Ngày 16-10-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thuộc về ai?
Lm. Minh Anh
22:54 16/10/2022

THUỘC VỀ AI?
“Tôi phải làm gì đây?”.

Tại một vùng Châu Phi, những người cải đạo đầu tiên rất yêu thích cầu nguyện. Trên thực tế, mỗi tín đồ có một ‘phòng cầu nguyện’ đặc biệt bên ngoài bản làng; họ đến đó bằng một lối mòn giữa những lùm cây. Vậy khi cỏ bắt đầu mọc trên một trong những con đường mòn này, rõ ràng ai đó đã không cầu nguyện nhiều. Một phong tục độc đáo xuất hiện. Khi thấy cỏ mọc um tùm trên đường mòn của ai đó, người ta sẽ đi tìm chủ của nó và âu yếm cảnh báo, “Bạn ơi, bạn ‘thuộc về ai?’; cỏ đã mọc nhiều trên đường của bạn!”; và người ấy đáp, “Tôi phải làm gì đây?”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn ơi, bạn ‘thuộc về ai?’”, một câu hỏi thức tỉnh lòng người, khiến kẻ nghe phải vội thốt lên, “Tôi phải làm gì đây?”. Đó cũng là câu hỏi mà người phú hộ trong Tin Mừng hôm nay đặt ra cho mình, một câu hỏi rất đúng! Tiếc thay, anh ta có một câu trả lời sai! Bởi lẽ, anh không biết, anh ‘thuộc về ai?’. Thánh Vịnh đáp ca nói, “Chính Chúa dựng nên ta, và ta thuộc về Người!”.

Tin Mừng cho biết, vụ mùa năm ấy, anh bội thu! Một đôi khi, vận may đến, và điều này đồng nghĩa với việc khiến cho nhiều người lúng túng, “Tôi phải làm gì đây?”; “Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu!”. Và anh đưa ra một giải pháp, phá các lẫm cũ, xây những lẫm lớn hơn. Tuy nhiên, theo cái nhìn của Thiên Chúa, giải pháp của anh xem ra quá tồi, vì nó khá nghèo nàn! Anh chỉ nghĩ đến bản thân; ý tưởng chia sẻ những gì thặng dư cho ai khó khăn xem ra không bao giờ xuất hiện trong tâm trí anh; hay chí ít, thoáng qua suy nghĩ của anh; anh hoàn toàn tập trung vào bản thân. ‘Bài phát biểu’ của anh với chính mình chỉ chứa đầy những từ nhỏ, cụt ngủn, ‘tôi’ và ‘của tôi’ - ‘mùa màng của tôi’, ‘chuồng trại của tôi’, ‘kho lẫm của tôi’, ‘hoa màu của tôi’; và thậm chí, ‘linh hồn của tôi!’. Vậy mà, một điều quan trọng là linh hồn anh ‘thuộc về ai’, anh không hay biết. Nó thuộc về Chúa; cùng với mùa màng, của cải, và tất cả những gì anh sở hữu.

Và kìa, Chúa gọi anh! Sự nghèo nàn bên trong con người giàu có này được phơi trần. Anh đã không làm gì với vận may chợt đến vốn là món quà của Chúa; để từ đó, anh có thể chia sẻ cho những người khác. Anh tích trữ cho bản thân, và không làm cho mình trở nên giàu có trước mặt Chúa. Trong thư Êphêsô hôm nay, Phaolô nói đến lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với chúng ta; Ngài tặng ban chúng ta ân sủng dẫy đầy trong Chúa Kitô, Đấng đã khiến chúng ta, theo cách nói của Phaolô hôm nay, trở nên “tác phẩm của Thiên Chúa”. Ngài đã làm cho cuộc sống của chúng ta nên phong phú; và qua chúng ta, Ngài cũng làm phong phú cuộc sống của những người khác. Vì thế, khi đặt câu hỏi, “Tôi phải làm gì đây?”, chúng ta tìm thấy câu trả lời đầy gợi hứng nơi chính Chúa Giêsu, Đấng “đã trở nên nghèo khó để chúng ta được giàu có!”.

Anh Chị em,

“Tôi phải làm gì đây?”. Chúa Giêsu ý thức Ngài là Con Thiên Chúa, xuống thế làm người, hoàn toàn tuỳ thuộc vào Cha. Vì thế, trong kiếp phàm nhân, Ngài không ngừng cầu nguyện để hỏi ý Cha, “Con phải làm gì đây cho đẹp lòng Cha?”. Khác hẳn nhà phú hộ, Chúa Giêsu, Đấng giàu có đã trở nên nghèo khó, để nhờ cái nghèo của Ngài mà làm cho chúng ta trở nên giàu có. “Con phải làm gì đây?”. Chớ gì đó cũng là câu hỏi luôn đặt ra trong tâm hồn chúng ta. Con phải làm gì cho đẹp lòng Chúa trong hoàn cảnh của con, ‘lúc này, ở đây?’. Con phải làm gì trong đấng bậc của con? Vì lẽ, mỗi chúng ta là “tác phẩm của Thiên Chúa”, được dựng nên cho vinh quang Ngài; vì thế, chúng ta hoàn toàn thuộc về Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con muốn thật sự giàu có trong ân sủng và lòng thương xót Chúa hơn là trong của cải vật chất. Là tác phẩm của Chúa, điều cần nhất cho con, là con biết con ‘thuộc về ai!’”, Amen.
(Tgp. Huế)
 
17/10: Đừng ham mê của cải vật chất – Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:32 16/10/2022


“Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Người bảo kẻ ấy rằng: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?” Rồi người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.

Người lại nói với họ thí dụ này rằng: “Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: ‘Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?’ Đoạn người ấy nói: ‘Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!” ‘ Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: ‘Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?’ Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy”.

Đó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
60 năm Vatican II: với George Weigel, Vatican II nhằm Kitô hóa thế giới không nhằm thay đổi Giáo Hội
Vu Van An
16:58 16/10/2022

George Weigel là một học sinh trung học ở Baltimore khi Công đồng Vatican II kết thúc. Đời sống đức tin của người Công Giáo ở Hoa Kỳ nhanh chóng bị đảo lộn khi các mục tử và thần học gia tranh cãi các giáo huấn thực sự của Công đồng về cải cách phụng vụ, kỷ luật Giáo hội và sự tham gia của giáo dân. Nay, trong tháng này, khi Giáo hội kỷ niệm 60 năm ngày khai mạc Công đồng, và Thượng hội đồng về tính đồng nghị năm 2023 sắp tới làm sống lại một cuộc tranh luận thường gay gắt, phân cực về di sản của các nghị phụ, nhà viết tiểu sử giáo hoàng bán chạy nhất đưa ra đánh giá của riêng mình với cuốn: To Sanctify the World: The Vital Legacy of Vatican II, được Basic Books xuất bản ngày 4 tháng 10.



Trong cuộc trao đổi qua email vào ngày 3 tháng 10 với biên tập viên thâm niên của National Catholic Register, Joan Frawley Desmond, Weigel trả lời các câu hỏi về các chủ đề và lập luận chính trong cuốn sách của mình: Lý do Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII triệu tập Công đồng, bản chất của các giáo huấn nền tảng của nó, tại sao các Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI đã cung cấp “chìa khóa” riêng của các ngài để giải thích, và những bài học đau đớn của kỷ nguyên hỗn loạn sau công đồng vẫn còn áp dụng cho đến ngày nay.

Bạn đang học trung học khi Công đồng Vatican II kết thúc và một giai đoạn biến động xảy ra sau đó, từ cuộc bỏ nhà dòng của các nữ tu đến việc băng hoại của Liên Huynh Đoàn Tín lý Kitô giáo (Confraternity of Christian Doctrine) “Thánh lễ dân gian” phổ biến khắp nơi. Sáu mươi năm sau, có vẻ như chúng ta đã nắm bắt tốt hơn, chính xác hơn các giáo huấn của nó - hay có đúng thế không?

Việc tách rời giáo huấn thực sự của Công đồng Vatican II khỏi “tinh thần Công đồng Vatican II” vô định hình (nhìn lại càng thấy giống như Thần khí của thập niên 60, chứ không phải Chúa Thánh Thần!) là một trong những trở ngại chính đối với việc tiếp nhận và thực thi đúng đắn Công đồng Vatican II. Tôi hy vọng bây giờ chúng ta đang ở thời điểm mà Công đồng có thể được “đọc” một cách đúng đắn, qua lăng kính của hai bản văn quan trọng nhất của nó, Hiến chế tín lý về Mạc khải (Dei Verbum) và hiến chế tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium). Đó là những gì các bộ phận sống của Giáo hội thế giới đang thực hiện.

Tại sao Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII kêu gọi một công đồng mới có thể đào sâu sự hiểu biết về bản thân của Giáo hội, đồng thời tăng cường việc bắt tay với thế giới hiện đại?

Ý định của Đức Gioan XXIII trong việc triệu tập Công đồng Vatican II là làm sống lại đức tin của Giáo hội lấy Chúa Kitô làm tâm điểm để hoán cải thế giới hiện đại. Ngài tin một cách chính xác rằng điều đó sẽ chỉ xảy ra, nhờ một phương pháp mới để thu hút thế giới hiện đại. Và điều này có nghĩa là phải tìm ra một ngôn ngữ truyền giảng Tin Mừng và dạy giáo lý mà thế giới hiện đại có thể “nghe được”. Ngài biết việc này sẽ cần một thời gian và sự thật là chúng ta vẫn đang vật lộn với vấn đề đó - ngay cả khi thế giới hiện đại ngày càng trở nên bất nhất và thế tục một cách hung hãn hơn.

Đồng thời, trong bài diễn văn khai mạc Công đồng, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng đức tin Công Giáo phải được công bố một cách trọn vẹn, như tôi đã nói, một cách mà thế giới hiện đại có thể lắng nghe. Vì vậy, Công đồng thiên về việc “Kitô hóa” thế giới hơn là về việc thay đổi Giáo hội.

Giáo triều Rôma đã tiếp cận những mục tiêu này như thế nào lúc khai mạc Công đồng, và tại sao chủ trương của nó không giành được sự ủng hộ?

Thái độ thống trị của Giáo triều La Mã vào năm 1953 đã bị chỉ trích bởi một nhà nghiên cứu rất bảo thủ về nó, Đức Cha Giuseppe de Luca, trong một lá thư gửi cho Đức Giáo Hoàng tương lai Phaolô VI, tức Đức Cha Giovanni Battista Montini, trong đó Đức Cha de Luca viết, "Trong bầu không khí ngột ngạt đầy ngu đần một cách tâng bốc giả dối và cao ngạo này, có lẽ một tiếng la hét - hỗn loạn nhưng có tính Kitô giáo - sẽ làm được một số điều tốt." Dọn dẹp nội bộ là điều đáng ước mong; những vị giáo phẩm khôn khéo hơn của thời đó biết rõ điều này; và do đó, nỗ lực của giáo triều muốn lèo lái một công đồng ngắn gọn, chỉ biết đóng dấu đã bị bác bỏ ngay trong những ngày đầu tiên của Công đồng Vatican II. Đức Cha Montini có thể đồng ý với Đức Cha de Luca, nhưng ngài cũng biết rằng việc thả xú bắp bị dồn nén lâu ngày sẽ gây ra một cảnh huyên náo; như ngài từng nói với một người bạn vào đêm Đức Gioan XXIII công bố ý định triệu tập một Công đồng, "Cụ già thánh thiện này không biết mình đang lâm vào tình trạng nguy khốn nào."

Trong bài diễn văn khai mạc, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã tuyên bố rằng “mối quan tâm lớn nhất” của Công đồng phải là việc trình bày hữu hiệu và đầy đủ hơn về “kho tàng tín lý Kitô giáo thánh thiêng”. Dei Verbum và Lumen Gentium đã giải quyết thách thức này như thế nào?

Dei Verbum đã khẳng định lại một cách mạnh mẽ thực tại và thẩm quyền ràng buộc của Mạc khải Thiên Chúa qua thời gian. Đây chính là điều có vấn đề hiện nay ở Đức: Phải chăng Chúa biết rõ hơn hay chúng ta biết rõ hơn?

Đồng thời, bằng cách khẳng định rằng Mạc khải Thiên Chúa là điều có thật, Dei Verbum đã đưa ra một tuyên bố quan trọng về chúng ta: Chúng ta là những tạo vật được cấu hình để có thể nghe được lời thần linh nói trong lịch sử và rồi được hiện thân trong Con Thiên Chúa Nhập thể. Vì vậy, Dei Verbum đã thách thức khái niệm hạ giá về con người được công bố bởi chủ nghĩa duy tục, hay điều mà Henri de Lubac, một người có ảnh hưởng thần học lớn tại Công đồng Vatican II, đã gọi là “chủ nghĩa nhân bản vô thần”. Lumen Gentium đặt Chúa Kitô trở lại trung tâm của đời sống và việc công bố của Giáo hội, đồng thời khẳng định rằng, trong Giáo hội, Nhiệm thể Chúa Kitô trong sứ mệnh trong lịch sử, nhân loại sẽ tìm được câu trả lời cho niềm khao khát của mình về một cộng đồng nhân loại đích thực.

Bạn viết rằng Các Nghị Phụ Công Đồng đã tiếp cận phụng vụ như là “công cụ mạnh mẽ nhất của Giáo Hội để mang men Tin Mừng đến với thế giới nói chung”. Làm thế nào mà viễn kiến đó đã định hình hiến chế về phụng vụ thánh, Sacrosanctum Concilium, và tại sao nó lại gây ra tranh cãi gay gắt cho đến ngày nay?

Tất cả những người tham gia vào “cuộc chiến phụng vụ” nên đọc Sacrosanctum Concilium; sau đó sẽ hiểu rõ ràng rằng nửa thế kỷ biến động trong phụng vụ là do việc thực thi hiến chế về phụng vụ một cách không thỏa đáng (và còn tệ hơn thế), chứ không phải do hiến chế. Việc "sửa chữa" các vấn đề thực thi này đã được tiến hành tốt cho đến khi Vatican can thiệp gần đây trong Traditionis Custodes, một điều đã làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn thay vì tốt đẹp hơn.

Gaudium et Spes, hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới hiện đại, đã đề xuất một cuộc đối thoại mới với khoa học dựa trên sự thật này là Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi, đã mạc khải phẩm giá thực sự của con người và chính mục đích của lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người Công Giáo tin rằng Giáo hội nên dấn thân đối thoại với thế giới, chứ không phải với ơn thánh hóa của nó.

Đó là một sai lầm, phải không? Và một lần nữa, cuộc khủng hoảng giáo hội ở Đức là thí dụ điển hình cho sai lầm này. “Giáo Hội Thức giấc” ( Church of Woke) sẽ không đưa bất cứ ai đến với Thiên Chúa, bởi vì ý thức hệ thức giấc ngày nay (đặc biệt là ý thức hệ phái tính và sự khuấy động “LGBTQ +”) phủ nhận sự thật của nhân học Kinh thánh: chúng ta là ai, như thế nào và tại sao chúng ta được tạo ra như chúng ta hiện nay là và việc được tạo thành như chúng ta hiện nay là trên thực tế phản ảnh đời sống bên trong của Thiên Chúa Ba Ngôi, một cộng đồng của tình yêu và sự tiếp thu sinh hoa trái, tự hiến.

Công đồng đã xa lìa ngôn ngữ chính xác của Chủ nghĩa Tân Kinh viện để đưa ra một giọng điệu chân thực và đáng hoan nghênh hơn cho phép Giáo hội “vươn tay ra với thế giới… bằng một tấm lòng rộng lượng”. Sự thay đổi này có khuyến khích các diễn giải trái ngược nhau về Công đồng không, và đâu là bài học được rút ra từ đó?

Trong những thập niên trước Công đồng, một số nhà thần học sáng tạo nhất trong Giáo hội đã đề xuất việc “trở về nguồn” để tự hiểu về bản sắc Công Giáo trong Kinh thánh và các Giáo phụ như một phản ứng thích đáng hơn đối với tính phi tôn giáo của chủ nghĩa thế tục hơn là các tam đoạn luận của Tân Kinh viện. Các cuộc luận chiến chống Tân Kinh viện đôi khi đi quá mức; cũng vậy, việc Tân Kinh viện lên án mọi cách tiếp cận mới mẻ đối với kho tàng đức tin như là cái nêm mở đầu cho việc đả phá đức tin theo chủ nghĩa duy hiện đại.

Trong vài thập niên qua, tôi nghĩ chúng ta đã học được điều này: cả hai phương pháp tư duy thần học đều rất cần thiết cho sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của Giáo hội. Có lẽ thí dụ tốt nhất về điều này là thông điệp Veritatis Splendor của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một thông điệp đã kết hợp một cách sáng tạo cả hai cách tiếp cận để phác họa kiến trúc của đời sống luân lý Kitô giáo và ứng dụng mục vụ của nó.

Công đồng đã không được triệu tập để giải quyết một lạc giáo hoặc lên công thức cho một tín điều, và đó là một lý do tại sao Công đồng không cung cấp được "các chìa khóa có thẩm quyền" có thể làm rõ việc thực thi nó cách đúng đắn. Kết quả là, sự biến động xã hội của thời kỳ đó đã trở thành một “chìa khóa” để giải thích. Điều đó có tiếp tục diễn ra hay không?

Không, như tôi giải thích trong To Sanctify the World, “chìa khóa” có thẩm quyền cho Công đồng được cung cấp bởi hai vị vốn tham dự Công đồng, Karol Wojtyla và Joseph Ratzinger, những vị trong tư cách giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, nên được hiểu là một vòng cung liên tục của việc giải thích có thẩm quyền về Công đồng Vatican II. Trong Thượng hội đồng Giám mục bất thường năm 1985, do Đức Gioan Phaolô II triệu tập và được Ratzinger hướng dẫn về phương diện trí thức, Giáo hội đã được trao cho “chìa khóa chính”, có thể nói như thế, để mở cửa vào Công đồng: khái niệm Giáo hội như một sự hiệp thông các môn đệ trong việc truyền giáo.

Vào cuối thế kỷ 20, Dignitatis Humanae, tuyên bố của Công đồng về tự do tôn giáo, đã biến Giáo hội thành một tổ chức bảo vệ nhân quyền hoàn cầu. Tuyên bố đó có tiếp tục truyền cảm hứng cho chứng tá của Giáo hội hay chúng ta đã không thực hiện được lời hứa của nó?

Triều giáo hoàng hiện tại chắc chắn đã không hiểu được ý nghĩa của tuyên bố về tự do tôn giáo - cũng như các giới hạn của quyền lực nhà nước - trong chính sách Trung Quốc của mình và trong cách tiếp cận dường như thỏa hiệp với các chế độ độc tài chống Công Giáo ở Cuba, Nicaragua, Venezuela và những nơi khác. Tuy nhiên, những người Công Giáo từ chối sống dưới chế độ chuyên chế vẫn tiếp tục được truyền cảm hứng bởi tuyên bố; Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine có lẽ là thí dụ điển hình nhất về điều này vào lúc này.

Cuộc chiến về cách giải thích đúng đắn đối với Công đồng được tiến hành bởi những nhà cải cách thần học, những người không đồng ý về việc liệu các giáo huấn của Công đồng có tạo nên sự đoạn tuyệt đối với Truyền thống hay không. Ngày nay, khi Giáo hội chuẩn bị cho Thượng hội đồng về Tính Đồng nghị năm 2023, các chiến tuyến đã thay đổi, với các nhà cải cách được cho là đang tìm cách sửa đổi kỷ luật của Giáo hội và “các nhà đại cấp tiến” đang kêu gọi một mô hình Giáo hội hoàn toàn mới. Bạn nghĩ sao?

Vì chưa ai có thể định nghĩa "tính đồng nghị" một cách chính xác ra sao, nên thật khó để biết được điều Thượng hội đồng năm 2023 sẽ đạt được. Nhưng nếu nó phản ảnh sự mơ hồ hỗn độn của “Con đường Đồng nghị” Đức, thì thượng hội đồng năm 2023 sẽ đặt ra những trở ngại hơn nữa trong sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của Giáo hội. Bạn không thể truyền giảng Tin Mừng bằng Catholic Lite [Công Giáo nhẹ nhõm], bởi vì Catholic Lite chắc chắn sẽ bị phân hủy thành Catholic Zero [không còn là Công Giáo].

Bạn tin rằng Công đồng đã giúp đặt nền móng cho cả sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản châu Âu và sự phát triển bùng nổ của Công Giáo ở châu Phi cận Sahara. Điều gì đã tạo ra sự khác biệt?

Tuyên bố về quyền tự do tôn giáo đã tạo sức mạnh cho cuộc cách mạng nhân quyền Công Giáo ở Đông-Trung Âu và tạo cơ sở cho Đức Gioan-Phaolô II tiến hành chiến dịch táo bạo của mình cho tự do của các dân tộc mà chúng ta thường gọi là “các quốc gia bị giam cầm”.

Lời Công đồng mời gọi Giáo hội tái phục hồi bản chất truyền giáo của mình và việc Công đồng tách Giáo hội ra khỏi quyền lực nhà nước (và do đó khỏi chủ nghĩa thực dân), là điều chủ yếu trong việc đặt nền móng cho sự phát triển to lớn của Giáo hội ở châu Phi cận Sahara.

Như bạn nói, nếu phải mất một thế kỷ để Giáo hội sống trọn vẹn các giáo huấn của Công đồng Trent, thì liệu chúng ta có cần thêm thời gian để tiếp thu đúng đắn các giáo huấn của Công đồng Vatican II không? Điều gì mang lại cho bạn hy vọng?

Các bộ phận sống động của Giáo hội thế giới ngày nay là những bộ phận đã chấp nhận cách giải thích có thẩm quyền của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI về Công đồng như một lời kêu gọi truyền giảng Tin Mừng trong tính viên mãn của đức tin Công Giáo. Đó là sự kiện thực nghiệm. Và sự kiện song song là những phần đang hấp hối của Giáo hội thế giới là những phần tiếp tục cố gắng làm cho ảo tưởng Công Giáo Nhẹ Nhõm hoạt động được – một điều không xảy ra, ở bất cứ nơi nào.

Nếu Thượng hội đồng năm 2023 không bắt đầu từ hai sự kiện thực nghiệm đó, thì nó sẽ không đúng với tinh thần và giáo huấn đích thực của Công đồng Vatican II.
 
Phim ảnh và phương tiện truyền thông hiểu sai về Chúa như thế nào
Đặng Tự Do
17:07 16/10/2022


3 Xu hướng có thể bạn chưa bao giờ nghĩ đến hoặc đặt tên cho chúng.

Bạn có nhận ra rằng một trong Mười Điều Răn là lời cảnh báo về cách chúng ta sử dụng các phương tiện truyền thông không?

Sách Xuất Hành Chương 20 câu 4 viết “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.” Giáo hội nhanh chóng chỉ ra rằng điều này không bao giờ được coi là một điều cấm tuyệt đối và rằng, trong Đền thờ và đặc biệt là sau khi được làm phép, các hình ảnh có thể hướng về Thiên Chúa.

Tuy nhiên, quan điểm của điều răn đáng được chú ý. Từ những chú bê vàng đến nền văn hóa thần tượng hóa những người nổi tiếng, chúng ta nhanh chóng thần tượng hóa những thứ sáng sủa và bóng bẩy làm lóa mắt chúng ta. Dưới đây là những cách mà các phương tiện giải trí ngày nay khiến chúng ta lạc lối, và hiểu nhầm về Thiên Chúa.

Thứ nhất: Thường trong các phương tiện truyền thông giải trí, những người theo đạo được mô tả là những người bất bình thường.

Vào những năm 1990, Michael Medved lần đầu tiên nhận thấy một điều vẫn đúng cho đến ngày nay: Nhiều người cho biết họ tham dự các buổi thờ phượng vào mỗi cuối tuần hơn là xem Super Bowl mỗi năm. Nhưng phim ảnh không phản ánh thực tế đó.

Trong phim, những người theo đạo là không bình thường. Trong những tác phẩm kinh điển như Field of Dreams và Shawshank Redemption, họ được mô tả như những kẻ sát nhân lạnh lùng. Trong Pulp Fiction, chúng ta gặp một tay súng điên cuồng đã trích dẫn Kinh thánh. Trong các bộ phim X-Men và bộ phim hậu tận thế năm 2019 I Am Mother, nhân vật Công Giáo là một kẻ cô độc kỳ lạ. Chúng ta yêu thích những bộ phim hài vì chúng thể hiện sự thú vị trong cuộc sống bình thường, nhưng trong những bộ phim hài được yêu thích nhất của chúng ta, từ phim Leave it to Beaver to Friends, cho đến phim The Cosby Show to The Office, không ai trong số những người bình thường thú vị mà chúng ta gặp là những người đi nhà thờ.

Các tín hữu sẽ hồi hộp khi chúng ta thấy các nhân vật bày tỏ đức tin của họ trên màn hình. Các bộ phim của Hallmark được ưa chuộng chính xác vì lý do này. Chúng ta được khích lệ khi thấy những người phụ nữ trong pim Hidden Figures cầu nguyện, và các bộ phim khác như The Irishman và Les Miserables đề cao vai trò cứu chuộc của tôn giáo. Nhưng những trường hợp ngoại lệ này sẽ khiến chúng ta nhận ra rằng tôn giáo vắng mặt thường xuyên như thế nào - ví dụ như khi không có Kitô hữu nào bị bức hại trong Đấu trường sinh tử của Gladiator, và những phim như Unbroken và 42 kể những câu chuyện về những người có thật đầy đức tin được thể hiện trên màn ảnh rộng qua những người có rất ít hoặc không có niềm tin nào cả.

Thứ hai: Thiên Chúa hoặc vắng mặt hoặc kỳ lạ trong các phương tiện truyền thông của chúng ta.

Đối với hầu hết chúng ta, Thiên Chúa là Đấng sáng tạo-đồng hành, Đấng luôn quan phòng đầy yêu thương về tạo vật của mình. Chúng ta cầu xin Ngài hướng dẫn khi chúng ta bối rối và xin tha thứ khi chúng ta phạm tội. Nhưng đó không phải là Chúa trong phim.

Ngài ta là Thần lực trong các bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao, và các bộ phim tiếp theo càng cố gắng giải thích điều đó có nghĩa là gì. Chúa được mô tả là một thế lực kỳ quặc trong các bộ phim như Polar Express, Wrinkle in Time và các bộ phim của Disney với những ý tưởng bị xuyên tạc từ Frozen đến Encanto.

Coco của Pixar là một ví dụ tuyệt vời về một bộ phim với sự hiểu biết kỳ lạ về Chúa. Người Công Giáo cổ vũ hình ảnh tôn giáo trong nửa đầu của nó, nhưng sau đó bối rối bởi thế giới sau cái chết mà nó hình dung, nơi mọi người còn tồn tại bao lâu những người còn sống còn nhớ đến họ. Nhưng, Chúa Giêsu sẽ không nhớ họ sao? Người nhà của họ ở trên trời sẽ không nhớ họ sao? Những thần tính của tổ tiên trong Black Panther cũng có thể nhớ đến thế hệ con cháu của họ - nhưng sau đó họ cũng là một sự kỳ lạ đối với ý tưởng thực sự về Thiên Chúa.

Phim Marvel có một số khoảnh khắc “Chúa thật” đầy hứa hẹn, chẳng hạn như lời nhận xét của Captain America trong The Avengers, “Chỉ có một Chúa thôi, thưa bà, và tôi khá chắc chắn rằng Ngài không ăn mặc như vậy”. Nhưng cuối cùng trong vũ trụ quan Marvel, vị thần là Ultron hơn là Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thứ ba: Trong nhiều trò giải trí của chúng ta, vô luân là chìa khóa của hạnh phúc.

Các bộ phim của Marvel, Doctor Strange và Multiverse of Madness vừa ra mắt năm nay lại rơi vào một sai lầm khác mà các bộ phim mắc phải liên quan đến Chúa - họ coi việc không tuân theo các giới răn là chìa khóa của hạnh phúc. Doctor Strange vui vẻ sử dụng phép thuật phù thủy để giành chiến thắng, đó là một quyết định mà trong những câu chuyện cổ điển như Doctor Faustus sẽ không bao giờ có kết thúc tốt đẹp.

Các điều răn, đặc biệt là điều răn thứ tư, thường là những trở ngại cho hạnh phúc. Trong các bộ phim dành cho thiếu nhi, từ Nàng tiên cá đến Moana, từ Spy Kids đến Turning Red, không vâng lời cha mẹ là con đường tốt nhất để tiếp tục được hạnh phúc – đó là một lời nói dối kỳ lạ đối với chúng ta.

Nói dối là một điều tốt trong nhiều bộ phim, từ School of Rock đến các bộ phim hài lãng mạn như You've Got Mail và The Proposal. Việc giết người cũng vậy - đặc biệt là đối với các ông bố Công Giáo, trong các phiên bản mở rộng của phim Lord of the Rings, nơi mà cả Wormtongue và sứ giả của Sauron đều được cử đi theo những cách có thể khiến JRR Tolkien phẫn nộ.
Source:Aleteia
 
Triển vọng Giáo Hội có một vị Giáo Hoàng Á Châu
Đặng Tự Do
17:09 16/10/2022


Mặc dù có thể có một vị giáo hoàng người Phi Châu, nhưng triển vọng Giáo Hội có một vị Giáo Hoàng Á Châu xem ra thực tiễn hơn

Chuyên gia về Vatican, John Allen, xem xét những khả năng có thể xuất hiện trong một mật nghị trong tương lai. Nhà báo, người đã theo dõi tin tức Vatican trong nhiều thập kỷ, đặc biệt quan tâm đến các ứng cử viên Phi Châu và Á Châu. Về chủ đề Phi Châu, ông lưu ý rằng một giáo hoàng Phi Châu về lý thuyết sẽ là một lựa chọn tốt. Nó sẽ là một minh chứng về tình đoàn kết của Giáo hội với lục địa đang phát triển này, một tuyên bố mạnh mẽ chống lại nạn phân biệt chủng tộc, và công nhận sức sống của Công Giáo ở khu vực đó trên thế giới. Tuy nhiên, Allen giải thích rằng vấn đề là không có ứng cử viên nào thực sự mạnh. Đức Hồng Y Peter Turkson của Ghana đã nghỉ hưu vào năm ngoái khỏi vị trí chiến lược của mình với tư cách là Tổng trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện và vì vậy thời khắc của ngài dường như đã trôi qua. Đối với Hồng Y Robert Sarah từ Guinea, tính cách bảo thủ của ngài có lẽ sẽ không cho phép ngài có được đa số hai phần ba, đặc biệt là vì ngài cũng là cựu tổng trưởng của một bộ trong Giáo triều Rôma.

Trong trường hợp không có các ứng cử viên Phi Châu, nhiều người trong số họ chưa được biết đến nhiều, John Allen tập trung vào Á Châu, nơi có nhiều “papabile” hay “ứng viên Giáo Hoàng” hơn. Tất nhiên là có Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, hiện đang phụ trách Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Ở tuổi 65, ngài được xem là người năng động và nổi tiếng, và liên tục giữ chức vụ trong Giáo triều Rôma của Đức Phanxicô. Tuy nhiên, một số người cho rằng ngài có quá nhiều tính cách “người tốt bụng” để đảm nhận chức vụ áp đảo của Giám mục Rôma. Các danh sách khác đang được lưu hành, chẳng hạn như Hồng Y Malcolm Ranjith của Sri Lanka. Ngài có nhiều kinh nghiệm tại Vatican, từng phục vụ trong Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc và là thư ký của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Ngài cũng thông thạo tiếng Ý, một tài sản vẫn không thể thiếu để điều hành Giáo triều. Theo ý kiến của Allen, Hồng Y Ranjith sẽ là một ứng cử viên vững chắc trong số các Hồng Y bảo thủ. Nhà báo giải thích: “Ở Rôma, anh ấy được gọi là 'Ratzinger nhỏ'. Những cái tên khác bao gồm Hồng Y Charles Bo của Miến Điện, người sẽ sớm bước sang tuổi 74, và Hồng Y Lagiarô Du Huỳnh Trị (유흥식, You Heung-sik) của Hàn Quốc, hiện là người đứng đầu Bộ Giáo sĩ, và được coi là một nhân vật đang lên.
Source:Angelus News
 
Mễ Tây Cơ đã được chuyển đổi sang Công Giáo như thế nào?
Đặng Tự Do
17:10 16/10/2022


Một khám phá đáng kinh ngạc đã được thực hiện trong một tu viện những năm 1550 ở ngoại ô Thành phố Mễ Tây Cơ: các biểu tượng bản địa và Công Giáo được vẽ cạnh nhau. Một chiếc mũ lông vũ, một chiếc rìu và một chiếc khiên, xuất hiện trên bức bích họa bên cạnh chữ “M.” của Đức Mẹ. Hãng tin AP của Mỹ cho biết sự chung sống này có thể là một dấu hiệu cho thấy người dân bản địa đã “thương lượng” việc chuyển đổi sang Kitô giáo. Sự tiếp biến văn hóa này sẽ xảy ra sau chiến thắng của quân đội Tây Ban Nha chống lại đế chế Aztec vào năm 1521.

Giả thuyết thường được bảo vệ nhất là Công Giáo đã bị áp đặt bằng vũ lực, nhưng bức bích họa này chỉ ra rằng việc chấp nhận tôn giáo có thể phải trải qua các cuộc đàm phán và thỏa hiệp.

Thật vậy, các biểu tượng được tìm thấy trong hầm mộ có thể ám chỉ một vị thần Aztec, có khả năng là Tepoztecatl. Giả thuyết được các nhà nghiên cứu từ Viện Nhân chủng học và Lịch sử Quốc gia Mễ Tây Cơ bảo vệ, có công làm sáng tỏ việc cải đạo của hàng triệu người Mễ Tây Cơ bản địa vào thời điểm mà các linh mục Công Giáo Tây Ban Nha còn rất ít.

Việc khám phá tu viện còn thú vị ở chỗ nó kể câu chuyện về những ngày đầu truyền giáo ở một góc độ khác. Nó đặt ra câu hỏi về hoạt động của “nhà nguyện ngoài trời” nơi các bức bích họa được tìm thấy. Những công trình kiến trúc này là những tiền sảnh nhỏ hình vòm được xây dựng xung quanh một sân, nơi các linh mục cử hành các thánh lễ ngoài trời cho người dân bản địa, những người đã quen với việc tổ chức các nghi lễ tôn giáo trong không gian mở.

Một thành viên của nhóm nghiên cứu giải thích rằng các nhà nguyện ngoài trời có thể chỉ đơn giản là phản ánh mong muốn của các linh mục là làm việc nhanh nhất có thể để chuyển đổi dân số bản địa, phản bác quan điểm thường được cho rằng người dân bản địa sợ không gian đóng cửa. Các nhà nghiên cứu tin rằng những không gian tôn giáo ngoài trời này cũng dễ xây dựng hơn và cho thấy “nhu cầu cấp thiết phải bắt đầu sử dụng không gian” khi các nhà thờ đang được xây dựng.
Source:AP
 
Một sự chữa lành phi thường đã dẫn đến việc thành lập Trung tâm Quốc gia về Thánh Piô Năm Dấu Thánh
Đặng Tự Do
05:33 16/10/2022


Là một trong những vị thánh hiện đại được biết đến nhiều nhất trên thế giới, sự chuyển cầu của Thánh Piô Năm Dấu Thánh thành Pietrelcina - thường được gọi là Cha Pio - đã là nguồn gốc của nhiều phép lạ được tường trình trong nhiều năm.

Phóng viên chuyên sâu của EWTN News, Mark Irons gần đây đã có cơ hội gặp gỡ với nhiều người chịu ảnh hưởng bởi di sản của Cha Pio, bao gồm cả một người phụ nữ đã nhận được một sự chữa lành phi thường mà sau đó tạo ra Trung tâm Quốc gia về Cha Pio ở Barto, Pennsylvania.

Sinh ra ở thị trấn Pietrelcina miền Nam nước Ý với tên Francesco Forgione trước khi lấy tên là Cha Pio dòng Phanxicô, ngài được biết đến là người có nhiều ân sủng siêu nhiên. Một trong những ân sủng này là năm dấu thánh – tức là sự xuất hiện tự phát trên cơ thể những vết thương giống như vết thương của Chúa Kitô bị đóng đinh. Ngài cũng có thể đọc được suy nghĩ của mọi người, chữa lành người bệnh và có thể xuất hiện ở cả hai nơi cùng một lúc.

Bất kể những lời đồn đãi về những ân sủng của ngài được lan truyền, Cha Pio không được nhiều người Công Giáo Hoa Kỳ biết đến vào giữa thế kỷ 20. Tuy nhiên, điều này bắt đầu thay đổi sau khi Vera Marie Calandra, một bé gái 2 tuổi bị các vấn đề về đường tiết niệu bẩm sinh được chữa khỏi một cách kỳ diệu sau khi cầu xin cùng Cha Piô Năm Dấu Thánh.

Đối với các bác sĩ, cái chết sắp xảy ra của cô dường như đã được niêm phong - ngay cả trong mắt của Tiến sĩ C. Everett Koop, một bác sĩ phẫu thuật tham gia chăm sóc cô, người sau này trở thành Tổng bác sĩ phẫu thuật Hoa Kỳ dưới chính quyền Reagan.

Trong khi Koop giúp loại bỏ bàng quang của Calandra để mang lại sự thoải mái cho cô ấy, ông cũng khuyên cha mẹ cô ấy nên chuẩn bị cho đám tang của cô ấy. Tuy nhiên, ngày đó đã không diễn ra - như lời kể của chính Calandra khi kể lại câu chuyện với EWTN News In Depth.

Bác sĩ Koop nói “Bạn cần chấp nhận điều này ngay bây giờ, bạn không thể bám lấy đứa trẻ sắp chết này,” Calandra kể lại. “Và mẹ tôi đã về nhà, và bà ấy không chấp nhận điều đó.”

Calandra mô tả cách mẹ cô, một người Công Giáo sùng đạo, nhặt một cuốn sách mà ai đó đã tặng cho cô về Cha Piô Năm Dấu Thánh và nghe thấy một giọng nói bên trong khi cô đọc cuốn sách nói với cô rằng hãy đưa con gái đến Ý ngay lập tức.

Nhanh chóng thu xếp cho chuyến đi, mẹ của Calandra đã có thể đưa con gái của mình đến Ý, chờ đợi trong một hành lang chật cứng những người khác. Sau đó, Calandra mô tả, Cha Piô Năm Dấu Thánh đã đến gần.

Và mắt họ dán chặt vào ngài. Đó là khi cô ấy thực hiện lời hứa của mình: xin Chúa làm nên điều kỳ diệu để tất cả tin tưởng. Ngài nắm lấy bàn tay bị thương của mình, được che bằng nửa chiếc găng tay đưa lên trước mặt cô ấy, và cô ấy đã có thể hôn tay Cha Pio.

Sau khi Cha Piô chạm vào đầu từng người và chúc lành cho họ, Calandra và mẹ cô trở về nhà ở Mỹ.

Sau đó, trong một cuộc chụp X-quang theo dõi với Koop, một khám phá phi thường đã được thực hiện: họ đã tìm thấy một bàng quang ở vị trí chính xác nơi cái trước đó của cô đã được lấy ra.

“Anh ấy không thể tự mình giải thích điều đó,” Calandra nói. “Và anh ấy chỉ nói 'có một' cái bàng quang... thô sơ ', sau đó nói bất cứ điều gì bạn đang làm, hãy tiếp tục làm điều đó.”

Cha Piô qua đời ngay sau khi Calandra lành bệnh, mẹ cô đã dành phần còn lại của cuộc đời mình để tạ ơn vị linh mục và để làm cho tên của ngài được biết đến, cuối cùng xây dựng Trung tâm Quốc gia cho Cha Pio gần nhà của họ ở Pennsylvania - với trọng tâm là dẫn dắt các linh hồn về với Chúa Kitô.
Source:Catholic News Agency
 
Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan hỗ trợ dự luật phạt tù những ai tấn công các nhà thờ thể lý hay bằng lời nói
Đặng Tự Do
05:34 16/10/2022


Bất kỳ ai “công khai tấn công các nhà thờ, lăng mạ hoặc chế giễu Giáo Hội” có thể bị bỏ tù tới hai năm theo luật đề xuất do một trong các đảng trong liên minh cầm quyền bảo thủ quốc gia của Ba Lan đệ trình lên quốc hội. Biện pháp này đã được ủng hộ bởi gần 400,000 chữ ký thu thập được từ công chúng trong vòng chưa đầy ba tháng.

Zbigniew Ziobro, bộ trưởng tư pháp và lãnh đạo của đảng Thống Nhất Ba Lan (Solidarna Polska), là đảng đã đệ trình luật, cho biết: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ ngày càng gia tăng sự hung hăng đối với những người có ý chí và dũng khí thừa nhận đức tin của mình”.

Ông nói thêm: “Để thực hiện đầy đủ quyền tự do tôn giáo… cần phải sửa đổi bộ luật hình sự, là bộ luật mà ngày nay không bảo đảm đủ cho việc bảo vệ các tín hữu.”

“Xúc phạm tình cảm tôn giáo của người khác bằng cách tấn công các nơi thờ phượng, xúc phạm công khai những nơi dành cho việc thực hiện các nghi thức tôn giáo” đã là một tội hình sự.

Luật báng bổ đó ngày càng được sử dụng nhiều hơn dưới thời chính phủ hiện tại của Ba Lan. Nhưng đảng Thống Nhất Ba Lan lập luận rằng những luật như thế chưa đi đủ xa, và đầu năm nay đã tuyên bố ủng hộ các biện pháp cứng rắn về mặt luật pháp, bao gồm cả án tù lên đến 3 năm.

Những sáng kiến như vậy phải được quốc hội xem xét nếu họ nhận được 100,000 chữ ký ủng hộ từ công chúng. Đạo luật của đảng Thống Nhất Ba Lan - có tiêu đề “Bảo vệ quyền tự do của các tín hữu Kitô giáo” - đã thu thập được 380,000 chữ ký từ đầu tháng 7 đến thời điểm nó được đệ trình lên quốc hội trong tuần này.
Source:notesfrompoland.com
 
Cựu giám đốc văn phòng bảo vệ trẻ em Arlington được tuyên bố trắng án về tội gạ gẫm
Đặng Tự Do
05:36 16/10/2022


Cựu giám đốc Văn phòng Bảo vệ Trẻ em của Giáo phận Arlington, Virgina, là Cha Terry Specht, đã bị cáo buộc vào ngày 5 tháng 10 về các hành vi gạ gẫm với tình tiết nghiêm trọng.

Cha Specht bị truy tố vào tháng 12 năm 2021 với các tội danh liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em. Ngài đã được minh oan trong quá trình tố tụng tại tòa án.

Đức Cha Michael Burbidge của Giáo phận Arlington đã đưa ra một tuyên bố sau khi vị linh mục được tuyên bố trắng án. Ngài nói: “Mặc dù Cha Specht không có tội, nhưng tôi vẫn muốn nhân dịp này gửi gắm nỗi buồn chân thành của mình đến bất cứ ai bị những người khác lạm dụng tình dục”.

Ngài nói thêm: “Giáo phận Arlington tiếp tục cung cấp mọi lời khuyên hoặc hỗ trợ mục vụ nào mà chúng tôi có thể để giúp họ xoa dịu nỗi đau và sự đau khổ của họ”.

Luật sư của Cha Specht, là Ông Dawn Butorac, nói với Washington Post rằng ngay từ đầu ông đã thấy rất “rõ ràng” Cha Specht không có tội trong các cáo buộc.

Ông Butorac nói: “Họ đã đặt một người đàn ông đã cống hiến cuộc đời mình để phục vụ cộng đồng của mình, cả trong Hải quân và với tư cách là một linh mục, vào tình thế nguy hiểm khi đe dọa quyền tự do của ngài”.

Cha Specht phục vụ giáo phận với tư cách là một linh mục từ năm 1996. Ngài là giám đốc Văn phòng Bảo vệ Trẻ em của giáo phận từ năm 2004 đến năm 2011. Cha Specht hiện đã nghỉ hưu và lần cuối được báo cáo là đang sống ở Pennsylvania.

Giáo phận Arlington nói rằng họ có “chính sách không khoan nhượng” đối với hành vi lạm dụng.

“Chúng tôi khuyến khích bất kỳ ai biết về bất kỳ hành vi sai trái hoặc lạm dụng nào từ phía bất kỳ giáo sĩ, nhân viên hoặc tình nguyện viên nào của giáo phận hãy thông báo cho chính quyền dân sự, cũng như liên hệ với điều phối viên hỗ trợ nạn nhân của giáo phận theo số (703) 841-2530,” Giáo phận cho biết trong một thông cáo báo chí.


Source:Catholic News Agency
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 16 tháng 10
J.B. Đặng Minh An dịch
18:36 16/10/2022


Chúa Nhật 16 tháng 10, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 29 Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói:

“Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc’.”

Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng trong phần Phụng vụ hôm nay kết thúc bằng một câu hỏi nan giải do Chúa Giêsu đặt ra: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18: 8) Gần giống như Chúa Giêsu đang nói: “Khi Thầy lại đến vào thời sau hết” - hoặc chúng ta cũng có thể nghĩ, ngay cả lúc này, vào lúc này của cuộc đời - “Thầy có còn tìm được một chút niềm tin nơi các con, trong thế giới của các con chăng?” Đây là một câu hỏi nghiêm trọng. Chúng ta hãy tưởng tượng rằng ngày hôm nay Chúa đã đến trên trái đất này. Thật không may, Ngài sẽ chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh, nhiều nghèo đói và nhiều bất bình đẳng. Đồng thời, Ngài sẽ thấy những chinh phục kỹ thuật to lớn, những phương tiện hiện đại và những con người luôn chạy, không bao giờ dừng lại. Nhưng liệu Ngài có tìm được một người dành thời gian và tình cảm cho Ngài, một người sẽ đặt Ngài lên vị trí hàng đầu không? Trên hết, chúng ta hãy tự hỏi mình, “Người sẽ tìm thấy gì trong tôi, nếu Chúa đến ngày hôm nay, Người sẽ tìm thấy gì trong tôi, trong cuộc đời tôi, trong trái tim tôi? Ngài sẽ nhìn thấy những ưu tiên nào trong cuộc sống của tôi? “

Chúng ta thường tập trung vào quá nhiều việc cấp bách nhưng không cần thiết. Chúng ta bận rộn và lo toan với quá nhiều thực tại thứ cấp. Và có lẽ thậm chí không nhận ra điều đó, chúng ta bỏ qua những gì quan trọng nhất và chúng ta để cho tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa trở nên nguội lạnh, nguội lạnh từng chút một. Hôm nay, Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta phương thuốc để thắp lại một đức tin nồng nàn. Và cách khắc phục là gì? Người cầu nguyện. Vâng, cầu nguyện là liều thuốc cho đức tin, nó là sự phục hồi cho tâm hồn. Tuy nhiên, nó cần phải là sự cầu nguyện liên tục. Nếu chúng ta phải điều trị để khỏi bệnh, điều quan trọng là phải tuân thủ tốt kế hoạch điều trị, trung thành và dùng thuốc đều đặn, đúng cách và đúng lúc. Điều này là cần thiết trong tất cả cuộc sống. Chúng ta hãy nghĩ về cây trồng trong nhà: chúng ta cần tưới nước liên tục mỗi ngày. Chúng ta không thể ngâm nó và sau đó để mặc nó mà không tưới nước trong một tuần! Thậm chí lời cầu nguyện còn khẩn thiết hơn như thế. Chúng ta không thể chỉ sống trong những giây phút cầu nguyện mạnh mẽ hoặc những cuộc gặp gỡ căng thẳng nhưng chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra, và sau đó “đi vào giấc ngủ đông”. Niềm tin của chúng ta sẽ cạn kiệt. Chúng ta cần nước cầu nguyện hàng ngày, chúng ta cần thời gian dành riêng cho Thiên Chúa, để Ngài có thể đi vào thời gian của chúng ta, vào cuộc sống của chúng ta; chúng ta cần những khoảnh khắc nhất quán, trong đó chúng ta mở rộng trái tim mình với Người để Người có thể hàng ngày tuôn đổ trên chúng ta tình yêu, hòa bình, niềm vui, sức mạnh, hy vọng, nhờ đó nuôi dưỡng đức tin của chúng ta.

Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với các môn đệ - Chúa nói với tất cả mọi người, không chỉ với một số người! - “rằng họ phải cầu nguyện luôn và không được nản chí” (câu 1). Bây giờ ai đó có thể phản đối: “Nhưng, làm thế nào tôi có thể làm điều đó? Tôi không sống trong tu viện. Tôi không có nhiều thời gian để cầu nguyện!” Có lẽ một phương pháp tu hành khôn ngoan đối với khó khăn thực sự này mà người già, đặc biệt là ông bà của chúng ta, biết rõ có thể giúp đỡ chúng ta, điều mà ngày nay hơi bị lãng quên. Đây là những kinh nguyện thường được gọi là những lời nguyện ngắn - aspiration. Tên nghe hơi lỗi thời, nhưng phẩm chất thì rất tốt. Những lời nguyện ấy là gì? Thưa: Chúng là những lời cầu nguyện rất ngắn, dễ ghi nhớ, có thể được lặp đi lặp lại thường xuyên trong ngày, xen kẽ với các hoạt động khác nhau, để luôn “hòa hợp” với Chúa. Ví dụ, ngay khi thức dậy, chúng ta có thể nói: “Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa và con xin dâng ngày này cho Chúa”. Đây là một lời cầu nguyện ngắn. Sau đó, trước một hoạt động, chúng ta có thể lặp lại, “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến”. Giữa những công việc này và công việc khác, chúng ta có thể cầu nguyện như vậy, “Chúa ơi, con tin cậy nơi Chúa. Chúa ơi, con yêu Chúa”. Những lời cầu nguyện thực sự dù ngắn cũng giúp chúng ta tiếp xúc với Chúa. Chúng ta thường gửi tin nhắn tức thì cho những người chúng ta yêu thương như thế nào! Chúng ta cũng hãy làm điều này với Chúa để trái tim của chúng ta luôn được kết nối với Ngài. Và đừng quên đọc phản hồi của Ngài. Chúa luôn đáp lại. Chúng ta tìm những lời phản hồi của Chúa ở đâu? Sách Tin Mừng luôn luôn được lưu giữ trong tầm tay và nên được mở ra nhiều lần mỗi ngày, để nhận được một Lời sự sống hướng đến chúng ta.

Và hãy quay lại với lời khuyên mà tôi đã đưa ra nhiều lần - hãy mang theo một cuốn Phúc âm cỡ nhỏ trong túi trong ví của anh chị em. Và khi anh chị em có một phút, hãy mở nó ra và đọc điều gì đó, và Chúa sẽ đáp lại.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ biết lắng nghe trung thành, dạy chúng ta nghệ thuật cầu nguyện luôn luôn mà không nản lòng thối chí.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Vào ngày 10 tháng 10 năm ngoái, giai đoạn đầu tiên khai mạc Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục với chủ đề “Vì một Giáo hội Thượng hội đồng: Hiệp thông, Dự phần, Truyền giáo”. Kể từ đó, giai đoạn đầu tiên của Thượng Hội đồng đang được thực hiện trong các Giáo hội địa phương thông qua việc lắng nghe và biện phân. Thành quả của tiến trình đồng nghị đang diễn ra rất nhiều, nhưng để chúng có thể đạt đến độ chín hoàn toàn, không cần phải vội vàng. Vì vậy, để có một thời gian phân định thoải mái hơn, tôi đã thiết định rằng Thượng Hội Đồng này sẽ diễn ra trong hai phiên họp. Lần đầu tiên từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10 năm 2023, và lần thứ hai vào tháng 10 năm 2024. Tôi tin tưởng rằng quyết định này sẽ thúc đẩy sự hiểu biết về tính đồng nghị như một chiều kích cấu thành của Giáo hội, và giúp mọi người sống điều đó như cuộc hành trình của những anh chị em loan báo niềm vui của Tin Mừng.

Hôm nay, tại Boves (Cuneo), các Cha Giuseppe Bernardi và Mario Ghibaudo – Cha Sở và Cha Phó, bị giết vì lòng hận thù đức tin vào năm 1943 - sẽ được tuyên phong Chân phước. Trong cơn nguy hiểm tột cùng, các ngài không bỏ rơi những người được giao phó mà còn giúp đỡ họ đến mức đổ máu, chia sẻ số phận bi thảm của những người dân trong thành phố bị Đức Quốc xã giết hại. Ước gì tấm gương của các ngài khơi dậy trong các linh mục ước muốn trở thành mục tử theo trái tim Chúa Kitô, luôn ở bên cạnh dân của họ. Một tràng pháo tay cho các Chân phước mới!

Thứ Ba, ngày 18 tháng 10 này, Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đang xúc tiến chiến dịch “Một triệu trẻ em cầu nguyện Kinh Mân Côi”. Tôi cảm ơn tất cả các bé đang tham gia! Chúng ta hãy hiệp nhất với họ và giao phó những người dân đau khổ của Ukraine, và những người khác đang đau khổ do chiến tranh và bất kỳ hình thức bạo lực và khốn khổ nào, cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ.

Liên quan đến những người cùng khổ, ngày mai là Ngày Quốc tế Xóa đói nghèo. Mọi người đều có thể chung tay hướng tới một xã hội mà không ai cảm thấy bị loại trừ vì nghèo đói.

Tôi xin chào tất cả các bạn, những người đến từ Rôma và những người hành hương đến từ các quốc gia khác nhau: các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hiệp hội. Đặc biệt, tôi chào ban nhạc từ Freiburg mà tôi đã nghe các bạn hòa tấu. Thực sự rất tốt! Dàn hợp xướng “Comelico” từ Santo Stefano di Cadore và Hiệp hội Immaculata, và đại diện của Liên đoàn các tổ chức kinh doanh Tây Ban Nha và Liên đoàn lao động tự do Tây Ban Nha. Tôi cũng gửi lời chào đến những người đang ở đây từ Chajarí, tỉnh Entre Ríos, Á Căn Đình. Xin Chúa phù hộ cho anh chị em!

Tôi hy vọng tất cả anh chị em có một ngày Chúa Nhật tốt lành. Và, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hà Nội :Tân giáo xứ Phúc Châu: Tạ ơn công bố thiết lập giáo xứ và làm phép nhà mục vụ
BTT TGP Hà Nội
09:13 16/10/2022
Tân giáo xứ Phúc Châu: Tạ ơn công bố thiết lập giáo xứ và làm phép nhà mục vụ

Hai niềm vui đan xen trong một ngày hồng ân đã lưu lại dấu mốc vàng son trong lịch sử phát triển đức tin của Tân giáo xứ Phúc Châu. Ngày 16/10/2020, hơn 300 nhân danh của Tân Giáo xứ vui mừng chào đón Đức Tổng Giám Mục (TGM) Giuse Vũ Văn Thiên về dâng Thánh lễ tạ ơn công bố thiết lập giáo xứ và làm phép Nhà Mục vụ.

Xem Hình

Tân giáo xứ Phúc Châu nằm trên địa bàn thôn Phúc Thượng, xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Dưới ánh nắng chan hòa trong tiết trời dịu mát của mùa thu, bà con Tân Giáo xứ hân hoan chào đón quý Cha, quý Tu sĩ, quý khách xa gần đến chung chia niềm vui và hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Tân Giáo xứ.

Trước khi bước vào Thánh lễ tạ ơn, cộng đoàn hiệp thông tham dự nghi thức làm phép nhà mục vụ của Tân Giáo xứ do Đức TGM Giuse cử hành. Ngôi nhà mục vụ 2 tầng khang trang với tổng diện tích 170 m2 đã được hoàn thiện sau hai năm khởi công xây dựng.

Niềm vui tạ ơn được nối tiếp với nghi thức công bố và trao văn thư quyết định nâng giáo họ Phúc Châu lên hàng giáo xứ. Cách đây gần 1 năm, ngày 18/11/2021, Đức TGM Giuse đã ký văn bản quyết định nâng giáo họ Phúc Châu lên hàng giáo xứ. Quyết định ghi rõ: địa bàn hành chính của Tân giáo xứ Phúc Châu là toàn bộ xã Hợp Lý với 1 giáo họ trực thuộc là giáo họ Phúc Hạ, Tân giáo xứ tôn nhận Thánh Micae làm quan thầy và Chầu Mình Thánh vào Chúa nhật tuần thứ IV trong tháng 5. Quyết định này đã được cha quản hạt Lý Nhân Phanxicô Xavie Lê Thanh Nghị công bố trước Thánh lễ, và được Đức TGM Giuse trao cho cha xứ tiên khởi Gioan Baotixita Nguyễn Văn Chiến.

Suy tư về sứ mệnh cao quý của mỗi kitô hữu là việc loan báo Tin Mừng. Đức TGM Giuse mời gọi cộng đoàn phụng vụ hãy trở nên khí cụ cho Chúa Thánh Thần sử dụng để hạt giống Phúc Âm được nảy mầm và trổ sinh hoa trái cho cuộc đời. Mỗi tín hữu đều có trách nhiệm và khả năng để tham gia vào sứ vụ truyền giáo một cách hiệu quả, nhất là bằng việc cầu nguyện và sống đạo đức, thánh thiện.

Ngỏ lời với bà con của tân giáo xứ Phúc Châu, Đức TGM Giuse một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc truyền giáo “Khi thành lập giáo xứ mới này, chúng tôi đặt kỳ vọng nơi quý ông bà và anh chị em, đặt kỳ vọng nơi đây sẽ là một cộng đoàn càng ngày càng phát triển, trung thành với đức tin và có khả năng tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng”.

Trong tâm tình biết ơn, trước khi kết thúc Thánh lễ, vị đại diện giáo xứ đã kính trình sơ lược lịch sử của Tân Giáo xứ và có lời tri ân Đức TGM Giuse, quý Cha và toàn thể cộng đoàn.

Xin Chúa chúc lành cho các sinh hoạt trong đời sống đức tin của Tân Giáo xứ ngày càng thăng tiến, để nét đẹp Tin Mừng sẽ được phản chiếu ngang qua chứng từ đời sống thánh thiện và tốt lành của cộng đoàn tín hữu nơi đây.

Được biết, cũng trong ngày này Đức TGM Giuse đã ghé thăm giáo họ Phúc Hạ thuộc giáo xứ Phúc Châu và giáo họ Văn Quan thuộc giáo xứ Quan Hạ.

BTT
 
LM Thái Quốc Bảo nhậm chức viện trưởng nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô giáo phận Orange, Hoa Kỳ
Thiện Lê/Người Việt
21:00 16/10/2022
LM Thái Quốc Bảo nhậm chức viện trưởng nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô giáo phận Orange, Hoa Kỳ

GARDEN GROVE, California (NV) – Đông đảo giáo dân thuộc nhiều sắc dân có mặt tại nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô hôm Chủ Nhật, 16 Tháng Mười, để dự thánh lễ nhậm chức viện trưởng (rector) của Linh Mục Thái Quốc Bảo.

Linh Mục Thái Quốc Bảo được Giám Mục Kevin Vann, Giám mục Giáo Phận Orange, bổ nhiệm làm viện trưởng nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô vào Tháng Hai năm nay, và giờ đây chính thức nhậm chức trong thánh lễ cùng rất nhiều giáo dân và các thành viên của giáo phận.

Nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô (tên thường gọi trước đây là “Nhà Thờ Kiếng” -Crystal Cathedral) và đây là lần đầu tiên một linh mục gốc Việt đảm nhận vai trò này tại giáo phận có đông giáo dân gốc Việt nhất hải ngoại.

Linh Mục Thái Quốc Bảo, 51 tuổi, từng là chánh xứ nhà thờ Thánh Cecilia, Tustin, làm viện trưởng nhà thờ chính tòa thay thế Linh Mục Christopher Smith nghỉ hưu, bắt đầu từ ngày 1 Tháng Bảy.

Thánh lễ được cử hành bằng ba ngôn ngữ là tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha để phản ánh sự đa văn hóa của Giáo Phận Orange, với rất đông giáo dân người gốc Hispanic, người da trắng và người gốc Việt. Không chỉ vậy, thánh lễ còn có sự hiện diện của nhiều giáo dân người Samoan, với những đoạn thánh ca và đọc kinh bằng tiếng Samoan.

Nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô là ngôi nhà tâm linh của giám mục Giáo Phận Orange và là trung tâm thờ phượng Công Giáo tầm cỡ quan trọng thuộc miền Tây Hoa Kỳ.

Vì đây là thánh lễ nhậm chức của tân viện trưởng cho nhà thờ lớn này, nên các giáo dân có mặt rất đông đảo, ngồi kín hết cả hai tầng của nhà thờ.

Trước khi thánh lễ bắt đầu, một số giáo dân chia sẻ cảm xúc về việc nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô có viện trưởng mới.

Bà Linh Nguyễn, cư dân Garden Grove, cho biết: “Là một giáo dân người Việt Nam, tôi rất hãnh diện khi nghe cha Bảo được bổ nhiệm làm viện trưởng của nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô. Đây là lần đầu nhà thờ có viện trưởng người Việt Nam, đại diện cộng đồng mình và giúp chúng ta có tiếng nói hơn. Tôi nghĩ cha chắc chắn sẽ làm tốt mọi bổn phận trong những năm tới.”

Một số giáo dân gốc Hispanic cũng cho hay họ rất mừng khi thấy các cộng đồng thiểu số giữ những chức vụ quan trọng trong giáo phận, giúp họ có tiếng nói hơn, và cũng cho rằng Linh Mục Bảo sẽ là một viện trưởng tuyệt vời trong những năm tới.

“Chúng tôi tin rằng ông sẽ làm tốt mọi bổn phận, và sẽ đại diện cho các cộng đồng da màu chúng ta trong khoảng thời gian làm viện trưởng,” một giáo dân người Hispanic nói.

Trong thánh lễ, Giám Mục Kevin Vann nói bằng ba ngôn ngữ, chính thức giao vai trò viện trưởng của nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô cho Linh Mục Thái Quốc Bảo.

Giám mục cho biết ông hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của vị linh mục này để thay thế Linh Mục Christopher Smith.

“Xin chúc mừng ông, chúng tôi hy vọng ông sẽ làm tốt mọi bổn phận và sẽ cầu nguyện để ông làm một người chăn cừu tuyệt vời của nhà thờ,” giám mục nói.

Giám Mục Vann cũng có những lời chân thành cám ơn cha mẹ của Linh Mục Bảo và cầu xin Chúa phù hộ cho ông và gia đình.

Sau những phát biểu của Giám Mục Vann là phần gặp gỡ của Linh Mục Thái Quốc Bảo và các hội đồng của Giáo Phận Orange.

Linh Mục Bảo nói: “Tôi thành tâm nhận những hướng dẫn và lời khuyên của quý vị.”

Khi nhậm chức, linh mục nói sẽ tuân theo mọi chỉ dạy của Giáo Hội và sẽ làm tròn mọi bổn phận được giao.

Đến cuối thánh lễ, Linh Mục Thái Quốc Bảo, tân viện trưởng nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô, trò chuyện với giáo dân và cộng đoàn bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, cho biết ông luôn tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa và Đức Mẹ.

Ông nói: “Cám ơn Giám Mục Kevin Vann đã tin tưởng tôi với nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô, và tôi hứa sẽ không làm ông thất vọng.”

Linh mục còn nói mình sẽ giúp nhà thờ này trở thành một nơi chào đón bất cứ ai đến, giúp cộng đồng luôn đoàn kết.

Cuối cùng, ông phát biểu bằng tiếng Việt, có những lời tri ân cha mẹ, gia đình, các linh mục và các giáo dân.

“Quý vị là động lực lớn lao cho con trong đời linh mục. Chúa luôn yêu quý vị và con cũng vậy,” ông nói.

Linh Mục Thái Quốc Bảo sinh ra tại Sài Gòn, Việt Nam. Ông tốt nghiệp Đại Học Tổng Hợp ở Sài Gòn (1992) với bằng cử nhân điện toán, cử nhân triết học, Đại Chủng Viện Mount Angel ở Oregon (1998), thạc sĩ thần học, Đại Chủng Viện Saint John ở Camarillo, California, và ông cũng là thạc sĩ thần học về tâm linh, trường Giáo Hoàng Học Viện Thánh Thomas Aquinas (có tên gọi tắt là trường Angelicium) tại Rome, Ý.

Giáo Phận Orange có tới 1.3 triệu giáo dân trong 57 giáo xứ, năm trung tâm mục vụ, và 35 trường học. Đây là một trong 10 giáo phận lớn nhất và có nhiều sắc dân, cộng đồng Công Giáo nhiều nhất Hoa Kỳ.

Giáo phận kết hợp người Công Giáo khắp Orange County để có đời sống đức tin sống động hòa nhập vào đời sống thường nhật của cộng đồng và đời sống linh thiêng của giáo hội. [kn]

——

Liên lạc tác giả: le.thien@nguoi-viet.com
 
Văn Hóa
Video giới thiệu ra mắt tác phẩm Thần Khúc của Dante
Lm. Đình Chẩn
18:00 16/10/2022
 
VietCatholic TV
Putin di chuyển máy bay ném bom hạt nhân đến biên giới NATO, sợ thua Ukraine, ép Belarus tham chiến
VietCatholic Media
03:06 16/10/2022


1. Ukraine tiết lộ Putin còn lại bao nhiêu hỏa tiễn: 'Chiến bại là không thể tránh khỏi'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Reveals How Many Missiles Putin Has Left: 'Defeat Is Inevitable'“, nghĩa là “Ukraine tiết lộ Putin còn lại bao nhiêu hỏa tiễn: 'Chiến bại là không thể tránh khỏi'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã tiết lộ vào hôm thứ Bẩy về số lượng hỏa tiễn mà Nga còn lại và nói rằng việc quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin bị đánh bại là “không thể tránh khỏi”.

Reznikov đã đăng một hình minh họa trên Twitter cho thấy, tính đến ngày 12/10, Nga còn lại 609 hỏa tiễn trong tổng số 1.844 hỏa tiễn mà nước này có khi xâm lược Ukraine lần đầu tiên vào ngày 24/2.

Những hỏa tiễn còn lại bao gồm 124 hỏa tiễn phóng từ mặt đất trong số 900 hỏa tiễn ban đầu và 272 hỏa tiễn Kalibr, được phóng bằng đường biển, trong tổng số 500 hỏa tiễn ban đầu. Ngoài ra, Nga vẫn còn 213 hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không (Kh-101-Kh555) trong số 444 mà Mạc Tư Khoa ban đầu có vào đầu cuộc chiến.

“Phi quân sự hóa nước Nga,” Reznikov viết trong dòng tweet bao gồm biểu đồ minh họa hỏa tiễn. “Bằng cách sử dụng hàng trăm hỏa tiễn chính xác cao chống lại các đối tượng dân sự của Ukraine, nhà nước xâm lược làm giảm khả năng tấn công các mục tiêu quân sự.”

Ông tiếp tục: “Hai kết luận: - Thứ nhất, sự thất bại quân sự của Nga là không thể tránh khỏi; Thứ hai, Nga là một quốc gia khủng bố. “

Trong khi đó, Ukraine tiếp tục nhận thiết bị quân sự và đạn dược từ phương Tây để chống lại Nga. Hôm thứ Ba, ông Reznikov nói rằng Ukraine đã nhận thêm 4 Hệ thống Hỏa tiễn Cơ động Cao, gọi tắt là HIMARS, do Hoa Kỳ cung cấp, có tác dụng hủy diệt đối với các lực lượng Nga.

Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cũng thông báo rằng các hỗ trợ quân sự đang được tiến hành, bao gồm Hệ thống hỏa tiễn đất đối không tiên tiến quốc gia, gọi tắt là NASAMS, được sử dụng để bảo vệ chống lại hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga. “Một kỷ nguyên phòng không mới đã bắt đầu ở Ukraine,” Reznikov viết trên Twitter.

Theo Oleksandr Starukh, thống đốc của khu vực Zaporizhzhia, vào đêm thứ Năm, một hỏa tiễn của Nga đã bắn trúng khu vực Zaporizhzhia. Starukh cho biết các hỏa tiễn đang tác động vào trung tâm khu vực, khiến người dân địa phương phải tìm nơi trú ẩn.

Starukh đã đăng một bản cập nhật vào sáng thứ Sáu và nói rằng cuộc tấn công đã ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng địa phương và gây ra các đám cháy tại các địa điểm mà hỏa tiễn bắn trúng. Thống đốc nói thêm rằng ban đầu không có báo cáo về bất kỳ nạn nhân nào, nhưng cho biết có thể có thêm các cuộc tấn công hỏa tiễn sắp tới.

Nga đã tiến hành một loạt vụ tấn công hỏa tiễn trong tuần này sau khi một phần của Cầu Kerch bị nổ tung vào thứ Bảy tuần trước. Cây cầu nối lục địa Nga với bán đảo Crimea và được coi là chiến lược quan trọng đối với Nga như một hành lang hậu cần và đường tiếp tế cho quân đội. Ukraine đã không tuyên bố bất kỳ trách nhiệm nào về vụ nổ, mặc dù Nga cho biết họ tin điều ngược lại.

Các hỏa tiễn được phóng để trả đũa Ukraine rõ ràng đã tấn công dân thường và các cơ sở điện nước, phá hủy các tòa nhà và giết chết 14 người, theo hãng tin AP. Các hỏa tiễn đã được phóng từ trên không, trên bộ và trên biển tại ít nhất 14 khu vực của Ukraine bao gồm Lviv và Kharkiv, khiến khoảng 100 người bị thương, theo cơ quan dịch vụ khẩn cấp của Ukraine.

Nga nói rằng hỏa tiễn đã tấn công các cơ sở năng lượng và quân sự. Tuy nhiên, một số khu vực dân sự cũng bị ảnh hưởng, bao gồm sân chơi ở trung tâm thành phố Kyiv và một trường đại học.

Theo Alexander Štupun, phát ngôn nhân Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, ngoài việc sắp hết hỏa tiễn, Mạc Tư Khoa cũng đang phải vật lộn với hiệu suất của quân đội khi các nhà lãnh đạo quân đội của họ gần đây đã ra lệnh cho họ tạm thời ngừng chiến đấu ở khu vực Donetsk của Ukraine.

“Tại một số khu vực chiến đấu, bao gồm cả khu vực Donetsk, các đơn vị đối phương bắt đầu nhận được lệnh từ lãnh đạo cấp cao hơn phải tạm thời đình chỉ các hành động tấn công,” Štupun cho biết trong một bản cập nhật hoạt động quân sự “Nguyên nhân chính là do tình trạng tinh thần và tâm lý cực kỳ thấp, vô số sự kiện đào ngũ từ các tân binh bị gọi nhập ngũ và tình trạng bất tuân mệnh lệnh chiến đấu.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

2. Putin có thể buộc Lukashenko tham chiến vì sợ thua Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin May Force Lukashenko to Join War as Fear of Losing to Ukraine Grows”, nghĩa là “Putin có thể buộc Lukashenko tham chiến vì sợ thua Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một chuyên gia Nga, tổng thống Nga Vladimir Putin cuối cùng có thể buộc Alexander Lukashenko, tổng thống Belarus, tham gia cuộc chiến chống Ukraine.

Vài ngày sau khi ông Lukashenko tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc triển khai chung với các lực lượng Nga, nhà lãnh đạo độc tài của Belarus hôm thứ Sáu tuyên bố rằng ông đã đưa ra “các biện pháp chống khủng bố” ở nước này “liên quan đến sự leo thang dọc theo chu vi biên giới”.

Lukashenko, một đồng minh thân cận của Putin, cho biết Ukraine đang lên kế hoạch tấn công Belarus mà không nêu ra các bằng chứng. Ông cho biết các biện pháp chống khủng bố đang được thực hiện “phù hợp với giao thức hiện có của liên minh Belarus và Nga. Điều này đã được viết cách đây rất lâu. Mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch”.

Trong những ngày gần đây, đã có những thông điệp trái chiều từ các quan chức Belarus về một “hoạt động chống khủng bố” đang được triển khai tại nước này. Các biện pháp mới được công bố, được đưa ra trong bối cảnh các cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa Lukashenko và Putin, đã làm dấy lên lo ngại rằng Belarus sẽ tham gia cuộc chiến mà Putin đã bắt đầu bằng cuộc xâm lược ngày 24/2. Trong khi Nga sử dụng lãnh thổ Belarus để tấn công Ukraine, lực lượng của ông Lukashenko không tham gia vào cuộc xung đột.

Natia Seskuria, một chuyên gia về Nga và cộng sự tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia có trụ sở tại London, nói với Newsweek rằng mặc dù Lukashenko cho đến nay đã cố gắng khéo léo để tránh tham gia trực tiếp vào cuộc chiến, nhưng ông ta có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột do áp lực của Putin.

Seskuria nói: “Những diễn biến gần đây, tuyên bố về các hành động khủng bố ở Belarus và việc thành lập các nhóm quân trong khu vực cho thấy sự bất an gia tăng và lo ngại thất bại trong chiến tranh của Putin. Nó đang được thực hiện ngay bây giờ bởi vì, trong bối cảnh các biện pháp phản công thành công của Ukraine, Putin dường như đang sử dụng các lựa chọn còn lại của Nga.”

Kể từ đầu tháng 9, Ukraine đã chiếm lại các vùng lãnh thổ của mình ở phía nam và đông bắc đã bị lực lượng của Putin chiếm giữ trong suốt cuộc chiến. Điều này bao gồm các khu vực mà gần đây ông Putin nói đã chính thức bị Nga sáp nhập sau các cuộc trưng cầu dân ý bị cộng đồng quốc tế coi là bất hợp pháp.

“Quân đội Nga đang ngày càng vật lộn trên chiến trường, và Putin có thể buộc Lukashenko chính thức tham chiến,” Seskuria nói.

Nga và Belarus là một phần của Nhà nước Liên minh, một cơ quan siêu quốc gia, và có sự hợp tác quốc phòng giữa hai bên, Seskuria cho biết.

Cô nói thêm rằng vụ nổ ngày 8 tháng 10 trên Cầu eo biển Kerch quan trọng về mặt chiến lược, nối đất liền của Nga với bán đảo Crimea đã sáp nhập, đã bị Nga coi là một hành động khủng bố của Ukraine. Vụ nổ có thể là cái cớ để Belarus tham chiến và bảo vệ đồng minh của mình trước các cuộc tấn công của Ukraine.

“Đây là một lựa chọn kém thuận lợi nhất cho Lukashenko, nhưng kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và cuộc đàn áp bạo lực của những người biểu tình ở Belarus, sự tồn tại chính trị của ông ấy phần lớn phụ thuộc vào sự ủng hộ của Mạc Tư Khoa, vì vậy Putin đang thực hiện một áp lực rất nghiêm trọng đối với ông ấy,” Seskuria nói.

Alex Kokcharov, một nhà phân tích các rủi ro tập trung vào Ukraine, bày tỏ nghi ngờ rằng Belarus sẽ tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột. Ông cho rằng Lukashenko có khả năng đang cố gắng làm hài lòng Nga bằng cách chứng tỏ rằng ông ta “ít nhất đang làm điều gì đó” trong lĩnh vực an ninh.

Ông nói với Newsweek: “Tôi hết sức nghi ngờ rằng Belarus đặt ra một mối đe dọa quân sự thực sự đối với Ukraine hoặc các nước láng giềng NATO - Latvia, Lithuania và Ba Lan. “Các lực lượng vũ trang Belarus nhỏ, được huấn luyện và trang bị kém và như thế có khả năng tấn công rất hạn chế.”

Ông Kokcharov cho rằng những tuyên bố của Belarus về việc triển khai lực lượng chung với Nga có thể là một hành động đánh lạc hướng nhằm buộc Ukraine phải bố trí lại lực lượng tới biên giới Belarus và Ukraine. Điều này sẽ làm suy yếu các hoạt động triển khai của Ukraine ở những nơi khác, đặc biệt là ở phía nam và phía đông của đất nước.

Sergej Sumlenny, một chuyên gia chính trị người Đức, đặc biệt tập trung vào Nga và Đông Âu, đồng ý. Ông nói rằng những tuyên bố gần đây của Lukashenko dường như là một phần của trò chơi “tiến một bước, lùi một bước” để làm hài lòng Putin mà không tự mình chấp nhận bất kỳ rủi ro nào.

Sumlenny nói với Newsweek: “Ông ấy cố gắng cung cấp cho Putin một phần những gì mà ông ta muốn là Belarus tham gia vào cuộc chiến, nhưng không thực hiện gì cả”.

Ruslan Trad, một nhà nghiên cứu an ninh tại Hội đồng Atlantic của Mỹ, nói với Newsweek rằng Nga có thể sử dụng lãnh thổ Belarus để tấn công cơ sở hạ tầng dân sự. Ông cũng cho biết có bằng chứng cho thấy nhiều khả năng Nga đang trích xuất đạn dược từ các căn cứ lưu trữ của Belarus.

Theo Seskuria, cuối cùng, ông Lukashenko sẽ cố gắng hết sức để điều hướng tình hình này theo cách tránh gửi lực lượng của mình tới Ukraine, bằng cách chứng minh với Điện Cẩm Linh rằng Belarus vẫn có thể hỗ trợ Nga mà không cần tham chiến.

“Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất cho thấy khả năng lôi kéo Belarus vào cuộc chiến ngày càng gia tăng, và nếu Putin quyết định làm như vậy, Lukashenko sẽ phải chịu áp lực rất lớn. Tuy nhiên, nếu nghe theo lời Putin, ông ta sẽ gặp những rủi ro chính trị to lớn,” cô nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Belarus để đưa ra bình luận.

3. Đồng minh của Putin dự đoán 'Ngày tận thế của hành tinh chúng ta' khi cảnh báo 'lằn ranh đỏ' hạt nhân

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Predicts 'End of Our Planet' in Nuclear 'Red Line' Warning”, nghĩa là “Đồng minh của Putin dự đoán 'Ngày tận thế của hành tinh chúng ta' khi cảnh báo 'lằn ranh đỏ' hạt nhân”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự đã và đang đánh giá các kết quả có thể xảy ra. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cảnh báo rằng mặc dù đồng minh Điện Cẩm Linh của ông không bao giờ có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng nhà lãnh đạo Nga sẽ chiến đấu theo cách của mình nếu bị đẩy vào chân tường.

Khi Ukraine tăng cường khả năng phòng thủ và các cuộc phản công của họ tiếp tục gây thiệt hại cho các lực lượng Nga, luận điệu của ông Putin ngày càng trở nên hung hăng, khi Tổng thống Nga đe dọa hành động hạt nhân chống lại quốc gia Đông Âu đang bảo vệ lãnh thổ mà Putin gần đây đã sáp nhập của nước này. Trong một cuộc phỏng vấn với NBC News hôm thứ Sáu, Lukashenko nói rằng nếu những ranh giới đỏ nhất định bị vượt qua ở Ukraine, Putin có thể tiếp tục cuộc tấn công chống lại đất nước theo những cách tồi tệ hơn những gì ông ta đã làm.

Lukashenko đề cập đến các cuộc tấn công hỏa tiễn của Putin nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine khiến dân thường thiệt mạng, phá hủy các cây cầu, tòa nhà và trạm điện, đồng thời cho biết nếu Putin bị đẩy vào chân tường, nhiều cuộc tấn công tương tự có thể xảy ra. Lukashenko nói thêm rằng Nga sở hữu “vũ khí hiện đại nhất” và họ không cần vũ khí hạt nhân để giành chiến thắng trong cuộc chiến. Ông tin rằng mối đe dọa chiến tranh hạt nhân chỉ là một động cơ chính trị, nhưng nếu nó xảy ra, sự hủy diệt sẽ xảy ra và không chỉ ở Ukraine.

Lukashenko nói: “Đây sẽ là sự kết thúc của hành tinh chúng ta. Nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng ngay cả bởi một quốc gia, nó sẽ gây ra phản ứng dây chuyền. Nga hiểu rõ điều này. Và tôi muốn nhấn mạnh điều này, tôi biết chắc điều đó từ chính Tổng thống Putin, không ai đặt mục tiêu sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Tuy nhiên, Michael Kimmage, giáo sư và chủ nhiệm khoa lịch sử của Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, nói với Newsweek rằng Lukashenko là một đồng minh của Điện Cẩm Linh và thông điệp của anh ta có thể chỉ nhằm để đe dọa. Kimmage cho biết thông điệp cũng có thể là phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Joe Biden về cách Hoa Kỳ sẽ can thiệp nếu cần và thông báo của Liên minh Âu Châu rằng họ sẽ hỗ trợ các cuộc tấn công trực tiếp vào quân đội Nga nếu chiến tranh hạt nhân được sử dụng.

“Đó không phải là một sự tình cờ,” Kimmage nói về thông điệp của Lukashenko. “Nó có sự phối hợp chặt chẽ với Điện Cẩm Linh.”

Kimmage cho biết luận điệu của Lukashenko có hai mục đích: kích động phản ứng cảm xúc vì “không có gì khác đang hoạt động hiệu quả” trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine và được sử dụng chủ yếu nhằm xoa dịu dân tình ở Nga.

“Chúng tôi rất cứng rắn, chúng tôi không lùi bước, chúng tôi có vũ khí,” họ đang gửi thông điệp đến chính họ,” ông nói thêm.

Tuy nhiên, Kimmage nói với Newsweek rằng Lukashenko có lẽ không sai. Nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra, nó có thể dẫn đến sự leo thang nghiêm trọng từ Mỹ

“Thật khó để tưởng tượng người Nga sẽ không đáp trả trước hành động leo thang của chính họ,” Kimmage nói thêm rằng chu kỳ chiến tranh qua lại “đáng sợ hơn nhiều” so với cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba.

Kimmage cho biết chiến thuật khác duy nhất của Nga có thể là chờ mùa đông, theo dõi thiệt hại đối với nền kinh tế Âu Châu và xem liệu sự hỗ trợ của Ukraine từ các quốc gia đồng minh có suy yếu hay không.

Trong khi đó, hôm thứ Sáu, ông Lukashenko kêu gọi các đảng phái chính trị tìm ra “giải pháp hòa bình” cho cuộc chiến, chào đón những lợi ích mà nó có thể có cho tất cả các quốc gia, bao gồm cả Mỹ.

4. Putin di chuyển máy bay ném bom hạt nhân đến căn cứ không quân gần biên giới Phần Lan và Na Uy khi căng thẳng gia tăng về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân

Hai ký giả Chris Jewers và Will Stewart của tờ The Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Putin moves nuclear bombers to airbase near Finland and Norway borders as tensions rise over possible use of nukes”, nghĩa là “Putin di chuyển máy bay ném bom hạt nhân đến căn cứ không quân gần biên giới Phần Lan và Na Uy khi căng thẳng gia tăng về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tăng số lượng máy bay ném bom hạt nhân chiến lược của ông ta đóng tại một căn cứ không quân gần biên giới Phần Lan và Na Uy.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng cao độ về việc liệu Putin có kế hoạch phát động một cuộc tấn công nguyên tử ở Âu Châu hay không trong bối cảnh cuộc xâm lược đang diễn ra của ông ta vào Ukraine đã phải chịu một chuỗi thất bại nhục nhã trong những tháng gần đây.

Bạo chúa Nga đã dần dần tăng số lượng máy bay ném bom chiến lược tại căn cứ không quân Olenya - từ không có chiếc máy bay nào vào ngày 12/8 lên 4 chiếc Tu-160 siêu thanh vào ngày 21/8, và lên 11 chiếc hiện nay.

Có bảy máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và bốn máy bay Tu-95 tại căn cứ không quân trên Bán đảo Kola - ở cực tây bắc của Nga và ở Vòng Bắc Cực.

Tiết lộ này đến từ Faktisk.no - một trang web kiểm tra thực tế độc lập của Na Uy - đã lấy dữ liệu từ nhà điều hành vệ tinh Planet của Mỹ.

Việc xây dựng căn cứ không quân nói trên diễn ra sau mối quan tâm của quốc tế về một báo cáo khác cách đây hai tuần, khi tờ The Jerusalem Post tiết lộ rằng có một 'sự triển khai bất thường' của bảy máy bay ném bom hạt nhân tại căn cứ không quân nói trên.

Điều này đã được nhấn mạnh bởi công ty tình báo ImageSat International của Israel đã phát hiện ra 'sự hiện diện bất thường' của TU-160 và TU-95.

Các máy bay Armageddon, hay sự huỷ diệt ngày sau hết, thường đóng tại Căn cứ Không quân Engels, cách Mạc Tư Khoa 450 dặm về phía đông nam.

Tuy nhiên, giờ đây, các máy bay ném bom đang đóng quân cách biên giới Na Uy, một nước thành viên NATO khoảng 115 dặm, và cách khoảng 95 dặm từ thành viên Liên minh sắp trở thành là Phần Lan.

Các máy bay ném bom này cũng có thể được sử dụng với vũ khí thông thường.

Có bằng chứng cho thấy việc triển khai tại Olanya đi kèm với hỏa tiễn hành trình Kh-101 để có thể sử dụng chống lại các mục tiêu ở Ukraine.

Kh-101 có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường.

Tu-160 - hay còn gọi là Thiên nga trắng, nhưng được phương Tây biết đến với cái tên Blackjack - là một máy bay ném bom chiến lược siêu thanh đã trở thành cỗ máy trang bị cho lực lượng hỏa tiễn chiến lược của Nga kể từ thời Liên Xô.

Đây là máy bay quân sự bay với vận tốc Mach 2+, tức là nhanh hơn 2 lần tốc độ âm thanh, và là máy bay lớn nhất từng được chế tạo và tính đến năm 2022 là máy bay chiến đấu lớn nhất và nặng nhất vẫn còn được sử dụng - đồng thời là máy bay ném bom nhanh nhất.

Tính đến năm 2016, lực lượng Hàng không Tầm xa của Không quân Nga có 16 máy bay đang hoạt động, và việc nâng cấp các máy bay này đã được thực hiện trong những năm gần đây.

Máy bay phản lực có thể mang 88,000 pounds vũ khí trên khoang, với mỗi khoang trong số hai khoang bên trong của nó có khả năng chứa 44,000 pounds hoặc vũ khí rơi tự do hoặc một bệ phóng hỏa tiễn hạt nhân.

Vào tháng 5 năm 2020, có thông tin rằng quân đội Nga đang thăm dò xem liệu Tu-160 có thể mang hỏa tiễn siêu thanh hay không. Kh-47M2 Kinzhal của Nga, còn được gọi là 'dao găm', là một hỏa tiễn có khả năng hạt nhân với tầm bắn 1,200 dặm và tốc độ lên tới Mach 10, tức là gấp mười lần tốc độ âm thanh.

Trong khi đó, Tu-95 siêu ồn, được gọi là Bear, là máy bay ném bom chiến lược chạy bằng cánh quạt duy nhất vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.

Chiếc máy bay này đã bay lần đầu tiên cách đây 70 năm, nhưng chỉ được sử dụng trong chiến đấu lần đầu tiên vào năm 2015. Ban đầu nó được thiết kế để thả vũ khí hạt nhân rơi tự do, nhưng sau đó đã được sửa đổi để thực hiện một số vai trò khác.

Putin đã triển khai những chiếc Tu-95 để đe dọa nước Anh vào những thời điểm căng thẳng cao độ, chẳng hạn như vào tháng 2 năm nay khi Không quân Hoàng gia điều khiển máy bay chiến đấu Typhoon để hộ tống hai chiến hạm ngoài khơi phía bắc Scotland.

Tin tức về số lượng máy bay ném bom có khả năng hạt nhân ngày càng tăng của Putin được đưa ra khi đoạn phim cho thấy khoảnh khắc một kho đạn bên trong nước Nga phát nổ hàng nhiều giờ bởi một cuộc tấn công của Ukraine.

Thống đốc Belgorod là ông Vyacheslav Gladkov cho biết: “Tại làng Oktyabrsky, Quận Belgorod, Vùng Belgorod, một kho đạn đã bị nổ tung do bị các lực lượng vũ trang Ukraine pháo kích. Theo số liệu sơ bộ, có người chết và bị thương”.
 
Phép lạ phi thường dẫn đến thành lập Đền Thánh Piô Năm Dấu Thánh Hoa Kỳ. Linh mục Mỹ được minh oan
VietCatholic Media
05:33 16/10/2022


1. Một sự chữa lành phi thường đã dẫn đến việc thành lập Trung tâm Quốc gia về Thánh Piô Năm Dấu Thánh

Là một trong những vị thánh hiện đại được biết đến nhiều nhất trên thế giới, sự chuyển cầu của Thánh Piô Năm Dấu Thánh thành Pietrelcina - thường được gọi là Cha Pio - đã là nguồn gốc của nhiều phép lạ được tường trình trong nhiều năm.

Phóng viên chuyên sâu của EWTN News, Mark Irons gần đây đã có cơ hội gặp gỡ với nhiều người chịu ảnh hưởng bởi di sản của Cha Pio, bao gồm cả một người phụ nữ đã nhận được một sự chữa lành phi thường mà sau đó tạo ra Trung tâm Quốc gia về Cha Pio ở Barto, Pennsylvania.

Sinh ra ở thị trấn Pietrelcina miền Nam nước Ý với tên Francesco Forgione trước khi lấy tên là Cha Pio dòng Phanxicô, ngài được biết đến là người có nhiều ân sủng siêu nhiên. Một trong những ân sủng này là năm dấu thánh – tức là sự xuất hiện tự phát trên cơ thể những vết thương giống như vết thương của Chúa Kitô bị đóng đinh. Ngài cũng có thể đọc được suy nghĩ của mọi người, chữa lành người bệnh và có thể xuất hiện ở cả hai nơi cùng một lúc.

Bất kể những lời đồn đãi về những ân sủng của ngài được lan truyền, Cha Pio không được nhiều người Công Giáo Hoa Kỳ biết đến vào giữa thế kỷ 20. Tuy nhiên, điều này bắt đầu thay đổi sau khi Vera Marie Calandra, một bé gái 2 tuổi bị các vấn đề về đường tiết niệu bẩm sinh được chữa khỏi một cách kỳ diệu sau khi cầu xin cùng Cha Piô Năm Dấu Thánh.

Đối với các bác sĩ, cái chết sắp xảy ra của cô dường như đã được niêm phong - ngay cả trong mắt của Tiến sĩ C. Everett Koop, một bác sĩ phẫu thuật tham gia chăm sóc cô, người sau này trở thành Tổng bác sĩ phẫu thuật Hoa Kỳ dưới chính quyền Reagan.

Trong khi Koop giúp loại bỏ bàng quang của Calandra để mang lại sự thoải mái cho cô ấy, ông cũng khuyên cha mẹ cô ấy nên chuẩn bị cho đám tang của cô ấy. Tuy nhiên, ngày đó đã không diễn ra - như lời kể của chính Calandra khi kể lại câu chuyện với EWTN News In Depth.

Bác sĩ Koop nói “Bạn cần chấp nhận điều này ngay bây giờ, bạn không thể bám lấy đứa trẻ sắp chết này,” Calandra kể lại. “Và mẹ tôi đã về nhà, và bà ấy không chấp nhận điều đó.”

Calandra mô tả cách mẹ cô, một người Công Giáo sùng đạo, nhặt một cuốn sách mà ai đó đã tặng cho cô về Cha Piô Năm Dấu Thánh và nghe thấy một giọng nói bên trong khi cô đọc cuốn sách nói với cô rằng hãy đưa con gái đến Ý ngay lập tức.

Nhanh chóng thu xếp cho chuyến đi, mẹ của Calandra đã có thể đưa con gái của mình đến Ý, chờ đợi trong một hành lang chật cứng những người khác. Sau đó, Calandra mô tả, Cha Piô Năm Dấu Thánh đã đến gần.

Và mắt họ dán chặt vào ngài. Đó là khi cô ấy thực hiện lời hứa của mình: xin Chúa làm nên điều kỳ diệu để tất cả tin tưởng. Ngài nắm lấy bàn tay bị thương của mình, được che bằng nửa chiếc găng tay đưa lên trước mặt cô ấy, và cô ấy đã có thể hôn tay Cha Pio.

Sau khi Cha Piô chạm vào đầu từng người và chúc lành cho họ, Calandra và mẹ cô trở về nhà ở Mỹ.

Sau đó, trong một cuộc chụp X-quang theo dõi với Koop, một khám phá phi thường đã được thực hiện: họ đã tìm thấy một bàng quang ở vị trí chính xác nơi cái trước đó của cô đã được lấy ra.

“Anh ấy không thể tự mình giải thích điều đó,” Calandra nói. “Và anh ấy chỉ nói 'có một' cái bàng quang... thô sơ ', sau đó nói bất cứ điều gì bạn đang làm, hãy tiếp tục làm điều đó.”

Cha Piô qua đời ngay sau khi Calandra lành bệnh, mẹ cô đã dành phần còn lại của cuộc đời mình để tạ ơn vị linh mục và để làm cho tên của ngài được biết đến, cuối cùng xây dựng Trung tâm Quốc gia cho Cha Pio gần nhà của họ ở Pennsylvania - với trọng tâm là dẫn dắt các linh hồn về với Chúa Kitô.
Source:Catholic News Agency

2. Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan hỗ trợ dự luật phạt tù những ai tấn công các nhà thờ thể lý hay bằng lời nói

Bất kỳ ai “công khai tấn công các nhà thờ, lăng mạ hoặc chế giễu Giáo Hội” có thể bị bỏ tù tới hai năm theo luật đề xuất do một trong các đảng trong liên minh cầm quyền bảo thủ quốc gia của Ba Lan đệ trình lên quốc hội. Biện pháp này đã được ủng hộ bởi gần 400,000 chữ ký thu thập được từ công chúng trong vòng chưa đầy ba tháng.

Zbigniew Ziobro, bộ trưởng tư pháp và lãnh đạo của đảng Thống Nhất Ba Lan (Solidarna Polska), là đảng đã đệ trình luật, cho biết: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ ngày càng gia tăng sự hung hăng đối với những người có ý chí và dũng khí thừa nhận đức tin của mình”.

Ông nói thêm: “Để thực hiện đầy đủ quyền tự do tôn giáo… cần phải sửa đổi bộ luật hình sự, là bộ luật mà ngày nay không bảo đảm đủ cho việc bảo vệ các tín hữu.”

“Xúc phạm tình cảm tôn giáo của người khác bằng cách tấn công các nơi thờ phượng, xúc phạm công khai những nơi dành cho việc thực hiện các nghi thức tôn giáo” đã là một tội hình sự.

Luật báng bổ đó ngày càng được sử dụng nhiều hơn dưới thời chính phủ hiện tại của Ba Lan. Nhưng đảng Thống Nhất Ba Lan lập luận rằng những luật như thế chưa đi đủ xa, và đầu năm nay đã tuyên bố ủng hộ các biện pháp cứng rắn về mặt luật pháp, bao gồm cả án tù lên đến 3 năm.

Những sáng kiến như vậy phải được quốc hội xem xét nếu họ nhận được 100,000 chữ ký ủng hộ từ công chúng. Đạo luật của đảng Thống Nhất Ba Lan - có tiêu đề “Bảo vệ quyền tự do của các tín hữu Kitô giáo” - đã thu thập được 380,000 chữ ký từ đầu tháng 7 đến thời điểm nó được đệ trình lên quốc hội trong tuần này.
Source:notesfrompoland.com

3. Cựu giám đốc văn phòng bảo vệ trẻ em Arlington được tuyên bố trắng án về tội gạ gẫm tình dục

Cựu giám đốc Văn phòng Bảo vệ Trẻ em của Giáo phận Arlington, Virgina, là Cha Terry Specht, đã bị cáo buộc vào ngày 5 tháng 10 về các hành vi gạ gẫm với tình tiết nghiêm trọng.

Cha Specht bị truy tố vào tháng 12 năm 2021 với các tội danh liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em. Ngài đã được minh oan trong quá trình tố tụng tại tòa án.

Đức Cha Michael Burbidge của Giáo phận Arlington đã đưa ra một tuyên bố sau khi vị linh mục được tuyên bố trắng án. Ngài nói: “Mặc dù Cha Specht không có tội, nhưng tôi vẫn muốn nhân dịp này gửi gắm nỗi buồn chân thành của mình đến bất cứ ai bị những người khác lạm dụng tình dục”.

Ngài nói thêm: “Giáo phận Arlington tiếp tục cung cấp mọi lời khuyên hoặc hỗ trợ mục vụ nào mà chúng tôi có thể để giúp họ xoa dịu nỗi đau và sự đau khổ của họ”.

Luật sư của Cha Specht, là Ông Dawn Butorac, nói với Washington Post rằng ngay từ đầu ông đã thấy rất “rõ ràng” Cha Specht không có tội trong các cáo buộc.

Ông Butorac nói: “Họ đã đặt một người đàn ông đã cống hiến cuộc đời mình để phục vụ cộng đồng của mình, cả trong Hải quân và với tư cách là một linh mục, vào tình thế nguy hiểm khi đe dọa quyền tự do của ngài”.

Cha Specht phục vụ giáo phận với tư cách là một linh mục từ năm 1996. Ngài là giám đốc Văn phòng Bảo vệ Trẻ em của giáo phận từ năm 2004 đến năm 2011. Cha Specht hiện đã nghỉ hưu và lần cuối được báo cáo là đang sống ở Pennsylvania.

Giáo phận Arlington nói rằng họ có “chính sách không khoan nhượng” đối với hành vi lạm dụng.

“Chúng tôi khuyến khích bất kỳ ai biết về bất kỳ hành vi sai trái hoặc lạm dụng nào từ phía bất kỳ giáo sĩ, nhân viên hoặc tình nguyện viên nào của giáo phận hãy thông báo cho chính quyền dân sự, cũng như liên hệ với điều phối viên hỗ trợ nạn nhân của giáo phận theo số (703) 841-2530,” Giáo phận cho biết trong một thông cáo báo chí.


Source:Catholic News Agency
 
Quá căng thẳng, phe Nga giao tranh với nhau, thương vong cao. Zelenskiy khuyên lính Nga nên đầu hàng
VietCatholic Media
15:57 16/10/2022


1. Lính đồng minh của Nga tấn công quân của Putin trong khi huấn luyện, 11 người chết

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Allies' Soldiers Attack Putin's Troops During Training, 11 Dead”, nghĩa là “Lính đồng minh của Nga tấn công quân của Putin trong khi huấn luyện, 11 người chết”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một phương tiện truyền thông nhà nước Nga, vụ bắn nhau đã xảy ra trong một buổi huấn luyện quân sự của Nga hôm thứ Bảy, dẫn đến nhiều thương vong.

Vụ việc diễn ra trong một buổi huấn luyện tại một trường bắn ở vùng Belgorod, nằm dọc biên giới của nước này với Ukraine gần thành phố Kharkiv. Theo TASS, một hãng thông tấn nhà nước của Nga, Bộ Quốc phòng xác nhận vụ xả súng với các phóng viên, cho rằng hai cá nhân đến từ một quốc gia chưa được nêu tên trong Cộng đồng các quốc gia độc lập, gọi tắt là CIS, một tập thể gồm Nga và một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác, đã nổ súng trong một cuộc diễn tập.

“Vào ngày 15 tháng 10, hai công dân của một trong các nước CIS đã thực hiện một hành động khủng bố tại khu huấn luyện của Quân khu phía Tây ở Vùng Belgorod,” đại diện của Bộ Quốc phòng cho biết. “Hậu quả của vụ nổ súng là 11 người chết vì thương tích quá nặng, và 15 người khác bị thương với các mức độ nghiêm trọng khác nhau đã được đưa đến cơ sở y tế, nơi họ nhận được mọi sự trợ giúp cần thiết”.

Bộ này cho biết thêm rằng hai kẻ xả súng đã sử dụng tiểu liên để thực hiện vụ tấn công vào các chiến binh tình nguyện. Danh tính của những kẻ tấn công vẫn chưa được tiết lộ. Họ được cho là đã thiệt mạng do bị bắn trả. Các báo cáo sau đó đã chỉ ra rằng chính những người xả súng là những người lính tình nguyện. Tình hình hiện đang được cơ quan thực thi pháp luật địa phương điều tra.

Vụ việc này diễn ra trong bối cảnh Nga đang có một nỗ lực huy động quân sự lớn. Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng trước đã ra lệnh động viên bán phần đầu tiên của nước này kể từ Thế chiến II để hỗ trợ cuộc xâm lược của ông ta vào Ukraine đang thảm bại. Việc huy động đã gây ra tranh cãi và phản ứng dữ dội ở Mạc Tư Khoa, với các cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều khu vực và các cuộc tấn công được thực hiện nhằm vào các tòa nhà chính phủ và quân đội. Hàng trăm nghìn người trong độ tuổi quân dịch cũng đã bắt đầu rời khỏi đất nước để tránh bị bắt lính.

Hôm thứ Sáu, ông Putin nói rằng khoảng 220,000 quân dự bị đã bị gọi nhập ngũ, với mục tiêu cuối cùng của đất nước là huy động 300,000 người.

Nỗ lực khổng lồ và không được ưa chuộng này đã dẫn đến nhiều trục trặc trong quá trình tuyển dụng, với thông báo gọi nhập ngũ được gửi đến một số người đàn ông Nga không đủ tiêu chuẩn để nhập ngũ, có thể là do tuổi cao hoặc khả năng thể chất. Do đó, nhiều quân nhân dự bị đến làm nhiệm vụ đã được đưa về nhà do quân đội cam kết sẽ thắt chặt các nỗ lực của mình.

Một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) hôm thứ Năm cũng chỉ ra rằng quân đội Nga hiện đang gặp khó khăn hơn nữa. Ít nhất 5 người đàn ông đã bị giết ở Ukraine sau khi bị nhập ngũ trong một phần của đợt huy động hiện nay. Trong khi đó, các báo cáo cũng xuất hiện trên mạng về các binh sĩ Nga đầu hàng trên chiến trường.

Newsweek đã liên hệ với các quan chức Nga để đưa ra bình luận.

2. Tổng thống Ukraine khuyên các binh lính Nga bỏ vũ khí đầu hàng khi con số tử trận của Nga đã lên đến 64,700 người

Trong video buổi tối hướng đến các công dân Liên bang Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết số quân Nga tử trận đã vọt lên đến 64,700 người, nghĩa là trong hai tuần qua đã có gần 5,000 lính Nga tử trận. Đặc biệt con số này diễn ra trong bối cảnh quân Nga trong toàn vùng Donets được chỉ thị ngưng các cuộc tấn công, và hạn chế các hoạt động của mình sau các tổn thất cao.

Trước con số thương vong cao như vậy, Tổng thống Zelenskiy đã khuyên các binh sĩ Nga ra đầu hàng.

“Đây là những công dân Nga không muốn tham gia vào cuộc chiến tội phạm này. Với những người đang bị triển khai vào cuộc chiến này, một lần nữa tôi nhắc nhở các bạn về một khả năng. Tất cả những ai đầu hàng Ukraine sẽ được cứu sống. Tất cả những ai tiếp tục chiến đấu trong quân đội Nga hoặc trong số những người lính đánh thuê sẽ không có cơ hội như vậy.”

Ông nhấn mạnh Ukraine chắc chắn sẽ giành lại những gì thuộc về mình.

Như Zelensky đã lưu ý vào cuối tháng 9, ba điều được bảo đảm cho những quân nhân Nga đã chọn buông vũ khí và đầu hàng.

“Ukraine bảo đảm với mọi người lính Nga đầu hàng ba điều. Thứ nhất, bạn sẽ được đối xử một cách văn minh, phù hợp với tất cả các quy ước. Thứ hai, không ai biết hoàn cảnh đầu hàng của bạn, không ai ở Nga sẽ biết rằng bạn đã đầu hàng,” Zelensky nói.

3. Tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết như sau:

Lực lượng dự bị của Nga được huy động đã được triển khai tới Ukraine trong hai tuần qua. Mức độ trang bị cá nhân trung bình của họ gần như chắc chắn thấp hơn mức cung cấp vốn đã nghèo nàn của các binh sĩ đã triển khai trước đó.

Nhiều binh lính dự bị có khả năng được yêu cầu mua áo giáp của riêng mình, đặc biệt là áo giáp 6B45 hiện đại, lẽ ra được trang bị chung cho các đơn vị chiến đấu như một phần của chương trình trang bị cá nhân Ratnik. Chiếc áo vest này đã được bán trên các trang web mua sắm trực tuyến của Nga với giá 40,000 rúp (tương đương 640 Mỹ Kim), tăng từ khoảng 12,000 rúp (tương đương 190 Mỹ Kim) vào tháng 4.

Vào năm 2020, các nhà chức trách Nga thông báo rằng 300,000 bộ áo giáp Ratnik đã được cung cấp cho quân đội Nga, số lượng đủ để trang bị cho lực lượng hiện đang triển khai ở Ukraine. Nạn tham nhũng phổ biến và hậu cần kém cỏi vẫn là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến Nga hoạt động kém hiệu quả ở Ukraine.

4. Tướng Mỹ nhận định: Tinh thần Ukraine 'lên cao' giữa cuộc tấn công của Kherson khi Nga rơi vào tình trạng hỗn loạn

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Morale 'High' Amid Kherson Offensive as Russia in Disarray: General”, nghĩa là “Tướng Mỹ nhận định: Tinh thần Ukraine 'lên cao' giữa cuộc tấn công của Kherson khi Nga rơi vào tình trạng hỗn loạn.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tướng Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling hôm thứ Bảy cho biết quân đội Ukraine đang có “tinh thần cao” khi quốc gia Đông Âu tiếp tục tiến hành các hoạt động phản công chống lại lực lượng Nga trong nỗ lực chiếm lại các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng, bao gồm cả khu vực Kherson.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, một phát ngôn nhân giấu tên của Lữ đoàn 63 của quân đội Ukraine đã mỉm cười và ăn dưa hấu, biểu tượng của vùng Kherson, nơi chủ yếu trồng loại trái cây này, khi anh ta được hỏi về khả năng giải phóng khu vực, UkraineWorld đưa tin hôm thứ Bảy.

Phát ngôn nhân nói rằng ông không thể bình luận về cuộc phản công tái chiếm vùng Kherson, vì thông tin chi tiết sẽ được công bố bởi Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine.

Trước nhận xét của phát ngôn nhân lữ đoàn Ukraine, Tướng Hertling đã tweet: “Có sự tương phản hấp dẫn. Trong khi các nhà bình luận Nga theo dõi những người bị gọi nhập ngũ và những người đã ra chiến trường phàn nàn về thiết bị, ngủ trên nền đất và thậm chí bị bắn bởi chính quân Nga khi họ không tham gia cuộc tấn công, tinh thần của quân Ukraine rất cao khi họ tham gia giải phóng Kherson.”

Hertling nói với Newsweek hôm thứ Bảy rằng ông tin rằng Ukraine sẽ tiếp tục kiên trì trong cuộc chiến vì ý chí chiến đấu và bảo vệ chủ quyền của mình.

Ông nói: “Họ biết cách thích ứng với hoàn cảnh, họ có các nhà lãnh đạo cấp cao và cấp dưới quan tâm đến binh lính của họ, và tinh thần của họ được củng cố bởi các chiến thắng gần đây.

Theo các chuyên gia và quan chức Ukraine, Mạc Tư Khoa đang phải đối mặt với nạn đào ngũ trong quân đội, khó tuyển dụng các chiến binh có động cơ chiến đấu và có được thiết bị và áo giáp.

Alexander Štupun, phát ngôn nhân của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết trong một bản cập nhật quân sự tuần này rằng các nhà lãnh đạo quân đội Nga gần đây đã ra lệnh cho quân đội của họ ở Donetsk tạm thời ngừng tấn công trong khu vực trong bối cảnh tinh thần xuống dốc và đào ngũ.

“Trong một số khu vực chiến đấu, bao gồm cả khu vực Donetsk, các đơn vị đối phương bắt đầu nhận được lệnh từ lãnh đạo cấp cao hơn để tạm thời đình chỉ các hành động tấn công. Nguyên nhân chính là do tinh thần và trạng thái tâm lý vô cùng kém, vô số báo cáo đào ngũ từ số lượng các tân binh bị gọi nhập ngũ và tình trạng bất tuân mệnh lệnh chiến đấu.”

Kyle Haynes, một phó giáo sư tại Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Purdue, nói với Newsweek hôm thứ Năm rằng Nga tạm thời đình chỉ tấn công ở Donetsk “phần lớn xác nhận những gì mọi người đã biết: rằng việc huy động của Nga không diễn ra suôn sẻ và sẽ không tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa trên chiến trường ít nhất trong vài tháng tới”.

So sánh quân đội Nga và Ukraine, Hertling nói với Newsweek: “Quân đội Nga - ngay từ đầu - đã không có mục tiêu rõ ràng hoặc lý do để chiến đấu. Họ không cảm thấy được hỗ trợ bởi các nhà lãnh đạo quân sự hoặc các quan chức chính phủ của họ, và việc đào tạo, lãnh đạo, chỉ huy và kiểm soát và sự sẵn sàng hoạt động của họ — ngay từ đầu — đã không chuẩn bị cho họ ra chiến trường.”

Ông nói tiếp: “Tinh thần xuống thấp đáng kinh ngạc vì tổn thất của họ, và những người lính đang được huy động để tham gia chiến đấu không được chuẩn bị để tham gia cùng đồng đội, và họ cũng sẽ không được chào đón bởi những người lính trên chiến tuyến đã trải qua thảm họa hơn 7 tháng qua.”

Trong những tuần gần đây, Ukraine đã giành lại một số vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng trong các chiến dịch phản công, trong khi quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin đang phải vật lộn với sự lãnh đạo kém cỏi. Các vùng được giải phóng bao gồm các phần của vùng Kherson và thị trấn Makiivka ở vùng Luhansk.

Ukraine cũng đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phương Tây khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov gần đây nhất thông báo rằng đất nước của ông đã nhận thêm 4 Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao, gọi tắt là HIMARS, do Hoa Kỳ cung cấp, có tác dụng hủy diệt khi được sử dụng để chống lại Nga.

Ông cũng xác nhận rằng các hỗ trợ quân sự đang được tiến hành, bao gồm Hệ thống Hỏa tiễn Đất đối không Tiên tiến Quốc gia, gọi tắt là NASAMS, được sử dụng để bảo vệ chống lại hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga.

“Một kỷ nguyên phòng không mới đã bắt đầu ở Ukraine,” Reznikov đã tweet vào thời điểm đó.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

5. Putin đe dọa 'Thảm họa toàn cầu' nếu Lực lượng NATO xung đột với Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Threatens 'Global Catastrophe' if NATO Forces Clash With Russia”, nghĩa là “Putin đe dọa 'Thảm họa toàn cầu' nếu Lực lượng NATO xung đột với Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, xung đột với Nga sẽ kết thúc trong “thảm họa toàn cầu”, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm thứ Sáu.

Phát biểu của nhà lãnh đạo Nga được đưa ra sau hơn 7 tháng kể từ khi ông ra lệnh thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” đối với Ukraine vào cuối tháng Hai. Trong những tháng trước cuộc xâm lược, mối quan hệ của Ukraine với NATO đã trở thành điểm gây tranh cãi giữa các nước láng giềng Đông Âu. Nga nhấn mạnh yêu cầu Ukraine không phát triển quá gần với phương Tây và không được xin gia nhập NATO.

Mối đe dọa cũng xuất hiện khi Ukraine trước đây đưa ra nỗ lực gia nhập NATO, nhưng các nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, đã từ chối khả năng gia nhập, với lý do lo ngại về tham nhũng. Việc Ukraine gia nhập tổ chức này có thể dẫn đến việc NATO đưa ra phản ứng đối với cuộc chiến Nga-Ukraine, mà các quan chức Nga cho rằng sẽ kết thúc trong “Thế chiến III”.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu, ông Putin đã nhấn mạnh thêm lời lẽ chống NATO, mô tả bất kỳ cuộc đụng độ quân sự nào với NATO là một “bước đi nguy hiểm”.

“Trong mọi trường hợp, việc đưa quân vào tiếp xúc trực tiếp, xung đột trực tiếp, với quân đội Nga là một bước đi rất nguy hiểm, có thể dẫn đến một thảm họa toàn cầu. Tôi hy vọng rằng những người nói về điều đó có đủ ý thức để không thực hiện bước đi đó,” ông ta nói.

Mối đe dọa từ Putin đến khi Ukraine hy vọng được tăng tốc trở thành thành viên NATO.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã công bố kế hoạch yêu cầu NATO đẩy nhanh tiến độ xét đơn xin gia nhập của nước ông vào cuối tháng 9, sau khi Nga sáp nhập bất hợp pháp các lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, NATO vẫn chưa có khả năng chấp nhận tư cách thành viên của Kyiv. Nếu Ukraine trở thành thành viên của NATO, tổ chức này sẽ yêu cầu các thành viên khác của mình tham gia bảo vệ Ukraine chống lại Nga - về cơ bản là gây ra một cuộc chiến tranh giữa liên minh và Nga, và điều đó sẽ gây ra những hậu quả trên diện rộng.

Hiện tại, nhiều quốc gia NATO đang viện trợ quân sự cho Ukraine. Hoa Kỳ đã cung cấp Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao, gọi tắt là HIMARS, cho phép Ukraine triển khai các chiến dịch phản công giành lại hàng nghìn dặm vuông lãnh thổ do Nga chiếm đóng.

Tuy nhiên, NATO không gửi quân đến chiến đấu cho Ukraine, do đó tránh được một cuộc xung đột quân sự trực tiếp. Việc trở thành thành viên NATO đòi hỏi sự chấp thuận nhất trí của tất cả 30 quốc gia thành viên, đây là một kỳ tích đầy thách thức mà Ukraine phải vượt qua.

Alexander Venediktov, Phó thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, cho biết hôm thứ Năm rằng Ukraine gia nhập NATO sẽ “có nghĩa là một sự leo thang, bảo đảm cho một Thế chiến thứ ba.”

Ông nói: “Bản chất tự sát của bước đi này được hiểu bởi chính các thành viên NATO.

Kể từ khi xung đột bắt đầu, NATO đã cam kết sẽ kết nạp thêm hai quốc gia thành viên mới là Thụy Điển và Phần Lan. Việc chấp nhận Phần Lan có thể cho phép NATO bố trí vũ khí hạt nhân gần biên giới của Nga - và cách Điện Cẩm Linh 600 dặm. Tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển sẽ củng cố khả năng phòng thủ của khối này và cộng đồng quốc tế hy vọng khối này sẽ ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga nhằm vào hai quốc gia.

NATO, và cộng đồng quốc tế lớn hơn, tiếp tục phải đối mặt với những lo ngại gia tăng rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu họ thất bại ở Ukraine. Putin đã tăng cường ngôn ngữ của mình xung quanh vũ khí hạt nhân, đưa ra lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong bối cảnh tổn thất ngày càng gia tăng ở Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với NATO để bình luận.
 
Khả năng có một ĐGH Á Châu. Phim ảnh và phương tiện truyền thông hiểu sai về Chúa như thế nào?
VietCatholic Media
17:06 16/10/2022


1. Phim ảnh và phương tiện truyền thông hiểu sai về Chúa như thế nào

3 Xu hướng có thể bạn chưa bao giờ nghĩ đến hoặc đặt tên cho chúng.

Bạn có nhận ra rằng một trong Mười Điều Răn là lời cảnh báo về cách chúng ta sử dụng các phương tiện truyền thông không?

Sách Xuất Hành Chương 20 câu 4 viết “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.” Giáo hội nhanh chóng chỉ ra rằng điều này không bao giờ được coi là một điều cấm tuyệt đối và rằng, trong Đền thờ và đặc biệt là sau khi được làm phép, các hình ảnh có thể hướng về Thiên Chúa.

Tuy nhiên, quan điểm của điều răn đáng được chú ý. Từ những chú bê vàng đến nền văn hóa thần tượng hóa những người nổi tiếng, chúng ta nhanh chóng thần tượng hóa những thứ sáng sủa và bóng bẩy làm lóa mắt chúng ta. Dưới đây là những cách mà các phương tiện giải trí ngày nay khiến chúng ta lạc lối, và hiểu nhầm về Thiên Chúa.

Thứ nhất: Thường trong các phương tiện truyền thông giải trí, những người theo đạo được mô tả là những người bất bình thường.

Vào những năm 1990, Michael Medved lần đầu tiên nhận thấy một điều vẫn đúng cho đến ngày nay: Nhiều người cho biết họ tham dự các buổi thờ phượng vào mỗi cuối tuần hơn là xem Super Bowl mỗi năm. Nhưng phim ảnh không phản ánh thực tế đó.

Trong phim, những người theo đạo là không bình thường. Trong những tác phẩm kinh điển như Field of Dreams và Shawshank Redemption, họ được mô tả như những kẻ sát nhân lạnh lùng. Trong Pulp Fiction, chúng ta gặp một tay súng điên cuồng đã trích dẫn Kinh thánh. Trong các bộ phim X-Men và bộ phim hậu tận thế năm 2019 I Am Mother, nhân vật Công Giáo là một kẻ cô độc kỳ lạ. Chúng ta yêu thích những bộ phim hài vì chúng thể hiện sự thú vị trong cuộc sống bình thường, nhưng trong những bộ phim hài được yêu thích nhất của chúng ta, từ phim Leave it to Beaver to Friends, cho đến phim The Cosby Show to The Office, không ai trong số những người bình thường thú vị mà chúng ta gặp là những người đi nhà thờ.

Các tín hữu sẽ hồi hộp khi chúng ta thấy các nhân vật bày tỏ đức tin của họ trên màn hình. Các bộ phim của Hallmark được ưa chuộng chính xác vì lý do này. Chúng ta được khích lệ khi thấy những người phụ nữ trong pim Hidden Figures cầu nguyện, và các bộ phim khác như The Irishman và Les Miserables đề cao vai trò cứu chuộc của tôn giáo. Nhưng những trường hợp ngoại lệ này sẽ khiến chúng ta nhận ra rằng tôn giáo vắng mặt thường xuyên như thế nào - ví dụ như khi không có Kitô hữu nào bị bức hại trong Đấu trường sinh tử của Gladiator, và những phim như Unbroken và 42 kể những câu chuyện về những người có thật đầy đức tin được thể hiện trên màn ảnh rộng qua những người có rất ít hoặc không có niềm tin nào cả.

Thứ hai: Thiên Chúa hoặc vắng mặt hoặc kỳ lạ trong các phương tiện truyền thông của chúng ta.

Đối với hầu hết chúng ta, Thiên Chúa là Đấng sáng tạo-đồng hành, Đấng luôn quan phòng đầy yêu thương về tạo vật của mình. Chúng ta cầu xin Ngài hướng dẫn khi chúng ta bối rối và xin tha thứ khi chúng ta phạm tội. Nhưng đó không phải là Chúa trong phim.

Ngài ta là Thần lực trong các bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao, và các bộ phim tiếp theo càng cố gắng giải thích điều đó có nghĩa là gì. Chúa được mô tả là một thế lực kỳ quặc trong các bộ phim như Polar Express, Wrinkle in Time và các bộ phim của Disney với những ý tưởng bị xuyên tạc từ Frozen đến Encanto.

Coco của Pixar là một ví dụ tuyệt vời về một bộ phim với sự hiểu biết kỳ lạ về Chúa. Người Công Giáo cổ vũ hình ảnh tôn giáo trong nửa đầu của nó, nhưng sau đó bối rối bởi thế giới sau cái chết mà nó hình dung, nơi mọi người còn tồn tại bao lâu những người còn sống còn nhớ đến họ. Nhưng, Chúa Giêsu sẽ không nhớ họ sao? Người nhà của họ ở trên trời sẽ không nhớ họ sao? Những thần tính của tổ tiên trong Black Panther cũng có thể nhớ đến thế hệ con cháu của họ - nhưng sau đó họ cũng là một sự kỳ lạ đối với ý tưởng thực sự về Thiên Chúa.

Phim Marvel có một số khoảnh khắc “Chúa thật” đầy hứa hẹn, chẳng hạn như lời nhận xét của Captain America trong The Avengers, “Chỉ có một Chúa thôi, thưa bà, và tôi khá chắc chắn rằng Ngài không ăn mặc như vậy”. Nhưng cuối cùng trong vũ trụ quan Marvel, vị thần là Ultron hơn là Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thứ ba: Trong nhiều trò giải trí của chúng ta, vô luân là chìa khóa của hạnh phúc.

Các bộ phim của Marvel, Doctor Strange và Multiverse of Madness vừa ra mắt năm nay lại rơi vào một sai lầm khác mà các bộ phim mắc phải liên quan đến Chúa - họ coi việc không tuân theo các giới răn là chìa khóa của hạnh phúc. Doctor Strange vui vẻ sử dụng phép thuật phù thủy để giành chiến thắng, đó là một quyết định mà trong những câu chuyện cổ điển như Doctor Faustus sẽ không bao giờ có kết thúc tốt đẹp.

Các điều răn, đặc biệt là điều răn thứ tư, thường là những trở ngại cho hạnh phúc. Trong các bộ phim dành cho thiếu nhi, từ Nàng tiên cá đến Moana, từ Spy Kids đến Turning Red, không vâng lời cha mẹ là con đường tốt nhất để tiếp tục được hạnh phúc – đó là một lời nói dối kỳ lạ đối với chúng ta.

Nói dối là một điều tốt trong nhiều bộ phim, từ School of Rock đến các bộ phim hài lãng mạn như You've Got Mail và The Proposal. Việc giết người cũng vậy - đặc biệt là đối với các ông bố Công Giáo, trong các phiên bản mở rộng của phim Lord of the Rings, nơi mà cả Wormtongue và sứ giả của Sauron đều được cử đi theo những cách có thể khiến JRR Tolkien phẫn nộ.
Source:Aleteia

2. Mặc dù có thể có một vị giáo hoàng người Phi Châu, nhưng triển vọng Giáo Hội có một vị Giáo Hoàng Á Châu xem ra thực tiễn hơn

Chuyên gia về Vatican, John Allen, xem xét những khả năng có thể xuất hiện trong một mật nghị trong tương lai. Nhà báo, người đã theo dõi tin tức Vatican trong nhiều thập kỷ, đặc biệt quan tâm đến các ứng cử viên Phi Châu và Á Châu. Về chủ đề Phi Châu, ông lưu ý rằng một giáo hoàng Phi Châu về lý thuyết sẽ là một lựa chọn tốt. Nó sẽ là một minh chứng về tình đoàn kết của Giáo hội với lục địa đang phát triển này, một tuyên bố mạnh mẽ chống lại nạn phân biệt chủng tộc, và công nhận sức sống của Công Giáo ở khu vực đó trên thế giới. Tuy nhiên, Allen giải thích rằng vấn đề là không có ứng cử viên nào thực sự mạnh. Đức Hồng Y Peter Turkson của Ghana đã nghỉ hưu vào năm ngoái khỏi vị trí chiến lược của mình với tư cách là Tổng trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện và vì vậy thời khắc của ngài dường như đã trôi qua. Đối với Hồng Y Robert Sarah từ Guinea, tính cách bảo thủ của ngài có lẽ sẽ không cho phép ngài có được đa số hai phần ba, đặc biệt là vì ngài cũng là cựu tổng trưởng của một bộ trong Giáo triều Rôma.

Trong trường hợp không có các ứng cử viên Phi Châu, nhiều người trong số họ chưa được biết đến nhiều, John Allen tập trung vào Á Châu, nơi có nhiều “papabile” hay “ứng viên Giáo Hoàng” hơn. Tất nhiên là có Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, hiện đang phụ trách Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Ở tuổi 65, ngài được xem là người năng động và nổi tiếng, và liên tục giữ chức vụ trong Giáo triều Rôma của Đức Phanxicô. Tuy nhiên, một số người cho rằng ngài có quá nhiều tính cách “người tốt bụng” để đảm nhận chức vụ áp đảo của Giám mục Rôma. Các danh sách khác đang được lưu hành, chẳng hạn như Hồng Y Malcolm Ranjith của Sri Lanka. Ngài có nhiều kinh nghiệm tại Vatican, từng phục vụ trong Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc và là thư ký của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Ngài cũng thông thạo tiếng Ý, một tài sản vẫn không thể thiếu để điều hành Giáo triều. Theo ý kiến của Allen, Hồng Y Ranjith sẽ là một ứng cử viên vững chắc trong số các Hồng Y bảo thủ. Nhà báo giải thích: “Ở Rôma, anh ấy được gọi là 'Ratzinger nhỏ'. Những cái tên khác bao gồm Hồng Y Charles Bo của Miến Điện, người sẽ sớm bước sang tuổi 74, và Hồng Y Lagiarô Du Huỳnh Trị (유흥식, You Heung-sik) của Hàn Quốc, hiện là người đứng đầu Bộ Giáo sĩ, và được coi là một nhân vật đang lên.
Source:Angelus News

3. Mễ Tây Cơ đã được chuyển đổi sang Công Giáo như thế nào

Một khám phá đáng kinh ngạc đã được thực hiện trong một tu viện những năm 1550 ở ngoại ô Thành phố Mễ Tây Cơ: các biểu tượng bản địa và Công Giáo được vẽ cạnh nhau. Một chiếc mũ lông vũ, một chiếc rìu và một chiếc khiên, xuất hiện trên bức bích họa bên cạnh chữ “M.” của Đức Mẹ. Hãng tin AP của Mỹ cho biết sự chung sống này có thể là một dấu hiệu cho thấy người dân bản địa đã “thương lượng” việc chuyển đổi sang Kitô giáo. Sự tiếp biến văn hóa này sẽ xảy ra sau chiến thắng của quân đội Tây Ban Nha chống lại đế chế Aztec vào năm 1521.

Giả thuyết thường được bảo vệ nhất là Công Giáo đã bị áp đặt bằng vũ lực, nhưng bức bích họa này chỉ ra rằng việc chấp nhận tôn giáo có thể phải trải qua các cuộc đàm phán và thỏa hiệp.

Thật vậy, các biểu tượng được tìm thấy trong hầm mộ có thể ám chỉ một vị thần Aztec, có khả năng là Tepoztecatl. Giả thuyết được các nhà nghiên cứu từ Viện Nhân chủng học và Lịch sử Quốc gia Mễ Tây Cơ bảo vệ, có công làm sáng tỏ việc cải đạo của hàng triệu người Mễ Tây Cơ bản địa vào thời điểm mà các linh mục Công Giáo Tây Ban Nha còn rất ít.

Việc khám phá tu viện còn thú vị ở chỗ nó kể câu chuyện về những ngày đầu truyền giáo ở một góc độ khác. Nó đặt ra câu hỏi về hoạt động của “nhà nguyện ngoài trời” nơi các bức bích họa được tìm thấy. Những công trình kiến trúc này là những tiền sảnh nhỏ hình vòm được xây dựng xung quanh một sân, nơi các linh mục cử hành các thánh lễ ngoài trời cho người dân bản địa, những người đã quen với việc tổ chức các nghi lễ tôn giáo trong không gian mở.

Một thành viên của nhóm nghiên cứu giải thích rằng các nhà nguyện ngoài trời có thể chỉ đơn giản là phản ánh mong muốn của các linh mục là làm việc nhanh nhất có thể để chuyển đổi dân số bản địa, phản bác quan điểm thường được cho rằng người dân bản địa sợ không gian đóng cửa. Các nhà nghiên cứu tin rằng những không gian tôn giáo ngoài trời này cũng dễ xây dựng hơn và cho thấy “nhu cầu cấp thiết phải bắt đầu sử dụng không gian” khi các nhà thờ đang được xây dựng.
Source:AP