Ngày 06-11-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Viên mãn
Lm Vũđình Tường
06:37 06/11/2016
Có thể nói không có tình yêu không có sự sống. Nói khác đi không có tình yêu sống cũng như chết. Đó là cuộc sống nơi địa ngục, nơi đói khát tình yêu. Tình yêu chính là sức sống cho gia đình. Sức sống này quan trọng đến độ tình yêu hôn nhân trở thành bí tích thánh. Bí tích thánh trong hôn nhân được Chúa chúc phúc và mang lại ân sủng giúp đôi tân hôn sống trong an vui, hạnh phúc. Chính Đức Kitô xác nhận khi có người hỏi Ngài tình trạng li dị của hôn nhân và Đức Kitô xác định là từ nguyên thủy, khỏi đầu chương trình Sáng Tạo Chúa dựng nên người nam và người nữ và người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mình để kết hợp với người nữ và cả hai thành một thân thể (Marco 10). Hôn nhân Thiên Chúa giáo vĩnh cửu trọn đời. Đức Kitô xác định tính bất biến của hôn nhân khi Ngài xác nhận đó là tự do chọn lựa và kết giữa một người nam và một người nữ, ngoài ra không còn định nghĩa nào khác. Đang có xu hướng xã hội cổ võ cho định nghĩa trái với hôn nhân Thiên Chúa giáo. Là Kitô hữu chúng ta tôn trọng họ, không phán đoán nhưng cầu nguyện cho họ cũng như cho chính chúng ta không bị ràng buộc bởi những thay đổi trái với giáo huấn của Đức Kitô.

Hôn nhân trong Kitô giáo có hai mục đích chính. Thứ nhất là đôi tân hôn hỗ trợ và cùng nhau sống cuộc sống hạnh phúc đời này. Thứ hai là cùng khuyến khích, hỗ trợ nhau giữ đức tin, sống trên đường nhân đức trên đường hành hương về nước trời, quê hương thật của chúng ta. Trong thời gian sống tại trần thế đôi tân hôn có trách nhiệm giáo dục con cái nếu có, hướng dẫn đời sống đức tin chúng, để tăng thêm dân Chúa trong Giáo Hội và bảo toàn xã hội loài người. Cả vợ lẫn chồng đều có trách nhiệm chung trong việc giáo dục, nuôi nấng, chia sẻ trách nhiệm chung và cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống để đời sống bớt nặng nhọc, căng thẳng. Nhiệm vụ này chấm dứt khi chúng ta hoàn thành cuộc lữ hành trần thế để tiến vào cuộc sống vĩnh cửu. Cuộc sống mới trường sinh không cần đến những hỗ trợ trần thế bởi những gì thuộc về trần thế thì lưu lại trần thế. Cuộc sống trường sinh được nuôi dưỡng bởi tình yêu Chúa và chính tình yêu Chúa ban cho họ hạnh phúc truờng sinh. Họ không còn đau khổ chia tay, buồn nản, cô đơn vì tất cả đều là anh chị em trong trong đại gia đình Chúa, cùng hưởng tình yêu Chúa. Cuộc sống mới cũng không còn than khóc, đau khổ vì những thực tại trần thế không hề ảnh hưởng đến cuộc sống trường sinh. Những gì hư nát thuộc về trần thế những gì vĩnh cửu thuộc về tâm linh. Vì thế hành động bác ái, yêu thương, tấm lòng kính mến Chúa và yêu thương đồng loại họ mang vào nước trời là thành quả của yêu mến và lòng tin. Những việc tốt lành đó được kết hợp với ánh sáng Phục Sinh của Đức Kitô và được thánh hoá trong nước Chúa. Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Kitô vua cho biết nước Thiên Chúa là nơi mọi thứ đều vĩnh cửu. Đó là nguồn sự thật và sự sống, nơi tràn đầy ánh sáng, vinh quang, nguồn gốc của thánh thiện và ân sủng, cõi thật của bình an công chính và hoà bình viên mãn.

Con cái của sự sống lại không lập gia đình vì không cần thiết. Cuộc sống thiên thần kề bên Chúa. Cuộc lữ hành trần thế là nơi học để sống trong vương quốc sự thật và bình an Chúa. Học chuẩn bị tiến vào Thiên Quốc là học sống tha thứ và yêu thương; học sống bác ái và tiến trên đàng nhân đức; học biết công chính hoá và học chấp nhận mọi người là anh chị em trong đại gia đình Chúa. Chúng ta cầu xin khi hoàn thành cuộc lữ hành trần thế chúng ta đã chuẩn bị làm quen với cuộc sống mới trong nước Chúa, nơi không còn khóc lóc, than van.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phần hai cuộc phỏng vấn ĐTC Phanxicô dành cho các nhà báo quốc tế: Nguy cơ tục hóa
Linh Tiến Khải
17:57 06/11/2016
Phần 2 cuộc phỏng vấn ĐTC Phanxicô dành cho các nhà báo quốc tế trên chuyến bay tử Malmoe về Roma ngày 1-11-2016

Trưa ngày mùng 1 tháng 11 vừa qua, trên chuyến bay từ phi trường quốc tế Malmoe về Roma, ĐTC Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một cuộc phỏng vấn. Sau đây là nội dung phần hai cuộc phỏng vấn này.

Chị Eva Fernandez thuộc đài phát thanh Cope Tây Ban Nha hỏi:

Hỏi: Thưa ĐTC, con thích hỏi ĐTC bằng tiếng Ý hơn nhưng con chưa nói sõi đủ. Cách đây ít lâu ĐTC đã tiếp kiến tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela. ĐTC có cảm tưởng gì về cuộc gặp gỡ này, và đâu là ý kiến của ĐTC về việc bắt đầu các cuộc nói chuyện này?

Đáp: Vâng, tổng thống Venezuela đã xin có cuộc gặp gỡ và cuộc hẹn này vì ông đến từ Trung Đông, từ Qatar, từ các nước Emirati và dừng chân kỹ thuật tại Roma. Trước đây tổng thống cũng đã xin một cuộc gặp gỡ. Và ông đã đến hồi năm 2013; rồi ông xin một cuộc hẹn khác nữa, nhưng đã bị đau không thể đến được, nên đã xin có cuộc gặp gỡ lần này. Khi một tổng thống xin gặp, thì được tiếp đón, vả lại ông đã dừng chân lại ở Roma. Tôi đã lắng nghe tổng thống trong nửa giờ trong cuộc gặp gỡ đó.Tôi đã lắng nghe và tôi đã hỏi tổng thống vài điều và ý kiến của ông. Thật luôn luôn tốt lắng nghe tất cả mọi ý kiến. Tôi đã lắng nghe ý kiến của tổng thống. Liên quan tới khiá cạnh thứ hai, là cuộc đối thoại. Đó là con đường duy nhất cho tất cả mọi cuộc xung đột. Hoặc là đối thoại hoặc là la lối, chứ không có cách khác. Tôi đã đặt hết con tim vào cuộc đối thoại, và tôi tin là phải bước đi trên con đường này. Tôi không biết nó sẽ kết thúc như thế nào, tôi không biết, bởi vì nó rất phức tạp, nhưng những người dấn thân trong cuộc đối thoại đều là các nhân vật quan trọng. Như ông Zapatero đã từng hai lần là thủ tướng Tây Ban Nha, và ông Restrepo nhà chính trị người Colombia, và tất cả các phe phái đều xin Toà Thánh hiện diện trong cuộc đối thoại. Và Toà Thánh đã chị định ĐTGM Claudio Celli như là người đồng hành với tiến trình này. Đức Sứ Thần Toà Thánh tại Argentina là ĐTGM Tsherrig, tôi đã thay thế ngài ngày Chúa Nhật 23 tháng 10, cũng hiện diện tại bàn thương thuyết. Đối thoại tạo điều kiện cho cuộc thương thuyết là con đường duy nhất giúp ra khỏi các cuộc xung đột, chứ không có con đường nào khác… Nếu vùng Trung Đông đã làm điều này, thì đã tiết kiệm được biết bao nhiều mạng người!

Ông Burke nói: Bây giờ tới phiên đài phát thanh Pháp. Chúng con có chị Mathilde Imberty.

Hỏi: Thưa ĐTC, chúng ta đang trở về từ Thụy Điển, nơi sự tục hóa rất mạnh. Đó là một hiện tượng liên lụy tới toàn Âu châu nói chung. Cả trong một nước như nước Pháp người ta ước lượng rằng trong các năm tới đa số dân sẽ không theo tôn giáo nào nữa. Theo ĐTC sự tục hoá có phải là một định mệnh không? Ai là những người có trách nhiệm, các chính quyền đời hay Giáo Hội đã quá nhút nhát?

Đáp: Định mệnh. Không. Tôi không tin vào các định mệnh! Ai là những người có trách nhiệm, tôi không biết… Bạn, nghĩa là từng người có trách nhiệm. Tôi không biết. Đó là một tiến trình… Nhưng trước hết tôi muốn nói một điều nhỏ bé thôi. ĐGH Biển Đức XVI đã nói biết bao về vấn đề này, và nói một cách rõ ràng. Khi đức tin trở thành hâm hẩm, là vì như chị nói, thì Giáo Hội suy yếu… Các thời gian bị tục hóa hơn… Nhưng chúng ta hãy nghĩ tới nước Pháp chẳng hạn các thời gian của sự tục hóa của Triều đình: các thời gian, trong đó các linh mục đã là abbé của Triều đình, một nhân viên giáo sĩ… Đã thiếu sức mạnh của việc rao giảng Tin Mừng, sức mạnh của Tin Mừng. Luôn luôn khi có sự tục hoá, thì chúng ta có thể nói rằng có vài yếu đuối nào đó trong việc rao giảng Tin Mừng, điều này thì thật vậy…

Nhưng cũng có một tiến trình khác, một tiến trình văn hóa, một tiến trình - tôi tin rằng tôi đã nói một lần - một hình thức thứ hai của sự “không văn hóa”, khi con người nhận thế giới từ Thiên Chúa và để làm cho nó trở thành văn hóa, làm cho nó lớn lên, thống trị nó, tới một lúc nào đó con người tự cảm thấy mình là chủ nhân ông của nền văn hóa đó – chúng ta hãy nghĩ tới huyền thoại cái tháp Babel – con người là chủ nhân ông của nền văn hóa tới độ làm cho mình là tạo hóa của một nền văn hoá khác, nền văn hóa riêng và chiếm chỗ của Thiên Chúa tạo hoá. Và trong sự tục hóa tôi tin rằng trước sau gì người ta cũng đi tới tội chống lại Thiên Chúa tạo hoá. Con người tự đủ cho chính mình. Nó không phải là một vấn đề của tính cách đời, bởi vì cần có một tính cách đời lành mạnh, là sự tự trị của các sự vật, sự tự trị lành mạnh của các sự vật, sự tự trị lành mạnh của các khoa học, của tư tưởng, của chính trị, cần phải có tính cách đời lành mạnh. Không. Có một điều khác, đó là một khuynh hướng duy đời như khuynh hướng duy đời mà chủ thuyết thiên quang luận đã để lại cho chúng ta như gia tài. Tôi tin rằng hai điều này: một chút tự đủ của con người tạo ra văn hóa, nhưng nó đi quá các giới hạn và nó cảm thấy nó là Thiên Chúa, và cũng có một chút sự yếu đuối trong việc rao giảng Tin Mừng, trở thành hững hờ và các kitô hữu hững hờ. Ở đó cứu chúng ta một chút việc lấy lại sự tự trị lành mạnh trong việc phát triển của văn hóa và của các khoa học, cả với ý thức về sự độc lập, về việc là thụ tạo chứ không phải là Thiên Chúa.

Ngoài ra, còn có việc lấy lại sức mạnh của việc rao truyền Tin Mừng nữa. Ngày nay tôi tin rằng sự tục hóa này rất mạnh mẽ trong nền văn hóa và trong vài nền văn hóa nào đó. Và tinh thần thế tục cũng rất mạnh trong vài hình thái khác nhau, sự thế tục tinh thần. Khi nó vào trong Giáo Hội, thì sự thế tục thiêng liêng tệ hại nhất. Đây không phải là các lời của tôi mà tôi sẽ nói bây giờ, nhưng đó là các lời của ĐHY De Lubac, một trong các nhà thần học lớn của Công Đồng Chung Vaticăng II. Ngài nói rằng khi tinh thần thế tục thiêng liêng bước vào trong Giáo Hội, thì kiểu này… nó là điều tệ hại nhất có thể xảy ra cho Giáo Hội, còn tệ hại hơn là điều đã xảy ra trong thời đại của các Giáo Hoàng thối nát. Và ngài liệt kê vài hình thức của sự thối nát của các Giáo Hoàng, tôi không nhớ rõ, nhưng biết bao nhiêu thối nát. Tinh thần thế tục. Đối với tôi điều này nguy hiểm. Có nguy cơ là điều này xem ra là một bài giảng, tôi sẽ nói điều này: Chúa Giêsu cầu nguyện cho tất cả chúng ta trong bữa tiệc ly, Ngài xin Thiên Chúa Cha cho tất cả chúng ta một điều: là đừng cất chúng ta ra khỏi thế gian, nhưng bảo vệ chúng ta khỏi thế gian, khỏi tinh thần thế tục. Nó vô cùng nguy hiểm, nó là một sự tục hóa hơi được trang điểm. hơi được hoá trang một chút, hơi là sẵn sàng để mặc, trong cuộc sống của Giáo Hội. Tôi không biết tôi đã trả lời cho câu hỏi chưa.

Ông Greg Burke nói xin cám ơn ĐTC. Bây giờ tới đài truyền hình Đức, anh Juergen Erbacher

Hỏi: Thưa ĐTC, cách đây vài ngày ĐTC đã gặp nhóm Thánh Nữ Marta chuyên chống lại nạn nô lệ mới và việc buôn người, là các đề tài theo con rất được ĐTC lưu tâm, không chỉ như là Giáo Hoàng, mà hồi còn ở Buenos Aires ĐTC đã chú ý tới đề tài này. Tại sao vậy? ĐTC đã có một kinh nghiệm đặc biệt hay có lẽ cả cá nhân nữa chăng? Và rồi như là người Đức, vào đầu năm kỷ niệm cuộc Cải Cách, con cũng phải hỏi ĐTC có đến quốc gia, nơi cuộc Cải Cách đã bắt đầu cách đây 500 năm hay không, có lẽ trong năm nay?

Đáp: Chúng ta hãy bắt đầu với câu hỏi thứ hai. Chương trình các chuyến viếng thăm của năm tới chưa được soạn. Vâng, chỉ biết rằng hầu như chắc chắn là tôi sẽ đi Ấn Độ và Bangladesh, nhưng chưa được làm. nó là một giả thiết.

Liên quan tới câu hỏi thứ nhất. Vâng, từ lâu khi tôi còn là linh mục ở Buenos Aires, tôi đã luôn luôn có sự lo lắng cho thịt xác của Chúa Kitô. Sự kiện Chúa Kitô tiếp tục đau khổ, Chúa Kitô liên tục bị đóng đanh trong các anh em yếu đuối nhất, đã luôn luôn khiến cho tôi cảm động. Như là linh mục tôi đã làm các công việc nhỏ với người nghèo, nhưng không chỉ có thế, tôi cũng đã làm việc với các sinh viên đại học nữa… Thế rồi, như là Giám Mục tại Buenos Aires chúng tôi đã có các sáng kiến làm việc với các nhóm không Công Giáo và người không tín ngưỡng, chống lại lao động nô lệ, nhất là của các người di cư châu mỹ latinh đến Argentina. Họ bị tịch thu thông hành và phải làm việc như nô lệ trong các nhà máy kỹ nghệ, bị khóa kín trong đó… Có một lần xảy ra hoả hoạn, các trẻ em leo lên sân thượng và chết hết ở trên đó và không có ai trốn thoát được. Thật đúng như là nô lệ, và điều này khiến cho tôi xúc động.

Việc buôn bán người. Tôi cũng đã làm việc với hai dòng nữ hoạt động trợ giứp các phụ nữ mại dâm, các phụ nữ nô lệ của nạn mại dâm. Tôi không thích dùng từ phụ nữ mại dâm, nhưng các phụ nữ nô lệ của mại dâm. Thế rồi, mỗi năm một lần tất cả các người nô lệ của hệ thống này cử hành một Thánh Lễ tại quảng trường Hiến pháp, là một trong các quảng trường nơi các xe lửa tới – giống như nhà ga xe lửa Termini của Roma – anh hãy nghĩ tới nhà ga Termini, và Thánh Lễ được cử hành tại đó với tất cả mọi người. Tới tham dự có tất cả mọi tổ chức, các nữ tu làm việc và cả những người không tin nữa, nhưng chúng tôi làm việc với họ. Và ở đây cũng thế, ở đây tại Italia này cũng có biết bao nhiêu nhóm thiện nguyện hoạt động chống lại mọi hình thức nô lệ, nô lệ lao động cũng như phụ nữ nô lệ. Cách đây vài tháng tôi đã thăm một trong các tổ chức này và người dân… ở Italia này người ta làm việc thiện nguyện rất tốt. Tôi đã không bao giờ nghĩ nó là như thế. Thiện nguyện là một điều rất đẹp mà Italia có được. Được như thế là nhờ các cha sở. Trung tâm sinh hoạt cho giới trẻ và phong trào thiện nguyện là hai điều nảy sinh từ lòng nhiệt thành tông đồ của các cha sở Ý. Không biết tôi đã trả lời chưa hay có gì nữa…

Ông Burke nói: Chúng con xin cám ơn ĐTC. Người ta nói tới giờ ăn rồi, chúng ta phải đi ăn thôi.

Đáp: Xin cám ơn anh chị em về các câu hỏi, cám ơn rất nhiều, rất nhiều. Và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em ăn ngon.
 
Ngày Năm Thánh đặc biệt dành cho các tù nhân được cử hành tại Vatican
Hồng Thủy
11:07 06/11/2016
Vatican – Ngày 6/11, ngày năm thánh đặc biệt dành cho các tù nhân sẽ được cử hành tại Vatican với sự tham dự của đông đảo tù nhân và gia đình họ từ khắp nước Ý cũng như các quốc gia lân cận.

Hôm 3/11, trong buổi họp báo trình bày về ngày Năm thánh dành cho tù nhân cũng như ngày Năm Thánh dành cho người vô gia cư vào ngày 13/11, Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng, đã nói: “Đây là lần đầu tiên mà một số đông các tù nhân từ các miền nước Ý và các nước khác hiện diện ở đền thờ Thánh Phêrô để cử hành Năm Thánh với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.”

Đức Tổng Fisichella cũng nói đến sự quan tâm đặc biệt của Đức Phanxicô dành cho các tù nhân; trong mỗi chuyến đi nước ngoài, Đức Phanxicô lập đi lập lại ý muốn viếng thăm các tù nhân và trao cho họ sứ điệp của sự gần gũi và hy vọng.”

Ngày Năm Thành các tù nhân nhắm đặc biệt đến các tù nhân và gia đình của họ, các nhân viên và các tuyên úy nhà tù, cũng như các hiệp hội trợ giúp hệ thống nhà tù. Đây là một phần trong Năm Thánh Lòng Thương xót được Đức Phanxicô đề ra.

Hiện tại đã có 4000 người đăng ký tham dự ngày này, trong đó có 1000 tù nhân từ 12 quốc gia, bao gồm Anh, Ý, Latvia, Madagascar, Malaysia, Mêxicô, Hà lan, Tây ban nha, Hoa kỳ, Nam Phi, Thụy điển và Bồ đào nha. Cũng có một đoàn Tin lành Luther từ Thụy điển. Khoảng 50 tù nhân và cựu tù nhân đến từ Hoa kỳ.

Các tù nhân thuộc mọi án tù khác nhau, bao gồm tù nhân vị thành viên, tham dự sự kiện sẽ trao cho họ một tương lai và hy vọng hơn là kết án và thời hạn tù. Sẽ không có sự tham dự của các tử tù.

Các cử hành của ngày Năm thánh tù nhân bắt đầu vào thứ 7, 05/11, với việc chầu Thánh Thể và xưng tội tại một số nhà thờ ở Roma. Cuối cùng là hành trình tiến qua cửa Thánh.

Ngày Chúa Nhật, 6/11, đền thờ Thánh Phêrô sẽ mở cửa lúc 7.30 sáng; lúc 9 giờ sẽ có các chứng từ của một số người tham dự. Phần chứng từ bao gồm chia sẻ của một tù nhân về kinh nghiệm hoán cải, trong đó nạn nhân cũng sẽ cùng trình bày với tù nhân mà họ đã hòa giải với nhau; một người anh của nạn nhân bị giết sẽ nói về lòng thương xót và tha thứ; một tù nhân trẻ đang thụ án và một cảnh sát nhà tù, người hàng ngày tiếp xúc với các tù nhân.

Sau Thánh lễ có buổi tiếp tân cử hành Lòng Thương xót tại đại thính đường Phaolô VI.

Phần trưng bày các sản phẩm được các tù nhân làm trong nhà tù đang được lên kế hoạch và sẽ được đặt tại lâu đài Thiên thần.

Trong Thánh lễ, chính các tù nhân sẽ hướng dẫn phụng vụ. Mình Thánh được lãnh nhận trong Thánh lễ cũng do chính các tù nhân ở nhà tù Milan như một phần của chương trình “Ý nghĩa của Bánh” được tổ chức cho Năm Thánh Lòng Thương xót.

Đức Tổng Fisichella cho biết các tù nhân tham dự được các hội đồng Giám mục và tuyên úy nhà tù chon. Việc tham dự được Vatican đề nghị và việc họ tham dự là sự đáp lời mời của Đức Giáo Hoàng. Ngài cũng cho biết là mỗi nước có luật riêng để lo liệu việc di chuyển các tù nhân.

Còn ngày dành cho các người vô gia cư vào ngày 13/11 được tổ chức cho những người vì những lý do khác nhau, từ vấn đề kinh tế bấp bênh cho đến các bệnh tật khác nhau, từ sự cô đơn cho đến thiếu những liên hệ gia đình, họ có những khó khăn hòa nhập vào xã hội và thường chọn ở bên lề xã hội, không có nhà hay một nơi để sống. Đã có 6000 người từ các quốc gia trên thế giới ghi danh, bao gồm Pháp, Đức, Bồ đào nha, Anh, Tây ban nha, Ba lan, Hà lan, ý, Hunggari, Slovac, Crôát và Thụy sĩ.

Cử hành bắt đầu thứ 6, 11/11, với buổi yết kiến chung tại đại thính đường Phaolô VI, trong đó Đức Giáo Hoàng sẽ nghe các chứng từ và nói chuyện với họ, Các chứng từ cũng được trình bày tại các giáo xứ ở quanh Roma. Ngày thứ 7, 12/11, buổi canh thức tại đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, và các người tham dự sẽ đi qua cửa Thánh. Tối đó một buổi hòa nhạc được tổ chức tại đại thính đường Phaolô VI. Sự kiện được kết thúc với Thánh lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành vào Chúa Nhật 13/11. Vào ngày này, cửa Năm Thánh tại 3 đền thờ Đức Bà Cả, Gioan Laterano và Phaolô ngoại thành, và tại các giáo phận trên thế giới sẽ được đóng. Cửa Thánh ở đền thờ Thánh Phêrô sẽ được đóng vào ngày 20/11.

Đức Tổng Fisichella nhận định là hai ngày Năm Thánh dành cho tù nhân và dành cho người vô gia cư sẽ được sống với cùng sự sốt sắng và kinh nghiệm cầu nguyện mà chúng ta đã thấy trong suốt Năm Thánh. (CNA 02/11/2016)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Đồng hương Giáo Phận Vinh Melbourne lạc quyên giúp đồng bào bị bão lụt
Trần Văn Minh
05:36 06/11/2016
Melbourne, vào lúc 3 giờ chiều Chúa Nhật 6/11/16. Tại Nhà thờ Good Shepherd Church, 88 South Circular Rd, Gladstone Park 3043. Một Thánh lễ đồng tế với mười hai linh mục gốc Giáo phận Vinh được cử hành trọng thể để cảm tạ hồng ân Thiên Chúa và lạc quyên giúp đỡ một phần nào sự thiệt hại, do các cơn bão lụt gây ra tại Miền Trung Việt Nam trong những tháng vừa qua.

Mời xem hình

Thánh lễ do Linh mục Phạm Xuân Tạo chủ tế cùng với quý cha: Nguyễn Hồng Ánh Chánh xứ Good Shepherd, Peter Hoàng, Trần Văn Thanh, Hồ Sáng, Vũ Phước Hiến, Phạm Lĩnh, Vũ Nhật Thăng, Nguyễn Xuân Đường, Hà, Nguyễn Thế Vĩnh phần đông đều xuất thân từ Giáo Phận Vinh đồng tế.

Trước khi cử hành thánh lễ, quý cha và cộng đoàn được mời cùng xem một số hình ảnh cảnh bão lụt trên quê hương miền Trung, cảnh những người phải leo lên mái nhà, trên cây để tránh nước dâng, cảnh gia súc chết trôi và đe dọa tới môi trường, nguồn nước sạch sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Trong bài giảng, Linh mục Nguyễn Xuân Đường DCCT hiện phục vụ tại cộng đoàn Giáo xứ Cửa Lò Hà Tĩnh, thuộc Giáo phận Vinh, người mới từ Việt Nam qua Úc kể về nỗi thống khổ mà đồng bào đang gánh chịu do thiên tai và cả nhân tai. Những hình ảnh mà chúng ta vừa được xem, chỉ phản ảnh được một phần nào cảnh lụt lội mà các đoàn cứu trợ đến được, quay được. Còn biết bao nhiêu góc khuất mà các phái đoàn không thể đến, không thể quay phim cho chúng ta thấy được. Sự giúp đỡ của chúng ta, chỉ xoa dịu một phần rất nhỏ về sự mất mát lớn lao về vật chất mà họ đổ biết bao mồ hôi, nước mắt bao đời mới xây dựng nổi, thế mà, chỉ sau một đêm tất cả đã bị xóa sạch vì những cơn lũ quét qua. Hoa mầu, ruộng vườn bị lấp đầy bằng cát và sỏi!

Đồng bào trong nước, nhất là những vùng lụ lụt còn phải đối diện với những con người vô tâm, vô tình, vô cảm và kể cả vô nhân đạo qua những cái gọi là: “đúng quy trình!” Của chính quyền các cấp, đang bỏ mặc người dân sống trong lầm than. Sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi! Vì thế cho nên, ngoài những phẩm vật cứu trợ, họ rất cần đến những tình cảm, tình người, những điểm tựa. Kết thúc, Linh mục Xuân Đường đã hát một khúc ca do chính linh mục sáng tác với tựa đề “Phù Vân”

Sau Thánh lễ, mọi người được mời gọi qua bên hội trường giáo xứ để dùng bữa tiệc nhẹ, xem văn nghệ và dự phần đấu giá những tặng vật mà ban tổ chức nhận được. Mọi số tiền thu được đều được gửi về Việt Nam để giúp đỡ các nạn nhân của bão lụt tại Giáo phận Vinh theo lời kêu gọi của Đức Cha Chánh Giáo phận Phaolo Nguyễn Thái Hợp. Buổi quyên góp đã được mọi người nhiệt liệt hưởng ứng và rộng tay đóng góp giúp đỡ đồng bào như lời mời gọi của ban tổ chức: “Cho thì có phúc hơn là nhận.” (Công vụ Tông Đồ 20:35)

 
Giáo xứ Vinh Sơn, Thái Bình chầu lượt
Phạm Thiềm
10:47 06/11/2016
Giáo xứ Vinh Sơn – Giáo Phận Thái Bình, tuần chầu Chúa Giêsu Thánh Thể thay Giáo Phận.

Hôm nay, Chúa Nhật XXXII thường niên, (ngày 06/11/2016): Giáo xứ Vinh Sơn - Giáo Phận Thái Bình hân hoan được đón tiếp quý Đức Ông, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng quý khách và cộng đoàn, đặc biệt hơn 1.000 các em thiếu nhi Thánh Thể trong giáo Hạt Bắc Tiền Hải về với giáo xứ, để chung chia niềm vui, hiệp dâng thánh lễ nhân dịp tuần chầu lượt thay mặt Giáo Phận.

Xem Hình

Khoảng 08g00’, chúng tôi nhận thấy một bầu khí tưng bừng nhộn nhịp, từ khắp các nẻo đường, cộng đoàn tín hữu đông như trẩy hội cùng tiến về thánh đường, Chẳng mấy chốc, khuôn viên thánh đường đã đầy ắp người từ bốn phương đổ về. Ai nấy đều rộn ràng, vui mừng, hân hoan trong ngày trọng đại này. Trong nhà thờ, các em Thiếu Nhi Thánh Thể đang làm giờ chầu đền tạ Thánh Tâm thật sốt sắng, các em hát những bản thánh ca về Thánh tâm để tôn thờ Chúa, chiêm ngắm Chúa Giê-su đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể.

Đúng 09g00’, các em Thiếu Nhi Thánh Thể quy tụ về nhà chung để đón đoàn đồng tế, cuộc rước có ban trống, cùng với ban kim nhạc nam, ban kim nhạc nữ, khởi hành từ nhà chung ra nhà thờ để cử hành thánh lễ. Đoàn đồng tế bước đi trong tiếng kèn, tiếng trống tất cả hòa quyện tạo lên một bản nhạc thật là hoành tráng…

Cao điểm của tuần chầu là Thánh Lễ chính tiệc do Đức Ông Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh, giám đốc Đền Thánh Tâm Cao Mại chủ sự, cùng hiệp dâng thánh lễ có hơn 20 cha trong giáo phận các ban ngành đoàn hội và đông đảo cộng đoàn dân Chúa liên xứ trong và ngoài giáo hạt.

Mở đầu thánh lễ, Đức Ông Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh - đã thay lời cho quý cha đồng tế gửi lời chúc mừng tới toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong giáo xứ nhân dịp tuần chầu lượt. Ngài cũng cầu chúc cho toàn thể cộng đoàn hiện diện có được tâm tình thật sốt sắng để hiệp thông trong thánh lễ tạ ơn này.

Trong bài chia sẻ Lời Chúa của Đức Ông Thomas Trần Trung Hà - quản hạt Bắc Tiền Hải, ngài đã nói lên ý nghĩa Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy có sự sống đời sau. Sự sống đời sau thì tràn đầy, viên mãn trong Thiên Chúa. Vì Đấng Tạo dựng con người đã mạc khải chính mình là Thiên Chúa kẻ sống chứ không phải kẻ chết. Ngài tạo dựng chúng ta để được sống trường sinh như Ngài. “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống” (Lc 20,38).

Trước khi đón nhận phép lành cuối lễ, một vị đại diện thay mặt cho toàn giáo xứ đã nói lên lời tri ân cảm tạ đối với Đức Ông, quý Cha, quý tu sĩ và cộng đã về hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cách riêng cho giáo xứ trong ngày chầu lượt hôm nay. Sau thánh lễ các em thiếu nhi Thánh Thể được Cha xứ đón tiếp, và trao những phần quà cho các em.

Nhờ ơn Chúa, cộng đoàn Giáo Xứ Vinh Sơn gặt hái được những thành quả như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến công lao của vị mục tử đã được Thiên Chúa trao cho trách nhiệm dẫn dắt đoàn chiên giáo xứ - cha Đaminh Vũ Minh Trí, kể từ khi được Đức Cha giáo phận cử về coi sóc giáo xứ, ngài đã mang hết khả năng, sức lực và lòng nhiệt thành của mình để cùng mỗi thành phần trong giáo xứ ươm mầm, vun tưới cho hạt giống Đức Tin nơi cộng đoàn, nảy nở và phát triển, từ các em thiếu nhi Thánh Thể, Giới trẻ, Ca đoàn, hội Hiền Mẫu, hội con Đức Mẹ, gia trưởng, hội cầu nguyện lòng Chúa thương xót, v.v.., tất cả đã cùng nhau nỗ lực không ngừng để thăng tiến và phát triển giáo xứ trong tình hiệp nhất, yêu thương đoàn kết dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngọn lửa Đức Tin ấy được thể hiện nơi công trình của giáo xứ, như sân cỏ nhân tạo cho mọi người đến rèn luyện sức khỏe. Đặc biệt, phải kể đến ngôi Nhà Chung của giáo xứ vừa được Đức Cha giáo phận về cắt băng khánh thành, Đây sẽ là cơ sở đa năng để phục vụ là nơi diễn ra các hoạt động mục vụ của giáo xứ, hơn thế nữa cho công việc dạy và học giáo lý ươm mầm Đức Tin nơi các em thiếu nhi.

Giêrônimô Phạm Thiềm BTTGP.
 
Mừng lễ kính Thánh Martinô tại xứ Vĩnh Hòa.
Văn Minh
09:23 06/11/2016
Mừng lễ kính Thánh Martinô tại xứ Vĩnh Hòa.

“Phúc thay ai xót thương người, thì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. (Mt 5,7).

Câu Lời Chúa trên đây đã được Hội Bác Ái trọn làm kim chỉ nam cho hướng đi của Hội mình. Đó cũng là lời mời gọi của cha Phêrô Nguyễn Văn Thỉnh trong Thánh lễ mừng kính thánh Martinô Porres – bổn mạng Hội Bác Ái (kỷ niệm 22 năm thành lập) 1994 – 2016.

Xem Hình

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, cảm ơn những người đã âm thầm cầu nguyện, đã cùng Hội Bác Ái chia sẻ bác ái cho những người có hoàn cảnh khó khăn không phân biệt tôn giáo trong và ngoài giáo xứ Vĩnh Hòa trong những năm tháng qua.

Thánh lễ trọng thể đã diễn ra lúc 18g00 thứ Năm ngày 03.11.2016, do cha Phêrô Nguyễn Văn Thỉnh SSS, Dòng Thánh Thể - chủ tế. Đồng tế cùng ngài có cha Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, quý hội viên Hội Bác Ái, cùng đông đảo các em thiếu nhi và cộng đoàn trong giáo xứ cùng hiệp dâng.

Trước thánh lễ, quý cha, quý Hội viên, cùng cộng đoàn kiệu tượng thánh Marrtinô xung quanh thánh đường hòa trong tiếng kèn đồng rộn rã qua bài hát “Mừng Thánh bổn mạng”.

Đầu lễ, cha Phêrô mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cách riêng cho Hội Bác Ái trong ngày lễ quan thầy được nhiều hồng ân Thiên Chúa, và nêu gương thánh Martinô giúp đỡ người nghèo khổ, bất hạnh, trong gia đình và nơi môi trường xung quanh.

Sau bài công bố Tin Mừng, cha Gioakim Lê Hậu Hán chia sẻ cho các em thiếu nhi cùng cộng đoàn: Người mục tử nhân lành, là người luôn biết quan tâm chăm lo cho đàn chiên của mình được no thỏa, băng bó những vết thương khi thấy con chiên bị thương tích, đi tìm cho kỳ được con chiên đi lạc mang về, và mời mọi người đến cùng chung vui. Đó cũng là niềm vui được cả Triều Thần trên Thiên quốc hân hoan đón mừng, vì mỗi khi thấy một người con tội lỗi ăn năn sám hối trở về với Đức Giêsu Kitô.

Cha Gioakim quảng diễn tiếp, mừng lễ kính thánh Martinô hôm nay, chúng ta cùng nhau nhìn lại hoạt động của Hội Bác Ái trong giáo xứ qua 22 năm. Khởi đầu khi thành lập, Hội chưa tới 10 thành viên đa phần là những bậc cao niên, với lòng hăng say làm bác ái, chia sẻ vật chất cho những người nghèo khổ, người bất hạnh, và giúp đỡ khó khăn cho một số gia đình trong giáo xứ để họ có phương tiện mưu sinh cùng những công việc làm khác…Hội Bác Ái tổ chức mừng kính thánh Martinô vào ngày mồng 03 tháng 11 hằng năm.

Qua đây, cha xứ Gioakim ước mong có nhiều người hơn nữa cũng biết quan tâm giúp đỡ những người nghèo khổ, người bất hạnh, ngay trong gia đình và ngoài ngõ xóm nơi mình đang sinh sống, để tình yêu của Chúa Kitô được lan tỏa trên khắp muôn nơi.

Thánh lễ tiếp nối, được vị đại diện Hội Bác Ái đọc lời nguyện tín hữu và dâng những của lễ vật hèn mọn cùng cha chủ tế dâng lên Thiên Chúa với tấm lòng thành kính.

Sau phần hiệp lễ, vị đại diện Hội Bác Ái thay mặt lên ngỏ lời cảm ơn quý cha, quý vị HĐMVGX, quý vị đại diện các đoàn thể, quý vị ân nhân, đã đến hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng. Để tỏ lòng tri ân, vị đại diện dâng lên quý cha bó hoa tươi thắm trong tiếng pháo tay giòn giã của cộng đoàn. Đáp lời, cha xứ Gioakim thay mặt giáo xứ chúc mừng Hội Bác Ái được nhiều hồng ân, và những ân sủng cần thiết khác.

Thánh lễ kết thúc lúc 19g00, cộng đoàn hân hoan lãnh nhận Ơn Toàn Xá từ quý cha ra về trong niềm vui hân hoan.

Sau Thánh lễ, quý cha cùng quý vị đại diện Hội Bác Ái chụp chung tấm hình kỷ niệm. Cuối cùng là tiệc mừng liên hoan tại hội trường giáo xứ.

Được biết, Hội Bác Ái trong giáo xứ hiên nay có 21 hội viên, tuổi từ trung niên trở lên, Hội thường quyên góp, giúp đỡ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài giáo xứ vào những dịp cuối năm. Ngoài ra, mỗi khi cha xứ mời gọi, Hội luôn cùng nhau thực thi.
 
Ngày họp mặt đại diện các ca đoàn giáo phận Phú Cường
Ban thánh nhạc GP Phú Cường
10:57 06/11/2016
NGÀY HỌP MẶT ĐẠI DIỆN CÁC CA ĐOÀN GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG

Theo chương trình mục vụ của giáo phận Phú Cường, sáng Chúa Nhật, 06.11.2016, quí ca viên đại diện các ca đoàn của 07 giáo hạt trong giáo phận (gồm 13 thành viên) đã tề tựu đông đủ tại địa điểm: Cộng Đoàn Thừa Sai Hy Vọng (Missionarii Spei), để tham dự “Ngày họp mặt đại diện các ca đoàn thuộc giáo phận Phú Cường”.

Xem Hình

Đúng 08g00, chương trình được mở đầu bằng thánh lễ Tạ Ơn, do cha Thanh Yên – Trưởng Ban Thánh Nhạc chủ sự. Sau đó, anh chị em sum họp bên nhau để lắng nghe, thảo luận và cùng thống nhất phương hướng hoạt động được tóm kết như sau:

1. Ban Thánh Nhạc là một bộ phận của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Phận Phú Cường. Các hoạt động của Ban Thánh Nhạc trong những năm gần đây đã vươn thêm lên được một bậc, đó là được tham dự vào và điều hành phục vụ thánh ca trong các ngày lễ được tổ chức theo cấp giáo phận; đồng thời, phổ biến những ca khúc ý lực sống từng năm, theo chương trình mục vụ của giáo phận rất hiệu quả.

2. Nhân dịp lễ Bế Mạc Năm Thánh GP. Phú Cường, 08.10.2016, Đức Giám Mục Giáo Phận đã công bố chương trình mục vụ giáo phận của 04 năm tới, trong đó, có hướng đi cụ thể cho mỗi năm. Hưởng ứng chương trình này, Ban Thánh Nhạc đã định hướng kế hoạch, nhằm đưa hoạt động của thánh nhạc giáo phận lên một tầm cao mới, với các nội dung cụ thể như sau:

a. Ý lực hành động Ban Thánh Nhạc Giáo Phận Phú Cường: “Đức Kitô Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta” (1 Tm 1,1).

b. Tóm tắt ý nghĩa logo: Hình tròn nền trắng: biểu tượng Thánh Thể và tình yêu; Thánh giá màu đỏ: biểu tượng Công Giáo và sự dấn thân; Khóa son màu xanh dương: biểu tượng âm nhạc, sự hiệp thông và phục vụ; Đàn organ có 07 phím trắng: biểu tượng cho hoạt động hợp nhất của thánh nhạc tại 07 giáo hạt.

c. Đưa vào hoạt động “Câu Lạc Bộ Sáng Tác Thánh Ca Phú Cường”, mà các thành viên tiên khởi là quí anh chị em ca viên đại diện ca đoàn theo cấp giáo hạt. Đây sẽ là một bộ phận tiên phong trong việc cộng tác và đưa các hoạt động của Ban Thánh Nhạc đến từng giáo xứ trong giáo phận. Rất mong quí cha và toàn thể quí ca viên nhiệt tình tiếp nhận, ủng hộ và phổ biến để tất cả là “Vinh Danh Chúa”.

d. Tiến hành thẩm định các sáng tác ca khúc thánh ca mới, ưu tiên các tác giả đang cư ngụ tại giáo phận Phú Cường, và sau khi được Giám Mục Giáo Phận phê chuẩn, Ban Thánh Nhạc sẽ xuất bản theo từng tuyển tập. Nơi tiếp nhận các sáng tác ca khúc thánh ca mới: “Câu Lạc Bộ Sáng Tác Thánh Ca Phú Cường”, tại những địa điểm cụ thể theo mỗi giáo hạt, do Ban Thánh Nhạc ấn định và sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể gửi đến từng giáo xứ.

e. Cộng tác bằng việc tư vấn và hỗ trợ khi quí cha sở có nhu cầu tổ chức hợp nhất các ca đoàn trong giáo xứ, để việc phục vụ thánh ca nơi giáo xứ được đúng với ý nghĩa, chức năng và vai trò của ca đoàn trong phụng vụ.

3. Mục tiêu trong 04 năm tới (2017 -2020): xây dựng một hệ thống thánh nhạc hợp nhất và phổ quát trong toàn thể giáo phận; đồng thời, khuyến khích và nhân rộng những mẫu thức tổ chức ca đoàn tại các giáo xứ đã phục vụ đạt yêu cầu, cùng nhau góp phần đưa thánh nhạc vào đời sống tâm linh đến với từng thành phần dân Chúa trong giáo phận Phú Cường.

“Ngày Họp Mặt Ca Đoàn” năm nay, tuy có khác với những năm trước về qui mô và số lượng, nhưng trước mắt đã đem lại hiệu quả là có mục tiêu, phương pháp và định hướng rõ ràng, hy vọng trong những năm tới hoạt động thánh nhạc sẽ được hữu hiệu, góp phần tích cực hơn trong việc mục vụ của giáo phận Phú Cường.

Chương trình họp mặt kết thúc vào lúc 16g00 cùng ngày.

BAN THÁNH NHẠC GP. PHÚ CƯỜNG
 
Thiếu Nhi Thánh Thể Sydney Rước Lễ Lần Đầu
Diệp Hải Dung
18:42 06/11/2016
Thiếu Nhi Thánh Thể Sydney Rước Lễ Lần Đầu

Sáng Chúa Nhật 06/11/2016. Có 49 em Thiếu Nhi Thánh Thể thuộc Liên Đoàn Nữ Vương Hòa Bình TGP Sydney đã đến nhà thờ St. Therese Miller lãnh nhận Bí tích Thánh Thể (Rước Lễ Lần Đầu) do Cha FX Nguyễn Văn Tuyết Đặc trách Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Chủ tế và cha Nguyễn Thái Hoạch đồng tế.

Xem Hình

Ngoài quý Phụ Huynh còn có Sơ Trợ Úy, quý Huynh Trưởng, quý Giảng Viên Giáo Lý và quý Quan Khách Úc Việt tham dự. Trước khi dâng Thánh lễ, Cha Nguyễn Văn Tuyết ngỏ lời chúc mừng các em được lãnh nhận Mình Thánh Chúa đầu tiên trong đời đặc biệt trong năm thánh Lòng Thương Xót.

Trong bài giảng Cha chia sẻ rằng thầy dạy Giáo Lý đầu tiên cho các em không phải là các Linh Mục, không phải là Giáo Hoàng hay Giám Mục nhưng chính là Cha Mẹ. Trườc khi đến trường hay nhà thờ để học giáo lý thì trong gia đình, cha mẹ là những người đầu tiên dạy các em làm dấu thánh giá, dạy các em đọc kinh, cầu nguyện ngay từ khi các em mới tập nói. Đặc biệt những gương sáng mà cha mẹ biểu lộ trong cuộc sống gia đình là những bài học giáo lý quý giá đối với các em.

Trước khi kết thúc Thánh lễ ông Nguyễn Văn Đáng thay mặt Ban Mục Vụ Giáo đoàn Miller chúc mừng các em Thiếu Nhi và sau đó một em đại diện các em Thiếu Nhi lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, qúy Sơ, quý phụ huynh, quý Huynh Trưởng, quý Giảng Viên Giáo Lý đã nâng đỡ hướng dẫn dạy dỗ các em trong những lớp Giáo Lý suốt năm qua. Các em cũng cám ơn quý ân nhân đã giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần, quý Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Đức Mẹ Fatima Miller và tất cả mọi người đã đến tham dự cầu nguyện cho các em trong Thánh lễ. Các em hứa sẽ cố gắng sống ngoan hiền đạo đức và noi gương Chúa Giêsu KiTô là Vị Anh Cả Tối Cao của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể.

Sau khi kết thúc Thánh lễ, Cha Linh hướng và Sơ Trợ Úy phát Chứng Chỉ và quà cho các em và và cùng các em chụp chung tấm hình kỷ niệm.

Diệp Hải Dung
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cử tri Hoa Kỳ bầu chọn Tổng Thống năm 2016
Hà Minh Thảo
18:36 06/11/2016
CỬ TRI HOA KỲ BẦU CHỌN TỔNG THỐNG NĂM 2016

Hiến pháp Hoa kỳ 1787 quy định cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra 4 năm một lần, vào năm chẵn, trong ngày thứ ba đầu tiên sau thứ hai đầu tiên tháng 11. Do đó, cuộc tuyển cử năm nay rơi vào ngày 08.11.2016 (Election Day, lần thứ 56 từ năm 1788) và vị Tổng thống Hoa kỳ thứ 45 sẽ tựu chức ngày 20.01.2017 (Inauguration Day).

Trong ngày này, ngoài việc tuyển cử Tổng thống và Phó Tổng thống, cử tri Mỹ còn bầu lại Viện Dân biểu. Một số cử tri sẽ bầu 34 Nghị sĩ (Nhóm 3) mãn nhiệm đại diện Tiểu bang tại Thượng nghị viện Liên bang. Ngoài ra, tại từng Tiểu bang, cử tri có khi phải bầu dân biểu và nghị sĩ Tiểu bang, một số vị Thống đốc Tiểu bang, các công tố tư pháp, Cảnh sát trưởng…, trả lời ‘yes’ (đồng ý) hay ‘non’ (không) thucác cuộc trưng cầu dân ý.

Sau tám năm cầm quyền Tổng thống của ông Barack Obama, một người gốc Phi châu đầu tiên, với kết quả Nga quyết định chiến trường tại Syria và Tàu cộng tung hoành tại Biển Ðông, mất dần ‘tình bạn với Phi luật tân và Indonesia và chỉ kết thân ‘nồng ấm’ với cộng sản Việt Nam, một ‘chư hầu’ kinh tài của Tàu, một nhà nước phi Dân tộc. Năm nay 2016, một cuộc bầu cử lịch sử khác sẽ đem lại cho Mỹ quốc,với một cuộc tranh cử ‘không sạch sẽ’ giữa một nữ ứng cử viên tổng thống đầu tiên và một thương gia tỷ phú. Nhưng ‘yếu tố nữ ứng cử viên’ không ảnh hưởng đến kết quả tuyển cử. Năm 1984, sau nhiệm kỳ đầu làm Tổng thống đã phục hồi nền kinh tế Hoa kỳ, Tổng thống Ronald Reagan đã được cử tri dồn phiếu ủng hộ thể hiện qua kêát quả bầu chọn với thắng lợi vẻ vang 59% phiếu phổ thông và 525 trong số 538 phiếu đại cử tri. Liên danh Dân chủ Mondale – (bà) Ferraro chỉ thắng ở Washington D.C. và Minnesota.

I.- ÐẶC ÐIỂM BẦU CỬ TỔNG THỐNG HOA KỲ.

A./ Hệ thống bầu cử Mỹ thật phức tạp. Tại sao bầu Tổng thống diễn ra vào thứ ba tháng 11 ? Tại sao cử tri không bầu trực tiếp Tổng thống nước mình ? Tại sao có thể bỏ phiếu trước ngày bầu chính thức và tại sao phải chờ đến hai tháng rưỡi sau ngày có kết quả, Tổng thống đắc cử mới chính thức tuyên thệ nhậm chức ?

Nguyên thủy, khi Hoa kỳ bắt đầu tổ chức bầu cử Tổng thống, mỗi tiểu bang ấn định riêng ngày bầu cử cho bang mình, nhưng đều phải trong tháng 11, vì các đại cử tri phải họp mặt tại từng tiểu bang vào ngày thứ tư đầu tiên của tháng 12, mà cuộc gặp đó phải diễn ra 34 ngày trước ngày nhậm chức Tổng thống (20.01 năm kế tiếp), do đó ngày bầu cử phải được tổ chức trong tháng 11. Ngoài ra, việc tổ chức bầu cử trong tháng này còn có ý nghĩa quan trọng ở một đất nước nông nghiệp ở thế kỷ 19, khi đó, việc thu hoạch mùa màng đã hoàn tất và mùa đông chưa đến, cử tri sẽ tích cực đi dầu phiếu hơn. Lúc đó, các ngày bầu khác nhau không ảnh hưởng đến kết quả chung vì các phương tiện truyền thông liên lạc còn thô sơ. Ðến những năm 1840, Quốc hội mới đưa ra quy định bỏ phiếu thống nhất trong một ngày trên khắp nước.

Còn vào thứ ba vì, trước kia, cử tri thường phải đi trọn ngày đêm từ trang trại nơi cư ngụ đến thị trấn để đầu phiếu. Phương tiện di chuyển vào thập niên 1840 chủ yếu chỉ là ngựa. Ðiều khác, để tránh việc bầu cử vào ngày nghỉ hay lễ tôn giáo, Quốc hội đã chọn thứ ba, để cử tri dành ngày thứ hai cho việc đi đến điểm bỏ phiếu và ngày thứ tư để trở về. Trong ngày thứ ba, khi người đi đầu phiếu, thì ngựa của họ có được một ngày để nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, từ lần tuyển cử năm 2008, những cuộc đầu phiếu trước ngày bầu chính thức, như là 08.11.2016 cho năm nay, đã được cho phép tại 32 tiểu bang. Lý do, để tránh cho cử tri không phải mất nhiều thời gian để xếp hàng đi đầu phiếu trong ngày bầu duy nhất. Do đó, ứng cử viên Barack Obama đã sử dụng lá phiếu bầu cho mình ngày 25.10.2012 tại Chicago (tiểu bang Illinois).

B./ Tuyển cử Toàn quốc hay Bầu cử tại các Tiểu bang .

Các thể thức bầu cử Tổng thống được quy định nơi Ðiều II, Phần I, Ðoạn III Hiến pháp Hoa kỳ ngày 17.09.1787. Thêm vào đó, Tu chính án 12 Hiến pháp ấn định: mỗi đại cử tri phải bầu riêng cho Tổng thống và Phó Tổng thống. Công cuộc điều hành tổ chức bầu cử Tổng thống do Cơ quan Quản trị Kỷ lục và Văn khố Quốc gia (National Archives and Records Administration) phối hợp đảm nhiệm với Cục Văn thư của các Liên bang (Office of the Federal Register).

a.- Ðại cử tri đoàn Hoa Kỳ (United States Electoral College).

Ðại cử tri đoàn Hoa kỳ gồm 538 đại cử tri cứ bốn năm một lần họp lại để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, đã được bầu lên theo thể thức phổ thông đầu phiếu vào ‘ngày bầu cử’. Các đại cử tri họp tại các tòa nhà Quốc hội Tiểu bang của mình (hay tại Quận Columbia) vào ngày thứ hai đầu tiên sau thư tư tuần thứ hai trong tháng 12, tức ngày 17.12.2012). Tại 51 cuộc họp (50 Tiểu bang và Quận Columbia) riêng biệt, các đại cử tri cùng bỏ phiếu để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống. Do đó, có sự tổng hợp kết quả bầu cử của 51 nhóm, nên mới có định nghĩa kỹ thuật là đại cử tri đoàn, dù 51 nhóm này thực sự không tập hợp chung về một nơi để bầu cử. Hệ thống đại cử tri đoàn, giống như một đại hội toàn quốc, là một nhân tố gián tiếp trong tiến trình bầu lên Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa kỳ. Số 538 đại cử tri là tổng số tương đương số Thượng nghị sĩ (100, mỗi Tiểu bang có 2 vị), 435 Dân biểu và 3 đại cử tri của Quận Columbia (Thủ đô Washington).

b. Ngày họp bầu của đại cử tri đoàn Tiểu bang .

Số đại cử tri của mỗi Tiểu bang rất khác nhau vì, tuy mỗi Tiểu bang đều có như nhau 2 Thượng nghị sĩ, nhưng số dân biểu rất khác nhau được tính theo dân số. California (55), Texas (34), New York (29), Florida (29), …, Alaska (3), North Dakota (3), Vermont (3), Wyoming (3) và District of Columbia (3).

[Cần lưu ý : có sự thay đổi số Ðại cử tri của các Tiểu bang để phù hợp với kết quả cuộc Ðiều tra dân số năm 2010 cho các cuộc bầu cử Tổng thống từ năm 2012 đến 2020. Thí dụ : Ðại cử tri đoàn New York (bầu cho Dân chủ năm 2000, 2004 và 2008) bị giảm 2 Ðại cử tri ; Florida (bầu cho Cộng hòa năm 2000, 2004 và cho Dân chủ năm 2008) được tăng 2 Ðại cử tri ; Iowa (bầu cho Dân chủ năm 2000, 2008 và 2004 cho Cộng hòa) bị giảm 1 ; Ohio (bầu cho Cộng hòa năm 2000, 2004 và cho Dân chủ năm 2008) bị giảm 1 ;… Do đó, kết quả chung cuộc có thể thay đổi.]

Các Ðại cử tri từng Tiểu bang (và Quận Columbia) họp lại 41 ngày sau Ngày bầu cử để sử dụng lá phiếu Ðại cử tri (tức ngày 19.12.2016). Lá phiếu đầu tiên của Ðại cử tri dùng để bầu chọn Tổng thống Hoa kỳ, và lá phiếu thứ nhì cho Phó Tổng thống. Rất ít trường hợp một Ðại cử tri không bỏ phiếu cho liên danh tranh cử thuộc đảng mình đã hứa bầu. Ðây là những ‘Ðại cử tri không trung thành’. Mỗi Ðại cử tri ký tên vào một tài liệu có tên là Chứng nhận đầu phiếu mà có nêu rỏ thuộc Ðại cử tri Tiểu bang nào (hay Quận Columbia). Một bản chứng nhận gốc được gởi đến Văn phòng của Phó Tổng thống theo thư bảo đảm.

c. Quốc hội Hoa kỳ tuyên bố kết quả tuyển cử.

Khoảng một tháng sau khi Ngày bầu cử phổ thông (kỳ tuyển cử năm nay rơi vào ngày 06.01.2017), lưỡng viện Quốc hội nhóm họp để tuyên bố những người đắc cử, dưới sự chủ tọa của Phó Tổng thống đương nhiệm (Phó Tổng thống là Chủ tịch Thượng nghị viện). Nếu một ứng cử viên Tổng thống nhận được ít nhất 270 phiếu đại cử tri, vị chủ tọa tuyên bố ứng cử viên đó là Tổng thống đắc cử, và một ứng cử viên Phó Tổng thống nhận 270 hay nhiều hơn số phiếu đại cử tri được tuyên bố là Phó Tổng thống. Ða số tuyệt đối tổng số 538 đại cử tri là 270 phiếu bầu để được tuyên bố thắng cử Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa kỳ.

Nếu không ứng cử viên Tổng thống nào đạt được 270 phiếu đại cử tri, Viện Dân biểu sẽ phải quyết định người thắng cử trong số ba người giành nhiều phiếu bầu nhất của đại cử tri. Nếu không ứng cử viên Phó Tổng thống nào giành được đa số phiếu của đại cử tri, Thượng nghị viện sẽ phải quyết định ứng cử viên thắng trong số hai người giành nhiều phiếu nhất của đại cử tri.

Tiến trình bầu cử phức tạp này đã bị chỉ trích nhiều lần. Dù nhiều người đã đề nghị những phương cách khác thay thế, nhưng các vị dân cử Lập pháp hay Hành pháp chưa đưa đề nghị tu chính nào, theo yêu cầu của cử tri.

C./ Tài trợ tranh cử.

Năm 1971, Ðạo Luật Vận động Bầu cử Liên bang (Federal Election Campaign Act) đã được ban hành. Ðạo luật thành lập Ủy ban Bầu cử Liên bang (Federal Election Commission) gồm 6 thành viên mời bởi Tổng thống và được chuẩn nhận bởi Thượng nghị viện với nhiệm kỳ 6 năm. Ða số cần thiết phải là 4/6. Chủ tịch Ủy ban phải luân phiên mỗi năm và chỉ một lần.
và ấn định các luật lệ về gây quỹ và xử dụng quỹ vận động rất gắt gao.

1.- Tiền đóng góp để vận động bầu cử, hay ‘tiền chính trị’ (political money), gồm hai loại:

a./ Tiền cứng (hard money) là tiền biếu cho một ứng cử viên một đảng chính trị. Nguồn gốc và giới hạn của số tiền này được quy định và được giám sát bởi Ủy ban Bầu cử Liên bang.

b./ Tiền mềm (soft money) là tiền tặng góp cho các chính đảng như biếu cho một hiệp hội. Mục đích chi dùng để xây dựng đảng và các hoạt động khác không liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử của các ứng cử viên chỉ định.

Trong lịch sử, chữ ‘tiền mềm’ dùng để chỉ những đóng góp cho các đảng phái chính trị có mục đích xây dựng đảng và các hoạt động khác không liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử của các ứng cử viên chỉ định, nên không bị chi phối bởi Ðạo luật Vận động Bầu cử Liên bang Án lệ của Tối cao Pháp viện giải thích về Buckley v. Valeo).

2.- Quy định về điều kiện số tiền đóng góp :
- nguồn gốc nhận tiền và chi tiêu cho cuộc vận động phải được biết ;
- số tiền đóng góp cho các cuộc bầu cử sơ bộ hay tổng tuyển cử đều phải công khai ;
- Ủy ban Bầu cử Liên bang đặt những giới hạn cho những mức đóng góp cá nhân và đảng.

Cấm nhận các tài trợ từ :
- các công ty, các tổ chức lao động và các ngân hàng quốc gia ;
- các Nhà thầu Chính phủ ;
- các người ngoại quốc ;
- các số tiền mặt trên 100 mỹ kim ;
- các số tiền dùng tên người khác

Năm 1979, Ủy ban Bầu cử Liên bang cho phép các chính đảng có thể chi tiêu các số đóng góp ‘không theo quy tắc’ (unregulated) hay tiền mềm cho các hoạt động hành chính và và xây dựng không thuộc Liên bang cũng như cho ứng cử viên liên quan đến quảng cáo để làm gia tăng việc đóng góp số tiền mềm và các chi tiêu trong cuộc bầu cử. Ðiều này đã dẫn đến việc thông qua Ðạo luật Cải cách Vận động Lưỡng đảng (Bipartisan Campaign Reform Act - BCRA) năm 2002, cấm ‘các đóng góp không theo quy tắc’ (unregulated contributions) cho các Ủy ban Toàn quốc của các đảng.

Số tiền được phép đóng góp do Ủy ban Bầu cử Liên bang ấn định trong mỗi mùa bầu cử. Thí dụ năm 2010, Ủy ban đã ấn định mỗi cá nhân có thể đóng góp cho mỗi ứng cử viên hay mỗi ủy ban vận động bầu cử 2.400 mỹ kim trong mỗi cuộc bầu cử, cho ủy ban toàn quốc 30.400 mỹ kim mỗi năm và cho các ủy ban hành động chính trị 5.000 mỹ kim mỗi năm.

Ngoài những quy định này, các ứng cử viên có thể mở các buổi tiệc hay họp mặt để những người ủng hộ có thể đóng góp qua việc mua các phần tham dự. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008, ông Obama đã thu được 513.557.218 mỹ kim và ông McCain được 346.666.422. Tất cả những số tiền này đều chịu sự kiểm soát chi thu của Ủy ban Tổ chức Bầu cử Liên bang.

Hà Minh Thảo
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông, Kỷ Niệm 500 Năm Phong Trào Cải Cách(8)
Vũ Văn An
20:53 06/11/2016
Thánh Kinh và truyền thống

Cái hiểu của Luther về Kinh Thánh, việc giải thích nó, và các truyền thống của con người

195. Cuộc tranh cãi liên quan tới việc truyền bá Chín Mươi Lăm Luận Đề về ân xá của Luther mau chóng đặt ra câu hỏi là khi có tranh chấp, người ta có thể dựa vào thẩm quyền nào. Nhà thần học của giáo triều là Sylvester Prierias, trong câu trả lời đầu tiên cho các luận đề của Luther về ân xá, đã lập luận như sau: "Bất cứ ai không tuân giữ giáo huấn của Giáo Hội Rôma và của Đức Giáo Hoàng như quy luật không thể sai lầm của đức tin mà từ đó Thánh Kinh cũng lấy được sức mạnh và thẩm quyền của nó: người ấy là một kẻ lạc giáo "(72) Còn John Eck thì trả lời Luther như sau: ".. Kinh Thánh không chân chính nếu không có thẩm quyền của Giáo Hội" (73). Cuộc xung đột nhanh chóng từ một tranh cãi về vấn đề tín lý (cái hiểu đúng đắn về ân xá, thống hối, và xá tội) chuyển thành một vấn đề về thẩm quyền trong Giáo Hội. Trong trường hợp có tranh chấp giữa các thẩm quyền khác nhau, Luther chỉ có thể coi Kinh Thánh như là thẩm phán tối hậu vì nó đã tự chứng minh mình là một thẩm quyền hữu hiệu và mạnh mẽ, trong khi các thẩm quyền khác chỉ đơn giản lấy sức mạnh từ nó mà thôi.

196. Luther coi Thánh Kinh như là nguyên lý đầu tiên (primum principium) (74) mà trên đó tất cả các tuyên bố thần học phải trực tiếp hoặc gián tiếp dựa vào. Là một giáo sư, nhà thuyết giảng, nhà cố vấn, và đối tác đối thoại, ông thực hành thần học như là một cách giải thích Kinh Thánh một cách nhất quán và phức tạp. Ông xác tín rằng các Kitô hữu và các nhà thần học không nên chỉ gắn bó với Thánh Kinh, nhưng phải sống và ở lại mãi trong đó. Ông gọi điều này là "tử cung của Thiên Chúa, trong đó Người tượng thai chúng ta, mang thai chúng ta và sinh ra chúng ta" (75).

197. Theo Luther, cách đúng đắn để học thần học là một quá trình ba bước gồm oratio [cầu nguyện], meditatio [suy niệm], tentatio [phiền não hoặc thử thách] (76). Trong khi cầu xin Chúa Thánh Thần làm thầy dậy, ta nên đọc Kinh Thánh trước nhan Thiên Chúa, trong lời cầu nguyện, và trong khi ấy, suy niệm về những lời của Kinh Thánh, lưu ý tới các tình huống trong đời xem ra mâu thuẫn với những gì tìm thấy ở đó. Qua diễn trình này, Thánh Kinh chứng tỏ thẩm quyền của nó bằng cách vượt qua các phiền não này. Như Luther từng nói: "Hãy lưu ý: sức mạnh của Thánh Kinh là đây, nó không bị thay đổi thành người đang nghiên cứu nó, nhưng nó biến đổi người yêu thương nó thành chính nó và sức mạnh của nó" (77). Trong bối cảnh kinh nghiệm này, điều trở nên hiển nhiên là người ta không chỉ giải thích Thánh Kinh, mà còn được nó giải thích, và đây là điều chứng tỏ sức mạnh và thẩm quyền của nó.

198. Kinh Thánh làm chứng cho sự mặc khải của Thiên Chúa; như vậy, nhà thần học nên cẩn thận đi theo cách thức phát biểu sự mặc khải của Thiên Chúa trong các sách Kinh Thánh (modus loquendi scripturae). Nếu không, người ta sẽ không coi trọng sự mặc khải của Thiên Chúa cách trọn vẹn. Những tiếng nói đa dạng của Kinh Thánh được tổng hợp thành một tổng thể bằng cách qui chiếu chúng vào Chúa Giêsu Kitô: "Lấy Chúa Kitô ra khỏi Kinh Thánh, thì các bạn còn tìm được gì trong đó?" (78). Do đó, "điều dẫn tới Chúa Kitô" (was Christum treibet) là tiêu chuẩn để giải quyết các vấn đề liên quan tới tính qui điển và các giới hạn của qui điển. Nó là một tiêu chuẩn được khai triển từ chính Kinh thánh và trong một vài trường hợp, được áp dụng một cách có phê phán vào các sách đặc thù, như thư Giacôbê.

199. Luther hiếm khi sử dụng biểu thức "sola scriptura". Mối quan tâm chính của ông là: không có gì có thể đòi một thẩm quyền cao hơn Kinh Thánh, và ông hết sức nghiêm khắc chống lại bất cứ ai và bất cứ điều gì thay đổi hoặc di dời các câu chữ của Kinh Thánh. Nhưng dù khẳng định thẩm quyền của một mình Kinh Thánh, ông đã không đọc một mình Kinh Thánh nhưng tham chiếu các bối cảnh đặc thù và trong tương quan với các kinh Tin Kính có tính Kitô học và Chúa Ba Ngôi của Giáo Hội tiên khởi, các kinh, đối với ông, vốn bày tỏ ý định và ý nghĩa của Kinh Thánh. Ông tiếp tục học hỏi Kinh Thánh qua Sách Giáo Lý Nhỏ và Lớn, được ông coi là những bản tóm tắt ngắn của Kinh Thánh, và thực hành việc giải thích của ông trong khi tham chiếu các giáo phụ, đặc biệt là Thánh Augustinô. Ông cũng đã sử dụng rộng dài nhiều cách giải thích khác đã có trước đây và đã rút tỉa từ mọi trợ cụ sẵn có của khoa ngữ văn nhân bản. Ông tiến hành việc giải thích Thánh Kinh của mình bằng cách trực tiếp tranh luận với các quan niệm thần học của thời ông và của các thế hệ trước đó. Cách đọc Thánh Kinh của ông dựa trên kinh nghiệm và được thực hành một cách nhất quán bên trong cộng đồng tín hữu.

200. Theo Luther, Thánh Kinh không chống đối mọi truyền thống mà chỉ chống đối điều gọi là các truyền thống của con người. Về các truyền thống này, ông nói, "Chúng tôi chỉ trích các học thuyết của con người không phải vì họ đã nói ra chúng, nhưng vì chúng là những lời láo khoét và phạm thượng chống lại Thánh Kinh. Và Thánh Kinh, mặc dù cũng được viết bởi con người, nhưng chúng không phải là của con người cũng không phải là từ con người nhưng là từ Thiên Chúa"(79). Đối với Luther, khi đánh giá một thẩm quyền khác, câu hỏi quyết định là thẩm quyền này làm lu mờ Kinh Thánh hay tiếp nhận sứ điệp của nó và làm cho nó có ý nghĩa trong một bối cảnh đặc thù. Do sự rõ ràng bên ngoài của nó, ý nghĩa của Kinh Thánh có thể được nhận diện; do sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Thánh Kinh có thể thuyết phục được trái tim của con người về các sự thật của nó, tức sự rõ ràng bên trong của Thánh Kinh. Theo ý nghĩa này, Thánh Kinh là người giải thích của chính nó.

Các quan tâm Công Giáo về Kinh Thánh, truyền thống, và thẩm quyền

201. Vào thời điểm khi những câu hỏi mới liên quan đến việc biện phân các truyền thống và thẩm quyền giải thích Kinh Thánh được đặt ra, Công đồng Trent cũng như các nhà thần học thời đó đã cố gắng đưa ra một câu trả lời cân bằng. Kinh nghiệm của Công Giáo là: đời sống Giáo Hội được phong phú hóa và được xác định bởi nhiều nhân tố đa dạng, chứ không thể rút gọn vào một mình Kinh Thánh mà thôi. Công Đồng Trent chủ trương rằng Kinh Thánh và các truyền thống Tông Đồ bất thành văn là hai phương thế để chuyển giao Tin Mừng. Điều này đòi phải phân biệt các truyền thống tông đồ khỏi các truyền thống Giáo Hội, là các truyền thống tuy có giá trị, nhưng thuộc thứ cấp và có thể thay đổi. Người Công Giáo cũng lo ngại đối với nguy cơ có thể có những kết luận tín lý được rút ra các giải thích tư riêng về Kinh Thánh. Dưới ánh sáng này, Công đồng Trent khẳng định rằng việc giải thích Kinh Thánh phải được hướng dẫn bởi thẩm quyền giáo huấn của Giáo Hội.

202. Các bậc thầy Công Giáo như Melchior Cano khai triển nhận thức thông sáng sau đây: đánh giá thẩm quyền giáo huấn của Giáo Hội là một điều phức tạp. Cano đã khai triển một hệ thống gồm mười loci, hay mười nguồn của thần học, lần lượt bàn đến thẩm quyền của Kinh Thánh, truyền thống truyền miệng, Giáo Hội Công Giáo, các công đồng, các giáo phụ, các nhà thần học kinh viện, giá trị của tự nhiên, lý do như đã tỏ hiện trong khoa học, thẩm quyền của các nhà triết học, và thẩm quyền của lịch sử. Cuối cùng, ông khảo sát việc sử dụng và việc ứng dụng các loci hoặc các nguồn này, trong cuộc tranh luận kinh viện hay bút chiến thần học (80).

203. Tuy nhiên, trong những thế kỷ sau, có một xu hướng nhằm cô lập huấn quyền như là thẩm quyền giải thích có tính ràng buộc khỏi các loci thần học khác. Các truyền thống Giáo Hội đôi khi bị lẫn lộn với các truyền thống tông đồ và do đó, được coi như nguồn tài liệu có giá trị tương đương đối với đức tin Kitô giáo. Cũng có một sự miễn cưỡng trong việc thừa nhận khả thể phê phán các truyền thống Giáo Hội. Nền thần học của Vatican II, xét toàn bộ, có cái nhìn cân bằng hơn đối với các thẩm quyền khác nhau trong Giáo Hội và mối tương quan giữa Kinh Thánh và truyền thống. Trong Dei Verbum 10, một bản văn huấn quyền, lần đầu tiên khẳng định rằng chức vụ giáo huấn của Giáo Hội "không ở trên Lời Thiên Chúa, nhưng ở thế phục vụ nó".

204. Vai trò của Kinh Thánh trong đời sống của Giáo Hội được nhấn rất mạnh khi Công đồng Vatican II nói rằng "sức mạnh và quyền lực trong lời của Thiên Chúa là lớn lao đến nỗi hiện diện như là sự nâng đỡ và là năng lực của Giáo Hội, là sức mạnh đức tin đối với con cái Giáo Hội, là lương thực của linh hồn, nguồn tinh khiết và vĩnh cửu của đời sống thiêng liêng"(DV 21) (81). Do đó, các tín hữu được khuyên phải thực hành việc đọc Kinh Thánh, trong đó Thiên Chúa nói với họ, kèm theo lời cầu nguyện (DV 25).

205. Cuộc đối thoại đại kết giúp người Luthêrô và người Công Giáo đi đến một cái nhìn dị biệt hóa nhiều hơn về các điểm qui chiếu và thẩm quyền khác biệt vốn đóng một vai trò trong diễn trình thể hiện những gì đức tin Kitô giáo muốn nói và đức tin này nên khuôn định cuộc sống của Giáo Hội ra sao.

Cuộc đối thoại Công Giáo-Luthêrô về Kinh Thánh và truyền thống

206. Như một hệ quả của việc đổi mới Kinh Thánh, vốn là nguồn cảm hứng của Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum của Công Đồng Vatican II, một cái hiểu đại kết mới về vai trò và ý nghĩa của Kinh Thánh đã trở thành khả hữu. Như văn kiện đại kết Tính Tông Truyền của Giáo Hội từng quả quyết, "tín lý Công Giáo, do đó, không chủ trương điều bị nền thần học Cải Cách sợ hãi và muốn tránh bằng bất cứ giá nào, đó là, rút thẩm quyền kinh thánh như có tính qui điển và ràng buộc từ thẩm quyền của phẩm trật Giáo Hội, là thẩm quyền đã công bố qui điển này "(ApC 400).

207. Trong cuộc đối thoại, người Công Giáo đã nhấn mạnh các xác tín có chung với Phong Trào Cải Cách, chẳng hạn như tính hữu hiệu của các bản văn Kinh Thánh do Chúa Thánh Thần linh hứng để "truyền đạt sự thật mặc khải nhằm đào tạo tâm trí con người, như đã được khẳng định trong 2 Tm. 3:17 và tuyên bố của Vatican II (DV 21-25) "(ApC 409). Người Công Giáo nói thêm, "tính hữu hiệu này đã và đang có tác dụng trong Giáo Hội trong các thời gian qua, không chỉ ở nơi các tín hữu cá nhân, mà còn ở nơi các truyền thống Giáo Hội, cả trong các biểu thức cao cấp về tín lý như các quy tắc của đức tin, các kinh tin kính, giáo huấn của công đồng, và trong các cơ cấu chính của việc thờ phượng công cộng ... Thánh Kinh đã tự làm nó hiện diện trong truyền thống, nên truyền thống này có khả năng đóng một vai trò giải thích chủ yếu. Vatican II không nói rằng truyền thống làm phát sinh những chân lý mới bên ngoài Thánh Kinh, nhưng nó chuyển tải một sự chắc chắn về mặc khải, được Thánh Kinh chứng thực"(ApC 410).

208. Đối với nền thần học Luthêrô, cuộc đối thoại đại kết khiến nó cởi mở đối với xác tín của Công Giáo rằng tính hữu hiệu của Thánh Kinh không phải chỉ hoạt động nơi các cá nhân, mà còn hoạt động trong Giáo Hội như một toàn thể. Bằng chứng của điều này nằm ở vai trò của các Tuyên Tín Luthêrô dành cho các Giáo Hội Luthêrô.

Thánh Kinh và truyền thống

209. Ngày nay, vai trò và ý nghĩa của Kinh Thánh và truyền thống, do đó, được hiểu cách khác trong Giáo Hội Công Giáo Rôma so với cách hiểu thần học đối nghịch của Luther. Về vấn đề giải thích Kinh Thánh một cách chân chính, người Công Giáo vốn nói rằng, "Khi tín lý Công Giáo chủ trương rằng ‘phán quyết của Giáo Hội’ có một vai trò trong việc giải thích Kinh Thánh cách chân chính, nó không gán cho huấn quyền Giáo Hội việc độc quyền giải thích, điều mà các tín hữu Cải Cách sợ sệt và bác bỏ một cách chính đáng. Trước khi có Phong Trào Cải Cách, các nhân vật chủ chốt vốn đã cho thấy tính đa nguyên của Giáo Hội về các tác nhân giải thích... Khi Vatican II nói tới việc Giáo Hội có ‘phán quyết tối hậu’ (DV 12), rõ ràng nó muốn tránh chủ trương độc quyền, một chủ trương đòi huấn quyền phải là cơ quan giải thích duy nhất; điều này được xác nhận bởi cả việc cổ vũ chính thức từ nhiều thế kỷ qua đối với việc nghiên cứu Kinh Thánh Công Giáo lẫn việc thừa nhận vai trò của khoa chú giải trong việc chín mùi hóa giáo huấn của huấn quyền trong Dei Verbum 12" (ApC 407).

210. Như vậy, người Luthêrô và người Công Giáo có thể cùng nhau kết luận, "Vì vậy, liên quan tới Kinh Thánh và truyền thống, người Luthêrô và người Công Giáo hiện đang có một sự thỏa thuận sâu rộng đến nỗi các nhấn mạnh khác nhau của họ, tự chúng, không đòi phải duy trì sự chia rẽ hiện nay giữa các Giáo Hội. Trong phạm vi này, có sự hợp nhất trong sự đa dạng đã được hòa giải"(ApC 448) (82).

Nhìn về phía trước: tin mừng và Giáo Hội

211. Ngoài việc giúp người Công Giáo hiểu rõ hơn về thần học của Martin Luther, cùng với việc nghiên cứu lịch sử và thần học, cuộc đối thoại đại kết cũng đã cung cấp cho cả người Luthêrô lẫn người Công Giáo một sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn về học thuyết của nhau, các điểm chính thỏa thuận nhau, và các vấn đề vẫn còn cần được liên tục nói chuyện. Giáo Hội đã trở thành một chủ đề quan trọng trong các cuộc thảo luận này.

212. Bản chất của Giáo Hội là một chủ đề được tranh cãi vào thời điểm có Phong Trào Cải Cách. Vấn đề hàng đầu là mối liên hệ giữa hành động cứu độ của Thiên Chúa và Giáo Hội, là chủ thể vừa lãnh nhận vừa thông ban ơn thánh của Thiên Chúa bằng Lời và bằng bí tích. Mối liên hệ giữa tin mừng và Giáo Hội là chủ đề của giai đoạn đầu trong cuộc đối thoại quốc tế Luthêrô-Công Giáo Rôma. Nhờ báo cáo Malta này, cũng như nhiều văn kiện đại kết tiếp theo khác, ngày nay, người ta có thể hiểu rõ hơn các lập trường Luthêrô và các lập trường Công Giáo và nhận diện được cả các cách hiểu chung lẫn các vấn đề cần được xem xét thêm.

Giáo Hội trong truyền thống Luthêrô

213. Trong truyền thống Luthêrô, Giáo Hội được hiểu như "cộng đoàn các thánh trong đó tin mừng được giảng dạy cách tinh ròng và các bí tích được ban phát một cách đúng đắn" (CA VII). Điều này có nghĩa: đời sống thiêng liêng tập trung tại cộng đoàn địa phương tụ họp quanh bục giảng và bàn thờ. Điều này bao gồm chiều kích Giáo Hội phổ quát vì mỗi cộng đoàn cá thể được nối kết với cộng đoàn khác bằng lời rao giảng tinh ròng và việc cử hành đúng đắn các bí tích, mà vì chúng, thừa tác vụ trong Giáo Hội đã được thiết lập. Người ta nên ghi nhớ rằng Luther, trong cuốn Giáo Lý Lớn của ông, đã gọi Giáo Hội là "người mẹ hạ sinh và nuôi nấng mọi Kitô hữu bằng Lời Thiên Chúa mà Chúa Thánh Thần đã mặc khải và công bố ... Chúa Thánh Thần sẽ ở lại với cộng đoàn thánh [Gemeine] hay dân Kitô giáo cho đến ngày tận cùng. Qua cộng đoàn này, Người đem chúng ta về với Chúa Kitô, sử dụng nó để giảng dạy và rao giảng Lời Chúa"(83).

Giáo Hội trong truyền thống Công Giáo

214. Giáo huấn của Công đồng Vatican II trong Lumen Gentium là điều chủ yếu đối với cái hiểu Công Giáo về Giáo Hội. Các nghị phụ của Công đồng giải thích vai trò của Giáo Hội trong lịch sử cứu rỗi theo quan điểm bí tích: "Giáo Hội ở trong Chúa Kitô giống như một bí tích hoặc như một dấu chỉ và dụng cụ của cả sự kết hợp hết sức chặt chẽ với Thiên Chúa lẫn sự hợp nhất của toàn thể nhân loại "(LG 1).

215. Khái niệm cơ bản để giải thích cái hiểu bí tích này về Giáo Hội lại xuất hiện một lần nữa trong khái niệm mầu nhiệm và khẳng định mối liên hệ không thể tách rời nhau giữa các khía cạnh hữu hình và vô hình của Giáo Hội. Các nghị phụ Công đồng dạy rằng: "Chúa Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất, đã thiết lập và liên tục duy trì ở đây, trên trái đất này,Giáo Hội thánh của Người, cộng đồng đức tin, cậy, mến, như một thực thể được phân định hữu hình qua đó Người truyền đạt sự thật và ơn thánh cho mọi người. Nhưng, xã hội được cơ cấu hóa bằng các cơ phận có phẩm trật và Nhiệm Thể Chúa Kitô, thì không nên bị coi như hai thực tại, cũng không phải là cộng đoàn hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng, cũng không phải là Giáo Hội trần thế và Giáo Hội được phong phú hóa bằng các sự vật trên trời; đúng hơn, chúng tạo thành một thực tại phức tạp hợp thành bởi một yếu tố thần linh và một yếu tố nhân bản "(LG 8).

Hướng tới sự đồng thuận

216. Trong các cuộc đàm thoại Luthêrô-Công Giáo, đã có sự đồng thuận rõ ràng rằng học lý về công chính hóa và học lý về Giáo Hội thuộc về nhau. Cái hiểu chung này đã được quả quyết trong văn kiện Giáo Hội và Công Chính Hóa: "Người Công Giáo và người Luthêrô cùng nhau tuyên xưng rằng sự cứu rỗi chỉ được ban cho trong Chúa Kitô và bởi ơn thánh mà thôi và được tiếp nhận bằng đức tin. Họ cùng đọc chung kinh tin kính, cùng tuyên xưng ‘Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền’. Cả việc công chính hóa các người tội lỗi và Giáo Hội đều là các điều căn bản của đức tin "(Church and Justifications, 4).

217. Giáo Hội và Công Chính Hóa cũng khẳng định: "Nói cho đúng và thích đáng ra, chúng ta không tin vào sự công chính hóa và vào Giáo Hội, nhưng tin vào Chúa Cha, Đấng đã thương xót chúng ta và đã tập họp chúng ta trong Giáo Hội như là dân của Người; và tin vào Chúa Kitô, Đấng công chính hóa chúng ta và thân thể Người chính là Giáo Hội; và tin vào Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa chúng ta và ngự trong Giáo Hội. Đức tin của chúng ta bao gồm sự công chính hóa và Giáo Hội như là công việc của Thiên Chúa Ba Ngôi, một công việc chỉ có thể được nhận lãnh một cách thích đáng bằng đức tin vào Người "(Church and Justification, 5).

218. Mặc dù các văn kiện Giáo Hội và Công Chính Hóa Tính Tông Truyền của Giáo Hội có những đóng góp đáng kể vào một số vấn đề chưa được giải quyết giữa người Công Giáo và người Luthêrô, cuộc đối thoại đại kết thêm nữa vẫn còn cần thiết đối với các vấn đề: mối liên hệ giữa tính hữu hình và tính vô hình của Giáo Hội, mối liên hệ giữa Giáo Hội phổ quát và địa phương, Giáo Hội như bí tích, sự cần thiết của bí tích phong chức trong đời sống Giáo Hội, và đặc điểm bí tích của việc tấn phong giám mục. Cuộc thảo luận trong tương lai phải tính đến công việc quan trọng đã được thực hiện trong các văn kiện này và nhiều văn kiện quan trọng khác. Trách vụ này hiện rất cấp bách vì người Công Giáo và người Luthêrô vốn không lúc ngừng việc cùng nhau tuyên xưng niềm tin của họ vào "Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền".

Kỳ sau: Chương V: Được kêu gọi kỷ niệm chung
 
Văn Hóa
Chuyện Bác Chuyện Em: Chiếu Bí!
Nguyễn Trung Tây
06:14 06/11/2016
□ Nguyễn Trung Tây
Chuyện Bác Chuyện Em: Chiếu Bí! (Luca 20:27-38)


□ Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra ở khắp nơi, Việt Nam, Mỹ, Úc, Do Thái… Em đi tu mà em cũng có thể là một nhân vật đã lập gia đình.

Cuối vụ mùa, lúa thóc đã đong đầy kho, bác rảnh rỗi, không có chuyện chi làm. Gặp em ngoài ngõ, bác mừng hết lớn, rủ em ghé vào nhà đánh cờ tướng. Trời tháng Giêng, gió thổi mát. Quan bác quan em bày cờ ra trước sân. Bên cờ đen bên cờ trắng. Mới đi được mấy nước hàng xóm hai bên đã nghe thấy tiếng em hét to,

— Chiếu!

Bác không vừa, càu nhàu, tay nhấc quân cờ,

— Gớm, làm gì mà hét tướng lên như thế. Chiếu thì đây lên tượng.

Em không bỏ cuộc,

— Được! Bên đó ngon... Lên tượng thì đây lại xuống pháo. Chiếu.

Bác dài ngoằng cần cổ,

— Gớm, làm như thế gian chỉ có mình ta! Chiếu pháo thì đằng này lại xuống sĩ.

Em như đang hứng chí,

— Xuống sĩ! Này, thì cho xuống sĩ. Đây kéo xe xuống cho bay luôn bộ đồ lòng. Chiếu tiếp.

Bác há hốc mồm, ngỡ ngàng nhìn bàn cờ nát bét... Biết không còn chi cứu vãn, bác giọng hờn mát, tay đẩy bàn cờ sang một bên,

— Gớm, ông đánh cờ mà cứ làm như đi đánh giặc. Thôi không chơi nữa.

Em giọng điệu châm chọc,

— Lại cáu gắt mắm tôm rồi! Thua thì nhận đi cho cao cờ.

Bác thua, quê lắm, nhưng cũng cố gắng chữa thẹn,

— Gớm! Ông thần học được ở đâu mà có cái nước pháo đùng rùng rợn đến thế. Cứ y như pháo nổ trận cổ thành Quảng Trị.

Em đáp nhời,

— Ở đâu ra, học ở Chúa chứ ở đâu ra.

Như người nắm được bè chuối giữa dòng sông cái, vớ được đuôi tóc, quan bác mắng liền quan em,

— Chú chỉ được cái ưa vẽ chuyện!

Em làm mặt nghiêm,

— Ơ bác, em nói chửa xong… Bác có biết hồi xưa Chúa Giêsu cũng là một tay cờ tướng đấy, mà cao thủ chứ đâu phải chuyện bỡn...

Bác nhìn em, chỉ tay lên hướng tháp chuông nhà thờ,

— Ăn nói vớ vẩn, tới tai cụ, cụ lại mắng cho mấy mắng!

Bác được nước, chiếu tới,

— Hay là ông đi với tôi lên trình cụ, gõ cửa, thưa với cụ hẳn hoi là hồi xưa Chúa cũng đánh cờ tướng.

Em gân cổ lên cãi,

— Ơ hay, làm gì mà phải lôi cụ ra hù dọa. Xin bẩm với quan bác ba mặt một nhời, bác đừng có mang ma ra hù Đức Giáo Hoàng...

Em lẩm bẩm trong miệng,

— Nghe chưa rõ chuyện mà cứ nói át tiếng của người ta.

Em hỏi vặn lại bác,

— Này, có đi tham dự một ván lễ Chúa Nhật tuần vừa qua hay không, hay là lại nằm dài ra ở nhà coi football cá độ?

Bác gắt gỏng,

— Ông thì ăn nói cứ như cha cụ ở trên tòa. Mà đã bảo bao nhiêu lần rồi, nhưng vẫn cứ chứng nào tật nấy. Thánh lễ Misa mà cứ nằng nặc một hai nói là ván lễ. Cứ làm như một ván cờ.

Em cười giả lả,

— Thì thánh lễ. Mà em hỏi nhưng bác vẫn chưa trả lời. Bác có dự lễ Chúa Nhật tuần rồi hay không? Nếu đi thì bác đã biết Chúa đánh cờ tướng ra sao rồi.

Bác nhìn, ánh mắt nghi ngờ,

— Thì ông nói đi.

Em nhẩn nha,

— Này nhé, đang cơm lành canh ngọt tự nhiên mấy ông Sadducee ngứa mình kéo tới đền thờ bày cờ triệt tính chiếu bí Chúa Giêsu qua cái vụ bẩy anh em lấy một bà vợ.

Bác như đã vỡ chuyện, thong thả góp chuyện,

— Ừ, ông nói tôi mới chợt nhớ ra. Mà cái người Do Thái cũng đến là lạ, tự nhiên ở đâu chui ra cái vụ anh em trong nhà rủ nhau túm tùm lấy chung một bà. Mà mấy ông Sadducee là thuộc trường phái chi vậy cà?

Em giải thích như thầy đồ ngồi trên bục,

— Cái này là phong tục của xứ người ta từ thời ông Môisen (Deut 25:5). Đối với mình thì là lạ, nhưng đối với người ta thì là chuyện tiếp nối dòng dõi. Còn mấy ông thần nước mặn Sadducee, họ không tin có đời sau. Đối với họ, chết là hết. Cho nên mấy ông thần mới chế ra câu chuyện bẩy anh em cùng cưới một bà để mà chiếu bí Chúa.

Bác như vỡ nhẽ, à to một tiếng,

— Thôi, tôi hiểu rồi.

Bác tiếp nhời,

— Nhưng đến là dại… Nhè ai không chiếu lại nhắm ngay Chúa. Thua chắc…

Em gật gù,

— Vâng! Thế thì nó mới ra chuyện. Thoạt đầu cứ tưởng là gài cờ triệt để bẻ mặt Chúa. Nhưng hóa ra lại bị phản đòn, chưa hết lại còn bị Chúa mắng cho mấy mắng.

Bác hỏi lại,

— Gài cờ triệt?

Em nói ngay,

— Vâng! Thì đấy, họ hỏi, “Vào ngày sau hết, khi người ta sống lại, cái bà này sẽ là vợ của ai trong bẩy người?”.

Tới phiên bác gật gù,

— Ừ, nghe cũng có lý. Thế rồi Chúa “phản đòn” như thế nào?

Em ăn nói thông suốt cứ như trạng sư trong phiên tòa,

— Thì bác nom đi, Chúa nói rõ ràng hẳn hoi… chỉ có trần gian thiên hạ mới cưới hỏi rộn ràng. Còn những người đã sống lại, họ trở nên giống như các thiên thần; cho nên đâu còn có cái vụ dựng vợ gả chồng ở đời sau…

Bác vẻ hài lòng,

— À! Thì ra là thế. Còn Chúa mắng?

Em giả nhời,

— Chúa đánh một cái cốp vào vụ mấy ông “thần” không tin có sự sống đời sau. Chúa nói sao các ông dốt như thế, chính Môisen cũng đã từng lên tiếng xác nhận chuyện người chết sống dậy đó. Trong sa mạc, chính Môisen đã gọi Giavê Thiên Chúa “là” Chúa của tổ phụ Abraham, của tổ phụ Isaac, và của tổ phụ Jacob đấy.

Bác vẻ ngần ngại, chép miệng

— Chỗ này quả thật là tớ hơi lạc. Chúa Nhật hôm qua, lúc cụ giảng tới cái đoạn này, tớ cứ như vịt nghe sấm…

Em nhanh nhẹn,

— À, vào cái thời mà ông Môisen gặp gỡ Chúa trong bụi gai, khi đó cả ba ông tổ đều đã chết hết rồi, nhưng Thiên Chúa vẫn giới thiệu Ngài “‘là’ Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaac, Chúa của tổ phụ Jacob” (Exodus 3:6, 15, Luke 20:37). Như vậy rõ ràng Giavê là Thiên Chúa của những sống chứ đâu phải của những kẻ đã chết.[1]
Em vỗ tay xuống đùi một cát đét

— Mà bác xem coi, thiệt đúng là Chúa, mở đầu câu chuyện mấy ông thần nước mặn lôi luật Môisen ra làm mối cột cho câu chuyện bẩy anh em lấy cùng một bà (Luke 20:28). Tới phiên Chúa, Chúa cũng lại dùng chính ngay Môisen để mắng mấy ông Sadducee mấy mắng. Cái này ta gọi là gậy ông lại đập lưng ông, thế là bên kia tịt ngòi, ngồi im như ngậm bị thóc.

Bác chọc tổ ong,

— Gớm, đánh cờ thì dở như hạch, lâu lâu mới vớ được một ván đã hét tướng lên cứ y như người dở hơi mà sao Kinh Thánh lại rành rẽ đến thế. Khai thật đi, có phải tu xuất hay không?

Em càu nhàu tựa chó cắn ma,

— Bác cứ ưa rỗi chuyện, thôi dựng lại bàn cờ mới đi.

Bác gật gù,

— Được, để coi kỳ này ai bày cờ, ai chiếu bí ai...

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com


Chú Thích

[1] Trong Sách Xuất Hành, Giavê Chúa hiện ra trong bụi cây, và Ngài giới thiệu với Môisen, “Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Jacob (Exodus 3:6, 3:15). Trong bản tiếng cổ Do Thái, câu, “Ta là Thiên Chúa của…” nằm ở thể hiện tại, không phải quá khứ. Chúa Giêsu đã sử dụng thuật ngữ khi Ngài trích câu 3:6 và 3:15 của sách Xuất Hành. Ý Đức Giêsu muốn nói chính Môisen cũng không viết là “Thiên Chúa [đã là] Thiên Chúa của…” nhưng mà “Thiên Chúa [là] Thiên Chúa của…” Trong văn phạm tiếng Việt, thuật ngữ của câu Luca 20:37 không được minh họa rõ nét.
 
Về Làng Sông viếng mộ các Ân Sư
Sơn Ca Linh
09:57 06/11/2016
Về Làng Sông viếng mộ các Ân Sư

Ta về Làng Sông giữa mùa Các Đẳng,
Thấy nước ngập đồng và nghe tiếng sao reo,
Tìm lại đường xưa quạnh quẽ cheo leo,
Lối bước ta đi một thời bé dại.

Ta về Làng Sông mà như sống lại,
Cái thuở hồn nhiên vọc nước lội bùn,
Thả hồn theo mây trắng không trung,
Mà vẽ lại những hình thù ngộ nghĩnh.

Ta về Làng Sông để nghe đời yên tịnh,
Tiếng ai xưa đang nhỏ nhẹ thì thầm.
Hành lang giờ đang cầu nguyện tĩnh tâm,
Màu vôi cũ tháng năm giờ đã bạc.

Ta về Làng Sông nghe hàng sao đang hát,
Hoa sao mùa nầy lại đã hết rơi.
Sân cỏ ngày xưa rộn rã tiếng cười,
Giờ lặng lẽ nhìn rong rêu phế tích.

Ta về Làng Sông tìm phút giây tịch mịch,
Ngọn đèn chầu leo lắt giọng kinh trưa,
Nhớ người đi người ở lại lưa thưa,
Mà “cổ kính” đâu đây còn in bóng !

Ta về Làng Sông nghe tiếng ca đồng vọng,
Nhạc dương cầm thoang thoảng vẫn còn đây.
Tuổi thơ nào mà giờ đã chân mây,
Một chớp mắt nay đã thành cổ độ.

Ta về Làng Sông đi giữa hàng cổ mộ,
Mùa hành hương Các Đẳng vọng ân sư.
Thắp nén hương và nguyện Chúa nhân từ,
Xin thương xót bao linh hồn đã khuất.

Ta về Làng Sông nghe giọng cười náo nức,
Lại rũ nhau về bầy chim nhỏ líu lo.
Lại những bước chân cùng lên một chuyến đò,
Cuộc phiêu lưu ơn gọi giờ tiếp diễn !

Sơn Ca Linh
Tháng Các Đẳng Linh Hồn 2016
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cá Hồng
Nguyễn Bá Khanh
20:06 06/11/2016
CÁ HỒNG
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Buổi chợ đông con cá hồng chê lạt
Buổi chợ tàn con tép bạc phải mua.
(Ca dao)