Ngày 03-11-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Tư 4/11: Từ bỏ tất cả để làm môn đệ Chúa Kitô - Suy Niệm của Lm. Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
00:24 03/11/2020


Phúc Âm: Lc 14, 25-33

“Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta. Và có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không, kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế diễu người đó rằng: “Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi”.

“Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Ðó là lời Chúa.
 
Không gì có thể dịch chuyển
Lm Minh Anh
00:50 03/11/2020

KHÔNG GÌ CÓ THỂ DỊCH CHUYỂN
“Hãy ra ngoài đường ngoài ngõ và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thiên Chúa thật quyết đoán, Người là Thiên Chúa của niềm vui, của niềm hy vọng; ý định yêu thương của Người thật vữngbền. Một cách nào đó,‘không gì có thể dịch chuyển’ là điều chúng ta có thể tìm thấy nơi Thiên Chúa và nơi một số người theo hai ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau; đó cũng là những gì chúng ta sẽ đọc thấy trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

Phòng tiệc đã sẵn, nhưng những người được mời không đến, một điều thật đáng buồn. Thế nhưng, dù thiếu sự hưởng ứng từ những khách quý, ông chủ vẫn không thay đổi ý địnhmở tiệc, kế hoạch của ông không hề gián đoạn. Ông không nản lòng trước những từ chối của kẻ được mời, ông không hủy bỏ bữa tiệc nhưng đã gửi đi những lời mời khác, những lời mời mở rộng vượt mọi giới hạn thường tình. Ông sai người hầu ra các quảng trường, ngả ba, ngả tư, các hang cùng ngõ hẻm để đưa về bất cứ ai được tìm thấy. Họ là những thường dân, những người nghèo,những người không chút tài sản thừa kế, những người bị bỏ rơi;trong đó, cócả người tốt lẫn người xấu; ở đây, không có sự phân biệt. Và như thế, phòng tiệc được lấp đầy bởi “những người bị loại trừ”. Quảthế, ông chủ là một con người hào hiệp với một ý chí ‘không gì có thể dịch chuyển’.

Ông chủ chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Cũng vậy, ơn cứu độ Chúa Giêsu mang đến bị một số người từ chối, đó là những con người có những trái tim ‘không gì có thể dịch chuyển’; thế nhưng, ý định và kế hoạch cứu độ ngàn đời của Thiên Chúa vẫn không bao giờ bị gián đoạn; Tin Mừng bất ngờ được đón nhận trong nhiều trái tim khác và đó sẽ là một bữa tiệc!

Khi gửi một lời mời mở rộng vượt tất cả giới hạn hợp lý đến mọi hạng người, Thiên Chúa tỏ ra quảng đại và khiêm tốn đến lạ lùng; Người nhẫn nại, một sự nhẫn nại đầy quyết đoán. Vậy mà vẫn có những người không sẵn lòng để vào dự tiệc, họ sợ xáo trộn, họ muốn cảm thấy an toàn; họ đánh mất đi ý nghĩa của tính nhưng không, tính vô vị lợi của lời mời. Và như thế, khi nói con đường của tình yêu thương là điều đẹp nhất; thì cũng có thể nói, đánh mất khả năng yêu thương, đánh mất khả năng cảm nhận mình được yêu thương là điều xấu xa nhất khi lương tâm con người ra trơ lỳ, một lương tâm vốn ‘không gì có thể dịch chuyển’.

Chúng ta tự hỏi, làm sao điều này có thể xảy ra; vậy mà, điều nàycũng có thể xảy ra thường xuyên với chính mỗi người. Nó xảy ra bất cứ lúc nàokhi chúng ta từ chối lời mời gọi chia sẻ ân sủng của Thiên Chúa,bởichúng ta thấy mình quá bận rộn với những việc khác “quan trọng” hơn.Ân sủng Chúa ban cho mỗi ngày là lời mời dự tiệc; buồn thay, chúng ta dễ dàng viện lý do này, lý do khác để từ chối lời mời của Người; chúng ta mất đi cơ hội thông phần vào đời sống ân sủng,chúng ta không tiến về phía trước, vì lẽ, chúng ta có một trái tim vốn ‘không gì có thể dịch chuyển’.

Thư Philipphê hôm nay mời gọi chúng ta học gương khiêm hạ của Chúa Giêsu, “Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết”. Chính nhờ sự khiêm hạ của Ngài, tiệc cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện. Cũng thế, nếu khiêm hạ, chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận lời mời của Chúa mỗi ngày; chúng ta sẽ nhanh nhẹn như những đầy tớ được chủ sai đi và con tim ‘không gì có thể dịch chuyển’ sẽ chuyển dịch một khi chúng ta nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa; lúc bấy giờ, những gì còn lại sẽ là sự khao khát của linh hồn, khát khao Thiên Chúa.

Thánh Augustinô nói, “Ơn Thiên Chúa ban cho những người có lòng khát khao không phải là ơn tầm thường; những nỗ lực nửa vời sẽ chẳng bao giờ đưa đến mục tiêu. Tặng ân Thiên Chúa sắp sửa ban cho họ không phải là các tạo vật, nhưng là chính mình Người. Anh em hãy làm việc cật lực, hãy giữ lấy Thiên Chúa; hãy khát khao những gì anh em sắp sửa có được trong cõi đời đời”.

Anh Chị em,
Một con tim không hoán cải, một con tim ‘không gì có thể dịch chuyển’ là con tim của người đánh mất khả năng cảm nhận mình được yêu; đánh mất khả năng đó, bấy giờ, sẽ là đánh mất tất cả.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con biết mềm mại trước lời mời gọi của Chúa mỗi ngày, lời mời gọi nên thánh. Xin đừng để con từ chối việc để cho mình được yêu thương; với ơn Chúa, không gì là không thể, ngay cả một con tim bấy lâu ‘không gì có thể dịch chuyển’ vẫn có thể dịch chuyển và đi tới”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Các bài suy niệm: Chầu Thánh thể
Đức ông Francis Phạm Văn Phương
12:43 03/11/2020
Lời Giới Thiệu:

Tôi đã học Ban Thần Học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Saigon, Vietnam, từ năm 1962 - 1966 và đã được phong chức linh mục ngày 29-4-1966 tại nhà thờ Chánh tòa Saigon.

Lịch trình chịu chức ngày xưa trước Công Đồng Vatican II có khác với ngày nay. Lúc ấy Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ duy trì Phép Cắt Tóc là nghi thức đầu tiên để gia nhập hàng Giáo sĩ, rồi lãnh 4 chức nhỏ, sau đó mới lãnh chức Phụ Phó Tế, rồi chức Phó Tế, sau cùng là chức Linh Mục. Lịch trình cho Nghi Lễ Cắt Tóc và các chức được lãnh nhận như sau:

  • Cuối năm Thần Học I: lãnh nhận Phép Cắt Tóc, gia nhập hàng Giáo sĩ
  • Đầu năm Thần Học II: lãnh nhận Chức I: Chức Giữ Cửa và Chức II: Chức Đọc Sách
  • Cuối năm Thần Học II: lãnh nhận Chức III: Chức Trừ Quỷ và Chức IV: Chức Giúp Lễ
  • Cuối năm Thần Học III: lãnh nhận Chức V: Chức Phụ Phó Tế
  • Đầu năm Thần Học IV: lãnh nhận Chức Phó Tế - Chức Thánh
  • Cuối năm Thần Học IV: lãnh nhận Chức Linh Mục – Chánh Tế


Hiện nay, lịch trình huấn luyện và chịu chức tại Hoa Kỳ tôi được biết như sau:

  • Cuối năm Thần Học I: lãnh nhận Thừa tác vụ Đọc Sách
  • Cuối năm thần học II: lãnh nhận Thừa tác vụ Giúp Lễ
  • Cuối năm thần học III: lãnh nhận Chức Phó Tế
  • Cuối năm thần học IV: lãnh nhận Chức Linh Mục


Kỷ niệm đẹp đẽ nhất của tôi ở Đại Chủng Viện là những lần tĩnh tâm chịu chức. Lúc ấy tôi còn trẻ trung, lòng tràn đầy niềm hăng say và lý tưởng dâng mình cho Chúa để trở thành linh mục. Sách thủ bản hướng dẫn tĩnh tâm và Nghi Thức được viết bằng tiếng Pháp. Tôi rất ưa thích các bài dẫn giảng chuẩn bị trong đó, đặc biệt là các bài viếng Chúa Thánh Thể vào các buổi chiều. Hiện nay tôi còn giữ lại được ít bài chầu Chúa Thánh Thể mà tôi đã tóm lược, dịch ra và vẫn còn xử dụng từ nhiều năm qua. Tôi muốn chia sẻ cho các bạn. Mỗi bài có thể giúp chúng ta tâm sự với Chúa Thánh Thể được 15 phút hay nửa giờ bên cạnh Chúa. Tôi cầu xin Chúa Giêsu Thánh Thể tác động và lôi cuốn chúng ta vào cuộc tâm sự với Ngài để lớn lên trong tình yêu mến Chúa Thánh Thể mỗi ngày. Ước mong được như vậy! Amen

Đức Ông Francis Phạm Văn Phương
Tổng Giáo Phận Atlanta Georgia, ngày 28 tháng 10 năm 2020



BÀI 1: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ
(Visite au très Saint Sacrament)
(Tĩnh Tâm chuẩn bị lãnh Phép Cắt Tóc)

Những Nhân Đức Chúa Giêsu đòi tôi

I. Phần Thờ lạy

Con sắp thành người được Chúa chọn gọi như các Tông Đồ xưa. Con đến xin Chúa dạy dỗ. Con nghe tiếng Chúa phán bảo: “Đừng ngần ngại hỡi con, hãy can đảm lên và hãy đi theo Cha”. Điều này con cần phải suy niệm thật kỹ. Chúa đã chọn các Tông Đồ trong số những môn đệ hoàn hảo nhất (the most perfect), mà những môn đệ lại là những người thánh thiện nhất (the most holy) trong số những người đã đến với Chúa.

Vậy con cũng cần phải sống nhân đức và thánh thiện hơn những người kitô hữu bình thường. Cũng vẫn chưa đủ. Con phải xin Chúa cho con biết tiến xa hơn nữa để trở thành những người xứng đáng với ơn Chúa kêu gọi (the people most worthy of you).

II. Phần Suy niệm

Trong bước đầu đời vào cuộc sống tu trì, Chúa muốn nhắn nhủ con cần phải được tô luyện và hướng dẫn để có được các nhân đức sau đây mà Chúa tha thiết đòi hỏi:

A. Đức Trong Sạch: Trước hết, rõ ràng Chúa đã đòi hỏi con cần phải có một Đức Trong Sạch của tâm hồn (the purity of the soul) và một đời sống gương mẫu vô tội (with an exemplary life and innocence).

- Đó là điều mà cả Thánh Vịnh 23 được cộng đoàn hát hôm nay đã nói lên điều đó, còn con trong sự thinh lặng của tâm hồn con lặng lẽ âm thầm dâng mình cho Chúa.
- Ai xứng đáng bước lên núi thánh và sẽ đứng vững trên bàn thờ nơi cao sang dường ấy trong Đền Thánh?
- Đó là người không có tì ố trước mặt Thiên Chúa cũng như trước mặt người ta, người có lòng trong sạch và mọi công việc làm của họ đều trong trắng (innocens manibus et mundo corde). Ít là sự trong sạch được chuộc lại nhờ phép cáo giải.
- Ý thức điều đó, Đức Giám Mục và toàn thể cộng đoàn đã nài xin Chúa giữ gìn sự trong trắng đó của con cho khỏi hoen ố. “ut eum sine macula in eternum custodias“

B. Sự Từ Bỏ Hoàn Toàn: Chúa cũng đòi hỏi con sự từ bỏ hoàn toàn tất cả mọi tạo vật đã được Chúa dựng nên. Đó là sự chân thành căn bản và sơ đẳng. Lòng con phải xác nhận những lời mà môi miệng con đã phát ra. Vậy con đã nói gì, con đã nói nhiều lần: “Từ nay Chúa là gia nghiệp đời con”. Như thế con có xứng đáng không khi con đã khấn hứa trọng thể với những tâm tình đó, mà trong thực tế con còn dính bén vào cái tôi và vào thế gian. Các Tông Đồ đầu tiên của Chúa đã không do dự một giây phút, họ đã bỏ tất cả để đi theo Chúa. Con cũng sẽ không trừ ra một cái gì, dù là rất nhỏ, vì nó sẽ làm cho lễ vật dâng hiến và hy sinh của con ra không hoàn hảo, làm cho con không được tự do để phụng sự Chúa như ý Chúa muốn.

C. Tràn Đầy Tình Yêu Chúa: Sau cùng Chúa còn đòi con yêu mến Chúa không những bằng lời nói thường không thật, mà còn bằng hành động, bằng ý chí và bằng cảm xúc, tức là chỉ tìm Chúa và làm theo thánh ý Chúa, như các Tông Đồ khi xưa chỉ lo làm theo ý Chúa và như chính Chúa cũng chỉ lo làm theo thánh ý Đức Chúa Cha, cả khi trên Thánh Giá: “Xin đừng theo ý con một theo ý Cha”. (Non sicut ego volo, sed sicut tu).

Con nguyện yêu mến Chúa một cách chân thành. Tất cả những lời cầu nguyện cho con trong buổi lễ phong chức hôm nay nói lên điều đó: “Xin cho họ trung thành trong tình yêu thương của Chúa” hoặc: “In ejus dilectione perpetuo maneant”.

Nếu tâm tình con lãnh đạm và thờ ơ, con dâng mình nhưng không yêu mến Chúa tuyệt đối và chân thành thì con đã lừa dối cả Giáo Hội của Chúa.

III. Phần Cầu Xin

Lậy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cảm ơn Chúa vì Chúa đã gọi con và đã ban các ơn trong ơn kêu gọi của con. Con xin lỗi Chúa vì con còn xa lý tưởng và những đòi hỏi của ơn gọi. Con thề hứa sẽ cố gắng sống phù hợp với sự thánh thiện và lý tưởng đang dẫn đưa con tới gần Chúa mỗi ngày một hơn. Amen


BÀI 2: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ
(Visit au très Saint Sacrament)
(Tĩnh Tâm chuẩn bị lãnh Phép Cắt Tóc)

Con Dâng Cho Chúa Mái Tóc Này

I. Phần Thờ Lạy

Chiều nay Chúa như đang muốn tỏ cho con xem thấy những vết thương Chúa còn giữ kỹ ở ngọc thể Chúa: lỗ đinh lớn ở bàn tay bàn chân, vết gai ở đầu như triều thiên, cạnh sườn mở ra để những giọt máu sau cùng chảy ra. Chúa muốn các môn đệ suy gẫm các mầu nhiệm đóng đinh và thánh giá để kín múc “tình yêu hi sinh” (l’amour du sacrifice). Đó là một lý do khiến Chúa ở lại trong nhà tạm. Chúa đã phán “Si quis vult post me venire, abneget semetipsum, tollat crucem suam quotidie”. (Ai muốn theo tôi, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày). Đó là nền tảng của tu đức Kitô giáo qua mọi thời đại.

II. Phần Suy niệm

Thánh gíá con phải vác không phải là bằng gỗ như của Chúa nhưng cũng vẫn nặng nề và vất vả để mang vác nó.

A. Chết đi cho con người cũ (La mort du vieil home) Cần phải khổ chế con người cũ để chiến thắng dục vọng, bản năng và ý riêng, đồng thời để sống trung thành với Chúa trong ơn gọi.

1. Sự khổ chế phải toàn diện: khổ chế trên khả năng tinh thần và sức mạnh thể xác, nhất là ngũ quan thường làm cớ cho bao nhiêu cám dỗ đưa đến tội lỗi: “Qui Christi sunt, carnem suam crucifixerunt cum vitiis et concupiscentiis” (Ai thuộc về Chúa Kitô thì đóng đinh xác thịt mình cùng với nết xấu và dục vọng).

Vì thế Đức Giám Mục ghi dấu Thánh Giá trên đầu con và cắt tóc con thành hình Thánh Giá nơi 5 chỗ khác nhau trên đầu như bảo con phải thực hành khổ chế ở ngay trên thân xác của mình.

2. Con xin Chúa ban cho con ơn trung kiên và không yếu đuối: stare! Hãy vững mạnh trong điều quyết định quan trọng này.

B. Lãnh nhận ách vào vai

Thánh giá trên còn hệ tại sự cương quyết từ bỏ hoàn toàn, từ bỏ bản thân, hướng chiều tự nhiên, ý riêng, thời giờ, khả năng và sức mạnh.

1. Thánh Phaolô nói: “ngày xưa anh em tự do, tôi không mắc nợ gì ai nhưng tôi tự nguyện trở nên nô lệ mọi người để chinh phục cả thế giới cho Chúa Giêsu. Đó cũng phải là tham vọng truyền giáo mà tôi cũng cần phải tâm niệm và chia sẻ luôn.

2. Ở các chức thánh tôi sẽ được hướng dẫn để làm quyết định từ bỏ quyết liệt hơn nữa. Nhưng ngay từ “phép cắt tóc” tôi đã phải chính thức từ bỏ tự do. Tôi lãnh lấy gánh nặng của việc nhà Thiên Chúa. Đức Giám Mục đặt một Thánh Giá trên đầu tôi để cho tôi phải vác.

C. Triều Thiên của phép Cắt Tóc (La Couronne du Tonsuré) - Thánh giá trên còn hệ tại ở sự trung thành với các bổn phận của bậc giáo sĩ và chu toàn các phận vụ đã được uỷ thác. Đó chính là thánh giá của người giáo sĩ phải được lãnh nhận như của riêng mình và thi hành nó với tình yêu mến. Sự thánh thiện sẽ tùy thuộc vào việc trung thành vác thánh giá này!

III. Phần Cầu Xin

Xin Chúa hãy đóng ấn tình yêu và quyết định lựa chọn của con vào thánh giá này, thánh giá mà Chúa vừa dạy cho con biết là của con. Bước vào bậc giáo sĩ, con được hưởng nhiều quyền lợi và an ủi, nhưng con cũng có những nghĩa vụ, những bó buộc nghiêm khắc, những thử thách và cả những đau khổ. Nếu con vẫn yêu mến Chúa, mắt nhìn ngắm Chúa và chân bước theo Chúa, vì con biết rằng Thánh Giá là bảo đảm duy nhất để con có được kết qủa siêu nhiên:”Utinam dingus esses aliquid pro nomine Jesu pati” (Miễn sao tôi xứng đáng làm chút gì cho Chúa Giêsu chịu đau khổ). Amen


BÀI 3: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ
(Visit au très Saint Sacrament)
(Tĩnh Tâm chuẩn bị lãnh Phép Cắt Tóc)

Chúa Giêsu, nguyên lý sự sống siêu nhiên của tôi

I. Phần Thờ Lạy

Con gia nhập hàng giáo sĩ với một lòng tin tưởng vững chắc như thánh Phaolô đã viết: “Scio cui credidi” (Tôi biết tôi đã tin tưởng vào ai). Con nhận biết Chúa là nguyên lý và là mẫu mực của sự sống siêu nhiên của con. Chính vì Chúa mà các Tông Đồ đã trung thành với một chương trình sống rất mới lạ, mang nhiều sự bất ngờ và đòi hỏi họ phải hy sinh nhiều. Chúa là sự bảo đảm của các vị ấy khi Chúa đã nói: “Ego sum vita” (Ta là sự sống). Chính Chúa là sự sống, là nguồn mạch và là sự sung mãn của sự sống. “Sicut Pater habet vitam in semetipso, sic dedit et Filio habere vitam in semetipso”. (Như Chúa Cha có sự sống nơi Ngài thế nào, Ngài cũng ban cho Chúa Con như vậy). Đó cũng là chính lý do khiến Chúa chúng ta đã nhập thể. “Ego veni ut vitam habeant at abundantius”. (Tôi đã đến thế gian để họ được sống và sống dồi dào hơn). Để đi xa hơn, đó là tất cả lý do khiến Chúa ở trong Thánh Thể để ban tặng và duy trì sự sống thần linh cho chúng ta, cách riêng nơi các linh mục và những người yêu mến Chúa.

II. Phần Suy niệm

Giáo lý trên đây rất cao cả và đầy an ủi làm cho con hết phải sợ hãi và ghi nan.

A. Nguồn mạch sự sống – (La source de la vie): Chúa là sự sống đã biến đổi thế gian và nay còn đang tiếp tục nâng đỡ nó. Điều đã được mặc khải và con vẫn tin tưởng là có ơn cứu độ và nguồn mạch sự sống trong Chúa Giêsu, chúng con sẽ lãnh nhận để được thánh hóa và làm vinh danh Chúa Cha trong đời sống linh mục.

1. Chính Chúa đã qủa quyết: Ta là cây nho các con là ngành nho. Ai ở trong ta sẽ sinh nhiều hoa trái.

2. Thánh Phaolo đã diễn tả giáo lý đó bằng hình ảnh một thân thể. Cũng như thân thể là một mà có nhiều chi thể hoặc như các chi thể có nhiều làm thành một thân thể thì Chúa Kitô cũng vậy. Tất cả chúng ta đã được rửa trong một thánh thần, để làm thành một thân thể.

3. Một hình ảnh khác: Chúa như một cây và mọi người kitô hữu là ngành. Chúa như người thủ lãnh, mọi người Kitô hữu là các chi thể……cành cây và chi thể không có sự sống khác ngoài thân cây và người thủ lãnh. Biết bao nhiêu người chưa biết Chúa là nguồn mạch sự sống, vì họ chưa biết tìm đến Chúa trong nhà tạm!

B. Nguồn mạch sự sống của tôi:

Con đã được tham dự vào ân sủng và sự sống của Chúa Kitô là niềm hạnh phúc.

1. Con đã được xếp đặt để làm mẫu mực cho giáo dân. Bởi ơn kêu gọi, con lại còn bị buộc phải sống đời thánh thiện hơn, làm nhiều việc lành hơn, thực hành một chương trình đào tạo nhằm đưa đến sự phát triển hoàn thiện hơn mỗi ngày.

2. Hơn thế nữa, con còn phải dùng đến các máng chuyển thông ơn phúc và sự sống của Chúa đi vào tâm hồn các tín hữu. Cho nên tâm hồn con luôn phải được tràn đầy ơn phúc: “Ex abundantia cordis os loquitur” (Lòng con có tràn đầy mới nói ra ngoài miệng được).

III. Phần Cầu xin

Con xác tín và cầu xin Chúa ban cho con điều này là để cho việc mục vụ tông đồ và truyền giáo được hữu hiệu và có kết quả, người mục tử phải học lãnh nhận thật dồi dào ân sủng của Chúa Giêsu Thánh Thể nơi nhà tạm và sức tác động của Chúa Thánh Thần như các Tông Đồ xưa. Amen!


BÀI 4: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ
(Visit au très Saint Sacrament)
(Tĩnh Tâm chuẩn bị lãnh chức I: Giữ Cửa)

Vẻ Đẹp Của Nhà Chúa

I. PHẦN THỜ LẠY

Lậy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cảm tạ Chúa vì Chúa đã thương yêu và tín nhiệm con. Chúa đã tín nhiệm lòng thảo mến, lòng nhiệt thành, sự tận tâm và tính đúng giờ của con, nên đã chọn con làm người giữ cửa cho nhà của Chúa. Cả cuộc đời của con sẽ là người giữ cửa cho nhà Chúa. Chúa có ý chuẩn bị và huấn luyện con cách riêng để sau này con sẽ được ủy thác lo cho nhà của Chúa suốt cả cuộc đời linh mục của con. Con vô cùng cảm tạ Chúa.

II. PHẦN SUY NIỆM và HỌC HỎI

Thầy Giữ Cửa, tiếng nói ngày nay đúng hơn có lẽ nên gọi là Ông Từ. Trách nhiệm của Ông Từ, Giáo Hội đã cho con biết là cỏ 3 bổn phận chính yếu phải làm: Đó là lo giữ sạch sẽ, thứ tự và đúng giờ.

A. Phải sạch sẽ: Nhà của Chúa phải được giữ gìn thật sạch sẽ để xứng đáng cho việc cử hành phụng vụ và các phép Bí Tích. Càng sạch sẽ càng gần hơn đến với Thiên Chúa.

1. Sạch sẽ ở trong khuôn viên thánh đường và các tòa nhà: trong mọi nơi mọi chỗ, sàn nhà, tường, cửa sổ, cửu kính, cửa ra vào, hè, bậc cấp và tất cả mọi nơi.

2. Các đồ đạc phải giàn xếp sao cho trang nhã và xứng hợp: ghế qùy, ghế dựa, tượng ảnh, bức vẽ, thảm trải…

3. Trang trí Bàn Thờ: Giá sách, bậc cấp, chân nến, các tấm trải, xương thánh, sách lễ, đồ phụng vụ…

4. Toàn thể phải ngay ngắn: không có gì là cẩu thả và mất trật tự hoặc dơ bẩn. Tôi không thể để phòng làm việc của tôi, bàn làm việc của tôi sạch sẽ hơn nhà thờ, bàn thờ. Bổn phận làm sạch sẽ đó thuộc về tôi trước hết, sau mới đến những người tình nguyện và làm công.

B. Phải thứ tự: Tôi phải lo để cái nào ở chỗ nấy. Thứ tự làm nên sự dễ coi và hòa điệu.

1. Trong nhà thờ: không có gì ngang trái hoặc xiên lệnh.

2. Trên bàn thờ: mọi vật phải có lớp lang thứ tự cẩn thận và cố định: khăn bàn, bàn thờ, vị trí thánh giá, chân nến cây nến không nghiêng ngả…. Bàn thờ không phải nơi đặt nhà tạm nhưng mỗi sáng đều đã xảy ra những phép lạ lớn lao của Thánh Lễ đó sao?

3. Trong phòng thánh: nguyên tắc của người thứ tự: “có một chỗ cho mỗi sự vật và mỗi sự vật phải ở chỗ nó”. Như thế, vừa chứa đựng được nhiều lại vừa dễ dàng tìm kiếm.

C. Phải đúng giờ: Tôi phải lo để không bao giờ thất thường mà phải đúng giờ. Phải lo đánh chuông báo các giờ kinh nguyện, lo mở cửa vào giờ nhất định. Sự đúng giờ chính là điểm tế nhị của đức vâng lời. Có biết bao nhiêu tâm hồn chán ngán vì linh mục không đúng giờ!

III. PHẦN CẦU XIN

Lậy Chúa, bổn phận giữ cửa cho nhà Chúa xem ra khá nặng nề và mệt mỏi, nhưng cũng đầy ân thưởng. Con xin Chúa ban cho con có đủ nghị lực và lòng nhiệt thành để con có thể chu toàn các bổn phận ấy. Con xin Chúa chúc phúc cho con trong nhiệm vụ cao quý này. Amen!


BÀI 5: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ
(Visit au très Saint Sacrament)
(Tĩnh Tâm chuẩn bị lãnh chức II: Đọc Sách)

Học và Đọc Thánh Thể

I. PHẦN THỜ LẠY

Con sắp được làm người đọc sách. Suy nghĩ về bổn phận và chức vụ của Thầy đọc sách, một viễn tượng mới mở ra cho con và hướng con về Thánh Thể của Chúa cách đặc biệt. Giáo Hội cho con biết tương quan giữa thầy đọc sách với Thánh Thể cũng giống như tương quan giữa Ngôi Lời và Đức Chúa Cha trên trời. Con sẽ cố gắng học hỏi và khám phá ra những ánh sáng trong tương quan đó. Xin Chúa giúp con.

II. PHẦN SUY NIỆM

Mình Thánh dầu bé nhỏ, dòn mỏng cũng vẫn giữ một địa vị quan trọng nhất trên trái đất từ trên 20 thế kỷ nay. Mà vì Giáo Hội muốn cho Thầy đọc sách phục vụ Thánh Thể và diễn tả Thánh Thể như Thánh Thể đã diễn tả Đức Chúa Cha, cho nên có chức đọc sách này.

A. Mình Thánh diễn tả Đức Chúa Cha

Dầu mắt không xem thấy. Điều đó con đã biết và con đã tin. Thần tính của Chúa bị che giấu, song vẫn là cái gì sống động biểu lộ Đức Chúa Cha, vẫn là sự biểu lộ bản thể của tư tưởng ĐCC, tức là chính Ngôi Lời của Ngài.

Vâng chính trong Chúa Ngôi Lời, mà từ đời đời Đức Chúa Cha đã diễn tả tình yêu, những điều Ngài nghĩ, Ngài muốn, Ngài là. Mọi điều đó thuộc tinh thần, nên đã diễn ra trong Chúa Ngôi Lời. Và ĐCC tìm thấy những nét phản chiếu chính mình khi nhìn vào Chúa Ngôi Lời như là một tấm gương: Chúa chính là cuốn sách diễn tả Đức Chúa Cha.

Là Ngôi Lời: Chúa là cuốn sách diễn tả ĐCC đối với các thánh trên trời trong cõi đời đời để khám phá thấy những bí mật vô tận là Đấng Nhập Thể. Chúa phản chiếu ĐCC cho nhân loại dưới đất để họ hiểu một đôi nét về Thiên Chúa Cha vinh hiển trên trời.

Khi một tác giả văn chương bỏ ra công lao để sáng tác một cuốn sách, họ xác định tư tưởng vào cuốn sách để tư tưởng đó khỏi bị thất lạc hầu sau này có thể gặp lại nó khi đọc lại. Tác giả khi viết sách thường ra còn có ý chuyển đạt cho người khác kết qủa việc lao lực lao trí của họ. Khi những người khác đọc, họ sẽ tiếp thu dòng tư tưởng người viết nhờ qua tấm màn các nét chữ và nhờ những ý tưởng này để gây cảm xúc thì đó chính là bức họa diễn tả tâm hồn người viết. Người đọc sung sướng khám phá ra tâm hồn và chủ đích của tác giả nhờ những dấu hiệu huyền bí là những chữ in trên những trang giấy trắng.

Để được như thế, dĩ nhiên tác giả phải học và đó là kết qủa của công việc khó nhọc và lâu dài để đọc và hiểu những cái gì ẩn giấu dưới những nét chữ, những danh từ và những dấu hiệu.

À thì ra bây giờ con đã hiểu ý nghĩa của Lời Chúa, nói xưa với tông đồ Philliphê khi ông ngây thơ xin Chúa tỏ lộ ĐCC, Đấng mà Chúa hằng nhắc tới: “Anh Philliphê, ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.

Mình Thánh chứa đựng tất cả Chúa, nên con có thể tiếp lời Chúa mà nói: “Ai thấy Mình Thánh cũng thấy ĐCC, thấy Thiên Chúa”.

Mỗi lần nhìn biết bao viễn ảnh cao cả trong tấm bánh nhỏ bé này! Dầu sao tự nhiên Mình Thánh vẫn là cuốn sách gấp kín, con phải biết một vài kế hoạch, con phải biết mở ra, mở lớn, mà còn học nữa để đọc được các nét chữ mầu nhiệm.

Con bắt đầu hiểu rằng đó là một trong những bổn phận khẩn thiết nhất của Thầy đọc sách: đọc được Mình Thánh cũng như con đọc được một cuốc sách mở, ngôn ngữ mà con chưa quen biết nhiều. Con cần phải học mỗi ngày.

B. Thầy Đọc Sách diễn tả Thánh Thể

Đọc sách là một nghệ thuật khó khăn đòi thời gian, phương pháp và sự cố gắng. Mà để đọc có hương vị, hứng thú và hấp dẫn, người đọc phải biế đánh vần, dò xét bản văn; cũng không chỉ đọc trợt qua, phải làm sao nắm được các ý tưởng chính cách dễ dàng, nó ẩn nấp dưới các vần chữ. Đọc Thánh Thể cũng vậy.

1. Một đứa trẻ nhỏ không biết đọc, chỉ thấy trên những trang giấy in nó cầm và nói đây là những vết đen hình thái quái dị. Những đường nét đó làm nó bối rối, còn ý nghĩa thì chẳng biết được chút nào, nó không biết phải hiểu thế nào.

Đôi khi nó cầm sách nơi tay vừa tầm con mắt như có vẻ đọc chăm chú lắm, nhưng đó là chỉ bắt chước người lớn đã làm khi họ đọc. Có khi nó còn nhấp nháy môi như thể phát âm. Thực tế, những điều nó làm không có một ý nghĩa nào, mà chỉ là những điệu bộ trống rỗng. Một lúc sau nó sẽ nhàm chán, nó đứng trước một cái gì không biết.

Lạy Chúa, biết bao người giáo hữu cư xử như những người không biết đọc kia trong thánh đường của Chúa đây, trước mặt Thánh Thể Chúa. Lúc dâng Mình Máu thánh trong thánh lễ, lúc Chầu Phép Lành, họ xem thấy những người khác có vẻ biết làm vài cử chỉ: bái qùy, quỳ gối, cúi đầu, rồi họ cũng bắt chước làm như thế một cách vụng về, họ thấy những người khác tâm niệm, nhắm mắt, động môi, họ cũng làm theo, nhưng lòng họ thì khô cứng vì họ không biết đọc những gì dưới các dấu hiệu: Nhà Tạm – Bình Thánh – Mình Thánh. Họ ở trước một cuốn sách dấu kín, viết bằng ngôn ngữ họ không biết. Đó có phải là trường hợp của con nữa chăng, lạy Chúa, xin Chúa cho con biết.

2. Con đã được theo học nhiều năm: Tiếng Latinh, tiếng Pháp, tiếng Anh, con đã biết đọc những ngôn ngữ này, đọc rất đúng và lại đọc rất dễ dàng. Nhưng đến ý nghĩa các tiếng con đọc thì đó lại là vấn đề khác. Phần lớn con không hiểu rõ, con khổ công tìm tòi và đó mới dễ dàng đi đến nhàm chán rồi bỏ cuộc.

Chính vì thế con không thấy thích thú và hấp dẫn khi đọc tác phẩm hay nhất viết bằng những ngôn ngữ đó. Biết bao giáo dân, tu sĩ, linh mục còn đang trong tình trạng đáng buồn đó đối với Thánh Thể! Họ biết đọc biết nói những tiếng: Nhà Tạm, Bình Thánh, Thánh Thể. Họ biết rằng những tiếng đó có một ý nghĩa cao cả thánh thiện. Họ biết rằng những dáng vẻ bên ngoài có thể che giấu Chúa, nhưng họ không tha thiết để tìm ra ý nghĩa và học hỏi thêm về Chúa mỗi ngày để niềm tin của họ được chính xác và phát triển mỗi ngày.

Thỉnh thoảng họ cũng có đến qùy đôi lúc ở trước Nhà Tạm, mắt nhìn với dáng vẻ hiểu biết, nhưng trí lòng ở tận đâu đâu! Họ chẳng hiểu được gì họ đọc. Lạy Chúa, đây có phải trường hợp của con nữa không?

3. Lạy Chúa, dù sao con phải giống như những độc giả này, biết rành một ngôn ngữ đã rất vất vả, không cần phân tích những nét chữ, chữ có thể thiếu, không ngay ngắn, một ít từ có thể đã quên rồi! không sao cả!! cái mà họ đọc được thực ra không phải nét chữ, vần chữ, nhưng là ý tưởng. Nếu con tiến tới chỗ đó thì hay biết mấy, con sẽ cảm thấy hấp dẫn đối với nhà tạm, những giờ phút sẽ trôi qua hạnh phúc ngọt ngào và mau lẹ. Dưới chân bàn thờ, sát gần Nhà Tạm, con sẽ rung cảm, cầm trí, vui tươi và hạnh phúc. Tầm nhìn, tư tưởng, và lòng con sẽ bay thẳng lên Chúa: Con sẽ trở nên một người biết đọc Thánh Thể Chúa.

III. PHẦN CẦU XIN

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đọc trong con mọi tư tưởng và mọi ý hướng. Chúa thấy con còn bất lực khám phá Chúa dưới những dấu hiệu Thánh Thể. Vậy con xin Chúa ban cho con học được những kiến thức trong những giờ phút sống bên cạnh Chúa. Xin cho con hiểu Mình Thánh, đọc được sự hiện diện của Chúa, những tế nhị của tâm tình Chúa, những bận rộn, những lo lắng và những quan tâm của Chúa để con yêu mến Chúa hơn. Amen!


BÀI 6: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ
(Visit au très Saint Sacrament)
Tĩnh tâm chuẩn bị lãnh chức III: Trừ Quỷ

Bảo Vệ Thánh Thể

I. PHẦN THỜ LẬY

Hôm nay con đến thờ lạy Chúa và suy nghĩ về quyền lực Giáo Hội trao ban cho con trên ma quỷ khi phong con lên Chức Trừ Quỷ. Ngày nay nói đến ma quỷ, ôi ít người tin có nó. Vậy mà nhiều người đang sống dưới ách của nó và đang lệ thuộc nó cả xác lẫn hồn. Ma quỷ đang hoành hành và làm vua ở thế gian. Chỉ có thời của Chúa, Chúa mới thắng nó cách oanh liệt.

Trong thực tế, vẫn có 2 thế lực tranh giành nhau ở thế gian: ma quỷ và Chúa, ngày nay ma quỷ và Thánh Thể. Vào thời đại chúng ta, xem ra hỏa ngục đang lộng hành. Quỷ hiện hình người và đang chiếm lấn từng dân tộc, đang hoành hành các hội thiện, thù hận chính Chúa, quấy phá đền thờ, đuổi Chúa ra khỏi nhà tạm, xúc phạm Thánh Thể, trục xuất Chúa ra khỏi các tâm hồn, xây dựng một xã hội vô thần. Vậy cần phải có người bảo vệ danh dự cho Chúa, nên Giáo Hội phong các thầy trừ quỷ.

II. PHẦN SUY NIỆM

Các thầy trừ quỷ được trao trách nhiệm việc canh phòng và bảo vệ cho Chúa ở ba lãnh vực: Bảo vệ Bản thân Chúa, Quyền lợi của Chúa và Ước vọng của Chúa.

A. Bảo Vệ Bản Thân Chúa

Khi lập phép Thánh Thể, Chúa đã ban một quà tặng cao quý nhất cho trái đất: Ban chính Chúa, con người Chúa hữu hình là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Ngôi Lời mà các thánh ngắm nhìn đầy trìu mến và biết ơn không biết mỏi mệt ở trên trời.

Sự hiện diện này ở trên trời thì ở dưới đất cũng có: Trong thánh đường, nơi nhà tạm, trong bình thánh lộng lẫy quý giá, có chứa đựng Mình Thánh trong đó. Mà vì vẻ đẹp lộng lẫy của bình thánh làm cho có kẻ tham lam muốn ăn trộm bình thánh, xúc phạm Thánh Thể. Chính con được lãnh chức trừ quỷ, có nhiệm vụ đặc biệt phải bảo vệ thân xác của Chúa để không xảy ra một sự phạm thánh nào. Con sẽ kiên trì và tỉnh thức. Vì đối với người không có hay đã mất đức tin, Thánh Thể chỉ là miếng bánh có thể vất bỏ xuống đất để chiếm lấy cái bình quý giá. Chúa Thánh Thể có thể làm phép lạ rất dễ dàng để chấm dứt những hành vi phạm Thánh này, nhưng thông thường Ngài chấp nhận và không tỏ quyền lực, cũng như xưa trong vườn Cây Dầu, khi Giuđa hôn Chúa làm hiệu cho người ta bắt, Chúa đã chấp nhận để cho họ bắt.

Đời con đã được tận hiến cho Chúa trong chức trừ quỷ. Con sẽ bảo vệ và săn sóc cho Chúa như Mẹ Maria xưa đã lo cho Chúa ở Nazaret. Chớ gì không vì lỗi bất cẩn của con mà người ta xúc phạm đến Thánh Thể Chúa. Con sẽ săn sóc Nhà Tạm, đóng khóa kỹ lưỡng, chìa khóa cất giữ ở nơi an toàn như ý Giáo Hội dạy. Con muốn là “người bảo vệ trung thành ngọc thể Chúa” (Le gardier fidèle de votre divine personne)

B. Bảo vệ những quyền lợi của Chúa

Trên đây đã là phần quan trọng nhất, nhưng Chúa còn có nhiều quyền lợi trên con cái Chúa. Con sẽ trung thành bảo vệ cả các quyền lợi ấy. Người kitô hữu không phải chỉ là người như những người khác. Bí Tích Rửa Tội đã làm cho họ thuộc về Chúa để trở thành một phần tử trong nhiệm thể rộng lớn mà họ có những bổn phận thánh. Với dòng thời gian, khi họ rước lễ lần đầu và lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, Họ đã lập lại lời hứa Rửa Tội, thề hứa yêu mến Chúa, phục vụ Hội Thánh và sống đạo tốt, nhưng rồi biết bao bội thệ! Chúa có quyền lợi đòi hỏi họ trung thành. Quyền lợi đó Chúa đã mua chuộc lại bằng giá máu quá đắt để nó phải được tôn trọng kính yêu. Danh hiệu Kitô hữu của chúng con với tất cả những lợi ích cao quý của nó đã chẳng là giá máu và đau khổ của Chúa đấy sao? Con đã được phong làm “người bảo vệ các quyền lợi trên chúng ta” (Défenseur de ces droits sur nous), thì xin cho con nhiệt thành không biết mỏi mệt, làm cho nhiều người trở lại. Xin Chúa dạy con bí quyết lôi kéo các tâm hồn, đưa họ về cho Chúa và giữ mãi cho Chúa.

C. Bảo vệ những giấc mơ của Chúa

Khi một người tôi tớ tốt lành của Chúa là Cha Thánh Gioan Vianney được cử làm cha xứ Họ Ars bên Pháp, giáo dân lãnh đạm, nhà thờ hầu như hiu quạnh và trống vắng, nhà tạm không ai biết đến, Mình Thánh không dùng đến nữa. Trái tim linh mục của ngài cảm kích và đau khổ. Ngài tỏ lộ cho Chúa những nỗi buồn và những niềm hy vọng rồi xin Chúa giúp đỡ để đổi mới xứ đạo. Ngài được Chúa hướng dẫn để bắt đầu việc canh tân bằng việc cổ võ tôn thờ Thánh Thề, chầu Thánh Thể, yêu mến Thánh Thể. Rồi ngài đã làm gương bằng đời sống cầu nguyện, khổ chế, hy sinh qua lời nói và việc tông đồ. Dần dần xứ đạo ngài đã thay đổi mới hoàn toàn. Nếu các linh mục được cả như thế thì quyền lợi và giấc mơ của Chúa đều thực hiện được “Sự hiện diện của Thánh Thể đã có chỗ trong đời sống con người” (La presence Eucharistique a pris une place dans les vies). Mọi người đã tuốn đến tòa cáo giải. Bàn tiệc Thánh Thể đã đầy nghẹt. Thánh Thể trở nên trung tâm sức mạnh lôi kéo tất cả cộng đoàn. Chúa đã lại có được danh hiệu là Chúa là Đầu và là Vua. Các xứ đạo sẽ trở nên địa điểm Thánh.

III. PHẦN CẦU XIN

Chức quyền trừ quỷ Chúa đã ban để cho con sử dụng mãi sau này khi làm linh mục của Chúa. Con sẽ phải chiến đấu với ma quỷ, với hỏa ngục và với cả những người xấu nữa. Xin Chúa dạy con cho biết phải chiến đấu cách nào.

Một điều con suy nghĩ và tìm kiếm câu trả lời, con muốn hỏi ý Chúa. Hầu hết các trẻ em trong các giáo xứ đều qua tay các linh mục và các nữ tu hướng dẫn trong suốt những năm tháng các em còn tấm bé, vậy tại sao việc qua tay đó để lại ít dấu ấn?

Con biết con còn phải tiếp tục chiến đấu với ma quỷ ở thế gian.
Con còn phải chiến đấu với ma quỷ nơi người khác.
Con còn phải chiến đấu với ma quỷ trong con: trong tâm hồn và trong đời sống.
Xin Chúa dạy con và giúp đỡ con để con phải thắng được nó. Amen!


BÀI 7: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ
(Visit au très Saint Sacrament)
(Tĩnh tâm chuẩn bị lãnh chức IV: Giúp Lễ)

Bài Học Về Ngọn Đèn Chầu

I. PHẦN THỜ LẠY

Chiều nay con đến quỳ trầm tư trước cửa nhà tạm Chúa hơi lâu. Cửa đóng, nhưng con biết Chúa đang ở đấy và đang nhìn con, con cảm thấy ánh mắt Chúa đang tìm gặp cái nhìn của con…. Và trong cái nhìn của Chúa, Chúa đặt bao nhiêu tình thương mến!

Chúa đã dẫn con từng bước một và mai đây con sẽ thành đuốc sáng soi thế gian. Vâng Chức IV, Chức Giúp Lễ là ánh sáng như sách Phong Chức (Pontifical) đã dạy, mà ánh sáng thì phải đốt sáng, phải cháy nóng và phải bốc lên cao…để thiêu hủy mọi tăm tối trong đó thế gian đang đắm chìm vào.

Chúa đã muốn kêu gọi con và cho con tiếp tục công cuộc của Chúa vì chính Chúa là ánh sáng độc nhất: “Erat lux vera” để đốt lên các ánh sáng khác, để đốt nóng các tâm hồn.

Mai đây con sẽ trở thành “con cái ánh sáng” (fils de la lumière), nhưng xin không phải chỉ theo tước hiệu, nhưng theo một chương trình sống thực sự và có bằng chứng bảo đảm.

Đó là những mối liên lạc giữ con với Thánh Thể của Chúa. Chúa là ánh sáng thế gian nhưng là một thứ ánh sáng hữu ý dấu ẩn và Chúa tín nhiệm nơi con để con bày tỏ sự hiện diện của Chúa, và để mặc khải cho các linh hồn ý nghĩa sâu xa của sự hiện diện đó để hướng dẫn họ về suối mạch tình yêu. Thế là vì chúng con mà ngày đêm Chúa ẩn ngự nơi nhà tạm. Thế là đối với các tâm hồn con cũng phải giữ một địa vị như ngọn đèn chầu nơi cung thánh đối với Thánh Thể Chúa.

II. PHẦN SUY NIỆM

Lạy Chúa, biết bao vị thánh của Chúa đã thèm khát số phận của cây đèn chầu êm đềm giãi sáng nơi nhà nguyện. Và ngay con đây, nhiều buổi chiều, lòng con sốt sắng, con thấy rõ sự hiện diện của Chúa, con cũng thấy chua sót và luyến tiếc phải rời bỏ nhà Chúa để về nghỉ ngơi. Những lần như thế thật là ít oi quá! Con cảm thấy đau khổ vì sự quạnh hiu bao bọc Chúa ngày đêm và con cũng thèm khát số phận cây đền chầu, với nó chẳng còn ngày còn đêm, mà nó không bao giờ tắt, nó tự tiêu hao dần dần vì Chúa cho đến khi tàn tạ.

A. Cây đèn chầu tượng trưng 3 điều quan trọng và cao cả:

1. Nó chiếu sáng:

Đèn chầu không phải như những cây đèn khác. Trước hết nó không phải là cây đèn tự ý tùy theo người giữ nhà thờ, nhưng Hội Thánh bắt buộc phải có nó… và buộc đến tội nặng. Nó soi sáng cả nhà thờ và đặc biệt là trên cung thánh nơi có nhà tạm và Thánh Thể của Chúa. Rồi ánh sáng nó tỏa ra rất kính cẩn và huyền nhiệm như một lời cầu nguyện và như một cử chỉ, hay đúng hơn như một dáng điệu biết cầu xin. Nó có ở đó không phải để soi sáng thánh đường cho dễ nhận ra kích thước và vẻ đẹp, cũng không phải để lôi kéo ai chú ý và nhìn xem. Không, nó ở đó chỉ là để vạch dẫn một con đường đi tới Chúa.

2. Đèn sáng để chỉ dẫn lối:

Chính Chúa là lý do độc nhất để có nó. Nó làm cho người ta nhận biết Chúa đang ở đấy và nhận biết tình yêu của Chúa. Vì vậy, trong thánh đường, nó có một chỗ đặc biệt không phải ở lòng giữa hay ở cuối, vì như thế quá xa với vật đích của nó. Chỗ đích thực và độc nhất của nó chính là ở cung thánh, gần ngay bàn thờ, gần sát nhà tạm.

Từ đó nó có thể chiếu sáng tới cửa nhà tạm và làm cho mọi người chú ý. Đó là một ngôn ngữ chết lạnh, một cử chỉ không bao giờ mỏi mệt, như bảo cho mỗi người mỗi khi họ bước vào thánh đường: “Ở đây sau cánh cửa nhỏ này, dưới hình bánh nhỏ, có Chúa Giêsu Thánh Thể ẩn mình, Đấng cứu bạn, nơi Ngài bạn được hy vọng Nước Trời, hãy sấp mình thờ lạy và cầu xin”.

3. Đèn tự tiêu hao đang khi chỉ dẫn lối:

Ngọn lửa nhỏ yếu này không ngớt chập chờn ngày đêm trước nhan thánh Chúa. Khi có người đến thờ lạy Chúa, Nó không dán đoạn nhiệm vụ nhưng nó hợp với cảm tình của họ và nó tiếp tục làm chứng Chúa đang ở thật tại đó. Nó cố gắng lay động những người nguội lạnh, phấn khích những người nhu nhược, thúc đẩy những người thờ ơ và nâng đỡ những ai sốt sắng. Nó bền lòng cố hướng các tâm hồn về Chúa… nó ở đó chỉ vì Chúa!

Còn khi nhà thờ vắng người, mà có nhiều lúc như vậy, thì ngọn đèn chầu nhỏ càng không có quyền bỏ việc mình. Nó tiếp tục soi sáng, tiêu hao thay cho những người mà nếu họ hiểu biết ích lợi của Chúa hiện diện, họ sẽ không bỏ vắng nhà thờ nhiều.

Thế là nhờ cây đèn nhỏ này mà sự hiu quạnh của Chúa không bao giờ hoàn toàn, cả khi nhà thờ trống vắng suốt đêm ngày. Chúng con có được một ngọn cháy nóng đó ở gần Chúa.

B. Họa lại trong đời sống của tôi:

Đó mới chỉ là một vật vô tri giác. Sự sống kêu gọi sự sống, phải có một ngọn lửa của lòng người.

1. Con phải cháy sáng.

Sao con có thể ở lạnh giá trươc mặt Chúa? Đấy có phải là một sự bội bạc và tội lỗi quá hay không.

a. Từ khi con Rước Lễ vỡ lòng: Chúa đã ban mình cho con không biết bao nhiêu lần….con được nuôi dưỡng bằng máu thịt thánh của Chúa. Trái tim Chúa đầy tình yêu thương đã đến kề sát trái tim con cùng đập chung một nhịp. Thế mà con chưa được sưởi nóng. Vậy trước tiên con phải được đốt nóng rồi mới đi ra làm đuốc sáng mà Giáo Hội mong chờ ở con. Con còn thờ ơ quá, con đã không tha thiết và mong ước muốn rước lễ thật sốt sắng.

Để rước lễ thật sự có lợi ích thiêng liêng cho con, phụng vụ đã dậy cho con biết cần biết phải liên đới được cả tình cảm lẫn ý muốn mà đón rước Chúa. Vậy con đã có được những cố gắng nào để đón tiếp Chúa, để đạt tới Chúa qua tấm màn bánh thánh, hầu có thể sống thân mật với Chúa cả một ngày.

b. Quyết định mới của con: Nhờ ơn Chúa giúp, con nhận ra tình trạng của mình cần phải được thay đổi từ ngày hôm nay và con biết rằng Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi con và đặt con giúp việc Chúa và phục vụ Chúa. Con vô cùng cảm tạ.

2 Tôi phải cháy sáng để chỉ lối:

Con quyết định trả lời với Chúa hôm nay, con phải ngưng ngay sự lãng phí thời giờ và ơn Chúa mà lúc này con đã nhận ra. Con kinh sợ và con hứa sẽ gia tăng lòng sùng mộ Chúa Thánh Thể của con để chuộc lại những ngày đã qua.

a. Con quyết định yêu quý nhà Chúa hơn, thích ở lại và ở lâu hơn trong nhà Chúa. Con thích dừng lại và bước vào nhà Chúa mỗi khi đi ngang qua hay ở gần, nếu không có việc khẩn cấp. Sự hiện diện thật sự của Chúa đã lôi kéo con.

b. Vào trong nhà thờ, con sẽ nhớ ngay mình là người con gặp được người cha đang chờ đợi con trong nhà tạm. Con sẽ cảm thấy tâm hồn hạnh phúc vui tươi và bình an, mắt luôn hướng thẳng vào nhà tạm. Con sẽ ngồi gần Chúa để nghe lời Chúa hầu có thể hướng dẫn giáo dân về với Chúa như trăm ngàn ngọn đèn chầu.

c. Rồi trong các việc phụng vụ công cộng, dù con giữ địa vị vai trò nào, làm sao đức tin vào sự hiện diện của Chúa phải được mọi người nhận biết và tôn trọng.

C. Tôi phải tiêu hao đi trong khi chỉ lối:

Con cần một đức tin nóng sốt và một tình yêu đầy tràn. Con sẽ là linh mục không cho con nhưng cho người khác, lôi kéo người khác đến với Chúa Thánh Thế. Thế giời lạc lõng vì Chúa không là vua của họ. Các linh hồn phải chết vì không biết Chúa là chân lý và là sự sống. Ngoài Chúa chỉ còn là dối trá và chết chóc mà các linh hồn cũng không biết rằng chân lý và sự sống có ở đây, ở các xứ đạo có ngay trong nhà tạm gần kề với họ. Sự vô tri đã làm cho họ bỏ rơi Chúa. Nhiều nhà thờ trở nên vắng lạnh. Điều đó không phải tại Chúa, nhưng là tại các linh mục và chúng con đã không tận tâm và không nói đủ về sự hiện của Chúa. Chúng con chưa theo kịp được cây đèn chầu!

4. PHẦN CẦU XIN

Xin Chúa đừng để con đóng kịch làm thằng hề khi đã nhận một chức vụ mà không tin vào chức vụ đó và không làm gì cả. Con xin Chúa thắp lên trong con đức tin và tình yêu cháy sáng để con bị thôi thúc phải tích cực hành động hầu lôi kéo mọi người đến với Chúa. Xin Chúa kết hợp với con và giúp đỡ con để con biết trung kiên hoạt động như ngọn đèn chầu vẫn hầu hạ Chúa. Amen!


BÀI 8: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ
(Visit au très Saint Sacrament)
(Tĩnh tâm chuẩn bị lãnh chức V: Phụ Phó tế)

Sự Từ Bỏ Của Chúa Thánh Thể

I. PHẦN THỜ LẠY

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, dưới chân Chúa, con đến suy niệm chiều nay. Con cảm động vì những vẻ cao đẹp của sự từ bỏ khi Chúa từ trời xuống đất. Chúa đã bỏ mọi vinh quang của thần tính Chúa để mặc lấy những yếu hèn của bản tính nhân loại đáng thương của chúng con. Chiều nay, con còn suy nghĩ đến những từ bỏ trong phép Thánh Thể mà nhiều lần con đã xác tín, những từ bỏ đó đang diễn ra trước mắt con đây mỗi lúc, mỗi ngày con xin chân thành thờ kính.

Thánh Thể Chúa như một quyển sách giàu có vô tận và lợi khẩu vô cùng. Con cần phải đọc mỗi ngày. Đó là một quyển sách sống động, chứa đựng những bài học đầy sức sống. Đó là cuốn sách mầu nhiệm, phải đọc nó với ngôn ngữ tâm linh cùng với đức khiêm nhường và lòng can đảm nhẫn nại trong trường đức tin.

Từ nhiều năm qua con đã có ý đọc và tìm hiểu ý nghĩa nhưng con vẫn chưa thâu lượm được bao nhiêu, nói chi đến việc áp dụng vào cuộc sống hằng ngày của con.

Bài học Thánh Thể: Con sững sờ hầu như không tin khi người ta cho con biết có nhiều vị Thánh đã ngồi lâu giờ, đôi khi trọn cả một đêm hay trọn cả một buổi chiều, quỳ gối trên bậc bàn thờ gần nhà tạm, mắt dán vào tấm cửa nhỏ hoặc mắt nhắm nghiền, linh hồn chìm đắm trong mầu nhiệm. Họ đọc Thánh Thể và các trang sách cứ dần dần mở ra tiếp theo, giờ khắc trôi đi, với họ đâu còn thời gian. Con sẽ không ngạc nhiên về điều đó khi con đọc một cuốn sách thật hay. Con không còn chú ý gì đến cảnh vật xảy ra chung quanh. Thời giờ trôi qua con không hề thấy mệt mỏi, ước vọng lớn nhất là có thể kéo dài vô tận bài học quý giá. Dù sao con chỉ cảm thấy những tâm tình đó từ lúc con biết đọc thật sự.

II. PHẦN SUY NIỆM
A. Sự Từ Bỏ Của Chúa

Chúa đã nêu gương cho con là các linh mục, tu sĩ và những giáo dân muốn trở thành nghĩa thiết với Chúa, cần phải hiểu việc Chúa đã làm để nêu gương từ bỏ.

1. Một sự xóa bỏ hoàn toàn

Xưa trong máng cỏ, Chúa đã che dấu mọi vẻ uy nghi cao cả vô cùng của Chúa nhưng vẫn còn những vẻ duyên dáng quyến rũ trong bộ diện của một Hài Nhi. Người ta ca ngợi khuôn mặt trong sáng của Chúa. Maria, Giuse, Mục Đồng, Ba Vua và những ai đến gặp Chúa có thể cảm động ngắm nhìn tỉ mỉ những đường nét khả ái. Họ thấy Chúa nhìn họ. Họ hôn tay Chúa đang giơ lên. Họ nghe tiếng Chúa đang tập nói tiếng gọi đầu tiên. Họ ẵm Chúa vào lòng. Khi Chúa lớn lên những người ở Nagaret có thể thấy và gần lại với Chúa. Họ say mê vì những ánh sáng chiếu rọi ra từ bản thân Chúa, ánh sáng nơi mắt Chúa, vẻ cao cả vẫn có nơi con người của Chúa. Càng lớn lên Chúa càng duyên dáng và quyến rũ. Với nhiều người, Chúa không chỉ là bác thợ mộc, nhưng xa xa và trong thầm kín, người ta đã thấy Chúa là một tiên tri, một thầy dạy, Đấng Cứu Thế và cả đến một Con Thiên Chúa nữa. Gioan Tẩy giả thấy Chúa từ xa xa đã kêu lên: “Kìa Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”, Gioan và Anrê, Simon và Philipphê, Nathanaen và Matthêu mới trông thấy Chúa lần đầu đã hăng say đi theo Chúa. Bóng Chúa ở đâu là làm bại liệt kẻ thù, người dân thì tuốn đến trước và chờ đợi Chúa hằng giờ. Ngay trên thánh giá trên cao, Chúa vẫn còn là siêu nhân. Bản ản viết bằng ba thứ tiếng treo trên đầu thập giá. Thân xác Chúa xõa lỏng, đầu Chúa vẫn thẳng, tay Chúa giang ra rộng như ôm lấy cả thế gian. Máu chảy ra từ các thương tích nhưng Chúa vẫn tự chủ trong cơn đau khổ đã chinh phục được mọi thiện trí, khiến viên bách quân đội trưởng phải buông lời kính phục.

Còn ở đây, con thấy không còn gì cả. mặt thánh dịu dàng, Chúa tự ý che dấu đi….mắt sáng Chúa đã an ủi nhiều lần….tay Chúa còn muốn luôn giang ra trên con, các vết thương con ước ao hôn kính….tất cả đều được giấu kín dưới dáng vẻ bên ngoài của một miếng bánh nhỏ. Trước Thánh Thể đầy sự từ bỏ này, con nhận ra lời mời gọi của Chúa bảo cho con phải học để từ bỏ chính mình đi để chỉ còn mình Chúa xuất hiện trong con.

2. Một Sự im lặng tuyết đối

Trong cuộc đời truyền giáo, môi Chúa đã mở ra dạy giỗ Tin Mừng không biết mỏi mệt, Tin Mừng mà trời đã sai Chúa đến giảng cho loài người lầm than trên trái đất như những kẻ vô phúc!

- Maria và Giuse trong suốt 30 năm vào những buổi chiều sau làm việc đã có thể nghe Chúa nói với họ về Đức Chúa Cha trên trời, nói xa xôi về sứ mạng nặng nề và những hình khổ Ngài sẽ chịu trong tương lai.

- Lúc 12 tuổi, các thầy tiễn sĩ vào dịp lễ vượt qua dưới hàng hiên đền thờ đã phải kinh ngạc về những lời giải thích Thánh Kinh của Chúa, những điều mà họ không cắt nghĩa nổi “Stupebant omnes qui eum audiebant, super prudentia et responsis ejus”. (Mọi người đầu sửng sốt nghe Ngài nói, thán phục sự khôn ngoan và đáp trả của Ngài).

- Rồi 3 năm bận rộn trong việc tông đồ, tiếng Chúa mỗi lúc một mạnh mẽ hơn, vang dội khắp nơi không biết mỏi mệt. Nào những cuộc tâm sự thân mật: khi thì với người đàn bà Samaritana, khi với ông Nicôđêmô, hàng ngày với các tông đồ. Nào những bài giảng công khai, kết tinh trong những dụ ngôn và hình ảnh mà đoàn dân đông đảo đã nghe đến không biết mỏi mệt, đến những cuộc tranh luận gay gắt nhiều khi làm cho đối phương mất mặt hoặc những câu trả lời đơn giản, chứa đựng một sự khôn ngoan siêu phàm. Sau cùng là những công thức cầu nguyện, nhất là kinh Lạy Cha còn truyền tụng tới chúng con, rất ích lợi cho đời sống đạo đức. Ai cũng đến được với Chúa trong thời đó và hỏi Chúa một câu, xin Chúa một điều, thổ lộ những mệt nhọc hay những hy vọng cho Chúa và xin Chúa một phép lạ với lòng tin tưởng. Không một tâm hồn ngay thẳng nào bị từ chối hay bị trừng phạt. Còn ở đây, sau hơn 20 thế kỷ Chúa vẫn ở trong nhà tạm trên trái đất, môi Chúa không nhúc nhích, không nói một lời. Ôi sự từ bỏ anh hùng biết bao! Vậy mà con còn đang sống khác hẳn với Chúa, không biết quản trị miệng lưỡi mình, con còn thích nói khi không cần nói, con còn ngần ngại cho Chúa mượn môi miệng con để phát biểu chân thành tư tưởng của Chúa, bài học của Chúa và thánh ý của Chúa.

2. Một sự bất động tuyệt đối

Trong miếng bánh thánh mong manh trước mặt con, Chúa vẫn là Cứu Chúa loài người, Đấng Cứu Thế được hứa cho muôn dân, niềm hy vọng của những người thất vọng, sự nâng đỡ của những người mệt mỏi chiến đấu mỗi ngày.

Những cuộc kinh lý tông đồ đã chấm dứt. Chúa không còn xuất hiện trên các nẻo đường mới mẻ của chúng con, trên các con đường khúc khủy, trong phố xá, trong công viên, làng mạc chúng con. Chúa đã thôi chạy như khi xưa đã chạy theo bầy chiên lạc để đưa chúng vào đàn, gỡ gánh nặng cho chúng khỏi hư mất. Tất cả đã qua rồi. Dầu vậy Chúa chưa bỏ trần gian, Chúa không bỏ con cái Chúa. Nhưng lúc này chính họ phải tìm đến với Chúa. Dưới tấm màn Thánh Thể, Chúa ở lại đêm ngày. Chúa là “Tù nhân của nhà tạm”. (Prisonnier des Tabernacles). Ỡ đây có biết bao nhiêu sự từ bỏ! Còn con, con vẫn còn ngần ngại không từ bỏ được sự độc lập của mình. Con còn cao vọng không dâng cho Chúa cuộc đời, sức lực và thời giờ để làm sáng danh Chúa. Chúa đã ban mình Chúa cho từng người chúng con. Chúa muốn chúng con góp phần vào sự từ bỏ của Chúa. Liệu con có thể từ chối được không?

5. Vẻ dửng dưng bên ngoài

Trong Thánh thể, Chúa hiện diện thật sự nhưng mắt thịt không xem thấy. Quyền lực vô hạn của Chúa, chỉ do một lời phán, xuất hiện những thế giới từ hư vô và bảo tồn nó từng triệu thế kỷ. Sự toàn năng của Chúa tự ý che dấu nơi đây.

- Cuộc đời có chết khi xưa: quyền lực ấy tỏ ra nhiều lần trong Phúc Âm đã được ghi chép, nhất là để chữa người bệnh tật, chỉ một dáng điệu, một cái nhìn, một lời nói, một ý muốn họ được lành mạnh “ Omnes qui habebant infirmas variis languoribus ducebant illos ad eum. At ille curabat eos”.(Mọi người có bệnh nhiều thứ đưa đến ngài chữa lành tất cả”.

Có khi để chữa người chết, Chúa chỉ dùng một lệnh truyền ngắn ngủi, họ sống lại: “Hỡi Lararô hãy ra ngoài”.

Với kẻ thù, Chúa dễ dàng trốn thoát. “Ipse autem transiens per medium illorum ibat”. (Ngài bước giữa đám họ mà đi). Trong vườn cây dầu, những kẻ đến bắt Chúa, chỉ một lời hỏi họ đầu ngã ra.

- Đời sống Thánh Thể: chỉ một đôi khi như ở núi Tabo, quyền lực Chúa tỏa ra, Chúa đã làm phép lạ, cũng như ở Lộ Đức, Chúa đã chữa bệnh cho nhiều người mà bác sĩ đã xác nhận và chê bỏ để củng cố đức tin của họ. Chúa rất kiên nhẫn, yêu thương và tha thứ, không bao giờ trừng phạt dầu gặp những trường hợp bất cung kính, tục hóa đền thờ, xâm phạm nhà tạm, dày đạp Thánh Thề, có người rước Chúa để thách thức và làm nhục. Chúa chấp nhận tất cả. Đó là sự từ bỏ của Thánh Thề mà Chúa đã chịu và đang dạy chúng con bài học. “Chúa đã làm và Chúa đã dậy”. (Coepit facere et docere). Rồi Chúa còn bảo:” Ai muốn theo tôi thì hãy bỏ mình” (Si quis vult post me venire, abneget semetipsum)

B. Giới Hạn Những Từ Bỏ Của Chúa

1. Trong Giáo Hội: Giáo Hội là hiền thê của Chúa, rất tha thiết gắn bó và yêu mến Chúa. Chúa càng từ bỏ càng hi sinh sống hạ mình, Giáo Hội lại càng muốn tôn vinh Chúa hơn. Chính vì thế, ngay từ ban đầu Giáo Hội đã có sáng kiến và khuyến khích xây lên khắp nơi những ngôi nhà thờ nguy nga lộng lẫy vượt hẳn lên trên những ngôi nhà ở. Những ngôi nhà thờ này được xây ở giữa xứ đạo như để thắt chặt những sợi dây tinh thần huyền diệu và để cản ngăn, đồng thời nhắc nhở mọi tấm lòng đừng có quá tôn thờ vật chất mà quên đi tiếng Chúa Thánh Thể. Thế là các ngôi nhà thờ được mọc lên ở khắp nơi nhất là dọc theo các xa lộ. Rồi ở trung tâm các giáo phận lại có những đại giáo đường và nhà thờ chánh tòa đồ sộ nguy nga, với những ngọn tháp chuông cao ngất đầy kiêu hãnh.

Tại sao nữa bên trời xa trên sườn đồi Vatican, đại Thánh Đường Thánh Phêrô xuất hiện như một biểu hiệu của trung tâm Giáo Hội Công Giáo, mà không nhà thờ nào trên thế giới có thể sánh kịp về kích thước và vẻ đẹp. Lại còn đá quý, cẩm thạch, kính mầu, các đồ trang trí bằng đồng, bạc, vàng rất quý hiếm!

Phải, tất cả để làm gì những thứ đó? Tất cả chỉ là để che chở Mình Thánh và để cho con cái Chúa mọi giờ phút có thể đến họp lại ở chung quanh Ngài.

2. Trong Đời Sống Các Giáo Xứ

Nếu chỉ xây nhà thờ dù đẹp đẽ và lộng lẫy mấy thì Giáo Hội vẫn chưa làm đủ, vì Chúa muốn sống quá ẩn dật. Giáo Hội còn chú ý tổ chức các nghi lễ phụng vụ với nhiều chi tiết ý nghĩa để chỉ nhắm một mục đích là “làm cho người ta chú ý đến sự hiện diện của Thánh Thể”.

Sao lại còn có hoa, đèn, hương, nến được đặt chung quanh nhà tạm?

Sao có bái gối, bái quỳ, bái sấp?

Sao có xông hương đi lại với những tiếng hát tiếng nhạc đàn ca kêu gọi và hòa âm trầm hùng, làm rung chuyển cả vòm nhà thờ và phấn khích tâm hồn giáo dân?

Sao có những cuộc rước kiệu Thánh Thể đi qua các phố xá, làng mạc rất trọng thể với nhiều cờ xí, biểu ngữ, nhà quét trắng, đường trải thảm và toàn dân đi theo kiệu Chúa Thánh Thể và hân hoan hát:”Benedictus qui venit in nomine Domini. Hosanna! Filio David! (Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Hoan hô! Con Vua Davit!). Tất cả chỉ là để tôn thờ, chúc tụng, ca mừng và đền tạ Thánh Thể của Chúa.

3. Trong Đời Sống Linh Mục Của Tôi

Tại sao tôi là một người đã được Chúa chọn, mỗi ngày và nhiều lần, tôi đã biết đến quỳ dưới chân nhà tạm. Tư tưởng về Thánh Thể đã chiếm địa vị lớn trong đời tôi. Trong tôi đã có được tâm hồn Thánh Thể, chính là nhờ tôi đã hiểu ra điều này:”Con người linh mục cốt yếu phải là “Le serviteur de l’Hostie” (Người phục vụ Thánh Thể) với tất cả những ý nghĩa thánh thiện phát ra từ đó. Do đấy, tôi phải phục vụ chân thành, âu yếm và tận tình để các tâm hồn nhận biết và cùng phục vụ chung.

III. PHẦN CẦU XIN

Chúa đã yêu thương thế gian và yêu thương chúng con. Chúa đã thực hiện tất cả mọi sự từ bỏ để hướng dẫn và dậy dỗ chúng con. Ngày nay, có nhiều hội đoàn và Phong trào giới trẻ đang được hướng dẫn để tìm đến với Chúa Thánh Thể trong đó có Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Xin Chúa thương ban ơn và hướng dẫn để nhiều người trong họ có được tâm hồn Thánh Thể để họ sống và hoạt động theo thánh ý Chúa hầu làm tông đồ cho giới trẻ tại đây. Amen!


BÀI 9: CHẦU THÁNH THỂ
(Visit au très Saint Sacrament)
(Tĩnh tâm chuẩn bị lãnh chức VI: Phó Tế)

Sống Mật Thiết Với Chúa Thánh Thể

I. Phần Thờ Lậy

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Biết bao lần con đã quỳ trước Mình Thánh Chúa trong nhà thờ này. Có khi nhiều lần trong ngày con đã đến với Chúa: sáng, trưa, chiều, tối. Mỗi tuần con đến bao nhiêu lần….. mỗi tháng con đến bao nhiêu lần….mỗi năm bao nhiêu lần….hôm nay con nghe Lời Chúa trách tông đồ Philipphê: “Thầy đã ở với anh bao lâu rồi mà anh không nhận ra Thầy” (Tanto tempore vobiscum sum et non cognovistis me). Các Tông Đồ đã theo Chúa 3 năm, buổi chiều tối Chúa lập phép Thánh Thể, các ngài cũng vẫn chưa hiểu Chúa….còn con đây cũng biết bao năm con đã tiếp xúc với Chúa, bao lần viếng Chúa, bao lần rước lễ, bao lần chầu Thánh Thể…. Hôm nay, con xin cho con ơn hiểu biết và cảm nhận được sự giàu có và cao trọng trong nhà tạm tức là Thánh Thể Chúa cũng là Mình Thánh Chúa.

II. Phần Suy Niệm và Học Hỏi

A. Vượt qua tấm màn che nhà tạm

Bỏ qua giá trị của bình vàng được trang trí đẹp… Tất cả là không có gì có thể so sánh với Mình Thánh Chúa. Từ khi vị linh mục đọc lời: “Này là mình Ta” thì hình bánh chỉ còn là một cái màn che, bên trong đó là thân xác, linh hồn và bản tính của Ngôi Lời nhập thể, Con Thiên Chúa ngự trong đó.

B. Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể

Nhìn ngắm Chúa cho kỹ, con thấy các tấm màn che buông ra dần dần: cửa nhà chầu, áo nhà chầu, bình đựng, hình bánh….tất cả đều biến đi trước ánh sáng của sự hiện diện của Chúa. Qủa thực Chúa hiện diện trong hình bánh trước mặt con đây.

Con nhận ra Chúa: Thân xác qua sự chết và sống lại còn giữ những vết thương đẫm máu như những bằng chứng bắt buộc con phải biết ơn và yêu mến. Những vết gai làm rách sâu ở trán ở mặt, những vết sâu trên ngực, trên vai, trên lưng do các vết roi da, lỗ đinh ở chân tay, cạnh sườn mở ra… tất cả là hình ảnh của Chúa Giêsu đã chịu đau khổ vì yêu thương con và nhân loại. Tất cả đều là bằng chứng rõ rệt cho tình yêu của Chúa.

C. Thánh Thể mạc khải về Đức Chúa Cha

Mình Thánh chứa đựng Thiên Chúa dầu mắt con không trông thấy, điều đó con đã biết và con đã tin.

Thần tính đã bị che giấu, nhưng vẫn là cái gì sống động biểu lộ về Đức Chúa Cha, vẫn là sự biểu lộ bản thể của tư tưởng Đức Chúa Cha…..tức là là Ngôi Lời của Ngài.

Như vậy, chính trong Chúa Ngôi Lời, mà tự đời đời, Đức Chúa Cha đã diễn tả tất cả những điều Ngài nghĩ, Ngài muốn và Ngài là. Thánh Thể chính là cuốn sách diễn tả Đức Chúa Cha. Xin cho con được hiểu Chúa mỗi ngày một hơn về mầu nhiệm này: có Thánh Thể là có tất cả.

D. Gương mẫu các Thánh đã yêu mến Chúa Thánh Thể

Càng đọc gương mẫu các vị Thánh yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, con nhận thấy có rất nhiều vị thánh quỳ gối lâu giờ, hầu như bất động, không biết mỏi mệt….mắt dán vào cửa nhà tạm. Con thèm khát và muốn được như họ:

1. Thánh Curé d’Ars, Gioan Vianny thấy cứ sau trưa có một người đàn ông vào nhà thờ quỳ đủ 1 giờ, chỉ nhìn Chúa mà không làm gì. Ngài đã hỏi và ông đáp: “Moi, je ne fais rien: je l’avise et il m’avise” (Tôi, tôi không nói gì cả, tôi chỉ nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi)

2. Có những vị thánh khi gặp những vấn đề khó giải quyết và không giải quết được, vội vã đến gần rất sát bên nhà tạm để nghe lời Thầy chỉ dẫn…..đó là Thánh St. Thomas d’Aquin. Một ngày kia Ngài đã nghe thấy tiếng Chúa nói: “Tu as parlé bien de moi, Thomas” (Con đã nói rất tốt về Cha)

3. Một hôm thánh Stanislas Kostka làm nhiều việc sám hối, anh em bạn coi ngài như hạng khờ. Khi qùy trước Thánh Thể ngài nghe tiếng Chúa nói giọng âu yếm “Oh mon petit fou”. (Ôi thằng khờ của Cha). Ngài ngước mắt lên nhà tạm trả lời êm nhẹ “Vous avez encore été pourtant plus fou que moi” (Chúa còn khờ hơn con nữa mà!)

III. Phần Cầu Xin

Xin cho con vững tin ngày một mạnh mẽ hơn vào sự hiện diện đích thực của Chúa trong nhà tạm này và trong mọi nhà tạm con gặp. Con chân thành cầu nguyện cho tất cả qúy anh chị em trong nhóm Cầu Nguyện Gia Đình Thánh Gia được lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày một hơn. Amen!


BÀI 10: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ
(Visite au très Saint Sacrament)
(Tĩnh tâm chuẩn bị chịu chức Linh Mục)

LỜI MỜI GỌI CỦA THÁNH THỂ

I. PHẦN THỜ LẠY

Hôm nay con đến với Chúa để học hỏi về những dấu hiệu mới của lòng tín thác. Con biết Chúa đã tín nhiệm con và đã chọn gọi con. Tuy vậy, nhiều lần con vẫn còn lầm lỗi, nhiều lần con đã hứa sống thân mật với Chúa, sống bên cạnh Chúa mà rồi con vẫn không nghĩ tới Chúa. Nhiều khi con ở ngay trong nhà thờ mà lòng con vẫn không rung động với Chúa. Con biết rõ Chúa đang ngự trong hình bánh đặt trong bình thánh, biết rõ để có thể cãi lại được những ai tỏ ra không tin. Con mới chỉ hiểu Chúa theo đầu óc, lý trí, luận lý như một bài học…. con chưa đặt lòng mến, trái tim và đời sống của con vào Chúa.

Chiều nay, con xin Chúa tập phá đi những tảng băng giá lạnh đang bao phủ quanh lòng con, làm cho nó không biết rung động trước tình yêu của Chúa.

II. PHẦN SUY NIỆM

Qủa thật vì yêu thương con và nhân loại mà Chúa đã ở lại trong nhà tạm này và các nhà tạm trên khắp thế giới.

A. Chúa đã muốn thiết lập nên nhiều nhà tạm

Thế giới sẽ u buồn và trống rỗng biết bao, nếu theo luật của Cựu Ước, chỉ có một thánh đường làm nơi Chúa ngự. Thiên Chúa giàu sang vô cùng, nhưng trong Cựu Ước, Chúa đã muốn như thế, để bắt buộc dân tộc cứng lòng phải khổ công tưởng tượng… chỉ có một nơi! Một đền thờ lộng lẫy nguy nga được xây dựng trên núi Moriah … Để cầu nguyện, người Do Thái đã phải hành trình đến Jerusalem như chính Chúa khi xưa nhiều lần đã làm, vào dịp lễ Vượt Qua, hoặc họ chỉ hướng về đền thánh bằng lòng trí và thân xác. Chính Chúa cũng đã thực hành như vậy. Mà nếu như thế, thì chỉ có một miền nào trên trái đất được gọi là “đất thánh”, vì nó đã được in vết chân của Chúa. Chỉ có một vùng đất ấy đã được hân hạnh tiếp nhận Chúa và chiếm hữu Chúa….. Vậy Thánh Thể cũng có thể chỉ có một đền thờ để Chúa ẩn ngự, có một nhà tạm để tồn giữ Chúa… có một nơi để tế lễ… có một bàn thờ…. có một Bình Thánh trên khắp thế giới.

Nhưng con đã thấy những Mình Thánh nhỏ bé tràn ngập khắp nơi trên trái đất. Một sự đổi mới lạ lùng mà mọi tâm hồn có thể lợi dụng được: không xa cách, không hạn chế…. Chúng con sẽ không mồ côi…..Chúa vẫn tiếp tục sống ở trần gian. Chúa vẫn là Emmanuel. Kho tàng cao qúy biết bao đã được ban cho loài người!

B. Chúa kêu gọi lập nên nhiều nhà tạm vì yêu thương

Chúa trở nên Mình Thánh không phải vì Chúa, nhưng vì chúng con. Chúa sáng kiến cách hiện diện đó là vì chúng con. Chúa muốn trên trái đất này có bao nhiêu đám người triệu tập lại, thì cũng có bấy nhiều nhà tạm. Mỗi giáo xứ có nhà tạm….. mỗi dòng tu, nhà thương, trường học, chủng viện, cộng đoàn đều có nhà tạm.

Bất kể ở đâu, hễ có những tâm hồn cần được an ủi và nâng đỡ, bổ sức, dưỡng nuôi…. dầu số ít hay số nhiều… thì đều có thể dựng nên nhà thờ, trong nhà thờ có bàn thờ, trên bàn thờ có nhà tạm và trong nhà tạm có Thánh Thể. Qủa thật Mình Thánh đã biến đổi thế giới rất nhiều, khích lệ thế giới xây lên những ngôi nhà thờ đồ sộ nguy nga mà đức tin còn cho thấy vẫn chưa đủ. Rồi nhất là tấm Bánh Thánh Thể nhỏ bé, bên ngoài trông qúa khiêm tốn, vậy mà đã trở thành trung tâm tập trung cho các tâm hồn thờ lậy. Người ta sống chung quanh nó, người ta trưởng thành và chết cũng chung quanh nó. Trái đất và các tâm hồn chìm đắm trong hào quang nóng sáng của nó và sẽ bị thiêu đốt: “Ignem veni mittere in terram! Et quid volo nisi ut accendatur! (Ta đã đem lửa vào thế gian. Ta muốn gì nếu không phải là để nó cháy lên!)

C. Chúa kêu gọi lập nên nhiều nhà tạm vì tôi.

Trong giáo xứ này, để duy trì và phát triển tình yêu của những người đến với Chúa, Chúa đã lập nên ngôi nhà thờ này. Trong nhà thờ có nhà tạm, Chúa ngự trong nhà tạm ngày đêm là vì con. Chúa theo dõi con bằng cái nhìn chăm chú. Chúa chờ đợi con đến viếng thăm Chúa. Chúa sẽ vui khi con đến với Chúa dù vắn hay dài, để nâng đỡ sự quanh hiu của Chúa, để con an ủi Chúa và Chúa yêu thương con.

Vâng, Thánh Thể chờ đợi con! Kêu gọi con! để khuyên bảo con sống tốt hơn, thánh thiện hơn và chú trọng đến cuộc sống tâm linh và phần rỗi linh hồn nhiều hơn.

Chúa còn tạo nên điều kiện để giúp chúng con có được một nhóm anh chị em đồng chí hướng như những người bạn Công Giáo tốt cảm nhận được lời mời gọi. Họ đã dấn thân đến với Chúa và còn đang khích lệ nhiều người khác nữa đến với Chúa.

III. PHẦN CẦU XIN

Tiếng gọi của Thánh Thể con nghe vẫn chưa rõ! Con còn chú ý đến các công việc, các mối giao tiếp bên ngoài nhiều quá. Con cần đi vào đời sống nội tâm để suy nghĩ những lời Chúa hướng dẫn con vào cuộc đào luyện. Trong đời sống đức tin và tu đức, Chúa chính là vị linh hướng vĩ đại nhất và quan trọng nhất.

Xin Chúa dạy con hiểu rõ tại sao Chúa muốn hiện diện trong nhà tạm ở nhà thờ này, nếu không phải để cho chúng con được sống thân mật với Chúa hơn tại đây! Amen!

Msgr. Francis Phạm Văn Phương
thuộc Tổng Giáo Phận Atlanta
Địa chỉ: 26 Easy street
Riverdale, GA 30274
Phone: 404 423 7946
Email: msgrphuong@aol.com
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:17 03/11/2020

14. Người tự nguyện thinh lặng thì mới có thể nói lời thỏa đáng.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:20 03/11/2020
72. CƯA MỘT LY RƯỢU

Chủ nhân dọn tiệc đãi khách, lấy rượu rót vào nửa ly rượu, khách ngước mặt chăm chú nhìn cái ly, nói:

- “Ly này rất sâu nên cưa đi một đoạn”.

Chủ nhà hỏi:

- “Tại sao?”

Khách trả lời:

- “Nửa phía trên không có rượu, cần gì phải dùng nó chứ?”

(Thời Hưng tiếu thoại)

Suy tư 72:

Khi rót nước mời khách thì các trẻ em được dạy rằng đừng rót đầy ngang miệng ly, vì như thế khách cầm ly không phải sợ nước tràn ra, đó cũng là một cung cách phục vụ có lịch sự.

Trong cách xử thế với người cũng vậy, đừng thái quá và cũng đừng bất cập quá, bởi vì thái quá thì làm đầy tràn sự khó chịu của người khác, bất cập quá thì làm cho tâm hồn người khác cảm thấy bất an. Đừng làm đi quá đà của vui vẻ, vì đi quá đà thì hậu quả sẽ khốc liệt, bởi vì con người ta thường hay sa ngã trong những lúc vui vẻ; cũng đừng làm cho niềm vui chợt bùng lên rồi vụt tắt, vì như thế thì phá hoại tình thân giữa người với người, bởi vì sự vui vẻ là hạnh phúc của mọi người, và con người ta thường bực tức khi có người phá đám niềm vui của họ...

Mỗi người Ki-tô hữu là một cái ly chứa niềm vui cho mọi người, niềm vui này người Ki hữu không rót tràn quá miệng ly để rồi niềm vui trở thành sự ân hận, họ cũng không ích kỷ rót chút ít như bố thí, bởi vì một tâm hồn quảng đại và chừng mực sẽ được Thiên Chúa rót thêm đầy khi họ cho đi.

Cưa bỏ phần trên của cái ly tức là phá luôn cả cái đẹp trong tâm hồn của mình vậy, do đó, chỉ có những người không muốn mình là niềm vui cho mọi người mới làm như thế mà thôi.

Uổng thật, chứ không phải chuyện đùa cho vui !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Các Thánh 1/11/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
00:00 03/11/2020


Bài Ðọc I: Kh 7, 2-4, 9-14

“Tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan đã nhìn thấy một thiên thần khác từ phía mặt trời mọc đi lên, tay cầm ấn Thiên Chúa hằng sống, và lớn tiếng kêu gọi bốn thiên thần được lệnh tàn phá đất và biển mà rằng: “Chớ có tàn phá đất, biển và cây cối trước khi ta đóng ấn trên trán những tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta”. Và tôi đã nghe biết số người được đóng ấn là một trăm bốn mươi bốn ngàn người, thuộc mọi chi tộc Israel.

Sau đó, tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô rằng: “Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi, Ðấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên”.

Rồi tất cả các thiên thần đến đứng chung quanh ngai vàng, và các trưởng lão cùng bốn con vật sấp mình xuống trước ngai mà thờ lạy Thiên Chúa rằng: “Amen! Chúc tụng, vinh hiển, khôn ngoan, cảm tạ, vinh dự, uy quyền và dũng lực cho Thiên Chúa chúng tôi muôn đời. Amen”. Rồi một trong các trưởng lão lên tiếng hỏi rằng: “Những người mặc áo trắng này là ai vậy? Và họ từ đâu mà đến?” Tôi đáp lại rằng: “Thưa ngài, hẳn ngài đã rõ”. Và người bảo tôi rằng: “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Ðáp: Lạy Chúa, này là dòng dõi của những kẻ tìm Chúa

Xướng: Trái đất và muôn loài trên mặt đất là của Chúa, hoàn cầu và muôn vật trên địa cầu. Vì chưng Chúa đã xây dựng nền móng trái đất trên biển cả, và Người đã tạo dựng nó trên các sông ngòi.

Xướng: Ai sẽ được trèo lên núi Chúa? Ai sẽ được dừng bước trong thánh điện? Ðó là người có bàn tay vô tội và tâm hồn trong sạch, không để lòng xuôi theo sự giả trá.

Xướng: Người đó sẽ hưởng phúc lành của Chúa và lượng từ bi của Chúa, Ðấng giải thoát họ. Ðấy là dòng dõi của những kẻ tìm Người, những kẻ tìm tôn nhan Thiên Chúa của Giacóp.

Bài Ðọc II: 1 Ga 3, 1-3

“Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, các con hãy coi: Tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thực sự là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy. Và bất cứ ai đặt hy vọng nơi Người, thì tự thánh hoá mình cũng như Người là Ðấng Thánh.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mc 11, 28

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các con”. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 5, 1-12a

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. - Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. - Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. - Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. - Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. - Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. - Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

“Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”.

Ðó là lời Chúa.
 
Lễ Các Đẳng Linh Hồn 2/11/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic
00:00 03/11/2020

Bài Ðọc I: Rm 6, 3-9

"Chúng ta phải sống đời sống mới".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Giêsu Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người, trong sự sống lại giống như vậy.

Nên biết điều này: con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh khổ giá, để xác thịt tội lỗi bị huỷ đi, hầu cho chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa, vì con người đã chết, tức là được giải thoát khỏi tội lỗi. Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi

Hoặc đọc: Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con

Xướng: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

Xướng: Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con.

Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

Alleluia: Ga 11, 25-26

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 51-59

"Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống". Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?"

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời".

Ðó là lời Chúa.
 
Cảnh Giác
Lm Vũđình Tường
21:46 03/11/2020
Tiệc cưới là thời gian đặc biệt. Đặc biệt vì đây là ngày đầu một gia đình được thành lập. Quan trọng hơn nữa là ngày này bắt đầu có những thay đổi lớn trong đời của đôi hôn nhân. Thay đổi đầu tiên là giã từ cuộc sống độc thân. Kế đến là nhận thêm họ hàng, thân thuộc hai bên. Đang từ kẻ xa lạ nay trở thành con, dâu, rể trong gia đình. Thay đổi kế tiếp là trở thành anh chị em trong đại gia đình mới, nhận thêm bà con họ hàng mới. Tóm lại thay đổi chính là từ người xa lạ thành người thân trong gia đình, với những liên hệ tình cảm mới. Đức Kitô dùng hình ảnh tiệc cưới trần gian diễn tả, giúp Kitô hữu hiểu biết thêm về những thay đổi tâm linh trong nước trời. Liên hệ Tâm linh khởi đầu bằng bí tích Thanh Tẩy. Qua bí tích Thanh Tẩy chúng ta trở thành con cái Chúa, là thành viên trong Giáo Hội Chúa, thành anh chị em trong đại gia đình Kitô hữu. Những thay đổi này bắt đầu nơi trần gian và hoàn thành, viên mãn nơi Thiên Quốc. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi tín hữu Thesaonica 4,13-18 viết: 'Về những ai đã an giấc ngàn thu, tôi không muốn để anh em không hay biết, hầu anh em khỏi buồn phiên như những người khác, là những người không có niềm hy vọng...Dức Jêsu đã chết và đã sống lại... những người đã an giấc trong Đức Jêsu, cũng sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Jêsu... chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi'.

Dụ ngôn tiệc cưới nói về mười trinh nữ, năm khôn ngoan và năm khờ dại. Vì chàng rể đến chậm hơn theo chương trình nên tất cả đều mỏi mệt, thiếp ngủ. Ngủ không gây phiền toái gì. Phiền toái xuất hiện khi nghe loan báo chàng rể đến. Các cô khờ dại nhận biết đèn hết dầu, nên hỏi mượn dầu từ các cô khôn ngoan. Các cô từ chối và khuyên nên đi mua dầu ngoài chợ. Trong lúc các cô đi mua dầu, chàng rể đến. Có dầu rồi trở lại, tiệc cưới đã bắt đầu và cổng khoá chặt. Các cô kêu gọi nhưng không ai mở cho. Cái khờ dại đầu tiên là không chuẩn bị mang thêm dầu. Từ đây phát sinh ra nhiều cái dại khác. Thứ nhất tính kĩ quá, chắc quá hoá lép. Cần phải trừ hao trong việc tính toán. Thứ hai, các cô hỏi mượn dầu trong đêm là một sai lầm khác. Nếu mỗi cô khờ dại xin đi chung với một cô khôn ngoan, như thế cả hai cùng đi trong ánh sáng và cùng vào dự tiệc cưới. Việc đi mua dầu khiến cho người khác hiểu lầm là dầu (vật chất) quan trọng hơn đón chàng rể (con người). Việc làm này dẫn đến giải thích là vật chất quan trọng hơn con người. Những cô khôn ngoan đặt vấn đề đón chàng rể là quan trọng nhất; những cô khờ dại coi việc mua dầu quan trọng hơn cả. Sau khi vào dự tiệc cưới thì số dầu dự trữ, thừa thãi kia có lẽ sẽ chẳng bao giờ dùng đến. Như thế việc vay dầu và trả dầu trở thành thừa thãi. Hơn nữa sau tiệc cưới người cho vay dầu phải lưu lại chờ đợi cho các cô đi mua dầu về trả là một phiền toái lớn. Rất có thể lỡ cả chuyến xe về. Từ chối xem ra có vẻ khôn ngoan hơn, ít phiền toái hơn cho vay dầu. Thứ đến, việc từ chối không cho mượn dầu có thể là do liên hệ tình cảm giữa các cô lạnh nhạt. Thiếu tình cảm dẫn đến thiếu thông cảm. Điều các cô cần là dầu thì không được, các cô nhận được điều không cần là lời khuyên. Dù là lời khuyên đến từ người khôn ngoan. Điều này cho biết không ai suốt đời khôn, và cũng không ai suốt đời khờ. Kẻ khôn cũng có lúc dại; người dại cũng có lúc khôn. Trên đường lữ hành mà có bạn đồng hành là điều may lành. Không thân thiết với bạn đồng hành là một cái dại lớn bởi bạn đồng hành là người không những cùng đi với, chia sẻ tâm tình, vui cùng hưởng, hoạn nạn cùng chịu và nguy hiểm cùng bảo vệ, hỗ trợ.

Dụ ngôn tiệc cưới nhắc nhở Kitô hữu cần chuẩn bị kĩ cho tiệc cưới nước trời, tiệc cưới vĩnh cửu. Thời gian ta tại thế không nằm trong tay ta, không biết ngày nào, giờ nào vì thế cần chuẩn bị trước. Chuẩn bị bằng cách tạo mối giây liên hệ tình cảm tốt đẹp với Thiên Chúa và với tha nhân. Đây chính là những điều kiện cần thiết để được đón nhận vào nước trời. Tóm lại, chuẩn bị chính là thực hành cuộc sống yêu Chúa, thương người.

TiengChuong.org

Watchfulness

A wedding feast is a special time. It is special because, apart from a new family being born, a couple's status is about to change, from unknown to in- law relatives, from a non- member to a new member, from a non-relative, to be included, as sister or brother of the families. In short, a wedding feast is the happy occasion which celebrates a whole range of new relationships with the extended family members and friends. Jesus used these personal status change, and the new relationships of the wedding feast on earth, to talk about the spiritual change in God's kingdom. Our spiritual wedding feast begins at our own Baptism. Through Baptism, our personal status changes to becoming God's children, new members of God's Church on earth, and finally part of the sisters and brothers in heaven. The changes begin here on earth, and culminate when we actually enter the everlasting wedding feast. St Paul wrote to the Thessalonians 4,13-18, confirming the heavenly realm: 'We want you to be quite certain, about those who have died... God will bring them with him....We shall stay with the Lord forever.

The parable of the wedding feast talks about ten maidens. Five were wise and five were foolish. For some reason, the groom arrived later than expected. All the maidens fell asleep. Sleepiness in waiting was not the problem, but the problem arose for half of them when their lamps' oil run out. With the announcement of the groom's arrival, the wise maidens entered the wedding hall with the groom. The foolish ones went to buy oil. By the time they returned, the banquet had already begun, and the wedding hall's door was bolted. They knocked, but were refused. They took advice from the wise maidens, and yet they alone took all the blame. Listening to the wise advice, in this case, was unwise. No one is always wise and no one is always foolish. Foolishness in this case was about 'un-readiness', and was about asking the wrong question. Instead of asking for oil, they should have asked for partnership, that each of the foolish pair with a wise one to enter the wedding hall. They should have never gone away to buy oil, but would have been better remaining to welcome the groom. Going away to buy oil would make people think that material (oil) was more important than people, the groom. The wise maidens had their focus on the groom; while the foolish had their focus on the oil. The relationship between the wise and the foolish maidens was poor. What they needed most was not advice, but oil. They didn't receive what they most needed. The extra oil the wise maids brought into the wedding hall may be considered as a waste, because there was no need for it after they had entered the wedding hall. Foolishness happens when one focuses on materials, rather than on people. Materials are needed for life, to support life, but our lives are much more important than materials. Having no companions on a journey was considered as foolish as well, because companionship is the source of life. It gives life, supports life and life- security.

The parable is about readiness for our own eternal wedding banquet. Our time of death is unknown. Being ready whenever it comes is what the parable is about. Having right relationships with God and with one's neighbours are conditions of entering the eternal banquet.
 
Tái khám phá mọi sự theo logic của Tin Mừng
Lm. Minh Anh
23:08 03/11/2020
TÁI KHÁM PHÁ MỌI SỰ THEO LOGIC CỦA TIN MỪNG

“Ai đến với Tôi mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em

và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Tôi”.

Kính thưa Anh Chị em,

Chúa Giêsu có nhầm khi thốt lên những lời đó không? Không, thực sự, Ngài đã nói như thế. Đó là một tuyên bố mạnh mẽ, dứt khoát; một tuyên bố cần thiết cho những ai muốn xây dựng một toà nhà thánh thiện, toà nhà ân sủng bền vững muôn đời. Vậy những lời đó thực sự có ý nghĩa gì? Nó có ý nghĩa rằng, mỗi người phải ‘tái khám phá mọi sự theo logic của Tin Mừng’.

Mọi điều Chúa Giêsu nói phải được đọc trong bối cảnh toàn bộ Tin Mừng. Ngài từng nói đến giới răn thứ nhất, trọng nhất, “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng”, cùng lúc, “Hãy yêu người thân cận như chính mình”; điều này hẳn bao gồm gia đình, cha mẹ, anh chị em… Tuy nhiên, qua Tin Mừng hôm nay, Ngài muốn nói rằng, bất cứ điều gì cản trở tình yêu đối với Chúa, kể cả mạng sống, chúng ta phải loại bỏ nó; phải “ghét” nó. Người môn đệ Chúa Giêsu phải từ bỏ hết mọi sự một khi đã tìm thấy ‘Điều Tốt Đẹp Nhất’ là chính Thiên Chúa; vì chính trong Thiên Chúa, mọi điều tốt lành khác mới nhận được đầy đủ giá trị và ý nghĩa nhất của nó, từ quan hệ gia đình đến các quan hệ khác như tri thức, công việc, của cải, văn hoá và kinh tế… Như vậy, người môn đệ Chúa phải giũ bỏ tất cả để ‘tái khám phá mọi sự theo logic của Tin Mừng’, logic của tình yêu, logic của phục vụ.

Để có thể ‘tái khám phá mọi sự theo logic của Tin Mừng’, Chúa Giêsu nói đến sự cần thiết phải ngồi xuống để hạch toán mọi chi phí, ước tính mọi vật liệu cần có cho một dự án xây dựng, dù ở đây là xây dựng một ‘toà thánh thiện’, ‘toà ân sủng’. Đó phải là một “nghiên cứu khả thi” cũng là bước đầu tiên của bất kỳ kế hoạch huy động vốn nào, một kế hoạch đòi hỏi nhiều tâm lực, trí lực và dũng lực; nhờ đó, mới có thể đạt được mục tiêu. Kế hoạch huy động vốn cho dự án này là phải hy sinh, từ bỏ và vác thập giá. Điều này nghe có vẻ gây sợ hãi; thế nhưng, sự sợ hãi đó sẽ như cảm giác hồi hộp khi cắt băng khánh thành, khi chi phí tòa nhà đã được thanh toán và giờ đây, toà nhà đã sẵn sàng để đưa vào sử dụng. Cũng thế, mọi nỗ lực để nên thánh cũng có một kết quả tương tự vốn dẫn đến một vĩnh cửu tuyệt đẹp là sở hữu một toà nhà thiêng liêng, chính Thiên Chúa!

Một sự trùng hợp đến thú vị khi Thánh Phaolô hôm nay đôn đốc tín hữu Philipphê hãy khát khao Thiên Chúa, Đấng là ánh muôn ngàn đời rực rỡ. Phaolô nói, “Anh em phải kinh hãi run sợ mà lo cho mình được ơn cứu độ”; ơn cứu độ của Chúa là chính Chúa; đó chính là ‘tái khám phá mọi sự theo logic của Tin Mừng’. Có Thiên Chúa, sẽ có tất cả; bước trong ánh sáng Chúa, sẽ không bao giờ sai lầm. Đó cũng là tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi”.



Chúa Giêsu còn nói đến một vị vua tính toán trước khi đi giao chiến; Ngài nói đến chiến lược cho cuộc chiến đấu vì sự thánh thiện. Chiến lược đó thật đơn giản: ‘Đừng để bị đánh bại’. Chiến trận sẽ rất cam go, và nếu khả năng bị đánh bại là một viễn cảnh, người môn đệ Chúa Giêsu phải tìm một chiến thuật khác. Trong cuộc chiến nên thánh, một số trận sẽ thắng dễ dàng; một số trận khác cần phải tránh hoàn toàn. Vì vậy, đừng chủ quan đánh giá cao năng lực của mình một cách ngu ngốc; điều này đặc biệt xảy ra khi chúng ta không chịu tránh xa các dịp tội, vì nghĩ rằng bản thân đủ mạnh. Vậy mà đôi khi, chiến lược ‘Đừng để bị đánh bại’ tốt nhất không phải là chiến đấu, mà là ‘chạy trốn!’.

Vậy mà chiến thắng khi giũ bỏ những gì bên ngoài hãy còn dễ, cuộc chiến bên trong mới là ác chiến, cuộc tử chiến với “thần tôi”. Carlo Acutis, vị thánh trẻ thời đại chí lý khi nói, “Ích gì khi con người chiến thắng trong ngàn trận chiến, nếu không chiến thắng bản thân mình”. Điều này đòi hỏi phải chết đi từng giây, từng phút; phải chọn Chúa Giêsu từng phút, từng giây. Giêsu trên hết, Giêsu trước hết, Giêsu là tất cả; nói cách khác, phải không ngừng ‘tái khám phá mọi sự theo logic của Tin Mừng’, dưới ánh sáng Tin Mừng; và đừng quên, chúng ta không thể làm được điều này nếu không cậy nhờ Mẹ Chúa Giêsu.

Tối hôm qua, sau giờ sám hối của linh mục đoàn Huế, đang tĩnh tâm tại La Vang, tôi đi xưng tội. Cha hưu trí giải tội cho tôi bất ngờ hỏi, “Cha có quý những ngày sống bên Đức Mẹ không?”, tôi ú ớ; “Mẹ là người đã đánh đổi tất cả để được Thiên Chúa, và với Thiên Chúa Mẹ có tất cả”, và ngài hỏi tôi, “Cha có tận hiến cho Đức Mẹ mỗi ngày không?”; tôi giật mình trả lời, “Con dâng ngày cho Chúa thì có, dâng mình cho Đức Mẹ thì thi thoảng”. Ngài trìu mến bảo, “Con tận hiến cho Đức Mẹ mỗi ngày, Đức Mẹ giữ gìn con tinh tuyền cho đến hôm nay, 82 năm cuộc đời; cũng thế, hãy bắt chước con, cha hãy tận hiến cho Đức Mẹ mỗi ngày; Đức Mẹ đầy Chúa, cha đầy Chúa, cha được thiên đàng”.

Anh Chị em,

Khi từ bỏ hay đánh đổi với ai một điều gì, chúng ta chịu thiệt thòi; nhưng với Thiên Chúa thì không, Người không để chúng ta chịu thiệt, Người sẽ đền bù gấp trăm, không chỉ ở đời sau nhưng ngay cả đời này, miễn là chúng ta dám sống những nghịch lý của tám mối phước thật để ‘tái khám phá mọi sự theo logic của Tin Mừng’, một logic người đời không thể hiểu nổi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con được nên giống Mẹ Maria, biết ‘tái khám phá mọi sự theo logic của Tin Mừng’; nhờ đó, con xin vâng, từ bỏ mỗi ngày đang khi xây dựng toà nhà thánh thiện, toà nhà ân sủng. Cũng cho con biết tháo chạy trước những dịp tội, một chiến lược tốt nhất. Lạy Mẹ, con tận hiến đời con cho Mẹ; con dốc lòng tận hiến ‘mạng con’ cho Mẹ, Mẹ hãy ‘liều mạng’ nạp con cho Chúa mỗi ngày”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ở đất nước nơi từng được xem là Công Giáo nhất hoàn cầu, linh mục nào cử hành thánh lễ là đi tù
Đặng Tự Do
15:36 03/11/2020

Các giám mục Ái Nhĩ Lan đã gặp thủ tướng trong tuần này để phản đối các hạn chế hiện tại đối với việc thờ phượng vì coronavirus.

“Chúng tôi đã và đang làm mọi thứ có thể để giữ an toàn cho các nhà thờ của mình, và không có bằng chứng nào cho thấy các nhà thờ và các cử hành Phụng Vụ thực sự là nguồn lây lan hoặc truyền nhiễm, vì vậy tôi phải nói rằng tôi rất thất vọng và tôi đã nói điều đó với thủ tướng”, Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin của Armagh nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh ngày 30 tháng 10, sau cuộc họp.

Việc thờ phượng nơi công cộng đã bị đình chỉ ở Ái Nhĩ Lan kể từ ngày 7 tháng 10 do một sắc lệnh của chính phủ Ái Nhĩ Lan đặt toàn bộ đất nước dưới các hạn chế “Cấp 3” do sự gia tăng các trường hợp nhiễm coronavirus. Đây là lần thứ hai các thánh lễ công cộng ở Ái Nhĩ Lan bị đình chỉ trong năm nay. Các hạn chế “Cấp 3” đe dọa phạt tiền và phạt tù những cuộc tụ họp có từ 3 người trở lên trong những nơi được cho là “không thiết yếu” trong sinh hoạt xã hội. Rõ ràng các hạn chế này nhắm trực tiếp đến các nơi thờ phượng.

Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin, Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của Dublin, Đức Tổng Giám Mục Michael Neary của Tuam, Đức Tổng Giám Mục Kieran O'Reilly của Cashel và Emly, và Giám mục Dermot Farrell của Ossory đã có cuộc gặp gỡ với thủ tướng Micheál Martin vào ngày 28 tháng 10 để bày tỏ “ ước muốn lớn lao được trở lại thờ phượng sớm nhất có thể”.

“Các Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng các ngài hoàn toàn ủng hộ các thông điệp Y tế Công cộng nhưng nhấn mạnh rằng việc tụ tập với nhau trong cầu nguyện và thờ phượng, đặc biệt là trong Thánh lễ và các Bí tích, là nền tảng của truyền thống Kitô giáo và là nguồn nuôi dưỡng cuộc sống và hạnh phúc của toàn thể cộng đồng”, một tuyên bố từ Hội Đồng Giám Mục Ái Nhĩ Lan cho biết như trên.

Ái Nhĩ Lan đã từng được xem là quốc gia Công Giáo nhất hoàn cầu nhưng cách đây 2 năm các Giám Mục Ái Nhĩ Lan đã phải bày tỏ sự đau đớn và kinh hoàng của các ngài trước điều mà báo chí địa phương gọi là “sự bội giáo của cả một quốc gia”. Ý thức tầm mức nghiêm trọng của cuộc trưng cầu dân ý này, hàng giáo phẩm Ái Nhĩ Lan đã làm tất cả mọi khả năng các ngài có thể làm. Vì thế, kết quả cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2018 đã khiến các ngài kinh ngạc và thất vọng.

Trong tổng số 5,011,000 dân Ái Nhĩ Lan, 78.3% là người Công Giáo. Thế nhưng, trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 25 tháng 5, 2018, các cử tri đã lựa chọn loại bỏ quyền sống của thai nhi ra khỏi hiến pháp với một tỷ lệ áp đảo 66.4% trên 33.6%. Cuộc trưng cầu dân ý này mở đường cho việc hợp pháp hóa phá thai tự do ngay cả khi thai nhi đã 12 tuần tuổi.

Đức Cha Brendan Leahy của Limerick nói với các tín hữu một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý rằng kết quả này “thật đáng tiếc và làm chết điếng những người trong chúng ta đã bỏ phiếu chống phá thai”

Ngài nói: “Kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý này là ý chí của đa số người dân, mặc dù không phải của tất cả mọi người.”

“Tất nhiên, đó chỉ là một cuộc bỏ phiếu. Điều đó không thay đổi quan điểm của chúng ta. Thông điệp của chúng ta là một thông điệp tình yêu: tình yêu dành cho tất cả, tình yêu dành cho cuộc sống, cho những người đang sống giữa chúng ta hôm nay, và cho cả các thai nhi còn trong bụng mẹ”


Source:Catholic News Agency
 
Một linh mục California đã được huyền chức sau khi không công nhận Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
16:56 03/11/2020
Một linh mục California đã chính thức được huyền chức theo yêu cầu của chính ngài. Một bức thư đề ngày 2 tháng 11 từ Đức Cha Jaime Soto đã cho biết như trên.

Vị cựu linh mục này cũng đã bị buộc tội cưỡng bức và thao túng tình dục, nên Đức Cha Jaime Soto cũng kêu gọi các linh mục trong giáo phận ăn chay một ngày như một hành động phạt tạ tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.

Tuyên bố của Đức Cha Jaime Soto viết:

“Vào ngày 10 tháng 9 năm 2020, Đức Thánh Cha, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã chấp thuận yêu cầu cá nhân của Cha Jeremy Leatherby cho ngài trở lại tình trạng giáo dân và từ bỏ lời hứa độc thân linh mục. Ông Jeremy Leatherby đã được thông báo về quyết định của Đức Thánh Cha vào ngày Thứ Ba, 27 tháng 10 năm 2020. Ông Leatherby không còn bất kỳ trách nhiệm hay quyền lợi nào dành riêng cho hàng giáo sĩ. Các tín hữu Công Giáo được khuyến cáo không tham gia vào Thánh lễ hoặc bất kỳ bí tích nào khác do ông ấy cử hành.”

Việc cựu linh mục Jeremy Leatherby viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu được huyền chức được ghi nhận là một “tiến bộ” vì trước đó ngài tuyên bố chỉ công nhận Đức Bênêđíctô thứ 16 là Giáo Hoàng, bác bỏ tính hợp pháp của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nhờ “tiến bộ” này, ngài không bị vạ tuyệt thông. Với quyết định huyền chức này, tiến trình xét xử theo giáo luật tội lạm dụng tính dục người lớn cũng chấm dứt, vì Leatherby không còn thuộc hàng giáo sĩ. Cho đến nay, vị phụ nữ được tường thuật là bị lạm dụng tính dục vẫn bác bỏ mọi quan hệ bất chính với Leatherby, nên có lẽ Leatherby cũng không bị tòa đời làm khó dễ.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong một lá thư mục vụ gởi các tín hữu đề ngày 7 tháng 8, Đức Cha Jaime Soto, Giám Mục thứ 9 của giáo phận Sacramento miền Bắc California đã thông báo về tình trạng tuyệt thông của Cha Jeremy Leatherby.

Cha Jeremy Leatherby bị vạ tuyệt thông tiền kết ‘latae sententiae’ vì ngài vẫn tiếp tục cử hành Thánh lễ bất kể đã được Đức Cha Jaime Soto hướng dẫn không được làm như vậy, và ngài cũng đã từ chối thừa nhận Đức Thánh Cha Phanxicô là người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo.

Trong một lá thư đề ngày 7 tháng 8 gởi đến các tín hữu Công Giáo của giáo phận, Đức Cha Soto tuyên bố rằng Cha Jeremy Leatherby “đã đặt mình và những người khác vào tình trạng ly giáo với Giáo Hội Công Giáo Rôma. Bằng những lời nói và hành động của mình, Cha Leatherby đã bị vạ tuyệt thông tiền kết ‘latae sententiae’”.

Đức Cha Soto nhấn mạnh rằng:

“Điều này có nghĩa là với ý chí của mình, ngài đã tự tách mình ra khỏi sự hiệp thông với Giám Mục Rôma, là Đức Thánh Cha Phanxicô, và các thành viên khác của Giáo Hội Công Giáo”.

Tháng 3 năm 2016, Cha Leatherby đã bị cách chức Cha Sở giáo xứ Dâng Đức Mẹ vào Đền Thánh của giáo phận Sacramento và bị đình chỉ thừa tác vụ linh mục, trong khi một cuộc điều tra đang được tiến hành về cáo buộc Cha Leatherby có hành vi sai trái tình dục với một phụ nữ. Hàng trăm người ủng hộ ngài đã ký vào một bản kiến nghị nói rằng cáo buộc này là sai trái và thúc giục Đức Cha Soto dỡ bỏ lệnh treo chén Cha Leatherby.

Đức Cha Soto cho biết thêm:

“Cha Leatherby đã vi phạm chỉ thị của tôi khi dâng lễ và giảng dạy công khai cho một số tín hữu. Ngài đã giảng dạy họ chống lại tính hợp pháp của Đức Thánh Cha Phanxicô.” Trong khi đọc Kinh nguyện Thánh Thể khi dâng Thánh lễ, Cha Leatherby cũng đã thay thế tên của Đức Thánh Cha Phanxicô bằng tên của vị tiền nhiệm của ngài, là Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, và đã không nhắc đến tên của đấng bản quyền, là Đức Cha Soto.

Đức Giám Mục Sacramento cho biết rằng chính Cha Leatherby đã xác nhận lập trường ly giáo của ngài.

“Sau khi ương ngạnh không trả lời một số câu hỏi của tôi qua điện thoại và thư từ, giờ đây ngài đã xác nhận lập trường ly giáo của mình. Vì tai tiếng nghiêm trọng của những hành động này, tôi không còn cách nào khác ngoài việc thông báo công khai hậu quả của các quyết định do ngài lựa chọn: Ngài đã tự mang đến cho mình một vạ tuyệt thông tiền kết”.

Trong một lá thư vào ngày 3 tháng 8 gửi cho Cha Leatherby, Đức Cha Soto cảnh cáo rằng những hành động này “đã đặt anh và những người khác vào tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng về đạo đức” và rằng ngài phải ngưng ngay mọi thừa tác vụ bí tích và “phải thực hiện một đời sống cầu nguyện và đền tội dưới sự hướng dẫn của tôi.”

Kể từ khi đại dịch bắt đầu vào tháng Ba này, buộc nhiều cơ sở trên khắp đất nước phải đóng cửa, bao gồm cả các nơi thờ phượng, khi chính quyền địa phương và tiểu bang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, Cha Leatherby đã dâng thánh lễ hàng tuần cho các nhóm nhỏ tại nhà riêng. Tổng cộng, những người tham dự thường xuyên có thể lên đến 350 người.

Trong một tuyên bố ngày 6 tháng 8, vị linh mục nói rằng “trong tình trạng khẩn cấp, ngay cả những linh mục bị huyền chức đều có thể, và thậm chí có nghĩa vụ về mặt đạo đức, phải ban phát các bí tích cho các tín hữu.”

Ngài giải thích rằng ban đầu ngài mang các bánh thánh mà trước đó ngài đã “thánh hiến trong các thánh lễ riêng” đến các nhà khác nhau. Ngay sau đó, ngài đã lái xe khắp thành phố “mọi ngày, mọi Chúa Nhật”, để mang Bánh sự sống đến cho những người Công Giáo. Từ đó, ngài bắt đầu dâng lễ tại nhà của mọi người.

“Tuy nhiên, tôi đã cử hành những Thánh lễ này trong sự hiệp thông với Đức Bênêđictô, chứ không phải với Đức Thánh Cha Phanxicô. Nhiều người đã tham gia với tôi, cùng quan điểm với tôi, rằng Đức Bênêđíctô vẫn là một vị giáo hoàng đích thực, “Cha Leatherby nói trong tuyên bố hôm 6 tháng 8.

Vị linh mục cho biết ngài không chấp nhận rằng việc thoái vị vào năm 2013 của vị giáo hoàng đã nghỉ hưu, và cho rằng việc thoái vị đó “đã không đáp ứng các yêu cầu đối với hành động từ chức hợp lệ của một vị giáo hoàng, theo giáo luật.”

Đức Cha Soto cũng nói rõ rằng:

“Trước những sự kiện đáng tiếc này, đã có một tiến trình giáo luật đang diễn ra liên quan đến các hành vi bị cáo buộc khác của Cha Jeremy Leatherby về việc vi phạm lời khấn của linh mục. Quá trình này phải thừa nhận là kéo dài đã lâu, vẫn đang tiếp tục, và nằm trong tay các vị hữu trách khác của Giáo hội. Những sự kiện mà ngài đã tự đặt mình vào tình trạng tuyệt thông không liên quan đến những cáo buộc trước đây và cuộc điều tra sau đó. Đây là hai vấn đề riêng biệt.”

Trước các diễn biến đáng buồn này, Đức Cha Soto đã khuyên bảo các tín hữu và hàng giáo sĩ trong giáo phận.

“Các giáo sĩ và tín hữu đều được khuyên tránh xa các cố gắng dâng Thánh lễ hoặc ban các bí tích khác của Cha Leatherby. Xin hãy cùng tôi cầu nguyện cho sự hòa giải và trở lại trong tình hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo Rôma của ngài”.

“Cầu xin sự chuyển cầu của Đức Maria đầy ơn phúc của chúng ta giúp Cha Leatherby biết ăn năn về những tổn hại mà ngài đã gây ra cho Giáo hội. Xin Mẹ, với lòng từ mẫu, một lần nữa quy tụ chúng ta lại thành một mối hiệp thông duy nhất của Giáo Hội, thánh thiện và được thanh tẩy bởi bửu huyết của Chiên Con, là Con Mẹ, Chúa Giêsu.”

Giáo phận Sacramento như hiện nay đã được Đức Thánh Cha Lêô thứ 13 thành lập vào ngày 28 tháng 5. 1886. Giáo phận bao phủ một diện tích lên đến 110, 325 km2. Trong tổng số dân 3, 550, 900 người, có 987, 700 tín hữu Công Giáo, chiếm 27.8%. Giáo phận có hơn 150 giáo xứ và các cứ điểm truyền giáo trải dài trên 20 quận hạt của tiểu bang California.

Đức Cha Soto được Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm làm Giám Mục Phó vào tháng 10, 2007 và đã kế vị Đức Cha William Weigand từ ngày 30 tháng 11, 2008.


Source:Catholic News Agency
 
Toàn văn Thông điệp Fratelli Tutti, toàn bộ ghi chú
Vũ Văn An
18:45 03/11/2020


[1] Admonitions, 6, 1. Bản tiếng Anh trong Francis of Assisi: Early Documents, vol 1., New York, London, Manila (1999), 131.
[2] Đã dẫn, 25: tài liệu đã dẫn, 136.
[3] Thánh Phanxicô thành ASSISI, Earlier Rule of the Friars Minor (Regula non bullata), 16: 3.6: tài liệu đã dẫn 74.
[4] ELOI LECLERC, O.F.M., Exil et tendresse, Éd. Franciscaines, Paris, 1962, 205.
[5] Văn kiện Tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Sống chung, Abu Dhabi (4 Tháng 2 2019): L’Osservatore Romano, 4-5 Tháng 2 2019, p. 6.
[6] Diễn văn Tại Cuộc Gặp gỡ Đại kết và Liên tôn với Người Trẻ, Skopje, North Macedonia (7 Tháng 5 2019): L’Osservatore Romano, 9 Tháng 5 2019, p. 9.
[7] Diễn văn với Nghị viện Âu Châu, Strasbourg (25 Tháng 11 2014): AAS 106 (2014), 996.
[8] Gặp Các Nhà Cầm quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn, Santiago, Chile (16 Tháng 1 2018): AAS 110 (2018), 256.
[9] Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 19: AAS 101 (2009), 655.
[10] Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Christus vivit (25 Tháng 3 2019), 181.
[11] Đức Hồng Y RAÚL SILVA HENRÍQUEZ, Homily at the Te Deum, Santiago de Chile (18 Tháng 9 1974).
[12] Thông điệp Laudato Si’ (24 Tháng 5 2015), 57: AAS 107 (2015), 869.
[13] Diễn văn với Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh (11 Tháng 1 2016): AAS 108 (2016), 120.
[14] Diễn văn với Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh (13 Tháng 1 2014): AAS 106 (2014), 83-84.
[15] Xem Diễn văn với Qũy “Centesimus Annus pro Pontifice” (25 Tháng 5 2013): Insegnamenti I, 1 (2013), 238.
[16] Xem Thánh Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio (26 Tháng 3 1967): AAS 59 (1967), 264.
[17] Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 22: AAS 101 (2009), 657.
[18] Diễn văn với nhà Cầm quyền Dân sự, Tirana, Albania (21 Tháng 9 2014): AAS 106 (2014), 773.
[19] Diễn văn với Các Tham dự viên Hội Nghị Quôc Tế “Nhân quyền trong Thế giơí Ngày nay: Các thành tựu, Bỏ sót, Bác bỏ” (10 Tháng 12 2018): L’Osservatore Romano, 10-11 Tháng 12 2018, p. 8.
[20] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 212: AAS 105 (2013), 1108.
[21] Thông điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2015 (8 Tháng 12 2014), 3-4: AAS 107 (2015), 69-71.
[22] Đã dẫn, 5: AAS 107 (2015), 72.
[23] Thông điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2016 (8 Tháng 12 2015), 2: AAS 108 (2016), 49.
[24] Thông điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2020 (8 Tháng 12 2019), 1: L’Osservatore Romano, 13 Tháng 12 2019, p. 8.
[25] Diễn văn về Vũ khí Nguyên tử, Nagasaki, Japan (24 Tháng 11 2019): L’Osservatore Romano, 25-26 Tháng 11 2019, p. 6.
[26] Đối thoại với các Học sinh và Giáo viên Trường San Carlo ở Milan (6 Tháng 4 2019): L’Osservatore Romano, 8-9 Tháng 4 2019, p. 6.
[27] Văn kiện Tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Sống chung, Abu Dhabi (4 Tháng 2 2019): L’Osservatore Romano, 4-5 Tháng 2 2019, p. 6.
[28] Diễn văn với Thế giới văn hóa, Cagliari, Italy (22 Tháng 9 2013): L’Osservatore Romano, 23-24 Tháng 9 2013, p. 7.
[29] Humana Communitas. Thư gửi Chủ tịch Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Sư Sống dịp Kỷ niệm 25 thành lập (6 Tháng 1 2019), 2.6: L’Osservatore Romano, 16 Tháng 1 2019, pp. 6-7.
[30] Sứ điệp video gửi Hội nghị TED ở Vancouver (26 Tháng 4 2017): L’Osservatore Romano, 27 Tháng 4 2017, p. 7.
[31] Buổi Cầu Nguyện ngoại thường Thời Đại dịch (27 Tháng 3 2020): L’Osservatore Romano, 29 Tháng 3 2020, p. 10.
[32] Bài giảng lễ, North Macedonia (7 Tháng 5 2019): L’Osservatore Romano, 8 Tháng 5 2019, p. 12.
[33] Xem Aeneid 1, 462: “Sunt lacrimae rerum et mentem mortalia tangunt”.
[34] “Historia… magistra vitae” (CICERO, De Oratore, 2, 6).
[35] Thông điệp Laudato Si’ (24 Tháng 5 2015), 204: AAS 107 (2015), 928.
[36] Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Christus Vivit (25 Tháng 3 2019), 91.
[37]Đã dẫn, 92.
[38] Đã dẫn, 93.
[39] Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Ngày Thế giới Di dân và Người tỵ nạn năm 2013, (12 Tháng 10 2012): AAS 104 (2012), 908.
[40] Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Christus Vivit (25 Tháng 3 2019), 92.
[41] Thông điệp Ngày Thế giới Di dân và Người tỵ nạn năm 2020 (13 Tháng 5 2020): L’Osservatore Romano, 16 Tháng 5 2020, p. 8.
[42] Diễn văn với Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh (11 Tháng 1 2016): AAS 108 (2016), 124.
[43] Diễn văn với Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh (13 Tháng 1 2014): AAS 106 (2014), 84.
[44] Diễn văn với Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh (11 Tháng 1 2016): AAS 108 (2016), 123.
[45] Thông điệp Ngày Thế giới Di dân và Người tỵ nạn năm 2019 (27 Tháng 5 2019): L’Osservatore Romano, 27-28 Tháng 5 2019, p. 8.
[46] Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Christus Vivit (25 Tháng 3 2019), 88.
[47] Đã dẫn, 89.
[48] Tông huấn Gaudete et Exsultate (19 Tháng 3 2018), 115.
[49] Từ cuốn phim Pope Francis: A Man of His Word, by Wim Wenders (2018).
[50] Diễn văn với Các Nhà Cầm quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn Tallinn, Estonia (25 Tháng 9 2018): L’Osservatore Romano, 27 Tháng 9 2018, p. 7.
[51] Xem Buổi Cầu Nguyện ngoại thường Thời Đại dịch (27 Tháng 3 2020): L’Osservatore Romano, 29 Tháng 3 2020, p. 10; Thông điệp nhân Ngày Thế giới Người Nghèo (13 Tháng 6 2020), 6: L’Osservatore Romano, 14 Tháng 6 2020, p. 8.
[52] Chào mừng Người Trẻ tại Trung tâm văn hóa Padre Félix Varela, Havana, Cuba (20 Tháng 9 2015): L’Osservatore Romano, 21-22 Tháng 9 2015, p. 6.
[53] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong Thế giới Ngày nay Gaudium et Spes, 1.
[54] Thánh Irênê thành Lyons, Adversus Haereses, II, 25, 2: PG 7/1, 798ff.
[55] Talmud Bavli (Babylonian Talmud), Shabbat, 31a.
[56] Diễn văn với Những Người được Các Công trình Bác ái của Giáo Hội giúp đỡ, Tallinn, Estonia (25 Tháng 9 2018): L’Osservatore Romano, 27 Tháng 9 2018, p. 8.
[57] Sứ điệp video gửi Hội nghị TED ở Vancouver (26 Tháng 4 2017):L’Osservatore Romano, 27 Tháng 4 2017, p. 7.
[58] Homiliae in Matthaeum, 50: 3-4: PG 58, 508.
[59] Thông điệp gửi Cuộc Gặp gỡ của Các Phong trào Bình dân, Modesto, California, USA (10 Tháng 2 2017): AAS 109 (2017), 291.
[60] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 235: AAS 105 (2013), 1115.
[61] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp gửi Những Người Khuyết Tật, buổi Đọc Kinh Sai Thiên Thần tại Osnabrück, Germany (16 Tháng 11 1980): Insegnamenti III, 2 (1980), 1232.
[62] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong Thế giới Ngày nay Gaudium et Spes, 24.
[63] Gabriel Marcel, Du refus à l’invocation, ed. NRF, Paris, 1940, 50.
[64] Buổi Đọc Kinh Truyền Tin(10 Tháng 11 2019): L’Osservatore Romano, 11-12 Tháng 11 2019, 8.
[65] Xem Thánh Tôma Aquinô: Scriptum super Sententiis, lib. 3, dist. 27, q. 1, a. 1, ad 4: “Dicitur amor extasim facere et fervere, quia quod fervet extra se bullit et exhalat”.
[66] Karol Wojtyła, Love and Responsibility, London, 1982, 126.
[67] Karl Rahner, Kleines Kirchenjahr. Ein Gang durch den Festkreis, Herderbücherei 901, Freiburg, 1981, 30.
[68] Luật Dòng, 53, 15: “Pauperum et peregrinorum maxime susceptioni cura sollicite exhibeatur”.
[69] Xem Summa Theologiae, II-II, q. 23, a. 7; Thánh Tháng 8 inô, Contra Julianum, 4, 18: PL 44, 748: “How many pleasures do misers forego, either to increase their treasures or for fear of seeing them diminish!”.
[70] “Secundum acceptionem divinam” (Scriptum super Sententiis, lib. 3, dist. 27, a. 1, q. 1, concl. 4).
[71] Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (25 Tháng 12 2005), 15: AAS 98 (2006), 230.
[72] Summa Theologiae II-II, q. 27, a. 2, resp.
[73] CfĐã dẫn, I-II, q. 26, a. 3, resp.
[74] Đã dẫn, q. 110, a. 1, resp.
[75] Thông điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế giới năm 2014 (8 Tháng 12 2013), 1: AAS 106 (2014), 22.
[76] Xem Kinh Truyền tin (29 Tháng 12 2013): L’Osservatore Romano, 30-31 Tháng 12 2013, p. 7; Diễn văn với Ngoại giao đoàn Bên cạnh Tòa Thánh (12 Tháng 1 2015): AAS 107 (2015), 165.
[77] Thông điệp nhân Ngày Người Khuyết Tật Thế giới (3 Tháng 12 2019): L’Osservatore Romano, 4 Tháng 12 2019, 7.
[78] Diễn văn với Cuộc Gặp gỡ về Tự do Tôn giáo với Cộng đồng Nói tiếng Tây Ban Nha và các Nhóm Di dân, Philadelphia, Pennsylvania, United States of America (26 Tháng 9 2015): AAS 107 (2015), 1050-1051.
[79] Diễn văn với Giới trẻ, Tokyo, Japan (25 Tháng 11 2019): L’Osservatore Romano, 25-26 Tháng 11 2019, 10.
[80] Trong các xem xét này, tôi được gợi hứng bời tư tưởng của Paul Ricoeur, “Le socius et le prochain”, trong Histoire et Verité, ed. Le Seuil, Paris, 1967, 113-127.
[81] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 190: AAS 105 (2013), 1100.
[82] Đã dẫn, 209: AAS 105 (2013), 1107.
[83] Thông điệp Laudato Si’ (24 Tháng 5 2015), 129: AAS 107 (2015), 899.
[84] Thông điệp gửi cho Biến cố “Economy of Francesco” (1 Tháng 5 2019): L’Osservatore Romano, 12 Tháng 5 2019, 8.
[85] Diễn văn với Nghị viện Âu Châu, Strasbourg (25 Tháng 11 2014): AAS 106 (2014), 997.
86] Thông điệp Laudato Si’ (24 Tháng 5 2015), 229: AAS 107 (2015), 937.
[87] Thông điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế giới năm 2016 (8 Tháng 12 2015), 6: AAS 108 (2016), 57-58.
[88] “Vững chắc” (Solidity) về từ nguyên có liên hệ với “liên đới” (solidarity). Liên đới, trong nghĩa đạo đức học chính trị mà nó mặc lấy trong 2 thế kỷ vừa qua, đem lại tác động an toàn và chắc chắn.
[89] Bài Giảng lễ, Havana, Cuba (20 Tháng 9 2015): L’Osservatore Romano, 21-22 Tháng 9 2015, 8.
[90] Diễn văn với Các Tham dự viên cuộc gặp gỡ các Phong trào Bình dạn (28 Tháng 10 2014): AAS 106 (2014), 851-852.
[91] Xem Thánh Basil, Homilia XXI, Quod rebus mundanis adhaerendum non sit, 3.5: PG 31, 545-549; Regulae brevius tractatae, 92: PG 31, 1145-1148; Thánh Peter Chrysologus, Sermo 123: PL 52, 536-540; Thánh Ambrose, De Nabuthe, 27.52: PL 14, 738ff.; Thánh Augustinô, In Iohannis Evangelium, 6, 25: PL 35, 1436ff.
[92] De Lazaro Concio, II, 6: PG 48, 992D.
[93] Regula Pastoralis, III, 21: PL 77, 87.
[94] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1 Tháng 5 1991), 31: AAS 83 (1991), 831.
[95] Thông điệp Laudato Si’ (24 Tháng 5 2015), 93: AAS 107 (2015), 884.
[96] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens (14 Tháng 9 1981), 19: AAS 73 (1981), 626.
[97] Cf. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Hợp tuyền Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, 172.
[98] Thông điệp Populorum Progressio (26 Tháng 3 1967): AAS 59 (1967), 268.
[99] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (30 Tháng 12 1987), 33: AAS 80 (1988), 557.
[100] Thông điệp Laudato Si’ (24 Tháng 5 2015), 95: AAS 107 (2015), 885.
[101] Đã dẫn, 129: AAS 107 (2015), 899.
[102] Xem Thánh Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio (26 Tháng 3 1967): AAS 59 (1967), 265; Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 16: AAS 101 (2009), 652.
[103] Xem Thông điệp Laudato Si’ (24 Tháng 5 2015), 93: AAS 107 (2015), 884-885; Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 189-190: AAS 105 (2013), 1099-1100.
[104] Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Thư Mục vụ chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Open Wide Our Hearts: The Enduring Call to Love (Tháng 11 2018).
[105] Thông điệp Laudato Si’ (24 Tháng 5 2015), 51: AAS 107 (2015), 867.
[106] Xem Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 6: AAS 101 (2009), 644.
[107] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1 Tháng 5 1991), 35: AAS 83 (1991), 838.
[108] Diễn văn về Vũ khí Hạt nhân, Nagasaki, Japan (24 Tháng 11 2019): L’Osservatore Romano, 25-26 Tháng 11 2019, 6.
[109] Xem Hội Đồng Giám Mục Mễ tây cơ và Hoa kỳ, A Pastoral Letter Concerning Migration: “Strangers No Longer Together on the Journey of Hope” (Tháng 1 2003).
[110] Yết kiến chung (3 Tháng 4 2019): L’Osservatore Romano, 4 Tháng 4 2019, p. 8.
[111] Xem Thông điệp nhân ngày Di dân và Tịn nạn Thế giới năm 2018 (14 Tháng 1 2018): AAS 109 (2017), 918-923.
112] Văn kiện Tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Sống chung, Abu Dhabi (4 Tháng 2 2019): L’Osservatore Romano, 4-5 Tháng 2 2019, p. 7.
[113] Diễn văn với Ngoại giao đoàn Bên cạnh Tòa Thánh, 11 Tháng 1 2016: AAS 108 (2016), 124.
[114] Đã dẫn, 122.
[115] Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Christus Vivit (25 Tháng 3 2019), 93.
[116] Đã dẫn, 94.
[117] Diễn văn với Nhà cầm quyền, Sarajevo, Bosnia và Herzegovina (6 Tháng 6 2015): L’Osservatore Romano, 7 Tháng 6 2015, p. 7.
[118] Latinoamérica. Conversaciones con Hernán Reyes Alcaide, ed. Planeta, Buenos Aires, 2017, 105.
[119] Văn kiện Tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Sống chung, Abu Dhabi (4 Tháng 2 2019): L’Osservatore Romano, 4-5 Tháng 2 2019, p. 7.
[120] Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 67: AAS 101 (2009), 700.
[121] Đã dẫn, 60: AAS 101 (2009), 695.
[122] Đã dẫn, 67: AAS 101 (2009), 700.
[123] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Hợp tuyển Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, 447.
[124] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 234: AAS 105 (2013), 1115.
[125] Đã dẫn, 235: AAS 105 (2013), 1115.
[126] Đã dẫn
[127] Thánh Gioan Phaolô II, Diễn văn với Các Đại diện văn hóa Argentina, Buenos Aires, Argentina (12 Tháng 4 1987), 4: L’Osservatore Romano, 14 Tháng 4 1987, p. 7.
[128] Xem Đã dẫn., Diễn văn với Giáo Triều Rôma (21 Tháng 12 1984), 4: AAS 76 (1984), 506.
[129] Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Querida Amazonia (2 Tháng 2 2020), 37.
[130] GEORG SIMMEL, Brücke und Tür. Essays des Philosophen zur Geschichte, Religion, Kunst und Gesellschaft, ed. Michael Landmann, Köhler-Verlag, Stuttgart, 1957, 6.
[131] Xem JAIME HOYOS-VÁSQUEZ, S.J., “Lógica de las relaciones sociales. Reflexión onto-lógica”, Revista Universitas Philosophica, 15-16 (Tháng 12 1990-Tháng 6 1991), Bogotá, 95-106.
[132] ANTONIO SPADARO, S.J., Le orme di un pastore. Una conversazione con Papa Francesco, trong JORGE MARIO BERGOLIO – PAPA FRANCESCO, Nei tuoi occhi è la mia parola. Omelie e discorsi di Buenos Aires 1999-2013, Rizzoli, Milan 2016, XVI; xem Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 220-221: AAS 105 (2013), 1110-1111.
[133] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 204: AAS 105 (2013), 1106.
[134] Xem Đã dẫn: AAS 105 (2013), 1105-1106.
[135] Đã dẫn, 202: AAS 105 (2013), 1105.
[136] Thông điệp Laudato Si’ (24 Tháng 5 2015), 128: AAS 107 (2015), 898.
[137] Diễn văn với Ngoại giao đoàn Bên cạnh Tòa Thánh (12 Tháng 1 2015): AAS 107 (2015), 165; cf. Diễn văn với Các Tham dự viên Cuộc Gặp gỡ Các Phong Trào Bình dân Thế giới (28 Tháng 10 2014): AAS 106 (2014), 851-859.
[138] Điểm tương tự cũng có thể đưa ra cho phạm trù Kinh Thánh Nước Thiên Chúa.
[139] PAUL RICOEUR, Histoire et Verité, ed. Le Seuil Paris, 1967, 122.
[140] Thông điệp Laudato Si’ (24 Tháng 5 2015), 129: AAS 107 (2015), 899.
[141] Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 35: AAS 101 (2009), 670.
[142] Diễn văn với Các Tham dự viên Cuộc Gặp gỡ Các Phong Trào Bình dân Thế giới (28 Tháng 10 2014): AAS 106 (2014), 858.
[143] Đã dẫn.
[144] Diễn văn với Các Tham dự viên Cuộc Gặp gỡ Các Phong Trào Bình dân Thế giới (5 Tháng 11 2016): L’Osservatore Romano, 7-8 Tháng 11 2016, pp. 4-5.
[145] Đã dẫn.
[146] Đã dẫn.
[147] Thông điệp Laudato Si’ (24 Tháng 5 2015), 189: AAS 107 (2015), 922.
[148] Diễn văn với Các Thành viên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York (25 Tháng 9 2015): AAS 107 (2015), 1037.
[149] Thông điệp Laudato Si’ (24 Tháng 5 2015), 175: AAS 107 (2015), 916-917.
[150] Cf. BENEDICT XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 67: AAS 101 (2009), 700-701.
[151] Đã dẫn: AAS 101 (2009), 700.
[152] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Hợp tuyển Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, 434.
[153] Diễn văn với Các Thành viên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York (25 Tháng 9 2015): AAS 107 (2015), 1037, 1041.
[154] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Hợp tuyển Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, 437.
[155] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Hòa Bình Thế giới năm 2004, 5: AAS 96 (2004), 117.
[156] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Hợp tuyển Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, 439.
[157] Xem Ủy Ban Xã hội của Hội Đồng Giám Mục Pháp, Tuyên ngôn Réhabiliter la Politique (17 Tháng 2 1999).
[158] Thông điệp Laudato Si’ (24 Tháng 5 2015), 189: AAS 107 (2015), 922.
[159] Đã dẫn, 196: AAS 107 (2015), 925.
[160] Đã dẫn, 197: AAS 107 (2015), 925.
[161] Đã dẫn, 181: AAS 107 (2015), 919.
[162] Đã dẫn, 178: AAS 107 (2015), 918.
[163] Hội Đồng Giám Mục Bồ đào nha, Thư Mục vụ Responsabilidade Solidária pelo Bem Comum (15 Tháng 9 2003), 20; cf. Thông điệp Laudato Si’ (24 Tháng 5 2015), 159: AAS 107 (2015), 911.
[164] Thông điệp Laudato Si’ (24 Tháng 5 2015), 191: AAS 107 (2015), 923.
[165] Đức Piô XI, Diễn văn với Liên Đoàn Sinh viên Đại Học Công Giáo Ý (18 Tháng 12 1927): L’Osservatore Romano, 23 Tháng 12 1927, p. 3.
[166] Xem Đã dẫn, Thông điệp Quadragesimo Anno (15 Tháng 5 1931): AAS 23 (1931), 206-207.
[167] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 205: AAS 105 (2013), 1106
[168] Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 2: AAS 101 (2009), 642.
[169] Thông điệp Laudato Si’ (24 Tháng 5 2015), 231: AAS 107 (2015), 937.
[170] Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 2: AAS 101 (2009), 642.
[171] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Hợp tuyển Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, 207.
[172] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis (4 Tháng 3 1979), 15: AAS 71 (1979), 288.
[173] Xem Thánh Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio (26 Tháng 3 1967), 44: AAS 59 (1967), 279.
[174] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Hợp tuyển Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, 207.
[175] Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 2: AAS 101 (2009), 642.
[176] Đã dẫn, 3: AAS 101 (2009), 643.
[177] Đã dẫn, 4: AAS 101 (2009), 643.
[178] Đã dẫn.
[179] Đã dẫn, 3: AAS 101 (2009), 643.
[180] Đã dẫn: AAS 101 (2009), 642.
[181] Theo giáo huấn của Thánh Tôma Aquinô, tín lý luân lý Công Giáo phân biệt giữa các hành vi “được luận ra” (elicited) và “được truyền lệnh” (commanded); xem Summa Theologiae, I-II, qq. 8-17; M. ZALBA, S.J., Theologiae Moralis Summa. Theologia Moralis Fundamentalis. Tractatus de Virtutibus Theologicis, ed. BAC, Madrid, 1952, vol. I, 69; A. ROYO MARÍN, Teología de la Perfección Cristiana, ed. BAC, Madrid, 1962, 192-196.
[182] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Hợp tuyển Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, 208.
[183] Xem Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (30 Tháng 12 1987), 42: AAS 80 (1988), 572-574; Thông điệp Centesimus Annus (1 Tháng 5 1991), 11: AAS 83 (1991), 806-807.
[184] Diễn văn với Các Tham dự viên Cuộc Gặp gỡ Các Phong Trào Bình dân Thế giới (28 Tháng 10 2014): AAS 106 (2014), 852.
185] Diễn văn với Nghị viện Âu Châu, Strasbourg (25 Tháng 11 2014): AAS 106 (2014), 999.
[186] Diễn văn tại cuộc Gặp gỡ với Nhà Cầm quyền và Ngoại giao đoàn tại Công Hòa Trung Phi, Bangui (29 Tháng 11 2015): AAS 107 (2015), 1320.
[187] Diễn văn với Liên Hiệp Quốc, New York (25 Tháng 9 2015): AAS 107 (2015), 1039.
[188] Diễn văn với Các Tham dự viên Cuộc Gặp gỡ Các Phong Trào Bình dân Thế giới (28 Tháng 10 2014): AAS 106 (2014), 853.
[189] Văn kiện Tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Sống chung, Abu Dhabi (4 Tháng 2 2019): L’Osservatore Romano, 4-5 Tháng 2 2019, p. 6.
[190] RENÉ VOILLAUME, Frères de tous, ed. Cerf, Paris, 1968, 12-13.
[191] Thông điệp Video gửi Hội nghị TED ở Vancouver (26 Tháng 4 2017): L’Osservatore Romano, 27 Tháng 4 2017, p. 7.
[192] Yết kiến chung (18 Tháng 2 2015): L’Osservatore Romano, 19 Tháng 2 2015, p. 8.
[193] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 274: AAS 105 (2013), 1130.
[194] Đã dẫn, 279: AAS 105 (2013), 1132.
[195] Thông điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế giới năm 2019 (8 Tháng 12 2018), 5: L’Osservatore Romano, 19 Tháng 12 2018, p. 8.
[196] Gặp gỡ Các Nhà Lãnh đạo chính trị, Kinh tế và văn hóa Ba Tây, Rio de Janeiro, Brazil (27 Tháng 7 2013): AAS 105 (2013), 683-684.
[197] Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Querida Amazonia (2 Tháng 2 2020), 108.
[198] Từ cuốn phim Pope Francis: A Man of His Word, by Wim Wenders (2018).
[199] Thông điệp nhân ngày Truyền thông Thế giới (24 Tháng 1 2014): AAS 106 (2014), 113.
[200] Hội Đồng Giám Mục Úc, Ủy ban Công lý, Sứ mệnh và Phục vụ Xã hội, Making It Real: Genuine Human Encounter in Our Digital World (Tháng 11 2019).
[201] Thông điệp Laudato Si’ (24 Tháng 5 2015), 123: AAS 107 (2015), 896.
[202] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor (6 Tháng 8 1993), 96: AAS 85 (1993), 1209.
[203] Là các Kitô hữu, chúng ta cũng tin rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn thánh của Người giúp chúng ta hành động như anh chị em.
[204] VINICIUS DE MORAES, Samba da Benção, từ cuốn băng Um encontro no Au bon Gourmet, Rio de Janeiro (2 Tháng 8 1962).
[205] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 237: AAS 105 (2013), 1116.
[206] Đã dẫn, 236: AAS 105 (2013), 1115.
[207] Đã dẫn, 218: AAS 105 (2013), 1110.
[208] Tông huấn Amoris Laetitia (19 Tháng 3 2016), 100: AAS 108 (2016), 351.
[209] Thông điệp Ngày Hòa Bình Thế giới năm 2020 (8 Tháng 12 2019), 2: L’Osservatore Romano, 13 Tháng 12 2019, p. 8.
[210] Hội Đồng Giám Mục Congo, Thông điệp gửi Dân Chúa và Những người đàn ông và đàn bà có thiện chí (9 Tháng 5 2018).
[211] Diễn văn tại Cuộc Gặp Gỡ Hòa Giải Quốc Gia, Villavicencio, Colombia (8 Tháng 9 2017): AAS 109 (2017), 1063-1064, 1066.
[212] Thông điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế giới năm 2020 (8 Tháng 12 2019), 3: L’Osservatore Romano, 13 Tháng 12 2019, p. 8.
[213] Hội Đồng Giám Mục Nam Phi, Pastoral Letter on Christian Hope in the Current Crisis (Tháng 5 1986).
[214] Hội Đồng Giám Mục Đại Hàn, Appeal of the Catholic Church in Korea for Peace on the Korean Peninsula (15 Tháng 8 2017).
[215] Gặp gỡ Các Nhà Lãnh đạo Chính trị, Kinh tế và Dân sự, Quito, Ecuador (7 Tháng 7 2015): L’Osservatore Romano, 9 Tháng 7 2015, p. 9.
[216] Cuộc gặp gỡ Liên tôn với giới trẻ, Maputo, Mozambique (5 Tháng 9 2019): L’Osservatore Romano, 6 Tháng 9 2019, p. 7.
[217] Bài giảng lễ, Cartagena de Indias, Colombia (10 Tháng 9 2017): AAS 109 (2017), 1086.
[218] Gặp gỡ Nhà Cầm quyền, Ngoại giao đoàn và Đại diện Xã hội Dân sự, Bogotá, Colombia (7 Tháng 9 2017): AAS 109 (2017), 1029.
[219] Hội Đồng Giám Mục Colombia, Por el bien de Colombia: diálogo, reconciliación y desarrollo integral (26 Tháng 11 2019), 4.
[220] Gặp gỡ Nhà Cầm quyền, Ngoại giao đoàn và Đại diện Xã hội Dân sự, Maputo, Mozambique (5 Tháng 9 2019): L’Osservatore Romano, 6 Tháng 9 2019, p. 6.
[221] Hội nghị Toàn thể lần thứ năm các Giám Mục Châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean, Aparecida Document (29 Tháng 6 2007), 398.
[222] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 59: AAS 105 (2013), 1044.
[223] Thông điệp Centesimus Annus (1 Tháng 5 1991), 14: AAS 83 (1991), 810.
[224] Bài giảng trong Thánh lễ cầu cho Tiến bộ Các Dân tộc, Maputo, Mozambique (6 Tháng 9 2019): L’Osservatore Romano, 7 Tháng 9 2019, p. 8.
[225] Nghi thức tiếp đón, Colombo, Sri Lanka (13 Tháng 1 2015): L’Osservatore Romano, 14 Tháng 1 2015, p. 7.
[226] Gặp gỡ Các Trẻ em của “Trung tâm Bethany” và Đại diện Các Trung tâm Bác ái của Albania, Tirana, Albania (21 Tháng 9 2014): Insegnamenti II, 2 (2014), 288.
[227] Thông điệp Video gửi Hội nghị TED ở Vancouver (26 Tháng 4 2017): L’Osservatore Romano, 27 Tháng 4 2017, p. 7.
[228] Đức Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno (15 Tháng 5 1931): AAS 23 (1931), 213.
[229] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 228: AAS 105 (2013), 1113.
[230] Gặp gỡ Nhà Cầm quyền, Ngoại giao đoàn và Đại diện Xã hội Dân sự, Riga, Latvia (24 Tháng 9 2018): L’Osservatore Romano, 24-25 Tháng 9 2018, p. 7.
[231] Nghi thức tiếp đón, Tel Aviv, Israel (25 Tháng 5 2014): Insegnamenti II, 1 (2014), 604.
[232] Viếng Đài Kỷ niệm Yad Vashem, Jerusalem (26 Tháng 5 2014): AAS 106 (2014), 228.
[233] Diễn văn tại Đài Kỷ niệm Hòa bình, Hiroshima, Japan (24 Tháng 11 2019): L’Osservatore Romano, 25-26 Tháng 11 2019, p. 8.
[234] Thông điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế giới năm 2020 (8 Tháng 12 2019), 2: L’Osservatore Romano, 13 Tháng 12 2019, p. 8.
[235] Hội Đồng Giám Mục Croatia, Letter on the Fiftieth Anniversary of the End of the Second World War (1 Tháng 5 1995).
[236] Bài Giảng lễ, Amman, Jordan (24 Tháng 5 2014): Insegnamenti II, 1 (2014), 593.
[237] Cf. Thông điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế giới năm 2020 (8 Tháng 12 2019), 1: L’Osservatore Romano, 13 Tháng 12 2019, p. 8.
[238] Diễn văn với Các Thành viên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York (25 Tháng 9 2015): AAS 107 (2015), 1041-1042.
[239] No. 2309.
[240] Đã dẫn.
[241] Thông điệp Laudato Si’ (24 Tháng 5 2015), 104: AAS 107 (2015), 888.
[242] Thánh Augustinô, người đã sáng chế ra ý niệm “chiến tranh chính đáng” mà chúng ta không còn duy trì thời nay nữa, cũng nói rằng “Vinh quang hơn vẫn là duy trì chiến tranh bằng lời nói, hơn là sát hại con người bằng gươm giáo, và cung cấp hoặc duy trì hòa bình bằng hòa bình, chứ không bằng chiến tranh” (Epistola 229, 2: PL 33, 1020).
[243] Thông điệp Pacem in Terris (11 Tháng 4 1963): AAS 55 (1963), 291.
[244] Thông điệp gửi Hội nghị Liên Hiệp Quốc thương thảo tìm ra phương thế trói buộc hợp pháp để ngăn cấm vũ khí hạt nhân (23 Tháng 3 2017): AAS 109 (2017), 394-396.
[245] Xem Thánh Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio (26 Tháng 3 1967): AAS 59 (1967), 282.
[246] Xem Thông điệp Evangelium Vitae (25 Tháng 3 1995), 56: AAS 87 (1995), 463-464.
[247] Diễn văn nhân Kỷ niệm năm thứ 25 ngày công bố Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (11 Tháng 10 2017): AAS 109 (2017), 1196.
[248] Xem Bộ Giáo Lý Đức tin, Letter to the Bishops Regarding the Revision of No. 2267 of the Catechism of the Catholic Church on the Death Penalty (1 Tháng 8 2018): L’Osservatore Romano, 3 Tháng 8 2018, p. 8.
[249] Diễn văn với các Đại biểu Hiệp hội Hình luật Quốc tế (23 Tháng 10 2014): AAS 106 (2014), 840.
[250] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Hợp tuyển Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, 402.
[251] Thánh Gioan Phaolô II, Diễn văn với Hiệp hội Thẩm phán Quốc gia (31 Tháng 3 2000), 4: AAS 92 (2000), 633.
[252] Divinae Institutiones VI, 20, 17: PL 6, 708.
[253] Epistola 97 (Responsa ad consulta Bulgarorum), 25: PL 119, 991. “ipsi (Christo) non solum innoxios quosque, verum etiam et noxios a mortis exitio satagite cunctos eruere…”.
[254] Epistola ad Marcellinum 133, 1.2: PL 33, 509.
[255] Diễn văn với các Đại biểu Hiệp hội Hình luật Quốc tế (23 Tháng 10 2014): AAS 106 (2014), 840-841.
[256] Đã dẫn, 842.
[257] Đã dẫn.
[258] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (25 Tháng 3 1995), 9: AAS 87 (1995), 411.
[259] Hội Đồng Giám Mục Ấn độ, Response of the Church in India to the Present-day Challenges (9 Tháng 3 2016).
[260] Bài giảng trong Thánh Lễ tại Nhà Thánh Martha (17 Tháng 5 2020).
[261] Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 19: AAS 101 (2009), 655.
[262] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1 Tháng 5 1991), 44: AAS 83 (1991), 849.
[263] Diễn văn với Các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo Khác và Các Tín phái Kitô giáo khác, Tirana, Albania (21 Tháng 9 2014): Insegnamenti II, 2 (2014), 277.
[264] Văn kiện Tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Sống chung, Abu Dhabi (4 Tháng 2 2019): L’Osservatore Romano, 4-5 Tháng 2 2019, p. 6.
[265] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 256: AAS 105 (2013), 1123.
[266] Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (25 Tháng 12 2005), 28: AAS 98 (2006), 240.
[267] “Con người là một con vật chính trị”, ARISTOTLE, Politics, 1253a 1-3.
[268] Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 Tháng 6 2009), 11: AAS 101 (2009), 648.
[269] Diễn văn với Cộng đồng Công Giáo, Rakovski, Bulgaria (6 Tháng 5 2019): L’Osservatore Romano, 8 Tháng 5 2019, p. 9.
[270] Bài giảng lễ, Santiago de Cuba (22 Tháng 9 2015): AAS 107 (2015), 1005.
[271] Công Đồng Vatican II, Tuyên ngôn về Mối Liên hệ của Giáo Hội với các Tôn giáo không phải Kitô giáo, Nostra Aetate, 2.
[272] Buổi cầu nguyện đại kết Riga, Latvia (24 Tháng 9 2018): L’Osservatore Romano, 24-25 Tháng 9 2018, p. 8.
[273] Lectio Divina, Pontifical Lateran University, Rome (26 Tháng 3 2019): L’Osservatore Romano, 27 Tháng 3 2019, p. 10.
[274] Thánh Phaolô VI, Thông điệp Ecclesiam Suam (6 Tháng 8 1964): AAS 56 (1964), 650.
[275] Diễn văn với Nhà Cầm quyền Dân sự, Bethlehem, Palestine (25 Tháng 5 2014): Insegnamenti II, 1 (2014), 597.
[276] Enarrationes in Psalmos, 130, 6: PL 37, 1707.
[277] Tuyên bố chung của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng phụ Đại kết, Jerusalem (25 Tháng 5 2014), 5: L’Osservatore Romano, 26-27 Tháng 5 2014, p. 6.
[278] Từ cuốn phim Pope Francis: A Man of His Word, của Wim Wenders (2018).
[279] Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Querida Amazonia (2 Tháng 2 2020), 106.
[280] Bài giảng lễ, Colombo, Sri Lanka (14 Tháng 1 2015): AAS 107 (2015), 139.
[281] Văn kiện Tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Sống chung, Abu Dhabi (4 Tháng 2 2019): L’Osservatore Romano, 4-5 Tháng 2 2019, p. 7.
[282] Diễn văn với Nhà Cầm quyền Dân sự, Sarajevo, Bosnia-Herzegovina (6 Tháng 6 2015): L’Osservatore Romano, 7 Tháng 6 2015, p. 7.
[283] Diễn văn với Hội nghị Quốc tế về Hòa bình do cộng đồng Sant’Egidio tổ chức (30 Tháng 9 2013): Insegnamenti I, 1 (2013), 301-302.
[284] Văn kiện Tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Sống chung, Abu Dhabi (4 Tháng 2 2019): L’Osservatore Romano, 4-5 Tháng 2 2019, p. 6.
[285] Đã dẫn.
[286] Xem CHARLES DE FOUCAULD, Méditation sur le Notre Père (23 Tháng 1 1897).
[287] Letter to Henry de Castries (29 Tháng 11 1901).
[288] Letter to Madame de Bondy (7 Tháng 1 1902). Thánh Phaolô VI dùng các lời này để ca ngợi việc dấn thân của bà: Thông điệp Populorum Progressio (26 Tháng 3 1967): AAS 59 (1967), 263.
 
Văn Hóa
Cánh chim
Lm Vũđình Tường
21:41 03/11/2020
Cánh chim nghiệm ra một điều rất thú vị. Đó là mỗi lần nó từ giã một thế giới cũ để tiến vào một thế giới mới, thế giới mới luôn lớn hơn, vĩ đại hơn, nhiều khám phá hơn, nhiều bí ẩn hơn và thú vị hơn thế giới cũ. Đời nó bắt đầu bằng thế giới tí teo của cái vỏ trứng. Với nó, vỏ trứng là cả một thế giới an toàn, bao bọc che chở nó suốt trong thời gian mẹ nó ấp trứng. Nó hài lòng với thế giới an toàn đó. Sau mấy tuần lễ, vỏ trứng vỡ ra, chim con tiến vào một thế giới mới. Thế giới này lớn hơn nhiều, đủ chỗ cho bốn chú chim con vùng vẫy. Cả bốn chú chim con cùng lớn. Cái tổ chim vẫn rộng đủ cho cả bốn chị em và mẹ nó. Thế giới tổ chim làm cho nó hài lòng, ấm vào đêm, mát ban ngày do gió thổi xuyên qua kẽ cỏ, mẹ đó dầy công đan tổ. Ở thế giới tổ chim, nó không cần săn mồi vì đã có mẹ lo cho. Mỗi lần mẹ về là miệng mang theo một con sâu và lần lượt mẹ ban phát cho từng đứa. Lần này đứa này, lần sau đứa khác. Khác biệt ở chỗ có lần mẹ đi mau, có lần mẹ đi lâu mới trở lại. Nhưng không lần nào thiếu sâu nuôi con.

Ba tuần sau, chim đủ lông cánh và nó cẩn thận bước ra khỏi tổ, móng chân sắc bén bám chặt lấy cành cây. Cơn gió mạnh lung lay cành cây khiến toàn thân nó đong đưa theo nhịp rung cành cây. Chị em chim kêu ríu rít, gọi nó trở lại tổ, nhưng không con nào dám liều mạng cứu nó. Chim quay lại nhìn tổ nhưng không dám buông móng khỏi cành, sợ té xuống đất. Cơn gió đi qua, chim nhanh nhẹn trở lại tổ. Người vẫn còn run rẩy, chim giấu đầu sâu trong tổ rồi thiếp đi lúc nào không biết, mãi cho đến khi mẹ gọi dậy ăn sâu. Nhìn thấy mẹ, nó hoàn hồn, cảm thấy yên tâm hơn, bạo hơn. Vài ngày sau, trời yên gió, chim lại leo ra khỏi tổ và cơn gió nhẹ hơn, vừa đủ tung lông cánh nó. Trong lúc vô tình, hời hợt, không chú tâm, cơn gió đến thình lình hất văng chim khỏi cành cây. Chim bối rối, sợ hãi, vội tung cánh ra. Sức rơi chậm lại, chim đập đôi cánh loạn xạ, cố giữ thăng bằng tránh rơi xuống đất. Rồi đập mạnh hơn, toàn thân chim lên cao, lên cao hơn và rồi cao bằng cành cây lúc trước chim đứng. Hai chân vội bám chặt lấy cành cây, đôi cánh gấp lại. Ngạc nhiên thay, đôi cánh không mỏi. Lúc sau, chim tò mò thử lại, vỗ đôi cánh và rồi thân chim bốc cao, bay cao hơn cành cây. Từ đó chim an tâm, mỗi lần cần di chuyển, không đi bằng đôi chân nữa mà tung đôi cánh, bay nhanh hơn, an toàn hơn, thoải mái hơn. Rồi một ngày chim từ giã tổ, bay vào thế giới thiên nhiên. Chim đâu ngờ thế giới mới này lớn thế. Trước đây chim cho rằng tổ chim đã lớn. Bay vào thế giới thiên nhiên mở ra trước mắt chim một thế giới khổng lồ. Lớn hơn những gì chim có thể tưởng tượng ra được. Một thế giới bao la, hùng vĩ. Chim sải cánh dài bay đến mệt nghỉ thế mà thế giới kia vẫn còn, mắt nhìn không hết. Bay đường xa, chim không biết đường về tổ cũ. Thực ra, giờ chim có thể tự túc một mình kiếm sống. Ngày đầu bay khỏi tổ, chim đói meo. Bởi nó cố gắng tìm đúng loại sâu mẹ nó nuôi, nhưng không tìm thấy con nào cả. Đói quá, nó ăn đại một con sâu bắt được. Mùi vị có khác, mà dường như có vẻ ngon hơn. Lúc đó chim nghiệm ra thế giới mới tốt hơn thế giới cũ. Nơi đây thực phẩm ngon hơn, nhiều hơn và cảnh trời cũng đẹp hơn. Chim cũng học biết bất cứ con sâu nào tìm cách chạy trốn loài chim đều là thức ăn của chim. Từ suy nghĩ đó, chim ăn tất cả các loại sâu trốn sau những cành lá. Mỗi loại có một vị khác nhau và đều là chất dinh dưỡng tốt cho chim. Ngày kia chim ăn no, đậu trên cành nhìn những loài chim khác ăn hạt. Một con chim ăn hạt bị dính cạm bẫy. Nó vùng vẫy thoát thân, nhưng thất bại. Nó mệt nhoài, chân đau nhói vì cái cạm bẫy. Nó ngưng vùng vẫy một lúc, bớt mệt, nó mổ ăn hạt lúa. Chim con trên thành thắc mắc. Hạt lúa kia ngon đến mức nào mà trước khi chết chim già kia còn cố ăn thêm mấy hạt. Chim con dè dặt, bay sà xuống ruộng lúa. Cẩn trọng nhìn tứ phía, thấy an toàn, chim mổ hạt lúa ăn thử. Quả thật hạt lúa có mùi vị thơm ngon đặt biệt. Mổ hạt lúa vào miệng, lưỡi nó thấy ngọt lịm, mùi thơm xông lên mũi. Nuốt hạt lúa vào thấy toàn thân rạo rực. Chim mổ vội vài ba chục hạt rồi tung cánh bay đậu cành cao. Nó cao hứng, nhìn bầu trời xanh bao la. Một í tưởng chợt đến, thế là chim tung cánh bay lên cao. Bay mãi, bay mãi đến khi nó thấy toàn thân nhẹ bổng chim mới ngưng bay. Trên không trung xanh ngát đó, chim nhìn thấy cả một vùng đất mênh mông, cây cối nhỏ xíu. Chim muốn lên cao nữa nhưng không dám bởi, thấy toàn thân nhẹ như bông, không khí có vẻ kém so với lúc ở mặt đất, trời cũng lạnh hơn, lông thân không đủ giữ ấm thân nhiệt. Chim biết, chim không thể thám hiểm cao hơn được. Thân chơ vơ, lơ lửng giữa trời, giữ thăng bằng thật khó. Ngước mắt lên thấy ngút tầm mắt, nhìn xuống thấy xa thăm thẳm. Vũ trụ này quả khổng lồ, chứa nhiều bí ẩn ngoài tầm thám hiểm và hiểu biết của chim. Chim bay về mặt đất. Bằng lòng với cái hiểu biết hạn hẹp của mình. Chim biết vũ trụ mới, rộng bao la, bát ngát, ban cho chim nhiều điều tốt lành. Trước hết là thực phẩm nhiều loại khác nhau và ngon hơn thứ thực phẩm mẹ chim cung cấp. Thứ hai có nhiều bông hoa tuyệt trần; thứ ba có buổi bình minh rực ánh sáng, chan hoà, có gió mát, có trăg thanh, có tiếng chim ca hát. Còn một thế giới huyền bí nữa mà chim không hề nhận ra, không hề biết, đó là lúc chim đang lơ lửng trên trời xanh, dưới đất có người trộm nhìm chim trên cao, tâm hồn họ vơi với, tâm tình họ thanh thoát, tâm hồn họ thanh thản, toàn thân an nhàn nhìm chim một cách say đắm. Chim cũng không hề biết lỗi sáng chim hót làm cho tâm hồn người nghe rực sáng, tâm tư bừng lên niềm vui. Người ta ca tụng cái vẻ đẹp màu sắc lông chim mang lại. Người ta thầm khen chin khéo léo chuyền cành lanh lẹ, thanh thoát. Thế giới đó hoàn toàn thần bí đối với chim.

Mùa đông đến, chim một mình trú nơi cành cây chịu cái rét đầu đời. Chim ngạc nhiên các chim khác đâu hết, không thấy chúng tìm bắt sâu, săn lúa thóc như ngày nắng hạ. Sau mùa đông đám chim lại xuất hiện như trước. Nhập đoàn với các chim khác lúc đó chim mới biết mùa đông chúng rủ nhau trốn lạnh. Hàng ngàn con chim tạo bày cùng nhau bay vượt đại dương trốn mùa đông giá. Ngạc nhiên đàn chim thay nhau dẫn đầu. Con này dẫn một lát lại thấy con khác tiến lên chiếm chỗ và con kia bay về phía sau, vừa bay vừa nghỉ mệt. Đàn chim bay đến một vùng xa lạ bên kia bờ đại dương, nơi đó có loại thực phẩm mới, không phải là lúa mà là hạt đậu, ăn vào mùi thơm hơn lúa, no lâu hơn và cũng cho cơ thể nhiều chất dinh dưỡng hơn. Trước đây chim biết ăn lúa lâu đói hơn ăn sâu, giờ chim lại biết ăn đậu no lâu hơn ăn lúa. Một thế giới mới đến với chim, một hiểu biết nữa làm giầu cho cuộc sống.

Cuộc đời con người cũng thế. Thế giới đến sau luôn vĩ đại hơn thế giới đã đi qua. Khởi đầu là thế giới trong lòng mẹ. Kế đến thế giới lớn hơn là cái nôi. Mấy tháng sau thế giới lớn hơn cái nôi là thám hiểm trong nhà. Mấy năm sau, thế giới mới khổng lồ là trường học. Học xong thế giới lớn ngoài ước mơ là thế giới loài người. Thế giới này chứa nhiều bí ẩn, nhiều điều kì lạ và nhiều khám phá ngạc nhiên. Một thế giới nữa cũng rộng lớn, rộng hơn, mênh mông hơn, kì bí hơn, đó là thế giới đức tin. Thế giới cuối cùng huyền bí, ngoài khả năng tìm tòi, vượt khỏi mức học hỏi, nằm ngoài mọi thử nghiệm. Đó chính là thế giới trường sinh. Thế giới mà đức tin Kitô mừng kính hàng năm vào ngày lễ các đẳng linh hồn. Nơi thế giới này có linh hồn cha ông, tổ tiên, thân bằng, quyến thuộc. Thế giới này cao siêu, huyền bí, vượt khỏi mọi tưởng tượng của trí óc con người nên chỉ có thể dùng đức tin để diễn tả.

Lễ các linh hồn 2020.

Tưởng niệm các linh hồn đã ra đi vào thế giới trường sinh.

TiengChuong.org
 
VietCatholic TV
Không khí cuộc bầu cử ngày 03 tháng 11. Các nước Á Châu hướng về Hoa Kỳ hồi hộp theo dõi kết quả
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:08 03/11/2020

1. Nhiều nước Á Châu mong tổng thống Donald Trump đắc cử thêm 4 năm nữa

Andreas Illmer của BBC News có bài tường thuật về việc nhiều nước Á Châu mong tổng thống Donald Trump cai trị Hoa Kỳ thêm 4 năm nữa.

Andreas cho rằng Donald Trump không phải là một tổng thống Hoa Kỳ o bế sự ủng hộ quốc tế. Với chính sách “Nước Mỹ trước nhất”, ông ta rõ ràng sỉ vả cả một nửa thế giới, từ việc gọi các nhà lãnh đạo Âu Châu là yếu đuối đến việc mô tả người Mễ Tây Cơ là những tên hiếp dâm, thậm chí coi thường toàn bộ lục địa Phi Châu.

Nhưng đối với một số quốc gia Đông Nam Á, việc có chung một kẻ thù là Trung Quốc có nghĩa là họ sẵn sàng đứng sau lưng ủng hộ Tổng thống Trump.

Nhận định từ Hương Cảng: ‘Chỉ có Trump mới dám đánh Đảng Cộng Sản’

Hương Cảng vốn bị đàn áp dữ dội sau những cuộc biểu tình phò dân chủ và chống Trung Quốc của họ. Luật mới về an ninh đã được đưa từ Hoa Lục tới để trừng phạt bất cứ ai bị chụp mũ là theo thuyết ly khai hay phá hoại luật lệ của Bắc Kinh.

Erica Yuen nói với BBC, “Khi Donald Trump đắc cử cách đây 4 năm, tôi nghĩ nước Mỹ đã phát khùng. Tôi luôn là người ủng hộ đảng Dân chủ. Tuy nhiên, giờ đây, tôi ủng hộ Trump - cùng với rất nhiều người biểu tình Hương Cảng”.

Nhà hoạt động và nữ doanh nhân này nói rằng ưu tiên của Hương Cảng là có được một tổng thống Mỹ, dám “đấm vào mặt Đảng Cộng sản Trung Quốc - đó là điều duy nhất mà những người biểu tình ở Hương Cảng hy vọng”.

Những hy vọng này đã được nuôi dưỡng bởi những lời chỉ trích lớn tiếng của Tổng thống Mỹ đối với Trung Quốc, đặc biệt là với các chính sách của bọn cầm quyền Trung Quốc đối với Hương Cảng.

Dưới nhiệm kỳ của ông, Quốc hội đã thông qua luật thu hồi quy chế đặc biệt của Hương Cảng, vốn ưu đãi cho nước này về kinh tế vì họ cho rằng Hương Cảng không còn “tự trị” nữa. Các biện pháp chế tài cũng được áp dụng đối với người đứng đầu ngành hành pháp của Hương Cảng là Carrie Lam và 10 viên chức hàng đầu khác của Hương Cảng và Trung Quốc đại lục.

Đối thủ của ông Trump, Joe Biden, cũng tuyên bố sẽ “trừng phạt” Trung Quốc vì các hành động chống lại Hương Cảng, và đã gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là một “kẻ côn đồ”.

Nhưng đối với bà Yuen, điều tạo nên sự khác biệt là chính phủ hiện tại là “chính phủ đầu tiên quyết định rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc là một mối nguy hại cho thế giới”.

“Tôi không biết tại sao chính phủ Obama và Clinton lại không nhận ra điều đó. Họ quá ngây thơ và nghĩ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ chọn con đường dân chủ và trở thành một xã hội hiện đại. Nhưng điều đó đã được chứng minh là không đúng.”

Bà rất biết Hương Cảng sẽ bị tổn thương trước bất cứ tác động kinh tế nào do xung đột giữa Washington và Bắc Kinh gây ra.

Bà nói: “Bạn không thể làm hại Đảng Cộng sản Trung Quốc mà không làm hại Hương Cảng. Nhưng chúng tôi sẵn sàng chịu bất cứ đau khổ ngắn hạn nào, chúng tôi sẵn sàng hy sinh.”

Bà nói thêm rằng phần lớn các nhà hoạt động - đặc biệt là những người trẻ tuổi - chia sẻ quan điểm của bà.

Nhận định từ Đài Loan: ‘Một người anh lớn mà chúng tôi có thể nương tựa’

Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và đảo Đài Loan. Hai bên bị chia cắt trong cuộc nội chiến ở thập niên 1940, nhưng Bắc Kinh khăng khăng cho rằng họ sẽ giành lại đảo quốc vào một thời điểm nào đó, bằng vũ lực nếu cần. Washington nói rằng bất cứ giải pháp nào về sự chia cắt lâu dài của họ phải được thực hiện một cách hòa bình.

Các thuế quan và chế tài cũng đã gây ấn tượng nơi một số người ở Đài Loan.

Victor Lin, người làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử, nói với BBC từ Đài Loan rằng “Thái độ của Donald Trump tốt cho chúng tôi và thật tốt khi có một đồng minh như vậy. Nó giúp chúng tôi tự tin hơn về đối ngoại – về quân sự và thương mại. Chúng tôi có một người anh lớn mà chúng tôi có thể nương tựa”.

Ông Trump chắc chắn đã mở rộng vòng tay với Đài Loan. Trong vài tháng qua, hai chính phủ đã thực hiện các bước quan trọng nhằm hoàn tất một thỏa thuận thương mại song phương.

Ông Lin tin rằng thỏa ước thương mại như vậy sẽ cho phép Đài Loan thoát khỏi sự phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc - có thể tiến xa hơn khi “tích cực mời các công ty lớn của Đài Loan thiết lập nhà máy tại Mỹ”.

Ông lo ngại rằng ông Biden có thể không thực hiện các bước “khiêu khích như thế này” khi đối mặt với cơn thịnh nộ của Bắc Kinh. Ông Biden từ trước đến nay được biết đến như là người ủng hộ việc đầu tư vào Trung Quốc. Mặc dù gần đây ông đã thay đổi lập trường của mình về vấn đề này nhưng chưa đến tai nhiều người Đài Loan; họ vẫn lo ngại sắp xẩy ra một cuộc “xâm lược” của Trung Quốc.

Các hành động của ông Trump để hỗ trợ Đài Loan về mặt quân sự cũng đã củng cố sự ủng hộ ông ở đó. Thực thế, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy Đài Loan là quốc gia duy nhất ở đó, những người muốn ông Trump cai trị thêm bốn năm nữa đông hơn hẳn những người muốn ông Biden chiến thắng.

Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ, cảnh báo Mỹ “không được gửi bất cứ tín hiệu sai trái nào tới các phần tử ' độc lập Đài Loan ' để tránh gây tổn hại nặng nề cho liên hệ Trung - Mỹ”.

Nhận định từ Việt Nam: 'Dũng cảm đến khinh suất'

Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều đã tham chiến trên đất Việt Nam trong 50 năm qua, nhưng giờ đây Mỹ không còn được coi là một kẻ thù, và quốc gia Đông Nam Á này vẫn lo sợ về “mối đe dọa Trung Quốc”.

Theo nhà báo và người làm video trên blog Linh Nguyễn, những người ủng hộ Trump của Việt Nam chia thành hai nhóm.

Những người thích ông chỉ đơn giản để giải trí và thích hào nhoáng, và những người “sống chết ủng hộ Ông Trump” và theo dõi chính trị Hoa Kỳ vì họ tin rằng - giống như nhiều người ở Hương Cảng và Đài Loan - ông ấy là thành lũy duy nhất chống lại các chính phủ Cộng sản ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam.

Cả ông Trump lẫn ông Biden đều không nói rõ một chiến lược nào về Việt Nam, và ông Trump đã nói rất rõ rằng ông sẽ không vội can thiệp vào các cuộc xung đột và tranh chấp của các nước khác.

Tuy nhiên, một số người như nhà hoạt động chính trị Nguyễn Hữu Vinh tin rằng chỉ một người như Trump “dũng cảm đến mức khinh suất và thậm chí hung hăng” mới thực sự có thể tạo ra sự khác biệt.

“Và đó là điều khiến ông ấy khác biệt với những người tiền nhiệm. Đối phó với Trung Quốc, chúng ta cần những người như vậy.”

Khi Donald Trump lên nắm quyền, ông Vinh nói rằng ông cảm thấy thế giới cuối cùng sẽ “thức tỉnh trước những nguy cơ của Trung Quốc” và “hình thức mới của chủ nghĩa tư bản nhà nước cộng sản”.

Nhưng cũng có mong muốn cải cách kinh tế và chính trị ở Việt Nam, thoát khỏi chế độ độc đảng cộng sản.

Về mặt cá nhân, ông hy vọng lập trường mạnh mẽ của Hoa Kỳ chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể tạo ra hậu quả lan tỏa toàn bộ khu vực - cuối cùng sẽ đến được Hà Nội.

Nhận định từ Nhật Bản: ‘Đây là chuyện an ninh quốc gia của chúng tôi’

Nhật Bản từ lâu đã được coi là đối tác và đồng minh quý giá của Mỹ, nhưng khi ông Trump đắc cử, nhiều người tỏ ra lo lắng về tác động của chính sách Nước Mỹ trên hết của ông đối với các mối liên hệ. Ông đã dẹp bỏ một thỏa thuận thương mại đa phương xuyên Thái Bình Dương ngay sau khi nhậm chức và khẳng định Nhật Bản phải trả nhiều tiền hơn để hỗ trợ quân đội Mỹ đóng tại đấy.

Yoko Ishii, một người làm video trên blog dưới tên Random Yoko, nói “Donald Trump là đồng minh của chúng tôi. Đối với Nhật Bản, lý do lớn nhất mà chúng tôi ủng hộ ông ấy là an ninh quốc gia”.

Cô lưu ý nhiều cuộc xâm nhập thường xuyên của máy bay và tàu quân sự Trung Quốc vào không phận và hải phận Nhật Bản. Phần lớn những hoạt động này tập trung quanh quần đảo Senkaku đang tranh chấp, được cả Tokyo lẫn Bắc Kinh đòi chủ quyền – Bắc Kinh gọi quần đảo này là quần đảo Điếu Ngư (Diaoyu).

“Chúng tôi thực sự muốn một nhà lãnh đạo từ Mỹ có thể chống lại Trung Quốc một cách mạnh mẽ”, cô nói như thế và nói thêm “Tôi không nghĩ ai có thể thẳng thắn và có sự hiện diện mạnh mẽ như vậy – người đó thực sự phải là Donald Trump”.

Cô Ishii thấy Nhật Bản trong một thế gần như liên minh với các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á khác, muốn Mỹ hỗ trợ chống lại Bắc Kinh.

2. Ở đất nước nơi từng được xem là Công Giáo nhất hoàn cầu, linh mục nào cử hành thánh lễ là đi tù

Các giám mục Ái Nhĩ Lan đã gặp thủ tướng trong tuần này để phản đối các hạn chế hiện tại đối với việc thờ phượng vì coronavirus.

“Chúng tôi đã và đang làm mọi thứ có thể để giữ an toàn cho các nhà thờ của mình, và không có bằng chứng nào cho thấy các nhà thờ và các cử hành Phụng Vụ thực sự là nguồn lây lan hoặc truyền nhiễm, vì vậy tôi phải nói rằng tôi rất thất vọng và tôi đã nói điều đó với thủ tướng”, Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin của Armagh nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh ngày 30 tháng 10, sau cuộc họp.

Việc thờ phượng nơi công cộng đã bị đình chỉ ở Ái Nhĩ Lan kể từ ngày 7 tháng 10 do một sắc lệnh của chính phủ Ái Nhĩ Lan đặt toàn bộ đất nước dưới các hạn chế “Cấp 3” do sự gia tăng các trường hợp nhiễm coronavirus. Đây là lần thứ hai các thánh lễ công cộng ở Ái Nhĩ Lan bị đình chỉ trong năm nay. Các hạn chế “Cấp 3” đe dọa phạt tiền và phạt tù những cuộc tụ họp có từ 3 người trở lên trong những nơi được cho là “không thiết yếu” trong sinh hoạt xã hội. Rõ ràng các hạn chế này nhắm trực tiếp đến các nơi thờ phượng.

Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin, Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của Dublin, Đức Tổng Giám Mục Michael Neary của Tuam, Đức Tổng Giám Mục Kieran O'Reilly của Cashel và Emly, và Giám mục Dermot Farrell của Ossory đã có cuộc gặp gỡ với thủ tướng Micheál Martin vào ngày 28 tháng 10 để bày tỏ “ ước muốn lớn lao được trở lại thờ phượng sớm nhất có thể”.

“Các Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng các ngài hoàn toàn ủng hộ các thông điệp Y tế Công cộng nhưng nhấn mạnh rằng việc tụ tập với nhau trong cầu nguyện và thờ phượng, đặc biệt là trong Thánh lễ và các Bí tích, là nền tảng của truyền thống Kitô giáo và là nguồn nuôi dưỡng cuộc sống và hạnh phúc của toàn thể cộng đồng”, một tuyên bố từ Hội Đồng Giám Mục Ái Nhĩ Lan cho biết như trên.

Ái Nhĩ Lan đã từng được xem là quốc gia Công Giáo nhất hoàn cầu nhưng cách đây 2 năm các Giám Mục Ái Nhĩ Lan đã phải bày tỏ sự đau đớn và kinh hoàng của các ngài trước điều mà báo chí địa phương gọi là “sự bội giáo của cả một quốc gia”. Ý thức tầm mức nghiêm trọng của cuộc trưng cầu dân ý này, hàng giáo phẩm Ái Nhĩ Lan đã làm tất cả mọi khả năng các ngài có thể làm. Vì thế, kết quả cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2018 đã khiến các ngài kinh ngạc và thất vọng.

Trong tổng số 5,011,000 dân Ái Nhĩ Lan, 78.3% là người Công Giáo. Thế nhưng, trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 25 tháng 5, 2018, các cử tri đã lựa chọn loại bỏ quyền sống của thai nhi ra khỏi hiến pháp với một tỷ lệ áp đảo 66.4% trên 33.6%. Cuộc trưng cầu dân ý này mở đường cho việc hợp pháp hóa phá thai tự do ngay cả khi thai nhi đã 12 tuần tuổi.

Đức Cha Brendan Leahy của Limerick nói với các tín hữu một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý rằng kết quả này “thật đáng tiếc và làm chết điếng những người trong chúng ta đã bỏ phiếu chống phá thai”

Ngài nói: “Kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý này là ý chí của đa số người dân, mặc dù không phải của tất cả mọi người.”

“Tất nhiên, đó chỉ là một cuộc bỏ phiếu. Điều đó không thay đổi quan điểm của chúng ta. Thông điệp của chúng ta là một thông điệp tình yêu: tình yêu dành cho tất cả, tình yêu dành cho cuộc sống, cho những người đang sống giữa chúng ta hôm nay, và cho cả các thai nhi còn trong bụng mẹ”


Source:Catholic News Agency
 
Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh khẳng định Đức Thánh Cha không ủng hộ cái gọi là hôn nhân đồng giới
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:48 03/11/2020


1. Thư của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh khẳng định Đức Thánh Cha không ủng hộ cái gọi là hôn nhân đồng giới.

Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vừa gửi đi một bức thư cho các Hội Đồng Giám Mục thế giới, qua các tòa sứ thần Tòa Thánh, để giải thích điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về những người cùng giới tính sống chung với nhau trong phim tài liệu “Francesco”

Trong mấy ngày gần đây, một số khẳng định trong bộ phim tài liệu “Francesco”, của đạo diễn Evgeny Afineevsky, đã gây ra những phản ứng và những cách giải thích khác nhau. Do đó, xin được cung ứng một số yếu tố hữu ích, với mong muốn cổ vũ một sự hiểu biết đúng đắn về lời lẽ của Đức Thánh Cha.

Hơn một năm trước, trong một cuộc phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời hai câu hỏi khác nhau ở hai thời điểm khác nhau, mà trong cuốn phim tài liệu đã nhắc đến, nhưng đã bị chỉnh sửa và công bố như thể đó chỉ là một câu trả lời duy nhất mà không đặt chúng vào ngữ cảnh thích đáng, là điều đã tạo ra sự mơ hồ lẫn lộn. Trước hết, Đức Thánh Cha có ý nói đến vấn đề mục vụ, về nhu cầu này là trong gia đình, con trai hay con gái có khuynh hướng đồng tính luyến ái không bao giờ bị phân biệt đối xử. Lời lẽ của Đức Giáo Hoàng có ý nói về những người vừa được nêu trên là: “những người đồng tính luyến ái có quyền ở trong gia đình; họ là con cái của Thiên Chúa, họ có quyền đối với một gia đình. Không ai có thể bị ném ra khỏi gia đình hoặc cuộc sống của họ bị biến thành bất khả vì nó”.

Đoạn tiếp theo của Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Amoris Laetitia (2016), về tình yêu thương trong gia đình, có thể làm sáng tỏ những phát biểu này. “Tôi đã cân nhắc với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng về hoàn cảnh của các gia đình đang sống với kinh nghiệm có giữa họ những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, một kinh nghiệm không hề dễ dàng đối với cả các bậc cha mẹ lẫn con cái của họ. Vì vậy, trước hết chúng tôi muốn nhắc lại rằng mỗi con người, bất kể khuynh hướng tình dục của họ, đều phải được tôn trọng trong phẩm giá của họ và được tiếp nhận một cách tôn trọng, cố gắng tránh 'mọi dấu hiệu kỳ thị bất công', nhất là bất cứ hình thức gây hấn hoặc bạo lực nào. Đối với các gia đình, phải bảo đảm có việc đồng hành một cách tôn trọng, để những người biểu lộ rõ xu hướng đồng tính luyến ái có thể trông cậy vào sự trợ giúp cần thiết để hiểu và thực thi trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa trong đời sống họ”.

Câu hỏi tiếp theo của cuộc phỏng vấn là sự thay đổi gắn liền với luật địa phương mười năm trước đây ở Á Căn Đình về “hôn nhân bình đẳng của các cặp đồng tính và sự phản đối của Tổng giám mục Buenos Aires lúc bấy giờ về phương diện này”. Liên quan đến việc đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định rằng “nói đến hôn nhân đồng tính là điều không hợp lý”; trong cùng bối cảnh này, ngài nói thêm rằng, ngài chỉ nói về quyền của những người này được bảo đảm về phương diện pháp lý: “điều chúng ta phải làm là một đạo luật về chung sống dân sự; họ có quyền được bảo đảm về pháp lý. Tôi đã bảo vệ điều đó”.

Chính Đức Thánh Cha đã bày tỏ như vậy trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2014. “Hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ. Các quốc gia thế tục muốn biện minh cho các cuộc kết hợp dân sự để điều hòa các tình huống chung sống khác nhau, được thúc đẩy bởi việc cần phải qui định các khía cạnh kinh tế giữa những người này, chẳng hạn, để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe. Chúng là những thỏa thuận sống chung thuộc nhiều bản chất khác nhau, mà tôi không thể đưa ra danh sách các dạng khác nhau này. Điều cần là phải xem xét các trường hợp khác nhau và đánh giá chúng theo sự đa dạng của chúng”.

Do đó, hiển nhiên là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến các sắp xếp chuyên biệt của Nhà nước, và chắc chắn không đề cập đến tín lý của Giáo hội, được xác nhận nhiều lần trong suốt những năm qua.


Source:Catholic News Agency

2. Kế hoạch tái thiết tượng Chúa Kitô tại Rio de Janeiro.

Ngày 12 tháng 10 năm 2021, tượng Chúa Kitô khổng lồ tại thành phố Rio de Janeiro, bên Brazil sẽ mừng “sinh nhật” thứ 90. Nhân dịp này, Tổng giáo phận Rio de Janeiro ở địa phương đã đề ra kế hoạch tu bổ bức tượng.

Tượng Chúa Kitô cao 30 mét, đang dang rộng đôi tay, được dựng trên một bệ cao 8 mét, và tọa lạc trên khoảng đất rộng 500 mét vuông, tại núi Corcovado, cao 710 mét, được coi là gia sản văn hóa của thế giới và là biểu tượng tôn giáo nổi bật nhất của Brazil, mỗi năm thu hút khoảng hai triệu người đến viếng thăm.

Hôm 27 tháng 10 năm 2020, Tổng giáo phận Rio de Janeiro công bố kế hoạch trùng tu pho tượng, với sự cộng tác của 40 chuyên gia, trong đó có những người leo núi. Tượng nhiều lần bị những tia sét làm hư hại, ví dụ ngón tay giữa ở bàn tay phải hồi tháng Giêng năm 2014, ở đầu pho tượng hoặc ở hông bên trái.

Nữ kiến trúc sư Cristina Ventura, trưởng toán chuyên gia tu bổ, cho biết nhiều chi tiết về những thiệt hại mà pho tượng khổng lồ đã chịu trong thời gian qua. Các chuyên gia dùng máy bay không người lái, có các máy thu hình độ phân giải cao để chụp các ảnh ba chiều của pho tượng.

Người ta chưa được biết về phí tổn dự chi cho công trình tu bổ pho tượng. Cho đến nay chi phí bảo trì và sửa chữa nhẹ do tổng giáo phận Rio đài thọ, từ số tiền do các tín hữu đóng góp. Vì đại dịch Covid-19, tượng đài Chúa Kitô bị đóng cửa nhiều tháng trời và từ khi mở lại cho du khách viếng thăm, từ tháng Tám năm nay, giáo phận đã thu phí, mỗi vé khoảng 50 xu Euro, để góp phần tu bổ.

Tuy nhiên, có sự tranh chấp giữa cơ quan môi trường của nhà nước Brazil, gọi tắt là ICMBio, cũng là cơ quan quản lý công viên thiên nhiên quanh tượng đài Chúa Kitô và thu phí vào cửa, với tổng giáo phận Rio. Ðối tượng tranh chấp là: ai là người có thẩm quyền. Chính phủ đang có kế hoạch tư nhân hóa các tiệm ăn và tiệm bán đồ lưu niệm dọc theo các bậc thang dẫn đến tượng đài. Trong khi đó, Tổng giáo phận tuyên bố khu vực này thuộc quyền quản lý của mình.


Source:Rio Times

3. Giáo Hội có thêm một vị hiển thánh và 6 Chân Phước

Hôm 28 tháng 10 vừa qua, với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha, Bộ Phong Thánh đã công bố các sắc lệnh liên quan đến các án phong hiển thánh và chân phước.

Trước tiên là sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của chân phước linh mục Giustino Maria Russolillo sinh năm 1891 và qua đời năm 1955. Ngài là vị sáng lập tu hội cầu cho ơn thiên triệu. Cha sinh năm 1891, là con thứ ba trong một gia đình khiêm hạ có mười người con ở tỉnh Napoli, nam Italia. Ngài làm cha sở tại giáo phận này, nổi tiếng về các hoạt động linh hướng và giảng thuyết. Cha qua đời năm 1955, thọ 64 tuổi.

Phép lạ được Bộ Phong thánh nhìn nhận nhờ sự chuyển cầu của chân phước Russolillo là cuộc khỏi bệnh lạ lùng của một tu huynh dòng cầu cho ơn thiên triệu, người Madagascar, xảy ra tại thành phố Pozzuoli, ngày 21/4/2016. Hôm đó, người ta tìm thấy thầy nằm trên mặt đất trong phòng, mình đầy máu, bộ máy hô hấp của thầy bị tổn thương trầm trọng, và thầy được đưa vào nhà thương cứu cấp.

Cha giám tỉnh dòng cầu cho ơn thiên triệu mời gọi tất cả anh em cầu nguyện với chân phước Giustino Russolillo, xin cứu chữa cho tu huynh bị thương. Ngày 18/4, một tu huynh mang ảnh chân phước có gắn thánh tích và đặt trên mình thầy bị bệnh. Hôm đó, bệnh trạng của thầy vẫn còn rất nặng nhưng đến ngày 21/4 sau đó, bệnh của thầy được cải tiến đột ngột và tu huynh ra khỏi tình trạng hôn mê, rồi được xuất viện hơn mười ngày sau đó, tức là ngày 3 tháng 5. Phép lạ này mở đường cho việc phong hiển thánh cho chân phước Russolillo.

Có hai sắc lệnh nhìn nhận hai phép lạ của hai vị nữ tôi tớ Chúa: trước tiên là bà Maria Lorenza Requenses ở Longo, người Tây Ban Nha, qua đời năm 1539 tại Napoli, thọ 76 tuổi. Vốn thuộc gia đình quí tộc, Lorenza theo chồng đến Napoli vì ông được cử làm nhiếp chính phó vương ở miền này. Sau khi chồng qua đời, Maria Lorenza đã mở bệnh viện săn sóc các bệnh nhân nan y. Khi bị bệnh nặng, bà lui về nữ đan viện Capuchine do bà sáng lập và qua đời tại đây.

Phép lạ thứ hai của nữ tu Roza Maria Czacka, người Ba Lan, sinh năm 1906 và qua đời năm 1961. Chị bị bệnh mắt hồi nhỏ và hoàn toàn bị mù từ năm 22 tuổi. Chị dấn thân giúp đỡ những người mù và thành lập trường mù tại Warsaw năm 1909. Hoạt động này dẫn chị đến đời sống tu trì và năm 1918 chị thành lập dòng Nữ tu Phan Sinh, nữ tỳ Thánh Giá, chuyên phục vụ người mù.

Có một sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của hai cha dòng Capuchino Leonard Melki và Thomas Saleh, thừa sai tại Thổ Nhĩ Kỳ, bị bắt, tra tấn và sát hại do các lực lượng an ninh của Đế quốc Ottoman, trong khoảng thời gian từ 1915 đến 1917. Thời kỳ này cũng thường được gọi là “cuộc diệt chủng người Armenia”.

Cha Melki, người Libăng đã bị những người bách hại ngài bắt phải chọn lựa: một là theo Hồi giáo thì sẽ được trả tự do, hai là chết như Kitô hữu. Cha đã từ chối bỏ đạo và cùng với 400 tín hữu Kitô, cha Melki bị đưa vào sa mạc và bị giết vì đức tin, ngày 11/6 năm 1915, cùng với Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Ignatius Maloyan, người Armenia, là vị đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước hồi năm 2001.

Vị thứ hai là cha Saleh, bị bắt và kết án tử hình vì đã cho một linh mục Armeni tá túc trong thời diệt chủng Armeni ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tường thuật của dòng Capuchino ở Liban, trước khi bị hành quyết, cha nói: “Tôi hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa, tôi không sợ chết”.

Sau cùng là hai sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của cha Luigi Lenzini, bị sát hại tại Italia năm 1945, và chị Isabel Cristina Mrad Campos, giáo dân người Brazil, bị giết ngày 1 tháng 9 năm 1982, lúc 20 tuổi vì đã bảo vệ trinh tiết chống lại mưu toan hãm hiếp.


Source:Catholic News Agency

4. Một nhóm bản địa từ chối rời khỏi tài sản thuộc sở hữu của Giáo Hội ở Á Căn Đình

Một nhóm người bản địa ở miền nam Á Căn Đình đã chiếm đóng trái phép một mảnh đất thuộc Giáo phận San Isidro.

Mặc dù có lệnh của tòa án yêu cầu họ rời khỏi mảnh đất này, họ đã từ chối di chuyển và thay vào đó đã viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô, yêu cầu ngài can thiệp.

Cộng đồng Mapuche bản địa sống ở các khu vực phía nam của Á Căn Đình và Chí Lợi. Ước tính có khoảng 200,000 người Mapuche ở Á Căn Đình, và hơn 1.7 triệu ở Chí Lợi. Một số nhóm Mapuche tìm cách thiết lập một quốc gia mới trên các vùng lãnh thổ bao gồm cả hai quốc gia.

Mặc dù vùng đất bị chiếm đóng thuộc sở hữu của giáo phận San Isidro - nằm ở khu vực gọi là Đại Buenos Aires và do Đức Cha Óscar Vicente Ojea, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục sở hữu - nhưng nó nằm ở phía nam Giáo phận Bariloche.

Nếu Đức Thánh Cha Phanxicô ủng hộ việc chiếm đóng trái phép này, nhiều mảnh đất khác của Giáo Hội sẽ lần lượt rơi vào tay họ. Nếu ngài bác bỏ yêu sách của họ hay đơn giản là không làm gì cả, hàng loạt các nhà thờ tại Á Căn Đình và đặc biệt là tại Chí Lợi sẽ bị đốt phá.

Mặc dù bị đa số cộng đồng Mapuche lên án, các cuộc tấn công bạo lực của các thành viên Mapuche vẫn thường xuyên diễn ra ở Chí Lợi, và miền nam Á Căn Đình, đặc biệt là gần Bariloche, một khu du lịch nổi tiếng.


Source:Catholic News Agency