Ngày 03-11-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
04/11: Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng. Nt. Phùng Thị Yến
Giáo Hội Năm Châu
02:30 03/11/2022

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một người phú hộ kia có một người quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: ‘Tôi nghe nói anh sao đó. Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa’. Người quản lý thầm nghĩ rằng: ‘Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ’.

“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: ‘Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi’. Rồi anh hỏi người khác rằng: ‘Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm giạ lúa miến’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi’.

“Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”.

Đó là lời Chúa.
 
Một đời tìm kiếm
Lm. Minh Anh
02:42 03/11/2022

MỘT ĐỜI TÌM KIẾM
“Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!”.

Alexander Đại Đế thấy Diogenes triết gia, đang chăm chú nhìn vào một đống xương người. Vua hỏi nhà triết học rằng, “Ông đang tìm kiếm điều gì?”. Diogenes trả lời, “Điều mà tôi không thể tìm thấy!”; và Diogenes thú nhận, ông đã để cả ‘một đời tìm kiếm’ điều ông không thể tìm thấy!

Kính thưa Anh Chị em,

Diogenes đã để cả ‘một đời tìm kiếm’ điều ông không thể tìm thấy! Và Cuộc đời mỗi người, xét cho cùng, là ‘một đời tìm kiếm!’. Vậy mà thật thú vị, Lời Chúa hôm nay còn cho biết, không chỉ con người tìm kiếm; cả Thiên Chúa, Ngài cũng ‘một đời tìm kiếm!’.

Từ phút chào đời, con người đã rành rọt trong việc kiếm tìm! Chưa cần phải mở mắt, đứa bé đỏ ỏng đã biết tìm vú mẹ. Quá trình trưởng thành của nó, rốt cuộc, cũng là một quá trình tìm kiếm. Con người tìm kiếm cái ăn, cái mặc; tìm kiếm tri thức, của ăn tinh thần; tìm kiếm lẽ phải, sự thiện, sự thật; và tuyệt vời nhất, cái đáng tìm kiếm nhất của nó chính là Thiên Chúa, Chân - Thiện - Mỹ. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!”.

Trong thư Philipphê hôm nay, Phaolô biệt phái tâm sự. Gần nửa cuộc đời, dường như Phaolô đã hoài sức tìm kiếm sự hoàn thiện khi nỗ lực chu tất lề luật; mãi cho đến khi biết được Chúa Kitô. Tìm được Ngài, Phaolô không thiết tha gì đến quá khứ; Phaolô thú nhận, “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi!”.

Và thật bất ngờ, bản thân Thiên Chúa, chính Ngài cũng ‘một đời tìm kiếm!’. Từ thuở địa đàng, Ngài đã tìm kiếm, “Ađam, ngươi ở đâu?”. Với con người, tìm kiếm một cái gì, là tìm kiếm cho chính nó; với Thiên Chúa, thì không như thế. Điều Thiên Chúa kiếm tìm không cho bản thân Ngài mà cho chính đối tượng Ngài tìm kiếm; vì lẽ, với Thiên Chúa, tìm kiếm là xót thương, là cứu vớt! Dụ ngôn “Con Chiên Lạc” và “Đồng Bạc Bị Mất” trong Tin Mừng hôm nay cho thấy điều đó! Chúa Giêsu thường xuyên ‘giao du’ với những người thu thuế và tội lỗi đến nỗi nên cớ vấp phạm cho giới biệt phái. Qua hai dụ ngôn, Chúa Giêsu ví mình như người chăn chiên đi tìm con chiên lạc hay như người phụ nữ chong đèn, quét nhà tìm bằng được đồng bạc bị mất. Với Ngài, mỗi tội nhân đều quý. Như người mục tử và người phụ nữ, Chúa Giêsu ‘say mê tìm kiếm’. Đúng thế, Thiên Chúa say mê tìm kiếm con người; và như vậy, ngoài những tên gọi thường ngày, Thiên Chúa còn có một cái tên khác, “Đấng Tìm Kiếm”, ‘một đời tìm kiếm!’.

Ngoài việc tìm kiếm, Tin Mừng hôm nay còn nói đến niềm vui tìm được! Luca viết, “Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác chiên lên vai”; đây là chi tiết ‘ly kỳ’ mà chỉ một mình Luca có! Để rồi, người chăn chiên và người phụ nữ “mời bạn bè, hàng xóm” đến chung vui; và niềm vui đạt tới đỉnh điểm khi Chúa Giêsu kết luận, “Cũng thế, tôi nói cho các ông hay, giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. Đó chính là lý do và mục đích cuối cùng khi Thiên Chúa, Đấng ‘một đời tìm kiếm’ sai Con Một Ngài xuống thế làm người!

Anh Chị em,

“Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!”. Tại sao? Người tìm kiếm Chúa hoan hỷ vì biết rằng, Thiên Chúa đi tìm nó trước! Gioan nói, “Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước!”. Vì thế, trên hành trình tìm kiếm Chúa, bạn và tôi biết rằng, Thiên Chúa luôn ngược chiều với chúng ta, Ngài đi tìm chúng ta trước. Ngay khi bạn vừa đặt chân xuống dòng suối, tìm lên ngọn nguồn, thì chính dòng nước đã ôm chầm bạn! Việc tìm kiếm Chúa còn là một hồng ân, chính nhờ sự dun dũi của Thánh Thần mà con người mới có khả năng tìm kiếm Ngài. Một điều quan trọng khác chúng ta phải lưu ý là bạn và tôi phải xin ơn nhận biết mình lạc lối. Phải, tất cả chúng ta đều lạc lối mỗi người mỗi kiểu, theo những cách khác nhau. Chúa Giêsu, Đấng ‘một đời tìm kiếm’ đang tìm kiếm chúng ta; Ngài tìm kiếm mỗi người tận đồi Canvê; và mỗi ngày, Ngài tìm kiếm và đợi chờ chúng ta trong Thánh Thể, trong các biến cố, trong anh chị em mình. Và điều quan trọng nhất, hãy kíp nhận ra Ngài, và hãy ‘cho phép mình được tìm thấy!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng ‘một đời tìm kiếm’, Chúa say mê tìm con; xin cho con say mê kiếm Chúa; và nhất là, ban cho con sức mạnh để con có thể ‘cho phép mình được tìm thấy!’, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:03 03/11/2022

24. Mặc dù Thiên Chúa hoàn toàn không giữ lại khi giao phó mình cho con, thì con cũng phải đương nhiên đem bản thân mình trao phó hoàn toàn cho Ngài.

(Thánh Gioan Kim Khẩu)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:05 03/11/2022
41. PHẠM LỖI

Ai cũng có lúc phạm lỗi, có lúc là xuất phát do sơ ý lơ đãng của chúng ta; có lúc là phát xuất do một vài khuyết điểm khó khắc phục do cá tính của chúng ta. Và bởi vì một vài lỗi sai ấy mà chúng ta nhận biết bao nhiêu là khổ não, mất đi nhiều cơ hội, lãng phí nhiều thời gian, uổng công toi nhiều đoạn đường.

Thực ra, đối với sai lầm, không hoàn toàn là một loại tổn thất với chúng ta. Cái đáng sợ là chúng ta cố chấp không lãnh ngộ, sai rồi sai tiếp; cái đáng sợ là chúng ta vẫn cứ để mình chìm luôn trong ảo não hối hận, không dám tự thoát ra.

Nếu chúng ta vì một vài sai lầm này mà có cảnh giác, có phân biện, có chọn lọc, có sự uốn nắn, thì sai lầm dứt khoát là thầy dạy chúng ta sự trưởng thành, chiếm đoạt kinh nghiệm, tiến về phía trước với sự sáng suốt sâu xa của sự già dặn.

Cũng tại bởi vì chúng ta biết mình sẽ phạm sai lầm, biết mình vẫn chưa đủ hoàn mỹ, cho nên khi đối diện với sự không biết mà phạm sai lầm của tha nhân, thì có phải chúng ta cũng có thể có một quả tim tương đối lớn để bao dung không?

Suy tư 41:

Sai lầm thì ai cũng có, lỗi lầm thì ai cũng phạm, nhưng cái quan trọng là biết mình sai lầm để sửa đổi và để biết cảm thông, khoan dung với tha nhân.

Có người cố chấp trong sai lầm vì coi mình là đúng và tất cả mọi người là sai; có người quá tự cao tự đại trong sai lầm của mình, để sự kiêu ngạo háo thắng ngự trị mà la lên ông già này trí trá, thằng cha kia mất dạy…

Ông già cũng là người nên cũng có khi sai lầm, nhưng không phải vì thế để chửi ông là trí trá; người này người kia đều có khi sai lầm, nhưng không vì thế mà chửi người ta thế này thế nọ. Hãy kính trọng những người già tóc bạc, vì họ đáng bậc cha ông của chúng ta, bởi vì khi chửi họ là chúng ta chửi cha mẹ ông bà của chúng ta vậy.

Phạm lỗi, sai lầm thì ai cũng có, bởi vì chúng ta là những người bất toàn, lấy tình thương để kính trọng người già, lấy tình huynh đệ để khuyên bảo anh em khi họ làm điều sai, chính là điều làm cho chúng ta trở nên môn đệ của Chúa Ki-tô.

Người ta không thấy sự trí trá nơi người già tóc bạc lưng còng, nhưng người ta sẽ coi thường và nguyền rủa những đứa con chửi bới cha mình là trí trá, gian dối.

“Thứ bốn thào kính cha mẹ”, thảo kính cha mẹ cũng có nghĩa là kính trọng người già đó, người Ki-tô hữu ai cũng biết được điều này, huống chi là những người trong bụng đầy cả chữ nghĩa Phúc Âm thánh hiền…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thiên Chúa Của Kẻ Sống
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:06 03/11/2022
Thiên Chúa Của Kẻ Sống

(Chúa Nhật XXXII TN C)

“Cuộc đời con người không phải là một hành trình đi từ chiếc nôi đến ngôi mộ mà là một quá trình đi từ hữu hạn đến vĩnh hằng”. Trên đây là câu nói của một bạn trẻ Công Giáo trong một dịp hội thảo về ý nghĩa của cuộc đời. Chắc hẳn để có được câu nói này thì các bạn trẻ, cách riêng các bạn trẻ Việt Nam, những người dù đang gặp nhiều khó khăn khi hướng về tương lai, nhưng một cách nào đó vẫn có một khát khao cháy bỏng vươn lên và tồn tại.

Có cuộc sống đời sau hay không? Một nhóm người phái Sađốc đã đặt ra cho Chúa Giêsu một vấn nạn qua một câu chuyện tưởng chừng như bịa, nhưng không phải là không thể xảy ra. Đâu cần đến cả thảy bảy anh em trai cùng cưới một phụ nữ theo tập tục vốn đã thành luật của người Do Thái thời bấy giờ, ngay hôm nay vẫn có đó nhiều người tái hôn cách hợp pháp khi người phối ngẫu trước đã qua đời. Thế thì đến ngày sau giải quyết tình trạng hôn nhân của họ ra sao đây?

Xét về mặt luận lý thì chúng ta không thể phủ nhận một điều gì đó khi trí khôn chưa rõ hoặc hầu như khó mà hiểu biết thấu đáo. Chẳng hạn khi chưa hiểu rõ cấu trúc vận hành của một thiên thể nào đó hay một loại virus nào đó thì không thể tiên thiên khẳng định là chúng không hiện hữu. Một số người chủ trương rằng cái gì hợp lý hay hữu lý mới hiện hữu, thì chỉ có thể hiểu sự hữu lý theo khía cạnh nội tại của chính hữu thể chứ không phải theo lôgich của luận lý con người. Tuy nhiên ở đây chúng ta cần chân nhận một thực tế này: Nhiều người phủ nhận một sự thật nào đó không phải vì chính sự thật ấy xem ra không hữu lý nhưng vì sự thật ấy đụng chạm đến lối sống của mình, và rất nhiều khi sự thật ấy một cách nào đó tố cáo lối sống chưa chính đáng và phải đạo của mình.

Nhóm Sađốc vốn là những người thuộc hàng tư tế chủ trương thỏa hiệp với chính quyền thời bấy giờ. Thời nào cũng thế, khi thỏa hiệp, thân thiện với chính quyền thì sẽ hưởng được nhiều danh vị, lợi lộc mà có khi là bất minh và bất chính. Một khi lòng đã dính bén với của tiền, danh vọng đời này thì ít có ai dám nghĩ đến ngày phải xa, phải mất chúng. Không tin vào sự sống lại, không tin vào sự sống ngày sau, thực ra nhiều khi chỉ là một cách biện bạch cho lối sống tham danh, hám lợi cách bất chính mà thôi. Nếu chết là hết, nếu không có đời sau thì cớ sao chúng ta không tìm mọi cách vơ vét của tiền, danh vị để hưởng thụ ở đời nầy?

Thế nhưng, những người chủ trương rằng không có đời sau thì dường như lòng họ vẫn mãi không yên. Ngay sự kiện họ cố tìm cách biện minh cũng đủ minh chứng cho sự thật này. Và đặc biệt những khi họ đối diện với sự dữ, nhất là với nấm mộ gần kề thì sự băn khoăn ấy càng mãnh liệt bội phần. Không, không một ai có thể dập tắt khát vọng sống mãi nơi lòng mình. Ngay cả những người tìm đến cái chết bằng sự tự vẫn thì cũng là một hình thái của khát vọng được sống tốt đẹp và vĩnh tồn mà không có lối thoát.

Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Một câu khẳng định rõ ràng về các hiện hữu, nhất là về sự hiện hữu của con người. Công cuộc của Đấng hằng sống phải là những gì mãi tồn tại. Dĩ nhiên hình thức tồn tại có thay đổi theo thời gian và theo quy luật Thiên Chúa đặt định. Ánh sáng đức tin qua Lời mạc khải cho chúng ta thấy sự chết chỉ là cánh cửa để bước qua một cõi sống khác mà chúng ta gọi là sự sống đời sau. Đã có sự sống đời sau thì hẳn có sự sống lại, không phải là lấy lại sự sống như ở đời này nhưng được biến đổi và theo một quy luật khác. Chúa Kitô dùng kiểu nói “như các Thiên Thần” để ám chỉ hình thái hiện hữu này. Khi đã tin có đời sau thì chắc hẳn phải tin có sự xét xử và thưởng phạt công minh.

Giữa cuộc sống, cách sống và niềm tin có mối tương quan hữu cơ và cách nào đó có thể gọi là tương quan biện chứng. Vì tôi tin chỉ có đời này mà thôi nên tôi phải tìm cách để tận hưởng các thiện hảo đời này bất chấp mọi phương thế, cho dù nhiều khi là bất chính. Trái lại khi quá dính bén với những thiện hảo đời này và sẵn sàng chiếm hữu chúng cách phi pháp thì tôi sẽ chủ trương rằng không có đời sau. Vì nếu có đời sau thì hệ lụy tất yếu đó là tôi phải trả lẽ về những gì tôi đã làm ở đời này.

Kitô hữu vẫn hằng tuyên xưng trong các thánh lễ Chúa Nhật và Lễ trọng:“Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy”(Kinh Tin Kính các thánh Tông Đồ) hay “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”(Kinh Tin kính Nicêa-Constantinôpôli). Giữa lời tuyên xưng đức tin và cuộc sống chúng ta đã có sự tương hợp thống nhất như thế nào? Cuộc đời các thánh, cách riêng các vị tử đạo là một lời tuyên xưng đức tin khả tín. Cả bảy anh em thời Macabêô và người mẹ đã anh dũng tuyên xưng đức tin về sự sống đời sau, khi chấp nhận trả giá bằng mạng sống của mình để trung thành với Thiên Chúa qua việc tuân giữ lề luật (x.2 Mcb 7). (Bài đọc thứ nhất).

Có thể nói rằng một dấu chỉ không thể thiếu của niềm tin về sự sống đời sau đó là can đảm đón nhận mọi gian khổ, biết sống tự do với những thiện hảo đời này và sẵn sàng từ bỏ chúng khi sự thật, công lý và tình yêu đòi hỏi.

Một cuộc sống mà ngôn hành bất nhất thì chắc chắn thiếu sự khả tín và dĩ nhiên là không đáng kính mà nhiều khi còn bị dè bĩu, không trước mặt thì cũng sau lưng. Phải thú nhận rằng đang tồn tại hiện tượng nghịch lý và nghịch thường trong xã hội chúng ta: Những người chủ trương “duy vật” thì sống rất duy ý chí và cả “duy tâm” trong nhiều hình thái mê tín lầm lạc, còn người tuyên xưng có linh hồn bất tử, thân xác sẽ sống lại, tuyên xưng có sự sống đời sau thì lại sợ khó, ngại khổ, không dám mạnh mẽ rao truyền chân lý, chưa can đảm bảo vệ công lý, chưa sẵn sàng từ bỏ chút danh vị hay quyền lợi để sống giới luật mới, giới luật yêu thương mà Chúa Kitô đã truyền (x.Ga 13,34-35).

Xin thử hỏi rằng chúng ta đã can đảm đón nhận mọi gian khổ để rao truyền chân lý, để bảo vệ công lý chưa? Xin thử hỏi rằng chúng ta đã sẵn sàng từ bỏ những quyền lợi, danh vị của mình để sống yêu thương phục vụ tha nhân, phục vụ người nghèo, người khốn khổ, bất hạnh, bị áp bức, bị bỏ rơi… trong xã hội và trong Giáo Hội như thế nào? Thành thực trả lời những câu hỏi này thì chúng ta sẽ biết mức độ của lòng tin chúng ta vào Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống như thế nào và sẽ biết niềm tin của chúng ta về sự sống ngày sau ra sao.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Một cơ duyên
Lm. Minh Anh
16:01 03/11/2022

MỘT CƠ DUYÊN
“Tôi nghe nói anh sao đó?”.

Một Kitô hữu đi qua đường hầm tăm tối có xu hướng tập trung vào những điểm yếu và thất bại tội lỗi của mình. Tuy nhiên, Thiên Chúa có thể sử dụng thời gian này cách tích cực để mở rộng lòng biết ơn, sám hối, đối với ân điển toàn vẹn và tràn đầy của Ngài. Với Chúa, sa mạc sẽ nở hoa, một linh hồn nguội lạnh có thể nên thánh. Thời khắc này có thể trở thành ‘một cơ duyên!’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Thời khắc này có thể trở thành ‘một cơ duyên!’”. Đó cũng là điều Chúa muốn nói với mỗi người chúng ta khi bạn và tôi đặt mình trong vai người quản lý của dụ ngôn hôm nay. Ông chủ nói với anh, “Tôi nghe nói anh sao đó?”. Vậy nếu chúng ta coi những lời này là lời của chính Chúa đang nói với mình, “Ta nghe nói con sao đó?” thì đây cũng có thể là ‘một cơ duyên!’. Và thật thú vị, trong tiếng Anh, “cơ duyên, grace”, còn có nghĩa là “ân sủng!”.

“Ta nghe nói con sao đó?”. Tất nhiên, đây chỉ là một dụ ngôn. Trên thực tế, Thiên Chúa không cần “nghe” bất cứ điều gì về bất cứ ai vì Ngài biết tất cả, “Biết cả khi con đứng, con ngồi; tư tưởng con Chúa thấu suốt từ xa”. Tuy nhiên, Ngài vẫn rất có thể nói với chúng ta những lời ấy khi Ngài xem lại ‘hồ sơ cuộc sống’ của mỗi người; Ngài nhắc cho chúng ta rằng, bạn và tôi phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi tự do của mình. Giờ đây, trong bầu khí cầu nguyện, chúng ta hãy nhìn vào Ngài, một người Cha, cũng là người đã hỏi, “Ta nghe nói con sao đó?”. Có thể những lời này sẽ tiết lộ một nỗi lo lắng về một vết thương nào đó trong tâm hồn chúng ta, về một điều gì đó đã làm mất đi vẻ đẹp của hình ảnh mỗi người chúng ta với tư cách là những con trai, con gái rất yêu dấu của Ngài, một vị Cha nhân từ!

Vâng, chúng ta sẽ phải cung cấp cho Ngài đầy đủ ‘hồ sơ’. Và nếu phải lập một danh sách tất cả những gì chúng ta đã lãnh nhận, nó sẽ bao gồm những gì? Theo những cách nào, chúng ta cảm thấy mình đã tận dụng tối đa những gì đã nhận lãnh cho việc xây dựng Nước Chúa và cho vinh hiển Ngài? Bí Tích Hoà Giải, được chuẩn bị bằng một cuộc kiểm tra lương tâm chu đáo, cho chúng ta cơ hội để đưa ra bản tường trình, từng phần một, như một chuẩn bị cho cuộc kiểm tra cuối cùng. Thật là ‘một cơ duyên!’. Vậy bạn có đang tận dụng nó không? Chúa nhân lành có gọi chúng ta là kẻ phung phí? Đứa con hoang đàng bị buộc tội phung phí tài sản của cha mình. Chắc chắn, phung phí là sử dụng sai mục đích, sử dụng không khéo léo, lãng phí hoặc xa hoa.

Còn về tất cả những ân sủng khác thì sao? Đức tin của chúng ta, Giáo Hội Công Giáo, các Bí Tích, Lời Chúa, gương các thánh, kho tàng phong phú của truyền thống, những phương tiện đã được đặt trong tay; thời gian được cung cấp, những tài năng đã lãnh nhận! Chúng ta có phải là kẻ phung phí? Làm thế nào tôi có thể đáp ứng tốt hơn những ân huệ Chúa ban? Làm cách nào bạn và tôi có thể “đầu tư” tốt hơn cho Nước Trời? Hoặc nói như Phaolô trong thư Philipphê hôm nay, chúng ta có “sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô” không? Hãy cậy trông vào Ngài, “Ngài sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài!”.

Anh Chị em,

“Ta nghe nói con sao đó?”. Chớ gì Lời Chúa hôm nay là ‘một cơ duyên’ đánh thức bạn và tôi về những ân huệ của Chúa; nhờ đó, chúng ta sốt sắng và quảng đại hơn, biết sử dụng ơn Chúa cho vinh quang Ngài và lợi ích các linh hồn Chúa đã đặt bên cạnh mình. Ước gì, nhờ việc xét mình, và nhờ sức mạnh và ơn tha thứ của Đấng sẵn sàng ban chính Thịt Máu Ngài trong Thánh Thể, trong Lời, chúng ta trở nên một quản lý tốt, hầu ngày kia, có thể đến với Chúa, tinh tuyền thanh khiết để tận hưởng chính Ngài như phần thưởng thiên đàng. Diễn tả niềm hân hoan của ngày phúc kiến đó, Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Tôi vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con chểnh mảng với ơn Chúa. Chớ gì câu hỏi Chúa dành cho con hôm nay là ‘một cơ duyên’, cũng là thời khắc ân sủng, để con biết điều chỉnh lại cách sống!”, Amen.
(Tgp. Huế)
 
Sống Trong Chúa
Lm Vũđình Tường
19:31 03/11/2022
Sách Maccabê, bài đọc một tuần nay, ghi lại sự kiện bảy anh em bất tuân lệnh vị vua thất đức, vô đạo, tàn ác. Nghe theo lời mẹ khuyến khích, cả bảy người con của bà chấp nhận hành hình do lệnh vua ban, trung thành hy sinh mạng sống mình làm vinh danh Chúa, hưởng sự sống trường sinh. Trái với nhóm Sađucê là những kẻ không tin vào sự sống lại. Họ chế nhạo Đức Kitô bằng cách tỏ ra mình rành luật. Họ đặt câu hỏi đại đa số thắc mắc là con người bắt đầu từ đâu và khi chết sẽ đi đâu? Những ai tin theo Đức Kitô thì câu trả lời thật rõ ràng là chúng ta do Chúa dựng nên và khi lìa cõi thế sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Còn những ai không tin theo Đức Kitô thì có nhiều câu trả lời. Chúng ta tin, Đức Kitô là Đấng duy nhất có câu trả lời xác thực cho sự sống lại từ cõi chết bởi chính Ngài chia xẻ kinh nghiệm bản thân mình. Ngoài Ngài ra không ai có cái kinh nghiệm sống lại từ cõi chết. Ngài chết trên thập tự, mai táng trong mộ và ba ngày sau sống lại từ cõi chết, hiện ra với các tông đồ và nhiều người khác. Kinh nghiệm sống lại từ cõi chết của chính Đức Kitô mang lại cho ta niềm tin vào sự sống lại đời sau.

Nhóm Sađucê dựa vào năm cuốn sách đầu trong Kinh Thánh, gọi chung là Ngũ Kinh. Họ dựa vào giáo huấn của Môisen dậy trong sách Deuteronomy chương 24, nói về vấn đề bảo tồn giòng họ bằng cách khi người anh lập gia đình chết đi không con, người em kế cưới người chị dâu đó với hy vọng có con nối dõi tông đường. Nhóm Sađucê cho đó là điều chối bỏ sự sống trường sinh. Họ tạo ra câu chuyện mà thực tế không thể nào xảy ra khi họ hỏi Đức Kitô. Một gia đình có bảy anh em, người anh cả lập gia đình chết không con, người kế tiếp lấy chị dâu cũng không con và cứ thế lần lượt cả bảy người lấy một người và không ai có con. Cuối cùng người đó chết vậy thì trong cuộc sống trường sinh người đó là vợ của ai, vì cả bảy người cùng lấy người đó.

Khi đưa ra câu hỏi trên nhóm Sađucê cho biết họ không hiểu điều Đức Kitô rao giảng về tình yêu Chúa và nước trời. Họ không nhận biết điều mới mẻ Đức Kitô rao giảng và Ngài rao giảng với uy quyền. Qua lời giải thích của Đức Kitô, điều nhóm Sađucê không biết soi sáng cho chúng ta nhận biết ít nhiều về cuộc sống trường sinh. Thứ nhất, Đức Kitô cho biết trong nước Chúa không cần phải bảo tồn giòng dõi, gia tộc bởi tất cả đều là con cái trong đại gia đình Chúa. Thứ hai, cuộc sống mới hoàn toàn khác với cuộc sống hiện tại.

Cuộc sống hiện tại con người bị ảnh hưởng bởi thời gian và không gian, trong khi cuộc sống mới con người hoàn toàn không lệ thuộc vào điều kiện vật lí và thời gian. Thứ ba, Đức kitô giải thích cuộc sống mới trong nước Chúa con người sống như các thiên thần. Cuộc sống mới con người không lệ thuộc vào tài chánh, không cần hỗ trợ tâm lí, sinh lí, bởi cộc sống mới được đong đầy tình yêu Chúa và chính tình yêu Chúa ban tràn đầy niềm vui, hạnh phúc, hoan lạc; vì thế con người không còn khát khao, mong ước điều chi khác. Ngoài những mặc khải trên con người mù mờ về cuộc sống trường sinh, và chỉ biết rõ khi con người diện kiến tôn nhan Chúa. Ngoài những điều Đức Kitô mặc khải, mọi cố gắng giải thích về cuộc sống trường sinh đều là võ đoán, không đáng tin. Có người vi n vào í kiến đại đa số để tin theo. Í kiến đại đa số không thể thay đổi í định Thiên Chúa ban cho con cái Chúa.

Nhóm Sađucê độc quyền giải thích Kinh Thánh. Đức Kitô cho biết họ hiểu sai điều Môisen dậy về sự sống trường sinh do Môisen. Đức Kitô giải thích chính Môisen nói về sự sống trường sinh, vấn đề kẻ chết sống lại, trong đoạn văn lửa cháy trong bụi gia, khi ông gọi

'Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaac và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp' Lk 20,37.

Chúng ta tin có sự sống lại sau khi chết bởi chúng ta đặt tin tưởng và hy vọng vào Đức Kitô. Đây chính là niềm hy vọng của các Kitô hữu. Chúng ta tin vào lời Chúa hứa ban cho những ai trung tín tin theo điều Chúa truyền dậy, đó là mến Chúa và yêu tha nhân như chính mình.

Đức Kitô còn mặc khải cho chúng ta biết trong cuộc sống mới chúng ta được mời gọi chia sẻ sự sống trường sinh của chính Thiên Chúa. Điều này có thể thực hiện được không phải do khả năng ta mà chính là ơn Chúa ban cho những ai trung tín với tình yêu Chúa. Vì thế ta có thể tóm tắt cuộc sống trường sinh không gì khác hơn là được chia sẻ vinh quang Chúa. Niềm tin này làm thay đổi cuộc sống hiện tại và thay đổi cuộc sống tương lai của các Kitô hữu.
Ngoài Chúa ra, không có sự sống mới. Thiên Chúa chúng ta tin thờ là Thiên Chúa hằng sống và an tin vào Ngài sẽ không chết muôn đời.

TiengChuong.org

New Life In Christ

The book of Maccabees, our today's first reading, records the story of the unwavering faith and hope of seven brothers whose lives were brutally shortened by their king. These brave brothers received courage from their mother to endure extreme torture to glorify God. Their belief is in contrast to the Sadducees who ridiculed the biblical teaching about the glorious life in God's kingdom. The queries about where we originate and where our destination will be, has a clear answer for those who believe in Jesus; but for those who refuse to believe in Jesus, their answers are varied. Apart from Jesus' revelation about the resurrection, no one else has the personal experience to share and the authority to teach. We believe in Jesus because he himself was nailed on the cross, buried, and resurrected after three days laid in the tomb. This unique personal experience makes us believe that Jesus alone has the authority to talk about the afterlife, and his teaching confirms our hope in him.

The Sadducees accepted the teaching of the first five books of the Bible, known as the Pentateuch. Their doubt about the resurrection has its reference from Deuteronomy 24, which teaches that a man should marry the childless widow of his brother to preserve the family's name. They created a hypothetical premise that all seven brothers, one after another, married the same childless sister in law. At the resurrection, which of them will she be the wife of the brothers? The Sadducees showed that they failed to understand Jesus' teaching about God's love and God's kingdom. They failed to recognize that Jesus' teaching is new, and He taught with authority. Through Jesus, we learn that their ignorance becomes our insight. Jesus told them that there is no need to preserve one's family name in God's kingdom since we are all brothers and sisters in Christ. Jesus further revealed that the new life in Christ is different from the present life.

Our present life is conditioned by time and space while the new life in Christ is freed from the laws of physics. Jesus told the Sadducees that children of the new life do not marry since they are like angels. Because our new life will be like the lives of the angels; financial, psychological, emotional support is no more needed, but our life is filled with God's love, and God's love alone satisfies our new life. We believe in the resurrection, but we are vaguely aware of what it will be like until when we see God face to face. Apart from Jesus' teaching, any attempt to explain the resurrection is pure speculation because they are unproven. Public opinion would not change the resurrection God gives to his people.

The Sadducees had the authority to interpret the Scriptures and yet they failed to understand Moses' teaching about the resurrection. 'Moses himself implies that the dead rise again'. Moses encountered God in the burning bush and the revelation of God's holy name (Exodus 3). Our resurrection has its foundation in the life of Jesus, and his promise to give eternal life to those who follow his way of love and service. They failed also to believe in Jesus' teaching about the resurrection.

Jesus told us that God allows us to share his divine life and this sharing makes us a new creation in Christ. It is possible because it is God's gift given to those who have faith in Jesus, and our new life is nothing else but the glory of His resurrection. This belief gives meaning to our present life and the life to come. Apart from God, there is no life. Our God is the living God and those who believe in God will live forever.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐHY Kasper phản ứng lại những tấn công nhắm vào ngài từ những người bênh vực Tiến Trình Công Nghị Đức
Đặng Tự Do
05:02 03/11/2022


Đức Hồng Y Walter Kasper, Chủ tịch danh dự của Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo, đã phản kháng lại một nhóm các nhà thần học, những người đã chỉ trích ngài về điều mà họi gọi là sự phê phán đáng nguyền rủa của ngài đối với Tiến Trình Công Nghị Đức.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Công Giáo Quốc tế Communio, Kasper cho biết “Tiến Trình Công Nghị” của người Đức đã thất bại.

Trong một bức thư ngỏ, sáng kiến cải cách “Pro Concilio - Hội đồng từ bên dưới đi lên” từ giáo phận cũ của ngài là Rottenburg-Stuttgart đã chất vấn Đức Hồng Y Kasper rằng làm thế nào mà ngài lại “dám cho phép mình” có cái nhìn tiêu cực như vậy về các đề xuất cải cách của Tiến Trình Công Nghị Đức, mà theo họ là đang đưa ra một quan điểm triệt để, đầy ấn tượng về thần học, và tất cả các khuyến nghị của Tiến Trình Công Nghị đã đưa ra sau khi được chuẩn bị kỹ lưỡng với một sự tha thiết cao độ trong các cuộc thảo luận tại nhiều cuộc họp và hội nghị.

Sáng kiến cải cách tuyên bố rằng “cơ cấu quyền lực quân chủ, chủ nghĩa giáo sĩ nam, đời sống độc thân bắt buộc của c1c linh mục, đạo đức tình dục cứng nhắc và nhiều định kiến giáo điều” không phải là một phần của Thông điệp Phúc âm mà là những di tích từ “sự cứng nhắc” trong lịch sử Giáo Hội “ngăn cản sự tiếp cận của mọi người với Thông điệp Phúc âm.”

Vị Hồng Y trả lời : “Tôi không cần sự cho phép của bất kỳ ai. Tôi tận dụng quyền tự do của Kitô giáo, là thứ có sẵn cho bạn và cho tôi. Nếu bạn tự cho phép mình có quyền chỉ trích giáo huấn của Giáo Hội thì bạn không nên tạo ra một Cơ quan siêu giảng dạy “Superlehramt” của Tiến Trình Công Nghị Đức và bảo rằng không ai có thể chỉ trích.”

Ngài nhắc nhớ rằng, các quy trình của Tiến Trình Công Nghị diễn ra trên các cuộc trao đổi quan trọng về các ý kiến khác nhau. “Nếu bạn loại trừ các trao đổi quan trọng mang tính xây dựng như vậy thì một Tiến Trình Công Nghị đã chết trước khi nó bắt đầu.”

Ngài cho biết các nhà thần học được đánh giá cao, không đồng ý với quan điểm cho rằng các tài liệu về Tiến Trình Công Nghị Đức đã được chuẩn bị và soạn thảo kỹ lưỡng. Hơn nữa, nhiều người đã phàn nàn với ngài rằng những người tham gia vào các cuộc thảo luận đã bị đối xử không công bằng, điều này đã cho ngài “nhiều thứ để suy nghĩ”.

Đức Hồng Y Kasper nói rằng ngài hoan nghênh những cải cách đúng đắn vào đúng thời điểm. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng: “Trong khi một số cải cách của Tiến Trình Công Nghị là hợp lý và đáng hoan nghênh, những cải cách khác chỉ là các phương dược giả mạo hoặc thậm chí thực tế là một loại thuốc chết người”
Source:The Tablet
 
Các gia đình Công Giáo lâu đời nhất Bahrain háo hức chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Đặng Tự Do
17:15 03/11/2022


Ba trong số những cư dân Công Giáo lâu đời nhất ở Bahrain kể về niềm vui và sự phấn khích của họ về chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới đất nước này, dự kiến từ 3 đến 6 tháng 11, và đặc biệt là tới Nhà thờ của họ. Cha của Najla Uchi, 78 tuổi, Salman Uchi, gốc Baghdad, được giao trách nhiệm xây dựng Nhà thờ Công Giáo Rôma đầu tiên của đất nước vào năm 1939.

Hơn 80 năm sau, vào ngày 6 tháng 11 tới đây, Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm nơi thờ tự lịch sử này, được gọi là Nhà thờ Thánh Tâm. “Sau khi cha cô, là Ông Baba xây dựng nhà thờ, mọi thứ đều được cử hành ở đó - lễ rửa tội, rước lễ, các lễ kỷ niệm,” Najla giải thích. “Tôi yêu nhà thờ của mình không phải vì cha tôi đã xây dựng nó mà vì các linh mục, các nữ tu và những người đến cầu nguyện. Đức Giáo Hoàng đến thật là đặc biệt. Ngài đến để mang lại hòa bình nhưng tôi cũng muốn ngài đến để thấy Bahrain ra sao,”cô nói thêm.

Một giáo dân lâu đời khác là Alex Simoes, 79 tuổi, là người nhớ mình đã chạy nhanh lên cầu thang của tháp chuông để rung chuông nhà thờ khi còn là một cậu bé. Đến từ Ấn Độ, Simoes cho biết em gái ông là người đầu tiên được rửa tội trong nhà thờ vào năm 1939.

Florine Mathias, 76 tuổi, chuyển đến Bahrain từ Ấn Độ làm cô dâu tuổi mười tám vào những năm 1960. Ngày nay, cô giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn thông qua Nhà thờ Thánh Tâm, thường được gọi là “Nhà thờ Mẹ” vì đây là nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở Vùng Vịnh. “Nhà thờ Mẹ là một tượng đài hòa bình - bất cứ ai bước vào đó không bao giờ khóc - đó là kinh nghiệm của tôi,” cô nói.

“Đức Giáo Hoàng đang đến thăm nhà của chúng tôi để truyền bá hòa bình, chữa lành và hạnh phúc. Đó là một thời gian may mắn cho tất cả chúng tôi. Những lời cầu nguyện của chúng tôi đang được đáp lại,” cô kết luận.
Source:thenationalnews.com
 
Tổng thống Bồ Đào Nha ghi danh tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới
Đặng Tự Do
17:17 03/11/2022


Tổng thống Bồ Đào Nha, Marcelo Rebelo de Sousa, đã ghi danh làm người hành hương cho Ngày Giới trẻ Thế giới, sẽ được tổ chức tại Lisbon từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 năm tới 2023. Theo tổng thống, sự kiện này “sẽ là cuộc họp tập thể lớn nhất từ trước đến nay ở Bồ Đào Nha.”

Tổng thống Bồ Đào Nha đã đến thăm trụ sở của Ủy ban Tổ chức Địa phương, gọi tắt là LOC, vào ngày 26 tháng 10 để ghi danh trên bục chính thức và sau đó mời tất cả những người Công Giáo tham dự sự kiện quốc tế này.

“Hãy đánh dấu tuần này vào lịch của bạn và tiến về phía trước,” ông nói.

Ghi danh Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Lisbon 2023 hiện được mở cho khách hành hương, tình nguyện viên, linh mục và giám mục thông qua nền tảng ghi danh chính thức.

LOC cung cấp các lựa chọn trọn gói cho những người hành hương để tiếp cận một loạt các dịch vụ như chỗ ở, thực phẩm, vận chuyển, an ninh và bộ dụng cụ dành cho người hành hương.

Việc ghi danh được thực hiện trực tuyến bằng cách điền vào một biểu mẫu có sẵn bằng tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Hướng dẫn ghi danh cũng sẽ có sẵn để tải xuống từ nền tảng ghi danh.

Trang web chính thức của WYD Lisbon 2023 giải thích rằng hệ thống cho phép ghi danh cá nhân hoặc nhóm.

“Tuy nhiên, các nhóm rất nhỏ và những người hành hương riêng lẻ được khuyến khích không ghi danh một mình mà hãy tham gia vào các nhóm lớn hơn do các giáo xứ, giáo phận hoặc các cộng đồng khác tổ chức”.

LOC lưu ý rằng hệ thống ghi danh không yêu cầu nhập dữ liệu cá nhân của tất cả những người hành hương; chỉ yêu cầu thông tin chi tiết hơn về người phụ trách và người phụ trách thứ 2 của nhóm, các linh mục, người tàn tật và những người cần thị thực nhập cảnh vào Bồ Đào Nha.

“Thông tin cũng được yêu cầu về số lượng trẻ vị thành niên và những người trên 30 tuổi tham gia nhóm, cũng như ngày và phương tiện vận chuyển để đến Lisbon và khởi hành sau khi kết thúc WYD Lisbon 2023”

Ngày Giới trẻ Thế giới là ngày hội tụ của những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới với Đức Giáo Hoàng. Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được Thánh Gioan Phaolô II thiết lập vào năm 1985 và kể từ đó, ngày hội này đã đại diện cho một thời gian gặp gỡ và trao đổi của hàng triệu người.

Sự kiện đầu tiên diễn ra vào năm 1986 tại Rome, và kể từ đó Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã có một số địa điểm tiêu biểu như Buenos Aires, Á Căn Đình (1987); Santiago de Compostela, Tây Ban Nha (1989); Częstochowa, Ba Lan (1991); Denver, Hoa Kỳ (1993); và Sydney, Úc Đại Lợi (2008).
Source:Catholic News Agency
 
Cuộc tông du Bahrain của Đức Phanxicô: Diễn văn trước Nhà Cầm Quyền, Xã hội Dân sự và Ngoại giao đoàn
Vu Van An
18:57 03/11/2022

Như báo chí đã loan tin, ngày 3 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đáp máy bay tới tiểu vương quốc Bahrain. Tại Điện Sahir, sau khi gặp Quốc Vương Hamad bin Isa Al Khalifa, Đức Phanxicô đã ngỏ lời với các nhà cầm quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn cạnh vương quốc Bharain.

Sau đây là nguyên văn bài diễn văn của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Thưa quốc vương, thưa các hoàng thân,
Thưa các thành viên đáng kính của Chính phủ và Ngoại giao đoàn,
Thưa các nhà chức trách tôn giáo và dân sự đáng kính,
Thưa quý bà và qúy ông,

As-salamu alaikum!

Tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Quốc vương về lời mời thăm Vương quốc Bahrain, sự đón tiếp nồng hậu và ân cần cùng những lời tốt đẹp của Ngài. Tôi chào tất cả qúy vị một cách thân ái nhất. Tôi muốn ngỏ lời thân ái và âu yếm tới tất cả mọi người sống trên đất nước này: tới từng tín hữu và cá nhân cũng như các thành viên của mọi gia đình, điều mà Hiến pháp Bahrain xác định là “cơ sở của xã hội”. Với tất cả, tôi bày tỏ niềm vui khi được ở đây giữa qúy vị.

Ở đây, nơi làn nước biển bao quanh những bãi cát sa mạc, và những tòa nhà chọc trời sừng sững mọc lên bên cạnh những khu chợ truyền thống Phương Đông, những thực tại rất khác nhau cùng hội tụ: cổ xưa và hiện đại hội tụ; sự pha trộn giữa truyền thống và tiến bộ; và trên hết, mọi người từ nhiều nguồn gốc khác nhau tạo ra một bức tranh khảm đặc biệt của cuộc sống. Để chuẩn bị cho chuyến thăm của mình, tôi đã tìm hiểu về một “biểu tượng của sức sống” nổi bật ở đất nước này, đó là “Cây sự sống” (Shajarat-al-Hayat). Tôi muốn lấy nó làm nguồn cảm hứng để chia sẻ một vài suy nghĩ với qúy vị. Bản thân cây này là một loài keo hùng vĩ đã tồn tại qua nhiều thế kỷ trong một vùng sa mạc với lượng mưa rất ít. Dường như không thể có một loại cây ở tuổi này lại có thể sống và phát triển trong những điều kiện như vậy. Theo nhiều người, bí mật nằm ở rễ của nó, kéo dài hàng chục mét dưới mặt đất, hút được những lớp nước lắng đọng dưới lòng đất.

Vậy thì là rễ. Vương quốc Bahrain cam kết ghi nhớ và trân trọng quá khứ của mình, một quá khứ nhắc đến một vùng đất vô cùng cổ xưa, nơi mà hàng nghìn năm trước các dân tộc đã tụ đến, bị thu hút bởi vẻ đẹp của nó, đặc biệt là do có nhiều suối nước ngọt đã mang lại cho nó danh tiếng là một địa đường. Vì vậy, vương quốc cổ đại Dilmun được gọi là "vùng đất của sự sống". Khi chúng ta ngoi lên từ cội nguồn rộng lớn đó - trải dài hơn 4,500 năm với sự hiện diện không gián đoạn của con người - chúng ta thấy vị trí địa lý của Bahrain, tài năng và khả năng thương mại của người dân, cùng với các sự kiện lịch sử, đã giúp nó trở thành ngã ba đường như thế nào của sự làm giàu lẫn nhau giữa các dân tộc. Một điều nổi bật trong lịch sử của vùng đất này: nó luôn là nơi gặp gỡ giữa các dân tộc khác nhau.

Trên thực tế, đây là nguồn nước ban sự sống mà ngày nay, nhờ nó, các gốc rễ của Bahrain vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng. Sự giàu có lớn nhất của đất nước thể hiện ở sự đa dạng về sắc tộc và văn hóa cũng như sự chung sống hòa bình và lòng hiếu khách truyền thống của người dân. Sự đa dạng không nhạt nhẽo mà bao trùm, là sự giàu có của mọi quốc gia thực sự phát triển. Trên những hòn đảo này, chúng ta có thể chiêm ngưỡng một xã hội tổng hợp, đa sắc tộc và đa tôn giáo, có khả năng vượt qua nguy cơ bị cô lập. Điều này rất quan trọng trong thời đại của chúng ta, khi xu hướng hoàn toàn quay vào bản thân mình và các quyền lợi đặc thù của mình ngăn cản việc đánh giá cao tầm quan trọng thiết yếu của tổng thể lớn hơn. Nhiều nhóm quốc gia, sắc tộc và tôn giáo cùng tồn tại ở Bahrain chứng minh rằng chúng ta có thể và phải sống với nhau trong thế giới của chúng ta, nơi, trong những thập niên này, đã trở thành một ngôi làng hoàn cầu. Thật vậy, mặc dù hoàn cầu hóa đã bén rễ nhưng về nhiều mặt, chúng ta vẫn thiếu “tinh thần của một ngôi làng”, thể hiện qua lòng hiếu khách, quan tâm đến người khác và tình huynh đệ. Thay vào đó, chúng ta đang chứng kiến một cách đầy lo ngại sâu xa về sự lan rộng ồ ạt của việc thờ ơ và không tin tưởng lẫn nhau, việc gia tăng các thù nghịch và xung đột mà chúng ta đã hy vọng là chuyện của dĩ vãng, và các hình thức chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa đế quốc vốn gây nguy hiểm cho an ninh của tất cả mọi người. Bất chấp sự tiến bộ và rất nhiều hình thức thành tựu khoa học và xã hội, sự chênh lệch văn hóa giữa các khu vực khác nhau trên thế giới ngày càng gia tăng, và các thái độ xung đột mang tính hủy diệt được ưu tiên hơn là các cơ hội thuận lợi để gặp gỡ có thành quả.

Thay vào đó, chúng ta hãy nghĩ tới Cây Sự Sống, biểu tượng của qúy vị, và chúng ta hãy mang nguồn nước của tình huynh đệ tới các sa mạc khô cằn của sự chung sống của con người. Ước chi chúng ta đừng bao giờ để cho những cơ hội gặp gỡ giữa các nền văn minh, tôn giáo và văn hóa bị tan biến, hay cội nguồn của nhân tính chúng ta trở nên khô héo và không còn sự sống! Chúng ta hãy làm việc với nhau! Chúng ta hãy làm việc để phục vụ sự đoàn kết và hy vọng! Tôi ở đây, trong vùng đất của Cây Sự sống này, như một người gieo mầm hòa bình, để trải nghiệm những ngày gặp gỡ này và tham gia Diễn đàn đối thoại giữa Đông và Tây vì mục tiêu chung sống hòa bình của con người. Ngay lúc này, tôi xin cảm ơn những người bạn đồng hành của tôi, đặc biệt các vị đại diện các tôn giáo. Những ngày này đánh dấu một giai đoạn quý giá trong hành trình hữu nghị vốn đã tăng cường trong những năm gần đây với các nhà lãnh đạo tôn giáo Hồi giáo khác nhau, một hành trình huynh đệ, dưới cái nhìn của thiên đàng, tìm cách phát huy hòa bình trên trái đất.

Về vấn đề này, tôi bày tỏ sự đánh giá cao đối với các Hội nghị Quốc tế và khả năng gặp gỡ mà Vương quốc này tổ chức và cổ vũ, đặc biệt nhấn mạnh đến các chủ đề tôn trọng, khoan dung và tự do tôn giáo. Đây là những chủ đề căn bản, được công nhận bởi Hiến pháp của đất nước, trong đó nói rằng "sẽ không có sự phân biệt đối xử... trên cơ sở giới tính, nguồn gốc, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc tín ngưỡng" (Điều 18), rằng "tự do lương tâm là tuyệt đối", và rằng “nhà nước bảo đảm quyền bất khả xâm phạm của việc thờ phượng” (Điều 22). Trên hết, đó là những cam kết cần được thực hành liên tục để tự do tôn giáo được trọn vẹn chứ không bị giới hạn vào quyền tự do thờ phượng; để phẩm giá bình đẳng và cơ hội bình đẳng sẽ được công nhận cụ thể cho mỗi nhóm và cho mọi cá nhân; để không có hình thức phân biệt đối xử nào tồn tại và các quyền căn bản của con người không bị vi phạm nhưng được cổ vũ. Tôi nghĩ trước hết đến quyền được sống, cần phải bảo đảm quyền này luôn luôn, kể cả đối với những người bị trừng phạt, những người không nên bị lấy đi mạng sống.

Chúng tã hãy quay trở lại với Cây Sự sống. Theo thời gian, nhiều nhánh với kích thước khác nhau của nó đã tạo ra những tán lá phong phú, do đó làm tăng chiều cao và bề rộng của cây. Ở đất nước này, chính sự đóng góp của rất nhiều cá nhân từ các dân tộc khác nhau đã giúp tăng năng suất đáng kể. Điều này đã được thực hiện bằng cách nhập cư. Vương quốc Bahrain tự hào một trong những mức độ nhập cư cao nhất trên thế giới: khoảng một nửa dân số cư trú là người nước ngoài, làm việc một cách hiển nhiên cho sự phát triển của một quốc gia mà ở đó, mặc dù bỏ lại quê hương ở đàng sau, họ vẫn cảm thấy như đang ở nhà. Đồng thời, chúng ta phải thừa nhận rằng ở thế giới của chúng ta, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức quá cao, và phần lớn lao công trên thực tế đang hạ giá nhân phẩm. Điều này không chỉ dẫn đến nguy cơ mất ổn định xã hội nghiêm trọng, mà còn là mối đe dọa đối với nhân phẩm. Vì lao động không chỉ cần thiết để kiếm kế sinh nhai mà còn là quyền không thể thiếu để phát triển toàn diện bản thân và hình thành một xã hội thực sự nhân ái.

Từ đất nước quá hấp dẫn với những cơ hội việc làm mà nó mang lại, tôi muốn kêu gọi sự chú ý một lần nữa đến cuộc khủng hoảng lao động hoàn cầu. Lao động quý như cơm bánh; giống như cơm bánh, nó thường bị thiếu, và cũng thường là một thứ cơm bánh bị nhiễm độc, vì nó nô dịch con người. Trong cả hai trường hợp, điều trọng tâm là đàn ông và đàn bà, những người thay vì là cùng đích thánh thiêng, bất khả xâm phạm và là mục tiêu của việc làm, đã bị giản lược chỉ còn là phương tiện sản xuất của cải. Chúng ta hãy bảo đảm để các điều kiện làm việc ở mọi nơi được an toàn và xứng đáng, phát huy hơn là cản trở sự phát triển văn hóa và tinh thần của mọi người; và chúng phục vụ để thăng tiến sự gắn kết xã hội, vì lợi ích của cuộc sống chung và sự phát triển của mỗi quốc gia (xem Gaudium et Spes, 9, 27, 60, 67).

Bahrain có thể tự hào về những đóng góp đáng kể của mình trong lĩnh vực này: Thí dụ, tôi nghĩ tới trường học đầu tiên dành cho phụ nữ được thành lập ở Vùng Vịnh và việc xóa bỏ chế độ nô lệ. Có thể nó sẽ là một ngọn hải đăng trong khu vực về việc cổ vũ quyền bình đẳng và điều kiện cải thiện cho người lao động, phụ nữ và giới trẻ, đồng thời bảo đảm việc tôn trọng và quan tâm đến tất cả những người cảm thấy ở bên lề xã hội hơn cả, chẳng hạn như người nhập cư và tù nhân. Vì một sự phát triển đích thực, nhân ái và toàn vẹn được đo lường trên hết bằng sự quan tâm được biểu lộ với họ.

Cây Sự Sống, vươn lên từ cảnh sa mạc, cũng khiến tôi nghĩ đến hai lĩnh vực quan trọng đối với mọi người, nhưng thách thức trên hết những ai, trong vai trò quản trị, có trách nhiệm phục vụ lợi ích chung. Đầu tiên, là vấn đề môi trường. Bao nhiêu cây cối bị đốn hạ, bao nhiêu hệ sinh thái bị tàn phá, bao nhiêu biển cả bị ô nhiễm bởi lòng tham vô độ của con người, rồi quay lại cắn xé chúng ta! Chúng ta hãy làm việc không mệt mỏi để đối đầu với tình huống khẩn cấp gay cấn này và đưa ra những quyết định cụ thể và có tầm nhìn xa, khơi nguồn cảm hứng từ mối quan tâm đến các thế hệ sắp tới, trước khi quá muộn và tương lai của họ bị tổn hại! Mong sao Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP27) sẽ diễn ra tại Ai Cập vài ngày tới đánh dấu một bước tiến trong vấn đề này!

Thứ hai, Cây Sự Sống, có rễ cắm sâu trong lòng đất, cung cấp nước quan trọng cho thân cây, từ thân cây lên cành và sau đó là những chiếc lá cung cấp oxy cho các sinh vật, khiến tôi nghĩ đến ơn gọi của con người chúng ta, ơn gọi của mỗi người đàn ông và đàn bà trên trái đất, để làm cho cuộc sống thăng hoa. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta ngày càng chứng kiến những hành động và mối đe dọa gây chết người. Tôi đặc biệt nghĩ đến thực tại quái dị và vô nghĩa của chiến tranh, một thứ gieo rắc khắp nơi sự hủy diệt và bóp chết hy vọng. Chiến tranh làm xuất hiện những điều tồi tệ nhất trong con người: ích kỷ, bạo lực và bất lương. Vì chiến tranh, mọi cuộc chiến tranh, mang đến cái chết cho sự thật. Chúng ta hãy bác bỏ luận lý học của vũ khí và thay đổi hướng đi, chuyển các khoản chi tiêu quân sự khổng lồ sang đầu tư vào việc chống lại nạn đói và tình trạng thiếu y tế và giáo dục. Tôi rất đau buồn vì tất cả những tình huống xung đột này. Khi khảo sát Bán đảo Ả Rập, nơi có các quốc gia mà tôi chào đón bằng sự tôn trọng chân thành, suy nghĩ của tôi hướng về Yemen một cách đặc biệt và chân thành, bị giằng xé bởi một cuộc chiến bị lãng quên, giống như mọi cuộc chiến, vấn đề không phải là chiến thắng mà chỉ là thất bại cay đắng cho tất cả mọi người. Trong các lời cầu nguyện của tôi, tôi đặc biệt nhớ đến dân thường, trẻ em, người già và người bệnh. Và tôi cầu xin: Hãy chấm dứt cuộc đụng độ vũ khí! Hãy kết thúc cuộc đụng độ của vũ khí! Hãy kết thúc cuộc đụng độ của vũ khí! Chúng ta hãy cam kết, ở mọi nơi và một cách cụ thể, sẽ xây dựng hòa bình!

Tuyên bố của Vương quốc Bahrain thừa nhận về vấn đề này rằng, “đức tin tôn giáo là một phước lành cho tất cả nhân loại và là nền tảng cho hòa bình trên thế giới”. Tôi ở đây hôm nay với tư cách là một tín hữu, một Kitô hữu, một con người và như một người hành hương hòa bình, bởi vì ngày nay, hơn bao giờ hết, ở khắp mọi nơi, chúng ta được kêu gọi cam kết nghiêm túc với công việc xây dựng hòa bình. Do đó, thưa quốc vương, các hoàng thân, các nhà chức trách và bạn bè đáng kính, tôi xin lấy làm của mình và chia sẻ với qúy vị, như niềm hy vọng và lời cầu nguyện của tôi cho những ngày tôi rất mong đợi trong chuyến thăm Vương quốc Bahrain, một đoạn văn tốt đẹp của cùng một Tuyên bố. Nó viết như sau: “Chúng tôi cam kết làm việc cho một thế giới nơi mọi người có niềm tin chân thành cùng nhau từ chối những gì gây chia rẽ chúng ta và thay vào đó tập trung vào việc cử hành và mở rộng điều nối kết chúng ta”. Ước mong được như vậy, với sự chúc phúc của Đấng Tối Cao! Shukran! [Cảm ơn qúy vị!]
 
Ngoạn mục: Bahrain đón tiếp trọng thể ĐTC với kỵ binh hoàng gia, quân nhạc và 21 phát súng đại bác
VietCatholic Media
22:40 03/11/2022

Lúc 9h30 sáng thứ Năm, theo giờ địa phương Rôma, Đức Thánh Cha đã khởi hành từ phi trường quốc tế Fiumicino của Rôma để bay đến phi trường quốc tế Sakhir ở thủ đô Awali của Bahrain.
Đức Thánh Cha đã đến nơi lúc 16h45. Lúc 17h30, Đức Thánh Cha đã thăm xã giao Quốc Vương Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa tại dinh Sakhir. Nơi đây đã diễn ra các nghi thức chào đón chính thức trong vườn thượng uyển.
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô trở thành vị Giáo Hoàng đầu tiên thăm Bahrain
Vu Van An
23:25 03/11/2022

Theo CNA, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Bahrain để khởi đầu chuyến thăm từ ngày 3 tới ngày 6 tháng 11. Trên chuyến bay từ Rôma tới Bahrain, ngài nói với các nhà báo rằng đây là “một chuyến đi đáng lưu ý vì nó giúp chúng ta suy nghĩ về việc chia sẻ tin mừng”. Ngài thường đi lại trên chuyến bay để chào hỏi các thành viên của giới truyền thông, nhưng hôm nay, ngài cho biết rất đau đớn, nên đã yêu cầu các ký giả tới quanh chỗ ngài ngồi.



Tháp tùng Đức Giáo Hoàng trên cùng chuyến bay, có Đức Hồng Y Miguel Ángel Ayuso Guixot, chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Đối thoại Liên tôn. Đức Hồng Y cho báo chí hay ngài hy vọng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ giúp cải thiện tình hình giữa các người Hồi giáo Sunni và Shia tại Bahrain. Trong khi người Hồi giáo Shia nắm đa số dân số, hoàng gia Bahrain lại thuộc ngành Sunni của Hồi Giáo, dẫn tới một căng thẳng phe phái kéo dài trong xứ. Các nhóm tranh đấu nhân quyền cũng từng tố cáo chính phủ vi phạm nhiều lạm dụng chống cả người Hồi giáo Shia đa số, lẫn các di dân lao động và việc cầm tù bất công.

Đức Hồng Y Ayuso cho hay Quốc vương Hamad bin Isa Al Khalifa là người duy nhất có quyền thả tự do cho các tù nhân chính trị Shia. Sau khi đáp xuống Bahrain, cuộc hẹn đầu tiên của Đức Phanxicô là cuộc gặp gỡ riêng với nhà vua. Ngài cũng sẽ ngỏ lời với các thành viên chính phủ và xã hội dân sự. Ngày 4 tháng 11, ngài sẽ đọc diễn văn bế mạc tại Diễn Đàn Đối Thoại Bahrain: Đông và Tây Để Con Người Chung Sống

Cũng theo CNA, tới Bahrain, trong diễn văn đầu tiên, Đức Phanxicô lớn tiếng chống án tử hình, một án vẫn còn được thực hành ở đây. Ngài nói: “đầu tiên, tôi nghĩ tới quyền sống, tới nhu cầu phải luôn luôn bảo đảm quyền này, kể cả cho những người đang bị trừng phạt, không nên lấy đi mạng sống của họ”.

Ngài cũng lớn tiếng chống chiến tranh cho rằng đó là “phía tồi tệ nhất của con người” và kêu gọi chấm dứt “luận lý học vũ khí”, phản ảnh chủ đề của chuyến thăm: “Hòa bình trên trái đất cho người có thiện chí” phỏng theo Luca 2:14. Ngài nói: “tôi hiện diện ở đây, tại đất nước của Cây Sự Sống, như người gieo mầm hòa bình”.

Theo ngài, các trở ngại cho hòa bình thế giới là “việc lan truyền ồ ạt sự thờ ơ và bất tin tưởng lẫn nhau” chính chúng gây ra “các thù nghịch và tranh chấp mà ta vẫn nghĩ đã là chuyện của quá khứ”, cũng như “các hình thức duy dân túy, cực đoan, đế quốc chủ nghĩa” đe doạ “an ninh của mọi người”. Và ngài đề ra phương thuốc “đừng bao giờ để các cơ hội gặp gỡ giữa các nền văn minh, giữa các tôn giáo, và các nền văn hóa tan biết vào mây khói hay các gốc rễ của nhân tính chúng ta thành khô héo và hết sinh khí”.

Đối thoại liên tôn

Nicole Winfield của A.P. thì lưu ý nhiều hơn tới khía cạnh đối thoại liên tôn của chuyến đi, nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô vẫn coi đối thoại là công cụ tạo hòa bình và tin vào nhu cầu biểu dương hòa hợp liên tôn, nhất là hiện nay khi có cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine và nhiều cuộc tranh chấp vùng, như ở Yemen chẳng hạn. Ngày trước khi lên đường, Đức Phanxicô đã cầu nguyện để chuyến đi của ngài cổ vũ “chính nghĩa huynh đệ và hòa bình, những điều mà thời ta hết sức và cấp thiết cần đến”.

Đây là chuyến đi thứ hai của ngài tới vùng Vịnh, tiếp theo chuyến viếng thăm năm 2019 đến Au Dahbi, nơi ngài ký một văn kiện cổ vũ tình huynh đệ Công Giáo-Hồi Giáo với Giáo sĩ của phái Hồi Giáo Sunni, Sheikh Ahmed al-Tayeb. Al-Tayeb là đại giáo sĩ của Al-Azhar, trụ sở bác học của Sunni tại Cairo. Tiếp theo chuyến thăm này, năm 2021, Đức Phanxicô đã tới thăm Iraq, nơi ngài được Ayatollah Ali al-Sistani, một trong các giáo sĩ cao cấp nhất trên thế giới của Hồi Giáo Shia.

Tuần này, Đức Phanxicô sẽ gặp lại al-Tayeb ở Bahrain cùng với nhiều nhân vật nổi bật thuộc lãnh vực liên tôn hy vọng sẽ tham dự Diễn Đàn, một Diễn Đàn khá tương tự như diễn đàn Đức Phanxicô và el-Tayeb vừa tham dự vào tháng trước tại Kazakhstan. Thành viên của Hội đồng Trưởng Lão Miền Hồi giáo, nhà lãnh đạo tinh thần của Kitô giáo Chính thống, Thượng phụ Bartholomew, một đại diện Giáo Hội Chính thống Nga và các giáo sĩ Do Thái từ Hoa Kỳ cũng sẽ tham dự Diễn Đàn này.

Tưởng cũng nên nhắc lại, nhân cơ hội ở Bahrain, Đức Phanxicô cũng sẽ bắn tiếng với Ả Rập Xêuđít, nơi các Kitô hữu không được hành đạo công khai. Chính trong chiều hướng này, ngài đã hết lời ca ngợi Quốc vương Bahrain vì “lòng khoan dung đã tỏ cùng các Kitô hữu sống trong đất nước từ lâu”.

Các vấn đề nhân quyền

Bassem Mroue, Jon Gambrell và Mariam Fam cũng của A.P. thì lưu ý hơn đến vấn đề nhân quyền cũng như mối căng thẳng giữa đa số dân theo Hồi giáo Shia và hoàng gia theo Hồi giáo Sunni. Ai cũng biết vương quốc Bahrain, năm 2011, từng dùng vũ lực dẹp tan các cuộc biểu tình Mùa Xuân Ả Rập ở đó với sự giúp đỡ của Saudi Arabia và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Từ đó, vương quốc này đã tống giam nhiều nhà tranh đấu của Hồi giáo Shia, tống xuất nhiều người khác, lột bỏ tư cách công dân của rất nhiều người và đặt ngài vòng pháp luật nhóm Shia lớn nhất và đóng cửa tờ báo độc lập hàng đầu của họ.

Devin Kenney, nghiên cứu viên của Hội Ân Xá Quốc Tế tại Bahrain, nói rằng: “trong tình huống này, có cả một con voi khổng lồ ở trong phòng. Chủ đề chuyến đi này là chung sống và đối thoại, còn chính phủ Bahrain thì dẹp bỏ các tự do dân sự và chính trị, mà không có chúng, chung sống và đối thoại không thể được chống đỡ”.

Bahrain cho rằng mình tôn trọng các nhân quyền và tự do ngôn luận, bất chấp phải đối diện với việc chỉ trích được lặp đi lặp lại của các nhà tranh đấu địa phương và quốc tế, kể cả của Tường trình viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền.

Trong khi một số lãnh tụ Hồi giáo Shia hoan nghênh chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô, họ hy vọng ngài sẽ không bỏ qua vấn đề tranh chấp phe phái kéo dài hàng mấy thập niên qua. Al-Wefaq, thuộc đảng Shia bị đặt ra ngoài pháp luật và năm 2016 bị tòa án ra lệnh dẹp bỏ, nói rằng “nhân dân Bahrain sống dưới ảnh hưởng bách hại, kỳ thị, bất khoan dung phe phái và đàn áp có hệ thống của chính phủ”.

Được hỏi liệu Đức Giáo Hoàng có nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến tông du của ngài tại Bahrain hay không, phát ngôn viên Tòa Thánh Matteo Bruni trưng dẫn lời kêu gọi thường xuyên của Đức Phanxicô đối với tự do tôn giáo và đối thoại liên tôn: “lập trường của Tòa Thánh và của Đức Giáo Hoàng liên quan tới tự do tôn giáo đã rõ ràng và ai cũng biết”. Nhưng ông không nói gì về việc liệu Đức Phanxicô có đề cập tới việc chính phủ Bahrain xử sự với người Hồi giáo Shia hay không.

Về khía cạnh này, Đức Cha Paul Hinder, giám quản Bahrain và một số nước lân bang, cho hay việc cạnh tranh với các quốc gia Ả Rập khác có lẽ đã khiến hoàng gia Al Khalifa, từng cai trị Bahrain từ thập niên 1770, mời Đức Phanxicô thăm đất nước họ. Đức Cha nói rằng ngài hy vọng bất cứ vấn đề “có vần đề” nào về người Hồi giáo Shia của Bahrain sẽ được Đức Giáo Hoàng nêu lên, nhưng “đàng sau các tấm màn chứ không nhất thiết công khai". Đức Cha nói rằng “tôi hơi biết một chút phong thái của phần này của thế giới. Họ không thích bị chỉ trích công khai".

A.P. cho rằng chính trị trong vùng đóng một vai trò trong việc chính phủ Bahrain đàn áp đối lập Shia. Chính phủ này từng tố cáo nền thần trị Shia của Iran đã nuôi dưỡng bất đồng và trang bị các chiến binh nhằm gây bất ổn cho đất nước. Các nhóm vũ trang Shia từng phát động những cuộc tấn công nhỏ trong nước.

Cân bằng giữa đối thoại và ủng hộ đấu tranh

Elise Ann Allen của CruxNow thì lưu ý đến việc Đức Phanxicô đến Bahrain để tham dự một điễn đàn quốc tế về đối thoại giữa bản đồng ca đối lập của các nhà đấu tranh nhân quyền cho rằng việc chính phủ nước này nhấn mạnh tới khoan dung chỉ là một trò hề.

Về khía cạnh này, Đức Cha Paul Hinder cho rằng tuy tự do tôn giáo ở Bahrain được kể vào hàng tốt đẹp nhất trong thế giới Ả Rập, nhưng một số vấn đề vẫn còn tồn đọng. Sống tại vùng này 18 năm nay, ngài cho rằng đã học được “việc chọn đường lối ngoại giao” kẻo những điều ngài nói bị coi là xúc phạm.

Về chuyến đi của Đức Phanxicô, Đức Cha Hinder tin rằng một trong các mục đích của Đức Phanxicô tại Bahrain là thực hiện “một diễn đàn chung” dựa trên văn kiện Abu Dhabi về tình huynh đệ nhân bản, và nếu điều này đạt được, thì đó là “một bước tiến tới quan trọng và có giá trị”.

Đức Cha cho rằng ‘Đức Giáo Hoàng sẽ tiến tới, cho dù không phải ai trong Giáo Hội Công Giáo hay thế giới Hồi Giáo cũng nhất trí, nhưng các bước can đảm của ngài là mở các cánh cửa. Chúng ta không biết nó sẽ kết thúc ra sao, nhưng tôi tin nó sẽ góp phần vào các giải pháp cho các cuộc tranh chấp” khắp thế giới.

Được hỏi về việc Bahrain sử dụng án tử hình trong khi Đức Phanxicô nhất quán chống đối thực hành này, Đức Cha Hinder trả lời rằng ngài biết có khác biệt về ý kiến, nhưng trong tư cách đại diện của Đức Giáo Hoàng, “kinh nghiệm của tôi sau 18 năm là không đưa ra bất cứ phê phán công khai nào”. Lên tiếng công khai về bất cứ lãnh vực bất đồng nào hay chỉ trích chính phủ về bất cứ thực hành nào của họ đều là chuyện khó khăn vì trong khi thế giới Tây Phương quen thuộc với việc chỉ trích công khai, “ngữ cảnh của chúng tôi chắc chắn có giới hạn”.
 
Văn Hóa
Ai là tác giả bài thơ Cảm hoài
Nguyễn Văn Nghệ
09:11 03/11/2022
Ai là tác giả bài thơ “Cảm hoài”

Ngày 3/11/2015 trên trang web Vietcatholic có đăng bài “Họa thơ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm” của tác giả Lê Đình Thông. Theo tác giả, bài thơ “Nỗi lòng” của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm viết vào năm 1953 và theo tác giả nguyên văn bài thơ:

Gươm đàn nửa gánh quẩy sang sông

Hỏi bến: thuyền không, lái cũng không!

Xe muối nặng nề thân vó Ký

Đường mây rộng rãi tiếc chim Hồng

Vá trời lấp biển người đâu tá?

Bán lợi mua danh chợ vẫn đông!

Lần lữa nắng mưa theo cuộc thế

Cắm sào đợi khách thuở nào trong?


Trước năm 2013, tôi cũng như nhiều người đinh ninh bài thơ trên là của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhưng từ khi tôi mua bên vệ đường tác phẩm “Chơi chữ” của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc do Nam Chi tùng thư xuất bản lần đầu tiên tại Sài Gòn vào năm 1961 thì tôi lại thay đổi cách nhìn.

Ai là tác giả bài thơ “ Cảm hoài”?

Theo Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, thì tác giả bài thơ “Cảm hoài” là của cụ Nguyễn Sĩ Giác: “Cùng một lòng công phẫn như trên, cụ Nguyễn Sĩ Giác, thủa niên thiếu, cũng hoài bão chí lớn, nhưng không được toại, vì thiếu phương tiện và thiếu đồng chí, nên đã thốt ra lời thơ đĩnh đạc và thoát sáo:

CẢM HOÀI

Gươm đàn nửa gánh muốn sang sông,

Hỏi bến thuyền không lái cũng không!

Xe muối nặng nề thương vó ký,

Đường mây rộng rãi tiếc chim hồng.

Vá trời lấp bể người đâu vắng.

Bán lợi mua danh chợ vẫn đông!

Lần lữa nắng mưa trong cuộc thế,

Cắm sào đợi nước thuở nào trong!


(Lãng Nhân, Chơi chữ, Nam Chi tùng thư xuất bản lần đầu tiên, 3 đường Nguyễn Siêu, Sài Gòn,1961, trang 139-140)

Giữa hai bài “Nỗi lòng” và “Cảm hoài” có khác nhau đôi chữ nhưng theo tôi thì bài “Cảm hoài” dùng từ chuẩn hơn: “muốn sang sông” nên mới “Hỏi bến”, “thương” mới đối với “tiếc”, “vắng” đối với “đông”.

Cụ Nguyễn Sĩ Giác sinh năm Mậu Tý( 1888) tại xã Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, là con của cử nhân Nguyễn Duy Nhiếp, là cháu nội của tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp. Cụ chỉ đỗ Tú tài nhưng được đặc cách đi thi Hội và đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất(1910), vị thứ 3/4. Cụ không ra làm quan và tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục và bị Pháp bắt giam ở Hà Nội. Năm 1954 cụ di cư vào Nam và dạy môn Hán văn tại trường Đại học Văn khoa và Sư phạm Sài Gòn. Cụ mất vào khoảng sau năm 1975.

Ngoài bài thơ “Cảm hoài”, trong tác phẩm Chơi chữ còn có hai bài thơ Đường luật của cụ Nguyễn Sĩ Giác. Đó là bài: “Tiễn bạn đi đày” và “ Nhớ bạn đi đày”. Trong những bài thơ của cụ Nguyễn Sĩ Giác sáng tác có nhiều bài có âm hưởng giống nhau. Bài “ Bước phong trần” (hát ả đào) có câu: “Gánh gươm đàn mang trả nợ tang bồng”, bài “ Tặng bạn mới về quan”(hát ả đào) có câu: “Cánh chim hồng còn tiếc lúc bay cao”. Câu 2 của bài thứ nhất “Định sang chơi Hoa Thịnh Đốn thuật hoài”: “Gươm đàn nửa gánh tít phương xa”, hoặc câu 6 trong bài thứ nhất “Rằm tháng 9 (âm lịch) 1954 ở Bangkok đêm trông trăng cảm hoài”: “Gươm đàn xếp xó tháng ngày qua”

Hậu thế nhầm lẫn.

Vĩnh Phúc có viết một đoạn về Lãng Nhân Phùng Tất Đắc và cụ Nguyễn Sĩ Giác: “…Sau này khi vào Sài Gòn, chỉ còn lại cụ Nghè Nguyễn Sĩ Giác, thì Lãng Nhân nhờ con trai thứ ba là Phùng Khắc Điền (hiện đang sống ở Montréal, Canada) chở xe đến nhà cụ Nghè Giác để hỏi, mỗi khi bị bí một điển tích nào hắc búa” (sontrung.blogspot.com/2010/04/nguyen-si-giac-thi-van-tap.htlm). Lãng Nhân Phùng Tất Đắc khi xuất bản tác phẩm Chơi chữ cũng đã xin phép cụ Nguyễn Sĩ Giác trước rồi mới dám cho in ba bài thơ Đường luật của cụ Nguyễn Sĩ Giác vào tác phẩm, nếu không sẽ vi phạm luật tác quyền.

Tác phẩm “ Chơi chữ” được xuất bản năm 1961 là năm cố Tổng thống Ngô Đình Diệm còn tại vị cho nên Lãng Nhân Phùng Tất Đắc không dám lấy thơ của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm gán ghép cho cụ Nguyễn Sĩ Giác được. Nếu tác giả Lãng Nhân Phùng Tất Đắc ngang nhiên làm việc ấy sẽ bị cơ quan kiểm duyệt “chộ” ngay!

Vậy tác giả bài thơ “ Cảm hoài” (hoặc có người gọi là bài Nỗi lòng) không phải của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, chẳng qua hậu thế nhầm lẫn gán ghép cho cố Tổng thống mà thôi!

Với khí tiết của người quân tử “tâm hư, tiết trực”, cố Tổng thống Ngô Đình Diệm ở dưới suối vàng chắc cũng chẳng vui sướng gì khi thấy hậu thế nhầm lẫn gán ghép cho cố Tổng thống như vậy!
 
VietCatholic TV
Gay go: Mỹ cáo buộc Kim Chính Ân tuồn vũ khí cho Putin đánh Ukraine. 40 tăng và thiết giáp Nga ra đi
VietCatholic Media
03:43 03/11/2022


1. Mỹ cáo buộc Triều Tiên bí mật cung cấp cho Nga một số lượng đáng kể đạn pháo

Theo thông tin tình báo mới được giải mật, Mỹ cáo buộc Triều Tiên bí mật cung cấp cho Nga một số lượng đáng kể đạn pháo để sử dụng trong chiến tranh Ukraine và đang cố gắng che giấu các lô hàng bằng cách làm cho nó có vẻ như là đạn dược được gửi đến các nước ở Trung Đông hoặc miền Bắc Phi Châu.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết ông tin rằng các lô hàng bí mật của Triều Tiên - cùng với máy bay không người lái và các loại vũ khí khác mà Nga mua được từ Iran - là bằng chứng nữa cho thấy ngay cả kho vũ khí pháo thông thường của Mạc Tư Khoa cũng đã cạn kiệt trong 8 tháng tham chiến.

Thông tin tình báo gần đây cho thấy các lô hàng đang được tiến hành diễn ra khoảng hai tháng sau khi cộng đồng tình báo Mỹ nói rằng Nga đang trong quá trình mua hàng triệu hỏa tiễn và đạn pháo từ Triều Tiên để sử dụng trên chiến trường.

“Vào tháng 9, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên đã công khai phủ nhận rằng họ có ý định cung cấp đạn dược cho Nga”, điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia về truyền thông chiến lược John Kirby cho biết trong một tuyên bố với các phóng viên. “Tuy nhiên, thông tin của chúng tôi chỉ ra rằng Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên đang ngấm ngầm cung cấp cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine một số lượng đáng kể đạn pháo, đồng thời làm xáo trộn điểm đến thực sự của các lô hàng vũ khí bằng cách cố gắng làm cho nó có vẻ như chúng đang được gửi đến các nước ở Trung Đông, hay ở Đông hoặc Bắc Phi. “

Các quan chức đã không cung cấp bằng chứng hỗ trợ các cáo buộc mới. Thông tin tình báo được giải mật cũng không cung cấp chi tiết về số lượng vũ khí là một phần của các chuyến hàng, hoặc cách chúng sẽ được thanh toán.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi những lô hàng này,” Kirby nói.

Nhưng các quan chức Mỹ đã công khai coi thỏa thuận bị cáo buộc là bằng chứng cho thấy Nga đang phải vật lộn để duy trì kho dự trữ vũ khí cần thiết để tiếp tục theo đuổi cuộc xung đột.

Gần đây nhất là hai tuần trước, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines lập luận rằng “việc kiểm soát xuất khẩu đang buộc Nga phải chuyển sang các nước như Iran và Triều Tiên để nhập khẩu nhiều thứ khí tài chiến tranh, bao gồm cả máy bay không người lái, đạn pháo và hỏa tiễn”.

2. Ukraine tuyên bố họ đã tấn công các hệ thống quân sự quan trọng của Nga ở Kherson, phá hủy 40 xe tăng và thiết giáp trong 24 giờ qua

Trong bản báo cáo sáng thứ Năm 3 tháng 11, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân đội đã tấn công một mục tiêu quan trọng ở khu vực miền nam Kherson, khi chính quyền thân Nga tiếp tục thúc ép dân thường rời đi.

Serhii Khlan, thành viên Hội đồng khu vực Kherson cho biết, lực lượng Ukraine đã đánh trúng hệ thống phòng không của Nga gần sân vận động ở thành phố Kherson. Những hệ thống đó cũng đã được sử dụng để tấn công Mykolaiv, gây ra những tác động tàn phá.

Ông Khlan cho biết cũng có nhiều vụ tấn công xảy ra ở khu vực cầu Antonivskyi, nơi các lực lượng Nga và chính quyền thân Nga đang vận hành các chuyến phà và cầu phao để tiếp tế cho bờ tây, nơi hàng nghìn quân Nga vẫn còn mắc kẹt.

Anh ta nói rằng ở thành phố Kakhovka —trên bờ đông của sông Dnipro — ba con phố gần sông nhất đang bị cưỡng chế di tản. Ông cho biết người Nga “trong thành phố đang đào sâu, để thiết lập các đường hào bằng bê tông.”

Khlan cho biết người Nga “đang đào sâu ở bờ đông, chuẩn bị cho việc phòng thủ, nghĩ rằng điều này khiến cuộc tấn công của chúng tôi không thể thực hiện được. Nhưng phong trào kháng chiến và Lực lượng vũ trang Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu “.

Khlan lặp lại những gì các quan chức Ukraine khác đã khẳng định: rằng các nhà chức trách được Nga hậu thuẫn đã rời thành phố Kherson - nằm ở bờ Tây - để lập văn phòng ở thành phố Skadovsk, gần Crimea hơn nhiều.

“Đối với cuộc” di tản “khẩn cấp và bắt buộc do người Nga kêu gọi, người dân của chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Nếu người dân địa phương không có cơ hội đến vùng lãnh thổ do Ukraine nắm giữ, họ quyết định ở nhà, họ chắc chắn không muốn đến Nga,”Khlan nói.

Phát ngôn nhân Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết tình hình chiến sự đặc biệt sôi động ở Kherson và Avdiivka. Chỉ trong 24 giờ qua, 800 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng với 16 xe tăng và 24 thiết giáp.

Tính chung, từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 2 tháng 11, Lực lượng vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 73,270 lính Nga.

Tổng thiệt hại chiến đấu của kẻ thù còn bao gồm 2,714 xe tăng, 5,525 xe thiết giáp, 1,733 hệ thống pháo, 387 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 198 hệ thống phòng không, 277 máy bay chiến đấu, 258 máy bay trực thăng, 1,438 máy bay không người lái, 397 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4,153 phương tiện chuyển quân và nhiên liệu, và 154 thiết bị đặc biệt đơn vị

3. Không chiến giữa Ukraine và Nga, hai máy bay Nga bị bắn rơi

Trong bản báo cáo sáng thứ Năm 3 tháng 11, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong 24 giờ trước đó, Không quân Ukraine đã thực hiện 20 cuộc không kích chủ yếu nhằm tấn công các xà lan chuyển tiếp liệu cho quân Nga bị mắc kẹt ở phía Tây sông Dnipro. Quân Nga được tường trình đã hù dọa người dân phải di tản hạn chót là 5 tháng 11. Do quân Nga đi chung với dân thường sang tả ngạn sông Dnipro, quân Ukraine không thể tấn công, đành phải để cho quân Nga chạy thoát.

Không quân Ukraine đã thực hiện 20 cuộc tấn công vào kho vũ khí và thiết bị quân sự, cũng như các vị trí phòng không.

Trong ngày, các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã tấn công vào 3 khu vực tập trung nhân lực, vũ khí và trang thiết bị quân sự của đối phương, một kho đạn dược và 3 đối tượng quân sự quan trọng khác.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhận định quân Nga cố gắng nắm giữ các vùng lãnh thổ tạm thời chiếm được, tập trung nỗ lực vào việc kiềm chế hoạt động của Lực lượng Phòng vệ trên các hướng nhất định, và tiến hành các hành động tấn công ở các hướng Bakhmut, Avdiivka và Novopavlivka. Người Nga bố trí các đơn vị dọc theo giới tuyến, củng cố phòng tuyến theo các hướng nhất định, tiến hành trinh sát trên không, tiếp tục tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng và nhà ở của dân thường vi phạm luật nhân đạo quốc tế, luật và phong tục chiến tranh.

Tại Avdiivka, không quân Nga đã tung ra các cuộc không kích nhằm yểm trợ cho bộ binh. Không chiến giữa Ukraine và Nga đã xảy ra, phiá Nga tổn thất một chiến đấu cơ Sukhoi 25, và một máy bay trực thăng Ka-52.

Trong ngày, quân xâm lược đã thực hiện một cuộc tấn công hỏa tiễn, 12 cuộc không kích và hơn 25 cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn hàng loạt.

Vào ban đêm, kẻ thù lại tấn công các cơ sở hạ tầng của Ukraine bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái chiến đấu Shahed-136 của Iran trong khu vực của hơn 15 khu định cư, bao gồm Kremenchuk ở vùng Poltava, Vuhledar và Vodiane ở vùng Donetsk, và Smila ở vùng Cherkasy.

4. Ukraine cảnh báo Iran ngừng cung cấp vũ khí cho Nga hoặc sẽ phải mong đợi các hành động đáp trả mạnh mẽ

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Iran đã được thông báo qua các kênh ngoại giao về hậu quả của việc Tehran tiếp tục gửi vũ khí mới gồm máy bay không người lái tấn công và hỏa tiễn đạn đạo cho Nga.

Kuleba cho biết tại một cuộc họp báo ở Kyiv rằng “mối đe dọa là có thật” về các vụ giao vũ khí mới được báo cáo từ Iran.

Hôm thứ Ba, CNN đưa tin Iran đang chuẩn bị gửi khoảng 1,000 vũ khí bổ sung, bao gồm hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn đất đối đất và nhiều máy bay không người lái tấn công, tới Nga để sử dụng trong cuộc chiến chống Ukraine, theo các quan chức của một quốc gia phương Tây. giám sát chương trình vũ khí của Iran.

“Tôi đã nói và sẽ lặp lại một lần nữa rằng khi nói đến sự đồng lõa của bất kỳ quốc gia nào trong hành động xâm lược của Nga và giết hại các công dân của chúng tôi, chúng tôi sẽ hoàn toàn tàn nhẫn trong các hành động của mình để đáp lại, bởi vì đó là để bảo vệ nhà nước của chúng tôi và đồng bào của chúng tôi”. Kuleba nói.

Kuleba nói thêm: “Một quyết định khôn ngoan hơn nhiều đối với Iran là cắt đứt hoàn toàn hợp tác quân sự, ngừng cung cấp cho Nga bất kỳ loại vũ khí nào được sử dụng để chống lại Ukraine.”

Iran đã nhiều lần phủ nhận việc gửi vũ khí cho Nga mặc dù có bằng chứng rõ ràng cho điều ngược lại.

5. Nga quay trở lại trò hăm dọa sử dụng vũ khí hạt nhân như một phản ứng phòng thủ đối với một cuộc tấn công đe dọa sự tồn tại của nó

Hôm thứ Tư, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết học thuyết hạt nhân của họ sẽ cho phép sử dụng vũ khí nguyên tử theo cách mang tính chất phòng thủ và các hướng dẫn nghiêm ngặt quy định “chỉ theo đuổi các mục tiêu phòng thủ”.

Bà ta cho biết quân đội Nga “được hướng dẫn một cách nghiêm ngặt và nhất quán theo nguyên lý rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể thắng và không bao giờ được tiến hành”.

Bà cho biết: “Các phương pháp tiếp cận học thuyết của Nga trong lĩnh vực này được xác định với độ chính xác cao nhất” và không cho phép “diễn giải rộng rãi”.

“Những đường lối này cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân một cách đương nhiên để đối phó với một hành động gây hấn liên quan đến việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc một cuộc xâm lược bằng việc sử dụng vũ khí thông thường khi sự tồn tại của nhà nước đang lâm nguy”

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ và phương Tây gần đây gia tăng lo ngại rằng Nga đang cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm vào Ukraine.

Hôm thứ Tư, CNN đưa tin rằng các quan chức quân sự Nga đã thảo luận về cách thức và điều kiện Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường ở Ukraine, theo một đánh giá tình báo Mỹ được nhiều nguồn tin mô tả với CNN.

Trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Nga tái khẳng định cam kết của mình đối với tuyên bố chung do Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh và Mỹ ký ngày 3 tháng Giêng về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và các cuộc chạy đua vũ trang.

“Chúng tôi kêu gọi các quốc gia khác trong 'nhóm 5 cường quốc hạt nhân' thể hiện trên thực tế sự sẵn sàng làm việc để giải quyết nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu này và từ bỏ những nỗ lực nguy hiểm xâm phạm lợi ích quan trọng của nhau trong khi cân bằng trên bờ vực của một cuộc vũ trang trực tiếp xung đột và khuyến khích các hành động khiêu khích bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc.”

6. Putin đấu tranh để kiểm soát những xung đột ngày càng gia tăng giữa các cộng sự viên của ông ta

Các báo cáo tại Nga cho rằng thi thể của Alexander Lapin, một vị tướng có rất nhiều huy chương lãnh đạo quân đội Nga ở Syria và năm nay, ở Ukraine, đã được tìm thấy trên một con sông ở Mạc Tư Khoa đã lan nhanh trên các phương tiện truyền thông. Tin tức này có thể là một tin đồn vô căn cứ. Tuy nhiên, nó phản ánh xung đột ngày càng gia tăng giữa các cộng sự viên của Putin.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Struggling to Control Ever-Growing Conflicts Among His Lieutenants”, nghĩa là “Putin đấu tranh để kiểm soát những xung đột ngày càng gia tăng giữa các cộng sự viên của ông ta.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một chuyên gia cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang phải vật lộn để kiểm soát các cuộc xung đột ngày càng gia tăng giữa các cộng sự viên của ông ta và các đồng minh hàng đầu.

Vlad Mykhnenko, một chuyên gia về quá trình chuyển đổi hậu cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô cũ tại Đại học Oxford, nói với Newsweek rằng việc nhà lãnh đạo Chechnya, Ramzan Kadyrov, và tay Yevgeny Prigozhin, người sáng lập nhóm lính đánh thuê, đã chống lại Bộ Quốc phòng, gợi ý rằng Nga đang “nhanh chóng trở thành một quốc gia thất bại.”

Hai tên hiếu chiến này tiếp tục chỉ trích cách giải quyết cuộc chiến chống Ukraine của Putin, dường như đứng về phía nhau trong những bất đồng hiếm hoi, cho thấy rằng những rạn nứt có thể đang xuất hiện bên trong Điện Cẩm Linh.

Đáng chú ý, hôm thứ Tư tuần trước, Kadyrov đã đứng về phía Prigozhin khi chỉ trích gay gắt Tướng Alexander Lapin, chỉ huy quân khu lớn nhất của Nga, và nói trên Telegram rằng “cần phải có những thay đổi về chiến thuật và nhân sự” ngay lập tức.

Chỉ vài ngày sau, hôm thứ Bảy, một phương tiện truyền thông ủng hộ Điện Cẩm Linh đưa tin rằng Lapin, 58 tuổi, đã bị sa thải khỏi chức vụ Tư Lệnh Quân khu Trung tâm của Lực lượng Vũ trang Nga. Tin tức này vẫn chưa được Bộ Quốc phòng Nga xác nhận chính thức và thông tin chi tiết về ông vẫn được liệt kê trên trang web của chính phủ.

Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ về sự bất đồng quan điểm từ các đồng minh hàng đầu của Putin khi Nga tiếp tục đối mặt với những thất bại quân sự ở Ukraine.

Mykhnenko cho biết thực tế là hai tên hiếu chiến Ramzan Kadyrov, và Yevgeny Prigozhin đã công khai “tổ chức một chiến dịch căm thù thực sự” chống lại Bộ Quốc phòng Nga. Điều này cho thấy rằng các lãnh chúa này yêu cầu phần thưởng lớn hơn cho lòng trung thành của họ với Điện Cẩm Linh và cho hiệu quả quân sự của họ được đánh giá cao liên quan đến khả năng “hoàn thành công việc” đối với tiền tuyến.

Mykhnenko cho biết: “Kadyrov và Prigozhin tự nhận mình giỏi hơn nhiều về tổ chức quân đội, chiến đấu và chiến lược chiến tranh so với Bộ Quốc phòng Nga và Bộ Tổng tham mưu.

Ông nói: “Không nghi ngờ gì, trong các cuộc họp riêng tư, họ phàn nàn với Putin rằng ông ấy nên để những 'người yêu nước thực sự' phụ trách hoặc ít nhất là tiến gần hơn đến các thỏa thuận tài chính chiến tranh và dòng tiền, thay vì các tướng lĩnh 'vô dụng' và 'tham nhũng'“.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, đã lưu ý trong một báo cáo hôm thứ Hai rằng Prigozhin đã tiếp tục nỗ lực để nâng cao vị thế của mình trong giới tinh hoa Nga và sự hiện diện của ông ở St.Petersburg bằng cách tấn công các quan chức địa phương và tuyên bố thành lập của một Trung tâm Wagner PMC trong thành phố.

Nhóm nghiên cứu nói rằng Prigozhin đang nỗ lực xây dựng bản thân như một lực lượng chính trị, sử dụng địa vị nổi tiếng của mình và sự liên kết của mình với Tập đoàn Wagner để chỉ trích các đối thủ của mình trong giới tinh hoa và để thể chế hóa quyền lực của chính mình.

Mykhnenko nói rằng Putin sẽ “ngày càng thấy khó khăn trong việc hòa giải các cuộc xung đột ngày càng gia tăng giữa các trung tá của mình”.

Ông nói: “Điện Cẩm Linh và người cai trị của nó cho phép các lãnh chúa vượt lên trên các định chế của luật pháp Nga, vì đã đánh mất độc quyền tối thượng của quốc gia đối với các phương tiện bạo lực”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.
 
Cảm động: Người phụ nữ tạ ơn Chúa khi tìm lại được chiếc nhẫn cưới bị mất sau cơn bão
VietCatholic Media
05:00 03/11/2022


1. Người phụ nữ tạ ơn Chúa khi tìm lại được chiếc nhẫn cưới bị mất sau cơn bão

Khi một bà mẹ ở Florida đánh mất chiếc nhẫn cưới của mình ngay trước cơn bão Ian, cô ấy không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nhìn thấy nó một lần nữa. Chúa biết rõ hơn.

Khi Ashley Garner đánh mất chiếc nhẫn cưới vài ngày trước khi cơn bão Ian đi qua khu phố của cô, cô không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nhìn thấy nó một lần nữa.

Bà mẹ ba con đã làm thất lạc chiếc nhẫn của mình bên ngoài nhà của cô ấy ở Fort Myers, Florida. Lúc đầu, cô đã tìm kiếm khắp nơi, với sự giúp đỡ của chồng và các con. Họ lục tung sân và nhà để xe của họ.

Nhưng với cơn bão đang ập đến, hy vọng chiếc nhẫn sẽ ở lại sân của họ trong suốt sức gió 150 dặm một giờ là điều khó có thể xảy ra. Garner cố gắng chấp nhận rằng nó đã biến mất.

Cô ấy nói với NBC News:

Tôi phải chấp nhận rằng nó đã biến mất. Chúng tôi biết cơn bão đang đến, vì vậy chúng tôi tạm biệt ngôi nhà.

Hóa ra Chúa đã dành cho cô một điều bất ngờ.

Khi cơn bão đi qua khu phố của cô, nó đã để lại những đống cây to lớn và tàn phá khắp khu vực. Garner đang ở ngoài sân dọn đống bàn chải cùng gia đình thì chồng cô phát hiện ra một điều thực sự khó tin.

Vừa dọn dẹp được 10 phút, chồng cô phát hiện chiếc nhẫn dưới đống chổi và cây cối. Đó là một bất ngờ thú vị mà cô thậm chí không dám hy vọng.

Garner cảm thấy rằng việc tìm thấy chiếc nhẫn của mình là dấu hiệu của sự quan phòng của Chúa, mang lại hy vọng cho cô trong thời gian khó khăn.

“Tôi chỉ ngồi trên lề đường, và tôi cầu nguyện với Chúa và cảm ơn Ngài đã cung cấp và cho chúng tôi một dấu hiệu cho thấy có hy vọng cho cộng đồng,” Garner nói.

Thường thì Chúa làm chúng ta ngạc nhiên khi thực hiện những điều dường như không thể xảy ra. Và thường, những bất ngờ nho nhỏ này là những lời nhắc nhở nhẹ nhàng về sự quan tâm yêu thương của Ngài đối với từng chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống của chúng ta.
Source:Aleteia

2. Đức Hồng Y Kasper phản ứng lại những tấn công nhắm vào ngài từ những người bênh vực Tiến Trình Công Nghị Đức

Đức Hồng Y Walter Kasper, Chủ tịch danh dự của Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo, đã phản kháng lại một nhóm các nhà thần học, những người đã chỉ trích ngài về điều mà họi gọi là sự phê phán đáng nguyền rủa của ngài đối với Tiến Trình Công Nghị Đức.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Công Giáo Quốc tế Communio, Kasper cho biết “Tiến Trình Công Nghị” của người Đức đã thất bại.

Trong một bức thư ngỏ, sáng kiến cải cách “Pro Concilio - Hội đồng từ bên dưới đi lên” từ giáo phận cũ của ngài là Rottenburg-Stuttgart đã chất vấn Đức Hồng Y Kasper rằng làm thế nào mà ngài lại “dám cho phép mình” có cái nhìn tiêu cực như vậy về các đề xuất cải cách của Tiến Trình Công Nghị Đức, mà theo họ là đang đưa ra một quan điểm triệt để, đầy ấn tượng về thần học, và tất cả các khuyến nghị của Tiến Trình Công Nghị đã đưa ra sau khi được chuẩn bị kỹ lưỡng với một sự tha thiết cao độ trong các cuộc thảo luận tại nhiều cuộc họp và hội nghị.

Sáng kiến cải cách tuyên bố rằng “cơ cấu quyền lực quân chủ, chủ nghĩa giáo sĩ nam, đời sống độc thân bắt buộc của c1c linh mục, đạo đức tình dục cứng nhắc và nhiều định kiến giáo điều” không phải là một phần của Thông điệp Phúc âm mà là những di tích từ “sự cứng nhắc” trong lịch sử Giáo Hội “ngăn cản sự tiếp cận của mọi người với Thông điệp Phúc âm.”

Vị Hồng Y trả lời : “Tôi không cần sự cho phép của bất kỳ ai. Tôi tận dụng quyền tự do của Kitô giáo, là thứ có sẵn cho bạn và cho tôi. Nếu bạn tự cho phép mình có quyền chỉ trích giáo huấn của Giáo Hội thì bạn không nên tạo ra một Cơ quan siêu giảng dạy “Superlehramt” của Tiến Trình Công Nghị Đức và bảo rằng không ai có thể chỉ trích.”

Ngài nhắc nhớ rằng, các quy trình của Tiến Trình Công Nghị diễn ra trên các cuộc trao đổi quan trọng về các ý kiến khác nhau. “Nếu bạn loại trừ các trao đổi quan trọng mang tính xây dựng như vậy thì một Tiến Trình Công Nghị đã chết trước khi nó bắt đầu.”

Ngài cho biết các nhà thần học được đánh giá cao, không đồng ý với quan điểm cho rằng các tài liệu về Tiến Trình Công Nghị Đức đã được chuẩn bị và soạn thảo kỹ lưỡng. Hơn nữa, nhiều người đã phàn nàn với ngài rằng những người tham gia vào các cuộc thảo luận đã bị đối xử không công bằng, điều này đã cho ngài “nhiều thứ để suy nghĩ”.

Đức Hồng Y Kasper nói rằng ngài hoan nghênh những cải cách đúng đắn vào đúng thời điểm. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng: “Trong khi một số cải cách của Tiến Trình Công Nghị là hợp lý và đáng hoan nghênh, những cải cách khác chỉ là các phương dược giả mạo hoặc thậm chí thực tế là một loại thuốc chết người”
Source:The Tablet

3. Các giám mục Mỹ và Canada họp trực tuyến về Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục

Hội đồng Giám mục Mỹ thông báo sẽ nhóm họp trực tuyến với các giám mục Canada để thảo luận về Tài liệu làm việc mới được Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục công bố hôm 27 tháng Mười vừa qua để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới vào tháng Mười năm tới. Tổng cộng sẽ có 10 phiên họp trực tuyến trong khoảng thời gian từ cuối năm nay đến đầu năm tới, 2023.

Tài liệu làm việc dài 45 trang đúc kết các cuộc tham khảo ý kiến trong các giáo phận trên thế giới và được 112 Hội đồng Giám mục gửi về Tòa Thánh. Nay tài liệu này được thảo luận ở cấp đại lục, gồm bảy miền là Á, Phi, Úc, Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ gồm Mỹ và Canada, sau cùng là Mỹ châu Latinh.

Trong thông báo công bố hôm 27 tháng Mười vừa qua, điều hợp viên của Hội đồng Giám mục Mỹ về việc chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục về sự đồng hành, ông Richard Coll, cho biết thể thức họp trực tuyến sẽ tăng cường sự tham gia của dân Chúa, và giúp các giám mục Mỹ và Canada dấn thân hơn trong các khóa họp lắng nghe.

Ông Coll cũng là giám đốc điều hành phân bộ công lý, Hòa bình và phát triển nhân bản thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ.

Các đại diện của mỗi giáo phận ở hai nước sẽ tham dự một trong 10 phiên họp trực tuyến bàn về tài liệu làm việc, và kết quả sẽ được đúc kết thành một tổng hợp của đại lục để gửi về Tòa Thánh trước thời hạn 31 tháng Ba năm tới.

Cho đến nay, Bắc Mỹ là đại lục duy nhất sẽ nhóm họp trực tuyến trong giai đoạn đại lục để chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm tới.

4. Thánh Cha tiếp cộng đoàn linh mục, tu sĩ Madagascar

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các linh mục, tu sĩ nam nữ Madagascar sống tình đoàn kết và hiệp thông, giữa lúc xã hội ngày nay đang gặp những đe dọa về sự sống chung hòa bình.

Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong buổi tiếp kiến sáng ngày 27 tháng Mười vừa qua, dành cho cộng đoàn các linh mục, tu sĩ nam nữ người Madagascar ở Roma. Hiện diện trong buổi tiếp kiến, cũng có Đức Cha Marie Fabien Raharilambonioaina, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Madagascar.

Đức Cha Marie Fabien đang cùng các giám mục Madagascar hành hương Roma, viếng mộ hai thánh tông đồ và thăm Tòa Thánh, theo quy định của giáo luật, từ ngày 24 tháng Mười vừa qua, và chính Đức Cha Chủ tịch đã vận động xin Đức Thánh Cha tiếp kiến các linh mục và tu sĩ nam nữ của nước này ở Roma.

Trong lời chào thăm, Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Sự hiện diện của anh chị em hôm nay, trong lúc các giám mục của anh chị em đang viếng thăm Ad Limina, biểu lộ tình hiệp thông của anh chị em trong kinh nguyện với hành trình thiêng liêng các giám mục đang thực hiện... Sự phong phú sứ mạng của anh chị em cũng tùy thuộc tình hiệp nhất mà anh chị em vun trồng, với nhau và với các chủ chăn. Đây là chứng tá mà anh chị em được mời gọi mang đến cho xã hội chúng ta... Ngày nay trong các xã hội, và rất tiếc nhiều khi cả trong Giáo hội, chúng ta chứng kiến sự tìm kiếm những lợi lộc cá nhân. Thái độ này, virus ích kỷ, đang đe dọa sự sống chung hòa bình giữa các dân tộc, như những người con của cùng một đất nước. Đứng trước tình trạng đó, kinh nghiệm bản thân và cộng đoàn của anh chị em về sự thánh hiến cho Chúa Kitô là bằng chứng cho thấy đời sống có thể được sống một cách khác dưới ánh sáng Tin mừng, mang lại niềm vui chân thực. Vì thế, tôi khuyến khích anh chị em luôn tiến bước với nhau, và biến sự hiện diện của anh chị em ở Roma này thành một cơ hội quý giá, giúp anh chị em phong phú hóa và canh tân đức tin của anh chị em, theo gương các vị đại thánh nam nữ đã đi trước anh chị em”.
 
Soái hạm Makarov thiệt hại nặng, được kéo về Nga. Đặc vụ Putin tuyên bố tìm ra âm mưu khủng bố lớn
VietCatholic Media
15:54 03/11/2022


1. Soái hạm Đô đốc Makarov bị thiệt hại nặng trong cuộc tấn công hôm thứ Bẩy vào Crimea

Nhà phân tích Benjamin Pittet của dữ liệu tình báo nguồn mở, gọi tắt là OSINT, đã công bố những hình ảnh vệ tinh đầu tiên của Vịnh Sevastopol trên mạng xã hội, được chụp sau khi các tàu chiến của hạm đội Hắc Hải của Nga bị tấn công bởi những gì được tường trình là 7 chiếc tàu không người lái và 9 máy bay không người lái.

Các hình ảnh được chụp vào ngày 1 tháng 11 từ lúc 5h35 đến 11h06.

Vệ tinh ghi lại cảnh tàu khu trục lớp Đô đốc Grihorovich được kéo đi trên biển khơi. Trong năm giờ, con tàu đã kéo đi trong Vịnh Streltsk ở Sevastopol.

Benjamin Pittet nhận định rằng: “Có thể khá chắc chắn là các bức ảnh này ghi lại chuyển động của soái hạm Đô đốc Makarov. Bản chất của thiệt hại từ cuộc tấn công bằng máy bay không người lái không thể được xác định từ bức ảnh”. Tuy nhiên, việc chiếc soái hạm này được kéo đi cho thấy nó không thể tự di chuyển được, và thiệt hại như thế là không nhỏ.

Như đã đưa tin, ngày 29 tháng 10, một số máy bay không người lái được cho là đã tấn công tàu Nga ở Vịnh Sevastopol.

Cùng ngày, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video cho thấy một chiếc tàu không người lái đã tấn công con tầu Đô đốc Makarov. Con tàu này đã trở thành soái hạm của Hạm đội Hắc Hải sau khi tàu tuần dương hỏa tiễn Moskva bị đánh chìm trong một cuộc tấn công của Hải quân Ukraine vào tháng Tư.

Bộ Quốc phòng Liên bang Nga không xác nhận thiệt hại đối với con tàu đặc biệt này, nhưng thừa nhận có những thiệt hại đối với tàu quét mìn Ivan Golubets.

2. Nga bắt giữ người đàn ông Ukraine vì âm mưu phá hoại đường dây điện ở Crimea, FSB tuyên bố

Thông tấn xã Tass của Nga báo cáo rằng các cơ quan an ninh của Nga ở Crimea, nơi bị Nga chiếm đóng và sáp nhập vào năm 2014, tuyên bố đã phá hoại âm mưu phá hoại nguồn cung cấp năng lượng trong khu vực.

Báo này trích lời các lực lượng an ninh Nga cho biết: “Cơ quan An ninh Liên bang, gọi tắt là FSB, đã ngăn chặn một vụ phá hoại do các cơ quan đặc nhiệm Ukraine lên kế hoạch tại một cơ sở hạ tầng năng lượng ở Cộng hòa Crimea. Một công dân Ukraine sinh năm 1978, được dịch vụ an ninh của Ukraine tuyển dụng, đã bị giam giữ “.

Tass báo cáo rằng ba thiết bị nổ có độ nổ mạnh, tài liệu hướng dẫn sử dụng chúng và sơ đồ vị trí của các tháp truyền tải điện ở một trong những khu vực Crimea đã bị tịch thu từ tay anh ta.

FSB không đưa ra bằng chứng nào để chứng minh cho tuyên bố này.

Tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đang cố gắng làm gián đoạn nguồn cung cấp điện ở Crimea được đưa ra khi ít nhất 16,000 ngôi nhà ở vùng Kyiv của Ukraine vẫn bị mất điện sau khi các lực lượng vũ trang Nga liên tục bắn phá cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

3. Nga triệu tập đại sứ Anh về vụ tấn công bằng máy bay không người lái ở Sevastopol

Mạc Tư Khoa sẽ “sớm” triệu tập Đại sứ Vương quốc Anh tại Nga Deborah Bronnert về cáo buộc cho rằng các chuyên gia Anh đã tham gia vào một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào cuối tuần qua tại cảng Sevastopol của Crimea.

Nga đã nhiều lần đổ lỗi cho Anh về vụ tấn công và cho biết một đơn vị Hải quân Hoàng gia đã chủ mưu các hoạt động từ cảng Ochakiv, miền nam Ukraine. Chính phủ Anh đã bác bỏ điều này.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Những hành động này được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Anh.

“Về vấn đề này, đại sứ Anh sẽ sớm được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Nga.”

4. Các tướng lĩnh quân đội Nga bày tỏ thất vọng trước tình hình chiến sự, đang thảo luận về các kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật

Các quan chức quân sự Nga đã thảo luận về việc Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường Ukraine như thế nào và trong điều kiện nào, theo đánh giá của tình báo Mỹ được nhiều nguồn tin đã đọc nó mô tả với CNN.

Đánh giá do Hội đồng Tình báo Quốc gia của Nga soạn thảo, không phải là một sản phẩm có độ tin cậy cao và không phải là thông tin tình báo thô thiển nhưng là một phân tích chuyên sâu, nhiều người đã đọc nó nói với CNN. Vì lý do đó, một số quan chức tin rằng các cuộc thảo luận được phản ánh trong tài liệu có thể đã được đưa ra ngoài ngữ cảnh và không nhất thiết chỉ ra rằng Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.

Các quan chức cho biết, Mỹ vẫn chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định thực hiện một bước quyết liệt trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân, và ông Putin không được tường trình đã tham gia vào các cuộc thảo luận được mô tả trong báo cáo của Hội đồng Tình báo Quốc gia của Nga.

Nhưng những người khác trong chính quyền, những người đã xem tài liệu này đã phản ứng với sự lo lắng, bởi vì nó cung cấp một cơ hội hiếm hoi về các cuộc thảo luận giữa các tướng lĩnh cấp cao của Nga và tiết lộ sự thất vọng ngày càng tăng của họ về những tổn thất của Nga trên chiến trường Ukraine. Sự thất vọng đó có thể chuyển thành tuyệt vọng, một số quan chức lo sợ. Cũng có những câu hỏi về việc liệu việc Nga tự tuyên bố sáp nhập miền Đông Ukraine vào đầu năm nay có nghĩa là Nga sẵn sàng thực hiện các biện pháp cực đoan hơn để bảo vệ các vùng lãnh thổ đó hay không.

Một số bối cảnh khác: Mỹ cũng đang theo dõi các hành động của Nga xung quanh thành phố Kherson, miền nam Ukraine, nơi các lực lượng Ukraine đang cố gắng giành lại lãnh thổ trong một cuộc phản công. Trong những tuần gần đây, các quan chức Nga đã ra lệnh di tản thành phố và Mỹ lo ngại rằng nếu Ukraine khiến người Nga phải chịu thất bại nhục nhã, thì đó có thể là kiểu kích hoạt khiến ông Putin phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đó là một trong những kịch bản được hình dung bởi đánh giá tình báo, mặc dù các quan chức nhấn mạnh rằng Kherson không phải là trọng tâm duy nhất được mang ra thảo luận.

New York Times lần đầu tiên đưa tin về đánh giá tình báo này.

5. Giá lúa mì và bắp giảm sau khi Nga tuyên bố sẽ tiếp tục tham gia vào thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải

Giá lúa mì và bắp trên các thị trường hàng hóa toàn cầu giảm hôm thứ Tư sau khi Nga đảo ngược hướng đi và cho biết họ sẽ tham gia lại một thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc quan trọng từ Ukraine đi qua Hắc Hải.

Lúa mì trên Chicago Board of Trade giảm 6.34% xuống còn 8.45 Mỹ Kim một giạ. Giá bắp giảm 1.93% xuống còn 6.84 Mỹ Kim một giạ. Các động thái này đảo ngược mức tăng mạnh của giá cả hai mặt hàng vào đầu tuần này, sau khi Nga đình chỉ tham gia vào thỏa thuận vào hôm thứ Bảy.

Ukraine và Nga cùng chiếm gần một phần ba tổng lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu và thỏa thuận ngũ cốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hạ giá lúa mì và các mặt hàng khác trên toàn cầu.

Sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 3, chỉ số giá lương thực toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc đã giảm trong 7 tháng liên tiếp.

Tuần trước, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres cho biết việc đổi mới Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải là rất quan trọng để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Liên Hiệp Quốc ước tính rằng việc giảm giá lương thực thiết yếu do thỏa thuận đã gián tiếp ngăn khoảng 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực.

Xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm khác theo sáng kiến này đã vượt 9 triệu tấn, theo tổ chức liên chính phủ.

6. Quân đội riêng của Putin đối mặt với hành động pháp lý, bị cáo buộc phạm 'tội ác chiến tranh' ở Ukraine

Prigozhin chỉ là một thương gia trong ngành ẩm thực. Ông ta có biệt danh là “đầu bếp của Putin” vì công ty ẩm thực của ông ta chịu trách nhiệm nấu nướng các món ăn trong các bữa tiệc của Điện Cẩm Linh. Trong hai tháng qua, Prigozhin đã từ bỏ mọi giả đò rằng ông ta không có liên hệ với công ty quân sự tư nhân Wagner và ngày tỏ ra rõ ràng hơn trong các tuyên bố công khai của mình. Một công ty luật tại Anh vừa quyết định truy tố Prigozhin và công ty quân sự Wagner của ông ta về 'tội ác chiến tranh' ở Ukraine.

Tờ Newsweek có bài tường trình về diễn biến này với nhan đề “Putin's Private Army Facing Legal Action, Accused of Ukraine 'War Crimes'“, nghĩa là “Quân đội riêng của Putin đối mặt với hành động pháp lý, bị cáo buộc phạm 'tội ác chiến tranh' ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Tổ chức lính đánh thuê của Nga, Wagner, đang phải đối mặt với hành động pháp lý từ một công ty luật có trụ sở tại London vì cáo buộc “khủng bố” trong cáo trạng mà công ty này nói là “một cuộc chiến bất hợp pháp ở Ukraine.”

Công ty luật McCue Jury and Partners đã được yêu cầu trình bằng chứng trước Quốc hội Vương quốc Anh vào hôm thứ Ba liên quan đến đơn kiện của họ chống lại nhóm quân nhân Wagner, theo một thông cáo báo chí. Wagner hoạt động với tư cách là quân đội riêng của Tổng thống Nga Putin và từng bị cáo buộc tội ác chiến tranh trong quá khứ.

“Có những lúc các chính phủ — cho dù thông qua hệ thống trong nước hay quốc tế, tòa án hay các cơ quan liên chính phủ — tỏ ra quá chậm hoặc không thể phản ứng đầy đủ để giải quyết một số cuộc khủng hoảng toàn cầu nhất định và mang lại công lý, chứ đừng nói đến việc bồi thường cho các nạn nhân,” công ty viết trong thông cáo báo chí của mình. “Sự thất bại hiện tại của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết một cách hiệu quả quân đội riêng của Putin, là Wagner, và việc sử dụng lực lượng này để khủng bố trong cuộc chiến bất hợp pháp của ông ta ở Ukraine là một ví dụ nổi bật về điều đó”.

Theo một tweet từ McCue Jury and Partners, Jason McCue, đối tác cấp cao của công ty, đã trình bày bằng chứng về tội ác của Wagner cho Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội vào chiều thứ Ba.

McCue nói trong một tweet sau đó: “Hành động này liên quan đến trách nhiệm giải trình và là phản ứng chống lại chủ nghĩa khủng bố do nhà nước tài trợ của Putin”.

Công ty luật này cáo buộc rằng Wagner đã sử dụng “tra tấn, giết người và hãm hiếp như vũ khí chiến tranh để khủng bố dân thường phải phục tùng” trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Công ty luật này cũng cho biết rằng các khiếu nại chống lại nhóm quân nhân tư nhân lần đầu tiên được đưa ra Tòa án cấp cao của Vương quốc Anh bởi các nạn nhân Ukraine, những người đã khởi động hành động pháp lý chống lại nhóm quân đội để tìm kiếm “trách nhiệm giải trình và bồi thường.”

McCue Jury and Partners viết: “Không chỉ cuộc chiến của Putin ở Ukraine vốn là bất hợp pháp, mà còn là bất hợp pháp theo cách mà nó được tiến hành - cố tình gây ra tổn thất và thiệt hại đáng kể cho dân thường Ukraine”. “Wagner nổi tiếng vì sự tàn bạo và khả năng hoạt động ngoài vòng pháp luật, hoạt động như một... tổ chức khủng bố và đóng một phần không thể thiếu trong chính sách đối ngoại tội phạm của Putin.”

Theo một báo cáo từ BBC, Wagner lần đầu tiên được đưa vào “sử dụng” khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Nhóm này cũng được cho là đã tham gia vào các cuộc tấn công “cờ giả” của Nga dẫn đến cuộc xâm lược Ukraine khi cố ý tạo cho Điện Cẩm Linh một “cái cớ để tấn công.”

Vào tháng Tư, Văn phòng Tổng Công tố Ukraine thông báo trong một bài đăng trên Facebook rằng ba thành viên của Wagner đang bị điều tra vì cáo buộc tội ác chiến tranh trong khi Nga chiếm đóng thị trấn Motizhyn vào tháng Ba. Theo báo cáo, những người đàn ông đang bị thẩm vấn “cướp bóc thường dân, tra tấn, giết và đốt nhà của họ.”

Âm thanh bị chặn và được công bố bởi tạp chí hàng tuần Der Spiegel của Đức vào tháng 4 cũng cáo buộc rằng lính đánh thuê Wagner phải chịu trách nhiệm cho “hành động tàn bạo” ở thị trấn Bucha của Ukraine. Theo báo cáo, một số nạn nhân được phát hiện sau khi quân đội Nga rút khỏi thị trấn đã bị trói tay sau lưng và có dấu hiệu bị tra tấn.

McCue Jury and Partners đã viết rằng việc đưa đơn khiếu nại của các nạn nhân Ukraine chống lại Wagner ra tòa là một “cách phù hợp” để Vương quốc Anh hỗ trợ “những người bạn của mình ở Ukraine.” Theo thông cáo, trường hợp này sẽ được tài trợ thông qua huy động vốn từ cộng đồng.

“Chúng tôi tin rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một công ty quân sự tư nhân bị kiện vì lợi dụng khủng bố và âm mưu với một nhà nước trả tiền lừa đảo để thực hiện một cuộc chiến bất hợp pháp. Hành động này có khả năng thay đổi cơ bản cách thế giới giải quyết việc sử dụng ủy quyền của các tổ chức như vậy bởi các chế độ tìm cách né tránh và che giấu tội ác quốc tế của họ.”

Newsweek đã liên hệ với McCue cũng như Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

7. Ngũ Giác Đài cho biết mục tiêu của Hoa Kỳ Giao máy bay không người lái VAMPIRE cho Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “U.S. Targets Delivery of VAMPIRE Drone Killers to Ukraine: Pentagon”, nghĩa là “Ngũ Giác Đài cho biết mục tiêu của Hoa Kỳ Giao máy bay không người lái VAMPIRE cho Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Bộ Quốc phòng có kế hoạch gửi các hệ thống chống máy bay không người lái tới Ukraine trong năm tới khi Nga tiếp tục tấn công vào các hệ thống năng lượng của Ukraine bằng vũ khí do Iran sản xuất.

Pat Ryder, thư ký báo chí của Ngũ Giác Đài, nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng Bộ dự kiến sẽ gửi hệ thống phóng hỏa tiễn ISR tách rời có thể gắn trên các xe bán tải, hay còn gọi là VAMPIRE, đến Ukraine vào giữa năm 2023. Ryder nói thêm rằng hợp đồng cho hệ thống VAMPIRE dự kiến sẽ được hoàn tất trong vài tháng tới.

“Phòng không tiếp tục được ưu tiên,” Ryder nói trong cuộc họp báo.

Bộ Quốc Phòng lần đầu tiên hứa cung cấp cho quân đội Ukraine các hệ thống VAMPIRE vào ngày 24 tháng 8 như một phần của gói trị giá 3 tỷ Mỹ Kim được công bố vào Ngày Độc lập của Ukraine. Tính đến ngày 28 tháng 10, Hoa Kỳ đã gửi khoảng 17.9 triệu đô la hỗ trợ an ninh kể từ khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng 2

Hệ thống VAMPIRE có thể tấn công máy bay không người lái và các phương tiện bay không người lái khác cũng như các phương tiện phi chiến thuật, chẳng hạn như xe bán tải, theo trang web của L3Harris. Hệ thống này cũng được thiết kế để “giảm chi phí” và có thể gắn trên với bất kỳ xe bán tải hoặc trên bất kỳ xe nào có mặt bằng thích hợp.

Theo báo cáo của Bộ Quốc Phòng, Mỹ đã gửi khoảng 1,400 vũ khí phòng không tầm ngắn Stinger cho Ukraine và có kế hoạch gửi hai trong số tám Hệ thống Hỏa tiễn Đất đối không Tiên tiến Quốc gia, hay còn gọi là NASAMS, trong những tuần tới.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Bộ Quốc Phòng cho biết trong thông cáo báo chí hôm thứ Hai rằng Nga đang “tiếp tục chiến dịch tấn công khủng bố vào Ukraine khi nước này nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự” và nhắc lại rằng việc cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine vẫn là một ưu tiên.

“Thiệt hại đối với lưới điện và nguồn cấp nước là những mối quan ngại nghiêm trọng gây hại trực tiếp đến người dân,” quan chức này cho biết thêm.

Nga đã quay sang một trong số ít đồng minh của mình là Iran để yêu cầu cung cấp máy bay không người lái và các thiết bị khác trong quá trình gia tăng cuộc tấn công vào Ukraine. Tuần trước, Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố quân đội Nga đã nhận được áo chống đạn và mũ bảo hiểm do Iran sản xuất sau khi Nga thông báo rằng họ đang gặp khó khăn trong việc sản xuất thiết bị cho binh sĩ.

Cho đến nay, Bộ Quốc phòng Anh đã công nhận những thành công của Ukraine trong việc bắn hạ máy bay không người lái của Iran. Tuy nhiên, do vụ giao hỏa tiễn Killjoy mới do Nga sản xuất được cho là đã được phát hiện ở Belarus vào hôm thứ Ba, nên hệ thống phòng không của Ukraine vẫn cần được nâng cấp để bảo vệ khỏi các cuộc tấn công của Nga.

Trong bài phát biểu hàng đêm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Tư đã cảm ơn các đồng minh trong nỗ lực cung cấp “lá chắn trên không cho Ukraine”.

“Tôi chắc chắn rằng khi chúng ta cùng nhau cung cấp cho Ukraine sự bảo vệ đáng tin cậy trước mối quan hệ đối tác này - chế độ Nga và Iran - thì đó sẽ là một trong những trang mạnh nhất trong lịch sử nhà nước của chúng ta,” Zelenskiy nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine để đưa ra bình luận về hệ thống VAMPIRE.
 
Bahrain tưng bừng chào đón ĐTC. Phép thuật và Đức tin: Bùa ngải, bói toán, cầu cơ và ma quỷ
VietCatholic Media
17:14 03/11/2022


1. Các gia đình Công Giáo lâu đời nhất Bahrain háo hức chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Ba trong số những cư dân Công Giáo lâu đời nhất ở Bahrain kể về niềm vui và sự phấn khích của họ về chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới đất nước này, dự kiến từ 3 đến 6 tháng 11, và đặc biệt là tới Nhà thờ của họ. Cha của Najla Uchi, 78 tuổi, Salman Uchi, gốc Baghdad, được giao trách nhiệm xây dựng Nhà thờ Công Giáo Rôma đầu tiên của đất nước vào năm 1939.

Hơn 80 năm sau, vào ngày 6 tháng 11 tới đây, Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm nơi thờ tự lịch sử này, được gọi là Nhà thờ Thánh Tâm. “Sau khi cha cô, là Ông Baba xây dựng nhà thờ, mọi thứ đều được cử hành ở đó - lễ rửa tội, rước lễ, các lễ kỷ niệm,” Najla giải thích. “Tôi yêu nhà thờ của mình không phải vì cha tôi đã xây dựng nó mà vì các linh mục, các nữ tu và những người đến cầu nguyện. Đức Giáo Hoàng đến thật là đặc biệt. Ngài đến để mang lại hòa bình nhưng tôi cũng muốn ngài đến để thấy Bahrain ra sao,”cô nói thêm.

Một giáo dân lâu đời khác là Alex Simoes, 79 tuổi, là người nhớ mình đã chạy nhanh lên cầu thang của tháp chuông để rung chuông nhà thờ khi còn là một cậu bé. Đến từ Ấn Độ, Simoes cho biết em gái ông là người đầu tiên được rửa tội trong nhà thờ vào năm 1939.

Florine Mathias, 76 tuổi, chuyển đến Bahrain từ Ấn Độ làm cô dâu tuổi mười tám vào những năm 1960. Ngày nay, cô giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn thông qua Nhà thờ Thánh Tâm, thường được gọi là “Nhà thờ Mẹ” vì đây là nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở Vùng Vịnh. “Nhà thờ Mẹ là một tượng đài hòa bình - bất cứ ai bước vào đó không bao giờ khóc - đó là kinh nghiệm của tôi,” cô nói.

“Đức Giáo Hoàng đang đến thăm nhà của chúng tôi để truyền bá hòa bình, chữa lành và hạnh phúc. Đó là một thời gian may mắn cho tất cả chúng tôi. Những lời cầu nguyện của chúng tôi đang được đáp lại,” cô kết luận.
Source:thenationalnews.com

2. Tổng thống Bồ Đào Nha ghi danh tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Tổng thống Bồ Đào Nha, Marcelo Rebelo de Sousa, đã ghi danh làm người hành hương cho Ngày Giới trẻ Thế giới, sẽ được tổ chức tại Lisbon từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 năm tới 2023. Theo tổng thống, sự kiện này “sẽ là cuộc họp tập thể lớn nhất từ trước đến nay ở Bồ Đào Nha.”

Tổng thống Bồ Đào Nha đã đến thăm trụ sở của Ủy ban Tổ chức Địa phương, gọi tắt là LOC, vào ngày 26 tháng 10 để ghi danh trên bục chính thức và sau đó mời tất cả những người Công Giáo tham dự sự kiện quốc tế này.

“Hãy đánh dấu tuần này vào lịch của bạn và tiến về phía trước,” ông nói.

Ghi danh Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Lisbon 2023 hiện được mở cho khách hành hương, tình nguyện viên, linh mục và giám mục thông qua nền tảng ghi danh chính thức.

LOC cung cấp các lựa chọn trọn gói cho những người hành hương để tiếp cận một loạt các dịch vụ như chỗ ở, thực phẩm, vận chuyển, an ninh và bộ dụng cụ dành cho người hành hương.

Việc ghi danh được thực hiện trực tuyến bằng cách điền vào một biểu mẫu có sẵn bằng tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Hướng dẫn ghi danh cũng sẽ có sẵn để tải xuống từ nền tảng ghi danh.

Trang web chính thức của WYD Lisbon 2023 giải thích rằng hệ thống cho phép ghi danh cá nhân hoặc nhóm.

“Tuy nhiên, các nhóm rất nhỏ và những người hành hương riêng lẻ được khuyến khích không ghi danh một mình mà hãy tham gia vào các nhóm lớn hơn do các giáo xứ, giáo phận hoặc các cộng đồng khác tổ chức”.

LOC lưu ý rằng hệ thống ghi danh không yêu cầu nhập dữ liệu cá nhân của tất cả những người hành hương; chỉ yêu cầu thông tin chi tiết hơn về người phụ trách và người phụ trách thứ 2 của nhóm, các linh mục, người tàn tật và những người cần thị thực nhập cảnh vào Bồ Đào Nha.

“Thông tin cũng được yêu cầu về số lượng trẻ vị thành niên và những người trên 30 tuổi tham gia nhóm, cũng như ngày và phương tiện vận chuyển để đến Lisbon và khởi hành sau khi kết thúc WYD Lisbon 2023”

Ngày Giới trẻ Thế giới là ngày hội tụ của những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới với Đức Giáo Hoàng. Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được Thánh Gioan Phaolô II thiết lập vào năm 1985 và kể từ đó, ngày hội này đã đại diện cho một thời gian gặp gỡ và trao đổi của hàng triệu người.

Sự kiện đầu tiên diễn ra vào năm 1986 tại Rome, và kể từ đó Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã có một số địa điểm tiêu biểu như Buenos Aires, Á Căn Đình (1987); Santiago de Compostela, Tây Ban Nha (1989); Częstochowa, Ba Lan (1991); Denver, Hoa Kỳ (1993); và Sydney, Úc Đại Lợi (2008).
Source:Catholic News Agency

3. Nhật ký trừ tà số # 189: Phép thuật và Đức tin

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #189: Magic vs. Faith”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số # 189: Phép thuật và Đức tin”.

Cô ta đã dính líu với yoga, các đạo sư, các học viên phù thủy và ma thuật trong hơn mười năm. Nhờ ân điển của Thiên Chúa, cô đã có một kinh nghiệm sâu sắc về Chúa Giêsu và điều đó đã thay đổi cuộc đời cô. Đôi mắt của cô ấy được mở ra trước cái ác mà cô ấy đã tham gia và cô ấy ngừng tất cả các thực hành huyền bí. Cô trở lại với đức tin Công Giáo với một lòng nhiệt thành và niềm tin mới.

Nhưng những con quỷ của bói toán, những người hầu như vẫn ẩn nấp, giờ đã biến sự hiện diện của chúng trở nên xấu xa. Sau nhiều tháng thực hiện các đợt trừ tà, cô ấy đã khá hơn nhiều, mặc dù vẫn chưa hoàn toàn được giải thoát. Những con quỷ vẫn quyết tâm đeo bám.

Cô ấy đang dần dần được thanh lọc và chữa lành, bong tróc các lớp bên trong hết lớp này đến lớp khác. Gần đây, cô ấy đã nhận được một cái nhìn sâu sắc, đặc biệt khiến tôi chú ý. Cô ấy nói với tôi rằng cô ấy nhận ra rằng, trong khi cô ấy đã ngừng tất cả những thực hành huyền bí và ma thuật này, cô ấy vẫn có một cách thế đầy ma thuật tiềm ẩn khi tiếp cận đời sống tâm linh.

Ví dụ, khi cầu nguyện cho ai đó, đôi khi cô ấy sẽ gửi trực tiếp “năng lượng chữa lành” của mình vào người đó hơn là cầu xin Chúa giúp họ. Khi lo lắng về ai đó hoặc điều gì đó, cô ấy có thể cố gắng “hình dung” câu trả lời cho sự lo lắng, cố gắng phân tích điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, thay vì cầu xin Chúa quan tâm đến nó. Đôi khi cô thấy mình đang sử dụng “con mắt thứ ba” huyền bí của mình để cố gắng “nhìn thấy” hoặc biết điều gì đó về mặt tâm linh. Sau đó, cô ấy nói, “Tôi nhận ra rằng tôi vẫn đang cố gắng kiểm soát các tình huống. Tôi nhận ra rằng tôi có một vấn đề với sự tin tưởng thực sự vào Chúa.”

Cô ấy nói thêm, “Vấn đề cốt lõi là thực sự tin cậy vào Chúa - vào sự toàn năng và tình yêu của Ngài dành cho tôi.” Cô ấy nói, “Khi tôi bắt đầu thực hành việc hoàn toàn phó thác cho sự quan phòng của Chúa như một đứa trẻ, tôi thực sự cảm thấy thoát khỏi kiểu suy nghĩ ma thuật này. Đây là lúc ma quỷ dường như ở xa tôi nhất.”

Sự khác biệt giữa niềm tin và phép thuật là cơ bản. Kitô hữu tin cậy nơi Thiên Chúa và khiêm nhường nhận ra rằng mọi ân sủng đều đến từ Thiên Chúa, theo ý muốn của Ngài. Người thực hành ma thuật và những điều huyền bí cố gắng kiểm soát các lực lượng tâm linh và truy cập kiến thức ẩn, nghĩa là cố gắng tự mình đạt được sức mạnh và lợi ích mong muốn.

Sự thấu hiểu của cô ấy là một ân sủng lớn lao khác từ Chúa. Tôi hài lòng vì cô ấy đã đón nhận ân sủng này. Nó cho thấy rằng sự giải phóng hoàn toàn của cô ấy đang tiến gần hơn một bước nữa.
Source:Catholic Exorcism