Ngày 06-11-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Gặp Gỡ Đức Kitô Trong Thánh Thần - Tràn Đầy Thánh Linh 'Tái Sinh'
Phó Tế GB Nguyễn Văn Định
00:11 06/11/2008
Gặp gỡ Đức Kitô trong Thánh Thần # 4:

TRÀN ĐẦY THÁNH LINH “TÁI SINH”

Trong Tân Ước, tất cả các Tín hữu đều có Thánh Linh của Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Nếu bạn được tái sinh, Thánh Linh Chúa Giêsu ở trong tâm linh bạn và bạn là chứng nhân của Ngài. (Cv 1, 8)

1- Bí tích Thánh tẩy đã làm cho bạn thành chi thể trong thân thể Chúa Kitô. Thánh Phêrô nói rõ: Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động, mà xây nên Đền Thờ thiêng liêng, và đặt anh em làm hàng tư tế Thánh (x. 1 Pr 2, 5). Thánh Phaolô cũng quả quyết: Anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em… (x. 2 Cor 6, 19)

2- Những Tín hữu hôm nay đang lắng nghe Lời Chúa đều được tràn trề Thánh Linh: Ông Phêrô còn đang nói những điều đó thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những ai đang lắng nghe Lời Thiên Chúa. Những tín hữu thuộc giới cắt bì cũng đến đó với ông Phêrô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả dân ngoại nữa, bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa. (x. Cv 10, 44-47)

3- Bạn cần phân biệt sự khác nhau giữa việc được tái sinh bởi Đức Thánh Linh với việc đầy dẫy Chúa Thánh Linh. Người Tín hữu được tái sinh có thể đầy dẫy cùng một Thánh Linh mà người đó đã có trong mình. Và khi đầy dẫy Thánh Linh thì có một sừ tràn trề, người đó sẽ nói tiếng khác, tùy theo Thánh Linh ban cho họ. (Cv 2, 4)

4- Nước là hình bóng về Chúa Thánh Thần của Thiên Chúa, chính Chúa Giêsu dùng nước như là một hình thức tái sinh, khi nói với người phụ nữ bên bờ giếng Gia-cop xứ Samari: Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói vói với chị: “cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống.”…Còn ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. (x. Ga 4, 10-14).

Đức Giêsu cũng dùng nước làm hình bóng Đức Thánh Linh khi Ngài nói như sau: “Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống!” Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống.. Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận… (x. Ga 7, 37-39)

5- Đây là hai kinh nghiệm khác nhau: a/ Sự tái sinh là giếng nước ở trong bạn, mang đến lợi ích cho bạn,. b/ Sự đổ đầy Đức Thánh Linh như những dòng sông có mục đích khác là tuôn tràn từ bạn, sau khi được tái sinh, như là một dòng nước tuôn tràn từ con người bên trong cho người khác. Bạn không là hồ chứa nữa; nhưng là ống dẫn…

6- Một học sinh kể lại: tôi thật sự được tái sinh, khi tôi nằm trên giường bệnh vào tháng 8 năm 1934, lúc đó tôi đọc cuốn Phúc âm của thánh Gioan và tôi đã được chữa lành. Tôi đi học trung học trở lại với một số điểm rất cao, tôi biết tôi có sự sống mới của Chúa bên trong. Mỗi sáng khi đi học trên đường phố, tôi thường nói chuyện với Chúa: Chúa ơi ! Con có sự sống của Ngài trong con. Thật đúng như Lời Kinh Thánh: “Ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. (Ga 1, 4)

Sự tái sinh trong trong Chúa Thánh Linh được diễn tiến trong cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và ông Nicôđêmô, làm cho bạn được sinh lại bởi nước và Thần Khí, được thông phần vào sự sống đời đời, sự sống mà Gioan gọi là Nước Thiên Chúa: Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. (Ga 3, 5)

Phó tế: JB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Người khôn người dại
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:15 06/11/2008
CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 25, 1-3

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta vẫn luôn cảm thấy lúc nào cũng có những điều mới lạ, những dụ ngôn, những ví dụ, những câu chuyện Chúa đưa ra để dạy dỗ, để răn đời luôn hấp dẫn, luôn mới mẻ dù rằng có những đọan Tin Mừng chúng ta đã đọc rất nhiều lần. Dụ ngôn 10 trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể là một ví dụ điển hình. Dụ ngôn này có người đã thuộc nằm lòng, có người đã nghe nhiều lần, nhưng hầu như lúc nào đoạn Tin Mừng này cũng làm con người say mê vì sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, dạy dỗ nhân loại, dạy dỗ con người phải tỉnh thức để đón nhận nước trời, đón nhận Thiên Chúa.

DỤ NGÔN 10 TRINH NỮ KHÔN NGOAN VÀ KHỜ DẠI NÓI GÌ ?:

Đoạn Tin Mừng này là một dụ ngôn bởi vì chẳng có một đám cưới nào ở trần gian này lại tổ chức cái kiểu đó. Mà cũng chẳng có cuộc rước dâu nào lại như thế.Chàng rể nếu có đến trễ. Các cô dâu cũng chẳng thể nào ngủ được vì quần áo cưới, đầu tóc, trang điểm. Tất cả những hình thức bề ngoài như quần áo, đầu tóc, sự trang điểm luôn phải làm các cô dâu phải tỉnh thức. Dụ ngôn này là một lời cảnh tỉnh nhân loại, cảnh tỉnh mọi người phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng. Trong dụ ngôn này, chàng rể cư xử một cách khác thường không như các chàng rể bình thường. Chúa Giêsu muốn nói đến một chàng rể đặc biệt và tiệc cưới, đám cưới cũng rất đặc biệt. Tiệc cưới này đòi mọi người phải tuân thủ những luật lệ khác với những luật lệ thông thường nơi những đám cưới chúng ta thường tham dự. Ở đây 10 cô trinh nữ phù dâu biểu tượng cho toàn thể nhân loại, toàn thể con người trên thế gian này được Thiên Chúa yêu thương, đón mời vào dự tiệc cưới nước trời. Dầu và đèn là những phương tiện cần có để tham dự tiệc cưới. Mười cô phù dâu lại có năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại. Đó là hình ảnh của nhân loại, của con người. Trong nhân loại hay giữa con người, có người khôn, có người dại. Đó là cái trớ trêu của con người và là cái dí dỏm của đoạn Tin Mừng này. Khôn hay dại được đánh giá bằng việc con người có sẵn sàng hay không sẵn sàng tỉnh thức. Tất cả 10 trinh nữ phù dâu đều ngủ chứ chẳng có cô nào thức. Đó là cái nghịch lý của dụ ngôn. Tuy nhiên, cái khôn và cái dại được đo lường dựa trên tiêu chuẩn các cô có cẩn thận và sẵn sàng hay không ? Năm trinh nữ khôn ngoan đã ngủ vùi nhưng họ khôn trong tư thế, trong thái độ sẵn sàng. Còn năm cô khờ dại đã ngủ trong tư thế thờ ơ, chểnh mảng. Nên khi nghe tin chàng rể đến thì đã quá muộn rồi. Việc chàng rể đến chậm, đến trễ, đến bất ngờ ám chỉ giờ của Chúa đến. Chắc chắn Chúa sẽ đến nhưng Ngài đến cách bất ngờ, đột xuất, nên ai khôn sẽ sẵn sàng.

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ CỦA CUỘC ĐỜI CHÚNG TA:

Chúa Giêsu đã luôn cảnh tỉnh mọi người: ” Hãy tỉnh thức và sẵn sàng “. Tỉnh thức để mau mắn nghe bước chân Chúa đến và sẵn sàng đón Chúa để cùng vào nước trời với Ngài. Bởi vì, muốn đón Chúa, chúng ta phải có đèn, đèn muốn có tác dụng, muốn cháy sáng phải có dầu, mà dầu đốt mãi, đốt liên tục thì cũng sẽ hết, giờ Chúa đến lúc nào chúng ta cũng chẳng rõ, cũng chẳng hay biết được.Bởi vậy, muốn chắc chắn, chúng ta phải khôn ngoan dự trữ dầu mà càng dự trữ dầu càng nhiều càng tốt. Dầu ở đây tượng trưng cho đức tin, cho đời sống thánh thiện, cho đời sống công chính, bác ái, và đời sống lương thiện, chân chính và thiện hảo của chúng ta. Đời sống của mỗi người luôn là một cái gì đó xem ra rất mỏng manh, cuộc đời mau tàn, mau chấm dứt. Nhưng chúng ta nào thấy trước hoặc biết được lúc nào cuộc đời của chúng ta sẽ chấm dứt, sẽ qua đi. Tốt nhất là chúng ta phải khôn ngoan như năm cô trinh nữ khôn ngoan trong dụ ngôn là tỉnh thức và sẵn sàng, nghĩa là chúng ta phải sống theo ý Chúa, sống đời sống của Chúa như thánh Phaolô viết: ” Đối với sống là Đức Kitô “ “ Tôi sống không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “. Tôi đã sống và loan báo Tin Mừng cho người Dân tộc Kơho từ nhiều năm nay. Điều anh chị em Dân tộc gây ấn tượng cho tôi nhiều nhất đó là sự hồn nhiên, phó thác của họ cho Thiên Chúa hằng ngày bởi vì họ không bôn chen, không tham lam và không dự trữ của cải như những người khôn ở thế gian thường làm. Tuy nhiên, sự hồn nhiên, trong sáng của họ là dầu họ đang dự trữ tràn trề để sẵn sàng đón Chúa và lãnh nhận nước trời.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tỉnh thức và sẵn sàng để đón Chúa đến bất cứ lúc nào. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1.Mười cô trinh nữ trong Tin mừng hôm nay tượng trưng cho ai ?

2.Tại sao lại gọi năm trinh nữ khôn và năm trinh nữ khờ ?

3.Sứ điệp dụ ngôn Chúa Giêsu muốn nhắn gửi chúng ta ?

4.Chúng ta có biết lúc nào Chúa đến ? Tại sao ?

5.Khôn ngoan theo ý Chúa là làm sao ?
 
Vào Thánh Đường là vào Nhà Chúa
Phaolô Phạm Xuân Khôi
06:04 06/11/2008
Chúa Nhật tuần này Hội Thánh mừng Lễ Cung Hiến Vương Cung Thánh Đường Latêranô.

Vương cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô là một trong những thánh đường đầu tiên được xây cất sau những cuộc bách đạo ban đầu. Thánh đường được Hoàng Đế Constantinô xây và được ĐTC Sylvester thánh hiến năm 324. Thánh Đường này tiếp tục là Nhà Thờ Chánh Tòa của Giám Mục Rôma, Đức Thánh Cha. Thánh Đường này được gọi là ‘Mater Ecclesiae Romae Urbis et Orbis’, Mẹ của tất cả các thánh đường ở Rôma và trên thế giới.

Lễ Cung Hiến này được cử hành ở Rôma lúc ban đầu, nhưng trở nên phổ quát trong nghi thức La Tinh như dấu chỉ hiệp nhất với Tòa Thánh.

Hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu vắn tắt về ý nghĩa của Thánh Đường để giúp chúng ta yêu mến Nhà Chúa hơn và tìm thấy ý nghĩa cùng sứ vụ của mình mỗi khi chúng ta vào Nhà của Ngài.

1. Thánh Đường là biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta.

Mỗi năm người Do Thái mừng Lễ Thánh Hiến Đền Thờ Giêrusalem (Ga 10:22 ) để tưởng niệm việc thanh tẩy và tái lập phụng tự tại Đền Thờ này sau cuộc chiến thắng Vua Antioch của anh em ông Giuđa Maccabê (x. 1 Mac 4:36 -59; 3 Mac 1:2 tt; 10:1-8). Cuộc lễ này kéo dài 1 tuần trong khắp xứ Giuđêa. Còn được gọi là Lễ Đèn vì dân chúng đốt đèn treo ở cửa sổ nhà mình, tượng trưng cho Lề Luật, để mừng kỷ niệm này. Các gia đình sẽ tăng số đèn lên theo mỗi ngày của cuộc Lễ (x. 2 Mc 1:18 ). Tương tự, Nghi Thức Rôma tưởng nhớ việc Thánh Hiến Vương Cung Thánh Đường Latêranô. Đây là Thánh Đường cổ nhất và được tôn trọng nhất trong Hội Thánh Tây Phương. Bên cạnh Lễ chung này, mỗi giáo phận cũng mừng ngày thánh hiến Nhà Thờ Chánh Tòa, và mỗi giáo xứ mừng ngày thánh hiến Nhà Thờ giáo xứ cách đặc biệt.

Đối với người Do Thái, Đền Thờ được coi là môt nơi Thiên Chúa hiện diện cách đặc biệt. Thiên Chúa đã cho họ thấy sự hiện diện của Ngài ở Hội Mạc trong hoang địa. Ở đó ông Môsê đã đàm đạo với Thiên Chúa như bằng hữu. Chúa ngự xuống đó như đám mây bao phủ Hội Mạc. Khi thánh hiến Đền Thờ Giêrusalem, vua Solômôn đã cầu nguyện như sau trước Đền Thờ vua mới xây: Nhưng có thật sự rằng Thiên Chúa cư ngụ chung với loài người trên mặt đất này không? Tại sao, trời, dầu các tầng trời cao thẳm không thể chứa nổi Ngài, thì làm sao Đền Thờ này mà con đã xây có thể chứa nổi! Tuy nhiên, Lạy Ðức Giavê là Thiên Chúa của con! xin đoái thương lắng nghe lời cầu nguyện và van nài của tôi tớ Chúa, xin lắng nghe tiếng kêu cầu và khẩn nguyện mà tôi tớ Chúa dâng lên trước nhan Chúa hôm nay. Xin mắt Chúa ngày đêm đoái nhìn đến nhà này, là nơi mà Chúa đã phán rằng, ‘Danh ta sẽ ngự ở đó.’ Xin Chúa nghe lời cầu nguyện của tôi tớ Chúa dâng lên trong nhà này” (1 Vua 8:27 -29).

Trong Giao Ước Mới, chúng ta cũng đến Nhà Thờ để gặp gỡ Thiên Chúa. Người đang chờ chúng ta ở đó với sự hiện diện thật của Người giữa chúng ta nơi Nhà Tạm.

ĐTC Gioan Phaolô II dạy: “Mỗi Thánh Đường là nhà của anh em và nhà của Thiên Chúa. Hãy coi đó là nơi chúng ta gặp Người Cha Chung của chúng ta” (Bài Giảng 3/11/1982 ). Ngôi Thánh Đường là dấu chỉ của Cộng Đồng Dân Chúa. Một cộng đồng được tạo thành bởi những tảng đá sống động – là những người được thánh hiến cho Thiên Chúa qua Bí Tích Thánh Tẩy.

2. Thánh Đường là Thân Thể Đức Kitô

Vì Đền Thờ là nhà của Thiên Chúa nên Chúa Giêsu đã đánh đuổi các người buôn bán ra khỏi Đền Thờ khi họ biến nó thành nơi buôn bán. Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, Chúa còn nói rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện” (Mt 21:13 ; Mc 11:17 ; Lc 19:46 ). Không những thế, khi trả lời người Do Thái rằng: “Hãy phá hủy Ðền Thờ này đi; trong ba ngày, Tôi sẽ dựng lại”, Người nói về Ðền Thờ là chính thân thể Người (Ga 2:19 , 21). Như thế Đức Kitô đã đồng hóa Thánh Đường với Thân Xác Người, và với Nhiệm Thể Người là Hội Thánh.

Tiếng Hy Lạp dùng một chữ “ekklesia” để chỉ Thánh Đường, Hội Thánh và Cộng Đồng Dân Chúa tụ họp lại để cầu nguyện. Thánh Kinh cam kết với chúng ta rằng Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta nơi trần thế. Đức Chúa Giêsu Kitô đã nhập thể để trở thành sự hiện diện thật của Thiên Chúa làm người trên thế gian. Vâng lệnh Chúa, chúng ta họp nhau lại nơi Thánh Đường để cùng nhau cầu nguyện với Cha trên Trời (Mt 18:19 ) va để tưởng nhớ mầu nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh của Người (Lc 22:19 ). Vì thế mà Đức Tin của Hội Thánh Công Giáo cử hành các mầu nhiệm này trong Phụng Vụ ở các Thánh Đường.

Kiến trúc của Thánh Đường dạy chúng ta, từ hình dạng Thập Giá nhắc nhở chúng ta về Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô đến các bức tường dựng đứng vươn cao về hướng thiên cung. Một Thánh Đường truyền đạt các câu truyện thánh thiện qua các tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc của mình. Khu vực nội đường rộng rãi để tụ họp cộng đồng tín hữu, trong quá khứ cũng như hiện tại lại, để cử hành những công trình cứu độ của Thiên Chúa.

3. Ý Nghĩa của các phần chính của Thánh Đường

Cửa vào Thánh Đường báo cho người ta biết rằng mình sắp sửa bước vào một nơi thánh, một nơi đã tồn tại và phát triển qua nhiều thế hệ. Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là Cổng vào Chuồng Chiên, là Đường dẫn đến cùng Đức Chúa Cha. Bước qua ngưỡng cửa Thánh Đường là bước qua Đức Kitô để chuồng chiên, để được cùng Nhiệm Thể Đức Kitô sống trong Người và chia sẻ sự sống của Người.

Đi qua ngưỡng cửa Thánh Đường, người ta vào tiền đường. Tiền đường là nơi chuyển tiếp giữa thế gian và nơi thánh để cầu nguyện này. Tiền đường là nơi chúng ta sửa soạn để vào gặp gỡ Thiên Chúa. Khi vào đến Tiên Đường, chúng ta có bổn phận trút bỏ tất cả những lo âu của thế gian ở bên ngoài Thánh Đường, và thinh lặng sửa soạn những gì cần thiết cả về vật chất lẫn tinh thần để vào nhà Chúa. Chào đón anh em trong tình thân hữu nơi tiền đường là điều chính đáng, nhưng biến tiền đường thành nơi để trò truyện xã giao, để vui đùa, và nhất là để buôn bán thì không nên. Cạnh tiền đường thường có Phòng Áo cho các linh mục sửa soạn y phục thánh, có các phương tiện vệ sinh để mọi người có thể sửa soạn thân thể mình trước khi vào lòng Thánh Đường.

Từ tiền đường chúng ta bước vào Lòng Thánh Đường. Lòng Thánh Đường theo tếng La Tinh là navis, có nghĩa là “chiếc tàu”. Như Tàu ông Noe đã che chở gia đình ông và các thú vật trong trận Đại Hồng Thủy thế nào, thì Hội Thánh cũng là “con tầu cứu độ” che chở chúng ta như thế giữa những cơn sóng gió nơi trần gian. Các Thánh Đường tượng trưng cho sự hiện diện của Hội Thánh trên khắp thế gian. Cuộc hành trình của chúng ta đến cùng Đức Kitô được phản ảnh bằng việc chúng ta tiến qua lòng Thánh Đường mà vào gian thánh, ở đó, trên bàn thờ, Thiên Đàng đột nhiên nhập vào thế giới chúng ta, và chúng ta làm một với Đức Kitô.

Giếng rửa tội được xây trên cùng một trục với bàn thờ như dấu chỉ hữu hình của sự liên kết chặt chẽ giữa Bí Tích Thánh Tẩy và Thánh Thể. Ngoài ra các Thánh Đường còn có các chén đựng nước thánh. Giếng rửa tội và chén đựng nước thánh nhắc cho chúng ta thanh tẩy tâm hồn trước khi lên dự tiệc Thánh Thể. Để được nên một với Đức Kitô Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta cũng phải cùng chết với Người trong Bí Tích Thánh Tẩy. Khi nhúng tay vào nước thánh mà làm dấu Thánh Giá trên mình, chúng ta thưa với Chúa rằng “xin Chúa làm chủ trí óc con, tâm hồn con, và toàn thân con” để rồi chúng ta có thể chú hết tâm lực vào việc kết hợp với Chúa trong Thánh Lễ hay giờ cầu nguyện mà chúng ta sắp tham dự.

Về phiá trước, nằm ngang với lòng Thánh Đường là hai cánh làm thành hai “cánh tay” của Thánh Giá. Hình dạng này của Thánh Đường nhắc lại cho chúng ta về cái chết cứu độ của Chúa Giêsu và cánh tay Người giang ra vì yêu thương chúng ta trên Thập Giá. Chính sự tự hiến cứu độ này được làm tái hiện hữu trong mọi Phụng Vụ Thánh Thể.

“Đầu” của Thánh Giá là gian thánh mà ở đó có cung thánh. Trên đó có bàn thờ, là nơi nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Giêsu trong Tiệc Thánh Thể, bữa tiệc cho chúng ta nếm trước bữa tiệc trên Thiên Đàng, là bữa tiệc đang chờ chúng ta. Chúa Giêsu đã tự hiến Mình trên núi Calvary và đã sống lại từ cõi chết.  Biến cố cứu độ này được tái thể hiện trên bàn thờ trong mỗi buổi Thánh Lễ mà ở đó chúng ta được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu của Đức Kitô. Như thế, bàn thờ được thánh hiến và phải được tôn kính. Ở nền của bàn thờ có hòm đựng xương thánh. Theo lịch sử và truyền thống Hội Thánh, bàn thờ thường được đặt trên mộ của các thánh, hoặc hài cốt của các thánh được để dưới bàn thờ.

Ở trên gian thánh chúng ta cũng thấy có tòa giảng. Toà giảng là một cái bàn mà từ đó Thiên Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời Ban Sự Sống của Ngài. Tòa giảng thường được trang trí bằng vật liệu và màu sắc nhu bàn thờ. Sự giống nhau trong việc thiết kế giữa bàn thờ và tòa giảng nói lên mối liên hệ mật thiết giữa Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể. Tòa giảng chỉ được dùng để công bố và rao giảng Lời Chúa chứ không phải là nơi đọc thông cáo hay các lời cám ơn sau Thánh Lễ.

Trong cung thánh có một cái ghế gọi là cathedra theo tiếng Hy Lạp để vị chủ tế ngồi. Nhà Thờ Chánh Tòa được gọi là cathedral vì ở đó có ghế của Đức Giám Mục. Từ ghế hay tòa này, Đức Giám Mục giáo huấn và hướng dẫn giáo hội địa phương. Một Thánh Đường giáo xứ cũng có ghế dành cho linh mục chủ tế.

Trên cung thánh có một Tượng Chịu Nạn. Các nhà thờ Tin Lành chỉ dùng Thánh Giá, còn Nhà Thờ Công Giáo dùng Tượng Chịu nạn, gồm có cây Thánh Giá với tượng Đức Kitô chịu đóng đinh, để nhắc nhở chúng ta về mầu nhiệm Phục Sinh được làm cho hiện diện vì chúng ta trên bàn thờ.

Thường thì trong Thánh Đường cũng có những bàn thờ nhỏ kính Đức Mẹ và các Thánh. Các Ngài là những gương mẫu Đức Tin, nói lên sự hiệp thông và đa dạng của Hội Thánh.

Mười bốn chặng Đàng Thánh Giá được được đặt dọc theo các bức tường hai bên Thánh Đường. Việc sùng kính này được bắt đầu rất sớm trong lịch sử Hội Thánh nên trở thành tục lệ của các tín hữu để theo chân Chúa Giêsu từ nhà quan Philatô ở Giêrusalem đến đồi Calvary. Theo thời gian, những người hành hương Đất Thánh vẫn tiếp tục việc sùng kính này khi họ trở về.  Vào thế kỷ thứ XIV khi các cha dòng Phanxicô được trao phó nhiệm vụ quản trị các nơi thánh tại Giêrusalem, các ngài cổ võ việc dùng hình ảnh để diễn tả Đàng Thánh Giá của Chúa.  

Ở cánh Thánh Đường thường có nơi chứa các dầu thánh. Các dầu này được Đức Giám Mục giáo phận làm phép và thánh hiến trong Tuần Thánh mỗi năm, được dùng trong các cuộc cử hành Bí Tích Rửa Tội, Xức Dần Bệnh Nhân, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh. Các dầu này được giữ trong các bình thánh được đánh dấu bằng những chữ tắt: OC cho Dầu Dự Tòng, OI cho Dầu Bệnh Nhân, và SC cho Dầu Thơm Thánh.

Nhà Tạm ngày xưa thường được đặt giữa cung thánh, nhưng đa số các thánh đường ngày nay có Nhà Nguyện Thánh Thể riêng biệt để Nhà Tạm và cũng là nơi chầu Thánh Thể thưởng trực. Từ khi bắt đầu có cử hành tiệc Thánh Thể trong Hội Thánh thời sơ khai, một phần của bánh lễ đã được giữ lại để đem đến cho những phần tử của cộng đoàn, vì đau ốm không thể tham dự lễ bẻ bánh chung được. Ngoài ra, phần lưu trữ của Mình Thánh vẫn được tiếp tục sử dụng để Chầu Thánh Thể.

Nhìn lên phía trên cao của Thánh Đường người ta thấy dọc theo lòng Thánh Đường và hai cánh có những cửa sổ bằng kính nhỏ. Như ánh sáng mặt trời tràn ngập không gian thế nào thì ân sủng của Thiên Chúa cũng tràn ngập nơi này và toàn thể vũ trụ như thế.  Vào thế kỷ thứ 12, Tu viện trưởng Suger ở Thánh đường Tu Viện Thánh Denis đã viết: “Ánh sáng của Thiên Chúa và nhà của Ngài phải tỏa ra sự hiện diện này để mỗi môn đệ của Thiên Chúa được soi sáng nhờ sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Ngôi Lời là ánh sáng, và Chúa Thánh Thần của lửa”.  Trong tâm trí của người thời trung cổ, ánh sáng là vị trung gian đặc biệt và huyền nhiệm của Thiên Chúa và là biểu tượng của sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian.

Các cửa sổ sáng dọc theo lòng Thánh Đường gồm nhiều cửa kính lớn, mỗi cửa kính có vẽ hình các Thánh hay các cảnh trong Thánh Kinh hoặc các Mầu Nhiệm Mân Côi. Ngày xưa khi các chưa có máy in, Hội Thánh thường dùng hình ảnh trong thánh đường để giáo dân những đoạn Thánh Kinh quan trọng.

4. Kết Luận

Thánh Đường là dấu chỉ của sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta. Mỗi lần chúng ta đến Nhà Thờ là chúng ta đến gặp một Thiên Chúa thật đang hiện diện nơi đó. Qua Bí Tích Thánh Thể được cử hành mỗi ngày trên bàn thờ, ơn sủng của Thiên Chúa từ các Thánh Đường đổ vào thế gian như hình ảnh các suối nước chảy ra từ Đền Thờ mà ngôn sứ Êdêkiel được thấy trong Bài Đọc 1. Những dòng suối ấy là gì nếu không phải là mỗi người trong chúng ta? Mỗi lần chúng ta đến Thánh Đường là chúng ta để Thiên Chúa đổ tràn đầy ân sủng và tình yêu của Người trên mình, và như những dòng suối, Chúa sai chúng ta vào thế gian để đem ân sủng của Ngài mà tưới gội thế gian, làm cho nó nên trong sạch và sinh hoa quả tốt tươi.

Lạy Chúa con ý thức rằng thân xác con chính là đền thờ của Chúa và con người con là một dòng suối nhỏ Chúa gửi vào thế gian để đem Chúa đến cho những người mà con tiếp xúc. Xin ban cho con ơn luôn làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, là Đấng ngự trong con, để dòng suối này không bao giờ khô cạn hoặc bị thế gian làm ô nhiễm. Amen

 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:55 06/11/2008
GỐC VÀ NGỌN

N2T


Theo truyền thuyết, Thiên Chúa sai thiên sứ đi nói với đại sư: “Bất luận ngươi cầu cho được sống lâu trăm ngàn năm hay ngàn vạn năm, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho ngươi. Ngươi hy vọng sống bao nhiêu năm ?”

- “Tám mươi tuổi”. Đại sư không do dự trả lời.

Các đệ tử có chút thất vọng: “Nhưng, thưa sư phụ, nếu thầy có thể sống đến trăm vạn năm, suy nghĩ coi, có bao nhiêu người của các thời đại có thể tiếp thụ ân điển khôn ngoan của thầy ?”

- “Nếu ta thật sống trên trăm vạn năm, thì con người sẽ bỏ đường khôn ngoan để dồn hết sức lực học cái thuật kéo dài tuổi thọ.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Thiên Chúa thật khôn ngoan vô cùng khi hạn định mạng sống của con người ở trần gian tám mươi, một trăm hoặc hơn trăm tuổi là chấm dứt, bằng không khi con người được trường sinh bất tử thì thế gian này không phải là cảnh bồng lai, mà là địa ngục đầy những chống đối bất an và chiến tranh...

Chỉ có khi từ giã cõi đời này, con người ta mới được trường sinh bất tử trên thiên đàng với Thiên Chúa, hoặc là vĩnh viễn bị diệt vong trong hỏa ngục với ma quỷ.

Người khôn ngoan nhất thì cầu xin Chúa gìn giữ họ trong cuộc sống ở đời này luôn kinh mến Chúa yêu thương người, và luôn chuẩn bị tâm hồn để đợi Chúa đến; người khôn ngoan vừa vừa thì cầu xin Chúa đem họ về (chết) khi họ sạch mọi tội lỗi; người ngu xuẩn thì cầu xin Chúa cho họ thật hạnh phúc ở đời này và đợi gần chết mới ăn năn tội; người ngu xuẩn nhất thì cầu xin Chúa cho họ sống lâu trăm tuổi, để họ hưởng thụ gia tài mà Chúa ban cho họ ở trần gian này...

Nhưng dù chúng ta thuộc hạng khôn ngoan hay ngu xuẩn, thì vẫn phải luôn cầu nguyện để biết cái gốc của chúng ta là ở Thiên Chúa, và cái ngọn của chúng ta là ở thế gian này: lá rụng về cội.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:56 06/11/2008
N2T


37. Con người trong khi cầu nguyện thì đức tin thường tồn.

(Thánh Leo I Pope)
 
Đức Giêsu tẩy uế đền thờ
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
23:59 06/11/2008
ĐỨC GIÊSU TẨY UẾ ĐỀN THỜ

(Gioan 2,13-22 – Cung hiến Thánh đường Latêranô)

1.- Ngữ cảnh

Lần đầu tiên, tác giả Gioan có một bản văn song song với các TMNL (Mc 11,15-19; Mt 21,12-17; Lc 19,45-48). Tuy nhiên, có những khác biệt:

- Trong khi TM IV đặt biến cố này vào đầu sứ vụ của Đức Giêsu, các TMNL lại đặt ở đầu tuần Khổ Nạn.

- Lý do đã thúc đẩy Đức Giêsu can thiệp được gợi hứng bởi các bản văn ngôn sứ, cũng không giống nhau: “một nơi buôn bán” (Ga 2,16) thì nhắm đến chuyện mua qua bán lại, còn “sào huyệt của bọn cướp” (Mc 11,17 và //) thì hàm chứa một cáo giác về sự trộm cắp.

- Cuối cùng, cuộc cãi vã giữa Đức Giêsu và các đối thủ xảy ra ngay sau đó (theo Ga), hoặc lại vào ngày hôm sau (theo các TMNL: Mc 11,28 và //).

Trong quá khứ, người ta thường đề nghị một giả thuyết, theo chiều hướng tương phù (concordism): Đức Giêsu đã đuổi những người buôn bán khỏi Đền thờ 2 lần, vào đầu sứ vụ (Ga) và cuối sứ vụ (TMNL). Nhưng dường như khó tin được rằng Đức Giêsu có thể lặp lại được một thách đố như thế đối với giới lãnh đạo Do-thái giáo. Đàng khác, giữa bản văn của Ga và của các TMNL có những nét tương đồng, khiến người ta phải nghĩ rằng hầu chắc các bản văn ấy đều đề cập tới một biến cố duy nhất: nơi cả hai bên, ta đều thấy cùng một cơ hội đã khiến Đức Giêsu làm cử chỉ ấy (sự hiện diện của những người buôn bán và đổi tiền trong Đền thờ), có một lời Đức Giêsu trách mắng những người bán hàng, sự can thiệp của các thủ lãnh Do thái, và nhất là dây liên hệ chặt chẽ giữa hành động này và cái chết của Đức Giêsu (Ga 2,17.19; Mc 11,18; Lc 19,47).

Vậy phải chọn giữa bài của Gioan và bài của TMNL: bài nào đã đặt biến cố này vào đúng thời điểm?

1. Đa số các nhà chú giải Công giáo và nhiều nhà chú giải Tin lành ủng hộ bài của Gioan. Luận điểm chính nằm trong chi tiết về thời gian do 2,20 cung cấp: Công việc xây dựng Đền thờ bắt đầu từ năm 20/19 tr CG (Fl. Josèphe, Ant XV, 380); vào lúc này là năm 28/27 sau CG: thời điểm này phù hợp với khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu hơn. Khi đó, người ta hiểu các TMNL đã đặt biến cố này vào cuối sứ vụ của Đức Giêsu, bởi vì các TMNL chỉ nói đến một chuyến đi lên Giêrusalem duy nhất và một lễ Vượt Qua duy nhất.

2. Những người nghiêng về các TMNL thì ghi nhận trước tiên rằng dây liên kết giữa thách đố này của Đức Giêsu và cái chết của Người không mấy phù hợp với thời gian khởi đầu sứ vụ của Người. Tại cuộc xử án Đức Giêsu, lời của các nhân chứng nhắc lại câu tuyên bố của Người về việc phá Đền thờ giả thiết là sự việc mới xảy ra, nên người ta còn nhớ rõ. Nhưng luận điểm mạnh nhất, là tác giả Gioan đã đưa bài tường thuật này ra đầu sứ vụ của Đức Giêsu, vì ngài trung thành với quan điểm ngài đã biểu lộ trong bài tường thuật Dấu lạ Cana (2,4.11): ngài muốn quy hướng toàn thể sứ vụ của Đức Giêsu ngay từ đầu về “giờ” Khổ Nạn của Người; hơn nữa, ngài muốn rằng Do-thái giáo chính thức được chứng kiến Đức Giêsu biểu lộ tư cách Mêsia của Người ngay từ đầu, để những người Do-thái phải ở trong một tư thế bị phán xét.

Nói cho cùng, thật khó chọn bài nào, bởi vì cả hai luận đề đều có những lập luận vững chắc.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba phần:

1) Đức Giêsu tẩy uế Đền thờ (2,13-17);

2) Đức Giêsu nói về phá hủy và xây dựng lại Đền thờ (2,18-22).

3.- Vài điểm chú giải

- Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái (13): Thời gian của dấu lạ này dĩ nhiên gợi nhớ tới lễ Vượt Qua trong đó Đức Giêsu sẽ bị xử tử. Tương quan giữa việc tẩy uế Đền thờ và cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu đã được ám chỉ. Mc 11,18 và Lc 19,47t sẽ ghi nhận rằng sự can thiệp của Đức Giêsu, vì kết án cả giới lãnh đạo Do-thái giáo, sẽ khiến các thượng tế và các kinh sư quyết định “giết Người”.

- trong Đền thờ (en tôi hiêrôi, 14): Đây là tiền đường của Đền thờ (đối lại với naos là Đền thờ đúng nghĩa, gần gian Thánh và gian Cực Thánh).

- Các môn đệ của Người nhớ lại (17): Sau khi Đức Giêsu sống lại, khi Thánh Thần đã ban cho các ông hiểu các dấu chỉ Thầy đã làm, các môn đệ đã hiểu biến cố hôm nay:

- Người Do-thái (18): Trong thực tế, đây là giới lãnh đạo Đền thờ (các tư tế, các thầy Lêvi và vệ binh), những người chịu trách nhiệm về tình trạng vừa bị Đức Giêsu kết án. Như ở khắp nơi trong Tin Mừng, tác giả Gioan không phân biệt giữa các nhà lãnh đạo và dân Do-thái đã từ chối tin vào Đức Kitô. Vậy phải nói là toàn thể hệ thống phượng tự của dân này đang được đề cập đến.

- Các ông cứ phá hủy (làm tan rã) Đền thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại (sẽ đánh thức dậy) (19): Câu này có thể hiểu là một mệnh lệnh: “Các ông hãy phá hủy...”, hoặc như một câu ở thì tương lai: “Các ông sẽ phá hủy...”, hoặc như một câu giả thiết: “Cứ giả sử là các ông phá hủy...”. Thật ra, các động từ “làm tan rã” (lyô) và “đánh thức dậy” (egeirô) không phù hợp chút nào với một tòa nhà vật chất cả.

- bốn mươi sáu năm (20): Đền thờ, với phần cung thánh và tiền đường, đã được vua Hêrôđê rộng tay chi tiền sửa sang lại thật huy hoàng. Khởi công vào năm 16 triều đại ông (x. Fl. Josèphe, Ant. jud., 15, 11, 1) vào năm 734-735 thành Rôma, là năm 20-19 tr. CG, các công việc đã kéo dài cho tới thời Tổng đốc Anbinô, năm 62-64 (Ant. jud., 20, 9, 7). Vào thời điểm của bài tường thuật này, chúng ta ở vào năm xây dựng thứ 46. Lấy khởi điểm là năm 20 hoặc 19, sự cố tẩy uế Đền thờ đã xảy ra vào lễ Vượt Qua năm 27 hoặc 28. Điều này phù hợp với Lc 3,2, vì bản văn này đã xác định phép rửa của Đức Giêsu xảy ra vào năm 15 triều đại Tibêriô, tức giữa ngày 1-10-27 và 30-9-28.

-. .. là chính thân thể Người (21): Đền thờ mới sẽ thay thế Đền thờ cũ đã bị tục hóa chính là thân thể phục sinh của Đức Kitô. Với lời giải thích của thánh Phaolô (x. 1 Cr 3,16 và 12,27; Ep 2,21 và 4,12), Đền thờ mới là Giáo Hội, thân thể vinh hiển của Đức Kitô phục sinh, và tất cả các tín hữu được kết hợp với Người.

- Vậy, khi Người từ cõi chết chỗi dậy, các môn đệ nhớ lại... Họ tin (22): Máccô cứ đều đặn ghi nhận rằng các môn đệ không hiểu. Gioan thì nói cách tích cực rằng các môn đệ hiểu sau khi Đức Kitô đã sống lại (12,16). Chỉ khi Đức Giêsu được tôn vinh, các ông mới được nhận Thánh Thần (7,39), và Thánh Thần mới cho các ông hiểu tất cả những dấu lạ Đức Giêsu đã thực hiện (14,26; 15,26t). Vậy, đức tin của các môn đệ không được liên kết với cuộc Phục Sinh như với một bằng cớ về tính xác thực của những gì Đức Giêsu đã nói, nhưng như với nguyên do (= nguồn) ban Thánh Thần, là Đấng duy nhất cho phép hiểu.

- Họ tin vào Kinh Thánh (22): Không thể xác định rõ tác giả Gioan ám chỉ tới đoạn Cựu Ước nào. Có thể so sánh Cv 2,24t; 13,34tt, trong đó có những bản văn thường được Giáo Hội tiên khởi nhắc đến trong quan hệ với sự Phục Sinh của Đức Giêsu (đặc biệt Tv 16/15,10). Chúng ta ghi nhận rằng Kinh Thánh (Lời Thiên Chúa) và lời Đức Giêsu được đặt trên cùng một bình diện (so sánh 18,9.32) để làm nên đối tượng đức tin của các môn đệ.

4.- Ý nghĩa của bản văn

Đức Giêsu cũng tham dự vào một đại lễ khác. Đây không phải là một lễ của một đôi vợ chồng được cử hành bởi gia đình và mọi người thân thuộc trong khung cảnh một thôn làng như Cana ở Galilê, nhưng là lễ Vượt Qua, lễ trọng nhất của Ít-ra-en, khi đó toàn dân quy tụ lại Giêrusalem. Ít-ra-en tưởng niệm cuộc giải phóng khỏi Ai-cập và tạ ơn Thiên Chúa, vì Ngài đã làm cho họ thành một dân độc lập và thành Dân Ngài.

* Đức Giêsu tẩy uế Đền thờ (13-17)

Tại Đền thờ, Đức Giêsu đã không góp phần cứu lấy và gia tăng niềm vui của ngày đại lễ, nhưng đã hòa vào cảnh sống náo nhiệt trên sân Đền thờ. Con người đã rảo qua xứ sở cách an hòa (1,29.36) và đã ra tay cứu lễ mừng Cana cách hiệu quả, nay lại tỏ mình ra dưới một phương diện hoàn toàn khác. Là một người khách hành hương vô danh đến từ miền Galilê, Người đã gây ra một sự cố “động trời” tại Đền thờ Giêrusalem. Theo TM IV, vào chuyến hành hương đầu tiên thuộc đời sống công khai của Người, Đức Giêsu đã bắt đầu hoạt động tại Giêrusalem như thế đó, bắt đầu từ sân dành cho Lương dân, phần ít cao quí nhất của tiền đường, phần duy nhất mà người ngoại quốc được đặt chân đến.

Truyền thống vẫn yêu cầu người ta tỏ ra trang nghiêm kính cẩn tại vùng sân này, chẳng hạn, phải tránh đi qua đó chỉ để đi tắt. Nhưng các qui định này, đặc biệt vào dịp lễ Vượt Qua, không được tuân giữ: do khách hành hương phải chuẩn bị các của lễ đúng quy định (một con bò hoặc một con chiên cho trường hợp những người giàu, một con bồ câu cho trường hợp những người nghèo), và một nửa đồng bạc Do-thái (một siklos, hoặc shéqèl bằng 4 ngày công) đóng thuế Đền thờ, họ đã mua bán đổi chác gây huyên náo hỗn độn ngay tại đây. Các cửa hàng của những người bán bò và chiên được bố trí dưới các cổng, bàn của những người đổi bạc được đặt ngay ngoài trời, đã biến vùng sân này thành một cửa hàng tạp hóa vĩ đại. Tất cả tùy thuộc cách người ta quan niệm việc thờ phượng Thiên Chúa trong Đền thờ. Hẳn là dân chúng nghĩ rằng có thú vật và tiền lẻ ngay tầm tay và đặt mọi sự dưới quyền kiểm soát của giới hữu trách Đền thờ là tiện nhất. Nhưng điều này lại không phù hợp với quan niệm của Đức Giêsu về nhà của Cha Người. Người gọi Thiên Chúa là Cha và xác định cách cư xử dựa trên ý tưởng Người có về nhà Thiên Chúa. Không phải là mọi chuyện đều có thể chấp nhận. Không phải là cứ chuyện nào tiện lợi hoặc đưa lại tiền bạc là đúng đắn. Buôn bán thú vật được dùng làm lễ hy sinh là một sinh hoạt đáng trọng, nhưng phải cách xa nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa và nơi người ta tôn kính Ngài. Đức Giêsu thấy có những lạm dụng.

Nay đã được đặt để trong chức năng Mêsia-Con Thiên Chúa, Đức Giêsu không chỉ vào Nhà Thiên Chúa như một khách hành hương, mà còn là người quản lý và chủ nhân. Nếu Người đã làm hành vi chứng tỏ uy quyền này ngay tại Đền thờ có lẽ là để tự mạc khải ngay giữa lòng Do-thái giáo, trước mặt các nhà lãnh đạo và đám đông đa tạp các khách hành hương, nhờ thực hiện sấm ngôn Malakhi: “Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mới mà các ngươi đợi trông đang đến... Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim... Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi (các thừa tác viên Đền thờ)...” (Ml 3,1-3).

Không màng tới các rủi ro, Đức Giêsu không ngần ngại nối kết sức lực của cánh tay vào sức mạnh của lời nói để thực hiện nguyện vọng của Cha Người, được diễn tả qua miệng ngôn sứ Dacaria: “Ngày ấy, sẽ không còn lái buôn trong Nhà Đức Chúa các đạo binh nữa” (Dcr 14,21). “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân” (Is 56,7), nhưng “Phải chăng các ngươi coi nhà này, nơi danh Ta được kêu khấn, là hang trộm cướp sao?” (Gr 7,11). Đức Giêsu đã can thiệp với biện pháp rõ ràng và dứt khoát: “Người xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: ‘Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây’” (2,15-16). Trong nhà Chúa Cha, Chúa Cha đang hiện diện; người ta phải suy nghĩ và hành động tương ứng với chân lý này.

Cử chỉ này, trực tiếp nhắm đưa Đền thờ trở lại với sự thanh sạch vẫn có, dường như có một tầm mức biểu tượng. Bằng cử chỉ này, Đức Kitô muốn nói rằng Người sẽ truất các tư tế mất quyền điều hành Đền thờ Thiên Chúa và sẽ loại bỏ tất cả các lễ hy sinh thú vật để thay thế bằng lễ dâng tinh tuyền mà Thiên Chúa cũng đã loan báo qua miệng ngôn sứ Malakhi: “Ta chẳng ưng nhận lễ phẩm từ tay các ngươi dâng... Và ở khắp nơi, người ta dâng lễ hy sinh và lễ vật tinh tuyền kính Danh Ta” (Ml 1,10-11). Đúng là đã tới giờ rồi.

Vào lúc ấy, hẳn là sự can thiệp cương quyết của Thầy đã khiến các môn đệ thắc mắc, nhưng nhất là khiến các ông lo sợ rằng Người sẽ phải gánh chịu những hậu quả tệ hại, từ phía những lái buôn và những thừa tác viên Đền thờ. Khi đó, các môn đệ đã nghĩ tới tiếng kêu của tác giả Thánh vịnh 69/68: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân...”, thiệt thân vì sự nhiệt thành của mình và vì những đối thủ. Vào lúc chịu Khổ Nạn, khi tuyên bố rằng Thánh vịnh này được ứng nghiệm nơi Người (Tv 69/68,5; x. Ga 15,15), Đức Giêsu công nhận rằng các ông đã linh cảm đúng: sự nhiệt thành đã thiêu đốt Người bên trong vào lễ Vượt Qua đầu tiên, sẽ thiêu đốt Người hoàn toàn vào lễ Vượt Qua cuối cùng, để biến Người thành một lễ hy sinh “đẹp lòng Chúa hơn bò bê đủ móng đủ sừng” (Tv 69/68,32). Người chính là Đấng công chính chịu đau khổ để thanh tẩy Đền thờ và nền phượng tự cũ hầu xây dựng một Đền thờ mới và thiết lập một nền phượng tự mới (cc.19-21). Việc chuyển đi từ cái cũ sang cái mới sẽ được thực hiện nhờ cái chết của Đức Giêsu.

* Đức Giêsu nói về phá hủy và xây dựng lại Đền thờ (18-22)

“Người Do-thái” đây là giới lãnh đạo Đền thờ (các tư tế, các thầy Lêvi và vệ binh), nhưng cũng là dân Do-thái, đã hỏi: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” (c. 18). Đây là đề tài căn bản của tất cả những xung đột sau đó giữa Đức Giêsu và giới lãnh đạo Do-thái giáo. Người đã yêu cầu trả lại phẩm cách trang nghiêm cho nhà Chúa Cha; điều này không thỏa mãn người Do-thái, cũng như tất cả những gì Đức Giêsu sẽ nói và sẽ làm cũng chẳng thỏa mãn họ (x. 5,16; 6,30; 9,16; 11,45-53). Hẳn là các nhà chức trách Do-thái cảm thấy khó chịu gai chướng bởi một sáng kiến vừa lạ lùng vừa cách mạng như thế: dù không có chức tư tế và không có nhiệm vụ gì ở Đền thờ, Đức Giêsu vừa kết án một hệ thống được các nhà chức trách chuẩn nhận, mà như thế là tự cho mình có một uy quyền cao hơn uy quyền của họ. Thậm chí Người còn muốn nói là Người triệt tiêu nền phượng tự đã từng được Thiên Chúa thiết lập ở đấy, và như thế là tự gán cho mình có một uy quyền ngang bằng với uy quyền của Thiên Chúa mà Người gọi là “Cha Người”! Bởi vì Người cho rằng Người có một uy quyền thần linh, thì Người phải chứng minh điều ấy bằng cách làm một dấu lạ: một hành động phi thường cho thấy dấu ấn của Thiên Chúa trên sứ mạng cứu thế của Người (x. Mt 11,38; 16,1; Mc 8,11; Lc 11,16; 1 Cr 1,22).

Đức Giêsu đáp: “Các ông cứ phá hủy (làm tan rã) Đền thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại (sẽ đánh thức dậy)” (c. 19). Câu này có thể hiểu là một mệnh lệnh: “Các ông hãy phá hủy...”, hoặc như một câu ở thì tương lai: “Các ông sẽ phá hủy...”, hoặc như một câu giả thiết: “Cứ giả sử là các ông phá hủy...”. Với bối cảnh của cuộc tranh luận, Đức Giêsu dường như ám chỉ việc phá hủy và xây lại ngôi Đền thờ bằng đá tọa lạc ngay gần bên. Người Do-thái nghĩ ngay đến Đền thờ ấy, và cho rằng không thể được. Quả thật, phải là điên thì mới nghĩ có thể xây lại trong ba ngày; cũng phải là điên thì mới nghĩ rằng có thể đụng chạm được tới Đền thờ này! Cứ lấy lương tri mà xét, lẽ ra người Do-thái không nên gán những ý tưởng ấy cho một người có đầu óc sáng suốt: là những người Đông phương, đã quen với giọng văn bóng bảy cũng như những câu nói hiểm hóc, hẳn là họ phải ngờ rằng ở đây có một ý hướng biểu tượng, nhất là những động từ “làm tan rã” (lyô) và “đánh thức dậy” (egeirô) không phù hợp chút nào với một tòa nhà vật chất cả. Nhưng họ cố ý xoáy vào ý nghĩa vật chất, cũng như người phụ nữ Samari khi đề cập tới nước ban sự sống (4,11-15), như những người Do-thái khi đề cập tới bánh ban sự sống (6,34) [xem lời các nhân chứng tạo tòa án (Mt 26,61; Mc 14,58) và những người qua đường (Mt 27,40; Mc 15,29)]. Dấu lạ Đức Giêsu loan báo ở đây tương ứng với câu trả lời cho người Pharisêu trong Mt 12,39t và 16,4.

Người Do-thái quy các lời Đức Giêsu nói vào ngôi Đền thờ bằng gạch đá nên đã hiểu sai ý Người (x. 3,4). Đức Giêsu đang nói với họ: Các ông có thể giết chết tôi. Các ông có thể đẩy tôi đến thử thách lớn lao cùng cực nhất. Nhưng rồi tôi sẽ hoàn tất công trình của tôi và sẽ tự mạc khải ra vĩnh viễn.

Phần các môn đệ, sau khi Đức Giêsu sống lại, các ông mới hiểu được ý nghĩa của câu nói huyền bí ấy, và “đã tin vào lời Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói” (c. 22). Nhưng ở đây tác giả Gioan cho chúng ta được hiểu trước biến cố ấy: Đức Giêsu nói, không phải về Đền thờ bằng gạch đá, nhưng hoàn toàn về Đền thờ là thân thể của Người, nhân tính của Người. Các từ ngữ Người dùng phù hợp với ý nghĩa đó hơn: “Cứ làm tan rã Đền thờ là thân thể của tôi đi (Các ông sẽ gây ra sự tan rã, cái chết, cho thân thể tôi), và trong ba ngày, tôi sẽ dựng lại (sẽ đánh thức dậy khỏi giấc ngủ ấy)”. Đàng khác, ý nghĩa hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh. Nếu các môn đệ đã linh cảm rằng lòng nhiệt thành của Đức Giêsu đối với ngôi nhà vật chất của Thiên Chúa sẽ khiến Người bị các đối thủ hãm hại (c. 17), Đức Giêsu còn biết rõ hơn các ông rằng cử chỉ này sẽ đưa Người tới cái chết. Như vậy, cái chết đối với Đức Giêsu không phải là một tai nạn bất ngờ hoặc một thất bại không thể tránh được, nhưng là một thử thách Người tự do chấp nhận, để rồi tiếp theo là một Sự Sống dồi dào phong phú hơn. Đã được báo trước như vậy, người Do-thái sẽ không thể coi đó là một chiến thắng, còn các môn đệ không thể coi đó là một cớ vấp phạm được.

Ở đây, ngay trong cuộc gặp gỡ đầu tiên này, ta đã thấy rõ các hậu quả của cuộc xung đột sẽ là thế nào và mục tiêu của con đường Đức Giêsu theo là gì: chết và sống lại. Cuộc Phục Sinh sẽ chuẩn nhận cho tư cách của Đấng đã bị đẩy đến một cái chết khốc liệt do việc làm và yêu sách của Người. Do cái chết này, Đền thờ mới sẽ được xây lên. Đức Giêsu Phục Sinh là “nơi” vĩnh viễn có Thiên Chúa hiện diện với Dân Ngài và có Dân Ngài thờ phượng Thiên Chúa: đây là “ngôi nhà Cha” hoàn hảo. Lời tiên báo của Đức Giêsu một phần cảm hứng từ một sấm ngôn của ngôn sứ Hôsê (Hs 6,2). Theo lời hứa của Đức Giêsu cho ông Nathanaen, các môn đệ khi ấy sẽ thấy Thầy họ là “Bết-Ên” thật, là Nhà Thiên Chúa và Cửa thiên đàng (1,51). Một cách gián tiếp, Đức Giêsu mạc khải cho các thính giả rằng Chúa Cha cư ngụ nơi Người một cách viên mãn và vĩnh viễn (8,16; 10,38; 14,10;16,32) và chỉ nơi Người, các tín hữu mới có thể gặp được Chúa Cha vô hình (14,6-10).

+ Kết luận

Hôm ấy, Đức Giêsu đã vào Đền thờ như vào “nhà Cha Người”; hôm ấy, vì yêu thương Chúa Cha, Người đã đuổi những con buôn khỏi Đền thờ. Vì nhiệt thành lo cho nhà của Cha, vì muốn hoàn toàn dành ngôi nhà này cho Cha, Đức Giêsu đã nổi cơn nghĩa nộ mà bảo vệ quyền lợi của Cha, trong khi vẫn làm chủ chính mình. Như thế, Đấng “có lòng hiền hậu và khiêm nhường”, là bạn của kẻ tội lỗi, cũng biết nổi giận khi cần, vì vinh quang của Thiên Chúa Cha.

Sau này, đàng sau tấm màn bị xé rách của Đền thờ và xuyên qua thân thể bầm dập của Đức Giêsu hấp hối, Thiên Chúa xuất hiện, bằng một tấm thân con người thật sự, đầy vinh quang thần linh. Giấc mơ của Cựu Ước, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, nay được thực hiện mãi mãi trong Đức Giêsu Phục Sinh.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Theo Đức Giêsu, người ta không thể chấp nhận hay nhượng bộ mọi sự. Người ta có thể thông cảm cho việc trục trặc này, chuyện không xuôi chảy kia. Nhưng khi sự việc liên hệ đến việc thờ phượng Thiên Chúa, thì không được phép có lối suy nghĩ tương-đối-hóa. Khi sự việc liên hệ đến làm chứng cho mầu nhiệm Thiên Chúa, thì không được phép nửa vời. Phần chúng ta, chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta đang có quan niệm nào về “nhà của Cha”, hoặc về nhiệm vụ và mục tiêu mà Ngài đã ban cho con người? Chúng ta có vận dụng trọn bản thân mình cho điều đó không?

2. Các đối thủ của Đức Giêsu cứ đòi Đức Giêsu phải trưng ra thêm các bằng chứng. Lý do không phải là để họ đạt được niềm tin tròn đầy, nhưng nói có vẻ nghịch lý, họ đòi các bằng chứng là để phủ nhận đức tin, để họ có cớ mà nói rằng họ không tin là phải. Toàn bọ TM IV là một bài học với nhiều minh họa về niềm tin như một sự phó thác vào Đấng được Thiên Chúa sai phái tới, là Đức Kitô. Trong những trường hợp nào, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đề những ranh giới dè dặt cho niềm tin tưởng của chúng ta vào Đức Giêsu, chúng ta nêu ra những điều kiện, và chúng ta đòi những đảm bảo?

3. Chứng từ của các môn đệ còn đấy: lời của Đức Giêsu có một trọng lượng như chính lời Kinh Thánh. Nhờ được Kinh Thánh thôi thúc, các ông hiểu lý do khiến Đức Giêsu phải chết; nhờ được lời Đức Giêsu soi sáng, các ông hiểu Đấng Phục Sinh chính là “nơi” vĩnh viễn có sự hiện diện và chăm sóc ân cần của Thiên Chúa. Đấy là một kinh nghiệm quan trọng được chia sẻ cho chúng ta, để hôm nay chúng ta biết tiếp tục dựa vào ánh sáng của Kinh Thánh mà khám phá thêm nữa mầu nhiệm Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, đã chết và đã sống lại.

4. Để thực hiện được điều này, cần nhận lấy bài học khác của các môn đệ. Các ông đã rảo qua một đoạn đường dài cùng với Đức Giêsu và đã được Người liên tục dạy dỗ, rèn luyện. Chúng ta có thể chờ đợi để được dẫn đến chỗ hiểu biết đầy đủ về con đường của Đức Giêsu và con đường của chúng ta chăng?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Dư vị bầu cử
Vũ Văn An
00:05 06/11/2008
Dư vị bầu cử

Liên danh phò phá thai Obama-Biden đã thắng “vẻ vang” cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2008. Cả Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh đã gửi điện chúc mừng người thắng cử, đúng theo lề lối và phong thái ngoại giao. Đức Hồng Y George, chủ tịch hội đồng giám mục Mỹ cũng đã gửi điện văn chúng mừng, nhưng đã nhắc nhở tổng thống đắc cử trách nhiệm “bảo vệ những người dễ bị thương tổn nhất”, dù trong bài diễn văn đắc cử, Obama hứa với những người không đồng quan điểm với ông rằng: “tôi cũng là tổng thống của các bạn nữa”. Không hiểu điều ấy có hàm nghĩa ông ta sẽ ngưng không ký ban hành đạo luật Freedom of Choice Act như đã long trọng hứa hẹn năm 2007 hay không?

Phá thai

Hình như không. Và đó là lý do khiến các vị giám mục Hoa Kỳ lo âu. Trong đó, có Đức cha Donald Wuerl, Tổng giám mục của thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Ngày 5 tháng Mười Một, một ngày sau khi Obama đánh bại TNS McCain của Arizona, ngài đã gửi cho giáo dân một thông điệp, cho hay cùng với toàn dân, ngài vui mừng về biến cố lịch sử này. Tuy nhiên, ngài cầu xin cho các nhà tân lãnh đạo “được hướng dẫn để đưa ra các quyết định khôn ngoan và biết cảm thương”. Nhắc lại nỗi âu lo của hơn 50 vị giám mục các giáo phận Hoa Kỳ về việc bảo vệ sự sống của trẻ chưa sinh, Đức cha Wuerl nhấn mạnh rằng ngài hy vọng thấy tân chính phủ “tôn trọng và cam kết sâu xa đối với tính thánh thiêng và phẩm giá của mọi sự sống nhân bản và nâng đỡ những người dễ bị thương tổn nhất trong chúng ta”.

Phát biểu trên đài Phát Thánh Vatican, Đức cha William Murphy, giám mục giáo phận Rockville Centre, New York, cũng đã bình luận về ngày bầu cử tại Mỹ và gọi ngày ấy là “giây phút lịch sử” của Hoa Kỳ. Đối với ngài, Obama là một “người thông minh” có khả năng “dùng viễn kiến của mình mà đánh động cả một nhóm người… Xét về nhiều phương diện, đất nước này đã mỏi mệt và muốn có một giọng nói mới mẻ”. Ngài nghĩ Obama đáp ứng được ý muốn đó. Nhưng ngài nhấn mạnh vấn đề phá thai là “thách đố lớn” đối với vị tổng thống này, người mà ngài nói “không phải là phò lựa chọn mà là phò phá thai’. Đức cha lưu ý mọi người nhớ đến “nỗi kinh hoàng của 40 đến 50 triệu trẻ thơ bị phá thai” và cho hay đất nước này đã “một cách có hệ thống, loại bỏ không cho cả một bộ phận công dân được chia sẻ quyền sống”. Ngài nói: “Đây là một vết nhơ hết sức đen tối đánh dấu lên đất nước Hoa Kỳ. Và vết nhơ này đi ngược hẳn lại bản sắc của chúng ta, một dân tộc vốn chủ trương rằng mọi người đều được hưởng tự do, công bình và mưu cầu hạnh phúc…Không cho trẻ chưa sinh quyền được sống, là chúng ta không sống đúng bản sắc mình. Đối với Obama, Đức cha Murphy cho hay hồ sơ chống sự sống của ông “hết sức rõ rệt” và “các đức giám mục sẽ thúc giục ông phải suy nghĩ lại việc ấy. Chúng tôi sẽ thúc giục ông đừng châm lửa cho những chia rẽ văn hóa khác nữa và gây chia rẽ đất nước ta hơn nữa về vấn đề quan trọng hàng đầu này”. Ngài nói rằng các giám mục sẽ “thúc giục ông suy nghĩ lại các quan điểm trên và cố gắng suy gẫm cảm nhận phổ quát hiện nay rằng phá thai theo yêu cầu tự nó không phải là điều tốt, vì nó giết hại trẻ em, nó không phải là điều tốt cho đất nước chúng ta vì nó phạm tới cốt lõi một xã hội thiện hảo”

Các giám mục vùng San Antonio thì kêu gọi tín hữu cầu nguyện cho văn hóa sự sống. Trong một sứ điệp phổ biến trên trang mạng của giáo phận, Đức tổng giám mục Archbishop José H. Gomez và Đức cha phụ tá Oscar Cantú nhìn nhận con số kỷ lục các cử tri đi bầu lần này để bầu vị tổng thống Da Đen đầu tiên cho nước Mỹ. Các ngài viết: “Ta hãy cầu xin Chúa ban cho ông sự khôn ngoan và lòng cảm thương để lên khuôn được một nền văn hóa sự sống tại đất nước này và để ông quay về với các chính sách bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta”.

Hôn nhân đồng tính

Trong cuộc bầu cử lần này, một số tiểu bang cũng cho trưng cầu dân ý một số tu chính án quan trọng. Trong đó, tiểu bang California trưng cầu dân ý về “Đề Án Số 8” nhằm sửa lại Hiến Pháp Tiểu Bang để cho vào câu định nghĩa hôn nhân là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Kết quả đa số cử tri đã đồng ý thông qua Đề Án này. Ngày 5 tháng Mười Một vừa qua, Đức Hồng Y Roger Mahony, Tổng giám mục Los Angeles đã gửi cho giáo dân một bản tuyên bố cho rằng việc Tiểu Bang California ngăn cấm hôn nhân đồng tính là kết quả của một “liên minh vô tiền khoáng hậu gồm nhiều cộng đồng đức tin và công dân khác, đã hiểu ra tầm quan trọng của việc duy trì định chế hôn nhân nền tảng”. Trích dẫn chương trình Thiên Chúa dành cho gia đình nhân bản trong Sách Sáng Thế, Đức Hồng Y nói thêm: “Các cố gắng tập thể của chúng ta trong việc ủng hộ Đề Án Số 8 đã tập trung quanh việc bảo tồn kế hoạch của Thiên Chúa, một kế hoạch cho rằng hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà phải là thực tại bất biến qua đó tình yêu hỗ tương của họ sẽ mang hoa trái bằng việc cho ra đời những đứa con để tiếp diễn gia đình nhân loại. Việc dưỡng nuôi, đào luyện và giáo dục con cái đã được Thiên Chúa định liệu xẩy ra trong khung cảnh gia đình truyền thống gồm một người cha và một người mẹ”. Ngài cho rằng Đề Án Số 8 là một cuộc đầu phiếu tích cực. Cuộc đầu phiếu này không nhằm kình chống bất cứ nhóm xã hội nào khác, mà chỉ tìm cách bảo tồn kế hoạch của Thiên Chúa cho “mọi người sống trên trái đất này”. Ngài khuyên mọi người củng cố định nghĩa mới này của hiến pháp bằng cách tiếp tục hỗ trợ hôn nhân và gia đình.

Hội Nghị Công Giáo Arizona cũng ra một bản tuyên bố gửi cử tri “thuộc mọi niềm tin và lối sống” đã cùng nhau tham gia vào việc chấp thuận Đề Nghị Số 102 cũng nhằm đưa định nghĩa về hôn nhân vào hiến pháp tiểu bang. Bản tuyên bố này viết: “Chúng tôi đặc biệt biết ơn khi thấy người Công Giáo đáp ứng nồng nhiệt đối với các cố gắng của các vị giám mục nhằm thông qua biện pháp này”. Việc ngăn cấm hôn nhân đồng tính tại tiểu bang này hết sức có ý nghĩa vì năm 2006, dân Arizona là những người duy nhất bác bỏ tu chính án về hôn nhân. Cuộc đầu phiếu hôm thứ Ba vừa qua đã lật lại việc bác bỏ kia, làm con số các tiểu bang chịu cho điều khoản bảo vệ hôn nhân vào hiến pháp tăng lên 30.

Tiểu bang Florida cũng chấp thuận một tu chính án nhằm ngăn cấm hôn nhân đồng tính. Cuộc đầu phiếu này cũng hết sức ý nghĩa vì nó đòi phải có đa số 60% thuận, thực tế nó chiếm được 62% tổng số phiếu. Kết quả của California cũng đáng kể vì từ tháng Năm, đã có tới 18,000 cuộc hôn nhân đồng tính được cử hành tại đây. Tu chính án được chấp thuận với 52% tổng số phiếu này sẽ hủy bỏ án lệnh của Tối Cao Pháp Viện hợp pháp hóa hôn nhân đồng tình trước đây. Ngân khoản dành cho các chiến dịch ủng hộ và đả phá tu chính án này được coi là kỷ lục đối với bất cứ vấn đề xã hội nào tại Mỹ, lên đến 73 triệu dollars thu được từ các tiểu bang và cả nước ngoài nữa.

Trong khi đó, tiểu bang Arkansas cũng đã bỏ phiếu ngăn cấm các vợ chồng không cheo cưới được nhận con nuôi. Trái lại, các cử tri tiểu bang Hoa Thịnh Đốn lại bỏ phiếu ủng hộ việc trợ tự tử, bắt chước theo đạo luật “Chết Hợp Nhân Phẩm” của tiểu bang Oregon. Tu chính án này cho phép người mắc bệnh đến thời kỳ cuối cùng được phép dùng thuốc giết người để tự chấm dứt sự sống của mình. Và tại Dakota Nam, cuộc trưng cầu chống phá thai chỉ thu được 45% số phiếu không đủ để thông qua. Sau khi thua năm 2006, lúc ấy đề nghị cấm hoàn toàn, đề nghị lần này cho phép phá thai trong trường hợp bị hiếp dâm, loạn luân hay sức khoẻ của người mẹ bị đe doạ đến tính mạng. Các người phò sự sống khá thất vọng vì mặc dù có thay đổi như thế mà tu chính án vẫn không được thông qua.
 
Mấy nhân vật Công giáo Mỹ phản ứng về chiến thắng của Obama
Phụng Nghi
12:37 06/11/2008
Washington (CNA) – Phản ứng của một số người Công giáo lỗi lạc đối với việc Thượng nghị sĩ Barack Obama bang Illinois đắc cử chức vụ tổng thống Hoa kỳ, là đưa ra sự cẩn trọng, khuyến khích học hỏi thêm giáo lý và hoạt động văn hóa, nhưng đồng thời cũng cảnh báo rằng phải chống đối việc Obama sử dụng chức vụ tổng thống để thúc đẩy quyền phá thai.

AUSTIN RUSE, Chủ tịch Viện Gia đình Công giáo và Nhân quyền (Catholic Family and Human Rights Institute), cho cơ quan thông tấn CNA biết rằng người Công giáo nên ủng hộ Obama những điều họ chấp nhận được và nên chống đối “với tất cả thực thể cúa chúng ta” trong những vấn đề như phá thai chẳng hạn. Ông cũng nhấn mạnh đến việc phải chú tâm vào giáo lý.

Ông nói: “Nếu người Công giáo đã thực sự hành động phù hợp với các hiểu biết đúng đắn về đức tin của mính, Barack Obama đã không bao giờ đắc cử được.”

Lên tiếng về mối nghi ngờ của ông cho rằng những người Công giáo đi lễ thường xuyên đã ủng hộ McCain, nhưng “người Công giáo nói chung” (generic Catholics) ủng hộ Obama, Ruse cho biết ông nghĩ là tổ chức với nỗ lực nhắm vào người Công giáo trong chiến dịch tranh cử của McCain đã “rất yếu”.

“Tổ chức đó thực sự đã không khi nào cất cánh nổi khỏi mặt đất và bị què quặt do kế hoạch dở và thực thi dở. Tôi khá gần cận với nó nên tôi biết nó bị trì trệ do những nghị trình cá nhân ít dính dáng gì đến việc bầu cho McCain và hầu hết là chỉ để bảo vệ thế đứng. Công tác vươn tới người Công giáo trong chiến dịch tranh cử của McCain cực kỳ thiếu xây dựng”

Tuy nhiên, Ruse cho biết các vị giám mục đã là những “ngôi sáo sáng.”

“Chúng ta chưa hề thấy việc nào như thế. Hơn 100 vị đã xuất hiện, công khai chống lại Nền Văn hóa Sự Chết. Tôi e rằng nhiều vị sẽ bị sở thuế làm khó dễ. Tôi hy vọng các ngài vẫn còn mạnh mẽ. Tôi thíêt nghĩ các ngài sẽ như thế và sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa vào những tháng sắp tới.”

Ruse cảnh báo rằng Obama và đồng minh của ông này sẽ là “chính quyền phò phá thai, phò hôn nhân đồng tính nhất trong lịch sử. Giáo hội sẽ duy trì vị trí chống đối gần như thường trực với chính quyền trong những vấn đề về chính sách công quan trọng nhất đối với giáo hội. Tôi mong rằng các giám mục cũng như hàng giáo dân Công giáo trung tín sẽ rất tích cực.” Ông nói rằng Giáo hội sẽ phải chiến đấu quyết liệt hơn nữa cho “sự sống và gia đình.”

Cha FRANK PAVONE, Chủ tịch tổ chức các Linh Mục Phò sinh (Priests for Life) nói rằng người Công giáo nên tập chú vào việc thách đố Obama “mỗi ngày suốt nhiệm kỳ của ông nhằm ngưng lại việc giết chết trẻ em hiện đang xảy ra tại Mỹ, và hành động để có sự “thay đổi” trong Đảng Dân chủ để cho đảng này không còn là sứ giả của thần chết đối với những đứa trẻ chưa sinh.”

Cha Pavone cho rằng người Công giáo luôn đóng “vài trò then chốt” trong việc quyết định ai sẽ là tổng thống, và nói các giám mục đã đem ra “nhiều bản tuyên bố tuyệt hảo” về tính ưu việt của quyền được sống, đặt thành vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử. Cha cho rằng giáo huấn của các vị giám mục trong “Forming Consciences For Faithful Citizenship” (Huấn luyện lương tâm cho người công dân giáo hữu) “đã bị lạm dụng và xuyên tạc cả trong và ngoài phạm vi Giáo hội”, và kêu gọi những điều xuyên tạc đó phải được sửa chữa do cùng cơ chế đã tạo ra tài liệu đó.

Cha nói thêm rằng nỗ lực của Giáo hội Công giáo trong việc ghi danh cho cử tri đáng lẽ đã phải “mạnh mẽ hơn nhiều”, và thúc giục đẩy mạnh ghi danh ngay từ bây giờ cho chu kỳ bầu cử năm 2010.

Quay qua vấn đề tài liệu giáo dục cho cử tri, cha Pavone chỉ trích nhiều chính sách của các giáo phận đã chống không để cho tài liệu từ “các nhóm bên ngoài” phổ biến.

“Điều đó thúc đẩy một quan điểm cho rằng Giáo hội có tính cách quan liêu và cơ chế hơn là một Thân thể Đức Kitô tràn đầy Thánh Thần, có nhiều bộ phận, năng khiếu và công tác mục vụ khác nhau, tất cả đều khuyến khích lẫn nhau.”

“Tôi thấy đặc biệt là không ích lợi gì hết khi bị gọi là “nhóm bên ngoài”, và những nỗ lực mạnh mẽ để giáo dục cho người Công giáo về các giáo huấn của các giám mục lại được đón nhận với tiêu đề “chỉ được dùng tài liệu riêng của chúng tôi mà thôi”, cứ như thể sứ vụ giảng dạy của các linh mục hay sự hiệp nhất trong Giáo hội phải ngưng lại vào thời gian bầu cử.”

Khi được CNA hỏi về vai trò của Giáo hội trong lãnh vực công dưới chính quyền Obama, cha Pavone đáp:

“Giáo hội sẽ phải đối mặt với áp lực càng ngày càng gia tăng không được can thiệp vào lập trường của các viên chức công như phá thai và hôn nhân; tuy vậy các hành động của một chính quyền phò phá thai và của một Phó tổng thống phò phá thai sẽ cần đến phản ứng của Giáo hội. Nói cách khác, chúng ta phải sẵn sàng tranh đấu.”
John L Allen - Cha Frank Pavone - George Weigel


Ký giả JOHN L. ALLEN Jr. tại Vatican nói với CNA rằng Giáo hội Công giáo “không phải là một đảng phái chính trị. Và mối quan tâm hàng đầu không phải là về chính sách hoặc về luật pháp.”

Trọng tâm của Giáo hội phải là “nơi Giáo hội vẫn luôn họat động – đó là cuộc sống tâm linh, các nhiệm tích, thúc đẩy mối liên hệ với Thiên Chúa qua đức Kitô.”

“Nhưng Giáo hội rõ rệt quan tâm đến những việc công dưới nhãn quan công lý, và cũng như với mọi chính quyền, giáo hội muốn cố gắng làm việc với chính quyền Obama nhằm đề cao phẩm giá con người. Trong thực tế, điều này có nghĩa là tiếp tục đưa ra những luận chứng luân lý đạo đức nhân danh những mạng sống chưa sinh, đồng thời cũng theo đuổi những lãnh vực tự nhiên đã có sự đồng thuận với chính quyền mới như vấn đề cải cách chính sách di dân, công bằng về kinh tế, hòa bình và bảo vệ môi trường.”

Allen gợi ý là Giáo hội và chính quyền Obama có thể hợp tác để xúc tiến việc phát triển ở châu Phi, ông nói rằng 2009 đang được hình thành là “Năm châu Phi” đối với Giáo hội Công giáo toàn cầu. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI dự trù thăm viếng Cameroon và Angola vào tháng Ba năm tới, và Thượng hội đồng giám mục về châu Phi sẽ họp vào tháng 10.

Đề cập đến kết quả cuộc bầu cử, Allen nói rằng Obama nhận được đa số phiếu bầu của người Công giáo nói chung nhưng thua sít sao số phiếu của người Công giáo da trắng. Chú ý đến sự kiện là nhiều người trong số người Công giáo da trắng đó “chắc chắn” đã quan tâm đến các vấn đề về sự sống, chẳng hạn như phá thai, ông nói nếu thực sự Obama muốn đoàn kết mọi người, “ông ta cần vươn tới và tìm ra thế đứng chung trên những vấn đề liên quan đến sự sống, đặc biệt lá phá thai.”

Theo cái nhìn của Allen, hầu hết các giám mục đã giữ vững lập trường theo đúng tài liệu “Faithful Citizenship”, chỉ có một “thiểu số nhỏ” đã đưa ra những lời tuyên bố “rõ rệt theo khía cạnh đảng phái.”

“Nếu bảo rằng kết quả cuộc bầu cử là một “thất bại” của các vị giám mục, thì tôi thiết tưởng điều đó sai. Đối với đại đa số các giám mục đã giảng dậy rằng những sự lựa chọn chính trị đặc biệt nào đó là nhiệm vụ của một giáo dân được học biết đầy đủ, thì cuộc chọn lựa Obama (hoặc McCain, nếu như kết quả cuộc bầu cử chuyển hướng như thế) không thể là một chiến thắng hay một thua bại.”

Ông giải thích rằng nay Giáo hội phải đối mặt với thách đố trong việc thiết lập mối liên hệ với chính quyền Obama, không phải là mối liên hệ “đặc biệt thường xuyên chống đối”. Allen đề nghị các giám mục nên nghiên cứu sự nghiệp trong ngành ngoại giao của Toà thánh Vatican, đã có “kinh nghiệm hàng bao thế kỷ” phải đối phó với những chính thể “bằng cách này hay cách khác thù nghịch với một số phương diện trong giáo huấn của Giáo hội.”

Allen nói rằng triển vọng để lật ngược triệt để được Roe v Wade là “cực kỳ giới hạn” dưới chính quyền Obama.

“Do đó, điều thách đố có lẽ là thay đổi chiều hướng một chút, bằng cách đầu tư nhiều tài nguyên hơn nhằm thắng thế cuộc tranh biện bảo vệ sự sống ở cấp độ văn hóa. Nói cách khác, có lẽ chúng ta nên ít tùy thuộc vào quyền áp đặt của nhà nước, mà nên dựa vào xu thế của trái tim con người thường đáp ứng theo chân lý.”

GEORGE WEIGEL, nhà bình luận chính trị và viết tiểu sử Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, nói rằng người Công giáo nghiêm chỉnh nên tập chú vào nỗ lực bảo vệ những thành quả đạt được suốt 30 năm qua về luật pháp trong vấn đề phò sinh, đối lại với “Tổng thống Obama và một Quốc hội cấp tiến phò phá thai đứng đầu là một nhân vật tự xưng là “người Công giáo đạo hạnh.”

Weigel lặp lại nhu cầu phải đánh bại Dự luật Tự do Chọn lựa (Freedom of Choice Act - FOCA) của liên bang. Dự luật này sẽ hủy bỏ mọi hạn chế về phá thai và có thể tước đoạt đi sự bảo vệ dành cho những tiếng nói chống đối có lương tri của người phò sinh.

Vấn đề phiếu bầu của người Công giáo cũng cần phải đem ra nghiên cứu. Ông nói với thông tấn xã CNA:

“Thấy được số “phiếu Công giáo” chung cuộc đã vỡ nát như thế nào là điều đáng chú ý, nhưng cốt yếu là phải tách số phiếu đó ra từng phần, xem người Công giáo đi-lễ-thường-xuyên bầu cử khác biệt ra sao với người năm-thì-mười-họa mới đến nhà thờ và với những người “tribal Catholics” (Công giáo theo kiểu bộ lạc) khác.

Weigel lý luận rằng các giám mục không thể “làm ngơ” thêm nữa về vấn đề rước lễ của những người lãnh đạo quốc gia “kiên trì và chủ tâm phát triển nền văn hóa sự chết.”

Ông nói thêm: nếu Quốc hội bãi bỏ Tu chính án Hyde – cấm dùng quỹ liên bang cho các vụ phá thai – các giám mục và các nhà thần học sẽ phải xem xét đến các hậu quả của việc này về phương diện luân lý, đạo đức.

Ông kết luận: “Sự thắng thế của tiểu bang Washington trong vấn đề an tử (euthanasia) là một cái tát mạnh vào sự nghiệp của nền Văn hóa Sự sống, và rõ rệt là chúng ta cần xem xét lại câu hỏi là sẽ phải phản biện vấn đề đó như thế nào.”
 
Đức Thánh Cha mang theo niềm hy vọng cho Phi Châu trong chuyến tông du
Bùi Hữu Thư
17:41 06/11/2008

Đức Thánh Cha mang theo niềm hy vọng cho Phi Châu trong chuyến tông du



VATICAN CITY, ngày 3 tháng 11, 2008
(Zenit.org).- Phát ngôn viên Tòa Thánh nói, ĐTC Benedict XVI sẽ thực hiện chuyến tông du đầu tiên đến Phi Châu để mang hy vọng đến cho những người dân đã chịu đựng những sự đàn áp dã man và đói khổ.

Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, giám đốc cơ quan truyền thông Vatican khẳng định điều này trên chương trình mới nhất cuả Đài Truyền Hình Vatican "Octava Dies."

ĐTC tuyên bố vào cuối Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về dự tính đi Angola và Cameron tháng Ba tới, một tuyên bố linh mục Lombardi coi là “một nguồn tin rất quan trọng.”

Cha nói, "ĐTC Gioan Phaolô II đã chú ý đặc biệt đến Phi Châu – đến nỗi ngài được gọi là ‘Đức Gioan Phaolô II người Phi Châu’ bởi Đức Cố Hồng Y Hyacinthe Thiandoum [ở Dakar, Senegal] – ngài đã không thể trở lại với đại lục này trong những năm cuối đời. Chuyến đi ngắn ngủi cuối cùng vào năm 1998 đi Nigeria và năm 2000 đi Ai Cập và Sinai.”

Phần ĐTC Benedict XVI, ngài chưa từng đi Phi Châu trong 3 năm rưỡi làm giáo hoàng.

Cha Lombardi tiếp, "Chắc chắn là Phi Châu với những vấn đề trầm trọng đã luôn luôn được nhắc đến trong các bài giảng cũng như trong tim ngài, nhưng một chuyến đi luôn luôn có những ảnh hưởng rộng lớn qua sự tham dự, hiện diện và tiếp xúc trực tiếp. Hơn nữa năm 2009 sẽ là năm có phiên họp của Hội Đồng Giám Mục Phi Châu, và chuyến đi của ĐTC sẽ đóng một vai trò căn bản cho việc chuẩn bị Hội Đồng, đó là giúp cho toàn thể Giáo Hội hướng mắt nhìn về Phi Châu.

"Sự hợp quần trên phương diện tinh thần và thực tế của cộng đồng tín hữu hoàn vũ sẽ được kèm theo một cam kết mới về sự tăng trưởng trong các cộng đồng Công Giáo tại đây – như Angola – đã sinh hoạt được 5 thế kỷ, đã có nền tảng cho lịch sử và truyền thống để có thể hướng nhìn về tương lai."

Cha Lombardi kết luận, "Tất cả chúng ta đã có trong đầu những hình ảnh bi thảm của chiến tranh và nghèo khó, nhưng cũng có hình ảnh của một sức sống phi thường của đại lục này. Nơi đây phải được giải phóng, được hồi sinh, được nuôi dưỡng và hướng dẫn, để cho mọi người dân Phi Châu có thể xây dựng lại Phi Châu với nhân phẩm và hy vọng. Một điệp văn về hy vọng: Đây chắc chắn là điều ĐTC Benedict XVI sẽ mang đến cho những miền đất Phi Châu."
 
Tiểu bang Washington thông qua luật trợ tử
Lưu Hiền Đức
22:41 06/11/2008
Tiểu bang Washington trở thành tiểu bang thứ 2 của Hoa Kỳ thông qua dự luật trợ giúp tự tử. Luật này cho phép người bị bệnh nan y không thể chữa được và được tiên đoán là sẽ không thể sống quá 6 tháng được quyền đề nghị bác sĩ kê toa 1 độc dược. Theo luật này thì phải có ít nhất 2 bác sĩ xác nhận là bệnh nhân không thể sống quá 6 tháng. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn để tự tiêm độc dược kết liễu cuộc sống.

Nối gót tiểu bang Oregon, nơi 1 dự luật tương tự đã được thông qua vào năm 1994, tiểu bang Washington đã tự ghi mình vào danh sách những nơi tự đánh mất giá trị nhân bản. Kể từ sau ngày 4 tháng 3 năm 2009, tất cả những bệnh nhân nan y như ung thư đều có thể xin bác sĩ giúp mình tự tử mà tuyệt đối không cần phải báo cho người thân biết và bác sĩ cũng không buộc phải thông báo cho người nhà bệnh nhân. Luật cũng không đòi hỏi phải có người chứng kiến khi bệnh nhân tự tử. Người Washington hoặc ai trong chúng ta có thân nhân, cha mẹ, anh chị, vợ chồng sống ở Washington sẽ không khỏi ngạc nhiên khi được bệnh viện báo tin người thân của mình vừa tự tử. Hoặc tệ hơn nữa, bệnh viện cũng không được yêu cầu phải nói sự thật. Và rất có thể chính những người chăm sóc bệnh nhân hoặc những người hy vọng kế thừa gia sản của bệnh nhân lại chính là người chủ đích tiêm độc dược.

Không chỉ riêng các hội đoàn Công Giáo, hiệp hội y học tiểu bang Washington (WSMA) kịch liệt chống đối lại dự luật này. Các thầy thuốc tâm huyết nói rằng dự luật này đã trực tiếp thách thức và xỉ nhục lương tâm nghề nghiệp và trình độ của các bác sĩ. Theo Giáo sư Charles Bentz của trường Đại học Portland, phương châm của người thầy thuốc là “ra sức cứu chữa nếu có thể, luôn luôn trấn an bịnh nhân, và không bao giờ làm hại bệnh nhân.”

Thật vậy, dự luật này đi ngược lại những cố gắng mà các nhà mạnh thường quân, cách nhà nghiên cứu di truyền học, các bác sĩ, giáo sư, những người không quản ngày đêm miệt mài trong phòng thí nghiệm để tìm ra phương thuốc cho các bệnh nan y. Trong khi đó chính phủ đã phải chi trả ít nhất 50 ngàn dollar 1 năm để giam giữ 1 tử tù chờ được tử hình; các nhà cứu hộ huy động máy bay, sức người sức của để truy tìm ra 1 con chó đi lạc sang thành phố khác.

Oái oăm hơn nữa, cựu thống đốc tiểu bang Washington, ông Booth Gardner đã ủng hộ nửa triệu dollar để vận động cho dự luật này, 1 mạnh thường quân khác ở tiểu bang Ohio cũng đóng góp 400 ngàn dollar ủng hộ dự luật này. Theo nhiều nguồn tin, dự luật này được phác thảo bởi các công ty bảo hiểm y tế nhằm tránh các chi tiêu khổng lồ cho những người bị bệnh nan y như ung thư.

Sau bao nhiêu ngày mệt mỏi vì những vận động bầu cử mang đầy màu sắc chính trị và phản cảm, mỗi người chúng ta lại trở về với cuộc sống hàng ngày với nhiều thất vọng hoặc hân hoan sau cuộc bầu cử. Là người Công Giáo, hẳn chúng ta không tránh khỏi những khắc khoải trước những việc như thế này.
 
Nhận định về lá phiếu Công Giáo
Vũ Văn An
23:19 06/11/2008
Nhận định về lá phiếu Công Giáo

Vào ngày thứ Ba vừa qua, hơn một nửa số người Công Giáo Mỹ đã bỏ phiếu cho một ứng cử viên tổng thống từng đi ngược lại chủ trương của Giáo Hội về các vấn đề như ngừa thai và hôn nhân đồng tính, mặc dù hơn 50 vị giám mục đứng đầu các giáo phận đã khẩn khoản yêu cầu họ bỏ phiếu cho các ứng cử viên phò sự sống.

Brian Burch, đồng sáng lập và là chủ tịch Fidelis, một cơ quan nghiên cứu Công Giáo, nói với hãng thông tấn Zenit về kết quả cuộc bầu cử trên và cho biết lý do tại sao người Công Giáo lại bỏ phiếu cho Barack Obama, ứng cử viên của Đảng Dân Chú, một người công khai ủng hộ quyền phá thai.

Ông Burch cũng bình luận về sự thành công của trang mạng CatholicVote.com, một cố gắng giáo dục cử tri do Fidelis phát động nhằm khuyến khích người Công Giáo bỏ phiếu cho các ứng cử viên ủng hộ sự sống, đức tin và gia đình.

Trang mạng này có một cuốn video ngắn cũng như nhiều nguồn tài liệu giúp cử tri tìm hiểu các ứng cử viên, các bài tuyên bố của các giám mục, và lời mời gọi cầu nguyện.

Hỏi: Khoảng 54% tổng số người Công Giáo bỏ phiếu cho Barack Obama, mặc dù có chủ trương mạnh của hơn 50 vị đứng đầu các giáo phận chống lại các ứng cử viên ủng hộ phá thai. Làm thế nào Obma đã thành công trong việc chiếm được đa số phiếu của người Công Giáo?

Trả lời: Điều gì tạo nên “lá phiếu Công Giáo” là ý niệm hiện đang được người ta tranh luận rộng rãi. Trong khi Obama thắng 54% tổng số phiếu Công Giáo, thì McCain thắng 55% tổng số phiếu của những người Công Giáo chịu tham dự Thánh Lễ hàng tuần. Lý do chính khiến Obama thành công rõ ràng là do sự kiện các cử tri Công Giáo phản ảnh quan tâm chung của cử tri toàn quốc trong việc coi kinh tế là vấn đề hàng đầu. Họ kết luận rằng các chính sách kinh tế của Obama có lợi cho họ nhiều hơn, nên đã làm ngơ thẩm quyền giáo huấn của nhiều vị giám mục là những người đã giải thích cặn kẽ rằng kinh tế không biện minh được việc đầu phiếu cho một ứng cử viên phò phá thai.

Hỏi: Chủ trương mạnh mẽ của hàng giám mục có gây được hiệu quả đáng kể nào đối với cuộc bầu cử này không? Giáo Hội đáng lý ra đã có thể làm được gì hơn thế không?

Trả lời: Xem ra kết quả cuộc bầu cử cho thấy phần lớn cử tri Công Giáo làm ngơ sự hướng dẫn của các vị giám mục của họ. Các kết quả này thực ra không cho thấy thay đổi đáng kể nào trong các khuynh hướng vĩ mô của chu kỳ bầu cử trong nhiều năm qua. Một phạm vi đáng quan tâm là tài liệu “Nền Công Dân Hợp Đức Tin” (Faithful Citizenship) mà nhiều tổ chức đã sử dụng để biện minh một cách không thích đáng việc họ ủng hộ các ứng cử viên phò phá thai. Những thiếu sót của tài liệu này buộc một số vị giám mục phải ban hành các thư mục vụ riêng của các ngài, khiến nhiều cử tri ra mù mờ. Thật đáng tiếc, tôi tin rằng hiệu quả thuần của tài liệu “Nền Công Dân Hợp Đức Tin” gây mù mờ nhiều hơn là sáng tỏ. Ta cũng phải nhớ rằng các vị giám mục chỉ có thể làm được đến thế. Giáo huấn của Giáo Hội hết sức rõ ràng, và hàng ngũ giáo dân cũng phải dấn thân tương tự vào các cố gắng mục vụ trong phạm vi này. Nhiệm vụ phúc âm hóa sẽ hữu hiệu nhất khi được thực hiện trên nguyên tắc người với người, trong tinh thần bác ái. Có lẽ ông đã nghe câu người ta thường nói chính trị gì thì cũng có tính địa phương. Cùng chiều hướng ấy, việc làm chứng tinh thần của mỗi người Công Giáo, trong gia đình cũng như trong giáo xứ, sẽ mang lại nhiều tốt đẹp hơn bất cứ tài liệu giáo huấn nào của các vị giám mục.

Hỏi: Liệu việc chọn TNS Joe Biden, một người Công Giáo, có chủ yếu giúp Obama thu được sự ủng hộ của tín hữu không?

Trả lời: Tôi không tin đạo Công Giáo của TNS Biden gây được tác động nào quan trọng đối với thành công của Obama. Sau khi được chọn đứng chung liên danh, đức tin của ông này từng được người ta nhắc đến khá sớm, nhưng chiến dịch sau đó đã mau chóng bỏ không nhắc đến điều đó nữa, sau lời tuyên bố lệch lạc của ông ta trong cuộc Gặp Gỡ Báo Chí, nhằm tránh tranh luận công khai với các giám mục Công Giáo và những rắc rối liên quan tới việc ông ta ủng hộ phá thai. Tác động của Biden đối với liên danh cùng lắm sau này may ra mới có khi các giám mục Công Giáo tranh luận với phó tổng thống là người từng công khai bất đồng với Giáo Hội của mình về nhiều vấn đề căn bản.

Hỏi: Tin vui là ba tiểu bang đã thông qua tu chính hiến pháp để định nghĩa hôn nhân như sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà, đó là các tiểu bang California, Arizona và Florida. Đó có phải là dấu hiệu đáng khích lệ đối với người Công Giáo không?

Trả lời: Đó là một dấu hiệu hết sức khích lệ, và cho thấy ít nhất cũng có một vấn đề vượt trên ranh giới đảng phái nơi các cử tri. Thí dụ, nhiều cuộc thăm dò cho thấy có đến 65% cử tri Mỹ gốc Châu Phi ủng hộ hôn nhân truyền thống. Như thế, con số lớn lao những người ủng hộ Obama rất có thể sẽ góp phần trong các cố gắng bảo vệ hình thức hôn nhân truyền thống này. Hôn nhân là một vấn đề đem lại hợp nhất, ta nên vui mừng về hiện tượng này.

Hỏi: Ông đã phát động trang mạng CatholicVote.com để thúc giục người Công Giáo bỏ phiếu cho các ứng cử viên phò sự sống, phò gia đình và phò đức tin. Trong một bài bình luận vào ngày thứ Ba trên trang mạng này ông từng nói rằng sáng kiến này hết sức thành công. Theo nghĩa nào?

Trả lời: CatholicVote.com ghi nhận được gần 4 triệu người vào thăm trong vòng 8 tuần. Khúc phim dài 3:30 phút là lý do chính khiến người ta ồ ạt lui tới trang mạng của chúng tôi. Trong khúc phium này, chúng tôi cố gắng trình bầy các giáo huấn của Giáo Hội không những một cách để giáo dục mà còn để gợi hứng nữa. Nhiều cử tri Công Giáo tiếp tục làm ngơ các giáo huấn của Giáo Hội vì trung thành với đảng phái chính trị hay dòng họ gia đình, thậm chí còn ngờ vực Giáo Hội trong rất nhiều năm qua. Chúng tôi muốn người xem khúc phim của chúng tôi không những hiểu các giáo huấn chân chính của Giáo Hội, mà còn hân hoan vì những giáo huấn ấy nữa! Nếu ta muốn bắt tay được với người Công Giáo một cách hiệu quả, ta phải gây hứng thú cho trí khôn họ và cả tâm hồn họ nữa.

Thứ hai, chúng tôi cố gắng nối kết các vấn đề “căn bản” của sự sống và gia đình với các vấn đề xã hội rộng lớn hơn. Các cử tri Công Giáo, những người vốn ủng hộ sự sống, thường bị tố cáo là chỉ biết có một vấn đề khi đầu phiếu, nhưng trên thực tế, chính việc chúng ta bênh vực mọi hình thức sống hợp nhân bản đã giúp chúng ta giải quyết một cách trung thực các vấn đề như nghèo đói, chăm sóc sức khoẻ và nền kinh tế nói chung. Các khuôn mặt John F. Kennedy và Martin Luther King, Jr., và rất nhiều khuôn mặt khác trong khúc phim của chúng tôi không phải là những mánh khóe chính trị lươn lẹo, nhưng quả là những cố gắng nhằm nối kết tính ưu tiên trong các vấn đề sự sống và hôn nhân với hàng loạt các quan tâm lớn lao khác cần được ta chú ý để bảo vệ ích chung.

Hỏi: Giờ đây khi cuộc bầu cử đã qua đi, đâu là sứ mệnh và vai trò của trang mạng “CatholicVote”?

Trả lời: Giống mọi người từng can dự sâu xa vào cuộc bầu cử này, hiện nay chúng tôi đang đặt trọng tâm vào việc ngủ bù và đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, chúng tôi đã có kế hoạch lớn cho CatholicVote.com, và trong ít tuần và ít tháng nữa, chúng tôi sẽ cho trình làng các kế hoạch ấy. Bầu không khí chính trị mới đòi hỏi người Công Giáo phải dấn thân như chưa bao giờ có trước đây để đòi cho được việc tôn trọng phẩm giá của mọi sự sống nhân bản. Sứ mệnh giáo dục của chúng tôi sẽ tiếp tục để đảm bảo rằng người Công Giáo và mọi người thiện chí sẽ hiểu rõ điều Giáo Hội dạy và tại sao họ phải dấn thân vào đời sống công…

Hỏi: Đâu là những vấn đề Giáo Hội và Tổng thống đắc cử Obama có thể làm việc chung với nhau?

Trả lời: Một trong các lời hứa được TNS Obma đưa ra liên hệ đến việc cam kết trợ giúp các phụ nữ gặp khủng hoảng thai nghén. Tôi rất hy vọng ông ấy sẽ giữ đúng cam kết này mà không sa vào đòi hỏi khó tránh được của những người phò phá thai muốn có nhiều tiền của người chịu thuế hơn. Người Công Giáo cũng quan tâm đến giải pháp có thể thực hiện được về di trú, một giải pháp tôn trọng được nhân phẩm người di dân, và làm dễ việc đoàn tụ gia đình trong khi vẫn tạo được một môi trường tôn trọng pháp trị.

Sau cùng, tôi cũng hy vọng tân chính phủ sẽ nhìn nhận các đóng góp bác ái của các tổ chức Công Giáo và nhiều chương trình dựa trên đức tin, trong khi vẫn kính trọng được bản sắc tôn giáo của họ. Trong chiến dịch tranh cử, TNS Obama tỏ bầy sự sẵn sàng làm việc với các cơ quan trực thuộc các tôn giáo, và nhiều người hy vọng sẽ có những tài trợ mới cho các cơ quan phục dịch xã hội thuộc loại này.

Vì các đóng góp lớn lao của người Công Giáo trong các phạm vi giáo dục, chăm sóc y tế và quan tâm tới người túng thiếu, tôi hy vọng một số chương trình mới sẽ được tạo ra đem lại lợi ích cho những người liên hệ với công việc quan trọng này. Một lần nữa, tôi hy vọng rằng căn tính tôn giáo của các tổ chức Công Giáo, đặc biệt là quyền lương tâm của những người có liên hệ với các cơ quan này được kính trọng và bảo vệ trong các chương trình mới mẻ này.

Trang mạng đáng lưu ý: CatholicVote: www.catholicvote.com và Fidelis: www.fidelis.org
 
Top Stories
Hanoi Communist Party boss apologizes for flood remarks
Saigon Echo
23:14 06/11/2008
Hanoi Communist Party boss apologizes for flood remarks

(DPA - VN News)

Hanoi (06 Nov. 2008) - The head of the Hanoi chapter of the Communist Party has apologized for controversial comments he made while visiting people in flooded areas on Sunday, a senior Hanoi Party official confirmed Thursday. On Sunday, Hanoi Party boss Pham Quang Nghi told a reporter from the news website VietnamNet that while out checking the situation on the ground, "I found that unlike in the old days, people rely a lot on the state. They just wait for the government to supply this, support that, they don't try their best to do it themselves."

TWO OPPOSING SCENES:

Hanoi Party Boss Pham Quang Nghi (wearing a rain coat) visits the flood.
The comments sparked widespread controversy. On Thursday, Nghi's secretary Hoang Minh Dung Tien, confirmed his boss had apologized to VietnamNet.

VietnamNet quoted Nghi as offering his "sincere apologies to readers and to the people for my remarks, which have drawn criticism and made people angry."

Vietnamese bloggers and private citizens sharply criticized Nghi's remarks. "His comments were irresponsible and showed a lack of political sense," said Hanoi lawyer Cu Huy Ha Vu. "As the city's top leader, Nghi should have done his best to take care of his people."

Several Vietnamese bloggers said Nghi's remarks were an insult to the memory of the over 20 Hanoians who have died in the floods.

Since October 30, Hanoi has seen its worst flooding in 37 years. Over 800 millimetres of rain fell on the city between Friday and Tuesday, leaving streets and surrounding farmland submerged in up to a metre of water.

Archbishop Ngo Quang Kiet visits the victims of the flood.
On Thursday evening, residents of neighborhoods near the Red River and other waterways were preparing to evacuate their homes if water levels rise. Water pouring downstream from mountainous areas in Vietnam's north-west is still threatening to overflow the river's banks, though the rain in Hanoi itself had abated by Thursday morning.

According to Vietnam's National Committee for Storm and Flood Control, heavy rains and flooding in central and northern Vietnam had caused 59 deaths and left seven missing through Thursday evening, though independent counts put the numbers somewhat higher.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thư của đức TGM Ngô Quang Kiệt kêu gọi giúp đỡ nạn nhân lũ lụt miền Bắc
+TGM. Ngô Quang Kiệt
10:02 06/11/2008
TÒA TỔNG GIÁM MỤC
40, Nhà Chung – HÀ NỘI
Hà nội, ngày 6 tháng 11 năm 2008


Thư Chung Của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt

- Gửi các Linh mục, Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh
- Và Anh chị em Giáo dân Tổng Giáo phận Hà nội
- Kêu gọi giúp đỡ nạn nhân lũ lụt miền Bắc

Anh chị em thân mến,

Từ một tuần qua, mưa lớn kéo dài đã gây nên ngập lụt trong nhiều tỉnh phía Bắc, đặc biệt tại thủ đô Hà nội. Số người thiệt mạng đã lên đến con số kỷ lục trong một đợt mưa, 79 người. Trong số đó có chị Mađalêna Hân, 33 tuổi, giáo dân của giáo xứ Đồng Chiêm, huyện Mỹ đức, mới được sát nhập vào thành phố Hà nội.

Chúng tôi đã đi thăm những nơi ngập sâu và thấy tại thành phố có nhiều nhà cửa và đồ đạc bị hư hỏng, tại miền quê nhiều hoa mầu mất trắng. Chắc chắn sự thiệt hại là rất lớn. Và để khắc phục những hậu quả sẽ còn tốn kém nhiều hơn nữa.

Vì thế xin Quý Cha hãy nhanh chóng tổ chức quyên góp trong các giáo xứ. Xin anh chị em hãy rộng tay đóng góp để trợ giúp các nạn nhân vượt qua khó khăn về tinh thần cũng như vật chất. Chắc chắn trận lụt có ảnh hưởng tới mọi người chúng ta, nhất là trong tình hình kinh tế hiện nay. Nhưng trong tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát, anh chị em hãy quảng đại thể hiện đức bác ái của Chúa, tình tương thân tương ái của nhân loại và nghĩa đồng bào của dân tộc trong dịp này.

Ngoài ra, tại các địa phương, anh chị em hãy tích cực tham gia công tác phòng chống lũ lụt, hộ đê, cứu người. Với sự chung tay góp sức của mọi người, chúng ta mới có thể ngăn chặn được tai họa, không để tổn thất thêm về tài sản và nhất là về nhân mạng nữa.

Tôi gửi lời thăm hỏi ân cần tới những gia đình có người thiệt mạng, có tài sản bị hư hại. Xin Chúa chúc phúc cho anh chị em vì có tấm lòng quảng đại biết cảm thương và chia sẻ với tha nhân trong cơn hoạn nạn.

Mọi sự đóng góp giúp đỡ nạn nhân lũ lụt, xin gửi về theo địa chỉ sau:

1. Tòa Tổng Giám mục Hà nội
Số 40 phố Nhà Chung – Hà nội
Đt: (84-43) 8254424
Fax: (84-43) 9285073

Email: ttgmhn@gmail.com
(Địa chỉ email này đang được bảo vệ khỏi chương trình thư rác,
bạn cần bật Javascript để xem nó
)


2. Hoặc theo tài khoản ngân hàng:
ASIA COMMERCIAL BANK
Address: 184-186 Ba trieu str. Hai Ba Trung – Hanoi
SWIFT code: ASCB VNVX Account: Rev. Nguyen xuan Thuy
Address: Toa Tong Giam muc – 40 pho Nha Chung – Hanoi
Số tài khoản (account):
- USD: 2863599
- VND: 2815449
- EUR: 23711899

Khi gửi giúp đỡ, xin ghi chú: Tiền giúp đỡ nạn nhân lũ lụt.
 
Bí thư Thành Ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lên tiếng chửi bới các nạn nhân nước lụt là ỷ lại
Saigon Echo
23:06 06/11/2008

Bí thư Thành Ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lên tiếng chửi bới các nạn nhân nước lụt là ỷ lại



Tin Hà Nội (tổng hợp của Saigon Echo, 6-11-08) - Trong những ngày qua, do hệ thống cống rãnh cũ kỹ, không được nhà nước chăm sóc chu đáo, rất nhiều khu vực thành phố Hà Nội bị ngập lụt, gây cho 59 người dân thiệt mạng và tình trạng dịch hạch, truyền nhiễm đang đe dọa xảy tới, nếu không được nhà nước khẩn cấp giải quyết.

Trước đây, mỗi khi đồng bào trong nước gặp cảnh thiên tai, bão lụt, các Cộng Đồng VN hải ngoại nô nức quyên góp để gửi những số tiền khổng lồ về trợ giúp. Nhưng đến nay, qua những vụ đàn áp nhân quyền, đặc biệt là vụ Đảng CSVN đàn áp giáo dân Hà Nội bằng bạo lực, cộng thêm nạn tham nhũng của các cấp chính quyền, sự trợ cấp của đồng bào hải ngoại đã không còn nữa. Trong khi đó, Nhà Nước CSVN đã không đưa ra được một biện pháp cụ thể và khẩn cấp nào để giúp đỡ các nạn nhân.

Thành Ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (mặc áo mưa) đi thăm lụt, mà lụt... cạn!
Giữa cảnh màn trời chiếu đất, chẳng những người dân không được chính phủ trợ cấp mà Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị còn lên tiếng chửi bới dân là lười biếng, không biết tự cứu, mà chỉ ngồi chờ sự cứu trợ.

Lời nói vô trách nhiệm, có tính cách miệt thị nạn nhận lụt lội của nhân vật cao cấp trong Đảng và đang giữ chức quan trọng của Thủ Đô Hà Nội đã bị dân chúng khắp nơi lên án mạnh mẽ.

Được biết, Phạm Quang Nghị sinh năm 1949, quê quán huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, đậu Tiến sĩ Triết học. Tại Đại hội X của Đảng, Phạm Quang Nghị được bầu làm Uỷ viên Bộ Chính trị và Bí Thư Thành Ủy Hà Nội.

Sau khi những lời mạ lỵ dân chúng thành phố Hà Nội được báo chí nhà nước loan đi, Đảng CSVN không còn cách nào che đậy cho hành vi tắc trách này, nên các báo chí cũng nhận lỗi là đã loan tin mà không suy nghĩ chín chắn. Riêng Phạm Quang Nghị đã phải lên tiếng xin lỗi đồng bào. Trong một bản tin của Vietnam. Net, ký giả Vương Hà đã dàn dựng cuộc phỏng vấn để chạy tội cho Nghị. Dưới đây là một đoạn chính:

(Vương Hà) hỏi: Cha ông ta đã đúc kết: thủy, hoả, đạo, tặc. Trong bốn thứ ấy, việc đối phó với lũ lụt là khó khăn nhất, thiệt hại cũng lớn nhất. Để góp phần khắc phục và giảm thiểu những thiệt hại, ông có nêu lên bài học lớn nhất là phải huy động sức dân tại chỗ; đồng thời cũng từ thực tế tại nơi ông đang kiểm tra, chỉ đạo, ông cũng nói lên sự lo lắng trước hiện tượng có những người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại?

Phạm Quang Nghị: Vâng, đúng là tôi cảm thấy sức dân tại chỗ cần phải được huy động tốt hơn, bởi phạm vi thiên tai lần này rất rộng, cho nên không thể nơi này trông chờ nơi khác. Dù vậy, tôi thực sự rất lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi người về những lời gây nên sự bức xúc và bị phê phán.

Đức TGM Ngô Quang Kiệt cũng đi thăm lụt, nhưng lụt. ..thật!
Tôi đã nói lên sự lo lắng, bức xúc của mình vào lúc người dân cũng đang vô cùng bức xúc. Tuy nhiên, tôi tin rằng mỗi người sẽ được mọi người nhận xét, đánh giá thông qua cả việc làm và lời nói, và nhất là việc làm trên thực tế. Tôi nói điều này vừa để xin lỗi, vừa để nói lên niềm tin nơi mọi người.

Vương Hạ: Được ông thổ lộ từ đáy lòng mình những lời như thế, cánh nhà báo chúng tôi cũng cảm thấy có phần thiếu sót. Cũng chỉ vì muốn thông tin nhanh đến bạn đọc nên phóng viên đã phỏng vấn qua điện thoại giữa lúc ông đang có mặt tại nơi úng ngập nặng và phải chỉ đạo nhiều việc tại hiện trường…

Phạm Quang Nghị: Vào lúc này, tôi không muốn nói rằng báo chí có lỗi. Tôi muốn cùng với báo chí, cùng với mọi người hãy làm những việc cụ thể gì đó để góp phần hạn chế, để chia sẻ về những thiệt hại, mất mát của người dân. Tôi nghĩ, đó là cách tốt nhất mà mọi người đang mong muốn ở chúng ta trong lúc này."

Riêng bản tin tiếng Anh của DPA viết rằng khi Phạm Quang Nghị đi thăm cảnh lụt, Nghị đã tuyên bố: "Tôi thấy rằng, không giống các cụ ta ngày xưa, đồng bào ngày nay chỉ trông chờ chính phủ. Họ chờ đợi chính phủ trợ cấp thứ này, thứ nọ, mà không biết cố gắng tự mình cứu mình." Sau đó, Nghị đã "thành thật xin lỗi độc giả và nhân dân về những lời phát biểu trên đã khiến công luận bất bình và giận dữ." Luật sư Cự Huy Hà Vũ, có văn phòng đặt tại Hà nội đã tuyên bố: "Những lời lẽ của Nghị là vô trách nhiệm, chứng tỏ một trình độ thiếu ý thức chính trị. Với tư cách là một người lãnh đạo cao cấp của thành phố, Nghị phải tận lực lo cho đồng bào mới phải." Nhiều cơ quan ngôn luận trong nước đã chỉ trích mạnh mẽ lời phát biểu của Phạm Quang Nghị như là một sự sỉ nhục đối với vong linh các nạn nhân trận lụt vừa qua.

Những hình ảnh lũ lụt từ trong nước gửi đi cho thấy rõ hai cảnh đời trái ngược: Một là Đức TGM Ngô Quang Kiệt, đi giép, sắn quần lội nước đến tận đầu gối, được các giáo dân vui mừng đón tiếp. Hai là Phạm Quang Nghị cũng đi tham quan, nhưng đến những nơi khô ráo, mặc áo mưa, đi ủng, đội nón, trong khi những người khác không ai có áo mưa để mặc.
 
Văn Hóa
Chuộc di ảnh
Vũ Đình Tường
16:29 06/11/2008
Tư mong mỏi có được tấm hình ông nội. Càng ngày ông càng nhỏ lại. Bây giờ sờ vào cánh tay thấy da nhiều hơn thịt. Từ xa ngó bước chân ông thấy đầu và chân di động giống nhau vì cái lưng còng mỗi lúc một còng thêm.

Nhiều lần Tư tự hoạ lại hình ông mong giữ hình bóng ông làm kỉ niệm để lại cho con cháu. Hoạ xong Tư thấy không giống ông nên chàng xé bỏ. Họa lại, rồi họa lại, rồi lại bỏ vì không giống nội. Trong mắt và đầu Tư hình ảnh nội thật rõ nét nhưng đôi tay vụng về bướng bỉnh kia vẽ ra những nét không giống như hình trong đầu. Thử vẽ đi vẽ lại mãi, mấy chục lần cũng vậy thôi, kết quả có khả quan hơn đâu.

May mắn thay, một ngày kia có thợ chụp hình vào xóm. Không để mất dịp may hiếm có, chàng gọi thợ vào chụp cho ông tấm hình làm kỉ niệm. Thuê bộ quần áo mới mặc vào thấy thân hình ông vạm vỡ. Người thợ còn đánh thêm một lớp phấn mỏng, sửa lại mái tóc và thế ngồi trước khi chiếu những bóng đèn sáng choang biến đổi khuôn mặt tươi sáng lạ thường. Tấm hình thật vừa ý. Thoả mãn lòng mong ước bấy lâu. Chàng đóng khung treo gian nhà chính. Từ đàng xa phía ngoài cửa liếc qua cũng thấy tấm hình trịnh trọng giữa nhà. Nhìn khuôn mặt phúc hậu, chất phác của nội Tư hãnh diện có nét hao hao giống cha. Không cần ai giới thiệu người lạ mặt cũng nhận ra đây là tấm hình người cha già. Không phải vị trí treo trong nhà hay do quen biết mà nhận dạng vì nét giống nhau giữa hai cha con.

Chuộc di ảnh

Hơn năm sau nội qua đời. Kỉ vật duy nhất cho gia đình là di ảnh nội. Tư càng giữ di ảnh kĩ hơn. Một đôi lần chàng lấy làm tiếc lúc trước không bảo thợ rửa cho hai ba tấm để lỡ tấm này hư còn tấm kia thế vào. Khờ quá không nghĩ ra bây giờ nghĩ đến thì đã muộn. Người thợ chụp hình vào làng duy nhất có một lần và không bao giờ trở lại. Chuyến đi lỗ vốn, công bỏ ra nhiều, tiền thu vào ít. Thợ chụp vào làng này chỉ uổng công.

Điều Tư lo sợ trong tâm trí thực sự xảy ra. Ngày kia quân cướp ngày vào nhà vét sạch mọi sự, kể cả tấm hình của nội vì chúng nghi gia đình Tư có giấu của chìm. Gia đình Tư bề ngoài trông sang trọng nên bị nghi là có máu mặt trong dân. Ngoài ra quân cướp nghi còn của chìm chôn cất đâu đó nên tìm cách moi của. Chúng biết Tư rất quí di ảnh nên cố tình lấy hy vọng Tư sẽ móc của chìm ra chuộc. Điều chúng đoán thành sự thật.

Kể từ ngày mất di ảnh Tư rêu rao đầu thôn cuối ngõ nếu ai lấy làm ơn mang trả lại, bảo đảm không làm khó dễ. Rêu rao chán không kết quả Tư đưa giá chuộc di ảnh. Quả đúng như mong đợi. Phao tin chuộc di ảnh không lâu thì có người đến báo muốn chuộc có người cho chuộc. Mặc dù qua trung gian nhưng Tư vẫn biết kẻ chủ mưu. Dù biết cũng không dám đá động đến bọn chúng vì cái thế lực ghê hồn núp sau lưng. Những tay ăn cướp chỉ là đầy tớ. Kẻ sau lưng chủ mưu vô hình, chúng đầy quyền lực, đụng tới chúng vừa mất của vừa mất mạng. Quân cướp không cần ra mặt chúng có đủ gian thần làm công việc mối lái mong chấm mút.

Tư tính trong đầu giá nào cũng phải chuộc cho bằng được di ảnh nội. Người trung gian đưa giá ngoài sức chàng tưởng tượng, một số tiền khổng lồ đến độ chàng không tin vào tai mình. Số tiền chuộc to thế thì xoay sao cho được. Chàng câu giờ tìm kế. Phải bán hết đất hương hoả mới mong đủ đòi hỏi của bọn cướp ngày.

Mất hình nội tiếc lắm không thể có tấm thứ hai. Mất đất hương hoả cũng tiếc vô cùng, không thể để mất đất hương hoả. Mọi ngóc ngách, ra vào, đâu đâu trong căn nhà này chàng cũng hình dung ra bóng hình nội. Bây giờ nếu bán đất hương hoả chuộc di ảnh sẽ mất hết kỉ niệm xưa. Không chuộc di ảnh trong tay bọn cướp Tư không yên. Cái tư tưởng di ảnh nội bị cầm tù trong tay bọn cướp ngày làm chàng buồn, tức, giận đến thù. Bọn cướp chắc chắn không quí di ảnh nội nhưng chúng cất giữ vì muốn moi của chìm.

Đã có lần Tư nghĩ mình và nội hao hao giống nhau nên dùng hình mình thay hình nội. Nghĩ thế nhưng ý tưởng táo bạo quá không dám thực hiện. Nội là nội, Tư là Tư, không thể biến cha thành con; đổi cháu thay ông. Sau bao trăn trở Tư nhờ người mai mối xin bớt giá. Bọn trộm ngày nhất quyết không bớt còn hăm dọa càng để lâu giá càng tăng và nếu cần chúng thà phá huỷ hơn là bớt giá. Lời hăm dọa nghe có vẻ hoang đường nhưng nếu bọn trộm thực hành ý định thì Tư vĩnh viễn mất hình nội. Mấy tháng sau bọn trộm gởi cho chàng miếng gỗ tháo ra từ khung hình của nội. Nhìn sơ qua chàng nhận biết ngay. Cứ nhìn các vằn của gỗ bóng loáng do hàng ngày lau chùi đủ nhận ra. Cầm thanh gỗ trong tay, lòng đau như cắt. Nước mắt tuôn rơi vì di ảnh nội đang bị tàn phá.

Khung gỗ chập chờn trong giấc ngủ và cuối cùng Tư dứt khoát bán đất hương hoả hy vọng sau này làm ăn lên sẽ chuộc lại. Nếu để chúng phá nát di ảnh thì không thể có tấm thứ hai. Suy nghĩ thế Tư quyết định bán đất hương hoả. Chàng kêu người bán đất. Biết chàng trong thế kẹt người ta ém giá, trả rẻ như bèo. Bán đất vẫn không đủ tiền chuộc. Con thứ tư của chàng tên là Tư Bé - Tư Bé để phân biệt với Tư lớn là Tư cha - Tư cho Tư Bé hay ý định bán nhà, đất chuộc hình nội. Không đủ tiền nên định cầm thế Tư Bé cho đủ số tiền chuộc. Vâng lời cha Tư Bé bằng lòng đi ở đợ trừ nợ vừa chuộc hình nội vừa giữ lại đất hương hoả. Sau nhiều thương thảo Tư Bé được chấp thuận ở đợ. Bằng khoán ở đợ nhấn mạnh đến món nợ khổng lồ phải trả mà không nhắc gì đến lí do mượn nợ. Trả đủ nợ giao kèo tự hủy. Tư Đau lòng khi phải thế con đổi lấy hình nội. Biện pháp này vừa giải quyết được vấn đề có hình nội, đồng thời giữ được đất hương hoả. Bù lại con Tư phải chịu cảnh đày đoạ của chủ nợ.

Thân nô lệ

Tư Bé sống tệ hơn nô lệ. Họ đấu giá sức lao động của chàng mỗi ngày. Ai trả giá cao nhất ngày đó sẽ được. Công việc nặng nhọc không kể nhưng nguy hiểm đến tính mạng khó tránh. Làm vất vả cực nhọc mà không biết đến tiền công vì người thuê thương lượng trực tiếp với bọn cướp. Chủ phàn nàn, không hài lòng, trách móc bị giảm tiền công. Bé Tư nai lưng gánh vác công việc mọi sự đều được bọn cướp an bài.

Người đầy đọa người cho xứng với đồng tiền bỏ ra thuê mướn. Chủ càng tham, Tư Bé càng khổ. Chủ càng keo kiệt, riết róng Tư Bé càng bị ngược đãi. Tư Bé vâng lời cha và yêu quý cha hơn thân mình nên cắn răng chịu mọi vất vả, không hề thở than. Nắng ấm cũng như mưa, im gió cũng như gió lạnh, đồi cao hay thung lũng sâu chỗ nào cũng có vết chân Tư Bé. Đây là bụi tre gai do anh bứng trọn gốc rễ. Kia là gốc cổ thụ chết khô mấy năm trước do tay anh đốn ngã. Chỗ trũng này hàng năm vẫn gây cảnh lụt lội, sình lầy nay khô ráo một tay anh vun đất, đổ nền. Bờ đê đầu làng nghe đồn có ma anh được thuê ra đó ngủ qua đêm. Bao nhiêu lỗ huyệt trong làng, bốc mộ các làng bên đều do một tay anh đảm trách. Dù vất vả ngày đội nắng, sáng tắm sương, trưa dầm nước, chiều ăn bờ, tối ngủ bụi, lạ thay anh vẫn khỏe. Da sạm đen, tóc cháy nâu, tay chân chai xếp hàng, sắp lớp.

Người cha thương con, cùng đau khổ với con. Gió đêm lạnh ông nhớ con quyết ra đi mong gặp. Đi nửa đường mệt mỏi ông quay về vì có đi cũng chưa chắc gặp được. Trưa nắng ông đứng ngoài sân cảm thông cái khó nhọc của Tư Bé. Ngoài trời mưa lòng ông cũng tê tái, mường tượng Tư Bé đang dầm mình trong mưa, gù lưng vác bó củi cồng kềnh, hoặc đang vung tay đốn cây, hoặc gì gẵng kéo xe cút kít đầy phân, hoặc lặn sâu nước sình múc lên từng thúng bùn to. Hình ảnh người con lao tác đổi lấy di ảnh của nội làm Tư đau đớn. Có được di ảnh an toàn, đổi lại thân con tan nát, áo quần rách bươm do lao tác.

Vết thẹo

Người Tư Bé thẹo chằng chịt nhiều hơn đỉa đeo. Thẹo này chồng lên thẹo kia có chỗ hai ba lần mang thương tích. Lòng bàn tay nhiều chấm đen do các dằm gỗ gẫy chưa khêu ra. Bé Tư không thấy đau vì lớp da chai dầy như da gót chân nên chàng mặc kệ những dằm gỗ kia, khi nào chúng rơi thì rơi, không thì thôi. Nó không làm phiền chàng, chàng không thèm ngó tới chúng.

Làm ngơ

Nói đến Tư Bé ai cũng biết, ai cũng coi thường, đứa bé trong nhà cũng có quyền sai bảo vì cha mẹ nó mướn chàng làm công. Tư Bé lấy điếc làm chính. Nghe chi những lời đàm tiếu không đáng nghe, để bụng những điều không đáng để và buồn chi đến những điều không đáng buồn. Chàng chú tâm ghi nhớ những điều tốt lành, những câu nói có ý nghĩa và dành trọn thời giờ để suy nghĩ những câu nói khôn ngoan đó. Tay chân làm việc, tâm trí suy nghĩ những điều khôn nghe được, nhờ thế chàng dù thân xác làm việc vất vả, tâm trí vẫn sáng suốt, tâm thần vẫn tỉnh táo và tri thức được huấn luyện luôn. Chàng tìm niềm vui trong những suy nghĩ, những lời khôn ngoan nhận được và cố ghi nhớ để đem ra thực hành. Chàng làm nhiều việc nặng nhọc, nguy hiểm lại tận tuỵ nên mau chóng mang lại số tiền lớn cho chủ.

Đổi thái độ

Năm tháng trôi qua chàng âm thầm làm việc mọi người nhận biết chàng là người tốt, chịu đau khổ chuộc di ảnh nội nên mối thương tâm lớn dần, lớn dần. Dân chúng quay mũi dùi phê bình, chê trách quân cướp, kẻ chủ mưu hành hạ gia đình Tư. Đi đâu cũng nghe tiếng eo sèo chê bai quân cướp. nhờ những chê bai này cộng thêm cái nghèo của gia đình mà Tư Bé thoát nạn.

Tư lộ ra cái nghèo. Nếu giầu có chắc chắn gia đình Tư đã moi của lên chuộc Tư Bé. Đàng này Tư đã không chuộc con, còn có ý định bán cả đất hương hoả mong chuộc lại di ảnh. Ý định bán đất hương hoả cho biết gia đình Tư không còn gì để bán ngoại trừ mồ mả cha ông.

Trở về

Chiều kia quân cướp ném trả Tư Bé bức di ảnh. Chúng không nói không nửa lời quay đầu bỏ đi. Tư Bé trút bỏ tất cả mọi sự, ôm di ảnh nội vào lòng, cắm đầu chạy một mạch về nhà đưa cho cha. Mở ra di ảnh còn nguyên vẹn, khuôn mặt vẫn rạng rỡ như lúc chúng cướp mất. Cả hai vui mừng ôm nhau để lệ rơi dài trên lưng.

Từ ngày đó di ảnh trong sáng không hề vướng chút bụi trần.

Vũ Đình Tường

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Đếm Lá Sân Trường
Lm. Trần Cao Tường
16:40 06/11/2008

ĐẾM LÁ SÂN TRƯỜNG



Ảnh của Cao Tường (tại Boston College)

Chừng như hạnh phúc mong manh

Chừng như mơ ngủ giấc chiều miên man

Trời cao mây nhốt nắng vàng

Lá rơi trăn trở bẻ bàng gió bay

(Trích thơ Nguyễn Hùng Sơn, Nắng đổi màu trời)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền