hiểu biết của các bạn, tình cảm của các bạn và sự gần gũi của các bạn. Tôi xin các bạn tiếp tục cầu nguyện cho tôi, tôi cũng sẽ làm điều đó cho các bạn”.

CNA Deutsch, hãng thông tấn tiếng Đức của CNA, đưa tin các phương tiện truyền thông địa phương của Thụy Sĩ đã đăng tải tin đồn rằng Lazzeri sẽ từ chức vào thứ Sáu.

Theo cổng thông tin Thụy Sĩ “kath.ch”, vị Giám Mục đã thu hút rất ít sự chú ý của quốc gia trong những năm gần đây, trong khi cũng vắng mặt trong chuyến thăm ad limina của các giám mục Thụy Sĩ đến Rôma năm ngoái vì lý do sức khỏe.

Đức Cha Alain De Raemy đã được chỉ định làm giám quản tông tòa, trong khi chờ bổ nhiệm người kế vị Đức Cha Lazzeri.
Source:Catholic News Agency

3. Một triệu người tuần hành khắp Mễ Tây Cơ vì phụ nữ, cuộc sống và hòa bình

Hơn một triệu người đã tuần hành ở 30 tiểu bang vì phụ nữ, cuộc sống và hòa bình ở Mễ Tây Cơ trong các ngày cuối tuần từ 8 đến 9 tháng 10.

Những người tổ chức các cuộc tuần hành trên toàn quốc nói với ACI Prensa, hãng thông tấn nói tiếng Tây Ban Nha của CNA, rằng chỉ riêng tại thành phố Mễ Tây Cơ, ước tính đã có khoảng 200,000 người tuần hành để đến tượng Thiên thần Độc lập, một tượng đài cho nền độc lập quốc gia ở giữa bùng binh lớn của một đại lộ ở trung tâm thành phố.

Các cuộc tuần hành, được tổ chức trong không khí vui tươi và hòa bình, đã diễn ra tại các thành phố của 30 bang “ủng hộ sự nghiệp của phụ nữ, bảo vệ cuộc sống con người và vì hòa bình ở Mễ Tây Cơ.”

“Tôi đang diễu hành thay mặt cho hàng triệu phụ nữ; Tôi đến với tất cả trái tim của mình, tôi đến vì gia đình, vì bạn bè, vì đất nước của tôi “, Laura, một trong những người tham gia cho biết.

“Thật sự đau đớn khi họ không coi chúng tôi, những phụ nữ mang thai, và có những người vẫn đối đầu với phụ nữ và cuộc sống của những đứa con trong bụng chúng tôi như kẻ thù,” cô nói thêm.

Một trong những phát ngôn nhân của cuộc tuần hành nói rằng “những gì chúng tôi muốn là những lựa chọn cho cuộc sống cho chính chúng tôi và cho con cái chúng tôi; chúng tôi tin rằng đã đến lúc phải vượt qua nạn phá thai ở Mễ Tây Cơ, như chế độ nô lệ đã từng được khắc phục”.
Source:Catholic News Agency