Ngày 28-10-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:04 28/10/2016
57. SỨC MẠNH CỦA THÁI SƠN.

Đường Huyền Tông Lý Long Cơ ủy phái trung thư lịnh Trương Thuyết làm “phong đan sứ”, đem nhân mã đến Thái Sơn lập đàn mở mang cơ sở, cử hành đại lễ tế trời đất.
Căn cứ vào quan lệ của nhà Đường, sau khi tế trời đất thì từ quan thái úy, tư đồ, tư không trở xuống đến văn võ bá quan, nhất loạt đều được thăng một cấp.
Trịnh Dật là con rể của Trương Thuyết mang hàm cửu phẩm, cậy thế lực của bố vợ thăng một lúc lên quan ngũ phẩm, trên thân thêm áo hồng bào, uy phong lẫm liệt.
Trong yến tiệc, Lý Long Cơ nhìn thấy Trịnh Dật bổng nhiên thăng ngũ phẩm thì rất sửng sốt, bèn hỏi ông ta làm thế nào mà thăng như thế, Trịnh Dật phập phồng lo sợ, rất lâu mà cũng không trả lời được.
Nghệ nhân là Hoàng Phan Xước nói với Lý Long Cơ:
- Đó là cậy nhờ sức mạnh của thái sơn đấy.”
Từ đó về sau, “thái sơn” biến thành chữ để nói đến bố vợ.
Hơn nữa, Thái Sơn là một trong năm núi ngũ nhạc, cho nên người ta cũng gọi bố vợ là “nhạc phụ”.
(Triều Thị Khách ngữ)

Suy tư 57:
Từ cấp cửu phẩm mà thăng đến cấp ngũ phẩm thì quả là dựa vào núi thái sơn mới có thể làm được, nhà vua cũng đành chịu vậy. ”Nhân thân nhì thế” để nói lên ảnh hưởng sâu xa của sự thân thiết giữa người có quyền và không có quyền.
Có người gác cổng quen thân với thủ trưởng cơ quan nên luôn hách dịch với các nhân viên khác; có người quen thân với bác sĩ trong bệnh viện, nên không cần xếp hàng đợi phiên mình, mà chạy tọt vào luôn bên trong phòng khám; có người quen thân với bề trên, nên tha hồ nói trăng nói cuội hù dọa anh em, chị em; có người quen với cha sở nên làm luôn “cha phó” của giáo xứ...
Đức Chúa Giê-su “quen thân” với Chúa Cha, nên Ngài đã vâng phục Chúa Cha mà chết trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại; các thánh tông đồ đã quen thân với Đức Chúa Giê-su nên các ngài đã chịu chết vì Chúa Giê-su; các thánh nam nữ đều quen thân với Chúa, nên các ngài sống rất khiêm tốn với mọi người khi còn ở trần gian...
Hai loại quen thân trên đây khác xa nhau hơn trời với đất, tôi chọn loại thân thiết nào để hôm nay tôi vì nhờ quen thân mà phục phục vụ tha nhân tốt hơn, và ngày sau tôi được gần gủi thân thiết bên Chúa bên Mẹ và các thánh nam nữ trên trời ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 31 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:30 28/10/2016
Chúa Nhật 31 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: (Lc 19, 1-10)
“Con gười đến để tìm và cứu những gì đã mất.”



Anh chị em thân mến,
Ơn cứu độ đã đến với ông Gia-kêu cách dễ dàng hơn ông ta tưởng, và làm ngạc nhiên những người Do Thái khác, vì ông ta là một quan thu thuế được coi là người tội lỗi. Đức Chúa Giê-su, Đấng đến thế gian để tìm kiếm những người tội lỗi đi lạc đường chân lý, và Ngài đến để chữa lành những tâm hồn dập nát đau khổ vì những bon chen của cuộc đời, vì những bất công và thù hận của con người...

Bài Tin mừng hôm nay có hai việc mà chúng ta cần phải suy nghĩ và khắc sâu trong lòng :

Một là, Đức Chúa Giê-su đã thưởng công bội hậu cách bất ngờ cho ông Gia-kêu, đó là den0961 thăm nhà ông và dùng cơm với ông, một phần thưởng quá to lớn và bất ngờ đối với ông Gia-kêu –một người được coi là người tội lỗi- và gia đình của ông, hành động này của Đức Chúa Giê-su đã làm đảo lộn những suy nghĩ của những người đồng thời với Ngài tự gọi mình là người công chính hơn những gái điếm và thu thuế...

Giữa đám đông chen chúc nhau đi theo Đức Chúa Giê-su, một Gia-kêu lùn tịt đã không thể nào nhìn cho được người mà bấy lâu nay mình đã nghe tiếng, ý tưởng này đã thôi thúc ông bỏ ngay buổi làm việc và quyết tâm đi để nhìn thấy con người của Đức Chúa Giê-su cho bằng được...

Giữa hàng trăm người đi theo mình, Đức Chúa Giê-su chỉ chọn một nhà thu thuế Gia-kêu để vào nghỉ ngơi và dùng bữa với ông, không phải ngẫu nhiên mà Ngài thấy ông Gia-kêu, cũng không phải nhờ các môn đệ mách bảo để Ngài biết ông ta, nhưng chỉ có Đấng thấu suốt tâm hồn mới nhìn thấy tâm tình của ông Gia-kêu tội nghiệp mong muốn thấy mặt Ngài, và lòng nhân hậu xót thương của Ngài đã khiến Ngài làm một hành động bất ngờ cho Gia-kêu và ngạc nhiên cho những người theo Ngài: “Này ông Gia-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !” .

Hai là, Đức Chúa Giê-su đến để tìm kiếm và cứu những gì đã mất, đây là một tin vui cho chúng ta những con người tội lỗi, đây cũng là một lời phán xét cho chúng ta là những người tự coi mình là công chính hơn tha nhân, để rồi kết án và đoán xét anh chị em mình...

Ông Gia-kêu đột nhiên thay đổi lối suy nghĩ và cách sống của mình khi được Đức Chúa Giê-su vào nhà mình, ông nói với Ngài: “Thưa Ngài, đây là phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ái cái gì, tôi xin đền gấp bốn” . Tình thương của Đức Chúa Giê-su đã làm ông Gia-kêu thay đổi cuộc sống: biết chia sẻ với người nghèo những gì mình có, biết đền bù thiệt hại cho người khác do mình gây ra, mà những suy nghĩ và thái độ này trước đây chưa bao giờ ông Gia-kêu nghĩ đến...

Những người tội lỗi sẽ không thể tự mình làm lại cuộc đời, nhưng phải cậy nhờ ơn Thiên Chúa và quyết tâm của mình, nhưng chính thái độ thờ ơ vì thành kiến, kiêu ngạo vì thành tích của chúng ta là những nhân tố tích cực làm cho người anh em không thể đứng lên để làm lại cuộc đời của họ, Đức Chúa Giê-su đã làm một cuộc cách mạng đổi mới cách nhìn của chúng ta với tha nhân, đó là tất cả mọi người đều cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không phải chỉ có người tội lỗi mà thôi.

Suy nghĩ như thế, chúng ta mới có thể thay đổi cách nhìn của mình với người khác, nhất là với những người mà chúng ta cho là tội lỗi trong cuộc sống hôm nay.

Anh chị em thân mến,
Mỗi người trong chúng ta là một Gia-kêu lùn, tức là cũng đầy dẫy những tội lỗi, cho nên chúng ta không thể làm quan tòa phán xét tội của người anh em, bởi vì chỉ có Thiên Chúa là Đấng phán xét mà thôi.

Do đó, một, chúng ta học gương của Gia-kêu biết trãi rộng lòng mình ra với tha nhân khi đã được Thiên Chúa thứ tha tội lỗi; hai, chúng ta noi gương của Đức Chúa Giê-su biết chia sẻ với những anh em đã ngã xuống (sống trong tội) mà chưa thể đứng lên vì nhiều lý do, để qua chúng ta, những anh em ấy mạnh dạn vứt bỏ những xấu xa của quá khứ, mà đứng lên đồng hành với mọi người trong ánh sáng của Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:29 28/10/2016

6. Trước khi lãnh nhận Đức Chúa Giê-su Ki-tô, con phải dẹp bỏ tất cả những lưu luyến trong lòng khiến Ngài không vui thích. Người muốn lãnh nhận Thánh Thể thì phải loại bỏ tạp niệm của thế tục.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Sức mạnh hoán cải của tinh thương
Lm. Đan Vinh
10:10 28/10/2016
HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN C

Kn 11,22-12,2 ; 2Tx 1,11-2,2 ; Lc 19,1-10.

SỨC MẠNH HOÁN CẢI CỦA TÌNH THƯƠNG

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 19,1-10

(1) Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. (2) Và kìa, có một người tên là Da-kêu. Ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. (3) Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông lại lùn. (4) Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. (5) Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. (6) Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. (7) Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !” (8) Còn ông Da-kêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo. Và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. (9) Đức Giêsu nói với ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu Tổ phụ Áp-ra-ham. (10) Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng hôm nay nhằm chứng minh Đưc Giêsu là Đấng Thiên Sai, với sứ mệnh “tìm và cứu chữa những gì đã hư mất”. Cụ thể là ông Da-kêu thủ lãnh các người thu thuế ở Giê-ri-khô, nhờ gặp được Đức Giêsu nên đã được ơn hoán cải. Do thành tâm đi tìm, nên ông đã gặp được Người và được Người ưu ái đến ở trọ tại nhà ông. Trước tình thương của Đức Giêsu, ông đã quyết tâm hoán cải, thể hiện qua việc tình nguyện quảng đại chia phân nửa gia sản phân phát cho người nghèo và sẵn sàng đền bù cho những người đã bị ông làm thiệt hại trước đây.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-4: + Đức Giêsu vào thành Giê-ri-khô và đi ngang qua thành: Giê-ri-khô là một thành phố cách Giêrusalem 37 cây số. Có hai thành Giê-ri-khô: Một thành cũ đã bị ông Gio-su-ê phá huỷ, và một thành mới do vua Hêrôđê xây dựng cách nơi cũ không xa. + Có một người tên là Da-kêu: Tên Da-kêu nghĩa là “Người trong sạch”. Ong đứng đầu ngành thu thuế tại thành Giê-ri-khô, nên bị người Do thái liệt vào hạng người tội lỗi.

- C 5-7: + Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi. Vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”: Đức Giêsu đã biết rõ về con người của Da-kêu trước khi ông gặp Người. Người đã nhìn thấy ông giữa muôn người, biết tên và công khai gọi tên ông. Nhất là Người còn đến ở trọ tại nhà của ông. + Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người: Cảm động trước tình thương và sự ưu ái quan tâm của Đức Giêsu, ông Da-kêu vội vàng tụt xuống khỏi cây sung và đón rước Người về nhà. Da-kêu chỉ muốn thấy mặt Đức Giêsu, nhưng ông lại được Người thương đến ở trọ tại nhà của ông. Lòng ưu ái của Người vượt quá sự mong ước của ông. + Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !”: Theo quan niệm của người Do thái, ai lui tới giao thiệp với người tội lỗi cũng trở nên ô uế và bị khiển trách (x. Lc 5,30). Ở đây, Đức Giêsu không những đã tiếp xúc nói chuyện, mà còn đến ở trọ tại nhà của ông trưởng ngành thu thuế Da-kêu, nên không tránh khỏi sự xầm xì phản đối của đám đông. Qua hành động này, Đức Giêsu cho thấy sứ vụ của Người là đi tìm và cứu chữa những người tội lỗi mà Da-kêu là đại diện.

- C 8-10: + Này đây, phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo...: Cảm động trước tình thương của Đức Giêsu, Da-kêu đã biểu lộ quyết tâm hoán cải qua việc đền bù những tội lỗi trước đó. Ông tự nguyện chia nửa tài sản để phân phát cho người nghèo và đền trả gấp bốn lần những thiệt hại đã gây ra, trong khi Luật Môsê chỉ buộc đền gấp bốn cho tội trộm chiên mà thôi (x. Xh 21,37). + Hôm nay Ơn cứu độ đã đến cho nhà này: Nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu mà cả nhà ông Da-kêu đã được cứu độ. + Con cháu Tổ phụ Áp-ra-ham: Do làm nghề thu thuế nên Da-kêu bị coi là kẻ tội lỗi không còn thuộc về dòng dõi của Áp-ra-ham. Nhưng khi ông đã hồi tâm sám hối, ông lại được Đức Giêsu trả lại quyền được làm con cháu của Tổ phụ Áp-ra-ham như trước. + Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất: Câu này cho thấy sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giêsu là đến để tìm kiếm và giúp những kẻ tội lỗi ăn năn sam hối để được cứu độ.

4. CÂU HỎI: 1) Tên Da-kêu nghĩa là gì ? 2) Thiện chí của ông Da-kêu được biều lộ qua hành động nào ? 3) Tại sao dân chúng lại trách Đức Giêsu về việc đến ở trọ tại nhà Da-kêu ? 4) Tại sao ông Da-kêu lại được Đức Giêsu tuyên bố là con cháu Tổ phụ Áp-ra-ham và được cứu độ ? 5) Câu nào nói lên sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giêsu ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).

2. CÂU CHUYỆN:

1) NHỮNG KẺ KHỐN CÙNG (LES MISÉRABLES)

Đây là tựa đề một tác phẩm nổi tiếng của văn hào Vích-to Huy-gô (Victor Hugo), tường thuật câu chuyện về cuộc đời của Văn Giang (Han Valjean), một tên cướp của giết người đã từng bị ở tù 19 năm. Khi vừa được thả ra, anh đã phải nếm mùi bị mọi người khinh dể xa lánh: Bước vào tiệm ăn, anh liền bị chủ tiệm xua đuổi; Vào trong nhà trọ thì người gác cửa đã đóng sập cửa ngay trước mặt; Đi qua ổ chó, thấy bộ dạng nhếch nhác râu ria của anh, chúng liền thi nhau sủa inh ỏi... Chỉ khi bước vào nhà Đức giám mục My-ri-ê, anh mới được tiếp đãi nồng hậu như một con người: Anh được ăn một bữa tối thật ngon, được nằm trên một chiếc giường êm ấm. Nhưng rồi đêm hôm ấy, nhìn thấy các chân đèn bằng bạc quí giá, anh không cưỡng nổi lòng tham, nên nhẹ nhàng lấy năm cái chân đèn cho vào bao chuồn mất. Nhìn thay bộ dạng khả nghi của anh, cảnh sát liền đòi khám xét chiếc túi vải anh đang vác trên vai và nhìn thấy mấy cái chân đèn bằng bạc. Anh liền bị giải đến trước mặt vị giám mục để làm rõ. Nhưng ngài không những không kết tội, mà còn nhận là đã tặng cho anh mấy cái chân đèn bạc kia. Hơn nữa, ngài còn tặng thêm hai chân đèn nữa cho đủ bộ và nói nhỏ với anh: “Ta không kết tội con đâu, nhưng con phải sám hối để làm lại cuộc đời”. Sau khi được thả, anh luôn suy nghĩ về những lời nhắn nhủ của vị giám mục và xúc động trước tình thương bao dung của ngài. Anh quyết tâm sám hối và sau đó đã trở thành một người lương thiện. Nhiều năm sau, Văn Giang đã chinh phục được tình cảm của mọi người và còn được dân chúng tín nhiệm bầu làm thị trưởng của thành phố. Sở dĩ ông từ một tên tội phạm trở thành mot người lương thiện và được kính nể là do ông đã cảm nghiệm được tình thương của vị giám mục My-ri-ê.

2) SỨC MẠNH HOÁN CẢI CỦA TÌNH THƯƠNG:

Trong thiền viện của thiền sư SĂNG–GAI (Sengai) có nhiều đệ tử ở chung. Một đệ tử của vị thiền sư có thói quen thỉnh thoảng nửa đêm leo tường ra ngoài đi chơi với chúng bạn mãi đến gần sáng mới quay lại thiền viện. Một đêm kia, thiền sư Săng-gai đi kiểm tra, thấy một chiếc giường trống, rồi còn thấy một chiếc ghế cao để cạnh bức tường phía bên trong thiền viện. Thiền sư liền dời chiếc ghế kia sang chỗ khác và đứng thế vào chỗ đó. Khi anh đệ tử kia quay về, do không thấy thiền sư đang đứng thế chiếc ghế mọi khi, anh ta đã đặt bàn chân lên đầu thầy Săng-gai làm điểm tựa trước khi nhảy xuống đất. Lúc khám phá ra sự thể thì anh cảm thấy sợ hãi. Nhưng thay vì trách phạt, thiền sư lại mỉm cười nhỏ nhẹ nói với anh rằng: “Trời về sáng đang trở lạnh. Con mau vào phòng mặc áo ấm vào kẻo bị cảm lạnh nhé !” Cảm động trước tấm long từ bi và tình thương khoan dung của thầy, từ ngày đó người đệ tử kia không bao giờ còn dám tái phạm trèo tường đi chơi nữa. Anh chuyên cần học tập và về sau trở thành một học trò giỏi của thiền sư Săng-gai.

3) SỨC MẠNH CỦA LÒNG SÁM HỐI:

Công tước D’Ossome, phó vương xứ Napoli, nước Ý, Một hôm đi thị sát chiến thuyền Galère do một đội nô lệ ngồi chèo. Họ vốn là các tội nhân nặng bị án khổ sai chung thân. Khi gặp mặt công tước, các tù nhân ai cũng ca thán mình vô tội. Duy chỉ có một tù nhân ở góc phía xa là ngồi cúi đầu không nói một lời. Công tước liền bước đến bên và dịu dàng hỏi han. Anh nói: Thưa ngài, tôi chịu phạt xứng với tội tôi đã phạm và tôi chẳng có gì để bào chữa. Công tước quay sang nói với mọi người đi theo: “Người này đúng là một phạm nhân, anh ta không xứng đáng ngồi chung với những kẻ vô tội. Ta ra lệnh trục xuất tên này ra khỏi nơi đây”. Và thế là, chỉ nhờ vào lòng chân thành hối lỗi mà người tù nhân đã được giải phóng khỏi kiếp sống nô lệ.

3. THẢO LUẬN: 1) Trong các chuyện trên bạn thích câu chuyện nào nhất? Tại sao? 2) Tuần này mỗi người chúng ta sẽ làm gì cụ thể để giúp một tội nhân được ơn hoán cải nên lương thiện hơn ?

4. SUY NIỆM:

Tin mừng Luca Chúa Nhật hôm nay thuật lại câu chuyện hoán cải của ông Da-kêu làm nghề thu thuế. Vào thời ấy, những người thu thuế bị xếp chung với bọn trộm cắp, giết người và đĩ điếm. Hơn nữa, do làm thu thuế phục vụ đế quốc Rôma, nên họ bị dân Do thái đồng hóa với bọn tội phạm và bị khinh dể. Nhưng Đức Giêsu lại có cách hành xử khác đối với những người thu thuế này. Tin mừng hôm nay cho thấy: Người đã gọi đích danh ông Da-kêu, đã đến ở trọ trong nhà ông và còn ngồi đồng bàn ăn uống chung với ông. Việc đó khiến dân chúng có mặt xầm xì phản đối. Tuy nhiên qua lối hành xử như thế, Đức Giêsu cho thấy sứ mạng của Ngài là “đến tìm và cứu chữa những gì bị hư mất”. Cảm động rrước tấm lòng bao dung nhân hậu của Đức Giêsu, ông Da-kêu đã nhìn nhận tội lỗi và quyết tâm sám hối để được nên công chính.

1) “NÀY ÔNG DA-KÊU XUỐNG MAU ĐI”:

Da-kêu là một người giàu có nổi tiếng ở thành Giê-ri-cô. Ông là trưởng ban thu thuế của thành phố này. Dĩ nhiên nếu chỉ là nhân viên làm việc ăn lương thì chắc ông đã không thể giàu có như vậy được. Sở dĩ ông có nhiều tiền là do gian lận móc ngoặc với gian thương trong việc thu thuế. Mọi người đều nhìn Da-kêu như một tội phạm đáng khinh, và chính ông cũng cảm thấy lương tâm bất an. Nghe tin Đức Giêsu sắp đi qua khu vực gần nhà, Da-kêu liền chạy tới gần để nhìn xem mặt Người. Nhưng dân chúng quá đông mà Da-kêu lại lùn thấp, nên ông đã chạy về phía trước, trèo lên một cây sung, hy vọng sẽ nhìn thấy mặt Đức Giêsu khi Người đi ngang qua. Khi tới chỗ Da-kêu núp, Đức Giêsu dừng lại ngước nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”.

Da-kêu không ngờ lại được Đức Giêsu ưu ái biết rõ tên và còn ngỏ ý muốn đến ở trọ tại nhà ông là một người tội lỗi ! Ông cảm thấy rất vui khi được Đức Giêsu phục hồi danh dự trước mặt đám đông luôn ác cảm và khinh dể ông. Còn Đức Giêsu cũng bỏ ngoài tai những lời xì xầm phản đối của nhiều người để đến ở trọ tại nhà một kẻ tội lỗi.

Ơn Cứu độ là kết quả của sự gặp gỡ hai chiều: Thiên Chúa đi tìm và tội nhân tiếp nhận. Nếu Đức Giêsu không đi tìm tội nhân thì chẳng ai có thể được ơn cứu độ: “Vì chưng, Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10). Nhưng dù Đức Giêsu có đi tìm mà tội nhân lại né tránh, thì họ cũng không thể nhận được ơn cứu độ. Trong câu chuyện hôm nay, Đức Giêsu đã đi bước trước khi nhìn lên cây sung tìm kiếm Da-kêu đang ẩn núp và nói chuyện với ông và ông đã mau chóng đáp lại. Cuối cùng ông và cả gia đình đã nhận được ơn cứu độ.

2) “NÀY ĐÂY PHÂN NỬA TÀI SẢN CỦA TÔI, TÔI CHO NGƯỜI NGHÈO...”:

Chính ánh mắt bao dung, lời nói âu yếm và thái độ yêu thương của Đức Giêsu đã đánh động tâm hồn chai lì của Da-kêu, thổi bùng lên ngọn lửa hướng thiện còn đang leo lét trong lòng ông. Quả thật, hoán cải là kết quả của một sự cảm nhận về tình yêu của Chúa. Da-kêu bỗng chốc cảm thấy tâm hồn hân hoan và không còn yêu thích tiền bạc như trước. Ông đã sẵn sàng hiến phân nửa tài sản chia cho người nghèo, đồng thời tự nguyện đền trả gấp bốn những thiệt hại đã gây cho kẻ khác. Xin đền gấp bốn nghĩa là Da-kêu nhận biết tội của ông quá nặng và quyết tâm thực thi công bình bác ái. Dù Da-kêu đã trở nên nghèo hơn, nhưng ông lại cảm thấy hạnh phúc hơn vì đã được Đức Giêsu yêu thương đến ở trọ tại nhà ông và ban ơn cứu độ cho cả gia đình ông. Người còn trả lại cho ông tư cách là con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham giống như bao người Do thái lương thiện khác khi phán: "Ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham" (Lc 19,9). Trong bữa tiệc vui hôm đó, tuy không còn giàu có như trước, nhưng Da-kêu đã cảm thấy hạnh phúc hơn. Chắc chắn thân thể ông vẫn còn lùn thấp như trước, nhưng tâm hồn ông đã hóa nên cao thượng hơn gấp bội phần.

3) LIÊN QUAN GIỮA HOÁN CẢI VÀ TỪ BỎ:

Bất cứ một cuộc hoán cải nào cũng đòi phải có sự từ bỏ: Một người lương muốn theo đạo Công Giáo thì phải từ bỏ ma quỉ, bỏ các điều mê tín dị đoan, các đam mê tội lỗi… để chỉ tin thờ một mình Thiên Chúa và tin vào Đấng Ngài sai đến là Đức Giêsu Kitô. Một người mắc thói xấu cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách… muốn hồi tâm sám hối cũng phải quyết tâm chừa bỏ các thói hư ấy. Một người buôn gian bán lận, muốn hoán cải quay về với Chúa cũng phải quyết tâm từ bỏ lối làm ăn gian dối ấy… Con tim của Da-kêu đã được hoán cải nhờ sự quan tâm và đối xử nhân hậu của Đức Giêsu. Thi hào người Đức Goethe (1749-1832) đã viết như sau: "Nếu đối xử với một người như “người ấy là”, thì người ấy sẽ trở nên xấu hơn. Nếu đối xử với người ấy như “người ấy phải là”, hoặc như “người ấy muốn là”, thì người ấy sẽ trở nên tốt hơn". Đức Giêsu hiểu rằng trong tâm hồn Da-kêu còn có phần tốt, muốn làm điều tốt và có khả năng làm điều tốt, nên Người đã khơi phần tốt ấy lên. Mỗi người chúng ta cũng hãy tự hoán cải bằng cách để Đức Giêsu quan tâm đến ta, nói với ta, đến ở trọ trong lòng ta và đánh động con tim của ta.

4) HIỆN NAY VẪN CÒN NHIỀU DA-KÊU:

Đó là những người bị người khác khinh thường loại trừ như: những kẻ mang tiền án tiền sự, những trẻ em bụi đời lang thang không nhà, những cô gái đứng đường đón khách lúc đêm tối, những người nghiện sì-ke ma túy, những người đang tìm hưởng lạc thú trong những quán bia ôm, mượn rượu giải sầu... Họ cần những người có trái tim bao dung nhân ái như Đức Giêsu giúp họ hoàn lương giống như Da-kêu trong Tin mừng hôm nay. Vậy trong những ngày này chúng ta có thể làm gì cụ thể để tỏ lòng khoan dung yêu thương và giúp họ trở về với Chúa?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊSU. Ngày nay Chúa vẫn thường đến với chúng con trong hình hài của những người nghèo khó ăn xin, những bệnh nhân liệt giường không tiền chữa trị, những người đau khổ cần được ủi an. Chúa cần chút nước giếng của người phụ nữ Samari để uống cho đã khát; Cần năm chiếc bánh và hai con cá của một bé trai dâng hiến để nhân ra nhiều nuôi năm ngàn người ăn no; Cần căn nhà của Da-kêu để nghỉ qua đêm... Chúa khiêm tốn xin chúng con một chút tiền bạc, một chút lòng hảo tâm, một chút sự thương cảm... để sau đó Chúa lại đổ xuống trên chúng con muôn ngàn phúc lộc thiêng liêng gấp bội.

- LẠY CHÚA. Xin dạy chúng con biết đến với tha nhân, biết khám phá ra đốm lửa của sự thiện còn đang cháy leo lét nơi tâm hồn những người đang lạc xa Chúa. Ước gì chúng con biết nhìn các tội nhân công khai bằng ánh mắt nhân từ bao dung của Chúa, dám hy vọng vào thiện chí hoán cải của họ, và kêu gọi mọi người cùng hợp tác để xua tan cái xấu cái ác ra khỏi gia đình, khu xóm, trường học, và công sở ... Nhờ đó, thế giới hôm nay sẽ được biến đổi ngày một tốt hơn, chan hòa tình người hơn và an bình hạnh phúc hơn.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH - HHTM
 
CN 31C : Lùn chưa chắc đã thấp
Lm Anphong. Nguyễn Công Minh, OFM
10:13 28/10/2016
CN 31C : Lùn chưa chắc đã thấp

“Nhất lé nhì lùn.” Người Việt ta hay nói vậy. Vì không phải là người Việt, nên không chắc Chúa Giêsu đã biết câu cảnh báo này : Đừng chơi nhà thằng lé, đừng ghé nhà thằng lùn. Có lẽ Chúa không biết câu ấy thật nên hôm nay Chúa không những đã ghé, mà còn ở lại ăn cơm, nơi nhà một người rất lùn, tên là Giakêu. Ông lùn nhưng ông không thấp. Lùn chưa chắc đã thấp. Bởi :

1. Giakêu lùn nhưng có một quyết tâm cao.

Quyết tâm cao được thể hiện bằng cách :

-Leo lên cây cao : Để gặp Chúa, người ta phải biết vượt cao hơn cái trần tục của mình. Leo cao, bao giờ cũng đòi phải cố gắng. Ông leo cao để tìm Chúa. Và rồi ông gặp được Chúa thật. Vì vừa ngay lúc ấy, Chúa đến nơi, và Người nhìn lên, bốn mắt gặp nhau, Chúa đọc được cái khát vọng trong lòng ông Giakêu. Chúa thương thiện chí của ông. Chúa cảm động trước cố gắng của ông. Và rồi Chúa gọi ông xuống. Chúa chưa vào nhà ông, nhưng Chúa đã cho ông vào lòng Chúa rồi. Ông vẫn còn ngồi trên cây, nhưng Chúa đã đưa ông vào trong trái tim Chúa rồi. Chưa ai như Chúa, chủ nhà chưa mời mà Chúa đã tự mời mình vào nhà người ta.“Này Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại trong nhà ông.”

Quyết tâm cao khác của Giakêu, đó là :

-Quyết mở hầu bao : Và khi gặp Chúa rồi, ắt hẳn ông phải có một quyết tâm cực cao, ông mới mở nổi hầu bao cắt đi những đồng tiền liền khúc ruột.

Khi Chúa Giê-su nói với ông rằng hôm nay Ngài sẽ đến nhà ông, và khi ông đã khám phá ra rằng mình đã gặp được một người bạn mới rất tuyệt diệu, lập tức ông có một quyết định. Ông đã quyết định đem nửa phần gia tài mình phân phát cho người nghèo, và nửa phần còn lại ông cũng không giữ riêng cho ông, song ông sẽ dùng để đền bù cho tất cả những gian lận mà ông tự thú đã phạm.

Trong việc đền trả này ông lại còn đi xa hơn điều luật pháp đòi hỏi. Chỉ khi nào trộm (cướp thì đúng hơn) là một hành động bạo lực và dụng tâm gây tàn hại, bấy giờ mới buộc phải đền gấp bốn (x. Xh 22,1). Nếu chỉ là việc trộm cắp thường và nguyên vật không thể hoàn trả, thì phải tính gấp đôi mà đền (x. Xh 22,4.7). Nếu bị can tự thú và tình nguyện hoàn trả thì chỉ phải trả theo giá nguyên vật, cộng thêm một phần năm nữa thôi (x. Ds 5,7). Giakêu nhất định làm nhiều hơn điều luật pháp đòi hỏi. Bằng hành động, ông tỏ ra đã được biến cải.

Giáo sĩ Boreham có kể một chuyện đáng ghi. Trong một buổi họp kia, khi vài ba bà đứng lên làm chứng ơn phước đã được ban, có một bà ngồi câm lặng buồn rầu. Người ta mời bà làm chứng thì bà từ chối. Khi hỏi lý do, bà trả lời : "Trong số những bà vừa đứng lên làm chứng đó có bốn bà nợ tiền tôi mà tôi và gia đình tôi đang đói lắm vì không có tiền mua thức ăn." Lời chứng sẽ hoàn toàn vô giá trị nếu không được bảo đảm bằng hành động thực tế xác nhận cho sự thành thực của lời nói. Chúa Giê-su không đòi sự thay đổi trong lời nói, nhưng Ngài đòi hỏi sự thay đổi trong đời sống.

Giakêu Lùn chưa chắc đã thấp, vì Giakêu có quyết tâm cao

Và Giakêu Lùn chưa chắc đã thấp bởi lẽ Giakêu vẫn cao vì không bị đè nặng.

2. Giakêu lùn nhưng vẫn cao vì không bị đè nặng

Người ta nói tập tạ thì lùn, vì bị tạ đè lên người. Nhưng vẫn có những người không tập tạ, mà vẫn lùn, không sao cao lên được, vì bị đè bởi những gánh nặng : gánh nặng tội lỗi, gánh nặng tài sản.

-gánh nặng tội lỗi, đè bẹp con người làm con người cứ đi trong tầng thấp không sao ngẩng cao lên được.

-gánh nặng tài sản, của cải: tưởng ở lầu cao, ăn cao lương mĩ vị, nhưng mấy khi họ được thanh thản vươn cao, bởi lúc nào cũng ưu tư lo lắng, làm sao giữ được tiền, làm sao cho tiền sinh lợi. Còn Giakêu, của cải không đè bẹp ông làm ông thấp, bởi ông trở thành cao cả, vì ông đã biết sống có tình người.

“Tôi xin lấy nửa gia tài của tôi mà cho người nghèo.”

Rất lạ. Việc đầu tiên lại là nghĩ đến người nghèo ? Phải chăng, dưới ánh sáng của Chúa, ông đã chợt nhận ra rằng : suốt những tháng năm qua, ông đã là kẻ ích kỷ, đóng khung. Ông đã không hề biết đến “tình người”. Sống mà không biết đến người khác, là tự huỷ cái tính đồng loại của mình. Ông chỉ là một kẻ ích kỷ. Kẻ ích kỷ là kẻ cô đơn nhất trong cuộc đời. Bởi không bao giờ, người ích kỷ có một chỗ đứng trong con tim người khác.

Bây giờ ông Giakêu muốn trở lại, hội nhập lại với cộng đồng, ông muốn san sẻ, ông muốn mình thành kẻ hữu ích cho cuộc đời.

“Và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”

Trước đây, hẳn với nghề nghiệp thu thuế của mình, nhiều lúc ông đã là kẻ gian tham, nhưng sao những lúc ấy, ông vẫn thấy cứ tỉnh bơ. Giờ này gặp được Chúa, ông đã thấy những bất công ấy là tội ác. Ông nghiệm ra rằng : Sự gian dối luôn là một gánh nặng, đè trĩu linh hồn con người. Chỉ có sự công bằng, bác ái mới làm hồn con người thanh thản và bình an và bay cao.

Ông trở thành cao cả, bởi tâm hồn ông bây giờ thênh thang, trắng trong, không bận vướng, tựa Nguyễn Công Trứ : “nợ tang bồng trăng trắng vỗ tay reo.” Chiều cao thân xác Giakêu vẫn thấp, nhưng chiều cao linh hồn ông giờ đã ngất cao khi ông chia của cải cho người thấp bé.

Bởi vậy, lùn chưa chắc đã thấp.

Chúng ta nếu không muốn lùn vì bị đè nặng bởi tội lối và của cải thì hãy noi gương Giakêu rộng tay phân phát, nhất là cho đồng bào bị bão lụt miền Trung mà chúng ta quyên góp hôm nay. Rộng tay làm phúc cũng được tha thứ tội khiên nữa chứ không phải chơi. Thánh Phêrô viết như vậy trong thư thứ nhất : "Anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi" (I Pr 4,8). Thực ra Phêrô trích từ sách Châm Ngôn : "Ghen ghét sinh cãi vã, tình yêu khỏa lấp mọi lỗi lầm" (Cn 10, 12). Mà không cần sách Châm Ngôn, hay Thư Phêrô, chúng ta được chính Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay : Hôm nay nhà này (Giakêu) được ơn cứu độ. Giakêu dùng của cải làm việc bác ái, vừa trút được gánh nặng tội lỗi vừa không bị của cải đè đầu, nên Giakêu lùn mà vẫn cao. Hãy noi gương Giakêu, là ta không bị đè nặng bởi tội, không bị đè bẹp bởi tiền, ta hiên ngang vươn cao tới Chúa. Lùn chưa chắc đã thấp, nhưng như Giakêu lùn mà vươn cao tới tận trời xanh, nơi có Chúa ngự trị. Amen

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(lấy ý của Lm Đaminh Thiêm, và Lm Hàm)

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Rất nhiều lần Chúa đứng trước cửa lòng chúng con và gõ cửa, nhưng chúng con đã không mở ra.

- Chúa biết chúng con nhiều tội lỗi và Chúa chờ chúng con sám hối để Chúa tha. Nhưng chúng con vẫn thờ ơ.

- Nhiều lần Chúa nhìn chúng con và lên tiếng kêu gọi chúng con như Chúa đã nhìn và kêu gọi ông Dakêu. Nhưng chúng con không đáp lại.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cử chỉ cụ thể của sự hợp tác giữa Công Giáo và Tin Lành Lutheran
Đặng Tự Do
06:20 28/10/2016
Trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Thụy Điển, các nhà lãnh đạo của Caritas quốc tế và Dịch vụ thế giới của Tin Lành Lutheran sẽ ký một tuyên bố về ý định tăng cường hợp tác đối với các vấn đề như người tị nạn, hòa bình, và biến đổi khí hậu.

Ông Michel Roy, tổng thư ký Caritas Internationalis, liên minh các cơ quan cứu trợ và phát triển của Giáo Hội nói:

“Những sự kiện đại kết ở Thụy Điển sẽ có ý nghĩa nhiều hơn những cử hành các nghi lễ, đó sẽ là sự khởi đầu của các hành động cụ thể giữa người Tin Lành Luther và các tín hữu Công Giáo trong việc phục vụ cho những nghèo trên thế giới,”

Bản tuyên bố sẽ được ký kết tại Malmö Arena vào ngày 31 tháng 10.

Theo chương trình, Đức Thánh Cha sẽ rời sân bay Fiumicino của Roma lúc 08:20 sáng thứ Hai 31 tháng 10 và đến thành phố Malmö ở phía nam Thụy Điển lúc 11:00.

Sau nghi thức chào đón chính thức, Đức Thánh Cha sẽ đến thành phố Lund lân cận và thăm xã giao hoàng gia Thụy Điển trước khi chủ sự một buổi cầu nguyện đại kết với các nhà lãnh đạo Lutheran nhà thờ Lund.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha sẽ tham gia vào một sự kiện đại kết thứ hai tại Malmo và gặp gỡ các phái đoàn của các Giáo Hội Kitô khác nhau có mặt trong dịp này.

Sáng Thứ Ba 01 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Lễ Các Thánh tại Malmö cho cộng đồng Công Giáo Thụy Điển trước khi trở lại sân bay quốc tế trong một buổi lễ tiễn đưa chính thức.

Chiếc máy bay của Đức Thánh Cha sẽ rời Malmo lúc 12:45 và ngài đáp xuống sân bay Ciampino của Roma lúc 15.30.
 
Hai nhà thờ Công giáo ở Anh được chiếu sáng bằng đèn đỏ trong suốt tháng 11
Đặng Tự Do
06:26 28/10/2016
Hai nhà thờ Công Giáo ở Anh sẽ được chiếu sáng bằng đèn màu đỏ trong tháng Mười Một để lôi cuốn sự chú ý đến hoàn cảnh của các Kitô hữu đang bị bách hại.

"Trong tháng Mười Một, không ai đi qua nhà thờ Brentwood vào ban đêm mà có thể nhắm mắt làm ngơ được, và không ai, dù có tín ngưỡng hay không, dù Kitô hữu hay ngoài Kitô, không thể nhắm mắt làm ngơ trước sự bách hại các Kitô hữu ở Trung Đông"

Cha Martin Boland, cha xứ của nhà thờ cho biết như trên với tờ Catholic Herald.

Vương Cung Thánh Đường Westminster cũng tham gia vào sáng kiến này cùng với tu viện Westminster.
 
Sẽ luôn luôn có bóng dáng các tín hữu Kitô tại Iraq
Đặng Tự Do
06:57 28/10/2016
Sau khi hàng loạt các thị trấn Kitô trong vùng bình nguyên Ninivê được giải phóng khỏi quân khủng bố Hồi Giáo IS, Đức Hồng Y Louis Raphael Sako là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Canđê đã đến thăm các thị trấn này và tận mắt nhìn thấy sự tàn phá và mạo phạm các nhà thờ trong vùng.

Đức Hồng Y nói ngài hy vọng các tín hữu Kitô đang tị nạn tại Erbil sẽ sớm có thể quay trở lại ngôi nhà của mình trong khu vực, nơi ngài mô tả như là là “đất thánh của chúng tôi.” Ngài nói rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo Iraq nên tham gia vào việc xây dựng một “nền văn hóa hòa bình và chung sống hài hòa.”

Phát biểu từ New York, một vị Giám Mục Iraq nói rằng có thể phải mất một năm trước khi các Kitô hữu có thể về lại ngôi nhà cũ của mình trong và xung quanh thành phố Mosul. Đức Tổng Giám mục Bashar Warda của Erbil nói rằng những người tị nạn sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn khi họ tìm cách xây dựng lại cộng đồng của mình.

Đức Cha Warda nói rằng trong tổng giáo phận của ngài, khoảng 80% dân số Kitô hữu muốn ở lại, bất chấp những đe dọa đối với an ninh của họ. Nhưng ngài cả quyết rằng dù cho có nhiều gia đình quyết định muốn định cư ở các nước phương Tây đi nữa, Giáo Hội sẽ tiếp tục phục vụ những người còn lại, và “sẽ luôn có các Kitô hữu ở Iraq.”
 
Tuần 9 ngày dâng kính Mẹ Maria cầu cho cuộc bầu cử tồng thống Hoa kỳ
Hồng Thủy
11:06 28/10/2016
Washington D.C. – Hội Hiệp sĩ Columbus tổ chức tuần cửu nhật ngày dâng kính Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội, bổn mạng của Hoa kỳ, để cầu nguyện cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Tuần cửu nhật sẽ bắt đầu từ 30/10 cho đến ngày 7/11, ngày trước ngày bầu cử.

Vào năm 1791, Đức Cha John Carroll, Giám mục đầu tiên của Hoa kỳ, đã phó thác giáo phận của ngài - lúc đó cũng là giáo phận duy nhất, bao gồm toàn lãnh thổ Hoa kỳ - cho Đức Maria. Năm 1846, các Giám mục Hoa kỳ đã tuyên bố nhận Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội là quan thầy của Hoa kỳ.

Tuần cầu nguyện 9 ngày xuất phát từ lễ cung hiến đền thánh quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm ở Washington vào năm 1959. Sau đó Đức Hồng Y Patrick O'Boyle, khi ấy là Tổng Giám mục Washington đã phê chuẩn.

Các giáo xứ, các phân bộ của hội Hiệp sĩ Columbus, các gia đình và các cá nhân được mời tham gia làm tuần cửu nhật này. Ông Carl Anderson, chủ tịch điều hành của Hội Hiệp sĩ Columbus cho biết: “Giáo Hội dạy rằng các tín hữu Công Giáo được kêu gọi xây dựng lương tâm của mình dựa trên giáo huấn của Giáo Hội và bỏ phiếu theo lương tâm được huấn luyện tốt đó. Đề cập đến cuộc bầu cử tại Hoa kỳ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói là chúng ta nên ‘nghiên cứu các chương trình (của các ứng cử viên) kỹ càng, cầu nguyện và chọn lựa theo lương tâm’, và tuần cửu nhật này nhắm giúp các tín hữu Công Giáo Hoa kỳ thực hành điều này.” (CAN 19/10/2016)
 
Holywins non Halloween: sự thánh thiện chiến thắng
Hồng Thủy
12:46 28/10/2016
Cartagena – Các giáo phận khác nhau ở Tây ban nha đã khuyến khích các tín hữu cử hành “Holywins” với y phục của các thánh vào ngày 31/10, đối lại với lễ hội Halloween, được cử hành với y phục của ma quỷ.

Các giáo xứ, trường học và tổ chức Kitô tại các giáo phận Cádiz, Cartagena, Alcalá và Ciudad Rodrigo đã kêu gọi các tín hữu cử hành ngày lễ Các Thánh với y phục gắn bó với đức tin Công Giáo.

Thông tin của giáo phận Cartagena (Murcia) xác định: “Với việc mừng Holywins, nghĩa là sự thánh thiện chiến thắng, chúng ta muốn tránh cử hành Halloween, trong khi tìm lại ý nghĩa của ngày lễ Các Thánh.” Đây là lần thứ 2 giáo phận tổ chức ngày lễ này. Giáo phận Alcalá de Henares cũng nhấn mạnh là dù ngày Halloween có nghĩa là lễ vọng các Thánh nhưng hiện tại ngày lễ này không có liên hệ gì với niềm tin Kitô giáo.” Giáo phận này cũng là giáo phận đầu tiên ở Tây ban nha đã tổ chức lễ Holywins vào năm 2008, xác định là không nhắm đến phản đối Halloween mà cũng không nhằm chia sẻ sự thờ phượng sự chết và suy tôn điều quái dị hay sự xấu mà lễ Halloween cử hành, vì các Kitô hữu cử hành sự chiến thắng của sự sống và cổ võ vẻ đẹp và sự thiện.

Giáo phận Cádiz cũng hiệp nhất với sáng kiến này sau khi nhận thấy là mỗi năm Halloween càng có ảnh hưởng mạnh và các trẻ em Kitô giáo bị hấp thụ trong môi trường trái ngược với niềm hy vọng phục sinh.” Thông cáo xác định: “Holywins được tổ chức cho tất cả trẻ em tham gia học giáo lý, cho các học sinh ở các trường Công Giáo, cho các phong trào giáo dân, các hiệp hội tông đồ, cho giới trẻ và gia đình của họ, bởi vì sự thánh thiện là lễ hội của tất cả.” (Fides 26/10/2016)
 
Đức Thánh Cha thay thế toàn bộ các thành viên Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích
Đặng Tự Do
15:29 28/10/2016
Đức Hồng Y Raymond Burke và Đức Hồng Y Robert Sarah
Hôm thứ Sáu 28 tháng 10, trong một động thái gây sửng sốt cho nhiều người, Đức Thánh Cha đã thay thế tất cả các thành viên của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Cần nói ngay rằng Đức Hồng Y Robert Sarah vẫn còn là Tổng trưởng Thánh Bộ này.

Thông thường, Đức Giáo Hoàng sẽ bổ nhiệm một số thành viên mới cho mỗi cơ quan trung ương tại Vatican, để thay thế cho các thành viên đã phục vụ trong nhiều năm. Nhưng vào ngày thứ Sáu Tòa Thánh công bố rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm toàn bộ 27 thành viên mới cho Thánh Bộ này, nghĩa là thay đổi hoàn toàn Bộ này.

Các bổ nhiệm mới rõ ràng mang lại một tính cách ‘liberal’ hơn cũng như có tính quốc tế hơn. Những thay đổi này xem ra sẽ hạn chế nỗ lực của Đức Hồng Y Robert Sarah, Tổng trưởng Thánh Bộ, là người ủng hộ hàng đầu cho điều ngài gọi là “cải cách của cải cách” chú trọng đến sự nghiêm tranh, kính cẩn trong Phụng Vụ.

Trong số các thành viên mới có Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Beniamino Stella, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ và Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa. Bổ nhiệm gây tranh cãi nhất là trường hợp của Đức Tổng Giám mục Piero Marini, người thường bị chỉ trích về những cải cách ‘phóng khoáng’ trong các nghi lễ phụng vụ. Đức Cha Arthur Serratelli, Giám Mục Paterson, New Jersey, chủ tịch Ủy ban Giám Mục Hoa Kỳ về phụng vụ là vị Giám Mục Hoa Kỳ duy nhất được bổ nhiệm vào Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Các vị Hồng Y không còn trong Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích bao gồm các Đức Hồng Y Raymond Burke, Angelo Scola, George Pell, Marc Ouellet, Angelo Bagnasco, và Malcolm Ranjith.
 
Thẩm phán sợ chết từ chức để khỏi xử vụ Asia Bibi
Đặng Tự Do
16:25 28/10/2016
Một thẩm phán Tòa án Tối cao Pakistan đã đột ngột đệ đơn từ chức để tránh khỏi phải xử vụ án Asia Bibi.

Thẩm phán Iqbal Hameed Rehman gây sửng sốt cho các quan sát viên nhân quyền vào hôm 13 Tháng 10, khi bất ngờ đệ đơn từ chức. Ông ta là một trong ba thẩm phán đã được giao để xử vụ án gây tranh cãi trong đó Asia Bibi, một người phụ nữ Công Giáo phải đối mặt với án tử hình vì tội báng bổ tiên tri Muhammad.

Đơn xin từ chức của ông ta được chuẩn y vào ngày 26 tháng 10 và Tòa án Tối cao Pakistan tuyên bố hoãn phiên tòa. Phiên tòa xử Asia Bibi đã bị trì hoãn nhiều lần vì những lý do ấm ớ khiến người phụ nữ Công Giáo này bị giam cầm oan ức trong suốt 7 năm qua.

Asia Bibi sinh năm 1971. Tháng 6 năm 2009, cô tranh cãi với một nhóm các phụ nữ Hồi Giáo là những người cấm không cho cô được uống nước chung với họ từ một vòi nước công cộng. Các phụ nữ Hồi Giáo này sau đó đã tố cáo cô nói những lời báng bổ tiên tri Muhammad.

Cô bị cáo buộc đã nói những lời sau khi các phụ nữ Hồi Giáo này chế nhạo tôn giáo của mình: “Tôi tin vào tôn giáo của tôi và tin Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết trên thập tự giá cho tội lỗi của nhân loại. Tiên tri Mohammed của bạn đã từng làm được gì để cứu độ con người?”

Cô lập tức bị bắt. Tháng 11 năm 2010, mặc dù không có bằng chứng nào hỗ trợ cho các cáo buộc chống lại cô, tòa án địa phương tại quận Sheikhupura trong bang Punjab tuyên án tử hình cô và còn bắt đóng phạt một số tiền lên đến 1,100 Mỹ Kim. 40,000 người Hồi Giáo bao quanh khu vực toà án không ngừng la lên “Giết nó đi, giết nó đi, Allahu Akbar!”

Chính Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 can thiệp cùng với một số nhà lãnh đạo trên thế giới nên án tử hình bị trì hoãn và vụ án được tái xét sau khi một thỉnh nguyện thư gồm 400,000 chữ ký được thu thập trên toàn quốc Pakistan.

Các phiên tòa bị trì hoãn nhiều lần vì nhiều lý do nhưng chủ yếu là vì các thẩm phán sợ bị giết. Hai nhân vật nổi tiếng Pakistan đã bị ám sát chết vì lên tiếng bênh vực cô là ông Shahbaz Bhatti, người Công Giáo, Bộ Trưởng Bộ Các Nhóm Thiểu Số; và ông Salmann Taseer, người Hồi Giáo, là Thống đốc bang Punjab.

Sau nhiều lần trì hoãn, tháng 10 năm 2014, tòa án Tối cao tại Lahore bác đơn kháng cáo của Asia Bibi và giữ nguyên án tử hình.

Tháng 11 năm đó, các luật sư Pakistan và quốc tế đưa vụ án lên Tòa án Tối cao Pakistan. Ngày 22 tháng 7 năm 2015, trước áp lực quốc tế, Tòa án Tối cao Pakistan truyền ngưng tử hình Bibi. Tháng 11 năm ngoái Tòa án Tối cao Pakistan truyền cho tòa án tại Lahore xử lại. Sau nhiều lần trì hoãn, tòa án tại Lahore tuyên bố sẽ xử vào ngày 26 tháng 3 năm nay 2016; nhưng lại trì hoãn đến tháng 11 và nay có lẽ sẽ trì hoãn vô thời hạn.

Thẩm phán Rehman nói rằng ông không thể tham gia xét xử trường hợp Bibi vì ông đã từng tham gia trong vụ xử ông Salman Taseer, Thống đốc Punjab bị giết sau khi ông bày tỏ sự ủng hộ cho Bibi.

Những người ủng hộ Asia Bibi nêu câu hỏi tại sao thẩm phán Rehman chờ đợi cho đến gần ngày phiên tòa mở ra mới rút lui. Các quan sát viên cho rằng có thể ông đã bị áp lực từ các chiến binh Hồi giáo, những người đã nằng nặc đòi xử tử Bibi.
 
Đức Thánh Cha viết lời tựa cho một cuốn sách nói về cha Luis Dri, người Á Căn Đình
Đặng Tự Do
16:34 28/10/2016
Tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày 26 tháng 10 cho biết, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết lời tựa cho cuốn sách “Non avere Paura di perdonare”, nghĩa là “Đừng sợ phải thứ tha”. Đó là một cuốn sách nói về tiểu sử của Cha Luis Dri được viết bởi Andrea Tornielli và Alver Metalli.

Vị linh mục người Á Căn Đình, sinh vào thập niên 1920, là một linh mục Capuchin Dòng Phanxicô nổi tiếng vì dành nhiều giờ cho việc giải tội.

Trong lời nói đầu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thảo luận về sự tận tâm của cha Thánh Leopold Mandic, cũng là một cha Capuchin người đã dành nhiều giờ trong tòa giải tội, và nhấn mạnh tầm quan trọng của các linh mục thể hiện lòng thương xót Chúa trong tòa giải tội, theo gương của người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng.
 
ĐTGM thành Erbil: Người Mỹ phải chịu ‘trách nhiệm đạo đức’ về những gì đã và đang xảy ra tại Iraq
Đặng Tự Do
16:45 28/10/2016
Trong chuyến thăm New York, Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Canđê của Erbil nói rằng chính phủ Hoa Kỳ phải chịu một ‘trách nhiệm đạo đức’ đối với các Kitô hữu và với dân tộc Iraq.

Hơn 100,000 Kitô hữu đã phải chạy trốn đến Erbil, thủ đô của Iraq Kurdistan, khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS chiếm được Mosul tháng 6 năm 2014.

Kêu gọi Hoa Kỳ viện trợ cho khu vực Mosul sau khi thành phố này được giải phóng khỏi bọn khủng bố Hồi Giáo IS, Đức Tổng Giám mục Bashar Warda nói rằng chính phủ Mỹ nên “đóng một vai trò trong việc bảo vệ các nhóm thiểu số, vì sự can thiệp của Mỹ vào Iraq năm 2003, họ thực sự có trách nhiệm đạo đức để đền bù thoả đáng những vấn đề do họ gây ra.”

“Người dân đã phải chịu rất nhiều đau khổ vì sự can thiệp này,” ngài nói trong một cuộc phỏng vấn với Catholic News Service. “Tôi không trực tiếp đổ lỗi cho người Mỹ, nhưng họ có trách nhiệm, họ phải chịu trách nhiệm đạo đức về những gì đã xảy ra.”
 
Khủng bố Hồi Giáo al-Shabab tấn công vào một thị trấn Kitô giết 12 người
Đặng Tự Do
16:53 28/10/2016
Mười hai người đã bị thiệt mạng khi những kẻ khủng bố trong phong trào Hồi Giáo al-Shabab tấn công một khách sạn ở thị trấn Mandera, Kenya, hôm 25 tháng 10.

Bọn khủng bố Al-Shabab đã sử dụng lựu đạn và chất nổ tự chế để tấn công vào khách sạn, gần biên giới với Somalia, sau đó nổ súng vào người dân. Nhóm Hồi giáo này nói rằng cuộc tấn công cố ý nhắm mục tiêu vào các Kitô hữu.

Al-Shabab, là một nhóm Hồi giáo cực đoan đấu tranh để nắm quyền kiểm soát Somalia, đã cam kết sẽ trả thù Kenya vì nước này đã gửi quân hỗ trợ chính phủ lâm thời Somalia.
 
Tòa Thánh chính thức làm trung gian hòa giải tại Venezuela
Đặng Tự Do
17:07 28/10/2016
Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro Venezuela luôn tìm cách lợi dụng Tòa Thánh để tìm cách trì hoãn thảo luận các yêu cầu chính đáng của phe đối lập. Phe chính phủ Maduro và phe đối lập Liên minh Dân chủ Thống nhất đã không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng, đã gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng thực phẩm và thuốc men, dẫn đến sự sụp đổ các dịch vụ về y khoa, năng lượng và vệ sinh.

Tháng 7 vừa qua các phương tiện truyền thông của chính phủ Venezuena tường thuật là Tòa Thánh đã đồng ý làm trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, Cha Lombardi, lúc ấy là Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, bác bỏ tin này.

Trong thông cáo công bố hôm 22 tháng 7, Cha Lombardi cho biết: “Như mọi người đều biết, từ trong quá khứ, Tòa Thánh vẫn luôn bày tỏ sự sẵn sàng nếu có những điều kiện tiên quyết cần thiết, để có thể góp phần vào cuộc đối thoại. Nhưng cho đến nay, không có một thông tin chính thức nào được gửi đến Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cũng như tới Bộ ngoại giao Tòa Thánh để trình bày và xác định nội dung chi tiết lời yêu cầu như vậy”.

Đến bây giờ, chính phủ và phe đối lập lãnh đạo Venezuela mới chính thức đồng ý cùng tham gia vào các cuộc đàm phán do Vatican làm trung gian hòa giải nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị của đất nước.

Đức Tổng Giám Mục Emil Paul Tscherrig, sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela, công bố hôm 25 tháng 10 rằng các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu vào ngày 30 tháng 10, trên đảo Margarita, ngoài khơi bờ biển Venezuela. Đức Tổng Giám Mục nói các cuộc đàm phán sẽ được thiết kế “để tạo ra một bầu không khí tin cậy lẫn nhau, vượt qua những bất đồng, và thúc đẩy một cơ chế đảm bảo sự chung sống hòa bình”.

Các cuộc đàm phán đã được công bố hôm 25 tháng 10 chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela đã có một cuộc họp bất ngờ với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức cha Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Viêt Nam kêu gọi trợ giúp nạn nhân lũ lụt Miền Trung VN
Đức ông Trịnh Minh Trí
13:24 28/10/2016
Philadelphia ngày 27 tháng 10, 2016

Trọng kính Quý Ðức Cha, Quý Ðức Ông/Quý Cha Cựu Chủ Tịch,

Quý Cha Chủ Tịch Miền, Quý Ðức Ông, Quý Cha Liên Ðoàn Công Giáo Viẹt Nam tại Hoa Kỳ.

Kính thưa Quý Ðức Cha, Ðức Ông và Quý Cha,

Sau 3 ngày gởi thư xin đóng góp ý kiến hoàn thành lá thư này, chúng con xin gởi thư chánh thức của Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ: Thư Kêu Gọi Quyên Góp Lũ Lụt Miền Trung Việt Nam đến Quý Ðức Cha, Ðức Ông và Quý Cha để xin Quý Ðức Cha, Ðức Ông và Quý Cha giúp phổ biến lá thư mời gọi mọi thành phần Dân Chúa rộng lòng chia sẻ với các nạn nhân bảo lụt Miền Trung Viêt Nam, theo lời mời gọi của Ðức Cha Tân Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Viêt Nam: Ðức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh.

Theo nội dung lá thư, chúng con sẽ đăng danh sách đóng góp của Các Giáo Xứ, Cộng Ðoàn, Quý Cha, Quý Thâỳ, Quý Nam Nữ Tu Sĩ và Quý ân nhân (ẩn danh hay không ẩn danh) lên mạng lưới của Liên Ðoàn và VietCatholic. Xin Thiên Chúa ban mọi Ơn lành cho những công việc chúng ta đang thực hiện cho Dân Chúa và cho Quý Ðức Cha, Ðức Ông, Quý Cha, và toàn thể Cộng Ðoàn Dân Chúa.

Thân ái trong Chuá Kitô.

LM Giuse Trịnh Minh Trí
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông, Kỷ Niệm 500 Năm Phong Trào Cải Cách(3)
Vũ Văn An
18:22 28/10/2016
Chương III

Một phác thảo lịch sử về phong trào Cải Cách Luthêrô và phản ứng của Công Giáo

35. Ngày nay, chúng ta có thể cùng nhau kể lại câu truyện về phong trào Cải Cách Luthêrô. Dù người Luthêrô và người Công Giáo có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng vì cuộc đối thoại đại kết, họ có khả năng vượt qua các lối giải thích bài Tin Lành và bài Công Giáo truyền thống mong tìm ra một cách chung để tưởng nhớ các biến cố quá khứ. Chương sau đây không phải là một mô tả đầy đủ toàn bộ lịch sử và mọi điểm thần học tranh chấp. Nó chỉ làm nổi bật một số tình huống lịch sử quan trọng nhất và các vấn đề thần học của phong trào Cải Cách trong thế kỷ thứ mười sáu.

Cải cách có ý nghĩa gì?

36. Trong thời cổ đại, danh từ La Tinh reformatio (cải cách) chỉ ý niệm thay đổi một tình trạng xấu thời nay bằng cách trở về các thời tốt và tốt hơn trong quá khứ. Trong thời Trung Cổ, ý niệm reformatio đã rất thường được sử dụng trong bối cảnh cải cách đan viện. Các dòng đan sĩ dấn thân vào việc cải cách để vượt qua sự sa sút về kỷ luật và lối sống tu trì. Một trong những phong trào cải cách lớn nhất bắt nguồn từ thế kỷ thứ mười ở đan viện Cluny.

37. Vào cuối thời Trung Cổ, ý niệm cần thiết phải cải cách đã được áp dụng cho toàn thể Giáo Hội. Các công đồng của Giáo Hội và gần như mọi nghị viện của Thánh Đế Quốc Rôma đều quan tâm tới reformatio. Công Đồng Constance (1414-1418) coi việc cải cách Giáo Hội "cả đầu lẫn các chi thể" là việc cần thiết (9). Một tài liệu cải cách được phổ biến rộng rãi mang tên "Reformacion keyser Sigmunds" đã kêu gọi một cuộc phục hưng trật tự chính đáng trong hầu hết mọi phạm vi của đời sống. Vào cuối thế kỷ thứ mười lăm, ý tưởng cải cách cũng lan rộng đến chính phủ và đại học (10).

38. Luther hiếm khi sử dụng ý niệm "cải cách". Trong cuốn "Giải Thích Chín Mươi Lăm Luận Đề", Luther quả quyết rằng "Giáo Hội cần một cuộc cải cách không phải là công trình của con người, tức Đức Giáo Hoàng, hoặc của nhiều người, tức các Hồng Y, cả hai điều này đều được các công đồng gần đây nhất chứng tỏ, nhưng đều là công trình của thế gian, mà thực sự phải là công trình của một mình Thiên Chúa mà thôi. Tuy nhiên, chỉ có Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra thời gian mới biết thời gian nào dành cho cuộc cải cách này"(11) Đôi khi Luther sử dụng từ "cải cách" để mô tả các cải tiến về trật tự, ví dụ như trật tự của các đại học. Trong cải cách luận "Diễn Văn với Giới Quí Tộc Kitô Giáo" năm 1520, ông kêu gọi "một công đồng công chính, tự do" sẽ cho phép các đề xuất cải cách được đem ra thảo luận (12).

39. Theo một nghĩa hẹp hơn, từ ngữ "cải cách" đã được sử dụng để chỉ một hợp thể các sự kiện lịch sử bao gồm các năm 1517-1555, nghĩa là từ thời điểm phổ biến "Chín Mươi Lăm Luận Đề" của Martin Luther tới khi có Hòa Ước Augsburg. Cuộc tranh cãi thần học và Giáo Hội học mà thần học Luther đã kích hoạt mau chóng trở nên chằng kéo vướng vít với chính trị, kinh tế, văn hóa, do tình thế lúc đó. Do đó, điều được thuật ngữ "Cải Cách" chỉ định, đã vượt xa điều Luther giảng dạy và dự kiến. Ý niệm "Cải Cách" như để chỉ cả một thời đại phát xuất từ Leopold von Ranke, là người, trong thế kỷ XIX, đã phổ biến rộng rãi thói quen nói tới một "thời đại Cải Cách".

Điểm nóng của Cải Cách: tranh cãi về các ân xá

40. Ngày 31 tháng 10 năm 1517, Luther gửi "Chín Mươi Lăm Luận Đề" của ông tựa đề là "Cuộc Tranh Luận về Tính Hiệu Quả và Sức Mạnh của các Ân Xá" như một phụ lục của một bức thư cho Đức Tổng Giám Mục Albrecht của Mainz. Trong bức thư này, Luther đã bày tỏ các mối quan ngại nghiêm trọng về việc giảng giải và thực hành ân xá đang diễn ra tại vùng thuộc trách nhiệm của vị Tổng Giám Mục này và kêu gọi ngài thực hiện các thay đổi. Cùng ngày, ông lại viết một bức thư nữa cho Giám mục Giáo Phận ông là Hieronymus của Brandenburg. Khi Luther gửi các luận đề của ông cho một vài đồng nghiệp và có nhiều khả năng là ông đã dán chúng lên cánh cửa của nhà thờ lâu đài ở Wittenberg, ông muốn khởi diễn một cuộc tranh luận có tính học thuật về các vấn đề công khai và chưa được giải quyết liên quan đến lý thuyết và việc thực hành các ân xá.

41. Các ân xá đóng một vai trò quan trọng trong lòng đạo đức của thời ấy. Ân xá được hiểu là sự tha hình phạt tạm do các tội mà phần lỗi đã được tha thứ rồi. Các Kitô hữu có thể nhận được một ân xá dưới một số điều kiện đã được quy định, như cầu nguyện, hành vi từ thiện, và bố thí, nhờ hành động của Giáo Hội, mà người ta nghĩ là phân phát và áp dụng kho tàng thục tội của Chúa Kitô và các thánh cho các hối nhân.

42. Theo ý kiến của Luther, việc thực hành các ân xá phá hoại nền linh đạo Kitô giáo. Ông tranh cãi việc các ân xá có sức giải thoát các hối nhân khỏi hình phạt do Thiên Chúa đặt để; sự kiện hình phạt do các linh mục áp đặt bị hóan đổi thành các năm tháng ngày giờ trong luyện ngục; sự kiện giá trị sư phạm và thanh luyện của hình phạt rất có thể khiến một hối nhân chân thành muốn chịu các hình phạt này hơn là được giải thoát khỏi chúng; và sự kiện có thể dâng cúng tiền bạc để được ân xá thay vì dùng nó giúp đỡ người nghèo. Ông cũng thắc mắc về bản chất kho tàng của Giáo Hội mà từ đó Đức Giáo Hoàng có thể múc các ân xá.

Luther bị đưa ra xét xử

43. "Chín Mươi Lăm Luận Đề" của Luther được phổ biến rất nhanh ra toàn nước Đức và gây ra một xúc động lớn nhưng cũng làm thiệt hại nghiêm trọng cho các chiến dịch ân xá. Chẳng bao lâu có lời đồn đại rằng Luther sẽ bị buộc tội lạc giáo. Ngay tháng 12 năm 1517, Đức Tổng Giám Mục của Mainz đã gửi "Chín Mươi Lăm Luận Đề" tới Rôma, với một số tài liệu bổ sung, để nền thần học của Luther được khảo sát.

44. Luther rất ngạc nhiên trước phản ứng này đối với các luận đề của mình, vì trước đó, ông đã không dự hoạch một biến cố công cộng mà chỉ là một cuộc tranh luận có tính học thuật mà thôi. Ông sợ rằng các luận đề này sẽ dễ dàng bị hiểu lầm nếu được đọc bởi một cử tọa rộng lớn hơn. Do đó, cuối tháng Ba năm 1518, ông xuất bản một bài giảng bằng tiếng địa phương, "Về Ân Xá và Ơn Thánh" ( "Sermo von Ablass und Gnade"). Đó là một cuốn sách nhỏ hết sức thành công, nhanh chóng làm Luther trở thành một nhân vật nổi tiếng đối với công chúng Đức. Luther liên tiếp nhấn mạnh rằng, ngoài bốn mệnh đề đầu tiên, các luận đề đã không phải là các khẳng định dứt khoát của ông mà đúng hơn, chỉ là các mệnh đề viết ra để tranh luận.

45. Rôma lo ngại rằng lời giảng của Luther đã làm suy yếu tín lý của Giáo Hội và thẩm quyền của giáo hoàng. Do đó, Luther được triệu tới Rôma để trả lời cho giáo triều về nền thần học của ông. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Hoàng Tử có quyền Bầu Cử của miền Saxony, là Frederick Khôn Ngoan, phiên tòa đã được chuyển về Đức, về Nghị Viện Đế Quốc tại Augsburg, nơi Đức Hồng Y Cajetan được giao nhiệm vụ thẩm vấn Luther. Đại diện của Đức Giáo Hoàng nói rằng một là Luther phải công khai từ bỏ các luận đề hai là, trong trường hợp Luther từ chối, Đức Hồng Y có quyền cấm Luther ngay lập tức hoặc bắt giữ ông và giải ông về Rôma. Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Hồng Y Cajetan soạn thảo một tuyên bố gửi cho huấn quyền, và Đức Giáo Hoàng ban hành tuyên bố này ngay sau cuộc thẩm vấn tại Augsburg không lâu, không một câu trả lời nào cho các luận chứng của Luther (13).

46. Về cơ bản, có một sự mơ hồ lưỡng nghĩa kéo dài suốt quá trình dẫn đến vạ tuyệt thông Luther. Luther đưa ra các câu hỏi để tranh luận và trình bầy các luận điểm. Ông và công chúng, nhờ được thông tri bởi nhiều sách nhỏ và ấn phẩm về lập trường của ông và diễn trình đang diễn ra, nên chờ mong được trao đổi các luận điểm. Luther được hứa hẹn một phiên tòa công bằng. Tuy nhiên, dù an tâm rằng mình sẽ được lắng nghe, ông đã liên tục nhận được lời nhắn nhe rằng hoặc ông phải rút lại các luận đề hoặc bị tuyên bố là lạc giáo.

47. Ngày 13 tháng 10 năm 1518, trong một protestatio (lời phản kháng) long trọng, Luther cho rằng ông đồng ý với Giáo Hội La Mã Thánh Thiện nhưng ông sẽ không rút lại các luận đề trừ khi ông được thuyết phục rằng mình sai. Ngày 22 tháng Mười, một lần nữa, ông nhấn mạnh rằng ông suy nghĩ và giảng dạy bên trong phạm vi giáo huấn của Giáo Hội Rôma.

Các cuộc gặp gỡ thất bại

48. Trước cuộc gặp gỡ của ngài với Luther, Đức Hồng Y Cajetan đã nghiên cứu các tác phẩm của vị giáo sư ở Wittenberg này rất cẩn thận và thậm chí còn viết nhiều khảo luận về chúng nữa. Nhưng Đức Hồng Y Cajetan đã giải thích Luther trong khuôn khổ khái niệm của chính ngài và do đó hiểu lầm ông về sự bảo đảm của đức tin, dù trong khi ấy đã trình bầy chính xác các chi tiết trong lập trường của ông. Về phần mình, Luther không quen thuộc với nền thần học của Đức Hồng Y, và cuộc thẩm vấn, vốn chỉ dành rất ít cho việc thảo luận, đã gây áp lực để Luther phải từ bỏ các luận đề của ông. Nó không cung cấp được một cơ hội để Luther hiểu lập trường của Đức Hồng Y. Quả là một thảm kịch khi hai trong số các nhà thần học nổi bật nhất của thế kỷ thứ mười sáu đã gặp nhau trong một phiên tòa lạc giáo.

49. Trong các năm sau đó, nền thần học của Luther phát triển nhanh chóng, tạo ra nhiều chủ đề mới để tranh cãi. Nhà thần học bị cáo buộc tội cố gắng bảo vệ lập trường của mình và thu hút đồng minh trong cuộc chiến đấu với những người sắp tuyên bố mình là một kẻ lạc giáo. Nhiều ấn phẩm cả ủng hộ lẫn chống lại Luther đã xuất hiện, nhưng chỉ có một cuộc tranh luận, vào năm 1519, ở Leipzig giữa Andreas von Bodenstein Karlstadt và Luther ở một bên, và Johannes Eck, ở bên kia.

Kết án Martin Luther

50. Trong khi đó, tại Rôma, quá trình chống lại Luther tiếp tục và cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Leo X quyết định hành động. Để chu toàn "chức vụ chủ chăn” của ngài, Đức Giáo Hoàng Leo X cảm thấy có nghĩa vụ phải bảo vệ "đức tin chính thống" khỏi những người "bẻ cong và làm sai lạc Thánh Kinh" để nó "không còn là Tin Mừng của Chúa Kitô nữa" (14). Do đó, Đức Giáo Hoàng đã ban hành sắc chỉ Exsurge Domine (ngày 15 tháng 6 năm 1520), lên án bốn mươi mốt mệnh đề rút ra từ các ấn phẩm khác nhau của Luther. Mặc dù các mệnh đề này đều có thể tìm thấy trong các trước tác của Luther và được trích dẫn chính xác, nhưng chúng đã bị đưa ra khỏi bối cảnh liên hệ của chúng. Exsurge Domine mô tả các mệnh đề này là "lạc giáo hoặc gây tai tiếng, hoặc sai lạc, hoặc xúc phạm đối với những người đạo đức, hoặc nguy hiểm đối với những tâm trí đơn sơ, hoặc nhằm phá hoại chân lý Công Giáo" (15) mà không nói rõ phẩm tính nào được áp dụng vào mệnh đề nào. Vào cuối sắc chỉ, Đức Giáo Hoàng bày tỏ sự thất vọng, cho rằng Luther đã không trả lời bất cứ lời đề nghị thảo luận nào của ông, mặc dù ngài vẫn hy vọng rằng Luther sẽ hoán cải tâm hồn và từ bỏ các sai lầm của mình. Đức Giáo Hoàng Leo cho Luther sáu mươi ngày, hoặc là phải từ bỏ "các sai lầm" của mình hoặc bị vạ tuyệt thông.

51. Eck và Aleander, những người công bố Exsurge Domine ở Đức, kêu gọi phải đốt các công trình của Luther. Đáp ứng lời kêu gọi này, ngày 10 tháng Mười Hai năm 1520, một số nhà thần học ở Wittenberg đã đốt một số sách, có giá trị tương đương với những gì sau này được gọi là các sách "giáo luật", cùng với một số sách của các đối thủ của Luther, còn Luther thì đem đốt sắc chỉ của giáo hoàng. Như thế, rõ ràng Luther không sẵn sàng từ bỏ các luận đề. Ông đã bị tuyệt thông bởi sắc chỉ Decet Romanum Pontificem ngày 3 tháng 1 năm 1521.

Thẩm quyền Kinh Thánh

52. Cuộc xung đột liên quan đến ân xá nhanh chóng phát triển thành một cuộc xung đột liên quan đến thẩm quyền. Đối với Luther, giáo triều Rôma đã đánh mất thẩm quyền của mình bằng cách chỉ chính thức khẳng định thẩm quyền riêng của mình thay vì lập luận theo Kinh Thánh. Vào lúc bắt đầu cuộc đấu tranh, các thẩm quyền thần học của Thánh Kinh, các giáo phụ, và truyền thống qui điển đã tạo sự thống nhất đối với Luther. Trong quá trình xung đột, sự hợp nhất này bị tan vỡ khi Luther kết luận rằng các qui điển như đã được giải thích bởi các quan chức Rôma mâu thuẫn với Kinh Thánh. Từ phía Công Giáo, luận điểm không hẳn là về quyền tối thượng của Kinh Thánh, điều mà người Công Giáo cũng đồng ý, mà đúng hơn là về sự giải thích đúng đắn về Kinh Thánh.

53. Khi Luther không thấy một cơ sở Thánh Kinh nào trong các tuyên bố của Rôma, hoặc nghĩ rằng chúng thậm chí còn mâu thuẫn với sứ điệp Thánh Kinh, ông bắt đầu nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng là Kitô Giả. Qua lời buộc tội phải nhận là gây ngỡ ngàng này, Luther muốn nói rằng Đức Giáo Hoàng không để Chúa Kitô nói những điều Người muốn nói và Đức Giáo Hoàng đã tự đặt mình lên trên Kinh Thánh hơn là suy phục thẩm quyền của nó. Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng chức vụ của ngài đã được thiết lập bởi iure divino ( "bởi quyền Thiên Chúa"), trong khi Luther không tìm thấy bằng chứng Kinh Thánh nào cho chủ trương này.

Luther tại Worms

54. Theo luật Đế Quốc Rôma Thánh Thiện của dân tộc Đức, người bị vạ tuyệt thông cũng bị đặt dưới lệnh cấm của đế quôc. Tuy nhiên, các thành viên trong Nghị Viện Worms đòi rằng một thẩm quyền độc lập sẽ thẩm vấn Luther. Do đó, Luther đã được triệu tới Worms và Hoàng Đế đã cho Luther, bây giờ bị tuyên bố là một kẻ lạc giáo, được phép an toàn vào thành phố. Luther mong chờ một cuộc tranh luận tại Nghị Viện, nhưng chỉ được hỏi liệu ông có viết một số sách nào đó đang được đặt trên bàn trước mặt ông không, và liệu ông có chịu thu hồi chúng lại không.

55. Luther đáp trả lời mời gọi thu hồi này bằng những lời nổi tiếng sau đây: "Trừ khi tôi được thuyết phục bởi chứng từ của Kinh Thánh hoặc bởi lý lẽ rõ ràng (vì tôi không tin tưởng cả vị giáo hoàng lẫn một mình các công đồng, vì ai cũng biết rõ ràng rằng họ thường sai lầm và mâu thuẫn với chính họ), tôi bị Thánh Kinh mà tôi trích trích dẫn trói buộc, và lương tâm của tôi hoàn toàn tuân phục Lời của Thiên Chúa. Tôi không thể và sẽ không rút lại bất cứ điều gì, vì đi ngược lại lương tâm là điều vừa không an toàn vừa không đúng. Xin Thiên Chúa giúp đỡ tôi. Amen"(16).

56. Hoàng đế Charles V đã phản ứng lại bằng cách đọc một bài diễn văn đáng chú ý trong đó ông nêu ra các ý định của mình. Vị hoàng đế này lưu ý rằng ông là hậu duệ của một triều đại dài các quân vương vốn luôn coi mình có bổn phận phải bảo vệ đức tin Công Giáo "vì sự cứu rỗi của các linh hồn" và cho rằng ông cũng có cùng một bổn phận. Hoàng đế lập luận rằng một tu sĩ đơn độc chắc chắn sai lầm khi quan điểm của ông đối lập với toàn thể Kitô giáo hơn một ngàn năm qua (17).

57. Nghị Viện Worms biến Luther thành một người ở ngoài vòng pháp luật, phải bị bắt hoặc thậm chí bị giết và truyền cho các nhà cai trị dẹp bỏ "lạc giáo Luthêrô" bằng bất cứ phương tiện nào. Vì lập luận của Luther đã thuyết phục được nhiều ông hoàng và thị trấn, nên họ đã không thi hành lệnh truyền này.

Buổi khởi đầu của phong trào Cải Cách

58. Lối hiểu tin mừng của Luther có sức thuyết phục đối với một số lượng ngày càng tăng các linh mục, đan sĩ, và nhà giảng thuyết, những người luôn cố gắng kết hợp lối hiểu này vào các bài giảng của họ. Dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhiều thay đổi đã diễn ra là: giáo dân đã được rước lễ dưới cả hai hình bánh và rượu, một số linh mục và đan sĩ đã kết hôn, một số quy tắc ăn chay đã không còn được tuân giữ, và đôi lúc, người ta còn tỏ ra bất kính đối với ảnh tượng và thánh tích.

59. Luther không có ý định thiết lập một Giáo Hội mới, nhưng, một phần, chỉ muốn cải cách sâu rộng và về nhiều mặt. Ông đóng một vai trò ngày càng tích cực, cố gắng đóng góp vào việc cải cách các thực hành và tín lý dường như chỉ được đặt căn bản trên một mình thẩm quyền của con người và luôn ở thế căng thẳng hoặc mâu thuẫn với Kinh Thánh. Trong chuyên luận "Gửi Phe Quý Tộc Đức" (1520), Luther đã lập luận cho chức linh mục của mọi người đã chịu phép rửa và do đó cho một vai trò tích cực của giáo dân trong việc cải cách Giáo Hội. Giáo dân đã đóng một vai trò quan trọng trong phong trào cải cách, cả trong tư cách các ông hoàng, các quan tòa, lẫn trong tư cách người bình dân.

Cần sự giám sát

60. Vì không có kế hoạch trung ương và không có cơ quan trung ương để tổ chức cuộc cải cách, nên tình thế rất khác nhau từ thị trấn này đến thị trấn nọ, và từ làng này đến làng nọ. Bởi thế có nhu cầu phải tổ chức các cuộc thăm viếng nhà thờ. Vì việc này cần đến thẩm quyền các ông hoàng hay thẩm phán, nên năm 1527, các nhà cải cách đã yêu cầu Ông Hoàng Có Quyền Bầu Cử của miền Saxony thiết lập và ban quyền cho một ủy ban thăm viếng. Nhiệm vụ của ủy ban không chỉ là để đánh giá việc thuyết giảng và toàn bộ việc phục vụ và đời sống của các thừa tác viên (mục sư), mà còn để đảm bảo rằng họ nhận được các tài nguyên để nuôi sống bản thân họ.

61. Ủy ban này đã thiết lập ra một điều giống như việc cai quản Giáo Hội. Các vị giám sát được trao cho nhiệm vụ giám sát các thừa tác viên của một vùng nhất định và giám sát tín lý và lối sống của họ. Ủy ban này cũng đã kiểm tra các cơ sở phục vụ và giám sát sự hợp nhất của các cơ sở này. Năm 1528, một cuốn thủ bản dành cho các thừa tác viên đã được công bố, bàn đến mọi vấn đề tín lý và thực hành chính của họ. Nó đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử tuyên xưng tín lý của người Luthêrô.

Đem Kinh Thánh đến với mọi người

62. Luther, cùng với các đồng nghiệp tại Đại học Wittenberg, đã dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức để nhiều người hơn có thể đọc được nó cho chính họ, và trong số các ứng dụng khác, để dấn thân vào việc biện phân tâm linh và thần học, phục vụ cho cuộc sống của họ trong Giáo Hội. Vì lý do này, các nhà cải cách Luthêrô thành lập các trường học cho cả trẻ trai lẫn trẻ gái và thực hành nhiều cố gắng nghiêm túc nhằm thuyết phục các cha mẹ cho con đến trường.

Các sách giáo lý và thánh ca

63. Để nâng cao kiến thức kém cỏi về đức tin Kitô giáo của các thừa tác viên và giáo dân, Luther đã viết cuốn Giáo Lý Nhỏ cho công chúng nói chung và cuốn Giáo Lý Lớn cho các mục tử và giáo dân có giáo dục cao. Các cuốn giáo lý này giải thích Mười Điều Răn, Kinh Lạy Cha, và các kinh tin kính, và bao gồm các phần nói về các bí tích Thánh Tẩy và Tiệc Thánh. Cuốn Giáo Lý Nhỏ, cuốn sách có ảnh hưởng nhất của Luther, đã nâng cao rất nhiều kiến thức về đức tin nơi những người bình dân.

64. Các sách giáo lý này có ý định giúp người ta sống đời sống Kitô hữu và đạt được khả năng biện phân thần học và tâm linh. Các sách này minh họa sự kiện này: đối với các nhà cải cách, đức tin không chỉ có nghĩa tín thác vào Chúa Kitô và lời hứa của Người, mà còn khẳng định những nội dung đề xuất của đức tin mà người ta có thể và phải học tập.

65. Để cổ vũ sự tham gia của giáo dân vào các buổi phụng vụ, các nhà cải cách đã viết các thánh ca và ấn hành các sách hát. Những soạn phẩm này đóng một vai trò lâu dài trong linh đạo Luthêrô và trở thành một phần gia tài trân quý của toàn thể Giáo Hội.

Các thừa tác viên cho các giáo xứ

66. Giờ đây khi các giáo xứ Luthêrô đã có Kinh Thánh bằng tiếng bản xứ, có sách giáo lý, các thánh ca, bộ giáo luật (church order), các cơ sở phục vụ, vấn đề chính còn lại là làm thế nào để cung cấp các thừa tác viên (mục sư) cho các giáo xứ. Trong những năm đầu của phong trào Cải Cách, nhiều linh mục và đan sĩ đã trở thành các thừa tác viên Luthêrô, nhờ thế, có đủ sẵn các mục sư. Nhưng phương pháp tuyển các thừa tác viên này cuối cùng được chứng minh là không đủ.

67. Điều đáng kể là các nhà cải cách đợi đến năm 1535 mới tổ chức được các buổi phong chức của riêng mình ở Wittenberg. Trong Tuyên Tín Augsburg (1530), các nhà cải cách tuyên bố rằng họ sẵn sàng vâng lời các giám mục nếu các giám mục chịu cho phép việc giảng thuyết tin mừng theo các niềm tin của Cải Cách. Vì điều này không xảy ra, nên các nhà cải cách đã chọn giữa việc duy trì cách truyền thống trong việc tấn phong linh mục bởi các giám mục, do đó bỏ lối giảng thuyết của Cải Cách, và việc duy trì lối giảng thuyết Cải Cách, nhưng tấn phong các mục tử bởi các mục tử khác. Các nhà cải cách đã chọn giải pháp thứ hai, giành lại truyền thống giải thích Các Thư Mục Vụ có từ thời Thánh Giêrôm của Giáo Hội tiên khởi.

68. Các thành viên của khoa thần học Wittenberg, hành động nhân danh Giáo Hội, đã khảo sát cả tín lý và cuộc sống của các ứng viên. Các cuộc phong chức đã diễn ra ở Wittenberg hơn là ở các giáo xứ của các vị được tấn phong, vì các thừa tác viên được thụ phong cho toàn thể Giáo Hội. Chứng từ tấn phong nhấn mạnh tới việc nhất trí về tín lý của các vị thụ phong với Giáo Hội Công Giáo. Nghi thức phong chức hệ ở đặt tay và cầu xin Chúa Thánh Thần.

Các nỗ lực thần học để vượt qua tranh chấp tôn giáo

69. Tuyên Tín Augsburg (1530) đã cố gắng giải quyết cuộc xung đột tôn giáo về cuộc Cải Cách Luthêrô. Phần đầu tiên của nó (các điều 1-21) trình bày lời giảng dạy của Luther được coi là phù hợp với tín lý của "Giáo Hội Công Giáo, hoặc phát xuất từ Giáo Hội Rôma" (18); phần hai của nó nói tới các thay đổi mà các nhà cải cách khởi diễn để sửa sai một số thực hành bị hiểu là "lạm dụng" (các điều 22-28), đưa ra lý do để thay đổi những thực hành này. Cuối phần 1 viết như sau: "Đây là bản tóm tắt gần như hoàn chỉnh giáo huấn của chúng ta. Như có thể thấy, không có gì ở đây đi ra ngoài Kinh Thánh hoặc Giáo Hội Công Giáo, hoặc Giáo Hội Rôma, ít nhất chúng ta có thể nói thế từ các tác giả của nó. Bởi nó như thế, nên những người cho rằng người của chúng ta phải bị coi là lạc giáo đã phán xét quá gay gắt" (19).

70. Tuyên Tín Augsburg là một chứng từ mạnh mẽ cho thấy quyết tâm của các nhà cải cách Luthêrô nhất định duy trì sự hợp nhất của Giáo Hội và vẫn ở lại trong một Giáo Hội hữu hình duy nhất. Khi trình bày một cách minh nhiên sự khác biệt như chỉ có ý nghĩa nhỏ, điều này cũng tương tự như điều ngày nay chúng ta gọi là một sự đồng thuận dị biệt hóa.

71. Ngay lập tức, một số nhà thần học Công Giáo thấy cần phải trả lời Tuyên Tín Augsburg và nhanh chóng đưa ra bản Bác Bỏ Tuyên Tín Augsburg. Bản Bác Bỏ này theo sát bản văn và các luận điểm của Tuyên Tín. Bản Bác Bỏ đã có thể khẳng định cùng với Tuyên Tín Augsburg một số giáo huấn Kitô giáo cốt lõi như các tín lý về Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Kitô, và phép rửa. Tuy nhiên, bản Bác Bỏ đã bác bỏ một số giáo huấn Luthêrô đề cập tới các tín lý về Giáo Hội và các bí tích, dựa trên cơ sở các bản văn Kinh Thánh và giáo phụ. Vì người Luthêrô không thể bị thuyết phục bởi những lập luận của Bản Bác Bỏ, một cuộc đối thoại chính thức đã được khởi diễn vào cuối tháng 8, năm 1530 để hòa giải các khác biệt giữa Tuyên Tín và Bản Bác Bỏ. Tuy nhiên, cuộc đối thoại này đã không thể giải quyết được các vấn đề còn lại về Giáo Hội học và bí tích.

72. Một nỗ lực nữa để vượt qua cuộc tranh chấp tôn giáo là điều được gọi là Religionsgespräche hay Các Cuộc Hội Đàm (Colloquies) (tại Speyer / Hagenau [1540], tại Worms [1540-1], tại Regensburg [1541-1546]). Hoàng Đế hay em trai của ông, tức Vua Ferdinand, triệu tập các cuộc hội đàm này, diễn ra dưới sự lãnh đạo của một đại diện của hoàng đế. Mục đích là thuyết phục người Luthêrô trở về với các xác tín của đối phương. Các chiến thuật, mưu mô, và áp lực chính trị đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc hội đàm này.

73. Các nhà đàm phán đã đạt được một bản văn đáng chú ý về học lý công chính hóa trong văn kiện Regensburger Buch (1541), nhưng cuộc tranh chấp liên quan đến học lý Thánh Thể xem ra không thể vượt qua được. Cuối cùng, cả Rôma lẫn Luther đã bác bỏ kết quả, dẫn đến sự thất bại cuối cùng của các cuộc đàm phán này.

Chiến tranh tôn giáo và Hòa Ước Augsburg

74. Cuộc Chiến Tranh Smalcald (1546-1547) của Hoàng Đế Charles V chống lại các lãnh thổ Luthêrô nhằm đánh bại các ông hoàng và buộc họ phải rút lại mọi thay đổi. Thoạt đầu, Hoàng Đế thành công. Ông đã giành được chiến thắng (20 tháng 7, năm 1547). Quân đội của ông đã sớm có mặt ở Wittenberg nơi Hoàng Đế không cho phép binh lính khai quật tử thi của Luther để đốt đi.

75. Tại Nghị Viện Augsburg (1547-1548), Hoàng Đế áp đặt điều gọi là Sắc Luật Tạm Augsburg về người Luthêrô, dẫn đến những cuộc xung đột bất tận trong các lãnh thổ của người Luthêrô. Văn kiện này giải thích công chính hóa chủ yếu là ơn thánh để kích thích tình yêu. Nó nhấn mạnh việc suy phục các giám mục và Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, nó cũng cho phép các linh mục cưới vợ và rước lễ cả hai hình.

76. Năm 1552, sau một âm mưu của các ông hoàng, một cuộc chiến tranh mới chống lại Hoàng Đế đã bắt đầu, buộc ông phải chạy trốn khỏi Áo. Điều này dẫn đến một hiệp ước hòa bình giữa các ông hoàng người Luthêrô và Vua Ferdinand. Do đó, nỗ lực nhổ tận gốc "lạc giáo Luthêrô" bằng phương tiện quân sự cuối cùng đã thất bại.

77. Chiến tranh kết thúc với Hòa Ước Augsburg năm 1555. Hiệp ước này là một nỗ lực tìm cách để người của các xác tín tôn giáo khác nhau cùng chung sống trong một đất nước. Các lãnh thổ và các thị trấn gắn bó với Tuyên Tín Augsburg cũng như các lãnh thổ Công Giáo đều được công nhận trong đế quốc Đức, nhưng những lãnh thổ thuộc các tuyên tín khác, như Cải Cách (Reformed) và Tái Tẩy (Anabaptist), thì không được công nhận. Các ông hoàng và các quan tòa có quyền xác định tôn giáo của các thần dân của họ. Nếu ông hoàng thay đổi tôn giáo của mình, những người dân sống ở lãnh thổ này cũng sẽ phải thay đổi tôn giáo của họ, ngoại trừ tại các vùng trong đó các giám mục cũng là các ông hoàng (geistliche Fürstentümer). Các thần dân có quyền di cư nếu họ không đồng ý với tôn giáo của ông hoàng.

Công Đồng Trent

78. Công đồng Trent (1545-1563), được triệu tập một thế hệ sau cuộc cải cách của Luther, bắt đầu trước cuộc Chiến Tranh Smalcald (1546-1547) và kết thúc sau Hòa Ước Augsburg (1555). Sắc Chỉ Laetare Jerusalem (19 tháng 11 năm 1544) ấn định ba lãnh vực làm việc chính của Công Đồng: hàn gắn cuộc phân rẽ tuyên tín, cải tổ Giáo Hội, và thiết lập hòa bình để trận chiến phòng thủ chống lại quân Ottoman có thể được khai triển.

79. Công Đồng quyết định rằng tại mỗi phiên họp, sẽ có sắc lệnh có tính tín lý, khẳng định niềm tin của Giáo Hội, và một sắc lệnh có tính kỷ luật giúp cải tổ Giáo Hội. Phần lớn, các sắc lệnh về tín lý đã không trình bày được một giải thích thần học toàn diện về đức tin, nhưng đúng hơn, tập trung vào những học lý đang bị các nhà cải cách tranh luận một cách chỉ nhấn mạnh tới các điểm khác nhau.

Thánh Kinh và thánh truyền

80. Công Đồng, vốn mong muốn giữ gìn sự "tinh ròng của tin mừng thoát khỏi mọi sai lầm", đã chấp thuận sắc lệnh về nguồn mạc khải vào ngày 8 tháng Tư năm 1546. Tuy không minh nhiên nêu tên, nhưng Công Đồng bác bỏ nguyên tắc sola scriptura (chỉ có Kinh Thánh) bằng cách lập luận chống lại việc cô lập Kinh Thánh ra khỏi thánh truyền. Công Đồng ra lệnh rằng tin mừng, "nguồn gốc trọn sự thật về cứu rỗi và quy tắc ứng xử," được duy trì "trong các sách viết và các truyền thống bất thành văn", tuy nhiên, không giải quyết mối tương quan giữa Thánh Kinh và thánh truyền. Hơn nữa, còn dạy rằng các truyền thống tông đồ liên quan đến đức tin và luân lý đã được "duy trì một cách liên tục trong Giáo Hội Công Giáo". Thánh Kinh và thánh truyền phải được chấp nhận "với cùng một tâm cảm như nhau về lòng đạo đức và tôn kính" (20).

81. Sắc Lệnh công bố một bảng liệt kê các sách qui điển của Cựu Ước và Tân Ước (21). Công Đồng nhấn mạnh rằng Thánh Kinh không thể bị giải thích trái ngược với giáo huấn của Giáo Hội cũng như mâu thuẫn với "giáo huấn nhất trí của các Giáo Phụ" của Giáo Hội. Cuối cùng, Công Đồng tuyên bố rằng phiên bản Latin Phổ Thông xưa của Kinh Thánh là bản văn "chân thực" để sử dụng trong Giáo Hội (22).

Công chính hóa

82. Về sự công chính hóa, Công Đồng đã bác bỏ một cách minh nhiên cả hai học lý về tính công chính nhờ việc làm của Pêlagiô và học lý về công chính hóa chỉ nhờ đức tin mà thôi (sola fide), trong khi hiểu đức tin chủ yếu như là sự chấp nhận học lý mạc khải. Công Đồng khẳng định cơ sở Kitô học của công chính hóa bằng cách khẳng định rằng con người được tháp nhập vào Chúa Kitô và ơn thánh của Chúa Kitô là điều cần thiết đối với toàn bộ diễn trình công chính hóa, mặc dù diễn trình này không loại trừ các việc sẵn lòng đón nhận ơn thánh hay sự hợp tác của ý chí tự do. Nó tuyên bố rằng yếu tính của công chính hóa không phải chỉ là sự tha tội mà thôi, mà còn là "việc thánh hóa và đổi mới con người nội tâm" nữa nhờ đức ái siêu nhiên (23). Nguyên nhân mô thức (formal cause) của công chính hóa là "công lý của Thiên Chúa, không phải điều nhờ đó chính Người được công chính, nhưng là điều nhờ đó, Người làm cho chúng ta công chính", và nguyên nhân cuối cùng của công chính hóa là" vinh quang của Thiên Chúa và của Chúa Kitô và sự sống đời đời"(24). Đức tin được khẳng định là "khởi đầu, là nền tảng và gốc rễ" của công chính hóa (25). Ơn công chính hóa có thể bị mất bởi tội trọng, chứ không phải chỉ bởi việc mất đức tin, mặc dù nó có thể lấy lại được nhờ bí tích giải tội (26). Công Đồng khẳng định rằng sự sống đời đời là một ơn thánh, không chỉ đơn thuần là một phần thưởng (27).

Các bí tích

83. Tại kỳ họp thứ bảy, Công Đồng đã trình bày các bí tích như là phương tiện bình thường nhờ đó "mọi công lý chân thật hoặc bắt đầu, hoặc khi đã nhận lãnh, thì tăng sức mạnh, hoặc, nếu bị mất, sẽ được phục hồi" (28). Công Đồng truyền rằng Chúa Kitô đã thiết lập bảy bí tích và xác định chúng là các dấu chỉ hữu hiệu tạo ra ơn thánh bởi chính nghi thức của chúng (ex opere operato) chứ không đơn giản chỉ do đức tin của người nhận lãnh.

84. Cuộc tranh luận về rước lễ dưới cả hai hình nói lên học lý này: dưới một trong hai hình, trọn vẹn Chúa Kitô không bị phân chia đã được lãnh nhận (29). Sau khi kết thúc Công Đồng (ngày 16 tháng 4 năm 1565), Đức Giáo Hoàng cho phép giáo dân uống chén thánh trong một số điều kiện nhất định tại một số giáo tỉnh của Đức và các vùng lãnh thổ thừa kế của nhà Habsburgs.

85. Để trả lời phê phán của các nhà cải cách, không coi Thánh Lễ là lễ hy sinh, Công Đồng khẳng định rằng Thánh Lễ là lễ hy sinh chuộc tội, làm cho hy tế thập giá trở thành hiện thực. Công Đồng dạy rằng, vì trong Thánh Lễ, Chúa Kitô linh mục dâng cùng một của lễ hy sinh như trên thập giá, nhưng theo một cách khác, nên Thánh Lễ không phải là một sự lặp lại hy lễ một lần vĩnh viễn của Canvariô. Công Đồng xác định rằng Thánh lễ có thể được dâng để tôn kính các thánh và cho các tín hữu, còn sống và đã chết (30).

86. Sắc lệnh về các chức thánh xác định đặc điểm bí tích của việc phong chức và sự hiện hữu của phẩm trật Giáo Hội dựa trên pháp lệnh của Thiên Chúa (31).

Các cải cách mục vụ

87. Công Đồng cũng khởi diễn các cải cách mục vụ. Các sắc lệnh cải cách của nó cổ vũ việc công bố Lời của Thiên Chúa qua việc thành lập các chủng viện để đào tạo các linh mục cách tốt hơn và thông qua việc đòi phải giảng thuyết vào Chúa Nhật và các ngày lễ. Các giám mục và mục tử buộc phải cư ngụ trong các giáo phận và giáo xứ của họ. Công Đồng loại bỏ một số lạm dụng trong các vấn đề quyền tài phán, phong chức, bảo hộ, đặc quyền (benefice), và các ân xá, và cùng một lúc mở rộng quyền hạn của giám mục. Các ngài được ban quyền thăm viếng các giáo xứ đặc quyền miễn trừ (exempt parochial benefices) và giám sát công việc mục vụ của các dòng và các hội kinh sĩ miễn trừ. Nó qui định các công đồng giáo tỉnh và giáo phận. Để truyền đạt đức tin cách tốt hơn, Công Đồng khuyến khích thói quen lúc ấy mới xuất hiện nhằm viết các sách giáo lý, như các sách của (Thánh) Peter Canisius, và dự liệu sẽ viết cuốn Sách Giáo Lý Rôma.

Các hậu quả

88. Công Đồng Trent, dù phần lớn nhằm trả lời Phong Trào Cải Cách Thệ Phản, tuy không lên án các cá nhân hay cộng đồng, nhưng đã lên án các lập trường tín lý chuyên biệt. Vì các sắc lệnh tín lý của Công Đồng phần lớn nhằm đáp ứng điều nó coi là sai lạc của Thệ Phản, nên nó đã lên khuôn một môi trường luận chiến giữa người Thệ Phản và người Công Giáo, một cuộc luận chiến có xu hướng định nghĩa Đạo Công Giáo như là Đạo chống lại Thệ Phản. Trong phương thức này, nó phản ánh nhiều trước tác của Tuyên Tín Luthêrô, là các trước tác cũng định nghĩa các lập trường Luthêrô bằng các chống đối. Các quyết định của Công Đồng Trent đặt nền tảng cho việc hình thành căn tính Công Giáo cho tới tận Công đồng Vatican II.

89. Đến cuối kỳ họp thứ ba của Công Đồng Trent, người ta phải tỉnh táo thừa nhận rằng sự hợp nhất của Giáo Hội ở thế giới Tây Phương đã bị tan vỡ. Các cơ cấu mới của Giáo Hội đã được triển khai tại các lãnh thổ của người Luthêrô. Hòa Ước Augsburg năm 1555, thoạt đầu, đã bảo đảm được các mối tương quan chính trị ổn định, nhưng nó không ngăn chặn được cuộc xung đột lớn của Châu Âu ở thế kỷ XVII, tức cuộc Chiến Tranh Ba Mươi Năm (1618-1648). Việc thành lập ra các nhà nước duy thế tục với những đặc điểm duy tuyên tín mạnh mẽ vẫn là một gánh nặng thừa hưởng từ thời kỳ Cải Cách.

Công Đồng Vatican II

90. Dù Công Đồng Trent phần lớn để xác định các mối tương quan của người Công Giáo với người Luthêrô trong nhiều thế kỷ, nhưng hiện nay, di sản của nó phải được nhìn qua lăng kính hành động của Công Đồng Vatican II (1962-1965). Công Đồng này đã giúp Giáo Hội Công Giáo có khả năng bước vào phong trào đại kết và để lại đằng sau không khí nặng mùi luận chiến của thời đại hậu Cải Cách. Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), Sắc Lệnh về Đại Kết (Unitatis Redintegratio), Tuyên bố về Tự Do Tôn Giáo (Dignitatis Humanae), và Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải (Dei Verbum) là các văn kiện nền tảng cho phong trào đại kết của Công Giáo. Vatican II, trong khi khẳng định rằng Giáo Hội của Chúa Kitô tồn tại (subsist) trong Giáo Hội Công Giáo, cũng thừa nhận rằng "nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý được tìm thấy ở bên ngoài cơ cấu hữu hình của nó. Những yếu tố này, như những hồng phúc thuộc về Giáo Hội của Chúa Kitô, là các lực lượng thúc đẩy ta tiến tới sự hợp nhất phổ quát"(LG 8). Có một sự đánh giá tích cực điều người Công Giáo có chung với các Giáo Hội Kitô giáo khác như các kinh tin kính, phép rửa, và Kinh Thánh. Nền thần học về sự hiệp thông Giáo Hội đã khẳng định rằng người Công Giáo đang ở trong sự hiệp thông thực sự, tuy không hoàn hảo, với tất cả những ai tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô và đã chịu phép rửa (UR 2).

Kỳ sau: Chương IV: Chủ đề cơ bản của thần học Martin Luther dưới ánh sáng các cuộc đối thoại Luthêrô-Công Giáo Rôma
 
Văn Hóa
Tháng các linh hồn: Nét đẹp nơi nghĩa trang
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
10:16 28/10/2016
Tháng các linh hồn: Nét đẹp nơi nghĩa trang

Đã từ lâu, nghĩa trang thường được xem là nơi của chết chóc u buồn. Ngày đưa tiễn bạn bè hay người thân về nơi an nghỉ vĩnh hằng, nghĩa trang luôn đượm buồn tang tóc. Mảnh đất ấy ôm lấy thi hài người đã khuất; bao giọt nước mắt thấm sâu trong lòng bụi đất nơi nghĩa trang, và hàng tỉ câu chuyện buồn quanh mảnh đất đầy u uẩn này. Tuy nhiên, trong niềm tin tưởng vào Đấng phục sinh, nghĩa trang Công Giáo luôn chất chứa nhiều hy vọng, nhiều nét đẹp luôn trổ sinh nơi mảnh đất thánh thiêng này.

Cứ vào tháng 11 hàng năm, rất nhiều người đi ra nghĩa trang để trang hoàng lại phần mộ của người đã khuất. Ai cũng chăm lo làm sao để mộ phần được sạch đẹp và ấm cúng. Ngoài những đóa hoa rung rinh trên những nấm mồ, người ta có thể thấy những khói hương nghi ngút hoặc ánh nến lunh linh. Nghĩa trang lúc này thực sự là một mảnh đất xinh đẹp không quá đáng sợ khiến người ta xa tránh. Nét đẹp bên ngoài ấy thể hiện tấm lòng người còn sống muốn nhớ về những linh hồn đã khuất.

Đối với người Kitô hữu, tháng 11 là thời gian để cầu nguyện đặc biệt cho các linh hồn. Họ có thể là ông bà tổ tiên, thân bằng quyến thuộc của ta. Bầu không khí nguyện cầu này rất dễ thấy và thật sống động nơi mỗi nghĩa trang. Đêm cũng như ngày, ai cũng thu xếp cộng việc để ra mảnh đất yên nghỉ của biết bao người quá cố, để thắp nén hương cầu nguyện. Ta hy vọng lời nguyện cầu ấy luôn đẹp lòng Thiên Chúa. Nhờ đó, ta ước nguyện Thiên Chúa sẽ dủ lòng thương đón những linh hồn nơi luyện ngục về hưởng hạnh phúc thiên đàng. Hóa ra từng lời kinh tiếng hát luôn là nét đẹp có giá trị trước nhan thánh Chúa. Trong tín điều các thánh thông công, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho những linh hồn ấy.

Nét đẹp nơi nghĩa trang còn là tình người với nhau. Nơi nghĩa trang, chúng ta không chỉ cầu nguyện cho người đã khuất, mà còn là nơi diễn tả tình liên đới của những người còn sống. Thành viên trong gia đình, đoàn thể trong xứ cùng nhau hiện diện nơi nghĩa trang để dâng về Chúa biết bao nguyện cầu. Lúc này nghĩa trang không còn là mảnh đất lạnh lùng âm u, nhưng là nơi ấm áp tình người. Rồi mỗi người nhận thấy phận mình mong manh; trước cái chết, chỉ có Thiên Chúa mới cứu được chúng ta. Nhờ thế, tự nhủ với lòng, tôi sẽ sống tốt hơn với Chúa, với tha nhân. Hy vọng nơi nghĩa trang luôn trổ sinh những nét đẹp thánh thiêng như thế!

Mỗi người có thể cảm nhận thêm nhiều nét đẹp nơi nghĩa trang. Xin đừng sợ mảnh đất đang cưu mang những người đã khuất. Xin đừng quên những linh hồn nơi luyện ngục! Họ cần chúng ta thăm viếng, nguyện cầu. Hãy nhìn di ảnh trên phần mộ của họ để nhớ về một con người từng hiện diện với chúng ta. Họ cũng muốn liên lạc với chúng ta. Cầu chúc cho nhau trong tháng 11 này, chúng ta hạnh phúc bước vào nghĩa trang để nài xin Chúa cứu lấy các linh hồn nơi luyện ngục. Trong niềm tin vào lòng Chúa xót thương, ta phó thác linh hồn họ cho Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chiến thắng tử thần.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thu Vàng
Nguyễn Đức Cung
19:01 28/10/2016
THU VÀNG
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Thiên nhiên vâng lệnh của Trời
Thu vàng phẩy cọ tuyệt vời vẽ tranh.
(nđc)