Ngày 06-11-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Bẩy 7/11: Sử dụng tiền của cho đúng cách - Suy Niệm của Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
03:34 06/11/2020

Phúc Âm: Lc 16, 9-15

"Nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao của chân thật cho các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời. Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con.

"Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được". Những người biệt phái là những kẻ tham lam, nghe nói tất cả những điều đó, thì nhạo cười Người. Vậy Người bảo các ông rằng: "Chính các ông là những kẻ phô trương mình là công chính trước mặt người ta, nhưng Thiên Chúa biết lòng các ông; bởi chưng điều gì cao sang đối với người ta, thì lại là ghê tởm trước mặt Thiên Chúa".

Ðó là lời Chúa.
 
Chúa nhật 32A: Đền đầy dầu cháy sáng
Lm. Xuân Hy Vọng
09:15 06/11/2020
ĐÈN ĐẦY DẦU CHÁY SÁNG

Kính thưa quý ông bà và anh chị em rất thân mến! Với cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ đầy kịch tính không chỉ tại Mỹ mà dậy sóng sôi sục tại nhiều nơi trên toàn thế giới. Dường như khác với mọi kỳ bầu cử, riêng lần này với nhiều biến cố, sự kiện cũng như vô vàn sự thật phơi bày ra trước mắt chúng ta, thì hầu hết đâu đó có chung một nhận định: đây không đơn thuần là cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, mà là cuộc chiến cam go giữa chân lý và gian dối, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa thiện lành và ác dữ…Qua đây, chúng ta thấy được yếu tố ‘tỉnh thức’, ‘sẵn sàng’ và ‘kiên vững’ rất quan trọng trong khi chờ đợi chiến thắng vinh quang của chân lý.

Song, Tin mừng hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến lí do khác trong dụ ngôn ‘mười cô trinh nữ’. Trong lúc chờ đợi chàng rể tới, cả mười cô đều ngủ thiếp đi, bất luận là khôn ngoan hay khờ dại “…vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả” (x. Mt 25, 5). Tại sao chàng rể lại đến trễ? Phải chăng chàng rể muốn đến muộn như vậy? Rất nhiều nghi vấn được đặt ra, nhưng tựu chung lại, chúng ta thấy rằng: Thiên Chúa đến không theo lịch trình, thời gian, kỳ vọng của con người. Ngài thực hiện chương trình theo thánh ý và theo thời điểm của Ngài.

Tuy nhiên, một thực tế rõ ràng là người khôn ngoan hay kẻ khờ dại đều không thể nào chiến thắng ‘trạng thái buồn ngủ, thiếp đi’ trong lúc chờ đợi. Vô số lí do vì sao chúng ta lại ngủ thiếp đi. Có lẽ quá mệt mỏi về thể xác cũng như tinh thần! Hay thao thức, kỳ vọng điều mình muốn mà nó lại chẳng đến hoặc chưa đến, nên chúng ta cảm thấy thất vọng, chán chường! Hơn thế, chúng ta không đủ tỉnh táo, mất đi động lực, nhuệ khí tan biến,…nên dễ dàng rơi vào trạng thái ngủ thiếp đi. Nếu ai trong chúng ta có trải nghiệm chăm sóc người bệnh, đặc biệt người thân thì nhận ra được tính hệ trọng, khẩn cấp của việc tỉnh thức ra sao.

Quả thật, trong đời chúng ta, ít nhiều ai cũng đã rơi vào trường hợp ‘ngủ thiếp’ và ‘chưa tỉnh thức’; nhưng điều quan trọng hơn mà dụ ngôn ‘mười cô trinh nữ’ lột tả, chính là: đèn và dầu. Trong số mười cô trinh nữ, cho dù khôn ngoan hay khờ dại, ai cũng mang đèn, song điểm khác biệt lớn lao và mang tính quyết định là: năm cô khôn ngoan chuẩn bị dầu thắp đèn tươm tất và dồi dào, còn năm cô khờ dại thì chẳng mang theo dầu thêm đề phòng trong trường hợp đèn hết dầu nữa chừng. Ở đây, chúng ta nói đến sự khôn ngoan trong đời sống đức tin, hơn là tính thông minh, sáng dạ, khôn khéo, lanh lợi nơi bản tính con người, hay theo cấp độ xã hội. “Những ai yêu mến Đức Khôn Ngoan, sẽ xem thấy dễ dàng, và những ai tìm kiếm, sẽ gặp được. Đức Khôn Ngoan sẽ đón tiếp những ai khao khát…” (x. Kn 6, 12-13). Ai trong chúng ta đều được Chúa ban cho ánh sáng đức tin qua biểu tượng “cây nến cháy sáng” hay “chiếc đèn sáng rực” khi chúng ta được lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Rồi lớn dần lên, chúng ta được trau dồi, học hỏi, rèn luyện trong đời sống đạo đức từ cách dạy dỗ, hướng dẫn của cha mẹ, của cha xứ, quý sơ và các anh chị giáo lý viên, v.v…ngõ hầu ánh sáng đức tin ấy ngày càng được bừng cháy. Trên hết, Thiên Chúa luôn đồng hành, nâng đỡ, khích lệ, giáo dục chúng ta từng bước qua Giáo Hội, qua việc tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích, qua việc đọc-học-suy niệm Kinh Thánh, qua sinh hoạt giáo xứ trong các hội đoàn, qua mọi biến cố vui hay buồn trong đời, v.v…, cụ thể, Ngài tuôn đổ hồng ân, ơn lành, đặc sủng, đoàn sủng, những ơn cần thiết, thậm chí Ngài ban cả Thánh Thần cho chúng ta. Vậy, hình ảnh ‘dầu’ ở đây chính là ơn thánh, là Đức Khôn Ngoan, là chính Chúa Thánh Thần. Đèn cháy sáng cần dầu thế nào, thì đời sống đức tin cần đến ơn Chúa, sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh như vậy.

Hơn nữa, hình ảnh ‘dầu’ cũng khiến chúng ta liên tưởng đến sự nỗ lực cộng tác với ơn Chúa hằng ngày, qua việc hy sinh sống Lời Chúa giữa những bề bộn cuộc sống thực dụng, vật chất này. ‘Dầu’ không chỉ giúp đốt cháy, giữ mãi ánh lửa bừng sáng, mà còn dùng chữa lành, chăm sóc như người Sa-ma-ri-a nhân lành đã làm khi thấy người xa lạ mắc nạn bị vứt bỏ bên lề đường. Với ‘dầu’ này, chúng ta dám bỏ thời gian, của cải, kế hoạch, chương trình, lịch hẹn hò của bản thân mà ân cần chia san với anh chị em đang cần đến mình, bất luận chúng ta biết họ hay không, họ thân quen hay xa lạ với chúng ta hay không! Việc sửa soạn đèn của năm cô khôn ngoan cũng khá ư dễ dàng, bởi lẽ họ đã chuẩn bị lượng dầu dự trữ đầy ắp. Tuy nhiên, tại sao các cô khôn ngoan lại không chia bớt dầu cho năm cô khờ dại? Thậm chí có người còn cho rằng: năm cô khôn ngoan thật ích kỷ, chẳng phải bạn tốt? (giáo dân trong lớp giáo lý trưởng thành của tôi đã nghĩ vậy!!!!). Đễ dễ liên tưởng và trả lời đúng đắn, chúng ta thử nghĩ đến thời gian Chúa gọi chúng ta về (lúc hấp hối), thì thử hỏi chúng ta còn có cơ hội ‘vay mượn’ hay ‘chạy đi mua’ không? Mặc khác, ơn Chúa ban cho chúng ta theo bậc sống, theo trách vụ của mỗi người nữa như: đặc sủng dành cho những ai sống đời sống thánh hiến khác với đặc sủng của người sống đời sống hôn nhân-gia đình…

Tóm lại, Chúa ban cho chúng ta cả ‘đèn’ và ‘dầu’, nhưng trong khi tỉnh thức chờ đợi theo thời gian của Chúa, thì chúng ta cần noi gương năm cô khôn ngoan. Cho dù có thiếp ngủ đi vì lí do nào đi chăng nữa, thì với ‘đèn đầy dầu’, chúng ta lại tỉnh giấc, thức dậy, sẵn sàng đón chàng rể vào tiệc mừng muôn đời.

Lạy Chúa, xin giúp con như năm cô khôn ngoan
Dù phải thiếp đi trong khi chờ đợi chàng rể đến
Cũng chẳng bao giờ quên ‘đèn đầy dầu cháy sáng’
Như đèn rực rỡ cần đến dầu tràn trề thế nào
Ánh sáng đức tin của con cần đến ơn Thánh đến như vậy.
Xin giúp con luôn luôn sẵn sàng, sửa soạn chong đèn
‘Dầu’ dạt dào mãi đốt cháy ngọn nến sáng yêu thương. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng
 
Cẩn Thận – Sẵn Sàng
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
11:23 06/11/2020
Cẩn Thận – Sẵn Sàng

Suy Niệm Chúa Nhật 32 Thường Niên - Năm A

(Mt 25, 1-13)

Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu thường dùng những hình ảnh cụ thể thường ngày để giúp cho người ta dễ hiểu về mầu nhiệm Nước Trời. Chúa sánh ví Nước Trời như hạt cải, Nước Trời như chuyện mở tiệc cưới. Và hôm nay Chúa nói, Nước Trời giống như chuyện mười cô trinh nữ trong đám rước dâu. Chúng ta tự hỏi: Dụ ngôn ám chỉ điều gì? Và Chúa muốn nói gì với chúng ta dụ ngôn ấy?

Nghe đọc xong dụ ngôn chúng ta thấy có điều không ổn. Sao chàng rể lại đến chậm, vì đến chậm nên các cô phù dâu ngủ cả. Một điều khác nữa là chàng rể trong dụ ngôn đã không cư xử như những chàng rể thông thường. Đây là một chàng rể đặc biệt và một tiệc cưới cũng đặc biệt, bởi trong tiệc cưới đó, mọi người phải tuân giữ những luật lệ khác với những luật lệ thông thường. Và điều khiến người ta thắc mắc và để ý hơn cả đó là đám cưới có bao điều cần thiết, chứ đâu chỉ cần mỗi người một đèn sáng trong tay là vào dự tiệc cưới, chàng rể đến cũng phải đem đèn đi theo chứ, vả lại năm cô có đèn mà đèn hết dầu thì vẫn còn năm cô kia, hai người một đèn không đủ sao? Mà cũng thật là thiếu bác ái trong nhóm phù dâu. Chỉ có mười cô cùng nhóm với nhau thôi mà cũng không chịu chia sẻ dầu cho nhau để tất cả có dầu đèn, cùng vào dự tiệc cưới thì vui biết mấy. Năm cô có đèn nhưng lại hết dầu xin năm cô còn đèn thắp sáng, lại còn dầu dự trữ nữa, thế mà không san sẻ cho bạn. Không những thế, lại còn nói: “E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra hàng mà mua thì hơn” (Mt 25, 9).



Tin Mừng kể lại, chính lúc năm cô đi mua thì chàng rể đến. Mua được dầu rồi, có đèn sáng trong tay thì chàng rể đã đến và cửa đã đóng. Các cô gõ cửa, chú rể đích thân ra, nhưng trả lời một cách khắc nghiệt: “Ta không biết các ngươi” (Mt 25, 12). Các cô là những người giúp việc nhà, là những người quen thuộc, mà chú rể nói rằng không quen, “không biết”. Ừ thì cứ cho rằng không quen biết, vậy năm cô bạn kia đâu, sao không ra đón bạn? Hậu quả là năm cô này được gọi là năm cô khờ dại, vì đã mang được đèn mà không mang dầu theo.

Chúng ta nên nhớ đây chỉ là một dụ ngôn thôi, chứ thực tế không có đám cưới nào hay đám rước dâu nào lại xảy ra như thế cả. Dù chàng rể có tới trễ, chắc chẳng ai ngủ được, phương chi các cô phù dâu, quần áo đầu tóc như thế làm sao mà ngủ nổi? Khi nói dụ ngôn này, Chúa Giê-su chỉ muốn dạy chúng ta một bài học là phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng.

Chàng rể đặc biệt đó ám chỉ Chúa Giê-su, mười trinh nữ phù dâu là toàn thể nhân loại, được Thiên Chúa yêu thương và đón mời về dự tiệc cưới Nước Trời. Dầu và đèn là các điều kiện cần có để được tham dự tiệc cưới ấy. Mười cô phù dâu, có năm cô khôn và năm cô dại. Đó là hình ảnh con người, có người dại người khôn. Căn cứ vào thái độ họ có biết sẵn sàng hay không mà trở thành khôn hay dại. Chúng ta thấy mười trinh nữ phù dâu, các cô khôn, cô dại đều ngủ cả, chứ đâu phải chỉ có những cô dại mới ngủ. Nhưng cái làm cho mười cô trở thành khôn dại khác nhau, là ở chỗ cẩn thận và sẵn sàng. Năm cô khôn đã ngủ, nhưng ngủ trong thái độ sẵn sàng. Còn năm cô dại đã ngủ trong một thái độ chểnh mảng, tới đâu hay tới đó. Nhưng đến khi “hay” được thì đã quá muộn.

Còn việc chàng rể đến chậm, đến trễ, đến bất ngờ chỉ ngày Chúa đến. Chắc chắn Chúa sẽ đến, nhưng hoàn toàn bất ngờ, đột xuất nên ai khôn thì sẵn sàng. Sẵn sàng chờ đón ngày chung cục của thế giới, ngày cánh chung, ngày tận thế, ngày Chúa phán xét toàn thể nhân loại. Ngày đó không ai biết trước được. Sẵn sàng đón nhận giờ chết, giờ bất ngờ, không ai biết trước được. Đòi hỏi mỗi người phải hết sức cẩn thận và sẵn sàng. Đây chính là bài học Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta.

Muốn đón Chúa chúng ta phải khôn ngoan, tỉnh thức, sẵn sàng và phải có đèn. Đèn ở đây là chính tình yêu, một lòng mến bình thường, không gây mỏi mệt và buồn chán. Đèn muốn hữu dụng phải có dầu. Dầu đốt mãi cũng phải hết. Vậy, chúng ta phải tích trữ dầu càng nhiều càng tốt. Từng giọt dầu nhỏ bé được thêm vào liên tục là những công việc nhỏ bé, tốt lành, thiện hảo trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Đó là những giọt dầu của tình yêu mến, giữ cho ngọn lửa đời sống đạo đức của chúng ta luôn cháy sáng như ngọn lửa hồng đầy sức sống. Với dầu cầu nguyện và việc lành, chúng ta sẽ giữ đèn của chúng ta luôn cháy sáng, và Người sẽ nhận ra chúng ta.

Dầu này là dầu không vay không mượn được như người ta tưởng, nên không thể nói đến chuyện thiếu bác ái ở đây. Nhân đức và cách sống không thể cho vay cho mượn để vào Nước Trời, mỗi người phải tự tích luỹ cho mình, nghĩa là phải trở nên người thực thi lời Chúa hơn là người chỉ biết nghe lời Chúa.

Chúng ta không biết ngày hay giờ nào Thiên Chúa đến, nên phải chuẩn bị để khi Người đến chúng ta có thể vào được Nước của Người. Tất cả những gì Chúa Giêsu nói trong bài dụ ngôn này được coi như là một lời cảnh báo yêu thương Chúa dành cho chúng ta, thức tỉnh tâm hồn ta sẵn sàng đón chờ Chúa đến.

Hãy nhớ rằng, một ngày nào đó, cuộc đời chúng ta sẽ chấm dứt, chúng ta không biết ngày đó là ngày nào. Vì thế, phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, tức là chúng ta phải luôn sống tốt lành. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Người khôn ngoan
Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
15:27 06/11/2020
NGƯỜI KHÔN NGOAN
(Mt 25, 1-13)

Tôi xin bắt đầu bài suy niệm này bằng việc giải thích cấu trúc của từ Triết học. Triết học, tiếng Anh viết là philosophy. Từ này đến từ tiếng Hy Lạp gồm hai từ kết hợp lại, đó là philo, tức là yêu mến; và sophia, nghĩa là sự khôn ngoan. Như vậy, triết học có nghĩa là yêu mến sự khôn ngoan hay đi tìm sự khôn ngoan. Môn triết học đưa ta đi tìm hiểu những gì liên quan đến đời sống của con người và vũ trụ, không chỉ có giới hạn ở cuộc sống hiện tại mà đề cập đến những gì xảy ra trong quá khứ và ngay cả trong tương lai. Triết học không chỉ có đặt câu hỏi về một thực trạng thuộc trần gian mà cả đến cuộc sống mai sau của con người.

Những câu hỏi mà các triết gia thường đưa ra, đó là “Thiên Chúa có tồn tại hay không?” “Con người là ai, con người có nguồn gốc từ đâu và sẽ đi về đâu? “Con người có khả năng nhận biết hay không, căn cứ vào đâu để con người nhận biết sự thật?” “Sự thật là gì, sự thiện được hiểu như thế nào, làm sao con người có thể trở nên một người tốt?” “Con người có tương quan như thế nào với nhau, với môi trường và với Thượng Đế?”

Đây là kho tàng của sự khôn ngoan mà môn triết học có ý muốn giúp con người đạt đến. Tuy nhiên, nghịch lý thay môn triết học trong các nhà trường ngày hôm nay thường bị coi nhẹ. Sinh viên thời nay chỉ muốn chọn những môn học nào có liên quan đến sở thích của mình và họ cho là có ích cho nghề nghiệp tương lai. Hay nói cách họ chỉ chọn những môn học liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, kỷ thuật, thương mại, y học... chứ ít ai muốn chịu khó dành thời gian nghe và bàn thảo những chủ đề về sự khôn ngoan.

Thật không ngoa khi ta nhận xét rằng con người thời nay đang thờ ơ với việc yêu mến và tìm kiếm sự ngoan mặc dầu họ biết sự khôn ngoan theo cách hiểu của các triết gia và thần học gia rất cần thiết cho họ. Nói cách khác họ chỉ muốn tìm kiếm sự “khôn ngoan” nào nhằm giúp họ khi ra trường có được việc làm và kiếm được nhiều tiền. Còn những đề tài “Thiên Chúa có tồn tại hay không, con người là ai, làm sao để trở thành người tốt, có sự sống sau khi chết hay không..,” thì họ chẳng màng quan tâm.

Còn đối với người Công Giáo, tháng 11 là tháng cầu nguyện cho các linh hồn, nên chúng ta có cơ hội để suy niệm về chiều sâu của cuộc đời, cụ thể hơn về cái chết, về đời sống mai hậu, để tìm xem chúng ta cần có thái độ như thế nào để chuẩn bị đón nhận cái chết mà không ai có thể chạy trốn. Dĩ nhiên Hội thánh không muốn chúng ta phải chìm đắm trong một cảm giác đau buồn hay nơm nớp sợ hãi về cái chết, nhưng Hội thánh muốn ta luôn sẵn sàng nhìn vào sự chết với thái độ lạc quan và hy vọng, nhìn về một thời khắc quan trọng sẽ đến với mỗi người chúng ta. Vậy làm sao để chúng ta có được sự sẵn sàng đó?

Trong cuốn sách Đường Hy Vọng, Đức Hồng Y Phanxicô Saviê Nguyễn Văn Thuận có kể một câu chuyện như sau: khi một đám trẻ đang vui chơi dưới sân, một giáo viên đến hỏi các em bé rằng: “Nếu trong vòng 5 phút nữa các con chết, các con sẽ làm gì?” Một em trả lời một cách rất tỉnh táo: “Con sẽ vào nhà thờ cầu nguyện.” Em khác lại hối hả thưa: “Con sẽ đi xưng tội...” Cuối cùng một em bé hết sức điềm tĩnh trả lời: “Con-sẽ-tiếp-tục-vui-chơi.” Vâng, đó là câu trả lời của thánh Luy Gonzaga. Câu trả lời này khiến chúng ta cảm thấy hết sức bất ngờ và rất ưng ý, bởi nó mang một ý nghĩa thật là quan trọng, đó là chúng ta cần có cảm giác tự tại và tinh thần sẵn sàng trước mọi tình huống của cuộc sống ngay đến cái chết. Nếu chúng ta luôn chuẩn bị sẵn sàng thì đứng trước cái chết không có lý do gì khiến chúng ta sợ hãi cả.

Thật vậy, sẵn sàng chu toàn mọi công việc là sự khôn ngoan để chúng ta luôn vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh mà mọi biến cố của cuộc sống. Như dụ ngôn mà Chúa dùng để cảnh tỉnh chúng ta hôm nay, dụ ngôn về 10 cô gái được mời đi đón Tân lang để vào dự tiệc. Tuy nhiên, trong mười cô gái đó, chỉ có 5 cô, khi ra đi biết chuẩn bị đèn và đổ đầy dầu. Vì thế khi chàng rể đến họ cầm đèn cháy sáng trên tay để đón chàng rể và hân hoan đi vào dự tiệc. Chúa gọi họ là những cô trinh nữ khôn ngoan. Còn 5 cô gái khác, ra đi dự tiệc cưới, mang theo đèn nhưng không đổ dầu cho đầy bình. Hôm đó chàng rể lại đến muộn, họ không có đủ dầu, vội vã đi xin dầu, nhưng không ai cho vì không ai cho. Oái ăm thay họ đã luống cuống chạy đi xa để mua, nhưng khi trở về, vì đã quá muộn, nên họ đã bị từ chối. Kinh thánh gọi họ là những cô khờ dại.

Bạn thân mến, cuộc đời chúng ta là một chuỗi những lựa chọn. Chúng ta cần chọn và yêu mến sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Lắng nghe lời Chúa dạy và đem Lời Ngài ra thực hành trong cuộc sống là một thái độ hết sức khôn ngoan của chúng ta. Chúa dạy chúng ta phải biết tỉnh thức và sẵn sàng chuẩn bị tâm hồn. Hằng ngày không phải chỉ có biết đâm đầu vào công việc, kiếm tiền, mà quên đi chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng để sẵn sàng đi đón Chúa. Vì giờ phút thiêng liêng đó có thể đến rất bất ngờ, đến bất cứ lúc nào không ai biết.

Hạnh phúc thay cho chúng ta khi luôn tỉnh thức đợi chờ và cầm đèn cháy sáng trong tay để ra đón Chúa. Xin đừng để tâm hồn chúng ta ra ô uế, mê muội chạy theo sự khôn ngoan của trần thế mà đánh mất linh hồn. Và xin cho chúng ta luôn biết tìm đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chuẩn bị sẵn tâm hồn, để khi nghe tiếng Chúa gọi, chúng ta mau mắn đáp lại: “Lạy Chúa, này con đây” (Tv 39, 8).
 
Như các trinh nữ đi đón Chúa
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
16:34 06/11/2020
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN
Như các trinh nữ đi đón Chúa
Kn 6,12-16; 1Tx 4,13-18; Mt 25,1-13

Trong những Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về những diễn từ cánh chung được trình bày trong Tin Mừng Mátthêu (từ chương 24-25). Đây là năm diễn từ cuối cùng về cánh chung. Mỗi Chúa Nhật là một dụ ngôn: Chúa nhật hôm nay bắt đầu dụ ngôn mười trinh nữ, Chúa Nhật tới là dụ ngôn những nén bạc, Chúa Nhật cuối cùng là phán xét chung.

Để chú giải dụ ngôn “mười cô trinh nữ đi đón chàng rể,” chúng ta cần chú ý đến điểm giống nhau và khác nhau của những cô trinh nữ. Hai yếu tố này làm nên sự hấp dẫn và ý nghĩa của dụ ngôn.

1- Điểm giống nhau giữa các trinh nữ

Quả thế, trong dụ ngôn các trinh nữ có những điểm tương đồng đó là: Họ đều đi đón chàng rể, họ đều mang đèn đi (x. Mt 25, 1-5). Điều này cho phép chúng ta suy tư về một khía cạnh chính yếu của đời sống Kitô hữu – đó là chiều kích cánh chung, nghĩa là cuộc sống Kitô hữu là một hành trình đón chờ Chúa và chúng ta hy vọng sẽ gặp Người. Điều này giúp chúng ta trả lời cho câu hỏi muôn thủa: Chúng ta là ai và chúng ta sẽ đi về đâu?

Kinh Thánh nói rằng chúng ta chỉ là những người lữ hành khi sống trên trần gian này. Thánh Phêrô trong thư I nhắc nhở chúng ta rằng: “Anh em là khách lạ và lữ hành” (x. 1 Pr 2,11), khi “sống cuộc đời lữ hành này” (x. 1 Pr 1,17). Quả thế, trần gian là quán trọ, là chốn lưu đày, là đò qua sông, hay là nơi tạm trú tạm bợ như được diễn tả: “Con chim ở trọ cành tre, con cá ở trọ trong khe suối nguồn, tôi nay ở trọ trần gian, trăm năm về chốn xa xăm cuối trời” (Trịnh Công Sơn). Đời sống của người Kitô hữu trên trần gian là một cuộc đời lữ hành tiến về nhà Cha trên trời. Chúng ta không có một nơi nào cố định ở trần gian, nhưng là hướng về tương lai vĩnh cửu là Nước Trời (x. Hr 13,14). Vì thế, các Kitô hữu ở “trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian” (x. Ga 17,11.16). Quê hương đích thực và vĩnh cửu của con người là ở trên trời, chúng ta chờ đợi Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ sẽ đến (x. Pl 3,20).

Theo lịch sử cho biết các Kitô hữu đầu tiên nghĩ rằng Chúa Giêsu sắp trở lại với họ lần thứ hai, nên họ chỉ tập trung vào việc đón chờ Chúa đến. Từ thế kỷ II, cùng với quan niệm rằng: “Tự bản chất, con người là một lữ khách trên trần gian” (thư gửi cho Diogenes), người ta còn quan niệm thế gian là thế giới của tội lỗi, và vì thế, họ không đòi hỏi phải dấn thân xây dựng thế giới này qua các bổn phận trần thế như trong hôn nhân gia đình, trong công việc làm ăn, trong đất nước họ sống. Vì họ cho rằng những điều đó không có gì thuộc về Kitô giáo. Thời đó, người tín hữu quan niệm rằng: “Kết hôn như mọi người chỉ để sinh con cái, chứ chúng không có ích lợi gì cả.” Cách hiểu về “thân phận lữ hành” mang ý nghĩa cánh chung, chứ không theo ý nghĩa hữu thể học. Nghĩa là người Kitô hữu nhận mình là kẻ lữ hành từ ơn gọi, chứ không phải từ bản tính. Dầu họ được tiền định để sống cho một thế giới khác và thế giới đó là nơi họ xuất phát. Ý thức Kitô giáo về kiếp lữ hành dựa trên nền tảng sự phục sinh của Chúa Kitô: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1). Đó là lý do tại sao người Kitô hữu không bác bỏ sự sáng tạo trong sự thiện hảo nền tảng của nó.

Thời gian sau này, việc tái khám phá vai trò và sự dấn thân của người Kitô hữu trong thế giới đã giảm nhẹ ý nghĩa cánh chung, và dường như người ta lại im lặng không nói nhiều về những sự sau: đó là chết, phán xét, hỏa ngục và thiên đàng. Tuy nhiên, sự chờ đợi Chúa trở lại đượm chất Tin Mừng hơn. Theo đó, khi hướng về thiên đàng không cho phép sao nhãng bổn phận dấn thân cho tha nhân, hơn thế, còn thánh hóa bổn phận này. Các Kitô hữu được dạy rằng phải “biết phán xét với sự khôn ngoan những điều tốt lành ở trần gian, khi chúng ta hướng về những điều tốt lành trên trời.” Thánh Phaolô, sau khi nhắc nhở các tín hữu rằng “thời giờ vắn vỏi,” kết luận: “Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin” (Gl 6,10).

2- Những điểm khác biệt giữa các trinh nữ

Với tiến trình nhận thức trên, giờ đây, chúng ta chuyển sang những điểm khác biệt giữa các cô trinh nữ trong dụ ngôn: Quả thế, năm cô được gọi là khôn ngoan, thì đem đèn và đem dầu theo, khi chàng rể đến muộn, họ tỉnh dậy và sẵn sàng để ra đón chàng rể. Còn năm cô được gọi là khờ dại, vì họ mang đèn mà không mang dầu theo, khi chàng rể đến, họ phải đi mua dầu, khi trở về, thì không thể vào dự tiệc cưới. Dầu là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa họ (x. Mt 25,1-13).

Thánh Augustinô giải thích: những cô khờ dại là biểu tượng con người tự nhiên, chưa được ân sủng biến đổi. Còn những cô khôn ngoan biểu tượng của con người đã được ân sủng biến đổi. Chi tiết dụ ngôn về năm cô khôn ngoan không chia sẻ dầu hay giúp đỡ gì cho những cô khờ dại xem ra họ là người ích kỷ và không muốn giúp người khác. Điều này không cho phép chúng ta hiểu như thế. Ở đây, dụ ngôn chỉ muốn diễn tả rằng vào lúc giờ sau hết, người khác không thể thay thế chúng ta lo phần rỗi mình được, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm cho chính mình, nếu không sẽ bị loại ra ngoài. Đây là những bổn phận không thể thay thế. Không có cơ hội để thay thế. Nên phải luôn sẵn sàng và chuẩn bị đầy đủ.

Hình ảnh đèn là biểu tượng của đức tin, còn dầu là biểu tượng của đức ái. Nếu đức tin không có đức ái thì như đèn không có dầu và không thể thắp sáng lên được. Cũng như các trinh nữ, để đi đón chàng rể, họ phải có đèn, dầu và lòng khao khát gặp gỡ, cũng thế, để đi đón Chúa và để gặp Chúa, người Kitô hữu phải có đức tin, đức cậy và đức mến. Đức tin giúp chúng ta tin vào Chúa, nhận biết Chúa là Đấng Cứu Độ của chúng ta. Đức cậy là niềm hy vọng, sự khát khao trông chờ của chúng ta trong cuộc gặp gỡ đó. Và đức ái giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Nếu sống cuộc đời lữ hành này mà không có ba nhân đức đối thần, chúng ta giống như những cô trinh nữ khờ dại, đưa đèn đi đón chàng rể mà không mang dầu. Nhưng nếu có ba nhân đức này, chúng ta giống như những cô khôn ngoan, sẽ được gặp Chúa trong ngày sau hết và sẽ được hưởng hạnh phúc thiên đàng với Chúa trên thiên đàng.

Như thế, chờ đợi Chúa trở lại không có nghĩa là chúng ta mong cho được chết sớm, nhưng là tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nghĩa là hướng toàn bộ đời sống của chúng ta vào trong cuộc gặp gỡ Chúa Kitô và biến cuộc gặp gỡ này thành trụ cột của mọi sự chú ý và là biển chỉ đường cho cuộc sống. Khi đó, lúc nào Chúa đến không còn quan trọng nữa, bởi lẽ chúng ta đã luôn sẵn sàng và tỉnh thức để gặp gỡ Chúa rồi. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:35 06/11/2020

17. Bình an của con không thể theo miệng lưỡi người khác mà thay đổi, bất luận người ta nói con tốt hay xấu, thì con cũng không nên vì đó mà thay đổi.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Sống sao chết vậy!
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
16:35 06/11/2020
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN

Sống sao chết vậy!

Kn 6,12-16; 1Tx 4,13-18; Mt 25,1-13

Chúng ta đang bước vào những tuần cuối cùng của năm phụng vụ. Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng nhìn về phía trước, tới những thực tại cuối cùng. Trong bài đọc II, thánh Phaolô giải thích cho các tín hữu Thêxalônica phải có thái độ nào khi đối diện với cái chết, và trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải sống như thế nào khi chờ Chúa đến: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25,13).

Rõ ràng trọng tâm của dụ ngôn mười cô trinh nữ không phải là chết, nhưng là sự trở lại của Chúa. Tuy nhiên, trong thực tế, đây là hai điều trùng hợp xảy ra đối với mỗi người tín hữu. Vì thế, chúng ta suy tư về chủ đề chết là chủ đề được suy nghĩ nhiều trong tháng 11 hằng năm.

Để an ủi các tín hữu đang đau buồn vì sự ra đi của những người thân, thánh Tông Đồ viết: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu… Vậy anh em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau” (1 Tx 4,13-14.18).

1- Chết, sự thật khó chấp nhận

Vậy đức tin Kitô giáo nói gì về chết? Đó là điều đơn giản nhưng rất lớn lao: rằng chết là sự thật rất hiển nhiên, ai cũng phải chết, đơn giản vì như thế, nhưng chết là khó khăn lớn nhất trong những vấn nạn của con người, nhưng Chúa Kitô đã chiến thắng cái chết! Nhờ đó cái chết của con người không còn như trước nữa, một điều gì đó đã quyết định và đã thay đổi. Chết đã bị đánh mất nọc độc của nó, như con rắn bị lấy đi nọc độc thì nó chỉ còn khả năng làm cho nạn nhân mê đi một lúc, chứ không có thể giết chết nạn nhân được. Kinh Thánh nói: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi (1 Cr 15,55)?

Nhưng Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết như thế nào? Người đã không chạy trốn cái chết, nhưng Người đã chiến thắng sự chết như một kẻ thù bị đẩy lùi. Người đã chiến thắng bằng việc chấp nhận chịu chết. Người đã niếm trải tất cả mọi sự cay đắng của cái chết nơi mình. Người đã chiến thắng sự chết từ bên trong, chứ không phải từ bên ngoài. “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (Hr 5,7). Thật vậy, chúng ta có một thượng tế đã biết cảm thương về nỗi sợ chết của chúng ta. Người biết rất rõ chết là gì! Ba lần trong Tin Mừng chúng ta đọc: Chúa Giêsu đã khóc và hai lần Người khóc trước nỗi đau đối với người chết. Trong vườn Dầu, Chúa Giêsu đã sống cho đến tận cùng kinh nghiệm nhân loại trước cái chết. “Người bắt đầu lo sợ và bồn chồn,” Tin Mừng kể.

Chúa Giêsu đã không đi vào cái chết như người hùng khi biết rằng sự phục sinh sẽ đưa Người ra khỏi cái chết vào đúng lúc. Tiếng kêu trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46; Mc 15,34) cho thấy rằng Chúa Giêsu đã chết như chúng ta, như một người đi qua một ngưỡng cửa tới nơi tối tăm và không còn thấy điều gì nữa để chờ đợi. Người chỉ còn dựa vào niềm trông cậy vững vàng vào Chúa Cha mà Người đã kêu lên: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

2- Chết để sống

Nhưng điều gì xảy ra, khi bước đi qua ngưỡng cửa tối tăm đó? Con người đó mang trong mình Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng không thể chết. Cái chết không còn nọc độc nữa. Nó không thể “nghiền nát” Đức Kitô và Thiên Chúa phải đưa Người tới sự sống, như cá voi đã làm cho Giôna khi ở trên biển (x. Mt 12,40). Cái chết không còn là một bức tường mà khi nó xuất hiện, mọi sự đều bị phá hủy; chết là cửa ngõ, nghĩa là một cuộc Vượt Qua. Nó như chiếc cầu dẫn người ta vào sự sống đích thực, nơi đó sẽ không có chết nữa. Ở đây, cái chết của Chúa Giêsu là lời loan báo lớn nhất của Kitô giáo – Người không còn chết cho mình, hay ban cho chúng ta mẫu gương anh hùng như cái chết của Socrate. Người đã làm rất khác: “Một người đã chết thay cho mọi người… Đức Kitô đã chết thay cho mọi người” (x. 2 Cr 5,14-15). “Đức Giêsu đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa” (Hr 2,9).

Vì thế, từ nay chúng ta thuộc về Đức Kitô hơn là thuộc về chính mình (x. 1 Cr 6,19tt). Chúng ta có thể đảo lại: Những gì thuộc về Đức Kitô thì thuộc về chúng ta hơn cả những gì của chúng ta. Sự chết của Người thuộc về chúng ta hơn cả cái chết chúng ta. “Dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3,22-23). Cái chết của Người là của chúng ta hơn cả cái chết của chúng ta. Trong Chúa Kitô, chúng ta đã chiến thắng sự chết.

Khi nói về cái chết, điều quan trọng nhất trong Kitô giáo không phải là cách thức chúng ta chết, nhưng là cách thức Chúa Kitô chết. Kitô giáo mang lại cho chúng ta sự can đảm để đón nhận cái chết trước nỗi sợ hãi kinh hoàng về cái chết, nhờ niềm tin vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Chúa Giêsu đã đến để giải phóng con người khỏi nỗi sợ hãi khiếp khủng của cái chết. Con Thiên Chúa đã cùng mang lấy huyết nhục như chúng ta, “nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Hr 2,14-15).

Trước cái chết, có lẽ không có gì làm chúng ta sợ hãi hơn là sự cô đơn mà chúng ta phải đối diện. Không ai có thể chết thay cho người khác, nhưng mỗi người phải vật lộn một mình với cái chết. Nhưng không có gì ý nghĩa hơn: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người” (2 Tm 2,11). Như thế, ta có thể chết trong Chúa!

3- Chuẩn bị chết thế nào?

Ở đây, chúng ta khám phá một điều thực sự rất nghiêm trọng trong việc an tử (eutanasia), từ quan điểm Kitô giáo. An tử loại bỏ khỏi sự chết của con người tương quan với cái chết của Chúa Kitô, đặc tính vượt qua ngưỡng cửa của cái chết, và trở về với tình trạng của cái chết trước đó. An tử phá đi ý nghĩa chết trong Chúa và chết theo Chúa. Một cách văn chương, đó là một sự “phạm thánh,” nghĩa là đặc tính thánh thiêng của sự sống bị xóa bỏ. Khi tranh luận người ta thường chú trọng đến vấn đề được phép hay không từ quan điểm đạo đức. Người tín hữu không thể chấp nhận giải pháp này vì nó thuộc phạm vi mạc khải và ân sủng. Cảm thức Kitô giáo nhìn nhận chết là một tiến trình tự nhiên, do quyền năng Thiên Chúa định đoạt, đó là quyền bất khả xâm phạm, nên con người không có quyền can thiệp để rút ngắn sự sống dưới bất kỳ hình thức nào. Nhân loại đã thử nghiệm biết bao nhiêu bài thuốc khác nhau để chiến thắng sự chết. Nhưng chỉ có một phương thuốc duy nhất và đích thực là tham dự vào chiến thắng của Chúa Kitô trên cái chết.



Để khỏi phải chết đời đời, không có gì khác hơn ngoài việc chúng ta phải gắn bó với Người. Hãy bám chặt vào Chúa Kitô qua đức tin, như con tàu cắm neo vào lòng biển, để có thể đứng vững trong khi giông tố ập tới. Người ta dùng nhiều cách để chuẩn bị cho cái chết của mình. Chẳng hạn như thường xuyên suy niệm về cái chết, trình bày một cách kinh hoàng về cái chết, hoặc là để cái đầu lâu, hoặc chiếc tiểu trong phòng của mình như các thánh xưa vốn làm. Nhưng điều quan trọng không phải là đặt trước mắt cái chết chúng ta, nhưng là cái chết của Chúa Giêsu; không phải là cái đầu lâu con người, nhưng là cây thập giá Chúa Kitô. Nếu chúng ta càng hiệp nhất với Người thì chúng ta càng có sự an toàn trước cái chết.

Thánh Phanxicô Assisi đã thực hiện cách hoàn hảo mức độ hiệp thông với Chúa Kitô, khi gần chết, ngài thêm vào trong Bài Ca Tạo Vật đoạn thơ này: “Lạy Chúa, con xin ngợi khen Chúa vì Chị Chết thân xác, mà không ai có thể thoát được.” Và khi người ta loan báo rằng ngài sắp chết, ngài thốt lên: “Hỡi Chị Chết, xin hãy đến!” Bộ mặt cái chết đã được thay đổi, trở thành một “người chị.” Với niềm tin vào Chúa Kitô, chúng ta không còn sợ chết nữa, vì đức tin mang lại cho ta sự chắc chắn đẹp đẽ này: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống lại với Người” (x. 2 Tm 2,11).

Tuy nhiên, chúng ta không được ảo tưởng: điều này không có xảy ra tình cờ. Cần sống thánh thiện để được chết thánh thiện, để khi chết chúng ta không bị cái chết chôn vùi. Danh ngôn nói rằng: “Cây nghiêng về đâu, sẽ ngã về hướng đó.” Con người cũng vậy. Vì thế, đây là lúc để nhớ đến lời dạy của dụ ngôn mười cô trinh nữ. Cần phải luôn sống tỉnh thức và sẵn sàng như năm cô khôn ngoan luôn mang đèn và dầu đi đón chàng rể. Đèn và dầu của chúng ta là đức tin, đức cậy và đức mến phải luôn được chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng, để khi chàng rể đến, khi giờ sau hết xuất hiện, chúng ta thắp lên để đón Chúa, cùng với Người vào dự tiệc cưới Nước Trời. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:39 06/11/2020
75. MỜI UỐNG TRÀ GIỮ LẠI TẮM

Chủ nhân mời khách đến uống trà, khổ nỗi không có trà lá, bèn sai đứa con nhỏ qua hàng xóm mượn, đứa nhỏ đi rất lâu mà chưa trở về.

Nước trong ấm sôi sùng sục ông ta bèn thêm nước lạnh vào, thêm, thêm và thêm nữa, nước trong ấm đầy tràn mà đứa con ham chơi cũng chưa về.

Bà vợ nói với chồng:

- “Kiểu này thì uống trà không thành rồi, thôi thì mời khách ở lại tắm cái rồi về vậy !”

(Thời Hưng tiếu thoại)

Suy tư 76:

Chuẩn bị là khâu quan trọng nhất, bởi vì nếu không chuẩn bị thì tất cả mọi chương trình, tổ chức, kế hoạch đều không được suôn sẻ và tốt đẹp. Thử tưởng tượng một chương trình đại nhạc hội nếu không chuẩn bị thì sẽ như thế nào?

Trước khi mời khách đến nhà dùng cơm hoặc dùng trà thì người mời sẽ chuẩn bị đầy đủ, không ai đợi khách đến rồi mới coi trong nhà có gì không để đãi khách, như thế là bất lịch sự, không tôn trọng khách, cũng có nghĩa là không chuẩn bị kỷ càng.

Có một vài cha sở không chuẩn bị bài giảng, gặp đâu phang đó, bổn cũ soạn lại, nên giáo dân chán ngấy bài giảng và chán luôn cả cha sở vì các ngài coi thường giáo dân của mình: coi thường là vì các ngài nghĩ rằng nói gì cũng là lời của Chúa, coi thường là vì các ngài nhìn giáo dân bằng cặp mắt của cấp trên: giảng như thế đó nghe được thì nghe, nghe không được thì thôi. Thế là giáo dân ngày càng ít đến nhà thờ nghe giảng, hoặc khi cha giảng thì bỏ ra ngoài hút thuốc, tán dóc...

Mời khách uống trà rồi kêu khách tắm luôn vì trà không có mà nước thì nhiều, thì giống như giảng lễ mà không chuẩn bị nên giống như tra tấn lỗ tai giáo dân, bởi vì bài giảng đó không phải là lời tự trong tâm của các ngài phát ra, nhưng từ trong cái kiêu ngạo của một tâm hồn thờ ơ với Lời Chúa mà phát ra, đó là điều mà giáo dân trong thời đại ngày nay rất là không hoan nghênh, không chấp nhận và không...ý kiến, bởi vì đó là điều mà tất cả những người “nấu cơm” đãi khách đều biết, huống gì là “nấu thức ăn Lời Chúa” cho mọi thành phần dân Chúa...

Ai cũng thông cảm cho người nấu ăn vì phải vất vả nấu nướng, nhưng không phải vì thế mà người nấu ăn coi thường khách quý mà mình mời đến ăn cơm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 32 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:42 06/11/2020
CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 25, 1-13.

“Chú rể kia rồi, ra đón đi !”


Anh chị em thân mến,

Khôn ngoan là báu vật mà Thiên Chúa ban tặng cho con người, nói cách khác, Ngài ban cho những ai thành tâm tìm kiếm điều thiện hảo với lòng khiêm tốn.

Mười cô trinh nữ cầm đèn đi đón tân lang là một ví dụ điển hình mà Đức Chúa Giê-su đã kể cho chúng ta nghe trong bài tin mừng hôm nay, Ngài dạy chúng ta phải chuẩn bị đợi chờ ngày Ngài lại đến trong vinh quang, đợi chờ cách khôn ngoan như năm cô khôn ngoan, tức là đem đèn và đem luôn cả dầu, nghĩa là các cô đã chờ đợi chàng rễ đến trong sự khôn ngoan của mình.

Khôn ngoan của người đời là biết lo liệu, biết dự tính và biết “thấy” trước tình huống sẽ xảy ra để có kế hoạch đối phó, nhưng sự khôn ngoan của người Ki-tô hữu là để chờ đợi ngày đến bất thình lình của Thiên Chúa, trong khi vẫn cứ chu toàn bổn phận hằng ngày của mình cách trọn vẹn.

Khôn ngoan của người Ki-tô hữu là thực hành đức tin ngay trong cuộc sống của mình, vì đức tin chính là ngọn đèn được đốt lên trong cuộc đời của người Ki-tô hữu, ngọn đèn đức tin này cần phải đổ đầy bằng dầu đức ái, bằng việc lành phúc đức, bằng không thì nó sẽ tàn lụi và cuối cùng thì tắt ngúm và trở nên lạnh lẽo.

Khôn ngoan của người Ki-tô hữu là sự tỉnh thức và cầu nguyện khi người khác mãi ngủ trong đam mê tội lỗi, bởi vì họ không muốn Con Người đến khi họ đang sống trong tình trạng tội lỗi mà chưa được chuẩn bị đầy đủ.

Ai trong chúng ta cũng muốn mình trở thành người khôn ngoan thông minh để lời nói mình được đám đông nể mặt, để người khác phải bái phục khi những kế hoạch mình đưa ra đều thành công vang dội.v.v…nhưng, sự khôn ngoan ấy chỉ là khôn ngoan tạm bợ của người đời mà thôi, bởi vì có rất nhiều người khôn ngoan như thế, thông minh như thế, nhưng không giành được Nước Trời.

Năm cô trinh nữ khôn ngoan đi đón chàng rể đã không làm cho chàng rể bẻ mặt trong ngày vui trọng đại, vì họ đã khôn ngoan chuẩn bị chu đáo đèn và dầu cho ngày dự tiệc cưới với chàng rể là chủ nhân của họ.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta được Đức Chúa Giê-su mời gọi hãy tỉnh thức luôn, mà người biết tỉnh thức cũng có nghĩa là người khôn ngoan biết đợi chờ ngày đến bất chợt như kẻ trộm của Chúa, đó mới chính là sự khôn ngoan mà chúng ta phải tìm kiếm trong cuộc sống ở trần gian này vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ý cầu nguyện tháng 11 của Đức Thánh Cha cho sự tiến bộ của ngành robot và trí tuệ nhân tạo
Thanh Quảng sdb
00:05 06/11/2020
Ý cầu nguyện tháng 11 của Đức Thánh Cha cho sự tiến bộ của ngành robot và trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI)

Qua thông điệp video ý định cầu nguyện trong tháng XI này, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho sự tiến bộ của ngành robot và trí tuệ nhân tạo (AI) được luôn “biết tôn trọng nhân phẩm con người và sự sáng tạo”.
(Tin Vatican)

Tiến bộ thực sự
Ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) đã có những tiến bộ theo cấp số nhân, bằng chứng là đã có rất nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực kiến thức khác nhau. Ngày nay 37% các tổ chức trên thế giới đã triển khai trí tuệ thông minh (AI) một cách nào đó (tăng 270% trong 4 năm qua).

Trong “Video Đức Thánh Cha nói tiến bộ này trong lĩnh vực người máy và Ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) “có thể tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn nếu nó nhắm vào lợi ích chung”. Theo nghĩa này, ĐTC hy vọng tiến bộ công nghệ sẽ không làm gia tăng sự bất bình đẳng trong xã hội. Đức Thánh Cha nói nếu nó làm gia tăng sự bất bình đẳng xã hội, thì nó sẽ không phải là một “tiến bộ thực sự”. Sự tiến bộ như vậy không giúp gì cho phẩm giá con người và mối quan tâm đến sự Sáng Tạo.

Những lợi ích
Ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng giải quyết nhiều vấn đề mà nhân loại phải đối mặt, chẳng hạn như trong việc đánh giá năng lực học tập của sinh viên học sinh, giúp phát hiện ra tiến trình tiến bộ thực sự. Nó có thể giúp những người khiếm thị (mù) hoặc khiếm thính (điếc) qua phát minh các công cụ để người khuyết tật được giao tiếp tốt hơn (chẳng hạn như chuyển văn bản thành lời nói hoặc lời nói thành văn bản). Ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng có thể tăng tốc độ thu nhận, xử lý và phổ biến dữ liệu y tế để cải thiện sự chuẩn đoán và điều trị bệnh nhân, đặc biệt cho những người sống ở vùng sâu vùng xa.

Điều này cũng áp dụng cho lĩnh vực sinh thái, thông qua Ngành Trí tuệ nhân tạo (AI), có thể phân tích được những dữ liệu về biến đổi khí hậu và tạo ra các mô hình giúp tiên đoán trước các thiên tai. Nó cũng có thể được sử dụng để tạo ra các thành phố thông minh và bền vững bằng cách giảm chi tiêu đô thị, cải thiện khả năng phục hồi đường cao tốc và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Nó có nhiều khả năng được sử dụng vào ngành công nghệ vì lợi ích chung và theo “Video của Đức Thánh Cha” thì chính việc sử dụng hình ảnh phát tuyến do Viện Công nghệ và công ty năng lượng đa quốc gia của Ý, là Enel, cho thấy một số lợi ích này.

Phục vụ nhân loại
Ông Francesco Starace, Giám đốc điều hành của Enel cho hay công ty “đã dành cho Tòa thánh những công cụ đặc biệt mà Tòa thánh cần để sử dụng cho có hiệu quả tốt nhất.”

Ông tiếp tục, “Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái khẳng định, nhiệm vụ của chúng ta là bảo đảm các kết quả ích lợi được phân phối một cách công bằng và tạo ra cơ hội và sự an nguy cho con người.” Ông Starace còn cho hay: “Để đưa ra định hướng tích cực cho các hành động và lựa chọn của chúng ta liên quan đến hiện tại và tương lai, chúng ta phải đặt sự tôn trọng đối với con người và môi trường làm trọng tâm, áp dụng tầm nhìn dựa trên tính bền vững. Chỉ bằng cách này, sự tiến hóa công nghệ này mới có thể trở thành hữu dụng cho nhân loại và tạo ra những cơ hội mà mấy năm trước đây chúng ta thậm chí không thể tưởng tượng ra được.”

Mạng lưới cầu nguyện trên toàn thế giới của Đức Thánh Cha chịu trách nhiệm về việc truyền bá ý cầu nguyện hàng tháng của Đức Thánh Cha. Trong nhận xét về ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 11, Cha Frédéric Fornos Dòng Tên giám đốc quốc tế của mạng lưới cũng cho hay sự cần thiết phải hỗ trợ những thay đổi công nghệ nhanh chóng này vì “lợi ích của tất cả mọi người”.

“Ý cầu nguyện của tháng này,” cha nói, “củng cố ý tưởng lợi ích mà nhân loại thu gặt được (và sẽ tiếp tục thu được) từ tiến bộ công nghệ phải luôn được tính đến, song song với việc 'phát triển đầy đủ trách nhiệm và giá trị'.” Cha Fornos cho hay điều này đã được Đức Thánh Cha nhấn mạnh trong thông điệp Laudato si' của ngài và bây giờ trong thông điệp thứ ba, Fratelli tutti, trong đó ĐTC nói, "Thật tuyệt vời biết bao nếu sự phát triển của đổi mới khoa học và công nghệ có thể giúp vun góp nhiều hơn sự bình đẳng và hòa nhập xã hội!”

Cha Fornos nói: Ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) và robot được ứng dụng vào công nghệ, mở ra những thách thức lớn đối với lãnh vực đạo đức và công bằng xã hội. “Đây là lý do tại sao lời yêu cầu gần đây của Đức Thánh Cha là rất quan trọng: cầu nguyện cho sự tiến bộ này luôn ‘phục vụ con người’.

Nguyên văn ý cầu nguyện tháng 11 năm 2020:

Trí tuệ nhân tạo là trung tâm của mọi sự thay đổi, nó mang tính thời đại mà chúng ta đang trải qua. Người máy có thể tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn nếu nó được góp phần vào lợi ích chung. Thật vậy, nếu tiến bộ công nghệ làm tăng sự bất bình đẳng, thì đó không phải là tiến bộ thực sự. Những tiến bộ trong tương lai nên hướng tới việc tôn trọng phẩm giá con người và sự sáng tạo.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho sự tiến bộ kỹ nghệ người máy và trí tuệ nhân tạo có thể luôn phục vụ loài người… chúng ta có thể nói, cầu mong nó “là con người”.
 
Vatican sẽ công bố Báo cáo McCarrick vào ngày 10 tháng 11
Đặng Tự Do
13:53 06/11/2020
Hôm thứ Sáu 6 tháng 11, Tòa Thánh đã thông báo rằng báo cáo được chờ đợi từ lâu về cựu Hồng Y Theodore McCarrick sẽ được công bố vào đầu tuần tới.

Một tuyên bố hôm 6 tháng 11 từ ông Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí Tòa thánh, cho biết: “Vào ngày thứ Ba, 10 tháng 11, lúc 2 giờ chiều (giờ Rôma), Tòa thánh sẽ công bố 'Báo cáo về các kiến thức thu thập được của Tòa thánh, và quá trình ra quyết định liên quan đến cựu Hồng Y Theodore Edgar McCarrick (từ năm 1930 đến năm 2017)' được soạn thảo bởi Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh theo ủy quyền của Đức Giáo Hoàng”.

Cụm từ “kiến thức thu thập được”, tiếng Anh là “Institutional knowledge” là sự tổng hợp các kinh nghiệm, quy trình, dữ liệu, chuyên môn, giá trị, và các thông tin đã được chứng thực thành các kiến thức khôn ngoan.

Báo cáo, ban đầu dự kiến sẽ được công bố vào tháng 12 năm 2019, được đưa ra sau khi Vatican xem xét các tài liệu và lời kể của nhân chứng trong suốt 40 năm sự nghiệp giám mục của McCarrick, sau khi ông bị cáo buộc phạm tội tình dục hàng loạt liên quan đến trẻ vị thành niên và các chủng sinh vào năm 2018.

Hôm thứ Năm, Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York nhận định rằng báo cáo này có thể là một “con mắt bị đánh thâm tím” đối với Giáo hội.

Giáo hội Hoa Kỳ “vẫn đang chờ đợi việc Tòa thánh công bố cái gọi là 'Báo cáo McCarrick', kể chi tiết câu chuyện đáng lên án của cựu Hồng Y Theodore McCarrick. Đó có thể là một con mắt bị đánh thâm tím khác đối với Giáo hội,” Đức Hồng Y Dolan viết trong một bài đăng ngày 5 tháng 11 trên trang web của mình.


Source:Catholic News Agency
 
Thanh niên xung phong phò đảng Dân Chủ đập phá một nhà thờ Công Giáo ở Portland
Đặng Tự Do
13:54 06/11/2020
Một nhà thờ Công Giáo ở trung tâm thành phố Portland, Oregon - nổi tiếng với việc giúp đỡ người nghèo trong khu vực - đã bị đập phá trong một cuộc bạo động vào đêm thứ Tư trong bối cảnh kết quả cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ chưa ngã ngũ.

Tối ngày 4 tháng 11, văn phòng cảnh sát trưởng hạt Multnomah đã chia sẻ những bức ảnh chụp cửa kính bị đập vỡ ở mặt tiền nhà thờ Công Giáo Saint André Bessette, nằm ở Old Town Portland.

Saint André Bessette là một nhà thờ Công Giáo nhỏ trong khu vực trung tâm thành phố Portland dành cho những người làm việc trong trung tâm thành phố tham dự thánh lễ vào giờ nghỉ trưa. Nhà thờ cũng có một nhà bếp, một phòng tắm và giặt giũ cho người vô gia cư. Nhà thờ được thành lập vào năm 1919 và đã phải dời đi dời lại nhiều lần vì chi phí để có thể hiện diện ngay giữa trung tâm thành phố rất cao.

Từ năm 1971 cho đến nay, ngôi nhà thờ này, đã ở vị trí hiện nay.

Cuộc biểu tình của các nhóm thanh niên xung phong phò đảng Dân Chủ với khẩu hiệu “Bảo vệ nền dân chủ” đã bùng lên với đầy bạo lực.

Theo cảnh sát, hai nhóm thanh niên xung phong xuất phát từ các địa điểm khác nhau đã hội tụ ở trung tâm thành phố vào tối thứ Tư, sau đó tuần hành qua Portland. Một nhóm khoảng 100 người di chuyển dọc phố West Burnside, phá vỡ mọi cửa kính và hôi của trên đường di chuyển.

Cảnh sát ở Portland tuyên bố cuộc biểu tình đêm thứ Tư là một cuộc bạo động, và bắt giữ ít nhất 11 người. Cảnh sát cho biết một trong những người bị bắt có cả một tiểu liên tự động, một số băng đạn, một quả mìn tự chế, một con dao và bình sơn xịt.

Thống đốc Kate Brown đã phải yêu cầu Vệ binh Quốc gia Oregon hỗ trợ trấn áp bạo loạn. Brown đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 5 tháng 11 lên án bạo lực, đặc biệt đề cập đến thiệt hại gây ra cho nhà thờ St. André bởi “một nhóm người biểu tình theo kiểu vô chính phủ không có mục tiêu rõ ràng nào khác ngoài việc gây ra bạo lực và phá hoại.”

“Họ đập vỡ cửa sổ của một nhà thờ là nguồn cung cấp những hỗ trợ cho người dân Oregon có nhu cầu, một cửa hàng do các phụ nữ điều hành để gây quỹ cho những người nhập cư và cho quyền của phụ nữ, và nhiều cửa hàng khác,” bà Brown nói trong tuyên bố hôm 5 tháng 11 và kết luận rằng “sự tàn phá bừa bãi chẳng giải quyết được điều gì.”

Cha sở của nhà thờ Saint André Bessette đã từ chối trả lời báo chí vì sợ nhà thờ bị đập phá thêm. Saint André Bessette đã tăng cường nỗ lực giúp đỡ người nghèo trong đại dịch coronavirus, cung cấp bữa trưa miễn phí vào mỗi thứ Ba, Tư, Năm và Sáu. Tất cả các dịch vụ này đã phải đình hoãn sau khi nhà thờ bị đập phá.

Portland đã chứng kiến các cuộc biểu tình trên đường phố xảy ra triền miên kể từ sau vụ George Floyd vào tháng 5 năm 2020. Các cuộc biểu tình thường diễn ra dưới hình thức đám đông hàng trăm người bề ngoài hô hào chống phân biệt chủng tộc, sự tàn bạo của cảnh sát và chủ nghĩa phát xít nhưng thực chất là muốn áp đặt các chương trình nghị sự cánh tả.

Một số cuộc biểu tình đã đi kèm với bạo loạn và cướp bóc. Ngoài thiệt hại lớn về tài sản ở trung tâm thành phố, đôi khi còn xảy ra các vụ bạo lực trong hoặc gần các cuộc biểu tình, bao gồm cả các vụ xả súng và đâm chém nhau.

Những người biểu tình trong thành phố đã lật đổ các bức tượng của các tổng thống Thomas Jefferson, George Washington, Theodore Roosevelt, Abraham Lincoln. Bức tượng của Harvey W. Scott, chủ biên của tờ The Oregonian vào cuối thế kỷ 19, cũng bị đập.


Source:Catholic News Agency
 
Trung Quốc cảnh cáo Úc sẽ phải trả một giá rất đắt. Nguy cơ rất cao cho chính phủ Úc nếu ông Trump thất bại
Đặng Tự Do
14:41 06/11/2020


Trong khi cuộc bầu cử ở Mỹ chưa ngã ngũ, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo Úc sẽ phải trả một giá rất đắt. Quan hệ Úc-Trung Quốc xấu đi với lượng nhập khẩu trị giá 6 tỷ USD bị đe dọa

Bọn cầm quyền Bắc Kinh được báo cáo là có kế hoạch ngừng nhập khẩu rượu vang Úc, tôm hùm, đường, than đá, đồng, lúa mạch và gỗ.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times, 环球时报) cảnh cáo Úc sẽ phải trả một giá rất đắt khi Trung Quốc ngăn chặn các sản phẩm của Úc, trị giá khoảng 6 tỷ đô la.

Một cơ quan truyền thông khác của bọn cầm quyền Trung Quốc, là tờ Trung Hoa Nhật Báo (China Daily, 中国日报) cũng cảnh báo Úc Đại Lợi sẽ phải “trả giá rất nặng nề” vì các chính sách chống lại Trung Quốc.

“Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc và tất cả các hạn chế cho đến nay mới chỉ bao gồm một phần nhỏ hàng hóa nhập khẩu từ Úc,” bài xã luận của China Daily cho biết.

“Nếu Canberra tiếp tục trở nên thù địch với Trung Quốc, lựa chọn của họ là một quyết định mà Úc Đại Lợi sẽ phải hối hận vì nền kinh tế của họ sẽ chỉ chịu thêm đau đớn”.

Các cuộc tấn công thương mại mới này xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc nhưng chưa có thông báo chính thức nào từ phía chính phủ Trung Quốc.

Bộ trưởng Nông nghiệp David Littleproud đang yêu cầu Bắc Kinh làm rõ.

Đồng thời, ông đang khuyến khích các nhà xuất khẩu xem xét gửi hàng hóa sang các thị trường khác.

Ông David Littleproud cũng có lời cảnh báo đối với Trung Quốc.

“Nếu bạn chơi đúng luật, mọi người sẽ chơi đẹp. Nhưng nếu bạn không muốn chơi như thế, thì rõ ràng là có rủi ro lớn hơn, các nhà xuất khẩu của chúng tôi cần phải tính đến điều đó nếu họ định gửi sản phẩm sang Trung Quốc và họ có thể yêu cầu giá cao hơn cho những hàng hóa đó.”

Đảng Lao động Úc, hiện ở thế đối lập, cáo buộc chính phủ Morrison đã không thể hiện được tài lãnh đạo, và cho rằng những người Úc làm việc chăm chỉ đang phải trả giá.

Phó thủ lĩnh phe đối lập Richard Marles mô tả mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc là hoàn toàn tuyệt vọng.

“Hiện giờ, họ không thể nói chuyện với một người nào ở Trung Quốc,” ông Marles nói.

Ông Marles cho biết các công nhân Úc làm việc trong các lĩnh vực có liên quan đang yêu cầu chính phủ có câu trả lời và hành động phù hợp.

Bộ trưởng Dutton bác bỏ lời chỉ trích của phe đối lập là “luận điệu rẻ tiền”

Quan hệ ngoại giao Úc-Trung Quốc đã trở nên căng thẳng do tranh chấp về coronavirus, Hương Cảng và Biển Đông.

Trong một diễn biến bất ngờ đối với nhiều người, cuối tháng 7 vừa qua, Úc đã từ bỏ thái độ lưng chừng và công khai đối đầu với Bắc Kinh. Lập trường này đã được nêu lên rõ ràng trong chuyến công du Hoa Kỳ của hai nữ bộ trưởng Úc là Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynold.

Úc và Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tăng cường các nỗ lực quân sự chung của họ ở Darwin, tăng cường các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông và nghiên cứu sự phát triển của các công nghệ phòng thủ tên lửa và siêu âm để chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết liệt và hung hăng trong khu vực.

Nếu Tổng thống Trump thất bại trong cuộc bầu cử này, sự gắn bó chặt chẽ của chính phủ Morrison với chính quyền của Tổng thống Trump có thể khiến chính quyền hiện nay tại Úc đổ theo như một hiệu ứng domino.

Chỉ mới tuần trước Daniel Andrews, thủ hiến Victoria, vẫn còn bị báo chí chỉ trích là chính trị gia hạng bét vì cách thức đối phó với coronavirus của ông ta tại tiểu bang này. Tình trạng khó khăn hiện nay của Tổng thống Trump đã khiến Daniel Andrews, người duy nhất Bắc Kinh muốn nói chuyện, từ vị thế chính trị gia hạng bét đã một sớm một chiều trở thành vị cứu tinh.


Source:7 News Australia
 
Hệ lụy Bầu cử 2020: đảng Dân chủ tức giận và chia rẽ, ghế Chủ tịch cuả bà Pelosi lung lay?
Trần Mạnh Trác
16:20 06/11/2020
Đảng Dân chủ tức giận và chia rẽ:

Trong một cuộc họp hôm thứ Năm bằng những phương tiện điện đàm kín, nhưng dư âm tức giận thì đã tràn ra ngoài, cho thấy rằng đảng Dân chủ đang phải trải qua một cơn khủng hoảng lớn và có thể sẽ phải thay đổi bản cương lĩnh để ứng phó với một thực tại mới.

Cuộc điện đàm diễn ra lúc 2 giờ chiều (ET) và là cuộc họp đầu tiên sau bầu cử.

Theo tin rò rỉ từ các thành viên, là các dân biểu và nghị sĩ cuả đảng Dân chủ đang tại chức, thì nhiều người đã cho rằng những ý tưởng và chính sách tiến bộ như "defund the police" ("bãi ngân ngành cảnh sát") và Green New Deal (Canh bài Xanh mới) là có hại và làm tổn thương tới cuộc tranh cử cuả đảng.

"Chúng ta đáng lẽ phải thắng lớn nhưng bạn biết đấy, các vấn đề về cảnh sát, Green New Deal là những vấn đề đã giết chết các thành viên của chúng ta. Trách nhiệm thì không có ai giám đứng ra lãnh nhận cả,” theo lời bà Abigail Spanberger.

Theo tin thì bà dân biểu Abigail Spanberger, D-Va., ông dân biểu Marc Veasey, D-Texas, ông dân biểu Vicente Gonzalez, D-Texas, và nhiều người khác nữa đã phàn nàn về các áp lực trong những tháng gần đây là họ phải làm xấu mặt cảnh sát, và phải cấp tiến hơn để tiến tới chủ nghĩa xã hội.

Bà Spanberger đã đặc biệt ‘nổi máu’ và la hét trong cuộc họp, bà nói một cách thẳng thừng rằng: “Chúng ta đã thua các cuộc tranh cử mà lẽ ra chúng ta không nên thua. Cái trò ‘Defund the police’ khiến tôi suýt phải trả giá trong cuộc tranh cử vì các cuộc tấn công tuyên truyền phản bác. Thôi đừng nói về chủ nghĩa xã hội nữa. Chúng ta cần trở lại những điều cơ bản”.

Bà Spanberger không những đã ‘cao tiếng,’ bà còn ‘chửi tục’ khi dạy bảo các thành viên Dân chủ rằng họ nên học hỏi bài học cay đắng này “nếu không thì chúng ta sẽ đ… rách tươm ra vào năm 2022” ( "we will be f---ing torn apart in 2022.")

Theo tin từ The Washington Post, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, D-Calif., đã không đồng ý với bà Spanberger khi bà này tiên đoán đảng Dân chủ sẽ mất đa số vào năm 2022.

Bà Pelosi trả lời: “Đây là một cuộc chiến sinh tử vì chính số phận của nền dân chủ của chúng ta,“ Chúng ta không chiến thắng trong mọi trận đấu nhưng chúng ta vẫn chiến thắng cuộc chiến. Tất cả các bạn đều biết rằng bảo vệ những người đương nhiệm là ưu tiên số một của tôi."

Nhưng rõ ràng bà ta đã không thành công trong cái ưu tiên số 1 đó, số dân biểu dưới thời Pelosi đã bị thu hẹp lại, là một cú sốc lớn đối với các đảng viên Dân chủ tin tưởng vào những dự báo họ sẽ thắng lớn. Họ đã lạc quan có thể lật khoảng 10 ghế nữa nhưng trên thực tế, họ đã thất bại ở Texas, ở Florida, Nam Carolina, Minnesota và nhiều nơi khác. Cái đau đớn nhất là họ đã không lật được bất kỳ 1 ghế nào cuả Cộng hoà cả, và thêm vào đó lại mất đi ít nhất là 7 ghế đương nhiệm. Ngay cả một ghế theo chủ nghĩa Libetarian ở Michigan nhưng liên minh với Dân chủ thì cũng bị mất về tay Cộng hoà.

Ông Jim Clyburn, DS.C., đại diện cho khối đa số cuả Hạ viện (House Majority Whip,) cho biết nếu “chúng ta tiếp tục ủng hộ chương trình Medicare for All, Defund the police, xã hội hóa y tế, chúng ta sẽ không thắng được,” chính văn phòng của ông cũng đã xác nhận như vậy.

Chủ tịch Ủy ban Chiến dịch cuả Dân chủ là bà Cheri Bustos, D-Ill., cho biết bà và những người khác "rất tức giận."

“Tôi cũng muốn nói điều mà tất cả chúng ta đều cảm thấy: Tôi rất tức giận,” bà nói. "Có điều gì đó không ổn trên toàn bộ lãnh vực chính trị. Các cuộc thăm dò của chúng ta, thăm dò ở Thượng viện, thăm dò các cuộc đua thống đốc, thăm dò tổng thống, thăm dò đảng Cộng hòa, thăm dò công khai, mô hình cử tri và các nhà tiên đoán đều chỉ ra một môi trường chính trị sán lạn nhưng môi trường đó không bao giờ thành hiện thực", bà Bustos nói. "Trên thực tế, những người bỏ phiếu vẫn giống như hồi năm 2016 chứ không là những gì được dự đoán. Tôi muốn có câu trả lời và nhóm của tôi đã lên kế hoạch để điều tra cho được những câu trả lời đó. Tôi mong muốn được trao đổi với các bạn."

Cuộc gọi, kết thúc lúc 5 giờ chiều ET, nhưng những căng thẳng vẫn còn tràn ra bên ngoài, trên cả những mạng lưới xã hội như Twitter cuả dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez, DN.Y., là một người cấp tiến nổi bật nhất trong Hạ viện. Cô ta đã chỉ trích cựu nữ Thượng nghị sĩ Claire McCaskill vì đã thúc giục đảng nên ôn hòa hơn.

Ocasio-Cortez trả lời bằng một giọng điêu ngoa và hỗn sược, nhắc lại rằng bà McCaskill đã từng mất ghế vào tay Thượng nghị sĩ Josh Hawley, R-Mo., vào năm 2018.

"Tại sao chúng ta phải lắng nghe những người thất bại trong các cuộc bầu cử? Như thể họ là những chuyên gia trong việc thắng cử?" cô ấy hỏi. "Bà McCaskill đã có cơ hội thử cách tiếp cận của bà ấy. Bà đã chạy như một con ngựa điên kéo xe hỗn loạn và đã thua trong khi các người khác đi theo đường hướng cơ bản thì lại giành được nhiều tiến bộ trong tiểu bang MO. Cách ăn nói cuả bà ấy ở đây cho thấy bà ấy coi thường cơ sở ủng hộ của mình như thế nào."

Cái trò ‘đánh người ngã ngựa’ và rõ ràng ‘vắt chanh bỏ vỏ’ cuả AOC đã tạo ra một bầu không khí bực bội giữa những người thất cử.

Một số đảng viên Dân chủ thất cử cũng đã đánh giá thấp về cuộc bầu cử, gồm có nữ dân biểu Debbie Mucarsel-Powell, là một trong hai người ôn hòa ở Nam Florida đã thua.

Bà ta khóc khi nhắc tới những tin nhắn và điện thọai nhận được từ đồng nghiệp. "Cuộc thua hôm thứ Ba thì thật là đau lòng. Tôi không nói dối đâu," bà nói với một giọng nức nở.

Nhưng dù thua, bà vẫn muốn giử phẩm giá chứ không muốn xa vào cái vòng chỉ trích lẫn nhau, bà yêu cầu mọi người hãy "vui lòng nhấc điện thoại và nói chuyện với người khác" nếu không đồng ý với họ thay vì đăng lên phương tiện truyền thông xã hội. Và đó là điều mà bà cũng hứa sẽ có một mắt để ý sau khi rời khỏi Quốc hội.

"Tôi sẽ theo dõi bạn. Tôi sẽ đòi bạn phải chịu trách nhiệm. Nhưng tôi sẽ không tweet về nó", bà nói. "Tôi sẽ gọi cho bạn với tư cách cá nhân bởi vì chúng ta có rất nhiều điều để đấu tranh và tôi sẽ nhìn vào bạn và hy vọng rằng bạn sẽ chiến đấu cho tôi vì tôi sẽ không thể làm điều đó được nữa."

Ghế Chủ tịch Hạ viện cuả bà Pelosi:

Mắt khác, các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa dường như đang hả hê sau khi lật được một số ghế Hạ viện, và đã có ý chọc quê bà Chủ tịch Nancy Pelosi.

"Ý tôi là Nancy Pelosi thậm chí không có đa số để có thể được bầu làm Chủ tịch một lần nữa", Dân biểu Tom Emmer, R-Minn., Chủ tịch Ủy ban Quốc hội Đảng Cộng hòa, cho biết hôm thứ Tư. "Có ai ngờ rằng có thể Nancy Pelosi không còn là Chủ tịch?"

Lãnh tụ khối Cộng hoà tại Hạ viện là Kevin McCarthy, R-Calif., cho biết sự xói mòn của đảng Dân chủ có thể gây rắc rối cho bà Pelosi để có đủ phiếu bầu làm Chủ tịch Hạ viện và dự đoán bà ta sẽ khó khăn trong việc thực hiện các chương trình nghị sự của mình.

“Tôi biết việc tìm phiếu trên sàn là rất khó cho vị Chủ tịch. Tôi biết rằng lần trước có một số người đã không bỏ phiếu cho bà ấy", Ông McCarthy ám chỉ những người đã đào tẩu đảng Dân chủ hai năm trước." Và khi số lượng dân biểu của chúng tôi tiếp tục tăng lên, tôi nghĩ rằng vào lúc cuối ngày, dù được kết thúc thế nào, thì chúng tôi vẫn có một tiếng nói rất lớn, thậm chí có thể điều khiển sàn mỗi khi nói đến việc hoạch định một chính sách. "

Thể thức bầu Chủ tịch ở Hạ viện là bằng cách “hô bằng miệng”. Các đảng viên Cộng hòa sẽ hô to tên vị lãnh đạo cuả họ, còn đảng viên Dân chủ thỉ hô to tên người lãnh đạo Dân chủ. Ai có nhiều người hô tên thì người ấy thắng làm Chủ tịch.

Trước đây bà Pelosi đã phải đàm phán và dùng nhiều thủ đoạn để vượt qua những người đào tẩu, thường là từ những đảng viên ôn hòa và những người đã cam kết bỏ phiếu cho một người khác. Vào năm 2019, có 15 đảng viên Dân chủ không ủng hộ bà ấy.

Với cuộc kiểm phiếu còn chưa kết thúc, số dân biểu của Đảng Dân chủ chưa rõ sẽ như thế nào? Liệu bà Pelosi có còn đa số không, sau khi trừ đi những người đào tẩu?

Bà Pelosi đã không trực tiếp đề cập đến những mất mát của mình khi viết thư tuyên bố sẽ ra tranh cử chức Chủ tịch ngoài việc gọi cuộc bầu là một "thách thức".

Ít nhất hai đảng viên Dân chủ ôn hòa đã tích cực liên hệ với các đồng nghiệp của họ hôm thứ Tư để hổ trợ người phụ tá cuả bà Pelosi, là lãnh tụ Dân chủ tại Hạ viện là ông Hakeem Jeffries, DN.Y..

Nhưng phát ngôn viên của ông Jeffries đã nhanh chóng từ chối đề nghị này và nói rằng ông đang nhắm vào chức vụ Lãnh tụ Liên minh Dân chủ (Democratic caucus) mà thôi.

Dân biểu Tim Ryan, D-Ohio, đã từng tranh ghế với bà Pelosi vào năm 2016, hôm thứ Tư cho biết ông không quan tâm đến việc thách thức bà ấy nữa. Ông ấy cũng không muốn suy đoán về việc liệu bà Pelosi có đủ phiếu hay không.

Ông Ryan nói: “Tôi đã lãnh thẹo đủ rồi, những vết theọ ấy còn đau đến suốt đời.”
 
Các nữ tu Công Giáo buộc phải rời khỏi tu viện ở Trung Quốc
Thanh Quảng sdb
17:37 06/11/2020
Các nữ tu Công Giáo buộc phải rời khỏi tu viện ở Trung Quốc

Việc dỡ bỏ thánh giá khỏi tu viện Sơn Tây làm cho các sơ 'cảm thấy như mình bị cắt da thịt của chính mình vậy!'

(Tin UCA, Hồng Kông)

Ngày 6/11/2020 tám nữ tu Công Giáo buộc phải rời bỏ tu viện ở tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc, sau khi bị chính quyền nhà nước quấy nhiễu và đe dọa nhiều lần.

Các nữ tu đã bị theo dõi liên tục và đòi buộc phải di rời đi chỗ khác, sau khi nhà chức trách ban hành lệnh rỡ bỏ thánh giá khỏi tu viện! Theo trang mạng bitterwinter.org, một trang web tranh đấu chống lại các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, đưa tin vào ngày 4 tháng 11.

Một trong những nữ tu của tu viện cho hay: “Thánh giá là biểu tượng của sự cứu rỗi. Loại bỏ nó thì cũng giống như cắt da thịt của chúng tôi! Nếu chúng tôi từ chối không tháo rỡ Thánh giá thì chính phủ sẽ phá tu viện của chúng tôi."

Các nữ tu cũng buộc phải rỡ bỏ tất cả các biểu tượng tôn giáo khác bao gồm thánh giá và hàng chục bức tượng trong tu viện.

Các sơ phàn nàn rằng các quan chức tuyên bố họ là "những người có quyền" và sẽ liên tục theo dõi các sơ!

Sơ còn cho hay: “Họ bắt chúng tôi tự khai những gì chúng tôi đã làm từ khi mở nhà trẻ và yêu cầu tự khai tất cả những gì chúng tôi đã làm trong mấy tháng qua. Thậm chí họ còn đòi chúng tôi khai các biển số xe mà chúng tôi đã sử dụng trong việc đi lại của chúng tôi!”

Các nhà chức trách của tỉnh đã lắp ráp bốn camera giám sát để theo dõi các nữ tu và các khách ra vào tu viện. Tuy nhiên, các nữ tu đã chống lại kế hoạch lắp đặt camera trong phòng ăn, nhà bếp và phòng giặt ủi của các sơ.

Các sơ cho hay ba người gồm một cảnh sát và hai viên chức địa phương - được chỉ định theo dõi các sơ.

Sơ còn cho hay: “Họ thường vào trong tu viện để tra hỏi về các hoạt động của chúng tôi, đôi khi cả vào ban đêm nữa. Chính quyền thậm chí còn thuê một số côn đồ và lưu manh quấy nhiễu chúng tôi. Họ xông vào bếp khi chúng tôi đang nấu ăn để quậy phá hoặc có những hành động quyến rũ như mời chúng tôi ăn tối với họ!”

Trong nhiều thập kỷ, người Công Giáo đã phải đối mặt với sự ngược đãi và đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc, và việc này còn được gia tăng hơn nữa, khi họ đạt được những thỏa thuận với Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục vào tháng trước.

Một nhà thờ ở thành phố Thần Châu của tỉnh Hà Bắc đã bị đóng cửa vào ngày 3 tháng 9 sau khi từ chối gia nhập Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA) do nhà nước điều hành. Thánh giá và các tượng ảnh và các biểu tượng tôn giáo khác đã bị dỡ bỏ.

Tương tự, một nhà thờ Công Giáo không đăng ký vào Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA) ở làng Du Tống ở quận Luân Thành thuộc tỉnh Thạch Gia Trang ở Hà Bắc đã bị đóng cửa vào ngày 3 tháng 9, vì từ chối tham gia vào tổ chức Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA). Các tượng ảnh và bàn thờ của nhà thờ bị dỡ bỏ trước mặt cộng đoàn giáo xứ, dưới sự chứng kiến của các quan chức trong làng.

Trước đó, vào ngày 5 tháng 8, một nhà thờ Công Giáo không đăng ký vào Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA) ở quận Tràng An tỉnh Thạch Gia Trang đã bị giới chức nhà nước phong tỏa.

Vào tháng 5, một trung tâm Công Giáo ở tỉnh Thạch Gia Trang đã bị đóng cửa vì không có giấy chứng nhận đăng ký vào tổ chức Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA)! và tước quyền dâng Thánh lễ, vì cha xứ từ chối gia nhập Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA). Vị linh mục kiên trung đó đã bị tống khứ ra khỏi nhà xứ và hiện ngài đang bí mật dâng lễ cho một nhóm giáo dân ít oi của ngài.

Một người Công Giáo địa phương than thở rằng: “Với chiêu bài buộc chúng tôi gia nhập Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA), chính phủ nhắm mục đích xóa bỏ đức tin của chúng tôi, khiến tất cả chỉ còn tin vào Đảng Cộng sản mà thôi!”
 
Russell Ronald Reno: Những điều rút ra từ đêm bầu cử
Đặng Tự Do
17:52 06/11/2020
Russell Ronald Reno, chủ biên của tạp chí First Things có bài nhận định sau về cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ.

Takeaways From Election Night - Những điều rút ra từ đêm bầu cử.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ.


Chúng ta vẫn chưa biết kết quả của cuộc bầu cử quan trọng này. Nhưng chúng ta có thể hình thành một số suy nghĩ sơ bộ.

Các chuyên gia đã sai một lần nữa. Trong chuyến du lịch mùa hè của tôi ở Trung Tây Hoa Kỳ, tôi có thể nói rằng cử tri đã thất vọng, tức giận và khó tiên đoán. Các cuộc trò chuyện của tôi đã khiến tôi kết luận rằng các dự đoán về “làn sóng xanh”, tức là làn sóng ủng hộ đảng Dân Chủ, là vô lý và các cuộc thăm dò ý kiến là hoàn toàn không chính xác. Tôi không biết liệu Tổng thống Trump có giành được chiến thắng hay không, nhưng tôi có thể nói rằng nó chắc chắn nằm trong khả năng xảy ra.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với những lo lắng về bạo lực đêm bầu cử trên đường phố. Những người “siêu học thức” và “thông minh” đã tính toán ra các tình huống thảm khốc. Twitter, sự thay thế của họ cho việc nói chuyện thực sự với những người bình thường, đã tạo ra sự lây lan lý thuyết ngày thế mạt nếu Tổng thống Trump đắc cử, giống như họ đã làm khi virus đến bờ biển của chúng ta.

Các chuyên gia nói về sự mất niềm tin đáng lo ngại vào các thể chế chính trị của chúng ta. Tôi chưa bao giờ tin điều này. Theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết người Mỹ tự hào về hệ thống hiến pháp của chúng ta, ngay cả khi họ khinh thường những nhơ nhớp trong giới chính trị tại thủ đô và coi thường các chính trị gia. Mối nguy hiểm mà chúng ta phải đối mặt là trong giai cấp thống trị. Các chuyên gia có rất nhiều dữ liệu nhưng không có ý thức chung. Và giới tinh hoa của chúng ta không chỉ đánh giá sai về đất nước; họ cũng nghi ngờ quyền công dân.

Một quan sát khác: Bất chấp việc Tổng thống Trump bị chụp mũ là một người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và bất chấp sự cuồng loạn của giới truyền thông về “phân biệt chủng tộc có hệ thống”, sự phân cực về chủng tộc trong cuộc bỏ phiếu vào tối thứ Ba đã không xảy ra. Đây là một kết quả phi thường, so với sự tuyên truyền không ngừng nghỉ trong những tháng gần đây. Rõ ràng là các cử tri da đen không ủng hộ cái thứ “chủ nghĩa khải huyền chủng tộc” đang thống trị trong các nhân viên của New York Times. Đó là một tin tốt lành cho tương lai của nước Mỹ.

Cuộc bầu cử dường như chứng minh cho mệnh đề cơ bản của “chủ nghĩa dân túy” ngày nay. Nó cho thấy rằng những mối đe dọa lớn nhất đối với hệ thống chính trị của chúng ta đến từ quá trình toàn cầu hóa, vốn đã chia rẽ sâu sắc đất nước về kinh tế và văn hóa. Những chính sách cách ly đã cho thấy hố sâu ngăn cách giữa những người ngồi trước máy tính và những người làm việc chân tay. Những người ngồi trước máy tính thu hoạch ngày càng nhiều hơn những lợi ích từ một nền kinh tế toàn cầu hóa. Những người làm việc chân tay lâm vào cảnh đình đốn. Cùng lúc đó, não trạng “Anywhere”, “chỗ nào cũng được”, ở Mỹ cũng được mà ở Trung Quốc cũng được, chế diễu các chính sách được cho là bài ngoại và sự thiếu “sáng tạo” nơi những người “Somewhere”, đòi phải ưu tiên công việc cho người Mỹ.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy rằng cử tri ngày càng phản ánh sự chia rẽ đó. Đảng Dân chủ đang trở thành đảng của những người có trình độ đại học, trong khi đảng Cộng hòa đang thu thập ngày càng nhiều phiếu bầu từ tầng lớp lao động Mỹ.

Một số tiền khổng lồ đã được đổ vào chiến dịch tranh cử của Biden và các chiến dịch tranh cử thượng viện của đảng Dân chủ. Sự thiên vị của giới truyền thông chống lại Tổng thống Trump là một yếu tố chính yếu khác thúc đẩy quy mô ủng hộ Biden. Kể từ sau chiến dịch Goldwater năm 1964, chúng ta chưa từng thấy các phương tiện truyền thông đoàn kết hơn bao giờ trong một cố gắng khổng lồ nhằm bảo đảm đánh gục một nhân vật được coi là mối đe dọa đối với tất cả những gì họ xem là tốt và đúng ở Mỹ. Với những yếu tố này, việc Biden không thắng một cách dễ dàng và cuộc kiểm phiếu kéo dài nhiều ngày sau đó là một điều thật phi thường.

Theo nghĩa chung nhất của nó, “chủ nghĩa dân túy” cho thấy một chế độ trong đó các nhà lãnh đạo đã đánh mất lòng tin của những người mà họ muốn lãnh đạo. Điều này gây ra bất ổn chính trị khi cử tri nổi loạn, từ chối chấp nhận sự hướng dẫn của giới tinh hoa. Khi các chuyên gia nói về chủ nghĩa dân túy như một “mối đe dọa đối với các chuẩn mực dân chủ”, họ đang đề cập đến sự hung hăng này. Không sai khi nói rằng một nền dân chủ cần có lan can, nhưng các lan can ngày nay đang được thiết lập bởi giới tinh hoa nhằm hạn chế cạnh tranh chính trị và hướng dẫn cái gọi là “chính quyền ngầm” hướng tới các mục tiêu và hành động phù hợp với kết quả bầu cử của họ.

Năm 2016 đã gây sốc cho các nhà lãnh đạo của chúng ta. Dù kết quả cuối cùng ra sao, tuần này nhắc nhở chúng ta rằng một phần đáng kể cử tri Mỹ - đã đủ để đưa một người đàn ông vào Tòa Bạch Ốc – khi họ không chấp nhận sự hướng dẫn từ giới tinh hoa văn hóa và chính trị của chúng ta. Kết quả là, những người Mỹ này bị tước quyền bầu cử - không phải theo nghĩa bầu cử (vì Tổng thống Trump có thể cuối cùng vẫn thắng), nhưng theo nghĩa văn hóa và ý thức hệ. Như bốn năm qua đã cho thấy, giới tinh hoa đã tập trung sự tức giận và thất vọng của họ vào các chương trình nghị sự chính trị và xã hội được xây dựng và phối hợp phong phú dưới quyền của một Donald Trump, không xuất thân từ giới tinh hoa chính trị Hoa Kỳ.

Khi Tổng thống Trump rời khỏi chính trường (cho dù vào tháng 1 năm 2021 hay sau nhiệm kỳ thứ hai), một lượng lớn cử tri sẽ vẫn có sẵn cho các chính trị gia Đảng Cộng hòa, những người sẵn sàng mạo hiểm vượt ra ngoài sự an toàn của các quan điểm được giới tinh hoa cho phép. Nhiệm vụ đối với các trí thức và nhà hoạt động cánh hữu là phải xây dựng một tầm nhìn cho tương lai của đất nước - một tầm nhìn đề cập đến thay vì bỏ qua những lý do tại sao rất nhiều cử tri đã chọn một người bị các thành phần tinh hoa của đất nước này phản đối triệt để.


Source:First Things
 
Đức Hồng Y Pell và cuộc cải tổ tài chánh của Vatican
Vũ Văn An
21:23 06/11/2020

Cuộc cải tổ tài chánh của Vatican đang có chiều hướng tốt đẹp thì việc Đức Hồng Y Pell phải ra toà và nhất là sau đó bị kết án và ngồi tù hơn một năm trời tại Úc, đã làm cho cuộc cải tổ này gần như ngừng lại. Hậu quả, ai cũng đã thấy: trong lúc khựng lại như vậy, liên tiếp có những vụ việc không tốt diễn ra đưa đến tai tiếng Becciu.



Tháng 4 năm 2020, khi Đức Hồng Y Pell được toàn bộ Tòa Án Tối Cao Úc nhất trí giải oan, lập lại danh thơm tiếng tốt, thì dường như “bóng tối sự ác” ở Vatican cũng rục rịch bị vạch mặt nạ. Khí thế ánh sáng dường như sống lại, quét đủ mọi góc xó, và các con chuột bắt đầu phải chường mặt ra.

Có thể đó chỉ là một lối nói cường điệu. Nhưng người bình tĩnh nhất cũng thấy có những biến chuyển thuận lợi cho cuộc cải tổ tài chánh tại Tòa Thánh bắt đầu với tin Đức Hồng Y Pell được minh oan.

Ngay hôm sau khi ra khỏi tù, ngài cho biết sẽ trở lại Vatican. Dĩ nhiên, lúc ấy, ngài không thể nói gì ngoài việc cho rằng để thu dọn đồ đạc khỏi căn phòng vốn dành cho ngài tại Tòa Thánh trong tư cách người đứng đầu văn phòng Kinh tế. Nhưng là lúc nào? Ngài không nói rõ, vì ai mà dám nói rõ, khi Covid-19 đang tung hoành khắp nơi.

Vậy mà, dù Covid-19 vẫn còn rất hung hăng, ngài vẫn đã lên đường qua Vatican vào cuối tháng 9. Tại sao vậy? Chắc chắn không phải vì phải dọn đồ gấp. Mà vì thời cơ đã đến, lúc thế lực chống đối cuộc cải tổ do ngài, vâng lệnh Đức Phanxicô, khởi xướng và thi hành bắt đầu đi vào đường cùng: Becciu bị tố cáo biển thủ!

Gerard O’Connell, của tạp chí America, lúc ấy, trả lời cho câu hỏi “Tại sao Đức Hồng Y trở lại Rôma?”, đã cho rằng dù cuộc trở lại này không liên quan gì đến việc Hồng Y Becciu bị lột mặt nạ, nhưng dựa vào một nguồn tin thông thạo, thì sau khi được minh oan hồi tháng Tư, ngài “nhận được khích lệ” từ một số viên chức cao cấp Vatican “muốn ngài trở lại Rôma”, nơi, cũng theo O’Connell, Đức Hồng Y vẫn còn là một nhân vật gây phân cực.

Hình ảnh người ủng hộ người chống đối ở Vatican như trên là hình ảnh trung thực. Không có sự ủng hộ trên, chắc chắn Đức Hồng Y Pell không thể qua Rôma giữa lúc Covid-19 đang tung hoành. Vì không có lời mời “nặng ký” nào đó từ ít nhất một cơ quan cao cấp của Vatican, thì làm sao Kiểm Soát Biên Giới Úc để ngài đáp máy bay ra ngoài nước? Cho nên, dù Lực Lượng Bảo Vệ Biên Giới Úc từ chối không xác nhận điều trên, Tuần báo The Weekly Catholic của tổng giáo phận Sydney vẫn cho rằng có lời mời Đức Hồng Y Pell qua Rôma từ Tòa Thánh.

Nhưng cơ quan cao cấp ấy nhất định không phải là Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nơi Hồng Y Becciu từng là nhân vật thứ hai sau Hồng Y Parolin cả gần chục năm (từ 2011 tới 2018). Vì theo Elise Ann Allen của tạp chí Crux Now, ngày 2 tháng 10, chỉ mấy ngày sau khi Đức Hồng Y Pell đặt chân lên Kinh Thành Muôn Thuở, Hồng Y Parolin lên tiếng cho rằng: không hề có nối kết nào giữa việc Đức Hồng Y Pell trở lại Rôma và việc từ chức gần đây của Hồng Y Becciu. Quốc vụ Khanh Tòa Thánh cũng quả quyết rằng sau khi ra khỏi tù, Pell “yêu cầu trở lại Rôma. Đức Giáo Hoàng không hề mời Pell trở lại. Chính Pell yêu cầu được tới Rôma để kết thúc việc ngài cư trú ở đây, vì ngài vẫn còn căn hộ, nên ngài tới đây để đóng cửa nó”.

Chỉ có thế, rõ ràng để hạ giá chuyến trở về Rôma của Đức Hồng Y Pell. Dọn đồ thì cùng lắm là 2, 3 ngày là xong. Nhưng cho đến nay, Đức Hồng Y Pell đã ở Rôma gần 2 tháng, đã được hội kiến với Đức Phanxicô. Nhưng vẫn chưa trở về Sydney để vui hưởng tuổi già. Chắc chắn vì Vatican đang cần đến ngài, dù nhất định là không ban tặng ngài bất cứ chức vụ chính thức nào, điều mà ngài không cần. Điều ngài cần là cuộc cải tổ tài chánh của Tòa Thánh được tiếp tục tiến hành.

Và điều đó đang diễn ra ngay trong thời gian ngài tạm dừng chân ở Kinh Thành Muôn Thuở. Thực vậy, đầu tiên là tin Hồng Y Parolin hết còn đứng chân trong Hội đồng quản trị Ngân Hàng Vatican. Bạn đọc chỉ cần vào Google để thấy nhiều nguồn tin thông báo việc này.

Khi loan tin trên ngày 12 tháng 10, CNA cho hay: vào hôm Thứ Bẩy, câu chuyện dài về cuộc cải tổ tài chánh của Vatican tiếp diễn với việc chấp thuận một số thay đổi mới đối với luật lệ của Thị Quốc Vatican về minh bạch và giám sát kinh tế.

Hãng in trên viết thêm “nó cũng bao gồm việc thông báo rằng Hồng Y Pietro Parolin không còn ngồi ở hội đồng giám sát mới được tái dựng của Viện Các Công Trình Dòng Tu (IOR) quen gọi là Ngân Hàng Vatican, lần đầu tiên Quốc Vụ Khanh không có ghế ở đó. Lời thông báo này là một trong các dấu ấn cho thấy Hồng Y và cơ quan của ngài, cả hai, trong nhiều năm, vốn là trung tâm của việc quản trị Giáo Hội, đang mất dần ảnh hưởng và sự tín nhiệm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

CNA cũng tiên đoán: không bao lâu nữa, ngài sẽ phải đối đầu với “những câu hỏi khó nhá về việc làm và việc giám sát của ngài ở Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh”. Vì theo Enrico Crasso, một nhà kinh doanh Ý có nhiệm vụ điều tra hàng triệu dollars trong các qũy của Vatican, thẩm quyền hành động của Becciu được Parolin trực tiếp dành cho ngài.

CNA viết thêm rằng: Parolin có tiếng là nhận trách nhiệm bản thân đối với các vấn đề do các thuộc hạ tạo ra, đưa uy tín cá nhân của mình ra để che chở các lỗi lầm của cơ quan. Nhưng nay dường như ngài không còn đủ tín dụng để trả hết hóa đơn đang lên cao”.

CNA cũng còn thêm chi tiết này: trước đó, ngày 5 tháng 10, Đức Phanxicô tước khỏi Parolin vai trò giám sát tài chánh ở Ủy Ban Các Vấn Đề Dành Riêng, nghĩa là Ủy Ban giám sát các hoạt động tài chánh nằm bên ngoài các qui định thông thường của Vatican và trao vai trò này cho Hồng Y Kevin Farrell, vốn là Hồng Y “camerlengo” (quản trị tài sản và lợi tức của tòa thánh khi tòa Phêrô trống ngôi).

Chưa hết, ngày 5 tháng 11, 2020, Catholic Herald đưa tin: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lấy hết túi tiền ra khỏi Phủ Quốc Vụ Khanh. Thực vậy, ngài đã chuyển các trách nhiệm quản trị và giám sát các tài sản trước đây do Phủ Quốc Vụ Khanh nắm giữ và kiểm soát cho nhiều bộ sở khác nhau của Giáo triều.

Động thái trên, theo tờ báo, diễn ra giữa việc khảo sát kỹ lưỡng nền tài chánh của Vatican và tai tiếng kéo dài liên quan đến một số khía cạnh khác nhau của việc quản trị tài sản.

Trong một lá thư gửi cho Hồng Y Quốc Vụ Khanh đề ngày 25 tháng 8 năm 2020 và được Phòng Báo Chí Toà Thánh công bố trưa ngày 5 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô truyền cho Phủ Quốc Vụ Khanh “chuyển giao việc quản lý và quản trị mọi qũy tài chánh và mọi bất động sản cho APSA (Cơ quan Quản Trị Gia Sản của Tông Toà), là cơ quan dù sao sẽ duy trì mục tiêu hiện nay của chúng”.

Lá thư cũng định rằng “mọi qũy từ trước đến nay do Phủ Quốc Vụ Khanh quản trị sẽ được hòa nhập vào ngân sách chung của Tòa Thánh”. Thành thử, “trong mọi vấn đề kinh tế và tài chánh, Phủ Quốc Vụ Khanh sẽ hoạt động nhờ một ngân sách được chấp thuận qua các cơ chế thông thường, với các thủ tục thích đáng riêng của mình vốn được đòi hỏi nơi bất cứ bộ sở nào, ngoại trừ các vấn đề dành riêng lệ thuộc tính bí mật được Ủy Ban bổ nhiệm vì mục đích này chấp thuận”.

Điều đặc biệt được Catholic Herald nhấn mạnh là “Văn phòng Kinh Tế (do Đức Hồng Y Pell điều hành lúc mới thành lập) từ nay sẽ có trách nhiệm kiểm soát và giám sát đối với mọi cơ quan của Tòa Thánh, kể cả những cơ quan từ trước đến nay vốn dưới phạm vi hoạt động độc quyền của Phủ Quốc Vụ Khanh.

Lá thư còn viết tiếp: “nhớ rằng Phủ Quốc Vụ Khanh sẽ không còn quản trị các tài sản nữa, nên điều thích đáng đối với nó là tái định nghĩa chức vụ quản trị của mình, hay lượng định sự cần thiết của việc nó hiện hữu”.

Trong một bản tuyên bố gửi cho các nhà báo hôm thứ Năm kèm theo lá thư, giám đốc phòng Báo Chí Tòa Thánh, Matteo Bruni, nói rằng sáng nay Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thiết lập một “Ủy Ban chuyển giao và kiểm soát, sẽ bắt đầu hoạt động ngay tức khắc, để hoàn tất, trong 3 tháng kế tiếp, các dự liệu trong lá thư gửi cho Phủ Quốc Vụ Khanh”.

Catholic Herald nhận định rằng động thái trên không hẳn là bất ngờ, nhưng độ mau lẹ của hành động được loan báo, theo tiêu chuẩn giáo triều, kể là nghẹt thở và nêu lên nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề quản trị tại Tòa Thánh.

Mặc dù trong lời nói đầu của lá thư ngày 25 tháng 8, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng các quyết định về phương diện này đã được đưa ra “trong khuôn khổ cuộc cải tổ Giáo Triều Rôma”, nhưng theo sự nhất trí của các quan sát viên Vatican và các giáo sĩ cao cấp từng được xem các dự thảo sau cùng của tông hiến mới về giáo triều, Phủ Quốc Vụ Khanh sắp sửa trở thành cơ quan nhiều quyền hành hơn trước.

Lá thư của Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng “Phủ Quốc Vụ Khanh chắc chắn là Bộ Sở hỗ trợ gần gũi và trực tiếp nhất hoạt động của Đức Thánh Cha trong sứ mệnh của ngài, đại diện cho một điểm qui chiếu thiết yếu đối với sinh hoạt của giáo triều và các bộ sở thành phần của nó”. Tuy nhiên, đối với Đức Giáo Hoàng, “xem ra không cần thiết và thích đáng để Phủ Quốc Vụ Khanh thi hành mọi chức năng vốn đã được chỉ định cho các bộ sở khác”.

Đức Giáo Hoàng viết tiếp “Điều thích đáng hơn là nguyên tắc phụ đới được thực thi cả trong các vấn đề kinh tế và tài chánh, không làm hại tới vai trò chuyên biệt của Phủ Quốc Vụ Khanh và trách vụ không thể miễn chước nó đang thi hành”.

Thiển nghĩ, các động thái trên diễn ra lúc Đức Hồng Y Pell hiện diện tại Rôma rõ ràng là một bằng chứng cho thấy Tòa Thánh thừa nhận chỗ đứng của ngài trong cố gắng cải tổ nền tài chánh khá tối tăm và phức tạp của Tòa Thánh
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Căn tính và Tôn chỉ cửa sứ vụ Linh mục trong bối cảnh Á châu
Lm. Xuân Hy Vọng
08:56 06/11/2020
Trích phần II của Tư liệu Liên Hội đồng Giám mục Á Châu số 122

II. CĂN TÍNH VÀ TÔN CHỈ CỦA SỨ VỤ LINH MỤC TRONG BỐI CẢNH Á CHÂU


Lm. Vimal Tirimanna, CSsR, Thư ký Điều hành Văn phòng Quan tâm về Thần học trực thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC – OTC) Chuyển ngữ: Lm. Xuân Hy Vọng

Theo dòng lịch sử, kể từ nhân loại được thiết lập mối liên hệ với hiện tượng ‘tâm linh’ dưới dạng thức một tôn giáo, tư tế nam nữ thuộc nhiều tôn giáo khác nhau đang sụt giảm. Thật vậy, có cả nam và nữ tư tế trong các nền văn minh cổ đại lẫn khu vực mà họ gắn liền. Tuy nhiên, chức linh mục Công Giáo được thiết lập, xoay quanh nét độc nhất vô nhị của căn tính đặc thù[1]; và thừa tác vụ linh mục Công Giáo trong những thế kỷ XIX/XX đã được xã hội công nhận, tin tưởng về mặt luân lý và được kính trọng không chỉ ở Châu Âu phần lớn theo đạo Ki-tô giáo, mà còn nhiều nơi tại Châu Á hầu hết chưa theo đạo Ki-tô giáo. Do đó, dẫu thời gian trôi qua mau, linh mục Công Giáo vẫn được kính nể, tôn trọng hầu hết tại các quốc gia Á Châu: Họ là những người nhắc nhở giáo dân về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, nhưng thường bị dè bỉu[2]. Giáo dân biết linh mục Công Giáo là người ra sao và các ngài được kỳ vọng cư xử đặc biệt thế nào; cụ thể, “văn hoá tư tế” tồn tại ở đây, nghĩa là cung cách mà các linh mục làm việc. Trên toàn thế giới, một vị linh mục Công Giáo được xác định có căn tính rõ rệt và phổ quát.

Tuy nhiên, với nhiều cải cách sâu đậm trong toàn thể Giáo hội do Công đồng Va-ti-can II mang lại, sứ vụ linh mục Công Giáo cũng trải qua một loại khủng hoảng căn tính. Vì thế, những năm sau Công đồng, hàng ngàn linh mục rời bỏ sứ vụ (huyền chức), còn một số khác thì tiếp tục, nhưng đối diện với khủng hoảng ấy. Vài thập niên sau, hiện tình trạng khủng khoảng căn tính này dường như chuyển biến từ xấu thành tệ hơn. Ngoài ra, các cuộc khảo sát khoa học khác nhau được triển khai tại một số quốc gia Châu Á, về hình ảnh của linh mục giữa hàng ngũ giáo dân, và nêu ra tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về sự tin tưởng mà đang chi phối quá nhiều linh mục ngày nay[3].

Cho dù kỷ nguyên hậu Công đồng Va-ti-can II có thể làm phai mờ căn tính phổ quát của sứ vụ Linh mục Công Giáo, và dường như tương đồng với các ơn gọi khác, thì chức Linh mục tiếp tục tiến triển trong đặc tính thiết yếu của nó, đó là căn tính nguyên vẹn và sẽ không thay đổi ngay cả về sau. Trong bài tham luận này, tôi được yêu cầu nói về căn tính và tôn chỉ của sứ vụ Linh mục tại Á Châu. Trước khi đi vào chi tiết, tôi mặc định cả hai căn tính và tầm nhìn không chỉ liên kết nội tại với nhau thông qua chính sứ mệnh của sứ vụ linh mục, tất nhiên trong bối cảnh đã nêu, mà chúng còn là hai phương diện của một vấn đề. Vì thế, những gì được trình bày sau đây về căn tính linh mục có lẽ hợp lý cả với tôn chỉ của sứ vụ linh mục, và ngược lại. Bởi lẽ nội dung của căn tính và tôn chỉ thường đan xen và hội tụ trong sứ mệnh của thừa tác vụ linh mục trong bối cảnh nêu trên. Trước hết, công việc của tôi sẽ đề cập tới căn tính linh mục, đặc biệt liệt kê những đặc tính thiết yếu của căn tính ấy tại Á Châu, kế tiếp, bằng sự nỗ lực thiết lập ngắn gọn về tôn chỉ của chức vụ linh mục Công Giáo cần phải có trong bối cảnh Á Châu, chính xác hệ tại căn tính ấy.

1. Căn tính Linh mục tại Á Châu

1.1. Thụ phong trao ban ba ‘dấu ấn’ đặc thù

Trong nghi thức Thụ phong, có đoạn khi Giám mục truyền chức nói rằng các linh mục được chọn giữa vô vàn con người, và được tận hiến cho Thiên Chúa ngõ hầu thánh hoá chính mình. Do đó, Linh mục được loại biệt...để tận hiến, và trở nên ‘thánh thiện’ theo định nghĩa của thiên chức linh mục. Thật ra, Giám mục tấn phong cầu nguyện như sau trong Nghi lễ Thụ Phong: “Lạy Cha Toàn Năng, chúng con nài xin Cha ban chức Linh mục cho (các) tôi tớ Cha đây. Xin Cha đổi mới Thần Trí thánh hoá trong lòng (các) thầy”. Kể từ đó, theo niềm tin Công Giáo ấp ủ bấy lâu, nghi lễ dâng hiến này liên quan đến sự biến đổi thật sự sâu sắc, nhờ ‘dấu ấn’ thiêng liêng, mà ‘đặc tính’ được trao ban cho linh mục ngõ hầu thay mặt Đức Ki-tô (in persona Christi) thi hành sứ vụ. Dựa trên truyền thống Công Giáo lâu đời, đặc điểm chính yếu của căn tính Linh mục là: ngài được dâng hiến một cách đặc biệt, được loại biệt để thực hiện sứ vụ thay mặt Đức Ki-tô. Nhân danh Chúa Ki-tô và Giáo hội Người, linh mục khởi đầu sứ vụ để cầm buộc hay tháo gỡ.

Trong Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh mục Presbyterorum Ordinis số 2, Công đồng Va-ti-can II trình bày: “Các ngài được Chúa Thánh Thần xức dầu, như thế linh mục nên giống Chúa Ki-tô Tư Tế, đến nỗi có quyền thay mặt Chúa Ki-tô là Đầu mà hành động”. Tương tự như bao thánh sủng khác, đặc sủng và đặc tính thụ phong này được trao ban cho các linh mục một cách như không, nhưng tuỳ thuộc vào cách đón nhận của họ; nếu không, nó sẽ chẳng biến đổi ứng viên chịu chức. Là linh mục, chúng ta cần tin tưởng, đón nhận và sống chân lý tuyệt hảo này nơi sứ vụ linh mục của mình. Nếu chúng ta sống chân lý này hằng ngày, mọi người sẽ nói với chúng ta như một vị khách đã từng thổ lộ với Cha quản nhiệm Giáo xứ Ars [Thánh Gio-an Ma-ri-a Vi-an-nê] rằng: “tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa nơi một người”!

Linh mục là người thánh thiện, được loại biệt để phục vụ Chúa và Dân Người; điều này quả thật đúng đắn, tuy không có nghĩa là: chức linh mục bí nhiệm như một ‘thực tại thánh thiêng’ hoàn toàn tách rời khỏi thế giới hiện tại và mọi người. Trong khi nỗ lực sống tốt lời mời gọi nên thánh, thì một linh mục Công Giáo cần duy trì sự thánh thiện trong từng hành động phục vụ Chúa và Dân Người nơi thế giới thực tại này. Về điểm này, Jacob Parappally trình bày đúng đắn như sau:

“Một xu thế nguy hại đang tồn tại muốn biến đổi sứ vụ linh mục Ki-tô giáo thành điều bí nhiệm. Quả thật, khác hẳn chức tư tế nơi các tôn giáo khác, nhưng chẳng có lí do gì để biện minh cho việc biến nó thành huyền bí cả. Trên thực tế, xu hướng này đã khiến một vài linh mục tự mình thông tri rằng họ chỉ là tư tế thực hành lễ nghi, chẳng khác gì mấy so với các tư tế thuộc giáo phái Mithras mà họ cũng được gọi là ‘cha’ hay như các tư tế phụng sự thần linh nào đó trong đền thờ. Chức linh mục Ki-tô giáo khác hẳn tư tế thuần tuý lễ nghi. Nó là một sứ vụ được trao phó cho linh mục nhằm phục vụ cộng đoàn Dân Chúa, để Chúa Ki-tô hiện hữu nhiệm mầu qua các bí tích, ngõ hầu các tín hữu có thể gặp gỡ Đấng hằng sống mà họ xác tín, cũng như xây dựng toàn Thân Thể Người là các cộng đoàn.[4]

Nói cách khác, một linh mục được lãnh nhận căn tính đặc biệt qua việc ‘loại biệt’ là điều đúng đắn, nhưng không có nghĩa là các linh mục đoạn tuyệt, tách rời và trên cả Dân Chúa. Mà chính xác hơn, linh mục được đặt để phục vụ đoàn chiên. Mặc dù kỷ nguyên trước Công đồng Va-ti-can II cho rằng vị linh mục hoàn toàn tách rời khỏi mọi người, được lãnh nhận chức vụ tư tế lễ nghi độc quyền, nhưng Công đồng Va-ti-can II đã thay đổi quan niệm này. Công đồng thay thế thuật ngữ mang tính lễ nghi sacerdos bằng từ đậm chất Kinh Thánh, không hơi hướng nghi lễ presbyter hay ‘kỳ mục’. Đây là điều hoà hợp hoàn hảo với Đức Giê-su mà bốn cuốn Phúc Âm đã trình thuật: không sinh ra từ dòng dõi tư tế, và người dân thời ấy cũng không coi Người là một tư tế! Thật vậy, chính Đức Giê-su đã bãi bỏ chức tư tế lễ nghi thời Cựu ước; nhưng cộng đoàn tiên khởi nhận ra sự kiện toàn tuyệt đối cho mọi chức vụ tư tế của con người trong mầu nhiệm Nhập thể, Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giê-su[5]. Chỉ ngay sau cuộc hiến tế cao cả của Người trên Thánh giá, các môn đệ mới nhận ra Người thật là vị Thượng Tế Hằng Sống, như chúng ta đọc biết trong Thư gửi cho tín hữu Do Thái. Do đó, theo Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, bối cảnh của linh đạo linh mục là xây dựng và kiến tạo cộng đoàn Ki-tô giáo [như nhiệm tích Nước Trời mà Đức Giê-su rao truyền] trong sự hiệp nhất với Chúa Ki-tô là Đầu[6]. Chắc chắn căn tính linh mục xoay quanh Bí tích Thánh Thể [chức Linh mục và Bí tích Thánh Thể đều được Chúa Ki-tô thiết lập trong cùng một bối cảnh!], được hiểu theo nghĩa rộng hơn. Bí tích Thánh Thể kiến thiết cộng đoàn Ki-tô giáo, còn linh mục là khí cụ chính yếu của Thiên Chúa trong việc xây dựng cộng đoàn. Do đó, một vị linh mục phải xác định bản thân hoàn toàn liên đới với cộng đoàn của ngài trong niềm vui cũng như âu sầu, lúc thành công cũng như thất bại, và luôn hiệp nhất với đoàn chiên.Tuy nhiên, ngài cũng phải khôn ngoan cẩn trọng khi minh định chính mình, chớ đánh mất căn tính linh mục thiết yếu này như Đức Hồng Y Simon Pimenta thuộc Địa phận Mumbai quả quyết:

Vì lí do này mà phong trào đương thời cổ động vai trò của vài linh mục lúc nào cũng biến mình thành đồng dạng với thế giới xung quanh, và dường như họ trở nên những người khuyên nhủ tiêu cực xa lạ. Họ muốn cởi bỏ phẩm phục đặc thù của linh mục. Họ bị ám ảnh với ‘hội chứng: Gọi tôi là Charlie’! Họ hy vọng hoà nhập tiệm tiến vào bầu khí, hiện trạng của thế gian và thời đại mà họ đang sống. Nhờ quyền năng bí tích Truyền chức Thánh, các Linh mục loại biệt với những ai không có chức thánh. Và một khi cố làm mờ nhạt đi sự khác biệt thiết yếu này, thì chúng ta sẽ không còn phục vụ Chúa Ki-tô và dân Người[7].

Và ngài trình bày ở một luận điểm khác:

Linh mục là dấu chỉ; và sức mạnh của dấu chỉ này không tương đồng, mà lại khác biệt như ánh sáng với bóng tối, nhằm soi chiếu cho người lữ khách đang bước đi trong đêm. Muối cũng thế, khác biệt với thức ăn để tăng thêm phần hương vị. Đức Ki-tô mời gọi chúng ta trở nên ánh sáng và muối cho đời trong một thế giới đầy hỗn mang và hoang phí như chúng ta đang trải qua, thế nhưng sức mạnh của biểu tượng hiện hữu đích thật hệ tại nơi sự loại biệt này. Hoạt động tông đồ mời gọi dấn thân càng nhiều vào đối tượng con người, thì càng phải khác biệt rõ rệt.[8]

Trong xã hội chúng ta, cách riêng xã hội Châu Á, tồn tại một thời điểm tồn tại mà mỗi vai trò con người trong một xã hội nhất định được định nghĩa rõ ràng. Bác sĩ biết cương vị của mình là gì; một người đỡ đẻ cũng thế; người nông dân biết vai trò mình là gì; tương tự giáo viên cũng vậy, v.v…Chính chức năng vai trò nơi mỗi người xác định căn tính của họ. Tuy nhiên, ngày nay, trong khi một số vai trò vẫn còn nguyên sơ tại vài khu vực Châu Á, thì vai trò của một linh mục Công Giáo thật sự đang bước vào thời kỳ biến chuyển [thậm chí rơi vào khủng hoảng/tình trạng rối bời], đặc biệt suốt vài thập niên vừa qua. Để bắt đầu lại, linh mục hôm nay mặc lấy nhiều chức năng như một phần của sứ vụ và sứ mệnh tư tế, chậm chí đến mức độ đánh mất/phủ nhận đặc tính thiết yếu của thừa tác linh mục. Kéo theo hậu quả ngày nay khủng hoảng nghiêm trọng về căn tính đối với chức linh mục hiện hữu. Một nghi vấn thường đặt ra hiện giờ là: “linh mục là ai?” còn giáo viên, người hoạt động xã hội, tư vấn viên hôn nhân, người quản trị, v.v…vậy họ là gì? Tuy nhiên, Đức Hồng Y Pimenta cho biết, một người tranh đấu chống lại sự nghèo đói để giúp tư vấn hay điều hành những nhóm thanh thiếu niên, thì không cần phải chịu chức linh mục. Bởi lẽ, giáo dân thực hiện những điều này tốt hơn nhiều so với các linh mục! Nhưng, không một tín hữu nào có thể cử hành Thánh lễ hay hoàn thành bất cứ một vai trò thánh hoá nào của linh mục cả. Giáo dân không thể nào giải tội, và không được nhân danh Giáo hội giảng dạy chính thức. Linh mục là cánh tay nối dài của Giám mục [đấng kế vị các Thánh Tông đồ], và đây là lí do tại sao linh mục từ trước đến nay đều cần năng quyền nơi Giáo phận để thực hiện sứ vụ linh mục của mình[9]. Đức Giám Mục là người kế vị trực tiếp của Thánh Tông đồ. Như vậy, linh mục Công Giáo hành động thay mặt Đức Ki-tô (in persona Christi), và chính hành vi này mang lại căn tính loại biệt thiết yếu hàng đầu cho linh mục.

Trong Tông huấn về Việc đào tạo Linh mục trong Hoàn cảnh Hiện nay Pastores Dabo Vobis, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II viết:

Người linh mục tìm gặp trọn vẹn sự thật về căn tính của mình trong sự kiện mình tham dự một cách loại biệt vào Đức Kitô và nối tiếp chính Đức Kitô, vị tư tế Tối Cao và độc nhất của Giao Ước mới: linh mục là hình ảnh sống động và trong suốt của Chúa Kitô Linh mục[10].

Như Hồng Y Pimenta trình bày, Đức Giê-su đồng hoá chính mình với các linh mục trong khi thực hiện năng quyền tư tế của Người, mà Người trao ban quyền năng này cho chúng ta đến mức mà cá tính riêng của mình cũng được thay thế bằng tính cách của Người, vì chính Người hành động trong chúng ta là những linh mục [nghĩa là: thay mặt Đức Ki-tô (in persona Christi) thực hiện sứ vụ]. Chính Đức Giê-su hiện diện trong Hy tế Thánh hiến nơi Thánh lễ, biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Người. Tương tự, qua chúng ta, Đức Giê-su tha thứ tội lỗi. Chính Người nói khi vị linh mục thực hiện sứ vụ nhân danh Giáo hội và trên tinh thần của Giáo hội, công bố Lời Chúa…và cứ như thế, chúng ta có thể liệt kê hàng loạt những phương diện mà linh mục hành động thay mặt Đức Ki-tô. Sau hết, chúng ta cần lưu ý rằng chiều kích thánh thiêng của chức linh mục được tấn phong hoàn toàn cho chiều kích tông đồ, nghĩa là, sứ mệnh rao truyền và mục vụ[11].

1.2. Ơn gọi nên Thánh/Việc thánh hoá Linh mục

Tất cả các tín hữu lãnh nhận bí tích Rửa tội đều được mời gọi nên thánh; nhưng không phải ai cũng được kêu mời trở thành linh mục. Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II trình bày ơn gọi đặc biệt này đối với việc nên thánh của các linh mục trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis, ngài viết:

Khẳng định của Công Đồng: “Lời mời gọi sống viên mãn đời sống Kitô hữu và thực thi đức ái trọn hảo được ngỏ đến mọi người tin vào Chúa Kitô, bất kể bậc sống hoặc lối sống của họ” [LG 40], được áp dụng một cách đặc biệt cho các linh mục: các linh mục được mời gọi, chẳng những với tư cách thụ nhân của bí tích Rửa tội nhưng còn, một cách loại biệt, với tư cách linh mục, hiểu như một tước hiệu mới và tùy theo những thể thức riêng, bắt nguồn từ bí tích Truyền Chức Thánh[12].

Như đã đề cập, linh mục nên thánh nhờ dấu ấn hay ‘đặc tính’ không thể xoá nhoà mà họ được lãnh nhận trong ngày chịu chức. Họ thánh thiện cũng nhờ căn tính linh mục và thực thi những gì mà linh mục nên làm! Cử hành Thánh lễ, giải tội, xức dầu bệnh nhân, giảng dạy Lời Chúa, cầu nguyện cho đoàn chiên, quan tâm chăm sóc những ai bị bỏ rơi, lưu tâm tới người nghèo, giúp đỡ người cô thế cô thân, hiệp nhất với những ai bị áp bức, v.v…Từ những cảm nghiệm trong đời, chúng ta biết rõ ‘hữu thể’ và ‘hoạt động’ của con người liên kết nội tại với nhau và không thể nào tách rời. Nhà thần học luân lý xuất chúng người Mỹ, Richard M. Gula đã nêu ra: nếu chúng ta đề cập quá nhiều đến hành động hay hoạt động biệt lập, thì chúng ta đang có nguy cơ xem chúng như thứ gì đó ngoài bản thân chúng ta, và chúng có thực tại riêng, độc lập với con người hành động hoặc tác nhân. Nhưng các hành vi luôn là cách biểu hiện của một người[13]. Là Ki-tô hữu, chúng ta được gọi mời làm những việc ngay thẳng, thì tiên vàn, chúng ta cũng được mời gọi trở nên người sống bác ái yêu thương theo gương Đức Giê-su Ki-tô[14]. Về điểm này, linh mục không thuộc diện miễn trừ. ‘Tôi là gì’ quan trọng ngang bằng với ‘tôi làm gì’; ‘hữu thể’ hệ trọng như ‘hành động’. Gula viết:

Như thần học luân lý Công Giáo truyền thống dạy rằng: hữu thể sao hành động vậy (agere sequitur esse). Luân lý hằng ngày bao hàm các vấn đề về cung cách sống sao cho phù hợp với con người chúng ta. Phần đông, chúng ta không suy nghĩ khi đưa ra quyết định. Chúng ta hành động theo cách thường làm, bởi vì các điều kiện bên ngoài thách thức chúng ta lột tả những thói quen đã hình thành, nắm chặt niềm tin, hình ảnh phản ánh bản thân, các lý tưởng chúng ta khao khát, và nhận thức về những gì đang diễn ra. Tóm tại, chúng ta hành động theo cách chúng ta thường làm hơn, do tính cách muốn thành hình hơn là những nguyên tắc mà chúng ta áp dụng[15].

Nói cách khác, là linh mục, bất kể những gì chúng ta làm [mọi sinh hoạt mục vụ] đều phải bắt nguồn từ căn tính của mình, từ chính hữu thể đạo đức, và ngược lại. Chỉ khi chúng ta thực hiện đúng đắn với những lí do hợp lý, và chỉ khi ấy, căn tính đích thật của linh mục, tôn chỉ và ý nghĩa đời sống xuất phát từ những gì mà ngài làm thôi. Nếu không, kết cuộc, các linh mục sẽ trở nên ‘hoạt động viên’ chẳng có chiều sâu, hay ý nghĩa, hoặc căn tính loại biệt, và lúc ấy có lẽ chúng ta đành lặp lại lời thi sĩ trứ danh T.S. Eliot đã thốt lên trong một ngữ cảnh khác rằng: đây là sự mưu phản, làm việc đúng đắn cho lí do sai lầm!

Trong thế giới đương đại, người ta đặt ưu tiên sai lầm lên ‘hành động’ hơn là ‘hữu thể’. Tuy nhiên, trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II hoán đổi và sửa lại điều này: sự hiện hữu của linh mục quan trọng hơn nhiều so với việc làm của ngài. Căn tính linh mục hệ trọng hơn những hoạt động ngài thực hiện. Dĩ nhiên, những gì ngài làm đều bắt nguồn từ căn tính ấy. Vì thế, Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta là những linh mục, trên hết, phải trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su Ki-tô qua các Bí tích, Người vừa là Đầu vừa là Tôi trung, vừa là Mục tử vừa là Vị Lang quân của Giáo hội. Đây chính là bản chất của sứ vụ linh mục. Nhờ đó, họ được nâng đỡ trong tinh thần bác ái mục vụ – tình yêu đáp đền tình yêu, phục vụ đáp lại sự gần gũi thân thiết với Thầy Chí Thánh[16].

Mới đây, một cuộc khảo sát giữa các bạn trẻ tại những nước Nam Á được thực hiện, đặt ra câu hỏi chua chát này: giới trẻ nhận thấy linh mục ngày nay ra sao? Trong khi ngưỡng mộ tính cởi mở và thân thiện của các linh mục thời nay [đối nghịch với linh mục thuộc kỷ nguyên trước Công đồng Va-ti-can II], thì giới trẻ cũng kỳ vọng các linh mục trở nên thánh thiện hơn! Với vô vàn cảm nghiệm đa dạng Á Châu, chúng ta có thể tiến tới nhất trí chung với nhau nơi các dân tộc châu lục này. Và có lẽ đây là lí do tại sao Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II trong Tông huấn Giáo hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia) đã nói: người dân Á Châu không trông mong các linh mục của họ trở thành người quản lý hay nhà xây dựng, nhưng mong họ nên thánh [đặc biệt hoà hợp với các nhà lãnh đạo thánh thiện của những tôn giáo lớn khác tại Châu Á]:

Dân chúng tại Á Châu cần khám phá nơi hàng giáo sĩ không chỉ là những người chuyên lo việc bác ái hoặc những người quản trị cơ chế, nhưng những con người mà tâm trí hướng về những gì thâm sâu của Thần Khí (x. Rm 8, 5). Lòng tôn kính mà các dân tộc Á Châu dành cho những kẻ nắm giữ quyền bính, cần đi đôi với sự liêm chính đạo đức rõ nét nơi những người có trách nhiệm thừa tác trong Giáo hội. Nhờ có đời sống cầu nguyện, sự nhiệt thành phục vụ và cách sống gương mẫu, hàng giáo sĩ làm chứng hùng hồn cho Tin Mừng trong các cộng đoàn mà họ chăn dắt nhân danh Đức Ki-tô[17].

Về chức linh mục nói chung, một tác giả khác đề cập đến công cuộc canh tân thừa tác vụ linh mục, thừa nhận rằng căn tính và việc nên thánh của linh mục tương tác với nhau. Căn tính linh mục cần được phục hồi thế nào, thì việc nên thánh của linh mục cũng cần như vậy[18]. Nhưng ‘việc nên thánh của linh mục’ gồm những gì? Dưới đây, tôi xác định ba đặc điểm chính yếu của việc nên thánh của linh mục, đó là: cầu nguyện, phục vụ và hy sinh.

1.3. Ba đặc điểm Thiết yếu giúp Linh mục nên Thánh

1.3.1. Cầu nguyện: đặc điểm thiết yếu đầu tiên giúp Linh mục nên Thánh

Từ thời Cựu ước, vị tư tế phải đóng vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và dân chúng; ví dụ điển hình nhất là ông Mô-sê [cũng như các Tiên tri]. Thực tế, người dân Á Châu nhận biết, cảm kích, và kỳ vọng chúng ta thực hiện trách vụ cầu nguyện, có lẽ tốt hơn chúng ta tự mình làm, vì chẳng phải mỗi ngày họ mang đến chúng ta một nùi vấn đề của họ như mục vụ, cá nhân, tài chính và những điều khác sao? Chẳng phải họ đặt trước chúng ta nhu cầu và khát vọng từ trong sâu thẳm của họ sao? Chẳng phải họ thường nói: “Xin Cha cầu nguyện cho con, vì con trai con đã mất đức tin; vì bố/mẹ con đang bệnh; vì chồng con mất việc sao?” Lời họ xin cầu nguyện dài vô tận, nhưng mỗi ý nguyện đều từ tâm tư tín hữu và họ đặt niềm tin vào lời cầu nguyện đặc biệt của linh mục[19].

Là linh mục, chúng ta cần có tâm tình chiêm niệm trong hoạt động và hành động trong chiêm niệm. Hơn nữa, đời sống cầu nguyện không được tách rời khỏi cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, chúng ta cần khởi sự từ đời sống cầu nguyện tối thiểu cụ thể! Trước hết, chúng ta cần chuyên tâm vào đời sống cầu nguyện chính thức của Giáo hội – cử hành Thánh lễ hằng ngày và trung thành với giờ Kinh Phụng vụ mà chúng ta đã long trọng khấn hứa trong lễ chịu chức. Ngoài ra, đây là hành động của việc kết hiệp tha thiết với thừa tác vụ linh mục phổ quát của Giáo Hội Công Giáo – kế đến, cầu nguyện cá nhân – như lần chuỗi Mân côi hằng ngày, viếng Thánh Thể, suy niệm Lời Chúa mỗi ngày, đi Đàng Thánh Giá, đọc sách thiêng liêng, v.v…hầu hết những việc đạo đức cá nhân mà chúng ta thực hành trước khi vào chủng viện. Ngày nay, cám dỗ nguy hiểm thật sự là bỏ những tập quán ‘đạo đức’ như thể ‘nền thần học lạc hậu’, và rồi cứ để vậy, chẳng thay đổi gì! Chúng ta cần nỗ lực tự chủ dành thời gian cho việc cầu nguyện và thinh lặng thường kỳ, hồi tâm, tĩnh tâm, đọc sách thiêng liêng, tất cả đều là thời khắc ân sủng của đời sống linh mục mà nơi này chúng ta thu nhận thêm năng lượng thiêng liêng cho bản thân.

1.3.2. Phục vụ: đặc điểm thiết yếu thứ hai giúp Linh mục nên Thánh

Công đồng Va-ti-can II trình bày rõ cách thức nên thánh cụ thể hệ tại nơi sứ vụ linh mục: “Linh mục được ơn thánh hoá mỗi khi thi hành tác vụ một cách chân thành và liên lỉ trong tinh thần Chúa Ki-tô”[20].

Giống như bao nhiêu người, linh mục là ‘con người-trong-tương-quan’ với tha nhân. Ai đánh mất chính mình, lạc lối trong vỏ bọc, hẳn không phải là linh mục Công Giáo! Tương tự như Đức Ki-tô, linh mục là người dấn bước tiến đến với tha nhân, đặc biệt những ai bị loại trừ và bị vứt bỏ bên lề xã hội. Hơn nữa, với định nghĩa, linh mục được tấn phong cho mọi người, nếu không, chức linh mục chẳng có nghĩa gì. Như vậy, linh mục phải hướng đến tha nhân, và ngài được mời gọi trở nên một Ki-tô khác (alter Christus)!

Trước nhất, linh mục là một mục tử, mục tử tốt lành sẵn sàng ra đi tìm kiếm những con chiên lạc. Trình thuật Ez 34 minh hoạ tuyệt vời điểm này. Còn trong Tân ước, Đức Giê-su quả quyết Người là ‘vị mục tử tốt lành’! Tại bữa Tiệc ly, hai hành động chính yếu của Đức Giê-su, bẻ bánh và rửa chân, đã chứng thực cho nghĩa cử phục vụ khiêm hạ hết mình!

Linh mục không thể nào sở hữu những mối quan hệ độc chiếm được, vì nó sẽ huỷ diệt chính căn tính của họ; dựa trên định nghĩa, linh mục là người hoà nhã với hết mọi người, không loại trừ ai. Như vậy, ngài phục vụ và dấn thân bước tới với cả người già nua cũng như trẻ trung, đàn ông hay phụ nữ, kẻ giàu có cũng như nghèo hèn, những ai thánh thiện hay tội lỗi, người ngưỡng mộ hay chê bai, v.v…Một vị linh mục không thể nào có mối tương quan chỉ với một hoặc vài người mà loại trừ số khác. Đây là phần mảng mà đức khiết tịnh nơi đời sống độc thân can dự vào. Ngày nay, đáng tiếc thay khi một vài linh mục chúng ta sa ngã nghiêm trọng trong đời sống độc thân. Chúng ta không quy chiếu về một vấn nạn sa ngã theo thời kỳ, mà là ‘lối sống’! Về đời độc thân, một vài trong chúng ta biết rõ thủ thuật sống hai mặt[21] đã phá huỷ trầm trọng đặc tính nên thánh [và căn tính] của sứ vụ linh mục, gây biết bao vụ bê bối khủng khiếp [vd: bí mật có người tình/vợ, lợi dụng nhân viên hay người khác tự làm thoả mãn khoái lạc, thậm chí có con riêng; và cả tình trạng lạm dụng bé trai, v.v…]. Chắc hẳn đây là vấn nạn con người, và như thế, họ cần tìm đến các nhà tư vấn và phân tâm học để được điều trị hơn là cứ tiếp tục sống hai lòng, tâm thần phân liệt như vậy, bởi lẽ hành vi này chắc chắn huỷ hoại căn tính linh mục! Những người có vấn đề này, điều cần trước nhất là nhìn nhận bản thân đang gặp vấn đề, rồi sau đó tìm cách để thoát khỏi nó.

Chuyên gia về linh đạo Linh mục Triều danh tiếng Donald B. Cozzens đã nói:

Sự thân mật đích thật của con người là tiêu chuẩn xác nhận người lớn đã trưởng thành và khoẻ mạnh. Khả năng sẵn sàng cho các mối quan hệ chín chắn và chân thật cũng là đặc điểm nhằm đánh giá một cuộc sống đạo đức tốt lành và thăng tiến. Trong lúc mức độ thân mật biến thành vấn nạn của xã hội nói chung, thì dường như nó gây rắc rối đặc biệt cho các linh mục. Các nghiên cứu tâm lý-xã hội học về chức vụ linh mục tại Mỹ do Hội đồng Giám mục Công Giáo Quốc gia uỷ lạo và phát hành đầu năm 1970 cho thấy: các linh mục không chín chắn tương tự như những người đàn ông có học vấn khác. “Đơn thuần nam bình thường, linh mục người Mỹ trông vẻ sáng sủa, có năng lực và tận tâm. Nhưng phần lớn những ai chưa phát triển đầy đủ thường rơi vào tình trạng thiếu nhận thức trọn vẹn về giá trị nhân bản và tôn giáo. Họ có thể rất hữu ích kể cả về mặt cá nhân lẫn chuyên môn, nếu họ được hỗ trợ đạt tới mức trưởng thành trong đời sống nhân bản cũng như tôn giáo cao quý hơn”[22].

Cozzens cho rằng rất nhiều linh mục ngày nay thuộc loại nguyên mẫu “mãi là trẻ con”, hay “cậu bé bất diệt” (puer aeternus)[23]. Theo Cozzens, những vị linh mục ấy chính là “những cậu bé giả làm người lớn”![24] Sự trưởng thành của họ bị kiềm hãm, còi cọc đâu đó, cho nên, họ chỉ là những cậu bé hay thiếu niên mãi chẳng chịu chín chắn, và hành xử như thể con nít hoài thôi[25]! Cozzens đưa ra ý kiến gồm ba chữ I, đó là Idenity (Căn tính), Intimacy (Sự Thân mật), và Integrity (Liêm chính); ba điều này chắc chắn như kiềng ba chân, cần được giữ quân bình nếu linh mục là người trưởng thành[26].

1.3.3. Hy sinh: điểm thiết yếu thứ ba giúp Linh mục nên Thánh

Trong 2Cr 12, 15 Thánh Phao-lô nói: “Tôi rất vui lòng tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì (linh hồn) anh em”. Đây mới là một minh hoạ cho lòng nhiệt huyết hy sinh mà Thánh Phao-lô Tông đồ đã tận hiến cho việc phục vụ Chúa và tha nhân. Ngoài ra, qua 2Cr 11, 23-28, chúng ta cũng nhận ra ngài đầy nhiệt tâm, hăng hái thi hành trách vụ được trao phó, bất chấp mọi khó nguy, gian nan xảy ra. Nếu từ ‘tông đồ’ có nghĩa là ‘được sai đi’, được sai đến phục vụ người khác, thì linh mục như thể là người kế thừa trực tiếp từ các Tông đồ, không thể tránh né sự nhiệt tâm hy sinh mà các Ngài đã tỏ lộ trên chặng đường truyền giáo. Chính xác hơn, đây là lòng trung tín của linh mục [sự hy sinh] cho sứ mệnh đã lãnh nhận, niềm tín trung đánh đổi sức lực và thời gian [thậm chí cả đời]. Mỗi lần chúng ta kiên định thưa ‘xin vâng’, đòi buộc chúng ta cũng kiên định nhiều lần nói ‘không’[27].

Đức Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen đặt để cuộc khủng hoảng căn tính của linh mục vào cái mà ngài gọi là ‘sự li hôn quá khủng khiếp’ giữa Linh mục và Hiến tế. Như vậy, Đức Ki-tô không chỉ là con người, cũng không đơn thuần là Thiên Chúa, mà Người chính là Linh mục-Hiến lễ. Người là Tôi tớ của Thiên Chúa, hay là Đấng Thánh đã đến chịu chết cho tội lỗi chúng ta[28]. Như Đức Hồng Y Pimenta đã nêu Đức Ki-tô chịu chết vì lợi ích người khác, và đây là điểm khác biệt giữa Người với tất cả các tư tế khác – dân ngoại cũng như Do Thái. Họ phải dâng tế phẩm ngoại biệt với bản thân họ, còn Đức Ki-tô dâng trọn chính mình làm lễ vật hiến tế. “Đức Ki-tô đã tự hiến như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa, của lễ hy sinh thánh thiện và vĩnh cửu” (Dt 9, 14). Người vừa dâng hiến vừa là lễ vật, vừa là tư tế vừa là tế phẩm! Trong cuốn Tự Thuật, Thánh Âu-gus-ti-nô biện giải điều này rất tuyệt vời: “vinh hiển vì hiến tế” (Ideo Victor quia Victima). Nếu trong Đức Ki-tô, chức Linh mục gắn kết với lễ vật Hiến tế, thì cớ gì lại tách rời trong chúng ta, những linh mục, những “Ki-tô khác”? Là linh mục, chúng ta phải nhìn nhận bản thân không chỉ là người dâng lễ mà còn là của lễ; không chỉ là người giảng dạy, nhưng cũng là người tội lỗi, không chỉ là người hoạt động xã hội, mà còn là người giải thoát[29].

Trong thư gửi cho các linh mục vào Thứ Năm Tuần Thánh 2000, cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô viết:

Linh mục và của lễ hiến tế! Chiều kích hy sinh này là dấu ấn sâu thẳm của Bí tích Thánh Thể; nó cũng là phương diện cần thiết cho chức tư tế của Đức Ki-tô, và do đó, cho sứ vụ linh mục của chúng ta. Nhờ ánh sáng chân lý này, chúng ta cùng đọc lại những lời trong thánh lễ hằng ngày…: “Tất cả các con, hãy nhận lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con…Tất cả các con, hãy cầm lấy mà uống, vì này là chén Máu Thầy…”.

Vì các linh mục hành động thay mặt Đức Ki-tô (in persona Christi), nhưng thật sự họ phải đồng hoá bản thân làm của lễ hiến tế trong đời sống thực tại mà buộc trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô trong Thánh lễ nhiệm mầu không? Thái độ của một vị linh mục về sự hy sinh và chịu đau khổ trong cuộc sống bản thân là gì? Trong lá thư cuối cùng gửi cho các linh mục vào Thứ Năm Tuần Thánh 2005, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô viết về điểm này như sau:

Với ý nghĩa nào đó, khi Người nói: “hãy nhận lấy mà ăn”, thì linh mục phải học biết mà áp dụng điều đó cho bản thân, cũng như trình bày toàn bộ chân lý với lòng quảng đại. Nếu linh mục có thể hiến dâng mình làm của lễ, đặt mình vào việc phục vụ cộng đoàn hay bất cứ ai cần đến, thì cuộc sống của họ thật sự ý nghĩa biết bao.

Đức Giê-su Na-za-rét được vang danh vì xót thương muôn người. Từ ‘cảm thương’ có nghĩa là ‘chịu đau khổ với’. Qua mọi khổ đau của bản thân, chắc hẳn linh mục chịu đau khổ với những ai đang sầu buồn. Thay vì thương hại mình, thì linh mục có thể nhạy cảm hơn với nỗi đau của người khác. Trong cách này, vị linh mục ấy trở thành “người chữa lành vết thương” mà Henri J.M. Nouwen đã gọi; điều này không chỉ giới hạn với sứ vụ chữa lành, mà còn đóng vai trò như của lễ hiến tế cho tha nhân.

1.4. Linh mục cũng là con người mỏng dòn!

Sau cùng nhưng không kém phần quan trọng, chúng ta đừng quên rằng vị linh mục cũng là một con người mỏng dòn, đang nỗ lực nên thánh và phục vụ nhân danh Đức Giê-su, Giáo hội Người, ngõ hầu là khí cụ thánh hoá toàn thế giới. Nói cách khác, ngài không chỉ đơn thuần là một con người với tất cả sự yếu đuối, mong manh, nhưng còn là “một vị có sứ mệnh đặc biệt”. Các linh mục là những người mang lấy “kho tàng trong bình sành bình sứ” (2Cr 4, 7). Theo như lời của Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II [trong thư ngài gửi cho các Linh mục vào Thứ Năm Tuần Thánh, 2000]:

Điều thật sự đúng đắn trong lịch sử sứ vụ linh mục, cũng như trong toàn bộ lịch sử Dân Chúa, bóng tối của tội lỗi luôn hiện hữu. Nhiều lần, tính yếu đuối mỏng dòn của con người nơi các linh mục khiến diện mạo của Đức Ki-tô trở nên khó nhận ra trong họ.

Tuy vậy, ngài tiếp lời rằng không nhất thiết chúng ta phải ngạc nhiên hay sửng sốt về điều này! Vì chẳng phải Giu-đa Is-ca-ri-ốt đã phản bội Thầy Giê-su, còn Phê-rô chối Người ba lần, mà cả hai đều được chính Đức Giê-su gọi là Tông đồ [‘tư tế tiên khởi’] đấy thôi! Trong thư gửi cho các linh mục, năm tới [2001] Đức Thánh Cha nói: Đức Ki-tô không e ngại chọn những thừa tác viên từ con người tội lỗi! Nói cách khác, khi chọn 12 người yếu đuối, mỏng dòn, Đức Ki-tô không hề ảo tưởng về việc Người đang thực hiện, nhưng qua sự yếu đuối, mong manh của những con người này, Người đặt để ấn tích hiện diện của Người. Tương tự ngày nay, qua nghi thức và trong lễ truyền chức Thánh, Chúa Ki-tô tiếp tục ghi dấu ấn tích Người trên những con người yếu đuối, mỏng dòn, ngõ hầu thánh hoá toàn thế giới. Như vậy, chúng ta nhớ lại ngạn ngữ Công Giáo lâu đời: ân sủng kiến tạo nơi bản tính! Thực tế, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nhấn mạnh đến việc đào tạo nhân bản trong khi ngài trình bày mọi khía cạnh của công cuộc đào tạo linh mục[30]. Nói cách khác, với xác tín, ngài lột tả mối dây liên kết nội tại giữa ân sủng và bản tính con người. Như vậy, bản tính con người càng khoẻ mạnh, thì ân sủng thẩm thấu và biến đổi con người từ bên trong càng lớn lao[31]. Vì sau tất cả, như đã bàn luận, linh mục không chỉ là một người bình thường, mà là ‘một con người với sứ mệnh đặc biệt’!

Như Phê-rô và Phao-lô [cả hai đều không xứng đáng; Phê-rô chối Chúa, còn Phao-lô bắt bớ và khuyến khích việc giết hại Ki-tô hữu tiên khởi!] cảm thấy thế nào, thì chúng ta, những linh mục bất xứng, vẫn tiếp tục sứ vụ cứu rỗi nhân danh Đức Ki-tô. Nhưng chúng ta biết rằng Đức Ki-tô đã chọn những con người tội lỗi làm việc mỗi ngày, và Người tiếp tục chọn họ, những người yếu đuối, tội lỗi làm thừa tác viên của Người. Vì thế, chúng ta cần biết ơn, cảm tạ [cảm thức tạ ơn không ngừng và tán tụng!] trước hết, vì chúng ta được Người chọn; kế tiếp, chúng ta cũng cần để ân sủng của bí tích Truyền chức Thánh trổ sinh nơi bản tính con người yếu đuối của chúng ta, bởi lẽ ân sủng kiến tạo nơi bản tính mà. Chúng ta mở lòng để Chúa Thánh Linh hoàn tất công trình thánh thiện của Người đã được bắt đầu qua chúng ta và nơi chúng ta; nhưng để điều nảy được diễn ra, trên phương diện con người thuần tuý, chúng ta cần cộng tác với ân sủng. Đây chính là lí do tại sao vị linh mục, bất luận bản chất con người yếu đuối, mỏng dòn, tội lỗi của mình, cần để Thần Khí Chúa thực hiện cương vị của Người nơi họ. Căn tính linh mục đúng đắn đóng vai trò to lớn trong việc này.

Đức Tổng Giám Mục Helder Camara đã từng nói: “nên thánh nghĩa là trỗi dậy ngay mỗi lần anh em vấp ngã, với cả lòng khiêm tốn và niềm hân hoan. Điều này không có nghĩa là anh em chẳng bao giờ phạm tội; tuy nhiên, nó lại mang một ý nghĩa khác rằng anh em có thể thưa: ‘vâng, lạy Chúa, con đã trót ngã xa một ngàn lần, nhưng nhờ ơn Chúa, con đã đứng dậy một ngàn lẻ một lần!”

2. Nhãn quan về Sứ vụ Linh mục Công Giáo trong Bối cảnh Á Châu

Một khi chúng ta nắm rõ căn tính chúng ta là ai, thì phạm vi truyền giáo của ta tự khắc được hiện rõ cụ thể; nói cách khác, đường hướng sẽ ra đời ngay từ căn tính. Như đã đề cập, vì cả hai ‘hữu thể’ và ‘hành động’ liên hệ nội tại với nhau, bất luận thời điểm hay nơi chốn, một người nhận thức ‘hữu thể’ [căn tính] của bản thân một cách rõ ràng, thì ‘hành động’ [đường hướng/tầm nhìn/nhãn quan] của người ấy sẽ không hề thay đổi[32]. Ở phần trước, chúng ta thấy rằng linh mục nói chung được mời gọi nên thánh tối thiểu trong ba phương diện: cầu nguyện, phục vụ và hy sinh. Phần này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu đôi nét về việc linh mục nhận biết hay sống căn tính nên thánh thông qua và trong đời sống cầu nguyện, phục vụ, hy sinh thế nào nơi bối cảnh một Châu Á đa dạng văn hoá và tôn giáo.

Trong ngữ cảnh bài tham luận này, một mối liên kết chặt chẽ tồn tại, nhưng khác biệt giữa hai thuật ngữ ‘tầm nhìn/nhãn quan/đường hướng’ và ‘hình mẫu’. Nếu ‘tầm nhìn’ là một mơ ước hoặc kế hoạch hành động nhưng chưa được công nhận, thì ‘hình mẫu’ chính là kế hoạch hành động cụ thể được đề ra trong một không gian và thời gian. Hình mẫu cụ thể thành hình theo bối cảnh riêng biệt. Felix Machado nhắc nhở chúng ta rằng trải qua hàng thế kỷ, tồn tại vô vàn ‘hình mẫu’ khác nhau của sứ vụ linh mục Công Giáo, và đã nêu ra năm loại hình ra đời trong từng thời kỳ riêng biệt của Giáo sử, và dĩ nhiên, phụ thuộc vào mẫu hình của Giáo hội thịnh hành: mô hình quyền tài phán, mô hình lễ nghi, mô hình ngôn sứ, mô hình mục vụ và mô hình phục vụ. Tất cả các hình mẫu này đều không rõ ràng, cũng như chia nhỏ vụn vặt[33]. Xuất thân từ Ấn Độ, và vẫn giữ sự kính trọng truyền thống dân tộc dành cho ‘người hiền triết’ hay ‘bậc khôn ngoan’, Machado tự hỏi: liệu một số nơi trên đất nước ông, linh mục không xuất hiện như một ‘bậc hiền triết’ sao; ở đây, ông đang suy nghĩ về một kiểu mẫu đan viện của sứ vụ linh mục[34]. Bởi vì Châu Á quá rộng lớn và phức tạp, nên có lẽ ai đó cần suy tư nghiêm túc về những dòng viết của Machado, ngõ hầu đưa ra mẫu hình sứ vụ linh mục nào tốt nhất, tương ứng từng vùng nơi châu lục này [đó là: một loại hình hội nhập văn hoá], dĩ nhiên, không được thay đổi bất cứ đặc điểm thiết yếu nào của căn tính linh mục, mà đã được trình bày. Kể từ các Giáo hội tại Á Châu và hầu hết mọi khía cạnh liên quan đến đời sống giáo hội tại châu lục này vẫn bị soi xét, ngờ vực về việc còn mang nặng ‘tính ngoại quốc’ [chính xác hơn là ‘tây phương tính’], mẫu hình linh mục thích hợp ấy chỉ dựa trên cảm thức Á Châu về việc nên thánh và sự vô tư liêm chính, là điều phải có trong sứ vụ linh mục Á Châu. Nhà thần học Châu Á nổi tiếng Arevalo nói, “Trở nên một Giáo hội tại Á Châu” là một quan tâm minh nhiên của FABC ngay từ mới thành lập, và lợi ích hay bận tâm này vẫn đang tiếp diễn[35]. Điều cần lưu ý và ích lợi nhỏ bé của cùng mối quan tâm “Trở nên Giáo hội tại Á Châu”, cũng là sự bận tâm hay giá trị trở thành “các Linh mục tại Châu Á”. Một hình mẫu linh mục xoay quanh những nhu cầu của kỷ nguyên nào đó, trong bối cảnh khác Á Châu, sẽ vẫn mãi xa lạ và khác thường tại châu lục này. Nếu thích hợp với Châu Á, thì bất kể kiểu mẫu linh mục nào không những thấm đượm đặc tính hội nhập văn hoá, mà còn liên kết với mọi trăn trở, đấu tranh của dân tộc Á Châu đa sắc. Mọi hình mẫu linh mục nào mà xa rời bối cảnh Á Châu, thì vẫn chỉ mãi là mô hình ‘cây cảnh’ tại châu lục này!

Các dân tộc tại Châu Á đồng thuận với nhau: khát vọng Thiên Chúa, khao khát lương thực là mối quan tâm nhị diện của Giáo hội Á Châu[36]. Vị linh mục tiếp tục sứ mệnh Giáo hội như thừa tác viên tại Châu Á, tuyệt nhiên phải biết hai mối bận tâm quan trọng của Giáo hội Á Châu theo chiều dọc cũng như chiều ngang. Như định nghĩa, linh mục Công Giáo là ‘người- kết-nối-với-anh-chị-em’, hay chúng ta có thể nhìn vào hai quan tâm trên theo mối tương quan chiều dọc và chiều ngang, tương ứng với mối liên kết giữa phục vụ Thiên Chúa và phục vụ anh chị em.

Theo đường hướng nguyên thuỷ của Công đồng Va-ti-can II, các giám mục Á Châu đưa ra một biến đổi luận thuyết đáng kể trong môn giáo hội học khi trình bày về “cách thức mới mẻ để trở thành Giáo hội tại Á Châu” trong Hội nghị Khoáng đại lần thứ 5 của FABC tại Bandung, năm 1990. Với Công bố Chung cuộc, các giám mục khẳng định Giáo hội tại Á Châu những năm 90 phải trở thành một “Giáo hội thông phần”, và “Hiệp thông giữa các Cộng đoàn” [số 5 và 8]. Từ kiến thức về khoa giáo hội học này đã kéo theo một điều bất di bất dịch, rằng: linh mục tại Châu Á là người sống tinh thần hiệp thông. Và Cajilig nêu ra ba tác vụ của linh mục như một người sống tinh thần hiệp thông: 1) là người thánh hiến; 2) là người phục vụ khiêm nhường; 3) là người đối thoại[37]. Lưu ý rằng ba tác vụ này cũng chính là lối diễn tả mối tương quan tương ứng của linh mục với Thiên Chúa, với anh chị em và với các thực tại Á Châu.

2.1. Mối Tương quan với Thiên Chúa

Là bậc sống thánh hiến, linh mục tại Á Châu trước hết phải là một người của Thiên Chúa, và vì vậy, bất cứ nhãn quan linh mục nào cũng không được phớt lờ thực tại căn bản này. Một điều tiên quyết (sine qua non) cho thực tại này là linh mục phải thật sự tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. Như vậy, ngài cần được cảm nghiệm về Người, sau đó, có thể chia sẻ với giáo dân [cũng như học hỏi từ những trải nghiệm của họ]. Tuy nhiên, cảm nghiệm của linh mục về Thiên Chúa phải được phản chiếu qua những sinh hoạt của ngài, như: cách đối nhân xử thế, cử chỉ, lối nhìn trìu mến, quan tâm và thái độ thông hiểu, và trên hết, những đánh động nhân bản khi ngài đối diện với thực tại xung quanh cùng với giáo dân của mình[38]. Ngoài ra, là ‘người cảm nghiệm Thiên Chúa’, linh mục luôn nâng đỡ, hướng dẫn giáo dân biết biện phân Chúa hoạt động thế nào trong cuộc sống thực tế của họ mỗi ngày. Nói cách khác, tiên vàn, linh mục phải trở thành ‘nhà chuyên môn về Thiên Chúa’, và đối với Á Châu đa tôn giáo, thì đây là một điều không thể thiếu. Về điểm này, các giám mục Á Châu đã trình bày trong Hội nghị Khoáng đại đầu tiên của FABC:

Mỗi ngày chúng ta xác tín rằng theo dòng thời gian, Thần Khí không đưa chúng ta đến học thuyết hỗ lốn ngờ vực nào đó (mà tất cả chúng ta đều phủ nhận), mà Người dẫn dắt chúng ta đến sự toàn vẹn – sâu sắc và hữu hình trong đặc tính –tất cả những gì tốt đẹp nhất nơi cách thức truyền thống của đời sống cầu nguyện và thờ phượng trong kho tàng di sản Ki-tô giáo [số 35].

Như Fox bình chú đúng đắn, cụm từ “của chúng ta” được trưng dẫn phía trên nói đến những di sản tôn giáo và văn hoá mang tính “Á Châu”. Thách đố trí tưởng tượng bản thân, các Giám mục quyết định hợp nhất linh đạo Đông phương với Tây phương và cầu nguyện. Theo đó, dựa trên tư tưởng của các ngài, tiến trình hội nhập văn hoá mở ra hai lối, đó là: “mang Ki-tô giáo” vào Châu Á, và “mang nét Á Châu” vào Ki-tô giáo[39]. Nhiều nơi tại châu lục, nhờ đường lối này mà phương cách bản địa [thích hợp] của việc cầu nguyện và chiêm niệm trở nên bộ phần không thể thiếu của nhiều Giáo hội địa phương Á Châu. Trong đời sống cầu nguyện, vị linh mục Châu Á phải làm quen với thực tại bản địa một cách tự nhiên và thoải mái, rồi sau đó, tạo cho đoàn chiên của ngài cũng dễ chịu và tự nhiên như vậy.

2.2. Mối tương quan với Anh chị em

Theo định nghĩa thiết yếu của nó, linh mục Công Giáo là tư tế sống độc thân. Đây là quà tặng đặc biệt của Chúa vì lợi ích cho Nước Trời, cũng như các giá trị của Nước Thiên Chúa; và thông qua thừa tác linh mục Công Giáo, mọi người rõ ràng nhận ra lối diễn tả hữu hình và hữu hiệu của tình yêu và phục vụ Chúa nơi dân Người với “cả tấm lòng”. Ở phương diện chiều ngang, ơn độc thân là cách yêu thương Dân Chúa, nhất là người bất hạnh, bị áp bức, bị loại bỏ, người nghèo và những ai bị ghét bỏ; mỗi khi làm điều này, các linh mục cũng nhận ra phương diện chiều dọc. Các ngài chứng kiến, yêu thương và phục vụ Chúa, đặc biệt nơi và qua ‘những ai bị tước đoạt nhân phẩm’ đang hiện diện trong xã hội chúng ta. Sau cùng, tác vụ linh mục Công Giáo là ‘linh mục thừa tác’ hơn là ‘chức tư tế lễ nghi’; noi theo gương Đức Giê-su vị Thượng Tế muôn đời, linh mục Công Giáo là một thừa tác viên, ‘tôi tớ’ của Chúa và của dân Người. Đây là điều mà nhà thần học dòng Tên người Sri Lan-ka Aloysius Pieris trình bày khái quát về sứ vụ môn đệ Ki-tô giáo, thích hợp và rất hệ trọng, cách riêng đến chức vụ linh mục:

Thông qua người cần giúp đỡ, và các đấng thay mặt Chúa Ki-tô, Người đã phá vỡ lề thói hằng ngày của tôi. Thiên Chúa thi hành Quyền uy của Người trên tôi, khiến tôi từ bỏ những tiện nghi, tiền tài, thời gian, sức lực của bản thân thay cho họ, và kêu mời tôi trở nên khó nghèo vì Nước Trời, nhờ đó, tôi trở thành người môn đệ của Đức Giê-su. Từ bỏ Tiền tài vì Chúa (điều răn thứ nhất) cũng là từ bỏ Tiền tài vì các đấng đại diện Người ở trần gian (điều răn thứ hai). Bởi lẽ Thiên Chúa và Người nghèo không thể tách rời như một thực tại giao ước cứu rỗi. Trên thực tế, chỉ có một Thiên Luật, đó là kính yêu Thiên Chúa nơi tha nhân (Gl 5, 14). Ở đây, thuyết nhị phân không tồn tại; bác ái là phục vụ (abad) và đây mới là sự thờ phượng đích thật[40].

Mối liên hệ nội tại giữa đời sống độc thân của linh mục Công Giáo và tinh thần phục vụ [diakonia] không chỉ mang nét độc đáo Á Châu rõ rệt nơi người tận hiến và thánh thiện, mà còn là dấu chỉ chắc chắn cho niềm tin của họ. Vì thế, bất luận nhãn quan nào về chức vụ linh mục Công Giáo Á Châu thì không thể [và không được!] phớt lờ điều này[41]. Hơn nữa, mối kết nối nội tại khá quan trọng tồn tại giữa tương quan của linh mục với tiền bạc và nhiệt huyết phục vụ. Tại Châu Á, người thánh thiện tương đồng với những ai không vướng bận của cải vật chất. Do đó, lòng đạo đức mang tính Á Châu hoàn toàn hoà hợp với Mt 6, 24: “không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền của được”. Châu lục này ngày càng chịu ảnh hưởng xu thế toàn cầu hoá, và linh mục ngày nay cũng đứng trước thách đố ngày càng trở nên ngôn sứ trong việc phân định sự khác biệt giữa ‘hữu thể’ và ‘sở hữu’, đồng thời sống liêm chính, không chút vướng bận của cải vật chất. Ngoài ra, với một Châu Á vô vàn người nghèo, linh mục [noi gương Đức Giê-su] cũng được mời gọi hiệp nhất với họ, sống đời giản dị, thanh tao. Sự giản đơn trong cuộc sống cũng là giá trị tôn giáo Á Châu, và chắc hẳn là một đặc tính rõ rệt khác của niềm tin nơi người tận hiến. Vì vậy, trước mặt linh mục là sự chọn lựa giữa tiền của giàu sang với Dân Chúa [và qua họ, chọn Chúa]. Đơn giản, ngài không thể chọn cả hai, cách riêng tại Á Châu, hàng triệu người nghèo, người bất hạnh mà qua đó ngài sẽ nhận ra những diện mạo Á Châu của Đức Ki-tô.

Sau cùng, linh mục cần luôn sẵn sàng hiện diện với đoàn chiên. Ngày nay, một vài người cho rằng thời gian như thể ‘tiền bạc’ [nhờ vào tiến trình toàn cầu hoá và điểm chú trọng của nó vào chủ nghĩa vật chất và thành công], cho nên, dành thời gian với ai để xã giao hay kiến tạo những mối quan hệ thân tình giữa người với người lại bị cho là ‘không đạt hiệu suất’. Tuy nhiên, khi thực hiện thừa tác vụ ngôn sứ, bằng mọi cách, linh mục phân bổ thời gian tiếp xúc với đoàn chiên của mình, cách riêng đối với những ai đang cần giúp đỡ và bị bỏ rơi bên lề xã hội.

2.3. Mối tương quan với những Thực tại Á Châu

Công đồng Va-ti-can II khuyến dụ các linh mục hăng hái đối thoại với mọi thực tại hiện hữu xung quanh khi trình bày:

Thánh Công đồng này ước ao đạt được các mục tiêu mục vụ nhằm canh tân trong Giáo hội, rao truyền Phúc Âm khắp nơi, và đối thoại với thế giới đương đại. Vì thế, nhiệt tình thúc giục các linh mục sử dụng mọi phương tiện thích hợp mà Giáo hội đề xuất nhằm nỗ lực cho công cuộc thánh hoá vĩ đại hơn mà ngày càng trở thành những khí cụ hữu dụng trong việc phục vụ toàn thể Dân Chúa[42].

Từ lúc khởi sự, Liên Hội đồng Giám mục Á Châu [FABC] đã quả quyết rằng sứ mệnh của Giáo hội tại mảnh đất Á Châu này phải là công cuộc đối thoại với ba thực tại chính yếu đang hiện hữu, đó là: các tôn giáo lớn Á Châu, những nền văn hoá Châu Á cổ đại và đại đa số dân nghèo Á Châu[43]. Linh mục Châu Á không chỉ nhân tố liên hệ với ba thực tại hiện hữu chính yếu này, mà là người biết cảm kích chúng, bởi vì đó là thực trạng và điều gần gũi họ.

Châu Á nổi bật với thực tế chủ nghĩa đa thuyết, tồn tại trong các tôn giáo lẫn văn hoá, vì đây là châu lục đa văn hoá và đa tôn giáo. Chính Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nhận ra tính đa dạng phong phú của châu lục này mà ngài diễn tả vẻ đẹp cổ xưa phức tạp của vô vàn văn hoá, ngôn ngữ, tín ngưỡng và truyền thống[44]. Thông thường, mỗi văn hoá đặc thù giao thoa đáng kể với một nhóm tâm linh hay tôn giáo nào đó. Vì thế, linh mục trong bối cảnh Châu Á, tiên vàn phải nhận biết và chấp nhận chủ trương đa thuyết này như một thực tại Á Châu hiện hữu. Như Công đồng Va-ti-can II và những văn kiện huấn quyền sau đó dạy chúng ta rõ ràng rằng linh mục [với toàn thể Giáo hội] cần chân thật nhìn nhận và đón nhận nơi các tôn giáo khác cũng tồn tại ‘những hạt giống chân lý’, ‘tia sáng sự thật’. Linh mục cần xác tín mọi hoạt động của Thiên Chúa không thể nào chỉ bó buộc vào những giới hạn hữu hình của Giáo Hội Công Giáo định chế. Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô đã nêu ra giáo hội học chân không biện giải chẳng tồn tại ngoài một Giáo Hội Công Giáo định chế hữu hình; các ân sủng của Thần Khí, những dấu chỉ nên thánh, thậm chí ơn tử đạo vì danh Đức Ki-tô cũng có thể được tìm thấy ngoài Giáo Hội Công Giáo[45]. Nơi khác, ngài diễn giải: “Thần Khí tỏ hiện chính mình đặc biệt qua Giáo hội và mọi thành viên của Giáo hội. Ngoài ra, sự hiện diện và hoạt động của Người là phổ quát, không bị giới hạn về mặt không gian hay thời gian”[46]. Linh mục Công Giáo Á Châu cần ý thức rõ rằng ngài hay Giáo hội không thể truyền lệnh cho Thần Khí Chúa, nhưng hơn cả Giáo hội và chính ngài chỉ là thừa tác viên, khí cụ, tôi tớ của Chúa Thánh Thần mà thôi, bởi lẽ Thần Khí thổi đâu mà Người muốn [Ga 3, 8]. Linh mục cần học biết cách sống đối thoại hoà hợp với các tôn giáo khác, và hướng dẫn đoàn chiên tương tự; đừng ngại ngạc nhiên vì sự hiện diện và hoạt động của Thần Khí Chúa tại những nơi thường ít mong đợi. Vì thế, linh mục cần trở thành một người đạo đức thâm sâu, và sống theo Thần Khí.

Ngày nay, chúng ta biết rõ xu thế toàn cầu hoá của những nền kinh tế thị trường đang ảnh hưởng đến người dân Châu Á một cách sâu sắc và mạnh mẽ thế nào. Một linh mục Á Châu không thể không biết mọi tác động của hiện trạng toàn cầu hoá đến giáo dân kể cả tích cực lẫn tiêu cực. Ngài cần hướng dẫn giáo dân tự bảo vệ mình để khỏi rơi vào hệ quả nguy khốn, bất nhân của thực trạng toàn cầu hoá, và cũng nên hiểu biết, cũng như thừa nhận những hiệu quả tích cực của nó. Theo định nghĩa, linh mục Công Giáo cũng chính là người thúc đẩy sự sống, và như vậy, ngài không những bảo vệ sự sống con người [kèm theo các trách nhiệm và quyền lợi của con người], mà còn nắm vững tối thiểu giáo huấn căn bản của Giáo hội về mọi vấn đề liên quan đến sinh học-y tế. Do đó, ngài cần sở hữu cảm thức nhạy bén về công lý, tôn trọng nhân phẩm căn bản của mọi người. Sau cùng, linh mục được mời gọi trở nên thừa tác viên thực thi sứ mệnh của Đức Giê-su, mà sứ điệp cốt lõi là triều đại Thiên Chúa và mọi giá trị của Nước Trời đặt trên phẩm giá căn bản của mỗi con người.

Giáo hội hiến trao nhiệt huyết phục vụ đệ huynh cho toàn thế giới qua các giáo huấn xã hội được giữ gìn, dưỡng nuôi. Cố Hồng Y Joseph Bernadin thuộc Địa phận Chi-ca-go đã từng nói, Học thuyết Xã hội của Giáo hội đã và đang trở thành một trong “những bí quyết tuyệt vời được Giáo hội gìn giữ”. Linh mục, cách riêng tại Á Châu, không thể giữ kín “bí mật” học thuyết đầy giá trị này một chút nào nữa. Trong vô số cách thức cụ thể nhất để tự làm quen với học thuyết xã hội của Giáo hội, đó là đọc [ít nhất 1 ngày 1 trang!] cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội vừa mới được xuất bản. Trong phần giới thiệu chính thức Tóm lược, Hồng Y Martino nói: “thể theo yêu cầu của Đức Thánh Cha” cuốn sách này “đã được giản lược nhằm trình bày bao quát giáo huấn xã hội của Giáo hội một cách xúc tích nhưng trọn vẹn”[47]. Sách đã được hoàn tất thành công, và mọi người có thể tìm đọc. Trong Thông điệp mới đây Thiên Chúa là Tình yêu (Deus Caritas Est), Đức Giáo Hoàng đương vị Bê-nê-đíc-tô XVI quả quyết cuốn Tóm lược này đã “trình bày trọn vẹn”[48] toàn bộ giáo huấn xã hội của Giáo hội và đây chính là giáo huấn đầy năng quyền nhất về học thuyết xã hội của Giáo hội.

Như là ngôn sứ-người đứng đầu cộng đoàn, Linh mục cần nhận ra những dấu chỉ thời đại và giải thích cho đoàn chiên mình. Để được vậy, ngài cần hoà mình sâu vào bối cảnh mà ngài hiện hữu và có thể nhìn vượt lên mọi thực tại hữu hình thông thường nhờ cảm nghiệm về Thiên Chúa và Lời Chúa chiếu soi:

Linh mục triều được mời gọi trở nên ngôn sứ với ý nghĩa là một người nhìn vượt xa những gì người khác có thể thấy. Ngài phải nâng tầm nhìn vốn bị bó buộc vào các giới hạn xã hội, và nhờ chính đôi mắt của Đức Ki-tô[49] mà quan sát.

Do đó, linh mục thật sự cần đến một linh đạo đúng đắn và cập nhật thần học vững chắc, nghĩa là ngài cần tìm ra thời gian không chỉ cầu nguyện mà còn hứng khởi tự cập nhật, đặc biệt đọc sách thường xuyên, tối thiểu một hoặc hai tạp chí thần học định kỳ. Là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Đức Tổng Giám Mục Foley cho biết: “Lẽ dĩ nhiên, đời sống văn hoá của linh mục phải được nuôi dưỡng cần mẫn hơn nhờ đời sống tu đức bản thân. Chẳng có gì đáng tự hào khi phát ngôn rằng: “Tôi không hề đọc sách kể từ khi được thụ phong”[50].

Đúng vậy, trước hết, linh mục ít nhất phải nắm vững Giáo lý căn bản một cách hệ thống và rõ ràng như đã được trình bày trong Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo. Nhờ các hiệu quả tích cực của toàn cầu hoá, mà các nước Châu Á đấu tranh với nạn mù chữ, và nhiều người dân tại châu lục này ngày nay cũng được đạt trình độ giáo dục cao. Nhưng trong bối cảnh đó, linh mục không thể phớt lờ dù chỉ là kiến thức phổ biến cơ bản, ngõ hầu ngài có thể giao tế nhã nhặn với đoàn chiên của mình mọi lúc khi cần. Và đây cũng cần thiết cho việc rao giảng Lời Chúa trong cách thức xứng hợp mà theo Công đồng Va-ti-can II nhìn nhận là ‘trách nhiệm quan trọng nhất’ của vị linh mục[51]. Chia sẻ Lời Chúa cho giáo dân qua việc giảng dạy, linh mục không những cầu nguyện, học hỏi, mà còn biết quan sát và lắng nghe. Trong bài giảng, ngài không đơn thuần cố gắng diễn tả điều gì đó trong tư tưởng của mình mà thôi! Nếu một linh mục chẳng thể nào làm thoả mãn sự khát khao Lời Chúa nơi bao nhiêu người, thì chẳng khác nào nói ngài không phải là mục tử! Vì vậy, Thánh Phao-lô thốt lên rằng: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao truyền Tin Mừng”! [1Cr 9, 16]. Do đó, không nhãn quan nào về linh mục lại phớt lờ vai trò thiết yếu của ngài trong việc chia sẻ Lời Chúa cho đoàn chiên theo cách thích hợp nhất.

Sau cùng, như mọi nơi trên thế giới, Châu Á ngày nay cũng thế, chúng ta rất cần một ‘văn hoá mục tử’[52]. Chỉ thông qua văn hoá mục tử đặc biệt này mà linh mục mới có thể giữ vững căn tính thích hợp của mình, và thấy rõ những gì phải làm trong sứ mệnh của bản thân. Thánh Phan-xi-cô Át-si-si đã từng nói: “Hãy thánh hoá chính mình và rồi anh chị em sẽ thánh hoá xã hội”. Điều này đúng với sứ vụ linh mục Công Giáo ngày nay ra sao?!

CHÚ THÍCH

[1] Thảo luận chi tiết về sự tiến triển lịch sử của sứ vụ Linh mục Công Giáo, x. Kenan B. Osborne, Priesthood: A History of the Ordained Ministry in the Roman Catholic Church [tạm dịch: Sứ vụ Linh mục: Lịch sử về Sứ vụ Thừa tác trong Giáo Hội Công Giáo La-Mã], New York: Paulist Press, 1988.
[2] Donald B. Cozzens, The Changing Face of the Priesthood: A Reflection on the Priest’s Crisis of Soul [tạm dịch: Diện mạo Đổi thay của Sứ vụ Linh mục: Suy tư về Khủng hoảng Tâm linh của Linh mục], Minnesota: The Liturgical Press, 2000, tr. 3.
[3] Xem thí dụ, Joe Mathias, “Human Formation as the Basis of Priestly Formation”, Asian Journal for Priests [tạm dịch: “Đào tạo Nhân bản như thể Nền tảng của việc Đào tạo Linh mục”, Tạp chí Linh mục Á Châu], 49: 1 (tháng 1, 2004), tr. 14.
[4] Jacob Parappally, “Trinitarian Dimensions of Christian Priesthood,” Asian Journal of Priests [tạm dịch: “Những chiều kích mầu nhiệm Ba Ngôi nơi Sứ vụ Linh mục Ki-tô Giáo”, Tạp chí Linh mục Á Châu], 56: 6 (tháng 11, 2005), tr. 3.
[5] Jacob Parappally, “Challenges to Christian Priesthood Today - II,” Asian Journal of Priests [tạm dịch: “Những Thách đố cho Sứ vụ Linh mục Ki-tô Giáo”, Tạp chí Linh mục Á Châu], 48: 2 (tháng 3, 2003), tr. 7.
[6] x. Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 12.
[7] Hồng Y Simon Pimenta, Priest Forever: A Collection of Homilies on Priesthood [tạm dịch: Tư tế Muôn đời: Trọn bộ các bài Giảng về Thừa tác Linh mục] [ấn bản lần 2], Mumbai: St. Paul’s, 2000, tr. 26.
[8] Như trên (từ đây viết tắt là nt/Nt), tr. 32.
[9] Hồng Y Simon Pimenta, Priest Forever: A Collection of Homilies on Priesthood [tạm dịch: Tư tế Muôn đời: Trọn bộ các bài Giảng về Thừa tác Linh mục] [ấn bản lần 2], Mumbai: St. Paul’s, 2000, tr. 25.
[10] Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 12.
[11] Hồng Y Simon Pimenta, Priest Forever: A Collection of Homilies on Priesthood [tạm dịch: Tư tế Muôn đời: Trọn bộ các bài Giảng về Thừa tác Linh mục] [ấn bản lần 2], Mumbai: St. Paul’s, 2000, tr. 30-31.
[12] Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 19.
[13] Richard M. Gula, Reason Informed by Faith: Foundations of Catholic Morality [tạm dịch: Đức tin Làm chủ Lý trí: Những Nền tảng Luân lý Công Giáo], New York: Paulist Press, 1989, tr. 7.
[14] Nt.
[15] Richard M. Gula, Ethics in Pastoral Ministry [tạm dịch: Đạo đức học trong Thừa tác Mục vụ], New York: Paulist Press, 1996, tr. 33.
[16] x. Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 15, 21, 32.
[17] Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Giáo hội tại Á Châu Ecclesia in Asia (1999), số 43.
[18] Michael F. Hull, “Priestly Identity and Priestly Holiness,” The Priest, July 2005 [tạm dịch: “Căn tính và Việc nên Thánh của Linh mục”, Tạp chí Linh mục, ấn bản tháng 7 năm 2005], tr. 40.
[19] Pimenta, nt, tr. 68.
[20] Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 13.
[21] x. Gerald Coleman, “Priests who Break our Trust” [tạm dịch: “Những Linh mục Đánh mất Niềm tin nơi chúng tôi”], được in lại trong The Colombo Archdiocesan Bulletin, July 2001 [Bản tin Địa phận Cô-lôm-bô, ấn bản tháng 7, 2001], tr. 89.
[22] Donald B. Cozzens, “Tender of the Word” [“Nhẹ nhàng trong Lời nói”] trong Donald B. Cozzens biên soạn, The Spirituality of the Diocesan Priest [Linh đạo của Linh mục Triều], Minnesota: The Liturgical Press, 1997, tr. 47.
[23] Donald B. Cozzens, The Changing Face of the Priesthood [tạm dịch: Diện mạo Biến đổi của Sứ vụ Linh mục], tr. 75.
[24] Nt, tr. 72.
[25] x. nt, tr. 75-80.
[26] x. Cozzens, “Tender of the Word” [“Nhẹ nhàng trong Lời nói”], Nt, tr. 43-50.
[27] Scott Russel Sanders, “The Meaning of Fidelity: It’s Carrying on with what We Believe In,” The New Leader, 16-31 August, 1999 [tạm dịch: “Ý nghĩa của Lòng Tín trung: Tiếp tục sống với những gì Chúng Tôi Tin”, Tập san Người Lãnh đạo Mới, ấn bản 16-31 tháng 8, 1999], tr. 11.
[28] Pimenta, nt, tr. 14.
[29] x. nt, tr. 14-15.
[30] x. Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 43-44.
[31] Mathias, nt, tr. 15.
[32] Mặc dù tôi hoàn toàn nhận thức rằng ‘hữu thể’ đơn giản tương đồng với căn tính, và ‘hành động’ với đường hướng, nhưng vì mục đích bài tham luận này, nên tôi tạm chấp nhận kiểu tương ứng này!
[33] Felix Machado, “Spiritual Formation: A Direction of Future Priests” [tạm dịch: “Đào tạo Tu đức: Đường hướng cho Linh mục Tương lai”] trong Vincent G. Cajilig (biên soạn), Hundred Fold Harvest...Enjoyed [tạm dịch: Mùa gặt Gấp trăm...Tận hưởng], Manila: Văn phòng Giáo dục và Tuyên uý Sinh viên trực thuộc FABC, 1995, tr. 116-117.
[34] Nt, tr. 117.
[35] Catalino G. Arevalo, “Inculturation and Theological Reflections” [tạm dịch: “Hội nhập và những Suy tư Thần học”] trong Mario Saturnino Dias (biên soạn), Rooting Faith in Asia: Source Book for Inculturation [tạm dịch: Đức tin bén rễ sâu nơi Á Châu: Tài liệu nguồn cho Hội nhập văn hoá], Quezon City: Claretian Publications, 2005, tr. 311.
[36] x. Vincente Cajilig, “Formation for Priesthood in Asia” [tạm dịch: “Đào tạo Linh mục tại Châu Á”], Tư liệu FABC, số 92d (Tháng 1, 2000), tr. 2. Xem them Vincente Cajilig, “Continuing Formation for Priesthood in Asia” [tạm dịch: “Đào tạo Trường kỳ cho Linh mục tại Châu Á”], Tư liệu FABC, số 92e (Tháng 1, 2000), tr. 3-4.
[37] Nt, tr. 4.
[38] Không có trong bản văn gốc tiếng Anh.
[39] Không có trong bản văn gốc tiếng Anh.
[40] Aloysius Pieris, God’s Reign for God’s Poor: A Return to the Jesus Formula [tạm dịch: Triều đại Thiên Chúa dành cho Người nghèo khó của Ngài], ấn bản thứ 2, Kelaniya (Sri Lanka): Trung tâm Nghiên cứu Tulana, 1998, tr. 43.
[41] Những gì mà Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II diễn tả trong số 43 của Tông huấn Giáo hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia); x. trưng dẫn trên tại chú thích số 17.
[42] Không có trưng dẫn trong bản văn gốc tiếng Anh.
[43] x.Gaudencio Rosales và C.G. Arevalo (biên soạn), For All the Peoples of Asia: Federation of Asian Bishops’ Conferences Documents from 1970 to 1991 [tạm dịch: Dành cho Mọi dân tộc Á Châu: Các Văn kiện của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu từ 1970 đến 1991], Tp. Quezon: Claretian Publications, 1992, tr. 14-16.
[44] x. Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Ecclesia in Asia (1999), số 4-7.
[45] x. Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Ut Unum Sint (1996), số 12-13.
[46] Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Redemptoris Missio (1990), số 28.
[47] x. Hồng Y Renato R. Martino, “Presentation” [tạm dịch: “Phần trình bày”] trong Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội (tái bản), Tp. Vatican: Libreria Editrice Vaticana, 2005, tr. XXV-XXVI.
[48] Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (2005), số 27.
[49] Vincent M. Concessao, “The Call of the Diocesan Priest” [tạm dịch: “Ơn gọi Linh mục Triều” được in lại trong Uva News [Tin tức Uva], tháng 7/2005, tr. 10.
[50] John P. Foley, “What a bishop hopes for the Future of the Priesthood” [tạm dịch: “Điều mà một Giám mục hy vọng cho Tương lai của sứ vụ Linh mục”], The Priest [Tạp chí Linh mục], Tháng 9, 2005, tr. 13.
[51] Sắc lệnh Presbytororum Ordinis, số 4.
[52] x. bài viết của tôi, “Towards a Catholic Priestly Culture”, Living Faith 5:2 [tạm dịch: “Tiến tới một Văn hoá Mục tử Công Giáo”, Tạp chí Sống Đức tin 5:2] (Tháng 12, 2004), tr. 49-60.
 
Sự sống đời đời
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
11:51 06/11/2020
Sự sống đời đời

Trong nghi lễ Rửa tội người lớn, còn gọi là rửa tội Tân Tòng, có hai câu hỏi căn bản mà vị chủ tế hỏi người Tân Tòng:

1. Chủ tế: Ông, Bà, Anh, Chị…xin gì cùng Hội Thánh?
Người Tân Tòng trả lời: con xin đức tin.

2. Chủ tế: Đức tin sinh ơn ích gì cho Ông, Bà, Anh, Chị…?
Người Tân Tòng trả lời: đức tin đem lại cho con sự sống đời đời.

Từ khi thành hình sự sống trong cung lòng mẹ, rồi sau đó mở mắt chào đời trong suốt đời sống trên trần gian, ai cũng được Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa ban cho sự sống.

Nhưng xưa nay nhân loại đều phải trải qua giới hạn của sự sống. Ai cũng có ngày sinh ra đời và ngày tận cùng phải chết. Có ngày đến trong trần gian, và cũng có đi ngày ra khỏi trần gian. Kinh nghiệm thất bại đau thương này không có luật trừ cho ai vào bất cứ giai đoạn không gian cùng thời gian nào.

Trong Kinh Thánh, Kohelet đã nói lên trải nghiệm về những giai đoạn giới hạn của sự sống con người trên trần gian:
„ Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời :
2 một thời để chào đời, một thời để lìa thế;
một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây;“(Kohelet 3,1-2)

Như thế sự sống con người trên trần gian giới hạn trong khoảng thời gian nhất định, mà Đấng Tạo Hóa đã đặt ra chương trình cho đời sống mỗi người ngắn hay dài bao lâu!

Vậy sự sống đời đời là gì?

Kinh Thánh trong sách Sáng Thế thuật lại việc Thiên Chúa tạo dựng con người ban cho họ đời sống hạnh phúc. Nhưng Ông Bà nguyên tổ Adong Eva đã phạm tội lỗi luật Thiên Chúa cấm, nên bị phạt không còn được có sự sống vĩnh cửu ngay trên trần gian nữa:

“ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa nói: "Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi." ( Sách Sáng Thế 3,22).

Chúa Giêsu, con Thiên Chúa sinh xuống trần gian làm người, đã rao giảng giáo lý nói về sự sống đời đời:„ Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống. ( Phúc âm Thánh Gioan 5,24)

Và giáo lý đó là kim chỉ nam hướng đi cho đời sống mai sau:
„ Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.“ ( Phúc âm Thánh Mattheo 25,46)

Kinh Tin Kính chúng ta đọc có lời tuyên xưng: „ Tôi trông đời kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. Amen.“

Hay lời tuyên xưng“ Tôi tin hằng sống vậy. Amen“

Như vậy sự sống đời đời không là sự sống thể lý của thân xác trên trần gian được kéo dài, nhưng là sự sống tinh thần thiêng liêng của linh hồn con người mai sau.

„Thật vậy, “Đời đời” gợi cho chúng ta ý tưởng về điều gì đó không chấm dứt, và điều đó làm chúng ta lo sợ; “sự sống” khiến chúng ta nghĩ đến cuộc sống mà chúng ta biết và yêu mến nó, cũng như không muốn đánh mất đi, dù rằng thường khi nó mang lại nhiều phiền nhiễu hơn là thỏa mãn, đến mức một mặt chúng ta muốn, một mặt chúng ta lại không muốn cuộc sống đó.
Hãy tưởng tượng chúng ta đang được đứng bên ngoài cõi tạm đang giam cầm chúng ta và ở một mức nào đó cảm thấy được rằng đời đời không phải là một chuỗi vô hạn những ngày tháng kế tiếp nhau của thời gian, nhưng là điều gì đó giống giây phút tột cùng của thỏa mãn hơn, trong đó tổng thể ôm lấy chúng ta và chúng ta ôm lấy tổng thể – chúng ta chỉ có thể thử nghĩ như vậy. Nó giống như là nhào vào đại dương của tình yêu vô hạn, một thời khắc trong đó thời gian – trước và sau – không còn hiện hữu nữa.
Chúng ta chỉ có thể nắm bắt ý tưởng là một thời khắc như vậy là cuộc sống đầy đủ ý nghĩa, một sự nhận chìm mới mẻ chưa từng có vào trong cõi bao la của nhân sinh, trong đó chúng ta ngập tràn niềm vui. Đó chính là cách Chúa Giêsu đã diễn tả trong Tin Mừng theo Thánh Gioan: “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16:22). ( Đức Giáo Hoàng Benedictô 16., Spe Salvi số 12.)

Tháng cầu nguyện cho các Linh Hồn
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Những hậu quả đè năng lên Giáo Hội tại Hoa Kỳ là gì nếu Joe Biden và Kamala Harris thắng cử?
Giáo Hội Năm Châu
02:07 06/11/2020


Cho tới nay, kết quả kiểm phiếu cho thấy đảng Cộng hòa sẽ giữ quyền kiểm soát Thượng viện với một tỷ số thoải mái như trước, và đảng Dân chủ sẽ giữ đa số ở Hạ viện với một lợi thế giảm đi đáng kể vì mất nhiều ghế dân biểu ở khắp nơi.

Giả thử ứng viên Tổng thống Dân chủ Joe Biden sẽ kiểm soát toà Bạch Cung, những ưu tư cuả Công Giáo về các chính sách công cộng sẽ ra sao?

Về Tư pháp:

Một tổng thống Biden sẽ cần có sự chấp thuận của Thượng viện để bổ nhiệm các thành viên nội các và thẩm phán liên bang.

Các nhà lãnh đạo Cộng hòa ở Thượng viện có thể trì hoãn một số thành viên nội các, và có thể đấu tranh mạnh mẽ chống lại những ứng viên tư pháp ‘quá khích’ để duy trì nguyên vẹn những thành quả mà Tổng thống Trump đã đạt được, gồm có 200 bổ nhiệm vào tòa án liên bang và ba thẩm phán vào Tối cao pháp viện.

Nếu một ghế của Tòa án Tối cao nữa bị bỏ trống, thì cuộc chiến với ứng cử viên có khuynh hướng cấp tiến sẽ rất căng thẳng và có thể xa vào vòng bế tắc. Thông thường ứng viên đó phải rút lui, hoặc Tổng thống có thể đế cử một ứng viên ôn hoà hơn.

Về Lập pháp:

Sẽ tiếp tục là một chính quyền chia rẽ giống như dưới thời cuả ông Trump, sẽ vẫn có những rào cản lập pháp về một loạt các biện pháp, như các gói hỗ trợ và kích thích để ứng phó với đại dịch COVID.

Đối với cả hai bên, việc tài trợ để cứu trợ COVID đợt 2 tuy là một ưu tiên nhạy cảm nhưng các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội đã đặt thêm vào việc thúc đẩy các biện pháp ủng hộ phá thai trong bất kỳ biện pháp cứu trợ nào, và do đó vẫn bị trì hoãn cho tới nay.

Việc tài trợ cho các nhóm phá thai qua sự cứu trợ COVID đã được tranh luận ngay từ đầu đại dịch. Vào tháng 3, Đạo luật CARES được thông qua với sự ủng hộ lưỡng đảng với những biện pháp ngăn cấm Planned Parenthood không được nhận các khoản vay khẩn cấp dành cho doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, các chi nhánh Planned Parenthood vẫn có thể tiếp cận 80 triệu đô la trong khoản vay PPP.

Với một đa số ở Hạ viện nhỏ hơn, người ta hy vọng bà Pelosi sẽ phải nhượng bộ và đợt cứu trợ COVID thứ 2 này sẽ không còn những đòi hỏi phá thai nữa.

Đạo luật CARES cũng bao gồm các biện pháp bảo vệ của Tu chính án Hyde. Tu chính án Hyde đã được ban hành hàng năm kể từ năm 1976 như một phần đính kèm với các dự luật chi tiêu y tế, và cấm liên bang tài trợ cho các ca phá thai tự chọn ở Medicaid.

Chủ tịch Hạ viện Nacy Pelosi đã từng tuyên bố bà sẽ tìm cách bãi bỏ Tu chính án Hyde. Ông Joe Biden, khi tranh cử tổng thống, cũng nói rằng ông sẽ bãi bỏ Hyde.

Tuy nhiên, với một đa số Dân chủ ít hơn, việc bà Pelosi có thể thực hiện lời hứa cuả mình trở nên khó hơn, ít ra là trong 2 năm tới.

Ông Biden, và đảng Dân chủ cũng ủng hộ một dự luật gọi là Luật Bình đẳng, để bảo vệ các khuynh hướng tình dục và giới tính và ngăn chặn sự phân biệt đối xử trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các phòng vệ sinh công cộng, giáo dục, tài trợ liên bang, việc làm, nhà ở, tín dụng và bồi thẩm đoàn. Những người phản đối dự luật - gồm có các giám mục Hoa Kỳ - đã cảnh báo luật này sẽ hủy bỏ các biện pháp bảo vệ tự do tôn giáo và có thể được sử dụng để buộc các bác sĩ thực hiện một số ca phá thai. Nó đã từng được Hạ viện thông qua một lần, và đã bị Thượng viện ngăn chặn vào năm ngoái, vậy thì sau này nó vẫn có thể bị ngăn chặn thêm nữa nếu đảng Cộng hòa còn giữ Thượng viện.

Về các dự luật phò sinh

Các dự luật ủng hộ sự sống — chẳng hạn như luật cấm phá thai 20 tuần và luật bảo vệ những trẻ sơ sinh sống sót sau khi phá thai — sẽ chẳng đi đến đâu trong Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo. Và tại Thượng viện, các thành viên ủng hộ sự sống cũng đành phải bó tay vì họ không có đủ túc số 60 ghế cần thiết để chấm dứt một filibuster mà thúc đẩy một đạo luật từ Thượng viện.

Trước đây các thành viên phò sự sống trong Hạ viện đã cố gắng để buộc một cuộc bỏ phiếu về luật bảo vệ thai nhi bị phá thai mà còn sống (Born-Alive Abortion Survivors Protection Act,) tức là ra hình phạt cho các bác sĩ hoặc chuyên gia đã không cung cấp việc chăm sóc cần thiết cho những trẻ sơ sinh còn sống sót sau khi bị phá thai.

Tuy nhiên, các “discharge petition”, tức là các kiến nghị thông qua, chỉ nhận được 205 chữ ký – tức là thiếu mất 13 chữ ký để có số 218 cần thiết. Trong số những dân biểu ký tên có 3 dân biểu Dân chủ, nhưng tiếc thay hai người trong số này đã thua trong cuộc bầu cử vừa qua.
 
Giáng Sinh thời Virus Tầu sẽ diễn ra như thế nào tại Vatican?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
14:45 06/11/2020

1. Tòa án Brazil cấm một tổ chức vận động phá thai dùng danh xưng “Công Giáo”.

Một tòa án của Brazil đã phán quyết rằng tổ chức “Những người Công Giáo Phò Lựa Chọn”, một tổ chức ủng hộ phá thai, phải bỏ từ danh xưng “Công Giáo”, vì mục tiêu của nó không phù hợp với giá trị của Giáo Hội Công Giáo.

Thẩm phán Jose Carlos Ferreira của San Paolo quyết định rằng “Việc bảo vệ quyền quyết định phá thai, là điều mà Giáo hội lên án rõ ràng và nghiêm khắc, là một sự xuyên tạc rõ ràng và không tương thích với danh xưng được sử dụng liên quan đến mục đích và hành động cụ thể của hiệp hội, trực tiếp tấn công đạo đức và phong tục tốt đẹp, cộng thêm việc làm tổn hại đến thiện ích và công ích.”

Hiệp hội Ðức tin và Văn hóa của trung tâm Don Bosco đã đệ đơn kiện với lý do là từ “Công Giáo” được nhóm ủng hộ phá thai dùng là không hợp lý, vì “với lý do bảo vệ 'quyền sinh sản của phụ nữ', nó thực sự cổ vũ cho việc giết trẻ sơ sinh trong bụng mẹ”.

Một tòa án cấp dưới đã bác đơn khiếu nại vì cho là vô căn cứ và nói rằng chỉ có một vị lãnh đạo Giáo hội mới có thẩm quyền để đưa ra khiếu nại như vậy. Nhưng Trung tâm Don Bosco đã đệ đơn kháng cáo lên tòa án cao hơn, và hôm 27 tháng 10 năm 2020, tòa án này đã ra phán quyết có lợi cho trung tâm.

Thẩm phán Ferreira đã viết trong quyết định của mình rằng tổ chức “Những người Công Giáo Phò Lựa Chọn” trình bày một sự “không tương thích công khai, hiển nhiên, hoàn toàn và tuyệt đối với các giá trị” của “Giáo Hội Công Giáo nói chung một cách phổ quát”.

Ngoài ra, thẩm phán ra phán quyết rằng “quyền tự do ngôn luận sẽ không bị xâm phạm và hiệp hội có thể bảo vệ các giá trị và ý tưởng của mình bao gồm cả việc phá thai nếu hiệp hội cho là phù hợp, miễn là nó sử dụng một cái tên khác, không giới thiệu nó với xã hội dưới danh nghĩa của một tổ chức khác áp dụng một cách công khai và rõ ràng các giá trị đối lập.”


Source:Catholic News Agency

2. Phụng Vụ lễ Giáng Sinh tại Tòa Thánh sẽ diễn ra trong lặng lẽ

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, trích thuật thư đề ngày 22 tháng 10 của Phủ Quốc vụ khanh gửi các đại sứ quán cạnh Tòa Thánh, cho biết các lễ nghi phụng vụ tại Vatican trong mùa Giáng sinh sẽ được cử hành dưới hình thức lễ riêng, không có sự hiện diện của các thành viên ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Các buổi lễ sẽ diễn ra dưới dạng trực tuyến.

Trong thời gian gần đây, số người bị lây nhiễm coronavirus tại Italia tăng vọt. Hôm thứ Ba, 27 tháng 10 vừa qua, có gần 22,000 người, tức là mức độ cao nhất từ giữa tháng Ba đến nay. Chính quyền tỏ ra lo âu và ban hành nhiều biện pháp hạn chế. Tại nội thành Vatican, cũng có 13 vệ binh Thụy Sĩ bị lây nhiễm và một giám chức ở cùng nhà trọ thánh Marta với Đức Giáo Hoàng bị nhiễm coronavirus.

Cha Augusto Zampini, người Á Căn Đình, đồng Tổng thư ký Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, và một trong những thành viên chính của Ủy ban do Đức Thánh Cha thành lập về Covid-19, tỏ ra lo ngại và mong muốn Đức Thánh Cha đeo khẩu trang trong các buổi tiếp kiến, có tiếp xúc gần với dân chúng. Cha Zampini nhìn nhận rằng Đức Giáo Hoàng đã 83 tuổi và đã bị cắt bỏ một phần lá phổi khi còn trẻ, sau một cơn bệnh, nếu bị nhiễm coronavirus, ngài có thể bị nhiều rủi ro nguy hiểm.

Cha Zampini nói với giới báo chí: “Đức Giáo Hoàng đã bắt đầu đeo khẩu trang rồi, tôi hy vọng ngài sẽ mang nó trong các buổi tiếp kiến chung, khi gần dân chúng. Nếu tiếp kiến ở ngoài trời thì khác. Chúng tôi đang làm việc về vấn đề này”.

Trong thời gian qua, một số báo chí đã phê bình Đức Thánh Cha không đeo khẩu trang khi tiếp kiến trong nhà, dù Vatican có qui luật yêu cầu mọi người mang khẩu trang trong nhà và ngoài trời, khi sự giãn cách xã hội không được bảo đảm. Có thể vì điều kiện phổi của Đức Thánh Cha bị cắt một phần khiến ngài không mang khẩu trang.


Source:Catholic News Agency

3. Hang đá và cây thông Giáng sinh tại Quảng trường thánh Phêrô trong năm nay.

Hang đá từ miền Abruzzo, trung Italia, và cây thông Giáng sinh từ nước Slovenia, sẽ được trưng bày tại Quảng trường thánh Phêrô từ ngày 11 tháng 12 năm 2020 đến lễ Chúa chịu phép rửa, tức là ngày 10 tháng Giêng năm 2021.

Thông cáo của Phủ Thống đốc Vatican, được công bố hôm 30 tháng 10, cho biết cây thông Giáng sinh và hang đá máng cỏ trước Ðền thờ thánh Phêrô tạo nên một “dấu chỉ hy vọng và tin tưởng cho toàn thế giới, biểu lộ xác tín Chúa Giêsu đang đến giữa dân Ngài để cứu vớt và an ủi họ”.

Trong thời kỳ bấp bênh hiện nay, các biểu tượng đó cũng là những yếu tố thuộc các nghi thức truyền thống. Mỗi năm, cây thông Giáng sinh và hang đá đến từ một miền đặc biệt, nổi tiếng về các rừng thông và hang đá truyền thống.

Năm nay, hang đá đến từ Castelli, một làng có 1,000 dân cư trên sườn núi Gran Sasso, thuộc tỉnh Teramo, cách Roma khoảng 300 số. Các đồ gốm là đặc sản của làng Castelli từ thế kỷ XVI. Tuy nhiên, chỉ có một số trong 54 pho tượng bằng đồ gốm sẽ được trưng bày tại Quảng trường thánh Phêrô. Dĩ nhiên, trong các pho tượng ấy có Đức Mẹ, Thánh Giuse, Hài Nhi Giêsu, ba vua, một thiên thần có cánh dang rộng, một người đang chơi kèn túi, một người khác thổi sáo, một cô gái chăn cừu với bình kín nước, một bé gái với con búp bê.

Cây thông cao 28 mét, đường kính 70 centimet, được đốn từ vùng rừng núi miền đông nam Slovenia, đây là vùng còn hoang dã của đất nước này. Tại Slovenia, rừng chiếm 90% lãnh thổ quốc gia, trong đó có rất nhiều thông bách tùng.

Lễ khánh thành hang đá và thắp sáng thông Giáng sinh sẽ diễn ra lúc 4 giờ rưỡi chiều thứ Sáu 11 tháng 12 năm 2020, trước sự hiện diện của Ðức Hồng Y Giuseppe Bertello Chủ tịch Phủ Thống đốc thành Vatican và vị Tổng thư ký là Ðức Cha Fernando Vérguez Alzaga. Ban sáng cùng ngày hôm đó, phái đoàn làng Castelli, nơi tặng hang đá và tỉnh Kocevjie, nơi tặng thông sẽ được Ðức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến.


Source:Catholic News Agency