Ngày 10-10-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tĩnh tâm linh mục giáo phận Phú Cường : Chuỗi Mân Côi và đời thánh hiến
Lm. JB. Nguyễn Minh Mùng
15:57 10/10/2016
Tĩnh tâm linh mục giáo phận Phú Cường Tháng 10.2016

CHUỖI MÂN CÔI VÀ ĐỜI THÁNH HIẾN

Kinh Mân Côi là lời kinh hiệu nghiệm để xin ơn, lời kinh ca tụng Đức Maria, và cùng Đức Maria tôn thờ Thiên Chúa. Đó là lời kinh được thiết lập trong Hội Thánh dựa trên Tin Mừng của Chúa Kitô.

Kinh Mân Côi cũng là lời kinh được nhiều thánh nhân, nhiều nhà giảng thuyết, nhiều vị thừa sai, nhiều dòng tu tận tình truyền bá. Đồng thời, kinh Mân Côi được chính Công đồng Vatican II giới thiệu. Đó cũng là kinh mà nhiều vị giáo hoàng thời danh tán dương, cổ võ…

Đối với người sống ơn gọi thánh hiến, bên cạnh nhiều việc đạo đức, nhiều phương thức khác nhau để thánh hóa và tự thánh hóa mình, kinh Mân Côi góp phần nuôi sống chính đời sống ơn gọi của mình.

Vì thế, những ai sống đời hiến dâng đừng chỉ dừng lại ở phương diện rao giảng về kinh Mân Côi, mời gọi mọi người hãy tìm đến kho tàng ơn Chúa nhờ suy niệm kinh Mân Côi, mà hãy là người chiêm ngắm và sống mầu nhiệm Mân Côi trước hết và trên hết anh chị em mình.

I. CHUỖI MÂN CÔI TRONG TƯƠNG QUAN VỚI TIN MỪNG.

Với những mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng mà mỗi khi ta chiêm ngắm, là chiêm ngắm chính cuộc đời Chúa Kitô. Bởi kinh Mân Côi là quyển Tin Mừng rút gọn. Quyển Tin Mừng ấy tuy đơn giản, nhưng phong phú, vì nơi đó, khi chiêm ngắm, ta bước theo Chúa Kitô từ khi Người nhập thể làm người, ra đi loan báo Tin Mừng trên mọi nẻo đường Palestina, đến hành trình đớn đau và khổ nhục tiến lên đỉnh đồi Calvariô, chịu đóng đinh, chịu chết và phục sinh vinh hiển, mở ra con đường sự sống mới cho nhân loại.

Mầu nhiệm mùa Vui diễn tả về một Thiên Chúa làm người, để con người được làm con Thiên Chúa. Đi xa hơn, mùa Vui còn cho ta khẳng định về một “Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Thiên Chúa đã làm người: một chân lý tuyệt diệu, quá lớn lao vượt ra ngoài sức tưởng tượng của loài người. Bởi không thể hiểu nổi, nên khi Chúa Kitô xuất hiện, đã làm loài người ngỡ ngàng. Họ không thể tin Đấng Mêssia mà họ hằng mong chờ, nay lại cư ngụ giữa họ! Bởi thế, nhiều người không chấp nhận và không tin vào Chúa Kitô.

Mầu nhiệm sự Sáng diễng tả cuộc đời công khai của Chúa Kitô cùng những bước chân ra đi không mệt mỏi trên con đường loan báo Tin Mừng.

Sau nhiều năm sống ẩn dật, thời gian cần thiết chuẩn bị cho sứ vụ mà Thiên Chúa trao phó, Chúa Kitô loan báo ơn cứu độ đã đến bằng Lời rao giảng, bằng cuộc sống chứng tá, bằng những phép lạ Người đã thực hiện để dạy loài người về một Thiên Chúa yêu thương đến độ hạ mình phục vụ họ: “Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng là phục vụ và hiến mạng sống cho loài người” (Mt 20, 28).

Mầu nhiệm mùa Thương diễn tả những giờ phút đau thương và tủi nhục của Chúa Kitô. Đó cũng là những giờ phút đấu tranh tư tưởng kịch liệt, bởi sự giằng co nội tâm khi đối diện với cuộc khổ nạn mà Người sắp đón nhận: “Lạy Cha, xin cho Con đừng uống chén này, nhưng xin đừng theo ý Con mà theo ý Cha” (Mt 26, 39).

Chúa Kitô đã chấp nhận và đi đến tận cùng con đường thập giá. Bởi đó là con đường duy nhất nối lại mối tương giao giữa nhân loại với Thiên Chúa, giữa Đấng Tạo dựng và loài thụ tạo.

Ngày xưa, Ađam phá vỡ tương giao ấy bởi sự không vâng phục, thì nay, qua cái chết của Chúa Kitô – Ađam mới, đã hàn gắn lại, để con người được hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa, sống trong tương giao tình yêu của Người.

Mầu nhiệm mùa Mừng diễn tả niềm vui khôn cùng của nhân loại một khi vững tin vào Chúa Kitô phục sinh.

Cuộc phục sinh khải hoàn ấy mở ra một viễn tượng mới: cái chết sau cuộc sống trần thế, không là một dấu chấm hết, nhưng là bệ phóng đưa ta vào vĩnh cửu, sống trong sự sống tràn đầy ánh sáng vinh quang mà Chúa Phục Sinh trao ban. Chẳng những không hữu hạn, sự sống ấy còn có chính Thiên Chúa, Nguồng Hạnh Phúc trở nên niềm hạnh phúc tuyệt đối của loài người.

Xuyên suốt những mầu nhiệm Mân Côi đầy ánh sáng Tin Mừng, ta thấy ẩn chứa dáng dấp một phụ nữ cùng song hành với Chúa Kitô trong hành trình cứu thế của Người.

Người phụ nữ ấy chính là Đức Maria, Nữ Tỳ và Người Nghèo của Thiên Chúa. Dù hai tiếng “Xin Vâng”, Đức Mẹ thốt lên trước mặt thiên thần, đã chấm dứt trong ngày truyền tin, nhưng cuộc sống Xin Vâng thì không dừng lại, mà trải dài suốt cuộc đời làm Mẹ Đấng Cứu Thế của Đức Mẹ.

Đi bên cạnh Con mình để sống một đời Xin Vâng, Đức Mẹ trở nên người mẹ thầm lặng luôn suy đi nghĩ lại mọi biến cố xảy đến cho mình (x.Lc 2, 51). Và nếu những giai đoạn cứu thế của Chúa Kitô ngày càng rõ nét theo tuổi đời của Người, thì tiếng Xin Vâng của Đức Mẹ càng sáng hơn, càng quyết liệt, dần lên xa hơn.

Chẳng hạn, Đức Mẹ đã thinh lặng chấp nhận nghe Con thông báo phải “làm việc của Cha Con” sau khi vất vả đến ba ngày tìm Con thất lạc (Lc 2, 46-50). Đức Mẹ lại Xin Vâng khi dõi bước theo Con trên đường rao giảng.

Khi kết thúc những tháng năm rao giảng của Chúa Con, Đức Mẹ lại tiếp tục dõi theo từng chặng đường thánh giá nghiệt ngã, rồi đớn đau chứng kiến những tủi nhục, roi đòn, sỉ vả… mà loài người đan tâm trút lên Người Con của mình. Đức Mẹ Xin Vâng trong chết lặng nát tan cõi lòng khi chứng kiến đến giây phút sau cùng của Con trên thánh giá.

Nhưng nếu đã gắn bó với Con bao nhiêu trong đau đớn, thì tiếng Xin Vâng của Đức Mẹ càng được bù đắp cân xứng bấy nhiêu trong niềm vui chan chứa của ngày Con khải hoàn phục sinh.

Cuộc đời Xin Vâng của Đức Maria nở hoa rực rỡ trong niềm vui ơn cứu độ của Chúa Kitô. Đi bên cạnh Con mình, Đức Maria đã dâng hiến trọn vẹn để thực thi đến cùng lời thưa Xin Vâng.

2. ĐỜI DÂNG HIẾN VỚI CHUỖI MÂN CÔI.

Nhìn lại hành trình cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô qua bốn mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng, chúng ta cảm nhận và hình dung đó chính là cuộc đời của mỗi linh mục .

Hơn thế, trong ơn gọi của mình, người linh mục càng biết suy niệm, thì càng nhận chân cuộc đời mình rập khuôn cuộc đời Chúa Kitô. Vì thế, mỗi chặng đường trong cuộc đời Chúa Cứu Thế, dù mầu nhiệm Vui hay mầu nhiệm Sáng, dù mầu nhiệm Thương hay mầu nhiệm Mừng, đều trở thành chính sự sống của chính người linh mục.

Và nếu suy niệm tường tận, nếu chấp nhận và sống từng mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng, linh mục dễ dàng nhận ra: Các mầu nhiệm không hề có ranh giới, không hề có sự phân chia rạch ròi qua từng giai đoạn của đời sống, nhưng mỗi mầu nhiệm đan xen qua mọi biến cố thăng trầm của cuộc đời người sống ơn gọi thánh hiến.

Các mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Cứu Thế, từng lúc diễn ra trong suốt hành trình cuộc đời chúng ta. Trong quá khứ, chúng ta đã từng cảm nhận, mình đã đi qua không biết bao nhiêu lần những mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng.

Giây phút hiện tại, từng khoảnh khắc của nhịp thời gian mà chúng ta sống, vẫn lại là niềm Vui, sự Sáng, nỗi Thương, sự Mừng.

Càng trải nghiệm cuộc đời, những mầu nhiệm ấy như càng sống động, càng hiển hiện trong chính sự sống và lẽ sống của chúng ta.

Chắc chắn, rồi đây trong đời sống phía trước của từng người, cũng sẽ lại diễn ra trong từng nhịp của đời thánh hiến của từng con người nơi đây, cũng lại chính là những mầu nhiệm của Con Thiên Chúa, mà mỗi người sẽ được sống, được tháp nhập, được họa lại.

Hãy đem những thăng trầm đó mà kết hợp, mà gắn chặt vào cuộc đời của Chúa Kitô, để cuộc đời từng người được lồng trong chính cuộc đời của Chúa.

Với bốn mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng, không thể nói hết từng cuộc đời của từng người, tôi xin được bắt đầu bằng chính kinh nghiệm của mình, có thể là nơi bản thân, có thể là nơi người khác. Anh em, khi suy niệm hay khi đọc, có thể thay vào những kinh nghiệm ấy, bằng chính kinh nghiệm, bằng chính năm tháng ngày giờ của anh em.

1. Mùa Vui của người thánh hiến.

Nhiều lắm những lần chúng ta cảm nhận niềm vui trong những tháng năm sống đời tu của mình.

Với bản thân, chẳng hạn, tôi thấy cả bầu trời vui trong ngày mình nhận giấy đi Chủng viện. Nhất là thời gian ngay trước đó, tất cả các dòng tu, các Chủng viện đều bị đóng cửa, tu sĩ phải giải tán, bị buộc trở về nhà…, vậy mà mình là một trong những lớp người đầu, sau những ngày tháng tăm tối, được tu học, dù Chủng viện lúc bấy giờ còn vô vàn khó khăn, vẫn không ngăn nỗi niềm vui trào tràn, không chỉ nơi bản thân, mà còn nơi nhiều người có liên quan…

Không kể miền Bắc (thời gian khó khăn còn dài hơn), tại miền Nam, khoảng trên dưới ba chục năm ròng, từ sau 1975, khi mà người sống ơn gọi tu trì cứ mãi bị kỳ thị, bị nghi ngờ, thậm chí bị sách nhiễu bằng những hình thức nặng nhẹ khác nhau…, vậy mà cuối cùng, Hội Thánh tại Việt Nam vẫn giữ được ơn gọi của mình, nhiều cá nhân vẫn muốn lao vào sống đời thánh hiến, càng cho những ai yêu mến Hội Thánh, những ai có tâm hồn tha thiết với ơn gọi vui mừng lớn lao. Niềm vui như vỡ òa, như thấm đẫm…

Đàng khác, thực hiện được ơn gọi của riêng mình, ta cũng vui vì đó là một bước ngoặc lớn trong cuộc đời. Bởi sau bao nhiêu vất vả lo toan, sau bao nhiêu khắc khoải đợi chờ, ta bước vào môi trường mới, bước vào cuộc sống mới với tất cả những trang bị cần thiết cho lý tưởng đời mình, cho Hội Thánh của Chúa và cho cả đồng loại xung quanh.

Biết bao nhiêu những nỗi vui mừng khác trong đời thánh hiến của ta. Đó chính là những mùa vui của người sống ơn gọi tu trì. Những mùa vui ấy cần thiết, để giờ đây, qua nó, ta tháp nhập vào mầu nhiệm Mân Côi trong chính cuộc đời trần thế của Chúa Kitô: Mầu nhiệm Năm Sự Vui.

2. Mùa Sáng trong cuộc đời người thánh hiến.

Những năm tháng tu học ở Chủng viện lặng lẽ trôi nhanh. Rời mái trường, anh em chúng tôi lần lược trở thành thầy sáu, rồi linh mục của Chúa.

Với vai trò mới, chúng tôi đặc biệt được Hội Thánh trao cho mình nhiệm vụ quản lý và phân phát kho tàng ơn Chúa cho anh chị em. Nhờ bàn tay thi hành thánh chức của mình, người linh mục đưa dẫn anh chị em về với Thiên Chúa, về với ơn cứu độ của Người.

Như vậy, trở thành linh mục, chúng tôi trở nên người bước tiếp con đường Chúa Giêsu đã đi, không phải những nẻo đường Palestina, nhưng là những nẻo đời giữa lòng cuộc sống. Đặc biệt, đối với các linh mục tại Việt Nam, những nẻo đời đó chính là quê hương Việt Nam của mình.

Và tất cả chúng ta, từng người ở đây hãy ý thức rằng: Quê hương Việt Nam còn cần nhiều linh mục nhiệt thành để loan báo Lời Chúa, cần nhiều bước chân dám dấn thân ra đi, mang Chúa đến cho mọi người.

Dọc dài của nẻo đời quê hương, biết bao nhiêu người cần sự nâng đỡ, quan tâm của những ai sống ơn gọi tu trì, dám hiến mình cho Chúa Kitô, và trao mình cho anh chị em, nhất là những anh chị em bất hạnh, túng nghèo, bệnh tật, bị đẩy ra bên ngoài cuộc sống xã hội, bị khinh miệt, bị chà đạp, bị bóc lột…

Chính họ là những nẻo đời của quê hương. Chính họ là hiện thân của Chúa Giêsu nghèo mà người linh mục và tu sĩ được mời gọi chia sớt cuộc sống với họ. Chỉ nơi họ, cùng những bổn phận mục vụ và đạo đức của mình, anh em chúng ta mới có thể làm sáng danh Chúa.

Linh mục hãy cố mà sống cho bằng được ơn gọi là hiện thân Nước Trời, hiện thực của tình Chúa, nguồn sống của lý tưởng thờ phượng, để không bao giờ có ai đến nơi linh mục hiện diện, khi ra đi phải mang theo nỗi thất vọng…

Và như thế, sống mầu nhiệm sự Sáng trong chức linh mục, là chúng ta để cho danh Chúa được cao rao, cuộc sống nhân loại được đỡ nâng.

Nếu đi ngược tất cả những điều đó, hình bóng linh mục giữa cộng đoàn nhân loại chỉ là một phản chứng, một bóng đen, tệ hơn: đó chỉ là một cách giết chết ơn gọi hiến dâng của chính bản thân người linh mục. Bởi vậy mỗi chúng ta đừng là sự tối, nhưng hãy là sự Sáng.

3. Mùa Thương thăng trầm của đời thánh hiến.

Không thiếu những lần bị hiểu lầm, bị nghi ngờ, bị chống đối từ nhiều phía, nhiều cách thức của nhiều người dành cho mỗi chúng ta. Một mình đối mặt tất cả những hoàn cảnh ấy, dễ làm người sống ơn gọi thánh hiến mệt mỏi, có khi thất vọng, muốn buông xuôi…

Nhìn lên Chúa Kitô trên thánh giá là cách tốt nhất để người linh mục khiêm nhường nhận ra căn tín ơn gọi của mình: Chúa Kitô, linh mục thượng phẩm, kiểu mẫu của mọi đời sống hiến dâng, cũng chính là Chúa Kitô của thánh giá.

Nhìn lên thánh giá, các linh mục sẽ hiểu rằng: “Tôi tớ không hơn chủ, trò không hơn Thầy” (Mt 10, 24; Lc 6, 40).

Con đường mà Chúa đã đi là con đường thánh giá. Bởi chỉ có con đường ấy mới mang lại hoa trái của ơn giải thoát và cứu độ. Chính Chúa Kitô là bài học kinh nghiệm cho từng anh em linh mục, giúp sống đời thánh hiến trong chức linh mục của mình.

Ngoài Chúa Kitô, trong khi suy niệm mầu nhiệm Mân Côi, ta lại bắt gặp một khuôn mặt khả ái khác, cũng tràn đầy đắng cay, nhưng lại sáng ngời trong niềm phó thác. Khuôn mặt đó chính là Đức Maria, người Mẹ và Bà Chúa của chúng ta trong đức tin và tín thác vĩ đại.

Bởi vậy, khi phải chịu những bất trắc, những nỗi đau canh cánh bên lòng, người linh mục đừng sờn lòng nản chí, nhưng hãy tin tưởng và phó thác như Đức Maria tin tưởng và phó thác qua hai tiếng Xin Vâng trọn cuộc đời của mình.

4. Mùa Mừng trong cuộc sống thánh hiến.

Ngày chúng tôi chịu chức linh mục, nhiều người cho rằng, cuộc đời linh mục là một màu hồng xuyên suốt. Thực tình không sai. Bởi tiếp theo sau lễ phong chức là những ngày tạ ơn nhiều nơi (có người còn gọi đó là lễ Vinh quy), những lời chúc mừng, những bữa tiệc linh đình…

Rồi lại mừng bổn mạng, lại kỷ niệm chịu chức, ngân khánh, kim khánh… Kèm theo cũng lại lời chúc tụng, những món quà được biếu tặng… Đã có lúc chúng tôi tự kiêu, tự mãn vì những hình thức bên ngoài ấy…

Ngay cả sau khi làm được công trình vật chất nào, nói theo ngôn ngữ giới trẻ, cũng khiến chúng tôi “tự sướng”. Chúng tôi vui mừng như nó là thành quả của riêng mình. Gọi là vui mừng, nếu không muốn nói là kiêu ngạo với cái mà nhiều người cho là “thành công”.

Chúng tôi dễ tin mình, nhưng khó tin người. Vì thế, có quá nhiều điều, chúng tôi tự mình quyết định. Và dù không nói ra, nhưng biết đâu lại có lúc ngầm vừa ý với vài ý kiến cho rằng “ý cha là ý Chúa”…

Chúng ta, những linh mục, chỉ có thể trở nên linh mục đích thật của Chúa Kitô, khi biết sống đúng ý nghĩa mầu nhiệm mùa Mừng là hiểu thấu đáo và cố gắng hết sức để sống chính lời Chúa Kitô: “Thầy đến không phải để được phục vụ, nhưng là phục vụ và hiến mạng sống cho loài người” (Mt 20, 28).

Chẳng thể nhớ nổi, bao nhiêu lần trong đời, mình lần chuỗi Mân Côi. Đã có bao giờ, ta sống trọn vẹn mầu nhiệm Mân Côi, và hướng về Chúa thực sự, thật nghiêm túc, để nên giống Chúa như Đức Maria, như Chúa muốn?

III. LỜI KẾT.

Đời sống con người là một cuộc lữ hành tìm về hạnh phúc. Cuộc lữ hành này không thực hiện bằng những bước chân, hoặc bằng những phương tiện duy chuyển, nhưng chỉ có thể thực hiện bằng những hành vi nhân linh, nghĩa là những hành vi có ý thức tự do và chọn lựa.

Là người phàm trần, bị tội lỗi đả thương nặng nề, lại bị thế giới hữu hình quyến rũ một cách mãnh liệt. Vậy làm sao ta có thể thực hiện cuộc hành trình này cho an toàn?

Thấy rõ sự yếu đuối của chúng ta, Ngôi Lời đã nhập thể nên người đồng hành và hướng đạo chúng ta. Ta chỉ có thể tìm được an toàn thực sự cho hành trình đời mình, khi dám cúi xuống để sống khiêm hạ và đón nhận mọi thánh ý Thiên Chúa như chính Ngôi Lời đã sống và nêu gương.

Ngôi Lời đã nhập thể, trở thành người lữ khách kỳ diệu, gồm thâu trong mình một cách khôn tả cả cái nhân loại, lẫn cái thần linh; cả những biến cố lịch sử và những thực tại vĩnh cửu, những bối cảnh thực tại và những mầu nhiệm, những vui sướng thật trinh trong và những đau thương thật thấm thía.

Càng kỳ diệu hơn, khi khuôn mặt của Đức Maria cứ luôn luôn được nhận ra trong mọi biến cố của Ngôi Lời. Hình như Thiên Chúa đã tiên liệu để mọi mầu nhiệm trong cuộc đời của Người Con đều cần đến sự thông hiệp chặt chẽ của Người Mẹ.

Vì thế, các mầu nhiệm của Thiên Chúa được diễn tiến nơi Chúa Kitô, đều mang hình dạng một chặng đường Thiên Chúa đã dự kiến đầy ý nghĩa trước hết cho Đức Mẹ, để rồi qua hình ảnh Đức Mẹ, như một sự báo trước và đại diện, những mầu nhiệm ấy cũng dành cho mọi người chúng ta.

Vì thế, nếu hành trình của Chúa Kitô luôn có người Mẹ hiền của Người là Đức Maria đồng hành, ước mong hành trình nơi mỗi Kitô hữu, đặc biệt là nơi các linh mục, của Chúa đây, cũng sẽ là hành trình gắn bó với Đức Maria.

Vì nếu có Đức Mẹ cùng mang vác trách nhiệm “làm linh mục cho anh chị em” (thánh Augustinô), ta sẽ can đảm hơn, bớt mệt mỏi hơn vì cảm thấy mình được nâng đỡ. Nguồn nâng đỡ đó lại chính là lời cầu bàu của Mẹ Thiên Chúa, lại không giúp ta yên tâm và bình an lắm hay sao.

Bởi đó, chuỗi Mân Côi là một trong nhiều phương thế cầu nguyện tốt để ta được gần bên Người Mẹ kính yêu của mình, giúp ta khám phá ngày càng mãnh liệt vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu độ cao cả và trong cuộc đời ta. Để nơi mầu nhiệm cứu độ, cùng Đức Mẹ, ta trưởng thành trong ơn Chúa. Và trong đời trần thế, mọi nơi, mọi lúc, nhất là những khi đối diện những hoàn cảnh khó khăn, lắm lúc nghiệt ngã, ta có Đức Mẹ đồng hành và ủi an.

Nguyện xin cho cuộc đời thánh hiến của mỗi chúng ta, trước là được tháp nhập vào chính cuộc đời của Chúa Kitô, để qua Người, ta học và hiểu các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng như bài học không thể thiếu trong từng ngày sống, hoạt động và phục vụ của mình.

Sau nữa, là gắn bó không ngừng với Mẹ Chúa Kitô, để cùng Người, như Người và trong Người, ta biết tin tưởng, phó thác, làm hoàn hảo mầu nhiệm thánh giá của Chúa Kitô nơi chính tâm hồn và cuộc đời hiến dâng của mình.

VẤN TÂM

Đây là giờ thinh lặng hơn lên tiếng. Cùng cảm nghiệm hành trình Vui, Sáng, Thương, Mừng của Chúa Kitô, chúng ta hãy khám phá lại chính mình để kết nối đời ta trong từng mầu nhiệm cuộc đời của Chúa.

Hãy thinh lặng để nhận ra mình, để ăn năn tội và để xin ơn được biến đổi.

Nguyện xin Đức Mẹ đồng hành cùng chúng ta trong giờ vấn tâm này. Xin Đức Mẹ là mẹ của Linh Mục Thượng Phẩm, và là mẹ của đoàn con linh mục, dạy chúng ta biết yêu những mầu nhiệm của Chúa Kitô, biết tháp nhập đời thánh hiến của chúng ta trong từng mầu nhiệm ấy.

HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU

Đức Mẹ đứng bên cạnh trọn cuộc đời của Chúa Giêsu. Đức Mẹ tham dự đến cùng, tham dự trọn vẹn suốt dọc dài con đường dương thế của Chúa, từ khởi đầu làm người mãi cho đến kết thúc kiếp người ấy.

Thời khắc gây nhiều cảm xúc nhất, chấn động lòng người nhất, thiêng liêng nhất, thương đau nhất, là thời khắc một người từ giả kiếp người.

Thời khắc đầy ý nghĩa ấy của Chúa, chỉ một mình thánh Gioan khắc họa hình tượng đẹp của Đức Mẹ: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu có thân mẫu Người” (19, 25).

Cũng như đã từng tham dự trọn vẹn cuộc đời của Chúa, giờ đây, Đức Mẹ tiếp tục chứng kiến cho đến cùng, chiêm ngắm và chiến đấu cho đến cùng, khi cùng tham dự mầu nhiệm thánh giá với Chúa.

Nhất là lúc Chúa Giêsu “trao Thần Khí” (Ga 19, 30), Người gục đầu tắt thở, còn hơn đứng cạnh cuộc đời, Đức Mẹ, vì tình yêu làm mẹ, chắc chắn nhói đau tận hồn.

Chưa hết, Đức Mẹ tiếp tục hiện diện chứng kiến đến cùng mũi giáo sắc nhọn lạnh lùng, vô cảm xuyên thấu trái tim Chúa Giêsu. Trong nỗi đau hơn cả nỗi đau này, gợi lại lời tiên tri của cụ Simeon: Mũi giáo đâm thấu trái tim Chúa, cũng là mũi giáo đâm nát tâm hồn Đức Mẹ (x.Lc 2, 35).

Nhìn hình tượng Đức Mẹ đứng cạnh cái chết của Chúa, với tôi, đó là biểu tượng để nhắn gởi bản thân: Hãy chuẩn bị hành trang cho giờ chết của mình được chết bên Đức Mẹ, chết trong tay Đức Mẹ.

Suy tưởng như trên càng được củng cố bởi những lần nghiền ngẫm phần cuối của kinh Kính Mừng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử”, cùng nhiều giáo huấn khác của Hội Thánh về việc “xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ” (suy gẫm thứ tư của mầu nhiệm Mừng).

Trải nghiệm cuộc đời, không ít lần cho ta thấm thía: đời ta mong manh, cuộc sống ta dòn mỏng. Cách duy nhất, là phó thác vào Thiên Chúa, đặt vào bàn tay Thiên Chúa mọi công trình, mọi việc làm và cả cuộc đời, mới là cách hay nhất để tồn tại, và tồn tại trong Thiên Chúa đời đời.

Cùng với lòng tín thác nơi Chúa, theo gương Chúa Giêsu, anh em linh mục hãy níu lấy Đức Mẹ, xin Đức Mẹ đồng hành cùng mình suốt mọi chặng đường đời.

Đặc biệt, hãy nài xin Đức Mẹ hiện diện trong giờ phút thương đau nhất, kinh hoàng nhất, gây sợ hãi nhất, đó là giờ phút ly biệt trần thế.

Xin Đức Mẹ hãy tiếp tục yêu thương đỡ nâng, dắt dìu, hướng dẫn từng người trình diện trước Đấng là con của Đức Mẹ và là Quan Án của mọi người.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Vi quan án bất lương
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
23:26 10/10/2016
Chúa Nhật XXIX THƯỜNG NIÊN, năm C
Xh 17, 8-13; 2 Tm 3, 14-4, 2; Lc 18, 1-8

VỊ QUAN ÁN BẤT LƯƠNG


Sống ở đời con người không thể sống lẻ loi, đơn độc bởi vì không ai là một hòn đảo. Trái lại, con người sống liên đới với nhau, nên, mọi người đều mang ơn nhau và đều cần đến nhau. Câu chuyện Chúa Giêsu thuật lại trong đoạn Tin Mừng của thánh Luca 18, 1-8 nói về “ Bà góa quấy rầy “ và “ Vị quan án bất lương ”dù không muốn giúp, không muốn giải quyết cho bà góa này, nhưng vì bà góa cứ quấy rầy mãi,vị quan án này cũng phải xét xử để bà góa đừng đến quấy rầy ông ta nữa! Dụ ngôn nhằm động viên, khích lệ các môn đệ bởi vì Chúa đã cảnh tỉnh các ông về ngày tận thế, do đó, Ngài sợ các ông lo lắng, bối rối, sợ hãi, nên mới kể cho các ông dụ ngôn này…Ngài muốn cho các môn đệ biết Chúa nhân từ biết bao, nên Ngài sẽ cứu giúp những ai biết kiên tâm khẩn cầu Ngài…

Các bài đọc hôm nay, giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn về việc cầu nguyện.Đặc biệt, Tin Mừng của thánh Luca luôn được coi là Tin Mừng cầu nguyện. Xuyên suốt Tin Mừng của thánh luca cho thấy, Chúa dạy các môn đệ cầu nguyện và khẳng định phải cầu nguyện như Ngài, phải cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện không ngừng, đừng bao giờ nản, đừng bao giờ chán, đừng bao giờ ngã lòng. Đưa ra dụ ngôn “ Quan án bất lương “ và “” Người bạn quấy rầy “, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ và nhân loại rằng Thiên Chúa là Cha nhân từ, không bao giờ từ chối bất cứ điều gì con người thành tâm kêu khẩn với Ngài. Chúa dạy chúng ta cứ xin thì được, cứ gõ thì mở, cứ tìm sẽ gặp…Lẽ dĩ nhiên Chúa hoàn toàn khác với cách hành động của ông quan án hay người bạn trong đêm vì lời kêu cầu của người khác, mặc dầu đang ngủ nhưng cũng dậy để giải quyết việc cho người bạn hàng xóm. Thiên Chúa là Đấng chí công, Ngài nhân từ, hiền lành và khiêm nhường. Ngài luôn trung thành dù con người có bất trung. Nhiều khi chúng ta cầu nguyện nhưng chưa thấy Chúa nhậm lời, không phải vì Ngài không cho hay không nhậm lời, nhưng Ngài thử lòng chúng ta, và để thanh lọc, thanh luyện tư tưởng, suy nghĩ của chúng ta…Ngài sẽ kíp giải oan cho chúng ta vv…

Chúa luôn kiên nhẫn, Ngài làm gương cho chúng ta về việc cầu nguyện.cả cuộc đời của Người là lời cầu nguyện không ngừng. Lúc nào Ngài cũng cầu nguyện: Ngài cầu nguyện trước khi làm phép lạ, Ngài cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, mồ hôi và máu chảy ra, Ngài cầu nguyện thâu đêm trước khi chọn các môn đệ. Chúa củng cố tinh thần các môn đệ trước những thử thách gian nan của cuộc đời. Ngài nói ma quỷ sẽ sàng các con như sàng gạo, các ngài sẽ bị bỏ vạ, cáo gian, các ngài sẽ bị đau khổ, bắt bớ, nhưng Chúa hứa :” Thầy đã thắng thế gian.Các con đừng sợ vì chính Thiên Chúa đã tuyển chọn các con “. Cầu nguyện là biểu hiệu của đức tin. Thực tế, Chúa lo âu về đức tin của con người. Chúa luôn yêu thương con người, Ngài luôn lắng tai và nghe chúng ta khẩn cầu, nguyện xin. Chúa không bao giờ từ chối những điều Ngài xét thấy cần cho bản thân, cho cuộc sống của chúng ta. Khi cầu nguyện, chúng ta sẽ nhận ra sự có mặt của Thiên Chúa, chúng ta sẽ hiểu được thế nào là sự can thiệp của Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta luôn gắn bó với Ngài…Không cầu nguyện, chúng ta sẽ không bao giờ có thể gặp được Chúa.

Do đó, qua các bài đọc Chúa Nhật hôm nay, chúng ta nhận ra việc cầu nguyện là ưu tiên số một, là cần thiết nhất trên đời.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết vâng nghe lời Chúa, thực hành lời Chúa và siêng năng cầu nguyện : cầu nguyện mãi mãi, cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện không ngừng. Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn tin tưởng vào Chúa, luôn cậy trông vào Mẹ Maria. Amen.



GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao Chúa lại gọi ông Quan Án trong dụ ngôn này là bất lương ?
2.Bà góa trong Tin Mừng hôm nay là người thế nào ?
3.Tại sao Chúa lại dùng dụ ngôn để dạy các môn đệ ?
4.Dụ ngôn mà Chúa Giêsu đưa ra hôm nay nói gì cho chúng ta ?
5.Có cần phải cầu nguyện không ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video ĐGH Phanxicô và TGM Justin Welby của Anh Giáo ký tuyên bố chung cam kết quyết tâm thực hiện tiến bộ đại kết
VietCatholic Network
07:59 10/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Như chúng tôi đã loan tin, ngày 5 tháng Mười năm 2016, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô và Tiến Sĩ Justin Welby, Tổng Giám Mục Canterbury của Anh Giáo, đã cùng chủ tọa buổi kinh chiều và ký một tuyên bố chung khẳng định cam kết quyết tâm thực hiện tiến bộ đại kết.

Tại buổi kinh chiều này, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi mọi giám mục, cả Công Giao lẫn Anh Giáo, “thành dụng cụ của hiệp thông, mọi lúc và mọi nơi”.

Ngài nhấn mạnh: “chúng tôi nhìn nhận mình là anh em thuộc các truyền thống khác nhau, nhưng được thúc đẩy bởi cùng một Tin Mừng để đảm nhiệm cùng một sứ vụ trong thế giới”.

Về phần Tiến Sĩ Welby, trong các nhận định của mình, ông đã cảnh giác chống lại các tranh chấp giữa các giám mục, những cuộc tranh chấp được ngài ví như “cuộc giác đấu trong đó, người thua không được tỏ một chút thương xót nào”.

Trong buổi cầu nguyện này, hai vị đã ký một bản tuyên bố chung, quả quyết rằng: “Các người Công Giáo và Anh Giáo thừa nhận rằng chúng tôi là những người thừa kế kho tàng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và ơn gọi chia sẻ kho tàng này với toàn thế giới”.

Tuyên bố chung nhìn nhận các “trở ngại nghiêm trọng” đối với sự hợp nhất giữa người Công Giáo và người Anh Giáo, nổi bật nhất là quyết định của Anh Giáo phong chức cho phụ nữ làm linh mục và giám mục. Tuy nhiên, trích dẫn điển hình được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI và Tổng Giám Mục Michael Ramsey của Canterbury nêu cao khi khởi đầu cuộc đối thoại đại kết năm 1996, các ngài đoan hứa sẽ tiếp tục cuộc đối thoại “một cách trung thành với lời kinh của Chúa từng cầu xin cho các môn đệ Người được nên một”.

Buổi kinh chiều đại kết được tổ chức tại nhà thờ Thánh Grêgôriô Cả, vị thánh giáo hoàng đã phái Thánh Augustinô thành Canterbury qua Anh rao giảng Tin Mừng.

Toàn văn bản Tuyên Bố Chung như sau:

Anh Hóa kiếm 2 giọng Nam chia nhau ra đọc Tuyên Cáo này:

Năm mươi năm trước đây, các vị tiền nhiệm của chúng tôi, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI và Ðức Tổng Giám Mục Michael Ramsey đã gặp nhau tại thành phố này, thành phố đã được thánh hóa bằng thừa tác vụ và máu của các Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô. Sau đó, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với Ðức Tổng Giám Mục Robert Runcie, và sau đó với Ðức Tổng Giám Mục George Carey, và Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI với Ðức Tổng Giám Mục Rowan Williams, đã cầu nguyện với nhau ở đây trong Nhà Thờ Thánh Grêgôriô trên đồi Chêliô này, nơi Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô đã gửi Thánh Augustinô đi giảng Tin Mừng cho người Anglo-Saxon. Trong cuộc hành hương viếng mộ các tông đồ và tổ tiên thánh thiện này, người Công Giáo và Anh giáo nhận ra rằng chúng tôi là những người thừa kế kho tàng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và ơn gọi chia sẻ kho tàng này cho cả thế giới. Chúng tôi đã nhận được Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô qua đời sống thánh thiện của những người nam nữ biết rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và việc làm và chúng tôi đã được ủy nhiệm và được lên sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để làm chứng cho Chúa Kitô “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1: 8). Chúng tôi hợp nhất trong xác tín này: ngày nay, “tận cùng trái đất” không phải chỉ là một thuật ngữ địa lý, nhưng là một lời hiệu triệu mang sứ điệp cứu độ của Tin Mừng đặc biệt đến những người sống bên lề và những vùng ngoại vi của các xã hội chúng tôi.

Trong cuộc gặp lịch sử của các ngài vào năm 1966, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI và Ðức Tổng Giám Mục Ramsey đã thiết lập ra Ủy ban Quốc tế Anh Giáo và Công Giáo Rôma để theo đuổi một cuộc đối thoại thần học nghiêm túc, một cuộc đối thoại “vì được xây dựng trên các Tin Mừng và trên các truyền thống chung cổ xưa, nên có thể dẫn đến sự hợp nhất trong sự thật, mà Chúa Kitô đã cầu nguyện cho”. Năm mươi năm sau, chúng tôi tạ ơn vì những thành tựu của Ủy ban Quốc tế Anh Giáo và Công Giáo Rôma; Ủy Ban đã xem xét, về phương diện lịch sử, các học thuyết gây chia rẽ, theo viễn cảnh tươi mới biết tôn trọng và thương yêu lẫn nhau. Ngày nay, chúng tôi cảm tạ đặc biệt vì các văn kiện của ARCIC II, là các văn kiện sẽ được chúng tôi thẩm định, và chúng tôi chờ đợi kết các khám phá của ARCIC III khi nó khảo sát bối cảnh mới và các thách thức mới đối với sự hợp nhất của chúng tôi.

Năm mươi năm trước đây, các vị tiền nhiệm của chúng tôi đã nhìn nhận “các trở ngại nghiêm trọng” vốn án ngữ việc phục hồi đức tin và đời sống bí tích hoàn toàn giữa chúng tôi. Tuy nhiên, các ngài đã không hề nao núng lên đường, dù không biết phải tiến những bước tiến nào trên con đường này, nhưng luôn trung thành với lời cầu nguyện của Chúa xin cho các môn đệ được nên một. Nhiều tiến bộ đã đạt được liên quan đến nhiều lĩnh vực từng khiến chúng tôi xa cách nhau. Ấy thế nhưng, các hoàn cảnh mới đã đem tới các bất đồng mới giữa chúng tôi, đặc biệt là liên quan đến việc truyền chức cho phụ nữ và nhiều vấn đề gần đây hơn liên quan đến tính dục con người. Ðằng sau các khác biệt này là vấn đề lâu năm về việc phải thể hiện quyền bính ra sao trong cộng đồng Kitô Giáo. Ngày nay, đó là một số quan ngại đang tạo trở ngại nghiêm trọng cho sự hợp nhất hoàn toàn của chúng tôi. Giống như các vị tiền nhiệm của chúng tôi, dù chính chúng tôi chưa tìm được giải pháp cho các trở ngại trước mắt chúng tôi, nhưng chúng tôi không nao núng. Trong sự tín thác và hân hoan của chúng tôi trong Chúa Thánh Thần, chúng tôi tự tin rằng đối thoại và tương tác với nhau sẽ làm sâu sắc thêm sự hiểu biết của chúng tôi và giúp chúng tôi biện phân được tâm trí của Chúa Kitô đối với Giáo Hội của Người. Chúng tôi tín thác vào ân sủng và sự quan phòng của Thiên Chúa, vì biết rằng Chúa Thánh Thần sẽ mở ra nhiều cánh cửa mới và dẫn chúng tôi vào mọi sự thật (xem Ga 16: 13).

Những khác biệt trên mà chúng tôi vừa nêu ra không thể ngăn cản chúng tôi nhận ra nhau như anh chị em trong Chúa Kitô do phép rửa chung của chúng tôi. Chúng không bao giờ nên giữ chúng tôi lại, không cho chúng tôi khám phá và vui mừng trong đức tin Kitô giáo sâu sắc và sự thánh thiện mà chúng tôi tìm thấy trong các truyền thống của nhau. Những khác biệt này không được dẫn đến việc suy giảm các nỗ lực đại kết của chúng tôi. Lời cầu nguyện của Chúa Kitô tại Bữa tiệc cuối cùng xin cho tất cả có thể nên một (x Jn 17: 20-23) là một mệnh lệnh đối với các môn đệ của Người ngày hôm nay cũng như nó đã là một mệnh lệnh vào thời điểm Người sắp phải chịu khổ nạn, chịu chết và được phục sinh, và sau đó, hạ sinh ra Giáo Hội. Các khác biệt của chúng tôi cũng không nên án ngữ việc cầu nguyện chung của chúng tôi: không những chúng tôi có thể cầu nguyện với nhau, mà chúng tôi còn phải cầu nguyện với nhau, lên tiếng cho đức tin và niềm vui chung của chúng tôi vào Tin Mừng của Chúa Kitô, vào các Kinh Tin Kính xưa, và vào sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, một sức mạnh trở nên hiện diện trong Chúa Thánh Thần, để vượt qua mọi tội lỗi và phân chia. Và như thế, cùng với các vị tiền nhiệm của chúng tôi, chúng tôi kêu gọi các giáo sĩ và tín hữu đừng sao lãng hay đánh giá thấp sự hiệp thông chắc chắn tuy chưa hoàn hảo mà chúng ta đã đang chia sẻ.

Rộng hơn và sâu sắc hơn các khác biệt của chúng tôi là niềm tin mà chúng tôi đang chia sẻ và niềm vui chung của chúng tôi trong Tin Mừng. Chúa Kitô đã cầu nguyện để các môn đệ của Người có thể tất cả là một “nhờ vậy, thế giới có thể tin” (Ga 17: 21).

Niềm khao khát hợp nhất mà chúng tôi phát biểu trong Tuyên bố chung này có liên hệ mật thiết với ý nguyện chung của chúng tôi là mọi người nam nữ tiến đến chỗ tin rằng Thiên Chúa đã sai Con của Người, là Chúa Giêsu, vào thế giới để cứu thế giới khỏi sự ác đang đàn áp và làm giảm toàn bộ sáng thế. Chúa Giêsu đã hiến sự sống của Người trong tình yêu, và khi sống lại từ cõi chết, đã vượt thắng cả cái chết. Kitô hữu, những người đã đến với đức tin này, đã gặp gỡ Chúa Giêsu và sự chiến thắng của tình yêu Người trong đời sống họ, đều được thúc giục phải chia sẻ niềm vui của Tin Mừng này với người khác. Khả năng của chúng tôi đến với nhau để khen ngợi và cầu nguyện với Thiên Chúa và làm chứng cho thế giới dựa trên niềm tin rằng chúng tôi cùng chia sẻ một đức tin chung và một mức độ thỏa thuận đáng kể về đức tin.

Thế giới phải nhìn thấy chúng tôi làm chứng cho đức tin chung vào Chúa Giêsu này bằng cách hành động với nhau. Chúng tôi có thể, và phải, làm việc với nhau để bảo vệ và giữ gìn căn nhà chung của chúng tôi: sống, giảng dạy và hành động theo hướng có lợi cho việc kết thúc nhanh chóng sự hủy diệt môi trường, một việc xúc phạm Ðấng Tạo Hóa và hạ giá các tạo vật của Người, và xây dựng các khuôn mẫu tác phong cá nhân và tập thể có thể cổ vũ việc phát triển bền vững và tòan diện vì lợi ích của mọi người. Chúng tôi có thể, và phải, hợp nhất trong một chính nghĩa chung để duy trì và bảo vệ phẩm giá của mọi người. Con người nhân bản bị hạ giá vì tội lỗi cá nhân và xã hội. Trong một nền văn hóa dửng dưng, các bức tường ghẻ lạnh cô lập chúng ta khỏi người khác, khỏi các đấu tranh và đau khổ của họ, những đấu tranh và đau khổ mà nhiều anh chị em chúng tôi trong Chúa Kitô ngày nay vẫn đang phải chịu. Trong một nền văn hóa vứt bỏ, cuộc sống của những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội thường bị thiệt thòi và bị loại bỏ. Trong một nền văn hóa kỳ thị, chúng tôi thấy nhiều hành vi bạo lực không thể nào tả xiết, thường được biện minh bằng một sự hiểu biết méo mó về tín ngưỡng tôn giáo. Ðức tin Kitô giáo của chúng tôi dẫn chúng tôi tới việc nhìn nhận các giá trị vô giá của mọi sự sống con người, và vinh danh nó trong các hành vi thương xót bằng cách đem lại giáo dục, chăm sóc y tế, thực phẩm, nước sạch và nơi trú ẩn và luôn luôn tìm cách giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình. Là các môn đệ của Chúa Kitô, chúng tôi coi các con người nhân bản là thánh thiêng, và như các tông đồ của Chúa Kitô, chúng tôi phải là những người bênh vực họ.

Năm mươi năm trước đây, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI và Ðức Tổng Giám Mục Ramsey đã lấy làm nguồn cảm hứng cho các ngài những lời của thánh tông đồ: “quên đi những điều ở phía sau, và vươn tới những điều ở phía trước, tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Ðức Kitô Giêsu”(Pl 3: 13-14). Hôm nay, “những điều ở phía sau” - các thế kỷ đau đớn của chia rẽ - đang được chữa lành một phần nhờ năm mươi năm tình bạn.

Chúng tôi cảm tạ vì năm mươi năm của Trung tâm Anh giáo ở Rôma dành riêng làm nơi gặp gỡ và tình bạn. Chúng tôi đã trở thành các đối tác và bạn đồng hành trên hành trình hành hương của chúng tôi, đối diện với cùng những khó khăn, và tăng cường lẫn nhau nhờ việc học được cách đánh giá các hồng phúc mà Thiên Chúa đã ban cho người khác, và đón nhận chúng như là của riêng chúng tôi trong sự khiêm nhường và biết ơn.

Chúng tôi không kiên nhẫn đối với sự tiến bộ đáng lẽ đã có thể hoàn toàn hợp nhất trong việc công bố, bằng lời nói và hành động, tin mừng cứu vớt và chữa lành của Chúa Kitô cho mọi người. Vì lý do này, chúng tôi thấy mình được khích lệ lớn lao bởi cuộc gặp mặt trong những ngày này của rất nhiều giám mục Công Giáo và Anh giáo trong Ủy ban Quốc tế Anh giáo và Công Giáo Rôma về Thống nhất và Sứ vụ (IARCCUM), những vị, dựa vào tất cả những gì các ngài có chung, mà các thế hệ học giả ARCIC đã cẩn thận khám phá ra, sẵn sàng tiến lên phía trước trong sứ vụ hợp tác và làm chứng cho “đến tận cùng trái đất”. Hôm nay chúng tôi hân hoan ủy nhiệm các ngài và phái các ngài đi từng đôi như Chúa sai bảy mươi hai môn đệ ra đi. Hãy để sứ mệnh đại kết của các ngài nơi những người sống bên lề xã hội thành nhân chứng cho mọi người chúng ta, và từ nơi thánh này, hãy để sứ điệp được gửi đi, như Tin Mừng đã được gửi đi từ nhiều thế kỷ trước, rằng người Công Giáo và Anh giáo sẽ làm việc với nhau để nói lên đức tin chung của chúng tôi vào Chúa Giêsu Kitô, để mang sự cứu giúp đến những người đau khổ, để mang hòa bình đến những nơi có xung đột, để mang nhân phẩm đến những nơi nó bị bác bỏ và chà đạp.

Tại Nhà Thờ Thánh Grêgôriô Cả này, chúng tôi tha thiết khẩn cầu các phước lành của Ba Ngôi Chí Thánh xuống trên công trình liên tiếp của ARCIC và IARCCUM, và xuống trên tất cả những người cầu nguyện cho và đóng góp vào việc phục hồi sự hợp nhất giữa chúng tôi.

Rôma, ngày 5 tháng 10 năm 2016

Ðức Tổng Giám Mục Justin Welby

Ðức Giáo Hoàng Phanxicô
 
Video Ngày Năm Thánh dành cho các Hội đoàn và phong trào Thánh Mẫu và bổ nhiệm Tân Hồng Y
VietCatholic Network
08:05 10/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng Chúa Nhật 9 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Ngày Năm Thánh dành cho các Hội đoàn và phong trào Thánh Mẫu tại quảng trường Thánh Phêrô. Đây là một phần trong các cử hành trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Trong bài giảng Đức Thánh Cha, nói với các tín hữu rằng, “chúng ta được trao ban cho một mẫu gương, một mẫu gương thực sự, để chúng ta có thể noi theo, đó là Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta” Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lòng biết ơn, nghĩa là khả năng “nói lên lời cảm tạ, tán tụng Chúa vì những gì Ngài đã làm cho chúng ta: điều này là quan trọng”.

Đức Thánh Cha nói:

Chúa Nhật tuần này (Lc 17,11-19) Tin Mừng mời gọi chúng ta nhìn nhận ân sủng của Thiên Chúa với sự ngạc nhiên và lòng biết ơn. Trên đường đến cái chết và sự sống lại của Ngài, Chúa Giêsu gặp mười người phong hủi, những người đến với Ngài, nhưng đứng xa xa nói lên những vấn đề của họ với một nhân vật mà đức tin của họ xem nhân vật ấy như một vị cứu tinh có thể chữa lành cho họ “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!” (V. 13). Họ đang bị bệnh và họ đang tìm kiếm một ai đó để chữa lành cho họ. Chúa Giêsu trả lời bằng cách nói họ hãy đi và trình diện các tư tế, là những người theo Luật sẽ phải xác nhận sự chữa lành. Bằng cách đó, Chúa Giêsu không chỉ đơn giản cho họ một lời hứa; nhưng còn muốn thử thách đức tin của họ. Tại thời điểm đó, trên thực tế, mười người ấy chưa được chữa lành. Họ chỉ được khôi phục lại sức khỏe sau khi khởi hành ra đi trong sự vâng phục lệnh truyền của Chúa Giêsu. Sau đó, vui mừng, họ trình diện các tư tế và tiếp tục con đường của mình. Họ quên mất Đấng ban ơn cho họ, là Chúa Cha, Đấng đã chữa khỏi bệnh cho họ qua Đức Giêsu, Con của Ngài xuống thế làm người.

Duy chỉ có một người Samaritano, dân ngoại đang sống ở vùng ngoại vi của dân được ưu tuyển, thực tế anh ta là một người ngoại đạo! Người đàn ông này không chỉ hài lòng với việc được chữa lành nhờ đức tin của mình, nhưng đưa sự chữa lành đó đến chỗ thành toàn bằng cách quay lại bày tỏ lòng biết ơn của anh ta đối với ân sủng vừa nhận được. Anh ta nhận ra nơi Chúa Giêsu vị tư tế đích thật, Đấng đã nâng anh ta dậy và đã cứu anh ta, Đấng đang đặt anh trên chính lộ và chấp nhận anh ta là một trong những môn đệ của Ngài.

Để có thể nói lời cảm tạ, để có thể tán tụng Chúa vì những gì Ngài đã làm cho chúng ta là điều quan trọng! Vì thế, chúng ta hãy tự hỏi chính mình: Liệu chúng ta có khả năng nói lời “Cảm ơn”? Bao nhiêu lần chúng ta nói “Cảm ơn” trong gia đình chúng ta, trong cộng đồng của chúng ta, và trong Giáo Hội của chúng ta? Bao nhiêu lần chúng ta nói “Cảm ơn” đối với những ai giúp đỡ chúng ta, đối với những ai gần gũi chúng ta, đối với những ai đồng hành cùng chúng ta trong suốt cuộc đời? Thường thì chúng ta coi mọi thứ là chuyện đương nhiên! Ngay cả với những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta cũng vậy. Thật dễ dàng để chạy đến cùng Chúa để xin một cái gì đó, nhưng trở lại và cảm tạ thì không... Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự thất bại của chín người cùi vô ơn: “Chẳng phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”(Lc 17: 17-18)?.

Vào ngày Năm Thánh này, chúng ta đang được trao ban cho một mẫu gương, thực sự là một mẫu gương, để chúng ta có thể noi theo, đó là Đức Maria, Mẹ chúng ta. Sau khi nghe thông điệp Thánh Thiên Thần truyền, Mẹ nâng hồn lên trong trong một bài ca chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa. ..” Chúng ta hãy xin Đức Mẹ giúp chúng ta nhận biết tất cả mọi thứ là ân sủng của Thiên Chúa, và có khả năng để nói lời “Cảm ơn”. Như thế, niềm vui của chúng ta sẽ được hoàn toàn.

Khiêm nhường cũng là cần thiết để biết nói lời tạ ơn. Trong bài đọc đầu tiên chúng ta nghe câu chuyện của ông Naaman, người chỉ huy quân đội của vua Aram (x 2 Kg 5: 14-17). Để được chữa khỏi bệnh phong của mình, ông đã chấp nhận đề nghị của một người nô lệ nghèo và phó thác mình cho tiên tri Elisha, người mà ông ta coi là kẻ thù. Naaman dù sao cũng đã sẵn sàng để hạ mình. Elisha không đòi hỏi gì nơi ông ta, chỉ đơn giản là ra lệnh cho ông phải tắm trong dòng nước của sông Jordan. Yêu cầu này làm Naaman bối rối, thậm chí khó chịu. Lẽ nào một Thiên Chúa đòi hỏi những thứ tầm thường như vậy có thể thực sự là Thiên Chúa sao? Ông muốn quay trở lại, nhưng sau đó ông đồng ý đắm mình trong dòng nước sông Jordan và ngay lập tức ông được chữa khỏi.

Tâm hồn của Mẹ Maria, hơn ai khác, là một tâm hồn khiêm tốn, có khả năng đón nhận những ân sủng của Thiên Chúa. Để xuống thế làm người, Thiên Chúa đã chọn chính Mẹ, một phụ nữ trẻ đơn sơ miền Nazareth, là người không sống trong cung điện của quyền lực và sự giàu có, là người không làm những điều phi thường. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem liệu chúng ta có sẵn sàng chấp nhận những ân sủng của Thiên Chúa, hay chỉ thích đóng kín chính mình dưới các hình thức an ninh về vật chất, trí tuệ, trong các kế hoạch của chúng ta.

Điều đáng chú ý là cả Naaman và người Samaritanô này đều là hai người nước ngoài. Biết bao những người nước ngoài, bao gồm cả người của các tôn giáo khác, đang trao cho chúng ta một tấm gương về các giá trị mà đôi khi chúng ta quên lãng đi hoặc gạt sang một bên!

Những người sống bên cạnh chúng ta, những người có thể bị khinh miệt và phải ngồi ngoài chỉ vì họ là người nước ngoài, có thể dạy chúng ta cách thế để bước đi trên con đường Chúa muốn.

Mẹ Thiên Chúa, cùng với người bạn đời của mình là Thánh Giuse, biết rõ tình cảnh phải sống xa nhà. Mẹ cũng đã có thời là một ngoại kiều ở Ai Cập, xa người thân và bạn bè của Mẹ. Tuy nhiên, niềm tin của Mẹ có thể vượt qua những khó khăn. Chúng ta hãy bám vào niềm tin đơn sơ này của Mẹ của Thiên Chúa; chúng ta hãy xin Mẹ cho chúng ta có thể luôn luôn trở lại với Chúa Giêsu và cảm ơn Ngài vì bao nhiêu ơn ích chúng ta đã nhận được từ Lòng Thương Xót của Ngài.

Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương. Sau bài huấn đức, Đức Thánh Cha đã công bố danh tính 17 vị Tân Hồng Y. Một Công Nghị Hồng Y sẽ được triệu tập vào ngày 19 tháng 11, ngay trước lễ bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót để tấn phong các vị tân Hồng Y.

Trong số 17 vị tân Hồng Y, có 13 vị dưới 80 tuổi và như thế có đủ điều kiện để bỏ phiếu bầu Giáo Hoàng.

Đức Thánh Cha cho biết các vị tân Hồng Y được lựa chọn đến từ năm châu, bao gồm ba vị Tổng Giám Mục Hoa Kỳ và các vị Tổng Giám Mục từ Mauritius và Bangladesh.

Dưới đây là danh sách các tân Hồng Y:

Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Ý

Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga, Cộng hòa Trung Phi

Đức Tổng Giám mục Carlos Osoro Sierra, Tây Ban Nha

Đức Tổng Giám mục Sérgio da Rocha, Ba Tây

Đức Tổng Giám mục Blase J. Cupich, Hoa Kỳ

Đức Tổng Giám Mục Patrick D'Rozario, Bangladesh

Đức Tổng Giám mục Baltazar Enrique Porras Cardozo, Venezuela

Đức Tổng Giám mục Jozef De Kesel, Bỉ

Đức Tổng Giám mục Maurice Piat, Mauritius

Đức Tổng Giám Mục Kevin Joseph Farrell, Hoa Kỳ

Đức Tổng Giám mục Carlos Aguiar Retes, Mễ Tây Cơ

Đức Tổng Giám Mục John Ribat, Papua New Guinea

Đức Tổng Giám mục Joseph William Tobin, Hoa Kỳ.

Đức Tổng Giám Mục Anthony Soter Fernandez, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Kuala Lumpur Malaysia

Đức Tổng Giám Mục Renato Corti, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Novara Ý

Đức Tổng Giám mục Sebastian Koto Khoarai, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Hoek Lesotho

Cha Ernest Simoni, giám quản của Tổng Giáo Phận Shkodrë-Pult, Scutari - Albania.
 
Linh mục ở tù 28 năm dưới thời cộng sản Albania được phong Hồng y
BBC
16:12 10/10/2016
Linh mục ở tù 28 năm được phong Hồng Y

Trong số 17 vị tân Hồng Y được Đức Giáo Hoàng Francis vừa tấn phong có cha xứ ở Shkodrë-Pult, Albania từng ngồi tù nhiều năm thời cộng sản.

Linh mục Ernest Simoni, sinh năm 1928, cũng là vị tân Hồng Y của Giáo hội Công Giáo mà chưa bao giờ giữ chức Giám mục.

Sống trong chủng viện dòng Franciscan thời Thế Chiến 2, và được thụ phong linh mục năm 1956, ngài và Giáo hội khi đó bị chính quyền cộng sản của ông Enver Hoxha ở Albania đàn áp tàn khốc.

Hai vị tiền nhiệm của cha Simoni bị bắn chết và bản thân linh mục này bị bắt năm 1963 khi 'dám làm lễ Thánh' ngày Giáng Sinh, theo trang Washington Post hôm 8/10.

Cha Ernest Simoni bị tuyên án tử hình, sau đổi thành án chung thân và bị giam trong trại cải tạo 28 năm, bị tra tấn và cưỡng bức bỏ đạo.

Trong thời gian bị tù, công việc chính của ngày là làm thợ trong mỏ và dọn cống.

Nhưng những lúc không bị theo dõi, cha Ernest Simoni đã làm Thánh Lễ bí mật cho các bạn tù và nghe họ xưng tội.

Ngài chỉ quay lại làm linh mục sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Albania năm 1991.

Đức Giáo Hoàng Francis đã khóc và gọi cha Simoni là "người tử vì đạo" sau cuộc gặp năm 2014.

Tuy thế, việc tấn phong cho ngài Ernest Simoni chỉ có tính biểu tượng vì vị tân Hồng Y đã ngoài 80 tuổi nên không tham gia Mật viện bầu ra tân Giáo hoàng.
 
Giám Mục Anh khích lệ các nhà giáo dục chống lại thuyết giới tính
Đặng Tự Do
16:10 10/10/2016
Đức Giám Mục Mark Davies của giáo phận Shrewsbury, Anh, đã chỉ đạo các nhà giáo dục Công Giáo để chống lại ý thức hệ giới tính và duy trì sự thật.

“Chúng ta phải luôn luôn thể hiện tình yêu chân thật và sự hiểu biết đối với những ai đang bị ảnh hưởng hoặc là nạn nhân của những sai lầm của thời đại chúng ta”, vị giám mục đã viết như trên trong một bức thư gửi cho các nhà giáo dục.

“Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ có thể thỏa hiệp về sự thật đức tin của chúng ta cũng không cho phép sự thật về con người được che khuất, đó chẳng qua chỉ là một thứ nhân đạo giả hình.”

Đức Giám Mục Davies cho biết đó khi tiếp xúc với các cá nhân gặp khó khăn với bản sắc tình dục của họ, phản ứng của người Kitô hữu “phải là luôn luôn tôn trọng, từ bi, và hiểu biết, cùng với một cam kết giúp đỡ người ấy quay về chính lộ một cách thích hợp.”

Giáo Hội phải bảo vệ thực tại kế hoạch của Thiên Chúa cho nhân loại, đối với nam giới và phụ nữ.

Trong thư, trích dẫn Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị giám mục nhấn mạnh tầm quan trọng của sự bổ sung giữa các giới tính và chống lại những quan điểm cho rằng “giới tính” chỉ là một cấu trúc xã hội.
 
Đức Cha John Paprocki nói người Công Giáo Hoa Kỳ đừng đi bỏ phiếu bầu tổng thống Hoa Kỳ lần này nếu thấy lương tâm cắn rứt.
Đặng Tự Do
17:49 10/10/2016
Trước tình trạng hai ứng cử viên tranh chức tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 tới đây đều có quá nhiều vấn đề, Đức Cha John Paprocki của giáo phận Springfield, bang Illinois khẳng định rằng thật là chính đáng nếu một cử tri Công Giáo không tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống kỳ này vì lý do lương tâm.

Viết trên báo của giáo phận Springfield, Đức Cha Paprocki nhấn mạnh rằng cử tri có thể “viện dẫn lương tâm để nói rằng không thể bỏ phiếu cho một trong hai” ứng cử viên tổng thống chính trong năm nay. Trong trường hợp đó, theo Đức Cha, sự lựa chọn của họ có thể là hỗ trợ một ứng cử viên độc lập thứ 3, hoặc đơn giản là “đừng đi bỏ phiếu nếu thấy lương tâm cắn rứt.”

Cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên trong năm nay hoàn toàn không đá động đến các vấn đề đạo đức ảnh hưởng đến sự sống và gia đình. Tuy nhiên, cuộc tranh luận thứ hai hôm Chúa Nhật 9 tháng 10, vào phút chót của chiến dịch tranh cử tổng thống, đã nhấn mạnh đến chủ đề này khi một khán giả hỏi các ứng cử viên về quan điểm của họ đối với việc bổ nhiệm các thẩm phán cho Tòa án Tối cao.

Bà Hillary Clinton đã lập lại lời thề của mình sẽ chỉ định các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ủng hộ phá thai và ủng hộ “hôn nhân” đồng tính, và đồng thời nắm lấy cơ hội này để tấn công Donald Trump về lập trường phò sự sống và ủng hộ gia đình của ông ta.

“Tôi muốn có một Tòa án Tối cao gắn bó với Roe v. Wade và quyền của phụ nữ được lựa chọn và tôi muốn có một Tòa án Tối cao ủng hộ quyền bình đẳng hôn nhân”, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ cho biết như trên vào cuối cuộc tranh luận tổng thống hôm Chúa Nhật.

Bà Hillary Clinton nói thêm “Donald đã đưa ra danh sách của một số người, là những người sẽ đảo ngược Roe v. Wade và chống lại hôn nhân bình đẳng. Tôi nghĩ rằng đó sẽ là một sai lầm khủng khiếp và sẽ đưa chúng ta quay lại.”

Trump trả lời bằng cách nói rằng ông đang “tìm kiếm việc bổ nhiệm các thẩm phán theo khuôn mẫu của thẩm phán Scalia ... Đó là người sẽ tôn trọng Hiến pháp của Hoa Kỳ.” Ông không đề cập đến việc phá thai hay “kết hôn” đồng tính.

Cuộc tranh luận thứ hai đã diễn ra trong bối cảnh một băng ghi âm từ năm 2005 được tung ra trong đó Trump đã nói những lời tục tĩu liên quan đến chuyện sờ mó phụ nữ. Trong phần mở đầu cuộc tranh luận, tập trung vào băng ghi âm này, Trump từ chối chưa bao giờ tấn công tình dục bất cứ ai. Ông trả đũa những lời chỉ trích của bà Clinton bằng cách chỉ rằng chồng bà đã bị buộc tội cưỡng hiếp phụ nữ và khi còn là một luật sư, bà Clinton đã biện hộ cho một người đàn ông bị cáo buộc cưỡng hiếp một bé gái mới 12 tuổi.

Tháng 2 năm nay, thẩm phán Antonin Scalia qua đời, do đó, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ chỉ còn 8 vị thẩm phán, thiếu mất một người. Nếu Scalia được thay thế bởi một thẩm phán “liberal”, nghĩa là “phò sự chết hơn sự sống, phò ‘hôn nhân’ đồng tính” thì Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ chắc chắn sẽ có một đa số năm người tha hồ mặc sức thông qua nhiều nghị trình đối kháng triệt để với các giáo huấn Công Giáo.

Trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới còn có 3 thẩm phán nữa quá tuổi 78 cần phải thay thế là Ruth Bader Ginsburg (83 tuổi), Stephen Breyer (78 tuổi) và Anthony Kennedy (80 tuổi). Ruth Bader Ginsburg và Stephen Breyer từ lâu được coi là “liberal”, trong khi Anthony Kennedy, một người Công Giáo, lúc đầu chống đối nhưng sau lại sẵn sàng ủng hộ phá thai và “hôn nhân” đồng tính.

Việc bổ nhiệm và xác nhận Thẩm phán cho Tòa án Tối cao Hoa Kỳ liên quan đến một số bước được quy định bởi Hiến pháp Hoa Kỳ, và được phát triển qua nhiều thập kỷ. Các ứng viên được Tổng thống Hoa Kỳ đề cử và phải đối diện với một loạt các phiên điều trần trong đó cả ứng cử viên lẫn các nhân chứng khác phải trả lời trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện, trước khi ủy ban đề cử ra trước toàn thể Thượng viện Hoa Kỳ. Nếu Thượng viện đồng ý thì quyết định bổ nhiệm của tổng thống sẽ có hiệu lực.
 
Giáo sĩ Anbani tự thuật khiến ĐGH rơi nước mắt, được vinh thăng Hồng Y
Dominic David Tran
19:47 10/10/2016
Giáo sĩ Anbani tự thuật khiến ĐGH rơi nước mắt, được vinh thăng Hồng Y

Rome, ngày 09/10/2016 theo bản tin của các Thông Tấn Xã Công Giáo CAN/EWTN News: Vị giáo sĩ người Albani với lời kể chứng thực về thực thi Đức Tin của chính bản thân vào năm 2014 đã khiến cho Đức Giáo Hoàng Phanxico rơi nước mắt. Và vị giáo sĩ này, Linh mục Ernest Troshani Simoni là một trong 17 vị Giám mục và Linh Mục sẽ được Đức Thánh Cha Phanxico vinh phong lên tước vị Hồng Y trong Công Nghị Hồng Y vào ngày 19 tháng Mười Một sắp đến tại Giáo đô Roma.

Cha Ernest Troshani Simoni năm nay đã 88 tuổi, là một trong những người cuối cùng còn sống sót sau những đợt bách hại khủng khiếp của chế độ Cộng Sản tại Albani. (Ghi chú: chính là chế độ độc tài khát máu của Enver Hoxha, kẻ đã cấm không cho thân mẫu và chị ruột ra khỏi đất nước Albani để thăm Mẹ Thánh Têrêxa thành Calcuta). Linh mục Ernest Troshani đã chia xẻ chứng tá Đức Tin với Đức Giáo Hoàng Phanxico nhân chuyến tông du của ngài tại Tirana thủ đô quốc gia Anbani vào năm 2014. Hình chụp ghi lại cho thấy rõ ràng ĐGH Phanxico thật sự xúc động và
ngài nồng nhiệt ôm chặt Linh mục Simoni.

Vào tháng Mười Hai năm 1944 cha Simoni lúc ấy còn là Đại chủng sinh khi chế độ Cộng sản vô thần lên nắm quyền cai trị đất nước Anbani (an atheistic Communist regime came to power in Albania). Chế độ vô thần này tìm mọi cách để huỷ diệt Đức Tin và tiêu diệt Hàng Giáo sĩ Công Giáo (eliminate the faith and clergy) bằng cách bắt giam, tra tấn, và giết chết Giáo sĩ Tu sĩ và Giáo dân Công Giáo liên tiếp trong 7 năm liền. Dù dòng máu các tín hữu bị bách hại tuôn tràn, có những tín hữu đã lớn tiếng kêu lên “ Vạn tuế Đức Chúa Ki tô, Vua vũ trụ- Long live Christ the King”- trong lúc đao phủ bắn súng tử hình họ.

Vào năm 1948, những người Cộng sản vô thần Anbani đã bắn tử hình các Cha Bề Trên Dòng Phanxico (Dòng Anh Em Khó Khăn OFM) của Chủng sinh Simoni. Simoni tiếp tục tu tập trong bí mật và sau đó được truyền chức Linh Mục.

Bốn năm sau (1952), các lãnh tụ Cộng sản vô thần Anbani triệu tập tất cả các Linh mục Giáo sĩ Tu sĩ Công Giáo còn sống sót đến ngày đó (cả trong nhà tù nhỏ và nhà tù lớn là đất nước Anbani) và được chọn lựa điều sau đây;

“ Hoặc là được trả tự do nếu họ đồng ý tự tách khỏi Đức Giáo Hoàng và Toà Thánh Vatican;”

Cũng như các Giáo sĩ Tu sĩ Tu Huynh của Dòng thánh Phanxico, Dòng Anh Em Hèn Mọn, Linh Mục Simoni OFM và các Giáo sĩ Tu sĩ khác đã từ chối ngay lời cảnh cáo ấy.

Vào ngày 14 tháng Mười Hai năm 1963 trong lúc Linh mục Simoni đang dâng lời cầu nguyện kết Áp Lễ Giáng Sinh (Christmas Eve Mass) thì có bốn viên chức an ninh của chính phủ Anbani ập vào đọc lệnh bắt khẩn cấp và Sắc Lệnh Tuyên án Tử hình Cha Simoni (an arrest warrant and decree of execution). Ltinh mục Simoni bị còng tay và bị giam giữ. Suốt những cuộc tra khảo, các viên chức này nói rằng họ sẽ treo cổ tử hình Cha Simoni OFM như một kẻ thù vì Linh mục Simoni đã tuyên bố với các giaó dân rằng; “ Tất cả chúng ta sẽ chết cho Đức Chúa Kitô nếu cần thiết “ (We will all die for Christ if necessary.)

Linh mục Simoni đã đau đớn chịu đựng không biết bao nhiêu trận đòn tra tấn, nhưng vị giáo sĩ này tuyên bố “ vì Thiên Chúa đã muốn cho con được sống, “

Thiên Chúa Quan Phòng đã định rằng bản án thế gian tử hình cho con sẽ không được thực hiện ngay lập tức. (The Lord wanted me to keep living. Divine Providence willed that my death sentence not be carried out right away.) Cha Simoni kể tiếp;

Và họ đã đem một tù nhân khác đến ở chung buồng giam với con… người tù mới này lại chính là … một bạn thân của con… để dò xét, làm ăngten báo cáo về con. Người bạn thân đồng tù này đã bắt đầu mở miệng chống lại Đảng Cộng Sản Anbani. (sic, ôi sao ở đâu cũng có những loại người này. They brought another prisoner into the room, a dear friend of mine, in order to spy on me. He began to speak out against the party.”

Con đã đáp lại rằng; “ Đức Chúa Kitô đã răn dạy chúng ta phải Yêu Kẻ Thù, Kẻ Làm Khốn Mình và phải tha thứ cho họ, và chúng ta phải cố gắng tìm kiếm những điều tốt lành của con người.” Những lời này thật sự lọt đến những lỗ tai của kẻ độc tài … và vài ngày sau, họ bãi bỏ bản án tử hình dành cho con.”

…“I responded anyway that Christ had taught us to love our enemies and to forgive them and that we should strive to seek the good of the people. Those words reached the ears of the dictator who, a few days later, freed me from my death sentence,” … (Ghi chú: Lời tiếng Anh ghi lại để dành cho người Công Giáo Việt Nam nhớ lại vị Giáo sĩ Việt Nam Tôi Tớ Chúa Đáng Kính Đức cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận)

… Và thay cho bản án tử hình, Linh mục Simoni đã bị giam giữ cải tạo cưỡng bách lao động trong 28 năm dài- suốt thời kỳ Linh mục Simoni đã cử hành Thánh Lễ, nghe xưng tội và thực thi Bí Tích Hoà giải, trao Mình Thánh Chúa trong bí mật (he celebrated Mass, heard confessions and distributed Communion in secret.)

Vào năm 1991, chỉ sau khi chế độ Cộng sản Anbani sụp đổ VÀ Quyền Tự do Tín ngưỡng-Tôn giáo được công nhận, thì cha Simoni mới được trả tự do. (Ghi chú: sụp đổ rồi nhưng đám hậu duệ của bọn vô thần độc tài đổi tên để tiếp tục bám lấy quyền lực nên cha Simoni chưa được trả tự do ngay.) Cha kể tiếp;

“ Thiên Chúa đã phù trợ con để con được phục vụ rt nhiều người và thực thi Hoà giải với biết bao người, xoá bỏ hận thù và xua tan mọi sự dữ khỏi tấm lòng của người người;

“The Lord has helped me to serve so many peoples and to reconcile many, driving out hatred and the devil from the hearts of men,”

“ Thân lạy Đức Thánh Cha, với sự đoan chắc là con đang được tỏ bày cảm nghiệm trước ngài và mọi người hiện diện nơi đây, con nguyện, qua sự cầu bầu của Đức Mẹ Rất Thánh của Đức Chúa Kitô, xin Thiên Chúa thương ban cho Đức Thánh Cha Cuộc sống, Sức khoẻ và Sức mạnh trong việc dẫn dắt Đoàn Chiên vĩ đại chính là Giáo Hội của Đức Chúa Kitô. Amen”

Sau lời kết thúc chứng tá Đức Tin của Linh mục Simoni, rõ ràng mọi người nhận thấy Đức Thánh Cha xúc động rơi nước mắt và Đức Giáo Hoàng Phanxico mở rộng vòng tay ôm chặt vị Giáo sĩ Anbani.

Dominic David Tran chuyển ý
 
Tòa Thánh: gia đình như phương thế thượng tôn pháp luật và bài trừ ma túy
Vũ Văn An
21:22 10/10/2016
Trong ngày 6 tháng Mười vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Auza, Đại Diện Thường Trực của Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc, trong hai bài tham luận khác nhau tại Đại Hội Đồng Liên Hịệp Quốc, đã liên tiếp nói về thượng tôn pháp luật và việc bài trừ ma tuý trên các bình diện quốc gia và quốc tế.

Thượng tôn pháp luật

Trước nhất, tại Ủy Ban Thứ Sáu, ngài cho biết Tòa Thánh hài lòng về phúc trình của Ông Tổng Thư Ký LHQ, tựa là "Củng Cố và Phối Trí Các Hoạt Động Thượng Tôn Pháp Luật của Liên Hiệp Quốc", đề cập tới các cố gắng của tổ chức này trong việc hỗ trợ các quốc gia thi hành các hiệp ước đa quốc gia, nhất là cố gắng nhằm “làm dễ quyền của mọi người được lui tới công lý, kể cả những người nghèo nhất và dễ bị thương tổn nhất”.

Trong số những người trên, Tòa Thánh lưu ý đặc biệt tới những người bị giam cầm, người bần cùng, người tỵ nạn và những người tản cư khác. Tòa Thánh coi đây không những là một mệnh lệnh luân lý, mà còn là thước đo sự thành công hay thất bại của Nghị Trình Phát Triển Lâu Dài 2030 mà mục tiêu hàng đầu là không để một ai lại phía sau.

Tòa Thánh nhận định rằng thượng tôn pháp luật không chỉ nhằm duy trì hòa hợp và trật tự; nó còn giả thiết phải là thầy dậy gương mẫu nữa. Nói cách khác, nó phải nói lên khả năng của xã hội trong việc nâng cao người nghèo và người bị loại trừ, người yếu đuối và người bị giam cầm.

Về phương diện trên, Đức Tổng Giám Mục Auza nói rằng: “dù vẫn nhìn nhận các vai trò nền tảng của các quan tòa, các công tố viên, các luật sư và các viên chức chủ yếu khác trong việc thi hành thượng tôn pháp luật, phái đoàn của tôi đặc biệt quan tâm tới những con người chịu hành động của luật pháp, nhất là những người bị giam giữ bất hợp pháp, những người bị tố cáo bất công, những người khuyết tật về thể lý và tâm trí, và những người không có người bênh vực, không có ảnh hưởng chính trị và không có tài nguyên để xác minh các quyền lợi của mình. Tòa Thánh tập chú vào việc liệu những loại người này có được thừa nhận trong hệ thống luật pháp hay không. Nếu một trong các quan tâm của Ủy Ban này là đề xuất và đánh giá các tiêu chí thượng tôn pháp luật, thì nó phải biết nhìn quá bên kia việc soạn luật và hạ tầng cơ sở luật pháp, để khảo sát xem liệu những người nhỏ bé nhất trong chúng ta, trên thực tế, có thực thi được các quyền lợi trọng yếu và hợp thủ tục của họ hay không; liệu họ có khả năng hiểu và biết rõ manh mối của hệ thống luật pháp hay không; liệu họ có thể tin tưởng và cậy nhờ hệ thống này hay không; liệu họ có tìm được công lý và cảm thương trong hệ thống này hay không”.

Phái đoàn Tòa Thánh cũng nhận định thêm rằng “thượng tôn pháp luật không hiện hữu trong chân không mà nó cũng không đứng một mình. Bởi thế, suy tư về thượng tôn pháp luật nên thăm dò triết lý văn hóa và xã hội trong đó luật lệ được thực thi. Nó nên nhìn sâu hơn vào sự giao thoa giữa luật lệ và thế giới sống động của các định chế phi quốc gia và các tổ chức quần chúng để đánh giá một cách sâu sắc hơn việc làm thế nào để thượng tôn pháp luật có thể bén rễ tốt hơn và phát triển mạnh mẽ hơn trong một xã hội nhất định. Dù sao, công lý, vốn là ý chí thường hằng và vĩnh cửu muốn dành cho mỗi người điều họ có quyền được hưởng, phải được học hỏi và cổ vũ chủ yếu bên trong gia đình, các cộng đồng tôn giáo và xã hội dân sự”.

Tòa Thánh cũng muốn nhấn mạnh đến sự nối kết giữa thượng tôn pháp luật và quyền tự do tư tưởng và tự do phát biểu, như đã được ghi trong Điều 19 Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. “Việc giam giữ và sát hại các nhà báo, các nhà nghiên cứu hay các nhà tranh đấu thường là dấu hiệu cho thấy một nhóm quyền lợi mạnh mẽ nào đó đang mưu toan tránh né việc nhận trách nhiệm, vốn là phản đề của thượng tôn pháp luật”.

Chính vì thế, cần phải khuyến khích tính độc lập của ngành tư pháp. “Một nền tư pháp bị giam cầm là một nền tư pháp thối nát, nói theo ngôn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vì các yếu tố chính trị đè nặng một cách phi pháp lên cán cân công lý; nền tư pháp bị giam cầm thối nát vì các quyết định của nó, khi đã thiếu tính chính đáng vì không áp dụng luật lệ cách khách quan và vô tư, thì sẽ làm độc toàn bộ cơ chế luật lệ với những nguyên tắc bất chính, do đó gây nguy hiểm cho công lý và ích chung. Với một nền tư pháp thối nát và gây thối nát, thượng tôn pháp luật cuối cùng sẽ nhường bước cho thượng tôn bạo lực”.

Bài trừ ma túy

Trên đây, Đức Tổng Giám Mục Auza cho rằng công lý phải được học hỏi và cổ vũ trước nhất trong gia đình. Ngài cũng áp dụng cùng một nguyên tắc này vào việc bài trừ ma túy, một chủ đề khác được ngài nêu lên cùng ngày 6 tháng Mười vừa qua tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Ủy Ban Thứ Ba, về ngăn ngừa tội ác, công lý hình sự và quốc tế kiểm soát ma túy. Theo ngài, các gia đình mới là giải pháp, chứ không phải thỏa hiệp với tội ác.

Đức Tổng Giám Mục Auza cho hay: “Tòa Thánh mạnh mẽ chia sẻ quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc đối phó với vấn đề buôn bán ma túy trên thế giới và tích cực cổ vũ một xã hội không còn lạm dụng ma túy, một xã hội trong đó, mọi người có thể sống một cuộc sống lành mạnh, vui hưởng hòa bình và sống trong hòa hợp xã hội”.

Sau khi nhắc lại lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: buôn bán ma túy là một thứ chiến tranh mới chống lại xã hội, một cuộc chiến tranh “được coi là đương nhiên và ít được đánh phá”, một phần do tham nhũng ở mọi bình diện. Các tai ác của buôn bán ma túy được nhân bội vì “do chính bản chất của nó, việc buôn bán ma túy luôn đi song song với việc buôn người, rửa tiền, buôn bán vũ khí, bóc lột trẻ em và nhiều hình thức thối nát khác”, phái đoàn Tòa Thánh nhận định rằng “Sản xuất và buôn bán các chất ma túy bất hợp pháp vâng theo luật cung cầu: buôn bán ma túy sở dĩ hiện hữu là vì có thị trường mầu mỡ do các cá nhân nghiện ngập các chất ma túy bất hợp pháp này tạo ra. Do đó, ngăn ngừa và đánh phá việc tiêu thụ các loại ma túy này là điều then chốt để ngăn ngừa và đánh phá việc sản xuất và buôn bán chúng”.

Về phương diện trên, phái đoàn Tòa Thánh “muốn tái khẳng định việc Tòa Thánh phản đối chủ trương hợp pháp hóa việc sử dụng ma túy như một phương thế chống lại việc nghiện nhập ma túy”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn chống lại chủ trương trên. Vì theo ngài, “Cuộc tranh đấu chống ma túy không thể chiến thắng bằng ma túy. Ma túy là một điều ác, và với điều ác, người ta không thể đầu hàng cũng như thỏa hiệp”.

Theo Đức Tổng Giám Mục Auza “Tòa Thánh tin rằng cuộc tranh đấu chống vấn đề ma túy phải được hướng dẫn bởi các nguyên tắc kính trọng nhân phẩm, tính hàng đầu của ngăn ngừa, và vai trò của gia đình như là thành lũy cho cả việc ngăn ngừa ma túy lẫn việc chửa trị nghiện ngập”.

Kính trọng nhân phẩm đòi đối xử với người nghiện ngập một cách có cảm thương và hiểu biết. “Nhiều tổ chức Công Giáo và các dòng tu đã rất tích cực cả trong lãnh vực ngăn ngừa lẫn phục hồi, sử dụng các biện pháp phòng ngừa qua việc khởi sự giáo dục trẻ em và thiếu niên biết khước từ cơn cám dỗ ảo tưởng cho rằng tiêu thụ ma túy là một cực khoái, hay sự quyến rũ của việc kiếm tiền dễ dàng bằng cách buôn bán ma túy.

Tòa Thánh cho rằng sự đau khổ của việc ghiền ma túy không chỉ dằn vặt các cá nhân nghiện ngập mà thôi, nó còn dằn vặt cả gia đình và xã hội nữa. “Gia đình là nơi đầu tiên chịu đau khổ vì các thành viên lạm dụng ma túy, với các hậu quả như bạo lực trong gia đình, kinh tế suy sụp và các trục trặc khác dẫn đến cảnh gia đình tan nát”.

“Bởi thế, Tòa Thánh không thể nhấn mạnh đủ tới tầm quan trọng của gia đình như yếu tố chủ chốt cho các chiến lược ngăn ngừa, chữa trị, phục hồi, tái hội nhập và chăm sóc sức khỏe. Các gia đình tạo thành chính nền tảng của xã hội. Việc lạm dụng ma túy bất hợp pháp hủy hoại hệ thống các gia đình riêng rẽ và toàn bộ các cộng đồng, cuối cùng dẫn đến việc làm xã hội lung lay. Do đó, Tòa Thánh hỗ trợ các chương trình, như đã được Phúc Trình của Tổng Thư Ký khuyến cáo, ‘nhằm ngăn ngừa các nhân tố có thể gây nguy cơ khiến người ta phạm tội và ngăn ngừa việc lạm dụng ma túy nơi giới trẻ bằng cách củng cố các kỹ năng làm cha mẹ”.

Đức Tổng Giám Mục Auza kết luận bằng cách nhấn mạnh rằng “để ngăn ngừa việc ghiền ma túy, điều cần thiết là không những phải nói “không” đối với ma túy. Điều cũng chủ yếu là phải nói “có” với sự sống, với yêu thương, với gia đình, với tất cả những gì tích cực và lành mạnh để trọn hưởng sự sống”.
 
Top Stories
Vietnam: Un visiteur inattendu lors de la deuxième assemblée annuelle des évêques du Vietnam
Eglises d'Asie, le 10 octobre 2016
08:18 10/10/2016
La deuxième assemblée annuelle des évêques catholiques du Vietnam, qui s’est tenue au centre pastoral de l’archevêché de Saigon, à partir de la soirée du 3 octobre 2016, a été marquée par deux événements : le mercredi 5 octobre, la nomination d’une nouvelle direction et, le mardi 4 octobre, la présence d’un visiteur inattendu en la personne du responsable du Front patriotique, qui est aussi membre du Bureau politique du Parti communiste vietnamien.

Mercredi 5 octobre, les évêques du Vietnam se sont donné de nouveaux responsables. Le nouveau président de la Conférence est Mgr Joseph Nguyên Chi Linh, évêque de Thanh Hoa. Cet évêque de 67 ans remplacera l’archevêque de Saigon, Mgr Paul Bui Van Doc, arrivé au terme de son mandat.

La sérénité voulue de ce genre de débats, l’affabilité affichée des autorités venues, au début de la réunion, saluer l’assemblée ne peuvent faire oublier les responsabilités assumées par le nouveau président de la Conférence. En premier lieu, se pose la question de la manière dont il va gérer la lutte actuelle des catholiques du Centre-Vietnam pour l’indemnisation des victimes de la récente catastrophe écologique qui a touché cette région et pour la restauration des dégâts causés à l’environnement et à l’économie locale ? Trois jours seulement s’étaient écoulés depuis la plus grande manifestation jamais survenue au sein de la République sociale du Vietnam. Le 2 octobre, clergé et fidèles du doyenné de Ky Anh (diocèse de Vinh), au nombre de 18 000, avaient cerné le complexe industriel responsable de la pollution de leur région ; la police, semble-t-il, avait été prise de court.

Le nouveau président de la Conférence épiscopale devra de plus se soucier des grands projets ecclésiaux en cours, dont certains se développent moins vite que prévus ; on peut citer ici l’édification du centre marial de Notre-Dame de La Vang, le fonctionnement et le développement du nouvel Institut catholique du Vietnam qui vient d’ouvrir ses portes dans des locaux provisoires, et peut-être, les premiers pas de l’Eglise dans le domaine éducatif. Il devra aussi réagir à la loi « sur les croyances et la religion » qui va être votée au cours de la deuxième session de l’Assemblée nationale, qui aura lieu du 20 octobre au 18 novembre 2016. Il lui faudra trouver enfin des solutions aux querelles de propriété qui opposent encore certaines communautés catholiques à l’Etat.

Pour les guider dans la recherche de solutions à toutes ces tâches, les évêques ont choisi un homme d’expérience, de caractère et d’esprit pratique. Docteur en philosophie, Mgr Joseph Nguyên Chi Linh, évêque de Thanh Hoa, est issu du diocèse Nha Trang ; il appartient à la génération des prêtres qui ont fait leurs études au cours de la guerre du Vietnam, mais qui ont dû attendre les premières années de la politique du dôi moi (‘renouveau’) pour être ordonnés prêtres. En 1975, au moment du changement de régime, il a déjà terminé ses études au petit séminaire de Nha Trang, et a entamé la théologie à l’Institut pontifical de Dalat. Lorsque celui-ci ferme ses portes en 1977, commence pour lui une période très difficile. De cette période, la biographie diffusée par le Vatican à l’occasion de sa nomination épiscopale disait : « A cause des événements politiques de son pays, il fut obligé de revenir dans sa famille et travailler très durement pendant quatorze ans tout en accomplissant un service pastoral. » Il devra attendre le 20 décembre 1992 pour être ordonné prêtre. Après trois années de ministère pastoral, il est ensuite envoyé en France où il obtient au bout de quelques années d’études un doctorat de philosophie, avec une thèse sur le philosophe Maurice Blondel. Après son retour au Vietnam, il est rapidement nommé évêque dans le diocèse de Thanh Hoa, lieu d’origine de sa famille, qui a quitté la région au moment de l’exode de 1954. Il a rapidement pris une place importante au sein de l’épiscopat du Nord-Vietnam.

Avant cette nomination, une délégation des autorités civiles était venue, au matin du mardi 4 octobre, rendre visite aux évêques. Certes, ce type de visite est très habituel et a lieu à chaque réunion de la Conférence. Mais, cette fois-ci, le cortège était conduit par une personnalité de très haut niveau, Nguyên Thiên Nhân. Président du Comité central du Front patriotique, Nguyên Thiên Nhân est aussi membre de la plus haute instance politique du Parti, le Bureau politique.

Non seulement la présence de ce haut responsable est étonnante, mais également les propos élogieux tenus par lui. Loin de reprocher aux chrétiens de rester à l’écart des « luttes patriotiques », comme c’est souvent le cas, il a loué leur amour de la patrie. Au surlendemain de la manifestation du 2 octobre, le membre du Bureau politique a déclaré publiquement : « Là où se trouvent nos compatriotes catholiques, on trouve aussi l’esprit d’union, l’amour mutuel, la paix et le développement. » Dans le discours du responsable du Front patriotique, seule une petite incise restrictive peut être comprise comme une allusion aux événements récents. En effet, après avoir loué le patriotisme des milieux catholiques, il a ajouté : « (…) bien qu’il y ait des moments de vicissitudes. »

La Conférence épiscopale a également élu l’évêque de Phat Diêm, Mgr Joseph Nguyên Nang, vice-président de la conférence. Le nouveau secrétaire général est Mgr Pierre Nguyên Van Kham, évêque de My Tho. Le vice-secrétaire général est l’évêque de Hai Phong, Mgr Joseph Vu Van Thiên. (eda/jm)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Thánh Mẫu 2016 tại Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney.
Diệp Hải Dung
15:47 10/10/2016
Đại Hội Thánh Mẫu 2016 tại Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney.

Chiều thứ Bảy 08/10/2016 hàng ngàn giáo dân trong Cộng Đồng và các tiểu bang đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney tham dự 2 ngày Đại Hội Thánh Mẫu do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney tổ chức với chủ đề “ Mẹ Của Lòng Thương Xót ”

Xem Hình

Đúng 3 giờ chiều mọi người đều tập trung trong hội trường Trung Tâm. Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết Linh hướng Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót TGP Sydney ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người và Cha long trọng tuyên bố khai mạc giờ đền tạ nguyện kinh Lòng Chúa Thương Xót ngày Đại Hội Thánh Mẫu. Sau giờ kinh, Cha giới thiệu Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, SứThần Tòa Thánh Vatican tại Sri Lanka, lên chào mừng tất cả mọi người và chia sẻ một chút về ý nghĩa chủ đề Mẹ Của Lòng Thương Xót của Đại Hội Thánh Mẫu và sau đó Thánh lễ khai mạc Đại Hội tại lễ đài.

Trước khi thánh lễ bắt đầu, cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm thay mặt Ban Tuyên Úy và Cộng Đồng ngỏ lời chào mừng Đức Tổng Giám Mục đã đến với Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP trong hai ngày Đại Hội Thánh Mẫu. Thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục chủ tế, cùng đồng tế gồm có quý Cha Buì Sơn Lâm, Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Nguyễn Thái Hoạch và một số Cha Khách.

Sau khi dùng cơm tối tại các gian hàng ẩm thực, Đức Khâm sứ, quý Cha và mọi người tập trung trước khán đài tham dự đêm diễn nguyện do 3 Liên Đoàn Trẻ, Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo, Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh cùng phối hợp trình diễn với những tiết mục nói về Mẹ Maria Dung Mạo Của Lòng Thương Xót rất là đặc sắc và xúc tích..

Kết thúc đêm diễn nguyện, Đức Khâm Sứ, quý Cha và tất cả mọi người,với nến sáng trên tay, cùng cung nghinh rước kiệu Thánh Thể đi xuyên qua con đường 14 Chặng Đàng Thánh Giá trong khuôn viên Trung Tâm do Cha Paul Văn Chi điều hợp. Cuộc rước cung nghinh Thánh Thể rất long trọng và sốt sằng. Sau cuộc kiệu, Thánh Thể được rước về nhà nguyện của trung tâm thánh Giuse và tại đây các Giáo Đoàn, Hội Đoàn, thay phiên nhau chầu cầu nguyện suốt đêm.

Chúa Nhật 09/10/2016,sau giờ kinh phụng vụ buổi sáng. Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm ngỏ lời chào mừng mọi người đã đến Trung Tâm tham dự Đại Hội Thánh Mẫu đồng thời Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết giới thiệu Đức Khâm sứ Phêrô Nguyễn Văn Tốtthuyết giảng chủ đề “ Sống Tin Mừng Thương Xót Thời Nay” và sau đó Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm hướng dẫn hội thảo với chủ đề: “Đức Maria Với Gia Đình.”

Sau giờ cơm trưa và thưởng lãm văn nghệ. Đặc biệt trong panel giải đáp và thắc mắc về Đức Tin và cuộc sống, Cha Paul Văn Chi điều hợp buổi hội thảo rất sôi động và hào hứng, trong đó Đức Khâm Sứ Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm và Cha Nguyễn Văn Tuyết giải đáp các thắc mắc liên quan đến đời sống Đức Tin Công Giáo. Mọi người đã đặt nhiều câu hỏi về đời sống hàng ngày và đời sống Đức Tin, đã được Đức Khâm Sứ và quý Cha trong panel giải đáp một cách thỏa đáng.

Chấm dứt các chương trình thuyết giảng và hội thảo mọi người cùng tiến về tưọng đài Đức Mẹ để bắt đầu giờ kinh đền tạ và rước kiệu Đức Mẹ La Vang.Trước khi cuộc kiệu bắt đầu, ban tây nhạc Cecilia đã khởi tấu nhạc phẩm Kính Mừng Nữ Vương. Cuộc kiệu bắt đầu.Cuộc rước kiệu rất long trọng và trang nghiêm, với cờ của các giáo đoàn và hội đoàn xen kẽ trong đoàn rườc mọi người cùng dâng lên Mẹ chuỗi Mân Côi Mùa Mừng nguyện xin Mẹ chúc lành cho gia đình và Cộng Đồng. Khi kiệu Thánh tượng Đức Mẹ La Vang về đến Lễ đài, các em Thiếu Nhi dâng lên 5 sắc Hoa cuộc đời, cầu xin Mẹ gìn giữ và phù hộ cho Cộng Đồng.

Trước khi thánh lễ bắt đầu, Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người và một lần nữa Cha cũng ngõ lời chào mừng và cảm ơn Đức Sứ thần Phêrô Nguyễn Văn Tốt đã hướng dẫn mọi anh chị em tín hữu trong hai ngày Đại Hội. Và đặc biệt cha cũng chào mừng Đức Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long, Giám Mục Giáo Phận Parramatta, lần đầu tiên đến với Cộng Đồng và chủ tế Thánh lễ bế mạc Đại Hội Thánh Mẫu tại Trung Tâm hành hương thánh Mẫu Bringelly. Cùng đồng tế có quý Cha Giuse Mai Văn Thịnh, Cha Antôn Trần Bạch Hổ, Cha Toma Bùi Thiện Thiên, Cha Vincent Nguyễn Hoàng Trung, Cha Gioan Nguyễn Thái Hòa, Cha Giuse Phan Thế Khanh, Phêrô Nguyễn Hoàng Chương, Cha Antôn Phạm Ngọc Ái, cùng với quý Cha Tuyên úy Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết Cha Nguyễn Thái Hoạch và Cha Đặng Đặng Đình Nên

Trong bài giảng Thánh lễ Đức Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long chào đón Đức Khâm Sứ Phêrô Nguyễn Văn Tốt, quý Cha và quý Tu Sĩ Nam Nữ. Trong bài giảng, dựa vào kinh magnificat, Đức Cha, diễn tả về lòng khiêm cung của Đức Mẹ qua lời Xin vâng và mời gọi mọi người hãy noi gương Mẹ luôn biết xin vâng trong những biến cố của cuộc sống.

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCVN TGP Sydney ngỏ lời cám ơn Đức Khâm Sứ Nguyễn Văn Tốt, ĐGM Nguyễn Văn Long, quý Cha, qúy Tu Sĩ Nam Nữ và tất cả mọi người đã đến đây tham dự 2ngày Đại Hội. Anh cũng đặc biệt cám ơn quý vị thiện nguyện viên trong và ngoài Cộng Đồng đã âm thầm phục vụ giúp cho Cộng Đồng và Đại Hội Thánh Mẫu được mọi sự thành công tốt đẹp.

Thánh lễ kết thúc, Đức Khâm Sứ, ĐGM và quý Cha Tuyên úy dự khán phần xổ số may mắn gây quỹ bảo trì cho Trung Tâm và sau đó Đức Khâm Sứ và Đức Giám Mục gặp gỡ mọi người trong Cộng Đồng.

Diệp Hải Dung
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thu Hà Nội
Nguyễn Ngọc Liên
21:23 10/10/2016
THU HÀ NỘI
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Tôi lưu luyến mùa thu Hà Nội
Rắc lá vàng trên lối đi xưa
Tiết trời mát mẻ giao mùa
Đọng trong nhịp thở mộng mơ thủa nào…
(Trích thơ của Việt Cường)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 05– 11/10/2016: Câu chuyện Mặt Trời Múa tại Fatima
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:28 10/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Câu chuyện Mặt Trời Múa

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ngày 13 tháng 10 là ngày kỷ niệm Ðức Mẹ hiện ra lần thứ sáu cho ba em Lucia, Phanxicô và Giacinta tại làng Fatima bên Bồ Ðào Nha.

Ðây là lần hiện ra có đông đảo dân chúng chứng kiến nhất. Mặc dù thời tiết xấu, ngay từ ngày 12, có trên mười ngàn người Bồ Ðào Nha từ khắp nơi trong nước đổ xô về Fatima để chờ đợi phép lạ như Ðức Mẹ đã hứa trong các lần hiện ra trước. Người lo lắng nhất trong suốt mấy ngày hôm đó chính là bà mẹ của Lucia. Bà khuyên cô con gái hãy đi xưng tội để nhỡ nếu không có phép lạ xảy ra, thì khi bị giết chết, họ cũng an tâm vì đã xưng tội. Cô Lucia trả lời: con sẽ đi xưng tội, nhưng không phải vì sợ phép lạ không xảy ra... Ðức Mẹ sẽ giữ lời hứa.

Buổi sáng sớm ngày 13/10, người ta đã thấy đám đông đứng phủ đầy ngọn đồi Cova da Iria, nơi Ðức Mẹ hứa sẽ hiện đến. Dưới cơn mưa lất phất của những ngày đầu mùa thu, ai cũng cảm thấy lạnh cóng, nhưng đều hiệp ý với nhau trong lời kinh Mân Côi kính Mẹ. Mọi người đều chăm chú hướng nhìn về ba em bé mục đồng, trong y phục rách rưới và bê bết những bùn.

Lucia bắt đầu đọc kinh Mân Côi, bỗng cô hô lớn: “Xin mọi người hãy xếp dù lại”. Với hai em Phanxicô và Giacinta, cô ra lệnh: “Hai em hãy quỳ xuống, vì Ðức Mẹ đang hiện đến”.

Cùng với ba em, nhiều người đã nhìn thấy vệt sáng trên nền trời. Trong một cái nhìn vừa cảm thông và u buồn, Ðức Mẹ nói với ba em bé: “Ta là Ðức Mẹ Mân Côi... Ta muốn người ta xây một nhà nguyện tại đây để kính nhớ Ta. Các con hãy tiếp tục lần hạt mỗi ngày”. Và Ðức Mẹ đã hứa sẽ nhận lời cầu xin của một số người mà Lucia đại diện trình lên Mẹ. Nhưng Mẹ cảnh cáo: “Ðừng xúc phạm đến Chúa nữa, người ta đã xúc phạm quá đỗi rồi”. Nói xong những điều đó, Ðức Mẹ chỉ tay về hướng mặt trời... Trong cơn ngây ngất, Lucia đã thốt lên: “Xin mọi người hãy nhìn về mặt trời”.

Lạ lùng thay, ai cũng có thể nhìn về mặt trời mà không bị lóa mắt. Như một bánh xe cuồn cuộn lửa đỏ, ánh thái dương bỗng quay lượn, nhảy múa và toát ra những tia sáng muôn màu sắc. Rồi thình lình, từ trời cao, mặt trời bỗng đổ xuống như một trái bóng da khổng lồ. Trong cơn hốt hoảng, mọi người cảm thấy như mặt trời sắp rơi xuống, ai ai cũng nằm rạp xuống trên bãi cỏ và đấm ngực ăn năn như để chờ đợi giây phút cuối cùng của vũ trụ... Hiện tượng mặt trời nhảy múa và sa xuống mặt đất kéo dài trong vòng hai phút. Khi mặt trời đã trở lại trạng thái bình thường, mọi người đều nhận thấy rằng, bãi cỏ ướt đẫm trong cơn mưa bỗng trở nên khô ráo.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Việc Ðức Mẹ hiện ra và hiện tượng mặt trời nhảy múa đi kèm như được mô tả trên đây, mang nhiều ý nghĩa.

Chính phủ cách mạng tại Bồ Ðào Nha vào năm 1917 muốn đánh đổ những thứ mà họ gọi là huyền thoại tôn giáo, cũng như dẹp bỏ mọi thứ cuồng tín. Buổi sáng ngày 13/10 hôm đó, cả một lực lượng vũ trang hùng hậu đã được gửi đến đồi Cova da Iria để ngăn cản mọi cuộc tập họp của dân chúng. Báo chí thì tung ra lời tuyên đoán rằng phép lạ sẽ không bao giờ xảy ra và huyền thoại tôn giáo sẽ cáo chung từ hôm đó.

Thế nhưng tất cả những sức ép trên đây đã không đánh đổ được lòng tin của người tín hữu.

Phép lạ mặt trời múa vừa là một thể hiện của quyền năng của Thiên Chúa vừa là một lời mời gọi sám hối. Ðệ nhất chiến tranh đã phát sinh nhiều làn sóng vô thần chủ trương tiêu diệt tôn giáo bằng bạo lực. Bên cạnh những chế độ độc tài chối bỏ quyền sống của con người, nhiều người cũng buông thả trong đời sống luân lý.

Thế giới chỉ có thể cứu vãn được nếu con người biết hoán cải: đó là sứ điệp mà Ðức Maria đã không ngừng lặp đi lặp lại tai Fatima. Và phương tiện để giúp con người hoán cải trước tiên đó là cầu nguyện. Cầu nguyện không những là quay trở lại với Chúa, nhưng còn là một cải đổi tương quan đối với người anh em.

Lịch sử đang lập lại không ngừng. Quyền sống của con người đang bị chối bỏ nhiều nơi trên thế giới. Con người cũng chối bỏ và chà đạp chính Thiên Chúa trong những sa đọa về luân lý. Ðức Maria đang tha thiết kêu mời chúng ta hãy sám hối, siêng năng cầu nguyện với kinh Mân Côi... Ðó là phương thế duy nhất để cứu vãn thế giới của chúng ta.

2. Mở lòng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn

Giáo lý chân thực không phải là việc tuân giữ nghiêm ngặt lề luật bị đóng khung bởi ý thức hệ, nhưng là mặc khải từ nơi Thiên Chúa mà chúng ta kiếm tìm từng ngày nhờ việc mở lòng cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Đó là lời Đức Thánh Cha chia sẻ trong thánh lễ sáng 06 tháng 10 tại nhà nguyện thánh Marta.

Trong các bài đọc sách thánh trong ngày, chúng ta gọi Chúa Thánh Thần là “quà tặng tuyệt vời từ Chúa Cha”. Chúa Thánh Thần là sức mạnh làm cho Giáo Hội dũng cảm đi ra, vì Ngài dẫn dắt Giáo Hội đi về phía trước. Chúa Thánh Thần là “ngôi sao chỉ đường của Giáo Hội.” Không có Ngài, thì chỉ còn “đóng kín và sợ hãi.” Có ba thái độ mà chúng ta có thể có đối với Chúa Thánh Thần.

Thái độ thứ nhất: Bỏ quên Chúa Thánh Thần

Thái độ thứ nhất là điều mà thánh Phaolô nhắc nhở tín hữu Galat, khi họ tin rằng, mình được trở nên công chính nhờ tự sức tuân giữ lề luật, chứ không nhờ Chúa Giêsu là Đấng ban ý nghĩa cho lề luật. Do đó họ quá cứng nhắc và trở thành những người mà Chúa Giêsu gọi là giả hình.

Họ giữ luật mà bỏ qua Chúa Thánh Thần. Đừng bỏ quên sức mạnh cứu chuộc của Chúa Kitô đến từ Chúa Thánh Thần! Đúng là có những Điều Răn và chúng ta phải tuân giữ các Điều Răn, nhưng chúng ta luôn tuân giữ nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng là quà tặng vĩ đại và Chúa Cha và Chúa Con ban cho chúng ta. Nhờ Chúa Thánh Thần mà chúng ta hiểu được Lề Luật. Nhưng đừng thu gọn Chúa Thánh Thần và Chúa Con lại chỉ trong những luật lệ. Vấn đề là các tín hữu Galat thời ấy đã bỏ Chúa Thánh Thần qua một bên để chỉ còn việc giữ luật. Họ đóng con mắt tâm hồn lại, và chỉ còn biết là phải làm việc này, phải làm việc kia. Đôi khi chúng ta cũng bị rơi vào cám dỗ ấy.

Tại sao họ lại gắn chặt và bị đóng khung bởi những ý thức hệ như thế? Thánh Phaolô nhắc nhở mạnh mẽ: “Hỡi những người Galat vô tâm trí, ai đã mê hoặc anh em như thế?” Những ai rao giảng về các ý thức hệ, thì cái gì cũng đúng. Họ bị đóng khung vào cái gọi là: tất cả đều rõ ràng! Nhưng hãy nhìn xem, mặc khải của Thiên Chúa không rõ ràng sao? Mặc khải của Thiên Chúa là mỗi ngày một hơn, hơn mãi, trong mọi cách thế. Điều này có rõ không? Rất rõ! Đối với những ai nghĩ rằng, mình nắm trọn chân lý trong tay, thì thánh Phaolô gọi họ là “những kẻ ngốc”.

Thái độ thứ hai: Làm phiền lòng Chúa Thánh Thần

Thái độ thứ hai mà chúng ta có thể có đối với Chúa Thánh Thần, là làm phiền lòng Ngài, khi chúng ta không để cho Ngài truyền cảm hứng, không để cho Ngài thúc đẩy chúng ta tiến bộ trong đời sống Kitô hữu. Khi đó chúng ta không để cho Ngài nói với chúng ta. Khi ấy chúng ta trở nên thờ ơ, trở nên những Kitô hữu tầm thường, vì Chúa Thánh Thần không thể thực hiện những tác động tuyệt vời của Ngài nơi chúng ta.

Thái độ thứ ba: Mở lòng ra với Chúa Thánh Thần

Thái độ thứ ba là mở ra với Chúa Thánh Thần và để Ngài dẫn chúng ta về phía trước. Đó là những gì các Tông Đồ đã làm: họ can đảm trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Họ không còn sợ hãi vì họ mở ra để Chúa Thánh Thần hoạt động. Để hiểu và đón nhận những Lời của Chúa Giêsu, chúng ta cần mở lòng cho Chúa Thánh Thần. Khi một người mở lòng với Chúa Thánh Thần, thì tựa như chiếc thuyền buồm no gió tiến về phía trước, tiến mãi. Nhưng chúng ta cần cầu nguyện để có thể mở ra với Chúa Thánh Thần.

Giờ đây chúng ta có thể tự hỏi chính mình, giây phút nào trong ngày, tôi đã bỏ quên Chúa Thánh Thần? Và tôi có biết điều ấy khi tôi đi lễ Chúa Nhật không, hay chỉ đơn giản đi là đi thôi? Thứ hai, cuộc sống của tôi có phải là cuộc sống nửa vời và buồn tẻ, thiếu sức sống, trì trệ và làm phiền lòng Chúa Thánh Thần không? Sau cùng, hãy mở lòng mình, mở cuộc đời mình ra, để nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho mình niềm vui của Tin Mừng, để Ngài giúp mình hiểu được lời dạy của Chúa Giêsu, để mình không bị đóng khung, không còn ngốc nghếch, nhưng là chân thực? Điều ấy giúp chúng ta hiểu được đâu là điểm yếu của chúng ta, đâu là điều làm phiền lòng Ngài, và để Ngài dẫn chúng ta tiến về phía trước tới gần Chúa Giêsu, và để Ngài dạy cho chúng ta con đường cứu độ của Chúa Giêsu.

1. Kinh Mân Côi là sự tổng hợp của lịch sử của lòng thương xót của Thiên Chúa

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ Bẩy, 8 tháng 10 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi canh thức, và đọc kinh Mân Côi, nhân dịp Ngày Năm Thánh dành cho các Hội đoàn và phong trào Thánh Mẫu.

Trong bài suy niệm, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu noi gương Mẹ Maria, lắng nghe Lời Chúa, và đưa vào hành động cụ thể. Đức Thánh Cha nói:

Anh Chị Em thân mến,

Trong đêm canh thức này, chúng ta đã suy nghĩ về những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu với sự đồng hành của Mẹ Maria. Lòng trí chúng ta quay trở lại thời điểm hoàn thành sứ vụ của Chúa Kitô trong thế giới này. Biến cố Phục Sinh, như một dấu chỉ của tình yêu tột cùng của Chúa Cha, là Đấng đã phục hồi sự sống của tất cả mọi loài. Biến cố Phục sinh cũng là một điềm báo về vận mệnh tương lai của chúng ta. Việc Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, như một sự chia sẻ vinh quang của Chúa Cha, nơi mà cả phàm nhân chúng ta cũng tìm thấy một vị thế đặc biệt. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, là biểu hiện cho sứ vụ của Giáo Hội trong lịch sử cho đến ngày sau hết, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Trong hai mầu nhiệm sau cùng này, chúng ta cũng được chiêm ngắm Đức Trinh Nữ Maria trong vinh quang thiên quốc. Từ những thế kỷ đầu, Đức Mẹ đã được kêu cầu như là Mẹ của Lòng Thương Xót.

Dưới nhiều khía cạnh, lời kinh Kinh Mân Côi là sự tổng hợp lịch sử của lòng thương xót của Thiên Chúa, đã trở thành lịch sử cứu độ cho tất cả những ai để cho bản thân mình được định hình bởi ân sủng. Những mầu nhiệm mà chúng ta chiêm ngắm là những sự kiện cụ thể qua đó sự can thiệp của Thiên Chúa nhân danh chúng ta phát triển. Qua cầu nguyện và suy tư về cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta thấy một lần nữa diện mạo thương xót của Ngài, là dung nhan mà Ngài thể hiện ra cho tất cả những ai trong nhiều nhu cầu của cuộc đời. Đức Mẹ đồng hành với chúng ta trong hành trình này, hướng chúng ta đến Con Mẹ là Đấng tỏa sáng rạng ngời chính Lòng Thương Xót của Chúa Cha. Mẹ thật sự là Đấng Chỉ Bảo Đàng Lành – Hodegetria- là người Mẹ chỉ cho chúng ta thấy con đường mà chúng ta được mời gọi phải đi qua để trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu. Trong mỗi mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta cảm thấy sự gần gũi của Mẹ và chúng ta chiêm ngắm Mẹ như là người môn đệ đầu tiên của Con Mẹ, vì Mẹ thực thi Thánh Ý Chúa Cha (Lc 8: 19-21).

Lời kinh Mân Côi không loại bỏ khỏi chúng ta những vấn đề của cuộc sống. Ngược lại, nó đòi hỏi đó chúng ta đắm mình trong lịch sử của mỗi ngày, để nắm bắt những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa chúng ta. Bất cứ khi nào chúng ta suy tư về một sự kiện, một mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô, chúng ta được yêu cầu phản ánh cách thức Thiên Chúa đi vào đời sống riêng của chúng ta, để chúng ta chào đón Ngài và đi theo Ngài. Như thế, chúng ta khám phá ra cách thức chúng ta có thể theo Đức Kitô qua việc phục vụ anh chị em của chúng ta. Khi chúng ta đón nhận và biến một sự kiện nổi bật trong cuộc đời của Chúa Giêsu thành một sự kiện trong đời ta, chúng ta chia sẻ sứ vụ loan báo Tin Mừng của Ngài, để nhờ đó Nước Thiên Chúa có thể được kiện cường và lan rộng trên thế giới. Chúng ta là những môn đệ của Ngài, nhưng cũng là các nhà truyền giáo đưa Chúa Kitô đến bất cứ nơi nào Ngài đòi hỏi chúng ta phải có mặt. Chúng ta không thể giữ riêng cho chúng ta ân sủng cao quý là sự hiện diện của Ngài. Ngược lại, chúng ta được kêu gọi để chia sẻ với tất cả mọi người tình yêu của Ngài, sự dịu dàng của Ngài, lòng nhân lành và Lòng Thương Xót của Ngài. Thật là một niềm vui được chia sẻ đến cùng, vì nó mang lại một thông điệp của tự do và ơn cứu rỗi.

Đức Maria giúp chúng ta hiểu là một môn đệ của Chúa Kitô có nghĩa là những gì. Khi được tiền định từ đời đời làm Mẹ Ngài, Mẹ đã học để trở thành môn đệ của Ngài. Hành động đầu tiên của Mẹ là lắng nghe Thiên Chúa. Mẹ xin vâng với lời Thánh Thiên Thần truyền và mở lòng mình đón nhận mầu nhiệm là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ theo Chúa Giêsu, lắng nghe từng lời phát ra từ đôi môi của Ngài (Mc 3: 31-35). Tất cả những điều ấy Mẹ giữ trong trái tim mình (Lc 2:19) và trở thành những ký ức sống động được thực hiện bởi Con Thiên Chúa để đánh thức đức tin của chúng ta. Nhưng lắng nghe mà thôi thì không đủ. Đó chắc chắn là bước đầu tiên, nhưng việc lắg nghe sau đó cần phải được chuyển thành những hành động cụ thể. Người môn đệ thực sự cần phải đặt cuộc sống mình nơi sứ vụ phục vụ Tin Mừng.

Đức Trinh Nữ Maria đã lập tức lên đường đến với bà Elizabeth để giúp bà trong thời kỳ sinh nở (Lc 1: 39-56). Tại Bêlem Mẹ đã hạ sinh Con Thiên Chúa (Lc 2: 1-7). Tại Cana Mẹ đã cho thấy mối quan tâm dành cho đôi vợ chồng trẻ (Ga 2: 1-11). Tại Golgotha, Mẹ không chạy trốn nỗi đau nhưng đứng dưới chân thập giá của Chúa Giêsu và, theo thánh ý của Ngài, Mẹ đã trở thành Mẹ của Giáo Hội (x Jn 19: 25-27). Sau khi Chúa sống lại, Mẹ khích lệ các tông đồ tụ họp trong nhà Tiệc Ly khi họ chờ đợi Chúa Thánh Thần, là Đấng sẽ làm cho họ trở thành những sứ giả không chút sợ hãi của của Tin Mừng (Cv 1:14). Suốt cuộc đời mình, Đức Maria đã làm mọi điều mà Giáo Hội được yêu cầu thực hiện để lưu truyền muôn đời ký ức về Đức Kitô. Nơi đức tin của Mẹ, chúng ta học được cách mở lòng mình ra vâng theo thánh ý Chúa; nơi sự từ bỏ mình của Mẹ, chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc chăm sóc các nhu cầu của tha nhân; nơi những giọt lệ của Mẹ, chúng ta tìm thấy sức mạnh để ủi an những ai đang đau khổ. Trong mỗi khoảnh khắc này, Đức Maria bày tỏ sự dư dật của Lòng Thương Xót Chúa đang vươn đến với tất cả những ai túng quẫn trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Tối nay chúng ta hãy cầu khẩn cùng Mẹ chí ái trên trời của chúng ta với một lời nguyện cổ kính nhất mà các Kitô hữu đã dâng lên cùng Mẹ, đặc biệt là vào những lúc khó khăn và tử đạo. Chúng ta hãy kêu cầu Mẹ, trong niềm xác tín sẽ được trợ giúp bởi lòng thương xót từ mẫu của Mẹ, để Mẹ, “đầy vinh quang và đầy ơn phúc”, có thể là một sự bảo vệ, giúp đỡ và chúc lành cho tất cả chúng ta trong cuộc sống của chúng ta.

“Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ đồng trinh, hiển vinh sáng láng. Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen”

4. Vượt thắng nỗi sầu bằng cầu nguyện

Điều gì xảy ra trong tâm hồn khi chúng ta đang sầu khổ? Đó là câu hỏi Đức Thánh Cha gợi ý trong thánh lễ sáng thứ Ba 27 tháng 9 tại nhà nguyện thánh Marta, khi ngài suy tư xoay quanh nhân vật ông Gióp. Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của thinh lặng và cầu nguyện trong việc vượt thắng những giây phút đen tối nhất.

Đức Thánh Cha phát triển bài giảng từ bài đọc trích sách Gióp. Ông Gióp rơi vào tình trạng bấn loạn vì ông đã mất hết mọi sự. Ông bị mất hết tài sản, thậm chí mất con cái. Giờ đây ông cảm thấy mất mát và cùng quẫn, nhưng ông không than trách Thiên Chúa.

Sớm hay muộn thì chúng ta cũng trải qua sự sầu khổ ghê gớm

Ông Gióp sống trong sự sầu khổ khủng khiếp và ông kêu gào lên Chúa, giống như đứa trẻ khóc lớn trước mặt cha mình. Ngôn sứ Giêrêmia cũng từng làm như thế, nhưng không bao giờ than trách Chúa.

Sự sầu khổ là điều gì đó xảy ra cho tất cả chúng ta. Khi ấy linh hồn đang trong tối tăm, thất vọng, nghi ngờ, không muốn sống, không thấy ánh sáng ở cuối con đường, sự rối bời trong tâm trí… Sự sầu khổ này làm chúng ta cảm thấy linh hồn bị giày vò rằng: thất bại, thất bại hoàn toàn, không muốn sống, chết đi còn hơn! Điều ấy đã xảy ra với Gióp. Ông thấy thà chết còn hơn là sống như thế này. Chúng ta phải hiểu những lúc tăm tối xảy ra cho linh hồn, những lúc ấy dường như chúng ta ngừng thở. Dù chúng ta vững mạnh hay không… tình trạng này sớm muộn cũng xảy ra cho tất cả chúng ta. Cho nên, chúng ta cần hiểu được điều gì đang diễn ra trong tâm hồn chúng ta khi ấy.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể làm gì trong những giây phút đen tối ấy, những bi kịch xảy đến cho gia đình, hay cho chính chúng ta như bệnh tật, chẳng hạn… Có người nghĩ tới viên thuốc an thần… Những cách ấy chẳng giúp ích. Lời Chúa ngày hôm nay cho chúng ta thấy cách thế để đối diện với sự sầu khổ này, với sự tuyệt vọng này.

Khi chúng ta cảm thấy mất mát, hãy tha thiết khẩn cầu Thiên Chúa

Trong đáp ca Thánh Vịnh 87 có viết: “Ôi lạy Chúa, nguyện cho lời con thấu đến tai Ngài.” Chúng ta cần cầu nguyện, cầu nguyện van nài giống như ông Gióp: ngày đêm cầu nguyện để Chúa thấu tai.

Cầu nguyện giống như gõ cửa, gõ mạnh! “Vì tâm hồn con đau khổ ê chề, mạng sống con gần kề âm phủ. Con bị liệt vào số những kẻ đang bước xuống mồ, con đã trở nên như người tàn phế.” Đó chính là lời cầu nguyện. Chúa cũng dạy chúng ta phải làm thế nào để cầu nguyện trong những lúc khó khăn. “Ngài đã đặt con trong lỗ huyệt sâu, giữa chốn tối tăm, trong nơi vực thẳm. Cơn giận Chúa đè nặng thân con…” Đây là lời cầu nguyện. Vì thế chúng ta phải cầu nguyện trong những giây phút tệ hại nhất, buồn khổ nhất. Đây chính là lời nguyện chân thực. Gióp đã trút hết nước mắt, trút hết cõi lòng giống như một đứa trẻ, giống như một người con trước mặt người cha.

Sau đó sách Gióp nói về sự thinh lặng của những người bạn. Đứng trước những con người đau khổ, “lời nói có thể gây tổn thương”. Những gì cần là sự gần gũi thân thiết, là cảm nhận tình thân, chứ không phải là những lời nói.

Thinh lặng, cầu nguyện và hiện diện, để thực sự có thể giúp đỡ người đau khổ

Khi một người đau khổ, khi một người đang trong sầu khổ, bạn phải nói ít bao nhiêu có thể và phải giúp đỡ trong thinh lặng, trong tình thân, trong cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha.

Thứ nhất, nhận ra trong bản thân giây phút sầu khổ thiêng liêng, đó là lúc chúng ta đang trong tối tăm, thất vọng và đặt câu hỏi về nguyên do. Thứ hai, cầu nguyện cùng Thiên Chúa với Thánh Vịnh 87, dạy chúng ta về cầu nguyện trong thời khắc đêm đen. Hãy đến trước nhan thánh Chúa mà cầu nguyện. Thứ ba, khi đến gần người sầu khổ, người đau khổ về bệnh tật, về tâm hồn… thì hãy thinh lặng và là thinh lặng với đầy tình yêu mến, tình thân và sự quan tâm. Đừng nói dài dòng, vì vừa không giúp ích gì mà còn gây hại.

Chúng ta hãy cầu cùng Thiên Chúa để Ngài ban cho chúng ta ba ơn. Ơn để nhận ra sự sầu khổ, ơn để cầu nguyện khi chúng ta rơi vào tình trạng sầu khổ, và ngay cả ơn để biết đồng hành với những ai đang sầu khổ.