Ngày 30-10-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Niềm Vui Với Các Thánh Trên Trời - 01/11
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
03:08 30/10/2018
Niềm Vui Với Các Thánh Trên Trời - 01/11
Kh 7,2-4,9-14; 1 Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a

1- Ngày lễ của niềm vui
Ngày nay, các nhà khoa học đã phóng những tín hiệu vào không trung, với hy vọng có thể nhận được những tín hiệu liên lạc với những sinh linh trên những hành tinh đã biến mất. Nếu có một lớp con người nào đã sống và tồn tại ở ngoài hệ hành tinh chúng ta, sự liên lạc với họ có lẽ là không thể, bởi vì khoảng cách giữa câu hỏi và câu trả lời là hàng triệu năm qua rồi.
Hôm nay, chúng ta cử hành đại lễ các Thánh Nam Nữ. Qua thánh lễ này, Giáo Hội muốn diễn tả mầu nhiệm hiệp thông của chúng ta với những người thuộc thế giới khác, đó là với vô số Các Thánh Nam Nữ trên thiên đàng. Đây là chân lý mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin Các Thánh thông công.” Đối với đức tin Kitô giáo, câu trả lời là trực tiếp và rõ ràng, bởi lẽ, chúng ta có một trung tâm điểm cho sự hiệp thông và nối kết này là Đức Kitô Phục Sinh.
Có lẽ lễ Các Thánh là lễ mà người tín hữu rất thích tham dự, bởi vì, nó được cử hành trong một thời điểm đặc biệt là gần cuối năm phụng vụ, nhưng đặc biệt hơn, nó diễn tả ý nghĩa cuộc đời và định mệnh mỗi người mà ai cũng khát khao hướng về với niềm hy vọng lớn lao. Lý do hệ tại ở điều được thánh Gioan nói tới trong bài đọc II: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ” (1 Ga 3,1-3). Chúng ta giống như phôi thai trong dạ mẹ mong được sinh ra. Các Thánh đã được “sinh ra.” Vì thế, phụng vụ coi ngày từ trần của Các Thánh là “ngày sinh nhật” của các ngài trên trời (dies natalis). Chiêm ngắm Các Thánh là chiêm ngắm vận mệnh chúng ta. Mùa thu về, thiên nhiên như tàn lụi, cây cối tàn úa, mùa lá rụng, nhưng lễ Các Thánh mời gọi chúng ta nhìn xa hơn, nhắc nhở mỗi người ý thức rằng chúng ta không được tiền định để tàn lụi mãi mãi như lá cây, nhưng là để sống vĩnh cửu với Thiên Chúa như Các Thánh.
2- Các Thánh là ai?
Vậy thì, Các Thánh là những ai? Bài đọc I của ngày lễ giúp chúng ta hiểu Các Thánh là ai. Họ “đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ là những người đã giặt áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14). Các Thánh là những người đã chấp những thử thách, đau khổ để theo bước theo Đức Kitô, họ đón nhận sự thánh thiện từ Chúa Kitô; họ được kết hợp với Chúa Kitô.
Các Thánh là những người đã trung thành và kiên nhẫn sống các giá trị Tin Mừng, đặc biệt sống trọn vẹn các mối phúc như được nói ở Bài Tin Mừng. Các Thánh đã sống tinh thần nghèo khó vì Nước Trời. Các Thánh là những người hiền lành vì Nước Trời. Các Thánh là những người phải chịu sầu khổ vì Nước Trời. Các Thánh là những người chịu bách hại vì sống công chính vì Nước Trời là của họ (Mt 5,10). Tắt một lời, Các Thánh không chấp nhận sống một cuộc sống tầm thường; họ không hài lòng với kiểu sống nửa vời, nhưng chấp nhận đánh mất mọi sự, để sống thánh thiện theo lý tưởng của Chúa Kitô.
Các Thánh không chỉ là những người được đề cập trong lịch phụng vụ hoặc trong sách Hạnh Các Thánh. Nhưng còn có rất nhiều vị thánh mà chúng ta chưa biết đến: Các thánh là “một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9). Có vô số Các Thánh là những người đã sống một cuộc đời thánh thiện trong sự âm thầm, nhưng đã được Thiên Chúa vinh thăng. Có rất nhiều vị âm thầm hy sinh cuộc đời của mình vì tha nhân; có nhiều vị phải tử đạo vì công lý và tự do; có nhiều vị một đời tận tụy phục vụ người khác nơi bệnh viện, nơi học đường, nơi các gia đình và các tổ chức Giáo Hội… Dầu không ai biết đến, nhưng họ là những người đã giặt áo mình trong máu Con Chiên, vì họ sống theo tiếng nói lương tâm và họ luôn xây dựng hòa bình và vì thiện ích của tha nhân.
3- Các Thánh làm gì trên thiên đàng?
Một câu hỏi đặt ra cho chúng ta ở đây: Các Thánh trên trời làm gì? Chúng ta tìm thấy câu trả lời ở đây trong bài đọc I: “Họ sấp mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô rằng: Amen! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời! Amen!” (Kh 7,11-12). Như thế, ơn gọi đích thực của con người được thành toàn trong họ, đó là được “ca ngợi vinh quang Thiên Chúa (Eph 1,14). Dưới sự hướng dẫn của Đức Maria, ca đoàn Các Thánh tiếp tục hát bài thánh thi tạ ơn trên thiên đàng: “Linh hồn tôi tung hô Chúa.” Trong lời ca ngợi này các thánh tìm thấy hạnh phúc và niềm vui. “Linh hồn tôi hớn hở trong Thiên Chúa.” Một người đang yêu là người luôn biết ngưỡng mộ và ca ngợi. Khi yêu mến và ca ngợi Thiên Chúa, chúng ta sẽ trở nên giống Thiên Chúa, tham dự vào vinh quang và hạnh phúc của Người.
Một ngày nọ, thánh Saint Simon The New Theologian trải qua kinh nghiệm thần bí về Thiên Chúa rất mãnh liệt, ngài kêu lên rằng: “Đủ cho con rồi, Thiên đàng không thể hơn thế này được.” Nhưng Chúa Kitô nói với ngài: “Con là người rất tội nghiệp nếu con chỉ bằng lòng với điều đó. Niềm vui mà con vừa trải nghiệm so sánh với thiên đàng giống như bầu trời được vẽ trên giấy.”
Như thế, lễ Các Thánh là ngày cử hành niềm vui của chúng ta, bởi vì Các Thánh là những thành viên trong gia đình, giáo xứ, công đoàn chúng ta. Các ngài đã được vinh thăng. Đồng thời, ngày lễ này nhắc nhở và cũng cố niềm hy vọng lớn lao cho chúng ta về định mệnh cao cả nhất của mỗi người là được kết hợp với Đức Kitô.
Nguyện xin Các Thánh Nam Nữ trên trời cầu bầu cho chúng ta. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
 
Thi ca suy niệm: Lễ Các Thánh và Chúa Nhật tuần 31 thường niên B
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
05:55 30/10/2018
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
(Mt. 5: 1-12a)
SỐNG ĐẠO


Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng Mầu Nhiệm Hiệp Thông trong dân thánh. Mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ bao gồm tất cả các thánh đang được hưởng vinh phúc bên Chúa. Họ là những người đã giặt áo trong Máu Con Chiên.

Có vô số các Thánh trên trời và con số đông không thể đếm được, họ mặc áo dài trắng và tay cầm nhành lá vạn tuế. Các Thánh là các tín hữu, là cha ông tổ tiên, thân nhân bạn bè của chúng ta và là những người đã ra đi trước chúng ta. Các Thánh đến từ mọi miền và mọi thời trên trái đất. Các vị thánh thuộc đủ loại ngôn ngữ, dòng giống chủng tộc, già trẻ lớn bé, họ đang chung hưởng hạnh phúc.

Các Thánh không có tên trong danh sách của Giáo Hội mừng kính lễ riêng. Họ là những chiến sĩ của Chúa Kitô. Họ không làm những việc lớn lao hay nổi tiếng. Họ là những Kitô hữu sống những chuỗi ngày rất đơn giản và tín trung. Họ đã sống theo Tám Mối Phúc Thật mà Chúa đã trao ban. Họ cũng đã ngậm đắng nuốt cay và đã âm thầm vác thánh giá hằng ngày đi theo Chúa.

Các Thánh là những người giống chúng ta mọi đàng. Họ cũng có những yếu đuối như những yếu đuối của chúng ta. Họ cũng có những cơn cám dỗ như chúng ta. Họ cũng yêu thích những thú vui trần gian và cũng có nhiều lần sa ngã nhưng họ đã biết đứng dậy và trở về cùng Chúa. Họ đã can đảm dứt bỏ quá khứ lỗi lầm để làm lại cuộc đời và theo Chúa.

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng sống thánh là ngoài tầm tay của chúng ta. Chúng ta nghĩ thánh là những người đặc biệt. Họ mạnh mẽ không phạm tôi và không sai lầm. Không phải đâu, họ đã trở nên thánh mỗi ngày. Họ đã phải phấn đấu không ngừng với sự yếu đuối của bản thân. Nên thánh là phải biết mình. Sự thay đổi của họ không phải một ngày hay hai ngày mà là kết qủa của cả cuộc đời trung tín với Chúa. Họ đã đưa tình yêu vào cuộc sống mỗi ngày. Họ đã sống với tình yêu và chết cho tình yêu.

Hãy sẵn sàng sống tốt mọi nơi và mọi lúc trong cuộc đời. Truyện kể John Bechman và các bạn đang chơi ngoài sân trường. Thầy giáo hỏi: Nếu Chúa gọi về ngay bây giờ, chúng con sẽ làm gì? Có đứa run sợ nói: Con lo lắng và sợ hãi lắm. Đứa khác nói: Con sẽ đi xưng tội. Còn John nói: Con cứ tiếp tục chơi.

Cuộc sống là một cuộc chạy đua. Chạy đua làm sao để chúng ta có thể chạy đến cùng đường và giữ vững đức tin. Cầu cùng các Thánh Nam Nữ phù hộ chúng ta luôn tín trung theo Chúa. Hy vọng ngày sau chúng ta cùng được chung hưởng hạnh phúc với các Thánh trên thiên đàng.

Chúa Nhật 31 THƯỜNG NIÊN. B
(Mc 12, 28b-34)
YÊU THƯƠNG


Các thầy Luật Sĩ hỏi rằng:
Điều nào trọng nhất, giới răn luật truyền.
Hỡi Is-ra-él nghe khuyên,
Hãy yêu Thiên Chúa, tinh tuyền trí khôn.
Hết lòng, hết sức linh hồn,
Giới răn tiếp nối, kính tôn mọi người.
Yêu thương như chính mình ngươi,
Hai điều trọng nhất, gọi mời thực thi.
Thưa Thầy, đúng lẽ ai bì,
Ba Ngôi duy nhất, từ bi vô ngần.
Mến yêu Thiên Chúa, tha nhân,
Thì hơn lễ vật, ân cần dâng lên.
Toàn thiêu hy lễ trong đền,
Quan tâm nghi thức, để trên bàn thờ.
Lòng thành tâm thiện mong chờ,
Thương yêu bác ái, đơn sơ chân thành.

Giới răn trọng nhất chính là: Yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu thương anh chị em như chính mình. Hai giới răn gồm tóm tất cả điều luật Chúa truyền. Chúng ta có thể nói chúng ta yêu mến Thiên Chúa hết lòng, nhưng khó mà yêu anh chị em. Thiên Chúa vô hình làm sao chúng ta có thể đo lường được tình yêu của chúng ta dành cho Chúa. Nếu chúng ta nói chúng ta yêu Chúa mà ghét anh em mình, chúng ta là những kẻ nói dối.

Anh chị em là những người ngay bên mà chúng ta không yêu thương được, thì làm sao chúng ta có thể yêu thương Đấng mà chúng ta không thấy và không cảm được. Chúa mời gọi chúng ta không những yêu thương anh chị em mà còn yêu cả kẻ thù. Yêu anh chị em không dễ đâu, vì ngay cả những người trong gia đình đôi khi còn khó thương.

Yêu tha nhân bao gồm mọi thành phần và không phân biệt. Không chỉ yêu những người chúng ta quen biết hay giầu sang phú qúi hoặc có danh vọng. Yêu mọi người không trừ một ai. Chúa đã yêu thương nhân loại. Chúa yêu thương chúng ta trước. Ngài hạ thân làm người cũng chỉ vì yêu. Chúa đã yêu đến nỗi đã hy sinh mạng sống vì người yêu. Một tình yêu vô điều kiện. Chỉ có tình yêu mới có thể làm những việc vĩ đại như thế. Đôi khi người ta nói yêu như điên rồ.

Tại sao mẹ Têrêxa và các Nữ tử Bác Ái dám ôm những kẻ cùi hủi, bệnh hoạn, vết thương hôi thối vào trong lòng ? Các Dì đã nhìn thấy gì nơi những người hấp hối, nếu không phải là hình ảnh của Chúa Kitô. Làm sao các Dì dám động sờ vào vết thương lở loét hôi thối và bẩn thỉu đó? Tình yêu của Chúa phủ trùm tất cả.

Tình yêu dẫn chúng ta đến việc hy sinh và phục vụ tha nhân. Chúa ẩn náu nơi những kẻ nghèo hèn và nơi những mảnh đời bất hạnh. Mỗi lần chúng ta bày tỏ tình yêu thương với họ là chúng ta đang bày tỏ tình yêu thương chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đồng hóa chính mình với những kẻ bần cùng nhất. Phục vụ tha nhân là phục vụ chính Chúa

Yêu Chúa, yêu người sẽ hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh. Lạy Chúa, chúng con yêu mến Chúa. Xin cho chúng con biết chia xẻ tình yêu Chúa nơi anh chị em chúng con.

THỨ HAI, TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
(Lc 14, 12-14).
TRI ÂN


Ngỏ lời thủ lãnh trong dân,
Chúa khuyên tế nhị, ân cần nghĩ suy.
Khi ông dọn tiệc đại bi,
Đừng mời bạn hữu, tông chi họ hàng.
Đáp tình, mời lại người làng,
Chẳng công ân nghĩa, tiếng vang ở đời.
Khi ông đãi tiệc hãy mời,
Những người nghèo khó, không nơi nương nhờ.
Đui mù, tàn tật, khù khờ,
Đền ơn chẳng có, chỉ chờ thi ân.
Lập công cao quý thế trần,
Nêu gương bác ái, thế nhân cao vời.
Muối men ánh sáng giữa đời,
Thương người nghèo khó, ơn trời phúc ban.
Yêu người mến Chúa sẻ san,
Ngày sau hưởng phước, chứa chan ơn lành.

THỨ BA, TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
(Lc 14, 15-24).
TIỆC CƯỚI


Đồng bàn dự tiệc thưa rằng:
Phúc ai ăn tiệc, vĩnh hằng trời cao.
Dụ ngôn Chúa kể truyền rao,
Người kia dọn tiệc, đãi khao mọi người.
Thiệp mời thực khách nhiều nơi,
Tới giờ khai tiệc, chối mời không đi.
Lý do xin kiếu phụ tùy,
Có người tậu ruộng, phải đi khám điền.
Đôi bò mới tậu chợ phiên,
Ở nhà đi thử, nơi miền đất xa.
Có người cưới vợ hôm qua,
Thật lòng xin kiếu, bỏ qua đừng phiền.
Chủ nhà nổi giận dĩ nhiên,
Sai người đầy tớ, ra hiên đón mời.
Công trường ngõ hẻm mọi nơi
Đui mù hành khất, xin mời vào ngay.

THỨ TƯ, TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
(Lc 14, 25-33).
TIÊN LIỆU


Đám đông theo Chúa hằng ngày,
Chúa không câu nệ, giãi bày cảm thông.
Chối từ cha mẹ, vợ chồng,
Hy sinh mạng sống, góp công Nước Trời.
Vác mang thập giá ở đời,
Trở thành môn đệ, gọi mời hiến thân.
Dụ ngôn Chúa dậy thế nhân,
Trước tiên tính toán, từng phần đắn đo.
Muốn xây lầu tháp phải lo,
Bao nhiêu phí tổn, trong kho sẵn sàng.
Ra công hoàn tất mọi đàng,
Không ai chế diễu, bẽ bàng cười chê.
Vua nào giao chiến tư bề,
Phải lo dự liệu, cận kề đối phương.
Biết rằng yếu kém nhún nhường,
Giải hòa cuộc chiến, mở đường cầu an.

THỨ NĂM, TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
(Lc 15, 1-10).
TRỞ VỀ


Những người tội lỗi đến gần,
Lắng nghe Thầy giảng, tinh thần cải tân.
Các thầy Luật Sĩ góp phần,
Mấy người Biệt Phái, tự phân phê bình.
Ông nầy đón tiếp cùng đinh,
Gian tham tội lỗi, chúng sinh ngồi cùng.
Dụ ngôn Chúa dậy bao dung,
Con chiên lạc mất, trong vùng đồng hoang.
Bỏ đàn, tìm thấy, ôm choàng,
Trên vai mang vác, cả làng mừng vui.
Đàn bà mất đồng tiền xui,
Kiếm tìm đồng bạc, tới lui trong nhà.
Đốt đèn dọn dẹp lối ra,
Tới khi tìm được, quí bà hân hoan.
Tội nhân sám hối cải hoàn,
Trên trời mừng rỡ, trần hoàn vui ca.

THỨ SÁU, TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
(Lc 16, 1-8).
CÔNG BẰNG


Một người phú hộ giầu sang,
Có người quản lý, lầm đàng gian tham.
Anh ta mánh khóe việc làm,
Chủ nhân sa thải, sao cam phận đời.
Khôn lanh tính toán tiền lời,
Đến từng con nợ, gọi mời sửa sai.
Kiểm tra văn tự quản cai,
Khấu trừ sửa chữa, kê khai số thùng.
Kho hàng thua thiệt vô cùng,
Lấy phần của chủ, lạm dùng riêng tư.
Tha cho kẻ nợ bù trừ,
Số lương sổ sách, của dư đáp đền.
Mai sau thất sủng tựa bên,
Đền công ưu đãi, không quên bạn bè,
Quản gia khôn khéo áp phe,
Bất lương gian dối, bao che lỗi lầm.

THỨ BẢY, TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
(Lc 16, 9-15).
CHỌN LỰA


Dùng tiền gian dối ở đời,
Tìm mua bạn hữu, kiếm lời mai sau.
Phòng khi mất hết qua mau,
Bạn bè đón tiếp, kiếp sau hưởng nhờ.
Kẻ nào trung tín trông chờ,
Dù là việc nhỏ, đơn sơ cõi đời.
Mỗi người một chủ trong đời,
Làm tôi Thiên Chúa, tuyệt vời biết bao.
Chủ ông tiền bạc tự hào,
Đồng tiền gian dối, dẫn vào bến mê.
Tham lam Biệt Phái lỗi thề,
Nhạo cười phỉ báng, khinh chê lời Thầy.
Chúa còn nhắc nhủ thế nầy,
Phô trương công chính, khen hay người đời.
Trước tòa Thiên Chúa trên trời,
Tinh tường thấu tỏ, lòng người thế gian.
 
Việc làm của Đức tin là Đức ái.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
07:51 30/10/2018
Chúa Nhật 31 Thường Niên B

Trong Do Thái giáo có tất cả 613 điều luật. Học thuộc những điều luật này đã là khó, nói chi đến việc cắt nghĩa cho chính xác và tuân thủ vẹn toàn. Vì thế trong đầu óc một tín hữu Do Thái giáo luôn thấp thoáng câu hỏi: Luật nào là quan trọng nhất?

Không có dân tộc nào say mê luật như dân tộc Do Thái. Người Do Thái đặt ra đủ các thứ luật. Họ giữ luật cặn kẽ chi li. Họ học luật ngay từ khi còn nhỏ. Họ đeo cả lề luật trên trán, trên tay.Nhưng vì quá say mê luật nên họ bị luẩn quẩn trong một mớ bòng bong, không còn biết giữ luật thế nào cho đúng, không còn biết đâu là luật quan trọng đâu là luật bình thường.

Ðạo Do Thái dựa trên 10 điều răn. Trải qua các thế hệ, họ chú giải thêm thành 613 luật. Trong đó có 248 luật khuyên làm và 365 luật cấm làm. Họ không đồng ý với nhau về điều luật nào trọng nhất, nên trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, có một luật sĩ đã đến hỏi Chúa Giêsu: "Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?". Chúa Giêsu, trích dẫn sách Đệ nhị luật, đáp: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và tâm trí của ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất”. Chúa Giêsu nói thêm điều mà vị tiến sĩ Luật không hỏi: “Giới răn thứ hai giống như giới răn thứ nhất: ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình”. Cả giới răn thứ hai này Chúa Giêsu không sáng chế ra, nhưng ngài lấy lại từ sách Lêvi. Sự mới mẻ của Ngài hệ tại đặt hai giới răn này chung với nhau - mến Chúa và yêu người - qua đó Ngài tỏ lộ rằng hai giới răn ấy không thể tách biệt, nhưng bổ túc cho nhau. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bình giải rất hay về vấn đề này trong Thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu”.

Cũng đặt vấn nạn về điều răn lớn nhất, nhưng Tin Mừng Luca cho ta một câu hỏi lý thú và sâu sắc: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Lc 10,25). Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy điều răn quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất trong toàn bộ cuộc sống con người là điều răn yêu thương: yêu thương Thiên Chúa trước hết và trên hết, rồi đến yêu thương người lân cận như Chúa Giêsu đã yêu thương ta. Yêu mến Chúa nên yêu thương người lân cận, và yêu thương người lân cận chứng tỏ ta có lòng yêu mến Chúa. Chính lòng yêu thương Chúa và tha nhân ấy làm ta trở nên giống Chúa, được chia sẻ phẩm chất của Ngài, nghĩa là có sự sống đời đời như Ngài.

Chúa Giêsu đã nâng luật yêu người ngang với luật mến Chúa. Ngài đã kết hợp thành một luật duy nhất: "Mến Chúa yêu người".

1. Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.

Thiên Chúa là chủ tể trời đất. Ngài dựng nên muôn loài muôn vật. Ngài là nguồn mạch sự sống và là cùng đích của muôn loài muôn vật.

Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả con cái. Cho nên người tín hữu yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Thiên Chúa là quan trọng nhất của con người.

Thực tế ở đời có rất nhiều điều quan trọng, tuỳ ở hoàn cảnh và tuỳ ở từng người. Nhưng nếu điều gì cũng quan trọng nhất thì cuối cùng chẳng có gì là nhất cả, mọi sự đều tương đối. Mọi sự đều tương đối, nhưng mọi sự đều quan trọng, kể cả niềm tin tôn giáo, kể cả Chúa. Đó là não trạng của con người thời nay, là cám dỗ của thời đại.
Người tin Chúa và theo Chúa, cũng có người nghĩ như vậy: tiền quan trọng, mà Chúa cũng quan trọng. Có những người khá hơn, trên lý thuyết vẫn cho Chúa là quan trọng nhất, nhưng trong thực tế có những lúc tiền bạc, tình yêu và thành công ở đời cũng quan trọng như Chúa.

Nhiều người nghĩ rằng ở thế gian này không có gì là duy nhất, kể cả những điều loài người thường cho là cao quý như là chân thiện mỹ chẳng hạn. Có những điều đối với người này là chân lý, đối với người kia lại là sai lầm; đối với người này là tốt, đối người kia là không; đối với một số người là đẹp, đối với những người khác là xấu. Không có gì tuyệt đối ở trần gian. Cám dỗ tương đối hoá mọi sự là cám dỗ lớn nhất của thời đại chúng ta. Cám dỗ này rất nguy hiểm. Dễ sa ngã vì con người không muốn bị ràng buộc và hướng chiều về hưởng thụ.

Thế gian không có gì là duy nhất, không có gì là tuyệt đối.

Thiên Chúa là Siêu Việt, là Vĩnh Hằng. Mọi sự đều qua đi. Chỉ có Chúa mới là quan trọng nhất, chỉ có Chúa mới là Tuyệt Đối. Do đó chúng ta được mời gọi yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực của mình.

Chúa Giêsu đã lập lại lời kêu gọi đó, khi trả lời cho người thông luật muốn hỏi trong các giới răn điều nào quan trọng nhất. Yêu mến Thiên Chúa là điều quan trọng nhất.

2. Yêu tha nhân như chính mình.

Thiên Chúa là Đấng vô hình vô ảnh ta không thấy được. Ta nói yêu mến Thiên Chúa, điều đó khó mà kiểm chứng được. Nên Thiên Chúa đã ràng buộc điều răn mến Chúa vào điều răn yêu người. Yêu Chúa thì phải yêu tha nhân. Yêu tha nhân là bằng chứng yêu mến Chúa. Còn hơn thế nữa, yêu tha nhân chính là yêu Chúa. Vì Chúa đã tự đồng hóa với con người, với những người bé nhỏ nhất trong xã hội. Điều này chính Chúa Giêsu đã công khai minh định: “Ta bảo thật, mỗi lần các ngươi giúp đỡ một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Thành ra hai giới răn chỉ là một. Đó chỉ là hai khía cạnh của cùng một giới răn.Thánh Gioan quả quyết: "Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là một kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Ðấng mà họ không thấy" (1Ga 4,20); "Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn ở trong bóng tối”(1Ga 2,9).

Đối với Chúa Giêsu, tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật.

Lề luật của Chúa thật nhẹ nhàng vì lề luật chính là tình yêu. Nếu yêu mến Chúa và yêu mến anh em, ta sẽ thấy việc giữ luật không còn gì khó khăn nữa. Tình yêu sẽ làm cho ta cảm nếm sự ngọt ngào trong việc tuân giữ lề luật.

Lề luật của Chúa cô đọng trong một thái độ là yêu mến.Giữ luật mà quên yêu mến có thể dẫn đến óc nệ luật.Giữ luật phải trở nên phương thế để bày tỏ tình yêu. Vì "Yêu mến là chu toàn lề luật" (Rm 13,10).

3. Việc làm của Đức tin là Đức ái.

Thánh Giacôbê nói một câu bất hủ: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). “Việc làm” mà Thánh Tông Đồ nói đến là thực hành bác ái. Thánh Phaolô ca ngợi đức mến: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng,chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13,1).

Đức tin và Đức mến liên hệ mật thiết với nhau.

Trong Tông thư “Cánh Cửa Đức Tin”, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết: Năm Đức Tin cũng sẽ là cơ hội thuận tiện để tăng cường chứng tá bác ái. Thánh Phaolô nhắc nhở : "Vì vậy giờ đây còn lại ba điều là đức tin, đức cậy và đức mến. Nhưng lớn hơn cả là đức mến” (1Cr 13,13). Và Thánh Giacôbê Tông Đồ, với những lời càng mạnh hơn nữa, luôn thúc đẩy các tín hữu Kitô, quả quyết rằng : "Hỡi anh chị em, nếu một người nói mình có đức tin mà lại không có việc làm thì ích gì ? Đức tin ấy có thể cứu họ được không ? Nếu một người anh em, chị em, không có y phục và lương thực hằng ngày và một người trong anh chị em nói : "Hãy đi bình an, hãy sưởi ấm và ăn no" nhưng lại không cho họ những gì cần thiết cho thân thể họ, thì hỏi có ích gì ? Đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm đi kèm, thì tự nó là đức tin chết. Trái lại một người có thể nói : "Anh có đức tin và tôi có việc làm; hãy tỏ cho tôi đức tin không có việc làm của anh, và tôi, qua việc làm tôi chứng tỏ cho anh đức tin của tôi" (Gc 2,14-18).

Đức tin không có đức mến thì không mang lại thành quả và đức mến không có đức tin thì sẽ là một tình cảm luôn tùy thuộc sự nghi ngờ. Đức tin và đức mến cần có nhau, đức này giúp đức kia thực hiện hành trình của mình. Có nhiều Kitô hữu yêu thương tận tụy dành cuộc đời phục vụ những người lẻ loi, bị gạt ra ngoài lề hoặc bị loại trừ, coi họ như những người đầu tiên cần đi tới và như người quan trọng nhất cần được nâng đỡ, vì chính nơi người ấy có phản ánh khuôn mặt của Chúa Kitô.

Nhờ đức tin, chúng ta có thể nhận ra tôn nhan Chúa phục sinh nơi những người đang xin tình thương của chúng ta. "Tất cả những gì các con đã làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, tức là các con đã làm cho Thầy" (Mt 25,40) : những lời này là một lời cảnh giác không nên quên, và là một lời mời gọi trường kỳ hãy đáp trả tình yêu mà Chúa đã chăm sóc chúng ta. Đó là đức tin giúp nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thúc đẩy cứu giúp Chúa mỗi khi Ngài trở thành người thân cận của chúng ta trong cuộc sống. Được đức tin nâng đỡ, chúng ta hy vọng hướng nhìn sự dấn thân của chúng ta trong thế giới, trong khi chờ đợi "trời mới đất mới, trong đó có công lý cư ngụ" (2 Pr 3,13 ; x. Kh 21,1). (Porta Fidei, Số 14).

Thư Mục Vụ Năm Đức Tin HĐGMVN nói về mối liên hệ đức tin và đức mến: Cách riêng, trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, đức tin của người Công Giáo cần được thể hiện qua việc thực thi bác ái. Đức Tin và Đức Mến cần đến nhau và hỗ trợ cho nhau: “Chính đức Tin giúp chúng ta nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thôi thúc chúng ta chạy đến phục vụ Chúa mỗi khi Người trở thành người thân cận của chúng ta trên nẻo đường cuộc sống”. Được Lời Chúa soi sáng và tình yêu Chúa thấm nhập trong suy nghĩ cũng như hành động, chúng ta sẽ trở nên những chứng tá đáng tin trong xã hội ngày nay. (Số 7).

Dưới ánh sáng Lời Chúa Giêsu, tình yêu là mực thước đức tin, và đức tin là linh hồn của tình yêu. Chúng ta không còn có thể tách biệt đời sống tôn giáo ra khỏi việc phục vụ anh em, những người anh em cụ thể mà chúng ta gặp. Chúng ta không còn có thể tách biệt kinh nguyện, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong các bí tích, khỏi sự lắng nghe tha nhân, gần gũi cuộc sống của họ, nhất là những vết thương của họ.

Luật mới của Chúa Giêsu chính là mức độ hoàn hảo nhất của Mười Điều Răn. Đoạn cuối của kinh Mười Điều Răn: “Mười điều răn ấy tóm về hai nầy mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.”

Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con: mến Chúa yêu người là điều răn quan trọng nhất, xin cho con biết sống và liên lỉ thực hành giới răn này trong đời sống thường ngày của con.







 
Sống yêu thương để được hạnh phúc
Lm Đan Vinh
08:04 30/10/2018
Lễ các Thánh Nam Nữ
Kh 7,2-4.9-14; 1 Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a

I. HỌC LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:

(1) Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên (2). Người mở miệng dạy họ rằng: (3) “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. (4) “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”. (5) “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ được Thiên Chúa ủi an”. (6) “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”. (7) “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. (8) “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. (9) “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. (10) “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”. (11) “Phúc cho anh em, khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại, và vu khống đủ điều xấu xa. (12) Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”.

2. Ý CHÍNH: TÁM MỐI PHÚC THẬT.

Mát-thêu gom nhiều điều Chúa Giê-su nói trong nhiều hoàn cảnh khác nhau làm thành “Bài Giảng Trên Núi” hay là “Hiến Chương Nước Trời”. Tin Mừng hôm nay là phần đầu của Bài Giảng Trên Núi, trong đó nêu ra 8 điều kiện mà ai muốn gia nhập vào Nước Trời của Chúa Giê-su đều phải có, được gọi là Tám Mối Phúc Thật. Chẳng hạn: Tinh thần nghèo khó, nhân đức hiền lành, tâm hồn sám hối, luôn khao khát sống công chính, có lòng thương xót, có tâm hồn trong sạch, biết ăn ở hòa thuận, bị bách hại vì đức Tin. Ai sống theo 8 tinh thần này thì thật diễm phúc, vì sẽ được làm thành viên của Nước Trời là Hội Thánh hôm nay và Thiên Đàng mai sau.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-3: +Đoàn lũ đông đảo: Gồm các Tông Đồ, các môn đệ và dân chúng đến từ Ga-li-lê-a, miền Thập Tỉnh, miền Giu-đê và thủ đô Giê-ru-sa-lem. Lại có cả dân ngoại từ các thành Ty-rô và Si-đon (x. Lc 6,17; Mt 4,25). Như vậy đoàn lũ đông đảo nói lên tính cách phổ quát của sứ điệp của Chúa Giê-su. + Người đi lên núi: Núi ở đây thực ra chỉ là một ngọn đồi ở gần Ca-phác-na-um. Nhưng Tin Mừng Mát-thêu dùng tiếng núi để gợi lại việc Thiên Chúa ký kết Giao Ước cũ và ban Lề Luật cho Ít-ra-en. + Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên: Ngồi là tư thế của vị Thầy khi giáo huấn các môn đồ (x. Mt 13,1). + Phúc thay: Đây là kiểu nói hay được dùng trong Cựu Ước (x. Tv 1,1-2; Cn 3,3). Ở đây Đức Giê-su sử dụng lối nói này để khai mạc Nước Trời, trong đó những người nghèo đói, hèn mọn, sầu khổ... sẽ được hạnh phúc thật, miễn là họ tiếp nhận sứ điệp của Người. Mát-thêu dùng kiểu nói: Phúc thay ai..., còn Lu-ca (6,20-26) thì viết: Phúc cho anh em... + Tinh thần nghèo khó, vì Nước trời là của họ: Nghèo khó là thái độ của người khiêm tốn, hóa nên như trẻ em (x. Mt 18,1-11). Tinh thần nghèo khó cũng đồng nghĩa với sự siêu thoát, sẵn sàng từ bỏ của cải vật chất để trở thành môn đệ Chúa và được vào Nước Trời do Chúa thiết lập (x. Mt 6,19-21). Đức Giê-su không coi nghèo khó là điều tốt, vì nghèo thường đi đôi với dốt nát, thất bại và bất hạnh. Người dạy môn đệ không được tham lam tiền của bất chính và không cậy dựa vào thế lực của tiền tài, phải coi đồng tiền là đầy tớ thay vì là ông ông chủ của mình. Trong Tin Mừng Lu-ca, Đức Giê-su nói: “phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vìu Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20). Đức Giê-su không mị dân chúc lành cho sự nghèo khó. Người muốn tái lập một trật tự mới công bình: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,51-53).
- C 4-5: + Hiền lành: Trong Kinh Thánh, sự hiền lành luôn đi đôi với sự nghèo khó, khiêm nhường, nhỏ bé, yếu đuối, bị oan ức và bị thiếu thốn. + Đất Hứa làm gia nghiệp: Đất Hứa là một kiểu nói ám chỉ Nước Trời (x. Tv 37,11). + sầu khổ: là than khóc, buồn sầu vì đã phạm tội mất lòng Chúa và phải xa lìa Thiên Chúa. Buồn sầu thường do tội lỗi gây ra (x. 1 Cr 5,2). Đây cũng là tâm tình của người đang mong đợi ơn cứu rỗi như lời ông Si-mê-on (x. Lc 2,25). + Được Thiên Chúa ủi an: Họ sẽ được Thiên Chúa an ủi và ban ơn tha thứ trong giờ phán xét sau này.
- C 6-8: + Khát khao nên người công chính: Công chính là cách ăn ở hợp với thánh ý Thiên Chúa (x. Mt 3,15). Khát khao nên người công chính là ước mong sống công bình ngay chính, tuân giữ Luật Chúa truyền dạy (1,19; 5,20). + Nước Trời là của họ: Hạnh phúc Nước Trời sẽ là phần thưởng dành cho những ai muốn sống cuộc đời hoàn thiện. + Xót thương người: nghĩa là tỏ lòng nhân hậu đối với các tội nhân noi gương Thiên Chúa như lời tuyên sấm của ngôn sứ Hô-sê: “Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế” (Hs 6,6) và như người Sa-ma-ri nhân hậu đã giúp đỡ kẻ gặp nạn (x. Lc 10,33-37). + Sẽ được Thiên Chúa xót thương: Thương xót và tha thứ cho kẻ khác thì sẽ được Thiên Chúa xót thương tha tội nợ cho mình (x. Mt 6,14-15). Ông chủ trong dụ ngôn “Hai con nợ” đã mắng kẻ không biết thương xót: “Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi vì ngươi đã van xin Ta. Thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính Ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,32-33). + Lòng trong sạch: Trong sạch là ngay thẳng trong lương tâm. Người có lòng trong sạch hết mình phục vụ Chúa và tha nhân, không màng tư lợi, không đạo đức giả. Sự trong sạch không những nói về đức khiết tịnh, mà còn về nhiều phương diện khác nữa. + Được nhìn thấy Thiên Chúa: Là được về trời gặp mặt Người ở đời sau (x. Dt 12,14).
- C 9-10: + Xây dựng hòa bình: Sứ mệnh của các môn đệ là phải làm cho mọi dân nước trên thế giới trở thành một gia đình có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau. Cần hòa giải những tranh chấp, để của lễ dâng lên Chúa xứng đáng được chấp nhận (x. Mt 5,23-24). + Được gọi là con Thiên Chúa: Vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Ai yêu thương thì mới được ở trong Thiên Chúa và nên con cái Thiên Chúa. Họ sẽ được Chúa yêu thương và tâm hồn họ sẽ được bình an (x 2 Cr 13,11). + Bị bách hại: Bị bách hại là một đặc điểm của Chúa Giê-su, Đấng đã trải qua cuộc khổ nạn để vào vinh quang phục sinh. Đây là một điều khó hiểu, điên rồ đối với người Do thái và khó chấp nhận ngay cả với các môn đệ (x. Mt 16,22). + Vì sống công chính: Nghĩa là sống phù hợp với giáo huấn của Chúa Giê-su (x. Mt 10,24-25). Thánh Phê-rô cũng nói: “Nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc!” (1 Pr 3,14).
- C 11-12a: + Vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa: Lời Chúa giải thích mối phúc thứ tám để động viên các tín hữu thời sơ khai đang bị bách hại. + Anh em hãy vui mừng hớn hở: Thánh Phê-rô cũng dạy: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỉ. Nếu bị xỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em” (1 Pr 4,13-14). + Vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao: Khi chịu đau khổ bách hại và liên kết với cuộc tử nạn của Chúa, sẽ được nên giống Chúa và sau này được vào Thiên Đàng hưởng hạnh phúc với Người

4. CÂU HỎI:

1- Tám Mối Phúc Thật là bản tóm lược những điều kiện phải có để được vào Nước Trơi do Chúa Giê-su thiết lập. Trong đó, mối phúc nào là quan trọng nhất và là nền tảng của các mối phúc khác?
2- So sánh ý nghĩa câu: “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó” trong Tin Mừng Mát-thêu với câu “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” trong Tin Mừng Lu-ca khác nhau thế nào? Phải chăng Đức Giê-su đề cao sự nghèo khó, thường là nguyên nhân gây ra tội lỗi như người đời thường nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”?
3- Tại sao Chúa Giê-su lại chúc phúc và đề cao người nghèo, đang khi lẽ ra Người phải giúp đỡ người nghèo vượt qua sự nghèo đói bất hạnh ấy để cuộc sống của họ được ấm no hạnh phúc hơn?
4- Ý nghĩa của các mối phúc khác như thế nào: hiền lành, sầu khổ, khát khao nên người công chính, biết xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình, bị bách hại vì Thầy?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,2).

2. CÂU CHUYỆN: GƯƠNG SỐNG NGHÈO KHÓ:

PHAN-XI-CÔ THÀNH AT-SI (Phanxico Assise) là con một người giàu có danh giá ở thành Át-si. Một hôm đi nhà thờ dự lễ, tình cờ nghe một vị linh mục gảng một bài về Tám Mối Phúc Thật, Phan-xi-cô rất tâm đắc với câu nói của Chúa: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Từ hôm ấy, Phan-xi-cô thường suy nghĩ phải sống thế nào để thực thi ý Chúa, và trở thành một người nghèo thực sự? Rồi một ngày nọ, anh quyết định sống siêu thoát và từ bỏ để hoàn toàn tin cậy vào Chúa quan phòng. Anh bán tất cả gia sản của cha, rồi đem phân phát cho người nghèo khổ bệnh tật. Hành động của Phan-xi-cô đến tai người cha làm ông nổi giận. Ông đã đến thu hồi tất cả những gì còn lại và không nhận Phan-xi-cô làm con nữa. Hôm ấy anh đã cởi bỏ các thứ quần áo giầy dép quí giá đang mang trên người và ra đi với hai bàn tay trắng. Anh viết trong nhật ký: “Bây giờ tuy không còn có cha ở trần gian, nhưng tôi vẫn luôn có Cha Trên Trời hằng thương yêu tôi”. Từ hôm đó anh được hoàn toàn tự do đi theo lý tưởng đã lựa chọn, là từ bỏ mọi sự, trở nên nghèo khó vì Nước Trời”. Ban ngày anh mặc quần áo vải thô, chân không giày dép đi qua các đường phố và làng mạc để khất thực. Tối đến, anh lại thức khuya để đọc Thánh Kinh, cầu nguyện và dùng dây da tự đánh vào người hãm mình phạt xác. Anh đã được Chúa Giê-su cho in năm dấu thánh trên hai bàn tay bàn chân và cạnh sườn để nên giống Người. Anh đã thực hành theo Lời Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Lối tu luyện khổ hạnh của anh đã được Giáo Hội công nhận và dòng “Anh em hèn mọn” do anh sáng lập đã được nhiều người đến xin gia nhập và trở thành một dòng tu lớn trong Giáo Hội. Sau khi qua đời, anh được Hội Thánh phong hiển thánh tức là thánh Phan-xi-cô Át-si, hoặc Phan-xi-cô khó khăn hay Phan-xi-cô Năm Dấu.

3. SUY NIỆM:

1) HẠNH PHÚC LÀ GÌ?

Hầu như không ai trong chúng ta đạt được hạnh phúc trọn vẹn. Ngay giữa lúc xem ra hạnh phúc như vừa thi đậu, vừa được thăng chức, gặp được người thân, được xuất ngọai, được trúng số... nhưng vẫn có những điều khiến chúng ta không thỏa mãn trọn vẹn. Trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su đã chỉ cho chúng ta bí quyết để có hạnh phúc đích thực trọn vẹn. Thiên Chúa ban hạnh phúc, nhưng chúng ta chỉ nhận được khi ta biết mở lòng đón nhận. Hạnh phúc thật chỉ có khi chúng ta có Chúa là lẽ sống, được gia nhập vào Nước Trời, được sống trong ơn nghĩa Chúa và được vui hưởng hạnh phúc viên mãn. Tóm lại, người được chúc phúc là người biết mở cửa lòng để đón nhận Thiên Chúa và tha nhân: mở trí khôn để hiểu rõ thánh ý Thiên Chúa và thi hành, mở mắt mở tai để nhìn xem và nghe biết những nhu cầu của tha nhân và mau mắn đáp ứng; mở trái tim để yêu thương mọi người; mở miệng để nói lời động viên an ủi và mở đôi tay để chia sẻ cơm áo vật chất và tận tình phục vụ tha nhân...

2) PHÚC THAY!: Đây là tám điều kiện phải có để đạt được hạnh phúc Nước Trời:

+ Phúc thay người có tâm hồn nghèo khó: Đó là những người nghèo của cải vật chất, nghèo địa vị chức quyền, những người ý thức thân phận tội lỗi bất lực của mình để khiêm tốn cầu xin Thiên Chúa trợ giúp, phó thác cậy trông vào tình thương quan phòng của Người, biết khiêm hạ phục vụ cho người dưới noi gương Đức Giê-su.
+ Phúc thay ai hiền lành: Là người có lòng nhân từ, không lấy oán báo oán, nhẫn nhịn chịu đựng và tha thứ những xúc phạm của kẻ khác đối với mình.
+ Phúc thay ai sầu khổ: Là người gặp sự đau khổ mà không oán than, nhưng biết nhìn lên Chúa Giê-su trên thập giá để nhận biết giá trị thanh luyện và cứu độ của đau khổ, sẵn sàng chịu đựng những sự trái ý cực lòng để đền tội của mình và của tha nhân.
+ Phúc thay ai khao khát nên người công chính: Là người luôn hướng thượng, muốn nên hoàn thiện giống Chúa Cha trên trời như Đức Giê-su dạy: “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.
+ Phúc thay ai xót thương người: Là người biết mở rộng lòng để cảm thông với nỗi đau của người khác: “Vui với người vui, khóc với người khóc”. Có lòng quảng đại để chia sẻ tình thương cơm áo cho người đau khổ bất hạnh. Họ sẽ được Chúa đền đáp cân xứng ở đờì sau: “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì sẽ được Thiên Chúa đong trả lại bằng chính cái đấu ấy”.
+ Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch: Là người không tìm thỏa mãn các đam mê nhục dục thấp hèn, biết ăn ở ngay thẳng, thật thà, không giả dối, luôn làm gương sáng. Chính nhờ đức trong sạch mà họ sẽ được chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa trong Nước Trời mai sau.
+ Phúc thay ai xây dựng hòa bình: Là người luôn gieo rắc sự an vui hòa thuận mọi lúc và mọi nơi. Nhờ họ mà gia đình, xã hội và thế giới có hòa bình. Họ giải tỏa những hiểu lầm, giải gỡ những bất hòa tranh chấp, luôn nhìn mọi người bằng cặp mắt yêu thương và chan chứa tình người. Nhờ đó, họ xứng đáng mang danh hiệu là con của Thiên Chúa.
+ Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính: Là người chấp nhận bị sỉ nhục và chịu bách hại vì đức tin. Khi ấy họ sẽ được nên giống Chúa Giê-su. Những ai chấp nhận bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Chúa Giê-su, cùng chịu đau khổ với Người, thì sẽ được tham phần vào sự phục sinh vinh quang của Người sau này.

4. THẢO LUẬN:

Để có được hạnh phúc thật của Chúa, bạn nên làm gì để biến rủi ro thành may mắn, biến đau khổ thành niềm vui trong Chúa?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Người Mã Lai đã có câu châm ngôn so sánh các bậc vĩ nhân với những kẻ tiểu nhân như sau: “Cây lúa nào càng nặng trĩu hạt thì càng rạp sâu xuống sát mặt đất. Ngược lại: cây lúa nào càng nghểnh lên cao thì lại càng ít hạt”. Xin Chúa giúp chúng con luôn sống khiêm hạ và nghèo khó. Cho chúng con biết “Nói ít làm nhiều”, luôn từ tốn, khiêm nhu và có thái độ hòa nhã với mọi người. Nhờ đó, chúng con sẽ trở nên giống Chúa hơn, sẽ có Nước Trời làm phần gia nghiệp đời này và đời sau.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.



 
Mầu nhiệm các Thánh cùng thông công
Lm Đan Vinh
08:05 30/10/2018
LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN (02/11)

1. NGUỒN GỐC LỄ CẦU CHO CÁC LINH HỒN

– Theo lịch sử Hội thánh: Thánh ODILO (962- 1048) là viện phụ của đan viện Cluny trong đế quốc Germany, là một tu sĩ rất có lòng đạo đức. Ngài luôn tưởng nhớ cầu nguyện kèm ăn chay hãm mình và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời. Một hôm, một đan sĩ Dòng của ngài đi hành hương Đất thánh. Trên đường trở về, tàu chở vị đan sĩ đã bị bão đánh giạt vào một hòn đảo, và tại đây đan sĩ đã gặp gỡ và trao đổi với một vị ẩn sĩ. Trong buổi trò chuyện, ẩn sĩ cho biết: “Trên đảo này có nhiều hang lửa, trong hang có nhiều linh hồn người chết thường bị hành hạ, đánh đập đau đớn. Có lần tôi nghe được mấy tên quỉ phàn nàn với nhau về Viện phụ Odilo và các đan sĩ Dòng Cluny mỗi ngày đều giải thoát được một số linh hồn được ra khỏi hang lửa nói trên. Vì thế, xin thầy hãy về nói với cha Odilo và các anh em trong Dòng tiếp tục cứu giúp các linh hồn đang chịu đau khổ. Việc này làm cho các thánh trên trời vui mừng và cũng làm cho ma quỷ trong hỏa ngục phải buồn sầu tức giận”. Sau khi nghe tu sĩ kể lại sự việc, cha Odilo đã chọn ngày 2 tháng 11 hằng năm để cử hành lễ cầu hồn trong đan viện Cluny của ngài. Về sau lễ cầu hồn này đã truyền sang nước Pháp, và Đức Giáo Hoàng Gio-an 14 đã thiết lập lễ Cầu cho các linh hồn trong Hội Thánh Công Giáo Rô-ma từ giữa thế kỷ 11.

– Giáo lý Hội Thánh Công Giáo do Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô 2 ban hành năm 1992 có 3 số nói về luyện ngục như sau:

Số 1030: Cần có Luyện ngục: “Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng”.

Số 1031: Luyện ngục để thanh tẩy: “Giáo Hội gọi là luyện ngục là sự thanh luyện sau cùng này của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt. Giáo Hội đã trình bày giáo lý của đức tin về Luyện ngục, nhất là tại các Công đồng Florentia (xem DS 1304) và Trentô (xem DS 1820; 1580). Dựa vào một số bản văn của Thánh Kinh (Chẳng hạn 1 Cr 3,15; 1 Pr 1,7), truyền thống của Giáo Hội nói đến một thứ lửa thanh luyện: “Đối với một số những lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước ngày Phán xét, theo như những gì mà Đấng là Chân lý đã dạy khi Ngài nói rằng nếu ai nói lời phạm thánh chống lại Chúa Thánh Thần, thì sẽ không được tha cả đời này lẫn ở đời sau” (Mt 12,31). Theo lời quyết đoán này, chúng ta có thể hiểu rằng một số lỗi lầm có thể được tha ở đời này, nhưng một số lỗi khác thì được tha ở đời sau” (Th. Gregoriô Cả, Dial. 4,39).

Số 1032: Người sống cứu người chết: Giáo huấn này cũng dựa vào cách cầu nguyện cho kẻ chết, như được nói đến trong Thánh Kinh: “Đó là lý do tại sao ông Giuđa Macabê đã truyền phải dâng hy lễ đền tội này cho các người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của mình” (x. 2 Mcb 12,46).

– Ngày 10 tháng 8 năm 1915: Trong một Tông hiến, Tòa thánh cho các linh mục được dâng 3 lễ vào ngày lễ Cầu hồn: 1 cầu như ý người xin, được lấy bổng lễ, 1 cầu theo ý ĐTC (không bổng) và 1 cầu cho các linh hồn (không bổng). Giáo hội cũng xác định dành trọn tháng 11 dành để cầu cho các linh hồn Luyện ngục.
– Ngày 1 tháng 11 năm 1967, ĐTC Phaolô 6, trong Tông huấn Ân xá đã ban một đại xá với điều kiện thường lệ (xưng tội, rước lễ, cầu theo ý ĐGH) cho những ai “viếng nhà thờ vào Chúa Nhật trước hoặc sau, hoặc chính lễ Các Thánh (số 67), và những ai viếng nghĩa địa trong 8 ngày đầu tháng 11 để cầu cho các linh hồn (số 13).

2. GIÁO LÝ VỀ MỘT HỘI THÁNH BA TÌNH TRẠNG:

Chúa Giê-su thiết lập Nước Trời là Hội Thánh. Hội Thánh ấy hiện nay gồm có ba tình trạng: Một là Hội Thánh “Lữ Hành”, hai là Hội Thánh “Vinh Thắng”, ba là Hội Thánh “Đau Khổ” như sau:

– Hội Thánh “Lữ Hành” trần gian: Gồm các tín hữu đang còn sống, đang bước đi trên con đường của Chúa Giê-su. Như Dân Ítraen xưa, Hội thánh sẽ phải vượt qua sa mạc trần gian tiến về Đất Hứa Nước Trời là Thiên Đàng đời sau. Các tín hữu trong Hội thánh lữ hành trần gian còn phải chiến đấu với ba thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt của mình. Họ được Chúa ban cho 2 thứ bánh thiêng liêng là Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể. Nhờ đó họ sẽ đủ sức vượt qua sa mạc trần gian để tiến về miền Đất Hứa là Thiên Đàng đời sau.
– Hội Thánh “Vinh Thắng” trên trời: Gồm các tín hữu đã qua đời trong niềm tin cậy vào Chúa. Khi còn sống ở trần gian, các ngài đã thực hành Hiến Chương Nước Trời là Tám Mối Phúc Thật của Chúa Giê-su, nên ngày nay các ngài đang được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng với Chúa.
– Hội Thánh “Đau Khổ” thanh luyện: Gồm các tín hữu tuy đi theo con đường của Chúa Giê-su, nhưng khi chết vẫn đang ở trong tình trạng còn nhiều sai lỗi, chưa xứng đáng được vào Nước Trời. Họ cần tiếp tục chịu đau khổ trong ngọn lửa tin yêu để được thanh luyện sạch mọi vết nhơ. Rồi khi hoàn toàn trở nên thánh thiện, họ sẽ được về hưởng hạnh phúc Thiên Đàng.

3. TÍN ĐIỀU CÁC THÁNH THÔNG CÔNG:

Ngọai trừ các người theo ma quỷ phải sa hỏa ngục để chịu hình phạt lìa xa Chúa đời đời, còn các tín hữu tin vào Chúa Giê-su dù còn sống hay đã qua đời, dù đã được lên trời hay đang được thanh luyện cũng đều được thông hiệp với ơn cứu độ của Chúa Giê-su và cầu nguyện cho nhau. Đó là mầu nhiệm các thánh cùng thông công:

Các tín hữu còn sống có thể giúp các linh hồn đã qua đời bằng việc viếng nhà thờ hay Đất Thánh và đọc kinh cầu nguyện, xưng tội rước lễ và cầu nguyện hiệp thông với Đức Giáo Hoàng để được nhận các ân xá trong dịp đầu tháng 11; Nhất là có thể xin lễ và hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn, làm các việc lành phúc đức như chia sẻ bác ái phục vụ với ý chỉ cầu nguyện đền tội thay cho các linh hồn ông bà cha mẹ đang ở trong chốn luyện hình. Nhờ đó các linh hồn sẽ được ơn Chúa chiếu soi, được thêm lòng yêu mến Chúa để được tha thứ tội lỗi như lời Chúa: “Yêu nhiều sẽ được tha nhiều”. Khi các linh hồn được nên thanh sạch thánh thiện hòan tòan thì sẽ được Chúa đưa vào hưởng hạnh phúc Thiên Đàng. Bấy giờ các ngài sẽ không quên cầu bầu cùng Chúa xuống muôn ơn lành cho con cháu là chúng ta trên trần gian.

Riêng khái niệm về Lâm-bô: Lâm bô là khái niệm của thánh Albertô Cả (1200-1280), nói về một nơi dành cho các linh hồn trẻ em chết khi chưa được lãnh bí tích Rửa tội. Tuy chúng không bị phạt nhưng cũng không được lên thiên đàng vì chưa được rửa tội. Về sau khái niệm này ít được đề cập đến. Gần đây Ủy ban thần học quốc tế thuộc bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố một tài liệu mang tên “Niềm hy vọng ơn cứu rỗi dành cho các trẻ em chết mà không được rửa tội”. Trong đó Ủy Ban cho rằng: “Giả thuyết về Lâm-bô” không có nền tảng rõ ràng trong Mặc Khải. Theo ủy ban, có nhiều lý do rút ra từ thần học và phụng vụ cho phép chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng các em chết trước khi được rửa tội cũng được hưởng nhan thánh Chúa, vì “Thiên Chúa muốn cho hết mọi người đều được hưởng ơn cứu độ”. Tuy vậy, Ủy ban cũng khẳng định bí tích rửa tội vẫn là điều kiện cần thiết để được hưởng ơn cứu rỗi của Đức Giê-su như lời Chúa phán: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Tóm lại: Hội Thánh tín thác các em chết khi chưa chịu phép rửa tội cho lòng thương xót của Chúa, và hy vọng nhờ đức tin của Hội Thánh, các em cũng được hưởng ơn cứu độ (x. GLHTCG số 1261).

4. PHẢI “BIẾT CHẾT” ĐỂ “BIẾT SỐNG”:

– Không thích nói đến cái chết: Nhiều người nghĩ rằng: không nói đến sự chết thì mình sẽ không phải chết. Nhà tỷ phú Mỹ WILLIAM RANDOPH HEARST, chủ nhân của nhiều tờ báo và phim trường ở Holywood hồi trước thế chiến thứ hai, đã ra lệnh cấm các nhân viên của mình nhắc đến từ ngữ “chết” trước mặt ông. Những ai lỡ miệng nói ra liền bị đuổi việc. Ông là người thông minh, tài giỏi, thành công, nhưng lại không dám đối diện với sự thật phũ phàng là sự chết! Rồi cuối cùng Hearst cũng bị chết bất đắc kỳ tử, để lại một toà lâu đài rộng lớn, hiện nay trở thành một điểm du lịch nổi tiếng ở bang California Hoa Kỳ.

– “Sinh ký tử quy” (Sống gửi thác về): Nhiều người khi lớn tuổi liền nghĩ đến việc hậu sự và lo chuẩn bị cho cái chết của mình, bằng việc mua đất nghĩa trang, chọn nhà quàn, mua sẵn ván làm hòm để trong nhà. Họ còn viết chúc thư về những điều con cháu phải làm để lo việc ma chay cho họ: Khi chết phải cho họ chiếc áo này, đeo vòng ngọc kia, cầm cái quạt nọ. Lại còn dặn dò phải bỏ vào quan tài dụng cụ này hay vòng vàng kia để sử dụng ở thế giới bên kia, giống như chuẩn bị hành lý cho một chuyến đi xa để về với ông bà tổ tiên.
– Chết là bắt đầu một cuộc sống mới: Đối với những kẻ không tin có Thiên Chúa và đời sau thì chết đi là hết! Nếu quả thực như thế thì cái chết thật đáng sợ ! Vì nó là đặt dấu chấm hết tất cả những ước mơ của đời người: “Con người là bụi cát lại trở về với cát bụi!” Nhưng đức tin Ki-tô giáo dạy cho biết: chết không phải là hết. Nó chỉ là khởi đầu của một cuộc sống mới vĩnh hằng. Sau cái chết mỗi người sẽ phải trả lẽ những gì đã làm khi còn sống trước tòa Chúa phán xét. Nếu chúng ta đã sống trong ân nghĩa của Chúa thì giờ chết sẽ là sự trở về ngôi nhà của mình. “Sinh ký tử quy”: Chúng ta sẽ được trở về thiên đàng, là nhà của Thiên Chúa Cha, Đấng đã dựng nên loài người chúng ta. Ở đây không còn nước mắt đau khổ, nhưng chỉ có niềm vui và hạnh phúc viên mãn như sách Khải Huyền đã viết: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, khóc than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (x. Kh 21,4).
– Đền tội khi sống lúc chết: Dầu vậy trong cuộc sống, ít nhiều lần các tín hữu chúng ta cũng đã để cho những dục vọng làm chủ bản thân mình, khiến chúng ta không vâng lời Chúa không làm theo thánh ý Thiên Chúa. Đó là ta đã phạm tội hay mắc phải các thói hư. Khi chúng ta còn sống thì các tai nạn, bệnh tật và các điều trái ý cực lòng gặp phải sẽ giúp chúng ta đền tội đã phạm. Rồi sau khi qua đời chúng ta còn tiếp tục được thanh luyện trong lửa tin yêu gọi là tình trạng luyện hình.

5. LỜI CẦU:

– Lạy Chúa Giê-su. Mỗi lần đối diện với cái chết gần kề, con cảm thấy run sợ vì con chưa sẵn sàng để gặp Chúa. Trong suốt cuộc đời, con đã lo toan rất nhiều thứ như lo tìm kiếm tiền tài, danh vọng, chức quyền trần gian… Còn điều quan trọng chính yếu là chuẩn bị cho giờ chết sẽ đến thì con lại chưa quan tâm đúng mức ! Con thật dại khờ khi nghĩ rằng mình sẽ có đủ thời gian chuẩn bị trước khi chết. Nhưng lời Chúa đã dạy “Con Người sẽ đến như kẻ trộm” và đòi con phải luôn tỉnh thức bằng thái độ sẵn sàng. Một ngày nào đó con không ngờ trước, con sẽ phải ra trình diện trước mặt Chúa, không biết bấy giờ Chúa có nhận ra con không, hay Chúa sẽ bảo con: “Ta không hề biết các ngươi. Hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,23).
– Lạy Chúa Giê-su. Xin ban cho con ơn khôn ngoan của Thánh Thần để con sống trọn vẹn từng giây phút hiện tại Chúa ban trong ơn nghĩa Chúa, để ngày nào đó khi giờ chết đến, con sẽ ra trình diện trước mặt Chúa không phải như hai người xa lạ, nhưng như người rất thân quen. Khi ấy Chúa sẽ gọi con bằng một cái tên trìu mến và giang rộng vòng tay đón con vào hưởng hạnh phúc Nước Trời đời đời: “Hỡi kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy vào hưởng ‘Vương Quốc’ dọn sẵn cho các con từ thuở tạo thiên lập địa” (x. Mt 25,34).- Amen.




 
Thực hành mến Chúa yêu người trong cuộc sống
Lm Đan Vinh
08:10 30/10/2018
Chúa Nhật 31 THƯỜNG NIÊN B
Đnl 6,2-6 ; Dt 7,23-28 ; Mc 12,28b-34

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 12, 28b-34

(28b) Khi ấy, có người trong nhóm kinh sư đến gần Đức Giê-su và hỏi: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?" (29) Đức Giê-su trả lời: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en. Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. (30) Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. (31) Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó".(32) Ông kinh sư nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, hay lắm. Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất. Ngòai Người ra không có Đấng nào khác. (33) Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ tòan thiêu và hy lễ. (34) Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

2.Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại câu trả lời của Đức Giê-su cho vị kinh sư Do Thái khi ông chất vấn Người về điều răn nào là quan trọng nhất trong tòan bộ Luật pháp Mô-sê. Người đã nêu ra hai điều răn quan trọng nhất là mến Chúa hết lòng và yêu người thân cận như yêu chính mình. Ông kinh sư cũng nhất trí như vậy và còn cho rằng hai điều này có giá trị hơn mọi của lễ tòan thiêu và hy lễ dâng lên Đức Chúa tại đền thờ.

3.CHÚ THÍCH:

-C 28b-30: +Có người trong nhóm kinh sư: Kinh sư hay Luật sĩ là những nhà chuyên môn về Thánh kinh vì nghiên cứu Thánh kinh kỹ lưỡng và lâu dài. Số ít trong nhóm kinh sư là tư tế, nhưng phần lớn là thường dân ủng hộ lập trường của nhóm Pha-ri-sêu. Họ có uy tín và ảnh hưởng lớn trong dân. Các kinh sư là người giải thích và áp dụng Luật Mô-sê vào đời sống của dân chúng. Các kinh sư cùng với thượng tế và kỳ mục là ba thành phần trong Thượng hội đồng Do thái tại Giê-ra-sa-lem (x. Cv 23,6). +trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?: Trong Tin Mừng Mát-thêu viết cho Kitô hữu gốc Do Thái, câu hỏi là “điều răn nào lớn nhất ?” (Mt 22,35). Còn ở đây Tin Mừng Mác-cô viết cho Kitô hữu gốc lương dân, đã sửa lại câu hỏi theo nghĩa ưu tiên:”điều răn đứng đầu?. Thực ra các nhà kinh sư thời đó thường tranh cãi để tìm ra trong số 613 điều răn trong Thánh Kinh, gồm 248 điều buộc và 365 điều cấm, đâu là điều luật quan trọng nhất. Cho tới lúc ấy các kinh sư vẫn chưa thống nhất ý kiến. Ông kinh sư tin Đức Giê-su là “Đấng rao giảng có uy quyền” sẽ cho câu trả lời chính xác. +Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en. Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.: Đức Giê-su đã trích khỏan Luật Mô-sê được những người Do Thái đọc mỗi ngày 2 lần (Đnl 6,5). +“Nguơi phải yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”: Thiên Chúa là chủ tể muôn loài, là Đấng duy nhất cao cả. Chính Ngài đã dựng nên muôn vật, là nguồn sự sống và là cùng đích mọi loài. Vũ trụ chỉ tồn tại được nhờ Ngài và trong Ngài. Vì thế người ta có bổn phận phải biết ơn và yêu mến Ngài trên hết mọi sự.
-C 31-33: +Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình: Người Do Thái vẫn mang nặng khuynh hướng bài ngọai theo Luật Mô-sê: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt 5,43). Ở đây Đức Giê-su thêm “Điều răn thứ hai trích trong Luật Mô-sê (Lv 19,18): Tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người thân cận là bản tóm lược mười điều răn ghi khắc trên hai bia đá là “mến Chúa và yêu người”. +Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất. Ngòai Người ra không có Đấng nào khác: Vị kinh sư biểu lộ thái độ đồng ý với quan điểm của Đức Giê-su và nhắc lại câu trả lời của Người để nhấn mạnh tính duy nhất của Thiên Chúa (Đnl 4,35; Xh 8,6; Is 45,21), Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân có liên hệ mật thiết với nhau. +Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình: Ông kinh sư nhắc lại khía cạnh tri thức của tình yêu. + là điều quý hơn mọi lễ tòan thiêu và hy lễ: Khi nhận định như vậy, ông kinh sư không phủ nhận nghi lễ phụng tự tại Đền Thờ, mà cho thấy nghi lễ phụng tự bị hạ thấp giá trị so với việc thực thi lòng mến Chúa và yêu tha nhân.
-C 34: +Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu: Ông kinh sư đã hiểu biết và đánh giá đúng điều răn quan trọng trong Luật Mô-sê. Điều này cho thấy ông đã suy nghĩ giống Đức Giê-su và có khả năng trở thành thành viên trong Nước Thiên Chúa do Người sắp thiết lập (x. 10,13-16).

4. CÂU HỎI:

1) Kinh sư hay luật sĩ là ai? Phân biệt với người Pha-ri-sêu thế nào?
2) Luật Mô-sê gồm bao nhiêu điều khỏan buộc và cấm? Tại sao ông kinh sư lại hỏi Đức Giê-su về điều luật nào quan trọng và đứng đầu trong bộ Luật Mô-sê?
3) Đức Giê-su đã trả lời cho ông kinh sư khỏan luật quan trọng nhất thế nào? Ngừơi Do thái mỗi ngày phải đọc lại khỏan luật này mấy lần?
4) Đức Giê-su cũng cho biết điều luật thứ hai cũng quan trọng không kém là khỏan luật nào? Hai điều luật này tóm lược Mười điều răn do ai trao cho ông Mô-sê và được ghi khắc trên hai tấm bia đá?
5)Thái độ của ông kinh sư trước câu trả lời của Đức Giê-su thế nào?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:

Đức Giê-su trả lời: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en. Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. (30) Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. (31) Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó"(Mc 12,29-31).

2. CÂU CHUYỆN:

1) LÀM SAO CÓ THỂ YÊU CHÚA ĐƯỢC KHI CHƯA GẶP CHƯA THẤY CHÚA?

Một người mẹ nói với cô con gái nhỏ về tình yêu Thiên Chúa. Cô bé tỏ ra bối rối thưa với mẹ: “Mẹ ơi, làm sao con có thể yêu Chúa được? Con chưa bao giờ gặp Người”. Ít ngày sau, cô bé nhận được một món quà gửi qua đường bưu điện, trong đó có một con búp-bê có thể chớp mắt rất đẹp. Bên cạnh có tấm cart Noel ghi hàng chữ: “Chúc mừng Giáng Sinh vui vẻ. Tặng Maria thân yêu con búp bê, Dì Rosa”. Bé Maria chưa bao giờ gặp dì Rosa vì sống cách nhau hàng ngàn cây số. Khi bé Maria ôm con búp bê vào lòng, em nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, con yêu dì Rosa quá! Dì đã cho con búp bê rất dễ thương này” Bấy giờ mẹ bé Maria hỏi rằng: “Làm sao con có thể yêu dì Rosa khi chưa bao giờ gặp dì ?”. Maria liền trả lời: “Con biết, nhưng con yêu dì, vì dì đã gởi cho con con búo bê này”.

2) THƯƠNG NGƯỜI, NHƯNG LẠI SỢ NGƯỜI:

Dọc theo triền núi Trường Sơn, có một ngôi mộ lâu đời, trên bia mộ có khắc dòng chữ như sau: “Tôi thương người, nhưng lại khiếp sợ người”. Đây là câu nói của Hy Thanh, người nằm trong ngôi mộ. Câu chuyện như sau: thời bấy giờ, Hy Thanh học cách tìm mạch nước ngầm nơi một ông thầy giỏi nghề. Bạn bè nói với anh rằng: “Dưới đất lúc nào mà chẳng có nước. Mày học làm chi cái nghề vô tích sự ấy”. Cha mẹ anh em trong nhà cũng mắng anh: “Nếu mày cứ muốn học nghề đó thì ra khỏi nhà và đừng bao giờ vác mặt về nhà này nữa!” Hy Thanh đành phải bỏ nhà ra đi. Ban ngày anh vừa đi học vừa kiếm chỗ làm phu khuân vác để kiếm ăn. Tối đến xin vào ngủ trong nhà chùa. Anh cứ kiên trì theo học nghề tìm mạch nước ngầm ấy nhiều năm. Hai mươi năm sau, gặp lúc trời hạn hán, các giếng trong làng đều khô cạn hết. Nhiều người bị chết khát vì không kiếm đâu ra nước uống. Bấy giờ, người ta mới chợt nhớ đến Hy Thanh và cử người đến yêu cầu anh tìm mạch nước giúp dân làng. Hy Thanh đã sớm tìm ra mạch nước ngầm và khơi được nguồn nước chảy ra lênh láng. Dân các nơi khác nghe tin kéo đến xin nước uống râ71t đông. Họ vui mừng ca tụng về tài năng xuất chúng của anh. Nhưng rồi có kẻ do khát lâu ngày, đã uống quá nhiều nước bị ngã ra chết. Thế là nhiều người thay vì tỏ lòng biết ơn lại quay ra chửi bới mạt sát Hy Thanh thậm tệ. Lũ người nhà của kẻ bị chết còn hè nhau xông vào đánh đập anh đến chết. Trước khi nhắm mắt lìa đời, Hy Thanh thều thào nói: “Tôi thương người, nhưng lại sợ người”.

3. SUY NIỆM:

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại câu Đức Giê-su trả lời cho ông kinh sư Do Thái khi ông chất vấn Người về điều răn nào là quan trọng nhất trong Luật pháp Mô-sê. Người đã nêu ra hai điều răn quan trọng nhất là mến Chúa yêu người. Ông kinh sư cũng nhất trí như vậy và còn cho rằng hai điều này có giá trị hơn mọi của lễ tòan thiêu và hy lễ dâng tiến Đức Chúa trong Đền thờ.

1) MẾN CHÚA HẾT LÒNG VÀ YÊU THA NHÂN NHƯ YÊU MÌNH:

Ai trong chúng ta cũng đều ý thức về hai bổn phận đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tin mừng hôm nay đã ghi lại lời Đức Giê-su dạy hai điều răn trọng nhất là “mến Chúa hết lòng hết sức và yêu thương tha nhân như yêu mình”. Hai điều răn này tóm lược tòan thể bộ Luật Tô-ra của Mô-sê. Tuy nhiên Đức Giê-su còn nhấn mạnh điều răn thương người chính là điều kiện để biểu lộ lòng mến Chúa và xứng đáng được Chúa vui nhận lễ vật như sau: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Thế nhưng, cụ thể chúng ta phải yêu thương anh em thế nào?

2) KỶ SỞ BẤT DỤC, VẬT THI Ư NHÂN:

- Truyền thống Do Thái có câu chuyện như sau: Ngày kia một người tìm đến với thầy SA-MAI, thuộc phái giải thích luật một cách nghiêm khắc và cho biết mình có ý định tìm kiếm chân lý. Ông hỏi: “Thầy có thể dạy tôi tóm lược tất cả các lề luật trong thời gian tôi đứng trên một chân. Vì tôi không thể ở lại Giê-ru-sa-lem lâu được”. Nghe nói thế, thầy Sa-mai nổi giận và truyền đuổi ông ra khỏi nhà mình. Không mất niềm hy vọng, ông ta tìm đến với thầy GIL-LEN, một người vừa thông thái, vừa cởi mở lại vừa phóng khoáng. Trước cùng một câu hỏi được đưa ra, thầy Gil-len đã trả lời ngay: “Đừng làm cho người khác điều anh không muốn họ làm cho anh. Đó là cái cốt lõi của lề luật. Tất cả những thứ khác, chỉ là để giải thích cho giới luật này mà thôi”.
- Trong Cưu Ước, Tô-bi-a cha đã khuyên Tô-bi-a con như sau: “Điều con không thích thì đừng làm cho người khác” (Tb 4,15a). Điều không thích còn bao hàm các việc cụ thể như: không nói xấu, không ganh tỵ, không trộm cắp và rất nhiều những điều khác nữa. Nhờ đó cuộc sống của chúng ta sẽ được an vui hạnh phúc. Đức Khổng Tử cũng khuyên đồ đệ tương tự: “Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Còn trong Tân Ước Đức Giê-su dạy các môn đệ thực hành yêu thương theo hướng tích cực: ”Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

3) THỰC HÀNH ĐIỀU RĂN YÊU NGƯỜI CỤ THỂ:

Yêu thương không chỉ bằng lời nói suông, hay bằng tình cảm nhất thời chóng qua, nhưng bằng các việc cụ thể như kinh Thương Người có mười bốn mối, trong đó thương xác bảy mối và thương linh hồn bảy mối. Thánh Gia-cô-bê cũng đòi các tín hữu phải yêu thương cụ thể như sau: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ?” (Gc 2, 15-16). “Nhờ hành động mà con người nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin” (Gc 2,24).

4) YÊU THƯƠNG CỤ THỂ THEO LINH ĐẠO CỦA MẸ TÊ-RÊ-SA CAN-QUÝT-TA:

Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã dạy các nữ tu thực hành yêu thương tha nhân cụ thể như sau:
- Hãy bắt đầu yêu thương các người thân trong gia đình: “Tôi luôn luôn nói rằng, tình yêu phải khởi sự từ gia đình trước đã, rồi sau đó mới đến thành phố hay đô thị. Yêu thương những người ở xa chúng ta thì dễ, nhưng yêu thương những người sống với chúng ta hay ở ngay bên cạnh chúng ta thì lại không dễ chút nào.”
- Đừng xét đoán hay nói xấu tha nhân: “Nếu bạn xét đoán, bạn sẽ không còn giờ để yêu họ”.
- Hãy quảng đại cho đi: “Bạn phải cho đi những gì làm bạn bị thiệt thòi. Như thế, không chỉ cho đi những gì dư thừa, nhưng cho cả những gì bạn không thể sống nếu không có nó, những gì bạn thật sự yêu thích. Như thế, món quà của bạn trở thành lễ hy sinh, có giá trị trước mặt Chúa”.

4.THẢO LUẬN:

Để thực hành lối sống yêu thương cụ thể nói trên, bạn cần tập sống tình mến Chúa yêu người theo phương cách nào hữu hiệu nhất?

5. LỜI CẦU: Phục vụ trong yêu thương:

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn sống phục vụ trong yêu thương:
Nơi cộng đoàn, biết tâm đầu ý hợp.
Trong gia đình, biết mặn mà dễ thương.
Ngoài xã hội, biết đối xử tốt và thương xót.
Với mọi người, biết nhân nhượng và tôn kính nhau.
Khi làm việc, biết siêng năng và tận tình.
Trong mọi sự, biết tha thứ, chịu đựng và tin tưởng.
Ở mọi nơi, luôn chiếu tỏa lòng Chúa hiền hậu và khiêm nhường.
Trước cám dỗ, luôn chiến thắng để bền đỗ trong ơn thánh.
Nhờ đó, chúng con trở nên tông đồ được Chúa sai đi,
Mà làm chứng về Chúa cho mọi ngươi.- AMEN.
(Lời cầu của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta).
 
Suy niệm Tháng 11: Chúa Giê-su dạy chúng ta biết đếm tháng ngày mình sống
Lm. Giu-se Nguyễn công Đoan, S.J
11:50 30/10/2018
Chúa Giê-su dạy chúng ta biết đếm tháng ngày mình sống

Tháng 11: Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan (Tv 90/89, 12)

Trào lưu “Khôn Ngoan” trong Cựu Ước cho chúng ta nhiều suy tư về ý nghĩa cuộc sống, khởi đi từ cái vắn vỏi phù du của cuộc đời. Sách Giảng Viên (Cô-he-lét) mở đầu thế này:

2Ông Cô-he-lét nói: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân đ. Tất cả chỉ là phù vân e. 3Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả g dưới ánh nắng mặt trời h ? 4Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. 5Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. 6Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại lòng vòng. 7Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục i. 8Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới k.

Thánh vịnh 90/89 cũng khởi đi từ một suy nghĩ tương tự:

Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
Ngài phán bảo: “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!”
4Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!
5Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
6nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.

10Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.


Rồi dạy chúng ta cầu xin:

12Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan c.


Sự khôn ngoan này ở trong TÂM chứ không phải ở trí. Trí thông minh thừa biết rằng cuộc sống con người trên trần gian này có giới hạn, dù Tần Thủy Hoàng có sai người đi khắp nơi tìm mọi phù phép cho ông trường thọ, ông cũng đã ngủm mấy ngàn năm nay, để lại trong lịch sử mỗi cái tên và cái tiếng là tàn ác thôi.

Ba cách nhìn quen thuộc về ý nghĩa cuộc sống và cái chết trong văn hóa Việt Nam:

Tôi không có tham vọng nghiên cứu về toàn bộ khía cạnh này trong văn hóa của dân ta, chỉ xin đưa ra ba cách nhìn mà tôi đã biết từ khi còn đi học, dựa trên cách diễn tả của vài nhân vật tiêu biểu

1. Nhà thơ Cao bá Quát trong bài thơ mà người ta cho cái tên là “chán đời” , đã viết:

“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, cảnh phù du trông thấy cũ nực cười… “

Rồi ông trích một câu của một nhà thơ Tàu: “Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi” (bạn không biết rằng nước sông Hoàng Hà từ trên trời xuống, chảy xuôi ra biển chẳng quay lại).

Đó là cái trí của ông nhận ra. Ở điểm này ông cũng gần với các tác giả thuộc trào lưu khôn ngoan trong Sách Thánh.

Ông kết luận: “Làm chi cho mệt một đời!” Đó là cái tâm của ông.

Ông đã chán chường với cuộc sống, vì phải sống trong một triều đình mà vua chẳng ra vua, quan chẳng ra quan. Vua, thì trước nguy cơ mất nước vào tay ngoại xâm phương tây lại chỉ biết đi săn và ngâm thơ với một “thi xã” mà Cao bá Quát phê: “Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An” (Thời đó Nghệ An chuyên sản xuất nước mắm, con thuyền Nghệ An là thuyền chở nước mắm!). Quan, thì Cao bá Quát có dịp ví như bầy chó khi vua hỏi ông về hai ông quan cãi nhau tới mức đánh nhau: «Bất tri ý hà, lưỡng tương đấu khẩu, dĩ chí đấu ẩu, thần kiến thế nguy thần tẩu” (không biết vì lý do gì, hai người cãi nhau, đi tới chỗ đánh nhau, tôi thấy nguy tôi bỏ chạy); cái hóm hỉnh là ông dùng nhiều lần âm “ẩu”, đọc lên ta như nghe tả hai con “cẩu” cắn nhau!

Ông có tài mà bị vùi dập, chẳng đóng góp được gì cho dân cho nước, nên thất chí. Cái thất chí đã đẩy ông vào con đường bạo loạn, khiến ông bị tru di tam tộc. Ông từ giã cuộc đời bằng một một câu đối:

“Ba hồi trống giục, mồ cha kiếp – Một nhát gươm đưa, đ… mẹ đời”

2. Nhà thơ Nguyễn công Trứ, người đồng thời với Cao bá Quát

Ông đã có dịp đóng góp cho đất nước với công cuộc khai hoang, lập nên vùng đất phì nhiêu là huyện Tiền Hải, thuộc tỉnh Thái bình hiện nay, thì khi về hưu lại thanh thản hưởng nhàn theo Lão Tử. Nếu tôi không nhớ lầm thì ông có một câu thơ thế này:

“Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy – Nếu không chơi thiệt đấy ai bù” (hành lạc trong văn chương thời Nguyễn công Trứ không có cái nghĩa quen thuộc của ngày nay, mà chỉ nói đến “hưởng nhàn”).

Sau khi đã tích cực đóng góp cho đời (xuất) thì “kẻ sĩ” có quyền lui về ở ẩn (sử) để hưởng “thú điền viên”, niềm vui được sống thanh thản trên mặt đất, dưới ánh mặt trời, để ngao du sơn thủy, chiêm ngắm và hưởng cái êm đềm của thiên nhiên trước khi nhắm mắt lìa đời.

Trong cách nhìn này thì xem ra phần thưởng của đời người ở ngay trên mặt đất này.

1. Cách nhìn bình dân quen thuộc.

Khi còn bé, tôi đã biết rằng một người sống tới 60 tuổi thì mừng thọ, được 100 tuổi thì mừng “đại đại thọ” và được Vua ban sắc khen cùng với món quà là một tấm vải quý, để con cháu may áo mặc cho cụ khi tẩm liệm. Món quà con cháu trong gia đình khá giả sắm mừng thọ cha mẹ (60 tuổi) ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng là một chiếc áo quan bằng gỗ quý để trong nhà, hoặc trong phòng dành cho ông, bà… Sống thì dùng làm cái hòm theo nghĩa miền Bắc, để đựng đồ riêng của các cụ. Chết thì thành cái hòm theo nghĩa của miền Nam, để liệm xác đem chôn.

Đó là một cách nhìn thanh thản trong truyền thống dân tộc về cuộc sống và cái chết. Cuộc sống là ơn trời lộc nước, cái chết là kết thúc tất yếu, chung cho mọi người, chẳng có chi để sợ hãi âu lo.

Cách nhìn của Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô

Các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy vào thời Chúa Giê-su, trong Do Thái giáo đã có hai xu hướng, người Pha-ri-sêu tin có sự sống lại và sự sống đời sau; người Xa-đu-xêu thì không tin như thế, mà chỉ trông đợi phần thưởng ngay trên trần gian, “bây giờ, tại đây”. Phe này chế diễu niềm tin vào sự phục sinh khi đưa vấn đề cho Chúa Giê-su trả lời. (x. Mt 22, 23-33; Mc 12, 18-27; Lc 20, 27-40). Họ bịa ra một câu chuyện dựa trên luật kế tự trong Cựu Ước: “Nếu ai chết mà không có con, thì anh hay em của người ấy phải cưới lấy người vợ góa để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.” [1]

Người Xa-đu-xêu bịa ra câu chuyện bảy anh em trai, lần lượt cưới người vợ góa của anh cả không có con nối dòng (anh hai, theo tiếng miền Nam). Nhưng số sát chồng của cô này vô địch, khiến cả bảy anh em trai nhà kia chết mà không có con nối dòng. Vậy nếu có sự sống lại thì quả là rắc rối: cô ấy đã lần lượt làm vợ cả bảy anh em mà chẳng người nào có con nối dòng thì cô phải bơ vơ giữa chợ: làm vợ ai bây giờ!

Chúa Giê-su mỉm cười với tài bịa chuyện ấy và phê cho họ hai chữ “ngu” : ngu vì không biết Sách Thánh và ngu vì không biết quyền năng của Thiên Chúa. Rồi Chúa giải thích: “Trong ngày sống lại người ta sẽ chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ nên như các thiên thần trên trời” . Sống lại là đi vào cuộc sống mới, cuộc sống vô cùng vô tận, tham dự sự sống của Thiên Chúa hằng sống, chứ không phải là trở về cuộc sống dương gian này. Thế là đám Xa-đu-xêu đã hùng hổ tấn công, bây giờ tiu nghỉu rút lui; trong khi “dân chúng kinh ngạc khi nghe lời Người dạy” .

Tin mừng này do Chúa Giê-su loan báo và Chúa Giê-su thực hiện, bằng chính cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chúa Giê-su đã đem ý nghĩa mới cho cái chết và cho cuộc sống của chúng ta: cái chết không còn đơn thuần là sự kết thúc cuộc sống trần gian, nhưng là cửa ngõ đi vào cuộc sống vĩnh cửu, chung phần hạnh phúc của chính Thiên Chúa hằng sống. Như vậy thì cuộc sống hiện nay trên trần gian là đường đi tới cửa thiên đàng, chờ ngày được nghe tiếng Chúa dịu dàng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thưở tạo thiên lập địa” (Mt 25, 34). Ý nghĩa cái chết đem ý nghĩa cho cuộc sống và mọi sự trên trần gian này. Đó là điều cuối cùng chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính. Nếu không có niềm hy vọng này thì mọi lời tuyên xưng trước đề chẳng ích gì cho chúng ta, và chúng ta sẽ là những kẻ bất hạnh nhất, như thánh Phao-lô nói. [2]

Tin Mừng theo thánh Lu-ca, 12, 13-48

Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi s.” 14Người đáp: “Này anh t, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh u ?” 15Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu v.”

16Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này x: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, 17mới nghĩ bụng rằng y: ‘Mình phải làm gì đây ? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ 18Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. 19Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng a: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ 20Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại bmạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?’ 21c Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa d, thì số phận cũng như thế đó đ.


Chúa Giê-su đang rao giảng Nước Thiên Chúa thì người này lại nhờ Chúa can thiệp vào chuyện chia gia tài. Chúa thẳng thắn nói cho anh ta biết rằng đó không phải là việc của Chúa. Nhưng Chúa dùng ngay dịp này để thi hành sứ mạng rao giảng của Ngài.

Chúa phơi bày ngay cái gốc rễ của vấn đề là lòng tham và tính cách “không thể chuộc” của cuộc sống con người trên trần gian: “Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” . Rồi Chúa kể dụ ngôn người phú hộ tài giỏi mà Thiên Chúa gọi là “đồ ngốc”. Anh ta ngốc vì anh ta hành động như thể mạng sống cũng là tài sản anh ta sắm được. Chúa nhắc cho anh ta nhớ rằng mạng sống là của Thiên Chúa cho anh ta mượn, và Thiên Chúa có thể đòi lại ngay đêm nay, lúc ấy mọi sự anh ta có sẽ về tay ai? Anh ta là kẻ ngu si mà thánh vịnh 14/13,1 và 53/52,1 nói tới: “Kẻ ngu si tự nhủ: làm chi có Chúa Trời!”

Chúa kết luận: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì số phận cũng như thế đó.”
Câu kết luận khiến ta thắc mắc: “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” nghĩa là gì và “số phận cũng sẽ như thế” nghĩa là như thế nào?

Chúa không trả lời ngay thắc mắc ấy mà giải thích cho chúng ta rằng Cha chúng ta ở trên trời là Đấng ban cho chúng ta mạng sống, cũng là Đấng cung cấp của ăn, áo mặc cho chúng ta, vì chúng ta quý giá hơn chim trời và hoa cỏ đồng nội nhiều. Cha ban cho chúng ta mặt đất này và cũng cho chúng ta đôi tay để làm làm lụng đất đai, tham dự vào quyền năng tạo dựng của Cha. Cha biết chúng ta cần gì. Chúa kết luận: “Vậy anh em đừng bận tâm… Hãy lo tìm Nước của Người, còn các thư kia, Người sẽ thêm cho.” Thánh Tê-re-sa A-vi-la sẽ nói: “Ai có Thiên Chúa thì không thiếu gì. (Quien a Dios tiene, nada le falta). “Một mình Thiên Chúa là đủ” (Solo Dios basta).

Vậy thì làm giàu trước mặt Thiên Chúa là tìm kiếm một mình Thiên Chúa. Đó lả người khôn mà hai thánh vịnh kể trên đưa ra đối lập với kẻ ngu si: “Từ trời cao Thiên Chúa nhìn xuống con cái loài người, xem có kẻ nào khôn, biết kiếm tìm Thiên Chúa.” (Tv 14/13, 2).

Chúa kết luận: 32“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé k, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em l.

33“Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí m. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. 34Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.


Chúa bảo hãy tìm cái gì chắc chắn cha đã ban rồi, đó là Nước của Cha, còn các thứ kia thì Cha vẫn dành quyền ban phát theo ý Cha, và Cha nhận trách nhiệm về mạng sống mà cha cho mượn, vì nó vẫn là của Cha, vẫn ở trong tay Cha.

Ý nghĩa cuộc sống là để đi tìm Thiên Chúa, cùng đích của đời người.

Tìm Thiên Chúa bằng cách nào và sẽ được gì ?

35“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn o. 36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về p, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. 37Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. 38Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. 39Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách q nhà mình đâu. 40Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

Đi tìm Thiên Chúa không cần phải lên trời hay xuống biển, lội suối trèo non. Thiên Chúa đã tự ban chính mình cho chúng ta, chính Người đến với chúng ta. Chỉ cần để lòng chúng ta hướng về Người là kho tàng của chúng ta: “Kho tàng ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở đó”. Hướng lòng chúng ta về Thiên Chúa nghĩa là tỉnh thức đợi chờ Người, như người tôi tớ giữ cổng trong đêm “đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về tới và gõ cửa là mở ngay”.

Để hiểu hình ảnh này, nên biết rằng ở vùng đất Thánh Địa đầy mặt trời này, đám cưới và tiệc cưới thường cử hành trong đêm hè, hưởng cái mát mẻ của ban đêm. Tiệc cưới thì có thể trễ vì chàng rể tới chậm (x. Mt 25, 5), và cũng không có ai lắc chuông kết thúc: khách cứ việc ăn, uống, ca hát, nhảy múa tới khi nào “đã” thì ra về. [3]

Người tôi tớ tỉnh thức thâu đêm đợi chủ về, thì ông chủ cũng chẳng phải biết ơn, chẳng phải thưởng công. Chúa Giê-su lại đưa ra một chi tiết hoàn toàn vượt khỏi thế giới loài người: “Thầy bảo thật anh em: Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” . Ở đời này, chủ đi ăn cưới, uống thả cửa rồi, biết đường về tới cổng nhà mình đã là khá lắm rồi. Tôi tớ cứ việc chong đèn, chống con mắt lên chờ. Cổng nhà giàu ngày xưa ở Thánh Địa cũng giống ở Việt Nam, bên trong cài ngang bằng một cây gỗ nặng, nên phải nai nịt gọn gàng mới mở được. Mở cửa, rước chủ vào rồi, còn phải cầm đèn đưa chủ về phòng, có khi phải dìu hoặc khiêng chủ lên giường nữa… Điều Chúa nói đây thì chỉ có Chúa mới làm thôi, như sách Khải Huyền sẽ kể: “20Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa t với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3, 20).

Nhưng Chúa có đòi một điều kiện nhỏ thôi, qua dụ ngôn “kẻ trộm” mà Chúa kể chen vào dụ ngôn tôi tớ chong đèn đợi chủ đi ăn cưới về. Đang nói về tôi tớ thì Chúa lại chêm vào chủ nhà và kẻ trộm: “Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách q nhà mình đâu. 40Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” . Đào ngạch khoét vách là thủ thuật của kẻ trộm xưa, ở quê hương của Chúa cũng giống ở quê hương Việt Nam chúng ta. Chủ nhà đâu có biết liệu kẻ trộm có đến hay không, lại càng không biết giờ nào. Nhưng chủ nhà cũng không thể đêm nào cũng chong đèn canh kẻ trộm, không để nó khoét vách nhà mình.

Chúng ta vừa là tôi tớ chong đèn chờ chủ về, vừa là chủ nhà canh chừng kẻ trộm. Một công đôi việc! Mỗi người chúng ta là một ngôi nhà của Thiên Chúa: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao ?... Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần hay sao ?” (1Cr 5, 16.19).

Chính tôi, chính mỗi người chúng ta là ngôi nhà của Thiên Chúa, mở cửa cho Thiên Chúa vào nhà của Ngài chính là trao nộp hoàn toàn chính mình cho Thiên Chúa ngự, như Chúa Giê-su trên thập giá: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở” (Lc 23, 46). Nhưng để giữ ngôi nhà nguyên vẹn không bị kẻ trộm khoét vách thì ta lại phải canh chừng như thánh Phê-rô căn dặn:

“6Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định. 7Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em m. 8Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức n, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét o, rảo quanh tìm mồi cắn xé. 9Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự p, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế. 10Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh em q vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Ki-tô. Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường r.

Một đàng phải tỉnh thức, đàng khác lại phải tín thác, cậy trông vào Thiên Chúa, Người là Đấng kêu gọi chúng ta và “chính Người sẽ cho chúng ta nên hoàn thiện vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường.” Thánh vịnh 127/126, câu 1, đã cảnh báo chúng ta:

Ví như CHÚA chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công.
Thành kia mà CHÚA không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm.


Thánh Phao-lô cầu xin cho chúng ta: 23Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em u, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm v (1Tx 5, 23).

Vậy thì ta cứ an tâm “ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37/36, 4).

Cái tính cách vừa chắc chắn vừa bất ngờ làm cho cuộc sống trở nên khẩn trương. Ngày nào cũng có thể là ngày sau hết, giờ nào cũng có thể là giờ sau hết; hơi thở nào cũng có thể là hơi thở cuối cùng. Những năm đầu sống dưới quyền cai trị của Đảng Cộng Sản, tôi có dịp chứng kiến cảnh chia ly khi có những người được bảo lãnh đi định cư ở nước ngoài. Thời ấy ra đi là “không hẹn ngày về”, không hy vọng có ngày gặp lại nhau, nên coi như là “bây giờ chỉ còn giây phút cuối bên nhau” (lời một bài hát mà khi ở trong nhà tù tôi hay nghe các bạn trẻ nghêu ngao), người ta ân cần bày tỏ lòng thương mến nhau thế nào. Tôi hay mơ ước, phải chi người ta cứ sống với nhau mỗi ngày như đó là ngày sau hết được ở bên nhau, thì cuộc sống sẽ êm đềm tốt đẹp biết bao! Không còn giận hờn gắt gỏng, không còn lớn tiếng dằn vặt nhau, sẵn sàng nhường nhịn, tha thứ cho nhau… Sẽ là thiên đàng dưới thế!

Điều tôi mơ ước đó không phải là mung lung hão huyền, nhưng là điều Chúa muốn tôi sống thật sự, vì Chúa có thể đến ngay đêm nay. Ngày đã qua thì đã qua, tôi không thể níu lại; ngày mai thì ở ngoài tầm tay tôi. Chúa đã bảo tôi rằng “đừng lo lắng về ngày mai, hãy để ngày mai lo cho ngày mai, ngày nào có sự khốn khó của ngày ấy” (Mt 6, 34). Người miền Bắc có câu nói rất thực tế: “Biết có sống đến mai mà để dành củ khoai đến tối”. Thánh Phao-lô khuyên cách thiết thực: “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn!” (Ep 4, 26). Biết có sống được tới ngày mai để làm hòa với nhau không ?

Mến Chúa và yêu người, đó là điều duy nhất tồn tại và là điều duy nhất Thiên Chúa chờ đợi: “Lòng mến không bao giờ mất được” (1Cr 13, 8). “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13, 13).

Marana tha! Lạy Chúa xin hãy đến!

Thế ra đi tìm Thiên Chúa lại đơn giản như vậy đó! Chỉ cần tỉnh thức đợi chờ. Và ai tỉnh thức đợi chờ thì sẽ được vào dư tiệc cưới của Con Chiên Thiên Chúa, như lời sách Khải Huyền công bố: “Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự Tiệc Cưới của Con Chiên” (Kh 19, 9). Tạ ơn Chúa vì Chúa chẳng đòi điều kiện nào khó khăn, chẳng bắt con phải lên trời xuống biển, lội suối trèo non để tìm, hay đem vàng bạc châu báu mà mua. Chúa thật là “Tình cho không biếu không, chớ nên mua bán Tình Yêu” (x. Dc 8, 6-7).

Nhưng tôi lại không thể quên nỗi băn khoăn khắc khoải của Chúa Giê-su. Khi dạy về sự kiên trì trong cầu nguyện, Chúa Giê-su cam kết: “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao ? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi ? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.” Nhưng Chúa nói thêm: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không ?” (Lc 18, 7-8).

Liệu mỗi người chúng ta có thể nói với Chúa: “Lạy Chúa, nếu Chúa đến hôm nay thì ít là còn con đang đợi, đang chờ, đang tin Chúa đây!”

Chúa bảo con tìm Chúa, nhưng chính Chúa đi tìm con, vì Chúa yêu con trước. Chúa kéo con ra khỏi hư vô để có thể đến với con, chỉ cần con hướng lòng đợi Chúa thôi. Chúa dạy con khao khát Chúa, nhưng chính Chúa lại khao khát con như Chúa xin người phụ nữ Sa-ma-ri: “Xin cho tôi uống” (Ga 4, 7); và trước khi hoàn tất sứ mạng trên thập giá để trao sự sống cho con trên thập giá, Chúa còn kêu lên: “Tôi khát!”. Người ta cho Chúa uống giấm, con cho Chúa uống gì đây ? Chúa muốn con dâng thức uống nào lên cho Chúa ?

Con nhớ ra rồi! Ngày xưa người ta dâng thịt bò, máu chiên trên bàn thờ, nhưng Chúa đã phán trong thánh vịnh: “Thịt bò há là thức Ta ăn, máu chiên há là đồ Ta uống ?” Rồi Chúa cho biết Chúa thèm cái gì: “Hãy tiến dâng Thiên Chúa lời tạ ơn làm hy lễ, giữ trọn lời nguyền cùng Đấng Tối Cao” (Tv 50/49, 13-14). Trong sách Tin Mừng Mat-thêu thì hai lần Chúa đuổi người Pha-ri-sêu về đi học lại: “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” b (Hs 6, 6; Mt 9, 13; 12,7). Vậy là Chúa muốn được ngự trong trái tim con thôi chứ không muốn gì khác.

Lạy Chúa, con đây, lòng con đã sẵn sàng rồi! (x. Tv 108/107, 2)
“Maran atha”, Lạy Chúa, xin hãy đến! (Kh 22, 20).

Giê-ru-sa-lem, ngày cuối tháng Mân Côi 2018
Linh mục Giu-se Nguyễn công Đoan, S.J
.

[1] Trong sách Sáng Thế chúng ta đã có chuyện ông Giu-đa và con dâu là Ta-ma (St 38). Sau khi hai đứa con trai của ông đã lần lượt cưới Ta-ma theo luật “kế tự” này mà không có con, ông Giu-đa tính “đánh tháo”, không cho cô làm vợ của con trai thứ ba, vì thấy “cái số sát chồng” của cô ghê quá. Cô Ta-ma cao tay hơn ông. Cô giả làm gái điếm đón đường ông, sau khi ông vừa góa vợ. Cô đã thành công, sinh được hai con trai song sinh để nối dòng cho chồng, nhờ chính bố chồng! Trong sách Rút, chúng ta lại gặp trường hợp bà Rút, người Mô-áp, con dâu bà Na-ô-mi. Bà không còn đứa con trai nào khác. Bà đã dạy cho cô con dâu hiếu thảo làm cách nào để cho một người họ hàng ở Be-lem là Bô-át nhận cưới cô, và chuộc lại gia sản của gia đình. Bà Rút đã thành công và sinh ra Ô-vét, ông nội của vua Đa-vít. Bà Ta-ma và bà Rút được nêu danh trong gia phả như tổ tiên của Chúa Giê-su. Bà Ta-ma là dân Ca-na-an, bà Rút là dân Mô-áp. Hai bà đã đem dòng máu dân ngoại cho Chúa Giê-su (x. Mt 1, 3.5) cùng với hai bà khác là Ra-kháp, cô gái điếm ở Giê-ri-khô, và bà “vợ ông U-ri-gia” (ông là người Hit-tít), người đã oanh liệt “chiếm” được hoàng cung của vua Đa-vít bằng màn tắm trên sân thượng, nhân khi chồng đi chinh chiến miền xa; bà đã thành “người vợ cưng”, đánh bạt bao nhiêu bà vợ khác vua Đa-vit đã cưới trước đó, và lũ con trai của các bà, để đưa Sa-lô-môn, con trai bà đã sinh cho Đa-vít, lên ngai kế vị Đa-vít.

[2] x. 1Cr 15, 1-24

[3] Có lẽ cũng vì thế mà đám cưới ở Ca-na mới lâm vào tình trạng lúng túng, vì hết rượu trong khi khách còn ham vui chưa chịu ra về!
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng Hội Đồng 2018: Cuộc bầu phiếu dự thảo Tài Liệu Sau Cùng
Vũ Văn An
16:31 30/10/2018
Ngày thứ Bẩy, 27 tháng Mười, ngày cuối cùng các phiên nhóm của Thượng Hội Đồng năm 2018 về tuổi trẻ đã được dành cho việc bỏ phiếu nhằm thông qua Tài Liệu Sau Cùng.



Tài liệu ấy đã được thông qua với số phiếu thuận vượt quá túc số 2/3 tức 166 nghị phụ hiện diện khá nhiều. Tuy nhiên, theo Đức Tổng Giám Mục Chaput của Philadelphia, cuộc bỏ phiếu này có nhiều điều bất cập mà quan trọng nhất là thiếu các bản dịch thỏa đáng. George Weigel đi xa hơn bằng cách nói đến sự cố chấp của Đức Hồng Y Baldisseri trong việc nhất định không chịu cung cấp các bản dịch cần thiết để các nghị phụ suy nghĩ trước khi bỏ phiếu. Ông coi ngài là người “đáng ghét nhất” tại Thượng Hội Đồng năm 2018, thậm chí kêu gọi Đức Phanxicô cách chức ngài (có lẽ ông này lây bệnh của Tổng Giám Mục Viganò).

Về kết quả đầu phiếu, theo Sandro Magister, trong số 167 điều đem ra bỏ phiếu, có đến 125 lần các phiếu chống ít hơn 10 và các phiếu thuận bằng hoặc nhiều hơn 240.

Chỉ có 15 điều là số phiếu chống bằng hoặc hơn 30. Và chỉ có 2 trường hợp, số phiếu chống quá 50, dù sao, cũng ít hơn túc số 83 phiếu (tức 1/3) để bị loại.

Điều liên quan tới tính thượng hội đồng (Synodality) trong Giáo Hội bị 51 phiếu chống, còn 5 điều sau đó liên quan đến vấn đề này bị hơn 30 phiếu chống.

Điều bị nhiều phiếu chống hơn cả là điều nói về tính dục, nhất là đồng tính luyến ái, một chữ chỉ xuất hiện 2 lần trong toàn bộ tài liệu, trong các đoạn 39 và 150, là những đoạn trích dẫn Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo và lá thư năm 1986 của thánh bộ Giáo Lý Đức Tin.

Đoạn 150 nói về tính dục và đồng tính luyến ái, với 178 phiếu thuận, cũng là đoạn vượt được túc số 166 phiếu, tức 2/3 tổng số phiếu, ít nhất để được thông qua. Thêm vào đó, chỉ có 4 đoạn khác nhận được ít hơn 200 phiếu thuận: đoạn 3 (về việc đánh giá Tài Liệu Làm Việc) với 191 phiếu thuận, đoạn 39 (về luân lý tính dục) với 195 phiếu thuận, đoạn 121 (về tính thượng hội đồng) với 191 phiếu thuận và đoạn 122 (cũng về tính thượng hội đồng) với 199 phiếu thuận.

Edward Pentin thì tỏ ra ưu tư về 5 điều của Tài Liệu Sau Cùng: Thứ nhất, điều 4 nói đến việc phải đọc Tài Liệu Sau Cùng liên tục với Tài Liệu Làm Việc, một tài liệu bị các nghị phụ phê phán khá nhiều. Thứ hai, tính thượng hội đồng, một điều ít được bàn đến trong các buổi thảo luận, nhưng đã được thêm vào phút chót. Thứ ba, vấn đề đồng tính luyến ái: ngôn từ mơ hồ có thể bị giải thích nhiều cách, tuy kiểu nói “LGBT” bị loại bỏ. Tài liệu nói đến cam kết “chống lại mọi sự kỳ thị và bạo lực dựa trên căn bản tính dục” chứ không phải “kỳ thị bất chính” (unjust discrimination) như trong điều 2358 của Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo. Được một điều: các nghị phụ châu Phi đã thành công trong việc nhắc đến lá thư năm 1986 của thánh bộ Giáo Lý Đức Tin. Thứ tư: vai trò phụ nữ trong Giáo Hội hơi được quá nhấn mạnh, có thể dọn đường cho việc phong chức phó tế và sau cùng phong chức linh mục cho họ. Thứ năm: lạm dụng tính dục không được bàn sâu rộng như mong đợi của các nghị phụ tại các nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của vấn đề này.

Tuy thế, Pentin cho rằng phần lớn tài liệu đáng được ca ngợi. Đức Tổng Giám Mục Fisher đồng ý như thế, nhưng ngại là tài liệu hơi dài, cần được tóm lược và có sách hướng dẫn học tập.

Pentin cũng cho hay: nhiều giám mục thất vọng vì thiếu các bản dịch phát trước. Hai phần đầu được đọc lớn tiếng vào buổi sáng với việc dịch miệng cùng một lúc và bỏ phiếu vào lúc sau trưa. Phần ba cũng được đọc cùng một cách rồi bỏ phiếu ngay, không dành giờ cho các nghị phụ suy nghĩ trước khi bỏ phiếu.

Pentin cung cấp bản dịch đoạn 150 của Bản dự thảo và của Bản Sau Cùng như sau (các chữ in nghiêng chỉ sự khác nhau giữa hai bản dự thảo và bản đã thông qua):

English Translation of Paragraph 150, Final Document
150. There are questions relating to the body, affectivity and sexuality which require a deeper anthropological, theological and pastoral elaboration, to be carried out in the most appropriate ways and at the most appropriate levels, from the local to the universal. Among these, emerge those relating in particular to the difference and harmony between male and female identity and sexual inclinations. In this regard, the Synod reaffirms that God loves every person and so does the Church, renewing her commitment against all discrimination and violence on a sexual basis. She also reaffirms the decisive anthropological relevance of the difference and reciprocity between man and woman and considers it reductive to define the identity of people starting only from their "sexual orientation" (CONGREGATION FOR THE DOCTRINE OF THE FAITH, Letter to the Bishops of the Catholic Church on the Pastoral Care of Homosexual Persons, October 1, 1986, no. 16). In many Christian communities there are already paths of accompaniment in the faith of homosexual people: the Synod recommends encouraging such paths. These paths help people to understand their own [personal] history; to recognize freely and responsibly their own baptismal call; to recognize the desire to belong to and contribute to the life of the community; to discern the best ways to achieve it. In this way, we help every young person, excluding no one, to integrate the sexual dimension more and more into their personality, growing in the quality of relationships and walking towards the gift of self.
Draft Version of Paragraph 150
150. There are questions relating to the body, affectivity and sexuality which need a deeper anthropological, theological and pastoral elaboration, to be carried out in a synodal style, as the young people themselves require. Among these emerge those relating in particular to the difference and harmony between male and female identity and sexual orientation. In this regard, the Synod reaffirms that God loves every person and so does the Church, renewing its commitment against all discrimination and violence based on sexual orientation. It also reaffirms the decisive anthropological relevance of the difference and reciprocity between man and woman and considers it inappropriate to define the identity of people solely from their sexuality. The Synod also manifest the need to encourage and strengthen, within the communities, paths of accompaniment in the faith of people who live different sexual orientations. These paths can help to understand their own [personal] history, to recognize the desire to belong and contribute to the life of the community, to discern the best ways to achieve it. In this way we help every young person, excluding no one, to integrate the sexual dimension more and more into the unity of their personality, growing in the quality of relationships and walking towards the gift of self.
Đoạn 150 trong Tài Liệu Sau Cùng
Có những câu hỏi liên quan đến cơ thể, cảm giới và tính dục đòi hỏi một khai triển chi tiết về nhân học, thần học và mục vụ sâu sắc hơn, được thực hiện theo những cách thích hợp nhất và ở các bình diện thích hợp nhất, từ địa phương đến hoàn vũ. Trong số này, xuất hiện những vấn đề liên quan đặc biệt đến sự khác biệt và hài hòa giữa bản sắc nam và nữ và xu hướng tình dục (sexual inclination). Về vấn đề này, Thượng Hội Đồng tái khẳng định rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người và Giáo Hội cũng vậy, đổi mới cam kết của mình chống lại mọi sự kỳ thị và bạo lực dựa trên căn bản tính dục (on sexual basis). Giáo Hội cũng tái khẳng định sự liên hệ nhân học có tính quyết định của sự khác biệt và hỗ tương giữa đàn ông và đàn bà và coi là giản lược khi xác định căn tính của người ta chỉ bằng “xu hướng tình dục” của họ (Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư gửi các Giám mục của Giáo Hội Công Giáo về việc chăm sóc mục vụ cho những người đồng tính luyến ái, ngày 1 tháng 10 năm 1986, số 16). Trong nhiều cộng đồng Kitô hữu đã có những con đường đồng hành trong đức tin với những người đồng tính: Thượng Hội Đồng khuyến khích việc khuyến khích những con đường như vậy. Những con đường này giúp người ta hiểu lịch sử bản thân của họ; nhìn nhận một cách tự do và có trách nhiệm ơn gọi phép rửa của họ; công nhận lòng mong muốn được thuộc về và đóng góp vào đời sống của cộng đồng; biện phân những cách tốt nhất để đạt được nó. Bằng cách này, chúng ta giúp đỡ mọi người trẻ, không loại trừ ai, để tích hợp chiều kích tính dục ngày càng nhiều hơn vào nhân cách của họ, lớn lên trong phẩm chất các mối liên hệ và hướng tới việc tự hiến mình)
Đoạn 150 trong Dự Thảo Tài Liệu Sau Cùng
Có những câu hỏi liên quan đến cơ thể, cảm giới và tính dục đòi hỏi một khai triển chi tiết về nhân học, thần học và mục vụ sâu sắc hơn, được thực hiện theo phong thái thượng hội đồng, như chính người trẻ đòi hỏi. Trong số này, xuất hiện những vấn đề liên quan đặc biệt đến sự khác biệt và hài hòa giữa bản sắc nam và nữ và khuynh hướng tình dục (sexual orientation). Về vấn đề này, Thượng Hội Đồng tái khẳng định rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người và Giáo Hội cũng vậy, đổi mới cam kết của mình chống lại mọi sự kỳ thị và bạo lực dựa trên khuynh hướng tính dục (based on sexual orientation). Giáo Hội cũng tái khẳng định sự liên hệ nhân học có tính quyết định của sự khác biệt và hỗ tương giữa đàn ông và đàn bà và coi là không thích đáng khi xác định căn tính của người ta chỉ bằng tính dục của họ. Thượng Hội Đồng cũng biểu lộ việc cần phải khuyến khích và tăng cường, trong các cộng đồng, những con đường đồng hành trong đức tin với những người đang sống các khuynh hướng tính dục khác nhau. Những con đường này giúp người ta hiểu lịch sử bản thân của họ, công nhận lòng mong muốn được thuộc về và đóng góp vào đời sống của cộng đồng, biện phân những cách tốt nhất để đạt được nó. Bằng cách này, chúng ta giúp đỡ mọi người trẻ, không loại trừ ai, để tích hợp chiều kích tính dục ngày càng nhiều hơn vào nhân cách của họ, lớn lên trong phẩm chất các mối liên hệ và hướng tới việc tự hiến mình)
.
 
George Weigel: Cộng sản không phải là bất tử, thỏa hiệp hôm nay là vấn nạn cho tương lai
Đặng Tự Do
16:42 30/10/2018
Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Giám Mục về hưu của Hương Cảng vừa cho ra mắt cuốn sách mới “For Love of My People I Will Not Be Silent” – “Vì Tình Yêu Dành Cho Dân Tộc Mình, Tôi Sẽ Không Im Lặng”. Vị Hồng Y 86 tuổi tranh luận trong cuốn sách mới rằng thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc được ký kết hôm 22 tháng 9 đã gây nguy hiểm cho tương lai của Công Giáo ở Hoa Lục. Chế độ Cộng sản Trung Quốc không phải là vĩnh hằng, Đức Hồng Y viết; và nếu hôm nay “bạn xếp hàng đứng sau lưng cái chế độ này, ngày mai Giáo Hội của chúng ta sẽ không được chào đón trong việc tái thiết một Trung Quốc mới.”

Bình luận về cuốn sách này, tiến sĩ George Weigel, thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo, cho biết như sau:

“Một nguồn vốn đạo đức to lớn đang được xây dựng tại Trung Quốc bởi những cộng đồng tôn giáo từ chối không chịu khom lưng trước sự đàn áp của Cộng sản. Ngược lại, các cộng đồng tôn giáo gắn bó với chế độ sẽ phải mang dấu ấn của cái chế độ đó khi nó sụp đổ, và chắc chắn rằng cái chế độ Cộng sản sẽ phải sụp đổ. Sự đàn áp ngày càng gia tăng của Tập Cận Bình - không chỉ giới hạn trong các cuộc đàn áp tôn giáo - tự nó đã nói lên một cách hùng hồn rằng chế độ này thiếu tự tin về sự ổn định của nó; ngay cả cái chuyện quay ngược lại chính sách của Mao tôn mình làm Đại Đế cai trị suốt đời cũng cho thấy nỗi âu lo của Cộng sản. Trung Quốc có những vấn đề xã hội to lớn, tình trạng nhân khẩu học tệ hại, nạn tham nhũng gia tăng, trong khi tỷ lệ dân số có học thức ngày càng đông hơn cùng với nỗi bất bình về sự bất công trong phân phối thu nhập xã hội và việc kiểm soát xã hội một cách hà khắc của đảng Cộng sản (không phải chỉ trên không gian mạng mà còn nhiều mặt khác trong đời sống xã hội). Cộng tất cả những yếu tố đó lại, xem ra tiên đoán của Đức Hồng Y Quân là đúng: Chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc không phải là bất tử.”

Nhìn về tương lai của xã hội Trung Quốc trong thời hậu Cộng sản, tiến sĩ George Weigel viết:

“Và khi chế độ đó biến mất, thì sao? Lúc đó, theo tôi nghĩ, Trung Quốc sẽ là cánh đồng truyền giáo lớn nhất của Kitô giáo kể từ khi người châu Âu đến khu vực Tây bán cầu này vào thế kỷ 16.”

So sánh giữa Ấn Độ và Trung Quốc, George Weigel nhận xét rằng Ấn Độ là nơi có một hệ thống tôn giáo truyền thống đan quyện với văn hóa làm cho việc rao giảng Tin Mừng Kitô giáo trở nên cực kỳ khó khăn. Trong tổng số gần 1 tỷ 3 dân số, các Kitô hữu chỉ chiếm 2.3%, và, bất kể các nỗ lực truyền giáo rất lớn, tỷ lệ này không ngừng sút giảm sau khi người Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ vào năm 1947.

Trái lại, “Trung Quốc sẽ là một lãnh thổ mở rộng cho các cơ hội truyền giáo.” Giải thích nhận xét này, ông viết: “Cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao về cơ bản đã phá hủy các tôn giáo truyền thống Trung Quốc, và một xã hội hậu Cộng sản tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống cũng như việc phân phối công bằng sự thịnh vượng vật chất sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những gì sứ điệp Tin Mừng đưa ra.”

“Và ai sẽ đưa ra lời đề nghị của sứ điệp Tin Mừng một cách đáng tin cậy? Những người đã phải chịu đựng vì Chúa Kitô và sự thật, chẳng hạn như các giáo hội Tin Lành đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc? Hay những người đã thực hiện các giao dịch với những kẻ bách hại trước đó? Câu hỏi tự nó đã có câu trả lời.”


Source: National Review Did Pope Francis Just Make China Protestant?
 
Những cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha trong 3 tháng sắp tới
Đặng Tự Do
18:19 30/10/2018
Theo thông cáo của phòng nghi lễ Phủ Giáo Hoàng, các cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha trong thời gian 3 tháng sắp tới sẽ diễn ra như sau:

Tháng 11, 2018.

Vào ngày thứ Sáu 2 tháng 11, là ngày toàn thể Giáo Hội tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm nghĩa trang Laurentino của Rôma, nơi những thai nhi chết khi chưa chào đời được chôn cất. Chuyến viếng thăm này sẽ bắt đầu lúc 4 giờ chiều.

Bên trong nghĩa trang Laurentino, có một khu vườn gọi là “Vườn thiên thần”, được khánh thành cách đây sáu năm và dành riêng cho việc mai táng những thai nhi chết khi chưa chào đời. Vườn thiên thần có diện tích khoảng 600 mét vuông. Nơi đây có đặt hai bức tượng thiên thần rất lớn bằng đá cẩm thạch.

Ngày hôm sau, thứ Bảy 3 tháng 11, lúc 11:30 sáng, Đức Thánh Cha sẽ cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô Thánh lễ truyền thống cầu nguyện cho các Hồng Y và giám mục đã qua đời trong năm qua.

Cũng tại Đền Thờ Thánh Phêrô, vào ngày Chúa Nhật, 18 tháng 11, lúc 10 giờ, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh lễ Ngày Người Nghèo Trên Thế Giới.

Tháng 12, 2018.

Ngày thứ Bẩy 8 tháng 12, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Thánh Cha sẽ phó dâng thế giới và Giáo Hội cho Đức Trinh Nữ Maria tại quảng trường Tây Ban Nha vào lúc 4 giờ chiều.

Ngày thứ Tư 12 tháng 12, Lễ Đức Mẹ Guadalupe bổn mạng Mỹ Châu Latinh, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh lễ dành cho người Mỹ Latinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 6 giờ chiều.

Ngày thứ Hai, 24 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ vọng Giáng Sinh vào lúc 9:30 tối tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Sáng thứ Ba 25 tháng 12, lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha sẽ đọc thông điệp Giáng Sinh “Urbi et Orbi” gởi dân thành Rôma và toàn thế giới từ ban công chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô.

Ngày thứ Hai 31 tháng 12, lúc 5 giờ chiều, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi kinh chiều Tạ Ơn và hát kinh Te Deum tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã bam muôn ơn lành và gìn giữ Giáo Hội trong năm 2018.

Bên cạnh các cử hành Phụng Vụ, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với giáo triều Rôma nhân dịp cuối năm, dự trù vào sáng 22 tháng 12.

Tháng Giêng, 2019.

Cũng tại Đền Thờ Thánh Phêrô, vào ngày 1 tháng Giêng năm 2019, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cũng là Ngày Hòa Bình Thế Giới vào lúc 10 giờ sáng.

Chúa Nhật 6 tháng Giêng, lúc 10 giờ, Đức Thánh Cha cử hành Lễ Chúa Hiển Linh tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Chúa Nhật tiếp theo, ngày 13 tháng Giêng, Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, Đức Thánh Cha sẽ rửa tội cho một số trẻ em theo như truyền thống tại nhà nguyện Sistina, vào lúc 9:30.

Tháng Giêng sẽ được kết thúc với chuyến tông du đến Panama từ ngày 23 đến ngày 28 tháng Giêng, nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Bên cạnh các cử hành Phụng Vụ, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh nhân dịp đầu năm mới.


Source: Vatican.va Attività del Santo Padre Francesco
 
Cuộc họp mùa thu của các Giám Mục Hoa Kỳ và những căng thẳng mới nảy sinh
Đặng Tự Do
19:52 30/10/2018
Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm 30 tháng 10, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã cho biết chi tiết về phiên khoáng đại mùa thu 2018 tại Baltimore từ ngày 12 đến 14 tháng 11.

Chỉ trong mấy tháng vừa qua, Giáo Hội tại Hoa Kỳ đã phải trải qua nhiều biến cố đầy thử thách. Ngay sau vụ Tổng Giám Mục Theodore McCarrick, Giáo Hội tại quốc gia này đã phải đối phó với những tai tiếng lạm dụng tính dục trong báo cáo của Đại Bồi Thẩm Đoàn Pennsylvania. 301 linh mục đã bị cáo buộc lạm dụng hơn 1000 trẻ em, phần lớn là các trẻ em trai, trong thời gian 70 năm tại 6 giáo phận trong tiểu bang Pennsylvania.

Đức Hồng Y Donald William Wuerl, Tổng Giám Mục Washington đã là chủ đề của những lời chỉ trích gay gắt trong những tháng gần đây. Là người kế vị Tổng Giám Mục Theodore McCarrick, Đức Hồng Y Wuerl đã phải đối diện với những chất vấn về những hiểu biết của ngài liên quan đến những cáo buộc lạm dụng tình dục chống lại McCarrick, được công khai trước công chúng lần đầu tiên vào ngày 20 tháng Sáu.

Đức Hồng Y còn phải hứng chịu thêm nhiều chỉ trích vì báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania nêu lên những cáo buộc cho rằng Đức Hồng Y Wuerl trong thời gian là Giám mục Pittsburgh (từ năm 1988 đến năm 2006) đã cho phép các linh mục bị buộc tội lạm dụng được tiếp tục làm việc mục vụ sau khi các cáo buộc đã được đưa ra.

Dưới những áp lực nặng nề Đức Hồng Y đã phải xin Đức Thánh Cha cho từ chức, và việc từ chức của ngài đã được Phòng Báo Chí Tòa Thánh thông báo hôm thứ Sáu 12/10.

Ngày 24/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bãi nhiệm Đức Giám Mục Martin Holley khỏi các trách nhiệm mục vụ tại giáo phận Memphis và bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Joseph E. Kurtz của Louisville làm Giám Quản Tông Tòa cho đến khi có thông báo mới.

Trong cuộc họp báo hôm 24/10, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, giải thích lý do Đức Cha Holley bị bãi nhiệm vì “các vấn đề liên quan đến việc quản trị giáo phận” sau một cuộc thanh tra tông tòa kéo dài 3 ngày hồi tháng Sáu vừa qua.

Đức Cha Holley, một Giám Mục người Mỹ gốc Phi Châu, bị chỉ trích đã thuyên chuyển hai phần ba trong số 60 linh mục đang hoạt động mục vụ tại giáo phận Memphis và đã trao quá nhiều quyền cho một linh mục người Canada là cha Clement Machado với hàng loạt các chức vụ như Tổng Đại Diện, chưởng ấn và là người điều phối các hoạt động của Tòa Giám Mục. Cha Clement Machado là một linh mục trừ tà nổi tiếng được cho là đã được thị kiến thấy Đức Mẹ.

Trong tình cảnh “không còn gì để mất”, Đức Cha Holley cáo buộc rằng việc bãi nhiệm ngài hoàn toàn không minh bạch, Đức Thánh Cha Phanxicô chưa hề tiếp xúc với ngài trước khi đưa ra quyết định bãi nhiệm. Nghiêm trọng hơn, Đức Cha Holley cáo buộc rằng việc bãi nhiệm ngài là một hành động trả thù của Đức Hồng Y Wuerl. Ngài nói với CNA rằng năm 2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 dự định đưa Đức Hồng Y Wuerl từ Washington sang Vatican giữ một chức vụ quan trọng, có thể là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Khi được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 hỏi ý kiến, Đức Cha Holley lúc đó là một Giám Mục Phụ Tá cho Đức Hồng Y Wuerl đã có những ý kiến bất lợi.

Chưa hết những khốn khó, mới đây bà Siobhan O’Connor, nguyên phụ tá điều hành cho Đức Cha Richard Malone, Giám Mục giáo phận Buffalo, New York, lấy cắp tài liệu của giáo phận giao cho giới báo chí để tố cáo ngài bao che cho các linh mục lạm dụng tính dục trong giáo phận.

Siobhan O’Connor cáo buộc rằng Đức Cha đã đưa ra danh sách 42 linh mục bị cáo buộc lạm dụng trong hơn nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, đó chỉ là các linh mục đã qua đời hay đã từ bỏ sứ vụ linh mục. Bà ta có một danh sách dài hơn, trong đó có cả các linh mục đang thi hành mục vụ tại Buffalo. Nổi cộm nhất là trường hợp cha Arthur Smith, một linh mục đã bị vị tiền nhiệm của Đức Cha Malone treo chén nhưng lại được ngài cho hoạt động mục vụ trở lại.

Nếu những cáo buộc của bà Siobhan là đúng, Đức Cha Malone, năm nay 72 tuổi, có thể gặp rắc rối to với pháp luật.

Thông cáo báo chí của USCCB cho biết cuộc họp khoáng đại mùa thu của các Giám Mục Mỹ sẽ bắt đầu với một diễn từ của Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám Mục Galveston-Houston và là Chủ tịch USCCB.

Sau đó là diễn từ của Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, là Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre.

Sau khi nghe hai diễn từ này, các giám mục sẽ tĩnh tâm tại nhà nguyện ngay trong khuôn viên của địa điểm này trong suốt một ngày để suy tư và cầu nguyện. Ngày tĩnh tâm sẽ được kết thúc bằng một Thánh lễ vào tối thứ Hai 12/11.

Ngày thứ Ba, các giám mục sẽ thảo luận và bỏ phiếu về một loạt các biện pháp cụ thể để đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng, bao gồm cả các biện pháp được phê chuẩn trong chương trình nghị sự vào tháng 9 của Ủy ban Thường trực USCCB, chẳng hạn như cơ chế báo cáo của bên thứ ba gồm các đại diện giáo dân, tiêu chuẩn ứng xử của các giám mục và các quy định trong trường hợp các giám mục phải từ chức hoặc bị bãi nhiệm vì lạm dụng. Các giám mục cũng sẽ nghe các báo cáo từ Hội đồng Cố vấn Quốc gia và Hội đồng Xét duyệt Quốc gia.

Hội đồng cũng sẽ biểu quyết về thư mục vụ chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và cũng sẽ nghe một báo cáo về Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa 15 về những người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi. Cácngài cũng sẽ bỏ phiếu cho ngân sách năm 2019.

Các giám mục cũng sẽ bỏ phiếu bầu Thủ quỹ mới, và các chủ tịch mới cho các Ủy ban Giáo dục Công Giáo, Giáo sĩ, Đời sống thánh hiến, Phụng tự, Tư pháp quốc nội và phát triển nhân bản, Sự sống - hôn nhân - cuộc sống gia đình và thanh niên, và Ủy ban di cư.

Cũng sẽ có một cuộc bỏ phiếu theo thể thức giơ tay về án tuyên bậc Tôi Tớ Chúa cho nữ tu Thea Bowman, FSPA. Nữ tu Bowman sinh ngày 29/12/1937 và qua đời ngày 30/3/1990.


Source: USCCB U.S. Bishops To Meet Nov. 12-14 in Baltimore; Will Address Abuse Crisis and Action Items; Assembly to be Live Streamed, Live Tweeted, Carried Via Satellite
 
Lạ lùng: Nhà thờ tại Wakefield cháy ra tro nhưng bức ảnh Chúa vẫn còn nguyên vẹn
Đặng Tự Do
20:29 30/10/2018
Bản tin hôm 26/10 của Đài truyền hình Boston 25 News, một cơ quan truyền thông thế tục, cho biết nhà thờ Baptist đầu tiên ở Wakefield đã cháy thành tro bụi trong một đám cháy kinh hoàng phá hủy hoàn toàn cấu trúc đã có từ 150 năm nay.

Các nhân chứng nói với Boston 25 News rằng tối thứ Ba 23/10, sét đánh trúng vào ngọn tháp của nhà thờ khi thời tiết khắc nghiệt di chuyển qua khu vực này, gây ra một đám cháy kinh hoàng.

Các cư dân trong vùng đã bắt đầu thu dọn tàn dư của địa danh lịch sử này dưới cơn mưa tầm tã vào sáng thứ Tư.

Tòa nhà 150 năm tuổi này đã bị phá hủy hoàn toàn. Nhưng, mọi người kinh ngạc khi thấy rằng cho dù tất cả đã bị cháy thành tro thì một bức tranh treo ở lối ra vào phía trước nhà thờ gần như vẫn còn nguyên không bị ảnh hưởng gì.

Bức tranh vẽ Chúa Giêsu Kitô đã sống sót qua trận hỏa hoạn kinh hoàng như trong địa ngục vào đêm thứ Ba, và giờ đây được đưa về nhà của một giáo dân.

“Cá nhân tôi coi đó là một dấu chỉ nhắc nhở rằng Chúa Giêsu, Đức Kitô mà chúng ta tôn thờ vẫn hằng sống và mặc dù nhà thờ của chúng tôi đã biến mất, Hội thánh của chúng tôi vẫn còn đây và Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ vẫn còn ở đây”, Maria Kakalowski một giáo dân nói.

Theo thông tấn xã Catholic News Agency, năm ngoái, hai bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria ở Corpus Christi, Texas cũng sống sót trong một trận hỏa hoạn do cơn bão Harvey gây ra, mặc dù mọi thứ chung quanh đã cháy thành than.

Tháng Bảy năm nay, hai bức tượng Đức Trinh Nữ Maria khác cũng đã sống sót sau một trận hỏa hoạn tại Trường Trung Học Nữ Vương Các Thánh Thiên Thần ở Morton, Pennsylvania. Một trong hai bức tượng này cũng đã từng trải qua một trận hỏa hoạn trước đó.


Source: Boston 25 News A painting of Jesus was the only thing to survive a hellish inferno
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hòa Lan: Lễ Giỗ TT Ngô Đình Diệm Lần Thứ 55.
Trầm Hương Thơ
08:44 30/10/2018
Tiết trực tâm hư giữ nước non

Vị Quốc vong thân nghĩa vẹn tròn

Đời đời nhớ ơn Ngô Tổng Thống

Trọn đời hiến trọn tấm lòng son


Vâng! để ghi nhớ lại công ơn của ngài Ngô Tổng Thống, ngài đã dành trọn cả một đời cho Quê Hương và dân tộc, ngài đã hy sinh thân mình để giữ thủy chung với Quốc Tổ.

Ngài đã cho dân tộc Việt nam đến hơi thở cuối cùng.

- Hôm nay chúng con là những kẻ hậu bối tụ về đây theo lời mới gọi của Linh muc Phêrô Nguyễn Đức Minh để dâng thánh lễ cầu nguyện cho Quê Cha đất tổ đang bị đảng cộng sản vô thần cai trị một cách độc tài và dã man, đang bị đe dọa bởi ngoại xâm của giặc phương bắc và đặc biệt là để cùng nhau đốt nén hương lòng kính nhớ đến ngày giỗ lần thư 55 của ngài Ngô Tổng Thống.

Xem Hình

Hơn hai trăm người đến từ muôn nơi trên đất nước Hòa Lan này và một số đến từ các nước lân cận như Đức, Bỉ, Ý và cả từ Việt Nam nữa.

- Lời chào mừng của Linh mục Phêrô Minh trưởng ban tổ chức gửi đến tất cả mọi người có mặt hiện diện nơi đây. Chào mừng một linh mục đến từ Việt Nam, đặc biệt chào mừng Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Khải đến từ Rôma và vui mừng được ngài sẽ giảng lễ, đồng thời ngài cũng là thuyết trình viên chính của ngày lễ giỗ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm hôm nay.

Qủa thật không sai những gì Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Minh giới thiệu. Phần chia sẻ Lời Chúa hôm nay của Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải thật tuyệt vời! ngay từ giây phút đầu tiên ấy. Ngài đọc đoạn Phúc Âm của thánh Gioan (Ga 6,59) "Ai ăn thịt và uống máu Ta sẽ được sống đời đời".

Với niềm tin của người Kitô hữu thì Mình Máu Chúa trở nên lương thực thiêng liêng và là nguồn sống đời đời ai năng dọn tâm hồn, xưng tội rước lễ để kết hợp với Chúa thì người đó tươi đẹp hơn và dễ thương hơn, dễ thương từ tâm hồn cho đến thể xác.

Chúa Giêsu là người năng cầu nguyện, Ngài luôn dành thời gian để cầu nguyện dù có bận cách mấy đi chăng nữa. Ngày hôm nay chúng ta về đây để dâng lễ tưởng nhớ đến một Vị Tổng Thống đạo đức của chúng ta đó là cụ Ngô Đình Diệm. Tổng Thống là một người gương mẫu tuyệt vời! Ngài luôn bắt đầu một ngày mới bằng cách tham dự thánh lễ và cầu nguyện. Sau đó mới ăn sáng và làm việc hằng ngày đều như thế. Ngài là một môn đệ tuyệt vời của Chúa Giêsu và đã làm theo gương Chúa Giêsu.

"Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời." (Ga 12,25)

Lời nguyện Giáo dân:

- Cầu nguyện cho ĐGH. và cho Giáo Hội hoàn vũ.

- Cầu nguyện cho những người mù quáng theo chế độ vô thần cộng sản biết mở mắt ra để nhìn thấy quê hương đồng bao đang đau khổ, thấy đất tổ đang mất dần vào tay giặc, hãy tỉnh thức và hồi tâm lại mau kẻo trễ mà hối không kịp.

- Cầu cho những linh hồn tiền nhân đã ra đi trước chúng ta, đặc biệt cho linh hồn GB. Ngô Đình Diệm và những huynh đệ của ngài cùng tất cả những người đã hy sinh để bảo vệ đất tổ, những người nạn nhận của cộng sản v.v...

Của lễ con dâng là những từ những đôi bàn tay bé nhỏ của trẻ thơ, từ những đôi bàn tay chai cứng, từ những tấm lòng nhân ái vị tha, từ những tâm hồn khắc khoải lo âu cho vận mệnh quốc gia dân tộc Việt Nam, tất cả chúng con hiệp nguyện và thành tâm dâng lên Thiên Chúa, xin Ngài dũ lòng thương xót cúi xuống đoái nhìn, nhận lấy và cứu giúp dân tộc Việt Nam chúng con Amen.

Lời ca dâng hiến của ca đoàn tổng hợp cất lên thật nhịp nhàng và tuyệt diệu như những lời khẩn nguyện dâng lên Thiên Chúa. Nếu bảo rằng: "hát một câu bằng cầu ba kinh" thì ca đoàn hôm nay đã cầu nguyện nhiều lắm. Những bản thánh ca rất hay này chắc chắn luôn là những lời cầu nguyện đẹp nhất.

Đây là lần thứ ba tôi được tham dự thánh lễ nơi đây, thì tôi nhận thấy ngày một tốt đẹp hơn và có vẻ đông hơn, hy vọng tương lai sẽ có nhiều người đến tham dự ngày giỗ của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm hơn nữa. Cảm ơn các anh chị em trong ca đoàn tổng hợp và chị ca trưởng hôm nay tuyệt vời! và rất là dễ thương.

Thánh Lễ chấm dứt với phép lành của Thiên Chúa.

PHẦN II

- Phần hai là lễ tưởng niệm cố Tổng Thống GB. Ngô Đình Diệm .

- Tam Vị trưởng thượng được mời lên dâng hương kính bái trước bàn thờ Tổ Quốc.

- Kế tiếp là nghi thức rước di ảnh cố Tổng Thống lên trên đặt vào nơi trang trọng mà ban tổ chức đã sửa soạn sẵn.

Những ngọn nến thắp sáng như những nén hương lòng đốt lên trước di ảnh của ngài cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Những bài hát ý nghĩa như những lời kinh nguyện trầm cất lên khi mọi người tiến lên thắp nên cầu nguyện. Bầu không khí kinh thiêng như đang bao trùm lấy ngôi thánh đường này. Chắc chắn linh hồn của ngài Ngô Tổng Thống sẽ cầu bầu cho chúng ta và cho dân tộc Việt Nam mình mau thoát nạn cộng sản vô thần, được vẹn toàn lãnh thổ và độc lập chủ quyền đất nước.

- Tiếp theo là phần phát biểu cảm tưởng của 3 vị khách mời của Ban tổ chức. Phát biểu về những gì mà trong thời gian 9 năm ngài đã hy sinh xây dựng một nền độc lập tự do cho Miền Nam Việt Nam thành một quốc gia phồn thịnh và yên bình như thế.

Cả ba vị phát biểu cảm tưởng tóm gọn lại đều nói lên những công ơn và đức độ của ngài cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

- Trong một thời gian ngắn kỷ lục ngài Ngô Tổng Thống đã xây dựng miền nam Việt Nam ổn định cuộc sống cho người dân. - Giúp hơn 1 triệu đồng bào chạy trốn cộng sản di cư vào Miền nam, có nơi ăn chốn ở, có đất ruộng để trồng cấy, có lúa gạo hoa màu phát triển giàu lên mau chóng.

- Nay chúng ta là con dân Việt Nam tự do cũng nhờ công ơn của ngài Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tấm gương đẹp của Ngô Tổng Thống như thế. Vậy chúng ta phải làm gì cho quê hương, đất nước, dân tộc trong cơn nguy khốn như vầy??? Hãy hỏi chính lương tâm của chúng ta đi???

Chúng ta không thể ngồi yên đó để mong người khác làm thay cho mình tất cả mọi thứ. Chúng ta là con dân nước Việt đều phải có bổn phận với đất nước và dân tộc mình, phải bảo vệ Tổ Quốc. Người trong nước cũng như hải ngoại phải có bổn phận đứng lên đấu tranh đòi lại quyền làm người mà cộng sản vô thần đã cướp đi.

Phần cuối là của Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Khải chia sẻ và thuyết trình về con người và những việc làm của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Đúng là "danh bất hư truyền" Linh mục Phêrô biết rất nhiều về Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ngài nói thật hay mà không cần sách vở. Biết bao nhiêu những công ơn mà vị Tổng Thống đầu tiên của Việt Nam. Ngài cũng là người khai sinh ra một nền dân chủ và biến cả thành phố Sài Gòn thành "Hòn ngọc viễn đông" Những cái đó ngày nay đều chứng minh trong sử sách cả.

Trước khi chấm dứt trương trình cho ngày lễ Lm. Phêrô Nguyễn Đức Minh đã thay mặt Ban Tổ Chúa cảm ơn đến từng người và mời tất cả ở lại dùng bánh mì cà phê do Ban Tổ Chức phục vụ. Số tiền quyên trong thánh lễ hôm nay được hơn 900 Euro để lo cho việc trang trải tổ chức cho ngày lễ giỗ này.

Sau khi dùng bánh trái thức ăn nhẹ và cà phê tôi lên đường trở về Đức hẹn gặp nhau vào ngày 05.11. 2019.

Trầm Hương Thơ

28.10.2018
 
Hội nghị thường niên Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình thuộc HĐGMVN
Gioan Lê Quang Vinh
18:55 30/10/2018
Vào trưa ngày 29 tháng 10 năm 2018, Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã khai mạc Hội Nghị Thường Niên do Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Thư Ký Ủy Ban, chủ tọa, với sự hiện hiện của 41 linh mục trưởng phó ban Gia Đình các giáo phận và một số giáo dân trong Ủy Ban MVGĐ.

Trong ngày đầu tiên, sau phần cầu nguyện khai mạc, Hội nghị chào đón Cha Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh Văn Phòng kiêm Quản Lý Văn Phòng HĐGMVN. Ngay sau đó, Đức Cha Louis tuyên bố lý do và trình bày nội dung chính của Hội Nghị.

Xem Hình

Mở đầu cho hai ngày Hội nghị, Cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ đã trình bày về việc phân định trong Tông Huấn Amoris Laetitia của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Cha Augustinô phân tích cặn kẽ những nét chính yếu trong Tông huấn để mọi người có thể hiểu cặn kẽ điều mà Đức Thánh Cha muốn truyền dạy.

Sau đó Đức Cha Louis đã thông tin đôi nét về Hội Nghị Thường Niên lần 2/2018 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Ngài cũng phân tích Thư Chung của HĐGM để tham dự viên hiểu sâu hơn.

Phần tiếp theo cũng quan trọng đối với Hội nghị. Hai Cha Giuse Hoàng Ngọc Dũng và Giuse Nguyễn Quang Tuyến trình bày về chuyến đi tham dự Đại Hội Gia Đình Thế Giới 2018 ở Dublin, Ireland. Những thông tin ngắn gọn nhưng đầy đủ và cảm nhận thực tế của hai Cha đã giúp tham dự viên có cái nhìn toàn cảnh về một biến cố quan trọng trong Giáo Hội trong năm qua.

Buổi sáng ngày làm việc thứ hai, Hội nghị cũng bàn vềlược đồ hướng dẫn mục vụ Hôn nhân Gia đình. Các linh mục và giáo dân phân tích cặn kẽ bản phác thảo lược đồ, đồng thời trình bày những khía cạnh sáng chói cũng như những mặt còn phủ bóng tối trong đời sống gia đình hiện nay. Tham dự viên đưa ra các kinh nghiệm thực tế về mục vụ gia đình ở các giáo phận, nêu lên những khó khăn, đặt vấn đề thiết thực về đời sống hôn nhân gia đình để Ủy Ban MVGĐ có hướng dẫn thích hợp.

Đức Cha Louis nhấn mạnh bản lược đồ sẽ theo phương pháp: Xem – Xét – Làm. Ngài cùng đề cập đến công cuộc giáo dục, không chỉ là giáo dục con cái trong gia đình, mà còn cần giáo lý cho gia đình.

Sau các ý kiến sôi nổi và tích cực của quý Cha và anh chị em giáo dân, hy vọng Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình có cơ sở tham chiếu để đưa ra bản lược đồ hướng dẫn đời sống hôn nhân gia đình, đáp ứng các nhu cầu của gia đình trong Giáo Hội tại Việt Nam.

Hội nghị kết thúc với Thánh Lễ tạ ơn do Đức Cha Louis chủ tế cùng với gần 40 Cha đồng tế tại nguyện đường Văn Phòng HĐGMVN. Đức Cha Louis và các tham dự viên chia tay nhau trong niềm hy vọng sớm có bản lược đồ hoàn chỉnh hướng dẫn cho dân Chúa tại Việt Nam trong đời sống hôn nhân gia đình.

Gioan Lê Quang Vinh, Ban Thư Ký UBMVGĐ
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nên Thánh, niềm hy vọng của Kitô hữu
Hà Minh Thảo
18:19 30/10/2018
NÊN THÁNH, NIỀM HY VỌNG CỦA KITÔ HỮU

Ðang tiến bước đến tháng 11/2018, chúng ta suy nghĩ về các ngày 01, 02 và 24 tháng này để tưởng nhớ Quê hương, Giáo hội và hiệp thông cầu nguyện cho Dân tộc Việt Nam.

I.- LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ.

Giáo Hội Công Giáo dành ngày 01 tháng 11 hằng năm để Kính Trọng thể tất cả các Thánh Nam Nữ (từ các Thánh Anh Hài, ‘người trộm lành cùng bị đóng đinh với Chúa’, … đến những người công chính vừa được gọi ra khỏi thế gian).

A. Sự Thánh Thiện trong Giáo hội Ðức Kitô.

Trong Chương V Hiến chế ‘Ánh sáng muôn dân’ (Lumen Gentium) có tựa đề ‘Lời Kêu Gọi Mọi Người Nên Thánh Trong Giáo hội’, các Nghị phụ tham dự Công đồng Vaticanô II xác tín Giáo hội có tính cách thánh thiện. Thật vậy, Ðức Kitô Con Thiên Chúa, Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, được ca tụng là ‘Đấng thánh duy nhất’, đã yêu dấu Giáo hội như hiền thê mình và đã hiến thân để thánh hóa Giáo hội (x. Eph 5,25-26). Vì thế, tất cả mọi người trong Giáo hội đều được kêu gọi Nên Thánh : ‘Vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa’ (1Th 4,3; x. Eph 1,4); sự thánh thiện này của Giáo hội luôn được và phải được biểu lộ qua những hoa trái ân sủng mà Thánh Thần đã kết sinh nơi các tín hữu; sự thánh thiện ấy được diễn tả dưới nhiều hình thức nơi tất cả những ai đang cố đạt tới Đức Ái trọn hảo trong bậc sống của mình trong khi xây dựng kẻ khác. Đặc biệt hơn, sự thánh thiện đó tỏ lộ trong việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm. Nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, nhiều Kitô hữu thực hành các lời khuyên ấy với tư cách cá nhân hoặc trong những lối sống hay bậc sống đã được Giáo hội công nhận; việc thực hành đó mang lại và phải mang lại cho thế giới một bằng chứng và một mẫu gương rạng ngời về sự thánh thiện của Giáo hội.

1. Nên Thánh là tham dự vào đời sống thần linh Thiên Chúa.

Từ gần 2000 năm nay, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thế làm người và chết trên thập tự giá để cứu chuộc chúng ta. Vì yêu thương, Đức Kitô tự ý đến với con người, gần gũi họ và ngỏ lời với họ, để họ có thể gặp gỡ, nhận biết và yêu mến Người, trở nên con cái Thiên Chúa mà được sống đời đời. ‘Sự sống đời đời đó là nhận biết Cha. Thiên Chúa duy nhất và chân thật và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô’ (Ga 17,3). Tuy nhiên, để việc cứu chuộc được thực hiện, Thiên Chúa cần sự cộng tác của từng người chúng ta. Nhờ một dịp nào đó, chúng ta bắt đầu nhận biết ‘Thiên Chúa ẩn mình’ (Is 45,15), rồi tìm hiểu nhiều hơn Đạo Công Giáo qua việc học biết Giáo lý và, sau cùng, hoàn toàn tự do đáp lời tham gia tiến trình cứu chuộc khi lãnh nhận phép Thánh Tẩy, bí tích Đức Tin, để thực sự trở nên Kitô hữu, con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên Thánh, tức vào nước Thiên đàng.

Như vậy, mặc khải là hành động yêu thương của Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người, để chúng ta tự do đón nhận và hiệp thông với Thiên Chúa, để được cứu độ. Sự thánh thiện này là ơn Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Chúa Giêsu theo ý định: « Vì sự an bài (của Người) cho muôn thời được viên mãn, là thâu họp vạn vật dưới một đầu mối trong Đức Kitô, vật ở trời cao, vật ở nơi dương thế. » (Ep 1,10) Vì thế, Chúa Giêsu là tác giả, là Đấng hoàn thành sự thánh thiện trong Giáo hội (Ánh sáng muôn dân số 40). Chính Người đã lấy Máu Thánh mà chuộc tội cho chúng ta và ban Thánh Thần cho chúng ta.

2. Mọi người được kêu gọi sống thánh thiện.

Chúa Giêsu, Thầy dạy và Mẫu mực của mọi sự trọn lành, đã giảng dạy cho chúng ta, bất luận ở hoàn cảnh nào, một đời sống thánh thiện mà chính Người vừa là Đấng ban phát vừa là Đấng hoàn tất: ‘Vậy các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời’ (Mt 5,48). Bởi vậy, Người đã sai Thánh Thần đến với mọi người, để từ bên trong Ngài thôi thúc họ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức họ (x. Mc 12,30), và yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương họ (x. Gio 13,34; 15,12). Được Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giêsu, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của Ngài, các Kitô hữu được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở Nên Thánh. Cho nên với ơn Chúa họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận, sống ‘xứng đáng như những vị Thánh’ (Eph 5,3). Nhưng vì chúng ta ai cũng có nhiều lầm lỗi (x. Giac 3,2), nên chúng ta luôn cần đến lòng nhân từ của Thiên Chúa và hằng ngày phải cầu nguyện ‘xin Chúa tha nợ chúng tôi’ (Mt 6,12).

3. Nhiều hình thức thực hành sự thánh thiện duy nhất.

Chúng ta được Thánh Thần Chúa hướng dẫn, nghe theo tiếng gọi của Chúa Cha, thờ phượng Người trong tinh thần và chân lý, noi gương Chúa Kitô nghèo khó, khiêm nhường và vác thập giá để xứng đáng dự phần vào vinh quang Người; tất cả những người ấy đều theo đuổi cùng một sự thánh thiện tuy lối sống và nhiệm vụ của họ có khác nhau, cho nên mỗi người, tùy theo ân sủng và nhiệm vụ mình, phải nhất quyết tiến bước bằng con đường Đức Tin sống động. Đức Tin khơi động Đức Cậy và hoạt động nhờ Đức Ái.

Có nhiều cách thực hành các lời khuyên trong Phúc Âm và những lời khuyên đó không phải chỉ dành cho giáo sĩ, tu sĩ. Nhưng, người giáo dân cũng được mời gọi bằng những cách thế riêng để Nên Thánh. Vợ chồng, người góa, người độc thân, người lao động, người đau ốm, tất cả đều có thể Nên Thánh theo hoàn cảnh và bậc sống của riêng mình. Do đó, Giáo hội được trau dồi bằng những vẻ đẹp muôn mầu muôn sắc. Mẫu mực thánh thiện chỉ có một, nhưng cách ‘họa lại’ mẫu mực ấy thì ‘thiên hình vạn trạng’.

4. Đường lối và phương tiện Nên Thánh.

‘Thiên Chúa là tình yêu, ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa sống trong người ấy’ (1Gio 4,16), Thiên Chúa đã đổ tràn Đức Ái Ngài trong tâm hồn chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần Ngài đã ban cho chúng ta (x. Rm 5,5); cho nên ơn huệ thứ nhất và cần thiết nhất là bác ái. Đức Ái làm cho chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân vì Ngài. Nhưng để đức ái, tựa hạt giống tốt, lớn lên trong tâm hồn và kết sinh hoa trái, mỗi một tín hữu phải sẵn lòng lo lắng nghe Lời Chúa, và với ơn Ngài thực hành thánh ý Ngài; phải năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, năng tham dự vào các nghi lễ phụng vụ, chuyên cần cầu nguyện, từ bỏ mình, nhiệt thành phục vụ anh em và chuyên cần luyện tập các nhân đức.

Thật vậy, Đức Ái là mối dây liên kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật (x. Col 3,14; Rm 13,10), nên đức ái chi phối mọi phương thế Nên Thánh, làm cho chúng hình thành và đạt được cùng đích. Vì thế, đức ái đối với Thiên Chúa và tha nhân là dấu chỉ người môn đệ chân chính Đức Kitô.

Việc noi theo và làm chứng Đức Ái cùng sự khiêm hạ của Đức Kitô cần được các Kitô hữu thực hiện không ngừng; nên Giáo hội là Mẹ chúng ta vui mừng khi thấy trong lòng mình có nhiều con cái nam nữ muốn theo sát gương Đấng Cứu Thế. Vì thế, mọi Kitô hữu đều được kêu mời và có bổn phận Nên Thánh và nên trọn lành theo bậc sống mình.

B. Giáo hội Khải hoàn.

Khi chúng ta rời cỏi đời nầy, linh hồn lìa khỏi xác, đến trước tòa Thiên Chúa để được phán xét riêng, chiếu theo cuộc sống của mình hướng về Chúa Kitô, để hoặc sẽ trải qua một sự thanh luyện, hoặc lập tức bước vào hưởng hạnh phúc trên trời, hoặc lập tức bị án phạt muôn đời. (x. Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, số 1022). Được hưởng hạnh phúc trên trời, được chiêm ngưỡng Nhan Thánh Chúa nơi Thiên đàng, chúng ta đã đạt được mục đích Nên Thánh.

Trong những người Nên Thánh, Giáo hội chọn phong Chân Phước (hay Á Thánh, được tôn kính trong nước) rồi phong Thánh (hay Hiển Thánh được tôn kính khắp thế giới) cho những Kitô hữu đã có một đời sống đặc biệt đồng dạng Thầy Chí Thánh, Đức Kitô, và đã được Giáo hội điều tra qua một thủ tục khắt khe và một thời gian điều tra vô tư, với các nhân chứng và phép lạ mà, nhờ sự can thiệp của các Vị đó, Thiên Chúa đã ban cho tha nhân.

Hiện nay, Giáo Hội Công Giáo có khoảng 4.300 Chân phước và 2.200 Thánh đã được tuyên phong từ năm 1588 khi Đức Giáo Hoàng Sixte-Quint thành lập Thánh Bộ Nghi Lễ, nay đã đổi tên : Thánh Bộ Phong Thánh. Ngày nay, đời sống các Thánh và Chân Phước trở thành những gương sáng cho chúng ta noi theo để đáp lời Thiên Chúa mời gọi Nên Thánh như ý nguyện của chúng ta khi lãnh Bí tích Rửa Tội. Việt Nam hiện đang có 117 Thánh Tử Đạo, được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong ngày 19.06.1988 tại Rôma và Chân Phước Anrê Phú Yên cũng do Người phong, ngày 05.03.2000, tại Rôma. Ngoài ra, cuộc điều tra tuyên Thánh cho Thầy Marcel Nguyễn Tân Văn (từ năm 1997), và cho Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp (2012). Tiến trình Phong Thánh cho Ðức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận đã được mở ra ngày 16.09.2007 bởi Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Tổng Giáo phận Rôma, Quỹ Thánh Matthêu tưởng niệm Ðức Hồng Y, Hội Quan sát Quốc tế Văn Thuận về Đạo lý xã hội Công Giáo và Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Rôma. Ngày 04.05.2017, Ðức Thánh Cha Phanxicô cho phép Ðức Hồng Y P.X. Nguyễn Văn Thuận được mang danh xưng ‘Đấng Đáng Kính’, trước khi được phong Á Thánh.

Với chừng ấy số Chân Phước và Thánh, trong gần 2000 năm qua, đã tốn bao nhiêu công và của, thì kết quả Chương trình ‘Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại’ thật là quá ít, nếu không muốn nói là thất bại.

Xin đừng bi quan. Cùng nhau, chúng ta hãy mở Sách Lễ ngày mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ, Thánh Gioan viết trong sách Khải huyền: « tôi đã thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên ». Đoạn Sách Thánh nầy xác nhận số người lên Thiên đàng là hằng hằng lớp lớp. Chính vì thế Giáo hội đã dành ngày Lễ Kính Trọng thể tất cả các Thánh Nam Nữ. Trong đó, phải kể đến các tiền nhân chúng ta trong các Gíáo xứ trong nước và các Cộng đoàn hải ngoại, ông bà trong gia đình chúng ta đã được Chúa gọi về Nhà Cha. Đó là những linh hồn những vị đã được Rửa tội và có đời sống phù hợp Tin Mừng Đức Kitô và Giáo lý dạy để đáp lời mời Nên Thánh của Thiên Chúa.

Vì thế, tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Đức Ái. Ngay trong xã hội trần thế sự thánh thiện này cũng giúp người ta sống nhân đạo hơn. Để đạt được sự trọn lành đó, tín hữu phải xử dụng những sức lực mà Chúa Kitô đã ban nhiều ít tùy ý Người để trở nên giống Người khi theo vết chân Người, và khi thực hành thánh ý Chúa Cha trong tất cả mọi sự, họ sẽ hết lòng tìm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân. Như thế, sự thánh thiện của Dân Thiên Chúa sẽ sinh hoa trái dồi dào, như lịch sử Giáo hội đã từng minh chứng rõ ràng qua đời sống của bao vị Thánh.

C. Một trường hợp Nên Thánh.

Ngày 16.09.2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói ‘Một người Công Giáo tốt là người biết tham gia vào chính trị’ và ‘Những vị cầm quyền ‘phải yêu thương người dân của họ’ bởi vì ‘một lãnh đạo mà không yêu thương dân thì chẳng thể nào cầm quyền được’. Để chuẩn bị sứ vụ đó, ngay thời niên thiếu, ông Ngô Ðình Diệm đã nhận ảnh hưởng sâu đậm từ nền giáo dục Nho giáo và Kitô giáo. Thật vậy, chính Nho giáo đã giúp ông thành một con người thanh liêm, tiết tháo và cương trực và giáo dục Kitô giáo đã đào tạo ông thành một con người đầy lòng bác ái, vị tha và công chính.

Quốc trưởng Bảo Đại viết trong Hồi ký ‘Le Dragon d’Annam’ (Con Rồng Việt Nam, tên xưa) : « Ngày 18.06.1954, khi hội nghị Genève đang tiếp diễn, với viễn ảnh đen tối, nếu không nói là tuyệt vọng, cho tôi và phe quốc gia. Một lần nữa, tôi tìm đến ‘người mà tôi tin cẩn’. Tôi cho vời Ngô Đình Diệm và bảo : « Cứ mỗi khi tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối. Nay tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị chia cắt làm đôi. Ông cần phải lãnh đạo chính phủ ».

– Thưa Hoàng thượng, không thể được ạ. Ông ta đáp. Tôi xin trình Ngài là sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã quyết định. Tôi định đi tu…

– Tôi kính trọng ý định của ông. Nhưng hiện nay tôi kêu gọi đến lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ chối trách nhiệm của mình. Sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy.

Sau một hồi yên lặng cuối cùng ông ta đáp:

–Thưa Hoàng thượng, trong trường hợp đó, tôi xin nhận sứ mạng mà Ngài trao phó.

Cầm lấy tay ông ta, tôi kéo sang một phòng bên cạnh, trong đó có cây thánh giá. Trước thánh giá tôi bảo ông ta:

– Đây Chúa của ông đây, ông hãy thề trước chân dung Chúa là giữ vững đất nước mà người ta đã trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ nó để chống lại bọn Cộng sản, và nếu cần, chống luôn cả người Pháp nữa.

Ông ta đứng yên lặng một lúc lâu, rồi nhìn tôi, sau nhìn lên Thánh giá, ông nói với giọng nghẹn ngào:

–Tôi xin thề ».

Quốc trưởng Bảo Đại đã trao cho ông Diệm toàn quyền dân sự và quân sự để đối phó với tình hình cực kỳ khó khăn lúc ấy vì Người biết ông Diệm xuất thân từ một gia đình Công Giáo đạo đức và yêu nước mà thân phụ ông, Tổng quan Ngô đình Khả, được Vua Thành Thái giao việc tổ chức Trường Quốc học với chức Trưởng giáo.

Trong Phúc âm ngày Lễ các Thánh Nam Nữ, Thánh sử Matthêu đã tường thuật việc Chúa Giêsu giảng ‘Tám Mối Phúc Thật’, tức bài giảng Trên Núi, gồm có tinh thần nghèo khó, hiền lành, đau khổ, đói khát điều công chính, hay thương xót người, lòng trong sạch, ăn ở thuận hòa, bách hại vì lẽ công chính và ‘Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác.’ Ðức Kitô khẳng định : ‘Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời’. Đó là những chỉ dẩn mà Đức Kitô đề nghị chúng ta thực hành hay phải gánh nhận để Nên Thánh mà mình có tự do hoàn toàn để chấp nhận hay từ chối. Khi giảng bài này, Người đã dùng cho mỗi mối phúc với một câu văn ‘điều kiện cách’ để diễn tả, gồm hai vế: một về điều kiện: ‘Ai xây dựng hòa bình’ và một về thành quả : ‘Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’. Các mối phúc chỉ là những khích lệ về mặt luân lý trong thời điểm thực hiện, nhưng thành quả thường là những phần thưởng hạnh phúc tinh thần trong tương lai. Phúc lành mà các mối phúc nói đến việc viên mãn của một lời hứa dành cho tất cả những ai để cho mình được hướng dẫn bởi những đòi hỏi của Chân lý, Công bình và Bác ái.

Ý thức những điều đó, ngay từ khi nhậm chức, dù vừa phải chống giặc trong (các giáo phái võ trang, cộng phỉ) và đối phó với ngoại nhân (Pháp, Mỹ), Thủ tướng (rồi Tổng thống) Ngô Đình Diệm đã cấp tốc xây dựng một nền Giáo dục nhân bản, dân tộc, và khai phóng giúp phát triển toàn diện cá nhân và tinh thần quốc gia. Đồng thời, chánh phủ tiêu diệt các tệ đoan cờ bạc, mãi dâm, hút á phiện để lành mạnh hóa xã hội. Chỉ trong thời gian hai năm cầm quyền, Tổng thống Ngô Đình Diệm vừa thu hồi chủ quyền quốc gia từ tay người Pháp, độc lập và hòa bình cho Dân tộc, kinh tế tự túc và phát triển. Năn 1963, nếu ‘bọn thực dân Mỹ ở Tòa Bạch ốc’ nghe lời Người đừng gởi quân sang Việt Nam thì Hoa kỳ đã không phải hy sinh 58.000 quân nhân.

Đức Kitô là Đấng Chân Thật, Người hứa ‘Phúc cho ai xây dựng hòa bình’ thì ‘Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’, nên người giáo dân Công Giáo tốt Ngô Đình Diệm đã ‘xây dựng hòa bình’ qua việc tham gia vào chính trị xứng đáng ‘được gọi là con Thiên Chúa’. Do đó, ngày 02.11.1963, trước khi chấm dứt cuộc lữ thứ trần gian, ông Ngô Đình Diệm, sau khi gặp Linh mục (là Đức Kitô thứ hai) để lãnh nhận những Bí tích cuối cùng và Của Ăn đi đường, xứng đáng được Ơn Chết Lành hầu Linh hồn Gioan Baotixita Nên Thánh được Ngôi Hai Thiên Chúa đón vào Thiên Đàng.

Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người và Người giao cho con người cai quản vũ trụ để làm nơi sinh sống. Vâng lệnh Thiên Chúa và thương đồng bào đi tìm Tự do từ miền Bắc, chính phủ ông Diệm cung cấp phương tiện cơ giới để người di cư khai khẩn rừng hoang hầu xây cất nhà ở và được cấp quyền sở hữu (nhớ rằng : đây là ‘quyền sở hữu người dân’ chớ không là ‘quyền sở hữu toàn dân’). Sự thành công mỹ mãn của Tổng thống Ngô Đình Diệm là nhờ sự phù trợ của Thánh Odilon, Bổn mạng những người tị nạn, mà vị sáng lập nền Cộng hòa Việt Nam đã chọn cho mình khi tuyên khấn trong bậc oblat tại Ðan viện dòng Biển Đức Saint–André de Bruges (Vương quốc Bỉ) ngày 01.01.1954. Ngoài ra, Thánh Odilon còn là vị Linh mục, từ năm 998, đã bắt đầu cử hành Thánh Lễ Cầu cho các Linh hồn vào ngày 2 tháng 11 mỗi năm cũng chính là ngày ông Diệm qua đời năm 1963. Hôm đó, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã bị kẻ sát nhân giết chết trong khi thi hành nhiệm vụ dân cử giống như, ngày 26.07.2016, Linh mục Jacques Hamel bị kẻ khủng bố cắt cổ chết khi đang thi hành sứ vụ thừa tác trong Nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray (Pháp).

II. NGÀY 02 THÁNG 11 LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN.

Giáo hội dành ngày 2 tháng 11 hàng năm để tưởng nhớ đặc biệt đến các tín hữu đã qua đời, và dành trọn cả tháng Mười Một để cầu cho các linh hồn còn ở luyện nơi luyện hình (Giáo hội đau khổ) vì ‘Nên Thánh’ chưa đủ để vào Nước Trời, nhưng chắc chắn sẽ lên Thiên đàng sau đó.

Nhờ mầu nhiệm Các Thánh Thông Công, chúng ta, những Kitô hữu đang sống ở trần gian (Giáo hội chiến đấu, nhưng chỉ chiến đấu với ‘chính mình’!) có bổn phận cầu nguyện, làm việc lành để nhường cho các linh hồn này. Các linh hồn đó có thể là thân nhân, bè bạn hay ân nhân chúng ta. Hãy nhớ: ‘Nay người, mai ta’. Đó là quy luật muôn đời bất biến! Lòng Chúa Thương Xót hoạt động tích cực. Các linh hồn luyện hình cần người khác giúp đỡ để được giảm án hay phóng thích và Thiên Chúa mong mỏi ban phát Ơn Cứu Độ, như Ngài đã mạc khải cho thánh Faustina: ‘Cha khao khát cứu các linh hồn’.

III. LỄ CHƯ THÁNH TỬ ÐẠO TẠI VIỆT NAM NGÀY 24.11.2018.

Cách đây hơn 30 năm, ngày 19.06.1988, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên Hiển Thánh cho 117 vị Tử Ðạo. Giáo Hội Công Giáo Toàn cầu chọn ngày 24 tháng 11 hàng năm để mừng kính ‘Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn Việt Nam, Tử Ðạo’ tại Việt Nam vì là ngày Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 đã thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam ngày 24.11.1960.

Theo Lịch sử Công Giáo Việt Nam, ước tính có đến hàng trăm ngàn người đã tử đạo để làm chứng cho đức tin Kitô giáo vào thế kỷ 18 và 19. Trong số đó, có 117 vị đã được phong Hiển Thánh còn có Anrê Phú Yên được phong Á Thánh ngày 05.03.2000.

Từ năm 1857 đến 1862, có khoảng 5.000 Kitô hữu bị giết, khoảng 40.000 giáo dân cùng 215 giáo sĩ và tu sĩ nam nữ đã bị bắt, bỏ tù hay lưu đày vì đạo. Số 117 vị, tử đạo từ 1745 đến 1862, được Giáo Hội Công Giáo tôn vinh Chân phước qua bốn đợt:

- Ngày 27.05.1900 : 64 vị bởi Ðức Thánh Cha Lêô XIII ;

- Ngày 20.05.1906 : 8 vị bởi Thánh Giáo hoàng Piô X) :

- Ngày 02.05.1909 : 20 vị bởi Thánh Giáo hoàng Piô X ;

- Ngày 29.04.1951 : 25 vị bởi Ðấng Ðáng Kính Giáo hoàng Piô XII).

A./ Tín hữu Công Giáo tốt cũng là công dân tốt.

Ðó là lời Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã nói với các Giám mục Việt Nam ngày 27.06.2009, nhân dịp Ad Limina. Tuy nhiên, Người đã nhắc như vậy trong khung cảnh ‘cuộc sống dựa trên bác ái, lương thiện, yêu chuộng công ích’. Thế mà, người cộng sản ‘chóp bu’ lợi dụng lời khuyên đó để giải thích ‘công dân tốt’ phải là người lúc nào cũng tuân theo luật lệ do Quốc hội ‘đảng cử dân bầu’ làm ra. Bởi thế, ngày 22.03.2014, việt cộng Nguyễn Sinh Hùng đã nói với Ðức Thánh Cha Phanxicô : « mong muốn, với uy tín, vị thế của mình, Đức Giáo hoàng tiếp tục quan tâm, huấn dụ chỉ dẫn Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tiếp tục thực hiện đường hướng ‘Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc’, ‘người Công Giáo tốt cũng là người công dân tốt’, phát huy những mặt tích cực của Giáo Hội Công Giáo, đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước Việt Nam ». Thật hỗn láo !

Vậy các Thánh Tử đạo tại Việt Nam có phải là những ‘người Công Giáo tốt’ hay không khi quý Vị này không phải là ‘người công dân tốt’ vì đã không tuân theo các luật bắt đạo dã man, dù phải can đảm chấp nhận cái chết những hình phạt thật đau đớn ?

Cũng thế, ngày nay, có những Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân đang cùng đồng bào Việt Nam đối phó với bọn cầm quyền vi phạm cả Hiến pháp lẫn Luật lệ để đe dọa và trấn áp người dân Việt, nạn nhân thảm họa môi trường do công ty Formosa sả thải hóa chất độc hại vào nước sông và biển.

B./ Trách nhiệm chúng ta.

1. Kitô hữu sống đạo trong nước.

Đồng bào hãy khẩn cầu Mẹ Maria, Nữ vương các Thánh Tử đạo, và Chư Thánh Tử đạo tại Quê hương để, nhờ sự can thiệp của Chư Vị, Thiên Chúa nhậm lời hầu nhà nước cộng sản, dù đã cướp chính quyền, cũng phải biết bảo vệ chủ quyền Quốc gia và đem An bình đến cho Toàn dân Việt.

2. Kitô hữu sống đạo tại các quốc gia tạm dung.

Tại các nước này, Thánh Lễ mừng kính Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn Việt Nam, Tử Ðạo cử hành trọng thể bằng tiếng Việt (tòng nhân với các sách phụng vụ do Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn) và, do đó, có thể được dời vào ngày Chúa Nhật thường vào Tháng 11, nhưng tránh Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Vua (năm nay vào ngày 25.11.2018, Chúa Nhật cuối năm Phụng vụ C). Thánh Lễ này cử hành bằng tiếng địa phương (tòng thổ) và chỉ ở bậc ‘lễ nhớ’ vào đúng ngày 24 tháng 11 hàng năm. Tại Hoa kỳ, nhiều Giáo xứ tòng nhân cử hành trọng thể Lễ này vào ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) là ngày nghỉ toàn Hoa kỳ.

Việc hình thành các Giáo xứ hay Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam để cử hành bằng tiếng Việt định kỳ là một đặc ân do Ðức Giám mục Giáo phận ban cho. Mục đích để chúng ta thấm nhuần phụng vụ, văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam.

Nhân Lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam trong Năm kỷ niệm 30 năm Ngày Phong Thánh, những Kitô hữu ở xa Quê hương được mời hiệp dâng Thánh Lễ trọng thể tiếng Việt để cầu nguyện cho Ðất Nước được trường tồn, Dân tộc được Bình an, tránh thực phẩm độc và, cuối cùng, cho người cộng sản biết sống ‘tử tế’.

Hà Minh Thảo

 
Lương tâm và trách nhiệm của người Kitô hữu trước tình hình nguy kịch của đất nước hiện nay.
Hồn Việt
18:31 30/10/2018
Bất kỳ ai quan tâm đến tình hình chính trị xã hội của đất nước, điều ý thức rõ ràng về tình hình nguy kịch mà đất nước chúng ta đang trải qua. Và bất kỳ ai có lòng yêu nước đều cảm thấy ăn không ngon, ngủ không yên, băn khoăn, trăn trở, loay hoay tự hỏi xem mình có thể làm gì cho đất nước, huống hồ là những Kitô hữu.

Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta thường tự hỏi xem mình được phép làm gì với tư cách vừa là công dân của nước VN và vừa là công dân của Nước Trời.

Có lẽ ta sẽ bớt băn khoăn khi ta ta dựa vào Lời Chúa truyền dạy sau có tính hướng dẫn, làm kim chỉ nam cho mọi hoat động trần thế của ta:

“Hãy trả cho Xêda điều gì thuộc về Xêda, và trả về cho Thiên Chúa điều gì thuộc về Người.”(Mc 12, 17). Nghĩa là ta vừa phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của một công dân, trong đó có nghĩa vụ quân sự hay cứu nước khi cần, nhưng đồng thời vẫn phải chu toàn bổn phận của một công dân Nước Trời. Thật ra,hai điều này theo đúng nghĩa không có gì đối nghịch nhau, nhưng nó sẽ đối nghịch nhau khi chính quyền không còn phải chính quyền mà là tà quyền, nghĩa là nó không đại diện cho dân cho nước mà cho một phe phái, một đảng phái hay cá nhân nào đó, đi nguợc lai thậm chí chà đạp trắng trợn quyền công dân như chính quyền chuyên chếcộng sản. Ta cần phải phân biệt giữa nghĩa vụ đối với tổ quốc theo nghĩa thiêng liêng, không bao giờ thay đổi, mang tính trường tồn, với nghĩa vụ theo nghĩa tương đối của một công dân dưới một chế độ, nhà nước cụ thể, vì bản thân chế độ, nhà nước có thể thay đổi.

Giáo Hội, tuy không phải là một tổ chức chính trị nhưng vẫn luôn và phải “làm chính trị”, chỉ có điều là không giống như các chính khách chính trị gia, nghĩa là không nhân danh bất cứ đảng phái nào, tổ chức chính quyền dân sự nào, cũng không vì bất kỳ quyền lợi của cá nhân, phe nhóm, hay đảng phái nào mà nhân danh Tin Mừng Sự thật, vì quyền lợi của toàn thể nhân loại, nhằm bênh vực sự thật, công lý và nhân quyền, chống lại bất kỳ đảng phải nào, chính quyền độc tài chuyên chế nào, bất luận là quân chủ, tư bản, phát xít, hay cộng sản nếu chúng chống lại loài người, chà đạp nhân phẩm và nhân quyền. Điều được thể hiện rõ ràng nhất từ thời ĐGH Leo XIII với Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự), khai sinh một nền học thuyết xã hội của GHCG. Tiếc thay, trong lịch sử của GHCG, đặc biệt từ thời phong kiến cho đến nay, xét về mặt cơ chế phẩm trật, các thành phần lãnh đạo GH, đa số thường không đứng về phía người dân thấp cổ bé miệng, hoặc nếu có thì cũng chỉ trên những tuyên bố ngoài môi miệng, mà hầu hết đứng về phía chính quyền, hay giai cấp thống trị, hoặc ít ra, hưởng thụ chia sẻ những đặc quyền, đặc lợi, hoặc tệ hơn thỏa hiệp với nhà cầm quyền, làm ngơ trước những bất công mà chính nhà cầm quyền gây ra giống tựa như Lời Chúa nói: “Dân này chỉ thờ ta ngoài môi miệng..”(Mt 15,8)hoặc “Các kinh sư và các người Pharisiêu ngồi trên tòa ông Maisen mà giảng dạy. Vậy những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng làm theo hành động của họ, vì họ nói mà không làm.”(Mt 23, 2-3)

Ta có thể nói mà không sợ sai lầm rằng hầu hết mọi cuộc chia rẽ trong Kitô giới, thậm chí chủ nghĩa cộng sản đều là con đẻ của GH, được hiểu ở đây là thành phần lãnh đạo GH. Nếu không có những thành phần lãnh đạo GH tha hóa, tham quyền trục lợi, buôn thần bán thánh thì đã không có các cuộc cải cách với Luther, Calvin, nhưng tu sĩ đạo đức nhiệt thành có thể nói bị ép vào cái thế phải đi đến mức cắt đứt, đoạn tuyệt với GHCG. Nếu thành phần lãnh đạo GH thời Karl Marx không xa hoa, ăn trên ngồi trước, không khuyên nhủ người dân phải chịu đựng bất công, đứng về phía dân chúng bị áp bức bóc lột trong chủ nghĩa tư bản thời bấy giờ, thì đã chẳng có một Karl Marx, vốn là một tín hữu Tin lành mến mộ Đức Giêsu, phải đi đến mức từ bỏ GHKTG, và từ đó nặn ra cái gọi là chủ nghĩa cộng sản gây ra sự chết chóc của hàng trăm triệu người, với biết bao thảm họa về vật chất, tinh thần và luân lý, hủy hoại văn minh nhân loại…

Vẫn biết sứ mệnh của GH không phải là thay đổi, hay lật đổ chính quyền hiện hành, mà là thay đổi, canh tân bộ mặt thế giới với sứ điệp của Tin Mừng, Nhưng đó không phải là một cái cớ để tránh nhập cuộc!Hơn nữa, nếu không xóa bỏđược cơ chế tội lỗi,thì làm thế nào hoàn thành sứ mạng vô cùng lớn lao canh tân bộ mặt thế giới được? Làm chuyện nhỏ mà còn chưa xong, thì lấy đâu mà đòi làm chuyện lớn chứ! Yêu một con người cụ thể không nổi, thì đừng nói đến chuyện yêu mọi người. Canh tân thay đổi bản thân mình, gia đình mình, cộng đoàn giáo xứ của mình còn làm không xong huống gì nói đến chuyện thay đổi cả một cộng động quốc gia, hay nhân loại.

Đúng là mục tiêu hành động của Giáo hội không nhắm đến việc thay đổi chính quyền hay chế độ. Nhưng ta cần phải phân biệt giữa mục tiêu tối hậu lâu dài và các mục tiêu nhỏ hướng đến, và phục vụ cho mục tiêu lớn hơn, mục tiêu tối hậu.

Ai cũng biết lời khuyên căn bản trong tòa cáo giải để lãnh nhận ơn tha tội là phải loại trừ các dịp tội. Chỉ là cái dịp tội thôi mà còn phải loại trừ thì huống hồ chi là cái cội rễ tội lỗi, cái cơ chế phát sinh tội lỗi được đề cập rõ ràng trong Học thuyết XHCG. Dù GH không nhằm mục têu thay đổi chính quyền, nhưng GH có nhiệm vụ góp phần loại trừ một cơ chế một khi xác định rõ ràng nó chính là cội rễ của tội lỗi, cách riêng trong đất nước VN, cái cơ chế tội lỗi ngự trị, hoành hành trên đất nước VN từ năm 1945 ở miền Bắc,và từ năm 1975 ở miền Nam cho đến nay, điều mà trở nên ngày càng rõ rệt như ban ngày vì những người cầm quyền đại diện cho cái cơ chế này đã hiện nguyên hình là những con người hại dân hại nước, cướp bóc,vơ vét, thậm chí còn toan tính bán nước nữa với những gì họ đã làm cho đến nay, điều mà một người dân tầm thường ít học nhất cũng có thể nhận ra huống chi là các bậc chủ chăn.

Một trong những điều không tưởng mà chúng ta cần phải tránh, đó là nghĩ mình có thể đối thoại với ma quỷ, hoán cải ma quỷ, điều mà ngay cả Đức Giêsu cũng không bao giờ làm. Ngài chỉ đến để xua trừ mà quỷ chứ không bao giờ đối thoại với chúng. Thái độ của Đức Giêsu như thế nào thì hơn ai hết các chủ chăn đã thấy rõ. Người đến thế gian để kiến tạo sự hiệp nhất giữa con nguời với nhau và với Thiên Chúa, đã bị phá vỡ do tội tội. Chính vì thế Người có thái độ không khoan nhượng với tội lỗi, tuy Người tỏ ra cảm thông với người tội lỗi. Nhưng đối với những thành phần lãnh đạo tôn giáo hay dân sự đạo đức giả, ăn trên ngồi trước, làm những điều đồi bại, hay bất chính, thì Người điểm mặt, kêu đích danh, mạnh mẽ phê bình, lên án, thậm chí mắng nhiếc… Hoặc việc Người thể hiện sự bất bình trước bất công: Người cầm roi đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ.

Những kẻ lãnh đạo tà quyền và bạo quyền, cho dù không phải là hiện thân của ma quỷ thì ít ra cũng là nô lệ cho ma qủy, thử hỏi chúng ta đã làm gì để giải thoát họ khỏi làm tôi cho ma quỷ? Đó là chưa nói có những nhà cầm quyền đã bán linh hôn cho ma quỷ, chẳng khác nào là hiện thân của ma quỷ với những gì họ đang làm cho đến nay.

Hãy khôn ngoan cẩn thận, coi chừng chẳng những chúng ta không lôi kéo được họ về với Chúa, về đường công chính, mà còn để bản thân mình bị lôi kéo, xa dần dần đến độ quên đi chính căn tính của mình.

Điều quan trong là chúng ta cần phải quy chiếu vào Đức Giêsu Kitô, vào thái độ của Người, vào lời dạy của Người, vào giáo huấn của GH, đặc biệt Học thuyết xã hội của GHCG, mà chúng ta cần phải học tập, phổ biết và đưa vào thực hànhđặc biệt trong tình hình cấp bách của đất nước ta hiện nay.

Học thuyết xã hội của GHCG luôn lên án bất kỳ hình thức chuyên chế độc tài, phát xít, dù phát sinh từ chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa cộng sản, và luôn luôn lên tiếng bênh vực, bảo vệ sự thật, công bình, lẽ phải, nhân phẩm và nhân quyền, những quyền lợi chính đáng của con người, đặc biệt những người thấp cổ bé miệng bị bóc lột áp bức, chà đạp một cách bất công.

Trong Thông điệp Quadragesimo anno (1931), Đức Giáo Hoàng Piô XI tố cáo những khuôn khổ kinh tế đã dẫn tới sự suy sụp và đã gây ra những xúc phạm trầm trọng phẩm giá con người.Ngài tuyên bố: “Điều mà ngày nay đập vào mắt người ta, không phải chỉ là sự tập trung của cải, mà còn là sự tích luỹ một quyền lực khổng lồ, một quyền lực kinh tế tuỳ tiện, trong tay một thiểu số người, thường lại không phải là chủ sở hữu, mà chỉ là những người được ủy quyền và những người quản lý vốn liếng mà họ quản trị một cách tùy tiện.”.ĐGH Piô XI phê bình mạnh mẽ các lý thuyết tổ chức xã hội gắn liền với chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh và chỉ trích không kém mạnh mẽ những xu hướng theo chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội cũng đã rời xa con đường tôn trọng con người và ngài đã đặc biệt bác bỏ đấu tranh giai cấp và sự xóa bỏ quyền tư hữu. Chính con người, nhân vị, mới là thước đo của mọi tổ chức đời sống xã hội.“Con người, với tư cách nhân vị, có những quyền thừa hưởng từ Thiên Chúa và, đối với tập thể, phải luôn đứng ngoài mọi xâm phạm nhằm từ chối, loại bỏ hay lờ đi các quyền đó.”.Ngài cũng đả kích chủ nghĩa cộng sản vô thần của chế độ Xô Viết: “Chủ nghĩa cộng sản thực chất là đồi bại, và người ta không thể công nhận trên bất cứ địa hạt nào sự hợp tác với nó từ bất cứ ai muốn cứu lấy nền văn minh Kitô giáo”.Sự bảo vệ mạnh mẽ nhân vị con người trước các chủ nghĩa độc tài chính trị đủ loại, nơi ngài, kèm theo một tổng hợp các đề nghị trên mặt kinh tế và xã hội.Sự thay đổi có ý nghĩa nhất trong tông huấn của ngàihệ tại trong sự phát triển ý niệm “công bằng xã hội”, “như một quan điểm then chốt của tư tưởng xã hội của Giáo Hội”.Ý niệm công bình xã hội xét tới sự kiện phẩm giá con người là một trách nhiệm xã hội chứ không chỉ là một chuyện thuần túy riêng tư.

Đến thời ĐGH Piô XII (1939-1958), ngài mở rộng sự tôn trọng các quyền ra lãnh vực chính trị và bắt đầu một giáo huấn Giáo Hội tích cực về dân chủ. Đối mặt với các quốc gia độc tài của thời đó, ngài tìm cách soạn thảo một triết học về quyền công dân và công nhận giá trị các quyền tự do hiện đại (tự do phát biểu, báo chí, hội họp..). Đức Piô XII nhấn mạnh đến trách nhiệm của các công dân trong một xã hội tôn trọng tự do của họ. Như thế, ngài đã đặt ra những cấu trúc pháp lý và luật định có một nền móng tinh thần mà quốc gia có nhiệm vụ phải bảo vệ “Bảo vệ lãnh vực bất khả xâm phạm của các quyền con người và tạo dễ dãi cho sự hoàn thành các nghĩa vụ của con người, phải là vai trò cốt yếu của mọi công quyền.”

Đến thời ĐGH Gioan XXIII, vớiTông thư Hòa bình trên trái đất (Pacem in Terris), ngàituyên bố rằng phẩm giá của con người là nguồn cội nền tảng cho những quyền lợi và trách nhiệm cùng tồn tại (8-34) và như thế nó quy định tương quan giữa công dân và nhà chức trách (35-66) khi phân tích hiến pháp thành lập một nhà nước dân chủ và cộng hòa (67-79).Ngài tuyên bố rằng phẩm giá con người là nền tảng cho sự đồng hiện diện công bằng, và lôgic hiện đại về quyền con người mà không có tính cá nhân chỉ là một sự ngụy biện vô lý. Ngài là người đánh dấu khúc quanh quyết định trong việc tái công nhận ý niệm nhân quyềnNhiều nhà bình luận đã gọi nó là “Hiến Chương Kitô giáo về Nhân Quyền”, “Bản tuyên ngôn mang tính có hệ thống nhất trong các tuyên bố giáo hoàng hiện đại về các vấn đề xã hội và chính trị”.

Về phần mình, Công Đồng Vatican II tuyên bố rằng: “Con người có quyền tự do tôn giáo.Quyền tự do này có nghĩa con người phải thoát ra tất cả những khống chế đến từ nhiều người cũng như những nhóm xã hội và từ bất cứ quyền lực con người nào, để làm sao về mặt tôn giáo, không có ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm hay bị ngăn cản hành động, trong những giới hạn chính đáng, tùy theo lương tâm mình, riêng tư cũng như công cộng, đơn độc hay hợp tác với những người khác”.Ngoài ra, Công Đồng còn tuyên bố rằng: “Quyền tự do tôn giáo có nền móng trong chính phẩm giá của con người, giống như Lời của Thiên Chúa và chính cả lý trí đã tỏ ra cho biết.Quyền tự do tôn giáo này của con người trong trật tự pháp lý của xã hội phải được công nhận sao cho nó trở thành môt quyền dân sự”.Chức năng của các chính phủ là can thiệp để đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của công dân được tôn trọng trong một trật tự xã hội hài hòa.

Trong triều đại của mình, Thánh GH Gioan Phaolô II.ngoài việc lên tiếng phản đối chiến tranh và kêu gọi hòa bình, ngài còn phản đối chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, mọi chế độ chuyên chế độc tài, chủ nghĩa duy vật... Ngài được các chuyên gia phân tích chính trị thế giới nhìn nhận là một trong những nguồn lực, nhân tố chính yếuchính yếu dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan và Đông Âu.Ông Mazowiecki đã là Thủ tướng Cộng Hòa Ba Lan từ ngày 24 tháng 8 năm 1989 tới ngày 31 tháng 12 năm 1989. Sau khi chế độ cộng sản cáo chung, ông đã tiếp tục chức vụ Thủ tướng cho tới ngày 12 tháng giêng năm 1991. ông luôn luôn khẳng định xác tín sau:“Chính Đức Gioan Phaolô II đã tái trao ban cho tín hữu Ba Lan lòng can đam lên tiếng trong cuộc sống công cộng, bằng cách làm chứng cho thiên tài của Kitô giáo”. Vào tháng 6 năm 1979 Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm quê hương Ba Lan lần đầu tiên. Đó đã là một chuyến công du chiến thắng với hàng triệu người quây quần chung quanh Đức Gioan Phaolô đến để loan báo sự thật của Chúa Kitô về con người. Tôi cũng đã có mặt tại quảng trường Chiến Thắng trong thủ đô Varsava ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, khi Đức Gioan Phaolô II lớn tiếng khẩn nài Chúa Thánh Thần biến đổi trái đất, và người nói thêm biến đổi ”vùng đất này” khiến cho tín hữu đã nồng nhiệt vỗ tay hoan hô người rất lâu.Trước khi người trở về Roma, ông đã có dịp nói chuyện với người. Đức Gioan Phaolô II nói: “Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra sau chuyến viếng thăm này của tôi tại Ba Lan”. Ông nghĩ tới các lời này sau đó, khi các công nhân xưởng đóng tầu Gdanz biểu tình đình công, và điều đầu tiên các công nhân biểu tình làm đó là treo hình Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trên cổng vào xưởng đóng tầu.Theo ông, Đức Gioan Phaolô II đã là một trong số ít người xác tín rằng chế độ cộng sản sẽ bị đánh bại. Cái khôn khéo lớn của ngài là đã duy trì đường lối chính trị cởi mở đối với các nước cộng sản Đông Âu, nhưng đưa nó vào trong một chiều kích rộng lớn hơn, và các tác nhân đối thoại không còn phải chỉ là các chính quyền nữa, mà là các dân tộc.

Có lẽ chính vì lý do trên mà, người VN nói chung và và người CGVN nói riêng đừng bao giờ mong chính quyền CSVN chính thức lên tiếng mời ĐGH Phanxicô đến thăm VN, vì họ rất sợ chuyện xảy ra trước đây ở Ba Lan sẽ xảy ra với VN, cho dù ĐGH Phanxicô hiện thời nói chung hiền hơn nhiều đối với CS so với Thánh GH Gioan Phaolô II, đã từng sống và nếm mùi CS. Nhưng phòng xa vẫn tốt hơn !

Vậy GHCGVN cần phải làm gì để thể hiện tinh thần của Học thuyết XHCG, để tiếp nối sự nghiệp chính trị vị nhân sinh nhân danh Tin mừng Sự thật của các Đức Giáo Hoàng nói trên trong tình hình cấp bách hiện nay của đất nước?Lương tâm và trách nhiệm của KTH đòi hỏi chúng ta khi cần, phải lên tiếng mạnh mẽ phản đối những chính sách hại dân hại nước, nhưng quan trọng hơn nữa, và trên hết cái cơ chế tội lỗi gây ra biết bao nhiêu nhầy nhụa ung nhọt cho đất nước và người dân, mà chính những người Công Giáo, ngay cả tu sĩ và giáo sĩ cũng là nạn nhân, cũng nhưhiệp thông, bênh vực những con người thậm chí những chị em phụ nữ chân yếu tay mềm đấu tranh, cho công lý, nhân quyền, dân chủ tự do, trong đó có tự do tôn giáo đã và đang bị đàn áp, vùi dập thay vì giữ thái độ im lặng.

Thiết nghĩ ngày nay, người giáo dân không còn phải là một bầy cừu ngây ngô cần phải trông chừng, hay có thể ngoan ngoãn vâng lời, hay nói sao nghe vậy như thời truớc cộng đồng Vatican II nữa đâu. Giờ đây, họ có đủ nhận thức và được thông tin

Ước mong những người Kitô hữu chúng ta không bị sa vào cám dỗ đặc quyền, đặc lợi của bọn tà quyền, không để mình bị lợi dụng, hay ngoan ngoãn và hững hờ trước sự lộng hành của bọn tà quyền phi nhân, vô nhân và vô liêm sĩ. Bằngkhông,thì thật đáng thương thay cho toàn dân Việt, không chỉ cho dăm bảy triệu người Công Giáo, mà còn đến hơn chín mươi triệu người Việt nam đang nuôi dưỡng hy vọng vào sức mạnh biến đổi xã hội và thế giới của Đức tin Kitô giáocó thể làm nên phép lạ thay đổi thảm trạng xã hội, đất nước đang rơi vào hố diệt vong, thậm chí hiểm họa mất nước. Sở dĩ tại VN, công cuộc truyền giáo và làm chứng cho Tin Mừng vẫn mãi trì trệ, dẫm chân tại chỗ chính là vì người KTH và người Công Giáo VN nói riêng chưa bao giờ chứng tỏ cho đồng bào mình thấy được sức mạnh, quyền năng biến đổi của Tin Mừng không chỉ đối với từng cá nhân riêng lẽ mà còn đối với cả xã hội, cụ thể là đối với thảm trạng hiện nay của đất nước.

Hồn Việt
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Thầy phó tế và các thừa tác viên ngoại thường đều có thể cho tín hữu rước Máu Thánh.
Nguyễn Trọng Đa
08:47 30/10/2018
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thầy phó tế là thừa tác viên của Chén thánh trong Thánh lễ. Khi có các thửa tác viên ngoại thường cho Rước lễ phục vụ tại một Thánh Lễ, mà trong đó có việc rước lễ dưới hai hình, liệu thầy phó tế vẫn cho người ta rước Máu Thánh, trong khi các thừa tác viên kia cho rước Mình Thánh, đúng không? Hay là thầy phó tế cho rước Mình Thánh còn các thừa tác viên kia cho rước Máu Thánh chăng? Hay là ai thực sự phụ trách việc cho rước hình nào không, thưa cha? - J. S., Mastic Beach, New York, Hoa Kỳ.


Đáp: Các quy định liên quan đến điều bạn hỏi được tìm thấy trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM):

“161. Nếu chỉ cho rước lễ dưới hình bánh, vị tư tế đưa Mình Thánh lên cao một chút trước mặt mỗi người và nói: "Corpus Christi, Mình Thánh Chúa Kitô". Người rước lễ thưa "Amen", rồi rước lễ, bằng miệng, hoặc, nơi nào cho phép, bằng tay. Sau khi nhận lấy bánh thánh, người rước lễ rước hết ngay.

“Về việc rước lễ dưới hai hình, thì giữ nghi thức mô tả dưới đây (x. các số 284-287).

“180. Ðến vinh tụng ca kết thúc kinh Tạ Ơn, thầy phó tế đứng cạnh vị tư tế, nâng chén thánh lên, đang khi vị tư tế nâng đĩa có Mình Thánh, cho đến khi giáo dân đã tung hô: "Amen".

“182. Sau khi vị tư tế rước lễ, thầy phó tế rước lễ dưới hai hình từ tay ngài, rồi giúp ngài cho giáo dân rước lễ. Nếu giáo dân rước lễ dưới hai hình, chính thầy cầm chén cho rước Máu Thánh, rồi liền đó thầy kính cẩn rước hết tại bàn thờ Máu Thánh còn lại, nều cần có thể nhờ các phó tế khác và linh mục giúp đỡ.

“286. Nếu rước Máu Thánh bằng cách uống chén thánh, người rước lễ sau khi đã chịu Mình Thánh, đi sang thừa tác viên cầm chén và đứng trước mặt. Thừa tác viên nói: “Sanguis Christi, Máu Thánh Chúa Kitô"? người rước đáp: "Amen", và thừa tác viên đưa chén, người rước cầm chén bằng hai tay đưa lên miệng. Người rước uống một chút, trả lại chén cho thừa tác viên rồi lui gót; thừa tác viên dùng khăn lau miệng chén.

“287. Nếu rước chén thánh bằng cách chấm, người rước cầm đĩa dưới miệng, tiến đến vị tư tế cầm chén thánh, và bên cạnh ngài có thừa tác viên cầm bình Mình Thánh. Vị tư tế lấy bánh thánh, nhúng một phần vào chén, rồi đưa cho vừa nói: "Corpus et Sanguis Christi, Mình và Máu Chúa Kitô", người rước nhận lấy bằng miệng, rồi lui gót” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Các quy định trên còn được bổ sung với “Norms for the Distribution and Reception of Holy Communion under Both Kinds in the Dioceses of the United States of America, Các quy định cho rước lễ dưới hai hình trong các Giáo phận Hoa Kỳ”.

“39. Mọi người rước lễ theo cách thức được mô tả bởi Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), cho dù là các linh mục đồng tế (xem GIRM, số 159, 242, 243, 246), thầy phó tế (xem GIRM, số 182, 244, 246) hoặc các thửa tác viên ngoại thường cho Rước lễ (xem GIRM, số 284). Phó tế và các thửa tác viên ngoại thường không bao giờ rước lễ theo cách thức của các linh mục đồng tế. Việc thực hành của các thửa tác viên ngoại thường là sẽ rước lễ, sau khi đã cho các người khác rước lễ, là không phù hợp với luật phụng vụ.

“40. Sau khi tất cả các thửa tác viên Thánh Thể rước Lễ, Giám mục hoặc linh mục chủ tế kính cẩn trao Mình Thánh hoặc Máu thánh cho các Phó tế hoặc các thửa tác viên ngoại thường, và các vị này sẽ cho tín hữu rước lễ. Phó tế có thể giúp linh mục trong việc trao Bình Thánh hoặc Bình Máu Thánh cho các thửa tác viên ngoại thường cho rước lễ”.

Các quy định này phản ánh vai trò truyền thống của thầy phó tế như là thừa tác viên của chén thánh, mặc dù vai trò này đã bị xóa bỏ thật sự trong nhiều thế kỷ, mà trong đó việc cho rước lễ dưới hai hình là không tồn tại trong thực hành.

Chúng ta cũng phải chú ý rằng, trong khi các văn kiện như Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma là thực sự luật phụng vụ, chúng thường mang tính mô tả hơn là tính quy định.

Điều này có nghĩa rằng chúng điều chỉnh cách thức một buổi cử hành được thực hiện trong các hoàn cảnh bình thường, nhưng chúng không cố gắng tiên liệu và xác định tất cả các biến thể có thể có, trong mọi trường hợp.

Như vậy, trong trường hợp trên, luật mô tả vai trò bình thường của thầy phó tế, nhưng không xem xét nhu cầu có các thửa tác viên ngoại thường. Điều này có tính hợp lý của nó, bởi vì nếu các quy định đề ra những gì phải làm trong mỗi trường hợp, khi các các thửa tác viên ngoại thường có mặt, thì một cách nào đó, các vị này không còn là ngoại thường nữa.

Như Huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí tích Cứu Độ) nhắc nhở chúng ta:

“[156] Chức vụ này phải được hiểu, theo nghĩa hẹp của nó, có tên gọi là “thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ”, chứ không phải “thừa tác viên đặc biệt cho rước lễ”, cũng không phải là “thừa tác viên ngoại thường của Thánh Thể”, hoặc là “thừa tác viên đặc biệt của Thánh Thể”. Quả nhiên, các tên gọi đó có tác dụng nới rộng nghĩa của chức vụ đó, một cách vừa không đúng phép vừa không thích hợp” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Do đó, ngôn ngữ của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, mặc dù nó nhắc lại mối quan hệ đặc biệt của thầy phó tế với thừa tác của chén thánh, không giới hạn thầy vào thừa tác này. Khi hoàn cảnh đòi hỏi, thầy phó tế, như là một thửa tác viên bình thường cho rước lễ, có thể cho rước lễ cả hai hình.

Có một số trường hợp, khi thầy phó tế là thửa tác viên thật sự của chén thánh, chẳng hạn như khi Giám mục cho rước lễ dưới hai hình bằng cách chấm. Điều này là bởi vì đây là một phần thừa tác của thầy: là cùng đi với Giám mục và trợ giúp ngài. (Zenit.org 30-10-2018)

Nguyễn Trọng Đa
 
Xây Dựng Nền Văn Minh Tình Thương: Tấm Bảng Chỉ Đường
Đan Quang Tâm
19:10 30/10/2018
Người Kitô hữu biết rằng có thể tìm thấy trong học thuyết xã hội của Giáo Hội những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ dẫn để hành động là điểm khởi đầu để thăng tiến một nền nhân bản toàn diện và liên đới. Bởi thế, việc phổ biến học thuyết này là một ưu tiên mục vụ đích thực, để mọi người nhờ học thuyết này soi sáng sẽ có thể giải thích các thực trạng hiện nay và tìm ra những con đường hành động thích hợp: “Giảng dạy và phổ biến học thuyết xã hội là một phần trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội” (Tómlược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, 7)

Thư Mục vụ 2016 của Hội đồng Giám mục Việt Nam (Thư Mục vụ) viết: “Để xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống, người Công Giáo có tấm bảng chỉ đường cụ thể là Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Đây là tài liệu đúc kết và hệ thống hóa những chỉ dẫn của Giáo Hội, nhằm đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập các lãnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta không thể Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội mà lại không biết gì về Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Vì thế, anh em linh mục đang phục vụ tại các giáo xứ hãy tạo điều kiện cho mọi thành phần dân Chúa được tiếp cận, học hỏi, thảo luận và giúp nhau sống những giáo huấn này” (4).

Để “tạo điều kiện cho mọi thành phần dân Chúa được tiếp cận, học hỏi, thảo luận và giúp nhau sống những giáo huấn này”, tiên vàn các “linh mục đang phục vụ tại các giáo xứ” phải nắm vững “tấm bảng chỉ đường” vì “không ai có thể cho điều mà mình không có” (Nemo dat quod non habet).

Một trong những “tài liệu đúc kết và hệ thống hóa những chỉ dẫn của Giáo Hội, nhằm đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập các lãnh vực của đời sống xã hội” là tài liệu Hướng dẫn Nghiên cứu và Giảng dạy Học thuyết Xã hội của Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục (viết tắt Tài liệu Hướng dẫn) do Bộ Giáo dục Công Giáo biên soạn xong năm 1988 và phổ biến ngày 27.6.1989.

Trong lời nói đầu, Tài liệu Hướng dẫn giải thích rằng hai thuật ngữ “học thuyết xã hội” và “giáo huấn xã hội” đều có thể dùng thay thế lẫn nhau mặc dù thừa nhận “học thuyết” nhấn mạnh khía cạnh thần học còn “giáo huấn” nhấn mạnh khía cạnh lịch sử và thực tiễn, nhưng cả hai đều là một (Tài liệu Hướng dẫn, 1). Bản dịch tiếng Hán quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội (viết tắt “Tóm lược Học thuyết”) thì không phân biệt như thế trong dịch thuật: “học thuyết xã hội” (social doctrine) hay “giáo huấn xã hội” (social teaching) đều dịch là “xã hội huấn đạo”[1] (社會訓導), tuy nhiên có vẻ thiên về thuật ngữ thứ hai hơn vì “huấn đạo” nghĩa là “dạy bảo” (“huấn” là “dạy”, đạo” là “chỉ bảo”).

Tài liệu Hướng dẫn gồm sáu chương và hai phụ lục. Chương đầu bàn về bản chất của học thuyết xã hội của Giáo Hội. Chương hai nói về “chiều kích lịch sử”, nghĩa là sự phát triển của học thuyết xã hội trong Giáo Hội. Chương ba đến Chương năm giải thích định nghĩa ba mặt về nội dung của giáo huấn xã hội do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phát biểu và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường lặp lại: i) các nguyên tắc bền vững, ii) các tiêu chuẩn phán đoán và iii) các chỉ dẫn hành động và đây cũng là nội dung chính của bài này. Chương sáu đề cập đến việc đào tạo ứng sinh cho chức linh mục về môn học giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Phụ lục một là một “Chỉ mục các Đề tài có thể hữu ích trong việc giảng dạy học thuyết xã hội của Giáo Hội trong các Chủng viện”, tức là một chương trình giảng dạy đề nghị với các giáo sư, có thể thích nghi theo nhu cầu cụ thể. Phụ lục hai gổm những bản văn trích dẫn từ các văn kiện của các giáo hoàng được nhắc đến trong cước chú.

Ở đây xin được bàn một chút về chương trình giảng dạy giáo huấn xã hội. Cha Phan Tấn Thành đối chiếu các đề tài do Bộ Giáo dục Công Giáo đề nghị trong Tài liệu Hướng dẫn và thực tế Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình đã đưa ra như sau[2]:

Danh mục các đề tài trong Tài liệu Hướng dẫn gồm:

1/ Gia đình, 2/ Kinh tế, 3/ Tư hữu, 4/ Lao động, 5/ Doanh nghiệp, 6/ Chính trị (Nhà nước), 7/ Văn hóa, 8/ Khoa học và kỹ thuật, 9/ Cộng đồng Quốc tế, 10/ Môi sinh, 11/ Thế giới thứ ba.

Sau phần tổng quát (4 chương đầu), sách Tóm lược Học thuyết trình bày các đề tài chuyên biệt:

1/ Gia đình (chương 5), 2/ Lao động (chương 6), 3/ Kinh tế (chương 7), 4/ Cộng đồng chính trị (chương 8), 5/ Cộng đồng quốc tế (chương 9), 6/ Môi sinh (chương 10), 7/ Hòa bình (chương 11).

Cha nhận xét: “Chúng ta có thể nhận thấy sách TLHT liệt kê gia đình vào số những đề tài của GHXH (nhiều tác giả không đả động đến vấn đề này); đối lại, xem ra đề tài văn hóa, truyền thông xã hội đã không được nhấn mạnh, đó là chưa nói tới các đề tài: nghèo đói, thi đua vũ trang…”

“DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN”

Chương đầu, nói về bản chất học thuyết xã hội của Giáo Hội, nhấn mạnh học thuyết vừa có tính bền vững, bất biến vì dựa trên Tin Mừng, dựa trên Lời Chúa bất biến và các nguyên tắc đạo đức rút ra từ Lời Chúa, vừa có tính thay đổi vì “phát triển cùng với những hoàn cảnh đổi thay của lịch sử và chủ yếu hướng tới ‘hành động hay thực hành Kitô giáo’” (Tài liệu Hướng dẫn, 3).

“Học thuyết xã hội luôn cần phải được cập nhật hóa và có khả năng đáp ứng những tình huống mới của thế giới và lịch sử. […] Ngày nay, “vấn đề xã hội” không còn giới hạn theo những vùng địa lý riêng, nhưng mang tầm vóc toàn cầu, và bao gồm rất nhiều mặt, kể cả chính trị, liên quan tới tương quan giữa các giai cấp và tới việc xã hội đã và đang chuyển mình” (Tài liệu Hướng dẫn, 11).

“Trong sự phát triển học thuyết xã hội, điều quan trọng cần nhấn mạnh là tuy vẫn luôn là một ‘bộ sưu tập’ (corpus) giáo huấn vốn rất chặt chẽ, học thuyết này không tự bó mình trong một hệ thống khép kín, trái lại luôn bén nhạy trước tiến hóa của tình thế và tỏ ra có khả năng đáp ứng tương xứng những vấn đề mới, với cách thức mới, mà những vấn đề được đặt ra. Có được như thế là nhờ biết khách quan xem xét các văn kiện của các triều Giáo hoàng từ Đức Lêô XIII đến Đức Gioan Phaolô II, và điều đó càng rõ nét kể từ Công đồng Vatican II trở đi” (Tài liệu Hướng dẫn, 11).

Sách Tóm lược Học thuyếtthì viết thế này: “Các cộng đồng Kitô hữu sẽ có thể tìm sự hỗ trợ trong tài liệu này để phân tích các hoàn cảnh một cách khách quan, làm rõ các tình huống đó dưới ánh sáng những lời bất biến của Tin Mừng” (11).

“[Tin Mừng của Chúa] là phần cốt lõi nền tảng và thường xuyên của học thuyết xã hội của Giáo Hội, nhờ đó, học thuyết trải qua dòng lịch sử mà vẫn không bị lịch sử chi phối hay có nguy cơ phai nhạt dần” (85).

Nói tóm lại, học thuyết xã hội giúp người môn đệ Chúa “dĩ bất biến” – lấy ánh sáng bất biến của Lời Chúa soi chiếu vào hoàn cảnh lịch sử luôn thay đổi – để “ứng vạn biến” – tìm ra các ứng phó với mọi sự thay đổi, đổi thay, thiên biến vạn hóa trong dòng đời.

NHỮNG NGUYÊN TẮC SUY TƯ

Chương ba của Tài liệu Hướng dẫn bàn về “‘những nguyên tắc bền vững’ và ‘những giá trị nền tảng’ không bao giờ được bỏ qua trong khi giảng dạy học thuyết xã hội của Giáo hội” (29).

“Những nguyên tắc suy tư” được cả đức Phaolô VI và đức Gioan Phaolô II nhắc đến (Tông thư Bát thập niên, 4; Thông điệp Quan tâm tới những Vấn đề Xã hội, 8,41), xem đó là là một trong ba thành tố của giáo huấn xã hội.

“Những nguyên tắc suy tư của học thuyết xã hội của Giáo hội, với tính cách là những luật điều chỉnh đời sống xã hội, không độc lập với sự nhìn nhận thật sự những giá trị cơ bản gắn liền với phẩm giá con người. Các giá trị này chủ yếu là: chân lý, tự do, công bình, liên đới, hòa bình, bác ái hay tình thương Kitô giáo” (Tài liệu Hướng dẫn, 43).

Những nguyên tắc này không được rút ra từ một văn kiện duy nhất nào, mà từ toàn bộ các văn kiện mang tính huấn quyền của Giáo Hội. Tài liệu Hướng dẫn viết: “Trong số những nguyên tắc này, những nguyên tắc về nhân vị, công ích, liên đới và tham gia được xem là nền tảng. Còn những nguyên tắc khác thì gắn chặtvà phát xuất từ những nguyên tắc này” (Tài liệu Hướng dẫn, 30).

Sách Tóm lược Học thuyết xem ra có vài điểm chỉnh sửa Tài liệu Hướng dẫn về phần các nguyên tắc[3]:

Bốn nguyên tắc chính các học thuyết xã hội là 1/ Nhân phẩm; 2/ Công ích; 3/ Bổ trợ và 4/ Liên đới còn hai nguyên tắc phụ là “mục tiêu phổ thông của mọi tài sản” hệ luận rút ra từ nguyên tắc “công ích” và “tham gia” là hệ luận từ nguyên tắc “bổ trợ”.

Còn Tài liệu Hướng dẫn thì xếp thứ tự các nguyên tắc như sau: Nhân vị (31), Công ích (37), Liên đới và Bổ trợ (38), Tham gia (40), Mục tiêu phổ quát của các tài nguyên (42).

NHỮNG TIÊU CHUẨN PHÁN ĐOÁN

“Học thuyết xã hội của Giáo Hội có mục đích thông truyền kiến thức không chỉ có tính lý thuyết mà còn thực tế và có khả năng hướng dẫn hoạt động mục vụ. Chính vì thế mà ngoài những nguyên tắc bền vững để suy tư, Giáo Hội còn cống hiến những tiêu chuẩn để đánh giá tình hình, các cơ cấu và thể chế tổ chức đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và công nghệcũng nhưchính các hệ thống xã hội nữa. […]

“Để có khả năng nhận định một cách đúng đắn về phương diện này, Giáo Hội phải hiểu biết hoàn cảnh lịch sử của địa phương, của quốc gia cũng như quốc tế, hiểu biết bản sắc văn hóa của từng cộng đồng và từng dân tộc. Cho dù dùng hết mọi phương tiện khoa học để hiểu biết thực tại xã hội, chắc chắn là Giáo Hội phải quy chiếu chủ yếu về những giá trị căn bản để có được “những chuẩn mực phán đoán”rất chính xác cho việc biện phân theo tinh thần Kitô giáo. Những chuẩn mực này, theo các tuyên bố chính thức, được bao gồm trong học thuyết xã hội, là không thể thay thế được và vì thế phải làm cho mọi người hiểu biết và đánh giá cao trong việc giảng dạy tại các Chủng viện và các Phân khoa Thần học” (Tài liệu Hướng dẫn, 47).

Tài liệu Hướng dẫn kể ra một số ví dụ về các phán đoán thực tiễn của các văn kiện mang tính huấn quyền: “Rerum Novarum nói đến những nguyên nhân gây bất ổn cho công nhân và xét đến cái “ách” do “một thiểu số những kẻ rất giàu” áp đặt lên họ; Quadragesimo Anno nhận định rằng tình trạng xã hội thời đó thiên về bạo động và các cuộc đấu tranh; Công đồng Vatican II mô tả các tình trạng bất quân bình trong thế giới ngày nay và kết luận bằng cách khẳng định rằng các tình trạng đó dẫn đến sự mất lòng tin, xung đột và thảm họa chống lại con người;Populorum Progressio không ngại tuyên bố về tình trạng bất công giữa các nước đã phát triển và các nước đang phát triển;Laborem Exercens nói rằng hiện nay vẫn còn những hệ thống ý thức hệ khác nhau là nguyên nhân gây nên các tình trạng bất công hiển nhiên;Sollicitudo Rei Socialis phê phán việc phân chia thế giới thành hai khối (Đông-Tây), từ đó nảy sinh những hậu quả tiêu cực cho các nước đang phát triển” (Tài liệu Hướng dẫn, 49).

NHỮNG CHỈ DẪN HÀNH ĐỘNG

“Học thuyết xã hội của Giáo Hội, với tính cách kiến thức lý thuyết-thực hành, nhằm hướng đến việc Phúc âm hóa xã hội. Như vậy, học thuyết nhất thiết bao hàm lời mời gọi tham gia hoạt động xã hội bằng cách đưa ra, cho các tình huống khác nhau, những chỉ dẫn thích ứng được gợi hứng từ những nguyên tắc nền tảng và những tiêu chuẩn phán đoán, đã được diễn giải ở trên. Hành động được đề nghị không được suy diễn một cách tiên thiên một lần cho tất cả từ những suy xét triết lý và luân lý. Thay vào đó, nó được xác định tùy từng trường hợp bằng sự biện phân Kitô giáo về thực tạiđược giải thích dưới ánh sáng của Tin Mừng và giáo huấn xã hội của Giáo Hội, giáo huấn này lại được cập nhậtở mỗi thời khắc lịch sử. Do đó, thật là một sai lầm nghiêm trọng về lý thuyết cũng như về phương pháp luận nếu, trong việc giải thích các vấn đề của mỗi giai đoạn lịch sử, người ta không quan tâm đến kinh nghiệm phong phú mà Giáo Hội thủ đắc và diễn tả trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Vì lý do đó, tất cả các Kitô hữu cần phải tự đặt mình trước những tình hình mới với một lương tâm được đào tạo kỹ theo các đòi hỏi đạo đức của Tin Mừng và với một cảm thức xã hội đích thực Kitô giáo đã chín chắn nhờ tích cực học tập những tài liệu Huấn quyền khác nhau được công bố[người viết nhấn mạnh]” (Tài liệu Hướng dẫn, 54).

Việc thủ đắc “một lương tâm được đào tạo kỹ theo các đòi hỏi đạo đức của Tin Mừng và với một cảm thức xã hội đích thực Kitô giáo”, có thể gọi ở đây là “lương tâm xã hội”, không phải chỉ là thuộc lòng các nguyên tắc và giá trị xã hội mà bằng cách nhìn xem Giáo Hội đã sử dụng các nguyên tắc và giá trị bền vững để hình thành những phán đoán cụ thể. Bằng cách học nhìn xem những phán đoán cụ thể, nhận ra các nguyên tắc và giá trị ẩn chứa bên dưới, người Kitô hữu sẽ hình thành một cảm thức về các vấn đề xã hội theo cách tiếp cận Công Giáo, nói vắn gọn đó là sự đào tạo lương tâm xã hội.

Trong tiến trình đào luyện đó, người Kitô hữu sẽ nhận ra rằng học thuyết xã hội là một cách áp dụng Lời Chúa trong thế giới ngày nay.

HỌC THUYẾT XÃ HỘI LÀ MỘT “CÔNG TRƯỜNG”

“Học thuyết xã hội của Giáo Hội được trình bày như một “công trường”, tại đó công việc luôn luôn diễn ra, chân lý muôn đời thâm nhập và lan toả vào các hoàn cảnh mới, chỉ dẫn những con đường dẫn tới công lý và hòa bình. Đức tin không có ý định giam hãm các thực tại chính trị và xã hội luôn thay đổi trong một khuôn khổ đóng kín. Trái lại, đức tin là chất men tạo ra sự đổi mới và sáng tạo. Giáo huấn này luôn lấy đó làm điểm xuất phát, rồi ‘phát triển qua suy tư được áp dụng vào các tình thế luôn thay đổi của thế giới, dưới lực đẩy của Tin Mừng là nguồn của sự đổi mới’”(Tóm lược Học thuyết, 86).

Học thuyết xã hội là một“công trường”, câu này có thể hiểu trên con đường tiến đến nền văn minh tình thương, “Giáo Hội tiếp tục cụ thể hóa các giáo huấn và các giá trị của học thuyết xã hội Giáo Hội bằng cách đề nghịcác nguyên tắc suy tư và các giá trị bền vững, các tiêu chuẩn để phán đoán và các chỉ dẫn để hành động” (Tài liệu Hướng dẫn, 28).

Thật vậy, Tài liệu Hướng dẫn là văn kiện được phát hành năm 1989, từ đó đến nay đã có nhiều tiến triển trong giáo huấn xã hội, điển hình là trong Thông điệp Centesimus Annus, Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội(có nhiều trưng dẫn văn kiện này), Thông điệp Caritas in Veritate và gần đây nhất, Thông điệp Laudato Si’.

Centesimus Annus được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành nhân kỷ niệm 100 năm thông điệp xã hội đầu tiên. Ngài mời gọi “đọc lại” thông điệp thời danh của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII để tái khám phá vẻ phong phú của các nguyên tắc mà Đức Giáo Hoàng Lêô đưa ra để ứng phó với vấn đề thảm trạng công nhân và nền kinh tế nói chung.

Gần 115 năm sau Rerum Novarum, Giáo Hội biên soạn và tóm lược giáo huấn xã hội thành một bộ tổng lược các giáo huấn xã hội hiện đại của mình. Năm 2004, Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình phát hành quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hộilàm “cẩm nang” tham khảo rất tiện dụng cho mọi tín hữu Công Giáo.

Năm 2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI ban hành Thông điệp Caritas in Veritate.“Tình yêu trong chân lý” nghĩa là tình yêu đầy tràn chân lý. Đây là “động lực thúc đẩy chính yếu’’ khiến ta dấn thân phát triển con người. Tình yêu là sức mạnh dẫn dắt ta “can đảm và đại lượng dấn thân trong lĩnh vực công lý và hòa bình”. Chân lý hòa hợp với “kế hoạch Thiên Chúa”. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, con người tìm thấy chân lý. Tình yêu nằm “tại trung tâm giáo huấn xã hội của Giáo Hội”. Tình yêu trong chân lý “là nguyên tắc mà học thuyết xã hội xoay quanh”.

Sau cùng, Thông điệp Laudato Si' về Chăm sóc ngôi Nhà Chung của Chúng ta,do Đức Giáo Hoàng Phanxicôban hành năm 2015, là một “Rerum Novarum” trong thời hiện đại của chúng ta. Thông điệp ngỏ với hết thảy mọi người trên hành tinh này, kêu gọi họ lắng nghe những tiếng than thống thiết của hành tinh, cũng như tiếng kêu gào của người nghèo. Cũng như các thông điệp xã hội trước đó, Laudato Si’ mạnh mẽ phản bác cái ý tưởng hoạt động kinh tế hoàn toàn thuần túy thương mại và kỹ thuật, không phải là vấn đề luân lý, và thị trường và đồng tiền là những vị thần ngự trị trên thương trường. Giáo huấn xã hội nêu rõ mục đích của kinh tế là nhằm cung cấp các nhu cầu chính yếu cho cả nhân loại. Khi lòng dạ con người được sứ điệp Tin Mừng biến cải, con người cần hành động để biến đổi “các cấu trúc tội lỗi”, nghĩa là các cơ cấu xã hội bất công, trở thành “các cấu trúc liên đới”.

Khi soạn thảo văn kiện Hướng dẫn Nghiên cứu và Giảng dạy Học thuyết Xã hội của Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục,Giáo Hội-Mẹ và Thày nhắm mục đích giáo dục những chủng sinh – các linh mục trong tương lai – thêm chú ý, quan tâm đến nhu cầu của nhân loại và nhờ đó có thể khuyến khích, hướng dẫn giáo dân tham gia vào các sinh hoạt xã hội trong trần thế. Các thông điệp xã hội từ thông điệp xã hội đầu tiên Rerum Novarumcho đến thông điệp xã hội mới nhất Laudato Si’ đều nhằm khuôn đúc mọi Kitô hữu, trong đó có các linh mục và giáo dân, theo gương mẫu Đức Kitô,quan tâm đến người nghèo, người bị áp bức và những người bị lãng quên, bị gạt ra bên lề xã hội.Hãy chú ý hơn nữa đến các vấn đề xã hội và cơ cấu xã hội và hãy quan tâm chăm sóc số phận các anh chị em mình, đặc biệt là “những anh em bé nhỏ nhất” của Đức Kitô (Mt 25, 40).

Tài liệu tham khảo:

1. Congregation for Catholic Education, Guidelines for the Study and Teaching of the Church's Social Doctrine in the Formation of Priests

http://www.iustitiaetpax.va/content/giustiziaepace/en/social-magisterium/guidelines.html

2. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2007

3. “Guidelines for the Study and Teaching of the Church's Social Doctrine in the Formation of Priests”: A Commentary, John N. Schumacher, S.J.

journals.ateneo.edu/ojs/landas/article/download/1066/1096

4. Phan Tấn Thành OP, Đời sống tâm linh XIII: Mang Tin Mừng vào các thực tại trần thế, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2015

Đan Quang Tâm

[1]Phải chăng “học thuyết là một từ “nhạy cảm” bên Trung quốc?

[2]Xem Đời sống tâm linh XIII, trang 45.

[3]Xem Đời sống tâm linh XIII, trang 126 (cước chú 39).
 
VietCatholic TV
Thánh Hiến Bia Đá Kinh Tám Mối Phúc Thật tại Do Thái ngày 19/10/2018
VietCatholic Network
22:58 30/10/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay ngày 19-10-2018 là một một ngày thật đặc biệt. Đó là nghi thức làm phép Bia đá Kinh Tám Mối Phúc Thật do Đức TGM Nguyễn Chí Linh chủ sự, và thánh lễ đồng tế do ĐC Hoàng Đức Oanh nguyên giám mục Kontum chủ sự cùng với hơn 100 linh mục nam nữ tu sĩ, và gần 700 giáo dân thuộc nhiều phái đoàn đến từ Việt Nam, Hoa Kỳ, Úc châu, Anh quốc, v.v…
Trong niềm mơ ước, đưa Lời Chúa vào tâm hồn người Việt Nam mỗi khi có dịp thăm đất thánh, và ước vọng từ lâu người Việt Nam mình là, nếu như bài giảng quan trọng của Chúa trên núi Bát Phúc, ước chi có tiếng Việt Nam thì hay biết mấy. Ước vọng này đã được toại nguyện: Vào ngày 14 tháng 9 năm 2017, Sơ Bề trên Telesphora, Dòng nữ Phanxicô, là giám quản Nhà thờ ở Núi Beatitudes, theo lời đề nghị của Cha Gioan Trần Công Nghị, đã chính thức đồng ý cho người Công Giáo Việt Nam dựng Bia Tám Mối Phúc Thật bằng tiếng Việt Nam. Bia này được hoàn thành là do lòng quảng đại, của một số chừng 10 vị ân nhân đã đóng góp. Bảng Ghi ơn phía sau Kinh Tám Mối Phúc, có ghi tên những vị ân nhân này, và đồng thời cũng ghi tên một số các cộng tác viên lâu năm của VietCatholic, gồm cả linh mục và giáo dân, như một món quà tinh thần của các anh chị em và gia đình, đã hy sinh cho công việc truyền giáo chung.

Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh, cựu Giám Mục giáo phận Kontum, đã chủ tế thánh lễ Tạ Ơn, cùng với Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, và hơn 100 linh mục đồng tế. Hiện diện trong thánh lễ có trên 50 nữ tu và chừng 700 giáo dân Việt Nam.

Sau thánh lễ đồng tế, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, giáo phận Huế, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, đã làm phép thánh hiến tấm Bia Bát Phúc, sau khi các linh mục Trần Công Nghị và Lê Quang Hiền, khai mở tấm bia bằng đá granite mầu đen nhánh, dầy và lớn.

Vị trí cuả tấm bia được đặt trên con lộ chính cuả khu vực, nằm ngay trước nhà thờ thánh Phêrô, và không thể không thấy được, bởi vì đó là tấm bia duy nhất nằm sừng sững ngay bên đường lộ trong khu vườn hoa.

Tuy số người Việt Nam tham dự chỉ bằng nửa số người hôm 18 tháng 10 khánh thành tượng Mẹ La Vang, bởi vì có một số đoàn du lịch đã kết thúc chuyến đi hành hương và đã quay trở về Việt Nam, nhưng tinh thần phấn khởi thì không hề sút giảm, và có lẽ còn đầm ấm thắm thiết hơn, điều đó được biểu lộ qua những cuộc gặp gỡ trong ngày khi các đoàn VN gặp lại nhau trong những địa điểm đi tour.

Hầu như ngày hôm nay, phần đất này cuả nước Do Thái đã bị người Việt Nam ta tràn ngập, đâu đâu cũng thấy phất phới những giải khăn và tà áo cuả đại hội, vàng, xanh, hồng… và văng vẳng câu hát: Việt Nam, Việt Nam…