Ngày 21-10-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 22/10: Quan điểm của Chúa Giêsu về tai nạn – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
01:49 21/10/2022


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?’ Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi’.”

Đó là lời Chúa
 
Truyền giáo: thao thức của Chúa và sứ mạng ngàn năm của Hội thánh
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
05:34 21/10/2022

TRUYỀN GIÁO: THAO THỨC CỦA CHÚA VÀ SỨ MẠNG NGÀN NĂM CỦA HỘI THÁNH

"Truyền giáo". Chúng ta phải hiểu chính xác đó là công cuộc truyền bá đức tin và gieo đức tin cho anh chị em của mình. Và nếu là gieo đức tin vào lòng người, đó là gieo cả một công trình của đời sống, của cảm nghiệm, của một sự thấm thía về một kinh nghiệm sống tận chiều sâu nội tâm.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI gọi việc loan báo Tin Mừng là Phúc Âm hóa. Đức Gioan Phaolô II cũng dựa trên khái niệm "Phúc Âm hóa" và mở rộng thêm: "Tái Phúc âm hóa", "Tân Phúc Âm hóa". Tân Phúc Âm hóa là quay về với chính cảm nghiệm nội tâm về chính Chúa Kitô nhằm chia sẻ những cảm nhận về chính Chúa Kitô cho anh chị em của mình.

Ngay số 1 của Tông Huấn Niềm vui Tin Mừng, Đức Phanxicô nhắc lại cảm nghiệm cá nhân với Chúa Kitô, không khác giáo huấn Tân Phúc Âm hóa mà Đức Gioan Phaolô II từng dạy: "NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh".

Bởi tầm quan trọng của ơn gọi gieo vãi đức tin, mỗi Kitô hữu hãy luôn thâm tín và sẵn sàng dấn thân mọi nơi, mọi lúc cho sự thâm tín này, đó là: Ơn gọi truyền giáo không phải là một thứ thêm vào có cũng được mà không có cũng không sao, nhưng TRUYỀN GIÁO LÀ BỔN PHẬN KHÔNG THỂ BỎ QUA CỦA KITÔ HỮU.

1. TRUYỀN GIÁO LÀ LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA GIÊSU.

Truyền giáo là mệnh lệnh tuyệt đối của Chúa Giêsu. Ngay trước khi về trời, Chúa không để lại giáo huấn nào khác ngoài đòi buộc phải truyền giáo: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 16-20).

Mệnh lệnh truyền giáo cũng chính là thao thức của Chúa. Hiểu được sứ mạng truyền giáo là điều quan trọng đến vậy, chúng ta phải luôn tâm niệm: Không việc nào quan trọng bằng loan báo Tin Mừng của Chúa. Không hành động nào lớn bằng hành động loan báo Tin Mừng của Chúa. Không đam mê nào ngang hàng đam mê ra đi loan Tin Mừng của Chúa. Không thúc bách nào mạnh mẽ bằng thúc bách xả thân vì Lời của Chúa. Không tình yêu nào cao cả bằng tình yêu được sống chết cho Lời của Chúa...

Chúng ta may mắn được nhận biết và tin vào Chúa Kitô. Niềm vui này cần phải được chia sẻ cho người khác để họ cũng có cơ hội để nhận biết và tin vào Chúa Kitô như chúng ta.

2. TRUYỀN GIÁO LÀ KINH NGHIỆM HÀNG NGÀN NĂM CỦA ĐỜI SỐNG HỘI THÁNH Công Giáo.

Tiếp nối bước chân truyền giáo của Chúa Giêsu, Hội Thánh không ngừng đề cao việc rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Không chỉ nhấn mạnh trách nhiệm của mình, của mọi người con trong Hội Thánh, mà Hội Thánh còn quay nhìn cả bề dày của truyền thống lịch sử cứu độ để càng nhấn mạnh, càng soi rọi, càng đề cao trách nhiệm loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân.

"Các sách Cựu Ước báo trước niềm vui cứu độ sẽ ngập tràn vào thời thiên sai. Ngôn sứ Isaia hoan hỉ chào đón Đấng Mêsia từng được trông đợi: “Chúa đã làm cho dân nên đông số, đã cho dân chan chứa niềm vui” (Is 9, 3)...

Hướng về Ngày của Đức Chúa, ngôn sứ Dacaria kêu mời dân chúng tung hô Đức Vua ngự đến “khiêm tốn ngồi trên lưng một con lừa”: “Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Ðức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Ðấng Chính Trực, Ðấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.” (Dac 9, 9)..." (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng số 4).

Đặc biệt, những trang Tân Ước càng như ngập tràn ý thức loan bao Tin Mừng: "Các môn đệ “vui mừng” (Ga 20, 20) khi nhìn thấy Chúa Kitô phục sinh. Trong sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta thấy các Kitô hữu tiên khởi “dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (2, 46). Bất kể các môn đệ đi đến đâu,“ở đó, người ta rất vui mừng” (8, 8); ngay cả giữa cơn bách hại, họ vẫn “ngập tràn niềm vui” (13, 52). Viên quan thái giám vừa mới được rửa tội “tiếp tục lên đường, lòng đầy hoan hỉ” (8, 39), trong khi người cai ngục của Phaolô “và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa” (16, 34). Thế thì tại sao chúng ta lại không đi vào cùng dòng suối niềm vui ấy?" (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng số 5).
Việc gieo đức tin vào thế giới không dành riêng cho bất kỳ giới nào, thân phận nào, nhưng là ơn gọi cao quý của tất cả mọi tín hữu. Hội Thánh luôn khẳng định, mỗi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ.

Trong thực tế, anh chị em ngoài Kitô giáo nhận ra khuôn mặt nhân ái và dễ thương của Chúa Giêsu qua những hành động yêu thương, bác ái, chia sẻ, những gương lành, những cử chỉ tha thứ và khoan dung của từng Kitô Hữu. Vì thế, để có thể gieo đức tin vào Chúa Kitô nơi lòng anh chị em, mỗi người cần ra sức thực thi tình yêu theo gương mẫu tình yêu của Chúa Kitô.

Từng người phải ý thức mình không mang danh Kitô hữu, nhưng phải Tin Mừng hóa bản thân bằng nghe, suy niệm, sống Lời Chúa, nội tâm hóa các giá trị Tin Mừng, thực hành Lời Chúa, để trở thành Kitô hữu đích thực và chính danh, đượm chất Tin Mừng.

Hãy nhớ, Hội Thánh sống ơn gọi truyền giáo bằng cả bề dày hàng ngàn năm. Đến phiên mình, chúng ta không bao giờ được phép lơ là trách vụ thực hiện ơn gọi truyền giáo mà Hội Thánh tiếp tục nhân danh Chúa Kitô trao cho.
 
Khiêm nhường sẽ được Chúa thương
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:38 21/10/2022

KHIÊM NHƯỜNG SẼ ĐƯỢC CHÚA THƯƠNG

Chúa Giêsu kể chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện, rồi Chúa kết luận khiến chúng ta ngỡ ngàng: Người thu thuế tội lỗi được nên công chính, còn người Pharisêu thì không. Vì sao vậy? Vì thái độ cầu nguyện: một người “tự tôn tôi tốt”, một người “tạ tội thương tình”.

1. Tự tôn tôi tốt. Ông Pharisêu đã biến việc cầu nguyện thành việc báo cáo thành tích, biểu dương công trạng của chính mình: ông không tham lam, bất chính, ngoại tình, thường xuyên ăn chay, dâng cúng. Thái độ của ông vênh vang, kiêu ngạo. Ông tự tôn tôi tốt, tôi nhất, tôi chả có tội gì. Từ đó, ông khinh chê, ném đá, dìm hàng người khác. Ông biến mình thành tiêu chuẩn để phán xét chê trách người khác. Cứ tưởng mình hơn người, nào ngờ, Chúa lại phán “ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống.”

2. Tạ tội thương tình. Ông thu thuế khiêm nhường cúi mặt, đấm ngực cầu xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Trong đời nhiều người phạm tội rồi giấu tội, chối tội, chạy tội, đổ tội, còn ông lại thành tâm nhận tội. Từ thân phận như thế, ông cầu xin lòng Chúa thương xót. Ông tạ tội xin Chúa thương tình. Lời cầu nguyện đã giúp ông đứng xa mà gần tình thương Chúa. Ông không dựa vào công lao mình, mà dựa vào công ơn Chúa, nhờ đó, ông đã trở nên công chính.

Dụ ngôn đã công bố một Tin Mừng: Lòng Chúa thương xót chứ không phải công sức riêng của con người làm cho chúng ta trở nên công chính, hưởng ơn cứu độ. Chúa vẫn luôn yêu thương, lắng nghe tất cả những người tội lỗi, nghèo hèn, bé mọn.

Dụ ngôn cũng soi sáng một triết lý sống: Chúng ta làm được điều gì tốt đẹp là nhờ ơn Chúa ban. Thế nên, hãy sống mối quan hệ đúng đắn là: khiêm nhường trước Chúa và yêu thương người khác kém cỏi hơn mình.

Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội. Xin cho con biết sống khiêm nhường trong mối liên hệ tình nghĩa với Chúa và với tha nhân. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:58 21/10/2022

13. Quan tâm đến Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ quan tâm anh.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:00 21/10/2022
30. HAI LOẠI NGƯỜI

Có một loại người đối với tương lai phía trước thì thà rằng không biết tí gì nên mơ hồ xuống dốc, cái đáng sợ là biết đường đi phía trước là nguy hiểm, nên mất đi dũng khí để cất bước tiến lên.

Một loại người khác lại biết trước tình trạng quá xấu, nên chuẩn bị tâm lý trước, đề cao dũng khí, từng bước khắc phục, cũng dò dẫm trong bóng tối, nhưng so với người mù quáng thì tốt hơn.

Người trước sống được bình an, nhưng người sau lại sống sáng suốt và rất sinh động.

(Bài học cuộc sống)

Suy tư 30:

Trong thực tế luôn có hai loại người như trên đang tồn tại, đang cùng sinh hoạt trong cộng đoàn, đang cùng làm chung một công ty, đang cùng ở chung một nhà.v.v…

Trong mỗi một con người cũng có hai loại tinh thần ấy: tinh thần bị động và tinh thần chủ động.

Trước một khó khăn thì con người bị giằng co giữa hai tinh thần, tinh thần bị động nói: đừng nhúng tay vào, im lặng đi kẻo chúng chửi; nhưng tinh thần chủ động thì nói: đừng sợ, cứ làm theo lương tâm với lòng khiêm tốn, dù bị chúng chửi.

Giữa sự giằng co của hai loại tinh thần này, người Ki-tô hữu khôn ngoan có một giải pháp đặc biệt là cầu nguyện, bởi vì cầu nguyện sẽ mở ra cho họ một con đường mới để đi giữa hai tinh thần ấy mà vẫn cứ an vui và chủ động, con đường đó Đức Chúa Giê-su đã đi qua, đó chính là con đường khổ giá: cứ nhìn lên Thánh Giá thì sẽ thấy tình yêu và tha thứ, sẽ thấy tủi nhục và vinh quang, sẽ thấy chết và sống lại.

Giữa tinh thần bị động và chủ động thì có con đường khổ giá, tinh thần khổ giá chính là yêu thương và tha thứ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Óc Thiển Cận - Luca 18:9-14
Nguyễn Trung Tây
14:16 21/10/2022
LM Nguyễn Trung Tây
Óc Thiển Cận - Luca 18:9-14


Người Việt Nam có câu nói, “Ở nhà nhất mẹ, nhì con.” Hồi đó ở độ 5, 6 tuổi, bố tôi là nhất, nhất là khi được bố dẫn đi ăn phở thơm lừng lỗ mũi. Hồi đó còn nhỏ tí ti, mẹ tôi là nhất, nhất là khi mẹ đi chợ về đưa cho bao chè nước cốt dừa. Lớn lên, bước ra khỏi ngõ hẻm, đi học xa, bố và mẹ vẫn là nhất, nhưng tôi bắt đầu nhận ra, còn nhiều cái nhất mình chưa thấy. Sinh ra tại Sài Gòn, tôi đã từng tin Sài Gòn là nhất thế giới. Về sau mới thấy, mình sao ngớ ngẩn! Dòng thời gian đẩy tới, tôi lạc qua Mỹ, sống tại Thung Lũng Điện tử San Jose. Tôi đã từng nghĩ Silicon Valley là nhất. Tạ ơn ân sủng thiên đàng ban tặng, tôi chấm dứt dòng tư tưởng thiển cận khi đặt chân tới Phố Gió Chicago, chặng đầu của hành trình dài truyền giáo Ngôi Lời.

Thầy Pharisee trong Tin Mừng Luca 18:9-14 đã được diễn tả như một người có đầu óc thiển cận. Qua những lời kinh nguyện trong Đền Thờ, ông tuyên bố “thật thà” và thẳng thắn với Chúa và đương nhiên với chính ông rằng, “Ôi Lạy Chúa và lạy Tôi, tôi là một người công chính.” Ơi! Đúng là một lời kinh theo kiểu ông bà mình hay nói, cám lợn dở hơi! Trong ngôn ngữ đương thời, người công chính Pharisee khẳng định rằng ông là một người tốt nhất thế giới, đứng đầu trên hết mọi danh.

Càng lớn tuổi, tôi càng nhận ra những điểm yếu kém của mình. Càng đặt chân tới nhiều thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới, tôi lại càng nhận ra mỗi thành phố mình ghé vào thăm hỏi đều sở hữu những nét duyên dáng đặc biệt của riêng thành phố đó. Càng sống đời sống đức tin Kitô, tôi lại càng nhận ra mình tội lỗi biết bao. Chẳng lạ chi, sau Dấu Thánh Giá và Lời Chào Bình an trong thánh lễ, người Công Giáo đều cúi đầu khiêm nhường đọc lời kinh, “Xin Chúa thương xót chúng con.”

Tôi yêu biết bao nhiều lời kinh Thương Xót, bởi lời kinh thật sự đã nhắc nhở Cộng đoàn dân Chúa về lòng từ bi độ lượng và tình yêu bao la của Thiên Chúa. Vâng, chúng ta đều là người tội lỗi, nhưng lạ thay Thiên Chúa chưa bao giờ làm mặt ngơ với phàm nhân yếu đuối. Và bất cứ khi nào tôi khiêm nhường hướng về Chúa, Chúa sẽ lắng nghe lời cầu nguyện của những tâm hồn khiêm cung. Câu chuyện của người thu thuế trong Tin Mừng Luca 18:9-14 là một bằng chứng hùng hồn cho mệnh đề niềm tin này.

Lạy Chúa xin mở mắt con, để con thấy!
 
Một sự tồn tại vô sinh
Lm. Minh Anh
23:47 21/10/2022
MỘT SỰ TỒN TẠI VÔ SINH

“Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa!”.

Kết thúc Công Nghị Quốc Tế Các Dòng Tu năm 2018, Đức Phanxicô nói, “Tôi cầu chúc ai ai cũng sinh sôi nảy nở. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được tiến trình đơm hoa kết trái đâu… nhưng nếu bạn cầu nguyện, nghèo khó, và nhẫn nhịn; thì cứ tin đi, chắc chắn chúng ta cũng sẽ ‘con đàn cháu đống!’. Bằng cách nào? Đừng lo, ngày kia, “trên thiên đàng”, Chúa sẽ tỏ cho biết! Chính cầu nguyện, khó nghèo và nhẫn nhịn là cách thức đâm chồi nảy lộc. Quý Cha, Quý Soeurs và Anh Chị em sẽ là một người cha, một người mẹ của các hậu duệ. Đó cũng là những gì tôi cầu chúc cho ai sống đời tu trì, được ‘mắn đẻ’ chứ không là ‘một sự tồn tại vô sinh!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, ý tưởng của Đức Thánh Cha được gặp lại qua dụ ngôn Tin Mừng hôm nay. “Cây vả may mắn” được giữ lại cho thấy, đối với bất cứ ai, Thiên Chúa vẫn luôn có cho họ một cơ hội thứ hai. Ngài có một tầm nhìn rộng lượng, đầy hy vọng về tương lai của mỗi người, ngay cả đối với những ai tưởng mình là tốt lành, nhưng thực chất, đó chỉ là ‘một sự tồn tại vô sinh!’.

Cây vả suýt nữa bị chặt tượng trưng cho ‘một sự tồn tại vô sinh’, vốn không có khả năng cho đi, không có khả năng làm điều lành. Đó là biểu tượng sống động về một người chỉ sống cho mình, an nhiên tận hưởng những gì mình có mà không hề buồn hướng ánh mắt và trái tim đến những người bên cạnh. Nhiều lúc, trong đời sống đức tin, chúng ta thấy mình là ‘hoàn thiện’, ‘có thể chấp nhận được’ khi thảo hiếu với Chúa và tử tế với tha nhân; thế nhưng, đó là một cám dỗ lớn! Vì rằng, trong thực tế, Thiên Chúa thấy ngần ấy vẫn là không đủ! Là con cái, chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng không được lạm dụng nó; chúng ta không được biện minh cho sự ‘tự mãn thiêng liêng’, một sự tự mãn đến nỗi khiến chúng ta ‘vô sinh’ mà không hay biết, điều mà Thiên Chúa nhất định không chấp nhận.

Nếu tinh ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng, cây vả được trồng giữa một vườn nho; nói cách khác, nó được ưu tiên! Đó là hình ảnh linh hồn mỗi người. Đất mà chúng ta được trồng xuống là ‘đất xót thương’; đây là đất giàu nhất, tốt nhất để có thể sản sinh những hoa trái đáng được mong đợi. Thiên Chúa ban cho chúng ta ánh nắng, sương đêm và hơi ấm là ân sủng cần thiết cho sự lớn lên; bên cạnh đó, Ngài cắt tỉa chăm bón chúng ta bằng các Bí Tích và lửa Thánh Thần. Trong thư Êphêsô hôm nay, Phaolô nói đến ân sủng muôn vẻ của Thiên Chúa, Đấng ban cho “kẻ này làm tông đồ, người khác làm tiên tri; kẻ khác nữa thì rao giảng Tin Mừng, kẻ khác nữa làm chủ chăn và thầy dạy”. Tất cả trở nên mạnh mẽ nhờ Thánh Thần và trong Thánh Thần. Vì thế, hãy tự tin để can đảm từ chối một lối sống theo cách của ‘một sự tồn tại vô sinh!’.

Anh Chị em,

“Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa!”. Dụ ngôn tiết lộ sự nhẫn nại của Thiên Chúa và cách Ngài nhìn chúng ta. Thiên Chúa không chỉ thấy những gì chúng ta đã thất bại trong quá khứ nhưng còn thấy những gì chúng ta có thể làm trong tương lai. Đó cũng là cách chúng ta cần nhìn tha nhân trong mọi tình huống cuộc đời. Người làm vườn trong dụ ngôn chính là Chúa Giêsu. Như Ngài, chúng ta cần kiên nhẫn, chờ đợi, để có thể nhìn thấy bên dưới bề mặt của những tầm thường nơi anh chị em mình các dấu hiệu, tuy đang mờ nhạt, một sự sống mới có thể ở đó. Chúa Giêsu sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo đảm cuộc sống của chúng ta sinh hoa kết trái, hoa trái Thánh Thần. Điều mà Ngài có thể làm là để cho mình bị chặt, bị băm nát vì chúng ta, thay cho chúng ta. Mỗi ngày, Ngài “cắt tỉa” chúng ta bằng Lời; “bón” chúng ta bằng Thịt Máu; “sưởi” chúng ta bằng lửa Thánh Thần; và “tưới” chúng ta bằng ân sủng. Cứ thế, Ngài chăm bón; bởi lẽ, Ngài không chấp nhận ‘một sự tồn tại vô sinh’ từ bất cứ linh hồn nào.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con thất vọng về chính mình hay thất vọng về bất cứ một ai; vì rằng, Chúa không bao giờ thất vọng về con, Chúa đã làm mọi cách để con khỏi ‘vô sinh!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sơ Lucia của Fatima tiến thêm một bước nữa trên đường tuyên Chân phước
Đặng Tự Do
03:50 21/10/2022


Án tuyên Chân phước cho Sơ Lucia dos Santos, người con cả chứng kiến các cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima, đã tiến thêm một bước.

Trong một cuộc họp tại Vatican, các cáo thỉnh viên trong vụ án tuyên thánh cho Sơ Lucia đã đệ trình tài liệu “thực chứng” gồm những lời chứng và thông tin mô tả chi tiết về các đức tính anh hùng của sơ cho Bộ Tuyên Thánh.

Cha Carlos Cabecinhas, giám đốc đền thánh Đức Mẹ Fatima, đã công bố bản cập nhật vào ngày 13 tháng 10 kỷ niệm Phép lạ Mặt trời quay, trong lần hiện ra cuối cùng của Đức Mẹ ở Fatima vào năm 1917.

Cuốn “Tuyển tập về cuộc đời, đức hạnh và danh tiếng thánh thiện của nữ tu Lucia de Jesus dos Santos” giờ đây sẽ được kiểm tra bởi chín nhà thần học. Nếu bằng chứng về đức tính anh hùng của sơ được Bộ Tuyên Thánh Vatican xác nhận và Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định ban hành sắc lệnh, chị Lucia sẽ được chỉ định là bậc Đáng kính trong Giáo Hội Công Giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong thánh cho hai thị nhân Fatima khác, Jacinta và Francisco Marto, vào năm 2017. Hai trẻ chăn cừu, lần lượt qua đời ở tuổi 10 và 11, là những vị thánh không tử đạo trẻ nhất trong lịch sử Giáo hội.

Lucia, 10 tuổi vào thời điểm Đức Mẹ hiện ra năm 1917, sống lâu hơn các thị nhân khác hàng thập kỷ, sơ sống đến năm 97 tuổi.

Sơ đã trải qua 50 năm cuối cùng của cuộc đời mình trong một tu viện Cát Minh ở Coimbra, Bồ Đào Nha. Là thị nhân Fatima duy nhất có thể nghe Đức Trinh Nữ Maria nói trong chuỗi các cuộc hiện ra tại Fatima, các hồi ký của sơ đã cung cấp một tường thuật quan trọng về sứ điệp Fatima.

“Ở một số điểm, không có câu chuyện Fatima nào mà không có lời kể của Lucia. Tôi không thể tưởng tượng được Fatima ra sao nếu không có Lucia cung cấp các trình thuật, thông qua các tác phẩm của sơ ấy,” José Rui Teixeira, người viết tiểu sử của Lucia, cho biết tại một sự kiện ảo nhân kỷ niệm Fatima vào tháng này.

Teixeira, người đã giúp biên soạn tài liệu cho án tuyên thánh của sơ Lucia, nói rằng anh ấy có gần 4,000 tài liệu tham khảo trong thư mục của mình.

Án tuyên thánh cho Sơ Lucia bắt đầu vào năm 2008, ba năm sau khi cô qua đời, sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI miễn chuẩn cho một khoảng thời gian chờ đợi thường là năm năm. Hơn 15,000 lá thư, lời khai và các tài liệu khác đã được thu thập trong giai đoạn giáo phận, kết thúc vào năm 2017.

Trong bản cập nhật mới nhất về nguyên nhân của Lucia, Cabecinhas nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho án tuyên chân phước và tuyên thánh cho Nữ tu Lucia.”

“Chúng ta hãy giao phó những ý định và nhu cầu của mình cho sự chuyển cầu của sơ Lucia với lòng tin tưởng như những người hành hương 100 năm trước đã trình bày những yêu cầu của họ với sơ Lucia để sơ có thể thân thưa cùng Đức Mẹ.”
Source:Catholic News Agency
 
Giám mục Kharkiv, Ukraine than thở: Ở đây giống như Sarajevo. Chúng tôi sống với nỗi sợ hãi
Đặng Tự Do
03:51 21/10/2022


“Sáng nay, tất cả chúng tôi đều nghe thấy tiếng nổ. Chúng tôi sống với nỗi sợ hãi, nó là một phần của cuộc sống hàng ngày. Kharkiv giống như Sarajevo trong chiến tranh Balkan”. Đức Cha Pavlo Honcharuk, Giám Mục của Kharkiv-Zaporizhzhia cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn với chương trình tin tức Tv2000 của Ý.

“Có những người đang kêu khóc, có những người sống trong các tầng hầm hoặc trong tàu điện ngầm. Mặt khác, những người khác cố gắng phản ứng bằng cách tình nguyện, giúp đỡ người khác”.

“Tôi yêu cầu mọi người đừng quên chúng tôi, Kharkiv, Ukraine. Kharkiv cách biên giới Nga 30 km. Viện trợ nhân đạo ở đây đang phải vật lộn để đến nơi. Tôi biết chúng tôi không đơn độc, nhưng đừng quên chúng tôi. Chúng tôi không có đủ viện trợ nhân đạo. Mùa đông sắp đến và nhiệt độ thậm chí sẽ giảm xuống dưới không độ. Chúng tôi cần bếp, chăn, quần áo ấm”.
Source:TV 2000
 
Điều gì đã xảy ra với những chiếc ghế gỗ được sử dụng trong Công đồng Vatican II?
Đặng Tự Do
03:52 21/10/2022


Những hình ảnh từ Công đồng Vatican II mang tính biểu tượng: gian giữa Đền Thờ Thánh Phêrô được chụp từ trên cao; các dãy ghế ngồi bằng gỗ kiểu sân vận động chứa đầy các giám mục trong lễ phục màu trắng hoặc màu đỏ tươi.

Công đồng Vatican II đã nhóm họp trong bốn kỳ họp từ năm 1962–1965, quy tụ hơn 2,500 nghị phụ công đồng để thảo luận về Giáo hội và vai trò của Giáo hội trong thế giới hiện đại.

Nhưng khi mọi chuyện kết thúc, điều gì đã xảy ra với những chiếc ghế gỗ được sử dụng bởi các giám mục trên thế giới và hàng trăm chuyên gia khác?

Trong số hàng ngàn chiếc ghế được sử dụng trong Công Đồng Chung, ngày nay người ta vẫn có thể tìm thấy 24 chiếc ghế trong một nhà thờ chỉ cách Vatican vài bước chân.

Những chiếc ghế dài bằng gỗ với đệm ngồi màu xanh lá cây rừng được sử dụng làm quầy hợp xướng trong Nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Thánh Magnus, một giáo xứ ngay bên ngoài quảng trường Thánh Phêrô.

Nhà thờ bị che khuất tầm nhìn bởi các tòa nhà xung quanh, và chỉ có thể lên tới lối vào của nhà thờ bằng cách leo lên một đoạn cầu thang. Ngay cả Google Maps cũng xác định sai lạc vị trí của nhà thờ cách xa vị trí thật hơn 200 thước về phía đông.

Là một địa điểm thờ phượng của Kitô giáo, Nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Thánh Magnus có từ thế kỷ thứ tám hoặc thứ chín.

Ngôi thánh đường đã được sử dụng bởi người Frisia, một nhóm dân tộc Đức từ các vùng ven biển của Hà Lan và tây bắc nước Đức, trong khoảng 500 năm trước khi bị các nước khác thôn tính.

Ngôi thánh đường đã được người Frisia phục hồi vào năm 1989 và trở thành nhà thờ quốc gia của người Công Giáo Hà Lan ở Rôma.

Nơi đây cũng đã trở thành ngôi thánh đường của Hiệo hội Bí Tích Cực Thánh Vatican, một hiệp hội công khai của các tín hữu giáo dân vẫn sử dụng nhà thờ cho Thánh lễ và các buổi cầu nguyện cho đến ngày nay.

Vậy làm thế nào mà nhà thờ khiêm tốn này lại có tới 24 chỗ ngồi từ Công đồng Vatican II trong dàn hợp xướng ở nửa trước gian giữa của nó?

Cha Tiemen Brouwer, một linh mục người Hà Lan phục vụ tại nhà thờ, nói với CNA rằng ngài nghĩ có lẽ các ghế trong Công Đồng được tặng cho ngôi thánh đường này sau Công đồng Vatican II vì chúng sẽ hữu ích.

Tất cả những gì được biết là một phần lịch sử hiện đại của Nhà thờ Công Giáo được lưu giữ ở đó cho bất kỳ ai đến xem.

“Tôi luôn nói rằng, bất cứ nơi nào bạn ngồi trên những chiếc ghế đó, bạn chắc chắn đang ngồi ở nơi mà một giám mục, hoặc thậm chí có thể là một Hồng Y, đã ngồi,” Cha Brouwer nói.
Source:Catholic News Agency
 
Một giám mục Công Giáo, và hai linh mục bị bắt giữ ở Eritrea
Đặng Tự Do
17:50 21/10/2022


Các nhân viên an ninh ở Eritrea đã bắt giữ một giám mục Công Giáo và hai linh mục, một nguồn tin ở quốc gia Đông Bắc Phi đã xác nhận với ACI Africa.

Vào ngày 15 tháng 10, các nhân viên an ninh cho biết đã bắt giữ Đức Cha Fikremariam Hagos Tsalim tại sân bay quốc tế Asmara sau khi ngài từ Âu Châu đến, BBC News đưa tin.

Một nguồn tin ở Eritrea, người không muốn nêu tên vì lý do an ninh đã xác nhận các báo cáo truyền thông về việc bắt giữ Đức Cha Tsalim, là Giám Mục của giáo phận Segheneity, Eritrea. Đức Cha sẽ bước sang tuổi 52 vào ngày 23 tháng 10.

Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, hai linh mục Công Giáo, là các Cha Mihretab Stefanos, cha xứ của giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae của giáo phận Segheneity, và Tu viện trưởng tu viện Abraham, một thành viên của Dòng Anh em Hèn mọn Capuchin, cũng bị bắt và giam giữ tại nhà tù Adi Abeto cùng với Đức Cha Tsalim.

Nguồn tin cho biết, các thành viên của hàng giáo sĩ bị bắt vì lên tiếng trước những vi phạm nhân quyền ở Eritrea trong các thánh lễ.

Nguồn tin cho biết thêm, các hành vi vi phạm nhân quyền của chính phủ Eritrea bao gồm “bỏ tù cha mẹ những người bị gọi nhập ngũ nhưng kháng lệnh bỏ trốn, tịch thu nhà cửa và động vật từ những người đã từ chối tham chiến và gia đình họ.”

Vào tháng 5, các quan chức của một số tổ chức Kitô giáo có trụ sở tại Vương quốc Anh bày tỏ lo ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền “tiếp tục tệ hại” ở Eritrea.

Trong một bức thư được gửi tới đại sứ Eritrea tại Vương quốc Anh và Ái Nhĩ Lan, các nhà lãnh đạo của các tổ chức Đoàn kết Kitô giáo toàn thế giới, gọi tắt là CSW, Giáo Hội trong gông cùm của Ái Nhĩ Lan, Giải phóng Eritrea, và Chính thống giáo Eritrea ở Vương quốc Anh đã nêu bật nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền.

“Chúng tôi vẫn lo ngại về việc tiếp tục giam giữ bất công, tùy tiện và vô thời hạn đối với hàng chục ngàn công dân Eritrea trong những điều kiện khắc nghiệt, bao gồm hàng trăm Kitô hữu bị bỏ tù chỉ vì đức tin của họ,” các quan chức của các tổ chức Kitô giáo cho biết trong lá thư gửi ngày 20 tháng 5 tới Đại sứ Estifanos Habtemariam Ghebreyesus.

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo cũng cho biết họ “mất tinh thần trước những báo cáo về những sinh mạng của người Eritrean bị mất trong cuộc chiến với nước Ethiopia láng giềng, bao gồm cả những người lính nghĩa vụ và trẻ vị thành niên”.

Vào tháng 8, chính phủ Eritrea tịch thu Trường Kỹ thuật Nông nghiệp Hagaz, là một cơ sở giáo dục Công Giáo do Dòng LaSalle thành lập và đang điều hành.

Trường Kỹ thuật Nông nghiệp Hagaz “đã đào tạo về máy móc nông trại, chăm sóc cây trồng và vật nuôi, cũng như bảo tồn đất trong 23 năm qua,” BBC đưa tin.

Vụ tịch thu này là vụ mới nhất trong một loạt vụ tịch thu của chính phủ diễn ra ở Eritrea kể từ năm 2019. Chính phủ đã viện dẫn một quy định năm 1995 hạn chế hoạt động của các cơ sở tôn giáo như là lý do biện minh cho việc tịch thu tài sản.

Các giám mục Công Giáo ở quốc gia Đông Bắc Phi phản đối quy định này, cho rằng các dịch vụ xã hội của Giáo hội không đối lập với chính phủ.
Source:Catholic News Agency
 
Một linh mục Công Giáo khác đã bị chính phủ Nicaragua bắt cóc
Đặng Tự Do
17:51 21/10/2022


Một linh mục Công Giáo đã bị bắt và bị giam giữ vào ngày 13 tháng 10 tại thủ đô Managua của Nicaragua, một linh mục lưu vong đã chia sẻ như trên trong một bài đăng trên Twitter để yêu cầu chấm dứt cuộc đàn áp Giáo Hội do chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega tiến hành.

Việc bắt giữ Cha Enrique Martínez Gamboa, linh mục Công Giáo mới nhất bị giam giữ, thực sự là một vụ bắt cóc, Cha Uriel Vallejos, người đã sống lưu vong ở Ý kể từ tháng 9 cho biết.

“Hôm qua lúc 5 giờ chiều, linh mục quản xứ của Nhà thờ Thánh Martha ở Managua đã bị bắt cóc. Cha Enrique Martínez. Các linh mục và Giáo Hội Công Giáo yêu cầu trả tự do cho ngài; và chấm dứt cuộc đàn áp chống lại Giáo hội và hàng giáo phẩm. Công lý, tự do và dân chủ!” Cha Vallejos đã đăng trên tài khoản của ngài.

Tổ chức nhân quyền “Nicaragua Nunca Más” tuyên bố trên tài khoản Twitter của mình rằng họ không biết Cha Martínez đang bị giam ở đâu.

Theo tổ chức, “với việc bắt giữ tùy tiện này, số linh mục bị tước quyền tự do tăng lên 11, bao gồm Đức Cha Rolando Álvarez, người đã bị 'quản thúc' bất hợp pháp trong 72 ngày.”

“Cuộc đàn áp tôn giáo chống lại Giáo Hội Công Giáo bởi chế độ Ortega Murillo vẫn tiếp tục,” nhóm cho biết như trên khi đề cập đến Tổng thống Daniel Ortega và vợ ông và Phó Tổng thống Rosario Murillo.

Trong một bài đăng khác trên Twitter, tổ chức yêu cầu “chấm dứt đàn áp, tự do cho các linh mục và hơn 219 tù nhân chính trị ở Nicaragua.”

Các linh mục khác bị giam giữ tại nhà tù El Chipote, nơi các tù nhân chính trị bị tra tấn và giam giữ vô cớ, bao gồm Cha Óscar Danilo Benavidez từ Giáo phận Siuna; Hiệu trưởng Đại học Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Cha Ramiro Tijerino Chávez; cha sở nhà thờ chính tòa Matagalpa, cha José Luis Díaz Cruz; và người tiền nhiệm của ngài, Cha Sadiel Antonio Eugarrios Cano.

Cũng tại El Chipote còn có Phó tế Raúl Antonio Vega, các chủng sinh Darvin Leiva Mendoza và Melkin Centeno, và giáo dân Sergio Cadena Flores.
Source:Catholic News Agency
 
Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia về vũ khí hạt nhân
Đặng Tự Do
17:52 21/10/2022


Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia, Sứ thần Tòa thánh và là Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại cuộc thảo luận chuyên đề về Vũ khí hạt nhân trong kỳ họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã có bài phát biểu sau.

New York, ngày 18 tháng 10 năm 2022

Thưa Ngài Chủ tịch,

Phái đoàn này vui mừng tham gia cuộc thảo luận về nhu cầu cấp thiết thúc đẩy tiến độ giải trừ hạt nhân vào thời điểm mà nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang ở mức cao nhất trong nhiều thế hệ.

Thật đáng tiếc, chúng ta đã đi sai hướng. Các hiệp ước giải trừ quân bị và minh bạch hóa quan trọng đã bị loại bỏ và bộ máy giải trừ quân bị vẫn bế tắc, không có tiến triển nào đối với hiệp ước cấm sản xuất vật liệu phân hạch. Ngoài ra, Hiệp ước Cấm Thử Hạt nhân Toàn diện, gọi tắt là CTBT, đang ở trong tình trạng lấp lửng về mặt pháp lý mặc dù đã được phê chuẩn thêm. Nguy hiểm hơn hết, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang mở rộng và hiện đại hóa các kho vũ khí, tiêu tốn các nguồn lực có thể giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu đói trên thế giới, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người.

Tòa thánh lên án bất kỳ luận điệu nào thể hiện sự leo thang hạt nhân một cách vô trách nhiệm có thể gây ra những tác động tàn phá cho toàn nhân loại chứ không chỉ các quốc gia trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột. Để tránh chiến tranh hạt nhân, Tòa thánh kêu gọi tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thực hiện các bước ngay lập tức để giảm mức độ sẵn sàng hoạt động của lực lượng hạt nhân của họ, áp dụng các chính sách không sử dụng lần đầu và các chính sách dài hạn nhằm thiết lập mức tối đa toàn cầu về kho dự trữ hạt nhân, từ đó có thể giảm bớt.

Thưa ngài Chủ tịch,

Trước những phát triển gần đây, không có gì ngạc nhiên, mặc dù đáng tiếc là Hội nghị rà soát lần thứ 10 của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, gọi tắt là NPT, đã không đạt được sự đồng thuận. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy một số quốc gia dường như “mất liên kết với an ninh tập thể và hòa bình của những quốc gia khác.” Để bảo đảm một nền hòa bình công chính và lâu dài, tất cả chúng ta phải nhận ra bản chất không thể chia cắt giữa an ninh của một quốc gia và an ninh chung toàn cầu.

Đồng thời, việc Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, gọi tắt là TPNW, có hiệu lực là một tiến bộ đáng hoan nghênh về mặt này. Trong đó, các quốc gia thành viên, trong khi cam kết cấm sở hữu vũ khí hạt nhân, thừa nhận rằng vũ khí hạt nhân không phải là vật bảo đảm an ninh, mà là công cụ phục vụ “tâm lý sợ hãi” với khả năng gây hại một cách bừa bãi, cho dù được kích nổ có chủ đích hay một cách vô tình.

Ý thức được điều này, Tòa thánh lặp lại mối quan tâm của mình về “các tác động thảm khốc về mặt nhân đạo và môi trường” của vũ khí hạt nhân. Những hiệu ứng như vậy không trừu tượng hoặc lý thuyết. Các vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, cùng với hơn 2,000 cuộc thử nghiệm được tiến hành trên toàn thế giới, đã cho chúng ta thấy những tác hại rất thực sự mà vũ khí hạt nhân gây ra, bao gồm: tử vong, bệnh tật phóng xạ, dị tật bẩm sinh và ung thư, đồng thời khiến một số môi trường không thể ở được. Thật vậy, nỗ lực hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân cũng có nghĩa là những người chịu trách nhiệm phải giải quyết những tác hại này.

Về vấn đề này, TPNW đưa ra một lộ trình khắc phục thông qua các điều khoản về hỗ trợ nạn nhân và cải thiện môi trường. Trên thực tế, Kế hoạch Hành động Vienna, được thông qua trong Cuộc họp đầu tiên của các Quốc gia thành viên TPNW, kêu gọi các Quốc gia thảo luận về “tính khả thi và đề xuất các hướng dẫn khả thi để thiết lập một quỹ tín thác quốc tế cho các Quốc gia đã bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng hoặc thử nghiệm vũ khí hạt nhân.” Nếu một quỹ như vậy được thành lập, điều quan trọng là các Quốc gia — kể cả những quốc gia không tham gia TPNW — phải được mời đóng góp quỹ, chia sẻ kiến thức chuyên môn và trao đổi thông tin về việc cung cấp hỗ trợ của họ cho những người bị ảnh hưởng bởi vũ khí hạt nhân. Sự tham gia rộng rãi nhất có thể giúp xây dựng cầu nối giữa các Quốc gia ủng hộ TPNW và những quốc gia chưa tham gia, đồng thời tạo điều kiện cho nguồn lực lớn nhất có thể để thực hiện các nghĩa vụ tích cực của hiệp ước.

Thưa ngài Chủ tịch,

Vào thời điểm căng thẳng gia tăng như hiện nay, chúng ta bắt buộc phải củng cố kiến trúc giải trừ hạt nhân toàn cầu và không phổ biến vũ khí hạt nhân, hướng tới việc tháo dỡ tất cả các đầu đạn hạt nhân đã được xác minh, đó là điều không thể đảo ngược. Tòa thánh khen ngợi những nỗ lực nhằm thúc đẩy hợp tác xác minh giải trừ vũ khí hạt nhân, điều này sẽ không chỉ tạo ra một nền văn hóa tin cậy, mà còn cung cấp cho chúng ta hy vọng rất cần thiết rằng một thế giới không có vũ khí hạt nhân là có thể. Thật vậy, một thế giới như vậy không chỉ khả thi mà còn cần thiết để bảo vệ tương lai của nhân loại và ngôi nhà chung của chúng ta.

Xin cảm ơn ngài Chủ tịch.
Source:Sismografo
 
Đức Bênêđíctô XVI nói về Vatican II
Vu Van An
21:30 21/10/2022

Theo CNA, trong một bức thư mới, Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI đã mô tả Công đồng Vatican II là “không những có ý nghĩa mà còn cần thiết nữa”.



Được công bố hôm thứ Năm, lá thư được gửi đến Cha Dave Pivonka, TOR, viện trưởng Đại học Franciscan ở Steubenville, bang Ohio, nơi kết thúc một hội nghị hai ngày hôm thứ Sáu tập trung vào thần học của Đức Bênêđíctô XVI / Joseph Ratzinger.

Bức thư dài gần ba trang rưỡi được đánh máy, cung cấp những quan sát mới mẻ về Công đồng Vatican II từ một trong số ít các nhà thần học còn lại trong Giáo Hội Công Giáo từng đích thân tham dự Công đồng lịch sử, khai mạc cách đây 60 năm vào tháng này. Bạn có thể đọc toàn bộ bức thư ở cuối câu chuyện này.

“Khi tôi bắt đầu học thần học vào tháng Giêng năm 1946, không ai nghĩ đến một Công đồng chung,” vị giáo hoàng về hưu 95 tuổi nhớ lại trong bức thư.

Đức Bênêđíctô nhận xét, “Khi Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII công bố điều đó, trước sự ngạc nhiên của mọi người, có rất nhiều nghi ngờ về việc liệu nó có ý nghĩa gì hay không, đúng hơn, liệu nó có khả thi hay không, để sắp xếp những hiểu biết và câu hỏi sâu sắc vào trọn một tuyên bố công đồng và do đó đem lại cho Giáo hội một hướng đi cho cuộc hành trình xa hơn của mình”.

Ngài nói tiếp, “Trên thực tế, công đồng mới được chứng tỏ không những có ý nghĩa mà còn cần thiết. Lần đầu tiên, vấn đề thần học về các tôn giáo đã tự biểu lộ trong tính triệt để của nó”.

Đức Bênêđíctô viết, “Điều này cũng đúng đối với mối liên hệ giữa đức tin và thế giới chỉ biết đến lý trí. Cả hai chủ đề đã không được dự đoán theo cách này trước đây. Điều này giải thích tại sao Vatican II lúc đầu đe dọa sẽ gây bất ổn và rung chuyển Giáo hội hơn là mang lại cho Giáo hội một sự rõ ràng mới cho sứ mệnh của mình”.

Ngài nói thêm: “Trong khi đó, nhu cầu phát biểu lại vấn đề bản chất và sứ mệnh của Giáo hội đã dần trở nên rõ ràng. “Bằng cách này, sức mạnh tích cực của Công đồng cũng đang dần xuất hiện”.

Đức Bênêđíctô cho rằng Giáo hội học - nghiên cứu thần học về bản chất và cấu trúc của Giáo hội - đã phát triển sau Thế chiến thứ nhất. Ngài nói: “Nếu cho đến nay, Giáo hội học vẫn được bàn đến một cách chủ yếu theo ngôn từ định chế”, thì chiều kích tâm linh rộng lớn hơn của khái niệm Giáo hội giờ đây được tri nhận một cách hân hoan”.

Đồng thời, ngài viết, khái niệm về Giáo hội như thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô đang được xem xét lại một cách nghiêm túc.

Ngài nói, chính trong tình huống này, ngài đã viết luận án tiến sĩ của mình về chủ đề “Dân và Nhà Thiên Chúa trong Học thuyết về Giáo hội của Thánh Augustinô”.

Ngài viết rằng “việc tâm linh hóa hoàn toàn khái niệm về Giáo hội, về phần nó, bỏ sót chủ nghĩa hiện thực của đức tin và các định chế của nó trên thế giới”; ngài nói thêm rằng ”trong Công đồng Vatican II, vấn đề Giáo hội trong thế giới cuối cùng đã trở thành vấn đề trọng tâm thực sự”.

Vị giáo hoàng đã nghỉ hưu, người đã từ chức vào năm 2013, kết thúc bức thư bằng cách tóm tắt mục đích viết thư của ngài.

Ngài viết, “Với những cân nhắc này, tôi chỉ muốn chỉ ra hướng đi trong đó công việc của tôi đã dẫn dắt tôi. Tôi thành thực hy vọng rằng Hội nghị Chuyên đề Quốc tế tại Đại học Phanxicô ở Steubenville sẽ hữu ích trong cuộc đấu tranh để có được sự hiểu biết đúng đắn về Giáo hội và thế giới trong thời đại của chúng ta".

Nguyên văn lá thư của Đức Bênêđíctô XVI gửi cho Cha Pivonka,

Kính Cha Pivonka

Quả là một vinh dự và niềm vui lớn đối với tôi khi tại Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu, tại Đại Học Phanxicô ở Steubenville, một Hội nghị Chuyên đề Quốc tế bàn luận về giáo hội học của tôi, do đó, đã đặt suy nghĩ và cố gắng của tôi vào một dòng suối lớn trong đó nó di chuyển.

Khi tôi bắt đầu học thần học vào tháng Giêng năm 1946, không ai nghĩ tới một Công Đồng Chung. Khi Đức Gioan XXIII công bố nó, trước sự ngạc nhiên của mọi người, nhiều người hoài nghi không biết liệu nó có ý nghĩa gì không, đúng hơn, liệu nó có thể diễn ra hay không, vì phải tổ chức những cái nhìn thông sáng và nhiều vấn đề vào trọn một tuyến bố của Công Đồng và do đó đem lại cho Giáo Hội một hướng đi để tiếp tục cuộc lữ hành. Trên thực tế, Công Đồng mới đã chứng tỏ không những có ý nghĩa, mà còn cần thiết nữa. Vì lần đầu tiên, vấn đề thần học về các tôn giáo đã tự biểu lộ trong tính triệt để của nó. Điều này cũng đúng đối với mối liên hệ giữa đức tin và thế giới chỉ biết đến lý trí. Cả hai chủ đề đã không được dự đoán theo cách này trước đây. Điều này giải thích tại sao Vatican II lúc đầu đe dọa sẽ gây bất ổn và rung chuyển Giáo hội hơn là mang lại cho Giáo hội một sự rõ ràng mới cho sứ mệnh của mình. Trong khi đó, nhu cầu phát biểu lại vấn đề bản chất và sứ mệnh của Giáo hội đã dần trở nên rõ ràng. Bằng cách này, sức mạnh tích cực của Công đồng cũng đang dần xuất hiện.

Công trình giáo hội học của tôi được đánh dấu bởi tình thế mới xuất hiện trong Giáo Hội ở Đức cuối Thế chiến I. Nếu cho đến nay, Giáo hội học vẫn được bàn đến một cách chủ yếu theo ngôn từ định chế, thì chiều kích tâm linh rộng lớn hơn của khái niệm Giáo hội giờ đây được tri nhận một cách hân hoan. Romano Guardini mô tả sự khai triển này bằng các lời sau đây: “một diễn trình có tầm quan trọng mênh mông đã bắt đầu. Giáo Hội đang thức giấc trong các linh hồn”. Do đó, “Nhiệm thể Chúa Kitô” trở thành ý niệm phụ trợ về Giáo Hội, một ý niệm năm 1943, đã tìm được biểu thức của nó trong Thông điệp “Mystici Corporis”. Nhưng với việc chính thức hóa nó, ý niệm Giáo Hội như nhiệm thể Chúa Kitô cùng một lúc đã lên đến cao điểm của nó và được xem xét một cách có phê phán. Chính trong tình huống này, tôi đã nghĩ và viết luận án của tôi về “Dân và Nhà Thiên Chúa trong Học thuyết về Giáo hội của Thánh Augustinô”. Đại hội về Thánh Augustinô tổ chức tại Paris năm 1954 đem lại cho tôi cơ hội để thâm hậu hóa quan điểm của tôi về chủ trương của Thánh Augustinô trong cơn lốc chính trị thời ấy.

Vấn đề ý nghĩa của Civitas Dei (Kinh thành Thiên Chúa) xem ra cuối cùng đã được giải quyết vào thời điểm ấy. Luận án của H. Scholz về “Glaube und Unglaube in der Weltgeschichte” (Tin và Không tin trong Lịch sử Thế giới), lớn mạnh trong trường phái Harnack và được xuất bản năm 1911, đã chứng tỏ rằng hai Civitates (Kinh thành) không hề có nghĩa bất cứ cơ chế công hợp nào mà đúng hơn đại diện cho hai lực lượng căn bản là tin và không tin trong lịch sử. Sự kiện nghiên cứu này, viết dưới sự hướng dẫn của Harnack, được chấp nhận summa cum laude (ưu hạng) tự nó đã bảo đảm được mọi người chấp thuận. Hơn nữa, nó rất phù hợp với công luận nói chung, một công luận vốn gán cho Giáo Hội và đức tin của Giáo Hội một vị thế đẹp đẽ nhưng cũng vô hại. Bất cứ ai dám phá hủy sự nhất trí đẹp đẽ này chỉ có thể bị coi là cố chấp. Bi kịch năm 410 (chiếm và cướp phá Rôma bởi người Visigoth) đã làm thế giới thời ấy, và cả suy nghĩ của Thánh Augustinô, rung chuyển sâu xa. Dĩ nhiên, Civitas Dei không đơn giản đồng nhất với định chế Giáo Hội. Về phương diện này, Augustinô trung cổ quả là một sai lầm sinh tử, một sai lầm mà ngày nay, may mắn thay, cuối cùng đã được vượt qua. Nhưng việc tâm linh hóa hoàn toàn khái niệm về Giáo hội, về phần nó, bỏ sót chủ nghĩa hiện thực của đức tin và các định chế của nó trên thế giới. Do đó, trong Công đồng Vatican II, vấn đề Giáo hội trong thế giới cuối cùng đã trở thành vấn đề trọng tâm thực sự.

Với những cân nhắc này, tôi chỉ muốn chỉ ra hướng đi trong đó công việc của tôi đã dẫn dắt tôi. Tôi thành thực hy vọng rằng Hội nghị Chuyên đề Quốc tế tại Đại học Phanxicô ở Steubenville sẽ hữu ích trong cuộc đấu tranh để có được sự hiểu biết đúng đắn về Giáo hội và thế giới trong thời đại của chúng ta.

Thân mến trong Chúa Kitô

Bênêđíctô XVI
 
Văn Hóa
Trai Đẹp Giêsu
Nguyễn Trung Tây
05:10 21/10/2022
LM Nguyễn Trung Tây
Chuyện TU SĨ Chuyện EM: TRAI ĐẸP GIÊSU


TUỔI TRẺ BUỒN!
Em mến,
Người tuổi trẻ của Tin Mừng Matt 19:16-21 lên đường. May mắn cho chàng, trên con đường hành hương anh gặp Đức Giêsu. Chàng thanh niên hỏi Ngài,
— Thưa Thầy! Làm sao con có sự sống đời đời?
Đức Giêsu truyền giáo nâng người thanh niên lên một tầm nhìn mới. Lần này Ngài đề nghị,
— Anh hãy về nhà, bán tất cả gia sản, tặng số tiền đó tới người nghèo, sau cùng quay lại và đi theo ta.

ĐỨC GIÊSU TRUYỀN GIÁO
Lời Đức Giêsu nói ngắn, gọn, nhưng đầy thử thách. Trên tất cả, đích điểm của thử thách dẫn người nghe về một mối, đó là Đức Giêsu. Điều đặc biệt nhất, Đức Giêsu trong bối cảnh của bài Phúc Âm là một Đức Giêsu lấm lem chân đất tay bùn, một Đức Giêsu của môn phái Cái Bang. Lý do khiến Ngài lấm lem và cái bang cũng dễ hiểu, bởi Ngài là Đức Giêsu Truyền Giáo. Và đây mới là Đức Giêsu mà Ngài mời gọi người tuổi trẻ BANHET (bán hết) đi theo.

Tôi đã gặp Linh Mục địa phận nói tôi không phải Linh Mục truyền giáo. Giáo dân cũng thế, mọi người (một con số tuyệt đối) đều nói chúng tôi chỉ là giáo dân, không phải truyền giáo. Rồi họ khẳng định: “Sứ vụ truyền giáo được phụ trách bởi các Linh Mục các Sơ dòng truyền giáo.”

Tôi chia sẻ với họ: “Không đúng!” Giáo hội đã được Đức Giêsu truyền giáo thiết lập. Bởi thế Giáo hội là Giáo hội truyền giáo. Giáo hội mang căn tính truyền giáo. Mất đi căn tính truyền giáo, Giáo hội sẽ lúng túng với chính mình. Bởi thế Công Đồng Vatican II qua sắc lệnh Ad Gentes khẳng định: “Tự bản tính Giáo hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (AG 2).

Tái khẳng định điều Công đồng Vatican II xác tín, Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Evangelii Gaudium tuyên huấn: “Nhờ bí tích Rửa Tội mà họ đã lãnh nhận, mỗi phần tử của dân Chúa đã trở thành một môn đệ truyền giáo…và thật là thiếu sót khi nghĩ về chương trình truyền giáo được thực hiện bởi các chuyên viên có khả năng trong khi phần còn lại của các tín hữu chỉ là tiếp nhận thụ động” (EG 120).

Em! Mời em suy nghĩ về hai đoạn sắc lệnh và tông huấn vừa trích dẫn về Đức Giêsu truyền giáo, Giáo hội truyền giáo, em tu sĩ truyền giáo, mọi người tín hữu truyền giáo và riêng tôi, tôi cũng truyền giáo!

ĐỨC GIÊSU
Chàng tuổi trẻ bỏ đi, lên đường tìm kiếm nguồn suối hạnh phúc đích thực.

Và chàng gặp Cái Bang nguyên gốc phố nhỏ Nazareth. Từ luật lệ của Hội đường ngày Sabbath, Đức Giêsu đưa chàng lên một cái nhìn mới. Luật lệ hoặc Hội đường chỉ là phương tiện. Cả hai đều chỉ tới và hướng dẫn mọi người tới cứu cánh, đó là Đức Giêsu.

Tất cả mọi thứ trên đời kể cả Luật Lệ và Hội Đường đều thay đổi theo giòng thời gian, bởi cả hai chỉ là phương tiện. Chỉ có Đức Giêsu, Alpha và Omega, Ngài mới bất biến giữa dòng đời vạn biến. Đức Giêsu của ngày hôm qua, hôm nay và tương lai thủy chung, không đổi thay, bởi Ngài là CHÂN LÝ. Luật lệ và Hội đường chỉ là phương tiện dẫn mọi người tới Chân Lý.

BỞI ĐỨC GIÊSU?
Tôi nhớ, em hay than thở với tôi về những xung đột với chị em đồng tu.

Em! Em phải hỏi tại sao em đã bỏ tất cả để lên đường sống đời tận hiến. Em phải trả lời thành thật với chính em câu hỏi này. Em đã từ bỏ tất cả, lên đường bởi ai?
Bởi Đức Giêsu?
Bởi em?
Hay bởi những lý do gì đó chỉ có riêng em mới biết?

Em! Nếu em đã lên đường chỉ bởi em mê say Trai đẹp Giêsu, tất cả mọi vấn đề còn lại sẽ khác, khác lắm. Khi đó, em sẽ nhìn nhận và giải quyết mọi vấn đề dưới con mắt của Trai đẹp Giêsu.

RAO GIẢNG ĐỨC KITÔ
Giáo hội Tây phương và thế giới ngày hôm nay nhiều người không còn tham dự thánh lễ. Giáo đường nguy nga giờ trống vắng, cuối cùng biến thành viện bảo tàng. Cả một châu Âu giờ này nhà thờ tấp nập du khách viếng thăm (tưởng như) để tưởng niệm một thời!

Truyền Giáo học đã đặt vấn đề và hỏi tại sao? Tại sao vậy? Đặc biệt hơn nữa, khi được hỏi, những người không còn sinh hoạt với Giáo hội, họ vẫn khẳng định: “Không! Tôi vẫn là một Kitô hữu! Tôi tin vào Đức Giêsu.” Thật lạ kỳ! Không sinh hoạt với Giáo hội nữa, ngoại trừ tham dự thánh lễ Giáng Sinh và Phục Sinh hằng năm, nhưng những tín hữu CNE (Christmas and Easter) vẫn tin vào Đức Giêsu. Trước hiện tượng khá phổ biến này, thần học gia nghiên cứu, phân tích, cuối cùng giải thích:

Bắt đầu từ những giây phút chúng ta không còn đặt trọng tâm vào sứ vụ truyền giáo rao giảng về Đức Giêsu và Tin Mừng nữa, người Kitô hữu Tây phương và giới trẻ của ngày hôm nay bắt đầu chia tay từ giã chúng ta. Họ lên đường và tìm kiếm một nguồn suối khác, nơi đó họ gặp gỡ lại Đức Giêsu lấm lem bùn đen, một Đức Giêsu Truyền giáo không hề đóng khung trong tháp ngà và bốn bức tường.
(Trích Quán Nước Đầu Làng: Niềm Tin Việt Nam, "Trai Đẹp Giêsu," 38-45)
 
VietCatholic TV
Putin báo hại: Đoàn xe Nga bỏ chạy không còn ai sống sót. Ukraine trị được drone Iran 95% bị bắn rơi
VietCatholic Media
03:05 21/10/2022


1. Quân đội Ukraine đã phá hủy 19 trong số 20 máy bay không người lái Shahed-136 do Nga tung ra trong một ngày

Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 21 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong ngày qua, quân đội Nga đã tiến hành 3 cuộc tấn công hỏa tiễn và 20 cuộc không kích vào lãnh thổ Ukraine, cũng như phóng hỏa tiễn bằng hệ thống hỏa tiễn hàng loạt tới 10 lần.

Có vẻ như quân Ukraine đã tìm được cách chống lại máy bay không người lái Shahed-136 của Iran. 19 trong số 20 máy bay không người lái cảm tử Shahed-136 do Iran sản xuất, được Nga sử dụng để chống lại các cơ sở hạ tầng dân sự, đã bị bắn hạ.

Khoảng 20 khu định cư của Ukraine đã rơi vào tầm ngắm của kẻ thù, đó là Terny, Bakhmut, Vuhledar và Komyshuvakha của vùng Donetsk.

Quân đội Nga tiếp tục các hành động tấn công ở hướng Bakhmut và Avdiivka. Ngoài hai địa điểm này, quân Nga chỉ cố gắng phòng thủ các khu vực bị chiếm đóng tạm thời, tập trung nỗ lực vào việc kiềm chế các hành động của Lực lượng Phòng vệ Ukraine; và pháo kích vào dân lành vô tội.

Trong ngày qua, lực lượng không quân Ukraine đã thực hiện sáu cuộc không kích. Hai cụm đạn và thiết bị quân sự của địch được xác nhận là trúng đạn, cũng như hai cứ điểm và hai vị trí hệ thống hỏa tiễn phòng không.

Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Ukraine đã tấn công một sở chỉ huy của Nga, hai cụm quân nhân, đạn dược và thiết bị quân sự cũng như hai kho đạn.

2. Hỏa tiễn Ukraine tấn công đoàn xe quân sự Nga đang rút lui ở Luhansk

Cũng trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 21 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng đưa ra một video cho thấy một đoàn xe quân sự của Nga gần Stara Krasnyanka ở khu vực phía đông Luhansk đã bị trúng hỏa tiễn của Ukraine.

CNN đã xác định vị trí địa lý và xác minh tính xác thực của video. Video là tổng hợp một loạt video được quay bởi một máy bay không người lái cho thấy năm phương tiện quân sự, lần đầu tiên di chuyển về phía đông trên một con đường ở phía đông Kreminna.

Sau đó, đoàn xe được nhìn thấy quay lại Stara Krasnyanka và quay trở lại Kreminna. Khi đoàn xe gần đến một đoạn đường ray xe lửa, nó di chuyển vào một khu vực nhiều cây cối ngay bên ngoài Stara Krasnyanka.

Sau đó, chúng bị tấn công bởi một hỏa tiễn của Ukraine, và một số vụ nổ được nhìn thấy. Đám cháy xuất hiện làm nổ những quả đạn được các phương tiện vận chuyển. Sau đó, người ta nhìn thấy những tro tàn của đoàn xe.

Trong những tuần gần đây, các lực lượng Ukraine đã liên tục đánh vào các vị trí của Nga ở thị trấn Kreminna, nằm ngay phía tây của Severodonetsk.

Theo Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai, nhóm này là tàn quân của các lực lượng Nga buộc phải rút lui khỏi Lyman. Họ đang cố thủ ở thành phố Kreminna của Luhansk và đang bị tấn công bởi các đơn vị hỏa tiễn, pháo binh và không quân Ukraine.

Việc giữ cho được Kreminna là rất quan trọng vì sau khi vượt qua Kreminna, các lực lượng vũ trang của Ukraine sẽ đến Svatovo, Rubizhne, và xa hơn nữa quân Ukraine sẽ có thể giải phóng vùng Luhansk. Quân đội Ukraine sẽ có thể lấy lại Sievierodonetsk và Lysychansk nếu họ chiếm lại thành phố Kreminna.

Đoàn xe quân sự Nga bỏ chạy về phía Đông cho thấy quân Nga tại thành phố Kreminna có lẽ đã từ bỏ ý định cố thủ thành phố này. Ông Serhiy Haidai nhận xét rằng thay vì tìm cách bỏ chạy, quân Nga trong thành phố nên đầu hàng vì họ chạy không thoát.

3. Nga bày tỏ sự hả hê trước việc Liz Truss rời khỏi cương vị Thủ tướng Anh

Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ sự hả hê trước sự ra đi của Liz Truss trong tư cách là Thủ tướng Anh, mô tả cô là “sự ô nhục” đối với một nhà lãnh đạo sẽ được nhớ đến vì “sự ngu dốt thảm khốc”.

Truss đã từ chức vào đầu giờ chiều ngày 20 tháng 10 chỉ sau 45 ngày tại vị - khiến cô trở thành thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử Vương quốc Anh – sau khi đã làm sụp đổ thị trường, mất hai bộ trưởng chủ chốt và làm mất niềm tin của hầu hết các thành viên Quốc Hội trong đảng bảo thủ Anh, sau khi cô theo đuổi chính sách giảm thuế cho các doanh nghiệp.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, nói một cách hằn học rằng: “Nước Anh chưa bao giờ biết đến sự ô nhục của một thủ tướng như vậy”. Mạc Tư Khoa tỏ ra ghét cay ghét đắng Liz Truss vì lập trường ủng hộ Ukraine mạnh mẽ của cô.

Truss đã trở thành mục tiêu của những bình luận thô bạo từ Mạc Tư Khoa kể từ khi cô đến thăm nước này vào tháng Hai như một phần trong nỗ lực không có kết quả của các chính trị gia phương Tây nhằm ngăn chặn một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Tuyên bố “ngu dốt” của Maria Zakharova dường như ám chỉ chuyến đi đó, khi Truss là ngoại trưởng Anh.

Tờ Kommersant của Nga đưa tin rằng Ngoại trưởng Lavrov đã hỏi Truss khi họ gặp nhau vào tháng 2 rằng liệu cô ấy có công nhận chủ quyền của Nga đối với Rostov và Voronezh hay không. Cô ấy nói rằng Vương quốc Anh sẽ không công nhận.

Trước câu hỏi bất ngờ, Ngoại trưởng Liz Truss dường như không biết rằng trên thực tế Rostov và Voronezh là những thành phố của Nga chứ không phải của Ukraine.

Tuy nhiên, cách thức Ngoại trưởng Nga Lavrov đưa ra câu hỏi mẹo ấy cũng đáng bị phê phán. Người ta không thể giả định một người có thể biết hết các thành phố của Nga. Đối với Lavrov Rostov và Voronezh là những thành phố lớn, nhưng đối với hầu hết mọi người trên thế giới khi nói đến Nga, người ta thường chỉ biết Mạc Tư Khoa hay cùng lắm là St. Peterburg.

Zakharova cũng chế giễu Truss khi cô đến thăm Estonia vào năm ngoái, mặc áo khoác và mũ bảo hiểm để lái xe tăng trong chuyến thăm quân đội Anh đóng tại quốc gia Baltic này.

Tuy nhiên, theo tờ The Guardian, Mạc Tư Khoa chớ có vội mừng. Nhiều thành viên Đảng Bảo Thủ Anh đang vận động để đưa cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson trở lại.

4. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Theo Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh, cái gọi là lực lượng chung Belarus và Nga chỉ là một trò đánh lạc hướng để khiến quân Ukraine phải phân tán lực lượng. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Vào ngày 14 tháng 10 năm 2022, Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko cho biết 70.000 quân Belarus và 15.000 quân Nga sẽ tham gia vào một Nhóm Lực lượng Nga-Belarus mới. Vào ngày 15 tháng 10 năm 2022, chính quyền Belarussia đã công bố một đoạn video cho thấy sự xuất hiện của quân đội Nga tại Belarus. Tuy nhiên, cho đến nay, không chắc Nga đã thực sự triển khai thêm một lượng quân đáng kể tới Belarus.

Nga khó có thể tạo ra các đội hình sẵn sàng chiến đấu với quy mô như đã tuyên bố: lực lượng của họ đang tham chiến ở Ukraine. Quân đội Belarus rất có thể chỉ đủ khả năng tối thiểu để đảm nhận các hoạt động phức tạp.

Thông báo này có thể là một nỗ lực nhằm thể hiện tình đoàn kết Nga-Belarus và thuyết phục Ukraine chuyển hướng các lực lượng để canh giữ biên giới phía bắc.

5. 146 thi thể được tìm thấy tại khu chôn cất hàng loạt lớn nhất ở Lyman

Cảnh sát đã hoàn tất các thủ tục khai quật tại khu chôn cất tập thể lớn nhất ở Lyman, vùng Donetsk. Tổng cộng 111 thi thể dân thường và 35 quân nhân Ukraine đã được khai quật từ các mồ chôn tập thể.

Cảnh sát Quốc gia Ukraine ở khu vực Donetsk đã cho biết như trên hôm thứ Năm 20 tháng 10.

“Cảnh sát đã hoàn tất các hoạt động điều tra tại một nghĩa trang ở Lyman, nơi có hai khu chôn cất tập thể được phát hiện sau khi thành phố được giải phóng khỏi quân xâm lược Nga. Thường dân được chôn cất ở một địa điểm, và những người bảo vệ Ukraine - ở địa điểm khác. Những người thiệt mạng được chôn trong chiến hào. Một số ngôi mộ không tên. Theo kết quả của cuộc điều tra, kéo dài hơn hai tuần, các nhà điều tra đã thu hồi được 146 thi thể”,

Theo cảnh sát, 25 khu chôn cất tự phát đã được phát hiện ở Lyman. Các đội điều tra hiện đang làm việc ở đó.

Nói chung, trên khắp các khu vực giải phóng của Donetsk, có 58 khu chôn cất như vậy. Mỗi ngày, cảnh sát nhận được ngày càng nhiều tin báo của cư dân địa phương về các mồ chôn tập thể. Tuy nhiên, không thể tiếp cận một số ngôi mộ do chiến sự đang hoạt động tại thời điểm này.

Nhìn chung, tổng cộng 166 thi thể đã được khai quật ở phía bắc vùng Donetsk cho đến nay. Trong số các nạn nhân dân sự, có 85 đàn ông, 66 phụ nữ, 5 trẻ em và 10 người chưa xác định được giới tính.

Theo số liệu sơ bộ, hầu hết các nạn nhân tử vong do mảnh đạn, và đói khát. Nhiều phụ nữ có dấu hiệu bị xâm phạm tình dục và cắt bỏ nhiều phần trên cơ thể. Một số cơ thể mang dấu hiệu của một cái chết dữ dội. Số lượng những người bị binh lính Nga hành quyết sẽ được báo cáo ngay sau khi tất cả các cuộc kiểm tra chuyên môn hoàn tất.

6. Iran huấn luyện người Nga sử dụng máy bay không người lái nguy hiểm hơn Shahed-136

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Iran Training Russians to Use Drones Deadlier Than Shahed-136: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết Iran được huấn luyện người Nga sử dụng máy bay không người lái nguy hiểm hơn Shahed-136.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Iran được cho là đang giúp huấn luyện các lực lượng quân sự Nga sử dụng một loại máy bay không người lái mới nguy hiểm hơn loại máy bay Shahed-136 do Iran sản xuất, Ukraine cho biết hôm thứ Năm.

“Theo thông tin sơ bộ, lãnh đạo Iran và Liên bang Nga đã đồng ý cử các cố vấn và hướng dẫn viên tới lãnh thổ Liên bang Nga để sử dụng máy bay không người lái ném bom”, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong một bản cập nhật hoạt động.

“Đặc biệt, người ta đã biết về sự chuẩn bị cho các hoạt động của máy bay không người lái tấn công ‘Shahed-136’ đã có sẵn và máy bay không người lái tấn công ‘Arash-2’ đang được đưa tới.”

Bản cập nhật được đưa ra khi Ukraine liên tục cáo buộc Nga sử dụng máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất. Hôm thứ Tư, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết họ đã bắn hạ hơn 200 máy bay không người lái do Iran sản xuất trong một tháng. Iran tiếp tục phản đối các báo cáo rằng họ đang cung cấp máy bay không người lái cho Nga.

Vào ngày 15 tháng 10, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, đã công bố một báo cáo về chiến dịch tấn công của Nga và thảo luận về máy bay không người lái Arash-2 do Iran sản xuất.

“Các kênh Telegram của Ukraine và Nga đã đưa tin về thông tin 'rò rỉ' từ các nguồn không xác định của Iran rằng Nga đã mua một số lượng máy bay không người lái Arash-2.” Báo cáo cho biết.

Theo ISW, chỉ huy lực lượng mặt đất Iran, Chuẩn tướng Kiomars Heydari, hồi đầu năm nay cho biết máy bay không người lái Arash-2 “có khả năng tầm xa độc đáo và có thể tấn công vào các thành phố ở Israel như Tel Aviv và Haifa từ các căn cứ ở Iran.”

Báo cáo của ISW cũng nói rằng mặc dù Nga có thể sẽ tiếp tục sử dụng mối quan hệ với Iran để “lách các lệnh trừng phạt”, nhưng họ nói thêm rằng các máy bay không người lái Arash-2 khó có thể có “bất kỳ tác dụng nào lớn hơn” so với Shahed-136.

Katherine Lawlor, một nhà phân tích tình báo cấp cao của ISW, nói với Newsweek hôm thứ Năm rằng máy bay không người lái Shahed-136 và Arash-2 phần nào giống nhau về khả năng của chúng nhưng cho biết sự khác biệt chính của chúng là về tầm bay, kích thước, và trọng tải.

“Lý do duy nhất khiến nó hiệu quả hơn Shahed-136 là nó có thể hoạt động nhanh hơn đáng kể, nếu nó có thể có một số loại khả năng tàng hình. Tôi không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy trường hợp đó xảy ra nhưng người Iran đã tuyên bố rằng nó nhanh hơn và lớn hơn,” Lawlor nói.

“Trên thực tế, hiệu quả dựa trên những gì bạn đang cố gắng đạt được và người Nga đã chứng minh bằng cách tấn công rằng họ đang sử dụng máy bay không người lái để đạt được hiệu ứng khủng bố đối với dân thường Ukraine... chứ không phải để đạt được một sự thay đổi mạnh mẽ trên chiến trường,” Lawlor nói.

“Những thứ này không giống như HIMARS đã thực sự thay đổi mọi thứ cho Ukraine, đây không phải là những vũ khí sẽ thay đổi chiến trường, chúng là những vũ khí có thể giết chết nhiều dân thường hơn hoặc làm nổ tung nhiều cơ sở hạ tầng dân sự hơn.”

Lawlor cũng nói rằng nếu Iran tiếp tục cung cấp máy bay không người lái cho Nga, điều đó có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt đối với Iran hơn nữa từ các quốc gia phương Tây, chẳng hạn như Mỹ.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Iran để đưa ra bình luận.

7. Trong một diễn biến nhanh chưa từng có Liên Hiệp Âu Châu thông qua lệnh trừng phạt Iran.

Cộng hòa Tiệp, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh Âu Châu, thông báo rằng Liên Hiệp Âu Châu đã đồng thuận về gói trừng phạt đối với ba cá nhân và một thực thể được cho là đã cung cấp máy bay không người lái tấn công của Iran cho Nga để sử dụng chống lại các mục tiêu Ukraine. Việc thông qua lệnh trừng phạt này diễn ra chỉ sau 3 ngày họp, được kể là chưa từng có trong lịch sử Liên Hiệp Âu Châu.

Các nhà ngoại giao trong Liên Hiệp Âu Châu bày tỏ lo ngại rằng Iran đã quyết định tham gia với Nga trong cuộc xâm lược Ukraine; đặc biệt sau khi có các bằng chứng cho thấy quân Iran đang có mặt tại bán đảo Crimea để huấn luyện cho quân Nga cách sử dụng các máy bay không người lái Shahed-136 và Shahed-139.

Dẫn lời các quan chức an ninh Mỹ và đồng minh, tờ Washington Post hôm Chúa Nhật đưa tin rằng Tehran cũng đang có kế hoạch gửi hỏa tiễn đất đối đất của Iran tới Nga.

Cho đến nay Bộ Ngoại giao Iran vẫn quyết liệt phủ nhận, bất kể các bằng chứng không thể chối cãi là xác các máy bay không người lái bị bắn hạ. Trong cuộc phản công giành lại các lãnh thổ trong khu vực Kharkiv, quân Ukraine còn tịch thu được tại Kupiansk, các máy bay không người lái Shahed-136 còn nguyên vẹn.

Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, tiết lộ rằng ông khá ngạc nhiên vì trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với phía Iran, Bộ Trưởng Ngoại Giao nước này là Hossein Amir-Abdollahian, vẫn tiếp tục khẳng định rằng “Chính trị của chúng tôi là chúng tôi phản đối chiến tranh và sự leo thang chiến tranh ở Ukraine”.

Ngoại trưởng Iran nói “Cáo buộc Iran gửi hỏa tiễn cho Nga để sử dụng chống lại Ukraine là không có cơ sở. Chúng tôi có hợp tác trong các vấn đề quốc phòng với Nga, nhưng việc gửi vũ khí và máy bay không người lái chống lại Ukraine chắc chắn không phải là chính trị của chúng tôi.”
 
Án tuyên thánh cho Sơ Lucia, Fatima. Nỗi buồn của ĐGM Kharkiv, Ukraine: Chúng tôi sống trong sợ hãi
VietCatholic Media
03:49 21/10/2022


1. Sơ Lucia của Fatima tiến thêm một bước nữa trên đường tuyên Chân phước

Án tuyên Chân phước cho Sơ Lucia dos Santos, người con cả chứng kiến các cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima, đã tiến thêm một bước.

Trong một cuộc họp tại Vatican, các cáo thỉnh viên trong vụ án tuyên thánh cho Sơ Lucia đã đệ trình tài liệu “thực chứng” gồm những lời chứng và thông tin mô tả chi tiết về các đức tính anh hùng của sơ cho Bộ Tuyên Thánh.

Cha Carlos Cabecinhas, giám đốc đền thánh Đức Mẹ Fatima, đã công bố bản cập nhật vào ngày 13 tháng 10 kỷ niệm Phép lạ Mặt trời quay, trong lần hiện ra cuối cùng của Đức Mẹ ở Fatima vào năm 1917.

Cuốn “Tuyển tập về cuộc đời, đức hạnh và danh tiếng thánh thiện của nữ tu Lucia de Jesus dos Santos” giờ đây sẽ được kiểm tra bởi chín nhà thần học. Nếu bằng chứng về đức tính anh hùng của sơ được Bộ Tuyên Thánh Vatican xác nhận và Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định ban hành sắc lệnh, chị Lucia sẽ được chỉ định là bậc Đáng kính trong Giáo Hội Công Giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong thánh cho hai thị nhân Fatima khác, Jacinta và Francisco Marto, vào năm 2017. Hai trẻ chăn cừu, lần lượt qua đời ở tuổi 10 và 11, là những vị thánh không tử đạo trẻ nhất trong lịch sử Giáo hội.

Lucia, 10 tuổi vào thời điểm Đức Mẹ hiện ra năm 1917, sống lâu hơn các thị nhân khác hàng thập kỷ, sơ sống đến năm 97 tuổi.

Sơ đã trải qua 50 năm cuối cùng của cuộc đời mình trong một tu viện Cát Minh ở Coimbra, Bồ Đào Nha. Là thị nhân Fatima duy nhất có thể nghe Đức Trinh Nữ Maria nói trong chuỗi các cuộc hiện ra tại Fatima, các hồi ký của sơ đã cung cấp một tường thuật quan trọng về sứ điệp Fatima.

“Ở một số điểm, không có câu chuyện Fatima nào mà không có lời kể của Lucia. Tôi không thể tưởng tượng được Fatima ra sao nếu không có Lucia cung cấp các trình thuật, thông qua các tác phẩm của sơ ấy,” José Rui Teixeira, người viết tiểu sử của Lucia, cho biết tại một sự kiện ảo nhân kỷ niệm Fatima vào tháng này.

Teixeira, người đã giúp biên soạn tài liệu cho án tuyên thánh của sơ Lucia, nói rằng anh ấy có gần 4,000 tài liệu tham khảo trong thư mục của mình.

Án tuyên thánh cho Sơ Lucia bắt đầu vào năm 2008, ba năm sau khi cô qua đời, sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI miễn chuẩn cho một khoảng thời gian chờ đợi thường là năm năm. Hơn 15,000 lá thư, lời khai và các tài liệu khác đã được thu thập trong giai đoạn giáo phận, kết thúc vào năm 2017.

Trong bản cập nhật mới nhất về nguyên nhân của Lucia, Cabecinhas nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho án tuyên chân phước và tuyên thánh cho Nữ tu Lucia.”

“Chúng ta hãy giao phó những ý định và nhu cầu của mình cho sự chuyển cầu của sơ Lucia với lòng tin tưởng như những người hành hương 100 năm trước đã trình bày những yêu cầu của họ với sơ Lucia để sơ có thể thân thưa cùng Đức Mẹ.”
Source:Catholic News Agency

2. Giám mục Kharkiv, Ukraine than thở: “Ở đây giống như Sarajevo. Chúng tôi sống với nỗi sợ hãi “

“Sáng nay, tất cả chúng tôi đều nghe thấy tiếng nổ. Chúng tôi sống với nỗi sợ hãi, nó là một phần của cuộc sống hàng ngày. Kharkiv giống như Sarajevo trong chiến tranh Balkan”. Đức Cha Pavlo Honcharuk, Giám Mục của Kharkiv-Zaporizhzhia cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn với chương trình tin tức Tv2000 của Ý.

“Có những người đang kêu khóc, có những người sống trong các tầng hầm hoặc trong tàu điện ngầm. Mặt khác, những người khác cố gắng phản ứng bằng cách tình nguyện, giúp đỡ người khác”.

“Tôi yêu cầu mọi người đừng quên chúng tôi, Kharkiv, Ukraine. Kharkiv cách biên giới Nga 30 km. Viện trợ nhân đạo ở đây đang phải vật lộn để đến nơi. Tôi biết chúng tôi không đơn độc, nhưng đừng quên chúng tôi. Chúng tôi không có đủ viện trợ nhân đạo. Mùa đông sắp đến và nhiệt độ thậm chí sẽ giảm xuống dưới không độ. Chúng tôi cần bếp, chăn, quần áo ấm”.
Source:TV 2000

3. Điều gì đã xảy ra với những chiếc ghế gỗ được sử dụng trong Công đồng Vatican II?

Những hình ảnh từ Công đồng Vatican II mang tính biểu tượng: gian giữa Đền Thờ Thánh Phêrô được chụp từ trên cao; các dãy ghế ngồi bằng gỗ kiểu sân vận động chứa đầy các giám mục trong lễ phục màu trắng hoặc màu đỏ tươi.

Công đồng Vatican II đã nhóm họp trong bốn kỳ họp từ năm 1962–1965, quy tụ hơn 2,500 nghị phụ công đồng để thảo luận về Giáo hội và vai trò của Giáo hội trong thế giới hiện đại.

Nhưng khi mọi chuyện kết thúc, điều gì đã xảy ra với những chiếc ghế gỗ được sử dụng bởi các giám mục trên thế giới và hàng trăm chuyên gia khác?

Trong số hàng ngàn chiếc ghế được sử dụng trong Công Đồng Chung, ngày nay người ta vẫn có thể tìm thấy 24 chiếc ghế trong một nhà thờ chỉ cách Vatican vài bước chân.

Những chiếc ghế dài bằng gỗ với đệm ngồi màu xanh lá cây rừng được sử dụng làm quầy hợp xướng trong Nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Thánh Magnus, một giáo xứ ngay bên ngoài quảng trường Thánh Phêrô.

Nhà thờ bị che khuất tầm nhìn bởi các tòa nhà xung quanh, và chỉ có thể lên tới lối vào của nhà thờ bằng cách leo lên một đoạn cầu thang. Ngay cả Google Maps cũng xác định sai lạc vị trí của nhà thờ cách xa vị trí thật hơn 200 thước về phía đông.

Là một địa điểm thờ phượng của Kitô giáo, Nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Thánh Magnus có từ thế kỷ thứ tám hoặc thứ chín.

Ngôi thánh đường đã được sử dụng bởi người Frisia, một nhóm dân tộc Đức từ các vùng ven biển của Hà Lan và tây bắc nước Đức, trong khoảng 500 năm trước khi bị các nước khác thôn tính.

Ngôi thánh đường đã được người Frisia phục hồi vào năm 1989 và trở thành nhà thờ quốc gia của người Công Giáo Hà Lan ở Rôma.

Nơi đây cũng đã trở thành ngôi thánh đường của Hiệo hội Bí Tích Cực Thánh Vatican, một hiệp hội công khai của các tín hữu giáo dân vẫn sử dụng nhà thờ cho Thánh lễ và các buổi cầu nguyện cho đến ngày nay.

Vậy làm thế nào mà nhà thờ khiêm tốn này lại có tới 24 chỗ ngồi từ Công đồng Vatican II trong dàn hợp xướng ở nửa trước gian giữa của nó?

Cha Tiemen Brouwer, một linh mục người Hà Lan phục vụ tại nhà thờ, nói với CNA rằng ngài nghĩ có lẽ các ghế trong Công Đồng được tặng cho ngôi thánh đường này sau Công đồng Vatican II vì chúng sẽ hữu ích.

Tất cả những gì được biết là một phần lịch sử hiện đại của Nhà thờ Công Giáo được lưu giữ ở đó cho bất kỳ ai đến xem.

“Tôi luôn nói rằng, bất cứ nơi nào bạn ngồi trên những chiếc ghế đó, bạn chắc chắn đang ngồi ở nơi mà một giám mục, hoặc thậm chí có thể là một Hồng Y, đã ngồi,” Cha Brouwer nói.
Source:Catholic News Agency
 
Tướng Mỹ: Putin phải đối mặt với thảm họa sắp xảy ra ở Ukraine. Iran giúp Putin, thế chiến khó tránh
VietCatholic Media
15:39 21/10/2022


1. Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết mối đe dọa tấn công của Nga từ lãnh thổ Belarus ngày càng tăng

Mối đe dọa về các hoạt động tấn công mới của Nga trên mặt trận phía bắc đang ngày càng gia tăng. Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 21 tháng 10, phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, Chuẩn tướng Oleksiy Hromov nhận định rằng hướng tấn công có thể được chuyển sang biên giới phía tây Ukraine để cắt đứt các tuyến đường hậu cần mà Ukraine tiếp nhận vũ khí và trang thiết bị từ các đối tác quốc tế.

“Những lời lẽ hung hăng của giới lãnh đạo quân sự-chính trị của Nga và Belarus đang ngày càng gia tăng, đi kèm với việc triển khai các nhóm quân trong khu vực mà Putin và Lukashenko gọi là lực lượng quốc gia đồng minh. Mối đe dọa nối lại cuộc tấn công của các lực lượng vũ trang Nga trên mặt trận phía bắc ngày càng lớn. Lần này, hướng tấn công có thể được chuyển sang phía Tây biên giới Ukraine-Belarus nhằm cắt đứt huyết mạch hậu cần chính của nguồn cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ukraine từ các nước đối tác. Các đơn vị không quân, các đơn vị thuộc các ngành quân sự khác, các lực lượng vũ trang Nga đang được triển khai tại các sân bay và cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ Belarus, kể cả những nơi được nhượng lại cho các lực lượng vũ trang Liên bang Nga hoàn toàn kiểm soát”.

Chuẩn tướng Oleksiy Hromov lưu ý rằng các biện pháp huy động bí mật đang được thực hiện ở Belarus và giới lãnh đạo Belarus tiếp tục cung cấp lãnh thổ của mình để phóng hỏa tiễn đạn đạo và máy bay không người lái của Nga.

Cụ thể, Nga đã triển khai máy bay MiG-31 tại các sân bay của Belarus có thể được trang bị hỏa tiễn hành trình Kalibr. Tướng Hromov nhấn mạnh rằng Bộ Tổng tham mưu liên tục theo dõi tình hình này.

“Hiện tại, các biện pháp đang được thực hiện để che chắn một cách đáng tin cậy biên giới quốc gia và thành phố Kyiv từ hướng bắc. Nếu đối phương đưa ra quyết định mở cái gọi là mặt trận thứ hai, cụ thể là tiến hành các hoạt động tấn công từ Cộng hòa Belarus, chúng tôi sẽ sẵn sàng đáp trả tương xứng.”

Các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy các thiết bị và một lực lượng đông đảo quân đội Nga tại sân bay quân sự Zyabrovka gần biên giới Belarus với Ukraine.

2. Đại Sứ của Nga tại Hoa Kỳ: Kênh Ngừng Chiến tranh Hạt nhân 60 năm trước đã không thể sử dụng được nữa

Một bài tường trình trên tờ Newsweek đang gây ra nhiều âu lo. Bài báo có nhan đề “Russia Envoy to U.S.: Channel That Stopped Nuclear War 60 Years Ago Is Dead”, nghĩa là “Đại Sứ của Nga tại Hoa Kỳ: Kênh Ngừng Chiến tranh Hạt nhân 60 năm trước đã không thể sử dụng được nữa.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Một kênh bí mật, trực tiếp giữa Điện Cẩm Linh và Tòa Bạch Ốc đã giúp ngăn chặn chiến tranh hạt nhân cách đây 60 năm, khi Mạc Tư Khoa và Washington tham gia vào một cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Hoa Kỳ được gọi là Cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba.

Tuy nhiên, hôm nay, với mối quan hệ Mỹ-Nga đang ở mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và cuộc thảo luận mới về các trường hợp hạt nhân đang xuất hiện từ cả hai bên, Đại Sứ của Mạc Tư Khoa tại Washington đã nói với Newsweek rằng hiện nay không có liên lạc nào như vậy nữa, điều này tạo tiền đề cho một kỷ nguyên mới và nguy hiểm cho hai quốc gia, và cho phần còn lại của thế giới.

Anatoly Antonov, đại sứ Nga tại Mỹ, nhớ lại những lời của người tiền nhiệm Anatoly Dobrynin, người đã nói trong nhiệm kỳ của mình rằng “cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba cho thấy mối nguy hiểm chết người của một cuộc đối đầu vũ trang trực tiếp giữa hai cường quốc, một cuộc đối đầu diễn ra ở bờ vực của chiến tranh đã được dừng lại nhờ cả hai bên đã kịp thời nhận ra những hậu quả thảm khốc.”

Antonov cũng dẫn lời Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, người, ngay sau khi cuộc khủng hoảng tháng 10 năm 1962 đã giải quyết bằng một thỏa thuận để Mạc Tư Khoa rút hỏa tiễn khỏi Cuba và Washington rút vũ khí của chính mình ở Thổ Nhĩ Kỳ, nói với Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Phó Chủ tịch thứ nhất Anastas Mikoyan: “Những gì chúng ta có bây giờ là, mặc dù hai quốc gia của chúng ta không trực tiếp thách thức nhau, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục đụng độ nhau ở hầu hết mọi nơi, trong thời đại hạt nhân đầy rẫy những mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với hòa bình thế giới.”

Antonov nói với Newsweek: “Những lời này của cựu tổng thống Mỹ có thể được sử dụng rất đúng để mô tả tình trạng quan hệ hiện tại giữa Nga và Mỹ. Thế giới một lần nữa đang tăng tốc để tiếp cận ranh giới mà không có gì đằng sau nó.”

Ông nói thêm: “Lợi thế không thể phủ nhận của thời điểm đó là một kênh bí mật hoạt động liên tục giữa Anatoly Dobrynin và Robert Kennedy,” ông nói thêm khi đề cập đến Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy, em trai và cố vấn của tổng thống, người đóng vai trò quan trọng trong việc đàm phán chấm dứt cuộc khủng hoảng. “Nó cho phép Điện Cẩm Linh và Tòa Bạch Ốc chuyển tiếp thông tin cho nhau một cách kịp thời, thực hiện các phân tích thích hợp và làm rõ lập trường của hai quốc gia.”

Nhưng Antonov cho biết hai cường quốc hiện đang gặp bất lợi đáng kể, vì “ngày nay, cơ sở hạ tầng liên lạc của chúng tôi với người Mỹ đã bị phá bỏ.”

Antonov đã đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden.

Ông nói: “Những nỗ lực của các nhà ngoại giao Nga ở Washington nhằm thiết lập lại các mối liên hệ như vậy đã vô ích. Chính quyền Mỹ không sẵn sàng nói chuyện bình đẳng với chúng tôi.”

3. Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cho biết một máy bay chiến đấu của Nga đã bay cách máy bay Nato trong vòng 5 mét - một hành động mà ông mô tả là “liều lĩnh” và “không cần thiết”.

Trong buổi điều trần trước Quốc Hội Anh, nữ chủ tịch ủy ban đối ngoại của Quốc Hội Anh, Alicia Kearns, hỏi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace:

“Tôi lo ngại về sự leo thang quân sự trên Hắc Hải và tôi biết ông có mối quan hệ thân thiết với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, vì vậy, xin ông vui lòng cho chúng tôi biết về cách ông làm việc với các đồng minh của chúng ta ở Thổ Nhĩ Kỳ, và Rumani để bảo vệ an ninh trên không?”

Wallace nói: “Trong một sự kiện mà tôi được biết, một máy bay chiến đấu của Nga đã bay trong vòng 15 feet hay 4.5m bên cạnh một máy bay Nato. Bạn biết điều đó là liều lĩnh, không cần thiết và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của nhiều người.”

Wallace cho biết một trong những đồng minh mà ông đã thảo luận về vụ việc đang ở Thổ Nhĩ Kỳ “vào thời điểm điều đó xảy ra”.

Ông nhắc lại rằng Vương quốc Anh không coi đây là một “sự leo thang có chủ ý” của người Nga nhưng nhấn mạnh “đó là một lời nhắc nhở về những điều nguy hiểm có thể xảy ra khi bạn quyết định sử dụng máy bay chiến đấu của mình theo cách mà người Nga đã làm trong nhiều thời điểm khác nhau.”

4. Anh trừng phạt Iran vì cung cấp cho Nga máy bay không người lái được sử dụng trong các cuộc tấn công của Putin vào Ukraine

Anh đang thực hiện các biện pháp trừng phạt mới đối với ba cá nhân Iran và một doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung cấp cho Nga các máy bay không người lái được sử dụng để bắn phá Ukraine.

Bộ trưởng Ngoại giao James Cleverly cho biết: “Sự ủng hộ của Iran đối với cuộc chiến tàn bạo và phi pháp của Putin chống lại Ukraine là đáng trách. Hôm nay, chúng tôi đang xử phạt những người đã cung cấp máy bay không người lái mà Nga sử dụng để nhắm vào dân thường Ukraine. Đây là bằng chứng rõ ràng về vai trò gây bất ổn của Iran đối với an ninh toàn cầu”.

“Những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hèn nhát này là một hành động tuyệt vọng. Bằng cách tạo điều kiện cho các cuộc tấn công này, những cá nhân Iran và một nhà sản xuất đã gây ra cho người dân Ukraine vô vàn đau khổ. Chúng tôi sẽ bảo đảm rằng họ phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình,” Bộ trưởng James Cleverly nói.

Nga đã phóng hàng chục máy bay không người lái “kamikaze” vào Ukraine, tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng và giết chết 5 người ở thủ đô Kyiv trong tuần này. Tehran phủ nhận việc cung cấp máy bay không người lái cho Mạc Tư Khoa, trong khi Điện Cẩm Linh phủ nhận lực lượng của họ đã sử dụng máy bay không người lái của Iran để tấn công Ukraine hôm thứ Ba.

Ông James Cleverly nhấn mạnh rằng bằng cách cung cấp các máy bay không người lái này, Iran đang “tích cực dự phần trong cuộc chiến, thu lợi từ các cuộc tấn công ghê tởm của Nga nhằm vào công dân Ukraine, đồng thời gây thêm đau khổ cho người dân và phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Vương quốc Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cùng một doanh nghiệp và ba cá nhân như Liên Hiệp Âu Châu.

Shahed Aviation Industries, mà Vương quốc Anh cho biết đã sản xuất máy bay không người lái, sẽ bị đóng băng tài sản. Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang của Iran, Thiếu tướng Mohammed Hossein Bagheri, chỉ huy hậu cần Tướng Sayed Hojatollah Qureishi và chỉ huy máy bay không người lái của Lực lượng Vệ binh Cách mạng, Chuẩn tướng Saeed Aghajani, bị đóng băng tài sản và cấm đi lại.

5. Bộ Ngoại giao Nga phản đối lệnh trừng phạt Iran của Anh và Liên Hiệp Âu Châu

Bộ Ngoại giao Nga cho biết phương Tây đang tìm cách gây “áp lực” lên Tehran với cáo buộc rằng Mạc Tư Khoa đang sử dụng máy bay không người lái do Iran sản xuất ở Ukraine, là điều mà Nga và Iran phủ nhận.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova nói:

“Mọi thứ hiện đang được thực hiện liên quan đến Iran đều phụ thuộc vào một mục tiêu - đó là áp lực lên đất nước này. Và Washington đang vận động các nước NATO và Liên Hiệp Âu Châu về việc này để ủng hộ lập trường của mình.”

Liên minh Âu Châu đã công bố các lệnh trừng phạt đối với ba tướng lĩnh Iran và một công ty vũ khí bị cáo buộc cung cấp máy bay không người lái của Iran cho Nga mà Kyiv nói đã được sử dụng để tấn công Ukraine.

Zakharova bác bỏ các cáo buộc Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga chỉ là “tin đồn”.

“Tất cả chỉ là một tập hợp các kết luận không có cơ sở và những giả định xa vời mà Anh và Pháp đang cố gắng xây dựng thành một công trình kiến trúc và lần nào nó cũng sụp đổ trước mặt mọi người,” bà ta nói.

6. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã đưa ra lời khẩn thiết tại sự kiện xuất bản lớn nhất thế giới dành cho các tác giả viết về “nỗi kinh hoàng” do cuộc xâm lược của Nga gây ra.

Ukraine sẽ là tâm điểm của hội chợ sách Frankfurt năm nay, với nhiều tác giả và nhân vật văn hóa xuất hiện trong suốt tuần tại gian hàng lớn của đất nước.

Trong một video gởi quốc dân đồng bào, Zelenskiy nói về hội chợ như sau:

Thay vì nhập khẩu văn hóa, Nga nhập khẩu cái chết.

Vì vậy, tôi yêu cầu các bạn, hãy làm mọi thứ để mọi người biết về sự khủng bố mà Nga mang lại cho Ukraine.

Kiến thức là câu trả lời. Sách, kịch bản phim tài liệu, bài báo, phóng sự - đây là những câu trả lời.

Đệ nhất phu nhân Olena Zelenska, sẽ đích thân xuất hiện vào hôm thứ Bảy, và sẽ phát biểu tại một sự kiện bên lề.

Các nhà tổ chức và những người tham gia coi các sự kiện nổi tiếng như vậy là chìa khóa để quảng bá văn hóa Ukraine khi đối mặt với những gì họ nói là nỗ lực xóa sạch bản sắc của đất nước bằng các hình thức tuyên truyền của Nga.

Các thể chế văn hóa của nhà nước Nga đã không được mời tham gia vào hội chợ năm nay. Thay vào đó, các đối thủ nổi bật của Vladimir Putin được mời tham dự hội chợ này.

7. Nga ra lệnh bắt nhân viên truyền hình nhà nước phản đối cuộc xâm lược Ukraine

Theo hãng thông tấn nhà nước TASS, chính phủ Nga đã ra lệnh tầm nã một cựu nhân viên của mạng lưới truyền hình nhà nước Channel One ở Nga vì “truyền bá thông tin sai lệch” về cuộc chiến ở Ukraine.

Vào tháng 3, nhà báo Marina Ovsyannikova đã xuất hiện ở hậu cảnh trong một chương trình phát sóng trực tiếp trên Kênh Một, cầm một tấm biển có nội dung “Hãy dừng chiến tranh!” và “Họ đang nói dối các bạn!”

Ovsyannikova hai lần bị phạt tiền và quản thúc tại gia. Vào đầu tháng 10, cô và gia đình đã trốn khỏi Nga đến Âu Châu trong khi các nhà chức trách Nga tiếp tục điều tra cô.

Ovsyannikova tham gia một danh sách ngày càng tăng các nhà báo, bao gồm Alexander Nevzorov và Dmitry Gordon, những người mà Nga đã ra lệnh bắt giữ vắng mặt vì chỉ trích nhà nước.

Ngay sau cuộc xâm lược của Nga, Duma Quốc gia đã thông qua đạo luật áp dụng bản án tù lên đến 15 năm đối với bất kỳ ai cố ý phát tán “tin tức giả” làm mất uy tín của Lực lượng vũ trang Nga và “hoạt động quân sự đặc biệt”.

8. Mạc Tư Khoa đã buộc tội Mỹ chống lại 5 công dân Nga trong mưu toan gây bất ổn chính trị

Bộ Ngoại giao Nga cho biết Mạc Tư Khoa đã cáo buộc Mỹ chống lại 5 công dân Nga với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt như một nỗ lực nhằm đe dọa cộng đồng doanh nghiệp ở Nga và nước ngoài.

Hôm thứ Tư, các công tố viên Mỹ đã buộc tội 5 người này về tội trốn tránh lệnh trừng phạt và các vi phạm khác liên quan đến việc vận chuyển các công nghệ quân sự mua từ các nhà sản xuất Mỹ để đưa sang Nga. Các công tố viên cho biết một số thiết bị điện tử thu được thông qua kế hoạch này đã được tìm thấy trong các giàn vũ khí của Nga bị quân Ukraine tịch thu trên chiến trường.

Một trong những người bị buộc tội trong vụ án đã bị bắt ở Đức và một người khác bị giam ở Ý.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cho biết:

“Trong tình huống này, chúng tôi nghi ngờ rằng là việc bắt con tin là nhằm đạt được lợi ích chính trị hơn nữa. Chúng tôi coi việc giam giữ các công dân Nga để dẫn độ họ về Mỹ là sự tiếp tục trong chiến dịch quy mô lớn do Washington thực hiện nhằm bắt giữ những người Nga mà Mỹ có 'yêu sách', nhằm bảo đảm sự kết án sau đó của họ trước công lý trừng phạt của Mỹ cho các thời hạn tù kéo dài.”

Các cáo buộc được đưa ra trong bối cảnh Washington đang tìm cách mở rộng các biện pháp trừng phạt và gây áp lực lên Điện Cẩm Linh để ngăn chặn cuộc xâm lược Ukraine, mà Mạc Tư Khoa gọi là một “hoạt động quân sự đặc biệt”.

Maria Zakharova nói thêm rằng “Hành động mới nhất này là một phần của sự can dự trên thực tế của Washington vào Ukraine với tư cách là một bên trong cuộc xung đột, và là một nỗ lực khác nhằm tạo ra những thách thức đe dọa cộng đồng doanh nghiệp ở Nga và nước ngoài. Rõ ràng là việc săn lùng công dân Nga của các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo Mỹ sẽ ngày càng gia tăng. Những hành động thù địch như vậy tất nhiên sẽ không thành công”.

Các phương tiện truyền thông Nga đi xa hơn Maria Zakharova khi cho rằng việc bắt giữ hàng loạt các doanh nhân Nga là nhằm gây bất ổn chính trị.

9. Putin đối mặt với 'thảm họa sắp xảy ra của Nga ở Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Facing 'Imminent Russian Disaster' in Ukraine: Retired U.S. General”, nghĩa là “Tướng hồi hưu Mỹ nhận định rằng Putin đối mặt với 'thảm họa sắp xảy ra của Nga ở Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tướng Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đối mặt với một thảm họa sắp xảy ra ở Ukraine và lệnh động viên của ông đang gây ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết.

Hertling đã lên Twitter hôm thứ Tư để phản ánh về cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine trong một loạt các tweet. Ông cũng chia sẻ các bài báo có liên quan khi đề cập đến quan điểm của mình về tình trạng chiến tranh.

Ông nhấn mạnh rằng cuộc xung đột về cơ bản bắt nguồn từ câu chuyện về Ukraine của Putin và các chiến lược của Tổng thống Nga cho đến nay đã có những dấu hiệu thất bại.

“Có vẻ như Putin đang lật lại một trang của thế kỷ 17. Ông ta hiện đang cố gắng ‘dragoon’ hay ‘ép buộc’ người ta phải chiến đấu trong quân đội Nga cho bản thân ông ta”.

Tướng Hertling giải thích rằng: “Dragoon thường là một danh từ có nghĩa là sự ép buộc ai đó làm điều trái với ý muốn của họ, nhưng nó có thể được sử dụng như một động từ. Là một động từ, nó có nghĩa là: 'khuất phục hoặc khống chế và mở rộng ra nó có nghĩa là ép buộc bằng các biện pháp bạo lực hoặc đe dọa.”

“Từ ngữ này có từ năm 1689, khi người Pháp buộc những người theo đạo Tin lành phải xung quân với chi phí gia đình phải trả.”

“Vào thế kỷ 17, nó mở rộng ra có nghĩa là buộc người dân địa phương phải ‘phục tùng ý chí và tham gia chiến đấu’”.

“'Dragooning gợi ý rằng buộc ai đó phải cầm vũ khí để hỗ trợ một người cai trị mà không có lòng trung thành hoặc nghĩa vụ yêu nước. Những kẻ khuất phục thường được đưa ra lựa chọn: chiến đấu hoặc là chết.”

Đánh giá này của Hertling được đưa ra sau khi Putin ban hành sắc lệnh thiết quân luật ở các vùng của Ukraine, các khu vực Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia.

Mặc dù Putin không nói rõ ngay lập tức những bước có thể được thực hiện theo thiết quân luật, nhưng luật đã được thông qua cho rằng lệnh này có thể dẫn đến việc kiểm duyệt nhiều hơn và hạn chế việc đi lại và tụ tập công cộng. Nó cũng có thể cung cấp thẩm quyền rộng rãi hơn cho việc thực thi pháp luật.

Trong một dòng tweet khác, Hertling viết: “Đây là cách mà những kẻ hèn nhát xây dựng một đội quân, đặc biệt là khi những người thường trung thành với họ không muốn chiến đấu.”

Ông tiếp tục: “Điều này đưa chúng ta trở lại với Putin. Việc điều động của Putin đang gây ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết các vấn nạn”.

“Khi lệnh động viên được thông báo, việc điều động đã gây ra những vấn đề lớn do thiếu huấn luyện và hội nhập vội vàng những người lính chưa được chuẩn bị.”

“Sau 3 tuần, các phương tiện truyền thông Nga báo cáo rằng lệnh động viên đang gây ra các vấn đề kinh tế, ngoại giao, đối nội, nguồn cung và 'các vấn đề chính trị tiềm ẩn' ở Mạc Tư Khoa.

“Nói cách khác, việc huy động 'quân dự bị' của Nga đang gây ra những vấn đề CHỦ YẾU đối với Putin.”

“Các bình luận viên hiện đang được hỏi 'điều này có cho thấy dấu hiệu của sự yếu kém của Nga không?' Không. Nó cho thấy một dấu hiệu của thảm họa đối với Nga sắp xảy ra”.

“Việc sáp nhập lãnh thổ Ukraine, vận chuyển thường dân Ukraine đến Crimea hoặc Nga, đưa trẻ em Ukraine đến Nga, o ép động viên, thiết quân luật, tất cả đều là những dấu hiệu cho thấy sự thất bại chiến lược tiếp tục của Putin.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.
 
Thời khắc khó khăn: Một Giám Mục và 3 Linh Mục bị bắt biệt tích. Tuyên bố của Vatican về hạt nhân
VietCatholic Media
17:49 21/10/2022


1. Một giám mục Công Giáo, và hai linh mục bị bắt giữ ở Eritrea

Các nhân viên an ninh ở Eritrea đã bắt giữ một giám mục Công Giáo và hai linh mục, một nguồn tin ở quốc gia Đông Bắc Phi đã xác nhận với ACI Africa.

Vào ngày 15 tháng 10, các nhân viên an ninh cho biết đã bắt giữ Đức Cha Fikremariam Hagos Tsalim tại sân bay quốc tế Asmara sau khi ngài từ Âu Châu đến, BBC News đưa tin.

Một nguồn tin ở Eritrea, người không muốn nêu tên vì lý do an ninh đã xác nhận các báo cáo truyền thông về việc bắt giữ Đức Cha Tsalim, là Giám Mục của giáo phận Segheneity, Eritrea. Đức Cha sẽ bước sang tuổi 52 vào ngày 23 tháng 10.

Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, hai linh mục Công Giáo, là các Cha Mihretab Stefanos, cha xứ của giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae của giáo phận Segheneity, và Tu viện trưởng tu viện Abraham, một thành viên của Dòng Anh em Hèn mọn Capuchin, cũng bị bắt và giam giữ tại nhà tù Adi Abeto cùng với Đức Cha Tsalim.

Nguồn tin cho biết, các thành viên của hàng giáo sĩ bị bắt vì lên tiếng trước những vi phạm nhân quyền ở Eritrea trong các thánh lễ.

Nguồn tin cho biết thêm, các hành vi vi phạm nhân quyền của chính phủ Eritrea bao gồm “bỏ tù cha mẹ những người bị gọi nhập ngũ nhưng kháng lệnh bỏ trốn, tịch thu nhà cửa và động vật từ những người đã từ chối tham chiến và gia đình họ.”

Vào tháng 5, các quan chức của một số tổ chức Kitô giáo có trụ sở tại Vương quốc Anh bày tỏ lo ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền “tiếp tục tệ hại” ở Eritrea.

Trong một bức thư được gửi tới đại sứ Eritrea tại Vương quốc Anh và Ái Nhĩ Lan, các nhà lãnh đạo của các tổ chức Đoàn kết Kitô giáo toàn thế giới, gọi tắt là CSW, Giáo Hội trong gông cùm của Ái Nhĩ Lan, Giải phóng Eritrea, và Chính thống giáo Eritrea ở Vương quốc Anh đã nêu bật nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền.

“Chúng tôi vẫn lo ngại về việc tiếp tục giam giữ bất công, tùy tiện và vô thời hạn đối với hàng chục ngàn công dân Eritrea trong những điều kiện khắc nghiệt, bao gồm hàng trăm Kitô hữu bị bỏ tù chỉ vì đức tin của họ,” các quan chức của các tổ chức Kitô giáo cho biết trong lá thư gửi ngày 20 tháng 5 tới Đại sứ Estifanos Habtemariam Ghebreyesus.

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo cũng cho biết họ “mất tinh thần trước những báo cáo về những sinh mạng của người Eritrean bị mất trong cuộc chiến với nước Ethiopia láng giềng, bao gồm cả những người lính nghĩa vụ và trẻ vị thành niên”.

Vào tháng 8, chính phủ Eritrea tịch thu Trường Kỹ thuật Nông nghiệp Hagaz, là một cơ sở giáo dục Công Giáo do Dòng LaSalle thành lập và đang điều hành.

Trường Kỹ thuật Nông nghiệp Hagaz “đã đào tạo về máy móc nông trại, chăm sóc cây trồng và vật nuôi, cũng như bảo tồn đất trong 23 năm qua,” BBC đưa tin.

Vụ tịch thu này là vụ mới nhất trong một loạt vụ tịch thu của chính phủ diễn ra ở Eritrea kể từ năm 2019. Chính phủ đã viện dẫn một quy định năm 1995 hạn chế hoạt động của các cơ sở tôn giáo như là lý do biện minh cho việc tịch thu tài sản.

Các giám mục Công Giáo ở quốc gia Đông Bắc Phi phản đối quy định này, cho rằng các dịch vụ xã hội của Giáo hội không đối lập với chính phủ.
Source:Catholic News Agency

2. Một linh mục Công Giáo khác đã bị chính phủ Nicaragua 'bắt cóc'

Một linh mục Công Giáo đã bị bắt và bị giam giữ vào ngày 13 tháng 10 tại thủ đô Managua của Nicaragua, một linh mục lưu vong đã chia sẻ như trên trong một bài đăng trên Twitter để yêu cầu chấm dứt cuộc đàn áp Giáo Hội do chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega tiến hành.

Việc bắt giữ Cha Enrique Martínez Gamboa, linh mục Công Giáo mới nhất bị giam giữ, thực sự là một vụ bắt cóc, Cha Uriel Vallejos, người đã sống lưu vong ở Ý kể từ tháng 9 cho biết.

“Hôm qua lúc 5 giờ chiều, linh mục quản xứ của Nhà thờ Thánh Martha ở Managua đã bị bắt cóc. Cha Enrique Martínez. Các linh mục và Giáo Hội Công Giáo yêu cầu trả tự do cho ngài; và chấm dứt cuộc đàn áp chống lại Giáo hội và hàng giáo phẩm. Công lý, tự do và dân chủ!” Cha Vallejos đã đăng trên tài khoản của ngài.

Tổ chức nhân quyền “Nicaragua Nunca Más” tuyên bố trên tài khoản Twitter của mình rằng họ không biết Cha Martínez đang bị giam ở đâu.

Theo tổ chức, “với việc bắt giữ tùy tiện này, số linh mục bị tước quyền tự do tăng lên 11, bao gồm Đức Cha Rolando Álvarez, người đã bị 'quản thúc' bất hợp pháp trong 72 ngày.”

“Cuộc đàn áp tôn giáo chống lại Giáo Hội Công Giáo bởi chế độ Ortega Murillo vẫn tiếp tục,” nhóm cho biết như trên khi đề cập đến Tổng thống Daniel Ortega và vợ ông và Phó Tổng thống Rosario Murillo.

Trong một bài đăng khác trên Twitter, tổ chức yêu cầu “chấm dứt đàn áp, tự do cho các linh mục và hơn 219 tù nhân chính trị ở Nicaragua.”

Các linh mục khác bị giam giữ tại nhà tù El Chipote, nơi các tù nhân chính trị bị tra tấn và giam giữ vô cớ, bao gồm Cha Óscar Danilo Benavidez từ Giáo phận Siuna; Hiệu trưởng Đại học Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Cha Ramiro Tijerino Chávez; cha sở nhà thờ chính tòa Matagalpa, cha José Luis Díaz Cruz; và người tiền nhiệm của ngài, Cha Sadiel Antonio Eugarrios Cano.

Cũng tại El Chipote còn có Phó tế Raúl Antonio Vega, các chủng sinh Darvin Leiva Mendoza và Melkin Centeno, và giáo dân Sergio Cadena Flores.
Source:Catholic News Agency

3. Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia về vũ khí hạt nhân

Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia, Sứ thần Tòa thánh và là Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại cuộc thảo luận chuyên đề về Vũ khí hạt nhân trong kỳ họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã có bài phát biểu sau.

New York, ngày 18 tháng 10 năm 2022

Thưa Ngài Chủ tịch,

Phái đoàn này vui mừng tham gia cuộc thảo luận về nhu cầu cấp thiết thúc đẩy tiến độ giải trừ hạt nhân vào thời điểm mà nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang ở mức cao nhất trong nhiều thế hệ.

Thật đáng tiếc, chúng ta đã đi sai hướng. Các hiệp ước giải trừ quân bị và minh bạch hóa quan trọng đã bị loại bỏ và bộ máy giải trừ quân bị vẫn bế tắc, không có tiến triển nào đối với hiệp ước cấm sản xuất vật liệu phân hạch. Ngoài ra, Hiệp ước Cấm Thử Hạt nhân Toàn diện, gọi tắt là CTBT, đang ở trong tình trạng lấp lửng về mặt pháp lý mặc dù đã được phê chuẩn thêm. Nguy hiểm hơn hết, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang mở rộng và hiện đại hóa các kho vũ khí, tiêu tốn các nguồn lực có thể giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu đói trên thế giới, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người.

Tòa thánh lên án bất kỳ luận điệu nào thể hiện sự leo thang hạt nhân một cách vô trách nhiệm có thể gây ra những tác động tàn phá cho toàn nhân loại chứ không chỉ các quốc gia trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột. Để tránh chiến tranh hạt nhân, Tòa thánh kêu gọi tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thực hiện các bước ngay lập tức để giảm mức độ sẵn sàng hoạt động của lực lượng hạt nhân của họ, áp dụng các chính sách không sử dụng lần đầu và các chính sách dài hạn nhằm thiết lập mức tối đa toàn cầu về kho dự trữ hạt nhân, từ đó có thể giảm bớt.

Thưa ngài Chủ tịch,

Trước những phát triển gần đây, không có gì ngạc nhiên, mặc dù đáng tiếc là Hội nghị rà soát lần thứ 10 của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, gọi tắt là NPT, đã không đạt được sự đồng thuận. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy một số quốc gia dường như “mất liên kết với an ninh tập thể và hòa bình của những quốc gia khác.” Để bảo đảm một nền hòa bình công chính và lâu dài, tất cả chúng ta phải nhận ra bản chất không thể chia cắt giữa an ninh của một quốc gia và an ninh chung toàn cầu.

Đồng thời, việc Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, gọi tắt là TPNW, có hiệu lực là một tiến bộ đáng hoan nghênh về mặt này. Trong đó, các quốc gia thành viên, trong khi cam kết cấm sở hữu vũ khí hạt nhân, thừa nhận rằng vũ khí hạt nhân không phải là vật bảo đảm an ninh, mà là công cụ phục vụ “tâm lý sợ hãi” với khả năng gây hại một cách bừa bãi, cho dù được kích nổ có chủ đích hay một cách vô tình.

Ý thức được điều này, Tòa thánh lặp lại mối quan tâm của mình về “các tác động thảm khốc về mặt nhân đạo và môi trường” của vũ khí hạt nhân. Những hiệu ứng như vậy không trừu tượng hoặc lý thuyết. Các vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, cùng với hơn 2,000 cuộc thử nghiệm được tiến hành trên toàn thế giới, đã cho chúng ta thấy những tác hại rất thực sự mà vũ khí hạt nhân gây ra, bao gồm: tử vong, bệnh tật phóng xạ, dị tật bẩm sinh và ung thư, đồng thời khiến một số môi trường không thể ở được. Thật vậy, nỗ lực hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân cũng có nghĩa là những người chịu trách nhiệm phải giải quyết những tác hại này.

Về vấn đề này, TPNW đưa ra một lộ trình khắc phục thông qua các điều khoản về hỗ trợ nạn nhân và cải thiện môi trường. Trên thực tế, Kế hoạch Hành động Vienna, được thông qua trong Cuộc họp đầu tiên của các Quốc gia thành viên TPNW, kêu gọi các Quốc gia thảo luận về “tính khả thi và đề xuất các hướng dẫn khả thi để thiết lập một quỹ tín thác quốc tế cho các Quốc gia đã bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng hoặc thử nghiệm vũ khí hạt nhân.” Nếu một quỹ như vậy được thành lập, điều quan trọng là các Quốc gia — kể cả những quốc gia không tham gia TPNW — phải được mời đóng góp quỹ, chia sẻ kiến thức chuyên môn và trao đổi thông tin về việc cung cấp hỗ trợ của họ cho những người bị ảnh hưởng bởi vũ khí hạt nhân. Sự tham gia rộng rãi nhất có thể giúp xây dựng cầu nối giữa các Quốc gia ủng hộ TPNW và những quốc gia chưa tham gia, đồng thời tạo điều kiện cho nguồn lực lớn nhất có thể để thực hiện các nghĩa vụ tích cực của hiệp ước.

Thưa ngài Chủ tịch,

Vào thời điểm căng thẳng gia tăng như hiện nay, chúng ta bắt buộc phải củng cố kiến trúc giải trừ hạt nhân toàn cầu và không phổ biến vũ khí hạt nhân, hướng tới việc tháo dỡ tất cả các đầu đạn hạt nhân đã được xác minh, đó là điều không thể đảo ngược. Tòa thánh khen ngợi những nỗ lực nhằm thúc đẩy hợp tác xác minh giải trừ vũ khí hạt nhân, điều này sẽ không chỉ tạo ra một nền văn hóa tin cậy, mà còn cung cấp cho chúng ta hy vọng rất cần thiết rằng một thế giới không có vũ khí hạt nhân là có thể. Thật vậy, một thế giới như vậy không chỉ khả thi mà còn cần thiết để bảo vệ tương lai của nhân loại và ngôi nhà chung của chúng ta.

Xin cảm ơn ngài Chủ tịch.
Source:Sismografo