Ngày 08-10-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 28 Mùa Thường Niên 09/10 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:46 08/10/2022


BÀI ĐỌC 1 2V 5:14-17

Bài trích sách các Vua quyển thứ hai.

Thời ấy, ông Na-a-man, tướng chỉ huy quân đội của vua nước A-ram, mắc bệnh phong hủi. Vậy ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Gio-đan, theo lời ông Ê-li-sa, người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch.

Cùng với đoàn tuỳ tùng, ông trở lại gặp người của Thiên Chúa.

Ông vào, đứng trước mặt ông ấy và nói: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en. Bây giờ, xin ngài vui lòng nhận món quà của tôi tớ ngài đây.”

Ông Ê-li-sa nói: “Có Đức Chúa hằng sống là Đấng tôi phụng sự, tôi thề sẽ không nhận gì cả.”

Ông Na-a-man nài ép ông nhận, nhưng ông vẫn từ chối. Ông Na-a-man nói: “Nếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 2Tm 2:8-13

Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.

Anh thân mến, anh hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đa-vít, như tôi vẫn nói trong Tin Mừng tôi loan báo. Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích! Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Ki-tô Giê-su, và được hưởng vinh quang muôn đời.

Đây là lời đáng tin cậy:

Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người.

Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.

Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta.

Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín,

vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG x. 1Tx 5:18

Alleluia. Alleluia. Alleluia.

Anh em hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, đó chính là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su.

Alleluia. Alleluia. Alleluia.

TIN MỪNG Lc 17:11-19

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!”

Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.”

Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri.

Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”

Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

Đó là Lời Chúa.
 
Cả Một Đời Cảm Ơn Chưa Đủ
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
12:14 08/10/2022
Cả Một Đời Cảm Ơn Chưa Đủ

(Chúa Nhật 28 Tn C 2022)

Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, chính xác là vào năm 1959, làng điện ảnh thế giới đã ngỡ ngàng với sự xuất hiện của một “siêu phẩm điện ảnh” hay “kỳ quan điện ảnh” với 11 giải Oscars, là bộ phim “BEN HUR”, một phim sử thi do hảng phim MGM của Mỹ sản xuất với nhà đạo diễn chính là William Wyler theo kịch bản được soạn với Karl Tunberg cùng với 4 nhà biên kịch khác: Maxwell Anderson, S. N. Behrman, Gore Vidal và Christopher Fry dựa trên cuốn tiểu thuyết lịch sử phiêu lưu lừng danh Ben Hur – A Tale of Christ, xuất bản năm 1880, của nhà văn Mỹ Lewis Wallace. Cho đến thời điểm 1900, cuốn Ben Hur là tiểu thuyết Mỹ bán chạy nhất thế giới; và suốt 80 năm sau, số lượng sách bán ra vượt xa cuốn Túp lều của bác Tom của Hariet Beecher Stowe và Cuốn theo chiều gió của Magaret Mitchel…

Sở dĩ nhắc đến bộ phim và cuốn tiểu thuyết Ben Hur vì ở đó có một chi tiết thật cảm động: bà mẹ Miriam và người em gái Tirzah của chàng dũng sĩ Ben Hur được Chúa Giêsu chữa khỏi bệnh phong hủi. Trong khi tiểu thuyết của Wallace đặt “phép lạ chữa lành” nầy xảy ra khi hai mẹ con của Ben Hur gặp Chúa trên con đường Chúa khải hoàn vào thành Giêrusalem, thì nơi phim Ben Hur của đạo diễn Wyler, hai mẹ con được chữa lành phung hủi nhờ cơn mưa thấm máu đào của Chúa trên đồi Sọ…!

Sở dĩ cuốn tiểu thuyết và cuốn phim Ben Hur đã trở thành “văn hóa phẩm” vĩ đại bất tử, vì nội dung cốt yếu chuyển tải sứ điệp tình yêu và cứu độ của Chúa Giêsu bằng ngôn ngữ nhân văn lãng mạn của tiểu thuyết hay ngôn ngữ trung thực huy hoàng diễm lệ của điện ảnh.

Hôm nay, Chúa Nhật 28 thường niên năm C, Lời Chúa cũng muốn chuyển tải nội dung sứ điệp “tình thương và sự chữa lành” đó khi nhắc đến những người mắc bệnh phong cùi và hồng ân được Thiên Chúa chữa lành từ thời ngôn sứ Elisêô trong Cựu ước hay thời Chúa Giêsu của Tân ước.

Trước hết là câu chuyện trong Sách Các Vua quyển hai: Trong những ngày ấy, Naaman, quan lãnh binh của vua xứ Syria, xuống tắm bảy lần ở sông Giođan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch. Sau đó, ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Đến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: “Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông”.

Trong khi đó, trích đoạn Tin Mừng Luca tường thuật việc Chúa Giêsu chữa lành không chỉ một mà là “10 bệnh nhân phung cùi”; nhưng lạ một điều là “chỉ có một người duy nhất trở lại tạ ơn sau khi đi “trình diện với hàng tư tế” !

Bị mắc bệnh hiểm nghèo – bệnh phung cùi và được chữa lành, nếu xét về mặt khoa học tự nhiên thì cũng là chuyện bình thường. Ngày hôm nay, với biết bao khám phá mới lạ về y học, về thuốc men và các phương pháp điều trị xuất chúng…, một số các bệnh nan y ngày xưa (cả bệnh phong cùi) không còn là “bất khả trị”.

Tuy nhiên, sứ điệp Lời Chúa hôm nay chắc chắn không nhằm quảng cáo hay đề cao “phác đồ điều trị bệnh phong cùi” cách dứt dạc và mau chóng của Chúa Giêsu; và cũng chắc chắn, không là một lối “giới thiệu chân dung đích thực Đấng Mêsia”, Đấng thi thố quyền năng siêu quân bạt chúng, mà tâm thức đám đông dân chúng bấy giờ đang mộng tưởng !

Vâng, “phung cùi” và việc “được chữa lành” mà Lời Chúa hôm nay đồng thanh nhắm tới lại mở ra một viễn tượng khác; và đó chính là tiêu đích của mạc khải Thánh Kinh: “tội lỗi” và “tình thương cứu độ”.

Thật vậy, ngay từ thuở xa xưa, chính trong cái nỗi bi đát khốn cùng của kiếp phận sống dở chết dở đó, mà bệnh phong cùi đã được các Thánh ký dùng làm biểu trưng của “thân phận tội lỗi” của con người. Tội lỗi chính là một thứ “cùi hủi tâm linh”, một tình trạng bi đát khiến con người bị đẩy vào tình trạng xa cách Thiên Chúa và anh em đồng loại.

Đặc biệt trong ngữ cảnh của Tin Mừng Luca hôm nay, mười người phung cùi lang thang đi tìm Đấng Cứu Thế “đang đứng ở đàng xa” với lời van xin tha thiết: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương xót chúng tôi”, chúng ta như nghe vọng về những lời nguyện xin của những tâm hồn tội lỗi nài xin lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa:

- Người thu thuế đấm ngực thân thưa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là người tội lỗi” (Lc 18,13)

- Người con hoang trở về thưa cha: “Thưa cha, con đã đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa” (Lc 15,21)

- Kẻ trộm bị đóng đinh sám hối: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi”. (Lc 23,42)…

Và Thiên Chúa đã đón đợi từ lâu để “chữa lành” những thân phận con người “phung cùi đáng thương” đó. Lịch sử cứu rỗi phải chăng là một thiên tình ca về lòng yêu thương và sự chữa lành của Thiên Chúa dành cho thân phận tội lỗi cùi hủi của loài người.

Vâng, Thiên Chúa mà chúng ta tuyên xưng đó là Vị Thiên Chúa “đã cắm lều cư ngụ giữa loài người”, là một Rabbi Giêsu đã không kết án người phụ nữ phạm tội ngoại tình, đã chấp nhận những giọt nước mắt sám hối và nụ hôn chân của người phụ nữ tai tiếng tội lỗi, đã chén thù chén tạc với anh em thu thuế bị người đương thời phỉ nhỗ, loại trừ…; đó là Vị Thiên Chúa đã không ngần nại chạm đến những kẻ phung cùi bị vất bỏ “bên bờ rìa cuộc sống” để mang họ trở lại cuộc sống mới, cuộc sống với đầy đủ phẩm giá và tự do để ngẫng cao đầu bước tới…

Và như thế, chuyện “phung cùi” và “chữa lành” đâu chỉ là “chuyện ngày xưa kể lại” và chỉ liên quan đến một số người nào đó mà là chuyện liên quan đến mỗi người chúng ta hôm nay, đến nhân loại nói chung, một nhân loại tội lỗi, yếu hèn luôn cần được chữa lành tha thứ.

Chuyện những người phung cùi hôm nay còn muốn nói với chúng ta rằng: Dòng nước sông Giođanô đã tẩy sạch bệnh phung cùi cho Naaman, để từ đây, ông trở thành một người tin thờ Thiên Chúa của Israel: “vì từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác”, phải chăng đó chính là hình bóng tiên trưng dòng nước của bí tích Thánh Tẩy sẽ tẩy sạch chúng ta khỏi mọi vết nhơ tội lỗi để được gia nhập vào đoàn Dân mới, Dân Thánh, Dân tư tế, Dân vương đế ! Vì thế, chúng ta sẽ không lấy làm lạ, khi Đức Kitô chữa lành 10 người phung cùi, thì điều đầu tiên Ngài lệnh cho họ là phải đi trình diện với các tư tế. Điều đó muốn nói lên rằng, một khi đã được chữa lành khỏi vết nhơ tội lỗi, con người sẽ được hội nhập vào cộng đoàn dân thánh, là công dân Trời, sẽ được ngẫng cao đầu đĩnh đạc tiến vào mái nhà của Thiên Chúa mà không sợ ánh mắt nào đố kỵ, rẽ khinh. Quả thật, phung cùi hay tội lỗi đều có chỗ trong mái nhà Thiên Chúa và đều có cơ hội để ngẫng cao đầu vui sống !

Làm sao con người có thể vô tình vô ơn khi lãnh nhận hồng ân cứu độ cao cả như thế ! Chính vì thế, sứ điệp phụng vụ hôm nay còn gọi mời chúng ta phải luôn biết sống tâm tình tri ân cảm tạ vì muôn vạn hồng ân đã nhận được từ bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, như chính Chúa Giêsu đã từng nhắc khéo: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”

Nếu “Tạ ơn” hành vi cốt lõi của đức tin, là câu điệp khúc của toàn bộ Sách Thánh: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 107,1), là sự biểu hiện cao nhất, đúng nhất của mọi tôn giáo, tín ngưỡng, thì trái lại, vô ơn đồng nghĩa với thái độ vô thần, vô tôn giáo, vô tín ngưỡng...; trong chiều kích nhân bản, đó chính là thái độ tự mãn, kiêu căng, lấy mình làm đủ, coi mình bằng trời…: “Bàn tay ta làm nên tất cả, với sức người sỏi đá cũng thành cơm !”; “Ông trời dẹp lại một bên, để cho nông hội đứng lên làm trời”….

Nơi Bài đọc 2 hôm nay, qua lời nhắn gởi cho người đồ đệ Timôthê, Thánh Phaolô đã một cách nào đó, cảnh báo chúng ta về thái độ “vô ơn” và “biết ơn”: “Đây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta.”

Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nêu bật mẫu gương của Thánh Phanxicô Assisi về thái độ “biết ơn, tạ ơn”: “Đó là điều Thánh Phanxicô Assisi đã sống, ngài có thế cảm thấy tràn đầy lòng biết ơn trước một mẩu bánh mì khô, hay vui mừng hát ca tôn vinh Thiên Chúa chỉ vì một làn gió nhẹ làm mát khuôn mặt ngài.” (GE 127).

Và như thế, đâu cần phải là người “phung hủi được chữa lành”, là kẻ “tội lỗi ngập đầu được thứ tha”…; vâng,

Đâu phải cứ thật lớn, thật nhiều, mới trở thành con nợ,

Một lát bánh mì khô, một làn gió nhẹ… thế thôi.

Một nụ cười, một ánh mắt, một bờ môi,

Một chút tình thôi…, cả một đời cảm ơn chưa đủ ! (Sơn Ca Linh: Mẫu bánh mì khô và làn gió nhẹ)



Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:07 08/10/2022

2. Nếu tôi phải xuống hỏa ngục đời đời, thì ít nữa ngay ở đời này tôi nguyện hết sức yêu mến Thiên Chúa.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:10 08/10/2022
22. BA CÁI TAI

Vệ môn có tên thư lại viết chữ, mà viết sai rất nhiều.

Lần nọ, sau khi sao chép lại danh sách những người làm việc trong phủ, đem “lỗ tai” bên trái của chữ Trần (陳) (1) viết qua bên phải, bị huyện quan phát hiện và đánh hai mươi hèo.

Sau khi bị đánh đau, thì anh ta cho rằng hễ chữ nào có “lỗ tai” thì cứ viết phía bên trái hết.

Khi viết chữ Trịnh (鄭) thì đem “lỗ tai” viết bên trái, kết quả là bị đánh thêm hai mươi hèo nữa.

Sau đó không lâu, có người họ Nhiếp (聶) (2) nhờ anh ta viết đơn tố cáo, anh ta sợ hãi xua tay liên tục nói:

- “Không được, không được, tôi viết hai lỗ tai thì bị đánh tất cả là bốn mươi hèo, nếu viết cho anh cái tên ông bạn này dài đến ba cái lỗ tai, chẳng lẽ không bị đánh từ chết đến bị thương hay sao?”

(Tiếu phủ)

Suy tư 22:

“Sai một ly đi một dặm”, một dặm này có thể làm chết nhiều người, và có thể làm cho mình lạc mất trong rừng sâu. Một li thì quá ngắn so với một dặm như giọt nước trong hồ nước, nhưng hậu quả thì không lường được, mà cái tên của con người ta cũng không thể viết cách bừa bãi được, bởi vì tên là người, viết sai tên của người khác –dù không cố ý- thì cũng làm cho họ có ấn tượng không tốt về mình.

Ki-tô hữu là tên của những người tin vào Đức Chúa Giê-su và thực hành lời của Ngài dạy; tên là người, cho nên người Ki-tô hữu luôn sống làm sao để người khác khỏi phải đọc sai tên Ki-tô hữu trên người mình, và sống làm sao để mình không tự xóa tên Ki-tô hữu khỏi cuộc sống của mình.

Tên thư lại viết tên của những người làm việc bị sai nhiều lần nên sợ không dám viết nữa.

Nhưng có một vài người Ki-tô hữu sống, mà người khác nhìn cũng không thấy được tên Ki-tô hữu trên con người mình, bởi vì họ sống theo thói đời hơn là theo lời dạy của Đức Chúa Giê-su và Hội Thánh của Ngài, vậy mà họ không hề sửa cách sống lại cho phù hợp với tên Ki-tô hữu của mình.

Buồn thật !

(1+2) Chữ “trần 陳” bên trái có nét giống lỗ tai. Chữ “đăng鄧” bên phải có lỗ tai, chữ “nhiếp聶” lại có 3 lỗ tai.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Gọi tên những ân sủng
Lm. Minh Anh
22:47 08/10/2022
GỌI TÊN NHỮNG ÂN SỦNG

“Còn chín người kia đâu?”.

Một bà mẹ quê ở tuổi 85, rất hiểu biết. Vào một buổi chiều, con trai bà điện thoại thăm bà. Như mọi khi, trước khi gác máy, bà không quên nói, “Cám ơn con!”. Vậy mà, ba tiếng “cám ơn con” chiều ấy cũng là lời cuối bà dành cho đứa con trai yêu. Và cho đến nay, mỗi ngày dâng lễ, đọc đến chỗ cầu cho các linh hồn, con trai bà không bao giờ quên cầu cho ba mẹ mình. Cũng công bằng thôi! Cậu ấy là Linh mục, một người luôn được mẹ dạy ‘gọi tên những ân sủng!’.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Gọi tên những ân sủng!’, đó cũng là những gì Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay thì thầm với chúng ta. Vì nhiều lúc, chúng ta nhìn mọi sự ‘chúng ta có’, những gì ‘chúng ta là’ gần như là đương nhiên. Ấy thế, trong cuộc đời, không có gì là đương nhiên cả; mọi sự là hồng ân!

Một đôi khi, chúng ta có thể chậm chạp để ‘gọi tên những ân sủng’ đến với mình; chúng ta có thể hài lòng nhại lại với những gì mình thiếu hơn là những gì đã nhận được. Người ta thường viết trên cát những ân phúc và những xúi quẩy thì khắc vào cẩm thạch! Thật là xót xa, nhưng đó là một thực tế và cách nào đó, đây cũng là thái độ của chín người phong cùi được lành sạch vốn quá vô tình trong Tin Mừng hôm nay. Trước thái độ của họ, Chúa Giêsu tỏ vẻ ngạc nhiên, “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu?”.

Chín người phong cùi được lành không đủ khả năng biểu lộ chí ít một chút biết ơn; có chăng cũng chỉ hời hợt, chiếu lệ và nông cạn không sâu quá làn da của họ. Dường như chỉ những lở loét bên ngoài nơi họ biến mất, còn bên trong, xem ra chẳng có gì thay đổi. Sau kinh nghiệm đắng cay của những năm tháng tật bệnh mà nay được lành, có lẽ họ sẽ quay về nếp cũ, thói cũ và thái độ cũ. Họ không rút ra một bài học nào từ những đớn đau quá khứ, và đây mới là điều tệ hại, nó tệ hơn cả chứng bệnh gớm ghiếc trước đó; tệ hại này có tên là “Vô ơn!”. Như tướng quân Naaman trong bài đọc thứ nhất, người Samari ngoại giáo đã quay lại để cám ơn và tôn vinh Chúa. Không chỉ lành lặn bên ngoài, anh được hồi phục bên trong; không chỉ thân xác, nhưng cả linh hồn; không chỉ thể lý, nhưng cả lòng tin. Đọc được điều đó nơi anh, Chúa Giêsu nói, “Anh hãy đứng dậy mà về, lòng tin của anh đã cứu chữa anh!”.

Thánh Bênađô nói, “Sự vô ơn là bức tường ngăn cách giữa Thiên Chúa và các tạo vật, là đập ngăn chặn suối nguồn với dòng sông”. Và chúng ta biết, “những lời ca tụng của chúng ta không thêm gì cho Chúa nhưng đem lại ơn cứu độ cho chúng ta”; nuôi dưỡng nơi chúng ta lòng biết ơn. Vì thế, càng sống trong tâm tình tạ ơn và ngợi khen, chúng ta càng được Chúa ban ơn. Và vô thần, xét cho cùng, cũng chỉ là vô ơn!

Anh Chị em,

“Còn chín người kia đâu?”. Sao họ không trở lại cám ơn Chúa? Vậy nếu quả hai tiếng cám ơn đã trở thành hiếm hoi trên môi miệng chúng ta, thì đây hẳn là một báo động đáng sợ; nó có thể là dấu hiệu của sự cạn kiệt tình Chúa, khô khốc tình người. Bởi lẽ, khi ơn nghĩa bị chối bỏ, thì sự ràng buộc và tình liên đới cũng trở nên mong manh; tình người bị coi thường, niềm tin tôn giáo chỉ còn là một cái gì bên lề vốn còn thua cả thời trang. Tin Mừng nhắc nhở chúng ta biết ơn trời, biết ơn người, hãy ‘gọi tên những ân sủng!’. Giữa bao hồng ân, hành động ngợi khen và tạ ơn tuyệt vời nhất đối với chúng ta là Thánh Lễ. Trên hết, trong Thánh Thể, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành và ân sủng Chúa ban; đặc biệt, ân phúc lớn lao từ quà tặng của Con Thiên Chúa và tất cả những gì tuôn chảy từ đó. Việc chúng ta tham gia vào hành động tạ ơn tuyệt vời này, giúp duy trì trong chúng ta khả năng nhìn mọi sự bằng con mắt đức tin với một lòng biết ơn sâu sắc nhất định ngay cả trong những nghịch cảnh.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con hối tiếc về những gì người khác có mà con không có; cho con biết ‘gọi tên những ân sủng’, những gì đang dẫy đầy mà Ngài đã ban tặng!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Du khách muốn nhìn thấy Đức Giáo Hoàng lại đập phá các bức tượng bán thân tại Bảo tàng Vatican
Đặng Tự Do
18:42 08/10/2022


Một người đàn ông đến thăm viện bảo tàng Vatican ở Rôma hôm thứ Tư đã ném hai tượng bán thân Rôma cổ đại xuống đất, gây thiệt hại vừa phải cho các tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Theo một bài báo trên tờ Il Messdowro, một du khách trung niên người Mỹ đã yêu cầu được gặp Đức Giáo Hoàng và trở nên tức giận khi được thông báo rằng điều đó sẽ không thể thực hiện được. Sau đó, anh ta ném một bức tượng bán thân xuống đất và xô ngã một nhân viên trong khi cố gắng bỏ chạy.

Người đàn ông đã mua một vé vào Bảo tàng Chiaramonti của Vatican, nơi trưng bày các bức tượng bán thân.

Sau khi sự việc xảy ra, anh ta bị nhân viên bảo vệ khống chế và đưa về đồn cảnh sát để thẩm vấn.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, nói với các phóng viên: “Người kéo đổ các bức tượng đã bị hiến binh bắt giữ và giao cho chính quyền Ý.

Tờ Corriere Della Sera, nghĩa là Tin Chiều, đưa tin người đàn ông này từng bị buộc tội vì hành vi khiếm nhã nơi công cộng trong quá khứ.

Các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch bị hư hại đại diện cho “những nhân vật không tên tuổi” và là một phần của bộ sưu tập trong Bảo tàng Chiaramonti được tạo ra dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô Đệ Thất Chiaramonti, cai quản Giáo Hội từ 1800 đến 1823, bao gồm hơn 1,000 tượng bán thân, một số tượng khác và các quan tài từ thời Rôma cổ đại.

Tòa thánh nói với Corriere Della Sera rằng thiệt hại đối với tượng bán thân “không đáng kể, khuôn mặt không bị thiệt hại lớn, có lẽ một trong hai mẫu vật đã bị hư hại một phần mũi.”

Báo cáo cho biết các bức tượng bán thân đã được chuyển đến xưởng phục hồi đá cẩm thạch của Bảo tàng Vatican.

Elizabeth Lev, một nhà sử học nghệ thuật, người cung cấp các chuyến tham quan Bảo tàng Vatican, đã chia sẻ tin tức trên Twitter, lưu ý rằng, “Thật bi thảm, mùa du lịch hậu đại dịch đầu tiên của chúng ta đã bị hủy hoại bởi những khách du lịch vô trách nhiệm.”

Kể từ khi Ý mở cửa du lịch trở lại, nhiều lần du khách đã làm hỏng hoặc đặt các di tích lịch sử vào tình trạng nguy hiểm.

Đầu năm nay, ở Rôma và Pisa, khách du lịch đã đâm máy bay không người lái vào các tòa nhà thời Trung cổ. Và vào tháng 6, hai du khách đã đi xe tay ga của họ xuống Bậc thang Tây Ban Nha của Rome, gây thiệt hại trị giá 27,000 đô la.

Không có sự việc nào trong số này có thể so sánh với thời điểm vào tháng 5 năm 1972 khi một người đàn ông bước vào Đền Thờ Thánh Phêrô với một chiếc búa giấu trong áo khoác. Sau đó, ông ta đập vỡ bức tượng Pietà hay Đức Mẹ Sầu Bi của Michelangelo, làm hỏng cánh tay, mũi và mí mắt của Đức Mẹ. Tác phẩm điêu khắc thi thể Chúa Giêsu trong tay Mẹ Ngài đã được khôi phục và hiện trở lại Đền Thờ Thánh Phêrô, và được bảo vệ phía sau một tấm acrylic chống đạn.
Source:Religion News
 
Những người Nga bỏ trốn sang Kazakhstan đang gặp nhiều khó khăn
Đặng Tự Do
18:42 08/10/2022


Reuters có một báo cáo về những vấn đề mà những người Nga phản đối cuộc chiến ở Ukraine hoặc sợ bị cử đi chiến đấu đã gặp phải khi chạy trốn sang Kazakhstan.

Họ phải lo lắng về tiền bạc, chi phí nhà ở tăng đột biến theo dòng người Nga, và việc làm khan hiếm cộng thêm với các áp lực từ gia đình ở quê nhà. Một số người thậm chí còn bị người thân buộc tội phản bội đất nước của họ.

Và quy mô của cuộc di cư đã làm dấy lên lo ngại từ một số người Kazakhstan, những người coi những người Nga là một gánh nặng kinh tế và thậm chí là một nguy cơ an ninh.

Giá thuê nhà đã tăng vọt ở Kazakhstan và các quốc gia Trung Á khác - cũng như Georgia, nơi một số chủ nhà đã bắt đầu thêm điều khoản “không có người Nga” vào quảng cáo cho thuê của họ.

Chính phủ Kazakhstan trong tuần này cho biết hơn 200,000 người Nga đã nhập cảnh vào nước này kể từ khi ông Putin tuyên bố lệnh động viên bán phần.

Ước tính có đến 147,000 người Nga sau đó đã rời đi.

Không có dữ liệu về các điểm đến cuối cùng của họ, mặc dù một số được cho là đã đến các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ lân cận.

Khoảng 77,000 người đã đăng ký vào hệ thống ID quốc gia của Kazakhstan, là một điều kiện tiên quyết để có được một công việc hoặc một tài khoản ngân hàng.

Chính phủ Uzbekistan hôm thứ Ba cho biết họ đang tăng cường kiểm soát biên giới, với các lực lượng bảo vệ biên giới tham gia kiểm tra phương tiện và hàng hóa cùng với các quan chức hải quan.

Một số doanh nghiệp Kazakhstan đã thông báo công khai các lời mời làm việc cho những người chạy trốn khỏi lệnh động viên của Putin, nhưng một số chủ nhân tuyên bố rõ ràng rằng họ chỉ muốn tuyển mộ những người dân tộc Kazakh.
Source:Reuters
 
Đức Hồng Y Kurt Koch tiếp Giám mục Georg Bätzing
Đặng Tự Do
18:44 08/10/2022


Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức đã gặp một Hồng Y của Vatican tại Rôma trong tuần này sau khi đưa ra yêu cầu phải xin lỗi và một lời đe dọa, nếu không sẽ “đệ đơn khiếu nại chính thức lên Đức Thánh Cha”.

Giám mục Georg Bätzing đã ngồi lại với Đức Hồng Y Kurt Koch vào ngày 4 tháng 10 để làm rõ về điều mà Đức Cha Bätzing gọi là “một cuộc tấn công hoàn toàn không thể chấp nhận được” của vị Hồng Y Vatican, người gốc Thụy Sĩ và là Tổng trưởng Bộ Cổ Vũ sự Hiệp nhất Kitô Hữu.

Cuộc trao đổi là kết quả của sự bất đồng về những nhận xét liên quan đến “Kitô hữu Đức”, hệ tư tưởng của Đức Quốc xã, và những tuyên bố thần học về một tài liệu quan trọng của Tiến Trình Công Nghị Đức.

Phát ngôn viên Matthias Kopp của Hội Đồng Giám Mục Đức cho biết hôm thứ Tư rằng:

“Đối với Đức Hồng Y Koch và Giám mục Bätzing, điều rõ ràng sau cuộc trò chuyện này là cuộc tranh luận thần học, mà Đức Hồng Y muốn đóng góp trong cuộc phỏng vấn, phải được tiếp tục”

Theo tuyên bố của hội đồng giám mục, vị Hồng Y Thụy Sĩ đã bảo đảm với vị giám mục Đức rằng ngài không có ý so sánh Tiến Trình Công Nghị Đức với cái gọi là phong trào 'Kitô hữu Đức' trong thời kỳ Đức Quốc xã.”

Tuy nhiên, khẳng định này không phải là mới, và cũng không phải là lời xin lỗi mà Giám Mục Bätzing yêu cầu.

Trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo Đức, Đức Hồng Y Koch - một nhà thần học có uy tín quốc tế - đã nói rằng ngài đã bị sốc rằng, trong tất cả mọi khía cạnh, Tiến Trình Công Nghị Đức đang nói về những nguồn mặc khải mới.

“Hiện tượng này đã tồn tại trong chế độ Quốc Xã, khi những người trong phong trào 'Kitô hữu Đức' nhìn thấy sự mặc khải mới của Chúa trong máu và đất và sự trỗi dậy của Hitler,” Đức Hồng Y Koch nói với tờ báo Công Giáo Die Tagespost.

Phong trào “Kitô hữu Đức” hay Deutsche Christen là một nhóm hoạt động mạnh dưới thời Đức Quốc xã muốn gắn Đạo Tin lành với Hệ tư tưởng Quốc xã phân biệt chủng tộc.

Ngược lại, phong trào Giáo Hội Tuyên Tín với Tuyên ngôn Thần học Barmen đã lên tiếng chống lại sự xuyên tạc như vậy đối với giáo huấn Kitô.

Tuyên bố năm 1934 cho biết ngay trong điều thứ nhất: “Giáo Hội, cùng với và ngoài những mạc khải của Kinh Thánh và Truyền Thống, có thể và nên sử dụng các sự kiện và lực lượng, số liệu và sự thật khác làm nền tảng cho việc rao giảng, nhận biết nơi chúng các đặc tính mạc khải của Thiên Chúa.”

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng đúng là “các dấu chỉ của thời đại phải được quan sát cẩn thận và xem xét một cách nghiêm túc. Nhưng chúng không phải là nguồn mạc khải mới. Trong ba giai đoạn của sự tin tưởng tri thức - nhìn thấy, phán đoán và hành động - các dấu chỉ của thời đại thuộc về việc nhìn thấy và không thể xem là các nguồn mạc khải.”

Ngài giải thích rằng có một mối nguy hiểm “rằng sự thật và tự do không còn được nhìn thấy cùng nhau nữa mà bị xé nát. Trong thần học Đức ngày nay có một khuynh hướng mạnh mẽ coi tự do là giá trị cao nhất của con người và từ đó phán xét điều gì vẫn có thể được coi là chân lý của đức tin và điều gì sẽ bị ném xuống biển”.

Đáp lại, Đức Cha Bätzing nói rằng những bình luận của Đức Hồng Y Koch là một “sai lầm hoàn toàn không thể chấp nhận được” yêu cầu Đức Hồng Y phải xin lỗi và phải xin lỗi ngay tức khắc.

Đức Hồng Y Kurt Koch, đã chỉ trích đường lối của Tiến Trình Công Nghị Đức “bởi vì các nguồn mạc khải mới do Tiến Trình Công Nghị Đức được chấp nhận ngoài những nguồn mạc khải của Kinh Thánh và truyền thống”.

Đức Hồng Y Koch chỉ ra rằng ngài còn lâu mới “đơn độc trong việc chỉ trích văn bản định hướng của Tiến Trình Công Nghị Đức. Vậy thì, bình luận phê bình của tôi không thể đơn giản là biểu hiện của một thần học hoàn toàn sai lầm.”

Con đường Thượng hội đồng - Synodaler Weg trong tiếng Đức, đôi khi được dịch là “Tiến Trình Công Nghị” - là một quá trình gây tranh cãi đã vấp phải sự chỉ trích liên tục từ các Hồng Y, giám mục và các thần học gia cả quốc tế và ở Đức.

Đức Hồng Y Walter Kasper, một nhà thần học người Đức được coi là thân cận với Giáo hoàng Phanxicô, vào tháng 6 năm 2022, cảnh báo rằng Tiến Trình Công Nghị Đức có nguy cơ “tự bẻ cổ mình” nếu không chú ý đến những phản đối của ngày càng nhiều của các giám mục trên thế giới.

Vào tháng 4, hơn 100 Hồng Y và giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã đưa ra một “bức thư ngỏ tình huynh đệ” cho các giám mục của Đức, cảnh báo rằng những thay đổi sâu rộng đối với giáo huấn của Giáo hội được ủng hộ bởi Tiến Trình Công Nghị Đức có thể dẫn đến ly giáo.

Vào tháng 3, một bức thư ngỏ từ các giám mục Bắc Âu bày tỏ sự lo ngại về tiến trình của Đức, và vào tháng 2, một bức thư nặng lời từ chủ tịch hội đồng giám mục Công Giáo Ba Lan đã nêu lên những lo ngại nghiêm trọng.

Giám mục Bätzing đã nhiều lần từ chối bất kỳ và tất cả các mối quan tâm, thay vào đó vào tháng Năm ông bày tỏ sự thất vọng đối với Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong phản ứng đầu tiên của mình trước những lời chỉ trích của Đức Hồng Y Koch, vị giám mục Đức nói rằng những lời của Hồng Y Koch tố cáo một nỗi sợ hãi rằng “một cái gì đó sẽ thay đổi.”

“Nhưng tôi hứa với ngài rằng: Điều gì đó sẽ thay đổi và ngay cả Hồng Y Koch cũng sẽ không thể ngăn chặn điều đó - chắc chắn không phải với những tuyên bố như vậy,” Bätzing nói thêm.
Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Việt: Đồng hương Cổ Việt mừng bổn mạng ngày
Vinh sơn Trần văn Đẩu
08:17 08/10/2022
Giáo xứ Tân Việt: Đồng hương Cổ Việt mừng bổn mạng ngày

“ Kính mửng Mẹ Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ ”. Lời bài ca nhập lễ của ca đoàn Phạt Tạ Thánh Tâm đã hướng cộng đoàn sốt sáng tham dự Thánh lễ kính Đức Mẹ Mân Côi – bổn mạng đồng hương Cổ Việt – diễn ra lúc 17g30 thứ sáu 07/10/2022 tại giáo xứ Tân Việt.

Xem Hình

Thánh lễ đồng tế do Linh mục chánh xứ Daminh Vũ Ngọc Thủ chủ tế. Đồng tế với ngài là Linh mục Giuse Đinh Trần Trung Hiếu ( giảng lễ) cùng với sự hiện diện của bà con đồng hương Cổ Việt, quý chức các giáo họ, các đoản thể cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa.

17g30 đại diện bà con đồng hương, quý chức các giáo họ, đại diện các đoàn thể đón các linh mục đồng tế lên cung thánh bắt đầu Thánh lễ.

Đầu lễ, Lm chủ tế nhắn nhủ: Hôm nay giáo hội mừng kính Đức Mẹ Mân Côi, bổn mạng đồng hương Cổ Việt cùng rất nhiều chị em, chúng ta cùng tạ ơn Chúa và chúc mừng nhau.

Chia sẻ Tin Mừng, Lm Giuse nói: Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Đây là lời của sứ thần chào Đức Mẹ lúc truyền tin, lời mời Mẹ mừng vui lên vì ơn cứu độ nay đã đến. Mẹ đầy ơn phúc vì được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương. Tình thương Chúa che chở Mẹ ngay từ lúc chưa chào đời, và tình thương ấy còn bao bọc Mẹ mãi mãi.

Khi mừng lễ Mân Côi ta mừng Dức Mẹ Maria đã chiến thắng chính bản thân,đã vượt qua hết những thử thách và đạt tới đích điểm của hành trình đức tin.

Ngài kết luận: Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết noi gương Mẹ, biết từ bỏ ý riêng mình để thực hiện ý Thiên Chúa xin giúp con can đảm vượt qua mọi thử thách và giữ vững niềm tin tưởng phó thác trong tay Chúa.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh thể.

Thánh lễ kết thúc lúc 18g trong niềm vui của bà con đồng hương Cổ Việt cùng toàn thể cộng đoàn giáo xứ.

Vinh sơn Trần Văn Đẩu
 
Ngày Truyền Thống Và Đại Hội Ultreya Phong Trào Cursillo Giáo Phận Đà Nẵng Năm 2022
Tôma Trương Văn Ân n
16:30 08/10/2022
Ngày Truyền Thống Và Đại Hội Ultreya Phong Trào Cursillo Giáo Phận Đà Nẵng Năm 2022

Sáng thứ 7 ngày 8 / 10 / 2022, tại Giáo xứ Chính Tòa Đà Nẵng, Phong trào Cursillo Giáo phận đã tổ chức Đại Hội Ultreya lần thứ 50 và ngày Truyền Thống Phong Trào Cursillo Gp Đà Nẵng – Lễ Đức Mẹ Mân Côi, đồng thời mừng 10 năm Phong trào Cursillo hiện diện tại Đà Nẵng ( 2012-2022).

Xem Hình

Mười năm, một chặng đường không phải là nhiều, nhưng Cursillistas ( thành viên Cursillo) có nhiều hoán cải, sống tinh thần của Phong trào: “ một tay nắm lấy Chúa, và một tay nắm lấy anh chị em”, làm dậy men Tin Mừng bằng việc làm bác ái, chia sẻ yêu thương trong môi trường mình đang sống và làm việc.

Đến tham dự có các Cha Linh hướng của Phong trào: Cha Phao-lô Hồ Quang Phúc; Cha Emmanuel Nguyễn Tấn Lục; Cha Giuse Nguyễn Văn Khang và hơn 50 Cursillistas

Trong Đại hội, các anh chị tham dự đã chia sẻ cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa và Mẹ Maria đã yêu thương nâng đỡ các anh chị. Những việc làm bác ái và cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi và nhiều cách khác nhau, để anh chị vượt qua đại dịch Covid 19 cách diệu kì, trong tinh thần tin yêu phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa và Đức Mẹ. Nhờ đó, sống lạc quan hơn trong Ơn Chúa, trong tin yêu và phục vụ anh chị em đang mang trong mình con Covid 19 quái ác này.

Trong các Đại hội Ultreya, các cuộc gặp gỡ hội nhóm, chia sẻ chứng nhân, Cursillistas được “lửa tình yêu” thúc đẩy tiến bước, được mời gọi nhìn lại chính mình, mối tương quan với Thiên Chúa và mối tương quan với anh chị em. Cursillistas sống trong tình Chúa vì có Chúa đồng hành, và sống trao tình yêu trong tình yêu anh chị em.

Cao điểm là Thánh lễ đồng tế lúc 10 giờ, các Cursillistas cùng hiệp dâng Thánh lễ Đức Mẹ Mân Côi, Ngày Truyền Thống của Phong trào; Cùng hiệp nguyện, cầu cho Quý Cha và Cursillistas đã qua đời và Tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria, ban muôn ơn cho Phong trào tại Giáo phận và cho cho từng thành viên Cursillo, trong 10 năm qua.

Tôma Trương Văn Ân
 
Bổn Mạng Curia Nữ Vương Mân Côi TGP Sydney
Diệp Hải Dung
16:40 08/10/2022
Bổn Mạng Curia Nữ Vương Mân Côi TGP Sydney

Sáng thứ Bảy 08/10/2022, các anh chị em hội viên Legio Mariae Hoạt Động cũng như Tán Trợ đã đến nhà thờ St. Luke Revesby Sydney tham dự Lễ mừng kính Bổn Mạng Curia Nữ Vương Mân Côi Tổng Giáo Phận Sydney.

Xem Hình

Trước khi Thánh lễ là giờ kinh Mân Côi dâng lên Đức Mẹ và 2 Cha Linh Giám Cha Paul Văn Chi cùng Cha Phero Trần Văn Trợ của Curia Nữ Vương Mân Côi TGP cùng đọc kinh Mân Côi với toàn thể Curia. Sau đó, Cha Linh Giám Curia Sydney ban huấn từ nói về sự tích nguồn gốc của Kinh Mân Côi và sự lơi ích của Chuỗi Kinh Mân Côi chống được những sự cám dỗ. Trong dịp tháng 10 là tháng Mân Côi kính Đức Mẹ. Cha khuyên tất cả mọi người nên siêng năng dâng lên Mẹ chuỗi kinh Mân Côi, để được Mẹ gìn giữ che chở và an ủi.

Sau giờ giải lao mọi người cùng tham dự Thánh lễ với nghi thức 13 Đội Presidia thuộc các Giáo Đoàn dâng lên Đức Mẹ đóa hoa thiêng đồng thời Cha Linh Giám Paul Văn Chi ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng của Curia Nữ Vương Mân Côi TGP Sydney, và Cha cũng giới thiệu qúy Cha Cựu Linh hướng Canut Nguyễn Thái Hoạch, Cha FX Nguyễn Văn Tuyết, Cha Phero Trần Văn Trợ và Nguyễn Thái Hoạch cùng hiệp dâng Thánh Lễ.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Bà Hà Trí Tri Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney lên ngỏ lời chúc mừng bổn mạng và Tân Ban Chấp Hành Curia Nữ Vương Mân Côi Sydney nhiệm kỳ 2022 – 2025 và cảm ơn về những sự trợ giúp mà Legio Mariae đã dành cho Cộng Đồng trong nhiều năm tháng qua. Kế tiếp ông Lý Ngọc Thuyên Trưởng Curia TGP Sydney lên ngỏ lời cám ơn quý Cha Linh Giám, quý Sơ, quý Quan Khách và tất cả mọi người đã đến tham dự Thánh Lễ mừng kính Bổn Mạng. Đặc biệt cám ơn Ca Đoàn Legio Mariae Cabramatta đã giúp cho Thánh Lễ thêm phần long trong sốt sắng, cám ơn Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Revesby và cám ơn quý ân nhân đã trợ giúp cho Legio Mariae mừng Bổn Mạng hôm nay.

Sau Thánh lễ, mọi người qua bên hội trường của nhà thờ tham dự tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng

Diệp Hải Dung
 
Thư Chung năm 2022 của Hội đồng Giám mục Việt Nam – Về Giáo hội hiệp hành
+ Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh
22:09 08/10/2022
Thư Chung năm 2022 của Hội đồng Giám mục Việt Nam – Về Giáo hội hiệp hành

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Thư Chung gửi Cộng đoàn dân Chúa

VỀ GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

Anh chị em thân mến,

1- Chúng tôi, các Giám mục thuộc 27 giáo phận, tham dự Đại hội lần thứ XV của Hội đồng Giám mục Việt Nam từ ngày 03 đến ngày 07 tháng 10 năm 2022 tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội, xin gửi tới anh chị em lời chào thân ái và lời cầu chúc bình an.

2- Trước hết, chúng tôi tạ ơn Chúa vì Ngài luôn yêu thương và chúc phúc cho Giáo hội và Quê hương Việt Nam. Chúng tôi cũng chia sẻ những thao thức, thảo luận và đưa ra những định hướng mục vụ cho cộng đoàn dân Chúa. Như chúng ta đã biết, gần ba năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra thảm hoạ khắp nơi trên thế giới và tại Việt Nam. Mặc dù vậy, chính trong bối cảnh đại dịch mà chúng ta được chứng kiến những hình ảnh đẹp của tình người. Không phân biệt tôn giáo và quan điểm lập trường, rất nhiều cá nhân cũng như tổ chức đã chung sức chung lòng cứu giúp các bệnh nhân, đẩy lùi dịch bệnh và nâng đỡ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch. Trong số đó, có những linh mục, tu sĩ và giáo dân can đảm nhiệt huyết dấn thân trong các bệnh viện dã chiến và các khu cách ly để giúp bệnh nhân. Sự hy sinh, phục vụ của anh chị em trong lúc đại dịch là chứng từ mạnh mẽ về đức Bác ái Kitô giáo, để lại những ấn tượng tốt đẹp về Giáo Hội Công Giáo.

3- Cùng với Giáo hội hoàn vũ, trong Thư Chung này, chúng tôi mời gọi anh chị em sống tinh thần hiệp hành. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba” (Trích diễn từ ngày 17-10-2015). Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha và theo hướng dẫn của Văn phòng trung ương Thượng Hội đồng, 27 giáo phận Việt Nam đã thực hiện tiến trình Thượng Hội đồng cấp giáo phận cách tích cực. Những buổi gặp gỡ để thỉnh ý dân Chúa đã được tổ chức ở cấp giáo xứ, giáo hạt, dòng tu và giáo phận. Đông đảo tín hữu đã nhiệt tình tham gia tiến trình này. Tiến trình Thượng Hội đồng cho chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh về đời sống của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, trong đó có những điều tốt và những điều chưa tốt. Tiến trình này được coi như một cuộc thao luyện thiêng liêng, nhằm thúc đẩy một cách thể hiện mới của Giáo hội tại Việt Nam. Sau khi đón nhận những bản tổng kết của các giáo phận, Văn phòng Thư ký Hội đồng Giám mục đã tổng hợp và gửi về Rôma, với mục đích góp phần soạn thảo Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI.

4- Dù giai đoạn Thượng Hội đồng cấp giáo phận đã kết thúc, tinh thần hiệp hành vẫn cần phải được tiếp tục và phát huy trong đời sống Giáo hội địa phương, vì thế chúng tôi đề ra chương trình mục vụ ba năm sắp tới như sau:

- Năm 2023: Củng cố sự hiệp thông;

- Năm 2024: Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội;

- Năm 2025: Cùng nhau loan báo Tin Mừng.

5- Riêng năm 2023, với chủ đề “Củng cố sự hiệp thông”, chúng tôi đề nghị những thực hành cụ thể như sau:

a- Mối hiệp thông giữa các tín hữu được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa. Cần cổ võ việc đọc Kinh Thánh đối với cá nhân, việc chia sẻ Lời Chúa trong gia đình hoặc trong nhóm nhỏ, để Lời Chúa thấm nhập cuộc sống. Đối với các linh mục, nhiệm vụ quan trọng nhất là loan báo Lời Chúa. Ước mong các vị chủ chăn quan tâm dành thời gian chuẩn bị bài giảng trong các cử hành Phụng vụ, mở các lớp học Thánh Kinh và giúp anh chị em tín hữu được nuôi dưỡng bằng Lời hằng sống.

b- Bí tích Thánh Thể là nguồn suối hiệp thông. Khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta được hiệp thông với Chúa và được liên kết với nhau (x. 1 Cr 10,16-17). Vì thế, các tín hữu cần tham dự thánh lễ cách tích cực và sống động, nhờ đó ngày càng củng cố mối hiệp thông với Chúa và với nhau trong Chúa. Cũng cần giúp các tín hữu hiểu biết Phụng vụ, như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi trong Tông Thư về đào tạo Phụng vụ cho dân Chúa (Desiderio Desideravi), ban hành ngày 29-6-2022.

c- Sự hiệp thông trong Giáo hội không chỉ được thể hiện qua Phụng vụ, mà còn qua tình tương thân tương ái, thành tâm lắng nghe nhau trong cộng đoàn, và qua những nghĩa cử bác ái giữa những người đồng đạo cũng như đối với anh chị em không cùng niềm tin. Ngày nay, với những thành tựu khoa học, cuộc sống vật chất được cải thiện rõ rệt, nhưng tình người lại có nguy cơ giảm sút. Chúng ta cần quan tâm đến người cao tuổi, người mắc ngăn trở hôn phối hoặc gặp khó khăn trong hôn nhân, người khuyết tật, người nghèo khổ, dân tộc thiểu số, anh chị em xa quê và những nạn nhân thiên tai. Mối quan tâm này cần phải được thực hiện cách cụ thể và mang tính lâu dài, nhằm nâng đỡ những người bất hạnh. Đức bác ái là cốt lõi giáo huấn của Chúa Giêsu. Người dạy chúng ta: khi chúng ta giúp đỡ người nghèo khổ là giúp đỡ chính Chúa (x. Mt 25,31-46).

d- Trong xã hội hôm nay, các phương tiện truyền thông rất đa dạng và ngày càng hiện đại. Người tín hữu cần tiếp cận và sử dụng các phương tiện truyền thông để hoà nhập với thế giới hiện đại, trau dồi kiến thức và học hỏi Lời Chúa. Tuy vậy, có không ít những hậu quả tiêu cực từ truyền thông, nên cũng cần thận trọng trong việc đón nhận và chuyển tải thông tin. Hiện nay, một số trang mạng mang danh Công Giáo, nhưng lại đăng tải những nội dung thiếu kiểm chứng, đặt những tựa đề giật gân, với mục đích thu hút sự chú ý của độc giả. Những thông tin sai lạc này làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của Giáo hội và gây hoang mang nơi người tín hữu. Những người làm công tác truyền thông cần lưu ý đến lương tâm và đạo đức, theo nguyên tắc: loan báo Sự Thật trong Đức Ái. Truyền thông phải là phương tiện kết nối con người trong tình thân nghĩa, chứ không phải để gieo rắc hoang mang chia rẽ, thậm chí gây thù hận và đẩy người khác đến đường cùng.

Anh chị em thân mến,

6- Hưởng ứng tinh thần hiệp hành của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, chúng ta được mời gọi không ngừng hoán cải. Hoán cải là điều kiện thiết yếu giúp chúng ta biết gặp gỡ, lắng nghe và phân định cách phù hợp thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho các tín hữu trên toàn thế giới được thấm nhuần tinh thần hiệp hành, để cùng nhau sống Đức tin và xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô.

7- Nhân dịp Đại hội lần thứ XV Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng tôi gửi lời chào Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu sĩ và anh chị em giáo dân Việt Nam đang sống ở các miền đất khác nhau trên thế giới. Cám ơn anh chị em luôn yêu mến Giáo hội và Quê hương Việt Nam, và thể hiện tình yêu mến ấy bằng những nghĩa cử cụ thể. Nguyện xin Chúa chúc lành và nâng đỡ anh chị em trong đời sống hằng ngày.

8- Theo thông lệ, Đại hội là dịp bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Uỷ ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Xin anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi được dồi dào ơn Chúa Thánh Thần, nhiệt tâm chu toàn bổn phận được trao phó, cùng với anh chị em loan báo Tin Mừng Đức Giêsu tại Quê hương thân yêu của chúng ta.

Đại hội lần thứ XV Hội đồng Giám mục Việt Nam bế mạc vào ngày 07 tháng 10 năm 2022, lễ Đức Mẹ Mân Côi. Chúng ta hãy nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa. Ước gì mỗi chúng ta siêng năng lần hạt Mân Côi, suy niệm Lời Chúa và noi gương các nhân đức của Đức Mẹ. Xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta được ơn thánh thiện, cho Quê hương được an bình và cho đồng bào được hạnh phúc.

Làm tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội

Ngày 07 tháng 10 năm 2022

(đã ấn ký)

+ Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam

(đã ký)

+ Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Tổng Thư ký
 
Video Thư Chung năm 2022 của Hội Đồng Giám Muc Việt Nam
+ Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh
22:13 08/10/2022
 
VietCatholic TV
Putin nổi giận: Cách chức 2 trong 5 tư lệnh quân khu vì thảm bại. Ukraine bắt sống 440 xe tăng Nga
VietCatholic Media
03:45 08/10/2022


1. Putin cách chức một chỉ huy quân sự hàng đầu khác

Sau khi đã sa thải chỉ huy quân khu phía Tây, Putin đã sa thải tiếp chỉ huy quân khu phía Đông là Đại Tướng Alexander Chaiko, hãng tin RBC cho biết như trên.

Sự ra đi được đưa tin của Chaiko đánh dấu sự kiện mới nhất trong số một loạt quan chức hàng đầu bị sa thải sau những thất bại và nhục nhã trong cuộc chiến ở Ukraine.

RBC báo cáo rằng Trung tướng Rustam Muradov đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu quân khu phía Đông, bao gồm các sư đoàn đóng tại vùng viễn đông của Nga. Quân khu phía Đông là một trong năm quân khu tạo nên lực lượng vũ trang của Nga.

Người đứng đầu vùng Dagestan, quê hương của Muradov đã chúc mừng ông ta được bổ nhiệm.

Hôm thứ Hai, RBC đưa tin rằng chỉ huy quân khu phía tây, Đại Tướng Alexander Zhuravlyov, đã được thay thế bởi Trung tướng Roman Berdnikov.

Tin tức về sự ra đi của Zhuravlyov được đưa ra ngay sau những tổn thất nghiêm trọng của Nga ở Đông Bắc Ukraine vào tháng trước và việc Ukraine bị Lyman tái chiếm ở vùng Donetsk.

2. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuyên bố Ukraine giành lại 500 km vuông lãnh thổ trong một tuần

Những chiến thắng của Ukraine ở khu vực phía nam Kherson là các chiến thắng mới nhất trong một loạt thất bại của Nga làm suy yếu tuyên bố của Điện Cẩm Linh là đã sáp nhập khoảng 20% lãnh thổ Ukraine.

“Hơn 500 km vuông đã được giải phóng khỏi quân xâm lược của Nga chỉ riêng ở khu vực Kherson” kể từ đầu tháng 10, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết như trên trong bài phát biểu hàng đêm trước quốc dân đồng bào.

Cô Natalia Humeniuk, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh quân đội miền Nam cho biết, lãnh thổ bị chiếm lại là nơi có hàng chục thị trấn và làng mạc đã bị quân đội Nga chiếm đóng trong nhiều tháng.

Kherson, một khu vực có dân số ước tính trước chiến tranh khoảng một triệu người, đã bị quân đội của Mạc Tư Khoa đánh chiếm sớm và dễ dàng sau cuộc xâm lược của họ vào ngày 24 tháng 2.

3. Hơn một nửa chiến xa mà Ukraine đang dùng trong các cuộc giao tranh là chiến xa tịch thu được của Nga

Theo các quan chức quốc phòng Anh, các phương tiện quân sự của Nga bị Ukraine bắt giữ chiếm “một phần lớn” trong số các phương tiện quân sự mà Ukraine đang sử dụng trong cuộc chiến Nga-Ukraine.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo hôm thứ Sáu rằng việc quân đội Nga “thất bại” trong việc phá hủy các phương tiện quân sự và vũ khí khác của họ trước khi rút khỏi chiến trường “cho thấy tình trạng huấn luyện kém và mức độ kỷ luật chiến đấu thấp của họ.” Bộ Quốc phòng dự đoán Nga sẽ “tiếp tục mất vũ khí hạng nặng” khi cuộc chiến tiếp diễn.

Các quan chức quốc phòng Anh ước tính Ukraine đã bắt được hơn 440 xe tăng Nga và khoảng 650 xe thiết giáp trong những tháng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng Hai.

Bộ Quốc phòng cho biết: “Các thiết bị Nga bị bắt giữ có mục đích tái sử dụng hiện chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng số khí tài quân sự của Ukraine. Ukraine có khả năng tịch thu tối thiểu 440 xe tăng Nga, và khoảng 660 các xe bọc thép khác từ khi bắt đầu cuộc xâm lược. Hơn một nửa đội xe tăng trên chiến trường của Ukraine có khả năng bao gồm các phương tiện bị bắt giữ.

Sự thất bại của các nhóm vận hành chiến xa trong việc phá hủy các phương tiện trước khi rút lui hay đầu hàng làm rõ tình trạng huấn luyện và mức độ kỷ luật thấp. Trong điều kiện đội hình của Nga đang bị căng thẳng nghiêm trọng trong một số khu vực và quân đội ngày càng mất tinh thần, Nga có thể sẽ tiếp tục mất vũ khí hạng nặng.”

4. Ngũ Giác Đài tin rằng Putin chưa đưa ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân

Một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo về khả năng xảy ra vụ “Armageddon” hạt nhân, nghĩa là vụ tấn công hạt nhân mà chung cuộc sẽ dẫn đến sự hủy diệt của nhân loại, Ngũ Giác Đài cho biết “chúng tôi không đánh giá rằng Tổng thống Putin đã đưa ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân vào lúc này”. Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết như trên trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu.

“Nhiều người trong chính phủ của chúng tôi và trong cộng đồng quốc tế, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, đã nhấn mạnh thực tế rằng việc phóng thanh kiếm hạt nhân này là liều lĩnh và vô trách nhiệm,” Ryder nói.

Hiện tại, Mỹ không có bất kỳ thông tin nào gây ra sự thay đổi trong “tư thế răn đe chiến lược”, Ryder nói thêm.

Ông nhấn mạnh rằng Mỹ tiếp tục xem xét “rất nghiêm túc” các mối đe dọa này và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình.

5. Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhận định Nga chuyển sang các vị trí phòng thủ sau khi chiến tuyến Kherson sụp đổ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Taking Defensive Positions After Kherson Front Line Collapses: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhận định Nga chuyển sang các vị trí phòng thủ sau khi chiến tuyến Kherson sụp đổ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Theo các báo cáo, quân đội Nga hiện có khả năng chuyển sang vị thế phòng thủ ở khu vực thượng lưu Kherson sau thành công của các cuộc phản công của Ukraine.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, đã công bố một báo cáo mới nêu chi tiết thông tin mới nhất về cuộc xung đột ở Ukraine.

ISW nói rằng một trong những “yếu tố quan trọng là quân đội Nga có khả năng thiết lập các vị trí phòng thủ ở thượng lưu Kherson sau khi phòng tuyến của Nga ở đông bắc Kherson bị sụp đổ”.

Điều này diễn ra sau những cuộc tái chiếm quan trọng mà Ukraine đã có thể thực hiện, với một bản đồ hoạt hình, lan truyền trên mạng xã hội, cho thấy các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi quân đội Nga nhanh đến mức nào chỉ trong bốn giờ, từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều hôm thứ Ba.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã phát biểu về cuộc tiến công của các lực lượng của mình cùng đêm đó và ca ngợi những nỗ lực của họ.

Ông nói: “Quân đội Ukraine đang tiến một cách khá nhanh chóng và mạnh mẽ ở phía nam đất nước trong bối cảnh hoạt động quốc phòng hiện nay. Chỉ trong tuần này, kể từ cuộc trưng cầu dân ý giả của Nga, hàng chục trung tâm dân cư đã được giải phóng.

Zelenskiy nói thêm: “Những khu vực này nằm ở các vùng Kherson, Kharkiv, Luhansk và Donetsk.”

Báo cáo của ISW cho biết, hình ảnh vệ tinh ngày 3 và 4/10 cho thấy các giao thông hào và hệ thống làm lệch hướng radar của Nga ở khu vực Beryslav-Nova Kakhovka.

“Điều này cho thấy quân đội Nga đang lùi lại để củng cố các vị trí phòng thủ ở trung tâm vùng Kherson khi đối mặt với những tiến bộ gần đây của Ukraine ở phía đông bắc Kherson”

“Các blogger quân sự Nga tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine phần lớn tập trung vào việc tập hợp lại ở phía bắc Kherson và không tiến hành các cuộc tấn công trên bộ vào ngày 6 tháng 10.”

“Bộ Quốc phòng Nga lặp lại tuyên bố của một số blogger quân sự rằng quân đội Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công hạn chế trên bộ nhằm phá vỡ các tuyến phòng thủ mới của Nga ở phía bắc Kherson, đặc biệt là từ Piatykhatky cách biên giới Dnipropetrovsk khoảng 35 km về phía nam”.

Tiến sĩ Marina Miron, một thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Đạo đức Quân sự của Bộ Nghiên cứu Quốc phòng tại King College ở London, nói với Newsweek về ý nghĩa tổng thể của những phát triển này.

Miron cho biết: “Ý tưởng đằng sau cuộc rút lui của Nga ở Khersont dựa trên ý tưởng rằng họ sẽ rút ngắn khoảng một nửa giới tuyến”.

“Do hiện tại họ không có đủ quân để xây dựng hệ thống phòng thủ chắc chắn, họ sẽ phải ứng biến cho đến khi quân tiếp viện đến. Theo các nguồn tin Nga, đây không phải là một vụ tháo chạy tán loạn mà là một cuộc 'rút lui' có phối hợp để bảo đảm họ không bị thương vong lớn. “

Miron cho biết phương tiện truyền thông Nga luôn cố gắng miêu tả sự rút lui của họ một cách lạc quan bất kể thực tế chiến trường.

“Phía Nga thường tuyên bố rằng những vùng lãnh thổ bị bỏ lại không có tầm quan trọng chiến lược. Thường thì chúng được coi là những cánh đồng trống và làng mạc,” cô nói thêm.

“Thực sự người ta cho rằng các lực lượng Ukraine sẽ cố gắng tiến về Kherson - vì vậy cái gọi là trận chiến giành Kherson sắp bắt đầu.”

“Người Nga cũng lạc quan cho rằng các lực lượng Ukraine có thể phải đối mặt với các vấn đề thời tiết, điều này khiến cho việc tiến hành các hoạt động phòng thủ thuận lợi hơn”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Ukraine để đưa ra bình luận.

6. Số người chết sau cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga ở Zaporizhzhia tăng lên 14 người, chính quyền cho biết

Trong bản báo cáo sáng thứ Bẩy 8 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết số người chết sau khi hỏa tiễn của Nga tấn công một tòa nhà chung cư của thành phố đã tăng lên 14 người.

“Chúng tôi tiếp tục nhận được tin từ việc tháo dỡ đống đổ nát trên các tòa nhà bị hư hại bởi cuộc tấn công ngày hôm qua. Số người chết hiện đã lên tới 14 người “.

Mạc Tư Khoa đã tiến hành một loạt vụ tấn công bằng hỏa tiễn gây tử vong vào thành phố Zaporizhzhia, chỉ vài giờ sau khi Điện Cẩm Linh ký sắc lệnh chính thức tịch thu một nhà máy điện hạt nhân lớn gần đó.

Thành phố Zaporizhzhia không xa chiến tuyến của cuộc xung đột. Mặc dù thành phố nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, khoảng 75% diện tích Zaporizhzhia lớn hơn bị quân Nga chiếm đóng.

Khu vực đó là một trong bốn lãnh thổ Ukraine mà Nga đang tuyên bố sáp nhập bất chấp luật pháp quốc tế.

7. Pháp công bố quỹ 98 triệu USD cho phép Ukraine trực tiếp mua viện trợ quân sự

Pháp đã công bố một quỹ trị giá 98 triệu USD hay 100 triệu euro cho phép Ukraine trực tiếp mua viện trợ quân sự từ các nhà sản xuất của Pháp.

Phát biểu trong một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh không chính thức của các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu tại Praha, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết quỹ sẽ “cho phép Ukraine mua trực tiếp từ các nhà sản xuất của chúng tôi những thiết bị cần thiết nhất để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh và khả năng chống lại các cuộc tấn công của Nga. “

Điều này diễn ra sau nhận xét của Macron trong một cuộc họp báo vào tối thứ Năm, cho thấy ông cam kết gửi thêm xe pháo CAESAR của Pháp tới Ukraine.

Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu, Macron cũng đưa ra thông điệp thận trọng khi nói đến các mối đe dọa từ Nga về một cuộc xung đột hạt nhân tiềm tàng.

Khi được hỏi liệu ông có chia sẻ quan điểm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã cảnh báo về một vụ “Armageddon” hạt nhân để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân của Putin hay không, Macron trả lời: “Tất cả chúng ta phải rất cẩn thận về điều này.”

Tổng thống Pháp kêu gọi “giảm leo thang nhanh nhất có thể” được thực hiện theo “các điều kiện có thể chấp nhận được đối với các nhà lãnh đạo Ukraine và người dân Ukraine.”

8. Các nhà chức trách Thụy Điển đã đưa ra kết luận về “vụ nổ” gây ra thiệt hại cho đường ống Nord Stream

Bộ trưởng Nội Vụ Thụy Điển Morgan Johansson xác nhận “các vụ nổ” là nguồn gốc gây ra thiệt hại cho cả hai đường ống Nord Stream, sau khi kết thúc cuộc điều tra hiện trường vụ án về rò rỉ khí đốt được phát hiện hơn một tuần trước.

Hôm thứ Năm, ông cho biết các vụ nổ đã gây ra “thiệt hại lớn” cho các đường ống dẫn trong khu kinh tế Thụy Điển, đồng thời cho biết thêm rằng cuộc điều tra của cảnh sát đã củng cố “những nghi ngờ về sự phá hoại tổng thể”.

Tin tức về vụ rò rỉ đã làm dấy lên sự phẫn nộ trong một số nhà lãnh đạo Âu Châu, những người cho rằng nguyên nhân có thể là do phá hoại. Vào thời điểm đó, Tổng thống Joe Biden gọi vụ rò rỉ đường ống Nord Stream là “hành động phá hoại có chủ ý”, mặc dù ông đã không cáo buộc trực tiếp Mạc Tư Khoa về vụ rò rỉ này.

Nga, nước đã xây dựng mạng lưới, cũng không loại trừ điều đó.

Tại sao điều này lại quan trọng? Cả hai đường ống đều là tiêu điểm trong cuộc chiến năng lượng leo thang giữa các thủ đô Âu Châu và Mạc Tư Khoa, vốn đã gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế lớn của phương Tây, khiến giá khí đốt tăng vọt và gây ra một cuộc săn lùng các nguồn cung cấp năng lượng thay thế.

Theo cảnh sát Thụy Điển, “một số vụ tịch thu” cũng đã được thực hiện như một phần của cuộc điều tra và hiện đang được xem xét và phân tích.

Một cuộc điều tra tiếp tục cũng sẽ cho thấy liệu “một người nào đó có thể bị nghi ngờ và sau đó bị truy tố hay không” tuyên bố của cảnh sát cho biết.

Sau khi kết thúc cuộc điều tra, các dây quấn quanh hiện trường đã được dỡ bỏ.

9. Hơn 500 thi thể dân thường được tìm thấy ở Kharkiv

Hơn 500 thi thể dân thường đã được khai quật trên khắp khu vực Kharkiv kể từ đầu tháng 9, một quan chức Ukraine cho biết.

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm, Serhii Bolvinov, người đứng đầu bộ phận điều tra của cảnh sát Kharkiv, cho biết 534 thi thể dân thường, bao gồm 19 trẻ em, đã được khai quật tại các khu vực giải phóng của Kharkiv kể từ ngày 7/9.

Nhiều người trong số những thi thể đó được vớt lên, 477, đến từ khu chôn cất tập thể ở thành phố Izium đã được giải phóng.

Cảnh sát cũng đã tìm thấy 22 địa điểm mà họ tin rằng đã được sử dụng như các phòng tra tấn ở các vùng tạm chiếm, Bolvinov nói.

Ông nói thêm, có một số trung tâm giam giữ thường dân và tù binh ở hầu hết các thành phố lớn do Nga quản lý.

“Các đơn vị của Nga đã thiết lập những nơi giam giữ thường dân và tù nhân chiến tranh ở hầu hết các khu định cư nơi họ chiếm được”.

Ông nói thêm rằng các kỹ thuật tra tấn phổ biến nhất là cho điện giật và đánh đập nghiêm trọng bằng gậy và các đồ vật khác dựa trên lời kể của nhân chứng. Có những trường hợp đóng đinh và sử dụng mặt nạ phòng độc để hạn chế hô hấp, Bolvinov nói.

Bolvinov cho biết, cảnh sát cũng đang điều tra các báo cáo cho thấy lính Nga đặt trụ sở tại một ngôi nhà riêng ở làng Pisky-Radkivski, phía đông Izium. Ông cho biết các nhân chứng đã nghe thấy tiếng la hét và cầu cứu từ tầng hầm của ngôi nhà.

Báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc điều tra tội ác chiến tranh đang diễn ra tại các khu vực của Ukraine đã được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Nga kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu.
 
Tội phạm chuyển sang dùng công nghệ thông tin. Nhân quyền tồi tệ hơn trong các vùng bị Nga sáp nhập
VietCatholic Media
05:20 08/10/2022


1. Lo âu vì số sinh viên thần học tại Áo giảm sút

Số sinh viên của các khoa thần học tại các đại học Nhà nước ở Áo tiếp tục giảm sút.

Tại Áo cũng như tại Đức, ngoài các linh mục và tu sĩ, cũng có nhiều giáo dân học thần học để có thể hành nghề trong ngành giảng huấn hoặc trở thành các nhân viên của Giáo Hội Công Giáo hoặc Tin lành.

Trong bản tin truyền đi ngày 03 tháng Mười vừa qua, hãng tin Công Giáo Kathpress cho biết phân khoa thần học ở Đại học Innsbruck có 182 sinh viên ban thần học, nhưng năm ngoái chỉ còn 98. Tại đại học Salzburg, con số này giảm từ 177 xuống còn 87 sinh viên. Tại khoa thần học ở Đại học Vienne, sự giảm sút quá gấp đôi từ 601 xuống còn 286 sinh viên.

Theo giáo sư thần học mục vụ Johann Pock, Khoa trưởng Khoa thần học Công Giáo ở Đại học Vienne, có nhiều lý do giải thích hiện tượng trên đây: một đàng, có nhiều cấp độ khác biệt trong các môn học, và đàng khác, Giáo hội không còn là một “chủ nhân hấp dẫn trong công ăn việc làm đối với nhiều người”. Ngày nay, các sinh viên có thể chọn lựa nhiều môn học hơn, từ đạo đức học cho tới các môn học tôn giáo. Ngoài ra, những vụ xì-căng-đan giáo sĩ lạm dụng tính dục cũng góp phần làm cho Giáo hội trở nên bớt sức thu hút đối với các sinh viên. Thêm vào đó, trong thời gian gần đây, chính các đại học cũng thiếu các chuyên gia thần học.

Tuy nhiên, có một luật trừ: Đại học Thánh Giá của dòng Xitô, gần thủ đô Vienne, với khoa triết và thần học Biển Đức XVI, có số sinh viên gia tăng và hiện có 331 sinh viên, trong đó có 286 sinh viên học về thần học chuyên môn, trong số này có 177 chủng sinh và tu sinh, phần lớn họ đến từ Đức và Áo. Đây là một sự gia tăng đáng kể, vì 10 năm trước đây, trong Đại học Thánh Giá các khoa ứng dụng chỉ có 235 sinh viên.

Theo giáo sư Pock, sự gia tăng số sinh viên tại đại học này là vì phương thức thần học được giảng dạy tại đó: nghĩa là can dự nhiều vào đời sống tôn giáo, đặc biệt có sức thu hút trong viễn tượng linh mục”.

2. Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo rằng việc Nga tuyên bố sáp nhập lãnh thổ Ukraine có thể làm trầm trọng thêm tình trạng vi phạm nhân quyền trong khu vực

Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Ba rằng việc Nga tuyên bố sáp nhập lãnh thổ Ukraine sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng vi phạm nhân quyền. Cơ quan này cho biết như trên khi nêu ra “sự đau khổ và tàn phá không thể kể xiết” đối với người dân Ukraine.

Christian Salazar Volkmann, đã trình bày báo cáo về các quyền ở Ukraine cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva, cho biết các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận “một loạt các vi phạm quyền sống, quyền tự do và an ninh”.

“Cuộc tấn công vũ trang quy mô rộng của Liên bang Nga đã dẫn đến tình trạng nhân quyền nghiêm trọng trên khắp Ukraine”, người đứng đầu các hoạt động thực địa của văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết.

“Người dân ở Ukraine đã trải qua những đau khổ và tàn phá không thể kể xiết.”

Ông cho biết Phái bộ Giám sát Nhân quyền của văn phòng, đã có mặt tại Ukraine từ năm 2014, đã ghi nhận 6.114 dân thường thiệt mạng kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2, nhấn mạnh mặc dù “các số liệu thực tế có thể cao hơn đáng kể”.

3. Tòa Thánh kêu gọi chống sử dụng công nghệ thông tin cho các mục đích tội phạm

Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia, cổ võ việc tiến tới một hiệp ước quốc tế toàn diện chống việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào các mục đích tội phạm.

Trong bài tham luận ngày 03 tháng Mười vừa qua, tại Ủy ban thứ ba thuộc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đang tiến hành tại New York, Đức Tổng Giám Mục Caccia, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh nhận định rằng sự phát triển công nghệ truyền thông và thông tin đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội nhưng trong tư cách là dụng cụ, các công nghệ này không luôn luôn trung lập. Các công nghệ ấy có thể bị sử dụng để tạo nên nhiều tội ác, ảnh hưởng tai hại đến hòa bình, các quyền con người và sự phát triển con người toàn diện.

Phái đoàn Tòa Thánh đặc biệt tố giác nạn lạm dụng các công nghệ đó vào việc sản xuất, phổ biến và tiêu thụ các tài liệu dâm ô trẻ em, và những hình thức khác trong việc bóc lột tính dục trẻ em, vi phạm phẩm giá nội tại của các em. Hơn nữa, các công nghệ đó còn làm cho nạn bóc lột và lạm dụng trẻ em vượt lên trên các biên giới, vượt xa những cố gắng và tài nguyên của các tổ chức và các cơ quan an ninh có nhiệm vụ bài trừ những lạm dụng ấy.

Thêm vào đó những tổ chức khủng bố có thể lạm dụng các công nghệ thông tin và truyền thông vào các mục tiêu tuyên truyền, tuyển mộ, quyên tiền, huấn luyện, chiến thuật, điều khiển và kiểm soát, cũng như các vụ tấn công mạng.

Vì thế, Đức Tổng Giám Mục Caccia nói: Điều thiết yếu là lật ngược những xu hướng vừa nói, đồng thời mọi luật lệ nhắm điều hành mục tiêu và sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông phải tôn trọng phẩm giá con người và các nhân quyền, kể cả quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo”.

Do đó, Phái đoàn Tòa Thánh ủng hộ việc soạn thảo một hiệp ước quốc tế toàn diện để chống lại nạn dùng các công nghệ thông tin và truyền thông vào các mục tiêu phạm pháp. Tuy đã có một số tổ chức quốc tế trong các lãnh vực này, nhưng cần có một Ủy ban đặc nhiệm, dựa trên sự dấn thân xây dựng và minh bạch của mọi phái đoàn nhắm chống lại các tội ác mạng. Giải quyết vấn đề này đòi phải có một sự đối thoại chân thành và trong sáng giữa các phái đoàn cổ võ sự đồng thuận.
 
Biến cố lớn: Cây cầu thiết yếu nối Crimea với Nga bị nổ tung. Diều hâu Nga đòi tung hạt nhân trả đũa
VietCatholic Media
05:46 08/10/2022


Cây cầu quan trọng nối Crimea với Nga bị nổ tung, các nhịp cầu chìm dưới lòng biển sâu

Cây cầu Kerch từ Nga đến Crimea, một biểu tượng bị căm ghét liên quan đến chặt chẽ đến việc Nga chiếm đóng miền nam bán đảo Ukraine, và là một trong những công trình quan yếu của Vladimir Putin, đã bị nổ tung.

Hình ảnh từ cây cầu cho thấy ngọn lửa bùng cháy dữ dội nhấn chìm ít nhất 7 toa tàu của một đoàn tàu đang đi qua trên cầu, kèm theo cột khói đen mù mịt, và một nửa cầu đường bộ song song đổ sập xuống eo biển Kerch.

Vụ nổ, mà các nhân chứng cho biết có thể nghe thấy cách đó hàng dặm, xảy ra sau 6 giờ sáng hôm thứ Bảy theo giờ địa phương, tức là 10g sáng theo giờ Việt Nam, khi một đoàn tàu đang chạy qua cầu. Trong cuộc họp báo diễn ra sau đó vào lúc 11g sáng, Sergey Aksyonov, thống đốc Crimea cho rằng đó là một vụ đánh bom xe hơi tự sát. Tuy nhiên, trước đó, trên các kênh Telegram của các blogger quân sự Nga, người ta cho rằng một máy bay không người lái đã đâm vào đoàn tầu chở nhiên liệu từ Nga sang Crimea để tiếp tế cho tiền tuyến.

Thông tấn xã TASS của Nga dẫn nguồn từ ủy ban chống khủng bố quốc gia cho biết: “Hôm nay lúc 6 giờ 7 phút sáng trên đường giao thông đường bộ của cầu Crimea, một quả bom trên xe hơi đã phát nổ, thiêu rụi 7 tàu chở dầu đang được vận chuyển bằng đường sắt đến Crimea.”

Một số cảnh quay được chia sẻ trên các kênh Telegram của Nga và các hãng thông tấn cho thấy khoảnh khắc vụ nổ xảy ra với hai phương tiện, một xe tải và một xe hơi, ở trung tâm vụ nổ, mặc dù không rõ liệu có phải các xe này gây ra vụ nổ hay chính các phương tiện này chỉ tình cờ đi ngang qua và trở thành nạn nhân của vụ nổ chứ không phải là tác nhân gây ra vụ nổ. Người Ukraine không có lối tấn công bằng xe bom tự sát như những người Hồi Giáo ở Trung Đông. Cách giải thích của phía Nga có lẽ hơi lạ tai.

Cây cầu được xây dựng theo lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin và khánh thành vào năm 2018, là một kết nối giao thông quan trọng để vận chuyển thiết bị quân sự cho các binh sĩ Nga đang chiến đấu ở Ukraine, đặc biệt là ở phía nam, cũng như đưa quân đến đó.

Cho đến khi vụ nổ xảy ra, Nga đã duy trì cây cầu an toàn mặc dù có giao tranh ở Ukraine. Họ thường xuyên đe dọa Kyiv sẽ đáp trả nếu nó bị tấn công.

Mykhailo Podolyak, một cố vấn của tổng thống Ukraine cho biết: “Crimea, cây cầu, mới chỉ là bắt đầu. Mọi thứ bất hợp pháp phải bị tiêu hủy, mọi thứ trộm cắp phải được trả lại cho Ukraine, mọi thứ thuộc Nga chiếm đóng đều phải bị trục xuất”.

Ông Mykhailo Podolyak dừng lại ở đó và không nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova lên tiếng cho rằng “Vụ tấn công cầu Crimea cho thấy bản chất khủng bố của nhà nước Ukraine.” Trong khi đó, một số nhà tuyên truyền người Nga cho rằng phải tấn công ngay bằng vũ khí hạt nhân trước khi quá muộn.

Thiệt hại đối với phần đường của cây cầu cho thấy đường xe dường như đã bị cắt đứt hoàn toàn mà không có dấu hiệu rõ ràng của một cuộc tấn công hỏa tiễn trong những hình ảnh đầu tiên, khiến một số người cho rằng cuộc tấn công vào cây cầu có thể là một hành động phá hoại ngoạn mục từ máy bay không người lái. Sức nổ của các toa xe chở dầu có lẽ là yếu tố chính gây ra thiệt hại nặng nề.

Đoạn video đang được chia sẻ trên các kênh Telegram của Nga cho thấy một chiếc xe tải ở tâm vụ nổ nhưng không rõ liệu chiếc xe tải tự phát nổ hay bị cuốn vào vụ nổ.

Cây cầu vừa mang tính biểu tượng cao đối với Nga, vừa là tuyến đường cung cấp hậu cần quan trọng cho các lực lượng Nga ở Crimea và miền nam Ukraine do Nga chiếm đóng. Đặc biệt thiệt hại đối với tuyến đường sắt khiến lực lượng Nga ở phía nam chỉ còn một tuyến đường sắt duy nhất - giữa Krasnodar và Melitopol. Đó là tuyến hiện nằm trong tầm tấn công của Ukraine.

Vụ nổ trên cầu xảy ra một ngày sau khi Putin đánh dấu sinh nhật lần thứ 70 của mình và trong bối cảnh Nga đang có nhiều chỉ trích về việc tiến hành cuộc chiến chống Ukraine sau một loạt thất bại ngày càng tàn khốc trên chiến trường trong những tuần gần đây.

Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, các cư dân ở Crimea đổ xô đến các trạm xăng vì lo lắng về tình trạng thiếu nhiên liệu.

Cũng giống như các vụ tấn công trước đây ở Crimea, các nguồn tin chính thức của Nga ban đầu vô cùng mơ hồ về nguyên nhân vụ nổ. Đầu tiên, thông tấn xã Tass, trích thuật Oleg Kryuchkov, cố vấn của người đứng đầu chiếm đóng Crimea của Nga nói rằng “Theo dữ liệu sơ bộ, một toa chở nhiên liệu đã bốc cháy tại một trong những đoạn của cầu Crimea, cây cầu không bị hư hại.”

Tuy nhiên, các videos cho thấy ngọn lửa bùng cháy dữ dội ở một số xe tải dọc theo chiều dài của đoàn tàu, trong khi đoàn tàu dừng lại đứng yên trên cầu.

Bình luận về vụ tấn công trong một chủ đề trên Twitter, các nhà phân tích và tướng Úc đã nghỉ hưu Mick Ryan nói: “Đầu tiên đánh sập cả một nhịp cầu như thế này sẽ tốn rất nhiều chất nổ và phải có một thiết kế phá hoại rất tốt. Là một đặc công, chúng tôi lên kế hoạch cho những việc này mọi lúc. Những cây cầu khó đánh sập nhất là những cây cầu có cấu trúc bê tông cốt thép như thế này”.

“Cần phải có cả tiểu đội công binh chiến đấu mới có thể vận chuyển số lượng chất nổ cần thiết. Một vài chiếc xe tải, hoặc hỏa tiễn hay bom có lẽ thực tế hơn, nếu nhắm vào đúng yếu điểm của nhịp cầu.”

“Dù bằng cách nào, nó cũng gây ra cho người Nga một vấn đề nghiêm trọng. Nó không thể chặn đứng việc tiếp tế cho Crimea vì còn có tàu thuyền và các tuyến đường bộ qua ngã Melitopol, nhưng nó khiến việc nắm giữ Melitopol thậm chí còn quan trọng hơn đối với người Nga”.

Nhịp đường sắt này là một phần của cặp cầu song song, bắc qua eo biển Kerch nối Krasnodar của Nga và Crimea, được Nga xây dựng sau cuộc xâm lược và sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Cây cầu đường bộ dài 19km được Putin khánh thành vào năm 2018, và cây cầu đường sắt được khánh thành sau đó hai năm.

Trong cuộc chiến kéo dài hơn 7 tháng qua ở Ukraine, Nga đã nhiều tháng cho rằng Crimea - bao gồm cả cầu Kerch - nằm ngoài khả năng tấn công của các lực lượng Ukraine. Tuy nhiên, trong hai tháng qua, một loạt vụ nổ đã tấn công các địa điểm ở Crimea, bao gồm cả căn cứ không quân hải quân Saky, trong bối cảnh Kyiv tin tưởng rằng họ có thể chiếm lại Crimea.

Vụ nổ cầu Crimea xảy ra chỉ vài giờ sau khi có các vụ nổ làm rung chuyển thành phố Kharkiv, miền đông Ukraine vào đầu ngày thứ Bảy, tạo ra những đám khói cao ngất trời và gây ra một loạt các vụ nổ thứ cấp.

Thị trưởng Kharkiv, Ihor Terekhov cho biết trên Telegram rằng các vụ nổ vào sáng sớm là kết quả của các cuộc tấn công hỏa tiễn vào trung tâm thành phố. Ông cho biết các vụ nổ đã châm ngòi cho đám cháy tại một trong những cơ sở y tế của thành phố và một tòa nhà công sở. Không có báo cáo về thương vong.
 
Vụ nổ cầu Crimea giáng đòn chí tử vào quân Nga ở Kherson. TT Zelenskiy cảnh báo nguy cơ hạt nhân
VietCatholic Media
14:52 08/10/2022


1. Zelenskiy cảnh báo: Người Nga đang chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết các quan chức Nga đã bắt đầu “chuẩn bị cho xã hội của họ” để có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, Zelenskiy nói:

Họ bắt đầu chuẩn bị xã hội của họ. Điều đó rất nguy hiểm. Họ chưa sẵn sàng tấn công hạt nhân ngay lúc này. Nhưng họ ráo riết bắt đầu. Họ vẫn chưa biết liệu họ sẽ sử dụng hay không sử dụng nó. Tôi nghĩ rằng thật nguy hiểm khi nói về hạt nhân.

Nhà lãnh đạo Ukraine phủ nhận đã kêu gọi không kích Nga, thay vào đó hối thúc áp đặt các biện pháp trừng phạt phủ đầu đối với Mạc Tư Khoa.

Trong một cuộc thảo luận với một tổ chức tư vấn của Úc vào thứ Năm, Zelenskiy nói rằng ông tin rằng các cuộc tấn công là cần thiết để ngăn chặn bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào.

Ông không nói chi tiết về loại cuộc tấn công mà ông muốn nhưng nhận xét của ông đã bị Điện Cẩm Linh cáo buộc là “lời kêu gọi bắt đầu một cuộc chiến tranh thế giới khác”.

Nói với BBC, Zelenskiy cho biết từ mà anh sử dụng trong tiếng Ukraine đã bị hiểu nhầm.

Ông nói:

Sau bản dịch đó, người Nga đã làm theo cách của họ, cách nó hữu ích cho họ và bắt đầu dịch lại nó theo các hướng khác.

Zelenskiy kêu gọi thế giới hành động ngay vì các mối đe dọa của Nga là “nguy cơ cho cả hành tinh”, nói thêm:

Tất cả những gì Putin sợ không phải là một cuộc tấn công hạt nhân. Ông ấy sợ xã hội của ông ta, người dân của ông ta.

Bởi vì chỉ có dân tộc này mới có thể thay thế ông ta, tước bỏ quyền lực của ông ta và trao nó cho một người khác.

2. Quân đội Nga bị giằng co giữa quyết định rút lui khỏi lưu vực Dnieper hoặc có nguy cơ bị cắt đứt

Trong bản báo cáo hôm thứ Sáu 7 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết đã có các tin tình báo cho thấy quân Nga trong vùng Kherson được yêu cầu không được rút lui vì một quyết định như thế sẽ có tác động tàn phá rất lớn về mặt chính trị. Tuy nhiên, trên quan điểm quân sự, họ không thể giữ được vùng này, tổn thất cho quân Nga sẽ rất lớn.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Troops Caught Between Retreat Over Dnieper or Risk Being Cut Off”, nghĩa là “Quân đội Nga bị giằng co giữa quyết định rút lui khỏi lưu vực Dnieper hoặc có nguy cơ bị cắt đứt”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các chỉ huy Nga đang chịu áp lực phải ở lại và bảo vệ một phần sông Dnepro ở khu vực Kherson, nơi cần thiết để tiếp tế cho quân đội của họ, theo các quan chức quốc phòng Anh.

Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Năm cho biết các đơn vị Ukraine đang tiến về phía nam và đã đẩy lùi phòng tuyến của Nga khoảng 12 dặm hay 20 km trong giai đoạn tấn công mới ở Kherson bắt đầu vào ngày 2 tháng 10.

Họ đã đạt được các chiến thắng dọc theo bờ đông của phụ lưu Inhulets và bờ tây của sông Dnepro nhưng vẫn chưa đe dọa được các vị trí phòng thủ chính của Nga.

Các quan chức quốc phòng cho biết: “Các lực lượng Nga thường mất liên lạc và rút lui, đồng thời kết luận rằng các chỉ huy Nga coi khu vực Nova Kakhovka” là một trong những mối quan tâm cấp bách nhất của họ”.

Cùng với việc có một nhà máy điện và đập thủy điện, Nova Kakhovka là vị trí bắt đầu của Kênh đào Bắc Crimea nơi đưa nước ngọt đến bán đảo mà Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014. Các quan chức phương Tây tuần này cho biết việc nắm quyền kiểm soát một trọng điểm như vậy sẽ là một cuộc đảo chính quan trọng của Ukraine đối với các lực lượng của Nga.

Các cây cầu bắt qua sông Dnepro ở khu vực này là một trong số ít các tuyến đường để Nga tiếp tế cho lực lượng của họ, nhưng chúng đã bị quân Ukraine làm hư hại.

Điều này có nghĩa là Nga phải đối mặt với “tình thế tiến thoái lưỡng nan” là bảo vệ bờ tây của Dnepro hoặc rút lực lượng chiến đấu qua sông để giúp họ bảo vệ phần còn lại của tỉnh Kherson. Tuy nhiên, “mệnh lệnh chính trị sẽ là cầm cự và bảo vệ.”

Nga đã đưa phần lớn “lực lượng lính dù” để bảo vệ Kherson, nhưng các lực lượng này đều hiếu quân số. Điều này cũng có nghĩa là Nga đang thiếu thêm các lực lượng thiện chiến có thể triển khai nhanh chóng nhằm ổn định mặt trận.

Trong đánh giá hàng ngày của mình, Bộ Quốc Phòng Anh đã nhấn mạnh những tổn thất của Nga và những thành công của Ukraine. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

Hôm thứ Ba, các lực lượng Ukraine đã giải phóng ngôi làng Davydiv Brid ở vùng Kherson, với một đoạn video do Bộ Quốc phòng Kyiv đăng tải về Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 35 của họ treo cờ Ukraine phía trên ngôi làng then chốt. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết một số ngôi làng bị chiếm đóng khác trong khu vực cũng đã được tái chiếm.

Kênh Telegram ủng hộ chiến tranh Starshe Eddy cho biết hôm thứ Ba rằng Nga đang đối mặt rõ ràng với một “cuộc khủng hoảng tác chiến” ở phía nam. “Những sai lầm của chúng ta là rõ ràng, và bây giờ, để sửa chữa chúng, bộ chỉ huy miền nam phải chuẩn bị các thành phố, Berislav, Novaya Kakhovka, và trên hết, Kherson trong việc phòng thủ.”

Thành phố Zaporizhzhia ở đông nam nước này đã bị hỏa tiễn Nga bắn trúng vào sáng sớm thứ Năm, khiến hai người thiệt mạng, Thống đốc khu vực Oleksandr Starukh cho biết như trên. Thành phố là địa điểm của một nhà máy điện hạt nhân và các cuộc xung đột gần đó đã làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân.

3. Ukraine cho biết trong số 180 thi thể được tìm thấy trong ngôi mộ tập thể ở Lyman có những trường hợp 'toàn bộ gia đình'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'Whole Families' Among 180 Bodies Found in Mass Grave in Lyman: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết trong số 180 thi thể được tìm thấy trong ngôi mộ tập thể ở Lyman có những trường hợp 'toàn bộ gia đình'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các quan chức Ukraine nói rằng ít nhất đã tìm thấy 180 thi thể, bao gồm cả những trường hợp “toàn bộ gia đình” có con nhỏ, đã được phát hiện trong một ngôi mộ tập thể ở Lyman chưa đầy một tuần sau khi quân đội giành lại thành phố trước đây do Nga chiếm đóng.

Yevhen Zhukov, người đứng đầu bộ phận tuần tra của Cảnh sát Quốc gia Ukraine, đã thông báo phát hiện này vào hôm thứ Sáu.

Zhukov cho biết một ngôi mộ tập thể “trong đó 180 người được chôn cất” đã được phát hiện ở “Lyman vừa được giải phóng”, và nói thêm rằng có những trh trường hợp “cả gia đình nằm trong những ngôi mộ tập thể”, bao gồm cả “những đứa trẻ chỉ mới sinh trong các năm từ 2019 đến 2021”.

Quân đội Ukraine tái chiếm Lyman, một thành phố chiến lược quan trọng ở vùng Donetsk, miền Đông Ukraine, chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng khu vực này là một trong bốn thành phố bị sáp nhập vào Nga vào tuần trước.

Pavlo Kyrylenko, thống đốc Donetsk, cho biết hôm thứ Sáu rằng “khoảng hai trăm” người đã được phát hiện trong một khu mộ tập thể chứa hài cốt của thường dân ở Lyman, đồng thời cảnh báo rằng các quan chức vẫn đang làm việc để xác định số lượng thi thể cuối cùng và nguyên nhân cái chết của họ.

Kyrylenko nói rằng một khu chôn cất hàng loạt thứ hai vừa được tìm thấy ở Lyman có thể chứa thi thể của “cả quân đội và dân thường”. Số lượng thi thể được chôn cất ở địa điểm thứ hai vẫn chưa được xác định.

Ông cũng nói rằng thi thể của 21 thường dân đã được chôn cất lại tại một nghĩa trang thành phố ở Svyatogorsk, cách Lyman khoảng 15 dặm về phía tây bắc.

Kyrylenko nói: “Đây là những thường dân đã chết trong quá trình chiếm đóng thành phố. “Những người chết được chôn ven đường và trong sân vườn... Cầu mong họ được yên nghỉ - người Nga sẽ bị trừng phạt cho mọi hành vi tàn phá, cắt xẻo và lấy đi mạng sống của con người.”

Các quan chức Ukraine cho biết đã tìm thấy một số khu chôn cất hàng loạt khác ở các vùng khác nhau của đất nước đã được tái chiếm từ quân xâm lược Nga.

Serhii Bolvinov, trưởng phòng điều tra của cảnh sát khu vực vùng Kharkiv, cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng hơn 500 thi thể đã được phát hiện tại các khu vực vừa được giải phóng của Kharkiv kể từ đầu tháng 9.

Ít nhất 477 thi thể đã được phát hiện trong một cuộc chôn cất hàng loạt ở thành phố Izium sau khi lực lượng Nga bị đánh đuổi khỏi khu vực trong cuộc phản công của Ukraine vào tháng trước. Các quan chức Ukraine cũng được cho là đã phát hiện ra 22 địa điểm tra tấn của Nga trong khu vực.

Bolvinov cho biết: “Các đơn vị Nga đã thiết lập những nơi giam giữ thường dân và tù nhân chiến tranh như vậy ở hầu hết các khu định cư nơi họ đóng quân, đồng thời nói thêm rằng những người bị tra tấn phải chịu đánh đập, điện giật, cắt bỏ tay chân và hạn chế hô hấp.

Liên Hiệp Quốc ước tính đã có 14,059 dân thường thiệt mạng hoặc bị thương ở Ukraine kể từ khi Nga xâm lược ngày 24 tháng 2, với ít nhất 5,767 người chết. Nhiều người trong số các thi thể đã được chôn trong các ngôi mộ tập thể. Các chuyên gia đã nói rằng việc xác định tất cả những hài cốt có thể mất “nhiều năm”.

Newsweek đã liên hệ với chính phủ Nga và Viện nghiên cứu chiến tranh để đưa ra bình luận.

4. Nga cho rằng liên hệ với Mỹ còn tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba

Trong đánh giá rõ ràng nhất của mình, Tổng thống Mỹ nói rằng thế giới đang ở gần bờ vực thảm họa hạt nhân nhất trong 60 năm qua. Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo thế giới có thể phải đối mặt với “Armageddon” nếu Vladimir Putin sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để cố gắng giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine.

Theo Sách Khải Huyền trong Tân Ước, Armageddon là vị trí được tiên tri là nơi tập hợp quân đội cho một trận chiến trong thời kỳ cuối cùng. Thuật ngữ này cũng được sử dụng theo nghĩa chung để chỉ bất kỳ kịch bản nào của ngày tận thế.

Phía Nga đáp lại những nhận xét này ra sao? Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Says Situation With U.S. Is Much Worse Than Cuban Missile Crisis”, nghĩa là “Nga cho rằng liên hệ với Mỹ còn tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba”.

Một hãng thông tấn của chính phủ Nga cho biết hôm thứ Sáu rằng Washington so sánh lời đe dọa hạt nhân của Tổng thống Vladimir Putin với cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962 là “vô nghĩa”. Nhận xét này cho thấy tình hình của Nga với Mỹ còn tồi tệ hơn nhiều.

Người phụ trách chuyên mục Victoria Nikiforova của RIA Novosti đã đề cập trực tiếp đến một bài báo trên Newsweek dẫn lời một sĩ quan Ngũ Giác Đài nói rằng cuộc tấn công phủ đầu để giết nhà lãnh đạo Nga trong lòng Điện Cẩm Linh là một trong những phương án quân sự phi hạt nhân được Bộ Quốc phòng Mỹ xem xét để đáp trả các mối đe dọa hạt nhân của Nga.

Báo cáo của RIA Novosti cho biết: “Sau những tuyên bố như vậy từ các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, bất kỳ sự so sánh nào với cuộc khủng hoảng Caribe dường như chỉ là vô nghĩa. Có vẻ như chúng tôi đã vượt rất xa cuộc khủng hoảng này từ lâu”.

Nikiforova viết: “Chưa bao giờ trong Chiến tranh Lạnh, người Mỹ lại cho phép mình trơ trẽn đến mức âm mưu ám sát nhà lãnh đạo Liên Xô”.

Nó diễn ra sau khi tờ Newsweek ngày 29/9 đăng một bài báo nêu chi tiết các biện pháp mà quân đội Mỹ đang xem xét để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng của Nga.

Vào ngày 21 tháng 9, Putin nói trong một bài phát biểu trên truyền hình: “Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi bị đe dọa, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng tôi. Đây không phải là một trò đùa”.

Và vào ngày 30 tháng 9, trong một bài phát biểu khi ông tuyên bố sáp nhập bất hợp pháp 4 khu vực ở Ukraine, người đứng đầu Điện Cẩm Linh cho biết Nga sẽ sử dụng “tất cả các phương tiện hiện có” để bảo vệ các khu vực này. Ông Putin nói thêm rằng Washington đã “tạo tiền lệ” cho các cuộc tấn công hạt nhân bằng cách sử dụng vũ khí nguyên tử trong Thế chiến thứ hai.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng ông sẽ đáp trả “mạnh mẽ” bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của Nga, nhưng các thành viên của quân đội Mỹ đã nói chuyện với Newsweek cho biết họ đang xem xét “liệu các mối đe dọa phi hạt nhân khác có đủ mạnh để răn đe Putin hay không.”

Các nguồn tin quân sự cho biết “có những động thái tinh vi đang được thực hiện đối với các mối đe dọa hạt nhân, bao gồm di chuyển tàu ngầm và máy bay và các cuộc tập trận với máy bay ném bom B-52.”

Nhưng các nhà quân sự Mỹ cũng nói rằng việc sử dụng vũ khí thông thường và các hoạt động đặc biệt là “mặt trận và trung tâm”, bao gồm cả việc tấn công Putin ở Mạc Tư Khoa.

Hôm thứ Năm, ông Biden nhắc lại những lo ngại của mình về các mối đe dọa hạt nhân của Putin, đồng thời nói thêm rằng nguy cơ xảy ra vụ “Armageddon” hạt nhân đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba.

Năm 1962, Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Nikita Khrushchev, và Tổng thống Mỹ khi đó là John Kennedy, đã tiến gần đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân trước sự hiện diện của hỏa tiễn Liên Xô ở Cuba.

“Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba, chúng ta có một mối đe dọa trực tiếp đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nếu trên thực tế, mọi thứ vẫn tiếp tục theo con đường mà chúng đã đi”, Biden nói ở New York.

“Chúng ta đã không phải đối mặt với viễn cảnh Armageddon kể từ thời Kennedy và cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba,” tổng thống nói.

Biden nói thêm rằng Putin “không nói đùa khi nói về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí sinh học hoặc hóa học, bởi vì quân đội của ông ấy, có thể nói được, là hoạt động kém cỏi đáng kể”.

Newsweek đã liên hệ với Ngũ Giác Đài để đưa ra bình luận.

5. Ukraine gần với việc kiểm soát Crimea khi Mặt trận phía Nam của Nga sụp đổ

Trong khi quân Nga đang sụp đổ ở miền Nam Ukraine, nhiều chuyên gia tiên đoán về khả năng Ukraine có thể tái chiếm cả bán đảo Crimea.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Close to Controlling Crimea as Russia's Southern Front Collapses”, nghĩa là “Ukraine gần với việc kiểm soát Crimea khi Mặt trận phía Nam của Nga sụp đổ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Ánh Tuyết.

Các cuộc đột phá của lực lượng Kyiv chống lại quân đội Nga ở phía nam Ukraine, gần một điểm quan trọng cung cấp nước ngọt cho Crimea, đã khiến Mạc Tư Khoa có nguy cơ mất quyền kiểm soát bán đảo mà nước này đã sáp nhập vào năm 2014.

Blog quân sự, Military Land.net đã tweet trong tuần này rằng các lực lượng Ukraine đang tiếp tục tiến về phía nam trên hướng tới Nova Kakhovka sau khi chiếm lại một số khu định cư trong cuộc phản công tái chiếm thành phố Kherson.

Điều này đã được đăng lại bởi nhà báo Euan McDonald của New Voice of Ukraine, người đã viết rằng Nova Kakhovka là “một mục tiêu quan trọng vì nó nằm ở đầu con kênh cung cấp rất nhiều nước cho Crimea do Nga chiếm đóng của Ukraine”.

Cùng với việc có một nhà máy điện và đập thủy điện, Nova Kakhovka nằm ở hạ lưu nguồn nước bắt đầu từ Kênh đào Bắc Crimea, gọi tắt là NCC, dẫn nước ngọt đến Crimea. Các quan chức phương Tây đã nói rằng việc Ukraine nắm quyền kiểm soát mối quan hệ như vậy sẽ là một bước phát triển quan trọng trong chiến tranh.

“Tôi tin rằng các lực lượng Ukraine sẽ cố gắng ngăn chặn việc cung cấp nước ngọt từ NCC nếu họ kiểm soát được khu vực đó,” Alla Hurska, một nhà phân tích tại Jamestown Foundation, nói với Newsweek.

Cô cho biết kênh này hoạt động theo mùa, và chảy từ tháng 3 đến tháng 11, khi cần thiết phải đóng dòng nước để tránh các vấn đề kỹ thuật.

“Điều này thực sự quan trọng về mặt chiến lược. Tôi sẽ nói rằng họ sẽ có thể ngăn dòng chảy, “cô nói,” và trong trường hợp thành công hơn nữa ở Crimea, Ukraine sẽ cần phải kiểm tra và sửa chữa toàn bộ hệ thống của NCC trước khi cho phép cấp nước vào mùa xuân”, cô nói thêm.

Cho đến năm 2014, con kênh đã cung cấp cho bán đảo hơn 80% lượng nước tổng thể của nó, phần lớn được sử dụng cho nông nghiệp. Kể từ khi Mạc Tư Khoa sáp nhập Crimea, nguồn cung cấp nước của bán đảo chỉ phụ thuộc vào nguồn dự trữ nội bộ, nhưng chúng đang được chứng minh là không đủ.

Trong 8 năm qua, Crimea đã chứng kiến một làn sóng dân cư từ các khu vực khác của Nga cũng như việc thiết lập các căn cứ quân sự, điều này đã gây thêm áp lực lên việc tiêu thụ nước, Hurska nói.

Việc bảo đảm nguồn nước cho Crimea nằm trong kế hoạch 4 điểm do người sáng lập Tesla Elon Musk đề xuất, khiến Kyiv nổi giận vì đề xuất cho phép bán đảo này vẫn nằm trong sự kiểm soát của Nga để kết thúc chiến tranh.

Nova Kakhovka cũng có giá trị chiến lược đáng kể đối với nhiệm vụ tái chiếm vùng Kherson của Ukraine.

Một đoạn video được đăng trên Twitter hôm thứ Sáu bởi tài khoản Twitter War Translated cho thấy cựu chỉ huy Nga Igor Girkin nói rằng quân đội Ukraine đang áp sát Beryslav, điều này sẽ dẫn đến mối đe dọa đối với Nova Kakhovka.

Ông nói nếu các lực lượng Ukraine có thể vượt qua sông Dnipro, “việc giữ Kherson sẽ là vấn đề đáng bàn”. Trong khi đó, một nguồn tin quân sự Mỹ nói với The Telegraph rằng việc Ukraine tái chiếm Crimea là một “khả năng rất thực tế”.

Dionis Cenusa, một thành viên tham quan tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu, cho biết “còn quá sớm để tranh luận rằng những tiến bộ ở Kherson có phải là chiến lược hay không”.

Ông nói với Newsweek: “Lợi thế của Ukraine là cuộc phản công của họ đang diễn ra theo nhiều hướng, thúc đẩy người Nga đưa ra các quyết định chiến thuật về những thành phố ít chiến lược hơn mà họ nên rút lui để tồn tại”.

“Mỗi lần giành được lãnh thổ của Ukraine có vẻ như là một thất bại đáng kể đối với Nga vì nước này đang làm tổn thương tinh thần lực lượng quân sự và lực lượng tuyên truyền ủng hộ chiến tranh”.
 
Quá đáng: Đòi gặp ĐGH không được, nổi điên đập phá Bảo tàng viện Vatican. ĐHY Kurt Koch lên tiếng
VietCatholic Media
18:41 08/10/2022


1. Du khách 'muốn nhìn thấy Đức Giáo Hoàng' lại đập phá các bức tượng bán thân tại Bảo tàng Vatican

Một người đàn ông đến thăm viện bảo tàng Vatican ở Rôma hôm thứ Tư đã ném hai tượng bán thân Rôma cổ đại xuống đất, gây thiệt hại vừa phải cho các tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Theo một bài báo trên tờ Il Messdowro, một du khách trung niên người Mỹ đã yêu cầu được gặp Đức Giáo Hoàng và trở nên tức giận khi được thông báo rằng điều đó sẽ không thể thực hiện được. Sau đó, anh ta ném một bức tượng bán thân xuống đất và xô ngã một nhân viên trong khi cố gắng bỏ chạy.

Người đàn ông đã mua một vé vào Bảo tàng Chiaramonti của Vatican, nơi trưng bày các bức tượng bán thân.

Sau khi sự việc xảy ra, anh ta bị nhân viên bảo vệ khống chế và đưa về đồn cảnh sát để thẩm vấn.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, nói với các phóng viên: “Người kéo đổ các bức tượng đã bị hiến binh bắt giữ và giao cho chính quyền Ý.

Tờ Corriere Della Sera, nghĩa là Tin Chiều, đưa tin người đàn ông này từng bị buộc tội vì hành vi khiếm nhã nơi công cộng trong quá khứ.

Các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch bị hư hại đại diện cho “những nhân vật không tên tuổi” và là một phần của bộ sưu tập trong Bảo tàng Chiaramonti được tạo ra dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô Đệ Thất Chiaramonti, cai quản Giáo Hội từ 1800 đến 1823, bao gồm hơn 1,000 tượng bán thân, một số tượng khác và các quan tài từ thời Rôma cổ đại.

Tòa thánh nói với Corriere Della Sera rằng thiệt hại đối với tượng bán thân “không đáng kể, khuôn mặt không bị thiệt hại lớn, có lẽ một trong hai mẫu vật đã bị hư hại một phần mũi.”

Báo cáo cho biết các bức tượng bán thân đã được chuyển đến xưởng phục hồi đá cẩm thạch của Bảo tàng Vatican.

Elizabeth Lev, một nhà sử học nghệ thuật, người cung cấp các chuyến tham quan Bảo tàng Vatican, đã chia sẻ tin tức trên Twitter, lưu ý rằng, “Thật bi thảm, mùa du lịch hậu đại dịch đầu tiên của chúng ta đã bị hủy hoại bởi những khách du lịch vô trách nhiệm.”

Kể từ khi Ý mở cửa du lịch trở lại, nhiều lần du khách đã làm hỏng hoặc đặt các di tích lịch sử vào tình trạng nguy hiểm.

Đầu năm nay, ở Rôma và Pisa, khách du lịch đã đâm máy bay không người lái vào các tòa nhà thời Trung cổ. Và vào tháng 6, hai du khách đã đi xe tay ga của họ xuống Bậc thang Tây Ban Nha của Rome, gây thiệt hại trị giá 27,000 đô la.

Không có sự việc nào trong số này có thể so sánh với thời điểm vào tháng 5 năm 1972 khi một người đàn ông bước vào Đền Thờ Thánh Phêrô với một chiếc búa giấu trong áo khoác. Sau đó, ông ta đập vỡ bức tượng Pietà hay Đức Mẹ Sầu Bi của Michelangelo, làm hỏng cánh tay, mũi và mí mắt của Đức Mẹ. Tác phẩm điêu khắc thi thể Chúa Giêsu trong tay Mẹ Ngài đã được khôi phục và hiện trở lại Đền Thờ Thánh Phêrô, và được bảo vệ phía sau một tấm acrylic chống đạn.
Source:Religion News

2. Những người Nga bỏ trốn sang Kazakhstan đang gặp nhiều khó khăn

Reuters có một báo cáo về những vấn đề mà những người Nga phản đối cuộc chiến ở Ukraine hoặc sợ bị cử đi chiến đấu đã gặp phải khi chạy trốn sang Kazakhstan.

Họ phải lo lắng về tiền bạc, chi phí nhà ở tăng đột biến theo dòng người Nga, và việc làm khan hiếm cộng thêm với các áp lực từ gia đình ở quê nhà. Một số người thậm chí còn bị người thân buộc tội phản bội đất nước của họ.

Và quy mô của cuộc di cư đã làm dấy lên lo ngại từ một số người Kazakhstan, những người coi những người Nga là một gánh nặng kinh tế và thậm chí là một nguy cơ an ninh.

Giá thuê nhà đã tăng vọt ở Kazakhstan và các quốc gia Trung Á khác - cũng như Georgia, nơi một số chủ nhà đã bắt đầu thêm điều khoản “không có người Nga” vào quảng cáo cho thuê của họ.

Chính phủ Kazakhstan trong tuần này cho biết hơn 200,000 người Nga đã nhập cảnh vào nước này kể từ khi ông Putin tuyên bố lệnh động viên bán phần.

Ước tính có đến 147,000 người Nga sau đó đã rời đi.

Không có dữ liệu về các điểm đến cuối cùng của họ, mặc dù một số được cho là đã đến các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ lân cận.

Khoảng 77,000 người đã đăng ký vào hệ thống ID quốc gia của Kazakhstan, là một điều kiện tiên quyết để có được một công việc hoặc một tài khoản ngân hàng.

Chính phủ Uzbekistan hôm thứ Ba cho biết họ đang tăng cường kiểm soát biên giới, với các lực lượng bảo vệ biên giới tham gia kiểm tra phương tiện và hàng hóa cùng với các quan chức hải quan.

Một số doanh nghiệp Kazakhstan đã thông báo công khai các lời mời làm việc cho những người chạy trốn khỏi lệnh động viên của Putin, nhưng một số chủ nhân tuyên bố rõ ràng rằng họ chỉ muốn tuyển mộ những người dân tộc Kazakh.
Source:Reuters

3. Đức Hồng Y Kurt Koch tiếp Giám mục Georg Bätzing

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức đã gặp một Hồng Y của Vatican tại Rôma trong tuần này sau khi đưa ra yêu cầu phải xin lỗi và một lời đe dọa, nếu không sẽ “đệ đơn khiếu nại chính thức lên Đức Thánh Cha”.

Giám mục Georg Bätzing đã ngồi lại với Đức Hồng Y Kurt Koch vào ngày 4 tháng 10 để làm rõ về điều mà Đức Cha Bätzing gọi là “một cuộc tấn công hoàn toàn không thể chấp nhận được” của vị Hồng Y Vatican, người gốc Thụy Sĩ và là Tổng trưởng Bộ Cổ Vũ sự Hiệp nhất Kitô Hữu.

Cuộc trao đổi là kết quả của sự bất đồng về những nhận xét liên quan đến “Kitô hữu Đức”, hệ tư tưởng của Đức Quốc xã, và những tuyên bố thần học về một tài liệu quan trọng của Tiến Trình Công Nghị Đức.

Phát ngôn viên Matthias Kopp của Hội Đồng Giám Mục Đức cho biết hôm thứ Tư rằng:

“Đối với Đức Hồng Y Koch và Giám mục Bätzing, điều rõ ràng sau cuộc trò chuyện này là cuộc tranh luận thần học, mà Đức Hồng Y muốn đóng góp trong cuộc phỏng vấn, phải được tiếp tục”

Theo tuyên bố của hội đồng giám mục, vị Hồng Y Thụy Sĩ đã bảo đảm với vị giám mục Đức rằng ngài không có ý so sánh Tiến Trình Công Nghị Đức với cái gọi là phong trào 'Kitô hữu Đức' trong thời kỳ Đức Quốc xã.”

Tuy nhiên, khẳng định này không phải là mới, và cũng không phải là lời xin lỗi mà Giám Mục Bätzing yêu cầu.

Trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo Đức, Đức Hồng Y Koch - một nhà thần học có uy tín quốc tế - đã nói rằng ngài đã bị sốc rằng, trong tất cả mọi khía cạnh, Tiến Trình Công Nghị Đức đang nói về những nguồn mặc khải mới.

“Hiện tượng này đã tồn tại trong chế độ Quốc Xã, khi những người trong phong trào 'Kitô hữu Đức' nhìn thấy sự mặc khải mới của Chúa trong máu và đất và sự trỗi dậy của Hitler,” Đức Hồng Y Koch nói với tờ báo Công Giáo Die Tagespost.

Phong trào “Kitô hữu Đức” hay Deutsche Christen là một nhóm hoạt động mạnh dưới thời Đức Quốc xã muốn gắn Đạo Tin lành với Hệ tư tưởng Quốc xã phân biệt chủng tộc.

Ngược lại, phong trào Giáo Hội Tuyên Tín với Tuyên ngôn Thần học Barmen đã lên tiếng chống lại sự xuyên tạc như vậy đối với giáo huấn Kitô.

Tuyên bố năm 1934 cho biết ngay trong điều thứ nhất: “Giáo Hội, cùng với và ngoài những mạc khải của Kinh Thánh và Truyền Thống, có thể và nên sử dụng các sự kiện và lực lượng, số liệu và sự thật khác làm nền tảng cho việc rao giảng, nhận biết nơi chúng các đặc tính mạc khải của Thiên Chúa.”

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng đúng là “các dấu chỉ của thời đại phải được quan sát cẩn thận và xem xét một cách nghiêm túc. Nhưng chúng không phải là nguồn mạc khải mới. Trong ba giai đoạn của sự tin tưởng tri thức - nhìn thấy, phán đoán và hành động - các dấu chỉ của thời đại thuộc về việc nhìn thấy và không thể xem là các nguồn mạc khải.”

Ngài giải thích rằng có một mối nguy hiểm “rằng sự thật và tự do không còn được nhìn thấy cùng nhau nữa mà bị xé nát. Trong thần học Đức ngày nay có một khuynh hướng mạnh mẽ coi tự do là giá trị cao nhất của con người và từ đó phán xét điều gì vẫn có thể được coi là chân lý của đức tin và điều gì sẽ bị ném xuống biển”.

Đáp lại, Đức Cha Bätzing nói rằng những bình luận của Đức Hồng Y Koch là một “sai lầm hoàn toàn không thể chấp nhận được” yêu cầu Đức Hồng Y phải xin lỗi và phải xin lỗi ngay tức khắc.

Đức Hồng Y Kurt Koch, đã chỉ trích đường lối của Tiến Trình Công Nghị Đức “bởi vì các nguồn mạc khải mới do Tiến Trình Công Nghị Đức được chấp nhận ngoài những nguồn mạc khải của Kinh Thánh và truyền thống”.

Đức Hồng Y Koch chỉ ra rằng ngài còn lâu mới “đơn độc trong việc chỉ trích văn bản định hướng của Tiến Trình Công Nghị Đức. Vậy thì, bình luận phê bình của tôi không thể đơn giản là biểu hiện của một thần học hoàn toàn sai lầm.”

Con đường Thượng hội đồng - Synodaler Weg trong tiếng Đức, đôi khi được dịch là “Tiến Trình Công Nghị” - là một quá trình gây tranh cãi đã vấp phải sự chỉ trích liên tục từ các Hồng Y, giám mục và các thần học gia cả quốc tế và ở Đức.

Đức Hồng Y Walter Kasper, một nhà thần học người Đức được coi là thân cận với Giáo hoàng Phanxicô, vào tháng 6 năm 2022, cảnh báo rằng Tiến Trình Công Nghị Đức có nguy cơ “tự bẻ cổ mình” nếu không chú ý đến những phản đối của ngày càng nhiều của các giám mục trên thế giới.

Vào tháng 4, hơn 100 Hồng Y và giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã đưa ra một “bức thư ngỏ tình huynh đệ” cho các giám mục của Đức, cảnh báo rằng những thay đổi sâu rộng đối với giáo huấn của Giáo hội được ủng hộ bởi Tiến Trình Công Nghị Đức có thể dẫn đến ly giáo.

Vào tháng 3, một bức thư ngỏ từ các giám mục Bắc Âu bày tỏ sự lo ngại về tiến trình của Đức, và vào tháng 2, một bức thư nặng lời từ chủ tịch hội đồng giám mục Công Giáo Ba Lan đã nêu lên những lo ngại nghiêm trọng.

Giám mục Bätzing đã nhiều lần từ chối bất kỳ và tất cả các mối quan tâm, thay vào đó vào tháng Năm ông bày tỏ sự thất vọng đối với Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong phản ứng đầu tiên của mình trước những lời chỉ trích của Đức Hồng Y Koch, vị giám mục Đức nói rằng những lời của Hồng Y Koch tố cáo một nỗi sợ hãi rằng “một cái gì đó sẽ thay đổi.”

“Nhưng tôi hứa với ngài rằng: Điều gì đó sẽ thay đổi và ngay cả Hồng Y Koch cũng sẽ không thể ngăn chặn điều đó - chắc chắn không phải với những tuyên bố như vậy,” Bätzing nói thêm.
Source:Catholic News Agency