Ngày 16-10-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 17/10: Chìa khóa Chúa trao còn hay mất? – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
01:58 16/10/2024


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, Đức Giê-su nói với mấy nhà thông luật rằng: “Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy! Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng.

“Vì thế mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán: “Ta sẽ sai Ngôn Sứ và Tông Đồ đến với chúng: chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia. Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, từ máu ông A-ben đến máu ông Da-ca-ri-a, người đã bị giết giữa bàn thờ và Thánh Điện. Phải, tôi nói cho các người biết: thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu.

“Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.”

Khi Đức Giê-su ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng.

Đó là lời Chúa
 
Chúng ta được Chúa cứu cách nào ?
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
03:11 16/10/2024
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN NĂM B : MC 10,35-45

35 Khi ấy, hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói : “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” 36 Người hỏi : “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” 37 Các ông thưa : “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” 38 Đức Giê-su bảo : “Các anh không biết các anh xin gì ! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”39 Các ông đáp : “Thưa được”. Đức Giê-su bảo : “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. 40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”.

41 Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. 42 Đức Giê-su gọi các ông lại và nói : “Anh em biết, những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. 43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy : ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; 44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. 45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.


CHÚNG TA ĐƯỢC CỨU CÁCH NÀO?

Phục vụ bệnh nhân cùi, chết như một vị tử đạo và được chôn trong chiếc áo dòng Phan-xi-cô, đó là ba ước nguyện của “Ma-cà-bông Ăng-lê” (English vagabond : gã lang thang người Anh) John Bradburne, con người có thể sẽ là vị thánh đầu tiên của nước Zimbabwe (Phi châu). Sinh năm 1921, Bradburne là con thứ 3 trong một gia đình có 5 con. Cha ngài là một mục sư Anh giáo. Ngài phục vụ trong quân đội Anh ở Miến Điện và Mã Lai. Mãn lính, ngài làm kiểm lâm và dạy học. Năm 1942, khi còn trong quân ngũ, ngày kia ngài được thị kiến Đức Mẹ trong rừng. Sau đó, ngài xin ra khỏi Anh giáo và gia nhập Giáo hội. Ước muốn dâng mình làm tu sĩ, Bradburne đã lần mò hết tu viện này đến tu viện kia nhưng đều được khuyên hãy tiếp tục tìm kiếm. Ngài đã trở thành “bụi đời lang thang” trên các nẻo đường Giê-ru-sa-lem và đảo Sýp. Rồi ngài sang Zimbabwe giúp một cha cựu tuyên úy quân đội xây dựng một trung tâm truyền giáo. Bảy năm sau, ngài về A-xi-di, I-ta-li-a để gia nhập dòng Ba Phan-xi-cô rồi trở lại nhiệm sở ở cho đến ngày nhắm mắt. Ngài tận tâm phục vụ người cùi theo gương chân phước Damien de Veuster, trong vai trò y tá, và dành một tình yêu vô bờ bến cho hạng bị xã hội ruồng bỏ này. Đôi khi ngài khoác áo dòng, nhưng thường ngày ăn mặc rách rưới nên mới có biệt hiệu là “Ma-cà-bông Ăng-lê” nói trên. Càng được người cùi yêu mến thì Bradburne càng bị nhiều kẻ ghét bỏ. Zimbabwe lúc bấy giờ được lãnh đạo bởi Ian Smith, một kẻ theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Thành thử có nhiều nhóm du kích chống lại ông. Họ cũng ghét luôn vị tông đồ được dân chúng yêu mến này. Nhân bị ngài tố cáo ăn cắp đồ của người cùi, chúng đã bắt ngài cuối tháng 8-1979, và bắn chết ngài ngày 5 tháng 9 cùng năm. Từ đó tới nay, mỗi khi đến ngày giỗ ngài, cả mấy chục ngàn người tuốn về đọc kinh trước cái chòi bằng tôn, nơi ngài đã sống để phục vụ những kẻ phong cùi và nghèo khổ. Cha Slevin, một linh mục từng sống với ma-cà-bông John Bradburne trong 9 tháng năm 1962 cho biết : “Ngài là một nhân vật ngoại hạng - cả cuộc đời ngài là một bài kinh. Nhiều người đã được ơn lạ do cầu khẩn với ngài. Một kẻ đau màng óc, bác sĩ chê rồi, đã chạy đến đây và nay đã khỏi. Các bác sĩ thừa nhận đấy là một phép lạ”. Giáo hội Zimbabwe đang thiết lập hồ sơ xin phong chân phước cho ngài (theo VietCatholic).

1. Cuộc sống và cái chết yêu thương

“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Lời này đã là châm ngôn sống của John Bradburne. Đó cũng là một trong những lời tuyên phán đánh động nhất của Đức Giê-su trong Tin Mừng. Tiếc thay người ta đã xuyên tạc ý nghĩa của chữ “giá chuộc”. Người ta đã rút ra từ đó ý tưởng về một cuộc thỏa hiệp đáng ghét trong ấy Đức Giê-su đã trở thành giá chuộc cho ta bên cạnh một Thiên Chúa bị xúc phạm mà ta phải làm cho “nguôi cơn thịnh nộ”. Nhưng từ “giá chuộc” chỉ gợi lên một sự “giải thoát” có thể và đó chính là công trình của Đức Giê-su. Một công trình trong ấy tất cả đều nói lên lòng thương mến. Chính vì thương mến mà Chúa Cha đã sai Con mình xuống với sứ mạng giải thoát loài người khỏi những gì ngăn cản họ mến thương.

Cái chết của Đức Giê-su là một điều kinh khủng, khó hiểu. Nhưng chúng ta ít nhất có thể gạt bỏ hai lối giải thích sai lạc. Cái chết đó chẳng dính dáng gì tới cái gọi là ý muốn trả thù của Thiên Chúa, vốn hoàn toàn xa lạ với Mạc khải, một mạc khải nói với ta rằng Thiên Chúa là tình yêu. Nó cũng chẳng phải là một kiểu tôn vinh các đau khổ và cái chết dữ dằn, như thể những thứ này có giá trị tự nội.

Chúa Cha đã chẳng trực tiếp muốn Con mình chết, song đã giao cho Con một sứ mạng khó khăn mà ai cũng thấy là chết người. Người đã sai Con đến trong một thế giới, nơi mà để giảng dạy tình huynh đệ và sự thật về Thiên Chúa, phải chống lại mọi quyền lực kiêu căng, ích kỷ và giả hình. Đức Giê-su đã thấy điều đó sẽ dẫn mình đến đâu. Bị nỗi khắc khoải dày vò, Người tuy vậy đã chẳng từ chối chén đắng, cái chết của Người là hậu quả của lòng trung thành trọn vẹn với sứ mệnh. Không bao giờ được tách cái chết ấy khỏi cuộc sống trọn vẹn dâng hiến của Người, cái chết làm dấu chỉ và đỉnh cao của sự hiến dâng : “Vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, Đức Giê-su đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Bởi lẽ tình yêu đích thực luôn đòi hy sinh, đau khổ và cuối cùng là hiến mạng. Bản chất sâu xa của tình yêu là như thế.

Đó là ý nghĩa của câu nói đáng sợ “Đức Ki-tô phải chịu khổ hình” (Lc 24,26) và của một câu rất thường gặp : “Tất cả đã được viết nơi Kinh Thánh” (x. Lc 24,27). Thật ra, Kinh Thánh (Cựu Ước) chẳng phải là một chương trình lập sẵn mà Đức Giê-su chỉ có việc thực hiện từng điểm, song là một khơi gợi được linh ứng, kiểu tiên tri, cho biết những gì mà việc cứu rỗi chắc chắn phải trả giá. Kinh Thánh mơ hồ mô tả, theo dạng hình ghép còn lỗ khuyết, phong cảnh việc cứu chuộc mà mặt trời Phục Sinh sẽ soi sáng rõ ràng và lắp đặt đầy đủ.

2. Cuộc sống và cái chết giải thoát

Nhờ mang giá trị phổ quát, cuộc sống và cái chết của Đức Giê-su thành độc nhất vô nhị. Chính sức mạnh thần linh của Người ban phổ quát tính đó cho các hành vi giải phóng của Người và khiến Người, theo kiểu nói của thánh Phao-lô, trở nên “A-đam mới”, ông tổ của một nhân loại được tái tạo. Nhiều hình ảnh khác cũng gợi lên sự liên đới nhiệm mầu ấy : Đức Giê-su là Cây Nho mà chúng ta là cành; Người là Đầu của Nhiệm Thân mà chúng ta là tế bào, là chi thể. Ơn cứu rỗi Đức Giê-su mang đến hiển nhiên không phải là việc biến đổi cuộc sống và các tâm hồn cách ma thuật, song là một động năng giải phóng. Được dựng nên để yêu thương, loài người đã bị trói buộc bằng đủ loại xiềng xích mà Đức Giê-su nhìn (ta cảm thấy điều này thường xuyên trong Tin Mừng) với sự sáng suốt của một con người nhưng cũng với lòng thất vọng của một Thiên Chúa : ích kỷ, hận thù, đam mê quyền lực, tính dục bừa bãi, nô lệ tiền bạc, đủ mọi thứ sợ hãi… như thể Cha trên trời đã chẳng hiện hữu. Thậm chí, và đặc biệt, nhiều xiềng xích được rèn bởi một thứ tôn giáo bị hiểu sai. Làm sao loài người bị trói buộc như thế có thể yêu thương nổi?

Đức Giê-su khởi sự công cuộc giải phóng của Người bằng cách dạy dỗ và hành động như chẳng có ai đã làm được, vì Người là tình yêu thuần khiết, tình yêu trọn vẹn, nhờ có một tự do yêu mến hết sức lạ lùng. Lần đầu tiên, tình yêu đã thật sự tự do và có thể tái tạo thế giới.

Nhưng phải cần một hành vi giải thoát cuối cùng. Đó là trên thập giá, không để mình bị nỗi thất vọng nghiền nát, bị bản năng báo thù gào thét đánh bại. Ai từng nếm biết những giây phút kinh khủng như thế có lẽ mới là người duy nhất hiểu được từ nội tâm làm sao Đức Giê-su đã cứu chúng ta bằng cách bẻ gẫy cái vòng kép là sợ hãi và bạo lực kích thích bởi bạo lực. Mặc Chúa Cha để mình rơi xuống hố chơ vơ cô quạnh tột cùng (“Sao Cha đã bỏ con?”), mặc những kẻ lăng mạ và hành hình mình, Đức Giê-su cuối cùng đã qua nơi mà chúng ta có lẽ vẫn không thể. Sau Người, chúng ta qua theo. Cùng Người, chúng ta có thể nói với Chúa Cha, trong đêm tối cam go nhất : “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” và về những kẻ không thể tha thứ : “Lạy Cha, xin tha cho họ”.

Chúng ta biết rằng tha thứ là đỉnh cao khó vượt nhất của tình yêu, là bằng chứng cho thấy chúng ta tự do yêu mến. Sự tha thứ của Đức Giê-su trên thập giá là một kẽ hở qua đó chính tình yêu của Thiên Chúa tràn ngập thế giới và trở nên lẽ sống đích thực, cho dẫu ít ai theo lẽ sống này. Nhưng tình yêu của Đức Giê-su trên thập giá giải thoát chúng ta chỉ vì Thiên Chúa, khi phục sinh Người, đã phê chuẩn sự sống lại lẫn cái chết này, và khai mạc một thế giới mới, nơi chúng ta có thể chọn tình yêu làm lẽ sống, trong Đức Giê-su.

Đức Giê-su ban cho ta tấm gương về cuộc sống thương yêu như thế, và nhiều sức mạnh để luôn tự do yêu thương. Người không chỉ là Đấng đã mở ra thế giới mới, mà còn là thế giới mới, trong đó chúng ta đi vào bằng đức tin và phép rửa, trong đó chúng ta có thể sống và được cứu độ. “Tôi hiện sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).

Nhưng những thí dụ và lời giáo huấn của Đức Giê-su quá trái nghịch với các tham vọng tự nhiên của các môn đồ, nên khó mà không gặp phản ứng. Thái độ ngây ngô của Gio-an và Gia-cô-bê vẫn còn là thái độ của nhiều người trong Giáo Hội. Quyền hành trong Giáo Hội không phải là quyền áp đặt những quyết định của thũ lãnh cho các cấp dưới, nhưng là khả năng khơi dậy sự hiệp thông. Vấn đề không phải là truyền lệnh hay thanh trừng, nhưng là kêu gọi lương tâm và xác tín. Vị lãnh đạo không phải là người ra lệnh nhưng là người tạo nên một bầu khí tin tưởng, thương yêu và tôn trọng, một cộng đoàn cùng chung những quan điểm và khát vọng đến nỗi giải đáp của mọi vấn đề sẽ được thể hiện bằng một sự nhất trí luân lý.

Ngai vàng duy nhất, uy lực duy nhất, quyền bính duy nhất mà Đức Giê-su đã hứa cho Gia-cô-bê và Gio-an, là hãy yêu mến như Người, uống chén đắng, thí mạng sống vì yêu anh em như Người. Đấy mới là bài học từ cuộc sống và cái chết của Đấng đã đến để mang bản chất “Tôi tớ” dưới tước vị “Thủ lãnh” ! (Viết theo A. Sève và L. Evely)
 
Ám ảnh
Lm. Minh Anh
21:49 16/10/2024
ÁM ẢNH
“Họ vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng!”.

“Những người hay chỉ trích và tức giận thường chết trẻ. Những người có điểm cao về thái độ thù địch - qua các bài trắc nghiệm thuộc loại này - có khả năng chết sớm gấp bốn lần so với những người có điểm thấp!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay không đề cập việc chết trẻ của một người nuôi dưỡng trong lòng sự thù địch; thay vào đó, nói đến cái chết linh hồn của họ. Đó là các kinh sư biệt phái, thay vì hoán cải, họ bị ‘ám ảnh’ bởi Chúa Giêsu nên âm mưu chống lại Ngài.

Thông thường, chúng ta lấy cảm hứng từ Lời Chúa theo cách tích cực, bằng việc suy gẫm lời nói và hành động của Ngài để áp dụng vào cuộc sống. Tuy nhiên, bạn cũng có thể học hỏi từ điều ác mà người khác phạm phải và cho phép hành động của họ truyền cảm hứng hầu có thể tránh xa tội lỗi của họ. Thông thường, khi thù địch với người khác, chúng ta hành động với tâm thế rằng, mình đúng và người ấy đã làm điều gì đó sai. Chúng ta biện minh cho sự thù địch bằng cách chỉ ra tội lỗi của họ ‘theo như mình nhận thấy’. Tuy nhiên, cần hiểu rằng mọi hành động thù địch đều là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, chúng ta đã bắt đầu đi vào ‘con đường tội lỗi’ bởi sự ‘ám ảnh’ của mình. Tội lỗi thật sự!

Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã thể hiện sự thù địch bằng cách đưa ra những câu hỏi để cố lừa Chúa Giêsu vào bẫy bằng lời của mình và bằng chính Luật pháp của Chúa. Thế nhưng, họ đã thao túng Luật Ngài để biện minh cho sự thù địch bên trong; và chỉ vì cái tôi, chỉ vì kiêu ngạo, chỉ vì muốn nổi tiếng, họ vu khống Ngài.

Sự thù địch thậm chí có thể là thụ động, nghĩa là bạn có thể tỏ ra tử tế bên ngoài, nhưng bên trong bạn đang ‘ám ảnh’ về cách bạn có thể lên án người khác. Chúng ta cảm thấy chính đáng khi tự thuyết phục mình rằng, công lý phải được thực thi và tôi là người phải thực thi công lý đó. Nhưng “Bạn là ai mà dám phán xét tha nhân?” - Phaolô. Và nếu Chúa kiểm soát cuộc sống của bạn, Ngài sẽ không kêu gọi bạn làm thẩm phán; thay vào đó, khi tuân theo ý muốn của Chúa, bạn sẽ cảm thấy Ngài truyền cảm hứng để bạn hành động lập tức, bằng bình tĩnh, vui vẻ, tử tế, trung thực và thoát khỏi tức giận và ‘ám ảnh’.

Anh Chị em,

“Để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng!”. Hãy suy gẫm về bất kỳ cách nào mà bạn cảm thấy xu hướng sai lầm này xuất hiện trong cuộc sống mình. Hãy nhìn vào kết quả của nó! Thiên Chúa có được tôn vinh qua hành động của bạn không? Điều này khiến bạn bình an hay cảm thấy mình quá thâm hiểm? Hãy trung thực với những câu hỏi này và bạn sẽ bắt đầu khám phá ra con đường giải thoát khỏi lối suy nghĩ ‘ám ảnh’ như vậy. Chúa muốn bạn bình an! Nếu có bất công, hãy tin rằng Chúa sẽ giải quyết! Về phần mình, bạn hãy cầu nguyện để tha thứ, hành động với lòng thương xót và hướng sự chú ý của mình vào ý muốn của Chúa khi nó nhẹ nhàng đến!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con chết trẻ chỉ vì nuôi trong lòng sự thù địch một ai đó; giúp con thoát khỏi mọi ‘ám ảnh’ đang giết chết linh hồn con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Cái Chén
Lm Vũđình Tường
23:32 16/10/2024
Nói đến chén là nói đến vật dụng quen thuộc dùng trong nhà. Chén đựng thực phẩm hữu hình, nhìn thấy, sờ mó và cảm nhận được như như cơm, canh, dầu chiên, nước uống. Có sự phân biệt giữa chén và li, tách. Một số quốc gia không dùng chén đựng cơm nhưng dùng đĩa; chén trong trường hợp này, nếu áp dụng vào bữa ăn điểm tâm, chén có thể là chén nước cam vắt, sữa chén trà sữa hay cafê; ăn tối thì chén thường là chén rượu.

Hình ảnh cái chén quen thuộc dùng trong nhà đôi khi được dùng để diễn tả một sự kiện trừu tượng liên quan đến đắng cay, đớn đau, cực khổ, được biết đến như là chén đắng. Đắng cay không thể cân đo, đong bằng chén, đếm bằng li, tách. Diễn tả đau khổ là chén đắng bởi chén đắng rất thật, gắn liền với cuộc sống và rất dễ tưởng tượng ra. Nói đến chén đắng là nói đến đớn đau, khổ cực cuộc đời. Chén đắng gắn liền với cuộc sống như ta dùng chén mỗi ngày. Không ai tránh khỏi đắng cay trong đời. Người ít may mắn gặp nhiều chén đắng. Người may mắn hơn có ít chén đắng.

Bàn về chén bởi Phúc Âm tuần này Đức kitô nói về chén đắng. Ông Giacôbê và Gioan xin Đức Kitô cho hai anh em, một người ngồi bên trái, một người ngồi bên phải Ngài trong nước Chúa. Lời yêu cầu này cho biết cả hai đều mù mờ về nước Thiên Chúa. Đức Kitô đáp

'Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? Mc 10;27.

Dù không hiểu rõ ý nghĩa chén, hay phép rửa Đức Kitô nói đến, nhưng các ông đồng thanh đáp: 'Thưa được'. Nhờ câu hỏi không biết này mà Đức Kitô mặc khải nhiều điều mới lạ về nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa nơi trần thế được biết đến như là Giáo Hội Chúa nơi trần gian. Cách điều hành Giáo Hội trần thế hoàn toàn khác với cách vua chúa điều hành đất nước, lãnh thổ họ.

'Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người' Mc 10:43-44.

Đức Kitô thực hiện lối lãnh đạo này khi Ngài rửa chân cho môn đệ. Đức Kitô giải thích thêm cho Giacôbê và Gioan biết, Chúa Cha là Đấng toàn quyền quyết định mọi công việc nơi Thiên Quốc.

'Việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được' Mc 10:40

Khi lập Bí Tích Thánh thể, Đức Kitô cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho môn đệ phán bảo,

'Tất cả anh em uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội' Mt 26:27.

Chén đắng của Đức Kitô là chén cứu độ, chén thanh tẩy tội nhân loại, chén ban sự sống trường sinh. Chén đắng của mỗi người chúng ta là chén thông phần với chén đắng của Đức Kitô. 'Tất cả anh em uống chén này', như thế sống là có chén đắng; chén đắng trở thành một thực tại, một thực thể trong cuộc sống làm người; chén đắng là trường tôi luyện nhân cách, rèn đúc tư cách con người, biến ta thành con người khiêm nhường. Khi chén đắng của Kitô hữu liên kết với chén đắng Đức Kitô chén đắng mang í nghĩa thanh tẩy, làm trong sáng tâm hồn để chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ. Ngoài xã hội đắng cay trong đời được ví như viên sỏi dưới lòng suối bị nước bào mòn, nhẵn nhụi thành hòn sỏi dễ thương. Mưa ít, suối cạn, nước rỉ rả, hòn sỏi tạm ngủ yên; giông tố, mưa to, suối đổ như thác, xoáy hòn sỏi tít thò lò. Tương tự như thế, đời ít sóng gió, ít đắng cay; đời nhiều giông tố, đắng cay xoay ta quay lòng vòng. Sống sót sau cay đắng, bản tính trở nên thuần hơn, tính tình điềm đạm, êm đềm, dễ thương hơn. Cùng nhận chén đắng nhưng kết quả của chén đắng khác nhau. Đón nhận với Thiên tính dẫn đến nhận ơn cứu dộ; nhận với nhân tính sẽ được xã hội đón tiếp.

Nói về nước Thiên Chúa nơi trần gian chính là nói về Giáo Hội hoàn vũ; trong đó mỗi gia đình Kitô hữu là một giáo hội thu nhỏ. Giáo hội trần gian dẫn dắt Kitô hữu đi vào nước hằng sống, vĩnh cửu. Giacôbê và Gioan xin ngồi bên phải hay bên trái trong nước Chúa biểu lộ lòng tin của các ông. Các ông tin Đức Kitô lập nước Thiên Chúa nơi trần gian và tin vào sự sống đời sau.
Chúng ta cầu xin được sống hạnh phúc đời đời trong nước Chúa là điều mọi Kitô hữu cầu xin.

TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Từ Nhà thờ Pha lê đến Nhà thờ Chúa Kitô: Hoàn thành cải tạo lớn sau 12 năm
Vũ Văn An
14:35 16/10/2024

Ước tính có khoảng 12,000 người cử hành Thánh lễ bế mạc Ngày Thánh Mẫu lần thứ hai tại Nhà thờ Chúa Ki-tô thuộc Giáo phận Orange vào ngày 15 tháng 7 năm 2023. | Nguồn: Rodolfo Bianchi/Giáo phận Orange


Daniel Payne của hãng tin CNA, ngày 16 tháng 10 năm 2024, tường trình rằng Giáo phận Orange ở California đã chính thức hoàn thành việc cải tạo Nhà thờ Chúa Ki-tô, một nhà thờ lớn trước đây của Tin lành, sau hơn một thập niên làm việc để hoàn thành công trình mà giáo phận gọi là "trung tâm thờ phượng Công Giáo chính".

Nhà thờ đã hoạt động hoàn toàn trong năm năm và hiện tổ chức gần một chục Thánh lễ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau vào mỗi cuối tuần, phục vụ hơn 12,000 người Công Giáo.

Năm 2011, giáo phận đã mua tòa nhà lớn bằng kính này, trước đây là trung tâm của giáo đoàn Presbyterian Shepherd's Grove, với giá 57.5 triệu đô la. Giáo phận từ lâu đã có kế hoạch xây dựng một nhà thờ mới ở gần Santa Ana trước khi tòa nhà, khi đó được gọi là Nhà thờ Pha lê, được đưa ra đấu giá.

Mặt trời lặn qua bốn lá đặc trưng của Nhà thờ Chúa Ki-tô khi quá trình xây dựng và cải tạo vẫn tiếp tục bên trong không gian trước đây được gọi là Nhà thờ Pha lê vào ngày 7 tháng 2 năm 2019. Tín dụng: Challenge Roddie/Giáo phận Orange


Ngay sau khi mua lại, giáo phận đã khởi động một dự án cải tạo toàn diện để "thiết kế lại tòa nhà chính để phù hợp [với] truyền thống và nhu cầu phụng vụ Công Giáo". Cuối cùng, giáo phận đã khánh thành nhà thờ vào năm 2019 sau quá trình cải tạo kéo dài bảy năm, trị giá 77 triệu đô la.

Đầu tháng này, giáo phận đã thông báo rằng cuối cùng họ đã hoàn thành việc cải tạo tòa nhà, báo hiệu một "thời khắc quan trọng trong lịch sử giáo phận" đã đưa nhà thờ trở thành "trung tâm thờ phượng Công Giáo lớn của Bờ Tây".

Giáo phận cho biết họ đã hoàn thành công trình Nhà nguyện St. Callistus và Hầm mộ của tòa nhà, hoàn thiện "tất cả các thành phần chính của tầm nhìn ban đầu nhằm biến Nhà thờ Pha lê thành Nhà thờ Chúa Kitô". Một Thánh lễ cung hiến nhà nguyện và hầm mộ đã được tổ chức vào thứ Hai.

"Đó là một chặng đường dài để đạt được khoảnh khắc này", Giám mục Orange Kevin Vann cho biết trong bản phát hành, "nhưng Chúa sẽ đưa chúng ta đến nơi chúng ta cần đến".

Nội thất của Nhà thờ Chúa Kitô được chụp vào ban đêm ngày 21 tháng 8 năm 2024. Tòa nhà trước đây được gọi là Nhà thờ Pha lê đã được cải tạo toàn diện để đáp ứng nhu cầu và truyền thống thờ cúng Công Giáo. Tín dụng: Kaylee Toole/Giáo phận Orange


"Tôi hy vọng tất cả mọi người đều cảm thấy vô cùng biết ơn và tôi đặc biệt biết ơn tất cả mọi người đã tham gia vào việc này, từ đầu đến cuối", giám mục cho biết.

Toàn bộ dự án bao gồm "cải tạo nhà thờ, vườn ươm và Tháp Hy vọng; mở rộng nghĩa trang Cathedral Memorial Gardens; xây dựng Đền Đức Mẹ La Vang và Vườn Thánh Mẫu; và khôi phục Đàn organ Hazel Wright", giáo phận cho biết.

Các đội thi công cẩn thận cắt bỏ hộp đựng tượng Đức Mẹ La Vang của Nhà thờ Chúa Ki-tô vào ngày 2 tháng 6 năm 2021. Phải mất ba ngày để lắp đặt bức tượng bằng đá cẩm thạch Ý, nặng ước tính 16,000 pound và cùng với một đám mây và bệ, cao 18 feet. Tín dụng:Steven Georges/Giáo phận Orange


Nhà thờ cho biết trên trang web của mình, Đàn organ Hazel Wright là "đàn organ ống lớn thứ năm trên thế giới, với hơn 17,000 ống, hơn 300 điểm dừng và gần 300 hàng".

Nó được xây dựng vào năm 1982 và "có thể nói là đàn organ được nghe rộng rãi nhất trên thế giới", nhờ chương trình truyền hình "Hour of Power" được nhiều người xem hàng tuần, trong nhiều năm đã được phát sóng từ tòa nhà này bởi giáo đoàn Shepherd's Grove.

Đàn organ Hazel Wright đã được khánh thành và chơi lần đầu tiên vào năm 1982, nhanh chóng trở thành điểm nhấn trong chương trình phát sóng "Hour of Power" của Tiến sĩ Robert Schuller. Khi Giáo phận Orange mua lại khuôn viên Nhà thờ Pha lê của Schuller vàonăm 2012, cây đàn organ đã xuống cấp và cần được phục hồi hoàn toàn — một quá trình mất gần một thập niên và đã hoàn thành vào năm 2022. Tín dụng: Greg O'Loughlin/Giáo phận Orange


Trong khi đó, nhà nguyện St. Callistus có "một nhà tạm tinh xảo lấy cảm hứng từ những kiệt tác kim hoàn thời trung cổ của thế kỷ 12", giáo phận cho biết. Âm nhạc cho nhà nguyện sẽ được cung cấp bởi một cây đàn organ ống nhỏ hơn. Một di vật của Thánh Callistus I thế kỷ thứ ba cũng sẽ nằm trong hộp đựng thánh tích của nhà nguyện.

Nhà nguyện cũng có một phần tưởng nhớ Robert Schuller, người sáng lập Nhà thờ Pha lê, cũng như vợ ông, Arvella. Cả hai đều là "những người ủng hộ chính trong việc bán nhà thờ bằng kính mang tính biểu tượng của họ và khu vực xung quanh cho Giáo phận Orange".

Các đội cẩn thận hạ bức tượng Đức Mẹ Nữ Vương Thiên Đàng nặng 1,325 pound làm bằng đá cẩm thạch Ý vào vị trí cho Vườn Thánh Mẫu của Nhà thờ Chúa Ki-tô vào ngày 11 tháng 6 năm 2024. Vườn Thánh Mẫu, mở cửa vào tháng 5 năm 2024, là một trải nghiệm đi bộ mangmang đến lời cầu nguyện, sự suy gẫm và an bình. giáo dục về cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu. Tín dụng: Bradley Zint/Giáo phận Orange


Khuôn viên rộng lớn của nhà thờ bao gồm nhiều tòa nhà, bao gồm một trung tâm mục vụ giáo phận, một trung tâm văn hóa, một cửa hàng quà tặng và một số công trình khác. EWTN, công ty mẹ của CNA, cũng có một studio truyền hình trong khuôn viên nhà thờ.

Giáo phận Orange bao gồm 1.3 triệu người Công Giáo, 58 giáo xứ, năm trung tâm Công Giáo và 36 trường học. Mỗi cuối tuần, Nhà thờ Chúa Ki-tô cung cấp tổng cộng 11 Thánh lễ bằng bốn ngôn ngữ — tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Việt và tiếng Trung.
 
Đức Thánh Cha mời gọi các nhà thần học: Hãy tiến lên trong đức tin và đối thoại
Thanh Quảng sdb
15:18 16/10/2024
Đức Thánh Cha mời gọi các nhà thần học: Hãy tiến lên trong đức tin và đối thoại

Trong một thông điệp video gửi đến Khoa Thần học Giáo hoàng của Học viện 'Thánh Gioan Tông đồ' ở Sicily, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các nhà thần học hãy để đức tin, đối thoại và lòng trắc ẩn thúc đẩy những cố gắng của họ "để làm cho lòng bác ái của Chúa Kitô tỏa sáng".

(Tin Vatican - Deborah Castellano Lubov)

ĐTC "Thúc đẩy một nền thần học, bổng bay của Thập giá và quỳ gối trước mọi người, sử dụng những lời lẽ khiêm nhường, tỉnh táo và cấp tiến để giúp mọi người tiếp cận lòng trắc ẩn và dạy chúng ta cách tiếp cận ngưỡng cửa của Mầu nhiệm Thiên Chúa".

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời động viên này trong một thông điệp video mà ngài gửi đến Khoa Thần học Giáo hoàng của Học viện 'Thánh Gioan Tông đồ' tại thủ phủ Palermo của Sicily vào chiều thứ Tư (16/10/2024).

Trong bài phát biểu khai mạc Năm học mới cho Học viện, Đức Thánh Cha đã suy ngẫm về sự đa dạng, vẻ đẹp và những thách thức của hòn đảo Sicily của nước Ý này, gợi nhớ lại những yếu tố này như trao quyền cho những nỗ lực của họ.

Đối thoại và làm phong phú


Đức Thánh Cha bắt đầu bằng nhắc lại cách ngài nói với họ một cách trực quan, theo một cách nào đó, ngài đã đi theo "bước chân của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II", người đã đến thăm Hoạc viện Sicilia vào ngày 21 tháng 11 năm 1982, trong Chuyến thăm mục vụ của ngài tới Belice và Palermo.

"Khoa thần học của các bạn, được sinh ra với một ơn gọi mạnh mẽ về giáo hội học", Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, "được lịch sử kêu gọi và chú ý đến ý thức đức tin mà dân Chúa sở hữu, để trở thành nhân vật chính trong việc giải quyết những thách đố mà Địa Trung Hải đang đề ra cho thần học".

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha thúc giục họ tiến lên với cuộc đối thoại đại kết phương Đông, đối thoại liên tôn với Hồi giáo và Do Thái giáo, và bảo vệ phẩm giá con người trong Tông thư Biển cả của chúng ta 'Mare nostrum', "mà", ngài lên án, "thường biến thành quái vật bởi cái lý luận (logic) của sự chết".

Ngoài ra, Đức Thánh Cha mời họ rút ra từ sức mạnh văn hóa và xã hội của lòng đạo đức bình dân, và từ văn học "để làm thăng tiến phẩm giá văn hóa của con người".

Tử đạo

Hơn nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại nhu cầu lắng nghe "tiếng kêu" của các nạn nhân của mafia đang khao khát được giải thoát khỏi sự kìm kẹp của băng đảng trên lãnh thổ này, và đặc biệt ca ngợi những người đã dũng cảm chiến đấu chống lại tệ nạn này, thậm chí đến hy sinh mạng sống của mình.

"Mảnh đất này đã chứng kiến những chứng nhân và những vị tử đạo vĩ đại", Đức Thánh Cha nói, những người đã làm việc không ngừng để chống lại tội phạm có tổ chức trên lãnh thổ "vẫn còn bi thảm vì nạn dịch mafia".

ĐTC nhấn mạnh: "Mảnh đất này đã chứng kiến những chứng nhân và những vị tử đạo vĩ đại. Chúng ta đừng quên điều này".

Với suy nghĩ này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng việc tham gia vào các cuộc thảo luận thần học ở Địa Trung Hải đòi hỏi "hãy nhớ rằng việc công bố Phúc Âm phải thông qua cam kết thúc đẩy công lý", vượt qua bất bình đẳng và bảo vệ các nạn nhân vô tội, để Phúc Âm sự sống luôn tỏa sáng và đẩy lùi cái ác dưới mọi hình thức".

Thần học để tiếp cận Mầu nhiệm Thiên Chúa

Với tinh thần này, Đức Thánh Cha nhận thấy chúng ta cần một nền thần học "có lời hứa" và "cam kết", "đắm chìm trong lịch sử và trong đó, làm cho lòng bác ái của Chúa Kitô tỏa sáng".

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận bằng đoan kết rằng ngài gần gữi các thành viên của Khoa và xin họ cầu nguyện cho ngài.
 
Bài Giáo lý Hàng tuần của Đức Phanxicô: Chúa Thánh Thần trong đức tin của Giáo hội
Vũ Văn An
19:31 16/10/2024

Theo tin Tòa Thánh, trong buổi yết kiến chung tại Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phê-rô ngày 16 tháng Mười năm 2024, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài Giáo Lý thường lệ của ngài về Chúa Thánh Thần và Nàng Dâu. Người hướng dẫn dân Chúa đến với Chúa Giêsu, hy vọng của chúng ta. Hôm nay, ngài nhấn mạnh tới Chúa Thánh Thần trong đức tin của Giáo hội. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Với bài giáo lý hôm nay, chúng ta sẽ chuyển từ những gì Chúa Thánh Thần đã mặc khải cho chúng ta trong Kinh thánh sang cách Người hiện diện và hoạt động trong đời sống của Giáo hội, trong đời sống Kitô hữu của chúng ta.

Trong ba thế kỷ đầu tiên, Giáo hội không cảm thấy cần phải đưa ra một công thức rõ ràng về đức tin của mình vào Chúa Thánh Thần. Ví dụ, trong Kinh Tin Kính cổ xưa nhất của Giáo hội, kinh gọi là Bản Tuyên tín của các Tông đồ, sau khi tuyên bố: "Tôi tin kính Đức Chúa Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, và tin kính Đức Chúa Giêsu Ki-tô, Con một của Người, Chúa chúng tôi, Đấng đã sinh ra, chịu chết, xuống ngục tổ tông, sống lại từ cõi chết và lên trời", đã thêm: "Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần" và không có gì hơn nữa, không có bất cứ sự chỉ định nào.

Nhưng chính tà giáo đã thúc đẩy Giáo hội định nghĩa đức tin này. Khi diễn trình này bắt đầu - với Thánh Athanasiô vào thế kỷ thứ tư - chính kinh nghiệm mà Giáo hội có được về hành động thánh hóa và thần hóa của Đức Chúa Thánh Thần đã dẫn Giáo hội đến sự chắc chắn về thiên tính trọn vẹn của Chúa Thánh Thần. Điều này xảy ra trong Công đồng Chung Constantinốp năm 381, định nghĩa về thiên tính của Chúa Thánh Thần bằng những lời nổi tiếng mà chúng ta vẫn lặp lại ngày nay trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin kính Chúa Thánh Thần, là Chúa, là Đấng ban sự sống, Người phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, Người được tôn thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con, Người đã phán qua các tiên tri”.

Nói rằng Chúa Thánh Thần “là Chúa” cũng giống như nói rằng Người chia sẻ “Quyền làm Chúa” của Thiên Chúa, rằng Người thuộc về thế giới của Đấng Tạo Hóa, chứ không phải thế giới của các tạo vật. Lời khẳng định mạnh mẽ nhất là Người đáng được hưởng cùng vinh quang và sự tôn thờ như Chúa Cha và Chúa Con. Đó là lập luận về sự bình đẳng trong danh dự, được Thánh Basiliô Cả yêu thích, người là kiến trúc sư chính của công thức đó: Chúa Thánh Thần là Chúa, Người là Thiên Chúa.

Định nghĩa của Công đồng không phải là điểm đến, mà là điểm khởi hành. Và thực vậy, một khi những lý do lịch sử đã cản trở một sự khẳng định rõ ràng hơn về thiên tính của Chúa Thánh Thần đã được khắc phục, thì điều này đã được tuyên bố một cách tự tin trong việc thờ phượng của Giáo hội và trong thần học của Giáo hội. Thánh Grêgori thành Nazianzus, sau Công đồng, đã tiếp tục tuyên bố không do dự: “Vậy thì Chúa Thánh Thần có phải là Thiên Chúa không? Chắc chắn rồi! Người có đồng bản thể không? Có, nếu Người là Thiên Chúa thật” (Oratio 31, 5.10).

Tín điều mà chúng ta tuyên bố vào mỗi Chúa Nhật trong Thánh lễ nói gì với chúng ta, những tín đồ ngày nay: “Tôi tin kính Chúa Thánh Thần”? Trước đây, nó chủ yếu liên quan đến tuyên bố rằng Chúa Thánh Thần “phát xuất từ Chúa Cha”. Giáo hội Rôma đã sớm bổ sung tuyên bố này bằng cách thêm vào, trong Kinh Tin Kính của Thánh lễ, rằng Chúa Thánh Thần “cũng phát xuất từ Chúa Con”. Vì trong tiếng Latinh, cụm từ “và từ Chúa Con” được gọi là ‘Filioque’, điều này đã làm nảy sinh cuộc tranh chấp được gọi bằng cái tên này, vốn là lý do (hoặc cái cớ) cho rất nhiều cuộc tranh chấp và chia rẽ giữa Giáo hội phương Đông và Giáo hội phương Tây. Chắc chắn không phải là trường hợp để giải quyết vấn đề ở đây, một vấn đề, hơn nữa, trong bầu không khí đối thoại được thiết lập giữa hai Giáo hội, đã mất đi sự cay đắng của quá khứ và ngày nay cho phép chúng ta hy vọng vào sự chấp nhận lẫn nhau hoàn toàn, như một trong những “sự khác biệt được hòa giải” chính. Tôi muốn nói điều này: “sự khác biệt được hòa giải”. Trong số các Ki-tô hữu, có nhiều sự khác biệt: người này thuộc trường phái này, người kia thuộc trường phái kia; người này là người Tin lành, người kia… Điều quan trọng là những sự khác biệt này được hòa giải, trong tình yêu thương cùng nhau bước đi.

Sau khi vượt qua được trở ngại này, ngày nay chúng ta có thể coi trọng đặc quyền quan trọng nhất đối với chúng ta được tuyên bố trong điều khoản của Kinh Tin Kính, cụ thể là Chúa Thánh Thần là “người ban sự sống”, “đấng ban sự sống”. Chúng ta hãy tự hỏi: Chúa Thánh Thần ban sự sống nào? Vào lúc khởi đầu, trong sự sáng tạo, hơi thở của Chúa ban cho Ađam sự sống tự nhiên; bức tượng bùn được tạo thành “một sinh vật sống” (xem sách Sáng thế 2:7). Bây giờ, trong sự sáng tạo mới, Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho các tín hữu sự sống mới, sự sống của Chúa Kitô, sự sống siêu nhiên, như con cái của Chúa. Thánh Phao-lô có thể thốt lên: “Luật của Thần Khí sự sống trong Chúa Giêsu Kitô đã giải thoát tôi khỏi luật của tội lỗi và sự chết” (Rô-ma 8:2).

Trong tất cả những điều này, đâu là tin tức tuyệt vời và an ủi cho chúng ta? Đó là sự sống mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta là sự sống vĩnh cửu! Đức tin giải thoát chúng ta khỏi nỗi kinh hoàng khi phải thừa nhận rằng mọi thứ đều kết thúc ở đây, rằng không có sự cứu chuộc nào cho sự đau khổ và bất công đang thống trị trên trái đất. Một lời khác của Thánh Tông đồ đảm bảo với chúng ta về điều này: “Nếu Thánh Thần của Đấng đã khiến Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết ngự trong anh em, Đấng đã khiến Chúa Giêsu Ki-tô sống lại từ cõi chết cũng sẽ ban sự sống cho thân thể hay chết của anh em qua Thánh Thần của Người ngự trong anh em” (Rô-ma 8:11). Thánh Thần ngự trong chúng ta, Người ở trong chúng ta.

Chúng ta hãy vun trồng đức tin này cho cả những người, thường không phải do lỗi của họ, bị tước mất đức tin và không thể mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Và chúng ta đừng quên cảm tạ Người, Đấng đã dùng cái chết của Người để có được hồng ân vô giá này cho chúng ta!
 
Văn Hóa
Huấn đạo theo Thánh Kinh, Chương năm, tiếp theo và hết
Vũ Văn An
13:47 16/10/2024

Huấn đạo theo Thánh Kinh


Nguyên tác: Biblical Counseling Manual: A Self Help Counseling Program
Của Adam Pulaski và Steve Lihn
Vũ Văn An chuyển ngữ


Chương năm: Loạt bài chữa lành linh hồn (tiếp theo và hết)

5.12. Tâm lý học vượt bản vị (transpersonal psychology)

Phân tích các thuật ngữ và quy trình

Việc duyệt xét này cung cấp một cái nhìn thoáng qua về các nền triết lý căn bản của thế giới. Những hình thức tôn giáo như vậy xuất hiện dưới nhiều hình thức và công thức khác nhau. Như được tóm tắt sau đây, lời phê bình này là một cách đơn giản để xử lý những mốt nhất thời đến rồi đi.

1. Phân tâm học - không ngừng nội quan
2. Tác phong – Ngoại cảnh
3. Phản ứng đối với Phân tâm học - Tự tập chú
4. Chủ nghĩa nhân bản - Tích hợp và phát triển toàn diện nhân cách để mở ra một ý thức mới, một hữu thể siêu việt.
5. Chủ nghĩa hư vô - Phủ định mọi thứ. Con người là cơ hội và trong căn bản là vô nghĩa.
6. Chủ nghĩa tự nhiên - Đặt con người vào phạm vi của thuyết tương đối. Không còn đường dây dọi, một chủ nghĩa tự nhiên đạo đức.

Chủ nghĩa hiện sinh

Con người tự làm nên con người bằng sự tự ý thức và tính tự quyết của mình. Tạo ra giá trị của riêng mình bằng cách khẳng định giá trị của chính mình. Điều tốt đến từ sự lựa chọn; do đó, không có sự phân biệt giữa thiện và ác. Điều này bị phủ nhận bởi việc tôi chọn bất cứ điều gì tôi chọn đều tốt.

Thế giới vật lý chỉ là ảo ảnh, thứ duy nhất tồn tại là một vị thần vượt ra ngoài thực tại khách quan. Người ta quay lưng lại với vật chất, không hiện hữu. Ấn Độ giáo coi thập giá là vô nghĩa vì tính khách quan của nó. Vì vậy, nghiệp chướng (karma, thay thế cho thập giá) rất hấp dẫn đối với nhiều người.

Ý thức thời đại mới

Người phương Tây thấy mình vô nghĩa và không có hy vọng. Thực sự theo chủ nghĩa tự nhiên là phủ nhận thực tại và trốn thoát bằng sự siêu việt. Đây là niềm hy vọng duy nhất cho những người theo chủ nghĩa tự nhiên hoặc những người theo chủ nghĩa nhân bản. Ý thức mới là hành động theo bản thân, tìm ra bạn là ai trong sâu thẳm tâm trí và giải thoát bản thân khỏi chính mình (tự cứu chuộc).

Mục tiêu là chỉ khám phá những gì làm hài lòng bản thân, nâng cao tính tự cho mình là trung tâm: tập chú vào bản thân. Từ chối một vị thần có ngôi vị và coi bản thân là một vị thần được thể hiện thông qua quá trình suy niệm. Bản thân là ông trùm - thực tại có thật.

Trị liệu hướng đến khách hàng: Không có thực tại bên ngoài mà là bản thân, là vị thần bên trong.

Quá trình suy niệm

Mục tiêu là thoát ra khỏi thực tại, đặc điểm là...

1. Mất ranh giới bản ngã - đồng nhất với mọi dạng sống.
2. Hòa tan vào vũ trụ.
3. Thoát khỏi nỗi sợ chết: phát triển cảm quan tách biệt khỏi bản thân: phát triển cảm thức vượt thời gian và không gian.

Cái chết về thể lý không phải là hết, vẫn còn sự sống sau cái chết. Họ hoàn toàn trở thành một với vũ trụ, mọi sự vẫn tập trung vào chính họ. Mọi thứ hiện hữu ở trạng thái thay đổi. Ngoài ý thức, việc vượt qua bản thân là yếu tố chính trong phân tâm học. Thông qua bảng cầu cơ và pha lê, cũng như các phương tiện khác, có thể giao tiếp với thế giới bên kia. Thuốc ảo giác [Psychedelics] là sự phóng chiếu của bản ngã hữu thức. Nguồn gốc của thực tại là ở người trải nghiệm nó.

Thuyết tương đối khái niệm

Ý thức vũ trụ. Mục tiêu và thực tại được tri nhận. Đây thực sự là sự trốn tránh các vấn đề sống và quan hệ, một chọn trốn tránh trách nhiệm của mình. Thực tại là trung lập, không có đúng sai. Đây là đỉnh cao của cái gọi là ý thức vũ trụ của người Ấn Giáo. (các Kitô hữu ở trong thế giới nhưng không thuộc về thế giới, và chúng ta phải đối diện với những thực tại khắc nghiệt của sự thật Thiên Chúa.) Nhưng ý thức vũ trụ trốn tránh mọi thực tại và cố gắng trốn tránh trách nhiệm. Kỹ thuật của các học thuyết sai lầm là đưa ra một phương tiện để thư giãn, thực chất là thần thánh hóa bản thân.

Các hình thức ý thức thời đại mới hoặc tư duy thời đại mới

1. Năng lực sinh học: Ngăn chặn ham muốn tình dục là nguồn gốc của chứng loạn thần kinh.
2. Phân tâm học: Tổng thể có tổ chức (Gestalt): Tâm lý trị liệu nhấn mạnh việc giải phóng các nan đề tình dục và cảm xúc.
3. Thoa bóp (Rolfing): Dùng khuỷu tay đào sâu vào cơ thể, di chuyển các dây thần kinh đau nhức xung quanh.
4. Tổng hợp tâm lý (Psychosynthesis): Bản ngã đích thực là trung tâm của ý thức và được bộc lộ bằng liệu pháp nhóm, giấc mơ, liệu pháp đơn lẻ…
5. Tưởng tượng có hướng dẫn: Cho phép những ước mơ, tưởng tượng lớn lên và phát triển đến mức tột cùng.
6. Mở cửa: 40 ngày nhảy múa, tụng kinh, ca hát sôi động và đủ loại hoạt động.
7. Phản hồi sinh học (Biofeedback): Kiểm soát các hệ thống không tự chủ của cơ thể, huyết áp, hệ thần kinh.
8. Kiểm soát tâm trí Silva (Silva Mind control): Ngồi thiền, tự thôi miên, yoga, bất cứ điều gì để vượt ra ngoài bản ngã.
9. EST: Thế giới là vô nghĩa, những kích thích và ảnh hưởng bên ngoài cần phải tránh, bị bác bỏ và làm ngơ. Điều này được thực hiện bằng cách nhịn ăn, gặp gỡ nhóm, nói chuyện, tụ tập, lăng mạ, hận thù, la hét, hô lớn: loại bỏ những ảnh hưởng lên tâm trí và cơ thể - thoát khỏi chúng... bằng cách đổ tất cả rác rưởi vào một người nào khác...

Mục tiêu: Con người trở thành nguyên nhân cho thế giới của chính mình, coi thường mọi hệ thống niềm tin... ngoại trừ của riêng mình.

5.13. Chữa lành khỏi sợ hãi

Viễn ảnh

(1 Ga 1:7; 1Ga 4:16-19) Sự chữa lành toàn bộ con người chúng ta phát xuất từ tình yêu hoàn hảo xua tan nỗi sợ hãi. Tình yêu hoàn hảo chữa lành mọi nỗi ám ảnh về cuộc sống trong tâm trí, thể xác và linh hồn chúng ta. Tình yêu này, tình yêu agape vô điều kiện này, chính là bản chất của chính Thiên Chúa. Khi chúng ta nắm bắt và nắm giữ một cách hoàn hảo tình yêu hoàn hảo này, chúng ta sẽ nhận ra sự chữa lành hoàn toàn. Máu Chúa Giêsu bao phủ chúng ta bây giờ và trong cõi đời đời. Bằng đức tin, hãy hình dung bản thân trước sự Hiện diện của Chúa, trong tình yêu hoàn hảo này, được tẩy sạch mọi điều bất chính, được bao bọc bởi tình yêu hoàn hảo này: nỗi sợ hãi phải ra đi.

Hy vọng

(St 1:26; St 3; Dt 2:14-15) Sợ chết và bị phán xét là nỗi sợ hãi căn bản của con người. Sợ hãi là cảm xúc đầu tiên con người thốt ra sau khi sa ngã. Trước khi sa ngã, con người đã được sinh ra từ lòng tình yêu Thiên Chúa và trong tình yêu Thiên Chúa - một tạo vật được tạo dựng trong đẳng cấp riêng của Thiên Chúa. Con người không kiếm được hay xứng đáng với tình yêu này. Tình yêu này chỉ đơn giản 'hiện hữu'. Kết quả là Ađam không hề có ý thức gì về việc không được yêu thương. Chỉ có người khác xung quanh vào lúc này là Thiên Chúa. Đây là Ađam, nhân tính thô sơ và không xấu hổ, không ý thức về mình mà ý thức về Thiên Chúa. Ông thấy mình trong con mắt Thiên Chúa được yêu thương và chấp nhận.

(Ga 3:16; Lc 9:23-25; Rm 5:5) Làm sao con người có thể đặt mình vào tình yêu thần linh này? Bằng cách bác bỏ quyền đối với chính mình. Vấn đề chỉ đơn giản là tin rằng Chúa yêu bạn bất kể bạn nghĩ gì về bản thân bạn.

Đời sống Kitô hữu là gì? Đó là tình yêu, và tình yêu này là bản chất thần linh. Bản chất này được đặt trong tôi để đáp ứng nhu cầu của người khác. Không còn cố gắng làm hài lòng mọi người, thế giới và Thiên Chúa nữa. Quá trình thánh hóa là một quá trình đưa bản ngã thật ra khỏi bản ngã giả dối: không còn tìm cách được con người và Thiên Chúa chấp nhận và chấp thuận. Hãy nhìn bản ngã đích thực trong sự kết hợp với Chúa Thánh Thần được lời Thiên Chúa soi sáng và hướng dẫn.

Đó không còn là việc tôi thực diễn dành cho Thiên Chúa nữa, mà là sự hàng phục của tôi đối với Đấng yêu thương tôi trong chính con người tôi. Ngay cả khi tôi thất bại Người vẫn yêu thương tôi bất chấp. Tất cả lỗi lầm của tôi, tất cả quá khứ của tôi, Chúa Giêsu đã nhận lấy trên Thập Giá. Mọi tội lỗi và xấu hổ đều bị chôn vùi dưới mồ, và nỗi sợ hãi cũng vậy. Bây giờ tôi không còn sợ Thiên Chúa nữa.

Thiên Chúa thật hiện đang ở trong gương mặt của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu đã nhận lấy sự phán xét của tôi - sự phán xét của tôi đã kết thúc. Chúa Giêsu dành cho chúng ta, Đấng có thể chống lại chúng ta. Không có sự sợ hãi trong cái chết, chúng ta rơi vào vòng tay của Chúa Giêsu lúc chết. Tôi có thể làm được mọi sự nhờ Chúa Kitô, Đấng ban thêm sức cho tôi. Tôi tìm thấy giá trị của mình nơi Người và qua Người tôi phục vụ những nhu cầu của người khác. Chúa cung cấp những nhu cầu của tôi như một sản phẩm phụ.

Thay đổi

(St 3) Sau khi sa ngã, con người bị mù quáng, không thể quan niệm được việc mình được Thiên Chúa yêu thương. Bây giờ họ hướng vào chính mình, cái tôi trở thành tâm điểm của họ. Ý thức về bản thân hình thành và con người nhìn vào chính mình và chống lại Thiên Chúa. So sánh bản thân với Thiên Chúa và tự mình nhìn nhận và đánh giá bản thân và nhìn thấy một cá nhân thấp kém, vô giá trị, không tốt và ghê tởm. Bị đẩy lùi bởi tội lỗi của mình, họ tạo ra một vị thần bác bỏ họ, một vị thần ghét tất cả những người có tội và xấu xa.

Khi Chúa vào vườn, Ađam nhìn thấy Chúa qua những ý tưởng méo mó trong đầu và bắt đầu sợ hãi: “Ngài ra tay bắt tôi, Ngài biết tôi xấu xa và tội lỗi, vô giá trị". Tại thời điểm này, tôn giáo đã được tạo ra. Thiên Chúa đã tạo ra con người theo hình ảnh của chính Người. Khi con người sa ngã, Người đã tạo ra một vị thần theo hình ảnh của chính nó: không xứng đáng và không thể yêu thương. Thành thử, con người coi người khác cũng xấu như mình và bắt đầu ghét người khác.

Bây giờ con người phải nỗ lực để làm cho mình được Thiên Chúa chấp nhận, để làm cho Người yêu thương mình bằng chính nỗ lực, ý chí riêng của mình. Con người lang thang trên trái đất để tìm kiếm người yêu mình, nỗi sợ bị bác bỏ tràn ngập. Họ sẽ trở thành bất cứ điều gì mọi người muốn, làm bất cứ điều gì để khiến bản thân cảm thấy nó quan trọng.

Người ta đi tìm những người cần họ. Nếu họ cần tôi và tôi giúp họ thì họ sẽ không bác bỏ tôi. Con người sẽ yêu người khác, chỉ để họ yêu mình, không thể chịu đựng được việc bị bác bỏ. Vợ sẽ che đậy sự thất bại của chồng vì sợ bị bác bỏ. Một người mẹ sẽ đưa tiền cho đứa con trai nghiện ma túy của mình để cảm thấy cần thiết và không bị bác bỏ, v.v.

(Lc 9:23-25) Tóm lại, những người bị buộc phải cần đến, được chấp nhận và được chấp thuận thì quá bận rộn tìm kiếm những nhu cầu của bản thân và trở nên không thể thỏa mãn được. Vì vậy, họ không có năng lực và không có chỗ để yêu thương người khác.

Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn : (Pl 2:12-13)

(Các) câu Kinh Thánh để nhớ: 1 Ga 1:7

Hãy nhận biết bước đi trong lời Người là bước đi trong Ánh sáng. Giây phút chúng ta di chuyển và sống bằng xác thịt, chúng ta bước đi trong bóng tối. Vì Chúa Giêsu thường xuyên có mối hiệp thông với Cha Người, nên chúng ta cũng phải bước đi trong mối hiệp thông liên tục với Chúa Giêsu Kitô… Chúng ta làm điều này bằng cách siêng năng xưng tội mình, sống trong việc công khai xưng tội trước mặt Người. Sự cởi mở này cho phép Máu Chúa Giêsu liên tục thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi, từng giây phút, từng ngày cho đến vĩnh cửu.

Việc sùng kính: Khuôn khổ Nghiên cứu và Áp dụng Kinh Thánh: những câu chọn lọc từ 1Ga về việc yêu mến Thiên Chúa và những người khác.

Cởi bỏ/Mặc vào:

Là nền tảng để chúng ta chấp nhận và là nguồn sức mạnh, chúng ta nhận ra nhu cầu liên tục về công việc đã hoàn tất của Chúa Giêsu. Chúng ta là tạo vật mới và được hoàn thiện trong Chúa Giêsu. Hãy thực hiện sự cứu rỗi này, ngày qua ngày, chết đi cái tôi độc lập hàng ngày. Xem thêm Phần 5.2, “Biến đổi bản chất tự nhiên” và Phần 5.10, “Chủ nghĩa duy hoàn hảo” để biết thêm thông tin chi tiết. Làm bài tập về nhà phù hợp.

Tham khảo: [26][Smith4]

5.14. Bị ruồng bỏ

Tham khảo: Tv. 69:20; Tv. 142; Tv. 31; Tv. 55; Grm. 30:17.

Vấn đề

Ruồng bỏ không phải là điều người ta làm cho tôi. Đó là đáp ứng hay phản ứng của tôi, cảm giác đau khổ, không xứng đáng, không đáng yêu của tôi đối với điều tôi tri nhận người ta đang làm cho tôi. Nỗi đau bị ruồng bỏ khiến tôi 'cảm thấy' tiêu cực và từ đó tôi tin rằng mình bị ruồng bỏ.

Giải pháp

Câu trả lời là nhận biết tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Tôi được chấp nhận, có ý nghĩa và xứng đáng trong mắt Người. Chúa là bạn đời của tôi, tôi tìm kiếm danh tính của mình trong Thiên Chúa chứ không phải trong cách người ta nhìn tôi, đối xử với tôi hay bất cứ điều gì. Giá trị của tôi, sự an toàn và tầm quan trọng của tôi chỉ có thể phát xuất từ Thiên Chúa. Người là Đấng đã tạo dựng tôi và tiền định cho tôi nên giống hình ảnh Con của Người.

Đừng nhìn vào hữu thể nhân bản, địa vị hay quyền lực để đánh giá giá trị. Thiên Chúa là danh tính thực sự của tôi, tôi được tạo ra theo hình ảnh của Người. Tình yêu của Người khiến tôi trọn vẹn. Tôi làm việc theo hình ảnh của Người bằng cách tuân theo các điều răn của Người. Khi bị ruồng bỏ hoặc bị tổn thương, hãy than khóc về sự mất mát, dâng nó lên Thiên Chúa và tiếp tục sống. Thiên Chúa là vinh quang của chúng ta. Người là người nâng đầu của chúng ta lên. Hãy tha thứ cho tất cả những người làm tổn thương tôi, thoát khỏi sự trả thù. Hãy cầu xin lòng thương xót, hãy trở nên trọn vẹn trong Đấng đã tha thứ cho tất cả những ai ruồng bỏ và bỏ rơi Người trên thập giá.

Danh tính

(St 1:26-28) Chúng ta là người chứa đựng và phát biểu hoặc là của Thiên Chúa hoặc là của những thái độ và nhận thức bệnh hoạn của mình. Khi sa ngã, con người, một sinh vật được kết hợp với Thiên Chúa, đã đánh mất danh tính của mình. Sự đồng nhất với Thiên Chúa này là ý nghĩa thực sự của cuộc sống, nghĩa là mạc khải Thiên Chúa và bày tỏ tình yêu của Người cho thế giới. Nếu không, con người sẽ trở nên mất chức năng. Con người sa ngã cố gắng tìm kiếm danh tính của mình và điều duy nhất họ phải làm với là cơ thể, các giác quan và cái đầu của mình. Bây giờ họ tập chú vào bản ngã được tạo ra của mình. Danh tính của họ trở thành thành tích của họ đối với người khác cộng với sự đánh giá về thành tích của họ bởi người khác (đồng phụ thuộc).

Bây giờ con người sa ngã “làm” để “hiện hữu” “cho Thiên Chúa” thay vì “hiện hữu” và “làm” “từ Thiên Chúa”. Ban đầu con người phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa nhưng giờ đây Thiên Chúa đã ra đi. Con người cần một người khác để tìm ra mình là ai. Con người được cho là 'ở' trong mối quan hệ của mình với Thiên Chúa và ra ngoài 'hữu thể' của mình, họ phải 'làm'.

Cứu chuộc

(Lc 4:1-13) Chúa Giêsu trong hoang địa, một cuộc thử thách ‘tinh thần độc lập’. Đây là cuộc thử nghiệm và điển hình tối cao trong việc xác định chúng ta là ai, là gì và chúng ta phải sống như thế nào. Bất kể hoàn cảnh nào, chúng ta đáp ứng bên trong bằng lời nói, với những gì ở bên ngoài.

(Ga 5:30) Chúa Giêsu đồng nhất với Cha của Người, ý muốn của Người là ý muốn của Cha của Người. Tương tự như vậy, con người được cứu chuộc sống bởi và từ Đức Chúa Cha để tôn vinh Thiên Chúa bằng cách hành động theo các điều răn của Người bất kể hoàn cảnh, con người, đồ vật hay của cải. Những thử thách trong cuộc sống quyết định liệu chúng ta có lệ thuộc vào Thiên Chúa hay chúng ta bị khuất phục trước hoàn cảnh.

Tinh thần ruồng bỏ cho thấy con người là người trần thế, sống theo chiều ngang và bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh cuộc sống. Do đó, được cứu chuộc, danh tính của người ta bây giờ ở trong Thiên Chúa và từ Thiên Chúa, con người được trao quyền bởi lời cầu nguyện, quyền năng và sự chu cấp để hoàn thành mục đích của Thiên Chúa trên trái đất: chuyển tải tình yêu của Thiên Chúa đến người khác, để đến lượt họ, họ cũng có thể được đồng nhất hóa với Chúa Kitô.

Ý nghĩa

(Cl 2:1 1-13; Pl. 2:12-18) Như vậy, cảm thức bị ruồng bỏ bộc lộ một thái độ bệnh hoạn, chờ đợi được người khác chấp nhận, tán thành và đáp ứng. Hãy cởi bỏ điều đó và mặc vào điều bạn đã được chấp nhận và tán thành bởi Thiên Chúa, Đấng đã làm cho bạn trở nên quan trọng trong Chúa Kitô. Từ ý nghĩa đã đạt được qua thập giá, bạn thực hiện sự cứu rỗi của mình, tôn vinh Thiên Chúa bằng cách quan tâm đến người góa bụa và trẻ mồ côi, trở thành muối và ánh sáng, nhờ đó hoàn thành mục đích của Thiên Chúa dành cho cuộc đời bạn. Bằng những cách này, cảm thức bị ruồng bỏ sẽ dần dần phai nhạt.

(2 Cr 3:16-18) Sự ruồng bỏ là một trong nhiều rào cản khiến một người không thể tiến triển. Mọi bức màn của cuộc sống sa ngã đã được cất bỏ trong Chúa Kitô. Chúng ta di chuyển từ ân sủng này sang ân sủng khác, vinh quang này đến vinh quang khác, và khi chúng ta để cho Chúa Thánh Thần hoàn thành công việc của Người trong chúng ta.

Tham khảo: [27][Smith5]

5.15. Thái độ và tác phong

Mười Chìa Khóa Của Các Mối Phúc Thật: Những thái độ, những gì chúng ta sẽ trở thành dựa trên Mt. 5-7.

(Eph 4:22-24) Tinh thần của chúng ta đã được Chúa Thánh Thần tái sinh, nhưng tâm trí chúng ta phải được đổi mới, và nền tảng trong cuộc sống của chúng ta là chính Chúa Kitô. Mười chìa khóa nền tảng này trong Bài giảng trên núi như sau:

1. (Mt 5:3) "Phúc cho những kẻ có tâm hồn nghèo khó..." Nhận ra rằng nơi bản thân tôi không có gì mà tôi có thể nhờ cậy hay trông cậy, nhưng phải nhận ra và thừa nhận đầy đủ rằng tôi cần Thiên Chúa bây giờ và mãi mãi trong mọi việc tôi làm.

• Chúng ta nghèo trong đời sống thiêng liêng. Vì vậy, chúng ta luôn cần Thiên Chúa, một sự phụ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa.

• Tìm hiểu về Thiên Chúa, học từ Thiên Chúa và nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi hoạt động của cuộc sống, nhìn cuộc sống theo quan điểm của Người.

2. (Mt 5:4) “Phúc cho những ai than khóc…” Nhận ra rằng cuộc khủng hoảng và khó khăn mà tôi đang gặp phải, những đau đớn và buồn phiền sẽ không kéo dài mãi. Chúng sẽ thay đổi, sự thoải mái sẽ đến.

• Khủng hoảng và khó khăn không bao giờ là mãi mãi. Thử thách không kéo dài mãi mãi vì mọi thứ đều thay đổi.

• Việc gì cũng có thời điểm: vui với người vui, than khóc với người than khóc. Khủng hoảng chỉ là tạm thời, sự thoải mái đang chờ đợi. Khủng hoảng chỉ là cơ hội để trải nghiệm sự hiện diện và giải cứu của Thiên Chúa. Lập kế hoạch vượt qua khủng hoảng (2Sb 20:7).

3. (Mt 5:5) "Phúc cho những kẻ hiền lành..." Nhận ra rằng tôi phải làm chủ được bản thân mình, phải khao khát, phải kỳ vọng và phải đòi hỏi bản thân có kỷ luật, có tổ chức và lên cơ cấu.

• Đừng tầm thường, ép mình phải làm và vượt ra ngoài xác thịt. Làm theo ý chí của bạn không phải bằng cảm xúc của bạn.

• Đừng để hoàn cảnh chi phối mà hãy làm chủ bằng ý chí của mình.

4. (Mt 5:6) “Phúc cho những kẻ đói khát sự công chính…”

• Sự trưởng thành và kiến thức không đến với bạn, bạn phải theo đuổi và tìm kiếm nó. Áp đặt cho mình những tiêu chuẩn cao hơn những người khác. Trong Chúa Kitô, tiềm năng của bạn là không giới hạn.

5. (Mt 5:7) “Phúc thay ai có lòng thương xót…”

• Hãy dành chỗ cho người khác thất bại và đừng vội phán xét họ. Cho phép người khác phạm sai lầm. Hãy cho mọi người không gian để phạm sai lầm. Tất cả chúng ta đều đang phát triển. Hãy kiên nhẫn. Lòng thương xót là sự trì hoãn phán xét. Chúng ta có khuynh hướng phán xét và lên án. Gieo gì thì gặt nấy (Mt 7:1-5).

• Luôn ở trong trạng thái tha thứ. Hãy nhanh chóng giải phóng người khác khỏi hành vi phạm tội.

6. (Mt 5:8) "Phúc cho những người trong sạch..."

• Hãy phát triển tâm trí trong sáng trong mọi việc, và bạn sẽ nhìn mọi việc theo quan điểm của Thiên Chúa. Hãy tránh xa sự băng hoại và làm ô nhiễm trong việc trình bày của thế giới đối với trí tưởng tượng của người ta bằng cách canh giữ những gì mắt bạn nhìn thấy, những gì bạn nghe thấy và những gì bạn nói. Mắt, tai, lưỡi và các giác quan của bạn là cửa của trái tim bạn (Cn 4:23).

• Nhìn cuộc sống theo quan điểm của Thiên Chúa, thấy Thiên Chúa ở trong mọi sự. Nếu tâm hồn trong sạch, bạn sẽ nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi sự dù tiêu cực hay tích cực. Người ta nghĩ sao, họ là như vậy. Với người trong sạch thì mọi thứ đều trong sạch, đối với kẻ hư hỏng thì mọi thứ đều hư hỏng. Khi bạn nhìn, nghe và nói, đó là những gì bạn sẽ gặt hái được.

7. (Mt 5:9) “Phúc thay ai xây dựng hoà bình…”

• Quyết tâm trở thành người có ảnh hưởng tích cực, tìm kiếm điều tốt ở người khác, tìm kiếm điều tốt nhất và tốt hơn. Hãy là người mang lại điều đó. Ai không có tội, hãy ném viên đá đầu tiên, nhìn cuộc sống từ góc độ này... nhưng vì ơn Thiên Chúa, tôi ra đi.

8. (Mt 5:10) “Phúc thay ai bị bách hại vì lẽ công chính…”

• Hãy có thái độ tốt và nhiệt tình với cuộc sống dựa trên những gì bạn biết. Không có gì trong cuộc sống đáng sợ, nhưng phải được hiểu. Thế gian ghét sự công chính. Hãy hân hoan và vui mừng, những người trước bạn từng chịu đựng như vậy. Hãy vui mừng vì phần thưởng lớn lao của bạn khi bạn đứng vững trong sự thật.

9. (Mt 5:11) “Phúc thay anh em khi bị người ta chửi rủa và bách hại…”

• Mong đợi điều tốt nhất và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Hãy thấy rằng những khó khăn trong cuộc sống là điều bình thường. Hãy sẵn sàng cho cuộc bách hại. Họ ghét Chúa Giêsu, và họ sẽ ghét bạn. Mong đợi điều này. Hãy sẵn sàng chúc phúc và cầu nguyện cho những người chống lại bạn.

10. (Mt. 5:12) "Các con là muối của đất..."

• Bạn quan trọng đối với thế giới, đối với nhân loại và đối với thế hệ của bạn. Biết giá trị của bạn và điều đáng giá của bạn. Chúng ta phải làm gương cho thế giới noi theo. Đây là tinh thần của Chúa Kitô: chúng ta là những người ưu tú, chúng ta có ảnh hưởng đến những người giỏi nhất trong cuộc sống, chúng ta là tiêu chuẩn cho thế giới (Mt 28:18-20).

Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn : (Pl 2:12-13)

(Các) câu Kinh Thánh để nhớ: Mt. 7:24-26

Việc sùng kính: Khuôn khổ Nghiên cứu và Áp dụng Kinh Thánh: những câu Kinh thánh được chọn ở trên.

Cởi bỏ/Mặc vào:

Đánh giá Mt. 5:14-7:29, hãy lập danh sách những tội lỗi và những thái độ lệch lạc của bạn. Lập kế hoạch để thay đổi thái độ và tác phong thông qua Phần A.4, “Bảng câu hỏi Chiến thắng Tội lỗi”. Để giúp loại bỏ những rào cản tội lỗi ngăn cản bạn phát triển tâm trí của Chúa Kitô, đây là một số lĩnh vực chính cần được xem xét:

1. (Mt 5:21-26) Giận dữ, Cay đắng, Khinh thường. Trừ khi điều này được giải quyết, nếu không bước đi Kitô hữu của chúng ta sẽ bị tê liệt ngay từ đầu. Chúa Giêsu đến để cứu độ chứ không phải để kết án. Chúng ta cũng phải làm như vậy.

2. (Mt 5:27-32) Ám ảnh dục vọng. Hãy giữ cho đôi mắt của bạn luôn trong sáng và thuần khiết. Phụ nữ là những người bảo vệ nền văn hóa của chúng ta. Họ được trời phú cho lòng tôn kính tự nhiên đối với những gì thiêng liêng. Hãy lập kế hoạch để thoát khỏi tinh thần thế gian, xác thịt và ma quỷ.

3. (Mt 5:32-37) Thao túng bằng lời nói. Đừng ép buộc người khác phải chấp nhận ý kiến hoặc quan điểm của bạn.

4. (Mt 5:38-48) Hoàn trả/Trả thù. Công việc của chúng ta là hòa giải với Thiên Chúa, với bản thân và với người khác. Lòng thương xót là sự trì hoãn phán xét. Như Thiên Chúa làm với chúng ta, hãy làm như vậy. Khôi phục và hòa giải với mọi sự sống, và hãy tự do.

5. (Mt 6:1-18) Tìm kiếm sự chấp thuận và chấp nhận của con người. Phát triển đời sống nội tâm, nhìn cuộc sống theo quan điểm của Thiên Chúa. Bạn đã được chấp nhận và chấp thuận trong Chúa Kitô rồi. Hãy sử dụng bản thân để tìm cách tôn vinh Thiên Chúa bằng cách sử dụng tài năng và thiên phú của mình vì lợi ích của người khác.

6. (Mt 6:19-34) Sự giàu có và lòng tham. Dựa vào và tin cậy vào những điều bên ngoài của hệ thống thế giới (tâm trí xác thịt) hơn là tin cậy vào Thiên Chúa sẽ dẫn đến thất vọng và tuyệt vọng. Là người đồng thừa kế với Chúa Kitô, một công dân trên trời, bạn đã sở hữu đàn gia súc trên ngàn ngọn đồi rồi. Hãy hành động phù hợp, vì chúng ta phải sống theo nhiệm cục của Thiên Chúa (2 Cr 8:9).

7. (Mt 7:1-12) Phê bình/Lên án. Thiên hướng tự nhiên của chúng ta là phán xét và có thiên hướng nghĩ cách lên án. Hãy phán xét chính mình trước tiên vì đã lên án, sau đó bạn mới có thể giúp khôi phục lại người khác. Với tư cách là đại sứ của Thiên Chúa, chúng ta ở đây không phải để cạnh tranh mà để giúp đỡ lẫn nhau.

8. (Mt 7:13-26) Làm chứ không chỉ nghe. Tích cực lắng nghe và thực hành lời nói là chìa khóa. Những lời cảnh cáo nghiêm khắc được đưa ra đối với những kẻ thụ động, lười biếng và buông thả bản thân. Trừ khi chúng ta phát triển đời sống nội tâm, bình diện tâm hồn, thực hành sự Hiện diện của Chúa hàng ngày, ngôi nhà của chúng ta sẽ sụp đổ. Hãy tự phán xét mỗi ngày để bảo đảm rằng bạn đang sống theo các quy tắc của Vương quốc về các mối phúc. Vì vậy, hãy thực hiện quyền thống trị bản thân trong, như và qua Chúa Kitô: hãy đứng đầu trong mọi nỗ lực của cuộc sống.

Tham khảo: [32][Willard1]
 
VietCatholic TV
Biến lớn: Putin tung 10.000 quân Bắc Hàn vào chiến trường Kursk, 18 người mới đào tẩu sang Ukraine
VietCatholic Media
03:24 16/10/2024


1. Nga thành lập “Tiểu Đoàn Buryat” gồm binh lính Bắc Hàn: 18 binh sĩ đã bỏ trốn khỏi vị trí

Người Nga đã tập hợp một “tiểu đoàn Buryat đặc biệt” được tuyển mộ từ những công dân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Bắc Hàn. Tuy nhiên, 18 quân nhân Bắc Hàn đã trốn thoát khỏi các vị trí dọc biên giới của tỉnh Bryansk và Kursk của Nga.

Hôm Thứ Tư, 16 Tháng Mười, phát ngôn nhân của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết vụ đào ngũ tập thể xảy ra cách biên giới với Ukraine 7 km.

Phát ngôn nhân cho biết lý do đào ngũ của người Bắc Hàn vẫn chưa được biết; lực lượng Nga đã bắt đầu tìm kiếm. Đồng thời, người Nga đang cố gắng che giấu thông tin này khỏi cấp trên của họ.

Trước đó, có nhiều báo cáo lan truyền về việc thành lập các “tiểu đoàn Buryat đặc biệt” trong quân đội Nga.

Số lượng quân nhân ước tính của các đơn vị này lên tới 3.000 người.

Các tiểu đoàn này dự kiến sẽ tham gia vào các hoạt động chiến đấu xung quanh các thành phố Sudzha và Kursk.

[Ukrainska Pravda: Russia forms “Buryat battalion” staffed by North Koreans: 18 soldiers already fled positions]

2. 18 binh lính Bắc Hàn đã bỏ trốn khỏi vị trí gần biên giới Ukraine, nguồn tin tình báo cho Suspilne biết

Suspilne đưa tin vào ngày 15 tháng 10, trích dẫn Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, ước tính có khoảng 18 binh lính Bắc Hàn đã đào ngũ khỏi vị trí của họ ở tỉnh Kursk và Bryansk của Nga gần biên giới Ukraine.

Mối lo ngại về mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc giữa Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng đã leo thang đáng kể trong tuần này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 13 tháng 10 rằng kế hoạch của Nga nhằm hỗ trợ cuộc xâm lược toàn diện của nước này vào Ukraine sẽ bao gồm “sự tham gia thực sự của Bắc Hàn vào cuộc chiến”.

Một nhà ngoại giao phương Tây nói với tờ Kyiv Independent vào ngày 15 tháng 10 rằng Bắc Hàn đã gửi 10.000 binh sĩ tới Nga để tăng cường nỗ lực chiến tranh chống lại Ukraine.

Theo nguồn tin của Suspilne, những người lính đã đào ngũ cách biên giới với Ukraine khoảng 7 km.

Động cơ đằng sau việc đào ngũ của họ vẫn chưa được xác định, nhưng các nguồn tin cho biết quân đội Nga đang tìm kiếm những người lính này.

Các nguồn tin cho biết các chỉ huy Nga đang cố gắng che giấu việc binh lính đào ngũ khỏi cấp trên của họ.

Đầu năm nay, hai nước đã ký một hiệp ước phòng thủ chung trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của Putin.

Là một phần của liên minh, quân đội Bắc Hàn tuyên bố rằng một đơn vị công binh sẽ tham gia lực lượng Nga trên bộ tại Tỉnh Donetsk vào tháng sau.

Putin đã đệ trình hiệp ước, trong đó quy định rằng mỗi quốc gia phải hỗ trợ quân sự cho quốc gia kia trong trường hợp xảy ra tấn công, lên Duma Quốc gia Nga để phê chuẩn vào ngày 14 tháng 10.

[Kyiv Independent: 18 North Korean soldiers already deserted positions by Ukraine's border, intelligence sources tell Suspilne]

3. Lệnh di tản bắt buộc được ban bố tại Kupiansk và ba thị trấn gần đó

Lệnh di tản bắt buộc được ban bố tại Kupiansk và ba thị trấn gần đó. Chính quyền quân sự tỉnh Kharkiv đã thông báo lệnh di tản bắt buộc khỏi quận Kupiansk và Borova hromada ở quận Izium do các cuộc tấn công của Nga gia tăng. Hromada là đơn vị hành chính chỉ định một thị trấn, một số thị trấn hoặc một thị trấn và các vùng lãnh thổ liền kề của nó.

Thống Đốc khu vực Kharkiv, Oleh Syniehubov, cho biết như trên hôm Thứ Tư, 16 Tháng Mười.

Ông nói: “Việc di tản các gia đình có trẻ em khỏi hromadas tiền tuyến của quận Kupiansk đang được tiến hành. Từ ngày 9 tháng 9 đến ngày 14 tháng 10, 234 trẻ em và gia đình của các em đã được di tản. Vẫn còn 35 trẻ em cần được di tản. Do tình hình an ninh, một quyết định đã được đưa ra nhằm tăng cường các biện pháp di tản cho dân thường ở quận Kupiansk, bao gồm cả thành phố Kupiansk.”

Theo báo cáo của Cơ quan quản lý quân sự tỉnh Kharkiv, lực lượng Nga đang tăng cường các cuộc tấn công vào mặt trận Kupiansk. Chỉ riêng trong 24 giờ qua, đã có 26 cuộc tấn công.

[Ukrainska Pravda: Mandatory evacuation announced in Kupiansk and three nearby settlements]

4. Nguồn tin phương Tây cho biết Bắc Hàn đã gửi 10.000 quân tới Nga

Một nhà ngoại giao phương Tây am hiểu vấn đề này nói với tờ Kyiv Independent vào ngày 15 tháng 10 rằng Bắc Hàn đã gửi 10.000 binh sĩ tới Nga để tăng cường nỗ lực chiến tranh chống lại Ukraine.

Mối lo ngại về mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc giữa Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng đã leo thang đáng kể trong tuần này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 13 tháng 10 rằng kế hoạch của Nga nhằm hỗ trợ cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào mùa thu năm nay sẽ bao gồm “sự tham gia thực sự của Bắc Hàn vào cuộc chiến”.

Khi Nga và Bắc Hàn tăng cường quan hệ quân sự, các nhà ngoại giao và chuyên gia phương Tây nhấn mạnh rằng điều này cho thấy nhu cầu ngày càng tăng của Mạc Tư Khoa về nguồn lực để tiếp tục tiến hành cuộc chiến tốn kém ở Ukraine.

“ Đây là một chỉ báo rõ ràng cho thấy Nga và quân đội của nước này đã sa sút đến mức nào trong 2,5 năm qua khi phải cầu xin, vay mượn và mua sự hỗ trợ từ Bắc Hàn”.

Đầu năm nay, hai nước đã ký một hiệp ước phòng thủ chung trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của Putin.

Là một phần của liên minh, quân đội Bắc Hàn tuyên bố rằng một đơn vị công binh sẽ tham gia lực lượng Nga trên bộ tại Tỉnh Donetsk vào tháng sau.

Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng hình ảnh hoặc video nào chứng minh sự việc này đã xảy ra.

Putin đã đệ trình hiệp ước, trong đó quy định rằng mỗi quốc gia phải hỗ trợ quân sự cho quốc gia kia trong trường hợp xảy ra tấn công, lên Duma Quốc gia Nga để phê chuẩn vào ngày 14 tháng 10.

Zelenskiy cảnh báo vào ngày 13 tháng 10 rằng Nga và Bắc Hàn đang tăng cường liên minh, nói rằng quan hệ đối tác đã leo thang đến mức Bắc Hàn đang cử nhân sự đến tiền tuyến của Ukraine cùng với vũ khí.

“Đây không còn chỉ là việc chuyển giao vũ khí. Thực ra là việc chuyển giao người từ Bắc Hàn cho lực lượng quân sự xâm lược”, ông nói.

Lời cảnh báo được đưa ra sau báo cáo từ Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Kim Dung Huyền rằng Bắc Hàn có khả năng sẽ triển khai quân đội chính quy tới Ukraine để hỗ trợ Nga ở tiền tuyến.

Trong những ngày gần đây, cũng có báo cáo cho biết các sĩ quan và binh lính Nga Bắc Hàn đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine vào vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm.

Các quan chức Ukraine và Hoa Kỳ tuyên bố rằng Bắc Hàn đã cung cấp cho Nga hỏa tiễn đạn đạo và số lượng lớn đạn pháo kể từ mùa thu năm 2023.

[Kyiv Independent: North Korea has sent 10,000 soldiers to Russia, Western source says]

5. Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh bình luận về việc Nga bắn hạ máy bay điều khiển từ xa mới nhất của mình, gọi đó là thất bại tốn kém và đáng xấu hổ

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh bình luận về việc Nga bắn hạ máy bay điều khiển từ xa mới nhất của mình, gọi đó là thất bại tốn kém và đáng xấu hổ

Nga đã bắn hạ máy bay điều khiển từ xa S-70 Okhotnik, nghĩa là Thợ Săn, mới nhất của mình, vốn đã được phát triển trong mười năm. Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh tin rằng người Nga chỉ đơn giản là mất quyền kiểm soát UAV và đó là một thất bại “đắt giá và đáng xấu hổ” trong quá trình phát triển vũ khí của Nga.

Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh hôm Thứ Ba, 15 Tháng Mười, cho biết

“Vào ngày 5 tháng 10, Nga đã bắn hạ máy bay điều khiển từ xa S-70 Okhotnik của chính mình khi nó bay về phía tây qua tiền tuyến ở Ukraine.”

Cơ quan tình báo Anh cho rằng Nga đã mất quyền kiểm soát UAV và quyết định phá hủy nó để ngăn nó rơi vào tay đối phương.

Cần lưu ý rằng S-70, do Sukhoi phát triển, đã được phát triển trong ít nhất một thập niên và đã được phát hiện trong các cuộc thử nghiệm tại căn cứ không quân Nga ở Akhtubinsk.

Vương Quốc Anh cho biết: “Có khả năng là Nga đã đợi đến phút cuối cùng trước khi quyết định tấn công để bắn hạ nó sau khi đã nỗ lực hết sức để đưa chiếc Okhotnik trở lại tầm kiểm soát. Điều này chứng minh thêm một thất bại tốn kém và đáng xấu hổ nữa trong quá trình phát triển vũ khí của Nga và gần như chắc chắn sẽ làm chậm trễ chương trình S-70”

Trước đó, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh đã báo cáo mức kỷ lục mới về tổn thất trung bình hàng ngày của lực lượng Nga tại Ukraine vào tháng 9 năm 2024, đánh dấu con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu.

[Ukrainska Pravda: UK Defence Intelligence comments on Russia downing its own latest drone, calling it expensive and embarrassing failure]

6. Zelenskiy công bố kế hoạch chiến thắng vào ngày 16 tháng 10: một phần sẽ chỉ được tiết lộ cho các nhà lãnh đạo quốc hội, nhà lập pháp hàng đầu cho biết

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã trình bày kế hoạch chiến thắng của mình trong bài phát biểu trước quốc hội vào ngày Thứ Tư, 16 Tháng Mười, đồng thời tiết lộ nhiều chi tiết nhạy cảm hơn cho các nhà lãnh đạo phe phái của cơ quan lập pháp.

Cho đến nay, giới lãnh đạo Ukraine chỉ tiết lộ một số điểm nhất định và phác thảo chung của kế hoạch năm bước, chứ chưa công bố đầy đủ.

Zelenskiy đã trình bày kế hoạch này với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Âu Châu nhằm nỗ lực giành được sự ủng hộ của quốc tế đối với những gì Kyiv gọi là con đường hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài.

Tuy nhiên, nhiều thông tin chi tiết hơn sẽ được tiết lộ cho các nhà lập pháp Ukraine và công chúng.

David Arakhamia, lãnh đạo nhóm nghị sĩ Nô bộc nhân dân của Zelenskiy, cho biết ông hy vọng chỉ một phần của kế hoạch sẽ được giải mật hoàn toàn trong phiên họp ngày 16 tháng 10.

“ Tôi nghĩ một phần sẽ được giải mật và phần còn lại sẽ được trình lên các nhà lãnh đạo của các nhóm trong Quốc Hội” Arakhamia cho biết trong bình luận với tờ Kyiv Independent.

Một khi một phần của kế hoạch được công bố tại quốc hội, nó sẽ được công chúng tiếp cận, nhà lập pháp nói thêm. Theo Arakhamia, đề xuất này không cần sự chấp thuận của cơ quan lập pháp.

Nhà khoa học chính trị người Ukraine Volodymyr Fesenko cho biết mục đích của bài thuyết trình trước quốc hội là cung cấp thông tin cho các nhà lập pháp và xã hội để phản ứng với “nhu cầu của công chúng”.

Các quan chức cao cấp đã tiết lộ một số phần của kế hoạch, cụ thể là những phần liên quan đến sự hỗ trợ về mặt quân sự và chính trị của phương Tây cho cuộc đấu tranh của Kyiv chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Các thành phần chính tập trung vào các lĩnh vực quân sự, ngoại giao và kinh tế, cũng như tái thiết sau chiến tranh. Các bước cụ thể bao gồm lời mời Ukraine gia nhập NATO. Cuộc xâm lược xuyên biên giới của Ukraine vào Kursk của Nga cũng đóng vai trò tạo áp lực lên Mạc Tư Khoa.

Cố vấn tổng thống Mykhailo Podolyak nói với tờ Wall Street Journal rằng đề xuất này bao gồm yêu cầu về số lượng lớn hơn các hỏa tiễn ATACMS và Storm Shadow cũng như quyền phóng chúng vào các mục tiêu quân sự ở Nga, một bước đi mà các cường quốc phương Tây vẫn còn do dự trong việc chấp thuận.

Fesenko cho biết thỏa thuận này có thể bao gồm cả viện trợ kinh tế và bảo đảm an ninh cho Ukraine cũng như tăng cường trừng phạt và gây sức ép ngoại giao đối với Nga.

Fesenko cho biết: “Mục đích của kế hoạch là củng cố vị thế của chúng ta và buộc Nga phải đồng ý đàm phán hòa bình thực tế và công bằng”, đồng thời nói thêm rằng kế hoạch này nhằm gây sức ép buộc Putin chấm dứt chiến tranh và tăng chi phí chiến tranh cho Nga.

Các đối tác phương Tây phần lớn vẫn giữ im lặng về ý kiến của họ đối với kế hoạch chiến thắng. Trong khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói một cách ngoại giao rằng đề xuất bao gồm “một số bước đi có hiệu quả”, một số đối tác “không ấn tượng” với kế hoạch, tờ Wall Street Journal đưa tin vào ngày 25 tháng 9.

Một số quan chức phương Tây tin rằng nó dựa quá nhiều vào nguồn cung cấp vũ khí bổ sung và dỡ bỏ các hạn chế về việc sử dụng chúng và không mang lại nhiều ý tưởng mới, tờ báo viết. Kyiv Independent không thể xác minh các tuyên bố.

Fesenko cho biết “còn quá sớm để đưa ra kết luận chết người” về phản ứng của phương Tây đối với kế hoạch chiến thắng.

Ông nói thêm rằng cho đến nay vẫn chưa có phản hồi tích cực hay tiêu cực nào từ phương Tây đối với yêu cầu của Ukraine về việc xin phép tấn công Nga bằng vũ khí tầm xa và trở thành thành viên NATO.

[Kyiv Independent: Zelensky unveiling victory plan on Oct. 16: part will be disclosed only to parliamentary leaders, top lawmaker says]

7. Latvia đã xây dựng 80% hàng rào biên giới với Nga trước thời hạn

Latvia hiện đã xây dựng 80% hàng rào trên biên giới với Nga. Đây là 222 trong tổng số 283 km chiều dài của biên giới.

Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Andris Sprūds cho biết như trên hôm Thứ Tư, 16 Tháng Mười,.

Khoảng 57 km hàng rào vẫn chưa được xây dựng, với khoảng một nửa trong số các công trình này dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. 28 km còn lại, nằm ở những khu vực khó khăn và không thể tiếp cận, sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 10 năm sau.

Ông Andris Sprūds cho biết việc xây dựng hàng rào và cơ sở hạ tầng đang tiến triển nhanh hơn dự kiến một chút.

Vào tháng 7, Latvia báo cáo rằng hàng rào biên giới Latvia-Belarus dài gần 145 km đã hoàn thành.

Biên giới phía đông của đất nước cũng đang được tăng cường về mặt quân sự; Bộ Quốc phòng trước đây đã báo cáo về việc tích trữ “răng rồng” và nhím chống tăng ở đó như một phần của Tuyến phòng thủ Baltic.

[Ukrainska Pravda: Latvia already built 80% of fence on border with Russia ahead of schedule]

1. Tổng công tố Ukraine cho biết số lượng tù binh chiến tranh Ukraine bị hành quyết tăng lên, đó là chính sách có chủ đích của Nga

Tổng công tố Andrii Kostin nhấn mạnh rằng những tội ác này không phải là những vụ việc riêng biệt mà là chính sách cố ý của Nga.

Kostin đưa ra lập trường trên trong một cuộc phỏng vấn với La Libre, một cơ quan truyền thông Bỉ, được trích dẫn bởi dịch vụ báo chí của Văn phòng Tổng công tố

Kostin cho biết số vụ hành quyết tù binh chiến tranh Ukraine do Nga thực hiện đã tăng lên vào năm 2024. Tra tấn và hành quyết tập thể được sử dụng như một vũ khí chiến tranh, đe dọa và giết người.

Kostin nhấn mạnh rằng những trường hợp này không phải là những sự việc riêng biệt, mà là một chính sách có tổ chức và có mục tiêu. Ví dụ, có một bản ghi âm về một sĩ quan Nga ra lệnh cho quân đội của mình không được bắt tù binh trên chiến trường mà phải giết chết những người lính Ukraine.

Tổng Công Tố Ukraine cho biết thêm rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành tư pháp là buộc Nga và giới lãnh đạo nước này phải chịu trách nhiệm về tội ác xâm lược, nếu không có tội ác này thì hơn 140.000 tội ác chiến tranh đã không xảy ra.

Kostin cho biết hầu hết tội phạm chiến tranh người Nga đều bị tòa án Ukraine kết án vắng mặt, nhưng phán quyết của tòa án có vai trò cơ bản trong quá trình khôi phục công lý và chữa lành vết thương cho những người đã phải chịu đau khổ.

Ông nói: “Điều tra tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột, tất nhiên, là vô cùng khó khăn. Chúng tôi ghi lại, điều tra và truy tố mọi tội ác do kẻ xâm lược gây ra tại tòa án quốc gia. Nhưng nhiệm vụ của chúng tôi còn đi xa hơn nhiều. Chúng tôi đang triển khai một phương pháp để truy tố các tội ác cụ thể hơn, chẳng hạn như bạo lực tình dục, tội ác chống lại trẻ em và tội ác về môi trường.

Điều quan trọng là phải đưa những kẻ chủ mưu của cuộc xâm lược này ra trước công lý – tổng thống, thủ tướng, các quan chức quân sự chủ chốt – và cho họ thấy rằng họ có thể phải chịu trách nhiệm, bất chấp những lỗ hổng trong luật pháp quốc tế. ICC không có thẩm quyền về vấn đề này, nhưng chúng tôi đang xây dựng một công thức pháp lý với khoảng 40 quốc gia trên thế giới.

Do đó, nếu Putin dám tham dự cuộc họp G20 ở Brazil, ông ta phải bị bắt giữ.

Việc từ chối thực hiện lệnh bắt giữ củng cố vị thế của Nga. Mọi hy vọng của chúng tôi hiện giờ đều dựa vào sự độc lập của ngành tư pháp Brazil.”

Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW chỉ ra sự gia tăng các vụ hành quyết tù binh chiến tranh Ukraine, điều này được các chỉ huy Nga dung túng và khuyến khích.

Vào ngày 13 tháng 10, Deepstate đưa tin rằng quân đội Nga đã hành quyết chín tù nhân chiến tranh Ukraine gần làng Zeleny Shlyakh, Tỉnh Kursk, vào ngày 10 tháng 10.

[Ukrainska Pravda: Number of executions of Ukrainian POWs increases, it is Russia's deliberate policy – Prosecutor General]

8. Những gì chúng ta biết về ‘kế hoạch chiến thắng’ mà Zelenskiy trình bày với Tổng thống Biden

Zelenskiy dự định tiết lộ kế hoạch chiến thắng cho các đồng minh phương Tây của Ukraine tại cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine tại căn cứ không quân Ramstein của Đức vào ngày 12 tháng 10, nhưng cuộc họp đã bị hủy sau khi Tổng thống Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm Joe Biden hủy chuyến công du nước ngoài do cơn bão Milton ở quê nhà. Trong khi tổng thống Hoa Kỳ sẽ thăm Đức vào ngày 18 tháng 10, vẫn chưa có ngày mới nào cho hội nghị thượng đỉnh Ramstein được ấn định.

Theo Fesenko, cuộc họp tại Ramstein có thể sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định chiến lược quan trọng nào vì “sự thiếu quyết đoán của Tổng thống Biden đã làm giảm giá trị” của các hội nghị thượng đỉnh.

Thời gian là yếu tố cốt yếu đối với Ukraine, khi chỉ còn ba tuần nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, nơi Phó Tổng thống của Tổng thống Biden Kamal Harris, với tư cách là ứng cử viên của Đảng Dân chủ, đang đối đầu với cựu tổng thống Donald Trump. Kết quả có thể tác động sâu sắc đến sự ủng hộ của Washington đối với Kyiv trong ngắn hạn và dài hạn.

Người ta lo ngại rằng nếu Ông Trump, ứng cử viên của đảng Cộng hòa, trở lại Tòa Bạch Ốc, ông có thể sẽ giảm bớt sự ủng hộ quan trọng của đất nước, buộc Ukraine phải đưa ra những nhượng bộ đau đớn.

Việc Hoa Kỳ rút lui sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã ảm đạm của Ukraine, khi lực lượng Nga tiếp tục tiến vào miền Đông, và quốc gia này, với khoảng 20% lãnh thổ bị lực lượng xâm lược của Nga chiếm đóng, đang chuẩn bị cho nhiều cuộc tấn công hơn vào ngành năng lượng trong mùa đông sắp tới.

“Vào tháng 10, tháng 11 và tháng 12, chúng ta có cơ hội thực sự để đưa mọi thứ hướng tới hòa bình và ổn định lâu dài. Tình hình trên chiến trường tạo ra cơ hội để đưa ra lựa chọn này — lựa chọn hành động quyết định để chấm dứt chiến tranh chậm nhất là vào năm 2025,” Zelenskiy phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Ukraine-Đông Nam Âu tuần trước.

[Kyiv Independent: What we know about the ‘victory plan’ Zelensky presented to Biden]

9. Tại sao Moldova từ chối chiếm lại Transnistria bằng vũ lực và thay vào đó họ có kế hoạch gì

Trong những năm gần đây, vấn đề Transnistria đã trở lại các cuộc thảo luận của các chuyên gia. Cái tên “Transnistria” đã xuất hiện thường xuyên hơn trên các phương tiện truyền thông toàn cầu.

Tuy nhiên, chính phủ Moldova cảm thấy có sự hiểu lầm giữa một số tác giả, chuyên gia và nhà báo về khái niệm và bản chất của “cuộc xung đột đóng băng” này. Để làm rõ tình hình, Phó Thủ tướng phụ trách Tái hòa nhập của Moldova, Oleg Serebrian và Dan Nicu từ Cục Chính sách Tái hòa nhập đã viết một bài báo chia sẻ quan điểm nội bộ của Moldova.

Transnistria (còn được gọi là Quận phía Đông của Cộng hòa Moldova hoặc Bờ trái sông Dniester) không có địa vị riêng biệt ở Liên Xô và bản sắc của vùng này đã thay đổi qua nhiều thế kỷ.

Vào năm 1940, bọn cầm quyền Liên Xô đã thành lập Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Moldavia và sáp nhập một dải đất ở bờ trái sông Dniester, nơi có đông người nói tiếng Rumani, vào lãnh thổ của mình.

Từ đó trở đi, năm quận ở bờ trái sông Dniester trở thành một phần của nước cộng hòa mà không có bất kỳ quy chế đặc biệt hay tự trị nào.

Ngay cả bây giờ, mặc dù 34 năm Chișinău không kiểm soát được khu vực này, mối quan hệ xã hội giữa hai bên bờ sông Dniester vẫn bền chặt. Người dân ở cả hai bờ không coi nhau là mối đe dọa. Họ duy trì mối quan hệ gia đình và xã hội.

Trong số khoảng 350.000 người sống ở Transnistria, hơn 90% có quốc tịch Moldova. Nhiều người được hưởng lợi từ các dịch vụ xã hội do chính quyền trung ương cung cấp.

Quan trọng nhất, bờ trái của Dniester vẫn là một phần của Moldova. Nó phải nỗ lực hết sức để đạt được sự tái hòa nhập hòa bình.

Từ năm 1992, Chișinău đã tham gia đối thoại với chính quyền Tiraspol không được công nhận, thông qua trung gian là Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu, gọi tắt là OSCE.

Moldova đã ủng hộ các định dạng đàm phán này trong nhiều năm. Mặc dù các cuộc họp 5+2 trở nên bất khả thi sau hành động xâm lược quân sự của Nga, định dạng 1+1 và các nhóm làm việc vẫn tiếp tục họp thường xuyên, vì phía Moldova tin rằng giải quyết xung đột một cách hòa bình là không thể nếu không có đối thoại.

Cam kết tái hòa nhập hòa bình của Moldova đang mang lại kết quả.

Moldova đã xoay xở để đưa bờ trái của Dniester vào các cuộc đàm phán với Liên Hiệp Âu Châu về Hiệp định Hiệp hội. Khu vực Transnistria, cùng với phần còn lại của đất nước, đã gia nhập khu vực thương mại tự do với Liên minh Âu Châu.

Điều này, cùng với chế độ miễn thị thực với Liên Hiệp Âu Châu, đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể cư dân Transnistria nộp đơn xin hộ chiếu Moldova. Hầu như tất cả các doanh nghiệp trong khu vực đã ghi danh với chính quyền Moldova, hợp pháp hóa các hoạt động của họ, bao gồm cả xuất khẩu.

Một lý do khác khiến Chișinău ủng hộ việc tái hòa nhập hòa bình là mong muốn duy trì sự ổn định chính trị ở Moldova. Các đảng phái chính trị thân Nga và các nhóm có ảnh hưởng tìm cách làm mất ổn định đất nước bằng cách phát tán thông tin sai lệch về cái gọi là “kế hoạch bí mật” của chính phủ Moldova nhằm tấn công Transnistria.

Moldova đã đưa đường lối hòa bình vào luật pháp của mình.

Nhiều hy vọng về sự tái hòa nhập thành công gắn liền với sự hội nhập Âu Châu. Chính quyền Moldova tin rằng việc cải thiện mức sống ở bờ phải sông Dniester có thể trở thành chất xúc tác cho sự hội nhập sâu hơn nữa ở bờ trái.

Nhìn về phía trước, Moldova đang tập trung vào việc tăng cường sự độc lập về năng lượng của mình. Ở bờ phải, nước này đã ngừng sử dụng khí đốt từ Gazprom. Hoạt động theo giá thị trường sẽ phá vỡ vòng luẩn quẩn mà chính quyền Tiraspol sử dụng để tài trợ cho chế độ tiếp tục chia cắt đất nước.

Ngoài ra, Chișinău đang hiện đại hóa và tăng cường lực lượng an ninh và quốc phòng.

[Ukrainska Pravda: Why Moldova refuses to retake Transnistria by force and what it plans instead]

10. Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan cảnh báo về sự gia tăng mệt mỏi của các đồng minh phương Tây đối với Ukraine

Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Elina Valtonen cảnh báo phương Tây đang mệt mỏi vì sự ủng hộ dành cho Ukraine, đồng thời kêu gọi quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc ủng hộ Kyiv, tờ Financial Times, đưa tin ngày Thứ Tư, 16 Tháng Mười.

“Điều đó là có thật. Và ngày càng có nhiều hơn thế,” Valtonen nói về sự mệt mỏi của phương Tây, nói rằng một số đối tác đang hy vọng giải quyết nhanh hơn.

Mối lo ngại về tương lai của sự ủng hộ của phương Tây gia tăng khi cuộc bầu cử không chắc chắn của Hoa Kỳ đang đến gần.

Theo nhà lãnh đạo bộ phận ngoại giao Phần Lan, cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông cũng đã làm mất sự chú ý và nguồn lực khỏi Ukraine.

Valtonen bình luận: “Tất nhiên, hai cuộc xung đột này có liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng đối với chúng tôi, người Âu Châu, điều quan trọng là phải nhận ra rằng nếu chúng tôi để Nga giành chiến thắng ở Ukraine, thì về cơ bản chúng tôi sẽ chấm dứt khả năng răn đe của mình”.

Các hoạt động thù địch ở Trung Đông ngày càng gia tăng khi Israel tiến hành các cuộc không kích nhằm vào nhóm chiến binh Hezbollah ở Li Băng trong khi chiến tranh vẫn tiếp tục diễn ra ở phía nam Gaza.

Hezbollah và Hamas, nhóm sau đã phát động một cuộc tấn công vào Israel vào tháng 10 năm ngoái, được Iran hậu thuẫn. Đổi lại, Tehran đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Nga trong vài năm qua, cung cấp cho Mạc Tư Khoa máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn để chiến tranh chống lại Ukraine.

Trước áp lực kinh tế và xã hội ngày càng gia tăng của chiến tranh và quyết tâm suy yếu của các đồng minh, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã kêu gọi một “hành động quyết đoán” từ các đối tác quốc tế để chấm dứt chiến tranh vào năm 2025.

Tổng thống đang cố gắng huy động sự ủng hộ của quốc tế cho kế hoạch chiến thắng của đất nước mình, kế hoạch này đã được trình lên các nhà lãnh đạo phương Tây và sẽ được công bố một phần cho công chúng vào ngày 16 tháng 10.

[Kyiv Independent: Finnish FM warns about growing Ukraine fatigue among Western allies]
 
Bắc Hàn tham chiến: Phản ứng của Anh, Mỹ và NATO. Răng rồng bí mật xuất hiện, Nga thiệt hại nặng
VietCatholic Media
14:55 16/10/2024


1. ‘Mức độ tuyệt vọng mới’ — Hoa Kỳ ‘lo ngại’ trước các báo cáo về việc binh lính Bắc Hàn gia nhập Nga ở Ukraine

Hôm Thứ Tư, 16 Tháng Mười, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết Washington “lo ngại” trước các báo cáo gần đây rằng Bình Nhưỡng đã cử quân lính của mình tham gia lực lượng xâm lược của Nga tại Ukraine.

Tướng Kirby cho biết: “Động thái như vậy cũng cho thấy mức độ tuyệt vọng mới của Nga khi nước này tiếp tục phải chịu thương vong đáng kể trên chiến trường trong cuộc chiến tàn khốc với Ukraine”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy gần đây đã cáo buộc Bắc Hàn cử nhân sự tới hỗ trợ Nga và cho biết Mạc Tư Khoa có kế hoạch “thực sự lôi kéo” Bình Nhưỡng vào cuộc chiến trong những tháng tới.

Trong khi Điện Cẩm Linh phủ nhận các báo cáo, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự hợp tác Nga-Bắc Hàn đã đạt đến một tầm cao mới. Một nhà ngoại giao phương Tây am hiểu vấn đề này đã nói với tờ Kyiv Independent vào ngày 15 tháng 10 rằng Bình Nhưỡng đã gửi 10.000 binh lính đến Nga, tham gia trước hết trong cuộc chiến tại tỉnh Kursk của Nga.

Hai nước đã tăng cường quan hệ quân sự trong suốt cuộc chiến toàn diện, với việc Putin và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân ký thỏa thuận đối tác chiến lược vào tháng 6.

Trước đây, Bắc Hàn đã cung cấp cho lực lượng Nga đạn pháo và hỏa tiễn đạn đạo, cả hai đều được triển khai rộng rãi chống lại quân đội và thành phố của Ukraine.

Tướng Kirby bình luận rằng việc chuyển giao binh lính sẽ đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong quan hệ quốc phòng Nga-Bắc Hàn.

[Kyiv Independent: 'New level of desperation' — US 'concerned' by reports of North Korean soldiers joining Russia in Ukraine]

2. Bí ẩn ‘Răng rồng’ ở tỉnh Kursk của Nga bị đổ lỗi cho những kẻ phá hoại

Theo báo cáo, những người lính Mạc Tư Khoa đang cố gắng chạy trốn khỏi máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã bị kẹt trong các chướng ngại vật chống tăng xuất hiện ở khu vực Kursk của Nga.

Người dùng mạng xã hội đã ghi nhận sự xuất hiện không rõ nguyên nhân của cái gọi là “răng rồng” trên các con đường ở khu vực Kursk của Nga, nơi lực lượng Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công vào ngày 6 tháng 8, trong đó Kyiv tuyên bố đã chiếm được 1.300 vuông.

Người ta cho rằng những chướng ngại vật này do những “kẻ phá hoại” tạo ra.

Các chướng ngại vật chống tăng hình kim tự tháp bằng bê tông cốt thép làm chậm xe tăng và bộ binh cơ giới và là một đặc điểm chung của cuộc chiến ở Ukraine.

Lithuania cho biết họ đã lắp đặt răng rồng bên cạnh vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga trong biện pháp mới nhất được một thành viên NATO thực hiện để giải quyết rủi ro an ninh do Mạc Tư Khoa gây ra.

Nhưng các kênh Telegram lưu ý rằng các chướng ngại vật ở khu vực Kursk đã được đặt vào ban đêm ở phía biên giới của Nga, trên những con đường mà quân đội Mạc Tư Khoa thường sử dụng.

Những người “không rõ danh tính” đã đặt răng rồng ở phía sau, “trên các tuyến đường di tản mà xe hơi lao đi để tránh các máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất với tốc độ 150 km/h”.

Bài đăng hôm Thứ Ba, 15 Tháng Mười, cho biết rằng “hơn 40 người đã tử vong chỉ trong một ngày” và có nhiều vụ tai nạn liên quan đến chướng ngại vật trong một giờ hơn là các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa trong một tuần.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine để xin bình luận.

Trong bài đăng tiếp theo, kênh này cho biết “lực lượng tình báo quân sự sẽ sớm tìm ra những kẻ phá hoại và chỉ huy”.

Tài khoản X, War is Translated, đã đăng tải cách những người dùng Telegram khác mô tả mối nguy hiểm và sự thất vọng đang gia tăng trong quân đội Nga.

“Tôi đang lái xe trở về và suýt đâm vào chúng. Không muốn mạo hiểm đi qua các cánh đồng trong bóng tối, vì vậy tôi đã đi trên đường cái. Tôi đã tránh được nhóm răng rồng thứ hai một cách khó khăn”, một nhân chứng cho biết.

Người ta vẫn chưa rõ ai đã đặt những chướng ngại vật này nhưng đã có một loạt các vụ tấn công phá hoại được báo cáo gây cản trở quân đội Nga.

Tháng trước, phong trào kháng chiến Atesh cho biết họ đã cho nổ tung một tuyến hỏa xa được sử dụng để cung cấp thiết bị và đạn dược cho lực lượng Nga trên mặt trận Kursk, Ukrinform đưa tin.

“Trong khi một số người đổ lỗi cho các nhóm phá hoại, rõ ràng là những chướng ngại vật lớn như vậy không thể được tạo ra chỉ bằng tay”, War is Translated cho biết thêm, đồng thời đăng tải hình ảnh một chiếc xe hơi bị hư hỏng đã đâm vào chướng ngại vật ở quận Rylsk của khu vực này.

Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh có báo cáo rằng lực lượng Nga đã chiếm lại khoảng một phần tư lãnh thổ mà Ukraine đã chiếm giữ trong cuộc tấn công táo bạo vào khu vực của Nga, diễn ra vào ngày 6 tháng 8.

Kênh tình báo nguồn mở Telegram của Ukraine là DeepState đưa tin quân đội Nga đã tiếp tục cuộc phản công ở khu vực này trong ngày thứ năm liên tiếp vào thứ Hai, chiếm lại được khoảng 46 dặm vuông.

Kyiv cho biết Nga đã triển khai 50.000 quân tới khu vực này, cách xa tiền tuyến ở Ukraine.

[Newsweek: Mystery 'Dragon's Teeth' in Russia's Kursk Blamed on Saboteurs]

3. Tổng thư ký Rutte cho biết NATO sẽ làm những gì cần thiết để Ukraine chiến thắng

Tổng thư ký Mark Rutte cho biết trong bài bình luận hôm Thứ Tư, 16 Tháng Mười, rằng NATO sẽ không lùi bước trước các mối đe dọa từ Nga và sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine.

“Thông điệp gửi tới Putin là chúng tôi sẽ tiếp tục, rằng chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để bảo đảm rằng ông ta sẽ không đạt được mục đích của mình, rằng Ukraine sẽ chiến thắng”, Rutte phát biểu trong một cuộc phỏng vấn chung với Reuters và đài phát thanh Đức Hessischer Rundfunk.

Tổng thư ký NATO đã đưa ra những bình luận này trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới phái bộ đồng minh tại Ukraine ở Wiesbaden, Đức. Phái bộ này có tên là NATO Security Assistance and Training for Ukraine, gọi tắt là NSATU, có nhiệm vụ tiếp quản việc điều phối viện trợ của phương Tây cho Kyiv.

Theo Reuters, cơ quan này được coi rộng rãi là một cách để bảo vệ viện trợ trong trường hợp có sự thay đổi hàng lãnh đạo tại Hoa Kỳ. Dưới thời Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Washington là người lãnh đạo liên minh ủng hộ Kyiv, cung cấp khối lượng thiết bị quân sự lớn nhất từ trước đến nay.

“Chúng tôi là NATO. Chúng tôi là một liên minh phòng thủ... Chúng tôi không quan tâm đến việc chiếm giữ bất kỳ phần nào của bất kỳ quốc gia nào khác bên ngoài lãnh thổ NATO,” Rutte bình luận.

“Là liên minh dân chủ, liên minh quân sự mạnh nhất trong lịch sử thế giới, phục vụ 1 tỷ người, chúng tôi sẵn sàng đối đầu với bất kỳ mối đe dọa nào. Chúng tôi sẽ không bao giờ bị đối phương của mình đe dọa.”

[Kyiv Independent: NATO will do what's necessary for Ukraine to prevail, Secretary General Rutte says]

4. Tổng Tư Lệnh Ukraine, Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, cho biết Anh đang chuẩn bị các đề xuất cho kế hoạch chiến thắng của Ukraine

Vương quốc Anh đang xây dựng các đề xuất riêng của mình như một phần trong kế hoạch chiến thắng của Ukraine, Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi cho biết hôm Thứ Tư, 16 Tháng Mười, sau cuộc điện đàm với Tổng Tham Mưu Trưởng Vương Quốc Anh.

Sau cuộc trò chuyện với Tổng tham mưu trưởng Quốc phòng Anh Tony Radakin, Syrskyi cho biết họ đã thảo luận về khả năng tấn công các mục tiêu quân sự của Nga “ở chiều sâu chiến lược và hoạt động”.

Tin tức này xuất hiện vài giờ trước khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy dự kiến trình bày kế hoạch chiến thắng trong bài phát biểu trước quốc hội. Các chi tiết nhạy cảm hơn dự kiến sẽ chỉ được tiết lộ cho các nhà lãnh đạo quốc hội, lãnh đạo quốc hội của đảng cầm quyền, David Arakhamia, nói với tờ Kyiv Independent.

Zelenskiy cũng được mời trình bày kế hoạch của mình tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu tuần này. Ông đã tiết lộ kế hoạch này với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các đối tác quan trọng khác, bao gồm Thủ tướng Anh Keir Starmer.

“Cung cấp thiết bị và vũ khí quân sự, đào tạo nhân sự, cũng như tăng hiệu quả sử dụng các phương tiện hủy diệt công nghệ cao là những trụ cột chính trong hợp tác quân sự giữa Ukraine và Anh”, Syrskyi nói thêm.

Các quan chức cao cấp đã tiết lộ một số phần của kế hoạch, cụ thể là những phần liên quan đến sự hỗ trợ về mặt quân sự và chính trị của phương Tây cho cuộc đấu tranh của Kyiv chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Các thành phần chính tập trung vào các lĩnh vực quân sự, ngoại giao và kinh tế, cũng như tái thiết sau chiến tranh. Các bước cụ thể bao gồm lời mời Ukraine gia nhập NATO. Cuộc xâm lược xuyên biên giới của Ukraine vào Kursk của Nga cũng đóng vai trò tạo áp lực lên Mạc Tư Khoa.

[Kyiv Independent: UK preparing suggestions to Ukraine's victory plan, Syrskyi says]

5. Thụy Điển tăng chi tiêu quốc phòng để ứng phó với ‘tình hình thời chiến’

Hôm thứ Ba, Thụy Điển đã trình dự luật quốc phòng tăng chi tiêu quân sự lên 2,4 phần trăm GDP vào năm tới và thậm chí còn cao hơn thế nữa — một phản ứng trước mối đe dọa từ Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Pål Jonson nói với tờ POLITICO.

“Không thể loại trừ nguy cơ bị tấn công”, Jonson nói. “Nga là mối đe dọa chính đối với Thụy Điển và là mối đe dọa đối với toàn bộ liên minh NATO”.

“Hiện tại, quyền tự do hoạt động của Nga bị hạn chế vì lực lượng bộ binh của nước này đang sa lầy trên chiến trường ở Ukraine, nhưng chúng tôi lưu ý rằng Nga sẵn sàng chấp nhận những rủi ro lớn về quân sự và chính trị”, ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Chi tiêu quốc phòng vào năm tới sẽ tăng 10 phần trăm — một phần của động thái thúc đẩy dài hạn.

Nước này có kế hoạch chi tiêu quân sự bổ sung là 170 tỷ krona, hay 15 tỷ euro, cộng với 35,7 tỷ krona cho quốc phòng dân sự đến năm 2030 — ngoài ngân sách hiện tại. Điều đó sẽ đưa ngân sách quốc phòng của Thụy Điển lên mức 2,6 phần trăm GDP vào năm 2028, cao hơn nhiều so với mục tiêu của NATO là ít nhất 2 phần trăm.

Việc tăng chi tiêu cho quân sự và quốc phòng dân sự là sự quay trở lại với trọng tâm của những năm 1980 là chuẩn bị cho mọi tình huống — tuy nhiên, tính đến năm ngoái, Thụy Điển là thành viên của NATO mặc dù trong thời kỳ căng thẳng với Liên Xô, nước này về mặt kỹ thuật vẫn trung lập.

“Chúng tôi đã có một lực lượng phòng thủ dân sự mạnh mẽ trong Chiến tranh Lạnh,” Jonson nói. “Sau năm 2015, chúng tôi đã tái kích hoạt [nó], và trong dự luật phòng thủ này, chúng tôi đưa ra các biện pháp kinh tế cần thiết để làm cho nó đáng tin cậy.”

Ông cho biết mục tiêu là giúp người Thụy Điển có thể giải quyết được “tình huống thời chiến”.

Jonson cho biết để bảo đảm Thụy Điển, quốc gia có đường bờ biển dài gần 3.300 km và vùng Bắc Cực thưa dân, không phải là “mục tiêu hấp dẫn” đối với Mạc Tư Khoa, cần phải củng cố mọi thứ, từ mạng lưới điện và giao thông đến hệ thống chăm sóc sức khỏe và tài chính của quốc gia này.

Ông nói: “Quân sự và quốc phòng là hai mặt của một đồng xu”.

Về mặt quân sự, tiền đang được đổ vào mọi thứ, từ xe thiết giáp đến năng lực hỏa tiễn bờ biển mới, pháo phản lực, ba máy bay trinh sát S106 Globaleye, trực thăng đa dụng Black Hawk HK16 và chiến đấu cơ Gripen 39E mới nhất do Saab chế tạo.

Năm tàu hộ tống lớp Visby sẽ được nâng cấp, trong khi hải quân sẽ mua ba tàu chiến mặt nước lớp Luleå.

Số lượng lính nghĩa vụ hàng năm sẽ tăng lên 10.000 vào năm 2030 và quy mô quân đội nói chung sẽ tăng thêm khoảng 27.000 nam và nữ lên khoảng 115.000. Bốn lữ đoàn mới sẽ được thành lập vào năm 2030.

Jonson cho biết: “Đã có nhiều thập niên đầu tư không đủ”. “Việc chia sẻ gánh nặng phải trở nên bình đẳng hơn giữa Mỹ và Âu Châu”.

[Politico: Sweden boosts defense spending to handle a ‘wartime situation’]

6. Quân đội Bắc Hàn đào ngũ khỏi tiền tuyến Ukraine chỉ vài giờ sau khi đến nơi

Khoảng 18 binh lính Bắc Hàn được cho là đã đào ngũ khỏi tiền tuyến của Nga và các chiến binh Điện Cẩm Linh được cho là đang tìm kiếm họ.

Đài Phát thanh Công cộng Suspilne Ukraine đưa tin, quân đội Bắc Hàn được bố trí tại các tỉnh Kursk và Bryansk của Nga, cách biên giới với Ukraine khoảng 7km, thì đào ngũ.

Các quan chức tình báo Ukraine cho biết quân đội Nga hiện đang truy tìm những người lính Bắc Hàn nhưng họ đã được an toàn trong tay quân Ukraine.

Thông tin này xuất hiện sau khi có báo cáo cho biết Mạc Tư Khoa đang có kế hoạch tập hợp một tiểu đoàn gồm các công dân Bắc Hàn để giúp đẩy lùi lực lượng Ukraine ra khỏi Kursk.

Yonhap trích dẫn Đại Sứ Nam Hàn tại Kyiv Kim Hanh Thái (Kim Hyung-tae, 김형태) cho biết các sĩ quan và binh lính Bắc Hàn này không nói được một thứ tiếng nào khác ngoài tiếng Triều Tiên là tiếng mẹ đẻ của họ. Nguyện vọng của họ dường như là muốn được tị nạn tại Nam Hàn.

[Newsweek: North Korean Troops Deserting Ukraine Frontline Hours after Arrival: Report]

7. Cảnh sát cho biết: Làn sóng đe dọa đánh bom đã được chứng minh là sai, hầu hết đến từ các địa chỉ IP của Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Tư, 16 Tháng Mười, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết cảnh sát đã xem xét hơn 2.000 tin nhắn đe dọa đánh bom được gửi đi trên khắp Ukraine và mở cuộc điều tra toàn diện.

Hàng trăm trường học, doanh nghiệp, đại sứ quán, tòa nhà hành chính và cơ quan truyền thông của Ukraine, bao gồm cả tờ Kyiv Independent, đã nhận được lời đe dọa đánh bom qua email vào ngày 14 tháng 10, khiến các cơ quan nhà nước phải di tản.

Sau khi điều tra vụ việc, cảnh sát cho biết tất cả các mối đe dọa đều là sai sự thật. Phần lớn các tin nhắn được cho là đến từ các địa chỉ IP của Nga.

“Những thông điệp như vậy phù hợp với phong cách của các cơ quan tình báo Nga, những kẻ đang tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại Ukraine, cố gắng gây ra sự hoảng loạn hàng loạt và làm kiệt quệ các cơ quan nhà nước và thực thi pháp luật”, cô cho biết.

Những lời đe dọa này dường như có liên quan đến cuộc điều tra gần đây do Đài phát thanh Âu Châu Tự do/Đài phát thanh Tự do (RFE/RL) tiến hành về những nỗ lực phá hoại của các cơ quan an ninh Nga tại Ukraine.

Người gửi tự nhận là đại diện cho một “nhóm khủng bố” và nói rằng ba nhà báo điều tra của RFE/RL nên tự coi mình là người chịu trách nhiệm cho vụ tấn công. Tên của nhóm trùng với tên của một kênh Telegram chống Ukraine phát tán lời kêu gọi đốt xe hơi của quân nhân Ukraine.

Dự án điều tra Schemes của RFE/RL đã công bố một báo cáo vào ngày 10 tháng 10, ghi lại cách các cơ quan an ninh Nga tuyển dụng người Ukraine, bao gồm cả trẻ vị thành niên, để đốt xe hơi của quân nhân và viên chức nhập ngũ.

Các nhà báo viết báo cáo này chính là những người được nêu tên trong email đe dọa.

“Chúng tôi sẽ không bị đe dọa và ủng hộ các phóng viên của mình, những người sẽ tiếp tục đưa tin đến với khán giả Ukraine mà không sợ hãi hay thiên vị”, Chủ tịch RFE/RL Stephen Capus cho biết.

Capus cam kết sẽ hợp tác với chính quyền trong cuộc điều tra.

[Kyiv Independent: Wave of bomb threats proven false, most came from Russian IP addresses, police say]

8. Hoa Kỳ giải thích lý do tại sao họ không bắn hạ hỏa tiễn ở Ukraine như ở Israel

Hoa Kỳ sẽ không triển khai hệ thống đánh chặn hỏa tiễn tầm trung THAAD gần Ukraine để bắn hạ hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa của Nga như họ đã làm với Israel, vì chiến tranh Nga-Ukraine và chiến tranh ở Trung Đông là khác nhau.

Phụ tá phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài Sabrina Singh cho biết như trên hôm Thứ Tư, 16 Tháng Mười.

Singh nhấn mạnh rằng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Israel và Ukraine trong việc đáp ứng các nhu cầu quốc phòng của họ.

Đồng thời, trả lời lý do tại sao Hoa Kỳ triển khai hệ thống THAAD ở Israel để bảo vệ chống lại hỏa tiễn đạn đạo của Iran nhưng không phải ở các nước NATO để bảo vệ miền tây Ukraine khỏi các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ lưu ý rằng đây là hai tình huống khác nhau.

“Năng lực khác nhau, chiến tranh khác nhau, khu vực khác nhau. Các cam kết đối với Israel và Ukraine cũng khác nhau,” Singh nói.

Vào ngày 1 tháng 10, Iran đã phóng khoảng 200 hỏa tiễn đạn đạo về phía Israel để đáp trả vụ ám sát các nhà lãnh đạo phiến quân được Tehran hậu thuẫn ở Li Băng.

Sau đó, Tòa Bạch Ốc tuyên bố Tehran sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu tấn công hỏa tiễn quy mô lớn vào Israel.

Vào ngày 15 tháng 10, tờ Washington Post đưa tin rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói với chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden rằng ông sẵn sàng tấn công các cơ sở quân sự thay vì các cơ sở dầu mỏ hoặc hạt nhân ở Iran.

[Ukrainska Pravda: US explains why it is not shooting down missiles over Ukraine as it does over Israel]

9. Người dân Ukraine ủng hộ luật cấm các tổ chức tôn giáo có liên hệ với Giáo hội Chính thống giáo Nga

Người dân Ukraine ủng hộ luật cấm các tổ chức tôn giáo có liên hệ với Giáo hội Chính thống giáo Nga

Phần lớn người dân Ukraine ủng hộ luật mới được thông qua, trong đó cấm các hoạt động của các tổ chức tôn giáo có liên hệ với Giáo hội Chính thống giáo Nga.

Một cuộc khảo sát của Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv, gọi tắt là KIIS được tiến hành từ ngày 20 tháng 9 đến ngày 3 tháng 10 đã đưa ra kết luận trên.

Các nhà xã hội học cho biết từ cuộc khảo sát rằng: “Phần lớn người dân Ukraine – 80% – ủng hộ việc thông qua luật này. Mười sáu phần trăm không ủng hộ, và 4% khác vẫn chưa quyết định.”

Verkhovna Rada hay Quốc hội Ukraine đã thông qua một đạo luật cho phép cấm các hoạt động của các tổ chức tôn giáo có liên quan và phụ thuộc vào Nga sau một thời gian nhất định. KIIS lưu ý rằng ở hầu hết các vùng, phần lớn người dân Ukraine đều ủng hộ luật này (từ 71% ở phía đông đến 83% ở phía tây).

Nghiên cứu đã sử dụng các cuộc phỏng vấn qua điện thoại với một mẫu ngẫu nhiên các số điện thoại di động để phỏng vấn 1.001 người trả lời từ 18 tuổi trở lên đang sống trên lãnh thổ do chính quyền Ukraine kiểm soát. Mẫu không bao gồm cư dân của các lãnh thổ tạm thời không do chính quyền Ukraine kiểm soát (mặc dù một số người trả lời là những người phải di dời khỏi lãnh thổ bị Nga tạm chiếm), cũng như không thực hiện khảo sát với những người đã rời khỏi đất nước sau ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Chính phủ đã ghi danh dự thảo luật số 8371 tại Verkhovna Rada vào Tháng Giêng năm 2023 về lệnh cấm các tổ chức tôn giáo tại Ukraine, có thể dẫn đến lệnh cấm đối với Giáo hội Chính thống giáo Ukraine có liên kết với Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa.

Vào ngày 20 tháng 8 năm 2024, Verkhovna Rada đã thông qua toàn bộ dự luật cấm các hoạt động của các tổ chức tôn giáo có liên hệ với Nga tại Ukraine, điều này có thể khiến UOC-MP không thể hoạt động.

Luật có hiệu lực từ ngày 23 tháng 9 năm 2024.

[Ukrainska Pravda: Ukrainians in favour of law banning religious organisations linked to Russian Orthodox Church]

10. Độc tài Nicaragua nói Zelenskiy và Netanyahu là sản phẩm của Hitler và quỷ dữ

Nhà lãnh đạo độc tài của Nicaragua đã gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là con của quỷ dữ và Hitler trong một bài phát biểu lan man.

Theo truyền thông Nicaragua, Tổng thống Daniel Ortega đã đưa ra bình luận này trong bài phát biểu trên truyền hình tại một sự kiện tôn vinh lực lượng cảnh sát của đất nước.

“Chính phủ Israel do một thủ tướng là con trai của quỷ dữ lãnh đạo. Tại sao? Bởi vì ông ta đang theo đuổi chính sách khủng bố và ông ta là Adolf Hitler,” Ortega nói.

“Thủ tướng Israel là Hitler… giống như tổng thống Ukraine là một tên Quốc xã khác, một đứa con khác của Hitler, muốn lôi kéo NATO vào cuộc chiến chống lại Liên bang Nga,” ông nói thêm.

Zelenskiy là người Do Thái và đã nói rằng ba người anh em của ông nội ông đã bị giết trong cuộc diệt chủng Holocaust do Đức Quốc xã của Hitler gây ra. Điện Cẩm Linh đã thúc đẩy câu chuyện rằng Ukraine bị nhồi nhét bởi Đức Quốc xã nhằm biện minh cho cuộc chiến tranh toàn diện của mình. Netanyahu cũng là người Do Thái.

Ortega đã nắm quyền từ năm 2007 và được nhiều người coi là một tên độc tài tàn bạo, bỏ tù các đối thủ chính trị và những người chỉ trích hắn ta và nắm quyền kiểm soát các thể chế nhà nước.

Nicaragua có mối quan hệ chặt chẽ với Mạc Tư Khoa kể từ Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô ủng hộ việc lật đổ chế độ của quốc gia Trung Mỹ này vào năm 1979 bởi phiến quân cánh tả do Ortega lãnh đạo.

Nicaragua từ lâu cũng ủng hộ người Palestine và là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận nhà nước Palestine vào năm 1988. Chính quyền Managua đã chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel vào tuần trước, gọi chính phủ của Netanyahu là “phát xít” và “diệt chủng”.

Đầu năm nay, Nicaragua cũng đã khởi kiện Đức tại Tòa án Công lý Quốc tế, gọi tắt là ICJ nhằm ngăn chặn Berlin cung cấp vũ khí cho Israel trong cuộc chiến ở Gaza. Vào tháng 4, ICJ đã bác bỏ vụ kiện — mà Nicaragua đã đưa ra tòa dưới áp lực từ Mạc Tư Khoa, các quan chức tình báo và nhà ngoại giao phương Tây nói với POLITICO.

[Politico: Zelenskyy and Netanyahu are spawn of Hitler and the devil, Nicaraguan leader says]

11. Tổng thống Biden sẽ gặp ba nhà lãnh đạo Âu Châu trong chuyến thăm Đức

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang lên kế hoạch tới Đức để gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Berlin.

Phát ngôn nhân chính phủ Đức Wolfgang Büchner gần đây đã xác nhận rằng Tổng thống Biden dự kiến sẽ đến Đức vào cuối tuần này.

Tổng thống Biden được cho là sẽ chủ trì cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (còn được gọi là định dạng Ramstein) vào ngày 12 tháng 10.

Tuy nhiên, ông đã hủy chuyến đi đến Âu Châu do cơn bão Milton đang tiến gần bờ biển Florida. Sau đó, người ta biết rằng cuộc họp theo định dạng Ramstein đã bị hoãn lại đến một ngày chưa xác định.

[Ukrainska Pravda: Biden to meet with three European leaders during visit to Germany – CNN]

12. Macron cảnh báo Netanyahu rằng ông ‘không được quên’ Israel được thành lập theo quyết định của Liên Hiệp Quốc

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không nên “phớt lờ các quyết định của Liên Hiệp Quốc” trong cuộc họp hàng tuần với các bộ trưởng của ông vào hôm Thứ Ba, 15 Tháng Mười, theo các báo cáo của phương tiện truyền thông Pháp và được một người tham dự cuộc họp xác nhận.

“Ông Netanyahu không được quên rằng đất nước của ông được thành lập theo quyết định của Liên Hiệp Quốc”, ông được trích dẫn lời nói, ám chỉ đến cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 11 năm 1947 chấm dứt quyền ủy trị của Anh đối với Palestine và chia vùng đất này thành một nhà nước Do Thái và một nhà nước Ả Rập.

Macron và Netanyahu đã liên tục chỉ trích lẫn nhau trong những ngày gần đây vì lo ngại xung đột giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah sẽ leo thang, có nguy cơ nhấn chìm Li Băng và dân thường nước này.

Tổng thống Pháp gần đây đã kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí cho Israel trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Pháp, điều này đã gây ra phản ứng giận dữ từ thủ tướng Israel khi ông tuyên bố tổng thống Pháp là “đáng xấu hổ”.

Lời kêu gọi của Macron không được bỏ qua các quyết định của Liên Hiệp Quốc ám chỉ đến tình hình ở miền Nam Li Băng và vụ nổ súng của Israel nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, mà 40 quốc gia đã lên án trong một tuyên bố hôm thứ Bảy. Paris đã triệu tập đại sứ Israel tại Pháp sau một vụ việc khiến hai nhân viên Liên Hiệp Quốc bị thương ở miền Nam Li Băng.

Hôm Thứ Ba, 15 Tháng Mười, Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu đã nhắc lại những cảnh báo này từ Pháp, nói với một nhà báo rằng việc Israel không tôn trọng các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc là một “vấn đề”.

“Đó là một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đã thành lập Israel, một trong những quốc gia đầu tiên,” ông phát biểu trên truyền hình Pháp.

[Politico: Macron warns Netanyahu he ‘must not forget’ Israel was created by UN decision]

13. Meloni của Ý sẽ đến thăm Li Băng sau khi Israel tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni hôm thứ Ba tuyên bố bà sẽ tới Li Băng trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại nước này.

Trong bài phát biểu trước Thượng viện Ý, Meloni lên án các cuộc tấn công gần đây của Israel vào lực lượng quốc tế tại Li Băng. Ý là nước đóng góp quân lớn nhất của Âu Châu cho các lực lượng này, và Bộ trưởng Ngoại giao Antonio Tajani cho biết họ sẽ vẫn ở lại khu vực này bất chấp các cuộc tấn công vào lực lượng gìn giữ hòa bình.

“Tôi đã có lịch trình tới Li Băng, và Bộ trưởng Tajani đang chuẩn bị tới Israel và Palestine vào tuần tới”, Meloni cho biết.

Năm lính gìn giữ hòa bình của phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Li Băng, được gọi là UNIFIL, đã bị thương trong các cuộc tấn công kể từ khi Israel phát động cuộc tấn công trên bộ nhằm vào nhóm chiến binh Hezbollah vào đầu tháng này.

Ý có 1.000 quân được triển khai trong UNIFIL và một phái bộ riêng biệt gọi là MIBIL, nơi huấn luyện quân đội địa phương, khiến nước này trở thành nước đóng góp lớn thứ hai sau Indonesia.

Meloni phát biểu trước Thượng viện: “Ngay cả khi không có thương vong hay thiệt hại lớn, tôi vẫn cho rằng cuộc tấn công của Israel vào UNIFIL không thể được coi là chấp nhận được”.

Bà cho biết: “Chúng tôi tin rằng thái độ của lực lượng Israel là hoàn toàn vô lý”, đồng thời gọi đó là “hành vi vi phạm trắng trợn Nghị quyết 1701 của Liên Hiệp Quốc”, nhằm mục đích chấm dứt tình trạng thù địch giữa Hezbollah và Israel.

Meloni tái khẳng định sự ủng hộ của bà đối với quyền được sống trong hòa bình và an ninh của Israel, nhưng nhấn mạnh rằng điều đó phải được thực thi theo luật nhân đạo quốc tế. Bà cho biết Ý đã phê duyệt khoản tài trợ mới trị giá 17 triệu euro để giúp đỡ người dân Li Băng phải di dời kể từ khi xung đột leo thang.

hôm thứ Bảy, 40 quốc gia đóng góp cho UNIFIL đã lên án các cuộc tấn công gần đây của Israel vào phái bộ này và kêu gọi điều tra các sự cố.

“Hãy tránh xa những người lính Ý, họ không phải là chiến binh Hezbollah,” Tajani phát biểu vào thứ Bảy.

Văn phòng của Meloni không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về thời điểm chuyến thăm sẽ diễn ra.

[Politico: Italy’s Meloni to visit Lebanon after Israeli attacks on UN peacekeepers]
 
Hậu vận không tốt cho kẻ chế nhạo bí tích Thánh Thể. Tổng Giám Mục Ukraine triều yết Đức Thánh Cha.
VietCatholic Media
19:35 16/10/2024


1. Nhiều Giáo Xứ Florida, Cơ Sở Mục Vụ Bị Thiệt Hại Do Bão Milton

Theo Giáo phận St. Petersburg - bao gồm phần lớn khu vực Tampa - và Giáo phận Venice ở phía nam, nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của cơn bão, các giáo xứ Công Giáo, trung tâm hỗ trợ thai sản bảo vệ sự sống và các mục vụ khác ở Florida đã bị thiệt hại sau cơn bão Milton.

Bão Milton, một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận ở Vịnh Mexico, đã đổ bộ vào đất liền vào đêm thứ Tư, cách Tampa khoảng 70 dặm về phía nam, gần Sarasota, với cường độ bão cấp 3. Các nhà chức trách đã ra lệnh di tản quy mô lớn ở bờ biển phía tây Florida trong những ngày gần đây khi bão Milton nhanh chóng mạnh lên.

Bất chấp nỗi lo sợ rằng Milton sẽ tàn phá khu vực Tampa Bay đông dân cư — trong đó có Giáo phận St. Petersburg — khu vực này phần lớn đã tránh được bão lớn nhưng phải chịu thiệt hại do gió, mưa xối xả và lũ lụt, ngay cả khi người dân đang phải vật lộn để phục hồi sau những ảnh hưởng gần đây của cơn bão Helene.

Ít nhất 12 người được xác nhận đã chết ở Florida, bao gồm sáu người ở phía Đại Tây Dương của tiểu bang, nơi chứng kiến nhiều cơn lốc xoáy đổ bộ. Hơn 3 triệu người, chủ yếu ở bờ biển phía tây, vẫn không có điện tính đến chiều thứ năm.

Theo tờ báo Florida Catholic của Giáo phận Venice, việc tiếp cận nhiều giáo xứ để đánh giá thiệt hại không thể thực hiện ngay lập tức do đường sá bị chặn và mất điện, nghĩa là vẫn chưa có báo cáo thiệt hại cụ thể tính đến thứ năm. Tuy nhiên, tất cả các giáo xứ có điện đã tiếp tục cử hành Thánh lễ.

Giáo phận bác ái Công Giáo Venice, gọi tắt là CCDV đang ứng phó với thảm họa và thiết lập các điểm phân phối, gọi tắt là POD tại những khu vực cần nhất. Các địa điểm POD được lên kế hoạch trước sẽ phân phối nước, đá và thực phẩm phối hợp với các viên chức quản lý tình trạng khẩn cấp của quận và tiểu bang. Giáo phận bác ái Công Giáo đã phải tạm dừng phản ứng của mình để giúp đỡ các nạn nhân của cơn bão Helene nhằm chuẩn bị cho sự xuất hiện của cơn bão Milton.

Giáo phận khuyến khích những người quan tâm đến việc tình nguyện hỗ trợ, quyên góp vật dụng cứu trợ sau bão chưa sử dụng hoặc hỗ trợ tài chính cho nỗ lực phục hồi hãy truy cập trang web CCDV hoặc DioceseofVenice.org/disasterrelief.

Trong khi đó, các văn phòng của Trung tâm Mục vụ Giáo phận St. Petersburg sẽ đóng cửa “cho đến khi an toàn để mở cửa trở lại”, giáo phận cho biết trên Facebook. Tòa nhà hiện đang thiếu điện và tiện ích, bị hư hại liên tục và gió lớn làm vỡ cửa sổ. Các khu vực xung quanh trung tâm mục vụ cũng bị hư hại, với nhà cửa và doanh nghiệp bị ngập lụt, cây cối đổ và tài sản bị hư hại. Các trường học trong giáo phận sẽ vẫn đóng cửa cho đến ít nhất là thứ Hai, ngày 14 tháng 10, Giáo phận St. Petersburg cho biết.

Giáo phận cũng báo cáo rằng một số giáo xứ và trung tâm mang thai đã bị hư hại, bao gồm Nhà thờ chính tòa Thánh Giu-đa Tông đồ, nơi bị ngập nước đáng kể. Nhà thờ Công Giáo Việt Nam Thánh Giuse ở Town and Country bị ngập lụt và “hiện không thể tiếp cận được tài sản”.

Nhà nguyện St. James tại Trung tâm tĩnh tâm Bethany ở Lutz bị ngập lụt khi các hồ xung quanh tràn vào khuôn viên và bãi đậu xe. Giáo phận cho biết có nhiều cây đổ và một cây đã đổ vào trung tâm thanh thiếu niên.

Nhà thờ Công Giáo St. Joan of Arc ở Spring Hill bị hư hại và mái nhà bị dột; Nhà thờ Công Giáo St. Anthony ở San Antonio báo cáo mái nhà bị dột và hư hại do mảnh vỡ; Nhà thờ Công Giáo St. Jerome ở Largo bị hư hại đáng kể về mái nhà, mất ván lợp và nhiều chỗ dột trên mái nhà.

Trung tâm mang thai Foundations of Life ở Dade City cũng bị dột mái, trong khi Pinellas Hope, một nơi trú ẩn cho người vô gia cư, báo cáo “thiệt hại đáng kể”.

Giáo phận St. Petersburg khuyến khích những người có thiện chí quyên góp vào quỹ cứu trợ thiên tai.

Catholic Charities USA, tổ chức hỗ trợ phục hồi thảm họa trên toàn quốc bằng cách phối hợp với các cơ quan Catholic Charities địa phương, cũng đã thành lập một quỹ đặc biệt để giúp đỡ các nạn nhân của cơn bão Milton.


Source:National Catholic Register

2. Gretchen Whitmer xin lỗi vì video Doritos 'nhạo báng' người Công Giáo

Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer đã xin lỗi sau khi phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì một đoạn video lan truyền trong đó bà đút một chiếc Dorito cho một người dẫn chương trình podcast trong khi quảng bá Đạo luật CHIPS, một hành động mà một số người Công Giáo cho là chế giễu bí tích Thánh Thể.

Cuộc tranh cãi nổ ra sau khi người có sức ảnh hưởng và người dẫn chương trình podcast Liz Plank đăng video lên Instagram của cô vào thứ sáu.

Đoạn clip cho thấy cảnh Plank quỳ gối trong khi Whitmer, đội chiếc mũ vận động tranh cử của Harris-Walz, đút cho cô ta một chiếc Dorito trong khi bài hát “Dilemma” của Nelly năm 2002 được phát ở nền.

Tiêu đề, tham chiếu đến Đạo luật CHIPS năm 2022, có nội dung: “Nếu ông ấy không làm, Gretchen Whitmer sẽ làm. Chip không chỉ ngon, Đạo luật CHIPS còn là bước ngoặt cho công nghệ và sản xuất của Hoa Kỳ, thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước để giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài! Ông Donald Trump sẽ khiến điều đó gặp rủi ro.”

Đạo luật CHIPS, được Tổng thống Joe Biden ký thành luật, cung cấp 280 tỷ đô la cho nghiên cứu trong nước về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và sản xuất chất bán dẫn. Đạo luật này bao gồm 39 tỷ đô la trợ cấp cho sản xuất chip trên đất Mỹ.

Trong khi video có mục đích quảng bá lợi ích của luật đối với việc làm tại Michigan, hình ảnh này lại gây phẫn nộ từ các tổ chức Công Giáo vì họ cho rằng nó nhằm mục đích rõ rệt là chế giễu bí tích Thánh Thể.

Paul A. Long, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hội đồng Công Giáo Michigan, đã ra tuyên bố vào thứ Bảy lên án đoạn video này, nói rằng nó “không chỉ khó chịu hay 'lạ lùng'; mà còn là ví dụ quá quen thuộc về một quan chức được bầu chế giễu những người theo đạo và các hoạt động của họ.”

Long nói thêm rằng ngay cả khi mục đích không phải là xúc phạm người Công Giáo, thì “nó vẫn có tác động xúc phạm”. Hội nghị kêu gọi các quan chức nhà nước thể hiện sự tôn trọng hơn đối với những người có đức tin.

Đáp lại sự phản đối, Whitmer đã đưa ra lời xin lỗi. “Hơn 25 năm phục vụ công chúng, tôi sẽ không bao giờ làm điều gì hạ thấp đức tin của ai đó. Tôi đã sử dụng nền tảng của mình để bảo vệ quyền của mọi người được giữ và thực hành tín ngưỡng tôn giáo cá nhân của họ”, bà nói trong một tuyên bố với Fox 2 Detroit.

Whitmer cho biết video này nhằm mục đích nhấn mạnh tầm quan trọng của Đạo luật CHIPS, chứ không phải chế giễu đức tin của bất kỳ ai. “Nhóm của tôi đã nói chuyện với Hội đồng Công Giáo Michigan. Những gì được cho là một video về tầm quan trọng của Đạo luật CHIPS đối với việc làm tại Michigan đã được hiểu là điều mà nó không bao giờ có ý định trở thành, và tôi xin lỗi vì điều đó.”

Để bảo vệ Whitmer, Plank đã phản hồi lại phản ứng dữ dội trên X, bằng cách viết, “Đây là xu hướng, dù cho có hơi lập dị, bình tĩnh nào” cùng với một video ghi lại cảnh nam diễn viên Jeremy Allen White đang đút một miếng pizza cho người dẫn chương trình đêm khuya Stephen Colbert.

Video này bắt chước một trào lưu trên mạng xã hội hiện nay, trong đó một người đút thức ăn cho người khác, trong khi bài hát của Nelly được phát ở phía sau.


Source:Newsweek

3. Đức Thánh Cha tiếp kiến Đức Tổng Giám Mục Trưởng Công Giáo Ukraine

Sáng ngày 10 tháng Mười vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến riêng Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Đức Tổng Giám Mục là thành viên đương nhiên tham dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới hiện nay, với tư cách là vị đứng đầu một Giáo hội Đông phương.

Trang mạng của Giáo hội này cho biết trong cuộc gặp gỡ với giới báo chí sau đó, Đức Tổng Giám Mục Trưởng đã trao đổi với Đức Thánh Cha về các vấn đề nhân đạo và sự cần thiết phải có sự hỗ trợ rộng rãi cho Ukraine từ phía Tòa Thánh. Các vấn đề mục vụ trong thời nay, đề tài chính yếu, là “Làm thế nào loan báo Tin mừng, loan truyền Lời Chúa; chiến tranh cũng được bàn tới. Đức Tổng Giám Mục Trưởng nói: “Ngày nay, chúng tôi đang đứng trước một công tác quan trọng, đó là chống lại việc quân sự hóa tôn giáo, như chúng ta thấy trong cuộc xâm lăng Ukraine”. Cả trong những hoàn cảnh khó khăn của chiến tranh, các giáo sĩ vẫn phải rao giảng hy vọng.

Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết việc Đức Thánh Cha tiếp kiến Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, nhưng không cho biết thêm chi tiết nào. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Tổng Giám Mục Trưởng nói: “Tôi đã muốn trình cho Đức Thánh Cha về tình trạng Ukraine, thảm trạng chiến tranh mà chúng tôi đang sống và những thách đố chúng tôi đang phải đương đầu, giữa lúc mùa đông đang đến gần... Đức Thánh Cha thực sự lo lắng cho các thường dân, lo lắng về tất cả những gì đang xảy ra tại Ukraine, những người yếu thế đang đau khổ nhiều nhất. Chúng tôi đang ở bên bờ vực thẳm: đó là cuộc xung đột lan rộng”.

Đức Tổng Giám Mục Trưởng cũng trình với Đức Thánh Cha Phanxicô về đời sống Giáo hội tại Ukraine trong hoàn cảnh hiện nay và công nghị các giám mục của Giáo hội này, hồi tháng Bảy năm nay về đề tài chính yếu, là “Làm thế nào loan báo Tin mừng, loan truyền Lời Chúa, vốn luôn là một lời hy vọng cho một dân tộc đang tuyệt vọng”. Tôi đã trao cho ngài kết quả của công nghị vừa nói, là một thư mục vụ do chúng tôi soạn nói về chiến tranh và hòa bình công chính. Đó là suy tư của chúng tôi về tình hình Ukraine hiện nay”.

Đức Tổng Giám Mục Trưởng Shevchuk cũng kể rằng: “ Đức Thánh Cha Phanxicô đã cám ơn tôi về sự phục vụ can đảm của Giáo hội Ukraine, các giám mục và linh mục chúng tôi và hứa cầu nguyện và chúc lành”. Đức Tổng Giám Mục không quên cám ơn Đức Thánh Cha, vì bao nhiêu lần đã lên tiếng về Ukraine, “Ukraine đau thương”.

Đức Tổng Giám Mục nói: “Nga phá hủy nhất loại các cơ cấu hạ tầng của các thành phố và làng mạc của đất nước chúng tôi, pháo kích và dội bom vào các khu vực dân cư”. Đức Tổng Giám Mục Trưởng cũng cám ơn Đức Thánh Cha vì đã làm trung gian để những người bị Nga bắt giữ, được trả tự do. Ngài cũng trình bày cho Đức Thánh Cha về hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Ukraine đã bị Nga cầm tù trong 19 tháng trời, bị tra tấn và bị đánh đập đến độ bất tỉnh.

Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương có khoảng bốn triệu rưỡi tín hữu ở Ukraine và nhiều nước trên thế giới, đông nhất trong số 23 Giáo hội Đông phương hiệp nhất với Tòa Thánh. Đức Tổng Giám Mục Shevchuk năm nay 54 tuổi, đã từng làm Giám mục cộng đoàn Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ở Á Căn Đình.