Ngày 25-10-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:11 25/10/2013
AI KẾT HÔN TRƯỚC
N2T

Hai đứa con của nữ thần Tuyết Sơn và thần Thấp Bà là Chiến Thần và thần Đầu Voi đã trưởng thành, nhưng hai anh em thường tranh chấp nhau ai là người kết hôn trước. Thần Thấp Bà nói:
- “Hai đứa con đi khắp thiên hạ quan sát một tuần, ai trở lại trước thì kết hôn trước.”
Chiến Thần nghe phụ thân nói thì lập tức ra đi, nhưng thần Đầu Voi thì không động đậy, suy nghĩ giây lát, bèn tươi cười hớn hở mời Tuyết Sơn và Thấp Bà lên ngồi trên ngai vàng, sau đó đi vòng quanh ông bà bảy vòng rồi nói:
- “Con có thể kết hôn rồi, bởi vì cha mẹ đã nói với con, rảo quanh cha mẹ thì thật có phúc giống như đi vòng quanh thiên hạ vậy.”
Nữ thần Tuyết Sơn cảm thấy con trai mình rất là thông minh, bèn cho phép nó kết hôn trước, do đó khi mà Chiến Thần đi vòng quanh thiên hạ một tuần rồi trở về, thì thần Đầu Voi đã lấy được hai bà vợ.
(Truyện thần thoại Ấn Độ)

Suy tư:
Chữ hiếu rất quan trọng đối với những người làm con, nó càng quan trọng hơn khi con cái biết rằng phụng dưỡng báo hiếu cha mẹ thì chính là tuân giữ lề luật của Thiên Chúa.
Trẻ em không cần đi đâu xa và cũng chẳng muốn đi đâu cả, quanh quẩn bên cha bên mẹ là nó cảm thấy hạnh phúc lắm rồi, bởi vì cha mẹ là tất cả của chúng nó.
Là người Ki-tô hữu chúng ta có đức tin, dù đức tin của chúng ta chưa làm được dời núi xuống biển, nhưng chí ít cũng biết trông cậy vào Thiên Chúa là Cha rất nhân lành của chúng ta, và nhờ đức tin mà chúng ta biết rằng, mình chỉ là tạo vật bé mọn mà Thiên Chúa đã vì yêu thương mà cho chúng ta được làm con của Ngài, quây quần bên bàn tiệc thánh mỗi ngày là hạnh phúc nhất đối với những con cái của Thiên Chúa.
Tuy là truyện thần thoại, nhưng nổi bật lên đạo lý làm con biết kính mến cha mẹ mình của thần Đầu Voi. Lẽ nào người Ki-tô hữu được đọc Kinh Thánh, được Đức Chúa Giê-su dạy dỗ và các giáo huấn của Giáo Hội lại không kính mến Thiên Chúa và tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ mình sao ?
----------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:14 25/10/2013
N2T

16. Thay đổi công việc chính là nghỉ ngơi.

(Cha Vincent Lebbe)
-----------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Lạy Chúa, xin thương xót con
Lm Jude Siciliano OP
04:14 25/10/2013
Chúa Nhật XXX THƯỜNG NIÊN - C-
Huấn ca 35: 12-14, 16-18; T.vịnh 34; 2 Timôthê 4: 6-8. 16-18; Luca 18: 9-14

LẠY CHÚA, XIN THƯƠNG XÓT CON

Liệu người Pharisêu trong trình thuật Tin mừng hôm nay cũng nói như một số Kitô hữu ngày nay rằng họ đang chống lại sách báo khiêu dâm, ly hôn, ngoại tình, việc nạo phá thai, thói nghiện rượu, sự kết hôn, nghiện ngập ma túy và hầu hết các phim ảnh không? Để nói về những điều mà họ đã đạt được thì quả là khó khăn. Vì được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, nên chúng ta thích hay ngưỡng mộ điều khác lạ nơi tha nhân.

Một số Kitô hữu cho chúng ta thấy một hình ảnh công khai tiêu cực hay làm bộ đoan trang kiểu cách. Họ y hệt với những người được miêu tả trong Tin mừng thánh Luca mà Đức Giêsu đề cập trong dụ ngôn hôm nay: “Người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác.” Không biết thái độ tự mãn đã được kể vào số các nhân đức Kitô giáo từ khi nào? Nếu có ai đó chất vấn về niềm tin Kitô giáo, chúng ta có bắt đầu kể ra một danh sách những điều phải chống lại như đã kể ở trên, hay sẽ nói về những điều mang lại cho mình một cuộc sống mới, và niềm vui mà ta đã lãnh nhận được trong đức tin?

Phải chăng có một số người Kitô hữu lãng quên hai điều đã kết nối chúng ta lại với nhau: Tất cả chúng ta đều là tội nhân và đều nhận được lòng thương xót đó sao? Chúng ta đang cùng với người thu thuế chỉ dám đứng xa xa mà cất tiếng cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Thiên Chúa, Đấng có thể vượt một đoạn đường dài để đến với từng người tội lỗi, thân hành đến tận nơi chúng ta và thanh tẩy chúng ta qua việc thông ban lòng thương xót, làm cho chúng ta được nên công chính trước nhan Chúa. Mặt khác, thái độ tự hào cho mình là công chính lại đặt chúng ta xa cách với Thiên Chúa. Đó là một khoảng cách mà chỉ có ân sủng mới có thể nối liền được mà thôi.

Nếu chúng ta đang tìm một “lối cầu nguyện thích hợp”, thì việc liệt kê các thành tích của mình hay vui mừng vì ta không “giống như bao kẻ tội lỗi” nhất định không phải là lựa chọn tiên quyết. Tốt nhất, hãy đặt sự thiếu thốn, yếu đuối, tinh thần nghèo khó và tội lỗi của mình trước nhan Thiên Chúa. Rồi chúng ta tin tưởng rằng mình sẽ được đoái nghe, và lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được đáp lại. Chính Thiên Chúa sẽ hoàn toàn nhậm lời nếu lời khẩn nài lòng thương xót được khởi đi đúng chỗ.

Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi Thiên Chúa lại đáp lời người thu thuế. Chủ đề thường xuyên và quan trọng trong Kinh thánh là Thiên Chúa nhận thấy nhu cầu của những người khiêm nhu và đáp lời họ. Có thể chúng ta thấy mình không có quyền, hoặc chưa xứng đáng để ngước nhìn lên Thiên Chúa và chờ mong Người nhận lời. Tự sức mình, chúng ta không thể đòi hỏi đặc ân hay sự đền bù xứng đáng. Thế nhưng, Thiên Chúa đã quan tâm đến ta cả khi ta còn là những tội nhân, và đã ngự đến với chúng ta trong Đức Giêsu để chia sẻ thân phận làm người của ta. Hơn thế nữa, Thiên Chúa đã ở với chúng ta qua cái chết, ngõ hầu chúng ta được chung phần phục sinh với Người.

Thiên Chúa thấy chúng ta. Và ta là ai? Chúng ta đã bắt đầu bữa Tiệc Thánh này với khẩn cầu lòng thương xót. Cùng với người thu thuế và những người khác, chúng ta đã được nhận lãnh những điều mà tự sức riêng của mình không dám cầu xin. Nhờ Đức Giêsu, chúng ta được trở nên công chính trước nhan Thiên Chúa.

Những người thuộc các tổ chức, thế tục hay tôn giáo, phải thận trọng khi cho rằng họ sở hữu tất cả chân lý, và có lời đáp trả đúng đắn cho mọi khổ đau trên trần gian. Thoạt đầu, người Pharisêu có vẻ dâng lời cảm tạ vì những gì ông đã nhận lãnh được từ Thiên Chúa; một biên bản mẫu mực trong hành vi tôn giáo và đạo đức. “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như…” Thật ra, Thiên Chúa không phải là đối tượng trong lời ngợi khen của ông, nhưng lại là chính ông. Ông không cầu xin Thiên Chúa bất cứ điều gì vì ông đã có tất cả. Trong khi đó, người thu thuế không hề đề cao tiêu chuẩn của mình.

Những ai ý thức được nhân tính của mình, lòng dạ người đó dâng trào sự biết ơn, vì những ân huệ đã lãnh nhận được là mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, và mối tương giao với những người khác. Thiên Chúa là nguồn mạch tất cả ân huệ, và vì thế, chúng ta kính dâng Người cảm tạ, tri ân. Thế nhưng, không giống như người Pharisêu, chúng ta không dừng lại ở điều ấy, vì cũng ý thức được sự mong manh, đổ vỡ và tội lỗi của mình.

Tin tức hằng ngày nhắc nhở ta về các tội ác mà con người có khả năng gây ra cho chính mình hay cho người khác. Vì mình có thể phạm tội, nên chúng ta không dừng dụ ngôn này ở nửa chừng. Chúng ta cũng kết hợp với người thu thuế trong sự cần thiết chung khi ta cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Người ta phàn nàn rằng chúng ta đang bận tâm đến tội lỗi. Không, chúng ta không như thế. Dụ ngôn này nhắc nhở rằng đạo của chúng ta là một tôn giáo của lòng thương xót, mọi người được giải thoát khỏi sự thống trị của tội lỗi.

Đây là Chúa Nhật thứ tư trích đọc từ thư gởi ông Timôthê. Thánh Phaolô khởi đầu lá thư này bằng lời chào ông Timôthê là “người con đích thực” (1,1-2) của ngài, điều này cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa hai người. Trong thư, thánh Phaolô nói với ông Timôthê lời khuyên cá nhân về ơn gọi của mình cho dân chúng trước danh Thiên Chúa. Bức thư này không chỉ cho thấy một mối quan hệ gần gũi, mà ông còn ủy thác cho ông Timôthê tiếp tục sứ vụ của mình. Mối quan tâm của thánh Phaolô không chỉ là ông Timôthê, mà còn là Tin mừng và thông điệp của thánh nhân được truyền lại sao cho trung thực với các thế hệ Kitô hữu tương lai.

Điều gì đã làm cho thánh Phaolô cảm động và thúc giục thánh nhân viết thư cho ông Timôthê? Thánh Phaolô đang bị cầm tù ở Rôma, và bài đọc hôm nay cho thấy rõ thánh nhân biết được là ngài sắp chịu tử đạo. Ngài mượn hình ảnh của một cuộc điền kinh; ngài đã “chạy hết chặng đường”. Mặc dù đang bị giam trong ngục, nhưng thánh Phaolô chẳng quan tâm đến những nỗi gian nan mình đang phải chịu. Ngục tù không thể giam hãm Lời Chúa, vì thánh nhân vẫn không ngừng rao giảng, thậm chí còn dạy dỗ cho cả những người lính Rôma trông giữ ngài (Pl 1,13).

Thánh Phaolô phải chịu muôn vàn khó khăn gian nan dường nào. Ngài không chỉ thấy kết cục của đời mình, mà còn bị ruồng bỏ, “mọi người đã bỏ mặc tôi”. Tuy nhiên, sau cùng, ngài rao giảng tin mừng của mình và tuyên xưng sự hiện hữu và bảo trợ của Thiên Chúa: “Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi.”

Tôi thích lưu ý đến những chỗ có sự xuất hiện của hạn từ “nhưng” trong bản văn, giống như trong bản văn ngày hôm nay. Trình tự diễn ra giống như thế này: nhu cầu trước tiên của con người được thể hiện ra. Đối với thánh Phaolô, đó là sự giam cầm và sự bỏ rơi của những người mà lẽ ra phải đứng về phía ngài khi biện hộ. Tiếp đó, không có ai ủng hộ, thánh Phaolô được Thiên Chúa trao cho quyền năng. Tình thế của ngài hiện nay rất nghiêm trọng, nhưng “Chúa sẽ cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời”.

Thánh Phaolô là một Kitô hữu, và cũng giống như Đức Kitô trên thập giá hay như ông Stêphanô, khi thánh nhân được lãnh phúc tử đạo (Cv 7,60; 8,1), ngài cũng tha thứ cho những người đã bỏ mặc ngài: “Xin Chúa đừng chấp tội họ”. Đây là lời cầu nguyện mà ngày nay chúng ta có thể dâng lên cho những người đã bỏ rơi chúng ta, hoặc không trợ giúp khi chúng ta gặp gian nan. Lấy cảm hứng từ cảnh tù đày, và cô độc của thánh Phaolô, chúng ta cũng cầu nguyện rằng: “Xin Chúa đừng chấp tội họ”.

Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Vò Vấp


30th SUNDAY - C-
Sirach 35: 12-14, 16-18; Psalm 34; 2 Timothy 4: 6-8. 16-18; Luke 18: 9-14

Does the Pharisee in today’s gospel sound like some modern Christians who say they are against pornography, divorce, adultery, abortion, alcoholism, marriage, drug addiction and most movies? It can be hard to get them to talk about what they are for. Since we are made in God’s image and likeness there has to be something they like or admire in other humans different from themselves.

Some Christians give us all a negative or prudish public image. They fit Luke’s gospel description of those to whom Jesus addressed today’s parable: "who were convinced of their own righteousness and despised everyone else." When did self-righteousness get added to the list of Christian virtues? If someone asked us about our Christian faith would we begin with a list of those things we are against or, would we speak about what gives us new life and the joy we receive in our faith?

Have some Christians forgotten two things that unite us: we are all sinners and we are the recipients of mercy? We are with the tax collector standing at a distance praying, "O God be merciful to me a sinner." God, who can travel great distances to reach each sinner, makes the journey to where we are and justifies us – that is, gives us mercy, sets us right with God. On the other hand, self-righteousness puts us at a distance from God. It’s a distance only the in-breaking of grace can bridge.

If we are looking for the "proper way to pray," than listing our accomplishments or what we are glad we are not ("like the rest of sinners"), shouldn’t be our first choice. Best to lay our need, fragility, poverty of spirit and sin before God. Then we will be sure we will be heard and our prayer answered. God bats 100% when a prayer for mercy is sent to "home plate."

It shouldn’t surprise us that God responded to the tax collector. The Bible’s constant and major theme is that God sees the needs of the lowly and responds. We might not feel we have the right, or are worthy enough to raise our eyes to God and expect a response. On our own we can’t claim privilege or worthiness. But God noticed us when we were still sinners and came to us in Jesus to share our human state. Even more, God stayed with us through death so that we might share in the resurrection.

God sees us. And who are we? We began this Eucharist asking for mercy. With the tax collector and one another we have received what we would not dare to ask for on our own. Because of Jesus we are made right with God.

People who belong to institutions, secular or religious, have to be careful of thinking they possess all the truth and have the right answer for all the ills of the world. At first blush the Pharisees seems to be giving thanks for what he has been given by God; an exemplary record of religious and moral behavior. "O God, I thank you that I am not like…." In reality, God isn’t the object of his praise – he is. He hasn’t asking anything of God because he has everything. While the tax collector doesn’t measure up to his standards.

Those who are in touch with their humanity are grateful for the gifts we have received: for our relationship with God and our relationships with other humans. God is the source of it all and so we offer a prayer of thanks. But unlike the Pharisee we don’t stop there, for we are also aware of our fragility, brokenness and sin.

The daily news reminds us of the evils we humans are capable of inflicting on ourselves and others. We know our potential for sin and so we don’t stop halfway through this parable. We join the tax collector in our common need as we pray, "O God, be merciful to me a sinner." People complain that we are preoccupied with guilt. No we are not. The parable reminds us we are a religion of mercy, people set free from the tyranny of sin.

This is the fourth week of our readings from 2 Timothy. Paul began this letter with a greeting to Timothy as his "beloved child" (1:1-2), suggesting a close relationship between the two. In this letter Paul gives Timothy personal advice about his vocation of ministry to the people in God’s name. The letter not only reveals a close relationship, but Paul’s commitment to Timothy’s success in his ministry. His concern is not only for Timothy, but that Paul’s message, the gospel, be transmitted faithfully to future generations of Christians.

What is moving Paul to urgency as he writes to Timothy? He is a prisoner in Rome and today’s reading makes it clear that he sees his martyrdom coming. He draws on imagery from athletics; he has "finished the race." Though he was in prison Paul didn’t focus on his own trials. Prison could not lock up the Word of God, for he continued to preach and teach, even to the Roman soldiers who guarded him (Philippians 1:13).

How difficult it must have been for Paul. He not only saw his own end coming, but he also suffered desertion – "everyone deserted me." Still, to the end, he preaches his gospel and professes the presence and protection of the Lord. "But the Lord stood by me and gave me strength."

I like to note the occasions when a "But" appears in texts, as it does today. The sequence is like this: first human need is expressed. For Paul it is his imprisonment and the desertion of those who should have stood with him in his defense. Then, without human support, Paul is empowered by the Lord. His present situation is dire – But – "The Lord will rescue me from every evil threat and will bring me safe to his heavenly kingdom.

Paul is a Christian and, like Christ on the cross and Stephen, as he was being martyred (Acts 7:60; 8:1), he too forgives his deserters, "May it not be held against them." This is a prayer we ourselves can offer today for those who have deserted us, or failed to respond when we were. Inspired by the imprisoned and solitary Paul, we too pray, "may it not be held against them."
 
Nâng lên và hạ xuống
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
04:59 25/10/2013
Chúa Nhật 30 THƯỜNG NIÊN C

NÂNG LÊN VÀ HẠ XUỐNG


A. DẪN NHẬP

Trong bài Tin mừng của các Chúa Nhật trước, Đức Giêsu đã dạy các Tông đồ phải cầu nguyện với lòng tin tưởng, biết ơn và kiên trì. Chúa Nhật này Ngài còn tiếp tục dạy các ông phải cầu nguyện trong tinh thần khiêm nhường và thống hối, vì Thiên Chúa luôn tỏ ra thương yêu những người công chính và nghèo hèn bé mọn. Để nói lên tư tưởng ấy, Đức Giêsu đã đưa ra dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện.

Trong khi cầu nguyện hai người có hai thái độ khác nhau và trái ngược nhau. Người biệt phái tự mãn khoe khoang những việc tốt lành của mình. Ông ta nghĩ rằng nhờ có những việc tốt ấy mà Thiên Chúa phải ban cho ông ơn cứu chuộc, lại còn tỏ ra khinh miệt người thu thuế tội lỗi nữa. Ngược lại, người thu thuế không có gì để khoe khoang. Ông biết ông là một tội nhân, ông nói ít lời, nhưng thái độ của tâm hồn ông đã làm đẹp lòng Chúa. Lời cầu nguyện khiêm nhường của ông làm cho ông nhận được ơn tha thứ.

Qua dụ ngôn này, ta nhận thấy, mặc dù người biệt phái này thích khoe khoang những công đức của mình, lại còn khinh dể người khác, nhưng cái sai trái lớn của ông là ông tự cho mình làm được mọi sự mà không cần đến ân sủng và sự tha thứ của Thiên Chúa. Còn người thu thuế nhận thấy mình thiếu thốn, chỉ biết phó thác cho lòng thương xót của Chúa, kêu xin với lòng khiêm nhường, ông đã được Chúa nhận lời ban ơn tha thứ. Đúng là :
Muôn đời Chúa cự kiêu căng,
Và người khiêm nhượng Chúa hằng ban ơn.
(Gc 4,6)

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Hc 35,15b-17.20-22a

Chúa nhận lời kêu xin của kẻ nghèo hèn. Đây là chủ đề của đoạn sách Huấn ca này. Trong một xã hội, tiền bạc và quyền lực là tất cả, “dân nghèo” không có cơ may. Nhưng bài đọc 1 hôm nay khẳng định Thiên Chúa đối xử tử tế với hết mọi người. Ngài không thiên vị người giầu có và quyền thế. Ngài lắng nghe lời cầu nguyện khiêm nhường của người công chính và bé mọn, vì Ngài là thẩm phán công minh và là người Cha nhân hậu.

+ Bài đọc 2 : 2Tm 4,6-8.16-18.

Thánh Phaolô đang bị cầm tù ở Rôma. Ngài biết cuộc đời của mình sắp được kết liễu. Trong thư gửi cho Timôthêô, Ngài đã nói lên những suy nghĩ rất lạc quan :
- Ngài sung sướng vì mình như một vận động viên sắp về tới đích vì ngài đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho việc rao giảng Tin mừng.
- Ngài cảm tạ Chúa vì đã ban sức mạnh cho ngài được vượt qua những gian lao thử thách phải chịu. Ngài còn nôn nóng mong chờ ngày ngài được gặp lại Đấng mà ngài đã dành trọn cuộc đời mà phục vụ.
- Cái chết của ngài sẽ là một lễ tế dâng cho Chúa và ngài đón chờ vinh quang Chúa sắp ban cho ngài.


+ Bài Tin mừng : Lc 18,9-14

Bài Tin mừng đưa ra hai mẫu người đối lập nhau về thái độ sống :

a) Người biệt phái : Ông này tự mãn khoe khoang những việc tốt của mình : không có tội gì cả, lại còn ăn chay, dâng cúng 1/10 lợi tức cho Chúa… Ông ta nghĩ rằng nhờ có những việc tốt ấy mà Thiên Chúa phải ban cho ông ta ơn cứu chuộc. Thực ra, ông ta không có lòng yêu Chúa, chỉ khoe khoang công lênh của mình và Chúa phải yêu thương cũng như ban thưởng cho ông.

b) Người thu thuế : Người này cũng chẳng có gì để khoe khoang, anh chẳng có lễ vật gì dâng lên Chúa mà chỉ có tình yêu. Anh biết anh chỉ là một tội nhân, vì thế anh phó thác mình cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Anh chỉ nói ít lời :”Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Thái độ khiêm nhường của anh làm đẹp lòng Chúa và được nhận lời.

Sau cùng Đức Giêsu kết luận : Chúa không nhận lời cầu xin của người biệt phái mà chỉ nhận lời cầu xin của người thu thuế vì “ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA Ai hạ mình xuống ?

I. DỤ NGÔN NGƯỜI BIỆT PHÁI VÀ NGƯỜI THU THUẾ

1. Hai mẫu người trái ngược nhau

Dụ ngôn nói về người biệt phái và thu thuế lên đền thờ cầu nguyện : thái độ của người biệt phái tự mãn về chính mình, về sự thánh thiện của chính mình; còn thái độ của người thu thuế, tuy là một tội nhân, nhưng biết tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Kết quả : một người bị từ chối, một người được chấp nhận. Dụ ngôn này nêu lên hai nhân vật đặc biệt có tính cách tương phản để nói lên hai thái độ khác biệt khi cầu nguyện.

a) Người biệt phái

Biệt phái thuộc nhóm Pharisêu, bắt nguồn từ nhóm người đạo đức (Hassidin) có từ thời Maccabê. Những người này sống tách biệt thành những cộng đoàn nhỏ để nên thánh. Họ chuyên cần suy niệm Lời Chúa và tuân giữ tỉ mỉ mọi lề luật thành văn cũng như truyền khẩu. Họ tin linh hồn bất tử, tin có sự sống lại, tin Thiên Chúa là Đấng thông suốt duy nhất. Nhưng họ lại quá bảo thủ những tập tục truyền thống của cha ông hơn cả Thánh Kinh. Họ thi hành luật quá đến câu nệ vào hình thức, giữ từng nét, mà thiếu hẳn Đức Ai. Đức Kitô đã không tiếc lời phê phán họ (Mt 23,13t; Lc 11,39; Mc 12,38t).

b) Người thu thuế

Họ là những người cộng tác với đế quốc Rôma, thu thuế của người Do thái nộp cho người Rôma. Họ thường hà khắc để thủ lợi, để làm giầu cho bản thân mình. Hạng người này bị người Do thái căm ghét, khinh bỉ, coi họ là những tội nhân ngang hàng với gái điếm, cần phải tránh xa.


2. Hai người lên đền thờ cầu nguyện

a) Đền thờ Giêrusalem

Đền thờ là nơi cầu nguyện, có tầm quan trọng đối với người Do thái. Người ta tụ tập ở Đền thờ vào những ngày sabát, ngày lễ, ngày chay để nghe Thánh Kinh, hát thánh vịnh và cầu nguyện. Tuy nhiên, mỗi người cũng có thể đến đó vào những lúc khác khi họ muốn.

Có lẽ người biệt phái và người thu thuế đã lên Đền thờ cầu nguyện vào buổi sáng hay buổi chiều. Cùng với các tín hữu khác, họ đến tham dự nghi thức tha tội được cử hành mỗi ngày hai lần trong Đền thờ.

b) Người biệt phái cầu nguyện

Người biệt phái đứng riêng một mình mà cầu nguyện. Ông không muốn đứng gần những người dân thường, sợ mắc phải nhơ uế cuả họ. Ông đứng thẳng người giống người Do thái quen làm khi cầu nguyện.

Lời nguyện của người biệt phái trước hết là một lời tạ ơn, tiếp theo đó là danh sách những thói hư tật xấu mà ông không hề phạm và cuối cùng là bản báo cáo thành tích vẻ vang của ông : chẳng những ông đã làm các việc đạo đức như Luật buộc, như ăn chay mỗi năm vào dịp lễ Xá Tội, nộp 1/10 lợi tức cho Đền thờ, mà ông còn tự nguyện làm những việc đó ở mức độ cao hơn, như ăn chay một tuần hai lần, nộp cho Đền thờ 1/10 tiền mua sắm mọi vật mình sử dụng.

Xét ra, bảng liệt kê công trạng của ông không có gì sai. Ông thật là con người đúng mức, một con người hoàn hảo, không có gì đáng chê trách, một tín đồ trung thành với Lề luật, một mẫu gương tuyệt vời. Đây là một lời cầu nguyện mà nhiều người Do thái thời ấy mơ ước. Chúng ta thấy ông không xin gì cho bản thân mình, nhưng chỉ là lời tạ ơn.

Chỉ tiếc có một điều là ông quá tự kiêu tự mãn nên bao việc lành phúc đức của ông theo “cái tôi” bèo bọt của mình mà trôi ra sông biển hết, lại còn có thái độ khinh bỉ người khác nữa :”Vì con không như bao người khác : tham lam, bất chính, ngọai tình, hoặc như tên thu thuế kia”(Lc 18.11). Nếu ông biết nhìn vào mình và đối chiếu với Đức Kitô thì ông không dám có thái độ ấy.

Còn một cái sai lầm nữa của ông là ở chỗ ông không nhận ra sự công chính là ân huệ Chúa ban (Pl 3,9) chứ không phải tự ông mà có, tự ông tuân giữ hoàn hảo các lề luật được. Chính khi tự mãn thiếu khiêm tốn, và nhận sự công chính ấy là của riêng mình thì ngay lúc đó, ông đã mất ơn nghĩa với Chúa và không còn công chính nữa.

c) Người thu thuế cầu nguyện

Người thu thuế cũng đến Đền thờ cầu nguyện. Anh ý thức rằng mình làm cái nghề không tốt đẹp, ai cũng ghét, bị cho là giáo gian, đi cộng tác làm lợi cho ngoại bang. Anh tự cho mình là một tội nhân, ngang hàng với gái điếm (x. Mt 21,31-32). Có lẽ anh đã nghe thấy lời cầu nguyện của người biệt phái (“hay như người thu thuế kia”), nên anh khỏi cần cáo tội mình, anh chỉ đặt mình trước mặt Thiên Chúa, cúi đầu xuống, đấm ngực ăn năn :”Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Điều anh khao khát là được Thiên Chúa tha thứ và được làm hòa với anh em, nhưng anh chỉ đứng xa xa vì thấy mình hoàn toàn bất xứng. Ngay lúc đó, anh đã trở nên công chính bên trong. Chính tâm tình ấy mà Chúa đã nhìn xuống và làm cho anh nên công chính.

d) Kết quả sau lời cầu nguyện

Sau khi đưa ra hai thái độ cầu nguyện của người biệt phái và thu thuế, Đức Giêsu đã phê cho một câu :”Người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không”(Lc 18,14). Đức Giêsu muốn nói, lời cầu nguyện của người thu thuế với thái độ khiêm tốn và thống hối nên được ơn nghĩa với Thiên Chúa và được ơn tha thứ; còn lời cầu nguyện của người biệt phái với thái độ tự mãn thiếu lòng khiêm tốn và hoán cải, vì ông chỉ để ý đến sự công chính của riêng mình nên không được ơn nghĩa gì trước mặt Chúa và không được tha thứ. Người biệt phái này tuy tốt về phương diện không sai lỗi luật, nhưng ông không nhận ra rằng những ân tứ ông đang có là do Chúa ban cho chứ không phải tự ông mà có. Cái sai lầm của ông ở chỗ ông không nhận ra sự công chính là một ân huệ của Chúa ban, nên ông đã tự mãn về sự công chính của ông.

Chúa đã tha thứ cho người thu thuế, còn người biệt phái thì không “vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Mt 18,14). Người ta thường nói :”Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”. Người phàm còn biết tha thứ cho kẻ hối lỗi, huống chi Thiên Thiên Chúa tốt lành vô cùng lại không sao ? Nhiều lần, Đức Giêsu bày tỏ cho chúng ta biết : Thiên Chúa như Mục tử nhân lành, bỏ mọi sự đi tìm chiên lạc; như người Cha đầy lòng thương xót, vui mừng đón rước và mở tiệc ăn mừng đứa con đi hoang trở về (x. Lc 15).

II. THÁI ĐỘ PHẢI CÓ KHI CẦU NGUYỆN

1. Phải thống hối

Trong khi cầu nguyện chúng ta phải làm 4 việc : thờ lạy, cám ơn, xin ơn và thống hối. Ta thường quên việc sau cùng này, nên hay đến với Chúa với tâm tình của người biệt phái. Trái lại, người thu thuế thì nhìn rõ trình trạng tội lỗi, bê bối của mình. Anh ta không quan tâm cái gì khác ngoài việc thấy rõ khoảng cách giữa tình trạng xấu xa với tình trạng lành thánh. Dù biết vậy, nhưng anh ta vẫn cố gắng kiên trì vươn lên, đồng thời chỉ còn biết van nài lòng thương xót của Chúa giúp sức mà thôi. Chính thái độ và cung cách đó của anh ta, lại được Chúa tha thứ và thương yêu. Nhận thấy mình tội lỗi, tìm cầu ơn tha tội và kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa, đó chính là khởi điểm cho cuộc sống mới.


Truyện : Qủi không sám hối.
Một hôm có một tên quỉ kia chạy đến trước mặt Thiên Chúa mà thưa rằng:
- Tôi thấy Chúa đối xử không công minh chút nào!
Chúa liền hỏi nó rằng:
- Tại sao ngươi dám bảo Ta đối xử không công bằng ?
Bấy giờ tên quỉ mới đáp:
- Chúa thấy đó, loài người phạm rất nhiều tội to lớn, và mỗi tội chúng đều phạm đi phạm lại nhiều lần. Thế mà lần nào Chúa cũng tha thứ cho chúng và còn ban hạnh phúc Thiên đàng đời đời cho chúng nữa. Còn chúng tôi chỉ phạm tội có một lần duy nhất. Thế mà Chúa không khi nào tha thứ mà còn phạt chúng tôi phải xuống hỏa ngục muôn đời. Như vậy chẳng phải là Chúa đối xử thiên vị và bất công lắm hay sao
Bấy giờ Chúa mới ôn tồn nói:
- Loài người có phạm tội đi với Ta thật, và vì yếu đuối mà chúng đã phạm đi phạm lại nhiều lần thật. Nhưng sau mỗi lần phạm tội, chúng đều biết hồi tâm sám hối và xin Ta tha tội cho. Còn lũ quỉ các ngươi, có bao giờ các ngươi hồi tâm sám hối và xin Ta tha tội cho chưa ?
Nghe thấy sám hối và xin tha tội, tên quỉ liền thét lên rằng :
- Ma qủi chúng tôi không đời nào chấp nhận thái độ hèn hạ là sám hối và xin ai tha tội cho cả.
Nói thế rồi quỉ liền cong đuôi chạy mất.

2. Cầu nguyện là đặt mình trước mặt Chúa

Cầu nguyện không phải là lúc chúng ta đem mình so sánh với người khác, hay kể lể công trạng, nhưng là đặt mình trước sự thánh thiện và công minh của Thiên Chúa, như lời chia sẻ của thánh Phaolô với giáo đoàn Côrintô:”Phần tôi, tôi không mảy may bận tâm về việc anh em hay phiên tòa nhân loại nào xét xử, mà ngay tôi, tôi cũng không xét xử chính mình nữa. Vì cho dù trước lương tâm, tôi không thấy có gì, nhưng không phải cứ thế là tôi được giải án tuyên công. Đấng xét xử tôi, chính là Chúa (1Cr 4,3-4).

Chỉ khi chúng ta đặt mình trước ánh sáng của Thiên Chúa, chúng ta mới thấy rõ sự bất toàn, và thiếu thốn của mình, nhờ đó, chúng ta mới có thể mở lòng mình đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa.

Cầu nguyện còn là mở lòng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa. Cầu nguyện là giây phút chúng ta nhìn lại, để nhận rõ con người yếu đuối của mình. Chúng ta cần biết những thiếu thốn của mình, để có thể mở lòng đón nhận tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Tin mừng ghi lại :”Người thu thuế đứng đàng xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng:”Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Người thu thuế đã không dám ngước mắt lên, vì anh ta biết mình là kẻ có tội, vì thế anh ta cũng biết rõ mình cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Người thu thuế đã kêu cầu đến lòng thương xót của Thiên Chúa, và anh đã được Thiên Chúa xót thương.

3. Cầu nguyện không chỉ là tạ ơn

Xem thái độ cầu nguyện của người biệt phái, ta thấy ông ta rất tự hào và tự mãn. Ông ta đem cái kho công nghiệp của ông để trình bầy cho Chúa. Nhưng khốn nỗi, cái kho đó lớn quá đến độ nó ngăn cách ông với Chúa, nó không cho ông thấy được Ngài nữa mà chỉ còn thấy chính mình. Có nhiều chữ tôi trong lời cầu nguyện của ông. Tôi thế này, tôi thế nọ, tôi không như thế này, không như người khác. Rốt cuộc, ông biệt phái lại là người quay vào mình, ông ngắm nghía vẻ đẹp của ông trước Thiên Chúa. Ông khép lại trên chính mình, dù chúng ta tưởng ông đã mở ra khi nói :”Lạy Thiên Chúa, con tạ ơn Ngài”. Tạ ơn thực sự là nhìn nhận mọi sự mình làm được đều do ơn Chúa ban. Tạ ơn là quay về với Thiên Chúa, nhìn nhận Ngài là Nguồn mạch, là Trung tâm, là Sức sống của cả đời mình, của những việc tốt mình làm được.

Ông biệt phái đã không tạ ơn thực tâm, vì ông quay vào mình, coi mình là trung tâm, là tác giả mọi điều tốt đẹp ông đã làm. Như thế Thiên Chúa là một người thừa, hay cùng lắm chỉ là một người mà ông đến gặp để kể công và đòi nợ. Thiên Chúa phải trả cho ông Nước Trời vì ông đã có công. Người biệt phái không xin Chúa điều gì, bởi vì ông không thấy mình thiếu gì cả. Thiên Chúa chẳng thể cho ông điều gì, vì ông đã đầy ắp. Vì tự mãn, nên ông mất đi một khả năng quan trọng, đó là mở ra để đón nhận Thiên Chúa vào đời mình (Augustine).

4. Cầu nguyện với thái độ khiêm nhường

Tục ngữ ta có câu: ”Cái thùng trỗng thì kêu to” hoặc “Biết ít thì khoe khoang, biết nhiều thì khiêm tốn”. Thêm một danh nhân có nói đại ý : người khiêm tốn là người sáng suốt vì biết mình và biết người, còn người kiêu căng thì ngược lại… Vũ trụ thế giới có biết bao điều kỳ lạ. Càng sống, càng học ta phải nhận ra mình còn “dốt”, vì hiểu biết thì hạn hẹp, so với cả thế giới thì chẳng nghĩa lý gì. Huống chi là dám kể công với Chúa, Đấng sáng tạo vũ trụ muôn vật thì quả là một sai lầm biết bao !

Cầu nguyện không phải là dâng kiến nghị đòi hỏi, nhưng là cậy trông và phó thác vào Chúa Quan phòng, đại lượng vô song, khôn ngoan vô cùng. Sau nữa, khi cầu nguyện ta không được tự cho mình là hơn kẻ khác. Ta phải luôn nhớ rằng ta thuộc về đoàn lũ đông đảo những kẻ có tội, được Con Thiên Chúa đổ máu ra trên thập giá để cứu chuộc cho. Người tự cao tự đại không thể cầu nguyện được. Cửa thiên đàng hẹp và thấp, chỉ qùi xuống bằng đầu gối, mới vào được.

Truyện : Hãy qùi gối xuống.

Tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma, có một bức tượng Chúa chịu nạn do Thorvaldsen (1770-1844), nhà điêu khắc Đan mạch nổi tiếng thực hiện. Ngày kia, một du khách đến viếng bức tượng. Ông ta nhìn mãi, rồi lắc đầu nói :
- Tôi nghe đồn bức tượng này nổi tiếng là đẹp lắm. Nhưng tôi chả thấy gì là đẹp cả.
Một người quì sau lưng ông, nói :
- Ông phải qùi xuống mới thấy đẹp.
Ông du khách quì gối xuống. Bây giờ ông mới khám phá ra vẻ đẹp lôi cuốn của bức tượng Chúa chịu nạn.
Muốn đến gần Chúa, muốn được Chúa dủ tình thương xót, ta cũng phải qùi gối xuống mà van xin.

III. KHIÊM NHƯỜNG TRONG CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY

1. Nết xấu hàng đầu : Kiêu ngạo

Trong kinh bảy mối tội đầu, ta đọc thấy ngay : Cải tội bảy mối có bảy đức, thứ nhất khiêm nhường chớ kiêu ngạo”. Qua đó ta thấy kiêu ngạo là nết xấu làm đầu mà không ai tránh được, kẻ nhiều người ít vì nó đã thâm căn cố đế vào trong con người ta.
Liền sau khi con người phản bội, Thiên Chúa hiện đến chỉ vào mặt :
- Hỡi người, hãy nhớ mình xuất thân là một hạt bụi (St 11,19).
Đã là một hạt bụi thì chớ nên tự cao tự đại.
Thế nhưng, người đời mấy ai còn nhớ tới lời dặn bảo của Thiên Chúa !
Tính kiêu căng rõ là một chứng bệnh gia truyền nan trị. Nó nan trị vì nó bắt nguồn từ tính TỰ ÁI.

Tự ái, ích kỷ, ngu muội, là ba chứng bệnh nguy hiểm mà nhà Phật gọi là Tham, Sân, Si.
THAM là vì ích kỷ.
SÂN là vì tự ái.
SI vì ngu muội.
Trong ba chứng bệnh nói đây thì SÂN là khó diệt hơn cả. Bởi vì tự ái là một thói xấu sống dẻo dai bậc nhất, đến nỗi thánh Phanxicô Salêsiô phải nói :”Nó chỉ ngưng hoạt động 15 phút sau khi tôi chết”.

Nếu nói rằng kiêu ngạo có nguy hiểm gì đâu, làm gì bằng tội giết người ? Nhưng thực sự nó nguy hiểm nhất trong các tội, vì nó làm hỏng các tính tốt và làm phát sinh ra các tính xấu khác. Người kiêu ngạo xem mình là trung tâm điểm, thay thế cho Thiên Chúa. Họ quay ra thờ ngẫu thần : đó là họ tôn thờ chính mình. Họ không coi Chúa là trung tâm điểm nữa. Tha nhân không là gì khác mà chỉ là những diễn viên trong một vở kịch, mọi người phải lo phục vụ cho riêng họ. Họ trở nên tự tôn tự đại, muốn cho mọi người để ý đến mình, họ tự tạo ra những hàng rào ngăn cách, tạo ra giai cấp, những chênh lệch trong xã hội, tạo ra xung khắc giữa người này người khác, dân này với dân khác, nước này với nước khác, kỳ thị da trắng da đen…

Họ coi thế giới như là của riêng mình. Mình có thể dùng khoa học để điều khiển được tất cả theo ý mình. Con người có thể tự tạo ra được hạnh phúc, biến thế giới này thành thiên đàng. Họ loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài để thành lập một thứ tôn giáo mới, trong đó con người được tôn thờ chứ không phải là Thiên Chúa nữa.

2. Tính tốt hàng đầu : Khiêm nhường

Ai cũng thích người khiêm nhường, ai cũng ca tụng đức khiêm nhường, nhưng ít người thực hiện được đức khiêm nhường, thậm chí lại có người đả kích tính khiêm nhường. Môn phái của triết gia Nietzsche nói thẳng thừng:”Khiêm nhường là đức tính của kẻ nô lệ”.

Sự thật thì Khiêm nhường tức là hiểu biết mình, là can đảm nhìn thẳng vào sự thật. Vì thiếu can đảm nhìn thẳng vào sự thật, nên người ta ai cũng sợ mình, và sợ mình hơn hết. Kẻ mà tôi tìm cách tránh né nhất là … chính mình tôi. Cần phải là người quân tử mới dám đối thoại với mình. Cuộc đối thoại với chính mình là cuộc đối thoại hồi hộp nhất, dễ sợ nhất. Nhiều lúc bi đát, đắng cay, xỉ nhục vô cùng cho tính tự ái. Nhưng tôi cần nó để tự giác và sống làm người.

Đức Khổng Tử đã nói:”Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri tức tri dã” : Cái gì biết thì cho là biết, cái gì không biết thì chịu là không biết, ấy là biết vậy.

Người ta thường nói :”Cao nhân tức hữu cao nhân trị” hay “Bảy mươi còn học bảy mốt” (tục ngữ), đã cho thấy rằng dù ta có giỏi đến đâu cũng có người giỏi hơn. Ta phải tự thấy rằng mình chưa biết, trình độ mình còn kém thì ta mới có thể thâu nhận những lời dạy bảo của người khác, có như thế ta mới tiến bộ và có thể hiểu biết mình nhiều hơn được.

Nhà tư tưởng Blaise Pascal nói rất đúng:”Tôi chỉ biết một điều là tôi chẳng biết gì cả”. Nói như thế có vẻ cường điệu, nhưng nó nói lên sự hiểu biết hạn hẹp của con người đối với ngoại vật, nhất là đối với chính mình.

Tâm tính người đời bất cứ ai làm việc gì thường muốn như ngọn hải đăng, càng đặt lên cao, càng chiếu rọi ra xa, nhưng đồng thời chung quanh dưới chân hải đăng tối tăm mờ mịt. Vì thế, một vị Linh mục dòng Tên nói:”Đức khiêm nhường của người Công Giáo không phải là ngọn hải đăng, nhưng là một ngọn đèn giấu kín giữa bản thân, nó có sức chiếu sáng khắp cùng thân thể, thấu ra bên ngoài, không nơi nào không có ánh sáng”.

Theo tâm lý chung của con người, thì người ta thích là con công hay múa hơn là một con sò im lìm dưới đáy biển. Con công có bộ lông thật đẹp để làm cảnh cho thiên hạ. Suốt ngày con công chỉ biết múa để mua vui cho thiên hạ :

Con công hay múa,
Nó múa làm sao ?
Nó rụt cổ vào,
Nó xòe cánh ra…

Con công chỉ có một công dụng là múa để làm trò cho thiên hạ, ngoài ra không dùng vào được việc gì. Trái lại, con sò tuy im lìm sống dưới đáy biển, không mấy người trông thấy nó, nhất là không bao giờ trông thấy diện mạo cuả nó, nhưng thịt của nó là một món ăn tốt, thơm ngon. Nhất là… đôi khi nó ngậm một hòn ngọc trai ! Con sò mà ngậm hạt trai thì quí hóa biết bao, có đến bao nhiêu con công cũng không sánh kịp.

Đức Hồng Y Mercier kể : Cuộc chiến tranh xong, lần thứ nhất gặp thống chế Foch tôi vui mừng bắt tay và nói :”Chào vị tướng lỗi lạc, đã làm vẻ vang nhân lọai”. Nhưng thống chế giơ tay lên, phân bua và nói :”Thưa Đức Hồng Y, chúng tôi chỉ là khí cụ mù quáng trong tay Thiên Chúa”.

Càng thánh thiện càng phải khiêm nhường và phải khiêm nhường thật lòng. Benjamin Franklin đã cảnh giác chúng ta như sau:”Giả như tôi đã tập luyện được nhân đức khiêm nhường rồi, không nghi ngờ gì tôi sẽ trở nên hãnh diện vì nó”. Tôi có cảm giác rằng những người khiêm nhường thực sự phải là những người không biết đến sự khiêm nhường ở nơi mình. Ngay khi chúng ta biết rằng mình đang khiêm nhường , cũng là lúc chúng ta đánh mất nó.

Truyện : Thánh Phanxicô Salêsiô.

Khi nghe thiên hạ kháo láo và gọi mình là thánh, thì thánh Phanxicô nói rằng: ”Thiên hạ gọi tôi là thánh, vì họ thấy tôi làm việc thánh; nhưng chắc cha linh hướng của tôi không nghĩ như họ đâu”. Còn khi ngài nghe nói : Ông De Belley phê bình và bảo ngài thiếu trí phán đoán. Khi gặp ông, ngài liền ôm lấy, và tỏ vẻ vui sướng và biết ơn.

3. Đức Khiêm nhường cần thiết

Khiêm nhường là nhân đức quan trọng nhất trong việc nên thánh. Người ta coi khiêm nhường, tự hạ, quên mình luôn được coi là nền tảng của sự thánh thiện. Tất cả những tài năng, nhân đức dường như không có giá trị tự nó (en soi) trước mặt Thiên Chúa. Chúng chỉ nên có giá trị khi đứng chung với sự khiêm nhường, tự hạ.

Cũng như những số 0 (zéro) dù nhiều tới đâu cũng chẳng làm cho con số do chúng tạo thành có giá trị gì. Nhưng nếu chúng được dẫn đầu bởi số 1, thì lập tức mỗi số 0 sau đó đều trở nên có giá trị : càng nhiều số 0 đi sau số 1, thì giá trị con số do chúng tạo thành càng tăng lên. Mỗi số 0 sau số 1 đều làm cho con số đã có tăng giá trị lên gấp 10 lần.

 
Quyền năng Kinh Mân Côi
JM. Lam Thy ĐVD
07:30 25/10/2013
Trải qua bao thăng trầm lịch sử (của Giáo Hội cũng như thế giới), Kinh Mân Côi vẫn toả sáng và ngày càng chói rạng như chính mầu nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa qua Ngôi Lời nhập thể. Vì thế, trong Tông thư về Kinh Mân Côi (“Rosarium Virginis Mariae”, số 21), ĐTC Gio-an Phao-lô II còn gọi Kinh Mân Côi là “Mầu nhiệm của các mầu nhiệm” và bổ sung thêm 5 mầu nhiệm Ánh Sáng, nâng tổng số lên thành 20 mầu nhiệm. Quả thực, nói hay viết về mầu nhiệm Kinh Mân Côi cùng với hiệu lực cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi thì không bút mực, sách vở nào có thể bao biện cho hết được. Thật đúng như lời dậy của Chân Phước Gio-an Phao-lô II: “Những điều đã nói trên đây làm sáng tỏ khá đầy đủ sự phong phú của kinh nguyện truyền thống này, vốn có tính chất mộc mạc của lòng đạo đức bình dân, nhưng cũng có chiều sâu thần học của việc cầu nguyện thích hợp cho những ai cảm thấy nhu cầu chiêm ngưỡng thâm sâu hơn... Hôm nay, tôi thiết tha giao phó sự nghiệp hoà bình trên thế giới và sự nghiệp các gia đình cho quyền năng của Kinh Mân Côi – như tôi đã nói từ đầu” (Tông thư về “Kinh Mân Côi”, số 39) .

Nói về Kinh Mân Côi, người ta thường hay nghĩ đến câu chuyện thánh Đa Minh, tổ phụ Dòng Anh Em Thuyết Giáo, được Đức Mẹ ban tràng chuỗi Mân Côi. Truyền thuyết này cũng có nhiều tranh cãi giữa một bên cho rằng đó là chuyện có thật và một bên cho rằng đó chỉ là câu chuyện tưởng tượng, dựng đứng (*). Nhưng xét cho cùng thì thấy không chỉ ở thời điểm thế kỷ XIII, mà còn mãi về sau này, không ít lần (mà tỏ tường nhất, thuyết phục nhất là lần tại Fatima, năm 1917) Đức Mẹ hiện ra với tràng chuỗi Mân Côi và những lời khuyên nhủ tha thiết con cái hãy siêng năng lần hạt, truyền bá Kinh Mân Côi. Như vậy thì việc Đức Mẹ ban tràng chuỗi Mân Côi cùng với những lời khuyên dạy thánh Đa Minh cách thức cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, đồng thời coi đó là vũ khí, là phương tiện cải hoá những người theo phái Albigense, các bè rối và những người tội lỗi khác, là điều có thật 100%, chẳng cần tranh luận.

Kinh Mân Côi đã có từ trước khi thánh Đa Minh thành lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo. Lúc đầu có thói quen đọc 150 Thánh vịnh, tiếp theo, có một số người không đọc được Thánh vịnh thì đọc Lời chào Đức Mẹ của Sứ thần Gabriel (bước đầu hình thành kinh Kính Mừng). Đến thế kỷ XIII, đã lưu hành 4 bộ Thánh vịnh (Psalterium): bộ 150 kinh Lạy Cha (Psalterium Christi), bộ 150 kinh Kính Mừng (Psalterium b. Virginia), bộ 150 điểm suy gẫm về cuộc đời Chúa Ki-tô, và bộ 150 lời ca ngợi Đức Mẹ. Người có công cổ động việc đọc Kinh Mân Côi theo hình thức hiện nay là cha Alain de la Roche và gọi kinh này là Psalterium B.M.V. Sau này mới gọi là Rosarium, Việt Nam dịch là: Mân Côi, Mai Khôi, Môi Khôi, Văn Côi (**). Bộ 150 kinh Kính Mừng được chia thành ba vòng hoa: Nhập thể (mùa Vui), Tử nạn (mùa Thương) và Vinh quang (mùa Mừng); mỗi vòng 5 chục kinh Kính Mừng, mỗi chục kinh mở đầu bằng kinh Lạy Cha và kết thúc bằng kinh Sáng Danh. Kinh Mân Côi được thành hình và hoàn chỉnh, chính yếu và căn bản, gồm Lời Cầu Nguyện của Chúa Ki-tô (kinh Lạy Cha), Lời Thiên Sứ chào Mẹ Maria khi báo tin Ngôi Lời nhập thể (kinh Kính Mừng) và vinh tụng ca Thiên Chúa Ba Ngôi (kinh Sáng Danh). Sang thế kỷ XXI, còn thêm 5 mầu nhiệm Ánh Sáng (xc Tông thư “Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria” – ĐTC Gioan Phaolô II – 2002).

Sở dĩ Kinh Mân Côi được khai sinh và lưu truyền trong bề dày lịch sử Giáo Hội, cũng bởi vì Đức Maria là Mẹ Lời Chúa, Mẹ Giáo Hội. Vì thế, nên trong Tông huấn ”Marialis Cultus” (số 13), ĐTC Phao-lô VI đã khẳng định: ”Chúng tôi muốn lưu ý anh em về một việc đạo đức đã từng được gọi là “Bản tóm lược tất cả cuốn Phúc Âm”: đó là chuỗi Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria. Các vị tiền nhiệm của chúng tôi vẫn thường chú tâm và nhiệt tình cổ động việc đạo đức này, khuyên bảo chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi… Kinh Mân Côi có khả năng phát huy một lối cầu nguyện có tính chiêm niệm, vừa là lời chúc tụng vừa là lời cầu xin. Cũng nên nhớ rằng Kinh Mân Côi có sức linh nghiệm giúp chúng ta tiến bộ trong đời sống Ki-tô giáo và dấn thân hoạt động Tông đồ”.

Rõ ràng người Ki-tô hữu muốn “tiến bộ trong đời sống Ki-tô giáo và dấn thân hoạt động Tông đồ” thì phải biết luôn luôn cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, để “Nhờ Mẹ, đến với Chúa” (Ad Jesum, per Mariam). Không những thế, Kinh Mân Côi còn có hiệu lực giải quyết những vấn nạn nan giải nhất (“Giáo Hội luôn luôn tin tưởng vào hiệu năng của lời cầu nguyện này, khi giao phó cho Kinh Mân Côi, đọc chung trong cộng đoàn và thường xuyên thực hành, những vấn nạn nan giải nhất” – Tông thư “Rosarium Virginis Mariae”, số 39). Quả thực, ngày nay khi lần chuỗi Mân Côi, mỗi Ki-tô hữu cần nhận chân được đây là dịp tiếp cận Tin Mừng, ôn lại hành trình đức tin của Mẹ, để từ đó khẩn cầu Mẹ dìu dắt vượt thắng được hành trình đức tin của chính bản thân mình. Chính vì thế, nên mọi tín hữu phải luôn tâm niệm sống Đạo với châm ngôn "Kết hiệp với Mẹ suy niệm mầu nhiệm Mân Côi" bằng cách: "Cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi + Ăn năn cải hối + Ký thác tận hiến cho Mẹ => Đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ" (Mệnh lệnh Fatima).

Chỉ có như thế mới phần nào bày tỏ được tình con thảo đối với Mẹ hiền, đáp ứng được Lòng Thương xót của Thiên Chúa qua di ngôn dưới chân Thập Tự: "Này là con Bà – đây là Mẹ con" (Ga 19, 26-27). Thật sự chỉ có như thế mới thấy thấm thía được huyền nhiệm sâu sắc của Kinh Mân Côi. Và cũng từ đó lại càng thêm vững tin rằng Kinh Mân Côi là một bản tóm lược Tin Mừng vừa đơn giản, vừa súc tích, đồng thời đó cũng là một ký sự chân thực nhất trình thuật hành trình đức tin của Mẹ Thiên Chúa – một hành trình đầy cam go thử thách nhưng cũng đầy chiến thắng vinh quang. Chính điều này chứng tỏ Thiên Chúa đã chọn lựa và dẫn đưa Đức Trinh nữ Maria từ bỏ kế hoạch riêng tư, từ bỏ chính mình, từ bỏ những gì thân thiết nhất của mình, để đi vào kế hoạch diệu huyền của Thiên Chúa, để trọn vẹn tín thác vào Thiên Chúa.

Ôi! Lạy Mẹ! Con xiết bao mừng rỡ khi lại được thêm một lần trong muôn muôn triệu lần các Ki-tô hữu trên toàn thế giới chúc tụng Mẹ qua Kinh Mân Côi mà Mẹ đã truyền dạy chúng con. Cúi xin Mẹ thương đoái, đón nhận đoá hoa lòng của chúng con: "Ngày nay con đến hát khen mừng Mẹ Chúa Thiên Đàng. Dâng ngành Mân Côi muôn màu hoa thắm tươi. Lạy Mẹ yêu mến lắng nghe lời con hát nhịp nhàng, hoà với cung đàn xiết bao mừng vui. Ôi Maria! Phúc đức no đầy chan hoà. Lòng con yêu mến cậy trông thiết tha. Qua cơn gian nan giữa chốn sa trường nguy biến. Xin đưa hồn con tới quê thanh nhàn." ("Nữ Vương Mân Côi" – Hải Linh –TCCĐ). Amen.

Nguồn: Nội San Kinh Mân Côi kinhmancoi.net -
Chú thích: (*), (**): xc. 1- “TÌM HIỂU DÒNG ĐA MINH” của Lm Giuse Phan Tấn Thành OP; 2- “THÁNH ĐA MINH - ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG THUYẾT GIÁO” của Lm Giuse Nguyễn Tri Ân OP. (Nguồn: thanhlinh.net).
 
The Thirtieth Sunday, Year C: Parochial Attitudes!
Nguyễn Trung Tây, SVD
15:22 25/10/2013
□ Nguyễn Trung Tây, SVD
The Thirtieth Sunday, Year C: Parochial Attitudes!


Turn to a dictionary, any dictionary you can find, and have your index finger move along the entries of paro… Very quick you will see the word parochial. Let us see the meaning of this vocabulary! Well, parochial, an adjective, means narrowly restricted in scope or outlook. Parochial therefore denotes negative implications, for example, parochical attitudes imply narrow minded perspectives.

To some extent, human beings are born with some parochial mentalities. I was born and raised up in Saigon, I used to believe that Saigon is the best city in Vietnam. Eventually I discover this opinion is ridiculous. After the Fall of Saigon, I fled Vietnam and continued to be brought up in California. A true confession, I used to think that San Francisco is the best city in the US. This naïve thought, thanks to be God, ceased to exist when I first set foot on Chicago soil for a new chapter in my life: the call to be an SVD missionary.

The Pharisee in Luke 18:9-14 was undoubtedly illustrated by Jesus as a person with parochial attitudes. Through his prayers to God in the Temple, he clearly indicated to God and also himself that he was a sinless and righteous man. In a modern sense, this self-righteous man was strongly convinced (by himself) that he was the best, top of the world. Oh! How I “love” these righteous people.

The more I am advance in age, the more I am fully aware of my human weaknesses. The more I travel to different cities of different countries of our world, the more I notice that each city has its own graceful features. The more I live my Christian life, the more I am aware of how sinful I am (I believe I am not alone in this matter). No wonder in the beginning of the Eucharist, after the Sign of the Cross and the church’s greetings, “Peace of our Lord Jesus Christ be with you,” we all humbly bow our heads while reciting the Penitential Prayer, “Lord, have mercy.” Oh, how I love that prayer, for it reminds us of how merciful and loving our beloved God is. Yes, we are all sinners, but believe it or not, God never gives up on us. And whenever we humbly turn to God, the Lord will listen to the prayers of the shattered spirit. The story of the humble tax collector in the given episode is an evidence for this faith.

Oh! God open my eyes, so I can see!


Chúa Nhật 30 Thường Niên, Năm C: Óc Thiển Cận!

Ở nhà nhất mẹ, nhì con… Hồi đó còn nhỏ xí xi, bố tôi là nhất, nhất là khi được dẫn đi ăn phở thơm lừng lỗ mũi. Hồi đó còn nhỏ tí ti, mẹ tôi là nhất, nhất là khi mẹ đi chợ về đưa cho bao chè nước dừa. Ăn hết phần mình, tôi mặt lì lấn đất giành dân sang bao chè của cô em. Lớn lên, bước ra khỏi ngõ hẻm, đi học xa, bố và mẹ vẫn nhất, nhưng tôi bắt đầu nhận ra, còn nhiều cái nhất mình chưa thấy. Sanh ra tại Sài Gòn, tôi đã từng tin như tin kinh Tin Kính, Sài Gòn là nhất Việt Nam. Về sau mới thấy, ơi sao ngớ ngẩn thằng mõ, cám lợn dở hơi, đúng là con nít. Dòng thời gian đẩy tới, tôi lạc qua Mỹ, sống tại Thung Lũng Điện tử San Jose, tôi nghĩ Silicon Valley là nhất. Ân sủng thiên đàng ban tặng, tôi chấm dứt dòng tư tưởng thiển cận khi đặt chân tới Phố Gió Chicago, chặng đầu của hành trình dài truyền giáo Ngôi Lời.

Thầy Pharisee trong Tin Mừng Luca 18:9-14 đã được diễn tả như một người có đầu óc thiển cận. Qua những lời kinh nguyện trong Đền Thờ, ông tuyên bố “thật thà” và thẳng thừng với Chúa và đương nhiên với chính ông rằng, “Ôi Lạy Chúa và lạy tôi, tôi là một người công chính.” Trong ngôn ngữ đương thời, người công chính Pharisee khẳng định rằng ông là một người tốt nhất thế giới, đứng đầu trên hết mọi danh. Ơi! Tôi “yêu” ông biết bao, hỡi người “công chính tốt lành”. Mong rằng cuộc đời sẽ bớt đi những người như thế…

Càng lớn tuổi, tôi càng nhận ra những điểm yếu kém của mình. Càng đặt chân tới nhiều thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới, tôi lại càng nhận ra mỗi thành phố mình ghé vào thăm hỏi đều sở hữu những nét duyên dáng đặc biệt của riêng thành phố đó. Càng sống đời sống đức tin Kitô, tôi lại càng nhận ra mình tội lỗi biết bao (Về chuyện này, đương nhiên tôi biết mình không phải là người duy nhất). Chẳng lạ chi, sau Dấu Thánh Giá và Lời Chào Bình an trong thánh lễ, người Công Giáo đều cúi đầu khiêm nhường đọc lời kinh, “Xin Chúa thương xót chúng con.” Ơi, tôi yêu biết bao nhiều lời kinh Thương Xót, bởi lời kinh thật sự đã nhắc nhở Cộng đoàn Dân Chúa về lòng từ bi độ lượng và tình yêu bao la của Thiên Chúa. Vâng, chúng ta đều là người tội lỗi, nhưng lạ thay Thiên Chúa chưa bao giờ làm mặt ngơ với phàm nhân yếu đuối. Và bất cứ khi nào chúng ta khiêm nhường hướng về Chúa, Chúa sẽ lắng nghe lời cầu nguyện của những tâm hồn khiêm cung. Câu chuyện của người thu thuế trong Tin Mừng Luca 18:9-14 là một bằng chứng hùng hồn cho mệnh đề niềm tin này.

Lạy Chúa xin mở mắt con, để con thấy!
□ Nguyễn Trung Tây, SVD
www.nguyentrungtay.com
 
Người thu thuế cầu nguyện
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
20:47 25/10/2013
Chúa Nhật XXX THƯỜNG NIÊN, NĂM C
LC 18, 9-14

NGƯỜI THU THUẾ CẦU NGUYỆN

Chúa Nhật 30 thường niên, năm C, qui về chủ đề cầu nguyện. Tin Mừng cho hay có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người Pharisêu và một người thu thuế.Hai con người. Hai thái độ cầu nguyện khác nhau.Tìm hiểu đoạn Tin Mừng của thánh Luca hôm nay chúng ta sẽ hiểu được thế nào là cầu nguyện.

Thực tế, Ông Pharisêu và người thu thuế đều lên đền thờ để cầu nguyện cùng Chúa. Cả hai người này đều tỏ ra cần cầu nguyện với Chúa. Tuy nhiên, thái độ, cử chỉ và tấm lòng của hai người lại hoàn toàn khác nhau.

Chúng ta thử xem: nhân vật thứ nhất là Ông Pharisêu, Ông ăn mặc sặc sỡ, diêm dúa, vào nhà thờ, đứng trước mặt Chúa, Ông có thái độ thật trịch thượng. Ông không biết kính sợ Chúa, Ông coi Chúa như người ngang hàng, vào nhà thờ, Ông coi như nhà Ông và Ông tỏ vẻ tự cao tự mãn, Ông tỏ vẻ thật kiêu ngạo. Tin mừng viết đầu Ông có một sợi dây ghi lời Kinh Thánh, Ông đứng thẳng, giương giương đôi mắt, tự coi mình là nhất, coi Chúa như người bình thường.Xem ra không có gì đáng trách được Ông vì mỗi tuần Ông ăn chay hai lần. Ông tỏ ra thương người, Ông tỏ ra rộng rãi với Chúa vì Ông dâng một phần mười huê lợi cho Đền thờ. Ông lên đền thờ trước hết là để hiệp ý với cộng đoàn, với mọi người có mặt để cầu nguyện. Nhưng thực ra Ông đâu có cần người khác, Ông đâu có đếm xỉa đến cộng đoàn, ông khinh chê,miệt thị cộng đoàn, Ông tự coi ông là nhất, là trung tâm, là số một. Do đó, Ông tự mãn cầu nguyện :” Lạy Chúa, tôi cám ơn Chúa…Vì tôi không như những người khác “. Ông dám trịch thượng, tự kiêu so sánh với người khác và Ông tự ý coi mình hơn hết mọi người. Thái độ của Ông Pharisêu thật đáng chê trách bởi vì nó biểu lộ con người không đạo đức của Ông. Tại sao Ông lại dám coi mình hơn người khác ? Tại sao Ông lại tự khoe khoang quá đáng như thế.

Còn người thu thuế thì ở tận cuối nhà thờ. Ông cúi mặt xuống đất.Một thái độ khiêm hạ thẩm sâu. Ông đấm ngực thưa với Chúa :” Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ có tội “.Ông tự nhận mình là kẻ tội lỗi. Ông biết rằng nghề thu thuế thời Ông là nghề bị coi là tội lỗi, là nghề liên kết với Đế Quốc Roma để bóc lột dân chúng, làm giầu cá nhân, Ông biết mình là kẻ tội lỗi nhưng ông trông cậy, tin tưởng lòng tha thứ, xót thương, nhân từ của Chúa và Ông sốt sắng cầu nguyện.

Hai thái độ, hai tâm tình cầu nguyện của hai người Pharisêu và Thu thuế thật trái ngược. Ông Pharisêu kể công, đòi nợ, tự kiêu khi cầu nguyện. Người Thu thuế thì khiêm hạ, nhận ra mình yếu hèn tội lỗi, xin Chúa thứ tha.

Ngày nay, cũng có những pharisêu kiểu mới, họ tới nhà thờ bằng những phương tiện giầu có, bằng những xe hơi bóng nhoáng, bằng những quần áo đắt tiền…Ông tới nhà thờ cho có lệ, để khoe khoang của cải, và để khoe khoang ăn mặc vv…Thái độ này thật đáng trách, đáng tránh xa. Vâng, người thu thuế nêu gương sáng ngời về sự khiêm nhượng, về cầu nguyện trong lòng tin, sự cậy trông…Cầu nguyện là khiêm tốn kêu cầu, van xin Chúa. Và rồi Tin Mừng thánh Luca hôm nay kết luận bằng lời nói của Chúa Giêsu :” Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên “.

Chúng ta mượn lời của André Luof để kết thúc bài suy niệm :” Ân sủng mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta là làm cho chúng ta nhận biết tội lỗi của mình.Đó là dấu chỉ cho thấy chúng ta được chữa lành khỏi sự mù lòa. Đó là dấu chỉ chắc chắn của ân sủng, ân sủng duy nhất của chúng ta trên trần gian và cũng là niềm vui duy nhất trên thiên đàng “.

Lạy Chúa Giêsu, xin lời cầu của chúng con dâng lên Chúa được Chúa chấp nhận. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Người Pharisêu đến Đền thờ để làm gì ?
2.Thái độ của người Pharisêu đối với Chúa ?
3.Người thu thuế thế nào ?
4.Thái độ của chúng ta khi cầu nguyện ?
5.Bài học của Tin mừng hôm nay ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Đồng Tòa Thánh về gia đình
LM. Trần Đức Anh OP
13:53 25/10/2013
VATICAN. Sáng ngày 25-10-2013, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến 150 tham dự viên khóa họp toàn thể thứ 21 của Hội đồng Tòa Thánh về gia đình. Ngài đề cao ơn gọi, chức năng của gia đình, đặc biệt kêu gọi quan tâm đến trẻ em và người già.

ĐTC nhấn mạnh đến 2 điểm: trước tiên, gia đình là một cộng đoàn sự sống có cuộc sống tự lập. Gia đình gồm những người yêu thương, đối thoại, hy sinh cho nhau và bênh vực sự sống, nhất là những sự sống mong manh và yếu đối nhất. Gia đình chính là động cơ của thế giới và lịch sử... Trong gia đình mỗi người ý thức về phẩm giá của mình, và nếu được giáo dục theo tinh thần Kitô, họ sẽ nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, nhất là những người yếu đau và bị gạt ra ngoài lề.

Thứ hai: ”gia đình được xây dựng trên hôn nhân.. Có thể nói hôn nhân là bí tích đầu tiên của con người, trong đó con người khám phá bản thân, tự hiểu biết về mình trong tương quan với tha nhân và trong tương quan với tình thương mà họ có khả năng trao ban và nhận lãnh... Trong hôn nhân người ta hiến thân hoàn toàn, không tính toán hay dè dặt, chia sẻ tất cả, trao ban và từ bỏ, tín thác nơi Chúa Quan Phòng.”

Sau cùng, ĐTC nhấn mạnh cách riêng đến hai giai đoạn của đời sống gia đình là tuổi thơ và tuổi già. Ngài cảnh giác rằng: ”Một xã hội bỏ rơi trẻ em và gạt bỏ người già thì cắt đứt căn cội của mình và làm cho tương lai của mình đen tối. Mỗi lần một trẻ em bị bỏ rơi và một người già bị gạt bỏ, thì không những người ta thi hành một hành vi bất công, nhưng còn xác nhận sự thất bại của xã hội ấy. Chăm chóc trẻ em và người già chính là một chọn lựa văn minh”.

Hội đồng Tòa Thánh về gia đình đã nhóm họp từ ngày 23 đến 25-10, trong đó ngoài một số HY và GM còn có điều đôi vợ chồng thành viên. Khóa họp này được tiếp nối với cuộc hành hương của các gia đình thế giới trong Năm Đức Tin ở Roma: các gia đình sẽ gặp ĐTC chiều thứ bẩy 26-10-2013 và tham dự thánh lễ với ngài sáng Chúa Nhật 27-10-2013 (SD 25-10-2013)
 
Top Stories
Pope Francis: confess sins with concreteness and sincerity
Vatican Radio
10:02 25/10/2013
2013-10-25 Vatican - To have the courage in the presence of the confessor to call sin by its name, without hiding it: Pope Francis homily this morning at the Casa Santa Marta was focused entirely on the Sacrament of Reconciliation. To go to Confession, he said, is to encounter the love of Jesus with sincerity of heart and with the transparency of children, not refusing, but even welcoming the “grace of shame” that makes us perceive God’s forgiveness.

For many believing adults, confessing to a priest is an unbearable effort – that often leads one to avoid the Sacrament – or such a painful process that it transforms the moment of truth into an exercise of fiction. Pope Francis, commenting on the Letter to the Romans, says that Saint Paul does exactly the opposite: he admits publically to the community that “good does not dwell in me, that is, in my flesh.” He acknowledges that he is a “slave” who does not do the good that he wants to do, but the evil that he does not want to do. This happens in the life of faith, the Pope said, that “when I want to do good, evil is close to me”:

“This is the struggle of Christians. It is our struggle every day. And we do not always have the courage to speak as Paul spoke about this struggle. We always seek a way of justification: ‘But yes, we are all sinners.’ But we say it like that, don’t we? This says it dramatically: it is our struggle. And if we don’t recognize this, we will never be able to have God’s forgiveness. Because if being a sinner is a word, a way of speaking, a manner of speaking, we have no need of God’s forgiveness. But if it is a reality that makes us slaves, we need this interior liberation of the Lord, of that force. But more important here is that, to find the way out, Paul confesses his sin to the community, his tendency to sin. He doesn’t hide it.”

Confession of sins, done with humility, is something the Church requires of all of us, Pope Francis noted, citing the invitation of Saint James: “Confess your sins to one another.” Not to get noticed by others, the Pope explained, “but to give glory to God,” to recognise that it is God Who saves me. That, the Pope continued, is why one goes to a brother, a “brother priest” to confess. And one must do as Paul did – above all, confessing with the same “concreteness”:

“Some say: ‘Ah, I confess to God.’ But it’s easy, it’s like confessing by email, no? God is far away, I say things and there’s no face-to-face, no eye-to-eye contact. Paul confesses his weakness to the brethren face-to-face. Others [say], ‘No, I go to confession,’ but they confess so many ethereal things, so many up-in-the-air things, that they don’t have anything concrete. And that’s the same as not doing it. Confessing our sins is not going to a psychiatrist, or to a torture chamber: it’s saying to the Lord, ‘Lord, I am a sinner,’ but saying it through the brother, because this says it concretely. ‘I am sinner because of this, that and the other thing.’”

Concreteness and honesty, Pope Francis added, and a sincere ability to be ashamed of one’s mistakes. There are no shadowy lanes that can serve as an alternative to the open road that leads to God’s forgiveness, to the awareness, in the depths of the heart, of His forgiveness and His love. And here the Pope explained we must imitate little children:

“Little children have that wisdom: when a child comes to confess, he never says something general. ‘But father, I did this and I did that to my aunt, another time I said this word’ and they say the word. But they are concrete, eh? They have that simplicity of the truth. And we always have the tendency to hide the reality of our failings. But there is something beautiful: when we confess our sins as they are in the presence of God, we always feel that grace of shame. Being ashamed in the sight of God is a grace. It is a grace: ‘I am ashamed of myself.’ We think of Peter when, after the miracle of Jesus on the lake, [he said] ‘Depart from me, Lord, for I am a sinner.’ He is ashamed of his sins in the presence of the sanctity of Jesus.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Liên Đoàn CGVN Miền Trung Đông Hoa Kỳ tổ chức Khóa Tĩnh Huấn 2013 cho quý chức trong Miền
Đinh Văn Chính tường thuật
08:54 25/10/2013
Dundalk, Maryland 19/10/2013 - Để phát triển kiến thức học hỏi đem lại phục vụ mục vụ hữu hiệu tại các cộng đoàn, giáo xứ dành cho quý chức các Ban Chấp Hành Cộng Đồng, Cộng Đoàn, Giáo Xứ, Hội Đoàn, và Đoàn Thể Công Giáo Việt Nam trong Miền Trung Đông, ngày Tĩnh Huấn Miền lần thứ 8 đã được tổ chức tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, thành phố Dundalk (vùng Baltimore), tiểu bang Maryland vào thứ bảy 19/10/2013 vừa qua. Hiện diện trong ngày Tĩnh Huấn có Cha Đinh Công Huỳnh, Chủ Tịch Miền, Cha Hoàng Văn Thiên, Chính Xứ Các Thánh TĐVN, Arlington VA, Cha Giảng Thuyết Phạm Hương, OP, Chính Xứ Các Thánh TĐVN, Richmond VA, Cha Trịnh Minh Quân, Quản Nhiệm CĐ Đức Mẹ La Vang Philadelphia PA, và Cha Trần Chúc, Chính Xứ Đức Mẹ La Vang, Dundalk MD. Ngoài ra còn có Thày Phó Tế Trần Công Huấn thuộc CĐ St. Helena Philadelphia, Nữ Tu Trần Ngọc Hạnh thuộc CĐ Đức Mẹ Thăm Viếng Philadelphia, và ba Nữ Tu thuộc Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (từ CĐ Các Thánh TĐVN, Richmond VA) về tham dự.

Xem hình ảnh Photos by Lê Văn Thảo và Tuyên Đào

Ngày Tĩnh Huấn 2013 bắt đầu với phần đón tiếp nồng hậu của Cha Trần Chúc, Chính Xứ Đức Mẹ La Vang. Ngài đại diện giáo xứ và Ban Chấp Hành Hội Đồng Mục Vụ và các ban ngành chào đón quý Cha, quý Thày, quý Sơ và tất cả các giới chức từ các cộng đồng, cộng đoàn thuộc Miền Trung Đông về tham dự. Các thành viên tham dự đến từ các tiểu bang Pennsylvania, Delaware, Maryland và Virginia, Gần nhất là cộng đoàn Giáo Xứ Mẹ Việt Nam, Silver Spring, MD. Xa hơn nữa là những cộng đoàn giáo xứ từ Hampton VA và Richmond VA. Không kém xa xôi là Cộng Đồng Pittsburgh, Pennsylvania. Những nơi đó phải mất trên 4 giờ lái xe (một chiều) để về tham dự. Dù gần hay xa, mọi người đều chuẩn bị đến nơi kịp giờ khai mạc lúc 11 giờ sáng thứ bảy 19/10/2013 vừa qua.

Cha Đinh Công Huỳnh, Chủ Tịch Miền Trung Đông, đã khai mạc ngày tĩnh huấn đúng giờ ấn định. Trong phần cảm tưởng mở đầu, ngài rất vui mừng nhìn thấy số người tham dự trên 120 giới chức từ các cộng doàn trong Miền. Sự hiện diện đông đảo đã làm ngài nhớ đến Hành Trình Emmau kỳ 5 tại California đã quy tụ gần 200 linh mục Viêt Nam và một số giám mục. Ngài nói Hành Trình Emmau kỳ 5 kéo dài từ thứ hai 14/10/13 đến thứ sáu 18/10/13. Cuộc hành trình Emmau năm nay cũng đông hơn 4 lần trước nhiều và đã nói lên tình liên đới giữa các anh em linh mục trong Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ. Ngài nhấn mạnh rằng chính các linh mục cũng cần học hỏi như các quý chức phục vụ trong cộng đoàn hay trong giáo xứ. Ngày Tĩnh Huấn Miền cũng là cơ hội tốt tạo cho các giới chức có dịp gặp gỡ để cùng nhau học hỏi. Được biết, địa điểm tĩnh huấn đầu tiên là tại Giáo Xứ Thánh Helena, Philadelphia, PA vào ngày 11 tháng 11 năm 2006. Sau đó địa điểm tổ chức được thay đổi đến các cộng đoàn có tính cách trung điểm về địa dư trong miền để các nơi về tham dự dễ dàng hơn. Các địa điểm đó được ghi nhận gồm có Giáo Xứ Các Thánh TĐVN, Arlington VA, Giáo Xứ Mẹ Việt Nam, Silver Spring, MD, Giáo Đoàn Mẹ Thiên Chúa, Harrisburg, và giáo xứ Đức Mẹ La Vang, Dundalk MD. Đây là lần thứ hai, giáo xứ đã đứng ra nhận lãnh tổ chức Ngày Tĩnh Huấn Miền.

Ngài cho biết Ngày Tĩnh Huấn hàng năm là cơ hội thể hiện mối liên hệ chặt chẽ và sự hợp tác trong yêu thương, thông cảm giữa các cộng đoàn, các giáo xứ Việt Nam để xây dựng sinh hoạt mục vụ Miền Trung Đông. Ngài nhắc nhở chúng ta phải thực hành đường lối hướng dẫn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc trau dồi học hỏi để gia tăng hiệu năng của việc rao giảng Tin Mừng đến những ai chưa được biết Chúa. Ngài xin Chúa chúc lành cho các tham dự viên được nhiều ơn Thánh trong việc học hỏi những phương thức phục vụ xây dựng truyền thống văn hóa đạo đức Việt Nam tại các cộng đoàn, các giáo xứ Việt Nam trong Miền Trung Đông. Tưởng cũng cần nhắc lại sáng kiến tổ chức Ngày Tĩnh Huấn Miền đã được Cha Chủ Tịch Đinh Công Huỳnh khởi xướng năm 2006. Trong khóa đầu tiên này, chúng tôi còn nhớ là Cha Nguyễn Đức Vượng, lúc đó là cha chính Xứ Các Thánh TĐVN, Arlington và ông Bùi Hữu Thư, Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ của giáo xứ và cũng là Chủ Tịch Ban Chấp Hành Giáo Dân Miền Trung Đông, đã đảm trách phần thuyết giảng cho Ngày Tĩnh Huấn đầu tiên đó. Những năm sau Miền đã được Cha Nguyễn Khắc Hy, lúc đó ngài còn dạy đại học tại Baltimore giảng thuyết trong Ngày Tĩnh Huấn của Miền Trung Đông.

Sau cùng, Cha Chủ Tịch Miền cám ơn Chúa đã cho miền có được một linh mục giảng thuyết thay thế và đã trân trọng giới thiệu Cha giảng phòng năm nay là Cha Phạm Hương, OP, Tiến Sĩ Thần Học, đã từng là Giáo Sư Thần Học tại Học Viện Đa Minh Gò Vấp, Học Viện Liên Dòng Nam Tú Xương, Học Viện Liên Dòng Nữ Phaolô Nguyễn Văn Bình, và Học Viện Liên Dòng Nữ Đa Minh tại Kỳ Đồng. Hiện nay, Cha Phạm Hương là Chính Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Richmond VA. Đây là lần thứ hai Cha Phạm Hương nhận lời phụ trách giảng huấn cho Ngày Tĩnh Huấn Miền, sau lần đầu thay thế Cha Nguyễn Khắc Hy năm ngoái tại Giáo Xứ Mẹ Việt Nam, Silver Spring MD.

Qua đề tài tĩnh huấn “Lãnh Đạo Mục Vụ Cộng Đoàn/Giáo Xứ” năm nay, Cha Phạm Hương đã lôi cuốn các tham dự viên từ các chi tiết này đến các chi tiết khác để giúp họ thấu hiểu những vấn đề liên quan đến Tu Đức Mục Vụ Cộng Đoàn/Giáo Xứ (CĐ/GX), Thần Học Mục Vụ CĐ/GX, Hướng Quản Trị Mục Vụ và sau hết là Phương Pháp Quản Trị.

Ngài nói điều rất quan trọng để các giới chức phục vụ cộng đoàn hoặc giáo xứ cho có hiệu năng là người phục vụ cần phải biết tu đức. Chúng ta phải làm sao thắng được chính mình, phải quên cảm tính “cái tôi” để từ bỏ chính mình mà vác thánh gía hàng ngày trong đời sống phục vụ. Mỗi người chúng ta là hiện thân của Chúa Ki-tô. Chúng ta phải vì Chúa mà đừng cố chấp (tức là Chấp Ngã) và sống từ bỏ chính mình để sống (tức là Xả Chấp) thì công việc phục vụ của chúng ta mới đúng là vì Chúa và hy vọng đem lại phần rỗi cho chính mình và cho các linh hồn. Từ cái “xả chấp” mà chúng ta biến “cái tôi” thành “cái chúng ta”. Nói xa hơn nữa là dần dà tiến đến “cái siêu chúng ta”. Để phục vụ cộng đoàn hoặc giáo xứ cho có hiệu năng, chúng ta phải đặt trọng tâm vào việc huấn luyện để hiểu rõ những việc cần làm và tại sao phải làm như vậy. Thí dụ điển hình là các Thừa tác viên Lời Chúa, Thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa, các em giúp lễ cũng cần phải được huấn luyện để việc làm của họ được đúng nghi thức phụng tự và không gây chia trí cho nghững người tham dự thánh lễ, v.v…

Về Thần Học Mục Vụ Giáo Xứ, Cha Giảng thuyết đề cập đến đạo lý và giáo luật để các tham dự viên hiểu rằng giáo xứ là một cộng đồng Giáo Hội địa phương mà các linh mục có trách nhiệm thánh hóa và cai quản đoàn chiên của Chúa được trao phó cho các ngài. Nhiệm vụ của các ngài là làm sao cho Giáo Hội thành phổ quát, nên hữu hình tại địa sở của mình và tăng phần đóng góp vào việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Ki-tô. Vai trò của người phục vụ là sống chứng tá, sổng hiệp thông tạo sự liên hệ giữa ta với Chúa và giữa chính chúng ta.

Khi nói đến tiểu đề hướng quản trị mục vụ, ngài nói rõ hướng mục vụ của cộng đoàn, của giáo xứ là loan báo Tin Mừng cho nhau và quan trọng hơn nữa là cho những người chung quanh biết Chúa nhưng đang sống xa cách Người và đặc biệt là những ai chưa biết Chúa. Ngài cũng lập lại là người phục vụ phải sống tinh thần hiệp thông. Mỗi người mỗi tính, chúng ta phải hy sinh biết chấp nhận lẫn nhau, sẵn sàng hợp tác với nhau để sống hòa hợp, tránh mâu thuẫn. Người phục vụ phải biết sống “đối thoại chứ không đối đầu”. Dĩ nhiên. tác nhân trong hướng quản trị mục vụ là Cha Chính Xứ hay Quản Xứ hoặc Quảnh Nhiệm. Các ngài sẽ giúp chúng ta ghi nhớ rằng sống hiệp thông giữa các cá nhân, giữa các hội đoàn, ban, ngành rất là quan trọng.

Trong phương pháp quản trị cộng đoàn hoặc giáo xứ, Cha giảng thuyết lập đi lập lại sự quan trọng của Team Work (sinh hoạt theo nhóm). Mỗi cá nhân có khả năng riêng của mình để đóng góp vào Team Work, mỗi người phải quên đi ý muốn riêng tư để tránh Conflict of Interest (Xung khắc về ý thích riêng tư). Team work rất hữu hiệu để khi vắng người này thì người khác có thể thay thế làm việc. Team work là coming together (cùng đến với nhau), keeping together (liên kết với nhau) để working together (cộng tác với nhau). Khi cùng làm việc chung với nhau, chúng ta cần có những công thức, cách thức làm việc để tránh những xung khắc do các dị biêt về ý thích riêng tư. Ngài đan cử một số thí dụ điển hình tại giáo xứ của ngài.

Để quản trị cộng đoàn hoặc giáo xứ, chúng ta cần có Hội Đồng Mục Vụ và Hội Đồng Tài Chánh. Những thành viên của các hội đồng này chẳng khác gì cánh tay nối dài của Cha Chính Xứ, Cha Quản Xứ hay Cha Quản Nhiệm. Hai hội đồng này tuy biệt lập nhưng làm việc chung với nhau theo đường lối tôn chỉ của Giáo Phận, của cộng đoàn hoặc giáo xứ. Các linh mục tại cộng đoàn hoặc giáo xứ sẽ đến khi được bài sai và đi khi được bài sai phục vụ nơi khác, nhưng giáo dân vẫn luôn ở lại gắn bó với cộng đoàn hoặc giáo xứ. Vì thế, ngài cũng nhắc nhở bổn phận đóng góp công của trong việc xây dựng và duy trì cộng đoàn của người giáo dân. Ngài cho biết là người theo đaọ Tin Lành phải đóng góp 10% (10 phần trăm) lợi tức chưa trừ thuế của họ. Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội duy nhất và tông truyền nên Giáo Hội để chúng ta tùy lòng mến Chúa, yêu người mà đóng góp theo khả năng của mình. Vì thế ở các cộng đoàn hoặc giáo xứ, hệ thống bao thư đóng góp cần được thiết lập để giúp giáo xứ biết sự đóng góp của các gia đình và giúp họ có hồ sơ để khai thuế cuối năm nếu cần.

Ngoài hai hội đồng kể trên, cộng đoàn hoặc giáo xứ còn có Ban Thường Vụ (Chủ Tịch, Phó Chủ Tịch Nội Vụ, Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ, Thư Ký và Thủ Quỹ). Quý chức trong Ban Thường Vụ được đề cử hoặc bầu phiếu từ trong các Ban Chấp Hành Hội Đoàn, Ban, Ngành vì họ là những người đang phục vụ nên chúng ta biết rõ họ sẽ sẵn sàng nhận lãnh thêm trách vụ được trao phó.

Cha giảng thuyết cũng nhấn mạnh là các Cha Chính Xứ, Cha Quản Xứ hoặc Cha Quản Nhiệm rất cần sự hợp tác của các giớì chức trong việc phục vụ mục vụ vì Chúa, vì phần rỗi của chính chúng ta và phần rỗi của các linh hồn. Chúng ta cần cầu nguyện để bớt bỏ cái tôi, để biết sống đối thoại hơn là đối đầu và để ơn Chúa Thánh Thần làm việc trong mỗi người chúng ta. Chính vì thế, những buổi tĩnh tâm, những ngày tĩnh huấn là món ăn tinh thần giúp người phục vụ mục vụ biết sống đúng vai trò đòi hỏi nơi mình khi nhận lời dấn thân phục vụ.

Để kết luận, Cha giảng thuyết tóm tắt các ý chính là người lãnh đạo mục vụ tại cộng đoàn hoặc giáo xứ cần phải sống tinh thần hy sinh phục vụ qua tinh thần trách nhiệm, qua tinh thần liên đới, qua tinh thần tổ chức và quan trong trước hết là tinh thần từ bỏ chính mình, từ bỏ “cái tôi” vĩ đại của chính mình để biến thành “cái chúng ta” và “cái siêu chúng ta”.

Sau phần thuyết giảng, Cha Phạm Hương cũng đã đón nhận và chia sẻ các ý kiến, các câu hỏi thắc mắc của các tham dự viên. Trong khi đó, quý vị chủ tịch các cộng đoàn họp chung với Cha Chủ Tịch Miền để bàn về các sinh hoạt trong Miền và bầu lại Ban Chấp Hành Giáo Dân cho nhiệm kỳ 2013-2017.

Mở đầu buổi họp của quý chức trong Miền dưới sự chủ tọa của cha chủ tịch Đinh Công Huỳnh, ông Bùi Hữu Thư đứng lên ngỏ lời cám ơn cha Chủ Tịch Miền đã chấp nhận sự từ nhiệm của ông, và đã ưu ái tặng cho Bằng Tri Ân về 23 năm phục vụ với tư cách chủ tịch Ban Chấp Hành Giáo Dân Miền (1980-1990, 2000-2013). Ông cũng cám ơn ông Đinh Văn Chính, trong chức vụ XLTV Ban Chấp Hành Giáo Dân Miền đã phối hợp chu đáo cho việc tổ chức Hành Hương Miền 2013 tại St. Elizabeth Seton, Emmitsburg, MD, và Tĩnh Huấn Miền năm nay. Sau đó ông Bùi Hữu Thư đã xin phép để đứng ra điều khiển cuộc bầu cử Ban Chấp Hành Miền mới. Kết quả được thông báo như sau:

Tân Chủ Tịch Miền: Ô. Đinh Văn Chính
Tân Phó Chủ Tịch Nội Vụ: Ô. Nguyễn Minh Hoàng
Tân Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ kiêm Ban Phụng Vụ: Ô. Nguyễn Văn Thành
Tân Tổng Thư Ký: Ô. Nguyễn Dũng Tiến.
Tân Ban Truyền Thông: Ô. Trần Ngọc Phát
Phần thủ quỹ của Miền do Cha Trịnh Minh Quân đảm trách.

Kết thúc Ngày Tĩnh Huấn Miền Trung Đông 2013 là Thánh Lễ Tạ Ơn lúc 3 giờ 45 chiều cùng ngày. Mọi người ra về trong niềm hân hoan, phấn khởi vì các giới chức tham dự ngày tĩnh huấn ngoài thực phẩm tinh thần qua lời giảng của Cha Phạm Hương, còn được giáo xứ Đức Mẹ La Vang lo lắng rất đầy đủ qua những bữa điểm tâm nhẹ và bữa ăn trưa ngon miệng không thua kém nhà hàng. Cha Chủ Tịch Miền hẹn gặp lại quý chức tại Giáo Đoàn Mẹ Thiên Chúa, Harrisburg PA trong Ngày Tĩnh Huấn Miền 2014.
 
Giáo Xứ Thạch Bích bồi dưỡng kiến thức giáo lý cho các Tân Tòng
Tin Yêu
09:38 25/10/2013
HÀ NỘI – Sau lễ Khánh Nhật Truyền Giáo vừa qua, thứ hai ngày 21 tháng 10 năm 2013, cha xứ Phao-lô Nguyễn Văn Đoàn – chính xứ Thạch Bích đã tổ chức ngày bồi dưỡng Đức Tin cho các tân tòng trong xứ, tính từ 5 năm trở lại đây (2009 - 2013).

Xem hình ảnh

Chương trình được bắt đầu bằng phần chào mừng với những Slideshows về hôn nhân và gia đình. Trong phần này, các tân tòng cũng được tập những bài hát sinh hoạt thật vui nhộn, đặc biệt bài hát chuẩn bị cho giờ cầu nguyện - lời của thánh Augustino: “Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con, để con được gặp gỡ Chúa, để con tìm lại chính con.”

Ngày gặp gỡ đã có ba giờ chia sẻ với các tân tòng. Khởi đầu, thày giúp xứ chia sẻ với chủ đề: “Thập Điều Giao Ước”. Tiếp theo cha phó Phêrô Nguyễn Ngọc Trung chia sẻ về các Bí Tích, sau đó cha phó Antôn Ngô Văn Thông giúp các tân tòng xét mình và cách thức xưng tội…Sau các giờ chia sẻ, các tân tòng đã lần lượt đến với Bí Tích hòa giải. Cuối cùng là cầu nguyện tạ ơn và kết thúc.

Đã có rất nhiều thắc mắc và những câu hỏi được đặt ra: Thầy ơi chúng con mới rửa tội, chưa xưng tội lần nào thì phải xưng tội thế nào?; Thầy ơi con có ý định làm điều xấu thì có phải xưng tội không?... Cha ơi chúng con thực hành việc hiếu hỷ nơi gia đình nhà con(tôn giáo bạn) thì phải làm sao?...

Thời gian của buổi gặp gỡ thật ngắn ngủi nhưng phần nào đã giúp các tân tòng ôn lại và biết thêm về giáo lý cơ bản của Giáo Hội Công Giáo. Một buổi gặp gỡ tràn đầy niềm vui và tiếng cười. Anh chị em tân tòng xin quý cha tổ chức cho họ một năm hai ngày gặp gỡ như hôm nay.

Ước mong qua buổi gặp gỡ hôm nay, anh chị em tân tòng phần nào hiểu biết về đạo Chúa hơn, yêu mến Chúa và Giáo Hội nhiều hơn. Biết dùng đời sống bác ái yêu thương, để tiếp tục xây dựng đời sống đạo, xây dựng đời sống Đức Tin, cùng nhau bồi đắt nền văn minh tình thương và sự sống.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lãnh đạo đảng
lykhách
17:05 25/10/2013
Lãnh đạo đảng,

Độc tài - dốt nát cộng tham ô
Đảng lãnh đạo hành xử tựa giang hồ
Trù dập đám dân oan cùng khổ
Băng công an phối hợp với côn đồ!

Phê-và-tự-phê kiểu sướng-và-tự-sướng
Độc đảng bao che nhau bất lương
Những đứa gian ác được khen thưởng
Vạn dân oan dạt xó chợ đầu đường!

Thủ tướng “bao cao su” Dũng bất dũng
Chủ tịch bất tài để sâu bọ ung dung
Gã bất trí quản quốc hội vô dụng
Lú nhất lại…cầm đầu đảng gian hùng!

Cùng cái quốc hội để làm chi?
Tàu lấn Biển Đông coi ta có ra gì
Cùng hèn núp sau chữ “nhạy cảm chính trị”
Bịt miệng bắt cả nước câm đi!

Có bao giờ nước đến nỗi này hèn?
Đảng sợ từ Tàu lạ đến Tàu quen
Độc đảng vì sợ mất độc quyền
Dựa giặc Tàu đổi nhục lấy bình yên

Chính đảng là thế lực phản động
Là bầy Việt gian lừa bịp non sông
Xã Hội Chủ Nghĩa là sợi giây thòng lọng
Cộng Tàu cột cổ đảng vào tròng!

Tàu cười, đảng như khỉ nhảy cười
Tàu vui, đảng cũng lúc lắc đuôi
Lúc Tàu bựa lời lớn nhỏ chửi
Đảng hóa câm khiếp nhược chẳng ra người!

Thế nước độc quyền trong tay đảng
Đảng lại kẹt cứng vai chư hầu
Tương lai đất nước không sáng láng
Vận nước kẹt đảng, đảng kẹt Tàu!

Bởi chúng quá tham và quá giàu
Đảng độc quyền ăn chia chác nhau
Gian tham đời cha củng cố đời con cháu
Dựa lưng bất lương sống nhờ Tàu!

“Người ta lớn bởi vì ta cúi xuống
Hỡi nhân dân hãy đứng thẳng lên!”
* (thơ Marat)
Đừng lầm lẫn chữ “hèn” với “độ lượng”
Nhục riêng có thể tha - nhục nước không thể quên!

Kẻ cúi xuống có trăm nhân danh để cúi
Nhân danh vị tha, bác ái , chấp nhận bất công
Họ sợ sự thật khi phơi bày trần trụi
Giả nhân nghĩa ăn theo bọn bất nhân!

Có kẻ cúi xuống để được cho ăn
Để được chia quyền cướp giựt tài sản dân
Kẻ vì lợi danh cũng a-dua bán đứng
Lương tâm, anh em và ngay cả non sông!

Ôi thời đại nhập nhằng giữa chính - tà
Cái ác buổi cực thịnh gian ma
Chính quyền côn đồ cùng kẻ đạo đức giả
Đồng bọn con buôn bán xã tắc sơn hà!
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Di sản Gioan Phaolô II nơi Đức Phanxicô
Vũ Văn An
17:15 25/10/2013
Người ta hay so sánh giữa Đức Phanxicô và Đức Bênêđíctô, vị tiền nhiệm tức khắc và hiện còn sống của ngài, chứ ít ai so sánh ngài với Chân Phúc Gioan Phaolô II mà lễ nhớ được mừng vào ngày 22 tháng Mười vừa qua. Đây là dịp để ta tự hỏi các chủ đề nào của Đức Gioan Phaolô II vẫn còn sống động đến lúc này trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô.

Tiến sĩ Edward Mulholland trên trang mạng của Viện Gregorian thuộc Cao Đẳng Biển Đức cho rằng ba chủ đề sau đây cho thấy tính liên tục rất mạnh giữa hai vị nối nghiệp Thánh Phêrô này: hiểu con người nhân bản trong nét cao cả và thảm hại của họ sau khi sa ngã, tuyên xưng một Thiên Chúa giầu lòng xót thương, và thúc đẩy truyền giáo phát sinh ở chỗ hai thực tại này gặp nhau.

Cả Chân Phúc Gioan Phaolô II lẫn Đức Phanxicô đều hay nói tới phẩm giá của con người nhân bản. Thông điệp thứ nhất của Đức Gioan Phaolô II, Redemptor hominis, là cốt chính đối với tư tưởng và trọn hướng đi của triều đại giáo hoàng của ngài. Các sáng kiến mục vụ trong Năm Thánh Cứu Chuộc, Năm Thánh Ngàn Năm Mới, trong các gặp gỡ với giới trẻ và trong rất nhiều chuyến tông du và viếng thăm, tất cả đều xoay quanh việc tìm hiểu con người nhân bản trong nét cao cả của họ và trong mầu nhiệm tội lỗi và sự Sa Ngã. Ở cốt lõi các trước tác của Đức Gioan Phaolô II, ta thấy sự thật sâu xa về số phận con người và việc họ triệt để cần một Đấng Cứu Chuộc.

Đối với Đức Phanxicô, ta thấy điều trên trong việc ngài không ngừng vươn tay ra nắm lấy những con người đã sa ngã lại càng sa ngã hơn nữa vì bị đặt ra ngoài mọi chăm sóc và quan tâm của anh em đồng loại. Đó là những người bị đẩy ra bên lề, những người bị lãng quên, những người tị nạn chết đuối ngoài khơi Lampudesa. Và đối với những người khá giả của Phương Tây, Đức Phanxicô coi việc ưu tiên hóa giầu sang và tiện nghi vật chất trên việc chăm sóc người túng thiếu của họ là dấu chỉ và hậu quả của việc thiếu đức tin; đối với ngài, chỉ có đức tin mới tạo nền tảng vững chắc cho một xã hội trong đó, người ta thực sự chăm sóc lẫn nhau.

Trong Ánh Sáng Đức Tin, ngài viết: “Sự thống nhất của con người chỉ có thể quan niệm được trên căn bản tiện ích, trên tính toán thiệt hơn về quyền lợi hay trên sự lo sợ, chứ không trên sự tốt đẹp của việc sống chung với nhau, không trên niềm vui mà chỉ có sự hiện diện của người khác mới đem lại được. Đức tin làm ta biết đánh giá cơ cấu tương giao nhân bản vì nó nắm được nền tảng tối hậu và số phận dứt khoát của các tương giao này nơi Thiên Chúa, nơi tình yêu của Người, và do đó, dõi được ánh sáng lên nghệ thuật xây dựng; hiểu như thế, nó trở thành một phục vụ đối với ích chung” (Ánh Sáng Đức Tin, số 51).

Cả nơi Đức Gioan Phaolô II lẫn Đức Phanxicô, cái hiểu sâu xa trên về chiều cao mà con người có thể vươn tới cùng với vực thẳm mà họ từng rơi xuống quả thật làm nổi bật quan niệm về một Thiên Chúa chủ yếu xót thương. Lòng thương xót của Chúa là lời đáp trả sự Sa Ngã của con người, và lòng thương xót ấy có tên là Giêsu Kitô, Thiên Chúa Nhập Thể.

Thông điệp thứ hai của Đức Gioan Phaolô II là một suy niệm kéo dài về Chúa Cha “giầu lòng thương xót”. Ngày phong hiển thánh của ngài, Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, nhắc ta nhớ tới công ngài thúc đẩy việc lập ra ngày lễ này, và việc ngài hấp hối vào vọng Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa năm 2005. Thiên Chúa, Đấng “giầu lòng thương xót”, được nhắc tới trong lời nguyện đầu Thánh Lễ cử hành vào ngày kính Chân Phúc Gioan Phaolô II.

Lời giảng và gương sáng của Đức Phanxicô đặt căn bản trên mệnh lệnh chính yếu, là bắt chước Chúa Giêsu về lòng thương xót người khác. Lòng thương xót này đặt căn bản trên ý niệm Thiên Chúa là Cha thương xót. Mọi ý niệm khác về Thiên Chúa, như đấng tạo hóa, đấng ban lề luật, quan tòa, v.v... đều được hiểu dưới ánh sáng tình yêu thương xót. Nội dung căn bản của đức tin là niềm tin vào một Thiên Chúa tình yêu. Điều này lên khuôn toàn bộ chương một của thông điệp Ánh Sáng Đức Tin. Đức Phanxicô ít khi lên tiếng mà lại không nhắc tới tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Đối với cả Đức Gioan Phaolô II và Đức Phanxicô, mệnh lệnh truyền giáo phát sinh từ cái hiểu sâu xa đối với tình yêu Thiên Chúa và nhu cầu con người. Chúa Giêsu là Thiên Chúa cứu chuộc, Đấng nhập thể tình yêu Thiên Chúa, xuống thế để cứu chuộc ta khỏi tội lệ và tái lập ra vào địa vị cao cả. Tội lỗi ta và tính hay sa ngã của ta không kết thúc lịch sử ta; sự sống con người không phải là thảm kịch; điều kỳ lạ và bất ngờ nhất đã xẩy ra: Thiên Chúa đã trả hết món nợ không cùng của ta cho sự công bằng thần linh bằng giá đau khổ nhân bản.

Sứ mệnh của ta như một Giáo Hội là công bố Tin Mừng đó, cử hành Tin Mừng đó trong phụng vụ, được nuôi dưỡng bằng sự tươi mát không cùng của nó trong các bí tích, và sống Tin Mừng đó một cách hân hoan và mời gọi để người khác cũng được lôi cuốn vào sự thật chính yếu của ơn cứu rỗi này. Bất cứ khi nào các điều này xẩy ra, tên của nơi Lời Chúa được công bố, Thân Thể Người được truyền phép, ơn thánh Người được san sẻ, tình yêu Người được trải rộng ra khắp mọi người, chính là Giáo Hội, bất luận xẩy ra trong một tòa nhà hay nơi những bàn tay thiện nguyện trên một cánh đồng truyền giáo vô danh. Ta chỉ là Kitô hữu bao lâu nhập thân được sứ mệnh của Chúa Kitô và san sẻ lòng thương xót của Chúa cho mọi người ta gặp, những người nam nữ, giống như ta, đang rất cần ơn thánh Chúa.

Thông điệp của Đức Gioan Phaolô ban hành sau ngày chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, tựa là Centesimus Annus đã dành trọn một chương nói về con người như là “con đường của Giáo Hội”. Động lực truyền giáo đẩy ta quá bên kia việc giảng giải bằng lời. Lời Thiên Chúa cũng phải trở nên máu thịt nữa nơi các hệ thống chính trị và kinh tế công chính. Tháng Mười năm 1978, Đức Cựu Hồng Y Karol Wojtyla đã khởi đầu triều giáo hoàng của ngài bằng cách nói với mọi người rằng “Anh chị em đừng sợ” phải mở rộng cửa Giáo Hội, mở rộng tâm hồn mình và mở rộng cả cửa các hệ thống chính trị và kinh tế nữa. Đối với Đức Gioan Phaolô II, sống cuộc sống tại những nơi, trong đó tất cả chúng ta đều giúp đỡ mọi người để họ nên tốt hơn, vừa là một nhân đức vừa là một nguyên tắc xã hội tức tình liên đới.

Đối với Đức Phanxicô cũng thế, đó chính là cốt lõi sứ mệnh của Giáo Hội. Bất cứ cải tổ nào, bất cứ sự cử nhiệm giám mục nào, bất cứ hành động nào của Vị Đại Diện Chúa Kitô, đều được phán đoán bởi tiêu chuẩn tối hậu này: liệu quyết định này có giúp Giáo Hội sống sứ mệnh của Chúa Kitô tốt hơn không? Ngài không muốn có người ngồi trong các hàng ghế cho bằng các tông đồ năng động lên đường rời bỏ các bãi đậu xe ở nhà thờ.

Bỏ qua các dị biệt về phong thái và nhân cách, tâm hồn hai vị giáo hoàng này cực kỳ tương tự nhau. Xét về nhiều phương diện, đó chính là sự nhập thân trái tim của Công Đồng Vatican II, từng được Đức Gioan XXIII triệu tập. Đức Phanxicô quả đã học được bài toán thần học từ Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Khốn Cùng + Thương Xót = Truyền Giáo.
 
Loan báo tin mừng cho dòng họ
Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
08:23 25/10/2013
LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ

Chia sẻ 21-26


LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 21

ĐÀO SÂU LINH ĐẠO LÀM CON THẢO


Như đã nói, dạy giáo lý không chỉ là truyền đạt những hiểu biết về Thiên Chúa và chương trình tình thương của Ngài, nhưng là dẫn vào một nếp sống mới, dưới sức tác động của Chúa Thánh Thần, tức là sống theo linh đạo của người làm con Thiên Chúa. Nói một cách giản dị, đó là sống theo Kinh Lạy Cha.

Ngày nay ở Việt Nam dường như sự phục hưng tinh thần gia tộc, với việc xây dựng từ đường, tôn tạo mồ mả cha ông đi đôi với sự phát triển những tin tưởng về phong thủy. Ngoài việc xem phương hướng, coi ngày giờ, người ta còn dùng những đồ vật trấn phong thủy như la kinh, la bàn, đá phong thủy đồ thị, đồng tiền cổ của các đời vua, xương thú vật, cẩm thạch, đá thạch anh, bùa chú, châu sa thần sa… Các cửa hàng phong thủy lớn nhỏ mọc lên nhan nhản ở các thành phố, với những món hàng giá lên đến vài chục triệu đồng, cũng có những món hàng cao cấp lên đến tiền tỉ. Nhưng phần lớn các món hàng phổ thông được bán với giá vài trăm ngàn đồng tới vài chục triệu đồng là bán chạy nhất và nhiều người ưa chuộng hơn cả. Trước đây việc phát huy Tây học, cuộc vận động của Tự Lực Văn Đoàn và các tác giả cùng thời cũng như ảnh hưởng Kitô giáo qua môi trường giáo dục đã đẩy lùi các tin tưởng và thực hành phong thủy, nhưng vài chục năm trở lại đây người ta lại đua nhau chạy theo phong thủy, mong nhờ đó mà mình và con cháu làm ăn phát đạt.

Thách đố lớn trong việc loan Tin mừng cho người cùng Dòng họ, là nêu lên được tính lừa dối của quan niệm phong thủy. Chính các con cái Chúa phải bước đi vững vàng trong tinh thần siêu thoát và giúp các tín hữu mới bước đi như thế, thoát khỏi não trạng ham mê tiền bạc vật chất. Muốn vậy, cần giúp họ xác tín và sống mãnh liệt các ý lực của Kinh Lạy Cha.

Kinh Lạy Cha giúp người tín hữu thoát ra khỏi chính mình. Những ý nguyện nơi phần thứ nhất của kinh này dạy ta đặt mục đích đời mình nơi Thiên Chúa chứ không phải nơi tiền bạc. Ý nguyện của phần thứ hai nhắc ta sống phó thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Chính trên những cơ sở ấy mà ta có thể sống yêu thương, hiệp thông, tha thứ và quên mình vì ích chung (x. Mt 6,25-34).

Để chữa lành bệnh dịch bạo lực và gian dối đang lan tràn hiện nay, cần phải giúp mọi người nhận ra mình là con cái của Thiên Chúa Tạo Hóa Tối Cao và là anh em của mọi người. Nếu không biết đến vị Cha Chung đầy nhân ái của muôn loài, Đấng thấu suốt cõi lòng và ân thưởng cả những điều quảng đại bé nhỏ nhất (x. Mt 10,41-42) thì quả là khó mà quảng đại quên mình vì ích chung. Ích chung đòi phải quên lợi riêng, cho nên ai cũng ngại. Nhờ nhận biết mình là con Thiên Chúa, người tín hữu sẽ quả cảm sống tinh thần vì ích chung, bắt đầu từ chính mình. Chính tinh thần vì ích chung sẽ giúp ta dám sống công bằng và chân thật, là những giá trị đang trở nên hiếm hoi giữa một xã hội đang quay cuồng chạy theo vật chất.

Muốn xây dựng một thế hệ hào hùng, thượng võ và quả cảm quên mình vì đồng loại, trước hết cần dạy cho họ biết hiếu thảo với Cha Cả trên trời, Đấng đang liên lỉ ngỏ lời với con cái mình cách thầm lặng nơi lương tâm họ. Việc giáo dục này chúng ta có thể thực hiện được bằng cách cố gắng thêm một chút để sống trọn lý tưởng hiệp thông của Tin mừng và chia sẻ với các tín hữu mới lý tưởng chính chúng ta đang sống. Đây là vấn đề và thách đố đặt ra không phải cho những người đồng tộc nhưng là cho cộng đồng tín hữu Công Giáo, ở bình diện giáo xứ cũng như giáo phận. Với kinh nghiệm bản thân về Giáo Hội Việt Nam, tôi nghĩ rằng đó là điều có thể làm được.

Tôi đã giữ được một kỷ niệm rất êm đềm và thánh thiện về Đà Lạt, là đã được sống tại đó trong thời gian giáo phận này được chuyển mình triệt để nhờ mọi người cùng nhau suy tư, cầu nguyện và tập sống theo khôn mẫu Giáo đoàn Giêrusalem tiên khởi. Hiệp thông, quả là Nước Trời giữa trần gian, dĩ nhiên là đang còn bất toàn với bao đấu tranh cần thiết. Tiếp đó, cuối năm 1990, được về Bắc Ninh và Phát Diệm, rồi những năm sau đó được trải qua một vài tuần chầu lượt tại Giáo phận Vinh, tôi được nhìn thấy thêm một phiên bản thực hành, không cần lý thuyết.

Về sau, tôi còn được nhìn thấy sự thể hiện tình hiệp thông tuyệt vời tại đơn vị hàng xóm: Giáo phận Kontum. Tại những nơi tôi có dịp sống và làm việc như Nha Trang, Sài Gòn, cũng như tại Giáo phân mẹ Qui Nhơn, tôi vẫn luôn được đầy an ủi do tình hiệp thông của bề Trên cũng như của anh em chung quanh. Tuy nhiên, cung cách thể hiện của cộng đoàn Công Giáo tại Kontum, như tôi được nghe và được thấy, quả là một bảo chứng để khẳng định rằng lý tưởng hiệp thông trong Công vụ Tông đồ là điều khả thi ngay ở thời đại này và theo cách của thời đại này. Tôi chỉ được thấy Đức Cha Paul Seitz một vài lần. Tôi chỉ được gặp gỡ nói chuyện với Đức Cha Alexis Phạm Văn Lộc và Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung một vài lần, còn Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh và anh em linh mục Kontum thì nhiều lần hơn. Điều khiến tôi xúc động là qua đó khuôn mẫu của các vị Thừa Sai nghèo, quên mình cho Tin mừng và cho Dân chúng vẫn còn được “sao y bản chánh” cho đến nay. Hiệp thông và hiệp nhất, quả là sức hút và chất men của Nước Trời.

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 22

NHÂN HÒA – ĐỊA LỢI - THIÊN THỜI


Tới đây, tôi xin phép được chia sẻ một vài kinh nghiệm rất riêng, để anh chọ em đồng đạo có thêm chất liệu cụ thể, tiện đối chiếu, suy tư và tìm kiếm trong lãnh vực dòng họ.

Ngày đất nước thống nhất, tôi được 28 tuổi. Việc thống nhất tạo thuận lợi cho việc đoàn tụ nhiều gia đình và gia tộc. Tôi quan tâm tìm sao chép lại bản gia phả đã được cụ trưởng tộc phiên âm sang chữ Quốc ngữ và cất giữ, thì được biết đã bị mối mọt ăn hư mất. Tôi tiếc ngẩn ngơ và mong sớm có ngày được về quê để đến kính viếng từ đường của Dòng họ nằm ở làng ngoài Công Giáo gần bên và xin tham khảo bản gia phả. Trong lúc chờ đợi, tôi vào thư viện tìm đọc và sao chụp những trang sách có nói về họ Võ và lịch sử họ Võ... Đọc được một số sách và bài có nói về nguồn gốc dòng họ Võ ở Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương cũng như ở Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, tôi càng háo hức sớm có dịp về Bắc tìm kiếm. Mãi mùa thu 1990, mộng mới thành.

Cha Giuse Lê Viết Phục, Dòng Chúa Cứu Thế, lúc ấy đã 70 tuổi, là một người cha và một người anh tôi hằng ngưỡng mộ. Biết được ước nguyện của tôi, ngài đã mời tôi theo ngài hành hương Giáo Hội phía Bắc trong vòng 3 tuần. Ngài hứa đưa tôi thăm hầu hết các Tòa giám mục phía Bắc và đặc biệt sẽ đưa tôi về làng quê An Nhiên và về gốc tổ Mộ Trạch. Quả là một món quà hết sức bất ngờ.

Sáng ngày 11-09-1990, chúng tôi về tới làng quê nơi tôi sinh trưởng là An Nhiên. Xế chiều tôi tìm đến thăm cụ tộc trưởng họ Võ huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) ở làng bên để thắp hương bái tổ. Sau ngót ba trăm năm xa cách về mặt tinh thần, tôi phập phồng không biết sẽ nói năng làm sao. Thế nhưng tôi đã được cụ tộc trưởng và con trai cụ là một nhà giáo dang rộng vòng tay đón nhận. Nhà giáo này nhanh nhẹn thu xếp mọi sự để chiều hôm sau tôi dâng thánh lễ cầu bình an cho dòng họ tại sân nhà cụ tộc trưởng.

Cuối thế kỷ 17, cụ tổ đời thứ sáu của họ Võ ở Thạch Hà là Hiển Dương Hầu Võ Tá Cảnh được ơn tin Chúa Cứu Thế Giêsu Kitô và dọn nhà sang sinh sống tại làng Công Giáo, cách khoảng một cây số đường chim bay. Người em trai út của ông là Cường Lộc Hầu Võ Tá Trọng đã đưa vai cáng đáng việc từ đường, nhờ đó mà việc tế tự truyền thống vẫn kéo dài mãi đến nay.

Cuộc chia tay để lại vết thương khó lành trong tâm khảm. Con đường từ thị xã Hà Tĩnh xuống cảng Hộ Độ gần như là ranh giới chia đôi, những làng Công Giáo ở phía Bắc và những làng lương dân ở phía Nam. Những hoàn cảnh lịch sử đã khiến hai bên trở thành xa lạ với nhau, rất ít khi giao thiệp. Thế mà chiều ngày 12-9-1990, khi tôi cử hành thánh lễ tại sân nhà cụ tộc trưởng Võ Tá Quê, thì có đến gần một trăm người cả lương lẫn giáo cùng tham dự. Chưa đầy hai ngày ở quê nhà, tôi được Thiên Chúa cho thấy bức tường vô hình đã sụp đổ.

Sau thánh lễ, tất cả cùng ngồi lại ăn bánh ngọt chia sẻ tâm tình. Tôi đã dự tính về xin tham chiếu gia phả nhưng tôi không còn kịp hỏi han gì đến chuyện ấy vì có một cái gì ở trên vừa ập xuống còn lớn lao hơn nhiều. Nhà giáo Võ Tá Tương cảm tác một bài đường luật bát cú ghi nhớ cuộc "sum họp". Bài thơ ấy đã mở màn cho cuộc xướng họa "sum họp". Đất nước thống nhất là địa lợi, lòng người cùng khắc khoải tìm kiếm như nhau là nhân hòa; và hơn thế nữa, còn có cả thiên thời. Vâng, nhờ ơn Chúa, đúng một tuần sau hôm dâng lễ ở từ đường, tôi tìm được ngôi mộ ông nội của vị tổ thế kỷ thứ IX mà cha tôi và các chú tôi thường nhắc đến, trên cánh đồng huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương. Trong cùng một buổi chiều ấy, hết sức bất ngờ, tôi còn tìm được cả những trang gia phả hơn 800 năm trước tại nhà một vị trưởng lão có tên là Thiên Hựu – Trời xếp đặt. Tôi gửi các bài họa của tôi cùng với hình chụp ngôi mộ và bản đồ chỉ đường đến đó. Những chi tiết ấy đã tạo thêm cảm hứng cho nhiều người. Có đến gần 40 bài họa của nhiều anh em các nhánh họ Võ khác nhau tại Hà Tĩnh, Nghệ An và cả Hà Nội. Những bài thơ này được chép tay, đánh máy, photocopy, phát tán không riêng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh mà còn lan đến một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam, góp phần làm dậy nên sức sống cho tình đồng tộc...

Kinh nghiệm ở đây, từ chuyện xướng họa thơ Đường giữa những người luống tuổi, tôi muốn gợi ý với các bạn trẻ sử dụng những phương tiện truyền thông ngày nay vào việc xây dựng tình đồng tộc và loan báo Tin mừng: email, chat, nhắn tin, nhạc chờ, blogs, facebook...

Chuyện thiên thời đối với tôi còn có nghĩa là những ơn lạ, lặp đi lặp lại nhiều lần trên hành trình tìm về nguồn cội, giúp tôi tìm ra được cả những manh mối nối liền được một số nhóm bị đứt đoạn về gia phả suốt mấy trăm năm qua, như tôi đã kể lại ở cuối quyển Về Với Cội Nguồn. Tôi có cảm tưởng những ơn ấy là những tín hiệu siêu nhiên muốn nhắn nhủ rằng việc nối kết dòng họ đang được Thiên Chúa chúc lành như một nẻo đường hồn nhiên của Tin mừng.

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 23

HƯỚNG TỚI THẾ HỆ TRẺ


Loan Tin mừng qua con đường dòng họ không chỉ là chuyện có tính giai đoạn nhân kỷ niệm 50 năm huấn thị “Plane compertum est”. Lệnh truyền của Chúa là loan báo Tin mừng đến tận cùng thế giới, từ thế hệ này qua thế hệ khác cho tới ngày Chúa lại đến. Như thế, vai trò các thế hệ trẻ rất quan trọng.

Nơi phong trào tìm nguồn cội của người lương cũng như người giáo, thoạt đầu, chỉ những người về hưu mới quan tâm. Nay giới phụ huynh trẻ 35-45 tuổi bắt đầu nhập cuộc nhiều. Những người trẻ hơn thường ít bận tâm hơn. Do đó, cần nỗ lực đào tạo ý thức cội nguồn cho thế hệ trẻ.

Trước tình cảnh sự học sa sút, năm 1990, chúng tôi đã thiết lập việc khuyến học trong phạm vi gia tộc, lấy ngày giỗ ông nội làm "ngày truyền thống gia tộc" đồng thời cử hành ngày này theo dương lịch cho các bạn trẻ dễ nhớ.

Một số phụ huynh trẻ thấy chương trình khuyến học khá hữu ích, tích cực theo đuổi và việc phát thưởng nhân "ngày gia tộc" vẫn tiếp tục cho tới ngày nay. Trong ngày này chúng tôi ưu tiên quy tụ các cháu nhỏ, không mời người ngoài, chỉ tập trung lo xây dựng trong nội bộ. Giá trị vật chất của các phần thưởng không đáng kể nhưng vẫn là một cái gì háo hức đối với các cháu mẫu giáo và các lớp nhỏ. Ngày gia tộc cũng lôi cuốn với các học sinh lớn nhờ đó là dịp để các cháu đi chơi. Do chúng tôi không có từ đường, ngày này được tổ chức lưu động tại bất cứ gia đình nào đăng cai tổ chức. Cả những gia đình trẻ và cả những cháu ngoại cũng được quyền đăng cai tổ chức. Nhà nào lo giỗ năm sau sẽ rước di ảnh Ông Bà về lo hương khói trong một năm. Bù lại trong năm mọi người được nhắc nhở cầu nguyện cho gia đình ấy. Như thế chúng tôi có một từ đường lưu động hằng năm, đi theo di ảnh Ông Bà. Các gia đình trong dòng tộc chúng tôi ở tại ba tỉnh miền Trung và cả ở Sài Gòn, hằng năm các cháu đều có dịp quy tụ ở những địa phương khác nhau. Hơn nữa, dù tổ chức ở đâu, ngoài thánh lễ, buổi phát thưởng và bữa ăn gia tộc, còn có chương trình dã ngoại hoặc du lịch tham quan. Thêm vào đó, vì không có ruộng hương hỏa hoặc một nguồn lợi tức nào để chi dùng cho việc gia tộc, chúng tôi xây dựng quỹ hương hoa bằng sự quyên góp hằng năm, ngay trong ngày gia tộc. Một phần được giữ lại cho quỹ học bổng, một phần được giao cho gia đình đăng ký tổ chức ngày gia tộc năm sau.

Trong cuộc họp mặt đầu tiên về gia phả dòng họ năm 1996 tại hội trường Viện Sử Học Hà Nội, nhiều đại biểu cũng tỏ ra đồng cảm với điều tôi chia sẻ. Tôi lưu ý mọi người rằng tìm lại quá khứ là để phục vụ tương lai. Trong thâm tâm những người nhiệt thành với nguồn cội, ai cũng biết rằng công việc của mình trước hết là nhằm ích lợi tinh thần cho con cháu. Xu thế suy thoái đạo lý trên thế giới thật đáng lo ngại: Phim ảnh bạo lực và tình dục cộng với bao nhiêu tệ nạn khác của văn minh hưởng thụ sẽ càng lúc càng phá hỏng những nền móng của đạo đức cá nhân, gia đình và xã hội. Việc dựng lại gia phả, nêu cao tình gia đình và gia tộc là một phương thế có thể góp phần hữu hiệu vào việc giáo dục đạo lý cho con cháu. Từ góc nhìn của một linh mục, tôi thấy ngày nay muốn chấn hưng đạo đức cho lớp trẻ, chỉ riêng nỗ lực của gia tộc hoặc của tôn giáo thôi không đủ, cần có sự hợp tác của cả đôi bên. Chính vì thế mà tôi tham gia nghiên cứu về gia phả dòng họ. Dù chưa thu thập được đầy đủ các chi tiết cần thiết, dù còn bất toàn và đầy hạn chế, bản gia phả vẫn là một phương tiện có tác dụng rất lớn trong việc đào tạo lòng biết ơn tiền nhân, gây ý thức tự trọng và tạo tinh thần cầu tiến.

Gia tộc chúng tôi cũng tìm cách để biến gia phả thành một phương tiện thu hút sự chú ý của các cháu nhỏ và đào tạo tình gia tộc cho các cháu. Xưa tại Việt Nam, chỉ những người đã khuất mới được ghi vào gia phả. Nay chúng tôi ghi vào gia phả cả những cháu nhỏ mới sinh. Hiện chúng tôi đang thí nghiệm phiên bản CD của gia phả, đã thực hiện cách nay năm năm. CD này sẽ cập nhật năm năm một lần, có hình từng gia đình và từng cháu, các cháu có thể bấm tìm như trên một website. Qua thử nghiệm, các cháu nhỏ tỏ ra rất thích thú khám phá nhiều điều về dòng họ, gia tộc và họ hàng trên màn ảnh vi tính. Chúng tôi cũng mong tìm người thiết kế một trò chơi điện tử về gia phả và dòng họ để đưa vào CD này cho các cháu nhỏ thêm hào hứng.

Việc đào tạo ý thức về Đạo Hiếu còn được thực hiện qua việc hành hương về nguồn cội. Năm 2005, kỷ niệm 50 năm cuộc di cư, chúng tôi đã đưa các cháu về cử hành ngày gia tộc tại gốc tổ Hà Tĩnh. Một vài vị cao niên, một số phụ huynh trẻ và một linh mục trong gia tộc dẫn đầu đoàn hành hương về phát thưởng tại một gia đình ngoài ấy, dâng lễ tại nhà thờ xứ và thắp hương niệm tổ tại từ đương bên làng lương.

Nhà giáo Võ Tá Tương đang diễn giải cho các bạn trẻ hành hương 2005 hiểu những nếp xưa

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 24

ĐẾN VỚI LƯƠNG DÂN


Hiện nay có nhiều gia đình và gia tộc Công Giáo đang cố gắng tiếp tục triển khai một bản gia phả còn may mắn giữ được hoặc đang gom góp tư liệu để dựng lại gia phả. Đó là sáng kiến quý và là một khởi đầu tốt. Với viễn tượng loan báo Tin mừng, việc này không nên dừng lại trong nội bộ những gia đình đã theo Chúa nhưng cần quyết tâm mở rộng tới anh chị em ngoài Công Giáo. Nhiều trường hợp đôi bên còn giữ được liên hệ qua việc giỗ chạp. Anh chị em lương dân thường khá kỹ lưỡng trong việc lưu truyền gia phả. Ta có thể nhờ đó mà tìm lại được thông tin về những thế hệ xưa.

Việc mời nhau trong dịp giỗ chạp nay đã bình thường. Những ngày truyền thống từng gia tộc tại các nhà thờ Công Giáo là dịp để mời anh chị em đồng tộc bước tới nhà Chúa, và cũng là dịp để họ đáp lễ bằng cách mời ta đến thăm từ đường của họ trong các dịp giỗ. Đức Thánh Cha Phanxicô thật chí lý khi nhấn mạnh đến viếng thăm và gặp gỡ. Chính sự gặp gỡ sẽ hóa giải những hiểu lầm.

Ở quê tôi, trước kia hai làng lương và giáo rất ít qua lại, thậm chí còn tránh mặt nhau. Thế nhưng sau thánh lễ cử hành tại từ đường bên làng lương tháng 9-1990, người dân hai bên dần dần trở nên thân thiện. Ngày giỗ Thanh Minh, khi được mời đến dự, bà con đồng tộc Công Giáo đem theo hương đèn, hoa quả (Thật ra chỉ mấy năm đầu khi mới tái lập quan hệ mới cần mời, về sau, việc về thắp hương và đóng góp trong ngày giỗ không phải đợi ai mời nhưng là một bổn phận).

. Khi tôn tạo từ đường, anh chị em Công Giáo cũng đóng góp tiền bạc. Bù lại, khi giáo xứ xây dựng nhà thờ mới, anh chị em lương dân quan tâm thăm hỏi, đóng góp. Ngày khánh thành nhà thờ xứ, có một đoàn bên làng lương đến mừng. Một gia đình ở đó còn công đức cả hệ thống âm thanh và đèn cao áp cho nhà thờ mới.

Sự gặp gỡ cảm thông giúp thay đổi cái nhìn. Bài ca tế Thanh Minh trước kia nhận định rằng “Đức Hiển Dương vốn dòng trưởng chánh, việc từ đường vắng tạnh khói hương”, nay đã đổi thành: “Hiển Dương Hầu ở ngôi cháu trưởng, đổi sang đường tín ngưỡng Kitô”. Thay vào sự phiền trách là sự ghi nhận khách quan, có phần trân trọng. Có thể nói theo Đạo Chúa không còn là bỏ Ông bỏ Bà.

Sự có qua có lại này ngày càng thắm thiết. Bản thân tôi là linh mục cũng cố gắng để khắc sâu mối thân tình. Mỗi lần có dịp về thăm quê, tôi đều dành thời giờ thăm vị Tộc trưởng và người bạn tâm giao là nhà giáo Võ Tá Tương. Tôi đến thắp hương ở từ đường và khi có điều kiện, tôi dâng thánh lễ ở đó. Dù xa xôi ngàn dặm, hàng năm đến giỗ Thanh Minh, vị tộc trưởng đều gọi điện mời tôi. Một vài lần tôi đã vượt khó khăn để về dự. Một số lần khác, tôi đã gọi điện về xin cha xứ hiện diện thay tôi. Cha Phêrô Nguyễn Đại, khi là chính xứ An Nhiên, đã hai lần đến thắp hương tại từ đường Hà Hoàng và được mời phát biểu trước hàng mấy ngàn người về dự đại tế.

Sự nhập cuộc của các linh mục được anh chị em người lương quý chuộng cách riêng. Vì thế, mỗi khi bắt liên lạc được với một dòng họ nào, tôi đều cố gắng giới thiệu một cha thuôc dòng họ ấy. Tại Lý Sơn, cha Phạm Đức Thanh DCCT đã cùng tôi đến thắp hương ở từ đường họ Phạm; tại Qui Nhơn, cha Văn Ngọc Anh đã cùng tôi đến thăm nhà cụ trưởng lão họ Văn đang hoàn thiện bản gia phả dòng họ.

Đã có những linh mục ghi nhớ ngày giỗ dòng họ mình và tích cực đến hiệp thông, thắp hương. Tại Hải Dương, hằng năm tới ngày lễ hội họ Vũ, Đức Giám Mục Hải Phòng Giuse Vũ Văn Thiên vẫn có lẵng hoa gửi về. Trong năm 2012, có lần ngài đã cùng với 18 anh em linh mục mang họ Vũ về tổ đường này dâng thánh lễ đồng tế.

Đức Giám Mục Hải Phòng dâng lễ tại nhà khách dòng họ Vũ Võ ở Mộ Trạch.

Với những người đã tham dự ngày truyền thống dòng họ tại nhà thờ giáo xứ, ta nên quan tâm lui tới thăm viếng. Mỗi giáo xứ thường có sẵn những nhóm anh chị em lo thăm viếng, cụ thể là các anh chị Legio Mariae, vẫn thường thăm người neo đơn, bệnh tật, vv… ta nên liên kết nhờ họ cùng đi thăm để việc thăm viếng được nhịp nhàng đều đặn hơn. Những người cao niên thường nghĩ nhiều về đời sau, và cũng không còn vướng mắc xã hội, ta nên mạnh dạn chia sẻ về đức tin và cầu xin Chúa mở lòng cho họ. Ngày giờ của họ càng lúc càng ngắn ngủi, cần được ta quan tâm giúp hoàn tất cuộc đời đúng như Chúa mong chờ cho họ. Khi một vị lão thành tin nhận Chúa, con cháu người ấy sẽ dễ hướng lòng về Chúa hơn.

Cần lưu ý rằng việc loan Tin mừng của anh em Tin Lành kết quả nhiều là nhờ họ thăm viếng nhiều. Có một đôi bạn từ Trung Quốc theo học một Đại học Công Giáo tại Mỹ để nghiên cứu về Kitô giáo. Khi ra trường, họ bày tỏ nỗi ngạc nhiên:

- Tại trường Đại Học này, có rất nhiều linh mục, tu sĩ và nữ tu Công Giáo, nhưng hơn ba năm ở đây không có bất cứ một ai đến thăm chúng tôi, ngược lại mỗi ngày Thứ Sáu đều luôn có người Tin Lành đến nói về Kinh Thánh cho chúng tôi nghe.

Có lẽ câu nói ấy phải khiến chúng ta tự vấn nhiều trước anh em và trước nhan Chúa.

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 25

KHÓ KHĂN VÌ GIÁN ĐOẠN PHẢ LIỆU - NHỮNG ĐƯỜNG DẪN CO DÃN


Khi mở rộng vòng giao lưu tới anh chị em đồng tộc ngoài Công Giáo, ta sẽ thấy khó khăn trong việc phục hồi gia phả là chuyện chung của các gia tộc hiện nay, không riêng gì lương hay giáo.

Bản gia phả chi tộc chúng tôi đã được chuyển dịch sang chữ Quốc ngữ khoảng năm 1950. Tiếc thay nó đã bị mối mọt phá hủy. Sự kiện ấy giúp tôi đồng cảm với những nhóm mất hẳn gia phả, do chiến tranh, nghèo đói, không được đi học...

Hiện nay ở huyện quê nhà của tôi có nhiều gia đình Công Giáo mang cùng họ và cùng chữ lót với gia tộc chúng tôi, chưa kể nhiều gia đình cùng họ nhưng khác chữ lót, cũng bị mất gia phả như chúng tôi. Mỗi nhóm chỉ có thể quy tụ quanh những vị tổ gần đây hiện còn biết được nhưng khó mà xác định liên hệ thế thứ giữa vị tổ nhóm mình với những vị tổ các nhóm khác. Về mặt tâm tình đồng tộc, họ không ngần ngại nhận mình phát xuất từ cùng một vị trưởng tộc đã theo Công Giáo cách nay khoảng 300 năm, là Hiển Dương Hầu Võ Tá Cảnh, nhưng do thiếu phả liệu nên không sao nối kết thành một hệ thống chung.

Từ đó, tôi đề ra khái niệm "đường dẫn co dãn", có nghĩa là những gia đình nào muốn đều có thể tiếp tục viết bản gia phả của chính mình, bằng cách nối một đường dẫn co dãn từ tổ Võ Tá Cảnh đến vị tổ cao nhất mà gia đình ấy hiện còn biết được. Ví dụ nơi gia phả phía cha tôi, đường dẫn ấy sẽ nối từ tổ Võ Tá Cảnh cho đến tổ Võ Tá Dinh (tôi là cháu đời thứ năm), còn phía họ Võ của các cậu tôi và mẹ tôi đường dẫn sẽ nối thẳng từ tổ Võ Tá Cảnh đến tổ ngoại tôi là cụ Luca (tôi là cháu đời thứ tư).

Khi tôi mới nêu giải pháp này vào năm 1997, nhiều người còn ngần ngại. Thế nhưng, dịp tế Thanh Minh 2010, hầu hết các nhánh họ Võ tại giáo xứ quê tôi đều đã có mặt tại từ đường đại tôn (do bà con người lương đảm nhiệm) ở Hà Hoàng.

Nếu mỗi gia đình hiện nay đều có thể tự mình nối một đường dẫn co dãn như thế để tiếp tục viết gia phả, thì ai có thẩm quyền thừa nhận rằng gia đình ấy đúng là người trong họ? Theo tinh thần anh em về họp mặt trong những năm qua, sẽ không ai đặt vấn đề thừa nhận, ngược lại ai nấy đều vui mừng mỗi khi có thêm những anh em đồng cảm cả trong tâm tình đối với tổ tiên và tâm tình đối với hậu thế. Nói cách khác, bên cạnh những nỗ lực tìm ghi lại quá khứ, hiện còn có một xu thế coi trọng một gia phả tinh thần ít ra cũng ngang hàng với một gia phả bằng chữ viết.

Thật vậy, nếu phục hồi được những chứng liệu về một chuỗi liên hệ huyết thống đầy đủ và xác thực thì quý biết bao. Thế nhưng có lẽ đó không phải là mục đích duy nhất của việc thực hiện gia phả và, đàng khác, nhiều khi đó là điều không thể làm được. Ta liên kết là để thêm tình thêm nghĩa, chứ chẳng có gì để gọi là quyền lợi hay bổn phận. Nếu cứ khăng khăng phải tìm cho được chứng liệu liền mạch, chắc hẳn sẽ đến lúc người ta đành phải chia tay vì không thể nào còn giữ được những chứng liệu như thế.

Ngày nay, ai cũng hiểu rằng chuyện một mẹ trăm con chỉ là huyền thoại chứ không phải là gia phả thật. Công dụng của câu chuyện là tạo cơ sở để bất cứ gia đình nào cũng có quyền nối chính mình vào cội nguồn Âu Lạc.

Đường dẫn co dãn là chuyện bình thường trong gia phả học Kinh Thánh. Tại Trung Đông, xã hội du mục hơn 3000 năm trước đây đòi các bộ lạc phải nương vào nhau để sinh tồn. Các bộ lạc yếu tìm liên kết với các bộ lạc mạnh. Người ta thường khẳng định liên hệ giữa hai bộ lạc bằng một đường dây gia phả nào đó. Nghiên cứu kỹ, người ta khám phá ra rằng nhiều bản gia phả có phần nhập đề rất giả tạo, mối dây liên kết các bộ lạc trong thời điểm viết gia phả rất lỏng lẻo. Dù vậy, mối dây ấy cần thiết để biện minh cho sự liên kết và để tạo cho thành viên đôi bên cái tâm lý "máu loãng còn hơn nước lã" và thật sự quan tâm đến nhau.

Vấn đề trước mắt của chúng ta là với những mảnh vụn gia phả còn may mắn giữ được, làm sao để tìm ra những mối liên hệ thân tình giữa các nhánh cùng dòng họ? Và hơn nữa, làm sao có thể nối kết khi người ta chẳng còn một mảnh vụn nào? Trong thực tế, tại những thôn xã có từ đường một dòng họ nào đó, ngay bên cạnh từ đường có thể vẫn có những gia đình đồng tộc đã gián đoạn liên lạc không biết từ bao giờ, lại cũng có những gia đình đồng tộc từ đâu khác mới đến được vài ba đời... Có nơi người phụ trách từ đường đã chủ động đến thăm và mời những gia đình lẻ loi như thế cùng đến dự tế hiệp, vì dù nhiều hay ít, cách này hay cách khác, vẫn có một liên hệ đồng tộc.

Nếu giấy trắng mực đen còn đó và chỉ một số ít gia đình nối được tên mình vào chuỗi gia phả thì số ít này dễ gặp nguy cơ kiêu hãnh, tự hào mình là “của thật”, những anh em khác là “của giả”. Nay cái giấy trắng mực đen kia thành cát bụi, mọi người đều lạc mối như nhau thì cũng đều có thể tự nối với gốc tổ một cách bình đẳng và đồng thời cũng là một cách khiêm nhường, theo tình chứ không theo lý.

Những liên hệ có tính tương đối như thế sẽ giúp người trong cuộc tự hỏi tại sao không đi xa hơn, nối tiếp những đường dẫn co dãn cho tới con người đầu tiên của lịch sử, cho tới nguyên tổ Ađam để gặp được Cội Nguồn tuyệt đối là Cha Cả trên trời?

Như thế ta có thể tìm được ở đây thêm một minh họa cho học thuyết của các vị Tiến sĩ Hội thánh thuộc Dòng Cát Minh về sự thanh tẩy chủ động và sự thanh tẩy thụ động. Ông Abraham đã tự nguyện lìa bỏ quê cha đất tổ, lên đường theo tiếng Chúa gọi và gặp được Thiên Chúa là Cội Nguồn và Đích Điểm. Ông tự nguyện thanh tẩy khỏi những vấn vương trần thế. Còn chúng ta, dù tha thiết với những cội nguồn nhân loại đến mấy cũng không sao tìm lại được; Thiên Chúa đã dùng ngoại cảnh, cắt đứt chúng ta với những cội nguồn ấy, rồi khi ta đang hụt hẫng bơ vơ thì Ngài lại soi sáng cho ta nhận biết Ngài là Cội Nguồn đích thật. Chính Thiên Chúa thanh tẩy và tước đoạt. Nếu ta thuận tình chiều theo sự dẫn dắt ấy của Ngài, Ngài sẽ đích thân đưa ta về với Ngài. Nhu thế, cả thái độ tự nguyện lẫn thái độ thuận tình đều giúp nhận được đức tin.

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 26

MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG VÀ KINH NGHIỆM SINH HOẠT LIÊN KẾT DÒNG HỌ


Năm 2009, c
ụ Võ Huề ghé thăm tôi. Cụ là hậu duệ của tiền hiền Võ Lực, mộ hiện ở nghĩa trang giáo xứ Phú Hữu, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tôi chia sẻ với cụ về sinh hoạt liên kết họ Võ hiện nay ở khắp trong nước và hải ngoại. Cụ thấy ngay đó là một nỗ lực rất tích cực có thể góp phần giáo dục hữu hiệu cho lớp trẻ. Do đó, cụ đã năng nổ liên lạc và vận động để có được cuộc họp mặt một số bà con Công Giáo họ Võ vào dịp sinh nhật Tổ Võ Hồn, ngày mùng 8 tết Canh Dần, 2010.

Cuộc họp mặt đã đề cử ra một ban liên lạc họ Võ Công Giáo tỉnh Bình Định, chuẩn bị cho những cuộc họp mặt về sau. Thế rồi chúng tôi đã có ngày Võ Tộc Công Giáo Bình Định lần thứ hai, vào mùng 8 tết Tân Mão, 2011 và lần thứ ba vào mùng 8 tết Nhâm Thìn, 2012.

Trong cuộc sinh hoạt lần thứ hai, trước các đại biểu cả người giáo và người lương, ông Trưởng ban Liên lạc Võ tộc Công Giáo tỉnh Bình Định đã nêu lên những mục tiêu rất thiết thực của việc liên kết dòng họ:

- Mục tiêu thứ nhất là để động viên nhau sống tốt, không làm ô danh tổ tiên. Đây là điều quan trọng và cần thiết trong hoàn cảnh giáo dục đầy khó khăn ngày nay.

- Mục tiêu thứ hai là để nhắc nhau xây dựng tình gia đình và gia tộc thật ấm cúng đậm đà. Đây cũng là điều rất quan trọng. Do ảnh hưởng văn minh tiêu thụ, chạy theo tiền bạc, nhiều gia đình dễ tan vỡ. Cùng với lời dạy và sự nâng đỡ tinh thần của Hội Thánh, chính các gia tộc phải tích cực nhắc nhở nhau và giúp nhau vượt qua khó khăn để bảo đảm hạnh phúc gia đình.

- Mục tiêu thứ ba là để gia tăng tình thân ái với các anh chị em đồng tộc trong cũng như ngoài Hội Thánh Chúa, để từ chỗ chu toàn đạo hiếu dưới đất với tổ tiên, chúng ta sống trọn đạo hiếu thảo với Cha Cả trên trời là Cha chung của hết mọi người. Trước kia, người Công Giáo bị gián đoạn việc thờ cúng Ông Bà theo cách cổ truyền, suốt hơn 200 năm, khiến nhiều người lương hiểu lầm rằng theo Đạo là bỏ ông bỏ bà. Nay những khó khăn đã qua, Giáo Hội đã cho phép người Công Giáo Việt Nam lập lại việc thờ cúng cổ truyền, ta cần giao lưu gặp gỡ để giải tỏa sự ngộ nhận đáng tiếc.

Theo hướng ấy, chúng tôi đề xuất những điểm sau đây để chúng ta cùng trao đổi cho sáng rõ thêm.

1. Trong năm nay, cố gắng giới thiệu sinh hoạt của chúng ta tới bà con đồng tộc trong giáo xứ. Cụ thể là mượn sổ của giáo xứ, lọc ra một danh sách các gia đình Võ tộc.

2. Gặp riêng từng người, kể về sinh hoạt của chúng ta hôm nay và cùng thảo luận hướng tới tương lai.

3. Xin photocopy tờ hướng dẫn làm gia phả và phát cho các gia đình. Qua chiến tranh, gia phả hầu hết bị thất lạc và gián đoạn. Mỗi gia đình nên chủ động xây dựng lại gia phả, sớm ngày nào hay ngày đó, vì càng để lâu, các bô lão qua đi, ta sẽ không biết hỏi ai.

4. Anh chị em Võ tộc cùng giáo xứ nên xin cha sở một thánh lễ cầu cho kẻ sống và kẻ chết trong Võ tộc địa phương mình, rủ nhau đi thật đông.

5. Sau thánh lễ ấy, có thể gặp gỡ sinh hoạt và bầu ra một ban đại diện. Ban đại diện nên chọn người trẻ, có uy tín nhờ khả năng và tư cách đạo đức.

6. Chú ý mời gọi lớp trẻ tham gia sinh hoạt Võ tộc tại giáo xứ cũng như liên xứ. Chính lớp trẻ sẽ là tương lai của dòng họ.

7. Có nhiều chị em con gái và con dâu họ Võ rất nhiệt tình với sinh hoạt dòng họ. Xin đặc biệt lưu tâm và mời những người ấy giúp việc chung của dòng họ.

8. Gặp gỡ người phụ trách từ đường Võ tộc tại địa bàn giáo xứ, tại xã hoặc huyện mình, không phân biệt lương hay giáo, để xin sao chụp gia phả, phiên dịch và tham khảo để tìm nguồn cội.

Tại mỗi giáo xứ, hằng năm nên có một ngày sinh hoạt, tốt nhất là vào ngày lễ một vị thánh trong dòng họ. Nên mời tất cả các gia đình đồng tộc trên địa bàn giáo xứ, cùng con dâu và con rể. Nên mời cả bà con đồng tộc ngoài Công Giáo cùng tham gia, đồng thời cũng nên tích cực nhận lời mời tham gia các sinh hoạt đồng tộc của các anh chị em ngoài Công Giáo.

Nội dung chính là thánh lễ và giờ gặp gỡ trước hoặc sau thánh lễ.

Nhiều làng có hương ước, nhiều nhánh tộc họ có tộc ước. Các quy ước thành văn có cái hay của nó nhưng cũng có lắm điều phức tạp. Sinh hoạt của chúng ta chỉ giản dị là động viên lòng hiếu thảo và hiếu học, vì thế nên tránh viết thành nội qui với những điều lệ rắc rối. Cần giữ cho sinh hoạt luôn mang tính tự do, không ràng buộc.

Chỉ cần đề cử một ban liên lạc để tổ chức và nhắc anh chị em tham gia. Ban liên lạc làm việc với tinh thần tự nguyện, vô vụ lợi.

Không nên gây quỹ. Mỗi lần sinh hoạt sẽ xin bà con đóng góp tùy hảo tâm. Nếu bị hụt thì xin thêm cho đủ, nếu dư thì ban liên lạc sẽ quyết định sử dụng vào việc gì có ý nghĩa nhất, trong thời gian sớm nhất, không giữ lại.

PHỤ LỤC

CÁCH KHỞI THẢO GIA PHẢ

Đời 1

Đời 2

Đời 3

Đời 4

Đời 5

Đời 6

Đời 7

BẢN HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG GIA PHẢ

Bước đầu

Xin lưu ý:

Bản hướng dẫn này giúp bạn thực hiện phần chính yếu trong gia phả của bạn, tức là phần trực hệ (cha, ông nội, ông cố, ông can,…). Sau khi có kinh nghiệm, bạn sẽ bổ sung các phần bàng hệ (chú, bác…)

Nếu bạn muốn lập gia phả phía mẹ bạn, thì phải làm một bản khác (mẹ, ông ngoại, ông cố ngoại, ông can ngoại…).

Các bước thực hiện:

1. Ghi các tổ phụ (nam giới) hàng dọc từ cha của bạn trở lên, cho tới vị trên cùng mà bạn biết được. Nếu vị này có những anh chị em mà bạn biết tên tuổi, còn thân phụ của các vị bạn không rõ họ tên, bạn sẽ gọi vị tổ cao nhất này là vị tổ khuyết danh.

2. Ghi tên vị tổ cao nhất (hoặc vị “khuyết danh”) đã tìm thấy vào ô đậm ở hàng “đời 1”. Bạn không còn biết vị này có anh em hay không, cho nên trước tên của vị này không ghi số thứ tự nhánh. Hàng “đời 1” chỉ có một ô là vì thế.

3. Các vị tổ đời thứ hai trở đi, mỗi vị có mấy anh em trai thì đời ấy có mấy nhánh. Bạn ghi tên các anh chị của vị tổ vào các ô bên trái, các em trai và em gái của vị ấy vào các ô bên phải, theo thứ tự. Sau đó bạn đánh số thứ tự các nhánh vào trước tên những người nam.

4. Tên phu nhân các vị tổ sẽ bổ sung sau.

5. Bạn vạch những mũi tên từ mỗi vị tổ đến các người con của họ, rồi xóa những ô trống.

6. Phần gia phả của các nhánh khác ở mỗi đời sẽ bổ sung sau. Tốt nhất, bạn giao phần của mỗi nhánh cho người phụ trách nhánh đó, rồi cuối cùng sẽ tổng kết lại.

7. Bạn trao đổi với những người có kinh nghiệm trong vùng để tiến hành những bước tiếp theo.

8. Tại các nhà sách, có một số bản mẫu sổ gia phả – Khi đã có số liệu, bạn có thể tham khảo những sách ấy để trình bày theo cách nào bạn thấy tiện nhất.

 
Văn Hóa
Hôn nhân không bao giờ là một cuộc sống nhàm chán (1)
Lm. Nguyễn Hữu Thy
14:34 25/10/2013
Hôn nhân không bao giờ là một cuộc sống nhàm chán (1)

Cũng như tất cả những sợi chỉ màu sắc khác nhau đã cùng đan kết làm thành một tấm thảm đẹp, quý hiếm và đắt tiền; cũng vậy, những sắc thái và góc cạnh khác biệt của đời sống hôn nhân, như tình phu phụ nồng cháy và những bất cập ngoại tại, sự âu yếm vợ chồng và những dị biệt cá nhân, sự chung thủy và những thách đố đời thường, hạnh phúc và thất vọng, nhân đức và sự bất toàn, v.v... Tất cả đã đan chéo và thêu dệt nên một cuộc sống đôi lứa đầy sắc màu sinh động.

Cái đẹp thủa ban đầu ấy

Chẳng phải thời gian đẹp nhất của hôn nhân giữa hai người nam nữ là lúc tình yêu giữa hai người mới chớm nở, là lúc họ mới bắt đầu yêu nhau, là lúc cả hai con tim luôn dạt dào và tràn ngập những tình cảm nồng nàn mỗi khi tưởng nhớ về nhau trước những buổi hẹn hò? Tất cả thật mê ly tuyệt vời! Tất cả những cảm xúc hạnh phúc của cả hai con tim thủa ban đầu ấy tưởng như vô tận, tưởng như vĩnh cửu, đến nỗi cả hai cùng có chung một cảm nghĩ là họ được sinh ra trên cõi đời này là để cho nhau. Và từ đó, khi tình yêu đã ngấm sâu, cả hai đã quyết định đi tới hôn nhân, quyết định sống trọn đời bên nhau cho tới lúc tóc bạc răng long, và rồi quyết định chọn ngày lành tháng tốt cử hành hôn lễ.

Dù dưới hình thức nào đi nữa thì hôn lễ, thì ngày cưới của đôi nam nữ còn mang nhiều ý nghĩa sâu xa trọng đại, chứ không chỉ là một ngày hồng phúc đầy vui mừng mà thôi. Hôn lễ là một khởi đầu mới, là sự ngắt quãng, là một bước ngoặt định mệnh của cuộc đời hai người: Chấm dứt cuộc sống độc thân và khởi đầu một cuộc sống mới, cuộc sống chung giữa hai người nam nữ, cuộc sống hôn nhân. Vâng, một quyết định quan trọng nhất đời người đã được thực hiện.

Sau lễ cưới, khi đôi tân hôn bước ra khỏi Thánh Đường trước những cái nhìn đầy hân hoan, ngưỡng mộ và đồng tình của bạn bè, của người thân và có lẽ của cả những người tò mò nữa, với những lời chúc mừng xen lẫn tiếng vỗ tay và tiếng nhạc reo vang, cả hai đã trở nên những con người mới, chứ không còn là những con người như trước đó khi mới bước chân vào Thánh Đường. Họ đã thực sự trở nên vợ chồng với bao an ủi và niềm hạnh phúc cũng như trách nhiệm và sự ràng buộc trọn đời đối với nhau. Họ cảm nhận rõ được điều ấy. Nhưng chính tình cảm ấy, chính sự cảm nhận tận sâu thẳm tâm hồn ấy là nền tảng, là lý do biện minh cho sự kết hôn của hai người nam nữa, của đôi tân hôn.

Nhất là sự cảm nhận đầy hạnh phúc và trách nhiệm ấy của đôi tân hôn là một trợ lực cần thiết cho đời sống hôn nhân của họ, đặc biệt khi họ phải đối mặt với những thử thách nghiệt ngã trong cuộc sống chung vợ chồng. Nói cách khác, khi phải đứng trước những thách đố của hôn nhân trong đời thường, cả hai vợ chồng sẽ có đủ can đảm và nghị lực hơn để vượt qua được những thách đố ấy khi họ hồi tưởng lại những cảm nhận hạnh phúc năm xưa, khi họ mới yêu nhau và nhất là lúc mà họ cùng thề hứa trước bàn thờ Chúa và sự chứng giám của Giáo Hội là sẽ suốt đời sống chết có nhau, dù cho sao trời có đổi ngôi, vũ trụ có xoay vần ra sao đi nữa, thì không gì có thể chia lìa được tình yêu đôi lứa của họ. Qua đó, cả hai như đã mặc nhiên dựa theo ý Chúa (x.Mt 19,6) mà thề hứa với nhau: „Anh/em yêu, từ nay chúng ta không còn là hai nữa, nhưng là một, và không có gì có thể phân ly được chúng ta nữa, vì Người đã tác thành chúng ta nên vợ chồng. Tất cả những gì của anh/của em – dù vui hay buồn, thành công hay thất bại – cũng đều là của em/của anh; vâng, là của chung của hai chúng ta.“

Tình yêu hôn nhân hoàn toàn khác với tình yêu máu mủ hay tình yêu bạn bè. Tình yêu hôn nhân có mục đích chính là để cộng tác với Tạo Hóa trong việc truyền sinh giống nòi, nên là tình yêu xác thịt, là tình yêu dựa trên sự tương quan thể xác giữa hai vợ chồng qua cuộc sống chăn gối. Nhưng đời sống chăn gối vợ chồng phản ảnh sự hợp nhất sâu thẳm và trọn vẹn nhất của hai vợ chồng trong toàn bộ mọi lãnh vực của cuộc sống, chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi thể xác mà thôi. Những giờ phút hạnh phúc và thỏa mãn tính dục trong đời sống chăn gối vợ chồng giúp cho cả hai người cùng cảm nhận được một cách rõ rệt và sâu xa rằng họ thực sự hoàn toàn thuộc về nhau và cho nhau, sẵn sàng hy sinh và sống chết cho nhau cũng như cho con cái của họ. Quả thật những giờ phút yêu thương âu yếm vợ chồng thật quan trọng và cần thiết trong đời sống hôn nhân và gia đình. Những giờ phút hạnh phúc ngắn ngủi ấy là động lực trọng yếu giúp cho vợ chồng chẳng những thắng vượt được mọi thách đố khó khăn của cuộc sống đời thường, mà còn cho họ có được những cảm nhận hạnh phúc bên nhau cũng như sự xác tín chắc chắn họ thực sự thuộc về nhau và nhất thiết cần phải có nhau.

Sự rắc rối bỗng nhiên xảy đến

Nhưng một ngày nào đó, giữa bầu trời quang đãng trong xanh của đời sống vợ chồng bỗng nhiên ùn kéo đến một làn mây đen nào đó, bỗng nhiên một người trong hai vợ chồng khám phá ra, hay nói đúng hơn: nghi ngờ một điều gì đó nơi người bạn đời của mình và coi đó như một đe dọa nguy hiểm muốn làm xáo trộn, muốn can thiệp vào cuộc sống đôi lứa của họ. Đây thực sự là một điều bất hạnh mà không một cuộc sống hôn nhân nào muốn đối mặt. Nó xuất phát từ những lý do mù mờ thiếu rõ ràng, chỉ mới nghi ngờ và đang trong vòng „điều tra“ cách kín đáo thôi, chứ chưa phải là điều „bắt tận tay day tận trán.“

Chính vì thế, đó mới là vấn đề. Chẳng hạn khi người vợ bắt gặp nơi áo khoác người chồng có sợ tóc dài hay có mùi nước hoa lạ, hay khi người vợ thấy chồng mình không còn vui cười săn đón với mình hoặc sau bữa ăn không còn „ga-lăng“ đứng dậy thu dọn và giúp rửa bát như mọi ngày, mà lại ngồi đọc báo hay xem Tivi; hoặc ngược lại, khi người chồng bắt gặp sự thay đổi đột ngột trong thái độ của người vợ, như thái độ lạnh lùng, thiếu vồn vã như mọi ngày, hoặc thường vắng nhà lâu và không cho biết lý do, v.v… Và như đã nói là sự việc đang trong vòng „điều tra“ kín đáo, tuy nhiên bầu không khí trong gia đình cũng dần dà trở nên nặng nề ngột ngạt, nhất là sự thất vọng đã từ từ nhen nhúm vào trong suy tư của người kia, và nếu người ta thiếu cẩn thận và không tìm ra lối thoát hợp lý kịp thời, thì chỉ một lý do nhỏ nhoi nào đó cũng có thể làm bùng nổ. Đây là một hiện tượng tâm lý bình thường trong cuộc sống hôn nhân, mà người đời thường gọi là sự ghen tương.

Cũng như sự gia giảm các hương vị vào trong các món ăn: Nếu người ta biết pha chế vừa phải và đúng độ, thì món ăn sẽ trở nên thơm ngon mặn mà và hấp dẫn; ngược lại, nếu người ta vụng về và cho quá nhiều gia vị vào trong món ăn, thì sẽ làm cho món ăn trở nên mặn chát hay chua cay quá độ, không thể ăn được nữa và phải đổ đi. Cũng tương tự như vậy, thái độ ghen tuông trong đời sống vợ chồng là dấu chỉ của tình yêu đích thực, nhưng một khi người ta ghen tuông thái quá và không hợp lý, thì lại là dấu chỉ của sự ích kỷ, thiếu khôn ngoan và có thể đưa tới chỗ làm sứt mẻ hay phá vỡ chính tình yêu hôn nhân. Thái độ tốt và cần thiết trong đạo vợ chồng là luôn phải cẩn thận, khôn ngoan, hợp lý và tôn trọng lẫn nhau, ngay cả khi „cơm chẳng lành canh chẳng ngọt.“ Chớ bao giờ có thái độ „cạn tàu ráo máng“ đối với nhau, từ trong tư duy, lời nói cho tới hành động, hầu tránh đi những hậu quả tai hại không cần thiết.

Những nỗi thất vọng

Thật ra, trong đời sống vợ chồng sự thất vọng chán nản luôn là một điều khó tránh. Nó thường được thể hiện ra bên ngoài qua hình thức hay bất bình, nóng nảy và cãi vã nhau vì những lý do nhỏ mọn không đâu. Sự thất vọng ấy nếu không kịp thời được giải mã, được đưa ra ánh sáng hay không kịp thời được xua đi một cách hợp lý, thì nó sẽ đục khoét và bào mòn dần tâm hồn con người, làm ngưng đọng các tư tưởng tích cực và sáng tạo của con người và giết chết mọi hy vọng đợi chờ của cuộc sống.

Dù vì lý do gì đi nữa, thì những nỗi thất vọng đầu tiên trong đời sống lứa đôi thường là những trải nghiệm đau buồn nhất, làm thương tổn người trong cuộc nhiều nhất. Dĩ nhiên, những nỗi thất vọng ấy không luôn đồng đều và giống nhau. Có những thất vọng làm cho vợ chồng nghi ngờ và xa nhau, nhưng cũng có những thất vọng càng làm hai vợ chồng thêm gắn bó với nhau hơn nữa. Nhưng trong mọi nỗi thất vọng cả hai vợ chồng đừng bao giờ quên rằng họ không hề lẻ loi một mình trong các thử thách, mà còn luôn có Thiên Chúa hiện diện bên họ và cùng đồng hành với họ, cốt để đỡ nâng và trợ lực cho họ, hầu cuộc sống hôn nhân và gia đình của họ được bền vững và hạnh phúc.

Đó là một điều không chỉ được suy diễn theo đức tin, mà là một minh chứng cụ thể. Đôi tân hôn xưa kia tại Ca-na (x. Ga 2,1-10) đã phải buồn sầu và đau lòng biết mấy khi họ bó buộc phải đột ngột tuyên bố chấm dứt tiệc cưới nửa chừng và phải nhìn từng đoàn khách mời đứng dậy và lũ lượt ra về, vì rượu đã không còn nữa. Nhưng thật phúc cho họ: Trong chính cơn ngặt nghèo đầy tuyệt vọng ấy, họ còn có Đức Kitô và Mẹ Người hiện diện bên cạnh và họ đã được cứu nguy. Cuộc vui ngày cưới của họ nhờ thế đã hoàn toàn trọn vẹn và mỹ mãn trước sự bất ngờ của mọi khách mời, ngoài Đức Kitô, Mẹ Người và các Môn Đệ có mặt.

Vâng, khi có Đức Kitô hiện diện và cùng đồng hành với cuộc sống hôn nhân và gia đình, thì không bao giờ lo sợ phải thất vọng, phải thiếu đi „rượu vui mừng và an ủi“ cả. Mọi sự sẽ lại được tái điều chỉnh và sửa sai ngay. Vì „đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được“ (Lc 1,37) và Người luôn lắng tai nghe những kêu cầu của con cái loài người để che chở cứu vớt họ, nên không bao giờ có thể gọi là muộn màng khi phải giơ tay cầu xin cùng Thiên Chúa cả. Bởi vậy, trong những lúc phải đối mặt với các gian nan khốn khó trong cuộc sống đời thường, những người vợ người chồng cần phải xác tín rằng cuộc sống hôn nhân của họ không chỉ có hai vợ chồng mà thôi, nhưng còn có „đệ tam nhân“ vô hình cùng hiện diện và cùng đồng hành với họ nữa: Còn có Thiên Chúa toàn năng, Đấng đầy lòng yêu thương họ! Chỉ cần họ đừng bao giờ tuyệt vọng và buông xuôi; trái lại, luôn cùng nhau tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Cha trên trời và tự nỗ lực không ngừng để tìm cách vượt qua cơn sóng gió. Và rồi như một phép lạ sẽ xảy đến cho họ, đó là mọi bão táp sẽ qua đi, biển lại yên lặng và con thuyền hôn nhân lại xuôi buồm êm trôi.

Người ta cũng đừng quên rằng thái độ biết giữ được bình tĩnh và tin tưởng khi tương quan vợ chồng gặp phải thử thách này nọ, để có thể rút tỉa ra được những kinh nghiệm sống cần thiết và lại trao cho nhau một tình yêu thương mới, là cả một nghệ thuật vô cùng cao quý và đáng cho xã hội kính nể, mà người ta có thể thực hiện được, nếu người ta muốn, nhất là nếu người ta biết loại bỏ được sự tự ái cá nhân và biết nhìn đến hạnh phúc chung của đôi lứa và hạnh phúc của cả gia đình. Đây là một ý thức nền tảng và quan trọng mà những người sống bậc vợ chồng cần xác tín, để có thể tránh được những ân hận về sau, vì do những bực dọc thiếu tự chủ, quá vội vàng và nông nổi không cần thiết. Các đôi vợ chồng cũng cần xác tín là những thất vọng to nhỏ đầu tiên trong cuộc sống hôn nhân của họ thường là những điều xảy đến một cách bất chợt, dĩ nhiên và khó tránh. Bởi vì khi bước vào cuộc sống chung, cuộc sống hôn nhân, cả hai người đều mang theo một thế giới riêng rẽ và khác biệt của mình mà họ từng sống trong suốt mấy chục năm của đời độc thân với các thói quen và sự tự do cá nhân, nhất là với một mạng lưới những tương quan bạn bè, v.v…mà cả hai người chỉ có thể từ từ chắt lọc, lựa chọn hay từ bỏ!

Mặc dù không ai trong hai người muốn và tìm kiếm những thử thách khó khăn đó, nhưng chúng vẫn thường xảy tới. Nhưng điều quan trọng ở đây là cả hai vợ chồng phải ý thức được một cách rõ ràng nguyên nhân và thực chất những điều ấy, không quá quan trọng hóa chúng, không để „cái bé xé thành cái to“, nhưng biết thông cảm cho nhau và cùng nhau vượt lên mọi thử thách và mọi mặc cảm, hầu tích lũy thêm kinh nghiệm sống cho đời hôn nhân của mình thêm phần hương sắc.

Trên thực tế, những thử thách và thất vọng trong đời sống hôn nhân thường gây ra cho những người liên hệ những vết thương lòng đầy đau đớn. Nhưng nếu một khi họ biết giữ bình tĩnh và tự chủ để vượt qua được, nhân cách của họ sẽ trở nên trưởng thành, chín chắn và thực tế hơn, nhất là giúp họ thoát ra được sự ảo tưởng nông cạn về hôn nhân, như quá lý tưởng hóa đời sống hôn nhân đến xa vời thực tế hay sự quên đi con người cụ thể của người bạn đời của mình và rồi mong đợi nơi người ấy những tính chất quá trọn hảo, mà chính bản thân mình cũng không có hay chưa có được.

Nhưng ngược lại, nếu những người liên hệ trong những thử thách ấy không biết dẹp bỏ tự ái vì hạnh phúc hôn nhân và gia đình mình, thì những thử thách và thất vọng mới khác lại ùn kéo đến và càng chồng chất thêm lên, và chỉ chờ một sơ sẩy nhỏ mọn, như một lời nói hay một cử chỉ vô tình nào đó làm người kia mích lòng, là sẽ bùng nổ. Nói cách khác, khi tâm lý con người bị rơi vào hoàn cảnh bị dồn ép quá, mà không tìm ra được lối thoát hợp lý cần thiết, thì sự thất vọng ấy không còn thuần túy là sự cảm nhận nội tâm nữa, mà sẽ được thể hiện ra bên ngoài qua những thái độ đầy bất mãn và những hành động bạo lực thiếu tự chủ. Từ đó, họ đâm ra ngờ vực cả chính mình nữa, đến nỗi đã phải tự hỏi là việc mình lập gia đình năm xưa có đúng không? Hay: Người vợ/chồng của mình có phải là chính người mà mình đã yêu thương và cùng xe duyên nên vợ chồng hay không?

(Còn tiếp)
 
Hôn nhân không bao giờ là một cuộc sống nhàm chán(2)
Lm. Nguyễn Hữu Thy
14:34 25/10/2013
Hôn nhân không bao giờ là một cuộc sống nhàm chán (2)

Những thử thách có thể là dịp may

Nếu những thử thách, những va chạm và những thất vọng thường xuyên xảy ra và kéo dài quá lâu trong cuộc sống hôn nhân, thì thường dẫn tới những hậu quả khó tránh là gây ra cho những người liên hệ một tâm lý căng thẳng và chán nản cũng như một sự mệt mỏi và kiệt lực về thể xác. Đây là nguyên nhân nguy hiểm đầu tiên làm sứt mẻ tình yêu hôn nhân và rất có thể trở thành mối đe dọa khó tránh cho sự chung thủy vợ chồng. Vì thế, người ta phải tìm mọi cách giải tỏa và hàn gắn càng sớm càng tốt tất cả mọi hiểu lầm, mọi va chạm và bất bình giữa hai vợ chồng, chứ không để cho chúng kéo dài quá lâu được. Bởi lẽ, bệnh càng để lâu càng thêm nặng và càng khó chữa. Đây là một kinh nghiệm sống cụ thể mà những người sống đời vợ chồng cần phải xác tín một cách rõ ràng. Đàng khác, trong khi phải đối mặt với những xung đột và những thử thách khó khăn trong đời sống hôn nhân, cả hai vợ chồng cần phải thành thật với chính mình mà nhìn nhận rằng xưa kia khi họ quyết định lập gia đình với nhau là do họ yêu nhau, chứ không phải vì họ tìm gặp nơi nhau những con người hoàn hảo và không hề sai lỗi nữa.

Như đã nói ở trên, những thử thách trong đời sống vợ chồng là một điều khó tránh, nếu không muốn nói là hầu như một điều tất nhiên vậy, vì dù hai vợ chồng cùng yêu nhau, cùng ăn, cùng làm, cùng sống và cùng chung chăn gối, thì họ vẫn là hai cá thể khác biệt nhau, với những suy tư, ý nghĩ và sở thích khác nhau. Nhưng những thử thách trong đời sống vợ chồng có trở thành vấn đề tạo ra những tiêu cực cho họ hay không lại là một vấn đề khác. Tất cả còn tùy thuộc cách thức và thái độ của họ trong khi phải đối mặt với những thử thách đó nữa.

Theo thiển ý, tôi nghĩ rằng những thử thách trong đời sống hôn nhân không luôn là nguyên nhân đem tới những hậu quả tiêu cực. Nếu những người vợ người chồng khi phải đứng trước những thử thách, mà có một đức tin Kitô giáo sâu xa và kiên cường, tức vì Chúa nên vẫn một lòng thương yêu nhau, biết thông cảm và tha thứ cho nhau, vì Chúa đã dạy: „Thầy ban cho anh em một giới răn mới là anh em hãy yêu nhau,“ hay: „Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em“ và thánh Phaolô cũng nhắn nhủ: „Anh em hãy tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho anh em“, thì những thử thách ấy càng giúp họ hiểu nhau hơn và rồi càng gắn bó họ lại với nhau một cách bền chặt hơn bằng một tình yêu mới và sâu đậm.

Như vậy, nếu được nhìn dưới khía cạnh đức tin và luân lý đạo đức, thì hôn nhân và gia đình là một nơi vô cùng quan trọng và cần thiết trong việc giúp cho những người liên hệ rèn luyện nhân cách và trở nên hoàn thiện hơn. Chính cuộc sống đời thường cũng minh chứng cho thấy điều đó. Chúng ta thường nhìn thấy rõ được các khuyết điểm của mình và rồi qua đó cải tiến và thay đổi được bản thân, một phần không nhỏ cũng là nhờ vào những phê bình và chỉ trích của kẻ khác hay nhờ vào những sai lỗi và lầm lẫn của họ. Nếu vậy, tại sao người ta lại không đưa ra áp dụng vào cuộc sống hôn nhân của mình? Người ta kể rằng Socrate đã trở thành một đại triết gia Hy Lạp vào thời thượng cổ là do có một bà vợ điêu ngoa và chanh chua không ai bằng. Còn trong cuộc sống cụ thể, ví dụ: nếu một người chồng có một bà vợ chậm chạp, nhưng anh chẳng những không trách móc hay la mắng vợ mình, mà luôn biết vui vẻ chấp nhận cái tính „trời cho“ của bà và nhất là anh còn biết tập cho mình có được đức tính nhẫn nại. Nhận ra được cái điểm tích cực ấy, anh đã thành thật nói với vợ: „Vợ ơi, anh cám ơn em nhiều lắm đó, vì tính chậm chạp của em đã giúp anh khám phá ra được cái giá trị cần thiết của sự khôn ngoan thận trọng và từ đó anh đã tập cho mình được đức tính bình tĩnh và nhẫn nại, vì bản chất con người anh vốn nóng nảy và bất nhẫn.“ Còn bà vợ lại trả lời chồng: „Chồng ơi, em cám đội ơn anh rất nhiều, vì qua sự nhẫn nại của anh em đã vô cùng hạnh phúc khi cảm nhận được một cách rõ ràng tình yêu quá sâu đậm mà anh luôn dành cho em, mặc dù em còn đầy khiếm khuyết và bất toàn.“

Hôn nhân là trường đào tạo các nhân đức

Vâng, chính các khiếm khuyết và sai lỗi luôn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. Tại sao? Bởi vì, là người, chúng ta không phải là những chiếc đồng tiền vàng để có thể làm hài lòng hết mọi người được. Không ai trong chúng ta hoàn hảo mười phân vẹn mười cả, dù xét về phương diện cá tính hay ngoại hình, dù xét về phương diện thái độ giao lưu đối xử bên ngoài hay các tư duy tình cảm nội tại. Mỗi người trong chúng ta còn phải nỗ lực đạt tới hay hoàn thiện rất nhiều nhân đức căn bản và cần thiết cho cuộc sống, như: Tự chủ được mọi cảm xúc, hết lòng yêu thương đồng loại không phân biệt, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người một cách vô vị lợi, chu toàn mọi trách nhiệm trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Người có nhân cách và đáng cho xã hội kính trọng là người hội đủ các nhân đức cần thiết. Vì thế, điều hết sức quan trọng nơi mỗi người là không ngừng nỗ lực cải thiện và thăng tiến chính bản thân mình mỗi ngày. Trong hôn nhân cũng vậy, để có được một cuộc sống đôi lứa và một cuộc sống gia đình hạnh phúc, thuận thảo và đầm ấm, thì cả hai vợ chồng đều phải nỗ lực hoàn thiện chính bản thân mình mỗi ngày, tức trau dồi cho mình có đủ các nhân đức cần thiết trong việc xây dựng được một gia đình như thế. Bởi vậy, người ta có lý khi cho rằng đời sống hôn nhân cũng là một ơn gọi, nghĩa là qua cuộc sống chung cả hai vợ chồng – vì muốn có một gia đình hạnh phúc, nên mỗi người đã không ngừng nỗ lực cải thiện chính bản thân – đều có thể trở nên những con người hoàn hảo, những con người nhân đức trước mặt Thiên Chúa cũng như trước mặt xã hội. Ở điểm này thánh Josefmaria đã đưa ra một lời khuyên rất quý báu: „Khi con đang cảm thấy khó chịu vì lầm lỗi của một người nào đó, thì đừng vội tìm cách sửa lỗi người ấy. Con hãy đợi sang đến ngày hôm sau hay lâu hơn nữa. Nhưng một khi con đã lấy lại được bình tĩnh và đã suy nghĩ kỹ càng rồi, thì bằng mọi giá con hãy giúp sửa lỗi người ấy. Chỉ với một lời đầy yêu thương dịu dàng mà thôi, con sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn là suốt ba giờ đồng hồ cãi cọ với nhau. Con hãy làm chủ lấy cảm xúc của mình.“(1)

Vậy, qua những điều tiêu cực thì người này có lý do để nhắc nhủ người kia cần lưu ý về một điều mà anh ta chưa có. Và đó chính là một điều hoàn toàn tích cực. Như vậy, chúng ta có lý để khẳng định rằng đời sống hôn nhân quả thực là trường đào tạo các nhân đức nhân bản cũng như các nhân đức Kitô giáo.

Sự hướng dẫn tinh thần

Một kinh nghiệm thực tiễn là nếu những người vợ người chồng thiếu sự hướng dẫn tinh thần, họ sẽ rất khó lòng cải thiện được chính bản thân mình trong cuộc sống hôn nhân. Mặc dù đời sống hôn nhân là một lãnh vực sống hoàn toàn mang tính cách cá nhân, vâng, một lãnh vực hoàn toàn kín đáo mật thiết chỉ giữa hai vợ chồng mà thôi, nhưng thiết tưởng không có gì là trở ngại cả nếu người ta đem chia sẻ và bàn hỏi với các vị Linh hướng hay với những người có kinh nghiệm và đáng tin tưởng.

Cũng tương tự như những vấn đề liên quan đến sức khỏe, chẳng hạn người ta sẽ hành động thế nào khi người ta phát hiện thấy mình có những triệu chứng đã mắc phải một chứng bệnh nào đó? Hay nói một cách đơn giản là người ta phải làm gì nếu người ta muốn tránh bệnh tật và sống khỏe mạnh? Phải chăng người ta sẽ không đi khám bệnh ngay? Hay sẽ không tìm đến các bác sĩ? Và khi bác sĩ bảo: „Xin ông/bà hãy cởi áo ra“, phải chăng người ta sẽ ngang ngược trả lời: „Thưa bác sĩ, không thể được, điều này đụng chạm đến phạm vi kín đáo của tôi“?

Trong cuộc sống hôn nhân cũng tương tự như vậy. Vì thế, tôi muốn góp ý cùng các người sống bậc vợ chồng là một khi gặp phải những điều tiêu cực và rắc rối khó khăn trong cuộc sống đôi lứa mà hai vợ chồng không thể tự giải quyết được, hai người nên bàn hỏi với các vị tư vấn, những người có thể giúp hai vợ chồng thoát khỏi „thế bí“ của cuộc sống, có thể giúp làm thăng tiến cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng, để cuộc sống hôn nhân ấy luôn an bình hạnh phúc và đầm ấm.

Nhưng ở đây một câu hỏi cực kỳ quan trọng được đặt ra: Ai sẽ là người tư vấn mà chúng ta có thể đến bàn hỏi về cuộc sống hôn nhân của mình, để cuộc sống ấy luôn tốt đẹp, hạnh phúc và đầm ấm? Câu trả lời sẽ là tùy thuộc hoàn cảnh và nội dung của mỗi sự cố. Không nhất thiết luôn luôn phải tìm đến cùng một vị tư vấn, nhất là khi xảy ra sự cố quan trọng và đầy khúc mắc rắc rối.

Theo nguyên tắc, những người có thể làm tư vấn cho chúng ta, có thể giúp ý kiến cho chúng ta trong việc tháo gỡ và tìm ra lối thoát tốt đẹp cho những khó khăn trong đời sống hôn nhân của mình là các vị Linh Hướng hay các nhà tâm lý học, v.v… Nhưng các vị ấy cần phải hội đủ hai điều kiện quan trọng, đó là: Trước hết, vị ấy phải là người đáng tin tưởng; thứ hai, vị ấy phải là người có đầy đủ hiểu biết và khả năng chuyên môn về vấn đề chúng ta muốn đem ra bàn hỏi.

Nhưng một điều quan trọng khác cũng không được bỏ qua, đó là vấn đề thuộc lãnh vực tâm linh: tội lỗi! Đây là một vấn đề không chỉ có liên quan đến con người, mà còn liên quan đến cả Thiên Chúa, nên không một phương pháp trị liệu tâm lý nhân loại nào có thể giúp giải quyết hay tìm ra lối thoát cuối cùng được. Ví dụ hành động ngoại tình hay thái độ tàn nhẫn trong hôn nhân. Đây không chỉ là một sỉ nhục đối với người bạn đời của mình mà còn là một xúc phạm nặng nề đến chính Thiên Chúa nữa.

Bởi vậy, trong một sự cố rắc rối và khó khăn có liên quan đến Thiên Chúa như thế, thì ngoài việc bàn hỏi với các vị chuyên môn về vấn đề, để họ có thể giúp cho vợ chồng làm hòa lại với nhau, giải tỏa được các khúc mắc tâm lý và tìm ra một lối thoát cho sự cố, người ta còn phải làm hòa với Thiên Chúa thông qua phép Cáo Giải nữa.

Khi xảy ra một sự cố khó khăn rắc rối trong cuộc sống hôn nhân mà được giải quyết một cách hợp lý và đầy đủ như thế, cả hai vợ chồng sẽ cảm nhận được niềm vui gấp đôi trong tận thâm cung tâm hồn mình và đồng thời được lãnh nhận ân sủng Chúa ban thưởng, để từ nay cả hai vợ chồng có thể bắt đầu lại cuộc sống lứa đôi trong an vui và hạnh phúc như thủa ban đầu.

Động lực và những bất ngờ trong hôn nhân

Cũng như các giá trị cao quý khác, cuộc sống hôn nhân luôn chứa đựng nhiều bất ngờ. Nhưng những gì chứa đựng sự bất ngờ thì cũng ẩn chứa sự phiêu lưu mạo hiểm. Và trong thực tế, nếu được nhìn dưới một khía cạnh nhất định nào đó, thì cuộc sống hôn nhân quả thực là một sự phiêu lưu mạo hiểm. Người ta đã chẳng bảo mỗi con người là cả một vũ trụ đầy thâm cung bí hiểm đó sao, và tính chất bí hiểm này cũng đã được trình bày trong câu ca dao: „Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người không đáy đo sao cho cùng.“

Và hôn nhân chính là sự nối kết và liên hiệp hai cái „vũ trụ bí hiểm“ ấy lại với nhau. Khi một đôi nam nữ quyết định đi đến hôn nhân, đi đến chỗ thành lập gia đình với nhau để suốt đời sống chết bên nhau, thì họ thường đã có những giai đoạn làm quen và tìm hiểu nhau. Nhưng động lực chính thúc đẩy và nối kết họ lại với nhau nên vợ chồng là tình yêu, là do cả hai người cùng yêu nhau, đến nỗi nếu thiếu vắng một người trong họ thì người còn lại sẽ không thể sống được hay chỉ sống trong khô héo và bất hạnh; còn sự hiểu biết nhau giữa hai người trước hôn nhân thường là rất tổng quát, nếu không muốn nói là khá mơ hồ. Về ngoại hình người bạn đời, người ta có thể tìm hiểu được trong một thời gian ngắn ngủi nhất định nào đó, ít là trong tình trạng vào lúc hai người mới quen biết nhau. Nhưng về tâm hồn và thái độ tâm lý phản ứng trước các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống của người bạn đời là những điều vô cùng sâu kín và phức tạp, không dễ gì tìm hiểu và nhìn thấy hết được mọi góc cạnh chỉ trong một thời gian nào đó. Và điều đó càng bất khả ngay cả khi hai người cùng đến tước bàn thờ Chúa và trước sự chứng giám của cộng đoàn Dân Chúa để cử hành hôn lễ, để thề hứa suốt đời yêu thương và sống chết bên nhau.

Vì thế, người ta có thể nói rằng trong hạnh phúc hôn nhân thì sự lựa chọn của con người tối đa chỉ giữ vai trò hai mươi phần trăm, còn tám mươi phần trăm còn lại là do sự nỗ lực không ngừng của cả hai vợ chồng cùng xây đắp vun vén lên, qua: Sự thật lòng thương yêu săn sóc lo lắng cho nhau, sự chung thủy vợ chồng, sự tôn trọng lẫn nhau, sự nhẫn nại, sự tha thứ và thông cảm cho nhau.

Chính hiện tượng này đã hé mở cho thấy cuộc sống hôn nhân không hề nhàm chán, không thể là một cuộc sống nhàm chán được. Cả hai vợ chồng đều luôn luôn có thể khám phá, hoặc tạo ra, nơi nhau hay trong chính sự tương quan vợ chồng những điều mới mẻ hấp dẫn. Hôn nhân là một cuộc sống sinh động và chứa đựng một động lực mạnh mẽ luôn có thể hâm nóng tình yêu đôi lứa. Dĩ nhiên, để động lực ấy luôn có thể hâm nóng được tình yêu hôn nhân, thì nhất thiết đòi hỏi phải có sự cộng tác đầy thiện chí của cả hai vợ chồng nữa; nếu không, động lực ấy cũng trở nên vô hiệu lực. Và đó thực sự là một điều đáng buồn và là một tai họa, nhưng nguyên nhân không nằm ở động lực, nhưng là do sự bất cộng tác của những người liên hệ, nói cách khác, do sự bảo thủ cố chấp, sự tự ái thái quá của hai vợ chồng liên hệ. Chẳng những thế, mỗi ngày họ còn tiếp tục đắp cao lên mãi những bức tường thành bao quanh cái tôi của mình bằng những suy diễn và đoán xét chủ quan, đến nỗi khiến họ không còn nhìn thấy được chính các lầm lỗi của mình cũng như thiện ý của người kia nữa và dĩ nhiên cũng không thể hiểu được nhau nữa!

Khi phải đứng trước những thử thách khó khăn rắc rối, nhiều người vợ người chồng đã quên đi rằng trong giờ phút cử hành hôn lễ của họ năm xưa, họ đã tự nguyện và thật lòng thề hứa chấp nhận yêu thương và trung thành với nhau, trong khi vui cũng như lúc buồn, trong khi khỏe mạnh cũng như lúc bệnh hoạn. Điều đó có nghĩa là hai người đã thề hứa chấp nhận tất cả mọi hoàn cảnh và mọi tình huống khác nhau được ẩn chứa trong cuộc sống hôn nhân cũng như nơi người bạn đời của mình, kể cả những phát triển và những thay đổi tâm sinh lý trong tương lai nơi người này.

Người ta cần phải luôn sẵn sàng đón nhận những tình cờ và ngẫu nhiên xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống hôn nhân. Nói cách khác, khi người ta cưới hỏi một người làm vợ hay làm chồng của mình là cưới hỏi toàn diện „tất cả mọi sự“ của người ấy, lúc hiện tại cũng như trong tương lai. Vì thế, nếu một người chưa sẵn sàng xác tín và chấp nhận như thế, thì đừng vội kết hôn hay lập gia đình, nếu không, sự đổ vỡ là hậu quả tất yếu, không thể tránh được.

Trên thực tế, đại đa số các đôi tân hôn luôn tràn đầy hân hoan vui hưởng ngày cưới, ngày hồng phúc của họ giữa tiếng nhạc, tiếng cười và những lời cầu chúc tốt đẹp nhất của bà con và bạn bè thân quen: “Nào trăm năm hạnh phúc!” “Nào đông con nhiều cháu sống ba bốn đời!” “Nào tiền của vào như nước”, v.v..! Đôi tân hôn thực sự cảm nhận được tận đáy lòng mình niềm vui và sự hạnh phúc khôn tả trong ngày khởi đầu cuộc sống hôn nhân của họ, và tin tưởng rằng niềm vui cũng như sự hạnh phúc ấy sẽ kéo dài mãi trong suốt đời họ. Họ xác tín rằng với tình yêu chân thành, sâu đậm và tha thiết mà hôm nay họ dành cho nhau, chắc chắn họ sẽ có những chuỗi ngày trong cuộc sống vợ chồng luôn đầy ắp tiếng cười và sự đầm ấm. Nhưng tiếc thay! Đó là một cảm nghĩ quá đơn thuần, non trẻ và sai lầm, có thể đưa đến những hậu quả tiêu cực, như thất vọng và chán nản, một khi người ta phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt của cuộc sống cụ thể.

Rất ít người biết được rằng những cảm nhận đầy hân hoan và hạnh phúc trong ngày hồng phúc ấy tựa như “câu nhạc dạo đầu” của một bản nhạc với đủ giai điệu trầm bổng du dương thánh thót, nhưng cũng vô vàn phức tạp khó khăn, mà chỉ những ngón tay điêu luyện của một nghệ sĩ tài hoa mới chơi được. Người ta cũng có thể khẳng định được rằng những cảm xúc hạnh phúc ngày cưới là một phần thưởng mà Tạo Hóa ban thưởng cho những đôi lứa dấn thân sống đời hôn nhân, cốt để giúp họ có đủ can đảm và nghị lực trong việc gánh vác những trách nhiệm nặng nề và đầy thách thức của bổn phận làm chồng, làm vợ, làm cha và làm mẹ trong những ngày tháng sắp tới của họ, chứ chưa phải là sự “khởi động” thực sự của đời hôn nhân. Nhưng rồi sau một thời gian lâu mau nhất định nào đó, chính đôi vợ chồng sẽ phải thực hiện một quyết định nào đó, để không chỉ cho sự “khởi động” đời sống hôn nhân và gia đình của họ được suôn sẻ và tốt đẹp, nhưng luôn được bền vững và phát huy thêm mãi. Bởi vì, tình yêu luôn cần được lớn lên và phát triển mãi, phát triển không ngừng cho tới lúc nó đạt tới được bờ bến vĩnh cửu và được hòa tan vào trong tình yêu vô biên vô tận của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu.

Sự chung thủy hôn nhân là gì?

Cuộc sống hôn nhân luôn phải đối mặt với nhiều thách đố khó khăn và nhiều nhọc nhằn vất vả dưới đủ mọi hình thức khác nhau là điều tất nhiên, không thể tránh được. Nhưng phần nhiều những khó khăn vất vả ấy gây nên bởi những tình huống mà bình thường khi lập gia đình người ta chưa hay ít nghĩ tới, ví dụ khi con cái – đặc biệt là con gái – bước vào tuổi dậy thì với các xáo trộn tâm sinh lý phức tạp; rồi tiếp đến là việc giáo dục, việc học hành và việc theo đuổi nghề nghiệp của con cái, và tất cả đều cần đến tiền bạc, đều liên quan đến tình trạng kinh tế của gia đình. Nhiều khi những khó khăn to nhỏ cụ thể ấy trong cuộc sống gia đình đã trở thành những thách thức không nhỏ cho cuộc sống hôn nhân và thường là nguyên nhân gây ra những cãi cọ, nóng nảy, bực dọc và những thái độ thái quá hay mất tự chủ, làm tổn thương lẫn nhau và đánh mất bầu không khí ấm cúng của gia đình.

Những lúc bị thử thách khó khăn như thế có thể được coi như hàn thử biểu không chỉ để đo độ tình yêu giữa hai vợ chồng, mà còn để đo độ lòng chung thủy hôn nhân của họ nữa. Vâng, những thử thách khó khăn trong đời sống hôn nhân thường đặt để hai vợ chồng trước một sự chọn lựa bó buộc: Hoặc họ can đảm biết nỗ lực vượt lên trên chúng hoặc để chúng đè bẹp họ và phá hoại hạnh phúc hôn nhân cũng như hạnh phúc gia đình của họ. Nói cách khác, những thử thách trong cuộc sống hôn nhân có thể là phương tiện cần thiết để tôi luyện tình yêu vợ chồng, hay nói đúng hơn là một minh chứng lòng chung thủy của họ đối với nhau.

Vậy, sự chung thủy là gì? Đó là dù trong bất cứ hoàn cảnh và tình huống nào người ta vẫn luôn trung tín giữ vững điều họ đã thề hứa. Người ta thề hứa với nhau những gì trong hôn nhân? Đây là điều mà những người lập gia đình đều phải biết rõ. Đó là trọn đời thương yêu và săn sóc lo lắng cho nhau trong mọi hoàn cảnh. Sự chung thủy luôn đòi hỏi phải giữ trọn những gì mà người ta đã thề hứa với nhau.

Người ta đã có lý khi nói: “Hôn nhân là bản hợp đồng của tình yêu đôi lứa.” Bởi vì, hôn nhân ràng buộc và nối kết hai người nam nữ lại với nhau qua Bí tích Hôn Phối. Nhưng dựa vào các giáo huấn của Công Đồng Vatican II, bộ Giáo Luật mới (CIC) đã trình bày hôn nhân như là một giao ước, dĩ nhiên vẫn không bỏ quên tính cách “một hợp đồng” của nó. Tư tưởng “giao ước” được bắt nguồn từ khoa chú giải Kinh Thánh và nhắc ta liên tưởng đến tình yêu và sự săn sóc đầy âu yếm của Thiên Chúa đối với Dân Người. Trong Giao Ước của Thiên Chúa với ông No-ê và ông Áp-ra-ham Thiên Chúa hứa trung thành với Dân Người. Cũng tương tự như thế, trong Giao Ước cuối cùng của Thiên Chúa với toàn thể nhân loại qua Đức Kitô, Thiên Chúa đã hứa yêu thương mọi con cái loài người mãi mãi.

Bởi vậy, hôn nhân Kitô giáo là một Bí tích, Bí tích Hôn Phối, vì trong hôn nhân Giao Ước của Thiên Chúa với nhân loại tiếp tục được hiện thực. Nói cách khác, trong khi tình yêu chân thành giữa con người với con người được hiện thực trong hôn nhân, Thiên Chúa hoàn tất lời hứa của Người với nhân loại, đó là Người luôn yêu thương họ! Giáo Luật dạy: “Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống. Tự bản tính, giao ước hôn phối hướng về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn phối giữa người đã chịu phép Rửa Tội lên hàng Bí Tích.”(2)

Tình yêu hôn nhân là gì?

Tiếp đến, tình yêu hôn nhân là gì? Tình yêu chân chính có nghĩa là hy sinh. Và hy sinh có nghĩa là cho đi một điều gì đó mình đang có và rồi mình sẽ không còn chiếm hữu điều ấy nữa. Vậy, hôn nhân là sự hy sinh chính bản thân mình cho người bạn đời: Người chồng không còn thuộc về mình nữa, nhưng thuộc về vợ mình; và người vợ cũng không thuộc về mình nữa, nhưng thuộc về chồng mình. Mỗi người trong họ không còn làm chủ chính mình nữa, nhưng cả hai người cùng làm chủ lẫn nhau. Khi kết hôn với nhau hai vợ chồng tự nguyện dâng hiến cho nhau tất cả. Vâng, họ cho đi tất cả, chứ không còn “nhưng mà” hay “nếu”, không còn đòi hỏi bất cứ điều kiện nào nữa! Cả hai đã trở nên một, nên một trong thể xác và nên một trong tinh thần. Không còn bất cứ điều gì của người này là điều xa lạ đối với người kia, và ngược lại.

Qua hôn nhân người ta mất đi quyền độc hữu trên chính mình, nhưng tất cả những gì của chồng là của vợ và tất cả những gì của vợ là của chồng, nói cách khác: Mọi sự là của chung hai vợ chồng! Điều đó cũng muốn nói rằng, qua hôn nhân người ta mất đi sự tự do cá nhân của một người độc thân. Đối với những người đã lập gia đình rồi, thì sự tự do giao lưu gặp gỡ vẫn là một điều tốt và mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhưng nhất thiết phải được giới hạn một cách hợp lý. Trong cuộc sống hôn nhân cả hai vợ chồng cần tới nhau để bố túc cho nhau, chứ không thể sống theo kiểu những người độc thân được nữa, tức chỉ sống chung với nhau dưới cùng một mái nhà, và vào một thời điểm nào đó cùng ăn chung một bàn và ngủ chung một giường, còn ngoài ra mỗi người sống một cuộc sống riêng rẽ và hoàn toàn độc lập nhau. Không, trong hôn nhân chỉ có một cuộc sống duy nhất, chứ không thể có hai cuộc sống song song với nhau được.

Chính sự nhận thức và sự xác tín về sự hiệp nhất độc đáo và đặc thù này trong hôn nhân sẽ là một bảo đảm cho sự chung thủy vợ chồng. Vì thế, sự nhận thức về sự hiệp nhất trọn vẹn này trong hôn nhân phải là sự nhận thức nền tảng của đạo vợ chồng.

Về những gì người ta hứa với nhau khi cử hành hôn lễ, tức nội dung sự chung thủy vợ chồng, thì như đã nói trên là mặc nhiên bao gồm toàn diện tiến trình phát triển và thay đổi về tâm sinh lý nơi mỗi người trong hai vợ chồng. Chính thái độ chấp nhận sự khác biệt phái tính của nhau là một dẫn chứng của tình yêu mà hai người nam nữ dành cho nhau. Và những sự khác biệt giữa hai người thì rất sâu xa và to lớn. Nếu những khác biệt về thể xác tuy nhiều và phức tạp, nhưng tương đối người ta vẫn còn xác định một cách rõ ràng được các ranh giới của chúng, trong khi đó những khác biệt về tinh thần và tâm lý, thì muôn phần phức tạp và rắc rối hơn bội phần, đến nỗi khiến người ta không sao có thể nắm rõ được các giới hạn cũng như các biến đổi không ngừng của chúng. Những cấu trúc của suy tư, những hình thái của cảm xúc, của tình cảm, những can thiệp của bản năng và của lý trí, v.v… Tất cả đều ảnh hưởng lên nhau, đều hòa cuộn và đan kết với nhau để tạo nên một thế giới chủ quan, nội tại, mông lung và huyền nhiệm.

Và giữa những phát triển và thay đổi về mọi mặt này, thì sự sắt son chung thủy vợ chồng là một minh chứng cho tình yêu hôn nhân bền vững của họ.

(Còn tiếp)

_________________

1. Xem: http://www.gottliebtuns.com/doc/Josemaria%20Escriva%20-%20Der%20Weg.pdf.

2. Codex Juris Canonici (CIC), số 1055 §1.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Rừng Thu
Tấn Đạt
21:21 25/10/2013
RỪNG THU
Ảnh của Tấn Đạt
Lá Thu rực rỡ
ngỡ rằng đang Xuân.
(nđc phóng ngữ)
Autumn is a second spring when every leaf is a flower.
(Albert Camus)