Ngày 09-10-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Y phục cưới của con luôn sẳn sàng
Lm Jude Siciliano OP
08:13 09/10/2008
CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN A

Isaia 25: 6-10; Tv: 23; Philiphê 4: 12-14, 19-20; Matthêu 22: 1-10

Anh chị em thân mến,

Chúa nhật hôm nay, thánh Mátthêu cho chúng ta một bài dụ ngôn có nhiều chi tiết thật rối rắm, và thậm chí có vẻ khích bác. Đó là dụ ngôn về một vua kia mở tiệc cưới cho con mình mà bị khách mời từ chối không đến dự. Chúng ta hãy xét lại câu chuyện, và có cảm nhận câu chuyện rất lung tung. Dụ ngôn sẽ cho chúng ta bài học theo diễn tiến của câu chuyện, và đó là lý do tại sao thánh Mátthêu lại ghi câu chuyện này vào Phúc âm.

Cách mời khách đến tiệc cưới thật là lạ lùng. Vua sai đầy tớ đi mời khách. Thử hỏi chúng ta có mời khách đến dự tiệc theo kiểu đó lần nào chưa? Chắc là chưa bao giờ. Do chúng ta không phải là người có quyền thế, hay là vua của một nước. Vua chúa một nước thường làm những việc khác thường. Và hãy xem lần thứ hai, vua ra lệnh đi mời những khách "đã được mời trước". Bấy giờ quan khách lại được báo tin là "bàn tiệc đã dọn xong" và họ được "mời đến dự tiệc cưới". "Nhưng quan khách không thèm quan tâm tới". Tôi biết có những người trẻ tuổi hay từ chối không dự tiệc, khi họ chưa biết những khách được mời là ai. Tuy nhiên, có nhiều người lớn tuổi cũng có tính cách như vậy. Vậy nên, trong tiệc cưới nói trên, các quan khách có tính cách như thế, hay vì lý do nào khác nên khi được mời lại từ chối chăng?

Những quan khách được mời có phải họ đã giởn mặt với vị vua kia không? Họ đã đưa lý do gì để không đến dự tiệc cưới? có phải đó là những lý do chính đáng như: Phải đi làm việc, vậy họ đã coi việc làm của họ trọng hơn việc dự tiệc cưới của hoàng tử. Làm sao để từ chối dự tiệc cưới của một vị vua? Do vì bạn không muốn, và nếu bạn được trịnh trọng mời dự thì bạn sẽ đến do bạn kính trọng đức vua của bạn. Chúng ta đều biết vì sao chúng ta phải đi dự tiệc: vì người chủ của mình hay do một người bạn mời. Vì thế, đối với bầy tôi của một vị vua, thì dự tiệc cưới là một việc chính trị phải làm. Trong câu chuyện trên, các quan khách "không đếm xỉa đến lời mời", chứng tỏ họ là những kẻ ngạo mạn, ngốc nghếch, có tính xúc phạm tới bề trên.

Trong xã hội thời Chúa Giêsu, làm tổn thương danh dự người khác trước quần chúng là một xúc phạm nặng nề. Và trong trường hợp này, những khách được mời mà từ chối thì thật là một sự xúc phạm lớn đối với nhà vua của họ. Thậm chí, có khách mời lại "bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết", thái độ đó là họ đã sỉ nhục chính đức vua của họ. Vị vua đó không thể để sự việc xảy ra như vậy, nên vì danh dự cho mình, ông đã ra lệnh "sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành trì của chúng". Rồi sau đó đức vua sẽ làm gì khi bàn tiệc đã dọn sẵn cho đám cưới của hoàng tử? Vua sẽ hủy bỏ danh sách những quan khách định mời.

Vua sai các đầy tớ "ra các ngã đường " nghĩa là đến các quảng trường, chợ... để "mời" những người chưa bao giờ được dự một tiệc lớn ở cung điện vua. Còn những người được mời lần đầu là những nhà kinh doanh, chủ điền, là những người từ chối lời mời. Hãy nghĩ xem những người được mời lần này "ở các nẻo đường, ở chợ" là ai? Có thể họ là người hành khất, người bán thịt, người bán dạo, đĩ điếm, thu thuế, trộm cướp, tàn tật, người bệnh hoạn v.v....Những người này khi họ biết có tiệc lớn như vậy họ không dại gì để từ chối.

Chúng ta ai cũng biết, sửa soạn một tiệc cưới phải tốn bao nhiêu thì giờ và tiền bạc, và chúng ta không phải ở hàng vua chúa. Hãy tưởng tượng các món cao lương mỹ vị và rượu ngon hảo hạng trên các bàn tiệc. Chắc chắn những món ăn uống đó đã được chọn lựa kỹ. Thử hỏi, những người được mời lần sau này có biết quý những thức ăn uống đó không? và biết cách dùng các thứ ấy không? Chắc là họ chưa biết. Họ là những người đói khát. Anh chị em có thể tưởng tượng cảnh xô đẩy nhau để vào dự tiệc, dành chổ ngồi, và dành đồ ăn thức uống hảo hạng. Trong suốt đời mình, họ chưa bao giờ có được một bữa tiệc lớn như vậy, và chắc sau này họ sẽ không bao giờ được mời như vậy nữa. Vì thế bằng mọi cách họ nhào vô để ăn uống một bữa hả hê. Thử hỏi những người thiếu ăn có biết cách dự tiệc như những người giàu có không? Nếu hôm nay chúng ta biết chúng ta cần những gì nơi bàn tiệc thánh, và chúng ta hiểu được ơn ích gì chúng ta sẽ lãnh nhận, chắc chúng ta sẽ dùng mọi cách để vui mừng "dự tiệc thánh" chung với nhau.

Bấy giờ vị vua "tiến vào quan sát khách dự tiệc". Họ không còn là những người ăn xin, đầu đường xó chợ, trộm cướp v.v...nữa. Họ là những "quan khách". Địa vị của họ đã được thay đổi. Nhưng họ không làm gì để được địa vị như thế cả. Họ được mời dự một bữa tiệc thịnh soạn mà họ không hề nghĩ là có thể được mời. Nơi đây, tôi lắng nghe Lời Chúa mời gọi đến sảnh tiệc, những lời nói râm ran, những lời ca tiếng hát, và có cả những tiếng cười của "quan khách".

Đến đây chúng ta thấy được một chi tiết rối rắm xuất hiện trong dụ ngôn, một chi tiết mà chúng ta ai cũng muốn cắt đi coi như chưa hề biết đến, vì nó thật khó chịu. Đó là chi tiết khi đức vua gặp một người trong số quan khách "không mặc y phục lễ cưới". Tôi ước gì thưa với đức vua, là Ngài vừa sai đầy tớ "ra các ngả đường, gặp ai cũng mời vào hết", thì làm sao những người đó ăn mặc chỉnh tề được? Thử hỏi làm sao họ có được quần áo chỉnh tề chứ? Rõ là vua không biết chuyện phải không?

Bài Phúc âm hôm nay có thể đọc đến hết câu 10 thôi. Và như thế có thể không đá động đến chi tiết rối rắm nói trên về người khách không mặc y phục cưới. Nhưng đôi khi, những chi tiết khó chịu trong các dụ ngôn lại là phần gây ảnh hưởng trên người nghe. Trong một lớp giáo lý chim non 6 tuổi, khi cô giáo đọc dụ ngôn này lên, và hỏi về người khách không mặc y phục cưới, có một em trả lời rằng "Khi đức vua muốn các quan khách ăn mặc chỉnh tề để dự tiệc cưới thì Ngài đã chuẩn bị y phục sẵn cho họ ở cửa vào". Câu trả lời này cũng hay đấy. Và đây cũng là câu trả lời của một nhà thần học đã đề nghị. Chúng ta được nhận lãnh những gì chúng ta cần mỗi khi chúng ta chấp nhận lời mời vào dự tiệc cưới. Anh chị em còn nhớ chuyện cô bé lọ lem không? Bà tiên đó không để cô bé đó phải chờ có áo đẹp để dự dạ vũ trong cung điện vua. Thánh Phaolô cũng nói lên ý đó trong thư gởi cho Philiphê. "Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Ki-tô Giê-su." (Phi.4:19)

Cộng đoàn của thánh Mátthêu gồm có người Do Thái và người ngoại trở lại. Đó là một sự pha trộn của Giáo hội thời sơ khai. Những Kitô hữu Do Thái chắc hẳn có để ý đến chuyện những quan khách đã bắt giữ, sĩ nhục và giết chết các đầy tớ của vua được xem như các ngôn sứ đã được gởi đến để mời gọi dân Chúa trở về và đã bị giết hại.

Cũng như những người ở các ngã đường đã được mời vào dự tiệc cưới, cộng đòan thánh Mátthêu có lẽ gồm đủ loại "người tốt và kẻ xấu". Vì thế, phần thứ hai của dụ ngôn có thể làm cho họ thắc mắc. Thử hỏi các thành phần trong cộng đòan làm sao thay đổi đời sống của họ để đáp lời mời dự tiệc cưới của Chúa? Họ có hiểu được ơn ích của lời mời gọi đó không? Thái độ của họ và hành vi của họ đối với những "quan khách" trong cộng đòan như thế nào? Nếu tất cả là quan khách và tất cả không ai xứng đáng được nhận lời mời gọi đầy ân sủng ấy, thì tại sao các Kitô hữu lại phân biệt nhau vì chủng tộc, vì địa vị, nguồn gốc, ngôn ngữ, vì kẻ đến trước người đến sau, vì kẻ ăn mặc sang trọng và người nghèo khó?

Nếu Anh chị em đã đọc hai thư thánh Phaolô gởi cho tín hữu Cô-rin-tô thì hẳn anh chị em đã hiểu những chia rẽ trong cộng đòan ở đó đã làm thánh Phaolô buồn phiền biết bao. Trong bữa Tiệc thánh, có những Kitô hữu Do Thái và người ngoại trở lại, có người giàu kẻ nghèo, có những góa phụ, mồ côi, người đau yếu và những người này đã đáp lời mời của Chúa Giêsu. Một cộng đòan gồm nhiều thành phần như vậy chắc có người sẽ khó chịu, nhất là những người chỉ biết đến người trong giới của mình thôi. Chính vì thế, trong thư, thánh Phaolô đã khuyên bảo nặng lời, và vì thế dụ ngôn hôm nay đã thách thức họ và gọi họ quay về cộng đòan của Chúa Giêsu.

Có người nói là không hiểu tại sao bạn của anh ta lại theo đạo Công giáo, một đạo "không có Lời Chúa và với Phụng vụ trống rỗng". Thật là một lời bình luận hơi khắc khe. Nhưng, từ sau Công Đồng Vatican II đã có những sửa đổi Phụng vụ, nhấn manh vào việc đọc và nghe Thánh Kinh. Thánh Kinh mở mắt chúng ta để biết sự quan trọng của việc thờ phượng Chúa và giúp chúng ta có ý thức khi thực hiện Phụng vụ, tránh những tập quán về Phụng vụ xưa cũ.

Nếu chúng ta đã quan trọng hóa Lời Chúa và đặt Lời Chúa vào đúng chổ của Phúc âm ngày hôm nay thì tại sao chúng ta có thể bỏ qua những người cùng chúng ta dự bàn Tiệc thánh hôm nay được? Chúng ta không nên xét đoán kẻ khác về lý do họ đi lễ, về cách ăn mặc, về những hoạt động của họ trong cộng đòan. Chúng ta hãy cùng họ thờ phượng Chúa, và cùng họ lắng nghe Lời Chúa. Chúng ta sẽ hết sức thực hiện Lời Chúa. Hãy để Thiên Chúa mời gọi những người ăn mặc y phục tiệc cưới vào dự tiệc.

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Mục sư Anh giáo trở về Giáo hội Công giáo
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
08:36 09/10/2008
MỤC SƯ ANH GIÁO TRỞ VỀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Rất nhiều người theo Đạo Công Giáo đạt đến niềm xác tín:

- Chính sức mạnh Trên Cao thúc đẩy họ trở về với Giáo Hội Công Giáo, chứ không phải tự sức riêng họ!

Đây cũng là trường hợp của tôi. Bởi vì, tôi hoàn toàn ý thức có tiếng nói bên trong, không ngừng thôi thúc tôi phải trở về với Giáo Hội Công Giáo.

Hôm nay - 40 năm sau ngày theo Đạo Công Giáo - tôi vẫn còn giữ nguyên vẹn niềm vui mỗi khi có dịp đề cập đến cuộc hoán cải của tôi. Tôi xin quả quyết:

- Có thế giới siêu nhiên mặc khải và nhắc nhở tôi không được từ chối việc tuân phục Giáo Hội Công Giáo.

Và kinh nghiệm của tôi không mang tính chất thuần túy chủ quan.

Lớn lên trong Giáo Hội Anh Giáo và được giáo dục bởi những người tốt lành và đạo đức, tôi sớm chú ý đến những vấn đề chính yếu gây tranh luận, đến các sự việc của Giáo Hội nói chung, đến lịch sử Giáo Hội và Phụng Vụ. Vấn đề muốn biết xem có thể mặc cho Giáo Hội Anh Giáo một hình thức mang vẻ “Công Giáo” nhiều hơn không, ám ảnh tôi rất nhiều. Tôi mất nhiều thời giờ cho vấn đề này. May mắn thay, các tìm hiểu này khơi động nơi tôi lòng yêu chuộng vẻ đẹp mà tôi không bao giờ đánh mất.

Tôi có Vú Nuôi mà tôi xem như người mẹ thứ hai. Vú sống trong gia đình tôi 50 năm trời và Vú rất thương yêu tôi. Vú có tâm hồn thật ”Công Giáo”, an bình, nghiêm chỉnh và luôn sẵn sàng thực hành hy sinh. Vú cầu nguyện không biết mỏi mệt. Tôi nhớ như in ngày tôi dõng dạc nói với Vú, câu nói nặng mùi “Anh Giáo”:

- Chúng ta cũng thế, chúng ta là tín hữu Công Giáo!

Vú điềm tĩnh trả lời:

- Mãi đến hôm nay con mới nhận thấy điều này sao?

Vú có lý khi nói với tôi như thế!

Tôi không biết lời nguyện cầu của Vú có ảnh hưởng nào trên con chiên lầm đường lạc lối là chính tôi? Chỉ có điều tôi biết chắc là cuộc sống của Vú lôi cuốn tôi rất nhiều. Tôi như còn trông thấy Vú ngồi ở cuối chiếc giường bé nhỏ của tôi và như còn nghe tiếng động nhè nhẹ các ngón tay Vú lướt trên các hạt chuỗi, miệng lâm râm lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ MARIA.

Mặc dầu còn trẻ, tôi đã là giảng sư cho một đại học tại Anh Quốc. Lúc đó tôi hoàn toàn đánh mất Đức Tin. Nhưng tôi có nhiều liên hệ với các nhân vật tôn giáo. Tôi có thể nói mình là bạn của một Giám Mục Anh Giáo. Nhà ngài luôn mở rộng cửa đón tiếp tôi. Vị Giám Mục là một học giả uyên thâm, từng dịch thuật các tác phẩm của một trong các Giáo Phụ. Từ lâu tôi vẫn xác tín:

- Thật ngớ ngẩn nếu cứ khăng khăng quả quyết Giáo Hội tại Anh vẫn luôn là Giáo Hội Công Giáo, y như trước thời cải cách vậy!

Sau khi lập gia đình, tôi tham khảo tất cả các sách báo viết về Anh Giáo. Một ngày, tôi viết cho người anh em họ là mục sư Anh Giáo:

- Tôi xác tín người nào tự xưng tín hữu Kitô thì đồng thời phải tuân phục Giáo Hội Công Giáo.

Thế nhưng tôi đặt vấn đề hoàn toàn trên phạm vi lý thuyết.

Không đầy một năm sau khi lập gia đình, hiền thê tôi đột ngột qua đời. Thế là tôi cứ quay cuồng trong đầu các sự kiện đã xảy ra. Tôi bắt đầu đặt lại vấn đề cuộc sống tuyệt đối. Tôi dồn trọn mọi câu hỏi vào chính bản thân:

- Tôi từ đâu đến? Rồi đi đâu? Tại sao tất cả mọi sự lại như thế? Trong cái hố sâu hỗn mang ấy, phải chăng có cái gì đó nâng đỡ con người, một mình đối diện với định mệnh???

Một điều rõ ràng đối với tôi: cuộc đời không thể chỉ thuần duy lý!

Tôi không thể biết lời cầu nguyện của bạn hữu ảnh hưởng trên tôi tới mức độ nào? Tôi chỉ biết một điều là suốt trong thời gian thử thách, tôi không

bao giờ tìm cách phản loạn, chống lại định mệnh hay nguyền rủa THIÊN CHÚA. Không! Không bao giờ! Sau này, khi tôi tâm sự điều ấy với một Linh Mục Công Giáo, vị này nói với tôi:

- Đây là một ơn rất lớn!

Có lẽ từ lâu tôi từng thâm tín:

- Chỉ mình Giáo Hội Công Giáo mới rao giảng một Kitô Giáo chân thật. Vậy thì, hãy gia nhập Giáo Hội Công Giáo!

Năm 1894, chính Đức Cha Fabre, Giám Mục Montréal (Canada) tiếp nhận tôi vào Giáo Hội Công Giáo cùng với ông Alexander, mục sư Anh Giáo.

Ông Alexander ở cùng nhà với tôi, kể từ khi tôi góa vợ. Ông là bạn chí thân vô cùng tuyệt diệu. Ông gia nhập Dòng Ba Phanxicô và trước khi qua đời, ông xin được đặt vào quan tài với chiếc áo dòng Ba Phanxicô. Ông có Đức Tin vững khắc. Sau khi trở lại Công Giáo, ông đốt tất cả các bài giảng ông soạn trong thời kỳ còn là mục sư Anh Giáo. Cuộc đời ông như được gồm tóm trong một tác động duy nhất:

- Tận hiến cho THIÊN CHÚA và cho anh chị em đồng loại.

Việc ông trở về với Giáo Hội Công Giáo có thể coi là phần thưởng của cuộc đời luôn cố gắng họa lại hình ảnh THIÊN CHÚA trong nét đẹp hoàn hảo nhất.

Về phần tôi, tôi ân hận mỗi ngày vì không thể nào quỳ gối, lột trần cái lạc giáo và áp chế của con người. Thiên nhiên và ơn thánh dạy chúng ta:

- Chân lý thì độc nhất. Luật Chúa thì bất biến. Giáo Hội Công Giáo gìn giữ Luật Chúa. Giáo Hội là Đức Chúa GIÊSU KITÔ hoặc không là gì cả.

Chứng từ của Giáo sư Stockley, từ mục sư Anh Giáo trở lại Công Giáo.

... Đức Chúa GIÊSU ngước mắt lên Trời và cầu nguyện rằng: ”Lạy CHA Chí Thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh CHA mà CHA đã ban cho Con, để họ nên MỘT như Chúng Ta. Khi còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ trong danh CHA mà CHA đã ban cho Con. . Con đã truyền lại cho họ Lời CHA và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin CHA cất họ khỏi thế gian, nhưng xin CHA gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như Con đây không thuộc về thế gian. Xin CHA lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời CHA là Sự Thật. Như CHA đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, Con xin thánh hiến chính mình Con, để nhờ Sự Thật, họ cũng được thánh hiến” (Gioan 17,11-19).

(”Stella Maris”, Mars/1997, n.302, trang 31-32)
 
Cần một tấm lòng
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
12:18 09/10/2008
CẦN MỘT TẤM LÒNG

( Chúa Nhật XXVIII TN A )

Một trong những cung cách giảng dạy của các danh sư là dùng các câu chuyện kể. Khi sinh thời, Chúa Giêsu cũng đã từng làm người kể chuyện. Cách kể chuyện của Chúa hẳn rất có duyên khiến cho đám đông thính giả say sưa nuốt từng lời, từng câu nói. Chúa Nhật XXVIII TN A này, Mẹ Hội Thánh cho chúng ta nghe lại câu chuyện Chúa Giêsu kể năm nào: “ Nước Trời giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho hoàng tử. Đến hẹn, vua sai gia nhân đi mời quan khách. Ngày xưa, đi dự tiệc cưới của hoàng cung có phải mang theo quà cáp hay phong bì chăng ? Ngày nay rất nhiều người cứ đến mùa cưới là như trong tư thế sẵn sàng đi trả nợ đời. Cứ mỗi tấm thiệp mời ăn cưới là một tờ giấy báo nợ không bằng. Tìm được cớ hợp lý để thoái thác tham dự một tiệc cưới kể như lập một chiến công, dù không trọn vẹn, vì cũng phải nhờ người gửi quà biếu, nhưng dẩu sao cũng tiết kiệm được một buổi công làm. Tuy nhiên hầu hết đây là những trường hợp “được hay bị mời”, kiểu phải đáp lễ, ít có liên hệ họ hàng hay thân thuộc.

Trở lại với câu chuyện dụ ngôn Chúa kể. Được vua mời dự tiệc cưới hoàng tử quả là một vinh dự to lớn mà nhiều người thời phong kiến hằng ước ao. Không chỉ vì mình được nhà vua sủng ái mà còn có nhiều vận hội lớn, mỗi khi được dịp vào hoàng cung, được dịp gặp gỡ bao vị quyền chức cao trọng. Hơn nữa, ngôn sứ Isaia đã minh nhiên nói rõ sự hào phóng của đức vua: Thịt thì béo, rượu thì ngon mà khỏi phải trả đồng nào ( x. Is 25,6; 55,1 ). Thế mà những người được mời lại nỡ tâm từ chối với những lý do không chút tương xứng: đi thăm nông trại, đi buôn bán. Có kẻ lại bắt đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết ! Không thể hình dung và cũng chẳng thể hiểu được.

Chuyện hình như không thể xảy ra trong đời thường thì lại rất có thể có trong đời sống đức tin, và thực sự đã hiển nhiên với lịch sử đoàn dân được tuyển chọn ngày xưa. Israel, họ được Thiên Chúa ưu ái mời gọi đến hưởng nhận bao ân phúc của Người. Chỉ là một dân nhỏ bé giữa các dân, họ chẳng có gì xứng đáng. Tất thảy chỉ vì tình Chúa bao la. Chúa sủng ái họ cách đặc biệt hơn các dân. Thế mà khi sai các đầy tớ là các sứ ngôn đến mời gọi thì họ lại chối từ và còn nhẫn tâm hãm hại các ngài. Chính sự vô tình và sự nhẫn tâm của họ đã kết án họ, đã loại họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Và rồi muôn dân khắp thiên hạ đã được mời vào dự tiệc của Thiên Chúa. Thiên hạ sẽ từ Đông chí Tây, từ Bắc chí Nam đến dự tiệc Nước Thiên Chúa, còn con cái trong nhà sẽ bị loại ra ngoài. Người ta bị loại chỉ vì thiếu một tấm lòng.

Chúa Giêsu kể thêm một câu chuyện khác cũng về tiệc cưới của hoàng tử. Khi đức vua vào phòng tiệc thì thấy một người không mặc y phục lễ cưới. Đi dự một đám cưới mà trên người chỉ có chiếc “may – ô” và cái quần cộc hay với bộ đồ đen của “đám tang” thì quả là xấc xược với đôi tân hôn, với chủ tiệc và với cả quan khách. Lại còn ương ngạnh, không thèm trả lời khi được chất vấn, thì quả là người chẳng coi ai ra gì, đúng hơn là chẳng biết nghĩ đến kẻ khác. Đi dự một lễ hội, tiệc tùng hay đình đám thì chuyện mặc y phục gì, kiểu dáng ra sao, màu sắc thế nào…không nguyên là để làm đẹp bản thân mà tiên vàn là để tôn trọng chủ nhà, tôn trọng nội dung, bầu khí buổi lễ, buổi tiệc…Đã là người biết nghĩ, thì không ai ăn mặc hở hang, lòe loẹt đi dự đám tang và cũng chẳng có ai mặc toàn màu đen đi dự đám cưới.

Nguời không biết nghĩ đến kẻ khác thì không xứng đáng dự tiệc nước trời, vương quốc của tình yêu. Vào đạo, gia nhập Hội Thánh…mà chỉ biết lo cho bản thân mà thôi, cho dù là phần rỗi linh hồn mình, thì không xứng đáng lãnh nhận ân tình của Chúa. Chốn khóc lóc và nghiến răng là nơi dành cho những kẻ chỉ biết sống cho riêng mình.

Được làm con cái Chúa thì phải lấy danh Chúa làm trọng. Nguyện xin cho danh Cha cả sáng. Được làm tín hữu trong Hội Thánh thì phải mến yêu người mẹ sinh ta trong đức tin. Xin gìn giữ Hội Thánh Chúa trong chân lý và binh an. Được làm con dân nước Việt thì phải đồng hành với dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Xin cho quê hương được thái bình thịnh vượng trong công lý. Những lời cầu xin cũng là những ý chỉ định hướng cuộc đời ta, hành vi của ta.

Những ngày vừa qua, truyền thông đại chúng nước nhà đất Việt chúng ta đã dùng xảo kế làm méo mó chân dung một vài đấng bậc trong Hội Thánh, gieo rắc ác cảm nơi tâm hồn nhiều bà con lương dân và khác đạo. Chính quyền Hà Nội lại còn dùng bạo lực đối xử cách bất công với nhiều tín hữu Công giáo. Là người đang cùng chung bữa căn nhà Hội Thánh, chúng ta hẳn đau xót cách này cách khác. Thế nhưng, sau một vài ngày, một vài tuần, lòng ta có lại dửng dưng như chưa có chuyện gì xảy ra ? Hy vọng rằng sẽ chẳng có ai tự bằng lòng với một vài lời kinh hiệp thông cầu nguyện để che dấu tấm lòng ích kỷ chỉ lo cho riêng mình, sợ bị phiền toái, sợ bị bách hại hay sợ ảnh hưởng đến đường thăng tiến tương lai.

Trước tình cảnh đất nước nhiễu nhương vì nạn tham nhũng, gian dối, bạo lực, bất công… là đồng bào, là người con cùng một dạ mẹ tổ quốc, chúng ta có dừng lại ở một vài xuýt xoa, than thở, tán gấu vĩa hè…để rồi phủi tay xem như chuyện của người khác phải lo, phải liệu, chứ không phải của tôi ? Hy vọng rằng sẽ chẳng có ai đóng khung các mối lo toan bằng vòng tay của bản thân hay các cánh cửa gia đình riêng mình.

Lạy Chúa xin cho chúng con có một tấm lòng.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:18 09/10/2008
ĐÓNG KÍN

N2T


Một người vừa bị người yêu cho cắm sừng, nói: “Tôi đã một lần đau khổ vì thất tình, tôi tuyệt đối không yêu lần nữa.”

Đại sư nói: “Con giống như con mèo ngồi trên bếp lò, bị nóng qua một lần thì không dám ngồi lên đó lần thứ hai.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Con chim suýt mất mạng vì con rắn, cho nên hể thấy vật gì dài dài thì cứ tưởng là con rắn nên sợ hãi; con mèo ngồi trên bếp lò bị nóng thì lần sau không dám ngồi lên bếp lò nữa, dù cho bếp lò không có lửa. Có những anh chàng khi đã bị thất tình một lần rồi thì chán ngán, và thề hứa sẽ không bao giờ yêu nữa, ha ha ha thật tội nghiệp cho họ, bởi vì:

Trên vũ trụ có trăm ngàn gái đẹp,

em tưởng rằng em đẹp lắm hay sao ?”


Tình yêu có thể nằm ngủ trong một thời gian dài và khi gặp mùa xuân yêu thương thì bừng tỉnh, thế là dù súng bắn bên tai cũng không sợ, vẫn cứ yêu như thường; tình yêu có thể vì sợ hãi bởi cuộc tình gian dối trước đó, nên “trốn” trong một thời gian, nhưng nỗi đau khổ nào cũng qua đi, và theo thời gian tình yêu cũng sẽ xuất đầu lộ diện, và càng mạnh mẽ hơn nữa.

Tình yêu giữa con người với nhau thì sẽ đau khổ nhiều hơn là hạnh phúc, nhiều lo sợ hơn là bình an, nếu tình yêu của họ không kết hợp với tình yêu của Chúa Giê-su, Đấng là nguồn mạch của tình yêu.

Thất bại trong tình yêu không có nghĩa là giết chết con tim của mình hoặc đóng kín cửa lòng mình, nhưng là làm cho con tim cứng cáp hơn, mạnh khỏe hơn và trưởng thành hơn.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:19 09/10/2008
N2T


10. Cầu nguyện nhờ ân sủng mà hoàn thành, không nên dùng lời nói phỉnh phờ mà cầu nguyện.

(Thánh John Sanctos)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phiên họp đầu tiên của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 12
LM Trần Đức Anh, OP
01:07 09/10/2008
Phiên họp đầu tiên của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 12

3 năm sau THĐGM thế giới thứ 11 về bí tích Thánh Thể, Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 12 về ”Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội” đã được ĐTC Biển Đức 16 long trọng khai mạc qua thánh lễ đồng tế với các nghị phụ sáng chúa nhật 5-10-2008 tại Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành ở Roma.

Sáng thứ hai 6-10-2008, toàn thể các nghị phụ, các dự thính viên và chuyên viên, đã nhóm phiên khoáng đại đầu tiên lúc 9 giờ sáng với kinh giờ Ba tại Hội trường Thượng HĐGM thế giới ở Nội thành Vatican, trước sự hiện diện của ĐTC và dưới quyền chủ tọa theo lượt của ĐHY William Levada, người Mỹ, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức, là một trong 3 vị chủ tịch thừa ủy của Thượng HĐGM Này. Trên bàn chủ tọa còn có một số chức sắc của THĐGM như vị Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới, Đức TGM Nikola Eterovic, người Croat, và Đức TGM Laurent Monsengwo Pasinya, TGM thủ đô Kinshasa, Tổng thư ký khóa họp này của Thượng HĐGM; ĐHY Marc Ouellet, TGM Québec, Canada, Tổng tường trình viên của khóa họp.

Trong số hơn 253 nghị phụ đến từ 118 quốc gia, đặc biệt cũng có hai Đại biểu của HĐGM Việt Nam là Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, GM Phó Nha Trang, và Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, GM Thanh Hóa. Ngoài ra, có một người Việt thứ ba, là Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giáo sư Kinh Thánh tại Đại chủng viện Nha Trang, tham dự trong tư cách chuyên gia, trợ tá cho Đức TGM Tổng thư ký đặc biệt Monsengwo Pasinya.

Cũng như các Thượng HĐGM trước đây, lần này không có GM nào từ Hoa Lục được đến tham dự, nhưng cũng có ĐHY Giuse Trần Nhật Quân, SBD, GM Hong Kong, tham dự với tư cách là thành viên được ĐTC bổ nhiệm.

Suy tư của Đức Thánh Cha

Phiên họp bắt đầu với kinh giờ Ba, và liền đó, ĐTC đã ứng khẩu trình bày một vài suy niệm của ngài liên quan tới thánh vịnh 118 về Lời Chúa vừa được mọi người đọc lên. Ngài nói: ”Thánh vịnh này là một sự chúc tụng Lời Chúa, biểu lộ niềm vui của Israel được biết Lời Chúa, và qua đó có thể biết thánh ý và nhan Chúa.”

ĐTC đặc biệt nhấn mạnh ”Lời Chúa bền vững muôn đời. Đó là một thực tại vững chắc mà cuộc đời chúng ta phải dựa lên. Ngài ghi nhận rằng lời nói của phàm nhân chúng ta hầu như chẳng là một điều gì cả trong thực tại, chỉ là một hơi thở, vừa nói ra đã biến mất. Nhưng lời con người có một sức mạnh không thể tượng. Đó là những lời nói kiến tạo lịch sử, mang lại hình thái cho các tư tưởng. Chính lời nói hình thành lịch sử và thực tại.”

”Lời Chúa còn hơn thế nữa, Lời Chúa là nền tảng của mọi sự, là thực tại. Để thực tế, chúng ta phải dựa vào thực tại ấy. Chúng ta phải thay đổi ý tưởng cho rằng chỉ có vật chất, chỉ có những sự vật vững chắc, động chạm đến được, mới là thực tại vững chắc, an ninh nhất. Nhưng vào cuối bài giảng Trên Núi, Chúa Giêsu nói đến sự kiện người ta có thể xây nhà trên cát hoặc trên đá tảng. Người nào chỉ xây dựng trên những sự vật hữu hình, trên thành công, sự nghiệp, tiền bạc, chính là người xây dựng trên cát. Tất cả những điều đó, một ngày kia sẽ qua đi. Chúng ta đang thấy điều đó trong sự sụp đổ của các ngân hàng lớn: những tiền bạc ấy biến mất, chúng chẳng là gì cả. Cũng vậy đối với các sự vật khác, chúng có vẻ là thực tại người ta cậy dựa vào, nhưng thực ra chúng chỉ là những thực tại thứ yếu. Ai xây dựng đời mình trên những thực tại ấy, trên vật chất, trên thành công, chính là người xây nhà trên cát”.

Cũng trong bài suy niệm, ĐTC nói đến sự tìm kiếm Lời Chúa và ngài cảnh giác những người chỉ bám chặt vào bản văn Kinh Thánh. Ngài nói: ”Nếu chúng ta dừng lại ở chữ viết, thì không nhất thiết chúng ta thực sự hiểu Lời Chúa. Chúng ta có nguy cơ chỉ thấy lời con người mà không tìm thấy trong đó tác nhân đích thực là Chúa Thánh Linh. Chúng ta không tìm thấy Lời Chúa trong những dòng Kinh Thánh. Trong bối cảnh đó Thánh Augustino nhắc nhớ chúng ta rằng các luật sĩ và biệt phái được vua Hêrôđê hỏi ý kiến khi các Đạo sĩ Đông phương đến. Ông muốn biết Đấng Cứu Thế sinh ra ở đâu. Các luật sĩ và biệt phái biết và đưa ra câu trả lời đúng, đó là tại Bethlehem. Họ là những đại chuyên gia, biết mọi sự. Nhưng họ không nhìn thấy thực tại,. họ không nhận biết Đấng Cứu THế. Thánh Augustino nói rằng: họ là những ngừơi chỉ đường cho người khác, nhưng chính họ lại không di chuyển. Đó là một nguy hiểm lớn, cả trong việc đọc Kinh Thánh: chúng ta dừng lại ở những lời phàm nhân, những lời của quá khứ, lịch sử quá khứ, nhưng chúng ta không khám phá hiện tại trong quá khứ. Ngày nay Thánh Linh nói với chúng ta qua những lời của quá khứ”.

”Vì thế, khoa chú giải, tức là việc đọc Kinh Thánh thực sự, không phải chỉ là một hiện tượng văn chương, không phải chỉ là đọc một bản văn. Đó là một chuyển động cuộc sống của tôi. Là hướng về Lời Thiên Chúa trong những lời của con người. Chỉ khi nào chúng ta hợp theo mầu nhiệm Thiên CHúa, hợp theo Chúa là Lời, chúng ta mới có thể đi vào bên trong của Lời Chúa, thực sự tìm được Lời Chúa qua những lời phàm nhân”.

Đức Hồng Y Levada

ĐHY William Levada, Chủ tịch theo lượt của Thượng HĐGM, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC và cám ơn ngài vì đã chọn đề tài quan trọng và tế nhị làm chủ đề của Thượng HĐGM này: ”Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội”. Không ai không thấy tầm quan trọng của chủ đề này và vị thế trung tâm của nó trong đời sống Giáo Hội và trong chính căn tính của Kitô hữu.

ĐHY Levada đặc biệt nhắc đến giáo huấn của Công đồng chung Vatican 2, trong hiến chế Dei Verbum về tầm quan trọng của Truyền Thống bên cạnh Kinh Thánh (DV 9). ”Chỉ có Truyền Thống sinh động của Giáo Hội giúp cho Kinh Thánh được hiểu như Lời chân thực của Thiên Chúa, hướng dẫn, trở thành qui luật cho đời sống Giáo Hội và sự tăng trưởng thiêng liêng của các tín hữu. Điều này có nghĩa là phải loại bỏ mọi sự giải thích Kinh Thánh một cách chủ quan hoặc hoàn toàn theo kinh nghiệm, hoặc chỉ là kết quả của một sự phân tích một chiều, không có khả năng đón nhận ý nghĩa toàn bộ, đã hướng dẫn toàn thể truyền thống của Dân Chúa qua dòng thời gian”.

Đức TGM Eterovic

Đức TGM Nikola Eterovic, Tổng thư ký Thượng HĐGM, cho biết 253 nghị phụ của công nghị GM thế giới hiện nay gồm đại diện của 13 Giáo Hội Công Giáo nghi lễ đông phương tự quản, 113 HĐGM, 25 cơ quan trung ương tòa thánh và Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền các dòng nam.

Xét về châu lục, số nghị phụ đến từ Âu Châu đông nhất với 90 vị, tiếp đến là Mỹ châu 62 vị, Phi châu 51, Á châu 41 và sau cùng là 9 vị đến từ châu đại dương. Các vị tham dự công nghị GM này với nhiều danh nghĩa khác nhau: 173 vị được bầu ra, 38 vị do chức vụ, 32 vị do ĐTC bổ nhiệm, tương đương với 12,6% tổng số tham dự viên, 10 vị Bề trên tổng quyền đại diện Liên hiệp các Bề trên tổng quyền.

Xét về cấp bậc của các nghị phụ, có 8 thượng phụ, 52 Hồng y, 2 TGM trưởng, 79 TGM và 130 GM. Nghị phụ cao niên nhất, năm nay đã 88 tuổi, đó là ĐHY Nasrallah Sfeir, Thượng phụ Giáo chủ Công Giáo Maronit bên Liban; vị trẻ nhất 39 tuổi, đó là Đức Cha Anton Leichtfried, GM phụ tá giáo phận Sankt Poelten, bên Áo. Dầu sao tuổi trung bình của các nghị phụ Thượng HĐGM này khá ca, với 63 tuổi.

Tham dự khóa họp cón có 41 LM chuyên gia đến từ 21 nước và 37 dự thính viên nam nữ đến từ 26 nước. 10 đại biểu các Giáo Hội và cộng đoàn Giáo Hội Kitô anh em, trong đó có 5 Giáo Hội Chính Thống, Giáo Hội Arméni Tông truyền, Anh giáo, Giáo Hội Kitô Hoa Kỳ và Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô ở Genève.

Có 3 vị được ĐTC mời dự đặc biệt là Rabbi Trưởng Cộng đoàn Do thái ở Haifa Israel, Shear Yahsyr Cohen, lên tiếng chiều thứ ba về cách thức dân Do thái đọc và giải thích Kinh Thánh. Đây là lần đầu tiên một Rabbi Do thái, một người không thuộc Kitô giáo, được mời ngỏ lời với các nghị phụ Thượng HĐGM. Hai vị khách mời đặc biệt khác là Mục Sư Miller Milloy, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Kinh Thánh, và Thầy Alois, tu viện trưởng Cộng đoàn Taizé bên Pháp.

Phụ giúp công việc của Thượng HĐGM này có 32 LM trợ tá, các thông dịch viên và nhân viên kỹ thuật.

Vị Tổng thư ký Thượng HĐGM cũng tường trình hoạt động từ sau Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 11 hồi tháng 10 năm 2005 đến nay, việc chuẩn bị cho khóa họp này, soạn tài liệu đề cương để tham khảo ý kiến các nơi. Việc soạn tài liệu làm việc cho khóa họp hiện nay.

Đức TGM Eterovic cho biết nói chung tỷ số trả lời của các nơi gửi về Roma là 78,3% trong số này, có 8 trên tổng số 13 Giáo Hội Công Giáo Đông phương gửi bản trả lời góp ý; 82,3% các HĐGM trả lời, 68% các cơ quan trung ương Tòa Thánh, và sau cùng tỷ số trả lời của Liệp hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam là 100%.

Đức TGM Eterovic nói đến việc cải tổ qui luật điều hành Thượng HĐGM và cả cuốn cẩm nang về phương pháp, theo đó, trong khóa họp này, mỗi nghị phụ chỉ được phát biểu tối đa 5 phút thay vì 6 phút như trong khóa họp 3 năm trước đây. Số giờ tiết kiệm được sẽ được dùng vào cuộc trao đổi thảo luận và cho công việc trong các nhóm nhỏ. Các đại biểu Giáo Hội anh em và dự thính viên được nói tối đa 4 phút. Ngoài ra, trong các cuộc thảo luận tự do, mỗi nghị phụ chỉ được nói tối đa 3 phút, và chỉ được trả lời 1 lần mà thôi nếu cần.

ĐHY Marc Ouellet

ĐHY Tổng tường trình viên, Marc Ouellet, TGM Québec, Canada đã trình bày một bài dẫn nhập về các vấn cần bàn đến trong Thượng HĐGM 12 này.

Trong phần thứ I ĐHY lần lượt nói về việc Thiên Chúa nói với con người; Chúa Giêsu Kitô là Lời của Giao Ước mới vĩnh cửu; Giáo Hội là Hiền Thê của Ngôi Lời Nhập Thể. Ngài cũng nhấn mạnh đến Truyền Thống, Kinh Thánh và Huấn quyền của Giáo Hội.

Sang phần thứ II, Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội, ĐHY Ouelett nhắc sự đối thoại của Giáo Hội với Thiên Chúa, qua Phụng vụ thánh, Thánh Thể, giảng thuyết, việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa - Lectio divina; tiếp đến là các vấn đề trong việc giải thích Lời Chúa; ý nghĩa thiêng liêng của Kinh Thánh; khoa chú giải Kinh Thánh và Thần Học.

Trong phần thứ III của bài tường trình dẫn nhập, ĐHY Ouellet nói về Lời Chúa trong sứ mạng của Giáo Hội: việc rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, vấn đề Chúa Giêsu lịch sử trong các sách Phúc Âm; tiếp đến là thể hiện chứng tá về Thiên Chúa Tình Thương; chứng tá đại kết; đối thoại với các dân nước và các tôn giáo.

Trong bài giới thiệu dẫn nhập, ĐHY Ouellet nói đến sự không hài lòng của nhiều tín hữu đối với các bài giảng, tình trạng này cũng là lý do giải thích tại sao nhiều tín hữu Công Giáo chạy theo các nhóm tôn giáo khác. ĐHY đề nghị lấp đầy hố trống bằng một văn bản ”được Thánh Linh soi sáng”, được giải thích một cách đơn sơ và thân tình, giúp cho cuộc gặp gỡ giữa Chúa Kitô và cộng đoàn. ĐHY nói đến những căng tẳng và xung đột thường xảy ra cho sự giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội. Ngài nhấn mạnh đến sự khủng hoảng về chú giải Kinh Thánh làm thương tổn sự hiệp thông của Giáo Hội, vì bầu không khí căng thẳng, tiêu cực, giữa thần học nơi giới đại học và Huấn quyền của Giáo Hội. ĐHY cũng mời gọi các nghị phụ suy nghĩ về vấn đề một thông điệp liên quan tới việc giải thích Kinh Thánh.

Phiên khoáng đại đầu tiên đã kết thúc lúc 12 giờ rưỡi với kinh Truyền Tin. Trước khi kết thúc, Đức TGM Tổng thư ký đã ngỏ lời cám ơn ĐTC vì sự hiện diện và đặc biệt là những suy tư sâu xác, với linh đạo thật rõ ràng của ngài.
 
Phóng Sự Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 12
LM Trần Đức Anh, OP
01:09 09/10/2008
Phóng Sự Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 12 (3)

VATICAN. Nhiều nghị phụ Thượng HĐGM về Lời Chúa quan tâm đến việc giảng thuyết và trình bày Kinh Thánh cho các tín hữu trong môi trường không thuận lợi ngày nay.

Sáng thứ tư 8-10-2008, vì ĐTC bận tiếp kiến chung các tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, nên đã không có phiên họp toàn thể của Thượng HĐGM thứ 12 về Lời Chúa. Tuy nhiên, các nghị phụ cũng đã nhóm họp trong các nhóm nhỏ, tùy theo ngôn ngữ, để bầu vị điều hợp viên và tường trình viên của mỗi nhóm, và sau đó, trao đổi với nhau về phúc trình dẫn nhập do ĐHY Marc Ouellet, TGM Québec, và cũng là Tổng tường trình viên của THĐGM, trình bày sáng thứ hai, 6-10-2008, trong phiên khoáng đại đầu tiên.

Ban chiều, từ lúc 4 giờ rưỡi đến 7 giờ, các nghị phụ đã nhóm phiên họp toàn thể thứ 5, để lắng nghe các bài phát biểu ý kiến và thảo luận tự do.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến quí vị một số ý tưởng nổi bật trong các bài phát biểu của một số nghị phụ trong những ngày qua.

GIẢNG LỜI CHÚA

Một đề tài được các nghị phụ đặc biệt đề cập đến là vấn đề giảng Lời Chúa.

Đức Cha Gerald Kicanas, GM giáo phận Tucson, bang Arizona, Phó Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ, đã đưa đề nghị: sau năm Thánh Phaolô hiện nay, Giáo Hội Công Giáo cần dành một năm về nghệ thuật giảng thuyết để giúp các GM và LM, Phó tế cải tiến việc giảng thuyết. Đức Cha nói: ”Rất tiếc là việc giảng thuyết ngày nay có thể bị mất hương vị, trở thành một thứ công thức và không gợi hứng cho người nghe, để cho họ bị trống rỗng”.

Nhắc đến giai thoại trong chương thứ 20 của sách Tông đồ công vụ, Đức Cha Kicanas nhận xét rằng: ”Cả thánh Phaolô đôi khi cũng bị coi là người nói dài nói dai. Chúng ta được kể rằng khi thánh Phaolô giảng tại thành Troas ngày thứ I trong tuần, trong số các thính giả của ngài có thanh niên Eutychus, ngồi trên thành cửa sổ để nghe giảng. Nhưng anh ta ngày càng cảm thấy buồn ngủ và sau cùng bị té từ cửa sổ lầu thứ 3 và bị thiệt mạng”.

Đức Cha ghi nhận rằng ngày nay dân chúng vẫn có xu hướng ngủ gục khi phải nghe những bài giảng buồn thiu, nhưng không có ai bị chết!. Dầu sao thì phụng vụ cần phải giúp xây dựng dân chúng. Bài giảng phải có sức an ủi, chữa lành, mang lại hy vọng, gợi hứng, thách thức, giáo huấn và giúp thay đổi cuộc sống nhờ ơn Chúa”.

Đức Cha Kicanas hy vọng năm về giảng thuyết mà ngài đề nghị sẽ giúp các GM và LM cùng nhau học hỏi xem điều gì làm cho bài giảng có hiệu năng trong một thế giới có nhiều điều làm cho người ta chia trí như ngày nay. Các vị phải hỏi giáo dân xem điều gì làm cho họ quan tâm và thấy là quan trọng và giáo dân có thể gợi ý để cải tiến bài giảng. Với một nỗ lực chung và có phối hợp để cải tiến việc giảng thuyết, một mùa xuân mới cho Kitô giáo có thể nảy sinh cho Giáo Hội chúng ta”.

Đức Cha Mark Benedict Coleridge, TGM giáo phận Canberra, thủ đô Australia, cũng nói về việc giảng. Ngài nhận xét rằng lời kêu gọi canh tân do Công đồng chung Vatican 2 đưa ra về việc giảng thuyết, trình bày và ứng dụng Kinh Thánh, cho đến nay chỉ được thực hiện một phần. Một trong những lý do của tình trạng này là khi giảng, người ta có xu hướng coi Tin Mừng như là điều ai cũng biết. Vì thế, người ta có nguy cơ giảng về luân lý; việc giảng này có thể khơi dậy sự quan tâm hoặc ngưỡng mộ của người nghe, nhưng không gợi lên đức tin cứu độ. Việc giảng thuyết như thế sẽ không giúp cảm nghiệm về sức mạnh của Chúa Kitô.

Theo Đức TGM Coleridge, công cuộc truyền giáo mới đòi phải chuẩn bị và công bố Tin Mừng, hầu đạt tới một sự rao giảng truyền giáo mạnh mẽ hơn. Để cổ võ lối giảng thuyết này, cần soạn một cuốn chỉ nam về giảng thuyết theo mẫu cuốn chỉ nam về huấn giáo và huấn thị tổng quát của Sách Lễ Roma. Cuốn chỉ nam này phải dựa trên kinh nghiệm của Giáo Hội hoàn vũ để cung cấp một cơ cấu, nhưng không bóp nghẹt thiên tài của các Giáo Hội địa phương hoặc các vị giảng thuyết. Phải giúp huấn luyện các nhà giảng thuyết một cách vững chắc và có hệ thống hơn tại các chủng viện và các nhà đào tạo. Đây là điều rất cần thiết trong một thời đại ai cũng nhìn nhận tính chất quan trọng của bài giảng, với ý thức rằng việc cử hành thánh lễ chúa nhật cùng với bài giảng, đối với phần lớn các tín hữu Công Giáo, là điểm tiếp xúc duy nhất của họ với Lời Chúa.

ĐƯA KINH THÁNH VÀO ĐỜI SỐNG

ĐHY Francis George, TGM giáo phận Chicago, Hoa Kỳ, trong bài tham luận, ngài nói rằng một điều quan trọng là các vị mục tử làm sao để Kinh Thánh trở nên thành phần của đời sống tín hữu, đây là một điều khó khăn hơn trong hoàn cảnh ngày nay, vì ngôn ngữ và hình ảnh Kinh Thánh dần dần biến mất khỏi nền văn hóa bình dân. ĐHY nói: ”Cách đây một thế hệ, thế giới nghệ thuật và kịch nghệ đầy những hành ảnh Kinh Thánh, ví dụ hình ảnh người Samaritano nhân lành, hoặc người ta nhắc đến thành Sodoma và Gomorrah. Nay những hình ảnh ấy không còn nữa, cả hình ảnh Thiên Chúa như một vị hoạt động trong lịch sử nhân loại cũng vậy. Dân chúng không còn hiểu thế giới như một nơi mà Thánh Linh đang hoạt động, và có cả sự hiện diện của các thiên thần và ma quỷ, và họ phải tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa”.

Theo ĐHY George, khi công bố và giải thích Lời Chúa, các vị mục tử phải giúp dân chúng tiến tới một ”sự hoán cải về trí tưởng tượng, trí tuệ và ý chí. Quá nhiều khi thế giới hình ảnh ngày nay không còn hình ảnh của Thiên Chúa nữa. Trí tuệ ngày nay thấy không có gì là quan trọng trong các sách Kinh Thánh. ĐHY đặc biệt kêu gọi các thành viên THĐGM và mọi nhân viên mục vụ của Giáo Hội hãy dạy dân chúng về nghệ thuật lectio divina, đọc và cầu nguyện với Kinh Thánh. Ngài nói: ”Nếu quyền năng của Lời Chúa trong Kinh Thánh phải được cảm nghiệm thấy trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, thì các vị mục tử phải quan tâm đến bối cảnh sống của con người cũng như các văn bản đã được linh hứng”.

DẠY CÁCH LẮNG NGHE

Theo Đức Cha Luis Tagle, GM giáo phận Imus bên Phi luật tân, một điều thiếu nơi dân chúng ngày nay là thái độ quan tâm, lắng nghe. Thái độ này thật là thiếu nơi nhiều người thời đại.

Đức Cha nhận định rằng việc đọc Kinh Thánh cũng đòi khả năng lắng nghe, và đây là một điều ngày càng trở nên khó khăn trong một thế giới trong đó con người bị thu hút vào bản thân mình.

Đức Cha Tagle nói: ”Giáo Hội phải huấn luyện người nghe Lời Chúa, Nhưng việc lắng nghe này không phải chỉ được thông truyền qua việc giáo huấn, nhưng đúng hơn qua môi trường lắng nghe. Con xin đề nghị 3 lối đề cập vấn đề để đào sau thái độ lắng nghe:

- Thứ nhất: là lắng nghe trong đức tin. Đức tin là một hồng ân của Chúa Thánh Linh, nhưng cũng là một sự thực thi tự do của con người. Lắng nghe trong đức tin có nghĩa là mở rộng con tim cho Lời Chúa, để Lời Chúa thấu nhập vào và biến đổi chúng ta, rồi thực hành Lời Chúa. Điều này cũng tương đương với sự vâng phục trong đức tin. Huấn luyện về sự lắng nghe là thành phần của sự huấn luyện về đức tin.

- Thứ hai. Các biến cố trong thế giới chúng ta ngày nay cho thấy hậu quả của thái độ thiếu lắng nghe: những xung đột trong gia đình, hố chia cách giữa các thế già trẻ, các dân nước, và bạolực. Người ta bị mắc kẹt trong một thế giới độc thoại, không quan tâm chú ý, ồn ào, bất bao dung, và chỉ quan tâm đến bản thân mình. Giáo Hội có thể cung cấp một môi trường đối thoại, tôn trọng, hỗ tương và vượt lên trên bản thân mình.

- Thứ ba: Thiên Chúa nói, và Giáo Hội, như một người đầy tớ lắng nghe tiếng Chúa nói. Nhưng Thiên Chúa không chỉ nói mà thôi. Ngài cũng đặc biệt lắng nghe người công chính, góa phụ, cô nhi, người bị bách hại và người nghèo không có tiếng nói. Giáo Hội cũng phải học cách lắng nghe của Chúa và lên tiếng thay cho những người không có tiếng nói.

Bài phát biểu của Đức Cha Tagle rất ngắn, nhưng được cử tọa nồng nhiệt vỗ tay tán thưởng.

GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

Đức TGM Laurent Monsengwo, Tổng thư ký đặc biệt của Thượng HĐGM hiện nay, nhưng ngài lên tiếng với tư cách đại diện HĐGM Cộng hòa dân chủ Congo và nói về việc giải thích Kinh Thánh trong quan hệ với các giáo phái.

Đức TGM ghi nhận hiện tượng giáo phái không phải là mới mẻ, nó có từ thời kỳ đầu của Giáo Hội. Trong thư thứ I viết ra vào khoảng năm 95 sau Chúa Kitô, thánh Gioan đã nói đến những người đối lập không còn tuyên xưng Chúa Kitô đến trong xác thể nữa (1 Jn 4,2-3), họ ra khỏi cộng đoàn và bị loại trừ khỏi đức tin tông truyền (1 Jn 2,19-24).

Tuy nhiên, sự lan tràn các giáo phái đủ loại như ung thư, làm cho chúng ta lo âu trong tư cách là những mục tử của Giáo Hội. Nhất là vì đạo lý của chúng thường dựa trên sự giải thích Kinh Thánh theo nghĩa đen. Nhưng nhiều văn bản Kinh Thánh không chấp nhận lối giải thích như thế và khuyến khích theo các tiêu chuẩn khác. Ví dụ phản ứng của Chúa Giêsu khi ngài bị tên vệ binh tại dinh thượng tế Anna tát vào mặt (Jn 18,22-23) cho thấy rõ việc giơ má bên kia như được nói đến trong Tin Mừng theo thánh Mathêu (Mt 5,39) là một kiểu nói mạnh, không nên hiểu theo nghĩa đen. Nhưng Chúa Giêsu, trái với luật ăn miếng trả miếng (Mt 5,38), ngài dạy đừng lấy ác báo ác, ngài tha thứ...

Đức TGM Monsengwo nói đến những tiêu chuẩn giúp chúng ta đừng giải thích Kinh Thánh một cách chủ quan và cực đoan, đó là Thánh Linh (DV 12), Tông Truyền (norma normans), sự hiệp thông với Thân Mình Giáo Hội (1 Jn 1,3), sự tuyên xưng đức tin của Giáo Hội, sự hòa hợp của toàn thể Kinh Thánh (analogia scripturae).

LỜI CHÚA VỪA TẦM TAY

Cũng liên quan đến việc đọc và hiểu Kinh Thánh, Đức Cha Joseph Luc Bouchard, GM Saint Paul, bang Alberta, Canada, nhận xét rằng từ sau Công đồng chung Vatican 2, nhiều nỗ lực đã được thực hiện để Lời Chúa trở nên vừa tầm tay của các tín hữu. Nhưng vẫn còn một thứ hố chia cách giữa các chuyên gia Kinh Thánh và các vị Mục Tử, và giữa các cộng đồng Kitô. Và Đức Cha đề nghị: Liên hiệp Kinh Thánh Công Giáo thế giới, với sự hỗ trợ của các cơ quan khác của Tòa Thánh, cứu xét xem có thể tổ chức các Hội nghị quốc tế về Lời Chúa để trợ giúp việc đọc Kinh Thánh trong niềm cảm thức cùng Giáo Hội hay không.

Vấn đề giảng thuyết và huấn luyện các vị giảng thuyết đã được các nghị phụ đề cập đến trong buổi trao đổi tự do vào giờ cuối cùng trong phiên khoáng đại chiều ngày thứ ba, 7-10 vừa qua. Các vị cũng kêu gọi đặc biệt chú ý đến sự kiện các tín hữu ngày nay thường không có một nền văn hóa về Kinh Thánh, khiến cho việc giảng về Kinh Thánh càng phức tạp và khó khăn hơn. Sau cùng, các nghị phụ ghi nhận sự kiện 'nền văn hóa đọc sách” ngày nay đang chết dần, vì các phương tiện truyền thông mới mẻ và tân tiến.

Sáng thứ năm 9-10-2008, các nghị phụ chỉ nhóm khoáng đại từ 9 đến 11 giờ, sau đó, lúc 11 giờ rưỡi, các vị dự thánh lễ do ĐTC Biển Đức 16 cử hành nhân lễ giỗ thứ 50 của Đức Cố Giáo Hoàng Piô 12, qua đời ngày 9-10-1958, thọ 82 tuổi.
 
Hiểu biết Chúa Giêsu đích thật là hiểu biết bằng con tim
Linh Tiến Khải
01:10 09/10/2008
Hiểu biết Chúa Giêsu đích thật là hiểu biết bằng con tim

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp hơn 25 ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư 8-10-2008 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài tương quan của thánh Phaolo với Đức Giêsu Kitô. Ngài nói: Trước khi bước vào vấn đề này có thể ích lợi, khi để ý rằng chính thánh Phaolô phân biệt hai kiểu hiểu biết Đức Giêsu và nói chung cũng là hai kiểu hiểu biết một người. Thánh nhân viết trong thư thứ II gửi tín hữu Côrintô: ”Vì thế từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo xác thịt. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo xác thịt, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa” (2 Cr 5,16). Biết ”theo xác thịt” có nghĩa là chỉ biết bề ngoài, với các tiêu chuẩn bên ngoài như cung cách ăn nói, đi đứng, hành xử vv.. Nhưng như thế cũng chưa phải là biết nhân tố đích thật của người đó. Chỉ với con tim chúng ta mới thực sự biết một người. Các người biệt phái và người saduxê đã biết Đức Giêsu, các giáo huấn và rất nhiều chi tiết về con người của Ngài, nhưng họ không biết Chúa trong sự thật. Đối với lời của Chúa Giêsu cũng thế. Sau biến cố Hiển Dung Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai? Các con nói Thầy là ai?” Người ta biết nhiều điều về Đức Giêsu, nhưng một cách hời hợt bề ngoài chứ không biết Ngài thật sự. Các Tông Đồ, trái lại, nhờ tình bạn, ít nhất đã hiểu bản thể của Chúa và bắt đầu biết Đức Giêsu là ai. Cả ngày nay cũng thế: có những người thông thái biết nhiều chi tiết về Đức Giêsu, và những người đơn sơ không biết các chi tiết ấy, nhưng lại thực sự biết Chúa: ”con tim nói với con tim”. Và thánh Phaolô muốn nói tới sự hiểu biết này: hiểu biết với con tim, và như thế là biết con người trong sự thật của họ và tiếp đến là biết các chi tiết liên quan tới họ.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: qua các Tông Đồ và Giáo Hội khai sinh thánh Phaolô chắc chắn cũng đã biết các chi tiết cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu. Trong các thư của thánh Phaolô chúng ta có thể tìm thấy ba tài liệu rõ ràng trực tiếp về Chúa Giêsu: trước hết thánh nhân nói về sự kiện Chúa xuất thân từ dòng tộc Đavít (x. Rm 1,3), người biết sự hiện hữu của ”các anh em” hay bà con của Chúa (1 Cr 9,5; Gl 1,19), biết diễn tiến của Bữa Tiệc Ly (x. 1 Cr 11,23), biết các lời khác của Chúa Giêsu chẳng hạn liên quan tới sự bất khả phân ly của hôn nhân (x. 1 Cr 7,10 Mc 10,11-12), việc cần phải loan báo Tin Mừng trong cộng đoàn và thợ đáng ăn lương của mình (x. 1 Cr 9,14; Lc 10,7). Thánh Phaolô cũng biết các lời Chúa Giêsu nói trong Bữa Tiệc Ly (x. 1 Cr 11,24-25; Lc 22,19-20) và cũng biết thập giá của Chúa Giêsu.

Thề rồi chúng ta cũng có thể nhận thấy vài câu trong các thư của thánh Phaolô nhắc đến truyền thống được xác nhận trong các Phúc Âm Nhất Lãm. Chẳng hạn ngày Chúa đến thình lính như kẻ trộm đến ban đêm (Tx 5,2); Thiên Chúa chọn những gì là dại dột giữa thế gian (1 Cr 1,27-28) vang vọng giáo huấn của Chúa về những người đơn sơ và người nghèo (x. Mt 5,3; 11,25; 19,30). Rồi lời Chúa Giêsu chúc tụng Thiên Chúa Cha không tỏ lộ các sự thật cho người thông thái, nhưng lại biểu lộ cho người hèn mọn, được ứng nghiệm trong việc truyền giáo của thánh Phaolô. Thánh nhân cũng nhắc tới sự kiện Chúa Giêsu vâng lời Thiên Chúa Cha cho tới chết trên thập giá (Pl 2,8; Mc 3,35; Ga 4,34). Nghĩa là thánh nhân biết cuộc khổ nạn, cái chết và kiểu Chúa Giêsu sống những giây phút cuối cùng của Ngài trên thập giá.

Ngoài ra thánh Phaolô cũng biết bài giảng Tám Mối Phúc Thật của Chúa Giêsu nữa và dùng nó để khuyến khích tín hữu giáo đoàn Roma (x. Mt 5-7).

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: sau cùng có thể gặp một kiểu hiện diện thứ ba các lời của Chúa Giêsu hiện hữu trong các Thư của thánh Phaolô: đó là khi thánh nhân dùng hình thái di chuyển truyền thống tiền phục sinh sang tình trạng hậu phục sinh. Điển hình là đề tài Nước Thiên Chúa, trung tâm điểm lời rao giảng cua Chúa Giêsu lịch sử (x. Mt 3,2; Mc 1,15; Lc 4,43). Nơi thánh Phaolô chúng ta nhận ra sự di chuyển đề tài này, vì sau khi sống lại hiển nhiên Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh, là Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu đi đến đâu thì Nước Thiên Chúa đi đến đó. Và như thế đề tài Nước Thiên Chúa trình bầy trước mầu nhiệm của Chúa Giêsu, biến thành kitô học. Nhưng tất cả những đòi buộc, do Chúa Giêsu đưa ra để được vào Nước Trời, cũng đúng đối với thánh Phaolô liên quan tới sự công chính hóa nhờ lòng tin: Cả hai bên đều đòi buộc phải có thái độ khiêm tốn thẳm sâu và sự sẵn sàng, tự do không thành kiến để đón nhận ơn thánh Chúa. Các lời Chúa Giêsu nói liện quan tới người thu thuế và đĩ điếm sẵn sàng tiếp nhận Tin Mừng hơn người biệt phái (x. Mt 21,31; Lc 7,36-50) và việc Ngài lựa chọn dùng bữa với họ (x. Mt 9,10-13; Lc 15,1-2) cũng thấy trong giáo lý của thánh Phaolô liên quan tới lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa đối với các người tội lỗi (x. Rm 5,8-10; Ep 2,2-5). Như thế đề tài Nước Thiên Chúa được đề nghị trong hình thái mới mẻ, nhưng luôn trung thành với truyền thống của Đức Giêsu lịch sử.

Còn một thí dụ biến đổi nòng cốt giáo lý của Chúa Giêsu một cách trung thành nữa: đó là việc sử dụng các tước hiệu. Trước biến cố phục sinh Đức Giêsu được gọi là Con người; sau phục sinh thì Con người cũng là Con Thiên Chúa. Tước hiệu được thánh Phaolô thích dùng nhất là ”Kyrios” Chúa (x. Pl 2,9-11) ám chỉ thiên tính của Đức Giêsu.

Trong vườn Cây Dầu, trước khi ngủ vùi, các môn đệ đã nghe Đức Giêsu gọi Thiên Chúa Cha là ”Abba, Cha ơi”, khi âu sầu lo lắng. Đây là kiểu trẻ em gọi cha mình. Vì là Con Thiên Chúa nên trong giờ phút thân tình này Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi. Trong các thư gửi giáo đoàn Roma và Galát thánh Phaolô đặt để kiểu gọi này vào môi miệng các tín hữu (x. Rm 8,15; Gl 4,6), vì họ đã nhận được ”Thần Khí của Con”, và giờ đây mang trong mình Thần Khí đó họ có thể nói với Thiên Chúa Cha như Đức Giêsu và với Đức Giêsu như là con cái thật, và có thể gọi Ngài là ”Abba” vì họ thực sự là con cái Thiên Chúa.

Sau cùng liên quan tới cái chết của Đức Giêsu, là Đấng đã đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ và trao ban chính sự sống mình để cứu chuộc nhiều người” (x. Mc 10,45; Mt 20,28): nó cũng phản ánh trong giáo huấn của thánh Phaolo về cái chết của Đức Giêsu như giá chuộc tội (x. 1 Cr 6,20), như sự cứu rỗi (x. Rm 3,24) như là sự giải phóng (x. Gl 5,1) và sự hòa giải (x. Rm 5,10; 2 Cr 5,18-20). Giáo thuyết nòng cốt của thánh Phaolô dựa trên lời Đức Giêsu.

Kết luận, thánh Phaolô không nghĩ tới Đức Giêsu trong chiều kích lịch sử, như là một con người của qúa khứ. Chắc chắn ngài biết truyền thống về cuộc đời, các lới nói, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng không coi chúng như là các biến cố qúa khứ, mà đề nghị chúng như là thực tại của Đức Giêsu sống động. Đối với thánh nhân, các lời nói và hành động của Đức Giêsu không thuộc qúa khứ lịch sử. Chúa Giêsu đang sống bây giờ đây, nói với chúng ta và sống cho chúng ta. Đây là kiểu hiểu biết Đức Giêsu đích thực và tiếp nhận truyền thống về Ngài. Chúng ta cũng hãy học biết Chúa Giêsu không theo xác thịt như là một người của qúa khứ, nhưng như là Chúa và là Người Anh, đang ở với chúng ta ngày nay và chỉ cho chúng ta biết phải sống và chết như thế nào.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bàng nhiều thứ tiếng khác nhau trước khi cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Đức Thánh Cha gọi Thánh Phaolô là một người có “ơn gọi làm di dân”
Bùi Hữu Thư
18:34 09/10/2008

Đức Thánh Cha gọi Thánh Phaolô là một người có “ơn gọi làm di dân”



Ngài ghi nhận việc vị tông đồ này giảng dậy cho nhiều văn hóa

VATICAN ngày 9 tháng 10, 2008
(Zenit.org).- Gương mẫu của Thánh Phaolô là một “người có ơn gọi làm di dân” là điều Đức Thánh Cha Benedict XVI hy vọng Giáo Hội sẽ noi theo để xây dựng sự hợp quần và khuyến khích việc sống chung hòa bình giữa tất cả mọi chủng tộc, văn hóa và tín ngưỡng.

Đức Thánh Cha nói điệp văn này được công bố cho ngày Di Dân và Tị Nạn Quốc Tế lần thứ 95, sẽ được tổ chức vào ngày 18 tháng 9. Điệp văn mang tên “Thánh Phaolô, người di dân, ‘Tông Đồ của mọi người’”, được ấn hành ngày Thứ Tư, 8 tháng 10.

Đức Thánh Cha nói chủ đề trùng hợp với Năm Thánh Phaolô, sẽ chấm dứt ngày 29 tháng 6.

Ngài nói, việc giảng dậy và hòa giải giữa các văn hóa do Thánh Phaolô, ‘một người có ơn gọi làm di dân’ thực hiện, cũng là một điều để minh chứng cho những ai đang có liên hệ với phong trào di dân hiện nay. "

Đức Thánh Cha giải thích: “Sanh trưởng trong một gia đình Do Thái di cư tại Tarsus, Cicilia, Saul được giáo dục về văn hóa và ngôn ngữ Do Thái và Hy Lạp, và hấp thụ những gì quý nhất của nền văn hóa Rôma.

"Sau khi gặp Đức Kitô trên đường đi Damas, mặc dầu ngài không chối bỏ ‘truyền thống’ riêng của mình và cảm thấy quý trọng và biết ơn Do Thái giáo và Lề Luật, ngài không ngần ngại và đắn đo khi tận hiến cho sứ mệnh mới của mình, một cách can đảm và hăng hái, và vâng lệnh truyền của Chúa: ‘Ta sẽ gửi ngươi đi tới các dân ngoại ở nơi xa xôi.’”

Đức Thánh Cha nói, "Đời sống của ngài thay đổi hoàn toàn. Chúa Giêsu trở nên ‘lẽ sống’ của ngài và nguồn linh hứng cho sự tận hiến của ngài để phụng sự Phúc Âm. Ngài thay đổi từ một kẻ bách hại các kitô hữu thành một Môn Đệ của Đức Kitô.”

"Được hướng dẫn bởi Thánh Thần, ngài dốc toàn lực để làm cho Phúc Âm [...] được loan truyền cho tất cả mọi người, không phân biệt quốc gia hay văn hóa.”

Đức Thánh Cha nói, "Đây là sứ mệnh của Giáo Hội và của mọi người đã lãnh nhận phép rửa trong thời đại của chúng ta, ngay trong thời đại toàn cầu hóa này; một sứ mệnh với sự chú tâm đến việc săn sóc mục vụ cho muôn ngàn dân di cư trên thế giới – cho các sinh viên du học xa quê nhà, cho các nguời di dân, ti nạn, những người bị trục xuất, hay phải di tản – kể cả những nạn nhân của các hình thức hiện đại nhất về nô lệ và buôn người.”

Đức Thánh Cha khẳng định rằng, “sứ điệp cứu rỗi phải được trình bầy cùng một cách thức giống như cách Thánh Phaolô giảng cho dân ngoại, chú trọng đến các tình trạng xã hội và văn hóa khác nhau, và các khó khăn đặc biệt riêng của từng cá nhân là kết qủa của tình trạng của họ là một người di cư hay du mục.”

Đức Thánh Cha tiếp, "Chớ gì gương mẫu của ngài cũng là một khuyến khích cho chúng ta biết bầy tỏ tình liên đới với các người anh chị em của chúng ta, và thúc đẩy trên mọi miền thế giới và bằng mọi phương tiện, việc sống chung hòa bình giữa các chủng tộc, văn hóa và tín ngưỡng khác nhau."
 
Top Stories
Anche il terreno di Thai Ha è divenuto un parco pubblico
Asia-News
08:49 09/10/2008
Arresti e minacce della polizia a sacerdoti e fedeli, ma sono uscite dal carcere alcune persone prese in precedenza. Ora le autorità avvertono che la linea fognaria passerà proprio dove sorge la cappello di San Gerardo. Continua la campagna di stampa contro l’arcivescovo.

Hanoi (AsiaNews) – Un altro parco pubblico è stato inaugurato in tutta fretta a Hanoi. Dopo quello sul terreno della ex delegazione apostolica è toccato a quello della parrocchia di Thai Ha: entrambi sono realizzati su aree espropriate alla Chiesa e delle quali si chiedeva la restituzione e in entrambi i casi sono ancora in atto i relativi procedimenti legali.

Poca gente alla inaugurazione del nuovo parco: quasi solo i gruppi di reduci e gli attivisti della Lega della gioventù comunista (nella foto), riconoscibili dalle tute blu con il logo delle ditte che li sponsorizzano. Sono gli stessi che compiono i violenti raid contro i fedeli, in occasione delle veglie di preghiera ed ultimamente anche all’interno delle parrocchie ed intorno agli uffici dell’arcivescovo.

Per i cattolici, il nuovo parco è causa di una ulteriore preoccupazione. Le autorità locali hanno detto ai redentoristi – proprietari originari dell’intero terreno – che la rete fognaria passerà proprio attraverso la cappella di San Gerardo, che è stata saccheggiata e semidistrutta in un attacco di “reduci” e “giovani”, il 21 settembre.

Mentre la stampa di regime racconta degli applausi della gente alla nuova inaugurazione, “la polizia – racconta padre Nguyen Van That, un redentorista di Thai Ha - ha minacciato di convocare tutti noi, sacerdoti e religiosi del monastero di Thai Ha. Hanno detto che ognuno di noi può essere indagato personalmente”. Finora sono otto i parrocchiani ad essere stati arrestati e “molti sono stati interrogati, negli ultimi giorni”.

Ieri però l’agenzia statale VNA ha dato notizia del rilascio di “due detenuti accusati di aver provocato disordini e di aver distrutto proprietà”, a Thai Ha. Sono Le Quang Kien e Nguyen Duc Hung. Presi il 28 agosto, ora sono agli arresti domiciliari. Entrambi, secondo l’agenzia, si sono riconosciuti colpevoli e “si sono pentiti”. Ugualmente rilasciate e poste ai domiciliari quattro persone coinvolte “nel caso della Chien Thang Garment Factory”. Si tratta della ditta di confezioni alla quale le autorità locali avevano all’inizio concesso l’uso del terreno della parrocchia, provocando la reazione dei fedeli. La concessione – improponibile nella logica dell’utilità pubblica – è stata revocata, ma la restituzione alla parrocchia non c’è stata.

Continua, invece, la campagna della stampa di regime contro l’arcivescovo di Hanoi, mons. Joseph Ngo Quang Kiet. Una “lettera aperta di cittadini furibondi” gli rivolge le solite accuse di aver violato la legge, provocato disordini, calunniato la nazione e danneggiato il Paese; altri se la prendono con l’intera Chiesa vietnamita, alcuni “cattolici” ne chiedono le dimissioni. Intorno all’arcivescovado, manifestazioni “spontanee” di persone che gridano slogan a favore del comunismo, cineprese e stazioni di ascolto per riprendere ed intercettare attività e conversazioni.
 
Thai Ha property has also become a public park
Asia-News
08:49 09/10/2008
Police arrest and threaten priests and faithful, but some of those arrested have been released from jail. Now the authorities to warn that the sewer line will pass through the site of the chapel of St. Gerard. The media campaign against the bishop continues.

Hanoi (AsiaNews) - Another public park has been hastily inaugurated in Hanoi. After the park on the property of the former apostolic delegation, it was the turn of the parish of Thai Ha: both were created on land confiscated from the Church, asked to be returned, and in both cases, legal proceedings are still underway.

There were few people at the inauguration of the new park: almost exclusively groups of veterans and activists of the Communist Youth League (in the photo), identifiable by their blue shirts with the logo of the companies that sponsor them. They are the same ones who carry out violent raids against the faithful during prayer vigils, and most recently inside the parish itself and around the offices of the archbishop.

For Catholics, the new park is a cause for further concern. The local authorities have told the Redemptorists - the original owners of all of the property - that the sewer installation will pass right through the chapel of St. Gerard, which was ransacked and half destroyed in an attack by "veterans" and "young people" on September 21.

While the media of the regime recounts the applause of the people at the new inauguration, "the police," says Fr. Nguyen Van That, a Redemptorist of Thai Ha, "have threatened to summon all of us, priests, and religious of Thai Ha monastery. They have said each of us will be questioned individually." So far, eight parishioners have been arrested, and "more have been interrogated in recent days."

But yesterday, the state news agency VNA reported the release of "two detainees accused of causing public disorder and destroying property" in Thai Ha. They are Le Quang Kien and Nguyen Duc Hung. Apprehended on August 28, they are now under house arrest. Both of them, according to the news agency, admitted their guilt, "demonstrating their repentance." Also released and placed under house arrest are four people involved "in the incident of the Chien Thang Garment Factory." This is the company that the local authorities had allowed to use the parish property, provoking the reaction of the faithful. The permission - nonsensical according to the logic of public use - was revoked, but the property has not been returned to the parish.

But the regime is continuing its media campaign against the archbishop of Hanoi, Joseph Ngo Quang Kiet. An "open letter from furious citizens" charges him with the usual accusations of violating the law, provoking disorder, slandering the nation, and harming the country; others are attacking the entire Vietnamese Church, certain "Catholics" are calling for his resignation. Around the archbishop's residence, there have been "spontaneous" demonstrations by people shouting slogans in favor of communism, and surveillance cameras and monitoring equipment have been installed to intercept activities and conversations.
 
AMNESTY INTERNATIONAL PUBLIC STATEMENT
London's Amnesty International's press office
09:48 09/10/2008
AMNESTY INTERNATIONAL PUBLIC STATEMENT

9 October 2008
AI Index No: ASA

Viet Nam: Growing fear, growing discrimination


The Vietnamese government must end its intimidation and attacks against Catholics and ensure protection against violence by state-sponsored groups, Amnesty International said today.

The widening persecution comes after the authorities cracked down on peaceful mass protests by Catholics in Ha Noi at the end of September 2008. In August and September, Catholics gathered in the thousands to show their support for the church’s claims in a land dispute.

In a briefing paper released today, based on new information, Amnesty International illustrates how Catholics are increasingly physically and verbally attacked and intimidated in the wake of the crackdown. The report is based on interviews with church groups, journalists and parishioners in the country.

“And they shout bad words about our mothers and fathers, and say things like “kill the archbishop” and “kill the priests” a young Catholic woman told Amnesty International. “Last Sunday evening when I came from church, there were maybe 400-500 people there, many in blue shirts, shouting slogans and holding banners.”

As the campaign in state-controlled media against the Catholic protestors is intensifying, counter-protesters and state sponsored groups are gathering outside the Archdiocese and the Thai Ha parish in Ha Noi, harassing and intimidating church leaders and parishioners. At least one Catholic church outside of Ha Noi has been attacked by stone-throwing gangs.

Authorities are also using criminal law to stifle free expression of opinion. Four protesters have been detained and charged, and numerous parishioners have been called in for questioning at police stations in recent days. Moreover Amnesty International believes that senior church officials are at risk of arrest.

Background

Catholics started protesting in December 2007 over a long-running dispute about ownership of two pieces of land in Ha Noi. The land belonged to the Catholic Church until the 1950s when it was confiscated by the state. Negotiations between the church and the government stalled in February 2008 and in August and September thousands of people, some from other parts of the country, joined in the peaceful protest. By the end of September, the authorities had sealed off the areas under dispute and put an end to the mass vigils.

END/
Public Document
****************************************
For more information please call Amnesty International's press office in London, UK, on +44 20 7413 5566 or email: press@amnesty.org
International Secretariat, Amnesty International, 1 Easton St., London WC1X 0DW, UK
www.amnesty.org
 
Children’s magazines attack Catholics; Hanoi Redemptorist Superior summoned
J.B. An Dang
11:21 09/10/2008
In a clear indication that the Vietnam government persists in their determination to bulldoze not only Church’s properties but also Church leaders image, even children’s magazines now have been employed in the campaign of defamation.

Thousands of Catholics pray daily at Thai Ha
After bulldozing the former nunciature and the shire of Our Lady at Thai Ha, the Vietnam government has tried to bulldoze Church leaders image as well by stepping up its media campaign of vilification using even children’s magazines to attack Catholic leaders and Catholic beliefs.

This week, the Thieu Nien Tien Phong (Pioneer Children) magazine opened fire on Church leaders, Hanoi Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet, in particular. In an article, an adult writer, masquerading as a Catholic primary student, stated that she lost her Catholic belief due to the prelate’s words and behaviors. The magazine is a publication for children at primary school.

Media reports had seized on an isolate phrase in a comment by the archbishop and pulled it out of context to make him appear unpatriotic; and then attacked him viciously.

“Hanoi government is shameless,” said Fr. Dang Huu Chau, a Hanoi priest. “Using a children’s magazine to spread such a blatant lie is disgusting,” he commented.

At Hanoi Redemptorist Monastery, the harassment on clergy and faithful of Thai Ha parish has escalated with the summon of Fr. Matthew Vu Khoi Phung, the Hanoi Redemptorist Superior. On Thursday, police went to the monastery to issue an order of summon demanding Fr. Matthew Vu to be present at Dong Da police office. He has been charged with using his influence to incite the faithful to confront with the government; praying illegally in public areas, and disturbing the public order. The People’s Committee of Hanoi issued a warning against him threatening legal actions; and police stated they had found ample evidence of "organized crime" in the protests at Thai Ha. The superior left for a meeting in Saigon hours before the police came to the monastery.

Being summoned by police is a nightmare with most people. A Thai Ha's parishioner said she had been harassed with a series of summons. During last month, the police interrogated her eight times with same questions, typically, why did she came to pray at the land of dispute; did she know that praying there was illegal?

She had been threatened with legal actions. However, out of the frustration of being harrased with a series of summons and interrogations, she wished her trial would occur as soon as possible.
 
太河堂区的土地也将建成公园
Asia-News
15:24 09/10/2008
警方继续逮捕天主教司铎和教友,个别人获释。目前,当局警告地下管道将通过圣杰拉德小堂;媒体继续攻击吴光杰总主教

河内(亚洲新闻)—越南首都河内市又匆匆开放了一座公园。继前宗座大使馆旧址之后,现在,太河堂区的教产也变成了公园,并举行了落成剪彩仪式。一段时间以来,当地教友要求将上述两处被国家征占的教会财产收回。而且,相关的司法议程仍在进行中。

出席新公园剪彩仪式的人并不多。仅有个别老兵和越共青年团员(见照片),从他们身着的制服上便足以辨别。也正是他们,暴力袭击守夜祈祷的基督信徒。近一段时间以来,还包围了总主教公署、闯入了一些圣堂。

对于天主教徒来说,新公园给他们带来了进一步的忧虑。地方当局告诉这片土地的原始主人赎主会士,下水道管网就要经过圣杰拉德小堂。九月二十一日,这座小堂遭到了“老兵”和“青年们”打砸,几乎被毁。

太河堂的一位赎主会士介绍说,在越共当局媒体报道参加剪彩仪式人群的掌声之际,“警方威胁要把我们——太河修会会院的司铎、会士们全都召去,要对每个人展开调查”。迄今,八位堂区教友被捕。“近日来,许多人受到审讯”。

但是昨天,越南官方新闻通讯社报道,“两名被指控制造动乱、摧毁太河堂区财产的人”获释。他们是八月二十八日被捕的,现在被软禁。按照通讯社的说法,两人均对自己的行为“表示懊悔”。还有在另外一次基督信徒抗议占地的示威中被捕的四人获释。

同时,官方媒体继续展开宣传战攻击河内总主教区吴光杰总主教。一名“愤怒的市民”的信中,以官方惯用的语调指责吴总主教违法、挑起动乱、污蔑和损害国家。有的人,则抨击整个越南天主教徒;一些“天主教徒”要求总主教辞职。在总主教公署外,时而便会有人“自发地”进行示威游行,高喊着支持越共的口号。摄像镜头和监听设备,随时记录着来往人员的活动和对话。
 
Human Rights Watch komt op voor rechten van katholieken in Vietnam (tiếng Hòa Lan)
RKnieuws
18:28 09/10/2008
Human Rights Watch komt op voor rechten van katholieken in Vietnam (tiếng Hòa Lan)

(Hội Ân Xá Quốc Tế tranh đấu cho Công Lý của người Công Giáo ở Việt Nam)

Geplaatst door Ben Lange op donderdag 9 oktober 2008 om 17:45u (Bron: ICN)

HANOI (RKnieuws.net) - Human Rights Watch heeft een beroep gedaan op de Vietnamese regering om de gearresteerde katholieken vrij te laten. Zij hielden een vreedzame nachtwake in Hanoi voor de teruggave van kerkelijke eigendommen, die door de overheid in beslag zijn genomen. In een verklaring gisteren drong HRW er bij de Vietnamese regering op aan een einde te maken aan de pesterijen, bedreigingen.

De aartsbisschop van Hanoi, Joseph Ngo Quang Kiet, heeft beperkingen op vrije verkeer gekregen van de regering. Hij mag katholieke demonstranten en hun familie en gearresteerde parochianen niet bezoeken.

"Dit is het hardste optreden tegen de katholieken in Vietnam in dit decennia", aldus Elaine Pearson, adjunct-directeur Azië van Human Rights Watch. "Helaas, religieuze repressie en gewelddadige intimidatieacties door de Vietnamese autoriteiten tegen vreedzame demonstranten zijn niets nieuws."

Achtergrond

Rooms-katholicisme is een van de zes officieel erkende godsdiensten in Vietnam. Katholieken vormen in het land de op een na grootste godsdienst, na het boeddhisme, met meer dan 6 miljoen aanhangers. Na de overname van het communistische Noord-Vietnam in 1954 heeft de regering veel gebouwen in beslag genomen afkomstig van particulieren, zoals pagodas en kerken, waaronder ook katholieke kerken.

In 1975 zijn de contacten tussen Vaticaan en Vietnam, na de hereniging van Vietnam,uiteengevallen. Hoewel de diplomatieke betrekkingen nog niet zijn hersteld, bracht de Vietnamese premier een bezoek aan de paus in januari 2007. In juni 2008 werd een Vaticaan-Vietnam werkgroep opgericht ter verbetering van de betrekkingen.

De Vietnamese regering houdt de religieuze organisaties nauwlettend in de gaten en beperkt de activiteiten van degenen die ervoor kiezen om onafhankelijk te werken of zich niet wil aansluiten bij officieel erkende religieuze organisaties onder het toezicht van de overheid. Honderden Vietnamesen zitten in de gevangenis voor vreedzame religieuze of politieke activiteiten.

Een daarvan is de rooms-katholieke priester Nguyen Van Ly, een van de oprichters van de democratische fractie, in Vietnam bekend als Bloc 8406, die werd veroordeeld tot acht jaar gevangenis in maart 2007 voor het voeren van propaganda tegen de regering op grond van artikel 88 wetboek van strafrecht.

RKnieuws.net
 
Viet government steps up intimidation campaign against Catholics
Catholic World News
19:15 09/10/2008
For the second time in recent weeks, Vietnamese government officials have hastily announced the development of a "public park" on land confiscated from Church ownership. First a park was created on the grounds of the apostolic nunciature-- which the regime had promised in February would be returned to Church ownership. Now the same fate has been announced at the site of Redemptorist monastery in Hanoi.

Meanwhile more clerics and parishioners have been summoned in an investigation by police, who have charged the Hanoi Redemptorists with using their influence to incite the faithful in a confrontation with the government.

A Vietnamese prelate who was the target of denunciations and threats by the state-controlled media has been installed as the head of a diocese, ending a period of uncertainty as to whether the government would allow him to take office.

Bishop Cosme Hoang Van Dat was installed on October 7 as Bishop of Bac Ninh, ending a vacancy of more than two years in that role. His predecessor in Bac Ninh, Bishop Joseph Marie Nguyen, died in September 2006.

Early in September, after he had been named to the Bac Ninh post, the future bishop joined in demonstrations at a Redemptorist monastery in Hanoi, incurring the wrath of the Communist regime. Supporters feared that the government-- which has often barred the appointment of new bishops in the past-- might not allow his installation. In a related development, the New York-based group Human Righst Watch urged the Vietnamese government to end the harassment, threats, and restrictions on the movement of the Archbishop of Hanoi, Joseph Ngo Quang Kiet, who has publicly defended the rights of the Catholic protesters and visited the families of arrested parishioners. The group said that the regime should release Catholics who have been jailed for their participation in protests over disputed property, and should return the properties that have been seized from Church ownership.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cộng đoàn Thánh Martin De Porres, Olympia,Washington cầu nguyện cho Thái Hà và Tòa TGM Hà Nội
Hiếu & Diệu
00:57 09/10/2008

THÁNH LỄ và GIỜ CẦU NGUYỆN Cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam

tại Cộng Đoàn Thánh Martin De Porres, Olympia, Tiểu Bang Washington, Hoa Kỳ.



Sau khi lần lượt đi tham dự các buổi cầu nguyện ở các nơi, hôm nay Chúa Nhật ngày 04-10-2008, cũng là Chúa Nhật đầu tháng Mân Côi, đến lượt Cộng đoàn Thánh Martin De Porres (Olympia, thủ phủ Tiểu bang Washington) tổ chức buổi cầu nguyện đặc biệt cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, cách riêng tại Hà nội và Thái hà.

Vào lúc 12:30 trưa, đông đảo bà con Giáo dân đã đến Nhà Thờ Thánh Micae tham dự buổi cầu nguyện thật sốt sáng.

Mở đầu, Cộng đoàn cùng hát Kinh Chúa Thánh Thần; tiếp theo là giờ cầu nguyện tràng chuỗi Mân Côi. Sau tràng chuỗi Mân Côi, một vị đại diện Giáo dân đã lên đọc bài “Quan Điểm Của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam” làm trong buổi họp Tại Tòa Tổng Giám Mục Xuân Lộc ngày 25-9-2008.

Tiếp theo, Linh mục Trần Đức Phương, phụ trách Cộng đoàn, đã lên nói về ý nghĩa của buổi Cầu nguyện đặc biệt này. Bằng những lời rất tâm tình, Cha Phương đã nhắc nhở mọi người nhớ đến Quê hương Việt Nam, đến Giáo Hội tại Việt Nam trong lúc này và dâng những hy sinh, hãm mình, những buổi cầu nguyện chung tại Thánh Đường hay trong gia đình, để hiệp thông với mọi người Việt Nam đang sống trong nước cũng như đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Cha cũng cho biết việc đọc Bản “Quan Điểm Của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam” trong buổi cầu nguyện này là để mọi người hiểu được rõ ràng và chính xác những vấn đề trầm trọng hiện nay tại quê hương Việt Nam.

Sau đó, Cha đã nêu lên những điểm rất hay và thực tế mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã can đảm đặt thẳng với nhà cầm quyền ở Việt Nam hiện nay:

Đó không phải chỉ là vấn đề tài sản, đất đai, hoặc những khó khăn mà Giáo Hội Công Giáo hay các Tôn Giáo bạn đang gặp phải tại Việt Nam; nhưng là toàn bộ những điều đáng tiếc đang xẩy ra trên quê hương Việt Nam hiện nay; như quyền tư hữu không được tôn trọng theo luật quốc gia và quốc tế, đi đến sự chiếm đoạt đất đai, ruộng vườn của người dân ở các nơi (kể cả của các sắc tộc vùng Cao nguyên), để các cán bộ địa phương làm nhà riêng, nhà cho thuê, bán cho các công ty ngoại quốc…Những điều này cũng đã được một số báo chí trong nước nêu lên nhiều lần.

Nhà nước, nhất là công an và cán bộ địa phương hay dùng bạo lực để áp chế người dân muốn nói lên tiếng nói trung thực; hoặc quá uất ức nên phải khiếu nại đến các cấp chính quyền địa phương hay trung ương.

Các cơ quan truyền thông của nhà nước không phản ảnh trung thực những vụ việc xẩy ra; nhưng cố tình che lấp sự thật và gây hoang mang cho dân chúng, làm sai lạc lương tâm con người, nhất là giới trẻ.

Vấn đề tham nhũng trong các cơ quan nhà nước càng ngày càng trở nên trầm trọng, ngay cả nơi học đường, là nơi đào tạo lương tâm cho giới trẻ trở nên những công dân lương thiện.

Vì các cấp chính quyền không chịu lắng nghe tiếng nói trung thực của người dân, của các đại diện các Tôn Giáo, nên vấn đề mỗi ngày mỗi trở nên trầm trọng hơn, đưa đến những vụ qúa bức thiết, phải tư thiêu. Trong khi chính ra chính quyền phải thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng tiếng nói trung thực của nhân dân, mà thành thưc sửa đổi, nhất là trong vấn đề giáo dục học đường, mới có thể gây đoàn kết dân tộc và chung tay xây dựng quê hương tiến triển, để cùng sánh vai với các nước trên thế giới, và đem lại cơm no áo ấm cho nhân dân.

Sau một vài phút im lặng để mỗi người lắng đọng tâm hồn và hướng về quê hương Việt nam với niềm thương cảm, Cha mời Cộng đoàn cùng đứng dậy và hát bản Thánh ca “Kinh Hòa Bình” của Thánh Phanxicô khó khăn.

Tiếp theo là nghi thức dâng Nước Việt Nam cho Đức Mẹ với những kinh nguyện sốt sáng; đặc biệt kinh “Dâng Nước Việt Nam Cho Trái Tim Đức Mẹ” và bản Thánh ca “Mẹ Rất Nhân Từ.”

Sau đó mọi người sốt sắng dâng Thánh Lễ để đặc biệt cầu nguyện cho Công lý, Hòa bình và Tự do, nhất là tự do Tôn giáo, tại quê hương Việt Nam.

Những buổi cầu nguyện cho Quê Hương và Giáo Hội tại Việt Nam như hôm nay sẽ được tiếp tục trong tháng Mười, tháng Mân côi kính Đức Mẹ.

Sau Thánh Lễ, các Ca đoàn và Đoàn thể họp riêng để đưa ra những chương trình cầu nguyện riêng của mỗi hội đoàn và phát động phong trào tiếp tục cầu nguyện cho quê hương trong những buổi cầu nguyện tại gia, hoặc liên gia trong suốt tháng Mân Côi, cũng như những ngày tiếp theo để chuẩn bị mừng kính Đại Lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam vào ngày 24-11-2008.

Xin Chúa thương xót cứu vớt quê hương Việt Nam chúng con. Xin Mẹ Maria và các Thánh Tử Đạo Việt Nam chuyển cầu cho chúng con.
 
Quan điểm của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ về tình hình Thái Hà-Tòa Khâm Sứ
Trà Mi /RFA
11:11 09/10/2008
WASHINGTON DC 2008-10-09 - Chúng tôi muốn bày tỏ tinh thần đoàn kết với các vị Giám mục Việt Nam để chứng minh với các Ngài rằng thế giới biết rõ những áp lực các Ngài đang phải chịu đựng.

Giám mục Thomas G. Wenski, Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà Bình Quốc tế thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ vừa gửi thư bày tỏ tình liên đới hiệp thông với Hội đồng Giám mục Việt Nam và ủng hộ Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt của Giáo phận Hà Nội trước những căng thẳng đất đai mà Giáo hội Việt Nam đang gặp phải với chính quyền.

Trong cuộc trao đổi với biên tập viên Trà Mi, Đức Giám mục Wenski chia sẻ thêm về thông điệp của bức thư này.

Chia sẻ với Hội đồng Giám mục VN

GM Thomas Wenski: Chúng tôi gửi bức thư đến Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Đà Lạt kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam để bày tỏ tình liên đới trứơc những căng thẳng gần đây khi chính quyền Việt Nam cho xe ủi đến san bằng khuôn viên Toà Khâm Sứ cũ tại Hà Nội và cũng để biểu hiện sự hiệp thông đối với Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt trứơc những lời lên án đáng tiếc của giới lãnh đạo Việt Nam đối với Ngài.

Chúng tôi muốn bày tỏ tinh thần đoàn kết với các vị Giám mục Việt Nam để chứng minh với các Ngài rằng thế giới biết rõ những áp lực các Ngài đang phải chịu đựng, để nói với các Ngài rằng chúng tôi đang hàng ngày cầu nguyện cho các Ngài, xin Chúa ban cho các Ngài sức mạnh để kinh qua thử thách này.

Đồng thời, chúng tôi cũng hy vọng chính quyền Việt Nam sẽ thay đổi chiến lược, cho phép Giáo hội Công Giáo được phát triển thịnh vượng tại Việt Nam.

Trà Mi: Chính quyền Việt Nam xem những buổi cầu nguyện tập thể như một hình thức biểu tình, là hành động không được phép, vì lo ngại mất trật tự xã hội. Vì vậy, ủng hộ các buổi cầu nguyện này sẽ bị coi là chống đối nhà nước. Ngài nghĩ sao?

GM Thomas Wenski: Giáo hội Công Giáo đã kinh qua nhiều mô thức xã hội khác nhau từ thời Đế quốc La Mã tới nay, và một phần trong cuộc sống của Giáo hội Công Giáo là cầu nguyện, ở nơi riêng tư hay chốn công cộng. Nhà nứơc Việt Nam đã hiểu sai mục đích các cuộc cầu nguyện của Giáo hội khi gán ghép việc tụ tập ôn hoà trong các buổi cầu nguyện với các cuộc biểu tình mang tính chính trị.

Trà Mi: Như Ngài đã biết, chính Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt của Giáo phận Hà Nội đã bị nhà nước tố cáo là kích động giáo dân gây mất trật tự xã hội khi ủng hộ các buổi cầu nguyện này…

Phản đối cáo buộc TGM Ngô Quang Kiệt

GM Thomas Wenski: Chúng tôi phản đối sự tố cáo đó, điều đó không xác thực. Chúng tôi hy vọng chân lý và sự thật sẽ sớm tỏ hiện với Đức Tổng Ngô Quang Kiệt và các anh em trong cộng đồng Công giáo ở Hà Nội.

Thật đáng tiếc rằng các cơ quan truyền thông của nhà nứơc đang nỗ lực khuấy động dư luận chống lại Đức Tổng bằng việc chỉ trích và cắt xén lời nói của Ngài, và thậm chí ngay cả Thủ tướng cũng đưa ra những lời phát biểu lăng mạ Ngài nói riêng và cả Giáo hội nói chung, chỉ bởi Đức Tổng là một vị chủ chăn chân chính. Nhà nứơc Việt Nam đã hiểu lầm Ngài.

Trà Mi: Giữa lúc căng thẳng dâng cao, nhiều ngừơi đang kỳ vọng vào một sự can thiệp từ Vatican để có được một giải pháp hợp tình hợp lý. Ngài có ủng hộ ý kiến này không, theo Ngài việc này sẽ giúp ích gì chăng?

GM Thomas Wenski: Tôi nghĩ rằng Vatican cũng đã hy vọng mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo với nhà nứơc tại Việt Nam đựơc cải thiện, và điều này dường như là đã có thể, ít nhất là tính tới thời điểm đầu năm nay.

Thật ra hồi tháng 6, Vatican đã cử một phái đoàn đến Việt Nam, và cuộc thảo luận giữa đôi bên đã tạo ấn tựơng là chính phủ Việt Nam sẽ hướng tới dần dần hoàn trả cho Giáo hội những tài sản bị quốc hữu hoá trứơc đây. Thế nhưng giờ đây, nhà nứơc Việt Nam lại đột ngột quay lưng đổi ý là một điều đáng ngạc nhiên và đáng tiếc.

Giải pháp cho tình hình hiện nay?

Trà Mi: Vâng, trước căng thẳng leo thang như vậy, theo Ngài, đã đến lúc cần có sự can thiệp từ Vatican ngay lúc này hay chăng?

GM Thomas Wenski: Toà Thánh Vatican sẽ không cố gắng can thiệp nhưng họ sẽ nỗ lực ủng hộ các vị Giám mục và Giáo hội Việt Nam. Có lẽ sự tham gia của Toà Thánh vào các cuộc thảo luận với chính quyền Việt Nam sẽ giúp Hà Nội có sự cảm hiểu đúng đắn hơn về Giáo hội, rằng trên con đường hoàn thành sứ mệnh của Giáo hội không hề dính dáng đến mục tiêu đảng phái chính trị hay tác nhân chính trị nào.

Trà Mi: Nếu Ngài có cơ hội tiếp xúc với Toà Thánh Vatican, Ngài sẽ đề cập đến vấn đề hiện thời tại Việt Nam chứ?

GM Thomas Wenski: Ồ chính Toà Thánh Vatican đã biết rất rõ những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Tình hình bây giờ rất nhạy cảm mà Toà Thánh luôn muốn giữ vị thế độc lập riêng biệt. Trong những năm gần đây, Toà Thánh đã luôn cố gắng mở đường cho các cuộc đối thoại hiệu quả hơn với chính quyền Việt Nam.

Trà Mi: Theo Ngài, Giáo hội Công Giáo Hoa Kỳ, hay nói rộng hơn là Giáo hội Công Gíao quốc tế, có thể làm gì hữu hiệu hơn nữa để giúp cải thiện tình hình hiện tại ở Việt Nam?

GM Thomas Wenski: Tôi nghĩ cách mà chúng tôi đang làm đây là kêu gọi sự chú ý, đánh động sự quan tâm trong cộng đồng quốc tế rộng rãi hơn nữa về tình hình căng thẳng tại Việt Nam. Dĩ nhiên Việt Nam muốn hội nhập với thế giới và bây giờ đã thiết lập bang giao song phương với Mỹ.

Tôi nghĩ rằng chính phủ Hà Nội phải hiểu rằng nếu muốn trở thành hội viên của cộng đồng quốc tế, thì phải tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là tôn trọng quyền tự do tín ngữơng, vốn đựơc nhiều nước trên thế giới hết sức đề cao.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và thế giới sẽ đựơc cải thiện nếu chính phủ Hà Nội biết tôn vinh quyền tự do tôn giáo và quyền căn bản của công dân một cách cởi mở hơn.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn Đức Giám mục Thomas G. Wenski, Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà Bình Quốc tế thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.
 
Những cánh thư... những tâm tình về Hà nội...
Các Độc Giả
11:52 09/10/2008
Cảm nghĩ sau chuyến tôi đi thăm 2 Công viên mới tại Hà nội

Tôi đang sinh sống và làm việc tại Saigon, ngày 07/10/2008, tôi có dịp đi công tác ra Hà nội, vì rất quan tâm và theo dõi sát sao diễn biến của 2 sự vụ này tại Hà nội, tôi bèn tranh thủ thời gian để ghé tham quan 2 “công viên” này như thế nào.

Từ khách sạn, tôi bắt xe ôm đi đến Giáo xứ Thái Hà trước, tôi vào nhà thờ lần 1 chuỗi kinh Mân côi để cầu nguyện cho Giáo xứ này, sau đó đi lòng vòng ra khu đất mà người ta đang khẩn trương hoàn tất các công đoạn còn lại để kịp khai trương vào sáng ngày 08/10/2008. “Công viên” rất rộng tọa lạc trong một con hẽm, xung quanh là nhà dân, kế bên là Bệnh viện Đống Đa và nhà Dòng Chúa Cứu Thế. Tôi đi quanh quẩn chắc cũng phải 3 vòng vừa đi mà trong đầu cứ tự hỏi: tại sao lại như vậy? nếu nhà nước minh bạch thì cần gì phải xây công viên nhanh kỷ lục chưa từng thấy như vậy? đúng là “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” và tôi nhìn mọi người xung quanh ngoại trừ các “cán bộ” đang làm nhiệm vụ, thì nhường như không ai bảo ai, nhưng ai cũng hiểu mà không muốn nói đến nữa thôi. Sau đó, tôi lại bắt xe ôm đi qua Tòa Khâm Sứ (TKS), trên đường đi Bác xe ôm biết tôi là người Miền Nam ra, Bác huyên thuyên kể hết những bức xúc của Giáo dân ở đây. Đến TKS, tôi lại lòng vòng xung quanh Tòa TGM Hà Nội, Nhà Thờ Lớn và cái “công viên vô duyên” kia, trong đầu cũng lẫn quẫn những câu hỏi như lúc nảy ở Giáo xứ Thái Hà nhưng với tâm trạng rất buồn, buồn vì bị người ta cướp tài sản lại còn xuyên tạc, phỉ báng, gần như cô lập Đức TGM Hà Nội. Tôi nhớ tới toàn bộ bài phát biểu của Đức TGM Hà Nội gần như thuộc lòng từng câu nói của Ngài (vì tôi đã nghe rất nhiều lần bài phát biểu này do tôi download từ internet), suy nghĩ của tôi lại bật ra:

Nếu tôi được ai đó hỏi: ”Bạn có yêu Tổ Quốc, Dân tộc, Quê hương Việt Nam không?” tôi sẽ hiên ngang trả lời ngay rằng tôi rất yêu Tổ Quốc tôi, yêu Quê hương tôi, tôi tự hào là người con Nước Việt, nhưng nếu hỏi tôi:”Bạn có yêu nhà nước của bạn không?” tôi cũng sẽ tự tin để trả lời rằng “KHÔNG”. Vì sao tôi trả lời như thế? xin thưa:

Tôi yêu nhà nước sao nổi khi mà nạn tham nhũng tràn lan, bao nhiêu là vụ tham nhũng xảy ra mà có xử ai đâu, chỉ hô hào kêu gọi chống tham nhũng nhưng có làm được gì? vụ PMU18, tham nhũng bao nhiêu là tiền từ vốn ODA? trong khi đất nước còn bao nhiêu việc cần phải làm?

Tôi yêu nhà nước sao nổi khi mà mỗi tháng tôi đóng thuế thu nhập khá nhiều (vì lương tôi khá cao) mà tôi có hưởng được gì từ phúc lợi của nhà nước?. Mỗi lần mưa lớn là Saigon thành một biển nước, tất cả các loại mùi bốc lên, tôi phải dắt xe lội lổm bổm dưới trời mưa nước ngập cả thành phố Saigon.

Tôi yêu nhà nước sao nổi khi mà mỗi tháng tôi đóng thuế thu nhập mà các “lô cốt” cứ dựng lên, công trình làm rùa bò, gây ùn tắt giao thông, kẹt xe muôn thuở…Đường xá thì ổ voi, ổ gà, suốt ngày cứ đào lên rồi đắp vá, vài hôm lại thấy đào lên…. Môi trường ô hiểm, bụi bậm.

Và còn rất nhiều rất nhiều nổi bức xúc mà không thể kể hết được. Tôi tự hỏi không hiểu tiền thuế các loại mà người dân nộp cho nhà nước sử dụng vào mục đích gì nhỉ???

Từ những suy nghĩ trên, tôi mới thấy câu nói của Đức TGM Hà Nội hoàn toàn chính xác. Năm 2007, tôi có dịp đi du lịch sang Mỹ thăm thân nhân, cùng thời điểm đó là Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng có chuyến công du sang Mỹ. Thực sự tôi quá ngợp và ái ngại vì trên đường phố mọi người biểu tình phản đối Ông Triết, trên các phương tiện thông tin đại chúng đều phản đối sự hiện diện của Ông. Tôi không biết các quan chức Việt nam có tự đặt câu hỏi “Tại sao” không? chứ bản thân tôi, một công dân bình thường đã tự đặt rất nhiều câu hỏi: Tại sao người Việt sinh sống tại Hải ngoại phản đối kịch liệt như vậy? tại sao họ không chấp nhận lá cờ đỏ sao vàng? tại sao họ đã phải chấp nhận nguy hiểm kể cả mạng sống của mình để đi vượt biên trong những năm sau 1975?

Khi tự đặt câu hỏi như vậy thì tôi lại lấy làm tiếc, tôi tiếc cho đất nước Việt Nam đã mất đi rất nhiều nhân tài, giới trí thức người Việt đang sống và làm việc ở Hải ngoại. Tôi được biết có rất nhiều người Việt Nam rất giỏi và hiện nắm giữ những chức vụ rất quan trọng trong các cơ quan của Mỹ và họ đã cống hiến cho đất nước Hoa Kỳ tất cả khả năng và trí tuệ của họ lẽ ra những đóng góp đó là của đất nước Việt Nam nếu như…..và ngày nay đất nước chúng ta có thể sánh bằng với các nước trong khu vực giá như chúng ta không mất quá nhiều nhân tài, những người vừa có tài vừa có đức sau 1975 chứ không phải những ông quan tham nhũng chuyên rút ruột công trình như ngày nay.

Mặc dù biết càng nói, càng bức xúc, nhưng cũng đành chịu thôi, biết làm sao được khi ta đã lỡ sống dưới một xã hội độc Đảng, độc quyền, độc tài, độc đoán và sinh ra độc ác rồi, bao nhiêu người đã có những bất đồng chính kiến đều bị dập “tơi bời”. Xin mọi người hãy góp lời cầu nguyện cho Quê hương Việt Nam của chúng ta, trong bối cảnh hiện nay, thì vũ khí “lợi hại” nhất là cầu nguyện, ăn chay, lần chuỗi Mân côi mới giúp chúng ta có được một xã hội mà Công lý và Sự thật luôn ngự trị.

Huyền Trang, Saigon 09/10/2008
-----------------------------------

Sự Thật tự nhiên sẽ được tỏ hiện

Cháu là một nghiên cứu sinh tại Anh. Trong những ngày gần đây, mỗi khi vào Net là cháu lại thấy bức xúc và buồn rầu khi đọc những thông tin về việc làm của chính quyền Thành Phố Hà Nội đối với Tòa Khâm Sứ và Thái Hà, với người dân và cách đặc biệt với Giám Mục Kiệt. Sự việc xảy ra với nhiều thông tin khác nhau, phía ủng hộ chính quyền Hà Nội thì lên tiếng bài bác nhà thờ, phía ủng hộ nhà thờ thì lên tiếng để bảo vệ Giám Mục Kiệt và các Tu sĩ Thái Hà. Chính vì thế, cháu quyết định tìm hiểu sự việc này qua nhiều nguồn tin khác nhau.

Nếu là một người có điều kiện để đọc đầy đủ những thông tin và biết đánh giá sự việc, cháu tin rằng người đó cũng có quan điểm giống cháu. Theo quan điểm của cháu, việc làm của chính quyền Thành Phố Hà Nội thật vô liêm sỉ và thiếu học thức. Cách hành xử của họ không khác gì những tên côn đô vô học. Họ đang làm ô danh thủ đô Ngàn Năm Văn Hiến, họ đang phỉ nhổ vào nét đẹp của Người Hà Thành.

Chính vì vậy, là một người Việt, cháu không thể không lên tiếng phản đối cách hành sử thiếu văn hóa của chính quyền Thành Phố Hà Nội. Cháu nói lên những lời này không phải là để ủng hộ người Công Giáo, nhưng là để ủng hộ Sự Thật, Công Lý, và Hòa Bình, cũng như ủng hộ những người dám nói lên sự thật như Giám Mục Kiệt. Đọc lời phát biểu của Giám Mục, cũng giống như bạnThanh Thảo trong bài viết: “bức tâm thư gởi Đảng và những người yêu mến sự thật” được đăng trên trang web vietcatholic. Net, đã nhận định, cháu thấy Giám Mục không hề xỉ nhục quốc thể. Trái lại, Giám Mục đã nói đúng sự thật. Hơn nữa, cháu thấy Giám Mục là một người dân Việt cấp tiến thực sự, một người có tinh thần xây dựng tình đòan kết dân tộc. Chúng ta cứ tưởng tượng xem, nếu không có những người như Giám Mục thì dất nước Việt Nam đến bao giờ mới mở mày mở mặt với bạn bè quốc tế được. Giám Mục đã nói lên sự thật, một sự thật mà lẽ ra chính quyền Thành Phố Hà Nội phải biết đón nhận để xây dựng đất nước hùng mạnh xứng đáng mang danh ‘Con Rồng Cháu Tiên’. Nhưng ngược lại, thiện chí của Giám Mục đã bị họ dùng báo đài bóp méo một cách bỉ ổi.

Chúng ta đang sống trong ‘Ngôi Nhà Toàn Cầu’, chính vì thế, một sự kiện dù bé nhỏ xảy ra, vài phút, vài tiếng đồng hồ sau là cả thế giới biết đến. Đó là thực tế mà ngành công nghệ thông tin ngày nay đã đạt được. Báo Chí, truyền thông là những phương tiện truyền đạt thông tin đại chúng. Chúng mang đi những tin tức, sự kiện cho mọi người mỗi ngày bằng bàn tay và khối óc của con người. Ai trong chúng ta cũng hiểu được tầm vóc quan trọng của chúng. Nhưng buồn thay cho đồng bào tôi, họ đã đọc được gì, họ đã nghe được gì, và họ đã thấy được gì qua báo chí và truyền thông trong nước qua vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà cũng như những sự kiện khác. Trong lãnh vực này, cháu xin được góp ý với chính quyền Thành Phố Hà Nội, hay cũng có thể là lời kêu cầu cấp bách tới họ:

“Hãy thức dậy đi hỡi những quan chức Hà Nội, các ông (bà) đừng giống như những con ếch ngồi dưới đáy giếng chẳng biết trời cao đất thấp là gì cả… Các ông (bà) hãy cố suy nghĩ và hành xử cho vượt qua tầm ‘Lũy Tre làng’ đi. Các ông (bà) đừng nghĩ rằng, dùng báo đài để bóp méo sự thật như vậy là các ông (bà) có thể che đậy được sự thật. Hey! Thời đại thông tin toàn cầu mà. "Sự Thật tự nhiên sẽ được tỏ hiện.”
Để kết thúc, cháu mượn lời của bạn Thanh Thảo để nói lên suy tư và khát vọng của cháu: “Giới trẻ chúng cháu mãi mãi ủng hộ những người nói sự thật để xây dựng đất nước, cho dù sự thật đó làm “mất mặt” Đảng. Nếu Đảng áp bức người này, sẽ có người khác đứng lên. Đảng hãy xem lại danh sách những người nói sự thật bị Đảng bắt đã dài chưa? Những người đang nói và sẽ nói còn dài hơn danh sách ấy nhiều! Muốn đất nước thịnh vượng, dân chúng sống trong hạnh phúc, Đảng cần có những con người liêm chính hơn, cao thượng hơn, hiểu biết hơn để có khả năng lắng nghe sự thật mà người dân tỏ bày. Đảng cần có những người can đảm hơn để lãnh đạo đất nước theo Sự thật. Bọn tiểu nhân không thể làm được điều đó!”

Phạm Đức Hải, Email: haip22409@gmail.com
----------------------

TÂM TÌNH DÂNG ĐỨC TỔNG

Đường xá tuy xa, lòng chẳng xa
Sài Gòn diễm lễ lệ với phù hoa
Con gởi mấy hàng dâng Đức Tổng
Chia sẻ tâm tình vời người Cha

Đức Tổng biết rằng những ngày qua
Cường quyền lồng lộn chước quỷ ma
Bằng mọi xảo thuật hòng bôi nhọ
Nhưng danh Đức Tổng càng vang xa.

Pháp, Mỹ, Bỉ, Đức … khắp nơi nơi
Căm hờn, thổn thức biết bao người
Đồng lòng cầu nguyện cho Đức Tổng
Vạch mặt cường quyền: lũ đười ươi.

Hỏi Đáp Yahoo ở khắp nơi
Tìm hiểu nguyên văn của những lời:
Đức Tổng nói gì mà căng thế?
Con gởi nguyên văn để bênh Ngài.

Đọc xong lũ trẻ mới ngỡ ngàng:
Truyền thông nhà nước thật hoang mang,
Tivi, đài, báo.. vua xuyên tạc
Đức Tổng nạn nhân: mất công bằng.

Thế mà cường quyền vẫn huyên hoang
Giọng điệu quỷ ma cứ sỗ sàng
Tướng, tá, xách giày cho tụi trẻ
Phủ nhận sự thật, vẫn ngang tàng.

Đức Tổng kiên cường vẫn hiên ngang
Trong Chúa tâm hồn mãi bình an.
Xin Chúa cho Ngài thôi chén đắng.
Hoả ngục hiện thân lũ bạo tàn!

Dân tộc Việt Nam biết tỏng tong
Dâng đất, dâng biển lũ Tàu Mông
Cường quyền bán nước, quân nô lệ
“Bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng”.

Lũ quỷ BẢO THỦ thì quá ngu,
Bọn tướng cấp tiến bị quây khu…
Quyền nằm trong tay quân bảo thủ:
Cả nước con dân bị cầm tù!!!

Cha ông chúng ta đã dạy rằng:
Khôn ngoan dối đáp người ngoài,
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau!
Người khôn thay đổi tư duy
Kẻ ngu si suốt đời bảo thủ…

Con thấy Đức Tổng hiện vẫn oai
Đi đâu bảo thủ bám gót hoài
Quanh nhà cài máy: dò chinh thám
Gà què ăn quẹn cối xay: lũ quái thai!

Đức Tổng thấy không chúng kinh hoàng,
Ghế kia nhấp nhổm, mất bình an
Đêm ngày quỳ lạy “cha” Trung Quốc:
Dâng “cha” nửa nước con cũng cam.

Chúa Cả Thiên Đàng đến trần gian
Mang theo ơn phúc và bình an,
Ai đi theo Ngài không sợ chết,
Mà vẫn hiên ngang trước bạo tàn.

Con cầu Đức Tổng mãi bình an
Cường quyền nhìn thấy phải bẽ bàng
Đem Toà Khâm Sứ dâng Đức Tổng,
Vườn hoa Đức Mẹ: chẳng mượn làm!!!!

Hồn Nước
--------------------------------

NGƯỠNG MỘ KÍNH PHỤC ĐỨC TỔNG

Ngợi khen đức tổng Ngô Quang Kiệt
Vì hòa bình, công lý, ngài không sợ sệt
Đòi công bằng, lẽ phải ngài không chán nản
Dám nói thẳng với bạo quyền cộng sản

Dám đối đầu với bạo cường bất nhân
Mà ngày đêm đang đày đọa người dân
Dân oan khiếu kiện, đảng trù dập
Giáo oan đòi đất đai, đảng đánh đập…

Biển, đất tổ tiên mất, ngài e ngại
Thấy các đạo đang bị cộng bách hại
Ngài dõng dạc: Tự do tôn giáo là quyền…
Chứ không phải, là thứ ân huệ xin cho

Ngài trăn trở với hiện tình đất nước
Cầm hộ chiếu đi đâu, cũng bị soi xét
Chứ không như anh Nhật, Hàn Quốc
Cầm hộ chiếu quốc gia, là đi qua tất cả

Còn đất nước Việt, tham nhũng là quốc nạn
Các tôn giáo bị đàn áp, thành pháp nạn
Lãnh đạo thì bóc lột, đàn áp toàn dân
Bán buôn cô gái Việt, làm nô lệ tình dục…

Dân đòi hỏi công lý, bị cộng sản đánh gục
Cán bộ đi đâu thì cũng mánh mung, chôm chỉa…
Chuyển hàng lậu, mua bán hàng quốc tế cấm
Rửa tiền bằng những cú làm ăn phi pháp…

Nên đi đâu cũng bị người ta soi mói…
Vì những sự kiện đau lòng như thế
Vì yêu nước, Ngài đã thổ lộ tâm tư:
Mong toàn dân đoàn kết, tốt đẹp, giàu mạnh…

Để đi đâu cũng được người ta kính trọng
Thế mà cộng sản lật lọng, tráo trở, vu khống
Cắt xén lời lẽ, để quyết tâm sỉ nhục ngài
Báo đài…chuyên chính hùa nhau đánh gục ngài

Cho ngài là người miệt thị dân tộc
Ôi quỉ vương, sao chúng quá ác độc
Dậy trẻ thơ những bài học nói láo
Dậy trẻ thơ những tâm địa hận thù

Dậy em bé miệt thị người công chính
Dậy em nhỏ sống lừa lọc, gian dối
Mưu thâm sâu, gian ác hại người ngay
Hãy chờ đợi, Chúa trị tội chúng bay

Danh đức tổng rồi đây vang muôn thuở
Lịch sử Việt Nam sẽ nhắc nhớ mãi tên ngài
Một người vì hòa bình, công lý… bất khuất
Dám hiên ngang chống chọi với ba thù

Là dân Việt, con cúi đầu ngưỡng mộ
Tính khí hiên ngang của vị chủ chăn
Không hèn nhát trước bạo quyền cộng sản
Không a dua nịnh hót kẻ gian ác

Không làm tay sai cho quỉ vương sai khiến
Không hờ hững trước đau khổ dân tộc
Không xu thời để tìm được an thân
Không tìm kiếm con đường họan lộ cá nhân

Vì mến Chúa, yêu người ngài đã lên tiếng…
Ôi kính phục, một đức tổng lẫm liệt
Ngài xứng đáng là giòng giống hào kiệt
Luôn đứng thẳng đối chọi với bất công

Với quyết tâm để thay đổi cuồng ngông
Ôi dân Việt! Sao mà diễm phúc thế…
Có đức tổng chia sẽ những đau thương
Có đức tổng trên đường tìm công lý…

Hạnh phúc thay cho giòng giống Rồng Tiên
Sinh ra Được một con người Ngô Quang Kiệt

Việt Lê Dân
 
Mời tham dự Đêm Thắp Nến cầu nguyện cho Công lý tại Việt Nam ở Houston
Cộng Đồng CGVN Houston
15:58 09/10/2008
THÔNG BÁO VỀ ĐÊM THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CHO CÔNG LÝ TẠI VIỆT NAM



Trân trọng kính mời quý đồng hương tham dự:

ĐÊM THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CHO CÔNG LÝ TẠI VIỆT NAM

Do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Houston tổ chức

vào lúc 7 giờ tối ngày Chủ Nhật, 12 tháng 10 năm 2008

tại Hang Đá Đức Mẹ Lộ Đức - Giáo Xứ Đức Mẹ Lộ Đức

6550 Fairbank N. Houston, Houston, TX 77040 ( góc xa lộ 290 W)

Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện được tổ chức nhằm hiệp thông với Giáo Hội Việt Nam trong cuộc đấu tranh đòi lại đất đai tại Tòa Khâm Sứ và Giáo Xứ Thái Hà, thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội, bị nhà cầm quyền Việt Nam chiếm đoạt từ nhiều thập niên. Trong thời gian qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã dùng bạo lực để đàn áp và bắt giam rất nhiều giáo dân đang cầu nguyện tại hai nơi này, cũng như sử dụng các thành phần bất hảo để đe dọa tính mạng của nhiều vị chủ chiên thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội, trong đó có Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và linh mục Vũ Khởi Phụng, chánh xứ Giáo Xứ Thái Hà.

Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện còn bao gồm một chương trình văn nghệ với chủ đề Thắp Sáng Niềm Tin, qua sự trình bầy của ca sĩ Khánh Ly, ca sĩ Như Mai, cùng những ca sĩ nổi tiếng tại Houston. Đặc biệt, chương trình còn có sự tham gia của ca đoàn các Sơ Dòng Nữ Đa Minh và ca đoàn các giáo xứ tại Houston.

Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện được sự yểm trợ tích cực của Hội Đồng Linh Mục Việt Nam Tổng Giáo Phận Galveston-Houston, Hội Đồng Liên Tôn, Hội Thân Hữu Hà Nội, và các vị dân cử tại Houston và vùng phụ cận.

Ban Tổ Chức mong mỏi nhận được sự yểm trợ của quý đồng hương. Mọi chi tiết liên hệ đến Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện, xin quý đồng hương liên lạc với Ban Tổ Chức qua số điện thoại (713) 301-5912 hoặc (832) 515-8957.

Chúa Giêsu đã dậy “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì cửa sẽ mở cho,” một lần nữa, xin quý đồng hương thu xếp tham dự Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện Cho Công Lý Tại Việt Nam để giúp Giáo Hội Việt Nam vượt qua được thử thách lớn lao này.

Trân trọng kính mời,

Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Houston
 
Hội Ân Xá Quốc Tế tố cáo Việt Nam đã cướp đất lại còn vu cáo, hăm dọa và tấn công người Công Giáo
Nguyễn Việt Nam
16:53 09/10/2008
Trong một thông báo đính kèm với một bản báo cáo chi tiết gồm 12 trang, Hội Ân Xá Quốc Tế có trụ sở đặt tại Luân Đôn, Anh Quốc đã mạnh mẽ tố cáo nhà cầm quyền Việt Nam đã cướp đất lại còn vu cáo, hăm dọa và tấn công người Công Giáo.

Thông cáo báo chí của Hội Ân Xá Quốc Tế đưa ra ngày 09/10/2008 có nội dung như sau:

Việt Nam: sợ hãi gia tăng, kỳ thị gia tăng

Ngày hôm nay Ân Xá Quốc Tế tuyên bố rằng nhà nước Việt Nam phải chấm dứt ngay việc hăm dọa và tấn công chống lại người Công Giáo và phải bảo vệ người Công Giáo chống lại bạo lực do những nhóm được nhà nước bảo trợ gây ra.

Việc bách hại lan rộng xảy ra sau khi nhà cầm quyền đàn áp những cuộc biểu tình đông đảo nhưng ôn hòa của người Công Giáo Hà Nội vào cuối tháng Chín vừa qua. Trong tháng Tám và tháng Chín, người Công Giáo đã tụ tập hàng ngàn người để ủng hộ cho lý lẽ của Giáo Hội trong cuộc tranh tụng về đất đai.

Trong thông cáo ngắn đưa ra hôm nay, dựa trên thông tin mới nhất, Ân Xá Quốc Tế trình bày về tình cảnh người Công Giáo trước một làn sóng đàn áp đang bị tấn công cả thể lý lẫn những lời nhục mạ và đe dọa như thế nào. Báo cáo này dựa trên hàng loạt những cuộc phỏng vấn với những nhóm trong Giáo Hội, các ký giả và những giáo dân tại quốc gia này.

“Và họ đã chửi rủa cha mẹ chúng tôi cũng như nói những lời như ‘giết tổng giám mục’, ‘giết các cha cố đi’. Tối Chúa Nhật tuần trước khi tôi đến nhà thờ thì có 400-500 người mặc áo xanh hô to những khẩu hiệu và giương các biểu ngữ”. Một phụ nữ Công Giáo đã cho Ân Xá Quốc Tế biết như trên.

Khi chiến dịch chống lại những người Công Giáo biểu tình được thực hiện bởi các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát càng ngày càng khốc liệt, những người phản-biểu-tình và những nhóm do nhà nước bảo trợ đã tập trung bên ngoài Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội và tại giáo xứ Thái Hà, sách nhiễu và hăm dọa các nhà lãnh đạo Giáo Hội và giáo dân. Ít nhất một nhà thờ ở ngoại ô Hà Nội đã bị côn đồ tấn công bằng gạch đá.

Nhà chức trách lại còn dùng luật hình sự để bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận. Bốn người biểu tình đã bị giam giữ và trừng phạt, và vô số giáo dân bị gọi thẩm vấn tại các đồn bót của công an trong những ngày gần đây. Hơn thế nữa, Ân Xá Quốc Tế tin rằng cả những giới chức cao cấp trong Giáo Hội cũng có nguy cơ bị bắt.

Bối cảnh

Những người Công Giáo đã khởi sự biểu tình từ tháng Chạp năm 2007 sau một thời gian dài tranh tụng chủ quyền đất đai về hai miếng đất tại Hà Nội. Đây là những đất đai của Giáo Hội Công Giáo cho đến thập niên 1950 khi nhà nước tịch thu của họ. Các cuộc thương thảo giữa Giáo Hội và nhà nước đã bị đình trệ từ tháng Hai 2008 và trong hai tháng Tám và Chín hàng ngàn người từ các miền đất nước đã tham dự các cuộc biểu tình ôn hòa. Trước cuối tháng Chín, nhà cầm quyền đã phong tỏa các khu vực tranh chấp và chấm dứt các buổi cầu nguyện canh thức.

Phúc trình 12 trang của Ân Xá Quốc Tế có thể xem tại đây: http://vietcatholic.net/news/AfterTheCrackDownFinal.pdf

Nguyên bản Anh Ngữ:

AMNESTY INTERNATIONAL PUBLIC STATEMENT

9 October 2008

AI Index No: ASA


Viet Nam: Growing fear, growing discrimination

The Vietnamese government must end its intimidation and attacks against Catholics and ensure protection against violence by state-sponsored groups, Amnesty International said today.

The widening persecution comes after the authorities cracked down on peaceful mass protests by Catholics in Ha Noi at the end of September 2008. In August and September, Catholics gathered in the thousands to show their support for the church’s claims in a land dispute.

In a briefing paper released today, based on new information, Amnesty International illustrates how Catholics are increasingly physically and verbally attacked and intimidated in the wake of the crackdown. The report is based on interviews with church groups, journalists and parishioners in the country.

“And they shout bad words about our mothers and fathers, and say things like “kill the archbishop” and “kill the priests” a young Catholic woman told Amnesty International. “Last Sunday evening when I came from church, there were maybe 400-500 people there, many in blue shirts, shouting slogans and holding banners.”

As the campaign in state-controlled media against the Catholic protestors is intensifying, counter-protesters and state sponsored groups are gathering outside the Archdiocese and the Thai Ha parish in Ha Noi, harassing and intimidating church leaders and parishioners. At least one Catholic church outside of Ha Noi has been attacked by stone-throwing gangs.

Authorities are also using criminal law to stifle free expression of opinion. Four protesters have been detained and charged, and numerous parishioners have been called in for questioning at police stations in recent days. Moreover Amnesty International believes that senior church officials are at risk of arrest.

Background

Catholics started protesting in December 2007 over a long-running dispute about ownership of two pieces of land in Ha Noi. The land belonged to the Catholic Church until the 1950s when it was confiscated by the state. Negotiations between the church and the government stalled in February 2008 and in August and September thousands of people, some from other parts of the country, joined in the peaceful protest. By the end of September, the authorities had sealed off the areas under dispute and put an end to the mass vigils.

END/
 
Dối trá
Sơn Nghị
18:12 09/10/2008
DỐI TRÁ

Gia đình tôi luôn cố gắng duy trì được bữa ăn tối chung với nhau. Nửa giờ tuy ngắn ngủi nhưng quý giá vì đó là thời gian duy nhất trong ngày mọi thành viên trong gia đình đều có mặt. Ăn được miếng cơm ngon, chung quanh bàn cơm có ông bà, vợ chồng, con cái quây quần, chuyện trò vui vẻ là điều thú vị nhất trong một ngày.

Một buổi cơm tối như thường lệ, đang khi vợ chồng con cái chuyện trò rôm rả thì chuông điện thoại reo. Vì ngồi gần giá điện thoại nên tiện tay tôi bấm nút phóng thanh trên phôn (speakerphone) để trả lời. Thường thì tôi chẳng bao giờ bốc phôn trong bữa ăn vì “trời đánh còn tránh bữa ăn” huống gì một cú điện thoại vẩn vơ, trừ trường hợp nhìn thấy tên của người thân hiện ra trên khung cửa điện thoại. Thế mà hôm đó không hiểu tại sao tôi lại nhấn nút phôn để nói chuyện với một người xa lạ, một nhân viên chào hàng. Để kết thúc câu chuyện nhanh chóng, tôi vội trả lời là tôi chỉ là người ở trọ khi anh ta nói muốn nói chuyện với chủ nhà. Anh chàng Mỹ lịch sự nói cám ơn và cúp máy. Vì bật nút phóng thanh nên cuộc đối thoại cả nhà đều nghe rõ. Ngồi xuống ghế, tôi bình thản tiếp tục bữa ăn và bất chợt một trong hai đứa con tôi, lúc đó mới 10 tuổi, cất tiếng phê bình: Bố nói dối.

Tôi chưng hửng. Ngừng ăn, tôi ngẩn người và chợt nhận ra con tôi nói đúng. Tôi đã nói dối. Thật không ngờ chỉ vì muốn chấm dứt một chuyện không đâu mà tôi đã làm gương xấu trước mặt con cái. Tôi vội giải thích cho nó hiểu là lời nói dối của tôi không làm hại ai cả mà chỉ muốn chấm dứt câu chuyện một cách lịch sự, thế thôi. Tôi còn giải thích thêm, nếu lời nói dối mang sự thiệt hại đến cho kẻ khác thì mới có tội. Thằng bé ngồi trầm ngâm một lúc suy nghĩ về lời giải thích của tôi, rồi sau cùng nó buông thõng: bố vẫn nói dối. Có lẽ trong đầu óc non nớt của nó chưa hiểu được thế nào là lợi, thế nào là hại nên nó vẫn không chấp nhận lời giải thích (yếu ớt) của tôi. Đối với những đứa bé, hoặc là trắng, hoặc là đen, không có màu xám. Chân lý chỉ có một, không thể nửa vời. Nói dối, hoặc nói thật chứ không có luật trừ rằng đôi khi được nói dối.

Ngoài việc đứa con dạy tôi một bài học thật bất ngờ, tôi nghiệm ra rằng nền giáo dục ở Mỹ đã hun đúc trong tâm trí đứa bé phải biết tôn trọng sự thật và phải bảo vệ sự thật bằng mọi giá. Lời kết luận (kiên quyết) của đứa con là một bằng chứng hiển nhiên. Trường học Mỹ không có môn Công dân Giáo dục nhưng bài học vỡ lòng (nhất là các trường đạo) từ thuở mẫu giáo là luôn luôn nói thật. Nhà trường khuyến khích và đề cao việc tôn trọng sự thật. Câu chuyện cậu bé Washington lỡ chặt gãy cây đào và thú nhận với ông bố có đứa trẻ nào mà không biết. Câu chuyện tiếp tục rằng sau đó cậu bé Washington phải nhận lấy một hình phạt vì tội chặt gãy cây cho dù đã thú tội (nói thật). Như thế, cho dù sự thật mang đến thiệt hại cho chính bản thân nhưng vẫn phải tôn trọng sự thật. Có thể đây chỉ là một huyền thoại nhưng một bài học luân lý như thế thật đáng truyền tụng. Không riêng gì ở Mỹ, những đứa bé lớn lên ở bất cứ nơi nào trên thế giới này, kể cả những nước nghèo đói thiếu ăn như ở Phi châu, đều được dạy dỗ về sự thành thật.

Trước 75, những bài học luân lý trong cuốn Quốc văn Giáo khoa thư được giảng dạy trong suốt những năm ở bậc Tiểu học. Tôi còn nhớ rõ chuyện cái cân kể về một người buôn bán gian dối, làm một quả cân rỗng ruột dùng để cân khi bán và một quả cân nặng hơn bình thường dùng để cân khi mua. Có lần người này bổ quả cân ra và thấy ở giữa có một cục máu. Đồng tiền kiếm được qua việc mua rẻ bán đắt một cách gian dối là tiền máu.

Nói đến gian dối là nói đến lừa đảo, bịp bợm. Luân lý Giáo khoa thư cũng khuyên không nên nói dối dù rằng chẳng hại đến ai. Chuyện cậu bé giả có cháy nhà lừa gọi những người hàng xóm chạy đến giúp rồi lăn ra cười. Họ bị lừa nhiều lần nên khi cháy nhà thật chẳng ai đến giúp và kết quả là cả căn nhà bị cháy rụi.

Những đứa trẻ ở miền Nam trước 75 đều được dạy dỗ về sự thành thật, lòng hiếu thảo, yêu người…v..v… Còn xã hội ngày nay ở Việt nam dạy cho con trẻ thuở cắp sách đến trường thế nào? Ban đầu, hào khí chiến thắng của những người cộng sản nhẫn tâm gạt bỏ mọi tinh hoa giáo dục của miền Nam. Những cuốn sách giáo khoa, sách văn học, khảo cứu nằm lăn lóc ở vệ đường bán sỉ nhìn thấy thật đau lòng. Tôi có người dì họ ở ngoài Bắc chưa bao giờ gặp mặt, chưa một lần nói chuyện. Cả hai dì cháu chỉ biết nhau qua thư từ. Đó là một phụ nữ hiểu biết, tốt nghiệp khoa Văn tại Hà nội. Cả tủ sách văn học của tôi bỏ đi thì uổng quá, mà giấu mãi không được với những tên công an khu vực i-tờ nên tôi chuyển hết ra Bắc cho dì. Dĩ nhiên phải chuyển lén vì là đồ quốc cấm. Người dì rất cảm kích về những tác phẩm văn học nghệ thuật này, nhất là những truyện dịch của Leon Tolstoi. Để trả lễ, dì biếu lại tôi cuốn Triết học Mác-Lênin dày cộm (sic). Những kẻ ngồi ở Bắc bộ phủ vào khoảng thời gian đầu mất nước mang nặng đầu óc của một Mao trạch Đông và có hành động cuồng dại của một Tần thủy Hoàng. Cái hào khí chiến thắng của một đạo quân từng đánh bại hai đế quốc Pháp và Mỹ (sic) đã đẩy những kẻ với trình độ sơ cấp lên trên hẳn đồng bào miền Nam bại trận. Vì thế, những cuốn sách văn học nằm ngổn ngang từng đống ở vỉa hè là điều dễ hiểu. Những bài học luân lý căn bản trong cuốn Giáo khoa thư cũng mang chung một số phận. Những câu chuyện vỡ lòng về luân lý dạy cho cả một thế hệ bé thơ hoàn toàn bị loại bỏ khỏi chương trình giảng dạy ở bậc Tiểu học và thay vào đó bằng những bài học dạy về lòng căm thù giai cấp đọc nghe đến lố bịch. Có lẽ không một nước cộng sản nào hiện hữu trên trái đất này lại nhẫn tâm gieo vào đầu óc trẻ thơ những tư tưởng giết người như ở Việt nam.

Xét cho cùng, họ dẹp bỏ là phải vì những tư tưởng gói ghém trong cuốn Luân lý Giáo khoa thư hoàn toàn trái ngược với lý thuyết căn bản cộng sản. Đối với chủ thuyết cộng sản, sách lược là bạo lực, chiến lược là dối trá được che dấu khéo léo dưới danh từ tuyên truyền. Làm gì có thành thật đối với những kẻ ngồi trong Bắc bộ phủ. Bởi thế, dạy cho người dân thế nào là ngay thẳng thì chẳng khác nào họ tự bôi phân lên mặt họ. Chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tương tàn có “chính nghĩa”, mà mãi cho đến bây giờ họ vẫn vinh dự (hão) về cuộc chiến chống Mỹ, đảng cộng sản đã nhồi nhét trong óc đồng bào miền Bắc – kể cả những trẻ thơ – về một miền Nam sa đọa, khổ sở trong nghèo đói, tha hóa trong trụy lạc, lạc hậu về kiến thức, và kiệt quệ về kinh tế. Mới đây, một cán bộ (thức tỉnh) miền Bắc kể lại trên mạng (viet.no) rằng trong thời gian cao trào chống Mỹ Ngụy, theo tài liệu học tập từ trung ương đưa xuống thì tại miền Nam số lượng đàn bà làm đĩ lên đến hàng trăm vạn. Bây giờ ngồi so sánh con số mà đảng đưa ra thì vào thập niên 70 – với số dân 17 triệu toàn miền Nam – phần lớn đàn bà con gái ở phía bên kia vĩ tuyến đều phải bán trôn nuôi miệng; như thế mới phù hợp con số đảng đưa ra. Ông ta chua chát kết luận, con số đảng tuyên truyền thời đó hiểu ra (khá trễ) là phóng đại nhưng lại đúng với sự thật vào đầu thế kỷ 21 tại Việt nam.

Đảng cố tình nhào nặn ra một hình ảnh bệnh hoạn về miền Nam và đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả đến nỗi cả miền Bắc bỗng thấy việc giải thoát đồng bào miền Nam khỏi ách nô lệ của đế quốc là một nhiệm vụ phải làm; chỉ vì đó cũng là đồng bào máu đỏ da vàng cả. Tầng lớp thanh niên thiếu nữ hăng say lên đường đi B để làm cái công việc giải phóng “cao cả” đó. Thế là một chiến dịch dối trá vĩ đại được hình thành ngay trong thâm cung của Bộ Chính trị và được tuyên truyền học tập rộng rãi trên khắp cõi miền Bắc. Trong suốt 21 năm, từ 1954 đến 1975, toàn bộ nhân dân miền Bắc từ hạ tầng đến thượng tầng cơ sở (trừ những kẻ đẻ ra chiến dịch nói dối) đều tin tưởng tuyệt đối rằng đó là những sự kiện có thật. Dân chúng ở hậu phương còn được dạy bảo phải thắt lưng buộc bụng, hạt gạo bẻ làm ba; một để lại miền Bắc, một đem vào miền Nam, và một giúp đồng bào Lào và Cao miên. Thật tội cho đồng bào ở miền Bắc, họ cống hiến tất cả bầu nhiệt huyết, hy sinh đến tận cùng những tình cảm riêng tư, để phục vụ cho một chiến dịch giải phóng bắt đầu bằng một sự lừa bịp vĩ đại. Phải nói là vĩ đại, vì chính những mỹ từ này mà biết bao thanh niên thiếu nữ phải sinh Bắc tử Nam.

Cho đến ngày 30/4/1975, khi bước vào một miền Nam hoa lệ, thành phố sầm uất, dân quê chất phác sống khá sung túc, trẻ con lễ phép (nhờ những bài học vỡ lòng trong cuốn Luân lý Giáo khoa thư), thì những anh bộ đội mới vỡ lẽ ra là những điều họ được học tập trái ngược với thực tế. Những người cộng sản tuy (may mắn) chiếm được miền Nam nhưng đồng thời bộ mặt xảo trá của Bộ Chính trị lộ nguyên hình. Thường thì khi biết bị lừa, tâm lý chung của con người là cảm thấy tự ái bị tổn thương, uất hận và đâm ra oán ghét kẻ lừa bịp. Phải dùng chữ uất hận vì cả một thời thanh xuân đã bị chôn vùi dọc theo rừng Trường sơn; một phần thân thể bị bỏ lại chiến trường B; những ước mơ tầm thường của một đời người cũng bị hy sinh đến tận cùng.

Có hai biến cố để thử lửa thế hệ thanh niên Việt nam, kể cả giới trí thức. Thứ nhất là biến cố 30 tháng 4, 1975 khi họ khám phá ra một miền Nam hoàn toàn trái ngược với sự tuyên truyền của đảng. Biến cố này chỉ liên quan đến thanh niên miền Bắc. Thứ hai là ngày 9 tháng 12, 1991 khi thành trì Sô-viết chính thức tan rã, cáo chung một chủ nghĩa cộng sản không kèn không trống sau gần ¾ thế kỷ gieo rắc bao kinh hoàng cho nhân loại. Biến cố này liên quan đến thế hệ trẻ của cả nước. Cả hai biến cố này xác định rõ rệt ai là kẻ nói dối và ai là kẻ bị lừa.

Bị kẻ khác lừa mà không biết là bất trí. Khi biết bị lừa mà không có phản ứng (dù tiêu cực hay tích cực) là bất lực. Con người Việt nam không thể bất trí. Nhân dân Việt nam không bao giờ bất lực. Thế mà khi bộ mặt xảo trá của đảng cộng sản bị phơi bày vẫn không thấy một phản ứng – cho dù nhỏ nhoi – của bất cứ thành phần nhân dân miền Bắc nào, kể cả những kẻ mang danh là kẻ sĩ, gồm cả các giáo sư, bác sĩ, học giả..v..v.

Phân tích cho kỹ hiện tượng thụ động này, tôi nghĩ ra được vài điểm:

1. Lính bộ đội có trình độ học vấn thấp. Nói ra điều này tôi hoàn toàn không có ngụ ý chê bai mà chỉ nêu lên một sự thật. Những thanh niên thiếu nữ này nếu điều kiện cho phép chắc chắn tên tuổi của họ cũng được ghi danh trên bảng vàng như ai. Đúng ra, đảng không muốn thanh niên thiếu nữ miền Bắc học nhiều. Họ cố ý rút ngắn chương trình trung học trong những năm chiến tranh chỉ còn 10 năm (để mau ra chiến trường), trong khi học sinh miền Nam phải học đủ 12 năm và phải qua biết bao kỳ thi sát hạch để sàng lọc những người có khả năng học lên cao. Chỉ vì trình độ nhận thức thấp kém theo chính sách ngu dân của đảng nên tầng lớp thanh niên không cảm thấy uất hận khi bị lừa dối.

2. Tầng lớp cán bộ và bộ đội lóa mắt trước của cải miền Nam. Họ là những nông dân chân chất, nghe lời đảng đi “giải phóng” miền Nam khỏi ách đế quốc. Tài sản của họ ngoài căn nhà tranh vách đất, may ra được con trâu, dăm con gà. Hiếm khi họ ăn được bữa cơm không độn. Bước vào miền Nam thấy toàn cao ốc, nhà cửa khang trang, hàng tiêu dùng thừa mứa, họ bỗng đâm thèm khát hết mọi thứ; từ cây kim may cho đến chiếc bình tích giữ nước sôi. Phàm con người có ai không muốn hưởng thụ, sung sướng. Họ mong đem về Bắc một chiếc xe đạp, trên cổ tay đeo chiếc đồng hồ (made in Cholon cũng được), và trên vai lủng lẳng chiếc máy thu thanh. Ước mơ của những anh bộ đội ôi thật tầm thường nghĩ đến tội nghiệp. Đảng biết như thế nên cố tạo điều kiện cho những kẻ một thời nghe lời dụ dỗ của đảng bằng cách đổi tiền, đánh tư sản mại bản, và nhiều trò cướp giật công khai khác, với mục đích gián tiếp buộc đồng bào miền Nam phải đem hết đồ dùng trong nhà ra bán dần ở chợ trời, cân bằng phần nào cán cân kinh tế giữa hai miền Nam Bắc trong thời hậu chiến. Trong khi đồng bào miền Nam tiêu tán dần sản nghiệp thì nhân dân miền Bắc bỗng được sở hữu chủ một vài thứ tiêu dùng mà cả đời họ chưa bao giờ (dám) nghĩ đến. Trong thời chiến, nhân dân miền Bắc tối đi ngủ gắng mơ được thấy bác Hồ và mãi đến năm 75, cả nước âm thầm gạt bác qua một bên để phấn khởi thay vào đó là giấc mơ đạp, đổng, và đài. Với giấc mơ hơn hai mươi năm bỗng trở thành hiện thực chỉ trong vài tháng, nhân dân miền Bắc bỗng đâm ra dễ dãi và chợt quên đi họ đã bị lừa.

3. Thành phần kẻ sĩ đã bị thuần hóa từ lâu, nhất là sau vụ Giai phẩm Nhân văn năm 1956, vụ bắt “những kẻ chống đảng” năm 1967. Còn biết bao vụ thanh trừng khác xảy ra nhan nhản trong suốt thời chiến tranh. Những chuyện mưu sát công khai, những chuyện đầu độc nghe được qua rỉ tai, từng ấy chuyện đủ khủng bố tinh thần của tầng lớp kẻ sĩ đến sợ hãi ngậm miệng. Với phương pháp trấn áp cực kỳ tàn độc, đảng thành công trong việc bào mòn lòng bất khuất của tầng lớp trí thức, nhận chìm khí phách truyền thống của cha ông. Thật tội cho họ, biết bị lừa mà đành phải cắn răng chịu đựng.

Chính vì những lý do đó mà trong muôn vàn kẻ chứng kiến cuộc “giải phóng”, tất cả đều nhận ra một chiến dịch bịp vĩ đại ngay sau khi vào thăm và tiếp xúc với đồng bào miền Nam, nhưng lại không mấy ai thổn thức lương tri, hoặc thắc mắc lấy một lời về sự dối trá của đảng cộng sản. Trừ hai người (ít ra là họ thú nhận như thế). Đó là bà Dương Thu Hương và ông Nguyễn khắc Toàn.

Nhà văn Dương Thu Hương kể lại là khi chứng kiến được sự sung túc của miền Nam, bà ngồi bệt xuống lề đường Nguyễn Huệ và khóc tức tưởi. Trong một bài viết, bà cho biết: Bà chợt nhận ra chân tướng của đảng cộng sản. Bà biết bà đã bị lừa khi hiến thân cả cuộc đời để thực hiện cái gọi là “giải phóng miền Nam”. Năm 1968, lúc bà vừa 21 tuổi, tuổi thiếu nữ tràn trề nhựa sống, bà từ chối ân huệ của đảng gửi đi du học (giấc mơ của tuổi trẻ miền Bắc) để lên đường vào Nam tham gia chiến dịch Tổng công kích Tết Mậu Thân. Quyết định dứt khoát vào Nam đi “giải phóng” cũng vì hoàn toàn tin tưởng vào sự tuyên truyền (nói dối) của đảng. Bà quyết dùng tài năng của một văn công để an ủi tinh thần cho những anh bộ đội trên đường chinh chiến gian khổ. Ôi! Bà khóc là phải lắm. Những giọt nước mắt uất ức xứng đáng chảy dài trên má vì sau bao nhiêu năm chiến đấu khổ cực để tàn phá những gì là ước mơ của toàn thể nhân dân miền Bắc. Xét cho cùng, cách mạng là đổi mới, là tìm một đường hướng tốt hơn hiện tại. Hóa ra không phải thế, người cộng sản chủ trương lột bỏ hết tất cả những gì gọi là tinh túy của cha ông để áp đặt một chính thể ngoại lại, những “luân lý” cộng sản, trong đó sự lừa dối được cổ võ rộng rãi trong tầng lớp nhân dân.

Năm 2006, nhà báo Nguyễn khắc Toàn, trong bài viết nhân ngày 30-4, với tựa đề: “Nhìn Lại Ba Mươi Năm Trước” , ông xác nhận: Cuộc chiến tranh "Huynh đệ tương tàn - nồi da nấu thịt" ấy đã để lại trong tôi những chấn thương về cả tinh thần lẫn thể xác. Về phương diện tinh thần, tôi đã có cái nhìn rất khác so với nhiều đồng đội của mình là những người xuất phát đa phần từ nông dân, sinh trưởng từ nông thôn miền Bắc Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu. Ông lập lại những gì ông được học tập kỹ lưỡng trong suốt cuộc chiến chống Mỹ: "Rằng đây là cuộc chiến tranh cách mạng nhằm giải phóng miền Nam khỏi đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ ngụy quyền tay sai!?" "Rằng đây là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân Miền Nam khỏi ách kìm kẹp của Mỹ Ngụy và đây là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thiêng liêng...", như bộ máy tuyên truyền vĩ đại ở miền Bắc hô hào ngày đêm!!!? Và như một số ít oi kẻ sĩ còn biết sỉ, ông nhận ra rằng: Tôi đối chiếu, so sánh với cuộc sống ở Hà nội và cả miền Bắc XHCN thì những thứ "Tự do dân chủ " và đời sống khá giả ấy (ở miền Nam; chú thích của người viết) quả là một sự xa xỉ và hoàn toàn xa lạ đối với người dân miền Bắc. Kết luận của ông nghe thật đau lòng: Bi kịch lớn của dân tộc ta, tổ quốc ta là ở chỗ cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” đã tốn biết bao núi xương, sông máu của nhân dân cả nước nhằm hủy diệt một chế độ đa đảng dân chủ, tự do, và một nền kinh tế thị trường đã từng tồn tại ở miền Nam VN trước năm 1975, mà giờ đây nhân dân chúng ta đang phải đấu tranh để được đi lại đúng con đường này. (in đậm theo ý người viết)

Đi lại đúng con đường này có nghĩa là con đường tự do kinh doanh của tư bản, bảo đảm các quyền căn bản của con người. Trong khi đó, Mác lại khẳng định một chế độ tư bản sẽ dãy chết và toàn thế giới sẽ được thay thế bằng chủ nghĩa cộng sản. Lênin thần thánh hóa mớ lý thuyết này, thêm vào “bạo lực cách mạng” để “vô sản các nước, đoàn kết lại!”, và Nga xuất cảng chủ thuyết của hai ông tây râu xồm ra các nước nhược tiểu. Bộ môn Triết học Mác-Lê được giảng dạy trong suốt những năm ở đại học, và những người cộng sản rất tự hào về những lý thuyết “tất thắng” trong cuốn sách dày cộm này. Bà dì họ mà tôi nói ở trên biếu tôi cuốn Triết học Mác-Lê; mở ra, ngay từ trang thứ nhất nổi rõ nét chữ của bà, tinh hoa duy nhất của nhân loại (sic). Với số tuổi mới trên 20, bà là một tiêu biểu cho thế hệ trẻ lớn lên ở miền Bắc, thuộc giới trí thức. Bà tin tưởng mãnh liệt vào mớ lý thuyết Mác-Lê, xem đó là tinh túy độc nhất của nền triết học Tây phương, cốt lõi của một cuộc cách mạng không thể tránh được trong lịch sử nhân loại. Tuổi trẻ Việt nam lớn lên cũng tin tưởng như thế, nghĩa là bên ngoài thành trì xã hội chủ nghĩa các nước tư bản đang ngắc ngoải, dân chúng ở các nước này đang sống ngất ngư, chỉ chờ chết. Họ cũng tin tưởng rằng chủ nghĩa tư bản đang tiến đến bờ vực thẳm và chế độ cộng sản sẽ là chiếc thòng lọng siết cổ bọn đế quốc tư bản. Sự thật như thế nào? Mấy tay lãnh đạo cộng sản miệng nói xoen xoét như thế nhưng trong thâm tâm họ vẫn biết họ đang nói dối. Một trong những tay tổ cộng sản là ông Gorbachev đã thú nhận như thế.

Trong buổi thuyết trình vào ngày 12/3/2002 tại đại học Columbia (Hoa kỳ) với tựa đề "Russia: Today and the Future" (Nga sô: Hiện tại và Tương Lai), ông Gorbachev đã nêu rõ vấn đề dối trá của đảng cộng sản nhân dịp kỷ niệm 10 năm sau ngày sụp đổ của chế độ cộng sản nhờ chính sách đổi mới “perestroika” của ông. Ông nói vào thời điểm ông lên cầm quyền, khi các vệ tinh của Nga đang bay trên quỹ đạo, những cán bộ lãnh đạo chỉ bàn về vấn đề kem đánh răng, bột giặt..v..v.. nói chung chỉ là vấn đề hưởng thụ. Ông thêm: "những cán bộ đảng chỉ điều hành quốc gia với sự gian dối (in đậm theo ý người viết). Chúng tôi, trong số đó có tôi, từng nói 'Tư bản đang đi đến sự huỷ diệt, trong khi chúng ta đang phát triển tốt đẹp', lẽ dĩ nhiên, đó chỉ là những lời tuyên truyền (nói dối, chú thích của người viết). Trên thực tế, quốc gia chúng tôi đang bị bỏ rơi đằng sau."

Sự dối trá đã bám rễ trong tâm trí của những người cộng sản. Họ dùng bất cứ thủ đoạn nào để che dấu sự thật. Tất cả huyền thoại của một đảng cộng sản được trang bị bằng vũ khí bách chiến bách thắng (?) là chủ nghĩa Mác-Lê được bắt đầu bằng cuộc khởi hành xuống tàu đi Pháp của ông Hồ chí Minh. Trong khi ông đi tìm miếng cơm manh áo cho chính bản thân ông bằng cách gửi thư lên ông Bộ trưởng Thuộc địa Pháp xin được theo học ở trường thuộc địa để thành tài và có cơ hội phục vụ mẫu quốc thì đảng cộng sản lại nói ông xuống tàu để tìm đường cứu nước. Sau này, ông Hồ thấy nói dối như thế có lợi cho kế hoạch đánh bóng thân thế của ông nên ông không hề cải chính. Khi nắm trọn miền Bắc, ông Hồ lại dối trá bằng cách lấy bút hiệu Trần dân Tiên để tự viết tiểu sử mở đầu bằng câu: một người như Hồ Chủ tịch của chúng ta, với đức khiêm tốn nhường ấy và đương lúc bề bộn biết bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể cho tôi nghe bình sinh của người được? Ôi! Từ cổ chí kim, chưa thấy ai có được tính “khiêm tốn” như ông Hồ.

Bắt đầu từ chuyện tự viết tiểu sử bất hủ của ông Hồ để tuyên truyền rầm rộ trong đám nhân dân miền Bắc đói khổ, đảng cộng sản ngày càng nhận thấy “giá trị” của sự dối trá. Nó đánh lừa được đám dân chúng ít học, và họ sẵn sàng xả thân để đi đúng theo con đường mà đảng cộng sản muốn. Câu chuyện ngày xưa, mẹ thầy Tăng Sâm đang ngồi đan áo chợt có người chạy đến báo tin con bà đã giết người và đang bị quan huyện lùng bắt. Bà vẫn ngồi bình thản đan áo vì bà tin chắc chắn rằng đứa con không bao giờ làm những việc tầy trời như thế. Nhưng khi có người đến báo tin lần thứ ba thì bà đứng bật dậy và chạy trốn ngay khỏi nhà vì bà tin rằng quan quân thế nào cũng đến bắt cả bà. Một việc không có được lập đi lập lại chỉ mới ba lần mà đã có người tin thì huống gì những lời tuyên truyền của cộng sản được nhai đi nhai lại hàng trăm nghìn lần. Những lời tuyên truyền xuyên qua tai và găm vào óc của đám dân khốn cùng, ngay từ khi lọt lòng, trong mọi sinh hoạt từ sáng đến khuya, từ trường học đến công sở, trong nhà đến ngoài ngõ. Nó nói ra rả, cùng một luận điệu, cùng một ngôn từ, cũng một khuôn mẫu đến nỗi người ta nghĩ ngay đến cuộn băng từ tính, được phát thanh triệu lần như một. Vì thế, đồng bào miền Bắc cả tin vào đảng cộng sản cũng là điều dễ hiểu.

Trong một xã hội xảo ngôn, người dân bị bưng bít mọi sự thật thì những đứa trẻ lớn lên cũng tin đó là sự thật. Dĩ nhiên nhà trường không bảo thẳng những trẻ thơ phải nói dối nhưng sớm gieo vào đầu óc chúng những tư tưởng hận thù giai cấp; trong khi Luân lý Giáo khoa thư dạy phải yêu thương đồng loại. Thêm vào đó, đảng lại dạy chúng sớm biết nghi ngờ hết mọi người, ngay cả ông bà cha mẹ, để dám tố cáo những tư tưởng chống đối, phản cách mạng; còn Luân lý Giáo khoa thư lại dạy phải biết tôn kính những người già cả. Đây là một căn bệnh cố hữu của người cộng sản. Họ nghi ngờ tất cả, lúc nào cũng thấy địch chung quanh, và họ cho đó là “cảnh giác cách mạng”. Làng xã lại lập ra tổ “tam tam”, nghĩa là cứ ba nhà làm thành một tổ nhưng thật sự là dò xét, canh chừng lẫn nhau. Vì thế, ngay tại gia đình, mọi người đều kín miệng trong bất cứ chuyện gì, không để nhà bên cạnh biết việc trong nhà mình. Dân chúng sống mãi trong một bầu khí nghi kỵ, không dám tin ai, chẳng dám mở miệng nói với ai một điều gì thật trong lòng. Đảng cố ý biến cả nước thành nhân vật Tào Tháo thời Chiến quốc. Đã một thời, ở các làng Công giáo các cụ gặp nhau thường hỏi thăm, dạo này có khỏe không? Câu trả lời thường là, nhờ ơn Chúa, gia đình tôi vẫn bình thường. Sau năm 1954, câu trả lời chung nhất là, nhờ ơn bác và đảng, gia đình tôi vẫn bình thường. Biết mình đang nói dối nhưng vẫn phải nói, để sống còn. Ngay ở trong một xóm đạo, nơi mà đời sống tinh thần tương đối khá hơn ngoài xã hội, thế mà người dân còn phải nói dối thì huống gì bên ngoài lũy tre xanh, người ta còn dối trá đến đâu mà kể.

Những đứa trẻ miền Bắc lớn lên trong một khung cảnh dối trá đầy dẫy nghi ngờ như thế và dần dần chúng thấy dối trá là chuyện bình thường. Lớn lên, ra ngoài xã hội, chúng cũng nhận ra những điều thầy cô đứng trên bục giảng gân cổ tự hào về một xã hội cộng sản cũng chẳng đúng sự thật. Tôi còn nhớ năm 1975, lũ sinh viên gần ra trường chúng tôi được dồn vào giảng đường ở đại học Luật để học chính trị. Một giáo sư dạy Triết Mác-Lê từ Hà nội vào huênh hoang đứng trên bục giảng quả quyết rằng Nga đặt chân lên mặt trăng đầu tiên. Ngày lịch sử đó của cả nhân loại kể ra vẫn còn mới, vì chỉ cách đó mới 6 năm. Ban đầu chỉ nghe tiếng xầm xì nổi lên đâu đó; chỉ mấy phút sau cả giảng đường nhao nhao phản đối. Ông giáo sư đứng ngẩn người không hiểu (hoặc giả vờ không hiểu?) chuyện gì. Các tổ trưởng (cứ mười người có một tổ trưởng) yêu cầu chúng tôi yên lặng và hứa sẽ trình lên trên. Sau 15’ nghỉ giải lao, chính ông ta lên tiếng đính chính sự việc và nhìn nhận rằng Mỹ đã đưa người lên mặt trăng đầu tiên. Từ chuyện này, tôi nghiệm ra một điều, đảng cộng sản của ông nói dối hoặc chính ông nói dối. Nếu đó là sự thật, hoặc ít nhất đó là điều ông được biết và tin qua sách vở của đảng từ năm 1969 thì bằng mọi cách ông phải bảo vệ sự thật đó. Ông tin đó là sự thật vì lẽ đơn giản là ông đặt hết niềm tin vào đảng. Tôi không nghĩ một niềm tin trong 6 năm lại có thể bị sụp đổ chỉ sau 15’ phù du. Khi đính chính câu chuyện lịch sử đó, vô tình ông đã chưởi thẳng vào mặt đảng cộng sản, gián tiếp tố cáo sự dối trá của đảng, mà chính ông (tôi nghĩ) phải là một đảng viên. Còn nếu đảng không dạy nói như thế, thì chính ông trong một phút say sưa với chủ thuyết Mác-Lê, mê mẩn thành trì Xô-viết. đã bốc đồng cho mấy ông tổ cộng sản đặt chân lên mặt trăng. Như thế, chính ông là người nói dối. Một người được xem là đại diện cho giới trí thức miền Bắc, có học vị, giảng dạy ở bậc đại học mà nói dối dễ dàng đến vậy thì quả thật con người cộng sản không còn liêm sỉ. Chưa kể đến chuyện ông ta dám khinh thường trình độ nhận thức của đám sinh viên miền Nam. Điều này tổn thương tự ái bọn sinh viên chúng tôi nhiều nhất. Từ khinh bỉ đám trí thức cộng sản miền Bắc đến tức giận vì tự ái, chúng tôi chỉ biết lặng lẽ nhìn nhau thở dài.

Trừ những đứa trẻ lớn lên ở làng xóm giữ gìn một nếp sống tôn giáo nghiêm nhặt, hoặc sinh trưởng trong một gia đình nho học, và cha mẹ còn biết giữ lấy nho phong, tay quyết không nhúng chàm, còn lại phần lớn những đứa trẻ này bước vào đời đều què quặt về mặt luân lý. Chúng không được trang bị những giá trị luân lý căn bản của lòng Nhân, của tâm hồn Lễ Nghĩa, và của cách hành xử Trí Tín. Hành trang của chúng là trái tim chất chứa hận thù giai cấp, tâm hồn đầy dẫy nghi ngờ và trí óc với mớ kiến thức khá chừng mực. Ủy viên Trung ương đảng Trần bạch Đằng, năm 1977, phải nhìn nhận con nít miền Nam lễ phép hơn con nít ở miền Bắc. Nhưng đức Lễ này thảm thương thay đã chấm dứt ngay sau năm 1975 vì đảng cộng sản đã áp dụng chính sách ngu dân (con cái trong chế độ cũ không được học lên cao) và áp đặt nền giáo dục phi luân lý cho con em miền Nam. Thế là nguyên cả một thế hệ đầu tiên thời hậu chiến sống mất kỷ cương, lững thững đặt chân xuống cuộc đời với nhiều gương xấu của cha ông, trong đó sự dối trá nổi bật hơn hết.

May mắn thay cho lớp trẻ thời hậu chiến là tôn giáo vẫn còn chiếm giữ một vị trí quan trọng trong xã hội từ Nam chí Bắc. Nhà thờ, chùa chiền, thánh thất vẫn là nơi dạy dỗ và cổ võ một nền luân lý truyền thống của cha ông. Vai trò của các linh mục, sơ, thượng tọa và các thầy chưa bao giờ bức thiết bằng lúc này, khi đất nước ngả nghiêng trong hỗn loạn luân lý, khi tuổi trẻ đang mất dần định hướng. Tôn giáo có tác dụng như một cái phanh, kìm giữ một tuổi trẻ bơ vơ đang lao mình xuống vực thẳm của vật chất, thản nhiên buông thả mọi giá trị tinh thần. Sự giằng co giữa tôn giáo và xã hội xem ra khá quyết liệt và tôn giáo đôi lúc phải ngậm ngùi nhìn tuổi trẻ Việt nam đang lún ngày càng sâu vào vũng lầy của cuộc đời. Tôi có người bạn nhân chuyến về thăm địa phận Nha trang kể lại rằng, các tu sinh (những người đang tập sự trong đời sống tu trì để trở thành linh mục) vẫn thản nhiên nói dối không ngượng ngùng. Người bạn đơn cử một thí dụ (theo lời tâm sự của cha Bề trên), khi ngài hỏi một tu sinh đã quét nhà chưa, anh ta trả lời đã quét rồi, nhưng ngài biết là anh ta chưa làm; khi hỏi gặng thì anh ta nói là sẽ làm. Thật rõ ràng ngay lúc trả lời anh đã nói dối. Nên biết thêm, những tu sinh này đã được tuyển chọn trong muôn ngàn kẻ muốn dâng mình cho Chúa. Họ là những người đã được sàng lọc, thế mà bụi trần vẫn còn vướng trên áo, ngấm trong tim và lộ ra trong câu nói.

Ngày 27/4/2006, nhân chuyến đi Rôma về, Đức Hồng Y Phạm minh Mẫn đã chuyện vãn với giới Liên Tu sĩ của Tổng Giáo phận Sàigòn. Trong buổi chia sẻ với khoảng 60 đại diện của các Dòng Tu và Tu hội nam nữ, ngài kể lại chuyến đi Rôma, đồng thời đưa ra một vài đề nghị về tu sinh. ĐHY Mẫn nói, “Liên quan đến Chủng viện, bây giờ có đề nghị năm thứ nhất của chủng viện làm năm tu đức để rửa sạch bụi đời và trau dồi những khả năng cần thiết khác. Vì nhiều chủng sinh đã học đại học mà viết một câu tiếng Việt cũng không rồi. Bên cạnh thiện chí, còn có nhiều chuyện khác không lành mạnh đi vào tâm thức của những người trẻ nhập tu. Do đó, phải đào tạo cho các chủng sinh có ý hướng ngay lành, có kỹ năng đáp trả Ơn Gọi, có khả năng bỏ mình vác thập giá. Tôi cảm nghiệm điều này hết sức sâu xa: phải bỏ thói đời, phải bỏ thói ăn gian nói dối. Vì cả xã hội đã như vậy rồi.” (in đậm theo ý người viết), (LM. Nguyễn văn Khải, D.C.C.T., lược ghi)

Nhận xét của ĐHY Mẫn phản ảnh một sự thật phũ phàng ở xã hội Việt nam ngày nay. Sự dối trá đã bao trùm trong mọi sinh hoạt của người dân. Tuổi trẻ từ nhỏ đã không được thấm nhuần tinh thần Luân lý Giáo khoa thư, khi lớn lên bước vào công sở cũng gặp những cảnh dối trá lươn lẹo của lớp cha ông, thì dĩ nhiên chúng cũng phải sống dối trá lươn lẹo cho phù hợp. Ở ống thì dài, ở bầu thì tròn. Nói dối và ăn cắp là hai thói xấu phổ biến ở những công ty quốc doanh. Trong thời bao cấp, công nhân ra sức bòn mót của công. Trước hết vì công nhân quá nghèo, hai nữa là vì mồ cha chung không ai khóc. Lấy được cứ lấy, lỗ lã đã có nhà nước lo. Cấp dưới làm láo báo cáo hay vì để làm vừa lòng cấp trên. Còn cấp trên chỉ là những người trưởng thành trong khói lửa, không có lấy một chút kiến thức nào về điều hành, về quản lý nhưng lại muốn giữ bổng lộc của nhà nước. Ôi! Chưa bao giờ câu nói của Hoài Nam Tử từ mấy nghìn năm trước lại có ý nghĩa đến thế: “Trên đời có ba đại họa, đức ít mà ân sủng nhiều, tài ít mà địa vị cao, công nhỏ mà bổng lộc lớn.” Những người cộng sản mang danh là lãnh đạo ở nước Việt nam hiện nay, từ các cơ quan hành chánh đến những bộ phận của đảng, đều mắc phải những đại họa này.

Người cộng sản nào ở bất cứ nơi nào trên trái đất này đều xem sự gian dối là phương tiện để sống còn. Từ mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, luôn luôn thấy sự dối trá. Họ nói dối dễ dàng, như người ta ăn một bát cơm ngon. Mãi rồi sự dối trá thấm nhuần vào máu, hễ ngồi xuống để bàn chuyện, lập tức trong tâm tư của họ phải nghĩ ngay đến việc phải che dấu sự thật, làm thế nào để nói dối thật hay, hầu qua mặt được người dân, hoặc con mắt quan sát quốc tế. Tôi có người bạn nói đùa rằng Thế Vận Hội không có môn thi nói dối, và nếu có chắc chắn những người cộng sản sẽ chiếm hết cả ba huy chương, vàng, bạc, và đồng. Tôi bật cười nhưng nghĩ quả không ngoa.

Mới đây, báo Tuổi trẻ trong nước đưa tin về chuyện các quan cộng sản nói dối bên Tàu. Sự thật giới quan trường một số địa phương ở Trung Quốc đã tồn tại một “dây chuyền nói dối”: quan làng nói dối quan xã, quan xã nói dối quan huyện, cứ thế nói dối lên trên. Ý kiến cư dân mạng tham gia “Diễn đàn nhân dân Trung Quốc” trên hệ thống Nhân Dân Nhật Báo tập trung tóm tắt mấy điểm sau:

Thứ nhất, các quan chức có tội, có sai lầm nhưng vẫn muốn giữ ghế.

Thứ hai, một số quan chức cho rằng muốn thăng quan tiến chức nhanh để mưu lợi nhiều hơn thì dùng các “kế hoạch nói dối”.

Thứ ba, một số quan chức bản thân sa đọa hưởng lạc nhưng cố tạo ra hình tượng “trong sạch”.

Thứ tư, có những lãnh đạo cấp trên thích nghe cấp dưới nói dối, bởi những thành tích của cấp dưới làm tăng thành tích của cấp trên. Cấp trên thích, cấp dưới ăn theo. Ở một số nơi, phong khí quan trường bất chính, lãnh đạo thích nhiều công nên chỉ thích nghe thành tích, không thích nghe khuyết điểm, do đó cấp dưới tha hồ nói dối. Ở một địa phương mà trò nói dối “thịnh hành” thì người nói thật sẽ gặp rủi ro lớn
.

Bây giờ đổi tên Tàu thành Việt nam thì câu chuyện trên của các quan cộng sản ở trong nước cũng y chang. Cũng từng ấy lý do mà nói dối. Ôi! Còn gì đau đớn hơn khi tuổi trẻ Việt nam lớn lên trong một xã hội đầy dẫy những dối trá và họ phải uốn mình theo dòng đời để mưu sinh, kiếm sống. Một đất nước Việt nam như thế thì làm sao xây dựng cho thật sự phú cường, hạnh phúc.

Chiến dịch trăm năm trồng người của Quản Trọng (không phải ý ông Hồ đâu nhé!) bức thiết hơn bao giờ. Cần phải tôn trọng những luân lý trong cuốn Giáo khoa thư. Cần phải cổ võ một nền luân lý căn bản cho con em ngay từ thuở cắp sách đến trường. Phải làm ngay từ bây giờ và cũng phải mất nhiều thế hệ mới lấy lại được thăng bằng luân lý cho xã hội Việt nam.

Trễ nhưng vẫn còn hơn không.
 
Mục lục những albums hình liên quan tới Tòa Khâm Sứ và Thái Hà
VietCatholic Network
19:41 09/10/2008
Nhiều cộng đoàn và đoàn thể muốn có những hình ảnh về công cuộc tranh đấu của anh chị em Công Giáo Hà Nội. Dưới đây là bảng mục lục những albums có trên VietCatholic.

12/18/2007 10:25 PM http://vietcatholic.net/albums/71218CaLenDi18122007
12/20/2007 02:46 AM http://vietcatholic.net/albums/71220LinhMuc19122007
12/20/2007 02:50 AM http://vietcatholic.net/albums/71220LinhMuc20122007
12/20/2007 09:04 AM http://vietcatholic.net/albums/71220TinhThuong20122007
12/20/2007 09:24 AM http://vietcatholic.net/albums/71220PietaHaNoi220122007
12/20/2007 09:25 AM http://vietcatholic.net/albums/71220PietaHanoi120122007
12/20/2007 02:39 PM http://vietcatholic.net/albums/71220PietaHanoi320122007
12/21/2007 02:35 PM http://vietcatholic.net/albums/71220ThaiHa21122007
12/21/2007 08:26 PM http://vietcatholic.net/albums/71221KhamSu21122007
12/22/2007 09:36 AM http://vietcatholic.net/albums/71222KT22122007
12/23/2007 02:57 PM http://vietcatholic.net/albums/71223ThaiHa23122007
12/24/2007 08:37 AM http://vietcatholic.net/albums/71224Hanoi24122007
12/24/2007 10:10 AM http://vietcatholic.net/albums/71223KSHN24122007
12/24/2007 10:35 AM http://vietcatholic.net/albums/71223ThapNen24122007
12/24/2007 10:56 AM http://vietcatholic.net/albums/71224ToaKhamSu24122007
12/24/2007 12:59 PM http://vietcatholic.net/albums/71224DienNguyenHaNoi24122007
12/24/2007 03:06 PM http://vietcatholic.net/albums/71224LeGSHaNoi24122007
12/24/2007 08:06 PM http://vietcatholic.net/albums/71224DienSanh24122007
12/25/2007 05:41 AM http://vietcatholic.net/albums/71224KhamSu25122007
12/25/2007 08:41 PM http://vietcatholic.net/albums/71225KhamSu25122007
12/26/2007 12:48 AM http://vietcatholic.net/albums/71225caunguyen25122007
12/30/2007 03:42 AM http://vietcatholic.net/albums/71230NguyentanDung30122007
12/30/2007 11:51 PM http://vietcatholic.net/albums/71230caunguyen30122007
01/01/2008 05:59 PM http://vietcatholic.net/albums/80101KhamSu01012008
01/05/2008 10:05 AM http://vietcatholic.net/albums/80104CongAn04012008
01/05/2008 10:14 AM http://vietcatholic.net/albums/80105NenSang05012008
01/05/2008 10:52 PM http://vietcatholic.net/albums/80105LMDCCT05012008
01/06/2008 05:06 AM http://vietcatholic.net/albums/80106thaiHa06012008
01/06/2008 10:17 AM http://vietcatholic.net/albums/80106ThieuNhi06012008
01/06/2008 01:26 PM http://vietcatholic.net/albums/80106ThaiHaChieu06012008
01/06/2008 09:11 PM http://vietcatholic.net/albums/80106ThaiHa306012008
01/07/2008 09:39 PM http://vietcatholic.net/albums/80107ThaiHa07012008
01/07/2008 11:37 PM http://vietcatholic.net/albums/80107ThaiHachieu07012008
01/08/2008 01:13 AM http://vietcatholic.net/albums/80107ThaiHaToi07012008
01/08/2008 09:08 PM http://vietcatholic.net/albums/80108ThaiHa08012008
01/09/2008 10:42 AM http://vietcatholic.net/albums/80109Hue09012008
01/09/2008 10:33 PM http://vietcatholic.net/albums/80109ThaiHa09012008
01/09/2008 10:36 PM http://vietcatholic.net/albums/80109ThaiHaToi09012008
01/10/2008 01:31 AM http://vietcatholic.net/albums/80109DHYTung09012008
01/10/2008 07:21 PM http://vietcatholic.net/albums/80110ThaiHa10012008
01/10/2008 07:33 PM http://vietcatholic.net/albums/80110KhamSu10012008
01/11/2008 11:08 AM http://vietcatholic.net/albums/80111KyDong11012008
01/11/2008 09:03 PM http://vietcatholic.net/albums/80111ThaiHa11012008
01/12/2008 08:22 PM http://vietcatholic.net/albums/80112ThaiHa12012008
01/12/2008 08:27 PM http://vietcatholic.net/albums/80112CongAn12012008
01/12/2008 08:31 PM http://vietcatholic.net/albums/80112ToaKamSu12012008
01/13/2008 10:10 AM http://vietcatholic.net/albums/80113ThinhLiet13012008
01/13/2008 10:16 PM http://vietcatholic.net/albums/80113KhamSu13012008
01/14/2008 01:38 AM http://vietcatholic.net/albums/80113DiDan13012008
01/14/2008 02:07 AM http://vietcatholic.net/albums/80113ThaiHa13012008
01/14/2008 12:30 PM http://vietcatholic.net/albums/80113ThaiHaDem14012008
01/14/2008 12:38 PM http://vietcatholic.net/albums/80114ThaiHa14012008
01/15/2008 02:39 AM http://vietcatholic.net/albums/80115KhamSu14012008
01/20/2008 01:34 PM http://vietcatholic.net/albums/80120KhamSu20012008
01/21/2008 10:38 AM http://vietcatholic.net/albums/80120Kyten21012008
01/23/2008 06:39 PM http://vietcatholic.net/albums/80123ThaiHa23012008
01/24/2008 11:11 PM http://vietcatholic.net/albums/80125KhamSu24012008
01/25/2008 05:21 AM http://vietcatholic.net/albums/80125LeDHYTung25012008
01/25/2008 10:47 AM http://vietcatholic.net/albums/80125LeQuocQuan25012008
01/25/2008 11:24 AM http://vietcatholic.net/albums/80125ThanhGia25012008
01/25/2008 11:25 AM http://vietcatholic.net/albums/80125PhuNuMuong25012008
01/25/2008 11:27 AM http://vietcatholic.net/albums/80125PhaCong25012008
01/25/2008 01:54 PM http://vietcatholic.net/albums/80125TKSchieu25012008
01/26/2008 03:05 AM http://vietcatholic.net/albums/80125HaDong25012008
01/27/2008 01:24 AM http://vietcatholic.net/albums/80127Congan27012008
01/27/2008 07:42 AM http://vietcatholic.net/albums/27010827012008
01/27/2008 08:18 AM http://vietcatholic.net/albums/80127ToaKhamSu27012008
01/29/2008 04:15 AM http://vietcatholic.net/albums/80129TKStrua29012008
01/29/2008 11:49 AM http://vietcatholic.net/albums/80129KhamSu29012008
01/29/2008 06:01 PM http://vietcatholic.net/albums/80129TH29012008
01/29/2008 07:44 PM http://vietcatholic.net/albums/80129thaiHa29012008
01/29/2008 09:02 PM http://vietcatholic.net/albums/80129TKSChieu29012008
01/30/2008 10:35 PM http://vietcatholic.net/albums/80130TKS30012008
02/01/2008 04:13 PM http://vietcatholic.net/albums/80201tks01022008
02/01/2008 10:08 PM http://vietcatholic.net/albums/80201ThanhGia01022008
04/06/2008 07:43 PM http://vietcatholic.net/albums/80406ThaiHa06042008
04/06/2008 07:56 PM http://vietcatholic.net/albums/80407ThaiHa07042008
04/07/2008 11:22 AM http://vietcatholic.net/albums/80406ThaiHaChieu07042008
04/07/2008 11:28 AM http://vietcatholic.net/albums/80406ThaiHaTN07042008
04/07/2008 11:55 AM http://vietcatholic.net/albums/80407ThaiHaNgay07042008
04/07/2008 04:32 PM http://vietcatholic.net/albums/80407ThaiHaChieu07042008
04/08/2008 10:55 PM http://vietcatholic.net/albums/80408ThaiHa108042008
04/09/2008 02:27 PM http://vietcatholic.net/albums/80406ThanhTam09042008
04/11/2008 11:05 AM http://vietcatholic.net/albums/80410ThaiHa11042008
04/12/2008 01:47 PM http://vietcatholic.net/albums/80411ThaiHa12042008
04/12/2008 03:32 PM http://vietcatholic.net/albums/80412ThaiHaChieu12042008
09/08/2008 10:59 AM http://vietcatholic.net/albums/80907thaiha07092008
09/11/2008 02:29 PM http://vietcatholic.net/albums/80911thaiHa11092008
09/12/2008 12:39 PM http://vietcatholic.net/albums/80912thaiha12092008
09/13/2008 03:31 PM http://vietcatholic.net/albums/80913ThaiHa13092008
09/14/2008 04:46 PM http://vietcatholic.net/albums/80914thaiha14092008
09/15/2008 12:02 PM http://vietcatholic.net/albums/80915thaiha15092008
09/16/2008 02:45 PM http://vietcatholic.net/albums/80916thaiha16092008
09/17/2008 10:20 AM http://vietcatholic.net/albums/hinhkhantrondoi17092008
09/17/2008 03:27 PM http://vietcatholic.net/albums/80917thaiha17092008
09/18/2008 04:58 PM http://vietcatholic.net/albums/80918thaiha18092008
09/18/2008 08:51 PM http://vietcatholic.net/albums/80919TKS18092008
09/18/2008 11:52 PM http://vietcatholic.net/albums/80919TKS9H18092008
09/19/2008 05:03 AM http://vietcatholic.net/albums/80919TKS12H19092008
09/19/2008 10:57 AM http://vietcatholic.net/albums/khamsu919092008
09/19/2008 01:10 PM http://vietcatholic.net/albums/80919TKSeve19092008
09/19/2008 01:10 PM http://vietcatholic.net/albums/phakhamsu19092008
09/19/2008 10:39 PM http://vietcatholic.net/albums/80919TKSDem19092008
09/20/2008 06:26 AM http://vietcatholic.net/albums/Net20092008
09/20/2008 04:02 PM http://vietcatholic.net/albums/80920TKS19092008
09/20/2008 04:03 PM http://vietcatholic.net/albums/80920TKSTEve20092008
09/20/2008 04:04 PM http://vietcatholic.net/albums/80920Thaiha20092008
09/20/2008 08:29 PM http://vietcatholic.net/albums/80920TGMKiet19092008
09/21/2008 07:28 AM http://vietcatholic.net/albums/80921TKSsang21092008
09/21/2008 10:22 PM http://vietcatholic.net/albums/80922thaiha21092008
09/21/2008 10:55 PM http://vietcatholic.net/albums/80921thanhle21092008
09/23/2008 01:41 AM http://vietcatholic.net/albums/80922thaiha22092008
09/23/2008 01:21 PM http://vietcatholic.net/albums/TKSCauNguyen23092008
09/25/2008 05:15 PM http://vietcatholic.net/albums/80925THAIHA25092008
09/26/2008 01:26 PM http://vietcatholic.net/albums/80926thaiha26092008
09/27/2008 09:15 AM http://vietcatholic.net/albums/80927thaiha27092008
09/27/2008 09:17 AM http://vietcatholic.net/albums/80927tks27092008
09/27/2008 01:37 PM http://vietcatholic.net/albums/80927thaihachieu27092008
09/28/2008 04:00 AM http://vietcatholic.net/albums/80927Hamburg28092008
09/28/2008 11:52 AM http://vietcatholic.net/albums/80928tnThaiHa28092008
09/28/2008 11:57 AM http://vietcatholic.net/albums/80928thaiha28092008
09/29/2008 11:55 AM http://vietcatholic.net/albums/80929thaiha29092008
09/29/2008 01:01 PM http://vietcatholic.net/albums/80929ThaiHaToi29092008
09/30/2008 09:11 AM http://vietcatholic.net/albums/80930TKS30092008
10/02/2008 01:37 PM http://vietcatholic.net/albums/81001TKS02102008
10/02/2008 10:51 PM http://vietcatholic.net/albums/81003HangTrong02102008
10/03/2008 12:30 AM http://vietcatholic.net/albums/81003TKS02102008
10/03/2008 07:52 PM http://vietcatholic.net/albums/81003thaiha03102008
10/03/2008 09:57 PM http://vietcatholic.net/albums/81003Sydney03102008
10/08/2008 01:55 PM http://vietcatholic.net/albums/81008thaiha08102008
 
CGVN giáo phận Oakland mời tham dự Đêm Thắp Nến cầu nguyện cho Công Lý tại Việt Nam
Sister Rosaline Nguyễn Thúy Liễu
20:00 09/10/2008
Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam - Giáo Phận Oakland

Thông Báo: ĐÊM THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CHO CÔNG LÝ TẠI VIỆT NAM

Oakland, Ngày 8 Tháng 10 Năm 2008.
Kính gửi: - Quý đồng hương tại Oakland và vùng phụ cận
- Quý cơ quan truyền thông, báo chí tại miền Bắc California

Kính thưa quý vị,

- Đứng trước sự việc nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cưỡng đoạt đất đai, tài sản của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tại Toà Khâm Sứ và Giáo Xứ Thái Hà thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội.
- Trước việc nhà nước Cộng Sản Việt Nam đã sử dụng bạo lực, bất chấp luật pháp, dùng dùi cui, roi điện đàn áp, bắt bớ, giam cầm giáo dân Giáo Xứ Thái Hà trong khi cầu nguyện.
- Trước việc đảng Cộng Sản Việt Nam dùng cả hệ thống truyền thông vu khống, mạ lỵ, xuyên tạc lời nói và sử dụng cả những thành phần bất hảo đe dọa mạng sống của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và Cha Chánh Xứ Giáo Xứ Thái Hà Vũ Khởi Phụng.

Để hỗ trợ và bầy tỏ tình hiệp thông vớí Giáo Hội Việt Nam trong cuộc đấu tranh đòi Tự Do,Công Lý và Sự Thật, Giáo Đoàn Công Giáo Việt Nam thuộc Giáo Phận Oakland bao gồm Alameda County và Contra Costa County sẽ tổ chức Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện Cho Công Lý tại Việt Nam, đặc biệt cho Giáo Xứ Thái Hà và Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Địa điểm: Thánh Đường Thánh Felicitas, 1662 Manor Blvd. San Leandro, CA 94579-1599
Thời gian: Đúng 7 giờ 30 chiều, ngày thứ sáu 17-10-2008

- Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện được sự hỗ trợ tích cực của Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam và Toàn Thể Giáo Dân Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam thuộc Giáo Đoàn Oakland

Chương Trình bao gồm việc trình bày diễn tiến sự việc xảy ra tại Giáo Xứ Thái Hà, Toà Khâm Sứ thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội, Thắp Nến Cầu Nguyện và Chầu Mình Thánh Chúa trọng thể. Chúng tôi ước mong được các cơ quan truyền thông, báo chí hỗ trợ bằng cách cho đăng tải các thông báo, kêu gọi đồng hương tham dự ĐÊM THẮP NẾN thật đông đảo.

Chúng tôi trân trọng kính mời toàn thể quí đồng hương không phân biệt tôn giáo đến tham dự, để cùng thắp lên nguồn ánh sáng hy vọng xua tan bóng tối của bạo lực, của độc tài, của bất công và không có tự do tôn giáo trên quê hương chúng ta.

Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tổ chức Đêm Thắp Nến gồm có:
- CĐ Chúa Kitô Ánh Sáng
- CĐ Nữ Vương Hoà Bình
- CĐ Nữ Vương Thế Giới
- CĐ Thánh An Tôn
- CĐ Thánh Lawrenze O’Toole
- CĐ Thánh Phaolô

Mọi chi tiết xin liên lạc: Sister Rosaline Nguyễn Thúy Liễu (510) 628-2153;
LM Giuse Đồng Minh Quang (510)832-5057;
Ông Đặng Tiết Rũng (510) 882-0621

Trân trọng kính mời,
Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam – Giáo Phận Oakland
 
Chủ Nghĩa Mác - Giải Phóng Hay Nô Dịch? Tri thức là ai?
Trần Quốc Hiên
22:13 09/10/2008
Chủ Nghĩa Mác - Giải Phóng Hay Nô Dịch?

Thay Lời Tựa

"Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản". Đó là nhận định của V.I. Lênin về vai trò của sách, về sự kế thừa và phát triển của tri thức xã hội.

Song, những bộ sách đồ sộ về Chủ nghĩa Lênin, tư tưởng Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh v.v... có phải là sự kế thừa tri thức xã hội, trong đó có Chủ nghĩa Tư bản và những tinh hoa tư tưởng của nó, và chúng có phải là tri thức xã hội tiên tiến mang tính cách mạng giải phóng loài người? Thực tiễn tại những nước "đi theo" CNXH có phải là "thiên đường" của loài người mà ở đó không còn áp bức, bóc lột?

Nếu CNXH là tri thức tiên tiến của xã hội, là con đường giải phóng loài người, thì nó không phải "tự vệ" bằng cách xác lập sự độc quyền và thiết lập chế độ kiểm duyệt hà khắc, qua đó CNXH quy chụp mọi trào lưu tư tưởng trái với nó đều là phản động?

Sự thật, Chủ nghĩa Mác từ khi ra đời đến nay, đã bị biến tướng, xuyên tạc thành Chủ nghĩa Đảng trị cực đoan; đặt lợi ích của Đảng và giai cấp cao hơn dân tộc, đánh đồng quốc gia dân tộc với lợi ích của Đảng và giai cấp. Chế độ độc Đảng toàn trị là một thứ Quyền lực "Ma quỷ"; sùng bái cá nhân, đề cao chuyên chế và bóp nghẹt Tự do - Dân chủ, trong đó những lãnh tụ Cộng sản như Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh v.v... chính là hiện thân của nó.

Loạt bài này sẽ góp phần phê phán Đảng CSVN, giải thích rõ Chủ nghĩa Mác là Giải Phóng hay Nô Dịch???

Bài 1: Trí thức là ai ?

Trí thức là ai? Ai là Trí thức? Trước tiên phải đưa ra định nghĩa về Trí thức:

Theo nghĩa chữ Hán - Việt, thì chữ Trí trong Trí tuệ để chỉ năng lực làm việc trí óc, và chữ Thức trong Thức thời chỉ sự hiểu biết xã hội và thời cuộc. Do đó: "Trí Thức là những người lao động trí óc và sáng tạo, họ được đào tạo, học tập ở trình độ cao, có hiểu biết về xã hội, về thời cuộc và có chính kiến, tham gia phản biện, hướng dẫn và định hướng xã hội. Trí thức thực sự là tinh hoa của xã hội, có vai trò, ảnh hưởng và đóng góp quyết định đến năng suất lao động, đến sự phát triển xã hội."

Theo Giáo sư Chu Hảo, từ "tầng lớp Trí thức" (intelligentsia) xuất hiện lần đầu tiên ở Nga vào nửa đầu thế kỷ 19, và sau đó là từ "người trí thức" (intellectuel) xuất hiện ở Pháp sau công xã Paris (1871); đó là những người không chỉ có học vấn hay trình độ chuyên môn cao, mà hơn hết phải là những người quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề chính trị - xã hội nóng bỏng của thời cuộc. Người Trí thức ở đâu và bao giờ cũng là người có học vấn cao và có ý thức trách nhiệm sâu sắc đối với sự tiến bộ của xã hội.

Giáo sư Chu Hảo viết tiếp:

Mác đã coi Trí thức là những người quan tâm và có chính kiến riêng đối với các vấn đề của xã hội, nên họ phải là những người: "Phê phán không nhân nhượng những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước những quyết định độc đoán của chính quyền hoặc trước xung đột với chính quyền; bất cứ chính quyền nào".

Như vậy, Mác không coi Trí thức là những người "thừa hành" của chính quyền, họ không phụng sự chính quyền, mà Trí thức có thiên chức: Tiếp thu và truyền bá tri thức, văn hóa; Sáng tạo các giá trị mới của nhân loại; Đề xuất, phản biện một cách độc lập các chủ trương chính sách và các vấn đề của xã hội; Dự báo và định hướng dư luận xã hội.

Theo Cụ Nguyễn Công Trứ, thì Kẻ Sĩ (Trí thức) phải là những người coi "vũ trụ giai ngô phận sự" (xem công việc trong trời đất là nhiệm vụ của mình), dẫu trong cảnh hàn vi mà chí vẫn không nguôi hướng tới sự nghiệp cứu dân, cứu đời.

Qua đó thấy rằng những người có học, được đào tạo bài bản và làm việc trí óc, thì chưa phải là Trí thức nếu họ chỉ biết "hành nghề" (đóng góp cho nghề nghiệp) một cách thụ động, thậm chí là bị động trước thời cuộc luôn đổi thay. Vậy những người lãnh đạo, cán bộ đảng viên, những người được coi là "lực lượng Tiền Phong" của giai cấp và dân tộc, họ có phải là Trí thức không?

Đặc điểm của Trí thức là làm việc trí óc: tư duy sáng tạo (phát minh, cải tiến), chứ không phải sao chép dập khuôn hay chỉ biết những lý thuyết giáo điều. Do đó, một người Nông dân phát minh ra cái máy cũng được coi là Trí thức (họ là những Trí thức tự đào tạo). Ngược lại, một vị Giáo sư nếu không có phát minh nào đáng kể, thì không được coi là Trí thức. Tương tự, một người lãnh đạo nếu không có đóng góp tích cực cho xã hội, thì không được coi là Trí thức.

Theo đó mà xét, thì chỉ khoảng 5% sinh viên Đại học ở Việt Nam được gọi là Trí thức. Các Giáo sư, Tiến sĩ, Kỹ sư, Văn Nghệ sĩ... thì không quá 20% được coi là Trí thức, còn về các Cán bộ Đảng viên có chức có quyền, thì số "Trí thức lãnh đạo" của Đảng CSVN chưa tới 10% ! Đó là những con số nhận định theo cảm tính, nhưng nó hoàn toàn có cơ sở. Cũng xuất phát từ thực tiễn đáng buồn ở nước ta, có thể khẳng định: Hiện nay, nước ta không có những Triết gia, hiểu theo đúng nghĩa là những người làm việc nghiên cứu và truyền bá Triết học, họ thực sự giữ vai trò quyết định đến sự phát triển xã hội.

Tuy nhiên ở Việt Nam, có rất nhiều các Giáo sư, Tiến sĩ và Thạc sĩ Triết học (Mác - Lênin), họ hình thành một đội ngũ hùng hậu những "Trí thức đỏ" làm công tác Tuyên giáo (Tuyên huấn: Tuyên truyền, Giáo huấn) của Đảng CSVN. Nhưng sự thật, họ chỉ là những cái "Máy nói" của Đảng, của Chính quyền Cộng sản mà thôi; họ chỉ được nghĩ và nói theo ý Đảng.

Sách giáo khoa "Giáo Trình CNXH Khoa Học" dùng trong các trường Đại học và Cao đẳng, được biên soạn theo sự đồng ý của Ban Tư tưởng - Văn hóa TW (Ban Tuyên giáo TW), đã định nghĩa: "Trí thức là những người lao động trí óc phức tạp và sáng tạo, có trình độ học vấn đủ để hoạt động trong lĩnh vực lao động của mình: Nghiên cứu, giảng dạy, ứng dụng khoa học, văn học, nghệ thuật, quản lý và lãnh đạo... Trí thức không có hệ tư tưởng riêng vì không có phương thức sản xuất riêng và địa vị kinh tế - xã hội độc lập. Vai trò và tư tưởng của họ phụ thuộc vào giai cấp thống trị xã hội."

Định nghĩa trên đây về Trí thức mang đặc sắc Chủ nghĩa Lênin - Stalin, định nghĩa này đã đánh đồng Trí thức với những người lao động trí óc bình thường, đã xếp Trí thức vào một tầng lớp, đội ngũ "làm thuê" cho giai cấp thống trị, không có tư tưởng riêng, không có chính kiến, mất đi khả năng phản biện, hướng dẫn và định hướng xã hội. Trong chế độ độc Đảng toàn trị, Trí thức là những người "thừa hành", "phụng sự trung thành" của tầng lớp lãnh đạo, họ mất đi cái quyền thiêng liêng, đó là quyền được tự do suy nghĩ và phát biểu chính kiến.

Trí thức Việt Nam thời nay có đặc điểm gì? Có thể khẳng định, họ là khuôn mẫu, là bản sao của các Nhà Nho thời phong kiến, thể hiện ở việc luôn theo đuổi mục đích "Học để làm Quan, để phục vụ Chính quyền". Điều đó giải thích tại sao, ở Trung Quốc và Việt Nam, tầng lớp lãnh đạo của Đảng Cộng sản hầu hết đều xuất thân từ dân kỹ thuật; Con đường làm Quan hấp dẫn hơn con đường làm Khoa học !

Ngoài một bộ phận Trí thức được chính quyền trọng dụng, nhiều người đã vươn lên làm lãnh đạo. Còn lại đa số Trí thức Việt Nam đều rơi vào một tấn bi kịch, đó là họ "Tài năng bị lãng quên, mồm miệng bị trói buộc, ý chí bị thui chột..."

Có nhiều người cho rằng đó là tính cách "tùy thời", là tính cách uyển chuyển: Điều kiện cho phép thì bung ra hoạt động; lúc khó khăn thì tạm ẩn dật chờ thời, có khi "tàng" (dấu mình) ngay trong lòng cường quyền, ác bá với tâm trạng "cấp lưu, dũng thoái" (trước giòng nước xiết, can đảm thoái lui). Cách giải thích đó chỉ đúng với một vài trường hợp cụ thể, một số người đặc biệt, đó không phải là đặc điểm chung của Trí thức Việt Nam. Hơn nữa, sứ mệnh của Trí thức là tạo ra thời cuộc, chứ không phải thời cuộc tạo ra Trí thức.

Giáo sư Chu Hảo viết:

"Nhìn lại lịch sử đất nước, có thể nói rằng dưới các triều đại phong kiến ở nước ta, chưa bao giờ tồn tại một tầng lớp Trí thức theo cách hiểu đúng đắn của từ này. Các Sĩ phu là những người "có học", có danh tiếng của các triều đại phong kiến, do vậy hầu hết cũng chỉ là các "quan văn" mang sứ mệnh "phò tá Triều đình" mà thôi - họ không hẳn là người Trí thức, hoặc tầng lớp Trí thức.

Đến giữa thế kỷ 19, cùng với sự suy yếu của Triều Nguyễn, sự xâm lược của quân Pháp và bước đầu tiếp cận với nền văn minh phương Tây, tầng lớp Nho sỹ ở nước ta đã phân hóa sâu sắc và bắt đầu xuất hiện những nhóm Sỹ phu tiến bộ có đầu óc canh tân, họ là tiền thân của nhóm Trí thức đầu tiên của nước ta nửa đầu thế kỷ 20. Hoàn cảnh lịch sử đã tạo ra cho một số người điều kiện có chỗ đứng khá độc lập với chính quyền, có thể sống bằng nghề lao động trí óc của mình, chứ không nhất thiết phải ra "làm quan", và tiếng nói của họ ngày càng có uy tín trong xã hội. Họ phần đông là những người hành nghề tự do như bác sỹ, kỹ sư, luật sư, thầy giáo, nhà báo, nhà văn, họa sỹ, nhạc sỹ...

Những phần tử ưu tú trong số đó chính là tầng lớp Trí thức mới, đặt nền móng cho cuộc vận động giải phóng dân tộc vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, và nhiều người đã đóng vai trò nòng cốt trong các tổ chức hoạt động công khai, cho dù theo đường lối chống chính quyền cai trị như phong trào Cần vương (Phan Đình Phùng: 1844-1895), và Đông Du (Phan Bội Châu: 1867-1940); hay chủ trương tiến hành cuộc cách mạng văn hóa - giáo dục như phong trào Duy Tân (Phan Châu Trinh: 1872-1920) và Đông kinh nghĩa thục (Lương Văn Can: 1854-1927)."

Như vậy, Trí thức không phải là tầng lớp riêng biệt, họ thực sự là tinh hoa của xã hội. Chính những nhà sáng lập CNXH khoa học: Các Mác và Ăngghen đều là những Trí thức - Học giả lớn của thời họ sống, họ đã sáng tạo ra học thuyết làm nền tảng tư tưởng cho giai cấp và nhà nước vô sản, tiến tới làm cuộc cách mạng vô sản. Mác đã viết: "Cũng giống như Triết học thấy giai cấp vô sản (giai cấp Công nhân) là vũ khí vật chất của mình, giai cấp vô sản thấy Triết học là vũ khí tinh thần của mình..."

Hiển nhiên là giai cấp vô sản không sáng tạo ra Triết học, và vì vậy họ cần có những Trí thức để giúp họ làm điều đó; giúp họ phản biện, hướng dẫn và định hướng xã hội trong cuộc đấu tranh của mình, nghĩa là sáng tạo ra Triết học làm hệ tư tưởng của giai cấp vô sản, đó là Triết học Mác.

Triết học Mác truyền vào đến Việt Nam cũng được các Trí thức đón nhận, học tập nghiên cứu và giúp truyền bá rộng rãi, một bộ phận trong số họ trở thành những người lãnh đạo của Đảng CSVN. Nhưng khi dành được chính quyền, các Trí thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phần vì ấu trĩ, phần vì tư lợi đã xuyên tạc Triết học Mác, biến Triết học Mác thành một thứ Chủ nghĩa giáo điều, cứng nhắc và không có sức sống. Đặc biệt, bọn ấu trĩ Chủ nghĩa Mác nhờ có quyền hành trong tay đã biến Trí thức Việt Nam thành một đội ngũ, tầng lớp "làm thuê" cho giai cấp và chế độ toàn trị.

Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, và gần đây là vụ án Báo chí cũng như việc kỷ luật, trừng phạt đối với Báo chí trong nước là những minh chứng cho nhận định trên. Trí thức Việt Nam trở thành những kẻ "thừa hành" của chính quyền; Nếu họ có chính kiến khác (Bất đồng chính kiến) với tầng lớp lãnh đạo, thì ngay lập tức bị chụp mũ là Phản động và bị đàn áp không thương tiếc.

Song, chế độ kiểm duyệt truyền thông và báo chí của nhà nước Cộng sản chỉ có thể ngăn chặn trào lưu tư tưởng tiến bộ đến với tầng lớp bần cùng (Công nhân và Nông dân), nhưng không thể ngăn cản được những Trí thức luôn khát khao tìm đến ánh sáng văn minh, đi theo con đường Dân chủ hóa đất nước, theo trào lưu tiến bộ của thế giới. Chỉ những người nhận rõ bộ mặt phản bội của Đảng CSVN, có chính kiến rõ ràng về thời cuộc, về Tự do - Dân chủ, sẵn sàng đi Tiên Phong trong cuộc đấu tranh thực hiện Dân chủ hóa đất nước, thì họ mới thực sự là những Trí thức ưu tú cấp tiến, và một bộ phận trong số họ sẽ trở thành những người lãnh đạo mới của đất nước Việt Nam.

Quốc gia có hưng thịnh được hay không, chính là ở những nhân tài, Trí thức của quốc gia đó. Xin dẫn lời của Giáo sư Chu Hảo để thay cho lời kết: Đổi mới càng sâu sắc và toàn diện càng đòi hỏi phải đổi mới tư duy triệt để; muốn vậy phải có tầm trí tuệ rất cao. Tầm trí tuệ cao ấy phải có sự can dự của tầng lớp Trí thức ưu tú của dân tộc. Không ai nâng cao được vai trò của Trí thức ngoài chính họ! Không ai san sẻ trách nhiệm với Trí thức được; chỉ có Trí thức mới thi hành được thiên chức của mình; vinh quang và cay đắng gắn liền với thiên chức ấy cũng chỉ dành riêng cho giới Trí thức mà thôi!

(Nguồn: Việt Nam, ngày 10-10-2008, http://ddcnd.org/main/)
 
Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam
RFA
23:12 09/10/2008
WASHINGTON DC - Nhân dịp trở lại Washington, ông Michael Michalak, Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam đã có nhã ý dành cho Ban Việt Ngữ chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt. Cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi Thanh Trúc, Trà Mi và Nguyễn Khanh, và những điểm chính được chúng tôi gửi đến quý thính giả sau đây.

Giáo dục được đặt lên hang đầu

Nguyễn Khanh và Đại sứ Michael Michalak (Photo: RFA)
T. TRÚC: xin cám ơn ông Ðại Sứ. Chúng tôi xin mở đầu cuộc phỏng vấn bằng những câu hỏi liên quan đến giáo dục và xã hội. Là nhà ngoại giao đại diện cho Washington ở Hà Nội, chúng tôi thấy ông Ðại Sứ luôn luôn nói đến chuyện giáo dục? Thưa ông, tại sao vậy?

Tôi nghĩ giáo dục là một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà Hoa Kỳ đang làm việc với chính phủ Việt Nam. Từ trước ngày tôi sang Việt Nam, chắc quý vị cũng biết tôi có đặt ra 3 mục tiêu cần thực hiện là nhân quyền, kinh tế và giáo dục.

Khi nhìn những thành quả đáng kể mà Việt Nam đạt được về kinh tế, tôi thấy ngay điều đang thiếu chính là phát triển giáo dục.

Vì thế ngay từ buổi điều trần tại Quốc Hội trước khi được chuẩn thuận làm đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội, tôi đã nói một trong những mục tiêu sẽ làm là số sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học sẽ tăng gấp đôi.

Hiện giờ số visa cấp cho sinh viên từ Việt Nam sang Mỹ học đã tăng vượt mức 50%, và tôi tin rằng chúng ta đang đi đúng đường, để đạt được mục tiêu mà tôi đặt ra.

Cùng lúc với sự phát triển của Việt Nam, cùng lúc với số vốn đầu tư của người nước ngoài và những người Việt trong nước tiếp tục bỏ vào đầu tư, Việt Nam cần những người tài ba để điều hành kinh tế lẫn chính quyền, và cuối cùng nhờ đó mà lợi nhuận kinh tế đem lại sẽ được phân phối cho tất cả mọi người Việt.

Ðó chính là lý do tại sao trọng tâm của tôi là giáo dục, và tôi luôn tiếp tục cố gắng hơn để đạt mục đích.

Một trong những điều quan trọng xảy ra ở năm đầu tiên tôi làm việc tại Việt Nam là chuyến viếng thăm Washington của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trong chuyến viếng thăm này, Bộ Ngoại Giao Mỹ và Bộ Giáo Dục Ðào Tạo Việt Nam đã ký bản ghi nhớ, thành lập Nhóm Công Tác Chuyên Trách Về Giáo Dục, mỗi bên có 7 thành viên, và mục tiêu là thực hiện một bản phúc trình gửi lãnh đạo, trong đó trình bày những điểm cần làm để hợp tác về giáo dục, kể cả ý kiến thành lập một trường đại học theo khuôn khổ đại học Mỹ ngay tại Việt Nam.

Ngoài chuyện lập trường đại học theo khuôn khổ Hoa Kỳ ở Việt Nam, chúng ta cũng đặt vấn đề làm sao gia tăng số sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ và làm thế nào để giúp Việt Nam cải tiến môi trường giao dục ngay trong nước, giúp thực hiện chương trình huấn nghệ, chương trình học tiếng Anh.

Có rất nhiều điều liên quan đến giáo dục mà chúng tôi sẽ làm, vì giáo dục chiếm vị trí rất quan trọng trong tiến trình phát triển của Việt Nam.

Vấn đề Dioxin

Việt Nam mới đưa những người được giới thiệu là nạn nhân da cam sang Mỹ…

Chúng tôi không sử dụng từ “nạn nhân chất da cam” vì thấy không cần thiết phải chính trị hóa vấn đề này.

Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình hỗ trợ cho những người không may khuyết tật trong thời gian Hoa Kỳ có mặt ở Việt Nam trước đây, bất kể họ bị khuyết tật vì lý do gì.

Tổng cộng chúng tôi đã sử dụng số tiền lên đến 46 triệu đô la vào công tác này, gần đây nhất là số tiền 3 triệu được sử dụng vào công tác môi trường và sức khỏe.

Chương trình này đã được thực hiện ở Ðà Nẵng, chi phí lên đến 1 triệu dollars, đồng thời chúng tôi cũng vừa thông báo 3 chương trình tài trợ cho các dự án về sức khỏe cũng được thực hiện tại Ðà Nẵng và khi về lại Hà Nội, tôi sẽ đi Ðà Nẵng để khởi động những chương trình mà tôi vừa nêu.

T. TRÚC: phía Việt Nam nói là chính phủ Hoa Kỳ có khoản tiền 3 triệu dành cho các hoạt động xử lý Dioxin, nhưng giải ngân rất chậm…

Tôi không nghĩ là chậm đâu. Thử hỏi là mất bao nhiêu thời gian mới được phía Việt Nam chấp thuận? Câu trả lời là mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi phải đi qua nhiều thủ tục, bây giờ xong rồi, chúng tôi bắt đầu bàn đến chuyện giải ngân tài khoản và tôi mong đợi chương trình sẽ thành công.

Vấn đề Nhân Quyền

KHANH: lúc nãy ông Ðại Sứ bảo một trong những mục tiêu hàng đầu mà ông muốn thực hiện ở Việt Nam là nhân quyền. Liệu có thể xin ông Ðại Sứ cho biết tình trạng nhân quyền ở Việt Nam bây giờ như thế nào?

Được chứ. Về nhân quyền, tôi nghĩ ở Việt Nam nhiều quyền tự do cá nhân vẫn còn thiếu, như tự do tập họp, tự do báo chí, tự do phát biểu tư tưởng. Dù nói vậy nhưng tôi cũng tin rằng nếu so với 5 năm trước đây thì bây giờ người Việt được tự do hơn nhiều và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ Việt Nam qua chương trình Ðối

Thoại Nhân Quyền Hàng Năm, qua các chương trình viện trợ kinh tế, và những chương trình khác. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đặt vấn đề nhân quyền với chính phủ Việt Nam, và tiếp tục kêu gọi Việt Nam cải tiến trong lãnh vực này.

KHANH: không muốn ông Ðại Sứ ở vào thế khó xử, nhưng giữa thang điểm tốt, trung bình và xấu, ông Ðại Sứ đánh giá tình trạng nhân quyền Việt Nam hiện giờ ở mức điểm nào?

Không, xin lỗi, tôi không cho điểm.

Hợp tác quân đội Việt-Mỹ

KHANH: tuần trước ở Hà Nội, cuộc Ðối Thoại Về Chính Trị, An Ninh Và Quốc phòng giữa hai chính phủ đã diễn ra. Muốn hỏi ông Ðại Sứ những điểm gì đã được đưa ra bàn thảo?

Chúng tôi thảo luận với nhau về nhiều vấn đề. Cuộc đối thoại diễn ra trong lúc tôi lại có mặt ở Mỹ, nên tôi không biết rõ các chi tiết, nhưng tôi được biết là những đề tài như Việt Nam tham gia vào lực lượng bảo vệ hòa bình toàn cầu đã được nói đến, vì Việt Nam bây giờ là hội viên không thường trực của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nên đương nhiên mọi người đều nghĩ Việt Nam sẽ có trách nhiệm hơn, như gửi quân tham gia vào Lực Lượng Bảo Vệ Hòa Bình.

Nhưng trước khi điều này xảy ra, còn có nhiều điều khác liên quan đến mặt kỹ thuật phải được bàn đến, chẳng hạn như chuyện huấn luyện cho binh sĩ Việt Nam. Chúng tôi đã bàn thảo những cách để thực hiện.

Chúng tôi cũng thảo luận với nhau về cách hợp tác giữa quân đội đôi bên trong các công tác cứu hộ khi thiên tai xảy ra, cũng như những vấn đề khác nữa. Chúng tôi tin là cuộc thảo luận thành công, và trông đợi vòng thảo luận kế tiếp.

KHANH: sau cuộc thảo luận, có tin đồn ở Ðông Nam Á nói rằng chẳng bao lâu nữa Việt Nam sẽ nhận được viện trợ quân sự từ Mỹ. Thưa ông Ðại Sứ điều này có đúng không?

Không, không đúng. Tôi có thể trả lời ngay cho ông là không đúng đâu. Nhưng cũng còn tùy ông định nghĩa thế nào là viện trợ quân sự. Rõ ràng điều hai bên thảo luận với nhau vừa rồi cũng là một hình thức viện trợ.

Tôi nghĩ rằng bất kể viện trợ như thế nào thì cũng phải có sự đồng thuận của cả hai bên. Trong thời gian gần đây, hỗ trợ mà chúng tôi đồng ý với nhau nằm trong chương trình hợp tác cứu hộ chung, hay nằm trong chương trình huấn luyện tiếng Anh cho binh sĩ Việt Nam.

Nếu tôi nhớ không lầm thì có một số sĩ quan Việt Nam đang theo học chương trình dậy tiếng Anh này, dù không nhiều nhưng cũng là cơ hội để giúp hai bên có thể nói chuyện với nhau và mở rộng quan hệ. Chúng tôi chủ trương đi từng bước một, và đó là bước đầu tiên.

Vấn đề Trung Quốc

KHANH: ông Ðại Sứ là một chuyên gia về Trung Quốc, có khi nào Việt Nam xin ông Ðại Sứ đóng góp ý kiến không?

Có, chính phủ Việt Nam nhờ chúng tôi đóng góp ý kiến về rất nhiểu lãnh vực. Có, chúng tôi có nói chuyện với nhau về Trung Quốc, vì đây là quốc gia lớn nhất trong khu vực và chúng tôi cũng chia sẻ với nhau quan điểm, kể cả quan điểm liên quan đến Trung Quốc. Có, chúng tôi có nói chuyện với nhau về Trung Quốc.

KHANH: liệu có thể xin ông Ðại Sứ chia sẻ một trong những đề nghị, ý kiến, ông đã trình bày với chính phủ Việt Nam không?

Không, tôi không thể chia sẻ với ông được. Tôi chỉ có thể nói là chúng tôi thảo luận với nhau về nhiều chuyện, từ kinh tế đến chính trị.

Vấn đề Thái Hà

Trà Mi: Về căng thẳng tranh chấp đất đai giữa Giáo hội Công Giáo với chính quyền tại Việt Nam. Quan điểm của ông đại sứ như thế nào?

Vâng, chúng tôi biết rằng có rất nhiều vụ tranh chấp đất đai đang diễn ra tại Việt Nam. Theo tôi, đất đai là một trong những vấn đề phức tạp nhất và nhạy cảm nhất tồn tại ở Việt Nam hiện giờ, đặc biệt là vấn đề tranh chấp đất đai liên quan đến Giáo hội Công giáo.

Và chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi tình hình, không phải là đối với vấn đề tranh chấp đất đai, vì chúng tôi không đứng về phía nào trong việc này, mà chúng tôi theo dõi để đảm bảo là quyền tụ tập ôn hoà và bày tỏ quan điểm của công dân được tôn trọng.

Trên thực tế, có trường hợp được tôn trọng, nhưng cũng có trường hợp không, và lúc ấy thì chúng tôi sẽ tìm cách nêu vấn đề lên với chính quyền Hà Nội.

Trà Mi: Chúng tôi biết rằng mới đây ông đại sứ có cuộc tiếp xúc trực tiếp với Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt của Hà Nội. Ông đại sứ có thể chia sẻ thông tin gì liên quan đến cuộc gặp này không?

Tôi và Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã có một buổi gặp gỡ tốt đẹp. Chúng tôi bàn về tự do tôn giáo tại Việt Nam. Đức Tổng nhận xét rằng rõ ràng có những tiến bộ trong lĩnh vực tự do tôn giáo ở Việt Nam mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần phải giải quyết.

Chúng tôi cũng trao đổi về vấn đề tranh chấp đất đai đang diễn ra, và Đức Tổng cũng cho chúng tôi biết quan điểm của Ngài về chuyện này. Chúng tôi nói với Ngài rằng chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn tiến tình hình, nhưng cố gắng không đứng về phía nào trong vấn đề tranh chấp đất đai.

Trà Mi: Nói một cách cụ thể hơn, cộng đồng Công Giáo Việt Nam có dấu hiệu hy vọng gì sau cuộc gặp gỡ này không, thưa ông đại sứ?

Tôi không nghĩ vậy, tôi không thấy có lý do gì để hy vọng vì tất cả những gì tôi nói với Đức Tổng là chúng tôi sẽ tiếp tục thúc giục chính quyền Việt Nam cũng như chính Đức Tổng rằng đôi bên nên tìm cách giải quyết vấn đề một cách ôn hoà, càng sớm càng tốt.

Trà Mi: Ông đại sứ có cách nào hữu hiệu hơn giúp cải thiện tình hình hiện tại không, thưa ông?

Chúng tôi chỉ có thể tiếp tục làm những gì mà chúng tôi đang làm. Nghĩa là điều duy nhất mà chúng tôi có thể làm là thúc giục đôi bên ngồi xuống bàn đàm phán và cùng nỗ lực tìm ra một giải pháp ôn hoà.

(Nguồn: Nguyễn Khanh, Thanh Trúc, Trà Mi, phóng viên RFA thực hiện ngày 9.10.2008)
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Thông Báo: Thành Lập Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình Liên Đoàn
LM. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
09:19 09/10/2008


Ngày 9 tháng 10, 2008

Thông Báo: Thành Lập Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình Liên Đoàn

I. Thành Lập Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình:

Nhận thấy nhu cầu cần thiết của các Gia Đình Công Giáo VN tại Hoa Kỳ cần được giúp đỡ trong việc mục vụ Gia Đình, và chiếu theo quyền hạn quy định trong Nội Quy, Linh Mục Chủ Tịch Liên Đoàn trân trọng thông báo việc thành lập Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ. Ủy Ban có nhiệm vụ:

1. Tư Vấn cho Liên Đoàn trong lãnh vực Mục Vụ Gia Đình.

2. Nghiên cứu và soạn thảo những Tài Liệu và Chương Trình Học Hỏi dựa vào hoàn cảnh và tình hình sống đạo thực tế của người Công Giáo Việt Nam ở Hoa Kỳ, nhằm khuyến khích và giúp đỡ các Gia Đình và Thành Viên:

a) Ý thức hơn về Ơn Gọi Kitô Hữu của mình.
b) Xây dựng Gia Đình Công Giáo Việt Nam gương mẫu, tốt lành và thánh thiện.
c) Gây ý thức về trách nhiệm Sống Đạo, Nên Thánh, và Rao Giảng Tin Mừng.

Những Tài Liệu và Chương Trình Học Hỏi này cần trung thành, và theo sát với những chỉ dẫn và huấn thị chính thức của Tòa Thánh Roma, Giáo Hội Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng như do Liên Đoàn đề ra.

3. Ngoài nhiệm vụ Nghiên Cứu và soạn thảo các Tài Liệu và Chương Trình Học Hỏi, Ủy Ban cũng được khuyến khích đi đến các Giáo Xứ, Cộng Đoàn Việt Nam trên Hoa Kỳ, để cố vấn, giảng thuyết, và chia sẻ những kinh nghiệm mục vụ về Gia Đình trong các khóa tĩnh tâm, tu đức giáo xứ, cũng như giúp tư vấn cho các Linh Mục Chánh Xứ, Quản Nhiệm về đời sống gia đình của giáo dân mình.

4. Trong tinh thần Hiệp Thông với Giáo Hội Hoa Kỳ và Giáo Hội Việt Nam, nếu được yêu cầu, Ủy Ban cũng sẵn sàng đến chia sẻ kinh nghiệm về Mục Vụ Gia Đình với các Giáo Xứ, Cộng Đoàn người Hoa Kỳ, hay ngay ở Việt Nam.

II. Bổ Nhiệm Trưởng Ban và Phó Ban:

Linh Mục Chủ Tịch Liên Đoàn, sau khi bàn hỏi ý kiến, và được sự chấp thuận của Cha Giám Tỉnh và Hội Đồng Cố Vấn Tỉnh Dòng Đồng Công Missouri, cũng như của chính đương sự, xin trân trọng bổ nhiệm LINH MỤC LUIS VŨ MINH NHIÊN, CMC, Trưởng Ban. Đồng thời cũng bổ nhiệm LINH MỤC UÔNG QUANG LƯỢNG, CSsR, Phó Ban, của Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ.

Trong chức vụ này, hai vị sẽ mời và bổ nhiệm thêm các nhân sự cần thiết cho Ủy Ban, đồng thời có trách nhiệm điều hợp các nhiệm vụ vừa được nêu trên.

Cha Vũ Minh Nhiên gia nhập gia đình Đồng Công vào ngày 31 tháng 5, 1968 tại Việt Nam. Thụ phong Linh Mục vào ngày 31/5/1992, sau đó lần lượt phục vụ tại các Giáo Xứ và Cộng Đoàn ở New Hampshire, New York, và Texas. Từ năm 2003-2005, Cha du học ở Roma và tốt nghiệp License về môn Tu Đức. Hiện Cha là Đệ Tam Cố Vấn của Tỉnh Dòng Đồng Công Missouri đặc trách Truyền Giáo. Trong vài năm gần đây, Cha cũng được Tĩnh Dòng tín nhiệm chọn làm Trưởng Ban Tổ Chức Đại Hội Thánh Mẫu Missouri.

Cha Francis Xavier Uông Quang Lượng, Dòng Chúa Cứu Thế, thành viên của Tĩnh Dòng Denver, Hoa Kỳ. Cha thụ phong Linh Mục năm 2002, làm việc mục vụ và theo học Cao Học tại thành phố Houston, Texas. Cha tốt nghiệp Cao Học về Tư Vấn Hôn Nhân Gia Đình tại Houston, Texas năm 2008.

Việc Bổ Nhiệm này hiệu lực bắt đầu từ ngày hôm nay.

Rất chân thành cám ơn sự hợp tác và tinh thần dấn thân phục vụ vào công việc chung của hai Cha. Xin Thiên Chúa, qua sự cầu bầu của Mẹ La Vang, chúc lành cho hai Cha và Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình, để những công việc sắp tới sẽ giúp sinh ơn ích cho tất cả các Gia Đình Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Trân trọng,



LM. Giuse Nguyễn Thanh Liêm

Chủ Tịch Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ
 
Sống Năm Thánh Phaolô: Tại sao ta cần học hỏi thêm về thánh Phaolô?
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S
09:21 09/10/2008
SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ 2008-29.06-2009

Bài 2 - Tại sao ta cần học hỏi thêm về thánh Phaolô?

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ấn định năm thánh Phaolô (6/2008-6/2009) và mời gọi mọi người Công giáo học hỏi thêm về thánh nhân vì nhiêu lý do khác nhau.

Một trong những đặc nét về thánh Phaolô là con người và cuộc đời thánh Phaolô chứa đựng nhiều tranh cãi và khúc mắc trong Kitô giáo.

Là một Pharisiêu nhiệt tình với Do thái giáo (Cv 22:3), Phaolô đánh giá lòng nhiệt thành tôn giáo của mình bằng những bạo động truy bắt các Kitô hữu tin theo Đức Giêsu Kitô nhằm triệt tiêu một tổ chức tôn giáo mới (Gal 1:13; Phil 3:6; Cv 24:5, 14; 28:22).

Sau khi gặp gỡ Đức Giêsu trên đường Damas, Phaolô trở nên tông đồ rao giảng về Đức Giêsu Kitô cho dân ngoại và cho chính những người Ngài bắt bớ (Cv 9; Gal 1:13-16), cũng với một mức độ nhiệt tình như Ngài có dành cho Do Thái Giáo (Rom 11:13; 15:18-20; 2 Cor 11:2).

Sự thay đổi của Phaolô tạo nên nghi ngờ và phẫn nộ cho những người theo đạo Do Thái mà trước đây Phaolô là một thành viên, và cho cả những người Do Thái theo Kitô giáo mà giờ đây Phaolô là một tông đồ.

Rồi những thư Ngài viết cho các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã nhanh chóng trở nên những đề tài tranh luận - chống đối cũng như ủng hộ - của cả Kitô hữu gốc Do Thái và những người dân ngoại, không có gốc Do Thái.

Thêm vào đó, lối giảng dạy cứng rắn và cương quyết, đôi khi trực diện và phũ phàng, của thánh Phaolô làm cho những thư Ngài viết có giá trị giảng dạy về tín lý và luân lý cách rõ ràng và khẳng định.

Nói như thế không có nghĩa là thánh Phaolô không tỏ ra nhu mì, lo lắng, quan tâm đến những nhu cầu mục vụ của những cộng đoàn Kitô hữu Ngài thiết lập hay có trách nhiệm giảng dạy (1 & 2 Tim; Titus).

Vai trò và ảnh hưởng của thánh Phaolô rất lớn đối với sự hình thành và phát triển Kitô giáo. Nhiều thần học gia dùng danh từ “Ngài Là Đấng Sáng Lập Kitô giáo”, không phải với ý nghĩa thần học rằng Phaolô là đối tượng của đức tin vì chỉ có Thiên Chúa – và con Thiên Chúa làm người - là đối tượng không thay thế được của đức tin, nhưng là một nhà lãnh đạo xã hội đã xây dựng và đặt nền móng sinh hoạt cho giáo hội Kitô giáo hình thành và phát triển.

Những lời giảng dạy của thánh Phaolô không chỉ thích ứng với thời đại Ngài đang sống, mà còn giá trị thích hợp với mọi thời đại trong đời sống Kitô hữu.

Vì nội dung giảng dạy thần học của thánh Phaolô súc tích, thâm thúy và khó hiểu, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời gọi chúng ta trong năm này học hỏi thêm về thánh nhân và những giáo huấn của Ngài để củng cố đức tin và bắt chước gương sống liên kết mật thiết với Chúa Giêsu Kitô như thánh Phaolô đã sống: “Anh em thừa biết là anh em phải bắt chước chúng tôi thế nào” (2 Thes 3:7; Gal 2:20).

Lm. Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.

-------------

Nếu bạn có câu hỏi liên hệ, xin viết về các địa chỉ sau đây:

Cha Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. – hnguyen@@stmarys.edu

Bản Tin Liên Đoàn – bantinliendoan@gmail.com

231 Rothell Road Extension, Toccoa, Georgia 30577
 
Sống Năm Thánh Phaolô: Thánh Phaolô viết bao nhiêu thư? Và Khi nào?
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S
09:22 09/10/2008
SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ 2008-29.06-2009

Bài 3 - Thánh Phaolô viết bao nhiêu thư? Và Khi nào?

Đọc trong Tân Ước, ta thấy có 13 thư mang tên tác giả Phaolô gởi cho các giáo đoàn hay cá nhân theo thứ tự: Rôma, 1 và 2 Corintô, Galata, Ephêsô, Philiphê, Côlôsê, 1 và 2 Thesalônica, 1 và 2 Timôtê, Titô, và Philêmon.

Một số học giả Thánh Kinh cho rằng tất cả 13 thư trên là do Phaolô viết hay những trợ tá trực tiếp viết. Nhưng phần lớn các học giả Thánh kinh ngày nay tin rằng chỉ có 7 thư do chính Phaolô viết là: Roma, 1 và 2 Corintô, Galata, Philiphê, 1 Thesalonica và Philêmon. Ngay cả trong số 7 thư này cũng có những cộng sự viên cùng viết với Ngài và tên của họ được liệt kê trong những lời giới thiệu đầu thư như thư 1 và 2 Côrintô, Philiphê, 1 Thesalonica và Philêmon.

Còn sáu thư còn lại (2 Thesalonica, Ephêsô, Côlôsê, 1 và 2 Timôtê và Titô) là đề tài tranh luận giữa những học giả Thánh Kinh về tác quyền, và họ gọi những thư này là Thứ Kinh (Deutero-Pauline letters).

Trong thế kỷ thứ nhất người Do Thái và vùng ảnh hưởng Hi Lạp có thói quen viết thư nhân danh một nhân vật quan trọng mà mình thật sự quen biết và thông hiểu tư tưởng người đó, rồi trao danh dự cho người đó bằng cách ký tên nhân vật đó là tác giả.

Chúng ta ngày nay có thể không hiểu cách làm việc này và cho là vi phạm tác quyền. Nhưng những người của thế kỷ thứ nhất quan niệm về tác quyền hoàn toàn khác chúng ta ngày nay. Điều quan trọng là những thư viết này phải phản ánh được tư tưởng của người mà họ muốn cống hiến tên tuổi làm tác giả.

Nói cách khác, những người viết thay này thường là học trò / môn đệ hay bạn bè thân thiết đã hiểu được tư tưởng người được gọi là tác giả.

Vì thế, dù có những khác biệt về hình thức trình bày và cách hành văn, 6 thư còn lại vẫn diễn tả tư tưởng của Phaolô và tiếp tục những giáo huấn được ghi lại trong 7 lá thư mà người ta tin chắc chắn là do chính Phaolô viết.

Về thời gian, rất khó biết chính xác, nhưng các học giả sắp xếp những thư như sau: 1 Thesalônica chừng 50-51; 1 và 2 Corintô chừng 54-55; Galata chừng 54-55; Philiphê chừng 56; Rôma chừng 57-58; Philêmon chừng 60-61; 2 Thesalonica, Côlôsê và Ephêsô chừng giữa thập niên 80 (và nếu thật sự Phaolô viết những thư này thì có thể vào giữa những năm 50); 1 và 2 Timôthê và Titô chừng giữa 60-90 (và nếu thật sự Phaolô viết thì có thể đầu những năm 60).

Nhìn chung, tất cả 13 thư trên đều trình bày những giáo huấn thống nhất của một Phaolô cương nghị, dứt khoát và nhiệt tình trong giảng dạy.

Lm. Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.

-------------

Nếu bạn có câu hỏi liên hệ, xin viết về các địa chỉ sau đây:

Cha Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. – hnguyen@@stmarys.edu

Bản Tin Liên Đoàn – bantinliendoan@gmail.com

231 Rothell Road Extension, Toccoa, Georgia 30577
 
Sống Năm Thánh Phaolô: Có phải Saolô đổi tên Phaolô sau khi trở lại không? Và có ý nghĩa gì?
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S
09:23 09/10/2008
SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ 2008-29.06-2009

Bài 4 - Có phải Saolô đổi tên Phaolô sau khi trở lại không? Và có ý nghĩa gì?

Phaolô sinh ra trong một gia đình Do Thái giáo (Rom 11:1; 2 Cor 11:22; Phil 3:5), và thuộc chi tộc Benjamin (Rom 11:1; Phil 3:5), chi tộc mang tên con út trong số 12 người con của Jacob. Tên Phaolô (tiếng Hi lạp là Paulos, tiếng La tinh là Paulus) còn có tên gọi là Saolô (tiếng Do Thái là Saul hay Sha’ul, Hi lạp là Saulos, và La tinh là Saulus).

Trong Cựu Ước, tục đổi tên của người Do Thái mang ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi đời sống, ơn gọi, nghề nghiệp, điạ vị xã hội v.v… Trường hợp tổ phụ Abram, từ này có nghĩa là “người cha của vinh dự” hay “người cha được vinh danh”, sau khi được Thiên Chúa gọi thì được đổi tên là Abraham, nghĩa là “cha của số đông / cha của nhiều người” (Gen 17:5).

Tên Giacóp có nghĩa là “người nắm chân” vì Thánh Kinh kể ông sinh ra nắm chân người anh là Edau (Gen 25: 26). Sau khi vật lộn với thiên thần trong giấc mộng và được Thiên Chúa chúc phúc, ông được đổi tên là Israel, nghĩa là “người vật lộn với Thiên Chúa.”

Trong những lá thư viết cho các giáo đoàn không hề thấy tên Saolô, và cũng không hề thấy Phaolô nhắc đến tên Saolô này. Cả hai tên Saolô và Phaolô được nhắc đến để chỉ cùng một người chỉ tìm thấy trong sách Công Vụ Tông Đồ mà thôi: “Saolô, còn được gọi là Phaolô” (Cvtd 13:9). Trước khi trở lại, Ngài được gọi là Saolô (Cvtd 7:58; 8:1-3; 9:1). Sau đó tên Phaolô được dùng thường xuyên.

Các học giả thánh kinh nghĩ rằng thánh Phaolô không đổi tên nhưng có hai tên cùng một lúc: tên Saolô được gọi trong gia đình và giữa những người Do thái; tên Phaolô được gọi trong gia đình và giữa những người Hi Lạp, vì Ngài lớn lên trong gia đình Do thái sống với người Hi Lạp. (Cũng như một người Việt Nam ở Mỹ có tên Michael khi đi học và Việt khi ở nhà hay ở với người Việt Nam).

Có hai lý do để tin việc này: thứ nhất, thánh nhân chỉ dùng tên Phaolô cho tất cả các thư và không hề nhắc đến tên Saolô; thứ hai là không thấy nói đến ý nghĩa của việc đổi tên như các trường hợp của các tổ phụ khác, dù tên Phaolô theo nghĩa gốc La tinh (Paulus) có nghĩa là “nhỏ bé.”

Lm. Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.

-------------

Nếu bạn có câu hỏi liên hệ, xin viết về các địa chỉ sau đây:

Cha Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. – hnguyen@@stmarys.edu

Bản Tin Liên Đoàn – bantinliendoan@gmail.com

231 Rothell Road Extension, Toccoa, Georgia 30577
 
Sống Năm Thánh Phaolô: Những hành trình truyền giáo của thánh Phaolô thế nào?
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S
09:23 09/10/2008
SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ 2008-29.06-2009

Bài 5 - Những hành trình truyền giáo của thánh Phaolô thế nào?

Theo sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Phaolô có 3 hành trình truyền giáo, thêm vào đó, chuyến cuối cùng là bị giải từ Giêrusalem về Rôma để thụ án do chính quyền tố cáo.

Hành trình thứ nhất (khoảng từ năm 45-49) được ghi lại trong Công Vụ Tông Đồ 13:1-14:28. Phaolô và Barnaba rời tàu từ Antiokia (vùng Syria) qua Cyrus, qua Perga ở Pamphilia, qua Antiokia (vùng Pisidia), rồi đến Iconium, Lystra, và Derbe trong vùng Tiểu Á. Sau đó Phaolô dự công đồng Giêsuralem cùng với Barnaba và trở về lại Antiôkia (vùng Syria).

Hành trình thứ hai (khoảng năm 50-52) được ghi lại trong Cvtd 15:6-18:22. Sau khi bất đồng ý kiến với Barnaba, Phaolô chọn Silô làm người đồng hành truyền giáo. Họ rao giảng khắp vùng Syria, Cilicia, Tiểu Á, qua đến Phrygia và Galata. Tại Troa bên bờ Tiểu Á, Phaolô có thị kiến là được tàu đưa qua Macedonia. Từ đó, Ngài theo đường bộ đến Philiphê, Thesalonica, Beroea, Athen và Corintô. Rồi theo tàu về Ephêsô ở Tiểu Á và vào Cêsarê và Giêrusalem. Sau cùng các Ngài về lại Anitokia (vùng Syria).

Hành trình thứ ba (khoảng năm 53-58) được ghi lại trong Cvtd 18:23-21:17. Từ Giêrusalem, Phaolô đi về Galata, Phrygia và Ephêsô để vượt qua vùng Macedonia. Ý định theo tàu về lại Syria bị hủy bỏ vì Ngài biết có người muốn ám hại Ngài trên đường qua Macedonia đến Troa. Phaolô và đồng bạn dùng tàu đến Mytilene, Samos và Miletus, băng qua Ephêsô để đến Rhodes và Tyre trong vùng Syria. Sau một thời gian ngắn, Phaolô trở lại Giêrusalem để gặp tông đồ Giacôbê.

Hành trình cuối cùng (khoảng năm 60) là bị giải về Rôma cùng với các tù nhân khác, được kể lại trong Cvtd 27:1-28:16. Họ đi từ Cesarê đến Sidon, Myra trong vùng Tiểu Á, rồi đến Crêtê. Từ Crêtê đến Malta, thời tiết xấu làm đắm tàu tại Malta. Sau 3 tháng, họ đi tàu đến Syracuse, Rhegiô và Roma, nơi Phaolô bị quản chế và bị giết.

Lm. Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.

-------------

Nếu bạn có câu hỏi liên hệ, xin viết về các địa chỉ sau đây:

Cha Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. – hnguyen@@stmarys.edu

Bản Tin Liên Đoàn – bantinliendoan@gmail.com

231 Rothell Road Extension, Toccoa, Georgia 30577
 
Sống Năm Thánh Phaolô: Tại sao Phaolô được gọi là tông đồ trong khi Ngài không là một trong mười hai người được Chúa Giêsu chọn?
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S
09:24 09/10/2008
SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ 2008-29.06-2009

Bài 6 -Tại sao Phaolô được gọi là tông đồ trong khi Ngài không là một trong mười hai người được Chúa Giêsu chọn?

Thánh Phaolô có lẽ chưa bao giờ tiếp xúc với Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt khi Chúa Giêsu còn sống, nhưng Ngài gặp Chúa Giêsu trên đường Damas, sau khi Chúa Giêsu đã sống lại. Trong thư viết cho giáo dân Côrintô và Galata, Phaolô khẳng định là Chúa Giêsu Kitô kêu gọi Ngài làm Tông đồ (1 Cor 1:1; Gal 1:1).

Nhưng để hiểu vai trò của một Tông đồ, ta cũng nên biết ý nghiã của danh từ này. Trong tiếng Hilạp apostolos có nghĩa là người được sai đi; và danh từ môn đệ - tiếng Hi lạp mathētēs - có nghĩa là học trò, học sinh.

Trong Tân ước, đôi khi các thánh sử dùng hai danh từ này thay đổi nhau để chỉ cùng một đối tượng. Mathêu gọi Nhóm Mười Hai - một danh từ đặc biệt chỉ 12 người được chọn và sống gần gũi với Chúa Giêsu - là Tông đồ (Mt. 10:2) khi kê khai tên họ, nhưng ông lại gọi họ là những Môn đệ khi nhắc đến họ trong những lần khác. Chỉ có Luca dùng danh từ Tông đồ hầu như để dành riêng cho Nhóm Mười Hai mà thôi, dù một lần trong sách Công vụ tông đồ, Luca gọi Phaolô và Barnabas là hai Tông đồ (Cvtd 14:14).

Cũng nên biết rằng con số Mười Hai là dấu chỉ quan trọng có ý nghĩa tôn giáo và liên quan đến mười hai chi họ Israel. Vì thế sau khi Giuda phản bội, nhóm Mười Một đã chọn Mathias thay thế cho đủ số Mười Hai. Nhưng sau khi các Tông đồ trong nhóm Mười Hai qua đời, họ không còn bốc thăm để thay thế nữa (Cvtd 1:21-26).

Thánh Phaolô không dùng danh từ Môn đệ mà dùng từ Tông đồ để chỉ mình và những người cộng tác đương thời. Ngài dùng từ Tông đồ để chỉ những người được Chúa Giêsu kêu gọi và sai đi rao giáng tin mừng. Với Nhóm Mười Hai, Phaolô dùng từ này để chỉ cả nhóm hơn là cá nhân (1 Cor 15:5).

Liệt kê danh sách những công việc mục vụ, thánh Phaolô kể chức năng Tông đồ vào hàng đầu tiên: “thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ….” (1 Cor 12: 28). Trong khi công nhận vai trò quan trọng của các Tông đồ đối với mình, Phaolô cũng tự nhận là Tông đồ, nhất là mỗi khi nói đến quyền giảng dạy (Rom 1:1; 2 Cor 1:1; Gal 1:1). Phaolô còn so sánh mình là Tông đồ dân ngoại và Phêrô là Tông đồ của những người chịu cắt bì (Gal 2:8).

Như vậy, danh từ Tông đồ được dùng không chỉ cho Nhóm Mười Hai mà còn với Phaolô, Barnabas, và nhiều người được Chúa Giêsu Kitô kêu gọi và sai đi trong thời sơ khai. Khi so sánh mình với những Tông đồ này (là những người được sai đi, không hẳn chỉ là Nhóm Mười Hai), Phaolô lên tiếng: “tôi nghĩ là tôi cũng chẳng thua gì những Tông đồ siêu đẳng kia đâu” (1 Cor 11:5).

Các thánh giáo phụ vẫn cắt nghĩa rằng Phaolô tự hào nhận mình là Tông đồ vì Ngài cảm nghiệm chắc chắn rằng Chúa Giêsu Kitô đã kêu gọi và cắt đặt Ngài đi rao giảng tin mừng - không thua gì những Tông đồ được sống với Chúa Giêsu - qua việc làm và lời nói (2 Cor 12:12; Cvtd 19;11-12).

Lm. Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.

-------------

Nếu bạn có câu hỏi liên hệ, xin viết về các địa chỉ sau đây:

Cha Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. – hnguyen@@stmarys.edu

Bản Tin Liên Đoàn – bantinliendoan@gmail.com

231 Rothell Road Extension, Toccoa, Georgia 30577
 
Sống Năm Thánh Phaolô: Quan hệ giữa thánh Phêrô và Phaolô thế nào?
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S
09:25 09/10/2008
SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ 2008-29.06-2009

Bài 7 - Quan hệ giữa thánh Phêrô và Phaolô thế nào?

Thánh Phêrô được Chúa Giêsu chọn đứng đầu nhóm Mười Hai, và đứng đầu Giáo hội. Ngài giữ một vai trò đặc biệt và quan trọng trong nhiều cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên (Mat 16:17-19; Mar 3:16: Cvtd 2:14-36). Vai trò của Phêrô luôn được kính trọng vì quyền năng lãnh đạo. Chức năng của Phêrô đối với các tông đồ là cổ võ sự hợp nhất, trợ lực những anh em tông đồ trong những hoàn cảnh khó khăn, và tìm cách giải quyết những vấn nạn có trong Giáo hội.

Thánh Phaolô trân trọng vai trò này của thánh Phêrô. Cũng nên biết là vai trò của Phêrô thời đó không hoàn toàn như vai trò Đức Giáo Hoàng ngày nay đối với các giám mục.

Với Giáo hội sơ khai, thánh Phaolô là người thành lập nhiều cộng đoàn Kitô hữu, nhất là các cộng đoàn dân ngoại (không phải là người Do Thái). Vì thế, Phaolô có một ảnh hưởng đặc biệt trên họ, và họ lắng nghe Ngài qua những giáo huấn trong thư Ngài gởi.

Có lúc Phaolô chất vấn Phêrô về những vấn đề như việc cắt bì cho người theo Kitô giáo, hay ăn của cúng v.v… Đây không phải là chống đối hay thách đố quyền cai trị của Phêrô mà là những khám phá về thần học mà Phaolô tin là Ngài được linh ứng từ Chúa Giêsu Kitô liên quan đến việc truyền giáo cho dân ngoại. Điều chắc chắn là Phaolô vẫn phục quyền Phêrô về những giáo huấn này.

Lm. Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.

-------------

Nếu bạn có câu hỏi liên hệ, xin viết về các địa chỉ sau đây:

Cha Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. – hnguyen@@stmarys.edu

Bản Tin Liên Đoàn – bantinliendoan@gmail.com

231 Rothell Road Extension, Toccoa, Georgia 30577
 
Quan hệ giữa Phaolô với những tông đồ và Kitô hữu khác thế nào?
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S
09:26 09/10/2008
SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ 2008-29.06-2009

Bài 8 - Quan hệ giữa Phaolô với những tông đồ và Kitô hữu khác thế nào?

Là một người bắt bớ Kitô hữu và hãm hại Hội thánh, Phaolô gặp nhiều khó khăn khi đi rao giảng tin mừng Chúa Giêsu Kitô: những tiếp đón không niềm nở hay nghi kỵ của các Tông đồ, các môn đệ và Kitô hữu.

Trong thư gởi tín hữu Corintô kể về việc Chúa Kitô Phục sinh hiện ra, Phaolô nói: trước là với Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, với hơn năm trăm anh em.. Tiếp đến, với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau cùng… với tôi (1 Cor 15:5-8).

Với các Tông đồ, Phaolô nói đến việc Ngài gặp Phêrô, Giacôbê và Gioan trong những lần khác nhau. Sau khi gặp Chúa Giêsu trên đường Damas, Phaolô lên Giêsuralem gặp Kêphas trong 2 tuần (Gal 1:18), và găp Giacôbê, người anh em của Chúa (Gal 1:19). Phaolô cũng gặp Gioan, một trụ cột của Giáo hội (Gal 2:9). Không thấy Phaolô nói đến việc gặp các Tông đồ khác.

Với Phêrô, có lúc Phaolô đối chất trực diện về điều mà ông cho là Phêrô giả hình. Khi một số môn đệ của Giacôbê (có lẽ là người Do thái tin theo Chúa Kitô) gặp Phêrô ở Antiokia, Phêrô vì nể hay sợ những người Do thái này nên đã không dám ngồi ăn với những người dân ngoại (không chịu cắt bì). Phaolô trách Phêrô và những người theo ông là giả hình (Gal 2:12-14).

Phaolô gặp nhiều khó khăn khi tranh đấu dành cho mình vị thế của một Tông đồ trong việc mục vụ.

Luca ghi lại chuyện Phaolô lên Giêrusalem để họp Công đồng liên quan đến vấn nạn truyền giáo cho dân ngoại: liệu người muốn gia nhập giáo hội mà không là Do thái có phải chịu phép cắt bì không? Luca kể lại trong sách Công vụ tông đồ với những lời xoa dịu tình trạng căng thẳng của cuộc họp, trình bày một cuộc họp chung, công khai với những nhà lãnh đạo giáo hội: sau khi nghe Phaolô và Barnaba trình bày, Phêrô và Giacôbê lên tiếng và cả hai đồng thuận không cần cắt bì với những người ngoại theo Kitô giáo (Cvtd 15:1-21).

Trong thư Phaolô viết, Ngài nói đến việc gặp riêng với một vài nhân vật lãnh đạo quan trọng như Phêrô, Giacôbê, và Gioan. Và dù ba vị này đồng ý với Phaolô, nhiều người khác vẫn không đồng ý (Gal 2:1-10).

Với những Kitô hữu khác, sách Công vụ tông đồ cho hay là Khanania phản đối Chúa khi được sai đón tiếp Phaolô: Lạy Chúa, con đã nghe lắm kẻ nói về người ấy, về tất cả những điều ác người ấy đã làm… (Cvtd 9:13-14).

(Còn tiếp)

Lm. Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.

-------------

Nếu bạn có câu hỏi liên hệ, xin viết về các địa chỉ sau đây:

Cha Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. – hnguyen@@stmarys.edu

Bản Tin Liên Đoàn – bantinliendoan@gmail.com

231 Rothell Road Extension, Toccoa, Georgia 30577
 
Quan hệ giữa Phaolô với những tông đồ và Kitô hữu khác thế nào?
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S
09:27 09/10/2008
SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ 2008-29.06-2009

Bài 9 - Quan hệ giữa Phaolô với những tông đồ và Kitô hữu khác thế nào?

(tiếp theo)

Khi Phaolô đến Giêrusalem, “ông Sao-lô tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ” (Cvtd 9:26).

Ngay Phaolô cũng nhận là nhiều người biết Ngài chỉ qua việc Ngài bắt bớ đạo thánh Chúa: “Nhưng lúc ấy các Hội Thánh Đức Kitô tại miền Giuđê không biết mặt tôi. Họ chỉ nghe nói rằng: Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt” (Gal 1:22-23)

Đọc thư thánh Phaolô, chúng ta có thể đọc được tâm trạng của một người mang nhiều ưu tư, phải tự biện minh cho việc làm và con người mình, chỉ vì sự nghi ngờ của những người chung quanh. Trong thư gởi tín hữu Côrintô, Ngài viết:

“Tôi không tự do ư? Tôi không phải là tông đồ ư? Tôi đã không thấy Đức Giêsu, Chúa chúng ta sao? Anh em không phải là công trình của tôi trong Chúa sao? Nếu đối với những người khác tôi không phải là tông đồ, thì ít ra đối với anh em tôi là tông đồ, vì ấn tín chứng thực chức vụ tông đồ của tôi trong Chúa chính là anh em. Đây là lời biện hộ của tôi chống lại những kẻ hạch sách tôi” (1 Cor 9:1-3).

Nơi khác, Phaolô mạnh mẽ khắng định quyền năng giảng dạy của mình, và nhắc nhở cho các tín hữu rằng sứ mạng ngài lãnh nhận không từ các Tông đồ hay tự mình, nhưng trực tiếp từ Thiên Chúa (Gal 1:1, 12).

Phaolô tự nhận mình bất xứng: “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” (1 Cor 15:9).

Tất cả những dữ kiện trên cùng với lối viết thư có tính cách tự biện luận của thánh Phaolô có thể cho ta thấy một chút những đối xử của nhiều người đương thời đối với thánh nhân. Trong khi được chấp nhận và kính nể từ những cộng đoàn của dân ngoại (người Hi lạp hay Rôma) theo Chúa Kitô, Phaolô cũng gặp nhiều nghi kỵ, chống đối từ những người Do thái theo Chúa Kitô.

Lm. Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.

-------------

Nếu bạn có câu hỏi liên hệ, xin viết về các địa chỉ sau đây:

Cha Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. – hnguyen@@stmarys.edu

Bản Tin Liên Đoàn – bantinliendoan@gmail.com

231 Rothell Road Extension, Toccoa, Georgia 30577
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Bướm
Nguyễn Ngọc Danh
14:33 09/10/2008

HOA BƯỚM



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Từ trong cõi u minh của trời đất

Giữa muôn loài – cùng lau cỏ- ngàn cây.

Hỡi trần gian: ” Người có biết hôm nay”

Chúa tạo tôi thành bài thơ diễm lệ

(Ngoc Danh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Công Án Thiền
Lm. Trần Cao Tường
14:37 09/10/2008

CÔNG ÁN THIỀN



Ảnh của Cao Tường (Mùa thu ở New England)

Mỗi chiếc lá úa rơi là một công án thiền

phát ra một năng lực cực mạnh nổ tung mọi thành quách đền đài,

san bằng mọi hơn thua, cao thấp, sang hèn;

vượt qua hai bờ sinh tử, để mở ra một khoảng trống mênh mang bác lên cõi vĩnh hằng

(TCT)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền