Ngày 02-11-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sống khôn ngoan
Lm. Giuse Nguyễn văn Nghĩa
09:52 02/11/2011
Chúa Nhật XXXII Thường niên A

Dụ ngôn mười cô trinh nữ đi đón chàng rể, trong đó có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan là dụ ngôn có thể nói rất quen thuộc với Kitô hữu. Và chúng ta lại dễ dàng đón nhận bài học là phải tỉnh thức sẵn sàng một cách rất tự nhiên khi chúng ta đã nhìn nhận rằng không ai biết được “cái giờ Chúa đến” với mình, nghĩa là cái giờ mình phải giả từ trần gian. Tuy nhiên, thử hỏi thế nào là khôn ngoan thì hẳn không ít người phải chần chừ hoặc ngần ngại trả lời cách dứt khoát và rõ ràng.

Dưới cái nhìn nhân loại thì khôn ngoan là một nhân đức thuộc phạm trù lý trí. Theo viễn tượng này thì người khôn ngoan là người biết sử dụng trí khôn để phân biệt cái này với cái kia, sự vật này với sự vật khác, biết phân biệt điều đúng với điều sai, cái tốt với cái xấu, điều hơn với điều kém…Người khôn ngoan còn biết phân biệt đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả, cái gì là bản chất, cái gì là hiện tượng…Sự khôn ngoan dưới góc nhìn này được thủ đắc bằng luyện tập và một vài môn học giúp rèn luyện khả năng phân biệt đó là môn toán học, môn luận lý học…

Vì là một nhân đức thuộc phạm trù lý trí, mà trí khôn con người xem ra bị điều kiện hoá bởi thời gian, tuổi tác. Qua cái ngưỡng cửa tuổi bảy mươi thì nói chung khả năng phân biệt, phán đoán của con người giảm dần. “Càng già, càng lẩn thẩn” là một hiện thực như tất yếu. Thế mà Kitô hữu chúng ta mỗi lần tham dự lễ an táng một người cao niên lại được nghe trích đọc bài trích sách Khôn ngoan: “Người đầu bạc thì khôn ngoan và tuổi già là một cuộc đời thanh sạch” (Kn 4,9) (*). Không thể hiểu sự khôn ngoan của câu trích Lời Chúa này theo nhãn quan nhân loại mà cần phải có cái nhìn khác.

Bài đọc thứ nhất của Chúa Nhật XXXII TN A trình bày về Đức Khôn Ngoan như sau: “Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ. Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan thì đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết…” (Kn 6,12 tt). Đức Khôn Ngoan ở đây như được nhân cách hoá. Nó không còn là một thuộc tính của trí khôn mà là một ai đó. Nếu ta thay cụm từ “Đức Khôn Ngoan” bằng cụm từ “Thiên Chúa” thì ý của đoạn văn sẽ rõ ràng và dễ hiểu. Như thế, dưới ánh sáng Lời mạc khải thì Đức Khôn Ngoan được đồng hoá với chính Thiên Chúa, Đấng Toàn Tri, Toàn Thiện, Toàn Ái. Đoạn trích sách Khôn ngoan còn tiếp rằng để đạt tới Đức Khôn Ngoan thì cần chú tâm tới lề luật của Đức Khôn Ngoan và yêu mến là tuân giữ lề luật (x.Kn 6, 17-18).

Như thế người khôn ngoan không chỉ là người biết phân biệt mà trên hết là người có tấm lòng biết yêu mến. Dưới cái nhìn này thì chúng ta mới hiểu được người đầu bạc là người khôn ngoan. Tuổi đời càng cao thì con tim người ta càng dễ mở rộng. Tấm lòng của các cụ ông, cụ bà dành cho cháu con thì hẳn ta đã rõ. Nhiều vị dường như chưa chịu nhắm mắt, xuôi tay, khi chưa thấy cháu con yên bề gia thất. Sốt sắng với việc Nhà Chúa thì ít ai bì với người cao tuổi. Quả thật, dù cho “đa thọ thì đa nhục”, nghĩa là tuổi đời càng chồng chất thì lỗi lầm càng thêm nhiều, nhưng chính khi biết lấy những gì bên trong ra mà phân phát thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho chúng ta, chứ không phải do bởi lau chén dĩa bên ngoài (x.Lc 11,37-41).

Trở lại với năm cô trinh nữ khôn ngoan của bài dụ ngôn Chúa Giêsu kể. Các cô được gọi là khôn ngoan vì các cô có tấm lòng với cô dâu, chú rể, với dòng tộc hai họ. Đi đón chàng rể với đèn đầy dầu là một động thái của người có tấm lòng biết lo xa, liệu trước. Các cô tính trước, lo xa không phải vì mình mà vì chính cô dâu, chú rể…Trái lại, năm cô trinh nữ khờ dại là những cô phù dâu ít có tấm lòng với chú rể, cô dâu. Vẫn có đó nhiều cô phù dâu trong các tiệc cưới ngày nay chỉ lo “xoe xua” làm nổi cho bản thân mà chẳng để ý gì đến người khác. Quả là một sự khôn lanh theo kiểu thế gian là tìm mọi dịp để lăng xê chính bản thân mình.

Các nhà chú giải Thánh Kinh cho ta hay: “dầu đèn” theo văn hóa thời bấy giờ có ý nghĩa là những việc tốt, việc lành. Người đã có tấm lòng biết yêu mến thì không bỏ qua một cơ hội dù nhỏ, để làm điều tốt, việc lành cho tha nhân. Và những việc tốt, những việc lành chính là hành trang của người tỉnh thức sẵn sàng khi Chúa đến. Dù Chúa đến bất cứ giờ nào họ luôn có đủ đầy hành trang là các việc tốt để trình diện Vua các vua, Chúa các chúa, Đấng đến thế gian không phải để được hầu hạ nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.

Không ai muốn làm người ngu dại. Ai cũng thích được nhìn nhận là khôn ngoan. Tuy nhiên, điều quan trọng là biết sống khôn ngoan theo cái nhìn của Chúa, dĩ nhiên là để làm đẹp lòng Chúa và vì chính hạnh phúc đời đời của chúng ta.

(*) Đoạn trích sách Khôn Ngoan 4,9 Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là: “Đối với con người, sự khôn ngoan còn quý hơn tóc bạc, sống không tì ố đã là sống thọ”.
Một vài bản văn Anh ngữ về đoạn trích Kn 4,9 như sau: “But wisdom is the gray hair unto men, and an unspotted life is old age.” Hoặc “But the understanding of a man is grey hairs. And a spotless life is old age.”
Một bản Pháp ngữ dịch: “Mais la prudence de l'homme lui tient lieu de cheveux blancs, et la longue vieillesse, c'est une vie sans tache.”
Bản dịch khác: “c'est cheveux blancs pour les hommes que l'intelligence, c'est un âge avancé qu'une vie sans tache.” (La Bible de Jérusalem)
Không biết nguyên bản thế nào, nhưng so với một vài bản văn Anh ngữ và Pháp ngữ trên đây thì nội dung đoạn trích Kn 4,9 của bản dịch đang dùng trong sách bài đọc hiện hành khá tương đồng với nhau hơn là bản văn dịch của nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh.
 
Sẵn sàng
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
10:20 02/11/2011
Chúa nhật 32 thường niên A

Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: 'Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả' (Mt 25,8).

Khởi đầu sự sống, mỗi một loài thụ tạo chấp nhận một định mệnh riêng biệt và độc lập. Chúng ta không có quyền chọn lựa cho sự khởi đầu hiện hữu. Được sinh ra ở đời là một hồng ân cao cả. Bước vào cuộc sống đa dạng, chúng ta cùng đồng hành với tha nhân trên cùng một khoảng đường, theo một lý tưởng và bị giới hạn trong một thời gian và không gian. Số mệnh từng người gắn liền với cuộc sống ngay từ giây phút đầu tiên khi được thụ thai trong cung lòng mẹ. Trong sự hiện hữu đó đã có tiềm ẩn chất chứa mọi khả năng và vốn liếng để sinh hoa kết trái. Mới đây tôi được nhìn xem chùm ảnh của nhiếp ảnh gia Thụy Điển Lennart Nilsson, ông đã dành 12 năm để tìm chụp những bức ảnh về việc thụ thai và phát triển thai nhi trong tử cung người mẹ. Tôi không thể nào tưởng tượng được rằng cuộc sống của tôi đã trải qua những chu kỳ phát triển nhiệm mầu như thế. Không ai có thể giải thích tiến trình hình thành con người được.

Tin tưởng mọi sự đều nằm trong sự quan phòng của Tạo Hóa. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao lại có người giầu, kẻ nghèo và người dại, người khôn? Khôn dại do bẩm sinh hay do thái độ chọn lựa? Suy gẫm bài Phúc âm về sự chuẩn bị của 10 cô trinh nữ, có 5 cô khờ dại và 5 cô khôn ngoan. Mỗi cô phù dâu đều có dầu đèn mang theo bên mình để soi lối cho chính mình. Các cô không thể dựa dẫm vào người khác để vay mượn và mỗi người có trách nhiệm giữ đèn cho sáng để canh thức đợi chờ. Nói đến đèn cháy sáng là nói đến biểu tượng của đức tin. Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, linh mục trao đèn sáng cho cha mẹ đỡ đầu và đọc lời nguyện: Ông bà anh chị, là những bậc cha mẹ và người đỡ đầu, ánh sáng này được trao phó cho anh chị em chăm nom, tức là lo lắng cho em nhỏ đã được Chúa Kitô soi sáng, luôn luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong đức tin, nhờ đó, khi Chúa đến, em được ra đón người với toàn thể các Thánh trên trời.

Mỗi người chúng ta đã được nhận lãnh ánh sáng đức tin. Đức tin cần được trau dồi, hun đúc và chăm nom bảo vệ như cô phù dâu lo lắng cho đèn dầu đầy đủ. Có đèn mà không dầu thì đèn trở thành vô ích. Cuộc sống đạo mà không có đức tin soi đường dẫn lối, thì chúng ta sẽ đi trong tối tăm và lạc hướng. Chúa ban cho mỗi người một khả năng để tự lo liệu. Chúng ta không thể dựa vào kết qủa lòng đạo của người khác khi ra trình diện trước mặt Chúa, như các cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan: 'Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả' (Mt 25,8). Không được. Đức tin không thể cho vay mượn được. Mỗi người phải sống và thực hành đức tin của mình. Đèn cần dầu, cuộc sống Kitô hữu cần có đức tin. Đức tin là nhân đức đối thần và là ân sủng Chúa ban. Các môn đệ của Chúa Giêsu vẫn cầu xin Chúa ban thêm đức tin: Các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con."(Lc 17,5). Trước những việc lạ lùng của Chúa, các môn đồ nhận biết sự yếu kém đức tin của mình. Các ngài không thể hiểu và khó có thể lãnh hội những điều Chúa truyền dạy. Chúa Giêsu phán: Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em (Lc 17,6).

Tự vấn xem chúng ta thuộc vào nhóm các cô phù dâu khôn hay dại. Ai trong chúng ta cũng có đèn nhưng dầu dự trữ có được bao nhiêu. Xét mình trước mặt Chúa, chúng ta đã làm thế nào để chăm sóc, vun tưới và trau dồi cho đức tin của chúng ta? Chúng ta thường nhận lãnh các Bí Tích Hòa Giải và lãnh nhận lương thực bởi trời qua Bí Tích Thánh Thể, nhưng mấy khi chúng ta rà soát lại đèn dầu còn hay đã cạn. Theo Chúa là bước đi trong niềm tin phó thác. Chúng ta đừng tưởng lầm rằng mình đã gặp gỡ Thiên Chúa một cách hữu hình cụ thể nơi một vài sự kiện lạ hay hình thức lạ là đủ cho đời sống đạo. Sống đạo là hành trình của đức tin. Đôi khi chúng ta còn phải lần mò trong đêm tối. Chúa Giêsu đã chúc phúc cho những kẻ có niềm tin: Đức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! (Ga 20,29).

Tại sao trong mỗi thánh lễ Chúa Nhật, chúng ta phải tuyên xưng đức tin qua Kinh Tin Kính? Hoặc sau mỗi lần linh mục đọc lời truyền phép trên bánh và rượu đã xướng lên: Đây là mầu nhiệm đức tin. Đức tin là đèn soi và là chỗ tựa vững chắc. Đã nhiều lần Chúa Giêsu nhắc nhủ các môn đệ khi thuyền gặp cơn bão: Đức Giêsu nói: "Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!". Rồi Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ (Mt 8,26). Các môn đệ lo lắng đủ điều trong cuộc sống mà quên sự quan phòng của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã dậy: Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!(Lc 12,28).

Đức tin sẽ dẫn dắt chúng ta vượt qua những khó khăn và gian truân của cuộc sống. Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta đang sống giữa một xã hội đang chuyển mình đổi thay. Sự thay đổi quan niệm sống về mọi khía cạnh đạo lý, luân lý, triết lý và luân thường đạo lý. Văn hóa sự chết len lỏi vào mọi lãnh vực của đời sống. Ngay trong đời sống đạo cũng có những dành dật, lôi kéo, mơ hồ và đôi khi mê tín dị đoan chen lẫn. Không thiếu những mục tử giả dạng và dùng tài khéo để kéo lôi được nhiều người tin theo. Đối diện với trăm ngàn mối, chúng ta phải hết sức cẩn thận chọn lựa hướng đi cho mình. Nếu chúng ta sống trong sự thật và sống như con cái sự sáng giữa ban ngày, không ai có thể làm hại hay phê bình bắt bẻ chúng ta. Mọi cách thế áp dụng thực hành sống đạo cần minh bạch và rõ ràng. Chúng ta không cần biện minh tranh cãi mà cần sự tỉnh thức. Mỗi người có một cuộc sống và một đường để đi tới. Hãy giữ vững đức tin và chuẩn bị sẵn sàng: Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào, giờ nào. (Mt 25,13). Chúng ta không biết ngày giờ Chúa gọi, cách tốt nhất là đèn dầu sẵn sàng để khi Chúa đến, chúng ta cùng ra đón Ngài với đèn cháy sáng trong tay.

Mỗi ngày sống là một ngày mới hoàn toàn. Các bị bô lão hay những trẻ em đều có một ngày mới giống nhau. Ai cũng phải đối diện với cái đang và sẽ xảy đến. Chúng ta không thể nói rằng năm nay tôi đã 70 hay 80 tuổi, tôi không còn phải lo lắng hay chuẩn bị gì nữa. Dù là tuổi nào, chúng ta vẫn đang trên đường lữ hành. Có người yên trí hơn vì nghĩ rằng họ đã có bảo hiểm nhân thọ và các thứ bảo hiểm khác cho cuộc sống. Chúng ta biết dù có bảo hiểm gì đi nữa, mỗi tối trước khi đi ngủ, ai cũng phải xem xét cửa rả then cài, chốt khóa và điện ga bếp núc on/off cẩn thận. Công việc rất đơn giản nhưng là một sự chuẩn bị rất cần thiết trong cuộc sống đời thường. Có nghĩa là dù tuổi nào chúng ta cũng phải ở tư thế sẵn sàng.

Chỉ có một con đường dẫn tới quê thật mà Chúa Giêsu đã mở: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy (Ga 14,6). Đi theo Chúa là đi vào con đường của sự thật. Chúa Giêsu đã nói với những người Do-thái và cả với chúng ta ngày nay: "Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8, 31-32). Điều mà mỗi người chúng ta phải luôn tỉnh thức là chúng ta đang ở đâu? Sống thế nào? Đặt niềm tin, niềm cậy và phó thác vào ai? Ai là Đấng mà chúng ta đang tôn thờ? Khốn khổ nhất là khi chúng ta mãn phần dưới thế và bước vào cuộc sống mai hậu, chúng ta đến trước tòa Chúa trình diện và xin Chúa mở cửa cho: Nhưng Người đáp lại: 'Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi' (Mt 25,12). Vậy là bao công lao dã tràng và còn gì để nói. Chúng ta đã lỡ chuyến tầu.

Sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc của sự dối trá. Người ta nói: Cây ngay không sợ chết đứng. Chúng ta cũng hiểu: Sự thật thì mất lòng nhưng rồi nói phải củ cải cũng phải nghe. Chúng ta cẩn thận đừng chọn thần tượng nào trong cuộc sống đời này. Ai trong chúng ta cũng chỉ là con người yếu đuối, tội lỗi và phàm tục. Chúng ta không thể vay mượn hay dựa vào uy tín của ai khác để kể công trước mặt Chúa. Khi đến giờ đã định, mỗi người chúng ta phải tự đứng trên chân của mình và chịu trách nhiệm về đời mình. Chỉ có một Đấng có thể cứu độ linh hồn chúng ta, đó là Chúa Giêsu Kitô. Chính Ngài sẽ dẫn chúng ta đến nguồn sống tuyệt hảo là Chân Thiện Mỹ.

Lạy Chúa, xin thêm dầu đức tin để đèn của chúng con được luôn cháy sáng và giúp chúng con tiếp tục bước theo Chúa cho đến cùng. Xin Chúa đưa tay dẫn dắt chúng con về bến bình an.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:33 02/11/2011
CÁI NGÃ KHÔNG VÔ ÍCH
N2T

Một thanh niên vội vội vàng vàng xuống bến đò, nhảy phắt một cái lên chiếc đò ngang đang còn cách bờ khoảng một mét, bởi vì quá vội vàng nên bị ngã nhào trên khoang đò tay chân chỏng ngọng lên trời, khiến mọi người trên chiếc đò cười vang một vùng.
Người thanh niên vừa lồm cồm đứng dậy vừa nói:
- “Cái ngã này vẫn là không vô ích", nếu lỡ chuyến đò này thì tổn thất lớn hơn nhiều”.
Người lái thuyền nói:
- “Anh vội vàng cái gì chứ, đò của chúng tôi mới từ bờ bên kia trở về chưa cập bến mà !”

Suy tư:
Vội vàng cũng có nghĩa là hấp tấp, hấp tấp là vì tính khí nóng nảy, tính khí nóng nảy là vì trong lòng không được bình an, lòng không bình an là vì lo toan nhiều việc và có khi có những tính toán không chính đáng trái với lương tâm mình.
Tính vội vàng hấp tấp thì làm lỡ nhiều việc hơn là đằm tính, bởi vì không ai muốn bàn tính chuyện với người hấp tấp vội vàng, và cũng chẳng ai muốn đem chuyện làm ăn nói với người nóng tính, vì như thế thì bể cả công việc làm ăn của họ.
- Làm giám đốc mà hấp tập vội vàng nóng tính, thì công ty sẽ sớm sập tiệm.
- Làm linh mục mà hấp tấp vội vàng nóng tính, thì trái ngược với tinh thần của người mục tự nhân lành là Chúa Giê-su.
- Làm cha sở mà vội vàng hấp tấp nóng tính, thì giáo dân chỉ đứng xa xa mà nhìn và không muốn cộng tác.
Vội vàng nóng tính thì là một tệ hại, nhưng biện minh cho cái nóng tính hấp tấp của mình, mà không suy nghĩ xét mình thì càng tệ hại hơn, bởi vì con người ta ai cũng có một tâm hồn biết thông cảm khi người khác làm sai, nhưng họ sẽ không chấp nhận người khác làm sai rồi lại còn dẫn chứng chuyện này chuyện nọ để biện hộ cho cái nóng tính hấp tấp của mình.
Người thường biện minh cho hành động nóng tính hấp tấp của mình là người cực đoan và kiêu ngạo.
-----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:34 02/11/2011
N2T

7. Muốn được sống lâu mà không nghĩ đến làm việc thiện thì chỉ là hão huyền.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một chức sắc Vatican mời gọi người Công giáo hãy nhớ người đã khuất
Phạm Kim An
08:02 02/11/2011
Một chức sắc Vatican mời gọi người Công giáo hãy nhớ người đã khuất

Madrid, Tây Ban Nha – Linh mục Aurelio Garcia Macias, Chủ tịch Hội các Giáo sư Phụng vụ Tây Ban Nha, Cố vấn của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích, đã mời gọi người Công giáo hãy cầu nguyện cho người thân yêu đã qua đời, và "hy vọng cho sự phục sinh của họ".

Cha nói với hãng tin Europa Press: "Nếu Chúa Kitô đã chết và sống lại, chúng ta là những người được kết hợp với Chúa Kitô qua bí tích rửa tội, cũng cảm nghiệm sự chết, nhưng chúng ta chờ đợi sự phục sinh. Đây là sứ điệp lớn lao của Kitô giáo trong thời đại này".

Cha lưu ý rằng truyền thống Kitô giáo đáng kính về viếng thăm các nghĩa trang vẫn còn tồn tại trong các nước, chẳng hạn Tây Ban Nha, nơi hàng triệu người đến đặt hoa tại ngôi mộ của các thành viên trong gia đình và bạn bè đã qua đời.

Cha Macias Garcia khuyến khích người Công Giáo hãy nhớ đến những người đã ra đi trong đức tin, và cầu nguyện cho họ “như một cử chỉ bác ái cho các anh em không còn sống với chúng ta nữa”. Việc cầu nguyện cho họ, đặt hoa tại ngôi mộ của họ, và cầu nguyện cho họ được yên nghỉ đời đời là bằng chứng của tình yêu chúng tôi đối với họ. Ngài nói: “Chúng ta cầu nguyện cho họ và với họ, bởi vì chúng ta đều là thành phần của Giáo hội trần gian và Giáo hội thiên đàng".

Ngài tiếp tục giải thích rằng cần phải có một sự phân biệt giữa Ngày lễ các Thánh 1-11 và Ngày lễ các Đẳng 2-11. Lễ Các Thánh mừng kính tất cả những người ở trên trời và những người theo Chúa Kitô đến cùng. Đó là một ngày của “niềm vui và hạnh phúc", được biểu tượng bằng màu trắng trong phụng vụ.

Còn Lễ các Đẳng, theo Ngài, kính nhớ tất cả những người đã được rửa tội trong Chúa Kitô và các thành viên của Giáo Hội đã qua đời, do đó đây là một ngày "sống khắc khổ và cầu nguyện" để nhớ những người thân yêu của chúng ta đã qua đời. (CNA/Europa Press 1-11-2011)

Phạm Kim An
 
ĐTC Biển Đức XVI: ‘Các thánh và các Đẳng nhắc nhở ta rằng vận mạng con người là nơi Chúa’
Nguyễn Trọng Đa
08:03 02/11/2011
ĐTC Biển Đức XVI: ‘Các thánh và các Đẳng nhắc nhở ta rằng vận mạng con người là nơi Chúa’

Vatican – “Lễ Các Thánh hôm nay, và lễ các Đẳng Linh hồn ngày mai, nhắc nhở chúng ta rằng sự thánh thiện là vận mạng của con người, và thật vui mừng sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa trong cõi đời đời", - ĐTC Biển Đức XVI nhận định như vậy ngày 1-11, trong lúc đọc kinh Truyền Tin, trước sự hiện diện của khoảng 10 ngàn người tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Ngài nói: "Lễ các thánh trọng thể là một cơ hội thuận lợi để nâng cái nhìn của chúng ta lên từ thực tại trần thế, được đánh dấu bởi thời gian, đến chiều kích của Thiên Chúa, chiều kích của cõi đời đời và sự thánh thiện. Phụng vụ hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng sự thánh thiện là ơn gọi ban đầu của mỗi người được rửa tội. Vì Chúa Kitô, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh duy nhất, đã yêu thương Giáo Hội như là tân nương của mình, và đã hiến mình cho Giáo hội để thánh hoá Giáo hội”.

“Vì lý do này, tất cả các thành viên của Dân Chúa được mời gọi để trở nên thánh, theo lời của Thánh Tông Đồ Phaolô: "Ý muốn của Thiên Chúa là anh em hãy nên thánh”. Vì thế, chúng ta được mời gọi nhìn vào Giáo Hội, không nhìn vào khía cạnh trần thế và con người, vốn có đặc tính là sự yếu đuối, nhưng nhìn Giáo hội như ý Chúa Kitô muốn, như một sự hiệp thông của các thánh". Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Giáo hội là "thánh thiện", như là Thân Thể Chúa Kitô, một công cụ để tham dự vào các mầu nhiệm thánh, trước hết là Thánh Thể, và mầu nhiệm Thánh Gia, mà chúng ta được tín thác vào sự che chở của Thánh Gia ngày chúng ta nhận Bí tích Rửa tội”.

Ngài nói tiếp: "Hôm nay, chúng ta mừng kính cộng đồng vô số Các Thánh, là những người qua nhiếu lối sống khác nhau, đã nêu cho chúng ta biết các con đường khác nhau của sự thánh thiện, hiệp nhất trong một mẫu số chung: đi theo Chúa Kitô và liên kết với Ngài, mục tiêu cuối cùng của đời sống con người chúng ta. Thật vậy, mọi bậc sống có thể trở nên một con đường đi đến thánh thiện, nhờ hành động của ân sủng và với cam kết và sự kiên trì của mỗi người chúng ta”.

"Mừng lễ các Đẳng Linh hồn ngày mai 2-11, giúp chúng ta nhớ đến những người thân của chúng ta đã rời bỏ chúng ta, và tất cả các linh hồn trên đường đến cuộc sống viên mãn, trên chân trời của Giáo Hội Thiên đàng, mà hôm nay được mừng trọng thể. Từ những ngày đầu của đức tin Kitô giáo, Giáo Hội trần gian, công nhận sự hiệp thông của toàn bộ nhiệm thể của Chúa Giêsu Kitô, đã tôn vinh lễ nhớ người qua đời với sự tôn trọng lớn và trợ giúp cho họ. Lời cầu nguyện của chúng ta cho người chết không những hữu ích nhưng còn cần thiết, bởi vì nó không chỉ có thể giúp cho họ, nhưng đồng thời làm cho hiệu quả lời cầu bầu của họ cho chúng ta nữa”.

ĐTC kết luận: “Ngay cả việc viếng nghĩa trang, vốn trình bày các mối liên hệ yêu thương với những người đã yêu thương chúng ta trong cuộc sống này, nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều hướng về một cuộc sống mai hậu. Những giọt nước mắt, kết quả của sự chia ly, sẽ không chiếm ưu thế so với sự chắc chắn của việc phục sinh, với hy vọng đạt đến hạnh phúc của cõi đời đời, "thời điểm tối cao của sự thoả lòng, trong đó tất cả ôm lấy chúng ta và chúng ta ôm lấy tất cả" (Thông điệp Spe Salvi, ‘Chúng ta được cứu rỗi trong hy vọng’, 12). Đối tượng của niềm hy vọng chúng ta là niềm vui mừng sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa trong cõi đời đời". (AsiaNews 1-11-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Trung Quốc: Các lễ truyền chức linh mục vào cuối tháng truyền giáo
Nguyễn Trọng Đa
08:04 02/11/2011
Trung Quốc: Các lễ truyền chức linh mục vào cuối tháng truyền giáo

Bắc Kinh – Nhiều cộng đồng Công giáo muốn kết thúc tháng 10 là tháng Truyền giáo với việc truyền chức linh mục cho một số phó tế, là những người đại diện cho sức sống của Giáo Hội và sự liên tục của truyền giáo.

Trong thực tế, "sự kết thúc tháng truyền giáo là một sự khởi đầu mới cho sứ mạng truyền giáo, như sự kết thúc của đời sống phó tế là sự khởi đầu của đời sống linh mục, vốn đòi hỏi sự ý thức hoàn toàn và sự cam kết truyền giáo trong bối cảnh của chúng tôi", đây là những gì mà các Giám Mục chủ sự lễ truyền chức linh mục đã nói gần như giống nhau.

Hơn 1.000 tín hữu tham dự lễ truyền chức linh mục long trọng tại giáo phận Duyễn Châu (Yan Zhou), tỉnh Sơn Đông, do Đấng Bản quyền chủ sự ngày 26-10. Khoảng ba mươi linh mục đồng tế Thánh lễ và cũng khoảng ba mươi nữ tu đã chào mừng tân linh mục, theo đó "chức linh mục là một khởi đầu mới của nhiệm vụ làm người thợ tốt trong vườn nho của Chúa, bằng cách noi gương Chúa Kitô".

Giáo phận Hàng Thuỷ (Heng Shui, trước đây gọi là Jing Xian) hưởng niềm vui của việc truyền chức hai linh mục mới ngày 28-10, lễ các thánh Tông đồ Simon và Giuđa. Đức Cha Phêrô Phùng Tân Mậu (Pietro Feng Xinmao), Giám mục giáo phận, đã chủ tế thánh lễ đồng tế với khoảng sáu mươi linh mục.

Khoảng ba mươi nữ tu Dòng Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành, bốn mươi đại diện của Đại Chủng viện và Tiểu Chủng viện, cùng với 700 tín hữu, đã nồng nhiệt chào mừng các tân linh mục, đó là các ơn gọi địa phương.

Đức Cha Phêrô Phùng Tân Mậu khuyến khích các tân linh mục hãy làm "công cụ của Chúa và chu toàn các bổn phận của linh mục". Cuối cùng, các tân linh mục chia sẻ kinh nghiệm ơn gọi của mình, cảm ơn cha mẹ và tất cả những người ủng hộ các vị trong cuộc hành trình tâm linh của mình. (Agenzia Fides 31-10-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Đức Thánh Cha đã đề cập đến tâm lý sợ chết của phần đông nhân loại.
J.B. Đặng Minh An dịch
09:07 02/11/2011
Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 2 tháng 11, Đức Thánh Cha đã đề cập đến tâm lý sợ chết của phần đông nhân loại.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, một ngày sau Lễ Trọng Kính Các Thánh, Giáo Hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời. Ngày kỷ niệm hàng năm này thường được đặc trưnng bởi những cuộc thăm viếng nghĩa trang, đó là dịp để chúng ta suy niệm về mầu nhiệm sự chết và canh tân đức tin chúng ta nơi lời hứa đời đời hưởng nhờ từ sự Phục sinh của Chúa Kitô.

Với bản tính nhân loại thường tình, chúng ta có một tâm lý tự nhiên là sợ chết và cố chống lại điều có vẻ là chung cuộc này. Đức tin dạy chúng ta rằng nỗi sợ chết vơi đi bởi một hy vọng lớn lao, là hy vọng vào sự sống đời đời, là điều mang lại ý nghĩa viên mãn nhất cho đời ta. Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, ban cho chúng ta lời hứa cuộc sống đời đời qua cái chết và sự Phục sinh của Con Ngài. Trong Chúa Kitô, sự chết không còn giống như một hố sâu của hư vô nữa nhưng trái lại là con đường dẫn tới sự sống bất tận.

Đức Kitô là sự Phục sinh và là sự sống; hễ ai tin vào Ngài thì sẽ không bao giờ chết. Mỗi Chúa Nhật, khi đọc kinh Tin Kính, chúng ta tái khẳng định đức tin của chúng ta nơi mầu nhiệm này. Khi chúng ta nhớ đến những người đã ra đi trước, kết hiệp với họ trong tình hiệp thông với các thánh, xin cho đức tin linh hứng chúng ta theo Chúa Kitô gần gũi hơn và hoạt động với thế giới này để xây dựng một tương lai đầy hy vọng.

Tôi nồng nhiệt chào thăm các linh mục đến từ Hoa Kỳ đang tham dự khóa tĩnh huấn về Thần Học tại Học Viện Giáo Hoàng Bắc Mỹ tại Rôma.

Tôi cũng gởi lời chào đến nhóm hành hương từ trường Trung Học Thánh Phaolô tại Tokyo, Nhật Bản. Với các tín hữu nói tiếng Anh trong buổi triều yết chung này, đặc biệt anh chị em đến từ Ireland, Đan Mạch, Na Uy, Nhật Bản và Hoa Kỳ, tôi khẩn xin Chúa ban cho anh chị em niềm vui và bình an”
 
ĐTC: Can đảm mạnh mẽ sống niềm tin và hy vọng nơi cuộc sống vĩnh cửu
Linh Tiến Khải
11:27 02/11/2011
VATICAN - Khi đến thăm các nghĩa trang để cầu nguyện cho những người đã chết với lòng yêu thương trìu mến, chúng ta được mời gọi can đảm mạnh mẽ canh tân niềm tin của chúng ta nơi cuộc sống vĩnh cửu, sống niềm hy vọng cao cả và làm chứng cho niềm hy vọng đó trước thế giới: đàng sau hiện tại không có sự hư vô, nhưng có cuôc sống vĩnh cửu.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến chung 8.000 tín hữu hành hương tại đại thính đường Phaolô VI trong nội thành Vaticăng sáng thứ tư 2-11-2011.

Nhân ngày lễ kính các Đẳng linh hồn, trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã gợi lên vài tư tưởng liên quan tới cái chết và cuộc sống mai sau. Ngài nói: Đối với kitô hữu cái chết được soi sáng bởi sự phục sinh của Chúa Kitô, và ngày lễ kính các đẳng linh hồn là dịp để họ canh tân niềm tin nơi cuộc sống vĩnh cửu.

Trong các ngày của tháng 11 cầu nguyện cho các đẳng linh hồn tín hữu có thói quen đến mghĩa trang viếng mộ các người thân và bạn bè để bầy tỏ lòng thương mến đối với họ, đễ cảm thấy họ vẫn còn gần gũi và qua đó nhớ lại một tín điều của Kinh Tin Kính: đó là trong sự hiệp thông của các thánh có một mối dây nối kết những người còn đang lữ hành trên trần gian này và biết bao nhiêu anh chị em đã đạt cuộc sống vĩnh cửu.

Con người đã luôn luôn lo lắng cho các kẻ đã chết, và tìm cách cho họ một cuộc sống thứ hai qua sự chú ý, chăm nom và lòng thương mến. Trong một nghĩa nào đó, người ta muốn duy trì kinh nghiệm sống của họ, họ đã sống thế nào, đã yêu thích những gì, đã sợ hãi những gì, đã hy vọng những gì đã ghét bỏ những gì, chúng ta có thể khám phá ra từ các ngôi mộ đầy các kỷ niệm ấy. Chúng như là một tấm gương phản ánh thế giới của những người đã chết.

Tại sao vậy? Bởi vì mặc dù cái chết thường là một đề tài cấm kỵ trong xã hội của chúng ta, và người ta thường liên tục cố ý lấy khỏi tâm trí chúng ta ý tưởng về cái chết, cái chết liên quan tới từng người trong chúng ta, liên quan tới con người thuộc mọi thời đại và mọi nơi chốn. Chính trước mầu nhiệm ấy chúng ta tất cả tìm kiếm một cái gì đó mời gọi chúng ta hy vọng, cả khi một cách vô thức, một dấu hiệu trao ban ủi an cho chúng ta, mở ra mở một chân trời nào đó, cống hiến một tương lai nào đó. Thật ra, con đường của cái chết là một con đường của niềm hy vọng, và bước đi trong các nghĩa trang cũng như đọc những gì viết trên các nấm mộ là bước đi trên một con đường được ghi dấu bởi niềm hy vọng của sự vĩnh cửu. Thế nhưng tại sao chúng ta lại cảm thấy sợ hãi trước cái chết? Đức Thánh Cha trả lời như sau:

Có nhiều câu trả lời: chúng ta sợ hãi trước cái chết, bởi vì chúng ta sợ hãi sự hư vô, sợ hãi cuộc ra đi về một cái gì mà chúng ta không hiểu và không quen hiết. Và khi đó trong chúng ta có ý thức khước từ, bởi vì chúng ta không thể chấp nhận rằng những gì là xinh đẹp và cao cả đã được thực hiện trong toàn cuộc sống bất thình lình bị xóa bỏ và rơi vào vực thẳm hư không. Nhất là chúng ta cảm thấy rằng tình yêu nhắc tới và đòi hỏi sự vĩnh cửu, và chúng ta không thể chấp nhận rằng nó bị hủy diệt bởi cái chết trong một chốc lát.

Đức Thánh Cha nói tiềp trong bài huấn dụ: chúng ta còn sợ hãi trước cái chết, bởi vì khi chúng ta ở vào cuối cuộc sống, thì trực giác được sự phán xử đối với các hành động của chúng ta, đối với cung cách sống của chúng ta, nhất là những điểm tối, mà với sự khéo léo chúng ta thường lấy đi hay tìm cách lấy đi khỏi lương tâm chúng ta. Chính vấn đề đề phán xử thường được hiểu ngầm dưới việc săn sóc của con người thuộc mọi thời đại đối với người chết, dưới sự chú ý đối với những người đã có ý nghĩa đối với họ nhưng lại không còn bước đi bên cạnh họ trên con đường đời sống ở trần gian này nữa. Trong một nghĩa nào đó, các cử chỉ âu yếm, yêu thương bao bọc người chết là một kiểu che chở họ trong xác tín rằng chúng có hiệu qủa đối với sự phán xử. Điều này chúng ta có thể nhận ra trong đa số các nền văn hóa làm thành đặc tính lịch sử con người.

Ngày nay bề ngoài, xem ra thế giới đã trở thành lý sự hơn, hay đúng hơn có khuynh hướng phổ biến cho rằng mọi thực tại đều phải được đương đầu với các tiêu chuẩn của khoa học thực nghiệm; và kể cả cái chết cũng phải trả lời không phải với đức tin cho bằng khởi hành từ các hiểu biết thực nghiệm. Nhưng người ta lại không chú ý đủ rằng chính trong kiểu này mà sau cùng con người rơi vào các hình thái của thuyết thần thông học, trong việc tìm tiếp xúc với thế giới bên kia cái chết, hầu như bằng cách tưởng tượng ra là có một thực tại, sau cùng là một bản sao của cuộc sống hiên nay. Tiếp đến Đức Thánh Cha xác định ý nghĩa của lễ Các Thánh Nam Nữ và lễ các Đẳng linh hồn như sau:

Các bạn thân mến, lễ Các Thánh và lễ Tưởng niệm mọi tín hữu đã qua đời nói với chúng ta rằng chỉ có những ai thừa nhận một niềm hy vọng lớn lao trong cái chết, mới có thể sống một cuộc sống bắt đầu bằng sự hy vọng. Nếu chúng ta chỉ giản lược con người vào chiều kích hàng ngang, vào điều chúng ta có thể trực giác được một cách cảm nghiệm, thì chính cuộc sống sẽ mất đi ý nghĩa sâu xa của nó. Con người cần sự vĩnh cửu, và mỗi một niềm hy vọng khác đối với nó đều qúa ngắn ngủi, đều qúa hạn hẹp... Chỉ có thể giải thích được con người, nếu có một Tình Yêu vượt ngoài mọi sự cô đơn, kể cả sự cô đơn của cái chết, trong một sự toàn vẹn vượt ngoài không gian và thời gian. Con người chỉ có thể giải thích được và tìm thấy ý nghĩa sâu thẳm của nó, nếu có Thiên Chúa. Và chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã ra khỏi sự xa cách của Người để đến gần chúng ta; Người đã bước vào cuộc sống chúng ta và nói với chúng ta rằng: ”Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin nơi Ta cả khi chết cũng sẽ sống; ai sống và tin nơi Ta sẽ không phải chết đời đời” (Ga 11,25-26).

Đức Thánh Cha nói thêm: Chúng ta hãy nghĩ tới cảnh trên Núi Sọ và nghe lại các lời Chúa Giêsu, từ trên Thập Giá, nói với người tội phạm bị đóng đanh bên phải Người: ”Tôi bảo thật anh: hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43). Chúng ta hãy nghĩ tới các môn đệ trên đường về làng Emmaus, sau khi đi một đoạn đường dài với Chúa Giêsu phục sinh, họ nhận ra Người và mau mắn trở về Giêrusalem để loan báo sự Phục Sinh của Chúa (x. Lc 24,13-35). Trong tâm trí họ vẳng lên rõ ràng lời của Thầy: ”Các con đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ; nếu không Thầy đã không bao giờ nói với các con: ”Thầy đi dọn chỗ cho các con” (Ga 14,1-2).

Thiên Chúa đã thực sự tỏ hiện ra và có thể đạt tới được; Người đã yêu thương thế gian ”đến độ ban Con Một mình, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Và trong cử chỉ tuyệt đỉnh của tình yêu của Thập Giá, bằng cách dìm mình trong vực thẳm của sự chết, Người đã thắng cái chết và sống lại Người cũng đã mở cho chúng ta cánh cửa của sự vĩnh cửu. Chúa Kitô nâng đỡ chúng ta vượt qua đêm đen của cái chết mà chính Người đã đi qua; Người là Mục Tử, và chúng ta có thể tin cậy nơi sự dẫn dắt của Người mà không sợ hãi, bởi vì Người biết rõ đường đi, cả khi có phải qua tăm tối.

Mỗi Chúa Nhật khi đọc kinh Tin Kính, chúng ta tái khẳng định chân lý này. Và khi đến thăm các nghĩa trang để cầu nguyện cho những người đã chết với lòng yêu thương trìu mến, một lần nữa chúng ta được mời gọi can đảm mạnh mẽ canh tân niềm tin của chúng ta nơi cuộc sống vĩnh cửu, còn hơn thế nữa chúng ta được mời gọi sống với niềm hy vọng cao cả và làm chứng cho niềm hy vọng đó trước thế giới: đàng sau hiện tại không có sự hư vô. Và chính niềm tin nơi cuộc sống vĩnh cửu trao ban cho kitô hữu sự can đảm yêu thương trái đất này một cách mạnh mẽ hơn nữa, và làm việc để xây dựng một tương lai, và trao ban cho trái đất một niềm hy vọng chắc chắn, đích thật.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan và Ý, rồi ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người
 
Chính quyền Obama thiên vị chống Công Giáo ?
Trần Mạnh Trác
13:42 02/11/2011
Một trận chiến giữa chính quyền Obama và phe Công Giáo vừa bùng nổ, châm ngòi bởi những qui định mới về phá thai và ngừa thai.

Trung tâm điểm của cuộc chiến là quyết định của 'Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh' (HHS) đưa ra vào cuối tháng Chín đã chấm dứt việc tài trợ cho chương trình giúp đỡ nạn nhân của 'nạn buôn người và của nạn nô lệ mới' của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ. Chương trình này của HĐGMHK đã điều hành nhiều dịch vụ cho các nạn nhân trên toàn quốc từ năm 2006, năm nay họ bị từ chối được tài trợ, ngân khỏan dành cho họ đã đươc trao cho ba nhóm ủng hộ phá thai khác.

Các chương trình của Công giáo, trung thành với giáo huấn của giáo hội, đã từ chối không giới thiệu các nạn nhân cho các cơ sở tránh thai hoặc phá thai. The American Civil Liberties Union (Liên minh tự do dân sự Mỹ) đã khởi kiện HĐGMHK, và các quan chức Bộ Y tế đã nại lý do đó để đưa ra một chính sách mới là chỉ trao ngân khỏan cho những cơ quan nào sẽ giới thiệu các phụ nữ cho các dịch vụ ngừa phá thai.

HĐGMHK dự định khởi kiện chính phủ và lên tiếng cáo buộc chính quyền đã thiên vị chống Công Giáo.

Cuộc chiến mới này làm cho mối quan hệ giữa chính phủ và người Công Giáo, từng đã khó khăn vì một số vấn đề, nay lại tồi tệ hơn.

Kể từ tháng Hai vừa qua, HĐGMHK đã quyết liệt phản đối quyết định của chính quyền là không bảo vệ đạo luật cấm hôn nhân đồng tính. Trong những tuần gần đây, hàng chục cơ sở Công giáo cũng phản đối một đề xuất của Bộ Y tế đòi hỏi các công ty bảo hiểm tư nhân phải cung cấp miễn phí các biện pháp tránh thai.

Trở lại ngân khỏan của chương trình chống nạn buôn người, một viên chức chính trị cấp cao tại Bộ Y tế đã trao tặng ngân khoản mới cho 3 cơ quan đối thủ của Công giáo, bất chấp, theo biên bản nội bộ của HHS, đề nghị của các nhân viên chuyên môn là chương trình của HĐGM nên được ủng hộ bởi vì đã được hội đồng kiểm duyệt độc lập cho đủ điểm.

Một số nhân viên của Bộ Y tế đã lên tiếng phản đối, bởi vì quá trình quyết định như trên là không công bằng và thiên vị chính trị. Những phản đối đó đã được báo cáo lên văn phòng tổng thanh tra của Bộ Y tế.

Theo chính sách hiên hành của Bộ Y tế, thì các quan chức chính ngạch sẽ giám sát đơn xin trợ cấp, và một hội đồng kiểm duyệt độc lập sẽ xếp hạng ưu tiên cho các đơn xin. Tuy nhiên chính sách của bộ Y tế không cấm các nhân viên chính trị (được bổ nhiệm bởi chính phủ) tham gia.

Theo ý kiến của Sơ Mary Ann Walsh, phát ngôn viên HĐGM thì, "đây là một âm mưu lèo lái quá trình đi sai lệch để thúc đẩy một chương trình ủng hộ phá thai". Trên một blog, Sơ nói thêm quyết định trên phản ánh một triết lý gọi là ABC của bộ Y tế. "ABC là (Anybody But Catholics)’’.(Bất kỳ ai ngòai người Công giáo).

Các quan chức chính trị đã giữ im lặng, nhưng các quan chức khác của Bộ Y tế thì chối rằng có sự thiên vị và cho biết rằng các dịch vụ xã hội Công giáo đã nhận được ít nhất $ 800 triệu từ Bộ Y tế kể từ năm 1990, trong đó chương trình này của HĐGM đã nhận được $ 348 triệu. Và chỉ 3 ngày trước sự kiện này xảy ra thì HĐGM cũng đã nhận thêm $ 19 triệu để hỗ trợ cho những người tị nạn ngoài nước Mỹ.

"Chúng tôi không có ý định đi tìm ai để làm hại cả", theo lời ông George Sheldon, trợ lý thư ký Hành chính của Bộ Y tế cho vấn đề Trẻ Em và Gia Đình. "Không ai có tòan quyền trên các ngân khỏan cả" Ông nói thêm rằng bộ Y tế đã làm việc "theo thủ tục."
 
Hoa Kỳ và bất bình đẳng kinh tế
Vũ Văn An
16:44 02/11/2011
Giáo huấn xã hội Công Giáo dường như không trực tiếp nói nhiều tới các bất bình đẳng kinh tế trong xã hội. Tuy nhiên, một cách gian tiếp, giáo huấn này rõ ràng lên án các bất công ấy khi chúng kéo theo sự vi phạm các nhân quyền căn bản. Giáo huấn xã hội Công Giáo không những ủng hộ quyền nhân bản và quyền chính trị mà còn cả một số quyền kinh tế như có đủ thực phẩm, nhà ở, y tế và việc làm. Những quyền này được coi là chủ yếu để phát huy “nhân phẩm”. Và xã hội sẽ phải trả giá cao nếu làm ngơ cho những điều kiện kinh tế chênh lệch một cách lộ liễu.

Alexis de Tocqueville, trong tác phẩm đã thành cổ điển của ông là cuốn Dân Chủ Tại Hoa Kỳ (Democracy in America), đã biện luận rằng dân chủ tùy thuộc sự bình đẳng tương đối về địa vị và điều kiện kinh tế. Ông cho rằng sự bình đẳng trong tư cách công dân (mỗi người một lá phiếu, được hưởng công lý và quyền có tiếng nói) đặt căn bản trên sự bình đẳng tương đối đó. Ông tương phản Hoa Kỳ với lối cai trị quí tộc của Pháp. Gần ta hơn, nhà khoa học chính trị của ĐH Harvard, ông Robert Putnam, đã lặp lại luận điểm của Tocqueville. Ông chứng minh rằng một quốc gia càng bất bình đẳng bao nhiêu về thu nhập, thì sự gắn bó và tin nhau về xã hội càng thấp bấy nhiêu. Hai yếu tố sau chính là hai yếu tố chủ yếu đối với hai ý niệm quan trọng trong giáo huấn xã hội Công Giáo, tức hai ý niệm liên đới và ích chung. Các nguyên tắc mỗi người một lá phiếu và được bình đẳng về công lý và quyền có tiếng nói sẽ chỉ là trò cười khi các nhà vận động hậu trường, nhân danh giai cấp doanh thương giầu có và quyền thế, có quyền ấn định các chính sách kinh tế và chính trị của quốc gia. Bởi thế, không ai ngạc nhiên khi phong trào tự phát “Chiếm Giữ Wall Street” mới đây khởi phát cuộc phản đối chống lại các bất công kinh tế đang lan tràn khắp Hoa Kỳ.

Trong một khảo luận của Gary Burtless và Timothy Seedling, tựa là " Poverty, Work and Policy: The United States in Comparative Perspective" (Nghèo Đói, Việc Làm và Chính Sách: Hiệp Chúng Quốc trong Viễn Tượng So Sánh), các tác giả chứng minh rằng với tỷ lệ nghèo 17%, Hoa Kỳ hiện đứng áp chót (chỉ thua có Mexico) trong 23 nước thuộc Tổ Chức Kinh Tế và Phát Triển (OECD). Phần lớn các quốc gia này có tỷ lệ nghèo khoảng 10%. Tỷ lệ nghèo của Mỹ cao hơn Đài Loan (14%) và cao hơn cả Estonia và Slovenia. Tỷ lệ trẻ em nghèo của Mỹ hiện là 21.9% so với tỷ lệ trung bình của các quốc gia khác khoảng 11%. Cái nghèo của trẻ em có hiệu quả nghiêm trọng đối với việc thành đạt trong giáo dục và y tế. Ta sẽ trả một giá rất đắt khi phí phạm điều người ta vốn gọi là ‘tư bản người’ bằng cách để một tỷ lệ nghèo như thế xẩy ra cho trẻ em. Hoa Kỳ cũng là quốc gia có tỷ lệ bất quân bình cao nhất về thu nhập trong các quốc gia giầu có. Một cuộc nghiên cứu năm 2011 của OECD về bất quân bình kinh tế trong 31 quốc gia thuộc tổ chức này đã khám phá ra 10 trường hợp bất quân bình tệ nhất về thu nhập. Hoa Kỳ đứng hàng thứ tư (sau Chile, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ). Các quốc gia phát triển khác chỉ khoan dung một tỷ lệ thấp hơn.

Một cuốn sách gần đây của hai tác giả người Anh là Richard Wilkinson và Kate Pickett, tựa là “Spirit Level: Why Greater Equality Makes Societies Stronger” do nhà Bloomsbury Press ấn hành năm 2011, sẽ cho ta một cái nhìn tiêu cực đối với xu hướng quá chênh lệch về thu nhập của Hoa Kỳ. Thực tế ra, sự bất quân bình ấy không có lợi về phương diện tài chánh, chứ đừng nói tới phương diện luân lý hay triết lý. Các dữ kiện so sánh của hai tác giả này cho thấy nhiều vấn đề về y tế và xã hội sẽ phát sinh cùng với sự bất quân bình to lớn về thu nhập. Bất quân bình về thu nhập của một nước càng cao, thì tử xuất trẻ sơ sinh, tỷ lệ phì mập, tỷ lệ sát nhân, tỷ lệ mù chữ và tỷ lệ bất xê dịch xã hội (social immobility) càng cao và tuổi thọ càng xuống thấp hơn. Còn nói về sự gắn bó xã hội, hố phân cách giữa người giầu và người nghèo của một nước càng lớn, thì sự lỏng lẻo tê liệt về cấu trúc xã hội của nước ấy càng lớn bấy nhiêu.

Hoa Kỳ có tỷ lệ cao nhất về bất quân bình thu nhập trong các nước giầu có. Hiện tượng này phần lớn xuất hiện trong 30 năm qua, do cách đánh thuế có lợi cho người giầu. Nên không lạ gì khi người Hoa Kỳ thấy mình càng ngày càng khó tiến bước, khó được bảo hiểm, khó được học hành, khó kiếm được việc làm. Tất cả những cái khó ấy có một hệ luận to lớn đối với việc được tôn trọng, điều mà giáo huấn xã hội Công Giáo gọi là ‘nhân phẩm’. Kể từ năm 1980, nền kinh tế của Hoa Kỳ tăng gấp đôi về giầu có. Một phần trăm những người giầu nhất Hoa Kỳ hiện tích lũy 20% tất cả của cải của cả nước, tăng từ 10% năm 1980. Chín mươi phần trăm các gia hộ Hoa Kỳ phải lay lắt sống với trung bình từ 30,000 tới 50,000 dollars mỗi năm.

Hậu quả do đó là: Hoa Kỳ có tỷ lệ cao nhất về sát nhân, tử vong sơ sinh, cha mẹ niên thiếu, ghiền ma túy, bệnh tâm thần, bị tống giam, bất xê dịch xã hội và mù chữ trong các nước giầu có. Các vấn đề y tế và xã hội này đang gieo nhiều tai họa tài chánh lên xã hội Hoa Kỳ trong vấn đề kìm hãm bạo lực, chữa trị người bệnh và điều chỉnh các trục trặc nói trên. Hãy xem một số phí tổn. Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh ước tính rằng nền kinh tế mất chừng 1.65 tỷ dollars về chi phí y tế, mất công ăn việc làm suốt đời và năng xuất kinh tế do những chứng bệnh có thể ngăn ngừa được gây ra. Với mỗi người bị tống giam, Hoa Kỳ phải chi trung bình $35,000 hàng năm, đem lại một tổng số chi phí lên tới 80 tỷ dollars vì toàn bộ hệ thống cải huấn. Nếu thêm vào đó phí tổn mất năng xuất do việc tù tội mang lại, ta phải cộng thêm 97 tỷ dollars nữa. Năm 2009, việc chống tội phạm đã làm Hoa Kỳ mất 94 tỷ dollars.

Xét vì những chi phí nặng nề như thế đối với nền kinh tế và các nhạy cảm bẩm sinh về dân chủ của Hoa Kỳ, luận điểm của Wilkinson và Pickett quả có lý: bình đẳng hơn về kinh tế thực sự có lợi hơn cho mọi người. Nó làm cho xã hội mạnh hơn. Tuy nhiên, Wilkinson và Pickett không cho ta những chỉ dẫn rõ ràng làm thế nào để biến xã hội Hoa Kỳ thành bình đẳng hơn. Dĩ nhiên, không ai cho rằng hoàn toàn bình đẳng về thu nhập là điều có thể thực hiện được. Vì dù sao, một mức bất quân bình nào đó vẫn cần thiết để kích thích và tưởng thưởng các cố gắng đạt năng xuất cao hơn. Nhưng, nếu sự bất quân bình này lên tới cao độ, nó sẽ phá hủy mọi gắn bó xã hội và dấn thân cho ích chung. Ta có thể tự hỏi phải chăng, nay sự bất quân bình kia đã lên tới đỉnh điểm?

Theo John Coleman, S.J. America, 20 tháng 10, 2011

 
Top Stories
Chine: Trois jeunes prêtres de Shantou ont été ordonnés dans le diocèse de Haimen
Eglises d'Asie
09:51 02/11/2011
Chine: Pour tenter de contourner la situation difficile dans laquelle se trouve Mgr Huang, évêque « officiel » illégitime, trois jeunes prêtres de Shantou ont été ordonnés dans le diocèse de Haimen

Eglises d'Asie, 2 novembre 2011 - Trois jeunes diacres du diocèse de Shantou, dans la province du Guangdong, ont été ordonnés prêtres en la cathédrale du Bon Pasteur à Nantong, diocèse de Haimen, dans la province du Jiangsu située à 1 400 km de Shantou. La cérémonie ...

... a eu lieu le 27 octobre dernier et était présidée par deux évêques « officiels » reconnus par Rome, à savoir l’évêque de Pékin, Mgr Joseph Li Shan, et l’évêque du lieu, Mgr Joseph Shen Bin. La messe s’est déroulée en l’absence de Mgr Joseph Huang Bingzhang, ordonné évêque de manière illicite – car sans mandat pontifical – le 14 juillet dernier à Shantou (1).

Un total de cinq prêtres ont été ordonnés ce 27 octobre à Nantong : trois diacres de Shantou, Chen Zifa, Wang Feijing et Zeng Qingyao, et deux diacres appartenant au diocèse de Haimen.

En apparence, l’ordination des trois prêtres de Shantou permet de résoudre un certain nombre des difficultés qui découlent du fait que l’évêque auquel ils se rattachent s’est placé en dehors de la communion ecclésiale en acceptant d’être ordonné évêque sans l’accord de Rome. Il semble toutefois que cette ordination soulève plus de questions qu’elle n’apporte de réponses, notent les observateurs.

En effet, deux jours après l’ordination le 14 juillet dernier de Mgr Huang Bingzhang, le Saint-Siège avait rendu public le fait que le Mgr Huang s’était de lui-même exposé à une peine d’excommunication latae sententiae et qu’il n’avait donc pas autorité à diriger la communauté catholique de son diocèse. Concrètement, selon le droit canon, Mgr Huang ne peut célébrer l’eucharistie, administrer aucun sacrement ou bien encore exercer les fonctions ministérielles attachées à son ministère ; tous les actes qu’il serait amené à prendre dans le cadre de son diocèse sont entachés de nullité.

Selon des sources ecclésiales locales, Mgr Huang, conscient des sanctions qui pèsent sur lui, n’a pas voulu que les conséquences de ses actes retombent sur les séminaristes de Shantou et que ceux-ci se trouvent dans une situation qui les empêche de devenir prêtre. Il aurait donc, toujours selon ces sources, trouvé un accord avec l’évêque de Haimen et l’évêque de Pékin, tous deux vice-présidents des structures nationales « officielles » de l’Eglise, comme Mgr Huang Bingzhang, pour que ce soient eux qui confèrent l’ordination sacerdotale aux trois jeunes diacres. Cité par l’agence Ucanews (2), une de ces sources explique que le P. Huang « a probablement pris en compte les circonstances dans lesquelles se trouvent ces jeunes et il a voulu desserrer la contrainte psychologique qui pèse sur eux en renouant avec une pratique adoptée par un de ses prédécesseurs ». Evêque de Shantou de 1981 à sa mort en 1997, Mgr John Cai Tiyuan, dont le mandat épiscopal n’était pas reconnu par Rome, n’a ordonné aucun des vingt prêtres qui ont accédé au sacerdoce du temps de son épiscopat dans son diocèse.

En réalité, à considérer de plus près tant le droit canon que le contexte entourant les ordinations sacerdotales du 27 octobre, il semble que l’accès au sacerdoce de Chen Zifa, Wang Feijing et Zeng Qingyao n’aille pas de soi.

Concernant le contexte des ordinations, selon les informations qui sont parvenues à Eglises d’Asie, au moins deux autres séminaristes du diocèse de Shantou ayant terminé leur formation auraient pu être ordonnés. Or, il semble que ces deux séminaristes n’ont pas souhaité accepter l’ordination sacerdotale dans les conditions qui ont été celles du 27 octobre. En agissant ainsi, ils se sont démarqués des trois nouveaux prêtres qui apparaissent comme étant proches de Mgr Huang Bingzhang. A titre d’exemple, Chen Zifa, Wang Feijing et Zeng Qingyao, qui avaient déjà été ordonnés diacres, ont participé à l’ordination illicite du 14 juillet à Shantou.

Du point de vue canonique, les informations disponibles ne permettent pas de dire si le droit de l’Eglise a été respecté pour ces ordinations sacerdotales. En effet, dans l’hypothèse où un séminariste n’est pas ordonné par son évêque, il doit recevoir de lui des « lettres dimissoriales », ce courrier par lequel un évêque ou un administrateur diocésain autorise un autre évêque à conférer les ordres sacrés à l’un de ses diocésains (3). Dans le cas d’espèce, si ces lettres ont été signées par Mgr Huang Bingzhang, elles sont entachées de nullité en raison de la sanction d’excommunication qui le frappe et du fait qu’il n’est canoniquement pas l’ordinaire du lieu. Pour qu’elles soient valides, ces lettres doivent été signées par le vieil évêque de Shantou, Mgr Pierre Zhuang Jianjian, évêque titulaire nommé par le pape mais non reconnu par le gouvernement. La deuxième question qui se pose est celle de la communion des deux évêques ordinants, l’évêque de Haimen et l’évêque de Pékin, qui, du fait qu’ils ont pris part aux cérémonies d’ordination épiscopale illicite de ces derniers mois, sont eux aussi frappés d’une peine d’excommunication latae sententiae (et rien n’indique à ce jour que cette peine ait été levée par le Saint-Siège) (4). Dans un cas de figure comme dans l’autre, un canoniste est donc en mesure de s’interroger sur la licéité des ordinations sacerdotales ainsi conférées, ce qui ne fait qu’amplifier le trouble dans le diocèse de Shantou, aussi bien au sein de la communauté des prêtres que de celle des laïcs.

(1) A propos de l’ordination illicite de Mgr Huang Bingzhang, voir dépêche EDA du 15 juillet 2011 : http://eglasie.mepasie.org/asie-du-nord-est/chine/huit-eveques-participent-a-une-nouvelle-ordination-episcopale-illicite-dans-la-cathedrale-saintjoseph-a-shantou
(2) Ucanews, 2 novembre 2011.
(3) Code de droit canonique, canon 1015 : « §1. Chacun sera ordonné au presbytérat et au diaconat par son évêque propre, ou en ayant de lui des lettres dimissoriales régulières.
§2. L’évêque propre, qui n’est pas empêché par une juste cause, ordonnera lui-même ses sujets (...).
§3. Celui qui peut donner des lettres dimissoriales pour la réception des ordres, peut aussi conférer lui même ces ordres s’il possède le caractère épiscopal. »
Ce canon détermine qui est l’évêque propre et qui peut donner des lettres dimissoriales. La disposition affecte la licéité de l’ordination. Le canon 1383 stipule : « A l’évêque qui, contre les dispositions du can. 1015, a ordonné le sujet d’un autre sans lettres dimissoriales légitimes, est défendu de conférer l’ordre pendant une année. Quant à celui qui a reçu l’ordination, il est, par le fait même, suspens de l’ordre reçu. »
(4) Code de droit canonique, canon 1382 : « L’évêque qui, sans mandat pontifical, consacre quelqu’un évêque, et de même celui qui reçoit la consécration de cet évêque encourent l’excommunication ‘latae sententiae’ réservée au Siège Apostolique. » (latae sententiae signifie qu’il n’y a besoin d’aucune décision exprimée de l’autorité compétente, les contrevenants étant supposés savoir que leur comportement est délictueux).

(Source: Eglises d'Asie, 2 novembre 2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nam Úc - Thánh Lễ Cầu Cho các Đẳng Linh Hồn ngày 02 tháng 11
Jos. Vĩnh SA
06:39 02/11/2011
Adelaide – Nam Úc. Hôm nay trời nắng đẹp, khởi sắc mùa Xuân vùng Nam Bán Cầu. Lúc 5 giờ chiều, mồng 2 tháng 11, sau giờ tan sở, có khoảng 200 tín hữu đồng hương đã qui tụ đến khu Vườn Hồng, nghĩa trang dành riêng cho người Việt trong Enfield Memorial Park, để tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Thánh Lễ được cử hành ngay bên phần mộ của những người quá cố.

Chủ tế Thánh Lễ Lm. GB. Nguyễn Viết Huy Sj phó quản nhiệm Cộng Đồng, cùng đồng tế có Lm. Giuse Phạm Minh Ước Sj cựu quản nhiệm.

Sau lời nguyện nhập lễ, Cha Chủ Tế đã đi rảy nước Thánh trên các phần mộ của những đồng hương quá cố.

Bài giảng trong trong Thánh Lễ, Cha Chủ tế nói lên ước vọng của những thân nhân quá cố đang chờ đợi chúng ta cầu nguyện, để xin Chúa tha thứ những lỗi lầm của họ khi còn ở trần thế, cho các linh hồn mau được về Thiên Quốc, gần bên Chúa, họ sẽ cầu nguyện cho chúng ta.

Kết thúc Thánh Lễ từng gia đình đã đến các phần mộ của thân nhân, thắp nhang, nến và cầu nguyện cho các linh hồn người thân của mình đang nằm dưới lòng đất.

Click Xem Hình Nơi Đây
 
Thánh Lễ Truyền chức Linh Mục tại Nagoya-Nhật Bản
Dom Nguyễn
07:12 02/11/2011
Thánh Lễ Phong Chức Linh Mục cho Hai Tu Sĩ Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời tại Nhật Bản.

Vào lúc 2 giờ 30, ngày 15 tháng 10 năm 2011, tại Nhà thờ Nanzan thuộc Giáo Phận Nagoza đã diễm ra Thánh lễ Phong chức Linh mục cho hai Tu sĩ thuộc Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời : Thầy Rajcani Jakusb, SVD và Thầy Antôn Vũ Khánh Tường, SVD. Hiện diện trong Thánh lễ Truyền chức có đông đảo các Linh mục, Tu sỹ nam nữ và gia đình của hai tiến chức đến từ Slovakia và Việt Nam.

Trước khi Thánh lễ bắt đầu, Ca đoàn Việt Nam đã cất cao bài hát “Từ ngàn xưa” của Linh mục nhạc sĩ Kim Long như một sự chuẩn bị tâm hồn cho mọi người; Đồng thời, cũng như một lời dẫn đưa các tiến chức đi sâu vào hơn với huyền nhiệm của Bí tích Truyền chức. Thánh lễ do Đức Giám mục Augustinô Junichi Nomura – Giám mục Giáo Phận Nagoza chủ phong với sự hiện diện đồng tế của đông đảo các Linh mục.
Xem hình ảnh

Bài đọc I trích từ sách 1Sa-mu-en 16,1-13. Bài đọc II trích từ thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô 1,18-31 được đọc bằng tiếng Nhật. Bài Tin mừng theo Thánh Mát-thêu 14, 13-21 được công bố bằng cả hai thứ tiếng Việt – Nhật.

Sau đó, nghi thức Phong chức được bắt đầu với phần xướng danh và thẩm vấn. Tiếp đến, Đức Giám Mục chủ phong chia sẻ với các tiến chức về thừc tác vụ sắp lãnh nhận và mời gọi các tiến chức hãy chu toàn cách cẩn thận và trung thành. Nghi thức Phong chức được tiếp nối với Kinh cầu Các Thánh. Ý thức được thân phận yếu đuối và mỏng giòn nơi con người nên Giáo hội đã tha thiết nguyện xin sự trợ lực, giúp sức của Các Thánh trên trời xuống nơi các tiến chức; Để nhờ đó, các tiến chức chu toàn cách nhiệt tâm và trọn vẹn sứ vụ được nhận lãnh. Tiếp theo, Đức Giám mục chủ phong và các linh mục đồng tế đặt tay trên đầu các tiến chức nói lên việc thông ban Thánh Thần, và lời nguyện thánh hiến làm cho các tân chức được chọn tham dự vào sứ mạng của Chúa Kitô. Đồng thời, việc đặt tay cũng trở nên như dấu hiệu nhận một người anh em vào Linh-mục-đoàn. Đức Giám Mục đọc Lời nguyện phong chức, "xin Cha toàn năng đổi mới Thần Trí thánh hóa trong lòng tân chức, cho các thầy biết chu toàn chức vụ Nhị Phẩm nhận được từ nơi Cha và cho các thầy biết cải thiện phong hóa thế gian bằng gương sáng đời sống của mình". Sau Lời nguyện Phong chức, Các tiến chức được mặc phẩm phục tế lễ, được xức dầu thánh hiến bàn tay và nhận lấy bánh rượu là lễ vật của dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa. Nghi thức phong chức kết thúc với cử chỉ trao chúc bình an của Đức Giám mục cho Tân Linh mục và lời chúc bình an của hai Tân Linh mục với cộng đoàn hiện diện.
Thánh lễ được tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể mà các Tân Linh Mục được tham dự lần đầu tiên trong tư cách một "người phục vụ" đúng với sứ mạng vừa được lãnh nhận.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, hai Tân Linh mục đã nói lên tâm tình quý mến - biết ơn đối với Đức Cha, quý cha và các thành phần dân Chúa. Sau đó Đức Đức Giám Mục đã đến quỳ trước mặt Hai Tân Linh mục để nhận phép lành đầu tiên. Tiếp ngay sau đó, Hai Tân Linh mục cũng đã ban Phép Lành đầu tay cho cả cộng đoàn hiện diện.

Sau Thánh lễ, mọi người hiện diện đã chia sẻ niềm vui cùng với Hội Dòng Ngôi Lời và Hai Tân Chức bằng bữa tiệc trà và văn nghệ “cây nhà lá vườn”, với các diễn viên thuộc mọi thành phần trong Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật và những người tham dự. Chương trình văn nghệ thật hấp dẫn, vui tươi và sinh động, đã góp thêm niềm vui và làm cho bầu khí thêm hân hoan trong Thánh lễ Phong chức.

Với Thánh lễ Truyền chức Linh mục đã không chỉ góp thêm cho Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời tại Nhật Bản Hai Tân Linh mục, nhưng còn góp thêm cho cánh đồng Truyền giáo tại Nhật Bản Hai Nhà Truyền Giáo mới giữa tháng Cầu nguyện cho công cuộc Truyền giáo của Giáo Hội. Bên cạnh đó, Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật Bản cũng hy vọng sẽ có thêm một vị mục tử như lòng Chúa ước mong và lòng người ước nguyện.

Dom-Nguyễn
 
Thánh lễ bàn giao giáo xứ tại giáo phận Thanh Hóa trong tiết giao mùa…
Maria Én Trần
08:56 02/11/2011
Thánh lễ bàn giao giáo xứ tại giáo phận Thanh Hóa trong tiết giao mùa…

Tháng Chín, tháng của lá vàng rơi, tháng của những cơn gió heo may và cái se lạnh man mác. Tháng chín, trời bắt đầu giao mùa: không còn cái nóng bỏng rát của những ngày hè, cũng chưa đến cái lạnh thấu xương của những ngày đông. Nắng tháng Chín dịu dàng, lạnh tháng Chín nhẹ nhàng. Trong không khí giao mùa ấy, Giáo phận Thanh Hóa cũng bước vào “mùa” chuyển giao giáo xứ. Sẽ có lời tạm biệt đầy tiếc nuối, sẽ có lời chào đón đầy yêu thương, sẽ có tình huynh đệ hiệp nhất… Và sẽ có bao nhiêu hi vọng mới lại bắt đầu từ tháng Chín thân yêu này. Sắc áo đỏ của linh mục đoàn trong những thánh lễ bàn giao xen lẫn trong sắc vàng của lá, trong những cơn gió heo may đã đến với vùng non cao trập trùng trong sương sớm; đến với vùng biển mặn mời của muối trong tiếng sóng lùa nhẹ vào bờ cát vàng hun hút, hay đến với đồng bằng với những mầu xanh thẩm của những mầm mạ… làm nên những hình ảnh đẹp nhất của tình hiệp nhất trong tình yêu Chúa Giêsu Kitô.

Ý nghĩa của mỗi lần “ra đi”…

Mỗi một lần thuyên chuyển là một lần các linh mục “ra đi” theo tấm gương Chúa Giêsu khi xưa. Nhắc tới “ra đi” làm tôi nhớ tới câu thơ của Nguyễn Đình Thi:

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”


Tính chất của của sự ra đi trong câu thơ của Nguyễn Đình Thi hoàn toàn khác với sự ra đi của linh mục. Nhưng cái tình trong đó sao mà giống quá. Đó là cảm xúc của người đi, quyến luyến lắm, bịn rịn lắm và cũng tiếc nuối lắm nhưng đành phải quay đi mà không thể nhìn lại. Đó là cảm xúc của người ở lại, là nỗi nhớ, là sự níu kéo không nguôi…

Trong đợt thuyên chuyển lần này có 35 linh mục ra đi, hoặc về hưu, thuyên chuyển nhiệm sở, hoặc thuyên chuyển nhiệm vụ.

Tại sao linh mục lại cứ phải “ra đi”, sao phải thuyên chuyển? Các cha cứ bén duyên với một vùng đất, cứ gắn bó với cộng đoàn chừng ba năm, bốn năm, thậm chí đến chục năm trời thì lại phải chia tay. Tại sao lại như vậy?

Bởi lẽ mỗi lần như thế linh mục có cơ hội trở nên giống Chúa Kitô hơn. Bởi vì các linh mục chính là Tông đồ của Người. Khi xưa Người được Chúa Cha sai đi với sứ mệnh cao cả vì con người. Và Người cũng đã sai các môn đệ, các Tông đồ của Người ra đi. Và ngày nay, mỗi một lần ra đi, linh mục đem theo tình yêu và hồng ân bao la của Thiên Chúa để trao ban cho con người.

Mỗi một lần các cha rời nhiệm sở là mỗi một lần vang vọng hai tiếng “xin vâng”. Đó là mỗi lần thử thách. Chúng ta là con người, và tình cảm chính là thứ thiêng liêng nhất, quí giá nhất ngự trị trong chúng ta. Linh mục cũng là con người, cũng có tình cảm và có những mặt yếu đuối của con người. Nhưng linh mục không có quyền yêu bất cứ ai, gắn bó với bất kỳ cuộc đời nào hay vùng đất nào. Cuộc đời của các cha là ra đi, và dù có biết bao tình cảm thì cũng phải “ra đi đầu không ngoảnh lại”.

Hơn thế nữa khi tuyên hứa sẽ dâng cả cuộc đời để làm Tông đồ cho Chúa, linh mục cũng đã xác tín một điều: các cha không còn có một gia đình riêng, một quê hương riêng nữa. Gia đình của các cha là giáo hội, quê hương của các cha là cộng đoàn. Vì vậy cho dù các cha có đi đâu, có tới miền đất nào thì nơi đó cũng là gia đình của cha, quê hương của cha. Vậy thì ra đi cũng đỡ phần đau lòng. Giống như người mẹ của những gia đình đông con, mỗi một lần di chuyển là các cha đang đi thăm con cái của mình.

Bên cạnh đó như lời của Đức Cha Giuse: linh mục là tài nguyên thiêng liêng của Giáo phận. Vì vậy, nguồn tài nguyên ấy phải được san sẻ trên toàn giáo phận. Cha này nghiêm khắc thì sẽ đưa giáo xứ về qui củ. Cha kia vui tính chăm lo tới đời sống tinh thần của cộng đoàn. Cha thì xây nhà, xây cửa, cha thì xây dựng đời sống tâm linh…

Với ý nghĩa đó, các cha phải “ra đi”…

Những hình ảnh đẹp của những ngày chuyển xứ…

Tôi là một người may mắn khi được góp mặt trong rất nhiều thánh lễ bàn giao vừa qua. Dù chỉ là vị khách, chỉ chứng kiến thôi nhưng tôi không khỏi xúc động. Có những niềm vui không thể diễn tả được thành lời và có những giọt nước mắt không thể kiềm lại. Thực sự nước mắt đã rơi rất nhiều. Dù có ở đâu, trên non cao Vân Lung, Đồng Mực… hay sâu xuống vùng biển Nghi Sơn, Đa Phạn… đến vùng đồng bằng Kiến An, Tân Hải… đâu đâu tôi cũng thấy những giọt nước mắt rơi, những đôi mắt hoe đỏ, những tiếng nấc nghẹn ngào. Có giọt nước mắt rơi vì quyến luyến cha cũ, có giọt nước mắt rơi vì cha đau ốm bệnh tật sợ rằng cha đi rồi không có người chăm lo nhưng cũng không thiếu những giọt nước mắt rơi vì hạnh phúc. Hạnh phúc vì cha đã đến với chúng con.

Làm sao chúng ta có thể tìm thấy được điều đó trong xã hội xô bồ này. Đôi khi ở ngoài đó, người ta còn mong mỏi người đó nhanh đi thì hơn…

Giọt nước mắt của niềm vui…

Đó là một Hải Lập hân hoan khi đón cha J.B Trịnh Quốc Vương; một Nghi Sơn đón cha Giuse Bùi Quang Tạo đến ở cùng cộng đoàn sau bốn năm được nâng lên hàng giáo xứ.

Đó là một Đồng Mực nghèo, cheo leo trên non cao với niềm hạnh phúc vô bờ khi được đón cha Phêrô Nguyễn Mạnh Tám. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhà ở cho cha còn nghèo nàn, số giáo dân thì ít, vậy mà giáo xứ vẫn được Đức Cha thương xem ban cho linh mục về ở cùng với họ.

Hay giáo xứ Kiến An cũng như thế. Ai mà tới với giáo xứ này đều thấy rằng nơi đây nghèo quá. Con đường lầy lội ngày mưa, mái nhà lá sao đủ che mưa che nắng. Hơn nửa thế kỷ thành lập, giờ đây giáo xứ mới được đón tiếp cha Giuse Phạm Văn Duẩn về ở cùng…

Đó là niềm vui khi thánh lễ bàn giao lại trùng với những ngày lễ lớn khác như bế mạc tuần chầu, là ngày Khánh Nhật truyền giáo, là Lễ Mân Côi…

Và nỗi buồn…

“Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”


Những câu thơ của cố nhà thơ Thâm Tâm dường như dậy sóng qua lời đọc cùng tiếng nấc nghẹn ngào của vị đại diện giáo xứ Tân Đạo trong ngày chia tay cha Phaolo Đỗ Nguyên Hoàn. Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh nhiều cụ ông với hai hàng răng móm mém, nhiều cụ bà tóc trắng hết cả mái đầu ôm mặt khóc. Cảm động làm sao tình mục tử, chiên lành ở Phúc Lãng, cha Phaolo Phạm Văn Điền lọt giữa cộng đoàn giáo xứ Đông Quang và cơn mưa nước mắt. Nếu như ai đã một lần chứng kiến cảnh ấy mà không rơi lệ thì người ấy quả thật quá lạnh lùng. Từ người già đến trẻ nhỏ, từ đàn ông đến đàn bà, đến cả những cậu thanh niên tóc hoe hoe đều vây quanh cha xứ thân yêu của họ. Níu kéo tất cả thời gian, níu kéo hình ảnh và níu kéo những tiếng “cha ơi về với chúng con” đầy nũng nịu.

Cha cũng khóc mà con cũng khóc. Chia ly mà sao tránh khỏi đau buồn. Nhưng có khóc nhiều như thế, thương nhiều như thế thì chỉ có ở những người công giáo mà thôi.

Cảm động hơn có giáo dân còn xin với Đức Cha cho cha xứ của họ ở lại. Vì cha xứ của họ đau ốm, sợ rằng đến nơi mới không có người chăm lo…

Không có thánh lễ nào là không thấm giọt lệ sầu dù là tiễn cha phó xứ hay tiễn cha chính xứ.

Những hình ảnh đẹp về tình hiệp thông, tình huynh đệ, tình liên đới

Có thể nói những giọt nước mắt rơi cho dù là buồn nhưng lại tạo nên một hình ảnh đẹp của những người Kitô giáo. Điều đó nói lên tình cảm chân thành của đoàn chiên với mục tử, đó là tính hiệu lạc quan cho giáo phận Thanh Hóa đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ.

Không ở đâu như ở các xứ đạo, tình hiệp thông lại mạnh mẽ như vậy. Dù trong hoàn cảnh nào, mưa, nắng, bão, gió. Dù điều kiện giàu nghèo ra sao. Dù công việc có bận rộn thế nào thì giáo dân cũng luôn đồng hành cùng cha xứ. Cho dù có buồn vì phải chia tay cha thì mọi người cũng lên đường đồng hành đưa cha về xứ mới. Mọi người vẫn thường hay trêu đùa các cha, đi tiễn cha mà cứ như đưa con gái về nhà chồng. Từng đoàn người nối nhau đi, xa thì đi ô tô, gần thì đi xe máy. Trời mưa thì xuống lội bùn…

Và ở các thánh lễ đó còn nổi bật lên tình huynh đệ của các linh mục. Các cha dù có bận trăm công nghìn việc, dù có xa xôi cỡ nào, và đôi khi sức khỏe không cho phép vẫn có mặt đông đủ trong thánh lễ nhận xứ của anh em mình. Có thánh lễ gian cung thánh không đủ chỗ ngồi, các cha phải ngồi vào lòng nhà thờ. Màu đỏ trên áo các cha tô thắm cả thánh lễ.

Rồi ở đó còn có tình liên đới giữa những người cùng một đức tin. Bạch Câu là một trong những giáo xứ nghèo nhất giáo phận, vẫn cố gắng làm bữa cơm tươm tất để bà con giáo dân khách dự lễ có thể ấm bụng mà trở về.

Và đẹp nhất, ý nghĩa nhất là sự hiện diện của Đức Cha Giuse – Giám Mục giáo phận; của cha Tổng Đại Diện, dù tuổi đã cao, lại phải gánh trên vai biết bao công việc trọng đại nhưng vẫn tới dự, chủ tế các thánh lễ bàn giao. Điều đó nói lên tình liên đới và hiệp thông trong tình yêu thương và quan tâm của bản quyền giáo phận đối với con cái của mình.

Những hình ảnh đẹp, thiêng liêng của các nghi thức nhận xứ cũng luôn là tâm điểm của các thánh lễ…

Chắc là sẽ còn nhiều nhiều nữa những cái hay, cái đẹp, cái thiêng liêng trong những ngày vừa qua mà tôi còn chưa khám phá ra được. Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi đã cho tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Tôi đã được chứng kiến biết bao điều ý nghĩa, tôi đã được thấy biết bao hình ảnh đẹp, và niềm tin, niềm hy vọng của tôi cũng lớn dần thêm. Tôi hy vọng những nụ cười sẽ không bao giờ tắt trên cộng đoàn công giáo thân yêu của tôi. Tôi tin những giọt nước mắt kia sẽ nhanh khô và trôi vào trong kỷ niệm, để mọi người cùng nhau tiến lên, cùng phấn đấu, vì Chúa, vì tình linh mục, và vì tình yêu thương không bao giờ lụi tàn trong Chúa Giêsu Kitô…

Maria Én Trần
 
Lễ các Thánh và Lễ các Linh hồn tại Giáo xứ Đức Mẹ Hằng cứu giúp Maidstone
Trần Văn Minh
10:01 02/11/2011
Melbourne - Vào lúc 19 giờ 30 các ngày 1 và 2 Tháng 11 Năm 2011. Tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Our Lady) vùng Maidstone, Cộng đoàn Công giáo Việt Nam hợp cùng Giáo hội Công giáo Hoàn vũ mừng kính Lễ các Thánh và Lễ Các đẳng Linh hồn thật sốt sắng.

Xem hình ảnh

Cả hai buổi lễ do Linh mục Philip Lê Văn Sơn và Linh mục Kỉnh đồng tế. Đặc biệt ngày mùng 2 tháng 11 là Lễ các Linh hồn. Linh mục đã kêu gọi giáo dân trong cộng đoàn, những ai có người thân đã qua đời, xin cùng mang di ảnh đến đặt trên gian cung thánh để mọi người cùng hợp ý cầu nguyện chung trong ngày lễ đặc biệt trong tháng Các Linh hồn.

Trên cung Thánh, nhà xứ cũng có đặt một cuốn sổ, để mọi người lên ghi nhớ các linh hồn tiền nhân, thân bằng quyến thuộc trong gia đình, để trong các thánh lễ các linh mục chủ lễ dâng lên Thiên Chuá lời thiết tha khẩn cầu đến lượng từ ái, xin Chuá cứu các linh hồn và đưa về nơi an nghĩ vĩnh hằng trên Thiên quốc.

Trước lễ, hai linh mục cùng ngồi trước bàn thờ, nơi có một tấm vải trắng với hình cây Thánh giá màu tím, cũng là nơi mà chung quanh được giáo dân mang những tấm ảnh người thân trong gia đình lên đặt. Linh mục chủ tế hướng dẫn suy niệm, sau mỗi suy niệm về mầu nhiệm cuộc khổ nạn cuả Chuá Giêsu, vì Ngài chịu khổ nạn để cứu rỗi loài người chúng ta để cho mọi người suy gẫm, mọi người cùng đọc kinh cầu nguyện cho các Linh hồn. Ca đoàn Nữ vương phụ trách phần thánh ca trong hai thánh lễ.

Với truyền thống nhớ ơn tổ tiên ông bà, mọi người trong cộng đoàn với lòng hiếu thảo đã về dự lễ thật đông, nhớ lại những ngày xưa trên quê hương, vào những ngày Lễ Các Linh hồn, mọi người được dự lễ trong nghiã trang và đứng ngay bên phần mộ cuả người thân trong gia tộc. Nay hình ảnh ông, bà, cha, mẹ, anh, em bạn hữu đang được hiện diện dưới chân bàn thánh làm cho buổi lễ nhiều ý nghiã, thiêng liêng hơn.

Đuợc biết, tại hầu hết các Cộng đoàn Công giáo Việt Nam thuộc Tổng giáo phận Melbourne đều có các buổi lễ các Thánh Nam Nữ và cầu cho Các linh hồn. Các cộng đoàn lớn còn có các lễ viếng nghiã trang.
 
Thánh lễ cầu cho các linh hồn tại Saigòn
Maria Vũ Loan
10:12 02/11/2011
SAIGÒN - Ngày 02/11/2011, nếu ai sống ở Sài Gòn sẽ nhận thấy ngày lễ cầu cho tín hữu qua đời có một bầu khí lạ thường.

Xem hình ảnh

Ngay từ bốn giờ chiều, giáo dân đã tấp nập đi dâng lễ. Nhà thờ nào cũng đông người dù giờ lễ có khác biệt từ ba mươi phút hay một giờ đồng hồ. Năm nay, lễ cầu hồn rơi vào ngày thứ tư làm người ta có cảm tưởng như là ngày đại lễ vì giờ dâng lễ trễ một cách khác thường.

Hôm nay, tùy theo đặc điểm của từng giáo xứ mà nghi thức tưởng nhớ người quá cố cũng có khác nhau một chút. Giáo xứ Chí Hòa chỉ dâng lễ cầu hồn trong nhà thờ, rồi sáng ngày hôm sau, 03/11/2011 Đức hồng y và quí cha trong giáo phận mới đến dâng lễ cầu cho các Giám mục, linh mục đã qua đời; mãi đến ngày 07/11/2011 mới có lễ trước nhà chờ Phục Sinh. Giáo xứ Nam Hòa thì dâng lễ trên nhà thờ trước, đến 19 giờ 30 mới có thánh lễ ở dưới khu nhà mồ. Giáo xứ Phú Trung, hạt Tân Sơn Nhì, kê bàn trước nhà hài cốt cùng dâng lễ; khi vừa xong phần phụng vụ Lời Chúa thì mưa to nên mọi người phải vào nhà thờ để tham dự phần phụng vụ Thánh Thể. Ở giáo xứ Bắc Dũng hạt Xóm Mới, mọi người dâng lễ trước nhà hài cốt, sau đó, mỗi người thắp một cây nến lần lượt vào bên trong gắn nến trên một cái bàn thấp; nhiều người đọc kinh cầu nguyện cho đến khi nến tắt thì đóng cửa nhà chờ Phục Sinh.

Đặc biệt ở giáo xứ Vườn Xoài hạt Tân Định, cha chánh xứ Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ có cách cầu nguyện khá hay, khá lạ đối với nhiều người và những ai có cha mẹ đã qua đời thì không khỏi ngậm ngùi rơi lệ: lúc 19 giờ 00 dâng lễ trong nhà thờ, rồi mọi người cùng xuống nhà hài cốt đọc kinh Lạy Cha và kinh Tin Kính, sau đó một vị đọc hai bài thơ: một bài nói về người Cha, một bài nói về người Mẹ, tiếp theo là có một anh học ở nhạc viện thổi kèn bài Uống Nước Nhớ Nguồn, sau cùng mọi người cùng hát bài Cầu Cho Mẹ Cha rồi trật tự ra về.

Tại giáo xứ Vinh Sơn 3, trước lúc 16 giờ 00, giáo dân đã đến ngồi kín sân nhà thờ, tràn vào khu hoa viên, hướng về phía cửa nhà hài cốt để dự thánh lễ. Thánh lễ đồng tế hôm nay, ngoài cha chánh xứ Giuse Nguyễn Minh Khôi còn có linh mục Giuse Trần Hoàng Quân ở Trung tâm Mục vụ và linh mục Đa Minh Nguyễn Văn Thịnh, dòng Ngôi Lời. Sau thánh lễ, quí cha vào nhà hàicốt dâng hương, rảy nước thánh trong tiếng hát trầm buồn của ca đoàn. Thánh lễ cuối cùng trong ngày là lúc 21 giờ 00.

Dù tổ chức thánh lễ cầu nguyện và tưởng nhớ các linh hồn bằng hình thức như thế nào thì người Công giáo cũng qui vào một niềm hy vọng – hy vọng người thân và các linh hồn được sống mãi trong hạnh phúc Phục Sinh của Đức Kitô.
 
Lễ các Đẳng Linh Hồn tại giáo xứ chính tòa Phủ Cam
Trương Trí
10:18 02/11/2011
HUẾ - Khởi đầu tháng 11 hằng năm, tháng mà Giáo Hội dành riêng để cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục. Sáng ngày 2, giáo xứ đã long trọng dâng thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho Các Đẳng Linh Hồn do cha quản xứ Antôn Dương Quỳnh chủ tế cùng với hai cha phó xứ.

Xem hình ảnh

Mở đầu thánh lễ, cha quản xứ nhắc nhở cộng đoàn cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục, trong đó có ông bà tổ tiên, cha mẹ, anh em và những người thân thuộc của chúng ta, cũng như những bậc tiền nhân, những ân nhân đã dày công vun đắp xây dựng cho giáo xứ.

Trong bài giảng lễ, cha phó Bênêđictô Ngô Văn Hài cũng đã nhấn mạnh việc Giáo Hội ưu tiên dành riêng tháng 11 để cầu nguyện cho các linh hồn, nhất là Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ.

Sau thánh lễ, ba cha đồng tế, HĐGX và cộng đoàn đã viếng mộ Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền được an táng tại cánh gà bên trái nhà thờ. Sau khi niệm hương và dâng hoa, cộng đoàn đã đọc kinh và dâng lời cầu nguyện.

Cũng trong buổi sáng, cha quản xứ và hai cha phó cùng với HĐGX và đại diện 12 khu vực, các ban nghành đoàn thể đã tổ chức viếng mộ cụ Micae Ngô Đình Khả. Sau khi niệm hương và dâng hoa, cha quản xứ Antôn Dương Quỳnh ôn lại cuộc đời của cụ: là một chủng sinh được đào tạo từ môi trường chủng viện An Ninh, nhưng Chúa không chọn cụ làm mục tử mà chọn cụ làm một vị Thượng Thư bộ Công của triều đình nhà Nguyễn. Cụ là một vị quan đã có nhiều công lao đối với nước nhà. Cụ là người khởi xướng và vận động thành lập trường Quốc Học năm 1896, cũng là vị Hiệu Trưởng đầu tiên của trường, vua Thành Thái đã đến dự buổi lễ thành lập trường. Cụ cũng là vị sáng lập trường Pellerin ( trường Bình Linh ). Cụ đã sinh ra những người con ưu tú của Giáo Hội và của đất nước, trong đó có Đức Tổng Giám Mục Phêrô Ngô Đình Thục, cụ Ngô Đình Diệm là vị tổng thống đầu tiên của nền Cộng Hòa, vị Tôi Tớ Chúa Đức Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận là cháu ngoại của cụ.

Sau buổi viếng, các cha đã cùng cộng đoàn chụp hình lưu niệm trước phần mộ của cụ.

Tiếp đó, đoàn đã lên nghĩa trang Thiên Thai viếng phần mộ Đức Giám Mục Allys và các cha quản xứ tiền nhiệm. Cha phó Bênêđictô mời gọi cộng đoàn dâng lời cầu nguyện cho các ngài sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Tháng cầu nguyện cho các Linh Hồn, quang cảnh nghĩa trang sáng rực màu sắc của hoa và khói hương nghi ngút, khắp các nẻo đều có bóng dáng người thân viếng mộ.

Tại đài tưởng niệm Thánh Phaolô Tống Viết Bường, một người con ưu tú và là niềm vinh dự của giáo xứ, cha phó Giuse Lê Văn Hồng ôn lại sự kiện vị Cai đội thị vệ dưới triều Minh Mạng, được triều đình cử đi dẹp giặc ở Quảng Nam. Sau khi thắng trận, tướng sĩ và binh lính theo thông lệ đến ngôi chùa gần đó là chùa Non Nước để tạ ơn Trời Phật. Riêng Ngài không vào, vua Minh Mạng biết được đã khiển trách và giáng chức, Ngài vẫn một lòng tuyên xưng chỉ thờ lạy Thiên Chúa chứ không lạy Phật. Vua Minh Mạng đã tức giận ra lệnh xử chém , dài tưởng niệm này chính là pháp trường mà Ngài đã bị xử chém.

Cuối cùng, đoàn đã đến viếng thăm nhà lưu niệm của Đức Cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận. Cha quản xứ nhắc nhở cộng đoàn cầu nguyện cho các linh hồn đã từng sinh sống trong ngôi nhà này, trong đó có các bậc sinh thành của vị Tôi Tớ Chúa: Cố Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê, vị Hồng Y lỗi lạc của Giáo Hội và cũng là niềm tự hào của giáo xứ chính tòa Phủ Cam chúng ta.

Trước lúc ra về, cộng đoàn đã chụp hình lưu niệm trước ngôi nhà lưu niệm của Ngài, nơi mà Ngài đã được sinh ra và lớn lên.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hai cuộc đảo chính 11.11.1960 và 01.11.1963
Đại Tá Phạm Văn Hưởng tường thuật
19:53 02/11/2011
Hai cuộc đảo chính 11.11.1960 và 01.11.1963 do cựu Đại tá Phạm Văn Hưởng tường thuật

Vài lời nói đầu: Hồi còn ở làng quê miền Bắc, nhà ông bà cụ thân sinh của Đại tá Phạm Văn Hưởng là chỗ lối xóm với nhà bố mẹ tôi; nhưng tôi không biết ông, chỉ nghe nói về ông, một phần vì tuổi tôi quá nhỏ so với ông, phần khác vì từ lâu, ông đã đi học xa.

Vận nước nổi trôi. Mấy thế hệ ‘trai thời loạn’ cũng theo vận nước mà trôi nổi.

Cuối năm 1983, sắp tới ngày Lễ Chúa Giáng Sinh, gần một trăm tù cải tạo chúng tôi được chuyển từ Trại A 20, Xuân Phước, Phú Khánh (Tác giả Nguyễn Chí Thiệp gọi là Trại Kiên Giam) về Trại Z 30 A, gần chân núi Gia Rai, Ngã ba Ông Đồn đi vào. Tại đây, tôi gặp Đại tá Phạm Văn Hưởng đã chuyển từ miền Bắc vào trước đó.

Đại tá Hưởng cỡ tuổi mấy ông anh lớn của tôi, cho nên ông coi tôi như em út. Gặp ông, tôi hỏi tại sao ngày ‘sập trời’, gia đình ông đi hết mà ông còn ở lại. Ông bảo: ‘Chú coi, tôi trách nhiệm cả hai chục ngàn tân binh, làm sao tôi bỏ mà đi được!’.

Bẵng đi một thời gian, nhân dịp nghỉ Lễ Độc Lập nước Hoa Kì đầu Tháng 7, 2011 vừa qua, tôi và một đàn anh đồng môn xưa, đi Oklahoma City thăm một vị ân sư, rồi thăm Đại tá Phạm Văn Hưởng. Cả hai vị đang nghỉ hưu tại thành phố này. Suốt hai tiếng đồng hồ, chúng tôi bị thu hút bởi câu chuyện về cuộc đời học tập, phục vụ và chiến đấu của vị cựu Đại tá. Trước khi chúng tôi từ giã, Đại tá Hưởng đưa tôi vào thư phòng, lấy xuống cho tôi những cuốn sách tôi cần. Duy có cuốn Nhớ Lại Những Ngày Ở Cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm của Cố Đại tá Nguyễn Hữu Duệ kí tặng ông, ông lấy ra, ngần ngừ một lát, rồi lại bỏ lên kệ. Tôi hiểu ra ngay và không dám hỏi xin, vì tôi kính trọng tình cảm sâu nặng của ông đối với cựu Đại tá Duệ, người bạn từng chiến đấu sát cánh với ông để bảo vệ Tổng thống Ngô Đình Diệm năm xưa. Người bạn đồng chí nay đã ra người thiên cổ, ông giữ sách của bạn để thấy sách cũng như thấy người. Vả lại, tôi đã có đọc qua những bài viết của Đại tá Nguyễn Hữu Duệ, và nếu cần, tôi vẫn có thể tìm đọc lại cuốn sách đó trên mạng vantuyen.net. Cuối cùng, Đại tá Hưởng đưa cho tôi 2 bài đánh máy tường thuật cuộc đảo chính 11.11.1960 và cuộc đảo chính 01.11.1963, trích từ cuốn hồi kí ông viết để tặng riêng cho con cháu.

Về nhà, đọc hai bài tường thuật của Đại tá Hưởng, tôi thấy nội dung có những chi tiết sống động mà chỉ người trong cuộc mới nghe và thấy được. Do 2 cuộc chính biến xẩy ra cách nay đã quá lâu và do trí nhớ không còn được như xưa của một vị đại lão 88 tuổi, cho nên rất có thể tác giả không tránh khỏi một vài thiếu sót. Song nói chung, phải công nhận Đại tá Phạm Văn Hưởng quả là một trong số những người công chính đã viết một cách công chính về một nhân vật công chính là Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Tôi gọi xin Đại tá cho phép tôi được chuẩn bị, đánh máy vào computer để phổ biến hai bài này vào dịp Lễ Giỗ thứ 48 của Tổng thống Ngô Đình Diệm, tức là ngày 02.11.2011. Đại tá Hưởng đã đồng ý.

Trước khi mời qúy độc giả đọc 2 bài tường thuật của Đại tá Phạm Văn Hưởng, để độc giả biết thêm chút ít về Cựu Đại tá Phạm Văn Hưởng, sau đây, tôi xin tóm lược tiểu sử của ông, căn cứ vào những gì tôi được nghe ông kể và những chi tiết thâu nhận được từ hai bài tường thuật của ông.

Sơ lược tiểu sử Đại tá Phạm Văn Hưởng:

Sinh năm 1923 tại Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình.

Cựu đệ tử Dòng Chúa Cứu Thế Huế và Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, Hà Nội.

Tình nguyện nhập học Sĩ quan Khóa 2, Huế.

Sau khi mãn khóa, đi hành quân các Tỉnh Thái Bình, Bùi Chu, Nam Định và Hòa Bình.

Tháng 6.1952, học Khóa Chiến thuật Chiến lược tại Hà Nội.

Trong Chiến dịch Lotus (Tỉnh Hòa Bình), được Quốc trưởng Bảo Đại gắn Bảo quốc huân chương Đệ ngũ đẳng và Anh dũng bội tinh với ngành dương liễu tại mặt trận.

Sau đó, trong Chiến dịch Tây Bắc (Sơn La, Lai Châu), ông bị Cộng sản bắt làm tù binh từ Tháng 11.1952 tới Tháng 12.1954 thì được thả.

Tháng 01.1955, trốn vào Nam.

Tháng 8.1955, được gọi tái ngũ.

Sau khi tham dự Khóa Tham mưu, ông lần lượt được cử giữ các chức vụ: Trưởng Phòng I Chiến dịch Trương Tấn Bửu, Trưởng Cơ quan Thanh toán Chiến dịch TTB, Chánh văn phòng Tham Mưu Trưởng Liên quân / Bộ TTM. Tại đây, ông được gắn Đệ tứ đẳng Bảo quốc Huân chương.

Tháng 2.1958, Đại úy Trưởng Phòng An ninh Bộ Quốc phòng.

Tháng 10.1958, Tham Mưu Phó Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống.

Ngày 01.01.1961, thăng Thiếu tá.

Sau đảo chánh 01.11.1963, bị giam giữ một tuần.

Tháng 01.1964, thuyên chuyển ra Vùng II, thuộc Sư đoàn 23, đóng tại Ban Mê Thuột.

Tại đây, được cử làm Quân trấn trưởng, kiêm Trưởng phòng Ấp Tân Sinh Khu 23 Chiến thuật.

Tháng 5.1964, về làm Chánh sự vụ Sở Nông thôn thuộc Nha Ấp Tân Sinh. Sau nâng cấp thành Tổng Nha, rồi thành Bộ Xây Dựng Nông Thôn.

Tháng 6.1967, thăng Trung tá, Phó Giám đốc Nha Phát Triển Nông Thôn. Bị thương nặng khi đi công tác ở Quảng Tín, Vùng I, được ân thưởng Chương Mỹ Bội Tinh và Chiến Thương Bội Tinh.

Tháng 6.1970, thăng Đại tá và trở về Quân đội, phục vụ tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung.

Từ Tháng 6.1972 – 30.4.1975, giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Trung tâm Huấn luyện Quang Trung qua 4 vị Chỉ Huy Trưởng. Tại đây, ông được gắn Đệ Tam đẳng Bảo quốc Huân chương.

Tù cải tạo từ Tháng 6.1975 tới Tháng 8.1987.

Tháng 3.1991, sang Hoa Kỳ đoàn tụ với gia đình theo diện HO 6.

*Bạch Diện Thư Sinh


ĐẢO CHÍNH 11.11.1960

*Tường thuật của Cựu Đại tá Phạm Văn Hưởng, nguyên là Tham Mưu Phó Lữ đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống.

Tháng 10.1958, sau khi bàn giao Trưởng Phòng An ninh Biệt Bộ Tham Mưu Bộ Quốc Phòng cho Đại úy Nguyễn Văn Long, cháu Bs. Nguyễn Quang Diệu, Đổng lý Văn phòng, tôi (Phạm Văn Hưởng, lúc ấy mang lon Đại úy) về nhận nhận chức vụ Tham Mưu Phó Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống. Tham Mưu Phó đặc trách tiếp liệu và thay phiên ứng trực phòng thủ với hai vị Tư lệnh và Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn. Mỗi lần Tổng thống đi kinh lý ở đâu, một trong ba chúng tôi phải tới địa điểm kinh lý trước một ngày, để xếp đặt vấn đề an ninh. Tôi còn lo việc tôn giáo cho binh sĩ Lữ đoàn, vì cả hai vị Tư lệnh và Tham Mưu Trưởng đều không phải là tín hữu Công giáo.

Diễn tiến

Khoảng 11giờ đêm ngày 10 rạng sáng ngày 11.11.1960, nghe điện thoại reo, tôi nhấc máy và nghe báo: ‘Thưa Đại úy, Thành Cộng Hòa và Dinh Độc Lập bị tấn công’. Tôi cúp điện thoại, vội khoác lên người cái áo dạo phố, rồi cùng Trung úy Ngô Thế Linh, thuộc Sở Liên Lạc, ở ngay trước mặt nhà tôi, lấy chiếc xe mang số ẩn tế, vọt ra cổng sau Cư xá Sĩ quan Chí Hòa, hướng về phía Dinh Độc Lập. Chúng tôi tới ngã tư Phan Đình Phùng – Công Lý thì bị Nhảy dù chận lại. Một sĩ quan Nhảy dù tới yêu cầu hai chúng tôi xuống xe và lên ngồi chồm hổm với khoảng hơn hai chục người khác trên vỉa hè đường Công Lý, sát hàng rào Dinh Độc Lập. Cứ khoảng 15 phút một lần, viên sĩ quan Nhảy dù dùng loa phóng thanh cầm tay nói lớn tiếng: ‘Lính Lữ đoàn làm loạn, bắt Tổng thống làm con tin, Nhảy dù đem quân về cứu Tổng thống’.

Số người bị bắt giữ mỗi lúc một đông, trong khi tiếng súng thưa dần rồi im lặng.

Tờ mờ sáng, nhóm người bị giữ được lệnh đứng dậy và đi biểu tình. Viên sĩ quan Nhảy dù nói: ‘Anh chị em đi thẳng đường Công Lý, tới trước Dinh, khi nghe tôi hô một câu ngắn, các anh chị đáp lại: ‘Đả đảo!’

Tới góc Công Lý - Thống Nhất, tiếng loa hô: ‘Đả đảo Ngô Đình Diệm độc tài!’. Chỉ nghe vài tiếng đáp lại rời rạc: ‘Đả đảo!’. Đột nhiên, súng đại liên từ nóc Dinh bắn vào hàng cây dọc đường Thống Nhất. Thừa dịp, những người biểu tình bất đắc dĩ lẹ làng giải tán theo đường Alexandre de Rhodes. Tôi chạy bộ lại tư thất Trung tá Lê Ngọc Triển, Tư lệnh Lữ đoàn, để hỏi tin tức. Phu nhân Trung tá cho biết Trung tá đã vào Dinh ngay khi nghe tiếng súng đầu tiên.

Đêm vừa qua là phiên trực của Thiếu tá Phan Đình Tùng, Tham Mưu Trưởng. Trung tá Tư lệnh trực 3 ngày cuối tuần. Tôi là Tham Mưu Phó trực ngày Thứ Hai và Thứ Tư. Sĩ quan trực ở cùng phòng với sĩ quan tùy viên, cạnh buồng ngủ của Tổng thống.

Dinh được phòng thủ bởi:

1/ Đại đội cận vệ 150 quân nhân. Mỗi đêm, 50 được phép ở nhà, 100 phải ứng trực.

2/ Lúc nào cũng có một Đại đội Bộ binh 150 quân nhân, thay phiên vào mỗi buổi chiều.

3/ Một Chi đoàn chiến xa thường trực trong Dinh.

Tổng thống chi tiêu tính từng đồng và xử dụng người rất kỹ. Trước đó, có một đại đội Bộ binh thuộc Lữ đoàn nằm ứng chiến trong vườn Tao Đàn gần kề Dinh. Về sau, Tổng thống chỉ thị cho Trung tá Triển, Tư lệnh Lữ đoàn, phải liên lạc với Tư lệnh Quân khu 5, để luôn phiên cử một đại đội Bộ binh xuống giúp tỉnh bình định những huyện cần giúp. Kỳ này Đại đội 5 do Trung úy Lục chỉ huy đang giúp Quận Ông Đốc, Cà Mau. Vì thế, dẹp xong đảo chính được một ngày, Trung úy Lục mới kéo quân về tới Lữ đoàn.

Tôi nhờ em tôi, đang phục vụ ở Sở Nghiên cứu Chính trị, lấy xe gắn máy chở tôi đi quan sát một số cơ sở Quân đội và hành chánh, như Trung đoàn 135, Tòa Hành chánh Tỉnh Gia Định, Bộ Chỉ huy Cảnh sát Tỉnh Gia Định… Tất cả đều đóng kín.

Hai anh em tôi quay lại Dinh Độc Lập. Lính Dù canh gác có vẻ lỏng lẻo. Dân chúng chen nhau bám vào hàng rào sắt chung quanh Dinh, tò mò nhìn vào trong. Bốn năm xác chết mặc đồ Dù còn nằm quanh cột cờ.

Khoảng 10 giờ, hai anh em lại tới nhà Bác sĩ Tuyến trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Vì chúng tôi là chỗ quen thân, cho nên phu nhân Bác sĩ cho biết, vừa nghe tiếng súng nổ, Bác sĩ đã đến ở số X, đường Công Lý. Tôi là bạn học của Bác sĩ Tuyến hồi còn học Tiểu học và mấy năm Trung học ở Phát Diệm. Khi tôi làm Chánh văn phòng cho Đại tá Trần Thiện Khiêm, Quyền Tham Mưu Trưởng Liên Quân, tôi đã giới thiệu Đại tá Khiêm với Bác sĩ Tuyến và từ đó, hai ông trở thành bạn thân với nhau.

Gặp Bs. Tuyến, ông cho biết, từ sáng sớm, đã phái người đi Biên Hòa xin Trung tá Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Sư đoàn 7, đưa quân về ngay, nhưng vẫn chưa thấy gì. Tôi yêu cầu Bác sĩ dùng Truyền tin của Dinh liên lạc trực tiếp với Đại tá Trần Thiện Khiêm, Tư lệnh Sư đoàn 21 ở Cần Thơ, xin đem quân về gấp; đồng thời xin Đại tá Khiêm kéo Thiếu tá Thơ, Tỉnh trưởng Mỹ Tho, và Thiết giáp của Tỉnh cùng về theo. Bác sĩ Tuyến đồng ý và điện thoại ngay. Tôi còn xin Bác sĩ viết một lá thư tay cho Đại tá Khiêm, giao cho Trung úy Châu, người Nam và là Trưởng phòng Chiến tranh Chính trị Lữ đoàn, và Trung sĩ Hường lãnh nhiệm vụ mang thư đi. Hai người này đã trao bức thư cho Đại tá Khiêm ở quãng đường giữa Cầu Bến Lức và Tỉnh lỵ Long An.

Khoảng 4 giờ chiều ngày 11, đơn vị đầu tiên của Đại tá Khiêm về tới Dinh là một Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến do Thiếu tá Lê Nguyên Khang chỉ huy. Tiểu đoàn này, lúc đó đang hành quân ở Khu Tiền Giang, đã vào Dinh cùng mấy chiến xa, có cả Trung tá Thiện, Chỉ huy trưởng Thiết giáp đi theo. Tôi đã đợi sẵn ở cổng và vào theo.

Thấy tôi, Thiếu tá Phan Đình Tùng, Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn, trực Dinh mừng rỡ chạy lại nói: ‘Anh Hưởng à, nhờ anh trực thay, tôi về nhà xem sao, vì từ sáng tới giờ tôi đã điện thoại nhiều lần mà ở nhà không ai nhấc máy’. Tôi nói với ông: ‘Anh cứ về lo gia đình. Tôi trực thay cho anh’. Nhà Thiếu tá Tùng ở trong Cư xá Lữ đoàn trên đường Yên Đổ. Vừa khi nghe tiếng súng, mười mấy sĩ quan Lữ đoàn vội chạy vào Thành Cộng Hòa qua cửa trên đường Hồng Thập Tự, trước Sân vận động Hoa Lư, nhưng tất cả đã bị lực lượng Dù bắt nằm sấp tới chiều.

Trung úy Vũ Thế Quang dẫn một đại đội Nhảy dù tới cổng trước của Thành Cộng Hòa hỏi sĩ quan Lữ đoàn là bạn cùng khóa: ‘Có phải các anh bắt Tổng thống không?’. Sĩ quan Lữ đoàn trả lời: ‘Đâu có’. Hai bên trò truyện vui vẻ, không giao tranh. Trung úy Quang cầm chân quân Lữ đoàn, không cho hành động chi cả.

Tổng thống, ông cố vấn và Thiếu tướng Nguyễn Khánh ngồi trong phòng Ông Tôn Thất Thiết, Chánh sự vụ Sở Nội dịch, ở tầng dưới, sát bếp. Đại úy Hoàng Đình Tư, Đại đội trưởng Đại đội cận vệ bị thương nặng ở chân khi chỉ huy chiến đấu, phải nằm bệnh xá. Quân lính Cận vệ và Lữ đoàn ở các vị trí chiến đấu. Tôi vừa là Tham Mưu Phó trực Dinh vừa tạm thời thay thế Đại đội trưởng Đại đội cân vệ.

Khoảng 7 giờ tối, điện thoại reo. Tôi nhấc máy và nghe rõ tiếng Đại tá Khiêm. Tôi nói ngay: ‘Thưa Đại tá Tư lệnh, tôi Đại úy Hưởng đây’. Đại tá Khiêm nói: ‘Anh Hưởng hả?. ‘Dạ’. ‘Nhờ anh trình Tổng thống, Sư đoàn 21 đã vào Sài Gòn, Pháo binh hiện đặt tại Phú Lâm. Nhà tôi đã bị Dù bắt, nhưng tôi xin trung thành với Tổng thống’. Tôi thưa: ‘Xin Đại tá giữ máy, tôi đưa máy để Đại tá trình thẳng Tổng thống. Ông cố vấn và Thiếu tướng Khánh đang cùng ngồi bên Tổng thống’.

Xin nói lại, Nhảy dù bắt đầu tấn công Dinh vào khoảng 11 giờ đêm thì chỉ nửa giờ sau, Thiếu tướng Nguyễn Khánh, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, đã đập cổng Nguyễn Du xin vào Dinh. Trung úy Nguyễn Văn Lễ, Đại đội trưởng canh gác, không dám mở cổng, sợ Nhảy dù tràn vào. Trung úy Lễ xin cho thòng dây xuống để Thiếu tướng leo vào. Trong dịp đầu năm 01.01.1961, Bộ Tổng Tham Mưu lập hồ sơ thăng cấp cho một số quân nhân có công trong vụ dẹp đảo chính, Thiếu tướng Khánh đích thân đề nghị cho Trung úy Lễ lên đại úy nhiệm chức. Tổng thống duyệt và không thuận vì Trung úy Lễ mới có một năm thâm niên. Tướng Khánh phải nài nỉ tới lần thứ ba mới được Tổng thống chấp thuận. Tổng thống hiếm khi cho thăng cấp đặc cách.

Đêm ngày 11 rạng ngày 12, Tổng thống, có ông cố vấn và Thiếu tướng Khánh bên cạnh, đã nói chuyện điện thoại với Đại tướng Lê Văn Tỵ, có Trung tá Vương Văn Đông bên cạnh. Qua Đại tướng Tỵ, phe đảo chánh muốn đưa ra cho Tổng thống 4 yêu sách:

1/ Tổng thống sẽ cải tổ Nội các, mở rộng Chính phủ.

2/ Phe đảo chính sẽ tổ chức một cuộc biểu tình vào sáng ngày 12.

3/ Lữ đoàn Nhảy dù sẽ canh gác Dinh chung với Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống.

4/ Hai bên cử phái đoàn để thảo luận 3 yêu sách trên đây.

Trong khi Tổng thống nói chuyện điện thoại, Bà Ngô Đình Nhu im lặng, đi đi lại lại, từ phòng Tổng thống ngồi đến Phòng Truyền tin của Tham mưu Phó Lữ đoàn trực Dinh, hoặc ra ngoài hành lang. Vừa nghe thấy yêu sách để lính Dù gác Dinh chung với lính Lữ đoàn, Bà Nhu nói to: ‘Xin Tổng thống không chấp thuận khoản này. Lính Lữ đoàn hiền lành, còn lính Dù dữ quá. Để lính Dù gác Dinh, có ngày họ làm thịt hết cả gia đình mình đó’. Ông cố vấn ngước mắt nhìn vợ và chậm rãi nói: ‘Em đừng nói. Để Tổng thống suy nghĩ và quyết định’.

Tổng thống đang nói chuyện bỗng ngưng và đưa máy cho Thiếu tướng Khánh. Thiếu tướng Khánh mở to đôi mắt và nhăn mặt lớn tiếng: ‘Trung tá Đông hả? Tại sao Tổng thống đang nói chuyện với Đại tướng, toa dám giành máy? Vô lễ quá!’.

Sau đó, hai bên cử phái đoàn ra thương thảo ngay trên đường Thống Nhất, khúc giữa Dinh và Nhà thờ Đức Bà. Phe đảo chính cử Đại tá Nguyễn Chánh Thi làm đại diện. Tổng thống cử Thiếu tướng Nguyễn Khánh thay mặt. Thiếu tướng Khánh nhất quyết đi để gây ảnh hưởng.

Kết quả cuộc thương thảo: Tổng thống sẽ mở rộng Chính phủ. Phe đảo chính không tổ chức cuộc biểu tình vào sáng ngày 12.11. Không có việc Nhảy dù gác Dinh chung với Lữ đoàn.

Suốt đêm 11 rạng ngày 12, toàn Thành phố yên tĩnh.

Sáng ngày 12.11, Sư đoàn 7 vào Sài Gòn.

Tảng sáng, một số quân nhân Thiết giáp và Thủy quân lục chiến, mới vào tăng cường trong Dinh, nổi lửa pha cà phê, pha trà. Số khác trèo lên tháp chiến xa nhìn ra ngoài. Bỗng một loạt súng máy bất thần từ bên ngoài bắn vào. Có những tiếng kêu thất thanh. Lập tức, chiến xa trong Dinh bắn đáp trả vang rền. Thiếu tá Lê Nguyên Khang và tôi vội chạy ra. Thiếu tướng Nguyễn Khánh, từ phòng Tổng thống, cũng vội vã ra hành lang quát to: ‘Ai cho lệnh bắn?’. Kế tiếp, ông cố vấn ra hỏi: ‘Tại sao bắn?’. Thiếu tá Khang bình tĩnh trả lời: ‘Thưa ông cố vấn, lính của tôi bỗng dưng bị bắn chết 3 người và bị thương năm sáu người, nên tự động bắn trả’. Nghe tiếng súng nổ, xạ thủ đại liên trên nóc Dinh chiếu ống nhòm nhìn thấy hai bên Đại lộ Thống Nhất có nhiều biểu ngữ thóa mạ Tổng thống “Đả đảo Ngô Đình Diệm’, cũng nóng mắt xả đạn như mưa lên những tàn cây. Những cành cây gẫy đổ làm đám biểu tình phải giải tán. Không ai bảo ai, tất cả vất bỏ biêu ngữ, dầy dép mà chạy tán loạn.

Lúc này, lực lượng phe đảo chính đã rời rạc và đang tan rã. Tình hình chỉ còn căng thẳng trong Vườn Tao Đàn. Thực sự thì Nhảy Dù đã ngừng tấn công kể từ trưa ngày 11.

Khoảng 10 giờ sáng ngày 12.11, Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 12, Sư đoàn 7 đã chiếm được Đài Phát thanh. Sau đó Đại úy X (Thành thực xin lỗi vì không còn nhớ tên vị Đại úy này), Đại đội trưởng Biệt Động quân gọi vào Dinh, trình lên đã bắt được Thiếu tá Phan Trọng Chinh, Chỉ huy lực lượng đảo chánh tại Vườn Tao Đàn. Tổng thống chỉ thị Đại úy X đưa Thiếu tá Chinh vào Dinh và lệnh cho Chánh sở Nội dịch trao cho tôi 50.000 $ (năm mươi ngàn đồng VN) cầm ra cổng trao cho Đại úy Đại đội trưởng Biệt Động quân để thưởng cho Đại đội của ông. Tổng thống đích thân hỏi truyện Thiếu tá Phan Trọng Chinh.

Khoảng 11 giờ trưa, toàn Sài Gòn trở lại yên tĩnh. Thiếu tướng Khánh, thừa lệnh Tổng thống, điện thoại cho phe đảo chính. Tướng Khánh nói với họ: Tổng thống chấp thuận tha Thiếu tá Chinh để cùng đáp chuyến bay chở các sĩ quan đảo chính chủ chốt đào thoát sang Nam Vang và yêu cầu họ thả phu nhân Đại tá Khiêm. Theo yêu cầu của Thiếu tá Chinh, tôi chở ông ra Thảo cầm viên để ông muốn đi đâu thì đi. Thiếu tá Chinh không chịu đi Nam Vang. Ông ở lại và cuối năm 1963, đã lãnh án nặng nhất trong số các sĩ quan đảo chính.

Có người cho là Sư đoàn 7 có công lớn hơn trong việc dẹp đảo chính. Sự thật là Sư đoàn 21 mới là đơn vị về cứu giá đầu tiên vì đã vào Sài Gòn ngay từ chiều ngày 11.11, trong khi Sư đoàn 7 mãi sáng ngày 12.11 mới về tới.

Những nhân vật biết rõ về những cuộc điện đàm trong đêm 11 rạng ngày 12 Tháng 11 năm 1960 chỉ còn sót lại Bà Ngô Đình Nhu (đã qua đời ngày 24.4.2011 tại Roma, Ý), Tướng Nguyễn Khánh, Tướng Trần Thiện Khiêm, Ông Vương Văn Đông và tôi (Phạm Văn Hưởng). Không biết khi Bà Nhu viết hồi ký có thuật lại đầy đủ không?

Sau khi dẹp xong đảo chính, nhân dịp Năm Mới 01.01.1961, Bộ Tổng Tham Mưu đề nghị thăng thưởng một số sĩ quan đã lập công và trình lên Tổng thống duyệt ký thăng các cấp đại tá, trung tá và thiếu tá; các cấp úy do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký.

Cấp tá: Bốn thiếu tá nhiệm chức thăng thiếu tá thực thụ: Thiếu tá Lê Nguyên Khang, Thiếu tá Phan Đình Tùng, Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ, Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ. Đại úy thực thụ Phạm Văn Hưởng thăng lên Thiếu tá nhiệm chức.

Sau đó, Trung tá Cao Văn Viên được chỉ định về làm Tư lệnh Lữ đoàn Nhảy Dù. Mấy ngày sau, Tổng thống tới ủy lạo Nhảy dù. Tổng thống nói: chỉ có một số sĩ quan cao cấp có lỗi đã trốn đi Nam Vang, đa số chỉ thi hành lệnh, cho nên Tổng thống không trách. Nhảy dù cảm động, vì thế, ba năm sau, khi cuộc đảo chính 01.11.1963 xẩy ra, Dù không tham gia.

Trung tá Lê Ngọc Triển tự xét mình có lỗi, không làm tròn nhiệm vụ, khiến Tổng thống phải lo âu, nên đã đệ đơn xin từ chức. Tổng thống không chấp thuận, nhưng Trung tá Triển cố nài nỉ, cuối cùng, Tổng thống đành ưng thuận và cử Trung tá đi làm Tỉnh trưởng Phú Yên.

Thiếu tá Phan Đình Tùng, Tham Mưu Trưởng Lữ đoàn, xin về lại Pháo binh.

Trung tá N. N. K., người Quảng Trị, cán bộ cao cấp trong Quân ủy Cần Lao được gọi về làm Tư lệnh Lữ đoàn. Trung tá K. chuyên môn về tham mưu cho nên đã xin một Thiếu tá đã từng chỉ huy một Trung đoàn tác chiến về làm Tham Mưu Trưởng. Nhiều sĩ quan được đề cử về làm Tham Mưu Trưởng Lữ đoàn:

- Thiếu tá Trần Cửu Thiên, người miền Nam về làm được một tuần,

- Thiếu tá Võ Văn Cảnh, Trung đoàn trưởng của Sư đoàn 23, về làm được 2 tuần,

- Thiếu tá Thân Ninh, Trung đoàn trưởng của Sư đoàn 2, về làm được 2 tháng,

- Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 12, Sư đoàn 7, về làm Tham Mưu trưởng Lữ đoàn cho tới ngày 31.12.1963.

- Thiếu tá Phạm Văn Hưởng làm Tham Mưu Phó Lữ đoàn cho tới ngày 31.12.1963.

Vài nhận xét

Phe đảo chính tấn công bất ngờ cho nên đã chiếm được lợi thế ban đầu, nhưng sau đó chịu thất bại. Tại sao?

1. Phe đảo chính không nghiên cứu kỹ chiến trường. Tại sao Dù tấn công vào mặt tiền của Dinh để phải chịu nhiều bất lợi, như phải băng qua một sân trống trải, rộng rãi, khá xa Dinh mà đèn điện lại sáng trưng. Nếu tấn công phía sau Dinh có nhiều ưu điểm hơn, như có nhiều gốc cây lớn để nấp, không gian tối hơn, khoảng cách gần hơn và sẽ ít thiệt hại nhân mạng hơn.

2. Quân sĩ Dù một nửa là người Bắc di cư. Họ thương mến Tổng thống vì Người đã giúp đưa gia đình và người thân của họ vào Nam, lại giúp cho phương tiện sinh sống được an vui. Họ mau chóng khám phá ra là cấp trên đã đánh lừa họ: bảo họ là đi cứu nguy Tổng thống, kì thực là đi bắt Tổng thống; thêm vào đó, họ thấy đồng đội của họ lớp bị chết, lớp bị thương ngay từ phút đầu giao chiến, cho nên họ mất tinh thần.

3. Lực lượng Dù chiến đấu cô đơn, không có một đơn vị bạn nào giúp sức, ngoại trừ một Đại đội Biệt động quân.

Nhiều người cho là Tổng thống chỉ dùng người miền Trung, Công giáo và Cần lao. Theo tôi biết, Người không quan tâm những chi tiết đó. Xin dẫn chứng ngay vào thời điểm đảo chính:

1. Các viên chức then chốt tại Phủ Tổng thống: Ông Đổng lý văn phòng Quách Tòng Đức là người Nam, nguyên là Đổng lý văn phòng Bộ Tư pháp. Sau đảo chánh 11.11.63, ông lại về làm Đổng lý văn phòng Bộ Tư pháp. Bác sĩ riêng của Tổng thống là Bs. Bùi Kiện Tín, người Nam. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, người Bắc, phụ trách Bệnh xá Dinh và Lữ đoàn. Bí thư Trần Sử, người Trung. Chánh văn phòng Võ Văn Hải, người Trung. Chánh sở Nội dịch Tôn Thất Thiết. Tất cả đều không phải là tín hữu Công giáo.

2. Các sĩ quan bảo vệ an ninh cho Tổng thống: Trung tá Cao Văn Viên, Biệt bộ Tham mưu Trưởng Phủ Tổng thống, sinh quán Lào. Trung tá Lê Ngọc Triển, Tư lệnh Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống, người Bắc. Thiếu tá Phan Đình Tùng, Tham Mưu Trưởng Lữ đoàn, người Trung. Tất cả đều không phải là tín hữu Công giáo.

3. Tổng thống không phân biệt Nam, Bắc, Trung: Sau đảo chính hụt, Trung tá N. N. K.… mới về làm Tư lệnh Lữ đoàn, muốn thuyên chuyển một số sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ người Bắc và Nam để lấy người miền Trung về thay thế. Một số đã bị thuyên chuyển, nhưng số khác bất mãn, đã tuyệt thực được một ngày. Đại úy Bằng, tức Thơ, là sĩ quan hầu cận Tổng thống biết sự việc, liền trình Tổng thống. Sau đó, thấy ông cố vấn chỉ thị cho Trung tá Phạm Thu Đường, Chánh văn phòng của ông cố vấn, xuống tập họp tất cả sĩ quan Lữ đoàn lại và nói: ‘Tổng thống không bao giờ phân biệt Nam, Trung, Bắc, Công giáo hay không Công giáo. Tất cả phải đoàn kết’.

4. Tổng thống còn chỉ thị cho Ông Võ Văn Hải, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống, gửi văn thư sang cho Trung tá Kỳ Quan Liêm, Giám đốc Nha nhân viên Bộ Quốc phòng, nói: ‘Từ nay, mọi thuyên chuyển quân nhân các cấp thuộc Phủ Tổng thống phải được Tổng thống duyệt trước’.

Số quân nhân tuyệt thực vì phải thuyên chuyển đi Vùng I và II, nay được về Vùng III hoặc IV.

*Phạm Văn Hưởng

ĐẢO CHÍNH 01.11.1963

*Tường thuật của Cựu Đại tá Phạm Văn Hưởng, nguyên Tham Mưu Phó Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, kiêm Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn I phòng thủ Dinh Gia Long, 1963.

Sau đảo chính Thi Đông 11.11.1960 thất bại. Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ chính thức làm Tham mưu trưởng (TMT) Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống (LĐ), Thiếu tá Phạm Văn Hưởng tiếp tục giữ chức Tham mưu phó (TMP) và Thiếu tá Huỳnh Văn Lạc, cựu sĩ quan tùy viên (1954-55) từ trường Võ bị Đà Lạt về, làm Đại đội trưởng Cận vệ thay Đại úy Hoàng Đình Tư nằm bệnh viện. Sau ngày hai sĩ quan Không quân ném bom Dinh Độc Lập, các tổ phòng không được tổ chức chu đáo hơn. Ngoài Đại đội Công vụ, Ban Quân nhạc, Đại đội Truyền tin, Quân y và Đại đội Cận vệ biệt lập, Lữ đoàn còn có 6 Đại đội Bộ binh, chia làm 2 Tiểu đoàn: A và B.

Lữ đoàn lập ra 2 Chiến đoàn: Chiến đoàn I do tôi (Thiếu tá Phạm Văn Hưởng) chỉ huy, có nhiệm vụ phòng thủ Dinh Gia Long, gồm Tiểu đoàn A với 3 Đại đội Bộ binh và ½ đơn vị Thiết giáp Lữ đoàn. Bô Chỉ huy Chiến đoàn đặt trong nhà lều, cạnh gốc cây đa trước cửa chính Dinh Gia Long. Chiến đoàn II, gồm Tiểu đoàn B với 3 Đại đội Bộ binh, ½ thiết giáp còn lại và Đại đội Công vụ, có nhiệm vụ phòng thủ Thành Cộng Hòa và ứng chiến tổng quát, do Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ, Tham Mưu Trưởng, làm Chiến đoàn trưởng. Tư lệnh Lữ đoàn là Trung tá N. N. K., chỉ huy tổng quát, đóng tại Thành Cộng Hòa. Trong những ngày tháng 10/1963, dân chúng chuyền tai nhau sắp có đảo chánh… Quân nhân Lữ đoàn cấm trại 100% về đêm. Trưa và chiều 50% chia nhau về ăm cơm. Những hàng rào thép gai và ngựa sắt bao rộng vây quanh Dinh, chỉ mở một lối nhỏ cho dân chúng đi lại.

Ngày 12.10.1963, Tổng thống (TT) đi kinh lý Đà Lạt và hôm sau đến thăm trạm phát tuyến Phát Chi cách thị xã Đà Lạt hơn 20 km. Tôi và Đại úy Nguyễn Văn Lung, Đại đội trưởng Truyền tin Lữ đoàn tháp tùng Tổng thống. Tại đây, Đại úy Lung trình Tổng thống một mật thư từ Bangkok gửi cho Tướng Minh, nói ra phi trường nhận. Tướng Đính trình Tổng thống xin cho chận đường Tướng Minh lúc về, tịch thu bức thư để khai thác. Tổng thống bảo: ‘Không được’. Người tôn trọng luật pháp. Trong đêm Tướng Đính chỉ huy Quân đội và Cảnh sát khám các chùa, tôi nghe Tướng Đính cũng đã điện đàm trình Tổng thống cho xông vào Usaid bắt Thượng tọa Thích Trí Quang. Tổng thống cũng trả lời là ‘không được’.

Diễn tiến

Ngày 01.11.1963, Lễ Các Thánh, nghỉ buổi sáng. Độ 1 giờ trưa, nghe thấy tiếng súng liên thanh lẫn súng trường nổ chát chúa phía sân vận động Hoa Lư, trước cửa nhà tôi số 17, đường Hồng Thập Tự. Tôi vội chạy sang Thiếu tá Duệ buồng bên cạnh để bàn luận. Thiếu tá Duệ nói: ‘Anh gấp lên Dinh, có gì tôi báo anh ngay’. Tôi bảo nhà tôi: ‘Chắc không sao. Anh phải lên Dinh gấp’. Dân chúng quanh Dinh nhớn nhác. Các tiệm bắt đầu đóng cửa. Tôi cho lệnh quân nhân Chiến đoàn vào vị trí chiến đấu và khép kín những cổng nhỏ đã mở cho dân chúng đi lại. Vừa tới văn phòng đã nghe tiếng Tham Mưu Trưỏng: ‘Anh Hưởng, tôi đã cho Thiết giáp Lữ đoàn dồn hết Thủy quân lục chiến vào Sân Hoa Lư rồi. Chung quanh Thành Cộng Hòa yên tĩnh. Tình hình Dinh thế nào?’. ‘Thưa anh, Dinh cũng yên. Tổng thống và ông cố vấn đang ngồi ở tầng dưới, có đầy đủ sĩ quan tùy viên và hầu cận’. ‘Anh yên tâm, tôi đã cho Đại úy Phạm Minh Xuân đem Thiết giáp ra chận Cầu Phan Thanh Giản, thế nào Sư đoàn 5 cũng vào lối đó’. Thiếu tá Duệ điện thoại tới TMT Biệt khu Thủ đô, rồi TMT Quân đoàn III để biết rõ tình hình. Tất cả đều trả lời không biết gì rõ rệt.

Ít phút sau, Đài phát thanh đường Phan Đình Phùng trổi nhạc hùng rồi tuyên bố: ‘Quân đội đứng lên làm cách mạng lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm độc tài và gia đình trị’. Danh sách các tướng lãnh và sĩ quan cao cấp chỉ huy trưởng các cơ quan được xướng lên. Khởi đầu là Trung tướng Dương Văn Minh, kế đến là các tướng lãnh khác. Lữ đoàn rất đau lòng khi nghe xướng tên Trung tá N. N. K, Tư lệnh Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống và là cán bộ lãnh đạo đảng bộ Cần Lao, có tên trong danh sách tham dự lật đổ Tổng thống. Trong khi nghe đọc danh sách, Đại úy Tôn Thất Đình (anh Tướng Đính) gọi nói với Thiếu tá Duệ: ‘Tướng Đính hứa nếu Lữ đoàn đầu hàng, các sĩ quan Lữ đoàn được thăng một cấp’. Nghe tới đó, Thiếu tá Duệ đập bàn la to: ‘Tướng Đính làm loạn hả?’, rồi bỏ máy. Nhiều sĩ quan Phòng 3 nghe và kể lại như thế.

Khoảng 4 giờ. Đại úy Vũ Đức Lâm, Tiểu đoàn trưởng báo: ‘Có một số xe GMC chở quân nhân võ trang từ đường Trần Hưng Đạo, Chợ Lớn tiến về Chợ Bến Thành như muốn vào Dinh’. Tôi ra lệnh: ‘Bắn chỉ thiên chận lại. Nếu cứ xông vào thì bắn thẳng’. Những tràng trung liên nổ dòn. ‘Anh Hưởng, Thiếu tá Duệ lớn tiếng hỏi, trên Dinh có gì mà nổ dòn thế?’. ‘Thưa anh, có một số xe từ Chợ Lớn’. ‘Ấy chết, anh cho lệnh ngừng ngay. Ngừng ngay. Đoàn xe này do em tôi là Chuẩn úy Nguyễn Sỹ Anh hướng dẫn, đưa quân của Tiếu đoàn 41 Biệt động quân về theo mình đó. Chính tôi đã thuyết phục được họ’.

Một phi cơ phóng pháo bất thình lình xuất hiện trên bầu trời Thành Cộng Hòa trút một quả bom nhỏ, làm mấy binh sĩ bị thương. Thiếu tá Duệ lệnh cho Đại úy Trần Văn Xuân, Đại đội trưởng Đại đội 2, có Chi đoàn Thiết giáp yểm trợ ra chiếm Đài phát thanh Quân đội, để Trung úy Bảo phát thanh hiệu triệu của Tổng thống. Nửa giờ sau, Xuân báo cáo đã chiếm được đài. Mọi người chờ đợi nghe hiệu triệu. Đợi mãi không nghe gì, hỏi lại mới biết Xuân chỉ chiếm từng dưới. Thiếu tá Duệ cho lệnh Xuân, bằng mọi giá phải chiếm lầu trên gấp.

Trong trại tù Hà Tây, cựu Đại tá Phạm Lợi (Quân nhu) đã thân mật tâm tình với cựu Đại tá Nguyễn Văn Bảo (Công binh): ‘Trung tá Đỗ Bá Liên và tôi ở trên lầu với ba chuyên viên, chỉ có mấy khẩu súng lục, sợ đái ra quần. Không hiểu sao lính Lữ đoàn không lên. Lên là chúng tôi đầu hàng liền’. Đại tá Bảo nói: ‘Sao lính Lữ đoàn nhát thế?’. Ông Xuân người Huế, sợ nguy hại bản thân sau này, cho nên đã bắt chước Trung tá tư lệnh LĐ?!

Khoảng 5 giờ chiều, Đại tá Thiệu, Tư lệnh Sư đoàn 5 dẫn đầu Sư đoàn từ Biên Hòa theo xa lộ vào Sài Gòn. Bị Thiết giáp Lữ đoàn chặn lại ngay đầu cầu Phan Thanh Giản; ông liền vòng lại và vào lối Gò Vấp.

Một giờ sau, Trung tá Vĩnh Lộc, Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Vạn Kiếp, dẫn đoàn xe Thiết giáp vào cầu Phan Thanh Giản. Bị chặn lại, ông xuống xe, một mình tiến lên hỏi: ‘Ai chỉ huy ở đây?’. ‘Thưa Trung tá, Đại úy Phạm Minh Xuân, Liên đoàn trưởng Thiết giáp’. Trung tá Vĩnh Lộc: ‘Em mời Đại úy ra đây gặp Trung tá’.

Dùng võ lực, Trung tá Vĩnh Lộc nhắm chắc sẽ thất bại vì quân nhân Lữ đoàn nhiều kinh nghiệm, có tinh thần, lại được trang bị toàn xe loại mới với vũ khí tốt; trong khi Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp chỉ có xe và vũ khí cũ kỹ, quân nhân các đơn vị về học, ít tinh thần chiến đấu, làm sao đối địch được với quân của Lữ đoàn. Đại úy Xuân đi tới và lễ phép đứng nghiêm chào: ‘Thưa thầy’. Trung tá Vĩnh Lộc nói: ‘Em à, chúng mình là quân nhân, đánh nhau có tội với tổ quốc. Chúng mình không làm chính trị. Ai làm kệ họ. Em cho thầy vào Sài Gòn được không?’. Xuân trả lời: ‘Thưa được, mời thầy vào’. Trung tá Vĩnh Lộc băng cầu vào thẳng Đài phát thanh, kịp ngăn không cho Lữ đoàn chiếm lầu Đài phát thanh.

Đại úy P.M.Xuân Thiết giáp là cán bộ cao cấp Đảng Cần lao, đã mở cửa cho địch vào Sài Gòn. Sau 30.4.1975, Trung tá Xuân ở tù tại Yên Bái; bị nhiều người phiền trách, ông đã 2 lần cắt máu tay tự sát và qua đời. Nấm mồ ông chôn trên đồi bên kia hồ cá lớn của các ‘bò lục’ (tiếng lóng trong tù Cộng sản chỉ các sĩ quan cấp đại tá).

Tôi đi lên Dinh rồi, ít phút sau, vợ tôi bà Bạch Yến ra cửa trước số 17 đường Hồng Thập Tự, ngó ra đường thấy lính Thủy quân lục chiến gác đường. Bà vào lấy nữ trang, ít tiền và quần áo bỏ trong bị xách tay, rồi dẫn đàn con 6 đứa ra đi, Thanh Hương lớn nhất 11 tuổi, Thu Hồng nhỏ nhất mới lên 2. Bố tôi nhất định ở lại coi nhà.

Lính canh thấy bà bầu sắp tới ngày sinh dẫn đoàn con thơ đi, đã không ngăn cản. Mẹ con phải đi bộ trên trăm mét quá ngã tư mới gặp Taxi. Tiếng súng nhiều hướng bắt đầu nổ. Mẹ con tới nhà Bác Long (ông Hòa Phát đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận), anh ruột Bạch Yến, mặt mày lo lắng, sợ hãi. Suốt đêm ấy, vợ tôi nghe tiếng súng đã không ngủ được; chợt thấy đau bụng, sợ tới ngày sinh, mới cho chị dâu biết. Chị nói: ‘Cô đừng lo, sinh ở đây có đầy đủ áo và tã lót’. Thực ra, Bạch yến lo là lo cho chồng đang chiến đấu trong Dinh. Đài phát thanh ra rả thông báo: ‘Tất cả Quân đội, Hải Lục Không quân đứng lên làm cách mạng lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm độc tài, gia đình trị. Một lữ đoàn Phủ tổng thống làm sao chống lại được cả Quân đội’. Bạch Yến nghe càng lo lắng thêm, đã điện thoại vào gặp chồng, nhắc lại luận điệu của Đài phát thanh và khuyên chồng nên bỏ về nhà. Tôi trả lời: ‘Anh nghe rồi, em đừng nói nữa!’.

Khoảng 6 giờ chiều, Thiếu tá Phạm Văn Phú, Chỉ huy phó Sở Liên Lạc, cử Thiếu úy Hòa, sĩ quan cận vệ của ông, lên gặp tôi trước cửa Dinh Gia Long. Hòa nói: ‘Thưa chú, Thiếu tá Phú cho cháu lên thưa với chú: Lữ đoàn đưa Thiết giáp và 2 Đại đội Bộ binh lên phối hợp với Lực lượng Đặc biệt đánh thẳng vào tòa nhà chính nơi các tướng lãnh đang họp. Bộ Tổng Tham Mưu hiện chỉ có tân binh Quang Trung canh gác. Lữ đoàn yểm trợ hỏa lực và Lực lượng Đặc biệt đánh mìn 3 cầu thang. Thắng lợi chắc chắn 100%. Hòa gọi vợ chồng tôi là chú dì ruột. Tôi trình Thiếu tá Duệ, Tham Mưu Trưởng và hai chúng tôi cùng thảo luận. Cuối cùng Thiếu tá Duệ trình lên Tổng thống. Tổng thống thảo luận với ông cố vấn rồi cho lệnh: ‘Không được. Hãy dành lực lượng và võ khí để đánh Cộng sản. Người nhà không nên tàn sát lẫn nhau. Lữ đoàn hãy bảo vệ Bưu điện và Kho bạc’.

Trong khi tôi và Chuẩn úy Phạm Như Khuê, sĩ quan Truyền tin đang đi bộ trước Dinh Gia Long thì Pháo binh Trường huấn luyện Phú Lợi đặt đại bác 105 ly trên xa lộ rót vào vườn cây trước Dinh Độc Lập hai trái. Sợ Truyền tin Phủ Tổng thống đặt tại nhà lều bị hại, tôi ra lệnh dọn vào tầng dưới Tòa án bên kia đường.

Khoảng 9 giờ tối, Đại úy Bằng, hầu cận Tổng thống, điện thoại cho tôi xin mở cổng và dọn đường để xe 2 ngựa của Ông Cao Xuân Vĩ chở ít hồ sơ mật về Tòa Đô chính. Thực ra, chiếc xe ấy đưa Tổng thống và ông cố vấn ra khỏi Dinh. Sau khi cho mở cổng, tôi ra lệnh chiến xa chạy tuần tiễu ầm ầm quanh Dinh, để Đại úy Trang Khánh Hưng, sĩ quan tham mưu Ông Cao Xuân Vĩ lái xe 2 ngựa chở Tổng thống và ông cố vấn ra khỏi Dinh qua cổng Pasteur, chạy về phía Tòa Đô chính, rồi quẹo về Chợ Lớn. Dinh Gia Long chẳng có con đường hầm nào như báo chí hồi đó tưởng tượng loan tin.

Trước khi ra đi, Tổng thống đảo mắt âu yếm nhìn nhóm sĩ quan tùy viên và những sĩ quan có mặt như muốn tạm biệt. Trung úy Lê Công Hoàn, tùy viên, người Công giáo Phủ Cam trình xin được đi hầu cận Tổng thống. Tổng thống nhìn Hoàn nói: ‘Hoàn đã có vợ có con, cần phải ở lại với vợ con. Đỗ Thọ độc thân sẽ đi theo Tổng thống’. Đại úy Đỗ Thọ là cháu ruột Đỗ Mậu, đã chết mất xác năm 1964 trong một tai nạn máy bay. Không hiểu tại sao nhiều người suy luận, nếu Hoàn đi theo, chắc Tổng thống không chết thê thảm như thế. Sau 01 tháng 11 năm 1963, Hoàn thuyên chuyển lên Pleiku và sau khi miền Nam thất thủ, bị tù 10 năm. Lúc về, thân thể tiều tụy, bệnh tật. Trung tá Lê Công Hoàn qua đời ngày 27.12.1990 vì bệnh phổi. Rất đông bạn hữu thời Đệ nhất Cộng hòa, các tướng tá, các vị trong Giám sát viện, các vị dân biểu… tiễn anh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Vợ con anh đã sang Mỹ diện HO năm 1992.

Sau khi Tổng thống đi rồi, Thiếu tá Lạc điện thoại hỏi tôi, có nên di chuyển vào Dinh Độc Lập không? (Dinh đang được xây cất lại). ‘Thưa anh, không nên, vì ở đó, dễ bị bom dội hoặc pháo binh địch tự do hoạt động và mình khó phòng thủ vì thiếu đạn dược’. Thiếu tá Duệ điện đàm yêu cầu Đại úy Xuân Thiết giáp đón chở ông lên Dinh. Xuân từ chối, viện lý do mắc đi tuần tiễu. Có lẽ Xuân bất mãn vì đã bị Tham Mưu Trưởng rầy la đã không làm tròn nhiệm vụ, để cho Trung tá Vĩnh Lộc tự do đưa Thiết giáp Vạn Kiếp vào Sài Gòn.

11 giờ đêm, Thiết giáp Vạn Kiếp dẫn đầu bao vây Thành Cộng Hòa. Trung tá Vĩnh Lộc cho xe húc đổ cánh cổng sắt đường Thống Nhất, tức cửa chính Lữ đoàn và hô binh sĩ Lữ đoàn đầu hàng. Những loạt súng các loại từ nhiều hầm trong nhà bắn trả lời.

Để không bị bắt, Thiếu tá Tham Mưu Trưởng và toàn Bộ tham mưu, đa số người Bắc và không Công giáo, lẻn đi về khu cư xá gia đình sĩ quan Liên đoàn, rồi phân tán. Cuộc chống cự yếu dần.

Cuối cùng, Đại úy y sĩ trưởng Lữ đoàn, Bs. Nguyễn Tuấn Anh, cũng người Bắc, không Công giáo tập họp tất cả quân nhân còn lại trong Thành Cộng Hòa, gồm Quân nhạc, Quân y, Công binh và Văn phòng cầm cờ trắng ra hàng.

Thanh toán xong Thành Cộng Hòa, vào khoảng nửa đêm, tất cả lực lượng đảo chính dồn lên bao vây Dinh Gia Long. Tổng thống đã ra khỏi Dinh, nhưng phòng thủ vẫn kiên cố và liên tục. Thiếu tướng Khiêm điện thoại cho Thiếu tá Lạc, Đại đội trưởng cận vệ cách bật đèn để xin ra hàng nếu tình trạng bắt buộc. Quân nhân Lữ đoàn, từ trên các cao ốc quanh Dinh, lác đác bắn tỉa. Lực lượng đảo chính tiến bước chậm chạp, có chiến xa Vạn Kiếp dẫn đầu.

Ngày 02.11, khoảng 3 giờ sáng, đoàn quân đảo chính tiến về Dinh Gia Long. Nhận thấy Văn phòng chỉ huy phòng thủ Dinh ở gốc cây đa quá nguy hiểm, tôi trèo qua 2 mái nhà, dọn điện thoại và máy truyền tin vào một phòng nhỏ trên lầu thượng của tòa nhà Đại sứ Lào, có mặt tiền trên đường Pasteur. Khoảng 4 giờ 30, Thiếu tá Lạc nhận lệnh và chuyển tiếp nguyên văn lệnh của Tổng thống cho tôi: ‘Tổng thống và ông cố vấn được bình an. Tổng thống cảm ơn tất cả chúng con. Các con hãy ra đầu hàng để khỏi bị tàn sát’.

Khoảng 5 giờ, xe thiết giáp tiên phong của đảo chính tiến sát Dinh. Trung úy Ngãi dẫn đầu đoàn quân, lãnh viên đạn tử thần. Trung úy Bùi Thông Tiêm, sĩ quan nghi lễ Phủ Tổng thống, đứng trong Dinh, nấp sau cột quan sát, cũng lãnh viên đạn vào giờ thứ 25, đúng vào lúc Thiếu tá Hùynh Văn Lạc cầm cờ trắng ra hàng. Tất cả Đại đội cận vệ tập họp ngồi trước thềm Dinh. Đoàn quân tiên phong đảo chính Sư đoàn 5 ùa vào Dinh tìm bắt Tổng thống và ông cố vấn. Họ thi nhau mở tủ, mở các ngăn kéo, lật các nệm giường…

Tôi ra lệnh Chiến đoàn I dưới quyền tan hàng. Rồi tôi mượn tạm nhân viên tòa Đại sứ Lào một bộ quần áo để về nhà được an toàn.

Sáng ngày 02.11, Lễ Các Linh Hồn. Tờ mờ sáng, Bạch Yến đã nhờ anh chở về nhà cũ lấy giấy tờ cần thiết. Hai anh em vào nhà qua cửa nhỏ nhà in. Trong khi anh đứng nói chuyện với một người lính Thủy quân lục chiến, Bạch Yến đi về phía buồng ngủ. Bố tôi gặp con dâu về, bất chợt khóc, mừng mừmg, tủi tủi!. Bạch Yến ôm lấy ông cụ, thấy bố chồng bình yên cũng bật khóc vì vui mừng, làm cho ông cụ rất cảm động và được an ủi rất nhiều. Bạch Yến vào buồng, nhanh tay mở tủ sắt, lấy giấy tờ bỏ vào giỏ, rồi cùng bố chồng và anh ra đi ngay.

Trên đường về, bố tôi kể lại: Đêm qua, nghe tiếng súng nổ dữ quá, ông cụ sợ nằm một xó. Thiếu tá Duệ phải sang dẫn cụ xuống hầm ngủ với binh sĩ. Tuy vẫn không ngủ được, nhưng cụ bớt sợ. Sau đó, hai anh em trở lại lần nữa, tính lấy thêm ít quần áo và đồ dùng. Vào nhà, hai anh em thấy 3 người cởi trần, mồ hôi nhễ nhãi, đang thay phiên nhau dùng cuốc chim bổ tủ sắt. Hai anh em đành ra về tay không, vì buồng nào cũng có người vào lục soát. Bạch Yến đau lòng nhìn sản nghiệp, đồ đạc của gia đình tiêu tan. Tới nhà khoảng 11 giờ trưa, Bạch Yến vui mừng nhìn thấy chồng bình an, khoẻ mạnh, đang điện thoại cho Thiếu tá Duệ và hẹn cùng nhau 4 giờ chiều vào trình diện Bộ Tổng Tham Mưu, để tránh mọi rắc rối có thể xẩy ra.

Trung tướng Khiêm, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân đội thay Đại tướng Lê Văn Tỵ, cho hai Thiếu tá Lữ đoàn vào ngay, khỏi phải đợi lâu. Ông đứng dậy bắt tay hai người rồi nói: ‘Tổng thống và ông cố vấn đã qua đời. Các anh là sĩ quan trong Quân đội không làm chính trị, các anh không có tội gì. Các anh về lại Lữ đoàn kêu gọi tất cả quân nhân tiếp tục làm việc’. Suy nghĩ mấy phút, ông nói tiếp: ‘Để tiện làm việc, hai anh về Biệt khu Thủ đô trình diện Thiếu tướng Là’.

Cũng cần nhắc lại: Thiếu tá Duệ là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 12 khi ông Khiêm làm Tư lệnh Sư đoàn 4 ở Biên Hòa và Thiếu tá Hưởng từng là Chánh văn phòng cho ông khi ông làm Quyền Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Tôi (Thiếu tá Hưởng) cũng đã điện đàm với ông khi ông đem Sư đoàn 9 về cứu giá vụ đảo chính 11.11.1960 và đã chuyển máy để ông trực tiếp thưa chuyện với Tổng thống.

Tới Biệt khu Thủ đô, hai Thiếu tá Liên đoàn đứng nghiêm chào Thiếu tá Nguyễn Hữu Dụng, Tham Mưu Trưởng Biệt khu Thủ đô. Thiếu tá Duệ nhắc lại lời Trung tướng Khiêm. Thiếu tá Dụng lên giọng nói: ‘Thiếu tướng Là mất chức rồi, hiện ngồi chơi! Trung tướng Đính, Tư lệnh Quân đoàn 3, kiêm luôn Tư lệnh Biệt khu Thủ đô’. Cũng nên biết Dụng đã làm TMT cho Tướng Nguyễn Văn Là hơn 3 năm! Nói xong, Thiếu tá Dụng ra đi và độ 15 phút sau, ông trở lại với bộ lon Trung tá mới trên vai do Tướng Đính gắn cho. Hai sĩ quan Lữ đoàn đứng nghiêm chào: ‘Xin chúc mừng Trung tá!’. Dụng lên tiếng: ‘Tôi đã trình Trung tướng về hai anh. Trung tướng chỉ thị các anh làm một bản Thông cáo đại diện quân nhân Lữ đoàn, nói Lữ đoàn đã phục vụ cho một chế độ độc tài, gia đình trị…’. Hai chúng tôi cương quyết từ chối. Dụng điện thoại lại cho Tướng Đính. Sau khi nhận chỉ thị của Tướng Đính, Dụng nói: “Các anh muốn viết gì tùy ý’. Hai anh em thảo luận, rồi đưa bản Thông cáo đại ý: ‘Chế độ cũ đã tàn và chế độ mới ra đời. Quân nhân các cấp thuộc Lữ đoàn hãy về ngay Thành Cộng Hòa tiếp tục phục vụ trong Quân đội, không nên sợ hãi mà trốn tránh kẻo phạm tội đào ngũ’. Tướng Đính đồng ý bản Thông cáo và hai chúng tôi được đưa tới Đài Phát thanh Quân đội. Thiếu tá Duệ đọc bản Thông cáo. Cùng ký tên: Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ, Cựu TMT Liên đoàn và Thiếu tá Phạm Văn Hưởng, Cựu Tham mưu phó LĐ. Sau đó, hai chúng tôi bị đưa về trại giam An ninh Quân đội thuộc Biệt khu Thủ đô ở Chợ Lớn. Có lẽ Tướng Đính báo thù hai chúng tôi vì câu trả lời của Thiếu tá Duệ: ‘Thiếu tướng Đính làm loạn hả?’.

Nhìn từ ngoài cổng, tòa nhà như một biệt thự thường, nhưng vào trong có nhiều ngựa giăng kẽm gai. Bước vào hành lang chính, trông về trước là một nhà tôn và sau đó là một dẫy nhà lá rào kẽm gai rất dầy. Không thấy một cửa sổ nhỏ, không lối ra vào, chỉ có một lỗ nhỏ, đủ để đút chén cơm, ly nước. Thành phần nào bị giam trong đó? Chúng tôi bị nhốt trong đó sao? Không, chúng tôi bị giữ trong nhà tôn trống, không tường, nằm giữa nhà chính và nhà lá. Hai người bị lột thắt lưng, bị khám xét có dao kéo không. Tôi điện thoại xin Trung tá Triển, Giám đốc Quân nhu, gửi mỗi người hai bộ quần áo, một mùng và một mền.

Ngày hôm sau, chúng tôi nhận giấy bút để kê khai lý lịch và tài sản (bắt buộc phải khai chi tiết). Nhiều người nghĩ những sĩ quan Lữ đoàn được nhiều ân huệ! Thực sự Tổng thống mỗi tháng cho quân nhân các cấp mỗi người 50$, gọi là tiền bao thơ của Tổng thống. Ngày Tết, Tổng thống chỉ thị Sở Nội dịch hái xoài trong Dinh cho Lữ đoàn ăn Tết! Trung bình, hai người được một quả. Các sĩ quan xin không lãnh mà nhường cho binh sĩ.

Tôi kê khai rất rõ: Tôi bị tù trong Chiến dịch Tây Bắc tại Sơn La từ Tháng 11 năm 1952. Được tha vào Tháng 12 năm 1954. Tháng 01.1955, trốn vào Nam cùng bố, mẹ, vợ, con với hai bàn tay trắng. Tháng 8 năm 1955, được gọi tái ngũ. Thời gian ở tù coi như không bị gián đoạn quân vụ và được truy lãnh khoản tiền trong thời gian bị tù CS.

Sau một tuần bị giam, hai chúng tôi được tự do. Vui mừng vì được thả, nhưng khi về Lữ đoàn lại gặp cảnh đau lòng: Trung tá N. N. K., tiếp tục chỉ huy, đã bắt Đại úy Lâm Văn Thuận, Trưởng phòng tài chánh mua 6 bó bông to đẹp đi mừng 6 tướng đã thành công giết Tổng thống. Đó là 6 tướng: Minh (Cồ), Kim, Đôn, Khiêm, Xuân và Đính. Ngoài ra, ông còn họp Bộ Tham Mưu Liên đoàn trách chúng tôi: ‘Các anh chiến đấu mà không nghiên cứu tương quan lực lượng, một lữ đoàn mà dám chống lại cả Quân đội Thủy, Lục, Không quân’.

Sợ nguy hại cho bản thân mình, ông đã quên nhiệm vụ của Lữ đoàn mà ông đảm nhận là bảo vệ Tổng thống và gia đình Người. Ông đã quên lời ông thề hứa với Tổng thống, mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán, khi đem các sĩ quan TMT và TMP lên chúc thọ Người. Có một số sĩ quan cao cấp đã không theo đảo chính. Một số bị sát hại, như Đại tá Hồ Tấn Quyền, Tư lệnh Hải quân; Đại tá Lê Quang Tung, Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt và em ông là Thiếu tá Lê Quang Triệu, TMT. Riêng hai vị Thiếu tướng Nguyễn Văn Là, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, bạn Tướng Minh và Đại tá Cao Văn Viên, Tư lệnh Nhảy dù, bạn Tướng Khiêm chỉ bị canh giữ, rồi tha. Nhiều người nói: đảo chính không dám hại ông Viên, sợ Nhảy dù ra quân chống đảo chính nếu ông Viên bị hại.

Đầu Tháng 01 năm 1964, Trung tá Đầy về làm Tư lệnh thay Trung tá N.N. K. Trung tá K. được điều về Phủ Tổng thống. Sau đó, đi làm Thị trưởng Đà Nẵng. Còn các sĩ quan cao cấp Lữ đoàn, đàn em ông, bị thuyên chuyển đi các vùng chiến thuật I và II: Thiếu tá Duệ bị giam thêm hai tuần tại Nha An ninh Quân đội, rồi đi vùng I. Thiếu tá Hưởng đi Ban Mê Thuột, Vùng II. Thiếu tá Lạc xuống Cần Thơ, Vùng 4 và Bác sĩ Anh đi Pleiku, Vùng II… Lúc mà tôi (Thiếu tá Hưởng) nhận lệnh thuyên chuyển, Trung tướng Khiêm, Tổng Tham Mưu trưởng Quân đội đang đi công du ngoại quốc, Trung tướng Đôn tạm thay. Tướng Đôn ký cho tôi đi Sư đoàn 23 ở Ban Mê Thuột và ghi: “Đương sự 8 năm ở Sài Gòn làm văn phòng, Sư đoàn cho đi đơn vị tác chiến”.

Năm 1954, sau khi ở tù Cộng Sản về, tôi được học Khóa tham mưu và mãn khóa xuất sắc, bò từ Trưởng phòng I Chiến dịch Trương Tấn Bửu lên Chánh văn phòng Tham Mưu trưởng Liên quân Bộ Tổng Tham mưu, rồi Trưởng phòng An ninh Bộ Quốc phòng và cuối cùng Tham mưu phó Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống. Bất cứ ở cấp bậc nào và đảm nhận chức vụ gì, tôi luôn phục vụ tận tâm, làm tròn mọi công việc giao phó.

Tôi trình diện Sư đoàn đúng ngày ấn định. Sau khi xem kỹ hồ sơ, Đại tá Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Sư doàn 23, chỉ định tôi làm Quân trấn trưởng Ban Mê Thuột, lo phòng thủ an ninh và kỷ luật Quân đội trong thị xã, đồng thời kiêm Trưởng phòng Ấp Tân Sinh Khu 23 Chiến thuật thay Thiếu tá TMT Sư đoàn.

Tướng Đính nhận mình có công đầu, đã tự thăng lên trung tướng, nắm Bộ Nội vụ và thăng cấp cho một số đàn em. Việc làm đầu tiên của Tướng Đính là cho nhảy đầm tự do và bỏ lơ quốc sách Ấp Chiến lược (Chính thức, mãi tới ngày 09.3.1964, Thủ tướng Nguyễn Khánh mới kí hủy bỏ quốc sách Ấp Chiến Lược) khiến cho các ấp chiến lược bị tan rã, tình hình an ninh xuống dốc nhanh chóng. Việt Cộng nằm vùng và du kích tự do xâm nhập các ấp quấy phá và ám sát… Đồng bào bỏ nhà cửa ruộng vườn vào các thành phố, nhất là Sài Gòn - Gia Định, để lánh nạn. Nhiều tướng lãnh lộng hành ký thăng cấp cho đàn em hoặc người trong gia đình. Tướng Mai Hữu Xuân, Tổng giám đốc Công an, bắt bỏ tù những người ông không ưa. Thí dụ: Ông Trần Vững, người An Lộng, Quảng Trị, công chức chính ngạch, Trưởng phòng xuất ngoại Tổng Nha Cảnh sát, bị Tướng Xuân bỏ tù sau đảo chính. Họ tưởng ông giầu có. Sau một tuần điều tra, người ta chỉ thấy nhà ông ở phía sau Dòng Chúa Cứu Thế trong khu ổ chuột. Một nửa nhà nằm trên trên đất liền, nửa nhà sau nằm trên ruộng rau muống. Trong nhà không gì có vật gì đáng giá, ngoài hai chiếc xe đạp. Lương tháng nào xào tháng đó. Ông hiền lành đạo đức. Cuối cùng, ông được tha, nhưng bị sa thải. Ông phải đi làm công cho trại gà Scala của Dòng Chúa Cứu Thế.

Một lần, Đại tá Hoàng Lạc và tôi có dịp gặp lại Thiếu tướng Đỗ Mậu, lúc đó là Phó Thủ tướng đặc trách Văn hóa (ông chỉ có bằng tiểu học Pháp). Ông than phiền: ‘Mới rời Quân đội một tháng đã bị Bộ Tổng Tham Mưu cho đòi nhà, đòi xe và đòi người. Không biết tôi có công hay có tội trong vụ lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm?’.

Ba tháng sau khi lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, Mỹ lại bật đèn xanh cho Các Tướng Khánh, Khiêm, Viên làm chỉnh lý ngày 30 Tháng 01 năm 1964, không mất một viên đạn, bắt 4 Tướng Đôn, Kim, Xuân và Đính giam tại Đà Lạt. Sau này, Tướng Dương Văn Minh cũng bị đẩy đi làm Đại sứ lưu động!

Thiếu tá Nhung, tùy viên của Tướng Minh, người đã dùng dao găm và súng sát hại anh em Tổng thống, bị Nhảy dù bắt giam. Mấy ngày sau nghe tin ông đã treo cổ tự vẫn.

Bộ Tổng Tham Mưu phải mất một thời gian điều chỉnh lại cấp bậc cho các sĩ quan đã được thăng cấp sau vụ đảo chính 01.11.1963.

Chắc có độc giả thắc mắc: Tại sao tôi bị tù Cộng Sản 2 năm, khi về lại được tín nhiệm đảm trách nhiều chức vụ quan trọng? Xin thưa: ‘Trước là nhờ Chúa và Đức Mẹ, sau là có vài lý do. Sau khi mãn Khóa Sĩ quan 2 ở Huế, tôi đi hành quân hai năm liên tiếp khắp miền đồng bằng Bắc bộ: Thái Bình, Nam Định và Hòa Bình. Trong Chiến dịch Lotus, tôi được Quốc trưởng Bảo Đại gắn tại mặt trận Đệ ngũ đẳng Bảo quốc Huân chương kèm Anh dũng bội tinh với ngành dương liễu. Tháng 6 năm 1952, tôi được gọi theo khóa Chiến thuật Chiến lược tại Hà Nội cùng với 50 sĩ quan cao cấp: Trung tá Dương Văn Đức, Thiếu tá Nguyễn Khánh…; các Đại úy Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, Đỗ Mậu; các Trung úy Ngô Dzu, Phạm Xuân Chiểu, Vương Văn Đông, Hoàng Lạc, Lê Ngọc Triển… và tôi (Phạm Văn Hưởng).

Ở tù về, tất cả các bạn cùng khóa đã thăng Trung tá, Đại tá, thấy tôi sa cơ thất thế, ai cũng hết lòng thương nâng đỡ. Người nâng đỡ đầu tiên là Đại tá Trần Thiện Khiêm. Ông cử tôi làm Trưởng phòng nhân viên Chiến dịch Trương Tấn Bửu và 3 tháng sau, cử làm Trưởng cơ quan thanh toán Chiến dịch. Khi về giữ quyền Tham mưu trưởng Liên quân Bộ Tổng Tham Mưu, ông cử tôi làm Chánh văn phòng cho ông. Nhiều người hỏi tôi là người Bắc hay Nam, có họ thế nào với Đại tá Khiêm? Rồi Trung tá Hoàng Lạc giới thiệu tôi về Bộ Quốc phòng. Trung tá Triển hỏi ý kiến Trung tá Viên, Biệt bộ Tham mưu Phủ Tổng thống và Trung tá Đỗ Mậu, Giám đốc Nha an ninh Quân đội. Cả hai đồng ý không trở ngại và nói Hưởng là người hiền lành đạo đức. Trung tá Triển trình lên Tổng thống đề cử tôi làm Tham mưu phó Lữ đoàn Liên Binh Phòng vệ Phủ Tổng thống. Thấy ý kiến hai Trung tá, Tổng thống chấp thuận.

Như thế, làm sao tôi không trung thành với Người trong hai cuộc đảo chính?.

*Phạm Văn Hưởng
 
Văn Hóa
Các nghi vấn căn bản về cuộc đời
Trầm Thiên Thu
10:04 02/11/2011
Con người luôn thắc mắc về chính mình, về nguồn gốc và về đích đến – tức là thắc mắc về quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó là một tam-giác-nghi-vấn khiến con người lao tâm khổ tứ và tốn công hao của. Các chuyên ngành – từ khoa học tới y học, từ vật lý học tới thiên văn học, từ nhân chủng học tới khảo cổ học,… – vẫn không ngừng nỗ lực tìm kiếm từ xưa tới nay, thế nhưng con người vẫn không thể tìm ra đáp án nào thỏa mãn nhất. Không thấy đạo nào nhắc đến nguồn gốc của con người, chỉ nói đến giáo lý của đạo hoặc học thuyết, nhưng Kitô giáo mạch lạc “hai năm rõ mười”.

Con người là ai?

Ngày xưa, trong chương trình giáo dục tiểu học có ngụ ngôn “Con trâu, Con cọp và Con người” thế này:

Ngày xửa ngày xưa, khi dắt trâu ra ruộng, người ta thường lấy dây buộc vào sừng trâu mà kéo đi. Một hôm, có con chim đậu ở bụi cây, thấy người nông dân dẫn trâu đi như vậy, bèn hỏi: “Sao ông không thọc lỗ ở mũi trâu mà dắt đi?”. Người kia bèn buộc con trâu vào gốc cây, đâm thủng mũi trâu, xỏ dây và dắt đi. Sau đó có nhiều người bắt chước theo. Một hôm, sau buổi cày, khi người chủ nghỉ ngơi, còn trâu đang gặm cỏ, thì có một con cọp đến hỏi trâu: “Này trâu, sao mày to xác như vậy mà lại để cho một thằng người bé nhỏ xỏ mũi kéo, đánh đập, mà mày cứ chịu lép vế sao?”. Trâu trả lời cọp: “Tuy bé nhỏ nhưng con người có trí khôn to lớn”.

Vừa lúc ấy, người đi cày trở lại, cọp bèn hỏi: “Nghe trâu nói là người tuy bé nhỏ nhưng có trí khôn. Vậy trí khôn đâu, cho tôi xem với”. Người đi cày đáp: “Trí khôn tôi để ở nhà”. Cọp bảo: “Hãy về nhà lấy trí khôn cho tôi xem”. Người nông dân trả lời: “Được chứ! Nhưng e rằng trong lúc tôi vắng mặt thì ông cọp ăn mất trâu của tôi. Vậy, cọp có bằng lòng cho tôi trói lại đã, rồi tôi về nhà lấy trí khôn cho mà xem được không?”. Cọp bằng lòng ngay.

Người đi cày lấy dây thừng cột cọp thật kỹ vào gốc cây, rồi ông lấy một chiếc gậy to vừa đánh vào đầu cọp vừa nói to: “Trí khôn của tao đây này”. Trâu thấy vậy, cười ngả nghiêng, híp mắt vào nên đập hàm vào đất, gãy cả hàm răng trên. Do đó, loài trâu sau này không còn hàm răng trên nữa. Còn loài cọp thì bị rằn rện, lông có những vết sọc đen trên mình là dấu tích bị loài người đánh.

Giết một con vật thì không có tội, nhưng giết một con người thì tội tày trời. Giết một con vật mà có tội chỉ vì con vật đó thuộc loại quý hiếm, nhưng tội giết động vật quý hiếm cũng chỉ là khinh tội, không như tội giết con người. Thậm chí chỉ đối xử tệ với con người cũng là trọng tội, vì con người là động vật cao cấp nhất, mỗi người đều có trọn vẹn một nhân vị, một nhân phẩm và đầy đủ nhân quyền.

Dù chỉ là động vật, sống theo bản năng, không biết lý luận, nhưng con chó bị dồn vào góc tường thì nó cũng chống trả bằng cách cắn lại ngay cả chủ của nó. Những người làm xiếc có khi cũng “sinh nghề tử nghiệp” vì chính con vật mà mình đã thuần hóa. Nói chung, loài vật không biết phân biệt điều thiện hay điều ác. Ngược lại, con người biết phân biệt và biết suy nghĩ, có người phản ứng mạnh nhưng có người lại nhịn nhục – như tục ngữ nói: “Một sự nhịn chín sự lành”. Thế mới là con người.

Con người đến từ đâu?

Người ta cho rằng con người tiến hóa từ loài khỉ. Nói như vậy nghĩa là con người xuất xứ từ loài khỉ, và như vậy khỉ là tổ tiên của con người. Nói vậy thì bạn sẽ tự ái và nói: “Khỉ làm sao có thể là tổ tiên của tôi?”. Đúng vậy, nhưng khi bạn công nhận con người tiến hóa từ loài khỉ – dù gián tiếp hay trực tiếp, nghĩa là bạn đã chấp nhận “khỉ là tổ tiên của mình”.

Có 3 loài chính: Thực vật, Động vật và Con người. Thực vật có sinh hồn, tức là chỉ sống mà không có cảm giác; động vật có giác hồn, tức là sống và có cảm giác, chỉ sống theo bản năng sinh tồn; con người có linh hồn, tức là không chỉ sống và có cảm giác mà còn có trí khôn, biết sáng tạo, biết phân biệt thiện và ác.

Loài này không thể là loài kia – dù là động vật: Con vật không thể là con người, và tất nhiên con người không thể là con vật. Con nòng nọc biến hóa thành con nhái, con ếch, dù hai con khác nhau nhưng vẫn là “loài tương cận”. Cũng vậy, con ngài biến thành bướm, nhưng chúng vẫn chỉ là loài động vật có giác hồn. Con chó có hình dáng giống con bò, con trâu, nhưng mãi mãi là loài chó; con cọp có dáng giống con beo nhưng không bao giờ là con beo. Con tinh tinh nhìn giống con vượn nhưng khỉ không thể là vượn. Sáo có thể bắt chước âm gần giống tiếng người, cà cưỡng cũng có khả năng đó, nhưng sáo là sáo và cà cưỡng là cà cưỡng. Những loài gần giống nhau nhưng không cùng “họ hàng thân thuộc” mà chỉ là “những con tương cận”.

Kitô giáo tin rằng Thiên Chúa dựng nên con người, có nam có nữ, theo hình ảnh của Ngài (St 1:26-27), Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người (đàn ông), rồi thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật (St 2:7). Rồi Ngài thấy con người ở một mình không tốt (St 2:18) nên Ngài lấy xương sườn của người đàn ông để tạo nên phụ nữ (St 2:21-22).

Chắc chắn rằng loài khỉ không thể và không bao giờ là tổ tiên của loài người. Và chắc chắn bất kỳ ai cũng không hề muốn chấp nhận loài khỉ là tổ tiên của mình! Con người phải xuất xứ từ một Đấng Tạo Hóa quyền năng và vô thủy vô chung, đó là Ông Trời, đó là Thiên Chúa.

Con người đi về đâu?

Khởi đầu cuộc đời bằng tiếng khóc, kết thúc cuộc đời bằng giọt nước mắt. Sinh ra trắng tay, chết cũng trắng tay. Được tạo nên từ bụi đất thì sẽ trở về với bụi đất, nơi mình xuất phát. Đó là điều chắc chắn!

Nhưng đó là theo nhãn quan trần thế. Chó chết thì hết chuyện. Con người chết không hết chuyện. Cọp chết còn để da huống chi con người. Chó chết không ai xây mộ, lập bàn thờ hoặc thắp nhang trước di ảnh… chó. Nhưng con người chết, dù là ai, cũng được tổ chức đám tang trang trọng, được lập mộ, được lập bàn thờ và được thắp nhang trước di ảnh, thậm chí còn được cầu khấn xin phù hộ. Ngay cả những người không có niềm tin tôn giáo cũng lâm râm khấn vái với người quá cố. Lạ thật!

Từ 1 tới 8-11, khi lãnh ân xá đẩ cầu cho các linh hồn nơi luyện hình, chúng ta đọc Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại và sự sống đời sau”. Đó là đích đến của mỗi người, nghĩa là hưởng Tôn Nhan Thiên Chúa đời đời trên Thiên quốc. Nếu không được làm công dân Nước Trời là chúng ta phụ tình Chúa, là uổng phí Ơn Cứu Độ, vì chính Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân kia mà. Lòng Chúa Thương Xót ngoài sức tưởng tượng của con người. Mừng lễ chư thánh là mừng Giáo hội Khải hoàn, cầu cho các linh hồn là chia sẻ yêu thương và là nhiệm vụ của chúng ta đối với Giáo hội Đau khổ, đồng thời chúng ta cũng cầu cho chính mình là những thành phần của Giáo hội Chiến đấu. Đó là Giáo hội hiệp thông với 4 đặc tính: uy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền.

Với con người bình thường thì “đau đầu” vì tam-giác-nghi-vấn kia, nhưng với người có niềm tin vào Thiên Chúa thì đó là một hành trình thú vị và đầy ý nghĩa vậy. Bởi vì Thiên Chúa đã khuyến khích: “Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1:17-18).

Chiều mưa Saigon, 2-11-2011
 
Tháng các Đẳng
Nguyễn thanh Trúc
10:05 02/11/2011
Tháng các Đẳng, tháng cuối cùng trong năm Phụng Vụ
Giáo Hội nhắc chúng ta, hãy nhớ đến những người
Đã đi trước chúng ta, đã về cõi thiên thu
Là các Thánh, hay linh hồn trong lửa luyện ngục

Cũng là để nhắc nhởchúng ta, đến giờ phút
Khi mà chúng ta đến lúc, ra khỏi cõi đời này
Nhưng không biết lúc nào, là ; lúc tay chia tay
Vào cõi chết cách nào, và chốn nào ta chết

Nghĩ như vậy, không phải để bi quan cuộc sống
Nhưng vẫn vui, vì vững tin vào Chúa Phục Sinh
Ngài đã sống lại, và đã lên trời hiển vinh
Dọn đường cho chúng ta, vào Thiên Đường hạnh phúc

Trong lúc chờ đợi đến lúc, về trời vinh thắng
Ta nên biết xử dụng, thời giờ Thiên Chúa ban
Để sinh lời ơn Chúa, trong những việc trần gian
Những việc lành phúc đức, cho những người nghèo khó

Xưa Chúa Giêsu phán:
“Vì khi Ta khát các con đã cho ta uống,
Vì khi Ta đói các con đã cho Ta ăn,
Khi Ta bịnh hoạn, các con đã đến viếng thăm
Và như thế các con đã làm cho Ta đó”

Tháng các Đẳng, là tháng của Lòng Thương Xót Chúa
Ân sủng Ngài ban, qua Giáo Hội Chúa lập ra
Ban phát kho tàng, tình thương Chúa rất bao la
Chúa muốn mọi linh hồn, được mau về với Chúa

Tháng các Đẳng, là tháng của tấm lòng bác ái
Nhờ lời cầu của ta, linh hồn sớm về trời
Nhờ chúng ta, linh hồn sẽ vợi bớt khổ đau
Bớt tháng ngày, giam cầm đớn đau trong lửa nấu

Tháng các Đẳng, là tháng của tấm lòng báo hiếu
Để cháu con nhớ đến, các đấng bậc Sinh Thành
Để anh em huynh đệ, luôn nhớ mãi đến nhau
Những người sống, liên đới tình thân với người chết

Lạy các Đẳng, Linh Hồn còn trong lửa luyện ngục
Chúng con hiệp dâng, nhiều Thánh Lễ trong tháng này
Cùng hy sinh với việc làm và bác ái hăng say
Cầu cho các Ngài, mau được về nơi nước Chúa

Khi nào các Ngài, đã về sum hợp cùng Chúa
Xin nhớ chúng con, còn đang lưu lạc trần gian
Cầu cho chúng con, trong những ngày tháng gian nan
Biết mến Chúa yêu người, bình an theo năm tháng.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lá Thu Vàng
Đặng Đức Cương
20:57 02/11/2011
LÁ THU VÀNG
Ảnh của Đặng Đức Cương
Ai tô cho lá thu vàng
Cho Thu đượm vẻ mơ màng xa xôi
Lá vàng rực dưới nắng tươi..
(Trích thơ của Vy Vy)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền