Ngày 06-10-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cả hai trở nên một xương một thịt
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
00:22 06/10/2018
Cả hai trở nên một xương một thịt
Chúa Nhật 27 Năm B (St 2,18-24; Hr 2,9-11; Mc 10,2-16)

Chủ đề của Chúa Nhật này là hôn nhân gia đình. Bài đọc I (St 2,18-24) bắt đầu với những từ ngữ rất quen thuộc: Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một người trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18).

1- Hôn nhân là bí tích
Trong thời đại chúng ta, vấn đề hôn nhân là ly thân và ly dị, nhưng vào thời Chúa Giêsu lại là vấn đề rẫy vợ. Về sau, nó trở thành một tội nặng hơn, bởi vì nó chứa đựng sự bất công liên quan đến người phụ nữ, mà thật đáng buồn, hiện vẫn còn tồn tại trong một số nền văn hóa. Theo đó, người đàn ông có quyền rẫy vợ, nhưng người vợ thì không có quyền rẫy chồng.
Liên quan đến việc rẫy vợ, có hai quan điểm trái nghịch nhau trong Do Thái Giáo. Một nhóm cho rằng người ta được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do nào, sau khi người chồng đã cân nhắc cẩn thận. Nhóm khác cho rằng phải có lý do nghiêm trọng và phải được lề luật quy định.
Bởi thế, một ngày nọ, có mấy người Pharisêu đến thử Chúa Giêsu về vấn đề này, với hy vọng Người sẽ ủng hộ quan điểm nhóm mình và chống lại nhóm kia. Tuy nhiên, họ đã nhận được câu trả lời không như mong muốn: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đang ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,5-9).
Như vậy, luật Môsê liên quan đến rẫy vợ được Chúa Giêsu nhìn nhận như là một sự thiết định ngoài ý muốn, và được Thiên Chúa bao dung (như chế độ đa thê và những rối loạn khác), vì lòng chai dạ đá và sự thiếu trưởng thành của con người. Chúa Giêsu không phê phán Môsê vì sự nhượng bộ này; Người thừa nhận rằng trong vấn đề này người lập hiến không thể giữ hôn nhân như ý định ban đầu của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, Người tái lập lý tưởng ban đầu của sự kết hợp bất khả phân ly giữa người nam và người nữ thành một thân xác mà đối với các môn đệ Người, đây là hình thức duy nhất có thể của hôn nhân. Hơn thế, Chúa Giêsu không chỉ dừng ở việc thiết lập lại lề luật; Người còn ban ân sủng cho hôn nhân. Điều này có nghĩa là các cặp vợ chồng Kitô giáo không chỉ có nhiệm vụ phải trung thành với nhau trọn đời; họ còn được ban ân sủng cần thiết để chu toàn cam kết đó. Từ cái chết cứu độ của Chúa Kitô phát xuất một nguồn sức mạnh – là Chúa Thánh Thần – Đấng đã thấm nhập vào mỗi phương diện đời sống người tín hữu, bao gồm cả hôn nhân. Sau này, hôn nhân được nâng nên thành một bí tích và là hình ảnh của sự kết hợp “hôn phối” giữa Chúa Kitô và Giáo Hội nhờ thập giá (Ep 5,31-32).

2- Hôn nhân là con đường nên thánh
Nói rằng hôn phối là một bí tích không chỉ có nghĩa sự kết hợp nam nữ là được phép, hợp pháp và tốt lành, nếu ngoài hôn nhân nó sẽ là vô luân và tội; nhưng còn có nghĩa hôn phối trở thành một cách thế để kết hợp với Chúa Kitô nhờ tình yêu đôi bạn, và là con đường đích thực để nên thánh.
Cái nhìn tích cực này được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI trình bày cách tài tình trong Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu.” Theo đó, ngài không so sánh sự kết hợp bất khả phân ly trong hôn nhân với dạng thức khác của tình yêu erotic (ái kỷ); nhưng trình bày nó như là dạng thức trưởng thành và hoàn hảo nhất, không chỉ từ quan điểm Kitô giáo mà còn cả từ quan điểm nhân bản.
“Đó là một phần trong sự vươn lên đến những cấp độ cao hơn của tình yêu, và trong sự thanh luyện bên trong mà tình yêu giờ đây đang tìm kiếm hầu trở nên một chọn lựa dứt khoát, trong một ý thức gồm hai mặt: cả tính độc quyền (chỉ một người cụ thể mà thôi) lẫn sự “vĩnh viễn.” Tình yêu bao gồm toàn bộ hiện thực của cuộc sống trong mỗi chiều kích của nó, kể cả thời gian. Khó mà khác đi được, vì hứa hẹn của tình yêu hướng đến một mục tiêu chung cuộc: tình yêu nhắm đến sự vĩnh viễn” (Id., số 6).
Lý tưởng về sự trung thành suốt đời không bao giờ dễ dàng thực hiện (ngoại tình là một thứ dội lại đáng ngại cả trong Kinh Thánh!). Ngày nay chúng ta đang sống trong một nền văn hóa buông thả và hưởng lạc, sự trung thành này càng trở nên khó khăn hơn. Cuộc khủng hoảng hôn nhân hiện nay báo động định chế hôn nhân đang bị phá hũy hơn lúc nào hết.
Luật dân sự, như ở Tây Ban Nha và một số nước hiện nay cho phép ly dị chỉ ít tháng sau khi chung sống (và như thế cách gián tiếp cỗ võ ly dị!). Những câu nói như “tôi mệt mỏi với cuộc sống này,” hoặc “tôi sẽ ra đi,” “nếu như thế này, tốt nhất anh theo đàng anh, em theo đàng em!” thường được các cặp vợ chồng trẻ nói khi họ gặp phải những khó khăn đầu tiên. Nếu cứ nói như thế, theo tôi, các cặp vợ chồng Kitô hữu phải xưng thứ tội này trong tòa giải tội vì đơn giản sẽ làm tổn thương sự hiệp nhất và tạo nên một tiền lệ tâm lý rất nguy hiểm.
Ngày nay, hôn nhân còn chịu đựng một não trạng phổ biến “dùng rồi vứt.” Nếu một đồ dùng hoặc phương tiện bị hư hỏng, không cần nghĩ phải sửa chữa lại, không ai sửa chữa làm gì, chỉ còn cách là vứt đi. Người ta cũng áp dụng cho hôn nhân, đây là não trạng chết người! Não trạng này đã gây ra nhiều đổ vỡ và nỗi buồn cho các gia đình.

3- Xây dựng tình yêu bền vững
Chúng ta có thể làm điều gì đó để ngăn cản lối nghĩ này không? Tôi có một đề nghị: chúng ta hãy tái khám phá nghệ thuật sửa lỗi!
Thay vì não trạng “dùng rồi vứt” bằng não trạng “dùng và sửa lỗi.” Nghệ thuật này cần được thực hành trong hôn nhân. Sửa lỗi những đỗ vỡ và hãy thực hiện ngay lập tức. Về điều này, thánh Phaolô có những lời khuyên thật chí lý: “Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng!” (Ep 4,26-27); “hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,13); “anh em hãy mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6,2).
Chúng ta cũng phải hiểu rằng trong quán trình hàn gắn lại những đỗ vỡ, những khủng hoảng và chướng ngại được giải quyết, hôn nhân không hề vơi cạn, nhưng được thanh lọc và cải thiện. Tôi so sánh tiến trình dẫn tới một cuộc hôn nhân thành công, hạnh phúc với tiến trình dẫn tới sự thánh thiện của các thánh.
Trên con đường hướng tới trọn lành, các thánh thường trải qua những đêm tối cảm giác, trong đó, họ không còn cảm thấy bất cứ cảm giác nào hoặc tác động nào nữa. Họ cảm thấy khô khan và trống rỗng, nhưng họ làm mọi sự nhờ sức mạnh ý chí và cố gắng bản thân. Sau đó, họ phải trải qua đêm tối tinh thần, trong đó, không chỉ các giác quan mà cả lý trí và ước muốn cũng rơi vào khủng hoảng. Nhiều lúc các ngài nghi ngờ mình đã sai đường lạc lối và hoàn toàn ở trong đêm tối, bị cám dỗ liên tục. Lúc đó, họ tiến bước chỉ nhờ đức tin thôi.
Có phải mọi sự sau đó sẽ kết thúc chăng? Không, trái lại, tất cả không gì khác ngoài sự thanh tẩy. Sau khi họ đã trải qua cuộc khủng hoảng này, các thánh mới hiểu rõ tình yêu Thiên Chúa dành cho họ lớn lao và cao cả như thế nào so với lúc ban đầu.

Đối với nhiều cặp vợ chồng, không khó để nhận ra những kinh nghiệm tương tự như thế. Họ cũng thường trải qua những đêm tối cảm giác trong hôn nhân. Sau một thời gian chung sống, những cảm giác say đắm, nồng nàn bên nhau hình như biến mất, nhiều khi chỉ là ký ức quá khứ, từ đó có thể chán nhau. Rồi họ phải đối diện với kinh nghiệm đêm tối tinh thần, đó là tình trạng mà chọn lựa nền tảng nhất của họ rơi vào khủng hoảng, và xem ra cả hai không còn gì để chia sẻ nữa.
Để có thể vượt qua những cơn khủng hoảng này, các đôi vợ chồng không chỉ nuôi dưỡng tình yêu ban đầu, mà còn phải biết xây dựng một tình yêu bền vững và tương giao trưởng thành qua thời gian. Nếu trước đây vợ cHồng Yêu nhau vì sự thỏa mãn, họ tìm kiếm điều đó, thì hôm nay có lẽ họ yêu nhau theo cách thế khác hơn, với một tình yêu dịu dàng, thoát khỏi vị kỷ và có thể cảm thông với nhau hơn; họ yêu nhau hơn vì những gì họ đã trải qua và vì họ đã đau khổ với nhau nhiều hơn. Khi tình yêu và tương quan đạt tới sự trưởng thành như thế, họ sẽ kinh nghiệm điều Chúa nói: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Amen!
 
Thánh lễ Chúa Nhật 27 Quanh Năm 07/10/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
01:10 06/10/2018
Bài Ðọc I: St 2, 18-24

"Cả hai nên một thân thể".

Trích sách Sáng Thế.

Chúa là Thiên Chúa phán: "Ðàn ông ở một mình không tốt. Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó". Sau khi lấy bùn đất dựng nên mọi thú vật dưới đất và toàn thể chim chóc trên trời, Thiên Chúa dẫn đến trước mặt Ađam để coi ông gọi chúng thế nào, và sinh vật nào Ađam gọi, thì chính đó là tên nó. Ađam liền đặt tên cho mọi súc vật, chim trời và muông thú. Nhưng Ađam không gặp một người nội trợ giống như mình.

Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Người lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: "Bây giờ đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra". Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5. 6

Ðáp: Nguyện Chúa chúc phúc cho chúng con hết mọi ngày trong đời sống chúng con! (x. c. 5).

Xướng: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may.

Xướng: Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như chồi non của khóm ô-liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn.

Xướng: Ðó là phúc lộc dành để cho người biết kính sợ Chúa. Nguyện Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn.

Xướng: Và để bạn nhìn thấy lũ cháu đàn con. Nguyện xin bình an đến trên đất Israel.

Bài Ðọc II: Dt 2, 9-11

"Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Ðấng trong một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên Thần, là Ðức Giêsu, chúng ta thấy Người được triều thiên vinh quang và danh dự vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi người. Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Ðấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 17, 17

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật". - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 10, 2-12

"Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.


Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?" Người đáp: "Môsê đã truyền cho các ông thế nào?" Họ thưa: "Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị". Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: "Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ".

Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: "Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình".

{Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó". Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.}

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin Mới Công bố: Đức Phanxicô lên tiếng về vụ che đậy cựu Hồng Y McCarrick
Vũ Văn An
17:05 06/10/2018
‘Cả việc lạm dụng lẫn việc che đậy nó không thể được dung thứ và việc xử lý khác đối với các giám mục phạm tội và che đậy lạm dụng, thực tế nói lên một hình thức của chủ nghĩa giáo sĩ trị, là điều không còn có thể chấp nhận được’.



Theo tin Zenit, hôm nay, ngày 6 tháng 10, 2018, Đức Giáo Hoàng đã quyết định để Tòa Thánh công bố bản tuyên bố sau đây liên quan đến các hàm hồ và tranh luận liên quan đến lá thư Viganò và những điều đã được biết về tác phong xấu xa về tình dục với các chủng sinh của cựu Hồng Y McCarrick.

Đức Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức khỏi Hồng Y đoàn của Đức Cha McCarrick ngày 28 tháng 7, 2018. Bản tuuyên bố lúc ấy viết như sau: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp nhận đơn từ chức của ngài khỏi Hồng Y đoàn và truyền cho ngài ngưng thi hành bất cứ thừa tác vụ công khai nào, cùng với nghĩa vụ cư trú tại một căn nhà sẽ được chỉ định cho ngài, để sống một cuộc sống cầu nguyện và đền tội cho tới khi các lời cáo buộc đưa ra chống lại ngài được cứu xét trong một phiên xử thông thường theo giáo luật”.

Sau đây là nguyên văn bản công bố của Tòa Thánh:

Sau khi công bố các cáo buộc liên quan đến hành vi của Đức Tổng Giám Mục Theodore Edgar McCarrick, Đức Thánh Cha Phanxicô, vì ý thức được và lo lắng trước sự hàm hồ mà những cáo buộc này đang gây ra trong lương tâm của tín hữu, đã xác minh rằng những điều sau đây cần được truyền đạt:

Vào tháng 9 năm 2017, Tổng giáo phận New York đã thông báo với Tòa Thánh rằng một người đàn ông cáo buộc cựu Hồng Y McCarrick đã lạm dụng anh ta trong thập niên 1970. Đức Thánh Cha ra lệnh một cuộc điều tra sơ bộ kỹ lưỡng về điều này, một cuộc điều tra được thực hiện bởi Tổng Giáo phận New York, vào lúc kết thúc cuộc điều tra này, các tài liệu liên quan sẽ được chuyển đến Bộ Giáo lý Đức tin. Trong thời gian đó, vì những dấu chỉ nghiêm trọng xuất hiện trong diễn trình điều tra, Đức Thánh Cha đã chấp nhận sự từ chức của Đức Tổng Giám Mục McCarrick khỏi Hồng Y đoàn, ra lệnh cấm ngài thi hành thừa tác vụ công khai và buộc ngài phải sống một cuộc sống cầu nguyện và đền tội.



Vào lúc thích đáng, Tòa Thánh sẽ công bố các kết luận của vấn đề liên quan đến Tổng Giám mục McCarrick. Hơn nữa, liên quan đến các cáo buộc khác được đưa ra chống lại Đức Tổng Giám Mục McCarrick, Đức Thánh Cha đã quyết định rằng thông tin thu thập được trong cuộc điều tra sơ bộ sẽ được kết hợp với một nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về toàn bộ tài liệu hiện có trong Văn Khố các Bộ Sở và Văn Phòng của Tòa Thánh liên quan đến cựu Hồng Y McCarrick, hầu xác định được tất cả các sự kiện có liên quan, đặt chúng trong bối cảnh lịch sử của chúng và đánh giá chúng một cách khách quan.

Toà Thánh ý thức được rằng, từ việc khảo sát các sự kiện và hoàn cảnh, rất có thể xẩy ra việc này là các quyết định đã được đưa ra không phù hợp với cách tiếp cận đương thời đối với các vấn đề như thế này. Tuy nhiên, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Chúng ta sẽ theo con đường sự thật bất chấp nó có thể đưa ta tới đâu”(Philadelphia, ngày 27 tháng 9 năm 2015). Cả việc lạm dụng lẫn việc che đậy nó không thể được dung thứ và việc xử lý khác đối với các giám mục phạm tội và che đậy lạm dụng, thực tế nói lên một hình thức của chủ nghĩa giáo sĩ trị, là điều không còn có thể chấp nhận được nữa.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời mời khẩn thiết của ngài phải hợp nhất mọi sức mạnh để chiến đấu chống lại tai họa nghiêm trọng của việc lạm dụng trong và ngoài Giáo hội, và để ngăn chặn các tội ác như vậy khỏi vi phạm trong tương lai, gây tổn hại cho những người vô tội và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Như trước đây đã phổ biến, Đức Thánh Cha đã triệu tập một cuộc họp các Chủ Tịch các Hội Đồng Giám Mục khắp thế giới vào tháng hai tới, trong khi các lời lẽ trong Lá Thư gần đây của ngài gửi cho dân Chúa vẫn còn vang vọng: “Cách duy nhất mà chúng ta phải ứng phó với sự ác từng làm tối tăm biết bao nhiêu đời sống là trải nghiệm nó như một nhiệm vụ liên quan đến tất cả chúng ta trong tư cách Dân Thiên Chúa. Ý thức mình là một phần của một dân và một lịch sử chung này sẽ giúp chúng ta có khả năng nhìn nhận tội lỗi và sai lầm trong quá khứ của chúng ta với một sự cởi mở có tính thống hối có thể giúp chúng ta đổi mới từ bên trong ”(20/8/2018).
 
Ngày Thứ 4 của Thượng Hội Đồng, Đức Phanxicô và các Nghị Phụ gặp gỡ 7,000 người trẻ
Vũ Văn An
22:44 06/10/2018


Theo tin Zenit, trong một “hành trình đi vào Thế Giới Tuổi Trẻ”, tối ngày 6 tháng 10 vừa qua, nhân ngày thứ tư của Thượng Hội Đồng về Người Trẻ, Đức Tin và Biện Phân ơn gọi, Đức Phanxicô và các Nghị Phụ đã dành 2 giờ tối gặp gỡ 7,000 người trẻ tại Đại Sảnh Phaolô VI trong khuôn viên Tòa Thánh.

Các người trẻ này quả quyết rằng “Chúng tôi hiện diện tại Thượng Hội Đồng, chúng tôi tham gia vào việc làm”, các người trẻ tham dự, khoảng 7,000 người, khẳng định như thế. Họ bày tỏ với Đức Giáo Hoàng các câu hỏi của họ, liên quan đến cuộc sống, cam kết chính trị, việc làm, chủ nghĩa cá nhân, sự cô đơn, các mạng lưới xã hội, những người trẻ xa cách Giáo hội ... và đệ trình các câu hỏi này để các nghị phụ Thượng Hội Đồng để khai triển thêm.

Trong buổi tối hội hè đầy cảm xúc, ca hát, biên đạo múa, và hài hước hôm nay, Đức Giáo Hoàng khuyến khích họ “Hãy thực hiện con đường của các con, hãy lên đường, nhìn vào chân trời, chứ đừng nhìn gương soi… đừng ngồi trên ghế êm như người về hưu ở tuổi 24”.

Ngài nói thêm, muốn tìm thấy chính mình, chúng ta phải hành động. Và chào mời sự nhất quán của đời sống, bác bỏ thứ giáo hội không nhất quán "miệng đọc các Mối Phúc nhưng lòng sa vào chủ nghĩa giáo sĩ trị vương giả đầy tai tiếng".

Quyền lực thực sự là "phục vụ" là "trồng người", Đức Giáo Hoàng cũng nhắc nhớ: "Nếu các con muốn sống như Kitô hữu, các con hãy sống các mối phúc", chứ đừng sống tính thế gian hay chủ nghĩa giáo sĩ trị", vốn là những sa đoạ xấu xa nhất trong Giáo hội.

Đừng bị quyến rũ bởi chính sách "thực dân ý thức hệ”, Đức Giáo Hoàng cũng thúc giục như thế, ngài mời gọi các người trẻ lặp lại với ngài: "Tôi không có giá, tôi tự do ... như thứ tự do mà Chúa Giêsu mang lại cho các con này". Ngài đã đặc biệt xúc động trước ảnh chụp một người trẻ và người ông của người trẻ này, mà theo ngài là thông điệp mạnh mẽ nhất của buổi tối nay; ngài khuyên các bạn trẻ trau dồi các mối liên kết với những người lớn tuổi vốn là cội rễ của chúng ta.

Trong suốt buổi canh thức cầu nguyện, các chứng từ của người trẻ đã được trình bầy tiếp theo nhau: chứng từ của Daniel, một cựu tù nhân, nhờ tiếp xúc với một cộng đồng đã có thể tiếp tục được việc học và lấy lại sự cân bằng. Anh nói "Trong đức tin cũng như trong cuộc sống, bạn không lớn lên một mình".

Azeez, một người tị nạn Iraq trẻ ở Pháp, đang học tại Lyon, thổ lộ những nỗi lo âu xao xuyến, bị bỏ rơi, và lãng quên mà anh cảm thấy trong cuộc xung đột ở nước anh, nơi anh mất mọi thứ: Anh đọc chứng từ bằng tiếng Anh “Tôi đã được Chúa Giêsu cứu vớt... Tôi đã tha thứ cho Nhà Nước Duy Hồi Giáo (DAESH)”.

Một ca sĩ trẻ đã bày tỏ niềm tin của mình vào tình yêu lâu dài: "các mối liên hệ phát triển như một chiếc cây", và đôi khi bạn phải "tắt điện thoại" và dành thì giờ cho những người bạn yêu thương, anh đề nghị như thế. Một phụ nữ 33 tuổi thuật lại kinh nghiệm của mình về giải trí bằng trang web hẹn hò, “sự trống rỗng” và nhu cầu yêu thương cô tìm cách lấp đầy cho đến khi cô gặp được “một tình yêu không đòi hỏi tôi điều gì, đó là tình yêu của Thiên Chúa”. Cô cho biết “Hôm nay tôi rất hạnh phúc”.

Một nạn nhân trẻ bị xách nhiễu kể lại việc anh thoát khỏi ma túy và rượu. Ở tuổi 23, giận dữ với thế giới và chống lại Thiên Chúa, anh ta sống ở đường phố, trở thành "ấu trùng người", quả là "địa ngục". Cuối cùng, anh gặp một linh mục, ngài mời anh sống trong một cộng đồng người trẻ, chọn "đời sống", và thoát khỏi các lệ thuộc của mình.



Dario, không có cha lúc 5 tuổi, đã đưa ra chứng từ của mình về văn hóa khiêu dâm lúc 10 tuổi: “Tôi không biết rằng văn hóa khiêu dâm hủy diệt bạn cách sâu xa… bạn không tự do nhìn những người khác mà không thấy họ bẩn thỉu… Tôi đi tìm một người cha, tôi tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng tôi không biết điều đó”. Nay đã kết hôn, anh bày tỏ niềm hy vọng của mình và sự sẵn sàng muốn chứng minh vẻ đẹp của cuộc sống cho những người trẻ đang sống cùng một sự lệ thuộc.

Các chủ đề khác bao gồm: những khó khăn của thế giới việc làm; ơn gọi tu trì; tham gia nhân đạo với người tị nạn; sinh thái: chết chóc và bệnh tật. Và một linh mục trẻ mới được phong chức cách đây một năm; ngài đã khôi hài thổ lộ niềm đam mê khiêu vũ của mình và đã làm một vài bước trước các người trẻ. Ngài bảo: “Tôi hạnh phúc được làm linh mục, Thiên Chúa không lấy đi bất cứ điều gì. Bạn có gì, Người ban lại cho bạn 1000 phần trăm”.
 
Văn Hóa
Kính Kính Mừng Của Bà Mẹ Buôn Gánh Bán Bưng
Sơn Ca Linh
11:26 06/10/2018
Mẹ !
Chiều nay con trúng mánh.
Những bó rau chiều
người ta mua hết sạch sành sanh.
Xếp đôi quang gánh con nhớ lại rành rành.
Hôm nay lễ Mân Côi,
Chiều trên nhà thờ có dâng hoa trọng thể.
Nhớ hôm trước,
Con nguyện với Mẹ như một lời ước thệ :
Đầu tháng nầy con sẽ dâng một lẵng hoa.
Tràng chuỗi Mân Côi,
Trên chiếc ào dài trắng điệu đà.
Mẹ thấy đó, cho dẫu bán bưng,
Con vẫn là đứa con dễ thương và thật đẹp !...

Lễ xong, một mình con khép nép.
Đến bên bàn thờ Mẹ
Con xin lần riêng một chuỗi Năm sự Mừng.
Đã lâu lắm mẹ ơi,
Miệng lần hạt mà sao mắt rưng rưng.
Có phải đã quá lâu con thờ ơ nguội lạnh.
Hay con thấy Mẹ rạng ngời thiên thánh,
Còn thân con sao nhơ nhuốc bầy hầy.
Nhưng lời sứ thần kéo con lại về đây,
Để hoà cùng Mẹ lời “Xin vâng” trọn hảo.
Con chợt nhận ra mình,
Trong nỗi vui của bà Isave rạng rỡ,
Được một lần “Mẹ Chúa đến viếng thăm”.
Rồi nay mai trên những bước âm thầm,
Con tin Mẹ sẽ bên con
“Hôm nay và trong giờ lâm tử”.
Con cảm ơn Mẹ,
Cửa nhà thờ sắp đóng và con thì vội vã,
Chào Mẹ con về,
con hẹn Mẹ ngày thứ Bảy tuần sau. Amen.

Sơn Ca Linh
Mân Côi – 7/10/2018
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lan Dưới Nắng Mai
Tấn Đạt
13:01 06/10/2018
LAN DƯỚI NẮNG MAI
Ảnh của Tấn Đạt
Chơi sinh vật cảnh nhất hoa Lan
Muôn màu muôn sắc lại lâu tàn
Phong lan duyên dáng hương ngan ngát
Địa lan vương giả dáng cao sang
(KD)
 
VietCatholic TV
Đại Hội Thánh Mẫu toàn Australia: Phỏng vấn Cha Vũ Thành Và Ca Sĩ Diễm Ngân
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:21 06/10/2018
 
Video:Đại Hội Thánh Mẫu toàn Australia: Phỏng vấn Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:22 06/10/2018
 
Đại Hội Thánh Mẫu toàn Australia: Phỏng vấn Cha Trần Ngọc Tân Chủ Tịch Tuyên Úy Đoàn Úc Châu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:26 06/10/2018
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 06/10/2018: Ngày thứ hai Đại Hội Thánh Mẫu Australia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:04 06/10/2018
1. Chính Thống Nga đổ thừa Công Giáo nhúng tay vào việc đòi tự trị của Chính Thống Ukraine

Trong một diễn biến đáng lo ngại cho tương lai của tiến trình đại kết, Chính Thống Giáo Nga, nói theo tiến sĩ George Wigel, đã dùng “bóng ma Vatican” để lôi kéo các tín hữu Chính Thống Ukraine đứng về phía họ trong cuộc tranh cãi đòi quyền tự trị của Chính Thống Giáo Ukraine.

Tác nhân chủ yếu trong cuộc vận động đòi tự trị hiện nay là tổng thống Pyotr Poroshenko. Ông đã yêu cầu Quốc Hội thông qua một dự luật vận động 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo tại Ukraine kết hiệp thành một. Đồng thời, ông cũng đã sang Constantinople để xin Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cấp quyền tự trị cho Giáo Hội hiệp nhất này.

Trong một hành động gây sững sờ đối với nhiều người, Tổng Giám Mục Hilarion mập mờ cho rằng tổng thống Poroshenko là người Công Giáo với thâm ý cáo buộc Vatican nhúng tay vào nỗ lực đòi tự trị của Chính Thống Giáo Ukraine.

Dưới đây là toàn văn bản tin của thông tấn xã Tass của Nga phát đi hôm 30 tháng 9.

Russian Orthodox Church uncertain over Poroshenko’s religious affiliation - Giáo Hội Chính Thống Nga không chắc Poroshenko theo tôn giáo nào.

Giáo hội Chính thống Nga bối rối không biết Tổng thống Ukraine Pyotr Poroshenko theo tôn giáo nào, bởi vì ông đã tham gia vào các cử hành Phụng Vụ của cả Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine lẫn Giáo hội Chính thống. Đức Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch ủy ban đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã cho biết như trên.

“Chúng tôi có những bức ảnh cho thấy Tổng thống Pyotr Poroshenko tham dự một buổi lễ trước khi ông đảm nhận chức vụ tổng thống. Ông ấy mặc áo sticharion [xem hình bên] và buổi lễ được tổ chức tại một thánh đường theo giáo luật của Giáo hội Chính thống Ukraine tại Tu Viện Thánh Giôna. [Cụm từ “thánh đường theo giáo luật” – “a canonical church” được người Nga dùng để chỉ các nhà thờ trong Giáo Hội trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa]

Tuy nhiên, chúng tôi lại có một bức ảnh khác, trong đó Poroshenko, lúc đó đã đảm nhiệm chức vụ tổng thống, đang được một Tổng Giám Mục Công Giáo Đông phương cho rước lễ. Đó là lý do tại sao chúng tôi không biết ông ta theo đạo nào, là một tín đồ Chính thống hay là một tín hữu Công Giáo Đông phương. Tổng Giám Mục Hilarion cho biết như trên trong chương trình Giáo hội và Thế giới được phát sóng trên kênh truyền hình Rossiya-24.

Tổng Giám Mục Hilarion nhấn mạnh rằng:

“Ông ta thuộc về Giáo Hội nào là vấn đề riêng tư của ông ta, nhưng tạo ra một Giáo Hội hay thay đổi phương cách giáo luật về việc điều hành một Giáo Hội lại là chuyện khác,”

Chính quyền Ukraine đã nỗ lực để thành lập một Giáo hội Chính thống quốc gia tách khỏi Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa kể từ khi nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Sô viết Ukraine cũ tuyên bố độc lập khỏi Liên bang Sô viết vào năm 1991.

Ngày 7 tháng 9 năm 2018, Đức Thượng Phụ Đại Kết đã bổ nhiệm hai đặc sứ toàn quyền sang Ukraine như là một phần trong việc chuẩn bị cho tiến trình trao quyền tự trị cho Giáo hội Ukraine. Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga cực lực phản đối và phẫn nộ sâu sắc đối với diễn biến này.

2. Giám Mục tiên khởi của Mông Cổ qua đời

Đức Cha Wenceslao Padilla, người Phi Luật Tân, Giám Mục Ulaanbaatar, là linh mục Công Giáo đầu tiên đến truyền giáo tại Mông Cổ vào năm 1992, ngay sau sự sụp đổ của chế độ cộng sản, đã qua đời hôm 25 tháng 9 vừa qua.

Đức Cha Wenceslao Padilla thuộc dòng Thánh Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ, hay còn gọi là dòng truyền giáo Scheut, đã bị nhồi máu cơ tim ở thủ đô Ulaanbaatar Mông Cổ. Ngài đã qua đời ở tuổi 68.

Dòng Thánh Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ bày tỏ lời chia buồn và lời cầu nguyện cho Giáo Hội ở Mông Cổ, cũng như những lời phân ưu đến gia đình và bạn bè của ngài.

Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân cũng bày tỏ lời chia buồn. Đức Cha Pablo David, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Phi cho biết ngài đích thân chứng kiến Đức Cha Padilla chăm sóc đàn chiên ở Mông Cổ như thế nào. “Tôi đặc biệt ghi nhận lòng quý mến và tôn trọng thật sự của Đức Cha Padilla đối với nền văn hóa Mông Cổ. Sự đơn giản và khiêm nhường của ngài rất hiển nhiên,” Đức Cha David nói.

Liên Hội đồng Giám mục Châu Á cũng bày tỏ nỗi buồn trước cái chết của Đức Cha Padilla.

Cha William LaRousse, Trợ lý Tổng Thư Ký, cho biết Đức Cha Padilla đã là một thành viên trong ủy ban trung ương Liên Hội đồng Giám mục Châu Á trong 3 nhiệm kỳ từ năm 2009 đến năm 2017. Ngài biết ơn sự quảng đại của vị Giám Mục quá cố và sự sẵn sàng của ngài trong các công việc và các khóa họp toàn thể của Liên Hội đồng Giám mục Châu Á, cũng như đối với những đóng góp rất có giá trị của ngài trong các cuộc họp ủy ban trung ương.

Đức Cha Padilla sinh tại Tubao, Phi Luật Tân, ngày 28 tháng 9 năm 1949. Ngài được thụ phong linh mục năm 1976 và gửi đi truyền giáo tại Đài Loan một năm sau đó.

Từ năm 1985 đến năm 1990, ngài là bề trên tỉnh dòng Đông và Đông Nam Á bao gồm Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore.

Không lâu sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Mông Cổ vào năm 1992, Vatican đã giao phó sứ mạng truyền giáo ở quốc gia Đông Á này cho những người truyền giáo Scheut. Đức Giám Mục Padilla đã lãnh đạo 2 nhà truyền giáo bắt đầu sứ mệnh cùng năm đó.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã bổ nhiệm ngài làm Giám Quản Tông Tòa của Ulaanbaatar vào năm 2002. Tháng 8 năm 2003, ngài được bổ nhiệm làm giám mục. Do đó, ngài trở thành giám mục tiên khởi của Mông Cổ.

Vào năm 2016, Đức Cha Padilla đã phong chức linh mục cho người Mông Cổ đầu tiên, là một thanh niên đã được chính ngài rửa tội trong những ngày đầu truyền giáo tại đây . Ngày nay, Giáo hội ở Mông Cổ có 20 nhà truyền giáo nước ngoài và 50 nữ tu từ 12 hội dòng làm việc mục vụ cho khoảng 1,300 người Công Giáo và những người nghèo của đất nước.

Lễ tang của Giám mục Padilla sẽ được tổ chức tại nhà thờ chính tòa Ulaanbaatar vào ngày 14 tháng 10.

3. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc thường huấn giáo lý hôn nhân cho các đôi vợ chồng

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải cung cấp giáo lý hôn nhân liên tục cho các cặp vợ chồng, trước và sau khi kết hôn. Ngài nói rằng ngay cả những giáo lý cơ bản của Giáo Hội cũng không thể được giả định là không cần phải lặp lại. Đức Thánh Cha đưa ra lập trường trên trong một huấn từ dành cho những tham dự viên trong một khóa học về hôn nhân và cuộc sống gia đình được tổ chức tại Rôma.

Phát biểu hôm thứ Năm 27 tháng 9 tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô với các linh mục, phó tế và anh chị em giáo dân, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lặp lại lời kêu gọi của ngài về một chương trình “thường huấn giáo lý về bí tích hôn nhân” và nói rằng điều rất cần thiết cho các cặp vợ chồng là nhận được sự huấn luyện liên tục cả trước và sau đám cưới của họ.

Khóa học diễn ra từ ngày 24 đến 26/9, được bảo trợ bởi Giáo phận Rôma và Tòa Rota, là tòa phúc thẩm cao nhất của Giáo hội về các trường hợp xin tiêu hôn.

Trước đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hướng dẫn tốt hơn, lâu hơn, toàn diện hơn cho các cặp vợ chồng trong các diễn từ thường niên của ngài dành cho tòa Rota.

“Hiệu quả lớn hơn của việc chăm sóc mục vụ được thực hiện nếu như sự tháp tùng mục vụ không kết thúc với việc cử hành lễ cưới, nhưng được tiếp tục ít nhất trong những năm đầu đời của hôn nhân”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các tham dự viên rằng hôn nhân là “một lĩnh vực tông đồ rộng lớn, phức tạp và tinh tế” đòi hỏi toàn bộ năng lượng và sự nhiệt tình của Giáo Hội.

Lên tiếng ca ngợi chứng tá “dũng cảm” của Thánh Gioan Phaolô II về gia đình trong thế giới hiện đại, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài tìm cách xây dựng trên di sản của những vị tiền nhiệm “nhìn xa trông rộng” của mình những cải cách luật pháp trong các trường hợp tiêu hôn và trong những ứng dụng mục vụ được đề cập trong Tông huấn Amoris Laetitia. Đức Thánh Cha nói rằng mục tiêu của cả hai nỗ lực này là giải quyết nhu cầu “khẩn cấp” cho sự đào tạo hôn nhân toàn diện.

“Hôn nhân không chỉ là một sự kiện ‘xã hội’, mà là một bí tích thực sự đòi hỏi phải có sự chuẩn bị đầy đủ và một cử hành có ý thức,” Đức Thánh Cha nói. “Mối giây hôn nhân, trên thực tế, đòi hỏi một sự lựa chọn tham gia về phần các cặp vợ chồng, trong đó tập trung vào ý chí để xây dựng với nhau một cái gì đó mà không bao giờ bị phản bội hoặc bị bỏ rơi.”

Theo Đức Thánh Cha, công việc chuẩn bị hôn nhân đạt hiệu quả tốt nhất thông qua các nỗ lực chung của các linh mục và các cặp vợ chồng, mặc dù ngài nhấn mạnh hơn đến tầm quan trọng có tính quyết định trong vai trò của linh mục giáo xứ.

“Các linh mục, đặc biệt là các linh mục giáo xứ, là những người đầu tiên đối thoại với những người trẻ muốn lập một gia đình mới và kết hôn trong bí tích hôn nhân. Sự tháp tùng của vị linh mục sẽ giúp các cặp mới cưới hiểu rằng hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là một dấu chỉ sự kết hợp phu thê giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, khiến họ ý thức được ý nghĩa sâu sắc của biến cố họ sắp thực hiện.”

Ý kiến của Đức Thánh Cha được xem là những lời sửa sai cho những nhận xét gần đây của Đức Hồng Y Kevin Farrell, tổng trưởng Bộ giáo dân, gia đình và cuộc sống. Tháng Bảy vừa qua, Đức Hồng Y Farrell nói rằng “các linh mục không phải là những người tốt nhất để đào tạo những người khác về hôn nhân” và rằng “họ không có uy tín” để nói về điều đó do không có kinh nghiệm về cuộc sống gia đình.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng công việc chuẩn bị các cặp vợ chồng cho hôn nhân cần phải bao gồm sự đào tạo đức tin cơ bản. Ngài lưu ý rằng trong nhiều trường hợp hôn nhân tan vỡ không phải vì bất kỳ vấn đề cố hữu nào giữa hai vợ chồng, mà đơn giản là vì họ thiếu độ sâu sắc cần thiết để sống đầy đủ bí tích hôn nhân.

“Vì vậy, nhiều lần căn cội cuối cùng của các vấn đề trở nên tỏ tường sau lễ cưới được tìm thấy không chỉ nơi một sự thiếu trưởng thành ẩn kín và xa xôi nay đột nhiên bùng nổ ra, nhưng trên tất cả là nơi sự yếu đuối trong đức tin Kitô” Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh như trên với các tham dự viên.

“Cuộc hành trình chuẩn bị càng sâu sắc và kéo dài, các cặp vợ chồng càng sớm học được cách thích ứng với ân sủng và sức mạnh của Thiên Chúa và càng sớm phát triển được các ‘kháng thể’ giúp họ đối mặt với những khó khăn và mệt mỏi của đời sống hôn nhân và gia đình.”

Đức Thánh Cha lưu ý rằng những người chuẩn bị hôn nhân cho các cặp vợ chồng đừng đưa ra các giả định về mức độ trưởng thành đức tin của các cặp vợ chồng. Theo Đức Thánh Cha nhiều người “vẫn còn lấn cấn với một số khái niệm cơ bản về giáo lý rước lễ lần đầu tiên, nếu vượt qua được, chưa chắc sẽ không lấn cấn với giáo lý về phép Thêm Sức.” Bởi thế, thật cần thiết để lặp lại giáo lý khai tâm Kitô giáo, và không thể giả định là họ đã nắm vững rồi”

4. Báo chí Nga ca ngợi lời kêu gọi xóa bỏ hận thù của Đức Thánh Cha

Trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại ba nước vùng Baltic, dư luận tại Nga đã tỏ ra rất dè dặt. Nếu như Việt Nam phải sống bên cạnh nước láng giềng Trung Quốc luôn nuôi dã tâm xâm lược và đồng hoá người Việt; thì ba nước vùng Baltic cũng cùng chung một số phận không may như thế khi phải sống bên cạnh một nước Nga quá lớn, đã từng đô hộ họ nhiều lần, cũng như đã từng gây ra bao nhiêu đau thương cho họ.

Trong chuyến tông du vừa qua, Đức Thánh Cha đã có dịp đến thăm Viện Bảo Tàng Thời Kỳ Chiếm Đóng của Liên Sô tại Vilnius và đọc một lời nguyện tại đây. Ngài cũng đã đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân cộng sản tại Tượng Đài Tự Do ở Riga, và dâng thánh lễ tại quảng trường Tự Do ở Tallin.

Tuy nhiên, trong tất cả những dịp này, Đức Thánh Cha đã đưa ra những lời kêu gọi từ bỏ lòng căm thù để sống tình huynh đệ.

Thông tấn xã Interfax của Nga đã nhanh chóng lên tiếng ca ngợi những lời khích lệ xoá bỏ hận thù, chẳng hạn như trong diễn từ được Đức Thánh Cha đưa ra tại Cổng Thành Bình Minh.

Bài xã luận hôm 23 tháng 9 trên Interfax cho biết:

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bài giảng của ngài tại Cổng Bình minh ở Vilnuis đã kêu gọi tất cả các tín hữu từ bỏ sự thù địch và ‘nhận ra nhau như anh em’ bất kể chủng tộc và tôn giáo.

“Ngài hô hào rằng: ‘Trước đây chúng ta đã xây dựng nhiều pháo đài, nhưng hôm nay chúng ta cảm thấy cần phải nhìn nhau và công nhận lẫn nhau như anh em, đồng hành cùng nhau với niềm vui và ý chí tìm kiếm hòa bình, trải nghiệm giá trị của tình huynh đệ’”

780,000 người Lithuania tức là khoảng 1/3 dân số đã chết trong thập niên 1940. Một số, chủ yếu là người Do Thái, chết trong tay Đức Quốc Xã. Tuy nhiên, đa số chết dưới tay cộng sản Liên Sô.

5. Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung bày tỏ sự lạc quan về tiến trình hòa bình tại Triều Tiên

Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung, Tổng Giám Mục Hán Thành đã bày tỏ sự lạc quan của ngài đối với tiến trình hòa giải giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên.

“Đức Mẹ sẽ nhận lời chúng ta,” vị Hồng Y 75 tuổi cả quyết.

Ngài đã đưa ra nhận xét trên trong thánh lễ hôm thứ Ba tại Nhà thờ Chính Tòa Mân Đông của Hán Thành để cầu xin ân sủng thống nhất.

Một ngày sau đó, tại Bình Nhưỡng, nơi tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in đang có cuộc họp thượng đỉnh với Kim Chính Ân, Bắc Hàn đã đồng ý đóng cửa vĩnh viễn căn cứ thử nghiệm hỏa tiễn Tongchang-ri. Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in đã đưa ra lời loan báo về diễn biến này hôm thứ Tư.

Thêm vào đó, Kim Chính Ân cho biết sẽ thực hiện một chuyến viếng thăm lịch sử đến Hán Thành. Đó sẽ là cuộc viếng thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo miền Bắc sau việc chia đôi bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Moon Jae-in cho biết thêm chuyến viếng thăm của Kim Chính Ân có thể sẽ được thực hiện trong năm nay trừ ra có “những tình huống đặc biệt”.

Trong suốt 23 năm qua, Giáo Hội Công Giáo ở Hàn Quốc đã tập trung vào mỗi thứ Ba dưới chân Đức Trinh Nữ Maria tại Nhà thờ Chính Tòa Mân Đông của Hán Thành để cầu xin ân sủng hòa bình và thống nhất.

Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Triều Tiên và Mông Cổ cũng bày tỏ sự lạc quan của ngài.

“Tôi chắc chắn rằng từ thiên đàng Đức Mẹ đã và đang nhìn với một ánh mắt từ ái đối với con cái mình ở Hàn Quốc,” Đức Sứ Thần Tòa Thánh Alfred Xuereb nói với Vatican News hồi cuối tháng 5 vừa qua.