Ngày 31-10-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Các Thánh là những ai ?
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
01:56 31/10/2019


Lễ Các Thánh Nam Nữ 01/11

Kh 7,2-4,9-14; 1 Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a

Ngày nay, các nhà khoa học đã phóng những tín hiệu vào trong vũ trụ, với hy vọng có thể nhận được những tín hiệu từ một số sinh vật thông minh trên những hành tinh đã mất tích. Giáo Hội luôn liên lạc với những dân cư thuộc thế giới khác – đó là các Thánh Nam Nữ trên trời, điều mà chúng ta tuyên xưng khi nói rằng: “Tôi tin Các Thánh thông công.” Nếu có những dân cư ngoài hệ mặt trời đã hiện hữu, sự hiệp thông với họ có lẽ là không thể, bởi vì giữa câu hỏi và câu trả lời là khoảng cách hàng triệu năm qua rồi. Tuy nhiên, ở đây, đối với chúng ta, câu trả lời là trực tiếp bởi vì có một trung tâm chung cho sự truyền thông và gặp gỡ này, đó là Đức Kitô Phục Sinh.

Có lẽ vì ngày lễ Các Thánh được cử hành vào một thời điểm đặc biệt gần cuối năm phụng vụ, nên có điều gì đó đặc biệt diễn tả ý nghĩa cuộc đời. Chính vì thế, người tín hữu rất yêu thích tham dự thánh lễ này. Đó chính là điều mà Thánh Gioan nói trong bài đọc II: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ” (1 Ga 3,1-3). Chúng ta giống như phôi thai trong dạ mẹ mong được sinh ra. Các thánh đã được “sinh ra.” Vì thế, phụng vụ coi ngày từ trần của Các Thánh là “ngày sinh nhật” của các ngài (dies natalis). Chiêm ngắm Các Thánh là chiêm ngắm vận mệnh chúng ta. Mọi sự xung quanh chúng ta, thiên nhiên như tàn lụi và lá cây rụng xuống, nhưng lễ các thánh mời gọi chúng ta nhìn cao hơn. Nó nhắc nhở mỗi người ý thức rằng, chúng ta không được tiền định để mãi mãi tàn lụi ở trên trái đất này, giống như lá rụng, nhưng là để sống vĩnh cửu với Thiên Chúa như Các Thánh.

Bài Tin Mừng là các mối phúc. Một mối phúc đặc biệt gợi hứng cho chọn lựa sống của Các Thánh, đó là: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ (Mt 5,10). Các Thánh là những người đã đói khát sự công chính. Theo nghĩa Kinh Thánh, công chính là đói khát sự thánh thiện. Họ không chấp nhận sống tầm thường và không hài lòng với kiểu nửa vời.

Bài đọc I của ngày lễ giúp chúng ta hiểu Các Thánh là ai. Họ “đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ là những người đã giặt áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14). Sự thánh thiện được đón nhận từ Chúa Kitô; nó không phải là sản phẩm của chúng ta. Trong Cựu Ước, nên thánh có nghĩa là ‘được tách riêng’ khỏi mọi sự ô uế; theo truyền thống Kitô giáo, nên thánh nó ngược lại, nghĩa là được “kết hợp với Chúa Kitô.”

Các Thánh là những người được cứu độ, được kết hợp với Chúa Kitô. Họ không chỉ là những người được đề cập trong lịch phụng vụ hoặc trong sách hạnh Các Thánh. Nhưng còn rất nhiều vị Thánh mà chúng ta không biết đến, có vô số những người đã sống cuộc sống trần thế một cách tốt lành và thánh thiện, đã được Thiên Chúa vinh thăng. Có rất nhiều người âm thầm hy sinh cuộc đời của mình vì tha nhân, có người phải tử đạo vì công lý và tự do, có người một đời tận tụy chu toàn bổn phận của mình trong âm thầm, khiêm tốn phục vụ người khác nơi bệnh viện, nơi học đường, nơi các gia đình và các tổ chức Giáo Hội… Dầu không ai biết đến, nhưng họ là những người đã giặt áo mình trong máu Con Chiên, vì họ sống theo tiếng nói lương tâm và luôn lo lắng vì thiện ích của tha nhân.

Một câu hỏi tự nhiên đặt ra: Các Thánh trên trời làm gì? Chúng ta tìm thấy câu trả lời ở đây trong bài đọc I: “Họ sấp mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô rằng: “Amen! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời! Amen!” (Kh 7,11-12). Ơn gọi đích thực của con người được thành toàn trong họ, đó là được “ca ngợi vinh quang Thiên Chúa (Ep 1,14). Ca đoàn các thánh được hướng dẫn bởi Đức Maria, Đấng tiếp tục Thánh Thi Tạ Ơn của mình trên thiên đàng: “Linh hồn tôi tung hô Chúa.” Trong lời ca ngợi này mà các thánh tìm thấy hạnh phúc và niềm vui. “Linh hồn tôi hớn hở trong Thiên Chúa.” Một người đang yêu, là người luôn biết ngưỡng mộ và ca ngợi. Khi yêu mến và ca ngợi Thiên Chúa, chúng ta sẽ trở nên giống Thiên Chúa, tham dự vào vinh quang và hạnh phúc của Người.

Một ngày nọ, một vị thánh có tên là Saint Simon The New Theologian, có một kinh nghiệm thần bí về Thiên Chúa rất mãnh liệt, ngài kêu lên rằng: “Thiên đàng không hơn điều này, nó đủ cho con rồi.” Nhưng ngài nghe Chúa Kitô nói: “Con là người rất nghèo nàn nếu con bằng lòng với điều đó. Vì niềm vui con đang trải nghiệm khi so sánh với thiên đàng giống như bầu trời được vẽ trên giấy so với bầu trời thật.”

Như thế, lễ Các Thánh là ngày cử hành niềm vui của chúng ta, bởi vì Các Thánh là những thành viên trong gia đình, giáo xứ của chúng ta đã được vinh thăng, đồng thời ngày lễ này nhắc nhở và củng cố niềm hy vọng lớn lao về định mệnh cao cả nhất của mỗi người là được kết hợp với Đức Kitô. Nguyện xin Các Thánh Nam Nữ trên trời cầu bầu cho chúng ta. Amen.

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Khi thần chết lên tiếng
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
01:59 31/10/2019

Lễ Các Đẳng Linh Hồn 02/11
Rm 6,3-9; Ga 6,51-59 (Kn 3,1-9; Lc 23,33.39-43; Rm 5,4-11; Ga 17,24-26)

Cử hành lễ các Đẳng Linh Hồn là dịp rất thuận tiện để chúng ta suy tư về cái chết.

Trong Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy những lời quả quyết khá rõ ràng trong sách Khôn Ngoan: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong… Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian (Kn 1,13.24).

Từ trích đoạn này, chúng ta hiểu tại sao khi thần chết đến, mọi sự phải kết thúc, mọi sự bị hủy diệt. Theo đó, sự chết xem ra không phải là một điều “tự nhiên” đối với chúng ta. Bởi vì, nó không đến từ Thiên Chúa, nó không nằm trong trật tự tạo thành. Cái chết là kết quả “sự ganh tị của quỷ dữ.” Bởi đó, chúng ta phải chiến đấu chống lại cái chết với tất cả sức mạnh của mình. Khát vọng triền miên của con người là “tham sống sợ chết.” Đó là bằng chứng hùng hồn nhất về chân lý con người không được tạo dựng để diệt vong, nhưng để được sống. Chết không phải là hạn từ cuối cùng của cuộc sống. Bài đọc I của thánh lễ này khẳng định lại với chúng ta điều đó: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa, và chẳng cực hình nào đụng tới được nữa” (Kn 3,1).

Tham sống sợ chết là bản năng sinh tồn được khắc sâu trong xương tủy mỗi con người. Có một số nhà nghiên cứu cho rằng mọi hoạt động của con người đều chịu ảnh hưởng và tác động bởi bản năng tính dục. Từ đó, họ giải thích mọi sự theo cái nhìn này, cả trong nghệ thuật và tôn giáo. Nhưng nỗi lo sợ chết còn mạnh hơn cả bản năng tính dục. Chết là điều xảy ra sau cùng, nhưng nó lại tác động trên mọi việc ta làm trước đó. Tất cả mọi người đều kêu lên rằng: “Tôi không muốn chết.”

Như thế, tại sao chúng ta lại được mời gọi hãy suy nghĩ về cái chết khi biết rằng ai cũng phải chết? Câu trả lời rất đơn giản: Bởi vì chúng ta thường trốn tránh nó, không muốn nghĩ về nó, vì mỗi lần như thế làm chúng ta sợ. Chúng ta cũng thường cho rằng chắc mình chưa chết đâu, cái chết chỉ đến với người khác, chứ không đến với mình.

Nhưng việc suy nghĩ về sự chết không cho phép chúng ta gạt nó sang một bên cách dễ dàng. Vì thế, chúng ta tìm mọi cách để ngăn cản nó hoặc là chấp nhận nó. Con người không ngừng tìm kiếm những biện pháp, những phương thuốc để được trường sinh. Một trong số những bài thuốc này được gọi là sinh sản con cái: một người tiếp tục kéo dài sự sống mình bằng cách sinh ra một đứa con. Người khác thì tìm kiếm sự nổi tiếng, để được lưu danh hậu thế. Trong thời đại chúng ta, nhiều người hôm nay lại chạy theo thuyết luân hồi.

Chúng ta phải nói rằng thuyết luân hồi là không thể phù hợp với Đức tin Kitô giáo. Nó cho rằng người chết tiếp tục đầu thai và sống một kiếp mới trong một con vật nào đó để tu luyện chờ được giải thoát. Theo niềm tin Kitô giáo, được Kinh Thánh mạc khải: “Phận con người chỉ chết một lần rồi sau đó chịu phán xét” (Hr 9,27). Thuyết luân hồi cũng dạy rằng hình thức đầu thai luân hồi là kết quả của một sự sai lầm. Xét cho cùng, luân hồi không thêm gì cho sự sống, nhưng thêm đau khổ; nó không phải là nguồn mang lại sự an ủi, nhưng mang lại sợ hãi. Thuyết luân hồi như một cảnh báo cho mọi người: “Hãy cẩn trọng không làm điều dữ, bởi vì bạn sẽ phải đầu thai để đền tội!” Điều này giống như nói người nào đó trong tù đang gần hoàn tất thời gian giam cầm của mình rằng hình phạt của anh đã được nới rộng, anh phải vượt qua tất cả.
Kitô giáo có cái gì đó rất khác để trình bày liên quan đến vấn đề sự chết. Người Kitô hữu tuyên xưng rằng “một Người đã chết vì mọi người,” nhờ đó cái chết đã bị tiêu diệt; nó không có là một vách tường mà từ đó mọi sự phải lao xuống, nhưng đúng hơn là một chiếc cầu để đi sang bến bờ bên kia – là sự trường tồn, là hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa. Tuy nhiên, suy niệm về cái chết là điều rất có ích cho các tín hữu. Bởi vì đặc biệt nó giúp chúng ta sống tốt hơn.

Bạn có bị lo lắng bởi những vấn đề, những khó khăn và những xung đột khi nghĩ về cái chết không? Hãy nghĩ rằng những điều này sẽ xuất hiện lúc chết, nhưng với cái nhìn của đức tin, bạn sẽ thấy chúng có một ý nghĩa khác như thế nào? Chúng ta không phải là cam chịu và thụ động chờ chết. Ngược lại, chúng ta sẽ làm nhiều điều hơn và làm tốt hơn bởi vì chúng ta bình tâm hơn và thanh thoát hơn trước cái chết. Như Thánh Vịnh nói: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 89,12). Chúng ta hãy nhớ đến các linh hồn là những người thân của chúng ta và cầu nguyện cho họ để họ sớm hưởng hạnh phúc với Chúa trên thiên đàng. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Cuộc hoán cải kỳ diệu
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
02:01 31/10/2019

Chúa Nhật XXXI Thường Niên
Kn 11,22-12,2 ; 2Tx 1,11-2,2 ; Lc 19,1-10.

Trong tác phẩm nổi tiếng Những Kẻ Khốn Cùng (Les Misérables), văn hào Victor Hugo miêu tả câu chuyện về cuộc đời của Văn Giang (Han Valjean), một tên cướp của giết người đã từng bị ở tù 19 năm. Khi vừa được thả ra, anh đã phải nếm mùi khinh dể vì bị mọi người xa lánh: Bước vào tiệm ăn, anh liền bị chủ tiệm xua đuổi; vào nhà trọ, thì người gác cửa đã đóng sập cửa ngay trước mặt; đi qua lũ chó, thấy bộ dạng nhếch nhác râu ria của anh, chúng liền thi nhau sủa inh ỏi… Chỉ khi bước vào nhà Đức Giám mục Myriê, anh mới được tiếp đãi nồng hậu như một con người: Anh được ăn một bữa tối thật ngon, được nằm trên một chiếc giường êm ấm. Nhưng rồi đêm hôm ấy, nhìn thấy các chân đèn bằng bạc quí giá, anh không cưỡng nổi lòng tham, nên nhẹ nhàng lấy năm cái chân đèn cho vào bao, rồi chuồn mất. Nhìn thấy bộ dạng khả nghi của anh, cảnh sát liền đòi khám xét chiếc túi vải anh đang vác trên vai và họ nhìn thấy mấy cái chân đèn bằng bạc. Anh liền bị giải đến trước mặt vị giám mục để làm rõ. Nhưng ngài không những không kết tội, mà còn nhận là đã tặng cho anh mấy cái chân đèn bạc kia. Hơn nữa, ngài còn tặng thêm hai chân đèn nữa cho đủ bộ và nói nhỏ với anh: “Ta không kết tội con đâu, nhưng con phải sám hối để làm lại cuộc đời.” Sau khi được thả, anh luôn suy nghĩ về những lời nhắn nhủ của vị giám mục và xúc động trước tình thương bao dung của ngài. Anh quyết tâm sám hối và sau đó đã trở thành một người lương thiện. Nhiều năm sau, Văn Giang đã chinh phục được tình cảm của mọi người và còn được dân chúng tín nhiệm bầu làm thị trưởng của thành phố. Sở dĩ từ một tên tội phạm trở thành một người lương thiện và được kính nể là do ông đã cảm nghiệm được tình thương của vị giám mục Myriê.

Câu chuyện trên đây có điều gì đó rất giống với câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Thánh Luca trình thuật lại biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêricô. Ở đó có một người tên là Dakêu. Ông đứng đầu những người thu thuế và là người giàu có. Khi Chúa Giêsu đi qua, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu. Thấy thế, Chúa Giêsu bảo ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón rước Người. Sau khi đón tiếp Chúa, ông tuyên bố rằng: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (x. Lc 19,1-10).

Qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay, thánh Luca muốn minh chứng cho chúng ta thấy những yếu tố làm nên cuộc hoán cải kỳ diệu của Dakêu.

1- Lòng thương xót của Thiên Chúa

Yếu tố thứ nhất phải nói đến đó là lòng thương xót của Thiên Chúa, được thể hiện qua những hành vi cứu độ và rất nhân bản của Chúa Giêsu đối với ông Dakêu
.
Bất chấp lý lịch ‘không mấy trong sáng’ của ông, Chúa Giêsu không nhìn ông với cái nhìn loại trừ và khinh bỉ như những người Do Thái; Người đã chủ động gặp ông, gọi tên ông và đến nhà ông dùng bữa. Luca muốn diễn tả sự hiện diện của Chúa Giêsu tại nhà ông chính là sự hiện diện của một Thiên Chúa cứu độ. Người là hiện thân của một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót và tha thứ. Người đến để “tìm kiếm và cứu chữa những gì đã mất (Lc 19,10). Quả thế, Đức Giêsu chính là vị Thiên Chúa say mê con người, khát khao cứu độ con người; bởi đó, Người đã đi bước trước trong việc tìm kiếm, gặp gỡ và cứu độ con người. Chính lòng thương xót đó đã đụng chạm con tim của Dakêu và biến đổi ông. Đây là yếu tố quyết định làm nên cuộc hoán cải lạ lùng nơi Dakêu cũng như nơi biết bao tội nhân trong lịch sử của Giáo Hội.

Quả vậy, Thiên Chúa luôn mong muốn các tội nhân hoán cải. Người đi bước trước để giúp họ trở về. Cũng như vị giám mục trong câu chuyện trên đã hành xử theo lòng tốt, nhờ đó đã hoán cải tên cướp Văn Giang. Thiên Chúa không hành xử với tội nhân theo luật công bình, nhưng là theo lòng thương xót để tạo cơ hội giúp họ hoán cải. Đây là yếu tố của lòng thương xót, yếu tố của ân sủng.

2- Sự đáp trả của con người

Yếu tố thứ hai là sự thiện chí của Dakêu hay nói đúng hơn chính là sự cộng tác của ông. Dẫu là một người lùn, lại bị liệt vào hàng tội lỗi vì nghề thu thuế, bị loại trừ và khinh bỉ, nhưng Dakêu đã biết tìm mọi cách để vượt lên những giới hạn đó để được thấy Chúa. Những hành động của ông minh chứng ông là một người rất có thiện chí: “Trèo lên cây sung,” “tụt xuống để đón Chúa vào nhà,” “tiếp đãi Chúa” và nhất là “lấy tài sản bố thí và đền bù gấp bốn cho những ai thiệt hại.” Luca cho thấy những hành vi này diễn tả sự khát khao, sự đón nhận và cộng tác của ông với ơn Chúa. Sự thiện chí này là điều kiện cần thiết để cho ơn Chúa sinh hoa kết quả. Từ một “người tội lỗi,” bây giờ ông Dakêu được Chúa phục hồi quyền làm “con cháu tổ phụ Ápbraham.”

Như thế, ân sủng kết hợp với sự cộng tác của con người tạo nên một cuộc đổi đời, một sự hoán cải kỳ diệu nơi Dakêu. Đó là hai yếu tố cần thiết cho mọi sự hoán cải. Đúng như lời thánh Augustinô nói: “Khi tạo dựng nên con, Chúa không cần con, nhưng để cứu chuộc con, cần phải có con.”

3- Hoa trái của hoán cải

Hoa trái của hoán cải là trở về với Thiên Chúa và hướng tới một đời sống công bình, huynh đệ và bác ái đối với tha nhân như trường hợp Dakêu. Sau khi gặp gỡ Chúa Giêsu tại nhà mình, ông quyết định lấy phân nửa tài sản của ông mà cho người nghèo và xin đền gấp bốn cho những người ông đã chiếm đoạt của cải của họ (x. Lc 19,8). Về điểm này, luật Môsê buộc phải đền trả những gì đã chiếm đoạt của người khác hơn một phần năm. Trong khi đó, luật Rôma buộc phải đền gấp bốn. Dakêu thực hiện theo luật này. Ngoài ra, ông còn sẵn sàng chia một nửa tài sản cho người nghèo. Quả thế, sự biến đổi từ bên trong con người phải được thể hiện ra bên ngoài, như là hoa quả của việc hoán cải. Rõ ràng ông có một sự hoán cải tận căn, thay đổi não trạng, cách nghĩ khi không coi tiền bạc là trên hết, ông thay đổi con tim khi không còn bám víu và nô lệ tiền bạc và địa vị, ông thay đổi đời sống ích kỷ khi hướng tới tha nhân bằng đời sống công bình và bác ái.

Qua câu chuyện hoán cải của Dakêu, một đàng, chúng ta được mời gọi hãy tín thác vào lòng thương xót Chúa; đàng khác, noi gương Dakêu, chúng ta hãy cố gắng hết mình, làm hết sức để cộng tác với ơn Chúa trong việc hoán cải bản thân cũng như tha nhân. Như một tác giả tu đức nói rằng: để được cứu độ, chúng ta hãy để cho Chúa làm nơi chúng ta 100% do ân sủng Chúa và đồng thời chúng ta phải làm hết sức mình 100% do nỗ lực cá nhân mỗi người.

Nguyện xin Chúa Giêsu đến viếng thăm ngôi nhà mỗi người và mang ơn cứu độ cho chúng ta để mỗi người cũng trở thành những Dakêu mới cho cuộc sống hôm nay. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Cây sung Giakêu
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
03:16 31/10/2019

Chúa Nhật 31 Thường Niên C

Đi hành hương Đất Thánh, ai cũng muốn đến Giêricô thăm “Cây sung Giakêu” và thưởng thức trái chà là. “Cây sung Giakêu” to lớn gần hai người ôm. Cây sung này được trồng lại cách đây hơn 700 năm. Tôi đi dịp tháng 4 nên sung nhiều trái. Các bà thích lắm, hái ăn và tin rằng trái từ “cây sung Giakêu” chữa lành mọi thứ bệnh.

Giêricô trở nên nổi tiếng với câu chuyện ông Giakêu trèo lên cây sung để nhìn cho được Chúa Giêsu đi ngang qua.

Giêricô chính là miến Đất Hứa, khi xưa Môsê từ trên núi Nebô đã được nhìn thấy. Sách Giosuê chương 6 kể lại cuốn đánh chiếm thành Giêricô.

Giêricô là một thành rất giàu có và quan trọng, nằm trong vùng thung lũng sông Giođan, là giao điểm của đường lên Giêrusalem và các lối qua sông Giođan để tỏa về các vùng đất phía sông Giođan.

Giêricô có một rừng chà là rất lớn, những vườn cây thuốc thơm nổi tiếng quốc tế, cách xa mấy dặm vẫn ngửi thấy mùi thuốc thơm. Các vườn hoa hồng ở đó cũng rất nổi tiếng. Người ta gọi Giêricô là “thành cây chà là”. Sử gia Do thái Josephus gọi là “Khu đất thần tiên, khu đất màu mỡ nhất của Phalettin”. Người La mã chở trái chà là và dầu thơm từ đó đi bán khắp nơi trên thế giới.

Chúa Giêsu đi qua Giêricô, tiến về Giêrusalem với đoàn người hành hương đông đảo, chuẩn bị bước vào khổ nạn. Ông Giakêu leo lên cây sung để nhìn cho được Chúa sắp đi ngang qua. Chúa nhìn lên cây sung thấy Giakêu. Chúa nhìn ông bằng ánh mắt yêu thương.Trái tim Giakêu bừng lên ngọn lửa yêu thương. Ông đáp lại tình thương của Chúa và thể hiện bằng việc đền bù thiệt hại, chia sẻ chân thành cho tha nhân. Tình thương của Chúa đã cảm hóa Giakêu và biến đổi cuộc đời ông.

1. Tình thương biến đổi.

Giakêu là một người thu thuế và là một người giàu có. Ông đã từng nghe biết Chúa Giêsu đã chọn ông Lêvi, một nhân viên ngành thuế như ông làm môn đệ (Mt 9,9). Nay ông rất muốn có dịp nhìn thấy con người kỳ lạ này.

Lần kia, biết Người sắp đi ngang Giêricô quê hương ông, Giakêu ra xem, nhưng vì dân chúng quá đông mà ông lại lùn, nên ông leo lên một cây sung để nhìn cho rõ. Ðường đường một người “đứng đầu những người thu thuế”, một công chức có địa vị, nhưng ông vẫn không sợ mất mặt, vẫn trèo lên cây cao.

Chúa ngước mắt lên cây sung, ánh mắt Chúa và ánh mắt Giakêu gặp nhau. Ánh mắt Giakêu bộc bạch tất cả tấm lòng và cuộc đời của mình: một người thu thuế, một người bị vạ tuyệt thông cách ly, một tâm hồn khát khao muốn gặp Chúa, một con chiên lạc đang tìm lối về. Lòng Chúa xao xuyến, thương mến vô vàn, một tâm hồn mà Chúa đang muốn tìm về đây. Chúa nói: “Hỡi Giakêu hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ông“. Giakêu cười sung sướng, nhảy xuống đất, chạy mau về nhà, làm tiệc tiếp đãi khách quý. Và đó phải là một bữa tiệc linh đình, có đông bạn bè trong ngành thuế tham dự, giống như ông Lêvi đã làm trước kia (x. Lc 5,29).

Không phải bốc đồng, nhưng từ đáy lòng Giakêu cuộn lên một niềm sám hối mãnh liệt khiến ông cất tiếng thưa với Chúa: “Thưa Ngài, này đây phần nửa tài sản tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn“. Ông Giakêu tự buộc mình làm một việc đền bù rộng rãi phi thường, vượt xa mức đòi hỏi của luật lệ. Ðiều ấy chứng tỏ ông đã thật lòng hoán cải và hơn nữa ông biết mình đã được tha thứ và cứu độ. Chính Chúa Giêsu xác nhận như thế khi Ngưới phán: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này“.

Trước đây Giakêu chỉ nghĩ đến tiền và sống ích kỷ cho riêng mình, không nghĩ đến người khác.Trước đây Giakêu vốn tham lam, bất lương, lòng quảng đại bị chôn vùi qua bao năm tháng. Hôm nay, gặp được Chúa Giêsu, ông đã biết sống trao ban cho người khác, quan tâm đến người nghèo, sống công bằng với mọi người. Lòng quảng đại đó được bộc phát cách rõ ràng: “Tôi xin bố thí phần nữa của cải của tôi cho người nghèo, và nếu tôi có gian lận gì của ai, tôi xin đền lại gấp bốn”. Quả là mùa xuân về trong tâm hồn Giakêu. Ngập tràn ánh nắng. Ngây ngất niềm vui. Bình minh Ơn Cứu Ðộ chan hoà lòng trí ông, gia đình ông.

2. Tình thương hoán cải.

Trong sách (Lv 5, 20-26; Xh 21, 37; Ds 5, 6) đều nói đến khoản luật phải trả lại, đền bù cho người nghèo, cho kẻ bị thiệt hại một số của cải. Ðó là luật trong Cựu Ước. Giakêu trình bày ngay vấn đề, điều đó cho thấy có lẽ ông đã nghiên cứu Thánh Kinh, biết được các luật lệ đó. Tiếng lòng hồi sinh và như vậy ông đã có thao thức thầm kín, có băn khoăn và chờ đợi. Trong cuộc sống dư giả vật chất, bân rộn với công việc làm ăn, ông vẫn thấy lòng trĩu nặng ưu tư, để rồi hôm nay có cơ hội ông tìm kiếm Chúa mong làm lại cuộc đời mới.

Thánh Luca đã nói rõ: ông là thủ lãnh của những người thu thuế. Giêricô bấy giờ là hải cảng, thu thuế nơi xuất nhập cảng phồn thịnh phải là một tay có thế lực. Trong nghề nghiệp đó, bạn bè của ông phải là những người thu thuế, các sĩ quan Rôma. Vậy tại sao ông lại vất vả chen lấn với đám đông để mong gặp một người tên là Giêsu, kẻ hoàn toàn khác địa vị xã hội với ông? Là người giàu có, sang trọng, tại sao ông bỏ cả thể hiện sẵn sàng trèo lên cây sung như một đứa trẻ để nhìn cho được Chúa Giêsu đi qua? Hơn nữa, vốn bị dân chúng thù ghét, ông có thể bị nguy hiểm tính mạng khi đối diện với quần chúng giữa đám đông. Như thế ông phải liều, và bỏ ngoài tai mọi phê bình.

Ðộng lực nào thúc đẩy ông đi tìm Chúa Giêsu? Chắc chắn không phải vì sự tò mò, nhưng có lẽ nhờ lời Thánh Kinh đánh động.Tâm hồn mong hoán cải đã thúc bách ông lên đường tìm Chúa !

Hoán cải là kết quả của một cảm nhận về tình yêu, một ưu tư thao thức tìm kiếm. Hoán cải là từ bỏ. Bất cứ cuộc trở lại nào, dù lớn dù nhỏ, cũng đòi phải từ bỏ. Hoán cải bởi tình thương bao giờ cũng có kết quả tốt. Giakêu tích cực đi tìm Chúa: “Ông chạy tới phía trước, leo lên một cây sung“. Khi nghe tiếng Chúa gọi, ông đã nhanh chóng và vui mừng đáp lại: “Ông vội vàng tụt xuống“. Ông còn “vui mừng đón rước Ngài về nhà“. Ông nhìn nhận tội lỗi của mình.Ông đền bù những thiệt hại mình gây cho kẻ khác. Ông còn lấy tài sản bố thí cho người nghèo.

Hoán cải là một hành trình: từ bỏ những tội lỗi, quảng đại đáp lại tiếng Chúa và canh tân đời sống. Giakêu hoán cải đem lại niềm vui cho chính ông và hai nhóm người, đó là nhóm nghèo được ông san sẻ cho phân nửa tài sản, nhóm bị oan ức (nếu có) được giải oan và nhận huê lợi hơn bốn lần thiệt hại. Việc hoán cải của một người mang lại niềm vui cho nhiều người.

Giakêu lùn về thể lý nhưng tâm hồn không thấp chút nào. Giá trị một người hệ tại nơi tâm hồn. Gía trị của một việc làm ở nơi lòng mến. Đối với Chúa Giêsu, giờ đây, Giakêu đã trở nên cao thượng nhờ ông biết hoán cải và sống có tình người. Chiều cao thân xác Giakêu vẫn thấp nhưng chiều cao tâm hồn bây giờ ngất cao nhờ tình thương chiếu rọi.

3. Tình thương cảm hóa.

Chúa Giêsu là bậc Thầy cảm hoá lòng người. Tôn trọng, yêu thương có sức cảm hoá đến kỳ diệu. Ánh mắt, lời nói và thái độ của Chúa Giêsu đem mùa xuân về cho tâm hồn Giakêu. Những gì xưa nay trói buộc ông, làm cho ông say mê kiếm tìm giờ trở nên vô vị. Giakêu trở nên nghèo hơn trước, nhưng ông lại hạnh phúc hơn xưa nhiều lần. Thân xác ông vẫn lùn như xưa, nhưng tâm hồn ông đã cao thượng hơn gấp bội. Từ một người đáng khinh, Giakêu bỗng trở thành một người đáng khâm phục. Bởi lẽ, Ông đã gặp được Chúa, được nhận lãnh Ơn Cứu Ðộ của người Mục Tử Nhân Lành đi tìm con chiên lạc.

Kho tàng văn học Thiền có ghi lại câu chuyện sau đây. Thiền sư Sengai có một anh đệ tử hư hỏng, đêm đêm thường leo tường trốn ra ngoài chơi đêm. Vị thiền sư biết được điều đó nên vào đêm nọ, sau khi phát hiện người đệ tử vượt tường bằng cách leo lên một chiếc ghế khá cao, vị thiền sư đi đến vị trí đặt ghế, nhắc chiếc ghế bỏ sang bên rồi đứng vào chỗ đó.Trong đêm tối, người học trò leo tường trở vào, rồi theo thói quen đặt chân lên ghế để nhảy xuống, không dè lại đặt chân lên lưng thầy. Khi phát hiện thầy đứng ngay trước mặt, anh học trò hoảng sợ chờ đợi những lời khiển trách nặng nề. Thế nhưng cuối cùng vị thầy chỉ nói mấy lời yêu thương: “Áo con ướt đẫm sương đêm rồi! Mau vào thay áo ngay kẻo cảm lạnh!”. Thế là từ đó, người học trò không bao giờ còn đi chơi đêm nữa.

Những lời trách móc, lên án, những thái độ khinh bỉ hay loại trừ chỉ tạo nên nguy cơ làm cho những con người tội lỗi lún sâu vào con đường lầm lạc.Nhưng chính thái độ tôn trọng và tấm lòng yêu thương sẽ tạo nên sức cảm hoá diệu kỳ. Câu chuyện về ông Giakêu cho thấy, thái độ lên án và tẩy chay thường chỉ khiến người có tội thu mình lại và càng dễ dấn sâu hơn vào con đường sai trái của mình; chỉ có một thái độ tích cực có thể giúp họ hồi tâm hoán cải, đó là cởi mở, cảm thông, kính trọng và tùy hoàn cảnh mà nhắc nhở hay sửa dạy với đầy lòng yêu mến.
Giakêu rất cảm động trước sự trân trọng và yêu thương của Chúa Giêsu.Giakêu quyết tâm trở về con đường ngay chính, trước tiên bằng việc thực thi bác ái và công bằng. Cung cách đối xử chan chứa tình người mới là yếu tố chính yếu đem lại thành công trong công việc tông đồ. Đó là nghệ thuật cảm hoá lòng người mà Chúa Giêsu đã sử dụng để làm nên phép lạ nơi con người Giakêu.

Lạy Chúa Giêsu, tình thương của Chúa đã làm nên bao điều kỳ diệu. Xin dạy chúng con nhìn tha nhân bằng ánh mắt của Chúa, sống với người khác bằng tình thương, hy vọng vào lòng tốt của mỗi người và tin tưởng vào sự quảng đại của họ, nhờ đó thế giới của chúng con trở nên nhân bản hơn và thần linh hơn.Amen.


 
CN 31 TNC: Hãy Thương Xót Như Cha Trên Trời
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:40 31/10/2019
SUY NIỆM TIN MỪNG Chúa Nhật XXXI THƯỜNG NIÊN - NĂM C

(Lc 19, 1-10)

Phụng vụ Lời Chúa tuần này lại vang lên như tiếng chuông nhắc bảo chúng ta về tình yêu và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, đồng thời mời gọi ta thực thi lòng thương xót.

Chúa yêu thương mọi loài mọi vật (x.Kn 11,21-26). Yêu đến độ “nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người …không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa tác thành” (Kn 11, 23). Tình yêu ấy được cụ thể hóa nơi hành động của Chúa Giêsu đối với tội nhân và những người cùng khổ, Ðấng đã khẳng định rằng Người đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng để kêu gọi những người tội lỗi (x. Lc 5,32). Trình thuật về cuộc hoán cải của ông Giakêu là một bằng chứng (x. Lc 19, 1-10).

Xem Video và nghe bài giảng

Giakêu, người thấp bé. Đây không phải là một chuyện nhỏ, nhưng là một nỗi đau đối với ông. Trong trí ông luôn mang trong mình sự ám ảnh mình bị chế giễu và loại trừ, ông là người đau khổ. Ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì để trả miếng : thậm chí trở thành người thu thuế cho ngoại bang. Đây là nghề không lành mạnh, dễ bị loại ra khỏi đời sống tôn giáo và xã hội, vì thông đồng với người Rôma, kẻ chiếm đóng và bóc lột đồng bào. Nhưng điều đó không quan trọng đối với ông. Trở thành một viên thu thuế quyền thế giàu có, Giakêu, như bao người khác, đã thu về một khoản tiền lớn từ bàn thu thuế. Nhưng sự yêu mến tiền bạc không phải là động lực chính của ông, ông muốn có được sức mạnh trên những kẻ coi thường ông. Vì thế, ông xa cách họ, tránh xa các cuộc tấn công của họ, và ở trên họ.

Nhưng điều trên không làm cho Giakêu chìm vào bóng tối. Con người biết tính độc ác đích thực của mình. Trong sâu thẳm của coi lòng, có cái gì đó lợi hơn đó là : khát khao Thiên Chúa. Giakêu là người con của lời hứa và Thiên Chúa đã không quên ông. Thế là, Chúa Giêsu rảo khắp các ngả đường, giảng dạy trong hội đường. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu thấu đến tai Giakêu như cá gặp nước, củi khô gặp lửa. Người đã nhóm lên trong lòng Giakêu ngọn lửa không hề bị dập tắt từ Thiên Chúa. Giakêu, kẻ thu thuế đã nghe nói về các phép lạ của Đấng Tiên Tri, và rằng Chúa Giêsu không bao giờ từ chối những người tội lỗi. Ông chộp lấy cớ hội, quyết định tiến lại gần Chúa Giêsu.

Để đến được với Chúa Giêsu không phải là dễ, ông gặp phải sự cản trở của bản thân vì thấp bé, của đám đông. Họ sẽ nhận ra và lại chế giễu ông thấp bé, quyền lực, giàu có, bóc lột đồng bào. Họ sẽ khinh thường ông, làm cho ông xấu hổ, báo thù khơi dậy báo thù. Nhưng Giakêu không bỏ lỡ cơ hội, ông sẽ thấy Chúa Giêsu đang đến gần, không gì có thể cản trở ông được.

Vì thế, ông trèo lên cây, ẩn mình trong những tán lá để xem Chúa Giêsu mà không bị ai nhìn thấy, ông tìm cách tiếp cận, với hy vọng những tán lá sẽ bảo vệ ông khỏi đám đông. Nhưng Chúa Giêsu đi ngang qua. Người tiến lại gần, ngước mắt nhìn ông và gọi “Giakêu”. Giakêu có nghĩa là “Chúa nhớ lại”. Thiên Chúa nhớ đến kẻ yếu người nghèo, với lòng thương xót “Giakêu, hãy xuống mau” (Lc 19,5).

Cố gắng của con người xem ra vô dụng, khi dùng cả sức mạnh của mình để vươn lên tới Chúa, tới Trời: “các ngươi sẽ nên như các thần” con rắn cám dỗ Ađam như thế. Giakêu khi ở trên cao, ông khám phá ra rằng để có được điều ông tìm kiếm, ông phải đi xuống. Thiên Chúa đã hạ mình xuống với con người. Thiên Chúa đã trở nên thấp và nhỏ bé, ở dưới gốc cây. Giakêu vui sướng thấy Chúa.

Chúa Giêsu đã giao hòa Giakêu với Thiên Chúa, và với mọi người. Tiếng gọi của Chúa Giêsu đặt Giakêu vào giữa cộng đoàn, khiến ông quên đi sự báo thù, mở lòng ra để đón nhận ơn tha thứ, niềm vui này Giakêu chia sẻ với anh em. Chúng ta đừng có nhầm: Giakêu không vứt bỏ tiền vì đã gặp được Chúa, ông không còn thích nữa. Chính sự dâng cúng này, Giakêu cho thấy ông không còn cần quyền lực để bảo vệ mình giữa mọi người nữa. Trước kia ông sống trong cô đơn, nay ông khám phá ra niềm vui của một tình yêu sâu thẳm vô điều kiện ở nơi Chúa Giêsu. Vì vậy, hạnh phúc của ông là đáp lại anh em mình, bằng cách chia sẻ tài sản của ông, mở ra một mối quan hệ mới với họ, dựa trên công lý. Cuối cùng, ông đã nhận ra họ là anh em.

Trong một văn bản khác của Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định rằng, người giầu rất khó vào Nước Trời (x. Mt 19,23). Trong trường hợp của ông Giakêu, điều xem ra không thể, lại được thực hiện: thánh Girolamo giải thích rằng : “Ông Giakêu đã cho đi sự giầu có của ông và lập tức thay thế nó bằng sự giầu có của nước trời” (Bài giảng 83,3). Và thánh Massimo thành Torino nói thêm: “Ðối với những người dại dột, của cải giầu sang dưỡng nuôi sự bất chính, trái lại đối với những người khôn ngoan chúng trợ giúp nhân đức; cơ may cứu rỗi được cống hiến cho những người khôn ngoan, còn đối với những người dại dột sự vấp ngã khiến cho họ hư mất” (Bài giảng, 95).

Chúa Giêsu kết thúc: “Con người đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10), “điều đã hư mất” chứ không phải là “kẻ bị mất”. Đây không phải là Giakêu đã mất. Khi cô lập với anh em mình, ông đã mất niềm hy vọng tìm thấy Thiên Chúa. Chúa Giêsu mang lại cho ông niềm hy vọng khi nói với ông : “Giakêu, hãy xuống mau!”.

Thiên Chúa không loại trừ ai hết, người nghèo cũng như người giầu. Chúa thấy nơi mỗi người một linh hồn cần cứu vớt. Vậy, hãy noi gương Chúa và thực thi lòng thương xót như Cha trên trên! “Hôm nay, Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” (Lc 19,5). Hôm nay ơn cứu độ của Chúa đến với chúng ta. Mỗi ngày, hãy đến với Chúa Giêsu, là chủ nhà của tâm hồn chúng ta và là Thầy của đời ta. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ



 
Nhờ Chúa Đến
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:45 31/10/2019
Chúa Nhật XXXI TN C

Xưa lẫn nay, nhiều nơi trên thế giới, hạng người bán thân nuôi miệng thường được gắn liền với hạng người dắt mối, bảo kê được gọi là ma cô. Trong khi nhóm trước kiếm tiền bằng thân xác mình thì nhóm sau lại kiếm tiền trên thân xác kẻ khác. Đọc Tin Mừng chúng ta thấy nhóm người thu thuế thường được gắn liền với phường bán thân nuôi miệng. Dưới cái nhìn này thì người thu thuế chẳng khác gì phường ma cô mà còn tệ hại hơn nhiều vì họ kiếm tiền trên xương máu của nhiều người, đó là không chỉ thu thuế để phục vụ cho đế quốc cai trị mà còn thường thu quá mức ấn định để làm giàu cho mình .

Thánh sử Luca là một lương y thì có lẽ nhiều người biết. Nhưng trong số các con bệnh của ngài ngày xưa phải chằng có nhiều người thu thuế, thì ít ai dám khẳng định. Thế mà dường như thánh sử có vẻ đề cao tình thương của Thiên Chúa trên nhóm người này. Vừa mới tường thuật câu chuyện dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện để cảnh tỉnh thói tự cao tự đại của người biệt phái và ngược lại khen ngợi sự khiêm nhu chân thành của người thu thuế xong thì lát sau đó ngài tường thuật hành vi hoán cải rất “anh hùng” của ông Giakêu, một thủ lãnh các người thu thuế.

Thử hỏi vì sao hay nhờ đâu mà ông Giakêu có sự đổi thay xem ra ngoạn mục như vậy? Chắc hẳn việc đổi thay của Giakêu không phải là hành vi bột phát cách ngẫu hứng. Tin Mừng tường thuật rằng: “Ông Giakêu đã tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai”. Đây là một khao khát có thể nói là cháy bỏng mang tính bức thiết đối với ông đến nỗi ông đã không e ngại về cái thân thế, vai vế như là ngược với tầm vóc của mình để rồi leo lên một cây sung. Chọn được một cây sung nằm trên con đường Chúa Giêsu sẽ đi qua thì quả là đã có sự tính toán. Như thế chúng ta có thể luận suy rằng những lời giảng dạy và việc làm của Chúa Giêsu đã đánh thức lương tri của ông Giakêu khiến ông phải không ngừng suy xét về thái độ sống cũng như những việc làm của ông. Tâm hồn ông Giakêu được ví như mảnh đất đã được cày xới đang chờ hạt giống gieo xuống.

“Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5). Với một thân hình thấp bé và thế nào cũng mập mạp vì là người giàu có, lại ở trên cây cao thì thế nào ông Giakêu cũng tìm cách ẩn mình dưới những tàng lá cây sung. Thế mà Chúa Giêsu vẫn thấy ông và Người lại gọi đích danh của ông. Nếu Giakêu là một thiếu nhi thì chắc sẽ giật mình té xuống đất không chừng vì cảnh tình như bị bắt quả tang tại trận cách bất ngờ.

Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả…(Tv 139). Có thể ông Giakêu không thuộc, nhưng ông đang cảm nghiệm cách sâu xa lời Thánh Vịnh trên đây. Dù có trốn biệt ở đáy âm ty hay bay lên chốn cao xanh cũng không thể “khuất được thánh nhan”. Thánh giáo phụ Âugustinô cũng có cảm nghiệm này: “Chúa biết con hơn cả con biết con”.

Chúa biết mỗi người chúng ta. Chúa biết chúng ta chỉ là tro bụi. Thế mà Chúa biết không phải để loại bỏ nhưng để gắn bó. “Hôm nay, tôi phải lưu lại nhà ông”. Một lời ngỏ với đôi bàn tay tin tưởng chìa ra và cả với một tấm lòng khoan dung nhân hậu. Tình yêu của Thiên Chúa vượt quá tầm luận lý của con người. Cụ thể, nhiều người lúc bấy giờ đã xầm xì bàn tán lẫn thắc mắc: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”

Có phải chúng ta xứng đáng, rồi Chúa mới ngự vào hay nhờ Chúa ngự vào thì chúng ta mới nên xứng đáng? Câu hỏi quả không khó để trả lời. Cả tầng trời cao xanh này hay bất cứ chốn cung điện nguy nga sơn son thếp vàng nào cũng chẳng thể xứng đáng làm nơi Thiên Chúa ngự. “Lạy Chúa con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…” Mẹ Giáo hội đã lấy lại lời của viên đại đội trưởng Rôma ngày nào để cho đoàn tín hữu thân thưa trước khi hiệp Lễ hầu nhắc nhớ mọi người sự thật này: Không một ai trên trần gian này xứng đáng để Thiên Chúa ngự vào. Nhưng trái lại, ở đâu có Thiên Chúa ngự đến thì ở đó sẽ trở nên xứng đáng. Giakêu đã nên xứng đáng là nhờ Chúa Kitô đoái thương ngự đến.

Sự thật này đã được minh chứng bằng quyết định vừa anh hùng vừa quảng đại của Giakêu: “Thưa Ngài, đây nửa phần tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”(Lc 19,8). Quả thật không phải vì cảnh vật lung linh rực rỡ mà mặt trời mọc lên, nhưng nhờ mặt trời mọc lên nên cảnh vật mới trở nên rực rỡ lung linh. Một sự đổi thay thật ngoạn mục. Trong tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa thì không có sự gì là không thể. “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Abraham là tổ phụ, là cha của các kẻ tin. Lòng tin của Giakêu đã cứu chữa ông. Lòng tin của ông vào tình yêu của Giêsu đã khiến ông được chữa lành và nên mạnh mẽ trong đức công bình lẫn trong tình bác ái.

Những sự tốt đẹp diệu kỳ xảy ra là nhờ Chúa đến. Chúa đã đến với con người, với từng người, nhưng Người vẫn đứng ngoài cửa và gõ. Ai nghe tiếng Người và mở cửa thì Người sẽ vào nhà người ấy và dùng bữa với họ (x.Kh 3,20). Vấn đề đặt ra là chúng ta có mở cánh cửa tâm hồn với khát mong thay đổi như Giakêu chăng? Dĩ nhiên khát mong thay đổi ấy cần được đốt nóng bằng niềm tin vào tình yêu và quyền năng của Đấng “đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).

Xin cùng nhau trả lời những câu hỏi sau:

1. Bạn, tôi, chúng ta có tin Chúa yêu thương chúng ta hết lòng không?

2. Bạn, tôi, chúng ta có tin Chúa có thể làm mọi sự tốt lành cho chúng ta không?

3. Bạn, tôi, chúng ta có thực lòng muốn thay đổi, muốn nên tốt hơn, nên thánh thiện hơn bằng việc đón Chúa đến ở cùng?

Tiếp nhận Chúa qua Lời của Người, qua các Bí tích, qua các Đấng bậc trong Giáo hội dẫu rằng có đó nỗ lực gắng công, tuy nhiên tiếp nhận Chúa qua người anh chị em bé mọn, nghèo hèn, cô thế đang sống quanh ta mới thực sự là vấn đề.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Tháng Các Linh Hồn: Sống mầu nhiệm Hiệp thông
Lm Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
13:06 31/10/2019
SỐNG MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG

Không một loài thọ tạo nào tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô” (Rm 8, 39).

Với những lời xác quyết trên, trích từ thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma, phụng vụ Lời Chúa ngày cuối cùng của tháng Mười khéo léo dẫn đưa chúng ta đến với tâm tình thánh thiện của tháng Mười Một, tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời. Cầu nguyện cho các Tín hữu đã ly trần không chỉ diễn tả mầu nhiệm hiệp thông trong Hội Thánh mà con là một hành động của đức tin vững vàng, là dấu chỉ của niềm trông cậy xác đáng và là biểu hiện của lòng mến thiết tha nơi các Kitô Hữu.

Ngay từ ban đầu, nếp sống của các Kitô Hữu sơ khai đã nói lên thế nào là tính hiệp thông nơi Hội Thánh Chúa. “Họ đã chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, sống hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2:42). Các Kitô hữu tiên khởi không chỉ hiệp thông với nhau khi còn sống mà cả trong cái chết của họ. Bằng chứng cụ thể còn được lưu dấu nơi các hang toại đạo cổ (Catacombs) và cả nơi các nghĩa trang nơi chôn cất các Kitô Hữu xưa kia. Sống gần nhau, chết cùng nhau, và cuối cùng họ còn mong được chôn cất cạnh nhau. Các Kitô Hữu đầu tiên đã diễn tả mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh cách sống động thế nào thì ngày nay, chúng ta cũng cần sống mối thông hiệp thánh thiêng đó cách tròn đầy nơi đức tin, niềm hy vọng và lòng mến của chúng ta. Phải chăng đó là tâm tình chính yếu của Tháng Các Đẳng Linh Hồn?

Đức Tin

Mỗi lần chúng ta sốt sáng dâng lễ và cầu nguyện cho người thân đã ly trần là mỗi lần chúng ta tuyên xưng rằng: “cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Roma 8:38-39).

Chúng ta tuyên xưng cùng một niềm tin như các Thánh Tông Đồ đã truyền lại. Tất cả những ai đã chịu phép rửa trong Đức Giêsu Kitô thì cũng như đã chịu mai táng cùng với Người. Những ai đã cùng chết với Đức Kitô thì cũng sẽ được sống lại như Người (x. Roma 6:3-4). Vì tin như thế nên chúng ta mới không ngừng hoán cải và hy sinh cầu nguyện nhằm trợ giúp các linh hồn đang này đêm thanh tẩy nơi luyện tội để chờ ngày “được hợp nhất với Đức Kitô” trong sự sống lại vinh hiển của Người (x. Roma 6: 9).

Đức Cậy

Trong tháng 11 nói riêng và suốt cả năm Phụng vụ nói chung, chúng ta cử hành Thánh Lễ và viếng đất thánh là để cầu nguyện cho các linh hồn. Chúng ta cầu nguyện cho các ngài là vì chúng ta tin “xác loài người ngày sau sống lại” (Kinh Tin Kính Nixêa) Hơn nữa là vì trong tâm trí của chúng ta vẫn vang vọng niềm hy vọng mà Ngôn sứ Isaiah đã loan báo: “Ngày ấy, Đức Chúa các đạo binh sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, vứt bỏ tấm màn trùm lên muôn dân nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Ngày đó, Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người” (Isaia 25:6-8).

Thật vậy, mỗi khi chúng ta hợp tiếng kêu cầu Chúa, chúng ta muốn nhắc lại lời khẳng định của tác giả Thánh Vịnh 24 rằng: “Chẳng ai trông cậy nơi Chúa mà lại phải nhục nhằn tủi hổ bao giờ” (Tv 24:3). Chúa đã hứa và Người luôn giữ lời: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Gioan 14:1-3).

Niềm hy vọng của chúng ta không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng hão huyền nhưng trái lại đó là niềm hy vọng xây dựng trên nền tảng Lời Chúa và được củng cố bằng niềm tin mà chúng ta đã lãnh nhận. Niềm hy vọng ấy mời gọi chúng ta hướng đến tha nhân và thúc đầy chúng ta hành động vì người khác.

Đức Mến

Việc cầu nguyện cho các linh hồn đã có từ rất lâu, thậm chí còn được Kinh Thánh Cựu Ước ghi nhận. Trường hợp điển hình là khi ông Giuđa Macabê “quyên góp được khoảng hai ngàn quan tiền, ông gửi về Giêrusalem để xin dâng hy lễ tạ tội” cho các chiến sĩ trận vong. “Ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì tin rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn” (2Mcb 12:43-44). Vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức nên hành động của ông quả thực rất cao đẹp và thánh thiện.

Chữ Hiếu Trong Truyền Thống Á Đông

Niềm tin vào sự sống đời sau và tập tục cầu nguyện cho người quá cố không chỉ là đòi hỏi của đức tin và là biểu hiện của lòng trông cậy, đó còn là một truyền thống tốt đẹp phù hợp với tinh thần hiếu nghĩa của người Á Đông. Chim có tổ, suối có nguồn, con người có tổ có tiên. Chính vì vậy mà cha ông chúng ta hằng nhắc nhở các thế hệ trẻ rằng: “Con ơi hãy nhớ lấy lời, Trọng cha, kính mẹ, suốt đời chớ quên.”

Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông.
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!


Là người Việt Nam, chúng ta trân trọng chữ hiếu trong đạo làm người. Là một Kitô Hữu, chúng ta càng phải trân trọng công đức của những người thay mặt Chúa thông truyền sự sống và truyền thụ Đức tin cho chúng ta. Do đó tháng 11 với việc cầu nguyện và tưởng nhớ đặc biệt những người đã khuất là dịp thích hợp để chúng ta nhắc lại mầu nhiệm hiệp thông trong lòng Giáo Hội và để chia sẻ đức tin với anh chị em lương dân. Qua việc chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta vừa tuyên xưng niềm tin vào tình yêu bất diệt của Cha trên trời vừa bày tỏ niềm hy vọng vững chắc lời hứa ban sự sống viên mãn của Đấng Phục Sinh. Qua đó chúng ta còn có dịp thực thi lòng mến của chúng ta đối với nhau và đối với các bậc tiền nhân.

Lạy Chúa, xin cho các tín hữu đã ly trần được an nghỉ ngàn thu, và cho ánh hào quang vĩnh cửu chiếu soi họ muôn muôn đời.
 
Xin cho Các Linh Hồn được hưởng lòng thương xót Chúa
Lm. Bosco Dương Trung Tín
13:13 31/10/2019
Xin cho Các Linh Hồn được hưởng lòng thương xót Chúa

Ngay từ buổi đầu của Ki-tô giáo, Hội Thánh lữ hành đã hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã qua đời. Vì cầu nguyện để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý nghĩ lành thánh (2Mcb 12,45). Chúng ta hãy dâng thánh lễ và các việc lành để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời” (Trích Những ngày lễ Công Giáo, tháng 11, trang 126).

Tháng 11 trong Giáo Hội Công Giáo chúng ta dành riêng cầu cho các linh hồn đã qua đời. Theo lời dạy của Giáo Hội, việc cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời là một việc lành thánh, là một việc thiện.

Ngay khi lìa bỏ thân xác, linh hồn bất tử sẽ chịu phán xét riêng để được thưởng hay bị phạt đời đời. Tùy theo đời sống của mình trong tương quan với Đức Ki-tô, linh hồn hoặc phải trải qua một cuộc thanh luyện; hoặc được hưởng phúc trên trời; hoặc sa địa ngục vĩnh viễn” (x. GLCG , số 1022).

Các linh hồn trong luyện ngục bây giờ thật đáng thương, vì các Ngài không còn làm được gì để cho mình lãnh được ơn tha thứ và ơn cứu độ nữa. Các Ngài bây giờ đâu còn thân xác để cầu nguyện hay làm việc lành gì. Các ngài như “Người bị tù”, chỉ mong chờ sự cứu giúp của Giáo Hội, của người thân cầu nguyện cho thôi.

Các Ngài có thể là ông bà, cha mẹ hay bạn hữu của ta. Ngày xưa người Việt ta gọi là “CÁC ĐẲNG” thì phải lắm. Các Đẳng như là các Đấng, các bậc sinh thành nên chúng ta đó. Các Ngài bây giờ đang ở trong luyện ngục để thanh tẩy hay đền bù những gì mình đã sống bất công hay làm điều xấu xa, tội lỗi.

Chúng ta sẽ làm gì để cứu giúp các Ngài bây giờ?

Hội Thánh vẫn kính nhớ người quá cố và cầu nguyện cho họ, đặc biệt trong thánh lễ; để một khi được thanh luyện họ có thể hưởng nhan thánh Chúa. Hội Thánh khuyên chúng ta bố thí, làm việc hãm mình và nhường các ân xá cho những người đã qua đời” (x. GLCG, số 1032).

Như vậy, chúng ta có thể cứu giúp các Ngài bằng những lời cầu nguyện; bằng những hy sinh; bằng việc lần chuỗi Mân côi; lần chuỗi Lòng thương xót Chúa; bằng việc hãm mình, bố thí hoặc nhường các ân xá. Đó là cách tốt nhất để chúng ta trả ơn Các Ngài đó. Trong các việc đạo đức chúng ta làm, thì việc dâng lễ là việc cao trọng nhất và có giá trị nhất. Vì nhờ công nghiệp của Đức Giê-su, các Ngài lãnh nhận được dồi dào “lòng thương xót Chúa”.

Tôi dùng cụm từ “lòng thương xót Chúa”, chứ không dùng “xin cho các ngài mau được hưởng nhan thánh Chúa”, vì hơn ai hết các linh hồn trong luyện ngục bây giờ rất cần đến lòng thương xót của Chúa. Chúa thương, Chúa xót bao nhiêu thì các linh hồn sẽ được hưởng bấy nhiêu và sẽ mau về thiên đàng hưởng Nhan Thánh Chúa bấy nhiêu.

Bởi đó, chúng ta có thể cầu nguyện và nhớ đến các Ngài khi dâng thánh lễ hoặc xin lễ để cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời.

Cách riêng nói đến việc “xin lễ”. Dù tiền không mua được Thánh Lễ, cũng như không mua được ơn cứu độ, nhưng đó là sự hy sinh của ta. Vì chưng chúng ta biết: “Đồng tiền nó liền khúc ruột” mà; đó là do mồ hôi và nước mắt chúng ta làm ra. Vì sự cứu rỗi các linh hồn, ta dâng sự hy sinh đó. Đó là một sự hy sinh, một sự hãm mình lớn lao chứ không phải chuyện chơi.

Trong Giáo Luật, tiền xin lễ được gọi là “Bổng lễ”. “Khi dâng bổng lễ để Thánh Lễ được áp dụng theo ý chỉ của mình, các tín hữu đóng góp vào thiện ích của Giáo Hội: Bằng việc dâng cúng ấy, họ góp phần nâng đỡ các thừa tác viên và các hoạt động của Giáo Hội” (x. Giáo luật, số 946).

Nghĩa là khi ta xin lễ cầu cho linh hồn nào thì Thánh Lễ đó sẽ được dâng và “áp dụng” cho linh hồn đó theo ý chỉ của ta. Dù trong Thánh Lễ đó có cầu cho nhiều linh hồn khác đi nữa, thì mỗi linh hồn cũng sẽ được hưởng trọn vẹn chứ không bị phân chia. Đó là ý nghĩa của từ “áp dụng”. Và Tư Tế có dâng nhiều Thánh Lễ trong một ngày hay dâng nhiều linh hồn trong một thánh lễ, thì cũng chỉ nhận được một bổng lễ mà thôi. (x. Giáo luật, số 951)

Giáo luật còn nói rõ: “Phải áp dụng từng Thánh Lễ cho mỗi ý chỉ vì đó mà bổng lễ đã được dâng và nhận, cho dù bổng lễ đã nhận là nhỏ bé” (x. Gl số 948).

Dù vậy, việc ta xin lễ đó, các linh hồn được hưởng bao nhiêu là do Chúa quyết định, chứ không đương nhiên là linh hồn đó được hưởng hết. Linh hồn đó đáng được hưởng bao nhiêu thì Chúa ban cho bấy nhiêu. Ơn cứu độ là của Chúa, Chúa không bán; cũng không ai có thể bắt Chúa ban cho cả. Chúng ta cũng như các linh hồn chỉ kêu cầu và phó thác cho Lòng Thương Xót của Chúa thôi, chứ không dám đòi hỏi chi hết. Bởi đó, mà tôi dùng cụm từ “Lòng thương xót Chúa” là vậy. “Xin cho các linh hồn nhận được lòng thương xót của Chúa”.

Nếu ta siêng năng xin lễ và cầu nguyện cho các linh hồn, thì nhờ công nghiệp của Đức Giê-su Ki-tô, chắc chắn các Ngài sẽ được hưởng “dồi dào” lòng thương xót của Chúa. Các Ngài mà hưởng được dồi dào lòng thương xót Chúa bao nhiêu thì sẽ mau được vào thiên đàng bấy nhiêu.

Vậy chúng ta hãy nhớ đọc kinh cầu nguyện và xin lễ cầu cho các linh hồn đã qua đời trong tháng 11 này, để giúp các Ngài nhận được dồi dào lòng thương xót của Chúa và cứu các Ngài ra khỏi luyện ngục, sớm được lên thiên đàng hưởng Nhan Thánh Chúa.
 
Lễ Các Thánh Nam Nữ 1/11 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
13:35 31/10/2019
Bài Ðọc I: Kh 7, 2-4, 9-14

"Tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan đã nhìn thấy một thiên thần khác từ phía mặt trời mọc đi lên, tay cầm ấn Thiên Chúa hằng sống, và lớn tiếng kêu gọi bốn thiên thần được lệnh tàn phá đất và biển mà rằng: "Chớ có tàn phá đất, biển và cây cối trước khi ta đóng ấn trên trán những tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta". Và tôi đã nghe biết số người được đóng ấn là một trăm bốn mươi bốn ngàn người, thuộc mọi chi tộc Israel.

Sau đó, tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô rằng: "Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi, Ðấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên".

Rồi tất cả các thiên thần đến đứng chung quanh ngai vàng, và các trưởng lão cùng bốn con vật sấp mình xuống trước ngai mà thờ lạy Thiên Chúa rằng: "Amen! Chúc tụng, vinh hiển, khôn ngoan, cảm tạ, vinh dự, uy quyền và dũng lực cho Thiên Chúa chúng tôi muôn đời. Amen". Rồi một trong các trưởng lão lên tiếng hỏi rằng: "Những người mặc áo trắng này là ai vậy? Và họ từ đâu mà đến?" Tôi đáp lại rằng: "Thưa ngài, hẳn ngài đã rõ". Và người bảo tôi rằng: "Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Ðáp: Lạy Chúa, này là dòng dõi của những kẻ tìm Chúa

Xướng: Trái đất và muôn loài trên mặt đất là của Chúa, hoàn cầu và muôn vật trên địa cầu. Vì chưng Chúa đã xây dựng nền móng trái đất trên biển cả, và Người đã tạo dựng nó trên các sông ngòi.

Xướng: Ai sẽ được trèo lên núi Chúa? Ai sẽ được dừng bước trong thánh điện? Ðó là người có bàn tay vô tội và tâm hồn trong sạch, không để lòng xuôi theo sự giả trá.

Xướng: Người đó sẽ hưởng phúc lành của Chúa và lượng từ bi của Chúa, Ðấng giải thoát họ. Ðấy là dòng dõi của những kẻ tìm Người, những kẻ tìm tôn nhan Thiên Chúa của Giacóp.

Bài Ðọc II: 1 Ga 3, 1-3

"Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy".

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, các con hãy coi: Tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thực sự là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy. Và bất cứ ai đặt hy vọng nơi Người, thì tự thánh hoá mình cũng như Người là Ðấng Thánh.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mc 11, 28

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các con". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 5, 1-12a

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. - Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. - Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. - Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. - Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. - Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. - Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

"Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời".

Ðó là lời Chúa.
 
Chúa Nhật XXXI Thường Niên -C-
Lm Jude Siciliano, OP
14:44 31/10/2019

Khôn ngoan 11: 22-12:2; T.vịnh 144; 2 Thêxalônica 1: 11-22. Luca 19:1-10


Có điều gì làm chúng ta dừng chân trên đường đi không? Có một đại lý bán xe hơi đời mới Maserati quảng cáo mẫu xe mới trên nhật báo: Có giá gốc khoản $100,000 và nếu muốn thêm những tính năng mới nữa thì giá càng cao hơn. Nếu trên đường đến nhà bạn có một xe mới Maserati đi qua thì sẽ có người đi bộ dừng lại ngắm chứ? Vậy nếu chỉ đó là một loại xe hơi đời mới làm bắt mắt người ta phải ngắm? Huống chi là tôi cũng sẽ dừng lại ngắm xem. Cách đây ít lâu, tôi đi với cô em vào tiệm tạp hóa Macy. Có một bé gái 2 tuổi nắm gấu áo mẹ. Cô em tôi dừng chân lại và khen "Oh! cháu dễ thương quá" và mỉm cười với hai mẹ con.

Ngay cả những lúc chúng ta vội vã, cũng vẫn có một số điều làm chúng ta dừng lại theo dõi. Thánh Luca nói là Chúa Giêsu có ý định đi qua Giê-ri-cô, nhưng Ngài dừng lại trên đường đi, không phải vì có một xe ngựa kiểu mới nhất chạy qua; không phải vì có một em bé dể thương 2 tuổi gọi Ngài. Mặc dù vào lúc khác tôi chắc những sự việc nêu trên sẽ làm cho Ngài dừng lại. Nhưng đó chỉ là cảnh một người đàn ông trưởng thành, một người "giàu có" đang đứng trên cây sung cao hơn tất cả. Có lẽ có lẽ những người khác cũng nhìn thấy ông nhưng với ánh mắt coi thường. Đó là ông Dakêu mà người địa phương không thích, vì ông là người đứng đầu những nhân viên thu thuế.

Người Do thái làm nghề thu thuế cho đế quốc La mã vị dân chúng khi bỉ là vì: Họ biết rỏ từng hoàn cảnh địa phương nơi họ sinh sống. Họ biết ai là người vừa thu hoạch được một mùa gặt bội thu, và họ biết người chăn nuôi nào có nhiều dê và cừu. Họ biết họ có thể thu được bao nhiêu tiền thuế lúa thóc. Những gì họ thu trên người Do thái địa phương sẽ giúp người La mã xây dựng binh lực, mua sắm vũ khí để đàn áp dân chúng. Vi thế người địa phương không thích ông Dakêu chút nào. Người Do thái muốn gọi nhau chỉ ông Dakêu đứng trên cây sung và cười đùa "Kìa xem người thu thuế điên rồ, giàu có mà lại có cử chỉ điên rồ".

Nhưng, khi Chúa Giêsu nhìn thấy ông Dakêu, Ngài dừng lại. Ngài trông thấy một người giàu có, đang mặc trên người bộ quần áo đắt tiền. Có lẻ Ngài biết ông ta là một kẻ phản bội dân Do thái và có cử chỉ tò mò ngu ngơ để cố tìm hiểu xem "Chúa Giêsu là ai" Và chính điều đó làm Chúa Giêsu dừng chân lại. Ông Dakêu là người tò mò, và thánh Luca ghi lại là ông ta ra đó với hy vọng sẽ trông thấy Chúa Giêsu. Có thể là ông Dakêu muốn xem Chúa Giêsu có điều gì mà ông ta cần không. Vậy đó là điều gì? Có phải ông Dakêu mệt mỏi về cách sống của chính mình chăng? Hay mệt mỏi cả vì khối lượng của cải của ông đang có và những điều ông đã được cung cấp phải không? Trong khi ông Dakêu có mọi sự ông ta muốn, nhưng ông ta không có điều ông ta cần đó là một đời sống trung thật, và sự tôn trọng trong mối liên kết với cộng đoàn của ông. Ông ta không được láng giềng tôn trọng. và có lẻ ngay cả gia đình ông cũng bị coi thường với lời đàm tiếu "kìa tên thu thuế làm gỉ có vợ giỏi".

Dakêu biết rằng mình làm giàu là nhờ dựa trên tiền tài của người láng giềng. Khi làm như thế, ông cũng biết ông đã quay lưng lại với Thiên Chúa vì ông ta đang giúp cho người ngoại bang. Trong khi ông ta có nhiều vàng bạc trong túi, nhưng ông vẫn có một ý nghĩ tệ bạc. Bởi thế, chúng ta thấy ông Dakêu tìm xem Chúa Giểsu. Với ý định có thể không tốt lành gì, Cũng như chúng ta không cần phải là người tốt lành mới được Thiên Chúa quan tâm.

Mặc dù ông Dakêu không phải là gương mẫu của một kẻ ăn năng sám hối, kêu gọi ơn tha thứ. Dù vậy Chúa Giêsu đã định trước, Ngài dừng lại và có ý giúp ông ta. Có thể Chúa Giêsu biết ông ta không hài lòng, mặt ông ta tỏ vẻ chán nản. Có thể Chúa Giêsu thấy được sự ghen ghét, khinh chê của những người láng giềng của ông ta, Chúa Giêsu gọi ông Dakêu và tự nói ý định của Ngài là người tội lỗi hãy mời Ngài đến nhà.

Điều gì làm dân chúng bực bội vì Chúa Giêsu đến nhà ông Dakêu? Trong xã hội Trung Đông thời Chúa Giêsu, đến nhà một người "bẻ bánh ăn" với người đó là một cử chỉ tôn trọng và riêng tư. Ngay cả nhà của một người nghèo cũng là nơi đáng tôn trọng. Kẻ thù không được vào nhà.

Khi tôi còn nhỏ tôi đã có ý kiến về việc này. Ông nội tôi là một người lao động nhậo cư. Ông tôi "đào đường hầm" như những người nhập cư nghèo vào thời đó, ông tôi không có thì giờ để học tiếng Anh. Ông Bà tôi có 12 người con. Ông tôi quá bận rộn trong việc đào hầm để xây đường tàu điện ngầm ở Nữu Ước. Dù vậy, ông tôi nói với tôi là mỗi khi có một người bạn đến thăm gian nhà nhỏ của ông bà tôi ở Brooklyn, người bạn ông đã hôn tay ông tôi ngay nơi của trước khi bước vào và bước đi một cách tôn trọng. Mặc dù nhà nghèo đến đâu đi chăng nữa thì đó cũng là nơi đáng tôn trọng.

Bước vào nhà như Chúa Giêsu làm là một cử chỉ hòa giải. Nếu một kẻ thù được mời vào nhà "bẻ bánh ăn", thì người thù đó đã được hòa giải. Quá khứ đã quên đi và một liên hệ mới bắt đầu. Hệ quả hòa giải của bí tích Thánh Thể xuất phát từ truyền thống của vùng Trung Đông. Khi kẻ thù ngồi chung vào bàn ăn thì mọi sự được giải hòa. Đó là điều chúng ta nên nghĩ trong bí tích Thánh Thể hôm nay. Hãy nhìn xem chung quanh chúng ta, những người cùng bẻ bánh với chúng ta. Có liên hệ gì giữa những người đó và chúng ta cần được giải hòa hay không? Bí tích Thánh Thể hôm nay có thể giúp chúng ta làm điều chúng ta không làm được, hay muốn tự chúng ta làm là tha thứ cho kẻ thù của chúng ta.

Chúa Giêsu trông thấy ông Dakêu muốn tìm xem Ngài và Ngài tự bước đến với ông ta. Ngài không nghĩ ông Dakêu đã sửa soạn trước hay không. Ngài không cần lời nói tuyên xưng đức tin hay một cử chỉ "sám hối toàn vẹn". Chúa Giêsu tự động đề nghị vào nhà ông Dakêu và vào đời sống của ông ta. "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này". Tất cả mọi người trong nhà đều được hưởng khi ông Dakêu đón Chúa Giêsu vào đời sống của ông ta. Chúng ta biết kinh nghiệm đó. Một người có đức tin trong nhà, có thể ảnh hưởng đến tất cả đời sống của những người trong nhà.

Ông Dakêu không phải là một người hoàn toàn tốt lành. Ông ta biết mọi sự, và cảm thấy lạc lỏng. Nhưng Thần Khí Thiên Chúa thúc đẩy ông ta ra khỏi nhà hôm đó để đi tìm Chúa Giêsu. Ông ta nghĩ ông ta chỉ tìm xem Chúa Giêsu mà thôi. Nhưng khi Chúa Giêsu thấy ông Dakêu, Ngài dừng lại, chấp nhận ông ta như thể bước vào đời sống ông ta và cả gia đình ông ta.

Chúng ta cũng đã được Thần Khí Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta như đã thúc đảy ông Dakêu. Thật ra sự thúc đẩy đó đã bắt đầu từ khi chúng ta chịu phép rửa trong Chúa Thánh Thần. Và chúng ta cũng đã được thúc đẩy thêm mỗi khi chúng ta gặp những người cần được giúp đở hay cần được khuyên bảo an ủi; chúng ta cũng đã được thúc đẫy khi chúng ta thức đậy sáng sớm vào mùa đông lạnh lẻo để cố gắng đi nhà thờ; Thần Khí thúc dục chúng ta đứng ra bênh vực người bị chế nhạo hay bị từ khước, khi chúng ta cần dũng lực do đang trong thời gian bị thử thách hay đang đau khổ; Chúng ta cũng được thần khí thúc đẩy để gạt bỏ thói xấu mà chúng ta không tự mình làm được.

Chúng ta đã được Thần Khí thúc đẩy khi một người bạn hay một người phối ngẫu nói "hãy đi nhà thờ hôm nay". Và chúng ta đáp lại chúng tôi đã "Hướng lên trên" vì chúng tôi muốn tìm xem sự khao khát kiếm tìm trong lòng mình là gì. Thế nên chúng ta muốn xem Chúa Giêsu trong lúc này đang hiện diện trong đời sống của chúng ta như thế nào. Chúng ta đã đến tìm Ngài giống như ông Dakêu đã làm. Nhưng Chúa Giêsu đã dừng chân lại, và Ngài đã trông thấy chúng ta, vì Ngài đã luôn trông thấy chúng ta, mặc dù chúng ta không kiện toàn, bị lạc lối, bị chi phối, hay do tội lõi. Việc chúng ta đến đây thi hành phụng vụ hôm nay như là một cơ hội. Nhưng, không phải thế, Thần Khí Chúa thúc đảy chúng ta, và Chúa Giêsu dừng lại để gặp chúng ta giống như Ngài đang cố cùng ngồi vào bàn ăn này với chúng ta.

Cũng như đối với ông Dakêu, Chúa Giêsu muốn đến thăm nhà chúng ta trong một cử chỉ mới và bất ngờ. Điều gì khiến ông Dakêu cảm nghiệm thì chúng ta cũng muốn cảm nghiệm như thế. Qua chúng ta, chúng ta muốn gia đình chúng ta và thề giới xung quanh chúng ta cũng được chúc phúc, để cho điều gì đau khổ trong quá khứ qua đi, dân chúng hòa giải với nhau và yêu thương nhau nhiều hơn. Điều gì sẽ khiến chúng ta làm qua cái nhìn của Chúa Giêsu đến giữa chúng ta? Sao lại không thưa với Chúa Giêsu điều gì chúng ta thường nói ở miền nam nước Hoa Kỳ mỗi khi chúng ta mời một người vào nhà là "Xin bạn hãy bước vào. Hãy xem như đang ở nhà bạn. Rất mừng được gặp bạn".

Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP


31st SUNDAY -C-
Wisdom 11: 22-12:2; Psalm 145; 2 Thessalonians 1: 11-22; Luke 19: 1-10

What stops us in our tracks? There is a new Maserati automobile dealership advertising the latest models in the newspapers. The going price is around $100,000 – more if you want some extras! If a Maserati went down your street would it stop pedestrians in their tracks? Would it be an eye-catcher? I know it would catch my eye. A while back I walked with my sister through Macy’s. There was a two-year-old girl holding her mother’s coat. My sister stopped and exclaimed, "Cute!" – smiled at the child and complimented the mother.

Even when we are in a rush there are some things that – stop us in our tracks. Luke tells us that Jesus "intended" to pass through Jericho. But he stopped in his tracks. Not because the latest and swiftest chariot was passing through. Not because the cutest two-year-old had called out to him; though, at another time, I am sure, that would have caused him to stop. But it was the silly sight of a grown man, a "wealthy man," up in a sycamore tree, of all things. That stopped Jesus in his tracks. Others there probably looked with scorn at him. The locals would not have liked Zacchaeus at all. He was the chief tax collector.

Tax collectors were Jewish men who collected taxes for the Romans. They knew the local scene. They knew who had a good harvest and how many goats and sheep a shepherd had. They knew how much they could collect, every last schekel. What they took from the local Jewish population would go to supply arms and support for the Roman oppressors. So the locals would not have liked Zacchaeus one bit. It would have delighted them to poke one another in the ribs, point to Zacchaeus in the sycamore and scorn, "Look at that foolish tax collector – all his money and he’s making a fool of himself!"

But when Jesus saw Zacchaeus he stopped in his tracks. He saw a rich man in his expensive clothes. He would know that he was a traitor to his own people and was making a fool of himself – "seeking to see who Jesus was." That’s what got Jesus to stop. Zacchaeus was a seeker and Luke tells us he came out hoping to see Jesus. Maybe Zacchaeus wanted to see if Jesus had something that he needed. What could that be? Was he tired with his way of life? Tired even of the wealth and all it could provide? While Zacchaeus had what he wanted, he didn’t have what he needed – an honest life and good relations in his community. He did not have the respect of his neighbors. Was his family also rejected with comments like, "There are the wife and children of that no good tax collector."

Zacchaeus knew he made his wealth off the back of his neighbors. In doing that he also knew he had turned his back on God because he was helping support the pagans. While he had plenty of gold in his pockets he had a bankrupt spirit. So, we find him seeking to see Jesus. His intentions may not have been perfect, but we do not have to be perfect to attract God’s attention and concern.

Even though Zacchaeus was not a model of repentance, calling out for forgiveness, nevertheless Jesus took the initiative. Jesus stopped and helped him along. Maybe he could read the dissatisfaction, or misery on Zacchaeus’ face. Maybe Jesus could see the hatred and scorn on his neighbors’ faces. Jesus nudged Zacchaeus along. He invited himself to the sinner’s home.

What got the people so upset about Jesus’ going to Zacchaeus’ home? In Jesus’ middle eastern world to enter a person’s home, "to break bread" with them was to enter a sacred and private space. Even the home of a poor person was sacred. Enemies were not allowed in.

I had a sense of this when I was a boy. My grandfather was an immigrant laborer, "a ditch digger." Like many poor immigrants then and now he never really learned English. He did not have time for language classes, my grandparents had 12 children! Grandpa was too busy digging the ditch which became part of the New York subway system. But still, my father told me, when a friend would come to my grandparent’s tiny Brooklyn apartment they would kiss my grandfather’s hand at the door before entering, out of respect. No matter how poor the home, it was sacred.

To enter a home, as Jesus did, would have been an act of reconciliation. If an enemy were invited into a home to "break bread," have a meal, the enemy was reconciled, the past forgiven, a new relationship was formed,. The Eucharist comes from that middle eastern tradition, where enemies eating together are reconciled. That’s something to think about at this celebration today. Look around, who is sharing the same meal with us? Is there something in our relationship with them that needs to be addressed? The Eucharist today can enable us to do what we might not be able, or willing to do on our own, forgive our enemies.

Jesus saw the seeker and took the first step. He didn’t measure how much Zacchaeus had prepared himself. He didn’t require a public proclamation of faith, or a "perfect act of contrition." Jesus filled in the gaps and missing parts and entered Zacchaeus’ home and his life. "Today salvation has come to this house." Everyone in the family benefitted when Zacchaeus welcomed Jesus into his life. We know that experience. One believer in the home can touch the lives of everyone around them.

Zacchaeus was not perfect; he was unfinished, scattered and lost. But God’s Spirit nudged him to leave his home that day and become a seeker. He thought he was just going to see Jesus with his eyes But when Jesus saw Zacchaeus he stopped in his tracks, accepted him exactly as he was and entered his life and the life of his family.

We have all been nudged by the same Spirit that moved Zacchaeus. In fact, the nudging began at our baptism when we were baptized into the Spirit’s life. And, we have been nudged further: when we saw a person who needed our help, or a listening ear; nudged when we got up on miserable winter mornings to come to church anyway: nudged when we stood up for someone who was being picked on, or ignored; nudged when we needed strength in times of testing or pain; nudged to break what felt like an unbreakable, bad habit – and we did.

We were nudged by the Spirit when a spouse, or friend suggested, "Let’s go to church today." And we responded: we climbed this "tree" because we are searchers and there is a hunger inside us. We want to see Jesus at this moment of our lives. We have come looking for him, just as Zacchaeus did. But Jesus has already stopped in his tracks, seen us, as he always sees us; even though we are far from perfect, scattered, distracted or guilty. Our being here in worship today may seem like pure chance. But it isn’t; the Spirit nudged us and Jesus stopped to see us, just as we are and he joins us at this table.

As he did for Zacchaeus, Jesus also wants to come home with us, in new and surprising ways. What Zacchaeus experienced we want as well; through us we want our family and the world around us to be blessed; so that past hurts can be put aside; people become reconciled and hearts softened towards one another. What will we do in the exchange of looks between us and Jesus? Why not say to Jesus what we say here in the South when we invite someone into our home? "Y’all come in. Make yourself at home. Pleased to see you."

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:11 31/10/2019

72. Khi bị khinh mạn sỉ nhục mà không kiêu ngạo, đó không phải là chuyện khó, bởi vì khinh mạn sỉ nhục chính là áp chế kiêu ngạo, giúp người ta tu sửa kiêu ngạo.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:13 31/10/2019
52. THẾ GIỚI CỰC LẠC

Có một lần, hai anh em Lục Tính cùng đến chùa Long Đàm du ngoạn, nhìn thấy một phòng tối, đứa em nói:

- “Đây nhất định là địa ngục mà người ta thường nói”.

Người anh trả lời:

- “Không đúng, đó là thế giới cực lạc”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 52:

Địa ngục thì nhất định là phải tối tăm và thế giới cực lạc thì nhất định là phải sáng sủa, đó là quan niệm của nhiều người, và chính Đức Chúa Giê-su cũng đã nói như thế khi Ngài đưa ra viễn ảnh ngày phán xét…

Người quang minh chính đại thì coi tối tăm là nơi của thần dữ và tất cả những tội lỗi đều từ đó mà phát sinh; người tội lỗi hoặc những người có cuộc sống không tốt lành thì coi tối tăm là nơi cực lạc, vì nơi tối tăm họ dễ dàng làm những điều mờ ám tội lỗi, họ dễ dàng ném đá giấu tay và đồng lõa với tội phạm…

Người Ki-tô hữu là con cái của sự sáng nên cuộc sống của họ quang minh chính đại và phản ánh lại sự sáng của Phúc Âm, cho nên dù sống giữa một xã hội tràn ngập ánh sáng văn minh nhưng tâm hồn thì tối tăm đen đủi, họ vẫn cứ tỏa sáng như ánh đèn sáng chiếu soi mọi người bằng chính cuộc sống yêu thương và phục vụ tha nhân.

Có những ngục tù tối tăm nhưng vẫn rực sáng lên niềm tin vào Đức Chúa Giê-su nơi những con người như bị người đời xóa sổ; có những nơi sáng rực hoa đèn như phố thị nhưng tâm hồn con người thì vẫn cứ sống trong tối tăm đau thương và tội lỗi.

Nơi tối tăm nhưng chưa chắc đã khổ và nơi cực lạc thì chưa chắc là sung sướng, bởi vì tối tăm hay đau khổ đều do nơi tâm của chúng ta mà ra.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Các Đẳng Linh Hồn (2/11)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:07 31/10/2019
LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN

(Ngày 2 tháng 11)


Anh chị em thân mến,

Hôm qua (1/11) chúng ta đã mừng lễ kính các thánh nam nữ trên thiên đàng, các ngài là những người tôi trung của Thiên Chúa, hôm nay (2/11) chúng ta dâng lễ cầu cho các linh hồn trong luyện ngục, các ngài là những người đã sống và tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa, nhưng chưa trọn vẹn, do đó các ngài phải tạm thời chưa được diện kiến Thiên Chúa, và phải đền tội trong luyện ngục cho đến khi đền tội xong...

Giáo lý công giáo dạy chúng ta rằng: có thiên đàng để thưởng người lành, có hoả ngục để phạt kẻ dữ, và có luyện ngục để thanh tẩy các linh hồn còn vướng mắc các tội nhẹ chưa đền hết.

Các linh hồn trong luyện ngục tự mình không thể làm gì được để được Chúa tha tội, ở đó họ chỉ trông mong có một điều là hình phạt mau qua để chóng được hưởng nhan thánh Chúa, do đó họ rất cần đến lời cầu nguyện của chúng ta, cần đến những việc lành phúc đức và những hy sinh của chúng ta là những người đang còn sống ở thế gian.

Tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội đã dành hẳn tháng Mười Một trong năm để cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục, một tháng với biết bao nhiêu là việc lành mà chúng ta làm, với biết bao nhiêu là thánh lễ mà chúng ta tham dự cách sốt sắng, với biết bao hy sinh mà chúng ta đã thực hiện, thì chắc chắn có rất nhiều linh hồn trong luyện ngục được thoát khỏi hình phạt luyện ngục mà về thiên đàng hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa.

Tín điều các thánh thông công của Giáo Hội làm cho chúng ta thấy được rõ nhất trong tháng này, nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được hiệp thông với các thánh khải hoàn trên trời, chúng ta góp phần giải thoát các linh hồn đang đau khổ trong luyện ngục bằng các lời kinh nguyện và việc lành của chúng ta, và nhờ bí tích Rửa Tội mà chúng ta –những tín hữu chiến đấu ở trần gian- được hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Đức Chúa Giê-su.

Anh chị em thân mến,

Ai trong chúng ta cũng đều có người thân qua đời, nếu họ đã được hưởng hạnh phúc thiên đàng, thì họ sẽ cầu bàu cho chúng ta trước toà Thiên Chúa, nếu họ đang bị giam cầm trong luyện ngục thì họ đang rất cần đến lời cầu nguyện và những hy sinh của chúng ta, mỗi thánh lễ, mỗi lời nguyện, mỗi việc lành của chúng ta làm, thì như những giọt nước mát mẻ làm dịu bớt những đau khổ và thâu ngắn thời gian đền tội của họ trong luyện ngục.

Tháng Mười Một cũng là tháng báo hiếu của con cái đối với ông bà cha mẹ đã qua đời. Xin lễ, cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi, làm việc lành phúc đức.v.v... là những cách báo hiếu của chúng ta đối với các ngài vậy.

Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngôi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng- Amen.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Gương chính trực của Tổng Thống Công Giáo Nam Hàn
Nguyễn Trường Uy
08:38 31/10/2019
Một câu chuyện đáng chia sẻ với mọi người về đám tang của thân mẫu Tổng thống Hàn quốc Moon Jae In vừa tạ thế thọ 92 tuổi.

TT Moon Jae-in trước quan tài của Mẹ
Đây là lần đầu tiên một tổng thống Hàn Quốc chịu tang mẹ khi đang đương chức. Ông Moon ra thông cáo nhấn mạnh: các quan chức chính quyền không cần tới viếng, mà phải tiếp tục thực hiện công tác điều hành quốc gia như bình thường, không nên dành thời gian đi viếng ảnh hưởng công việc chung. Tổng thống sẽ trở lại làm việc ngay sau lễ tang mẹ.

Thông cáo ghi rõ: Ngoài người thân trong gia đình, tổng thống không nhận vòng hoa viếng, không tiếp các cuộc thăm viếng của các quan chức nhà nước. Không gian lễ đường trang nghiêm, trầm mặc với sự hiện diện của các ma sơ và thành viên gia đình. Có một số chính trị gia gửi hoa đến viếng nhưng đều bị gửi trả lại.

Tổng thống muốn lễ tang là một sự kiện riêng tư của gia đình, không để ảnh hưởng công việc chung và không muốn lễ tang là cơ hội cho bất kỳ ai.

Hàn quốc là một quốc gia Á đông song giờ văn minh không khác gì Âu Mỹ.
 
Hồng Kong: Giá của Tự do
Giang Thanh
19:26 31/10/2019
GIÁ CỦA TỰ DO

Hôm nay, tròn 2 tháng tưởng niệm ngày đen tối tại ga tàu điện Prince Edward 31/8, ngày mà nhiều chiến binh trẻ đã bị đánh đập thẳng tay rồi mất tích bí ẩn, cho đến những cái chết chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Nhân lễ hội Halloween 31/10, người ta phát động cuộc tuần hành từ Victoria Park đến Central, tận dụng cơ hội hợp pháp việc toàn dân đeo mặt nạ xuống đường. Tại khu vực Lan Kwai Fong nhiều người hóa trang và mang mặt nạ Lâm Trịnh. Họ cũng ghé qua ga tàu điện Thái Tử dâng hoa tưởng nhớ các nạn nhân. Ga này đã được lệnh đóng cửa từ chiều, các ga khác cũng tùy theo hiện trạng có thể ngừng hoạt động bất cứ lúc nào.

Không ai có thể ngờ căng thẳng ở HK lại kéo dài sắp sang tới tháng thứ 5. Giờ đây, khi tin tức biểu tình đã không còn được đặt trên trang nhất, người ta cứ ngỡ như nó đang chìm dần đi, nhưng thực chất thì cuộc chiến vẫn bền bỉ chưa có hồi kết. Người dân HK vẫn mải miết hối hả sinh sống, tất bật thương mại kinh doanh, nhưng nỗi đau vẫn còn đó, mọi vết thương vẫn chưa lành.

Khi một nữ sinh của trường Đại Học CUHK dám dũng cảm đứng lên công khai tố cáo cảnh sát tra tấn và lạm dụng tình dục các thanh niên biểu tình bị bắt giam ở Sun Uk Ling, những bạo hành man rợ trong các trại tập trung lần lượt được phanh phui: cảnh sát đã dùng nhiều thủ đoạn tra tấn hiểm độc, đổ cồn vào mũi cho xộc lên óc, soi tia lase cực mạnh vào mắt, hoặc làm nhục họ, v.v… Bàn tay cường quyền đang vùi dập giới trẻ HK theo cách tinh vi, một Thiên An Môn sau 30 năm đã lập lại tại Hương Cảng,

Bây giờ, hơi cay và súng đạn không còn được xem là “cú sốc” như trong ngày 12/6 nữa. Bao người HK trong đó có tôi đã đứt từng khúc ruột khi thấy những cảnh trấn áp thương tâm tăng cấp từng ngày: Nào là thằng bé 18 tuổi trúng đạn ngã gục, hút chết trong gang tấc. Nào những đứa trẻ bị cảnh sát chẹn cổ đến ngạt thở bất động, bị lôi đi trong vô thức, lấy thân kê làm giá súng. Nào những trận mưa dùi cui vụt vào đầu đến trào dịch, sùi bọt mép. Nào những gương mặt đầy máu và nước mắt bị bắt úp xuống đường, bị khống chế rồi bị bẻ gẫy các ngón tay, kêu la đau đớn …

Sự hoài nghi về việc cảnh sát đánh chết người càng lúc càng thêm được khẳng định. Vài đứa trẻ gái trong bộ đồ đen bị chết đuối, có đứa từng là vận động viên bơi lội. Tin được không ?? Nhiều nam thanh niên chết cách “tự vẫn” mà không lời trăn trối, nhảy từ lầu cao xuống đất mà không có lấy giọt máu tạị hiện trường, v.v… Đám con trai đa số được dàn dựng chết vì nhảy lầu, để ăn khớp với việc có thể đã bị đánh tan xương nát thịt trước đó. Con gái thì chết trôi dạt trên biển để sóng nước gột rửa sạch các dấu vết bị cưỡng dâm.

Giờ đây, những người khi bị bắt đều cố gắng la lên danh tính của mình, để hạn chế tối đa việc trở thành đối tượng bị giết người diệt khẩu. Đôi lúc, trong sự yếu mềm của tấm lòng người mẹ, tôi chỉ muốn kêu lớn rằng: Về nhà thôi, bình an của các bạn là thứ quý giá nhất trên đời đối với các bậc phụ mẫu. Nhưng tôi biết rõ: mong họ dừng lại là điều không thể, giới trẻ sẽ không thể lùi bước, không thể quay đầu, chỉ có thể tiến lên, bất khuất hơn. Cuộc chiến đấu dẫu ngang trí ngang tầm, nhưng lại hoàn toàn không cân sức. Họ chỉ có vũ khí thô sơ tự tạo, chống chọi một đội quân chuyên nghiệp được trang bị đủ đầy, có thế lực bao che. Họ không có gì ngoài sự thông minh sáng tạo tuyệt vời và lòng quả cảm vô đối. Tôi bị ám ảnh bởi những gương mặt tuấn tú, dẫu thân xác bị đè nén nhưng ánh mắt vẫn quắc lên hào khí anh hùng.

Mặc dù lãnh đạo chính quyền HK kiên quyết phủ nhận nguồn tin sử dụng công an Trung cộng trà trộn vào hàng ngũ cảnh sát. Nhưng nhìn những đòn thù ác như cầm thú, hay việc khủng bố tinh thần, đánh trọng thương người triệu tập của ủy ban nhân quyền dân vận Jimmy Sham (Trầm Tử Kiệt), những thủ đoạn tra tấn xưa nay hiếm trên xứ này, rõ ràng không thể xuất phát từ dân bản xứ HK, nơi mà văn minh đạo đức đã ăn sâu vào ý thức hệ của họ.

Từ khi lệnh cấm bịt mặt ban bố và lập tức có hiệu lực trong ngày 5/10, dân chúng vẫn tìm cách bịt mặt, vẫn đập phá dữ dội, chiến tranh thêm mạnh mẽ hơn. Ngoài 5 đại yêu sách, người ta yêu cầu đặc khu trưởng LT phải thu hồi lệnh cấm bịt mặt. Họ tố cáo bà đã lộng quyền, lạm dụng “Luật khẩn cấp”, vi phạm “Luật cơ bản” của HK.

Trong công bố mới nhất về “Báo cáo phát triển định kỳ”, bà Lâm Trịnh phớt lờ những yêu sách của dân chúng, thản nhiên không đề cập đến niềm oán hận vẫn sục sôi trong xã hội. Theo thăm dò dân ý, sự tin cậy của dân HK với Lâm Trịnh đã xuống thấp hết mức có thể. Trong khi bà luôn miệng nói về phương châm đưa dẫn HK ra khỏi thế cục rắc rối, nhưng lại không hề nhận lỗi chính mình là kẻ đã tạo nên mớ bòng bong Hương Cảng hôm nay.

***
Liên tưởng đến chuyện người dân nước tôi trải qua nhiều thời đại vẫn chấp nhận đánh đổi mạng sống ra đi, bằng thân phận thuyền nhân hay “thùng nhân” để lưu cư ly xứ. Vậy ta cũng đừng thắc mắc tại sao giới trẻ HK không sợ thương vong, vẫn kiên cường bất khuất đấu tranh đến cùng để gìn giữ quyền tự do dân chủ sẵn có của họ. Trong gần 5 tháng qua đã có hơn 2500 người bị bắt, vô số người chết chưa xác định. Mong một ngày an bình sớm trở lại, HK ơi!
 
Nguyên văn Tài Liệu Cuối Cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Toàn Vùng Amazon
Vũ Văn An
23:51 31/10/2019
Trong phiên họp thứ 16 và cũng là phiên họp cuối cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Toàn Vùng Amazon, ngày 26 tháng 10 năm 2019, Tài Liệu Cuối Cùng đã được toàn thể Thượng Hội Đồng thông qua. Hiện nay, Tòa Thánh mới chỉ công bố Tài Liệu bằng nguyên bản Tiếng Tây Ban Nha. Hãng Tin Zenit đã có công dịch sang tiếng Anh và lần lượt công bố từ ngày 30 tháng 10. Chúng tôi lấy bản tiếng Anh của Zenit để chuyển sang Việt Ngữ.



DẪN NHẬP

1. “Và Đấng ngự trên ngai phán : ‘Này đây Ta đổi mới mọi sự’. Rồi Người phán : ‘Ngươi hãy viết : Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật’” (Kh 21: 5)

Sau một chặng đường dài đồng nghị lắng nghe dân Chúa trong Giáo Hội Amazon, mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mở màn trong chuyến viếng thăm Amazon vào ngày 19 tháng 1 năm 2018, Thượng hội đồng đã được tổ chức tại Rôma trong một cuộc hội họp huynh đệ 21 ngày vào tháng 10 năm 2019. Bầu khí ở đây là một bầu khí trao đổi cởi mở, tự do và tôn trọng của các Giám mục Mục tử ở Amazon, các nhà truyền giáo nam nữ, giáo dân nam nữ, và đại diện các dân tộc bản địa Amazon. Chúng tôi là những nhân chứng tham dự một biến cố giáo hội được đánh dấu bởi sự khẩn cấp của chủ đề, một chủ đề kêu gọi mở ra những nẻo đường mới cho Giáo hội trong vùng lãnh thổ. Công việc nghiêm túc đã được chia sẻ trong một bầu khí xác tín lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần đang hiện diện.

Thượng hội đồng được tổ chức trong một môi trường huynh đệ và cầu nguyện. Các can thiệp được kèm theo nhiều lần bằng tiếng vỗ tay, ca hát và tất cả đều có những khoảnh khắc im lặng chiêm nghiệm sâu sắc. Bên ngoài Hội trường Thượng Hội Đồng, có sự hiện diện đáng chú ý của những người từ thế giới Amazon, những người tổ chức các biến cố hỗ trợ nhiều hoạt động, đám rước khác nhau, như lễ khai mạc với những bài hát và điệu nhảy cùng đồng hành với Đức Thánh Cha, từ mộ Thánh Phêrô đến Hội trường Thượng hội đồng. Đàng Thánh giá các vị tử đạo vùng Amazon rất gây ấn tượng, bên cạnh sự hiện diện rộng lớn của các phương tiện truyền thông quốc tế.

2. Tất cả các tham dự viên bày tỏ ý thức sâu sắc về tình thế bi đát đang ảnh hưởng đến Amazon. Điều này có nghĩa việc biến mất lãnh thổ và cư dân của nó, đặc biệt là người dân bản địa. Rừng Amazon là “trái tim sinh học” đối với trái đất, một trái tim ngày càng bị đe dọa. Nó thấy mình rơi vào một cuộc chạy đua tới cái chết một cách không tài nào kiềm chế được. Nó đòi hỏi những thay đổi triệt để một cách hết sức khẩn cấp, một hướng đi mới giúp nó được cứu vớt. Người ta đã chứng minh một cách khoa học rằng sự biến mất sinh quần Amazon sẽ có tác động thảm khốc trên toàn hành tinh!

3. Hành trình đồng nghị của dân Chúa trong giai đoạn chuẩn bị đã có sự tham gia của toàn thể Giáo hội trong lãnh thổ, các Giám mục, các nhà truyền giáo nam nữ, các thành viên của các Giáo hội thuộc các tín phái khác, giáo dân nam nữ, và nhiều đại diện của các dân tộc bản địa quanh việc tham khảo tài liệu từng gợi hứng cho Tài liệu Làm việc. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe tiếng nói của Amazon, được thúc đẩy bởi hơi thở lớn lao hơn của Chúa Thánh Thần trong tiếng kêu của trái đất bị thương và các cư dân của nó. Đáng chú ý là sự tham gia tích cực của hơn 87,000 người, của các thành phố và nền văn hóa khác nhau, ngoài ra còn có nhiều nhóm thuộc các giáo hội khác và sự đóng góp của các học giả và tổ chức của xã hội dân sự vào các chủ đề chuyên biệt chính.

4. Việc tổ chức Thượng hội đồng có thể làm nổi bật việc tổng hợp tiếng nói của Amazon với tiếng nói đầy suy nghĩ của các Mục tử tham dự. Chính kinh nghiệm mới của việc lắng nghe để biện phân tiếng nói của Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt Giáo hội đến những cách hiện diện mới, việc truyền giảng tin mừng và đối thoại liên văn hóa ở Amazon. Lập trường, phát sinh trong diễn trình chuẩn bị, rằng Giáo hội là đồng minh của thế giới Amazon, đã được khẳng định một cách mạnh mẽ. Việc cử hành đã kết thúc bằng một niềm vui lớn lao và niềm hy vọng sẽ nắm lấy và thực hành mô hình mới của hệ sinh thái toàn diện, việc chăm sóc “ngôi nhà chung” và bảo vệ Vùng Amazon.

CHƯƠNG I, AMAZON: TỪ LẮNG NGHE ĐẾN HOÁN CẢI TOÀN DIỆN

“Rồi thiên thần chỉ cho tôi thấy một con sông có nước trường sinh, sáng chói như pha lê, chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên” (Kh 22: 1)

5. “Chúa Kitô chỉ tay về phía Amazon”, (Thánh Phaolô VI, attrib.). Ngài giải thoát mọi người khỏi tội lỗi và ban cho họ phẩm giá làm Con cái Thiên Chúa. Việc lắng nghe Amazon, đúng theo tinh thần riêng của người môn đệ và dưới ánh sáng của Lời Chúa và Truyền thống, đã thúc đẩy chúng ta đến một sự hoán cải sâu sắc các kế hoạch và cơ cấu của chúng ta hướng về Chúa Kitô và Tin Mừng của Người.

Giọng nói và tiếng hát của Amazon như thông điệp sự sống

6. Ở Amazon, sự sống được lồng, liên kết và hòa nhập vào lãnh thổ, một lãnh thổ, trong tư cách một khu vực vật chất, có tính sinh tử và đầy dinh dưỡng, là khả thể, nguồn nuôi dưỡng và giới hạn của sự sống. Amazon, cũng được gọi là Vùng Toàn Amazon, là một lãnh thổ rộng lớn với dân số ước lượng khoảng 33,600,000 người, trong đó vào khoảng từ 2 đến 2,5 triệu người là người Bản địa. Khu vực này, được tạo thành bởi lưu vực sông Amazon và mọi nhánh sông của nó, được trải dài gồm chín quốc gia: Bôlivia, Peru, Ecuador, Colombia, Venezuela, Ba Tây, Guyana, Surinam và Guyana thuộc Pháp. Vùng Amazon rất chủ yếu cho việc phân phối nước mưa ở các khu vực Nam Mỹ và nó góp phần vào các chuyển vần lớn lao của không khí trên khắp hành tinh; hiện tại, đây là khu vực dễ bị tổn thương thứ hai trên thế giới, do hành động của con người, liên quan đến biến đổi khí hậu.

7. Nước và đất Vùng này nuôi dưỡng và duy trì thiên nhiên, sự sống và các nền văn hóa của hàng trăm cộng đồng bản địa, nông dân, hậu duệ gốc Phi, sắc dân mestizos (1), người lập cư, người sống ven sông và cư dân các trung tâm đô thị. Nước, nguồn sống, có ý nghĩa biểu tượng phong phú. Ở vùng Amazon, vòng tuần hoàn của nước là trục nối kết; nó nối kết các hệ sinh thái, các nền văn hóa và sự phát triển của lãnh thổ.

8. Có một thực tế đa sắc tộc và đa văn hóa ở vùng Amazon. Các dân tộc khác nhau đã có thể thích nghi với lãnh thổ. Họ xây dựng và tái xây dựng, trong mỗi nền văn hóa, viễn kiến vũ trụ của họ, các dấu chỉ và ý nghĩa của họ cùng viễn kiến về tương lai của họ. Trong các nền văn hóa và các dân tộc bản địa, các tập tục cổ xưa và các giải thích thần thoại cùng tồn tại với các kỹ thuật và thách đố hiện đại. Những khuôn mặt sống ở Amazon rất đa dạng. Ngoài các dân tộc bản địa, còn có những cuộc hôn nhân dị chủng khá lớn phát sinh từ việc gặp gỡ và giao tiếp gần gũi của các dân tộc khác nhau.

9. Việc các dân tộc bản địa của Amazon tìm kiếm sự sống dồi dào được cụ thể hóa trong điều họ gọi là “sống tốt”, và nó được thể hiện trọn vẹn trong Các Mối Phúc Thật. Đó là việc cố gắng sống hòa hợp với chính mình, với thiên nhiên, với con người và với Đấng tối cao, vì xét rằng có một sự thông đạt qua lại giữa toàn bộ vũ trụ, nơi không loại trừ một ai hoặc không ai bị loại trừ, và là nơi chúng ta có thể tạo nên một dự án sống viên mãn cho mọi người. Một sự hiểu biết về sự sống như vậy có đặc điểm ở sự nối kết và hài hòa trong các mối liên hệ giữa nước, lãnh thổ và thiên nhiên, đời sống cộng đồng và văn hóa, Thiên Chúa và các lực lượng tâm linh khác nhau. Đối với họ, “sống tốt” là phải hiểu tính trung tâm trong liên hệ siêu việt của con người và sáng thế, và nó ám chỉ “sự sống tốt”. Phương thức toàn diện này được phát biểu trong cách họ tự tổ chức, bắt đầu từ gia đình và cộng đồng, và bao gồm việc sử dụng có trách nhiệm mọi của cải của sáng thế. Các dân tộc bản địa mong ước đạt được các điều kiện sống tốt hơn, nhất là về y tế và giáo dục, để hưởng được sự phát triển bền vững do chính họ lãnh đạo và biện phân và giữ sự hài hòa trong các lối sống truyền thống của họ, đối thoại giữa sự khôn ngoan và kỹ thuật của các bậc tiền bối và các kỹ thuật sở đắc được.

Tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo

10. Tuy nhiên, Amazon ngày nay là một sắc đẹp bị đả thương và biến dạng, một nơi đau đớn và bạo lực. Các cuộc tấn công chống lại thiên nhiên đã gây ra những hậu quả tiêu cực đối với cuộc sống của người dân. Cuộc khủng hoảng môi trường và xã hội độc đáo này đã được suy tư trong các phiên lắng nghe trước Thượng Hội Đồng; những phiên lắng nghe này cho thấy rõ các mối đe dọa sau đây chống lại sự sống: chiếm đoạt và tư nhân hóa của cải thiên nhiên, như nước, các nhượng quyền khai thác gỗ hợp pháp và việc du nhập cảnh khai thác bất hợp pháp; săn bắn và lưới cá kiểu trấn lột; các dự án khổng lồ không có tính bền vững (dự án thủy điện, nhượng quyền rừng, chặt hạ ồ ạt, độc canh, đường cao tốc, đường thủy, tàu hỏa và các dự án khai mỏ và dầu khí; ô nhiễm do các kỹ nghệ khai khoáng và đổ rác các thành phố và trên hết là biến đổi khí hậu. Chúng là những đe dọa thực sự đem theo các hậu quả xã hội nghiêm trọng: bệnh tật bắt nguồn từ ô nhiễm, buôn bán ma túy, các nhóm vũ trang bất hợp pháp, nghiện rượu, bạo lực chống phụ nữ, bóc lột tình dục, buôn bán nội tạng, du lịch tình dục, mất văn hóa gốc và bản sắc (ngôn ngữ, các thực hành tâm linh và phong tục), kết tội và giết hại các nhà lãnh đạo và bảo vệ lãnh thổ. Đằng sau tất cả những điều này là quyền lợi kinh tế và chính trị của các nhóm thống trị, với sự đồng lõa của một số nhà cai trị và một số chính quyền bản địa. Các nạn nhân là những nhóm đễ bị tổn thương nhất: trẻ em, người trẻ, phụ nữ và Chị cùng Mẹ Đất.

11. Về phần mình, cộng đồng khoa học cảnh báo về nguy cơ mất rừng, một việc đến nay đã phá hủy gần 17% tổng diện tích của rừng Amazon, và đang đe dọa sự sinh tồn của toàn bộ hệ sinh thái, gây nguy hiểm cho tính đa dạng sinh học và thay đổi chu kỳ quan trọng của nước vốn cần cho sự sống còn của rừng nhiệt đới. Ngoài ra, Amazon cũng có vai trò quan yếu như thiết bị giảm sốc chống lại biến đổi khí hậu; nó cung cấp các hệ thống vô giá và căn bản chống đỡ quan yếu cho không khí, nước, đất, rừng và sinh khối (biomass). Đồng thời, các chuyên gia nhắc nhở rằng nhờ sử dụng khoa học và các kỹ thuật tiên tiến vào một nền kinh tế sinh học đổi mới của rừng đứng và sông chảy, ta có thể giúp bảo vệ rừng nhiệt đới, bảo vệ các hệ sinh thái của Amazon và các dân tộc bản địa và truyền thống và, đồng thời, cung ứng các hoạt động kinh tế bền vững.

12. Một hiện tượng phải giải quyết là di dân. Trong các khu vực Amazon, có ba diễn trình di dân cùng một lúc. Đầu tiên, là các trường hợp ưa di chuyển của các nhóm bản địa trong các lãnh thổ lưu động truyền thống, phân cách bởi biên giới quốc gia và quốc tế. Thứ đến, việc di dân bắt buộc của người dân bản địa, nông dân và người sống ven sông bị trục xuất khỏi lãnh thổ của họ, và nơi đến cuối cùng của họ thường là những khu vực nghèo nhất và những khu vực đô thị hóa tồi tệ hơn trong các thành phố. Thứ ba, các cuộc di cư bắt buộc liên vùng và hiện tượng tị nạn, tức những người bắt buộc phải rời khỏi đất nước của họ (trong số những nước khác, phải kể Venezuela, Haiti, Cuba) phải băng qua Amazon như một hành lang di dân.

13. Sự rời cư của các nhóm bản địa bị trục xuất khỏi lãnh thổ của họ và bị thu hút bởi ánh sáng sai lầm của nền văn hóa đô thị nói lên tính đặc thù độc đáo của các phong trào di cư ở Amazon. Các trường hợp trong đó tính di động của các nhóm này diễn ra trong các lãnh thổ lưu thông bản địa truyền thống, cách nhau bởi biên giới quốc gia và quốc tế, kêu gọi phải có sự chăm sóc mục vụ xuyên biên giới có khả năng hiểu quyền được lưu chuyển tự do của các dân tộc này. Tính di động của con người ở Amazon cho thấy khuôn mặt bần cùng và đói khát của Chúa Giêsu Kitô (Xem Mt. 25:35), bị trục xuất và vô gia cư (Xem Lc 3: 1-3), và cả việc phụ nữ hóa việc di dân khiến hàng ngàn phụ nữ dễ bị tổn thương do nạn buôn người, một trong những hình thức bạo lực tồi tệ nhất chống lại phụ nữ và là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất. Nạn buôn người, khi được liên kết với việc di dân, đòi phải có mạng lưới chăm sóc mục vụ thường trực.

14. Cuộc sống của các cộng đồng Amazon chưa bị ảnh hưởng bởi làn sóng văn minh Tây phương, được phản ảnh trong niềm tin và các nghi lễ nói về hành động của các linh thần, được gọi tên bằng vô số cách, với và trong lãnh thổ, với và trong tương quan với thiên nhiên (Laudato Si’ 16, 91, 117, 138, 240). Chúng ta hãy nhìn nhận rằng hàng ngàn năm qua, họ đã chăm sóc trái đất, nguồn nước và rừng của nó, và đã thành công trong việc bảo tồn chúng cho đến ngày nay để nhân loại có thể vui hưởng các hồng phúc nhưng không trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Các nẻo đường truyền giảng tin mừng mới phải được xây dựng trên việc đối thoại với kiến thức căn bản này, trong đó nó được biểu lộ như những hạt giống của Lời Chúa.

Giáo Hội ở vùng Amazon

15. Trong diễn trình lắng nghe tiếng kêu của lãnh thổ và tiếng kêu của các dân tộc, Giáo hội phải nhắc nhớ các bước đi của mình. Việc truyền giảng tin mừng tại Châu Mỹ Latinh là một hồng phúc của Chúa Quan Phòng, Đấng vốn kêu gọi mọi người đến với sự cứu rỗi trong Chúa Kitô. Bất chấp việc thực dân hóa về quân đội, chính trị và văn hóa, và vượt lên trên lòng tham và tham vọng của những người thực dân, vẫn có nhiều nhà truyền giáo đã hy sinh mạng sống của mình để truyền rao Tin Mừng. Cảm thức truyền giáo không những gây cảm hứng cho việc hình thành ra các cộng đồng Kitô giáo mà cả việc lập pháp nữa như Các Đạo Luật Bản Địa, vốn bảo vệ phẩm giá của người Bản địa chống lại sự chà đạp người dân và vùng lãnh thổ của họ. Những lạm dụng như vậy đã gây ra nhiều vết thương nơi các cộng đồng và làm mờ đi thông điệp của Tin mừng. Thường thì việc loan báo Chúa Kitô được thực hiện trong mối thông đồng với các thế lực khai thác các tài nguyên và đàn áp dân chúng. Hiện tại, Giáo hội có cơ hội lịch sử để phân biệt mình với các thế lực thực dân mới, bằng cách lắng nghe các dân tộc Amazon để có thể thi hành một cách minh bạch trong hoạt động tiên tri của mình. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng môi trường và xã hội đang mở ra nhiều cơ hội mới để trình bày Chúa Kitô trong mọi tiềm năng giải phóng và nhân bản hóa của Người.

16. Các vị tử đạo đã viết một trong những trang sử vinh quang nhất của Amazon. Sự tham gia của những người theo Chúa Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn, Sự Chết và Phục Sinh Vinh Quang của Người, đã đồng hành với cuộc sống của Giáo Hội cho đến ngày nay, nhất là trong thời và trong nơi, vì Tin Mừng của Chúa Giêsu, Giáo Hội sống giữa mâu thuẫn gia trọng, như đang xảy ra hôm nay với những người vốn chiến đấu can đảm cho một hệ sinh thái toàn diện ở Amazon. Thượng hội đồng này nhìn nhận một cách đầy ngưỡng mộ những người chiến đấu bất chấp rủi ro lớn đối với mạng sống của họ, để bảo vệ sự tồn tại của lãnh thổ này.

Được kêu gọi hoán cải toàn diện

17. Lắng nghe tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo và của các dân tộc Amazon với những người cùng bước đi với chúng ta, đòi chúng ta phải thực sự hoán cải toàn diện, bằng một cuộc sống đơn giản và đạm bạc, tất cả được nuôi dưỡng bằng một nền linh đạo huyền nhiệm theo phong cách của Thánh Phanxicô Assisi, vốn là điển hình của sự hoán cải toàn diện, một cách hân hoan và vui hưởng Kitô giáo (Xem Laudato Si’20-120. Một việc đọc Lời Chúa theo cung cách cầu nguyện sẽ giúp chúng ta suy ngẫm và khám phá thêm những tiếng rên rỉ của Chúa Thánh Thần và sẽ khuyến khích chúng ta cam kết chăm sóc “ngôi nhà chung”.

18. Là Giáo hội, chúng ta, các môn đệ truyền giáo, cầu xin ơn hoán cải này, một ơn “hàm nghĩa để cho mọi hậu quả của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô nở rộ trong các mối liên hệ với thế giới xung quanh chúng ta (Laudato Si’ 217); một hoán cải bản thân và cộng đồng làm chúng ta cam kết liên hệ một cách hài hòa với công việc sáng tạo của Thiên Chúa, vốn là “ngôi nhà chung”, một việc hoán cải cổ vũ việc tạo ra các cơ cấu hài hòa với sự chăm sóc Sáng thế; một hoán cải mục vụ dựa trên tính đồng nghị, vốn thừa nhận sự tương tác của toàn bộ Sáng thế. Một sự hoán cải dẫn chúng ta trở thành một Giáo hội lên đường đi vào lòng của mọi dân tộc Amazon.

19, Như thế, chỉ duy nhất sự hoán cải quay về với Tin Mừng sống động, tức Chúa Giêsu Kitô, mới có thể mở ra các chiều kích nối kết qua lại để thúc đẩy việc lên đường đi ra các vùng ngoại vi hiện sinh, xã hội và địa lý của Amazon. Những chiều kích này có tính mục vụ, văn hóa, sinh thái và đồng nghị, sẽ được khai triển trong bốn chương sau đây.
___________________________________________________________________________________
(1) Ở Châu Mỹ Latinh, chỉ người có chủng tộc hỗn hợp, nhất là có tổ tiên gốc Tây Ban Nha và bản địa.

Kỳ tới: Chương Hai

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tài liệu năm 2014 về Linh Hứng của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, Kết luận chung
Vũ Văn An
04:30 31/10/2019
KẾT LUẬN CHUNG

Giáo Hội Công Giáo, trong một tuyên bố long trọng và có tính quy phạm (tại Công Đồng Chung Triđentinô, EB 58-60), đã ấn định qui điển các sách thánh, do đó xác định các tiêu chuẩn căn bản cho đức tin của mình. Giáo Hội do đó giải thích những bản văn nào phải được coi "là soạn thảo dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần" (Dei Verbum, n. 11), và do đó cần thiết cho việc đào tạo và xây dựng các tín hữu và toàn bộ cộng đồng Kitô hữu (2 Tm 3:15-16). Nếu, một mặt, Giáo Hội hoàn toàn ý thức được rằng những trước tác được soạn thảo bởi các tác giả phàm nhân, những người đã đánh dấu chúng bằng tài năng văn chương của riêng mình, thì mặt khác, người ta cũng nhìn nhận trong chúng một phẩm chất thần thiêng hoàn toàn chuyên biệt, được chứng thực nhiều cách khác nhau bởi chính các bản văn thánh, và được giải thích nhiều cách đa dạng bởi các nhà thần học, trong suốt lịch sử.

Nhiệm vụ của Ủy ban Kinh Thánh, được mời phát biểu về chủ đề này, không hệ ở việc cung cấp một học thuyết về linh hứng, một học thuyết có thể cạnh tranh với những gì thường được trình bầy trong các khảo luận của thần học hệ thống. Với sự trợ giúp của tài liệu này, Ủy Ban tìm cách chứng minh chính Kinh thánh đã chứng minh ra sao nguồn phát xuất thần thiêng của chứng từ của nó, do đó, là người mang và truyền đạt sự thật của Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta định vị mình trong bối cảnh đức tin, khi chấp nhận điều Giáo Hội đã giao phó cho chúng ta như là Lời của Thiên Chúa, và, khởi đi từ Lời này, cố gắng đạt cho được các yếu tố của một sự thấu hiểu giúp chúng ta tiếp nhận thành công hơn di sản thần thiêng này.

Kinh Thánh tạo nên một tổng thể thống nhất, vì tất cả các cuốn sách, "với mọi phần của chúng" (Dei Verbum, n. 11) đều là các bản văn được linh hứng, có chính Thiên Chúa "là tác giả" (ibid ..). Tuy nhiên, dù thừa nhận rằng mọi lời của bản văn thánh đều có thể được coi là Lời của Thiên Chúa, trong gắn bó chặt chẽ với mọi lời khác, Giáo hội vẫn luôn nhìn nhận khía cạnh đa dạng của chúng, một khía cạnh xem ra mâu thuẫn với sự quả quyết về nguồn gốc thần thiêng duy nhất của chúng.

Sự phân biệt giữa Cựu Ước và Tân Ước là biểu hiện rõ ràng nhất của tính đa dạng Kinh Thánh. Trong các vương cung thánh đường Kitô Giáo cổ xưa, hai đài giảng kinh (ambons) đã được sắp xếp để đọc các bản văn thánh, với mục đích làm nổi bật sự khác biệt và sự bổ sung của hai giao ước, cả hai đều cần thiết để chứng thực biến cố mặc khải độc đáo dứt khoát, tức mầu nhiệm Chúa Kitô. Đó là lý do tại sao, trong tài liệu này, chúng ta tôn trọng bản chất riêng của mỗi phần cấu thành Kinh thánh, bằng cách làm rõ cách thức mà sự đa dạng của chúng không những không gây trở ngại, mà còn làm phong phú thêm chứng từ trung thực của Ngôi Lời duy nhất của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, bên trong hai phần chính của Kinh thánh, sự đa dạng về thể văn, các phạm trù thần học, các cách tiếp cận nhân học và xã hội học đặc biệt hiển nhiên. Thiên Chúa thực sự đã nói "nhiều cách" (Dt 1:1), không những thời xưa, mà cả sau khi Chúa Con đã đến, Đấng đã mạc khải trọn vẹn Chúa Cha (xem Ga 1:18). Do đó, trong Tài liệu này, điều xem ra cần thiết là phải đưa ra ánh sáng, bằng các thí dụ được chọn lọc, sự phong phú của các biểu thức này, tất cả đều được lên sinh khí từ cùng một sự chắc chắn sẽ nói lên sự thật của Thiên Chúa.

1. Nguồn gốc thần thiêng của các trước tác Kinh thánh

140. Cộng đồng đức tin sống nhờ một truyền thống: nó được thành lập và xây dựng bằng việc lắng nghe Lời Chúa, được viết ra trong những cuốn sách, được lưu truyền như những sách quy phạm, vì mang trong chính chúng dấu ấn thế giá riêng của chúng.

Dấu ấn ấy trước hết được bảo đảm bởi thế giá của các tác giả của chúng, những người, theo một truyền thống cổ xưa và đáng kính, vốn được công nhận như các sứ giả của Thiên Chúa, và được ân ban đặc sủng linh hứng. Do đó, trong nhiều thế kỷ, và cho đến tận thời hiện đại, tư cách làm cha về văn chương của Ngũ kinh, vốn được gán cho Môsê, không bị đặt câu hỏi, cả tư cách làm cha của những cuốn sách tiên tri và khôn ngoan khác, những cuốn, khi không có tựa đề chuyên biệt, vốn được gán cho các tác giả nổi tiếng (như Đavít, Salômôn, Giêrêmia). Cách tiếp nhận các sách kiểu truyền thống này cũng có giá trị đối với các trước tác Tân Ước, tất cả đều được coi như phát xuất từ đoàn Tông đồ. Ngày nay, nhờ các cuộc nghiên cứu đồng qui được thực hiện bằng các phương pháp văn học và sử học, chúng ta không thể duy trì cùng một quan điểm như trong quá khứ. Thật vậy, khoa giải thích đã chứng minh, với những lập luận thuyết phục, rằng các cuốn sách khác nhau không chuyên nhất phát xuất từ các tác giả được nhắc đến trong tựa đề của chúng, hoặc được truyền thống thừa nhận như thế. Trái lại, lịch sử văn học của Kinh Thánh giả thiết nhiều can thiệp khác nhau, và do đó, sự hợp tác của nhiều tác giả khác nhau, mà nhiều người trong số này ẩn danh, trong một lịch sử soạn thảo rất dài và soạn tới soạn lui. Các nhận xét khác nhau liên quan đến một mô hình cho phép giải thích nguồn gốc của các trước tác thánh không đối lập trực diện với quan niệm truyền thống, đôi khi bị coi quá nhanh là chủ nghĩa giải thích giản đơn (simplisme herméneutique). Trong thực tế, Giáo hội, nhờ công biện phân đòi hỏi khắt khe và kiên nhẫn, kéo dài nhiều thế kỷ, luôn cho rằng mình có thể tiếp nhận như là linh hứng các trước tác vốn phù hợp với kho tàng đức tin được bảo tồn vững chắc và trung thành bởi cộng đồng tín hữu, được bảo đảm bởi những người mà Thiên Chúa đã thiết lập như các mục tử và hướng dẫn viên của các tín hữu. Chúa Thánh Thần, luôn làm việc trong Giáo hội, bằng sức mạnh và sự hiểu biết của riêng Người, đã cho phép khả thể tách biệt những gì là thông đạt thần thiêng đích thực khỏi những biểu thức dối trá và không có nền tảng đầy đủ. Do đó, có khả thể các bản văn được gán cho những người được linh hứng đã bị bác bỏ, trong khi các trước tác, mặc dù không thể được quy cho một tác giả có tiếng một cách chắc chắn, thì lại được tiếp nhận một cách tôn kính, mang dấu ấn linh hứng một cách không thể chối cãi. Ý thức rõ sự thật mặc khải, Giáo hội đã tự đặt mình vào thế vâng phục và thừa nhận đối với Lời Chúa mà mình vốn sống bằng.

Hòa hợp với Lời

141. Giáo hội đặt nền móng cho toàn bộ việc biện phân của mình trên kinh nghiệm sống của Chúa Giêsu, nhận được qua lời của các nhân chứng từng biết Người, và nhìn nhận nơi Người sự nên trọn của Mặc Khải. Khởi đi từ những gì các Tông đồ và các tác giả Tin Mừng đã công bố, Qui điển các sách thánh dần dần được xác lập và Giáo hội đã xem các phát biểu đa dạng của chúng là đúng và chân chính, theo mức chúng phù hợp với chứng từ của Con Thiên Chúa. Không phải vì Người tự cao coi mình là Lời Thiên Chúa mà một trước tác đặc thù cụ thể đã được duy trì để được đọc trong cộng đồng phụng vụ như là nền tảng của đức tin, nhưng đúng hơn, vì nó "đồng âm” (consonance), có thể nói như thế, với Ngôi Lời, và trình bầy một giải thích đáng lưu ý về chính Ngôi Lời. Chính "sự đồng âm" với Ngôi Lời này, vượt quá sự đa dạng của cách diễn đạt và tính đa nguyên của thần học, mà các trang của tài liệu này đã tìm cách minh họa, bằng cách đưa ra ánh sáng các hình thức "tự chứng" (autotémoignage) khác nhau do các sách khác nhau của Kinh thánh mang lại.

Việc đồng âm này không tự giới hạn ở sự hội tụ tổng quát xung quanh các tín lý căn bản. Nếu chúng ta bám vào nó, chúng ta sẽ không tôn trọng tính đa dạng của các quan điểm, tính bổ sung của những đóng góp của các trước tác khác nhau, lịch sử văn học của những cuốn sách ra đời tiếp theo việc đồng hóa và lên công thức lại các truyền thống xưa. Như lời chứng thực của Chúa Giêsu, nhà trước tác thánh, từ kho báu của mình, rút ra cái mới và cái cũ (xem Mt 13:52). Điều này có nghĩa là các trước tác được Giáo hội công nhận là linh hứng tự nhận nguồn gốc thần thiêng của mình một cách ít nhiều minh nhiên, và cũng cho thấy tính chân chính của các trước tác có trước chúng. Các Tiên tri củng cố bộ Tôra, và các trước tác khôn ngoan nhìn nhận nguồn gốc thần thiêng của Lề Luật Tiên tri. Cùng cách này, chứng từ của Chúa Giêsu thánh hiến trọn truyền thống thành văn của người Do Thái, và các trước tác của Tân Ước tự củng cố lẫn nhau, bằng cách giả định một cách triệt để và ăn khớp với mọi truyền thống của “Sách Thánh” xưa.

Tính đa nguyên của các phương thức chứng thực

Khái niệm trên tạo nên một trong những kết quả chính của việc phân tích các sách của Cựu Ước và Tân Ước được thực hiện trong Tài liệu này. Ngoài việc đồng qui mà nó vừa trở thành vấn đề, tính đa nguyên (la pluralité) trong các kinh nghiệm tôn giáo và phương thức phát biểu nhằm truyền tải chúng là một điều hiển nhiên. Ở đây, không thể nói lại một cách chi tiết và thấu đáo cách các tác giả Kinh Thánh khác nhau chứng thực nguồn gốc thần thiêng phát sinh ra các trước tác của họ. Chỉ cần trích dẫn các phương thức khác nhau, với những điểm nhấn khác nhau, tìm thấy trong các sách khác nhau của Kinh Thánh.

Mô hình chính của việc tự chứng thực là mô thức được tìm thấy trong các câu truyện nói về ơn gọi làm tiên tri, và trong các công thức khác nhau nhấn mạnh đến các trang của các trước tác tiên tri. Thực tại linh hứng được chính thức giải thích ở đó, được phát biểu như ý thức thâm hậu của một số người tuyên bố mình có khả năng hiểu lời lẽ của Thiên Chúa và có nhiệm vụ truyền tải chúng một cách trung thành. Mô hình này, do sức mạnh gợi ý của nó, được các tác giả thánh khác của truyền thống lập pháp (để mô tả Môsê), khôn ngoan (đại diện là Salômôn) hoặc khải huyền (đại diện là Đanien), để xây dựng một loại tính độc dạng (uniformité) toàn diện, một loại con dấu bảo đảm, xác nhận với độc giả phẩm chất của một trước tác mà người ta đã truy nguyên từ một nguồn thần thiêng duy nhất.

143. Nói một cách khá chung chung hơn, Kinh Thánh cũng nhấn mạnh tới sự tham gia của các cộng tác viên của người được linh hứng, vốn được ân ban kỹ năng văn chương và độ tin cậy cao, các cộng tác viên không những chỉ giúp đỡ các tác giả chính mà còn thu thập tài liệu văn chương mới, thích ứng các tiền lệ với các yêu cầu mới của người đọc. Họ thực hiện, từ thế hệ này qua thế hệ khác, một công việc soạn tác đầy ấn tượng, có tầm quan trọng quyết định đối với phẩm chất của bản văn Kinh thánh. Đặc sủng tiên tri chắc chắn hành động trong các nhà soạn tác ẩn danh này, những người gián tiếp chứng thực rằng họ ý thức được việc truyền tải Lời Chúa, trong chính hành động truyền tải bản văn mà họ ghi dấu bằng sự đóng góp của chính họ.

Những người nghiên cứu Kinh Thánh đã hợp lý đưa ra giả thuyết về sự hiện hữu của các trào lưu, trường phái và các nhóm tôn giáo, cả trong việc bảo tồn, một cách sinh tử, các truyền thống văn chương được coi là thánh thiêng, những truyền thống sau đó đã được kết hợp trong khuôn khổ chung của Sách thánh - điều này giúp nhấn mạnh tới tính hữu dụng trong việc làm sáng tỏ lịch sử soạn thảo các bản văn Kinh thánh -, một cách không thể cũng không nên gán một giá trị khác hoặc một thế giá riêng biệt đối với điều vốn “nguyên khởi” so với điều vốn chỉ có bản chất đệ nhị đẳng.

Thật vậy, trong nhiều trường hợp, chúng ta không có được ipsissima verba (chính lời mói) của một nhà tiên tri (được Thiên Chúa linh hứng), mà là qua lời kể lại của các môn đệ vị này. Một cách khá điển hình, đây là trường hợp các sách Tin mừng, mà sự linh hứng không bị ai bàn cãi. Trong loại trước tác này, tác giả (nghĩa là tin mừng gia) tự trình bầy mình như nhân chứng trung thành của Thầy Chí Thánh, và trong một số trường hợp, như môn đệ của các môn đệ đầu tiên (bản thân không được đề cập trong danh sách các tông đồ).
Khởi từ các nhận xét này, và từ những gì Kinh thánh nói về chính nó, ta có thể quả quyết rằng cần phải chấp nhận một định nghĩa rộng hơn và nhiều sắc thái hơn về khái niệm linh hứng. Không theo nghĩa: trong bản văn thánh, có những phần có giá trị kém và vô giá trị, mà đúng hơn, theo nghĩa: đặc sủng linh hứng được phân phối cách khác nhau. Dù sao, điều phù hợp là chúng ta nên ngoan ngoãn lưu ý đến những điều rõ ràng tạo nên chứng từ của Chúa Kitô và thông điệp cứu rỗi hoàn hảo của Người.

Viễn cảnh vừa được xác định không làm giảm việc gắn bó tin vào Lời Thiên Chúa. Trái lại, nó cổ vũ một cái hiểu sâu sắc hơn, vì nó tôn kính sự mặc khải của Thiên Chúa trong lịch sử, và vì nó tôn vinh Chúa Thánh Thần, Đấng vốn nói qua các tiên tri (xem Gcr 7:12; Nkm 9:30) trong suốt nhiều thế kỷ của lịch sử cứu độ. Đàng khác, nó cũng giúp hiểu rõ hơn việc Thần Trí này không bao giờ ngừng hoạt động sau cái chết của các Tông đồ, vì Thần Trí này đã được ban cho Giáo hội theo nghĩa Giáo Hội có thể biện phân và tiếp nhận các linh hứng. Ngày nay, Thần Trí này đang hoạt động trong việc lắng nghe Lời của Thiên Chúa một cách "tôn giáo" (Dei Verbum, 12), vì Kinh thánh - theo cách diễn đạt của Dei Verbum, n. 12 - phải "được đọc và giải thích dưới ánh sáng của cùng một Thần Trí như Thần Trí đã khiến nó được soạn tác". Lời linh hứng sẽ không có ích chi nếu người nhận được nó không sống theo Thần Trí, Đấng đã biết biện phân và nếm được nguồn gốc thần thiêng của trang sách Kinh thánh.

2. Sự thật của Kinh thánh

144. Phát xuát từ Thiên Chúa, Kinh thánh có những phẩm chất thần thiêng. Trong số này, phẩm chất nền tảng, tức làm chứng cho sự thật, được hiểu không phải như một tổng số các thông tin chính xác về các khía cạnh khác nhau của kiến thức con người, mà như một mặc khải về chính Thiên Chúa và về kế hoạch cứu rỗi của Người. Thực thế, Kinh thánh làm người ta biết mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha, được biểu lộ trong Ngôi Lời trở thành thân xác, Đấng, qua Chúa Thánh Thần, dẫn con người đến sự hiệp thông hoàn hảo với Thiên Chúa (xem Dei Verbum, 2).

Theo cách đó, điều xem ra rõ ràng là sự thật của Kinh thánh lấy sự cứu rỗi các tín hữu làm viễn cảnh. Những phản bác - được nêu ra trong quá khứ, và vẫn còn tái diễn ngày nay – đối với các điều không chính xác, các mâu thuẫn về địa dư, lịch sử, khoa học, khá phổ biến trong Kinh Thánh, những phản bác có cao vọng nghi vấn tính đáng tin cậy của bản văn thánh và do đó, nguồn gốc thần thiêng của nó, đã bị Giáo hội bác bỏ với lời quả quyết rằng "các sách Kinh thánh dạy cách vững chắc, trung thành và không sai lầm sự thật mà Thiên Chúa muốn thấy được ghi lại trong các chữ thánh vì sự cứu rỗi của chúng ta" ( Dei Verbum, 11). Chính sự thật này mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho nhân sinh và là sự thật đượcThiên Chúa muốn làm cho mọi người biết đến.

Tài liệu này chia sẻ quan điểm giải thích này. Sự đóng góp của nó, chỉ đổi mới một phần, hệ ở việc, nhờ một diễn trình được vạch ra từ các bản văn được lựa chọn của các sách Kinh thánh và các cách diễn đạt văn học khác nhau, cho thấy sự thật mà Thiên Chúa muốn tiết lộ cho thế giới qua trung gian các tôi tớ của Người, tức các tác giả thánh, đã được trình bày ra sao.

Một sự thật đa dạng

145. Đặc điểm đầu tiên của sự thật Kinh Thánh hệ ở sự kiện nó được phát biểu dưới nhiều hình thức và phương thức khác nhau (xem Dt 1: 1). Sau khi được truyền tải bởi nhiều người, vào những thời điểm khác nhau, từ trong nội tại, nó mang theo một khía cạnh đa dạng, cả trong các khẳng định về tín lý và luân lý, lẫn trong các phát biểu văn chương. Do đó, các tác giả của bản văn thánh trình bày, trong thời kỳ lịch sử của họ và phù hợp với ơn phúc của Thiên Chúa, những gì họ đã được trao cho để hiểu và truyền tải. Những gì được Chúa nói trong một đoạn đặc thù thì sau đó đã được nối kết với các mặc khải gần đây hơn của Thiên Chúa. Ngoài ra, sự thật Kinh Thánh mặc lấy rất nhiều thể văn đa dạng. Do sự kiện này, nó không chỉ bao gồm các mệnh đề quan trọng theo quan điểm tín điều, mà nó còn bao gồm cả sự thật đặc điểm hóa một câu truyện, một quy định lập pháp, một lời nói, sự thật của một lời cầu nguyện hoặc sự thật của một bài thơ tình, chẳng hạn như Diễm Ca, sự thật của các trang phê phán trong sách Gióp và Giảng Viên, sự thật của các sách khải huyền. Hơn nữa, ở bên trong cùng các thể văn này, người ta có thể thấy sự đa dạng về quan điểm, xem như là quy luật chứ không phải chỉ là sự lặp lại đơn giản các biểu thức đồng quy.

Sự đa dạng về hình thức biểu lộ chân lý này không chỉ liên quan đến nền văn chương của Cựu Ước, mà nó còn áp dụng cho sự mặc khải được chứng thực bởi Tân Ước, nơi chúng ta tìm thấy những câu truyện và diễn ngôn, không phải chồng lên nhau, và là nơi chúng ta nhận thấy các dị biệt đáng kể trong việc trình bày thông điệp. Thực thế, có bốn Tin Mừng và Giáo hội đã bác bỏ như không thích đáng bất cứ nỗ lực nào nhằm làm chúng phù hợp với nhau (concordist): thí dụ, những gì được viết "theo Luca", đã được tôn trọng và tiếp nhận, ngay cả khi nó không có sự tương ứng chính xác nào với những gì Tin mừng Máccô hoặc Tin mừng Gioan viết. Hơn nữa, trong khi trong Tin mừng, sứ điệp chủ yếu dựa trên cuộc đời của Chúa Giêsu và các lời nói của Người, thì đối với Thánh Phaolô, sự thật của Chúa Kitô bắt nguồn gần như duy nhất trong sự chết và sự phục sinh của Người. Hoặc, sự khác nhau trong cách diễn đạt giữa thư gửi cho người Rôma và thư của Thánh Giacôbê dường như là một mô hình về tính đa nguyên qua đó Kinh thánh làm chứng cho sự thật duy nhất về Thiên Chúa.

Tính đa âm trong các tiếng nói thánh này được cung cấp cho Giáo hội làm mô hình, để ngày nay, Giáo hội có thể chứng minh cùng một khả năng liên hợp tính thống nhất của sứ điệp cần truyền đến con người và sự tôn trọng cần thiết đối với tính đa nguyên của các kinh nghiệm cá thể, các nền văn hóa và ơn phúc dư ban của Thiên Chúa.

Sự thật được phát biểu dưới hình thức lịch sử

146. Đặc điểm quan trọng thứ hai của sự thật Kinh Thánh hệ ở sự kiện nó được phát biểu dưới hình thức lịch sử. Một số sách của Kinh thánh mang dấu chỉ thời kỳ chúng được viết ra; trong các trường hợp khác, các khoa giải thích có thể đặt chúng một cách có cơ sở vào các thời điểm chính xác trong lịch sử. Thời kỳ được bao trùm bởi văn chương Kinh Thánh hết sức mênh mông, vì nó vượt quá một thiên niên kỷ. Di sản các quan niệm được truyền tải bởi một thời kỳ đặc thù, các ý kiến phát xuất từ kinh nghiệm hoặc các mối quan tâm đặc trưng của một thời kỳ nhất định trong cuộc sống của dân Chúa nhất thiết được phát biểu trong đó. Công việc do các nhà biên tập thực hiện, tìm cách mang đến một sự gắn bó tín lý và thực hành cho bản văn thánh, đã không làm mất các dấu vết của lịch sử, từ đó có các do dự và bất toàn của nó, bất kể trong lĩnh vực thần học hay trong lãh vực nhân học. Do dó, nhiệm vụ của người giải thích hệ ở việc tránh lối đọc Kinh thánh một cách cực đoan (fondamentaliste), và phải định vị các khẳng định khác nhau của bản văn thánh trong bối cảnh lịch sử của chúng, theo các thể văn đang được sử dụng thời đó. Thật vậy, chính nhờ tiếp đón hình thức mặc khải thần thiêng có tính lịch sử này mà chúng ta được dẫn tới mầu nhiệm Chúa Kitô, một biểu hiện đầy đủ và dứt khoát của sự thật Thiên Chúa trong lịch sử con người.

Sự thật qui điển

147. Mặt khác, việc giải thích Kinh Thánh theo quan điểm Công Giáo, dẫn đến việc chấp nhận chân lý Thiên Chúa trong bối cảnh Mặc Khải, với tính toàn diện của nó, được chứng thực như qui điển Kinh thánh. Điều này có nghĩa là chân lý mặc khải không thể bị giới hạn vào một phần của gia tài thánh (bằng cách bác bỏ, thí dụ, Cựu Ước để nhấn mạnh Tân Ước), cũng không bị giới hạn vào một cái nhân đồng nhất, mà loại bỏ phần còn lại hoặc tương đối hóa nó, coi như không đáng kể. Không những, tất cả những gì được linh hứng đều cần thiết đối với sự mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa, mà tất cả các phần đều được đọc trong tương quan với các phần khác, theo một nguyên tắc hòa hợp, một hòa hợp không nên bị nhầm lẫn với sự độc dạng, mà đúng hơn là sự hội tụ tốt đẹp của những gì đa dạng.

Tuy nhiên, theo quan điểm Kitô giáo, điều xem ra rõ ràng là sự thật của bản văn Kinh thánh trùng hợp với chứng từ về Chúa Giêsu, "Đấng trung gian và là sự viên mãn của mọi Mặc Khải" (Dei Verbum, 2), Đấng vốn tự định nghĩa là "đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14:6). Đặc tính trung tâm và chủ yếu này của mầu nhiệm Chúa Kitô không mâu thuẫn với sự kiện này: các truyền thống xưa cũng nói về Người và sự cứu rỗi dứt khoát được thực hiện trong cái chết và sự phục sinh của Người, như chính Người đã khẳng định (x. Ga 5:39). Trong mầu nhiệm vô cùng của Người, Chúa Kitô là trung tâm chiếu sáng trọn bộ Kinh thánh.

Truyền thống văn chương của các tôn giáo khác

148. Trong một tổng quan ngắn gọn, chúng ta sẽ gợi lên và tìm cách hiểu, trong đoạn này, mối tương quan giữa Kinh thánh và các truyền thống văn chương của các tôn giáo khác. Vấn đề này có tính thời sự cấp bách đối với cuộc đối thoại liên tôn. Giải đáp nó không hề dễ dàng, vì nó phải kết hợp nguyên tắc không thể miễn chước là "tính duy nhất và tính phổ quát cứu độ của Chúa Giêsu Kitô và của Giáo hội" (như đã nêu trong tiêu đề của Tuyên ngôn "Dominus Iesus" của Thánh bộ Giáo lý Đức tin), và mặt khác, việc đánh giá đúng đắn đối với kho tàng tinh thần của các tôn giáo khác. Tài liệu này không nêu chi tiết các yếu tố mà, khởi từ chính Kinh thánh, có thể được trao cho nghiên cứu thần học và mục vụ của Giáo hội. Ở đây, chỉ cần gợi lại hình ảnh Balaam (xem Ds 22-24), để chứng tỏ rằng lời tiên tri (được linh hứng) không phải là đặc ân độc quyền của dân Chúa, và để nhớ lại rằng Thánh Phaolô, trong diễn từ của ngài ở đồi Areopagus, đã dựa vào trực giác của các nhà thơ và triết gia Hy Lạp ra sao (xem Cv 17:28). Mặt khác, đa số chấp nhận rằng văn chương Cựu Ước chủ yếu phụ thuộc phần lớn vào những gì đã được viết ở Lưỡng Hà và Ai Cập, giống như các sách Tân Ước phần lớn cũng rút tỉa từ di sản văn hóa của thế giới Hy Lạp. Các semina Verbi (hạt giống Lời Chúa) được lan truyền khắp thế giới và không thể bị giới hạn trong bản văn duy nhất của Kinh thánh. Giáo hội đã định nghĩa điều Giáo Hội coi là được linh hứng, nhưng chưa bao giờ nói tiêu cực về phần còn lại của nền văn hóa. Tuy nhiên, chính Lời của Thiên Chúa được ghi lại trong Kinh thánh qui điển, và đặc biệt trong phần làm chứng trực tiếp cho Ngôi Lời nhập thể, tạo nên nguyên tắc biện phân sự thật của mọi cách phát biểu tôn giáo khác, dù ở trong Giáo Hội, hay trong các truyền thống tôn giáo khác nhau của các dân tộc khác nhau trên trái đất.

Từ nhận xét cuối cùng trên, ta thấy Giáo hội phải tự đặt mình bên trong một vòng giải thích. Từ việc lắng nghe lời Kinh thánh, Giáo hội rút ra các nguyên tắc cho đức tin của mình và, khi được đức tin này soi sáng, Giáo Hội hiện có và mãi có khả năng giải thích chính xác những gì mình đọc như là sách thánh của mình, và đồng thời biện phân được giá trị của tất cả những lời chứng thực khác vốn đòi được lắng nghe. Chính Chúa Thánh Thần, với đặc điểm là nguyên lý của sự thật, đã khởi động diễn trình đức tin, và đưa nó đến chỗ nên trọn của nó, bằng cách cởi mở hoàn toàn đối với sự biểu lộ của Thiên Chúa trong lịch sử.

3. Việc giải thích các trang khó hiểu của Kinh thánh

149. Đó là lý do tại sao Giáo hội, thân thể sống động của các độc giả tín hữu, người giải thích bản văn linh hứng được ủy quyền, có sứ mệnh làm trung gian tiếp nhận và công bố sự thật của Sách Thánh ở từng thời đại của lịch sử, và cả ngày nay nữa. Vì Giáo hội đã nhận được Chúa Thánh Thần, nên Giáo Hội thực sự là " cột trụ và điểm tựa của chân lý" (1 Tim 3:15), bao lâu Giáo Hội trung thành truyền tải cho thế giới Lời đã tạo nên mình. Nhiệm vụ của Giáo Hội hệ ở việc loan báo Lời này một cách chắc chắn (parresia), Lời vốn tuyên bố Chúa Giêsu Kitô là Cứu Chúa duy nhất và dứt khoát. Nhưng, trong vai trò quan trọng của mình, Giáo hội cũng phải giúp các tín hữu và những người đang tìm kiếm sự thật giải thích các bản văn Kinh thánh một cách chính xác, nhờ một phương pháp thích nghi và một tư thế giải thích thích đáng. Về vấn đề này, Tài liệu Giải Thích Kinh Thánh Trong Giáo Hội năm 1993 của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh tỏ ra đặc biệt hữu ích.

Lâu nay, các dè dặt liên quan tới truyền thống Kinh Thánh đã xuất hiện, vì một số trang và một số trào lưu văn chương của nó xem ra không thể chấp nhận được đối với tâm trí đương thời, do sự kiện các quan niệm về công lý dường như lỗi thời, các phong tục và thực tiễn pháp lý gây tranh cãi, và thậm chí đáng trách, cuối cùng do sự kiện có những câu chuyện dường như không có nền tảng lịch sử. Thành thử bản văn thánh phần nào mất uy tín, người ta phần nào không tin tưởng tính hữu ích mục vụ của nó, đến độ trực tiếp nghi vấn tính linh hứng của một số phần trong Kinh Thánh, và do đó tư thế sự thật của chúng. Trong trường hợp này, điều không đủ là quả quyết một cách chung chung rằng trong Cựu Ước có "sự không hoàn hảo và lỗi thời" (Dei Verbum, 15), hoặc nhắc nhở rằng các tác giả Tân Ước, cả họ nữa, cũng chịu ảnh hưởng của thời đại họ. Nếu việc nhấn mạnh tới khái niệm nhập thể là điều chính đáng và áp dụng nó một cách loại suy vào việc đặt bút viết ra mặc khải, thì điều thích hợp không kém là chứng tỏ rằng, ở giữa sự yếu đuối như thế của con người, vinh quang của Lời thần thiêng vẫn đã tỏa sáng. Cũng sẽ không đủ, khi vì một ưu tư mục vụ khôn ngoan, ta loại bỏ các đoạn văn có vấn đề ra khỏi việc đọc công khai trong các cộng đoàn phụng vụ. Người biết tính toàn vẹn của bản văn có thể cảm thấy một cách chính đáng đó là một việc làm nghèo nàn di sản thánh thiêng và có thể trách cứ các mục tử vì đã che giấu bất chính các khía cạnh khó hiểu của Kinh thánh.
Giáo hội không được miễn trừ nhiệm vụ khiêm nhường và kiên nhẫn phải giải thích một cách tôn kính toàn bộ truyền thống văn chương đã được định nghĩa như được linh hứng, và do đó tạo thành một biểu thức của sự thật Thiên Chúa. Để giải thích, trước hết cần có các nguyên tắc rõ ràng, giúp ta hiểu rằng ý nghĩa của những gì đã được truyền tải không y hệt như "chữ viết" của bản văn. Mặt khác, cần phải tiến hành một cách chính xác, và lần lượt đề cập tới các khó khăn cần phải làm sáng tỏ, cũng như phải nhắc nhở bổn phận của mọi tín hữu sở đắc Lời Chúa, theo ơn hiểu biết mà Chúa Thánh Thần vốn phân phát cho mỗi thời kỳ của lịch sử.

Đó là lý do tại sao Tài liệu này của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh đã chọn những vấn đề chính đặt ra cho người đọc, và đã gợi ý những đường hướng giúp giải đáp chúng, trong khuôn khổ đức tin của chúng ta. Sự ngắn gọn của những gì đã được trình bày có thể không phải lúc nào cũng có vẻ thỏa đáng, nhưng các nguyên tắc diễn giải được trình bầy ở đây xem ra hữu ích, cả các giải thích được cung cấp để trả lời các câu hỏi chuyên biệt cũng thế. Thay vì là một cuộc khảo sát dứt khoát và thấu đáo các đoạn khó hiểu của bản văn thánh, Tài liệu này trình bầy một diễn trình giải thích nhằm kích thích một suy tư sau này, trong cuộc đối thoại với các nhà giải thích bản văn thánh khác. Trong nỗ lực tìm kiếm chung này, con đường dẫn đến sự thật sẽ tự cho thấy nó khiêm nhường và khiêm tốn, nhưng đồng thời soi sáng, bao lâu nó còn là dấu ấn của việc lắng nghe cùng một Chúa Thánh Thần.
 
Thánh thiện…dưới đất cũng như trên trời!
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
15:05 31/10/2019
Kinh Lạy Cha có lời cầu xin: „ Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Như thế lời cầu xin hướng trải rộng dài hai chiều trên trời và dưới đất.

Trái đất là công trình tạo dựng của Thiên Chúa như không gian ngôi nhà cho con người cùng mọi loài thụ tạo sinh sống.

Chúa Giêsu, con Thiên Chúa đã sinh xuống làm người trên mặt đất . Và qua đó đời sống con người nhận được một ý nghĩa mới. Ngài mang đến cho trần gian ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa, ánh sáng đức tin vào Thiên Chúa. Và từ ngày đó đức tin vào Thiên Chúa đã lan tỏa khắp nơi trên mặt đất với trên hai tỷ người tin nhận vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa luôn có mặt trên trái đất. Và đời sống con người có giới hạn có bắt đầu và có tận cùng. Nhưng dẫu vậy, còn có một viễn tượng hướng lên trời cao.

Trời cao theo tầm nhìn suy hiểu của đức tin vượt lên trên chiều kích không gian hình thể địa lý. Trời cao là nơi chốn của sự toàn vẹn tròn đầy bên nơi Thiên Chúa.

Chúng ta tin nhận Thiên Chúa ngự nơi trời cao, và đặt niềm hy vọng đời sống cộng đoàn với Người nơi đó. Chúng ta cũng tin nhận rằng tất cả mọi người đã hoặc sẽ cùng bên Người trên trời trong cộng đoàn các Thánh, khi đời sống kết thúc vẹn toàn.

Hằng năm Giáo hội mừng chung ngày lễ Các Thánh vào ngày 01.11. Ngày lễ này tất cả mọi vị Thánh được mừng kính trọng thể, có tên trong lịch phụng vụ hay không hoặc chưa có tên trong đó. Giáo hội Chúa to rộng hơn cộng đoàn tín hữu Chúa trên mặt đất. Giáo hội Chúa muốn nhấn mạnh đến cộng đoàn đức tin là những người thuộc về Chúa thời qúa khứ, thời hiện tại và thời tương lai. Nơi Thiên Chúa không ai bị quên lãng bỏ rơi, khi họ muốn tin nhận thuộc vào Ngài:“ Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.“ ( Kh 7,10).

Khát vọng của người tin nảy sinh từ sự gặp gỡ với Thiên Chúa „ Phàm ai đặt hy vọng vào Chúa Giêsu Kitô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người Đấng Thánh.

Thiên Chúa và con người cùng gặp gỡ nhau, Đấng Tạo Hóa và loài thụ tạo không chia lìa xa nhau, khi con người để cho sự tương quan thánh đức xảy ra , như thế là đạt được tới sự thánh thiện.

Con đường lên tới trời cao phải được thực hiện ngay trên mặt đất. Đó là đời sống nỗ lực hy sinh cố gắng“ Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.“ ( Kh 7,14). Con đường lên trời không là con đường đi dạo mát thanh thản, nhưng là con đường chiến đấu chọn lựa trong đời sống thực tế giữa tốt lành và sự xấu cám dỗ, giữa sự khiêm nhường và sự kiêu hãnh, giữa tôn trọng và coi thường khinh rẻ.

Chúa Giêsu đã rao giảng bản hiến chương nước trời Tám Mối Phúc Thật là căn bản phương hướng chỉ dẫn cho nếp sống của con đường đời sống trên trần gian hướng tới nước trời: sự chân thành, lòng khiêm nhường, tình yêu thương thay vì hận thù ghen ghét, xây dựng hòa bình, lòng bác ái sự thương xót, tình liên đới cùng chia sẻ.

Cộng đòan các Thánh trên trời là ai? Thánh Gioan tông đồ thuật lại“ “ Tôi thấy kìa một đoàn người đông đảo thật không tài nào đếm nổi, thuộc mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ.“ ( Kh 7,9).

Trên trời họ họp thành ca đoàn các Thánh hát chúc tụng Thiên Chúa, mà trước đó khi còn sinh sống trên trần gian họ đã một mực luôn cố gắng hy sinh sống kinh qua thử thách như „ ca đoàn còn tập thử“ .

Sự trường tồn vĩnh cửu của trời cao đã xâm nhập đi vào cuộc sống chóng qua trên mặt đất thể hiến qua những con người sống đề cao gía trị của Thiên Chúa.

Ngày lễ kính mừng các Thánh, theo tập tục nếp sống Giáo Hội Công Giáo cũng là ngày tưởng nhớ cách đặc biệt đến các người đã được Thiên Chúa, nguồn đời sống, gọi ra khỏi trần gian về nơi vĩnh cửu.

Họ là những người thân yêu ruột thịt trong gia đình. Họ là những người chúng ta đã quen biết hay không quen biết. Sau quãng đường đời hành trình trên trần gia, nay họ đã tìm được nơi chốn yên nghỉ nơi Đấng Tạo Hóa đã sinh thành nuôi dưỡnng đời sống họ khi xưa trên trần gian.

Họ là những người đã cùng đồng hành với chúng ta trên con đường đời sống khi xưa. Mẫu gương đời sống là nhân chứng đức tin, lòng yêu mến cùng sự trông cậy vào Thiên Chúa của họ là bài học chỉ đường dẫn lối cho đời sống tinh thần của chúng ta được phát triển lớn lên hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Sống Mầu Nhiệm Hiệp Thông
LM. Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
15:09 31/10/2019
“Không một loài thọ tạo nào tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô” (Rm 8, 39).

Với những lời xác quyết trên, trích từ thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma, phụng vụ Lời Chúa ngày cuối cùng của tháng Mười khéo léo dẫn đưa chúng ta đến với tâm tình thánh thiện của tháng Mười Một, tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời. Cầu nguyện cho các Tín hữu đã ly trần không chỉ diễn tả mầu nhiệm hiệp thông trong Hội Thánh mà con là một hành động của đức tin vững vàng, là dấu chỉ của niềm trông cậy xác đáng và là biểu hiện của lòng mến thiết tha nơi các Kitô Hữu.

Ngay từ ban đầu, nếp sống của các Kitô Hữu sơ khai đã nói lên thế nào là tính hiệp thông nơi Hội Thánh Chúa. “Họ đã chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, sống hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2:42). Các Kitô hữu tiên khởi không chỉ hiệp thông với nhau khi còn sống mà cả trong cái chết của họ. Bằng chứng cụ thể còn được lưu dấu nơi các hang toại đạo cổ (Catacombs) và cả nơi các nghĩa trang nơi chôn cất các Kitô Hữu xưa kia. Sống gần nhau, chết cùng nhau, và cuối cùng họ còn mong được chôn cất cạnh nhau. Các Kitô Hữu đầu tiên đã diễn tả mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh cách sống động thế nào thì ngày nay, chúng ta cũng cần sống mối thông hiệp thánh thiêng đó cách tròn đầy nơi đức tin, niềm hy vọng và lòng mến của chúng ta. Phải chăng đó là tâm tình chính yếu của Tháng Các Đẳng Linh Hồn?

Đức Tin

Mỗi lần chúng ta sốt sáng dâng lễ và cầu nguyện cho người thân đã ly trần là mỗi lần chúng ta tuyên xưng rằng: “cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Roma 8:38-39).

Chúng ta tuyên xưng cùng một niềm tin như các Thánh Tông Đồ đã truyền lại. Tất cả những ai đã chịu phép rửa trong Đức Giêsu Kitô thì cũng như đã chịu mai táng cùng với Người. Những ai đã cùng chết với Đức Kitô thì cũng sẽ được sống lại như Người (x. Roma 6:3-4). Vì tin như thế nên chúng ta mới không ngừng hoán cải và hy sinh cầu nguyện nhằm trợ giúp các linh hồn đang này đêm thanh tẩy nơi luyện tội để chờ ngày “được hợp nhất với Đức Kitô” trong sự sống lại vinh hiển của Người (x. Roma 6: 9).

Đức Cậy

Trong tháng 11 nói riêng và suốt cả năm Phụng vụ nói chung, chúng ta cử hành Thánh Lễ và viếng đất thánh là để cầu nguyện cho các linh hồn. Chúng ta cầu nguyện cho các ngài là vì chúng ta tin “xác loài người ngày sau sống lại” (Kinh Tin Kính Nixêa) Hơn nữa là vì trong tâm trí của chúng ta vẫn vang vọng niềm hy vọng mà Ngôn sứ Isaiah đã loan báo: “Ngày ấy, Đức Chúa các đạo binh sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, vứt bỏ tấm màn trùm lên muôn dân nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Ngày đó, Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người” (Isaia 25:6-8).

Thật vậy, mỗi khi chúng ta hợp tiếng kêu cầu Chúa, chúng ta muốn nhắc lại lời khẳng định của tác giả Thánh Vịnh 24 rằng: “Chẳng ai trông cậy nơi Chúa mà lại phải nhục nhằn tủi hổ bao giờ” (Tv 24:3). Chúa đã hứa và Người luôn giữ lời: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Gioan 14:1-3).

Niềm hy vọng của chúng ta không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng hão huyền nhưng trái lại đó là niềm hy vọng xây dựng trên nền tảng Lời Chúa và được củng cố bằng niềm tin mà chúng ta đã lãnh nhận. Niềm hy vọng ấy mời gọi chúng ta hướng đến tha nhân và thúc đầy chúng ta hành động vì người khác.

Đức Mến

Việc cầu nguyện cho các linh hồn đã có từ rất lâu, thậm chí còn được Kinh Thánh Cựu Ước ghi nhận. Trường hợp điển hình là khi ông Giuđa Macabê “quyên góp được khoảng hai ngàn quan tiền, ông gửi về Giêrusalem để xin dâng hy lễ tạ tội” cho các chiến sĩ trận vong. “Ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì tin rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn” (2Mcb 12:43-44). Vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức nên hành động của ông quả thực rất cao đẹp và thánh thiện.

Chữ Hiếu Trong Truyền Thống Á Đông

Niềm tin vào sự sống đời sau và tập tục cầu nguyện cho người quá cố không chỉ là đòi hỏi của đức tin và là biểu hiện của lòng trông cậy, đó còn là một truyền thống tốt đẹp phù hợp với tinh thần hiếu nghĩa của người Á Đông. Chim có tổ, suối có nguồn, con người có tổ có tiên. Chính vì vậy mà cha ông chúng ta hằng nhắc nhở các thế hệ trẻ rằng: “Con ơi hãy nhớ lấy lời, Trọng cha, kính mẹ, suốt đời chớ quên.”

Công cha như núi ngất trời,

Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông.

Núi cao biển rộng mênh mông,

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

Là người Việt Nam, chúng ta trân trọng chữ hiếu trong đạo làm người. Là một Kitô Hữu, chúng ta càng phải trân trọng công đức của những người thay mặt Chúa thông truyền sự sống và truyền thụ Đức tin cho chúng ta. Do đó tháng 11 với việc cầu nguyện và tưởng nhớ đặc biệt những người đã khuất là dịp thích hợp để chúng ta nhắc lại mầu nhiệm hiệp thông trong lòng Giáo Hội và để chia sẻ đức tin với anh chị em lương dân. Qua việc chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta vừa tuyên xưng niềm tin vào tình yêu bất diệt của Cha trên trời vừa bày tỏ niềm hy vọng vững chắc lời hứa ban sự sống viên mãn của Đấng Phục Sinh. Qua đó chúng ta còn có dịp thực thi lòng mến của chúng ta đối với nhau và đối với các bậc tiền nhân.

Lạy Chúa, xin cho các tín hữu đã ly trần được an nghỉ ngàn thu, và cho ánh hào quang vĩnh cửu chiếu soi họ muôn muôn đời.

LM. Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
 
Văn Hóa
Thời Gian
Đinh Văn Tiến Hùng
15:02 31/10/2019
Thời Gian

( Bài suy niệm Tháng Các Linh Hồn )

*Mọi sự đều có thì giờ của chúng. ( GV.3: 1- 11 )

Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng. Có thời gian sinh, thì cũng có thời gian chết. Có thời gian trồng xuống, thì cũng có thời gian nhổ lên cái đã trồng. Có thời gian giết chết, thì cũng có thời gian chữa lành. Có thời gian phá huỷ, thì cũng có thời gian xây dựng. Có thời gian khóc lóc, thì cũng có thời gian cười vui. Có thời gian than van, thì cũng có thời gian nhảy múa. Có thời gian rải đá, thì có thời gian thu lượm lại. Có thời gian gần gũi, thì cũng có thời gian xa cách. Có thời gian thâu hoạch, thì cũng có thời gian tiêu tán đi Có thời gian gìn giữ, thì cũng có thời gian loại bỏ. Có thời gian xé rách, thì cũng có thời gian vá lại. Có thời gian thinh lặng, thì cũng có thời gian nói năng. Có thời gian yêu thương, thì cũng có thời gian giận ghét. Có thời gian chinh chiến, thì cũng có thời gian hoà bình.

*Trước Mặt Thiên Chúa Một Ngày cũng tựa Ngàn năm,

Và Ngàn Năm cũng như Một Ngày. ( Lời Thánh Phêrô )

“Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe,

Trần có vui sao chẳng cười khì ? (*)

Đời người sinh ký tử qui,

Sống là chuẩn bị để ly biệt trần.

Bé thơ ngày hoa đời vừa nở,

Chẳng có gì lo sợ vấn vương,

Bao quanh tràn ngập yêu thương,

Như hoa vừa nở dâng hương ngọt ngào.

Trai trưởng thành nuôi bao mộng đẹp,

Sống vội vàng sợ hẹp thời gian,

Sự nghiệp, danh vọng, giàu sang,

Đuổi theo đạt được lại càng hăng say.

Gái tự hào tô điểm đêm ngày,

Vẻ diễm kiều đắm say lòng người,

Tâm hồn mơ mộng đẹp tươi,

Tương lai bừng sáng đón mời vào xuân.

Nhưng cuộc đời có đâu đẹp mãi,

Nay có vui, mai lại có sầu,

Hoa kia tươi mãi được đâu,

Con người không thể sống lâu ngàn đời.

Mới ngày nào tuổi còn tươi thắm,

Mới ngày nào phấn khởi hiên ngang,

Chàng thì danh vọng vẻ vang,

Nàng thì rực rỡ cao sang hơn người.

Vừa mới đây tháng ngày thấm thoát,

Mà bây giờ sao khác năm xưa,

Hàm răng đã thấy lưa thưa,

Tóc mây bỗng chốc lại vừa điểm sương.

Xưa nay nhân trần nuôi hy vọng,

Tìm mọi cách xây mộng trường sinh,

Thật không biết lựa sức mình,

Luật trời sinh tử chứng minh tỏ tường.

Suốt đời dù mải mê tích lũy,

Xuôi hai tay nắm giữ được gì,

Đời người sinh ký tử qui,

Sống là cõi tạm, thác là trường sinh.

Luật trời chính là do Thượng Đế,

Phước của mình tích để sau này,

Nếu sống tốt đẹp ngày nay,

Mai sau vĩnh cửu tràn đầy hân hoan.

Hoàng hôn xuống chậm nghiêng soi bóng,

Cô khách dừng chân đứng ngẩn ngơ,

Màn đêm buông phủ lờ mờ,

Bóng người chìm lắng ơ hờ trong đêm.

Ngàn năm nào có gì đâu,

Chỉ còn lưu lại cỏ lau úa vàng,

Cuộc đời như chuyến đò ngang,

Con thuyền hút bóng mênh mang đất trời.

Lạy Chúa ! Là Đường ! Là Sự Sống !

Lạy Chúa chính là Đấng Tình Thương !

Bụi trần che phủ mù sương,

Xin Ngài dìu dắt soi đường con đi.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

(*) Ghi chú: Trích thơ Nguyễn Công Trứ
 
Câu chuyện truyền giáo: Hòa Lan – Cảm Nghiệm Đời Linh Mục
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
18:49 31/10/2019
Trong chuyến hành huơng Đất Thánh cách đây không lâu, vị truởng đoàn cho biết đó cũng là dịp kỷ niệm 25 năm linh mục của ngài. Chúng tôi có một cuộc phỏng vấn bỏ túi với vị linh mục vui tính này với vài câu hỏi thú vị nhưng rất thực tế để xem vị linh mục chia sẻ thế nào về chuyện đời tu. Một chị giáo dân và một nguời bạn học cũ của vị linh mục ấy từng biết rất rõ về ngài đã hỏi về những chuyện nhân tình thế thái làm thế nào ngài đã vuợt qua được những rào cản, những thành kiến mà trước đây nhiều nguời nói rằng không bao giờ ngài có thể trở thành một linh mục được. Ngài đã lần luợt chia sẻ cách chân tình những khó khăn, những thất vọng trong đời sống tu trì nhưng có một điểm mà không bao giờ ngài chùn buớc là luôn tin tuởng vào sự quan phòng và yêu thuơng của Thiên Chúa và tín thác mọi sự trong tay Nguời truớc những đau khổ, những bất công và những định kiến mà ngài đã gặp phải để rồi ngài vuợt qua tất cả và có niềm vui trọn vẹn trong ngày hồng phúc 25 năm linh mục. Vị linh mục này đã không ngớt lời tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria Hiền Mẫu luôn che chở và phù hộ cho ngài.

Một nữ tu đi trong đoàn và chúng tôi cũng hỏi ngài về đời sống mục vụ vì ngài cũng như chúng tôi đang làm việc với nguời ngoại quốc và nguời đồng huơng về những thuận lợi và khó khăn khi làm việc ở nuớc ngoài với nguời bản địa và với người đồng huơng xa xứ. Ngài hóm hỉnh trả lời chân tình rằng dù ở bất cứ nơi đâu và làm việc với bất kỳ dân tộc nào cũng đều có những niềm vui và nỗi buồn mà chỉ bản thân nguời đó mới có thể rút tỉa được kinh nghiệm và đề ra phuơng châm sống cho đời mục vụ của mình.

Nhiều nguời Việt thuờng hỏi mấy nguời đi tu có đời sống tình cảm không? Đó cũng là câu hỏi của mà nhiều nguời đã hỏi chúng tôi dẫu biết rằng chúng tôi cũng là những con người bình thuờng như bao nguời khác ngoại trừ có chức thánh linh mục. Xin muợn một bài thơ con cóc mà ai đó đã từng viết về tinh yêu nguời tu sĩ như là một câu trả lời khả dĩ về chuyện này:

Nguời tu sĩ có tình yêu không nhỉ?

Nếu nói không là những kẻ vô tri,

và nói có là những kẻ tình si.

Không mà có, có mà không đó mới kỳ.

Không hay có xin ai giùm giảng giải.

Hãy lẳng lặng mà nghe tôi đáp lại.

Không là không có cái tình ái li ti,

có là có cái tình yêu đại hải.

Tu sĩ tôi không yêu riêng người bạn gái,

mái tóc huyền và đôi mắt như nai.

Cũng không thể yêu riêng nguời mẹ yếu,

sớm ngày trông ngóng đợi con về.

Tu sĩ tôi đây yêu tất cả,

kẻ bần cùng cô thế chốn duơng gian…

Quả vậy, nguời đi tu trong bất kỳ tôn giáo nào cũng có một trái tim thổn thức và đôi lúc họ cũng muốn giành trái tim đó cho một nguời mà họ yêu. Tuy nhiên, vì lý tuởng đời tu và sự đòi buộc của những lời khấn Dòng hay qui chế của đời tu muốn họ có một tấm lòng từ bỏ cách vô điều kiện và hoàn toàn tự nguyện để có thể theo đuổi một một tiêu cao cả hơn để họ có thể làm bạn và phục vụ tất cả mọi nguời mà không sợ vuớng bận một ràng buộc thể lý nào.

Mới đây trong lớp học tiếng Hòa Lan tại truờng học ở Rotterdam, những nguời bạn Hồi giáo cùng lớp có hỏi chúng tôi tại sao linh mục Công Giáo không được có bạn gái hay có nguời vợ để nâng niu và những đứa con như những nguời đi tu ở tôn giáo khác. Chúng tôi có trả lời với họ rằng nguời linh mục hay tu sĩ Công Giáo không thể có bạn gái hay một gia đình riêng vì họ muốn dấn thân trọn vẹn cho lý tuởng phục vụ của họ để họ không bị ràng buộc vì bất cứ lý do nào và họ cũng dễ dàng ra đi bất cứ nơi đâu mà bề trên muốn họ đến.

Trong một thế giới đặt hy vọng vào sự giàu có vật chất, đánh đồng khiết tịnh với lãnh cảm, và xem tự do cá nhân cao hơn bất kỳ điều gì, thì chúng ta nói gì về khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục thì thật là một chuyện hoang đường. Chắc chắn ba đức tính này bị xem là phản văn hóa triệt để, nhưng chủ yếu là bởi người ta không hiểu rõ chúng ngay cả nhiều tu sĩ trẻ sống ba đức tính này cũng vậy. Chúng chủ yếu bị xem là một sự từ bỏ quyết liệt, hy sinh cả đời mình, một sự chối bỏ phi tự nhiên tính dục của mình, và nông nổi từ bỏ tự do cũng như sự sáng tạo của mình. Nhưng đó là một sự hiểu lầm.

Khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, không hề tránh đi sự giàu có, tính dục, và tự do. Đúng ra, chúng là một phương thức đích thực và phong phú, của sự giàu có, tính dục và tự do.

Tuy nhiên, như đã nói vì nguời đi tu cũng là con nguời nên cũng vẫn còn những cái tham-sân-si ngấm vào máu nên đôi lúc cũng khó cuỡng lại những cám dỗ đời thuờng và những lúc như vậy luôn là đề tài để nguời ta bàn tán. Bản thân chúng tôi lắm lúc cũng còn vuớng bụi trần và cũng sa vào cái vòng lẫn quẩn tham-sân-si như một ma hồn trận và không biết lối ra. Đời sống tình cảm của nguời đi tu được cụ thể hoá bằng lời khấn khiết tịnh nhưng nó cứ âm ỉ và không biết lúc nào mới lộ ra dù mình luôn cố gắng sống đúng tư cách của một tu sĩ. Bởi thế, khi nghe tin một tu sĩ hay linh mục bị phát giác là phạm giới thì nguời ta thuờng có khuynh hướng gièm pha và lên án không thương tiếc. Nhưng mấy ai hiểu được rằng những tu sĩ ấy đã phải đấu tranh hàng ngày để vượt qua những cơn cám dỗ rất đời thường để giữ lời khấn hứa nhưng lại thất hứa và ngã quỵ chốn xa truờng. Những năm truyền giáo ở Nam Mỹ xa quê hương và tận mắt chứng kiến nhiều anh em đồng môn phải rời bỏ chức linh mục để trở về sống đời sống gia đình vì không thể sống được trong bậc độc thân linh mục thì bản thân mới hiểu và khâm phục vì sự can đảm của họ vì họ dám sống thật với lòng mình. Có thể điều chúng tôi chia sẻ ở đây nhiều nguời sẽ xem là cấp tiến và sẽ hỏi tại sao những người ấy không giữ trọn lời thề của mình. Xin thưa một điều rằng con người chúng ta rất mỏng manh, yếu đuối. Sẽ có những lúc chúng ta cảm thấy thất vọng, chao đảo và mất định huớng- và chính những lúc ấy nếu có ai đưa bàn tay ra cứu vớt, có ai đó sưởi ấm tấm lòng băng giá của chúng ta thì chúng ta sẽ bị lôi cuốn lúc nào không hay. Bản thân chúng tôi những tuởng đã bị cuốn trôi theo những cơn lốc ấy từ ngày đi truyền giáo ở Nam Mỹ vì lúc đó còn trẻ và non nớt lắm. Tạ ơn Chúa đã gìn giữ đến bây giờ nhưng không biết đến bao giờ đế tiếp bước theo Ngài. Nếu không có ơn Ngài thì mình không bao giờ làm gì được.

Cái tham-sân-si thứ hai là về vật chất. Qua lời khấn khó nghèo, các tu sĩ phải tránh tất cả những hoang phí, xa xỉ bên ngoài, cũng như không được tìm kiếm sự thoải mái và sung túc cho bản thân. Không những phải từ bỏ những tiện nghi thái quá, những của cải vật chất, nhưng còn phải từ bỏ luôn cả khao khát có nó. Những năm đầu khi trở thành tu sĩ thật thụ, chúng tôi luôn cố gắng tập sống khó nghèo và hàng tháng chỉ nhận được 80 ngàn đồng tiền túi (khoảng 8 usd) để gọi là chi tiêu vặt. Mình sống nghèo vì nhà Dòng nghèo và xã hội cũng nghèo nên có thể nói là chẳng được ơn ích gì vì đôi khi trong Dòng mình còn được ăn trắng, mặc trơn hơn nguời nghèo. Tuy nhiên, một khi đã trở thành linh mục thì bắt đầu có nhiều người thương mến và chính lúc ấy cái tham-sân-si về vật chất bắt đầu nổi lên. Có lẽ từ ngày chịu chức linh mục đến giờ bản thân chúng tôi lỗi phạm lời khấn này nhiều nhất nhưng luôn cố gắng nguỵ biện để làm sao cho mình được cả đôi bên. Mình có thể che mắt mọi người chứ truớc mặt Chúa làm sao che được. Nhiều lúc rất trăn trở trong những giờ suy niệm và cảm thấy mình sống giả dối nhưng lại hay nguỵ biện về những việc mình làm nên tâm hồn luôn bất an. Luôn tự hứa với lòng mình là phải cố gắng sống ngay thẳng nhưng đôi lúc vì bản tính yếu đuối nên lại ngã vào chước cảm dỗ. Cuộc sống hiện đại nhiều tiện nghi, vật chất nhiều lúc làm cho bản thân bị cuốn vào lúc nào mà mình không biết.

Cái tham-sân-si thứ ba là về đời sống vâng phục. Ai cũng muốn sống tự do để làm những điều mình muốn nhưng người đi tu tự nguyện dâng hiến đời mình cho Chúa và chấp nhận sự sai khiến của các đấng bề trên. Ngày xưa nguời ta kể rằng các đấng bề trên thử lòng bề dưới qua việc bảo trồng cây nguợc và các đấng bề dưới cũng phải phục tùng. Tuy nhiên ngày nay không bề trên nào dại gì làm như thế vì chắc chắn sẽ bị lên án ngay.

Lời khấn vâng phục nếu hiểu đúng, thì đấy không phải là bỏ qua tự do đích thực nhưng là một phương thức phong phú của tự do, một phương thức mà Chúa Giêsu đã sống vì Ngài nói rằng Ngài không tự mình làm việc gì mà làm theo ý Cha Ngài. Lời khấn vâng phục, không phải là nông nổi từ bỏ tự do và sự chính chắn của mình. Đúng ra đấy là sự quy phục triệt để bản ngã con người cho một Đấng cao hơn chính mình, như chúng ta đã thấy nơi những người dấn thân nhân văn và tu trì của Chúa Giêsu, Teilhard de Chardin- Sáng lập Dòng anh chị em Tiểu Đệ và Tiểu Muội, Mẹ Teresa Calcuta- Sáng lập Dòng Thừa Sai Bác Ái…, Nơi Chúa Giêsu và các vị ấy, chúng ta thấy một con người sống trên đời này với sự tự do mà chúng ta phải ghen tỵ, nhưng cũng là một tự do dựa vào sự quy phục ý mình trước một sự cao trọng hơn. Tuy nhiên, trong đời sống tu sĩ truyền giáo quốc tế, không dễ gì thực hành đời sống vâng phục khi sống trong các cộng đoàn quốc tế. Từ ngày đi truyền giáo đến giờ chúng tôi đã sống với nhiều vị bề trên cộng đoàn cũng như bề trên giám tỉnh thuộc nhiều quốc gia khác nhau với nhiều tính cách khác nhau nên lắm lúc cũng có những hiểu lầm, những tranh cãi nảy lửa vì những luồng ý kiến khác nhau. Lời khấn vâng phục ngày nay không còn hệ tại ở việc vâng phục tối mặt nhưng nằm trong việc đối thoại. Nguời ta thường nghĩ mấy người đi tu lúc nào cũng thánh thiện, tốt lành- nhất là những người được chọn làm bề trên vì họ thay mặt Chúa. Tuy nhiên, ở trong chăn mới biết chăn có rận. Có những vị bề trên rất tốt lành thánh thiện, luôn chăm lo cho hội Dòng và các thành viên của mình. Cũng có những vị bề trên được bầu lên do phe cánh giống kiểu ngoài đời nên nhiều lúc hành xử chẳng khác gì ngoài đời và đó là lúc căng thẳng nhất trong đời sống cộng đoàn, mà với nguời đi tu thì ngoài ba lời khấn Dòng, thì đời sống cộng đoàn cũng quan trọng không kém. Đã có nhiều tu sĩ tu lâu năm và sống ở nhiều nơi khác nhau nhưng đột nhiên họ cảm thấy không hợp với đời sống cộng đoàn nữa và xin chuyển qua triều để trở thành linh mục giáo phận thì nhiều người đặt dấu hỏi tại sao như vậy. Xin thưa rất đơn giản vì họ vẫn đi tu nhưng họ muốn chọn một lối sống khác để đời tu hạnh phúc hơn và có thể giúp ích được nhiều hơn, vì nếu như họ vẫn tiếp tục sống đời sống tu Dòng không lối thoát ấy do những hiểu lầm, những xung khắc trong cộng đoàn từ phía bề trên, có ngày họ sẽ nhận một cái kết thảm hại. Bởi thế chúng ta đừng vội kết án quá sớm một ai đó nếu chưa hiểu được lý do tại sao người ấy phải ra đi.

Ngày xưa người đi tu chỉ ở trong bốn bức tường kín và các linh mục chính xứ chỉ làm việc trong văn phòng hay cử hành các bí tích tại nhà thờ nên ít khi nghe biết những chuyện đời. Ngày nay, người đi tu phải sống giữa đời, sống với đời, và thậm chí sống như đời để hội nhập và hiểu được nhân tình thế thái. Chính vì thế, người đi tu thời nay dễ sa vào những cơn cám dỗ qua những cái tham-sân-si mà chúng tôi vừa nhắc đến, và cộng với phuơng tiện truyền thông một chiều sẽ làm cho những nguời có thành kiến với người đi tu mỗi ngày một lớn hơn.

Hôm nay là ngày cuối tháng Mân Côi và người đời đang tổ chức ngày lễ Halloween bị biến tướng thành lễ hội hoá trang dù lễ này có nguồn gốc từ Kitô giáo thường được mừng vào đêm vọng lễ các Thánh ngày 1.11. Hôm nay cũng là ngày chúng tôi cùng 6 anh em đồng môn lãnh nhận chức linh mục tại giáo phận Nha Trang. Sau ngày chịu chức linh mục, 4 anh em được sai đi truyền giáo và 3 anh em ở lại Việt Nam. Sau ngần ấy năm thì chỉ còn lại 2 người làm việc ở nước ngoài là một anh em đang phục vụ tại Hàn quốc và chúng tôi lưu lạc tại Hoà Lan sau nhiều năm làm việc ở Nam Mỹ. Kỷ niệm ngày chịu chức linh mục lần này nhưng tâm trạng của chúng tôi rối bời vì có nhiều điều phải quyết định cho tương lai của mình. Cơn bão số 5 đang hoành hành dữ dội ở Việt Nam, nhưng cơn bão lòng lại đang làm chúng tôi sầu não ruột. Ai cũng nói sống ở u châu thì sướng vì là xứ sở văn minh và có nhiều người đồng hương sinh sống. Quả đúng như vậy vì người Việt chúng ta rất trọng khách và quí mến các linh mục. Tuy nhiên cũng có những người lúc đầu tỏ vẻ rất tốt và nhiệt tình làm tất cả giúp chúng tôi dù đôi lúc chúng tôi cũng cảm thấy ngượng vì họ tỏ ra quá tốt nhưng rồi họ là người hãm hại mình. Một bài học lớn cho chúng tôi vì sự tin người dù chúng tôi có lườn trước được sẽ có ngày đó xảy ra và nó đã xảy ra nên chúng tôi cảm thấy rất buồn. Mình biết chuyện của họ nhưng lại không thể nói ra được vì mình là linh mục, còn họ thì cứ ung dung tự tại nói những điều họ thích nói, thậm chị xuyên tạc sự thật dẫu cho nguời nghe không mấy tin nhưng đôi lúc cũng làm họ lung lạc. Không biết tâm trạng Chúa Giêsu ngày xưa thế nào khi bị chính các học trò phản bội. Còn tâm trạng chúng tôi bây giờ rối bời và buồn rời rợi vì sự cả tin của mình. Đời tu có những lúc vui, lúc buồn nhưng có lẽ lúc này là lúc chúng tôi buồn nhất khi phải chuẩn bị một quyết định quan trọng cho đời mình. Xin Mẹ Mân Côi giúp con can đảm và đứng vững truớc những cơn sóng gió cuộc đời dù con biết rằng lỗi cũng do một phần của con những chuyện xảy ra. Con không dám oán trách ai cả và xin Mẹ giúp con luôn giữ vững niềm tin, luôn biết yêu thuơng và tha thứ dù cuộc sống lữ thứ này đầy chông gai và cạm bẫy không thể biết trước được điều gì.

Hòa Lan, 31 tháng 10 năm 2019- Kỷ niệm thụ phong linh mục,

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Rừng Thu Thay Lá
Joseph Ngọc Phạm
21:15 31/10/2019
RỪNG THU THAY LÁ
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm

Rừng Thu lá đã rời cành
Cây chờ Xuân đến lá xanh dịu dàng..
(bt)
 
VietCatholic TV
Ơn xá để cứu các linh hồn trong 8 ngày đầu tháng 11
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:22 31/10/2019
Người Công Giáo có thể nhận được ơn toàn xá và nhường lại cho các tín hữu đã qua đời trong tám ngày đầu tiên của tháng Mười Một.

Ấn bản mới nhất của Enchiridion Indulgentiarum (Cẩm nang về ơn xá) cho chúng ta biết cách thức như sau:

Khoản 29:

1. Một ơn toàn xá, chỉ áp dụng cho các linh hồn trong luyện ngục, được trao cho các tín hữu nào:

a) Thăm viếng một nghĩa trang và cầu nguyện với lòng mộ mến, dù chỉ trong trí thôi cũng đủ, cho người quá cố vào mỗi ngày, bất kỳ ngày nào từ mùng 1 đến mùng 8 tháng 11.

b) Viếng một nhà thờ hoặc một nhà nguyện và đọc một kinh Lạy Cha, và một Kinh Tin Kính vào ngày lễ các linh hồn (hoặc, theo quyết định của đấng bản quyền, vào ngày Chúa Nhật trước hoặc sau đó, hoặc vào ngày lễ trọng kính các thánh nam nữ.)

Người Công Giáo cũng có thể được hưởng ơn xá trong suốt thời gian còn lại của một năm trong các trường hợp sau:

2. Một ơn tiểu xá, chỉ áp dụng cho các linh hồn trong luyện ngục, được trao cho những tín hữu

a) Thăm viếng một nghĩa trang với lòng mộ mến và cầu nguyện, dù chỉ trong trí thôi cũng đủ, cho người quá cố,

b) Sốt sắng đọc kinh sáng hay kinh tối từ sách Nghi thức cho kẻ Chết hoặc lời cầu nguyện An nghỉ Muôn đời

Lời cầu nguyện “An nghỉ Muôn đời”, hay “Requiem aeternam” là:

“Lạy Chúa xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy.”

Các điều kiện để được hưởng ân xá là:

- Làm các việc đã dạy ở trên trong khi ở trạng thái có ân nghĩa với Chúa

- Xưng tội trong vòng 20 ngày

- Rước lễ

- Cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng

- Không vướng mắc tội lỗi, dù là tội nhẹ, dục lòng yêu mến Chúa và xa lánh tội lỗi.


Source: Catholic Herald How to gain a plenary indulgence for the souls in purgatory