Ngày 28-10-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 30 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:46 28/10/2018
Chúa Nhật 30 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mc 10, 46-52
“Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”.


Bạn thân mến,
Tuần này, Giáo Hội đưa ra một vấn đề cho mỗi người trong chúng ta tự trả lời, đó là Đức Tin của mình và lòng thương xót của Chúa có phù hợp ăn khớp với nhau không trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta –những người Ki-tô hữu ? Chúng ta cùng nhau chia sẻ hai vấn đề này :
1. Đức tin là điều kiện để nhận ơn lành của Chúa.
Đức Chúa Giê-su chữa lành bệnh tật dễ như chúng ta lấy đồ vật trong túi ra, nhưng quan trọng hơn đó chính là đức tin của người mù, cũng như đức tin của những người đến xin Chúa chữa lành bệnh cho họ. Nếu họ không có đức tin, hoặc là họ không tin Đức Chúa Giê-su sẽ làm được, thì việc chữa lành khó khăn gấp nhiều lần, do đó, đức tin là điều quan trọng nhất đối với chúng ta. Đức tin làm cho bạn và tôi thấy được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống của mình cũng như trong cuộc sống của anh chị em khác, và nhờ đức tin mà lời cầu nguyện của chúng ta có một “sức mạnh” trước mặt Thiên Chúa.
Con người ta có thấy mới tin, nhưng người mù thành Giêricô đã nghe (chứ không thấy) và đã tin, ông ta đã nghe bằng hai lỗ tai xác thịt, nhưng ông đã “thấy” bằng con mắt đức tin, và cái “thấy” này đã làm cho ông ta mạnh dạn tin tưởng rằng Đức Chúa Giê-su có thể làm cho ông được sáng mắt, và do đó bất chấp sự can ngăn của mọi người, bất chấp lời quở mắng của đám đông dân chúng, ông vẫn cứ kêu xin Đức Chúa Giê-su dủ lòng thương xót ông, và rồi đức tin của ông đã chữa ông như lời của Đức Chúa Giê-su nói.
2. Lòng thương xót của Chúa và đức tin của chúng ta.
Trong toàn bộ các sách Phúc Âm bạn và tôi đều thấy được tình yêu và lòng thương xót của Đức Chúa Giê-su trãi dài trên các chặng đường mà Ngài đã đi qua, nơi các địa phương mà Ngài đã đến, nơi đâu Ngài cũng bày tỏ một tâm tình yêu mến và xót thương dân chúng, bởi vì họ như đàn chiên không người dẫn dắt. Nhưng không phải vì thế mà Đức Chúa Giê-su dễ dãi làm phép lạ cho họ, bằng chứng là Ngài đã không làm một phép lạ nào ở quê nhà, bởi vì họ không có lòng tin, hay nói cách khác, họ đã coi thường khinh dễ Đức Chúa Giê-su khi họ cùng nhau bàn luận: “Ông này không phải là con của bác thợ mộc Giu-se sao ...?”
Bệnh tật phần xác có liên quan đến phần hồn, bệnh phần xác là ngọn, bệnh phần hồn là gốc, chữa gốc thì ngọn cũng lành, cho nên khi nói với người mù: “Anh hãy về đi, đức tin của anh đã cứu anh”, thì Đức Chúa Giê-su cũng mạc khải cho chúng ta thấy một điều rất quan trọng: lòng thương xót của Ngài vốn đã có trên con người chúng ta, bao trùm cả vũ trụ, chỉ cần chúng ta tin, thì mọi việc sẽ được giải quyết nhẹ nhàng. Bởi vì đức tin thuộc về hồn và chữa lành thuộc về xác, khi chúng ta tin là lúc chúng ta được chữa lành. Muốn thì được.
Bạn thân mến,
Có những người tin nhưng vẫn còn hồ nghi vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa; có những người tin nhưng đức tin của họ được đo bằng vật chất, bởi vì khi cầu xin mà không được thì oán trách và bỏ cuộc; có những người tin nhưng lòng tin “chập chờn” trước những thử thách mà có lúc họ cho rằng Thiên Chúa không tồn tại...
Thánh lễ Mi-sa là nơi mà Đức Chúa Giê-su tỏ lộ lòng thương yêu vô bờ bến của Ngài đối với nhân loại, và là nơi mà đức tin của mỗi người trong chúng ta được củng cố kiện toàn nhất, bởi vì nơi đây –thánh lễ- bạn và tôi được ăn và uống Máu Thịt của Đức Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng chữa lành bệnh tật trong tâm hồn và nơi thân xác của con người.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
-----------
http://www.vietcatholicnews.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
 
Mến Chúa yêu người
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
18:15 28/10/2018
Chúa Nhật XXXI THƯỜNG NIÊN, năm B
Mc 12,28b-34

Đạo Công Giáo có mười giới răn. Những giới răn này do ông Môsê nhận từ Thiên Chúa trên núi Sinai, để dạy dỗ dân chúng sống theo luật Chúa. Do Thái giáo khi xưa cũng dựa trên Thập giới để răn bảo dân chúng sống theo đường lối của Chúa. Tuy nhiên, qua nhiều thế hệ, họ đã chú giải thêm thành 613 điều luật.Trong đó có 248 luật khuyên làm và 365 luật cấm không được làm. Họ không đồng ý với nhau được điều răn nào là điều răn trọng nhất, nên hôm nay mới có câu chuyện một luật sĩ đến hỏi Chúa Giêsu :” Trong các giới răn, điều nào trọng nhất ? “.

Vâng, người luật sĩ là người rất thông luật trong Đạo Do Thái, tuy nhiên đứng trước nhiều luật lệ khuyên làm và cấm làm. người luật sĩ này cũng phân vân không biết đâu là điều luật quan trọng và đâu là điều con người phải hết sức trân trọng, giữ gìn. Chúa Giêsu đã không trả lời úp mở với người này. Ngài nói ngay:”Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi.Còn giới răn thứ hai : Hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi “ ( Mc 12,30-31 ). Chúa Giêsu trích dẫn đoạn văn Shema của dân Ít-ra-en : Sách Đệ Nhị Luật đoạn 6,4-5 :” Nghe đây hỡi Ít-ra-en …”. Đây chính là đoạn văn tóm kết tất cả nội dung và giáo huấn quan trọng trong Sách Luật :” Mến Chúa và Yêu người”. Thực vậy, Đức Giêsu đã nâng giới răn yêu người ngang tầm với mến Chúa. Ngài đã đưa luật yêu người lên tầm cao mới, chiều sâu mới nghĩa là “Nếu ai nói mến Chúa mà không yêu người, đó là người nói láo như thánh Gioan đã quả quyết dứt khoát, mãnh liệt :” Nếu ai nói : “ Tôi yêu mến Chúa “ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy,thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà họ không thấy “ ( 1Ga 4, 20 ).

Thiên Chúa không hiện ra như đã trực tiếp ở với các môn đệ khi xưa để dạy dỗ, uốn nắn các ngài và minh chứng cho các ngài Lòng Thương Xót của Ngài. Ngài dạy các môn đệ thờ lạy một Thiên Chúa duy nhất và yêu mến tha nhân như chính mình. Ngày nay, Chúa cho chúng ta sống bên cạnh những người xung quanh, họ là hiện thân của Chúa. Chính vì thế, khi chúng ta giúp đỡ,chia sẻ và yêu thương họ là chúng ta cũng đang yêu thương Chúa.Thiên Chúa thật rộng lượng bởi vì qua Đức Giêsu, Ngài đã đồng hóa minh với người đói, người khát, người rách rưới, người nghèo, người tù tội vv…và mỗi lần chúng ta giúp đỡ một trong những người này là gchúng ta đang giúp chính Chúa.

Chúng ta dành cho Chúa những tình cảm sâu xa,trái tim tinh tuyền của mỗi người chúng ta bởi vì Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, chậm bất bình và hết mực yêu thương. Đàng khác với những cử chỉ chân thành, một nụ cười, một lời nói dịu dàng, yêu thương, chúng ta có thể sưởi ấm tâm hồn của những người đang gặp thử thách, những tâm hồn băng giá cuộc đời. Lúc đó, chúng ta sẽ ra khỏi sự giới hạn của tình yêu bình thường của con người, để vươn cao tới tình yêu Thiên Chúa. Bởi vì, thước đo của tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa cũng là thước đo tình yêu của chúng ta đối với nhau. Yêu như Chúa yêu :” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nghiệm sâu xa lời nói của thánh Augustinô :” Tình yêu có đôi chân đến với người nghèo.Tình yêu có đôi mắt để thấy nỗi bất hạnh và thiếu thốn.Tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng than thở và nỗi buồn phiền của tha nhân”.Xin cho chúng con luôn xác tín : Chúng con chỉ thực sự mến
Chúa khi chúng con hết lòng yêu mến tha nhân.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Người luật sĩ Do Thai đã hỏi Chúa Giêsu điều gì ?
2.Chúa Giêsu đã đáp lại làm sao ?
3.Tại sao nói mến Chúa mà không yêu anh em là người nói dối ?
4.Thánh Gioan đã nói sao về việc này ?
5.Tại sao không yêu thương nhau, chúng ta không thể mến Chúa ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng Hội Đồng 2018: Các dự thính viên trẻ biểu lộ lòng biết ơn Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục
Vũ Văn An
00:34 28/10/2018
Theo tin Zenit, ngày 26 tháng Mười, các người trẻ tham dự Thượng Hội Đồng năm 2018 đã tổ chức một buổi trình diễn cho Đức Giáo Hoàng và các giám mục, tại Đại Sảnh Phaolô VI, nơi diễn ra các phiên khoáng đại của Thượng Hội Đồng. Buổi trình diễn bao gồm các tiết mục đọc thơ, khiêu vũ, ca hát, và trình tấu âm nhạc. Nhân dịp này, Đức Hồng Y Baldisseri, Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng đã trình diễn một bản đàn dương cầm.



Sau đây là bản dịch thông điệp của giới trẻ đọc cho Đức Giáo Hoàng vào lúc kết thúc các cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng:

Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất kính yêu,

Chúng con, các người trẻ hiện diện tại Thượng Hội Đồng, muốn nhân dịp này bày tỏ lòng biết ơn và hân hoan của chúng con tới Đức Thánh Cha vì đã cho chúng con nơi chốn để thực hiện với nhau mảnh lịch sử bé nhỏ này. Các ý nghĩ mới cần có nơi chốn và Đức Thánh Cha đã ban nơi chốn này cho chúng con. Thế giới ngày nay, một thế giới mang lại cho người trẻ chúng con nhiều cơ hội chưa từng có nhưng cũng rất nhiều đau khổ, thế giới này đang cần các câu trẻ lời và năng lực yêu thương mới mẻ. Hiện đang có nhu cầu phải tái khám phá ra niềm hy vọng và sống hạnh phúc được trải nghiệm qua việc cho đi hơn là nhận lãnh, cố gắng làm việc cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Chúng con muốn khẳng định rằng chúng con chia sẻ giấc mơ của Đức Thánh Cha: một Giáo Hội đi ra ngoài, cởi mở với mọi người, nhất là những người yếu đuối nhất, một Giáo Hội bệnh viện dã chiến. Chúng con đã là một phần tích cực của Giáo Hội ấy và chúng con muốn tiếp tục thực hiện một cam kết cụ thể để cải thiện các thành phố và trường học của chúng con, thế giới xã hội và chính trị, và các môi trường làm việc, bằng cách loan truyền nền văn hóa hòa bình và liên đới và bằng cách đặt người nghèo ở trung tâm, vì Chúa Giêsu được nhận diện nơi họ.

Vào lúc kết thúc Thượng Hội Đồng này, chúng con muốn thưa với Đức Thánh Cha rằng chúng con hiện diện với Đức Thánh Cha và mọi giám mục của Giáo Hội chúng ta, trong cả những lúc gian nan. Chúng con xin qúi vị tiếp tục cuộc hành trình mà qúi vị đã đảm nhiệm và chúng con hứa sẽ hoàn toàn hỗ trợ và hàng ngày cầu nguyện cho qúi vị.
 
Thượng Hội Đồng 2018: Tài Liệu Sau Cùng đã được thông qua
Vũ Văn An
04:06 28/10/2018
Theo tin Vatican News, Vào chiều thứ bảy, Tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng Giám Mục thường lệ lần thứ XV gồm 3 phần, 12 chương, 167 đoạn và dài 60 trang đã được chấp thuận tại Đại Sảnh Thượng Hội đồng.



Đức Hồng Y da Rocha cho hay: Bản văn đã được tiếp nhận với một tràng vỗ tay. Đó là "kết quả của tinh thần đồng đội thực sự" về phía các nghị phụ Thượng Hội Đồng, cùng với các người tham gia khác và "đặc biệt, các người trẻ". Do đó, tài liệu tập hợp 364 sửa đổi, hay tu chính. “Hầu hết trong số này”, Đức Hồng Y cho hay “chính xác và mang tính xây dựng”. Hơn nữa, toàn bộ tài liệu được thông qua với 2/3 đa số phiếu thuận cần thiết.

Nguồn cảm hứng cho Tài liệu sau cùng của Thượng hội đồng về tuổi trẻ là tình tiết nói về các môn đệ Emmau, được thánh sử Luca thuật lại. Nó đã được đọc trong Đại Sảnh Thượng hội đồng bởi Tổng Tường Trình Viên, Đức Hồng Y Sérgio da Rocha, các thư ký đặc biệt, Cha Giacomo Costa và Cha Rossano Sala, cùng với Đức Giám Mục Bruno Forte, một thành viên của Ủy ban soạn thảo bản văn. Nó bổ sung cho các Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng, và được chia thành ba phần.

Phần thứ nhất: “Người đi với họ”

Phần đầu của tài liệu xem xét các khía cạnh cụ thể của đời sống người trẻ. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của trường học và giáo xứ. Nó thừa nhận sự cần thiết của việc người giáo dân phải được đào tạo để đồng hành với người trẻ đặc biệt bởi vì rất nhiều linh mục và giám mục quá bận rộn. Tài liệu ghi nhận vai trò không thể thay thế của các cơ sở giáo dục Công Giáo. Thách thức mà tài liệu bàn tới là sự cần thiết phải suy nghĩ lại vai trò của giáo xứ về sứ mệnh ơn gọi của nó bởi vì nó thường không hữu hiệu và không được năng động lắm, nhất là trong lĩnh vực giáo lý.

Thực tại người trẻ về di dân, lạm dụng, “văn hóa vứt bỏ” cũng nằm trong phần một. Về lạm dụng, Tài liệu Thượng Hội Đồng kêu gọi phải có sự “cam kết vững chắc trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt không để cho sự lạm dụng như thế được lặp lại, bắt đầu với việc lựa chọn và đào tạo các người được trao phó các vai trò lãnh đạo và giáo dục”. Thế giới nghệ thuật, âm nhạc và thể thao cũng được thảo luận về việc sử dụng chúng như là “các tài nguyên mục vụ”.

Phần hai: "Mắt họ mở ra"

Tài liệu Thượng Hội Đồng gọi người trẻ là một trong những “nơi chốn thần học” trong đó Chúa tự làm cho Người hiện diện. Nhờ họ, tài liệu nói, Giáo hội có thể tự đổi mới mình, rũ bỏ “sự nặng nề và chậm chạp của mình”. Nó cho hay: Sứ mệnh, là một "la bàn chắc chắn" cho tuổi trẻ vì nó là sự tự hiến mang lại hạnh phúc đích thực và lâu dài. Nối kết chặt chẽ với khái niệm sứ mệnh là ơn gọi. Mỗi ơn gọi phép rửa là một lời kêu gọi sống thánh thiện.

Hai khía cạnh khác được đề cập trong phần hai có thể trợ giúp trong việc phát triển sứ mệnh và ơn gọi của người trẻ, là đồng hành và biện phân.

Phần thứ ba: “Họ lên đường không chậm trễ”

Hình tượng về Giáo Hội trẻ được các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng trình bày là Maria Magdalêna, nhân chứng đầu tiên của Phục Sinh. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng khẳng định rằng mọi người trẻ, kể cả những người có tầm nhìn khác nhau về cuộc sống, đều ở trong trái tim của Thiên Chúa.

“Cùng đi với nhau” là năng động tính có tính thượng hội đồng được các nghị phụ đem ra ánh sáng trong phần ba. Họ mời các Hội đồng Giám mục khắp thế giới tiếp tục diễn trình biện phân với mục đích khai triển được các giải pháp mục vụ chuyên biệt. Định nghĩa được cung cấp về “tính thượng hội đồng” là một phong cách đối với sứ mệnh, một phong cách biết khuyến khích chúng ta chuyển từ "tôi" sang "chúng ta" và xem xét sự đa dạng các khuôn mặt, các nhạy cảm, các nguồn gốc và văn hóa. Một yêu cầu được lặp đi lặp lại tại đại sảnh, là việc thành lập "Sách chỉ dẫn thừa tác vụ tuổi trẻ về nguyên tắc ơn gọi" ở bình diện quốc gia, có thể giúp các nhà lãnh đạo giáo phận và giáo xứ hội đủ điều kiện để được huấn luyện và hành động "với" và "cho" người trẻ, giúp vượt qua một sự phân mảnh trong việc chăm sóc mục vụ của Giáo Hội.

Tài liệu Thượng Hội Đồng nhắc nhở các gia đình và cộng đồng Kitô giáo về tầm quan trọng của việc đồng hành với người trẻ để khám phá hồng phúc tính dục của họ. Các giám mục nhìn nhận sự khó khăn của Giáo Hội trong việc truyền đạt "vẻ đẹp của viễn kiến Kitô giáo về tính dục" trong bối cảnh văn hóa hiện tại. Tài liệu nói rằng việc cấp bách là tìm ra "những cách thích hợp hơn có thể được diễn dịch một cách cụ thể thành sự khai triển ra các nẻo đường đào tạo đổi mới".

Cuối cùng, Tài liệu mang các chủ đề khác nhau được bàn thảo tại Thượng Hội Đồng vào một lực đẩy ơn gọi duy nhất, đó là, lời kêu gọi nên thánh. “Các khác nhau về ơn gọi đều hội tụ vào lời kêu gọi nên thánh duy nhất và phổ quát”. Qua sự thánh thiện của rất nhiều người trẻ sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giữa thời bách để mãi trung thành với Tin Mừng, Giáo Hội có thể đổi mới sự hăng hái thiêng liêng và sức sống tông đồ của mình.
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên
J.B. Đặng Minh An dịch
09:07 28/10/2018
Sau 3 tuần làm việc căng thẳng, Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 15 về “Tuổi trẻ, Đức tin, và sự Phân định ơn gọi”, đã kết thúc với thánh lễ 10 giờ sáng Chúa Nhật 28-10-2018, tại Đền thờ Thánh Phêrô. Có 267 vị đồng tế với Đức Thánh Cha, gồm các nghị phụ và các linh mục dự thính viên và cộng tác viên, trong số này có 51 Hồng Y, 4 vị Thượng Phụ Công Giáo Đông phương, 1 vị Tổng Giám Mục trưởng của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine, 45 Tổng Giám Mục, và 139 Giám Mục, trước sự hiện diện của 9 ngàn tín hữu.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


Trình thuật chúng ta vừa nghe là tường thuật cuối cùng của Thánh Sử Máccô về sứ vụ rong ruổi rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu, Đấng sắp bước vào thành Giêrusalem để chịu chết và sống lại. Bartimê, vì thế, là người cuối cùng trong số những người theo Chúa Giêsu trên con đường này: từ một người ăn xin bên vệ đường Giêricô, anh trở thành một môn đệ sánh bước cùng những môn đệ khác trên đường lên Giêrusalem. Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đã sánh bước bên nhau; chúng ta đã là một “công nghị”. Bài Phúc Âm này ghi lại dấu ấn của ba bước cơ bản trong hành trình đức tin.

Đầu tiên, chúng ta hãy bàn về Bartimê. Tên của anh có nghĩa là “con trai của Timê”. Đó là cách Tin Mừng mô tả anh: “con ông Timê tên là Bartimê” (Mc 10:46). Tuy nhiên, cũng thật là lạ, chúng ta chẳng thấy cha anh đâu cả. Bartimê nằm cô đơn bệ vệ đường, xa nhà và không có cha. Anh không được yêu thương, nhưng bị bỏ rơi. Anh bị mù và không có ai nghe anh cả. Chúa Giêsu nghe lời cầu xin của anh. Khi đến gần anh, Ngài cho phép anh được nói. Chẳng có gì khó để đoán ra những gì Bartimê muốn: hiển nhiên, một người mù thì muốn được nhìn thấy hoặc lấy lại được thị lực của mình. Nhưng Chúa Giêsu thật thong thả; Ngài dành thời gian để lắng nghe. Đây là bước đầu tiên trong việc giúp đỡ hành trình đức tin: đó là lắng nghe. Sứ vụ tông đồ của đôi tai là lắng nghe trước khi nói.

Nhưng trái lại, nhiều người trong số những môn đệ Chúa Giêsu đang ở với Người đã ra lệnh cho Bartimê im đi (xem câu 48). Đối với những môn đệ như vậy, một người đang cần đến Chúa là một mối phiền toái trên đường đi, một điều bất ngờ và không được hoạch định. Họ ưa thích thời khóa biểu của chính họ hơn là của Thầy, thích nói hơn là lắng nghe những người khác. Họ đã theo Chúa Giêsu, nhưng họ lại có kế hoạch riêng của mình trong đầu. Đây là một nguy cơ cần phải liên tục cảnh giác. Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, tiếng kêu của những người cầu xin giúp đỡ không phải là một mối phiền toái mà là một thách đố. Thật là quan trọng dường nào cho chúng ta để biết lắng nghe cuộc đời! Con cái của Cha Trên Trời phải quan tâm đến các anh chị em của mình, đừng bận tâm đến những trò tán gẫu vô dụng, nhưng hãy chú ý đến nhu cầu của những người lân cận. Họ phải lắng nghe một cách kiên nhẫn và trìu mến, như Thiên Chúa lắng nghe chúng ta trong những lời cầu nguyện của chúng ta, bất kể những lời cầu nguyện ấy được lải nhải như thế nào. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi; Người luôn hạnh phúc khi chúng ta tìm kiếm Người. Mong sao cả chúng ta cũng cầu xin ân sủng để có một trái tim biết lắng nghe. Tôi muốn nói với những người trẻ, thay mặt cho tất cả những người lớn chúng ta: xin tha thứ cho chúng tôi nếu chúng tôi thường không lắng nghe các bạn, nếu, thay vì mở lòng mình ra, chúng tôi lại lấp đầy đôi tai của các bạn. Là Giáo Hội của Chúa Kitô, chúng tôi muốn lắng nghe các bạn với tình yêu, hãy xác tín về hai điều này: cuộc sống của các bạn là quý giá trong mắt của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa trẻ trung và yêu mến những người trẻ, và cuộc sống của các bạn cũng quý giá trong mắt chúng tôi, và thực sự là cần thiết để chúng ta tiến lên phía trước.

Sau khi lắng nghe, bước thứ hai trên hành trình đức tin là trở thành một người lân cận. Chúng ta hãy nhìn vào gương của Chúa Giêsu: Ngài không ủy thác cho một người nào đó từ “đám rất đông dân chúng” theo Ngài, nhưng đích thân Ngài gặp Bartimê. Ngài hỏi anh, “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” (Câu 51). Anh muốn điều gì.. . Chúa Giêsu hoàn toàn bị thu hút bởi Bartimê; Ngài không cố gắng tránh xa anh ta... . Anh muốn Ta làm gì - không chỉ đơn thuần là nói thôi, nhưng là làm điều gì đó... . cho anh – và không phải là làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý anh, trong tình huống cụ thể của anh. Đó là cách Thiên Chúa hoạt động. Ngài đích thân can dự với lòng ưu ái cho mọi người. Qua những hành động của Ngài, Ngài truyền đạt thông điệp của mình. Đức tin vì thế nở hoa trong cuộc sống.

Đức tin được truyền đạt qua cuộc sống. Khi đức tin chỉ đơn thuần liên quan đến các công thức tín lý, đức tin có nguy cơ chỉ đi vào cái đầu chứ không chạm được vào con tim. Và khi đức tin chỉ liên quan đến hoạt động, đức tin có nguy cơ biến thành một công việc mang tính chất thuần tuý luân lý và xã hội. Đức tin, trái lại, là sự sống: là sống trong tình yêu của Thiên Chúa, Đấng thay đổi đời ta. Chúng ta không thể lựa chọn giữa tín lý và hoạt động. Chúng ta được kêu gọi thực hiện công việc của Thiên Chúa theo cách riêng của chính Ngài: nghĩa là trong sự gần gũi, gắn bó với Ngài, trong sự hiệp thông với nhau, cùng với các anh chị em của chúng ta. Sự gần gũi: đó là bí mật để truyền đạt chính tâm điểm của đức tin, chứ không phải một khía cạnh thứ yếu nào đó.

Là một người lân cận có nghĩa là mang lại sự mới mẻ của Thiên Chúa vào cuộc sống của anh chị em chúng ta. Đó là một phương dược giải độc cho cám dỗ đưa ra những câu trả lời dễ dàng và những sửa chữa sơ sài chóng vánh cho qua chuyện. Chúng ta hãy tự hỏi liệu, là Kitô hữu, chúng ta có khả năng trở thành những người lân cận, bước ra khỏi vòng những người quen biết và ôm lấy những người không phải là “một người trong chúng ta”, những người mà Thiên Chúa khao khát tìm kiếm. Một cám dỗ thường thấy trong Kinh Thánh thời nào cũng có là cám dỗ rửa tay. Đó là những gì đám đông đã làm trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là điều Cain đã làm với Abel, và Philatô đã làm với Chúa Giêsu: họ rửa tay. Nhưng chúng ta muốn bắt chước Chúa Giêsu và, như Ngài, sẵn sàng làm vấy bẩn tay mình. Ngài là đường (xem Ga 14: 6), là Đấng đã dừng lại trên đường vì Bartimê. Ngài là ánh sáng của thế gian (xem Ga 9: 5), là Đấng đã cúi xuống để giúp một người mù. Chúng ta hãy nhận ra rằng Chúa đã làm bẩn tay mình vì mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy nhìn vào thập giá, bắt đầu từ đó và nhớ rằng Thiên Chúa đã trở thành người lân cận của tôi trong tội lỗi và sự chết. Ngài trở thành người lân cận của tôi: tất cả bắt đầu từ đó. Và khi, vì tình yêu dành cho Ngài, cả chúng ta cũng trở thành những người lân cận với nhau, chúng ta trở thành người mang đến cuộc sống mới. Chúng ta không phải là thầy dậy của tất cả mọi người, không phải là chuyên gia về các vấn đề thiêng liêng, nhưng là các nhân chứng của tình yêu cứu độ.

Bước thứ ba là làm chứng. Chúng ta hãy nghĩ đến các môn đệ, theo yêu cầu của Chúa Giêsu, họ đã gọi Bartimê lại. Họ không tiếp cận một người ăn xin với một đồng xu để làm anh ta câm miệng, hay để ban bố một lời khuyên. Họ đến nhân danh Chúa Giêsu. Thật vậy, họ chỉ nói ba từ với anh ta, và cả ba từ ấy đều là những lời của Chúa Giêsu: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh” (câu 49). Ở những đoạn khác khác trong Tin Mừng, chỉ có Chúa Giêsu mới nói: “Hãy vững tâm”, vì chỉ mình Ngài mới có thể “làm yên lòng” những người chạy đến cùng Ngài. Trong Tin Mừng, chỉ mình Chúa Giêsu mới nói, “Hãy đứng dậy”, và chữa lành cả tinh thần lẫn thể xác. Chỉ có Chúa Giêsu mới mời gọi, biến đổi cuộc sống của những ai theo Ngài, nâng dậy những ai sa ngã, mang ánh sáng của Thiên Chúa đến những miền thâm u trong cuộc sống. Quá nhiều trẻ em, quá nhiều bạn trẻ, như Bartimê, đang tìm kiếm ánh sáng trong cuộc sống của họ. Họ đang tìm kiếm tình yêu đích thực. Và giống như Bartimê ở giữa đám rất đông người đó chỉ gọi tên Chúa Giêsu mà thôi, những người trẻ cũng tìm kiếm cuộc sống, nhưng thường khi chỉ tìm thấy những lời hứa trống rỗng và chẳng có bao nhiêu người thực sự quan tâm đến họ.

Chúng ta không phải là Kitô hữu nếu chúng ta chỉ biết ngồi chờ các anh chị em của chúng ta, là những người đang tìm kiếm, cho đến khi họ gõ cửa chúng ta; chúng ta phải đi ra ngoài với họ, và mang đến cho họ không phải là chính chúng ta nhưng là Chúa Giêsu. Ngài gởi chúng ta, như những người môn đệ này, đến khích lệ người khác và nâng họ dậy nhân danh Ngài. Ngài sai chúng ta đến nói với mỗi người: “Thiên Chúa yêu cầu bạn hãy để cho chính mình được Ngài yêu thương”. Quá thường biết chừng nào là thay vì sứ điệp giải thoát này, chúng ta lại mang chính chúng ta, “những bí quyết” của riêng chúng ta, và “những nhãn hiệu” vào trong Giáo Hội! Quá thường biết chừng nào là thay vì làm cho Lời Chúa thành lời lẽ của chúng ta, thì chúng ta lại làm ngược lại là tô vẽ những ý tưởng của chúng ta thành ra như lời Ngài! Quá thường biết chừng nào là chúng ta coi trọng những cơ chế của mình hơn là sự hiện diện thân tình của Chúa Giêsu! Trong những trường hợp này, chúng ta hành động giống như một tổ chức phi chính phủ, hay một cơ quan do nhà nước kiểm soát, chứ không phải là cộng đồng của những người được cứu độ đang sống trong niềm vui của Chúa.

Hành trình đức tin lắng nghe, trở thành người lân cận, làm chứng được nêu trong bài Tin Mừng ngày hôm nay kết thúc một cách thật đẹp và đáng ngạc nhiên khi Chúa Giêsu nói: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh” (câu 52). Tuy nhiên, Bartimê đã không tuyên xưng đức tin hay làm bất cứ việc lành phúc đức nào; anh chỉ cầu xin lòng thương xót. Cảm nhận được rằng mình cần đến ơn cứu rỗi là điểm khởi đầu của đức tin. Đó là con đường trực tiếp để gặp Chúa Giêsu. Đức tin đã cứu Bartimê không liên quan đến việc có những ý tưởng rõ ràng về Thiên Chúa hay không, nhưng chính là vì anh ta đã tìm kiếm và khao khát được gặp Ngài. Đức tin nảy sinh từ cuộc gặp gỡ, chứ không phải từ những lý thuyết. Trong cuộc gặp gỡ, Chúa Giêsu đi ngang qua; trong cuộc gặp gỡ, trái tim của Giáo Hội đập lên. Khi đó, không phải là những lời rao giảng của chúng ta, nhưng chính những chứng tá của chúng ta về cuộc sống sẽ cho thấy hiệu quả.

Với tất cả những ai đã tham gia vào “cuộc hành trình cùng nhau”, tôi nói “cảm ơn” vì chứng tá của các bạn. Chúng ta đã làm việc trong tình hiệp thông, với sự thẳng thắn và lòng khát khao phụng sự dân Chúa. Cầu xin Chúa ban phước lành cho những bước của chúng ta, để chúng ta có thể lắng nghe những người trẻ tuổi, để chúng ta có thể trở nên những người lân cận của họ, và để chúng ta có thể làm chứng trước mặt họ về Chúa Giêsu, Đấng là niềm vui của cuộc đời chúng ta.


Source: Libreria Editrice Vaticana HOLY MASS FOR THE CLOSINGOF THE XV ORDINARY GENERAL ASSEMBLY OF THE SYNOD OF BISHOPS HOMILY OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS Sunday, 28 October 2018
 
Bức Tâm Thư của các Nghị phụ Giám mục gửi Giới Trẻ.
Thanh Quảng sdb
19:23 28/10/2018
Bức Tâm Thư của các Nghị phụ Giám mục gửi Giới trẻ: “sự yếu đuối và lỗi lầm của chúng tôi không phải là một trở ngại cho niềm tin mến của các bạn.”



Trong một bức thư được đọc tại buổi lễ kết thúc Thượng Hội Đồng về Giới trẻ, các giám mục nghị phụ đã viết thư cho những người bạn trẻ: “sự yếu đuối và lỗi lầm của chúng tôi không phải là một trở ngại cho niềm tin mến của các bạn.”

"Những yếu điểm của chúng tôi không găn cản sự dấn thân của các bạn," các nghị phụ viết trong bức thư đề ngày 28/10 rằng "Giáo hội là Mẹ của anh chị em; Người Mẹ ấy không bao giờ bỏ rơi các bạn”.

Đức Thánh Cha Phanxicô, đại diện cho tất cả những người lớn tuổi trong Thánh lễ kết thúc Thượng Hội Đồng, khiêm tốn xin lỗi những người trẻ; ĐTC nói: "Cha muốn đại diện tất cả những người lớn để nói với chúng con, những người trẻ: Hãy tha thứ cho chúng tôi vì chúng tôi thường không lắng nghe các con...”

ĐTC giảng tiếp: “Là Giáo Hội của Chúa Kitô, chúng tôi muốn lắng nghe chúng con bằng trái tim yêu thương, vì cuộc đời của chúng con thật là quý giá trong mắt của Chúa, vì Thiên Chúa luôn trẻ trung và Ngài yêu quí trẻ thơ và những người trẻ; và trong cái nhìn của Cha và tất cả, cuộc sống của chúng con thật quý giá, nó cần được thăng tiến trong tương lai...”



Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe trong suốt Thượng Hội Đồng kéo dài gần một tháng với hơn 260 các giám mục nghị phụ.

ĐTC nói: “Chương đầu tiên của tài liệu của phiên họp Thượng Hội Đồng được xuất bản vào tối thứ Bảy có tựa đề “Một Giáo hội lắng nghe.” Những người trẻ tuổi “bày tỏ mong muốn được lắng nghe, được thừa nhận, được cùng đồng hành”.

Lắng nghe là “bước đầu tiên trong cuộc hành trình của đức tin,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong bài kết luận của Ngài. "Hãy là người tông đồ bằng đôi tai để lắng nghe trước khi nói."

Suy ngẫm về câu chuyện phúc âm về việc Chúa Giêsu chữa lành người mù Bartimaeus, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Chúa Giêsu cần thời gian, Ngài cần thời gian để lắng nghe. ”

"Rất nhiều người trẻ cũng giống như Bartimaeus, đang tìm kiếm ánh sáng trong cuộc sống của họ. Họ tìm kiếm sự sống, nhưng thường hay tìm kiếm những lời hứa xuông và ít tìm kiếm những gì thực sự cần quan tâm tới."

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích người Công Giáo là những người bạn thân quen, những người cùng kiếm tìm sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa.

ĐTC nói “Không phải vì chúng ta là Công Giáo nên chờ mong các anh chị em khác tìm đến gõ cửa của chúng ta, nhưng ngược lại, chúng ta nên ra đi, đến với tha nhân, không phải vì mình mà vì Chúa Giêsu”.

Chúa Kitô “sai chúng ta đến nói với mọi người rằng: “Thiên Chúa yêu thương các bạn, các bạn hãy mở lòng mình ra để được yêu mến”.

"Chúng ta hãy tự hỏi, là những Kitô hữu, chúng ta đã trở thành những người lân cận, sẵn sàng bước ra khỏi lòng mình và tiếp đón tha nhân như là 'một người anh chị em của mình', những người mà Thiên Chúa luôn khao khát kiếm tìm và yêu thương."

"Là một bạn láng riềng, có nghĩa là chúng ta luôn mang lại sự tươi mới của Thiên Chúa cho cuộc sống của anh chị em của chúng ta".

ĐTC nói: “Đức tin phải đi đôi với việc làm, chứ không suông là lý thuyết. Khi gặp gỡ với Chúa Giêsu trong cuộc sống, khơi lên sức sống cho Giáo Hội. Tiếp theo sau đó, tha nhân không cảm nghiệm được những thành quả bằng những lời nói suông mà bằng chính hành động xuyên qua cuộc sống của chúng ta. ”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nghi thức khởi công xây Linh Đài Đức Mẹ La Vang Giáo Phận Orange
VietCatholic
09:11 28/10/2018
GARDEN GROVE - Vào lúc 11 giờ trưa thứ Bảy, ngày 27 tháng 10, 2018 Ban Kiến thiết Tượng đài La Vang Giáo Phận Orange đã mời quý Linh Mục, Phó Tế, quý Sơ, Quý vị Chủ Tịch và Ban Chấp Hành Cộng Đồng, Cộng Đoàn, quý ân nhân cùng một số cơ quan truyền thông đến tham dự nghi thức khởi công xây dựng Linh Đài Đức Mẹ La Vang trong khuôn viên nhà thờ chính tòa Chúa Kitô (nhà thờ kiếng). Nghi thức khởi công đặt dưới sự chủ sự của Đức Giám Mục Kevin Vann, Giám Mục Giáo Phận Orange và Đức Cha Tôma Nguyễn Thái Thành, Giám Mục Phụ Tá. Hiện diện tại buổi lễ có LM Trần Văn Kiểm, LM Nguyễn văn Tuyên, LM Trần Công Nghị, LM Mai Khải Hoàn, LM Nguyễn văn Luân, LM Nguyễn Thành Tài, LM Nguyễn tiến Bình, LM Bill Cao, LM Phạm Hùng… Quí Sơ, Ban La Vang: Bs Lê Duy Huân và Cô Elysabeth Nguyễn, Đại diện các Cộng đồng Công đoàn GP Orange, các vị ân nhân và quan khách.

Xem hình ảnh

Khởi đầu là nghi thức Phụng Vụ tổ chức tại tòa nhà Văn Phòng Giáo Phận. Sau các bài đọc và hát đáp ca. Đức Giám Mục Thomas Nguyễn Thái Thành đã phát biểu, “Trong niềm cảm tạ, tri ân, tôi hân hoan chào đón quý vị quan khách đến tham dự nghi thức khởi công xây dựng Linh Đài Đức Mẹ La Vang tại Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Kitô. Hôm nay là một ngày đáng ghi nhớ trước hành trình tạ ơn Mẹ, vì Linh Đài cao trọng được khởi công xây dựng từ ngày hôm nay, và việc này như cha Tuyên nói trong lúc trước nghi thức này là không ngoài mục đích là ghi ơn sự phù hộ của Mẹ.

“Hai trăm hai chục năm về trước Mẹ đã hiện ra cứu giúp tiền nhân chúng ta vượt thắng cuộc bách hại tàn bạo tại La Vang, và Mẹ vẫn tiếp tục phù hộ con dân Việt Nam, Giáo Hội VN vẫn trường tồn và vững mạnh trong những hoàn cảnh khó khăn trong suốt bao năm qua; Còn chúng ta thì đến được bến bờ tự do và có cuộc sống cơm no áo ấm. Hôm nay là một ngày đáng ghi nhớ trong sứ vụ đặc biệt giới thiệu Mẹ với thế hệ con cháu tương lai, và đến với hàng triệu khách hành hương khắp nơi trên thế giới khi họ đến thăm Nhà Thờ Chính Tòa và Linh Đài Đức Mẹ.

“Lời nhắn nhủ của Mẹ trong rừng sâu La Vang xưa sẽ tiếp tục vang vọng đến mọi người và mọi nơi. Nhìn lại cuộc hành trình đức tin trong quá khứ, chúng ta không quên tạ ơn giáo hội bản xứ. Cách đây hơn 40 năm, giáo phận Orange đã mở rộng vòng tay đón nhận người tỵ nạn chúng ta, nâng đỡ chúng ta có cuộc sống mới đồng thời tạo mọi điều kiện giúp cho đời sống đức tin chúng ta được thăng tiến. Linh Đài Đức Mẹ La Vang sẽ là một đóng góp lịch sử, thêu dệt vào tấm thảm hiệp nhất đa văn hóa của Giáo Phận Orange.

“Cuối cùng chúng ta tạ ơn Chúa và Mẹ đã cho chúng ta nhiều thuận lợi ngay từ đầu với sự đồng ý và hỗ trợ của Đức Cha Vann, và những người lãnh đạo của Giáo Phận. Chúng ta còn có Đức Cha Mai Thanh Lương âm thầm cầu nguyện. Anh chị em trong Ủy Ban Gây Quỹ và Xây Dựng trong đó có cha Tuyên và bác sĩ Huân, các anh chị trong nhiều giáo xứ. Mọi người không phân biệt tôn giáo đã cùng đồng lòng hy sinh đóng góp trong hai năm qua để được mốc điểm 11 triệu Mỹ kim, ngõ hầu cho chúng ta có ngày khởi công xây dựng Linh Đài Đức Mẹ hôm nay.

“Tất cả chúng ta hãy hiệp ý cầu nguyện để tiến trình xây cất được tiến nhanh, để các nhân công cảm nghiệm được tình yêu Chúa và Mẹ khi thực hiện công trình xây dựng này, và chúng ta cùng hẹn gặp nhau vào tháng 7 năm sau, năm 2019 để rồi cùng nhau vui mừng thánh hiến Linh Đài Đức Mẹ La Vang nơi đây, và từ đây, người Việt Nam tha hương sẽ không cô đơn nữa vì chúng ta đã có Mẹ. Nơi đây Mẹ sẽ đứng chờ đợi con cái Mẹ tới để Mẹ dạy dỗ, khuyên nhủ và ban ơn cho những ai chạy đến cùng Mẹ. Một lần nữa, xin cám ơn quý vị. Lạy Đức Mẹ La Vang, cầu cho chúng con.”

Tiếp đến Đức Cha Vann phát biểu nói về niềm vui mừng và hãnh diện vì GP Orange sẽ có tượng đài Đức Mẹ La Vang, biểu tượng cho lòng đạo hạnh và văn hóa người Công Giáo Việt nam. Ngài nói về tầm quan trọng của Đức Mẹ La Vang với cộng đồng CGVN và giáo phận Orange…

GM Kevin Vann phát biểu

Linh Đài Đức Mẹ La Vang được xây dựng ở Marian Court, phía Đông Bắc của quảng trường Nhà Thờ Chính Tòa. Một đội kiến trúc sư giàu kinh nghiệm với một loạt dự án lớn ở Hoa Kỳ và Việt Nam đảm nhận khâu thiết kế.

Theo Ban La Vang Giáo Phận Orange, đây sẽ là nơi gặp gỡ của hàng triệu khách hành hương đến thăm viếng Nhà Thờ Chính Tòa hằng năm, đồng thời, sẽ là địa điểm di sản của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Tượng Đức Mẹ tại linh đài sẽ mang nét văn hóa Việt Nam. Tượng Đức Mẹ La Vang sẽ mặc áo dài khăn đóng, bế Chúa Giêsu, chân đi hài, đứng trên đám mây. Đây là những điểm cần thiết cho tượng Mẹ La Vang mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã công bố.

Linh Đài Đức Mẹ La Vang sẽ là nơi có thể cử hành Thánh Lễ đại trào hoặc những sinh hoạt ngoài trời cho trên 30,000 người tham dự. Linh đài được thiết kế theo kiến trúc tân kỳ của Nhà Thờ Chính Tòa đồng thời thể hiện được nét văn hóa dân tộc Việt và biểu tượng của Linh Đài La Vang tại Quảng Trị, Việt Nam.

Trong khuôn viên linh đài sẽ có Vườn Thánh Mẫu để khách hành hương cảm nghiệm được các sự tích Đức Mẹ cũng như suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi trong khung cảnh thiên nhiên.

Linh Đài Đức Mẹ La Vang là một dự án lớn của Giáo Phận Orange trong lúc này để tôn kính Đức Mẹ La Vang, Mẹ Thiên Chúa đã che chở, gìn giữ các tín hữu Công Giáo trong thời kỳ đạo Chúa bị bách hại.

Sau đó hai vị Giám Mục cùng quan khách đến vị trí xây dựng Linh Đài, Đức Giám Mục Kevin Vann rẩy nước thánh và xông hương trên khung đất nơi sẽ xây dựng Linh Đài. Tiếp đến, các vị Giám Mục, linh mục Tổng Đại Diện, linh mục Giám Đốc TTCG, ông Chủ Tịch Cộng Đồng, Các Linh mục, Ban Xây Dựng, mỗi vị đều đội mũ công nhân và xúc những xẻng đất trong khung đất vừa được làm phép, ngoài đời gọi là “động thổ.” Sau nghi thức trên, mọi người được mời dự tiệc mừng với các Đức Giám Mục và quý linh mục.

Theo tài liệu được phổ biến; tính đến đầu tháng 10, 2018 số tiền hứa dâng cúng là $10.7 triệu Mỹ Kim; đã đóng $7. 8 triệu.

Về tượng Đức Mẹ La Vang, Tiểu Ban Thánh Tượng đã cùng các Linh Mục, Ban Cố Vấn và Ban La Vang làm việc với các họa sĩ được tuyển chọn để hoàn thành bản vẽ Thánh Tượng Đức Mẹ La Vang cho linh đài. Bản vẽ đã được các Giám Mục và Ủy Ban Nghệ Thuật Thánh Giáo Phận chuẩn thuận và nồng nhiệt khen ngợi. Ban Thánh Tượng và Ban La Vang cũng chọn một hãng làm tượng nổi tiếng lâu năm tại Ý để điêu khắc tượng Đức Mẹ. Hãng làm tượng đã cắt được một khối đá cẩm thạch trắng (Carrara) lớn trong núi tại nước Ý. Đại diện Ban La Vang đã sang tận nơi xem xét khối đá cho phù hợp với tất cả các điều kiện về mầu sắc cũng như chất liệu của đá. Thánh Tượng Đức Mẹ La Vang sẽ cao 12 ft (3.65 mét đứng trên bệ đá cao 4ft (1.2 mét).
 
Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm dâng hoa bế mạc Tháng Mân Côi
Trần Văn Minh
17:06 28/10/2018
Melbourne, vào lúc 4 giờ 30 phút chiều Chúa Nhật 28/10/ 2018. Tại Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm đã có giờ kinh Mân Côi đặc biệt, và dâng hoa cộng đoàn để bế mạc Tháng Mân Côi Năm 2018.

Xem hình

Trước buổi dâng hoa, mọi người được mời cùng nhau ngồi trước tượng Đức Mẹ khu vực phía dưới, để cùng nhau lần chuỗi Mân Côi tạ ơn Đức Mẹ. Sau khi xong năm chục kinh. Mỗi người được nhận một bông hoa tươi cùng nhau rước lên trên nhà nguyện để tiến dâng hoa lên Ngai tòa Đức Mẹ được đặt trang trọng bên cạnh cung thánh từ ngày khai mạc Tháng Mân Côi. Như tấm lòng của tất cả đoàn con cái Mẹ dâng lời tri ân cảm tạ.

Mọi người với đủ mọi thành phần, từ các cụ già cho đến các cháu nhỏ, tay nâng cao đóa hoa, cung kính tiến lên dâng hoa, cất cao những bài hát về Đức Mẹ cùng với Ca đoàn Cecilia. Một đoàn người đông đảo đã theo sau Linh mục quản nhiệm cộng đoàn lên dâng hoa. Khi cuộc dâng hoa hoàn tất, Linh mục quản nhiệm nói: chúng ta tạm bế mạc Tháng Mân Côi, không có nghĩa là chúng ta thôi không đọc kinh Mân Côi nữa, nhưng chúng ta lại khởi đầu cho những chuỗi kinh Mân Côi hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Theo như lời Đức Mẹ nhắn nhủ: hãy ăn năn đền tội, hãy Tôn sùng Mẫu Tâm và hãy năng lần hạt Mân Côi. Nên kinh đi theo chúng ta suốt cuộc đời.

Kết thúc Tháng Mân Côi là Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ 30 mùa Thường niên với bài Tin Mừng Chúa chữa lành cho người mù được trông thấy. Và bài chia sẻ của Linh mục Nguyễn Huy Liệu về bài tin mừng và cũng nhắc nhở mọi người luôn cầu nguyện qua kinh Mân Côi, mọi lúc, mọi nơi những khi có thể.

Sau phép lành cuối lễ đặc biệt. Mọi người được tặng lộc của Đức Mẹ là chính những bông hoa mà mọi người đã dâng lên Mẹ.

 
Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình tại Giáo phận Đà Nẵng
Tôma Trương Văn Ân
20:30 28/10/2018
Được sự chấp thuận của Đấng Bản quyền Giáo phận, trong 2 ngày 27 & 28/10/2018, tại Giáo xứ Hòa Khánh – Giáo phận Đà Nẵng, chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình (TTHNGĐ) đã mở khóa căn bản số 747 và cũng là khóa thứ 19 được tổ chức tại Giáo phận Đà Nẵng.Có 26 cặp vợ chồng đến từ các Giáo xứ : Hòa Khánh , Hòa Minh , Cồn Dầu , Nhượng Nghĩa và Hoằng Phước tham dự.

Xem Hình

Mục đích của chương trình TTHNGĐ là giúp vợ cHồng Yêu thương gần gũi bằng việc làm, đạo đức bản thân; biết cảm thông và sống theo Lời Chúa; biết lắng nghe và kính trọng nhau ; biết nhẫn nhục , hòa giải , hiếu nghĩa , thủy chung từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Cha mẹ biết lấy gương lành mà dưỡng dục con cái, song nguyền cho con. Gia đình củng cố và gìn giữ dây liên kết tình cảm anh chị em ruột, anh chị em Họ và mối tương quan tốt đẹp với mọi người .

Ban Trường Nội Dung (Ban Giảng Huấn) có quý Cha Giuse Vũ Dần - Tổng vấn Nguyền toàn quốc, Linh Nguyền Gp Đà Nẵng; Cha Phaolô Nguyễn Luận (quản xứ Loan Lý – Tgp. Huế), Tổng Linh Nguyền toàn quốc; Hai Cha Linh Nguyễn của Giáo phận Đà Nẵng là : ChaFX Nguyễn Ngọc Hiến – Quản xứ Hòa Khánh và Cha Giacobe Nguyễn Hồng Phong – Quản xứ Vân Đõa; Ngoài ra còn có : Sr Teresa Phan Thị Thanh Hương ( SPC) – Vấn Nguyễn và quý anh chị FX NGuyễn Đức Thọ + Lợi, Chủ Nguyền Gp. Đà Nẵng (tương đương chức Trưởng một Đoàn thể Công Giáo tiến hành cấp Giáo phận) cùng nhiều anh chị trong Ban Trường Nội dung và Ban Trợ Nguyền.

Điều đặc biệt của Chương trình , tất cả đặt dưới sự hướng dẫn soi sáng của Chúa Thánh Thần , lấy Thánh Kinh làm nền tảng, tịnh tâm lắng đọng tâm hồn trong những giờ phút Chầu Thánh Thể . Các Vị Giảng huấn với những minh họa cụ thể sống động và chia sẻ kinh nghiệm bản thân đã làm lay động tâm hồn Khóa sinh. Trong giờ Xả Cõi Lòng, các khóa sinh cảm nghiệm cụ thể, thay đổi đời sống, bằng cách khiêm nhường nói ra những yếu đuối, có khi giữ kín trong lòng, và hứa sửa đổi một yếu đuối cụ thể để “Chúa vui, con vui và vợ chồng con vui”… rất cảm động.

Các khóa sinh được hướng dẫn phương pháp Đọc – Chọn – Niệm Kinh Thánh, đó là đọc một đoạn Kinh Thánh, chọn 1 câu ngắn và lặp đi lặp lại một đoạn ngắn. Các khóa sinh cũng được học biết về khác biệt tâm lý vợ chồng, tôn trọng sự khác biệt, lắng nghe nhau, cám ơn – khen ngợi và quà tặng là sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau.Mỗi người khiêm nhường biết lỗi, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi và tha lỗi cho nhau.

Khóa sinh được học biết Nghệ thuật cảm thông và cảm thông trong đời sống “chăn gối”, đời sống gia đình khao khát gắn kết với nhau trọn vẹn trong Thiên Chúa. Vợ cHồng Yêu thương nâng đỡ chia sẻ, không từ chối nhau điều gì, làm thăng hoa bản tình ca tình ái.

Chiều tối ngày đầu tiên ,Thánh Lễ Hòa Giải: hòa giải với Chúa và với vợ/chồng của mình, bằng lời xin lỗi vợ/chồng của mình thay cho Kinh thú nhận tội lỗi. Trong phần dâng của lễ, của lễ con dâng là tâm tình cầu nguyện tự phát cả yếu đuối lỡ lầm hứa sẽ cố gắng sửa đổi và lời tạ ơn Chúa vì được hoán cải, dâng cả những hồng ân hạnh phúc gia đình, và cử chỉ ôm chúc bình an đầy tình cảm hạnh phúc.

Trong ngày học thứ 2 của Chương trình, khóa sinh được hướng dẫn hướng đến người thứ 3 là người ruột thị trong nhà và nhân loại. Song Nguyền cho con, các diễn giả, diễn giải tâm lý và phương pháp giáo dục con theo từng giai đoạn lứa tuổi, tập cho con tự chủ, tự chịu trách nhiệm việc con làm, để những người con có thể trưởng thành, học hỏi kỷ năng và thích ứng. Cha mẹ phải làm gương sáng cho con, lời nói của cha mẹ đi đôi với việc làm.

Khóa sinh còn được hướng dẫn chủ đề Linh An (bình an trong tâm hồn), sống tâm tình cầu nguyện và phó thác vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh để tâm hồn được bình an, để được Chúa yêu thương.

Những điểm khá mới so với quan niệm người Á đông , đó là những điều cha mẹ nên làm: thảo luận với con, cho vài giải pháp khác nhau để con lựa chọn, sửa con khi cha mẹ bình tĩnh, tôn trọng ý kiến khác biệt và dành thời giờ cho con…tạo bầu khí yêu thương, và khóa sinh học cả những điều không nên làm cho con của mình.

Chuẩn bị kết thúc khóa, một số tân Song Nguyền chia sẻ cảm nghiệm tình Chúa thương, làm biến đổi chính mình nên tốt hơn, bớt nóng nảy, bớt nói nhiều, quan tâm Chồng/vợ con cái hơn … và mọi thành phần gia đình hạnh phúc hơn, được hoán cải nhờ tinh thần khiêm nhường, biết lỗi, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi và tha lỗi cho nhau !

Trong Thánh lễ kết thúc Khóa học, Cha Phanxico Xavie – Quản xứ Hòa Khánh đã Đại diện Đấng Bản quyền và Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình, chứng nhận 26 cặp Song Nguyền vừa tham dự Khóa tuyên thệ lại lời hứa trong ngày lãnh nhận Bí tích Hôn Phối: “Trung thành yêu thương chung thủy với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau liên tục đến mãn đời”. Những chiếc nhẫn cưới được Cha chủ tế và Quý Cha đồng tế làm phép và chúc lành. Cha chủ tế đã trao tặng văn bằng Thệ Hôn như bảo chứng lời thề hứa chung thủy yêu nhau suốt thời gian vợ chồng chung sống đã qua, và như cột mốc nhắc nhở đôi bạn cố gắng giữ lời hứa chung thủy đến mãn cuộc đời.

Tính đến nay , Chương trình TTHN GĐ tại Giáo phận Đà Nẵng đã mở 19 Khóa căn Bản , 01 Khóa Trường Nội Dung, 01 Khóa Tu Nguyền ; có 20 Liên gia và 1 Liên gia tại Quảng Ngãi. Có 1483 Khóa sinh đã tham dự khóa học . đa phần Đơn vị Liên Gia theo đơn vị Giáo xứ.

Tôma Trương Văn Ân
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 29/10/2018: Những tranh cãi xung quanh luật độc thân linh mục
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
12:23 28/10/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc: Mỗi ngày Giáo Hội Công Giáo vẫn tiếp tục làm phép lạ

Đại sứ Nikki Haley đã dùng bài diễn văn của mình tại bữa ăn tối Al Smith hàng năm ở thành phố New York để ghi nhận những nỗ lực của Giáo hội nhằm giải quyết những tai tiếng lạm dụng tình dục trong khi vẫn tiếp tục “công việc đáng kinh ngạc” nhằm giúp “hàng triệu người tuyệt vọng” trên khắp thế giới.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc là khách mời danh dự tại buổi tiệc gây quỹ cho Tổng Giáo Phận New York, tổ chức ngày 18 tháng Mười. Trong bữa tối để giúp thu hàng triệu đô la cho các hoạt động từ thiện của Giáo Hội tại thành phố New York, Haley nói rằng những nỗ lực bác ái mà cô đã nhìn thấy “vượt xa” phạm vi của thành phố lớn nhất nước Mỹ này.

Trong thời gian làm đại sứ, Haley nói rằng cô đã từng đến một số “nơi tối tăm thực sự”, nơi mà những đau khổ mà nhiều người phải chịu đựng “vượt quá trí tưởng tượng của hầu hết người Mỹ.”

“Tôi đã đến biên giới giữa Colombia và Venezuela, nơi mọi người phải đi bộ 3 giờ mỗi chiều trong ánh mặt trời rực rỡ để có được bữa ăn duy nhất cho ngày hôm đó. Ai cung cấp những bữa ăn đó? Đó là Giáo Hội Công Giáo,” cô nói.

“Tôi đã từng đến các trại tị nạn ở Trung Phi, nơi những thiếu niên bị bắt cóc và buộc phải trở thành những người lính nhi đồng và là nơi các cô gái trẻ bị cưỡng hiếp như cơm bữa. Ai là người đi đầu trong việc thay đổi thứ văn hóa băng hoại và bạo lực này? Đó là Giáo Hội Công Giáo.”

Haley cũng thừa nhận những cuộc khủng hoảng tình dục lạm dụng đã làm rung chuyển Giáo hội, cả ở Hoa Kỳ và trên toàn cầu. Cô nói mình sẽ thiếu sót nếu không đề cập đến những vụ tai tiếng gần đây. Nhưng cô lưu ý rằng lạm dụng tình dục và bạo lực không phải là một vấn đề giới hạn trong Giáo hội mà là một trong những vấn đề có “liên hệ sâu sắc đến gia đình người Mỹ”. Chính trong bối cảnh gia đình, lạm dụng tình dục và bạo lực là những vấn nạn trầm trọng nhất. Và đó là một vấn đề ít được đề cập đến.

Cô ghi nhận Giáo Hội đã có nghĩa vụ với nạn nhân. “Vị thế của Giáo Hội là bên cạnh các nạn nhân đang phải chịu đựng nỗi đau với họ. Tôi biết các nhà lãnh đạo Giáo Hội nhận ra trách nhiệm sâu sắc của mình trong việc giải quyết thất bại đạo đức này, và Giáo Hội đang hành động,” cô nói. Đồng thời, vị đại sứ nói thêm rằng sẽ là “bi thảm” nếu vụ tai tiếng lạm dụng này khiến thế giới mù lòa trước “những điều tốt đẹp tuyệt vời Giáo Hội Công Giáo đang thực hiện mỗi ngày.”

Đại sứ Haley gọi các công trình toàn cầu của Giáo Hội trong các lãnh vực từ thiện, giáo dục và chăm sóc sức khỏe là những “phép lạ hàng ngày” và nói rằng “những phép lạ đó là con đường của Giáo Hội.”

Sự kiện thường niên này nhằm quyên góp cho Quỹ Alfred E. Smith, phục vụ những “trẻ em nghèo nhất trong Tổng Giáo Phận New York, bất kể chủng tộc, tín ngưỡng hay mầu da.” Mỗi năm, bữa ăn tối lại mời một chính trị gia nổi bật đến nói chuyện; trong những năm bầu cử tổng thống, cả hai ứng cử viên chính đều được mời.

Nikki Haley là một người Mỹ gốc Ấn. Gia đình cô theo đạo Sikh. Sau khi lấy chồng, cô theo đạo Tin Lành Methodist. Tuần trước, cô thông báo rằng cô sẽ từ bỏ vai trò của mình tại Liên Hợp Quốc vào cuối năm 2018 để trở lại với chính trường Hoa Kỳ. Haley đã làm Đại sứ Liên Hợp Quốc kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Trước đó cô là thống đốc bang South Carolina.

Bữa ăn tối vừa qua thu được gần 4 triệu Mỹ Kim.

2. Các Giám Mục Hoa Kỳ sẽ xem xét việc dịch các bài thánh ca Latinh sang Anh Ngữ trong cuộc họp Mùa Thu

Các Giám Mục Hoa Kỳ sẽ khởi sự xem xét việc dịch 139 bài thánh ca Latinh sang Anh Ngữ để sử dụng trong các Giờ Kinh Phụng vụ khi các ngài gặp nhau trong phiên họp Mùa Thu từ ngày 12 đến 14 tháng 11 tại Baltimore.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, “đã phê chuẩn phạm vi công việc dịch thuật Kinh Nhật Tụng mới vào tháng 11 năm 2012,” Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory của tổng giáo phận Atlanta, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự của USCCB, đã viết như trên trong một lá thư gởi đến Ủy ban Quản Trị của USCCB hồi tháng 9 vừa qua để yêu cầu Ủy ban sắp xếp việc thảo luận này vào chương trình nghị sự của cuộc họp Mùa Thu.

“Kế hoạch được đưa ra vào năm 2012 đã hướng dẫn Ủy ban Quốc tế về Anh ngữ trong Phụng vụ, gọi tắt là ICEL, chuẩn bị bản dịch tiếng Anh của 291 bài thánh ca Latin trong ấn bản tiêu biểu hiện nay, một số trong đó chưa bao giờ được dịch ra tiếng Anh đương đại”, Đức Tổng Giám Mục Gregory nói. Cụ thể, theo Đức Cha Gregory, 139 bản dịch mới của những bài thánh ca đó cần phải được hoàn thành.

Ngài dự đoán rằng: “Nếu cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới đây thành công, các bài thánh ca còn lại có thể sẽ được trình bày trong cuộc họp toàn thể vào tháng 11 năm 2019 hoặc tháng 6 năm 2020”. Hơn thế nữa, Đức Tổng Giám Mục của Atlanta nói: “Vì điều này tiêu biểu cho một sự thay đổi đáng kể trong Kinh Nhật Tụng hiện nay, ủy ban muốn sắp xếp để một dàn hợp xướng nhỏ có thể trình bày ngắn gọn trước các Giám Mục cách thức các bản dịch mới có thể được sử dụng với bình ca Grêgôriô và cả với những giai điệu quen thuộc.”

Phần lớn các bản văn thánh ca được dịch là những bài gồm bốn dòng, mỗi dòng có tám âm tiết, được gọi là ô nhịp dài (long metrum) trong kỹ thuật sáng tác thánh ca. Ô nhịp “8.8.8.8.” có nghĩa là bất kỳ giai điệu nào với bốn dòng tám âm tiết có thể được sử dụng để hát lên các bản văn này.

Các giai điệu thánh ca sử dụng ô nhịp này bao gồm “Praise God From Whom All Blessings Flow” (“Lời tán tụng Chúa từ những ai mọi phước lành tuôn đến”), “Creator of the Stars of Night” (“Đấng Tạo Tác những vì sao đêm”), “O Saving Victim” (“O Salutaris Hostia” – Ôi Chiên Cứu Độ), “I Know That My Redeemer Lives” (“Tôi biết Đấng Cứu Độ tôi vẫn sống”), “The Glory of These Forty Days” (“Vinh quang của 40 ngày này”), “When I Survey the Wondrous Cross” “Khi tôi suy tưởng Thánh Giá Nhiệm Mầu”), “On Jordan’s Bank” (“Trên Bờ sông Giócđăng), và “Veni Creator Spiritus” (“Thánh Thần Sáng tạo xin ngự đến”).

Công việc của ICEL được hướng dẫn bởi năm nguyên tắc cơ bản, bao gồm sự trung thành với văn bản tiếng Latin. Một bài giới thiệu các bài thánh ca được sử dụng cho các Giờ Kinh Phụng vụ cho biết: “Theo thời gian, các cá nhân và cộng đồng học cách thưởng thức và đánh giá cao sự trang nghiêm tự nhiên của các bài thánh ca Latinh”.

Bài giới thiệu này cũng nói thêm: “Tiếng Latinh là một ngôn ngữ biến hóa một cách cao độ [cùng một ý nghĩa nhưng chữ viết thay đổi tùy theo giống đực, giống cái, số ít, số nhiều, chủ từ, đối từ.. – a highly inflected language], do đó, nhiều từ chuyển tiếp không thực sự cần đến trong văn bản tiếng Latin của các bài thánh ca, nhưng được phản ảnh qua các biến tố một cách ẩn tàng. Trong khi đó, ngữ pháp tiếng Anh đòi hỏi nhiều từ chuyển tiếp hơn để biểu đạt được rõ ràng”. Vì thế, trong công việc dịch thuật “các quy luật tự nhiên của Anh ngữ phải được tôn trọng, nhưng đồng thời ta phải cố gắng trung thành với nguyên bản Latin.”

Các nguyên tắc khác được đề cập đến là sự cao thượng trong diễn đạt, vần điệu, khả năng thích nghi của các bản văn thánh ca với những mục đích sử dụng khác nhau, và những cân nhắc khi biên tập. Một cân nhắc trong khi biên tập là việc sử dụng việc “rút gọn”, trong đó dấu nháy đơn được dùng để giảm số âm tiết, ví dụ, chữ “victory” (vinh quang) gồm ba âm tiết có nên viết thành “vict’ry” để giảm còn hai âm tiết hay không .

3. Giáo sư Tiến sĩ Catherine Pakulak, người mẹ của 8 đứa con nói sinh suất cao không phải là rào cản kinh tế

Ý tưởng rằng sinh suất cao là một rào cản đối với thành công kinh tế là một huyền thoại đương đại, Tiến sĩ Catherine Pakulak, giáo sư kinh tế tại trường Đại học Công Giáo America, là một người mẹ của tám đứa con, và là người tạo ra một hashtag đang lan nhanh trên thế giới nói như trên với Catholic News Agency.

Pakulak đã tạo ra hashtag “#PostcardsForMacron” lan rất nhanh trên Twitter vào hôm thứ Hai để trả lời cho nhận xét của Tổng thống Pháp Emanuel Macron tại sự kiện Gates Foundation.

Tổng thống Macron cho rằng phụ nữ có học vấn sẽ không chọn có nhiều con nếu họ được quyền lựa chọn. Pakulak nghĩ rằng nhận xét này đã được trích dẫn ngoài bối cảnh của nó, và cố gắng để không chỉ trích quá mạnh Macron, dù thế, cô vẫn nghĩ rằng đó là một nhận xét “thật lố bịch.”

Một trong những đề tài nghiên cứu của giáo sư Pakulak tập trung vào tác động của sinh suất đối với sự phát triển kinh tế xã hội.

“Sinh nhiều con không phải là do thiếu hiểu biết”, Pakulak nói với CNA. Cô cho biết ý kiến của Macron đại diện cho một “quan điểm tiềm ẩn” phổ biến trong văn hóa đương đại.

Thái độ này chiếm ưu thế ở cả Phi Châu và ở những nơi khác như Hoa Kỳ, cô nói. Những phụ chọn lựa có nhiều con phải đối mặt với một “thái độ chê bai dè bỉu” từ những người khác.

“Vì thế tôi muốn nhảy vào và nói‘ Này, nhìn đây, thật ngớ ngẩn. Rất nhiều phụ nữ chọn điều này,” cô giải thích.

Trong khi Pakulak thừa nhận rằng hầu hết phụ nữ có bằng đại học không chọn có nhiều con, cô khẳng định không phải tất cả các phụ nữ đều như thế.

“Động lực chính của tôi là đặt vấn đề với câu nói của Macron.”

Pakulak đã chỉ trích một quan điểm của tổng thống Macron theo đó các gia đình đông con tại Phi Châu đang kềm hãm sự phát triển của đại lục này. Cô mô tả tâm lý này là “loại huyền thoại đương đại” không được dựa trên các số liệu thống kê.

“Không có bằng chứng cho thấy các nước không thể phát triển nhanh chóng, hoặc đều đặn, vì sinh suất cao”, cô giải thích. Trên khắp các châu lục, tỷ lệ sinh trung bình của một người phụ nữ không tăng đến bảy, tám, hoặc chín con, cô nói. Trên thực tế, trung bình một phụ nữ ở Phi Châu chỉ có 4 con trở lại.

4. Cướp tấn công tư gia Đức Hồng Y Norberto Rivera Carrera giết chết một cận vệ, vị Hồng Y an toàn

Một viên chức cảnh sát phụ trách bảo vệ an ninh đã bị bắn chết tại nhà của Đức Hồng Y Norberto Rivera Carrera ở thành phố Mexico trong một vụ được chính quyền mô tả là một vụ cướp bất thành tại nhà vị Hồng Y đã về hưu.

Các tay súng đã đến nhà của Đức Hồng Y ở phía nam Mexico City vào ngày 21 tháng 10 lúc 3 giờ chiều. Raymundo Collins, thư ký an ninh công cộng thành phố Mexico, nói với giới truyền thông địa phương.

Ít nhất hai người đàn ông đến trên một chiếc xe giao hàng và giả vờ họ đang giao một phong bì. Họ gọi chuông cửa, và dùng vũ lực để xông vào. Giao tranh đã diễn ra giữa bọn cướp và một nhân viên cảnh sát đang làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại đây.

Anh cảnh sát Jose Javier Hernandez Nava đã bị giết trong trận giao tranh. Những kẻ tình nghi đã chạy trốn và vẫn còn đang bị truy nã.

Đức Hồng Y Rivera và một số tu sĩ phụ giúp ngài đã có mặt trong nhà vào thời điểm xảy ra vụ cướp, nhưng các vị không gặp nguy hiểm. Tính đến giữa trưa ngày 22 tháng 10, các nghi phạm vẫn còn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Đức Hồng Y Rivera từng là tổng giám mục của Mexico City trong 22 năm. Ngài đã nộp đơn từ chức vào tháng 6 năm 2017 khi bước sang tuổi 75 và đã được thay thế bởi Đức Hồng Y Carlos Aguiar Retes, từ tháng 2 năm 2018.

Đức Hồng Y Aguiar nói ngài tạ ơn Chúa đã bảo vệ người tiền nhiệm của mình và cầu nguyện cho linh hồn cảnh sát viên Hernandez và gia đình anh.

5. Cơn sóng cuộn khổng lồ của làn sóng tỵ nạn đang đổ về Hoa Kỳ

Theo Thông tấn xã ở Cristobal de las Casas thì khoảng 10 ngàn người Honduras hôm qua ngày 19/10 đang tràn về biên giới giữa Honduras và Mexico. Chính phủ Mexico cũng giống như El Salvador và Guatemala đã công bố họ sẽ không cho phép những người di cư Honduras đang trốn chạy khỏi sự bất công, bạo lực và tham nhũng lan rộng khắp đất nước của họ vượt qua biên giới vào Mexico.

Những người di cư Honduras đã cảm ơn người dân Guatemala giúp đỡ và hỗ trợ họ tiến về phía Hoa Kỳ vượt qua đất nước của họ. Giáo Hội Công Giáo và các tổ chức xã hội dân sự về di dân đều ủng hộ và trợ giúp thực phẩm và chỗ tạm dừng chân của làn sóng người Honduras khi họ tiếp tục hành trình tiến lên phía bắc (xem bản tường trình của Fides ngày 17/10/2018).

Đặc biệt, các cộng đồng Giáo hội ở các tỉnh Tapachula, Tuxtla, Chapas và các vùng khác của miền nam Mexico - theo một bản tin ngắn từ Celam gửi cho Fides – thì họ đã vận động hầu đảm bảo rằng những người đang vượt biên này có thức ăn, áo quần và các hỗ trợ cần thiết cũng như nơi trú ẩn.

Mang theo lá cờ Honduras, họ vừa đi họ vừa hát bài quốc ca, hô những khẩu hiệu hòa bình xin cho họ quá cảnh. Đám người bao gồn nam nữ và thậm chí có nhiều người khuyết tật từ khắp nơi ở Honduras đang tới biên giới Guatemala và Mexico, gần biên giới Tecum Uman.

Việc vượt qua lãnh thổ Mexico cũng sẽ tùy thuộc vào các tổ chức từ thiện kết hợp với sự giúp đỡ của các tổ chức nhân đạo địa phương. Thực phẩm, quần áo và những nhu yếu phẩm cần thiết cho sự sống còn của những người di cư Honduras này trong cuộc hành trình của họ.

Giáo phận San Cristóbal de las Casas tuyên bố đoàn kết nâng đỡ những người di cư này và kêu gọi chính phủ tôn trọng nhân quyền cùng bảo vệ họ chống lại các tệ nạn buôn người. Đồng thời, họ cũng cung cấp cho dân chúng những gì cần thiết mà họ có thể cung cấp như quần áo, thực phẩm và nơi tạm trú.

Nhìn thấy trước mắt, đây còn là một chặng đường dài để tới đích, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ông sẽ đóng cửa biên giới Mexico và truyền cho quân đội ngăn chặn đoàn người di cư ồ ạt này. “Tôi mạnh mẽ yêu cầu chính phủ Mexico hãy ngăn chặn làn sóng di dân ồ ạt này, còn nếu không – Ông Trump viết trên twitter - tôi sẽ gởi quân đội Mỹ đến đóng cửa biên giới phía nam giữa Hoa Kỳ và Mexico”.

6. Mexico tìm kiếm sự giúp đỡ của LHQ với đoàn người di dân từ Honduras

Mexico đã yêu cầu sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc trước làn sóng di dân của Honduras, đang trông chờ sự giúp đỡ của chính phủ Mexico hầu họ có thể tiếp tục cuộc hành trình tiến về Biên giới Hoa Kỳ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một cảnh báo, ông sẽ xử dụng Quân đội để niêm phong Biên giới Hoa Kỳ; nếu đoàn người di dân Honduras được đi qua nước Mexico. Ông ta đã đe dọa cắt giảm tất cả viện trợ cho Honduras, Guatemala và El Salvador.

Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ mới được thương lượng lại gần đây đang có nguy cơ bị sụp đổ! Các nhà chức trách Mexico nhấn mạnh rằng những người muốn vào Mexico phải có nhiều giấy tờ bao gồm hộ chiếu. Họ cũng yêu cầu sự giúp đỡ của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn giúp thanh lọc các trường hợp tị nạn, hầu được bảo đảm rằng các quyền lợi của con người được tôn trọng hoàn toàn theo luật pháp quốc tế.

Tổng thống Trump trên tweet đã gửi một tin nhắn tới Chính phủ Mexico và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người sẽ đến Mexico vào hôm thứ Sáu để thảo luận về cuộc khủng hoảng này.

Hiện tại con số di dân Hunduras có số lượng khoảng bốn nghìn sẽ được phép vào Mexico.

7. Quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Úc về luật độc thân linh mục

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một trong những vấn đề được nêu lên tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên với chủ đề “Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi” là việc bãi bỏ luật độc thân linh mục. Vấn đề này chắc chắn sẽ bùng lên một lần nữa khi một nhóm 300 giám mục khác tụ tập về Roma vào năm tới để tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khu vực Amazon. Một số quan sát viên dự báo sẽ có những căng thẳng xung quanh vấn đề này. Thực sự, đó là một vấn đề đã bùng nổ lâu dài trong các cuộc tranh luận bên trong và cả bên ngoài Giáo Hội Công Giáo.

Tình trạng thiếu linh mục thường rất cấp bách ở các vùng của Amazon, và một số giám mục trong khu vực này từ lâu đã ủng hộ ý tưởng phong chức cho “viri probati”, nghĩa những người đàn ông lập gia đình đã được thử thách.

Trong khi đó ở phương Tây, một số tiếng nói đã khơi lại ý tưởng về một chức tư tế có kết hôn, như là một đáp trả đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của giáo sĩ, cho rằng hôn nhân sẽ cung cấp cho các linh mục cơ hội thể hiện tính dục của họ theo những cách thế lành mạnh và không lạm dụng.

Trong phần cuối chương trình này, chúng tôi sẽ giới thiệu với quý vị và anh chị em quan điểm và những kinh nghiệm bi thảm của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương tại Ukraine. Tuy nhiên, trước hết, xin được nhắc lại ở đây quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Australia về vấn đề này trong tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Úc hôm 31 tháng 8 vừa qua.

Các giám mục Công Giáo và các bề trên các dòng tu tại Úc đã đáp ứng 98% các khuyến nghị của Ủy ban Hoàng gia về những phản ứng của các tổ chức đối với nạn lạm dụng tình dục trẻ em.

Tuy nhiên, Hội Đồng Giám Mục Úc khẳng định rằng:

“Một số khuyến nghị từ Ủy ban Hoàng gia đã xen mình một cách quá đáng vào kỷ cương của Giáo Hội Công Giáo như yêu cầu Giáo Hội bãi bỏ luật độc thân linh mục. Câu trả lời của các Giám Mục và bề trên các dòng lưu ý rằng ‘Chính Ủy ban Hoàng gia cũng không tìm thấy mối liên hệ nhân quả giữa luật độc thân linh mục và việc lạm dụng tình dục trẻ em. Hơn thế nữa, luật độc thân linh mục tự nguyện là một thực hành lâu đời và tích cực của Giáo Hội ở cả Đông và Tây’”

Vì thế, Hội Đồng Giám Mục Úc thẳng thừng bác bỏ yêu cầu của Ủy ban Hoàng gia đòi buộc Giáo Hội Công Giáo phải bãi bỏ luật độc thân linh mục.

8. Quan điểm của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk là nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine. Đây là Giáo Hội lớn nhất trong số 22 Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông với Tòa Thánh. Các Giáo Hội Công Giáo Đông phương có nhiều thế kỷ kinh nghiệm về các linh mục kết hôn.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Crux hôm 20 tháng 10, ngài nói:

“Nếu phải đưa ra một lời khuyên, tôi sẽ nói rằng bãi bỏ luật độc thân linh mục sẽ không giải quyết được vấn đề. Kinh nghiệm của tôi là quả thực có những linh mục đã lập gia đình là những người thánh thiện... sự thánh thiện này, sự trưởng thành này, là một kho báu lớn, nhưng nó không phải là hậu quả trực tiếp của tình trạng sống đó.”

Nói cách khác, theo Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, các linh mục không trở nên thánh thiện hơn vì được phép lập gia đình, nhưng họ sẽ có nhiều mối quan tâm trần tục hơn.

Ngài cho biết như sau:

“Tôi nhớ vào đầu những năm 1990, khi Giáo hội chúng tôi nổi lên từ hầm trú, chúng tôi chấp nhận tất cả mọi người trong các chủng viện, bởi vì có nhu cầu rất lớn về các linh mục. Mỗi tuần, tôi thấy tận mắt mình sự đau khổ của những gia đình thiếu vắng người cha. Đây là một bi kịch từ viễn tượng nhân bản, thiêng liêng, và cũng từ viễn tượng kinh tế.”

Theo quy luật của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine, “các chủng sinh không thể kết hôn khi họ đang ở trong chủng viện.”

Tuy nhiên, trong thực tế, “ở nửa sau của chương trình học, họ thường có bạn gái. Đây là một thời kỳ rất tế nhị. Mối quan hệ qua email và skype rất mạnh, đôi khi trong quá trình đào tạo, khó có thể tập trung sự chú ý của chủng sinh trong cộng đoàn, bởi vì có ai đó từ bên ngoài đang lôi kéo anh ta.”

“Thông thường, các giám mục của chúng tôi lo lắng không chỉ về chủng sinh mà còn bạn gái của anh ấy, và chúng tôi cũng đã lập một chương trình cho những người phụ nữ này. Thông thường, sau hai hoặc ba lần gặp gỡ, họ nhận ra rằng họ không muốn làm vợ của một linh mục. Điều này cũng có thể khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn.”
 
Đức Thánh Cha và các Nghị Phụ cử hành Thánh Lễ Đại Trào Bế Mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
12:37 28/10/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sau 3 tuần làm việc căng thẳng, Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 15 về “Tuổi trẻ, Đức tin, và sự Phân định ơn gọi”, đã kết thúc với thánh lễ 10 giờ sáng Chúa Nhật 28-10-2018, tại Đền thờ Thánh Phêrô. Có 267 vị đồng tế với Đức Thánh Cha, gồm các nghị phụ và các linh mục dự thính viên và cộng tác viên, trong số này có 51 Hồng Y, 4 vị Thượng Phụ Công Giáo Đông phương, 1 vị Tổng Giám Mục trưởng của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine, 45 Tổng Giám Mục, và 139 Giám Mục, trước sự hiện diện của 9 ngàn tín hữu.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói::

Trình thuật chúng ta vừa nghe là tường thuật cuối cùng của Thánh Sử Máccô về sứ vụ rong ruổi rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu, Đấng sắp bước vào thành Giêrusalem để chịu chết và sống lại. Bartimê, vì thế, là người cuối cùng trong số những người theo Chúa Giêsu trên con đường này: từ một người ăn xin bên vệ đường Giêricô, anh trở thành một môn đệ sánh bước cùng những môn đệ khác trên đường lên Giêrusalem. Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đã sánh bước bên nhau; chúng ta đã là một “công nghị”. Bài Phúc Âm này ghi lại dấu ấn của ba bước cơ bản trong hành trình đức tin.

Đầu tiên, chúng ta hãy bàn về Bartimê. Tên của anh có nghĩa là “con trai của Timê”. Đó là cách Tin Mừng mô tả anh: “con ông Timê tên là Bartimê” (Mc 10:46). Tuy nhiên, cũng thật là lạ, chúng ta chẳng thấy cha anh đâu cả. Bartimê nằm cô đơn bệ vệ đường, xa nhà và không có cha. Anh không được yêu thương, nhưng bị bỏ rơi. Anh bị mù và không có ai nghe anh cả. Chúa Giêsu nghe lời cầu xin của anh. Khi đến gần anh, Ngài cho phép anh được nói. Chẳng có gì khó để đoán ra những gì Bartimê muốn: hiển nhiên, một người mù thì muốn được nhìn thấy hoặc lấy lại được thị lực của mình. Nhưng Chúa Giêsu thật thong thả; Ngài dành thời gian để lắng nghe. Đây là bước đầu tiên trong việc giúp đỡ hành trình đức tin: đó là lắng nghe. Sứ vụ tông đồ của đôi tai là lắng nghe trước khi nói.

Nhưng trái lại, nhiều người trong số những môn đệ Chúa Giêsu đang ở với Người đã ra lệnh cho Bartimê im đi (xem câu 48). Đối với những môn đệ như vậy, một người đang cần đến Chúa là một mối phiền toái trên đường đi, một điều bất ngờ và không được hoạch định. Họ ưa thích thời khóa biểu của chính họ hơn là của Thầy, thích nói hơn là lắng nghe những người khác. Họ đã theo Chúa Giêsu, nhưng họ lại có kế hoạch riêng của mình trong đầu. Đây là một nguy cơ cần phải liên tục cảnh giác. Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, tiếng kêu của những người cầu xin giúp đỡ không phải là một mối phiền toái mà là một thách đố. Thật là quan trọng dường nào cho chúng ta để biết lắng nghe cuộc đời! Con cái của Cha Trên Trời phải quan tâm đến các anh chị em của mình, đừng bận tâm đến những trò tán gẫu vô dụng, nhưng hãy chú ý đến nhu cầu của những người lân cận. Họ phải lắng nghe một cách kiên nhẫn và trìu mến, như Thiên Chúa lắng nghe chúng ta trong những lời cầu nguyện của chúng ta, bất kể những lời cầu nguyện ấy được lải nhải như thế nào. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi; Người luôn hạnh phúc khi chúng ta tìm kiếm Người. Mong sao cả chúng ta cũng cầu xin ân sủng để có một trái tim biết lắng nghe. Tôi muốn nói với những người trẻ, thay mặt cho tất cả những người lớn chúng ta: xin tha thứ cho chúng tôi nếu chúng tôi thường không lắng nghe các bạn, nếu, thay vì mở lòng mình ra, chúng tôi lại lấp đầy đôi tai của các bạn. Là Giáo Hội của Chúa Kitô, chúng tôi muốn lắng nghe các bạn với tình yêu, hãy xác tín về hai điều này: cuộc sống của các bạn là quý giá trong mắt của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa trẻ trung và yêu mến những người trẻ, và cuộc sống của các bạn cũng quý giá trong mắt chúng tôi, và thực sự là cần thiết để chúng ta tiến lên phía trước.

Sau khi lắng nghe, bước thứ hai trên hành trình đức tin là trở thành một người lân cận. Chúng ta hãy nhìn vào gương của Chúa Giêsu: Ngài không ủy thác cho một người nào đó từ “đám rất đông dân chúng” theo Ngài, nhưng đích thân Ngài gặp Bartimê. Ngài hỏi anh, “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” (Câu 51). Anh muốn điều gì.. . Chúa Giêsu hoàn toàn bị thu hút bởi Bartimê; Ngài không cố gắng tránh xa anh ta... . Anh muốn Ta làm gì - không chỉ đơn thuần là nói thôi, nhưng là làm điều gì đó... . cho anh – và không phải là làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý anh, trong tình huống cụ thể của anh. Đó là cách Thiên Chúa hoạt động. Ngài đích thân can dự với lòng ưu ái cho mọi người. Qua những hành động của Ngài, Ngài truyền đạt thông điệp của mình. Đức tin vì thế nở hoa trong cuộc sống.

Đức tin được truyền đạt qua cuộc sống. Khi đức tin chỉ đơn thuần liên quan đến các công thức tín lý, đức tin có nguy cơ chỉ đi vào cái đầu chứ không chạm được vào con tim. Và khi đức tin chỉ liên quan đến hoạt động, đức tin có nguy cơ biến thành một công việc mang tính chất thuần tuý luân lý và xã hội. Đức tin, trái lại, là sự sống: là sống trong tình yêu của Thiên Chúa, Đấng thay đổi đời ta. Chúng ta không thể lựa chọn giữa tín lý và hoạt động. Chúng ta được kêu gọi thực hiện công việc của Thiên Chúa theo cách riêng của chính Ngài: nghĩa là trong sự gần gũi, gắn bó với Ngài, trong sự hiệp thông với nhau, cùng với các anh chị em của chúng ta. Sự gần gũi: đó là bí mật để truyền đạt chính tâm điểm của đức tin, chứ không phải một khía cạnh thứ yếu nào đó.

Là một người lân cận có nghĩa là mang lại sự mới mẻ của Thiên Chúa vào cuộc sống của anh chị em chúng ta. Đó là một phương dược giải độc cho cám dỗ đưa ra những câu trả lời dễ dàng và những sửa chữa sơ sài chóng vánh cho qua chuyện. Chúng ta hãy tự hỏi liệu, là Kitô hữu, chúng ta có khả năng trở thành những người lân cận, bước ra khỏi vòng những người quen biết và ôm lấy những người không phải là “một người trong chúng ta”, những người mà Thiên Chúa khao khát tìm kiếm. Một cám dỗ thường thấy trong Kinh Thánh thời nào cũng có là cám dỗ rửa tay. Đó là những gì đám đông đã làm trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là điều Cain đã làm với Abel, và Philatô đã làm với Chúa Giêsu: họ rửa tay. Nhưng chúng ta muốn bắt chước Chúa Giêsu và, như Ngài, sẵn sàng làm vấy bẩn tay mình. Ngài là đường (xem Ga 14: 6), là Đấng đã dừng lại trên đường vì Bartimê. Ngài là ánh sáng của thế gian (xem Ga 9: 5), là Đấng đã cúi xuống để giúp một người mù. Chúng ta hãy nhận ra rằng Chúa đã làm bẩn tay mình vì mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy nhìn vào thập giá, bắt đầu từ đó và nhớ rằng Thiên Chúa đã trở thành người lân cận của tôi trong tội lỗi và sự chết. Ngài trở thành người lân cận của tôi: tất cả bắt đầu từ đó. Và khi, vì tình yêu dành cho Ngài, cả chúng ta cũng trở thành những người lân cận với nhau, chúng ta trở thành người mang đến cuộc sống mới. Chúng ta không phải là thầy dậy của tất cả mọi người, không phải là chuyên gia về các vấn đề thiêng liêng, nhưng là các nhân chứng của tình yêu cứu độ.

Bước thứ ba là làm chứng. Chúng ta hãy nghĩ đến các môn đệ, theo yêu cầu của Chúa Giêsu, họ đã gọi Bartimê lại. Họ không tiếp cận một người ăn xin với một đồng xu để làm anh ta câm miệng, hay để ban bố một lời khuyên. Họ đến nhân danh Chúa Giêsu. Thật vậy, họ chỉ nói ba từ với anh ta, và cả ba từ ấy đều là những lời của Chúa Giêsu: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh” (câu 49). Ở những đoạn khác khác trong Tin Mừng, chỉ có Chúa Giêsu mới nói: “Hãy vững tâm”, vì chỉ mình Ngài mới có thể “làm yên lòng” những người chạy đến cùng Ngài. Trong Tin Mừng, chỉ mình Chúa Giêsu mới nói, “Hãy đứng dậy”, và chữa lành cả tinh thần lẫn thể xác. Chỉ có Chúa Giêsu mới mời gọi, biến đổi cuộc sống của những ai theo Ngài, nâng dậy những ai sa ngã, mang ánh sáng của Thiên Chúa đến những miền thâm u trong cuộc sống. Quá nhiều trẻ em, quá nhiều bạn trẻ, như Bartimê, đang tìm kiếm ánh sáng trong cuộc sống của họ. Họ đang tìm kiếm tình yêu đích thực. Và giống như Bartimê ở giữa đám rất đông người đó chỉ gọi tên Chúa Giêsu mà thôi, những người trẻ cũng tìm kiếm cuộc sống, nhưng thường khi chỉ tìm thấy những lời hứa trống rỗng và chẳng có bao nhiêu người thực sự quan tâm đến họ.

Chúng ta không phải là Kitô hữu nếu chúng ta chỉ biết ngồi chờ các anh chị em của chúng ta, là những người đang tìm kiếm, cho đến khi họ gõ cửa chúng ta; chúng ta phải đi ra ngoài với họ, và mang đến cho họ không phải là chính chúng ta nhưng là Chúa Giêsu. Ngài gởi chúng ta, như những người môn đệ này, đến khích lệ người khác và nâng họ dậy nhân danh Ngài. Ngài sai chúng ta đến nói với mỗi người: “Thiên Chúa yêu cầu bạn hãy để cho chính mình được Ngài yêu thương”. Quá thường biết chừng nào là thay vì sứ điệp giải thoát này, chúng ta lại mang chính chúng ta, “những bí quyết” của riêng chúng ta, và “những nhãn hiệu” vào trong Giáo Hội! Quá thường biết chừng nào là thay vì làm cho Lời Chúa thành lời lẽ của chúng ta, thì chúng ta lại làm ngược lại là tô vẽ những ý tưởng của chúng ta thành ra như lời Ngài! Quá thường biết chừng nào là chúng ta coi trọng những cơ chế của mình hơn là sự hiện diện thân tình của Chúa Giêsu! Trong những trường hợp này, chúng ta hành động giống như một tổ chức phi chính phủ, hay một cơ quan do nhà nước kiểm soát, chứ không phải là cộng đồng của những người được cứu độ đang sống trong niềm vui của Chúa.

Hành trình đức tin lắng nghe, trở thành người lân cận, làm chứng được nêu trong bài Tin Mừng ngày hôm nay kết thúc một cách thật đẹp và đáng ngạc nhiên khi Chúa Giêsu nói: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh” (câu 52). Tuy nhiên, Bartimê đã không tuyên xưng đức tin hay làm bất cứ việc lành phúc đức nào; anh chỉ cầu xin lòng thương xót. Cảm nhận được rằng mình cần đến ơn cứu rỗi là điểm khởi đầu của đức tin. Đó là con đường trực tiếp để gặp Chúa Giêsu. Đức tin đã cứu Bartimê không liên quan đến việc có những ý tưởng rõ ràng về Thiên Chúa hay không, nhưng chính là vì anh ta đã tìm kiếm và khao khát được gặp Ngài. Đức tin nảy sinh từ cuộc gặp gỡ, chứ không phải từ những lý thuyết. Trong cuộc gặp gỡ, Chúa Giêsu đi ngang qua; trong cuộc gặp gỡ, trái tim của Giáo Hội đập lên. Khi đó, không phải là những lời rao giảng của chúng ta, nhưng chính những chứng tá của chúng ta về cuộc sống sẽ cho thấy hiệu quả.

Với tất cả những ai đã tham gia vào “cuộc hành trình cùng nhau”, tôi nói “cảm ơn” vì chứng tá của các bạn. Chúng ta đã làm việc trong tình hiệp thông, với sự thẳng thắn và lòng khát khao phụng sự dân Chúa. Cầu xin Chúa ban phước lành cho những bước của chúng ta, để chúng ta có thể lắng nghe những người trẻ tuổi, để chúng ta có thể trở nên những người lân cận của họ, và để chúng ta có thể làm chứng trước mặt họ về Chúa Giêsu, Đấng là niềm vui của cuộc đời chúng ta.

Lời nguyện giáo dân

Trong phần lời nguyện giáo dân bằng các thứ tiếng: Hindi, Tây Ban Nha, Ba Lan, Bồ Đào Nha, và tiếng Hoa, cộng đoàn lần lượt cầu nguyện cho Giáo Hội, cho Đức Thánh Cha và các Giám Mục, cho các vị lãnh đạo chính quyền các dân nước, cho những người trẻ, và sau cùng là cho các thừa sai.

Bằng tiếng Hindi:

Lạy Chúa, xin nhìn đến Giáo Hội Chúa, xin ban cho Giáo Hội một đức tin không bao giờ lay chuyển, đức cậy vững vàng và đức mến nồng nàn.

Bằng tiếng Tây Ban Nha

Lạy Chúa, xin Chúa đồng hành trong công việc của Đức Thánh Cha và các Đức Giám Mục, xin Chúa đổ đầy lòng trí các vị với sự kiên tâm bền chí, sự phân định khôn ngoan và tình phụ tử sống động.

Bằng tiếng Ba Lan

Lạy Chúa, xin soi sáng cho những người cai trị và dân tộc của họ. Xin Chúa hướng dẫn họ trên con đường tìm kiếm sự thật, công lý đích thật và hòa bình lâu dài.

Bằng tiếng Bồ Đào Nha

Lạy Chúa, xin bảo vệ trong tình yêu của Chúa những người trẻ. Xin cho họ thăng tiến trong sự thật giải phóng, trong sự trao ban nhưng không và trong sự thánh thiện đầy hân hoan.

Bằng tiếng Hoa

Lạy Chúa, xin Chúa ban phúc lành cho những nhà truyền giáo và các giáo lý viên. Xin Chúa ban cho họ lòng thẳng thắn rao truyền Tin Mừng đích thực, lòng nhiệt thành tông đồ và ơn bền đỗ trước mọi thử thách.

Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện sau:

Lạy Cha, xin lặp lại ngày hôm nay lời an ủi này của Cha: “Này là con Ta, Ta đã sinh ra con” và xin đến phù trợ chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Chúa, Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.


Source: Libreria Editrice Vaticana HOLY MASS FOR THE CLOSINGOF THE XV ORDINARY GENERAL ASSEMBLY OF THE SYNOD OF BISHOPS HOMILY OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS Sunday, 28 October 2018