Ngày 26-10-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 30 Mùa Quanh Năm B 28.10.2018
Lm Francis Lý văn Ca
00:12 26/10/2018
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta sự đảo lộn diệu kỳ của bàn tay Thiên Chúa, dựa vào lời thánh Phaolô sau đây: “Nhiệm mầu thay công trình tay Chúa làm cho chúng tôi”. Bài Tin Mừng sẽ cho chúng ta thấy rõ rệt hơn về sự đảo lộn nầy.

Xin Chúa cho chúng ta luôn sống đức tin với lòng phó thác. Đồng thời luôn tâm niệm câu: “Mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên”.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Tiên tri Giêrêmia an ủi dân chúng bằng việc nhắc lại lời Thiên Chúa Giavê đã hứa: Ngài sẽ quy tụ dân chúng lại, như người mục tử quy tụ đàn chiên, như người cha ôm ấp con cái mình.

TRƯỚC BÀI II:
Giáo huấn của thánh Phaolô: Thiên Chúa chọn Đức Kitô, Ngài đã sinh ra làm người như chúng ta, nên cũng có những yếu hèn như con người. Cho nên Ngài cũng cảm thông những yếu hèn của chúng ta.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Người mù Bartimê ngồi ăn xin trên hè phố, không nhận ra Đức Kitô bằng chính mắt ông. Nhưng qua uyên náo, ông đã hỏi và đôi tai ông đã nghe biết về Chúa Kitô. Chúa đã cho ông được sáng mắt.


Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta ánh sáng, để nhìn chung quanh và chiêm ngưỡng những kỳ công của Thiên Chúa trong việc Ngài tạo dựng vũ trụ và con người. Mượn lời của người mù Bartimê chúng ta cầu xin Chúa:

1. Xin cho chúng ta thấy ánh sáng chân lý của Chúa, để chúng con dấn thân phục vụ nhiều hơn cho anh chị em, cho cộng đoàn-xứ đạo trên quãng đường chúng con đang đi. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho chúng ta nhìn thấy quê hương đang đau khổ, nghèo đói, gia đình ly tan, để thay thế vào đó bằng tình yêu và chia sẻ những gì Chúa ban cho chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho chúng ta nhìn thấy những nét hào hùng của dân tộc, nhưng nét đặc thù của truyền thống sống đạo của cha ông, để trong cuộc sống chúng ta sẽ duy trì những gì là tốt đẹp của Dân Tộc và Giáo Hội. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin Chúa giúp chúng ta thấy được lòng hiếu thảo, sự tôn kính ông bà, thầy dạy, những đấng bậc trong Giáo Hội... Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Nhớ đến các tiền nhân đã yên nghỉ là một trong những đức tính cao đẹp của tổ tiên để lại. Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn yên nghỉ cho các Ngài trên thiên quốc. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Chúa đã ban cho người mù Bartimê được sáng, ông đã được thấy và đi theo Chúa. Xin soi sáng tâm hồn chúng con để chúng con khám phá ra những kỳ công của Chúa trong thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:44 26/10/2018
12. ĐA NHÂN ĐA THỦ
Đời nhà Minh, lúc Nghiêm Tùng chấp chánh, thì ở kinh thành xuất hiện một con vật rất quái dị, mọc rất nhiều mắt và rất nhiều tay, hoàng đế bèn hỏi các đại thần của triều đình nó là con gì, nhưng không có một ai biết được nó.
Vương Nguyên Mỹ lúc đó làm quan ở bộ lang nói với mọi người:
- “Mọi người không động não để suy nghĩ xem sao, đây là chuyện rõ ràng dễ thấy.”
Có người hỏi tại sao, họ Vương trả lời:
- “Mười mắt nhìn vào, mười tay chỉ vào thì nhắm vào ai chứ ?” (ám chỉ gian tướng Nghiêm Tùng)
(Thanh Ngôn)
Suy tư 12:
Kẻ gian ác mà được quyền hành thì đúng là hùm thêm cánh, và không phải là người dân không biết chuyện, họ biết nhưng không dám nói hoặc không thèm nói, bởi vì hùm thêm cánh (nếu có thật) là loài yêu tinh, mà yêu tinh thì làm gì có lương tri của con người...
Ở đời, cái mà làm cho con người ta dễ ra hư đốn thậm tệ chính là quyền hành, bởi vì đó chính là bản chất thích thống trị của con người, thích thống trị tức là kiêu căng, do đó mà không lạ gì Đức Chúa Giê-su đã xuống thế làm người sinh trong cảnh khó nghèo để trở nên người hèn mọn nhất của nhân loại, để làm gì vậy, thưa là để tiêu diệt sự kiêu ngạo nơi mỗi người chúng ta.
Do đó, người Ki-tô hữu nếu có quyền hành thì họ xử sự quyền hành như tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su đã dạy: làm lớn thì phải phục vụ mọi người. Bởi vì khi phục vụ chính là lúc họ được nhấc lên và trở thành niềm hy vọng cho tha nhân, nhất là những người cùng khốn, những người bị áp bức.
Phục vụ trong khiêm tốn là châm ngôn của các thánh và cũng là của những người muốn nên thánh vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:46 26/10/2018

61. Vì Thiên Chúa mà tốn nhiều thời gian thì tương lai sẽ không mất đi, Thiên Chúa sẽ hoàn trả cho anh.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Có những kẻ mù mà sáng mắt. Có những kẻ sáng mắt mà mù.
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
15:58 26/10/2018
Có những kẻ mù mà sáng mắt. Có những kẻ sáng mắt mà mù.

Ngày xưa có một anh mù, mù cả 2 mắt, chẳng làm được gì. Sáng vợ dắt ra ngõ làng ăn xin, chiều vợ dắt về nhà ăn tối. Hai vợ chồng lương thiện sống an vui bên nhau. Một hôm, vợ bận việc không ra ngõ đón chồng về được. Chồng chờ mãi không thấy, dò dẫm tìm đường về. Lần mò thế nào mà lạc ngay vào rừng. Tối đến tiếng thú rừng kêu rống khiến người chồng sợ quá. Anh mò leo lên cây cao để tránh cọp. Đúng lúc đó, bầy quỉ ma đến hội họp dưới gốc cây. Chúng chỉ cho nhau biết chỗ giấu kho tàng và nói cho nhau hay cây thuốc quí có khả năng chữa bách bệnh, kể cả mù loà.

Anh chàng mù nghe được. Sáng hôm sau, lần tìm kiếm đến cây thuốc quí, xoa vào mắt, mắt sáng. Rồi tìm đến kho tàng, thấy được của cải. Từ đó anh chàng mù giàu có ra. Người anh keo kiệt hỏi lý do tại sao em sáng mắt, tại sao giàu có. Người em (tức người mù) thành thật chỉ cho anh. Bấy giờ người anh giả vờ mù, đi đến gốc cây trong khu rừng đó, leo lên chờ đợi. Bọn quỉ cũng đến họp. Nhưng thấy kho tàng đã mất, bèn bủa nhau đi tìm. Gặp được người anh đang trốn trên cây, chúng cho là kẻ trộm, nên giết liền.

Câu chuyện cổ tích trên đây chắc chắn là không có thật. Nhưng người xưa kể ra nhằm dạy con cháu nhiều bài học, như ở hiền gặp lành, như “tham thì thâm cổ nhân dạy thế, lấy chuyện gà ra để răn đời…”

Hôm nay kết hợp với bài Tin Mừng Chúa chữa người mù thành Giêricô, ta rút ra bài học : Có những người mù mà sáng mắt – có người sáng mắt mà lại mù.

1. Có những người mù mà sáng.

Người mù trong truyện cổ tích biết leo lên cây để tránh thú dữ. Biết lắng tai nghe lời quỉ họp bàn, biết lúc nào mới xuống khỏi cây cao, biết tìm đến cây thuốc quí, biết dùng kho tàng cho cuộc sống. Người mù tại Giêricô cũng là một người mù mà sáng.

*Cái sáng 1: là anh biết anh đang mù, đang rất cần sáng. Có những người sáng mà mù vì nghĩ rằng mình chẳng cần ánh sáng nào cả.

*Cái sáng 2: là anh biết ai là người có thể làm cho anh sáng mắt: anh đã nghe nói về Ngài nhiều rồi. Anh còn sáng ở chỗ nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế : Nghe tin có Đức Giêsu Nazaret, anh kêu to : Lạy Giêsu, con Vua Đavit. “Con Đavit” là tước hiệu Đấng Cứu Thế.

*Cái sáng 3: là anh biết anh phải làm gì. Tìm và chờ cho gặp được người có thể chữa mình. Không chạy đến với Người bằng đôi chân (vì mắt mù) thì chạy đến bằng tiếng kêu. Người ta bảo chàng im đi, muốn át tiếng kêu của chàng, thì chàng lại la to hơn: “Lạy Con vua Đavit xin thương xót thân con !”

*Cái sáng 4: là khi tiếp xúc được với người có thể chữa mình, anh biết từ bỏ. Anh ta liền vất cả áo choàng nhảy chồm lên mà đến với Đức Giêsu. Rồi khi Đức Giêsu đã chữa anh, anh liền đi theo Người.

Đó là một mẩu người mù mà vẫn sáng, vì người đó biết mình cần gì. Mình phải làm gì để đạt được điều mình cần. Và khi đạt được rồi phải làm gì để giữ mãi được điều mình cần đó. Đó là đi theo Ngài, là chính Ánh sáng.

Qua Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được trao nến sáng, tượng trưng cho Đức Kitô là Ánh Sáng. Chúng ta giữ mãi ánh sáng này không, hay là chúng ta như hạng người thứ hai: sáng mắt mà mù.

2. Có những người sáng mắt mà mù

Như người anh trong câu truỵên cổ tích: nghe nói đến kho tàng của cải là mù tối ngay. Sẵn sàng giả vờ mù, đi trong đêm tối để rồi bị chết vào tay bầy quỉ. Thì cũng vậy:

-Có người người mắt thật sáng, mà vì một chút lợi lộc cỏn con, không thèm nhìn thấy người kia là bạn mình nữa. Có những người mắt thật sáng mà chỉ vì một câu nói chạm tự ái, một hành vi nhỏ động khẽ đến danh dự là muốn làm cho to chuyện, làm cho ra nhẽ, lại hoá ra đánh mất luôn cái danh cỏn con ấy.

-Có những người mắt thật sáng, mà hoá mù trước cái tốt của kẻ khác.

.Xin mẹ 1000, mẹ không cho, em bé phụng phịu khó chịu. Em nhìn thấy thật sáng tờ 1000 mà mù, không thấy bao nhiêu là tiền của công sức nuôi dạy em, từ bé cho tới giờ, để rồi tức tối với cha mẹ. (chuyện một em bé đòi tiền công rửa chén, quét nhà bằng một tờ giấy viết tay, là 10 ngàn. Mẹ đưa bé tờ một chục. Tối đến mẹ chìa cho bé xem một hóa đơn dài, ghi sẵn tiền công sinh, công dưỡng, công chăm sóc bé…cho đến nay. Cộng chung con số tiền cực to).

.Người vợ quên pha cà phê, người chồng khó chịu. Chàng chỉ thấy cái mầu đen của cà phê mà mù trước biết bao chăm sóc khác của vợ dành cho mình, để rồi giận dỗi bỏ đi.

.Người chồng quên sửa chiếc ghế, người vợ đay nghiến. Nàng chỉ thấy chân ghế gãy chưa sửa mà mù trước biết bao công sức chàng đã làm cho nhà cửa gia đình.

Để nhìn cho được cái tốt của kẻ khác, nói cách khác để mắt ta không mù trước cái tốt của tha nhân, cần có Đức Kitô Con vua Đavit mở cho chúng ta. Không phải dễ. Và khi đã mở rồi, ta phải gắn bó với Ngài, tức là phải tìm ánh sáng nơi Ngài trong các cư xử hằng ngày của ta. Chớ gì trước khi nóng giận chỉ trích, ta thử hỏi Đức Giêsu trong hoàn cảnh này sẽ làm gì. Ta hãy cầu xin Đức Giêsu, Con vua Đavit mở mắt cho chúng ta nhìn thấy người khác là hình ảnh và là chính thân thể Đức Kitô vậy.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Thánh lễ Chúa Nhật 30 Quanh Năm 28/10/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
23:17 26/10/2018
Bài Ðọc I: Gr 31, 7-9

"Ta sẽ lấy lòng từ bi dẫn dắt kẻ đui mù và què quặt".

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ðây Chúa phán: Hỡi Giacóp, hãy hân hoan vui mừng! Hãy hò hét vào đầu các Dân ngoại, hãy cất tiếng vang lên, ca hát rằng: "Lạy Chúa, xin hãy cứu dân Chúa là những kẻ sống sót trong Israel".

Ðây, Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất: trong bọn chúng sẽ có kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con đi chung với nhau, hợp thành một cộng đoàn thật đông quy tụ về đây.

Chúng vừa đi vừa khóc, Ta sẽ lấy lòng từ bi và dẫn dắt chúng trở về. Ta sẽ đưa chúng đi trên con đường thẳng, băng qua các suối nước; chúng không phải vấp ngã trên đường đi: vì Ta đã trở nên thân phụ dân Israel, và Ephraim là trưởng tử của Ta.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).

Xướng:

1) Khi Chúa đem những người từ Sion bị bắt trở về,

chúng tôi dường như người đang mơ,

bấy giờ miệng chúng tôi vui cười,

lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng:

"Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng."

Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi,

nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

3) Lạy Chúa, hãy đổi số phận của con,

như những dòng suối ở miền nam.

Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo;

họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.

Bài Ðọc II: Dt 5, 1-6

"Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Tất cả các vị thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế, cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi như Aaron.

Cũng thế, Ðức Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là Ðấng đã nói với Người rằng: "Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con". Cũng có nơi khác Ngài phán: "Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê".

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 10, 46-52

"Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: "Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi". Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: "Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi".

Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: "Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh". Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: "Anh muốn Ta làm gì cho anh?" Người mù thưa: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy". Chúa Giêsu đáp: "Ðược, đức tin của anh đã chữa anh". Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.

Ðó là lời Chúa.
 
Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm - CN XXX QN - B
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
23:42 26/10/2018
Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm - CN XXX QN - B
(Gr 31,7-9; Hr 5,1-6; Mr 10,46-52)

Với Chúa Nhật XXX thường niên, Giáo Hội mời gọi chúng ta đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm và Trung Gian của loài người. Với tư cách này, Chúa Kitô mở mắt cho chúng ta để nhìn thấy những việc kỳ diệu mà Người đã làm cho chúng ta trong cuộc sống.

1- Loan báo và hiện thực
Trong bài đọc I Chúa Nhật này, tiên tri Giêrêmia loan báo sứ điệp tin vui về việc Thiên Chúa sẽ thực hiện những kỳ công để giải thoát và quy tụ dân Người về với nhau, đó là nền tảng của hy vọng tảng cho sự giải phóng và tồn tại. Ở đó chúng ta tìm thấy những hình ảnh của sự phục hồi, đổi mới, và hòa bình. Tuy nhiên, ơn cứu độ và bình an đó chỉ đến từ Thiên Chúa.
Ở bài đọc II, tác giả thư Do Thái nói về chân dung và vai trò của linh mục. Trước hết, linh mục là người “được chọn trong số người phàm” (Hr 5,1). Vì thế, linh mục không phát xuất hoặc rơi xuống từ trời, nhưng là một con người, ngài có gia đình và lịch sử giống mọi người.
“Được chọn trong số phàm nhân” cũng có nghĩa là linh mục được tạo dựng nên như bao nhiêu thụ tạo khác: với những cảm xúc, khó khăn, những bất trắc và yếu đuối như mọi người khác có. Kinh Thánh nhìn thấy trong những yếu tố này như một lợi ích cho người khác, chứ không phải là nguyên cớ cho những gương xấu. Quả thật, theo cách thức này, linh mục sẽ sẵn sàng hơn để cảm thông với người khác, vì linh mục cũng có những yếu đuối. Linh mục xét như là một con người nên cũng có những nhu cầu nhân bản, nhưng cầu này được sống với tình thần Tin Mừng khác biệt với các nhà xã hội và chính trị.
Hơn thế, “được chọn trong số phàm nhân,” linh mục “được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như thế vật đền tội.” Điều này có nghĩa là linh mục thay thế người khác và được cắt đặt để phục vụ họ. Phục vụ gắn liền với chiều kích sâu xa nhất của con người, là định mệnh vĩnh cửu. Thánh Phaolô tóm tắt sứ vụ linh mục trong câu này: “Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1 Cr 4,1). Linh mục được cất đặt để phục vụ giáo xứ. Nhờ linh mục, giáo xứ là điểm quy tụ mạnh nhất trong đời sống chúng ta.
Chúng ta vừa phác thảo cái nhìn tích cực về dung mạo của linh mục. Tuy nhiên, thực tế như chúng ta biết, không phải luôn như thế. Ngày hôm nay thỉnh thoảng chúng ta nghe những thông tin về những gương xấu tồn tại trong Giáo Hội liên quan đến các giáo sĩ, do sự yếu đuối và bất trung của linh mục, đó là thực tại mà Giáo Hội có thể không làm gì hơn ngoài việc xin ơn tha thứ.
Nhưng có một sự thật mà chúng ta cần phải ghi nhớ về những phúc lành thiêng liêng cho con người qua các linh mục. Xét như một phàm nhân, linh mục có thể mắc sai lầm, nhưng những việc linh mục làm tại bàn thờ hoặc trong tòa giải tội, mang lại những giá trị và hiệu quả lớn lao biết bao. Thiên Chúa vẫn tiếp tục ban ơn sủng cho con người qua các linh mục, dầu họ có sự bất xứng. Chính Chúa Kitô rửa tội, cử hành, tha thứ, ban hơn; linh mục chỉ là phương tiện thôi.
Theo ý nghĩa đó, tôi thích nhắc lại những lời của một linh mục nhà quê nói ra trước khi chết, do nhà văn Georges Bernanos viết: “Tất cả đều là hồng ân!” Cả sự khốn nạn say rượu xem ra đối với ngài cũng là một hồng ân, bởi vì nhờ đó mà ngài có lòng thương cảm hơn đối với người say rượu. Thiên Chúa không đòi hỏi những người đại diện của Người trên trái đất phải hoàn hảo tuyệt đối, nhưng Người muốn họ phải là người có lòng thương xót.

2- Chúa Giêsu, mô mẫu lý tưởng của linh mục
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại việc Chúa Giêsu chữa cho người mù tên là Batimê, ở Giêricô. Batimê đã không bỏ lỡ cơ hội để xin ơn giải thoát và chữa lành. Anh nghe biết rằng Chúa Giêsu đi qua, anh hiểu rằng đây là cơ hội lớn lao cho đời anh và anh đã hành động ngay lập tức. Anh bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi” (Mc 10,48). Những người xung quan phản ứng lại hành vi của anh, họ “quát nạt bỏ anh ta im đi, nhưng anh ta càng la lớn.” Điều này hiển nhiên minh chứng rằng ước vọng sống khỏe mạnh không phải luôn được chấp nhận: nỗi thống khổ đó luôn ẩn dấu, không được nói ra, không được làm quấy rầy cuộc sống của những ai đang khỏe mạnh.
Hạn từ “mù” cũng đã được thay đổi theo nhiều ý nghĩa tiêu cực cả thể lý và tinh thần. Ngày nay, người ta thường có khuynh hướng nói về sự mù lòa luân lý và tinh thần, đó là sự thiếu hiểu viết và vô cảm. Batimê không mù xét về phương diện này; anh chỉ bị khiếm thị thể lý thôi. Anh thấy bằng con tim còn tốt hơn cả những người ở xunh quanh anh, bởi vì anh có một đức tin và niềm hy vọng đáng trân trọng. Hơn nữa, cái nhìn nội tâm của đức tin này giúp anh lấy lại cái nhìn bên ngoài về mọi sự. Chúa Giêsu nói với anh ta: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Đức Giêsu xuất hiện với anh như là Đấng Cứu Độ và Người đã chữa lành anh khỏi sự mù lòa thể lý. Đó là một phép lạ của lòng tin.

3- Như anh mù Batimê
Người mù Batimê đại diện cho tình trạng nhân loại chúng ta luôn tìm kiếm sự chữa lành và ơn giải thoát khỏi sự yếu đuối, bệnh tật, nghèo nàn và tội lỗi. Sự mù lòa của chúng ta có lẽ không phải là khiếm thị thể lý, nhưng có thể là về tinh thần. Đó là bất cứ điều gì giới hạn và ngăn cản chúng ta đạt tới hoặc phát huy những năng lực trong đời sống mình. Để giải thoát khỏi sự mù lòa này, trước hết, chúng ta phải khiêm tốn nhận biết rằng chúng hiện hữu. Thứ đến, chúng ta cần lưu ý rằng Batimê không phải được chữa lành rồi mới tin, nhưng vì anh đã tin nên mới được chữa lành. Anh tỏ ra khiêm nhường xan xin Chúa giúp đỡ. Có một câu nói rất đơn sơ rằng: Chỉ có chúng ta mỏi mệt cầu nguyện, còn Chúa không bao giờ mỏi mệt để lắng nghe bạn cầu nguyện.”
Vì thế, sứ điệp Tin Mừng hôm nay là: Chúa Kitô là Linh Mục tối cao và Trung Gian giữa chúng ta với Chúa Cha, Người luôn sẵn sàng lắng nghe, chữa lành và giải thoát chúng ta khỏi bất cứ điều gì giới hạn và làm chúng ta mù lòa. Người muốn chúng ta nhìn thấy rõ ràng. Nhưng để thấy rõ ràng, cần có đức tin vào Chúa Kitô.
Tuy nhiên, cũng như Batimê, chúng ta phải khiêm tốn kêu lên: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi.” Đừng vì lòng tự cao tự đại, đừng vì đám đông làm ngăn cản chúng ta đến với Chúa Kitô. Vì Thánh Vịnh có nói: “Người nghèo kêu xin, Chúa lắng nghe lời họ” (Tv 36,4).
Cuối cùng, nếu chúng ta kêu cầu Chúa Kitô với niềm tin tuyệt đối. Chắc chắn Người lắng nghe chúng ta: “Vì tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát” (Rm 10,13). Vì thế, hôm nay, với tất cả niềm hy vọng, chúng ta hãy hát lên: “Chúa đã làm cho chúng ta biết bao điều kỳ diệu, nên chúng ta mừng rỡ hân hoan.” Amen!
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh lễ tại Santa Marta 23/10/2018: Hy vọng là sống cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô
Đặng Tự Do
01:36 26/10/2018
Trong thánh lễ sáng thứ Ba tại Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư của ngài về hy vọng, như một điều không trừu tượng, nhưng là sống trong kỳ vọng về một cuộc gặp gỡ cụ thể với Chúa Giêsu. Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng thật là khôn ngoan để biết làm thế nào để vui mừng trong những cuộc gặp gỡ nhỏ với Chúa trong cuộc sống hàng ngày.

Đức Thánh Cha đã giải thích về “hy vọng” qua hình ảnh của một phụ nữ mang thai đang chờ đợi đứa con của mình được sinh ra.

Quốc tịch và quyền thừa tự

Đức Thánh Cha đã bắt đầu bài giảng của ngài bằng cách suy tư trên hai từ ngữ được nêu lên trong Bài Đọc Một: quyền công dân và quyền thừa tự. Bài Đọc Một, trích từ Thư Thánh Phaolô gởi dân thành Êphêsô, nói về quyền công dân: “Đó là một hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, làm cho chúng ta trở thành công dân.” Nó bao gồm việc cho chúng ta một căn tính, một “thẻ căn cước” của chúng ta, có thể nói như thế. Thiên Chúa, nơi Chúa Giêsu, đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét để nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.

“Căn tính của chúng ta nằm chính xác trong điều này,” Đức Thánh Cha nói, “đó là được Chúa chữa lành, được xây dựng thành một cộng đồng và có Chúa Thánh Thần bên trong.”

Thiên Chúa đang dẫn dắt chúng ta trên hành trình hướng tới quyền thừa tự, vững tin rằng chúng ta là những công dân đồng bào với nhau, và rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng quyền thừa tự “là điều mà chúng ta tìm kiếm trong hành trình của mình, là điều chúng ta sẽ nhận được cuối con đường.” Nhưng chúng ta cần phải tìm kiếm nó mỗi ngày; và chính hy vọng là điều thôi thúc chúng ta tiến lên trong cuộc hành trình hướng đến quyền thừa tự đó. Đức cậy, theo Đức Thánh Cha, “có lẽ là đức tính nhỏ nhất, nhưng có lẽ là điều khó hiểu nhất.”

Nếu anh chị em hy vọng, anh chị em sẽ không bao giờ thất vọng

Đức tin, đức cậy và đức ái là một ân sủng. Đức tin và đức ái rất dễ hiểu. “Nhưng đức cậy là gì?” Đức Thánh Cha hỏi. Đó là hy vọng về thiên đàng, hy vọng được gặp gỡ các Thánh, được hưởng hạnh phúc đời đời. “Nhưng thiên đường đối với anh chị em là gì?” Đức Thánh Cha nêu câu hỏi với cộng đoàn.

Sống trong hy vọng là hành trình hướng tới một phần thưởng, vâng, hướng tới một hạnh phúc mà chúng ta không có nhưng chúng ta sẽ có. Đức cậy là một đức tính khó hiểu. Đó là một đức tính khiêm nhường, rất khiêm nhường. Đó là một đức tính không bao giờ thất vọng: nếu anh chị em hy vọng, anh chị em sẽ không bao giờ thất vọng. Không bao giờ, không bao giờ. Đức cậy cũng là một đức tính cụ thể. “Nhưng,” anh chị em hỏi, “làm sao nó lại có thể cụ thể được nếu như tôi không biết thiên đường, hoặc những gì đang chờ đợi tôi ở đó?” Hy vọng của chúng ta là hy vọng hướng tới một cái gì đó, không phải là một ý tưởng, không phải là một nơi chốn tốt đẹp ... không. Đó là một cuộc gặp gỡ. Chúa Giêsu luôn luôn nhấn mạnh khía cạnh này của hy vọng, đó là sống trong kỳ vọng về một cuộc gặp gỡ.”

Người phụ nữ mang thai đang sống để gặp Con của mình

Trong Tin Mừng trong ngày, chúng ta nghe về cuộc gặp gỡ của ông chủ khi ông ăn cưới về. Một cuộc gặp gỡ luôn luôn là một cái gì đó cụ thể. Để giúp chúng ta hiểu rõ, Đức Thánh Cha đã đưa ra ví dụ sau:

Khi nghĩ tới niềm hy vọng, một hình ảnh chợt đến với cha: đó là hình ảnh người phụ nữ mang thai đang mong đợi đứa con bà chào đời. Bà đến gặp bác sĩ, và xem kết quả siêu âm. Liệu bà ấy có dửng dưng “À, em bé à, OK”. Không, không đâu, bà ấy sẽ kêu lên! sẽ mừng vui! và mỗi ngày bà ấy xoa bụng mình để âu yếm đứa bé, và bà sống trong sự chờ mong đứa con ấy. Hình ảnh này có thể giúp ta hiểu thế nào là hy vọng: đó là sống cho một cuộc gặp gỡ. Người phụ nữ ấy hình dung đôi mắt của đứa nhỏ trông như thế nào, nó cười ra sao, nó tóc vàng hay tóc đen… bà hình dung ra cuộc gặp gỡ với con mình. Bà chờ mong cuộc gặp gỡ với con mình.

Hãy biết tận hưởng niềm vui trong những cuộc gặp gỡ nho nhỏ hàng ngày với Chúa Giêsu

Sau khi giải thích hình ảnh của người phụ nữ mang thai, và làm thế nào nó có thể giúp chúng ta hiểu hy vọng là gì, Đức Thánh Cha đưa ra một câu hỏi khác:

Tôi có hy vọng như thế, một cách cụ thể, hay niềm hy vọng của tôi có chút gì đó chung chung, có chút gì đó mơ hồ? Hy vọng thì cụ thể, và là chuyện mỗi ngày bởi đó là cuộc gặp gỡ. Và mỗi lần chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể, trong kinh nguyện, trong Tin Mừng, hay nơi những người nghèo, nơi đời sống cộng đoàn, là mỗi lần ta tiến được một bước nữa hướng tới cuộc gặp gỡ chung cuộc này. Thật khôn ngoan khi biết tận hưởng niềm vui trong những cuộc gặp gỡ nho nhỏ hàng ngày với Chúa Giêsu, trong khi chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ chung cuộc.

Để kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh một lần nữa rằng từ “căn tính” ám chỉ đến việc chúng ta đã được xây dựng thành một cộng đồng; và quyền thừa tự là sức mạnh của Chúa Thánh Thần “đưa chúng ta tiến về phía trước với hy vọng.” Ngài kêu gọi cộng đoàn những người hiện diện tự hỏi mình làm thế nào để sống đúng với căn tính của họ là các Kitô hữu, liệu họ có đang trông đợi một gia nghiệp trên thiên đàng, là điều có thể còn trừu tượng theo một nghĩa nào đó; và liệu họ có đang thực sự hy vọng một cuộc gặp gỡ với Chúa hay không.


Source: Vatican News Pope at Mass: Hope is living for the encounter with Jesus
 
Thánh lễ tại Santa Marta 26/10/2018: Khiêm nhường, hiền lành và nhẫn nhịn dẫn đến hòa bình
Đặng Tự Do
16:20 26/10/2018
Con đường dẫn đến hòa bình trên thế giới, trong xã hội, và trong gia đình của chúng ta là sự khiêm nhường, hiền lành và nhẫn nhịn. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 26 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài trên Bài đọc Một trong ngày, và mô tả lá thư Thánh Phaolô viết, trong nỗi cô đơn vì bị giam cầm, cho các tín hữu thành Êphêsô là một “bài thánh ca hiệp nhất” đích thực gợi lên trong chúng ta “phẩm giá ơn gọi” làm con cái Chúa.

Khó khăn trong việc tạo ra hòa bình

Đức Thánh Cha nhận xét rằng sự cô đơn của thánh Phaolô sẽ theo cùng ngài cho đến khi thánh nhân nhắm mắt lìa đời tại Rôma, bởi vì các Kitô hữu “quá bận rộn” trong “những cuộc đấu tranh nội bộ” của họ. Và trước Phaolô, theo Đức Thánh Cha, chính Chúa Giêsu cũng đã nài xin ân sủng hiệp nhất từ Chúa Cha cho tất cả chúng ta.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng ngày hôm nay đây chúng ta “đã quá quen với việc hít thở không khí xung đột”. Mỗi ngày, trên TV và trên báo chí, chúng ta nghe về xung đột và chiến tranh “hết nơi này lại đến nơi khác”, “không có hòa bình, không có hiệp nhất”. Những thỏa hiệp được hình thành để chấm dứt xung đột bị dẹp sang một bên, chạy đua vũ trang và chuẩn bị cho chiến tranh và hủy diệt tiếp tục được tiến hành.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng ngay cả các định chế thế gian được tạo ra với những ý hướng tốt nhất cho hòa bình và hiệp nhất, cũng không đem đến sự đồng thuận vì có một sự phủ quyết ở chỗ này và một tư lợi ở chỗ đó. .. Trong khi họ đang cố gắng để đạt được thỏa thuận hòa bình, trẻ em không có thức ăn, không trường học, không giáo dục và cũng chẳng có bệnh viện vì chiến tranh đã phá hủy mọi thứ.

Đức Thánh Cha cảnh giác rằng trong chúng ta luôn có những khuynh hướng hủy diệt, chiến tranh và bất hòa. Đó là xu hướng mà ma quỷ, kẻ thù và kẻ hủy diệt nhân loại gieo trong lòng chúng ta. Liên hệ đến Thánh Phaolô, Đức Thánh Cha nói rằng vị Tông Đồ dân ngoại dạy chúng ta rằng hành trình hiệp nhất, có thể nói, được bao bọc hay “vũ trang” với lòng gắn bó với hòa bình. Hòa bình, theo Đức Thánh Cha, sẽ dẫn đến sự hiệp nhất.

Mở lòng ra

Kế đó, Đức Thánh Cha khuyến khích tất cả những người hiện diện trong thánh lễ hãy chọn cho mình một hành vi xứng đáng với “lời mời gọi” nhận được từ các bài đọc của Phụng Vụ trong ngày “với tất cả sự khiêm tốn, hiền lành và nhẫn nhịn”.

Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta, những người đã quen với việc sỉ nhục và la hét lẫn nhau, cần phải kiến tạo hòa bình và hiệp nhất với nhau bằng sự dịu dàng và kiên nhẫn.

Ngài thúc giục các Kitô hữu mở rộng trái tim của mình và kiến tạo hòa bình trên thế giới qua con đường của “ba điều đơn sơ” là “khiêm nhường, hiền lành và nhẫn nhịn”. Ngài đã thu hút sự chú ý của cộng đoàn đến lời khuyên thực tế của thánh Phaolô “chịu đựng lẫn nhau trong lòng mến”. Đức Thánh Cha thừa nhận điều đó thật không dễ dàng chút nào vì trong ta luôn có khuynh hướng muốn phán xét, và lên án người khác là những thái độ dẫn đến sự tách biệt và xa cách nhau…

Thoả thuận ngay từ đầu

Đức Thánh Cha cũng chỉ ra rằng khi một sự rạn nứt được tạo ra giữa các thành viên của gia đình, ma quỷ rất hạnh phúc với sự khởi đầu của chiến tranh này. Lời khuyên của ngài là khi đó chúng ta hãy chịu đựng lẫn nhau bởi vì tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi đầy rẫy những khuyết điểm, nên chúng ta luôn có thể tìm ra một cái cớ nào đó để bực dọc và thiếu kiên nhẫn với nhau. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thúc giục các môn đệ Ngài nên “một thân thể và một thần khí”. Được linh hứng bởi những lời này của Chúa Giêsu, Thánh Phaolô đã khích lệ chúng ta “bảo vệ sự hiệp nhất tinh thần qua sự gắn bó với hòa bình”.

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng bước tiếp theo là hãy hướng nhìn về chân trời hòa bình cùng với Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy chân trời của bình an với lời cầu nguyện: “Lạy Cha, xin cho họ nên một, như Cha và Con là một”. Đức Thánh Cha nhắc nhớ Tin Mừng theo Thánh Luca trong ngày, khi Chúa Giêsu khuyên chúng ta nên thỏa thuận với kẻ thù của chúng ta trên đường đi. Ngài nhận xét rằng đó là lời khuyên tốt, bởi vì “không khó để đi đến một thỏa thuận vào lúc khởi đầu một cuộc xung đột”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng lời khuyên của Chúa Giêsu giải quyết vấn đề ngay từ lúc phát sinh và kiến tạo hòa bình ngay từ đầu đòi hỏi chúng ta phải có lòng khiêm nhường, nhân đức hiền lành và kiên nhẫn. Người ta có thể xây dựng hòa bình trên toàn thế giới với những điều nhỏ nhặt này, đó là thái độ của Chúa Giêsu, Đấng khiêm nhường, hiền lành và luôn tha thứ.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói hôm nay chúng ta, thế giới, gia đình và xã hội chúng ta cần có hòa bình. Ngài mời gọi các Kitô hữu bắt đầu đưa vào thực hành lòng khiêm tốn, hiền lành và nhẫn nhịn và khẳng định rằng đây là con đường để kiến tạo hòa bình và củng cố sự hiệp nhất.


Source: Vatican News - Pope at Mass: humility, gentleness and patience lead to peace
 
New York Times: Thỏa thuận Vatican - Trung Quốc, nỗi buồn của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân
Đặng Tự Do
18:08 26/10/2018
Hôm 24 tháng 10, 2018, tờ New York Times đã đăng một bài viết của Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân nói lên những ưu tư của ngài đối với thỏa thuận Vatican - Trung Quốc được ký kết hôm 22 tháng 9 vừa qua.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây “The Pope Doesn’t Understand China” (Đức Giáo Hoàng không hiểu Trung Quốc). Dưới đây là bản dịch toàn văn bài viết sang Việt Ngữ.


Đức Giáo Hoàng không hiểu Trung Quốc

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân

Tháng trước Vatican tuyên bố đã ký một thỏa thuận tạm thời với chính phủ Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo. Những người ủng hộ thỏa thuận nói rằng cuối cùng thỏa thuận đã mang lại sự thống nhất sau một thời gian chia rẽ lâu dài - giữa một Giáo hội thầm lặng trung thành với Đức Giáo Hoàng và một Giáo hội chính thức được nhà cầm quyền Trung Quốc chấp thuận - và với thỏa thuận đó, chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên đã công nhận quyền bính của Đức Giáo Hoàng. Trong thực tế, thỏa thuận này là một bước tiến lớn trong việc hủy diệt Giáo Hội chân chính ở Trung Quốc.

Tôi biết rõ Giáo Hội ở Trung Quốc, tôi rành rẽ Cộng sản và tôi biết rõ Tòa Thánh. Tôi là một người Trung Quốc đến từ Thượng Hải. Tôi sống nhiều năm ở Hoa Lục và nhiều năm ở Hương Cảng. Tôi đã dạy trong các chủng viện khắp Trung Quốc - ở Thượng Hải, Tây An, Bắc Kinh, Vũ Hán, Thẩm Dương - từ năm 1989 đến 1996.

Đức Thánh Cha Phanxicô, là một người Á Căn Đình, dường như không hiểu những người Cộng sản. Ngài rất chú tâm về mục vụ, và ngài đến từ Nam Mỹ, nơi theo dòng lịch sử, các chính phủ quân sự và những kẻ giàu có đã hiệp sức cùng nhau đàn áp người nghèo. Và ai lên tiếng bảo vệ người nghèo? Cộng sản. Có lẽ một số cha Dòng Tên cũng lên tiếng, và chính phủ thường gọi những vị này là các linh mục Cộng sản Dòng Tên.

Đức Thánh Cha Phanxicô có thể có cảm tình tự nhiên đối với những người Cộng sản bởi vì đối với ngài, họ là những người bị bách hại. Ngài không biết họ sẽ là những kẻ bách hại người khác tàn bạo ra sao một khi họ nắm được quyền hành, như những người Cộng sản ở Trung Quốc.

Toà Thánh và Bắc Kinh đã cắt đứt quan hệ ngoại giao từ những năm 1950. Người Công Giáo và tín hữu các tôn giáo khác đã bị bắt và bị đưa đến các trại lao động cải tạo. Tôi trở lại Trung Quốc vào năm 1974 giữa lúc đang xảy ra cuộc Cách mạng Văn hóa; tình hình thật khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng. Cả một quốc gia sống dưới chế độ nô lệ. Chúng ta đã quên những điều này thật quá dễ dàng. Chúng ta cũng quên rằng không bao giờ có thể có được một thỏa thuận thực sự tốt đẹp với một chế độ độc tài toàn trị.

Trung Quốc đã mở ra với thế giới, vâng đúng là thế, kể từ những năm 1980, nhưng ngay cả cho đến nay mọi thứ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Giáo hội chính thức ở Trung Quốc bị kiểm soát bởi Hội Công Giáo Yêu nước và Hội Đồng Giám Mục, cả hai cơ chế này đều nằm dưới sự chỉ đạo của đảng.

Từ năm 1985 đến năm 2002, Đức Hồng Y Jozef Tomko là tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, là cơ quan giám sát công việc truyền giáo của Giáo hội. Ngài là người Slovak, là người hiểu chủ nghĩa Cộng sản, và ngài thật khôn ngoan.

Theo quan điểm của Đức Hồng Y Tomko, Giáo hội thầm lặng là Giáo hội hợp pháp duy nhất ở Trung Quốc, và Giáo hội chính thức là bất hợp pháp. Nhưng ngài cũng hiểu rằng có nhiều người tốt trong Giáo hội chính thức ấy. Chẳng hạn như giám mục của Tây An, là người trong một thời gian đã là phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc. Hay như giám mục Thượng Hải, Kim Lỗ Hiền (Jin Luxian - 金魯賢), một giáo sĩ Dòng Tên và là một nhà ngôn ngữ học xuất sắc, là người đã bị quản chế trong những năm của thập niên 1950.

Hồi đó, Tòa Thánh đã có một chính sách thận trọng được thực hiện một cách quảng đại. Chính sách này cho phép một sự tương nhượng hợp lý nhưng tới một giới hạn thôi.

Mọi thứ đã thay đổi vào năm 2002, khi Đức Hồng Y Tomko đến tuổi nghỉ hưu. Một người Ý trẻ tuổi không có kinh nghiệm quốc tế đã thay thế ngài và bắt đầu hợp pháp hóa ồ ạt các giám mục chính thức của Trung Quốc quá nhanh, quá dễ dàng, tạo ra ấn tượng rằng bây giờ Vatican sẽ tự động chuẩn y sự lựa chọn của Bắc Kinh.

Hy vọng nhen nhúm trở lại khi Đức Joseph Ratzinger, một người Đức đã sống qua cả chủ nghĩa Phát xít và chủ nghĩa Cộng sản, trở thành Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Ngài đã đưa Đức Hồng Y Ivan Dias, một người Ấn Độ đã trải qua một thời gian ở Tây Phi và Hàn Quốc, lên lãnh đạo Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, và quốc tế hóa Vatican. Một ủy ban đặc biệt cho Giáo Hội ở Trung Quốc cũng được thành lập. Tôi được bổ nhiệm vào ủy ban đó.

Thật không may, Đức Hồng Y Dias tin tưởng vào chính sách Ostpolitik [1] và chạy theo những lời dạy của một Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào những năm 1980, là người đã từng đề xướng sự hòa dịu với các chính phủ do Liên Sô kiểm soát. Và ngài đã áp dụng chính sách này cho Trung Quốc.

Khi Đức Bênêđíctô thứ 16 đưa ra lá thư nổi tiếng của ngài cho Giáo hội Trung Quốc vào năm 2007, kêu gọi hòa giải giữa tất cả những người Công Giáo ở đó, nhiều điều không thể tin được đã xảy ra. Bản dịch ra tiếng Hoa được công bố với nhiều lỗi, bao gồm cả một sai sót quan trọng đến mức không thể bỏ qua được. Trong một đoạn văn tinh tế về việc các linh mục thầm lặng có thể chấp nhận sự công nhận của nhà cầm quyền Trung Quốc mà không buộc phải phản bội đức tin, một cảnh báo quan trọng đã bị bỏ sót liên quan đến cách thức theo đó nhà cầm quyền “hầu như luôn luôn” đưa ra các đòi hỏi “trái với những đòi buộc” lương tâm của người Công Giáo.

Một số người trong chúng ta nêu ra vấn đề và văn bản cuối cùng đã được sửa chữa trên trang web của Vatican. Nhưng lúc đó, bản gốc sai lầm đã được lưu hành rộng rãi ở Trung Quốc, và một số giám mục đã hiểu nhầm bức thư lịch sử của Đức Bênêđíctô thứ 16 là khích lệ họ tham gia vào Giáo hội được nhà nước công nhận.

Hôm nay, chúng ta có Đức Thánh Cha Phanxicô. Lạc quan một cách hồn nhiên về chủ nghĩa Cộng sản, ngài được những người yếm thế xung quanh khích lệ để tin tưởng những người Cộng sản Trung Quốc dù họ biết rõ tình hình hơn.

Ủy ban đặc biệt cho Giáo Hội ở Trung Quốc không còn được triệu tập, mặc dù nó chưa hề bị giải thể. Những người trong chúng tôi đến từ vùng ngoại vi, từ tiền tuyến, đang bị gạt ra ngoài lề.

Tôi là một trong những người hoan nghênh quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức Hồng Y Pietro Parolin làm Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào năm 2013. Nhưng bây giờ tôi nghĩ rằng Đức Hồng Y Parolin ít quan tâm đến Giáo Hội hơn những thành công về ngoại giao. Mục tiêu cuối cùng của ngài là khôi phục lại các mối quan hệ chính thức giữa Vatican và Bắc Kinh.

Đức Thánh Cha Phanxicô muốn đến Trung Quốc - tất cả các vị Giáo Hoàng đều muốn đến Trung Quốc, bắt đầu với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhưng chuyến viếng thăm Cuba của Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2015 đã mang lại những gì cho Giáo hội? cho người Cuba? Hầu như chẳng có gì cả. Và ngài có cải đạo được anh em nhà Castro hay không?

Các tín hữu ở Trung Quốc đang đau khổ và hiện đang chịu áp lực ngày càng tăng. Đầu năm nay, nhà cầm quyền thắt chặt các quy định về thực hành tôn giáo. Các linh mục thầm lặng tại Hoa Lục nói với tôi rằng họ không khuyến khích anh chị em giáo dân đến nhà thờ để tránh bị bắt.

Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng cho dù thỏa thuận gần đây - với những điều khoản chưa được tiết lộ - mở ra việc “đối thoại về các ứng viên cuối cùng”, chính Đức Giáo Hoàng mới là người “bổ nhiệm” các giám mục. Nhưng được nói lời sau cùng thì có ích gì khi Trung Quốc giành quyền nói hết tất cả những lời trước đó? Theo lý thuyết, Đức Giáo Hoàng có thể phủ quyết việc đề cử bất kỳ giám mục nào xem ra không xứng đáng. Nhưng ngài có thể làm được điều đó bao nhiêu lần, một cách thực sự?

Ngay sau khi thỏa thuận được công bố, hai giám mục Trung Quốc từ Giáo hội chính thức đã được gửi đến Thành phố Vatican để tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục, một cuộc họp thường xuyên của các giám mục từ khắp nơi trên thế giới. Ai đã chọn họ? Cả hai người ấy đều khét tiếng là thân cận với chính phủ Trung Quốc. Như tôi đã nói, sự hiện diện của họ tại cuộc họp này là một sự sỉ nhục đối với các giám mục tốt lành của Trung Quốc.

Sự hiện diện của họ cũng làm nảy sinh câu hỏi đau đớn về việc liệu Vatican có hợp pháp hóa bảy giám mục chính thức đến nay vẫn còn tiếm quyền bất hợp pháp hay không? Đức Giáo Hoàng đã dỡ bỏ vạ tuyệt thông của họ, mở đường cho họ được chính thức lãnh đạo các giáo phận. Giáo hội chính thức có khoảng 70 giám mục; Giáo hội thầm lặng chỉ có khoảng 30. Các nhà chức trách Trung Quốc nói: Bạn công nhận bảy người của chúng tôi đi rồi chúng tôi sẽ công nhận 30 người của bạn. Điều đó xem ra có vẻ là một mối giao dịch tốt đấy. Nhưng liệu 30 vị đó có được phép làm giám mục thầm lặng không? Chắc chắn là không.

Họ sẽ bị buộc phải tham gia Hội Đồng Giám Mục. Họ sẽ bị buộc phải tham gia vào cảnh chim lồng cá chậu với những người khác, và sẽ trở thành một thiểu số trong đó. Thỏa thuận của Vatican, nhân danh sự thống nhất Giáo hội ở Trung Quốc, chỉ có nghĩa là sự hủy diệt Giáo hội thực sự ở Trung Quốc.

Nếu tôi là một người vẽ tranh biếm họa, tôi sẽ vẽ Đức Thánh Cha đang quỳ gối dâng chìa khóa Nước Trời cho Đại Đế Tập Cận Bình và nói: “Xin hãy công nhận tôi là giáo hoàng.”

Tuy nhiên, với các giám mục và linh mục thầm lặng của Trung Quốc, tôi chỉ có thể nói điều này với anh em: Xin đừng nổi loạn. Họ lấy đi các nơi thờ tự của anh em chăng? Anh em không còn thừa tác vụ nào để thi hành nữa chăng? Hãy về nhà, và cầu nguyện với gia đình của anh em đi. Chuẩn bị chờ thời. Đợi đến lúc thuận lợi hơn. Hãy quay trở lại các hang toại đạo. Cộng sản không tồn tại đến muôn đời đâu.

Chú thích:

[1] Chính sách Ostpolitik theo nhận định của tiến sĩ George Weigel:

Chính sách Ostpolitik của Đức Tổng Giám Mục Casaroli, được bắt đầu trong triều đại của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục (1963-1978), nhằm mục đích tìm ra một modus non moriendi, một “con đường để không chết” (là cụm từ Đức Tổng Giám Mục Casaroli thường nói) cho Giáo Hội Công Giáo sau bức màn sắt. Để có thể bổ nhiệm các giám mục, là những vị có thể truyền chức linh mục và do đó duy trì đời sống bí tích hay đời sống thiêng liêng của Giáo hội dưới các chế độ vô thần, Vatican đã kết thúc những luận điệu chống lại Cộng sản tiêu biểu cho chính sách ngoại giao trong những năm 1950, loại bỏ các giáo sĩ cao cấp từ chối không nhượng bộ bất cứ điều gì đối với các chế độ Cộng sản (như Đức Hồng Y Jozsef Mindszenty của Hung Gia Lợi và Đức Hồng Y Joseph Beran của Tiệp Khắc), dập tắt bất kỳ vai trò công khai nào của các nhà lãnh đạo Công Giáo lưu vong như Đức Hồng Y Josyf Slipyj, kêu gọi các giáo sĩ và giáo dân hầm trú ngừng các hoạt động chống lại các chế độ Cộng sản tại địa phương, tập chú vào việc tìm kiếm các hiệp định với các chính phủ Cộng sản. Một tiền đề hình thành nên sự trở mặt đáng kể này là luận cứ cho rằng những luận điệu chống lại Cộng sản của Vatican trước đó đã khiến cho các chế độ Cộng sản khủng bố Giáo hội; người ta giả định rằng nếu Vatican tỏ ra thân thiện hơn (từ thông dụng là “đối thoại”), thì một sự dịu giọng như thế sẽ được [Cộng sản] hồi đáp.

Tình hình đã không xảy ra như thế. Và dưới bất kỳ một đánh giá khách quan nào, chính sách Ostpolitik của Casaroli là một thất bại - và trong một số trường hợp là một đại thảm hoạ.


Source: New York Times The Pope Doesn’t Understand China
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Loan báo Tin Mừng
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
15:56 26/10/2018
Sau thời gian học hỏi huấn luyện, các học viên được sai ra đi hoạt động làm việc ở những vùng nơi con người đang sinh sống. Họ có nhiệm vụ sống giữa con người và loan truyền làm chứng cho điều đã học hỏi, để giúp đỡ và thuyết phục con người.

Chúa Giêsu ngày xưa sau quãng thời gian rao giảng nước Thiên Chúa, cùng huấn luyện các Tông đồ và trước khi trở về trời, cũng sai các Tông đồ ra đi: „ Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ , loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.“ (Mc 16,15)

Chúa Giêsu sai các Tông đồ ra đi với sứ mạng truyền giáo. Nhưng truyền giáo là gì ?

Căn cứ vào lời Chúa Giêsu truyền, đầu tiên các Tông đồ từ Jerusalem đã vượt đường bộ hay đường biển trẩy đi khắp nơi trong đế quốc Roma từ vùng Trung Đông sang Âu châu. Và rồi từ Âu Châu các Vị Thừa sai được sai gửi đi tiếp tục công việc truyền giáo ở các đất nước khắp nơi trên thế giới, như cách đây hơn 400 năm các Linh mục, các Tu sỹ từ Pháp, Tây ban Nha, Bồ đào Nha, sang truyền giáo trên các đất nước nơi các lục địa Phi Châu, Á châu, Úc Châu,

Họ là những người được Giáo Hội, được Dòng tu sai đi đến những xứ sở nơi đó sống giữa người dân và làm chứng cho tin mừng tình yêu Chúa không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính sự hy sinh dấn thân hội nhập đời sống qua nếp sống bác ái, nếp sống văn hóa, nếp sống khiêm nhượng hòa mình giữa lòng văn hóa xã hội con người.

Các vị Thừa Sai đi truyền giáo nơi xứ sở xa lạ, đầu tiên đã dấn thân vào công việc tìm hiểu phong tục tập quán đất lề quê thói của người dân bản xứ. Dân thân vào lãnh vực đó không phải để xóa bỏ, nhưng để trước hết hiểu con người. Có thế mới đi đến với họ được, và cùng giúp phát triển cho tốt đẹp thêm ra.

Linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) sang truyền giáo ở Việt Nam năm 1627-1645 là một trong những vị thừa sai đã dấn thân đi vào vùng tìm hiểu hội nhập đó. Trong thời gian này vị thừa sai đã sáng lập ra Chữ Quốc Ngữ viết theo mẫu tự Latinh cho nước Việt Nam. Công việc truyền giáo của Cha đã đi đến tận vùng biên giới ngôn ngữ văn hóa dân tộc Việt Nam.

Cha Alelexandre de Rohdes đã đi vào biên giới ngôn ngữ văn hóa Việt Nam như thế nào?

Để giúp mình học tiếng bản xứ thời lúc đó, Cha đã bỏ công phân tích tiếng nói qua nghe hiểu như sau:

„ Mặc dầu tiếng nói thường dân ngày nay phổ thông khắp nước Annam khác với tiếng Tàu, thế nhưng cũng đọc với những cung giọng không qúa khác với cung giọng tiếng Tàu. Tiếng Tàu chỉ có năm giọng nói, còn tiếng Annam thì có những sáu, rất đáp ứng với những dấu nhạc của ta, làm cho các tiếng đều khác nhau về nghĩa, đến nỗi không có tiếng nào mà không ghi thêm một trong sáu dấu là như hồn và đặc tính ý nghĩ của tiếng. Những dấu hay thanh thì không ghi trong chữ viết của họ, nhưng chỉ phô diễn trong giọng nói mà thôi: điều này làm cho chúng tôi rất khó hiểu sách vở của họ. Thế nhưng chúng tôi đã nghĩ cách ghi các giọng khác nhau đó bằng tất cả cách viết của chúng ta, làm cho chúng ta học sự khác biệt trong cung giọng, để hiểu ý nghĩa.

Thanh thứ nhất là thanh trầm, hạ giọng để đọc, như ta hát giọng trầm trong ca nhạc và chúng ta ghi đấu huyền của người Hy Lạp, thí dụ dò có nghĩa là cái bẫy.

Thanh thứ hai là thanh hầu như trầm hoặc gần như trầm, phải có chút cố gắng để đọc, như phát ra từ lồng ngực và chúng tôi ghi bằng một cái chấm dưới nguyên âm theo cách người Hylạp đặt chữ iota, thí dụ rệ , có nghĩa là rễ cây .

Thanh thứ ba là thanh uốn trầm, uốn giọng mà đọc và có một chút cố gắng ở ngực, và chúng tôi ghi bằng dấu uốn của người Hylạp, thí dụ mĩ là tên một gia đình qúi tộc trong xứ.

Thanh thứ tư là thanh bằng đọc mà không cần cung giọng thí dụ fa hay đúng hơn pha có nghĩa là trộn, vì trong tiếng này không có chữ F bật hơi .

Thanh thứ năm là thanh uốn nhưng dịu hơn, đọc như thể chúng ta đặt câu hỏi và chúng tôi cũng ghi bằng dấu hỏi của người Latinh, thí dụ sổ có nghĩa là danh mục, quyển ghi chép.

Thanh thứ sáu là thanh sắc, đọc với giọng bẳn gắt như thể người nào nói khi giận dữ, và chúng tôi ghi bằng dấu sắc của người Hylạp, thí dụ lá có nghĩa là lá cây. Như vậy sáu thanh (như tôi đã nói) có thể đáp ứng với sáu nốt nhạc của ta dò, rẹ, mĩ, pha, sỏ , lá.“ ( Alexandre de Rhodes, Lịch sử vương quốc Đàng ngoài, Histoire du Royaum de Tonquin, Bản Việt ngữ của Hồng Nhuệ, Tủ sách Đại Kết, 1994, tr. 69-70).

Từ căn bản phân tích tìm hiểu đó trước hết cho việc học tiếng Việt Nam phục vụ công việc truyền giáo đi vào biên giới nếp sống văn hóa xã hội đất nước Annam thời lúc đó, đã giúp cha cùng những nhà truyền giáo anh em thừa sai thành công trong công việc truyền giáo hiểu con người và con người hiểu các ngài.

Và không ngờ công trình nghiên cứu của cha đã dần dần trở thành căn bản cho việc phát triển sáng tạo ra Chữ Quốc Ngữ góp phần căn bản quan trọng vào nền văn hóa đất nước Việt Nam.

Đi làm công việc truyền giáo nơi đâu, ở vào thời gian nào, việc đầu tiên căn bản người Thừa Sai phải làm là học ngôn ngữ tiếng nói nơi đó. Ngôn ngữ văn hóa tiếng nói như chiếc chìa khóa mở cửa đi vào biên giới đời sống xã hội con người nơi đó.

Và ngày nay, việc phát triển bùng nổ các phương tiện truyền thông tin tức tiếng nói hình ảnh nhanh chóng vượt qua mọi biên giới, việc chu du tìm hiểu các nơi trên thế giới trở nên phổ thông dễ dàng, như thế việc truyền giáo phải như thế nào?

„ Các bạn trẻ thân mến, ngày nay, những tận cùng trái đất thì lại khá tương đối và luôn “có thể điều hướng” cách dễ dàng. Thế giới số - các mạng xã hội vốn quá phổ biến và luôn sẵn sàng – làm tan biến hết mọi biên giới, loại bỏ hết những khoảng cách và giảm thiểu những khác biệt. Mọi thứ đều ở trong tầm với, quá gần gũi và tức thời. Nhưng rồi việc thiếu quà tặng chân thành của cuộc sống của chúng ta, chúng ta có thể có vô số các mối liên hệ nhưng không bao giờ chia sẻ một sự hiệp thông sự sống thật sự. Để chia sẻ về mặt truyền giáo cho đến tận cùng trái đất đòi hỏi một quà tặng về bản thân trong ơn gọi mà Thiên Chúa, Đấng đã đặt để chúng ta trên mặt đất này, chọn để ban cho chúng ta (x. Lc 9:23-25). Cha dám nói rằng, đối với một người trẻ nam hay nữ là người muốn theo Đức Kitô, thì điều thiết yếu nhất là tìm kiếm, khám phá và duy trì trong hơn gọi của mình.“ ( Đức Giáo Hoàng Phanxico, Thông điệp về ngày thế giới truyền giáo 2018).

Khánh nhật truyền giáo 2018
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Chiêm niệm
Sơn Ca Linh
09:01 26/10/2018
Vô thanh, vô sắc, vô cầu,
Con cò dưới nắng, con trâu bên đồng.
Thuyền trôi lặng lẽ bên sông,
Ven đường rợp bóng cây trông lên trời.
Theo vòng khói thuốc xa khơi,
Chập chùng bể khổ chơi vơi phận người.
Quỳnh hương đêm vội mĩm cười,
Thuyền ai chiếc bóng đợi người chiều xa.
Đàn ai nhịp bản tình ca,
Trăm năm cổ độ cội già đứng nghe.
Bóng ai vừa bước qua hè,
Đèn cung thánh gọi ai về niệm kinh.
Ta tìm một cõi lặng thinh,
Vô cầu, vô sắc, vô thinh…nhiệm mầu !

Sơn Ca Linh
26.10.2018