Ngày 19-10-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:56 19/10/2019

61. Con người ta tự mình khiêm tốn thừa hành ý Chúa, thì trong mọi việc càng rõ rang và càng hưởng bình an.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:59 19/10/2019
41. GỖ TO

Thị trấn Ảnh thuộc thủ đô nước Sở có người muốn làm một căn nhà to, bèn kêu người tìm cây gỗ to có thể ba người ôm.

Có người tìm mấy cái bánh xe đem lại, ông ta dùng thước để đo và nói:

- “To thì đủ rồi nhưng chưa đủ dài !”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 41:

Không phân biệt được gỗ và bánh xe thì không thể làm một cái nhà to được, bởi vì cái bánh xe thì không thể là cây gỗ để làm nhà.

Có những người Ki-tô hữu muốn được lên thiên đàng nên ngày ngày đi lễ đọc kinh sáng tối, nhưng tính hư tật xấu vẫn không muốn cải thiện; có người muốn được người khác coi trọng mình nhưng mình thì vẫn cứ nạt nộ và ngang ngạnh với mọi người, lại có người muốn làm những công việc to tát để được người khác chú ý khen ngợi, nhưng những việc nhỏ có ích thì lại không thích làm vì không tiếng tăm…

Cây gỗ to và cái bánh xe thì không ăn nhằm gì nhau, nhưng siêng năng đi lễ đọc kinh và cải thiện đời sống thì rất cần thiết và bổ sung cho nhau mới được lên thiên đàng; làm việc lớn cũng như là việc nhỏ nếu không có tâm hồn thiện chí thì chẳng có ích lợi gì cho bản thân mình cũng như cho tha nhân…

Giáo Hội mời gọi chúng ta nên xây dựng một căn nhà thật lớn trong tâm hồn với những vật liệu hy sinh và cầu nguyện, phục vụ và bác ái, để dành cho Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 29 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:16 19/10/2019
Chúa Nhật 29 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc18, 1-8

“Thiên Chúa minh xét cho những kẻ Ngài đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Ngài”


Bạn thân mến,

Cầu nguyện là hơi thở của người Ki-tô hữu, không cầu nguyện thì coi như linh hồn đã chết, cầu nguyện không chuyên tâm thì coi như linh hồn bị bệnh, không thích cầu nguyện thì giống như linh hồn không tập thể dục lâu ngày sẽ sinh ra bệnh hoạn.

Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta khi cầu nguyện cần phải kiên tâm nhẫn nại và tin tưởng, giống như người đàn bà góa trong dụ ngôn của Ngài mà chúng ta vừa nghe.

Cầu nguyện phải có hy sinh

Ông Môi-sê cầu nguyện khi dân Ít-ra-en đánh nhau với dân A-ma-lec, mỗi lần Môi-sê giơ tay lên thì dân Ít-ra-en thắng, khi nào ông Môi-sê vì mỏi mà bỏ tay xuống thì dân Ít-ra-en bị thua (Xh 17, 8-12). Ông Môi-sê đã cầu nguyện bằng tâm và hy sinh bằng hành động giơ hai tay lên trong tư thế cầu xin, sự thắng trận của dân Ít-ra-en –nói được là- tùy thuộc vào lời cầu nguyện và hy sinh của ông Môi-sê.

Mỗi ngày chúng ta có rất nhiều lời cầu xin với Thiên Chúa, nhưng lời cầu xin của chúng ta –có những lúc- không phù hợp cho linh hồn của mình nên chưa được Thiên Chúa nhậm lời; hoặc lời cầu nguyện của chúng ta không thấm nhuần đức tin, chỉ biết cầu xin mà không có hy sinh, hy sinh và cầu nguyện cần phải đi đôi với nhau.

Cầu nguyện phải kiên tâm nhẫn nại

Bà góa đã nhiều lần cầu xin ông quan “không biết sợ trời sợ đất’’ giải quyết nổi oan cho bà, nhưng không được ông ta giải quyết, bà không bỏ cuộc và cứ gõ cửa nhà quan xin đòi lại sự công bình cho bà, cuối cùng bà ta được mãn nguyện. Không phải ông quan là người mau mắn vì dân mà phục vụ, nhưng vì sợ bà lão quấy rầy nên giải quyết vụ án cho bà.

Chúng ta cầu nguyện nhưng không có kiên tâm bền chí, bởi vì chúng ta chỉ biết có cầu xin vật chất là những thứ mà chúng ta muốn Thiên Chúa phải thực hiện ngay sau khi cầu xin, mà không cầu xin cho được rỗi linh hồn và sống như ý Thiên Chúa muốn. Thiên Chúa là chủ vũ trụ, Ngài sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của chúng ta, nhưng trước hết chúng ta phải tìm thấy ý của Thiên Chúa trong lời cầu xin của mình, đó là lắng nghe Lời Chúa dạy qua sự im lặng của Ngài sau khi chúng ta cầu nguyện, và kiên tâm tìm ý của Ngài muốn chúng ta làm gì ?

Cầu nguyện cho nhau

Môi-sê đã hy sinh để cầu nguyện cho dân Ít-ra-en thắng trận, lời cầu nguyện này có sự đóng góp của ông A-a-ron và ông Khu-a (hai người đỡ hai tay ông Môi-sê) để ông được hoàn thành sứ mệnh cầu nguyện (Xh 17, 12).

Thánh Phao-lô tông đồ xác tín rằng, trong Đức Chúa Giê-su, chúng ta đều là anh em chị em với nhau, do đó lời cầu nguyện của người này dành cho người kia, trước mặt Thiên Chúa vẫn là lời cầu nguyện có thế giá nhất, bởi vì khi chúng ta làm như thế là chúng ta đã noi gương Đức Chúa Giê-su vì Ngài đã cầu nguyện cho các tông đồ được hiệp nhất, cầu nguyện cho những người giết mình, cầu nguyện cho những người vô ơn phụ nghĩa. Do đó, khi chúng ta hy sinh và cầu nguyện cho tha nhân là chúng ta đã sống trong hiệp nhất của Đức Chúa Giê-su đã dạy.

Bạn thân mến,

Kiên tâm khi cầu nguyện, hy sinh khi cầu nguyện và cầu nguyện cho nhau là chứng từ mạnh mẽ nhất về mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm ấy đang hiện diện sống động trong tâm hồn và trong cuộc sống của người mỗi người Ki-tô hữu.

Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta phải biết kiên nhẫn khi cầu nguyện là để chúng ta biết nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, nhưng thực tế là khi chúng ta chỉ mới cầu nguyện mấy phút thì đã than mệt, mới ngồi mấy phút đã kêu là nóng, mới quỳ mấy giây đã rên là mỏi chân…

Với thái độ như thế thì chúng ta chỉ có nhiều “khả năng” thất bại, bởi vì chúng ta không đặt mình vào vị thế mình là loại thụ tạo để cầu nguyện, mà đặt mình vào vị thế của đấng tạo dựng, nên không lạ gì chúng ta trở về tay không sau khi cầu nguyện…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Truyền Giáo
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:19 19/10/2019
Chúa Nhật LỄ TRUYỀN GIÁO

Tin mừng: Mt 28, 19-20.

“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.


Bạn thân mến,

Mỗi năm một lần, giáo hội –trong ngày Truyền Giáo- đã long trọng nhắc nhở chúng ta về vai trò và bổn phận của người Ki-tô hữu trong cuộc sống ở trần gian, đó là sống và làm chứng nhân cho Tin Mừng, tức là truyền giáo. Truyền giáo tức là đem cái mình đã tin, đã cảm nghiệm và đã sống cho người khác cùng tin, cùng cảm nghiệm, và cùng sống như chúng ta.

Truyền giáo ở đâu ? Thưa, ở đâu có mặt chúng ta thì đó là địa điểm truyền giáo của mình, nhưng có ba nơi mà chúng ta cần làm chứng cho Tin Mừng.

1. Tôi thường nhắc nhở giáo dân rằng gia đình là nơi truyền giáo đầu tiên của người Ki-tô hữu, họ cười và nói rằng gia đình của mình toàn là đạo gốc, ai cũng có đạo hết, truyền giáo làm gì nữa ! Vâng, gia đình toàn là người có đạo, nhưng cuộc sống của mỗi người trong gia đình chưa chắc là cuộc sống của người có đạo: ông bố thì cả ngày say lè nhè, bà mẹ thì buồn bực hết la rầy con cái đến mắng chồng, thế là gia đình mất đi cái hạnh phúc thuở ban đầu mới cưới nhau, hoặc là bố mẹ thì siêng năng đi lễ đọc kinh, làm việc lành, nhưng con cái thì sống như những người vô đạo, có đứa thì lấy chồng lấy vợ không theo phép đạo, có đứa thì bỏ nhà đi bụi, có đứa thì không đến nhà thờ.v.v...

Cha mẹ có trách nhiệm truyền giáo cho con cái bằng những gương lành gương tốt, con cái có bổn phận truyền giáo cho cha mẹ bằng sự vâng lời, chăm chỉ học hành vì lòng yêu mến Thiên Chúa.

2. Địa điểm thứ hai mà chúng ta phải truyền giáo là giáo xứ của chúng ta, trong giáo xứ có cha sở, cha phó, ban đại diện giáo dân và giáo dân, tất cả tập hợp lại thành một cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa và rao truyền Lời của Thiên Chúa cho mọi người, tuy nhiên không phải tất cả mọi giáo dân đều trở thành người gương mẫu, không phải tất cả giáo dân đều là con cái ngoan của giáo hội và của Thiên Chúa !

Có những giáo dân vì bất mãn một ai đó mà không đến nhà thờ hoặc không tham dự các sinh hoạt chung ở giáo xứ, chúng ta phải truyền giáo cho họ; có những giáo dân chỉ có tên trong sổ Rửa Tội mà thôi, nhưng cuộc sống của họ thì không phải là người công giáo; có những giáo dân thích chia rẻ người này với người nọ trong giáo xứ.v.v…tất cả những thực trạng ấy, cũng rất đáng để cho chúng ta quan tâm và cầu nguyện, cũng có nghĩa là chúng ta phải truyền giáo cho giáo xứ của chúng ta.

Cha sở và cha phó có trách nhiệm làm gương lành gương tốt cho giáo dân noi theo, bởi vì giáo dân đều nhìn vào các linh mục để bắt chước các ngài: tốt cũng bắt chước mà xấu cũng bắt chước; mỗi giáo dân đều có bổn phận truyền giáo cho nhau bằng chính đời sống phục vụ và yêu thương của mình.

3. Nơi thứ ba mà chúng ta phải truyền giáo là công sở, công ty, trường học, chợ búa hoặc là nơi nào có sự hiện diện của chúng ta.

Khi mà trong gia đình và nơi giáo xứ chúng ta đã làm tốt bổn phận của người Ki-tô hữu, thì tinh thần truyền giáo này cũng đi theo chúng ta đến những nơi mà chúng ta đang làm việc, học hành, buôn bán. Trong tất cả những nơi ấy, chúng ta đều trở nên những nhà truyền giáo sống động và nhiệt tình, bằng những việc làm cụ thể đơn giản và rất đời thường như một cái bắt tay với nụ cười tươi, như chu toàn bổn phận được giáo phó, như sống hòa nhã với mọi người.v.v...tất cả đều thấm nhuần tinh thần bác ái của Phúc Âm, thế là người ta dần dần nhận ra khuôn mặt của Đức Chúa Giê-su Ki-tô nơi chúng ta rồi vậy.

Bạn thân mến,

Mệnh lệnh truyền giáo của Đức Chúa Giê-su không những cho các tông đồ mà thôi, nhưng còn cho tất cả những ai đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, tức là những người Ki-tô hữu chúng ta.

Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, ngày hôm nay chúng ta tự hỏi: cuộc đời tôi đã có bao nhiều lần làm chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su, và có bao nhiêu lần tôi đã bỏ qua cơ hội làm chứng cho Đức Chúa Giê-su, cho đức tin mà tôi đã tin theo ?

Cuối cùng tôi xin nói lại lần nữa với anh chị em: Người truyền giáo chính là sống cuộc sống của Đức Chúa Giê-su ngay trong cuộc sống đời thường của mình.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc họp báo ngày 18 tháng 10 tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon
Vũ Văn An
00:15 19/10/2019
Văn phòng Báo chí tổ chức một cuộc họp báo vào thứ Sáu, 18 tháng 10, trong đó bốn vị tham dự Thượng Hội Đồng chia sẻ một số vấn đề xuất hiện trong các nhóm làm việc nhỏ.

Sau đây là tường trình của Vatican News.



Các tham dự viên Thượng Hội Đồng đã khảo sát một loạt các vấn đề tại các “circuli minores” (các nhóm nhỏ). Họ đã chia sẻ thành quả các cuộc thảo luận của họ tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu. Nhưng, như cha Giacomo Costa, Dòng Tên, Thư ký của Ủy ban Thông tin Thượng hội đồng, đã xác nhận, kết quả của các cuộc thảo luận này vẫn chưa đại diện cho “quan điểm của Thượng Hội Đồng”. Ngài cho biết, ở giai đoạn này, các tham dự viên vẫn đang bày tỏ “suy nghĩ và nhận xét cá nhân” của họ, trong khi Thượng hội đồng tiếp tục “xem xét sự đóng góp của mọi người”.

Canh tân đời sống thánh hiến

Nữ tu Daniela Adriana Cannavina là Tổng thư ký của CLAR tại Colombia. Bà mở màn cuộc họp báo bằng cách tóm tắt một số đề nghị xuất hiện trong nhóm làm việc của mình. Chúng bao gồm nhu cầu canh tân và tăng cường đời sống thánh hiến ở Vùng Amazon. Bà nói, các tu sĩ nam nữ làm việc trong khu vực mang theo họ “tiếng nói kinh nghiệm sống với người dân bản địa của họ".

Nữ tu Daniela nói tiếp, một Thượng Hội Đồng tập chú vào Amazon đã gây tiếng vang đối với Giáo hội hoàn cầu. Bà nói, đó là lý do tại sao chúng ta cần phải “vượt quá nỗi sợ hãi và lo lắng của mình, và thực hiện các thay đổi”, đáp ứng các thực tại của Vùng Amazon trong tư cách “những nhà huyền nhiệm và tiên tri”.

Xem xét lại các cơ cấu

Nữ tu Daniela cho biết nhóm làm việc của bà đã thảo luận về việc đã đến lúc những người thánh hiến nam nữ phải “xem xét lại các cơ cấu của họ”, nếu họ muốn tiến về phía trước với “nhiệt tình truyền giáo mới”. Bà cho biết nhóm của bà nhấn mạnh sự cần thiết phải “đối thoại và chia sẻ trách nhiệm” giữa các mục tử và giáo dân. Bà nói, di chuyển “ra ngoài vùng thoải mái của chúng ta” và cung cấp một sự hiện diện có tính tăng cường “khởi đi từ các đặc sủng của chúng ta” cũng đã được nhấn mạnh.

Về vai trò của phụ nữ, nữ tu Daniela đã nói đến việc cho phép họ đảm nhận một số thừa tác mục vụ nào đó “một cách có trách nhiệm”. Một lần nữa, bà nhấn mạnh “sự hợp tác và đồng trách nhiệm” như một ưu tiên, minh xác điều này không phải là vấn đề “chủ nghĩa giáo sĩ trị hay quyền lực”. Bà nói, đời sống tu trì là để phục vụ.

Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về cổ vũ tân phúc âm hóa. Sự can thiệp của ngài tập trung vào tính phổ quát và bổ sung của Giáo hội. Ngài mô tả Giáo hội là “duy nhất, nhưng bao gồm nhiều người khác nhau”. Theo ngài, đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải tôn trọng mọi nền văn hóa và mọi dân tộc, bởi vì “tôn trọng ngụ ý công nhận tính bổ sung”.

Đức Tổng Giám Mục Fisichella nói, không một nền văn hóa nào có thể làm cạn kiệt sự phong phú của thực tại Kitô giáo. Mỗi truyền thống và nền văn hóa đều có một điều gì đó để nói, “để di sản chung của chúng ta có thể được giải thích”. Thực thế, ngài nói thêm, chúng ta cần thăng tiến một số yếu tố nào đó của các nền văn hóa Amazon.

Về phương diện trên, Đức Tổng Giám Mục cho biết nhóm của ngài đã đề nghị “một nghi thức Amazon cho vùng Amazon”. Ngài nói, người dân bản địa có thể sống các nền văn hóa khác nhau, nhưng tất cả họ đều có những yếu tố có thể truyền đạt “sự vĩ đại của đức tin Kitô giáo”. Một nghi thức Amazon có nghĩa là làm cho các biểu thức của đức tin trở thành “có thể trông thấy và đụng chạm được”, theo các đặc điểm độc đáo của các nền văn hóa đó.

Các nẻo đường tử đạo

Đức Giám Mục Mario Antonio da Silva của Roraima ở Ba Tây, đã mô tả Thượng hội đồng này như một cơ hội để tiếp xúc với sự sống, rừng, nước, động vật, khoáng sản, nhưng đặc biệt là các cộng đồng đầy khôn ngoan”, và điều đó có thể đã có câu trả lời cho nhiều thách thức trong vùng Amazon.

Ngài nói, Thượng hội đồng là cơ hội để toàn thể Giáo hội nhận ra những nẻo đường từng được các vị tử đạo khai triển để lắng nghe “các cộng đồng Kitô giáo đang lớn tiếng nói lên các vấn đề của họ”. Ngài nhận diện di dân như một trong những thách thức lớn trong khu vực của mình, nói rằng thường thì điều này đi đôi với “cuộc khủng hoảng nhân đạo”.

Đức Giám Mục da Silva nói tiếp, nhóm của ngài đã và đang “theo đuổi một diễn trình biện phân, và đã đưa ra các đề nghị “kêu gọi cho có nhiều trách nhiệm hơn”.

Giấc mơ của Thiên Chúa

Ông Mauricio Lopez là Thư ký điều hành của REPAM (Red Eclesial Pan Amazònica). Ông bắt đầu bài thuyết trình của mình bằng cách nhắc đến “yếu tố chiêm niệm trong linh đạo Inhã”, và mời mọi người có mặt trong Văn phòng Báo chí Tòa thánh giữ một phút im lặng, để “chiêm niệm thực tại của chúng ta và viễn kiến của Chúa về thực tại này”.

Ông Lopez nói, chúng ta phải thấy thực tại như nó hiện là. Còn quan trọng hơn nữa là chúng ta phải nhìn thấy thực tại như Chúa nhìn, tự hỏi bản thân mình, “Đâu là giấc mơ của Thiên Chúa đối với thực tại?” Ông nói, để làm được như vậy, chúng ta phải “nhìn vào trái tim của chúng ta và nhìn vào khuôn mặt của những người khác”.

Ngoại vi và trung tâm

Thượng Hội Đồng dành cho Amazon này không phải “ngoại vi lấy chỗ của trung tâm”, mà là trung tâm “được soi sáng từ ngoại vi”. Ông Lopez nói đừng sợ hãi và đừng đánh mất tầm nhìn đối với “tầm quan trọng của con người, tương lai của họ và các hy vọng của họ”.

Ông kết luận bằng một lời kêu gọi cho có ba loại hoán cải: mục vụ, sinh thái và đồng nghị. Ông Lopez nói, Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên thành phần trong dự án của Người, “để tìm được ý nghĩa trong đời sống”.

Một câu hỏi về tội lỗi sinh thái

Trong buổi họp báo vào thứ Sáu tuần trước, Đức Tổng Giám Mục Pedro Brito Guimarâes đã sử dụng thuật ngữ “tội sinh thái”. Câu hỏi đầu tiên tại cuộc họp báo Thứ Sáu này đã xin một thí dụ.



Nữ tu Daniela bắt đầu bằng cách định nghĩa tội sinh thái như bất cứ điều gì “Loại trừ anh chị em bản địa của chúng ta khỏi lãnh thổ của họ”, hay “gây nguy hiểm cho cuộc sống của họ”, vì sự hủy diệt không thể đảo ngược do các công ty khai thác mỏ và dầu khí gây ra.

Mauricio Lopez đồng nhất hóa nó với “tội lỗi bất bình đẳng trong cơ cấu”: vi phạm quyền lợi, chiếm đất, phá hủy ngôi nhà chung của chúng ta. Ông trích dẫn sự bất bình đẳng của một thế giới nơi một nhóm nhỏ sở hữu 90% mọi tài nguyên.

Đức Tổng Giám Mục Fisichella cho biết tội sinh thái tự phát biểu nó ra “khi con người trở thành cá nhân chủ nghĩa”, khi họ không nhận ra giá trị của “thiên nhiên, sáng thế, sự sống và các mối liên hệ”. Theo ngài, tội này xảy ra, khi chúng ta “dựng lên các rào cản chống lại Thiên Chúa” và Sáng thế, vốn là một “biểu hiện của Thiên Chúa”.

Đức Giám Mục da Silva nói rằng, thay vì bản liệt kê các tội lỗi, ngài thích kêu gọi phải chú ý tới “việc hoán cải cụ thể và thành thật” nhiều hơn. Ngài nói, tham lam, lợi nhuận, thừa mứa, tất cả những thứ này đều chứa “DNA của điều ác và tội lỗi”. Nhưng, ngài nói, thay vì “tội sinh thái”, chúng ta nên kêu gọi việc “hoán cải sinh thái”.

Một câu hỏi về việc tài trợ

Giám mục Mario Antonio da Silva đã trả lời một câu hỏi liên quan đến việc tài trợ của các phía thứ ba vốn không chủ trương cùng các giá trị như Giáo Hội Công Giáo. Ngài tái khẳng định cam kết của Giáo Hội trong việc bảo vệ sự sống từ khi sinh ra đến khi chết tự nhiên. Xác định rằng tất cả các khoản tài trợ chỉ được sử dụng để “cổ vũ và khai triển các vấn đề về sự sống”, ngài đã liệt kê “trẻ em, phụ nữ mang thai, các gia đình và người già” trong số những người thụ hưởng.

Với tư cách là Thư ký điều hành của REPAM, Ông Mauricio Lopez đã minh xác rằng tổ chức của ông không phải là “một định chế, mà là một mạng lưới”, không có tài nguyên riêng. Ông gọi Thượng Hội Đồng cho vùng Amazon là “Thượng Hội Đồng phò sự sống, đại diện cho chính sự sống”, như một diễn trình tìm cách “đem ý nghĩa cho sự sống”.

Bộ trưởng Bộ Truyền thông, Tiến sĩ Paolo Ruffini, nói thêm rằng tiền dâng cho Giáo Hội Công Giáo được dành cho các công việc bác ái, và điều này được ưu tiên sử dụng cho các mục đích không hẳn Kitô giáo.

Một câu hỏi về các vùng ngoại vi

Trở lại câu hỏi làm thế nào Thượng hội đồng Amazon có thể giúp đưa các vùng ngoại vi vào trung tâm, Mauricio Lopez cho biết Amazon “có thể lay động chúng ta và giúp chúng ta một cách tích cực để gần gũi hơn với dự án phò sự sống của Chúa”. Ông nói thêm, điều này ngụ ý việc khai triển “một viễn ảnh hoàn cầu nhiều hơn”. Các tín liệu khoa học cho chúng ta biết chúng ta phải đánh giá và hành động trong thực tại hiện nay của chúng ta.

Và ông nói, thời gian ấy “là lúc này”.
 
Mỹ thuật và Nghệ thuật hun đúc tình Huynh đệ và mở ra cho mọi người
Thanh Quảng sdb
04:02 19/10/2019
Mỹ thuật và Nghệ thuật hun đúc tình Huynh đệ và mở ra cho mọi người

Hôm thứ Sáu ngày 18/10 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô khánh thành Viện Bảo tàng Dân tộc học “Anima Mundi” ở Vatican.
Mỹ và Nghệ thuật đã liên kết chúng ta lại với nhau. Nó mời gọi chúng ta sống tình huynh đệ con người, chống lại văn hóa phản loạn, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa duy chủng tộc luôn mời mọc rình rập chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu quan điểm này vào tối thứ Sáu trong lúc khánh thành Bảo tàng viện Dân tộc học “Anima Mundi”, và Triển lãm nghệ thuật của vùng Amazon tại Bảo tàng viện Vatican.
Bảo tàng dân tộc học này có thể giúp duy trì bản sắc cụ thể của nó và nhắc nhở mọi người về giá trị của sự hòa hợp và hòa giải giữa các dân tộc và các quốc gia, ĐTC mong muốn và hy vọng rằng các bộ sưu tập nghệ thuật sẽ làm cho tiếng nói của Chúa được âm vang trong tâm lòng những người đến thăm viếng các bộ sưu tập này .
Lễ khánh thành viện Bảo tàng và triển lãm này đã được diễn ra trong thời gian Thượng Hội Đồng vùng Amazon đang diễn ra từ mùng 6 tới 27 tháng 10 này tại Vatican.

Ngôi nhà chung của tất cả
Nhận xét về danh xưng Anima Mundi, tiếng Latin có nghĩa là Linh hồn của thế giới, ĐTC cho hay viện Bảo tàng Vatican được gọi là một "ngôi nhà" sống động, cánh cửa được mở ra chào đón mọi người trên khắp thế giới, nơi đây mọi người cảm thấy có sự góp mặt của địa phương mình và nhận thức ra rằng Giáo hội không loại trừ bất cứ ai cả!
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng những khách thăm viếng viện Bảo tàng Dân tộc học Kitô giáo “Anima Mundi” này sẽ cảm thấy con người, truyền thống và văn hóa của họ hiện diện... Dù họ là người Âu, người Ấn, Trung Quốc, hay từ các nước của núi rừng Amazon hoặc Congo, Alaska, Úc hay các hải đảo xa xôi ở Thái Bình Dương, ĐTC nói, tất cả đều được ôm ấp dưới bóng đền thờ thánh Phêrô, ngay trung tâm của Giáo hội và Giáo hoàng. Điều này cũng nói lên là chính nghệ thuật, chứ không phải là một cái gì khác thu hút được trái tim của mọi dân tộc. Đó là một thông điệp từ cõi lòng của một dân này tới với dân kia...
Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay tại viện Bảo tàng Đạo đức học này, được coi như là một nghệ nhân mải mê và miệt mài bảo tồn những kiệt tác của các thời Phục hưng, Hy Lạp hoặc La Mã; nó đã từng thu hút hàng triệu người tuôn về hàng năm… Nơi đây, có một không gian đặc biệt để có thể đối thoại, cảm thông với tha nhân hầu dẫn tới những cuộc hội ngộ…

Tinh thần cởi mở
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tới sự minh bạch như một giá trị quan trọng, nhất là trong các tổ chức của Giáo hội. ĐTC nói: “Vì các tác phẩm nghệ thuật là sự thể hiện tinh thần của mọi người, từng nền văn hóa, với sự cởi mở về tâm linh cũng như với lòng từ tâm…
Về quan điểm này, ĐTC nhắc nhớ lại vài tháng trước đây, một số tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc của viện Bảo tàng Dân tộc học Anima Mundi đã được triển lãm tại Bắc Kinh, và trước đó, các tác phẩm nghệ thuật khác đã được triển lãm tại một số quốc gia Kitô giáo khác. Thông qua nghệ thuật, ĐTC cho hay, các sáng kiến có thể được thực hiện, và các rào cản và khoảng cách có thể được vượt qua…
 
Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon: Nhận định của hai vị Hồng Y không thuộc vùng Amazon
Vũ Văn An
19:14 19/10/2019
Chúng ta đã nghe nhiều đóng góp của các tham dự viên Thượng Hội Đồng Amazon mà phần lớn là người thuộc chính vùng này. Nhưng trong số các tham dự viên, có hai vị không thuộc vùng này, tuy nhiên các vị đã tham dự trong tư cách được chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm và một trong hai vị còn là thành viên của Ủy Ban Soạn Thảo Tài Liệu Sau Cùng của Thượng Hội Đồng.

Hai vị đó là Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna và Đức Hồng Y Oswald Gracias của Ấn Độ.



Đức Hồng Y Schönborn

Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna là thành viên của Ủy Ban Soạn Thảo Tài Liệu Sau Cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Vùng Amazon. Ngài nói với Đài Phát Thanh Vatican về việc lên tiếng của ngài tại Thượng Hội Đồng và suy nghĩ của ngài đối với các hình thức thừa tác vụ mới.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tuần này đã bổ nhiệm bốn thành viên cho nhóm chịu trách nhiệm soạn thảo tài liệu cuối cùng của Thượng Hội Đồng Amazon. Một trong các vị đó là Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna.

Ủy ban soạn thảo hiện đang họp để tập hợp thành một tài liệu các khuyến nghị của các nhóm làm việc nhỏ từ các cuộc thảo luận của họ tại Thượng Hội Đồng.

Tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng sau đó sẽ được bỏ phiếu vào ngày áp chót của cuộc tụ họp. Sau đó, nó sẽ được đệ trình lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô để ngài tùy nghi hoặc sử dụng hoặc không sử dụng trong việc viết tông huấn hậu Thượng Hội Đồng.

Ký giả Linda Bordoni đã hỏi Đức Hồng Y về các thách đố của việc kết hợp rất nhiều giọng nói khác nhau đến thế vào một trình thuật gắn bó.

Đức Hồng Y Schönborn mô tả trách nhiệm của mình, trong tư cách một thành phần của ủy ban soạn thảo, như một thách đố nhưng bày tỏ sự tin tưởng rằng trong thực tế, các đề nghị phát xuất từ các nhóm ngôn ngữ khác nhau thực sự không quá đa dạng.

Ngài nói, “một số câu hỏi và đề nghị rất giống nhau ở hầu hết các nhóm”.

Về công việc thực sự soạn thảo tài liệu, Đức Hồng Y cho biết chủ yếu được thực hiện bởi vị Tổng tường trình viên – Đức Hồng Y Hummes và hai đồng nghiệp của ngài - và giải thích rằng trong tư cách ủy ban soạn thảo, “chúng tôi sẽ phải duyệt lại bản thảo đầu tiên mà chúng tôi sẽ nhận được vào chiều thứ Bảy, sửa đổi nó, đưa ra các đề nghị của chúng tôi, và sau đó bản văn đã sửa đổi sẽ được đem ra thảo luận trong các nhóm ngôn ngữ”.

Ngài nói rằng các nhóm sau đó đưa ra các đề nghị sẽ được ủy ban soạn thảo tổng hợp, và cuối cùng, bản dự thảo cuối cùng sẽ được đệ trình lên Phiên họp toàn thể, được thảo luận và sau đó được sửa đổi nữa. Bước cuối cùng diễn ra vào thứ Bảy sau đó với một cuộc bỏ phiếu cuối cùng về các đề nghị trong bản văn.

Vai trò ‘lắng nghe’

Về sự can thiệp của chính ngài ở Hội trường Thượng hội đồng, Đức Hồng Y nói rằng ngài đã không đưa ra đề nghị “vì tôi ở đây với tư cách là một trong số ít người châu Âu trong Thượng hội đồng, và tôi nghĩ vai trò của chúng tôi chủ yếu là lắng nghe”.

Vì vậy, ngài nghĩ rằng tốt nhất là đặt câu hỏi và không đưa ra các đề nghị.

“Câu hỏi đầu tiên của tôi là: ‘Sự kiện 60% dân số Kitô giáo ở vùng Amazon ít nhiều theo phái Ngũ Tuần có nghĩa gì?’ Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta, Giáo Hội Công Giáo mà rất nhiều người dân của chúng tôi đã rời khỏi Giáo Hội Công Giáo cổ truyền, nó có ý nghĩa gì đối với công việc mục vụ của chúng ta?”

Đức Hồng Y Schönborn nói, câu trả lời từ Thượng Hội Đồng là cần phải có một nền mục vụ không những chỉ viếng thăm - mà còn hiện diện nữa. Nếu những cộng đồng này, vốn phân tán trên cả hàng trăm kilômét trong vùng Amazon, được một linh mục đến thăm mỗi năm một lần, thì theo ngài, đó không phải là nền mục vụ hiện diện.

Ngài nhấn mạnh, “Phái Ngũ tuần hiện diện ở hầu hết các ngôi làng”, vì vậy thách đố không phải chủ yếu là các thừa tác vụ mới mà là sự hiện diện tốt hơn. Và hiện diện có nghĩa là ở tại chỗ, và có nghĩa là người ta sống ở đó”.

Vai trò phụ nữ

Ngài nói tới việc ngài rất có ấn tượng khi lắng nghe các phụ nữ và nghe nói về vai trò có tính quyết định của họ trong các ngôi làng.

Ngài nói, “họ đã làm những gì họ có thể làm và ngay cả những gì thậm chí không phải là một thừa tác vụ đã được thiết lập nhưng họ vẫn đã làm: họ rửa tội, họ chủ trì lễ tang, họ cố gắng chúc lành cho các cuộc hôn nhân”.

Đức Hồng Y Schönborn lưu ý rằng trong Giáo Phận Vienna của ngài, trong những năm qua, ngài đã trao một quyết định về việc chủ trì tang lễ cho phụ nữ. Ngài lưu ý, họ làm việc này trong môi trường Công Giáo truyền thống của Áo, và họ rất được chấp nhận.

Đức Hồng Y nhấn mạnh, một nền mục vụ hiện diện là thách đố chính.

Về các hình thức mới của thừa tác vụ

Điểm thứ hai được Đức Tổng Giám Mục Vienna tập chú liên quan đến mong muốn có các hình thức mục vụ mới, được một số tham dự viên Thượng hội đồng phát biểu.

Ngài nói, “Tôi đã nói lên sự ngạc nhiên của tôi rằng chức phó tế vĩnh viễn không hiện diện nhiều ở vùng Amazon, trong khi ta lại thảo luận nhiều về viri probati”.

Ngài nói, ở Áo họ đã có các viri probati vì Công đồng Vatican thứ hai đã “cho phép chúng tôi được phong chức những người đàn ông đã kết hôn, từng làm chứng tốt bằng đời sống gia đình của họ, hoặc đời sống chuyên nghiệp của họ, bằng đức tin Kitô giáo của họ, để trở thành các phó tế vĩnh viễn”.

Ngài nói, “Vậy, tại sao không bắt đầu với các phó tế viri probati trong các thôn làng? Hãy chuẩn bị họ làm giáo lý viên, làm phó tế, trước khi hỏi liệu họ có thể trở thành linh mục hay không?”

Đức Hồng Y Schönborn đã nhấn mạnh rằng có những giai đoạn cho mọi cuộc phong chức linh mục và giai đoạn đầu tiên là trở thành một phó tế.

Ngài kết luận, đã 50 năm, kể từ Vatican II, người ta đã bắt đầu với các phó tế vĩnh viễn, “vì vậy tôi nghĩ đáng đặt những câu hỏi này!”.



Đức Hồng Y Ấn Độ Oswald Gracias

Đức Hồng Y Ấn Độ Oswald Gracias là một Nghị phụ Thượng hội đồng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm. Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, ngài nhìn Thượng hội đồng và các vấn đề của nó theo viễn ảnh Ấn Độ.

Là một nghị phụ, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm, Đức Hồng Y Gracias là chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ (CBCI), nơi quy tụ các giám mục nghi lễ Latinh của Ấn Độ cũng như hai Giáo hội nghi thức phương Đông - Syro-Malabar và Syro Malankara.

Ngài từng là chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ (CCBI) theo nghi thức Latinh trong 3 nhiệm kỳ và cũng là cựu chủ tịch của Liên Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC).

Lắng nghe những can thiệp khác nhau của Thượng hội đồng cho đến nay, Đức Hồng Y Gracias nói rằng ngài cảm thấy Giáo hội thực sự là một thân thể. Ngài nhận xét rằng châu Á, cũng như Ấn Độ, có những thách đố tương tự như người dân Amazon.

Đức Hồng Y bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cử ngài vào Thượng hội đồng vì ngài học hỏi được rất nhiều về những thách đố của người dân Amazon, hơi khác một chút nhưng như nhau về căn bản, như làm cho các giá trị Tin Mừng hiện diện và vươn tay ra với người nghèo ở các khu ngoại vi.

Đam mê đối với người dân

Một khía cạnh khác của Thượng hội đồng khiến Đức Hồng Y ngạc nhiên là sự quan tâm nhiệt tình của các giám mục Amazon dành cho những người nghèo khó đang đau khổ của các ngài. Các giám mục là tiếng nói của những người không có tiếng nói. Các ngài lắng nghe tiếng kêu than của người dân chống lại bạo lực, bóc lột, bất công và quan tâm sâu sắc đến tương lai của họ. Do đó, được hiện diện trong Thượng hội đồng là một kinh nghiệm học tập và là nguồn cảm hứng tốt đối với Đức Hồng Y Gracias.

Bóc lột người bản địa

Theo Đức Hồng Y Gracias, điều xuất hiện mạnh mẽ trong các can thiệp là việc bóc lột người dân bản địa. Ngài nói điều này cũng đang xảy ra ở Ấn Độ.

“Người Adivasis và các người bộ lạc là người bản địa của chúng tôi. Đất của họ đang bị lấy đi. Pháp luật đang được thông qua nhằm tước đoạt những đặc quyền mà họ vốn có”.

Đức Hồng Y 74 tuổi giải thích rằng nhiều người trong số những cư dân nguyên thủy này không có giấy tờ chứng minh thích đáng. Họ không quen với tất cả những điều này nhưng họ đã sống ở vùng đất của họ nhiều thế kỷ qua. “Đùng một cái, có người đến nói với họ rằng họ không có giấy tờ thích hợp, vì vậy đất của họ sẽ bị lấy mất”.

Nạn phá rừng

Đức Hồng Y Gracias nhấn mạnh rằng Ấn Độ cũng có vấn đề phá rừng nhưng ở mức độ thấp hơn ở Amazon nơi nó đang hoành hành. Ở Ấn Độ, các công ty doanh nghiệp đang chiếm đất. Ngài than thở rằng mầu xanh của đất nước đang dần giảm đi.

“May mắn thay, chính phủ đang nói đến sự cần thiết phải chăm sóc khí hậu”, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp đã làm khác hẳn.

Thiếu mục tử

Vấn đề thứ ba xuất hiện tại Thượng hội đồng, là sự thiếu hụt trầm trọng các linh mục ở vùng Amazon. Các tín hữu không có Bí tích Thánh Thể cả sáu tháng hoặc một năm. May mắn thay, đây không phải là tình hình ở Ấn Độ, nhưng sự bóc lột người dân bản địa được cảm nhận rất mạnh mẽ ở Ấn Độ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Cha Giuse Nguyễn Năng được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Sàigòn
Đặng Tự Do
04:40 19/10/2019
Trong khi Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon đang diễn ra sôi nổi, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn không quên Giáo Hội Việt Nam và đặc biệt là tổng giáo phận Sàigòn đã trống tòa từ ngày 6 tháng Ba năm ngoái 2018 khi Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc qua đời đột ngột tại Rôma trong chuyến đi ad limina để viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô, Phaolô và thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Trưa ngày thứ Bẩy 19 tháng Mười, 2019, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Cha Giuse Nguyễn Năng làm Tổng Giám Mục Sàigòn.

Tiểu sử Đức Cha Giuse Nguyễn Năng

Ngài sinh tại Phúc Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình (Gp. Phát Diệm) ngày 24/11/1953

Từ năm 1962 đến 1970, ngài theo học tại Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse, Sàigòn.

Từ 1970 đến 1977 ngài tiếp tục học tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt

Trong 11 năm sau đó, từ 1977 đến 1988, ngài lao động tại giáo xứ Bạch Lâm, Gia Kiệm, Gp. Xuân Lộc

Từ 1989 đến 1990, ngài giúp xứ Thuận Hoà, Biên Hoà, Gp. Xuân Lộc

Ngài được thụ phong linh mục tại Xuân Lộc vào ngày 09/06/1990.

Trong tám năm từ 1990 đến 1998, ngài là Chính Xứ Thuận Hoà, Biên Hoà, Gp. Xuân Lộc cho đến khi sang Rôma du học từ 1998 đến 2002.

Trở về nước, ngài đặc trách Chủng sinh giáo phận Xuân Lộc từ 2003 đến 2005.

Từ 2006 đến 2009, ngài là Giám đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc.

Ngày 25/07/2009, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục Chính Toà Phát Diệm và được tấn phong Giám mục tại Phát Diệm vào ngày 08/09/2009.

Ngày 19/10/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Sàigòn


Source:Holy See Press Office
 
Thánh lễ tạ ơn mừng 54 năm thành lập giáo phận Xuân Lộc
Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
10:43 19/10/2019
Sáng Thứ Sáu, 18/10/2019, tại Nhà Thờ Chánh Tòa Giáo phận, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Giáo phận, Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, Nguyên Giám Mục Giáo phận, Đức Cha Phụ Tá Gioan Đỗ Văn Ngân, cùng quý Cha Quản hạt và quý cha đã cùng với cộng đoàn dân Chúa trong Giáo phận dâng Thánh Lễ Tạ Ơn mừng 54 năm Thành Lập Giáo Phận.

Xem Hình

Quả thật, như lời Đức Cha Giuse đã ngỏ với cộng đoàn trong phần nhập lễ qua việcsống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa cho hành trình 54 năm ân phúc này của Giáo phận. “Tạ ơn Thiên Chúa, bởi tình yêu của Người đã tuôn đổ dư tràn trên Giáo phận, trên từng gia đình, từng người trong chúng ta suốt 54 năm qua.”Không chỉ tạ ơn Thiên Chúa, Đức Cha còn mời gọi mỗi người hãy biểu tỏ lòng biết ơn đến quý Đức Cha, các Cha Tổng đại diện, quý cha, cùng mọi thành phần trong Giáo phận- còn sống hay đã qua đời- vì sự đóng góp xây dựng Giáo phận của các ngài trong hành trình 54 năm. Đặc biệt, Đức Cha Giáo phận đã nhắc đến tâm tình tri ân gửi đến Đức Cha Đa Minh, Nguyên Giám Mục Giáo phận,vì biết bao công lao đóng góp to lớn của Đức Cha với Giáo phận. Vẫn còn chưa đủ của lòng biết ơn, Đức Cha còn nhớ đến cội nguồn, nơi mà Giáo phận Xuân Lộc được sinh ra: Tổng Giáo phận Sài Gòn. Để rồi, ngài mời gọi cộng đoàn hãy nhớ đến và cầu nguyện cho Tổng Giáo phận Sài Gòn, như là thái độ của lòng biết ơn và cảm mến sâu sắc của một người con với mẹ mình.

Không chỉ là tri ân các bậc tiền bối, nhưng Đức Cha còn mời gọi mỗi người trong Giáo phận hãy cố gắng học sống theo gương các tiền nhân để xứng đáng là miêu duệ của các ngài. Nhớ đến để dõi theo con đường loan báo Tin Mừng mà tiền nhân xưa đã hăng say hoạt động, để con cháu ngày nay trong Giáo phận Xuân Lộc, cũng cần phải tiếp tục hăng say đem Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người.

Vì thế, Thánh Lễ Tạ Ơn hôm nay quả thật là một lời tôn vinh biết bao kỳ công Chúa làm trên Giáo phận, từ khởi đầu cho đến hôm nay. Tạ ơn, và cầu nguyện, để tiếp tục xin Chúa dẫn đưa Giáo phận trong hành trình này như Chúa đã dẫn đưa dân Israel xưa.

Tâm tình tạ ơn Thiên Chúa như mục đích Thánh Lễ quý Đức Cha và các cha trong Giáo phận cử hành, một lần nữa, được chính Lời Chúa soi rọi và suy niệm trong bài giảng của Đức Cha Phụ Tá Gioan. “Nếu từng lời trong Kinh Thánh luôn là những lời tạ ơn, thì sau 54 năm, chúng ta thấy rõ ràng những gì Thiên Chúa đã làm cho Giáo phận, cho từng gia đình…để rồi, Chúa muốn chúng ta sống thái độ tạ ơn trong chính cuộc sống mình.” Dựa trên hai khuôn mẫu từ trong Kinh Thánh luôn sống tâm tình tạ ơn – Thân mẫu của ngôn sứ Samuel và Đức Trinh Nữ Maria- Đức Cha Gioan mời gọi mỗi người hãy cùng mang lấy thái độ tri ân Thiên Chúa suốt đời như thế.

Nhưng làm thế nào để có được thái độ tạ ơn chân thành và xứng đáng với Thiên Chúa?Nhân ngày Lễ Kính Thánh Luca, Thánh Sử, Đức Cha Phụ tá mời gọi chiêm ngắm Thánh Luca, vị thánh rất hăng say rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, để rồi, mời gọi cộng đoàn hãy “sống tâm tình tạ ơn bằng việc rao giảng Lời Thiên Chúa”, vì Lời Chúa là nguồn dưỡng nuôi các Bí tích, và là nguồn sống cho cuộc đời của người Kitô hữu. Rao giảng Lời Chúa, đem Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người là thái độ của những người đã cảm nếm tình thương của Thiên Chúa, và muốn bày tỏ thái độ biết ơn với Đấng đã ban muôn ơn lành trên Giáo phận và cho chính mỗi gia đình và từng người, ngay cả khi cuộc đời gặp nhiều khó khăn thử thách. Tuy nhiên, khó khăn không làm họ chùn bước, bởi như Thánh Phaolô “có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng”

Thánh Lễ đã được quý Đức Cha và quý cha cử hành trong sốt sắng và thật ý nghĩa. Bởi nơi tâm điểm Bàn tiệc Thánh, mọi thành phần dân Chúa của Giáo phận Xuân Lộc đã cùng sống bí tích tình yêu, sự hiệp nhất quy tụ lại quanh Đức Kitô, cho dẫu họ hiện diện hay vì lý do nào đó không thể hiện diện ngay trong Thánh Lễ.

Trước khi đồng ban phép lành trọng thể của quý Đức Cha, Đức Cha Giuse – Giám Mục Giáo phận đã bày tỏ với cộng đoàn dân Chúa của Giáo phận niềm vui của Ngài trong ngày kỷ niệm Sinh Nhật lần thứ 54 của Giáo Phận. Niềm vui mà Đức Cha cảm nhận khởi đi từ việc Ngài nhìn thấy một sự hiệp thông của mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận trong Thánh Lễ Tạ Ơn, khi mọi người cùng dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ vì biết bao hồng ân Người đã thương ban cho Giáo phận, cũng như sự biết ơn sâu xa đối với các tiền nhân, quý Đức Cha, quý Cha, cùng hết thảy những người đã hăng say đóng góp xây dựng Giáo phận.

Lồng ghép với tháng Truyền Giáo Ngoại Thường đang diễn ra, Đức Cha Giáo phận đã nhấn mạnh đến sự hiệp nhất trong Giáo phận đang có, và mong mỏi “Sự hiệp nhất trong giáo phận chính là sức mạnh để Giáo phận, cũng như từng người có thể đi ra ngoài, vươn ra đến mọi biên cương, đem sức sống mới của tình yêu Thiên Chúa đến cho những người chưa biết Chúa…để Giáo phận có một mùa xuân truyền giáo.”

Cũng vẫn không quên nhắn gửi toàn dân Chúa Giáo Phận bổn phận xây dựng Giáo phận thành thánh địa của lòng thương xót, Đức Cha Giuse tha thiết mọi thành phần hãy sống sao để “trình bày Chúa cho người khác nhận ra ‘Chúa là Đấng giàu lòng xót thương’”. Tuy nhiên, để mỗi người có thể nói về một Thiên Chúa giàu lòng nhân hậu, xót thương, Đức Cha mời gọi cộng đoàn “phải để cho chính mình thấm nhuần lòng thương xót của Chúa”. Nhưng để có được điều này, Đức Cha nhấn mạnh “phải có hàng linh mục, tu sĩ nam nữ thánh thiện, để truyền đạt sự thánh thiện đến đoàn dân Chúa”. Và như vậy, sự thánh thiện sẽ được lan truyền, “để mọi người sống trong địa bàn Xuân Lộc cảm thấy sự thánh thiện đang hiện diện nơi này,…làm cho mọi người cảm thấy niềm vui của sự thánh thiện đang lan tỏa”. Cuối cùng, Đức Cha cũng không quên cám ơn đến những người già, người đau bệnh… đang đón nhận hy sinh, chịu đựng đau khổ …để van nài Chúa ban ân phúc của Người xuống trên giáo phận.

Tạ ơn Chúa vì hành trình 54 năm qua. Một hành trình có biết bao thăng trầm, của một thời khai sinh, lớn lên trong thử thách, cùng với những chặng đường xây dựng đầy khó khăn, nhưng với cách dẫn lối diệu kỳ của Chúa Thánh Thần, Giáo phận Xuân Lộc đang trở nên một Giáo phận sinh động, nơi đó, một mùa xuân truyền giáo đang về trên thánh dịa của lòng thương xót Chúa.

Tin và hình ảnh: Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
 
Đại Hội Mẹ La Vang Las Vegas 2019 Ký XII
Joseph Phan Văn Sỹ
21:01 19/10/2019
“ Cùng Mẹ Sống Vui Mừng và Hân Hoan Trong Chúa”

1-Hằng năm, cứ bước vào Tháng 10, Tháng Mân Côi: Cộng Đoàn Mẹ La Vang Las Vegas như ngập tràn niềm vui cùng quí khách hành hương chuẩn bị Đại Hội Mẹ La Vang. Vui vì để lại có dịp chào đón những khuôn mặt thân thương đến hẹn lại lên. Cứ thế, nối tiếp hằng năm đến năm nay tròn 12 năm cùng nhau tổ chức Đại Hội thờ kính Chúa, vinh danh Mẹ La Vang, Mẹ Việt Nam. Cứ như vậy, người cũ không bỏ, người mới cứ mãi tiếp nối đến thêm theo lời mời gọi và đồn đại về Linh Địa Mẹ La Vang Las Vegas. Nơi Mẹ đã ban tràn đầy ơn phúc dồi dào cho những ai chạy đên kêu xin Mẹ. Bao tâm hồn được Mẹ an ủi, chữa lành, bao tật nguyền được Mẹ hóa giải đúng như tâm tinh của chủ đề Đại Hội Thứ XII năm nay: “ Cùng Mẹ Sống Vui Mừng Và Hân Hoan Trong Chúa”

2-Mới từ sáng tinh sương: Ngày khai mạc Đại Hội 18-10-2019, khách hành hương từ bốn phương trời đã đổ về tấp nập, rộn ràng những tiếng chân bước vào Đền Thánh Mẹ theo tiếng nhạc từ loa phóng thanh vang vọng bài hát về Mẹ La Vang: “ Lạy Đức Mẹ La Vang, con vui mừng cầu xin Đức Mẹ, Mẹ chinh niềm cậy trông, niềm hy vọng sự sống chúng con…Lạy Đức Mẹ La Vang, dân con Việt đồng thanh bái chào, nơi xứ người tạm dung, nguyện xin Mẹ dìu dắt chúng con…trên bước đường ly hương, đoàn chúng con sống trong tình thương…”. Đặc biệt năm nay trong ngày lễ khai mạc, Cộng đoàn Mẹ La Vang hân hoan được Đức Cha George Leo Thomas Giám Mục địa Phận Las Vegas đến đặt viên đá đầu tiên XÂY DỰNG HỘI TRƯỜNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM”, đáp ứng niềm mong ước của bao giáo dân trong cộng đoàn cũng như khách hành hương và đặc biệt cùng trong niềm mơ ước của cha Sáng Lập Giuse Nguyễn Đức Trọng từ bao lâu nay.

3-Cùng về tham Đại Hội năm nay có: Quý Đức Cha George Leo thomas, Giám Mục Địa Phận Las Vegas, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên Giám Mục Địa Phận Kontum Việt Nam, linh mục Phêrô Bùi Quang Tuấn, Giám Phụ Tỉnh DCCT Hải Ngoại, Lm. Micae Nguyễn Trường Luân, DCCT. Lm. Giuse Nguyễn Đức Trọng, Sáng Lập Đền Thánh Mẹ La Vang Las Vegas, hiện ngài nghỉ hưu tại Cali, Lm. Giuse Đồng Minh Quang, Cựu Giám Đốc Đền Thánh Mẹ La Vang Las Vegas, hiện làm Chánh Xứ Giáo Xứ Immaculate Heart Of Mary Church, cùng đông đảo linh mục, Thầy Sáu: Có 51 vị linh mục và Thầy sáu cùng quý tu sĩ nam nữ, Fere Phong và trên 8 ngàn giáo dân hành hương khắp nơi về cùng tham dự Đại Hội Mẹ La Vang Kỳ Thứ XII. Tất cả vui mừng trong không khí ấm áp quanh khuôn viên nhỏ hẹp tại Linh Địa Mẹ La Vang Las Vegas với tâm tinh vui mừng, hân hoan trong Chúa để sống những ngày Đại Hội với niềm vui có Chúa có Mẹ , có nhau.

4-Chủ đề Đại Hội: “ Cùng Mẹ Sống Vui Mừng Và Hân Hoan Trong Chúa” Luồn trong tâm tinh của chủ đề Đại Hội, cha Chánh Xứ Tôma Hà Quốc Dũng và Ban Tổ Chức Đại Hội muốn nói lên tâm tinh cảm tạ gói trọn trong 12 năm tổ chức Đại Hội được trọn hảo và an binh để dâng lời cảm tạ Thiên Chúa qua Mẹ La Vang đã an bài và ban cho con cái Mẹ khắp nơi xa gần biết bao ơn lành phần hồn, phần xác qua 11 Đại Hội. Đại Hội Thứ XII năm nay mọi người về tham dự như một dấu ấn đức tin chứng tỏ tất cả đã nhận được từ Chúa qua Mẹ muôn vàn ơn lành phần hồn, phần xác,nên số người về tham dự năm nay trội vượt hơn các năm qua. Riêng con cái Mẹ tại Giáo Xứ La Vang Las Vegas cũng nhận được thật nhiều ơn tuôn đổ từ Thiên Chúa qua Mẹ, chinh vì vậy Giáo Xứ đã và đang phát triển mạnh hầu đáp ứng nhu cầu cấp thiết của giáo dân khắp nơi về đây với Mẹ. Câu nói của cha cựu Phụ Giám Tỉnh DCCT Hải Ngoại Đaminh Nguyễn Phi Long còn bàng bạc trong tâm trí mọi người: “ Vì yêu cầu của bề trên, cha Dũng đến để
phục vụ tại Đền Thánh Mẹ La Vang, nơi đang có tiềm năng phát triển rộng lớn và nhu cầu cần có một nhà thờ mới để đáp ứng với dân số giáo dân ngày căng tăng và quan trọng nhất là cần có một Đền Thờ sâu thẳm trong tâm hồn mỗi giáo dân ở đây!” ( Lv. 11-12-2016). Chính vì vậy hôm nay trong Đại Hội này, Cộng Đoàn Mẹ La Vang hân hoan vui mừng cùng Đức Cha George Leo Thomas đặt viên đá đầu tiên xây dựng Hội Trường Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Xin các Thánh che chở gìn giữ và cầu bầu cho chúng con. Cũng phải nói như lời yêu cầu của cha Cựu Phụ Giám Tỉnh DCCT. Hải Ngoại, cha Chánh Xứ từ ngày về, ngài đã hy sinh dâng thêm mỗi tuần hai thánh lễ Thứ Hai và Thứ Sáu và mỗi Thứ Năm tổ chức Chầu Mình Thánh Chúa để nâng cao đời sống tâm linh cho mọi giáo dân tại đây và cũng là để phạt tạ Chúa về những thiếu sót và đặc biệt xin ơn cho mọi người bền đỗ cùng sự phát triển Đền Thánh ngày một tiến triển.

5-Logo Đại Hội: Hằng năm Logo Đại Hội được cha Pherô Nguyễn Từ design theo Idea của cha Chánh Xứ Tôma Hà Quốc Dũng: “ Cùng Mẹ Sống Vui Mừng Và Hân Hoan Trong Chúa “. Theo nhận định thô thiển của người viết: Vì là niềm vui nên phải có vui, có hát nên phía sau tượng Mẹ La Vang bế Chúa Hài Nhi có một nền khung nốt nhạc chạy vòng theo hình chữ S, chữ S cũng là biểu tượng của bản đồ Việt Nam hình chữ S. Mẹ ẵm Chúa Hài Nhi sau khuôn tròn màu vàng từ dưới đậm, trên nhạt là biểu thị của màu hân hoan và được dệt quanh bởi chuỗi hạt Mân Côi, kinh Kính Mừng của Mùa Vui. Tất cả được chở che bởi cây Thánh Giá Toàn Thắng Vinh Quang của Chúa.

6-Xe Hoa Đại Hội: Năm nào cũng vậy, xe hoa Đại Hội là tâm điểm để mọi người nhìn vào, chụp hình, quay phim làm lưu niệm, hơn nữa trọng tâm của Đại Hội là rước kiệu cung nghinh Mẹ La Vang để tỏ lòng tôn kính Mẹ hằng năm. Xe hoa năm nay được thiết kế cũng những khuôn mặt yêu mến Mẹ đã đem khả năng, tay nghề do Chúa ban tặng để phục vụ Mẹ của chị Thy, chị Ngân, chị Hằng cùng một số anh chị ca đoàn Mẹ La Vang phụ vào, anh Hùng năm nay phải uốn cong cây sắt làm nốt nhạc thật công phu. Phần bắt điện cũng do anh Tuyến Nguyễn dựa theo Logo để hoàn thành xe hoa thật mỹ thuật, thật lộng lẫy với những bông hoa muôn màu sắc được trang điểm.

7-Thánh Lễ Khai Mạc Đại Trào: Sau nghi thức Đặt Viên Đá Đầu Tiên xây dựng HỘI TRƯỜNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM tiếp đến bước ngay vào Thánh lễ khai mạc được hai Đức Cha George Leo Thomas Giám Mục Địa Phận Las Vegas và Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh cùng chủ tế quí linh mục đồng tế, sau Phúc Âm tin Mừng theo thánh Luca: 6, 17. 20-26, Đức Cha chia sẻ rất nhiều về Đức Mẹ La Vang về lịch sử và địa danh nơi Mẹ hiện ra và ngàinhấn mạch đến lời Đức Mẹ hứa với con cái Việt Nam: “ Các con hãy tin tưởng, cam lòng chịu khổ, Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này. Mẹ sẽ nhận lời ban theo ý nguyện”. Ngài cũng khen ngợi về đời sống đức tin của giáo dân Việt Nam và đặc biệt các linh mục, tu sĩ Việt Nam. Ngài nói: “ tôi xin xác quyết- Đức tin của quí linh mục việt Nam và giáo dân Việt Nam là khuôn vàng thước ngọc đã bán rễ sâu và nay đâm trồi nẩy lộc, đó là bản chất sống đạo tuyệt vời của giáo dân và quí vị linh mục việt Nam”. Ngài tiếp: “Anh em linh mục và giáo dân hãy dạy lại cho con cháu việt Nam thể hệ sau này tất cả những di sản đã được thừa hưởng từ cha ông là các thánh Tử Đạo Việt Nam để lại”.

8-Trong Đại Hội có rất nhiều đề tài được thuyết giảng: Do quí Đức Cha, quí cha, Frere Phong giảng thuyết nhiều đề tài hữu ích cho đời sống tâm linh của giáo dân như: “Ca Ngơi Lòng Thương Xót”, “ Lời Cầu Thai Nhi: “ Mẹ ơi, sao Mẹ Giết Con” do Lm. Micae Trường Luân, CSsR. “Cùng Mẹ Sống Niềm Vui Tin Mừng” do Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, “ Chiêm Ngưỡng Đức Mẹ Ở Canna, Ở Gon-gô-tha và ở La Vang. Chúng ta Vui Sống Trong Niềm tin Tưởng Vào Chúa Giêsu” Frere Phong. Xen vào đó có : “Cầu Nguyện Chữa Lành” do Lm. Micae Trường Luân, CSsR.“ Hội Thảo Giới Trẻ: “ Proud to be Vietnamese American catholic, Children Of Mother Of La Vang” Frere Phong. Điểm đặc biệt là được nhận phép Hòa Giải cùng nhận lanh phép lành Tòa Thánh. Sen vào đó là những buổi văn nghệ và rước kiệu trọng thể Mẹ La Vang cùng những bữa ăn được các anh chị đầu bếp La Vang nấu để thiết đãi mọi người free đến với Mẹ La Vang Las Vegas.

9-Tóm Kết: Ngoài niềm vui đến với Chúa, đến với Mẹ La Vang để được Mẹ trao ban nhiều ơn lành phần hồn, phần xác, chúng ta còn niềm vui gặp gỡ hàn huyên, cởi mở tâm tinh đồng hương hằng năm sau khi đã được no tròn ơn Chúa qua Mẹ trao ban. Cuộc vui nào cũng có lúc tàn, gặp gỡ nào cũng có lúc phải chia tay, sau ba ngày lãnh nhận tràn đầy ân sủng và niềm vui gặp gỡ. Ước mong của mọi người sẽ gặp lại nhau sang năm qua chủ đề mới lạ để chúng ta cùng lên đường như lời hứa với Chúa khi nhận lãnh Phép Rửa tội nhận vào làm con cái Chúa: ” “ Làm Ngôn Sứ”: “ Cùng Mẹ Đi Rao Giảng Tin Mừng”./.

Kính Mừng Đại Hội Mẹ La Vang XII, 2019

Joseph Phan Văn Sỹ ( Phan Hướng Nam)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tài liệu năm 2014 về Linh Hứng của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, Phần Ba, các câu truyện Phục Sinh
Vũ Văn An
20:40 19/10/2019
2.6 Những câu truyện về Phục sinh

119. Các tường thuật Phục Sinh cho thấy một khó khăn chuyên biệt liên quan đến sự thật lịch sử của chúng, liên hệ tới sự kiện này: có nhiều sự khác biệt giữa chúng, không dễ hòa hợp, nếu người ta dừng lại ở chiều kích hoàn toàn có tính sự kiện của câu truyện.

Chính biến cố phục sinh của Chúa Giêsu không được mô tả trong bất cứ bản văn nào của Tân Ước. Nó bị loại khỏi mắt người phàm và chỉ thuộc về mầu nhiệm của Thiên Chúa. Ngược lại, có hai loại câu truyện về Phục sinh kể lại những gì đã xảy ra sau cuộc phục sinh: Các phụ nữ đi thămmộ Chúa Giêsu và các lần hiện ra khác nhau của Chúa Phục sinh (xem thêm 1 Cr 15:3-8), Đấng tự tỏ mình đang sống với các chứng nhân Người đã chọn. Chuyến viếng thăm mộ tạo nên biến cố phục sinh độc đáo được chúng ta tìm thấy trong câu truyện tương tự của bốn sách Tin Mừng, mặc dù có nhiều biến thể trong các chi tiết của bản văn.

Một cách đặc thù hơn, chúng ta muốn xem xét ba sự khác biệt được tìm thấy trong bốn câu truyện:

a. Chỉ có đoạn Mt 28:2 đề cập đến một trận động đất trước khi đề cập tới việc các phụ nữ đến ngôi mộ của Chúa Giêsu.

b. Chỉ có đoạn Mc 16:8 nói đến việc các phụ nữ trốn chạy vì sợ hãi và sự im lặng của họ sau cuộc gặp gỡ thiên sứ.

c. Theo các sách nhất lãm (xem Mt 28:5-7, Mc 16:6-7, Lc 24:5-7), thông điệp liên quan đến sự phục sinh của Chúa Giêsu được truyền đến các phụ nữ bởi một hoặc nhiều sứ giả của Thiên Chúa; Ngược lại, theo Ga 20: 14-17, Maria Mađalêna, mặc dù đã nhìn thấy hai thiên thần trong ngôi mộ (xem Ga 20:12-13) đã trực tiếp nhận từ Chúa Giêsu việc loan báo sự phục sinh của Người.

a. Trận động đất

120. Sự kiện chỉ có đoạn Mt 28:2 đề cập đến trận động đất không có nghĩa là các Tin Mừng khác, các tin mừng không đề cập đến nó, đã phủ nhận nó. Một kết luận như vậy, chỉ dựa trên một lập luận im lặng, sẽ không chắc chắn. Mặt khác, "trận động đất" dường như thuộc về thần học của Thánh Matthêu. Chỉ có tác giả tin mừng này nói đến một trận động đất - kèm theo những hiện tượng phi thường khác - sau cái chết của Chúa Giêsu (xem Mt 27:51-53), và trình bầy nó như lý do khiến viên bách quản và binh lính của ông ta khiếp sợ và thú nhận ngôi vị Con trai Thần thiêng của Chúa Giêsu bị đóng đinh (xem Mt 27:54). Nhân vấn đề này, ta hãy lưu ý điều này: các mô tả thần hiện (théophanies) trong Cựu Ước coi động đất như là một trong những hiện tượng qua đó sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa được tỏ hiện (xem Xh 19:18; Tl 5:4-5; 1 V 19:11; Tv 18:8; 68:8-9; 97:4; Is 63:19). Trong Khải Huyền, trận động đất được coi là một chấn động nhằm làm sụp đổ "hệ thống trần gian", một hệ thống tương ứng với một thế giới, vì được xây dựng bên ngoài Thiên Chúa và đối nghịch với Người, sẽ sụp đổ vào một thời điểm đã định (xem Kh 6:12; 11:13; 16:18).

Do đó, có xác suất là Thánh Matthêu sử dụng "ý định văn học" [motif littéraire] này. Khi đề cập đến trận động đất, ngài muốn nhấn mạnh rằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu không phải là những biến cố thông thường, mà là những biến cố "làm đảo lộn", trong đó chính Thiên Chúa hành động và hiện thực hóa ơn cứu rỗi loài người. Ý nghĩa chuyên biệt của hành động thần thiêng phải được đem ra ánh sáng khởi đi từ bối cảnh Tin Mừng: cái chết của Chúa Giêsu "làm nên trọn" ơn tha tội và hòa giải với Thiên Chúa (Mt 20:28; 26:28) ; và trong sự phục sinh của Người, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, bước vào sự sống của Thiên Chúa Cha và nhận được quyền năng trên mọi sự (xem Mt 28:18-20). Do đó, Tin mừng không nói tới trận động đất mà sức mạnh của nó có thể được đo bằng các độ cân đo nhất định, nhưng nó tìm cách đánh thức sự chú ý của độc giả và hướng sự chú ý ấy về phía Thiên Chúa, bằng cách làm nổi bật yếu tố quan trọng nhất là sự phục sinh của Chúa Giêsu: mối liên hệ của Người với quyền năng cứu rỗi của Thiên Chúa.



b. Tác phong của các phụ nữ

121. Trường hợp ở Mc 16:8 cũng tương tự. Bản văn đề cập đến phản ứng của các phụ nữ đối với thông điệp của thiên thần, một phản ứng sợ hãi và kinh hãi: "Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi” Các tác giả tin mừng khác không thuật lại phản ứng này. Giống như trận động đất là một trong những hiện tượng đi kèm với sự biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa, cũng vậy, nỗi sợ hãi tượng trưng cho phản ứng theo thói quen của con người đối với một biểu lộ như vậy. Một trong những đặc điểm của Tin mừng Máccô hệ ở việc xác định chính xác bản chất và loại biến cố được nó thuật lại, khởi đi từ phản ứng của những người tham dự vào chúng (xem Mc 1:22, 27; 4:41; 5:42, v.v.). ...). Phản ứng mạnh mẽ và rõ rệt nhất trong tin mừng của ngài là phản ứng của các phụ nữ, sau khi họ nghe được thông điệp phục sinh của sứ giả Thiên Chúa. Qua phản ứng của họ, Tác giả tin mừng nhấn mạnh rằng sự phục sinh của Chúa Giêsu bị đóng đinh là biểu lộ lớn nhất của quyền năng cứu rỗi của Thiên Chúa. Tác giả tin mừng không những truyền đạt chính biến cố mà còn cho thấy cả ý nghĩa xác định của nó đối với các hữu thể nhân bản và hiệu quả của nó đối với họ.

c. Nguồn gốc thông điệp phục sinh

122. Nguồn gốc của thông điệp phục sinh được trình bày nhiều cách khác nhau bởi các Tin mừng. Theo các tin mừng nhất lãm (Mt 28:5-7; Mc 16:6-7; Lc 24:5-7), các phụ nữ đến ngôi mộ của Chúa Giêsu và thấy nó trống rỗng, nhận được từ một hoặc hai thiên sứ sứ điệp liên quan đến sự phục sinh của Chúa Giêsu. Ngược lại, theo Ga 20: 1-2, Maria Mađalêna, sau khi thấy ngôi mộ trống, đã đến gặp các môn đệ và nói với họ: "Người ta đã lấy Chúa khỏi ngôi mộ của Người, và chúng tôi không biết họ đặt nó ở đâu” (Ga 20:2). Bà lặp lại hai lần nữa (xem Ga 20:13,15) điều bà thấy ngôi mộ trống, và chỉ mang thông điệp phục sinh đến cho các môn đệ (xin xem Ga 20:18) sau khi chính Chúa phục sinh hiện ra với bà ( xem Ga 20:14-17). Người ta có thể tự hỏi liệu Thánh Matthêu, Thánh Máccô và Thánh Luca, khi đề cập đến việc khám phá ra ngôi mộ trống, có dự ứng sự giải thích đích thực cho sự kiện này, bằng cách thoát khỏi lối giải thích, đã nhắc, từng được Maria Mađalêna đưa ra hay không (xem Ga 20: 2-13, 15; xem thêm Mt 28:13). Bằng cách đặt lời giải thích này lên môi miệng của một sứ giả trên trời, ba tác giả tin mừng coi đó như một kiến thức siêu phàm, chỉ có thể đến từ một mình Thiên Chúa. Nhưng nguồn gốc thực tế của lối giải thích này là chính Chúa phục sinh, Đấng đã hiện ra với các nhân chứng được chọn. Không thể nghi ngờ rằng nền tảng đức tin vững chắc nhất vào sự phục sinh của Chúa Giêsu được tạo thành bời các lần hiện ra của Người (1 Cr 15:3-8).

Bốn tường thuật của chuyến viếng thăm ngôi mộ, với các khác biệt của chúng, làm cho sự phối hòa lịch sử của chúng trở nên khó khăn, nhưng các khác biệt này chính xác đã tạo thành một lời mời để hiểu chúng một cách chính đáng. Nghiên cứu về ba điểm khác biệt chính của chúng - trận động đất, các phụ nữ trốn chạy, thông điệp trên trời - đã cho thấy một ý nghĩa chung: những câu truyện này là bằng chứng về Thiên Chúa và về sự can thiệp dứt khoát của quyền năng cứu rỗi của Người trong sự phục sinh của Chúa Giêsu. Kết quả này, nếu, một mặt, giải phóng khỏi sự gò bó của việc phải coi từng chi tiết của câu truyện - không những các câu truyện Phục sinh, mà cả toàn bộ các Tin mừng - như dữ kiện chính xác của một biên niên lịch sử, mặt khác, kích thích phải cởi mở và chú ý đến ý nghĩa thần học phát xuất không những từ các khác biệt, mà còn từ mọi chi tiết của câu truyện.

d. "Giá trị thần học của các sách Tin mừng"

123. Sự kiện coi các Tin mừng như một biên niên sử các sự kiện, dựa trên một tường trình chính xác của các nhân chứng, vẫn tạo nên một ý kiến đương thời. Một xác tín như vậy dựa trên ý tưởng chính đáng rằng đức tin Kitô giáo không phải là một suy đoán phản lịch sử, mà dựa trên những sự kiện thực sự xảy ra. Thiên Chúa hành động trong lịch sử và làm cho Người hiện diện một cách ưu việt trong lịch sử Con nhập thể của Người. Nhưng một quan niệm chỉ thấy trong các sách Tin mừng duy nhất một loại biên niên sử nào đó có thể không nhìn ra tầm quan trọng thần học của chúng, và do đó bỏ qua sự phong phú của chúng, một điều chính xác hệ ở sự kiện chúng nói về Thiên Chúa. Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh đã khẳng định vào năm 1964, trong Chỉ thị về Chân lý lịch sử của các sách Tin mừng, Sancta Mater Ecclesiae rằng: "Các nghiên cứu gần đây mang lại kết quả là: cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu không được tường thuật với mục đích duy nhất là để lưu giữ ký ức về Người, nhưng 'để rao giảng' theo cách cung cấp cho Giáo hội nền tảng của đức tin và luân lý; Đây là lý do tại sao nhà chú giải, khi xem xét kỹ lưỡng những lời chứng của các tác giả tin mừng, phải tiến tới mức biểu lộ hết sức cần mẫn các khẳng định thần học về giá trị vĩnh cửu của các sách Tin mừng, và đưa ra ánh sáng đầy đủ sự cần thiết và tầm quan trọng của lời giải thích của Giáo hội "(EB 652).

Do đó, chúng ta phải xét đến sự kiện này: các sách Tin Mừng không chỉ là các biên niên sử về các sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu, vì các tác giả tin mừng cũng tìm cách phát biểu trong đó, theo phương thức tường thuật, giá trị thần học của các biến cố này. Điều này có nghĩa: trong mọi điều chúng tường thuật, chúng không những chỉ tìm cách duy trì các dữ kiện của một biên niên sử, mà còn nhằm mục đích đưa ra một "bình luận thần học" về các sự kiện được tường thuật, diễn giải giá trị thần học của chúng. và làm chứng cho mối liên kết của chúng với Thiên Chúa.

Nói cách khác, ý muốn loan báo Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và Đấng Cứu độ loài người - một ý muốn thuộc trật tự “thần học" - chiếm ưu thế trong các Tin mừng và là nền tảng của chúng. Việc nhắc đến các sự kiện cụ thể, mà chúng ta thấy trong các sách Tin mừng, phải được thấu hiểu trong bối cảnh mục tiêu thần học này. Hệ luận là, trong khi các quả quyết thần học về Chúa Giêsu có giá trị trực tiếp và chuẩn mực, thì các yếu tố hoàn toàn có tính "lịch sử" chỉ có chức năng bổ trợ.

Kỳ tới: 3. Thách thức thứ hai: các vấn đề đạo đức và xã hội
 
Văn Hóa
Người Thiếu Phụ Không Chồng
Sơn Ca Linh
10:47 19/10/2019
(Tin mừng Gioan 4,15-17 : Người phụ nữ nói với Đức Giêsu : “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” Người bảo chị ấy : “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.” Người phụ nữ đáp : “Tôi không có chồng.”…)

Một buổi trưa hè con đường vắng,
Ngập lối ai về chỉ nắng thôi.
Trán đẫm mồ hôi lòng vẫn lạnh,
Lá trên cây rụng mấy thu rồi !

Vẫn lại con đường qua giếng cũ,
Mà sao cơn khát cứ chưa phai?
Sắc, tiền, danh phận nào đâu thiếu,
Thêm mấy cuộc tình để vắt vai !

Thì ra kiếp phận E-và đó,
Trái cấm xưa giờ vẫn trên cành.
Như lau sậy khoe mình trước gió,
Dẫu “xương sườn” cứ vẫn mong manh!

Nên vẫn kéo cuộc đời đắng chát,
Mỗi chiều mỗi sáng ngập chênh vênh.
Biết làm sao cho đời hết khát,
Tìm đâu ra một cõi yên bình?

Người thiếu phụ vẫn người xưa ấy,
Đường Sa-ma-ri nối tận hôm nay.
Bờ giếng xưa và “Người khách lạ”,
Chuyện “hồi xuân” mấy cuộc vơi đầy !

Nước trường sinh, “xin Thầy nước thánh”,
Để lòng con tuôn chảy dạt dào,
Để mặt trời lên, đêm thôi lạnh,
Và để đời ngời những ánh sao !

Vò nước mỗi ngày sao bỗng nhẹ,
Con đường giờ rợp những sắc hoa.
Không lẽ bây giờ ta trẻ lại,
Rộn ràng ta kể hết chuyện ta…!

Ai về nghe chuyện ngày xưa đó,
Hãy nhắc lòng “phải gặp Ngài thôi”,
Để dẫu truân chuyên tràn bể khổ,
Dẫu “không chồng” vẫn ngập niềm vui !

Sơn Ca Linh (19.10.2019)
 
VietCatholic TV
Đức Cha Giuse Nguyễn Năng được bổ nhiệm Tân Tổng Giám Mục Sàigòn
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:03 19/10/2019
Trong khi Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon đang diễn ra sôi nổi, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn không quên Giáo Hội Việt Nam và đặc biệt là tổng giáo phận Sàigòn đã trống tòa từ ngày 6 tháng Ba năm ngoái 2018 khi Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc qua đời đột ngột tại Rôma trong chuyến đi ad limina để viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô, Phaolô và thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Trưa ngày thứ Bẩy 19 tháng Mười, 2019, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Cha Giuse Nguyễn Năng làm Tổng Giám Mục Sàigòn.

Tiểu sử Đức Cha Giuse Nguyễn Năng

Ngài sinh tại Phúc Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình (Gp. Phát Diệm) ngày 24/11/1953

Từ năm 1962 đến 1970, ngài theo học tại Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse, Sàigòn.

Từ 1970 đến 1977 ngài tiếp tục học tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt

Trong 11 năm sau đó, từ 1977 đến 1988, ngài lao động tại giáo xứ Bạch Lâm, Gia Kiệm, Gp. Xuân Lộc

Từ 1989 đến 1990, ngài giúp xứ Thuận Hoà, Biên Hoà, Gp. Xuân Lộc

Ngài được thụ phong linh mục tại Xuân Lộc vào ngày 09/06/1990.

Trong tám năm từ 1990 đến 1998, ngài là Chính Xứ Thuận Hoà, Biên Hoà, Gp. Xuân Lộc cho đến khi sang Rôma du học từ 1998 đến 2002.

Trở về nước, ngài đặc trách Chủng sinh giáo phận Xuân Lộc từ 2003 đến 2005.

Từ 2006 đến 2009, ngài là Giám đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc.

Ngày 25/07/2009, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục Chính Toà Phát Diệm và được tấn phong Giám mục tại Phát Diệm vào ngày 08/09/2009.

Ngày 19/10/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Sàigòn


Source:Holy See Press Office