Ngày 03-11-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đầu tư cho cho sự thánh thiện
Lm. Minh Anh
04:59 03/11/2021
ĐẦU TƯ CHO SỰ THÁNH THIỆN

“Ai trong các con không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Tôi!”.

Thời sự thế giới trong những tuần qua nóng lên trước quyết định từ bỏ hoàng gia của công chúa Mako, Nhật Bản. Bất chấp sóng gió, Mako kết hôn với Komuro, một luật sư, con của một người mẹ đơn thân. Luật hoàng gia quy định, các thành viên nữ phải từ bỏ tước vị nếu kết hôn với một thường dân; các nghi lễ truyền thống trong đám cưới bị huỷ. Theo truyền thống, các nữ thành viên hoàng gia lập gia đình sẽ nhận được 1,3 triệu Mỹ kim hồi môn; tuy nhiên, Mako đã từ chối. Là một trong những công chúa tài sắc, giới trẻ ngưỡng mộ, Mako chia sẻ, “Chúng tôi nghĩ, mình đã tìm được người bạn đời quý giá, phụ thuộc vào nhau cả lúc hạnh phúc và bất hạnh”; Mako trải lòng, “Những gì tôi muốn, là có một cuộc sống yên ả trong môi trường mới của tôi!”

.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu công chúa Mako đã hy sinh tất cả để đầu tư cho tiếng gọi của con tim, thì Tin Mừng hôm nay cũng tiết lộ số vốn ‘đầu tư cho sự thánh thiện’ của người môn đệ Chúa Giêsu quả không hề rẻ và không dễ! Bởi lẽ, không chỉ vật chất, “Tất cả của cải mình có”, mà ngay cả những người thân yêu; thậm chí, bản thân đều phải đứng hàng thứ yếu sau Ngài, “Ai đến với Tôi mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Tôi!”.

Minh hoạ kế hoạch đầu tư xây dựng của một người xây tháp, Chúa Giêsu nói đến kế hoạch đầu tư trong đời sống thiêng liêng, ‘đầu tư cho sự thánh thiện’. Điều đó sẽ là gì? Hy sinh nhiều! Thế nhưng, như cảm giác hồi hộp khi cắt băng khánh thành toà tháp đã được thanh toán hoàn toàn và sẵn sàng đưa vào sử dụng, mọi nỗ lực ‘đầu tư cho sự thánh thiện’ của người môn đệ sẽ mang lại một kết quả tuyệt đẹp đến tận đời đời!

Bên cạnh đó, Chúa Giêsu đưa ra minh hoạ thứ hai, một vị vua sắp đi giao chiến. Ngài cho thấy đâu là mục tiêu tiên kiến của một kế hoạch chiến đấu. Câu trả lời rất đơn giản: Đừng để mình bị đánh bại! Qua đó, người môn đệ cần biết, chiến tranh luôn nghiệt ngã và nếu khả năng bị đánh bại là một điều có thể thấy trước, thì tốt hơn, nên tìm một chiến thuật khác. Cũng thế, với sự thánh thiện, cần nhớ rằng, chúng ta sẽ dễ dàng thắng một số “trận chiến”; đang khi có những “trận chiến” phải tránh hoàn toàn. Vì thế, đừng ngu khờ đánh giá cao năng lực của mình; điều này xảy ra, đặc biệt, khi chúng ta biết mình không thể không phạm tội, và nghĩ rằng, bản thân đủ mạnh để vượt qua chúng; vì đôi khi, chiến lược đối đầu tốt nhất không phải là chiến đấu, mà là chạy trốn!

Nói đến kế hoạch và nguồn lực ‘đầu tư cho sự thánh thiện’, Chúa Giêsu đưa ra một số lời khuyên xem ra khá cực đoan và nghiệt ngã. Ngài khá cường điệu khi đòi chúng ta “từ bỏ mọi của cải” hay “ghét cha mẹ”; những mối quan hệ này dù quan trọng đến đâu cũng không thể chiếm vị trí hàng đầu trong trái tim người môn đệ. Ở đó, ‘một Ai đó’ đã chiếm hữu, một Đấng yêu thương bằng một tình yêu dịu dàng và nồng nàn; Đấng ấy chính là Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã để Chúa Cha chiếm trọn trái tim, trọn con người, trọn tâm trí khi Ngài chu toàn ý muốn của Cha một cách triệt để, toàn vẹn, kể cả cái chết trên thập giá; vì thế, Ngài đã trở nên khuôn mẫu cho chúng ta noi theo. Vậy mà trớ trêu thay! Đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá, “từ bỏ mọi của cải” hay “ghét cha mẹ” lại thực sự dẫn đến một tình yêu lớn hơn, hy sinh hơn, phong nhiêu hơn và trù phú hơn khi người môn đệ được chính Thiên Chúa trả lại “gấp trăm ở đời này” như Ngài đã hứa!

Anh Chị em,

‘Đầu tư cho sự thánh thiện’ nơi người môn đệ quả không rẻ, cũng không dễ! Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta đặt mọi thứ ở vị trí thứ hai. Không ai có thể làm điều này nếu không có sự trợ giúp của ân sủng Chúa. Chúng ta yếu đuối và mãi yếu đuối, nhưng tin rằng, chính Chúa sẽ cho chúng ta sức mạnh cần thiết để đi vào những lối hẹp của Tin Mừng, lối hẹp của lề luật. Chúng ta ‘đầu tư cho sự thánh thiện’ bằng cách để Thiên Chúa chiếm trọn con người mình, thực hành yêu thương, vâng phục, như thánh Phaolô nói trong thư Rôma hôm nay, “Yêu thương là chu toàn mọi lề luật”; đồng thời, quảng đại với tha nhân như lời Chúa dạy, “Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn!” như Thánh Vịnh đáp ca nhắc nhủ. Và được như thế, là chúng ta đã đầu tư tốt!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con dám ‘đầu tư cho sự thánh thiện’ bằng việc chết đi mỗi ngày cho những gì còn vướng bận khiến con không thể chấp cánh bay cao trên ‘bầu trời nên thánh’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 4/11: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
05:54 03/11/2021

PHÚC ÂM: Lc 15, 1-10

“Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Biệt phái và Luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: “Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!” Cũng vậy tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải. “Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: “Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất”. Cũng vậy, tôi bảo các ông: Các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.

Ðó là lời Chúa.
 
Để của cho trở thành của lễ đẹp lòng Chúa
Lm. Đan Vinh
06:34 03/11/2021

CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN B
1 V 17,10-16; Dt 9,24-28; Mc 12,38-44
ĐỂ “CỦA CHO” TRỞ THÀNH “CỦA LỄ” ĐẸP LÒNG CHÚA

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Mc 12,38-44

(38) Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. (39) Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. (40) Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”. (41) Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào hòm đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. (42) Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma. (43) Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. (44) Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó. Còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống.

2.Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay được chia làm hai phần tương ứng với hai hạng người tiêu biểu trong đạo Do thái là giới kinh sư và giới bà góa nghèo như sau: Trước hết, Đức Giê-su khiển trách thói đạo đức giả của các kinh sư Do thái, biểu lộ qua 4 thói xấu của họ như: ăn mặc đài các, tìm kiếm hư danh, tranh giành địa vị, đạo đức vụ lợi. Sau đó, Người đề cao lòng đạo đức của một bà góa nghèo, biểu lộ qua việc dâng cúng tiền bạc vào thùng Đền Thờ. Tuy số tiền bà dâng không bao nhiêu, nhưng nhờ có lòng hy sinh, nên bà đã được Đức Giê-su đánh giá là đã bỏ vào thùng nhiều hơn mọi người.

3.CHÚ THÍCH:

- C 38: + “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư”: Đức Giê-su cảnh giác dân chúng coi chừng kẻo bị lây nhiễm các thói xấu của các kinh sư hay luật sĩ. + xúng xính trong bộ áo thụng: Áo thụng là loại áo choàng dài chấm đất mà các tư tế sử dụng khi làm việc tế tự. Người Do thái luôn tôn kính các tư tế do các việc đạo đức họ làm. Các kinh sư cũng thích mặc loại áo thụng này để tỏ lòng đạo đức và cũng mong được người khác kính trọng như vậy. Đây chính là thói kiêu ngạo, tự cao tự đại (x. Mt 23,5). + thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng: Người Do thái hay chào hỏi các kinh sư, là những người giải thích Kinh Thánh tại các hội đường vào ngày Sa-bát. Danh hiệu “ráp-bi” có nghĩa là “đại nhân của tôi”, được dùng để xưng hô khi nói chuyện với các kinh sư. Vì muốn được chào hỏi tôn kính, nên các ông thích đi đi lại lại ở nơi đông người để được thiên hạ bái chào. Đây là thói xấu ham mê danh vọng.
- C 39-40: + chiếm ghế danh dự trong hội đường: Tại mỗi hội đường Do thái đều có một chiếc ghế danh dự đặt trước tủ đựng kinh sách. Đối diện với cộng đoàn là chỗ dành cho những bậc vị vọng. Ai ngồi ở đây thì không bị che khuất và mọi người trong hội đường dễ nhìn thấy họ. Các kinh sư vốn tự cao nên thích ngồi ở hàng ghế danh dự này. Đây là thói ham mê chức quyền. + thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc: Tại đám tiệc, vị trí chỗ ngồi được xếp đặt rõ ràng. Chỗ danh dự nhất là ở bên phải gia chủ. Chỗ thứ hai là bên trái, và tiếp tục như vậy từ phải sang trái chung quanh bàn ăn. Người ta dễ dàng nhận ra thứ bậc của người khách, căn cứ vào chỗ ngồi được gia chủ sắp xếp cho họ ngồi trong bữa tiệc. + nuốt hết tài sản của các bà góa: Các bà góa thường thiếu hiểu biết, nhẹ dạ nên được xếp vào hạng người cần được quan tâm giúp đỡ (x. Đnl 24,17.19). Mỗi khi bị bắt nạt chèn ép, các bà góa thường cậy nhờ các kinh sư bênh vực. Đây là cơ hội thuận tiện để một số phần tử xấu trong hàng ngũ kinh sư lợi dụng làm tiền, bằng cách chỉ vẽ Lề luật và hứa sẽ cầu nguyện cho. + làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ: Các kinh sư và người biệt phái hay cầu nguyện dài dòng. Tuy nhiên những bài cầu nguyện ấy thường không nhằm dâng lên Thiên Chúa tâm tình yêu mến mà chỉ nhằm phô trương công đức trước mặt người đời. Do đó, họ cố tình cầu nguyện tại ngã ba đường, nơi mà người ta dễ thấy để ca tụng về lòng đạo đức của họ. + họ sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn: Luật Mô-sê coi việc xử tệ với các người cô thế cô thân, trong đó có các bà góa là một trọng tội và sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc (x. Xh 22,21-23). Đức Giê-su cho biết: Những hành vi này của các kinh sư chỉ là hình thức đạo đức giả và vụ lợi, nên họ sẽ bị kết án nghiêm khắc trong ngày tận thế.
- C 41-42: + Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao: Giữa sân dành cho dân ngoại và sân dành cho phụ nữ là cửa Đẹp. Đức Giê-su đã đến ngồi tại đó sau khi đã tranh luận trong sân dành cho dân ngoại và tại hành lang Đền Thờ. Trong sân dành cho phụ nữ có đặt mười ba thùng đựng tiền của dân chúng tự nguyện đóng góp, dùng tiền này để làm bánh tế lễ, mua dầu đèn và các chi phí khác.+ bà góa nghèo: Một thân phận đáng thương vì bị cô thế cô thân không nơi nương tựa, nhất là còn nghèo tiền bạc vật chất. + hai đồng tiền kẽm trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma: Đây là đơn vị tiền tệ nhỏ nhất, ám chỉ sự nghèo khó cùng cực của bà này. Sở dĩ tác giả chú thích hai đồng tiền kẽm trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma là nhằm giúp các độc giả La-Hy thời bấy giờ dễ hiểu hơn. Ở đây Mác-cô muốn nhấn mạnh đến sự tương phản giữa hai số tiền dâng cúng của hạng người giàu và kẻ nghèo hèn.
- C 43-44: + Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết: Nhiều hơn ai hết là theo cách đánh giá của Đức Giê-su khi xét theo tỷ lệ giữa tiền bà dâng cúng với tài sản của bà. Bà đã dâng ngay cả những cái cần cho cuộc sống hằng ngày, giống như lời Đức Chúa nói với ngôn sứ Sa-mu-en khi ra lệnh cho ông xức dầu phong Đa-vít lên làm vua thay thế vua Sa-un: “Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1 Sm 15,7). + mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa: Của dư thừa ám chỉ sự dâng cúng kém giá trị, vì “của nhiều lòng ít”. + còn bà này thì rút từ cái túng thiếu của mình: Bà “của ít lòng nhiều”: Tuy tiền dâng ít nhưng kèm hy sinh bản thân nên đã được tăng giá trị lên nhiều lần.

4. CÂU HỎI:

1) Đức Giê-su đã quở trách bọn kinh sư và biệt phái về các thói xấu nào?
2) Người đánh giá thế nào về hai đồng tiền kẽm mà bà góa nghèo đã dâng Chúa trong Đền thờ? Tại sao?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Thầy bảo thật anh em: “Bà góa nghèo đã bỏ thùng nhiều hơn ai hết”(Mc 12,43).

2. CÂU CHUYỆN:

1) TRÁNH LÀM VIỆC BÁC ÁI ĐỂ TÌM HƯ DANH:
Một bà nọ là thành viên của một hội đoàn đạo đức chuyên đi làm công tác bác ái xã hội. Một hôm, bà nhận được giấy mời đến dự buổi họp mặt bất thường để quyên góp giúp đồng bào bị thiên tai lũ lụt vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Bà dự tính kỳ họp này sẽ tự nguyện đóng góp số tiền một triệu đồng. Nhưng trong buổi họp, khi thấy có nhiều Hội viên khác cũng đóng góp số tiền một triệu bằng với mình, bà muốn chứng tỏ lòng quảng đại hơn người, nên khi tới phiên, bà đã ghi vào sổ vàng cứu trợ số tiền hai triệu đồng. Rồi thay vì rút bao thư chứa hai triệu, thì bà lại rút nhầm bao thư trong đó có số tiền hai trăm USD tương đương năm triệu đồng mà bà định mang đi sau buổi họp mặt để mừng đám cưới cho con trai của bà bạn thân đã từng giúp đỡ bà trước đây.
Khi phát hiện ra đã đưa lộn phong bì, bà muốn đến bàn thu ngân xin lại số tiền đã góp dư kia, nhưng lại sợ bị mất thể diện trước mặt người khác. Cuối cùng bà đành cam chịu, nhưng vẫn tự trách mình đã bất cẩn không kiểm tra phong bì trước khi nộp cho thủ quỹ. Nhiều ngày sau đó mỗi lần nghĩ tới là bà lại thấy nuối tiếc số tiền đã cho đi ngoài dự tính để ủng hộ cho đồng bào bị thiên tai lũ lụt.

2) GÃ BÁN THỊT VÀ LÃO ĂN MÀY:
Kho tàng cổ tích Ả-rập có câu chuyện vui như sau: Một gã bán thịt nướng kia rất keo kiệt và khó tính. Một hôm một lão ăn mày từ nơi khác đến ngồi ăn xin bên cạnh quán thịt nướng của gã. Lão ăn mày đói bụng nhìn những miếng thịt nướng trên vỉ sắt đang bốc khói, chỉ biết hít thật sâu để đón nhận mùi thịt thơm bay vào mũi và liên tục nuốt nước miếng vì không có tiền mua thịt. Cuối cùng lão nghĩ ra một kế hay: lão ta móc trong bị ra một miếng bánh mì khô mua từ ban sáng, lẳng lặng đến gần lò than hơ miếng bánh trên vỉ thịt, với hy vọng khói thịt bốc lên sẽ ám vào miếng bánh. Sau đó, lão ta vui vẻ ăn hết miếng bánh đã được ám khói. Còn gã bán thịt đang ngồi trong quán thấy vậy liền chạy ra túm lấy áo lão ăn mày đòi trả tiền. Bấy giờ lão ăn mày liền nói: “Lão đâu có lấy thịt nướng nào của anh. Khói thịt bay lên đâu phải là thịt”. Gã bán thịt hét lớn: “Khói từ thịt đang nướng bay ra là thuộc về miếng thịt, nên lão ăn bánh có ám khói thịt bay lên cũng phải trả tiền”. Hai người cự cãi không ai chịu thua ai. Cuối cùng họ đưa nhau ra toà yêu cầu quan tòa xét xử. Quan tòa liền truyền cho lão ăn mày lấy ra một đồng tiền cắc ném mạnh xuống nền nhà phát ra một tiếng “keng”. Rồi quan toà phán quyết cho hai người như sau: “Lão ăn mày được quyền hưởng khói bay ra từ miếng thịt, còn anh bán thịt sẽ hưởng tiếng “keng” phát ra từ đồng tiền lão ăn mày”.

3) CÁI CHẾT CỦA CÔ GÁI BÁN DIÊM:
Vào một buổi tối mùa thu, nhà văn ANDERSON đi dạo phố một mình tại thủ đô Copenhague. Ông bỗng nghe một giọng nói yếu ớt từ đằng sau vọng lại: “ Chú ơi, mua hộ cháu bao diêm.” Nhà văn quay lại, chợt nhận ra một đứa bé gái, gương mặt xanh xao, quần áo nhầu nát bẩn thỉu. “Chú ơi mua hộ cháu bao diêm, cả ngày cháu chưa bán được một bao nào.” Giọng cô bé thật buồn. Nó bùi ngùi kể lại hoàn cảnh đáng thương của nó. Mẹ chết sớm, con bé phải ở với một người cha nghiện ngập và khá cộc cằn, nhưng nó rất thương bố nó. Nó cố lê lết khắp nơi để bán diêm, kiếm chút tiền mua về cho bố bữa ăn ngon. Anderson xúc động đã cho con bé ít tiền. Con bé sáng rực đôi mắt và thầm nghĩ nó sẽ mua về cho bố tối nay một ổ bánh mì thật ngon. “Chú ơi sao chú tốt với cháu thế? Chú tên gì, và chú làm nghề gì?” – “Chú tên Anderson, và chú làm nghề này”. Nhà văn vừa nói vừa khoa tay vẽ vào khoảng không hình một cái bút, ám chỉ ông là nhà văn. Đứa bé không hiểu, tưởng ông làm nghề bán bút giống như nó đi bán diêm vậy. Anderson hẹn với đứa bé đến đầu năm tới, ông sẽ trở lại và cho nó một món quà, còn bây giờ đã đến lúc ông phải đi xa.
Nhiều tháng trôi qua, Anderson dường như đã quên lời hứa của mình. Một bữa nọ, tình cờ trở lại Copenhague và ông chợt nhớ con bé bán diêm, nên đã ghé mua cho nó một chiếc áo ấm, và đi tìm nó để tặng áo. Tuy nhiên người chủ tiệm bên đường đã cho biết con bé bán diêm đã chết: Ngày đầu năm, người ta thấy nó nằm chết cóng bên vệ đường. Nó nằm chết giữa một đống bao diêm, trong đó có một bao đã hết nhẵn. Có lẽ nó đốt diêm để sưởi cho bớt lạnh. Có điều là khi chết, khuôn mặt nó vẫn hồng hào và dường như đang mỉm cười chờ đợi một ai đó. Anderson đã đứng chết lặng khi nghe ông ta nói. Người chủ tiệm lại nói tiếp: “Khi mang xác nó đi người ta thấy trong túi áo của nó rơi ra một vật giống như chiếc quản bút làm bằng những que diêm. Chắc nó làm để tặng ai đó tên Anderson, vì trên quản bút có viết hàng chữ “tặng chú Anderson”.

Câu chuyện cảm động trên là một kỷ niệm buồn trong cuộc đời của nhà văn Anderson. Cô bé bán diêm tuy là người rất nghèo và bị xã hội bỏ rơi, nhưng lại giàu lòng quảng đại hiếu thảo và nhân ái.

4) GƯƠNG HY SINH PHỤC VỤ THA NHÂN TRONG TÌNH THƯƠNG:
Một cặp vợ chồng về quê thăm họ hàng trong ngày nghỉ lễ. Họ lái xe được một quãng đường thì trời đổ mưa tầm tã và xe thình lình bị hư dọc đường. Đêm đã khuya và lạnh mà họ thì lại không quen thuộc đường lối. Sau khi đã hết mưa, họ bèn bỏ xe, đi bộ đến gõ cửa một căn nhà gần đó có ánh đèn hắt ra. Khi họ bước vào thì gặp hai ông bà già. Trước lời xin trú ngụ qua đêm của cặp vợ chồng, hai ông bà đã vui vẻ nói: Được lắm, chúng tôi có sẵn một căn phòng trống. Sáng hôm sau, cặp vợ chồng dậy sớm và chuẩn bị ra đi. Vì không muốn quấy rầy chủ nhà, người vợ để một số tiền lên bàn, rồi rón rén mở cửa bước ra. Và họ thực sự bỡ ngỡ khi nhìn thấy hai ông bà già đang co ro nằm ngủ trên sàn nhà ở ngoài phòng khách. Thì ra hai ông bà già này đã nhường chỗ tốt cho cặp vợ chồng trẻ, còn mình thì sẵn sàng nằm ngủ dưới sàn nhà.

Câu chuyện này giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa cao quí của sự hy sinh và tình yêu thương của bà góa thời ngôn sứ Ê-li-a và bà góa trong Tin mừng. Các bà đã cho đi tất cả những gì mình có.

5) QUẢNG ĐẠI TRAO TẶNG TẤT CẢ TÀI SẢN CHO NGƯỜI NGHÈO:
Báo New York Times vừa đưa tin bà OSENOLA MC CARTY: Biểu tượng “Lòng Từ Thiện” của nước Mỹ, vừa qua đời ngày 3-10-1999 ở tuổi 91.
Vào một ngày tháng 7 năm 1995, ông hiệu trưởng trường đại học phía Bắc Missisippi đã vô cùng ngạc nhiên, khi thấy một phụ nữ tên Osenola Mc Carty từ nơi xa đến để trao tặng số tiền 150.000 đôla làm quỹ học bổng cho các sinh viên nghèo của nhà trường. Bà không cần nhà trường phải ghi tên trên bức tưởng kỷ niệm hay tuyên bố công khai danh tính cho người khác biết. Ông hiệu trưởng lại còn ngạc nhiên hơn khi biết người phụ nữ ấy làm nghề giặt ủi, và số tiền kia là tiền dành dụm cả đời của bà.
Ngay khi biết câu chuyện bà Mc Carty đã tặng tất cả tiền bạc của mình có để làm quỹ học bổng cho trường, ông tỷ phú Ted Turner, trùm ngành kinh doanh truyền hình cáp của Mỹ, đã tuyên bố sẽ góp thêm một tỷ đôla cho quỹ học bổng này. Ông nói: “Người phụ nữ nhỏ bé ấy đã dám trao tặng tất cả những gì bà có, thì tôi thấy mình cũng phải đóng góp phần của tôi là một tỷ đôla”.

3. THẢO LUẬN:
Trong những ngày này mỗi người chúng ta có thể chia sẻ những gì cụ thể trong tầm tay của mình cho những người nghèo đói bất hạnh để thực hành giới răn yêu người như ý Chúa muốn?

4. SUY NIỆM:

1) Hãy quảng đại dâng cho Chúa mọi sự thuộc về mình:
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã lên án thái độ giả dối của các kinh sư Do thái và Người dạy môn đệ phải biết quảng đại cho đi, noi gương bà góa nghèo đã dâng hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma, là số tiền nhỏ bé bà có thể nuôi bản thân trong một ngày. Bà đã được Đức Giê-su đánh giá cao như sau: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào thùng. Còn bà này, thì đã rút từ sự túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tài sản, tất cả những gì bà có để sống” (Mc 12,43b-44).

2) Giá trị của một hành động bác ái từ thiện hệ tại chỗ nào?
- Giá trị ở sự hy sinh: Không hệ tại ở số tiền dâng cúng, mà ở cái giá mà người đó phải trả. Không phải là tầm cỡ lễ vật, mà là sự hy sinh của người dâng. Việc dâng nói đây không chỉ là dâng của cải vật chất, mà còn bao gồm cả cuộc sống của chúng ta. Chẳng hạn: Sáng sớm nghe chuông lễ, thay vì ngủ tiếp, nhưng chúng ta hy sinh đi dự lễ. Bạn bè rủ đi ăn nhậu, nhưng chúng ta hy sinh đi dự họp nhóm học sống Lời Chúa...
- Của ít lòng nhiều: Của nhiều mà lòng ít thì không quý bằng của ít lòng nhiều. Hai bà góa thời ngôn sứ Ê-li-a và thời Đức Giê-su sở dĩ được đề cao là do lòng yêu mến đối với người của Đức Chúa và với công việc nhà Chúa. Chính lòng yêu mến đã làm cho hành động của hai bà có giá trị trước mặt Chúa. Và Chúa Giê-su đã khen bà góa trong Tin Mừng hôm nay tuy chỉ bỏ vào thùng hai đồng kẽm, nhưng bà đã dâng Chúa nhiều hơn tất cả những người khác đã bỏ nhiều tiền. Vì những người kia chỉ dâng số tiền dư, còn bà goá này dâng Chúa tất cả những gì bà đang cần để sống.
- Cần cho đi với lòng mến Chúa yêu người: Việc lành của chúng ta chỉ thực sự tốt khi nó được thực hiện với lòng mến. Câu chuyện về một người đàn bà dâng tiền ủng hộ đồng bào bị lũ lụt: Ban đầu bà đã quyết định tốt khi dự định bỏ thùng ủng hộ một triệu đồng. Nhưng khi thấy nhiều người khác cũng bỏ vào thùng một triệu như vậy, thì bà liền tăng số tiền ủng hộ lên gấp đôi để chứng tỏ mình có lòng quảng đại hơn người khác. Sau đó việc rút nhầm bao thơ 200 đôla Mỹ tương đương năm triệu đồng bỏ vào thùng là ngoài ý muốn của bà, thể hiện qua việc bà tiếc nuối và muốn đến đòi lại số tiền dư kia. Nhưng do thói sĩ diện hão, nên cuối cùng đành chấp nhận số tiền đã lỡ bỏ thùng hơn gấp nhiều lần. Số tiền bà này cho đi sẽ không có giá trị trước tòa phán xét vì như lời Chúa phán: “khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi” (x. Mt 6,2)

3) Về ba loại người cho và giá trị của ba cách cho:
- Một là người cho cách bất đắc dĩ: Do muốn tránh bị quấy rầy, nên dù cho mà trong lòng cảm thấy bực bội. Loại người này thường phân trần với bạn bè: “Mình ghét hắn ta, nhưng đành phải “thí” cho hắn ít tiền cho xong, để hắn mau biến cho khuất mắt!”.
- Hai là người cho để làm xong bổn phận: Loại người cho này dù đã cho mà vẫn không thấy vui. Họ thường nói với bạn bè: “Mình bị rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”: “Bỏ thì thương mà vương thì tội!” Thôi thì đành giúp đỡ hắn cho xong của nợ ! ”.
- Ba là cho vì yêu thương: Do tự nguyện cho người nghèo nên trong lòng người cho sẽ cảm thấy vui vẻ. Trường hợp người được cho vì một lý do nào đó không nhận, thì người cho sẽ cảm thấy buồn. Loại người cho này thường hay nói với những người chịu đau khổ bất hạnh: “Tôi có thể giúp gì được cho bạn?” hoặc: “Tôi sẵn sàng chia sẻ những khó khăn bạn đang gặp phải”. Cách cho thứ ba này mới đẹp lòng Chúa và chúng ta cần thực hiện mỗi ngày, để của lễ chúng ta dâng sẽ bay lên trước tôn nhan Chúa và mang lại hạnh phúc đời đời cho chúng ta trước toà phán xét.

4) Hãy tập quảng đại cho đi để noi gương Chúa Cha:
- Thiên Chúa Cha chúng ta đã biểu lộ một tình yêu quảng đại để nêu gương cho chúng ta như sau:
+ Chúng ta chỉ cần một bông hoa, mà Ngài lại ban cả cánh rừng.
+ Chúng ta chỉ cần vài ngụm nước, mà Ngài lại ban cho cả dòng suối.
+ Chúng ta chỉ cần vài hạt cát, mà Ngài lại cho cả bãi biển rộng dài.
+ Chúng ta chỉ xin lương thực hàng ngày, mà Ngài lại ban cả Mình Máu Thánh của Chúa Giê-su.
- Chúa Giê-su phán: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Mỗi ngày chúng ta nên thực hiện một số việc quảng đại như PHĂNG-SÍT BAN-PHUA (Francis Balfour) đã liệt kê một số việc cụ thể mà các tín hữu chúng ta nên thực hiện như sau:
+ “Món quà đẹp nhất tặng cho kẻ thù ghét ta là lòng khoan dung tha thứ;
+ Quà tặng cho bạn bè là thái độ trung tín và chân thành;
+ Quà cho các em nhỏ là tấm gương bác ái và khiêm nhường phục vụ;
+ Quà tặng cho ông bố trong gia đình là thái độ tôn kính và vâng lời,
+ Quà cho bà mẹ là trái tim cháy lửa yêu thương và chia sẻ với bà công việc nội trợ;
+ Và cuối cùng, quà cho mọi người chung quanh là nụ cười thân thiện kèm theo cái bắt tay thân ái, một lời khen thành thật, cùng thái độ lắng nghe và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu noi gương Đức Giê-su”.

5. NGUYỆN CẦU

Lạy Chúa Giê-su. Cách đánh giá của Chúa trong Tin Mừng hôm nay khác hẳn cách nhìn nhận sự việc của chúng con. Vì “Loài người nhìn mặt, còn Chúa lại nhìn lòng!” (1 Sm 16,7). Chúa khen bà góa nghèo đã bỏ tiền dâng cúng nhiều hơn ai hết. Dù số tiền của bà nhỏ bé, nhưng bà “đã dâng tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”. Bà dâng do lòng mến Chúa thôi thúc, nên đã được Chúa đánh giá: “Bà đã bỏ thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12,43).
Về phần chúng con: Nhiều khi chúng con dễ bị chán nản buông xuôi không làm việc tốt, khi không được nhiều người biết đến và khen ngợi... Xin Chúa thanh luyện ý hướng khi làm việc lành của chúng con. Chúng con tin rằng: “Hữu xạ tự nhiên hương” (x. Mt 6,1-4), nếu công việc chúng con làm thực sự tốt thì sớm muộn cũng sẽ được người chung quanh nhận biết và họ sẽ cùng chúng con ca ngợi tình yêu của Thiên Chúa là Cha chúng con (x. Mt 5,14-16).
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. –Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
Tình Góa
Lm, Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:14 03/11/2021
Tình Góa

Chúa nhật XXXII TN B

Phải thú nhận rằng có hậu ý khi đặt tựa đề cho bài viết là “tình góa”. Dĩ nhiên ít nhiều cũng có ngụ ý “tiếp thị”. Đã là góa bụa mà còn tình tứ gì nữa! Đã nói đến tình thì ít ai nói đến cảnh góa bụa. Sự đời, người ta thường tránh những điều xúi quẩy. Thế nhưng nhiều hình ảnh người góa bụa lại được Thánh Kinh không chỉ tô hồng mà còn xác nhận là một trong những đối tượng được Thiên Chúa ưu ái và bảo vệ cách đặc biệt bằng những luật lệ cụ thể trong Cựu Ước (x.Xh 22,21; Ed 22,7). Đến thời Tân Ước, chính Chúa Giêsu cũng đã ưu ái bà góa thành Naim có đứa con trai duy nhất bị chết, nên dù không được khẩn xin, Người vẫn ra tay uy quyền cho cậu ta sống lại (x.Lc 7,11-17). Trong ba bài đọc Thánh Kinh của Chúa nhật XXXII TN B thì bài đọc thứ nhất trích sách các Vua và bài Tin mừng tường thuật và ca tụng nghĩa cử cao đẹp của bà góa thành Xarépta và bà góa tại Giêrusalem. Cả hai đều là những bà góa nghèo nhưng sẵn sàng hiến dâng “phần nuôi sống” mình, cũng là chính sự sống của mình cho tha nhân và cho Thiên Chúa. Thầm hiểu ngụ ý của Hội Thánh khi cho trích đọc các bài Thánh Kinh trong Chúa nhật này, chúng ta cùng xét suy đôi điều qua cái tâm, cái lòng và cuộc sống của người góa bụa.

1.Một mối tình thủy chung: Trước hết cần phân biệt người góa bụa với các bà mẹ đơn thân. Hẳn nhiên có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan hình thành tình trạng hay kiểu sống của những bà mẹ đơn thân. Chúng ta không thể tiên thiên “đánh giá - xếp hạng” cho tình trạng sống này vì hình như mỗi hoàn cảnh đều mỗi vẻ khác nhau với nhiều nguyên nhân khác nhau. Thế nhưng phải nhìn nhận rằng đây là tình trạng “không bình thường” theo lẽ tự nhiên mặc dù đã từng có khi, có nơi trở thành một phong trào, một kiểu cách chọn lựa của nhiều phụ nữ thời hiện đại. Trái lại tình cảnh của người góa bụa dù là đàn ông hay đàn bà là chuyện thường tình của kiếp nhân sinh. Đã thề non hẹn biển trong duyên vợ chồng thì luôn mong được song hành cho đến khi đầu bạc răng long. Mong thì vẫn mong, nhưng được chết cùng ngày là điều thật hy hữu. Chuyện tái giá hay đi bước nữa khi người phối ngẫu đã qua đời là chuyện chẳng có gì sai trái, dù phía nữ giới có thể bị dị nghị cách nào đó, đặc biệt trong nhiều xã hội trước đây vốn đề cao đạo “tam tòng – tứ đức”. Dù xưa hay nay thì người ta vẫn trân trọng những mẫu đời “thờ chồng, nuôi con” hoặc tín trung với người bạn quá cố mà nguyện làm cảnh gà trống nuôi con. Chúng ta đừng quên đây là một trong những tiêu chí để chọn người vào hàng Giám Quản hay bậc trợ tá của Giáo Hội thời sơ khai (x.1Tm 3,1-13).

Thủy chung với người bạn đời đang còn sống quả là một nỗ lực bền bỉ không chỉ trong tình yêu mà cả trong sự tiết chế. Chuyện “chả - nem” không riêng gì là chuyện của thời hôm nay mà đã có từ xưa, chỉ khác một điều là mức độ phổ biến, cho dù ai cũng thấy sự sai trái của nó và những hậu quả xấu xa mà nó di hại cho gia đình, cho con cái và cho cả xã hội. Chính vì thế, việc chung thủy với người bạn đời đã khuất càng được trân trọng gấp bội khi tự nguyện từ bỏ quyền lợi chính đáng của mình vì yêu thương và muốn tín trung trọn vẹn với chỉ một người.

2.Một tình yêu trao hiến đến cùng: Các nhà tâm lý cũng như các nhà đạo đức vốn đồng thuận với nhau về khái niệm yêu thương là một quá trình trao ban và đón nhận nhau. Yêu thương cách đích thực là tự nguyện trao ban điều tốt, điều tốt nhất của mình cho người mình yêu cách vô điều kiện và không tính toán, đồng thời cũng sẵn sàng đón nhận người mình yêu với tất những gì người ấy “là và có” một cách quảng đại, không so đo. Người ta thấy rõ hai động thái này trong đời hôn nhân. Đức Bênêđíctô XVI đã gọi đó là Eros và Agapê, hai chiều kích của tình yêu này xem ra phản ánh Tình Yêu Thiên Chúa cách rõ nét nhất (TĐ Thiên Chúa là Tình Yêu số 2). Với thời gian, qua các hình thức “mại dâm thánh” cùng với sự ích kỷ hưởng thụ của con người theo sự cám dỗ thần dữ thì chiều kích Eros (đón nhận) đã bị biến dạng, tha hóa. Từ đó chiều kích trao hiến (Agapê) đóng vai trò chủ yếu trong việc biểu lộ tình yêu đích thực.

Với người góa bụa thì cái chiều kích đón nhận xem ra vẫn còn đó qua người con. Nhưng nó sẽ vơi dần theo thời gian khi đứa con đến lúc phải lìa cha mẹ mà luyến ái với người bạn đời (x.Mc 10,7). Cuộc đời của người góa bụa là một chuỗi trao ban, hiến dâng không ngơi nghỉ và ngày càng đến cùng. Chỉ còn chút bột và chút dầu để ăn bữa cuối cùng với đứa con, thế mà bà góa thành Xarépta đã không ngại ngần dâng trao cho ngôn sứ Êlia (x.1V 17,7-16). Chúa Giêsu đã ngợi khen lòng quảng đại của một bà góa tại đền thờ Giêrusalem khi đã không ngại ngần dâng cúng vào Đền Thờ “tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân bà” (x.Mc 12,44; Lc 21,4).

3. Một tâm hồn nghèo khó thực sự: Lời tung hô tin mừng trong Chúa Nhật này, Giáo Hội cho trích câu tin mừng của thánh Matthêu: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Người góa bụa là một trong những người nghèo của Thiên Chúa, được Người ưu ái chăm sóc và bảo vệ. Xin đừng quên số người góa bụa trong các xã hội trước đây thì phụ nữ chiếm tuyệt đại đa số. Vì thế khi nói đến người góa bụa là người ta nghĩ ngay đến các bà góa. Một mình nuôi con mà bôn ba cuộc sống thì khó bì được với người ta vẹn đủa cả đôi, nhất là khi sinh kế thời bấy giờ dựa vào sức lao động của cơ bắp là chủ yếu. Do dó người ta không lạ gì khi hạn từ “góa” thường đi đôi với hạn từ “nghèo”. Những người góa bụa, cách riêng các phụ nữ góa chồng không chỉ nghèo về vật chất, của cải, bạc tiền mà họ còn nghèo khó cả về mặt tinh thần. Ngay cả trong thời kỳ gọi là hoàng kim của Giáo hội là thời Giáo hội sơ khai, khi mà những người trong tôn giáo mới này “không ai lấy sự gì làm của riêng, mọi sự đều là của chung” (x.Cv 2,44; 4,32) thế mà các bà góa vẫn đã từng bị đối xử thiếu công bằng, bị bỏ quên (x.Cv 6,1).

Hồng ân Nước Trời là một ân ban trọng đại và nhưng không của Thiên Chúa. Không một ai có thể tự mình chiếm hữu ân ban ấy dựa vào khả năng và công trạng của mình. Chúa Giêsu đã mặc nhiên nói đến chân lý này khi khẳng định rằng người giàu có khó vào Nước Trời, khó hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim. Những gì mà người giàu cho rằng có thể mua được bằng tiền bạc thì chắc chắn không phải là Nước Trời (x.Lc18,24-27). Một tâm hồn nghèo khó thực sự thì sẽ có được sự tự do với các thực tại đời này để rồi biết gắn bó mật thiết với Thiên Chúa trong niềm tin. Và họ đã biết mở lòng để đón nhận Nước Trời như là ân ban.

Qua một vài nghĩ suy về “tình góa”, không gì hơn, chỉ thầm mong số phận những người góa bụa được xã hội cũng như Giáo hội quan tâm chăm sóc bằng sự trân trọng như những người nghèo của Thiên Chúa, những con người rực sáng trong tình yêu thủy chung, tình yêu dâng hiến đến cùng. Có thể nói không sợ sai lầm rằng cuộc đời của nhiều người góa bụa là một dẫn chứng cụ thể, giúp chúng ta biết thế nào là yêu, thế nào là tin.

Lm, Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Thật Ngưỡng Mộ Đức Tin Và Tấm Lòng Của Hai Bà Góa
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:15 03/11/2021
Thật Ngưỡng Mộ Đức Tin Và Tấm Lòng Của Hai Bà Góa

Suy niệm Chúa nhật XXXII – B

(Mc 12, 38 - 44)

Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta, Chúa Giêsu như một người Thầy, dạy cho chúng ta biết về sự thờ ơ mà chúng ta phải sống. Thứ nhất, thờ ơ về danh dự và nhận ra điều chúng ta thường xuyên tìm kiếm : "Hãy coi chừng (...) lời chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc "(x. Mc 12, 38 -39). Về điểm này, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về những gương xấu của các luật sĩ. Thứ hai, dửng dưng với của cải vật chất. Chúa Giêsu ca ngợi thái độ của bà góa nghèo và lên án thói đạo đức giả của một số người, (x. Mc 12, 44).

Ai không có tinh thần từ bỏ của cải tạm thời, sống với đầy những của riêng tư người ấy không thể yêu mến được. Người có đức tin mà không nghĩ đến người khác : không động lòng trắc ẩn, không thương xót và để ý đến tha nhân, không thể sống trọn đòi hỏi của Tin Mừng là mến Chúa yêu người được.

Đức tin kèm theo tấm lòng vàng của hai bà góa được Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta là hai mẫu gương sống động. Hai bà được trình bày song song với nhau: một bà trong Sách Các Vua quyển thứ I (17, 10 - 16), và bà thứ hai trong Tin Mừng theo thánh Marcô (12, 41 - 44). Cả hai đều rất nghèo, và chính trong thân phận ấy hai bà chứng tỏ một niềm tin mạnh mẽ nơi Thiên Chúa.

Tấm lòng vàng

Người phụ nữ thành Sarephta xuất hiện trong trình thuật về tiên tri Êlia. Trong thời kỳ hạn hán, vị ngôn sứ này nhận được lệnh của Chúa đi tới miền Siđon, tức là ra ngoài Israel, nơi lãnh thổ dân ngoại. Tại đó Êlia gặp bà góa phụ là người Sarephta đi lượm củi, ông cất lời :" Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống… Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh" (1V 17, 10-11), trong lúc bà đang ở trong tình trạng không còn gì ăn và con bà sẽ chết đói nay mai, nên trả lời :"Này tôi đi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn rồi chết thôi" (1V 17,12), nhưng vì Êlia nài nỉ và hứa với bà, nếu bà nghe lời, bà sẽ không thiếu bột và dầu nữa, bà ấy đã nghe và được tưởng thưởng.

Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, người phụ nữ này, đã đi kín nước với tất cả tình yêu của trái tim. Khi bà trở về, Êlia nói với bà :"Cứ đi và làm như bà đã nói…với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem lại đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và cho con trai bà" (1V 17,13). Tấm lòng vàng và đức tin của bà góa lúc này bị thử thách, bà chỉ còn một nắm bột, cứ sự thường thật khó để có thể nuôi sống con bà, nay lại làm bánh cho cả vị tiên tri là này nữa.

Thái độ của bà góa thành Sarephta làm chúng ta liên tưởng tới một góa phụ khác mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin Mừng Marcô hôm nay. Khi ngồi đối diện với hòm tiền, Chúa Giêsu quan sát thấy bà góa nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu vào đền thờ, ngưỡng mộ bà, Chúa tuyên bố : "Với hai đồng tiền, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống" (Mc 12, 44). Nghĩa cử dâng cúng của bà góa nghèo chứng tỏ nét đẹp của tấm lòng vàng tràn đầy hy vọng và tin tưởng vào Chúa nơi tâm hồn bà.

Tin vào Thiên Chúa

Nếu nói đến mẹ góa con côi, người Việt Nam ta thường nói đến người khổ cực thiếu thốn tứ bề, từ tình cảm đến vật chất, thì theo Kinh Thánh, thời trung cổ, hay quan niệm của người Do Thái, những cô nhi quả phụ tự nó đã là một thân phận thiếu thốn trầm trọng rồi. Họ không còn chồng, còn cha để mà cậy dựa, hai bà trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay là một bằng chứng. Cả hai cùng cực nghèo, nhưng không có ai nghèo túng đến độ không thể cho đi một cái gì. Câu hỏi được đặt ra : Điều gì đã thúc đẩy các bà làm điều đó? Thưa : Đức tin. Cả hai bà góa hôm nay đều chứng tỏ niềm tin của họ bằng cách thực hiện một cử chỉ bác ái thể hiện tấm lòng vàng : một bà thi hành cử chỉ ấy đối với vị ngôn sứ, và bà thứ hai thi hành việc làm phúc.

Trong Kinh Thánh, các quả phụ và cô nhi là những người mà Thiên Chúa chăm sóc đặc biệt: họ không còn sự nương tựa trần thế, nhưng Thiên Chúa vẫn là vị Hôn Phu, là người Cha của họ. Hoàn cảnh túng thiếu khách quan, hay thân phận góa phụ, vẫn không đủ: Thiên Chúa luôn đòi hỏi sự tự nguyện gắn bó trong niềm tin, và được biểu lộ trong tình yêu đối với Chúa và tha nhân. Qua đó họ chứng tỏ sự hiệp nhất không thể tách rời giữa đức tin và đức ái, cũng như giữa lòng mến Chúa và yêu người như Tin Mừng đòi hỏi.

Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả đã khẳng định rằng: "Trên cán cân công lý của Chúa không phải trọng lượng của dâng cúng là đáng kể, nhưng là trọng lượng của con tim. Bà goá trong Tin Mừng đã đặt vào hòm tiền của đền thờ hai đồng xu nhỏ và vượt quá tiền dâng cúng của những người giàu. Không cử chỉ từ nhân nào thiếu ý nghĩa trước mặt Chúa, không có lòng từ bi nào mà không có hoa trái" (Bài giảng về chay tịnh dec.mems., 90,3).

Sống tín thác vào Chúa

Chúng ta có thể nghĩ tới một phụ nữ góa nghèo khác tên là Maria, dưới chân Thánh Giá Chúa đã dâng tất cả đời mình cho Chúa. Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo của người tận hiến trọn vẹn qua sự tín thác nơi Thiên Chúa; với niềm tin ấy mẹ nói với Sứ Thần "Này tôi đây" và đón nhận thánh ý Chúa. Nhờ lời thưa xin vâng ấy, ý Chúa được thể hiện, mầu nhiệm sự sống được trao ban và dâng hiến được thực hiện nơi đồi Golgotha, thế gian có được Chúa Giêsu, Bánh Hằng Sống, Đấng Cứu Độ chúng ta.

Tại Cana, Mẹ đã xin Chúa Giêsu cứu giúp anh em mình khi nói : "Họ không còn rượu nữa" (Ga 2,3), và nhận được lời Chúa Giêsu : "Này bà, giữa tôi và bà, nào có việc gì?" (Ga 2,4) Mẹ vẫn bảo gia nhân vâng lời Chúa Giêsu.

Bà góa thành Sarephta đã làm những gì tiên tri Êlia nói với bà, mang cho ông ít bánh. Tương tự như thế, những người hầu bàn tại Cana vâng lời Chúa Giêsu. Sức mạnh tình yêu vô biên của Thiên Chúa, sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô được tái diễn nơi bàn tiệc thánh : Này là Mình Thầy hiến tế vì anh em.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp mỗi người chúng con tín thác vào Chúa như Mẹ. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:40 03/11/2021

52. Càng thiếu sự giúp đỡ của con người thì Thiên Chúa càng biểu hiện thần lực của Ngài ra.

(Thánh John Bosco)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:45 03/11/2021
100.HẬU DUỆ CỦA KHỔNG MẠNH

Võ quan và văn quan cùng coi kịch, vở tuồng là “Bảy lần bắt Mạnh Hoạch” trong truyện Tam Quốc.

Võ quan nói:

- “Tên Mạnh Hoạch này như thế là mọi rợ, không phục tùng giáo hóa của chính nghĩa, Khổng Minh bảy lần bắt và bảy lần tha, vậy mà cũng không phục, không ngờ hậu duệ của Mạnh tử lại có người tính tình tàn ác hung bạo khó thuần phục như thế.”

Khán giả coi tuồng đều bưng miệng cười thầm.

Một quan văn tiếp lời:

- “Lão huynh nói rất đúng, cuối cùng thì hậu duệ của Khổng tử là Khổng Minh vẫn là mạnh hơn nhiều”.

(Hi đàm lục)

Suy tư 100:

Mạnh Hoạch nhất định không phải là cháu của Mạnh tử, và Khổng Minh thì cũng chẳng liên quan gì đến Khổng tử cả, chẳng qua là vì các vị quan văn quan võ...đoán cho vui vậy thôi.

Những người bệnh hoạn trong các bệnh viện, những bệnh nhân si-đa nhiễm HIV và covid-vuhan nơi các trại điều dưỡng, bệnh viện dã chiến, những trẻ em mồ côi, nghèo khó, thất học.v.v...chẳng liên quan và cũng chẳng bà con họ hàng gì với tôi, với anh, với chị. Nhưng trong Chúa Ki-tô họ và chúng ta đều có liên kết chặt chẽ với nhau, bởi vì họ và chúng ta đều là chi thể của thân thế mầu nhiệm Chúa Ki-tô, cho nên, nỗi đau của họ cũng là nỗi đau của chúng ta, sự bất hạnh của họ cũng là sự bất hạnh của chúng ta...

Đưa một cánh tay ra đỡ lấy họ, giang rộng hai cánh tay ôm họ vào lòng, bỏ ra một đồng bạc, nói lên một lời an ủi với họ, đều là bổn phận của mỗi người chúng ta, bởi vì trong Đức Chúa Giê-su tất cả chúng ta đều là anh em chị em với nhau.

Đó chính là mầu nhiệm của tình yêu của Đức Chúa Trời ba ngôi vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Dâng hết
Lm. Thái Nguyên
19:04 03/11/2021

SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN CN 32 TN B


DÂNG HẾT
Chúa Nhật 32 Thường Niên năm B : Mc 12, 38-44

Suy niệm

Bài Phúc Âm mở đầu bằng việc Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ phải coi chừng lối sống giả hình của nhóm kinh sư. Họ lợi dụng sắc phục bên ngoài để được người ta kính nể; làm ra vẻ đạo mạo để được kính phục; tỏ ra đạo đức để được kính tôn; đọc kinh cầu nguyện lâu giờ để được kính yêu, và cũng là mưu mô để nuốt gia tài các bà góa. Con người thời nào cũng hay đeo mặt nạ với nhau, ngoài việc tìm kiếm lợi lộc và danh giá thì còn muốn tạo hào quang cho mình. Cách chung, người ta muốn sống hơn những gì mình có, muốn thể hiện hơn những gì mình là: cố làm cho mình trẻ đẹp hơn nhờ trang điểm; cố cho người khác thấy mình tài giỏi hơn nhờ ăn nói; cố tạo cho mình cái dáng vẻ quí phái, trí thức, đạo đức, để thu phục tình cảm của mọi người.

Điều éo le là những người Đức Giêsu cảnh giác không phải là nhóm dân thường mà lại là thành phần lãnh đạo tôn giáo, lợi dụng chức sắc để tìm danh lợi cho bản thân. Thật ra đạo giáo nào cũng không tránh được những loại người này, nhưng đặc biệt thời Đức Giêsu, tình trạng tôn giáo đã bị tha hóa và xuống cấp trầm trọng, con người đã đánh mất tấm lòng, chỉ còn lại luật lệ và hình thức bên ngoài, như có lần Chúa Giêsu đã nhắc lại lời ngôn sứ Isaia:“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15, 8).

Đi ngược với sự tham lam và giả hình của các kinh sư là hình ảnh một bà góa nghèo, nhưng rộng lượng và đơn sơ chân thành. Đức Giêsu thấy bà rón rén đến bỏ một phần tư xu vào thùng tiền của Đền thờ. Số tiền quá ít ỏi chẳng đáng gì, nhưng Ngài gọi các môn đệ lại và cho họ biết “bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” vì đó là “tất cả những gì bà có để sống”. Trước mặt Chúa, cái nhỏ nhất lại thành cái lớn nhất, cái người ta coi là tầm thường lại trở nên phi thường.

Chúng ta thường dựa vào cái bề ngoài để đánh giá đúng-sai hay tốt-xấu, mà ít khi xét đến cái giá trị cốt lõi bên trong; dựa vào số lượng công việc hay thành tích mà ít khi xét đến chất lượng hay chiều sâu của vấn đề. Bản thân ta cũng thế, xem ra vẫn bị xáo trộn trước những lời khen chê. Thích khen và sợ chê khiến ta dễ trở nên nô lệ cho dư luận, cứ phải chịu tác động của người khác, không có tự do để hành động. Các nhà tâm lý và tu đức thường khuyên ta: Hãy trở về với mình và hãy là chính mình, đừng để lòng mình xu hướng theo thiên hạ và chạy theo những thứ phụ thuộc bên ngoài. Hãy tập nhận diện mình dưới cái nhìn của Chúa, vì dưới lăng kính của Ngài, mọi sự đều sáng tỏ. Điều quan trọng là xem mình có chân thành và quảng đại không? Có dám dâng cho Chúa nhiều hơn không? Dám dâng hết không?

Thế nhưng câu chuyện bà góa nghèo bị đặt vấn đề: phải chăng cứ sống thiếu thốn nghèo nàn để được Chúa khen thưởng? Phải chăng bỏ cả những nhu cầu thiết yếu để được vào nước Trời? Điều chắc chắn là Tin Mừng không bao giờ đề cao sự bần cùng. Đức Giêsu đến để con người được sống và sống dồi dào. Ơn cứu độ cũng không chỉ là “phần hồn” nhưng toàn vẹn, đồng thời bắt đầu chớm nở ngay tại thế chứ không phải giấc mơ xa xôi. Tuy nhiên, với tâm hồn yêu mến, người ta muốn dâng hiến cách quảng đại, không chỉ dâng nhiều hơn mà còn là nhiều nhất. Tất cả và trọn vẹn, chính là điều Thiên Chúa muốn nơi con người. Yêu Ngài bằng tất cả trái tim và tất cả sức lực của mình, đó là lệnh truyền của Thiên Chúa dẫn đến sự sống muôn đời (Lc 10, 27).

Thật ra, sự nghèo túng tự nó không đem lại hạnh phúc cho ai, nhưng hạnh phúc là vì người nghèo biết vui lòng đón nhận hoàn cảnh hiện tại, bình an sống cuộc đời thanh bạch mà không ham hố lợi lộc, và điều quan trọng là biết chờ đợi mọi sự nơi Chúa. Họ không xây dựng đời mình trên vật chất hay chiếm hữu, nhưng trên tình yêu, để sẵn sàng cho đi và dâng hiến. Họ mới thật là những người khôn ngoan (Lc 1, 49). Với lời khen ngợi hành động của bà góa nghèo, phải chăng Chúa Giêsu muốn cổ võ một lối sống siêu thoát, đồng thời muốn thiết lập một xã hội công chính và nền văn minh tình thương, nhờ biết cho đi và chia sẻ. Và qua đó, Ngài muốn thay đổi cái nhìn của chúng ta về giá trị nhân sinh, để hướng tới một sự sống mới trong Nước Trời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Suy niệm Lời Chúa khiến con nhớ,
chuyện người hành khất đi từng nhà,
chợt thấy xe Vua óng ánh đến từ xa.
lòng thầm nhủ Đức Vua sắp đi qua,
thế là hy vọng trong anh bừng sáng dậy,
kiếp nghèo không còn nữa kể từ đây.
Anh đang chờ Vua bước xuống xe,
ban phát cho anh nhiều vàng bạc,
để đời anh chấm dứt cảnh lang thang.
Thấy Vua đi tới mỉm cười,
lòng anh vui sướng như người trên mây,
thế nhưng Ngài lại chìa tay,
hỏi xem anh có gì chăng cho Ngài?
Quá sửng sờ khiến lòng anh bối rối,
ai có ngờ Ngài lại đến xin mình,
thôi thì chỉ có hạt lúa đây,
anh đành phải lấy để dâng tặng Ngài,
Vua lên xe xa khuất trên đường dài,
anh lại lang thang miệt mài y như cũ.
Thế rồi khi chiều về dốc túi ra,
bất ngờ lại thấy một điều lạ,
giữa những hạt lúa có hạt vàng lấp lánh,
anh lặng người trong cảm xúc xuyến xao,
lệ rưng rưng anh nghẹn ngào tự bảo:
phải chi tôi dâng trao cho Ngài hết,
để chẳng còn gì cho bản thân,
thì giờ đây đã vui sướng vô ngần.
Lạy Chúa, đã bao lần con lưỡng lự,
muốn cho đi nhưng rồi lại muốn giữ.
Ước chi con hoàn toàn buông xả,
để Chúa là tất cả của đời con. Amen.


 
Lòng tin và sự chân thành
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
19:12 03/11/2021

CN 32 B
Lòng tin và sự chân thành.

Cấu trúc ba bài đọc Lời Chúa hôm nay là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt về lòng tin và sự chân thành.

Bài đọc 1 trích sách Các Vua kể chuyện bà goá thành Xarêpta. Thời ngôn sứ Êlia, khi Thiên Chúa làm hạn hán trên đất nước Do thái để phạt vua tôi của nước này, ngôn sứ Êlia được lệnh Chúa tạm lánh sang xứ Sarepta. Êlia xin bánh, dù bà goá không đủ bột làm bánh cho hai mẹ con nhưng với lòng tin cậy vào lời hứa của Thiên Chúa nên đã chân thành dâng chút bột và dầu ít ỏi làm bánh nuôi ngôn sứ. Chúa đã trả công bội hậu cho bà thoát cảnh đói khổ “hũ bột sẽ không vơi, vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày Thiên Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất”.

Nơi bài đọc hai, tác giả thư Do thái trình bày một điều căn bản trong đức tin Kitô giáo “Đức Kitô đã tự hiến chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người”, điều chỉ có sự thành tín của Thiên Chúa mới thực hiện được.

Bài Tin mừng kể lại chuyện Đức Giêsu biểu dương tấm lòng thành của bà goá nghèo dù bà chỉ dâng hai đồng tiền kẽm.

Đức Giêsu thảnh thơi ngồi quan sát xem đám đông bỏ tiền vào thùng tiền dâng cúng ra sao. Người thấy một cảnh đối chọi thật chát chúa: có những người giàu bỏ thật nhiều tiền (thấy tay họ cầm và tiếng tiền kêu leng keng trong thùng!”), lại cũng có “một bà góa nghèo, đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma”. Phản ứng của Đức Giêsu thật đặc biệt: “Người liền gọi các môn đệ lại mà nói”. Lần trước “Người ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói” (Mc 9,35) là để sửa dạy các ông vì khi đi dọc đường các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn nhất, trong khi các ông không dám hỏi lại về những lời Người loan báo trong Cuộc Thương Khó. Hôm nay Người ngồi sẵn đó, Người gọi các môn đệ lại, chỉ cho các ông thấy bà góa nghèo này và nói. Tại sao hình ảnh bà góa này dâng cúng hai đồng kẽm, đáng giá một phần tư đồng xu Rôma, lại kéo sự chú ý của Người như thế? Nghe kỹ lời bình luận của Người: “Mọi người đều rút từ tiền bạc dư thừa của họ mà bỏ vào đó; còn bà góa này thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có thể nuôi sống bản thân mình”. Những người khác bỏ nhiều tiền vào thùng, nhưng rút từ tiền bạc dư thừa, chứ không phải tất cả tiền dư bạc thừa, nên tuy bỏ nhiều nhưng chưa đụng tới đời sống của họ. Còn bà góa này rút từ cái túng thiếu của mình, bỏ vào đó “tất cả tài sản, tất cả những gì bà có thể nuôi sống mình”. Số tiền này chỉ đủ mua bánh mì ăn một bữa.

Trong cuộc hỏi đáp với ông kinh sư, Người vừa đọc lại điều răn thứ nhất. Bây giờ Người bắt gặp bà goá nghèo này đang thực hành điều răn ấy triệt để. Điều răn bảo “yêu mến bằng tất cả trái tim, tất cả mạng sống và tất cả những gì người có”. Bà góa này túng thiếu, không có dư thừa, bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có thể nuôi sống mình, thế là bà đã yêu mến bằng tất cả những gì mình có, bằng cả mạng sống. Có yêu bằng tất cả trái tim hay không thì làm sao kiểm chứng được. Nhưng yêu mến bằng tất cả những gì mình có và bằng cả mạng sống thì chứng minh được, như bà góa này vừa làm. Đã yêu mến như thế thì chắc chắn là yêu bằng cả trái tim rồi.(x.Tĩnh tâm với sách Tin mừng Maccô, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).

Bà góa đã dâng cúng với tất cả tấm lòng thành, với niềm tin và bằng lòng mến nồng nàn đối với Thiên Chúa. Bà dâng cúng hai đồng tiền kẽm, tuy nhỏ nhất nhưng đó là tất cả những gì thiết yếu cho cuộc sống của bà, như thế bà đã dâng cả mạng sống. Nhìn cung cách dâng cúng của bà, Đức Giêsu đã khen: “Bà góa nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người”.

Chiêm ngắm hai thái độ, hai hành động của bà goá trong Cựu Ước và Tân Ước, họ có chung một điểm đó là tấm lòng chân thành khi cho đi và tâm hồn hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Kết quả là họ không mất gì cả mà được tất cả. Bà goá ở Xarépta được một hủ bột không cạn và bình dầu không vơi. Bà goá nghèo trong Tin Mừng tuy không biết kết quả sau này thế nào nhưng việc làm của bà lại đẹp lòng Thiên Chúa, như vậy đã đủ đối với một con người tin tưởng phó thác vào Chúa.

Đây là sứ điệp Lời Chúa gởi đến chúng ta hôm nay: Con hãy sống và hành động chân thành, nhiệt tâm và tin tưởng. Nếu con giúp đỡ ai, con hãy giúp đỡ cách thành tâm và hết lòng, theo khả năng con có thể. Nếu dâng cúng tiền của hay bất cứ điều gì cho Thiên Chúa và Giáo Hội, con hãy dâng cúng theo khả năng của con, nhưng phải dâng một cách thành tâm. Bởi vì trước mặt Thiên Chúa, của lễ cũng như số lượng của lễ hoàn toàn không quan trọng. Chính tâm tình con thảo và tấm lòng tin tưởng của con mới là điều Thiên Chúa muốn. Ðối với của lễ dâng cúng, không phải lễ vật và trị giá của nó, mà chính là sự chân thành và lòng tin của con mới là điều quan trọng và đáng kể.
Đối với Thiên Chúa, lễ vật dâng tiến không phải là bao nhiêu, nhiều hay ít, mà là với cả tấm lòng. Cách cho quý hơn của cho. Của cho kèm theo tấm lòng là của cho quý hóa nhất.

Yêu mến thì phải cho. Nhưng của cho không bằng tấm lòng người cho. Và cho chính cái mình quý nhất mới là cái cho lớn nhất, giá trị nhất. Bà góa đã cho nhiều nhất vì đã cho cả tấm lòng.Xét về số lượng khách quan thì số tiền một phần tư xu so với năm, ba chục ngàn hoặc từng mấy trăm ngàn hay một triệu thì thật mỉa mai, thật tức cười. Nhưng với Chúa Giêsu hai đồng tiền nhỏ của người phụ nữ vô danh lại nhiều hơn hết. Điều có nghĩa là những công việc đạo đức và từ thiện, bác ái hơn nhau ở động lực và lý do hay mục đích chứ không phải ở số lượng. Giá trị của việc dâng cúng, việc bác ái không hệ tại ở số lượng của cải nhiều hay ít, có giá trị hay không, mà chính là tùy thuộc vào tấm lòng chân thành của người dâng cúng.Muốn của dâng trở thành một của dâng đích thực thì phải là của dâng do lòng hy sinh. Vấn đề không nằm ở số tiền dâng mà ở cái giá người dâng phải trả, không phải là tầm cỡ của lễ vật, nhưng là sự hy sinh. Mẹ thánh Têrêsa Calcutta nói: “Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà”. Thiên Chúa nhận định giá trị về một con người không dựa trên những gì họ có mà dựa trên những gì họ đã cho đi. Ai không bao giờ biết cho đi mới thực sự là người nghèo khốn cùng. Chính lúc cho đi là lúc lãnh nhận.

Khi khen tặng bà góa nghèo, có vẻ như Chúa muốn nói rằng "Hãy nhìn, đây là một mẫu gương của một người nghèo chân thành cho đi tất cả những gì bà có vì lợi ích chung". Đóng góp vào việc xây dựng Giáo xứ là bổn phận của mọi tín hữu. Đối với Giáo Hội, người Kitô hữu có bổn phận sống bác ái, chia sẻ và góp sức xây dựng nhà Chúa, giáo họ, giáo xứ ngày càng khởi sắc, ngày càng đi lên, ngày càng tốt đẹp. Nói thì dễ, thực hiện nhiều khi cũng có những lấn cấn, khó nói, khó làm. Trong vai trò lãnh đạo giáo xứ, tôi muốn biểu dương những công việc và hy sinh của mọi thành viên. Họ là những vị hội đồng giáo xứ, những bà mẹ mỗi chiều 3 giờ đến nhà thờ đọc kinh lòng thương xót, những ca viên, giáo lý viên, các chú lễ sinh, nhóm quét nhà thờ, người giật chuông, ông bà cao niên đọc kinh sáng tối. Những hội viên caritas, hội giúp đỡ kẻ liệt, các giới các đoàn thể… Họ là những người phục vụ theo khả năng của mình. Không có họ, giáo xứ không sinh hoạt sống động. Những đóng góp của họ dù là tiền bạc, dù là công sức đều có giá trị trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội. Rồi còn có các bà goá, những người bệnh hoạn tật nguyền, những người lao động chân tay hay trí óc. Tất cả đều cống hiến để xây dựng Giáo xứ. Chắc chắn Chúa cũng nhìn đến công lao của mỗi người và cũng khen thưởng như khen thưởng bà goá: "Thầy bảo thật anh em, người này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết".

Có lẽ tài sản quý giá nhất chúng ta có là thời giờ của mình. Đôi lúc cho đi tiền của lại là điều dễ thực hiện hơn; cái khó là cho đi thời giờ, tài năng và khả năng của mình. Hãy biết cho đi. Thương yêu là cho đi. Càng cho nhiều là dấu càng yêu thương nhiều. Không chỉ cho đi những gì là vật chất mà còn những gì là tinh thần như một nụ cười, một cái nhìn thiện cảm, một lời nói vui vẻ hiền hòa, những lời an ủi chân thành...mà còn cho đi lời cầu nguyện trong đời sống siêu nhiên.

Trong tháng 11 này, chúng ta tưởng nhớ những người đã qua đời. Họ đang yên nghĩ, họ cần điều gì nhất? Họ cần đến lòng thương xót Chúa. Họ cần chúng ta nhớ đến họ bằng tình yêu thương của trái tim. Họ muốn chúng ta đừng quên họ nhưng hãy nhớ đến họ bằng kinh nguyện và thánh lễ.

Họ đã bước vào cõi thinh lặng ngàn thu. Họ chỉ cần chúng ta nhớ đến và cầu nguyện. Họ muốn chúng ta cho họ những bông hoa tưởng nhớ, những nụ hoa cầu nguyện, những mật hoa bác ái, những hương hoa hy sinh.

Người Công Giáo được khuyến khích thực hiện những điều thiết thực, như xin Lễ, dự Lễ, đọc kinh cầu nguyện, làm việc lành phúc đức… để chuyển cầu cho những người đã ra đi mà còn đang vướng mắc một vài trở ngại nào đó khiến họ chưa hoàn toàn chia sẻ vinh quang và hạnh phúc với Thiên Chúa. “Cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý tưởng lành thánh” (2 Mcb 12, 46; GH, 50). Khi cầu nguyện cho họ, chúng ta không chỉ giúp họ, mà còn làm cho lời họ chuyển cầu cho chúng ta hiệu quả hơn” (GLCG, số 958). Những việc lành phúc đức cho chúng ta một cảm giác hạnh phúc và ý nghĩa bởi vì thân nhân của chúng ta đã và sẽ còn được tưởng nhớ đến mãi.

Trên giường hấp hối, mẹ Monica đã nhắn nhủ con trai Augustinô: "Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh".
Tháng 11, tháng cuối năm phụng vụ. Tại các nghĩa trang, người tín hữu thường đến thắp nhang, cắm cành hoa tươi, đọc kinh cầu nguyện trước phần mộ người đã qua đời. Người còn sống cầu nguyện cho người đã chết. Người đã an giấc ngàn thu nhắn nhủ người đang sống về lý lẽ cuối cùng của cuộc sống làm người. Bầu khí phụng vụ tháng 11 hướng về cùng đích của cuộc sống làm người. Đó chính là Cánh Chung.

Trong suốt tháng các linh hồn này, hãy chân thành và tin tưởng dâng mọi ý nguyện và những hy sinh của chúng ta để cầu nguyện cho người thân và mọi người quá cố. Ước gì những lời cầu nguyện và hy sinh ấy cũng nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng của chúng ta vào cuộc sống mai hậu, và nhờ đó mang lại ý nghĩa cho cuộc sống hàng ngày.





 
Giá Trị Thật
Lm Vũđình Tường
20:32 03/11/2021
Hai dụ ngôn nhắc đến hai giai cấp xã hội của thế kỉ đầu tiên. Giai cấp giầu có, trưởng giả, Kinh Sư và giai cấp nghèo của bà goá, là nạn nhân của giới Kinh Sư. Cả hai dụ ngôn liên quan đến của cải và cách dùng của cải. Nhóm Kinh Sư đây không phải là nhóm lãnh đạo thường mà là lãnh đạo Đền Thờ. Bà goá không chỉ thuộc phận nghèo hèn, mà còn là người đàn bà goá bụa. Xã hội thế kỉ đầu giới nghèo đã nghèo, thành goá bụa còn nghèo hơn. Bà goá dù là một mình nhưng bà đại diện cho giới nghèo khổ trong xã hội. Xã hội nào giới nghèo cũng nhiều hơn giới lãnh đạo và trưởng giả. Ngày nay công nhân lao động chân tay đông hơn công nhân trí thức làm việc bằng trí óc.

Khác biệt giữa giới lãnh đạo và công nhân thật rõ nét. Đức Kitô chê trách, cảnh tỉnh môn đệ ngài về giới lãnh đạo Đền Thờ. Ngài nhắn nhủ các ông,

'Anh em phải coi chừng những ông Kinh Sư ưa dạo quanh, xúng xính trong áo thụng, thích được chào hỏi nơi công cộng' Mc 12,38

Đối với bà goá nghèo, Đức Kitô khen bà trước mặt các môn đệ. Giới Kinh Sư ham của cải, thích tích trữ của cải làm của riêng. Bà goá cũng gom góp, tích trữ của cải, không làm của riêng nhưng để cho đi, dâng hiến cho Đền Thờ. Theo tinh thần bài học tuần trước, bà goá yêu mến Thiên Chúa hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn. Bà yêu mến Thiên Chúa với tất cả tấm lòng. Dâng hiến của cải cho Đền Thờ tâm hồn bà rộn lên niềm vui. Bà không bị lệ thuộc vào vật chất.

Yêu mến chân thành không giới hạn. Đức Kitô nói với môn đệ về bà như sau,

'Mọi người đều rút từ tiền dư, bạc thừa mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình' Mc 12:44
Đức Kitô dậy môn đệ, tình yêu bà dành cho Đền Thờ Thiên Chúa không phải đo bằng của cải vật chất, nhưng đo bằng tấm lòng chân thành bà dành cho Đền Thờ. Đức Kitô nhìn thấu con tim bà, con tim chan hoà lòng yêu mến Thiên Chúa. Chúng ta không biết bà nghĩ gì, nhưng có thể đoán trong tâm bà, bà tin tưởng những gì bà hiện có đều do Chúa ban. Vì thế bà rất vui dâng cúng tất cả những gì bà có cho Đền Thờ. Trao dâng cho Đền Thờ tất cả những gì có để nuôi sống mình là dấu chỉ hoàn toàn, tin tưởng phó thác vào Chúa quan phòng.

Bởi vì bà cho tất cả những gì bà có để nuôi sống mình, vì thế nhiều học giả cho rằng đây là hành động bác ái thiếu khôn ngoan. Giải thích theo chiều hướng đó xem ra có vẻ quá giới hạn. Ngày nay chúng ta hiểu tiền bạc cách rộng rãi hơn. Tất cả những gì làm ra tiền, hoặc không tốn tiền, đều được coi là của cải. Trong đó bao gồm cả thời gian, trả lương theo giờ, tài năng, kiến thức, hiểu biết, khôn ngoan và ngay cả sức khoẻ. Tất cả đều làm ra tiền. Ngoài ra còn kể thêm tinh thần. Có được một tâm hồn thanh thản, con tim bình an, giấc ngủ ngon trong đêm là những 'của cải' tinh thần vô giá bởi không gì mua được chúng.

Không biết bà goá có nguồn của cải vật chất, tinh thần nào. Chỉ biết bà nghèo. Bà dành dụm được ít tiền để tự nuôi thân. Rất có thể bà có những người bạn chân thành sẵn sàng hỗ trợ bà trong cơn túng thiếu. Không giống như một số Kinh sư sống trong ảo vọng, mong được người ta ca tụng, tán dương. Thiếu những thứ đó họ thiếu vui. Bà goá, trái lại sống một cách chân tình, chân thành với chính mình và với tha nhân. Niềm vui của bà đến từ cho đi, từ dâng cúng; trong khi niềm vui của một số Kinh Sư đến từ bên ngoài, từ lời ca tụng của tha nhân. Chính vì tìm nguồn vui nơi tha nhân mà giá trị thực sự của con người họ bị che khuất, giá trị trình diễn lộ ra qua cách trang phục.

Đền Thờ lộng lẫy. Người Do Thái hết lời ca tụng. Đức Kitô nói với các môn đệ, Đền Thờ đó cũng có ngày qua đi. Quả thật, bốn mươi năm sau, Đền Thờ bị phá tan hoang. Điều này cho biết không gì trên thế giới này, dù lớn, cao sang, vĩ đại đến đâu cũng có ngày qua đi. Chỉ có một điều tồn tại đó chính là tình yêu ta dành cho Chúa bởi chính Chúa làm cho tình yêu đó bền vững muôn đời.
Cuộc sống của ta lệ thuộc vào công ăn việc làm và sức khoẻ. Luôn nhớ cả công việc lẫn sức khoẻ đều rất bếp bênh. Công ti làm ăn thua lỗ, phá sản, côn nhân mất việc. Tai nạn xảy ra, sức khoẻ đi đong. Tuổi già kéo đến vừa sinh tật, vừa sinh bệnh. Hệ thống kinh tế hoàn cầu lúc tiến, phát triển, khi co cụm, thụt lùi. Đầu tư trọn đời vào tài chánh, kinh tế, của cải vật chất, khi chúng ra đi còn lại gì, ngoài nước mắt và nuối tiếc. Người ta thích đầu tư trọn đời mình vào của cải vật chất bởi xã hội trọng giới giầu, khinh giới nghèo. Đức Kitô cảnh tỉnh môn đệ, giá trị thực của con người không phải do lắm của, nhiều tiền mà chính là con tim chân thành, yêu mến. Bạn xét mình xem, mình chọn sống theo cung cách nào? Cung cách của Kinh Sư hay cung cách của bà goá.

TiengChuong.org

True Worth

The two stories described two social classes of the first century: The rich Scribes and the poor widow. The rich Scribes were the ruling class, and the poor were the serving class, who were victims of the ruling class. Both stories dealt with wealth, and the contrast of utilising wealth. The Scribes were not ordinary leaders, but leaders of the Temple. The poor widow was not only poor, but a widow. In the first century's society, the widow was the poorest of the poor. She was an individual, who represented the poor in her society. In every society, the poor always outnumbered the powerful and the rich. Today blue collar workers are the majority, while white collar workers are the minority.

The contrast between the ruling class, and the serving class was outstanding. Jesus denounced actions of the ruling class, telling his disciples, 'Beware of the Scribes', Mk 12,38 while He praised the good deed of the poor widow. The Scribes loved to be served. The Scribes loved to accumulate wealth, while the poor widow donated all she had. Following last week's teaching, we are certain, the poor widow loved God with all her heart, mind, soul and strength. She loved God without a limit. This poor widow enjoyed the joy of giving. She detached herself from wealth. True love knows no measure. Jesus told His disciples about the poor widow,

'She from the little she had has put in everything she possessed, all she had to live on'. Mk 12:44.

Jesus told His disciples, her love for God was not measured by the amount of wealth giving, but the generosity of her heart. Jesus judged her heart, a heart full of love for God. We can't read her mind. It seemed she believed what little she had, it was God Who gave it to her in the first place. She was right to give it to God. Giving all she had, she fully trusted in God's providence.

Because she gave all that she had to live on; many commentators agree that it was unwise on her part. I think this view is very narrow, because it is based only on the value of money. Today we understand wealth in a very broad sense. Wealth is more than money. It includes time, talent, knowledge, wisdom, health. All generate money. Consider internal wealth such as peace of mind, and a calm heart. They are invaluable. We don't know what sort of wealth she had, which could generate money. As a widow, she certainly was dire poor. She had to be able to support herself. We hope, she had a group of trusted friends, on whom she could rely in time of need. The poor widow was true to herself, her inner life. Not like some Scribes, who in public, presented untrue images of themselves.

The Temple was magnificent. The Jews loved to observe it. Jesus told them- Yes, indeed, the Temple was in its splendour, but one day it would be destroyed. Forty years later, the Temple fell to the level ground. Apart from the love we have for God and others, no matter how strong and how beautiful things of this world are, one day they cease to exist.

Our livelihood depends on job security, and good health. We hope our good job and good health are permanent. Let us remind one another that an accident can happen to a person at any time. The world economic system is not always as healthy as we would like it to be. It has been falling in and out of recession. The wisdom of investing all our lives into wealth alone is in question.
Our society judges the ruling class and the rich, as if their lives are worth more than the lives of the poor. Jesus told His disciples, and us, wealth didn't define the true value of a person, but true love does.
 
Vác trên vai, đem về nhà
Lm. Minh Anh
23:56 03/11/2021
VÁC TRÊN VAI, ĐEM VỀ NHÀ

“Khi đã tìm thấy con chiên lạc, người đó vui mừng vác trên vai, đem về nhà!”.

James H. McConkey viết, “Bạn có thể làm gì khi sắp ngất xỉu? Chỉ cần gục đầu vào vai một người thân yêu mạnh mẽ nào đó, nghỉ ngơi cho đến khi sức lực phục hồi!”. Điều này cũng đúng khi bạn bị cám dỗ đến gục ngã. Thánh Vịnh 46, câu 11 nói, “Hãy lặng yên và biết rằng, Ta là Chúa!”. Ngày cuối đời, Hudson Taylor yếu đến mức nói với một người bạn rằng, “Tôi yếu đến mức không thể đọc Thánh Kinh, khó có thể cầu nguyện. Tôi chỉ có thể nằm yên trong vòng tay của Chúa như một đứa trẻ, chờ đợi Ngài ‘vác trên vai, đem về nhà!’”. Và đó cũng là lời cuối cùng của ông!

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, “Vác trên vai, đem về nhà”, lời cuối cùng của Taylor cũng là chi tiết mà chỉ một mình Luca có trong dụ ngôn “Con Chiên Lạc” qua Tin Mừng hôm nay! Dụ ngôn này còn được tìm thấy ở Matthêu; nhưng Matthêu chỉ vắn tắt nói đến niềm vui tìm được chiên của người mục tử, đang khi Luca lại diễn tả nó với những tình tiết hết sức ly kỳ! Nào “người đó vui mừng ‘vác trên vai, đem về nhà’”; nào anh “mời bạn bè, hàng xóm” chung vui; và nhất là, nào “trên trời ai nấy vui mừng!”. Phải chăng vì Tin Mừng Luca là Tin Mừng lòng xót thương, viết cho người lương trở lại!

Một số các thánh cho rằng, con số “một trăm”, tượng trưng cho sự hoàn hảo; “một trăm” nói lên sự hoàn hảo của Vương Quốc Nước Trời, không chỉ đại diện cho tất cả các thánh mà còn đại diện cho cả triều thần. Con chiên bị lạc đại diện cho toàn thể nhân loại, cũng là đại diện cho mỗi một con người khi họ phải đi qua cuộc sống này. Và Người Chăn Chiên, dĩ nhiên, là chính Chúa Giêsu, mà tâm hồn mục tử của Ngài luôn hướng đến nhân loại sa ngã; Ngài đang miệt mài tìm kiếm mỗi người chúng ta để ‘vác trên vai, đem về nhà’.

Trước tiên, hãy lưu ý, Người Chăn Chiên không tìm kiếm con chiên lạc vì tiếc của, hay tức giận; nhưng vì quan tâm và yêu thương. Thật cần thiết để hiểu điều này, nếu chúng ta muốn hiểu đúng đắn cách thức Chúa Giêsu đi tìm mỗi người khi chúng ta đi lạc. Ở đây, cần thấy sự quan tâm sâu sắc, sự nhẫn nhịn ruổi tìm và nhất là sự cam kết kiên định của Ngài để kiếm tìm chúng ta trong tình trạng đi lạc của mỗi người; dẫu mỗi người lạc mỗi cách, mỗi kiểu khác nhau. Đây không phải là một Thiên Chúa ngồi yên để phán xét và nổi giận nhưng là một Thiên Chúa đứng lên, nôn nả ra đi, cất công kiếm tìm; Ngài mặc lấy phận người sa ngã của chúng ta, chịu đựng mọi khổ đau, xông xáo đến tận núi Sọ để tìm kiếm mỗi người, hầu chúng ta được ‘vác trên vai, đem về nhà’.

Thông thường, chúng ta có thể rơi vào cạm bẫy khi nghĩ rằng, tôi phải tìm đường trở lại với Chúa bằng nỗ lực của riêng tôi; nhưng sự thật là, Thiên Chúa vẫn luôn ngược chiều; Ngài hối hả giữa đường đời, dõi mắt, dang tay chờ đón mỗi người. Nhiệm vụ của chúng ta là đầu phục bàn tay nhân từ của Ngài và ngừng chạy. “Hãy lặng yên!”, hầu Ngài có thể băng bó, chăm sóc chúng ta. Nỗ lực chủ yếu là chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa, và một khi đã phó mình trong bàn tay dịu dàng của Ngài, chúng ta sẽ được Ngài ‘vác trên vai, đem về nhà’.

Trong thư Rôma hôm nay, Phaolô nói, “Chúng ta sống, là sống cho Chúa; chết, là chết cho Chúa”. Chúa Giêsu muốn chúng ta sống và chết cho Thiên Chúa chứ không sống và chết cho tội lỗi. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu nhất mực bỏ công tìm kiếm từng người, ‘vác trên vai, đem về nhà’. Ở bên Ngài, chúng ta ở trên đất kẻ sống! Thật ý nghĩa với tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Tôi vững vàng tin tưởng, sẽ được thấy ân lộc Chúa ban, trong cõi đất dành cho kẻ sống!”.

Anh Chị em,

Khi được hỏi, tên Thiên Chúa là gì? Yahweh, Jehovah hay một tên nào khác, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Thương Xót!”. Đúng thế, mỗi người là duy nhất trong mắt Ngài, là con ngươi mắt Ngài. Dù dân số thế giới có nhân lên gấp đôi, gấp ba… mỗi người vẫn là một kiệt tác độc nhất đối với Ngài. Vì thế, mặc cho chúng ta có là gì đi nữa, Thiên Chúa vẫn đi kiếm tìm; và một khi tìm thấy, Ngài vui mừng ‘vác trên vai, đem về nhà’ và đãi tiệc; cả triều thần thánh trên trời bắn pháo hoa ăn mừng! “Hãy lặng yên!”, chúng ta ngước nhìn Chúa với lòng tin tưởng tuyệt đối vào bàn tay nhân lành của Ngài, ngay hôm nay, trong thời gian khốn khó nhất của đất nước, của gia đình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa là Mục Tử Nhân Lành, xin cho con đủ tin tưởng Ngài để ngừng trốn chạy khỏi thánh nhan. Xin hãy đến bên con, dang tay nắm lấy con, ‘vác trên vai, đem về nhà!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tái khẳng định sự ủng hộ của Tòa thánh đối với chính phủ Armenia
Đặng Tự Do
06:13 03/11/2021


Việc mở Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Armenia sẽ trở thành một biểu tượng xây dựng những nhịp cầu trong khu vực và mở ra những con đường mới cho một nền hòa bình công chính và lâu dài cho Armenia và cộng đồng quốc tế nói chung, Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã đưa ra lập trường trên trong cuộc họp báo chung với ông Ararat Mirzoyan, Bộ trưởng Ngoại giao Armenia, tại Yerevan.

Đức Cha Edgar Peña Parra cho biết chuyến thăm chính thức của ngài tới Armenia và cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Armenia nhằm tái khẳng định mối quan hệ hợp tác và hữu nghị luôn tồn tại giữa Armenia và Tòa thánh.

Ngài nói: “Tôi mang theo lời chào của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã có những kỷ niệm tươi sáng từ chuyến thăm Armenia vào năm 2016 và cuộc gặp gần đây với Tổng thống Sarkissian và Đức Thượng Phụ Garegin II của Toàn Armenia”.

Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra cho biết mục đích chính trong chuyến thăm của ngài là khánh thành Tòa Sứ thần Tòa thánh tại Armenia. Nhân dịp này, ngài bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Tổng thống Armenia và chính phủ đã thúc giục Tòa thánh mở cơ quan đại diện ngoại giao tại Armenia qua trung gian là Đại sứ Karen Nazaryan.

“Mặc dù thiếu nguồn lực và nhân viên, chương trình đã trở thành hiện thực trong vòng vài tháng, bởi vì tất cả chúng ta đều tin tưởng vào điều đó. Tôi tin chắc rằng Tòa Sứ thần Tòa Thánh này sẽ là biểu tượng xây dựng những nhịp cầu trong khu vực, tạo cơ hội tiếp xúc và mở ra những con đường mới cho hòa bình công chính và lâu dài cho Armenia và cộng đồng quốc tế nói chung.”

Ngài bày tỏ tin tưởng rằng sự hiện diện thể lý của Tòa Sứ thần Tòa Thánh chắc chắn sẽ hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề tiềm ẩn và tìm ra các giải pháp đầy đủ với các phương tiện pháp lý thích hợp.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Sự kiện hôm nay cũng thể hiện sự tôn trọng mà người kế vị Thánh Phêrô và Giáo Hội Công Giáo dành cho vùng đất cao quý này, nơi đầu tiên đón nhận đức tin Kitô”.

Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra cũng nói về mối quan hệ hữu nghị giữa Tòa thánh và Tòa Etchmiadzin, nêu rõ hai Giáo Hội cam kết tiếp tục công việc vì lợi ích chung.

Để kết luận, Đức Cha Edgar Peña Parra tái khẳng định sự ủng hộ của Tòa thánh đối với các vấn đề trong chương trình nghị sự của chính phủ Armenia và cộng đồng quốc tế, nhằm mục tiêu hòa bình và giải trừ quân bị, nhân quyền, phát triển con người và văn hóa, bảo vệ các quyền tự do tôn giáo và môi trường.

Ngài nói: “Tôi cầu nguyện xin cùng Chúa với hy vọng rằng cả đất nước Armenia sẽ được hưởng một nền hòa bình lâu dài và tiến bộ xã hội thực sự, tiếp tục truyền thống Kitô được kế thừa từ tổ tiên của các bạn trong nhiều thế kỷ qua”.
Source:AmerPress
 
Các giám mục của Canada hy vọng chuyến thăm của Giáo hoàng sẽ hỗ trợ hòa giải và hàn gắn
Đặng Tự Do
06:14 03/11/2021


Các nhà lãnh đạo Công Giáo, dân sự và bộ tộc trên khắp Canada đã phản ứng với nhiều cảm xúc lẫn lộn trước thông tin rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ có chuyến tông du tới Canada trong tương lai.

“Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada đã mời Đức Thánh Cha thực hiện một chuyến tông du đến Canada, trong bối cảnh của tiến trình mục vụ lâu dài là hòa giải với các dân tộc bản địa,” một tuyên bố từ Vatican ngày 27 tháng 10 cho biết “Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự sẵn sàng đến thăm đất nước vào một ngày nào đó để các vấn đề được giải quyết thỏa đáng”.

Một thông cáo báo chí từ Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada, gọi tắt là CCCB, sau thông báo này cho biết các giám mục “biết ơn” khi biết rằng lời mời của các ngài đã được chấp nhận.

Chủ tịch CCCB là Đức Cha Raymond Poisson, Giám Mục của Saint-Jérôme và Mont- Laurier nói:

“Chúng tôi cầu nguyện để chuyến thăm Canada của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là một cột mốc quan trọng trong hành trình hướng tới hòa giải và hàn gắn.”

Tin tức về lời mời được chấp nhận được đưa ra khoảng sáu tuần trước khi một nhóm người Canada bản địa sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican. Phái đoàn sẽ ở Rôma từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 12 năm 2021.

Ngoài lời xin lỗi, các nhà lãnh đạo Bản địa có kế hoạch yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiết lộ tất cả các hồ sơ liên quan đến các trường học dân cư và trả lại bất kỳ vật phẩm bản địa nào từ Canada mà Vatican có thể sở hữu trong kho lưu trữ của mình.

“Chúng tôi sẽ mời phái đoàn gồm những người bản địa sống sót, những người cao tuổi, những người gìn giữ tri thức và thanh niên gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô để mở lòng với Đức Thánh Cha và chia sẻ cả những đau khổ cũng như hy vọng và mong muốn của họ về chuyến thăm của ngài tới Canada”, Đức Cha Poisson nói thêm.

Ý tưởng về một chuyến thăm mục vụ đến Canada đã được thảo luận trong nhiều tháng, và CCCB gần đây đã cam kết “làm việc với Tòa thánh và các đối tác Bản địa về khả năng Đức Giáo Hoàng sẽ có chuyến thăm mục vụ tới Canada.”

“Sau khi cam kết này được thông báo sau ba năm đối thoại đang diễn ra giữa các Giám mục Canada, Tòa thánh và Người bản địa, Chủ tịch và cựu Chủ tịch CCCB đã gặp Ngoại trưởng Tòa thánh tại Rôma để thảo luận về các bước tiếp theo trên hành trình hòa giải vào đầu tháng này và để chuẩn bị cho phái đoàn”, các giám mục nói.

Chuyến thăm cuối cùng của Giáo hoàng tới Canada là vào năm 2002.

Bộ trưởng Bộ Quan Hệ Giữa Chính Quyền Và Người Bản Địa mới được bổ nhiệm Marc Miller bày tỏ hy vọng hôm thứ Tư rằng chuyến thăm này sẽ mang lại sự chữa lành cho những người bị tổn thương.

Miller, người tự mô tả mình “không phải là một người Công Giáo,” nói rằng “trong kế hoạch lớn về cái mà chúng ta gọi là hòa giải, tôi nghĩ, đối với những người bản địa, việc nhận thức đầy đủ về những tổn hại gây ra là điều đã được chờ đợi từ lâu.”

Năm 2017, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, một người Công Giáo, đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra lời xin lỗi về vai trò của Giáo hội đối với hệ thống trường dành cho người bản địa của Canada. Giáo hoàng từ chối đưa ra lời xin lỗi, nhưng đã nhiều lần bày tỏ “nỗi buồn” trước những hành động tàn bạo khác nhau xảy ra tại các trường học do Giáo hội quản lý.

Từ các tài liệu của CCCB, đây là những điều người Công Giáo nên biết:

Thứ nhất: Chính sách buộc các trẻ em thổ dân da đỏ theo học tại các trường nội trú nhằm mục đích hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách của chính phủ Canada, không phải của Giáo Hội Công Giáo. Tất cả 130 trường nội trú đều là do chính phủ Canada dựng lên. Các phái bộ truyền giáo tham gia điều hành các trường nội trú này là vì thấy ở đây cơ hội truyền giáo.

Thứ hai: Ngày nay, người ta nói rằng chính sách hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách diệt chủng văn hóa. Cho mãi đến thập niên 1990, nhà cầm quyền Canada và xã hội nói chung không nghĩ như thế, mà đơn thuần chỉ nghĩ rằng chính sách này mang lại ánh sáng văn minh, và một cuộc sống khả quan hơn người bản địa.

Thứ ba: Sau khi giao phó các trường nội trú cho các tôn giáo điều hành, chính phủ đã cung cấp một kinh phí hạn hẹp. Điều này cộng hưởng với nỗi buồn phải xa nhà, tình trạng y tế khó khăn ở các vùng xa xôi đã khiến một số trẻ em thiệt mạng vì bệnh tật. Tuy nhiên, nhiều tác giả cho rằng tỷ lệ tử vong của các em sống trong các bộ lạc còn cao hơn rất nhiều so với các trường nội trú.

Thứ tư: Những ngôi mộ vô danh này là những ngôi mộ cá nhân, không phải các mồ chôn tập thể như báo chí cố ý xuyên tạc; và các học sinh này qua đời trong nhiều thập niên, chứ không phải cùng một lúc.

Giọng điệu của nhiều phương tiện truyền thông trong những ngày này thể hiện tâm tình bài Công Giáo mà họ đã ấp ủ từ lâu.


Source:Catholic News Agency
 
Giáo phận Canada yêu cầu Tiêm vắc xin COVID-19 để tham dự thánh lễ
Đặng Tự Do
06:14 03/11/2021


Một giáo phận Công Giáo ở Canada đang yêu cầu bằng chứng về việc tiêm chủng và xác minh danh tính đối với bất kỳ tín hữu nào từ 12 tuổi muốn tham dự các Thánh lễ hoặc các sự kiện khác được tổ chức tại các giáo xứ.

“Có hiệu lực từ ngày 22 tháng 10 năm 2021, tất cả những người từ 12 tuổi trở lên muốn tham dự Thánh lễ hoặc các cử hành trong nhà thờ của chúng ta sẽ bắt buộc phải chứng minh bằng chứng đã tiêm chủng bằng cách sử dụng Hộ chiếu tiêm chủng: NLVaxPass hoặc bằng cách xuất trình bằng chứng đã tiêm chủng bằng cách xuất trình mã QR của họ trước khi vào các nhà thờ của chúng ta,” lá thư ngày 15 tháng 10 từ Đức Cha Robert Anthony Daniels Giám Mục Grand Falls cho các linh mục và lãnh đạo mục vụ của giáo phận.

Giáo phận Grand Falls nằm ở tỉnh Newfoundland và Labrador. Lãnh thổ của nó là khoảng một nửa đảo Newfoundland.

Tỉnh đã ban hành hệ thống hộ chiếu vắc-xin của mình vào ngày 22 tháng 10, yêu cầu người dân tải xuống ứng dụng và xuất trình bằng chứng về việc tiêm chủng để vào “các doanh nghiệp không thiết yếu”.

Những ngôi nhà thờ, cùng với các phòng tập yoga, tiệm làm tóc, sân chơi bowling, tiệc cưới, nhà hàng trong nhà, phòng chơi lô tô, quán bar và sân chơi khúc côn cầu đều là những địa điểm cần phải có bằng chứng về việc tiêm phòng.

Giáo phận cho biết những ai mới bước sang tuổi 12 sẽ có “thời gian ân hạn” ba tháng để nhận vắc-xin COVID-19 trước khi phải tuân theo hệ thống hộ chiếu vắc-xin tại các nhà thờ.

Theo lá thư của Giám mục Daniels, những người muốn tham dự Thánh lễ trong giáo phận phải tải xuống ứng dụng NLVaxPass, hoặc in ra một bản sao của mã QR vắc-xin của họ để hiển thị cho người mở cửa trước khi họ có thể vào nhà thờ. Một ứng dụng khác, NLVaxVerify, sẽ được sử dụng bởi những người mở cửa, những người chào hỏi hoặc những người tình nguyện khác để xác minh tình trạng tiêm chủng khi vào nhà thờ.

Khi tình trạng tiêm chủng được xác minh, anh chị em còn phải xuất trình thẻ căn cước để tham dự Thánh lễ. Đối với bất kỳ ai từ 19 tuổi trở lên, đây phải là giấy tờ tùy thân có ảnh.

Đức Cha Daniels cho biết: “Tên trên giấy tờ tùy thân phải khớp với tên trên mã QR, Hồ sơ Tiêm chủng COVID-19 hoặc hình thức chứng minh tiêm chủng khác. Nếu tên và ngày sinh không trùng khớp, người mở cửa sẽ được hướng dẫn yêu cầu thêm một thẻ căn cước”.

Đức Cha Daniels cho biết ngài đã yêu cầu Bộ Y tế và Dịch vụ Cộng đồng của tỉnh “xác minh rằng bước này là cần thiết hay không”.

Ngài lưu ý rằng trong một số trường hợp “sẽ là gánh nặng cho những người tham dự thánh lễ phải cung cấp các bằng chứng”, các nhà thờ có thể cho phép vào bên trong với những hạn chế “vì lý do mục vụ”. Ngài lưu ý, ví dụ về những tình huống này bao gồm đám tang và đám cưới.

Bất chấp việc thực hiện giấy thông hành vắc xin, sức chứa tại các Thánh lễ ở Giáo phận Grand Falls vẫn bị giới hạn ở mức 50%, ca hát trong cộng đoàn bị cấm, các giáo sĩ và giáo dân phải luôn đeo khẩu trang y tế, bắt buộc phải giữ khoảng cách và tất cả những ai vào nhà thờ phải ghi thông tin của họ để liên hệ nếu cần.

Đức Cha Daniels cho biết, những hạn chế này sẽ được dỡ bỏ “đối với những giáo xứ, và nhà thờ tuân thủ Quy định về Hộ chiếu Tiêm chủng.” Ngài nói thêm rằng bộ y tế “đã bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta sẽ được thông báo kịp thời để thực hiện những thay đổi trong giáo xứ của chúng ta.”

Để đẩy nhanh quá trình xác minh tình trạng tiêm chủng trước Thánh lễ, văn phòng giáo xứ có thể lưu hồ sơ về những người đã tiêm chủng. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể được thực hiện khi có sự đồng ý của mỗi người.

Ngay sau khi có các giới hạn nghiêm nhặt này, các nhà thờ đã vắng hoe trong thánh lễ ngày Chúa Nhật 24 tháng 10.
Source:National Catholic Register
 
Bài Giáo lý Hàng tuần của Đức Phanxicô: Thư gửi tín hữu Galát: Bước đi theo Thần Khí
Vũ Văn An
13:56 03/11/2021


Theo VaticanNews, tại Hội trường Phaolô VI trong nội thành Vatican, trong buổi yết kiến chung Thứ tư, ngày 3 tháng 10 năm 2021, tại Đại sảnh Phaolô VI, Đức Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Lần này ngài tập chú vào khía cạnh Bước theo Thần Khí. Chúng tôi xin dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp để chuyển bài giáo lý của ngài sang tiếng Việt:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong đoạn Thư gửi tín hữu Galát mà chúng ta vừa nghe, Thánh Phaolô khuyên các Kitô hữu hãy bước đi theo Thần Khí (x. 5:16, 25), đó là một phong cách: bước đi theo Thần Khí. Thật vậy, tin vào Chúa Giêsu có nghĩa là đi theo Người, đi sau Người trên con đường của Người, giống như các môn đệ đầu tiên đã làm. Và đồng thời, nó có nghĩa là tránh theo cách ngược lại, cách của chủ nghĩa vị kỷ, tìm kiếm lợi ích của chính mình, mà Thánh Tông đồ gọi là “ham muốn của xác thịt” (câu 16). Chúa Thánh Thần là người hướng dẫn cho cuộc hành trình này theo con đường của Chúa Kitô, một cuộc hành trình kỳ diệu nhưng đầy khó khăn bắt đầu trong Bí tích Rửa tội và kéo dài suốt cuộc đời của chúng ta. Chúng ta có thể nghĩ về nó như một chuyến du ngoạn dài ngày trên những đỉnh núi cao: ngoạn mục, đích đến hấp dẫn, nhưng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và sự ngoan cường.

Hình ảnh trên có thể hữu ích để hiểu giá trị của các lời lẽ của Thánh Tông đồ “bước đi theo Thần Khí”, “để mình được Người hướng dẫn”. Chúng là những biểu thức chỉ một hành động, một chuyển động, một sự năng động ngăn cản chúng ta dừng lại ở những khó khăn đầu tiên, nhưng khơi gợi niềm tin vào “sức mạnh phát xuất từ trên cao” (Shepherd of Hermas, 43, 21). Bước đi theo con đường này, Kitô hữu có được một tầm nhìn tích cực về cuộc sống. Điều này không có nghĩa là cái ác hiện diện trên thế giới biến đi, hay những xung lực tiêu cực của chủ nghĩa vị kỷ và lòng kiêu hãnh của chúng ta giảm đi. Đúng hơn, nó có nghĩa là niềm tin vào Thiên Chúa luôn mạnh hơn sự phản kháng của chúng ta và lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Và điều này rất quan trọng: luôn luôn tin rằng Thiên Chúa vĩ đại hơn. Vĩ đại hơn sự kháng cự của chúng ta, vĩ đại hơn tội lỗi của chúng ta.

Khi khuyến khích người Galát đi theo con đường này, Thánh Tông đồ đặt mình ngang hàng với họ. Ngài bỏ động từ mệnh lệnh - “hãy bước đi” (câu 16) - và dùng chữ “chúng ta” theo lối xác định: “chúng ta hãy bước đi theo Chúa Thánh Thần” (câu 25). Điều đó có nghĩa là: chúng ta hãy bước theo cùng một con đường và chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta. Đó là một lời hô hào, một cách hô hào. Thánh Phaolô cảm thấy lời hô hào này cũng cần thiết cho chính ngài nữa. Dù biết rằng Chúa Kitô đang sống trong ngài (xem 2:20), nhưng ngài cũng tin chắc rằng ngài vẫn chưa đạt được mục tiêu là đỉnh núi (xem Pl 3:12). Thánh Tông đồ không đặt ngài lên trên cộng đồng của ngài. Ngài không nói: “Tôi là người lãnh đạo; anh chị em là những người khác; tôi đã từ trên núi cao xuống còn anh chị em thì đang trên đường đi tới đó”. Ngài không nói điều này, nhưng đặt mình vào giữa cuộc hành trình mà mọi người đang đi để làm gương cụ thể về mức độ cần thiết phải vâng lời Thiên Chúa, tương ứng ngày càng tốt hơn với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Và quả thật đẹp biết bao khi chúng ta tìm thấy những mục tử chịu hành trình với giáo dân của họ, những người không biết mệt mỏi - “Không, tôi quan trọng hơn, tôi là một mục tử. Anh chị em là… ”,“ Tôi là một linh mục ”,“ Tôi là một giám mục ”, với những cái mũi hểnh lên không khí. Không: các mục tử hành trình với dân chúng. Điều này rất đẹp. Nó làm cho linh hồn nên tốt lành.

Việc “bước đi theo Thần Khí” này không chỉ là một nhiệm vụ cá nhân: nó cũng liên quan đến cộng đồng nói chung. Thực thế, việc xây dựng cộng đồng theo cách được Thánh Tông đồ chỉ ra quả là một điều thú vị, nhưng cũng đòi hỏi nhiều sự cố gắng. Chúng ta có thể nói “những ham muốn của xác thịt”, “những cám dỗ” mà tất cả chúng ta đều có - nghĩa là, những ghen tị, thành kiến, đạo đức giả và sự thù ghét của chúng ta cứ tiếp tục làm cho chúng được cảm thấy - và phải nhờ đến một bộ giới luật cứng ngắc, tất cả đều có thể là một cám dỗ dễ dàng. Nhưng làm điều này có nghĩa là đi lạc khỏi con đường tự do, và thay vì leo lên đỉnh cao, nó có nghĩa là quay trở lại phía dưới. Trước hết, hành trình theo con đường của Thần Khí đòi hỏi phải dành chỗ cho ân sủng và đức ái. Là dành chỗ cho ân sủng của Thiên Chúa. Đừng sợ. Sau khi đã làm cho tiếng nói của ngài được lắng nghe một cách nghiêm khắc, Thánh Phaolô mời tín hữu Galát chịu đựng khó khăn của nhau, và nếu ai đó phạm sai lầm, hãy sử dụng sự dịu dàng (xem 5:22) mà đối xử với họ. Chúng ta hãy lắng nghe các lời lẽ của ngài: “Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy, như vậy là anh em chu toàn luật Chúa Kitô; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ. Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, và như thế chu toàn lề luật của Chúa Kitô” (6: 1-2). Khá khác so với lời tán dóc, ngồi lê đôi mách, như khi chúng ta thấy điều gì đó và chúng ta nói sau lưng mọi người về nó, đúng không? Bàn tán về người hàng xóm của chúng ta. Không, đấy không phải là theo Thần Khí. Theo Thần Khí là phải dịu dàng với anh chị em khi chỉnh sửa họ và giữ gìn bản thân để đừng rơi vào những tội lỗi đó, nghĩa là phải khiêm nhường.

Trên thực tế, khi bị cám dỗ muốn đánh giá không tốt về người khác, như vẫn diễn ra, chúng ta phải suy nghĩ lại về điểm yếu của chính mình. Chỉ trích người khác dễ dàng xiết bao! Nhưng có những người dường như thích nói những câu chuyện bàn tán. Ngày nào họ cũng chỉ trích người khác. Hãy nhìn lại chính mình! Thật tốt khi tự hỏi điều gì thúc đẩy chúng ta chỉnh sửa anh / chị / em, và há chúng ta không phải là người cùng chịu trách nhiệm về các lỗi lầm của họ đó sao. Ngoài việc ban cho chúng ta ơn dịu dàng, Chúa Thánh Thần còn mời gọi chúng ta liên đới với nhau, mang gánh nặng của người khác. Đời người có bao nhiêu gánh nặng: bệnh tật, thiếu việc làm, cô đơn, đau đớn…! Và biết bao thử thách khác đòi hỏi sự gần gũi và yêu thương của anh chị em chúng ta! Những lời của Thánh Augustinô khi bình luận về đoạn văn này cũng có thể hữu ích cho chúng ta: “Vì vậy, thưa anh chị em, bất cứ khi nào ai đó mắc phải một lỗi nào đó, […] hãy chỉnh sửa người ấy theo cách này, diụ dàng, dịu dàng. Và nếu anh chị em la mắng, hãy có tình yêu thương bên trong đó. Nếu anh chị em khích lệ, nếu anh chị em tỏ mình như một người cha, nếu anh chị em khiển trách, nếu anh chị em nghiêm khắc, hãy yêu thương” (Diễn Văn 163 / B 3). Hãy luôn luôn yêu thương. Quy tắc tối cao liên quan đến việc chỉnh sửa bằng tình huynh đệ là tình yêu thương: muốn điều tốt lành cho anh chị em của chúng ta. Cũng cần nhiều thời gian để bao dung những vấn đề của người khác, những thiếu sót của người khác trong im lặng cầu nguyện, để tìm ra cách thích hợp giúp họ sửa chữa bản thân. Và điều này không hề dễ dàng. Con đường dễ dàng nhất là bàn tán hành tỏi. Nói sau lưng người khác như thể tôi là người hoàn hảo. Và điều đó ta không nên làm. Phải dịu dàng. Kiên nhẫn. Cầu nguyện. Gần gũi.

Chúng ta hãy bước đi với niềm vui và sự kiên nhẫn trên con đường này, để chúng ta được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Cảm ơn anh chị em.
 
Vatican nhắc lại những lời lên án của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với ý thức hệ giới tính trong lá thư gửi hiệp hội ủng hộ sự sống
Đặng Tự Do
16:37 03/11/2021


Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican, gọi tắt là CDF, đã nhắc lại những tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô về ý thức hệ giới tính trong một bức thư gửi cho một hiệp hội ủng hộ sự sống ở Ý.

Bức thư đề ngày 1 tháng 10 được công khai ngay trước khi Thượng viện Ý chặn một dự luật gây tranh cãi được gọi là “Ddl Zan” nhằm “chống kỳ thị người đồng tính”, trong một cuộc bỏ phiếu đáng ngạc nhiên với 131 phiếu thuận và 154 phiếu chống, vào ngày 27 tháng 10.

Bức thư là phản hồi của CDF đối với yêu cầu làm rõ về cách các chính trị gia Công Giáo nên phản ứng với những luật pháp trái ngược với giáo huấn Công Giáo, đặc biệt là ý thức hệ về giới tính.

Lá thư của CDF đã chỉ ra những chỉ trích rõ ràng của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với ý thức hệ giới tính, được đưa ra trong một số tuyên bố trong suôt triều giáo hoàng của ngài, và lưu ý rằng các nhà lập pháp Công Giáo phải phản đối các luật không phù hợp với giáo huấn Công Giáo, như được quy định trong tài liệu CDF năm 2002 về người Công Giáo trong đời sống chính trị.

CDF đã đưa ra những tuyên bố này với hiệp hội Pro Vita & Famiglia, được thành lập để thúc đẩy các chính sách vì cuộc sống và gia đình ở Ý.

Vào tháng 7, hiệp hội đã gửi cho Đức Hồng Y Luis Ladaria, tổng trưởng CDF một bức thư dài trình bày chi tiết những nỗ lực đưa ý thức hệ giới tính vào luật pháp Ý thông qua một dự luật mang tên một thành viên quốc hội là ông Alessandro Zan. Dự luật đề xuất hình sự hóa các hành vi “phân biệt đối xử hoặc bạo lực” dựa trên giới tính, và khuynh hướng tình dục.

Tòa thánh đã bày tỏ quan ngại về dự luật này. Vào tháng 6, Tòa thánh đã chuyển một văn bản ghi âm cho chính phủ Ý nói rằng luật có thể gây nguy hiểm cho hiệp ước Tòa thánh và Ý.

Trong lá thư của mình, Pro Vita & Famiglia lưu ý rằng luật “chống kỳ thị người đồng tính” đã được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới.

Hiệp hội nhấn mạnh rằng “các biện pháp chống phân biệt đối xử để chống lại chứng sợ đồng tính luyến ái làm nổi bật các vấn đề ảnh hưởng đến việc giảng dạy và nhân học Công Giáo,” vì chúng “ngụ ý hoặc thậm chí áp đặt một cái nhìn chủ quan, linh hoạt và không nhị phân về tình dục,” trái ngược với “đạo đức tự nhiên, Kitô Giáo và nhân học Kinh thánh”.

Theo hiệp hội, các dự luật nhằm mục đích “thiết kế lại hoàn toàn bản sắc tình dục, bằng cách tách bản sắc giới tính khỏi giới tính sinh học.”

Pro Vita & Famiglia nhấn mạnh rằng dự luật “Ddl Zan” “không chỉ giả định” ý thức hệ về giới là đúng mà còn “áp đặt nó về mặt văn hóa” khi nó đề xuất thành lập “Ngày quốc gia chống kỳ thị đồng tính, và chứng sợ chuyển giới”. Vào ngày đó, dự luật đòi “các buổi lễ, cuộc họp và mọi sáng kiến hữu ích khác” phải được tổ chức ở mọi trường học.

Bức thư cũng đề cập đến những lo ngại về tự do tôn giáo. Pro Vita & Famiglia lưu ý rằng “các linh mục và mục sư đã bị đàn áp” trong đó “một dự luật tương tự như dự luật Zan đã được thông qua”, đề cập đến việc bắt giữ mục sư John Sherwood ở Anh vì những tuyên bố về kỳ thị đồng tính và cuộc điều tra đối với Tổng Giám Mục Fernando Sebastián Aguilar ở Tây Ban Nha vì ngài bị cáo buộc kỳ thị người đồng tính, sau khi ngài trả lời một cuộc phỏng vấn về tình dục và sinh sản.
Source:Catholic News Agency
 
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng XI: Cầu cho những người bị trầm cảm
Thanh Quảng sdb
19:35 03/11/2021
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng XI: Cầu cho những người bị trầm cảm

Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ý cầu nguyện tháng 11, và mời gọi mọi người hãy cầu nguyện và nâng đỡ những người bị yếu liệt và trầm cảm.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Đức Thánh Cha Phanxicô nói chúng ta hãy cầu nguyện “cho những người mà qua năm tháng đã hết sức làm việc, lao lực căng thẳng đến kiệt sức - kiệt quệ về tinh thần, tình cảm và thể chất.”

Ý cầu nguyện của ĐTC đã được phát hành trong Video do Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu theo ý của ĐTC thực hiện.

Sứ điệp

Đức Thánh Cha nói: “Sau những năm tháng cố gắng, giờ đây những người lớn tuổi phải đối diện với sầu buồn cô đơn, thờ ơ và mệt mỏi tinh thần cũng như thể lý của thân phận con người”.

Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người hãy lưu tâm tới họ, trao cho họ niềm vui và hy vọn bằng chính cuộc sống sẻ chia của chúng ta.

Lời an ủi của Chúa Giêsu

ĐTC nói những “tư vấn tâm lý không thể thiếu”, nhưng hãy nhớ lời của Chúa Giêsu: “Hỡi tất cả những ai khó nhọc, hãy đến với tôi, và tôi sẽ cho được nghỉ ngơi.”

Với lời khuyên đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc thông điệp video về ý cầu nguyện.

ĐTC cầu nguyện: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người bị trầm cảm hoặc kiệt sức tìm thấy sự hỗ trợ và ánh sáng cho cuộc sống họ.”

Lựa chọn cuộc sống khi đối diện với căn bệnh trầm cảm

ĐTC cùng với Thánh bộ về Sức khỏe Tâm linh Công Giáo, một tổ chức hỗ trợ tinh thần cho những người mắc bệnh tâm thần.

Theo một thông cáo báo chí trong video thì cứ 10 người thì có 1 người bị chứng rối loạn sức khỏe tâm thần; cả thế giới có khoảng 792 triệu người mắc chúng bệnh trầm cảm hay khoảng 11% dân số.

Nhiều khi trầm cảm có thể dẫn đến tự tử, nếu không được điều trị hoặc theo dõi. Khoảng 700.000 người tự tử hàng năm, khiến nó trở thành con số tử vong cao thứ tư ở những người tuổi từ 15 đến 29 tuổi.

Khó khăn liên quan đến sinh động

Thêm vào đó đại dịch Covid-19 và những hạn chế liên quan đến cuộc sống hàng ngày càng khiến nhiều người lâm vào bệnh tất trầm trọng về tinh thần lẫn cảm xúc…
 
Ma quỷ đã biến một người Công Giáo thành kẻ phá hoại nhà thờ. Tuyên bố của Cảnh sát Denver
Đặng Tự Do
22:11 03/11/2021


Hôm 2/11 Lễ Các Đẳng Linh Hồn, Cảnh sát Khu Trung Tâm Denver thông báo rằng họ đã xác định được người bị cáo buộc phá hoại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội vào ngày 10 tháng 10. Cô ta tên là Madeline Ann Cramer, 26 tuổi, người ủng hộ quyền phá thai.

Cramer đã dùng sơn xịt màu đỏ để phá hoại nhà thờ chính tòa của Denver với các khẩu hiệu chống Công Giáo.

Các bức ảnh được chia sẻ bởi các phóng viên tin tức địa phương cho thấy các khẩu hiệu như “Satan sống ở đây”, “Những người theo chủ nghĩa siêu đẳng da trắng” và “Kẻ hiếp dâm trẻ em, LOL” – LOL là chữ viết tắt cho laugh of loud, nghĩa là tức cười quá, cũng như những hình chữ thập ngoặc, được viết bằng sơn phun màu đỏ tươi ở bên ngoài ngôi thánh đường, vỉa hè, và trên chân tượng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Các bức vẽ nghuệch ngoạc sau đó đã được xóa sạch với sự giúp đỡ của các giáo dân và các tình nguyện viên khác. Linh mục Sam Morehead, Cha Sở nhà thờ, cho CNA biết ngay sau khi vụ việc xảy ra, sơn đã bị loại bỏ khỏi cửa chính.

Cha Morehead cho biết vào ngày 11 tháng 10 rằng kẻ tấn công dường như có một số “vết thương cá nhân sâu sắc và bất bình” chống lại Chúa và Giáo hội.

Người phát ngôn của Tổng giáo phận Denver, Mark Haas, cho biết kể từ tháng 2 năm 2020, ít nhất 25 giáo xứ hoặc địa điểm mục vụ ở miền bắc Colorado đã là mục tiêu của các hoạt động phá hoại, hủy hoại tài sản hoặc trộm cắp.

“Thật đáng lo ngại khi thấy các báo cáo ngày càng gia tăng về các vụ phá hoại tại các nhà thờ Công Giáo, trên toàn quận và trong tổng giáo phận của chúng tôi, và chắc chắn là không may khi các giáo xứ của chúng tôi bị nhắm mục tiêu chỉ vì niềm tin của chúng tôi,” anh Haas nói trong một tuyên bố với CNA.

“Chúng tôi tiếp tục cầu nguyện cho sự hoán cải của những người thực hiện hành vi xúc phạm nhà thờ, các bức tượng và biểu tượng tôn giáo của chúng tôi.”

Nhà thờ cũng bị hư hại vào giữa năm 2020 trong bối cảnh các cuộc biểu tình phân biệt chủng tộc ở trung tâm thành phố Denver. Nhà xứ và nhà thờ bị phun sơn với các khẩu hiệu “Pedofiles” [sic], “Chúa đã chết”, “Không có Chúa”, cùng với các cụm từ và biểu tượng chống cảnh sát, vô chính phủ và chống tôn giáo.

Trong một video ngày 2 tháng 10, Cramer nói, “Tôi được nuôi dạy là người Công Giáo, tôi đã được rửa tội… tại nhà thờ Thánh Frances Cabrini ở Littleton, Colorado,” nhưng “chưa bao giờ cảm thấy Giáo Hội Công Giáo là đúng.”

Y thị cho biết gần đây cô ta đã truy cập trang web của giáo xứ Thánh France Cabrini “và thấy rằng họ đang tích cực hỗ trợ chống phá thai trên khắp đất nước.”

Cramer buộc tội rằng Giáo hội “ghét những người phụ nữ, họ muốn kiểm soát phụ nữ, họ muốn bịt miệng phụ nữ.” Cô ấy kết luận video của mình rằng: “Vì vậy, hãy dừng lại, hãy thành thật mà nói rằng bạn không tràn đầy tình yêu dành cho Chúa, cho đứa bé, cho người phụ nữ. Bạn tràn ngập sự căm ghét và bạn biết điều đó và chúng tôi biết điều đó”.

Phó tế Chet Ubowski tại St. Frances Cabrini ở Littleton xác nhận với CNA rằng Cramer là người phụ nữ đã đến gần bàn thờ trong Thánh lễ tại nhà thờ ngày 10 tháng 10, chỉ vài giờ sau khi cô phá hoại nhà thờ. Trong quá trình nói chuyện với vị chủ tế, cô ta tự nhận mình là một người theo satan.

Phó tế Ubowski cũng nói rằng “không ai trong số các nhân viên hiện tại biết cô ấy... Chúng tôi đã hỏi các nhân viên mục vụ về thanh niên xem họ có bất kỳ hồi ức nào về cô ấy và họ đã trả lời là không.”

“Nhưng tất cả chúng tôi đều có cô ấy trong lời cầu nguyện của chúng tôi,” anh ấy nói thêm.

Cramer bị buộc tội vào năm 2020 với tội cản trở cảnh sát và bị kết án một năm quản chế và 48 giờ phục vụ cộng đồng. Các tổ chức ngăn chặn tội phạm ở Denver đang cung cấp 2,000 Mỹ Kim cho thông tin về nơi ở của cô ấy hoặc sự cố phá hoại.

Cảnh sát Denver cho biết y thị đang lẩn trốn và có khả năng phá hoại thêm nhiều nhà thờ khác. Nếu ai có thông tin, xin liên lạc qua số 720-913-7867. Những thông tin dẫn đến việc bắt giữ y thị sẽ được thưởng 2,000 Mỹ Kim.
Source:Catholic News Agency
 
Phép lạ được Giáo Hội công nhận: Cô bé cứu cha khỏi luyện ngục
Đặng Tự Do
22:12 03/11/2021


Cha Mark Goring của giáo xứ Đức Bà ở Ottawa, Canada đã đăng một video giải thích thị kiến siêu nhiên của một bé gái trong Thánh lễ: cô bé đã nhìn thấy cha mình trong luyện ngục!

Cha Goring nhấn mạnh rằng câu chuyện này “chỉ ra thực trạng của luyện ngục và ích lợi của việc dâng thánh lễ cho những người đã chết”.

Vị linh mục người Canada đã giới thiệu cuốn sách “Những điều kỳ diệu của Thánh Thể trên thế giới”, trong đó mô tả kinh nghiệm của một đứa trẻ. Sự kiện này được Giáo hội nhìn nhận là một phép lạ đã xảy ra ở Montserrat, Tây Ban Nha vào thế kỷ 17, nơi các tu sĩ Biển Đức đang tụ họp trong một hội nghị.

“Trong khi hội nghị đang diễn ra, một người mẹ đi với cô con gái nhỏ đến tu viện. Chồng của bà ấy, là cha của cô bé đã chết. Trong thánh lễ cô được nhìn thấy cha cô đang ở luyện ngục và cần dâng ba thánh lễ để ông có thể được thoát khỏi nơi ấy.

“Cô bé cầu xin cha bề trên tu viện dâng ba Thánh lễ cho cha mình.”

Trích dẫn cuốn sách, cha Goring cho biết như sau:

“Cha bề trên tu viện tốt bụng, xúc động trước những giọt nước mắt của cô gái, đã cử hành thánh lễ đầu tiên. Cô ấy có mặt ở đó vào ngày hôm sau để dự thánh lễ đầu tiên, và trong thánh lễ, khi cha bề trên truyền phép, cô nói rằng cô nhìn thấy cha mình đang quỳ gối trên bậc thang dẫn lên bàn thờ chính, xung quanh ông là ngọn lửa đáng sợ”.

“Cha bề trên, muốn tìm hiểu câu chuyện của cô ấy có phải là sự thật hay không, đã yêu cầu cô gái đặt một chiếc khăn tay gần ngọn lửa bao quanh cha cô ấy. Theo yêu cầu của ngài, cô gái đã đặt chiếc khăn tay vào ngọn lửa mà chỉ mình cô mới có thể nhìn thấy. Ngay lập tức, tất cả các tu sĩ trong nhà thờ nhìn thấy chiếc khăn tay bốc cháy”.

“Ngày hôm sau, họ dâng thánh lễ thứ hai, và trong thánh lễ đó, cô nhìn thấy cha mình mặc áo choàng màu sáng, đứng bên cạnh thầy phó tế.”

“Sau đó, vào ngày hôm sau khi thánh lễ thứ ba được dâng lên, cô ấy nhìn thấy cha mình trong chiếc áo choàng trắng như tuyết. Ngay sau khi thánh lễ kết thúc, cô gái đã thốt lên: ‘Kìa cha con, đang được cất lên, đang lên trời!’”.

Kết thúc câu chuyện, Cha Goring xin mọi người cùng đọc một kinh cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.

Lạy Chúa, xin ban ơn yên nghỉ đời đời cho các linh hồn và hãy cho ánh sáng ngàn thu chiếu rọi các linh hồn ấy. Xin cho linh hồn các tín hữu đã ra đi, nhờ lòng thương xót của Chúa, được yên nghỉ trong bình an. Amen.
Source:Church POP
 
Ứng viên Cộng hòa Glenn Youngkin đã chính thức giành được chiến thắng trong cuộc đua thống đốc Virginia
Đặng Tự Do
22:12 03/11/2021


Ủy ban bầu cử của tiểu bang Virginia đã chính thức xác nhận ứng viên Glenn Youngkin của Đảng Cộng hòa được bầu làm thống đốc của tiểu bang Virginia.

Y hệt như trường hợp của Tổng thống Trump, Youngkin, một doanh nhân lần đầu tiên tham gia tranh cử, là đảng viên Cộng hòa đầu tiên được bầu làm thống đốc bang Virginia trong hơn một thập kỷ qua. Trong khi các tiên đoán cho rằng Youngkin chắc chắn thua Terry McAuliffe của đảng Dân chủ, ông đã chiến thắng vang dội. Chiến thắng này là một niềm vui rất lớn cho những người phò sinh. Virginia là tiểu bang có các luật phá thai khét tiếng nhất nước Mỹ. Tháng Giêng 2019, bà Kathy Trần, một người Việt Nam làm Dân biểu Hạ Viện Virginia đã đưa ra một dự luật cho phép phá thai ở mọi giai đoạn kể cả khi đứa bé đã chào đời.

McAuliffe trước đây từng là thống đốc Virginia từ năm 2014 cho đến năm 2018. Luật Virginia cấm các nhiệm kỳ thống đốc liên tiếp, nhưng một cựu thống đốc có thể tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai sau khi nghỉ một kỳ.

Cuộc đua tập trung chủ yếu vào các vấn đề xã hội, cụ thể là lý thuyết ưu tuyển chủng tộc, phá thai và các chiến lược giảm thiểu lây lan coronavirus trong trường học. Các trường công lập của Virginia là một trong những trường cuối cùng trong cả nước mở cửa lại cho việc học trực tiếp sau khi đại dịch coronavirus bắt đầu.

McAuliffe, người tự mô tả mình như một “bức tường bêtông vững chắc” trong việc ủng hộ phá thai, đã biến phá thai thành một phần trọng tâm trong chiến dịch của mình sau khi Texas ban hành luật cấm phá thai sau khi phát hiện tim thai.

McAuliffe nói tại một chiến dịch tranh cử bên ngoài một phòng khám phá thai ở Charlottesville Ngày 9 tháng 9.

“Bây giờ chúng ta đã thấy ở Texas rằng Roe v. Wade đã kết thúc, và Glenn Youngkin - ứng cử viên mà tôi đang chống lại - muốn làm điều đó ở đây ở Virginia này”

McAuliffe nói: “Tôi sẽ luôn chiến đấu để bảo vệ các phòng khám dành cho phụ nữ với tư cách là thống đốc.

Chiến dịch của McAuliffe cũng tung ra một quảng cáo chỉ trích Youngkin về “chương trình nghị sự cực hữu” của anh ta về việc phá thai và dự đoán rằng luật Texas sẽ là một “động lực to lớn” trong việc thu hút mọi người bỏ phiếu.

Marjorie Dannenfelser, chủ tịch SBA List, nhận xét vào ngày 2 tháng 11 rằng “McAuliffe cho rằng việc phá thai trở thành vấn đề trọng tâm trong chiến dịch của mình, và nó đã thất bại một cách ngoạn mục. Điều này một phần là do Glenn Youngkin tung ra quảng cáo truyền hình của chính anh ấy và trong các cuộc tranh luận, xác định McAuliffe là kẻ cực đoan thực sự vì đã ủng hộ những ca phá thai muộn gây đau đớn cho thai nhi”.

Các thành viên đảng Dân chủ Phò Sinh đã tweet, “Terry McAuliffe đã thực hiện chiến dịch của mình quanh việc phá thai và Youngkin đã thắng đậm. Đảng viên đảng Dân chủ- chúng ta đừng mắc phải những sai lầm tương tự đang được lặp đi lặp lại. Bạn cần phiếu ủng hộ cuộc sống. Chấm hết.”

Buổi tối thứ Ba được dự đoán là một chiến thắng quá đậm của Đảng Cộng hòa ở Virginia.

Ngoài chiến thắng của Youngkin, Winsome Sears của Đảng Cộng Hòa được bầu làm phó thống đốc, trở thành người nữ có cấp bậc cao nhất trong lịch sử của tiểu bang. Jason Miyares của Đảng Cộng Hòa được bầu làm Bộ Trưởng Tư Pháp thay cho Mark Herring của đảng Dân Chủ đương nhiệm.
Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bế mạc tháng Mân Côi với anh chị em Bru Vân Kiều tại Bản Xa-Re Khe Sanh
Giáo Xứ Khe Sanh
09:44 03/11/2021
Bế Mạc Tháng Mân Côi với anh chị em Bru Vân Kiều tại Bản Xa-Re (Giáo xứ Khe Sanh)

“Cỗq mpiq Maria, mpiq Con Yiang, mpiq nheq cuãi,

hễq con proãm uát khễn proãm muôi pa-hơm chiau nheq rangứq.

Cỗq mpiq Maria, mpiq lữq patat, mpiq tráq ang,

mpiq lữq la sốt toâr la tễc ayuỗ chuai hễq con.”

(Lạy Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa Mẹ đồng trinh,

đoàn con chung tiếng hát chung tấm lòng dâng đời sống.

Lạy Mẹ Maria Mẹ nhân ái Mẹ hiển vinh,

Mẹ chính là Nữ Vương là trạng sư, là Mẹ con.)


Những giọng ca mộc mạc nhưng thanh thoát của đoàn con cái Mẹ ở Bản Làng Xa-Re Vân Kiều thuộc Giáo Xứ Khe Sanh đã vang lên lúc núi rừng vẫn còn yên giấc.

Thánh Lễ Bế Mạc tháng Mân Côi đã được cử hành vào lúc 06g00 sáng thứ 7 cuối tháng (30.10.2021) tại một căn nhà sàn khá cứng cáp và đủ rộng của ông Pả Chòn, một tín hữu nhiệt thành trong làng.

Quãng đường từ Nhà Thờ Khe Sanh lên làng Xa-Re thường mất khoảng 25 phút đi xe. Nhưng sáng hôm nay, sương mù dày đặc, Cha Sở Philipphê Nguyễn Bá Thông, Cha Phó Tađêô Trương Văn Bình, quý Chị Sở Dòng Mến Thánh Giá Huế phải di chuyển chậm rãi, vừa đi vừa đoán đường. Cuối cùng, mọi người cũng đến nơi cần đến một cách an toàn. Những cái bắt tay, những lời chào « ban-tê Cha, ban-tê Sơ, ban-tê con » kèm theo những nụ cười chân thành nói lên niềm vui được gặp gỡ nhau.

Khởi đầu Thánh Lễ, Cha Chủ tế Tađêô đã nhắc mọi người «Mpiq Maria (Mẹ Maria) là Mẹ của Chúa Giêsu nên Mẹ cũng là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Giáo Hội và là Mẹ của mỗi người chúng ta. Hôm nay, sau 1 tháng anh chị em quy tụ đọc kinh, Lần Hạt với nhau, chúng ta cùng quây quần bên Bàn Tiệc Thánh đơn sơ này, để cùng với Mẹ, tạ ơn Chúa về những gì chúng ta đã nhận lãnh được».

Thánh Lễ không có hệ thống âm thanh «xịn», không đủ ánh sáng, không có ghế quỳ, không có tiếng đàn, tiếng nhạc, các em nhỏ chưa biết cách làm Dấu Thánh Giá, một số người lớn vẫn chưa được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, nhưng lại diễn ra một cách sốt sắng và ấm áp.

Ngay sau Thánh Lễ, các tràng chuỗi Mân Côi cùng với 200 cặp bánh chưng và 300 hộp sữa đã được quý Cha, quý Chị phân phát cho mọi người. Ai cũng vui vẻ bóc bánh ăn ngay tại chỗ và chỉ ăn 1 cái mà thôi, cái còn lại để dành lên nương lên rẫy đói rồi ăn. Thật dễ thương và quá cảm động !

Lòng quý mến và hiếu khách của bà con Vân Kiều dành cho quý Cha, quý Chị được biểu lộ bằng một mâm cỗ có 2 món ăn dành cho khách quý đó là CƠM LAM (món cơm nếp cẩm được nướng trong ống tre non) và GÀ NƯỚNG. Mọi người cùng ngồi bệt trên sàn nhà vừa để ôn lại những câu chuyện và con người xưa (Cố Neyroud, Cố Mauvais, Cố Poncet, Cố Louis Bính, Cố Cao …) lại vừa chia nhau và thưởng thức những món ăn thấm đậm tình bản và tình người này.

Tạ ơn Chúa nhờ lời cầu bầu của Mẹ La Vang đã ban cho Bản Làng Xa-Re chúng con những giây phút ngọt ngào bên Chúa và bên nhau như vậy.

Ban Truyền Thông Giáo Xứ Khe Sanh
 
Lễ Các Đẳng Linh Hồn 2/11/21 tại Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, Melbourne
Trần Văn Minh
17:50 03/11/2021
Hợp cùng giáo hội hoàn vũ, chiều Ngày 2/11/21, vào lúc 6 giờ 10, trước lễ đài, mọi người trong Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm đã tề tựu ngồi cùng hướng lên lễ đài dâng kinh Mân Côi để cầu cho các linh hồn nhân Lễ Các Đẳng Linh Hồn. Trong khi mọi người đến sau vẫn đang check in QR Code, (để qua cửa hẹp mà vào) do các cháu TNTT cùng với quý anh chị em có trách nhiệm phòng dịch Covid kiểm tra chích ngừa Covid đầy đủ theo quy định của Chính phủ Tiểu bang Victoria. Với khoảng 500 giáo dân đã đến dâng lễ, nếu không bị lệnh hạn chế của chính phủ, số người sẽ đông gấp hai hay ba lần.

Xem hình

Trời mùa Xuân Nam Bán Cầu, dù đã 6 giờ 30 chiều nhưng trời vẫn sáng trưng, và nhờ vào thời tiết rất tốt để mọi người đến dâng lễ ngoài trời bên Vườn Phục Sinh của cộng đoàn. Đoàn đồng tế do hai cha tuyên úy Phạm Minh Ước chủ tế và cha Phạm Văn Ái đồng tế trong phẩm phục mầu tím tiến lên lễ đài, cùng với lễ sinh và quý vị thừa tác viên.

Mở đầu thánh lễ Các Đẳng Linh Hồn Năm 2021, Cha chủ tế đã nói lại là Giáo Hội Công Giáo với ba thành phần liên kết với nhau: giữa các thánh trên trời, các linh hồn còn đang trong nơi thanh luyện và chúng ta, là những người đang còn sống, để cầu nguyện cho nhau.

Trong bài giảng cha Phạm Văn Ái chia sẻ về chủ đề Lễ Các Đẳng Linh Hồn, đã dùng truyền thuyết của một loài hoa có tên là Forget me not (đừng quên tôi,) để nhắc nhở mọi người còn sống hãy nhớ về những người thân thương của chúng ta đã qua đời. Bởi vì cuộc đời con người liên hệ tới nhau, như cả đến những sỏi đá vô tri cũng cần đến nhau, những viên sỏi nhỏ cũng rất cần để cho những tảng đá lớn được vững vàng.

Đặc biệt, trong Giáo Hội Công Giáo, ngoài Thiên Chúa nhân từ đã luôn luôn quan phòng và đón nhận các tội nhân quay về. Giáo hội cũng không quên bất cứ một linh hồn nào trong các thánh lễ, luôn được quý cha dâng lời nguyện xin lên Thiên Chúa đoái thương cho các linh hồn mau thoát mọi hình phạt. Và trong các kinh nguyện, luôn luôn các linh hồn được nhớ đến.

Sau lễ, là phần cầu nguyện và thắp hương tưởng nhớ đến các linh hồn đang an nghỉ trong khu tưởng niệm Vườn Phục Sinh do hai cha tuyên úy và cộng đoàn cùng thắp hương trước tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Và những ai có thân nhân có người thân được an vị tại các bức tường, ghé thăm và đọc kinh cho người thân của mình, xong mới chia tay nhau ra về.
 
Tản mạn trong những ngày đại dịch
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
23:46 03/11/2021
TẢN MẠN TRONG NHỮNG NGÀY ĐẠI DỊCH

Hơn 4 tháng vắng tiếng chuông nhà thờ, những tiếng thánh ca, những tiếng kinh nguyện râm ran … mọi sinh hoạt cộng đồng tưởng như bị ngưng hẳn khi mọi người “ở đâu yên đấy” lẩn quẩn trong vòng vây của những kẽm gai, tôn chắn. Từng con phố, ngõ hẻm, nhà cửa … mọc lên những tấm biển đỏ kèm theo nhừng dòng chữ: “Khu vực cách ly, không được ra vào”, “Khu vực phong tỏa, không phận sự miễn vào”, “ Gia đình có F0 đang cách ly, điều trị tại nhà”, ….

Nhưng không hẳn như vậy, nép dưới bóng ngôi giáo đường là những hoạt động âm thầm ngày ngày thay cho những lời kinh nguyện dâng lên Chúa. Ngay từ những ngày đầu dịch, Caritas TGP thông qua các giáo xứ (Gx.) đã có những phần gạo hổ trợ hàng tuần. Rồi kế hoạch hổ trợ bằng hiện kim của HĐGM VN như cơn mưa đầu mùa làm triển nở những bông hoa thiện nguyện.

Cảm động thay những nhà hảo tâm từ khắp các nơi kể cả ở nước ngoài, người có nhiều cho nhiều, người có ít cho ít, người góp công, người góp của, cùng nhau đóng góp cho quỹ “Tương thân tương ái” của HĐMV Gx. Rồi từng đoàn xe tải, chở lương thực, rau củ quả từ các các giáo xứ miền Tây, miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên … và ngay cả ở Tp. cũng thông qua quý Cha và các thiện nguyện viên đổ về Gx.

Xứng đáng là những cánh tay nối dài của Cha xứ, Cha phó - Ban điều hành các giáo khu, đoàn viên GĐPTTT CG và một số anh chị em thiện nguyện đã không ngại nguy hiểm rình rập ngày đêm lo đi phân phát cứu trợ. Những túi gạo, con cá, miếng thịt, những bịch rau củ quả … đã được các anh chị em tải về có khi là 1-2 giờ sáng rồi phân chia để kịp gởi tới bà con không phân biệt lương giáo ngay trong ngày. Hình ảnh những người cùng xóm chia nhau từng bó rau, quả bí, từng ký gạo, củ khoai …. Người này nhận được chia sẻ cho người kia cùng nhau vượt qua cơn bĩ cực đã làm ấm lòng những thiện nguyện viên.

Rồi những lần phải … thông chốt, những nơi vùng đỏ phải khoác lên mình những bộ đồ bảo hộ như lực lượng tuyến đầu để đi đến những phòng trọ trong hang cùng ngõ hẻm, những nơi trong rào chắn với biển báo cách ly. Không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt tôn giáo, ai khổ, ai thiếu đều được cứu, được giúp. Những phần quà tuy nhỏ nhưng cũng đã làm vơi đi phần nào những lo toan về lương thực, thực phẩm.

“Xóm Bắp” - cái tên không mấy xa lạ với bà con Gx. TMT – người địa phương còn gọi là xóm đồng mả vì nơi đây có những ngôi mộ từ lâu đời. Ờ nơi đây, có những những ngôi nhà không số hoặc có nhưng trùng lắp, “xẹc” (sur) 1a …1b ….

Khi gọi tên người đầu tiên trong danh sách, từ trong ngôi nhà (hay đúng hơn là túp lều) được ẩn khuất sau một ngôi mộ, hàng chục người bước ra khiến anh em chúng tôi quyết định đứng ở đầu ngõ gọi tên từng người vì sợ tụ tập đông người. Rồi việc trao quà đã diễn ra êm đẹp tuy có những trục trặc nhỏ nhưng đã được anh em giải quyết tại chỗ.

Không chỉ ở xóm này mà ngay cả những người có nhà cửa hẳn hoi cũng lâm vào những hoàn cảnh khó khăn. Cầm cự được 1 tháng, rồi 2 tháng và bây giờ vào tháng thứ 3 thì họ “đuối” thực sự vì phải chạy lo lương thực, thực phẩm hàng ngày cho thể xác. Tinh thần thì bức bối đâm ra dễ bẳn gắt, to tiếng vì những lí do nhỏ nhặt khi cả gia đình thất nghiệp ngồi không ngó nhau!

Số người nhiễm Covid cứ tăng vọt lên hàng ngày. Từ hàng chục, hàng trăm, rồi đến hàng nghìn và lên đến hàng trăm nghìn. Số người rơi vào trạng thái nguy kịch và tử vong cứ thế tăng theo. Giãn cách càng dài càng nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, làm sao có thể giúp đỡ cho hết được Chúa ơi?

Những hình ảnh dòng người nườm nượp về quê đăng trên các trang báo mạng vào những ngày đầu nới lỏng giãn cách có lẽ đã lấy đi không ít nước mắt - nước mắt cơ cực của những người trong cuộc và nước mắt của những người thương cảm.

Những lần về quê trước đây có đưa, có đón và mang theo bao nỗi vui mừng về tinh thần và vật chất tích lũy sau cả năm trời tha phương chở về nhà như ngày xưa “vinh quy bái tổ”.

Bây giờ … kéo nhau về quê như một sự chạy trốn, chạy khỏi những ổ dịch và trốn khỏi cái chết. Hành trang lần này không còn là những món quà mà chỉ là những vật dụng thiết yếu với cái túi đang cạn dần những đồng tiền dành dụm cuối cùng … và chắc hẳn cũng có những hũ tro cốt người thân đem về nương thân lần cuối nơi quê cha đất mẹ. Buồn …!

Bây giờ sinh hoạt tôn giáo cũng đã được khôi phục tuy số lượng giới hạn và phải tuân theo triệt để những quy định trong hoàn cảnh “bình thường mới”. Cũng có những ý kiến lăn tăn về vấn đề này nhưng ai cũng nhận thấy rằng đã đến lúc cần đến “những lương thực không hư nát” cho cuộc sống. Xin hãy cứ để Lời Chúa vang lên soi sáng trong tâm hồn mỗi người - “Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời…” (Mt 6,20). Chúng ta đã lo được lương thực hàng ngày cho thân xác và cũng cần phải tìm kiếm của ăn cho tinh thần, cho niềm tin của mình.

Đã đến lúc chúng ta cần phải ý thức hơn thân phận mỏng giòn nay còn, mai thì chưa biết ra sao của mình và biết trân quý hơn những giá trị cuộc sống, trân quý những điều được Chúa ban tặng nhưng không. Ranh giới giữa sự sống và cái chết quá thật mong manh, cuộc đời quá thật ngắn ngủi, chóng qua như hơi thở. Vậy nên, hơn thua tranh giành nhau để làm gì, để rồi khi lìa đời giàu hay nghèo cũng chỉ ra đi với một tấm khăn liệm, một tấm nilon bó chặt trong một quan tài đơn sơ cùng ngọn lửa thiêu xóa đi thân phận của một con người!

Mọi sự thế gian đều phải bỏ lại thế gian. Chỉ có bác ái, yêu thương sẽ theo ta mãi mãi. Chỉ có những công việc bác ái mà hàng ngày ta tích góp mới trở nên kho tàng đích thực và là người bạn duy nhất theo ta đến trước tòa Chúa. Vậy nên, lúc còn có thể làm được cho ai cái gì thì làm, giúp được gì cho ai cứ giúp với tâm nguyện “Thương xót kẻ khó nghèo là cho ĐỨC CHÚA vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng việc đã làm.” (Cn 19,17).
 
VietCatholic TV
Âu lo: Nhà thờ Canada vắng hoe sau khi áp dụng chính sách không tiêm đừng đến nhà thờ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:12 03/11/2021


1. Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tái khẳng định sự ủng hộ của Tòa thánh đối với chính phủ Armenia

Việc mở Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Armenia sẽ trở thành một biểu tượng xây dựng những nhịp cầu trong khu vực và mở ra những con đường mới cho một nền hòa bình công chính và lâu dài cho Armenia và cộng đồng quốc tế nói chung, Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã đưa ra lập trường trên trong cuộc họp báo chung với ông Ararat Mirzoyan, Bộ trưởng Ngoại giao Armenia, tại Yerevan.

Đức Cha Edgar Peña Parra cho biết chuyến thăm chính thức của ngài tới Armenia và cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Armenia nhằm tái khẳng định mối quan hệ hợp tác và hữu nghị luôn tồn tại giữa Armenia và Tòa thánh.

Ngài nói: “Tôi mang theo lời chào của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã có những kỷ niệm tươi sáng từ chuyến thăm Armenia vào năm 2016 và cuộc gặp gần đây với Tổng thống Sarkissian và Đức Thượng Phụ Garegin II của Toàn Armenia”.

Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra cho biết mục đích chính trong chuyến thăm của ngài là khánh thành Tòa Sứ thần Tòa thánh tại Armenia. Nhân dịp này, ngài bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Tổng thống Armenia và chính phủ đã thúc giục Tòa thánh mở cơ quan đại diện ngoại giao tại Armenia qua trung gian là Đại sứ Karen Nazaryan.

“Mặc dù thiếu nguồn lực và nhân viên, chương trình đã trở thành hiện thực trong vòng vài tháng, bởi vì tất cả chúng ta đều tin tưởng vào điều đó. Tôi tin chắc rằng Tòa Sứ thần Tòa Thánh này sẽ là biểu tượng xây dựng những nhịp cầu trong khu vực, tạo cơ hội tiếp xúc và mở ra những con đường mới cho hòa bình công chính và lâu dài cho Armenia và cộng đồng quốc tế nói chung.”

Ngài bày tỏ tin tưởng rằng sự hiện diện thể lý của Tòa Sứ thần Tòa Thánh chắc chắn sẽ hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề tiềm ẩn và tìm ra các giải pháp đầy đủ với các phương tiện pháp lý thích hợp.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Sự kiện hôm nay cũng thể hiện sự tôn trọng mà người kế vị Thánh Phêrô và Giáo Hội Công Giáo dành cho vùng đất cao quý này, nơi đầu tiên đón nhận đức tin Kitô”.

Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra cũng nói về mối quan hệ hữu nghị giữa Tòa thánh và Tòa Etchmiadzin, nêu rõ hai Giáo Hội cam kết tiếp tục công việc vì lợi ích chung.

Để kết luận, Đức Cha Edgar Peña Parra tái khẳng định sự ủng hộ của Tòa thánh đối với các vấn đề trong chương trình nghị sự của chính phủ Armenia và cộng đồng quốc tế, nhằm mục tiêu hòa bình và giải trừ quân bị, nhân quyền, phát triển con người và văn hóa, bảo vệ các quyền tự do tôn giáo và môi trường.

Ngài nói: “Tôi cầu nguyện xin cùng Chúa với hy vọng rằng cả đất nước Armenia sẽ được hưởng một nền hòa bình lâu dài và tiến bộ xã hội thực sự, tiếp tục truyền thống Kitô được kế thừa từ tổ tiên của các bạn trong nhiều thế kỷ qua”.
Source:AmerPress

2. Các giám mục của Canada hy vọng chuyến thăm của Giáo hoàng sẽ hỗ trợ 'hòa giải và hàn gắn'

Các nhà lãnh đạo Công Giáo, dân sự và bộ tộc trên khắp Canada đã phản ứng với nhiều cảm xúc lẫn lộn trước thông tin rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ có chuyến tông du tới Canada trong tương lai.

“Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada đã mời Đức Thánh Cha thực hiện một chuyến tông du đến Canada, trong bối cảnh của tiến trình mục vụ lâu dài là hòa giải với các dân tộc bản địa,” một tuyên bố từ Vatican ngày 27 tháng 10 cho biết “Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự sẵn sàng đến thăm đất nước vào một ngày nào đó để các vấn đề được giải quyết thỏa đáng”.

Một thông cáo báo chí từ Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada, gọi tắt là CCCB, sau thông báo này cho biết các giám mục “biết ơn” khi biết rằng lời mời của các ngài đã được chấp nhận.

Chủ tịch CCCB là Đức Cha Raymond Poisson, Giám Mục của Saint-Jérôme và Mont- Laurier nói:

“Chúng tôi cầu nguyện để chuyến thăm Canada của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là một cột mốc quan trọng trong hành trình hướng tới hòa giải và hàn gắn.”

Tin tức về lời mời được chấp nhận được đưa ra khoảng sáu tuần trước khi một nhóm người Canada bản địa sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican. Phái đoàn sẽ ở Rôma từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 12 năm 2021.

Ngoài lời xin lỗi, các nhà lãnh đạo Bản địa có kế hoạch yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiết lộ tất cả các hồ sơ liên quan đến các trường học dân cư và trả lại bất kỳ vật phẩm bản địa nào từ Canada mà Vatican có thể sở hữu trong kho lưu trữ của mình.

“Chúng tôi sẽ mời phái đoàn gồm những người bản địa sống sót, những người cao tuổi, những người gìn giữ tri thức và thanh niên gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô để mở lòng với Đức Thánh Cha và chia sẻ cả những đau khổ cũng như hy vọng và mong muốn của họ về chuyến thăm của ngài tới Canada”, Đức Cha Poisson nói thêm.

Ý tưởng về một chuyến thăm mục vụ đến Canada đã được thảo luận trong nhiều tháng, và CCCB gần đây đã cam kết “làm việc với Tòa thánh và các đối tác Bản địa về khả năng Đức Giáo Hoàng sẽ có chuyến thăm mục vụ tới Canada.”

“Sau khi cam kết này được thông báo sau ba năm đối thoại đang diễn ra giữa các Giám mục Canada, Tòa thánh và Người bản địa, Chủ tịch và cựu Chủ tịch CCCB đã gặp Ngoại trưởng Tòa thánh tại Rôma để thảo luận về các bước tiếp theo trên hành trình hòa giải vào đầu tháng này và để chuẩn bị cho phái đoàn”, các giám mục nói.

Chuyến thăm cuối cùng của Giáo hoàng tới Canada là vào năm 2002.

Bộ trưởng Bộ Quan Hệ Giữa Chính Quyền Và Người Bản Địa mới được bổ nhiệm Marc Miller bày tỏ hy vọng hôm thứ Tư rằng chuyến thăm này sẽ mang lại sự chữa lành cho những người bị tổn thương.

Miller, người tự mô tả mình “không phải là một người Công Giáo,” nói rằng “trong kế hoạch lớn về cái mà chúng ta gọi là hòa giải, tôi nghĩ, đối với những người bản địa, việc nhận thức đầy đủ về những tổn hại gây ra là điều đã được chờ đợi từ lâu.”

Năm 2017, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, một người Công Giáo, đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra lời xin lỗi về vai trò của Giáo hội đối với hệ thống trường dành cho người bản địa của Canada. Giáo hoàng từ chối đưa ra lời xin lỗi, nhưng đã nhiều lần bày tỏ “nỗi buồn” trước những hành động tàn bạo khác nhau xảy ra tại các trường học do Giáo hội quản lý.

Từ các tài liệu của CCCB, đây là những điều người Công Giáo nên biết:

Thứ nhất: Chính sách buộc các trẻ em thổ dân da đỏ theo học tại các trường nội trú nhằm mục đích hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách của chính phủ Canada, không phải của Giáo Hội Công Giáo. Tất cả 130 trường nội trú đều là do chính phủ Canada dựng lên. Các phái bộ truyền giáo tham gia điều hành các trường nội trú này là vì thấy ở đây cơ hội truyền giáo.

Thứ hai: Ngày nay, người ta nói rằng chính sách hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách diệt chủng văn hóa. Cho mãi đến thập niên 1990, nhà cầm quyền Canada và xã hội nói chung không nghĩ như thế, mà đơn thuần chỉ nghĩ rằng chính sách này mang lại ánh sáng văn minh, và một cuộc sống khả quan hơn người bản địa.

Thứ ba: Sau khi giao phó các trường nội trú cho các tôn giáo điều hành, chính phủ đã cung cấp một kinh phí hạn hẹp. Điều này cộng hưởng với nỗi buồn phải xa nhà, tình trạng y tế khó khăn ở các vùng xa xôi đã khiến một số trẻ em thiệt mạng vì bệnh tật. Tuy nhiên, nhiều tác giả cho rằng tỷ lệ tử vong của các em sống trong các bộ lạc còn cao hơn rất nhiều so với các trường nội trú.

Thứ tư: Những ngôi mộ vô danh này là những ngôi mộ cá nhân, không phải các mồ chôn tập thể như báo chí cố ý xuyên tạc; và các học sinh này qua đời trong nhiều thập niên, chứ không phải cùng một lúc.

Giọng điệu của nhiều phương tiện truyền thông trong những ngày này thể hiện tâm tình bài Công Giáo mà họ đã ấp ủ từ lâu.


Source:Catholic News Agency

3. Giáo phận Canada yêu cầu Tiêm vắc xin COVID-19 để tham dự thánh lễ

Một giáo phận Công Giáo ở Canada đang yêu cầu bằng chứng về việc tiêm chủng và xác minh danh tính đối với bất kỳ tín hữu nào từ 12 tuổi muốn tham dự các Thánh lễ hoặc các sự kiện khác được tổ chức tại các giáo xứ.

“Có hiệu lực từ ngày 22 tháng 10 năm 2021, tất cả những người từ 12 tuổi trở lên muốn tham dự Thánh lễ hoặc các cử hành trong nhà thờ của chúng ta sẽ bắt buộc phải chứng minh bằng chứng đã tiêm chủng bằng cách sử dụng Hộ chiếu tiêm chủng: NLVaxPass hoặc bằng cách xuất trình bằng chứng đã tiêm chủng bằng cách xuất trình mã QR của họ trước khi vào các nhà thờ của chúng ta,” lá thư ngày 15 tháng 10 từ Đức Cha Robert Anthony Daniels Giám Mục Grand Falls cho các linh mục và lãnh đạo mục vụ của giáo phận.

Giáo phận Grand Falls nằm ở tỉnh Newfoundland và Labrador. Lãnh thổ của nó là khoảng một nửa đảo Newfoundland.

Tỉnh đã ban hành hệ thống hộ chiếu vắc-xin của mình vào ngày 22 tháng 10, yêu cầu người dân tải xuống ứng dụng và xuất trình bằng chứng về việc tiêm chủng để vào “các doanh nghiệp không thiết yếu”.

Những ngôi nhà thờ, cùng với các phòng tập yoga, tiệm làm tóc, sân chơi bowling, tiệc cưới, nhà hàng trong nhà, phòng chơi lô tô, quán bar và sân chơi khúc côn cầu đều là những địa điểm cần phải có bằng chứng về việc tiêm phòng.

Giáo phận cho biết những ai mới bước sang tuổi 12 sẽ có “thời gian ân hạn” ba tháng để nhận vắc-xin COVID-19 trước khi phải tuân theo hệ thống hộ chiếu vắc-xin tại các nhà thờ.

Theo lá thư của Giám mục Daniels, những người muốn tham dự Thánh lễ trong giáo phận phải tải xuống ứng dụng NLVaxPass, hoặc in ra một bản sao của mã QR vắc-xin của họ để hiển thị cho người mở cửa trước khi họ có thể vào nhà thờ. Một ứng dụng khác, NLVaxVerify, sẽ được sử dụng bởi những người mở cửa, những người chào hỏi hoặc những người tình nguyện khác để xác minh tình trạng tiêm chủng khi vào nhà thờ.

Khi tình trạng tiêm chủng được xác minh, anh chị em còn phải xuất trình thẻ căn cước để tham dự Thánh lễ. Đối với bất kỳ ai từ 19 tuổi trở lên, đây phải là giấy tờ tùy thân có ảnh.

Đức Cha Daniels cho biết: “Tên trên giấy tờ tùy thân phải khớp với tên trên mã QR, Hồ sơ Tiêm chủng COVID-19 hoặc hình thức chứng minh tiêm chủng khác. Nếu tên và ngày sinh không trùng khớp, người mở cửa sẽ được hướng dẫn yêu cầu thêm một thẻ căn cước”.

Đức Cha Daniels cho biết ngài đã yêu cầu Bộ Y tế và Dịch vụ Cộng đồng của tỉnh “xác minh rằng bước này là cần thiết hay không”.

Ngài lưu ý rằng trong một số trường hợp “sẽ là gánh nặng cho những người tham dự thánh lễ phải cung cấp các bằng chứng”, các nhà thờ có thể cho phép vào bên trong với những hạn chế “vì lý do mục vụ”. Ngài lưu ý, ví dụ về những tình huống này bao gồm đám tang và đám cưới.

Bất chấp việc thực hiện giấy thông hành vắc xin, sức chứa tại các Thánh lễ ở Giáo phận Grand Falls vẫn bị giới hạn ở mức 50%, ca hát trong cộng đoàn bị cấm, các giáo sĩ và giáo dân phải luôn đeo khẩu trang y tế, bắt buộc phải giữ khoảng cách và tất cả những ai vào nhà thờ phải ghi thông tin của họ để liên hệ nếu cần.

Đức Cha Daniels cho biết, những hạn chế này sẽ được dỡ bỏ “đối với những giáo xứ, và nhà thờ tuân thủ Quy định về Hộ chiếu Tiêm chủng.” Ngài nói thêm rằng bộ y tế “đã bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta sẽ được thông báo kịp thời để thực hiện những thay đổi trong giáo xứ của chúng ta.”

Để đẩy nhanh quá trình xác minh tình trạng tiêm chủng trước Thánh lễ, văn phòng giáo xứ có thể lưu hồ sơ về những người đã tiêm chủng. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể được thực hiện khi có sự đồng ý của mỗi người.

Ngay sau khi có các giới hạn nghiêm nhặt này, các nhà thờ đã vắng hoe trong thánh lễ ngày Chúa Nhật 24 tháng 10.
Source:National Catholic Register
 
Tin Vui: Ngựa về ngược, nhờ ủng hộ sự sống, Cộng Hòa thắng đậm ở Virginia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:17 03/11/2021


Ứng viên Cộng hòa Glenn Youngkin dự kiến sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua thống đốc Virginia

Ứng viên của Đảng Cộng hòa Glenn Youngkin đã được bầu làm thống đốc của tiểu bang Virginia, Trung Tâm Dự Đoán Kết Quả đã dự kiến lần đầu tiên khoảng 90 phút sau khi các cuộc thăm dò kết thúc trong tiểu bang.

Y hệt như trường hợp của Tổng thống Trump, Youngkin, một doanh nhân lần đầu tiên tham gia tranh cử, là đảng viên Cộng hòa đầu tiên được bầu làm thống đốc bang Virginia trong hơn một thập kỷ qua. Vào thời điểm đưa ra kết quả cuộc đua, Youngkin đang dẫn trước Terry McAuliffe của đảng Dân chủ với 11 điểm và gần 200,000 phiếu bầu.

McAuliffe trước đây từng là thống đốc Virginia từ năm 2014 cho đến năm 2018. Luật Virginia cấm các nhiệm kỳ thống đốc liên tiếp, nhưng một cựu thống đốc có thể tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai sau khi nghỉ một kỳ.

Cuộc đua tập trung chủ yếu vào các vấn đề xã hội, cụ thể là lý thuyết ưu tuyển chủng tộc, phá thai và các chiến lược giảm thiểu lây lan coronavirus trong trường học. Các trường công lập của Virginia là một trong những trường cuối cùng trong cả nước mở cửa lại cho việc học trực tiếp sau khi đại dịch coronavirus bắt đầu.

McAuliffe, người tự mô tả mình như một “bức tường bêtông vững chắc” trong việc ủng hộ phá thai, đã biến phá thai thành một phần trọng tâm trong chiến dịch của mình sau khi Texas ban hành luật cấm phá thai sau khi phát hiện tim thai.

McAuliffe nói tại một chiến dịch tranh cử bên ngoài một phòng khám phá thai ở Charlottesville Ngày 9 tháng 9.

“Bây giờ chúng ta đã thấy ở Texas rằng Roe v. Wade đã kết thúc, và Glenn Youngkin - ứng cử viên mà tôi đang chống lại - muốn làm điều đó ở đây ở Virginia này”

McAuliffe nói: “Tôi sẽ luôn chiến đấu để bảo vệ các phòng khám dành cho phụ nữ với tư cách là thống đốc.

Chiến dịch của McAuliffe cũng tung ra một quảng cáo chỉ trích Youngkin về “chương trình nghị sự cực hữu” của anh ta về việc phá thai và dự đoán rằng luật Texas sẽ là một “động lực to lớn” trong việc thu hút mọi người bỏ phiếu.

Marjorie Dannenfelser, chủ tịch SBA List, nhận xét vào ngày 2 tháng 11 rằng “McAuliffe cho rằng việc phá thai trở thành vấn đề trọng tâm trong chiến dịch của mình, và nó đã thất bại một cách ngoạn mục. Điều này một phần là do Glenn Youngkin tung ra quảng cáo truyền hình của chính anh ấy và trong các cuộc tranh luận, xác định McAuliffe là kẻ cực đoan thực sự vì đã ủng hộ những ca phá thai muộn gây đau đớn cho thai nhi”.

Các thành viên đảng Dân chủ Phò Sinh đã tweet, “Terry McAuliffe đã thực hiện chiến dịch của mình quanh việc phá thai và Youngkin đã thắng đậm. Đảng viên đảng Dân chủ- chúng ta đừng mắc phải những sai lầm tương tự đang được lặp đi lặp lại. Bạn cần phiếu ủng hộ cuộc sống. Chấm hết.”

Buổi tối thứ Ba được dự đoán là một chiến thắng quá đậm của Đảng Cộng hòa ở Virginia.

Ngoài chiến thắng của Youngkin, Winsome Sears của Đảng Cộng Hòa được bầu làm phó thống đốc, trở thành người nữ có cấp bậc cao nhất trong lịch sử của tiểu bang. Jason Miyares của Đảng Cộng Hòa được bầu làm Bộ Trưởng Tư Pháp thay cho Mark Herring của đảng Dân Chủ đương nhiệm.
Source:Catholic News Agency
 
Ngông hết cỡ: Phụ nữ Đức đòi có Nữ Giáo Hoàng để cứu nguy Giáo Hội. Phóng sự đặc biệt của CNN
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:34 03/11/2021


1. Phụ nữ được làm linh mục, vẫn chưa cấp tiến lắm. Phải có bà được làm Giáo Hoàng. Tường thuật của CNN.

Trong thời gian diễn ra hội nghị thường niên của các Giám Mục Đức tại thành phố Fulda, hàng ngày lúc nào cũng có các nhóm biểu tình la hét, hô hào các cải cách trong Giáo Hội. CNN có bài tường trình nhan đề “A woman pope? Meet the feminists trying to save the Catholic Church”, nghĩa là “Một Nữ Giáo Hoàng? Gặp gỡ các nhà đấu tranh đang cứu Giáo Hội Công Giáo.”

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh. Cố nhiên, quý vị và anh chị em biết CNN là thông tấn thế tục. Những quan điểm của họ rất khác với chúng ta. Nhưng chúng ta cũng nên đọc qua, để hiểu được mức độ ngông cuồng của những phụ nữ này, và tình trạng náo loạn trong Giáo Hội Đức hiện nay.

Fulda, Đức - Ulrike Knobbe, một phụ nữ 65 tuổi đi nhà thờ suốt đời, chưa bao giờ nghĩ mình là một nhà nữ quyền. “Tôi thậm chí đã chống lại những người ủng hộ nữ quyền trong một thời gian dài,” bà ấy nói với nụ cười hở cả răng lẫn lợi.

Và rồi bà ấy đang ở đây: Micrô trên tay, đeo một tấm bảng quảng cáo khổng lồ với yêu cầu bình đẳng giới tính, tại một cuộc biểu tình của hầu hết các phụ nữ tóc hoa râm đang hát theo - hết mức – các bài hát phản đối.

Những người biểu tình cầm những tấm biển có khẩu hiệu như “Cùng phẩm giá, cùng quyền lợi”, “Phụ nữ, bạn còn chờ gì nữa?” và “Đấu tranh cho một Giáo Hội với phụ nữ.”

Nhiều người mang các thánh giá bằng các tông mầu hồng. Hầu như tất cả mọi người đều đeo mặt nạ cầu vồng, là biểu tượng của trào lưu đồng tính. Một phụ nữ ăn mặc như một chú hề thổi một luồng bong bóng khổng lồ lên không trung.

Cuộc biểu tình này tại diễn ra tại nhà thờ chính tòa Fulda của Đức được tổ chức bởi Maria 2.0 - một phong trào phụ nữ Công Giáo kêu gọi bình đẳng và thay đổi Giáo Hội một cách triệt để.

Phong trào từ cơ sở này có hơn 65 chi hội trên cả nước. Các mục tiêu của nó bao gồm việc phong chức cho phụ nữ, công nhận các mối quan hệ LGBTQ, bãi bỏ luật độc thân linh mục và điều tra thích hợp các cáo buộc về lạm dụng tính dục.

Phong trào được thành lập bởi một số ít phụ nữ ở Münster, miền bắc nước Đức, hai năm trước sau khi nổ ra các tai tiếng lạm dụng tình dục làm rung chuyển đất nước và làm xói mòn số tín hữu Công Giáo lên tới hơn 22 triệu người.

“Mọi người đã rất tức giận”, Angelika Fromm, 70 tuổi, thành viên Maria 2.0, nói về những vụ tai tiếng. “Và rất nhiều người đã rời bỏ Giáo Hội vì điều này.”

Bà ấy là một trong số khoảng 200 người biểu tình đã tụ tập ở Fulda vào tháng trước, chạy vòng quanh thị trấn đẹp như tranh vẽ trên chiếc xe tay ga di động của mình để phát những chiếc còi và những tờ rơi.

Đó là lần thứ ba nhóm này biểu tình ở đây; lượn quanh những con đường lát đá cuội đến ngôi nhà thờ nguy nga, nơi hàng chục giám mục từ khắp đất nước đã tụ họp trong phiên họp của Hội đồng Giám mục Đức.

Trong suốt ba ngày diễn ra sự kiện, rất nhiều giáo sĩ với những cổ côn nổi bật đổ về thị trấn như họ đã làm trong nhiều thế kỷ qua. Ngay cả những đoạn đường dành cho người đi bộ ở đây cũng có hình ảnh nhấp nháy của các giám mục.

Trong thế giới Công Giáo, Giáo Hội tại Đức là một trong những Giáo Hội địa phương giàu có và quyền lực nhất.

Giáo Hội tại Đức kiếm được hơn 6 tỷ euro, tức là 6.96 tỷ Mỹ Kim, hàng năm từ “thuế Giáo Hội” của các thành viên và quyên góp hàng triệu đô la viện trợ trên toàn cầu.

Nhưng những vụ tai tiếng gần đây - bao gồm một báo cáo năm 2018 cho thấy các giáo sĩ đã lạm dụng tình dục hơn 3,600 trẻ em từ năm 1946 đến năm 2014 - đã đẩy nhanh sự suy tàn của Giáo Hội tại Đức, chia rẽ ban lãnh đạo và gây ra các phong trào phản đối từ các tín hữu suốt đời gắn bó với Giáo Hội.

Số người Đức từ bỏ Giáo Hội Công Giáo đã tăng trong nhiều thập kỷ, nhưng con số kỷ lục là 272,771 người ra đi vào năm 2019, một năm sau khi báo cáo lạm dụng tình dục được công bố.

Nước Đức không đơn độc, điều đó xảy ra với các Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới - bao gồm cả ở Mỹ, Ái Nhĩ Lan và Úc - bị rung chuyển bởi các cuộc điều tra làm sáng tỏ tình trạng lạm dụng kéo dài hàng thập kỷ. Tại Pháp, một báo cáo đáng kinh hoàng được công bố vào đầu tháng này cho thấy ước tính có khoảng 216,000 trẻ em bị các giáo sĩ Công Giáo lạm dụng từ năm 1950 đến năm 2020 - chiếm gần 4% tổng số vụ bạo lực tình dục ở nước này.

Nhiều người đang quay lưng lại với Công Giáo hoàn toàn do kết quả của những tiết lộ này.

Nhưng các thành viên của Maria 2.0 đang chiến đấu để hiện đại hóa nhà thờ, thay vào đó kêu gọi chia sẻ quyền lực một cách bình đẳng.

Một tầm nhìn cấp tiến

Trong Giáo Hội Công Giáo, chỉ nam giới mới có thể trở thành linh mục và giám mục - và họ phải độc thân và chưa lập gia đình.

Các thành viên của Maria 2.0 coi đây là một cấu trúc lỗi thời và cần được thay đổi toàn bộ.

Knobbe nói: “Chỉ có đàn ông quyết định, chỉ đàn ông có trách nhiệm và chúng tôi muốn điều đó được chia sẻ bởi đàn ông và phụ nữ. Cách tổ chức và quản lý Giáo Hội của phụ nữ sẽ khác với trường hợp chỉ có đàn ông làm”.

Khi được hỏi liệu một vị giáo hoàng trong tương lai có thể là một phụ nữ hay không, một số ít thành viên gật đầu đồng ý nói: “Được chứ. Tại sao không?”

Mặc dù phần lớn thành viên trong phong trào là phụ nữ, Maria 2.0 cũng được một số nam giới ủng hộ - nhiều người trong cuộc biểu tình Fulda là chồng của những người phụ nữ biểu tình.

Mỗi phụ nữ đều có lý do riêng khi tham gia phong trào. Một số, như bà Fromm, là những người vận động lâu năm cho bình đẳng giới tính trong Giáo Hội.

Nhà hoạt động nói chuyện với giọng nhẹ nhàng này sinh năm 1951, trong một gia đình Công Giáo sùng đạo sâu sắc ở Cộng hòa Dân chủ Đức, nơi trước đây theo chủ nghĩa cộng sản và tôn giáo bị đàn áp.

Gia đình cô sau đó đã trốn sang Tây Đức. Năm 20 tuổi, Fromm kết hôn với một cựu linh mục và có ba người con. Hai vợ chồng hiện đã ly hôn.

Fromm nói rằng bà ấy “gần như mất niềm tin” vào những năm 1970 sau khi nghe câu chuyện về những phụ nữ bị các linh mục làm cho có bầu và bị ép đi nước ngoài để phá thai. Nhưng cô vẫn tiếp tục nghiên cứu thần học nữ quyền, và vào những năm 1990, đồng sáng lập nhóm Phụ nữ Vận Động Đòi Phong Chức Linh Mục Toàn cầu.

Hiện bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư và hầu như không thể đi lại, Fromm nói: “Tôi không nghĩ mình sẽ sống để chứng kiến sự thay đổi”.

Những người khác, chẳng hạn như Mechthild Exner-Herforth, được truyền cảm hứng để bắt đầu vận động sau này trong cuộc đời.

Người đồng tổ chức 58 tuổi của cuộc biểu tình ở Fulda có một nền giáo dục Công Giáo truyền thống. Sau một sự nghiệp lên rất cao, cô tham gia vào các hoạt động của nhà thờ một lần nữa, lúc đó cô mới bị đánh động bởi sự bất bình đẳng sâu sắc.

Exner-Herforth nói: “Tôi là người phụ nữ đầu tiên trong một đội ngũ quản lý lớn ở cấp độ Âu Châu… và thực sự thích sự tự do có các quyền bình đẳng này. Sau đó, khi tôi già đi, tôi bắt đầu tham gia vào các hoạt động nhà thờ và tôi nghĩ nó sẽ như vậy,” cô cười khúc khích nói thêm.

Thay vào đó, Exner-Herforth trở nên chán ngấy với việc phụ nữ bị nói rằng họ không thể giữ vị trí như nam giới. “Tôi hoàn toàn tin chắc rằng nếu Giáo Hội muốn tồn tại, họ phải thay đổi,” cô nói.

Maria 1.0

Không phải tất cả phụ nữ Công Giáo đều có quan điểm đó. Nhóm Maria 1.0 được thành lập vào năm 2019 như một đối trọng với Maria 2.0. Nhóm nói rằng mục đích của nhóm là “mang lại tiếng nói cho giáo lý Công Giáo.”

Clara Steinbrecher, 23 tuổi, người đứng đầu nhóm Maria 1.0, đã viết trong một cuộc phỏng vấn qua email với CNN: “Chúng tôi tin rằng Đức Maria không cần cập nhật. Thay vào đó, chúng tôi ủng hộ những giáo lý ban đầu của Giáo Hội Công Giáo, là mẹ của chúng tôi.”

Steinbrecher, người đang theo học toán và tâm lý học tại một trường đại học Công Giáo, cho biết nhóm có 3,500 thành viên, chủ yếu ở Đức nhưng cũng trải rộng khắp Áo và Thụy Sĩ.

Cô nói rằng các phương pháp của Maria 2.0, chẳng hạn như tẩy chay các cử hành ở nhà thờ là “gây hoang mang, quấy rối và không có tính chất Kitô Giáo”, và nói thêm rằng “hầu hết nội dung của các sáng kiến là chống Giáo Hội, vì họ muốn thấy những niềm tin không thể thay đổi được phải thay đổi.”

Thay vào đó, Steinbrecher nói “những cải cách thực sự bắt nguồn từ việc nêu đích danh những khiếm khuyết thực sự”, chẳng hạn như “việc đào tạo không hoàn chỉnh các ứng viên cho chức linh mục”.

Về vấn đề lạm dụng tình dục, Steinbrecher cho biết Giáo Hội Công Giáo “đã làm rất nhiều để chống lại lạm dụng tình dục trong hàng ngũ của mình”, nhưng nói thêm rằng “vẫn còn việc phải làm và vết thương cần thời gian để chữa lành.”

Những người biểu tình đa dạng

Ở Fulda, các giám mục đến thăm sẽ ở trong cung điện theo kiến trúc baroque của thị trấn, lối vào của nó được trang điểm với các hàng cây bụi điêu khắc và những bông hoa màu sắc rực rỡ.

Bên ngoài có một cảnh bắt mắt khác. Một tác phẩm điêu khắc khổng lồ về một linh mục đang ngủ gật trên võng treo lơ lửng bởi những cây thánh giá gãy, với dòng chữ: “11 năm không ngừng đối mặt với các trường hợp lạm dụng.”

Tác phẩm điêu khắc là tác phẩm của nghệ sĩ người Đức Jacques Tilly, người có những bức tranh biếm họa kích thước rất lớn về các nhà lãnh đạo thế giới - từ Donald Trump đang xé toạc các thỏa thuận khí hậu đến một con quái vật Boris Johnson nhiều đầu tách Anh quốc ra khỏi Âu Châu. Các tác phẩm điêu khắc thường tô điểm cho các cuộc diễu hành chính trị.

Gần đó, là các nhà vận động thuộc nhóm ủng hộ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục đang phát những tờ rơi cho những người qua đường và cố gắng thu hút sự chú ý của các thành viên giáo sĩ khi họ vội vã đi qua.

Jens Windel, một trong những người biểu tình, nói với CNN rằng anh đã bị một linh mục lạm dụng trong khoảng thời gian hai năm, bắt đầu từ khi anh 9 tuổi.

Windel, hiện 47 tuổi, đang nheo mắt nhìn vào buổi trưa nắng chói chang, nói: “Chấn thương không dừng lại, bởi vì sự lạm dụng không có hồi kết. Giáo Hội đã không làm đủ để kết thúc nó.”

Windel đã thành lập một nhóm hỗ trợ cho các nạn nhân bị lạm dụng ở Hildesheim, miền bắc nước Đức, và đến hội nghị của các giám mục ở Fulda hàng năm kể từ năm 2015.

Anh ta hoài nghi những luận điệu của Maria 2.0 về lạm dụng tình dục, vì sợ rằng những người phụ nữ đang “lạm dụng nó cho mục đích của riêng họ”.

Nhưng Windel nói rằng mặc dù phong trào “không liên quan đến lạm dụng tình dục”, nhưng anh ta ủng hộ rộng rãi các mục tiêu của nó, vì anh ta “cảm thấy rằng phụ nữ nên được bình đẳng với nam giới.”

Các nhóm vận động khác coi mục đích của họ là phù hợp hơn với Maria 2.0.

Thomas Pöschl là thành viên của nhóm HuK ủng hộ người đồng tính trong Giáo Hội và đã đến Fulda để tham gia cuộc biểu tình Maria 2.0.

Người đàn ông 60 tuổi cầm biểu ngữ cầu vồng khổng lồ bên cạnh anh chồng Thomas Herold. Họ đã kết hôn trong cái mà họ gọi đùa là “cử hành bị cấm” vào năm 2003 bởi một linh mục xé rào ở Frankfurt, là người ủng hộ sự kết hiệp của họ.

Pöschl nói: “Giáo Hội không thể tiếp tục như vốn có, bởi vì mọi người đang bỏ đi. Giáo Hội đã xa rời cuộc sống của mọi người, đến nỗi họ không còn có thể nói cho mọi người biết phải làm gì”.

Khủng hoảng niềm tin

Mặc dù nhà nước và Giáo Hội chính thức tách biệt ở Đức, nhưng trên thực tế, mọi thứ ít khi tách biệt. Hướng dẫn tôn giáo là một phần trong chương trình giảng dạy ở trường công lập và các Giáo Hội giữ nhiều ghế trong vô số các hội đồng giám sát - từ truyền thanh công cộng đến công đoàn.

Nhưng Giáo Hội ngày càng bị coi là “một thể chế độc tài, lỗi thời,” Detlef Pollack, giáo sư xã hội học tôn giáo tại Đại học Münster, nói. “Và đó cũng là một lý do tại sao mọi người bỏ đi.”

Thuế Giáo Hội tại Đức - lên tới từ 8% đến 9% trên mức thuế thu nhập của các thành viên - là một lý do khác.

Vào cuối năm 2019, những người Công Giáo Đức đã khởi động dự án Tiến Trình Công Nghị với nỗ lực khôi phục niềm tin vào Giáo Hội. Nó liên quan đến hàng trăm thành viên giáo dân, học giả, giáo sĩ và giám mục tranh luận về những chủ đề cấm kỵ đối với nhiều người - bao gồm loại bỏ luật độc thân linh mục và cho phép phụ nữ đóng những vai trò lớn hơn trong đời sống Giáo Hội.

Dự án sẽ kết thúc vào năm 2023, mặc dù kết quả của nó được trấn an là sẽ không thay đổi giáo lý Công Giáo.

Tuy nhiên, những cuộc tranh luận xung quanh việc hiện đại hóa Giáo Hội Đức đã thu hút sự chỉ trích từ Vatican. Một số quan chức cấp cao nhất của Vatican, bao gồm cả Đức Thánh Cha Phanxicô, đã bày tỏ lo ngại rằng Tiến Trình Công Nghị có thể dẫn đến sự chia rẽ lớn hơn trong Giáo Hội.

Pollack nói: “Các giáo sĩ Đức chắc chắn là người tự do hơn các linh mục Công Giáo ở Phi Châu hoặc Đông Âu,” nói thêm rằng họ đặt ra “một thách thức đối với Vatican”.

Đầu tháng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi động một cuộc tham vấn trên toàn thế giới kéo dài hai năm về định hướng tương lai của Giáo Hội - một động thái được những người theo chủ nghĩa cải cách hoan nghênh và bị những người bảo thủ chỉ trích, những người lo ngại tiến trình này sẽ phá hoại cấu trúc của Giáo Hội.

Hiện tại, các yêu cầu của Maria 2.0 về quyền bình đẳng đang được thảo luận như một phần của dự án Tiến Trình Công Nghị, Matthias Kopp, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Đức, nói với CNN.

Khi được hỏi liệu đã làm đủ để chống lại nạn lạm dụng tình dục trong Giáo Hội hay chưa, Kopp nói thêm: “Chúng tôi đang làm việc. Chúng tôi đã làm được nhiều điều và chúng tôi phải tiếp tục trong việc này”.

Trở lại Fulda, những người biểu tình gấp các biểu ngữ của họ và đóng gói các cây thánh giá bằng các tông màu hồng của họ, sẵn sàng cho cuộc biểu tình tiếp theo. Trận chiến của họ còn lâu mới kết thúc.
Source:CNN

2. Chỉ dẫn thêm của Thông tấn xã Catholic News về Ơn Toàn Xá nhường cho các tín hữu đã qua đời

Năm nay, Vatican đã quyết định một lần nữa ban Ơn Toàn Xá nhường cho các linh hồn cho những người Công Giáo đến thăm nghĩa trang để cầu nguyện cho người chết vào bất kỳ ngày nào trong tháng 11. Ơn Toàn Xá rất quan trọng vì ân xá này giúp tha hết mọi hình phạt và làm cho người nhận lãnh trở nên tinh tuyền như mới vừa được rửa tội.

Thông thường, trong một năm, Giáo hội chỉ ban Ơn Toàn Xá này cho các linh hồn trong Luyện ngục cho những ai cầu nguyện trong nghĩa trang từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 8 tháng 11, trong tuần Lễ trọng các đẳng linh hồn.

Nhưng năm ngoái, Tòa Ân Giải Tối Cao đã ban hành một sắc lệnh mở rộng Ơn Toàn Xá trong bối cảnh những lo ngại về việc tụ tập đông người trong nhà thờ hoặc nghĩa trang do đại dịch COVID-19.

Hôm 28 tháng 10, Vatican đã thông báo rằng sắc lệnh tương tự cũng sẽ được áp dụng vào tháng 11 năm nay.

Như thế, trong tất cả các ngày của tháng 11, chúng ta có thể viếng nghĩa trang. Mỗi ngày có thể nhận được một Ơn Toàn Xá nhường cho các linh hồn.

Sách Cẩm Nang Ân Xá điều 29 triệt 1 cũng đề cập đến việc viếng nhà thờ hay nhà nguyện và đọc kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính vào ngày 2 tháng 11 để nhận được Ơn Toàn Xá cho chính mình, hay nhường cho các linh hồn. Năm nay, điều này cũng được áp dụng cho toàn bộ tháng 11.

Muốn được Ơn Toàn Xá, chúng ta cũng phải đáp ứng các điều kiện thông thường của một ân xá, là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi. Thông thường, việc xưng tội và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể có thể xảy ra trong khoảng 20 ngày trước hoặc sau khi nhận Ơn Toàn Xá. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đại dịch, việc xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha có thể làm ngay khi có thể.

Với sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao, những người không thể rời khỏi nhà, chẳng hạn như người bệnh và người già, hay sống tronh vùng bị lockdown vẫn có thể có được Ơn Toàn Xá bằng cách cầu nguyện cho những người đã khuất trước ảnh tượng Chúa Giêsu hoặc Đức Trinh Nữ Maria.

Họ cũng phải hiệp nhất về mặt thiêng liêng với những người Công Giáo khác, từ bỏ mọi quyến luyến với tội lỗi, và có ý định hoàn thành các điều kiện bình thường càng sớm càng tốt.

Theo Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, các tín hữu đã tôn vinh và cầu nguyện cho người chết từ những ngày đầu tiên của Kitô Giáo.

Sách giáo lý Công Giáo đoạn 1032 viết:

“Ngay những thời đầu, Hội Thánh vẫn kính nhớ người quá cố và dâng lời cầu nguyện cho họ, nhất là dâng Hy lễ Thánh Thể, để một khi đã được thanh luyện họ có thể được vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa. Hội Thánh cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng các ân xá và làm các việc đền tạ để cầu cho những người đã qua đời.

“Vậy chúng ta hãy giúp đỡ họ và hãy nhớ đến họ. Nếu hy lễ của ông Gióp đã đền được tội cho các con ông: tại sao chúng ta lại hồ nghi, là liệu những lễ tế chúng ta dâng lên để cầu cho người quá cố có đem đến cho họ một an ủi nào không? Chúng ta đừng ngần ngại giúp đỡ những người đã qua đời, và dâng lời cầu nguyện cho họ.”


Source:Catholic News Agency

3. Vatican nhắc lại những lời lên án của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với ý thức hệ giới tính trong lá thư gửi hiệp hội ủng hộ sự sống

Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican, gọi tắt là CDF, đã nhắc lại những tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô về ý thức hệ giới tính trong một bức thư gửi cho một hiệp hội ủng hộ sự sống ở Ý.

Bức thư đề ngày 1 tháng 10 được công khai ngay trước khi Thượng viện Ý chặn một dự luật gây tranh cãi được gọi là “Ddl Zan” nhằm “chống kỳ thị người đồng tính”, trong một cuộc bỏ phiếu đáng ngạc nhiên với 131 phiếu thuận và 154 phiếu chống, vào ngày 27 tháng 10.

Bức thư là phản hồi của CDF đối với yêu cầu làm rõ về cách các chính trị gia Công Giáo nên phản ứng với những luật pháp trái ngược với giáo huấn Công Giáo, đặc biệt là ý thức hệ về giới tính.

Lá thư của CDF đã chỉ ra những chỉ trích rõ ràng của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với ý thức hệ giới tính, được đưa ra trong một số tuyên bố trong suôt triều giáo hoàng của ngài, và lưu ý rằng các nhà lập pháp Công Giáo phải phản đối các luật không phù hợp với giáo huấn Công Giáo, như được quy định trong tài liệu CDF năm 2002 về người Công Giáo trong đời sống chính trị.

CDF đã đưa ra những tuyên bố này với hiệp hội Pro Vita & Famiglia, được thành lập để thúc đẩy các chính sách vì cuộc sống và gia đình ở Ý.

Vào tháng 7, hiệp hội đã gửi cho Đức Hồng Y Luis Ladaria, tổng trưởng CDF một bức thư dài trình bày chi tiết những nỗ lực đưa ý thức hệ giới tính vào luật pháp Ý thông qua một dự luật mang tên một thành viên quốc hội là ông Alessandro Zan. Dự luật đề xuất hình sự hóa các hành vi “phân biệt đối xử hoặc bạo lực” dựa trên giới tính, và khuynh hướng tình dục.

Tòa thánh đã bày tỏ quan ngại về dự luật này. Vào tháng 6, Tòa thánh đã chuyển một văn bản ghi âm cho chính phủ Ý nói rằng luật có thể gây nguy hiểm cho hiệp ước Tòa thánh và Ý.

Trong lá thư của mình, Pro Vita & Famiglia lưu ý rằng luật “chống kỳ thị người đồng tính” đã được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới.

Hiệp hội nhấn mạnh rằng “các biện pháp chống phân biệt đối xử để chống lại chứng sợ đồng tính luyến ái làm nổi bật các vấn đề ảnh hưởng đến việc giảng dạy và nhân học Công Giáo,” vì chúng “ngụ ý hoặc thậm chí áp đặt một cái nhìn chủ quan, linh hoạt và không nhị phân về tình dục,” trái ngược với “đạo đức tự nhiên, Kitô Giáo và nhân học Kinh thánh”.

Theo hiệp hội, các dự luật nhằm mục đích “thiết kế lại hoàn toàn bản sắc tình dục, bằng cách tách bản sắc giới tính khỏi giới tính sinh học.”

Pro Vita & Famiglia nhấn mạnh rằng dự luật “Ddl Zan” “không chỉ giả định” ý thức hệ về giới là đúng mà còn “áp đặt nó về mặt văn hóa” khi nó đề xuất thành lập “Ngày quốc gia chống kỳ thị đồng tính, và chứng sợ chuyển giới”. Vào ngày đó, dự luật đòi “các buổi lễ, cuộc họp và mọi sáng kiến hữu ích khác” phải được tổ chức ở mọi trường học.

Bức thư cũng đề cập đến những lo ngại về tự do tôn giáo. Pro Vita & Famiglia lưu ý rằng “các linh mục và mục sư đã bị đàn áp” trong đó “một dự luật tương tự như dự luật Zan đã được thông qua”, đề cập đến việc bắt giữ mục sư John Sherwood ở Anh vì những tuyên bố về kỳ thị đồng tính và cuộc điều tra đối với Tổng Giám Mục Fernando Sebastián Aguilar ở Tây Ban Nha vì ngài bị cáo buộc kỳ thị người đồng tính, sau khi ngài trả lời một cuộc phỏng vấn về tình dục và sinh sản.
Source:Catholic News Agency
 
Đau lòng: Ma quỷ xúi phụ nữ phá thánh lễ, nhà thờ. Tuyên bố của cảnh sát. Phép lạ cô bé cứu cha
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:10 03/11/2021


1. Ma quỷ đã biến một người Công Giáo thành kẻ phá hoại nhà thờ. Tuyên bố của Cảnh sát Denver

Hôm 2/11 Lễ Các Đẳng Linh Hồn, Cảnh sát Khu Trung Tâm Denver thông báo rằng họ đã xác định được người bị cáo buộc phá hoại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội vào ngày 10 tháng 10. Cô ta tên là Madeline Ann Cramer, 26 tuổi, người ủng hộ quyền phá thai.

Cramer đã dùng sơn xịt màu đỏ để phá hoại nhà thờ chính tòa của Denver với các khẩu hiệu chống Công Giáo.

Các bức ảnh được chia sẻ bởi các phóng viên tin tức địa phương cho thấy các khẩu hiệu như “Satan sống ở đây”, “Những người theo chủ nghĩa siêu đẳng da trắng” và “Kẻ hiếp dâm trẻ em, LOL” – LOL là chữ viết tắt cho laugh of loud, nghĩa là tức cười quá, cũng như những hình chữ thập ngoặc, được viết bằng sơn phun màu đỏ tươi ở bên ngoài ngôi thánh đường, vỉa hè, và trên chân tượng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Các bức vẽ nghuệch ngoạc sau đó đã được xóa sạch với sự giúp đỡ của các giáo dân và các tình nguyện viên khác. Linh mục Sam Morehead, Cha Sở nhà thờ, cho CNA biết ngay sau khi vụ việc xảy ra, sơn đã bị loại bỏ khỏi cửa chính.

Cha Morehead cho biết vào ngày 11 tháng 10 rằng kẻ tấn công dường như có một số “vết thương cá nhân sâu sắc và bất bình” chống lại Chúa và Giáo hội.

Người phát ngôn của Tổng giáo phận Denver, Mark Haas, cho biết kể từ tháng 2 năm 2020, ít nhất 25 giáo xứ hoặc địa điểm mục vụ ở miền bắc Colorado đã là mục tiêu của các hoạt động phá hoại, hủy hoại tài sản hoặc trộm cắp.

“Thật đáng lo ngại khi thấy các báo cáo ngày càng gia tăng về các vụ phá hoại tại các nhà thờ Công Giáo, trên toàn quận và trong tổng giáo phận của chúng tôi, và chắc chắn là không may khi các giáo xứ của chúng tôi bị nhắm mục tiêu chỉ vì niềm tin của chúng tôi,” anh Haas nói trong một tuyên bố với CNA.

“Chúng tôi tiếp tục cầu nguyện cho sự hoán cải của những người thực hiện hành vi xúc phạm nhà thờ, các bức tượng và biểu tượng tôn giáo của chúng tôi.”

Nhà thờ cũng bị hư hại vào giữa năm 2020 trong bối cảnh các cuộc biểu tình phân biệt chủng tộc ở trung tâm thành phố Denver. Nhà xứ và nhà thờ bị phun sơn với các khẩu hiệu “Pedofiles” [sic], “Chúa đã chết”, “Không có Chúa”, cùng với các cụm từ và biểu tượng chống cảnh sát, vô chính phủ và chống tôn giáo.

Trong một video ngày 2 tháng 10, Cramer nói, “Tôi được nuôi dạy là người Công Giáo, tôi đã được rửa tội… tại nhà thờ Thánh Frances Cabrini ở Littleton, Colorado,” nhưng “chưa bao giờ cảm thấy Giáo Hội Công Giáo là đúng.”

Y thị cho biết gần đây cô ta đã truy cập trang web của giáo xứ Thánh France Cabrini “và thấy rằng họ đang tích cực hỗ trợ chống phá thai trên khắp đất nước.”

Cramer buộc tội rằng Giáo hội “ghét những người phụ nữ, họ muốn kiểm soát phụ nữ, họ muốn bịt miệng phụ nữ.” Cô ấy kết luận video của mình rằng: “Vì vậy, hãy dừng lại, hãy thành thật mà nói rằng bạn không tràn đầy tình yêu dành cho Chúa, cho đứa bé, cho người phụ nữ. Bạn tràn ngập sự căm ghét và bạn biết điều đó và chúng tôi biết điều đó”.

Phó tế Chet Ubowski tại St. Frances Cabrini ở Littleton xác nhận với CNA rằng Cramer là người phụ nữ đã đến gần bàn thờ trong Thánh lễ tại nhà thờ ngày 10 tháng 10, chỉ vài giờ sau khi cô phá hoại nhà thờ. Trong quá trình nói chuyện với vị chủ tế, cô ta tự nhận mình là một người theo satan.

Phó tế Ubowski cũng nói rằng “không ai trong số các nhân viên hiện tại biết cô ấy... Chúng tôi đã hỏi các nhân viên mục vụ về thanh niên xem họ có bất kỳ hồi ức nào về cô ấy và họ đã trả lời là không.”

“Nhưng tất cả chúng tôi đều có cô ấy trong lời cầu nguyện của chúng tôi,” anh ấy nói thêm.

Cramer bị buộc tội vào năm 2020 với tội cản trở cảnh sát và bị kết án một năm quản chế và 48 giờ phục vụ cộng đồng. Các tổ chức ngăn chặn tội phạm ở Denver đang cung cấp 2,000 Mỹ Kim cho thông tin về nơi ở của cô ấy hoặc sự cố phá hoại.

Cảnh sát Denver cho biết y thị đang lẩn trốn và có khả năng phá hoại thêm nhiều nhà thờ khác. Nếu ai có thông tin, xin liên lạc qua số 720-913-7867. Những thông tin dẫn đến việc bắt giữ y thị sẽ được thưởng 2,000 Mỹ Kim.
Source:Catholic News Agency


2. Phép lạ được Giáo Hội công nhận: Cô bé cứu cha khỏi luyện ngục

Cha Mark Goring của giáo xứ Đức Bà ở Ottawa, Canada đã đăng một video giải thích thị kiến siêu nhiên của một bé gái trong Thánh lễ: cô bé đã nhìn thấy cha mình trong luyện ngục!

Cha Goring nhấn mạnh rằng câu chuyện này “chỉ ra thực trạng của luyện ngục và ích lợi của việc dâng thánh lễ cho những người đã chết”.

Vị linh mục người Canada đã giới thiệu cuốn sách “Những điều kỳ diệu của Thánh Thể trên thế giới”, trong đó mô tả kinh nghiệm của một đứa trẻ. Sự kiện này được Giáo hội nhìn nhận là một phép lạ đã xảy ra ở Montserrat, Tây Ban Nha vào thế kỷ 17, nơi các tu sĩ Biển Đức đang tụ họp trong một hội nghị.

“Trong khi hội nghị đang diễn ra, một người mẹ đi với cô con gái nhỏ đến tu viện. Chồng của bà ấy, là cha của cô bé đã chết. Trong thánh lễ cô được nhìn thấy cha cô đang ở luyện ngục và cần dâng ba thánh lễ để ông có thể được thoát khỏi nơi ấy.

“Cô bé cầu xin cha bề trên tu viện dâng ba Thánh lễ cho cha mình.”

Trích dẫn cuốn sách, cha Goring cho biết như sau:

“Cha bề trên tu viện tốt bụng, xúc động trước những giọt nước mắt của cô gái, đã cử hành thánh lễ đầu tiên. Cô ấy có mặt ở đó vào ngày hôm sau để dự thánh lễ đầu tiên, và trong thánh lễ, khi cha bề trên truyền phép, cô nói rằng cô nhìn thấy cha mình đang quỳ gối trên bậc thang dẫn lên bàn thờ chính, xung quanh ông là ngọn lửa đáng sợ”.

“Cha bề trên, muốn tìm hiểu câu chuyện của cô ấy có phải là sự thật hay không, đã yêu cầu cô gái đặt một chiếc khăn tay gần ngọn lửa bao quanh cha cô ấy. Theo yêu cầu của ngài, cô gái đã đặt chiếc khăn tay vào ngọn lửa mà chỉ mình cô mới có thể nhìn thấy. Ngay lập tức, tất cả các tu sĩ trong nhà thờ nhìn thấy chiếc khăn tay bốc cháy”.

“Ngày hôm sau, họ dâng thánh lễ thứ hai, và trong thánh lễ đó, cô nhìn thấy cha mình mặc áo choàng màu sáng, đứng bên cạnh thầy phó tế.”

“Sau đó, vào ngày hôm sau khi thánh lễ thứ ba được dâng lên, cô ấy nhìn thấy cha mình trong chiếc áo choàng trắng như tuyết. Ngay sau khi thánh lễ kết thúc, cô gái đã thốt lên: ‘Kìa cha con, đang được cất lên, đang lên trời!’”.

Kết thúc câu chuyện, Cha Goring xin mọi người cùng đọc một kinh cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.

Lạy Chúa, xin ban ơn yên nghỉ đời đời cho các linh hồn và hãy cho ánh sáng ngàn thu chiếu rọi các linh hồn ấy. Xin cho linh hồn các tín hữu đã ra đi, nhờ lòng thương xót của Chúa, được yên nghỉ trong bình an. Amen.
Source:Church POP

3. Ứng viên Cộng hòa Glenn Youngkin đã chính thức giành được chiến thắng trong cuộc đua thống đốc Virginia

Ủy ban bầu cử của tiểu bang Virginia đã chính thức xác nhận ứng viên Glenn Youngkin của Đảng Cộng hòa được bầu làm thống đốc của tiểu bang Virginia.

Y hệt như trường hợp của Tổng thống Trump, Youngkin, một doanh nhân lần đầu tiên tham gia tranh cử, là đảng viên Cộng hòa đầu tiên được bầu làm thống đốc bang Virginia trong hơn một thập kỷ qua. Trong khi các tiên đoán cho rằng Youngkin chắc chắn thua Terry McAuliffe của đảng Dân chủ, ông đã chiến thắng vang dội. Chiến thắng này là một niềm vui rất lớn cho những người phò sinh. Virginia là tiểu bang có các luật phá thai khét tiếng nhất nước Mỹ. Tháng Giêng 2019, bà Kathy Trần, một người Việt Nam làm Dân biểu Hạ Viện Virginia đã đưa ra một dự luật cho phép phá thai ở mọi giai đoạn kể cả khi đứa bé đã chào đời.

McAuliffe trước đây từng là thống đốc Virginia từ năm 2014 cho đến năm 2018. Luật Virginia cấm các nhiệm kỳ thống đốc liên tiếp, nhưng một cựu thống đốc có thể tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai sau khi nghỉ một kỳ.

Cuộc đua tập trung chủ yếu vào các vấn đề xã hội, cụ thể là lý thuyết ưu tuyển chủng tộc, phá thai và các chiến lược giảm thiểu lây lan coronavirus trong trường học. Các trường công lập của Virginia là một trong những trường cuối cùng trong cả nước mở cửa lại cho việc học trực tiếp sau khi đại dịch coronavirus bắt đầu.

McAuliffe, người tự mô tả mình như một “bức tường bêtông vững chắc” trong việc ủng hộ phá thai, đã biến phá thai thành một phần trọng tâm trong chiến dịch của mình sau khi Texas ban hành luật cấm phá thai sau khi phát hiện tim thai.

McAuliffe nói tại một chiến dịch tranh cử bên ngoài một phòng khám phá thai ở Charlottesville Ngày 9 tháng 9.

“Bây giờ chúng ta đã thấy ở Texas rằng Roe v. Wade đã kết thúc, và Glenn Youngkin - ứng cử viên mà tôi đang chống lại - muốn làm điều đó ở đây ở Virginia này”

McAuliffe nói: “Tôi sẽ luôn chiến đấu để bảo vệ các phòng khám dành cho phụ nữ với tư cách là thống đốc.

Chiến dịch của McAuliffe cũng tung ra một quảng cáo chỉ trích Youngkin về “chương trình nghị sự cực hữu” của anh ta về việc phá thai và dự đoán rằng luật Texas sẽ là một “động lực to lớn” trong việc thu hút mọi người bỏ phiếu.

Marjorie Dannenfelser, chủ tịch SBA List, nhận xét vào ngày 2 tháng 11 rằng “McAuliffe cho rằng việc phá thai trở thành vấn đề trọng tâm trong chiến dịch của mình, và nó đã thất bại một cách ngoạn mục. Điều này một phần là do Glenn Youngkin tung ra quảng cáo truyền hình của chính anh ấy và trong các cuộc tranh luận, xác định McAuliffe là kẻ cực đoan thực sự vì đã ủng hộ những ca phá thai muộn gây đau đớn cho thai nhi”.

Các thành viên đảng Dân chủ Phò Sinh đã tweet, “Terry McAuliffe đã thực hiện chiến dịch của mình quanh việc phá thai và Youngkin đã thắng đậm. Đảng viên đảng Dân chủ- chúng ta đừng mắc phải những sai lầm tương tự đang được lặp đi lặp lại. Bạn cần phiếu ủng hộ cuộc sống. Chấm hết.”

Buổi tối thứ Ba được dự đoán là một chiến thắng quá đậm của Đảng Cộng hòa ở Virginia.

Ngoài chiến thắng của Youngkin, Winsome Sears của Đảng Cộng Hòa được bầu làm phó thống đốc, trở thành người nữ có cấp bậc cao nhất trong lịch sử của tiểu bang. Jason Miyares của Đảng Cộng Hòa được bầu làm Bộ Trưởng Tư Pháp thay cho Mark Herring của đảng Dân Chủ đương nhiệm.
Source:Catholic News Agency