Ngày 07-10-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Việc lần chuỗi Mân Côi theo tông thư ''Kinh Mân Côi kính Đức Trinh Nữ Maria''
Lm Anphong Trần Đức Phương
07:51 07/10/2009
Tông Thư “Kinh Mân Côi Kính Đức Trinh Nữ Maria” (Rosarium Virginis Mariae)

Khi viết bài này tôi nhớ lại khi tôi còn làm ‘phó xứ’ tại một giáo xứ Hoa Kỳ khá lớn và có một họ lẻ (Mission). Lần đầu tiên đến lượt tôi đi dâng Lễ Chúa Nhật tại họ lẻ này, Cha xứ người Mỹ cẩn thẩn dặn tôi: “Đó là một vung gần bờ sông, toàn là dân nhà giàu, có nghề nghiệp vững chắc như Bác sĩ, Giám đốc, Giáo sư đại học. .. Trong số đó có một số gia đình Công Giáo, và họ đóng góp làm một Nhà Nguyện ở một sườn đồi. Nhà Nguyện tuy nhỏ, nhưng rất khang trang. Sau đó, Cha xứ cười và nói ‘…nếu Cha đến sớm được mà cùng lần chuỗi Mân Côi với họ trước giờ Thánh Lễ thì họ thích lắm.’ Ngay Chúa Nhật hôm sau, tôi đến lúc 7g30 sáng, trước giờ Lễ nưả tiếng, số giáo dân đi theo từng gia đình đã đến gần đầy đủ; sau đó tất cả đều quì lần tràng chuỗi 50, để kịp chuẩn bị giờ Lễ lúc 8g00 sáng. Tôi hỏi ra thì họ nói đó là thói quen từ lâu, khi cha ông họ lập họ đạo đó, và cứ tiếp tục cho đến bây giờ, quanh năm như vậy, dù vào mùa hè hay mùa đông, trời nắng hay trời mưa (rain or shine). Lúc đó tôi tự nghĩ trong lòng: “Như vậy viêc lần chuỗi Mân Côi đâu phải là việc đã lỗi thời, hoặc chỉ dành cho các cụ già, hoặc người bình dân...”

Việc đọc kinh Mân Côi là một việc đạo đức đã có lâu đời trong Giáo Hội Công Giáo. Trong các chủng viện, tu viện thường có thói quen lần chuỗi Mân Côi chung hàng ngày. Nhiều giáo dân cùng lần chuỗi Mân Côi hàng ngày. Qua các thời đại, các Đức Giáo Hoàng đều cổ võ việc lần Chuỗi Mân Côi trong gia đình. Đặc biệt vào tháng Mười năm 2002, nhân dịp kỷ niệm 25 năm trong Triều Đại Giáo Hoàng của Ngài (ngày 16 tháng 10), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ra Tông Thư ‘Kinh Mân Côi Kính Đức Trinh Nữ Maria’ (nguyên văn tiếng La tinh là ‘ROSARIUM VIRGINIS MARIAE’) để khai mạc Năm Mân Côi (từ Tháng 10, 2002 đến Tháng 10, 2003) kính Đức Trinh Nữ Maria và để cầu nguyện cho hòa bình trong gia đình và trên thế giới. Trong Tông Thư này, Đức Thánh Cha cũng ban huấn dụ thành lập thêm ‘Mầu Nhiệm Ánh Sáng’ (cùng với Mầu Nhiệm Vui, Thương và Mừng đã có sẵn). Sau đó, nhân dịp cuối Năm Thánh Mân Côi và chuẩn bị bước vào Tháng Mân Côi 2003, trong dịp Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ (ngày 8/9/03), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã gửi đến các tín hữu toàn thế giới lời mời gọi hãy siêng năng cầu nguyện với Đức Mẹ qua tràng chuỗi Mân Côi, trong khi suy ngắm các mầu nhiệm qua Mùa Vui, Mùa Ánh Sáng, Mùa Thương, và Mùa Mừng.

Trong Tông Thư ‘Kinh Mân Côi Kính Mẹ Maria’ nói trên đây, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhấn mạnh đặc biệt điều này là: “Tự bản chất, Kinh MÂN CÔI LÀ LỜI KINH CẦU HÒA BÌNH.”

Trước hết là Hoà Bình Thế Giới: “Kinh Mân Côi đã được các vị tiền nhiệm của tôi và chính tôi nhiều lần đề nghị như một lời kinh cầu cho Hòa Bình. Vào lúc khởi đầu Ngàn Năm Mới, với biến cố tấn công kinh hoàng vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 (tại New York, Hoa Kỳ), chúng ta chứng kiến mỗi ngày, tại nhiều nơi trên thế giới, những cảnh đổ máu và bạo lực, thì việc khám phá lại kinh Mân Côi có nghĩa là đi sâu vào việc chiêm ngưỡng Mầu Nhiệm Chúa Kitô, là Bình An của chúng ta; bởi vì Người đã liên kết đôi bên thành một, và phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù hận (Thơ Ephêsô 2,14). Vì thế chúng ta không thể đọc Kinh Mân Côi mà không cảm thấy sự thôi thúc dấn thân một cách cụ thể để xây dựng hòa bình…”

Rồi đến Hòa Bình và Hạnh Phúc Trong Gia Đình: “Gia Đình là nguyên tố xây dựng xã hội, mà ngày nay gia đình đang càng ngày càng bị những sức mạnh hủy diệt đe dọa, cả về phương diện ý thức hệ cũng như thực hành. Điều này đem đến nỗi lo cho tương lai của gia đình là nền tảng xã hội cũng như mối lo cho tương lai của toàn thể xã hội. Do đó, việc làm sống lại kinh Mân Côi trong gia đình công giáo là một công việc mục vụ rộng lớn, sẽ là một sức trợ giúp rất hữu hiệu để chống lại những tác động có tính cách hủy diệt qua các cuộc khủng hoảng của thời đại chúng ta.”

Và bình an trong tâm hồn, cũng như sự kiến tạo hòa bình thế giới: Kinh Mân Côi gìn giữ hạnh phúc, sự bình an cho tâm hồn chúng ta và giúp chúng ta trở nên những ‘khí cụ bình an của Chúa’: “Kinh Mân Côi đem lại sự bình an nơi nguoi cầu nguyện ( bằng kinh Mân Côi) … và giúp họ gieo rắc chung quanh mình hòa bình đích thực, vốn là quà tặng đặc biệt của Chúa Giêsu Phục Sinh (Tin Mừng theo Thánh Gioan 14,27; 20, 21)… Bằng cách hướng con mắt tâm hồn chúng ta về Chúa Kitô, Kinh Mân Côi cũng biến chúng ta thành NHỮNG NGƯỜI KIẾN TẠO HÒA BÌNH THẾ GIỚI.. Kinh Mân Côi cho phép chúng ta hy vọng rằng, ngay trong thời buổi này, công cuộc chiến đấu cho hòa bình sẽ dành phần thắng lợi… Kinh Mân Côi không hề là một cơ hội để chúng ta tránh né những vấn đề của thế giới, trái lại kinh Mân Côi thúc đẩy chúng ta nhìn thẳng vào những vấn đề của thế giới với con mắt của những con người có tinh thần trách nhiệm và quan tâm; đồng thời ban cho chúng ta nghị lực để đối phó với những vấn đề đó…”

Kinh Mân Côi còn giúp chúng ta biết nghĩ đến và ra tay giúp đỡ những con người nghèo khó và đau khổ trên thế giới này. Đức Thánh Cha viết: “Khi biết suy ngẫm đích thực, Kinh Mân côi dẫn chúng ta đến gặp gỡ Chúa trong mầu nhiệm của Người, và vì thế, chúng ta không thể không quan tâm đến diện mạo Chúa Kitô nơi những người khác, nhất là những người đau khổ nhất. Làm sao chúng ta có thể chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Hài Nhi ở Bêlem trong Năm Sự Vui, mà lại không có lòng khao khát đón nhận, bảo vệ và cổ võ Sự Sống, và mang lấy gánh nặng của các trẻ em đang đau khổ trên thế giới này? Làm sao chúng ta có thể bước theo Chúa Kitô, Đấng Mạc Khải trong Mầu Nhiệm Sự Sáng, mà không cương quyết làm chứng cho các mối Phúc Thật của Người trong đời sống hàng ngày? Làm sao chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Kitô vác Thánh Gía và chịu đóng đinh mà không nhận thấy cần phải hành động như Ông Gìa Simon thành Xirênê để nâng đỡ những anh chị em đang quằn quại đau đớn trong ê chề thất vọng? Cuối cùng, làm sao chúng ta có thể chiêm ngắm vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh và của Đức Mẹ Maria, Nữ Vương thiên đàng, mà không khao khát làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, công bằng hơn, và theo sát hơn kế hoạch của Thiên Chúa?”

Đáp lời mời gọi của Đức Thánh Cha, chúng ta hãy siêng năng dâng kính Mẹ những Tràng Hoa Mân Côi để cầu nguyện cho hòa bình nơi các gia đình, các cộng đồng, các dân tộc và trên toàn thế giới. Tất nhiên không phải chúng ta chỉ lần chuỗi Mân Côi vào Năm Mân Côi hay tháng Mân Côi, nhưng là hàng ngày, trong suốt cuộc đời. Hơn nữa khi lần chuỗi Mân Côi, không phải chúng ta chỉ đọc ngoài miệng, nhưng vừa đọc để tôn vinh Mẹ và cầu nguyện với Mẹ qua các kinh ‘Kính Mừng Maria... Thánh Maria...’, vừa suy ngắm các nhân đức của Mẹ qua các Mầu Nhiệm ‘Vui’, ‘Thương’, ‘Mừng’, ‘Ánh Sáng’, và đem áp dụng vào đời sống hàng ngày trong gia đình và xã hội. Chúng ta có thể cùng đọc chung trong gia đình, hoặc riêng tư một mình, hoặc chung các gia đình trong cùng một xóm (liên gia); cũng có cách lần Chuỗi Mân Côi ‘liên kết’, mỗi người một ngắm trong năm Mầu Nhiệm cùng với ‘Kinh Lạy Cha’, mười ‘Kinh Kính Mừng’, một ‘Kinh Sáng Danh’. Đọc hàng ngày. Như vậy cần 20 người cùng liên kết thành một nhóm, để hàng ngày cùng liên kết lời Kinh Mân Côi với nhau qua các Mùa Vui, Thương, Mừng và Ánh Sáng. Nhờ cách lần chuỗi liên kết như vậy, những người dù ở cách xa nhau ‘ngàn trùng’, cũng vẫn có thể liên kết với nhau qua lời kinh Mân Côi, để cùng cầu nguyện chung cho nhau và tạ ơn Chúa qua sự chuyển cầu của Mẹ Maria. Có người ngày nào cũng lần chuỗi và suy ngắm cả bốn mầu nhiệm ‘Vui, Ánh Sáng, Thương, Mừng’. Những người khác thường ngắm ‘Một tràng chuỗi Năm Mươi’ mỗi ngày.Theo truyền thống, thì Ngày Thứ Hai ngắm Mùa Vui, ngày Thứ Ba: mùa Thương, Ngày Thứ Tư: Mùa Mừng, Ngày Thứ Năm: Mùa Vui (nhưng bây giờ là Mùa Ánh Sáng), ngày thứ Sáu: Mùa Thương, ngày Thứ Bảy: Mùa Mừng, Ngày Chúa Nhật: Mùa Mừng. Như vậy qua việc đọc Kinh Mân Côi, chúng ta có dịp suy ngắm suốt cuộc đời của Chúa Giêsu liên kết với Mẹ Maria trong Năm Mầu Nhiệm Cứu Chuộc. Bắt đầu từ giờ phút vô cùng trọng đại ‘Thiên Thần Truyền Tin’ qua các biến cố ‘Viếng Thăm Bà Elizabeth’, ‘Sinh Chúa nơi hang đá Bêlem’, ‘Dâng Chúa vào Đền Thờ’, ‘Tìm thấy Chúa trong Đền Thờ’ (Mùa Vui)... Tiếp theo là các biến cố chính trong cuộc đời Truyền Giáo của Chúa (Năm Ngắm Sự Sáng): Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Gio-đan; Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana do lời xin của Mẹ Maria; Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng qua lời mời gọi cải thiện đời sống ‘Thống Hối; Chúa Giêsu ‘hiển dung’ (biến hình) trên núi Tabor; Chúa Giêsu thành lập Bí Tích ‘Mình Máu Thánh Chúa’ (Thánh Thể) trong bữa Tiệc Ly trứơc khi bước vào cuộc khổ nạn... Sau đó là các biến cố đau thương của Chúa trong Năm ngắm ‘Mùa Thương’: Cầu nguyện trong thống khổ tại Vườn Cây Dầu (Giêsimani); Chịu đánh đòn; Phải đội mũ làm bằng gai nhọn (Mão gai); Vác Thánh giá lên ‘Núi Sọ’ (Gôngôta); Chết đau đớn trên thánh giá… Sau cùng các Mầu Nhiệm trong ‘Mùa Mừng’: Chúa Giêsu sống lại; Chúa Giêsu lên Trời; Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông Đồ; Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời; Đức Mẹ được Vinh Thưởng trên Nước Trời.

Như vậy, khi chúng ta lần chuỗi Mân Côi, là chúng ta đã lần lượt suy ngắm ‘Tin Mừng’ một cách tổng quát (như Đức Thánh Cha nói trong Tông Thư Kinh Mân Côi: “Kinh Mân Côi là bản tóm lược toàn bộ sách Tin Mừng... Dù việc lần Chuỗi Mân côi không thể thay thế việc đọc Kinh Thánh, và đọc các giờ ‘Kinh Phụng Vụ’ của các Linh Mục và tu sĩ”). Đồng thời với việc suy ngắm các ‘Mầu Nhiệm’ cuộc đời của Chúa Giêsu nơi trần gian, chúng ta cũng dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria những lời kinh trọng đại ‘Lạy Cha’, ‘Kính Mừng’, ‘Sáng Danh’ cũng được lấy ra từ ‘Tin Mừng’. Do đó khi chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi, chúng ta vừa thờ phượng Chúa, vừa tôn vinh và cầu nguyện với Đức Maria và tu luyện đời sống đạo đức của chúng ta để mỗi ngày nên tốt hơn, xứng đáng là những người con của Chúa và Mẹ Maria. Khi Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (1917), Đức Mẹ đã nhắc nhở chúng ta hãy siêng năng lần Chuỗi Mân Côi và cải thiện đời sống. Điều đó càng quan trọng hơn trong thế giới hôm nay mà mỗi ngày mỗi trở nên suy đồi hơn về vấn đề đạo đức và luân lý, cùng với những chủ trương đi ngược với lương tâm con người lương thiện và phá hủy nền tảng giá trị gia đình (family values) như: luyến ái tự do, ly dị, phá thai, và coi hôn nhân như sự kết hợp giữa hai người bất kể nam, nữ (same sex marriage)...

Một điều rất quan trọng mà chúng ta cần lưu ý là khi Lần Chuỗi Mân Côi, chúng ta phải đọc thong thả, vừa đọc vừa suy ngẫm các Màu Nhiệm mà chúng ta đã xướng trước mỗi chục Kinh Kính Mừng. Vì thế Đức Gioan Phaolô II cũng nhắc nhở chúng ta trong Tông Thơ về Kinh Mân Côi: “Kinh Mân côi phát xuất chính từ kinh nghiệm riêng của Đức Maria, nên là một lời kinh chiêm ngưỡng sâu sắc. Không có sự suy ngẫm sâu xa, kinh Mân côi sẽ như một cái xác không hồn, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhấn mạnh: ‘Không có sự chiêm ngẫm, kinh Mân Côi trở thành một cái xác không hồn, và việc lần chuỗi trở nên một việc nhai đi nhai lại một số công thức có tính cách máy móc, và như thế là vi phạm Giáo huấn của Chúa Kitô: ‘Khi cầu nguyện chúng con đừng lại nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng, cứ nói nhiều là được nhận lời (Mt. 6, 7). Tự bản chất, việc đọc kinh Mân Côi đòi hỏi một nhịp điệu thanh thản và kéo dài, để giúp mọi người chiêm ngắm các Mầu Nhiệm trong cuộc đời của Chúa như được nhìn thấy bằng đôi mắt của Mẹ Maria, người đã sống hết sức gần gũi với Chúa. Bằng cách đó, sự phong phú khôn ví của các Mầu Nhiệm được bày tỏ …” Ở một đoạn khác, Đức Gioan Phaolô viết: “Việc suy ngẫm các Mầu nhiệm Chúa Kitô trong kinh Mân Côi được thực hiện bằng một phương pháp đã lập ra để giúp ta đồng hóa với Mầu Nhiệm. Đó là phương pháp dựa trên việc lập đi lập lại. Việc lập đi lập lại trước tiên được áp dụng cho kinh Kính Mừng, được lập đi lập lại 10 lần trong mỗi Mầu Nhiệm. Nếu lời kinh này được lập đi lập lại một cách hời hợt, chắc chắn người ta sẽ có cám dỗ xem kinh Mân Côi như một việc đạo đức khô khan, nhàm chán. Trái lại, người ta sẽ không cảm thấy kho khan, nhàm chán nếu xem kinh Mân Côi, như một sự trao dâng của tình yêu không ngừng, hướng về Đấng mình yêu mến, với những cách diễn tả, tuy giống nhau về nội dung, nhưng luôn luôn mới mẻ về phương diện cảm hứng.”

Nếu vừa đọc vừa suy ngẫm các Mầu nhiệm, thì việc lần chuỗi Mân Côi sẽ giúp chúng ta hợp với Mẹ Maria để đi sâu xa hơn vào Đời Sống và Tin Mừng của Chúa Giêsu, Đấng Cứu chuộc và là con đường đưa chúng ta đế Chân Lý và Sự Sống đời đời. Vì thế Đức Thánh Cha Gioan Phalô II cũng nhắc nhở chúng ta: “Một điều rõ ràng là: cho dù lời Kinh Kính Mừng được lập đi lập lại trực tiếp dâng Đức Mẹ Maria, nhưng hành vi yêu thương rốt cuộc lại HƯỚNG VỀ CHÍNH CHÚA KITÔ, với Mẹ và qua Mẹ. Việc lập đi lập lại được nuôi dưỡng bởi lòng khát khao trở nên giống Chúa Kitô một ngày một hơn, và đó là mục đích nhắm tới của đời sống mỗi Kitô hữu. Thánh Phaolô diễn tả điều đó bằng những lời đầy lửa yêu mến: ‘Đối với tôi, sống là Chúa Kitô, và chết là một mối lợi’ (Thơ Philipphê 1,21); ‘Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi’ (Thơ Galat 2, 20). Như vậy kinh Mân Côi giúp chúng ta trở nên giống Chúa Kitô một ngày một hơn cho đến khi chúng ta đạt tới sự thánh thiện thật sự viên mãn.”

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn Năm Ngắm của ‘MÙA ÁNH SÁNG’ mà tôi thấy đã được dùng ở nhiều nơi:

• Thứ Nhất: Đức Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Gio-đan. Ta hãy xin cho được sống đẹp lòng Đức Chúa Trời.
• Thứ Hai: Đức Chúa Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu tại Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Đức Chúa Trời.
• Thứ Ba: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và ơn thống hối. Ta hãy xin cho được ơn cải sửa tâm hồn.
• Thứ Bốn: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. Ta hãy xin cho được lắng nghe Lời Người.
• Thứ Năm: Đức Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể. Ta hãy xin cho được siêng năng rước Mình Máu Thánh Người.

Xin Thiên Chúa là Cha nhân lành, nhờ lời Mẹ Maria Mân Côi chuyển cầu, ban muôn ơn lành cho mỗi người, mỗi gia đình, cho toàn thể Giáo Hội và thế giới chúng ta, cũng như cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam.
 
Lấy của cải tạm thời đổi lấy kho tàng bền vững
LM Inhaxiô Trần Ngà
10:39 07/10/2009
Chúa Nhật 28 thường niên (Mác-cô 10, 17-30)

Chàng thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay là người nhìn xa thấy rộng. Tuy là người có đầy đủ điều kiện vật chất nhưng tâm hồn anh khắc khoải vì có một khao khát chưa được lấp đầy: khao khát được sống đời đời. Vì thế anh tìm đến với Chúa Giê-su mà anh xem như một bậc Tôn Sư lỗi lạc, “quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”
Chúa Giê-su dạy anh phải giữ các giới răn. Anh đáp: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã giữ từ thuở nhỏ".
"Bấy giờ Đức Giê-su nhìn anh và đem lòng yêu mến, Người bảo: "Anh chỉ còn thiếu có một điều: là hãy về bán những gì anh có mà bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Sau đó, hãy đến theo tôi."
Qua lời dạy nầy, Chúa Giê-su đề nghị anh đánh đổi của cải phù du đời nầy để chiếm hữu kho tàng vô giá trên trời, nhưng khi "nghe lời đó, anh sa sầm nét mặt, và buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều của cải."

Lời đề nghị với người thanh niên giàu có năm xưa lại được Chúa Giê-su gửi đến mỗi người chúng ta hôm nay. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta phải khôn ngoan dùng những của cải tạm bợ đời nầy để đổi lấy kho tàng vững bền trên thiên quốc; hay nói một cách bình dân là "bỏ con tép bắt con cá", mà cá đây lại là cá voi, vì phần bỏ ra rất nhỏ nhưng phần thu lại thật lớn lao.
Phần thu lớn lao nầy đã đượcChúa Giê-su xác nhận với thánh Phê-rô và các tông đồ: "Thầy bảo thật anh em: Chẳng ai từ bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất vì Thầy và vì Tin Mừng mà không được gấp trăm và được sống đời đời."

Vào khoảng năm 1975-80, thời điểm kinh tế Việt Nam gặp khủng hoảng trầm trọng, vật giá leo thang từng ngày, giá vàng nhích lên liên tục, đồng tiền mỗi ngày một mất giá.
Rồi lâu lâu lại có vụ đổi tiền, tiền cũ phải được đổi sang tiền mới nội trong một ngày với một số lượng hạn chế. Số tiền cũ không đổi kịp sẽ hoàn toàn mất giá trị và chỉ còn việc đem đốt đi. Sau mỗi lần đổi tiền, giá trị đồng tiền lại giảm sút thêm, đang khi vàng ngày càng tăng giá. Vì thế, không ai dại dột giữ tiền trong tủ. Khi có chút ít tiền dư, người ta đua nhau sắm vàng. Kẻ có nhiều tiền thì sắm cả cây vàng, người ít tiền thì sắm nửa chỉ hoặc một hai phân. Thế mới an lòng chắc dạ.

Những người khôn lúc đó đều có một chọn lựa sáng suốt là đổi tiền giấy lấy vàng. Thế nhưng vàng cũng không còn giá trị đối với người đã nhắm mắt xuôi tay, chẳng còn ích chi cho người đã lìa cõi thế. Do đó, một chọn lựa cũng rất sáng suốt cho chúng ta hôm nay là phải đổi tiền, đổi vàng, đổi tất cả của cải ta có đời nầy để lấy thứ “quý kim” muôn đời có giá, đó là công phúc. Ai có nhiều công phúc là có cả một kho báu trên trời không bao giờ mai một, hư hao.

Mai đây, cái chết sẽ thình lình chụp xuống. Nếu hôm nay không kịp chuyển đổi những gì ta có thành công phúc, thì lúc đó ta sẽ trở thành người trắng tay, chẳng còn gì tồn tại với mình khi bước qua thế giới bên kia. Đến lúc ấy, có hối tiếc thì cũng đã quá muộn màng!

Lạy Chúa Giê-su,
Xét về một vài khía cạnh nào đó, mỗi người chúng con đều là những người giàu có, không giàu của cải thì cũng giàu thời giờ, giàu sức lực, hay giàu khả năng, trí tuệ...
Xin dạy chúng con biết đem những thứ của cải tạm bợ nầy đổi lấy thứ tài sản không bao giờ hao vơi.
Xin cho chúng con biết dùng thời giờ Chúa ban để tôn vinh Chúa và phục vụ con người. Đó là cách chuyển của cải phù du thành công đức bền vững cho mai sau.
Xin cho chúng con biết cống hiến sức lực, tài năng, trí tuệ... để gánh vác việc đời, để góp phần xây dựng xã hội và phụng sự Hội Thánh. Đó là những cách biến gia sản chóng qua đời nầy thành công phúc, thành của cải không bao giờ hư nát dành cho mai sau.
 
Đứt ruột
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
11:24 07/10/2009
Chúa Nhật XXVIII Thường niên B

Đói thì đầu gối phải bò. Hết gạo chạy rong, nhất nông nhì sĩ. Có thực mới vực được đạo. Nhiều câu thơ, nhiều ngạn ngữ dân gian như muốn khẳng định rằng cuộc sống con người như mãi long đong, vất vả vì các nhu cầu căn bản để sinh tồn xét như là một sinh vật. Chuyện cơm áo, gạo tiền nó nhũng nhiễu con người mãi không ngơi. Chưa hết, bên cạnh cái trí khôn ý thức về sự cao quý của phận làm người thì cái ý chí tự do lại thúc bách con người tìm kiếm, thủ đắc các như cầu ngày càng cao và đa dạng. Ăn no, mặc ấm vẫn chưa đủ, còn phải ăn ngon và mặc đẹp. Trong cuộc sống, người ta không chỉ trông mặt mà bắt hình dong mà còn thường hành xứ theo kiểu đồng tiến đi trước, mực thước theo sau. Cảnh đời tréo nghoe mà không hiếm: “Bần cư náo thị vô nhân vấn. Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”.

Không giới hạn trong tương quan giữa người với người, ngày nay, khi có những chuyện bất bình giữa các quốc gia hay tập thể, người ta cũng lại sử dụng đòn chiêu: trừng phạt kinh tế. Đồng tiền dính liền khúc ruột. Để có được sự tự do với tiền của, thì quả là không mấy dễ, ngay cả với những người thường lên tiếng trong các lãnh vực đạo đức, tôn giáo. Xin chớ vội trách người thanh niên có nhiều của cải mà Tin Mừng tường thuật. Nếu như giờ này Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Hãy về bán đi tất cả những gì người có mà cho người nghèo, rồi đến mà theo Ta”, thử hỏi có được bao nhiêu người đáp trả dứt khoát và triệt đễ như thánh Phanxicô thành Axidi năm nào ?

Người ta dễ dàng chấp nhận với nhau rằng tiền của chỉ là cái góp phần xây dựng hạnh phúc chứ không phải chính là sự hạnh phúc. Người ta cũng dễ dàng đồng thuận với nhau rằng tiền bạc chỉ là tên nô lệ chứ không phải là ông chủ. Người ta không chối cãi sự thật là tiền của mang tính “phù hoa” và nhất là nó không thể theo chúng ta vào huyệt lạnh. Thế nhưng, nói thì dễ nhưng sống thì không dễ chút nào. Không ai muốn tự chặt đứt khúc ruột của mình cả. Chẳng ai muốn từ bỏ một thứ sức mạnh vốn rất hiệu nghiệm trong rất nhiều trường hợp đó là đồng tiền, vì “tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng che thân…”.

Dù là một kiểu nói ngoa ngữ, phóng đại để muốn nhấn mạnh, nhưng chúng ta không thể không giật mình trước lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Đàng” ( x.Mc 10,23-26 ). Ngay các tông đồ cũng sửng sốt và nói với nhau: Thế thì ai có thể được cứu rỗi, nghĩa là hưởng phúc Thiên đàng ? Khi giải đáp thắc mắc cho các tông đồ rằng đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được, thì Chúa Giêsu muốn khẳng định với chúng ta nhận ra sự thật này: hạnh phúc Nước Trời tiên vàn là quà tặng Chúa trao ban chứ không phải do công sức của loài người chúng ta.

Đã hơn một lần Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về mối nguy cơ của tiền bạc khi nó được phong làm thần thánh: “Không được làm tôi hai chủ …”( x.Mt 6,24; Lc 16,13 ). Chước cám dỗ xem tiền là tiên là phật tuy có đó nhưng xem ra không bằng chước cám dỗ xem đồng tiền có sức mạnh vạn năng kiểu có tiền mua tiên cũng được, có tiền là mua được cả nước thiên đàng. Khi chiều theo chước cám dỗ đề cao sức mạnh của đồng tiền thì người giàu có bị cám dỗ xem hạnh phúc nước trời là điều mình có thể mua, có thể trao đổi bằng công sức hay tiền bạc.

Hẳn chúng ta đồng thuận với nội hàm một ngạn ngữ Trung Quốc rằng tiền bạc có thể mua được đồng hồ quý nhưng không mua được thời gian; tiền bạc có thể mua được giường sang, nệm êm, chăn ấm, nhưng không mua được giấc ngủ ngon; tiền bạc có thể mua được cao lương mỷ vị nhưng không mua được sự ngon miệng… Thế nhưng trong thực tế chúng ta lại hành xử theo kiểu như tiền bạc là nền tảng, là nguyên nhân đem lại hạnh phúc. Nếu đã xác tín rằng hạnh phúc đích thật là hạnh phúc nước trời, tiên vàn là ân ban của Thiên Chúa, thì những gì chúng ta thu được mà chủ yếu bằng việc trao đổi, mua bán bằng của cải, tiền bạc chắc chắn không phải là hạnh phúc vĩnh cửu. Với luận lý này, chúng ta mới hiểu lời khẳng định của Đấng Cứu độ: “người giàu có khó vào Nước Trời hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim”. Lời Chúa thật săc bén hơn cả thanh gươm hai lưỡi ! (x. Dt 4,12 ).

Ngoài ra chúng ta cần chân nhận hiện thực này: khi đã đủ đầy, sung túc của tiền thì con người rất dễ bị biến tướng, bị tha hóa, bị thoái hóa. Vốn là một trong những thiện hảo tự nhiên Chúa dựng nên và ban tặng, nhưng của cải, tiền bạc rất dễ trở thành miếng mồi nhữ của thần dữ như trái táo trong vườn địa đàng khiến chúng ta đi trệch hay đi ngược với huấn lệnh Chúa truyền. Không chỉ có chuyện “no cơm ấm cật, dậm dật khắp nơi” mà các mối tương quan cũng dễ bị sứt mẻ do bời của cải tiền bạc. Tình bác cháu như Abraham với Lót, tình anh em ruột thịt như Êsau và Giacóp cũng khó bền vì của cải. Thánh Kinh ghi cùng một câu trong cả hai trường hợp: “họ có quá nhiều tài sản nên không thể ở chung với nhau được” ( St 13,6; 36,7 ). Một khi đã không thể “ở chung” với nhau được thì làm sao có thể ở cùng Thiên Chúa, Đấng là Cha của hết mọi người ? Và biết bao nhiêu chuyện chẳng hay, làm nứt vỡ tình mẹ cha, nghĩa huynh đệ… vẫn xảy ra trước mắt chúng ta mà nguyên nhân chính là vì tranh chấp của cải. Thánh Tông đồ dân ngoại đã nói với môn đệ Timôtê rằng: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” ( Tim 6,10 ).

Trong kiếp lữ thứ này, chúng ta không thể sống như thiên thần, không màng gì đến chuyện vật chất của tiền, vì không chừng sẽ rơi xuống thành loài vật ( Pascal ). Vấn đề đặt ra đó là phải biết làm chủ vật chất, tiền bạc cũng như phải biết tự do với nó. Một mẫu gương đáng cho chúng ta noi theo mà Tin Mừng hôm nay ghi lại đó là Phêrô. “ Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa Giêsu không phản bác nghĩa là Người chân nhận điều ấy. Không phải Phêrô đã vất bỏ mọi sự, của cải vật chất. Nhà của ngài còn đó, thuyền của ngài còn đó…nhưng ngài sẵn sàng trao dâng cho Chúa khi Chúa cần dùng vì lợi ích của tha nhân, sẵn sàng gác nó một bên để lên đường đi rao giảng tin mừng.

Biết rằng đồng tiền dính liền khúc ruột, tuy nhiên khi khúc ruột ấy là khúc ruột thừa đã bị viêm hay là khúc ruột non dính ung bướu thì không thể không cắt bỏ đi. Nhiều thánh giáo phụ như Hiêrônimô, Âugustinô khẳng định rằng những gì chúng ta đang sở hữu trên mức cần thiết đều là của người nghèo. Ước gì thỉnh thoảng chúng ta biết tập sống anh hùng một chút khi sẵn sàng dâng trao vài trăm ngàn, dăm bảy triệu vì một việc từ thiện nào đó hay vì công cuộc truyền giáo nào đó. Quả là không dễ, nhưng không cái khó nào là không thể vượt qua, nhờ ơn Chúa giúp và quyết tâm của chính chúng ta.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:59 07/10/2009
DẶN DÒ VÀ BA HOA

N2T


Lúc vịt con ra khỏi cửa, vịt mẹ ở sau lưng nói:

- “Đem theo cái ô, cục khí tượng nói chiều nay trời sẽ đổ mưa; lúc qua đường nhớ cẩn thận, nhìn rõ ràng trước sau không có xe mới đi qua; tối nhớ về cho sớm, cẩn thận…”

Vịt con không chịu nổi, cắt đứt lời của mẹ:

- “Từ sáng đến tối mẹ cứ ba hoa, có thôi không nào?”

Dần dần vịt con lớn lên, kết hôn, cũng làm vịt mẹ, mỗi ngày đàn con vây luẩn quẩn quanh mình.

- “Mẹ bảo con mặc thêm quần áo có nghe không nào?… Đợi một chút không thì lại cảm mạo đấy. Nhớ ăn cho hết rau ở trong cơm hộp, gầy như thế mà còn kén ăn, còn…”

Không đợi nó nói hết, lũ con la lên kháng nghị:

- “Má, má nói lôi thôi không à, ngày nào cũng ba hoa không à.”

Nó muốn mở miệng chửi mắng, đột nhiên im lặng không nói, câu nói ấy thật quen thuộc, từa tựa như đã nghe qua ở đâu rồi thì phải ! Đúng rồi, chính là bản sao lại của nó hồi năm xưa.

Thật kỳ lạ, lời ba hoa của mẹ, hôm nay chợt nhớ lại từng câu từng câu, đều tràn đầy sự dặn dò quan tâm yêu mến.

Nó hỏi Đấng tạo hóa:

- “Rốt cuộc thì dặn dò và ba hoa có gì là khác biệt?”

Đấng tạo hóa nhẹ tiếng trả lời:

- “Khác biệt ở chỗ thân phận làm mẹ và làm con không giống nhau”.

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Hồi còn nhỏ tôi thường hay bị mẹ la mắng vì không chịu cẩn thận khi ra nắng, tôi lại thích đi lang thang giữa trời mưa, mà lại kiếm những chỗ có vũng nước mà lội, nên cứ bị nhắc nhở. Bây giờ già đầu rồi mà mỗi khi đi học ghé thăm mẹ, thì cũng “bị” nhắc nhở cẩn thận khi chạy xe, đừng để đầu trần mà ra nắng v.v…

Chắc các bạn cũng như tôi, không ít thì nhiều cũng bực mình khi nghe nhắc hoài những điều quá thường ấy!

Vậy mà bây giờ nhớ lại, thì quả thực lời mẹ nhắc nhở rất đúng, mẹ nhiều lời cũng vì tình thương của mẹ dành cho con cái thật tràn trề, sự tràn trề này được biểu hiện ra nơi sự nhắc nhở thường xuyên ấy.

Điều mà con cái coi thường, thì mẹ lại thường xuyên nhắc nhở, việc mà con cái không để ý, thì mẹ lại luôn quan tâm để ý.

Không ai tế nhị cho bằng mẹ.

Tình thương của mẹ dành cho con cái to lớn hơn con cái nghĩ đến.

Rồi chúng ta sẽ kết hôn, sẽ làm bố mẹ, rồi chúng ta cũng sẽ thường xuyên nhắc nhở con cái những lời mà mẹ mình đã nói lúc trước: đừng ra nắng nghe con, đừng chơi bời với bạn bè xấu nghe con, nhớ mặc áo mưa khi ra mưa nghe con… nhớ… và nhớ… nghe con.

Mẹ Maria cũng nhắc nhở chúng ta mỗi ngày:

- Hãy cầu nguyện.

- Hãy siêng năng lần hạt mân côi.

- Hãy cải thiện đời sống.


Có phải Mẹ ba hoa, hay là Mẹ yêu thương chúng ta?

------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:01 07/10/2009
N2T


76. Thiên Chúa thấy người khiêm tốn nhận mình bất toàn, tất gia ơn giúp đỡ họ cách đặc biệt, làm cho thần lực họ thêm kiên cường mạnh mẽ, không việc thiện nào mà không làm được.

(Thánh Augustine)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:02 07/10/2009
N2T


248. Người không dám làm thì làm không tới nơi tới chốn.

 
Làm sao tiền của không làm cản trở mối liên hệ với Chúa
LM. Trần Bình Trọng
20:05 07/10/2009
LÀM SAO TIỀN CỦA KHỎI LÀM CẢN TRỞ MỐI LIÊN HỆ VỚI CHÚA

Chúa Nhật 28 Thường Niên, Năm B
Kn 7:7-11; Dt 4:12-13; Mc 10:17-30


Sứ điệp Tin Mừng hôm nay kêu gọi người tín hữu minh định lại những giá trị ưu tiên cho cuộc sống. Trong Phúc âm Chúa dạy các tông đồ những giá trị quan trọng cho việc thiết lập và mở mang nước Chúa. Trong bậc thang giá trị của người Kitô giáo thì những giá trị vật chất phải nhường chỗ cho những giá trị tinh thần, và những giá trị tinh thần phải nhường chỗ cho những giá trị thiêng liêng.

Tác giả bài trích sách Khôn ngoan hôm nay nhìn thấy giá trị đích thực là sự khôn ngoan được Chúa ban. Ðạt được sự khôn ngoan là vượt trên hết mọi sự vật ở trần gian. Còn bài Phúc âm nhắc nhở cho người tín hữu việc làm môn đệ đòi hỏi một đức tin quả quyết và lòng tín thác vững bền. Làm môn đệ đòi hỏi người tín hữu phải trả một giá cả nào đó.

Người thanh niên trong Phúc âm không muốn trả giá, không muốn mạo hiểm để làm môn đệ. Anh ta muốn giữ của cải để bảo đảm cho cuộc sống vật chất, để phòng thân, và để dưỡng già. Khi Chúa bảo anh ta bán của cải mà cho người nghèo đói, rồi đi theo Chúa: Anh ta sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải (Mc 10:22). Người thanh niên không muốn trả giá để làm môn đệ. Anh ta đã nhận được nhiều về của cải vật chất mà không muốn chia sẻ để làm vinh danh Chúa. Anh ta muốn giữ của để bảo đảm cho sự an toàn về vật chất và để dưỡng gìà. Của cải vật chất đã ràng buộc anh ta lại mà không cho phép anh đi theo Chúa. Nói tóm lại người thanh niên không có đủ đức tin vì đức tin luôn là lời mời gọi từ bỏ.

Thiên Chúa tạo dựng loài người với những nhu cầu vật chất để giúp cho việc sinh tồn và phát triển đời sống. Vật thái độ của người tín hữu đối với của cải là tâm tình biết ơn: biết ơn Chúa là Ðấng đã ban phát mọi sự để chia sẻ.

Người tín hữu phải nhớ rằng của cải vật chất có thể làm cản trở cho đời sống thiêng liêng và cho phần rỗi linh hồn như Chúa Giêsu cảnh giác: Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao? (Mc 10:23). Rồi Chúa tiếp tục: Con lạc đà chui vào lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa (c. 25). Tuy nhiên Chúa cũng nói: Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được (c. 27). Kiểu nói: con lạc đà chui qua lỗ kim là kiểu ngoa ngữ, lối nói phóng đại, có vẻ lạ tai với người đời nay, nhưng lại không lạ tai với người miền Trung Đông, nói tiếng A-ram thời bấy giờ, là tiếng nói hằng ngày của Chúa Giêsu, nên không nhất thiết phải hiểu theo nghĩa đen. Giàu hay nghèo, tự nó không phải là điều dữ. Giàu hay nghèo tuỳ thuộc vào thái độ của người ta đối với của cải vật chất. Theo tinh thần phúc âm, nếu người ta làm giàu cách bất chính, để lòng trí dính bén vào của cải và coi của cải đời này như là cùng đích, là người ta đi sai đường lối phúc âm.

Trải qua suốt dòng lịch sử Giáo hội, có những người Kitô giáo dâng lời khấn nghèo nàn, đẻ mọi sự làm của chung theo tinh thần siêu thoát phúc âm. Và Chúa Giêsu hứa cho những ai bỏ mọi sự và theo Chúa vì Chúa và vì phúc âm, sẽ nhận được gấp trăm ở đời này và phúc trường sinh ở đời sau (c.29). Không phải ai cũng khấn đức nghèo nàn được. Tuy nhiên ai cũng có thể sống tinh thần nghèo túng và tinh thần siêu thoát của phúc âm. Mỗi người Kitô giáo dù giàu hay nghèo, đi tu hay sống ngoài đời phải cố gắng sống tinh thần siêu thoát của phúc âm khi làm sở hữu chủ của cải và sử dụng không màng của cải, nhưng coi của cải chỉ là phương tiện để duy trì sự sống. Tinh thần siêu thoát của phúc âm phải giúp ta sử dụng, mà không để lòng trí dính bén vào của cải, không coi của cải là cùng đích của cuộc sống.

Khi người ta nói người nọ người kia có vẻ siêu, thì không có nghĩa là người đó lơ là, hờ hững, nhưng chỉ có nghĩa là người đó siêu thoát, nghĩa là vượt lên trên. Ðể có thể sống tinh thần siêu thoát, người tín hữu cần xin cho được ơn khôn ngoan để có thể: Coi của cải đời này chẳng là gì so với Ðức Khôn ngoan (Kn 7:8).

Lời Chúa hôm nay mời gọi người tín hữu phải tự xét xem có sự vật gì đã đang ràng buộc người ta trên đường làm môn đệ, điều gì đã làm cản trở cho mối liên hệ giữa Chúa và mỗi người và có gì làm cản trở cho phần rỗi linh hồn? Có bao giờ ta nghe biết có những người dù có đủ mọi sự, nhưng họ vẫn khắc khoải lo âu và không được hạnh phúc. Tại vì họ thiếu sự gì đó. Thánh Âu-tinh là một trong những người đó. Sau khi bỏ mọi sự để theo Chúa, thánh nhân đã tìm được bình an. Thánh Âu-tinh có nhận định cách sâu xa: Lạy Chúa, con đã được dựng nên cho Chúa mà thôi. Và tâm hồn con còn lo âu khắc khoải cho tới khi được an nghỉ trong Chúa.

Lời cầu nguyện xin cho được ơn biết sống tinh thần siêu thoát:

Lạy Chúa Giêsu! Ðể dạy loài người bài học,
Chúa đã xuống thế sống đời nghèo khó.
Xin tha thứ những lần con phung phí tiền bạc
cũng như những lần con lười biếng lại còn bủn xỉn,
không chịu làm việc và chia sẻ vào việc từ thiện bác ái.
Xin dạy con biết noi gương Chúa,
tránh những sa hoa phù phiếm
và sống tinh thần nghèo khó
để sứ điệp Phúc âm được tỏ hiện
trong đời sống con. Amen.

 
Người công chính Tân Ước
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
20:19 07/10/2009
Chúa Nhật 28 thường niên B (Kn 7,7-11; Dt 4,12-13; Mc 10,17-30)

Câu chuyện Phúc Âm hôm nay có một khởi đầu đáng mừng và một kết thúc đáng buồn. Một thanh niên tốt có thiện chí, giữ trọn các giới răn của Chúa. Anh còn muốn làm điều tốt hơn nữa để được sự sống đời đời.Chúa Giêsu đem lòng yêu mến người thanh niên này. Chàng trai thật dễ thương. Khắc khoải muốn vươn lên, băn khoăn muốn làm thêm gì đó để nên tốt hơn, thao thức hướng tới trọn lành, một người trẻ có tinh thần cầu tiến. Anh ước mơ một vùng trời lý tưởng. Ước mơ ấy cất tiếng gọi anh đi tìm “Thầy nhân lành” và hỏi: Thưa Thầy, tôi phải làm gì để đạt được ước mơ mà tôi hằng ấp ủ ? Người thanh niên hỏi Chúa Giêsu với tất cả tấm lòng chân thành. Chúa bảo: “Hãy từ bỏ hết tất cả những gì con có rồi theo Ta.”. Nghe xong, người thanh niên buồn bả bỏ đi (Mt 19,20-21). Và từ đó ước mơ của anh héo úa theo dòng đời. Các môn đệ tiếc nuối: sao Thầy không chiêu mộ người thanh niên giàu có này làm môn đệ nhỉ ? Còn Chúa Giêsu thì thương tiếc anh và những người giàu: “Những người giàu có mà vào Nước Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Chúa”.

Niềm hy vọng có một con đường dẫn thẳng đến Thiên Chúa đã khơi dậy niềm vui lớn lao thế nào thì giờ đây lại là một nổi buồn thất vọng chua chát. Phấn khởi gặp Chúa nhưng lại ra đi đầy phiền muộn. Chàng trai trẻ không muốn trả giá, không muốn mạo hiểm làm môn đệ. Anh chỉ muốn giữ của cải đảm bảo cho cuộc sống vật chất, phòng thân, dưỡng già. Muốn theo Chúa Giêsu nhưng anh vấp phải một chướng ngại, một sức khống chế. Đó là lòng gắn bó với của cải. Của cải như tấm kính mờ che lấp ánh sáng khi mà ánh sáng muốn soi vào lòng anh. Người thanh niên này có tất cả để được hạnh phúc nhưng chỉ còn thiếu một điều là khả năng theo Chúa.

Những thanh niên tốt như vậy thời nào cũng có nhưng hiếm có những thanh niên thiết tha đến việc trở nên tốt hơn và lại càng hiếm hoi những người trẻ nhân hậu xứng đáng nên mẫu gương thu hút kẻ khác. Người thanh niên Do thái này là người tốt, sùng đạo và khao khát sự sống đời đời. Anh có duyên may gặp được Chúa Giêsu, một bậc thầy có lòng nhân hậu. Nhưng tiếc thay! Anh không đủ can đảm, không đủ quãng đại bác ái để đáp ứng đòi hỏi của Chúa Giêsu là từ bỏ những gì mình có để theo Ngài.

Chúa đòi hỏi nơi anh điều anh muốn giữ lại vì của cải là chỗ dựa của đời anh. Anh sẵn sàng làm mọi điều Chúa đòi hỏi trừ việc bỏ chỗ dựa này. Nô lệ cho của cải, người thanh niên không đủ can đảm để ra khỏi ràng buộc. Người giàu có không được cứu độ chẳng phải vì họ giàu, nhưng sự trói chặt của vật chất của cải làm cho họ nô lệ và lãng quên Thiên Chúa. Của cải có thể là cạm bẫy che mất lương tâm, cản trở bước đường đến trọn lành. Dân gian thường nói rằng “người giàu lấy của che thân; người nghèo lấy thân che của”. Giàu không phải là tội, nghèo chẳng phải là nhân đức. Điều quan trọng theo tinh thần Phúc âm là thái độ con người trước của cải vật chất.

Bi kịch của người thanh niên cũng là của chúng ta. Ai trong chúng ta cũng đã từng bị giằng co giữa ước mơ bay cao và sự kéo gì của vật chất. Của cải vật chất có sức hấp dẫn mãnh liệt. Con người làm chủ nó và dần dần nó làm chủ con người, nó trở thành lẽ sống mà con người không thể dứt bỏ. Những tiêu chuẩn con người đang đặt ra để trói buộc nhau như tiền tài, địa vị, danh vọng không thật sự làm cho mình sống thảnh thơi hạnh phúc. Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta một tin vui. Có những niềm hạnh phúc lớn lao mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua từng phút giây đang sống. Biết dừng lại đề thưởng thức một nụ cười, một bông hoa, một cử chỉ yêu thương, một việc làm bác ái. Đọc một cuốn sách hay. Một cuộc trò chuyện. Một buổi tối đọc kinh chung trong gia đình, trong khu xóm, dâng một thánh lể sốt sắng, dự một giờ chầu sốt mến…Giàu tiền mà không biết cười, không biết yêu thương, không có niềm vui nội tâm thì cũng chỉ là bất hạnh.Con người còn có những giá trị tinh thần, những giá trị thiêng liêng chứ không chỉ dừng lại nơi cơm áo gạo tiền.

Người thanh niên trong Tin mừng hôm nay là người trẻ đàng hoàng và lương thiện. Anh ta sống một cuộc sống không có gì đáng chê trách. Không có tội lỗi gì đáng phàn nàn. Không có tật xấu để sửa sai. Anh là hình ảnh người công chính Cựu ước chu toàn lề luật. Chúa Giêsu âu yếm nhìn anh và muốn anh tiến thêm một bước nữa để nên người Công Chính Tân Ước. Đó là: bán gia tài bố thí cho người nghèo rồi sẽ có một kho báu trên trời và hãy theo Ngài.Đây là điều kiện nên người công chính Tân ước. Không ngoại tình, không giết người, không trộm cắp, không làm chứng gian, không lường gạt ai, không bất hiếu với cha mẹ. Đó mới là điều kiện thứ nhất sống tốt lành về mặt luân lý. Điều kiện thứ hai là tin và theo Chúa Giêsu. Không phải chỉ cần không làm việc này việc nọ đã là nhân lành, thiện hảo. Người Kitô hữu được mời gọi sống cao hơn. Đó là chia sẽ tình thương với tha nhân, tin và bước theo Chúa mỗi ngày.

Người khôn ngoan thì phải biết nhìn xa trông rộng. Biết bỏ những mối lợi trước mắt để tìm những giá trị vĩnh cửu. Yêu mến Chúa là chìa khóa của sự khôn ngoan. Chọn Chúa là chọn giá trị tuyệt đối, vĩnh cửu không gì có thể so sánh được.

Trở nên Người Công Chính Tân Ước là yêu mến Chúa trên hết mọi sự và dấn thân theo Ngài đến cùng.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng Hội Đồng và cuộc Cách Mạng Xanh
Vũ Văn An
17:47 07/10/2009
I. Nhận định của một nhà báo

Đối với các nhà lãnh đạo chính trị cũng như các nhà lãnh đạo Công Giáo, phát triển nông nghiệp để tự túc về lương thực là một ưu tư hàng đầu của Phi Châu. Không lạ gì các bản tin quốc tế đều loan tin đại biểu nông dân Châu Phi đã chính thức gửi thông điệp chào mừng Thượng Hội Đồng lần thứ hai về Châu Phi hiện đang họp tại Rôma. Và ngày hôm qua, chúng tôi đã cho phổ biến một số khuyến cáo của các chuyên gia và phong trào Công Giáo gửi Thượng Hội Đồng với nội dung nhấn mạnh tới phát triển nông nghiệp. Hôm nay, chúng tôi cho phổ biến bài nhận định của Robert Moynihan, sáng lập viên và chủ bút nguyệt san Inside The Vatican, tác giả cuốn “Let God's Light Shine Forth: the Spiritual Vision of Pope Benedict XVI" (2005, Doubleday). Nội dung bài nhận định của Moynihan cũng tập chú vào phát triển nông nghiệp cho Châu Phi.

Vấn đề hạt giống đã được biến cải về phương diện di truyền (genetically modified) tự nó không phải là một vấn đề tôn giáo, nhất định không phải là một vấn đề thuộc đức tin. Thế nhưng, nó cũng gần như là một vấn đề tôn giáo, vì nó đan kết chặt chẽ với các vấn đề thuộc nền công lý căn bản, và dĩ nhiên thuộc lương tri nền tảng, vốn hết sức quan trọng đối với người Công Giáo, và cũng quan trọng đối với mọi người thiện chí nữa.

Và đó là lý do tại sao tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Châu Phi, khai mạc vào ngày hôm nay tại Rôma, đã bàn tới hạt giống đã được biến cải về phương diện di truyền trong số nhiều vấn đề khác. Và đó cũng là lý do tại sao chính Tòa Thánh cũng đang hết sức thận trọng nghiên cứu tận tường vấn đề này trong những năm gần đây.

Có lần tôi đã du hành hai tháng qua khắp Tây Phi, từ Algiers tới Abidjan. Đối với tôi, Châu Phi là một nơi sinh động, đầy sức sống, ngay cả ở Sahara khô cằn. Bởi thế, tôi đứng về phía những ai mong muốn cho sự sống tại Châu Phi được sống sung mãn hơn, cho chiến tranh bộ lạc chấm dứt và Châu Phi tìm được đường riêng để tiến tới.

Một hôm ở Châu Phi, tôi gặp một bé trai, có lẽ chỉ mới 3 tuổi, bị vết cắt ở gót chân. Em cúi lượm những mẩu cà-rốt tôi gọt bỏ vì bẩn và vì tôi không có nước để rửa, và nhanh tay cho vào miệng nuốt chửng. Vết cắt của em không được dán băng. Vết thương vì thế đầy bụi và một chút mủ trắng đã rỉ ra bên mép. Chúng tôi tìm được một chút nước, tôi bèn rửa vết cắt cho em. Bụi và mủ được lấy đi và tôi dùng miếng băng cấp cứu mang theo phủ vết thương cho em. Vết cắt sau đó đã lành.

Những điều chủ yếu đôi khi khá đơn giản: một miếng băng, hay một ống dẫn nước. Hay có lẽ một hạt giống cải tiến?

Có và không

Nhưng hạt giống đã được cải biến về phương diện di truyền có thực sự cải tiến chăng? Người bảo có kẻ bảo không. Đức Hồng Y Peter Turkson, trong tuyên bố hôm nay tại Thượng Hội Đồng Châu Phi Lần Thứ Hai, đã nói như sau: “Tại một lục địa mà nhiều phần hiện đang sống dưới bóng tranh chấp và chết chóc, Giáo Hội phải gieo những hạt giống đem lại sự sống”.

Thiển nghĩ ai cũng phải đồng ý rằng sản xuất được những mùa gặt tốt hơn chắc chắn là điều tốt. Nhưng nhiều vị giám mục Châu Phi sợ rằng những hạt giống đã được cải biến về phươn diện di truyền có thể khiến các nông gia Châu Phi phải lệ thuộc các công ty đa quốc về phương diện kinh tế, vốn là các công ty sản xuất ra các hạt giống ấy. Và các ngài lo rằng những hạt giống mới kia, được tạo ra với mục đích chống lại một số bệnh tật, rất có thể không tốt như đã hứa hẹn, vì các siêu bệnh tật có thể xuất hiện để tấn công mùa màng. Vả lại hậu quả lâu dài của các loại giống được con người biến đổi gien này đối với sức khỏe con người chưa ai biết được.

Đối với một số những hạt giống đó, quả có vấn đề căn bản này: chúng vô sinh (sterile). Nghĩa là, cây có mọc, trái có phát sinh, bất luận đó là bắp, gạo, lúa mì hay đậu nành, nhưng bắp, gạo, lúa mì hay đậu nành đó không có khả năng sinh sản (fertile), thành thử hạt giống của chúng không để dành cho mùa trồng tỉa tới được, vì một lẽ đơn giản nó không mọc mầm được.

Hạt giống mới do đó hàng năm lại phải mua của các công ty sản xuất ra chúng. Nhiều vị Giám mục Châu Phi cho đó là một nan đề. Và các ngài quả có lý. Nó là một vấn đề thực sự. Cả hàng nghìn năm nay, các nông gia vốn giữ hạt giống của họ cho mùa trồng tỉa sau. Rõ ràng đó là nghĩa nôm na của đoạn sách Sáng Thế: “khi thế giới còn tồn tại, thì vẫn còn mùa gieo hạt và mùa thu hoạch”. Cái chu kỳ đã có từ hàng nghìn năm ấy sẽ bị bẻ gẫy bởi cái thứ kỹ thuật mới này. Sẽ có mùa gieo hạt, mùa thu hoạch, và một mùa mới: mùa đi mua hạt giống cho năm tới từ các công ty canh nông sản xuất ra chúng. Nông gia sẽ mất đi khả năng tự túc, dù cái khả năng tự túc đó chỉ ở mức sống còn (subsistence). Họ sẽ hoàn toàn lệ thuộc công ty bán hạt giống.

Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới nói như sau: “chiến dịch gây giống của những người chủ trương chương trình Thực Phẩm Sửa Giống (genetically modified food), một chương trình vốn có ý định bảo đảm sự an toàn về thực phẩm, không nên làm ngơ các nan đề thực sự của nền canh nông tại Châu Phi như thiếu đất có thể canh tác, nước, năng lượng, tín dụng, huấn luyện, thị trường địa phương, hạ tầng cơ sở đường xá, v.v… Chiến dịch này có nguy cơ khiến các tiểu điền chủ phá sản, triệt hạ các phương pháp gây giống cổ truyền và khiến các nông gia lệ thuộc các công ty sản xuất […]. Liệu các nghị phụ của Thượng Hội Đồng có thể duy trì thái độ bất đáp ứng đối với các nan đề đang đè nặng trên vai các đồng bào của họ?”

Nạn đói

Tuy nhiên, ngay trong lúc các giám mục Châu Phi bày tỏ quan tâm đối với những hạt giống kiểu mới này, thì một số các chức sắc của Tòa Thánh lại gợi ý là các loại hạt giống ấy rất có thể là phương cách tốt để cải thiện năng xuất cho các nông trại Châu Phi và do đó ngăn ngừa nạn đói trong tương lai.

Cải thiện nông nghiệp là chìa khóa cải thiện cuộc sống của người Châu Phi, nên mọi khí cụ, trong đó có hạt giống cải tiến nhân tạo, phải được xem sét để phát huy mục tiêu trên. Đó là lời phát biểu tại nghị luận hội ngày 24 tháng Chín vừa qua tại Rôma với chủ đề: “Tiến tới Cuộc Cách Mạng Xanh tại Châu Phi”.

Các nông gia tại Nam Phi và Burkina Faso sẵn sàng chứng minh các cải tiến đối với việc trồng trọt cũng như cuộc sống của họ khi du nhập các hạt giống cải tiến nhân tạo vào nông trại của mình. Đức Tổng Giám Mục Giampaolo Crepaldi, cựu thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoa Bình (vừa được cử làm giám mục giáo phận Trieste, miền bắc nước Ý, và do đó không được coi là một chức sắc của Tòa Thánh nữa) từng nói rằng chậm phát triển và đói kém tại Châu Phi phần lớn là do “các phương pháp canh nông lỗi thời và không thích đáng”. Ngài cũng cho rằng các kỹ thuật mới, tức “các kỹ thuật có thể kích thích và nuôi sống các nông gia Châu Phi” phải có sẵn sàng, kể cả “các hạt giống vốn được cải tiến nhờ các kỹ thuật làm thay đổi cấu trúc di truyền của chúng”.

Một điểm giá trị đã được trình bày bởi Cha Gonzalo Miranda, một giáo sư về đạo đức sinh học (bioethics) tại đại học Regina Apostolorum, là đại học bảo trợ nghị luận hội nói trên. Cha nói rằng: “nếu dữ kiện chứng tỏ rằng kỹ thuật sinh học có thể đem lại cho ta những lợi ích lớn lao trong việc phát triển Châu Phi, thì ta có trách nhiệm luân lý phải cho phép các nước này thực hiện các thí nghiệm của họ”. Vấn đề chủ chốt ở đây chính là mệnh đề “nếu dữ kiện chứng tỏ rằng”. Và đó mới là nan đề thực sự ở đây. Vì dữ kiện chưa có chi rõ ràng cả.

Thực thế, hiện đang có rất nhiều dữ kiện cho người ta thấy các hạt giống mới này có vấn đề: chúng đòi nhiều nước hơn các hạt giống cổ truyền; chúng mắc giá hơn các hạt giống cũ, liều mình đưa các tiểu nông gia vào vòng nợ nần; và nhiều loại hạt giống này vô sinh, nghĩa là hàng năm phải mua hạt giống mới.

Những điểm tiêu cực này đã được ghi nhận trong một bài báo quan trọng của Francesco M. Valiante, một cây viết thường xuyên, đăng trên L’Osservatore Romano ngày 1 tháng Năm 2009. Chúng cũng được Đức Tổng Giám Mục George Nkuo của Cameroon ghi nhận trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Mỹ John Allen, Jr. vào ngày 20 tháng Năm 2009. Đức Cha Nkuo có tham dự tuần lễ học hỏi tại Rôma từ ngày 15 tới ngày 19 tháng Năm do Hàn Lâm Viện Khoa Học Giáo Hoàng tổ chức để bàn bạc về toàn bộ vấn đề GMO (genetically modified organisms, các sinh vật được cải biến về phương diện di truyền). Ngài là vị giám mục Châu Phi duy nhất, và là một trong các vị không phải là khoa học gia, đã tham dự tuần lễ trên.

Không chắc chắn

Sau buổi gặp gỡ, Đức Cha Nkuo phát biểu: “khách quan mà nói, nếu kỹ thuật này thực sự làm cho cây trồng nhiều năng xuất hơn, nếu nó có sẵn cho người nghèo, và không có những nguy hiểm hiển nhiên đối với sức khỏe và môi trường, thì thiển nghĩ chả có gì xấu với nó cả”.

Nhưng ngài thêm rằng ngài không biết liệu tất cả những điều trên, tức năng xuất cao hơn, người nghèo với được, không có hậu quả phụ, có thực hay không. Ngài bảo: “Tôi thực sự không biết. Đó là vấn đề đối với tôi. Tôi không hiểu tại sao khoa học lại rắc rối đến thế. Tôi tưởng giả thiết phải có chứng cớ khách quan, nhưng xem ra khoa học cũng có mâu thuẫn. Tôi nghĩ quả là đáng ngạc nhiên khi thấy các ý kiến khác nhau đến thế. Phe ủng hộ GMO cho rằng những cây trồng này rất tốt cho môi trường và không hề đe dọa sức khỏe. Phe chống GMO lại bảo chúng nguy hiểm và có vấn đề về an toàn. Tôi phải tin gì đây?”

Nếu đó là tình thế hiện nay, nếu một vị giám mục từng tham dự một tuần học hỏi tại một hội nghị phò GMO tại Rôma mà vẫn không biết phải tin gì, thì đường hướng khôn ngoan là đừng phán đoán chi cho tới khi các sự kiện trở nên rõ ràng.

Bởi thế, điều khôn ngoan và hữu lý để các giám mục của Thượng Hội Đồng về Châu Phi phát biểu trong văn kiện cuối cùng nên là: sức khỏe và cuộc sống của nhân dân các vị phải là điều tối hệ trọng, và mọi phương thế cần phải được chấp nhận để cải tiến sức khỏe và cuộc sống ấy, miễn là các dữ kiện phải chứng tỏ được rằng đó là một cải tiến thực sự, chứ không phải là một ngõ cụt. Châu Phi không nên vội vàng chạy tới với những quyết định về hạt giống cải iến nhân tạo để rồi phải hối hận về sau.

II. Tuần lễ học hỏi tại Rôma

Nhân nói tới tuần lễ học hỏi tại Rôma do Hàn Lâm Viện Khoa Học Giáo Hoàng tổ chức hồi tháng Năm năm nay và những bối rối gây ra cho vị Tổng Giám Mục Châu Phi Nkuo, thiết tưởng nên nói rõ thêm một chút về tuần lễ này. Trước nhất, chủ đề của tuần lễ là “Cây Trồng Hoán Chuyển Di Truyền phục vụ An Toàn Thực Phẩm trong Bối Cảnh Phát Triển” (Transgenic Plants for Food Security in the Context of Development). Cha Charles Rue, trong một bài viết trên tờ “The Far East”, một nguyệt san của các cha Dòng Truyền Giáo Thánh Columban, số tháng Năm 2009, cho rằng tuần lễ học hỏi này có dáng dấp một cuộc thao diễn về phương diện giao tế của các công ty kỹ thuật sinh học, một cố gắng nhằm lôi kéo Vatican ủng hộ chương trình GMO. Cố gắng đầu tiên đã được đưa ra ngày 24 tháng Chín năm 2004, khi Toà Đại Sứ Mỹ cạnh Tòa Thánh và Hàn Lâm Viện Khoa Học Giáo Hoàng đã đồng tổ chức một buổi học hội, nhưng không thành công. Nay cố gắng ấy lại được tái sinh.

Theo nhận định của Cha Rue, trong tuần lễ học hỏi này, người ta không thấy sự có mặt của những nhà bình luận nổi tiếng vốn cảnh cáo các nguy hại của kế hoạch GMO như hai linh mục Dòng Tên Roland Lesseps và Peter Henriot, cũng như linh mục Dòng Thánh Columban Sean McDonagh. Các tham dự viên hoàn toàn là những người ủng hộ GMO và cùng cho rằng những người chống đối việc dùng kỹ thuật sinh học vào canh nông đều là vì ý thức hệ, trong khi họ không đề cập tới các tác động của GMO đối với sức khỏe, và các khía cạnh đa phức của GMO cũng như tính sống còn của các hệ thống canh nông.

Cha Rue cũng nhận định rằng các diển giả của tuần lễ học hỏi muốn người ta hiểu GMO như một thứ “thay thế gien” (gene replacement) hay “chuyển hóa di truyền” (transgenics). Các từ ngữ này vốn được kỹ nghệ kỹ thuật sinh học dùng để thuyết phục người ta rằng GMO chẳng có gì mới lạ vì nó vẫn từng đã có cả hàng nghìn năm nay qua việc gây giống có chọn lọc (selective breeding). Điều họ ít khi cho người ta thấy, thực sự là: việc gây giống có chọn lọc chỉ xẩy ra bên trong một chủng loại đặc thù nào đó mà thôi và đã được thử nghiệm nhiều năm để khám phá ra các hậu qủa tai hại có thể có. Gien không phải là các viên gạch muốn chuyển chỗ ra sao tùy ý. Chúng có sự sống, có liên hệ và có khả năng phát triển một cách phức tạp, mà không luôn luôn tích cực.

Cha Rue lấy làm tiếc là tài liệu “Nền Nông Nghiệp Hữu Cơ và An Toàn Thực Phẩm tại Châu Phi” năm 2008 của hai cơ quan UNCTAD và UNEP của Liên Hiệp Quốc đã không được đưa ra thảo luận tại tuần lễ học hỏi trên.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Xin hãy đáp ứng lời Kêu gọi Cứu trợ của các nạn nhân bão lụt số 9 tại Việt Nam
VietCatholic Network
08:45 07/10/2009
Xin cứu trơ.
 
Hình ảnh Đức GM Thái Bình mừng Trung Thu tại Giáo xứ Hoàng Xá, Ngọc Đồng và Cao Bình
Trường Giang
11:03 07/10/2009
THÁI BÌNH - Trong tuần qua nhân dịp Tết Trung Thu Đức cha Phê-rô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Thái Bình đã đến thăm một số các giáo xứ như Hoàng Xá, Ngọc Đồng, v.v... và mừng Tết Trung Thu với các thiếu nhi.

Hình ảnh Đức GM Thái Bình mừng Trung Thu tại Giáo xứ Hoàng Xá

Hình ảnh Đức GM Thái Bình mừng Trung Thu tại Giáo xứ Ngọc Đồng

Đức Cha Phêrô thăm làng chài Cao Bình và mừng Tết Trung Thu với các em nhỏ:

Chiều mồng 02/10/2009, Đức cha Phê-rô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Thái Bình đến thăm, dâng lễ cầu nguyện và tặng quà cho các em làng chài Cao Bình ngày tết Trung Thu.

Thoạt nghe cái tên “Cao Bình” ai cũng nghĩ nơi đây là sự bình yên và êm ả, nhưng có ai thấu hiểu được những cơn sóng dữ dội đang ngày đêm dằn vặt lên cuộc sống tinh thần cũng như thể xác của người dân làng chài Cao Bình? Những điều hi hữu khó có thể xảy ra, nhất là trong thời đại hiện đại hóa, toàn cầu hóa như ngày nay, vậy mà nó đã và vẫn đang diễn ra ngay tại làng chài giáo họ Cao Bình, xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Người xưa thường nói “an cư lạc nghiệp”, vậy mà họ đạo Cao Bình vẫn còn khoảng 60% gia đình không có đất làm nhà ở? Đối với thế hệ trẻ có rất nhiều khẩu hiệu treo dán ở khắp nơi thành phố cũng như nông thôn “trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”, vậy mà Cao Bình có khoảng mấy chục phần trăm các em được cắp sách đến trường, số lớn còn lại phải cùng với cha mẹ quăng chài thả lưới kiếm sống cho qua ngày. Tuổi thơ các em đang được đặt ở vị trí nào trong xã hội? Tương lai các em sẽ đi về đâu và đi đến đâu? Và còn nhiều điều khác nữa…!

Nét đặc thù của người giáo dân Cao Bình sống hoàn toàn bằng nghề sông nước, đánh bắt hải sản, không cấy lúa và không có ngành nghề phụ. Hiện nay Cao Bình có 850 người, 148 gia đình, khoảng 40% gia đình có nhà trên “bờ”, nhưng hoàn toàn không có ruộng cấy; còn lại khoảng 60% gia đình ngày thì lênh đênh đánh trên sông Hồng, đêm về neo đậu bên dòng sông Gốc, không có một mét đất để dừng chân hay tá túc, nếu gặp cuồng phong hay bão tố thì họ lánh ở đâu? Có nhiều gia đình có tới ba thế hệ cùng sống chung trong một chiếc thuyền nan nhỏ ngày này qua ngày khác. Quả thật cuộc sống người dân nơi đây quá bấp bênh! Một người giáo dân cho biết, một năm chỉ có ba tháng từ tháng hai đến tháng tư gọi là mùa “làm ăn”, vì lúc đó có nhiều cá tôm nhất và dễ đánh bắt nhất. Vậy chín tháng kia họ đi đâu, họ làm gì để duy trì cuộc sống của cả gia đình? Có một vài gia đình khá giả hơn thì tậu thuyền lớn đi đánh bắt xa bờ gần vùng biển Nam Định và Thanh Hóa, nhưng cũng may rủi! Số còn lại đánh bắt quanh quẩn ven sông Hồng, gặp những ngày đẹp trời thì đỡ, nếu những ngày mưa to gió lớn chỉ còn nước cắm neo nhìn trời mưa mong “trời tạnh nắng”.

Cao Bình có số người thất học rất cao. Từ trước đến nay chưa có một em nào học lên tới cấp đại học, cấp phổ thông trung học cũng được một hoặc hai em, cấp phổ thông cơ sở cũng rất ít, đa phần các em chỉ học đến lớp 4. Cũng dễ hiểu, bởi người dân quanh năm sống thụ động phụ thuộc vào sông nước, cái ăn cũng không đủ no thì sao có điều kiện cho con em học “cái chữ” được? Do vậy, các em dù đang ở tuổi vị thành niên cũng phải bỏ học, lao động cực nhọc để có bữa an hằng ngày, còn tương lai của mình thì phó mặc cho “Trời” và cho “đời”. Ông Bích, thày giáo dạy kèn đồng (quê Nam Định) cho biết: “Các em ở đây học kèn hoàn toàn trên tay, vì các em không biết đọc, không biết viết chữ, nên việc dạy và học rất vất vả, đòi cả hai phải kiên trì mới học được”! Một thực trạng đáng buồn!!!

Ông Phê-rô Minh, thư ký giáo họ Cao Bình cho biết, cha quản nhiệm Hieronimo Nguyễn Văn Đạo rất yêu mến, và quan tâm cách đặc biệt tới giáo họ Cao Bình, cứ chiều thứ Bảy hàng tuần ngài về dâng thánh lễ để giáo dân đỡ phải đi lễ xa, và nhất là người già cũng như các em thiếu nhi Thánh Thể tham dự thánh lễ đông đủ được.

Điều đáng ghi nhận nơi đây là sự hiện diện của các sơ dòng Mến Thánh Giá trên mảnh đất làng chài khoảng 8 năm nay. Thời kỳ đầu, cứ chiều chiều khi từng đoàn thuyền sau một ngày đánh cá trở về bến đậu, các sơ chèo thuyền ra làng chài để gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, phần nào đồng cảm với cuộc sống của người giáo dân. Đồng thời, dạy giáo lý và dạy “chữ” cho tất cả mọi thành phần không phân biệt, già trẻ, gái trai. Từ đó đến nay đời sống đức tin cũng như văn hóa của Cao Bình đã phần nào được thay đổi tích cực. Năm học vừa qua giáo họ có hơn 10 em đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường, điều mà xưa nay hiếm. Nhờ sự quan tâm của hội dòng Mến Thánh Giá số học sinh cắp sách tới trường tăng lên rất nhiều, hiện nay khoảng năm chục em đang được các sơ chăm sóc và cho ăn bữa cơm trưa tại trường học, chi phí do hội dòng đảm nhiệm. Những ngày lễ, tết hay những ngày hội của các em các sơ tổ chức vui chơi, văn nghệ và tặng quà cho các em. Ngoài ra các sơ đang dạy lớp “xóa mù chữ” cho những người lớn tuổi, ưu tiên cho bà mẹ trong các gia đình. Các buổi tối các sơ dạy giáo lý căn bản cho các lớp nhỏ, dạy hát cho các hội đoàn để phục vụ trong các ngày lễ trong năm. Khi tiếp xúc với sơ Anna Nguyễn Thị Ơn, tại giáo họ Cao Bình, được biết dự phóng trong tương lai các sơ sẽ mở các lớp xóa mù chữ cho tất cả các phụ huynh của các em, nhằm nâng cao kiến thức phổ cập không chỉ cho người giáo dân Cao Bình mà cả những người không cùng niềm tin đang chung sống tại môi trường này nữa.

Hôm nay, Đức cha Phê-rô, chủ chăn của giáo phận đã dành thời gian ưu tiên cách đặc biệt cho giáo họ Cao Bình nói chung, các em thiếu nhi nói riêng trong ngày tết Trung Thu của các em. Trong thánh lễ này không chỉ có sự tham dự của giáo dân mà còn rất đông những người đạo Phật cùng đến dự. Đức cha cầu xin Thiên Chúa thêm sức, an ủi và đồng hành với các em trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, dù các em bị thiệt thòi và còn thiếu thốn về nhiều phương diện. Đức cha mong muốn các gia đình trong giáo họ Cao Bình sẽ được cấp đất để làm nhà ở. Các em không phải bươn chải kiếm tiền đang độ tuổi vị thành niên, ngược lại các em được cắp sách đến trường học văn hóa như bao thiếu nhi khác trên đất nước Việt Nam. Sau thánh lễ Đức cha tặng quà cho các em thiếu nhi và tất cả cộng đoàn hiện diện trong buổi liên hoan văn nghệ mừng tết Trung Thu. Trao quà bằng phương thức quay số, ai trúng sẽ được nhận quà, giải độc đắc là chiếc xe đạp mini, và nhiều giải khác là những chiếc đồng hồ treo tường, ai không trúng các giải cao thì được nhận một phần quà động viên là cỗ tràng hạt đẹp và xinh xắn, giúp mọi người ý thức hơn trong tháng Mân Côi.

Hình ảnh thật dễ thương khi Đức cha đứng giữa, các em nhỏ vây xung quanh trước giờ khai mạc văn nghệ đón tết Trung Thu. Đức cha ân cần gặp gỡ, chia sẻ, động viên các em nhỏ, nét mặt các em hồn nhiên và vui tươi hơn mọi ngày. Điều dễ hiểu, bởi lần đầu tiên giáo họ Cao Bình được Đức Giám mục giáo phận đến thăm viếng và dâng thánh lễ. Được diện kiến Đức cha giáo phận, ông Phê-rô Minh bày tỏ nguyện ước của giáo họ là xin Đức cha ưu tiên cử một cha về coi sóc, giảng dạy, ban bí tích cho giáo họ xa trung tâm văn hóa, và nghèo nàn vật chất này. Không chần chừ, Đức cha khôi hài và trả lời các ông bà cứ động viên con cái, cháu chắt mình học hành tốt và cho đi tu rồi…!

Giáo họ Cao Bình đang rất cần nhiều lời cầu nguyện, sự quan tâm và chia sẻ của nhiều tấm lòng quảng đại, bàn tay bao dung của tất cả mọi người thiện chí trong đức tin, huynh đệ trong đức mến.

Với chuyến viếng thăm và tặng quà cho các em thiếu nhi giáo họ Cao Bình của vị chủ chăn giáo phận Thái Bình trong dịp tết Trung Thu vừa qua, chắc chắn sẽ để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân chài Cao Bình.
 
Tản mạn một chuyến đi Nam Mỹ
Lm. Trần Xuân Sang, SVD.
11:17 07/10/2009
NAM MỸ - TẢN MẠN MỘT CHUYẾN ĐI

Chuyến đi Santiago – Chile

Những ngày cuối tháng 9 vừa qua chúng tôi phải lo cho chương trình sinh hoạt của các giáo điểm truyền giáo những tháng cuối năm, đồng thời cũng chuẩn bị lên chương trình cho các công việc mục vụ và lượng giá cho các chủng sinh trước khi họ có kỳ nghĩ hè. Riêng các nhà đào tạo vùng Conosur Nam Mỹ đã lên chương trình cho cuộc họp vùng của các chủng viện thuộc Dòng Ngôi Lời thuộc các nước Chile, Argentina, Bolivia và Paraguay. Tôi cũng đang lo chương trình huấn luyện trong chủng viện nên cũng là khách mời tham dự khoá họp này tại thủ đô Santiago (thánh Gia-cô-bê) của nước Chile.

Vì mới tham dự khoá hội thảo quốc tế về Đối Thoại Ngôn Sứ tại Argentina chưa đầy một tháng và nhiều chuyện trong ngoài chưa giải quyết xong nên tôi cũng lưỡng lự không muốn đi lần này. Tuy nhiên cha Giám Tỉnh đã động viên và hứa sẽ sẵn sàng cho người đến giúp tôi trong những ngày tôi đi vắng nên tôi phần nào an tâm.

Khi tôi gọi điện cho cha Huân, người bạn thân của tôi từ ngày vào Dòng và cũng là người anh em có bài sai Parauay để nhờ anh ta giúp những ngày tôi đi vắng, anh đã sẵn sàng nhận lời dù giáo xứ của anh có đến hơn 60 giáo điểm và cách chỗ tôi 15 giờ xe chạy. Thế mới biết được tình huynh đệ và gắn kết của người Việt mình.

Ngày 28 tháng 9 vừa rồi nhằm ngày Chúa Nhật, sau khi dâng 2 thánh lễ ở 2 giáo điểm khác nhau, tôi đón xe bus để lên thủ đô nhằm cho kịp ngày hôm sau bay qua Chile dự họp. Cũng may lần này xe bus không gặp trục trặc giữa đường nên tôi đến Nhà Chính của Dòng tại thủ đô để trọ đêm và ngày hôm sau ra phi trường sớm để làm thủ tục.

Thời buổi kinh tế khó khăn nên Nhà Dòng cũng phải tính toán chi li để tiết kiệm ngân sách. Cha Tổng Quản Lý của Dòng đã mua vé của hãng hàng không giá rẻ và khuyến mãi để chúng tôi tham dự cuộc họp. Tuy nhiên, cái gì nó cũng có cái giá của nó. Vì là giá rẻ và khuyến mãi nên khâu phục vụ hành khách phải nói là khá tệ. Chuyến bay cất cánh từ phi trường Asunción, Paraguay rồi quá cảng tại phi trường Montevideo, Uruguay và cuối cùng đến phi trường Santiago của Chile tổng cộng là 6 tiếng mà không hề có một ly nước lã hay một cái bánh ngọt cho khách. Trái lại tất cả đều phải mua bằng tiền đô (dĩ nhiên là US dollar) với giá cắt cổ. Mộ chai nước nhỏ với giá 4 US dollar. 1 cái bánh sandwich với giá 7 US dollar! Vào phi trường họ chẳng cho mình đeo theo đồ ăn thức uống nên buộc phải mua mà tiếc hùi hụi. Vị linh mục người Đức cùng đi với tôi mang theo vali hành lý xách tay chỉ nặng có 7 kg (vượt quá 2 kg cho phép) nên phải đóng 10 US dollar làm ngài có vẻ bực tức. Nói như thế để mọi người cùng biết và coi đó như là một kinh nghiệm khi đi trên những hãng hàng không giá rẻ ở bất cứ nơi nào trên thế giới này.

Vài nét về Chile

Khi chuyến bay gần đến Thủ Đô Santiago của Chile, mọi người đồng thanh la lớn: Nhìn kìa, đẹp quá, đẹp quá. Tôi bỗng mở mắt và nhìn qua cửa sổ máy bay thì thật là đẹp như đang ở trên cảnh thượng giới trong bộ phim Tây Du Ký. Máy bay chúng tôi đang bay qua dãy núi Cordillera de Chile quanh năm tuyết phủ thuộc dãy Andes. Nhìn từ trên cao thấy mọi vật tí xíu và chiếc máy bay mình đang ngồi cũng chỉ là một chấm nhỏ trong vũ trụ mà thôi. Cảnh tượng hùng vĩ quá và ước gì tôi là thi sĩ như Hàn Mặc Tử, tôi sẽ viết lên mấy bài thơ để ca tụng công trình của Đấng Tạo Hoá như thi sĩ họ Hàn đã làm các bài thơ về Đức Mẹ. Tuy nhiên, với ngôn ngữ chân quê của một nhà nông chất phát, tôi phải thú nhận rằng những cảnh tôi nhìn thấy từ trên máy bay trước khi đáp xuống phi trường của thủ đô Chile quá đẹp dù thời tiết hôm ấy hơi xấu do dự báo trời mưa.

Chile là quốc gia nằm phía Tây Nam của châu Mỹ La-tinh với diện tích 756.626 Km2 – rộng gấp đôi diện tích Việt Nam nhưng dân số chỉ khoảng 17 triệu người. Tiếng Tây Ban Nha là tiếng nói chính thức của quốc gia này dù cũng có nhiều thổ ngữ khác nhau. Quốc gia này được biết đến nhiều qua chế độ độc tài của Augusto Pinochet mà nhiều lần toà án quốc tế đã đem ra xét xử. Quốc gia này cũng được biết đến khi một phụ nữ gốc Pháp có tên là bà Michelle Bachelet, một thành viên của Đảng Xã Hội từng bị đi đày đã đắc cử tổng thống và trở thành người phụ nữ tổng thống đầu tiên của quốc gia Nam Mỹ nhiệm kỳ 2006 – 2010.

Chile là một quốc gia có khoảng 70 % Công giáo. Chính quyền và giáo quyền hoàn toàn tách rời nhau, nhưng vì là một quốc gia khá tiến bộ so với các nước lân cận và cũng được xem là quá cấp tiến nên đây cũng là quốc gia đầu tiên cho phép những người đồng tính sống với nhau cách hợp pháp. Bởi thế đề tài cấm kỵ không được nói và chỉ trích là vấn đề đồng tính luyến ái tại nước này. Các linh mục diễn thuyết khôn hồn thì đừng có lên tiếng kẻo có ngày mất mạng như chơi.

Những ngày hội họp

Vì là quốc gia đăng cai khoá họp lần này nên các linh mục có trách nhiệm ở Chile đã đưa đón chúng tôi tại Phi trường và lo lắng mọi việc trong những ngày họp hành. 8 vị đào tạo tham dự trong khoá họp này gồm 1 người Đức, 1 người Phi-luật-tân, 2 người Indonesia, 2 người Argentina, 1 người Chile và tôi, anh chàng tân binh người Việt. Khi giới thiệu cho nhau tôi mới biết các nhà đào tạo kia là những vị có thâm niên và quá già dặn kinh nghiệm đào tạo trong khi mình chỉ là anh lính mới tò te bước vào lĩnh vực huấn luyện. Dẫu biết như vậy nhưng tôi không hề có mặc cảm tự ti vì không có khởi đầu thì làm sao có kết thúc được.

Các vị đào tạo lần lượt chia sẻ thông tin của từng tỉnh Dòng và quốc gia sở tại về tình hình huấn luyện nhân sự. Tôi cứ tưởng ở Paraguay là ít ơn gọi nhưng tôi đã nhầm khi nghe các anh em chia sẻ về sự khủng hoảng ơn gọi ở Tân Thế Giới này. Chủng viện nào cũng lớn nhưng chỉ lác đác vài chú chủng sinh. May mà các chủng sinh học ở các trường đại học Công giáo gồm nhiều phân khoa chứ nếu không thì biết lấy đâu số giáo sư để huấn luyện. Các nhà đào tạo cũng thảo ra chương trình huấn luyện liên tỉnh dòng, liên quốc gia vừa ít tốn kém, vừa đúng tôn chỉ của Dòng là đào tạo nên những tu sĩ truyền giáo sống trong các cộng đoàn quốc tế.

Các nhà huấn luyện cũng nhấn mạnh đến việc chọn những nhà Thăng Tiến Ơn Gọi để hiểu rõ về các ứng sinh và dù thiếu ơn gọi nhưng quan trọng về số lượng, như Đức Thánh Cha đương kim đã từng nói, mà chúng ta chỉ cần có những ơn gọi và linh mục chất lượng.

Những tháng vừa qua khi đọc trên các trang mạng điện tử Công Giáo Việt Nam, tôi cảm thấy rất mừng và hãnh diện cho Giáo hội Công giáo Việt Nam khi có thêm nhiều linh mục để phục vụ trong cánh đồng truyền giáo của giáo hội và cũng là để kế thừa những bậc cha anh già nua và khuất bóng. Nhìn những khuôn mặt thân thương của 12 anh em trẻ trung thuộc Dòng Ngôi Lời tại Việt Nam vừa lãnh tác vụ linh mục tại Nha Trang tự nhiên cảm thấy ấm lòng. Nhưng, khi nhìn lại ơn gọi tại Paraguay, nơi mình đang phục vụ và các quốc gia lân cận vùng Mỹ La-tinh nói riêng và châu Mỹ nói chung mà lòng cảm thấy xót xa! Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn đến số lượng hoàng tráng bên ngoài mà không quan tâm đến chất lượng bên trong thì có ngày sẽ phải trả giá.

Chúng tôi cũng có một ngày tham quan thủ đô tráng lệ của Chile, thăm những danh lam thắng cảnh có tên là Thiên Đàng “Valparaíso” và nhiều nơi khác của Chile trong thời gian ngẳn ngủi này để hiểu thêm về đất nước và con người Chile. Một cha trong đoàn hỏi tôi về Paraguay thế nào so với Chile thì tôi chỉ cười và nói: “Không biết 100 năm nữa Paraguay có bằng Chile bây giờ không đây”. Tuy nhiên tôi không bao giờ đứng núi này mà trông núi nọ. Nhiệm vụ của tôi là sẵn sàng vâng phục ý bề trên theo khả năng của mình trong tư cách là một tu sĩ truyền giáo.

Nam Mỹ - Lễ Mẹ Mân Côi, 07 tháng 10 năm 2009
 
Lời Kêu Gọi cứu trợ nạn nhân bão số 9 Ketsana tại Việt Nam
VietCatholic Network
13:25 07/10/2009
Lời Kêu Gọi cứu trợ nạn nhân bão Ketsana tại Việt Nam
của các cơ quan Truyền Thông Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại

Ngày 1 tháng 10 năm 2009


Kính quý cha, quý tu sĩ nam nữ,
và quý độc giả các Cơ quan Truyền thông Công Giáo của VietCatholic, Dân Chúa Âu châu - Úc Châu - Mỹ Châu:


Theo tin tức ngày 1 tháng 10 năm 2009 do các các cơ quan truyền thông trong nước và hải ngoại cung cấp, lũ do bão bão Ketsana đã tàn phá một số các tỉnh Miền Trung Việt Nam đã làm trên 100 người chết hơn 20 người mất tích, hơn 200 người bị thương. Hơn 6.000 ngôi nhà bị sập, hơn 170.000 ngôi nhà bị hư hỏng, 179 tàu thuyền bị chìm, lật. Các trường học, trạm xá cũng bị bị thiệt hại nặng nề sau bão lũ; mùa màng và hoa màu đang chờ gặt gần như bị mất trắng. Sau bão, một số sông vượt mức lũ lịch sử như Trà Bồng (Quảng Ngãi), Pôkô (Kon Tum)... gây ngập lụt diện rộng… Bão và lũ lụt Ketsana lần này còn làm tổn thất hơn nhiều so với bão lũ Lekima năm 2007 và bão Damrey năm 2005.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã lên tiếng như sau: "Đêm thứ ba 29-09-2009, cơn bão số 9 (mang tên Ketsana) đã thổi vào Việt Nam, gây mưa rất to kèm theo dông, gió giật cấp 8-10 tại các tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Bình Định và các tỉnh Tây nguyên. Trong đó, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Trước và sau bão, tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Kon Tum…, còn diễn ra lũ quét và nước sông dâng cao gây lụt."

Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh ở Kontum kêu cứu như sau: "Cơn bão số 9 đã gây thiệt hại lớn về người, nhà cửa, ruộng rẫy tại nhiều vùng trên cao nguyên Kontum. Thiệt hại nặng nhất là vùng bắc Kontum như các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông và Kon Braih. Hiện chưa có đầy đủ các thống kê vì nhiều vùng vẫn còn bị cô lập, chưa liên lạc được".

Trong tinh thần "Lá lành đùm lá rách... Máu chảy ruột mềm" và nhất là do đức bác ái Kitô giáo thúc đẩy: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc..." (Mt 25, 36), chúng tôi đáp Lời kêu gọi Cứu trợ của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN và cơ quan Bác ái của Giáo Hội lên tiếng kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người trên thế giới cùng tích cực cộng tác vào công tác cứu trợ khẩn cấp nêu trên.

Hai năm trước đây cũng mùa này vào ngày 10.10.2007 trận bão số Lekima đã tàn phá các tỉnh ven biển Việt Nam, và chúng tôi đã lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ của qúi độc giả và đồng bào. Lần đó chúng tôi đã nhận được sự đáp ứng rất khả quan của qúi độc giả như sau: Xem báo cáo tổng kết cứu trợ nạn nhân bão Lekima quả ở đây

• VietCatholic thu được = US$ 40,122.00
• Báo Dân Chúa Âu Châu thu được = US$ 56,655.00
• Báo Dân Chúa Úc châu thu được = UC$ 13,815.00
• Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ thu được = US$ 57,602.00


Trước sự tàn phá của bão số 9 Ketsana đối với đồng bào ở Việt Nam, chúng tôi xin đặc biệt kêu gọi lòng hảo tâm của tất cả quý độc giả thuộc các cơ quan truyền thông của chúng tôi, chúng ta có thể bớt ăn tiêu xa xỉ, chia sẻ bát cơm manh áo, tiếp tay với các giáo phận bị lâm nạn và cùng với các giáo phận khác, cứu trợ đồng bào đang bị lâm nạn không phân biệt lương giáo trong các vùng bị thiên tai bão lụt.

Chúng tôi xin hết lòng đội ơn lòng hảo tâm của qúi vị độc giả trước. Nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc cho qúi vị và gia đình. Qúi vị có thể đóng góp vào Qũy Cứu Trợ như của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Âu châu, Đức, Pháp, Úc châu hay Hoa Kỳ, v.v…tùy vào sự thuận tiện của qúi vị.

Xin mời xem Danh sách qúi Ân Nhân đã đóng góp cho nạn nhân bão số 9 Ketsana ở đây
Quý vị nào muốn ủng hộ việc cứu trợ cho các nạn nhân bão lụt bão Ketsana xin gửi chi phiếu hoặc chuyển tiền về cho các tổ chức sau đây:
Muốn đóng góp bằng Credit Cards hay Paypal, xin nhấn vào đây

Tại Mỹ Châu:
Ngân phiếu gửi cho: VietCatholic Charity
(Qũi Bác Ái VietCatholic) với chú thích "S.O.S Lũ lụt 2009”
và gửi về: VietCatholic, P.O. Box 1408, Claremont, CA 91711, USA,
Hoặc vào Paypal.com
và trả tiền cho ID: VietCatholic, email: conggiao@gmail.com

Hay: Nguyệt san Dân Chúa Mỹ Châu, chú thích: “S.O.S Lũ lụt 2009”
Account: Hibernia Bank, DAN CHUA # 90812002953
P.O. Box 1419, Gretna, LA. 70053-1419, USA
danchuausa@aol.com


Tại Âu Châu:
Dân Chúa Âu Châu, ngân phiếu về: Konto DAN CHUA “SOS lũ lụt 2009”
1) Chuyển tiền ở Đức: BW/ Bank (Germany)
Konto-Nr. 1261910 - BLZ 600 501 01.
(Ở Đức muốn có giấy khai thuế, xin cho tên và địa chỉ để gửi giấy khai thuế).
2) Chuyển tiền từ ngoài vào Đức, xin ghi thêm:
IBAN: DE 28 6005 0101 0001 2619 10, BIC: SOLADEST
info@danchua.de


Tại Úc Châu:
Chuyển thẳng vào Ngân hàng National, chương mục
Dân Chua Magazine, # SBS: 083-373 Account # 66671-1925
Hay gửi ngân phiếu đề Dan Chua "S.O.S Lũ lụt 2009”
715 Sydney Rd. Brunswick, VIC 3056
(Nếu muốn có giấy miễn thuế xin đề Don Bosco Mission)
Và gởi về địa chỉ 715 Sydney Rd. Brunswick,
VIC 3056, AUSTRALIA
quangsdb@yahoo.com


Chú thích: Qúi vị Ân nhân đóng góp qua các Cơ quan Truyền thông của chúng tôi, chúng tôi sẽ báo cáo và đăng danh tính cùng số tiền đóng góp trên VietCatholic Network.

RA TAY CỨU TRỢ

Đồng bào ruột thịt miền Trung,
Sống trong bão lũ vô cùng khổ đau.
Chúng ta nào hãy mau mau,
Đồng tâm hiệp lực cùng nhau giúp người.
Đây là đạo lý Chúa Trời,
Thấy ai hoạn nạn, ta thời ra tay.
Tình ta chỉ đẹp và hay,
Khi ta mau lẹ làm ngay điều lành.
Chính đây cách thế góp phần,
Ủi an nâng đỡ người dân khổ sầu.
Tình gười đạt được chiều sâu,
Bởi nhờ đức mến nhiệm mầu Ba Ngôi.
Mọi người lại hướng cuộc đời,
An bình thư thái, tuyệt vời ấm no.

Tác giả: Hai Tê Miệt Vườn

Trân trọng,

Lm Stêphanô Bùi Thượng Lưu, Dân Chúa Âu Châu
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng, Dân Chúa Úc Châu
Lm GioanKim Việt Châu, Dân Chúa Mỹ Châu
Lm Gioan Trần Công Nghị, VietCatholic Network
 
Triệt để trung thành với Chúa Giêsu Kitô để canh tân Giáo Hội
Linh Tiến Khải
13:35 07/10/2009
VATICAN - Chỉ khi biết triệt để trung thành với Chúa Kitô và cố gắng nên thánh, tín hữu mới có thể canh tân Giáo Hội, là cánh đồng của Thiên Chúa, nơi cỏ lùng mọc lẫn với lúa, nơi có các yếu đuối nhân loại, nhưng vẫn là bí tích và dụng cụ Thiên Chúa dùng để ban ơn cứu độ cho con người.

Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trước hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần tai quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 7-10-2009.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã đề cao gương mặt của thánh Giovanni Leonardi, sáng lập viên dòng Các giáo sĩ thường của Mẹ Thiên Chúa, và đồng sáng lập viên Bộ Truyền giáo với ĐC Juan Bautista Vives và LM Martin de Funes dòng Tên. Người được phong thánh ngày 17 tháng 4 năm 1938 và được chọn làm Bổn Mạng các dược sĩ ngày mùng 6 tháng 8 năm 2006. Ngày mùng 9 tháng 10 này là kỷ niệm 400 năm thánh nhân qua đời. Đề cập tới tiểu sử của thánh nhân Đức Thánh Cha nói:

Giovanni Leonardi sinh năm 1541 tại Diecimo trong tỉnh Lucca. Là con út trong gia đình có 7 anh em, người đã có thời niên thiếu đạo hạnh trong một gia đình lành mạnh và cần mẫn. Năm lên 17 tuổi thân phụ cho con theo học tại tiệm làm thuốc trong 10 năm để sau này cũng có thể mở tiệm chế và bán thuốc. Tuy chăm chỉ học hành nhưng Giovanni vẫn ấp ủ trong tim giấc mơ trở thành linh mục. Sau khi suy nghĩ chín chắn Giovanni từ bỏ mọi sự và theo học thần học, rồi được thụ phong linh mục và dâng thánh lễ mở tay ngày lễ Hiển Linh năm 1572. Nhưng người không bỏ đam mê dược khoa vì xác tín rằng mình có bổn phận trao ban ”linh dược” của Thiên Chúa cho con người là chính Chúa Giêsu Kitô.

Xác tín đó khiến cho thánh nhân tìm đào sâu cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, và người thường nói: ”Cần phải tái khởi hành từ Chúa Kitô”. Dành chỗ nhất cho Chúa Kitô trở thành nguyên lý của hoạt động trong đời linh mục của người. Vào thời đó trong Giáo Hội cũng có phong trào canh tân tinh thần và nhiều dòng tu mới nở hoa, đặc biệt là với chứng tá sáng ngời của các thánh Carlo Borromeo, Filippo Neri, Ignazio di Loyola, Giuseppe Calasanzio, Camillo de Lellis, Luigi Gonzaga. Cha Giovanni Leonardi chăm lo mục vụ cho giới trẻ, người quy tụ một nhóm người trẻ và vào tháng 9 năm 1574 thành lập dòng các ”Linh Mục cải cách của Đức Trinh Nữ”, sau đó trở thành dòng các ”Giáo sĩ thường của Mẹ Thiên Chúa”. Ngài khuyên các môn sinh của mình luôn chỉ ”có trước mắt danh dự, phục vụ và vinh quang của Chúa Kitô chịu đóng đinh”.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: vì lòng nhiệt thành tông đồ tháng 5 năm 1605 thánh Giovanni Leonardi đệ trình lên Đức Giáo Hoàng Phaolo V một bức thư đề nghị các tiêu chuẩn cho việc canh tân Giáo Hội đích thật. Người ghi nhận rằng những ai muốn canh cải các tập tục của con người, thì trước hết phải tìm vinh quang của Thiên Chúa, có cuộc sống vẹn toàn rạng ngời và các thói quen tốt lành để lôi cuốn người khác. Ai muốn cải cách tôn giáo và luân lý phải làm như một bác sĩ, chẩn các bệnh tật đang khiến cho Giáo Hội chao đảo để có thể đưa ra loại thuốc thích hợp nhất. Việc canh cải Giáo Hội phải được thực hiện nơi hàng lãnh đạo cũng như nơi các người thuộc quyền, bên trên và bên dưới. Nó phải bắt đầu từ người chỉ huy và trải đài ra cho tới các người thuộc quyền. Vì thế trong khi khích lệ Đức Giáo Hoàng thăng tiến việc cải cách Giáo Hội một cách phổ quát, thánh nhân chăm lo việc đào tạo Kitô cho dân chúng, đặc biệt là cho các trẻ em để họ sống đức tin Kitô tinh tuyền và có các tập tục thánh thiện.

Rồi Đức Thánh Cha đề cao gương mặt của thánh Giovanni Leonardi như sau: Anh chị em thân mến, gương mặt rạng ngời của vị thánh này trước hết mời gọi các linh mục và tất cả mọi Kitô hữu liên lỉ hướng tới ”mức độ cao của cuộc sống Kitô” là sự thánh thiện, mỗi người trong cương vị của mình. Thật thế chỉ từ sự trung thành với Chúa Kitô mới có thể nảy sinh ra việc canh tân giáo hội đích thật. Trong sự chuyển tiếp văn hóa xã hội của thế kỷ XVI và XVII đã có các bước đầu của nền văn hóa hiện đại tương lai với các đặc thái chia rẽ giữa lòng tin và lý trí gây ra các hậu qủa tiêu cực gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài, với ảo tưởng con người hoàn toàn tự lập và lựa chọn ”sống như thể là không có Thiên Chúa”. Đó là cuộc khủng hoảng của tư tưởng tân tiến thường dẫn đến các hình thái duy tương đối. Thánh Giovanni Leonardi trực giác được loại thuốc đích thật cho các tật bệnh tinh thần đó, và tổng kết nó trong kiểu nói ”Chúa Kitô trước hết”. Chúa Kitô ở trung tâm trái tim con người, ở trung tâm lịch sử và vũ trụ. Và người mạnh mẽ khẳng định: ”nhân loại rất cần Chúa Kitô vì Ngài là mẫu mực của chúng ta”.

Không có lãnh vực nào là không được sức mạnh của Chúa Kitô đụng chạm tới; không có sự dữ nào mà không tìm thấy nơi Chúa thuốc chữa trị; không có vấn đề nào mà không tìm thấy nơi Chúa giải pháp. ”Hoặc là Chúa Kitô hoặc là không có gì hết”. Đó đã là đơn thuốc của mọi cuộc cải cách tinh thần và xã hội.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Còn có một khía cạnh khác trong nền tu đức của thánh Giovanni Leonardi. Người lập lại nhiều lần rằng việc gặp gỡ sống động với Chúa Kitô được hiện thực trong Giáo Hội thánh thiện nhưng cũng giòn mỏng, đâm rễ sâu trong lịch sử và trong sự tiến triển nhiều khi đen tối, nơi cỏ lùng và lúa lớn lên với nhau (c. Mt 13,30), nhưng Giáo Hội vẫn luôn luôn là bí tích của ơn cứu rỗi. Ý thức rõ ràng Giáo Hội là cánh đồng của Thiên Chúa (Mt 13,24) chúng ta không lấy làm gương mù gương xấu về những yếu đuối nhân loại của nó. Để chống lại cỏ lùng thánh Giovanni Leonardi chọn làm lúa tuyệt hảo, nghĩa là người quyết định yêu mến Chúa Kitô trong Giáo Hội và góp phần khiến cho nó ngày càng phản ánh Chúa một cách trong sáng hơn.

Thánh nhân nhìn Giáo Hội, nhìn sự yếu đuối của con người với tất cả thực tế, nhưng cũng nhìn nó như cánh đồng của Thiên Chúa, như dụng cụ Thiên Chúa dùng để cứu rỗi nhân loại. Còn hơn nữa, vì tình yêu đối với Chúa Kitô thánh nhân cần mẫn làm việc để thanh tẩy Giáo Hội, khiến cho nó trở thanh xinh đẹp và thánh thiện hơn. Người hiểu rằng mọi cuộc cải cách phải được làm trong Giáo Hội và không bao giờ chống lại Giáo Hội.

Thánh Giovanni Leonardi thật là truyệt vời trong lãnh vực này, và gương sáng của người luôn luôn thời sự. Mọi cuộc cải cách chắc chắn đều liên quan tới các cơ cấu, nhưng trước hết phải được ghi sâu vào con tim của tín hữu. Chí có các thánh là những người để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn mới sẵn sàng có các lựa chọn triệt để và can đảm dưới ánh sáng Phúc âm, mới canh tân Giáo Hội và góp phần định đoạt vào việc xây dựng một thế giới tốt lành hơn.

Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Cuộc đời của thánh Giovanni Leonardi đã luôn luôn được Thánh nhan Chúa Giêsu lưu giữ trong nhà thờ chính tòa Lucca soi sáng, và trở thành biểu tượng hùng hồn cho lòng tin linh hoạt thánh nhân. Được Chúa Kitô chinh phục, giống như thánh Phaolo, thánh nhân chỉ cho các môn đệ người và tất cả chúng ta lý tưởng lấy Chúa Kitô làm trung tâm, lột bỏ mọi tư lợi để chỉ phục vụ Thiên Chúa mà thôi, luôn có trước mặt ”danh dự, phục vụ và vinh quang của Chúa Giêsu Kitô chịu đóng danh”. Bên cạnh đó là gương mặt của Mẹ Maria, mà thánh nhân ngắm nhìn. Mẹ là Bổn Mạng dòng của thánh nhân, là mẹ là thầy là chị và người luôn được Mẹ chở che. Xin thánh Giovanni Leonardi bầu cử, nhắc nhở và khích lệ các linh mục và mọi Kitô hữu trong Năm Linh Mục này biết sống ơn gọi của mình với sự đam mê và lòng hăng say.

Đức Thánh Cha đã chào các nhóm bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và xin mọi người cầu nguyện nhiều cho các linh mục. Sau cùng ngài cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả.
 
Tâm tình của một giáo lý viên
Maria Phan Thị Kim Thanh
14:34 07/10/2009
Có một hôm đi lễ ở nhà thờ Chính Tòa, tôi gặp một người bạn giờ là Giáo viên dạy anh văn ở Cao Đẳng, con bé này nó giỏi văn và khiếu ăn nói dễ hòa đồng lắm. Tôi bảo: Em có tham gia dạy giáo lý ở giáo xứ không? Nó bảo: Ối giời, hơi đâu chị, có rảnh đâu mà đi, làm cái nghề đó chỉ dành cho ai thật rảnh. Tôi lặng thinh, chẳng biết nói thế nào trước câu trả lời quá thẳng của nhỏ bạn. Rồi để đến hôm nay, gia đình tôi cũng phàn nàn, thằng em trai lại bảo: Chị rảnh quá ha? Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Hồn ai nấy giữ, làm cho nhiều mà có ai nghĩ đến việc chị làm cho họ không? Tôi cứng cổ họng và chẳng biết nói làm sao, tôi hay cãi nhưng hôm nay tôi không thể cãi vì tôi không còn lý do gì để cãi vì có lẽ con mắt thế gian nó nhìn thì đúng thật nên mình có gì để mà tranh luận được đâu

Cái “nghề” này không phải chúng tôi quá rảnh không có việc mới làm, tôi cũng như bao anh chị em giảng viên giáo lý đang âm thầm phục vụ công việc gieo mầm tin yêu, chúng tôi đi vì một sứ vụ đặc biệt, một sứ vụ đặc trách mà Chúa giao ban cho mỗi người, chỉ có tiếng gọi trong sâu thẳm trong tâm hồn cùng một sự điều khiển thôi thúc mới là động lực khiến chúng tôi làm công việc này. Nhiều lúc cũng nản chí, chán chường chúng tôi quyết tâm dừng lại, không muốn tiếp tục đi hành trình này vì nó quá gian nan nhưng tiếng gọi ấy cứ vang vọng thôi thúc chúng ta đi. Ban mai mở mắt ra điều chúng tôi nghĩ đến là cơm áo gạo tiền cho mãi đến chiều tối, để đến tối chúng tôi tạm gác lại ý nghĩ đó để hướng lòng dạy học cái TỐT XẤU cho các em. Giáo dục ở nhà nước chỉ dạy cái ĐÚNG SAI, còn chúng tôi không những dạy cái ĐÚNG SAI mà còn dạy TỐT XẤU. Đối với xã hội này chúng tôi dạy giáo lý là SAI nhưng theo ý Chúa thì nó lại TỐT, SAI vì ý nghĩ của con người nên ít khi nào chúng tôi được ủng hộ kể cả sự ủng hộ của anh chị em giáo dân, chúng tôi thường bị chế giễu, bị người đời khinh chê bảo RẢNH, nhưng nó lại TỐT chỉ trước mắt Chúa mà thôi. ĐÚNG chỉ có giá trị một thời nhưng TỐT lại có giá trị muôn ngàn đời. Thôi tạm an ủi và lấy cái thước đo này để chúng tôi bước đi trên con đường phục vụ.

Năm trước tôi dự Đại Hội Giáo Lý viên và để ý thế này, ai đi dạy Giáo Lý thì thường bị cảnh nghèo nàn đeo bám, phong ba bão táp vây đuổi quanh quẩn bên mình. Không hiểu lý do làm sao, nhưng thật sự là vậy. Có phải ý Chúa muốn vậy chăng? Nếu thực sự là ý Chúa, liệu Chúa có quá đỗi bất công? Tôi thương cảm và thấy xót xa, và thầm thương có ngay bản thân mình, tôi rùng mình vì tôi cũng rất sợ khổ, tôi ngại khó khăn lắm mà. Có hôm tôi đưa ra nhận xét này và các anh chị cũng gật đầu Ừ NHỈ, đúng mà. Chúng tôi chỉ biết cười trừ chấp nhận cái sự thật này chứ biết làm sao.

Thôi thì.. (tâm trạng phó thác) đành vậy chứ làm sao? Theo Chúa có khi nào là sung sướng? Đệ tử thì đâu hơn Thầy. Thầy chịu sỉ vả, Thầy chịu đau khổ khi rao giảng cái CHÂN THIỆN MỸ cho đời, Thầy làm ơn cho đời nhưng người đời có biết ơn đâu, huống hồ gì là ĐỆ TỬ như chúng ta phải không? Chỉ biết cầu mong sao cho anh chị em giáo lý viên chúng tôi biết nhìn nhận sứ vụ thiêng liêng cao cả của mình, biết nhận ra tiếng thẳm sâu mời gọi tha thiết, và có cuộc sống ổn định mỗi ngày để yên tâm đem cái LUÂN LÝ muôn ngàn đời đến với các em mà thôi.
 
Những chuyến hàng cứu trợ nạn nhân bão lũ số 9 tại Tổng giáo phận Huế
Trương Trí
15:28 07/10/2009
HUẾ - Sau trận bão số 9 và cơn lủ qua đi,để lại cho người dân một đống đổ nát hoang tàn.Người dân hai tỉnh Thừa thiên-Huế và Quảng trị nói chung đều ghánh chịu nhiều đau thương mất mát,nhà cửa tan hoang.Tòa Tổng Giám mục Huế đã tìm mọi cách để liên lạc với các giáo xứ để nắm tình hình thiệt hại hầu kịp thời trợ giúp bà con qua cơn đói.Tuy nhiên, nhiều nơi đang phải ra sức dọn dẹp sau khi nước rút nên vẫn chưa thể thống kê hết được mức độ thiệt hại cụ thể,chỉ có thể nhận định là hết sức nặng nề.

Hình ảnh những chuyến hàng cứu trợ nạn nhân bão lũ số 9 tại Tổng giáo phận Huế

Văn phòng Bác ái và Xã hội của Tổng Giáo phận Huế đã liên tục mang hàng cứu trợ đến nhiều nơi,chủ yếu là mì tôm để bà con có thể thuận lợi trong việc chế biến.

Những chuyến hàng do linh mục Giuse Dương Đức Toại đặc trách Caritas đích thân đưa về tận các giáo xứ để phân phát cho bà con.Nhờ được thông báo trước nên khi xe về đến nơi, các cha sở đã huy động bà con bốc hàng xuống để tiếp tục đưa hàng đến giáo xứ khác.Đến bất cứ nơi nào cũng đã có đông đảo bà con chờ đợi để được nhận hàng cứu trợ,giáo xứ nào cũng được cha sở cho lập danh sách không phân biệt lương giáo,và được phân phát ngay.

Cho đến những ngày mùng 4,mùng 5 tháng 10,nghĩa là sau cơn bão lủ đã một tuần lễ xe hàng vẫn chưa về đến nơi như giáo xứ Cây Da,giáo họ Giáp hậu thuộc giáo xứ Diên sanh thuộc Giáo hạt Quãng trị,bà con phải dùng đò ghe để nhận hàng về.Riêng tại địa sở Phú Xuân thuộc giáo hạt Hương Quãng Phong,cha sở G.B.Nguyễn Hiệp cho biết các giáo xứ thuộc địa sở của Ngài hiện đang còn ngập nặng,nhà cửa bị trốc mái,bà con hiện đang đối mặt với nắng mưa và đói,trong đó nặng nhất là giáo xứ Lương Mai và Đại Phú.Trước khi trao hàng cứu trợ,linh mục Giuse Dương Đức Toại đã gởi đến bà con lời thăm hỏi ân cần của Đức Tổng Giám mục,Đức Giám mục phụ tá và cầu chúc bà con lương giáo một lòng đoàn kết thương yêu nhau để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Linh mục Brunô Phạm Bá Quế,giáo sư Đại chủng viện Hà nội kiêm đặc trách Ủy ban Bác ái xã hội Tổng giáo phận Hà nội,được sự ủy nhiệm của Đức Tổng giám mục Hà nội và Đức Giám mục phụ tá đã đi thăm và hiệp thông chia sẽ những mất mát,những nổi đau khổ của anh chị em miền Trung.Ngài đã đi thăm các tỉnh Kontum,Quảng ngãi,Quảng nam,Đà nẵng và sáng ngày mùng 7 Ngài đã đến Huế.Ngay khi đến thăm tòa Tổng Giám mục, ngài đã được cha giám đốc Caritas Giuse Dương Đức Toại hướng dẫn đi thăm và cứu trợ tại huyện Hải lăng, tỉnh Quảng trị.Chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát và cảnh nghèo khổ của bà con, ngài không khỏi xúc động,nhất là khi xuống ghe để chuyển hàng về giáo họ Hội Điền,một họ đạo ở giữa một ốc đảo,xung quanh mênh mông biển nước.Bà con dù đang vất vả chống chọi với đói nghèo nhưng nghe giới thiệu có cha ở Hà nội thay mặt Tòa Giám mục Hà nội vào thăm, ai cũng đem lòng quý mến,nhất là phải vượt gần một giờ đồng hồ trên sông nước,nói chuyện với bà con giáo dân ngài luôn nhắc nhở luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa chứ đừng kêu ca phàn nàn,luôn luôn phó thác cho Chúa.Gần 12 giờ trưa, chúng tôi quay về lại phải chứng kiến cảnh các em học sinh lớp 5,lớp 6 đi học bằng ghe,cứ 4 hoặc5 em một ghe và em nào cũng một mái dầm hì hục chèo thuyền.Nhìn thấy cảnh đó, cha Quế hết sức cảm động.

Những chuyến hàng cứu trợ khẩn cấp của tòa Tổng Giám mục Huế để kịp thời cứu đói cho bà con sau bão lủ,văn phòng Bác ái và Xã hội của giáo phận đã phân phát được 1500 thùng mì tôm,mỗi gia đình được một thùng,nhưng cũng còn nhiều giáo xứ cho đến hôm nay mùng7 tháng 10 vẫn chưa thể chuyển hàng kịp để phân phát cho bà con.Văn phòng Bác ái Xã hội đang tiếp tục chuyển hàng để kịp thời giúp bà con qua khó khăn
 
Ba cống hiến quan trọng của Công giáo
Phan Thế Hải
20:09 07/10/2009
Ba cống hiến quan trọng của Công giáo

(Bài viết này là Ý kiến của một người ngoài Công giáo, ông Phan Thế Hải, chúng tôi xin chia sẻ để rộng đường dư luận)

Tôi là người ngoài Công giáo, nhưng rất tôn trọng các tín ngưỡng.

Những xung đột giữa cộng đồng Công giáo với nhà cầm quyền trong thời gian qua là điều không đáng có. Hơn thế, sau những xung đột đó, một số cán bộ có chức sắc đã có những đánh giá thiếu khách quan về vai trò của giáo dân với đất nước. Điều này không có ích cho khối đại đoàn kết dân tộc.

Để tạo được sự đồng thuận, không có cách nào khác là phải có cái nhìn khách quan về vai trò của các tôn giáo. Xin được điểm qua một vài cống hiến của bà con giáo dân với sự nghiệp chấn hưng nước nhà mà tôi có dịp chứng kiến suy ngẫm.

1- Chữ quốc ngữ và nền văn minh của nhân loại

Trước khi các nhà truyền giáo vào Việt Nam, hàng ngàn năm qua, người Việt vẫn dùng chữ Hán hoặc bằng chữ Nôm trong các giao dịch. Nhưng đa số người Việt Nam mù chữ và không thể đọc và viết được chữ Tàu, vì hệ thống chữ viết này quá phức tạp.

Từ thế kỷ XVI, cùng với các phát kiến hàng hải, các nhà truyền giáo theo các tàu buôn đến Việt Nam, họ là người tiên phong trong việc dùng mẫu tự La-tinh để viết lại âm giọng mà họ nghe được từ tiếng Việt. Đầu năm 1625, Linh Mục Alexandre de Rhodes đến Việt Nam, đã có một số phát âm tiếng Việt được viết bằng chữ La-tinh rồi.

Trên cơ sở đó, Alexandre de Rhodes (1591- 1660) tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cách diễn đạt này, để rồi năm 1651, lần đầu tiên ông cho xuất bản cuốn tự điển VIỆT-BỒ-LA tại Roma. Đây được coi là năm sinh chính thức của chữ Quốc Ngữ. Cuộc khai sinh diễn ra tại nhà in Vatican. Chính nơi nhà in Vatican mà Việt Nam nhận được chữ viết của mình. Như vậy, chữ quốc ngữ từ chỗ là công cụ truyền giáo trong các nhà thờ, đã từng bước trở thành ngôn ngữ cho toàn dân Việt Nam.

Ngày nay, không ai có phủ nhận sự thuận tiện và văn minh của chữ Quốc ngữ, chính nó đã góp phần lớn đưa đất nước VN hội nhập với thế giới dễ dàng, đơn giản hơn nhiều ngôn ngữ khác. Những ngôn ngữ chính dùng trên thế giới như Tiếng Anh, Tiếng Pháp… sẽ trở nên ít phức tạp hơn cho người học biết chữ quốc ngữ, so với người dùng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Nhưng nguồn gốc và công lao của người sinh ra ít được người ta nhắc đến, đó là sự thiếu công bằng.

Cùng với sự xuất hiện chữ quốc ngữ, những nét văn minh phương Tây cũng dần dần được du nhập vào VN đi kèm với Công giáo. Những hủ tục mê tín, dị đoan như cúng tế, bói toán… khi có bệnh được thay vào đó là bệnh viện, nhà thương bố thí, trường học cho người nghèo… Trước đây, nơi nào có Nhà thờ, thì ở đó có thêm trường học, nhà thương cho những người không có khả năng chữa bệnh hoặc học hành.

Ngoài ra, nếp sống quan niệm về cuộc sống cũng dần dần được đưa vào một cách khoa học, thiết thực hơn bởi các sản phẩm văn minh phương Tây mà những người truyền giáo mang đến cho đất nước An Nam theo bước chân truyền đạo của họ.

Nền văn hóa làng xã, cục bộ địa phương “sau lũy tre làng” cũng dần dần được thay đổi với cách nhìn toàn diện và tổng thể hơn. Với người Công giáo, bất cứ chỗ nào có giáo dân cũng là anh em, với mọi người đều là con Thiên Chúa dù khác đạo. Điều này dễ chứng minh nếu nhìn thấy bà con công giáo khắp nơi đã đổ về Thái Hà, về Xã Đoài… khi có những biến cố mà về mặt xã hội thì không liên quan đến những người ở xa xôi.

Những hoạt động của các Dòng tu trong Công giáo như Dòng Chúa Cứu Thế với linh hướng phục vụ người nghèo, Dòng Phanxicô theo linh hướng “Sống với tinh thần nghèo khó”… đã có những tác dụng thiết thực xoa dịu nỗi đau của những người nghèo khổ trong xã hội. Nhìn những cộng đồng tu hành phục vụ tại các trung tâm điều dưỡng, điều trị cho bệnh nhân AIDS, phục vụ những người đang vướng vào tệ nạn xã hội, nuôi dưỡng trẻ mồ côi… đã thể hiện rõ điều này và được xã hội công nhận.

2- Duy trì nền kinh tế nhiều thành phần

Thời bao cấp, do quan niệm thời kỳ quá độ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội là nền kinh tế chỉ có hai thành phần chính là Kinh tế tập thể và Kinh tế quốc doanh. Mọi thành phần khác đều không được khuyến khích và chính thức thừa nhận.

Ruộng đất, các tư liệu sản xuất quan trọng khác và cả các loại hình dịch vụ đều phải tập trung vào hợp tác xã. Nhưng phong trào Hợp tác hóa nông nghiệp đã dần dần thể hiện rõ những bất cập của nó và sớm chết yểu bởi nó đi ngược với quy luật kinh tế và cách nghĩ truyền thống của nông dân Việt Nam. Chính vì thế có thể nói đó là một mô hình công xã ảo tưởng, nó đã tiêu diệt nền kinh tế nông nghiệp VN từ chỗ thừa gạo xuất khẩu đến một giai đoạn từ Trung ương đến địa phương, từ quan chức đến mỗi người dân đều chỉ lo… cái đói.

Tuy nhiên, nhiều nơi, đặc biệt là các vùng Công giáo vẫn có những gia đình, thậm chí là có những cơ sở không gia nhập Hợp tác xã nông nghiệp dù bị nhiều áp lực xã hội. Chẳng hạn theo tôi được biết, ở Thái Bình, Giám mục Đinh Đức Trụ là người đã công khai khuyến khích giáo dân không nên vào Hợp tác xã vì nó chỉ là ảo tưởng. Vì vậy bà con giáo dân vẫn kiên trì mô hình kinh tế hộ, và sau này vào thời kỳ đổi mới, đường lối đó được thực tế chứng minh là đúng đắn. Cả đất nước sau mấy chục năm Hợp tác hóa đã chấp nhận trở lại kinh tế cá thể.

Những hộ kinh tế cá thể không tham gia Hợp tác xã nông nghiệp, tự họ có thể nuôi sống mình mà không cần trợ giúp của nhà nước. Hơn thế, họ còn có nông sản dư thừa cung cấp cho thị trường đã là minh chứng sống cho việc khẳng định đường lối Hợp tác xã nông nghiệp là sai lầm. Điều này giúp cho các nhà hoạch định chính sách mạnh dạn khẳng định chủ trương chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần.

Thời kinh tế tập trung, mọi thứ hàng hóa đều do nhà nước quản lý và đều chịu sự phân phối từ trung ương xuống địa phương. Trong khi nhu cầu là sự đa dạng mà nhà nước thì không thể quán xuyến hết nên trong một thời gian thực thi chính sách này, nền kinh tế dần dần đi vào ngõ cụt, đời sống đói kém, hàng hóa khan hiếm nghiêm trọng. Thế nên dân gian mới có câu: “Cái cứt gì cũng phân mà phân thì… như cứt”.

Khi sự đói kém bao phủ toàn xã hội thì ở những làng công giáo, đời sống đỡ tệ hơn nhiều. Làng Vĩnh Hòa thuộc xã Hợp Thành, quê tôi là một làng như vậy. Vào thời điểm đó, trong cộng đồng bà con công giáo, nền kinh tế gia đình vẫn âm thầm phát triển, đặc biệt là các nghề truyền thống. Do bị phân biệt đối xử nên cộng đồng bà con công giáo vẫn ngầm “móc ngoặc” nhau sản xuất hàng hóa và tiêu thụ trong cộng đồng rồi tuồn ra bên ngoài. Sau này tìm hiểu được biết thêm, không chỉ ở làng Vĩnh Hòa quê tôi mà cả các khu vực khác đông đồng bào Công giáo như Phát Diệm, Bùi chu… các ngành nghề phụ vẫn âm ỉ hoạt động và cung ứng hàng hóa cho xã hội.

Nhờ sự linh hoạt đó, nên khu vực kinh tế tư nhân mà nhà cầm quyền quyết tâm tiêu diệt đã không chết. Đặc biệt là trong cộng đồng Công giáo. Để rồi, khi dỡ bỏ chính sách cấm đoán đó, thành phần kinh tế này được dịp trỗi dậy, làm sinh động của nền kinh tế.

Hiện tượng này vẫn được đảng ta gọi là: “Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo

3- Tiên phong hội nhập

So với các tôn giáo khác, Công giáo là cộng đồng dân cư đa sắc tộc, đa quốc nhất. Trải dài từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, hơn 175 nước và vùng lãnh thổ có bà con Công giáo sinh sống, nhưng tập trung một tỷ lệ lớn nhất ở các nước phương Tây. Chính vì sợi dây liên lạc này, nên ngay cả khi cấm đoán đang ở vào thời điểm cao trào thì cộng đồng Công giáo vẫn duy trì liên lạc với các tín hữu của mình ở ngoài biên giới quốc gia.

Những công trình Công giáo nguy nga, rộng lớn dành cho việc thờ tự đã là một nét văn hóa không thể tách rời từ lâu của nền văn hóa Việt Nam. Việc xây dựng các công trình đó đã đem đến cho Việt Nam những quan niệm ban đầu về một lĩnh vực mới về kiến trúc và xây dựng hiện đại… thoát ra khỏi những quan niệm xây dựng tranh tre lá nứa hoặc vôi cát từ lâu đã in sâu đậm trong quan niệm người Việt.

Cùng với đó, những nhà truyền giáo ngoại quốc vào Việt Nam khiến nhu cầu học tập ngôn ngữ nước ngoài cũng đã dần dần xuất hiện và cổ vũ cho sự tìm hiểu thể giới bên ngoài bắt đầu từ những cá nhân trong chính Công giáo như Nguyễn Trường Tộ…

Việc sinh hoạt cộng đồng đã từng bước thay đổi cách sinh hoạt truyền thống của người Việt. Cùng kiến trúc là âm nhạc, hội họa là những môn nghệ thuật mới tạo ra sự khác biệt trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Việt xưa. Thông qua những sinh hoạt như vậy, người Việt Nam vượt qua được chính những định kiến, những tư tưởng cục bộ địa phương… đó được coi là những mầm mống đầu tiên cho sự hội nhập của đất nước sau này.

Cũng cần nói thêm, cuộc di cư vĩ đại từ Bắc vào Nam năm 1954 hầu hết là bà con Công giáo. Sau năm 75, là cuộc di tản vĩ đại sang các nước không cộng sản, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là bà con Công giáo. Một tỷ lệ lớn người Việt ở Mỹ là bà con Công giáo. Họ là người có điều kiện tiếp cận với thể chế văn minh, dân chủ phát triển ở trình độ cao.

Khi nhà nước Việt Nam mở cửa, họ là những người đầu tiên về nước hoặc là gửi ngoại tệ về giúp thân nhân ở trong nước. Cùng với đó là hàng hóa, dịch vụ... Điều này giúp cho Việt Nam giảm căng thẳng về sự khan hiếm kéo dài trong những năm bao cấp. Hơn thế là cách thức tổ chức làm ăn, cách thức tổ chức đời sống và ý thức chấp hành pháp luật của một xã hội pháp quyền.

Có thể nói, cộng đồng công giáo là những người tiên phong hội nhập.

Trên đây là những cảm nhận được của riêng tôi, có thể các bạn có những phát hiện khác, xin mời có ý kiến tham gia!
 
Mừng Lễ Đức Mẹ Mân Côi tại Phủ Cam Huế
Trương Trí
20:17 07/10/2009
HUẾ - Tháng 10, tháng Mân côi, với lòng sùng kính Đức Mẹ qua tràng chuổi Mân côi. Giáo xứ chính tòa Phủ cam có những buổi đọc kinh và lần chuổi Mân côi trước bàn thờ Mẹ và suy niệm các mầu nhiệm đức tin.

-->Hình ảnh mừng Lễ Mẹ Mân Côi ở Phủ Cam, Huế

Tối ngày 7.10, lễ Đức Mẹ Mân côi, bổn mạng của khu vực Mân côi, buổi đọc kinh và lần chuổi thật long trọng và sốt sắng với sự hiện diện của cha quản xứ Antôn Dương Quỳnh và hai cha phó xứ Bênêđictô Ngô Văn Hài và Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thương. Bàn kiệu Đức Mẹ từ từ tiến về cung Thánh sau mỗi sự mầu nhiệm, trong lời ca chúc tụng Mẹ của cộng đoàn.

Sau buổi đọc kinh suy tôn Mẹ, linh mục phó xứ Bênêđictô Ngô văn Hài đã chủ sự thánh lễ mừng bổn mạng Khu vực Mân côi, dâng lời tạ ơn Mẹ và xin Mẹ ban ơn lành cho khu vực, với một lòng sùng kính đã nhận tước hiệu Mân côi làm bổn mạng.

Trong bài giảng lễ, linh mục chủ tế đã nhấn mạnh đến tình Mẫu tử của Đức Maria, Chúa Cha đã tín thác trao co một của Ngài cho Mẹ nuôi dưỡng và chăm sóc. Mỗi lần chúng ta lần tràng chuổi Mân côi, là mỗi lần chúng ta chiêm ngắm niềm vui của tình mẫu tử tuyệt vời qua Năm Sự Vui, việc ân cần chăm nom của Mẹ trên bước đường truyền giáo qua Năm Sự Sáng, kết hợp tình Mẹ Con trên con đường khổ nạn qua Năm Sự Thương và niềm vui vô tận khi con Mẹ đã chiến thắng sự chết để Phục sinh qua Năm Sự Mầng. Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện có tính cách chiêm niệm hướng về Chúa Kitô, vừa suy niệm kinh thánh. Là lời cầu nguyện của Kitô hữu tiến bước theo Chúa Giêsu trong hành trình Đức Tin, mà Mẹ Maria luôn là người dẫn đường chỉ lối.

Sau thánh lễ, đại diện khu vực dâng lên Mẹ những người con đã nhận tước hiệu của Mẹ làm quan thầy, qua tràng chuổi Mân côi xin Mẹ gìn giữ các linh mục và cộng đoàn giáo xứ, xin Mẹ cho con cái Mẹ biết dùng tràng chuổi Mân côi làm kim chỉ nam trong đời sống hàng ngày.
 
Nhật ký Hội nghị Thường niên Kỳ II-2009 Hội đồng Giám mục Việt Nam (3)
PV WHĐ
21:35 07/10/2009
WHĐ (08.10.2009) – Ngày thứ hai của Hội nghị HĐGM VN vẫn bàn đến chương trình tổ chức Năm Thánh, nhưng sáng hôm nay đi vào nội dung tuyên xưng đức tin, bước thứ hai trong ba bước của Năm Thánh (cử hành, tuyên xưng, và sống đức tin), tức là bàn đến các tài liệu học hỏi và tài liệu chuẩn bị cho Đại hội Dân Chúa. Đức cha Phêrô Khảm, tổng thư ký Ban Tổ chức Năm Thánh, trình bày đôi nét về cách thức tiến hành Đại hội, tương tự nhưng đơn giản hơn Thượng Hội đồng Giám mục thế giới. Đầu tiên, một bản đề cương (lineamenta) Năm Thánh đã được soạn thảo và phổ biến, dựa trên đó Dân Chúa học hỏi suốt một năm qua, và phản hồi ý kiến. Từ đó, dựa trên những ý kiến đóng góp, một “tài liệu làm việc” (instrumentum laboris) sẽ được biên soạn. Tài liệu này là cơ sở để Đại hội dựa trên đó mà trao đổi, bàn thảo và định hướng tương lai. Đại hội Dân Chúa với sự hiện diện của khoảng hơn 200 người đại diện mọi thành phần Dân Chúa từ 26 giáo phận và các nơi khác, sẽ trao đổi lần lượt theo ba trục chính của đề tài “Giáo Hội: Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ vụ”.

Kế đến, các giáo tỉnh lần lượt đúc kết những gì đã thảo luận theo nhóm buổi tối hôm qua.

Giáo tỉnh Hà Nội xác định lại rõ ràng hơn Nghi thức Khai mạc và Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh ngày 24-11-2009. Trước khi cử hành Thánh Lễ, sẽ có nghi thức đốt đuốc, nghi thức kính nhớ Tổ tiên và nghi thức sám hối. Lửa từ một Nhà Nguyện ở Sở Kiện, nơi có nhiều thánh tích các thánh tử đạo, sẽ được thắp lên một ngọn đuốc cao 6 mét. Theo Đức cha Hải Phòng, ngọn đuốc tượng trưng cho ngọn lửa Chúa Giêsu đã đem đến trần gian. Ngọn lửa này được thắp lên khai mạc trong Lễ Khai mạc và còn cháy lên suốt cả Năm Thánh như ánh sáng hướng dẫn Dân Chúa trên đường hành hương.

Giáo tỉnh Huế và giáo tỉnh TP.HCM đề nghị sửa đổi một số ngày cử hành dành cho các giới trong Năm Thánh, cũng như những đóng góp sửa đổi bản Kinh Năm Thánh sẽ được đệ trình sau.

Buổi chiều, các Đức giám mục (Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội, Phát Diệm, Thái Bình, Vinh, Hưng Hóa, Hải Phòng) tiếp tục chia sẻ về tình hình giáo phận mình. Có khá nhiều những điểm chung trong các giáo phận: củng cố việc giáo dục trong gia đình, nhiệt tình sống đạo của người giáo dân; bên cạnh đó là những khó khăn như thiếu thốn nhân sự, tình trạng giới trẻ nông thôn rời bỏ làng quê lên thành phố tìm công ăn việc làm, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt giáo xứ và đời sống đạo đức của các bạn trẻ.

Sau đó, đến lượt các Ủy ban trực thuộc HĐGM tường trình một số sinh hoạt đặc biệt thuộc lãnh vực của mình trong năm qua.

Đức cha Phaolô Bùi văn Đọc, chủ tịch UB Giáo lý Đức tin thông báo về bản dịch chính thức của thông điệp Caritas in Veritate của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Ngài cũng thông báo bản dịch chính thức về sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã được Tòa Thánh phê chuẩn trong dịp ad limina vừa qua, bản dịch bản Toát Yếu Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng đã được xem và hiệu chỉnh lại. Hai công trình này như để chào mừng Năm Thánh. Sắp tới các bản dịch các tài liệu Công đồng Vatican II sẽ được hiệu đính và cho tái bản.

UB Phụng tự báo cáo các công việc đã làm trong năm và đã báo cáo từ Hội nghị lần trước. UB Loan báo Tin Mừng nhắc đến nhu cầu sửa các kinh đọc (nhất là kinh với những từ cổ nay đã mang nghĩa khác có thể gây hiểu làm), Hội nghị nhất trí chọn Đức cha Cosma Đạt đặc trách việc này.

Vào buổi tối, quý Đức cha có cơ hội xem những thước phim ghi lại hình ảnh chuyến viếng thăm ad limina vào tháng 6 vừa qua.